SlideShare a Scribd company logo
1 of 122
1
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
_____________
Phan Ánh Nguyễn
MOTIF HÔN NHÂN
GIỮA NGƯỜI VÀ THẦN LINH
TRONG TRUYỀN THUYẾT VÀ CỔ TÍCH
VIỆT NAM
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Mã số: 60 22 34
LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
TS. HỒ QUỐC HÙNG
Thành phố Hồ Chí Minh - 2012
2
LỜI CẢM ƠN
Luận văn này hoàn thành, dẫu kết quả có thế nào đi nữa bản thân cũng không
thất vọng vì đã nỗ lực hết sức.
Qua đây, tôi xin được gửi lời cảm ơn chân thành đến:
TS. Hồ Quốc Hùng – người đã hướng dẫn tôi rất tận tình.
Phòng Sau Đại học, Ban chủ nhiệm khoa Ngữ văn cùng Ban quản lý
Thư viện trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Thư viện
Hải Phú Tỉnh Phú Yên – các thầy cô đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để tôi
hoàn thành luận văn Thạc sĩ.
Thầy cô, Bạn bè – những người đã luôn giúp đỡ, động viên tôi.
Cuối cùng, tôi xin cảm ơn Gia đình vì đã hỗ trợ tôi mọi mặt.
Học viên
Phan Ánh Nguyễn
3
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết
quả nêu trong luận văn là trung thực và chưa từng được công bố trong bất kỳ công
trình nào khác.
Học viên
Phan Ánh Nguyễn
4
MỤC LỤC
PHẦN MỘT: DẪN NHẬP........................................................................................ 6
1. Lí do chọn đề tài................................................................................................... .. 6
2. Lịch sử vấn đề ...................................................................................................... .. 6
3. Đóng góp của luận văn......................................................................................... .. 9
4. Phạm vi nghiên cứu.............................................................................................. .. 9
5. Phương pháp nghiên cứu...................................................................................... 11
6. Kết cấu của luận văn ............................................................................................ 11
PHẦN HAI: NỘI DUNG ........................................................................................ 14
CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ LÝ THUYẾT............................. 14
1.1. Những cơ sở lịch sử - xã hội liên quan đến motif hôn nhân giữa người và
thần linh.................................................................................................................... 14
1.2. Một số vấn đề về lý thuyết motif .................................................................. 23
1.3. Các tiêu chí để lựa chọn motif hôn nhân giữa người và thần linh trong
truyền thuyết và cổ tích............................................................................................ 27
CHƯƠNG 2: CÁC DẠNG THỨC CỦA MOTIF HÔN NHÂN GIỮA NGƯỜI
VÀ THẦN LINH TRONG TRUYỀN THUYẾT VÀ CỔ TÍCH VIỆT NAM ... 32
2.1. Các dạng thức của motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền
thuyết ....................................................................................................................... 33
2.1.1. Hôn nhân giữa người và thần linh hóa thân trong kiếp người.................33
2.1.2. Hôn nhân giữa người và thần linh không hóa thân trong kiếp người......39
2.2. Các dạng thức của motif hôn nhân giữa người và thần linh trong cổ tích ... 50
2.2.1. Hôn nhân giữa người và thần linh có lốt vật ...........................................50
2.2.2. Hôn nhân giữa người và thần linh không có lốt vật ................................54
CHƯƠNG 3: SO SÁNH MOTIF HÔN NHÂN GIỮA NGƯỜI VÀ THẦN
LINH TRONG TRUYỀN THUYẾT VÀ CỔ TÍCH VIỆT NAM....................... 63
3.1. Motif hôn nhân giữa người và thần linh với vai trò là motif chi tiết ............... 65
3.1.1. Dạng thức của motif ................................................................................65
3.1.2. Vai trò của motif đối với cốt truyện ........................................................69
5
3.2. Motif hôn nhân giữa người và thần linh với vai trò là motif chủ đề................. 72
3.2.1. Cốt truyện ................................................................................................73
3.2.2. Hệ thống motif.........................................................................................77
3.2.3. Kiểu nhân vật...........................................................................................86
PHẦN BA: KẾT LUẬN.......................................................................................... 91
TÀI LIỆU THAM KHẢO ...................................................................................... 94
PHỤ LỤC............................................................................................................... 102
6
PHẦN MỘT: DẪN NHẬP
1. Lí do chọn đề tài
Kho tàng văn học dân gian là nơi gìn giữ những giá trị truyền thống về tư
tưởng, nghệ thuật. Nó đã trở thành dòng chảy xuyên qua các nền văn học và có ý
nghĩa với mọi thời. Cho đến nay, việc nghiên cứu văn học dân gian vẫn đang được
tiếp tục với sự đào sâu cũng như mở rộng về đối tượng và phương pháp nghiên
cứu.
Motif là một trong những vấn đề đã và đang được nghiên cứu trong chuyên
ngành văn học dân gian trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng. Đây là một
vấn đề có giá trị khoa học, hứa hẹn những đóng góp có ý nghĩa.
Về bản chất, truyền thuyết và cổ tích có những mối quan tâm khác nhau nhưng
hầu hết và trước hết là những khát vọng, mưu cầu về hạnh phúc cho con người ở
cõi trần gian, cuộc đời đích thực. Một trong những vấn đề đó là hôn nhân. Đánh
giá ở tầm bao quát hơn, trên bình diện nhân loại, hôn nhân là vấn đề lớn, là nền
tảng cho mọi nền văn hóa và văn minh. Mỗi thời đại có cách nhìn và nhu cầu cũng
như cách biểu đạt riêng về hôn nhân. Có những khía cạnh của hôn nhân luôn được
con người trăn trở, soi chiếu dưới nhiều góc nhìn qua mọi thời đại.
Từ nhận thức trên, chúng tôi chọn đề tài Motif hôn nhân giữa người và thần
linh trong truyền thuyết và cổ tích Việt Nam để tìm hiểu về văn hóa Việt Nam
nói chung, quan niệm nhân sinh, khát vọng hôn nhân hạnh phúc trong đời sống
tâm linh dân tộc nói riêng thể hiện qua truyền thuyết và cổ tích. Đồng thời, so sánh
motif này giữa hai thể loại để làm rõ sự chuyển hóa hay tương tác về mặt thể loại.
2. Lịch sử vấn đề
Vấn đề Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết và cổ
tích Việt Nam đã từng được các nhà nghiên cứu đi trước chú ý, nghiên cứu trên
một vài bình diện. Qua quá trình tìm hiểu, chúng tôi tổng hợp được những tài liệu
cùng với các nhận định như sau:
7
Ở bài viết Hình tượng người mồ côi trong văn học dân gian Mèo đăng trên
Tạp chí Văn học, 1982, số 4, trang 67 (In lại trong: “Tuyển tập 40 năm Tạp chí
Văn học 1960 – 1999, Tập 1, Văn học dân gian”, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hồ
Chí Minh, 1999), khi sơ đồ hóa truyện kiểu 1: quan hệ giữa mồ côi và lực lượng
thống trị, Lê Trung Vũ có đề cập đến tình tiết người mồ côi bị cướp người vợ thần
kì bởi lực lượng thống trị xã hội. Trong truyện kiểu 2: quan hệ giữa mồ côi và gia
đình bên vợ, tác giả kết luận về dấu vết của chế độ mẫu hệ qua mối quan hệ bố vợ
- chàng rể căng thẳng ở truyện có liên quan đến con gái vua trời.
Trên Tạp chí Văn học, năm 1983, số 5, trang 21, với bài viết Đề tài hôn nhân
trong truyện cổ tích thần kì Mường, khi làm rõ vấn đề hôn nhân trong những
dạng truyện ban đầu, Đặng Thái Thuyên đã xét đến hai dạng: hôn nhân huyết tộc
và hôn nhân vợ nhiều chồng. Với vấn đề hôn nhân trong quan hệ xung đột thực
tại, tác giả chú ý đến ba vấn đề: sự tranh đoạt, sự thử thách và sự chênh lệch gia
cảnh. Trong quá trình nghiên cứu, tác giả đã dẫn chứng những truyện liên quan
đến hôn nhân giữa người và thần linh.
Trong công trình Truyện kể dân gian đọc bằng type và motif (Nxb Khoa học
Xã hội, Hà Nội, 2001), Nguyễn Tấn Đắc khi nghiên cứu “Trường ca Ú Thêm” đã
nhận định: “Type truyện người trần lấy vợ tiên cũng rất phổ biến ở các nước Lào,
Campuchia, Thái Lan và Myanmar. Người ta có thể dễ dàng tìm thấy nó ở dạng
văn học viết Phật giáo” (trang 147) và cho rằng Ả Chức – Chàng Ngưu có lẽ thuộc
type truyện “Người trần lấy vợ tiên”.
Trần Thị Kim Thu - tác giả luận văn Thạc sĩ Truyền thuyết và giai thoại
Khánh Hòa (TS. Hồ Quốc Hùng hướng dẫn, Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ
Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh, 2006) khi tìm hiểu truyền thuyết Khánh Hòa đã nhận
định rằng việc nữ thần kết hôn với người trần thường gặp trong cổ tích, nó có sự
ảnh hưởng của Phật giáo, Nho giáo và đề cao chữ duyên. Tác giả cũng xác định
motif thần thánh kết hôn với người trần thế là một motif phổ biến trong truyền
thuyết Khánh Hòa, từ đó, rút ra các nhận xét về motif này.
Trong Những hình thức thưởng phạt trong truyện cổ tích Việt Nam (Luận
văn Thạc sĩ, TS. Hồ Quốc Hùng hướng dẫn, Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí
8
Minh, Tp. Hồ Chí Minh, 2007), Nguyễn Thị Ngân Sương khi làm rõ motif kết hôn
trong những hình thức thưởng đã phân tích hai motif: “Người trần kết hôn với
tiên” và “Người trần lấy vợ thủy cung”. Nghiên cứu hai motif này, tác giả không
chỉ làm rõ các dạng thức của motif, rút ra cách nhìn, kiến giải của người xưa, sơ
đồ hóa motif mà còn so sánh sự khác biệt trong một motif giữa dân tộc Kinh và
nhóm các dân tộc thiểu số trên đất nước Việt Nam. Trong motif “người trần kết
hôn với tiên”, kết quả đối chiếu cho thấy trong truyện của dân tộc Kinh, người và
tiên kết hôn nhưng không hạnh phúc, phải chia xa còn ở dân tộc khác thì hạnh
phúc mĩ mãn. Motif “người trần lấy vợ thủy cung” phổ biến cho các dân tộc ở môi
trường canh tác lúa nước, nhiều ao rạch, sông ngòi,… Đối với các dân tộc khác,
motif phổ biến hơn là: người trần lấy ếch, cá. So sánh hai motif trên, tác giả kết
luận chúng đều thể hiện một cách đầy ấn tượng về mơ ước đạt được hạnh phúc của
con người.
Với công trình Tìm hiểu truyện cổ Tây Nguyên – Trường hợp của Mạ và
K’ho (Nxb Văn học, Hà Nội, 2010), khi tìm hiểu kiểu nhân vật mồ côi, nhân vật
mang lốt trong truyện cổ Tây Nguyên và so sánh truyện cổ Tây Nguyên với cổ
tích người Việt, Lê Hồng Phong có chú ý đến hôn nhân giữa người và thần linh và
đi đến những đánh giá bước đầu. Tác giả cũng thống kê và nhận xét tần số xuất
hiện của motif hôn nhân giữa người với thần linh trong kiểu truyện về nhân vật mồ
côi và nhân vật mang lốt. Phân tích những motif chủ yếu của kiểu nhân vật mang
lốt, tác giả đề cập đến một số vấn đề liên quan đến các dạng thức hôn nhân nói
chung, hôn nhân giữa người và thần linh nói riêng như: tiền hôn nhân, sự chung
chạ,...
Với luận văn Thạc sĩ Hình tượng rắn trong truyện kể dân gian Việt Nam
(TS. Hồ Quốc Hùng hướng dẫn, Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh, Tp.
Hồ Chí Minh, 2010), Phạm Huyền Trâm đã nhận định rằng người lấy rắn là hôn
nhân do thực hiện lời hứa, thể hiện sự thần thánh hóa tự nhiên, quan niệm về sự
tích hợp giữa con người và tự nhiên, lốt rắn là ranh giới giữa người và thần linh.
Hôn nhân giữa người là thần linh là một mơ ước đẹp, mơ ước về sự công bằng.
9
Nhìn chung các nhà nghiên cứu đã quan tâm đến motif hôn nhân giữa người và
thần linh trong truyền thuyết, cổ tích, chú ý đến những tầng văn hóa ẩn sau motif
này. Những thành quả đó đã hỗ trợ cho chúng tôi triển khai đề tài này. Tuy nhiên,
vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu motif này ở truyền thuyết và cổ tích một
cách hệ thống và đặt ra vấn đề so sánh motif giữa hai thể loại để rút ra sự chuyển
hóa hay tương tác về mặt thể loại.
3. Đóng góp của luận văn
Thực hiện đề tài này, chúng tôi muốn đạt những mục đích sau:
- Làm rõ các dạng thức của motif hôn nhân giữa người và thần linh trong hai
thể loại truyền thuyết và cổ tích
- So sánh motif hôn nhân giữa người và thần linh trong hai thể loại truyền
thuyết và cổ tích ở hai bình diện:
+ Motif hôn nhân giữa người và thần linh với vai trò là motif chủ đề
+ Motif hôn nhân giữa người và thần linh với vai trò là motif chi tiết
- Từ so sánh này có thể làm rõ sự chuyển hóa hay tương tác về mặt thể loại
Khám phá các lớp văn hóa, chủ yếu là quan niệm về hôn nhân ẩn sau motif hôn
nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết và cổ tích. Tầng văn hóa này
không chỉ biểu hiện đời sống của người Việt Nam ngày xưa mà còn tham gia vào
việc nhào nặn các yếu tố nghệ thuật.
4. Phạm vi nghiên cứu
- Thực hiện đề tài này, chúng tôi nghiên cứu truyền thuyết và cổ tích của các
dân tộc ở Việt Nam, bao gồm truyện kể dân gian của dân tộc Kinh và dân tộc thiểu
số. Chúng tôi tập trung nghiên cứu bộ phận truyện của người Việt và có tham
chiếu truyện của đồng bào thiểu số. Để phục vụ cho việc khảo sát, chúng tôi sử
dụng các tài liệu sau:
1) Lã Duy Lan (2001), Truyền thuyết Việt Nam, Tập 1 & 2, Nxb Văn hóa
dân tộc, Hà Nội
10
2) Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (2004), Tổng tập văn học dân gian
người Việt – Tập VI – Truyện cổ tích thần kì, Nxb Khoa học Xã hội, Hà
Nội
3) Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (2004), Tổng tập Văn học dân gian
người Việt – Tập 4 – Truyền thuyết dân gian người Việt, Nxb Khoa học
Xã hội, Hà Nội
4) Viện Khoa học Xã hội, Viện Nghiên cứu Văn hóa (2009), Tổng tập văn
học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam, Tập 16, Truyện cổ tích thần
kì, truyền thuyết, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội
- Ngoài ra, chúng tôi còn khảo sát những tư liệu phục vụ cho quá trình so
sánh truyền thuyết, cổ tích Việt Nam với truyền thuyết, cổ tích Đông Nam Á nói
riêng, thế giới nói chung qua motif hôn nhân giữa người và thần linh. Vì motif hôn
nhân giữa người và thần linh là một vấn đề mang tính phổ quát của nhân loại. Cụ
thể là nguồn tài liệu sau:
1) Nhiều tác giả (2001), Truyện cổ năm châu, Nxb Văn hóa Thông tin, Bình
Hòa
2) Nhiều tác giả (1998), Hợp tuyển truyện cổ tích thế giới, Nxb Phụ nữ, Tp.
Hồ Chí Minh
Tổng số truyện truyền thuyết Việt Nam khảo sát được: 991 truyện.
Tổng số truyện cổ tích Việt Nam khảo sát được: 373 truyện.
Trong quá trình khảo sát tư liệu, chúng tôi chọn loại những truyện kể chưa
đúng với đặc trưng thể loại trong các tài liệu để có kết quả thống kê mang tính
chuẩn xác cao. Bên cạnh đó, chú ý những trường hợp truyền thuyết bị cổ tích hóa
và cổ tích bị truyền thuyết hóa để đưa chúng về đúng thể loại. Có những truyện
mang bóng dáng của truyền thuyết nhưng lại xuất hiện trong tuyển tập cổ tích hay
có những truyện chứa hơi hướng của cổ tích song lại được đưa vào tuyển tập
truyền thuyết. Trường hợp những truyện kể địa danh dễ dẫn đến sự nhập nhằng
như trên. Để xác định motif đúng với đặc trưng thể loại, chúng tôi dựa vào cảm
hứng chủ đạo trong từng truyện mà có sự phân loại thể loại phù hợp. Nếu cảm
hứng chủ đạo trong truyện là cảm hứng thế sự thì chúng tôi xếp truyện đó vào cổ
11
tích. Nếu cảm hứng chủ đạo trong truyện là cảm hứng lịch sử, thì chúng tôi xếp nó
vào truyền thuyết.
5. Phương pháp nghiên cứu
Thực hiện đề tài này, chúng tôi chủ yếu sử dụng những phương pháp sau:
- Phương pháp so sánh: vận dụng trong quá trình so sánh motif hôn nhân
giữa người và thần linh ở hai thể loại truyền thuyết và cổ tích Việt Nam, giữa
truyện của dân tộc Kinh và dân tộc thiểu số thuộc một thể loại; so sánh motif hôn
nhân giữa người và thần linh trong cổ tích Việt Nam và cổ tích thế giới
- Phương pháp hệ thống: vận dụng khi tìm hiểu các truyện kể trong hệ thống
thể loại và triển khai đề tài
- Phương pháp thống kê: dùng để thống kê tần số xuất hiện của các dạng
thức thuộc motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết và cổ tích
Việt Nam; motif hôn nhân giữa người và thần linh với vai trò là motif chủ đề,
motif hôn nhân giữa người và thần linh với vai trò là motif chi tiết ở hai thể loại.
Từ đó, rút ra những nhận xét có cơ sở
- Phương pháp lịch sử - xã hội: sử dụng để tìm hiểu những cơ sở lịch sử, xã
hội liên quan đến motif, thể loại
- Phương pháp liên ngành: vì vấn đề motif hôn nhân giữa người và thần linh
trong truyền thuyết và cổ tích còn liên quan đến văn hóa, dân tộc nên chúng tôi
dùng phương pháp này để vận dụng các tri thức về văn hóa học, dân tộc học,... để
nghiên cứu đề tài của luận văn
6. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần Dẫn nhập, Kết luận, phần Nội dung được triển khai thành ba
chương với nhiệm vụ của từng chương như sau:
CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ LÝ THUYẾT (18 trang)
Trong chương này, chúng tôi trình bày những cơ sở về lý thuyết, tạo tiền đề
cho sự triển khai hai chương sau. Chương 1 tập trung vào ba vấn đề:
1. Cơ sở lịch sử - xã hội liên quan đến motif
2. Một số vấn đề về lý thuyết motif
12
3. Các tiêu chí để lựa chọn hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền
thuyết và cổ tích
CHƯƠNG 2: CÁC DẠNG THỨC CỦA MOTIF HÔN NHÂN GIỮA NGƯỜI
VÀ THẦN LINH TRONG TRUYỀN THUYẾT VÀ CỔ TÍCH (31 trang)
Chương 2 làm rõ các biểu hiện của motif hôn nhân giữa người và thần linh
trong truyền thuyết và cổ tích theo bố cục và sự phân loại trong từng loại như sau:
1. Các dạng thức của motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền
thuyết
1.1. Hôn nhân giữa người và thần linh hóa thân trong kiếp người
1.2. Hôn nhân giữa người và thần linh không hóa thân trong kiếp
người
2. Các dạng thức của motif hôn nhân giữa người và thần linh trong cổ tích
2.1. Hôn nhân giữa người và thần linh có lốt vật
2.2. Hôn nhân giữa người và thần linh không có lốt vật
CHƯƠNG 3: SO SÁNH MOTIF HÔN NHÂN GIỮA NGƯỜI VÀ THẦN
LINH TRONG TRUYỀN THUYẾT VÀ CỐ TÍCH (28 trang)
Ở chương này, chúng tôi tiến hành so sánh trên hai phương diện sau:
1. Motif hôn nhân giữa người và thần linh với vai trò là motif chi tiết
1.1. Dạng thức của motif
1.2. Vai trò của motif đối với cốt truyện
2. Motif hôn nhân giữa người và thần linh với vai trò là motif chủ đề
2.1. Cốt truyện
2.2. Hệ thống motif
2.3. Kiểu nhân vật
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng dành một Phụ lục với hai phần để trình bày danh
mục các truyện, các kết quả thống kê, tóm tắt truyện được sử dụng trong chính
văn:
PHỤ LỤC 1A: DANH MỤC CÁC TRUYỆN KHẢO SÁT CHỨA MOTIF
HÔN NHÂN GIỮA NGƯỜI VÀ THẦN LINH TRONG TRUYỀN THUYẾT VÀ
CỔ TÍCH VIỆT NAM
13
PHỤ LỤC 1B: BẢNG THỐNG KÊ TẦN SỐ XUẤT HIỆN CỦA CÁC DẠNG
THỨC THUỘC MOTIF HÔN NHÂN GIỮA NGƯỜI VÀ THẦN LINH TRONG
TRUYỀN THUYẾT VÀ CỔ TÍCH VIỆT NAM
PHỤ LỤC 1C: BẢNG THỐNG KÊ TẦN SỐ XUẤT HIỆN CỦA MOTIF
HÔN NHÂN GIỮA NGƯỜI VÀ THẦN LINH VỚI VAI TRÒ LÀ MOTIF CHỦ
ĐỀ HOẶC MOTIF CHI TIẾT TRONG TRUYỀN THUYẾT VÀ CỔ TÍCH VIỆT
NAM
PHỤ LỤC 2: CÁC TRUYỆN CHỨA MOTIF HÔN NHÂN GIỮA NGƯỜI
VÀ THẦN LINH TRONG TRUYỀN THUYẾT VÀ CỔ TÍCH VIỆT NAM
14
PHẦN HAI: NỘI DUNG
CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ LÝ THUYẾT
1.1. Những cơ sở lịch sử - xã hội liên quan đến motif hôn nhân giữa người
và thần linh
Trong mục này, chúng tôi tập trung mô tả, phân tích những cơ sở về lịch sử, xã
hội, tư duy có liên quan đến motif hôn nhân giữa người và thần linh để tạo tiền đề
cho việc triển khai hai chương sau. Chúng tôi đi sâu, làm rõ ba vấn đề sau:
Một là, các hình thái hôn nhân – gia đình con người đã trải qua trong lịch sử
nhân loại từ thời nguyên thủy cho đến nay.
Hai là, những tiền đề về văn hóa chi phối đến hôn nhân bao gồm tôn giáo và
tâm thức gia đình của người Việt Nam.
Ba là, thế giới quan của người nguyên thủy chi phối sự hình thành mối quan hệ
hôn nhân giữa người và thần linh.
1.1.1. Các hình thái hôn nhân – gia đình con người đã trải qua trong lịch sử
nhân loại
Trong lịch sử nhân loại có nhiều hình thái hôn nhân khác nhau gắn với từng
giai đoạn phát triển của xã hội. Chế độ quần hôn là hình thái hôn nhân tồn tại dưới
chế độ thị tộc. Từ đó cho đến nay, dưới các chế độ xã hội: chiếm hữu nô lệ, phong
kiến, tư bản chủ nghĩa,... hôn nhân một vợ một chồng là hình thái hôn nhân được
định hình ở trình độ văn minh nhân loại cao nhất. Nó trải qua một quá trình sàng
lọc, trải nghiệm và để lại nhiều khát vọng cũng như bi kịch mà đến tận bây giờ vẫn
còn những bài học đầy ý nghĩa đối với sự phát triển và tiến bộ của loài người.
Cũng cần thấy rằng các hình thái hôn nhân trong xã hội chịu sự chi phối mạnh mẽ
của điều kiện kinh tế xã hội.
Công trình Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của Nhà nước của
F. Engels là một tác phẩm cơ bản của chủ nghĩa Marx. Nó hình thành dựa trên
những nghiên cứu của Lewis H. Morgan. Tác giả công trình này đã giải thích sự
phát triển của các quan hệ gia đình trong các hình thái kinh tế - xã hội khác nhau
15
trong sự phát triển của lịch sử nhân loại. Từ trạng thái quan hệ tính giao tự do, loài
người đã trải qua bốn hình thức gia đình. Đó là gia đình huyết tộc, gia đình
punalua, gia đình đối ngẫu và gia đình cá thể. Theo chúng tôi, khái niệm huyết tộc
được các dịch giả sử dụng khi mô tả hình thái hôn nhân – gia đình dựa trên sự hôn
phối giữa những người có cùng dòng máu hoặc quan hệ họ hàng với nhau dùng để
chỉ tổ chức xã hội. Khái niệm đồng huyết và cận huyết là khái niệm sinh hóa, phù
hợp để diễn tả mối quan hệ hôn nhân giữa những người cùng dòng máu hoặc có họ
hàng với nhau hơn nên trong công trình này, chúng tôi dùng khái niệm gia đình
đồng huyết và cận huyết để chỉ hình thái hôn nhân – gia đình đầu tiên trong xã hội
loài người.
Trong thời kỳ công xã nguyên thủy, khi loài người sống theo bầy đàn, chưa có
phân công lao động, quan hệ tính giao còn tự do, những người có quan hệ họ hàng
vẫn có thể trở thành vợ hoặc chồng của nhau. Kiểu hôn nhân này được gọi là quần
hôn (hôn nhân giữa những người cùng họ hàng với nhau) và nó thể hiện rõ nét ở
hai hình thái gia đình: gia đình đồng huyết và cận huyết; gia đình punalua.
Kiểu gia đình đồng huyết và cận huyết thuộc giai đoạn đầu của chế độ quần
hôn. Nó thuộc giai đoạn đầu tiên trong lịch sử phát triển của gia đình. Ở đây, quan
hệ hôn nhân được xây dựng theo các thế hệ và mỗi thế hệ tập trung thành những
nhóm hôn nhân nhất định. Tất cả ông bà trong phạm vi gia đình đều là vợ chồng
của nhau và lập thành một nhóm; con của họ (tất cả bố mẹ) cũng thế và lập thành
nhóm thứ hai; con của đời thứ hai (các cháu) lập thành nhóm vợ chồng chung thứ
ba;… Kiểu hôn nhân theo trực hệ (giữa cha mẹ và con cái bị loại trừ). Quan hệ họ
hàng của anh chị em cũng bao hàm cả việc quan hệ tính giao với nhau.
Gia đình đồng huyết và cận huyết đã tiêu tan nhưng theo Engels, chúng ta buộc
phải công nhận nó từng tồn tại. Hệ thống thân tộc Hawaii thịnh hành khắp quần
đảo Polynesia đang biểu hiện những mức độ thân tộc mà chỉ có hình thức gia đình
này mới tạo ra được. Toàn bộ sự phát triển sau này của gia đình cũng giả định gia
đình đồng huyết và cận huyết như là giai đoạn tất yếu đầu tiên.
Gia đình punalua là giai đoạn phát triển cao nhất của chế độ quần hôn. Quan hệ
tính giao giữa anh chị em với nhau đã bị hủy bỏ. Con người có thể có chung vợ,
16
chung chồng với nhau trong phạm vi một gia đình nhất định nhưng phải loại ra
anh em trai của vợ và chị em gái của chồng (bao gồm anh chị em cùng mẹ hoặc có
họ hàng).
Ở mọi hình thức gia đình trong chế độ quần hôn, người ta chỉ biết chắc chắn
mẹ của một đứa trẻ mà không biết cha của nó. Huyết tộc chỉ tính được về bên mẹ
nên nữ hệ được thừa nhận.
Trong hình thức gia đình này, một nhóm chị em gái (hoặc một nhóm anh em
trai cùng mẹ hay cùng họ của những chị em gái đó) sẽ trở thành thành viên của thị
tộc. Họ có một bà mẹ tổ chung nhưng chồng của họ không phải là con của bà mẹ
này nên không thuộc thị tộc. Song con cái của họ thuộc về tập đoàn này vì huyết
tộc nữ hệ được thừa nhận.
Việc kết hôn với những người không có họ hàng với nhau tạo nên một giống
nòi mạnh mẽ hơn về thể chất và trí tuệ.
Gia đình đối ngẫu (theo cặp) hình thành khi hôn nhân theo những người có
quan hệ họ hàng với nhau bị cấm, ý thức xã hội của con người về hôn nhân phát
triển cao hơn, các cặp vợ chồng tách ra thành từng đôi riêng lẻ. Một người đàn ông
sống với một người đàn bà nhưng việc có nhiều vợ hay ngoại tình là quyền của họ.
Người đàn bà lại phải tuyệt đối chung thủy nếu không sẽ bị trừng phạt nặng. Tuy
nhiên, mối quan hệ hôn nhân có thể bị cắt đứt khi một trong hai bên quyết định và
con cái thuộc về mẹ như xưa kia. Con cái được sinh ra vẫn thuộc về thị tộc mẹ như
trước nên chúng kế thừa tài sản của mẹ. Hình thái này vẫn còn tàn dư trong cơ chế
hôn nhân gia đình ở một số tộc người trên đất nước ta. Gia đình đối ngẫu chỉ là
một đơn vị hôn phối chứ chưa là phải là một đơn vị kinh tế. Thị tộc vẫn là một đơn
vị kinh tế cơ bản trong xã hội lúc bấy giờ.
Dưới những hình thức gia đình trước, đàn ông không bao giờ thiếu đàn bà
nhưng giờ đây người đàn bà trở nên ít ỏi vì vậy việc cướp và mua bán họ trở thành
hiện tượng phổ biến.
Khi xã hội phát triển hơn, sự phân công lao động được chuyên môn hóa cao,
năng suất lao động phát triển và đem lại của cải dư thừa, kinh tế gia đình xuất hiện
khi gia đình đối ngẫu chiếm lấy những của cải dư thừa đó. Đây là điều kiện dẫn
17
đến sự hình thành kiểu hôn nhân một vợ một chồng – hình thức hôn nhân cao hơn,
mới hơn và bền vững hơn hôn nhân đối ngẫu. Kiểu hôn nhân này cũng là kiểu hôn
nhân phổ biến cho các chế độ xã hội về sau.
Trong gia đình một vợ một chồng, người chồng bắt đầu nắm vị trí thống trị đối
với người vợ và con cái. Nguyên nhân xuất phát từ việc người chồng làm những
nghề nghiệp mang lại năng suất và thu nhập cao hơn như: chăn nuôi, trồng trọt,
tiểu thủ công,… Còn người vợ chỉ làm công việc nội trợ, không làm ra của cải vật
chất nên bị phụ thuộc vào chồng.
Gia đình cá thể (một vợ một chồng) nảy sinh từ gia đình đối ngẫu và là dấu
hiệu cho biết thời văn minh đã bắt đầu. Kiểu gia đình này dựa trên sự thống trị của
đàn ông và con cái đã xác định được cha đẻ của mình. Sau này, chúng sẽ là người
nhận được tài sản thừa kế từ cha. Kiểu gia đình này khác gia đình đối ngẫu ở mối
quan hệ vợ chồng chặt chẽ hơn nhiều, hai bên không thể tùy ý bỏ nhau. Người
chồng có quyền ngoại tình trong khi người vợ vi phạm sẽ bị trừng phạt rất tàn
khốc.
Hôn nhân không phải là kết quả của tình yêu nam nữ mà mang tính vụ lợi. Gia
đình cá thể cũng là hình thức gia đình đầu tiên dựa trên cơ sở các điều kiện kinh
tế, dựa trên sự thắng lợi của chế độ tư hữu đối với chế độ công hữu tự nhiên
nguyên thủy. Nó xuất hiện như sự nô dịch của giới này đối với giới kia, tuyên bố
sự đấu tranh giữa hai giới. Vì người đàn ông không có tài sản nên không thể lập ra
sự thống trị. Đặc biệt, khi người phụ nữ trở thành người thường xuyên nuôi sống
gia đình thì không có cơ sở nào cho quyền thống trị của người đàn ông trong gia
đình.
Như vậy, chế độ thị tộc tan rã trước sự phát triển của tư tưởng tư hữu và sự
hình thành của gia đình một vợ một chồng. Cuộc cách mạng này đã xảy ra từ trong
gia đình. Dưới mỗi chế độ khác nhau, kiểu hôn nhân có những đặc điểm riêng biệt.
Gia đình có một vai trò quan trọng đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất
và quan hệ sản xuất. Nhấn mạnh tầm quan trọng này, Marx và Engels đã cho rằng
gia đình là quan hệ xã hội duy nhất trong buổi đầu của lịch sử xã hội. Với chức
năng sinh con đẻ cái, quan hệ gia đình đã sản sinh ra và duy trì những quan hệ xã
18
hội khác. Gia đình là một xã hội thu nhỏ và khi xã hội loài người được hình thành,
phát triển thì những hoạt động của nó thường xuyên tác động đến gia đình làm cho
gia đình biến đổi về hình thức, cấu trúc cũng như vai trò đối với xã hội. Những
hình thái khác nhau của hôn nhân trong lịch sử loài người cho thấy điều đó.
Một vài nét phác thảo về những hình thái hôn nhân và gia đình trong lịch sử
nhân loại đã cho thấy mỗi chặng đường đã để lại dấu ấn đậm nét nếu không nói là
cơ sở nền tảng cho cảm hứng về chủ đề hôn nhân trong các thể loại văn học dân
gian mà trước hết là truyền thuyết và cổ tích.
1.1.2. Những tiền đề về văn hóa chi phối đến mối quan hệ hôn nhân giữa người
và thần linh
Tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong sự ảnh hưởng đối với hôn nhân. Nho
giáo và Phật giáo được xem là hai trong những tôn giáo có sự chi phối mạnh mẽ
đối với đời sống tâm linh của người Việt. Hôn nhân là điều rất quan trọng trong
truyền thống của Nho giáo vì nó liên quan đến đạo làm người. Ba khía cạnh quan
trọng của hôn nhân đó là sự chung thủy, li dị là điều tối kỵ; quyết định hôn nhân
thuộc về cha mẹ hai bên, sự tìm hiểu trước hôn nhân không phải là điều quan
trọng; trách nhiệm và cũng là nghĩa vụ của đôi vợ chồng là sinh con trai để nối
tiếp tổ tiên. Nếu người vợ không sinh được con trai thì người chồng có thể li dị và
cưới thêm tì thiếp khác. Đây là nguyên nhân làm phát sinh tục đa thê và ảnh
hưởng đến hạnh phúc gia đình. Phật giáo chủ trương sinh là khổ nhưng không hề
cấm đoán việc hôn nhân. Hôn nhân được xem như là vấn đề mang tính cá nhân.
Đạo phật cho phép mỗi người hoàn toàn có quyền tự do quyết định chính cho bản
thân mình về tất cả vấn đề hôn nhân. Những vị xuất gia tu tập đã từ bỏ đời sống
hôn nhân gia đình là sự cam kết tình nguyện để duy trì sự an lạc nội tâm và dành
cả cuộc đời để phục vụ cho nhu cầu tâm linh. Bên cạnh Nho giáo và Phật giáo,
Thiên Chúa giáo cũng có những đặc điểm riêng trong quan niệm hôn nhân. Thiên
Chúa giáo đã lấy hôn nhân đồng nhất với tình yêu của thiên chúa làm nền tảng cho
giáo lý. Hôn nhân giữa hai người là do Chúa quyết định và nó là sự biểu hiện tình
yêu của Chúa dành cho nhân loại. Như vậy, tôn giáo này đã cổ xúy cho một tình
19
trạng hôn nhân xuất phát từ tình yêu mà ở đó cả hai được nhất thể hóa thành một
biểu tượng, một giá trị vĩnh hằng.
Một trong những vấn đề chi phối mạnh đến đời sống hôn nhân của người Việt
trong xã hội và thế giới hình tượng họ gửi gắm trong truyện kể dân gian chính là
tâm thức gia đình. Tâm thức gia đình của người Việt hình thành rất sớm ngay từ
thời cổ. Gia đình chính là tế bào của xã hội, điều kiện để hình thành xã hội. Vì dân
tộc Việt Nam vốn thể trạng yếu cần nhiều sức mạnh, xã hội nông nghiệp cần nhiều
nhân lực nên gia đình có tầm quan trọng rất lớn. Những truyện kể dân gian ở buổi
đầu của sự hình thành xã hội đều đề cập đến mối quan hệ gia đình. Truyện về Lạc
Long Quân, Sơn Tinh và Thủy Tinh, Chử Đồng Tử và Tiên Dung,… đều xoay
quanh vấn đề hôn nhân. Người Việt Nam quan niệm anh em bốn cõi một nhà.
Trong cách xưng hô, dùng những đại từ chỉ những người trong gia đình để giao
tiếp với những người không có mối quan hệ huyết tộc. Ngay cả khái niệm Nhà
nước cũng là sự hòa trộn hai thực thể gia đình và xã hội.
Có thể thấy rằng những cơ sở về văn hóa đã tác động đến chủ đề hôn nhân từ
trong sâu xa.
1.1.3. Thế giới quan của người nguyên thủy chi phối mối quan hệ hôn nhân
giữa người và thần linh
Vì là một bộ phận của thế giới nên con người có nhu cầu nhận thức về thế giới
cũng như bản thân mình trong mối quan hệ với thế giới để điều chỉnh hoạt động
sống. Những quan điểm, quan niệm về thế giới, bản thân con người và cuộc sống
là thế giới quan. Những nhận thức của con người về thế giới trong xã hội nguyên
thủy được thể hiện rõ nét qua thần thoại. Đây là thời đại mà tính mông muội còn
mang nặng trong đời sống vật chất lẫn tinh thần, trong hoạt động nhận thức lẫn
hoạt động thực tiễn.
Thế giới quan của người nguyên thủy thể hiện đậm nét trí tưởng tượng của lối
tư duy không tự giác giữa thực và ảo, giữa người và thần. Trong những sự vật cụ
thể như núi, sông,... người ta có thể tưởng tượng đến những đối tượng tồn tại trong
đó chứ không xem chúng là hoàn toàn là sự vật vô tri vô giác. Đây là sản phẩm
của nhận thức cảm tính nên những gì trừu tượng thường được hình dung dưới
20
những sự vật cụ thể. Chẳng hạn: “Thiện” và “Ác” là khái niệm chỉ sự đánh giá về
mặt xã hội của con người nhưng trong thần thoại là những vị thần được mô tả đầy
đủ với hình dáng, nơi sinh sống,… Người nguyên thủy có một quan điểm hỗn hợp
về thế giới. Họ đem bản thân mình với các sự vật, lực lượng trong tự nhiên hợp
thành một, đem sức sống, ý nghĩ, cảm xúc của mình gán cho tự nhiên, từ các loài
hữu giác đến các vật vô tri vô giác. Khi yếu tố dân chủ nguyên thủy còn chiếm địa
vị thống trị trong xã hội thì các vị thần bình đẳng với nhau. Khi xã hội có giai cấp
xuất hiện thì có sự phân biệt đẳng cấp trong thế giới của thần. Có thần cấp trên,
thần cấp dưới và một vị thần tối cao làm chúa tể. Để phân biệt được mình với tự
nhiên, người nguyên thủy phải trải qua những chặng đường dài đấu tranh gian
khổ. Những điều trên cũng là biểu hiện của quan niệm vạn vật hữu linh. Người
nguyên thủy cho rằng vạn vật đều có hồn. Người Việt cũng như người Thái Lan
quan niệm mọi cây to trong rừng đều là nơi trú ngụ của một vị thần.
Theo Engels nhận định, nguồn gốc của thế giới quan này là kết quả tất yếu của
trình độ nhận thức thấp khi con người chưa hiểu về nguồn gốc, nguyên nhân và
bản chất của các sự vật, hiện tượng trong thế giới. Họ đã nhân cách hóa, nhân hình
hóa chúng thành các vị thần hoặc bán thần, lấy cuộc sống con người để giải thích
cuộc sống của thần linh là biểu hiện của quan niệm hỗn hợp về thế giới. Thần đất
Gaia trong thần thoại Hy Lạp, thần mặt trời Viêm Đế trong thần thoại Trung
Quốc, thần lửa Agni trong thần thoại Ấn Độ,… là kết quả của sự nhân cách hóa,
nhân hình hóa ấy. Sự bất lực, sợ hãi của con người trước những lực lượng tự nhiên
cũng như những lực lượng xã hội đã dẫn đến việc con người thần thánh hóa
chúng, quy chúng về những sức mạnh tự nhiên và tôn thờ chúng. Lenin cũng đã
từng nhận định: “[…] Sự bất lực của con người dã man trong cuộc đấu tranh
chống thiên nhiên đẻ ra lòng tin vào thần thánh, ma quỉ, vào những phép màu,…”
[5, 278]. Còn Engels đã giải thích như sau: “Cơ sở của mọi sự nhận định sai lầm
ấy về giới tự nhiên, về sự cấu tạo ra bản thân con người, về quỷ thần, về những thế
lực mầu nhiệm,… thường thường chỉ là một yếu tố tiêu cực mà thôi: tức là trình
độ kinh tế thấp kém của thời kỳ tiền sử thì đẻ ra những nhận định sai lầm về thiên
nhiên” [43, 278].
21
Sự hiểu biết của con người là kết quả của cuộc đấu tranh trường kỳ và gian khổ
để tiến dần từ tình trạng dã man đến trình độ văn minh. Sự hiểu biết đó được nâng
cao do những thắng lợi trong việc khắc phục và cải tạo thiên nhiên. Cách nhìn,
cách nghĩ của người nguyên thủy có phần khác với chúng ta. Tuy nhiên, tư duy
của họ mặc dầu ấu trĩ nhưng sản sinh trên cơ sở phản ánh những mối liên hệ giữa
các hiện tượng của thế giới khách quan và những mối liên hệ của các hiện tượng
ấy với loài người thông qua lao động sản xuất. Trong cuộc đấu tranh sản xuất,
người ta quan sát các hiện tượng, sự vật trong thiên nhiên. Sự quan sát càng tinh
tường, hiểu biết càng phong phú thì kết quả lao động càng tăng lên. Yêu cầu giải
thích thiên nhiên nảy sinh từ đó. Người ta quan sát và suy nghĩ các sự vật như: núi,
rừng, mặt trời, mặt trăng,…; các hiện tượng như: mưa, gió, lũ lụt,… Nhận thức
của người nguyên thủy có phần chính xác vì nó vẫn phản ánh hiện thực, do thực
tiễn mà có.
Gorki nhận định: “Trong trí tưởng tượng của người nguyên thủy, một vị thần
không phải là một cái gì trừu tượng mà là một nhân vật có thực, được trang bị
bằng một công cụ nào đó. Thần là bậc thầy của nghề này hay nghề khác. Thần là
sự khái quát nghệ thuật của sự tiến bộ lao động” [43, 276].
Một nguyên nhân khác nữa dẫn đến sự nhận thức mông muội về thế giới đó
chính là sự tôn sùng thế hệ trước. Cuộc sống cộng đồng với tất cả các nhu cầu của
nó đã nảy sinh ý thức tìm về nguyên thủy của người nguyên thủy. Họ biết ơn
những gì tổ tiên đã tạo ra và mong mỏi sẽ được tiếp thêm sức mạnh để chiến thắng
trong cuộc chiến chống thiên tai, thú dữ và những cộng đồng người khác. Chân
dung của các thế hệ trước được truyền miệng từ người này qua người khác, qua trí
tưởng tượng của người kể tạo ra những biến đổi và làm cho những con người của
thị tộc ngày càng anh hùng, kỳ vĩ và cũng thần thánh hơn. Heraclitus, Hector,… là
những con người như thế. Như vậy, thế giới quan của người nguyên thủy là kết
quả của sự giải thích các lực lượng của tự nhiên trong tưởng tượng và nhờ trí
tưởng tượng.
Từ đấy có thể nói mọi quan niệm về hôn nhân và gia đình cổ xưa đều thoát
thai từ triết lý sống tự nhiên của con người trong thời kỳ thị tộc, bộ lạc. Do đó, nó
22
gợi lên cho chúng ta sự cảm thông với dân tộc ở buổi ban đầu. E.M. Meletinski chỉ
ra rằng người nguyên thủy chưa tách mình ra khỏi môi trường tự nhiên và xã hội
bao quanh. Tư duy nguyên thủy còn giữ những đặc điểm của sự chưa phân tách,
chưa tách khỏi môi trường ấn tượng, tự phát. Điều này dẫn đến sự nhân hóa hồn
nhiên toàn bộ thiên nhiên, sự đối chiếu “ẩn dụ” các đối tượng thiên nhiên của xã
hội, văn hóa. Người nguyên thủy hình dung các hiện tượng tự nhiên như với con
người, gán cho chúng tâm hồn, lý trí, tình cảm con người. Và đến lượt mình, con
người lại tự đồng nhất với thế giới ấy. Đó là cơ sở giao tiếp hay tương tác giữa
con người với thế giới thần linh, là nền tảng cho những ý tưởng phóng túng bay
bổng trong các cuộc hôn nhân của thần thoại, truyền thuyết và cổ tích.
Một trong những biểu hiện đầu tiên của sự nhất thể hóa giữa con người với tự
nhiên làm tiền đề cho các ý thức về hôn nhân và gia đình giữa con người và thần
linh chính là Tôtem. Tôtem giáo là một trong những hình thức tôn giáo sớm nhất
đã sản sinh trên cơ sở của quan niệm hỗn hợp về thế giới. Người nguyên thủy cho
rằng tất cả mọi thành viên của thị tộc, bộ lạc đều do một giống động vật, thực vật
hoặc một vật thể nào đó sinh ra. Tôtem (vật tổ) của dân tộc Kinh là con rồng, của
dân tộc Dao là con chó thần Bàn Hồ,… Vật tổ vừa là vật, vừa là người và là tổ tiên
của người. Vật tổ có sự nghiệp khai sáng kỳ vĩ và toàn uy, toàn năng đối với con
cháu. Đây là một trong những vị thần xuất hiện sớm nhất của thời nguyên thủy.
Như đã nói ở trên, các hình thái hôn nhân trong lịch sử xã hội loài người đã
trải qua nhiều hình thái khác nhau dưới sự ảnh hưởng của điều kiện kinh tế - xã
hội và văn hóa. Hôn nhân là một trong những nghi lễ của đời người đã phản ánh
bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc trong đó có Việt Nam. Sự hình thành quan niệm
về mối hôn nhân giữa con người và thần linh xuất phát từ thế giới quan, vũ trụ
quan của người nguyên thủy. Trải qua các thời đại, vai trò của hôn nhân vẫn luôn
chi phối mọi hoạt động của xã hội và hòa lẫn vào trong nhiều ý niệm về thế giới,
xã hội. Cho nên nó vẫn luôn là một mối quan tâm được biểu hiện dưới nhiều góc
độ, trình độ nhận thức khác nhau của nhân loại. Đó là lý do để đề tài này thâm
nhập vào nhiều thể loại văn học dân gian. Việc tìm hiểu những vấn đề trên là cơ
sở, nền tảng để chúng tôi triển khai các chương sau, có điều kiện tìm hiểu các
23
dạng thức của motif hôn nhân giữa người và thần linh. Có một điều rất rõ là trải
qua một quá trình dài lâu về nhận thức và phát triển, vấn đề hôn nhân như đã nói,
luôn luôn được đề cập đến trong các loại hình văn học dân gian. Đối với truyền
thuyết và cổ tích, sự lặp lại các ý tưởng này tạo thành những công thức trong biểu
đạt. Đó chính là dạng thức của motif.
1.2. Một số vấn đề về lý thuyết motif
Motif không phải là một vấn đề mới mẻ đối với ngành nghiên cứu văn học dân
gian. Ở đây, chúng tôi sẽ làm rõ lý thuyết về motif và lý thuyết về những vấn đề
có liên quan đến motif như type, mối quan hệ giữa motif và type để có cái nhìn
thấu đáo về motif.
1.2.1. Lý thuyết về motif
Người đầu tiên đưa ra khái niệm type và motif là nhà Folklore người Nga ở thế
kỷ thứ XIX: A.N.Vexelopxki. Lý thuyết của ông đã trở thành phổ biến ở châu Âu
vào cuối thế kỷ thứ XIX. Bên cạnh đó, cũng có nhiều tên tuổi nổi tiếng khác khi
nghiên cứu về type và motif như A.Aarne, C.Thompson … Ở Việt Nam, có thể kể
ra một số công trình đã áp dụng lý thuyết về type và motif để nghiên cứu như
Truyện kể dân gian đọc bằng type và motif (Nguyễn Tấn Đắc ), Thạch Sanh
và kiểu truyện dũng sĩ trong truyện cổ Việt Nam và Đông Nam Á (Nguyễn
Bích Hà ), Cổ tích thần kỳ người Việt – đặc điểm cấu tạo cốt truyện (Tăng Kim
Ngân ), Nghiên cứu truyện cổ dân gian Việt Nam theo bảng mục lục tra cứu
típ và mô típ truyện cổ dân gian của Antti và Stith Thompson (Nguyễn Thị
Hiền ),…
Motif không phải là thuật ngữ của riêng ngành văn học dân gian song lĩnh vực
mà motif được nghiên cứu nhiều nhất và phân tích cẩn thận nhất là truyện kể dân
gian như: cổ tích, huyền thoại, ballad.
Theo Từ điển bách khoa toàn thư Xô Viết (dẫn theo [80, 57]), thuật ngữ
motif bắt nguồn từ gốc La – tinh Môreo – chỉ một yếu tố của cấu trúc âm nhạc.
Ngày nay, trong ngôn ngữ âm nhạc thì motif được hiểu như điệp khúc. Đó là
những khuôn nhạc giống nhau thường trở lại luôn.
24
Trong nghệ thuật dân gian, có motif của hình phác họa là những hình mẫu
thường lặp lại hoặc kết hợp với những hình mẫu khác theo một cách riêng biệt nào
đó.
Trong văn học dân gian, motif được hiểu như là một đơn vị nhỏ nhất, là những
đơn vị tế bào hạt nhân để xây dựng nên cốt truyện, là một thành tố tạo nên truyện.
Nó rất linh động, bởi trong truyện kể nó có thể tách rời ra hoặc lắp ghép lại được.
Motif truyện kể có thể là những khái niệm đơn giản thường gặp trong kho tàng
văn học dân gian như: những tạo vật khác thường bao gồm thần tiên, phù thủy,
yêu tinh, con vật biết nói,...; những thế giới kì diệu mà ở đó có những hiện tượng
tự nhiên khác thường, ma thuật luôn có hiệu lực,... Motif cũng có thể là một mẩu
kể ngắn, đơn giản, một sự việc đủ gây ấn tượng và thích thú đối với người nghe.
Theo Nguyễn Tấn Đắc trong Đề cương bài giảng sau đại học tại Đại học Sư
phạm Thành phố Hồ Chí Minh năm 1998 [57, tr.50-51], motif có thể là sản phẩm
của trí tưởng tượng non trẻ, thơ ngây của loài người ở trước thời kỳ của tư duy
khoa học. Chẳng hạn con vật biết nói, người chết biết thành cây, cái thảm biết bay,
hạt gạo to như cái đầu và khi chín thì tự đi về nhà, nồi cơm ăn không bao giờ
hết,… motif cũng có thể là sản phẩm của sự quan sát cuộc sống xã hội có thực
nhưng nó phải bất thường, quá đáng. Ví dụ mẹ đẻ giết con chồng, anh em ruột hại
nhau, cha mẹ đẻ mang con bỏ vào rừng,… Motif cũng có thể là sản phẩm của sự
mơ ước dân gian như: chàng trai nghèo được lấy vợ tiên, công chúa; cô gái nghèo
được lấy hoàng tử,… Motif cũng có thể là sản phẩm của trí thông minh, sự khôn
ngoan bất ngờ, thú vị của trí tuệ dân gian như trong các truyện ngụ ngôn, truyện
cười,…
Có thể thấy rằng thuật ngữ motif được dùng một cách rất lỏng lẻo, bao gồm bất
kì yếu tố nào tham gia vào truyện truyền miệng. Song cần lưu ý rằng để trở thành
một phần thật sự của truyện kể, nó phải có cái gì đó khác lạ, đặc biệt, làm cho
người ta nhớ và lặp đi lặp lại. Chẳng hạn, một bà mẹ thông thường không phải là
một motif còn một bà mẹ hung ác trở thành một motif vì nó khiến người ta nghĩ
rằng đây không phải là điều bình thường. Điều này cũng lí giải vì sao các motif
25
trong truyện kể dân gian vẫn tiếp tục sống, được các thế hệ người kể chuyện sử
dụng trong nhiều câu chuyện.
Việc nghiên cứu motif còn có ý nghĩa quan trọng đối với những người muốn
tìm hiểu về văn hóa. Phân tích motif, người nghiên cứu có cơ hội khám phá những
tầng văn hóa ẩn sau motif đó. Đồng thời, có thể chỉ ra mối quan hệ quốc tế. Đôi
khi sự sử dụng cùng một motif chỉ có tính logic, do quá trình tư duy giống nhau
giữa các nơi trên thế giới.
1.2.2. Lý thuyết về type
Theo định nghĩa của Từ điển Văn học (dẫn theo [57, 206]), “Tập hợp những
truyện có cùng chủ đề và cốt truyện tương tự như nhau, được gọi là kiểu truyện”.
GS. Nguyễn Tấn Đắc cũng có ý kiến tương tự, type được hiểu như là kiểu loại,
kiểu mẫu của truyện kể dân gian. Chỉ những tác phẩm dân gian nào có chung một
điểm nào đó về chủ đề, cốt truyện, nhân vật mới có thể được nghiên cứu chung.
Liên quan đến thuật ngữ type còn có thuật ngữ motif. Motif là những đơn vị tế bào
hạt nhân để xây dựng nên cốt truyện, là một thành tố tạo nên truyện. Nó rất linh
động, bởi trong truyện kể nó có thể tách rời ra hoặc lắp ghép lại được. Tính chất
của nó là hay lặp đi lặp lại và mang nét khác lạ hay đặc biệt nào đó. Vì vậy, tìm
hiểu motif cũng là khám phá những tầng lớp văn hóa. Type là đơn vị lớn hơn
motif, một type có thể chứa nhiều motif. Trường hợp câu chuyện quá ngắn, chỉ có
một motif thì motif ấy được xem như type.
Ở Việt Nam, năm 1978, ông Phan Kế Hoành trong bài Góp phần tìm hiểu
nguồn gốc truyền thuyết Âu Cơ và Lạc Long Quân (Tạp chí Văn học số 4,
1978) đã dùng thuật ngữ “dạng thức” để nói về những truyện có các yếu tố lặp lại
nhau. Vũ Anh Tuấn trong luận án phó tiến sĩ với đề tài Khảo sát cấu trúc và ý
nghĩa một số típ truyện kể dân gian Tày ở vùng Đông Bắc Việt Nam đã dùng
thuật ngữ “típ truyện”. Lê Trung Vũ thì dùng khái niệm “dạng truyện” khi thực
hiện đề tài: Khảo sát về dạng truyện người mồ côi trong truyện cổ tích
H’mông. Theo khảo sát của Nguyễn Bích Hà thì khái niệm kiểu truyện, típ truyện
hay dạng truyện mà các tác giả dùng đều chỉ những truyện có các yếu tố tương tự
26
nhau trong hạt nhân của cốt truyện. Như vậy, cùng một nội dung nhưng các thuật
ngữ đưa ra lại muôn hình muôn vẻ.
Những truyện có các motif tương tự nhau làm thành một kiểu truyện và mỗi
kiểu truyện có một hệ thống motif riêng với quan niệm nghệ thuật, ý nghĩa phản
ánh riêng. Trong một kiểu truyện có nhiều motif nhưng không nhất thiết mỗi
truyện trong kiểu truyện đó phải có tất cả các motif chung. Có thể có truyện chỉ
chung với các truyện khác một hoặc vài motif.
Phương pháp duy nhất để lập ra được một type là nghiên cứu những dị bản của
type đó. Khi thấy nhiều truyện có những chỗ giống nhau thì xếp vào chúng vào
cùng một loại rồi nghiên cứu những chỗ giống nhau đó, ghi giữ những đặc điểm
chung. Sau cùng, gộp chung tất cả những dị bản có các đặc điểm đó lại và ta có
thể trình bày nội dung của type được nghiên cứu.
Dưới đây là một số lợi ích của việc nghiên cứu type theo ý kiến của Nguyễn
Tấn Đắc:
Thứ nhất, type giúp xem xét và sắp xếp truyện dân gian theo từng cốt kể, tức là
theo từng truyện đơn vị chứ không theo từng mẩu chuyện riêng lẻ. Trong một kho
truyện kể nào đó (của một tộc người, một quốc gia, một khu vực,…) bao giờ số
type truyện cũng ít hơn và ổn định hơn số mẩu chuyện riêng lẻ.
Thứ hai, type cũng giúp xem xét truyện kể dân gian ở hai dạng. Đó là dạng cốt
kể (truyện, type) và dạng dị bản biến đổi của nó.
Thứ ba, type còn giúp xem xét và so sánh các kho truyện kể một cách có hệ
thống và ở cấp độ kiểu truyện hay truyện – đơn vị.
Trong công trình nghiên cứu này, chúng tôi vận dụng type để nghiên cứu
truyện kể dân gian ở dạng cốt kể (truyện, type). Vì điều này phù hợp với sự so
sánh motif hôn nhân giữa người và thần linh với vai trò là motif chủ đề (cũng
chính là type) ở hai thể loại truyền thuyết và cổ tích.
1.2.3. Mối quan hệ giữa motif và type
Motif là yếu tố bất biến trong truyện cổ tích thần kỳ, có khả năng di chuyển
hoặc bảo lưu trong một số truyện khác nhau. Ví dụ: motif “đôi giày” trong truyện
Lọ lem ở châu Âu và truyện Tấm Cám ở Việt Nam. Sự lặp lại của một motif
27
trong truyện kể các dân tộc khác nhau có thể là kết quả của sự giao lưu văn hóa
hoặc do những điều kiện lịch sử xã hội tương đồng. Những chuyện cổ tích thần kỳ
có cùng motif giống nhau sẽ thuộc về một type. Có thể đặt tên cho mỗi type bằng
cách gọi ra motif đặc trưng. Motif là yếu tố nhỏ nhất cấu tạo nên type. Như vậy,
motif ở trong type và type bao trùm lên motif. Giữa type và motif có mối quan hệ
biện chứng với nhau, có thể chuyển hóa cho nhau. Nếu cốt truyện chỉ bao gồm
một motif thì motif này đã chuyển hóa thành type; ngược lại, một cốt truyện thuộc
về một type có thể di chuyển vào một cốt truyện phức tạp hơn và trở thành thành
phần của cốt truyện phức tạp này thì nó đã trở thành motif chứ không phải là type
nữa. Cũng như motif, type là phần tử đơn vị vừa mang tính đặc trưng vừa mang
tính bền vững của truyện kể dân gian. Type là những cốt kể (narratives) có thể tồn
tại độc lập trong kho truyện truyền miệng. Dù đơn giản hay phức tạp, truyện nào
được kể như một cốt kể độc lập đều được xem là một type. Có những truyện kể
dài chứa đựng rất nhiều motif song cũng có những truyện kể chỉ có một motif đơn
lẻ. Ở trường hợp thứ hai, type và motif đồng nhất. Như vậy, mỗi một nền văn hóa
riêng biệt chỉ có một số lượng type có hạn.
Dựa vào mối quan hệ giữa type và motif, chúng tôi xét thấy có thể phân motif
thành hai loại. Đó là motif chi tiết và motif chủ đề. Motif chi tiết là loại motif
đóng vai trò tình tiết, chi tiết trong cốt truyện, bản thân nó có thể tham gia vào
nhiều type khác nhau; motif chủ đề là motif phát triển thành một cốt truyện và tạo
ra những cốt truyện tương tự nhau nên sẽ hình thành một type.
1.3. Các tiêu chí để lựa chọn motif hôn nhân giữa người và thần linh
trong truyền thuyết và cổ tích
Trong truyền thuyết và cổ tích Việt Nam cũng như thế giới, tồn tại một loại
nhân vật là lực lượng siêu nhiên thiện. Đây là những thực thể hình thành từ trí
tưởng tượng của con người, mang những đặc điểm khác thường. Sự có mặt của
nhân vật này bắt nguồn từ thế giới quan của người nguyên thủy vốn sợ hãi trước
lực lượng tự nhiên nên cho rằng có sự tồn tại của một thế lực nào đó khác con
người. Có những lực lượng siêu nhiên làm hại con người như loài yêu quái nhiều
28
phép thuật, chuyên ăn thịt người. Song cũng có những lực lượng siêu nhiên hỗ trợ,
giúp đỡ con người để cuộc sống của loài người tốt hơn. Loại nhân vật này có
nhiều tên gọi khác nhau trong các tài liệu nghiên cứu mà chúng tôi tìm hiểu được.
Chẳng hạn: thần tiên, phúc thần,… Trong đề tài này, để đảm bảo sự nhất quán,
chúng tôi gọi loại nhân vật này là: thần linh. Vì thần linh có những đặc điểm, chức
năng khác nhau trong mỗi thể loại, chi phối đến sự khác biệt trong mối quan hệ
hôn nhân giữa người và thần linh ở từng thể loại nên chúng tôi xác lập hệ thống
tiêu chí riêng cho từng thể loại.
1.3.1. Các tiêu chí để lựa chọn motif hôn nhân giữa người và thần linh trong
truyền thuyết
Để lựa chọn motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết chúng
tôi dựa trên hai tiêu chí. Một là xác định nhân vật thần linh; hai là điều kiện hôn
nhân.
Đối với việc xác định nhân vật thần linh, theo chúng tôi, loại nhân vật được
xem là thần linh phải có những đặc điểm sau.
Thứ nhất, về nguồn gốc, thần linh có thể xuất thân từ lực lượng siêu nhiên hay
con người. Những lực lượng siêu nhiên bao gồm các vị thủy thần (Sự tích hai
hoàng tử Bảo Quốc, Chân Võ thời Hùng Vương; Sự tích bảy anh em Lương,
Hải, Long, Lôi, Sơn, Nhạc, Lĩnh thời Hùng Vương), nàng tiên trên trời (Truyền
thuyết về Thiên Ya Na, Liễu Hạnh Tiên chúa,…), sơn thần (Sự tích Thần
Thông, Cương Nghị, Hùng Cường thời Hùng Vương; Sự tích đức Thánh
Tản;…), thần tướng trên trời (Sự tích đức Thiên Cang thời Hùng Vương).
Thứ hai, về đặc điểm phi thường, những đặc điểm phi thường của thần linh có
mặt trong sự xuất hiện ở cõi tục, diện mạo và hành động. Thần linh có thể xuất
hiện ở thế giới của con người dưới hình thức đầu thai làm kiếp người (Truyện
thần Câu Mang thời Hùng Vương). Ngoài ra còn có dạng thần linh được con
người sinh ra một cách thần kỳ. Đức thánh mẫu của Doãn Công khi thụ thai ngài
đã có một ngôi sao từ trên trời sa xuống, bà nuốt đi và sau đó sinh ra ngài (Sự tích
Doãn Công dẹp giặc Tô Định). Diện mạo của thần linh có những đặc điểm kỳ lạ
từ lúc mới sinh ra như trường hợp ngài Dương công trong Sự tích Dương công và
29
Nguyệt Tinh công chúa thời Hùng Vương: mặt rồng mũi hổ, sau lưng có hai
mươi tám vảy như vảy cá, tay dài chấm gối, trên trán có một cái sừng bằng thịt
nhô lên, lòng bàn chân có bảy cái lông dài hơn một tấc, tiếng vang như sấm, mắt
sáng như sao. Về hành động, họ có những khả năng kỳ bí để thực hiện những việc
mà sức người bình thường không làm được. Tản Viên Sơn Thánh có những phép
lạ có thể thông trời tỏ đất, dời núi lấp sông (Truyện Trung Định công thời Hùng
Vương). Trong hành tung, tuy họ xuất hiện ở cõi tục nhưng đời sống khác thường.
Chẳng hạn Đại vương Sơn Tinh họ Nguyễn cùng vui ở với loài thủy tộc ở đất Gia
Ninh huyện Phong Châu (Truyện núi Tản Viên).
Thứ ba, về chức năng của thần linh, thần linh xuất hiện trong cuộc sống của
con người và có một vai trò nhất định đối với xã hội loài người. Ở đây, dưới nhiều
hình thức khác nhau, thần linh luôn là lực lượng giúp đỡ cho con người để đời
sống của loài người tốt hơn. Dựa vào vai trò của thần linh đối với cuộc sống của
nhân dân, chúng tôi phân thần linh thành hai loại như sau: thần linh anh hùng và
thần linh văn hóa. Thần linh đã giúp đỡ con người trong vấn đề sinh tử cấp bách
của cộng đồng bao gồm chiến tranh, thiên tai và bệnh tật. Ngài Chung công đã
giúp Hùng Duệ Vương đánh tan giặc Đại Man Thạch (Sự tích Thánh Tản Viên
và Quí Minh). Ngoài việc chiến đấu trực tiếp với kẻ thù, họ có thể hỗ trợ con
người ở nhiều mặt khác như sinh ra thần linh anh hùng, hiến kế và tiến cứ tướng
tài cho nhà vua (Sự tích thần Linh Lang, Truyện thần Câu Mang thời Hùng
Vương, Sự tích Linh Công, Thủy Công, Đài Công thời Hùng Vương, Truyện
Bảng Công và Hải Công đời Trần, Truyện tích Nam Hải Đại Vương – Thục
An Dương Vương,...). Không chỉ vậy, thần linh còn làm nên những giá trị vật
chất, tinh thần và trở thành chỗ dựa tâm linh của nhân dân. Bà Phù Thánh Linh
Nhân đã được nhân dân gọi là Phật Quan Âm tái sinh vì đã thay vua trị dân rất
phép tắc, làm cho bốn phương ấm no, yên bình. Bà Chúa Lẫm trong truyền thuyết
cùng tên xuất thân là cô gái nghèo nhưng chăm chỉ, kết hôn với hoàng tử, trở
thành hoàng hậu. Khi trong nước xảy ra mất thóc trong kho lương thực, bà đã giải
quyết giúp dân. Bà còn giúp dân cày cấy, xây dựng đời sống hưng thịnh. Biết ơn
bà, nhân dân đã tôn bà là Bà Chúa Lẫm. Hay đơn giản hơn họ là những con người
30
có công trạng to lớn đối với cộng đồng vì cuộc đời họ tạo nên niềm tin tín ngưỡng
cho nhân dân nên được nhân dân thờ phụng. Nàng Mỵ Nương kết hôn với Trọng
Thủy và vì tình phu thê mà để nỏ thần rơi vào tay giặc nhưng khi nàng chết đi,
mối đùn ở ngôi mộ và nhân dân vẫn tôn thờ nàng là một vị thần (Sự tích Thục
Nương và công chúa Mỵ Châu).
Vì thần linh trong truyền thuyết có dạng mang nguồn gốc là con người, kết hôn
với con người, sau đó hiển thánh. Đây là hôn nhân giữa người với người nên
chúng tôi không xét trường hợp này. Vì vậy, tiêu chí thứ hai được đặt ra đó là điều
kiện hôn nhân. Ở đây, thần linh hóa thân trong kiếp người rồi kết hôn với con
người hoặc không hóa thân trong kiếp người mà xuất hiện với hình dạng thật trước
khi kết hôn với con người. Trường hợp thứ nhất, thần linh mang kiếp thường dân
trong xã hội. Họ là người có cha mẹ, danh tánh, quê quán, hoặc mồ côi, không biết
tên tuổi. Liễu Hạnh Tiên chúa trong truyền thuyết cùng tên đầu thai xuống trần
làm nàng Giáng Tiên – con gái của ông Lê Thái Công ở thôn Vân Cát, xã Yên
Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định dưới thời vua Anh Tôn nhà Lê (1557). Khi
không hóa thân trong kiếp người thần linh hiện diện ở cõi tục là những vị thần núi,
thần Quả, nữ thần giữ của. Trường hợp này xuất hiện trong các truyện như Sự tích
bốn Đại vương họ Đinh thời Hùng Vương, Sự tích đức Thánh Tản, Truyện bà
Hiển Nhân, Truyện lái buôn phương Bắc giấu vàng.
Tóm lại, để xác định motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền
thuyết, cần phải xét hai tiêu chí đó là xác định nhân vật thần linh và điều kiện hôn
nhân.
1.3.2. Các tiêu chí để lựa chọn motif hôn nhân giữa người và thần linh trong
cổ tích
Đối với thể loại cổ tích, việc lựa chọn motif hôn nhân giữa người và thần linh
gặp gỡ truyền thuyết ở tiêu chí thứ nhất nhưng vì đặc trưng thể loại nên nó có
những biểu hiện riêng.
Để xác định nhân vật thần linh trong cổ tích, chúng tôi lưu ý các khía cạnh sau:
Thứ nhất, về nguồn gốc, nhân vật thần linh trong cổ tích là những vị thủy thần
(Công chúa Thủy tề, nàng tiên cá) trong các truyện Anh đánh cá và công chúa
31
thủy tề, Nàng tiên cá; những nàng tiên trên trời (Sao Mai và Sao Hôm, Sự tích
núi Vàng); con gái của thần trời (Chàng Sính); con gái mặt trời (K’Ong mồ côi),
con gái thần ngà voi chúa (Chàng Amã Ja – Arèq).
Thứ hai, về đặc điểm phi thường, sự kỳ lạ ở nhân vật thần linh có thể được tìm
thấy trong khả năng của họ. Thần linh có thể hóa phép tạo ra nhiều của cải vật chất
(Của thiên trả địa), nàng tiên trong truyện Sao Mai và Sao Hôm có khả năng
bay giữa hai cõi trời và đất. Về diện mạo, thần linh có thể mang những lốt của con
vật như cá, ốc, rùa,… (Duyên tiên, Nàng tiên ốc, Ông Trạng lấy rùa,…). Khi
cần thiết họ có thể cởi bỏ lốt. Thần linh thường mang lốt để xuất hiện ở cõi trần để
con người không thể phát hiện.
Thứ ba, về chức năng, thần linh kết hôn với con người để mang lại điều tốt đẹp
cho họ. Đó là sự giàu sang, trừng phạt kẻ xấu để giúp con người lấy lại công lý
(Của thiên trả địa, Hai anh em khác họ) hay đơn giản là giúp con người sống
hạnh phúc vì có một người gắn bó với mình tuy cuộc sống không được sung túc
(Nàng tiên ốc, Nàng tiên cá,…)
Việc xác định nhân vật thần linh ở hai thể loại trên đây thực chất là để phân
định với con người và thế giới cõi trần. Cũng từ đó có thể thấy được mối quan hệ
hôn nhân giữa hai cõi được tác thành qua con đường nào và bằng cách nào.
Tiểu kết chương:
Vì sự hình thành và biểu hiện của motif hôn nhân giữa người và thần linh có
nền tảng từ cơ sở lịch sử - xã hội nên việc tìm hiểu những hình thái hôn nhân – gia
đình trong lịch sử, nhu cầu hôn nhân, thế giới quan của người nguyên thủy là tiền
đề cho việc tìm hiểu dạng thức của motif hôn nhân giữa người và thần linh và đi
xa hơn là so sánh motif này ở hai thể loại. Qua đây, chúng tôi phần nào lí giải
được cách thức hình thành motif hôn nhân giữa người và thần linh ở truyền thuyết
và cổ tích Việt Nam. Việc đưa ra các tiêu chí để lựa chọn motif là những công cụ
cần thiết để chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài. Một số vấn đề về lý thuyết về
motif, type, mối quan hệ giữa motif và type đã tạo ra cơ sở lý luận để triển khai đề
tài này, đặc biệt là chương ba: so sánh motif hôn nhân giữa người và thần linh ở
truyền thuyết và cổ tích trên hai bình diện vai trò của motif đối với cốt truyện.
32
CHƯƠNG 2: CÁC DẠNG THỨC CỦA MOTIF HÔN NHÂN GIỮA
NGƯỜI VÀ THẦN LINH TRONG TRUYỀN THUYẾT VÀ CỔ TÍCH VIỆT
NAM
Để phân loại dạng thức của motif hôn nhân giữa người và thần linh, chúng tôi
dựa vào mối quan hệ hôn nhân giữa người với các dạng thần linh. Đặc điểm riêng
của mỗi dạng thần linh sẽ chi phối đến cuộc hôn nhân giữa họ và con người, ảnh
hưởng đến sự vận động của cốt truyện và đặc trưng thể loại.
Để xác định dạng thần linh ở truyền thuyết, chúng tôi dựa vào hình thức thần
linh xuất hiện ở thế giới của con người. Theo đó, có hai dạng. Thứ nhất, đó là thần
linh hóa thân trong kiếp người, kiếp người ở đây là mọi thân phận trong xã hội từ
những người mồ côi, vô danh cho đến những người có cha mẹ (Người con gái núi
Tam Đảo, Sự tích Doãn Công dẹp giặc Tô Định, Bà chúa nghề tằm,…). Thứ
hai, đó là thần linh không hóa thân trong kiếp người. Họ là những vị thần núi,
người ở cung tiên,… trong các truyện như Truyện núi Tản Viên; Sự tích Thần
Thông, Cương Nghị, Hùng Cường thời Hùng Vương;… Từ đây, có hai dạng
thức hôn nhân trong truyền thuyết: hôn nhân giữa người và thần linh hóa thân
trong kiếp người; hôn nhân giữa người và thần linh không hóa thân trong kiếp
người.
Để xác định dạng thần linh ở cổ tích, chúng tôi dựa vào đặc điểm của nhân vật
thần linh và phân thần linh thành hai loại: thần linh có lốt vật và thần linh không
có lốt vật. Lốt vật là một đặc điểm thuộc về diện mạo của thần linh. Nó mang tính
tạm thời khi thần linh có thể cởi bỏ lốt. Thần linh có lốt vật xuất hiện trong những
truyện như: Anh đánh cá và công chúa thủy tề, Nàng tiên ốc,... Trong những
truyện này thần linh mang những lốt của con vật như cá, ốc, rùa,… Thần linh
không có lốt vật có mặt trong các truyện: Từ Thức, Của thiên trả địa, Chàng
Sính,... Đó là nàng tiên ở trên trời và có hình dáng rất xinh đẹp (Sao Mai và Sao
Hôm, Cưới vợ Mường Trời), con gái của vua Thủy tề (Hai anh em khác họ),...
Từ đây, có hai dạng thức hôn nhân ở cổ tích: hôn nhân giữa người và thần linh có
lốt vật; hôn nhân giữa người và thần linh không có lốt vật.
33
Như vậy, tiêu chí xác định dạng thức hôn nhân của motif hôn nhân giữa người
và thần linh trong truyền thuyết và cổ tích đó là mối quan hệ hôn nhân giữa người
với các dạng thần linh. Để xác định dạng thần linh ở truyền thuyết, chúng tôi dựa
vào hình thức thần linh xuất hiện ở cõi trần. Đó là thần linh hóa thân trong kiếp
người và thần linh không hóa thân trong kiếp người. Để xác định dạng thần linh ở
cổ tích, chúng tôi dựa vào đặc điểm diện mạo của thần linh đó là thần linh có lốt
vật hoặc không có lốt vật. Từ sự phân loại này, chúng tôi tiến hành mô tả cơ cấu
hôn nhân của motif hôn nhân giữa người và thần linh trong từng loại. Trong từng
dạng thức hôn nhân, khi nghiên cứu, xét thấy còn có sự hình thành những nhóm
hôn nhân riêng nên chúng tôi tiếp tục phân nhóm để mô tả dựa trên diễn biến của
cuộc hôn nhân. Kết hợp với việc mô tả dạng thức hôn nhân giữa người và thần
linh, chúng tôi còn so sánh các kiểu hôn nhân trong một dạng thức, so sánh các
dạng thức hôn nhân với nhau và tham chiếu truyện của người Kinh với đồng bào
thiểu số thuộc motif hôn nhân giữa người và thần linh.
2.1. Các dạng thức của motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền
thuyết
Kết quả thống kê cho thấy motif hôn nhân giữa người và thần linh chiếm tỉ lệ:
3.43% (34/991 truyện) trong truyền thuyết và 7.24% (27/373 truyện) trong cổ tích.
Như vậy, motif này xuất hiện trong cổ tích nhiều gấp hai lần so với truyền thuyết.
Tuy nhiên vấn đề chính là cách biểu hiện của nó trong từng thể loại có những dạng
thông điệp như thế nào. Đó là điều cần làm rõ ở từng thể loại.
Trong truyền thuyết, tỉ lệ số truyện chứa dạng thức hôn nhân giữa người và
thần linh hóa thân trong kiếp người bằng tỉ lệ số truyện chứa dạng thức hôn nhân
giữa người và thần linh không hóa thân trong kiếp người: 1.71% (17/991 truyện).
2.1.1. Hôn nhân giữa người và thần linh hóa thân trong kiếp người
Trong dạng thức này, hôn nhân giữa người và thần linh biểu hiện thành hai
nhóm hôn nhân và một số kiểu hôn nhân khác tồn tại rải rác trong một số truyện.
Dưới đây chúng tôi lần lượt mô tả chúng.
2.1.1.1. Nhóm hôn nhân: Gia đình con người – thần linh chống ngoại xâm
34
Dạng hôn nhân này xuất hiện trong các truyền thuyết như: Sự tích bảy anh em
Lương, Hải, Long, Lôi, Sơn, Nhạc, Lĩnh thời Hùng Vương; Truyện thần Câu
Mang thời Hùng Vương; Sự tích Linh Công, Thủy Công, Đài Công thời Hùng
Vương; Sự tích Chàng Cả, Chàng Hai, Chàng Ba Đại vương thời Triệu Vũ
Đế; Sự tích Doãn công dẹp giặc Tô Định; Bà Chúa nghề tằm.
Trong những truyện trên, thần linh thường kết hôn với bậc vua quan hoặc
những người có danh phận trong xã hội (dòng dõi Hùng Vương, con gái của thầy
dạy học). Vì thần linh là lực lượng siêu nhiên thiện được con người tôn thờ nên
nhân dân đã để họ kết hôn với những người xứng đáng. Hơn nữa, nhờ những cuộc
hôn nhân này mà thần linh có thể giúp đỡ con người nên để thần linh kết duyên
với những người có danh vị trong xã hội cũng là cách để tôn vinh mối nhân duyên
này. Tuy hóa thân trong kiếp người nhưng đa phần thân phận thần kỳ của thần linh
đã được hé mở bởi chính thần linh hoặc thông qua giấc mộng kỳ lạ của con người.
Chính vì thế, cuộc hôn nhân giữa con người và thần linh hóa thân trong kiếp người
có sự hòa trộn giữa thực và ảo, tạo nhiều lôi cuốn.
Hầu hết các truyện, sau khi kết hôn, thần linh đã sinh cho con người những vị
thần linh mới để giúp đỡ con người chống giặc ngoại xâm. Chỉ riêng trường hợp
truyện Sự tích Doãn công dẹp giặc Tô Định và Bà Chúa nghề tằm là thần linh
trực tiếp đối mặt với kẻ thù. Ở bình diện nào, những đóng góp của thần linh thông
qua cuộc hôn nhân với con người đều rất đáng được coi trọng. Qua đây, nó đã thể
hiện sự đa dạng trong những cách thức trợ giúp của thần linh dành cho con người.
Qua nhóm hôn nhân này, chúng tôi còn thấy trong xã hội, những bậc vua chúa
có quyền lực rất cao ở mọi lĩnh vực nói chung, việc hôn nhân nói riêng. Vua có
quyền chọn bất cứ ai làm vợ và có quyền được cưới nhiều vợ. Phương Dung đã
tình cờ gặp Hùng Huy Vương và được vua lập làm hoàng hậu (Sự tích hai hoàng
tử Bảo Quốc Chân Võ thời Hùng Vương), Niệm nương được Hùng Nghị Vương
chọn làm Đệ nhất Cung phi (Truyện Thần Câu Mang thời Hùng Vương).
Kết thúc những cuộc hôn nhân này, gia đình con người – thần linh phải chia rẽ
vì thần linh và con của họ dù thành công hay thất bại trước kẻ thù xâm lược thì
cũng đã hoàn thành nghĩa vụ giáng thế hộ dân. Nên sau đó họ trở về thế giới của
35
thần linh. Kết thúc này đã cho thấy sự tương thông và cách biệt giữa hai cõi trần
gian và thần tiên trong tâm thức dân gian.
Tóm lại, nhóm hôn nhân này đã cho thấy con đường thần linh hỗ trợ con người
và vai trò của hôn nhân – gia đình đối với sự nghiệp đấu tranh bảo vệ đất nước.
Đằng sau đó còn là nguyện vọng kéo sát thế giới thần linh đến gần hơn thế giới thế
tục của con người trong một thực tại còn nhiều lo sợ và mong muốn nhận được sự
giúp đỡ từ thế lực thần kỳ.
Dưới đây là mô hình hôn nhân:
Thần linh kết hôn với con người
Thần linh giúp đỡ con người chống ngoại xâm
Sinh ra thần linh mới Trực tiếp chống kẻ thù
Thần linh trở về thế giới của thần linh
2.1.1.2. Nhóm hôn nhân: Thần linh có công với đất nước được kết hôn với bậc
vua chúa
Dạng hôn nhân này xuất hiện trong các truyền thuyết: Sự tích Dương Công và
Nguyệt Tinh công chúa thời Hùng Vương, Người con gái núi Tam Đảo, Sự
tích đức Thiên Cang thời Hùng Vương, Võ Trung và Võ Quốc, Sự tích núi
Ngũ Hành.
Ở dạng thức này, hôn nhân giữa người và thần linh anh hùng còn là kết quả của
sự ban thưởng đối với thần linh sau những công trạng họ đã mang lại cho đất nước
như chiến thắng ngoại xâm, cứu nhân dân thoát khỏi bệnh tật,.... Và những cuộc
hôn nhân như vậy thường được tiến hành sau khi việc nước tạm yên. Vì hôn nhân
là một sự kiện trọng đại trong đời người, những cuộc hôn nhân ở tầm quốc gia lại
càng quan trọng hơn nên cần điều kiện tốt để tiến hành.
36
Đối tượng kết hôn của thần linh anh hùng là những con người xuất sắc, ở địa vị
cao trong xã hội. Những con người đó thuộc dòng dõi vua quan. Vì đây là những
cuộc hôn nhân nhằm khích lệ tinh thần và thắt chặt hơn mối quan hệ giữa con
người với thần linh.
Những truyền thuyết chứa dạng hôn nhân này đã cho thấy những người ở địa
vị cao, có quyền lực trong xã hội như bậc vua chúa có quyền ấn định hôn nhân cho
người dưới quyền. Như vậy, khi xuất hiện ở cõi trần trong thân phận con người,
thần linh cũng đã tuân thủ mọi sự vận hành của xã hội loài người.
Trong những cuộc hôn nhân dạng này, sự chủ động kết hôn và sắp xếp cuộc
hôn nhân thuộc về con người. Điều đó đã cho thấy ý thức cao của con người về vai
trò của hạnh phúc hôn nhân trong đời sống cá nhân nói riêng, trong sự nghiệp bảo
vệ quốc gia nói chung. Trước khi kết hôn, con người có thể biết đối tượng trong
hôn nhân là thần linh hóa thân trong kiếp người hay chỉ nhận thức đó là những bậc
tài giỏi trong thiên hạ. Song về cơ bản, sự chủ động trong những cuộc hôn nhân
này đã cho thấy khát vọng có được những cuộc hôn nhân đẹp. Đây cũng là khát
vọng muôn thuở của con người.
Vì những cuộc hôn nhân này là do đối tượng ngoài hôn nhân sắp xếp, quyết
định với tính chất ban tặng cho người có công đối với cộng đồng nên những
truyền thuyết thuộc dạng hôn nhân này không tập trung đi sâu vào đời sống hôn
nhân giữa thần linh và con người như những dạng hôn nhân khác.
Tạo nên những cuộc hôn nhân này, có thể thấy những bậc vua quan bên cạnh
việc muốn ban thưởng cho những người có công còn nhằm thiết lập mối quan hệ
mật thiết với họ để nhận được sự hỗ trợ từ họ về dài lâu. Trong những truyền
thuyết như Sự tích Dương Công và Nguyệt Tinh công chúa thời Hùng Vương,
Võ Trung và Võ Quốc, Sự tích đức Thiên Cang thời Hùng Vương, sau khi kết
hôn với con người, thần linh tiếp tục sống ở cõi trần và giúp đỡ con người chống
ngoại xâm. Có thể thấy những cuộc hôn nhân dạng này có vai trò quan trọng đối
với đất nước và nó nằm trong đường lối chính trị của các bậc vua chúa. Việc lấy
hôn nhân để phục vụ chính trị đã từng được nhiều bậc vua chúa thực hiện. Những
37
cuộc hôn nhân trong lịch sử Việt Nam như giữa Ngọc Hân và Nguyễn Huệ, các
vua chúa gả công chúa cho các tù trưởng miền núi,… đã thể hiện rất rõ điều đó.
Sau khi kết hôn, hoàn thành sứ mệnh giúp đỡ thế giới con người, thần linh sẽ
đưa con người trở về thế giới của thần linh (Sự tích Dương công và Nguyệt Tinh
công chúa, Sự tích đức Thiên Cang thời Hùng Vương). Cũng có thể thần linh
và con người sống ở thế giới con người (Người con gái núi Tam Đảo, Sự tích
núi Ngũ Hành). Trong truyền thuyết Võ Trung và Võ Quốc, gia đình con người
– thần linh li tán vì thần linh trở về thế giới của mình. Như vậy, đa phần kết thúc
của những cuộc hôn nhân dạng này đều có hậu.
Dưới đây là mô hình hôn nhân:
Thần linh có công với đất nước
Được kết hôn với bậc vua chúa
Trở về thế giới của thần linh Chia rẽ
Sống ở thế giới của con người
2.1.1.3. Một số kiểu hôn nhân khác
Ngoài hai nhóm hôn nhân trên, ở dạng hôn nhân giữa người và thần linh hóa
thân trong kiếp người còn có một số kiểu hôn nhân khác xuất hiện trong từng
truyện đơn lẻ. Đó là truyền thuyết Liễu Hạnh Tiên chúa và Truyền thuyết về
Thiên Ya Na.
Trong truyện Liễu Hạnh Tiên chúa, nàng Tiên chúa trên trời đầu thai làm cô
gái Giáng Tiên – con của người trần. Sau đó nàng cũng cưới chồng, sinh con và
hết thời gian sống ở cõi trần thì nàng mất, trở về cõi thần linh. Nhưng từ đây, thần
linh cũng thường hiển linh ở cõi trần để giúp đỡ con người. Như vậy, trong trường
hợp này, cuộc hôn nhân giữa con người và thần linh là biểu hiện tiêu biểu của kiếp
người của thần linh khi họ phạm tội ở thế giới của mình và bị đầy xuống trần gian.
38
Dưới đây là mô hình hôn nhân:
Thần linh kết hôn với con quan
Hết hạn sống ở cõi trần nên mất
Thường hiển thánh giúp đỡ nhân dân
Truyền thuyết về Thiên Ya Na là trường hợp duy nhất của dạng thức hôn
nhân giữa người và thần linh hóa thân trong kiếp người mà thần linh kết hôn với
người ở đất nước khác. Cuộc hôn nhân này mang tính chất tình cờ nên đã ngợi ca
chữ duyên trong hôn nhân. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân này không kéo dài khi nữ
thần nhớ cha mẹ, quê hương và quyết định trở về đất nước của mình. Có thể thấy
rằng người Việt đã gửi tâm thức gia đình vào dạng hôn nhân này. Bởi họ rất coi
trọng và gắn chặt cuộc đời mình với quê hương xứ sở. Họ vẫn luôn nhắc nhở nhau
từ những lời ca ngàn xưa: Ta về ta tắm ao ta, Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.
Một điều đáng lưu ý khác ở dạng hôn nhân này đó là đây là dạng hôn nhân
hiếm có trong motif hôn nhân giữa người và thần linh mà ở đó thần linh đã giết
người kết hôn với mình. Vì đi tìm bà Thiên Ya Na mà thái tử biển Bắc đã sát hại
dân chúng nên bà đã tiêu diệt hắn. Điều này đã cho thấy bản chất mạnh mẽ, quyết
liệt của thần linh trong vai trò bảo vệ điều thiện, che chở cho nhân dân. Thế nên
người dân đã vô cùng tin cậy vào sự linh ứng và tôn thờ họ.
Dưới đây là mô hình hôn nhân:
Thần linh kết hôn với con người xứ khác
Trở về quê hương giúp đỡ nhân dân
Tiêu diệt người chồng độc ác
39
Tóm lại, qua tìm hiểu dạng thức hôn nhân giữa con người và thần linh hóa thân
trong kiếp người, chúng tôi nhận thấy có hai nhóm hôn nhân và hai kiểu hôn nhân
khác. Trong dạng thức này, khi thần linh hóa thân trong kiếp người và được tác
hợp với con người, thần linh tuân theo mọi sự vận hành trong xã hội loài người.
Hai nhóm hôn nhân: Gia đình con người – thần linh chống ngoại xâm; thần linh có
công với đất nước được kết hôn với bậc vua chúa giống nhau ở đặc điểm là hôn
nhân có ý nghĩa đối với vấn đề của cộng đồng. Còn hai kiểu hôn nhân khác
nghiêng về cuộc đời của thần linh ở cõi trần nhiều hơn.
2.1.2. Hôn nhân giữa người và thần linh không hóa thân trong kiếp người
Trong dạng thức này, hôn nhân giữa người và thần linh biểu hiện thành hai
nhóm hôn nhân và một số kiểu hôn nhân tồn tại trong từng truyện đơn lẻ. Dưới
đây chúng tôi lần lượt mô tả chúng và kết hợp so sánh với dạng thức hôn nhân
giữa người và thần linh hóa thân trong kiếp người.
2.1.2.1. Nhóm hôn nhân: Gia đình con người – thần linh chống ngoại xâm
Dạng hôn nhân này có mặt trong các truyền thuyết: Sự tích bốn Đại vương họ
Đinh thời Hùng Vương; Truyện núi Tản Viên; Sơn Tinh đánh giặc; Sự tích
hai hoàng tử Bảo Quốc, Chân Võ thời Hùng Vương;…
Ở dạng này, thần linh thường kết hôn với những con người xuất sắc trong xã
hội. Những đối tượng kết hôn với thần linh đã tạo nên một sự kết hợp tương xứng,
xứng đáng mà nhân dân muốn dành cho thần linh. Đó là những bậc vua chúa. Tản
Viên Sơn Thánh đã cưới công chúa Mỵ Nương – con gái vua Hùng Vương thứ
mười tám (Truyện núi Tản Viên), nàng tiên trong truyện Sự tích hai hoàng tử
Bảo Quốc, Chân Võ thời Hùng Vương được Hùng Huy Vương lập làm hoàng
hậu.
Tuy xuất hiện ở cõi trần trong diện mạo thật và là lực lượng siêu nhiên nhưng
thần linh vẫn tuân theo mọi hoạt động diễn ra trong xã hội loài người. Ở đây, sự
chủ động trong hôn nhân thuộc về con người. Vua Hùng Vương đã mở hội kén
chồng và lựa chọn chàng rể tốt nhất (Sự tích bốn Đại vương họ Đinh thời Hùng
Vương, Truyện núi Tản Viên,…). Vua Hùng Huy Vương lúc bắt gặp tiên bên bờ
40
hồ đã rước ngay về kinh thành làm lễ thành hôn. Có thể thấy rằng con người luôn
ý thức được tầm quan trọng của hôn nhân trong sự gắn kết giữa con người và thần
linh để được sự hỗ trợ cao nhất từ họ. Điều này đã thể hiện sự tiến bộ trong nhận
thức của con người về lực lượng siêu nhiên. Từ chỗ sợ hãi lực lượng siêu nhiên
thường thấy trong thần thoại, con người đã trở nên tự tin hơn. Họ tôn kính, tôn
thờ, chung sống cùng thần linh chứ không cảm thấy yếu ớt trước các vị thần nữa.
Trong truyền thuyết, lực lượng siêu nhiên đã xích lại gần thế giới con người hơn.
Đây cũng là đặc trưng của truyền thuyết.
Bên cạnh đó, đời sống hôn nhân cũng có những nét kỳ ảo. Điều này cũng dễ
hiểu bởi đây là cuộc hôn nhân giữa con người và một lực lượng thần kỳ. Trong Sự
tích bốn đại vương họ Đinh thời Hùng Vương, hôn nhân giữa Sơn Tinh và Mỵ
Nương là do trời định, bốn vị Đại vương họ Đinh đã tâu trước với vua Hùng về
việc này. Trong các truyện như Sự tích hai hoàng tử Bảo Quốc, Chân Võ thời
Hùng Vương; Sự tích Linh Công, Thủy Công, Đài Công thời Hùng Vương;
Truyện thần Câu Mang thời Hùng Vương,… việc sinh nở của các bà mẹ cũng
diễn ra không bình thường. Họ thường có những cơn mộng kỳ lạ trước khi mang
thai, thời gian mang thai kéo dài hơn người thường,… Người con họ sinh ra có
những đặc điểm khác thường về diện mạo, khả năng,…
Cũng cần lưu ý rằng yếu tố kỳ ảo và yếu tố đời thường hòa quyện nhau một
cách tự nhiên trong đời sống hôn nhân của con người và thần linh.
Sau khi kết hôn, những cuộc hôn nhân giữa con người và thần linh thuộc dạng
này đều đối mặt với biến cố. Biến cố bắt nguồn từ những kẻ tham lam, hiếu chiến
muốn phá hoại sự yên bình của gia đình – thần linh nói riêng, đất nước nói chung.
Đa phần chúng là kẻ thù ngoại xâm. Dưới thời Hùng Vương, đó là quân của Thục
Phán muốn đánh Duệ Vương để cướp ngôi. Đó là lực lượng siêu nhiên ác ở cõi
nước. Trong Truyện núi Tản Viên, Thủy Tinh – vị thần ở cõi nước vì không cưới
được nàng Mỵ Nương nên đã đem quân đánh Sơn Tinh.
Trước những kẻ thù phá hoại gia đình con người – thần linh nói riêng và đất
nước nói chung, gia đình con người – thần linh đã tham gia vào cuộc đấu tranh
chống lại cái ác. Các thành viên trong gia đình từ thế hệ trước đến thế hệ sau đều
41
tham gia vào cuộc chiến. Nếu thần linh không chiến đấu trực tiếp thì họ chống
giặc bằng những việc làm gián tiếp như hiến kế, sinh ra người con thần linh anh
dũng trên trận mạc. Họ đã chiến đấu với tình yêu thương và lòng căm thù giặc sâu
sắc. Sơn Tinh đã kiên trì đấu tranh chống lại Thủy Tinh vào mỗi mùa lũ hàng năm
để không bị mất người vợ Mỵ Nương (Truyện núi Tản Viên). Những thành viên
trong gia đình cũng đã tương trợ nhau trong cuộc đấu tranh chung ấy. Xuất phát từ
mối quan hệ mật thiết giữa những người trong gia đình mà các thành viên trong
gia đình con người – thần linh đã luôn hỗ trợ nhau. Nhất là trong những hoàn cảnh
khó khăn, phải đối mặt với kẻ thù độc ác, sự tương trợ đó càng rõ nét, mạnh mẽ và
tạo nên một nguồn sức mạnh to lớn. Ở mức cao nhất, đó là sự hi sinh cho nhau.
Khi đối diện với quân Thục, Sơn Tinh trong vai trò vừa là con rể vừa là một vị
tướng tài đã tiến cử cho vua Hùng những vị tướng giỏi, hiến những kế hay và bản
thân ngài cũng đã ra trận làm nên chiến thắng (Truyện Bảng Công và Hải Công
đời Trần, Sự tích Nhạc Sơn cư sĩ thời Hùng Vương, Sự tích Cao Sĩ đời vua
Hùng,…). Tuy chỉ là con rể nhưng Sơn Tinh đã chiến đấu hết mình. Điều đó
không chỉ cho thấy tình nghĩa gia đình trước hoạn nạn mà còn làm nổi bật vai trò
của hôn nhân gia đình đối với vận mệnh đất nước.
Trải qua biến cố, gia đình con người – thần linh có thể đoàn tụ hoặc không
đoàn tụ. Đây cũng là tình hình chung của mọi gia đình sau cơn biến động của đất
nước. Trường hợp gia đình con người – thần linh đoàn tụ nằm trong những truyện
mà ở đó những thành viên của gia đình đã chiến thắng kẻ thù như Sự tích Cao
Sơn, Quý Minh; Sự tích hai hoàng tử Bảo Quốc, Chân Võ thời Hùng
Vương;… Trường hợp gia đình con người – thần linh không đoàn tụ nằm trong
các truyện mà ở đó các thành viên của gia đình đã thất bại trước kẻ thù như Sự
tích bốn Đại vương họ Đinh thời Hùng Vương; Sự tích Thần Thông, Cương
Nghị, Hùng Cường thời Hùng Vương.
Một điều đáng lưu ý là dù đoàn tụ hay không đoàn tụ, trải qua tai ương, gia
đình vẫn luôn là một khối thống nhất. Đặc điểm này là cơ sở nền tảng để hình
thành sức mạnh của gia đình con người – thần linh khi đối mặt với kẻ thù. Nếu
không cùng hưởng hạnh phúc thì họ chia sẻ với nhau mất mát. Trong truyện Sự
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết

More Related Content

What's hot

Giao trinh van hoc trung dai Viet Nam. Tap 1.pdf
Giao trinh van hoc trung dai Viet Nam. Tap 1.pdfGiao trinh van hoc trung dai Viet Nam. Tap 1.pdf
Giao trinh van hoc trung dai Viet Nam. Tap 1.pdfMan_Ebook
 
Truyền thuyết thánh gióng đặc điểm và giá trị văn hóa. luận án tiến sĩ văn hó...
Truyền thuyết thánh gióng đặc điểm và giá trị văn hóa. luận án tiến sĩ văn hó...Truyền thuyết thánh gióng đặc điểm và giá trị văn hóa. luận án tiến sĩ văn hó...
Truyền thuyết thánh gióng đặc điểm và giá trị văn hóa. luận án tiến sĩ văn hó...jackjohn45
 
Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...
Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...
Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX nataliej4
 
VĂN HỌC NHẬT BẢN TỪ KHỞI THỦY ĐẾN 1868
VĂN HỌC NHẬT BẢN TỪ KHỞI THỦY ĐẾN 1868 VĂN HỌC NHẬT BẢN TỪ KHỞI THỦY ĐẾN 1868
VĂN HỌC NHẬT BẢN TỪ KHỞI THỦY ĐẾN 1868 nataliej4
 

What's hot (20)

Đề tài: Truyện ngắn Việt Nam từ 1986 đến nay (nhìn từ góc độ thể loại)
Đề tài: Truyện ngắn Việt Nam từ 1986 đến nay (nhìn từ góc độ thể loại)Đề tài: Truyện ngắn Việt Nam từ 1986 đến nay (nhìn từ góc độ thể loại)
Đề tài: Truyện ngắn Việt Nam từ 1986 đến nay (nhìn từ góc độ thể loại)
 
Luận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIX
Luận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIXLuận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIX
Luận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIX
 
Giao trinh van hoc trung dai Viet Nam. Tap 1.pdf
Giao trinh van hoc trung dai Viet Nam. Tap 1.pdfGiao trinh van hoc trung dai Viet Nam. Tap 1.pdf
Giao trinh van hoc trung dai Viet Nam. Tap 1.pdf
 
Luận văn: Yếu tố phong tục trong truyện cổ tích người Việt từ góc nhìn văn hoá
Luận văn: Yếu tố phong tục trong truyện cổ tích người Việt từ góc nhìn văn hoáLuận văn: Yếu tố phong tục trong truyện cổ tích người Việt từ góc nhìn văn hoá
Luận văn: Yếu tố phong tục trong truyện cổ tích người Việt từ góc nhìn văn hoá
 
Luận văn: Nét đẹp nhân văn trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, 9đ
Luận văn: Nét đẹp nhân văn trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, 9đLuận văn: Nét đẹp nhân văn trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, 9đ
Luận văn: Nét đẹp nhân văn trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, 9đ
 
Luận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đ
Luận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đLuận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đ
Luận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đ
 
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAYLuận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
 
Truyền thuyết thánh gióng đặc điểm và giá trị văn hóa. luận án tiến sĩ văn hó...
Truyền thuyết thánh gióng đặc điểm và giá trị văn hóa. luận án tiến sĩ văn hó...Truyền thuyết thánh gióng đặc điểm và giá trị văn hóa. luận án tiến sĩ văn hó...
Truyền thuyết thánh gióng đặc điểm và giá trị văn hóa. luận án tiến sĩ văn hó...
 
Luận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAY
Luận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAYLuận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAY
Luận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAY
 
Luận văn: Vấn đề bản chất và đặc trưng của văn học Việt Nam
Luận văn: Vấn đề bản chất và đặc trưng của văn học Việt NamLuận văn: Vấn đề bản chất và đặc trưng của văn học Việt Nam
Luận văn: Vấn đề bản chất và đặc trưng của văn học Việt Nam
 
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOTLuận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
 
Khóa luận: Nhân vật nữ trong truyền thuyết dân gian người Việt, HAY
Khóa luận: Nhân vật nữ trong truyền thuyết dân gian người Việt, HAYKhóa luận: Nhân vật nữ trong truyền thuyết dân gian người Việt, HAY
Khóa luận: Nhân vật nữ trong truyền thuyết dân gian người Việt, HAY
 
Luận văn: Yếu tố trữ tình trong truyện ngắn Trần Thùy Mai và Quế Hương
Luận văn: Yếu tố trữ tình trong truyện ngắn Trần Thùy Mai và Quế HươngLuận văn: Yếu tố trữ tình trong truyện ngắn Trần Thùy Mai và Quế Hương
Luận văn: Yếu tố trữ tình trong truyện ngắn Trần Thùy Mai và Quế Hương
 
Đề tài: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu
Đề tài: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Minh ChâuĐề tài: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu
Đề tài: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu
 
Luận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAY
Luận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAYLuận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAY
Luận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAY
 
Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...
Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...
Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...
 
Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975
Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975
Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975
 
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
 
Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam từ 1965 đến 1975, 9đ
Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam từ 1965 đến 1975, 9đLuận án: Cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam từ 1965 đến 1975, 9đ
Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam từ 1965 đến 1975, 9đ
 
VĂN HỌC NHẬT BẢN TỪ KHỞI THỦY ĐẾN 1868
VĂN HỌC NHẬT BẢN TỪ KHỞI THỦY ĐẾN 1868 VĂN HỌC NHẬT BẢN TỪ KHỞI THỦY ĐẾN 1868
VĂN HỌC NHẬT BẢN TỪ KHỞI THỦY ĐẾN 1868
 

Similar to Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết

Liên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệp
Liên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệpLiên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệp
Liên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệpMan_Ebook
 
Sự trình hiện nhân vật nữ trong Cánh Đồng Bất Tận Từ truyện ngắn đến điện ảnh
Sự trình hiện nhân vật nữ trong Cánh Đồng Bất Tận Từ truyện ngắn đến điện ảnhSự trình hiện nhân vật nữ trong Cánh Đồng Bất Tận Từ truyện ngắn đến điện ảnh
Sự trình hiện nhân vật nữ trong Cánh Đồng Bất Tận Từ truyện ngắn đến điện ảnhDịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
Luận văn: Tình yêu trong thơ Nôm thế kỷ XV đến thế kỷ XIX dưới góc nhìn văn h...
Luận văn: Tình yêu trong thơ Nôm thế kỷ XV đến thế kỷ XIX dưới góc nhìn văn h...Luận văn: Tình yêu trong thơ Nôm thế kỷ XV đến thế kỷ XIX dưới góc nhìn văn h...
Luận văn: Tình yêu trong thơ Nôm thế kỷ XV đến thế kỷ XIX dưới góc nhìn văn h...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...nataliej4
 
ĐỀ TÀI HÌNH TƯỢNG MA NỮ TRONG TRUYỀN KỲ MẠN LỤC.pdf
ĐỀ TÀI HÌNH TƯỢNG MA NỮ TRONG TRUYỀN KỲ MẠN LỤC.pdfĐỀ TÀI HÌNH TƯỢNG MA NỮ TRONG TRUYỀN KỲ MẠN LỤC.pdf
ĐỀ TÀI HÌNH TƯỢNG MA NỮ TRONG TRUYỀN KỲ MẠN LỤC.pdfNuioKila
 
Sự trình hiện nhân vật nữ trong Cánh Đồng Bất Tận Từ truyện ngắn đến điện ảnh
Sự trình hiện nhân vật nữ trong Cánh Đồng Bất Tận Từ truyện ngắn đến điện ảnhSự trình hiện nhân vật nữ trong Cánh Đồng Bất Tận Từ truyện ngắn đến điện ảnh
Sự trình hiện nhân vật nữ trong Cánh Đồng Bất Tận Từ truyện ngắn đến điện ảnhDịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
Sử dụng phương pháp lôgic lịch sử vào nghiên cứu văn hóa làng xã việt nam 6...
Sử dụng phương pháp lôgic   lịch sử vào nghiên cứu văn hóa làng xã việt nam 6...Sử dụng phương pháp lôgic   lịch sử vào nghiên cứu văn hóa làng xã việt nam 6...
Sử dụng phương pháp lôgic lịch sử vào nghiên cứu văn hóa làng xã việt nam 6...jackjohn45
 

Similar to Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết (20)

Luận án: Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết Việt Nam 1986 - 2012
Luận án: Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết Việt Nam 1986 - 2012Luận án: Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết Việt Nam 1986 - 2012
Luận án: Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết Việt Nam 1986 - 2012
 
Luận án: Truyện nôm bác học từ góc nhìn của cổ mẫu, HAY
Luận án: Truyện nôm bác học từ góc nhìn của cổ mẫu, HAYLuận án: Truyện nôm bác học từ góc nhìn của cổ mẫu, HAY
Luận án: Truyện nôm bác học từ góc nhìn của cổ mẫu, HAY
 
Ảnh hưởng của văn học dân gian trong văn xuôi và thơ ca Tày
Ảnh hưởng của văn học dân gian trong văn xuôi và thơ ca TàyẢnh hưởng của văn học dân gian trong văn xuôi và thơ ca Tày
Ảnh hưởng của văn học dân gian trong văn xuôi và thơ ca Tày
 
Liên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệp
Liên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệpLiên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệp
Liên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệp
 
Luận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAY
Luận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAYLuận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAY
Luận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAY
 
Xung đột văn hóa trong tiểu thuyết viết về nông thôn từ 1986 đến nay
Xung đột văn hóa trong tiểu thuyết viết về nông thôn từ 1986 đến nayXung đột văn hóa trong tiểu thuyết viết về nông thôn từ 1986 đến nay
Xung đột văn hóa trong tiểu thuyết viết về nông thôn từ 1986 đến nay
 
Sự trình hiện nhân vật nữ trong Cánh Đồng Bất Tận Từ truyện ngắn đến điện ảnh
Sự trình hiện nhân vật nữ trong Cánh Đồng Bất Tận Từ truyện ngắn đến điện ảnhSự trình hiện nhân vật nữ trong Cánh Đồng Bất Tận Từ truyện ngắn đến điện ảnh
Sự trình hiện nhân vật nữ trong Cánh Đồng Bất Tận Từ truyện ngắn đến điện ảnh
 
Luận văn: Thế giới biểu tượng trong Lĩnh Nam chích quái, HAY
Luận văn: Thế giới biểu tượng trong Lĩnh Nam chích quái, HAYLuận văn: Thế giới biểu tượng trong Lĩnh Nam chích quái, HAY
Luận văn: Thế giới biểu tượng trong Lĩnh Nam chích quái, HAY
 
Luận văn: Thế giới biểu tượng trong Lĩnh Nam chích quái, 9đ
Luận văn: Thế giới biểu tượng trong Lĩnh Nam chích quái, 9đLuận văn: Thế giới biểu tượng trong Lĩnh Nam chích quái, 9đ
Luận văn: Thế giới biểu tượng trong Lĩnh Nam chích quái, 9đ
 
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đLuận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
 
Luận án: Nhân vật trong truyện kỳ ảo trung đại Việt Nam và Hàn Quốc
Luận án: Nhân vật trong truyện kỳ ảo trung đại Việt Nam và Hàn QuốcLuận án: Nhân vật trong truyện kỳ ảo trung đại Việt Nam và Hàn Quốc
Luận án: Nhân vật trong truyện kỳ ảo trung đại Việt Nam và Hàn Quốc
 
Luận văn: Tình yêu trong thơ Nôm thế kỷ XV đến thế kỷ XIX, HAY
Luận văn: Tình yêu trong thơ Nôm thế kỷ XV đến thế kỷ XIX, HAYLuận văn: Tình yêu trong thơ Nôm thế kỷ XV đến thế kỷ XIX, HAY
Luận văn: Tình yêu trong thơ Nôm thế kỷ XV đến thế kỷ XIX, HAY
 
Luận văn: Tình yêu trong thơ Nôm thế kỷ XV đến thế kỷ XIX dưới góc nhìn văn h...
Luận văn: Tình yêu trong thơ Nôm thế kỷ XV đến thế kỷ XIX dưới góc nhìn văn h...Luận văn: Tình yêu trong thơ Nôm thế kỷ XV đến thế kỷ XIX dưới góc nhìn văn h...
Luận văn: Tình yêu trong thơ Nôm thế kỷ XV đến thế kỷ XIX dưới góc nhìn văn h...
 
Khóa luận tốt nghiệp cái say trong thơ nguyễn khuyến
Khóa luận tốt nghiệp cái say trong thơ nguyễn khuyếnKhóa luận tốt nghiệp cái say trong thơ nguyễn khuyến
Khóa luận tốt nghiệp cái say trong thơ nguyễn khuyến
 
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
 
ĐỀ TÀI HÌNH TƯỢNG MA NỮ TRONG TRUYỀN KỲ MẠN LỤC.pdf
ĐỀ TÀI HÌNH TƯỢNG MA NỮ TRONG TRUYỀN KỲ MẠN LỤC.pdfĐỀ TÀI HÌNH TƯỢNG MA NỮ TRONG TRUYỀN KỲ MẠN LỤC.pdf
ĐỀ TÀI HÌNH TƯỢNG MA NỮ TRONG TRUYỀN KỲ MẠN LỤC.pdf
 
Sự trình hiện nhân vật nữ trong Cánh Đồng Bất Tận Từ truyện ngắn đến điện ảnh
Sự trình hiện nhân vật nữ trong Cánh Đồng Bất Tận Từ truyện ngắn đến điện ảnhSự trình hiện nhân vật nữ trong Cánh Đồng Bất Tận Từ truyện ngắn đến điện ảnh
Sự trình hiện nhân vật nữ trong Cánh Đồng Bất Tận Từ truyện ngắn đến điện ảnh
 
Luận án: Người đồng tính trong xã hội Việt Nam đương đại, HAY
Luận án: Người đồng tính trong xã hội Việt Nam đương đại, HAYLuận án: Người đồng tính trong xã hội Việt Nam đương đại, HAY
Luận án: Người đồng tính trong xã hội Việt Nam đương đại, HAY
 
Luận văn: Linh thần trong truyền thuyết Việt Nam, HAY, 9đ
Luận văn: Linh thần trong truyền thuyết Việt Nam, HAY, 9đLuận văn: Linh thần trong truyền thuyết Việt Nam, HAY, 9đ
Luận văn: Linh thần trong truyền thuyết Việt Nam, HAY, 9đ
 
Sử dụng phương pháp lôgic lịch sử vào nghiên cứu văn hóa làng xã việt nam 6...
Sử dụng phương pháp lôgic   lịch sử vào nghiên cứu văn hóa làng xã việt nam 6...Sử dụng phương pháp lôgic   lịch sử vào nghiên cứu văn hóa làng xã việt nam 6...
Sử dụng phương pháp lôgic lịch sử vào nghiên cứu văn hóa làng xã việt nam 6...
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864

Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏiDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏiDịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864 (20)

200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc
200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc
200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc
 
Danh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểmDanh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểm
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểmDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểm
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏiDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểmDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểm
 
danh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhua
danh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhuadanh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhua
danh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhua
 
Kinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay Nhất
Kinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay NhấtKinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay Nhất
Kinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay Nhất
 
Kho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểm
Kho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểmKho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểm
Kho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểm
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại họcKho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại học
 
Kho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tử
Kho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tửKho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tử
Kho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tử
 
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểmKho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểm
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu HọcKho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu Học
 
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhất
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhấtKho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhất
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhất
 
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểmKho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểm
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin HọcKho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin Học
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập Khẩu
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập KhẩuKho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập Khẩu
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập Khẩu
 

Recently uploaded

Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdfSơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdftohoanggiabao81
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...ThunTrn734461
 
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )
Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )
Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )lamdapoet123
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...hoangtuansinh1
 
cuộc cải cách của Lê Thánh Tông - Sử 11
cuộc cải cách của Lê Thánh Tông -  Sử 11cuộc cải cách của Lê Thánh Tông -  Sử 11
cuộc cải cách của Lê Thánh Tông - Sử 11zedgaming208
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXH
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXHTư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXH
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXHThaoPhuong154017
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxChàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxendkay31
 
200 câu hỏi trắc nghiệm ôn tập PLDC.pdf
200 câu hỏi trắc nghiệm ôn tập  PLDC.pdf200 câu hỏi trắc nghiệm ôn tập  PLDC.pdf
200 câu hỏi trắc nghiệm ôn tập PLDC.pdfdong92356
 
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...Học viện Kstudy
 
CHƯƠNG VII LUẬT DÂN SỰ (2) Pháp luật đại cương.pptx
CHƯƠNG VII LUẬT DÂN SỰ (2) Pháp luật đại cương.pptxCHƯƠNG VII LUẬT DÂN SỰ (2) Pháp luật đại cương.pptx
CHƯƠNG VII LUẬT DÂN SỰ (2) Pháp luật đại cương.pptx22146042
 
Hệ phương trình tuyến tính và các ứng dụng trong kinh tế
Hệ phương trình tuyến tính và các ứng dụng trong kinh tếHệ phương trình tuyến tính và các ứng dụng trong kinh tế
Hệ phương trình tuyến tính và các ứng dụng trong kinh tếngTonH1
 
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxTrích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxnhungdt08102004
 
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfhoangtuansinh1
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
50 ĐỀ ĐỀ XUẤT THI VÀO 10 THPT SỞ GIÁO DỤC THANH HÓA MÔN TIẾNG ANH 9 CÓ TỰ LUẬ...
50 ĐỀ ĐỀ XUẤT THI VÀO 10 THPT SỞ GIÁO DỤC THANH HÓA MÔN TIẾNG ANH 9 CÓ TỰ LUẬ...50 ĐỀ ĐỀ XUẤT THI VÀO 10 THPT SỞ GIÁO DỤC THANH HÓA MÔN TIẾNG ANH 9 CÓ TỰ LUẬ...
50 ĐỀ ĐỀ XUẤT THI VÀO 10 THPT SỞ GIÁO DỤC THANH HÓA MÔN TIẾNG ANH 9 CÓ TỰ LUẬ...Nguyen Thanh Tu Collection
 

Recently uploaded (20)

Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdfSơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
 
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
 
Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )
Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )
Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
 
cuộc cải cách của Lê Thánh Tông - Sử 11
cuộc cải cách của Lê Thánh Tông -  Sử 11cuộc cải cách của Lê Thánh Tông -  Sử 11
cuộc cải cách của Lê Thánh Tông - Sử 11
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXH
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXHTư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXH
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXH
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
 
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxChàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
 
200 câu hỏi trắc nghiệm ôn tập PLDC.pdf
200 câu hỏi trắc nghiệm ôn tập  PLDC.pdf200 câu hỏi trắc nghiệm ôn tập  PLDC.pdf
200 câu hỏi trắc nghiệm ôn tập PLDC.pdf
 
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
 
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
 
CHƯƠNG VII LUẬT DÂN SỰ (2) Pháp luật đại cương.pptx
CHƯƠNG VII LUẬT DÂN SỰ (2) Pháp luật đại cương.pptxCHƯƠNG VII LUẬT DÂN SỰ (2) Pháp luật đại cương.pptx
CHƯƠNG VII LUẬT DÂN SỰ (2) Pháp luật đại cương.pptx
 
Hệ phương trình tuyến tính và các ứng dụng trong kinh tế
Hệ phương trình tuyến tính và các ứng dụng trong kinh tếHệ phương trình tuyến tính và các ứng dụng trong kinh tế
Hệ phương trình tuyến tính và các ứng dụng trong kinh tế
 
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxTrích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
 
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
50 ĐỀ ĐỀ XUẤT THI VÀO 10 THPT SỞ GIÁO DỤC THANH HÓA MÔN TIẾNG ANH 9 CÓ TỰ LUẬ...
50 ĐỀ ĐỀ XUẤT THI VÀO 10 THPT SỞ GIÁO DỤC THANH HÓA MÔN TIẾNG ANH 9 CÓ TỰ LUẬ...50 ĐỀ ĐỀ XUẤT THI VÀO 10 THPT SỞ GIÁO DỤC THANH HÓA MÔN TIẾNG ANH 9 CÓ TỰ LUẬ...
50 ĐỀ ĐỀ XUẤT THI VÀO 10 THPT SỞ GIÁO DỤC THANH HÓA MÔN TIẾNG ANH 9 CÓ TỰ LUẬ...
 

Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết

  • 1. 1 BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH _____________ Phan Ánh Nguyễn MOTIF HÔN NHÂN GIỮA NGƯỜI VÀ THẦN LINH TRONG TRUYỀN THUYẾT VÀ CỔ TÍCH VIỆT NAM Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 60 22 34 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: TS. HỒ QUỐC HÙNG Thành phố Hồ Chí Minh - 2012
  • 2. 2 LỜI CẢM ƠN Luận văn này hoàn thành, dẫu kết quả có thế nào đi nữa bản thân cũng không thất vọng vì đã nỗ lực hết sức. Qua đây, tôi xin được gửi lời cảm ơn chân thành đến: TS. Hồ Quốc Hùng – người đã hướng dẫn tôi rất tận tình. Phòng Sau Đại học, Ban chủ nhiệm khoa Ngữ văn cùng Ban quản lý Thư viện trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Thư viện Hải Phú Tỉnh Phú Yên – các thầy cô đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để tôi hoàn thành luận văn Thạc sĩ. Thầy cô, Bạn bè – những người đã luôn giúp đỡ, động viên tôi. Cuối cùng, tôi xin cảm ơn Gia đình vì đã hỗ trợ tôi mọi mặt. Học viên Phan Ánh Nguyễn
  • 3. 3 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong luận văn là trung thực và chưa từng được công bố trong bất kỳ công trình nào khác. Học viên Phan Ánh Nguyễn
  • 4. 4 MỤC LỤC PHẦN MỘT: DẪN NHẬP........................................................................................ 6 1. Lí do chọn đề tài................................................................................................... .. 6 2. Lịch sử vấn đề ...................................................................................................... .. 6 3. Đóng góp của luận văn......................................................................................... .. 9 4. Phạm vi nghiên cứu.............................................................................................. .. 9 5. Phương pháp nghiên cứu...................................................................................... 11 6. Kết cấu của luận văn ............................................................................................ 11 PHẦN HAI: NỘI DUNG ........................................................................................ 14 CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ LÝ THUYẾT............................. 14 1.1. Những cơ sở lịch sử - xã hội liên quan đến motif hôn nhân giữa người và thần linh.................................................................................................................... 14 1.2. Một số vấn đề về lý thuyết motif .................................................................. 23 1.3. Các tiêu chí để lựa chọn motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết và cổ tích............................................................................................ 27 CHƯƠNG 2: CÁC DẠNG THỨC CỦA MOTIF HÔN NHÂN GIỮA NGƯỜI VÀ THẦN LINH TRONG TRUYỀN THUYẾT VÀ CỔ TÍCH VIỆT NAM ... 32 2.1. Các dạng thức của motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết ....................................................................................................................... 33 2.1.1. Hôn nhân giữa người và thần linh hóa thân trong kiếp người.................33 2.1.2. Hôn nhân giữa người và thần linh không hóa thân trong kiếp người......39 2.2. Các dạng thức của motif hôn nhân giữa người và thần linh trong cổ tích ... 50 2.2.1. Hôn nhân giữa người và thần linh có lốt vật ...........................................50 2.2.2. Hôn nhân giữa người và thần linh không có lốt vật ................................54 CHƯƠNG 3: SO SÁNH MOTIF HÔN NHÂN GIỮA NGƯỜI VÀ THẦN LINH TRONG TRUYỀN THUYẾT VÀ CỔ TÍCH VIỆT NAM....................... 63 3.1. Motif hôn nhân giữa người và thần linh với vai trò là motif chi tiết ............... 65 3.1.1. Dạng thức của motif ................................................................................65 3.1.2. Vai trò của motif đối với cốt truyện ........................................................69
  • 5. 5 3.2. Motif hôn nhân giữa người và thần linh với vai trò là motif chủ đề................. 72 3.2.1. Cốt truyện ................................................................................................73 3.2.2. Hệ thống motif.........................................................................................77 3.2.3. Kiểu nhân vật...........................................................................................86 PHẦN BA: KẾT LUẬN.......................................................................................... 91 TÀI LIỆU THAM KHẢO ...................................................................................... 94 PHỤ LỤC............................................................................................................... 102
  • 6. 6 PHẦN MỘT: DẪN NHẬP 1. Lí do chọn đề tài Kho tàng văn học dân gian là nơi gìn giữ những giá trị truyền thống về tư tưởng, nghệ thuật. Nó đã trở thành dòng chảy xuyên qua các nền văn học và có ý nghĩa với mọi thời. Cho đến nay, việc nghiên cứu văn học dân gian vẫn đang được tiếp tục với sự đào sâu cũng như mở rộng về đối tượng và phương pháp nghiên cứu. Motif là một trong những vấn đề đã và đang được nghiên cứu trong chuyên ngành văn học dân gian trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng. Đây là một vấn đề có giá trị khoa học, hứa hẹn những đóng góp có ý nghĩa. Về bản chất, truyền thuyết và cổ tích có những mối quan tâm khác nhau nhưng hầu hết và trước hết là những khát vọng, mưu cầu về hạnh phúc cho con người ở cõi trần gian, cuộc đời đích thực. Một trong những vấn đề đó là hôn nhân. Đánh giá ở tầm bao quát hơn, trên bình diện nhân loại, hôn nhân là vấn đề lớn, là nền tảng cho mọi nền văn hóa và văn minh. Mỗi thời đại có cách nhìn và nhu cầu cũng như cách biểu đạt riêng về hôn nhân. Có những khía cạnh của hôn nhân luôn được con người trăn trở, soi chiếu dưới nhiều góc nhìn qua mọi thời đại. Từ nhận thức trên, chúng tôi chọn đề tài Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết và cổ tích Việt Nam để tìm hiểu về văn hóa Việt Nam nói chung, quan niệm nhân sinh, khát vọng hôn nhân hạnh phúc trong đời sống tâm linh dân tộc nói riêng thể hiện qua truyền thuyết và cổ tích. Đồng thời, so sánh motif này giữa hai thể loại để làm rõ sự chuyển hóa hay tương tác về mặt thể loại. 2. Lịch sử vấn đề Vấn đề Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết và cổ tích Việt Nam đã từng được các nhà nghiên cứu đi trước chú ý, nghiên cứu trên một vài bình diện. Qua quá trình tìm hiểu, chúng tôi tổng hợp được những tài liệu cùng với các nhận định như sau:
  • 7. 7 Ở bài viết Hình tượng người mồ côi trong văn học dân gian Mèo đăng trên Tạp chí Văn học, 1982, số 4, trang 67 (In lại trong: “Tuyển tập 40 năm Tạp chí Văn học 1960 – 1999, Tập 1, Văn học dân gian”, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh, 1999), khi sơ đồ hóa truyện kiểu 1: quan hệ giữa mồ côi và lực lượng thống trị, Lê Trung Vũ có đề cập đến tình tiết người mồ côi bị cướp người vợ thần kì bởi lực lượng thống trị xã hội. Trong truyện kiểu 2: quan hệ giữa mồ côi và gia đình bên vợ, tác giả kết luận về dấu vết của chế độ mẫu hệ qua mối quan hệ bố vợ - chàng rể căng thẳng ở truyện có liên quan đến con gái vua trời. Trên Tạp chí Văn học, năm 1983, số 5, trang 21, với bài viết Đề tài hôn nhân trong truyện cổ tích thần kì Mường, khi làm rõ vấn đề hôn nhân trong những dạng truyện ban đầu, Đặng Thái Thuyên đã xét đến hai dạng: hôn nhân huyết tộc và hôn nhân vợ nhiều chồng. Với vấn đề hôn nhân trong quan hệ xung đột thực tại, tác giả chú ý đến ba vấn đề: sự tranh đoạt, sự thử thách và sự chênh lệch gia cảnh. Trong quá trình nghiên cứu, tác giả đã dẫn chứng những truyện liên quan đến hôn nhân giữa người và thần linh. Trong công trình Truyện kể dân gian đọc bằng type và motif (Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2001), Nguyễn Tấn Đắc khi nghiên cứu “Trường ca Ú Thêm” đã nhận định: “Type truyện người trần lấy vợ tiên cũng rất phổ biến ở các nước Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar. Người ta có thể dễ dàng tìm thấy nó ở dạng văn học viết Phật giáo” (trang 147) và cho rằng Ả Chức – Chàng Ngưu có lẽ thuộc type truyện “Người trần lấy vợ tiên”. Trần Thị Kim Thu - tác giả luận văn Thạc sĩ Truyền thuyết và giai thoại Khánh Hòa (TS. Hồ Quốc Hùng hướng dẫn, Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh, 2006) khi tìm hiểu truyền thuyết Khánh Hòa đã nhận định rằng việc nữ thần kết hôn với người trần thường gặp trong cổ tích, nó có sự ảnh hưởng của Phật giáo, Nho giáo và đề cao chữ duyên. Tác giả cũng xác định motif thần thánh kết hôn với người trần thế là một motif phổ biến trong truyền thuyết Khánh Hòa, từ đó, rút ra các nhận xét về motif này. Trong Những hình thức thưởng phạt trong truyện cổ tích Việt Nam (Luận văn Thạc sĩ, TS. Hồ Quốc Hùng hướng dẫn, Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí
  • 8. 8 Minh, Tp. Hồ Chí Minh, 2007), Nguyễn Thị Ngân Sương khi làm rõ motif kết hôn trong những hình thức thưởng đã phân tích hai motif: “Người trần kết hôn với tiên” và “Người trần lấy vợ thủy cung”. Nghiên cứu hai motif này, tác giả không chỉ làm rõ các dạng thức của motif, rút ra cách nhìn, kiến giải của người xưa, sơ đồ hóa motif mà còn so sánh sự khác biệt trong một motif giữa dân tộc Kinh và nhóm các dân tộc thiểu số trên đất nước Việt Nam. Trong motif “người trần kết hôn với tiên”, kết quả đối chiếu cho thấy trong truyện của dân tộc Kinh, người và tiên kết hôn nhưng không hạnh phúc, phải chia xa còn ở dân tộc khác thì hạnh phúc mĩ mãn. Motif “người trần lấy vợ thủy cung” phổ biến cho các dân tộc ở môi trường canh tác lúa nước, nhiều ao rạch, sông ngòi,… Đối với các dân tộc khác, motif phổ biến hơn là: người trần lấy ếch, cá. So sánh hai motif trên, tác giả kết luận chúng đều thể hiện một cách đầy ấn tượng về mơ ước đạt được hạnh phúc của con người. Với công trình Tìm hiểu truyện cổ Tây Nguyên – Trường hợp của Mạ và K’ho (Nxb Văn học, Hà Nội, 2010), khi tìm hiểu kiểu nhân vật mồ côi, nhân vật mang lốt trong truyện cổ Tây Nguyên và so sánh truyện cổ Tây Nguyên với cổ tích người Việt, Lê Hồng Phong có chú ý đến hôn nhân giữa người và thần linh và đi đến những đánh giá bước đầu. Tác giả cũng thống kê và nhận xét tần số xuất hiện của motif hôn nhân giữa người với thần linh trong kiểu truyện về nhân vật mồ côi và nhân vật mang lốt. Phân tích những motif chủ yếu của kiểu nhân vật mang lốt, tác giả đề cập đến một số vấn đề liên quan đến các dạng thức hôn nhân nói chung, hôn nhân giữa người và thần linh nói riêng như: tiền hôn nhân, sự chung chạ,... Với luận văn Thạc sĩ Hình tượng rắn trong truyện kể dân gian Việt Nam (TS. Hồ Quốc Hùng hướng dẫn, Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh, 2010), Phạm Huyền Trâm đã nhận định rằng người lấy rắn là hôn nhân do thực hiện lời hứa, thể hiện sự thần thánh hóa tự nhiên, quan niệm về sự tích hợp giữa con người và tự nhiên, lốt rắn là ranh giới giữa người và thần linh. Hôn nhân giữa người là thần linh là một mơ ước đẹp, mơ ước về sự công bằng.
  • 9. 9 Nhìn chung các nhà nghiên cứu đã quan tâm đến motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết, cổ tích, chú ý đến những tầng văn hóa ẩn sau motif này. Những thành quả đó đã hỗ trợ cho chúng tôi triển khai đề tài này. Tuy nhiên, vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu motif này ở truyền thuyết và cổ tích một cách hệ thống và đặt ra vấn đề so sánh motif giữa hai thể loại để rút ra sự chuyển hóa hay tương tác về mặt thể loại. 3. Đóng góp của luận văn Thực hiện đề tài này, chúng tôi muốn đạt những mục đích sau: - Làm rõ các dạng thức của motif hôn nhân giữa người và thần linh trong hai thể loại truyền thuyết và cổ tích - So sánh motif hôn nhân giữa người và thần linh trong hai thể loại truyền thuyết và cổ tích ở hai bình diện: + Motif hôn nhân giữa người và thần linh với vai trò là motif chủ đề + Motif hôn nhân giữa người và thần linh với vai trò là motif chi tiết - Từ so sánh này có thể làm rõ sự chuyển hóa hay tương tác về mặt thể loại Khám phá các lớp văn hóa, chủ yếu là quan niệm về hôn nhân ẩn sau motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết và cổ tích. Tầng văn hóa này không chỉ biểu hiện đời sống của người Việt Nam ngày xưa mà còn tham gia vào việc nhào nặn các yếu tố nghệ thuật. 4. Phạm vi nghiên cứu - Thực hiện đề tài này, chúng tôi nghiên cứu truyền thuyết và cổ tích của các dân tộc ở Việt Nam, bao gồm truyện kể dân gian của dân tộc Kinh và dân tộc thiểu số. Chúng tôi tập trung nghiên cứu bộ phận truyện của người Việt và có tham chiếu truyện của đồng bào thiểu số. Để phục vụ cho việc khảo sát, chúng tôi sử dụng các tài liệu sau: 1) Lã Duy Lan (2001), Truyền thuyết Việt Nam, Tập 1 & 2, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội
  • 10. 10 2) Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (2004), Tổng tập văn học dân gian người Việt – Tập VI – Truyện cổ tích thần kì, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 3) Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (2004), Tổng tập Văn học dân gian người Việt – Tập 4 – Truyền thuyết dân gian người Việt, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội 4) Viện Khoa học Xã hội, Viện Nghiên cứu Văn hóa (2009), Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam, Tập 16, Truyện cổ tích thần kì, truyền thuyết, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội - Ngoài ra, chúng tôi còn khảo sát những tư liệu phục vụ cho quá trình so sánh truyền thuyết, cổ tích Việt Nam với truyền thuyết, cổ tích Đông Nam Á nói riêng, thế giới nói chung qua motif hôn nhân giữa người và thần linh. Vì motif hôn nhân giữa người và thần linh là một vấn đề mang tính phổ quát của nhân loại. Cụ thể là nguồn tài liệu sau: 1) Nhiều tác giả (2001), Truyện cổ năm châu, Nxb Văn hóa Thông tin, Bình Hòa 2) Nhiều tác giả (1998), Hợp tuyển truyện cổ tích thế giới, Nxb Phụ nữ, Tp. Hồ Chí Minh Tổng số truyện truyền thuyết Việt Nam khảo sát được: 991 truyện. Tổng số truyện cổ tích Việt Nam khảo sát được: 373 truyện. Trong quá trình khảo sát tư liệu, chúng tôi chọn loại những truyện kể chưa đúng với đặc trưng thể loại trong các tài liệu để có kết quả thống kê mang tính chuẩn xác cao. Bên cạnh đó, chú ý những trường hợp truyền thuyết bị cổ tích hóa và cổ tích bị truyền thuyết hóa để đưa chúng về đúng thể loại. Có những truyện mang bóng dáng của truyền thuyết nhưng lại xuất hiện trong tuyển tập cổ tích hay có những truyện chứa hơi hướng của cổ tích song lại được đưa vào tuyển tập truyền thuyết. Trường hợp những truyện kể địa danh dễ dẫn đến sự nhập nhằng như trên. Để xác định motif đúng với đặc trưng thể loại, chúng tôi dựa vào cảm hứng chủ đạo trong từng truyện mà có sự phân loại thể loại phù hợp. Nếu cảm hứng chủ đạo trong truyện là cảm hứng thế sự thì chúng tôi xếp truyện đó vào cổ
  • 11. 11 tích. Nếu cảm hứng chủ đạo trong truyện là cảm hứng lịch sử, thì chúng tôi xếp nó vào truyền thuyết. 5. Phương pháp nghiên cứu Thực hiện đề tài này, chúng tôi chủ yếu sử dụng những phương pháp sau: - Phương pháp so sánh: vận dụng trong quá trình so sánh motif hôn nhân giữa người và thần linh ở hai thể loại truyền thuyết và cổ tích Việt Nam, giữa truyện của dân tộc Kinh và dân tộc thiểu số thuộc một thể loại; so sánh motif hôn nhân giữa người và thần linh trong cổ tích Việt Nam và cổ tích thế giới - Phương pháp hệ thống: vận dụng khi tìm hiểu các truyện kể trong hệ thống thể loại và triển khai đề tài - Phương pháp thống kê: dùng để thống kê tần số xuất hiện của các dạng thức thuộc motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết và cổ tích Việt Nam; motif hôn nhân giữa người và thần linh với vai trò là motif chủ đề, motif hôn nhân giữa người và thần linh với vai trò là motif chi tiết ở hai thể loại. Từ đó, rút ra những nhận xét có cơ sở - Phương pháp lịch sử - xã hội: sử dụng để tìm hiểu những cơ sở lịch sử, xã hội liên quan đến motif, thể loại - Phương pháp liên ngành: vì vấn đề motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết và cổ tích còn liên quan đến văn hóa, dân tộc nên chúng tôi dùng phương pháp này để vận dụng các tri thức về văn hóa học, dân tộc học,... để nghiên cứu đề tài của luận văn 6. Kết cấu của luận văn Ngoài phần Dẫn nhập, Kết luận, phần Nội dung được triển khai thành ba chương với nhiệm vụ của từng chương như sau: CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ LÝ THUYẾT (18 trang) Trong chương này, chúng tôi trình bày những cơ sở về lý thuyết, tạo tiền đề cho sự triển khai hai chương sau. Chương 1 tập trung vào ba vấn đề: 1. Cơ sở lịch sử - xã hội liên quan đến motif 2. Một số vấn đề về lý thuyết motif
  • 12. 12 3. Các tiêu chí để lựa chọn hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết và cổ tích CHƯƠNG 2: CÁC DẠNG THỨC CỦA MOTIF HÔN NHÂN GIỮA NGƯỜI VÀ THẦN LINH TRONG TRUYỀN THUYẾT VÀ CỔ TÍCH (31 trang) Chương 2 làm rõ các biểu hiện của motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết và cổ tích theo bố cục và sự phân loại trong từng loại như sau: 1. Các dạng thức của motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết 1.1. Hôn nhân giữa người và thần linh hóa thân trong kiếp người 1.2. Hôn nhân giữa người và thần linh không hóa thân trong kiếp người 2. Các dạng thức của motif hôn nhân giữa người và thần linh trong cổ tích 2.1. Hôn nhân giữa người và thần linh có lốt vật 2.2. Hôn nhân giữa người và thần linh không có lốt vật CHƯƠNG 3: SO SÁNH MOTIF HÔN NHÂN GIỮA NGƯỜI VÀ THẦN LINH TRONG TRUYỀN THUYẾT VÀ CỐ TÍCH (28 trang) Ở chương này, chúng tôi tiến hành so sánh trên hai phương diện sau: 1. Motif hôn nhân giữa người và thần linh với vai trò là motif chi tiết 1.1. Dạng thức của motif 1.2. Vai trò của motif đối với cốt truyện 2. Motif hôn nhân giữa người và thần linh với vai trò là motif chủ đề 2.1. Cốt truyện 2.2. Hệ thống motif 2.3. Kiểu nhân vật Bên cạnh đó, chúng tôi cũng dành một Phụ lục với hai phần để trình bày danh mục các truyện, các kết quả thống kê, tóm tắt truyện được sử dụng trong chính văn: PHỤ LỤC 1A: DANH MỤC CÁC TRUYỆN KHẢO SÁT CHỨA MOTIF HÔN NHÂN GIỮA NGƯỜI VÀ THẦN LINH TRONG TRUYỀN THUYẾT VÀ CỔ TÍCH VIỆT NAM
  • 13. 13 PHỤ LỤC 1B: BẢNG THỐNG KÊ TẦN SỐ XUẤT HIỆN CỦA CÁC DẠNG THỨC THUỘC MOTIF HÔN NHÂN GIỮA NGƯỜI VÀ THẦN LINH TRONG TRUYỀN THUYẾT VÀ CỔ TÍCH VIỆT NAM PHỤ LỤC 1C: BẢNG THỐNG KÊ TẦN SỐ XUẤT HIỆN CỦA MOTIF HÔN NHÂN GIỮA NGƯỜI VÀ THẦN LINH VỚI VAI TRÒ LÀ MOTIF CHỦ ĐỀ HOẶC MOTIF CHI TIẾT TRONG TRUYỀN THUYẾT VÀ CỔ TÍCH VIỆT NAM PHỤ LỤC 2: CÁC TRUYỆN CHỨA MOTIF HÔN NHÂN GIỮA NGƯỜI VÀ THẦN LINH TRONG TRUYỀN THUYẾT VÀ CỔ TÍCH VIỆT NAM
  • 14. 14 PHẦN HAI: NỘI DUNG CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ LÝ THUYẾT 1.1. Những cơ sở lịch sử - xã hội liên quan đến motif hôn nhân giữa người và thần linh Trong mục này, chúng tôi tập trung mô tả, phân tích những cơ sở về lịch sử, xã hội, tư duy có liên quan đến motif hôn nhân giữa người và thần linh để tạo tiền đề cho việc triển khai hai chương sau. Chúng tôi đi sâu, làm rõ ba vấn đề sau: Một là, các hình thái hôn nhân – gia đình con người đã trải qua trong lịch sử nhân loại từ thời nguyên thủy cho đến nay. Hai là, những tiền đề về văn hóa chi phối đến hôn nhân bao gồm tôn giáo và tâm thức gia đình của người Việt Nam. Ba là, thế giới quan của người nguyên thủy chi phối sự hình thành mối quan hệ hôn nhân giữa người và thần linh. 1.1.1. Các hình thái hôn nhân – gia đình con người đã trải qua trong lịch sử nhân loại Trong lịch sử nhân loại có nhiều hình thái hôn nhân khác nhau gắn với từng giai đoạn phát triển của xã hội. Chế độ quần hôn là hình thái hôn nhân tồn tại dưới chế độ thị tộc. Từ đó cho đến nay, dưới các chế độ xã hội: chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa,... hôn nhân một vợ một chồng là hình thái hôn nhân được định hình ở trình độ văn minh nhân loại cao nhất. Nó trải qua một quá trình sàng lọc, trải nghiệm và để lại nhiều khát vọng cũng như bi kịch mà đến tận bây giờ vẫn còn những bài học đầy ý nghĩa đối với sự phát triển và tiến bộ của loài người. Cũng cần thấy rằng các hình thái hôn nhân trong xã hội chịu sự chi phối mạnh mẽ của điều kiện kinh tế xã hội. Công trình Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của Nhà nước của F. Engels là một tác phẩm cơ bản của chủ nghĩa Marx. Nó hình thành dựa trên những nghiên cứu của Lewis H. Morgan. Tác giả công trình này đã giải thích sự phát triển của các quan hệ gia đình trong các hình thái kinh tế - xã hội khác nhau
  • 15. 15 trong sự phát triển của lịch sử nhân loại. Từ trạng thái quan hệ tính giao tự do, loài người đã trải qua bốn hình thức gia đình. Đó là gia đình huyết tộc, gia đình punalua, gia đình đối ngẫu và gia đình cá thể. Theo chúng tôi, khái niệm huyết tộc được các dịch giả sử dụng khi mô tả hình thái hôn nhân – gia đình dựa trên sự hôn phối giữa những người có cùng dòng máu hoặc quan hệ họ hàng với nhau dùng để chỉ tổ chức xã hội. Khái niệm đồng huyết và cận huyết là khái niệm sinh hóa, phù hợp để diễn tả mối quan hệ hôn nhân giữa những người cùng dòng máu hoặc có họ hàng với nhau hơn nên trong công trình này, chúng tôi dùng khái niệm gia đình đồng huyết và cận huyết để chỉ hình thái hôn nhân – gia đình đầu tiên trong xã hội loài người. Trong thời kỳ công xã nguyên thủy, khi loài người sống theo bầy đàn, chưa có phân công lao động, quan hệ tính giao còn tự do, những người có quan hệ họ hàng vẫn có thể trở thành vợ hoặc chồng của nhau. Kiểu hôn nhân này được gọi là quần hôn (hôn nhân giữa những người cùng họ hàng với nhau) và nó thể hiện rõ nét ở hai hình thái gia đình: gia đình đồng huyết và cận huyết; gia đình punalua. Kiểu gia đình đồng huyết và cận huyết thuộc giai đoạn đầu của chế độ quần hôn. Nó thuộc giai đoạn đầu tiên trong lịch sử phát triển của gia đình. Ở đây, quan hệ hôn nhân được xây dựng theo các thế hệ và mỗi thế hệ tập trung thành những nhóm hôn nhân nhất định. Tất cả ông bà trong phạm vi gia đình đều là vợ chồng của nhau và lập thành một nhóm; con của họ (tất cả bố mẹ) cũng thế và lập thành nhóm thứ hai; con của đời thứ hai (các cháu) lập thành nhóm vợ chồng chung thứ ba;… Kiểu hôn nhân theo trực hệ (giữa cha mẹ và con cái bị loại trừ). Quan hệ họ hàng của anh chị em cũng bao hàm cả việc quan hệ tính giao với nhau. Gia đình đồng huyết và cận huyết đã tiêu tan nhưng theo Engels, chúng ta buộc phải công nhận nó từng tồn tại. Hệ thống thân tộc Hawaii thịnh hành khắp quần đảo Polynesia đang biểu hiện những mức độ thân tộc mà chỉ có hình thức gia đình này mới tạo ra được. Toàn bộ sự phát triển sau này của gia đình cũng giả định gia đình đồng huyết và cận huyết như là giai đoạn tất yếu đầu tiên. Gia đình punalua là giai đoạn phát triển cao nhất của chế độ quần hôn. Quan hệ tính giao giữa anh chị em với nhau đã bị hủy bỏ. Con người có thể có chung vợ,
  • 16. 16 chung chồng với nhau trong phạm vi một gia đình nhất định nhưng phải loại ra anh em trai của vợ và chị em gái của chồng (bao gồm anh chị em cùng mẹ hoặc có họ hàng). Ở mọi hình thức gia đình trong chế độ quần hôn, người ta chỉ biết chắc chắn mẹ của một đứa trẻ mà không biết cha của nó. Huyết tộc chỉ tính được về bên mẹ nên nữ hệ được thừa nhận. Trong hình thức gia đình này, một nhóm chị em gái (hoặc một nhóm anh em trai cùng mẹ hay cùng họ của những chị em gái đó) sẽ trở thành thành viên của thị tộc. Họ có một bà mẹ tổ chung nhưng chồng của họ không phải là con của bà mẹ này nên không thuộc thị tộc. Song con cái của họ thuộc về tập đoàn này vì huyết tộc nữ hệ được thừa nhận. Việc kết hôn với những người không có họ hàng với nhau tạo nên một giống nòi mạnh mẽ hơn về thể chất và trí tuệ. Gia đình đối ngẫu (theo cặp) hình thành khi hôn nhân theo những người có quan hệ họ hàng với nhau bị cấm, ý thức xã hội của con người về hôn nhân phát triển cao hơn, các cặp vợ chồng tách ra thành từng đôi riêng lẻ. Một người đàn ông sống với một người đàn bà nhưng việc có nhiều vợ hay ngoại tình là quyền của họ. Người đàn bà lại phải tuyệt đối chung thủy nếu không sẽ bị trừng phạt nặng. Tuy nhiên, mối quan hệ hôn nhân có thể bị cắt đứt khi một trong hai bên quyết định và con cái thuộc về mẹ như xưa kia. Con cái được sinh ra vẫn thuộc về thị tộc mẹ như trước nên chúng kế thừa tài sản của mẹ. Hình thái này vẫn còn tàn dư trong cơ chế hôn nhân gia đình ở một số tộc người trên đất nước ta. Gia đình đối ngẫu chỉ là một đơn vị hôn phối chứ chưa là phải là một đơn vị kinh tế. Thị tộc vẫn là một đơn vị kinh tế cơ bản trong xã hội lúc bấy giờ. Dưới những hình thức gia đình trước, đàn ông không bao giờ thiếu đàn bà nhưng giờ đây người đàn bà trở nên ít ỏi vì vậy việc cướp và mua bán họ trở thành hiện tượng phổ biến. Khi xã hội phát triển hơn, sự phân công lao động được chuyên môn hóa cao, năng suất lao động phát triển và đem lại của cải dư thừa, kinh tế gia đình xuất hiện khi gia đình đối ngẫu chiếm lấy những của cải dư thừa đó. Đây là điều kiện dẫn
  • 17. 17 đến sự hình thành kiểu hôn nhân một vợ một chồng – hình thức hôn nhân cao hơn, mới hơn và bền vững hơn hôn nhân đối ngẫu. Kiểu hôn nhân này cũng là kiểu hôn nhân phổ biến cho các chế độ xã hội về sau. Trong gia đình một vợ một chồng, người chồng bắt đầu nắm vị trí thống trị đối với người vợ và con cái. Nguyên nhân xuất phát từ việc người chồng làm những nghề nghiệp mang lại năng suất và thu nhập cao hơn như: chăn nuôi, trồng trọt, tiểu thủ công,… Còn người vợ chỉ làm công việc nội trợ, không làm ra của cải vật chất nên bị phụ thuộc vào chồng. Gia đình cá thể (một vợ một chồng) nảy sinh từ gia đình đối ngẫu và là dấu hiệu cho biết thời văn minh đã bắt đầu. Kiểu gia đình này dựa trên sự thống trị của đàn ông và con cái đã xác định được cha đẻ của mình. Sau này, chúng sẽ là người nhận được tài sản thừa kế từ cha. Kiểu gia đình này khác gia đình đối ngẫu ở mối quan hệ vợ chồng chặt chẽ hơn nhiều, hai bên không thể tùy ý bỏ nhau. Người chồng có quyền ngoại tình trong khi người vợ vi phạm sẽ bị trừng phạt rất tàn khốc. Hôn nhân không phải là kết quả của tình yêu nam nữ mà mang tính vụ lợi. Gia đình cá thể cũng là hình thức gia đình đầu tiên dựa trên cơ sở các điều kiện kinh tế, dựa trên sự thắng lợi của chế độ tư hữu đối với chế độ công hữu tự nhiên nguyên thủy. Nó xuất hiện như sự nô dịch của giới này đối với giới kia, tuyên bố sự đấu tranh giữa hai giới. Vì người đàn ông không có tài sản nên không thể lập ra sự thống trị. Đặc biệt, khi người phụ nữ trở thành người thường xuyên nuôi sống gia đình thì không có cơ sở nào cho quyền thống trị của người đàn ông trong gia đình. Như vậy, chế độ thị tộc tan rã trước sự phát triển của tư tưởng tư hữu và sự hình thành của gia đình một vợ một chồng. Cuộc cách mạng này đã xảy ra từ trong gia đình. Dưới mỗi chế độ khác nhau, kiểu hôn nhân có những đặc điểm riêng biệt. Gia đình có một vai trò quan trọng đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Nhấn mạnh tầm quan trọng này, Marx và Engels đã cho rằng gia đình là quan hệ xã hội duy nhất trong buổi đầu của lịch sử xã hội. Với chức năng sinh con đẻ cái, quan hệ gia đình đã sản sinh ra và duy trì những quan hệ xã
  • 18. 18 hội khác. Gia đình là một xã hội thu nhỏ và khi xã hội loài người được hình thành, phát triển thì những hoạt động của nó thường xuyên tác động đến gia đình làm cho gia đình biến đổi về hình thức, cấu trúc cũng như vai trò đối với xã hội. Những hình thái khác nhau của hôn nhân trong lịch sử loài người cho thấy điều đó. Một vài nét phác thảo về những hình thái hôn nhân và gia đình trong lịch sử nhân loại đã cho thấy mỗi chặng đường đã để lại dấu ấn đậm nét nếu không nói là cơ sở nền tảng cho cảm hứng về chủ đề hôn nhân trong các thể loại văn học dân gian mà trước hết là truyền thuyết và cổ tích. 1.1.2. Những tiền đề về văn hóa chi phối đến mối quan hệ hôn nhân giữa người và thần linh Tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong sự ảnh hưởng đối với hôn nhân. Nho giáo và Phật giáo được xem là hai trong những tôn giáo có sự chi phối mạnh mẽ đối với đời sống tâm linh của người Việt. Hôn nhân là điều rất quan trọng trong truyền thống của Nho giáo vì nó liên quan đến đạo làm người. Ba khía cạnh quan trọng của hôn nhân đó là sự chung thủy, li dị là điều tối kỵ; quyết định hôn nhân thuộc về cha mẹ hai bên, sự tìm hiểu trước hôn nhân không phải là điều quan trọng; trách nhiệm và cũng là nghĩa vụ của đôi vợ chồng là sinh con trai để nối tiếp tổ tiên. Nếu người vợ không sinh được con trai thì người chồng có thể li dị và cưới thêm tì thiếp khác. Đây là nguyên nhân làm phát sinh tục đa thê và ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Phật giáo chủ trương sinh là khổ nhưng không hề cấm đoán việc hôn nhân. Hôn nhân được xem như là vấn đề mang tính cá nhân. Đạo phật cho phép mỗi người hoàn toàn có quyền tự do quyết định chính cho bản thân mình về tất cả vấn đề hôn nhân. Những vị xuất gia tu tập đã từ bỏ đời sống hôn nhân gia đình là sự cam kết tình nguyện để duy trì sự an lạc nội tâm và dành cả cuộc đời để phục vụ cho nhu cầu tâm linh. Bên cạnh Nho giáo và Phật giáo, Thiên Chúa giáo cũng có những đặc điểm riêng trong quan niệm hôn nhân. Thiên Chúa giáo đã lấy hôn nhân đồng nhất với tình yêu của thiên chúa làm nền tảng cho giáo lý. Hôn nhân giữa hai người là do Chúa quyết định và nó là sự biểu hiện tình yêu của Chúa dành cho nhân loại. Như vậy, tôn giáo này đã cổ xúy cho một tình
  • 19. 19 trạng hôn nhân xuất phát từ tình yêu mà ở đó cả hai được nhất thể hóa thành một biểu tượng, một giá trị vĩnh hằng. Một trong những vấn đề chi phối mạnh đến đời sống hôn nhân của người Việt trong xã hội và thế giới hình tượng họ gửi gắm trong truyện kể dân gian chính là tâm thức gia đình. Tâm thức gia đình của người Việt hình thành rất sớm ngay từ thời cổ. Gia đình chính là tế bào của xã hội, điều kiện để hình thành xã hội. Vì dân tộc Việt Nam vốn thể trạng yếu cần nhiều sức mạnh, xã hội nông nghiệp cần nhiều nhân lực nên gia đình có tầm quan trọng rất lớn. Những truyện kể dân gian ở buổi đầu của sự hình thành xã hội đều đề cập đến mối quan hệ gia đình. Truyện về Lạc Long Quân, Sơn Tinh và Thủy Tinh, Chử Đồng Tử và Tiên Dung,… đều xoay quanh vấn đề hôn nhân. Người Việt Nam quan niệm anh em bốn cõi một nhà. Trong cách xưng hô, dùng những đại từ chỉ những người trong gia đình để giao tiếp với những người không có mối quan hệ huyết tộc. Ngay cả khái niệm Nhà nước cũng là sự hòa trộn hai thực thể gia đình và xã hội. Có thể thấy rằng những cơ sở về văn hóa đã tác động đến chủ đề hôn nhân từ trong sâu xa. 1.1.3. Thế giới quan của người nguyên thủy chi phối mối quan hệ hôn nhân giữa người và thần linh Vì là một bộ phận của thế giới nên con người có nhu cầu nhận thức về thế giới cũng như bản thân mình trong mối quan hệ với thế giới để điều chỉnh hoạt động sống. Những quan điểm, quan niệm về thế giới, bản thân con người và cuộc sống là thế giới quan. Những nhận thức của con người về thế giới trong xã hội nguyên thủy được thể hiện rõ nét qua thần thoại. Đây là thời đại mà tính mông muội còn mang nặng trong đời sống vật chất lẫn tinh thần, trong hoạt động nhận thức lẫn hoạt động thực tiễn. Thế giới quan của người nguyên thủy thể hiện đậm nét trí tưởng tượng của lối tư duy không tự giác giữa thực và ảo, giữa người và thần. Trong những sự vật cụ thể như núi, sông,... người ta có thể tưởng tượng đến những đối tượng tồn tại trong đó chứ không xem chúng là hoàn toàn là sự vật vô tri vô giác. Đây là sản phẩm của nhận thức cảm tính nên những gì trừu tượng thường được hình dung dưới
  • 20. 20 những sự vật cụ thể. Chẳng hạn: “Thiện” và “Ác” là khái niệm chỉ sự đánh giá về mặt xã hội của con người nhưng trong thần thoại là những vị thần được mô tả đầy đủ với hình dáng, nơi sinh sống,… Người nguyên thủy có một quan điểm hỗn hợp về thế giới. Họ đem bản thân mình với các sự vật, lực lượng trong tự nhiên hợp thành một, đem sức sống, ý nghĩ, cảm xúc của mình gán cho tự nhiên, từ các loài hữu giác đến các vật vô tri vô giác. Khi yếu tố dân chủ nguyên thủy còn chiếm địa vị thống trị trong xã hội thì các vị thần bình đẳng với nhau. Khi xã hội có giai cấp xuất hiện thì có sự phân biệt đẳng cấp trong thế giới của thần. Có thần cấp trên, thần cấp dưới và một vị thần tối cao làm chúa tể. Để phân biệt được mình với tự nhiên, người nguyên thủy phải trải qua những chặng đường dài đấu tranh gian khổ. Những điều trên cũng là biểu hiện của quan niệm vạn vật hữu linh. Người nguyên thủy cho rằng vạn vật đều có hồn. Người Việt cũng như người Thái Lan quan niệm mọi cây to trong rừng đều là nơi trú ngụ của một vị thần. Theo Engels nhận định, nguồn gốc của thế giới quan này là kết quả tất yếu của trình độ nhận thức thấp khi con người chưa hiểu về nguồn gốc, nguyên nhân và bản chất của các sự vật, hiện tượng trong thế giới. Họ đã nhân cách hóa, nhân hình hóa chúng thành các vị thần hoặc bán thần, lấy cuộc sống con người để giải thích cuộc sống của thần linh là biểu hiện của quan niệm hỗn hợp về thế giới. Thần đất Gaia trong thần thoại Hy Lạp, thần mặt trời Viêm Đế trong thần thoại Trung Quốc, thần lửa Agni trong thần thoại Ấn Độ,… là kết quả của sự nhân cách hóa, nhân hình hóa ấy. Sự bất lực, sợ hãi của con người trước những lực lượng tự nhiên cũng như những lực lượng xã hội đã dẫn đến việc con người thần thánh hóa chúng, quy chúng về những sức mạnh tự nhiên và tôn thờ chúng. Lenin cũng đã từng nhận định: “[…] Sự bất lực của con người dã man trong cuộc đấu tranh chống thiên nhiên đẻ ra lòng tin vào thần thánh, ma quỉ, vào những phép màu,…” [5, 278]. Còn Engels đã giải thích như sau: “Cơ sở của mọi sự nhận định sai lầm ấy về giới tự nhiên, về sự cấu tạo ra bản thân con người, về quỷ thần, về những thế lực mầu nhiệm,… thường thường chỉ là một yếu tố tiêu cực mà thôi: tức là trình độ kinh tế thấp kém của thời kỳ tiền sử thì đẻ ra những nhận định sai lầm về thiên nhiên” [43, 278].
  • 21. 21 Sự hiểu biết của con người là kết quả của cuộc đấu tranh trường kỳ và gian khổ để tiến dần từ tình trạng dã man đến trình độ văn minh. Sự hiểu biết đó được nâng cao do những thắng lợi trong việc khắc phục và cải tạo thiên nhiên. Cách nhìn, cách nghĩ của người nguyên thủy có phần khác với chúng ta. Tuy nhiên, tư duy của họ mặc dầu ấu trĩ nhưng sản sinh trên cơ sở phản ánh những mối liên hệ giữa các hiện tượng của thế giới khách quan và những mối liên hệ của các hiện tượng ấy với loài người thông qua lao động sản xuất. Trong cuộc đấu tranh sản xuất, người ta quan sát các hiện tượng, sự vật trong thiên nhiên. Sự quan sát càng tinh tường, hiểu biết càng phong phú thì kết quả lao động càng tăng lên. Yêu cầu giải thích thiên nhiên nảy sinh từ đó. Người ta quan sát và suy nghĩ các sự vật như: núi, rừng, mặt trời, mặt trăng,…; các hiện tượng như: mưa, gió, lũ lụt,… Nhận thức của người nguyên thủy có phần chính xác vì nó vẫn phản ánh hiện thực, do thực tiễn mà có. Gorki nhận định: “Trong trí tưởng tượng của người nguyên thủy, một vị thần không phải là một cái gì trừu tượng mà là một nhân vật có thực, được trang bị bằng một công cụ nào đó. Thần là bậc thầy của nghề này hay nghề khác. Thần là sự khái quát nghệ thuật của sự tiến bộ lao động” [43, 276]. Một nguyên nhân khác nữa dẫn đến sự nhận thức mông muội về thế giới đó chính là sự tôn sùng thế hệ trước. Cuộc sống cộng đồng với tất cả các nhu cầu của nó đã nảy sinh ý thức tìm về nguyên thủy của người nguyên thủy. Họ biết ơn những gì tổ tiên đã tạo ra và mong mỏi sẽ được tiếp thêm sức mạnh để chiến thắng trong cuộc chiến chống thiên tai, thú dữ và những cộng đồng người khác. Chân dung của các thế hệ trước được truyền miệng từ người này qua người khác, qua trí tưởng tượng của người kể tạo ra những biến đổi và làm cho những con người của thị tộc ngày càng anh hùng, kỳ vĩ và cũng thần thánh hơn. Heraclitus, Hector,… là những con người như thế. Như vậy, thế giới quan của người nguyên thủy là kết quả của sự giải thích các lực lượng của tự nhiên trong tưởng tượng và nhờ trí tưởng tượng. Từ đấy có thể nói mọi quan niệm về hôn nhân và gia đình cổ xưa đều thoát thai từ triết lý sống tự nhiên của con người trong thời kỳ thị tộc, bộ lạc. Do đó, nó
  • 22. 22 gợi lên cho chúng ta sự cảm thông với dân tộc ở buổi ban đầu. E.M. Meletinski chỉ ra rằng người nguyên thủy chưa tách mình ra khỏi môi trường tự nhiên và xã hội bao quanh. Tư duy nguyên thủy còn giữ những đặc điểm của sự chưa phân tách, chưa tách khỏi môi trường ấn tượng, tự phát. Điều này dẫn đến sự nhân hóa hồn nhiên toàn bộ thiên nhiên, sự đối chiếu “ẩn dụ” các đối tượng thiên nhiên của xã hội, văn hóa. Người nguyên thủy hình dung các hiện tượng tự nhiên như với con người, gán cho chúng tâm hồn, lý trí, tình cảm con người. Và đến lượt mình, con người lại tự đồng nhất với thế giới ấy. Đó là cơ sở giao tiếp hay tương tác giữa con người với thế giới thần linh, là nền tảng cho những ý tưởng phóng túng bay bổng trong các cuộc hôn nhân của thần thoại, truyền thuyết và cổ tích. Một trong những biểu hiện đầu tiên của sự nhất thể hóa giữa con người với tự nhiên làm tiền đề cho các ý thức về hôn nhân và gia đình giữa con người và thần linh chính là Tôtem. Tôtem giáo là một trong những hình thức tôn giáo sớm nhất đã sản sinh trên cơ sở của quan niệm hỗn hợp về thế giới. Người nguyên thủy cho rằng tất cả mọi thành viên của thị tộc, bộ lạc đều do một giống động vật, thực vật hoặc một vật thể nào đó sinh ra. Tôtem (vật tổ) của dân tộc Kinh là con rồng, của dân tộc Dao là con chó thần Bàn Hồ,… Vật tổ vừa là vật, vừa là người và là tổ tiên của người. Vật tổ có sự nghiệp khai sáng kỳ vĩ và toàn uy, toàn năng đối với con cháu. Đây là một trong những vị thần xuất hiện sớm nhất của thời nguyên thủy. Như đã nói ở trên, các hình thái hôn nhân trong lịch sử xã hội loài người đã trải qua nhiều hình thái khác nhau dưới sự ảnh hưởng của điều kiện kinh tế - xã hội và văn hóa. Hôn nhân là một trong những nghi lễ của đời người đã phản ánh bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc trong đó có Việt Nam. Sự hình thành quan niệm về mối hôn nhân giữa con người và thần linh xuất phát từ thế giới quan, vũ trụ quan của người nguyên thủy. Trải qua các thời đại, vai trò của hôn nhân vẫn luôn chi phối mọi hoạt động của xã hội và hòa lẫn vào trong nhiều ý niệm về thế giới, xã hội. Cho nên nó vẫn luôn là một mối quan tâm được biểu hiện dưới nhiều góc độ, trình độ nhận thức khác nhau của nhân loại. Đó là lý do để đề tài này thâm nhập vào nhiều thể loại văn học dân gian. Việc tìm hiểu những vấn đề trên là cơ sở, nền tảng để chúng tôi triển khai các chương sau, có điều kiện tìm hiểu các
  • 23. 23 dạng thức của motif hôn nhân giữa người và thần linh. Có một điều rất rõ là trải qua một quá trình dài lâu về nhận thức và phát triển, vấn đề hôn nhân như đã nói, luôn luôn được đề cập đến trong các loại hình văn học dân gian. Đối với truyền thuyết và cổ tích, sự lặp lại các ý tưởng này tạo thành những công thức trong biểu đạt. Đó chính là dạng thức của motif. 1.2. Một số vấn đề về lý thuyết motif Motif không phải là một vấn đề mới mẻ đối với ngành nghiên cứu văn học dân gian. Ở đây, chúng tôi sẽ làm rõ lý thuyết về motif và lý thuyết về những vấn đề có liên quan đến motif như type, mối quan hệ giữa motif và type để có cái nhìn thấu đáo về motif. 1.2.1. Lý thuyết về motif Người đầu tiên đưa ra khái niệm type và motif là nhà Folklore người Nga ở thế kỷ thứ XIX: A.N.Vexelopxki. Lý thuyết của ông đã trở thành phổ biến ở châu Âu vào cuối thế kỷ thứ XIX. Bên cạnh đó, cũng có nhiều tên tuổi nổi tiếng khác khi nghiên cứu về type và motif như A.Aarne, C.Thompson … Ở Việt Nam, có thể kể ra một số công trình đã áp dụng lý thuyết về type và motif để nghiên cứu như Truyện kể dân gian đọc bằng type và motif (Nguyễn Tấn Đắc ), Thạch Sanh và kiểu truyện dũng sĩ trong truyện cổ Việt Nam và Đông Nam Á (Nguyễn Bích Hà ), Cổ tích thần kỳ người Việt – đặc điểm cấu tạo cốt truyện (Tăng Kim Ngân ), Nghiên cứu truyện cổ dân gian Việt Nam theo bảng mục lục tra cứu típ và mô típ truyện cổ dân gian của Antti và Stith Thompson (Nguyễn Thị Hiền ),… Motif không phải là thuật ngữ của riêng ngành văn học dân gian song lĩnh vực mà motif được nghiên cứu nhiều nhất và phân tích cẩn thận nhất là truyện kể dân gian như: cổ tích, huyền thoại, ballad. Theo Từ điển bách khoa toàn thư Xô Viết (dẫn theo [80, 57]), thuật ngữ motif bắt nguồn từ gốc La – tinh Môreo – chỉ một yếu tố của cấu trúc âm nhạc. Ngày nay, trong ngôn ngữ âm nhạc thì motif được hiểu như điệp khúc. Đó là những khuôn nhạc giống nhau thường trở lại luôn.
  • 24. 24 Trong nghệ thuật dân gian, có motif của hình phác họa là những hình mẫu thường lặp lại hoặc kết hợp với những hình mẫu khác theo một cách riêng biệt nào đó. Trong văn học dân gian, motif được hiểu như là một đơn vị nhỏ nhất, là những đơn vị tế bào hạt nhân để xây dựng nên cốt truyện, là một thành tố tạo nên truyện. Nó rất linh động, bởi trong truyện kể nó có thể tách rời ra hoặc lắp ghép lại được. Motif truyện kể có thể là những khái niệm đơn giản thường gặp trong kho tàng văn học dân gian như: những tạo vật khác thường bao gồm thần tiên, phù thủy, yêu tinh, con vật biết nói,...; những thế giới kì diệu mà ở đó có những hiện tượng tự nhiên khác thường, ma thuật luôn có hiệu lực,... Motif cũng có thể là một mẩu kể ngắn, đơn giản, một sự việc đủ gây ấn tượng và thích thú đối với người nghe. Theo Nguyễn Tấn Đắc trong Đề cương bài giảng sau đại học tại Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh năm 1998 [57, tr.50-51], motif có thể là sản phẩm của trí tưởng tượng non trẻ, thơ ngây của loài người ở trước thời kỳ của tư duy khoa học. Chẳng hạn con vật biết nói, người chết biết thành cây, cái thảm biết bay, hạt gạo to như cái đầu và khi chín thì tự đi về nhà, nồi cơm ăn không bao giờ hết,… motif cũng có thể là sản phẩm của sự quan sát cuộc sống xã hội có thực nhưng nó phải bất thường, quá đáng. Ví dụ mẹ đẻ giết con chồng, anh em ruột hại nhau, cha mẹ đẻ mang con bỏ vào rừng,… Motif cũng có thể là sản phẩm của sự mơ ước dân gian như: chàng trai nghèo được lấy vợ tiên, công chúa; cô gái nghèo được lấy hoàng tử,… Motif cũng có thể là sản phẩm của trí thông minh, sự khôn ngoan bất ngờ, thú vị của trí tuệ dân gian như trong các truyện ngụ ngôn, truyện cười,… Có thể thấy rằng thuật ngữ motif được dùng một cách rất lỏng lẻo, bao gồm bất kì yếu tố nào tham gia vào truyện truyền miệng. Song cần lưu ý rằng để trở thành một phần thật sự của truyện kể, nó phải có cái gì đó khác lạ, đặc biệt, làm cho người ta nhớ và lặp đi lặp lại. Chẳng hạn, một bà mẹ thông thường không phải là một motif còn một bà mẹ hung ác trở thành một motif vì nó khiến người ta nghĩ rằng đây không phải là điều bình thường. Điều này cũng lí giải vì sao các motif
  • 25. 25 trong truyện kể dân gian vẫn tiếp tục sống, được các thế hệ người kể chuyện sử dụng trong nhiều câu chuyện. Việc nghiên cứu motif còn có ý nghĩa quan trọng đối với những người muốn tìm hiểu về văn hóa. Phân tích motif, người nghiên cứu có cơ hội khám phá những tầng văn hóa ẩn sau motif đó. Đồng thời, có thể chỉ ra mối quan hệ quốc tế. Đôi khi sự sử dụng cùng một motif chỉ có tính logic, do quá trình tư duy giống nhau giữa các nơi trên thế giới. 1.2.2. Lý thuyết về type Theo định nghĩa của Từ điển Văn học (dẫn theo [57, 206]), “Tập hợp những truyện có cùng chủ đề và cốt truyện tương tự như nhau, được gọi là kiểu truyện”. GS. Nguyễn Tấn Đắc cũng có ý kiến tương tự, type được hiểu như là kiểu loại, kiểu mẫu của truyện kể dân gian. Chỉ những tác phẩm dân gian nào có chung một điểm nào đó về chủ đề, cốt truyện, nhân vật mới có thể được nghiên cứu chung. Liên quan đến thuật ngữ type còn có thuật ngữ motif. Motif là những đơn vị tế bào hạt nhân để xây dựng nên cốt truyện, là một thành tố tạo nên truyện. Nó rất linh động, bởi trong truyện kể nó có thể tách rời ra hoặc lắp ghép lại được. Tính chất của nó là hay lặp đi lặp lại và mang nét khác lạ hay đặc biệt nào đó. Vì vậy, tìm hiểu motif cũng là khám phá những tầng lớp văn hóa. Type là đơn vị lớn hơn motif, một type có thể chứa nhiều motif. Trường hợp câu chuyện quá ngắn, chỉ có một motif thì motif ấy được xem như type. Ở Việt Nam, năm 1978, ông Phan Kế Hoành trong bài Góp phần tìm hiểu nguồn gốc truyền thuyết Âu Cơ và Lạc Long Quân (Tạp chí Văn học số 4, 1978) đã dùng thuật ngữ “dạng thức” để nói về những truyện có các yếu tố lặp lại nhau. Vũ Anh Tuấn trong luận án phó tiến sĩ với đề tài Khảo sát cấu trúc và ý nghĩa một số típ truyện kể dân gian Tày ở vùng Đông Bắc Việt Nam đã dùng thuật ngữ “típ truyện”. Lê Trung Vũ thì dùng khái niệm “dạng truyện” khi thực hiện đề tài: Khảo sát về dạng truyện người mồ côi trong truyện cổ tích H’mông. Theo khảo sát của Nguyễn Bích Hà thì khái niệm kiểu truyện, típ truyện hay dạng truyện mà các tác giả dùng đều chỉ những truyện có các yếu tố tương tự
  • 26. 26 nhau trong hạt nhân của cốt truyện. Như vậy, cùng một nội dung nhưng các thuật ngữ đưa ra lại muôn hình muôn vẻ. Những truyện có các motif tương tự nhau làm thành một kiểu truyện và mỗi kiểu truyện có một hệ thống motif riêng với quan niệm nghệ thuật, ý nghĩa phản ánh riêng. Trong một kiểu truyện có nhiều motif nhưng không nhất thiết mỗi truyện trong kiểu truyện đó phải có tất cả các motif chung. Có thể có truyện chỉ chung với các truyện khác một hoặc vài motif. Phương pháp duy nhất để lập ra được một type là nghiên cứu những dị bản của type đó. Khi thấy nhiều truyện có những chỗ giống nhau thì xếp vào chúng vào cùng một loại rồi nghiên cứu những chỗ giống nhau đó, ghi giữ những đặc điểm chung. Sau cùng, gộp chung tất cả những dị bản có các đặc điểm đó lại và ta có thể trình bày nội dung của type được nghiên cứu. Dưới đây là một số lợi ích của việc nghiên cứu type theo ý kiến của Nguyễn Tấn Đắc: Thứ nhất, type giúp xem xét và sắp xếp truyện dân gian theo từng cốt kể, tức là theo từng truyện đơn vị chứ không theo từng mẩu chuyện riêng lẻ. Trong một kho truyện kể nào đó (của một tộc người, một quốc gia, một khu vực,…) bao giờ số type truyện cũng ít hơn và ổn định hơn số mẩu chuyện riêng lẻ. Thứ hai, type cũng giúp xem xét truyện kể dân gian ở hai dạng. Đó là dạng cốt kể (truyện, type) và dạng dị bản biến đổi của nó. Thứ ba, type còn giúp xem xét và so sánh các kho truyện kể một cách có hệ thống và ở cấp độ kiểu truyện hay truyện – đơn vị. Trong công trình nghiên cứu này, chúng tôi vận dụng type để nghiên cứu truyện kể dân gian ở dạng cốt kể (truyện, type). Vì điều này phù hợp với sự so sánh motif hôn nhân giữa người và thần linh với vai trò là motif chủ đề (cũng chính là type) ở hai thể loại truyền thuyết và cổ tích. 1.2.3. Mối quan hệ giữa motif và type Motif là yếu tố bất biến trong truyện cổ tích thần kỳ, có khả năng di chuyển hoặc bảo lưu trong một số truyện khác nhau. Ví dụ: motif “đôi giày” trong truyện Lọ lem ở châu Âu và truyện Tấm Cám ở Việt Nam. Sự lặp lại của một motif
  • 27. 27 trong truyện kể các dân tộc khác nhau có thể là kết quả của sự giao lưu văn hóa hoặc do những điều kiện lịch sử xã hội tương đồng. Những chuyện cổ tích thần kỳ có cùng motif giống nhau sẽ thuộc về một type. Có thể đặt tên cho mỗi type bằng cách gọi ra motif đặc trưng. Motif là yếu tố nhỏ nhất cấu tạo nên type. Như vậy, motif ở trong type và type bao trùm lên motif. Giữa type và motif có mối quan hệ biện chứng với nhau, có thể chuyển hóa cho nhau. Nếu cốt truyện chỉ bao gồm một motif thì motif này đã chuyển hóa thành type; ngược lại, một cốt truyện thuộc về một type có thể di chuyển vào một cốt truyện phức tạp hơn và trở thành thành phần của cốt truyện phức tạp này thì nó đã trở thành motif chứ không phải là type nữa. Cũng như motif, type là phần tử đơn vị vừa mang tính đặc trưng vừa mang tính bền vững của truyện kể dân gian. Type là những cốt kể (narratives) có thể tồn tại độc lập trong kho truyện truyền miệng. Dù đơn giản hay phức tạp, truyện nào được kể như một cốt kể độc lập đều được xem là một type. Có những truyện kể dài chứa đựng rất nhiều motif song cũng có những truyện kể chỉ có một motif đơn lẻ. Ở trường hợp thứ hai, type và motif đồng nhất. Như vậy, mỗi một nền văn hóa riêng biệt chỉ có một số lượng type có hạn. Dựa vào mối quan hệ giữa type và motif, chúng tôi xét thấy có thể phân motif thành hai loại. Đó là motif chi tiết và motif chủ đề. Motif chi tiết là loại motif đóng vai trò tình tiết, chi tiết trong cốt truyện, bản thân nó có thể tham gia vào nhiều type khác nhau; motif chủ đề là motif phát triển thành một cốt truyện và tạo ra những cốt truyện tương tự nhau nên sẽ hình thành một type. 1.3. Các tiêu chí để lựa chọn motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết và cổ tích Trong truyền thuyết và cổ tích Việt Nam cũng như thế giới, tồn tại một loại nhân vật là lực lượng siêu nhiên thiện. Đây là những thực thể hình thành từ trí tưởng tượng của con người, mang những đặc điểm khác thường. Sự có mặt của nhân vật này bắt nguồn từ thế giới quan của người nguyên thủy vốn sợ hãi trước lực lượng tự nhiên nên cho rằng có sự tồn tại của một thế lực nào đó khác con người. Có những lực lượng siêu nhiên làm hại con người như loài yêu quái nhiều
  • 28. 28 phép thuật, chuyên ăn thịt người. Song cũng có những lực lượng siêu nhiên hỗ trợ, giúp đỡ con người để cuộc sống của loài người tốt hơn. Loại nhân vật này có nhiều tên gọi khác nhau trong các tài liệu nghiên cứu mà chúng tôi tìm hiểu được. Chẳng hạn: thần tiên, phúc thần,… Trong đề tài này, để đảm bảo sự nhất quán, chúng tôi gọi loại nhân vật này là: thần linh. Vì thần linh có những đặc điểm, chức năng khác nhau trong mỗi thể loại, chi phối đến sự khác biệt trong mối quan hệ hôn nhân giữa người và thần linh ở từng thể loại nên chúng tôi xác lập hệ thống tiêu chí riêng cho từng thể loại. 1.3.1. Các tiêu chí để lựa chọn motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết Để lựa chọn motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết chúng tôi dựa trên hai tiêu chí. Một là xác định nhân vật thần linh; hai là điều kiện hôn nhân. Đối với việc xác định nhân vật thần linh, theo chúng tôi, loại nhân vật được xem là thần linh phải có những đặc điểm sau. Thứ nhất, về nguồn gốc, thần linh có thể xuất thân từ lực lượng siêu nhiên hay con người. Những lực lượng siêu nhiên bao gồm các vị thủy thần (Sự tích hai hoàng tử Bảo Quốc, Chân Võ thời Hùng Vương; Sự tích bảy anh em Lương, Hải, Long, Lôi, Sơn, Nhạc, Lĩnh thời Hùng Vương), nàng tiên trên trời (Truyền thuyết về Thiên Ya Na, Liễu Hạnh Tiên chúa,…), sơn thần (Sự tích Thần Thông, Cương Nghị, Hùng Cường thời Hùng Vương; Sự tích đức Thánh Tản;…), thần tướng trên trời (Sự tích đức Thiên Cang thời Hùng Vương). Thứ hai, về đặc điểm phi thường, những đặc điểm phi thường của thần linh có mặt trong sự xuất hiện ở cõi tục, diện mạo và hành động. Thần linh có thể xuất hiện ở thế giới của con người dưới hình thức đầu thai làm kiếp người (Truyện thần Câu Mang thời Hùng Vương). Ngoài ra còn có dạng thần linh được con người sinh ra một cách thần kỳ. Đức thánh mẫu của Doãn Công khi thụ thai ngài đã có một ngôi sao từ trên trời sa xuống, bà nuốt đi và sau đó sinh ra ngài (Sự tích Doãn Công dẹp giặc Tô Định). Diện mạo của thần linh có những đặc điểm kỳ lạ từ lúc mới sinh ra như trường hợp ngài Dương công trong Sự tích Dương công và
  • 29. 29 Nguyệt Tinh công chúa thời Hùng Vương: mặt rồng mũi hổ, sau lưng có hai mươi tám vảy như vảy cá, tay dài chấm gối, trên trán có một cái sừng bằng thịt nhô lên, lòng bàn chân có bảy cái lông dài hơn một tấc, tiếng vang như sấm, mắt sáng như sao. Về hành động, họ có những khả năng kỳ bí để thực hiện những việc mà sức người bình thường không làm được. Tản Viên Sơn Thánh có những phép lạ có thể thông trời tỏ đất, dời núi lấp sông (Truyện Trung Định công thời Hùng Vương). Trong hành tung, tuy họ xuất hiện ở cõi tục nhưng đời sống khác thường. Chẳng hạn Đại vương Sơn Tinh họ Nguyễn cùng vui ở với loài thủy tộc ở đất Gia Ninh huyện Phong Châu (Truyện núi Tản Viên). Thứ ba, về chức năng của thần linh, thần linh xuất hiện trong cuộc sống của con người và có một vai trò nhất định đối với xã hội loài người. Ở đây, dưới nhiều hình thức khác nhau, thần linh luôn là lực lượng giúp đỡ cho con người để đời sống của loài người tốt hơn. Dựa vào vai trò của thần linh đối với cuộc sống của nhân dân, chúng tôi phân thần linh thành hai loại như sau: thần linh anh hùng và thần linh văn hóa. Thần linh đã giúp đỡ con người trong vấn đề sinh tử cấp bách của cộng đồng bao gồm chiến tranh, thiên tai và bệnh tật. Ngài Chung công đã giúp Hùng Duệ Vương đánh tan giặc Đại Man Thạch (Sự tích Thánh Tản Viên và Quí Minh). Ngoài việc chiến đấu trực tiếp với kẻ thù, họ có thể hỗ trợ con người ở nhiều mặt khác như sinh ra thần linh anh hùng, hiến kế và tiến cứ tướng tài cho nhà vua (Sự tích thần Linh Lang, Truyện thần Câu Mang thời Hùng Vương, Sự tích Linh Công, Thủy Công, Đài Công thời Hùng Vương, Truyện Bảng Công và Hải Công đời Trần, Truyện tích Nam Hải Đại Vương – Thục An Dương Vương,...). Không chỉ vậy, thần linh còn làm nên những giá trị vật chất, tinh thần và trở thành chỗ dựa tâm linh của nhân dân. Bà Phù Thánh Linh Nhân đã được nhân dân gọi là Phật Quan Âm tái sinh vì đã thay vua trị dân rất phép tắc, làm cho bốn phương ấm no, yên bình. Bà Chúa Lẫm trong truyền thuyết cùng tên xuất thân là cô gái nghèo nhưng chăm chỉ, kết hôn với hoàng tử, trở thành hoàng hậu. Khi trong nước xảy ra mất thóc trong kho lương thực, bà đã giải quyết giúp dân. Bà còn giúp dân cày cấy, xây dựng đời sống hưng thịnh. Biết ơn bà, nhân dân đã tôn bà là Bà Chúa Lẫm. Hay đơn giản hơn họ là những con người
  • 30. 30 có công trạng to lớn đối với cộng đồng vì cuộc đời họ tạo nên niềm tin tín ngưỡng cho nhân dân nên được nhân dân thờ phụng. Nàng Mỵ Nương kết hôn với Trọng Thủy và vì tình phu thê mà để nỏ thần rơi vào tay giặc nhưng khi nàng chết đi, mối đùn ở ngôi mộ và nhân dân vẫn tôn thờ nàng là một vị thần (Sự tích Thục Nương và công chúa Mỵ Châu). Vì thần linh trong truyền thuyết có dạng mang nguồn gốc là con người, kết hôn với con người, sau đó hiển thánh. Đây là hôn nhân giữa người với người nên chúng tôi không xét trường hợp này. Vì vậy, tiêu chí thứ hai được đặt ra đó là điều kiện hôn nhân. Ở đây, thần linh hóa thân trong kiếp người rồi kết hôn với con người hoặc không hóa thân trong kiếp người mà xuất hiện với hình dạng thật trước khi kết hôn với con người. Trường hợp thứ nhất, thần linh mang kiếp thường dân trong xã hội. Họ là người có cha mẹ, danh tánh, quê quán, hoặc mồ côi, không biết tên tuổi. Liễu Hạnh Tiên chúa trong truyền thuyết cùng tên đầu thai xuống trần làm nàng Giáng Tiên – con gái của ông Lê Thái Công ở thôn Vân Cát, xã Yên Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định dưới thời vua Anh Tôn nhà Lê (1557). Khi không hóa thân trong kiếp người thần linh hiện diện ở cõi tục là những vị thần núi, thần Quả, nữ thần giữ của. Trường hợp này xuất hiện trong các truyện như Sự tích bốn Đại vương họ Đinh thời Hùng Vương, Sự tích đức Thánh Tản, Truyện bà Hiển Nhân, Truyện lái buôn phương Bắc giấu vàng. Tóm lại, để xác định motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết, cần phải xét hai tiêu chí đó là xác định nhân vật thần linh và điều kiện hôn nhân. 1.3.2. Các tiêu chí để lựa chọn motif hôn nhân giữa người và thần linh trong cổ tích Đối với thể loại cổ tích, việc lựa chọn motif hôn nhân giữa người và thần linh gặp gỡ truyền thuyết ở tiêu chí thứ nhất nhưng vì đặc trưng thể loại nên nó có những biểu hiện riêng. Để xác định nhân vật thần linh trong cổ tích, chúng tôi lưu ý các khía cạnh sau: Thứ nhất, về nguồn gốc, nhân vật thần linh trong cổ tích là những vị thủy thần (Công chúa Thủy tề, nàng tiên cá) trong các truyện Anh đánh cá và công chúa
  • 31. 31 thủy tề, Nàng tiên cá; những nàng tiên trên trời (Sao Mai và Sao Hôm, Sự tích núi Vàng); con gái của thần trời (Chàng Sính); con gái mặt trời (K’Ong mồ côi), con gái thần ngà voi chúa (Chàng Amã Ja – Arèq). Thứ hai, về đặc điểm phi thường, sự kỳ lạ ở nhân vật thần linh có thể được tìm thấy trong khả năng của họ. Thần linh có thể hóa phép tạo ra nhiều của cải vật chất (Của thiên trả địa), nàng tiên trong truyện Sao Mai và Sao Hôm có khả năng bay giữa hai cõi trời và đất. Về diện mạo, thần linh có thể mang những lốt của con vật như cá, ốc, rùa,… (Duyên tiên, Nàng tiên ốc, Ông Trạng lấy rùa,…). Khi cần thiết họ có thể cởi bỏ lốt. Thần linh thường mang lốt để xuất hiện ở cõi trần để con người không thể phát hiện. Thứ ba, về chức năng, thần linh kết hôn với con người để mang lại điều tốt đẹp cho họ. Đó là sự giàu sang, trừng phạt kẻ xấu để giúp con người lấy lại công lý (Của thiên trả địa, Hai anh em khác họ) hay đơn giản là giúp con người sống hạnh phúc vì có một người gắn bó với mình tuy cuộc sống không được sung túc (Nàng tiên ốc, Nàng tiên cá,…) Việc xác định nhân vật thần linh ở hai thể loại trên đây thực chất là để phân định với con người và thế giới cõi trần. Cũng từ đó có thể thấy được mối quan hệ hôn nhân giữa hai cõi được tác thành qua con đường nào và bằng cách nào. Tiểu kết chương: Vì sự hình thành và biểu hiện của motif hôn nhân giữa người và thần linh có nền tảng từ cơ sở lịch sử - xã hội nên việc tìm hiểu những hình thái hôn nhân – gia đình trong lịch sử, nhu cầu hôn nhân, thế giới quan của người nguyên thủy là tiền đề cho việc tìm hiểu dạng thức của motif hôn nhân giữa người và thần linh và đi xa hơn là so sánh motif này ở hai thể loại. Qua đây, chúng tôi phần nào lí giải được cách thức hình thành motif hôn nhân giữa người và thần linh ở truyền thuyết và cổ tích Việt Nam. Việc đưa ra các tiêu chí để lựa chọn motif là những công cụ cần thiết để chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài. Một số vấn đề về lý thuyết về motif, type, mối quan hệ giữa motif và type đã tạo ra cơ sở lý luận để triển khai đề tài này, đặc biệt là chương ba: so sánh motif hôn nhân giữa người và thần linh ở truyền thuyết và cổ tích trên hai bình diện vai trò của motif đối với cốt truyện.
  • 32. 32 CHƯƠNG 2: CÁC DẠNG THỨC CỦA MOTIF HÔN NHÂN GIỮA NGƯỜI VÀ THẦN LINH TRONG TRUYỀN THUYẾT VÀ CỔ TÍCH VIỆT NAM Để phân loại dạng thức của motif hôn nhân giữa người và thần linh, chúng tôi dựa vào mối quan hệ hôn nhân giữa người với các dạng thần linh. Đặc điểm riêng của mỗi dạng thần linh sẽ chi phối đến cuộc hôn nhân giữa họ và con người, ảnh hưởng đến sự vận động của cốt truyện và đặc trưng thể loại. Để xác định dạng thần linh ở truyền thuyết, chúng tôi dựa vào hình thức thần linh xuất hiện ở thế giới của con người. Theo đó, có hai dạng. Thứ nhất, đó là thần linh hóa thân trong kiếp người, kiếp người ở đây là mọi thân phận trong xã hội từ những người mồ côi, vô danh cho đến những người có cha mẹ (Người con gái núi Tam Đảo, Sự tích Doãn Công dẹp giặc Tô Định, Bà chúa nghề tằm,…). Thứ hai, đó là thần linh không hóa thân trong kiếp người. Họ là những vị thần núi, người ở cung tiên,… trong các truyện như Truyện núi Tản Viên; Sự tích Thần Thông, Cương Nghị, Hùng Cường thời Hùng Vương;… Từ đây, có hai dạng thức hôn nhân trong truyền thuyết: hôn nhân giữa người và thần linh hóa thân trong kiếp người; hôn nhân giữa người và thần linh không hóa thân trong kiếp người. Để xác định dạng thần linh ở cổ tích, chúng tôi dựa vào đặc điểm của nhân vật thần linh và phân thần linh thành hai loại: thần linh có lốt vật và thần linh không có lốt vật. Lốt vật là một đặc điểm thuộc về diện mạo của thần linh. Nó mang tính tạm thời khi thần linh có thể cởi bỏ lốt. Thần linh có lốt vật xuất hiện trong những truyện như: Anh đánh cá và công chúa thủy tề, Nàng tiên ốc,... Trong những truyện này thần linh mang những lốt của con vật như cá, ốc, rùa,… Thần linh không có lốt vật có mặt trong các truyện: Từ Thức, Của thiên trả địa, Chàng Sính,... Đó là nàng tiên ở trên trời và có hình dáng rất xinh đẹp (Sao Mai và Sao Hôm, Cưới vợ Mường Trời), con gái của vua Thủy tề (Hai anh em khác họ),... Từ đây, có hai dạng thức hôn nhân ở cổ tích: hôn nhân giữa người và thần linh có lốt vật; hôn nhân giữa người và thần linh không có lốt vật.
  • 33. 33 Như vậy, tiêu chí xác định dạng thức hôn nhân của motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết và cổ tích đó là mối quan hệ hôn nhân giữa người với các dạng thần linh. Để xác định dạng thần linh ở truyền thuyết, chúng tôi dựa vào hình thức thần linh xuất hiện ở cõi trần. Đó là thần linh hóa thân trong kiếp người và thần linh không hóa thân trong kiếp người. Để xác định dạng thần linh ở cổ tích, chúng tôi dựa vào đặc điểm diện mạo của thần linh đó là thần linh có lốt vật hoặc không có lốt vật. Từ sự phân loại này, chúng tôi tiến hành mô tả cơ cấu hôn nhân của motif hôn nhân giữa người và thần linh trong từng loại. Trong từng dạng thức hôn nhân, khi nghiên cứu, xét thấy còn có sự hình thành những nhóm hôn nhân riêng nên chúng tôi tiếp tục phân nhóm để mô tả dựa trên diễn biến của cuộc hôn nhân. Kết hợp với việc mô tả dạng thức hôn nhân giữa người và thần linh, chúng tôi còn so sánh các kiểu hôn nhân trong một dạng thức, so sánh các dạng thức hôn nhân với nhau và tham chiếu truyện của người Kinh với đồng bào thiểu số thuộc motif hôn nhân giữa người và thần linh. 2.1. Các dạng thức của motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết Kết quả thống kê cho thấy motif hôn nhân giữa người và thần linh chiếm tỉ lệ: 3.43% (34/991 truyện) trong truyền thuyết và 7.24% (27/373 truyện) trong cổ tích. Như vậy, motif này xuất hiện trong cổ tích nhiều gấp hai lần so với truyền thuyết. Tuy nhiên vấn đề chính là cách biểu hiện của nó trong từng thể loại có những dạng thông điệp như thế nào. Đó là điều cần làm rõ ở từng thể loại. Trong truyền thuyết, tỉ lệ số truyện chứa dạng thức hôn nhân giữa người và thần linh hóa thân trong kiếp người bằng tỉ lệ số truyện chứa dạng thức hôn nhân giữa người và thần linh không hóa thân trong kiếp người: 1.71% (17/991 truyện). 2.1.1. Hôn nhân giữa người và thần linh hóa thân trong kiếp người Trong dạng thức này, hôn nhân giữa người và thần linh biểu hiện thành hai nhóm hôn nhân và một số kiểu hôn nhân khác tồn tại rải rác trong một số truyện. Dưới đây chúng tôi lần lượt mô tả chúng. 2.1.1.1. Nhóm hôn nhân: Gia đình con người – thần linh chống ngoại xâm
  • 34. 34 Dạng hôn nhân này xuất hiện trong các truyền thuyết như: Sự tích bảy anh em Lương, Hải, Long, Lôi, Sơn, Nhạc, Lĩnh thời Hùng Vương; Truyện thần Câu Mang thời Hùng Vương; Sự tích Linh Công, Thủy Công, Đài Công thời Hùng Vương; Sự tích Chàng Cả, Chàng Hai, Chàng Ba Đại vương thời Triệu Vũ Đế; Sự tích Doãn công dẹp giặc Tô Định; Bà Chúa nghề tằm. Trong những truyện trên, thần linh thường kết hôn với bậc vua quan hoặc những người có danh phận trong xã hội (dòng dõi Hùng Vương, con gái của thầy dạy học). Vì thần linh là lực lượng siêu nhiên thiện được con người tôn thờ nên nhân dân đã để họ kết hôn với những người xứng đáng. Hơn nữa, nhờ những cuộc hôn nhân này mà thần linh có thể giúp đỡ con người nên để thần linh kết duyên với những người có danh vị trong xã hội cũng là cách để tôn vinh mối nhân duyên này. Tuy hóa thân trong kiếp người nhưng đa phần thân phận thần kỳ của thần linh đã được hé mở bởi chính thần linh hoặc thông qua giấc mộng kỳ lạ của con người. Chính vì thế, cuộc hôn nhân giữa con người và thần linh hóa thân trong kiếp người có sự hòa trộn giữa thực và ảo, tạo nhiều lôi cuốn. Hầu hết các truyện, sau khi kết hôn, thần linh đã sinh cho con người những vị thần linh mới để giúp đỡ con người chống giặc ngoại xâm. Chỉ riêng trường hợp truyện Sự tích Doãn công dẹp giặc Tô Định và Bà Chúa nghề tằm là thần linh trực tiếp đối mặt với kẻ thù. Ở bình diện nào, những đóng góp của thần linh thông qua cuộc hôn nhân với con người đều rất đáng được coi trọng. Qua đây, nó đã thể hiện sự đa dạng trong những cách thức trợ giúp của thần linh dành cho con người. Qua nhóm hôn nhân này, chúng tôi còn thấy trong xã hội, những bậc vua chúa có quyền lực rất cao ở mọi lĩnh vực nói chung, việc hôn nhân nói riêng. Vua có quyền chọn bất cứ ai làm vợ và có quyền được cưới nhiều vợ. Phương Dung đã tình cờ gặp Hùng Huy Vương và được vua lập làm hoàng hậu (Sự tích hai hoàng tử Bảo Quốc Chân Võ thời Hùng Vương), Niệm nương được Hùng Nghị Vương chọn làm Đệ nhất Cung phi (Truyện Thần Câu Mang thời Hùng Vương). Kết thúc những cuộc hôn nhân này, gia đình con người – thần linh phải chia rẽ vì thần linh và con của họ dù thành công hay thất bại trước kẻ thù xâm lược thì cũng đã hoàn thành nghĩa vụ giáng thế hộ dân. Nên sau đó họ trở về thế giới của
  • 35. 35 thần linh. Kết thúc này đã cho thấy sự tương thông và cách biệt giữa hai cõi trần gian và thần tiên trong tâm thức dân gian. Tóm lại, nhóm hôn nhân này đã cho thấy con đường thần linh hỗ trợ con người và vai trò của hôn nhân – gia đình đối với sự nghiệp đấu tranh bảo vệ đất nước. Đằng sau đó còn là nguyện vọng kéo sát thế giới thần linh đến gần hơn thế giới thế tục của con người trong một thực tại còn nhiều lo sợ và mong muốn nhận được sự giúp đỡ từ thế lực thần kỳ. Dưới đây là mô hình hôn nhân: Thần linh kết hôn với con người Thần linh giúp đỡ con người chống ngoại xâm Sinh ra thần linh mới Trực tiếp chống kẻ thù Thần linh trở về thế giới của thần linh 2.1.1.2. Nhóm hôn nhân: Thần linh có công với đất nước được kết hôn với bậc vua chúa Dạng hôn nhân này xuất hiện trong các truyền thuyết: Sự tích Dương Công và Nguyệt Tinh công chúa thời Hùng Vương, Người con gái núi Tam Đảo, Sự tích đức Thiên Cang thời Hùng Vương, Võ Trung và Võ Quốc, Sự tích núi Ngũ Hành. Ở dạng thức này, hôn nhân giữa người và thần linh anh hùng còn là kết quả của sự ban thưởng đối với thần linh sau những công trạng họ đã mang lại cho đất nước như chiến thắng ngoại xâm, cứu nhân dân thoát khỏi bệnh tật,.... Và những cuộc hôn nhân như vậy thường được tiến hành sau khi việc nước tạm yên. Vì hôn nhân là một sự kiện trọng đại trong đời người, những cuộc hôn nhân ở tầm quốc gia lại càng quan trọng hơn nên cần điều kiện tốt để tiến hành.
  • 36. 36 Đối tượng kết hôn của thần linh anh hùng là những con người xuất sắc, ở địa vị cao trong xã hội. Những con người đó thuộc dòng dõi vua quan. Vì đây là những cuộc hôn nhân nhằm khích lệ tinh thần và thắt chặt hơn mối quan hệ giữa con người với thần linh. Những truyền thuyết chứa dạng hôn nhân này đã cho thấy những người ở địa vị cao, có quyền lực trong xã hội như bậc vua chúa có quyền ấn định hôn nhân cho người dưới quyền. Như vậy, khi xuất hiện ở cõi trần trong thân phận con người, thần linh cũng đã tuân thủ mọi sự vận hành của xã hội loài người. Trong những cuộc hôn nhân dạng này, sự chủ động kết hôn và sắp xếp cuộc hôn nhân thuộc về con người. Điều đó đã cho thấy ý thức cao của con người về vai trò của hạnh phúc hôn nhân trong đời sống cá nhân nói riêng, trong sự nghiệp bảo vệ quốc gia nói chung. Trước khi kết hôn, con người có thể biết đối tượng trong hôn nhân là thần linh hóa thân trong kiếp người hay chỉ nhận thức đó là những bậc tài giỏi trong thiên hạ. Song về cơ bản, sự chủ động trong những cuộc hôn nhân này đã cho thấy khát vọng có được những cuộc hôn nhân đẹp. Đây cũng là khát vọng muôn thuở của con người. Vì những cuộc hôn nhân này là do đối tượng ngoài hôn nhân sắp xếp, quyết định với tính chất ban tặng cho người có công đối với cộng đồng nên những truyền thuyết thuộc dạng hôn nhân này không tập trung đi sâu vào đời sống hôn nhân giữa thần linh và con người như những dạng hôn nhân khác. Tạo nên những cuộc hôn nhân này, có thể thấy những bậc vua quan bên cạnh việc muốn ban thưởng cho những người có công còn nhằm thiết lập mối quan hệ mật thiết với họ để nhận được sự hỗ trợ từ họ về dài lâu. Trong những truyền thuyết như Sự tích Dương Công và Nguyệt Tinh công chúa thời Hùng Vương, Võ Trung và Võ Quốc, Sự tích đức Thiên Cang thời Hùng Vương, sau khi kết hôn với con người, thần linh tiếp tục sống ở cõi trần và giúp đỡ con người chống ngoại xâm. Có thể thấy những cuộc hôn nhân dạng này có vai trò quan trọng đối với đất nước và nó nằm trong đường lối chính trị của các bậc vua chúa. Việc lấy hôn nhân để phục vụ chính trị đã từng được nhiều bậc vua chúa thực hiện. Những
  • 37. 37 cuộc hôn nhân trong lịch sử Việt Nam như giữa Ngọc Hân và Nguyễn Huệ, các vua chúa gả công chúa cho các tù trưởng miền núi,… đã thể hiện rất rõ điều đó. Sau khi kết hôn, hoàn thành sứ mệnh giúp đỡ thế giới con người, thần linh sẽ đưa con người trở về thế giới của thần linh (Sự tích Dương công và Nguyệt Tinh công chúa, Sự tích đức Thiên Cang thời Hùng Vương). Cũng có thể thần linh và con người sống ở thế giới con người (Người con gái núi Tam Đảo, Sự tích núi Ngũ Hành). Trong truyền thuyết Võ Trung và Võ Quốc, gia đình con người – thần linh li tán vì thần linh trở về thế giới của mình. Như vậy, đa phần kết thúc của những cuộc hôn nhân dạng này đều có hậu. Dưới đây là mô hình hôn nhân: Thần linh có công với đất nước Được kết hôn với bậc vua chúa Trở về thế giới của thần linh Chia rẽ Sống ở thế giới của con người 2.1.1.3. Một số kiểu hôn nhân khác Ngoài hai nhóm hôn nhân trên, ở dạng hôn nhân giữa người và thần linh hóa thân trong kiếp người còn có một số kiểu hôn nhân khác xuất hiện trong từng truyện đơn lẻ. Đó là truyền thuyết Liễu Hạnh Tiên chúa và Truyền thuyết về Thiên Ya Na. Trong truyện Liễu Hạnh Tiên chúa, nàng Tiên chúa trên trời đầu thai làm cô gái Giáng Tiên – con của người trần. Sau đó nàng cũng cưới chồng, sinh con và hết thời gian sống ở cõi trần thì nàng mất, trở về cõi thần linh. Nhưng từ đây, thần linh cũng thường hiển linh ở cõi trần để giúp đỡ con người. Như vậy, trong trường hợp này, cuộc hôn nhân giữa con người và thần linh là biểu hiện tiêu biểu của kiếp người của thần linh khi họ phạm tội ở thế giới của mình và bị đầy xuống trần gian.
  • 38. 38 Dưới đây là mô hình hôn nhân: Thần linh kết hôn với con quan Hết hạn sống ở cõi trần nên mất Thường hiển thánh giúp đỡ nhân dân Truyền thuyết về Thiên Ya Na là trường hợp duy nhất của dạng thức hôn nhân giữa người và thần linh hóa thân trong kiếp người mà thần linh kết hôn với người ở đất nước khác. Cuộc hôn nhân này mang tính chất tình cờ nên đã ngợi ca chữ duyên trong hôn nhân. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân này không kéo dài khi nữ thần nhớ cha mẹ, quê hương và quyết định trở về đất nước của mình. Có thể thấy rằng người Việt đã gửi tâm thức gia đình vào dạng hôn nhân này. Bởi họ rất coi trọng và gắn chặt cuộc đời mình với quê hương xứ sở. Họ vẫn luôn nhắc nhở nhau từ những lời ca ngàn xưa: Ta về ta tắm ao ta, Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn. Một điều đáng lưu ý khác ở dạng hôn nhân này đó là đây là dạng hôn nhân hiếm có trong motif hôn nhân giữa người và thần linh mà ở đó thần linh đã giết người kết hôn với mình. Vì đi tìm bà Thiên Ya Na mà thái tử biển Bắc đã sát hại dân chúng nên bà đã tiêu diệt hắn. Điều này đã cho thấy bản chất mạnh mẽ, quyết liệt của thần linh trong vai trò bảo vệ điều thiện, che chở cho nhân dân. Thế nên người dân đã vô cùng tin cậy vào sự linh ứng và tôn thờ họ. Dưới đây là mô hình hôn nhân: Thần linh kết hôn với con người xứ khác Trở về quê hương giúp đỡ nhân dân Tiêu diệt người chồng độc ác
  • 39. 39 Tóm lại, qua tìm hiểu dạng thức hôn nhân giữa con người và thần linh hóa thân trong kiếp người, chúng tôi nhận thấy có hai nhóm hôn nhân và hai kiểu hôn nhân khác. Trong dạng thức này, khi thần linh hóa thân trong kiếp người và được tác hợp với con người, thần linh tuân theo mọi sự vận hành trong xã hội loài người. Hai nhóm hôn nhân: Gia đình con người – thần linh chống ngoại xâm; thần linh có công với đất nước được kết hôn với bậc vua chúa giống nhau ở đặc điểm là hôn nhân có ý nghĩa đối với vấn đề của cộng đồng. Còn hai kiểu hôn nhân khác nghiêng về cuộc đời của thần linh ở cõi trần nhiều hơn. 2.1.2. Hôn nhân giữa người và thần linh không hóa thân trong kiếp người Trong dạng thức này, hôn nhân giữa người và thần linh biểu hiện thành hai nhóm hôn nhân và một số kiểu hôn nhân tồn tại trong từng truyện đơn lẻ. Dưới đây chúng tôi lần lượt mô tả chúng và kết hợp so sánh với dạng thức hôn nhân giữa người và thần linh hóa thân trong kiếp người. 2.1.2.1. Nhóm hôn nhân: Gia đình con người – thần linh chống ngoại xâm Dạng hôn nhân này có mặt trong các truyền thuyết: Sự tích bốn Đại vương họ Đinh thời Hùng Vương; Truyện núi Tản Viên; Sơn Tinh đánh giặc; Sự tích hai hoàng tử Bảo Quốc, Chân Võ thời Hùng Vương;… Ở dạng này, thần linh thường kết hôn với những con người xuất sắc trong xã hội. Những đối tượng kết hôn với thần linh đã tạo nên một sự kết hợp tương xứng, xứng đáng mà nhân dân muốn dành cho thần linh. Đó là những bậc vua chúa. Tản Viên Sơn Thánh đã cưới công chúa Mỵ Nương – con gái vua Hùng Vương thứ mười tám (Truyện núi Tản Viên), nàng tiên trong truyện Sự tích hai hoàng tử Bảo Quốc, Chân Võ thời Hùng Vương được Hùng Huy Vương lập làm hoàng hậu. Tuy xuất hiện ở cõi trần trong diện mạo thật và là lực lượng siêu nhiên nhưng thần linh vẫn tuân theo mọi hoạt động diễn ra trong xã hội loài người. Ở đây, sự chủ động trong hôn nhân thuộc về con người. Vua Hùng Vương đã mở hội kén chồng và lựa chọn chàng rể tốt nhất (Sự tích bốn Đại vương họ Đinh thời Hùng Vương, Truyện núi Tản Viên,…). Vua Hùng Huy Vương lúc bắt gặp tiên bên bờ
  • 40. 40 hồ đã rước ngay về kinh thành làm lễ thành hôn. Có thể thấy rằng con người luôn ý thức được tầm quan trọng của hôn nhân trong sự gắn kết giữa con người và thần linh để được sự hỗ trợ cao nhất từ họ. Điều này đã thể hiện sự tiến bộ trong nhận thức của con người về lực lượng siêu nhiên. Từ chỗ sợ hãi lực lượng siêu nhiên thường thấy trong thần thoại, con người đã trở nên tự tin hơn. Họ tôn kính, tôn thờ, chung sống cùng thần linh chứ không cảm thấy yếu ớt trước các vị thần nữa. Trong truyền thuyết, lực lượng siêu nhiên đã xích lại gần thế giới con người hơn. Đây cũng là đặc trưng của truyền thuyết. Bên cạnh đó, đời sống hôn nhân cũng có những nét kỳ ảo. Điều này cũng dễ hiểu bởi đây là cuộc hôn nhân giữa con người và một lực lượng thần kỳ. Trong Sự tích bốn đại vương họ Đinh thời Hùng Vương, hôn nhân giữa Sơn Tinh và Mỵ Nương là do trời định, bốn vị Đại vương họ Đinh đã tâu trước với vua Hùng về việc này. Trong các truyện như Sự tích hai hoàng tử Bảo Quốc, Chân Võ thời Hùng Vương; Sự tích Linh Công, Thủy Công, Đài Công thời Hùng Vương; Truyện thần Câu Mang thời Hùng Vương,… việc sinh nở của các bà mẹ cũng diễn ra không bình thường. Họ thường có những cơn mộng kỳ lạ trước khi mang thai, thời gian mang thai kéo dài hơn người thường,… Người con họ sinh ra có những đặc điểm khác thường về diện mạo, khả năng,… Cũng cần lưu ý rằng yếu tố kỳ ảo và yếu tố đời thường hòa quyện nhau một cách tự nhiên trong đời sống hôn nhân của con người và thần linh. Sau khi kết hôn, những cuộc hôn nhân giữa con người và thần linh thuộc dạng này đều đối mặt với biến cố. Biến cố bắt nguồn từ những kẻ tham lam, hiếu chiến muốn phá hoại sự yên bình của gia đình – thần linh nói riêng, đất nước nói chung. Đa phần chúng là kẻ thù ngoại xâm. Dưới thời Hùng Vương, đó là quân của Thục Phán muốn đánh Duệ Vương để cướp ngôi. Đó là lực lượng siêu nhiên ác ở cõi nước. Trong Truyện núi Tản Viên, Thủy Tinh – vị thần ở cõi nước vì không cưới được nàng Mỵ Nương nên đã đem quân đánh Sơn Tinh. Trước những kẻ thù phá hoại gia đình con người – thần linh nói riêng và đất nước nói chung, gia đình con người – thần linh đã tham gia vào cuộc đấu tranh chống lại cái ác. Các thành viên trong gia đình từ thế hệ trước đến thế hệ sau đều
  • 41. 41 tham gia vào cuộc chiến. Nếu thần linh không chiến đấu trực tiếp thì họ chống giặc bằng những việc làm gián tiếp như hiến kế, sinh ra người con thần linh anh dũng trên trận mạc. Họ đã chiến đấu với tình yêu thương và lòng căm thù giặc sâu sắc. Sơn Tinh đã kiên trì đấu tranh chống lại Thủy Tinh vào mỗi mùa lũ hàng năm để không bị mất người vợ Mỵ Nương (Truyện núi Tản Viên). Những thành viên trong gia đình cũng đã tương trợ nhau trong cuộc đấu tranh chung ấy. Xuất phát từ mối quan hệ mật thiết giữa những người trong gia đình mà các thành viên trong gia đình con người – thần linh đã luôn hỗ trợ nhau. Nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn, phải đối mặt với kẻ thù độc ác, sự tương trợ đó càng rõ nét, mạnh mẽ và tạo nên một nguồn sức mạnh to lớn. Ở mức cao nhất, đó là sự hi sinh cho nhau. Khi đối diện với quân Thục, Sơn Tinh trong vai trò vừa là con rể vừa là một vị tướng tài đã tiến cử cho vua Hùng những vị tướng giỏi, hiến những kế hay và bản thân ngài cũng đã ra trận làm nên chiến thắng (Truyện Bảng Công và Hải Công đời Trần, Sự tích Nhạc Sơn cư sĩ thời Hùng Vương, Sự tích Cao Sĩ đời vua Hùng,…). Tuy chỉ là con rể nhưng Sơn Tinh đã chiến đấu hết mình. Điều đó không chỉ cho thấy tình nghĩa gia đình trước hoạn nạn mà còn làm nổi bật vai trò của hôn nhân gia đình đối với vận mệnh đất nước. Trải qua biến cố, gia đình con người – thần linh có thể đoàn tụ hoặc không đoàn tụ. Đây cũng là tình hình chung của mọi gia đình sau cơn biến động của đất nước. Trường hợp gia đình con người – thần linh đoàn tụ nằm trong những truyện mà ở đó những thành viên của gia đình đã chiến thắng kẻ thù như Sự tích Cao Sơn, Quý Minh; Sự tích hai hoàng tử Bảo Quốc, Chân Võ thời Hùng Vương;… Trường hợp gia đình con người – thần linh không đoàn tụ nằm trong các truyện mà ở đó các thành viên của gia đình đã thất bại trước kẻ thù như Sự tích bốn Đại vương họ Đinh thời Hùng Vương; Sự tích Thần Thông, Cương Nghị, Hùng Cường thời Hùng Vương. Một điều đáng lưu ý là dù đoàn tụ hay không đoàn tụ, trải qua tai ương, gia đình vẫn luôn là một khối thống nhất. Đặc điểm này là cơ sở nền tảng để hình thành sức mạnh của gia đình con người – thần linh khi đối mặt với kẻ thù. Nếu không cùng hưởng hạnh phúc thì họ chia sẻ với nhau mất mát. Trong truyện Sự