SlideShare a Scribd company logo
1 of 202
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
Nguyễn Thị Cao
KIỂU TRUYỆN NGƯỜI LẤY VẬT
TRONG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT NAM
LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC
Thành phố Hồ Chí Minh – 2013
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
Nguyễn Thị Cao
KIỂU TRUYỆN NGƯỜI LẤY VẬT
TRONG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT NAM
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Mã số: 60 22 34
LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
TS. NGUYỄN THỊ NGỌC ĐIỆP
Thành phố Hồ Chí Minh – 2013
LỜI CẢM ƠN
Trong suốt thời gian học tập và hoàn thành luận văn này, người viết đã
nhận được sự hướng dẫn tận tình và sự động viên, giúp đỡ của TS Nguyễn Thị
Ngọc Điệp. Tôi xin kính gởi lời tri ân chân thành đến cô!
Xin gởi lời cảm ơn đến Ban Giám Hiệu trường ĐHSP, các Thầy cô giáo
khoa Ngữ văn, các Thầy cô phòng Sau đại học, Thư viện trường đã luôn tạo
điều kiện cho Tôi học tập, tra cứu, tham khảo tài liệu phục vụ cho quá trình
nghiên cứu.
Kính gửi lời cảm ơn đến những người thân, bạn bè, đồng nghiệp đã luôn
quan tâm, động viên, giúp đỡ để Tôi hoàn thành quá trình học tập và nghiên
cứu đề tài này!
Xin chân thành cảm ơn!
Thành phố Hồ Chí Minh, Ngày 17 tháng 11
năm 2012
Người viết
Nguyễn Thị Cao
MỤC LỤC
LỜI CẢM ƠN.............................................................................3
MỤC LỤC...................................................................................4
A. PHẦN MỞ ĐẦU....................................................................6
1. Lí do chọn đề tài....................................................................................6
2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu ...................................................................7
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu .....................................................12
4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu ....................................................18
5. Phương pháp nghiên cứu ...................................................................18
6. Cấu trúc của luận văn ........................................................................19
Chương 1: KHÁI QUÁT VỀ TRUYỆN CỔ TÍCH THẦN
KỲ VÀ KIỂU TRUYỆN NGƯỜI LẤY VẬT .......................21
1.1 Khái quát về truyện cổ tích thần kỳ................................................21
1.1.1 Khái niệm truyện cổ tích thần kỳ......................................................... 21
1.1.2. Đặc trưng của truyện cổ tích thần kỳ.................................................. 23
1.1.3. Giới thiệu về kho tàng truyện cổ tích thần kỳ các dân tộc Việt Nam. 27
1.2. Khái quát về kiểu truyện người lấy vật .........................................28
1.2.1. Khái niệm về kiểu truyện người lấy vật ............................................. 28
1.2.2. Cơ sở hình thành kiểu truyện người lấy vật ....................................... 31
1.2.3. Giới thiệu chung về kiểu truyện người lấy vật................................... 33
Chương 2: KHẢO SÁT NHỮNG MÔ-TÍP CHỦ YẾU
TRONG KIỂU TRUYỆN NGƯỜI LẤY VẬT......................39
2.1. Khái niệm về mô-típ và giới thiệu chung về các mô-típ trong kiểu
truyện người lấy vật................................................................................39
2.1.1. Khái niệm về mô-típ........................................................................... 39
2.1.2. Giới thiệu chung về các mô-típ trong kiểu truyện người lấy vật........ 40
2.2. Phân tích các mô-típ chủ yếu..........................................................43
2.2.1. Mô-típ sự ra đời thần kỳ ..................................................................... 43
2.2.2. Mô-típ người đội lốt vật...................................................................... 50
2.2.3. Mô-típ thách đố................................................................................... 54
2.2.4. Mô-típ tài năng thần kỳ ...................................................................... 62
2.2.5. Mô-típ cởi lốt và kết hôn .................................................................... 68
2.2.6. Mô-típ người em út bị hại................................................................... 85
2.2.7. Mô-típ vật phù trợ............................................................................... 90
Chương 3: KẾT CẤU VÀ Ý NGHĨA CỦA KIỂU TRUYỆN
NGƯỜI LẤY VẬT...................................................................95
3.1. Các kiểu kết hợp mô-típ để tạo thành cốt truyện cụ thể..............95
3.1.1. Kiểu cốt truyện có hai mô-típ............................................................. 96
3.1.2. Kiểu cốt truyện có ba mô-típ .............................................................. 97
3.1.3. Kiểu cốt truyện có bốn mô-típ............................................................ 99
3.1.4. Kiểu cốt truyện có năm mô-típ......................................................... 102
3.1.5. Kiểu cốt truyện có sáu mô-típ........................................................... 104
3.1.6. Kiểu cốt truyện có bảy mô-típ .......................................................... 106
3.2. Ý nghĩa của kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích......110
3.2.1 Kiểu truyện người lấy vật phản ánh tín ngưỡng dân gian ................. 110
3.2.2. Kiểu truyện người lấy vật thể hiện triết lý nhân sinh của nhân dân. 115
C. KẾT LUẬN........................................................................121
KIỂU TRUYỆN NGƯỜI LẤY VẬT TRONG TRUYỆN
CỔ TÍCH VIỆT NAM
A. PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Truyện cổ tích hơn bất kỳ một thể loại văn học dân gian nào khác
ở chỗ nó đã xây dựng thành công một thế giới hiện thực trong mơ ước.
Nó rọi chiếu ánh sáng kỳ ảo của niềm hạnh phúc vào cuộc đời đầy bất
hạnh của con người, khiến họ yêu đời và sống mạnh mẽ hơn. Nhưng
truyện cổ tích không làm cho con người bị ru ngủ, bị lãng quên trong thế
giới thần tiên ấy mà khiến họ tích cực hành động để xây dựng và cải tạo
hiện thực theo hướng tốt đẹp. Mọi người nhớ và yêu thích truyện cổ tích
chính là ở khả năng cải tạo, biến đổi nhanh chóng, kỳ diệu, triệt để và
hợp lòng dân.
Trong xã hội hiện đại, khi cuộc sống của con người tương đối đầy
đủ về phương diện vật chất thì nhu cầu về văn hóa tinh thần là điều tất
yếu, con người có xu hướng tìm hiểu về văn hóa tâm linh, những phong
tục tâp quán, tín ngưỡng nguyên thủy ngàn đời, cội nguồn của dân tộc.
Tín ngưỡng dân gian luôn là vùng đất còn chứa nhiều điều bí ẩn, gợi sự
tò mò, thích thú khám phá những nét cổ sơ ấy, nó như đưa con người trở
về với xã hội nguyên thủy, trở về với tổ tiên, với những giá trị tinh thần
vô giá của mỗi dân tộc. Nghiên cứu về kiểu truyện người lấy vật trong
kho tàng truyện cổ tích các dân tộc cũng là một cách đưa ta về với cội
nguồn dân tộc. Việc người dân tôn sùng, cúng bái một vật nào đấy làm
thần phù trợ cho tộc người mình là nhu cầu không thể thiếu của đời
sống, thể hiện nét đẹp văn hóa trong tín ngưỡng dân gian và là một việc
làm cần thiết trong cuộc sống vốn còn nhiều khó khăn của cộng đồng
lúc bấy giờ.
Nghiên cứu kiểu truyện người lấy vật còn giúp chúng ta hiểu biết
thêm về nét đẹp văn hóa, về con người Việt Nam trong xã hội đa dân
tộc. Văn hóa là những giá trị tinh thần quý báu, phản ánh nét đẹp về
phong cách, lối sống và niềm tin sâu sắc vào thế giới thần bí siêu nhiên
nào đó. Sự tồn tại của yếu tố văn hóa, giúp cho con người trong xã hội
hiện tại có nhận thức sâu sắc và hoàn thiện hơn về nhân phẩm và đạo
đức, lối sống đầy nghĩa tình của tổ tiên xưa kia, đồng thời nét đẹp văn
hóa của xã hội đa dân tộc sẽ giúp chúng ta có cái nhìn rõ hơn, sâu sắc
hơn về tổ tiên, truyền thống văn hóa dân tộc để có cách sống phù hợp và
tốt đẹp hơn, một phong cách, lối sống thấm dậm nghĩa tình của người
Việt Nam.
Nghiên cứu về kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích giúp
chúng ta có cái nhìn cụ thể hơn, thấy được cái hay, cái hấp dẫn của một
kiểu truyện cụ thể và vai trò của nó trong cấu trúc của tác phẩm cổ tích.
Một số truyện thuộc kiểu truyện người lấy vật còn được đưa vào chương
trình giảng dạy ở nhà trường phổ thông, vì vậy việc tìm hiểu về kiểu
truyện này giúp cho giáo viên có những hiểu biết cụ thể hơn, sâu sắc hơn
nhằm phục vụ cho công tác giảng dạy văn học dân gian được thuận lợi
và đạt hiệu quả cao hơn.
Từ những lý do nêu trên chúng tôi chọn Kiểu truyện người lấy vật
trong truyện cổ tích Việt Nam để làm đề tài nghiên cứu trong luận văn
của mình, với mong muốn có cái nhìn toàn diện hơn về kiểu truyện
người lấy vật trong hệ thống kiểu truyện cổ tích Việt Nam.
2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu
Từ trước đến nay đã có nhiều công trình, bài viết nghiên cứu về
truyện cổ tích, mỗi công trình tiếp cận thể loại này theo những hướng
khác nhau. Tiếp cận truyện cổ tích theo kiểu truyện mà cụ thể là kiểu
truyện người lấy vật là một hướng đi khá độc đáo, mới mẻ và cũng đã
được một số nhà nghiên cứu quan tâm.
Trong Từ điển văn học (tập 2), mục “Truyện cổ tích”, nhà nghiên
cứu Chu Xuân Diên đã nhấn mạnh, kiểu truyện người lấy vật không
những xuất hiện trong truyện cổ tích Việt Nam mà còn xuất hiện phổ
biến trong cổ tích các nước trên thế giới. “….kiểu truyện người lấy vật ở
Việt Nam gồm các truyện như: Sọ Dừa, Lấy vợ Cóc, Lấy chồng Dê, của
người Việt, truyện Chàng Bâu của người Mường, Chàng Ca đác của
người Thái, truyện Ếch lấy con vua của người Mèo… Kiểu truyện này
phản ánh những nét tiêu biểu của hiện thực xã hội Việt Nam thời xưa,
chứa đựng một cách tập trung những truyền thống sáng tác chủ yếu của
loại truyện cổ tích thần kỳ Việt Nam, đồng thời cũng thể hiện được một
cách rõ ràng hơn cả tính quốc tế của loại truyện này” [52, tr.302]. Cũng
trong công trình trên, ông cho rằng có thể gọi các truyện trên là một kiểu
truyện “người đội lốt vật”. Cách gọi này của ông có sự liên hệ gần gũi
với kiểu truyện người lấy vật vì trong mỗi truyện việc kết hôn đều diễn
ra giữa người và vật. Vật ở đây lại chính là do con người đội lốt, cái lốt
vật như là sự thử thách lớn trong cuộc đời nhân vật.
Trong Khảo sát cấu trúc và ý nghĩa của một số típ truyện kể dân
gian Tày ở vùng Đông Bắc Việt Nam của Vũ Anh Tuấn, tác giả cho rằng
“truyện cổ tích mà quá trình hình thành và phát triển có một giai đoạn
song trùng về thời gian, đồng hiện trong không gian thần thoại, đó là
kiểu truyện người thần kì đội lốt. Từ dạng nguyên sơ nhất, kiểu truyện
này đã có cấu trúc và ý nghĩa riêng. Sự xâm nhập vào cấu trúc của nó
đôi ba mô-típ hoặc những chi tiết kiểu thần thoại là các yếu tố ngoại sinh
làm phong phú bản kể, tạo nên sắc thái riêng của kiểu truyện” [63,
tr.56]. Theo ông đây là một dạng truyện nguyên sơ của cổ tích và mang
đậm yếu tố thần kỳ, xuyên suốt trong công trình nghiên cứu của mình,
ông đã liệt kê những hình thức người thần kỳ đội lốt như: lốt chim, lốt
hổ, lốt cóc… các nhân vật chính đều đội lốt vật xấu xí, dị dạng. Mọi tình
tiết trong cấu trúc đều hướng vào sự khẳng định thuộc tính và phẩm chất
của nhân vật chính: lốt càng xấu, người càng đẹp, càng siêu phàm. Họ là
những người đại diện cho chính nghĩa, có những hành động cực kỳ cao
cả, đẹp đẽ, chính đáng trong những tình huống khó khăn, bảo vệ quyền
lợi cho những con người nghèo khổ, thấp cổ bé họng trong xã hội phân
chia giai cấp, phân biệt đối xử giữa người giàu với người nghèo.
Tác giả Nguyễn Thị Huế có bài viết Người mang lốt – mô típ đặc
trưng của kiểu truyện cổ tích về nhân vật xấu xí mà tài ba, tác giả cho
rằng nhân vật xấu xí trong truyện cổ tích thường là đối tượng của sự phê
phán, ghẻ lạnh của xã hội. Nhân vật thường mang những cái lốt xấu xí,
những cái lốt đó có thể là một con vật, hay một dị vật nào đó làm cho
con người ghê sợ, xa lánh. Chỉ có người con gái út xinh đẹp, nết na
trong truyện cổ tích luôn là người nhìn ra được những tài năng phi
thường ẩn sau hình hài xấu xí của nhân vật, chấp nhận lấy nhân vật xấu
xí ấy làm chồng. “Tính chất lý tưởng hóa của mô típ người mang lốt còn
thể hiện ở sự biến hình đẹp đẽ của nhân vật xấu xí, sau hôn nhân và nhờ
hôn nhân nhân vật mới được mô tả thành người xinh đẹp” [30, tr.60].
Trong bài viết này kiểu truyện về nhân vật xấu xí mà tài ba có những nét
tương đồng với kiểu truyện người lấy vật, nhân vật xấu xí mà tài ba có
thể là một nhân vật dị dạng hay nhân vật đội lốt vật. Nhân vật tuy xấu
nhưng có tài năng phi thường, tấm lòng nhân hậu, được trở lại thành
người đẹp đẽ ở cuối truyện.
Trong công trình nghiên cứu của mình, Nguyễn Bích Hà có bài
viết về Mô típ“sự ra đời thần kỳ” trong truyện Thạch Sanh, tác giả đã
liệt kê một số dạng khác nhau của sự sinh đẻ thần kỳ trong truyện cổ
tích, trong đó có dạng “đứa trẻ ra đời do người mẹ kết hợp với con vật
nào đó: người mẹ lấy khỉ, lấy cóc, lấy đại bàng, lấy rắn… Sau đó thụ
thai và có thể sinh ra trứng rồi nở ra con hoặc sinh con (Chàng rắn – Gia
rai); người mẹ lấy chó sau đó thụ thai và sinh con (Sự tích núi Tang ku
ban pha hu – Inđônêxia)” [25, tr.24]. Trong bài viết này sau khi đưa ra
các hình thức khác nhau về sự ra đời thần kỳ của nhân vật trong truyện
cổ tích, tác giả đã đưa ra nhận xét về sự ra đời thần kỳ của chàng trai trẻ
Thạch Sanh là do người mẹ cảm ứng với lực lượng siêu nhiên, thái tử
nhà trời đã đầu thai vào Thạch Sanh, đó cũng là một hình thức ra đời
thần kỳ xuất hiện trong kiểu truyện người lấy vật khá phổ biến trong
truyện cổ tích Việt Nam và thế giới.
Tác giả Lại Phi Hùng có bài viết về Những tương đồng và khác
biệt trong một số kiểu truyện cổ dân gian ở Lào và Việt Nam, tác giả đã
có sự so sánh vô cùng phong phú về ba kiểu truyện chàng trai khỏe,
người bất hạnh và người đội lốt vật. Trong đó, kiểu truyện người đội lốt
vật được tác giả so sánh chặt chẽ, khá công phu, đưa ra rất nhiều hình
thức mang lốt của nhân vật trong truyện cổ tích của hai nước. Theo ông,
đặc trưng chung của kiểu truyện người đội lốt vật đó là thẩm mỹ; một
chàng trai hoặc một cô gái nào đó ẩn mình dưới cái vỏ loài vật, có khi
nhỏ bé xấu xí, có khi lạ lùng kì dị, sau một thời gian thử thách, họ trút
bỏ lốt cũ, trở thành những chàng trai, cô gái trẻ đẹp, tài năng, hiếu hạnh,
đấu tranh giành lại được hạnh phúc vốn đã bị tước đoạt, tiêu diệt kẻ thù,
khẳng định vị trí, năng lực của những người mồ côi, người đội lốt, người
con út trong xã hội phụ quyền đã phân chia giai cấp. Qua đó, các nghệ
nhân dân gian khẳng định khát vọng vươn tới cái thiện, cái đẹp, phủ
định cái ác, cái xấu, thực hiện ước mơ công bằng, dân chủ đầy tinh thần
lãng mạn của người xưa.
Tác giả Nguyễn Thị Thu Vân với luận án tiến sĩ Khảo sát truyện
cổ dân tộc Chăm, đã đưa ra nhóm cốt truyện người lấy ma qủy hoặc lấy
thú vật, quái vật. Tác giả cho rằng “cuộc hôn nhân giữa người với thú
vật hoặc quái vật chỉ là tạm thời, do hoàn cảnh bắt buộc. Thông thường
là người phụ nữ bị thú vật cướp đi làm vợ, họ bị bắt buộc phải sống cuộc
sống chồng vợ với thú vật, sinh con đẻ cái cho đến khi được người yêu,
chồng hay một dũng sĩ cứu được, đem trở về xã hội loài người. Quan hệ
giữa con người với thú vật, quái vật, hay qủy có lẽ cũng do xuất phát từ
quan niệm con người có thể giao cảm với thiên nhiên, với tự nhiên, với
chim muông, cầm thú, với thần linh, ma quỷ” [72, tr.75].
Tác giả Lê Hồng Phong có công trình nghiên cứu Tìm hiểu truyện
cổ Tây Nguyên - Trường hợp Mạ và K’ho. Trong chương “Cổ tích Mạ -
K’ho”, tác giả đề cập đến ba dạng chính của cổ tích Mạ - K’ho là cổ tích
về nhân vật mồ côi, cổ tích về nhân vật mang lốt; cổ tích về nhân vật
malai. Trong đó, cổ tích về nhân vật người mang lốt được ông trình bày
khá chi tiết “nhân vật mang lốt tuy xuất hiện nhiều dạng nhưng không
thuần nhất, manh nha từ huyền thoại, đã có những ông bà thần mang lốt
chim cho hạt lúa đầu tiên, ông thần mang lốt khổng lồ có tên là Yut
chống trời cao….Vì vậy, đến cổ tích, nhân vật mang lốt không chỉ
người, dù người mang lốt là nhân vật chính trong truyện về nhân vật
mang lốt” [53, tr.93]. Có các hình thức lốt mà nhân vật mang như: lốt
động vật, lốt dị dạng, lốt sự vật… Các hình thức lốt này nhìn chung có
liên quan đến giới động thực vật quen thuộc của núi rừng Tây nguyên,
với nền kinh tế săn bắt nguyên thủy, hoa quả mà con người hái lượm
được trong rừng, trên rẫy. Hệ thống những mô-típ chủ yếu mà tác giả sử
dụng, đã làm nổi rõ hơn những giá trị đích thực của cái lốt vật được
nhân vật khoác lên người trong suốt giai đoạn đầu đời. Qua các hình
thức lốt vật đó, dân gian muốn gởi gấm những khát khao về sự hoàn
thiện cái đẹp bên ngoài lẫn vẻ đẹp tâm hồn. Họ mong mỏi một sự thay
đổi tuyệt đối cho nhân vật bất hạnh, không may.
Ngoài ra, một số nhà nghiên cứu về văn học dân gian cũng đã
bước đầu khái quát về kiểu truyện người lấy vật như Võ Quang Nhơn
với công trình Văn học dân gian các dân tộc ít người ở Việt Nam, phần
khảo sát các hình tượng nhân vật trung tâm của thần thoại và truyện cổ
tích các dân tộc ít người Việt Nam. Phan Đăng Nhật với bước đầu tìm
hiểu về người đội lốt vật xấu xí và nhân vật mồ côi trong công trình Văn
học các dân tộc thiểu số Việt Nam (trước cách mạng tháng Tám); tác giả
Đặng Thái Thuyên với việc tìm hiểu Đề tài hôn nhân trong truyện cổ
tích thần kỳ Mường, cũng đề cập đến vấn đề kết hôn giữa người và vật
trong một số truyện cổ tích thần kỳ.
Trên đây, chúng tôi vừa trình bày một cách ngắn gọn về việc
nghiên cứu các vấn đề liên quan đến kiểu truyện người lấy vật, các tác
giả đã có những đóng góp rất quý báu trong quá trình nghiên cứu về văn
học dân gian Việt Nam. Các tác giả đã đề cập một cách trực tiếp hoặc
gián tiếp đến vấn đề người lấy vật trong truyện cổ tích thần kỳ, tuy nhiên
vẫn chưa có một công trình nào nghiên cứu một cách có hệ thống về vấn
đề này. Vì vậy, chúng tôi chọn đề tài Kiểu truyện người lấy vật trong
truyện cổ tích Việt Nam để nghiên cứu, trên cơ sở muốn có cái nhìn hoàn
chỉnh hơn về đề tài này. Chúng tôi luôn trân trọng và tiếp thu những
công trình nghiên cứu của các nhà nghiên cứu đi trước, và cố gắng hoàn
thiện hơn vấn đề này trong công trình nghiên cứu của mình.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Trong luận văn này, chúng tôi chọn kiểu truyện người lấy vật
trong truyện cổ tích Việt Nam làm đối tượng nghiên cứu của mình. Qua
quá trình tìm hiểu, chúng tôi thấy có nhiều thể loại xuất hiện kiểu truyện
người lấy vật nhưng vì thời gian không cho phép chúng tôi chỉ giới hạn
khảo sát ở thể loại truyện cổ tích và chủ yếu lấy từ truyện cổ tích thần kỳ
của các dân tộc Việt Nam, lựa chọn những truyện có biểu hiện của kiểu
truyện người lấy vật để tìm hiểu.
Do tình hình tư liệu không được phong phú, nguyên nhân sâu xa
có lẽ công tác sưu tầm truyện cổ tích chưa thật sự đầy đủ nên có nhiều
dân tộc chúng tôi không tìm thấy truyện cần sử dụng cho đề tài này.
Công trình nghiên cứu chỉ dựa trên 56 truyện của 19 dân tộc anh em
như: Kinh, Thái, Mường, Mèo, Gia rai, Vân Kiều… để nghiên cứu. Có
thể nói đây là những tộc người tương đối lớn ở Việt Nam, có đời sống
văn hóa vật chất và tinh thần khá phong phú, nguồn truyện tương đối dồi
dào, phong phú ở tất cả các thể loại. Chúng tôi hy vọng số lượng truyện
được khảo sát trong luận văn này có thể phản ánh được những đặc điểm
của kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích của Việt Nam nói
chung và của các dân tộc thành phần (đã nêu trên) nói riêng.
Trong quá trình tìm hiểu về kho tàng truyện cổ tích các dân tộc
Việt Nam, chúng tôi nhận thấy trong kiểu truyện người lấy vật thì nhân
vật là “vật” có nhiều hình thức mang lốt khác nhau như: lốt động vật,
thực vật, hoa quả, đồ gia dụng… Do điều kiện không cho phép chúng tôi
không thể tìm hiểu hết tất cả các hình thức lốt trên mà chỉ tìm hiểu ở
hình thức lốt động vật, bởi vì qua tìm hiểu số lượng các truyện ở dạng
lốt động vật xuất hiện nhiều hơn so với các hình thức lốt còn lại, vì thế
chúng tôi giới hạn đối tượng nghiên cứu trong đề tài của mình là nhân
vật có hình thức lốt động vật. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi sẽ
bước đầu có sự so sánh, đối chiếu kiểu truyện người lấy vật trong cổ tích
Việt Nam với cổ tích các nước trong khu vực Đông Nam Á và thế giới.
Nguồn dẫn liệu
Chúng tôi tìm đọc hầu hết các tuyển tập truyện cổ của các dân tộc,
bao gồm trước và sau năm 1975. Từ các tuyển tập đó, chúng tôi chọn ra
được 56 truyện của 19 dân tộc để tìm hiểu. Sau đây là danh sách các
nguồn dẫn liệu phục vụ cho việc nghiên cứu đề tài này.
Chúng tôi sắp xếp danh mục các truyện khảo sát theo thứ tự các dân
tộc.
Danh mục truyện khảo sát
STT Tên truyện cổ tích
1 Người lấy cóc (Kinh)
2 Lấy chồng dê (Kinh)
3 Ông trạng lấy rùa (Kinh)
4 Nàng tiên cua và anh chàng đánh cá (Kinh)
5 Nàng tiên ốc (Kinh)
6 Chàng nhái (Kinh)
7 Chàng tôm (Kinh)
8 Cóc tiên (Kinh)
9 Chàng hến (Kinh)
10 Hoàng tử rắn và nàng hoa sen (Kinh)
11 Nàng cá măng (Thái)
12 Chàng rùa (Thái)
13 Chàng chồn (Thái)
14 Chuyện con cầy bay (Thái)
15 Chàng dê (Mèo)
16 Nàng Hơ Lúi (Ba Na)
17 Cóc và Hơ Bia Phu (Ba Na)
18 Chàng rể cọp (Dao)
19 Con chuột lông đỏ (Tày)
20 Cụ vách - ốc sên (Mường)
21 Lấy vợ cóc (Mường)
22 Con cum (ếch) ( Mường)
23 Mó nước ấm (Mường)
24 Lấy chồng rùa (Mường)
25 Anh chàng cá chuối (Mường)
26 Trăn thần (Chàm)
27 Hoàng tử rắn (Cao Lan)
28 Lấy chồng rắn (H’Mông)
29 Chàng rùa (H’Mông)
30 Người đội lốt mèo (Tà Ôi)
31 Chuyện chàng cóc (Tà Ôi)
32 Con nai thần (Cơ ho)
33 Chàng ếch – con trai thần mặt trời (Cơ ho)
34 Cô gái lấy chồng trăn (Xê Đăng)
35 Chàng rùa (Xê Đăng)
36 Nàng tiên cá (Xê Đăng)
37 Nàng út lấy chồng tôm (Churu)
38 Chàng trăn (Churu)
39 Chàng khỉ và nàng Ma Phun (Churu)
40 Chàng ếch (Churu)
41 Lấy chồng trăn (Vân Kiều)
42 Chàng rể cóc (Vân Kiều)
43 Chàng rể heo (Vân Kiều)
44 Nàng bò tót (Vân Kiều)
45 Truyện chồn và nàng H’Lúi (Gia rai)
46 Chàng lợn (Gia rai)
47 Chàng rắn (Gia rai)
48 Hrit và cô gái trong lốt da bò (Gia rai)
49 H’Bia Rác lấy chồng chồn (Gia rai)
50 Cây tông lông (Gia rai)
51 H’Lúi lấy chồng chồn (Gia rai)
52 Chàng chim cu gáy (Raglai)
53 Phò mã cóc (Raglai)
54 Lấy chồng rắn (Raglai)
55 Chàng cóc (Kơ Dong)
56 Chồng cóc (Ê Đê)
Danh mục các tuyển tập truyện cổ
1. Nguyễn Thị Ngọc Anh, Touneh Nai Chanh, Phan Xuân Viện (sưu tầm
và biên soạn) (2006), Truyện cổ Churu, Nxb Văn nghệ.
2. Nguyễn Đổng Chi (2000), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, quyển 1,
tập 3-4, Nxb Giáo dục.
3. Chu Xuân Diên – Lê Chí Quế (1996), Tuyển tập truyện cổ tích Việt
Nam - phần truyện cổ tích người Việt, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội.
4. Y Điêng, Hoàng Thao (Sưu tầm – biên soạn) (1978), Truyện Cổ Ê Đê,
Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
5/ Thu Hương (2006), Truyện cổ Vân Kiều, Nxb Văn hóa thông tin.
6. Thu Hương (2006), Truyện cổ Cơ ho, Nxb Văn hóa thông tin.
7. Thu Hương (2006), Truyện cổ Dao, Nxb Văn hóa thông tin
8. Bùi Văn Nguyên (1965), Truyện cổ Ba Na – Tây Nguyên, tập 1, Nxb
Hà Nội.
9. Bùi Văn Nguyên (1965), Truyện cổ Ba Na – Tây Nguyên, tập 2, Nxb
Hà Nội.
10. Hoàng Anh Nhân (1987), Truyện cổ Mường, Nxb Hà Nội.
11. Doãn Thanh, Thương Nguyễn, Hoàng Thao (1963), Truyện cổ dân tộc
Mèo, Nxb Văn học Hà Nội.
12. Nhiều tác giả, (Sưu tầm –biên soạn) (1978), Truyện cổ Dao, Nxb Văn
hóa dân tộc Hà Nội.
13. Nhiều tác giả, (Sưu tầm –biên soạn)(1980), Truyện cổ Thái, Nxb Văn
hóa dân tộc Hà Nội.
14. Nhiều tác giả, (Sưu tầm –biên soạn) (2001), Truyện cổ các dân tộc
miền núi Bắc Miền Trung, Nxb Thuận Hóa - Nghệ An –Thanh Hóa.
15. Truyện cổ Việt Bắc, (1974) (tập 2), Nxb Việt Bắc.
16. Đặng Nghiêm Vạn (1985), Truyện cổ các dân tộc Trường Sơn –Tây
Nguyên, tập 1, Nxb Văn học Hà Nội.
17. Đặng Nghiêm Vạn (1985), Truyện cổ các dân tộc Trường Sơn –Tây
Nguyên, tập 2, Nxb Văn học Hà Nội.
18. Lê Trung Vũ (1984), Truyện cổ Hmông, Nxb Hà Nội.
19. Viện văn học (1999), Tuyển tập văn học dân gian Việt Nam, quyển 1,
tập 2, Nxb Giáo dục.
20. Lữ Huy Nguyên, Đặng Văn Lung (sưu tầm và biên soạn) (1996), Hợp
tuyển truyện cổ tích Việt Nam, tập 15- 16, Nxb Văn học.
Trên đây là những đầu sách có truyện phục vụ đề tài khảo sát, những sách
tham khảo không có truyện không được liệt kê trong danh mục.
Danh mục các dân tộc và phân bố truyện khảo sát
STT Dân tộc Số lượng truyện
1 Kinh 10
2 Thái 4
3 Mèo 1
4 Ba Na 2
5 Dao 1
6 Tày 1
7 Mường 6
8 Chàm 1
9 H’Mông 2
10 Tà Ôi 2
11 Cao Lan 1
12 Cơ ho 2
13 Xê Đăng 3
14 Churu 4
15 Vân Kiều 4
16 Gia rai 7
17 Raglai 3
18 Kơ Dong 1
19 Ê Đê 1
4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Chúng tôi xác định việc tìm hiểu về kiểu truyện người lấy vật
trong truyện cổ tích Việt Nam sẽ giúp chúng ta có cái nhìn cụ thể hơn về
tiểu loại truyện cổ tích thần kỳ, hiểu hơn về một kiểu truyện cụ thể và
cấu trúc của kiểu truyện ấy trong tác phẩm văn học dân gian. Đồng thời
việc tìm hiểu kiểu truyện này tạo cơ sở để giúp chúng ta hiểu thêm về
những nét văn hóa truyền thống vô cùng phong phú, đa dạng các dân
tộc, cũng như thấy được mối quan hệ giữa văn học với đời sống tín
ngưỡng dân gian.
Để đạt được mục đích nghiên cứu, luận văn sẽ tiến hành làm rõ các
vấn đề về truyện cổ tích thần kỳ, kiểu truyện người lấy vật, chọn lọc
những tác phẩm thuộc kiểu truyện người lấy vật để khảo sát và tìm ra
những kết luận chung, lập nên các mô hình khái quát. Qua đó, chúng tôi
phân tích và nhấn mạnh vai trò của kiểu truyện người lấy vật trong cấu
trúc tác phẩm truyện cổ tích, sự tương đồng giữa kiểu truyện này với các
kiểu truyện khác. Khi tìm hiểu đề tài này, luận văn cũng cố gắng chỉ ra
những mối liên hệ giữa kiểu truyện người lấy vật với các tín ngưỡng
nguyên thủy, với văn hóa và con người trong xã hội xưa. Qua đó thấy
được nét đặc sắc của tiểu loại truyện cổ tích thần kỳ, thấy được mối
quan hệ giữa văn học dân gian với văn hóa dân tộc.
5. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp khảo sát, thống kê
Đây là phương pháp được sử dụng nhiều trong quá trình nghiên
cứu, dựa trên cơ sở các nguồn tài liệu về truyện cổ tích chúng tôi tiến
hành khảo sát, chọn lọc, thống kê các truyện cổ tích thần kỳ thuộc kiểu
truyện người lấy vật và các tài liệu có liên quan phục vụ cho đề tài.
Phương pháp so sánh, phân tích, tổng hợp
Chúng tôi tiến hành đối chiếu các truyện cổ tích thuộc kiểu truyện
người lấy vật nhưng tồn tại ở các dân tộc khác nhau của Việt Nam; đối
chiếu kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam với cổ
tích các nước trong khu vực Đông Nam Á và thế giới; từ đó phân tích
các đối tượng để làm rõ vấn đề nghiên cứu. Tiếp theo là tiến hành tổng
hợp, lí giải dựa trên cơ sở kết hợp kết quả so sánh và phân tích.
Phương pháp nghiên cứu liên ngành
Chúng tôi sử dụng phương pháp này, với mục đích nhìn nhận đối
tượng trong mối quan hệ giữa văn học dân gian với văn hóa, dân tộc
học, xã hội học nhằm xem xét đối tượng trên nhiều phương diện và
hướng tiếp cận khác nhau.
6. Cấu trúc của luận văn
Cấu trúc của luận văn gồm có các phần chính như: phần Mở đầu,
Nội dung và Kết luận.
Phần nội dung luận văn có ba chương được khái quát như sau:
Chương 1: Khái quát về truyện cổ tích thần kỳ và kiểu truyện
người lấy vật. Trong chương này, chúng tôi sẽ trình bày khái quát chung
về truyện cổ tích thần kỳ. Bên cạnh đó, chúng tôi giới thiệu chung về
kiểu truyện, kiểu truyện người lấy vật, xác định cơ sở hình thành kiểu
truyện để tạo tiền đề đi vào nghiên cứu nội dung của kiểu truyện ở
những chương tiếp theo.
Chương 2: Khảo sát những mô-típ chủ yếu trong kiểu truyện
người lấy vật. Ở chương này, chúng tôi đi vào phân tích những mô-típ
chủ yếu tham gia vào cấu tạo cốt truyện của kiểu truyện người lấy vật,
trình bày các sơ đồ của từng mô-típ cụ thể, cũng như lý giải những vấn
đề liên quan đến kiểu truyện người lấy vật mà chúng tôi đang nghiên
cứu.
Chương 3: Kết cấu và ý nghĩa của của kiểu truyện người lấy vật.
Ở chương cuối này, người viết sẽ trình bày các kiểu liên kết giữa các
mô-típ lại với nhau tạo thành cốt truyện trong kiểu truyện người lấy vật,
và ý nghĩa của kiểu truyện người lấy vật trong mối tương quan với tín
ngưỡng nguyên thủy của các dân tộc, triết lý nhân sinh của nhân dân.
Ngoài ra, luận văn còn có thêm phần Phụ lục, giới thiệu phụ lục
của các truyện được khảo sát.
Chương 1: KHÁI QUÁT VỀ TRUYỆN CỔ TÍCH THẦN
KỲ VÀ KIỂU TRUYỆN NGƯỜI LẤY VẬT
1.1 Khái quát về truyện cổ tích thần kỳ
1.1.1 Khái niệm truyện cổ tích thần kỳ
Hiện nay, các nhà nghiên cứu văn học dân gian tán thành việc
phân chia thể loại truyện cổ tích làm ba tiểu loại: truyện cổ tích loài vật,
truyện cổ tích thần kỳ và truyện cổ tích sinh hoạt. Dĩ nhiên ranh giới
thực tế giữa các tiểu loại trong truyện cổ tích không phải lúc nào cũng rõ
ràng (cũng tương tự như ranh giới các thể loại thần thoại, truyền thuyết,
cổ tích). Trong ba tiểu loại này, chúng tôi chỉ chọn tiểu loại truyện cổ
thần kỳ để phục vụ cho việc nghiên cứu đề tài luận văn.
Việt Nam với 54 dân tộc anh em cùng tồn tại trên một dãy đất hình
chữ S, mỗi dân tộc đều có một kho tàng truyện cổ tích của riêng mình,
với số lượng tác phẩm lớn, đa dạng, phong phú mang nhiều giá trị đặc
trưng của từng dân tộc. Truyện cổ tích của các dân tộc còn phản ánh
nhiều nét đẹp về văn hóa, phong tục, tập quán từng vùng, miền, tìm hiểu
kho tàng cổ tích của mỗi dân tộc, bao giờ cũng tìm thấy cái riêng của
từng dân tộc hòa trong cái chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam, rộng
hơn nữa là cái chung của cộng đồng thế giới.
Truyện cổ tích thần kỳ là một bộ phận phong phú nhất trong kho
tàng truyện cổ tích Việt Nam, đa số những truyện cổ tích hay nhất ở mỗi
dân tộc đều thuộc về tiểu loại này. Các nhà nghiên cứu xem truyện cổ
tích thần kỳ là một tiểu loại của truyện cổ tích, vì nó có những đặc điểm
riêng về nhiều mặt, phân biệt với những cổ tích dân gian khác như
truyện cổ tích loài vật hay truyện cổ tích sinh hoạt thể hiện ở cách xây
dựng nhân vật, cốt truyện. Trong đó tiêu chí cơ bản để phân biệt chúng
với nhau là vai trò quan trọng của yếu tố thần kỳ, quá trình phát triển hệ
thống tình tiết của cốt truyện. Trong kho tàng truyện cổ tích, số lượng
các truyện cổ tích thần kỳ sưu tầm được thường nhiều hơn các tiểu loại
cổ tích khác. Các truyện như: Sọ Dừa, Lấy vợ cóc, Nàng tiên ốc, Chàng
rùa… là những truyện có tính chất lý tưởng hóa nhân vật với hình dáng
bên ngoài xấu xí, dị dạng nhưng hoàn thiện về tâm hồn, tài năng, đây
thực chất là lý tưởng hóa loại người thuộc tầng lớp dưới của xã hội lúc
bấy giờ.
Nhìn chung, trong tiểu loại truyện cổ tích thần kỳ yếu tố kỳ diệu
đậm đà hơn so với so với các tiểu loại khác. Yếu tố thần kỳ không chỉ
tạo ra màu sắc ly kỳ, khác lạ và hấp dẫn cho truyện cổ tích mà nó còn có
ý nghĩa rất quan trọng, nếu thiếu nó bản thân nhân vật không thể vượt
qua được những thử thách gay go để chiến thắng kẻ thù, bảo vệ công lý,
chính nghĩa.
Có người cho rằng, truyện cổ tích thần kỳ có nhiều yếu tố cổ xưa
liên quan đến những quan niệm thần thoại và tín ngưỡng của con người
thời thị tộc, bộ lạc nguyên thủy (như những cấm kỵ, hôn nhân huyết
thống, vấn đề thừa kế tài sản, tục hiến sinh…). Tuy nhiên, nội dung
chính của truyện cổ tích thần kỳ là phản ánh hiện thực của đời sống xã
hội có giai cấp. Chính vì vậy mà những nhân vật trung tâm của truyện cổ
tích thần kỳ là những con người thấp hèn trong xã hội như người đội lốt
xấu xí, người mồ côi, người con riêng, người em út… Hướng về đạo đức
thời thị tộc, truyện cổ tích thần kỳ thường miêu tả những nhân vật bất
hạnh ấy theo khuynh hướng lý tưởng hóa những phẩm chất đạo đức của
họ, giải quyết số phận cuộc đời của họ theo một kết cục có tính chất ước
mơ. Càng về sau này, với sự phát triển của xã hội có giai cấp, chủ đề về
đấu tranh xã hội dần dần đi sâu vào cốt truyện và những nội dung đấu
tranh giai cấp được lồng vào trong quan hệ gia đình, xã hội.
Một đặc điểm khác của truyện cổ tích thần kỳ là sự tưởng tượng và
hư cấu dựa trên cơ sở hiện thực và phi hiện thực (khác với truyện cổ tích
sinh hoạt chỉ dựa trên cơ sở hiện thực đời sống). Ở đây, cái có thực hoặc
có thể có thực được kết hợp, hòa lẫn vào cái thần kỳ hư ảo, không có
thực tạo thành một thể thống nhất làm nên một thế giới truyện cổ tích.
Hầu hết những vấn đề xã hội trong truyện cổ tích đều được giải quyết
một cách trực tiếp hoặc gián tiếp bởi các lực lượng thần kỳ (bằng cách
hư cấu các phương tiện thần kỳ…).
Có thể thấy, nội dung truyện cổ tích thần kỳ rất phong phú và đa
dạng, thể hiện mọi mặt trong đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất và
chiến đấu. Truyện cổ tích thần kỳ còn thể hiện những quan điểm thẩm
mỹ, quan điểm nhân sinh, những tâm tư tình cảm, ước vọng của người
dân trong xã hội đã có sự phân chia giai cấp.
1.1.2. Đặc trưng của truyện cổ tích thần kỳ
Đặc trưng về nội dung:
Nội dung chính của truyện cổ tích thần kỳ là phản ánh hiện thực về
đời sống xã hội của con người và số phận con người trong xã hội có giai
cấp. Đó là số phận của những con người mồ côi, người đội lốt, người em
út bị xã hội hắt hủi, khinh rẻ như truyện Tấm Cám, Cây tre trăm đốt, Hà
rầm hà rạc, Cây khế, Nàng tiên cua và anh chàng đánh cá,... Con người
trong truyện cổ tích thần kỳ thường bất lực trước những khó khăn, thử
thách khắc nghiệt, khi đó lực lượng thần kỳ xuất hiện giúp cho nhân vật
vượt qua những khó khăn và xung đột của truyện sẽ được giải quyết. Cổ
tích thần kỳ phản ánh bi kịch gia đình đi từ quần hôn đến hôn nhân một
vợ một chồng, từ chế độ mẫu quyền sang phụ quyền, từ chế độ chưa có
giai cấp sang chế độ phân chia giai cấp như truyện Thạch Sanh, Hai anh
em, Chàng Sính, Chiếc bật lửa thần, Hòn trống mái,... Kẻ thống trị trở
nên giàu có hơn thông qua các hình thức áp bức bóc lột sức lao động,
chiếm đoạt của cải của những lao động nghèo. Người nghèo trở nên bần
cùng hơn, lam lũ hơn, là một thực tế đầy bất công trong xã hội có giai
cấp lúc bấy giờ. Truyền thống dân chủ xã hội công xã thời nguyên thủy
đã bị phá vỡ, mờ nhạt dần theo thời gian kéo theo số phận của con người
trong xã hội ấy cũng bị thay đổi.
Truyện cổ tích thần kỳ có khác so với truyện cổ tích loài vật và cổ
tích sinh hoạt trong thể loại truyện cổ tích. Trong đó, truyện cổ tích loài
vật vừa có nội dung nhận xét thực tiễn về đặc điểm của loài vật vừa tư
duy suy luận, giải thích về nguồn gốc ra đời của các con vật ấy. Còn
trong truyện cổ tích sinh hoạt thường không có hoặc có rất ít yếu tố thần
kỳ, các mâu thuẫn, xung đột xã hội giữa người với người được giải
quyết một cách hiện thực, không cần đến những yếu tố siêu nhiên. Nếu
có xuất hiện những yếu tố thần kỳ thì vẫn không giữ vai trò quan trọng,
nhiều khi chỉ là các chi tiết làm cho câu chuyện thêm vẻ li kì, hấp dẫn
hơn.
Đặc trưng về thi pháp:
Về nhân vật: nhân vật trung tâm trong truyện cổ tích thần kỳ chính
là những con người thấp hèn trong xã hội có giai cấp như người mồ côi,
người con riêng, người em út, người xấu hình dị dạng, người có tài lạ…
Đó là những kiểu nhân vật có tính chất phổ biến, thường xuất hiện nhiều
trong truyện cổ tích thần kỳ của các dân tộc. Nhân vật trong truyện cổ
tích thần kỳ thường ít được miêu tả về chân dung có chăng chỉ là sự giới
thiệu khái quát chung chung như: “một cô gái đẹp tuyệt trần”, “một
chàng trai khôi ngô tuấn tú”… Truyện cổ tích thần kỳ không miêu tả
tâm lý nhân vật, nhân vật bộc lộ tính cách qua hành động chứ không
phải qua tâm lý như nhiều thể loại khác.
Nhân vật trong truyện cổ tích đại diện cho một tầng lớp, một nhóm
người nào đó mang tính khái quát chung về một loại nhân vật. Đó là
nhân vật chức năng, loại nhân vật khá quen thuộc trong các thể loại tự
sự của văn học dân gian. Chẳng hạn như Sọ Dừa, chàng lợn, chàng
rắn,… là những người dị dạng xấu xí bị xã hội hắt hủi, coi thường, là
những con người thấp cổ bé họng đại diện cho người lao động bị áp bức,
bóc lột bất công, các hành động của các nhân vật đều mang chức năng
nhân vật thiện, nhân vật tốt. Sự chiến thắng của nhân vật chính diện còn
có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng thần kỳ hay là yếu tố thần kỳ.
Trong truyện cổ tích, lực lượng thần kỳ này có thể là những vật thể quen
thuộc, những đồ vật quen thuộc được thổi vào những yếu tố hoang
đường, kỳ ảo, làm cho nó trở nên lung linh, huyền ảo và vô cùng hấp
dẫn. Lực lượng thần kỳ còn là những con vật kỳ ảo như ngựa thần, chim
thần, sói thần, cá biết nói, ngựa ỉa ra vàng, rắn hoá vàng,… Những con
vật nuôi hoặc hoang dã nhưng có thể biến hoá khôn lường, có thể nói
tiếng người hoặc can dự vào những hoạt động của xã hội loài người.
Chàng Sọ Dừa nhờ con gà biết nói tiếng người đã giúp cho chàng tìm lại
được vợ con trên đảo vắng. Yếu tố thần kỳ đóng một vai trò rất quan
trọng trong truyện cổ tích: ông bụt, bà tiên luôn tốt bụng, sẵn sàng giúp
đỡ con người trong lúc khó khăn, nhất là những em nhỏ bất hạnh, mồ
côi. Cô Tấm hiền lành, chịu khó được ông bụt nhiều lần ra tay giúp đỡ
nên thoát được nạn đày ải của mẹ con dì ghẻ và cuối cùng được trở
thành hoàng hậu. Đó chính là sự can thiệp của các lực lượng thần kỳ vào
cuộc sống của con người. Những con người dù thân hình dị dạng, đội lốt
vật xấu xí, nghèo khổ, đói rách, bị khinh khi… với bao thử thách nhưng
cuối cùng họ cũng trở thành những người giàu sang, phú quý, sống một
cuộc sống sung sướng và hạnh phúc. Một kết cục như thế không thể có
trong xã hội có giai cấp, cho nên truyện cổ tích đã phải nhờ đến các yếu
tố thần kỳ. Những yếu tố đó can thiệp vào truyện cổ tích để miêu tả hiện
thực cuộc sống, dẫn đến một kết cục có tính chất mơ ước đồng thời cũng
thể hiện những nét văn hoá, sự tín ngưỡng của người xưa đối với thiên
nhiên vạn vật và con người. Như vậy, nhân vật trung tâm trong truyện
cổ tích thần kỳ là nhân vật lý tưởng được tác giả dân gian xây dựng lên
để đối chiếu, so sánh với các nhân vật ở tuyến đối lập về đạo đức và tài
năng.
Về kết cấu cốt truyện: cốt truyện là một bộ phận có tính chất đặc
trưng quan trọng hàng đầu trong các tác phẩm thuộc loại hình tự sự. Cốt
truyện là một thể tổng hợp các hành động, sự kiện, phát triển một cách
cụ thể trong quá trình diễn tiến của câu chuyện. Truyện cổ tích thần kỳ
thường có kết cấu rõ ràng, rành mạch, dễ thuộc dễ nhớ và thường có cốt
truyện phức tạp hơn so với các tiểu loại truyện cổ tích khác. Cốt truyện
của nó thường có tính chất ly kỳ với chuỗi hành động, diễn biến liên tục
đến tận cùng của nhân vật chính qua những chiến đấu khắc phục mọi trở
ngại khác thường trên con đường đi tới mục đích. Truyện cổ tích thần kỳ
có nhiều chi tiết kỳ lạ, nhiều sự kiện khác thường, với những yếu tố thần
kỳ như sự biến hóa siêu nhiên, những nhân vật thần linh (tiên, bụt, thần,
yêu quái, những vật có phép mầu…). Cốt truyện ấy cũng làm cho con
người cảm thấy thỏa mãn được nhu cầu tâm lý, sau những nỗi lo lắng
hồi hợp dành cho nhân vật mình yêu thích bởi kết thúc có hậu của câu
chuyện. Cốt truyện của truyện cổ tích là cốt truyện của nhân vật hành
động. Cốt truyện và nhân vật có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau,
kết cấu của cốt truyện thường xoay quanh nhân vật chính.
Về xung đột: xung đột xã hội là một đề tài quan trọng của truyện cổ
tích thần kỳ. Nhân vật trung tâm là những con người bất hạnh không
may. Đây là điểm khác với các thể loại thần thoại và sử thi dân gian xuất
hiện trước đó, vì đây là lần đầu tiên nhân vật trung tâm là con người bất
hạnh được xuất hiện trong tác phẩm văn học dân gian. Trong xã hội
phong kiến các xung đột thường xảy ra trong mối quan hệ gia đình,
người em út, người con riêng… luôn gánh chịu những thiệt thòi, mất
mát so với các thành viên khác, nhân vật Tấm – hình ảnh người con
riêng mồ côi trong truyện Tấm Cám, hay nhân vật người em trong
truyện Cây khế, Đực rựa, Hà rầm hà rạc,…
Về không gian và thời gian nghệ thuật: không gian và thời gian
nghệ thuật trong truyện cổ tích thần kỳ có tính chất đa chiều và rộng lớn,
mang đặc tính tượng trưng ước lệ, góp phần tạo nên tính chất hoang
đường kỳ thú ở truyện cổ tích.
Trong truyện cổ tích, thời gian mở đầu câu chuyện và phần kết thúc
câu truyện khác với thời gian của cốt truyện chính. Bùi Mạnh Nhị với
bài viết Thời gian nghệ thuật trong ca dao – dân ca trữ tình, đề cập đến
thời gian nghệ thuật trong truyện cổ tích như sau: “phần mở đầu truyện
cổ tích đưa người nghe vào thế giới cổ tích, một thế giới xa xưa, phiếm
chỉ và huyền ảo. Phần kết thúc kéo họ về thực tại, kết thúc cuộc viễn du
cổ tích. Còn trong cốt truyện chính, các sự kiện được kể theo trình tự kế
tiếp: việc xảy ra trước, kể trước; xảy ra sau kể sau; thời gian vận động về
phía trước cùng với nhân vật, không có thời gian quay ngược lại. Thời
gian trong truyện cổ tích, về mặt ngữ pháp là quá khứ, nhưng về mặt lịch
sử là quá khứ không xác định. Nó không xác định ngay cả ở những đại
lượng tưởng chừng chính xác (ba mươi, mười lăm). Có khi có sự kiện
không có thời gian, hoặc diễn ra trong thời gian thần kỳ (một đêm).
Cũng có khi thời gian như ngừng lại, nhân vật đứng ngoài thời gian, trẻ
mãi không già…” [50,tr.27]. Thời gian nghệ thuật của truyện cổ tích
thần kỳ là thời gian mang tính trật tự tuyến tính, hoặc xuất hiện thời gian
ngưng đọng.
Không gian trong truyện cổ tích thần kỳ thường xảy ra trong một
không gian đa chiều, rộng lớn. Không gian ấy có khi là khung cảnh rừng
núi hiểm trở, có khi là làng, bản xa xôi nghèo khó hay cung điện nguy
nga tráng lệ… Tất cả các không gian ấy đều đi vào câu chuyện một cách
tự nhiên tạo nên sự ly kỳ hấp dẫn, góp phần nâng cao giá trị nghệ thuật
cho tác phẩm đồng thời tạo sự hấp dẫn cho người đọc, người nghe.
1.1.3. Giới thiệu về kho tàng truyện cổ tích thần kỳ các dân tộc Việt Nam
Kho tàng truyện cổ tích thần kỳ các dân tộc Việt Nam với 54 dân
tộc anh em, mỗi một dân tộc đều có một kho tàng truyện cổ tích của
riêng mình khá phong phú và đa dạng, với số lượng tác phẩm truyện cổ
tích thần kỳ rất lớn của các dân tộc Mường, Tày, Thái, Gia rai, Churu,
Xê Đăng, Ba Na, Kinh, Cơ ho,…
Trong kho tàng truyện cổ tích các dân tộc có rất nhiều kiểu truyện
khác nhau như: kiểu truyện người em út, kiểu truyện dũng sĩ cứu người
đẹp, kiểu truyện chàng trai khỏe... Vì thế, công việc sưu tầm, nghiên
cứu, biên soạn về truyện cổ tích các dân tộc thiểu số và dân tộc Việt trên
đất nước Việt Nam là cấp thiết nhưng vô cùng khó khăn, phức tạp, nó
đòi hỏi phải được tiến hành trong một thời gian dài. Những yếu tố cổ
tích có thể lưu hành tự do từ dân tộc này sang dân tộc khác, điều đó cho
thấy việc ảnh hưởng của các nền văn hóa khác nhau vào yếu tố cổ tích
giữa các dân tộc là không thể tránh khỏi. Dân tộc nào cũng có hệ thống
xã hội, văn hóa của riêng mình, xã hội nào cũng có những thành tố văn
hóa, cổ tích, nhưng bản sắc văn hóa thì riêng biệt không trộn lẫn vào
nhau. Vì vậy, sự giao lưu văn hóa, sự ảnh hưởng qua lại giữa dân tộc
anh em trên dãy đất Việt Nam, sự giao lưu tiểu loại truyện cổ tích giữa
các dân tộc sẽ góp phần tạo nên những bản sắc văn hóa vô cùng phong
phú và đa dạng, làm phong phú hơn cho kho tàng truyện cổ tích các dân
tộc. Kho tàng truyện cổ tích các dân tộc Việt Nam là nguồn tư liệu quý
giúp cho chúng ta rất nhiều trong việc nghiên cứu văn học dân gian. Nó
để lại những bài học quý báu những giá trị tinh thần to lớn, những quan
niệm thẩm mỹ hay những triết lý dân gian giúp ích cho cuộc sống của
con người đồng thời mang tính giáo dục cao. Ngoài ra, nó còn làm nên
đặc trưng riêng cho thể loại truyện cổ tích mà cụ thể là tiểu loại truyện
cổ tích thần kỳ.
1.2. Khái quát về kiểu truyện người lấy vật
1.2.1. Khái niệm về kiểu truyện người lấy vật
Theo nhà nghiên cứu Stith Thompson thì: “Típ là những cốt kể có
thể tồn tại độc lập trong kho truyện truyền miệng. Dù đơn giản hay phức
tạp, truyện nào cũng được kể như cốt kể độc lập đều được xem là một
típ. Có những truyện kể dài chứa đựng hàng tá mô-típ, lại có những
truyện kể ngắn như những mẫu kể trong các chùm truyện về súc vật, có
thể chỉ có một mô-típ đơn lẻ. Trong trường hợp đó, típ và mô-típ đồng
nhất” [16, tr.11]. Như vậy, trong một kiểu truyện (típ) có sự hiện diện
của các mô-típ, nhưng không nhất thiết mỗi truyện đều phải có đủ tất cả
các mô-típ chung. Có thể có truyện chỉ chung với các truyện khác một
vài mô-típ nhưng cũng có truyện có nhiều mô-típ chung. Trong ngôn
ngữ thông thường, típ chỉ một lớp vật thể có những đặc điểm chung. Nó
được dịch là kiểu, kiểu mẫu, đại diện điển hình. Dựa trên nghĩa chung
đó, khoa học dân gian đã dùng thuật ngữ típ để chỉ một tập hợp các mẫu
truyện kể dân gian có chung một cốt kể. Cụ thể hơn, típ chỉ tập hợp của
nhiều mẫu truyện mà không chỉ từng truyện kể riêng lẻ, những mẫu
truyện đó phải có chung một cốt kể. Như vậy, típ là một cốt kể với tất cả
những dị bản của nó và trở thành một kiểu truyện tức là một đơn vị
truyện độc lập, phân biệt với những đơn vị truyện khác. Từ đấy, khái
niệm về kiểu truyện cho chúng ta thấy không phải bất cứ truyện nào
cùng loại truyện cũng phải bắt buộc có đầy đủ các mô-típ cơ bản, hay
các nhân vật của từng truyện phải có những đặc điểm hoàn toàn giống
nhau. Tùy theo trình độ nghệ thuật, dụng ý nghệ thuật, các yếu tố có liên
quan đến sự ra đời tác phẩm mà ở mỗi truyện có những nét riêng, thể
hiện những giá trị nghệ thuật khác nhau, không thể nhầm lẫn với các
truyện khác.
Kiểu truyện người lấy vật là tập hợp các truyện kể về nhân vật là
những người con trai, con gái là con của hai ông bà già nghèo hiếm
muộn hay cô gái chưa chồng… Nhân vật được sinh ra trong hình hài của
một con vật xấu xí, như cóc, ếch, nhái, lợn, rắn, dê, cá, hay trong hình
hài dị dạng như cục thịt, sọ dừa, tai to, cái khọ, trứng… Nhân vật biết
nói tiếng người biết làm việc như con người. Do có tài năng thần kỳ,
nhân vật đã vượt qua được những thử thách khắc nghiệt và lấy con gái
mơtao, phú ông hay công chúa con vua làm vợ. Sau khi lấy vợ/chồng,
đêm đêm nhân vật trút bỏ lốt xấu xí, bộ da động vật của mình và hiện ra
trước mắt người vợ/chồng trẻ với vóc dáng của một chàng thanh niên
khôi ngô tuấn tú hay những cô gái xinh đẹp tuyệt trần. Những người
vợ/chồng của nhân vật đã hủy bỏ tấm lốt xấu xí của nhân vật bằng cách
đốt cháy, xé rách, đập nát, giấu đi hay vứt xuống suối để chấm dứt cuộc
đời đội lốt, cũng từ đây hình dáng của các con vật xấu xí hay dị dạng
biến mất và nhân vật trở lại thành người xinh đẹp, tài năng hơn người.
Chúng tôi cho rằng, bên trong kiểu truyện người lấy vật là tập hợp
của nhiều mô-típ nhân vật ẩn mình trong các lốt vật, các nhân vật này
cũng là những thành viên của cộng đồng xã hội nguyên thủy nhưng họ
phải chịu khốn khổ, tủi nhục vì bị ruồng bỏ, bị xã hội đày đọa, lên án
không được cộng đồng huyết thống quan tâm chỉ vì hình dáng dị dạng,
xấu xí của mình. Với tấm lòng nhân ái, tình thương yêu con người, tinh
thần nhân đạo cao cả và ước muốn mang lại sự công bằng cho nhân vật
bất hạnh, không may. Nghệ nhân dân gian đã cho nhân vật của mình có
được những tài năng thần kỳ để giành lại hạnh phúc vốn đã bị tước đoạt
trong xã hội có giai cấp. Cuối cùng các nhân vật bất hạnh ấy có thể sống
hạnh phúc, giàu sang khi cởi bỏ lốt vật xấu xí trở thành những con người
mới đẹp đẽ, tài năng, giàu lòng nhân ái. Đúng với tinh thần lý tưởng hóa
nhân vật bằng ước mơ của nhân dân nhằm mục đích mang lại một số
phận tốt đẹp cho nhân vật bất hạnh không may của người xưa.
Kiểu truyện người lấy vật không chỉ phổ biến trong truyện cổ tích
Việt Nam mà còn cả trong cổ tích khu vực và thế giới. Dân tộc Việt
Nam ta không chỉ có những nét chung với các dân tộc khác trong vùng
Đông Nam Á, mà còn có những nét giống nhau với các dân tộc khác
trên thế giới khi cùng trải qua những hình thái kinh tế xã hội, có lịch sử
hoặc cách tư duy tương tự nhau. Rõ ràng sự tương đồng này không phải
do mối liên hệ cội nguồn về tộc người hay văn hóa, cũng không phải do
sự tiếp xúc giao lưu hay do cùng lãnh thổ hay quan hệ kinh tế mà là sự
tương đồng loại hình của văn hóa các dân tộc trên thế giới. Qua nghiên
cứu chúng tôi nhận thấy giữa kho tàng văn học dân gian các dân tộc trên
thế giới có mối tương đồng về mặt loại hình, giữa truyện cổ tích Việt
Nam với truyện cổ tích các nước trên thế giới có những truyện giống
nhau cả về mô-típ, đề tài, nhân vật, cốt truyện… Điều này đã giúp cho
Nguyễn Đổng Chi soạn ra phần Khảo dị rất bổ ích trong tập Kho tàng
truyện cổ tích Việt Nam, và bước đầu áp dụng phương pháp loại hình
vào việc nghiên cứu sưu tầm truyện cổ tích ở Việt Nam.
Chúng ta có thể tìm thấy nhiều truyện tương tự kiểu truyện người
lấy vật ở các nước Đông Nam Á và thế giới như: truyện Nàng nhái
(Miến Điện); Con nhái (Pháp); Con sói trắng (Pháp); Công chúa ếch
(Nga); Chàng kỵ mã (Mông cổ); Chàng lợn (Campuchia); Con lợn trở
thành vua (Campuchia); Chuyện chàng lợn (Rumani); truyện Chàng rắn
(Ấn Độ); truyện Người lấy nhái, truyện Cô vợ cá (Ác mê ni)… Theo
thống kê trên cơ sở tư liệu cho phép, có thể nói kiểu truyện người lấy vật
rất phổ biến ở nhiều nước thuộc châu Á cũng như châu Âu, phương
Đông cũng như phương Tây trên toàn thế giới.
Như vậy, chúng ta có thể khẳng định mức độ phổ biến của kiểu
truyện người lấy vật ở Việt Nam và thế giới là rất lớn. Trong đó, các
kiểu kết cấu cốt truyện, nhân vật, xung đột, không gian và thời gian
trong kiểu truyện người lấy vật giữa các nước có nét tương đồng, khác
biệt, có sự giao lưu, ảnh hưởng qua lại lẫn nhau, tạo thành một hệ thống
kiểu truyện người lấy vật khá phổ biến trên thế giới.
1.2.2. Cơ sở hình thành kiểu truyện người lấy vật
Thông qua việc tìm hiểu các vấn đề về mô-típ, các cách kết hợp
mô-típ tạo thành một cốt truyện hoàn chỉnh trong kiểu truyện người lấy
vật, dựa vào đó chúng tôi khái quát nên cơ sở hình thành kiểu truyện
người lấy vật từ một vài nguyên nhân như sau: kiểu truyện người lấy vật
được hình thành do quá trình phát triển của xã hội, từ chỗ giải thể gia
đình lớn, gắn với chế độ chiếm hữu tư nhân về tài sản, trong đó người
con trai cả được xác định quyền thừa kế tài sản, người con út, con riêng,
con côi bị tước đoạt quyền sống, quyền hạnh phúc, thậm chí còn bị hất
ra khỏi cộng đồng. Tâm lý chung của nhân dân muốn khôi phục lại
truyền thống cũ – truyền thống người em út, con út được kế thừa tài sản
và duy trì bếp lửa gia đình dòng họ trong xã hội thị tộc. Nhưng thực tế
không cho phép, họ đành gởi gắm ước mơ ấy vào hình tượng nhân vật
có vẻ bề ngoài xấu xí, nhỏ bé, tầm thường nhưng ẩn bên trong lại là
những chàng trai, cô gái xinh đẹp, tài giỏi hơn người như hình tượng
nàng tiên cua, nàng tiên cá, chàng chồn, chàng trăn, chàng rắn, chàng
rùa… xuất hiện trong nhiều truyện cổ tích thần kỳ của các dân tộc Việt
Nam.
Kiểu truyện người lấy vật còn hình thành do nhận thức của người
dân còn đơn giản, họ quan niệm con người và loài vật có cùng nguồn
gốc với nhau. Do trình độ nhận thức của con người nguyên thủy còn hạn
chế nên họ chưa tự tách rời mình khỏi tự nhiên mà nhân hóa toàn bộ giới
tự nhiên. Họ cho rằng con người có những đặc tính gì thì thiên nhiên
cũng có đặc tính giống như vậy, thiên nhiên cũng biết buồn, căm giận
hay vui vẻ. Con người xem các con vật như là thành viên trong gia đình,
như anh em, bằng hữu cùng chia sẻ niềm vui nỗi buồn và giúp nhau khi
hoạn nạn. Con vật có thể biến thành con người và con người có thể biến
thành vật trong những hoàn cảnh khác nhau. Truyện cổ tích thần kỳ giải
thích nguồn gốc của con người và loài vật một cách thực tế hơn thần
thoại. Với suy nghĩ và nhận thức một cách đơn giản như thế thì việc
sáng tạo ra kiểu truyện người lấy vật là điều tất nhiên, phù hợp với tư
duy con người nguyên thủy.
Kiểu truyện người lấy vật còn hình thành dựa trên quan điểm các
nghệ nhân dân gian, họ là những người trực tiếp chứng kiến sự tàn bạo
của xã hội phong kiến, sự thống khổ của những con người thấp cổ bé
họng bị áp bức bóc lột sức lao động đến cùng kiệt trong xã hội lúc bấy
giờ. Những chàng trai, cô gái mà phần nhiều là con côi, con út, người
đội lốt vật hay nhân vật lấy các con vật có hình dáng bên ngoài dị dạng,
xấu xí làm chồng, vợ của nhau. Vượt qua được các thử thách khắc
nghiệt các con vật trút bỏ lốt xấu xí trở thành những chàng trai, cô gái
xinh đẹp, tài năng, hiếu hạnh, kết hôn và sống hạnh phúc với nhau. Sự
đối lập giữa cái vẻ bề ngoài xấu xí, dị dạng với bên trong cao đẹp, trong
sáng của các nhân vật đội lốt vật là một thủ pháp nghệ thuật xây dựng
hình tượng nhân vật đặc thù của văn học dân gian cũng quy luật hình
thành nên truyện cổ tích thần kỳ và kiểu truyện người lấy vật. Các yếu tố
thần kì là đặc trưng không thể thiếu trong tiểu loại này, nó là một biện
pháp nghệ thuật đặc biệt nhằm thúc đẩy cốt truyện theo một định hướng
đã vạch sẵn. Nhân vật đội lốt vật xấu xí sử dụng những yếu tố thần kỳ để
vượt qua được những thử thách khắc nghiệt của những ông bố vợ tương
lai, đồng thời nhân vật cũng khẳng định tài năng phi thường của chính
mình như truyện Chàng trăn, Chàng rể rắn, Chàng rùa, Chàng chồn,
Lấy chồng dê, Lấy vợ cóc, Chàng nhái, Chàng rể cọp, Chàng lợn… Các
yếu tố thần kỳ, được nhân vật đội lốt sử dụng trong nhiều truyện, là nhân
tố góp phần hình thành nên kiểu truyện người lấy vật với những đặc
trưng riêng của cổ tích thần kỳ.
Có thể nói, cơ sở hình thành kiểu truyện người lấy vật dựa trên rất
nhiều những yếu tố về văn hóa, xã hội, quan niệm, thủ pháp xây dựng
hình tượng nhân vật và yếu tố thần kỳ trong tiểu loại truyện cổ tích thần
kỳ. Tất cả các cơ sở hình thành nên kiểu truyện này nằm trong hệ thống
văn hóa, xã hội, con người và đặc trưng của thể loại truyện cổ tích, một
thể loại đặc thù của văn học dân gian.
1.2.3. Giới thiệu chung về kiểu truyện người lấy vật
Kiểu truyện ngưới lấy vật không thuần nhất, nó luôn có những biến
đổi phong phú, đa dạng cho nên chúng ta cần có sự phân loại thành các
dạng truyện, nhóm truyện cụ thể. Nhưng tiêu chí để phân loại một cách
khoa học kiểu truyện này nên được hình dung như thế nào để bao hàm
bên trong thực trạng tồn tại đa dạng, vốn có của đối tượng. Có nhiều
cách phân loại khác nhau, do góc độ tiếp cận đối tượng có thể có các
cách như sau:
Ở kiểu truyện người lấy vật thì “vật” ở đây có thể tồn tại dưới nhiều
dạng thức khác nhau: động vật, thực vật, đồ vật…
Trong quá trình nghiên cứu chúng tôi chỉ giới hạn đối tượng
nghiên cứu trong luận văn của mình ở hình thức thứ nhất: vật là người/
thần/ tiên đội lốt động vật (như đã trình bày trong phần phạm vi nghiên
cứu đề tài).
“Người” trong kiểu truyện người lấy vật
1. Vật là người/ thần/ tiên đội lốt
động vật.
2. Vật là người/ thần/ tiên đội lốt
thực vật, hoa quả, đồ gia dụng…
Hình thức Vật
“Người” trong “người lấy vật” gồm những đối tượng nào? Các nhân
vật là “người” thuộc kiểu truyện này gồm có:
“Người” là các cô gái xinh đẹp, nết na, hiền hậu con nhà giàu có
hoặc những cô gái mồ côi nghèo khổ, và nhân vật là “người” dạng này
thường rơi vào người con gái út hiếu thảo như truyện Lấy chồng dê
(Kinh), Lấy chồng rắn (Gia rai), Phò mã cóc (Raglai), Chàng rùa (Xê
Đăng), Chàng rể cóc (Vân kiều), Anh chàng cá chuối (Mường),... nhân
vật người là những cô con gái đẹp, các cô con gái của Phú ông giàu có
như: Chàng tôm (Kinh), Chàng hến (Kinh), Cóc và nàng Hơ bia Phu
(Ba Na), con gái của Tạo mường Chàng rùa (Thái), Chẩu mường Chàng
chồn (Thái), con gái quan Chàng dê (Mèo), con gái Mơ tao Truyện chồn
và nàng Hơ lúi (Gia rai), Chàng lợn (Gia rai), Chàng rắn (Gia rai),
hoặc là công chúa con Vua Chàng nhái (Kinh), Cóc tiên (Kinh), Chàng
rể cọp (Dao), Chàng rùa (H’Mông), Chàng ếch (Cơ ho)… Họ đều là
những người con gái mang một vẻ đẹp cả dung mạo lẫn tính tình – vẻ
đẹp đúng với quan niệm của nhân dân. Đó là những người con gái vừa
đẹp người vừa đẹp nết và có tấm lòng lương thiện, vị tha. Họ là niềm
mơ ước, nỗi khát vọng và là nguồn tình cảm quý giá đối với các nhân
vật đội lốt vật, và cũng chính họ giúp cho cuộc đời của các nhân vật đội
lốt vật dị dạng, xấu xí có được niềm vui, niềm hạnh phúc trọn vẹn. Nhân
vật người con gái xinh đẹp, nết na hiền dịu, hiếu thảo luôn luôn có mối
quan hệ gắn bó với nhân vật đội lốt vật xấu xí, dị dạng. Nhân vật người
con gái xinh đẹp chiếm vị trí khá quan trọng trong cốt truyện của kiểu
truyện người lấy vật. Ở một số truyện người con gái đẹp thường là con
út của một người cha, mẹ có ba cô con gái (cũng có thể là hai cô, bảy cô,
chín hoặc mười cô…). “Vua đồng ý gả công chúa út cho nhái” (truyện
Chàng nhái – Kinh),… Các cô gái xinh đẹp này chắc sẽ là mục tiêu đối
tượng của bao chàng trai tài giỏi, chắc chắn họ sẽ được hạnh phúc.
Nhưng trong những tình huống kỳ lạ, độc đáo, sự xuất hiện của nhân vật
đội lốt vật, dị dạng xấu xí đã làm thay đổi cả số phận của các cô gái đó.
Trong các cốt truyện, hình tượng cô gái út đã được đề cao một cách
độc đáo trong sự so sánh với các cô chị. Tính cách tốt đẹp của những
con người tốt bụng, hiền lành và sự thiện cảm mà cô con gái út giành
cho nhân vật đội lốt vật. Vì thế, khi nhân vật đội lốt vật xấu xí ngỏ lời
cầu hôn hay khi cha mẹ hỏi ai trong số các cô ưng lấy những con người
đội lốt làm chồng thì: “hỏi cô gái đầu lòng, cô nguýt một cái rõ dài rồi
vội vàng đi vào nhà, nói vọng ra: “úi dào! Chồng người chả lấy, lại lấy
chồng dê!” Hỏi cô thứ hai, cô nói: “là người không thể lấy dê!” chỉ có cô
gái út là trả lời: “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” (Lấy chồng dê). Hành
động của các cô con gái út như chấp nhận, bênh vực, yêu thương, bảo vệ
đối với nhân vật người đội lốt vật xấu xí, dị dạng làm cho cha, mẹ, và
các cô chị nghĩ rằng đó là những hành động kỳ quặc và bất thường, họ
không tin tưởng và chế nhạo còn cho đó là “một sự ngu ngốc, sự liều
lĩnh không đáng có”. Song thực chất các cô gái út lại là những người
khôn ngoan, tinh tế, nhìn thấu vẻ bề ngoài xấu xí của nhân vật và sớm
nhận biết được tài năng cùng bản chất tốt đẹp của nhân vật người đội lốt.
Kết quả đã đem lại cho cô út – người con gái đẹp cuộc sống hạnh phúc
với người chồng khôi ngô tuấn tú, thông minh, giàu có; hưởng được mọi
điều may mắn tốt đẹp hơn hẳn các cô chị, và điều đó cho thấy sự lanh
lợi, thông minh, sáng suốt của các cô con gái út.
Ngoài ra, “người” còn là những chàng trai mồ côi hiền lành, nghèo
khổ, hiếu thảo, siêng năng, là những chàng thư sinh chăm chỉ đèn sách
nhưng có hoàn cảnh nghèo khó, cuộc sống của các chàng trai còn nhiều
khó khăn, vất vả nhưng họ có một tấm lòng nhân hậu, vị tha, họ cần
mẫn, chăm chỉ, và rất đáng thương. Họ chấp nhận hoàn cảnh và tin
tưởng vào một tương lai tốt đẹp, sống có lý tưởng và niềm tin mạnh mẽ
vào một sự đổi đời: Lấy vợ cóc (Mường), Hrit và cô gái trong lốt da bò
(Gia rai), Ông trạng lấy rùa (Kinh), Người lấy cóc (Kinh), Nàng tiên
cua và anh chàng đánh cá (Kinh), Nàng tiên ốc (Kinh), Nàng cá măng
(Thái), Chuyện con cầy bay (Thái), Con cum (Mường), Nàng tiên cá (Xê
Đăng), Nàng bò tót (Vân Kiều)…
“Vật” trong kiểu truyện người lấy vật
“Vật” trong “người lấy vật” gồm những đối tượng nào? Nhân vật là
“vật” thuộc kiểu truyện này có các đối tượng như sau:
“Vật” là những vị thần linh, con thần linh đầu thai vào lốt vật để
trừng phạt kẻ ác và giúp đỡ những người lương thiện, mang lại cuộc
sống tốt đẹp cho người hiền lành, chăm chỉ, tốt bụng, mang lại công
bằng cho xã hội. Ông trạng lấy rùa (rùa là công chúa thủy cung), Con
chuột lông đỏ (chuột là con trai tướng Bắc Đẩu), Nàng tiên cá, Nàng
tiên cua và anh chàng đánh cá, Nàng tiên ốc, Trăn thần (trăn là con trai
thần núi), Hrit và cô gái trong lốt da bò (cô gái trong lốt da bò là tiên
nữ), Lấy vợ cóc (nhân vật cóc là tiên nữ), Chuyện con cầy bay (nhân vật
cô gái là nàng tiên ốc), Cóc tiên (cóc là tiên nữ), Chàng chồn (nhân vật
chồn là thánh chồn), Anh chàng cá chuối (nhân vật cá chuối là con
trời),…
“Vật” còn là những chàng trai, cô gái có tài sắc hơn người nhưng
phải mang cái lốt vật xấu xí, cái lốt ấy chỉ là cái vỏ để che đậy bên
ngoài, ẩn sâu trong cái lốt vật xấu xí ấy là những con người với sắc đẹp,
tài năng phi thường và khi cái lốt vật ấy bị phá hủy đi sẽ tạo ra sự bất
ngờ cho người đọc, người nghe về tài năng, phẩm chất đạo đức của các
nhân vật.
“Kết hôn” trong kiểu truyện người lấy vật
Nhân vật kết hôn với nhau do sự thách đố của cha, mẹ. Có các
truyện Chàng rùa (Xê Đăng), Lấy chồng rắn (H’Mông), Chàng rắn (Gia
rai), Lấy chồng trăn (Xê Đăng), Lấy chồng dê (Kinh), Chàng nhái
(Kinh), Chàng dê (Mèo), Lấy chồng rùa (Mường), Chàng rùa
(H’Mông), Chàng rể heo (Vân Kiều), Hơ bia Rác lấy chồng chồn (Gia
rai)…
Chẳng hạn như truyện Chàng rùa (Xê Đăng) kể rằng: “ông bố có
mười cô con gái, bà mẹ mất sớm, ông hàng ngày đi bắt cá nuôi con. Một
lần đi đặt lờ, thấy cá qua khe hở đi mất. Ông bảo rùa đấp lại khe hở ông
sẽ thưởng cho rùa một cô con gái, rùa giúp ông đắp lại khe hở và đòi
ông trả công bằng cách gả con gái cho mình. Rùa theo ông về nhà, các
cô chị đều khinh bỉ rùa và từ chối rùa. Cô út vì thương cha nên ưng
thuận lấy rùa”. Hay trong truyện Lấy chồng rắn (H’Mông), nhân vật kết
hôn do ông bố thách đố, ai di chuyển được hòn đá nặng ra khỏi ruộng
giúp ông, ông sẽ gả con gái cho người đó. Truyện Chàng rắn (Gia rai)
thì kể rằng: Mơ tao muốn qua dòng suối dữ, ông nói rằng ai có thể bắt
được cầu cho ông đi qua thì ông sẽ gả con gái cho. Có chàng trai đội lốt
rắn đã lấy thân mình bắt cầu cho Mơ tao đi qua suối và đòi lấy con gái
Mơ tao, “Mơ tao rất buồn phiền vì không muốn gả con gái cho rắn”.
Ông hỏi con gái lớn là Hơ Bia Ngo, cô từ chối ngay. Ông hỏi con gái út
Hơ Bia Lúi, cô út vì thương cha nên nhận lời lấy rắn làm chồng…
Nhân vật là “vật” tự nhờ mẹ đến nhà hỏi cưới cô con gái út về làm
vợ. Có các truyện: Lấy chồng dê (Kinh), Chàng nhái (Kinh), Chàng dê
(Mèo), Chuyện chàng cóc (Tà Ôi), Chàng rể heo (Vân Kiều), Lấy chồng
trăn (Vân Kiều), Chàng rể cóc (Vân Kiều), Chàng hến (Kinh), Chàng
rùa (Thái), Cóc tiên (Kinh), Chàng rùa (H’Mông).
Nhân vật “người” và “vật” gặp nhau tình cờ, cả hai thấy được tài
năng, phẩm chất của nhau đem lòng yêu mến và muốn kết hôn với nhau.
Đa số các truyện có chi tiết cô gái rình và phát hiện ra nhân vật đội lốt
vật kia là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, đồng ý kết hôn: Nàng tiên ốc
(Kinh), Lấy vợ cóc (Mường), Nàng tiên cá (Xê Đăng), Nàng tiên cua và
anh chàng đánh cá (Kinh), Chàng chim cu gáy (Raglai), Lấy chồng dê
(Kinh), Con cum (Mường), Người lấy cóc (Kinh), Ông trạng lấy rùa
(Kinh), Nàng cá măng (Kinh), Chuyện con cầy bay (Thái), Nàng bò tót
(Vân Kiều)…
Nhân vật là “người” sau khi gặp “vật” đã giả bệnh, cố ý giấu lốt
vật và đòi kết hôn với “vật”, truyện: Chàng ếch (Churu), Chàng lợn
(Gia rai), Chồng cóc (Ê Đê), Chàng chồn (Thái), Cóc và Hơ bia Phu (Ba
Na), Hrit và cô gái trong lốt da bò (Gia rai), Chàng chim cu gáy
(Raglai), Lấy chồng rắn (Gia rai), Chàng ếch – con trai thần mặt trời
(Cơ ho)…
Như vậy, chúng ta có thể thấy các nhân vật là “người” và “vật”
trong kiểu truyện người lấy vật cũng như các kiểu kết hôn của hai nhân
vật trong các truyện được miêu tả rất phong phú, đa dạng và mang màu
sắc ly kỳ, hấp dẫn, mang tính chất thần kỳ cao.
Tiểu kết: Trong hệ thống kiểu truyện cổ tích thần kỳ Việt Nam,
kiểu truyện người lấy vật mang những đặc trưng riêng, miêu tả các nhân
vật đội lốt với hình dáng bên ngoài xấu xí, dị dạng của các con vật như:
cóc, chồn, rắn, rùa, cua, cá… Đây là kiểu nhân vật xuất hiện khá phổ
biến trong truyện cổ tích thần kỳ Việt Nam và lan rộng ra các nước trên
thế giới. Điều đó cho thấy, sự tồn tại, vận động và phát triển của kiểu
truyện này là rất lớn, cũng như sức hấp dẫn đặc trưng của tiểu loại
truyện cổ tích thần kỳ - một tiểu loại chiếm số lượng lớn tác phẩm trong
kho tàng truyện cổ tích các nước.
Hình tượng nhân vật đội lốt “vật” xấu xí dị dạng nhưng có tài năng
phi thường, lập nên những kỳ tích thần kỳ, khi cởi lốt thành những
chàng trai, cô gái xinh đẹp, tài giỏi với phẩm chất cao quý kết hôn cùng
người con gái đẹp, là hình tượng nhân vật trung tâm xuất hiện phổ biến
trong loại hình tự sự dân gian, đặc biệt trong truyện cổ tích thần kỳ.
Kiểu nhân vật này có nét tương đồng với kiểu nhân vật dũng sĩ cứu
người đẹp, kiểu nhân vật chàng trai khỏe, kiểu nhân vật xấu xí mà tài ba,
người em út, người mồ côi,…
Chương 2: KHẢO SÁT NHỮNG MÔ-TÍP CHỦ YẾU
TRONG KIỂU TRUYỆN NGƯỜI LẤY VẬT
2.1. Khái niệm về mô-típ và giới thiệu chung về các mô-típ trong
kiểu truyện người lấy vật
2.1.1. Khái niệm về mô-típ
Theo Từ điển thuật ngữ văn học, thì mô-típ “tiếng Hán Việt gọi là
mẫu đề (do người Trung Quốc phiên âm chữ mô-típ trong tiếng Pháp) có
thể chuyển thành các chữ “khuôn”, “dạng”, hoặc “kiểu” trong tiếng Việt
nhằm chỉ những thành tố, những bộ phận lớn hoặc nhỏ đã được hình
thành ổn định bền vững và được sử dụng nhiều lần trong sáng tác văn
học nghệ thuật, nhất là trong văn học nghệ thuật dân gian… khái niệm
mô-típ là một công cụ rất cần thiết và hữu ít cho những người làm công
tác sưu tầm, nghiên cứu, giảng dạy văn học dân gian” [26, tr.136].
Từ điển văn học đã đưa ra hai cách dùng thuật ngữ “mô-típ” như
sau:
Thứ nhất, “mô-típ thường được hiểu theo nghĩa là “hạt nhân của cốt
truyện”, là cái “công thức” từ đó cốt truyện được triển khai” [72, tr.16].
Mô-típ trải qua quá trình phát triển nó sẽ trở thành cốt truyện hay cốt
truyện chính là sự tiến triển một cách tự nhiên của mô-típ. Về khía cạnh
này, chúng ta có thể xem mô-típ là một sự khái quát giản đơn, tùy theo
thời gian dài ngắn khác nhau nó có thể phát triển lên thành những khái
quát phức tạp hơn, đa dạng hơn tồn tại trong cốt truyện.
Thứ hai, “mô-típ được hiểu theo nghĩa là “yếu tố hợp thành” của cốt
truyện” [72, tr.16]. Thí dụ như các mô-típ về “sự sinh nở thần kỳ”,
“người đội lốt vật”, “thách đố”, “cởi lốt kết hôn”… Các mô-típ này kết
hợp lại với nhau tạo nên những cốt truyện cụ thể từ đơn giản đến phức
tạp trong kiểu truyện như truyện: Lấy chồng dê, Lấy vợ cóc, Chàng nhái,
Người lấy cóc, Chàng rùa, Chàng rắn, Chàng lợn, Chàng rùa, Chàng
cóc,…
Bất kỳ một mô-típ nào cũng có mối quan hệ với cốt truyện và
những mô-típ khác trong một tác phẩm cụ thể. Giữa chúng có sự tương
tác qua lại lẫn nhau tạo nên một cốt truyện hoàn chỉnh trong tác phẩm
truyện cổ tích.
2.1.2. Giới thiệu chung về các mô-típ trong kiểu truyện người lấy vật
Tiến hành khảo sát trên các nguồn tư liệu như đã trình bày ở phạm
vi nghiên cứu, chúng tôi thấy trong 56 truyện được khảo sát thì có sự
xuất hiện với tần số rất cao của bảy mô-típ trong cốt truyện, các mô-típ
này thường xuyên tồn tại trong các truyện và đóng vai trò khá quan
trọng trong cấu trúc của kiểu truyện người lấy vật như: mô-típ sự ra đời
thần kỳ; người đội lốt vật; thách đố; tài năng thần kỳ; cởi lốt và kết hôn;
người em út bị hại; vật phù trợ. Để dễ nhận biết và tạo điều kiện thuận
lợi hơn trong quá trình khảo sát, chúng tôi mã hóa các mô-típ ấy như
sau:
Mô-típ 1: (M1) Sự ra đời thần kỳ
Mô-típ 2: (M2) Người đội lốt vật
Mô-típ 3: (M3) Thách đố
Mô-típ 4: (M4) Tài năng thần kỳ
Mô-típ 5: (M5) Cởi lốt và kết hôn
Mô-típ 6: (M6) Người em út bị hại
Mô-típ 7: (M7) Vật phù trợ
Bảng khảo sát các mô-típ trong kiểu truyện người lấy vật
qua tư liệu truyện cổ tích thần kỳ
TT Tên truyện cổ tích M1 M2 M3 M4 M5 M6 M7 Tổng
1 Người lấy cóc (Kinh) + + + + + 5
2 Lấy chồng dê (Kinh) + + + + + + + 7
3 Ông trạng lấy rùa (Kinh) + + 2
4 Nàng tiên cua và anh chàng
đánh cá (Kinh)
+ + 2
5 Nàng tiên ốc (Kinh) + + 2
6 Chàng nhái (Kinh) + + + + + 5
7 Chàng tôm (Kinh) + + + + 4
8 Cóc tiên (Kinh) + + + + 4
9 Chàng hến (Kinh) + + + + + + 6
10 Hoàng tử rắn và nàng hoa sen
(Kinh)
+ + + 3
11 Nàng cá măng (Thái) + + 2
12 Chàng rùa (Thái) + + + + + 5
13 Chàng chồn (Thái) + + + + 4
14 Chuyện con cầy bay (Thái) + + 2
15 Chàng dê (Mèo) + + + + 4
16 Nàng Hơ Lúi (Ba Na) + + + + 4
17 Cóc và Hơ Bia Phu (Ba Na) + + + + + 5
18 Chàng rể cọp (Dao) + + + + 4
19 Con chuột lông đỏ (Tày) + + + 3
20 Cụ vách - ốc sên (Mường) + + + + 4
21 Lấy vợ cóc (Mường) + + + + 4
22 Con cum (ếch con) (Mường) + + + + 4
23 Mó nước ấm (Mường) + + 2
24 Lấy chồng rùa (Mường) + + + + 4
25 Anh chàng cá chuối (Mường) + + + + + + + 7
26 Trăn thần (Chàm) + + 2
27 Hoàng tử rắn (Cao Lan) + + + + 4
28 Lấy chồng rắn (H’Mông) + + + + 4
29 Chàng rùa (H’Mông) + + + + + 5
30 Người đội lốt mèo (Tà Ôi) + + + + + 5
31 Chuyện chàng cóc (Tà Ôi) + + + + 4
32 Con nai thần (Cơ ho) + + + 3
33 Chàng ếch - con trai thần mặt
trời (Cơ ho)
+ + + + + 5
34 Cô gái lấy chồng trăn
(Xê Đăng)
+ + + 3
35 Chàng rùa (Xê Đăng) + + + + + + 6
36 Nàng tiên cá (Xê Đăng) + + 2
37 Nàng út lấy chồng
tôm(Churu)
+ + + 3
38 Chàng trăn (Churu) + + 2
39 Chàng khỉ và nàng Ma Phun
(Churu)
+ + + 3
40 Chàng ếch (Churu) + + + + 4
41 Lấy chồng trăn (Vân Kiều) + + + 3
42 Chàng rể cóc (Vân Kiều) + + + + + + 6
43 Chàng rể heo (Vân Kiều) + + + + + 5
44 Nàng bò tót (Vân Kiều) + + 2
45 Truyện chồn và nàng H’Lúi
(Gia rai)
+ + + 3
46 Chàng lợn (Gia rai) + + + + + 5
47 Chàng rắn (Gia rai) + + + + + + 6
48 Hrit và cô gái trong lốt da bò
(Gia rai)
+ + 2
49 H’Bia Rác lấy chồng chồn
(Gia rai)
+ + + + 4
50 Cây tông lông (Gia rai) + + + + 4
52 H’Lúi lấy chồng chồn
(Gia rai)
+ + + 3
52 Chàng chim cu gáy (Raglai) + + + + 4
53 Phò mã cóc (Raglai) + + + + 4
54 Lấy chồng rắn (Raglai) + + + 3
55 Chàng cóc (Kơ Dong) + + + + 4
56 Chồng cóc (Ê Đê) + + + 3
Tổng 24 56 23 44 56 7 4
Bảng tỉ lệ các mô-típ
Mô-típ Số lượng truyện Tỉ lệ (%)
M1 24/56 42.9
M2 56/56 100.0
M3 23/56 40.1
M4 44/56 78.6
M5 56/56 100.0
M6 7/56 12.5
M7 4/56 7.1
2.2. Phân tích các mô-típ chủ yếu
2.2.1. Mô-típ sự ra đời thần kỳ
Mô-típ sự ra đời thần kỳ của nhân vật xuất hiện ở 24 truyện chiếm
tỉ lệ 42.9% trên tổng số 56 truyện khảo sát. Đây là mô-típ có tần số xuất
hiện nhiều trong truyện cổ tích thần kỳ, nó làm nền tảng cho việc giải
thích, dự báo những sự việc không bình thường sẽ xảy ra và dẫn đến sự
xuất hiện các mô-típ tiếp theo. Trong mô-típ này, nhân vật chính thường
đầu thai vào những gia đình hiếm muộn con cái và sự thụ thai thường
xảy ra một cách thần kỳ.
Bảng thống kê các hình thức nhân vật ra đời
(Xem bảng thống kê ở phần Phụ lục trang 50)
Ở hình thức nhân vật ra đời do người mẹ ướm chân, ăn, uống…có
12/24 truyện chiếm số lượng lớn nhất trong bốn cách nhân vật ra đời
thần kỳ. Qua các cách ra đời phổ biến trên cho chúng ta thấy, nhân vật
được sinh ra trong hoàn cảnh đặc biệt, khác thường, dự báo cho hành
trạng phi thường của nhân vật sau này. Hiểu một cách đơn giản, một
người có sức mạnh và tài năng phi thường không thể ra đời một cách
bình thường như những người bình thường được. Đó là tính lôgic ở nghệ
thuật xây dựng nhân vật anh hùng trong mối quan hệ với tướng mạo
khác thường. Vì thế, chúng ta không có gì là ngạc nhiên khi thấy nhân
vật có được tài năng thần kỳ ở phần sau của truyện. Cách nhân vật ra đời
do bà mẹ “ướm thử chân” mình vào vết chân nhỏ in trước ngõ, “người
vợ liền ướm thử bàn chân mình vào đó, ít lâu sau, bà có thai và sinh ra
một con cóc” (Chàng rể cóc – Vân Kiều), hay bà mẹ bị các con vật “đái
lên bụng” (Chuyện chàng cóc – Tà Ôi), do “uống nước và tắm ở một
dòng suối lạ” (Nàng Hơ lúi – Ba Na), hay một bà già góa chồng “xuống
sông tắm, thấy có miếng bưởi đang trôi bèn vớt lên ăn. Về nhà, bà cảm
thấy trong người hơi khác và sau đó mang thai sinh ra một con nhái”
(Chàng nhái - Kinh), có trường hợp hai cô gái trẻ xinh đẹp ra suối cắt
rau về nấu cho lợn, bụng đói, “bên bờ suối sẵn có cây sung chín quả to
bằng quả bưởi, họ bảo nhau hái lấy ăn hết mỗi người một quả. Sung
ngọt và thơm, nuốt đến đâu gan ruột mát ra đến đấy” hai nàng mang thai
“nàng Ả đẻ ra một con Cụ vách, nàng Hai đẻ ra một con ốc sên” (Cụ
vách- ốc sên – Mường), cô gái H’Lúi cùng bà vào rừng gặp “trời nắng
gắt, hai người đều khát nước. Chịu không được, Lúi phải bỏ việc đi tìm
nước uống. Tìm mãi, H’Lúi thấy một cây nấm to có đọng ít nước. Đó là
nước đái của con lợn rừng. H’Lúi uống nước, nàng có thai đến ngày đến
tháng sinh ra một chú lợn rừng” (Chàng lợn – Gia rai), nàng Di Dật vào
rừng cắt cỏ tranh lợp nhà, gặp trời nắng lại khát nước, nàng tìm thấy
“giữa tảng đá lớn đen xì to như con voi nằm giữa rừng lại có một hốc
nhỏ chứa đầy nước trong vắt. Di Dật lấy tay vốc uống. Nước ngọt và
thơm, uống đến đâu, gan ruột mát đến đấy. Di Dật về nhà thấy trong
người khác lạ, chị có mang và sinh ra một con cóc” (Chàng cóc – Kơ
Dong)…
Nhân vật ra đời do cha mẹ già, hiếm muộn cầu khẩn thần linh,
xuất hiện trong 7/24 truyện, đây là cách mà nhân vật ra đời phổ biến thứ
hai. Điều này cũng phù hợp với tâm lý chung của người lao động nghèo,
khi họ gặp vấn đề khó khăn không thể giải quyết được, họ thường tin
vào các đấng thần linh tối cao nào đó có thể giúp họ vượt qua khó khăn,
nguy hiểm, vì thế họ thường cầu khẩn thần linh và làm nhiều việc thiện,
được thần linh cho người/thần đầu thai vào lốt vật làm con của những
gia đình này như: “có hai vợ chồng nhà nọ, đầu tóc đã hoa râm mà vẫn
hiếm hoi. Vợ chồng cầu khẩn khấp nơi mong có một mụn con khỏi phải
hiu quạnh lúc tuổi già. Thế rồi, người vợ bỗng mang thai, chín tháng
mười ngày đẻ ra một con dê đực” (Lấy chồng dê –Kinh), hay “có hai vợ
chồng nọ sống với nhau mãi không có con phải đi cầu tự ở nhiều nơi.
Một thời gian sau, người vợ sinh được một đứa trẻ rất kỳ lạ, không
giống người mà giống khỉ nên đặt tên là hến” (Chàng hến – Kinh), hai
vợ chồng kia hiếm hoi “một hôm, đầu gối người vợ tấy sưng to, không
sao chữa khỏi. Sau cơn nhức nhói như điên dại, chị ta thấy da rạn nứt.
Một chú rùa từ chỗ nứt bò ra. Rùa nói ngay: con là con của bố mẹ”
(Chàng rùa – H’Mông),…
Nhân vật do cha, mẹ nhặt được trong quá trình lao động. Chúng
tôi tìm thấy 2/24 truyện xuất hiện ở hình thức ra đời này và có số lượng
truyện ít nhất trong các hình thức ra đời của nhân vật. Ở hình thức này
có các truyện như: Cóc tiên của dân tộc Kinh kể rằng: “hai vợ chồng già
nghèo đi xúc tép. Họ xúc trúng cóc tiên. Cóc tiên bảo ông bà mang mình
về nhà nuôi. Cóc bảo: “ông bà cứ mang tôi về nuôi, tôi làm được nhiều
việc lắm!” hay truyện Chàng rùa của dân tộc Thái thì kể rằng: “một
hôm, trời mưa lâm thâm, bà đeo giỏ đi mò cua từ sáng sớm đến chiều,
chỉ bắt được một con rùa. Về nhà định làm thịt rùa thì bỗng nghe tiếng
nói: “mẹ ơi, đừng làm thịt con, hãy cố gắng nuôi con, lớn lên con sẽ
giúp mẹ”.
Ngoài ra, trong 56 truyện được khảo sát chúng tôi còn tìm thấy
nhân vật ra đời trong những tình huống khác chiếm số lượng 3/24
truyện, ở hình thức ra đời này có các truyện như: Chàng rể heo của dân
tộc Vân Kiều kể rằng “một người đàn bà hóa lại có mang, sinh ra một
con heo đực. Heo đực chóng lớn. Chẳng mấy tuần trăng nó đã to múp
míp”, bên cạnh đó, dân tộc Kinh có truyện Chàng tôm cũng đề cập đến
cách nhân vật ra đời “có hai vợ chồng sinh ra một con tôm”, truyện
Chàng ếch của dân tộc Churu thì “người vợ sinh ra một con ếch”.
Sự mang thai và sự ra đời của các nhân vật thật là đặc biệt khác
thường. Mô-típ này trở nên quen thuộc và phổ biến, một kiểu ra đời của
nhiều nhân vật trong các thể loại truyện dân gian. Các nhà nghiên cứu
cho rằng mô-típ này có nguồn gốc từ thần thoại – một thể loại truyện
dân gian xuất hiện sớm nhất trong xã hội sơ khai. Việc các bà mẹ sinh
con một cách khác thường đều được ca ngợi trong các thể loại thần thoại
và sử thi. Điều đó mang tính chất thần thánh, các bà mẹ đã giao tiếp
được với thần linh để sinh ra những người con mang tính cách thần kỳ,
có tài năng và sức khỏe hơn người, lập được nhiều chiến công để bảo vệ
cộng đồng. Như vậy, mô-típ về sự ra đời thần kỳ trong truyện cổ tích có
nét tương đồng với thần thoại. Thần thoại xuất hiện trong thời kỳ cộng
sản nguyên thủy, khi hình thức hôn nhân là hình thức quần hôn mà chế
độ mẫu hệ nắm quyền trong gia đình, đứa con ra đời sẽ nhận được sự
chăm sóc chung của cả cộng đồng huyết thống, của toàn xã hội. Về sau
khi xã hội có sự phân hóa giai cấp rõ rệt kéo theo sự tan rã của chế độ
mẫu hệ, xã hội chuyển sang chế độ phụ hệ lên nắm quyền trong gia đình.
Khi ấy, những đứa trẻ được sinh ra trong những tình huống khác thường,
kỳ lạ sẽ bị lên án, trừng phạt và không được sự quan tâm của xã hội.
Những đứa trẻ đó phải chịu thiệt thòi, bị xua đuổi, hắt hủi ra khỏi cộng
đồng và đây là điều kiện để thể loại truyện cổ tích xuất hiện với nhiều
kiểu nhân vật khác nhau như: kiểu nhân vật mồ côi, kiểu nhân vật em út,
kiểu nhân vật dũng sĩ, chàng trai khỏe… Các kiểu nhân vật này tương
ứng với từng hoàn cảnh khác nhau, nhân vật chính được đưa vào truyện
cổ tích thường có số phận không may, luôn chịu thiệt thòi. Họ là những
con người bình thường, có nhiệm vụ phản ánh các khía cạnh của xã hội
nguyên thủy trong thời kỳ tan rã của chế độ mẫu hệ. Những yếu tố thần
kỳ xuất hiện đóng vai trò là phương tiện để nhân vật giải quyết các mâu
thuẫn, xung đột xã hội và giúp cho nhân vật thoát khỏi tai nạn, vượt qua
những thử thách khắc nghiệt và mang lại sự công bằng cho nhân vật,
công lý cho xã hội, thoát khỏi những bế tắc của cuộc đời. Nhân vật
chính được thay đổi số phận, có cuộc sống hạnh phúc, là những kết thúc
có hậu mang đầy tính ước mơ của người xưa. Kiểu truyện người lấy vật
là sự phản ánh một cách sâu xa quy luật sáng tác và quy luật xây dựng
nhân vật trong truyện cổ tích. Những con người bất hạnh, xấu xí, thấp
hèn chính là những con người đại diện cho hiện thực xã hội lịch sử của
dân tộc. Trong thực tế hoàn cảnh ra đời của các nhân vật người đội lốt
vật đa phần thường là những hoàn cảnh éo le, khó khăn và đáng thương
như: cha mẹ già yếu, hoặc mẹ già cô đơn, không có của cải do không
còn sức lao động, hay những cô gái không được sự giúp đỡ và sự chấp
nhận của cộng đồng, không có họ hàng thân thích… Mô-típ sự ra đời
thần kỳ cho thấy sự kế thừa từ thể loại truyện thần thoại đến thể loại
truyện cổ tích thần kỳ.
Về mô-típ sự ra đời thần kỳ của nhân vật, chúng tôi cũng tìm thấy
có nét giống nhau với mô-típ mở đầu (sự ra đời thần kỳ) của một số
nước trên thế giới. Trong tám truyện mà chúng tôi tìm hiểu của bốn
quốc gia đều có chung mô-típ đầu tiên (sự ra đời thần kỳ) của nhân vật ở
nhiều hình thức ra đời khác nhau như: truyện Chàng kỵ mã (Pháp), thì
kể rằng “hai vợ chồng nhà nọ nghèo, hiếm hoi, cầu thần mãi mới có
mang nhưng lại sinh ra được một con nhái”, truyện Nàng nhái (Miến
Điện) thì kể rằng: “có hai vợ chồng già hiếm hoi, đẻ được một con
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam

More Related Content

What's hot

Phức cảm genji trong sáng tác của một số nhà văn hiện đại nhật bản
Phức cảm genji trong sáng tác của một số nhà văn hiện đại nhật bảnPhức cảm genji trong sáng tác của một số nhà văn hiện đại nhật bản
Phức cảm genji trong sáng tác của một số nhà văn hiện đại nhật bảnTÀI LIỆU NGÀNH MAY
 
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX nataliej4
 
Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ
Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ
Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ nataliej4
 
PHONG CÁCH HỌC TIẾNG VIỆT
PHONG CÁCH HỌC TIẾNG VIỆT PHONG CÁCH HỌC TIẾNG VIỆT
PHONG CÁCH HỌC TIẾNG VIỆT nataliej4
 
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh tháiLuận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh tháinataliej4
 
Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...
Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...
Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...nataliej4
 
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI nataliej4
 
Ngôn ngữ văn chương
Ngôn ngữ văn chươngNgôn ngữ văn chương
Ngôn ngữ văn chươngChamcham239
 

What's hot (20)

Phức cảm genji trong sáng tác của một số nhà văn hiện đại nhật bản
Phức cảm genji trong sáng tác của một số nhà văn hiện đại nhật bảnPhức cảm genji trong sáng tác của một số nhà văn hiện đại nhật bản
Phức cảm genji trong sáng tác của một số nhà văn hiện đại nhật bản
 
Luận văn: Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt nam
Luận văn: Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt namLuận văn: Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt nam
Luận văn: Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt nam
 
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
 
Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ
Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ
Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ
 
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAYYếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
 
Luận văn: Linh thần trong truyền thuyết Việt Nam, HAY, 9đ
Luận văn: Linh thần trong truyền thuyết Việt Nam, HAY, 9đLuận văn: Linh thần trong truyền thuyết Việt Nam, HAY, 9đ
Luận văn: Linh thần trong truyền thuyết Việt Nam, HAY, 9đ
 
PHONG CÁCH HỌC TIẾNG VIỆT
PHONG CÁCH HỌC TIẾNG VIỆT PHONG CÁCH HỌC TIẾNG VIỆT
PHONG CÁCH HỌC TIẾNG VIỆT
 
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người TàyThi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
 
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh tháiLuận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
 
Quan niệm về con người trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, 9đ
Quan niệm về con người trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, 9đQuan niệm về con người trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, 9đ
Quan niệm về con người trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, 9đ
 
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAYLuận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
 
Luận văn: Diễn ngôn về giới nữ của các nhà văn nữ đương đại, HOT
Luận văn: Diễn ngôn về giới nữ của các nhà văn nữ đương đại, HOTLuận văn: Diễn ngôn về giới nữ của các nhà văn nữ đương đại, HOT
Luận văn: Diễn ngôn về giới nữ của các nhà văn nữ đương đại, HOT
 
Đề tài: Truyện ngắn Việt Nam từ 1986 đến nay (nhìn từ góc độ thể loại)
Đề tài: Truyện ngắn Việt Nam từ 1986 đến nay (nhìn từ góc độ thể loại)Đề tài: Truyện ngắn Việt Nam từ 1986 đến nay (nhìn từ góc độ thể loại)
Đề tài: Truyện ngắn Việt Nam từ 1986 đến nay (nhìn từ góc độ thể loại)
 
Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975
Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975
Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975
 
Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...
Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...
Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...
 
Luận văn: Nét đẹp nhân văn trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, 9đ
Luận văn: Nét đẹp nhân văn trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, 9đLuận văn: Nét đẹp nhân văn trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, 9đ
Luận văn: Nét đẹp nhân văn trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, 9đ
 
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
 
Ngôn ngữ văn chương
Ngôn ngữ văn chươngNgôn ngữ văn chương
Ngôn ngữ văn chương
 
Luận văn: Từ ngữ địa phương trong tác phẩm của Bình Nguyên Lộc
Luận văn: Từ ngữ địa phương trong tác phẩm của Bình Nguyên LộcLuận văn: Từ ngữ địa phương trong tác phẩm của Bình Nguyên Lộc
Luận văn: Từ ngữ địa phương trong tác phẩm của Bình Nguyên Lộc
 
Luận văn: Vấn đề bản chất và đặc trưng của văn học Việt Nam
Luận văn: Vấn đề bản chất và đặc trưng của văn học Việt NamLuận văn: Vấn đề bản chất và đặc trưng của văn học Việt Nam
Luận văn: Vấn đề bản chất và đặc trưng của văn học Việt Nam
 

Similar to Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam

ĐỀ TÀI HÌNH TƯỢNG MA NỮ TRONG TRUYỀN KỲ MẠN LỤC.pdf
ĐỀ TÀI HÌNH TƯỢNG MA NỮ TRONG TRUYỀN KỲ MẠN LỤC.pdfĐỀ TÀI HÌNH TƯỢNG MA NỮ TRONG TRUYỀN KỲ MẠN LỤC.pdf
ĐỀ TÀI HÌNH TƯỢNG MA NỮ TRONG TRUYỀN KỲ MẠN LỤC.pdfNuioKila
 
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...nataliej4
 
Liên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệp
Liên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệpLiên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệp
Liên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệpMan_Ebook
 
Sự trình hiện nhân vật nữ trong Cánh Đồng Bất Tận Từ truyện ngắn đến điện ảnh
Sự trình hiện nhân vật nữ trong Cánh Đồng Bất Tận Từ truyện ngắn đến điện ảnhSự trình hiện nhân vật nữ trong Cánh Đồng Bất Tận Từ truyện ngắn đến điện ảnh
Sự trình hiện nhân vật nữ trong Cánh Đồng Bất Tận Từ truyện ngắn đến điện ảnhDịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
Diễn ngôn lịch sử trong tiểu thuyết sương mù tháng giêng của uông triều (2017...
Diễn ngôn lịch sử trong tiểu thuyết sương mù tháng giêng của uông triều (2017...Diễn ngôn lịch sử trong tiểu thuyết sương mù tháng giêng của uông triều (2017...
Diễn ngôn lịch sử trong tiểu thuyết sương mù tháng giêng của uông triều (2017...Man_Ebook
 

Similar to Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam (20)

Luận văn: Yếu tố phong tục trong truyện cổ tích người Việt, HAY
Luận văn: Yếu tố phong tục trong truyện cổ tích người Việt, HAYLuận văn: Yếu tố phong tục trong truyện cổ tích người Việt, HAY
Luận văn: Yếu tố phong tục trong truyện cổ tích người Việt, HAY
 
Luận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAY
Luận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAYLuận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAY
Luận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAY
 
Luận án: Nhân vật trong truyện kỳ ảo trung đại Việt Nam và Hàn Quốc
Luận án: Nhân vật trong truyện kỳ ảo trung đại Việt Nam và Hàn QuốcLuận án: Nhân vật trong truyện kỳ ảo trung đại Việt Nam và Hàn Quốc
Luận án: Nhân vật trong truyện kỳ ảo trung đại Việt Nam và Hàn Quốc
 
ĐỀ TÀI HÌNH TƯỢNG MA NỮ TRONG TRUYỀN KỲ MẠN LỤC.pdf
ĐỀ TÀI HÌNH TƯỢNG MA NỮ TRONG TRUYỀN KỲ MẠN LỤC.pdfĐỀ TÀI HÌNH TƯỢNG MA NỮ TRONG TRUYỀN KỲ MẠN LỤC.pdf
ĐỀ TÀI HÌNH TƯỢNG MA NỮ TRONG TRUYỀN KỲ MẠN LỤC.pdf
 
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
 
Luận văn: Thế giới biểu tượng trong Lĩnh Nam chích quái, HAY
Luận văn: Thế giới biểu tượng trong Lĩnh Nam chích quái, HAYLuận văn: Thế giới biểu tượng trong Lĩnh Nam chích quái, HAY
Luận văn: Thế giới biểu tượng trong Lĩnh Nam chích quái, HAY
 
Luận văn: Thế giới biểu tượng trong Lĩnh Nam chích quái, 9đ
Luận văn: Thế giới biểu tượng trong Lĩnh Nam chích quái, 9đLuận văn: Thế giới biểu tượng trong Lĩnh Nam chích quái, 9đ
Luận văn: Thế giới biểu tượng trong Lĩnh Nam chích quái, 9đ
 
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đLuận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
 
Luận án: Truyện nôm bác học từ góc nhìn của cổ mẫu, HAY
Luận án: Truyện nôm bác học từ góc nhìn của cổ mẫu, HAYLuận án: Truyện nôm bác học từ góc nhìn của cổ mẫu, HAY
Luận án: Truyện nôm bác học từ góc nhìn của cổ mẫu, HAY
 
Liên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệp
Liên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệpLiên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệp
Liên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệp
 
Ảnh hưởng của văn học dân gian trong văn xuôi và thơ ca Tày
Ảnh hưởng của văn học dân gian trong văn xuôi và thơ ca TàyẢnh hưởng của văn học dân gian trong văn xuôi và thơ ca Tày
Ảnh hưởng của văn học dân gian trong văn xuôi và thơ ca Tày
 
Sự trình hiện nhân vật nữ trong Cánh Đồng Bất Tận Từ truyện ngắn đến điện ảnh
Sự trình hiện nhân vật nữ trong Cánh Đồng Bất Tận Từ truyện ngắn đến điện ảnhSự trình hiện nhân vật nữ trong Cánh Đồng Bất Tận Từ truyện ngắn đến điện ảnh
Sự trình hiện nhân vật nữ trong Cánh Đồng Bất Tận Từ truyện ngắn đến điện ảnh
 
Luận án: Đặc điểm hồi kí văn học Việt Nam (1975 - 2010), HAY
Luận án: Đặc điểm hồi kí văn học Việt Nam (1975 - 2010), HAYLuận án: Đặc điểm hồi kí văn học Việt Nam (1975 - 2010), HAY
Luận án: Đặc điểm hồi kí văn học Việt Nam (1975 - 2010), HAY
 
Luận văn: Văn xuôi Hồ Anh Thái từ góc nhìn Liên văn hóa, HAY
Luận văn: Văn xuôi Hồ Anh Thái từ góc nhìn Liên văn hóa, HAYLuận văn: Văn xuôi Hồ Anh Thái từ góc nhìn Liên văn hóa, HAY
Luận văn: Văn xuôi Hồ Anh Thái từ góc nhìn Liên văn hóa, HAY
 
Luận án: Người đồng tính trong xã hội Việt Nam đương đại, HAY
Luận án: Người đồng tính trong xã hội Việt Nam đương đại, HAYLuận án: Người đồng tính trong xã hội Việt Nam đương đại, HAY
Luận án: Người đồng tính trong xã hội Việt Nam đương đại, HAY
 
Diễn ngôn lịch sử trong tiểu thuyết sương mù tháng giêng của uông triều (2017...
Diễn ngôn lịch sử trong tiểu thuyết sương mù tháng giêng của uông triều (2017...Diễn ngôn lịch sử trong tiểu thuyết sương mù tháng giêng của uông triều (2017...
Diễn ngôn lịch sử trong tiểu thuyết sương mù tháng giêng của uông triều (2017...
 
Tiểu luận về văn hóa trang phục của người Ấn Độ.doc
Tiểu luận về văn hóa trang phục của người Ấn Độ.docTiểu luận về văn hóa trang phục của người Ấn Độ.doc
Tiểu luận về văn hóa trang phục của người Ấn Độ.doc
 
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAYLuận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
 
Đề tài nét tương đồng và khác biệt trong văn hóa mặc, ĐIỂM 8
Đề tài  nét tương đồng và khác biệt trong văn hóa mặc, ĐIỂM 8Đề tài  nét tương đồng và khác biệt trong văn hóa mặc, ĐIỂM 8
Đề tài nét tương đồng và khác biệt trong văn hóa mặc, ĐIỂM 8
 
Đặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAY
Đặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAYĐặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAY
Đặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAY
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864

Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏiDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏiDịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864 (20)

200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc
200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc
200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc
 
Danh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểmDanh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểm
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểmDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểm
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏiDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểmDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểm
 
danh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhua
danh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhuadanh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhua
danh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhua
 
Kinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay Nhất
Kinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay NhấtKinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay Nhất
Kinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay Nhất
 
Kho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểm
Kho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểmKho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểm
Kho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểm
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại họcKho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại học
 
Kho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tử
Kho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tửKho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tử
Kho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tử
 
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểmKho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểm
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu HọcKho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu Học
 
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhất
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhấtKho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhất
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhất
 
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểmKho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểm
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin HọcKho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin Học
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập Khẩu
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập KhẩuKho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập Khẩu
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập Khẩu
 

Recently uploaded

Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdfSơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdftohoanggiabao81
 
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxChàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxendkay31
 
Ma trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tế
Ma trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tếMa trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tế
Ma trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tếngTonH1
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...hoangtuansinh1
 
Hệ phương trình tuyến tính và các ứng dụng trong kinh tế
Hệ phương trình tuyến tính và các ứng dụng trong kinh tếHệ phương trình tuyến tính và các ứng dụng trong kinh tế
Hệ phương trình tuyến tính và các ứng dụng trong kinh tếngTonH1
 
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hoc
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hocBai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hoc
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hocVnPhan58
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxTrích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxnhungdt08102004
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...Học viện Kstudy
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXH
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXHTư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXH
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXHThaoPhuong154017
 
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...Nguyen Thanh Tu Collection
 
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhvanhathvc
 
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...Nguyen Thanh Tu Collection
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...ThunTrn734461
 
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfhoangtuansinh1
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 

Recently uploaded (20)

Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdfSơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
 
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxChàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
 
Ma trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tế
Ma trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tếMa trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tế
Ma trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tế
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
 
Hệ phương trình tuyến tính và các ứng dụng trong kinh tế
Hệ phương trình tuyến tính và các ứng dụng trong kinh tếHệ phương trình tuyến tính và các ứng dụng trong kinh tế
Hệ phương trình tuyến tính và các ứng dụng trong kinh tế
 
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hoc
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hocBai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hoc
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hoc
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxTrích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
 
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXH
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXHTư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXH
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXH
 
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
 
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
 
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
 
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 

Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam

  • 1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH Nguyễn Thị Cao KIỂU TRUYỆN NGƯỜI LẤY VẬT TRONG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT NAM LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC Thành phố Hồ Chí Minh – 2013
  • 2. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH Nguyễn Thị Cao KIỂU TRUYỆN NGƯỜI LẤY VẬT TRONG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT NAM Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 60 22 34 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: TS. NGUYỄN THỊ NGỌC ĐIỆP Thành phố Hồ Chí Minh – 2013
  • 3. LỜI CẢM ƠN Trong suốt thời gian học tập và hoàn thành luận văn này, người viết đã nhận được sự hướng dẫn tận tình và sự động viên, giúp đỡ của TS Nguyễn Thị Ngọc Điệp. Tôi xin kính gởi lời tri ân chân thành đến cô! Xin gởi lời cảm ơn đến Ban Giám Hiệu trường ĐHSP, các Thầy cô giáo khoa Ngữ văn, các Thầy cô phòng Sau đại học, Thư viện trường đã luôn tạo điều kiện cho Tôi học tập, tra cứu, tham khảo tài liệu phục vụ cho quá trình nghiên cứu. Kính gửi lời cảm ơn đến những người thân, bạn bè, đồng nghiệp đã luôn quan tâm, động viên, giúp đỡ để Tôi hoàn thành quá trình học tập và nghiên cứu đề tài này! Xin chân thành cảm ơn! Thành phố Hồ Chí Minh, Ngày 17 tháng 11 năm 2012 Người viết Nguyễn Thị Cao
  • 4. MỤC LỤC LỜI CẢM ƠN.............................................................................3 MỤC LỤC...................................................................................4 A. PHẦN MỞ ĐẦU....................................................................6 1. Lí do chọn đề tài....................................................................................6 2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu ...................................................................7 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu .....................................................12 4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu ....................................................18 5. Phương pháp nghiên cứu ...................................................................18 6. Cấu trúc của luận văn ........................................................................19 Chương 1: KHÁI QUÁT VỀ TRUYỆN CỔ TÍCH THẦN KỲ VÀ KIỂU TRUYỆN NGƯỜI LẤY VẬT .......................21 1.1 Khái quát về truyện cổ tích thần kỳ................................................21 1.1.1 Khái niệm truyện cổ tích thần kỳ......................................................... 21 1.1.2. Đặc trưng của truyện cổ tích thần kỳ.................................................. 23 1.1.3. Giới thiệu về kho tàng truyện cổ tích thần kỳ các dân tộc Việt Nam. 27 1.2. Khái quát về kiểu truyện người lấy vật .........................................28 1.2.1. Khái niệm về kiểu truyện người lấy vật ............................................. 28 1.2.2. Cơ sở hình thành kiểu truyện người lấy vật ....................................... 31 1.2.3. Giới thiệu chung về kiểu truyện người lấy vật................................... 33 Chương 2: KHẢO SÁT NHỮNG MÔ-TÍP CHỦ YẾU TRONG KIỂU TRUYỆN NGƯỜI LẤY VẬT......................39 2.1. Khái niệm về mô-típ và giới thiệu chung về các mô-típ trong kiểu truyện người lấy vật................................................................................39 2.1.1. Khái niệm về mô-típ........................................................................... 39 2.1.2. Giới thiệu chung về các mô-típ trong kiểu truyện người lấy vật........ 40 2.2. Phân tích các mô-típ chủ yếu..........................................................43 2.2.1. Mô-típ sự ra đời thần kỳ ..................................................................... 43 2.2.2. Mô-típ người đội lốt vật...................................................................... 50 2.2.3. Mô-típ thách đố................................................................................... 54 2.2.4. Mô-típ tài năng thần kỳ ...................................................................... 62 2.2.5. Mô-típ cởi lốt và kết hôn .................................................................... 68 2.2.6. Mô-típ người em út bị hại................................................................... 85 2.2.7. Mô-típ vật phù trợ............................................................................... 90
  • 5. Chương 3: KẾT CẤU VÀ Ý NGHĨA CỦA KIỂU TRUYỆN NGƯỜI LẤY VẬT...................................................................95 3.1. Các kiểu kết hợp mô-típ để tạo thành cốt truyện cụ thể..............95 3.1.1. Kiểu cốt truyện có hai mô-típ............................................................. 96 3.1.2. Kiểu cốt truyện có ba mô-típ .............................................................. 97 3.1.3. Kiểu cốt truyện có bốn mô-típ............................................................ 99 3.1.4. Kiểu cốt truyện có năm mô-típ......................................................... 102 3.1.5. Kiểu cốt truyện có sáu mô-típ........................................................... 104 3.1.6. Kiểu cốt truyện có bảy mô-típ .......................................................... 106 3.2. Ý nghĩa của kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích......110 3.2.1 Kiểu truyện người lấy vật phản ánh tín ngưỡng dân gian ................. 110 3.2.2. Kiểu truyện người lấy vật thể hiện triết lý nhân sinh của nhân dân. 115 C. KẾT LUẬN........................................................................121
  • 6. KIỂU TRUYỆN NGƯỜI LẤY VẬT TRONG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT NAM A. PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài Truyện cổ tích hơn bất kỳ một thể loại văn học dân gian nào khác ở chỗ nó đã xây dựng thành công một thế giới hiện thực trong mơ ước. Nó rọi chiếu ánh sáng kỳ ảo của niềm hạnh phúc vào cuộc đời đầy bất hạnh của con người, khiến họ yêu đời và sống mạnh mẽ hơn. Nhưng truyện cổ tích không làm cho con người bị ru ngủ, bị lãng quên trong thế giới thần tiên ấy mà khiến họ tích cực hành động để xây dựng và cải tạo hiện thực theo hướng tốt đẹp. Mọi người nhớ và yêu thích truyện cổ tích chính là ở khả năng cải tạo, biến đổi nhanh chóng, kỳ diệu, triệt để và hợp lòng dân. Trong xã hội hiện đại, khi cuộc sống của con người tương đối đầy đủ về phương diện vật chất thì nhu cầu về văn hóa tinh thần là điều tất yếu, con người có xu hướng tìm hiểu về văn hóa tâm linh, những phong tục tâp quán, tín ngưỡng nguyên thủy ngàn đời, cội nguồn của dân tộc. Tín ngưỡng dân gian luôn là vùng đất còn chứa nhiều điều bí ẩn, gợi sự tò mò, thích thú khám phá những nét cổ sơ ấy, nó như đưa con người trở về với xã hội nguyên thủy, trở về với tổ tiên, với những giá trị tinh thần vô giá của mỗi dân tộc. Nghiên cứu về kiểu truyện người lấy vật trong kho tàng truyện cổ tích các dân tộc cũng là một cách đưa ta về với cội nguồn dân tộc. Việc người dân tôn sùng, cúng bái một vật nào đấy làm thần phù trợ cho tộc người mình là nhu cầu không thể thiếu của đời sống, thể hiện nét đẹp văn hóa trong tín ngưỡng dân gian và là một việc làm cần thiết trong cuộc sống vốn còn nhiều khó khăn của cộng đồng lúc bấy giờ. Nghiên cứu kiểu truyện người lấy vật còn giúp chúng ta hiểu biết thêm về nét đẹp văn hóa, về con người Việt Nam trong xã hội đa dân tộc. Văn hóa là những giá trị tinh thần quý báu, phản ánh nét đẹp về
  • 7. phong cách, lối sống và niềm tin sâu sắc vào thế giới thần bí siêu nhiên nào đó. Sự tồn tại của yếu tố văn hóa, giúp cho con người trong xã hội hiện tại có nhận thức sâu sắc và hoàn thiện hơn về nhân phẩm và đạo đức, lối sống đầy nghĩa tình của tổ tiên xưa kia, đồng thời nét đẹp văn hóa của xã hội đa dân tộc sẽ giúp chúng ta có cái nhìn rõ hơn, sâu sắc hơn về tổ tiên, truyền thống văn hóa dân tộc để có cách sống phù hợp và tốt đẹp hơn, một phong cách, lối sống thấm dậm nghĩa tình của người Việt Nam. Nghiên cứu về kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích giúp chúng ta có cái nhìn cụ thể hơn, thấy được cái hay, cái hấp dẫn của một kiểu truyện cụ thể và vai trò của nó trong cấu trúc của tác phẩm cổ tích. Một số truyện thuộc kiểu truyện người lấy vật còn được đưa vào chương trình giảng dạy ở nhà trường phổ thông, vì vậy việc tìm hiểu về kiểu truyện này giúp cho giáo viên có những hiểu biết cụ thể hơn, sâu sắc hơn nhằm phục vụ cho công tác giảng dạy văn học dân gian được thuận lợi và đạt hiệu quả cao hơn. Từ những lý do nêu trên chúng tôi chọn Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam để làm đề tài nghiên cứu trong luận văn của mình, với mong muốn có cái nhìn toàn diện hơn về kiểu truyện người lấy vật trong hệ thống kiểu truyện cổ tích Việt Nam. 2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu Từ trước đến nay đã có nhiều công trình, bài viết nghiên cứu về truyện cổ tích, mỗi công trình tiếp cận thể loại này theo những hướng khác nhau. Tiếp cận truyện cổ tích theo kiểu truyện mà cụ thể là kiểu truyện người lấy vật là một hướng đi khá độc đáo, mới mẻ và cũng đã được một số nhà nghiên cứu quan tâm. Trong Từ điển văn học (tập 2), mục “Truyện cổ tích”, nhà nghiên cứu Chu Xuân Diên đã nhấn mạnh, kiểu truyện người lấy vật không những xuất hiện trong truyện cổ tích Việt Nam mà còn xuất hiện phổ biến trong cổ tích các nước trên thế giới. “….kiểu truyện người lấy vật ở
  • 8. Việt Nam gồm các truyện như: Sọ Dừa, Lấy vợ Cóc, Lấy chồng Dê, của người Việt, truyện Chàng Bâu của người Mường, Chàng Ca đác của người Thái, truyện Ếch lấy con vua của người Mèo… Kiểu truyện này phản ánh những nét tiêu biểu của hiện thực xã hội Việt Nam thời xưa, chứa đựng một cách tập trung những truyền thống sáng tác chủ yếu của loại truyện cổ tích thần kỳ Việt Nam, đồng thời cũng thể hiện được một cách rõ ràng hơn cả tính quốc tế của loại truyện này” [52, tr.302]. Cũng trong công trình trên, ông cho rằng có thể gọi các truyện trên là một kiểu truyện “người đội lốt vật”. Cách gọi này của ông có sự liên hệ gần gũi với kiểu truyện người lấy vật vì trong mỗi truyện việc kết hôn đều diễn ra giữa người và vật. Vật ở đây lại chính là do con người đội lốt, cái lốt vật như là sự thử thách lớn trong cuộc đời nhân vật. Trong Khảo sát cấu trúc và ý nghĩa của một số típ truyện kể dân gian Tày ở vùng Đông Bắc Việt Nam của Vũ Anh Tuấn, tác giả cho rằng “truyện cổ tích mà quá trình hình thành và phát triển có một giai đoạn song trùng về thời gian, đồng hiện trong không gian thần thoại, đó là kiểu truyện người thần kì đội lốt. Từ dạng nguyên sơ nhất, kiểu truyện này đã có cấu trúc và ý nghĩa riêng. Sự xâm nhập vào cấu trúc của nó đôi ba mô-típ hoặc những chi tiết kiểu thần thoại là các yếu tố ngoại sinh làm phong phú bản kể, tạo nên sắc thái riêng của kiểu truyện” [63, tr.56]. Theo ông đây là một dạng truyện nguyên sơ của cổ tích và mang đậm yếu tố thần kỳ, xuyên suốt trong công trình nghiên cứu của mình, ông đã liệt kê những hình thức người thần kỳ đội lốt như: lốt chim, lốt hổ, lốt cóc… các nhân vật chính đều đội lốt vật xấu xí, dị dạng. Mọi tình tiết trong cấu trúc đều hướng vào sự khẳng định thuộc tính và phẩm chất của nhân vật chính: lốt càng xấu, người càng đẹp, càng siêu phàm. Họ là những người đại diện cho chính nghĩa, có những hành động cực kỳ cao cả, đẹp đẽ, chính đáng trong những tình huống khó khăn, bảo vệ quyền lợi cho những con người nghèo khổ, thấp cổ bé họng trong xã hội phân chia giai cấp, phân biệt đối xử giữa người giàu với người nghèo.
  • 9. Tác giả Nguyễn Thị Huế có bài viết Người mang lốt – mô típ đặc trưng của kiểu truyện cổ tích về nhân vật xấu xí mà tài ba, tác giả cho rằng nhân vật xấu xí trong truyện cổ tích thường là đối tượng của sự phê phán, ghẻ lạnh của xã hội. Nhân vật thường mang những cái lốt xấu xí, những cái lốt đó có thể là một con vật, hay một dị vật nào đó làm cho con người ghê sợ, xa lánh. Chỉ có người con gái út xinh đẹp, nết na trong truyện cổ tích luôn là người nhìn ra được những tài năng phi thường ẩn sau hình hài xấu xí của nhân vật, chấp nhận lấy nhân vật xấu xí ấy làm chồng. “Tính chất lý tưởng hóa của mô típ người mang lốt còn thể hiện ở sự biến hình đẹp đẽ của nhân vật xấu xí, sau hôn nhân và nhờ hôn nhân nhân vật mới được mô tả thành người xinh đẹp” [30, tr.60]. Trong bài viết này kiểu truyện về nhân vật xấu xí mà tài ba có những nét tương đồng với kiểu truyện người lấy vật, nhân vật xấu xí mà tài ba có thể là một nhân vật dị dạng hay nhân vật đội lốt vật. Nhân vật tuy xấu nhưng có tài năng phi thường, tấm lòng nhân hậu, được trở lại thành người đẹp đẽ ở cuối truyện. Trong công trình nghiên cứu của mình, Nguyễn Bích Hà có bài viết về Mô típ“sự ra đời thần kỳ” trong truyện Thạch Sanh, tác giả đã liệt kê một số dạng khác nhau của sự sinh đẻ thần kỳ trong truyện cổ tích, trong đó có dạng “đứa trẻ ra đời do người mẹ kết hợp với con vật nào đó: người mẹ lấy khỉ, lấy cóc, lấy đại bàng, lấy rắn… Sau đó thụ thai và có thể sinh ra trứng rồi nở ra con hoặc sinh con (Chàng rắn – Gia rai); người mẹ lấy chó sau đó thụ thai và sinh con (Sự tích núi Tang ku ban pha hu – Inđônêxia)” [25, tr.24]. Trong bài viết này sau khi đưa ra các hình thức khác nhau về sự ra đời thần kỳ của nhân vật trong truyện cổ tích, tác giả đã đưa ra nhận xét về sự ra đời thần kỳ của chàng trai trẻ Thạch Sanh là do người mẹ cảm ứng với lực lượng siêu nhiên, thái tử nhà trời đã đầu thai vào Thạch Sanh, đó cũng là một hình thức ra đời thần kỳ xuất hiện trong kiểu truyện người lấy vật khá phổ biến trong truyện cổ tích Việt Nam và thế giới.
  • 10. Tác giả Lại Phi Hùng có bài viết về Những tương đồng và khác biệt trong một số kiểu truyện cổ dân gian ở Lào và Việt Nam, tác giả đã có sự so sánh vô cùng phong phú về ba kiểu truyện chàng trai khỏe, người bất hạnh và người đội lốt vật. Trong đó, kiểu truyện người đội lốt vật được tác giả so sánh chặt chẽ, khá công phu, đưa ra rất nhiều hình thức mang lốt của nhân vật trong truyện cổ tích của hai nước. Theo ông, đặc trưng chung của kiểu truyện người đội lốt vật đó là thẩm mỹ; một chàng trai hoặc một cô gái nào đó ẩn mình dưới cái vỏ loài vật, có khi nhỏ bé xấu xí, có khi lạ lùng kì dị, sau một thời gian thử thách, họ trút bỏ lốt cũ, trở thành những chàng trai, cô gái trẻ đẹp, tài năng, hiếu hạnh, đấu tranh giành lại được hạnh phúc vốn đã bị tước đoạt, tiêu diệt kẻ thù, khẳng định vị trí, năng lực của những người mồ côi, người đội lốt, người con út trong xã hội phụ quyền đã phân chia giai cấp. Qua đó, các nghệ nhân dân gian khẳng định khát vọng vươn tới cái thiện, cái đẹp, phủ định cái ác, cái xấu, thực hiện ước mơ công bằng, dân chủ đầy tinh thần lãng mạn của người xưa. Tác giả Nguyễn Thị Thu Vân với luận án tiến sĩ Khảo sát truyện cổ dân tộc Chăm, đã đưa ra nhóm cốt truyện người lấy ma qủy hoặc lấy thú vật, quái vật. Tác giả cho rằng “cuộc hôn nhân giữa người với thú vật hoặc quái vật chỉ là tạm thời, do hoàn cảnh bắt buộc. Thông thường là người phụ nữ bị thú vật cướp đi làm vợ, họ bị bắt buộc phải sống cuộc sống chồng vợ với thú vật, sinh con đẻ cái cho đến khi được người yêu, chồng hay một dũng sĩ cứu được, đem trở về xã hội loài người. Quan hệ giữa con người với thú vật, quái vật, hay qủy có lẽ cũng do xuất phát từ quan niệm con người có thể giao cảm với thiên nhiên, với tự nhiên, với chim muông, cầm thú, với thần linh, ma quỷ” [72, tr.75]. Tác giả Lê Hồng Phong có công trình nghiên cứu Tìm hiểu truyện cổ Tây Nguyên - Trường hợp Mạ và K’ho. Trong chương “Cổ tích Mạ - K’ho”, tác giả đề cập đến ba dạng chính của cổ tích Mạ - K’ho là cổ tích về nhân vật mồ côi, cổ tích về nhân vật mang lốt; cổ tích về nhân vật malai. Trong đó, cổ tích về nhân vật người mang lốt được ông trình bày
  • 11. khá chi tiết “nhân vật mang lốt tuy xuất hiện nhiều dạng nhưng không thuần nhất, manh nha từ huyền thoại, đã có những ông bà thần mang lốt chim cho hạt lúa đầu tiên, ông thần mang lốt khổng lồ có tên là Yut chống trời cao….Vì vậy, đến cổ tích, nhân vật mang lốt không chỉ người, dù người mang lốt là nhân vật chính trong truyện về nhân vật mang lốt” [53, tr.93]. Có các hình thức lốt mà nhân vật mang như: lốt động vật, lốt dị dạng, lốt sự vật… Các hình thức lốt này nhìn chung có liên quan đến giới động thực vật quen thuộc của núi rừng Tây nguyên, với nền kinh tế săn bắt nguyên thủy, hoa quả mà con người hái lượm được trong rừng, trên rẫy. Hệ thống những mô-típ chủ yếu mà tác giả sử dụng, đã làm nổi rõ hơn những giá trị đích thực của cái lốt vật được nhân vật khoác lên người trong suốt giai đoạn đầu đời. Qua các hình thức lốt vật đó, dân gian muốn gởi gấm những khát khao về sự hoàn thiện cái đẹp bên ngoài lẫn vẻ đẹp tâm hồn. Họ mong mỏi một sự thay đổi tuyệt đối cho nhân vật bất hạnh, không may. Ngoài ra, một số nhà nghiên cứu về văn học dân gian cũng đã bước đầu khái quát về kiểu truyện người lấy vật như Võ Quang Nhơn với công trình Văn học dân gian các dân tộc ít người ở Việt Nam, phần khảo sát các hình tượng nhân vật trung tâm của thần thoại và truyện cổ tích các dân tộc ít người Việt Nam. Phan Đăng Nhật với bước đầu tìm hiểu về người đội lốt vật xấu xí và nhân vật mồ côi trong công trình Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam (trước cách mạng tháng Tám); tác giả Đặng Thái Thuyên với việc tìm hiểu Đề tài hôn nhân trong truyện cổ tích thần kỳ Mường, cũng đề cập đến vấn đề kết hôn giữa người và vật trong một số truyện cổ tích thần kỳ. Trên đây, chúng tôi vừa trình bày một cách ngắn gọn về việc nghiên cứu các vấn đề liên quan đến kiểu truyện người lấy vật, các tác giả đã có những đóng góp rất quý báu trong quá trình nghiên cứu về văn học dân gian Việt Nam. Các tác giả đã đề cập một cách trực tiếp hoặc gián tiếp đến vấn đề người lấy vật trong truyện cổ tích thần kỳ, tuy nhiên vẫn chưa có một công trình nào nghiên cứu một cách có hệ thống về vấn
  • 12. đề này. Vì vậy, chúng tôi chọn đề tài Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam để nghiên cứu, trên cơ sở muốn có cái nhìn hoàn chỉnh hơn về đề tài này. Chúng tôi luôn trân trọng và tiếp thu những công trình nghiên cứu của các nhà nghiên cứu đi trước, và cố gắng hoàn thiện hơn vấn đề này trong công trình nghiên cứu của mình. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Trong luận văn này, chúng tôi chọn kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam làm đối tượng nghiên cứu của mình. Qua quá trình tìm hiểu, chúng tôi thấy có nhiều thể loại xuất hiện kiểu truyện người lấy vật nhưng vì thời gian không cho phép chúng tôi chỉ giới hạn khảo sát ở thể loại truyện cổ tích và chủ yếu lấy từ truyện cổ tích thần kỳ của các dân tộc Việt Nam, lựa chọn những truyện có biểu hiện của kiểu truyện người lấy vật để tìm hiểu. Do tình hình tư liệu không được phong phú, nguyên nhân sâu xa có lẽ công tác sưu tầm truyện cổ tích chưa thật sự đầy đủ nên có nhiều dân tộc chúng tôi không tìm thấy truyện cần sử dụng cho đề tài này. Công trình nghiên cứu chỉ dựa trên 56 truyện của 19 dân tộc anh em như: Kinh, Thái, Mường, Mèo, Gia rai, Vân Kiều… để nghiên cứu. Có thể nói đây là những tộc người tương đối lớn ở Việt Nam, có đời sống văn hóa vật chất và tinh thần khá phong phú, nguồn truyện tương đối dồi dào, phong phú ở tất cả các thể loại. Chúng tôi hy vọng số lượng truyện được khảo sát trong luận văn này có thể phản ánh được những đặc điểm của kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích của Việt Nam nói chung và của các dân tộc thành phần (đã nêu trên) nói riêng. Trong quá trình tìm hiểu về kho tàng truyện cổ tích các dân tộc Việt Nam, chúng tôi nhận thấy trong kiểu truyện người lấy vật thì nhân vật là “vật” có nhiều hình thức mang lốt khác nhau như: lốt động vật, thực vật, hoa quả, đồ gia dụng… Do điều kiện không cho phép chúng tôi không thể tìm hiểu hết tất cả các hình thức lốt trên mà chỉ tìm hiểu ở hình thức lốt động vật, bởi vì qua tìm hiểu số lượng các truyện ở dạng
  • 13. lốt động vật xuất hiện nhiều hơn so với các hình thức lốt còn lại, vì thế chúng tôi giới hạn đối tượng nghiên cứu trong đề tài của mình là nhân vật có hình thức lốt động vật. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi sẽ bước đầu có sự so sánh, đối chiếu kiểu truyện người lấy vật trong cổ tích Việt Nam với cổ tích các nước trong khu vực Đông Nam Á và thế giới. Nguồn dẫn liệu Chúng tôi tìm đọc hầu hết các tuyển tập truyện cổ của các dân tộc, bao gồm trước và sau năm 1975. Từ các tuyển tập đó, chúng tôi chọn ra được 56 truyện của 19 dân tộc để tìm hiểu. Sau đây là danh sách các nguồn dẫn liệu phục vụ cho việc nghiên cứu đề tài này. Chúng tôi sắp xếp danh mục các truyện khảo sát theo thứ tự các dân tộc. Danh mục truyện khảo sát STT Tên truyện cổ tích 1 Người lấy cóc (Kinh) 2 Lấy chồng dê (Kinh) 3 Ông trạng lấy rùa (Kinh) 4 Nàng tiên cua và anh chàng đánh cá (Kinh) 5 Nàng tiên ốc (Kinh) 6 Chàng nhái (Kinh) 7 Chàng tôm (Kinh) 8 Cóc tiên (Kinh) 9 Chàng hến (Kinh) 10 Hoàng tử rắn và nàng hoa sen (Kinh) 11 Nàng cá măng (Thái) 12 Chàng rùa (Thái)
  • 14. 13 Chàng chồn (Thái) 14 Chuyện con cầy bay (Thái) 15 Chàng dê (Mèo) 16 Nàng Hơ Lúi (Ba Na) 17 Cóc và Hơ Bia Phu (Ba Na) 18 Chàng rể cọp (Dao) 19 Con chuột lông đỏ (Tày) 20 Cụ vách - ốc sên (Mường) 21 Lấy vợ cóc (Mường) 22 Con cum (ếch) ( Mường) 23 Mó nước ấm (Mường) 24 Lấy chồng rùa (Mường) 25 Anh chàng cá chuối (Mường) 26 Trăn thần (Chàm) 27 Hoàng tử rắn (Cao Lan) 28 Lấy chồng rắn (H’Mông) 29 Chàng rùa (H’Mông) 30 Người đội lốt mèo (Tà Ôi) 31 Chuyện chàng cóc (Tà Ôi) 32 Con nai thần (Cơ ho) 33 Chàng ếch – con trai thần mặt trời (Cơ ho) 34 Cô gái lấy chồng trăn (Xê Đăng) 35 Chàng rùa (Xê Đăng) 36 Nàng tiên cá (Xê Đăng)
  • 15. 37 Nàng út lấy chồng tôm (Churu) 38 Chàng trăn (Churu) 39 Chàng khỉ và nàng Ma Phun (Churu) 40 Chàng ếch (Churu) 41 Lấy chồng trăn (Vân Kiều) 42 Chàng rể cóc (Vân Kiều) 43 Chàng rể heo (Vân Kiều) 44 Nàng bò tót (Vân Kiều) 45 Truyện chồn và nàng H’Lúi (Gia rai) 46 Chàng lợn (Gia rai) 47 Chàng rắn (Gia rai) 48 Hrit và cô gái trong lốt da bò (Gia rai) 49 H’Bia Rác lấy chồng chồn (Gia rai) 50 Cây tông lông (Gia rai) 51 H’Lúi lấy chồng chồn (Gia rai) 52 Chàng chim cu gáy (Raglai) 53 Phò mã cóc (Raglai) 54 Lấy chồng rắn (Raglai) 55 Chàng cóc (Kơ Dong) 56 Chồng cóc (Ê Đê) Danh mục các tuyển tập truyện cổ 1. Nguyễn Thị Ngọc Anh, Touneh Nai Chanh, Phan Xuân Viện (sưu tầm và biên soạn) (2006), Truyện cổ Churu, Nxb Văn nghệ.
  • 16. 2. Nguyễn Đổng Chi (2000), Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, quyển 1, tập 3-4, Nxb Giáo dục. 3. Chu Xuân Diên – Lê Chí Quế (1996), Tuyển tập truyện cổ tích Việt Nam - phần truyện cổ tích người Việt, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội. 4. Y Điêng, Hoàng Thao (Sưu tầm – biên soạn) (1978), Truyện Cổ Ê Đê, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội. 5/ Thu Hương (2006), Truyện cổ Vân Kiều, Nxb Văn hóa thông tin. 6. Thu Hương (2006), Truyện cổ Cơ ho, Nxb Văn hóa thông tin. 7. Thu Hương (2006), Truyện cổ Dao, Nxb Văn hóa thông tin 8. Bùi Văn Nguyên (1965), Truyện cổ Ba Na – Tây Nguyên, tập 1, Nxb Hà Nội. 9. Bùi Văn Nguyên (1965), Truyện cổ Ba Na – Tây Nguyên, tập 2, Nxb Hà Nội. 10. Hoàng Anh Nhân (1987), Truyện cổ Mường, Nxb Hà Nội. 11. Doãn Thanh, Thương Nguyễn, Hoàng Thao (1963), Truyện cổ dân tộc Mèo, Nxb Văn học Hà Nội. 12. Nhiều tác giả, (Sưu tầm –biên soạn) (1978), Truyện cổ Dao, Nxb Văn hóa dân tộc Hà Nội. 13. Nhiều tác giả, (Sưu tầm –biên soạn)(1980), Truyện cổ Thái, Nxb Văn hóa dân tộc Hà Nội. 14. Nhiều tác giả, (Sưu tầm –biên soạn) (2001), Truyện cổ các dân tộc miền núi Bắc Miền Trung, Nxb Thuận Hóa - Nghệ An –Thanh Hóa. 15. Truyện cổ Việt Bắc, (1974) (tập 2), Nxb Việt Bắc. 16. Đặng Nghiêm Vạn (1985), Truyện cổ các dân tộc Trường Sơn –Tây Nguyên, tập 1, Nxb Văn học Hà Nội. 17. Đặng Nghiêm Vạn (1985), Truyện cổ các dân tộc Trường Sơn –Tây Nguyên, tập 2, Nxb Văn học Hà Nội. 18. Lê Trung Vũ (1984), Truyện cổ Hmông, Nxb Hà Nội.
  • 17. 19. Viện văn học (1999), Tuyển tập văn học dân gian Việt Nam, quyển 1, tập 2, Nxb Giáo dục. 20. Lữ Huy Nguyên, Đặng Văn Lung (sưu tầm và biên soạn) (1996), Hợp tuyển truyện cổ tích Việt Nam, tập 15- 16, Nxb Văn học. Trên đây là những đầu sách có truyện phục vụ đề tài khảo sát, những sách tham khảo không có truyện không được liệt kê trong danh mục. Danh mục các dân tộc và phân bố truyện khảo sát STT Dân tộc Số lượng truyện 1 Kinh 10 2 Thái 4 3 Mèo 1 4 Ba Na 2 5 Dao 1 6 Tày 1 7 Mường 6 8 Chàm 1 9 H’Mông 2 10 Tà Ôi 2 11 Cao Lan 1 12 Cơ ho 2 13 Xê Đăng 3 14 Churu 4 15 Vân Kiều 4 16 Gia rai 7 17 Raglai 3
  • 18. 18 Kơ Dong 1 19 Ê Đê 1 4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu Chúng tôi xác định việc tìm hiểu về kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam sẽ giúp chúng ta có cái nhìn cụ thể hơn về tiểu loại truyện cổ tích thần kỳ, hiểu hơn về một kiểu truyện cụ thể và cấu trúc của kiểu truyện ấy trong tác phẩm văn học dân gian. Đồng thời việc tìm hiểu kiểu truyện này tạo cơ sở để giúp chúng ta hiểu thêm về những nét văn hóa truyền thống vô cùng phong phú, đa dạng các dân tộc, cũng như thấy được mối quan hệ giữa văn học với đời sống tín ngưỡng dân gian. Để đạt được mục đích nghiên cứu, luận văn sẽ tiến hành làm rõ các vấn đề về truyện cổ tích thần kỳ, kiểu truyện người lấy vật, chọn lọc những tác phẩm thuộc kiểu truyện người lấy vật để khảo sát và tìm ra những kết luận chung, lập nên các mô hình khái quát. Qua đó, chúng tôi phân tích và nhấn mạnh vai trò của kiểu truyện người lấy vật trong cấu trúc tác phẩm truyện cổ tích, sự tương đồng giữa kiểu truyện này với các kiểu truyện khác. Khi tìm hiểu đề tài này, luận văn cũng cố gắng chỉ ra những mối liên hệ giữa kiểu truyện người lấy vật với các tín ngưỡng nguyên thủy, với văn hóa và con người trong xã hội xưa. Qua đó thấy được nét đặc sắc của tiểu loại truyện cổ tích thần kỳ, thấy được mối quan hệ giữa văn học dân gian với văn hóa dân tộc. 5. Phương pháp nghiên cứu Phương pháp khảo sát, thống kê Đây là phương pháp được sử dụng nhiều trong quá trình nghiên cứu, dựa trên cơ sở các nguồn tài liệu về truyện cổ tích chúng tôi tiến hành khảo sát, chọn lọc, thống kê các truyện cổ tích thần kỳ thuộc kiểu truyện người lấy vật và các tài liệu có liên quan phục vụ cho đề tài.
  • 19. Phương pháp so sánh, phân tích, tổng hợp Chúng tôi tiến hành đối chiếu các truyện cổ tích thuộc kiểu truyện người lấy vật nhưng tồn tại ở các dân tộc khác nhau của Việt Nam; đối chiếu kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam với cổ tích các nước trong khu vực Đông Nam Á và thế giới; từ đó phân tích các đối tượng để làm rõ vấn đề nghiên cứu. Tiếp theo là tiến hành tổng hợp, lí giải dựa trên cơ sở kết hợp kết quả so sánh và phân tích. Phương pháp nghiên cứu liên ngành Chúng tôi sử dụng phương pháp này, với mục đích nhìn nhận đối tượng trong mối quan hệ giữa văn học dân gian với văn hóa, dân tộc học, xã hội học nhằm xem xét đối tượng trên nhiều phương diện và hướng tiếp cận khác nhau. 6. Cấu trúc của luận văn Cấu trúc của luận văn gồm có các phần chính như: phần Mở đầu, Nội dung và Kết luận. Phần nội dung luận văn có ba chương được khái quát như sau: Chương 1: Khái quát về truyện cổ tích thần kỳ và kiểu truyện người lấy vật. Trong chương này, chúng tôi sẽ trình bày khái quát chung về truyện cổ tích thần kỳ. Bên cạnh đó, chúng tôi giới thiệu chung về kiểu truyện, kiểu truyện người lấy vật, xác định cơ sở hình thành kiểu truyện để tạo tiền đề đi vào nghiên cứu nội dung của kiểu truyện ở những chương tiếp theo. Chương 2: Khảo sát những mô-típ chủ yếu trong kiểu truyện người lấy vật. Ở chương này, chúng tôi đi vào phân tích những mô-típ chủ yếu tham gia vào cấu tạo cốt truyện của kiểu truyện người lấy vật, trình bày các sơ đồ của từng mô-típ cụ thể, cũng như lý giải những vấn đề liên quan đến kiểu truyện người lấy vật mà chúng tôi đang nghiên cứu.
  • 20. Chương 3: Kết cấu và ý nghĩa của của kiểu truyện người lấy vật. Ở chương cuối này, người viết sẽ trình bày các kiểu liên kết giữa các mô-típ lại với nhau tạo thành cốt truyện trong kiểu truyện người lấy vật, và ý nghĩa của kiểu truyện người lấy vật trong mối tương quan với tín ngưỡng nguyên thủy của các dân tộc, triết lý nhân sinh của nhân dân. Ngoài ra, luận văn còn có thêm phần Phụ lục, giới thiệu phụ lục của các truyện được khảo sát.
  • 21. Chương 1: KHÁI QUÁT VỀ TRUYỆN CỔ TÍCH THẦN KỲ VÀ KIỂU TRUYỆN NGƯỜI LẤY VẬT 1.1 Khái quát về truyện cổ tích thần kỳ 1.1.1 Khái niệm truyện cổ tích thần kỳ Hiện nay, các nhà nghiên cứu văn học dân gian tán thành việc phân chia thể loại truyện cổ tích làm ba tiểu loại: truyện cổ tích loài vật, truyện cổ tích thần kỳ và truyện cổ tích sinh hoạt. Dĩ nhiên ranh giới thực tế giữa các tiểu loại trong truyện cổ tích không phải lúc nào cũng rõ ràng (cũng tương tự như ranh giới các thể loại thần thoại, truyền thuyết, cổ tích). Trong ba tiểu loại này, chúng tôi chỉ chọn tiểu loại truyện cổ thần kỳ để phục vụ cho việc nghiên cứu đề tài luận văn. Việt Nam với 54 dân tộc anh em cùng tồn tại trên một dãy đất hình chữ S, mỗi dân tộc đều có một kho tàng truyện cổ tích của riêng mình, với số lượng tác phẩm lớn, đa dạng, phong phú mang nhiều giá trị đặc trưng của từng dân tộc. Truyện cổ tích của các dân tộc còn phản ánh nhiều nét đẹp về văn hóa, phong tục, tập quán từng vùng, miền, tìm hiểu kho tàng cổ tích của mỗi dân tộc, bao giờ cũng tìm thấy cái riêng của từng dân tộc hòa trong cái chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam, rộng hơn nữa là cái chung của cộng đồng thế giới. Truyện cổ tích thần kỳ là một bộ phận phong phú nhất trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, đa số những truyện cổ tích hay nhất ở mỗi dân tộc đều thuộc về tiểu loại này. Các nhà nghiên cứu xem truyện cổ tích thần kỳ là một tiểu loại của truyện cổ tích, vì nó có những đặc điểm riêng về nhiều mặt, phân biệt với những cổ tích dân gian khác như truyện cổ tích loài vật hay truyện cổ tích sinh hoạt thể hiện ở cách xây dựng nhân vật, cốt truyện. Trong đó tiêu chí cơ bản để phân biệt chúng với nhau là vai trò quan trọng của yếu tố thần kỳ, quá trình phát triển hệ thống tình tiết của cốt truyện. Trong kho tàng truyện cổ tích, số lượng các truyện cổ tích thần kỳ sưu tầm được thường nhiều hơn các tiểu loại
  • 22. cổ tích khác. Các truyện như: Sọ Dừa, Lấy vợ cóc, Nàng tiên ốc, Chàng rùa… là những truyện có tính chất lý tưởng hóa nhân vật với hình dáng bên ngoài xấu xí, dị dạng nhưng hoàn thiện về tâm hồn, tài năng, đây thực chất là lý tưởng hóa loại người thuộc tầng lớp dưới của xã hội lúc bấy giờ. Nhìn chung, trong tiểu loại truyện cổ tích thần kỳ yếu tố kỳ diệu đậm đà hơn so với so với các tiểu loại khác. Yếu tố thần kỳ không chỉ tạo ra màu sắc ly kỳ, khác lạ và hấp dẫn cho truyện cổ tích mà nó còn có ý nghĩa rất quan trọng, nếu thiếu nó bản thân nhân vật không thể vượt qua được những thử thách gay go để chiến thắng kẻ thù, bảo vệ công lý, chính nghĩa. Có người cho rằng, truyện cổ tích thần kỳ có nhiều yếu tố cổ xưa liên quan đến những quan niệm thần thoại và tín ngưỡng của con người thời thị tộc, bộ lạc nguyên thủy (như những cấm kỵ, hôn nhân huyết thống, vấn đề thừa kế tài sản, tục hiến sinh…). Tuy nhiên, nội dung chính của truyện cổ tích thần kỳ là phản ánh hiện thực của đời sống xã hội có giai cấp. Chính vì vậy mà những nhân vật trung tâm của truyện cổ tích thần kỳ là những con người thấp hèn trong xã hội như người đội lốt xấu xí, người mồ côi, người con riêng, người em út… Hướng về đạo đức thời thị tộc, truyện cổ tích thần kỳ thường miêu tả những nhân vật bất hạnh ấy theo khuynh hướng lý tưởng hóa những phẩm chất đạo đức của họ, giải quyết số phận cuộc đời của họ theo một kết cục có tính chất ước mơ. Càng về sau này, với sự phát triển của xã hội có giai cấp, chủ đề về đấu tranh xã hội dần dần đi sâu vào cốt truyện và những nội dung đấu tranh giai cấp được lồng vào trong quan hệ gia đình, xã hội. Một đặc điểm khác của truyện cổ tích thần kỳ là sự tưởng tượng và hư cấu dựa trên cơ sở hiện thực và phi hiện thực (khác với truyện cổ tích sinh hoạt chỉ dựa trên cơ sở hiện thực đời sống). Ở đây, cái có thực hoặc có thể có thực được kết hợp, hòa lẫn vào cái thần kỳ hư ảo, không có thực tạo thành một thể thống nhất làm nên một thế giới truyện cổ tích. Hầu hết những vấn đề xã hội trong truyện cổ tích đều được giải quyết
  • 23. một cách trực tiếp hoặc gián tiếp bởi các lực lượng thần kỳ (bằng cách hư cấu các phương tiện thần kỳ…). Có thể thấy, nội dung truyện cổ tích thần kỳ rất phong phú và đa dạng, thể hiện mọi mặt trong đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất và chiến đấu. Truyện cổ tích thần kỳ còn thể hiện những quan điểm thẩm mỹ, quan điểm nhân sinh, những tâm tư tình cảm, ước vọng của người dân trong xã hội đã có sự phân chia giai cấp. 1.1.2. Đặc trưng của truyện cổ tích thần kỳ Đặc trưng về nội dung: Nội dung chính của truyện cổ tích thần kỳ là phản ánh hiện thực về đời sống xã hội của con người và số phận con người trong xã hội có giai cấp. Đó là số phận của những con người mồ côi, người đội lốt, người em út bị xã hội hắt hủi, khinh rẻ như truyện Tấm Cám, Cây tre trăm đốt, Hà rầm hà rạc, Cây khế, Nàng tiên cua và anh chàng đánh cá,... Con người trong truyện cổ tích thần kỳ thường bất lực trước những khó khăn, thử thách khắc nghiệt, khi đó lực lượng thần kỳ xuất hiện giúp cho nhân vật vượt qua những khó khăn và xung đột của truyện sẽ được giải quyết. Cổ tích thần kỳ phản ánh bi kịch gia đình đi từ quần hôn đến hôn nhân một vợ một chồng, từ chế độ mẫu quyền sang phụ quyền, từ chế độ chưa có giai cấp sang chế độ phân chia giai cấp như truyện Thạch Sanh, Hai anh em, Chàng Sính, Chiếc bật lửa thần, Hòn trống mái,... Kẻ thống trị trở nên giàu có hơn thông qua các hình thức áp bức bóc lột sức lao động, chiếm đoạt của cải của những lao động nghèo. Người nghèo trở nên bần cùng hơn, lam lũ hơn, là một thực tế đầy bất công trong xã hội có giai cấp lúc bấy giờ. Truyền thống dân chủ xã hội công xã thời nguyên thủy đã bị phá vỡ, mờ nhạt dần theo thời gian kéo theo số phận của con người trong xã hội ấy cũng bị thay đổi. Truyện cổ tích thần kỳ có khác so với truyện cổ tích loài vật và cổ tích sinh hoạt trong thể loại truyện cổ tích. Trong đó, truyện cổ tích loài vật vừa có nội dung nhận xét thực tiễn về đặc điểm của loài vật vừa tư
  • 24. duy suy luận, giải thích về nguồn gốc ra đời của các con vật ấy. Còn trong truyện cổ tích sinh hoạt thường không có hoặc có rất ít yếu tố thần kỳ, các mâu thuẫn, xung đột xã hội giữa người với người được giải quyết một cách hiện thực, không cần đến những yếu tố siêu nhiên. Nếu có xuất hiện những yếu tố thần kỳ thì vẫn không giữ vai trò quan trọng, nhiều khi chỉ là các chi tiết làm cho câu chuyện thêm vẻ li kì, hấp dẫn hơn. Đặc trưng về thi pháp: Về nhân vật: nhân vật trung tâm trong truyện cổ tích thần kỳ chính là những con người thấp hèn trong xã hội có giai cấp như người mồ côi, người con riêng, người em út, người xấu hình dị dạng, người có tài lạ… Đó là những kiểu nhân vật có tính chất phổ biến, thường xuất hiện nhiều trong truyện cổ tích thần kỳ của các dân tộc. Nhân vật trong truyện cổ tích thần kỳ thường ít được miêu tả về chân dung có chăng chỉ là sự giới thiệu khái quát chung chung như: “một cô gái đẹp tuyệt trần”, “một chàng trai khôi ngô tuấn tú”… Truyện cổ tích thần kỳ không miêu tả tâm lý nhân vật, nhân vật bộc lộ tính cách qua hành động chứ không phải qua tâm lý như nhiều thể loại khác. Nhân vật trong truyện cổ tích đại diện cho một tầng lớp, một nhóm người nào đó mang tính khái quát chung về một loại nhân vật. Đó là nhân vật chức năng, loại nhân vật khá quen thuộc trong các thể loại tự sự của văn học dân gian. Chẳng hạn như Sọ Dừa, chàng lợn, chàng rắn,… là những người dị dạng xấu xí bị xã hội hắt hủi, coi thường, là những con người thấp cổ bé họng đại diện cho người lao động bị áp bức, bóc lột bất công, các hành động của các nhân vật đều mang chức năng nhân vật thiện, nhân vật tốt. Sự chiến thắng của nhân vật chính diện còn có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng thần kỳ hay là yếu tố thần kỳ. Trong truyện cổ tích, lực lượng thần kỳ này có thể là những vật thể quen thuộc, những đồ vật quen thuộc được thổi vào những yếu tố hoang đường, kỳ ảo, làm cho nó trở nên lung linh, huyền ảo và vô cùng hấp dẫn. Lực lượng thần kỳ còn là những con vật kỳ ảo như ngựa thần, chim
  • 25. thần, sói thần, cá biết nói, ngựa ỉa ra vàng, rắn hoá vàng,… Những con vật nuôi hoặc hoang dã nhưng có thể biến hoá khôn lường, có thể nói tiếng người hoặc can dự vào những hoạt động của xã hội loài người. Chàng Sọ Dừa nhờ con gà biết nói tiếng người đã giúp cho chàng tìm lại được vợ con trên đảo vắng. Yếu tố thần kỳ đóng một vai trò rất quan trọng trong truyện cổ tích: ông bụt, bà tiên luôn tốt bụng, sẵn sàng giúp đỡ con người trong lúc khó khăn, nhất là những em nhỏ bất hạnh, mồ côi. Cô Tấm hiền lành, chịu khó được ông bụt nhiều lần ra tay giúp đỡ nên thoát được nạn đày ải của mẹ con dì ghẻ và cuối cùng được trở thành hoàng hậu. Đó chính là sự can thiệp của các lực lượng thần kỳ vào cuộc sống của con người. Những con người dù thân hình dị dạng, đội lốt vật xấu xí, nghèo khổ, đói rách, bị khinh khi… với bao thử thách nhưng cuối cùng họ cũng trở thành những người giàu sang, phú quý, sống một cuộc sống sung sướng và hạnh phúc. Một kết cục như thế không thể có trong xã hội có giai cấp, cho nên truyện cổ tích đã phải nhờ đến các yếu tố thần kỳ. Những yếu tố đó can thiệp vào truyện cổ tích để miêu tả hiện thực cuộc sống, dẫn đến một kết cục có tính chất mơ ước đồng thời cũng thể hiện những nét văn hoá, sự tín ngưỡng của người xưa đối với thiên nhiên vạn vật và con người. Như vậy, nhân vật trung tâm trong truyện cổ tích thần kỳ là nhân vật lý tưởng được tác giả dân gian xây dựng lên để đối chiếu, so sánh với các nhân vật ở tuyến đối lập về đạo đức và tài năng. Về kết cấu cốt truyện: cốt truyện là một bộ phận có tính chất đặc trưng quan trọng hàng đầu trong các tác phẩm thuộc loại hình tự sự. Cốt truyện là một thể tổng hợp các hành động, sự kiện, phát triển một cách cụ thể trong quá trình diễn tiến của câu chuyện. Truyện cổ tích thần kỳ thường có kết cấu rõ ràng, rành mạch, dễ thuộc dễ nhớ và thường có cốt truyện phức tạp hơn so với các tiểu loại truyện cổ tích khác. Cốt truyện của nó thường có tính chất ly kỳ với chuỗi hành động, diễn biến liên tục đến tận cùng của nhân vật chính qua những chiến đấu khắc phục mọi trở ngại khác thường trên con đường đi tới mục đích. Truyện cổ tích thần kỳ
  • 26. có nhiều chi tiết kỳ lạ, nhiều sự kiện khác thường, với những yếu tố thần kỳ như sự biến hóa siêu nhiên, những nhân vật thần linh (tiên, bụt, thần, yêu quái, những vật có phép mầu…). Cốt truyện ấy cũng làm cho con người cảm thấy thỏa mãn được nhu cầu tâm lý, sau những nỗi lo lắng hồi hợp dành cho nhân vật mình yêu thích bởi kết thúc có hậu của câu chuyện. Cốt truyện của truyện cổ tích là cốt truyện của nhân vật hành động. Cốt truyện và nhân vật có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau, kết cấu của cốt truyện thường xoay quanh nhân vật chính. Về xung đột: xung đột xã hội là một đề tài quan trọng của truyện cổ tích thần kỳ. Nhân vật trung tâm là những con người bất hạnh không may. Đây là điểm khác với các thể loại thần thoại và sử thi dân gian xuất hiện trước đó, vì đây là lần đầu tiên nhân vật trung tâm là con người bất hạnh được xuất hiện trong tác phẩm văn học dân gian. Trong xã hội phong kiến các xung đột thường xảy ra trong mối quan hệ gia đình, người em út, người con riêng… luôn gánh chịu những thiệt thòi, mất mát so với các thành viên khác, nhân vật Tấm – hình ảnh người con riêng mồ côi trong truyện Tấm Cám, hay nhân vật người em trong truyện Cây khế, Đực rựa, Hà rầm hà rạc,… Về không gian và thời gian nghệ thuật: không gian và thời gian nghệ thuật trong truyện cổ tích thần kỳ có tính chất đa chiều và rộng lớn, mang đặc tính tượng trưng ước lệ, góp phần tạo nên tính chất hoang đường kỳ thú ở truyện cổ tích. Trong truyện cổ tích, thời gian mở đầu câu chuyện và phần kết thúc câu truyện khác với thời gian của cốt truyện chính. Bùi Mạnh Nhị với bài viết Thời gian nghệ thuật trong ca dao – dân ca trữ tình, đề cập đến thời gian nghệ thuật trong truyện cổ tích như sau: “phần mở đầu truyện cổ tích đưa người nghe vào thế giới cổ tích, một thế giới xa xưa, phiếm chỉ và huyền ảo. Phần kết thúc kéo họ về thực tại, kết thúc cuộc viễn du cổ tích. Còn trong cốt truyện chính, các sự kiện được kể theo trình tự kế tiếp: việc xảy ra trước, kể trước; xảy ra sau kể sau; thời gian vận động về phía trước cùng với nhân vật, không có thời gian quay ngược lại. Thời
  • 27. gian trong truyện cổ tích, về mặt ngữ pháp là quá khứ, nhưng về mặt lịch sử là quá khứ không xác định. Nó không xác định ngay cả ở những đại lượng tưởng chừng chính xác (ba mươi, mười lăm). Có khi có sự kiện không có thời gian, hoặc diễn ra trong thời gian thần kỳ (một đêm). Cũng có khi thời gian như ngừng lại, nhân vật đứng ngoài thời gian, trẻ mãi không già…” [50,tr.27]. Thời gian nghệ thuật của truyện cổ tích thần kỳ là thời gian mang tính trật tự tuyến tính, hoặc xuất hiện thời gian ngưng đọng. Không gian trong truyện cổ tích thần kỳ thường xảy ra trong một không gian đa chiều, rộng lớn. Không gian ấy có khi là khung cảnh rừng núi hiểm trở, có khi là làng, bản xa xôi nghèo khó hay cung điện nguy nga tráng lệ… Tất cả các không gian ấy đều đi vào câu chuyện một cách tự nhiên tạo nên sự ly kỳ hấp dẫn, góp phần nâng cao giá trị nghệ thuật cho tác phẩm đồng thời tạo sự hấp dẫn cho người đọc, người nghe. 1.1.3. Giới thiệu về kho tàng truyện cổ tích thần kỳ các dân tộc Việt Nam Kho tàng truyện cổ tích thần kỳ các dân tộc Việt Nam với 54 dân tộc anh em, mỗi một dân tộc đều có một kho tàng truyện cổ tích của riêng mình khá phong phú và đa dạng, với số lượng tác phẩm truyện cổ tích thần kỳ rất lớn của các dân tộc Mường, Tày, Thái, Gia rai, Churu, Xê Đăng, Ba Na, Kinh, Cơ ho,… Trong kho tàng truyện cổ tích các dân tộc có rất nhiều kiểu truyện khác nhau như: kiểu truyện người em út, kiểu truyện dũng sĩ cứu người đẹp, kiểu truyện chàng trai khỏe... Vì thế, công việc sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn về truyện cổ tích các dân tộc thiểu số và dân tộc Việt trên đất nước Việt Nam là cấp thiết nhưng vô cùng khó khăn, phức tạp, nó đòi hỏi phải được tiến hành trong một thời gian dài. Những yếu tố cổ tích có thể lưu hành tự do từ dân tộc này sang dân tộc khác, điều đó cho thấy việc ảnh hưởng của các nền văn hóa khác nhau vào yếu tố cổ tích giữa các dân tộc là không thể tránh khỏi. Dân tộc nào cũng có hệ thống xã hội, văn hóa của riêng mình, xã hội nào cũng có những thành tố văn
  • 28. hóa, cổ tích, nhưng bản sắc văn hóa thì riêng biệt không trộn lẫn vào nhau. Vì vậy, sự giao lưu văn hóa, sự ảnh hưởng qua lại giữa dân tộc anh em trên dãy đất Việt Nam, sự giao lưu tiểu loại truyện cổ tích giữa các dân tộc sẽ góp phần tạo nên những bản sắc văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng, làm phong phú hơn cho kho tàng truyện cổ tích các dân tộc. Kho tàng truyện cổ tích các dân tộc Việt Nam là nguồn tư liệu quý giúp cho chúng ta rất nhiều trong việc nghiên cứu văn học dân gian. Nó để lại những bài học quý báu những giá trị tinh thần to lớn, những quan niệm thẩm mỹ hay những triết lý dân gian giúp ích cho cuộc sống của con người đồng thời mang tính giáo dục cao. Ngoài ra, nó còn làm nên đặc trưng riêng cho thể loại truyện cổ tích mà cụ thể là tiểu loại truyện cổ tích thần kỳ. 1.2. Khái quát về kiểu truyện người lấy vật 1.2.1. Khái niệm về kiểu truyện người lấy vật Theo nhà nghiên cứu Stith Thompson thì: “Típ là những cốt kể có thể tồn tại độc lập trong kho truyện truyền miệng. Dù đơn giản hay phức tạp, truyện nào cũng được kể như cốt kể độc lập đều được xem là một típ. Có những truyện kể dài chứa đựng hàng tá mô-típ, lại có những truyện kể ngắn như những mẫu kể trong các chùm truyện về súc vật, có thể chỉ có một mô-típ đơn lẻ. Trong trường hợp đó, típ và mô-típ đồng nhất” [16, tr.11]. Như vậy, trong một kiểu truyện (típ) có sự hiện diện của các mô-típ, nhưng không nhất thiết mỗi truyện đều phải có đủ tất cả các mô-típ chung. Có thể có truyện chỉ chung với các truyện khác một vài mô-típ nhưng cũng có truyện có nhiều mô-típ chung. Trong ngôn ngữ thông thường, típ chỉ một lớp vật thể có những đặc điểm chung. Nó được dịch là kiểu, kiểu mẫu, đại diện điển hình. Dựa trên nghĩa chung đó, khoa học dân gian đã dùng thuật ngữ típ để chỉ một tập hợp các mẫu truyện kể dân gian có chung một cốt kể. Cụ thể hơn, típ chỉ tập hợp của nhiều mẫu truyện mà không chỉ từng truyện kể riêng lẻ, những mẫu truyện đó phải có chung một cốt kể. Như vậy, típ là một cốt kể với tất cả
  • 29. những dị bản của nó và trở thành một kiểu truyện tức là một đơn vị truyện độc lập, phân biệt với những đơn vị truyện khác. Từ đấy, khái niệm về kiểu truyện cho chúng ta thấy không phải bất cứ truyện nào cùng loại truyện cũng phải bắt buộc có đầy đủ các mô-típ cơ bản, hay các nhân vật của từng truyện phải có những đặc điểm hoàn toàn giống nhau. Tùy theo trình độ nghệ thuật, dụng ý nghệ thuật, các yếu tố có liên quan đến sự ra đời tác phẩm mà ở mỗi truyện có những nét riêng, thể hiện những giá trị nghệ thuật khác nhau, không thể nhầm lẫn với các truyện khác. Kiểu truyện người lấy vật là tập hợp các truyện kể về nhân vật là những người con trai, con gái là con của hai ông bà già nghèo hiếm muộn hay cô gái chưa chồng… Nhân vật được sinh ra trong hình hài của một con vật xấu xí, như cóc, ếch, nhái, lợn, rắn, dê, cá, hay trong hình hài dị dạng như cục thịt, sọ dừa, tai to, cái khọ, trứng… Nhân vật biết nói tiếng người biết làm việc như con người. Do có tài năng thần kỳ, nhân vật đã vượt qua được những thử thách khắc nghiệt và lấy con gái mơtao, phú ông hay công chúa con vua làm vợ. Sau khi lấy vợ/chồng, đêm đêm nhân vật trút bỏ lốt xấu xí, bộ da động vật của mình và hiện ra trước mắt người vợ/chồng trẻ với vóc dáng của một chàng thanh niên khôi ngô tuấn tú hay những cô gái xinh đẹp tuyệt trần. Những người vợ/chồng của nhân vật đã hủy bỏ tấm lốt xấu xí của nhân vật bằng cách đốt cháy, xé rách, đập nát, giấu đi hay vứt xuống suối để chấm dứt cuộc đời đội lốt, cũng từ đây hình dáng của các con vật xấu xí hay dị dạng biến mất và nhân vật trở lại thành người xinh đẹp, tài năng hơn người. Chúng tôi cho rằng, bên trong kiểu truyện người lấy vật là tập hợp của nhiều mô-típ nhân vật ẩn mình trong các lốt vật, các nhân vật này cũng là những thành viên của cộng đồng xã hội nguyên thủy nhưng họ phải chịu khốn khổ, tủi nhục vì bị ruồng bỏ, bị xã hội đày đọa, lên án không được cộng đồng huyết thống quan tâm chỉ vì hình dáng dị dạng, xấu xí của mình. Với tấm lòng nhân ái, tình thương yêu con người, tinh thần nhân đạo cao cả và ước muốn mang lại sự công bằng cho nhân vật
  • 30. bất hạnh, không may. Nghệ nhân dân gian đã cho nhân vật của mình có được những tài năng thần kỳ để giành lại hạnh phúc vốn đã bị tước đoạt trong xã hội có giai cấp. Cuối cùng các nhân vật bất hạnh ấy có thể sống hạnh phúc, giàu sang khi cởi bỏ lốt vật xấu xí trở thành những con người mới đẹp đẽ, tài năng, giàu lòng nhân ái. Đúng với tinh thần lý tưởng hóa nhân vật bằng ước mơ của nhân dân nhằm mục đích mang lại một số phận tốt đẹp cho nhân vật bất hạnh không may của người xưa. Kiểu truyện người lấy vật không chỉ phổ biến trong truyện cổ tích Việt Nam mà còn cả trong cổ tích khu vực và thế giới. Dân tộc Việt Nam ta không chỉ có những nét chung với các dân tộc khác trong vùng Đông Nam Á, mà còn có những nét giống nhau với các dân tộc khác trên thế giới khi cùng trải qua những hình thái kinh tế xã hội, có lịch sử hoặc cách tư duy tương tự nhau. Rõ ràng sự tương đồng này không phải do mối liên hệ cội nguồn về tộc người hay văn hóa, cũng không phải do sự tiếp xúc giao lưu hay do cùng lãnh thổ hay quan hệ kinh tế mà là sự tương đồng loại hình của văn hóa các dân tộc trên thế giới. Qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy giữa kho tàng văn học dân gian các dân tộc trên thế giới có mối tương đồng về mặt loại hình, giữa truyện cổ tích Việt Nam với truyện cổ tích các nước trên thế giới có những truyện giống nhau cả về mô-típ, đề tài, nhân vật, cốt truyện… Điều này đã giúp cho Nguyễn Đổng Chi soạn ra phần Khảo dị rất bổ ích trong tập Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, và bước đầu áp dụng phương pháp loại hình vào việc nghiên cứu sưu tầm truyện cổ tích ở Việt Nam. Chúng ta có thể tìm thấy nhiều truyện tương tự kiểu truyện người lấy vật ở các nước Đông Nam Á và thế giới như: truyện Nàng nhái (Miến Điện); Con nhái (Pháp); Con sói trắng (Pháp); Công chúa ếch (Nga); Chàng kỵ mã (Mông cổ); Chàng lợn (Campuchia); Con lợn trở thành vua (Campuchia); Chuyện chàng lợn (Rumani); truyện Chàng rắn (Ấn Độ); truyện Người lấy nhái, truyện Cô vợ cá (Ác mê ni)… Theo thống kê trên cơ sở tư liệu cho phép, có thể nói kiểu truyện người lấy vật
  • 31. rất phổ biến ở nhiều nước thuộc châu Á cũng như châu Âu, phương Đông cũng như phương Tây trên toàn thế giới. Như vậy, chúng ta có thể khẳng định mức độ phổ biến của kiểu truyện người lấy vật ở Việt Nam và thế giới là rất lớn. Trong đó, các kiểu kết cấu cốt truyện, nhân vật, xung đột, không gian và thời gian trong kiểu truyện người lấy vật giữa các nước có nét tương đồng, khác biệt, có sự giao lưu, ảnh hưởng qua lại lẫn nhau, tạo thành một hệ thống kiểu truyện người lấy vật khá phổ biến trên thế giới. 1.2.2. Cơ sở hình thành kiểu truyện người lấy vật Thông qua việc tìm hiểu các vấn đề về mô-típ, các cách kết hợp mô-típ tạo thành một cốt truyện hoàn chỉnh trong kiểu truyện người lấy vật, dựa vào đó chúng tôi khái quát nên cơ sở hình thành kiểu truyện người lấy vật từ một vài nguyên nhân như sau: kiểu truyện người lấy vật được hình thành do quá trình phát triển của xã hội, từ chỗ giải thể gia đình lớn, gắn với chế độ chiếm hữu tư nhân về tài sản, trong đó người con trai cả được xác định quyền thừa kế tài sản, người con út, con riêng, con côi bị tước đoạt quyền sống, quyền hạnh phúc, thậm chí còn bị hất ra khỏi cộng đồng. Tâm lý chung của nhân dân muốn khôi phục lại truyền thống cũ – truyền thống người em út, con út được kế thừa tài sản và duy trì bếp lửa gia đình dòng họ trong xã hội thị tộc. Nhưng thực tế không cho phép, họ đành gởi gắm ước mơ ấy vào hình tượng nhân vật có vẻ bề ngoài xấu xí, nhỏ bé, tầm thường nhưng ẩn bên trong lại là những chàng trai, cô gái xinh đẹp, tài giỏi hơn người như hình tượng nàng tiên cua, nàng tiên cá, chàng chồn, chàng trăn, chàng rắn, chàng rùa… xuất hiện trong nhiều truyện cổ tích thần kỳ của các dân tộc Việt Nam. Kiểu truyện người lấy vật còn hình thành do nhận thức của người dân còn đơn giản, họ quan niệm con người và loài vật có cùng nguồn gốc với nhau. Do trình độ nhận thức của con người nguyên thủy còn hạn chế nên họ chưa tự tách rời mình khỏi tự nhiên mà nhân hóa toàn bộ giới
  • 32. tự nhiên. Họ cho rằng con người có những đặc tính gì thì thiên nhiên cũng có đặc tính giống như vậy, thiên nhiên cũng biết buồn, căm giận hay vui vẻ. Con người xem các con vật như là thành viên trong gia đình, như anh em, bằng hữu cùng chia sẻ niềm vui nỗi buồn và giúp nhau khi hoạn nạn. Con vật có thể biến thành con người và con người có thể biến thành vật trong những hoàn cảnh khác nhau. Truyện cổ tích thần kỳ giải thích nguồn gốc của con người và loài vật một cách thực tế hơn thần thoại. Với suy nghĩ và nhận thức một cách đơn giản như thế thì việc sáng tạo ra kiểu truyện người lấy vật là điều tất nhiên, phù hợp với tư duy con người nguyên thủy. Kiểu truyện người lấy vật còn hình thành dựa trên quan điểm các nghệ nhân dân gian, họ là những người trực tiếp chứng kiến sự tàn bạo của xã hội phong kiến, sự thống khổ của những con người thấp cổ bé họng bị áp bức bóc lột sức lao động đến cùng kiệt trong xã hội lúc bấy giờ. Những chàng trai, cô gái mà phần nhiều là con côi, con út, người đội lốt vật hay nhân vật lấy các con vật có hình dáng bên ngoài dị dạng, xấu xí làm chồng, vợ của nhau. Vượt qua được các thử thách khắc nghiệt các con vật trút bỏ lốt xấu xí trở thành những chàng trai, cô gái xinh đẹp, tài năng, hiếu hạnh, kết hôn và sống hạnh phúc với nhau. Sự đối lập giữa cái vẻ bề ngoài xấu xí, dị dạng với bên trong cao đẹp, trong sáng của các nhân vật đội lốt vật là một thủ pháp nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật đặc thù của văn học dân gian cũng quy luật hình thành nên truyện cổ tích thần kỳ và kiểu truyện người lấy vật. Các yếu tố thần kì là đặc trưng không thể thiếu trong tiểu loại này, nó là một biện pháp nghệ thuật đặc biệt nhằm thúc đẩy cốt truyện theo một định hướng đã vạch sẵn. Nhân vật đội lốt vật xấu xí sử dụng những yếu tố thần kỳ để vượt qua được những thử thách khắc nghiệt của những ông bố vợ tương lai, đồng thời nhân vật cũng khẳng định tài năng phi thường của chính mình như truyện Chàng trăn, Chàng rể rắn, Chàng rùa, Chàng chồn, Lấy chồng dê, Lấy vợ cóc, Chàng nhái, Chàng rể cọp, Chàng lợn… Các yếu tố thần kỳ, được nhân vật đội lốt sử dụng trong nhiều truyện, là nhân
  • 33. tố góp phần hình thành nên kiểu truyện người lấy vật với những đặc trưng riêng của cổ tích thần kỳ. Có thể nói, cơ sở hình thành kiểu truyện người lấy vật dựa trên rất nhiều những yếu tố về văn hóa, xã hội, quan niệm, thủ pháp xây dựng hình tượng nhân vật và yếu tố thần kỳ trong tiểu loại truyện cổ tích thần kỳ. Tất cả các cơ sở hình thành nên kiểu truyện này nằm trong hệ thống văn hóa, xã hội, con người và đặc trưng của thể loại truyện cổ tích, một thể loại đặc thù của văn học dân gian. 1.2.3. Giới thiệu chung về kiểu truyện người lấy vật Kiểu truyện ngưới lấy vật không thuần nhất, nó luôn có những biến đổi phong phú, đa dạng cho nên chúng ta cần có sự phân loại thành các dạng truyện, nhóm truyện cụ thể. Nhưng tiêu chí để phân loại một cách khoa học kiểu truyện này nên được hình dung như thế nào để bao hàm bên trong thực trạng tồn tại đa dạng, vốn có của đối tượng. Có nhiều cách phân loại khác nhau, do góc độ tiếp cận đối tượng có thể có các cách như sau: Ở kiểu truyện người lấy vật thì “vật” ở đây có thể tồn tại dưới nhiều dạng thức khác nhau: động vật, thực vật, đồ vật… Trong quá trình nghiên cứu chúng tôi chỉ giới hạn đối tượng nghiên cứu trong luận văn của mình ở hình thức thứ nhất: vật là người/ thần/ tiên đội lốt động vật (như đã trình bày trong phần phạm vi nghiên cứu đề tài). “Người” trong kiểu truyện người lấy vật 1. Vật là người/ thần/ tiên đội lốt động vật. 2. Vật là người/ thần/ tiên đội lốt thực vật, hoa quả, đồ gia dụng… Hình thức Vật
  • 34. “Người” trong “người lấy vật” gồm những đối tượng nào? Các nhân vật là “người” thuộc kiểu truyện này gồm có: “Người” là các cô gái xinh đẹp, nết na, hiền hậu con nhà giàu có hoặc những cô gái mồ côi nghèo khổ, và nhân vật là “người” dạng này thường rơi vào người con gái út hiếu thảo như truyện Lấy chồng dê (Kinh), Lấy chồng rắn (Gia rai), Phò mã cóc (Raglai), Chàng rùa (Xê Đăng), Chàng rể cóc (Vân kiều), Anh chàng cá chuối (Mường),... nhân vật người là những cô con gái đẹp, các cô con gái của Phú ông giàu có như: Chàng tôm (Kinh), Chàng hến (Kinh), Cóc và nàng Hơ bia Phu (Ba Na), con gái của Tạo mường Chàng rùa (Thái), Chẩu mường Chàng chồn (Thái), con gái quan Chàng dê (Mèo), con gái Mơ tao Truyện chồn và nàng Hơ lúi (Gia rai), Chàng lợn (Gia rai), Chàng rắn (Gia rai), hoặc là công chúa con Vua Chàng nhái (Kinh), Cóc tiên (Kinh), Chàng rể cọp (Dao), Chàng rùa (H’Mông), Chàng ếch (Cơ ho)… Họ đều là những người con gái mang một vẻ đẹp cả dung mạo lẫn tính tình – vẻ đẹp đúng với quan niệm của nhân dân. Đó là những người con gái vừa đẹp người vừa đẹp nết và có tấm lòng lương thiện, vị tha. Họ là niềm mơ ước, nỗi khát vọng và là nguồn tình cảm quý giá đối với các nhân vật đội lốt vật, và cũng chính họ giúp cho cuộc đời của các nhân vật đội lốt vật dị dạng, xấu xí có được niềm vui, niềm hạnh phúc trọn vẹn. Nhân vật người con gái xinh đẹp, nết na hiền dịu, hiếu thảo luôn luôn có mối quan hệ gắn bó với nhân vật đội lốt vật xấu xí, dị dạng. Nhân vật người con gái xinh đẹp chiếm vị trí khá quan trọng trong cốt truyện của kiểu truyện người lấy vật. Ở một số truyện người con gái đẹp thường là con út của một người cha, mẹ có ba cô con gái (cũng có thể là hai cô, bảy cô, chín hoặc mười cô…). “Vua đồng ý gả công chúa út cho nhái” (truyện Chàng nhái – Kinh),… Các cô gái xinh đẹp này chắc sẽ là mục tiêu đối tượng của bao chàng trai tài giỏi, chắc chắn họ sẽ được hạnh phúc. Nhưng trong những tình huống kỳ lạ, độc đáo, sự xuất hiện của nhân vật đội lốt vật, dị dạng xấu xí đã làm thay đổi cả số phận của các cô gái đó.
  • 35. Trong các cốt truyện, hình tượng cô gái út đã được đề cao một cách độc đáo trong sự so sánh với các cô chị. Tính cách tốt đẹp của những con người tốt bụng, hiền lành và sự thiện cảm mà cô con gái út giành cho nhân vật đội lốt vật. Vì thế, khi nhân vật đội lốt vật xấu xí ngỏ lời cầu hôn hay khi cha mẹ hỏi ai trong số các cô ưng lấy những con người đội lốt làm chồng thì: “hỏi cô gái đầu lòng, cô nguýt một cái rõ dài rồi vội vàng đi vào nhà, nói vọng ra: “úi dào! Chồng người chả lấy, lại lấy chồng dê!” Hỏi cô thứ hai, cô nói: “là người không thể lấy dê!” chỉ có cô gái út là trả lời: “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” (Lấy chồng dê). Hành động của các cô con gái út như chấp nhận, bênh vực, yêu thương, bảo vệ đối với nhân vật người đội lốt vật xấu xí, dị dạng làm cho cha, mẹ, và các cô chị nghĩ rằng đó là những hành động kỳ quặc và bất thường, họ không tin tưởng và chế nhạo còn cho đó là “một sự ngu ngốc, sự liều lĩnh không đáng có”. Song thực chất các cô gái út lại là những người khôn ngoan, tinh tế, nhìn thấu vẻ bề ngoài xấu xí của nhân vật và sớm nhận biết được tài năng cùng bản chất tốt đẹp của nhân vật người đội lốt. Kết quả đã đem lại cho cô út – người con gái đẹp cuộc sống hạnh phúc với người chồng khôi ngô tuấn tú, thông minh, giàu có; hưởng được mọi điều may mắn tốt đẹp hơn hẳn các cô chị, và điều đó cho thấy sự lanh lợi, thông minh, sáng suốt của các cô con gái út. Ngoài ra, “người” còn là những chàng trai mồ côi hiền lành, nghèo khổ, hiếu thảo, siêng năng, là những chàng thư sinh chăm chỉ đèn sách nhưng có hoàn cảnh nghèo khó, cuộc sống của các chàng trai còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng họ có một tấm lòng nhân hậu, vị tha, họ cần mẫn, chăm chỉ, và rất đáng thương. Họ chấp nhận hoàn cảnh và tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp, sống có lý tưởng và niềm tin mạnh mẽ vào một sự đổi đời: Lấy vợ cóc (Mường), Hrit và cô gái trong lốt da bò (Gia rai), Ông trạng lấy rùa (Kinh), Người lấy cóc (Kinh), Nàng tiên cua và anh chàng đánh cá (Kinh), Nàng tiên ốc (Kinh), Nàng cá măng (Thái), Chuyện con cầy bay (Thái), Con cum (Mường), Nàng tiên cá (Xê Đăng), Nàng bò tót (Vân Kiều)…
  • 36. “Vật” trong kiểu truyện người lấy vật “Vật” trong “người lấy vật” gồm những đối tượng nào? Nhân vật là “vật” thuộc kiểu truyện này có các đối tượng như sau: “Vật” là những vị thần linh, con thần linh đầu thai vào lốt vật để trừng phạt kẻ ác và giúp đỡ những người lương thiện, mang lại cuộc sống tốt đẹp cho người hiền lành, chăm chỉ, tốt bụng, mang lại công bằng cho xã hội. Ông trạng lấy rùa (rùa là công chúa thủy cung), Con chuột lông đỏ (chuột là con trai tướng Bắc Đẩu), Nàng tiên cá, Nàng tiên cua và anh chàng đánh cá, Nàng tiên ốc, Trăn thần (trăn là con trai thần núi), Hrit và cô gái trong lốt da bò (cô gái trong lốt da bò là tiên nữ), Lấy vợ cóc (nhân vật cóc là tiên nữ), Chuyện con cầy bay (nhân vật cô gái là nàng tiên ốc), Cóc tiên (cóc là tiên nữ), Chàng chồn (nhân vật chồn là thánh chồn), Anh chàng cá chuối (nhân vật cá chuối là con trời),… “Vật” còn là những chàng trai, cô gái có tài sắc hơn người nhưng phải mang cái lốt vật xấu xí, cái lốt ấy chỉ là cái vỏ để che đậy bên ngoài, ẩn sâu trong cái lốt vật xấu xí ấy là những con người với sắc đẹp, tài năng phi thường và khi cái lốt vật ấy bị phá hủy đi sẽ tạo ra sự bất ngờ cho người đọc, người nghe về tài năng, phẩm chất đạo đức của các nhân vật. “Kết hôn” trong kiểu truyện người lấy vật Nhân vật kết hôn với nhau do sự thách đố của cha, mẹ. Có các truyện Chàng rùa (Xê Đăng), Lấy chồng rắn (H’Mông), Chàng rắn (Gia rai), Lấy chồng trăn (Xê Đăng), Lấy chồng dê (Kinh), Chàng nhái (Kinh), Chàng dê (Mèo), Lấy chồng rùa (Mường), Chàng rùa (H’Mông), Chàng rể heo (Vân Kiều), Hơ bia Rác lấy chồng chồn (Gia rai)… Chẳng hạn như truyện Chàng rùa (Xê Đăng) kể rằng: “ông bố có mười cô con gái, bà mẹ mất sớm, ông hàng ngày đi bắt cá nuôi con. Một lần đi đặt lờ, thấy cá qua khe hở đi mất. Ông bảo rùa đấp lại khe hở ông
  • 37. sẽ thưởng cho rùa một cô con gái, rùa giúp ông đắp lại khe hở và đòi ông trả công bằng cách gả con gái cho mình. Rùa theo ông về nhà, các cô chị đều khinh bỉ rùa và từ chối rùa. Cô út vì thương cha nên ưng thuận lấy rùa”. Hay trong truyện Lấy chồng rắn (H’Mông), nhân vật kết hôn do ông bố thách đố, ai di chuyển được hòn đá nặng ra khỏi ruộng giúp ông, ông sẽ gả con gái cho người đó. Truyện Chàng rắn (Gia rai) thì kể rằng: Mơ tao muốn qua dòng suối dữ, ông nói rằng ai có thể bắt được cầu cho ông đi qua thì ông sẽ gả con gái cho. Có chàng trai đội lốt rắn đã lấy thân mình bắt cầu cho Mơ tao đi qua suối và đòi lấy con gái Mơ tao, “Mơ tao rất buồn phiền vì không muốn gả con gái cho rắn”. Ông hỏi con gái lớn là Hơ Bia Ngo, cô từ chối ngay. Ông hỏi con gái út Hơ Bia Lúi, cô út vì thương cha nên nhận lời lấy rắn làm chồng… Nhân vật là “vật” tự nhờ mẹ đến nhà hỏi cưới cô con gái út về làm vợ. Có các truyện: Lấy chồng dê (Kinh), Chàng nhái (Kinh), Chàng dê (Mèo), Chuyện chàng cóc (Tà Ôi), Chàng rể heo (Vân Kiều), Lấy chồng trăn (Vân Kiều), Chàng rể cóc (Vân Kiều), Chàng hến (Kinh), Chàng rùa (Thái), Cóc tiên (Kinh), Chàng rùa (H’Mông). Nhân vật “người” và “vật” gặp nhau tình cờ, cả hai thấy được tài năng, phẩm chất của nhau đem lòng yêu mến và muốn kết hôn với nhau. Đa số các truyện có chi tiết cô gái rình và phát hiện ra nhân vật đội lốt vật kia là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, đồng ý kết hôn: Nàng tiên ốc (Kinh), Lấy vợ cóc (Mường), Nàng tiên cá (Xê Đăng), Nàng tiên cua và anh chàng đánh cá (Kinh), Chàng chim cu gáy (Raglai), Lấy chồng dê (Kinh), Con cum (Mường), Người lấy cóc (Kinh), Ông trạng lấy rùa (Kinh), Nàng cá măng (Kinh), Chuyện con cầy bay (Thái), Nàng bò tót (Vân Kiều)… Nhân vật là “người” sau khi gặp “vật” đã giả bệnh, cố ý giấu lốt vật và đòi kết hôn với “vật”, truyện: Chàng ếch (Churu), Chàng lợn (Gia rai), Chồng cóc (Ê Đê), Chàng chồn (Thái), Cóc và Hơ bia Phu (Ba Na), Hrit và cô gái trong lốt da bò (Gia rai), Chàng chim cu gáy
  • 38. (Raglai), Lấy chồng rắn (Gia rai), Chàng ếch – con trai thần mặt trời (Cơ ho)… Như vậy, chúng ta có thể thấy các nhân vật là “người” và “vật” trong kiểu truyện người lấy vật cũng như các kiểu kết hôn của hai nhân vật trong các truyện được miêu tả rất phong phú, đa dạng và mang màu sắc ly kỳ, hấp dẫn, mang tính chất thần kỳ cao. Tiểu kết: Trong hệ thống kiểu truyện cổ tích thần kỳ Việt Nam, kiểu truyện người lấy vật mang những đặc trưng riêng, miêu tả các nhân vật đội lốt với hình dáng bên ngoài xấu xí, dị dạng của các con vật như: cóc, chồn, rắn, rùa, cua, cá… Đây là kiểu nhân vật xuất hiện khá phổ biến trong truyện cổ tích thần kỳ Việt Nam và lan rộng ra các nước trên thế giới. Điều đó cho thấy, sự tồn tại, vận động và phát triển của kiểu truyện này là rất lớn, cũng như sức hấp dẫn đặc trưng của tiểu loại truyện cổ tích thần kỳ - một tiểu loại chiếm số lượng lớn tác phẩm trong kho tàng truyện cổ tích các nước. Hình tượng nhân vật đội lốt “vật” xấu xí dị dạng nhưng có tài năng phi thường, lập nên những kỳ tích thần kỳ, khi cởi lốt thành những chàng trai, cô gái xinh đẹp, tài giỏi với phẩm chất cao quý kết hôn cùng người con gái đẹp, là hình tượng nhân vật trung tâm xuất hiện phổ biến trong loại hình tự sự dân gian, đặc biệt trong truyện cổ tích thần kỳ. Kiểu nhân vật này có nét tương đồng với kiểu nhân vật dũng sĩ cứu người đẹp, kiểu nhân vật chàng trai khỏe, kiểu nhân vật xấu xí mà tài ba, người em út, người mồ côi,…
  • 39. Chương 2: KHẢO SÁT NHỮNG MÔ-TÍP CHỦ YẾU TRONG KIỂU TRUYỆN NGƯỜI LẤY VẬT 2.1. Khái niệm về mô-típ và giới thiệu chung về các mô-típ trong kiểu truyện người lấy vật 2.1.1. Khái niệm về mô-típ Theo Từ điển thuật ngữ văn học, thì mô-típ “tiếng Hán Việt gọi là mẫu đề (do người Trung Quốc phiên âm chữ mô-típ trong tiếng Pháp) có thể chuyển thành các chữ “khuôn”, “dạng”, hoặc “kiểu” trong tiếng Việt nhằm chỉ những thành tố, những bộ phận lớn hoặc nhỏ đã được hình thành ổn định bền vững và được sử dụng nhiều lần trong sáng tác văn học nghệ thuật, nhất là trong văn học nghệ thuật dân gian… khái niệm mô-típ là một công cụ rất cần thiết và hữu ít cho những người làm công tác sưu tầm, nghiên cứu, giảng dạy văn học dân gian” [26, tr.136]. Từ điển văn học đã đưa ra hai cách dùng thuật ngữ “mô-típ” như sau: Thứ nhất, “mô-típ thường được hiểu theo nghĩa là “hạt nhân của cốt truyện”, là cái “công thức” từ đó cốt truyện được triển khai” [72, tr.16]. Mô-típ trải qua quá trình phát triển nó sẽ trở thành cốt truyện hay cốt truyện chính là sự tiến triển một cách tự nhiên của mô-típ. Về khía cạnh này, chúng ta có thể xem mô-típ là một sự khái quát giản đơn, tùy theo thời gian dài ngắn khác nhau nó có thể phát triển lên thành những khái quát phức tạp hơn, đa dạng hơn tồn tại trong cốt truyện. Thứ hai, “mô-típ được hiểu theo nghĩa là “yếu tố hợp thành” của cốt truyện” [72, tr.16]. Thí dụ như các mô-típ về “sự sinh nở thần kỳ”, “người đội lốt vật”, “thách đố”, “cởi lốt kết hôn”… Các mô-típ này kết hợp lại với nhau tạo nên những cốt truyện cụ thể từ đơn giản đến phức tạp trong kiểu truyện như truyện: Lấy chồng dê, Lấy vợ cóc, Chàng nhái, Người lấy cóc, Chàng rùa, Chàng rắn, Chàng lợn, Chàng rùa, Chàng cóc,…
  • 40. Bất kỳ một mô-típ nào cũng có mối quan hệ với cốt truyện và những mô-típ khác trong một tác phẩm cụ thể. Giữa chúng có sự tương tác qua lại lẫn nhau tạo nên một cốt truyện hoàn chỉnh trong tác phẩm truyện cổ tích. 2.1.2. Giới thiệu chung về các mô-típ trong kiểu truyện người lấy vật Tiến hành khảo sát trên các nguồn tư liệu như đã trình bày ở phạm vi nghiên cứu, chúng tôi thấy trong 56 truyện được khảo sát thì có sự xuất hiện với tần số rất cao của bảy mô-típ trong cốt truyện, các mô-típ này thường xuyên tồn tại trong các truyện và đóng vai trò khá quan trọng trong cấu trúc của kiểu truyện người lấy vật như: mô-típ sự ra đời thần kỳ; người đội lốt vật; thách đố; tài năng thần kỳ; cởi lốt và kết hôn; người em út bị hại; vật phù trợ. Để dễ nhận biết và tạo điều kiện thuận lợi hơn trong quá trình khảo sát, chúng tôi mã hóa các mô-típ ấy như sau: Mô-típ 1: (M1) Sự ra đời thần kỳ Mô-típ 2: (M2) Người đội lốt vật Mô-típ 3: (M3) Thách đố Mô-típ 4: (M4) Tài năng thần kỳ Mô-típ 5: (M5) Cởi lốt và kết hôn Mô-típ 6: (M6) Người em út bị hại Mô-típ 7: (M7) Vật phù trợ Bảng khảo sát các mô-típ trong kiểu truyện người lấy vật qua tư liệu truyện cổ tích thần kỳ TT Tên truyện cổ tích M1 M2 M3 M4 M5 M6 M7 Tổng 1 Người lấy cóc (Kinh) + + + + + 5 2 Lấy chồng dê (Kinh) + + + + + + + 7 3 Ông trạng lấy rùa (Kinh) + + 2
  • 41. 4 Nàng tiên cua và anh chàng đánh cá (Kinh) + + 2 5 Nàng tiên ốc (Kinh) + + 2 6 Chàng nhái (Kinh) + + + + + 5 7 Chàng tôm (Kinh) + + + + 4 8 Cóc tiên (Kinh) + + + + 4 9 Chàng hến (Kinh) + + + + + + 6 10 Hoàng tử rắn và nàng hoa sen (Kinh) + + + 3 11 Nàng cá măng (Thái) + + 2 12 Chàng rùa (Thái) + + + + + 5 13 Chàng chồn (Thái) + + + + 4 14 Chuyện con cầy bay (Thái) + + 2 15 Chàng dê (Mèo) + + + + 4 16 Nàng Hơ Lúi (Ba Na) + + + + 4 17 Cóc và Hơ Bia Phu (Ba Na) + + + + + 5 18 Chàng rể cọp (Dao) + + + + 4 19 Con chuột lông đỏ (Tày) + + + 3 20 Cụ vách - ốc sên (Mường) + + + + 4 21 Lấy vợ cóc (Mường) + + + + 4 22 Con cum (ếch con) (Mường) + + + + 4 23 Mó nước ấm (Mường) + + 2 24 Lấy chồng rùa (Mường) + + + + 4 25 Anh chàng cá chuối (Mường) + + + + + + + 7 26 Trăn thần (Chàm) + + 2
  • 42. 27 Hoàng tử rắn (Cao Lan) + + + + 4 28 Lấy chồng rắn (H’Mông) + + + + 4 29 Chàng rùa (H’Mông) + + + + + 5 30 Người đội lốt mèo (Tà Ôi) + + + + + 5 31 Chuyện chàng cóc (Tà Ôi) + + + + 4 32 Con nai thần (Cơ ho) + + + 3 33 Chàng ếch - con trai thần mặt trời (Cơ ho) + + + + + 5 34 Cô gái lấy chồng trăn (Xê Đăng) + + + 3 35 Chàng rùa (Xê Đăng) + + + + + + 6 36 Nàng tiên cá (Xê Đăng) + + 2 37 Nàng út lấy chồng tôm(Churu) + + + 3 38 Chàng trăn (Churu) + + 2 39 Chàng khỉ và nàng Ma Phun (Churu) + + + 3 40 Chàng ếch (Churu) + + + + 4 41 Lấy chồng trăn (Vân Kiều) + + + 3 42 Chàng rể cóc (Vân Kiều) + + + + + + 6 43 Chàng rể heo (Vân Kiều) + + + + + 5 44 Nàng bò tót (Vân Kiều) + + 2 45 Truyện chồn và nàng H’Lúi (Gia rai) + + + 3 46 Chàng lợn (Gia rai) + + + + + 5 47 Chàng rắn (Gia rai) + + + + + + 6 48 Hrit và cô gái trong lốt da bò (Gia rai) + + 2 49 H’Bia Rác lấy chồng chồn (Gia rai) + + + + 4
  • 43. 50 Cây tông lông (Gia rai) + + + + 4 52 H’Lúi lấy chồng chồn (Gia rai) + + + 3 52 Chàng chim cu gáy (Raglai) + + + + 4 53 Phò mã cóc (Raglai) + + + + 4 54 Lấy chồng rắn (Raglai) + + + 3 55 Chàng cóc (Kơ Dong) + + + + 4 56 Chồng cóc (Ê Đê) + + + 3 Tổng 24 56 23 44 56 7 4 Bảng tỉ lệ các mô-típ Mô-típ Số lượng truyện Tỉ lệ (%) M1 24/56 42.9 M2 56/56 100.0 M3 23/56 40.1 M4 44/56 78.6 M5 56/56 100.0 M6 7/56 12.5 M7 4/56 7.1 2.2. Phân tích các mô-típ chủ yếu 2.2.1. Mô-típ sự ra đời thần kỳ Mô-típ sự ra đời thần kỳ của nhân vật xuất hiện ở 24 truyện chiếm tỉ lệ 42.9% trên tổng số 56 truyện khảo sát. Đây là mô-típ có tần số xuất hiện nhiều trong truyện cổ tích thần kỳ, nó làm nền tảng cho việc giải thích, dự báo những sự việc không bình thường sẽ xảy ra và dẫn đến sự xuất hiện các mô-típ tiếp theo. Trong mô-típ này, nhân vật chính thường
  • 44. đầu thai vào những gia đình hiếm muộn con cái và sự thụ thai thường xảy ra một cách thần kỳ. Bảng thống kê các hình thức nhân vật ra đời (Xem bảng thống kê ở phần Phụ lục trang 50) Ở hình thức nhân vật ra đời do người mẹ ướm chân, ăn, uống…có 12/24 truyện chiếm số lượng lớn nhất trong bốn cách nhân vật ra đời thần kỳ. Qua các cách ra đời phổ biến trên cho chúng ta thấy, nhân vật được sinh ra trong hoàn cảnh đặc biệt, khác thường, dự báo cho hành trạng phi thường của nhân vật sau này. Hiểu một cách đơn giản, một người có sức mạnh và tài năng phi thường không thể ra đời một cách bình thường như những người bình thường được. Đó là tính lôgic ở nghệ thuật xây dựng nhân vật anh hùng trong mối quan hệ với tướng mạo khác thường. Vì thế, chúng ta không có gì là ngạc nhiên khi thấy nhân vật có được tài năng thần kỳ ở phần sau của truyện. Cách nhân vật ra đời do bà mẹ “ướm thử chân” mình vào vết chân nhỏ in trước ngõ, “người vợ liền ướm thử bàn chân mình vào đó, ít lâu sau, bà có thai và sinh ra một con cóc” (Chàng rể cóc – Vân Kiều), hay bà mẹ bị các con vật “đái lên bụng” (Chuyện chàng cóc – Tà Ôi), do “uống nước và tắm ở một dòng suối lạ” (Nàng Hơ lúi – Ba Na), hay một bà già góa chồng “xuống sông tắm, thấy có miếng bưởi đang trôi bèn vớt lên ăn. Về nhà, bà cảm thấy trong người hơi khác và sau đó mang thai sinh ra một con nhái” (Chàng nhái - Kinh), có trường hợp hai cô gái trẻ xinh đẹp ra suối cắt rau về nấu cho lợn, bụng đói, “bên bờ suối sẵn có cây sung chín quả to bằng quả bưởi, họ bảo nhau hái lấy ăn hết mỗi người một quả. Sung ngọt và thơm, nuốt đến đâu gan ruột mát ra đến đấy” hai nàng mang thai “nàng Ả đẻ ra một con Cụ vách, nàng Hai đẻ ra một con ốc sên” (Cụ vách- ốc sên – Mường), cô gái H’Lúi cùng bà vào rừng gặp “trời nắng gắt, hai người đều khát nước. Chịu không được, Lúi phải bỏ việc đi tìm nước uống. Tìm mãi, H’Lúi thấy một cây nấm to có đọng ít nước. Đó là nước đái của con lợn rừng. H’Lúi uống nước, nàng có thai đến ngày đến tháng sinh ra một chú lợn rừng” (Chàng lợn – Gia rai), nàng Di Dật vào
  • 45. rừng cắt cỏ tranh lợp nhà, gặp trời nắng lại khát nước, nàng tìm thấy “giữa tảng đá lớn đen xì to như con voi nằm giữa rừng lại có một hốc nhỏ chứa đầy nước trong vắt. Di Dật lấy tay vốc uống. Nước ngọt và thơm, uống đến đâu, gan ruột mát đến đấy. Di Dật về nhà thấy trong người khác lạ, chị có mang và sinh ra một con cóc” (Chàng cóc – Kơ Dong)… Nhân vật ra đời do cha mẹ già, hiếm muộn cầu khẩn thần linh, xuất hiện trong 7/24 truyện, đây là cách mà nhân vật ra đời phổ biến thứ hai. Điều này cũng phù hợp với tâm lý chung của người lao động nghèo, khi họ gặp vấn đề khó khăn không thể giải quyết được, họ thường tin vào các đấng thần linh tối cao nào đó có thể giúp họ vượt qua khó khăn, nguy hiểm, vì thế họ thường cầu khẩn thần linh và làm nhiều việc thiện, được thần linh cho người/thần đầu thai vào lốt vật làm con của những gia đình này như: “có hai vợ chồng nhà nọ, đầu tóc đã hoa râm mà vẫn hiếm hoi. Vợ chồng cầu khẩn khấp nơi mong có một mụn con khỏi phải hiu quạnh lúc tuổi già. Thế rồi, người vợ bỗng mang thai, chín tháng mười ngày đẻ ra một con dê đực” (Lấy chồng dê –Kinh), hay “có hai vợ chồng nọ sống với nhau mãi không có con phải đi cầu tự ở nhiều nơi. Một thời gian sau, người vợ sinh được một đứa trẻ rất kỳ lạ, không giống người mà giống khỉ nên đặt tên là hến” (Chàng hến – Kinh), hai vợ chồng kia hiếm hoi “một hôm, đầu gối người vợ tấy sưng to, không sao chữa khỏi. Sau cơn nhức nhói như điên dại, chị ta thấy da rạn nứt. Một chú rùa từ chỗ nứt bò ra. Rùa nói ngay: con là con của bố mẹ” (Chàng rùa – H’Mông),… Nhân vật do cha, mẹ nhặt được trong quá trình lao động. Chúng tôi tìm thấy 2/24 truyện xuất hiện ở hình thức ra đời này và có số lượng truyện ít nhất trong các hình thức ra đời của nhân vật. Ở hình thức này có các truyện như: Cóc tiên của dân tộc Kinh kể rằng: “hai vợ chồng già nghèo đi xúc tép. Họ xúc trúng cóc tiên. Cóc tiên bảo ông bà mang mình về nhà nuôi. Cóc bảo: “ông bà cứ mang tôi về nuôi, tôi làm được nhiều việc lắm!” hay truyện Chàng rùa của dân tộc Thái thì kể rằng: “một
  • 46. hôm, trời mưa lâm thâm, bà đeo giỏ đi mò cua từ sáng sớm đến chiều, chỉ bắt được một con rùa. Về nhà định làm thịt rùa thì bỗng nghe tiếng nói: “mẹ ơi, đừng làm thịt con, hãy cố gắng nuôi con, lớn lên con sẽ giúp mẹ”. Ngoài ra, trong 56 truyện được khảo sát chúng tôi còn tìm thấy nhân vật ra đời trong những tình huống khác chiếm số lượng 3/24 truyện, ở hình thức ra đời này có các truyện như: Chàng rể heo của dân tộc Vân Kiều kể rằng “một người đàn bà hóa lại có mang, sinh ra một con heo đực. Heo đực chóng lớn. Chẳng mấy tuần trăng nó đã to múp míp”, bên cạnh đó, dân tộc Kinh có truyện Chàng tôm cũng đề cập đến cách nhân vật ra đời “có hai vợ chồng sinh ra một con tôm”, truyện Chàng ếch của dân tộc Churu thì “người vợ sinh ra một con ếch”. Sự mang thai và sự ra đời của các nhân vật thật là đặc biệt khác thường. Mô-típ này trở nên quen thuộc và phổ biến, một kiểu ra đời của nhiều nhân vật trong các thể loại truyện dân gian. Các nhà nghiên cứu cho rằng mô-típ này có nguồn gốc từ thần thoại – một thể loại truyện dân gian xuất hiện sớm nhất trong xã hội sơ khai. Việc các bà mẹ sinh con một cách khác thường đều được ca ngợi trong các thể loại thần thoại và sử thi. Điều đó mang tính chất thần thánh, các bà mẹ đã giao tiếp được với thần linh để sinh ra những người con mang tính cách thần kỳ, có tài năng và sức khỏe hơn người, lập được nhiều chiến công để bảo vệ cộng đồng. Như vậy, mô-típ về sự ra đời thần kỳ trong truyện cổ tích có nét tương đồng với thần thoại. Thần thoại xuất hiện trong thời kỳ cộng sản nguyên thủy, khi hình thức hôn nhân là hình thức quần hôn mà chế độ mẫu hệ nắm quyền trong gia đình, đứa con ra đời sẽ nhận được sự chăm sóc chung của cả cộng đồng huyết thống, của toàn xã hội. Về sau khi xã hội có sự phân hóa giai cấp rõ rệt kéo theo sự tan rã của chế độ mẫu hệ, xã hội chuyển sang chế độ phụ hệ lên nắm quyền trong gia đình. Khi ấy, những đứa trẻ được sinh ra trong những tình huống khác thường, kỳ lạ sẽ bị lên án, trừng phạt và không được sự quan tâm của xã hội. Những đứa trẻ đó phải chịu thiệt thòi, bị xua đuổi, hắt hủi ra khỏi cộng
  • 47. đồng và đây là điều kiện để thể loại truyện cổ tích xuất hiện với nhiều kiểu nhân vật khác nhau như: kiểu nhân vật mồ côi, kiểu nhân vật em út, kiểu nhân vật dũng sĩ, chàng trai khỏe… Các kiểu nhân vật này tương ứng với từng hoàn cảnh khác nhau, nhân vật chính được đưa vào truyện cổ tích thường có số phận không may, luôn chịu thiệt thòi. Họ là những con người bình thường, có nhiệm vụ phản ánh các khía cạnh của xã hội nguyên thủy trong thời kỳ tan rã của chế độ mẫu hệ. Những yếu tố thần kỳ xuất hiện đóng vai trò là phương tiện để nhân vật giải quyết các mâu thuẫn, xung đột xã hội và giúp cho nhân vật thoát khỏi tai nạn, vượt qua những thử thách khắc nghiệt và mang lại sự công bằng cho nhân vật, công lý cho xã hội, thoát khỏi những bế tắc của cuộc đời. Nhân vật chính được thay đổi số phận, có cuộc sống hạnh phúc, là những kết thúc có hậu mang đầy tính ước mơ của người xưa. Kiểu truyện người lấy vật là sự phản ánh một cách sâu xa quy luật sáng tác và quy luật xây dựng nhân vật trong truyện cổ tích. Những con người bất hạnh, xấu xí, thấp hèn chính là những con người đại diện cho hiện thực xã hội lịch sử của dân tộc. Trong thực tế hoàn cảnh ra đời của các nhân vật người đội lốt vật đa phần thường là những hoàn cảnh éo le, khó khăn và đáng thương như: cha mẹ già yếu, hoặc mẹ già cô đơn, không có của cải do không còn sức lao động, hay những cô gái không được sự giúp đỡ và sự chấp nhận của cộng đồng, không có họ hàng thân thích… Mô-típ sự ra đời thần kỳ cho thấy sự kế thừa từ thể loại truyện thần thoại đến thể loại truyện cổ tích thần kỳ. Về mô-típ sự ra đời thần kỳ của nhân vật, chúng tôi cũng tìm thấy có nét giống nhau với mô-típ mở đầu (sự ra đời thần kỳ) của một số nước trên thế giới. Trong tám truyện mà chúng tôi tìm hiểu của bốn quốc gia đều có chung mô-típ đầu tiên (sự ra đời thần kỳ) của nhân vật ở nhiều hình thức ra đời khác nhau như: truyện Chàng kỵ mã (Pháp), thì kể rằng “hai vợ chồng nhà nọ nghèo, hiếm hoi, cầu thần mãi mới có mang nhưng lại sinh ra được một con nhái”, truyện Nàng nhái (Miến Điện) thì kể rằng: “có hai vợ chồng già hiếm hoi, đẻ được một con