SlideShare a Scribd company logo
1 of 208
VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
CÙ THỊ ÁNH NGỌC
SO SÁNH THI PHÁP TRUYỆN THƠ
TUM TIÊU CỦA DÂN TỘC KHƠME CAMPUCHIA VỚI
VƯỢT BIỂN CỦA DÂN TỘC TÀY Ở VIỆT NAM
Ngành: Lí luận văn học
Mã số: 9.22.01.20
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: GS.TS. NGUYỄN ĐỨC NINH
HÀ NỘI - 2018
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các kết quả trong
luận án là trung thực và chưa từng công bố trong bất kì công trình nào khác.
Tác giả luận án
CÙ THỊ ÁNH NGỌC
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU.........................................................................................................................1
CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU.......................................6
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu truyện thơ ở Việt Nam và nước ngoài..................6
1.2. Tổng quan tình hình nghiên cứu hai truyện thơ Tum Tiêu và Vượt biển ...............17
CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI...........................26
2.1. Thi pháp và thi pháp học lịch sử ............................................................................26
2.2. Văn học so sánh và so sánh song song...................................................................33
2.3. Thi pháp truyện thơ và truyện thơ Đông Nam Á ...................................................36
2.4. Sự hình thành văn bản hai truyện thơ Tum Tiêu và Vượt biển...............................52
CHƯƠNG 3: NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG CỦA HAI TRUYỆN THƠ TUM
TIÊU VÀ VƯỢT BIỂN.................................................................................................66
3.1. Cốt truyện ...............................................................................................................66
3.2. Nhân vật..................................................................................................................78
3.3. Không gian nghệ thuật............................................................................................86
3.4. Thời gian nghệ thuật...............................................................................................93
CHƯƠNG 4: NHỮNG ĐIỂM KHÁC BIỆT CỦA HAI TRUYỆN THƠ TUM
TIÊU VÀ VƯỢT BIỂN..............................................................................................101
4.1. Cốt truyện .............................................................................................................101
4.2. Nhân vật................................................................................................................115
4.3. Không gian nghệ thuật..........................................................................................123
4.4. Thời gian nghệ thuật.............................................................................................137
KẾT LUẬN ................................................................................................................146
DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN
LUẬN ÁN
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ LỤC
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
1.1. Truyện thơ là một thể loại phát triển phong phú và có thành tựu trong văn học
Đông Nam Á. Truyện thơ không thuộc loại hình văn học nói - kể mà thuộc loại hình
hát - kể, nghĩa là cốt truyện tự sự được truyền đạt bằng phương thức dân ca. Và như
thế, truyện thơ các cư dân vùng Đông Nam Á ra đời, có vai trò, vị trí và tác động sâu
sắc tới đời sống văn hóa cũng như trong tiến trình lịch sử phát triển văn học các dân
tộc ở khu vực Đông Nam Á.
1.2. Campuchia được biết đến, trước hết như một quốc gia ở Đông Nam Á có một
truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, với những công trình kiến trúc, điêu khắc kì vĩ,
độc đáo, tiêu biểu là quần thể kiến trúc Angkor - đỉnh cao của trí tuệ. Có lẽ đó chính là
cội nguồn của những rung cảm thẩm mĩ tạo nên tác phẩm văn học đặc sắc như truyện
thơ Tum Tiêu. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu Đông Nam Á, truyện thơ Tum
Tiêu không chỉ là một tác phẩm văn học đặc sắc của đất nước Campuchia mà còn
thuộc số những truyện thơ tiêu biểu ở Đông Nam Á. Nếu như Tum Tiêu được đánh giá
là thành tựu văn học xuất sắc và tiêu biểu đánh dấu chặng đường phát triển quan trọng
của văn học và chứa đựng nội dung xã hội, lịch sử của đất nước Campuchia thì với
người Tày của Việt Nam, chúng ta thấy rằng người Tày không chỉ có bề dày lịch sử
văn hóa mà văn học dân gian cũng có những đỉnh cao, nhất là những tác phẩm truyện
Nôm Tày như Khảm hải (Vượt biển). Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu chú trọng khai
thác những giá trị của từng văn bản nhưng chưa sử dụng văn học so sánh để tìm ra
những điểm tương đồng và khác biệt về mặt thi pháp truyện thơ Tum Tiêu của người
Khơme Campuchia với Vượt biển của người Tày ở Việt Nam. So sánh văn học giữa
các quốc gia hay liên quốc gia sẽ bổ sung quan trọng cho hướng nghiên cứu văn học
riêng lẻ từng quốc gia vốn vẫn tồn tại từ trước đến nay ở Việt Nam.
1.3. Việt Nam và Campuchia là hai quốc gia láng giềng gần gũi, có quan hệ hữu
nghị truyền thống lâu đời, nhân dân hai nước là anh em gắn bó. Thiên nhiên ưu đãi đã
cho dòng sông Mê công chảy qua hai nước làm nên cuộc sống trù phú của nhân dân
hai nước. Dòng Mê công cũng chứng kiến trực tiếp mối tình hữu nghị đoàn kết gắn bó
keo sơn giữa nhân dân hai nước. Việc nghiên cứu văn học các nước trong khu vực
Đông Nam Á còn có ý nghĩa làm thay đổi nhận thức của giới văn nghệ và văn học của
Việt Nam chỉ “quen thuộc những chủ nhân từ phương xa - vốn xa lạ với chúng ta trên
nhiều phương diện, trong khi đó chúng ta lại rất lạ với người bà con ở ngay bên cạnh -
vốn rất gần gũi, có quan hệ gắn bó về mọi mặt với chúng ta trong cộng đồng khu vực
mà chúng ta là một thành viên” [102; 3]. Vì vậy, nghiên cứu văn học Campuchia vừa
có ý nghĩa củng cố tình hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam - Campuchia vừa có đóng góp
vào sự phát triển chung của khu vực Đông Nam Á (ASEAN).
2
Để góp phần khai thác các giá trị văn hóa và văn học trong sự tương đồng, khác
biệt của truyện thơ hai nước chúng tôi chọn: “So sánh thi pháp truyện thơ Tum Tiêu
của dân tộc Khơme Campuchia với Vượt biển của dân tộc Tày ở Việt Nam” làm
đề tài nghiên cứu của mình. Đây là việc làm vừa có ý nghĩa khoa học vừa có ý nghĩa
thực tiễn. Nghiên cứu văn học Campuchia song hành với văn học Việt Nam còn góp
phần mở rộng hơn về mối quan hệ văn hóa - văn học giữa Việt nam với các nước
Đông Nam Á. Từ đó, những vấn đề của văn học Việt Nam cũng sẽ được làm sáng tỏ
hơn, thuyết phục hơn.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích
Luận án đi sâu nghiên cứu để tìm ra những đặc điểm thi pháp của Tum Tiêu, Vượt
biển và so sánh thi pháp của những tác phẩm đó để thấy tư duy nghệ thuật, mĩ cảm, tâm lí,
tính cách của người Khơme và người Tày ở hai quốc gia Campuchia và Việt Nam.
2.2. Nhiệm vụ
Để đạt được mục đích trên, nhiệm vụ của luận án là phân tích các khía cạnh, các
bình diện thi pháp của hai tác phẩm Tum Tiêu, Vượt biển, xem xét môi trường văn hóa,
lịch sử của các tác phẩm để có thể tiến hành so sánh loại hình truyện thơ Khơme và
truyện thơ Tày.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Chúng tôi chọn các văn bản truyện thơ Tum Tiêu của người Khơme Campuchia,
các văn bản truyện thơ Vượt biển của người Tày ở Việt Nam để nghiên cứu thi pháp
các tác phẩm đó và tiến hành so sánh thi pháp của chúng trên các bình diện: cốt truyện,
nhân vật, không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi văn bản: Tum Tiêu là một truyện thơ tiêu biểu cho thể loại văn học truyền
thống của Campuchia. Đây là một câu chuyện có thật trong dân gian sau đó nó được
rất nhiều người viết lại và người thành công hơn cả là nhà sư Bôtum Mắtthê Xôm. Và
Tum Tiêu đã trở thành một tác phẩm văn học viết hoàn chỉnh của người Khơme
Campuchia (Ở Campuchia người Khơme được chia thành 3 cách gọi: 1) Khơme
Thượng là Khơme Trên hay còn gọi là Khơme Lự; 2) Khơme Kaldai hay còn gọi là
Khơme Giữa; 3) Khơme Krom là Khơme Dưới sống ở Việt Nam, còn được gọi là
Khơme Nam Bộ). Ở Việt Nam, có hai bản dịch Tum Tiêu được xem là phản ánh trung
thực, đầy đủ sát với nguyên tác là bản dịch nghĩa của Thái Văn Chải (1972) và dịch
thơ của Phùng Huy Thịnh (1987). Cả hai bản dịch đều thể hiện sự làm việc nghiêm
túc, công phu của các dịch giả để mang đến cho người đọc nguồn tri thức tin cậy, kết
3
hợp với văn phong dung dị, gần gũi. Tuy nhiên, trong đề tài luận án nghiên cứu thi
pháp truyện thơ Tum Tiêu của Campuchia chúng tôi chủ yếu dùng theo văn bản của
Phùng Huy Thịnh (Nxb Khoa học Xã hội, 2000) vì: 1) Tác giả đã dịch trực tiếp từ
tiếng Campuchia sang tiếng Việt đúng theo cấu trúc của nguyên tác (7 tiếng) và “bản
dịch đạt được thần thái của nguyên tác” [193; 8]; 2) Dịch giả có nhiều năm công tác
trên nước Campuchia, am tường lịch sử văn hóa, phong tục, tập quán của đất nước này.
“Vốn là một cử nhân văn chương, lại có nhiều năm lăn lộn với nghề làm báo, Phùng Huy
Thịnh tỏ ra mẫn cảm với việc nhận biết các giá trị văn học, giá trị dân tộc và giá trị văn
hóa tiềm tàng trong tác phẩm Tum Tiêu” [193; 8]; 3) Văn bản này được nhà xuất bản
Khoa học Xã hội ấn hành lần đầu năm 1987 và sau đó tái bản năm 2000.
Vượt biển (Khảm hải) - một truyện thơ dân gian của người Tày ở vùng núi phía
Bắc Việt Nam. Đã có rất nhiều văn bản Vượt biển được các nhà nghiên cứu văn hóa
dân gian sưu tầm và biên dịch lại như Nông Minh Châu, Vi Hồng, Lục Văn Pảo… Tuy
nhiên, các văn bản này lại chủ yếu được sưu tầm ở các tỉnh Việt Bắc như Thái
Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn… Và nó đã đem đến cho người đọc những cảm nhận
khác nhau, nhưng tựu chung lại tác phẩm có cốt truyện đậm màu sắc trữ tình tự sự.
Còn văn bản Vượt biển do Hoàng Hạc sưu tầm và giới thiệu in trong cuốn Truyện thơ
Tày - Nùng, tập 2 (Nxb Văn học, 1964) được chúng tôi chọn làm văn bản nghiên cứu
đối trọng với Tum Tiêu của người Khơme Campuchia vì: 1) Đây là văn bản do Hoàng
Hạc sưu tầm và giới thiệu trên chính quê hương ông (xã Xuân Lai, huyện Yên Bình,
tỉnh Yên Bái - thuộc vùng Tây Bắc): “Ngày còn nhỏ, tôi đã được nghe cha mẹ và các
cụ trong bản kể cho nghe từng đoạn Vượt biển. Tôi cũng lại đã dự xem nhiều buổi
“biểu diễn” Vượt biển của các ông Pụt (thầy cúng)” [13; 307] và nó có một tích truyện
cụ thể khi kể về cuộc đời cùng đường, bế tắc của con người: “Đây là con người lao
động nghèo khổ, những kẻ bị trị, những Sa dạ Sa dồng, quanh năm nai lưng làm lụng
một nắng hai sương mà rồi vẫn nghèo xác nghèo xơ. Những người ấy, lúc sống đã bị
bọn vua quan bắt đi phục dịch. Khi chết vẫn bị quan Slay bắt đi phục dịch, mang của
cống lễ lên quan trên miền âm phủ” [13 ; 307]; 2) Tác phẩm được khẳng định là một
truyện thơ có kết cấu cốt truyện, nhân vật cụ thể và mang đậm màu sắc tự sự trữ tình,
nên được đưa vào dạy trong chương trình Ngữ văn phổ thông: “Nguyên văn Khảm hải
bằng chữ Nôm Tày, Hoàng Hạc dịch ra thành 249 câu tiếng Việt. Bản được đưa vào
sách văn 10 có cốt truyện quen thuộc như các truyện thơ Tày - Nùng khác” [150; 49]
và trong giáo trình Văn học dân gian bậc đại học.
Phạm vi nghiên cứu: Khi nghiên cứu thi pháp truyện thơ có những bình diện khác
nhau. Ở luận án này, chúng tôi giới hạn sử dụng chủ yếu phương pháp so sánh song
4
song để tìm ra các điểm tương đồng và khác biệt trên các bình diện: cốt truyện, nhân
vật, không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật của hai tác phẩm vừa nêu.
4. Phương pháp nghiên cứu
Ở luận án này, chúng tôi sử dụng những phương pháp nghiên cứu sau:
Phương pháp tiếp cận thi pháp học: Là nghiên cứu tác phẩm như một chỉnh thể
nghệ thuật qua các bình diện như cốt truyện, nhân vật, không gian nghệ thuật, thời
gian nghệ thuật. Chúng tôi sử dụng phương pháp nghiên cứu đó nhằm xác định những
nét tương đồng và khác biệt giữa Tum Tiêu với Vượt biển.
Phương pháp nghiên cứu liên ngành, đa ngành: Để hiểu rõ hơn giá trị tác phẩm ở
hai nền văn học cần thiết sử dụng kiến thức tổng hợp và viện dẫn kết quả của các
ngành có liên quan như dân tộc học, văn hóa học, xã hội học… Theo chúng tôi, sự kết
hợp đa ngành là cách thức tối ưu làm nổi bật những nét tương đồng và khác biệt trong
đời sống văn học - văn hóa, môi trường, bối cảnh lịch sử của hai tác phẩm Tum Tiêu và
Vượt biển.
Phương pháp thống kê: Luận án tiến hành sưu tầm, thống kê số lượng văn bản, số
lượng những điểm tương đồng và khác biệt trong những văn bản đó. Đồng thời, luận
án dựa trên những kết quả, đưa ra những nhận xét, đánh giá một cách chính xác về các
khía cạnh của vấn đề.
Phương pháp phân tích, tổng hợp: Chúng tôi lựa chọn phương pháp này để phân
tích tác phẩm và tài liệu liên quan đến vấn đề nghiên cứu.
Phương pháp so sánh song song: Là tìm kết cấu nội tại, mối liên hệ giữa toàn bộ
tác phẩm với toàn bộ tiến trình xã hội của người Khơme và người Tày dựa trên các tư
liệu trong lịch sử và trong quá trình điền dã. Từ đó, luận án đối chiếu các bình diện thi
pháp truyện thơ của người Khơme Campuchia và người Tày ở Việt Nam để tìm ra
những điểm tương đồng và khác biệt giữa chúng, nhằm cho thấy tính liên văn hóa và
tính xuyên văn hóa trong nền văn hóa, văn học của hai nước.
5. Đóng góp mới về khoa học của luận án
Luận án là công trình đầu tiên nghiên cứu một cách hệ thống về so sánh thi pháp
truyện thơ Tum Tiêu của người Khơme Campuchia với Vượt biển của người Tày ở
Việt Nam. Kết quả nghiên cứu căn cứ vào quá trình hình thành sẽ làm rõ những điểm
tương đồng và khác biệt trên các bình diện thi pháp: cốt truyện, nhân vật, không gian
nghệ thuật, thời gian nghệ thuật của hai tác phẩm thuộc hai tộc người của hai đất nước
khác nhau. Thông qua sự phân tích, so sánh này, luận án tiến tới giải mã các mã văn
hóa từ không gian văn hóa, từ chỗ tải đạo đến tải đời. Đặc biệt, luận án đưa ra được
những kết luận có tính chất khái quát về sự sáng tạo độc đáo của các tác giả trong từng
bình diện thi pháp của Tum Tiêu và Vượt biển. Đó là sự xây dựng thành công cốt
5
truyện tự sự trữ tình với mô hình cấu trúc “kết thúc bi kịch”, đã phá vỡ kiểu mô hình
vòng tròn khép kín của “kết thúc có hậu” để tạo nên một kiểu kết thúc mở và việc chọn
cách kết thúc cốt truyện đúng như thực tế sự việc đã diễn ra; Đó là kiểu nhân vật có
ngoại hình, tính cách và tâm lí duy mĩ, duy tình dám bẻ lái số phận bằng cách chọn cái
chết để giữ lòng thủy chung trong tình yêu và sự tinh khiết trong tâm hồn; Đó là mô
hình không gian - thời gian gắn liền với tinh thần tôn trọng thiên nhiên và các giá trị
văn hóa của con người trong đời sống khi cùng sinh tụ trên một khu vực địa lí. Qua đó,
hai truyện thơ này sẽ khơi dậy những khoái cảm thẩm mĩ và làm sáng tỏ bản sắc văn
hóa dân tộc độc đáo của họ. Đồng thời, hai truyện thơ này còn góp phần làm phong
phú và đa dạng hơn trong thể loại truyện thơ Campuchia và Việt Nam.
6. Ý nghĩa lí luận và thực tiễn của luận án
6.1. Ý nghĩa lí luận
Một, Chúng tôi giới thuyết cụ thể một cách hệ thống diễn trình vận động của lí
thuyết: thi pháp và thi pháp học lịch sử; văn học so sánh và so sánh song song; thi
pháp truyện thơ và truyện thơ Đông Nam Á thông qua các công trình tiêu biểu của các
đại diện quan trọng. Một số công trình nghiên cứu ứng dụng được xem là có tính chất
hệ thống khi nghiên cứu thi pháp học lịch sử và thi pháp truyện thơ.
Hai, Luận án sử dụng phương pháp nghiên cứu so sánh song song để tìm ra những
điểm tương đồng và khác biệt trên các bình diện thi pháp của Tum Tiêu và Vượt biển.
Qua đó, luận án sẽ góp phần làm phong phú hơn lí luận về thể loại truyện thơ.
Ba, Hơn nữa, việc luận án sử dụng phương pháp nghiên cứu song song để tìm ra
những điểm tương đồng và khác biệt trên các bình diện thi pháp của Tum Tiêu và Vượt
biển còn góp phần quan trọng vào tìm hiểu quá trình biến đổi và tiếp nối trong nghiên
cứu lí thuyết thi pháp truyện thơ.
6.2. Ý nghĩa thực tiễn
Từ luận án này, chúng tôi hi vọng sẽ góp phần bổ sung cho việc nghiên cứu truyện thơ
các dân tộc thiểu số của Việt Nam, Campuchia và các dân tộc trong khu vực Đông Nam Á.
Ngoài ra, luận án còn là nguồn tư liệu tham khảo bổ ích cho các giảng viên, giáo
viên, học sinh các trường; những người có nhu cầu tìm hiểu truyện thơ của người
Khơme Campuchia và người Tày ở Việt Nam.
7. Kết cấu của luận án
Ngoài mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục, luận án được kết cấu
thành 04 chương:
Chương 1: Tổng quan về vấn đề nghiên cứu
Chương 2: Cơ sở lí luận và thực tiễn của đề tài
Chương 3: Những điểm tương đồng của hai truyện thơ Tum Tiêu và Vượt biển
Chương 4: Những điểm khác biệt của hai truyện thơ Tum Tiêu và Vượt biển
6
CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu truyện thơ ở Việt Nam và nước ngoài
1.1.1. Một số vấn đề lí luận về truyện thơ
Ở Việt Nam có ba khái niệm “truyện thơ”, “truyện Nôm” và “truyện thơ Nôm”.
Truyện thơ chủ yếu nói về các tác phẩm của các dân tộc ít người ở Việt Nam (như
truyện thơ Mường, truyện thơ Tày - Nùng, truyện thơ Thái). Trong cuốn Từ điển văn
học (bộ mới) thì truyện Nôm (hay truyện thơ Nôm) chủ yếu nói về các tác phẩm của
dân tộc Việt (Kinh) và đó là những tác phẩm viết bằng chữ Nôm (không phải chữ
Hán). Để hiểu một cách cụ thể về khái niệm “truyện thơ” chúng tôi sẽ tìm hiểu từ khái
niệm về “truyện thơ Nôm” một thể loại tương đối hoàn chỉnh trong nền văn học truyền
thống của Việt Nam.
Truyện Nôm tuy có từ xa xưa nhưng khái niệm và thuật ngữ “truyện Nôm” thì có
lẽ phải đến Dương Quảng Hàm mới được gọi là chính thức. Trước đó trong sách Việt
Hán văn khảo của Bưu Văn Phan Kế Bính và Quốc văn cụ thể của Ưu Thiên Bùi Kỷ
không thấy nhắc đến tên gọi thể loại này. Còn Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn
học sử yếu đã có chương XV ghi rõ: “Các văn thể riêng của ta đã nói đến hai thể:
truyện, ngâm, hát nói trong đó “các truyện Nôm của ta viết theo hai thể: lục bát và biến
thể lục bát”, và ông hiểu “truyện Nôm là tiểu thuyết viết bằng văn vần…” (Dẫn theo
Trần Đình Sử) [143; 83]. Đây là định nghĩa sơ lược đầu tiên về truyện Nôm. Nhà
nghiên cứu Nguyễn Hồng Phong trong sách Sơ khảo văn học Việt Nam (tập 3, 1959)
lại xem truyện Nôm bình dân là thể loại “tiểu thuyết” tuy còn non kém [135; 36]. Còn
nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh trong sách Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt
Nam (1974) cũng đồng quan điểm cho rằng truyện Nôm là một loại tiểu thuyết bằng
thơ [39; 131].
Ở cuốn Từ điển thuật ngữ Văn học do Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi
đồng chủ biên thì mục từ “truyện Nôm” có lời giải thích như sau: “Thể loại tự sự bằng
thơ dài rất tiêu biểu cho văn học cổ điển Việt Nam, nở rộ vào cuối thế kỉ XVIII, đầu
thế kỉ XIX, do viết bằng tiếng Việt ghi bằng chữ Nôm nên được gọi là truyện Nôm”
[48; 45]. Còn trong cuốn Từ điển văn học (bộ mới) thì nguồn gốc của truyện Nôm vẫn
là một ẩn số “cho đến nay chưa thể biết truyện Nôm ra đời vào lúc nào và hình thái
đầu tiên như thế nào” [49; 1847]. Trong chuyên luận Truyện Kiều và thể loại truyện
Nôm, Đặng Thanh Lê đã đưa ra hai nhận định cụ thể về truyện Nôm: 1) “Truyện Nôm
nằm trong hệ thống các tác phẩm phản ánh cuộc sống bằng phương thức tự sự có ý
nghĩa là phản ánh cuộc sống xã hội thông qua sự trình bày, miêu tả có tính chất hoàn
chỉnh vận mệnh một nhân vật (trong mối quan hệ với nhiều vận mệnh, nhiều tính cách
7
nhân vật khác)”; 2) “Thể loại tiểu thuyết này sử dụng ngôn ngữ, văn tự dân tộc: chữ
Nôm và với tư cách tác phẩm tự sự bằng văn vần, đại bộ phận các tác phẩm đều sử
dụng một thể loại thơ dân tộc - thể lục bát” [74; 55]. Như vậy, Đặng Thanh Lê đã coi
truyện Nôm như một thể loại tiểu thuyết bằng thơ. Các học giả Nga như B.L. Riptin,
N.I. Niculin đã nhìn truyện Nôm trong truyền thống truyện thơ gần gũi với các
nước trong khu vực Đông Nam Á. Ở Việt Nam, truyện Nôm có thể diễn ca không
chỉ truyện cổ tích, thần thoại, ngụ ngôn, Phật thoại, tiên thoại, sử kí mà còn diễn ca
cả tiểu thuyết chương hồi. Điều đó chứng tỏ truyện thơ Nôm là một hình thức văn
học vừa ổn định vừa linh hoạt, có khả năng đồng hóa lớn, có sức sống lâu bền trong
tâm thức người Việt.
Một vấn đề khác là truyện Nôm gắn với chữ Nôm, thuộc phạm trù văn học Viết
dân tộc. Năm 1993, Kiều Thu Hoạch công bố công trình Truyện Nôm - Nguồn gốc và
bản chất thể loại, trong chương Thi pháp truyện Nôm ông đã phủ nhận xem truyện
Nôm bình dân là văn học viết, là thể loại tự sự tiểu thuyết hóa và có xu hướng xem đó
là thể loại văn học dân gian, sáng tác theo khuôn hình cốt truyện văn học dân gian,
nhân vật nhiều loại tính hơn là cá tính, tác phẩm mang đậm tư duy cổ tích, sử dụng kết
cấu có hậu với yếu tố thần kì, các môtíp truyện dân gian được sử dụng phổ biến, ngay
ngôn ngữ đối thoại, độc thoại cũng là bộ phận cấu thành quan trọng của thể loại cổ tích
[54; 133 - 215]. Truyện Nôm bình dân là sản phẩm sáng tác tập thể và sáng tác để kể
miệng là chính. Sự phân tích của Kiều Thu Hoạch đã làm sâu sắc thêm bản chất dân
gian của thể loại mà nhiều khi chưa được giới nghiên cứu nhận thức đầy đủ. Mặt khác,
các chứng cứ của nhà nghiên cứu cũng không thể bác bỏ được đặc trưng của văn học
viết của các tác phẩm đó. Cho đến nay, chưa có truyện Nôm nào được các nhà nghiên
cứu văn học dân gian ghi chép bằng phương pháp điền dã (chép trực tiếp từ người hát)
mà chỉ có các bản phiên âm của một văn bản Nôm có trước. Đồng thời, cho dù những
lí lẽ xác định bản chất sáng tác văn học dân gian hoàn toàn đủ sức thuyết phục, thì đó
cũng mới đề cập đến bộ phận truyện Nôm bình dân, vô danh hay khuyết danh thì vẫn
còn một bộ phận truyện Nôm có tác giả Nôm, bác học nữa được xem là tiểu thuyết.
Như vậy, truyện Nôm là thể loại truyện kể dân gian hay thể loại tiểu thuyết thuộc hai
loại hình văn học viết. Và để hiểu rõ hơn chúng tôi sẽ làm rõ những đặc trưng chung
của chúng.
Năm 2002, Trần Đình Sử đã ra chuyên luận về Thi Pháp Truyện Kiều. Trong
chuyên luận ông dành hẳn một mục Truyện thơ Nôm và Truyện Kiều. Theo quan điểm
của Trần Đình Sử thì truyện Nôm không phải thể loại sử thi, khác với cổ tích, khác với
tiểu thuyết hiện đại “truyện Nôm là thể loại “truyện vừa trung đại”, chỉ kể các nhân vật
và sự tích trong quan hệ nhân quả sít sao, chặt chẽ, có hậu. Truyện Nôm nói chung
chưa biết đến các chi tiết “thừa”, nó chưa cho ta biết về vô thức và trạng thái thế giới
8
bao la xung quanh con người và sự việc. Và do đó, truyện Nôm chưa phải là tiểu
thuyết” [143; 102]. Đây là một nhận định rất xác đáng khi nhà nghiên cứu dựa trên
quan điểm của A. Chichêrin về việc phân loại truyện vừa trong văn học Nga và thể
loại tiểu thuyết. Bằng những luận điểm và những dẫn chứng rất cụ thể, chi tiết thì đây
là một nhận định khoa học đáng tin cậy.
Năm 2016, Đức Ninh chủ biên công trình Quá trình hình thành thể loại tiểu thuyết
hiện đại trong văn học Việt Nam và một số nước Đông Nam Á, ở mục truyện Nôm thì
“Truyện Nôm là một thể loại truyện kể có cốt truyện được viết dưới hình thức văn
vần” [107; 82]. Công trình đã tổng kết những ý kiến đánh giá khác nhau của các nhà
nghiên cứu văn học trung đại và văn học hiện đại về thời điểm ra đời của truyện Nôm
dẫn đến các cách gọi khác nhau: “Cho đến nay, các nhà nghiên cứu văn học trung đại
vẫn chưa thể xác định được một cách chắc chắn thời điểm ra đời của thể loại này trong
lịch sử nước ta. Trong quan điểm của một số nhà nghiên cứu văn học hiện đại, thể
truyện Nôm có nhiều đặc tính của tiểu thuyết. Một số nhà nghiên cứu đã không ngần
ngại dùng thuật ngữ “tiểu thuyết” để chỉ thể loại này, thậm chí kể cả những dạng thức
manh nha của loại hình truyện kể” [107; 82]. Hơn nữa, chuyên khảo đã so sánh được
sự khác nhau về quan niệm đạo đức, nhân vật, ngôn ngữ giữa truyện Nôm bình dân và
truyện Nôm bác học để thấy được sự ảnh hưởng của nó lên tiểu thuyết quốc ngữ đầu
thế kỉ XX. Những ý kiến đánh giá trong công trình được đúc kết cô đọng, có giá trị và
tác động sâu sắc đến tư tưởng để chúng tôi tiếp tục triển khai đề tài.
Theo chúng tôi thì truyện Nôm là để nói về tác phẩm tự sự ở Việt Nam viết bằng
các loại chữ Nôm (Nôm Việt, Nôm Tày…) dưới hình thức văn vần hoặc văn xuôi. Còn
truyện thơ Nôm chỉ để nói về một loại tác phẩm tự sự ở Việt Nam, viết bằng thơ (của
tác giả khuyết danh hoặc có tên), văn tự là chữ Nôm các loại, chủ yếu xuất hiện ở Việt
Nam trong các thế kỉ XVIII, XIX.
Trên cơ sở tìm hiểu khái niệm “truyện thơ Nôm”, chúng ta tiếp tục mở rộng phạm
vi khảo sát các ý kiến, nhận định của các nhà nghiên cứu về nội hàm và ngoại diện của
“truyện thơ”. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra khái niệm “truyện thơ”: Trong Từ điển văn
học (bộ mới) nêu ngắn gọn truyện thơ là “Một thể loại văn học viết dưới hình thức văn
vần có cốt truyện” [49; 1850]. Phan Đăng Nhật trong cuốn Văn học các dân tộc thiểu
số ở Việt Nam đã đưa ra một cách hiểu khá đơn giản “Truyện thơ - đó là những tác
phẩm tự sự dưới hình thức thơ ca” [110; 150]. Bùi Văn Nguyên và Hà Minh Đức trong
cuốn Các thể thơ ca và sự phát triển của hình thức trong thơ ca Việt Nam lí giải khái
niệm truyện thơ hoàn chỉnh và sâu sắc hơn: “Truyện thơ căn bản dựa vào phương thức
tự sự với một hệ thống sự kiện và cốt truyện để bộc lộ nội dung chủ đề. Cốt truyện
trong truyện thơ cũng giống như cốt truyện của kịch, tiểu thuyết. Bằng hình thức kể có
cốt truyện, nhà thơ có điều kiện đi sâu vào những tình tiết, những sự kiện của câu
9
chuyện, những khía cạnh khác nhau của xung đột xã hội, do đó, truyện thơ có khả
năng phản ánh những mặt phong phú của đời sống xã hội. Trên ý nghĩa đó, truyện thơ
có thể được xem như một tiểu thuyết. Một mặt khác, do chỗ vận dụng ngôn ngữ thơ ca
để diễn đạt nên từ hình ảnh, nhịp điệu đến cú pháp thơ ca, truyện thơ tự xác định chỗ
khác nhau với tiểu thuyết” [109; 396]. Võ Quang Nhơn trong giáo trình Văn học dân
gian các dân tộc ít người ở mục Truyện thơ đưa ra định nghĩa: “Truyện thơ một mặt kế
thừa và phát triển truyền thống tự sự và trữ tình của truyện cổ và thơ ca dân gian, một
mặt tiếp thu ảnh hưởng của nền văn hóa bác học và đặc biệt là nền văn hóa bác học
Việt. Từ những kế thừa và chịu ảnh hưởng nhiều mặt đó, các nghệ nhân dân gian và
các trí thức dân tộc đã sáng tạo nên một thể loại văn học dân gian mới với nội dung bề
thế hơn về mặt dung lượng, với nghệ thuật được trau chuốt và hoàn thiện hơn” [128;
450]. Nguyễn Xuân Kính trong mục Chung quanh các khái niệm “truyện thơ” và
“truyện thơ các dân tộc thiểu số” đã xác định: “Truyện thơ các dân tộc thiểu số là một
thể loại văn học dân gian thuộc loại hình tự sự, bao gồm những tác phẩm có hình thức
văn vần, được kể, được hát, được ngâm, đọc (kể cả trước và sau khi đã được ghi chép)
và thường có nội dung thể hiện thân phận con người và cuộc sống đôi lứa” [62; 547].
Có thể thấy, dù nghiên cứu từ một loại hình lí thuyết nào, dù nghiên cứu từ một
phương diện nội dung hay hình thức nghệ thuật của thể loại truyện thơ các nhà nghiên
cứu đều chú ý đến khai thác hai yếu tố: tự sự và trữ tình và coi nó là một loại tiểu
thuyết bằng thơ. Tuy nhiên, nếu chỉ khai thác các yếu tố này vào tác phẩm truyện thơ
cụ thể thì vẫn chưa thỏa đáng. Điểm dừng của các công trình này sẽ là điểm tiếp nối để
chúng tôi khai triển tiếp vấn đề lí luận về truyện thơ.
Trên cơ sở đó, chúng tôi đưa ra khái niệm Truyện thơ ở hai góc độ lí luận văn học
và văn học sử: 1) Truyện thơ là một thể loại văn học nằm trong hệ thống những tác
phẩm phản ánh cuộc sống hiện thực bằng phương thức tự sự thông qua sự trình bày
miêu tả có tính chất hoàn chỉnh vận mệnh của một hay một số nhân vật chính và trên
cơ sở ấy là sự phát triển có tính chất hoàn chỉnh của một số tính cách nhân vật (trong
mối quan hệ với nhiều tính cách nhân vật khác). Tính chất hoàn chỉnh này cũng được
tạo nên bởi kết cấu cốt truyện, hệ thống nhân vật, tình huống trong một kiểu kết cấu
phổ biến; 2) Truyện thơ phản ánh cuộc sống bằng việc sử dụng hình thức văn vần
(thể thơ) trên cơ sở của các bài hát dân ca thấm đẫm chất trữ tình với đầy đủ những
đặc trưng của phương thức sáng tác này cùng với sự tồn tại của nó trong không
gian diễn xướng.
Khái niệm truyện thơ mà chúng tôi đưa ra khác với khái niệm về sử thi. Có thể
nhận thấy, trong văn học của các dân tộc thiểu số nổi lên hai thể loại văn học đặc trưng
cho văn hóa vùng miền, đó là: đối với dân tộc thiểu số miền Bắc là truyện thơ còn đối
với dân tộc thiểu số Tây Nguyên là sử thi. Hai đối tượng này có những điểm tương
10
đồng như về dung lượng tác phẩm đồ sộ hơn so với dung lượng của các thể loại văn
học khác; ngôn từ sử dụng thể văn vần; phương thức phản ánh tự sự, hình thức diễn
xướng chủ yếu là hát - kể. Đây là những yếu tố rất căn bản để trong một thời gian dài
các nhà nghiên cứu suốt từ năm 1963 - 1978 dựa vào đặc tính riêng này mà xếp sử thi
và truyện thơ vào cùng một thể loại. Tuy nhiên, cho đến nay các nhà nghiên cứu đã
đưa ra kết luận rằng truyện thơ và sử thi là hai thể loại khác hẳn nhau. Theo Phan
Đăng Nhật sự khác nhau giữa truyện thơ và sử thi thể hiện ở chỗ: “Sử thi ra đời chủ
yếu do nhu cầu phản ánh và hỗ trợ việc chuyển hóa của lịch sử (chủ yếu bằng chiến
tranh) để hình thành Nhà nước, hình thành Quốc gia. Còn truyện thơ ra đời do nhu cầu
lịch sử - xã hội của thời đại của nó. Lúc bấy giờ trong xã hội các dân tộc thiểu số đã
xuất hiện nhiều mâu thuẫn. Mâu thuẫn giữa tình yêu chân chính của đôi lứa với đòi hỏi
khắt khe, lạnh lùng nhiều khi tàn bạo của gia đình và xã hội; mâu thuẫn giữa người
nghèo khó và kẻ giàu sang; mâu thuẫn giữa chính nghĩa và phi nghĩa. Lúc này vấn đề
thân phận con người được đặt ra và đòi hỏi phải đáp ứng thỏa đáng” [110; 401]. Điều
đó cho thấy, khi đứng riêng thành một thể loại văn học chuyên biệt thì những giá trị
của nó được hiểu và khai thác một cách sâu sắc, các tầng lớp không bị chồng chéo
khi nghiên cứu. Lí luận này về truyện thơ sẽ được chúng tôi tiếp thu trong việc triển
khai luận án của mình.
1.1.2. Tình hình nghiên cứu lí luận truyện thơ ở Việt Nam
Như chúng tôi đã trình bày, ở Việt Nam có ba khái niệm “truyện thơ”, “truyện
Nôm” và “truyện thơ Nôm”. Truyện thơ chủ yếu nói về các tác phẩm của các dân tộc
ít người ở Việt Nam (như truyện thơ Mường, truyện thơ Tày - Nùng, truyện thơ Thái).
Để làm rõ tình hình nghiên cứu lí luận về truyện thơ (truyện thơ Tày) ở Việt Nam một
cách chính xác và khoa học còn là một thách thức lớn. Các học giả đều quan tâm đến
nghiên cứu truyện thơ từ góc độ văn học.
Các giáo trình về văn học dân gian của Phan Đăng Nhật, Võ Quang Nhơn, Vũ Anh
Tuấn… đều viết về mảng truyện thơ với những quan điểm khác nhau. Trong giáo trình
Văn học các dân tộc thiểu số ở Việt Nam của Phan Đăng Nhật (1981) dựa trên những
tiêu chí ông đã chia văn học dân gian các dân tộc thiểu số có: văn học nói, văn học kể,
văn học hát. Theo ông, nội dung chính của truyện thơ là truyện nói về các nhân vật mồ
côi người em út, người con riêng, người lao động nghèo khổ, chuyện tình yêu. Với cốt
truyện gắn bó với lời nói vần và thơ dân gian, nghệ thuật tự sự hòa nhịp với trữ tình và
tồn tại trong lời hát ca với âm nhạc. Đó là nguồn truyện thơ của các dân tộc... Dựa trên
những tiêu chí về lí thuyết như trên, ông đã phân loại truyện thơ thành ba loại: truyện
thơ về tình yêu; truyện thơ về sự nghèo khổ; truyện thơ về chính nghĩa. Kết luận cuối
cùng của tác giả: “Truyện Nôm miền xuôi cũng như truyện thơ miền núi đều là bước
nối tiếp giữa văn học dân gian và văn học thành văn, đều mang tính chất của hai loại
11
hình nói trên” [110; 24]. Trong khi đó, giáo trình Văn học dân gian các dân tộc ít
người của Võ Quang Nhơn (1983), ông đã dành hẳn một chương để bàn về truyện
thơ. Tác giả đã so sánh một cách toàn diện giữa truyện Nôm Việt với truyện Nôm Tày.
Một thành công đáng kể trong công trình này là tác giả đã chỉ ra được một cách rõ
ràng những điểm tương đồng ở nhóm truyện thiên về khuynh hướng thuyết giáo đạo
đức. Ông khẳng định: “Truyện thơ ở nhóm này đã thể hiện khá rõ tính chất thành văn,
tiếp cận với đặc điểm thi pháp của nền văn học bác học và đánh dấu một bước phát
triển mới của nền văn học dân gian” [128; 382]. Căn cứ vào nguồn gốc tiếp thu một
cách có chọn lọc để sáng tạo nên những cốt truyện được truyền tải dưới những câu thơ.
Và căn cứ vào phương thức diễn xướng ông đã chia truyện thơ thành bốn nhóm cơ
bản. Trên cơ sở phân tích các đặc điểm thể loại và khái quát nội dung một số truyện
thơ khác nhau của các dân tộc ít người ông đi đến kết luận: “Truyện thơ một mặt kế
thừa và phát triển truyền thống tự sự và trữ tình của truyện cổ và thơ ca dân gian, một
mặt tiếp thu ảnh hưởng của nền văn hóa bác học và đặc biệt là của văn học bác học
Việt. Từ những sự kế thừa và chịu ảnh hưởng về nhiều mặt đó, các nghệ nhân dân gian
và các trí thức dân tộc đã sáng tạo nên một thể loại văn học dân gian mới, với nội dung
bề thế hơn về dung lượng, với nghệ thuật được trau chuốt và hoàn thiện hơn. Ở một số
dân tộc ít người, thể loại truyện thơ đánh dấu bước phát triển mới của văn học dân
gian. Nó phản ảnh quá trình vận động, biến chuyển của văn học dân gian các dân tộc ít
người, tiến tới tiếp cận và đi dần vào quĩ đạo của nền văn học thành văn của cả cộng
đồng dân tộc Việt Nam” [128; 450]. Đây là công trình bề thế, chuyên sâu và sớm nhất
về folklore ngôn từ các dân tộc ít người ở Việt Nam. Tiếp nối tư tưởng và những thành
tựu của hai công trình bề thế trên, năm 2012 cuốn giáo trình Văn học dân gian do Vũ
Anh Tuấn chủ biên đã ra đời. Công trình này được trình bày có hai phần chính: 1)
Những vấn đề chung về văn học dân gian; 2) Các thể loại văn học dân gian. Trong đó,
truyện thơ thuộc chương 11. Các nhà nghiên cứu đã làm rõ những vấn đề chung về thể
loại, phương thức lưu truyền, cung cách diễn xướng và làm nổi bật những nét chính về
nội dung, nghệ thuật của truyện thơ dân gian các dân tộc thiểu số. Nhìn chung, các nhà
nghiên cứu đều đánh giá: “Truyện thơ dân gian các dân tộc thiểu số là một thể loại đặc
biệt. Đặc biệt ở chỗ, nó là truyện nhưng lại được kể bằng hình thức thơ ca dân gian,
với những thể thơ khác nhau tùy thuộc vào truyền thống văn hóa - văn học của mỗi
dân tộc” [152; 303 ]. Những luận điểm đưa ra trong cả ba cuốn giáo trình rất xác đáng
là tiền để để chúng tôi sử dụng triển khai những nội dung nghiên cứu của mình.
Nghiên cứu truyện thơ còn được các học giả thể hiện thành quan điểm, tư tưởng
qua những chuyên luận, đặc biệt có ba chuyên luận được nghiên cứu rất công phu và
nghiêm túc của Kiều Thu Hoạch, Lê Trường Phát và Vũ Anh Tuấn. Các ông đã nâng
những đánh giá, nhận xét thành lí luận về truyện thơ. Đầu tiên, Truyện Nôm - Nguồn
12
gốc bản chất và thể loại của Kiều Thu Hoạch (1993), có thể khẳng định rằng đây là
một chuyên luận có ý nghĩa đặc biệt đối với việc nghiên cứu thể loại truyện Nôm ở
Việt Nam nói chung và truyện thơ các dân tộc miền núi nói riêng trên cả hai phương
diện lí luận và thực tiễn. Tuy nhiên, điều chúng tôi muốn đề cập đến trong công trình
này là tác giả đã phát hiện ra những đặc điểm cụ thể về mối quan hệ có tính chất biện
chứng giữa truyện Nôm kinh và truyện thơ Tày. Ông đã chỉ ra: quan hệ ấy biểu hiện ở
sự tương đồng ở câu mở đầu, câu kết thúc truyện, ở phong cách ngôn ngữ thơ ca pha
tạp không thuần nhất, khi thì Hán khi thì Nôm, khi thì bình dân khi thì trang trọng. Và
“đáng chú ý là truyện Nôm của người Việt dần dần đã thâm nhập vào cả truyện thơ
Tày - Nùng, để tạo nên những truyện thơ mang dáng dấp của truyện Nôm, hay nói
đúng hơn là chịu ảnh hưởng của truyện Nôm cả về mặt cấu trúc tư tưởng lẫn cấu trúc
nghệ thuật” [54; 104]. Tiếp theo, Đặc điểm thi pháp truyện thơ các dân tộc thiểu số
của Lê Trường Phát (1997). Ở công trình này chúng tôi nhận thấy ông đã tiến hành
khảo sát theo nhiệm vụ khoa học của mình. Ông nghiên cứu trên 6 truyện thơ Thái và
14 truyện thơ Tày - Nùng. Một điểm khác biệt nổi trội trong chuyên luận này là ông đã
đặt truyện thơ các dân tộc thiểu số trong bối cảnh truyện thơ của các nước Đông Nam
Á (Lào, Camphuchia, Thái Lan...) để so sánh, phân tích đưa ra các kết luận vừa thú vị
vừa mang tính khoa học như: Mô hình kết cấu cốt truyện kết thúc có hậu (với ba
chặng: Gặp gỡ - Tai biến - Đoàn tụ) không phổ biến cho kiểu kết cấu cốt truyện của
truyện thơ các dân tộc thiểu số trong nền đại hòa sắc tộc của các nước Đông Nam Á.
Theo ông thì: “Mô hình kết thúc bi kịch mới là phổ biến, nó có tỉ lệ lấn át có những
trường hợp thì cách kết thúc này giữ vị trí độc tôn (100%) như truyện thơ của dân tộc
Mường; dân tộc Chăm. Còn riêng với truyện thơ Tày - Nùng theo tác giả khảo sát và
kết luận trùng với kết luận của Kiều Thu Hoạch “Kết thúc có hậu chiếm tỉ lệ lấn át”
[131; 87]. Ông đã lí giải điều này: Sở dĩ có sự kết thúc khác nhau giữa nhóm truyện
thơ Tày - Nùng với truyện thơ Mường - Chăm là do vai trò tham gia sáng tạo của các
Nho sĩ, thầy đồ người Việt miền xuôi lên, họ mang theo ảnh hưởng của truyện Nôm
Việt vào truyện thơ Tày. Nhưng mục đích quan trọng mà công trình này hướng tới là
nhằm khảo sát phương diện về hình thức nghệ thuật, phương diện tạo thành nghệ thuật
về mặt thể loại như chính tác giả tự giới hạn. Và sau quá trình 10 năm khảo sát, nghiên
cứu một cách công phu đầy tâm huyết, chuyên luận khoa học với đề tài Truyện thơ Tày
- Nguồn gốc, quá trình phát triển và thi pháp thể loại của Vũ Anh Tuấn (2004) đã ra
đời. Đây là một công trình nghiên cứu một cách hệ thống về nguồn gốc thể loại truyện
thơ Nôm Tày dựa trên cơ sở hiện thực xã hội, nguồn gốc nội sinh, ngoại sinh trong quá
trình phát triển và tiếp biến của nền văn hóa tộc người. Từ đó, tác giả xác lập quá trình
phát triển của truyện thơ Tày, nêu lên giả thiết về lược đồ của quá trình phát triển
đó. Sau cùng, tác giả phân tích thi pháp của thể loại truyện thơ Tày qua những đặc
13
điểm thi pháp cấu trúc, nhân vật và lời văn nghệ thuật trong truyện thơ Tày. Công
trình này được khá nhiều học giả đánh giá cao và ghi nhận những đóng góp lớn lao
của Vũ Anh Tuấn trong nền văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam. Có thể nói, hệ
thống lí luận của các tác giả trong các chuyên luận sẽ gợi ý cho chúng tôi nghiên
cứu cốt truyện, nhân vật, không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật trong Tum
Tiêu và Vượt biển.
Cùng nghiên cứu về lí luận truyện thơ từ góc độ văn học nó còn được các học giả
quan tâm như: Cuốn Văn hóa Tày Nùng của Lã Văn Lô và Hà Văn Thư (1984) trong
chương 3: Văn học nghệ thuật truyền thống, có phần viết về Truyện thơ Nôm khuyết
danh, học giả Hà Văn Thư đã liệt kê tên một số truyện thơ Nôm Tày - Nùng khuyết
danh như: Slam Péc - Anh Tài, Nam Kim - Thị Đan, Kim Quế, Chim sáo, Khảm hải,
Lưu Đài - Hán Xuân, Trần Chu - Quyển Vương, Quảng Tân - Ngọc Lương... Và một
số truyện cổ dân gian của người Việt được dịch ra thơ Tày như: Phạm Tải - Ngọc Hoa,
Tống Trân - Cúc Hoa. Tiếp đó, tác giả đi đến giới thiệu nội dung một số truyện thơ
Nôm khuyết danh Tày - Nùng theo 2 loại: 1) Gồm các truyện có kết cấu đơn giản, đậm
tính chất dân gian, thường mượn những cốt truyện dân gian như: Slam Péc - Anh Tài,
Nam Kim - Thị Đan; 2) Gồm những truyện có kết cấu phức tạp hơn, trình bày có tình
tiết hơn, mang tính tiểu thuyết hơn, như: Lưu Đài - Hán Xuân, Tần Chu - Quyển
Vương... Và trong bộ Tổng tập văn học Việt Nam (2000), trọn bộ 42 tập, có chỉnh lí và
bổ sung, trong đó tập 39 do nhóm: Đặng Nghiêm Vạn chủ biên; Chu Thái Sơn,
Nguyễn Hữu Thấu, Lục Văn Pảo sưu tầm, biên soạn (Trung tâm Khoa học Xã hội và
Nhân văn Quốc gia xuất bản), có giới thiệu 2 tác phẩm của dân tộc Tày là: Pú Lương
Quân (chỉ có phần tóm tắt nội dung, tuyển theo bản dịch kể của hai ông Lã Văn Lô và
Lê Bình Sự trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 65/1964), truyền thuyết Chín chúa
tranh vua dài 1.372 câu (chỉ có phần dịch thơ tiếng Việt, Lã Văn Lô dịch, đã giới thiệu
trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 5 và 6/1963). Trong Chữ Nôm Tày và truyện thơ do
Triều Ân chủ biên (Trung tâm Nghiên cứu Quốc học xuất bản, 2003). Các tác giả đã
bước đầu tìm hiểu thời điểm xuất hiện truyện thơ Nôm Tày và tiến hành phân loại
nguồn gốc truyện thơ Nôm Tày. Trong cuốn sách Tử Thư - Văn Thậy do Hà Thị Bình
dịch và giới thiệu (Nxb Khoa học Xã hội, 2005). Bên cạnh việc giới thiệu phần phiên
âm và dịch thơ truyện Tử Thư - Văn Thậy, tác giả đã tiến hành phân tích một số vần đề
về nội dung và một số yếu tố nghệ thuật của loại truyện thơ này. Đặc biệt trong bài
viết Dẫn luận mang tiêu đề Quá trình sưu tầm, nghiên cứu truyện thơ các dân tộc
thiểu số được in trong Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam, tập
21 sau đó in lại trong cuốn Một nhận thức mới về văn học dân gian Việt Nam của
Nguyễn Xuân Kính (Nxb Khoa học Xã hội, 2006) cũng đã phân tích dựa trên những
thành tựu của các nghệ nhân, nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu về truyện thơ để có cái
14
nhìn khái quát về tình hình sưu tầm và nghiên cứu truyện thơ. Qua đó, Nguyễn
Xuân Kính còn góp phần làm rõ vấn đề “chung quanh các khái niệm “truyện
thơ” và ‘truyện thơ các dân tộc thiểu số” [62; 542]. Những luận điểm trên là
những gợi ý khá hay để chúng tôi xem xét nghiên cứu về sự hình thành văn bản
của Tum Tiêu và Vượt biển.
Các công trình nghiên cứu truyện thơ đăng tải trên các tạp chí khoa học, trong đó
có thể kể đến: Bài Đọc sách Nôm Tày Tần Chu của tác giả Hiền Lương đăng trên Tạp
chí Hán Nôm (số 1/1989). Bài viết Về tác phẩm truyện thơ Tày - Nùng Lưu Đài - Hán
Xuân của Nguyễn Minh Tuân, bước đầu giới thiệu tác phẩm Lưu Đài - Hán Xuân
thông qua việc tìm hiểu đôi nét về nội dung cơ bản của tác phẩm và một vài đặc điểm
của việc sử dụng chữ Nôm Tày trong văn bản. Trong đó, ở phần nội dung của tác
phẩm, tác giả bài viết tiến hành khảo cứu khái quát nội dung tác phẩm ba văn bản Lưu
Đài - Hán Xuân. Ở phần tiếp theo của bài viết, tác giả nêu một số loại chữ Nôm Tày
được sử dụng trong tác phẩm này như: chữ Nôm Tày dùng nguyên chữ và âm Hán
Việt, nhưng không dùng đến nghĩa của chữ; chữ Nôm Tày dùng nguyên chữ, âm và
nghĩa Hán Việt; chữ Nôm Tày dùng nguyên chữ Hán đọc chệch âm Hán Việt, không
dùng theo nghĩa của chữ; chữ Nôm Tày sáng tạo; chữ Nôm Tày dùng nguyên chữ
Nôm Việt cả ba mặt chữ - âm - nghĩa; chữ Nôm Tày dùng nguyên chữ Nôm Việt có bị
biến đổi về âm đọc... Trong bài viết Về mô hình cốt truyện của truyện thơ các dân tộc
thiểu số của Lê Trường Phát đăng trên Tạp chí Văn học (số 7/1997). Đây là một bài
viết chuyên sâu về thi pháp truyện thơ các dân tộc thiểu số. Bài viết Tìm hiểu đôi nét về
truyện thơ Nôm Tày - Nùng Tọong Tương của tác giả Trần Thị Thu Hường đăng trên Tạp
chí Hán Nôm (số 3/2004) lại đi sâu tìm hiểu văn bản truyện thơ Nôm Tày này trên các
phương diện: tác giả, văn bản tác phẩm, thể loại, nội dung và giá trị của tác phẩm. Đây là
hai bài viết mang tính khảo cứu khá kĩ về hai tác phẩm truyện thơ Nôm Tày - Nùng là
Tọong Tương và Lưu Đài - Hán Xuân. Với bài viết Tìm hiểu yếu tố đạo giáo trong một
số truyện thơ Nôm Tày - Nùng đăng trên Tạp chí Hán Nôm (số 1/2009), Nguyễn Minh
Tuân sơ lược đề cập đến các yếu tố Đạo giáo trong một số truyện thơ Nôm Tày như:
Nhân Lăng, Kim Quế, Chiêu Đức, Lưu Đài Hán Xuân, Đính Quân, Quảng Tân
Ngọc Lương, Tần Chu. Ở đây, tác giả đã tìm hiểu về cấu trúc, cách thức xây dựng
nhân vật; không gian hoạt động của các truyện thơ trên. Qua đó, tác giả cho người
đọc thấy rõ hơn tư tưởng độc đáo mà Đạo giáo đã thâm nhập và ảnh hưởng vào
truyện thơ Nôm Tày - Nùng.
Có thể thấy, truyện thơ Nôm Tày luôn nhận được sự quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu
của nhiều học giả trong khoảng thời gian hơn nửa thế kỉ qua. Các công trình trên hầu hết
đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng khích lệ, song so với kho tàng truyện thơ Nôm
Tày phong phú về số lượng, đa dạng về nội dung thì số lượng truyện thơ Nôm Tày
15
từng được biên dịch mới chỉ chiếm khoảng chưa đầy 1/3 số lượng truyện thơ hiện có.
Bên cạnh đó, một phần không nhỏ những truyện thơ đã được biên dịch và công bố có
sự lặp lại về số lần xuất bản, số lần tuyển dịch hoặc trích dịch. Do đó, một bộ phận
không nhỏ truyện thơ Nôm Tày vẫn còn trong tình trạng nguyên bản, chưa được biên
dịch và nghiên cứu. Thêm nữa, phần lớn các bản dịch truyện thơ Nôm Tày thường chỉ
cung cấp bản dịch thơ tiếng Việt, một số còn lại được cung cấp thêm cả bản phiên âm
tiếng Tày, nhưng những bản in kèm cả nguyên bản chữ viết Nôm Tày là rất ít, trong đó
tiêu biểu phải kể đến công trình Tổng tập truyện thơ Nôm các dân tộc thiểu số Việt
Nam do Viện Nghiên cứu Hán Nôm tổ chức biên dịch (Nxb Khoa học Xã hội, đã xuất
bản được 8 tập). Điều đó phần nào hạn chế giới nghiên cứu tiếp cận một cách đầy đủ
với nguồn tư liệu văn học phong phú của người Tày. Từ đó, giúp giới khoa học khai
thác được nguồn di sản phong phú và đa dạng không chỉ của riêng người Tày mà
của cả nền văn học dân gian Việt Nam thời trung đại.
Như vậy, nghiên cứu truyện thơ ở Việt Nam chủ yếu được các học giả trình bày
quan điểm, tư tưởng từ góc độ văn học. Nó tập trung vào hai xu hướng: 1) Các công
trình tìm hiểu hệ thống lí luận truyện thơ từ khái niệm, đặc trưng, phân loại… Xu
hướng này được các học giả trình bày rất rõ trong các cuốn giáo trình, sách chuyên
khảo viết về truyện thơ - truyện thơ của các dân tộc thiểu số; 2) Các tác giả đã sử
dụng lí thuyết truyện thơ vào phân tích một số những tác phẩm tiêu biểu của các dân
tộc và đặt chúng vào những kiểu kết cấu khác nhau trong lòng thể loại truyện thơ.
Tuy nhiên, cả hai xu hướng này đều đưa ra được những nhận định, đánh giá khái
quát về các tác phẩm truyện thơ song chưa có một công trình nào phân tích một cách
kĩ lưỡng về so sánh thi pháp truyện thơ cũng như sử dụng một phương pháp cụ thể để
triển khai tìm ra điểm tương đồng và khác biệt của Tum Tiêu và Vượt biển. Đây là
khoảng trống để chúng tôi đi sâu nghiên cứu và làm sáng tỏ những nhận định của
những người đi trước.
1.1.3. Tình hình nghiên cứu lí luận truyện thơ ở nước ngoài
Những đặc điểm về lịch sử, kinh tế, xã hội kết hợp với vốn văn hóa nghệ thuật của
dân tộc chính là tiền đề cho sự ra đời của một thể loại văn học mới ở Đông Nam Á: đó
là truyện thơ. Truyện thơ là một thể loại văn chương truyền thống đã xuất hiện từ lâu
trong nền văn học các dân tộc khu vực Đông Nam Á. Hơn nữa, truyện thơ còn là một
thể loại độc đáo mang tính loại hình của văn học khu vực và được các cư dân vùng
Đông Nam Á hết sức ưa chuộng. Chính vì vậy, trong tiến trình lịch sử văn học các dân
tộc Đông Nam Á, truyện thơ đã được nhiều học giả nước ngoài quan tâm chủ yếu theo
hướng nghiên cứu từ góc độ văn học
Lịch sử Đông phương học thế giới đã ra đời từ thế kỉ XVII. Có những trung tâm
lâu đời nghiên cứu phương Đông nằm ở các nước Tây Âu như Pháp, Hà Lan, Liên Xô
16
cũ và sau này có Mĩ, Úc. Các trung tâm này hiện còn lưu giữ rất nhiều tài liệu và văn
bản quí về các lĩnh vực của phương Đông. Tuy nhiên, văn học các nước Đông Nam Á
thực sự được nghiên cứu vào những năm 50 của thế kỉ XX. Từ năm 1960 trở về trước
thì Đông phương học Xô Viết chỉ chú ý đến các nền văn học lớn ở phương Đông mà
chưa chú ý đáng kể đến các nền văn học Đông Nam Á.
Trong thời kì sau Đông phương học Xô Viết về văn học đã cho ra đời một bộ sách
mang tên Văn học phương Đông (gồm 23 cuốn sách viết về 23 nền văn học dân tộc ở
phương Đông, trong đó có các cuốn: Văn học Indonesia (1965) của V. Sicorski, Văn
học Philippines (1965) của Santos; Văn học Miến Điện (1967) của G. Pôpốp; Văn học
Thái Lan (1971); Văn học Việt Nam (1972) của Niculin. N.I. Đây là tập sách công phu
viết về văn học trong đó đã có những đánh giá quan trọng viết về truyện thơ. Nó đánh
dấu một bước tiến rõ rệt và quan trọng trong nghiên cứu văn học Đông Nam Á ở Liên
Xô cũ.
Năm 1958, Viện Văn học thế giới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô có nhóm
chuyên môn nghiên cứu quan hệ qua lại giữa các nền văn học phương Đông và
phương Tây. Năm 1961, Viện phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô
đã lập ra một bộ phận chuyên nghiên cứu văn học và văn bia các dân tộc ở Châu Á. Và
các nền văn học dân tộc ở khu vực Đông Nam Á được coi là các thành viên của văn
học phương Đông. Các chuyên gia các nền văn học Đông Nam Á đã tham gia bàn bạc
về văn học phương Đông cùng với các chuyên gia văn học khác ở Liên Xô. Họ đã có
những bài nghiên cứu về văn học Đông Nam Á. Về truyện thơ không thể không nói
đến công trình nghiên cứu năm 1972 của Niculin. N.I là Văn học Việt Nam trong đó
ông có hẳn chuyên đề nghiên cứu về Truyện Kiều, Hồ Xuân Hương. Trong đó, ông đã
khẳng định: “Truyện thơ bắt nguồn từ văn học dân gian, với tư cách là những thể loại,
chúng tạo thành một bộ phận tiêu biểu đặc biệt cho thơ ca Việt Nam” [99; 11]. Hay khi
ông so sánh truyện thơ của Việt Nam với truyện thơ của các nước trong khu vực và lân
cận, ông cũng đưa ra những đánh giá rất sắc sảo: “Truyện thơ đã làm cho văn học của
Việt Nam khác hẳn với truyền thống ở Viễn Đông mà nó gắn bó mật thiết. Những nền
văn học đó không hề biết đến những tác phẩm truyện thơ dài. Về mặt này văn học Việt
Nam gần gũi với các nền văn học của các dân tộc khác ở Đông Nam Á (Campuchia,
Thái Lan, Lào, Malaixia) cũng như các dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam” [99; 11].
Có thể thấy, tác giả đã có những đánh giá bước đầu về truyện thơ nói chung và đi vào
khai thác từng tác phẩm cụ thể nói riêng là những đóng góp vô cùng quí báu để các
nhà nghiên trong nước tìm hiểu sâu hơn nữa tài sản văn học của dân tộc.
Ở nước ngoài, các học giả khi nghiên cứu về truyện thơ đều có những nhận xét,
đánh giá sâu sắc và viện dẫn Truyện Kiều làm dẫn chứng cụ thể. Quan điểm này thể
hiện trong các công trình Những vấn đề văn học của Bakhtin. M (1975). Ông đã đưa ra
17
những nhận xét rất sắc bén: “Nguyễn Du đi sâu khám phá nội tâm nhân vật, cái cá biệt
không lặp lại của không gian và thời gian” (Dẫn theo Trần Đình Sử) [143; 224]. Trong
công trình Thi pháp văn học Nga cổ của Likhachev. D.X (1978) thì ông cũng có những
đánh giá, nhận xét so sánh văn học Nga cổ với tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du
ở Việt Nam: “Nguyễn Du đã thể hiện được quan niệm thời gian hiện tại của tiểu
thuyết, là thời gian hiện tại chưa hoàn thành, đang diễn ra đầy phấp phỏng và chờ
mong” [77; 29]. Đây là một công trình chuyên sâu và đã có những đánh giá sâu sắc về
Truyện Kiều. Quan điểm trên còn thể hiện sâu sắc ở bài viết Sự phát triển của truyền
thống trong văn học dân gian, văn học loại hình trung đại và vai trò của các mối liên
hệ qua lại trong quá trình này trong công trình Cái truyền thống và cái mới trong văn
học Đông Nam Á của Viện sĩ Riptin. B.L (1982) một nhà nghiên cứu nổi tiếng về văn
học phương Đông. Ông đã đưa ra những ý kiến đánh giá đúng vị trí và công lao to lớn của
Nguyễn Du: “Khi Bakyn - nhà tiểu thuyết Nhật Bản dựa vào cốt truyện để sáng tạo ra tiểu
thuyết đạo đức Con cá vàng thì Nguyễn Du sáng tác ra cả một truyện thơ” (Dẫn theo Trần
Đình Sử) [143; 39].
Dựa trên tình hình nghiên cứu ở nước ngoài, chúng tôi nhận thấy, các công trình
của các học giả trên thế giới nhìn chung đã chỉ ra được những giá trị nổi bật của truyện
thơ và tầm quan trọng của nó trong phạm vi nghiên cứu về truyện thơ ở khu vực Đông
Nam Á nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Nghiên cứu khu vực văn học Đông Nam Á
nằm trong Đông phương học của nhiều nước trên thế giới như của Liên Xô cũ, của
Pháp… Kết quả nghiên cứu của các trung tâm khoa học, của các nhà khoa học về thể
loại truyện thơ với nhiều cách đánh giá khác nhau. Mỗi cách đánh giá đó đều có hạt
nhân hợp lí nhưng bên cạnh đó cũng còn những đánh giá phiếm diện, góp phần không
nhỏ giúp chúng tôi có những cách lí giải cụ thể, thấu đáo về tính thể loại truyện thơ ở
khu vực Đông Nam Á.
1.2. Tổng quan tình hình nghiên cứu hai truyện thơ Tum Tiêu và Vượt biển
1.2.1. Hướng nghiên cứu Tum Tiêu và Vượt biển từ góc độ văn học
1.2.1.1. Hướng nghiên cứu Tum Tiêu từ góc độ văn học
Từ thế kỉ XVII trở đi nền văn học viết của Campuchia đã đạt đến đỉnh cao, với sự
xuất hiện hàng loạt các thể loại văn học khác nhau như: Sastra Ibaen, chơbắp, truyện
bằng văn xuôi… “Sastra Ibaen là truyện bằng thơ. Đây là thể loại hàng đầu của văn
học Khơme, được các nhà thơ ưa chuộng và sử dụng thành thạo” [30; 569]. Bởi vậy,
trong kho di sản của nền văn học của Campuchia nói chung và truyện thơ nói riêng thì
Tum Tiêu là một truyện thơ đặc biệt được ưa chuộng. Văn bản này đã được các nhà
nghiên cứu Campuchia và nước ngoài quan tâm đến nguồn gốc câu chuyện, tác giả,
nội dung và hình thức của tác phẩm, tiêu biểu là hai cuốn Nghiên cứu Văn học Khơme
của Lí Thêm Têng (1959) và Nghiên cứu Tum Tiêu của Úc Xa Mon (1966). Còn hầu
18
như các học giả của Campuchia khi viết về Tum Tiêu trong công trình nghiên cứu của
mình thì vẫn còn còn dè dặt, do dự về ý nghĩa giáo dục và giá trị văn học của tác phẩm
này. Họ chưa đặt Tum Tiêu vào đúng vị trí xứng đáng của nó trong nền văn học dân
tộc Campuchia như trong cuốn: Lịch sử văn học Khơme của Khum Xò Mâu (1956);
cuốn Suy nghĩ về văn học Khơme của Ken Van Sắc (1969); cuốn Suy nghĩ về văn học
Khơme của Vandy Kaon (1981).
Với vị trí và giá trị to lớn, Tum Tiêu được các học giả nước ngoài biết đến và giới
thiệu về văn học Campuchia như trong các công trình của học giải Pháp: Solange
Bernard Thierry, Pierre Bitard, Georges Coedès, Francoins Martini, Guy Porée,
Etienne Aymonier, Auguste Pavie… Tuy nhiên, trong các công trình này thì tác phẩm
chỉ được giới thiệu một cách sơ lược và khái quát về giá trị nội dung. Trong những
năm gần đây trong sách giáo khoa trung học của Campuchia mang tên Riêm Kê và
Tum Tiêu của Bộ giáo dục Campuchia (1988) mới khẳng định vị trí và vai trò quan
trọng của tác phẩm Tum Tiêu trong nền văn học Campuchia.
Đối với các học giả Việt Nam, Tum Tiêu là tác phẩm được quan tâm và biết đến từ
rất sớm. Trong hướng nghiên cứu Tum Tiêu từ góc độ văn học thì ở phần giới thiệu
cuốn sách dịch các học giả đã nói về giá trị, những thành tựu nổi bật ở phương diện
nội dung, nghệ thuật của Tum Tiêu và khẳng định: “Với Tum Tiêu, văn học đã có được
vị trí riêng của mình, nó vừa là đỉnh cao, vừa là điểm kết thúc của cả một truyền thống
văn học Campuchia” [83; 8]. Theo quan điểm này có Phạm Thành Trục (1966); Thái
Văn Chải (1972) và Phùng Huy Thịnh (1987). Tuy nhiên, những nhận xét, đánh giá đó
vẫn chỉ dừng lại ở mức độ chung chung chưa toát lên được nội dung sâu sắc và giá trị
nghệ thuật mà Tum Tiêu mang lại.
Ngoài phần phân tích và giới thiệu Tum Tiêu đến độc giả thì tác giả đầu tiên cần
phải kể đến là Vũ Tuyết Loan, trong cuốn Riêm kê và Tum Tiêu trong văn học
Campuchia (Nxb Văn học, 1992). Đồng thời, bài viết này in lại và bổ sung thêm kiến
thức trong cuốn Văn học Campuchia qua những chặng đường lịch sử (Nxb Khoa học
Xã hội, 2000). Đây là những công trình mà tác giả đã phân tích làm rõ nội dung phản
ánh và nghệ thuật của tác phẩm. Đặc biệt, khi nghiên cứu chuyên sâu về Tum Tiêu tác
giả đã trình bày quá trình chuyển biến và phát triển của văn học Campuchia từ thế kỉ
IX đến thế kỉ XX qua hai tác phẩm tiêu biểu Riêm Kê và Tum Tiêu. Trong chương II
viết về Tum Tiêu nhà nghiên cứu đã đi sâu làm rõ tình hình văn bản của Tum Tiêu thì:
“Theo các nhà nghiên cứu, Tum Tiêu đến được tay bạn đọc ngày nay đã trải qua một
lịch sử văn bản khá phức tạp” [82; 80]. Tác giả tiếp tục đưa ra những văn bản khác
nhau nhưng cuối cùng khẳng định: “Về cơ bản, Bôtum Mắtthê Xôm là người có công
lớn nhất trong việc nhuận sắc, hoàn chỉnh tác phẩm Tum Tiêu, đã nâng cao giá trị của
tác phẩm, nhất là về phương diện nghệ thuật” [82; 86]. Tác giả đã khai thác sâu các giá
19
trị trong văn bản của Tum Tiêu về nhân vật; đề tài tình yêu, tôn giáo; giá trị hiện thực
của tác phẩm; ngôn ngữ; thể thơ…. một cách khá rõ nét. Từ đó, đưa ra những nhận
định khái quát về tác phẩm: “Có thể nói Tum Tiêu là một tác phẩm văn học đích thực
đầu tiên đã mô tả cuộc sống thực xẩy ra trong khung cảnh xã hội Campuchia. Trong
Tum Tiêu bắt đầu lóe lên nhu cầu tình cảm của con người cận hiện đại: tự do yêu
đương, được hưởng hạnh phúc tình yêu. Tum Tiêu cũng đòi hỏi phải khám phá, phải thể
hiện cho được những vấn đề của cuộc sống con người, của xã hội hiện thực” [82; 113 -
114]. Đây là những đánh giá sắc sảo và có tầm khái quát rộng bao trùm toàn bộ tác phẩm.
Vì thế nó là nguồn tư liệu quí giúp chúng tôi triển khai tiếp đề tài luận án.
Đồng quan điểm với tác giả Vũ Tuyết Loan, Đỗ Thu Hà trong công trình Văn học
khu vực Đông Nam Á, Đức Ninh chủ biên (Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2000 tái
bản) cũng có bài viết về Tum Tiêu. Ở đây, nhà nghiên cứu cũng đã phân tích và làm rõ
Tum Tiêu trên một số phương diện nội dung và nghệ thuật: “Lời lẽ cũng như hình ảnh
trong Tum Tiêu đã lên tới đỉnh cao về nghệ thuật đầy nhạc tính và chứa đựng những
hình ảnh đặc sắc” [102; 147]. Về cơ bản, đây là một công trình nghiên cứu nghiêm túc
đã chỉ ra và khẳng định được vị trí của Tum Tiêu trong nền văn học Campuchia.
Thêm nữa, nghiên cứu nội dung và nghệ thuật Tum Tiêu còn phải kể các công trình
đăng trên các tạp chí như: Vũ Tuyết Loan có hai bài báo: Truyện Tum Tiêu và vị trí
của nó trong văn học Campuchia (Tạp chí Văn học, số 4/1984) và Đặc sắc trong văn
học truyền thống Campuchia qua nội dung truyện Tum Tiêu (Tạp chí Văn học, số
5/1992); Nguyễn Sỹ Tuấn có bài Bàn thêm về giá trị của Tum Tiêu trong nền văn học
Campuchia (Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 5/2010)…
Hướng nghiên cứu Tum Tiêu dưới góc độ văn học đã được các học giả quan tâm.
Có hai xu hướng: 1) Các công trình phân tích giá trị nội dung, nghệ thuật nằm rải rác
trong các sách giáo trình, chuyên khảo. Nhưng những nhận định, đánh giá cũng chỉ đề
cập đến một bình diện nào đó và vẫn dừng ở cấp độ khái quát; 2) Khai thác nội dung
và nghệ thuật từ mối tình của Tum Tiêu và nâng lên thành quan điểm riêng tác giả
muốn gửi gắm đến độc giả. Điều đáng chú ý là trong quá trình chứng minh cho sự kết
hợp hài hòa giữa nội dung và nghệ thuật ở góc độ nghiên cứu văn học thì những phát
hiện tinh tế về kết cấu cốt truyện, nhân vật tuy mới chỉ dừng lại ở những nhận định khái
quát, song sẽ là những ý kiến quí báu cho chúng tôi trong quá trình triển khai đề tài.
1.2.1.2. Hướng nghiên cứu Vượt biển từ góc độ văn học
Truyện thơ Vượt biển đã được các nhà nghiên cứu quan tâm từ những năm 60 của thế
kỉ trước. Điều đó càng khẳng định giá trị của nó trong kho tàng văn học của người Tày.
Cụ thể:
Căn cứ vào nội dung và ý nghĩa câu chuyện mà các nhà nghiên cứu đã xếp Vượt
biển vào những nhóm truyện thơ viết về đề tài nghèo khổ. Quan điểm này thể hiện rất
20
rõ trong công trình Văn học các dân tộc thiểu số ở Việt Nam của Phan Đặng Nhật
(1981). Ở đây, ông đã đánh giá và phân tích từ cốt truyện Vượt biển đến ý nghĩa mà
tác phẩm mang lại đối với người đọc: “Hai bi kịch lớn của cuộc đời Sa dạ Sa dồng
trong truyện thơ Vượt biển, tiêu biểu cho những bi kịch của con người bị áp bức bóc
lột dưới chế độ cũ, trong phạm vi gia đình và xã hội, cõi sống và cõi chết” [110; 221].
Điều này khiến độc giả hình dung một cách cụ thể và chi tiết về người nghèo miền núi
sống trong xã hội phong kiến: “Rất cụ thể, sâu sắc mà cũng có giá trị khái quát từ cuộc
đời của một con người mà động đến nhiều kiếp người. Lời lẽ chân thành thống thiết
như là dòng máu đau thương trào ra tự trái tim người thuật chuyện đời mình” [110;
243].
Căn cứ vào nguồn gốc ra đời lại xếp Vượt biển thuộc nhóm truyện thơ phục vụ
nghi lễ dân gian. Quan điểm này thể hiện rất rõ trong cuốn giáo trình Văn học dân gian
các dân tộc ít người của Võ Quang Nhơn (1983). Trong giáo trình này, ông đã phân
tích rõ nội dung mà truyện thơ Vượt biển muốn truyền tải: “Vấn đề mà Khảm hải nêu
lên là vấn đề gì? Đó là vấn đề của những con người nghèo khổ có thể nói thuộc lớp tận
cùng xã hội nông thôn Tày Nùng” [128; 424]. Từ đó, ông đã khái quát tư tưởng mà
người Tày muốn gửi gắm vào nó: “Bằng những nét sắc gọn truyện thơ Vượt biển
(Khảm hải) đã vẽ lên thân phận bị đày ải cùng cực, bị rẻ rúng như bèo bọt của người
phu thuyền tượng tựng cho người nghèo khổ cực nhất trong xã hội cũ của các dân tộc
anh em” [128; 426]. Như vậy, ông đã cho người đọc thấy được sự phân tích cụ thể, tỉ
mỉ khi đặt ra những vấn đề trọng tâm và giải quyết thấu đáo vấn đề đó là sự áp bức,
khổ cực của những người nông dân Tày trong xã hội xưa.
Căn cứ vào nguồn gốc, quá trình phát triển và thi pháp thể loại thì Vượt biển được
phân tích và làm rõ về cốt truyện, nhân vật và lời văn nghệ thuật như trong công trình
cuốn Bước đầu tìm hiểu về vốn văn nghệ Việt Bắc (của Sở văn hóa thông tin Việt Bắc)
của Nông Minh Châu (1974). Ở đây, Nông Minh Châu đã nghiên cứu và đưa ra những
nhận định của về Vượt biển khi coi đó là một tác phẩm văn học cổ chính hiệu của dân
tộc Tày. Xét một cách tổng thể thì đó cũng chỉ là một nghiên cứu nhỏ chưa làm rõ
được hết giá trị của tác phẩm. Quan điểm này thực sự hoàn thiện trong công trình
Truyện thơ Tày - Nguồn gốc, quá trình phát triển và thi pháp thể loại của Vũ Anh
Tuấn. Đây là một công trình công phu, bề thế khi phân tích Vượt biển ở góc độ văn
học đích thực. Tuy nhiên, ông lại xếp Vượt biển thuộc loại truyện thơ trữ tình tự sự:
“Khác với quan niệm trước đây, chúng tôi không quan niệm Vượt biển là truyện thơ tự
sự trữ tình. Vượt biển là truyện thơ trữ tình tự sự, toát lên từ đặc điểm cấu trúc của nó,
và tất nhiên từ lời văn nghệ thuật của tác phẩm, từ cung cách xây dựng nhân vật
chính” [151; 145]. Quan điểm này của ông sẽ là tiền đề để chúng tôi đối chiếu khi
phân tích và so sánh về bình diện cốt truyện của Vượt biển.
21
Như vậy, truyện thơ này với tính chất độc đáo, vừa là một tác phẩm văn học dân
gian có giá trị, vừa là một tôn giáo bản địa nên đương nhiên được nghiên cứu nhiều.
Về cơ bản chúng tôi thấy, Vượt biển được các học giả quan tâm trên hai phương diện:
1) Các công trình nói chung khai thác giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm
nhưng những nhận định, ý kiến đưa ra ở một vài bình diện vẫn còn ở tầm khái quát,
chung chung; 2) Các tác giả chủ yếu đi sâu và làm rõ thông qua cốt truyện này để phản
ánh hiện thực xã hội Tày - Nùng xưa kia. Nhìn chung, các nghiên cứu đều nên nhận
định khái quát về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Tuy nhiên, chưa có một công
trình nào đi sâu phân tích một cách chi tiết những vấn đề về từng bình diện thi pháp
của Vượt biển và so sánh những bình diện thi pháp này với truyện thơ Tum Tiêu. Dựa
trên những ý kiến đánh giá của những công trình đi trước sẽ là nguồn tài liệu quí báu
để chúng tôi có thể lấp đầy khoảng trống này.
1.2.2. Hướng nghiên cứu Tum Tiêu và Vượt biển từ góc độ tôn giáo
1.2.2.1. Hướng nghiên cứu Tum Tiêu từ góc độ tôn giáo
Từ thế kỉ XV trở đi, khi đạo Phật Tiểu thừa trở thành quốc giáo với những giáo lí
thấm sâu vào tiềm thức của người dân Campuchia. Và Bôtum Mắtthê Xôm là một nhà
sư nên Tum Tiêu được ông nhuận sắc lại cũng chịu những ảnh hưởng của hệ tư tưởng
Phật giáo đó. Vì vậy, Tum Tiêu còn được các nhà nghiên cứu quan tâm từ góc độ tôn
giáo.
Quan điểm này được thể hiện trong công trình Tìm hiểu lịch sử văn hóa
Campuchia của Vũ Tuyết Loan (tập 2, Nxb Khoa học Xã hội, 1994) có bài viết Ảnh
hưởng của Phật giáo vào văn học Campuchia đã đánh giá: “Một điều chắc chắn rằng
tư tưởng, triết học Phật giáo đã góp một phần quan trọng làm nên giá trị bất tử... đặc
biệt là tác phẩm nổi tiếng Tum Tiêu” [190; 91]. Đây là một công trình nghiên cứu sâu
về sự ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo vào nền văn học Campuchia. Vũ Tuyết Loan
đã cho chúng ta thấy cái nhìn toàn cảnh nền văn học từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX khi
Phật giáo trở thành quốc giáo ở đất nước Chùa tháp. Tư tưởng Phật giáo thấm nhuần
vào đời sống người dân và tư tưởng đó đi vào văn học để mang tính giáo huấn. Tum
Tiêu là tác phẩm do tầng lớp sư sãi sáng tác và hoàn thiện hơn cả là nhà sư Bôtum
Mắtthê Xôm. Bởi vậy, tính giáo huấn, răn dạy trong đạo Phật thấm nhuần vào tác
phẩm. Xét ở góc độ này thì Tum Tiêu là một tác phẩm thuộc về Phật giáo.
Đồng quan điểm với tác giả Vũ Tuyết Loan trong công trình Văn học so sánh - lí
luận và ứng dụng (Nxb Khoa học Xã hội, 2001) có bài viết Suy nghĩ về vai trò của văn
học dân gian trong văn học Đông Nam Á lục địa của Phan Ngọc. Trong bài viết này,
ông đã đưa ra ý kiến: “Các tác phẩm dù là Kinh Phật cũng đều xây dựng trên thơ, có
thể trình diễn và cho đến nay tính hỗn đồng ấy không mất đi. Người sáng tác Tum Tiêu
có thể chỉ nghĩ đến mặt thơ ca, nhưng tôi đã thấy ở Campuchia tác phẩm này được
22
trình diễn có múa hát, tức là mang tính hỗn đồng và quần chúng say mê hình thức hỗn
đồng này” [123; 554]. Bài nghiên cứu này một lần nữa khẳng định sự trường tồn của
tư tưởng Phật giáo trong sâu thẳm tâm hồn người dân Campuchia. Hơn nữa, Phan
Ngọc đã đưa ra một đóng góp mới khi nhìn nhận Tum Tiêu trong đời sống của người
dân Campuchia.
Quan điểm này còn được thể hiện trong tập bài giảng chuyên đề Truyện thơ Đông
Nam Á của Trần Thúc Việt (2011). Ông cũng đưa ra ý kiến khẳng định rằng: “Ở
Campuchia, đất nước hình thành sớm ở Đông Nam Á, tiếp nhận ảnh hưởng Ấn Độ
sớm với bản tính của cư dân ưa ca hát, hội hè suốt chiều dài lịch sử phát triển, nền văn
học truyền thống của quốc gia này đã có một số lượng truyện thơ rất lớn” [182; 18]. Ở
đây, Trần Thúc Việt đã khẳng định và đề cao truyện thơ đã bám rễ sâu vào trong tiềm
thức và văn học truyền thống của người Khơme Campuchia. Từ đó, nó hun đúc nên
tâm hồn con người và khuyên con người phải sống, làm theo những giáo lí nhà Phật
còn nếu đi ngược lại sẽ nhận quả đắng như kết thúc truyện Tum Tiêu.
Như vậy, hướng nghiên cứu Tum Tiêu ở góc độ tôn giáo được các học giả Việt
Nam quan tâm nhiều. Tiếp cận ở góc độ này, chúng tôi nhận thấy, các học giả tập
trung vào hai khía cạnh chủ yếu: 1) Xem Tum Tiêu là một tác phẩm văn học chứa
đựng hệ thống giáo lí Phật giáo với các vấn đề thuộc về nhân sinh mang tầm triết học;
2) Thông qua chuyện tình Tum và Tiêu đi ngược giáo lí nhà Phật để khuyên răn các
thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ nên có cách ứng xử hợp lí hơn trong tình yêu và các mối
quan hệ xã hội. Có thể nói, những ý kiến về Tum Tiêu được soi chiếu từ góc độ tôn
giáo sẽ là những gợi ý cho chúng tôi nghiên cứu về cốt truyện, nhân vật, không gian
nghệ thuật và thời gian nghệ thuật thể hiện trong tác phẩm.
1.2.2.2. Hướng nghiên cứu Vượt biển từ góc độ tôn giáo
Căn cứ vào nguồn gốc hình thành văn bản thì Vượt biển là một văn bản thuộc loại
hình văn chương nghi lễ được các ông Then hát - kể trước ban thờ, nên ít nhiều khoác
trên mình những tính chất linh thiêng thần bí. Họ vừa mong muốn có một lực lượng
siêu nhiên che chở, cứu vớt cuộc đời họ ra khỏi bể khổ cuộc đời, lại vừa để siêu thoát
cho những kiếp người dưới đáy xã hội đã phải chịu cảnh đọa đầy. Quan điểm này được
thể hiện rõ trong cuốn Lời hát Then của Dương Kim Bội (1975) đã hoàn thiện và ra
mắt độc giả. Đây được coi là cuốn sách đầu tiên giới thiệu về lời hát Then dưới dạng
nguyên bản tiếng Tày. Tác giả đã cho rằng “người chèo thuyền rất sướng chứ không
khổ” [9; 54]. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một văn bản đã được tác giả sưu tầm trong
dân gian và ở một phương diện nào đó nó có giá văn hóa văn nghệ.
Nghiên cứu tôn giáo bản địa của người Tày, phải kể đến công trình Mấy vấn đề
Then Việt Bắc có bài viết với tựa đề Bước đầu tìm hiểu những yếu tố hiện thực sinh
hoạt và yếu tố tín ngưỡng nghi lễ của Lê Chí Quế (1978) sau đó được in lại trong cuốn
23
Văn hóa dân gian khảo sát và nghiên cứu (2001). Bằng những luận điểm và luận cứ có
tính khoa học, Lê Chí Quế đã làm nổi bật được giá trị Vượt biển khi nghiên cứu trong
sinh hoạt nghi lễ: “Hiện thực sinh động nhất, có khả năng cuốn hút người nghe nhiều
nhất là những đoạn then kể về những tai ương… những cái đáy sâu thẳm chứa đựng
những nỗi cay cực của con người Tày - Nùng xưa kia và cảnh xuôi Sluông, cuộc đời
oan khuất, gian truân của Sa dạ Sa dồng vốn đã có cội nguồn từ sự bất hạnh của những
đứa em út khi mới hình thành gia đình phụ quyền” [140; 43]. Đưa ra luận điểm và viện
dẫn cho yếu tố hiện thực sinh hoạt trong Then, tác giả đã giúp chúng tôi có cái nhìn
xác đáng hơn khi nghiên cứu không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật của tác
phẩm trong đời sống. Nhưng đây cũng chỉ là một bài nghiên cứu khái quát một vài
khía cạnh về sinh hoạt, tín ngưỡng nghi lễ trong Then nói chung chứ chưa nghiên cứu
hoàn chỉnh, cụ thể Vượt biển trong môi trường sống.
Nghiên cứu Vượt biển ở góc độ tôn giáo được các học giả phát triển và nâng nó lên
một tầm cao mới khi đưa ra những bình luận, đánh giá, nhận xét như cuốn Then Tày
Đăm do Phạm Tuất sưu tầm (2004). Ở đây, trong phần đầu giới thiệu sách ông đã phác
họa lại một cách tỉ mỉ, chi tiết về con đường hình thành nghi lễ Then của người Tày và
ảnh hưởng của Then thấm nhuần vào từng câu chữ của văn bản. Nhưng đỉnh cao và
hoàn thiện khi nghiên cứu Vượt biển ở góc độ tôn giáo phải kể đến công trình Then
Tày của Nguyễn Thị Yên (2007). Trong công trình này tác giả chủ yếu nhìn nhận,
đánh giá vị trí, vai trò và giá trị của Vượt biển trong đại nghi lễ Then. Căn cứ vào hình
thức diễn xướng và nội dung mà Vượt biển thể hiện thì truyện thơ này mang nặng yếu
tố tôn giáo và thấm đượm chất trữ tình tự sự.
Những ý kiến, đánh giá của các nhà nghiên cứu khi khai thác các giá trị mà Vượt
biển mang lại ở góc độ tôn giáo bản địa. Mặc dù thống nhất với nhau về quan điểm
song mỗi tác giả nghiên cứu kể trên lại có những ý kiến khác nhau, chủ yếu tập trung
vào hai vấn đề: 1) Xem Vượt biển là một chương trong khúc hát Then. Đồng thời, đó
cũng là một thứ tôn giáo bản địa của người Tày - Nùng vùng núi phía Bắc. Khúc hát
này chứa đựng những giá trị độc đáo khác với những chương hát khác ở nghệ thuật
biểu diễn của ông Then, nội dung phản ánh đến người đọc; 2) Các hướng nghiên cứu
tập trung vào khai thác giá trị đích thực mà Then mang lại. Những lí tưởng mà Then
mang lại không chỉ có ý nghĩa trong quá khứ, hiện tại mà cả trong tương lai khi cuộc
sống con người ngày càng trở nên bấp bênh và bị đe dọa bởi những hiểm họa trong
cuộc sống. Việc nghiên cứu Vượt biển ở góc độ tôn giáo của các tác giả đều cho thấy
tác phẩm này ảnh hưởng lên mọi mặt trong đời sống của cư dân người Tày. Những ý
kiến trên đã cung cấp cho chúng tôi những kiến thức nền tảng để chúng tôi nghiên cứu
vấn đề của mình.
24
Như vậy, ở cả Tum Tiêu và Vượt biển khi nghiên cứu từ góc độ văn học thì các nhà
nghiên cứu đều rất chú ý tới mối quan hệ hữu cơ xuyên thấm giữa nội dung và hình
thức, đặc biệt là khả năng biểu hiện nội dung của hình thức nghệ thuật, tức là đã chú ý
tối đa đến tính hợp lí trong cách thức tổ chức tác phẩm. Ở góc độ tôn giáo, cả hai tác
phẩm đều mang những nét đặc trưng riêng của từng tôn giáo ở mỗi quốc gia: Tum Tiêu
- Phật giáo, Vượt biển - Then (tôn giáo bản địa). Những phát hiện tinh tế trong nội
dung, nghệ thuật và tôn giáo trong Tum Tiêu và Vượt biển ở các công trình nghiên cứu
nói trên không chỉ góp phần chứng minh giá trị to lớn của tác phẩm mà còn có tác
dụng gợi mở để chúng tôi đi vào khám phá nghệ thuật tổ chức cốt truyện, nhân vật,
không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ tiến hành so
sánh hai tác phẩm này trên các bình diện của thi pháp vừa nêu.
Tiểu kết chương 1
Trên cơ sở tìm hiểu lí luận truyện thơ, tìm hiểu việc nghiên cứu Tum Tiêu và Vượt
biển, chúng tôi nhận thấy: hầu hết các tác giả đã nhận ra tầm quan trọng và tầm ảnh
hưởng của hai tác phẩm này trong nền văn học dân tộc và vị trí của nó trong lòng thể
loại văn học Đông Nam Á. Qua khảo sát tình hình nghiên cứu Tum Tiêu và Vượt biển,
có thể khẳng định, những công trình nghiên cứu truyện thơ ở nước ngoài, nghiên cứu
Tum Tiêu ở Campuchia và Vượt biển ở Việt Nam cho chúng ta thấy cái nhìn tổng thể
về tình hình nghiên cứu lí luận truyện thơ nói chung và hai tác phẩm này ở hai quốc
gia nói riêng. Tuy nhiên, để triển khai đề tài người viết có cơ hội tiếp thu những ý kiến
đánh giá, nhận xét trong các công trình của các nhà nghiên cứu đi trước. Chúng tôi rút
ra những nhận xét, đánh giá như sau:
Một, các công trình nghiên cứu ở Việt Nam và nước ngoài chủ yếu tập trung
nghiên cứu từ hai góc độ văn học và tôn giáo. Cụ thể, đây là những đặc trưng nghệ
thuật, quan niệm thẩm mĩ, quan điểm nghệ thuật của Bôtum Mắtthê Xôm và tác giả
dân gian Tày. Qua đó, chúng tôi thấy rõ việc sử dụng các thủ pháp nghệ thuật ở một số
bình diện khác nhau để làm nổi bật, ở Tum Tiêu là: Tình yêu tự do cá nhân và tố cáo
xã hội phong kiến quân chủ chuyên chế khắc nghiệt; Hệ tư tưởng và giáo lí Phật giáo
khuyên răn con người. Còn Vượt biển là: Phản kháng chế độ bất công trong xã hội Tày
cổ; Vấn đề tôn giáo kết hợp với loại hình diễn xướng Then.
Hai, một số công trình nghiên cứu đã bước đầu tìm hiểu cách thức tổ chức tác
phẩm ở hai cấp độ, cấp độ hình tượng và cấp độ trần thuật (cốt truyện, nhân vật, không
gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật, ngôn ngữ, thủ pháp nghệ thuật…). Tuy nhiên,
vấn đề này mới được thực hiện và khai thác với tư cách là “phương tiện” để làm nổi
bật nội dung của tác phẩm, cụ thể: 1) Về cốt truyện thì các yếu tố nghệ thuật tổ chức
cốt truyện mới chỉ nghiên cứu ở phương diện tóm tắt và tìm hiểu nội dung câu chuyện
trên cơ sở phân tích nội dung và nghệ thuật chưa khai thác sâu những yếu tố tự sự,
25
phương thức trữ tình và mô hình cấu trúc mô hình “bi kịch”. Đặc biệt là kiểu cốt
truyện tâm lí, cốt truyện lồng trong truyện với các biểu tượng và thủ pháp nghệ thuật
thì chưa được đề cập đến. Vì thế, các công trình nghiên cứu chưa làm nổi bật được
cách thức tổ chức cốt truyện độc đáo gắn với kiểu mô hình “kết thúc bi kịch” thể hiện
trong hai tác phẩm trên; 2) Về nghệ thuật xây dựng nhân vật đã được các nhà nghiên
cứu chú ý ít nhiều, nhưng mới chỉ dừng lại ở một số thủ pháp kĩ thuật xây dựng nhân
vật mà chưa chú ý đến việc xây dựng một hệ thống nhân vật từ tiểu sử đến các mối
quan hệ xung quanh với tất cả chiều sâu và chiều rộng của nội dung tác phẩm để thấy
nhân vật thoát khỏi kiểu nhân vật chức năng hướng đến kiểu nhân vật loại hình với mô
hình nhân vật tâm lí duy mĩ, duy tình trong dòng chảy của văn học, văn hóa
Campuchia và Việt Nam; 3) Về không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật các nhà
nghiên cứu cũng nói đến nhưng còn ở mức độ khái quát, chung chung chưa đặt trong mối
quan hệ chặt chẽ với nhau, chưa nói rõ không gian và thời gian cụ thể và ảnh hưởng của
những yếu tố nào chi phối tới nó và môi trường sống của nó trong đời sống sinh hoạt của
con người trong nền văn hóa chung của đất nước Campuchia và Việt Nam.
Trên cơ sở tiếp thu thành tựu của những tác giả đi trước chúng tôi thấy còn thiếu
vắng nghiên cứu so sánh thi pháp hai truyện thơ Tum Tiêu của người Khơme
Campuchia với Vượt biển của người Tày ở Việt Nam một cách hệ thống. Nhưng đây là
một đề tài đề cập tới rất nhiều lĩnh vực: 1) Lí luận văn học; 2) Văn học dân gian; 3)
Văn học nước ngoài. Điều này đòi hỏi chúng tôi phải thu lượm, nghiên cứu ở các thư
viện khác nhau, phải đi đến thực địa nơi cư chú của người Tày, người Khơme sống
vùng Tây Nam Bộ của Việt Nam, người Khơme của Campuchia nhất là nơi xuất xứ
của câu chuyện để tìm hiểu phong tục, tập quán, lối sống… của họ. Vì vậy, chúng tôi
sẽ triển khai nghiên cứu so sánh thi pháp hai truyện thơ này theo hướng sử dụng lí luận
của thi pháp học và văn học so sánh để tìm ra các điểm tương đồng và khác biệt của
các bình diện thi pháp đã nêu trong hai tác phẩm trên.
26
CHƯƠNG 2
CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI
Trước khi so sánh thi pháp truyện thơ Tum Tiêu và Vượt biển, cần phải khái quát
hóa vấn đề thi pháp học, thi pháp lịch sử, văn học so sánh, so sánh song song, thi pháp
truyện thơ, truyện thơ Đông Nam Á và quá trình hình thành văn bản của hai truyện thơ
này làm cơ sở lí thuyết cho đề tài nghiên cứu.
2.1. Thi pháp và thi pháp học lịch sử
2.1.1. Thi pháp học
Thi pháp học là một hướng nghiên cứu văn học mạnh mẽ của thế kỉ XX. Đặc điểm
của các hướng nghiên cứu trên là muốn thông qua tác phẩm để tìm đến những biểu
hiện, những bằng chứng của lịch sử, xã hội, tác giả và cá tính thể hiện trong đó mà
chưa chú ý đầy đủ đến bản thân nghệ thuật như một hiện tượng đặc biệt của đời sống
tinh thần. Đó là động cơ dẫn dắt thi pháp học hiện đại dấn thân vào các nẻo đường
khác nhau.
Các công trình về thi pháp học hoặc nghiên cứu văn học theo hướng thi pháp học
đều khẳng định thuật ngữ “thi pháp” xuất hiện từ thời cổ đại, trong công trình Thi pháp
(Poetika) của Aristote. Thuật ngữ thi pháp (poetics, poetique, poetika) có nội hàm ban
đầu là “cách thức, biện pháp, phương pháp mô phỏng, bắt chước để sáng tạo văn học”
[1; 13]. Ở Trung Quốc, thuật ngữ “thi pháp” được các học giả từ đời Tống trở đi nói
tới: Thế kỉ XIII có sách Thi pháp chính tông của Yết Khê Tư, thế kỉ XVI có Thi pháp
chính luận của Phó Nhược Kim. Thuật ngữ “thi pháp” cũng được hiểu là phép làm thơ,
vận luật thơ là những nguyên tắc tạo hình, cấu tứ, cốt cách. Ở Việt Nam, thuật ngữ “thi
pháp”, “thi pháp học” xuất hiện khá muộn, phải đến những năm 80 của thế kỉ XX mới
được xác định. Thuật ngữ “thi pháp học” xuất hiện trong các bài báo: Về việc nghiên
cứu thi pháp văn học dân gian của Chu Xuân Diên (1980); Chung quanh khái niệm thi
pháp trong khoa nghiên cứu văn học Xô Viết hiện nay của Vương Trí Nhàn (1981). Và
chỉ đến công trình Thi pháp thơ Tố Hữu của Trần Đình Sử (1985), nội dung “thi
pháp”, “thi pháp học” mới được Trần Đình Sử sử dụng. Giữa “thi pháp” và “thi pháp
học” có mối quan hệ qua lại giữa đối tượng và khoa học về đối tượng ấy. Thi pháp là
một tồn tại khách quan, là cái có trước xuất hiện từ khi loài người bắt đầu biết sáng tạo
nghệ thuật một cách tự giác. Thi pháp học là khoa học nghiên cứu về thi pháp, là cái
có sau. Chính vì “thi pháp” có nội hàm rộng chứa đựng trong nó nội hàm vừa là văn
học vừa là quá trình văn học, cho nên thuật ngữ “thi pháp” và “thi pháp học” thuộc vào
số những thuật ngữ được sử dụng sớm và có sức sống lâu dài của khoa nghiên cứu văn
học.
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày

More Related Content

What's hot

Mô típ hóa thân trong truyện cổ tích của người việt
Mô típ hóa thân trong truyện cổ tích của người việtMô típ hóa thân trong truyện cổ tích của người việt
Mô típ hóa thân trong truyện cổ tích của người việtnataliej4
 
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...nataliej4
 
GIÁO TRÌNH VĂN HỌC DÂN GIAN CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ
GIÁO TRÌNH VĂN HỌC DÂN GIAN CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐGIÁO TRÌNH VĂN HỌC DÂN GIAN CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ
GIÁO TRÌNH VĂN HỌC DÂN GIAN CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐlongvanhien
 
Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...
Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...
Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...nataliej4
 
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM nataliej4
 
KHÓA LUẬN ĐẶC ĐIỂM TIỂU THUYẾT TRINH THÁM HIGASHINO KEIGO 5652858.pdf
KHÓA LUẬN ĐẶC ĐIỂM TIỂU THUYẾT TRINH THÁM HIGASHINO KEIGO 5652858.pdfKHÓA LUẬN ĐẶC ĐIỂM TIỂU THUYẾT TRINH THÁM HIGASHINO KEIGO 5652858.pdf
KHÓA LUẬN ĐẶC ĐIỂM TIỂU THUYẾT TRINH THÁM HIGASHINO KEIGO 5652858.pdfNuioKila
 
ĐỀ TÀI HÌNH TƯỢNG MA NỮ TRONG TRUYỀN KỲ MẠN LỤC.pdf
ĐỀ TÀI HÌNH TƯỢNG MA NỮ TRONG TRUYỀN KỲ MẠN LỤC.pdfĐỀ TÀI HÌNH TƯỢNG MA NỮ TRONG TRUYỀN KỲ MẠN LỤC.pdf
ĐỀ TÀI HÌNH TƯỢNG MA NỮ TRONG TRUYỀN KỲ MẠN LỤC.pdfNuioKila
 

What's hot (20)

Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAYLuận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
 
Đặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAY
Đặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAYĐặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAY
Đặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAY
 
Mô típ hóa thân trong truyện cổ tích của người việt
Mô típ hóa thân trong truyện cổ tích của người việtMô típ hóa thân trong truyện cổ tích của người việt
Mô típ hóa thân trong truyện cổ tích của người việt
 
Luận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIX
Luận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIXLuận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIX
Luận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIX
 
Luận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đ
Luận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đLuận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đ
Luận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đ
 
Luận văn: Từ ngữ địa phương trong tác phẩm của Bình Nguyên Lộc
Luận văn: Từ ngữ địa phương trong tác phẩm của Bình Nguyên LộcLuận văn: Từ ngữ địa phương trong tác phẩm của Bình Nguyên Lộc
Luận văn: Từ ngữ địa phương trong tác phẩm của Bình Nguyên Lộc
 
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyếtLuận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
 
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
 
Luận văn: Yếu tố phong tục trong truyện cổ tích người Việt từ góc nhìn văn hoá
Luận văn: Yếu tố phong tục trong truyện cổ tích người Việt từ góc nhìn văn hoáLuận văn: Yếu tố phong tục trong truyện cổ tích người Việt từ góc nhìn văn hoá
Luận văn: Yếu tố phong tục trong truyện cổ tích người Việt từ góc nhìn văn hoá
 
GIÁO TRÌNH VĂN HỌC DÂN GIAN CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ
GIÁO TRÌNH VĂN HỌC DÂN GIAN CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐGIÁO TRÌNH VĂN HỌC DÂN GIAN CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ
GIÁO TRÌNH VĂN HỌC DÂN GIAN CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ
 
Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...
Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...
Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...
 
Luận văn: Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt nam
Luận văn: Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt namLuận văn: Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt nam
Luận văn: Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt nam
 
Luận văn: Bi cảm trong tiểu thuyết Kawabata Yasunari, HAY
Luận văn: Bi cảm trong tiểu thuyết Kawabata Yasunari, HAYLuận văn: Bi cảm trong tiểu thuyết Kawabata Yasunari, HAY
Luận văn: Bi cảm trong tiểu thuyết Kawabata Yasunari, HAY
 
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM
 
Cảm thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam (1986 - 2010), HOT
Cảm thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam (1986 - 2010), HOTCảm thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam (1986 - 2010), HOT
Cảm thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam (1986 - 2010), HOT
 
Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975
Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975
Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975
 
Luận văn: Hình tượng người phụ nữ trong văn học hiện đại hàn quốc
Luận văn: Hình tượng người phụ nữ trong văn học hiện đại hàn quốcLuận văn: Hình tượng người phụ nữ trong văn học hiện đại hàn quốc
Luận văn: Hình tượng người phụ nữ trong văn học hiện đại hàn quốc
 
KHÓA LUẬN ĐẶC ĐIỂM TIỂU THUYẾT TRINH THÁM HIGASHINO KEIGO 5652858.pdf
KHÓA LUẬN ĐẶC ĐIỂM TIỂU THUYẾT TRINH THÁM HIGASHINO KEIGO 5652858.pdfKHÓA LUẬN ĐẶC ĐIỂM TIỂU THUYẾT TRINH THÁM HIGASHINO KEIGO 5652858.pdf
KHÓA LUẬN ĐẶC ĐIỂM TIỂU THUYẾT TRINH THÁM HIGASHINO KEIGO 5652858.pdf
 
ĐỀ TÀI HÌNH TƯỢNG MA NỮ TRONG TRUYỀN KỲ MẠN LỤC.pdf
ĐỀ TÀI HÌNH TƯỢNG MA NỮ TRONG TRUYỀN KỲ MẠN LỤC.pdfĐỀ TÀI HÌNH TƯỢNG MA NỮ TRONG TRUYỀN KỲ MẠN LỤC.pdf
ĐỀ TÀI HÌNH TƯỢNG MA NỮ TRONG TRUYỀN KỲ MẠN LỤC.pdf
 
Luận văn: Tiểu thuyết của Đỗ Phấn từ góc nhìn sinh thái, HOT
Luận văn: Tiểu thuyết của Đỗ Phấn từ góc nhìn sinh thái, HOTLuận văn: Tiểu thuyết của Đỗ Phấn từ góc nhìn sinh thái, HOT
Luận văn: Tiểu thuyết của Đỗ Phấn từ góc nhìn sinh thái, HOT
 

Similar to Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày

Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam Man_Ebook
 
Th s33.012 tìm hiểu chú giải văn học trung đại việt nam trong sách giáo khoa ...
Th s33.012 tìm hiểu chú giải văn học trung đại việt nam trong sách giáo khoa ...Th s33.012 tìm hiểu chú giải văn học trung đại việt nam trong sách giáo khoa ...
Th s33.012 tìm hiểu chú giải văn học trung đại việt nam trong sách giáo khoa ...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy Tự
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy TựTìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy Tự
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy TựDịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...
Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...
Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Th s33.006 thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của vi hồng
Th s33.006 thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của vi hồngTh s33.006 thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của vi hồng
Th s33.006 thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của vi hồnghttps://www.facebook.com/garmentspace
 
Khoá Luận Tốt Nghiệp Thơ Đi Sứ Của Sứ Thần Trung Quốc Đến Việt Nam Từ Thế Kỉ ...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Thơ Đi Sứ Của Sứ Thần Trung Quốc Đến Việt Nam Từ Thế Kỉ ...Khoá Luận Tốt Nghiệp Thơ Đi Sứ Của Sứ Thần Trung Quốc Đến Việt Nam Từ Thế Kỉ ...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Thơ Đi Sứ Của Sứ Thần Trung Quốc Đến Việt Nam Từ Thế Kỉ ...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Skkn dạy tác phẩm văn học dân gian trong mối quan hệ với văn hóa dân gian
Skkn dạy tác phẩm văn học dân gian trong mối quan hệ với văn hóa dân gianSkkn dạy tác phẩm văn học dân gian trong mối quan hệ với văn hóa dân gian
Skkn dạy tác phẩm văn học dân gian trong mối quan hệ với văn hóa dân giannataliej4
 
Trước tác của Phan Mạnh danh trong bối cảnh hiện đại hóa văn học Việt Nam
Trước tác của Phan Mạnh danh trong bối cảnh hiện đại hóa văn học Việt NamTrước tác của Phan Mạnh danh trong bối cảnh hiện đại hóa văn học Việt Nam
Trước tác của Phan Mạnh danh trong bối cảnh hiện đại hóa văn học Việt NamDịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 

Similar to Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày (20)

Luận văn: Phương tiện và biện pháp tu từ trong ca dao Nam Bộ
Luận văn: Phương tiện và biện pháp tu từ trong ca dao Nam BộLuận văn: Phương tiện và biện pháp tu từ trong ca dao Nam Bộ
Luận văn: Phương tiện và biện pháp tu từ trong ca dao Nam Bộ
 
luan an van hoc dan gian cao lan tu van hoa toc nguoi
luan an van hoc dan gian cao lan tu van hoa toc nguoiluan an van hoc dan gian cao lan tu van hoa toc nguoi
luan an van hoc dan gian cao lan tu van hoa toc nguoi
 
Luận văn: Đặc điểm từ ngữ Nam Bộ trong truyện ngắn của Sơn Nam, 9 ĐIỂM
Luận văn: Đặc điểm từ ngữ Nam Bộ trong truyện ngắn của Sơn Nam, 9 ĐIỂMLuận văn: Đặc điểm từ ngữ Nam Bộ trong truyện ngắn của Sơn Nam, 9 ĐIỂM
Luận văn: Đặc điểm từ ngữ Nam Bộ trong truyện ngắn của Sơn Nam, 9 ĐIỂM
 
Th s33.027 văn học bắc kạn từ năm 1945 đến nay
Th s33.027 văn học bắc kạn từ năm 1945 đến nayTh s33.027 văn học bắc kạn từ năm 1945 đến nay
Th s33.027 văn học bắc kạn từ năm 1945 đến nay
 
Luận văn: Yếu tố sông nước trong văn học dân gian Nam Bộ, HOT
Luận văn: Yếu tố sông nước trong văn học dân gian Nam Bộ, HOTLuận văn: Yếu tố sông nước trong văn học dân gian Nam Bộ, HOT
Luận văn: Yếu tố sông nước trong văn học dân gian Nam Bộ, HOT
 
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
 
Th s33.012 tìm hiểu chú giải văn học trung đại việt nam trong sách giáo khoa ...
Th s33.012 tìm hiểu chú giải văn học trung đại việt nam trong sách giáo khoa ...Th s33.012 tìm hiểu chú giải văn học trung đại việt nam trong sách giáo khoa ...
Th s33.012 tìm hiểu chú giải văn học trung đại việt nam trong sách giáo khoa ...
 
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy Tự
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy TựTìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy Tự
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy Tự
 
Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...
Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...
Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...
 
Luận án: Phát triển văn xuôi các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc
Luận án: Phát triển văn xuôi các dân tộc thiểu số miền núi phía BắcLuận án: Phát triển văn xuôi các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc
Luận án: Phát triển văn xuôi các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc
 
Th s33.006 thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của vi hồng
Th s33.006 thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của vi hồngTh s33.006 thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của vi hồng
Th s33.006 thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của vi hồng
 
Đề tài: Ứng xử vợ chồng của người Việt qua ca dao Nam bộ, HAY
Đề tài: Ứng xử vợ chồng của người Việt qua ca dao Nam bộ, HAYĐề tài: Ứng xử vợ chồng của người Việt qua ca dao Nam bộ, HAY
Đề tài: Ứng xử vợ chồng của người Việt qua ca dao Nam bộ, HAY
 
Luận văn: Bản sắc văn hóa Tây Nguyên trong văn xuôi H’Linh Niê
Luận văn: Bản sắc văn hóa Tây Nguyên trong văn xuôi H’Linh NiêLuận văn: Bản sắc văn hóa Tây Nguyên trong văn xuôi H’Linh Niê
Luận văn: Bản sắc văn hóa Tây Nguyên trong văn xuôi H’Linh Niê
 
Luận văn: Bản sắc văn hóa Tây Nguyên trong văn xuôi H’Linh Niê và Niê Thanh Mai
Luận văn: Bản sắc văn hóa Tây Nguyên trong văn xuôi H’Linh Niê và Niê Thanh MaiLuận văn: Bản sắc văn hóa Tây Nguyên trong văn xuôi H’Linh Niê và Niê Thanh Mai
Luận văn: Bản sắc văn hóa Tây Nguyên trong văn xuôi H’Linh Niê và Niê Thanh Mai
 
Khoá Luận Tốt Nghiệp Thơ Đi Sứ Của Sứ Thần Trung Quốc Đến Việt Nam Từ Thế Kỉ ...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Thơ Đi Sứ Của Sứ Thần Trung Quốc Đến Việt Nam Từ Thế Kỉ ...Khoá Luận Tốt Nghiệp Thơ Đi Sứ Của Sứ Thần Trung Quốc Đến Việt Nam Từ Thế Kỉ ...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Thơ Đi Sứ Của Sứ Thần Trung Quốc Đến Việt Nam Từ Thế Kỉ ...
 
Tiểu thuyết của các nhà văn dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, 9đ
Tiểu thuyết của các nhà văn dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, 9đTiểu thuyết của các nhà văn dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, 9đ
Tiểu thuyết của các nhà văn dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, 9đ
 
Tiểu thuyết của các nhà văn dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc
Tiểu thuyết của các nhà văn dân tộc thiểu số miền núi phía BắcTiểu thuyết của các nhà văn dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc
Tiểu thuyết của các nhà văn dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc
 
Luận văn: Đặc trưng cơ bản của Văn học dân gian Bến Tre, HOT
Luận văn: Đặc trưng cơ bản của Văn học dân gian Bến Tre, HOTLuận văn: Đặc trưng cơ bản của Văn học dân gian Bến Tre, HOT
Luận văn: Đặc trưng cơ bản của Văn học dân gian Bến Tre, HOT
 
Skkn dạy tác phẩm văn học dân gian trong mối quan hệ với văn hóa dân gian
Skkn dạy tác phẩm văn học dân gian trong mối quan hệ với văn hóa dân gianSkkn dạy tác phẩm văn học dân gian trong mối quan hệ với văn hóa dân gian
Skkn dạy tác phẩm văn học dân gian trong mối quan hệ với văn hóa dân gian
 
Trước tác của Phan Mạnh danh trong bối cảnh hiện đại hóa văn học Việt Nam
Trước tác của Phan Mạnh danh trong bối cảnh hiện đại hóa văn học Việt NamTrước tác của Phan Mạnh danh trong bối cảnh hiện đại hóa văn học Việt Nam
Trước tác của Phan Mạnh danh trong bối cảnh hiện đại hóa văn học Việt Nam
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864

Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏiDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏiDịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864 (20)

200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc
200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc
200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc
 
Danh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểmDanh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểm
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểmDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểm
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏiDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểmDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểm
 
danh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhua
danh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhuadanh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhua
danh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhua
 
Kinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay Nhất
Kinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay NhấtKinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay Nhất
Kinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay Nhất
 
Kho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểm
Kho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểmKho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểm
Kho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểm
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại họcKho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại học
 
Kho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tử
Kho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tửKho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tử
Kho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tử
 
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểmKho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểm
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu HọcKho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu Học
 
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhất
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhấtKho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhất
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhất
 
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểmKho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểm
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin HọcKho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin Học
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập Khẩu
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập KhẩuKho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập Khẩu
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập Khẩu
 

Recently uploaded

30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG Ở TUYÊN QUANG
PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG Ở TUYÊN QUANGPHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG Ở TUYÊN QUANG
PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG Ở TUYÊN QUANGhoinnhgtctat
 
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIĐiện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdfTrnHoa46
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfhoangtuansinh1
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIĐiện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................TrnHoa46
 
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfchuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfVyTng986513
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxpowerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxAnAn97022
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docxTHAO316680
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfCampbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfTrnHoa46
 
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...Nguyen Thanh Tu Collection
 

Recently uploaded (20)

30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG Ở TUYÊN QUANG
PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG Ở TUYÊN QUANGPHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG Ở TUYÊN QUANG
PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG Ở TUYÊN QUANG
 
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
 
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
 
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................
 
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfchuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxpowerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
 
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfCampbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
 
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
 

Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày

  • 1. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI CÙ THỊ ÁNH NGỌC SO SÁNH THI PHÁP TRUYỆN THƠ TUM TIÊU CỦA DÂN TỘC KHƠME CAMPUCHIA VỚI VƯỢT BIỂN CỦA DÂN TỘC TÀY Ở VIỆT NAM Ngành: Lí luận văn học Mã số: 9.22.01.20 LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: GS.TS. NGUYỄN ĐỨC NINH HÀ NỘI - 2018
  • 2. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các kết quả trong luận án là trung thực và chưa từng công bố trong bất kì công trình nào khác. Tác giả luận án CÙ THỊ ÁNH NGỌC
  • 3. MỤC LỤC MỞ ĐẦU.........................................................................................................................1 CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU.......................................6 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu truyện thơ ở Việt Nam và nước ngoài..................6 1.2. Tổng quan tình hình nghiên cứu hai truyện thơ Tum Tiêu và Vượt biển ...............17 CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI...........................26 2.1. Thi pháp và thi pháp học lịch sử ............................................................................26 2.2. Văn học so sánh và so sánh song song...................................................................33 2.3. Thi pháp truyện thơ và truyện thơ Đông Nam Á ...................................................36 2.4. Sự hình thành văn bản hai truyện thơ Tum Tiêu và Vượt biển...............................52 CHƯƠNG 3: NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG CỦA HAI TRUYỆN THƠ TUM TIÊU VÀ VƯỢT BIỂN.................................................................................................66 3.1. Cốt truyện ...............................................................................................................66 3.2. Nhân vật..................................................................................................................78 3.3. Không gian nghệ thuật............................................................................................86 3.4. Thời gian nghệ thuật...............................................................................................93 CHƯƠNG 4: NHỮNG ĐIỂM KHÁC BIỆT CỦA HAI TRUYỆN THƠ TUM TIÊU VÀ VƯỢT BIỂN..............................................................................................101 4.1. Cốt truyện .............................................................................................................101 4.2. Nhân vật................................................................................................................115 4.3. Không gian nghệ thuật..........................................................................................123 4.4. Thời gian nghệ thuật.............................................................................................137 KẾT LUẬN ................................................................................................................146 DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO PHỤ LỤC
  • 4. 1 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài 1.1. Truyện thơ là một thể loại phát triển phong phú và có thành tựu trong văn học Đông Nam Á. Truyện thơ không thuộc loại hình văn học nói - kể mà thuộc loại hình hát - kể, nghĩa là cốt truyện tự sự được truyền đạt bằng phương thức dân ca. Và như thế, truyện thơ các cư dân vùng Đông Nam Á ra đời, có vai trò, vị trí và tác động sâu sắc tới đời sống văn hóa cũng như trong tiến trình lịch sử phát triển văn học các dân tộc ở khu vực Đông Nam Á. 1.2. Campuchia được biết đến, trước hết như một quốc gia ở Đông Nam Á có một truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, với những công trình kiến trúc, điêu khắc kì vĩ, độc đáo, tiêu biểu là quần thể kiến trúc Angkor - đỉnh cao của trí tuệ. Có lẽ đó chính là cội nguồn của những rung cảm thẩm mĩ tạo nên tác phẩm văn học đặc sắc như truyện thơ Tum Tiêu. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu Đông Nam Á, truyện thơ Tum Tiêu không chỉ là một tác phẩm văn học đặc sắc của đất nước Campuchia mà còn thuộc số những truyện thơ tiêu biểu ở Đông Nam Á. Nếu như Tum Tiêu được đánh giá là thành tựu văn học xuất sắc và tiêu biểu đánh dấu chặng đường phát triển quan trọng của văn học và chứa đựng nội dung xã hội, lịch sử của đất nước Campuchia thì với người Tày của Việt Nam, chúng ta thấy rằng người Tày không chỉ có bề dày lịch sử văn hóa mà văn học dân gian cũng có những đỉnh cao, nhất là những tác phẩm truyện Nôm Tày như Khảm hải (Vượt biển). Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu chú trọng khai thác những giá trị của từng văn bản nhưng chưa sử dụng văn học so sánh để tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt về mặt thi pháp truyện thơ Tum Tiêu của người Khơme Campuchia với Vượt biển của người Tày ở Việt Nam. So sánh văn học giữa các quốc gia hay liên quốc gia sẽ bổ sung quan trọng cho hướng nghiên cứu văn học riêng lẻ từng quốc gia vốn vẫn tồn tại từ trước đến nay ở Việt Nam. 1.3. Việt Nam và Campuchia là hai quốc gia láng giềng gần gũi, có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, nhân dân hai nước là anh em gắn bó. Thiên nhiên ưu đãi đã cho dòng sông Mê công chảy qua hai nước làm nên cuộc sống trù phú của nhân dân hai nước. Dòng Mê công cũng chứng kiến trực tiếp mối tình hữu nghị đoàn kết gắn bó keo sơn giữa nhân dân hai nước. Việc nghiên cứu văn học các nước trong khu vực Đông Nam Á còn có ý nghĩa làm thay đổi nhận thức của giới văn nghệ và văn học của Việt Nam chỉ “quen thuộc những chủ nhân từ phương xa - vốn xa lạ với chúng ta trên nhiều phương diện, trong khi đó chúng ta lại rất lạ với người bà con ở ngay bên cạnh - vốn rất gần gũi, có quan hệ gắn bó về mọi mặt với chúng ta trong cộng đồng khu vực mà chúng ta là một thành viên” [102; 3]. Vì vậy, nghiên cứu văn học Campuchia vừa có ý nghĩa củng cố tình hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam - Campuchia vừa có đóng góp vào sự phát triển chung của khu vực Đông Nam Á (ASEAN).
  • 5. 2 Để góp phần khai thác các giá trị văn hóa và văn học trong sự tương đồng, khác biệt của truyện thơ hai nước chúng tôi chọn: “So sánh thi pháp truyện thơ Tum Tiêu của dân tộc Khơme Campuchia với Vượt biển của dân tộc Tày ở Việt Nam” làm đề tài nghiên cứu của mình. Đây là việc làm vừa có ý nghĩa khoa học vừa có ý nghĩa thực tiễn. Nghiên cứu văn học Campuchia song hành với văn học Việt Nam còn góp phần mở rộng hơn về mối quan hệ văn hóa - văn học giữa Việt nam với các nước Đông Nam Á. Từ đó, những vấn đề của văn học Việt Nam cũng sẽ được làm sáng tỏ hơn, thuyết phục hơn. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 2.1. Mục đích Luận án đi sâu nghiên cứu để tìm ra những đặc điểm thi pháp của Tum Tiêu, Vượt biển và so sánh thi pháp của những tác phẩm đó để thấy tư duy nghệ thuật, mĩ cảm, tâm lí, tính cách của người Khơme và người Tày ở hai quốc gia Campuchia và Việt Nam. 2.2. Nhiệm vụ Để đạt được mục đích trên, nhiệm vụ của luận án là phân tích các khía cạnh, các bình diện thi pháp của hai tác phẩm Tum Tiêu, Vượt biển, xem xét môi trường văn hóa, lịch sử của các tác phẩm để có thể tiến hành so sánh loại hình truyện thơ Khơme và truyện thơ Tày. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Chúng tôi chọn các văn bản truyện thơ Tum Tiêu của người Khơme Campuchia, các văn bản truyện thơ Vượt biển của người Tày ở Việt Nam để nghiên cứu thi pháp các tác phẩm đó và tiến hành so sánh thi pháp của chúng trên các bình diện: cốt truyện, nhân vật, không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật. 3.2. Phạm vi nghiên cứu Phạm vi văn bản: Tum Tiêu là một truyện thơ tiêu biểu cho thể loại văn học truyền thống của Campuchia. Đây là một câu chuyện có thật trong dân gian sau đó nó được rất nhiều người viết lại và người thành công hơn cả là nhà sư Bôtum Mắtthê Xôm. Và Tum Tiêu đã trở thành một tác phẩm văn học viết hoàn chỉnh của người Khơme Campuchia (Ở Campuchia người Khơme được chia thành 3 cách gọi: 1) Khơme Thượng là Khơme Trên hay còn gọi là Khơme Lự; 2) Khơme Kaldai hay còn gọi là Khơme Giữa; 3) Khơme Krom là Khơme Dưới sống ở Việt Nam, còn được gọi là Khơme Nam Bộ). Ở Việt Nam, có hai bản dịch Tum Tiêu được xem là phản ánh trung thực, đầy đủ sát với nguyên tác là bản dịch nghĩa của Thái Văn Chải (1972) và dịch thơ của Phùng Huy Thịnh (1987). Cả hai bản dịch đều thể hiện sự làm việc nghiêm túc, công phu của các dịch giả để mang đến cho người đọc nguồn tri thức tin cậy, kết
  • 6. 3 hợp với văn phong dung dị, gần gũi. Tuy nhiên, trong đề tài luận án nghiên cứu thi pháp truyện thơ Tum Tiêu của Campuchia chúng tôi chủ yếu dùng theo văn bản của Phùng Huy Thịnh (Nxb Khoa học Xã hội, 2000) vì: 1) Tác giả đã dịch trực tiếp từ tiếng Campuchia sang tiếng Việt đúng theo cấu trúc của nguyên tác (7 tiếng) và “bản dịch đạt được thần thái của nguyên tác” [193; 8]; 2) Dịch giả có nhiều năm công tác trên nước Campuchia, am tường lịch sử văn hóa, phong tục, tập quán của đất nước này. “Vốn là một cử nhân văn chương, lại có nhiều năm lăn lộn với nghề làm báo, Phùng Huy Thịnh tỏ ra mẫn cảm với việc nhận biết các giá trị văn học, giá trị dân tộc và giá trị văn hóa tiềm tàng trong tác phẩm Tum Tiêu” [193; 8]; 3) Văn bản này được nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành lần đầu năm 1987 và sau đó tái bản năm 2000. Vượt biển (Khảm hải) - một truyện thơ dân gian của người Tày ở vùng núi phía Bắc Việt Nam. Đã có rất nhiều văn bản Vượt biển được các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian sưu tầm và biên dịch lại như Nông Minh Châu, Vi Hồng, Lục Văn Pảo… Tuy nhiên, các văn bản này lại chủ yếu được sưu tầm ở các tỉnh Việt Bắc như Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn… Và nó đã đem đến cho người đọc những cảm nhận khác nhau, nhưng tựu chung lại tác phẩm có cốt truyện đậm màu sắc trữ tình tự sự. Còn văn bản Vượt biển do Hoàng Hạc sưu tầm và giới thiệu in trong cuốn Truyện thơ Tày - Nùng, tập 2 (Nxb Văn học, 1964) được chúng tôi chọn làm văn bản nghiên cứu đối trọng với Tum Tiêu của người Khơme Campuchia vì: 1) Đây là văn bản do Hoàng Hạc sưu tầm và giới thiệu trên chính quê hương ông (xã Xuân Lai, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái - thuộc vùng Tây Bắc): “Ngày còn nhỏ, tôi đã được nghe cha mẹ và các cụ trong bản kể cho nghe từng đoạn Vượt biển. Tôi cũng lại đã dự xem nhiều buổi “biểu diễn” Vượt biển của các ông Pụt (thầy cúng)” [13; 307] và nó có một tích truyện cụ thể khi kể về cuộc đời cùng đường, bế tắc của con người: “Đây là con người lao động nghèo khổ, những kẻ bị trị, những Sa dạ Sa dồng, quanh năm nai lưng làm lụng một nắng hai sương mà rồi vẫn nghèo xác nghèo xơ. Những người ấy, lúc sống đã bị bọn vua quan bắt đi phục dịch. Khi chết vẫn bị quan Slay bắt đi phục dịch, mang của cống lễ lên quan trên miền âm phủ” [13 ; 307]; 2) Tác phẩm được khẳng định là một truyện thơ có kết cấu cốt truyện, nhân vật cụ thể và mang đậm màu sắc tự sự trữ tình, nên được đưa vào dạy trong chương trình Ngữ văn phổ thông: “Nguyên văn Khảm hải bằng chữ Nôm Tày, Hoàng Hạc dịch ra thành 249 câu tiếng Việt. Bản được đưa vào sách văn 10 có cốt truyện quen thuộc như các truyện thơ Tày - Nùng khác” [150; 49] và trong giáo trình Văn học dân gian bậc đại học. Phạm vi nghiên cứu: Khi nghiên cứu thi pháp truyện thơ có những bình diện khác nhau. Ở luận án này, chúng tôi giới hạn sử dụng chủ yếu phương pháp so sánh song
  • 7. 4 song để tìm ra các điểm tương đồng và khác biệt trên các bình diện: cốt truyện, nhân vật, không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật của hai tác phẩm vừa nêu. 4. Phương pháp nghiên cứu Ở luận án này, chúng tôi sử dụng những phương pháp nghiên cứu sau: Phương pháp tiếp cận thi pháp học: Là nghiên cứu tác phẩm như một chỉnh thể nghệ thuật qua các bình diện như cốt truyện, nhân vật, không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật. Chúng tôi sử dụng phương pháp nghiên cứu đó nhằm xác định những nét tương đồng và khác biệt giữa Tum Tiêu với Vượt biển. Phương pháp nghiên cứu liên ngành, đa ngành: Để hiểu rõ hơn giá trị tác phẩm ở hai nền văn học cần thiết sử dụng kiến thức tổng hợp và viện dẫn kết quả của các ngành có liên quan như dân tộc học, văn hóa học, xã hội học… Theo chúng tôi, sự kết hợp đa ngành là cách thức tối ưu làm nổi bật những nét tương đồng và khác biệt trong đời sống văn học - văn hóa, môi trường, bối cảnh lịch sử của hai tác phẩm Tum Tiêu và Vượt biển. Phương pháp thống kê: Luận án tiến hành sưu tầm, thống kê số lượng văn bản, số lượng những điểm tương đồng và khác biệt trong những văn bản đó. Đồng thời, luận án dựa trên những kết quả, đưa ra những nhận xét, đánh giá một cách chính xác về các khía cạnh của vấn đề. Phương pháp phân tích, tổng hợp: Chúng tôi lựa chọn phương pháp này để phân tích tác phẩm và tài liệu liên quan đến vấn đề nghiên cứu. Phương pháp so sánh song song: Là tìm kết cấu nội tại, mối liên hệ giữa toàn bộ tác phẩm với toàn bộ tiến trình xã hội của người Khơme và người Tày dựa trên các tư liệu trong lịch sử và trong quá trình điền dã. Từ đó, luận án đối chiếu các bình diện thi pháp truyện thơ của người Khơme Campuchia và người Tày ở Việt Nam để tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt giữa chúng, nhằm cho thấy tính liên văn hóa và tính xuyên văn hóa trong nền văn hóa, văn học của hai nước. 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án Luận án là công trình đầu tiên nghiên cứu một cách hệ thống về so sánh thi pháp truyện thơ Tum Tiêu của người Khơme Campuchia với Vượt biển của người Tày ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu căn cứ vào quá trình hình thành sẽ làm rõ những điểm tương đồng và khác biệt trên các bình diện thi pháp: cốt truyện, nhân vật, không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật của hai tác phẩm thuộc hai tộc người của hai đất nước khác nhau. Thông qua sự phân tích, so sánh này, luận án tiến tới giải mã các mã văn hóa từ không gian văn hóa, từ chỗ tải đạo đến tải đời. Đặc biệt, luận án đưa ra được những kết luận có tính chất khái quát về sự sáng tạo độc đáo của các tác giả trong từng bình diện thi pháp của Tum Tiêu và Vượt biển. Đó là sự xây dựng thành công cốt
  • 8. 5 truyện tự sự trữ tình với mô hình cấu trúc “kết thúc bi kịch”, đã phá vỡ kiểu mô hình vòng tròn khép kín của “kết thúc có hậu” để tạo nên một kiểu kết thúc mở và việc chọn cách kết thúc cốt truyện đúng như thực tế sự việc đã diễn ra; Đó là kiểu nhân vật có ngoại hình, tính cách và tâm lí duy mĩ, duy tình dám bẻ lái số phận bằng cách chọn cái chết để giữ lòng thủy chung trong tình yêu và sự tinh khiết trong tâm hồn; Đó là mô hình không gian - thời gian gắn liền với tinh thần tôn trọng thiên nhiên và các giá trị văn hóa của con người trong đời sống khi cùng sinh tụ trên một khu vực địa lí. Qua đó, hai truyện thơ này sẽ khơi dậy những khoái cảm thẩm mĩ và làm sáng tỏ bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo của họ. Đồng thời, hai truyện thơ này còn góp phần làm phong phú và đa dạng hơn trong thể loại truyện thơ Campuchia và Việt Nam. 6. Ý nghĩa lí luận và thực tiễn của luận án 6.1. Ý nghĩa lí luận Một, Chúng tôi giới thuyết cụ thể một cách hệ thống diễn trình vận động của lí thuyết: thi pháp và thi pháp học lịch sử; văn học so sánh và so sánh song song; thi pháp truyện thơ và truyện thơ Đông Nam Á thông qua các công trình tiêu biểu của các đại diện quan trọng. Một số công trình nghiên cứu ứng dụng được xem là có tính chất hệ thống khi nghiên cứu thi pháp học lịch sử và thi pháp truyện thơ. Hai, Luận án sử dụng phương pháp nghiên cứu so sánh song song để tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt trên các bình diện thi pháp của Tum Tiêu và Vượt biển. Qua đó, luận án sẽ góp phần làm phong phú hơn lí luận về thể loại truyện thơ. Ba, Hơn nữa, việc luận án sử dụng phương pháp nghiên cứu song song để tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt trên các bình diện thi pháp của Tum Tiêu và Vượt biển còn góp phần quan trọng vào tìm hiểu quá trình biến đổi và tiếp nối trong nghiên cứu lí thuyết thi pháp truyện thơ. 6.2. Ý nghĩa thực tiễn Từ luận án này, chúng tôi hi vọng sẽ góp phần bổ sung cho việc nghiên cứu truyện thơ các dân tộc thiểu số của Việt Nam, Campuchia và các dân tộc trong khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, luận án còn là nguồn tư liệu tham khảo bổ ích cho các giảng viên, giáo viên, học sinh các trường; những người có nhu cầu tìm hiểu truyện thơ của người Khơme Campuchia và người Tày ở Việt Nam. 7. Kết cấu của luận án Ngoài mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục, luận án được kết cấu thành 04 chương: Chương 1: Tổng quan về vấn đề nghiên cứu Chương 2: Cơ sở lí luận và thực tiễn của đề tài Chương 3: Những điểm tương đồng của hai truyện thơ Tum Tiêu và Vượt biển Chương 4: Những điểm khác biệt của hai truyện thơ Tum Tiêu và Vượt biển
  • 9. 6 CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu truyện thơ ở Việt Nam và nước ngoài 1.1.1. Một số vấn đề lí luận về truyện thơ Ở Việt Nam có ba khái niệm “truyện thơ”, “truyện Nôm” và “truyện thơ Nôm”. Truyện thơ chủ yếu nói về các tác phẩm của các dân tộc ít người ở Việt Nam (như truyện thơ Mường, truyện thơ Tày - Nùng, truyện thơ Thái). Trong cuốn Từ điển văn học (bộ mới) thì truyện Nôm (hay truyện thơ Nôm) chủ yếu nói về các tác phẩm của dân tộc Việt (Kinh) và đó là những tác phẩm viết bằng chữ Nôm (không phải chữ Hán). Để hiểu một cách cụ thể về khái niệm “truyện thơ” chúng tôi sẽ tìm hiểu từ khái niệm về “truyện thơ Nôm” một thể loại tương đối hoàn chỉnh trong nền văn học truyền thống của Việt Nam. Truyện Nôm tuy có từ xa xưa nhưng khái niệm và thuật ngữ “truyện Nôm” thì có lẽ phải đến Dương Quảng Hàm mới được gọi là chính thức. Trước đó trong sách Việt Hán văn khảo của Bưu Văn Phan Kế Bính và Quốc văn cụ thể của Ưu Thiên Bùi Kỷ không thấy nhắc đến tên gọi thể loại này. Còn Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử yếu đã có chương XV ghi rõ: “Các văn thể riêng của ta đã nói đến hai thể: truyện, ngâm, hát nói trong đó “các truyện Nôm của ta viết theo hai thể: lục bát và biến thể lục bát”, và ông hiểu “truyện Nôm là tiểu thuyết viết bằng văn vần…” (Dẫn theo Trần Đình Sử) [143; 83]. Đây là định nghĩa sơ lược đầu tiên về truyện Nôm. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Phong trong sách Sơ khảo văn học Việt Nam (tập 3, 1959) lại xem truyện Nôm bình dân là thể loại “tiểu thuyết” tuy còn non kém [135; 36]. Còn nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh trong sách Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam (1974) cũng đồng quan điểm cho rằng truyện Nôm là một loại tiểu thuyết bằng thơ [39; 131]. Ở cuốn Từ điển thuật ngữ Văn học do Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên thì mục từ “truyện Nôm” có lời giải thích như sau: “Thể loại tự sự bằng thơ dài rất tiêu biểu cho văn học cổ điển Việt Nam, nở rộ vào cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX, do viết bằng tiếng Việt ghi bằng chữ Nôm nên được gọi là truyện Nôm” [48; 45]. Còn trong cuốn Từ điển văn học (bộ mới) thì nguồn gốc của truyện Nôm vẫn là một ẩn số “cho đến nay chưa thể biết truyện Nôm ra đời vào lúc nào và hình thái đầu tiên như thế nào” [49; 1847]. Trong chuyên luận Truyện Kiều và thể loại truyện Nôm, Đặng Thanh Lê đã đưa ra hai nhận định cụ thể về truyện Nôm: 1) “Truyện Nôm nằm trong hệ thống các tác phẩm phản ánh cuộc sống bằng phương thức tự sự có ý nghĩa là phản ánh cuộc sống xã hội thông qua sự trình bày, miêu tả có tính chất hoàn chỉnh vận mệnh một nhân vật (trong mối quan hệ với nhiều vận mệnh, nhiều tính cách
  • 10. 7 nhân vật khác)”; 2) “Thể loại tiểu thuyết này sử dụng ngôn ngữ, văn tự dân tộc: chữ Nôm và với tư cách tác phẩm tự sự bằng văn vần, đại bộ phận các tác phẩm đều sử dụng một thể loại thơ dân tộc - thể lục bát” [74; 55]. Như vậy, Đặng Thanh Lê đã coi truyện Nôm như một thể loại tiểu thuyết bằng thơ. Các học giả Nga như B.L. Riptin, N.I. Niculin đã nhìn truyện Nôm trong truyền thống truyện thơ gần gũi với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Ở Việt Nam, truyện Nôm có thể diễn ca không chỉ truyện cổ tích, thần thoại, ngụ ngôn, Phật thoại, tiên thoại, sử kí mà còn diễn ca cả tiểu thuyết chương hồi. Điều đó chứng tỏ truyện thơ Nôm là một hình thức văn học vừa ổn định vừa linh hoạt, có khả năng đồng hóa lớn, có sức sống lâu bền trong tâm thức người Việt. Một vấn đề khác là truyện Nôm gắn với chữ Nôm, thuộc phạm trù văn học Viết dân tộc. Năm 1993, Kiều Thu Hoạch công bố công trình Truyện Nôm - Nguồn gốc và bản chất thể loại, trong chương Thi pháp truyện Nôm ông đã phủ nhận xem truyện Nôm bình dân là văn học viết, là thể loại tự sự tiểu thuyết hóa và có xu hướng xem đó là thể loại văn học dân gian, sáng tác theo khuôn hình cốt truyện văn học dân gian, nhân vật nhiều loại tính hơn là cá tính, tác phẩm mang đậm tư duy cổ tích, sử dụng kết cấu có hậu với yếu tố thần kì, các môtíp truyện dân gian được sử dụng phổ biến, ngay ngôn ngữ đối thoại, độc thoại cũng là bộ phận cấu thành quan trọng của thể loại cổ tích [54; 133 - 215]. Truyện Nôm bình dân là sản phẩm sáng tác tập thể và sáng tác để kể miệng là chính. Sự phân tích của Kiều Thu Hoạch đã làm sâu sắc thêm bản chất dân gian của thể loại mà nhiều khi chưa được giới nghiên cứu nhận thức đầy đủ. Mặt khác, các chứng cứ của nhà nghiên cứu cũng không thể bác bỏ được đặc trưng của văn học viết của các tác phẩm đó. Cho đến nay, chưa có truyện Nôm nào được các nhà nghiên cứu văn học dân gian ghi chép bằng phương pháp điền dã (chép trực tiếp từ người hát) mà chỉ có các bản phiên âm của một văn bản Nôm có trước. Đồng thời, cho dù những lí lẽ xác định bản chất sáng tác văn học dân gian hoàn toàn đủ sức thuyết phục, thì đó cũng mới đề cập đến bộ phận truyện Nôm bình dân, vô danh hay khuyết danh thì vẫn còn một bộ phận truyện Nôm có tác giả Nôm, bác học nữa được xem là tiểu thuyết. Như vậy, truyện Nôm là thể loại truyện kể dân gian hay thể loại tiểu thuyết thuộc hai loại hình văn học viết. Và để hiểu rõ hơn chúng tôi sẽ làm rõ những đặc trưng chung của chúng. Năm 2002, Trần Đình Sử đã ra chuyên luận về Thi Pháp Truyện Kiều. Trong chuyên luận ông dành hẳn một mục Truyện thơ Nôm và Truyện Kiều. Theo quan điểm của Trần Đình Sử thì truyện Nôm không phải thể loại sử thi, khác với cổ tích, khác với tiểu thuyết hiện đại “truyện Nôm là thể loại “truyện vừa trung đại”, chỉ kể các nhân vật và sự tích trong quan hệ nhân quả sít sao, chặt chẽ, có hậu. Truyện Nôm nói chung chưa biết đến các chi tiết “thừa”, nó chưa cho ta biết về vô thức và trạng thái thế giới
  • 11. 8 bao la xung quanh con người và sự việc. Và do đó, truyện Nôm chưa phải là tiểu thuyết” [143; 102]. Đây là một nhận định rất xác đáng khi nhà nghiên cứu dựa trên quan điểm của A. Chichêrin về việc phân loại truyện vừa trong văn học Nga và thể loại tiểu thuyết. Bằng những luận điểm và những dẫn chứng rất cụ thể, chi tiết thì đây là một nhận định khoa học đáng tin cậy. Năm 2016, Đức Ninh chủ biên công trình Quá trình hình thành thể loại tiểu thuyết hiện đại trong văn học Việt Nam và một số nước Đông Nam Á, ở mục truyện Nôm thì “Truyện Nôm là một thể loại truyện kể có cốt truyện được viết dưới hình thức văn vần” [107; 82]. Công trình đã tổng kết những ý kiến đánh giá khác nhau của các nhà nghiên cứu văn học trung đại và văn học hiện đại về thời điểm ra đời của truyện Nôm dẫn đến các cách gọi khác nhau: “Cho đến nay, các nhà nghiên cứu văn học trung đại vẫn chưa thể xác định được một cách chắc chắn thời điểm ra đời của thể loại này trong lịch sử nước ta. Trong quan điểm của một số nhà nghiên cứu văn học hiện đại, thể truyện Nôm có nhiều đặc tính của tiểu thuyết. Một số nhà nghiên cứu đã không ngần ngại dùng thuật ngữ “tiểu thuyết” để chỉ thể loại này, thậm chí kể cả những dạng thức manh nha của loại hình truyện kể” [107; 82]. Hơn nữa, chuyên khảo đã so sánh được sự khác nhau về quan niệm đạo đức, nhân vật, ngôn ngữ giữa truyện Nôm bình dân và truyện Nôm bác học để thấy được sự ảnh hưởng của nó lên tiểu thuyết quốc ngữ đầu thế kỉ XX. Những ý kiến đánh giá trong công trình được đúc kết cô đọng, có giá trị và tác động sâu sắc đến tư tưởng để chúng tôi tiếp tục triển khai đề tài. Theo chúng tôi thì truyện Nôm là để nói về tác phẩm tự sự ở Việt Nam viết bằng các loại chữ Nôm (Nôm Việt, Nôm Tày…) dưới hình thức văn vần hoặc văn xuôi. Còn truyện thơ Nôm chỉ để nói về một loại tác phẩm tự sự ở Việt Nam, viết bằng thơ (của tác giả khuyết danh hoặc có tên), văn tự là chữ Nôm các loại, chủ yếu xuất hiện ở Việt Nam trong các thế kỉ XVIII, XIX. Trên cơ sở tìm hiểu khái niệm “truyện thơ Nôm”, chúng ta tiếp tục mở rộng phạm vi khảo sát các ý kiến, nhận định của các nhà nghiên cứu về nội hàm và ngoại diện của “truyện thơ”. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra khái niệm “truyện thơ”: Trong Từ điển văn học (bộ mới) nêu ngắn gọn truyện thơ là “Một thể loại văn học viết dưới hình thức văn vần có cốt truyện” [49; 1850]. Phan Đăng Nhật trong cuốn Văn học các dân tộc thiểu số ở Việt Nam đã đưa ra một cách hiểu khá đơn giản “Truyện thơ - đó là những tác phẩm tự sự dưới hình thức thơ ca” [110; 150]. Bùi Văn Nguyên và Hà Minh Đức trong cuốn Các thể thơ ca và sự phát triển của hình thức trong thơ ca Việt Nam lí giải khái niệm truyện thơ hoàn chỉnh và sâu sắc hơn: “Truyện thơ căn bản dựa vào phương thức tự sự với một hệ thống sự kiện và cốt truyện để bộc lộ nội dung chủ đề. Cốt truyện trong truyện thơ cũng giống như cốt truyện của kịch, tiểu thuyết. Bằng hình thức kể có cốt truyện, nhà thơ có điều kiện đi sâu vào những tình tiết, những sự kiện của câu
  • 12. 9 chuyện, những khía cạnh khác nhau của xung đột xã hội, do đó, truyện thơ có khả năng phản ánh những mặt phong phú của đời sống xã hội. Trên ý nghĩa đó, truyện thơ có thể được xem như một tiểu thuyết. Một mặt khác, do chỗ vận dụng ngôn ngữ thơ ca để diễn đạt nên từ hình ảnh, nhịp điệu đến cú pháp thơ ca, truyện thơ tự xác định chỗ khác nhau với tiểu thuyết” [109; 396]. Võ Quang Nhơn trong giáo trình Văn học dân gian các dân tộc ít người ở mục Truyện thơ đưa ra định nghĩa: “Truyện thơ một mặt kế thừa và phát triển truyền thống tự sự và trữ tình của truyện cổ và thơ ca dân gian, một mặt tiếp thu ảnh hưởng của nền văn hóa bác học và đặc biệt là nền văn hóa bác học Việt. Từ những kế thừa và chịu ảnh hưởng nhiều mặt đó, các nghệ nhân dân gian và các trí thức dân tộc đã sáng tạo nên một thể loại văn học dân gian mới với nội dung bề thế hơn về mặt dung lượng, với nghệ thuật được trau chuốt và hoàn thiện hơn” [128; 450]. Nguyễn Xuân Kính trong mục Chung quanh các khái niệm “truyện thơ” và “truyện thơ các dân tộc thiểu số” đã xác định: “Truyện thơ các dân tộc thiểu số là một thể loại văn học dân gian thuộc loại hình tự sự, bao gồm những tác phẩm có hình thức văn vần, được kể, được hát, được ngâm, đọc (kể cả trước và sau khi đã được ghi chép) và thường có nội dung thể hiện thân phận con người và cuộc sống đôi lứa” [62; 547]. Có thể thấy, dù nghiên cứu từ một loại hình lí thuyết nào, dù nghiên cứu từ một phương diện nội dung hay hình thức nghệ thuật của thể loại truyện thơ các nhà nghiên cứu đều chú ý đến khai thác hai yếu tố: tự sự và trữ tình và coi nó là một loại tiểu thuyết bằng thơ. Tuy nhiên, nếu chỉ khai thác các yếu tố này vào tác phẩm truyện thơ cụ thể thì vẫn chưa thỏa đáng. Điểm dừng của các công trình này sẽ là điểm tiếp nối để chúng tôi khai triển tiếp vấn đề lí luận về truyện thơ. Trên cơ sở đó, chúng tôi đưa ra khái niệm Truyện thơ ở hai góc độ lí luận văn học và văn học sử: 1) Truyện thơ là một thể loại văn học nằm trong hệ thống những tác phẩm phản ánh cuộc sống hiện thực bằng phương thức tự sự thông qua sự trình bày miêu tả có tính chất hoàn chỉnh vận mệnh của một hay một số nhân vật chính và trên cơ sở ấy là sự phát triển có tính chất hoàn chỉnh của một số tính cách nhân vật (trong mối quan hệ với nhiều tính cách nhân vật khác). Tính chất hoàn chỉnh này cũng được tạo nên bởi kết cấu cốt truyện, hệ thống nhân vật, tình huống trong một kiểu kết cấu phổ biến; 2) Truyện thơ phản ánh cuộc sống bằng việc sử dụng hình thức văn vần (thể thơ) trên cơ sở của các bài hát dân ca thấm đẫm chất trữ tình với đầy đủ những đặc trưng của phương thức sáng tác này cùng với sự tồn tại của nó trong không gian diễn xướng. Khái niệm truyện thơ mà chúng tôi đưa ra khác với khái niệm về sử thi. Có thể nhận thấy, trong văn học của các dân tộc thiểu số nổi lên hai thể loại văn học đặc trưng cho văn hóa vùng miền, đó là: đối với dân tộc thiểu số miền Bắc là truyện thơ còn đối với dân tộc thiểu số Tây Nguyên là sử thi. Hai đối tượng này có những điểm tương
  • 13. 10 đồng như về dung lượng tác phẩm đồ sộ hơn so với dung lượng của các thể loại văn học khác; ngôn từ sử dụng thể văn vần; phương thức phản ánh tự sự, hình thức diễn xướng chủ yếu là hát - kể. Đây là những yếu tố rất căn bản để trong một thời gian dài các nhà nghiên cứu suốt từ năm 1963 - 1978 dựa vào đặc tính riêng này mà xếp sử thi và truyện thơ vào cùng một thể loại. Tuy nhiên, cho đến nay các nhà nghiên cứu đã đưa ra kết luận rằng truyện thơ và sử thi là hai thể loại khác hẳn nhau. Theo Phan Đăng Nhật sự khác nhau giữa truyện thơ và sử thi thể hiện ở chỗ: “Sử thi ra đời chủ yếu do nhu cầu phản ánh và hỗ trợ việc chuyển hóa của lịch sử (chủ yếu bằng chiến tranh) để hình thành Nhà nước, hình thành Quốc gia. Còn truyện thơ ra đời do nhu cầu lịch sử - xã hội của thời đại của nó. Lúc bấy giờ trong xã hội các dân tộc thiểu số đã xuất hiện nhiều mâu thuẫn. Mâu thuẫn giữa tình yêu chân chính của đôi lứa với đòi hỏi khắt khe, lạnh lùng nhiều khi tàn bạo của gia đình và xã hội; mâu thuẫn giữa người nghèo khó và kẻ giàu sang; mâu thuẫn giữa chính nghĩa và phi nghĩa. Lúc này vấn đề thân phận con người được đặt ra và đòi hỏi phải đáp ứng thỏa đáng” [110; 401]. Điều đó cho thấy, khi đứng riêng thành một thể loại văn học chuyên biệt thì những giá trị của nó được hiểu và khai thác một cách sâu sắc, các tầng lớp không bị chồng chéo khi nghiên cứu. Lí luận này về truyện thơ sẽ được chúng tôi tiếp thu trong việc triển khai luận án của mình. 1.1.2. Tình hình nghiên cứu lí luận truyện thơ ở Việt Nam Như chúng tôi đã trình bày, ở Việt Nam có ba khái niệm “truyện thơ”, “truyện Nôm” và “truyện thơ Nôm”. Truyện thơ chủ yếu nói về các tác phẩm của các dân tộc ít người ở Việt Nam (như truyện thơ Mường, truyện thơ Tày - Nùng, truyện thơ Thái). Để làm rõ tình hình nghiên cứu lí luận về truyện thơ (truyện thơ Tày) ở Việt Nam một cách chính xác và khoa học còn là một thách thức lớn. Các học giả đều quan tâm đến nghiên cứu truyện thơ từ góc độ văn học. Các giáo trình về văn học dân gian của Phan Đăng Nhật, Võ Quang Nhơn, Vũ Anh Tuấn… đều viết về mảng truyện thơ với những quan điểm khác nhau. Trong giáo trình Văn học các dân tộc thiểu số ở Việt Nam của Phan Đăng Nhật (1981) dựa trên những tiêu chí ông đã chia văn học dân gian các dân tộc thiểu số có: văn học nói, văn học kể, văn học hát. Theo ông, nội dung chính của truyện thơ là truyện nói về các nhân vật mồ côi người em út, người con riêng, người lao động nghèo khổ, chuyện tình yêu. Với cốt truyện gắn bó với lời nói vần và thơ dân gian, nghệ thuật tự sự hòa nhịp với trữ tình và tồn tại trong lời hát ca với âm nhạc. Đó là nguồn truyện thơ của các dân tộc... Dựa trên những tiêu chí về lí thuyết như trên, ông đã phân loại truyện thơ thành ba loại: truyện thơ về tình yêu; truyện thơ về sự nghèo khổ; truyện thơ về chính nghĩa. Kết luận cuối cùng của tác giả: “Truyện Nôm miền xuôi cũng như truyện thơ miền núi đều là bước nối tiếp giữa văn học dân gian và văn học thành văn, đều mang tính chất của hai loại
  • 14. 11 hình nói trên” [110; 24]. Trong khi đó, giáo trình Văn học dân gian các dân tộc ít người của Võ Quang Nhơn (1983), ông đã dành hẳn một chương để bàn về truyện thơ. Tác giả đã so sánh một cách toàn diện giữa truyện Nôm Việt với truyện Nôm Tày. Một thành công đáng kể trong công trình này là tác giả đã chỉ ra được một cách rõ ràng những điểm tương đồng ở nhóm truyện thiên về khuynh hướng thuyết giáo đạo đức. Ông khẳng định: “Truyện thơ ở nhóm này đã thể hiện khá rõ tính chất thành văn, tiếp cận với đặc điểm thi pháp của nền văn học bác học và đánh dấu một bước phát triển mới của nền văn học dân gian” [128; 382]. Căn cứ vào nguồn gốc tiếp thu một cách có chọn lọc để sáng tạo nên những cốt truyện được truyền tải dưới những câu thơ. Và căn cứ vào phương thức diễn xướng ông đã chia truyện thơ thành bốn nhóm cơ bản. Trên cơ sở phân tích các đặc điểm thể loại và khái quát nội dung một số truyện thơ khác nhau của các dân tộc ít người ông đi đến kết luận: “Truyện thơ một mặt kế thừa và phát triển truyền thống tự sự và trữ tình của truyện cổ và thơ ca dân gian, một mặt tiếp thu ảnh hưởng của nền văn hóa bác học và đặc biệt là của văn học bác học Việt. Từ những sự kế thừa và chịu ảnh hưởng về nhiều mặt đó, các nghệ nhân dân gian và các trí thức dân tộc đã sáng tạo nên một thể loại văn học dân gian mới, với nội dung bề thế hơn về dung lượng, với nghệ thuật được trau chuốt và hoàn thiện hơn. Ở một số dân tộc ít người, thể loại truyện thơ đánh dấu bước phát triển mới của văn học dân gian. Nó phản ảnh quá trình vận động, biến chuyển của văn học dân gian các dân tộc ít người, tiến tới tiếp cận và đi dần vào quĩ đạo của nền văn học thành văn của cả cộng đồng dân tộc Việt Nam” [128; 450]. Đây là công trình bề thế, chuyên sâu và sớm nhất về folklore ngôn từ các dân tộc ít người ở Việt Nam. Tiếp nối tư tưởng và những thành tựu của hai công trình bề thế trên, năm 2012 cuốn giáo trình Văn học dân gian do Vũ Anh Tuấn chủ biên đã ra đời. Công trình này được trình bày có hai phần chính: 1) Những vấn đề chung về văn học dân gian; 2) Các thể loại văn học dân gian. Trong đó, truyện thơ thuộc chương 11. Các nhà nghiên cứu đã làm rõ những vấn đề chung về thể loại, phương thức lưu truyền, cung cách diễn xướng và làm nổi bật những nét chính về nội dung, nghệ thuật của truyện thơ dân gian các dân tộc thiểu số. Nhìn chung, các nhà nghiên cứu đều đánh giá: “Truyện thơ dân gian các dân tộc thiểu số là một thể loại đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ, nó là truyện nhưng lại được kể bằng hình thức thơ ca dân gian, với những thể thơ khác nhau tùy thuộc vào truyền thống văn hóa - văn học của mỗi dân tộc” [152; 303 ]. Những luận điểm đưa ra trong cả ba cuốn giáo trình rất xác đáng là tiền để để chúng tôi sử dụng triển khai những nội dung nghiên cứu của mình. Nghiên cứu truyện thơ còn được các học giả thể hiện thành quan điểm, tư tưởng qua những chuyên luận, đặc biệt có ba chuyên luận được nghiên cứu rất công phu và nghiêm túc của Kiều Thu Hoạch, Lê Trường Phát và Vũ Anh Tuấn. Các ông đã nâng những đánh giá, nhận xét thành lí luận về truyện thơ. Đầu tiên, Truyện Nôm - Nguồn
  • 15. 12 gốc bản chất và thể loại của Kiều Thu Hoạch (1993), có thể khẳng định rằng đây là một chuyên luận có ý nghĩa đặc biệt đối với việc nghiên cứu thể loại truyện Nôm ở Việt Nam nói chung và truyện thơ các dân tộc miền núi nói riêng trên cả hai phương diện lí luận và thực tiễn. Tuy nhiên, điều chúng tôi muốn đề cập đến trong công trình này là tác giả đã phát hiện ra những đặc điểm cụ thể về mối quan hệ có tính chất biện chứng giữa truyện Nôm kinh và truyện thơ Tày. Ông đã chỉ ra: quan hệ ấy biểu hiện ở sự tương đồng ở câu mở đầu, câu kết thúc truyện, ở phong cách ngôn ngữ thơ ca pha tạp không thuần nhất, khi thì Hán khi thì Nôm, khi thì bình dân khi thì trang trọng. Và “đáng chú ý là truyện Nôm của người Việt dần dần đã thâm nhập vào cả truyện thơ Tày - Nùng, để tạo nên những truyện thơ mang dáng dấp của truyện Nôm, hay nói đúng hơn là chịu ảnh hưởng của truyện Nôm cả về mặt cấu trúc tư tưởng lẫn cấu trúc nghệ thuật” [54; 104]. Tiếp theo, Đặc điểm thi pháp truyện thơ các dân tộc thiểu số của Lê Trường Phát (1997). Ở công trình này chúng tôi nhận thấy ông đã tiến hành khảo sát theo nhiệm vụ khoa học của mình. Ông nghiên cứu trên 6 truyện thơ Thái và 14 truyện thơ Tày - Nùng. Một điểm khác biệt nổi trội trong chuyên luận này là ông đã đặt truyện thơ các dân tộc thiểu số trong bối cảnh truyện thơ của các nước Đông Nam Á (Lào, Camphuchia, Thái Lan...) để so sánh, phân tích đưa ra các kết luận vừa thú vị vừa mang tính khoa học như: Mô hình kết cấu cốt truyện kết thúc có hậu (với ba chặng: Gặp gỡ - Tai biến - Đoàn tụ) không phổ biến cho kiểu kết cấu cốt truyện của truyện thơ các dân tộc thiểu số trong nền đại hòa sắc tộc của các nước Đông Nam Á. Theo ông thì: “Mô hình kết thúc bi kịch mới là phổ biến, nó có tỉ lệ lấn át có những trường hợp thì cách kết thúc này giữ vị trí độc tôn (100%) như truyện thơ của dân tộc Mường; dân tộc Chăm. Còn riêng với truyện thơ Tày - Nùng theo tác giả khảo sát và kết luận trùng với kết luận của Kiều Thu Hoạch “Kết thúc có hậu chiếm tỉ lệ lấn át” [131; 87]. Ông đã lí giải điều này: Sở dĩ có sự kết thúc khác nhau giữa nhóm truyện thơ Tày - Nùng với truyện thơ Mường - Chăm là do vai trò tham gia sáng tạo của các Nho sĩ, thầy đồ người Việt miền xuôi lên, họ mang theo ảnh hưởng của truyện Nôm Việt vào truyện thơ Tày. Nhưng mục đích quan trọng mà công trình này hướng tới là nhằm khảo sát phương diện về hình thức nghệ thuật, phương diện tạo thành nghệ thuật về mặt thể loại như chính tác giả tự giới hạn. Và sau quá trình 10 năm khảo sát, nghiên cứu một cách công phu đầy tâm huyết, chuyên luận khoa học với đề tài Truyện thơ Tày - Nguồn gốc, quá trình phát triển và thi pháp thể loại của Vũ Anh Tuấn (2004) đã ra đời. Đây là một công trình nghiên cứu một cách hệ thống về nguồn gốc thể loại truyện thơ Nôm Tày dựa trên cơ sở hiện thực xã hội, nguồn gốc nội sinh, ngoại sinh trong quá trình phát triển và tiếp biến của nền văn hóa tộc người. Từ đó, tác giả xác lập quá trình phát triển của truyện thơ Tày, nêu lên giả thiết về lược đồ của quá trình phát triển đó. Sau cùng, tác giả phân tích thi pháp của thể loại truyện thơ Tày qua những đặc
  • 16. 13 điểm thi pháp cấu trúc, nhân vật và lời văn nghệ thuật trong truyện thơ Tày. Công trình này được khá nhiều học giả đánh giá cao và ghi nhận những đóng góp lớn lao của Vũ Anh Tuấn trong nền văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam. Có thể nói, hệ thống lí luận của các tác giả trong các chuyên luận sẽ gợi ý cho chúng tôi nghiên cứu cốt truyện, nhân vật, không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật trong Tum Tiêu và Vượt biển. Cùng nghiên cứu về lí luận truyện thơ từ góc độ văn học nó còn được các học giả quan tâm như: Cuốn Văn hóa Tày Nùng của Lã Văn Lô và Hà Văn Thư (1984) trong chương 3: Văn học nghệ thuật truyền thống, có phần viết về Truyện thơ Nôm khuyết danh, học giả Hà Văn Thư đã liệt kê tên một số truyện thơ Nôm Tày - Nùng khuyết danh như: Slam Péc - Anh Tài, Nam Kim - Thị Đan, Kim Quế, Chim sáo, Khảm hải, Lưu Đài - Hán Xuân, Trần Chu - Quyển Vương, Quảng Tân - Ngọc Lương... Và một số truyện cổ dân gian của người Việt được dịch ra thơ Tày như: Phạm Tải - Ngọc Hoa, Tống Trân - Cúc Hoa. Tiếp đó, tác giả đi đến giới thiệu nội dung một số truyện thơ Nôm khuyết danh Tày - Nùng theo 2 loại: 1) Gồm các truyện có kết cấu đơn giản, đậm tính chất dân gian, thường mượn những cốt truyện dân gian như: Slam Péc - Anh Tài, Nam Kim - Thị Đan; 2) Gồm những truyện có kết cấu phức tạp hơn, trình bày có tình tiết hơn, mang tính tiểu thuyết hơn, như: Lưu Đài - Hán Xuân, Tần Chu - Quyển Vương... Và trong bộ Tổng tập văn học Việt Nam (2000), trọn bộ 42 tập, có chỉnh lí và bổ sung, trong đó tập 39 do nhóm: Đặng Nghiêm Vạn chủ biên; Chu Thái Sơn, Nguyễn Hữu Thấu, Lục Văn Pảo sưu tầm, biên soạn (Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia xuất bản), có giới thiệu 2 tác phẩm của dân tộc Tày là: Pú Lương Quân (chỉ có phần tóm tắt nội dung, tuyển theo bản dịch kể của hai ông Lã Văn Lô và Lê Bình Sự trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 65/1964), truyền thuyết Chín chúa tranh vua dài 1.372 câu (chỉ có phần dịch thơ tiếng Việt, Lã Văn Lô dịch, đã giới thiệu trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 5 và 6/1963). Trong Chữ Nôm Tày và truyện thơ do Triều Ân chủ biên (Trung tâm Nghiên cứu Quốc học xuất bản, 2003). Các tác giả đã bước đầu tìm hiểu thời điểm xuất hiện truyện thơ Nôm Tày và tiến hành phân loại nguồn gốc truyện thơ Nôm Tày. Trong cuốn sách Tử Thư - Văn Thậy do Hà Thị Bình dịch và giới thiệu (Nxb Khoa học Xã hội, 2005). Bên cạnh việc giới thiệu phần phiên âm và dịch thơ truyện Tử Thư - Văn Thậy, tác giả đã tiến hành phân tích một số vần đề về nội dung và một số yếu tố nghệ thuật của loại truyện thơ này. Đặc biệt trong bài viết Dẫn luận mang tiêu đề Quá trình sưu tầm, nghiên cứu truyện thơ các dân tộc thiểu số được in trong Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam, tập 21 sau đó in lại trong cuốn Một nhận thức mới về văn học dân gian Việt Nam của Nguyễn Xuân Kính (Nxb Khoa học Xã hội, 2006) cũng đã phân tích dựa trên những thành tựu của các nghệ nhân, nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu về truyện thơ để có cái
  • 17. 14 nhìn khái quát về tình hình sưu tầm và nghiên cứu truyện thơ. Qua đó, Nguyễn Xuân Kính còn góp phần làm rõ vấn đề “chung quanh các khái niệm “truyện thơ” và ‘truyện thơ các dân tộc thiểu số” [62; 542]. Những luận điểm trên là những gợi ý khá hay để chúng tôi xem xét nghiên cứu về sự hình thành văn bản của Tum Tiêu và Vượt biển. Các công trình nghiên cứu truyện thơ đăng tải trên các tạp chí khoa học, trong đó có thể kể đến: Bài Đọc sách Nôm Tày Tần Chu của tác giả Hiền Lương đăng trên Tạp chí Hán Nôm (số 1/1989). Bài viết Về tác phẩm truyện thơ Tày - Nùng Lưu Đài - Hán Xuân của Nguyễn Minh Tuân, bước đầu giới thiệu tác phẩm Lưu Đài - Hán Xuân thông qua việc tìm hiểu đôi nét về nội dung cơ bản của tác phẩm và một vài đặc điểm của việc sử dụng chữ Nôm Tày trong văn bản. Trong đó, ở phần nội dung của tác phẩm, tác giả bài viết tiến hành khảo cứu khái quát nội dung tác phẩm ba văn bản Lưu Đài - Hán Xuân. Ở phần tiếp theo của bài viết, tác giả nêu một số loại chữ Nôm Tày được sử dụng trong tác phẩm này như: chữ Nôm Tày dùng nguyên chữ và âm Hán Việt, nhưng không dùng đến nghĩa của chữ; chữ Nôm Tày dùng nguyên chữ, âm và nghĩa Hán Việt; chữ Nôm Tày dùng nguyên chữ Hán đọc chệch âm Hán Việt, không dùng theo nghĩa của chữ; chữ Nôm Tày sáng tạo; chữ Nôm Tày dùng nguyên chữ Nôm Việt cả ba mặt chữ - âm - nghĩa; chữ Nôm Tày dùng nguyên chữ Nôm Việt có bị biến đổi về âm đọc... Trong bài viết Về mô hình cốt truyện của truyện thơ các dân tộc thiểu số của Lê Trường Phát đăng trên Tạp chí Văn học (số 7/1997). Đây là một bài viết chuyên sâu về thi pháp truyện thơ các dân tộc thiểu số. Bài viết Tìm hiểu đôi nét về truyện thơ Nôm Tày - Nùng Tọong Tương của tác giả Trần Thị Thu Hường đăng trên Tạp chí Hán Nôm (số 3/2004) lại đi sâu tìm hiểu văn bản truyện thơ Nôm Tày này trên các phương diện: tác giả, văn bản tác phẩm, thể loại, nội dung và giá trị của tác phẩm. Đây là hai bài viết mang tính khảo cứu khá kĩ về hai tác phẩm truyện thơ Nôm Tày - Nùng là Tọong Tương và Lưu Đài - Hán Xuân. Với bài viết Tìm hiểu yếu tố đạo giáo trong một số truyện thơ Nôm Tày - Nùng đăng trên Tạp chí Hán Nôm (số 1/2009), Nguyễn Minh Tuân sơ lược đề cập đến các yếu tố Đạo giáo trong một số truyện thơ Nôm Tày như: Nhân Lăng, Kim Quế, Chiêu Đức, Lưu Đài Hán Xuân, Đính Quân, Quảng Tân Ngọc Lương, Tần Chu. Ở đây, tác giả đã tìm hiểu về cấu trúc, cách thức xây dựng nhân vật; không gian hoạt động của các truyện thơ trên. Qua đó, tác giả cho người đọc thấy rõ hơn tư tưởng độc đáo mà Đạo giáo đã thâm nhập và ảnh hưởng vào truyện thơ Nôm Tày - Nùng. Có thể thấy, truyện thơ Nôm Tày luôn nhận được sự quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu của nhiều học giả trong khoảng thời gian hơn nửa thế kỉ qua. Các công trình trên hầu hết đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng khích lệ, song so với kho tàng truyện thơ Nôm Tày phong phú về số lượng, đa dạng về nội dung thì số lượng truyện thơ Nôm Tày
  • 18. 15 từng được biên dịch mới chỉ chiếm khoảng chưa đầy 1/3 số lượng truyện thơ hiện có. Bên cạnh đó, một phần không nhỏ những truyện thơ đã được biên dịch và công bố có sự lặp lại về số lần xuất bản, số lần tuyển dịch hoặc trích dịch. Do đó, một bộ phận không nhỏ truyện thơ Nôm Tày vẫn còn trong tình trạng nguyên bản, chưa được biên dịch và nghiên cứu. Thêm nữa, phần lớn các bản dịch truyện thơ Nôm Tày thường chỉ cung cấp bản dịch thơ tiếng Việt, một số còn lại được cung cấp thêm cả bản phiên âm tiếng Tày, nhưng những bản in kèm cả nguyên bản chữ viết Nôm Tày là rất ít, trong đó tiêu biểu phải kể đến công trình Tổng tập truyện thơ Nôm các dân tộc thiểu số Việt Nam do Viện Nghiên cứu Hán Nôm tổ chức biên dịch (Nxb Khoa học Xã hội, đã xuất bản được 8 tập). Điều đó phần nào hạn chế giới nghiên cứu tiếp cận một cách đầy đủ với nguồn tư liệu văn học phong phú của người Tày. Từ đó, giúp giới khoa học khai thác được nguồn di sản phong phú và đa dạng không chỉ của riêng người Tày mà của cả nền văn học dân gian Việt Nam thời trung đại. Như vậy, nghiên cứu truyện thơ ở Việt Nam chủ yếu được các học giả trình bày quan điểm, tư tưởng từ góc độ văn học. Nó tập trung vào hai xu hướng: 1) Các công trình tìm hiểu hệ thống lí luận truyện thơ từ khái niệm, đặc trưng, phân loại… Xu hướng này được các học giả trình bày rất rõ trong các cuốn giáo trình, sách chuyên khảo viết về truyện thơ - truyện thơ của các dân tộc thiểu số; 2) Các tác giả đã sử dụng lí thuyết truyện thơ vào phân tích một số những tác phẩm tiêu biểu của các dân tộc và đặt chúng vào những kiểu kết cấu khác nhau trong lòng thể loại truyện thơ. Tuy nhiên, cả hai xu hướng này đều đưa ra được những nhận định, đánh giá khái quát về các tác phẩm truyện thơ song chưa có một công trình nào phân tích một cách kĩ lưỡng về so sánh thi pháp truyện thơ cũng như sử dụng một phương pháp cụ thể để triển khai tìm ra điểm tương đồng và khác biệt của Tum Tiêu và Vượt biển. Đây là khoảng trống để chúng tôi đi sâu nghiên cứu và làm sáng tỏ những nhận định của những người đi trước. 1.1.3. Tình hình nghiên cứu lí luận truyện thơ ở nước ngoài Những đặc điểm về lịch sử, kinh tế, xã hội kết hợp với vốn văn hóa nghệ thuật của dân tộc chính là tiền đề cho sự ra đời của một thể loại văn học mới ở Đông Nam Á: đó là truyện thơ. Truyện thơ là một thể loại văn chương truyền thống đã xuất hiện từ lâu trong nền văn học các dân tộc khu vực Đông Nam Á. Hơn nữa, truyện thơ còn là một thể loại độc đáo mang tính loại hình của văn học khu vực và được các cư dân vùng Đông Nam Á hết sức ưa chuộng. Chính vì vậy, trong tiến trình lịch sử văn học các dân tộc Đông Nam Á, truyện thơ đã được nhiều học giả nước ngoài quan tâm chủ yếu theo hướng nghiên cứu từ góc độ văn học Lịch sử Đông phương học thế giới đã ra đời từ thế kỉ XVII. Có những trung tâm lâu đời nghiên cứu phương Đông nằm ở các nước Tây Âu như Pháp, Hà Lan, Liên Xô
  • 19. 16 cũ và sau này có Mĩ, Úc. Các trung tâm này hiện còn lưu giữ rất nhiều tài liệu và văn bản quí về các lĩnh vực của phương Đông. Tuy nhiên, văn học các nước Đông Nam Á thực sự được nghiên cứu vào những năm 50 của thế kỉ XX. Từ năm 1960 trở về trước thì Đông phương học Xô Viết chỉ chú ý đến các nền văn học lớn ở phương Đông mà chưa chú ý đáng kể đến các nền văn học Đông Nam Á. Trong thời kì sau Đông phương học Xô Viết về văn học đã cho ra đời một bộ sách mang tên Văn học phương Đông (gồm 23 cuốn sách viết về 23 nền văn học dân tộc ở phương Đông, trong đó có các cuốn: Văn học Indonesia (1965) của V. Sicorski, Văn học Philippines (1965) của Santos; Văn học Miến Điện (1967) của G. Pôpốp; Văn học Thái Lan (1971); Văn học Việt Nam (1972) của Niculin. N.I. Đây là tập sách công phu viết về văn học trong đó đã có những đánh giá quan trọng viết về truyện thơ. Nó đánh dấu một bước tiến rõ rệt và quan trọng trong nghiên cứu văn học Đông Nam Á ở Liên Xô cũ. Năm 1958, Viện Văn học thế giới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô có nhóm chuyên môn nghiên cứu quan hệ qua lại giữa các nền văn học phương Đông và phương Tây. Năm 1961, Viện phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô đã lập ra một bộ phận chuyên nghiên cứu văn học và văn bia các dân tộc ở Châu Á. Và các nền văn học dân tộc ở khu vực Đông Nam Á được coi là các thành viên của văn học phương Đông. Các chuyên gia các nền văn học Đông Nam Á đã tham gia bàn bạc về văn học phương Đông cùng với các chuyên gia văn học khác ở Liên Xô. Họ đã có những bài nghiên cứu về văn học Đông Nam Á. Về truyện thơ không thể không nói đến công trình nghiên cứu năm 1972 của Niculin. N.I là Văn học Việt Nam trong đó ông có hẳn chuyên đề nghiên cứu về Truyện Kiều, Hồ Xuân Hương. Trong đó, ông đã khẳng định: “Truyện thơ bắt nguồn từ văn học dân gian, với tư cách là những thể loại, chúng tạo thành một bộ phận tiêu biểu đặc biệt cho thơ ca Việt Nam” [99; 11]. Hay khi ông so sánh truyện thơ của Việt Nam với truyện thơ của các nước trong khu vực và lân cận, ông cũng đưa ra những đánh giá rất sắc sảo: “Truyện thơ đã làm cho văn học của Việt Nam khác hẳn với truyền thống ở Viễn Đông mà nó gắn bó mật thiết. Những nền văn học đó không hề biết đến những tác phẩm truyện thơ dài. Về mặt này văn học Việt Nam gần gũi với các nền văn học của các dân tộc khác ở Đông Nam Á (Campuchia, Thái Lan, Lào, Malaixia) cũng như các dân tộc sống trên lãnh thổ Việt Nam” [99; 11]. Có thể thấy, tác giả đã có những đánh giá bước đầu về truyện thơ nói chung và đi vào khai thác từng tác phẩm cụ thể nói riêng là những đóng góp vô cùng quí báu để các nhà nghiên trong nước tìm hiểu sâu hơn nữa tài sản văn học của dân tộc. Ở nước ngoài, các học giả khi nghiên cứu về truyện thơ đều có những nhận xét, đánh giá sâu sắc và viện dẫn Truyện Kiều làm dẫn chứng cụ thể. Quan điểm này thể hiện trong các công trình Những vấn đề văn học của Bakhtin. M (1975). Ông đã đưa ra
  • 20. 17 những nhận xét rất sắc bén: “Nguyễn Du đi sâu khám phá nội tâm nhân vật, cái cá biệt không lặp lại của không gian và thời gian” (Dẫn theo Trần Đình Sử) [143; 224]. Trong công trình Thi pháp văn học Nga cổ của Likhachev. D.X (1978) thì ông cũng có những đánh giá, nhận xét so sánh văn học Nga cổ với tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du ở Việt Nam: “Nguyễn Du đã thể hiện được quan niệm thời gian hiện tại của tiểu thuyết, là thời gian hiện tại chưa hoàn thành, đang diễn ra đầy phấp phỏng và chờ mong” [77; 29]. Đây là một công trình chuyên sâu và đã có những đánh giá sâu sắc về Truyện Kiều. Quan điểm trên còn thể hiện sâu sắc ở bài viết Sự phát triển của truyền thống trong văn học dân gian, văn học loại hình trung đại và vai trò của các mối liên hệ qua lại trong quá trình này trong công trình Cái truyền thống và cái mới trong văn học Đông Nam Á của Viện sĩ Riptin. B.L (1982) một nhà nghiên cứu nổi tiếng về văn học phương Đông. Ông đã đưa ra những ý kiến đánh giá đúng vị trí và công lao to lớn của Nguyễn Du: “Khi Bakyn - nhà tiểu thuyết Nhật Bản dựa vào cốt truyện để sáng tạo ra tiểu thuyết đạo đức Con cá vàng thì Nguyễn Du sáng tác ra cả một truyện thơ” (Dẫn theo Trần Đình Sử) [143; 39]. Dựa trên tình hình nghiên cứu ở nước ngoài, chúng tôi nhận thấy, các công trình của các học giả trên thế giới nhìn chung đã chỉ ra được những giá trị nổi bật của truyện thơ và tầm quan trọng của nó trong phạm vi nghiên cứu về truyện thơ ở khu vực Đông Nam Á nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Nghiên cứu khu vực văn học Đông Nam Á nằm trong Đông phương học của nhiều nước trên thế giới như của Liên Xô cũ, của Pháp… Kết quả nghiên cứu của các trung tâm khoa học, của các nhà khoa học về thể loại truyện thơ với nhiều cách đánh giá khác nhau. Mỗi cách đánh giá đó đều có hạt nhân hợp lí nhưng bên cạnh đó cũng còn những đánh giá phiếm diện, góp phần không nhỏ giúp chúng tôi có những cách lí giải cụ thể, thấu đáo về tính thể loại truyện thơ ở khu vực Đông Nam Á. 1.2. Tổng quan tình hình nghiên cứu hai truyện thơ Tum Tiêu và Vượt biển 1.2.1. Hướng nghiên cứu Tum Tiêu và Vượt biển từ góc độ văn học 1.2.1.1. Hướng nghiên cứu Tum Tiêu từ góc độ văn học Từ thế kỉ XVII trở đi nền văn học viết của Campuchia đã đạt đến đỉnh cao, với sự xuất hiện hàng loạt các thể loại văn học khác nhau như: Sastra Ibaen, chơbắp, truyện bằng văn xuôi… “Sastra Ibaen là truyện bằng thơ. Đây là thể loại hàng đầu của văn học Khơme, được các nhà thơ ưa chuộng và sử dụng thành thạo” [30; 569]. Bởi vậy, trong kho di sản của nền văn học của Campuchia nói chung và truyện thơ nói riêng thì Tum Tiêu là một truyện thơ đặc biệt được ưa chuộng. Văn bản này đã được các nhà nghiên cứu Campuchia và nước ngoài quan tâm đến nguồn gốc câu chuyện, tác giả, nội dung và hình thức của tác phẩm, tiêu biểu là hai cuốn Nghiên cứu Văn học Khơme của Lí Thêm Têng (1959) và Nghiên cứu Tum Tiêu của Úc Xa Mon (1966). Còn hầu
  • 21. 18 như các học giả của Campuchia khi viết về Tum Tiêu trong công trình nghiên cứu của mình thì vẫn còn còn dè dặt, do dự về ý nghĩa giáo dục và giá trị văn học của tác phẩm này. Họ chưa đặt Tum Tiêu vào đúng vị trí xứng đáng của nó trong nền văn học dân tộc Campuchia như trong cuốn: Lịch sử văn học Khơme của Khum Xò Mâu (1956); cuốn Suy nghĩ về văn học Khơme của Ken Van Sắc (1969); cuốn Suy nghĩ về văn học Khơme của Vandy Kaon (1981). Với vị trí và giá trị to lớn, Tum Tiêu được các học giả nước ngoài biết đến và giới thiệu về văn học Campuchia như trong các công trình của học giải Pháp: Solange Bernard Thierry, Pierre Bitard, Georges Coedès, Francoins Martini, Guy Porée, Etienne Aymonier, Auguste Pavie… Tuy nhiên, trong các công trình này thì tác phẩm chỉ được giới thiệu một cách sơ lược và khái quát về giá trị nội dung. Trong những năm gần đây trong sách giáo khoa trung học của Campuchia mang tên Riêm Kê và Tum Tiêu của Bộ giáo dục Campuchia (1988) mới khẳng định vị trí và vai trò quan trọng của tác phẩm Tum Tiêu trong nền văn học Campuchia. Đối với các học giả Việt Nam, Tum Tiêu là tác phẩm được quan tâm và biết đến từ rất sớm. Trong hướng nghiên cứu Tum Tiêu từ góc độ văn học thì ở phần giới thiệu cuốn sách dịch các học giả đã nói về giá trị, những thành tựu nổi bật ở phương diện nội dung, nghệ thuật của Tum Tiêu và khẳng định: “Với Tum Tiêu, văn học đã có được vị trí riêng của mình, nó vừa là đỉnh cao, vừa là điểm kết thúc của cả một truyền thống văn học Campuchia” [83; 8]. Theo quan điểm này có Phạm Thành Trục (1966); Thái Văn Chải (1972) và Phùng Huy Thịnh (1987). Tuy nhiên, những nhận xét, đánh giá đó vẫn chỉ dừng lại ở mức độ chung chung chưa toát lên được nội dung sâu sắc và giá trị nghệ thuật mà Tum Tiêu mang lại. Ngoài phần phân tích và giới thiệu Tum Tiêu đến độc giả thì tác giả đầu tiên cần phải kể đến là Vũ Tuyết Loan, trong cuốn Riêm kê và Tum Tiêu trong văn học Campuchia (Nxb Văn học, 1992). Đồng thời, bài viết này in lại và bổ sung thêm kiến thức trong cuốn Văn học Campuchia qua những chặng đường lịch sử (Nxb Khoa học Xã hội, 2000). Đây là những công trình mà tác giả đã phân tích làm rõ nội dung phản ánh và nghệ thuật của tác phẩm. Đặc biệt, khi nghiên cứu chuyên sâu về Tum Tiêu tác giả đã trình bày quá trình chuyển biến và phát triển của văn học Campuchia từ thế kỉ IX đến thế kỉ XX qua hai tác phẩm tiêu biểu Riêm Kê và Tum Tiêu. Trong chương II viết về Tum Tiêu nhà nghiên cứu đã đi sâu làm rõ tình hình văn bản của Tum Tiêu thì: “Theo các nhà nghiên cứu, Tum Tiêu đến được tay bạn đọc ngày nay đã trải qua một lịch sử văn bản khá phức tạp” [82; 80]. Tác giả tiếp tục đưa ra những văn bản khác nhau nhưng cuối cùng khẳng định: “Về cơ bản, Bôtum Mắtthê Xôm là người có công lớn nhất trong việc nhuận sắc, hoàn chỉnh tác phẩm Tum Tiêu, đã nâng cao giá trị của tác phẩm, nhất là về phương diện nghệ thuật” [82; 86]. Tác giả đã khai thác sâu các giá
  • 22. 19 trị trong văn bản của Tum Tiêu về nhân vật; đề tài tình yêu, tôn giáo; giá trị hiện thực của tác phẩm; ngôn ngữ; thể thơ…. một cách khá rõ nét. Từ đó, đưa ra những nhận định khái quát về tác phẩm: “Có thể nói Tum Tiêu là một tác phẩm văn học đích thực đầu tiên đã mô tả cuộc sống thực xẩy ra trong khung cảnh xã hội Campuchia. Trong Tum Tiêu bắt đầu lóe lên nhu cầu tình cảm của con người cận hiện đại: tự do yêu đương, được hưởng hạnh phúc tình yêu. Tum Tiêu cũng đòi hỏi phải khám phá, phải thể hiện cho được những vấn đề của cuộc sống con người, của xã hội hiện thực” [82; 113 - 114]. Đây là những đánh giá sắc sảo và có tầm khái quát rộng bao trùm toàn bộ tác phẩm. Vì thế nó là nguồn tư liệu quí giúp chúng tôi triển khai tiếp đề tài luận án. Đồng quan điểm với tác giả Vũ Tuyết Loan, Đỗ Thu Hà trong công trình Văn học khu vực Đông Nam Á, Đức Ninh chủ biên (Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2000 tái bản) cũng có bài viết về Tum Tiêu. Ở đây, nhà nghiên cứu cũng đã phân tích và làm rõ Tum Tiêu trên một số phương diện nội dung và nghệ thuật: “Lời lẽ cũng như hình ảnh trong Tum Tiêu đã lên tới đỉnh cao về nghệ thuật đầy nhạc tính và chứa đựng những hình ảnh đặc sắc” [102; 147]. Về cơ bản, đây là một công trình nghiên cứu nghiêm túc đã chỉ ra và khẳng định được vị trí của Tum Tiêu trong nền văn học Campuchia. Thêm nữa, nghiên cứu nội dung và nghệ thuật Tum Tiêu còn phải kể các công trình đăng trên các tạp chí như: Vũ Tuyết Loan có hai bài báo: Truyện Tum Tiêu và vị trí của nó trong văn học Campuchia (Tạp chí Văn học, số 4/1984) và Đặc sắc trong văn học truyền thống Campuchia qua nội dung truyện Tum Tiêu (Tạp chí Văn học, số 5/1992); Nguyễn Sỹ Tuấn có bài Bàn thêm về giá trị của Tum Tiêu trong nền văn học Campuchia (Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 5/2010)… Hướng nghiên cứu Tum Tiêu dưới góc độ văn học đã được các học giả quan tâm. Có hai xu hướng: 1) Các công trình phân tích giá trị nội dung, nghệ thuật nằm rải rác trong các sách giáo trình, chuyên khảo. Nhưng những nhận định, đánh giá cũng chỉ đề cập đến một bình diện nào đó và vẫn dừng ở cấp độ khái quát; 2) Khai thác nội dung và nghệ thuật từ mối tình của Tum Tiêu và nâng lên thành quan điểm riêng tác giả muốn gửi gắm đến độc giả. Điều đáng chú ý là trong quá trình chứng minh cho sự kết hợp hài hòa giữa nội dung và nghệ thuật ở góc độ nghiên cứu văn học thì những phát hiện tinh tế về kết cấu cốt truyện, nhân vật tuy mới chỉ dừng lại ở những nhận định khái quát, song sẽ là những ý kiến quí báu cho chúng tôi trong quá trình triển khai đề tài. 1.2.1.2. Hướng nghiên cứu Vượt biển từ góc độ văn học Truyện thơ Vượt biển đã được các nhà nghiên cứu quan tâm từ những năm 60 của thế kỉ trước. Điều đó càng khẳng định giá trị của nó trong kho tàng văn học của người Tày. Cụ thể: Căn cứ vào nội dung và ý nghĩa câu chuyện mà các nhà nghiên cứu đã xếp Vượt biển vào những nhóm truyện thơ viết về đề tài nghèo khổ. Quan điểm này thể hiện rất
  • 23. 20 rõ trong công trình Văn học các dân tộc thiểu số ở Việt Nam của Phan Đặng Nhật (1981). Ở đây, ông đã đánh giá và phân tích từ cốt truyện Vượt biển đến ý nghĩa mà tác phẩm mang lại đối với người đọc: “Hai bi kịch lớn của cuộc đời Sa dạ Sa dồng trong truyện thơ Vượt biển, tiêu biểu cho những bi kịch của con người bị áp bức bóc lột dưới chế độ cũ, trong phạm vi gia đình và xã hội, cõi sống và cõi chết” [110; 221]. Điều này khiến độc giả hình dung một cách cụ thể và chi tiết về người nghèo miền núi sống trong xã hội phong kiến: “Rất cụ thể, sâu sắc mà cũng có giá trị khái quát từ cuộc đời của một con người mà động đến nhiều kiếp người. Lời lẽ chân thành thống thiết như là dòng máu đau thương trào ra tự trái tim người thuật chuyện đời mình” [110; 243]. Căn cứ vào nguồn gốc ra đời lại xếp Vượt biển thuộc nhóm truyện thơ phục vụ nghi lễ dân gian. Quan điểm này thể hiện rất rõ trong cuốn giáo trình Văn học dân gian các dân tộc ít người của Võ Quang Nhơn (1983). Trong giáo trình này, ông đã phân tích rõ nội dung mà truyện thơ Vượt biển muốn truyền tải: “Vấn đề mà Khảm hải nêu lên là vấn đề gì? Đó là vấn đề của những con người nghèo khổ có thể nói thuộc lớp tận cùng xã hội nông thôn Tày Nùng” [128; 424]. Từ đó, ông đã khái quát tư tưởng mà người Tày muốn gửi gắm vào nó: “Bằng những nét sắc gọn truyện thơ Vượt biển (Khảm hải) đã vẽ lên thân phận bị đày ải cùng cực, bị rẻ rúng như bèo bọt của người phu thuyền tượng tựng cho người nghèo khổ cực nhất trong xã hội cũ của các dân tộc anh em” [128; 426]. Như vậy, ông đã cho người đọc thấy được sự phân tích cụ thể, tỉ mỉ khi đặt ra những vấn đề trọng tâm và giải quyết thấu đáo vấn đề đó là sự áp bức, khổ cực của những người nông dân Tày trong xã hội xưa. Căn cứ vào nguồn gốc, quá trình phát triển và thi pháp thể loại thì Vượt biển được phân tích và làm rõ về cốt truyện, nhân vật và lời văn nghệ thuật như trong công trình cuốn Bước đầu tìm hiểu về vốn văn nghệ Việt Bắc (của Sở văn hóa thông tin Việt Bắc) của Nông Minh Châu (1974). Ở đây, Nông Minh Châu đã nghiên cứu và đưa ra những nhận định của về Vượt biển khi coi đó là một tác phẩm văn học cổ chính hiệu của dân tộc Tày. Xét một cách tổng thể thì đó cũng chỉ là một nghiên cứu nhỏ chưa làm rõ được hết giá trị của tác phẩm. Quan điểm này thực sự hoàn thiện trong công trình Truyện thơ Tày - Nguồn gốc, quá trình phát triển và thi pháp thể loại của Vũ Anh Tuấn. Đây là một công trình công phu, bề thế khi phân tích Vượt biển ở góc độ văn học đích thực. Tuy nhiên, ông lại xếp Vượt biển thuộc loại truyện thơ trữ tình tự sự: “Khác với quan niệm trước đây, chúng tôi không quan niệm Vượt biển là truyện thơ tự sự trữ tình. Vượt biển là truyện thơ trữ tình tự sự, toát lên từ đặc điểm cấu trúc của nó, và tất nhiên từ lời văn nghệ thuật của tác phẩm, từ cung cách xây dựng nhân vật chính” [151; 145]. Quan điểm này của ông sẽ là tiền đề để chúng tôi đối chiếu khi phân tích và so sánh về bình diện cốt truyện của Vượt biển.
  • 24. 21 Như vậy, truyện thơ này với tính chất độc đáo, vừa là một tác phẩm văn học dân gian có giá trị, vừa là một tôn giáo bản địa nên đương nhiên được nghiên cứu nhiều. Về cơ bản chúng tôi thấy, Vượt biển được các học giả quan tâm trên hai phương diện: 1) Các công trình nói chung khai thác giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm nhưng những nhận định, ý kiến đưa ra ở một vài bình diện vẫn còn ở tầm khái quát, chung chung; 2) Các tác giả chủ yếu đi sâu và làm rõ thông qua cốt truyện này để phản ánh hiện thực xã hội Tày - Nùng xưa kia. Nhìn chung, các nghiên cứu đều nên nhận định khái quát về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Tuy nhiên, chưa có một công trình nào đi sâu phân tích một cách chi tiết những vấn đề về từng bình diện thi pháp của Vượt biển và so sánh những bình diện thi pháp này với truyện thơ Tum Tiêu. Dựa trên những ý kiến đánh giá của những công trình đi trước sẽ là nguồn tài liệu quí báu để chúng tôi có thể lấp đầy khoảng trống này. 1.2.2. Hướng nghiên cứu Tum Tiêu và Vượt biển từ góc độ tôn giáo 1.2.2.1. Hướng nghiên cứu Tum Tiêu từ góc độ tôn giáo Từ thế kỉ XV trở đi, khi đạo Phật Tiểu thừa trở thành quốc giáo với những giáo lí thấm sâu vào tiềm thức của người dân Campuchia. Và Bôtum Mắtthê Xôm là một nhà sư nên Tum Tiêu được ông nhuận sắc lại cũng chịu những ảnh hưởng của hệ tư tưởng Phật giáo đó. Vì vậy, Tum Tiêu còn được các nhà nghiên cứu quan tâm từ góc độ tôn giáo. Quan điểm này được thể hiện trong công trình Tìm hiểu lịch sử văn hóa Campuchia của Vũ Tuyết Loan (tập 2, Nxb Khoa học Xã hội, 1994) có bài viết Ảnh hưởng của Phật giáo vào văn học Campuchia đã đánh giá: “Một điều chắc chắn rằng tư tưởng, triết học Phật giáo đã góp một phần quan trọng làm nên giá trị bất tử... đặc biệt là tác phẩm nổi tiếng Tum Tiêu” [190; 91]. Đây là một công trình nghiên cứu sâu về sự ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo vào nền văn học Campuchia. Vũ Tuyết Loan đã cho chúng ta thấy cái nhìn toàn cảnh nền văn học từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX khi Phật giáo trở thành quốc giáo ở đất nước Chùa tháp. Tư tưởng Phật giáo thấm nhuần vào đời sống người dân và tư tưởng đó đi vào văn học để mang tính giáo huấn. Tum Tiêu là tác phẩm do tầng lớp sư sãi sáng tác và hoàn thiện hơn cả là nhà sư Bôtum Mắtthê Xôm. Bởi vậy, tính giáo huấn, răn dạy trong đạo Phật thấm nhuần vào tác phẩm. Xét ở góc độ này thì Tum Tiêu là một tác phẩm thuộc về Phật giáo. Đồng quan điểm với tác giả Vũ Tuyết Loan trong công trình Văn học so sánh - lí luận và ứng dụng (Nxb Khoa học Xã hội, 2001) có bài viết Suy nghĩ về vai trò của văn học dân gian trong văn học Đông Nam Á lục địa của Phan Ngọc. Trong bài viết này, ông đã đưa ra ý kiến: “Các tác phẩm dù là Kinh Phật cũng đều xây dựng trên thơ, có thể trình diễn và cho đến nay tính hỗn đồng ấy không mất đi. Người sáng tác Tum Tiêu có thể chỉ nghĩ đến mặt thơ ca, nhưng tôi đã thấy ở Campuchia tác phẩm này được
  • 25. 22 trình diễn có múa hát, tức là mang tính hỗn đồng và quần chúng say mê hình thức hỗn đồng này” [123; 554]. Bài nghiên cứu này một lần nữa khẳng định sự trường tồn của tư tưởng Phật giáo trong sâu thẳm tâm hồn người dân Campuchia. Hơn nữa, Phan Ngọc đã đưa ra một đóng góp mới khi nhìn nhận Tum Tiêu trong đời sống của người dân Campuchia. Quan điểm này còn được thể hiện trong tập bài giảng chuyên đề Truyện thơ Đông Nam Á của Trần Thúc Việt (2011). Ông cũng đưa ra ý kiến khẳng định rằng: “Ở Campuchia, đất nước hình thành sớm ở Đông Nam Á, tiếp nhận ảnh hưởng Ấn Độ sớm với bản tính của cư dân ưa ca hát, hội hè suốt chiều dài lịch sử phát triển, nền văn học truyền thống của quốc gia này đã có một số lượng truyện thơ rất lớn” [182; 18]. Ở đây, Trần Thúc Việt đã khẳng định và đề cao truyện thơ đã bám rễ sâu vào trong tiềm thức và văn học truyền thống của người Khơme Campuchia. Từ đó, nó hun đúc nên tâm hồn con người và khuyên con người phải sống, làm theo những giáo lí nhà Phật còn nếu đi ngược lại sẽ nhận quả đắng như kết thúc truyện Tum Tiêu. Như vậy, hướng nghiên cứu Tum Tiêu ở góc độ tôn giáo được các học giả Việt Nam quan tâm nhiều. Tiếp cận ở góc độ này, chúng tôi nhận thấy, các học giả tập trung vào hai khía cạnh chủ yếu: 1) Xem Tum Tiêu là một tác phẩm văn học chứa đựng hệ thống giáo lí Phật giáo với các vấn đề thuộc về nhân sinh mang tầm triết học; 2) Thông qua chuyện tình Tum và Tiêu đi ngược giáo lí nhà Phật để khuyên răn các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ nên có cách ứng xử hợp lí hơn trong tình yêu và các mối quan hệ xã hội. Có thể nói, những ý kiến về Tum Tiêu được soi chiếu từ góc độ tôn giáo sẽ là những gợi ý cho chúng tôi nghiên cứu về cốt truyện, nhân vật, không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật thể hiện trong tác phẩm. 1.2.2.2. Hướng nghiên cứu Vượt biển từ góc độ tôn giáo Căn cứ vào nguồn gốc hình thành văn bản thì Vượt biển là một văn bản thuộc loại hình văn chương nghi lễ được các ông Then hát - kể trước ban thờ, nên ít nhiều khoác trên mình những tính chất linh thiêng thần bí. Họ vừa mong muốn có một lực lượng siêu nhiên che chở, cứu vớt cuộc đời họ ra khỏi bể khổ cuộc đời, lại vừa để siêu thoát cho những kiếp người dưới đáy xã hội đã phải chịu cảnh đọa đầy. Quan điểm này được thể hiện rõ trong cuốn Lời hát Then của Dương Kim Bội (1975) đã hoàn thiện và ra mắt độc giả. Đây được coi là cuốn sách đầu tiên giới thiệu về lời hát Then dưới dạng nguyên bản tiếng Tày. Tác giả đã cho rằng “người chèo thuyền rất sướng chứ không khổ” [9; 54]. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một văn bản đã được tác giả sưu tầm trong dân gian và ở một phương diện nào đó nó có giá văn hóa văn nghệ. Nghiên cứu tôn giáo bản địa của người Tày, phải kể đến công trình Mấy vấn đề Then Việt Bắc có bài viết với tựa đề Bước đầu tìm hiểu những yếu tố hiện thực sinh hoạt và yếu tố tín ngưỡng nghi lễ của Lê Chí Quế (1978) sau đó được in lại trong cuốn
  • 26. 23 Văn hóa dân gian khảo sát và nghiên cứu (2001). Bằng những luận điểm và luận cứ có tính khoa học, Lê Chí Quế đã làm nổi bật được giá trị Vượt biển khi nghiên cứu trong sinh hoạt nghi lễ: “Hiện thực sinh động nhất, có khả năng cuốn hút người nghe nhiều nhất là những đoạn then kể về những tai ương… những cái đáy sâu thẳm chứa đựng những nỗi cay cực của con người Tày - Nùng xưa kia và cảnh xuôi Sluông, cuộc đời oan khuất, gian truân của Sa dạ Sa dồng vốn đã có cội nguồn từ sự bất hạnh của những đứa em út khi mới hình thành gia đình phụ quyền” [140; 43]. Đưa ra luận điểm và viện dẫn cho yếu tố hiện thực sinh hoạt trong Then, tác giả đã giúp chúng tôi có cái nhìn xác đáng hơn khi nghiên cứu không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật của tác phẩm trong đời sống. Nhưng đây cũng chỉ là một bài nghiên cứu khái quát một vài khía cạnh về sinh hoạt, tín ngưỡng nghi lễ trong Then nói chung chứ chưa nghiên cứu hoàn chỉnh, cụ thể Vượt biển trong môi trường sống. Nghiên cứu Vượt biển ở góc độ tôn giáo được các học giả phát triển và nâng nó lên một tầm cao mới khi đưa ra những bình luận, đánh giá, nhận xét như cuốn Then Tày Đăm do Phạm Tuất sưu tầm (2004). Ở đây, trong phần đầu giới thiệu sách ông đã phác họa lại một cách tỉ mỉ, chi tiết về con đường hình thành nghi lễ Then của người Tày và ảnh hưởng của Then thấm nhuần vào từng câu chữ của văn bản. Nhưng đỉnh cao và hoàn thiện khi nghiên cứu Vượt biển ở góc độ tôn giáo phải kể đến công trình Then Tày của Nguyễn Thị Yên (2007). Trong công trình này tác giả chủ yếu nhìn nhận, đánh giá vị trí, vai trò và giá trị của Vượt biển trong đại nghi lễ Then. Căn cứ vào hình thức diễn xướng và nội dung mà Vượt biển thể hiện thì truyện thơ này mang nặng yếu tố tôn giáo và thấm đượm chất trữ tình tự sự. Những ý kiến, đánh giá của các nhà nghiên cứu khi khai thác các giá trị mà Vượt biển mang lại ở góc độ tôn giáo bản địa. Mặc dù thống nhất với nhau về quan điểm song mỗi tác giả nghiên cứu kể trên lại có những ý kiến khác nhau, chủ yếu tập trung vào hai vấn đề: 1) Xem Vượt biển là một chương trong khúc hát Then. Đồng thời, đó cũng là một thứ tôn giáo bản địa của người Tày - Nùng vùng núi phía Bắc. Khúc hát này chứa đựng những giá trị độc đáo khác với những chương hát khác ở nghệ thuật biểu diễn của ông Then, nội dung phản ánh đến người đọc; 2) Các hướng nghiên cứu tập trung vào khai thác giá trị đích thực mà Then mang lại. Những lí tưởng mà Then mang lại không chỉ có ý nghĩa trong quá khứ, hiện tại mà cả trong tương lai khi cuộc sống con người ngày càng trở nên bấp bênh và bị đe dọa bởi những hiểm họa trong cuộc sống. Việc nghiên cứu Vượt biển ở góc độ tôn giáo của các tác giả đều cho thấy tác phẩm này ảnh hưởng lên mọi mặt trong đời sống của cư dân người Tày. Những ý kiến trên đã cung cấp cho chúng tôi những kiến thức nền tảng để chúng tôi nghiên cứu vấn đề của mình.
  • 27. 24 Như vậy, ở cả Tum Tiêu và Vượt biển khi nghiên cứu từ góc độ văn học thì các nhà nghiên cứu đều rất chú ý tới mối quan hệ hữu cơ xuyên thấm giữa nội dung và hình thức, đặc biệt là khả năng biểu hiện nội dung của hình thức nghệ thuật, tức là đã chú ý tối đa đến tính hợp lí trong cách thức tổ chức tác phẩm. Ở góc độ tôn giáo, cả hai tác phẩm đều mang những nét đặc trưng riêng của từng tôn giáo ở mỗi quốc gia: Tum Tiêu - Phật giáo, Vượt biển - Then (tôn giáo bản địa). Những phát hiện tinh tế trong nội dung, nghệ thuật và tôn giáo trong Tum Tiêu và Vượt biển ở các công trình nghiên cứu nói trên không chỉ góp phần chứng minh giá trị to lớn của tác phẩm mà còn có tác dụng gợi mở để chúng tôi đi vào khám phá nghệ thuật tổ chức cốt truyện, nhân vật, không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ tiến hành so sánh hai tác phẩm này trên các bình diện của thi pháp vừa nêu. Tiểu kết chương 1 Trên cơ sở tìm hiểu lí luận truyện thơ, tìm hiểu việc nghiên cứu Tum Tiêu và Vượt biển, chúng tôi nhận thấy: hầu hết các tác giả đã nhận ra tầm quan trọng và tầm ảnh hưởng của hai tác phẩm này trong nền văn học dân tộc và vị trí của nó trong lòng thể loại văn học Đông Nam Á. Qua khảo sát tình hình nghiên cứu Tum Tiêu và Vượt biển, có thể khẳng định, những công trình nghiên cứu truyện thơ ở nước ngoài, nghiên cứu Tum Tiêu ở Campuchia và Vượt biển ở Việt Nam cho chúng ta thấy cái nhìn tổng thể về tình hình nghiên cứu lí luận truyện thơ nói chung và hai tác phẩm này ở hai quốc gia nói riêng. Tuy nhiên, để triển khai đề tài người viết có cơ hội tiếp thu những ý kiến đánh giá, nhận xét trong các công trình của các nhà nghiên cứu đi trước. Chúng tôi rút ra những nhận xét, đánh giá như sau: Một, các công trình nghiên cứu ở Việt Nam và nước ngoài chủ yếu tập trung nghiên cứu từ hai góc độ văn học và tôn giáo. Cụ thể, đây là những đặc trưng nghệ thuật, quan niệm thẩm mĩ, quan điểm nghệ thuật của Bôtum Mắtthê Xôm và tác giả dân gian Tày. Qua đó, chúng tôi thấy rõ việc sử dụng các thủ pháp nghệ thuật ở một số bình diện khác nhau để làm nổi bật, ở Tum Tiêu là: Tình yêu tự do cá nhân và tố cáo xã hội phong kiến quân chủ chuyên chế khắc nghiệt; Hệ tư tưởng và giáo lí Phật giáo khuyên răn con người. Còn Vượt biển là: Phản kháng chế độ bất công trong xã hội Tày cổ; Vấn đề tôn giáo kết hợp với loại hình diễn xướng Then. Hai, một số công trình nghiên cứu đã bước đầu tìm hiểu cách thức tổ chức tác phẩm ở hai cấp độ, cấp độ hình tượng và cấp độ trần thuật (cốt truyện, nhân vật, không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật, ngôn ngữ, thủ pháp nghệ thuật…). Tuy nhiên, vấn đề này mới được thực hiện và khai thác với tư cách là “phương tiện” để làm nổi bật nội dung của tác phẩm, cụ thể: 1) Về cốt truyện thì các yếu tố nghệ thuật tổ chức cốt truyện mới chỉ nghiên cứu ở phương diện tóm tắt và tìm hiểu nội dung câu chuyện trên cơ sở phân tích nội dung và nghệ thuật chưa khai thác sâu những yếu tố tự sự,
  • 28. 25 phương thức trữ tình và mô hình cấu trúc mô hình “bi kịch”. Đặc biệt là kiểu cốt truyện tâm lí, cốt truyện lồng trong truyện với các biểu tượng và thủ pháp nghệ thuật thì chưa được đề cập đến. Vì thế, các công trình nghiên cứu chưa làm nổi bật được cách thức tổ chức cốt truyện độc đáo gắn với kiểu mô hình “kết thúc bi kịch” thể hiện trong hai tác phẩm trên; 2) Về nghệ thuật xây dựng nhân vật đã được các nhà nghiên cứu chú ý ít nhiều, nhưng mới chỉ dừng lại ở một số thủ pháp kĩ thuật xây dựng nhân vật mà chưa chú ý đến việc xây dựng một hệ thống nhân vật từ tiểu sử đến các mối quan hệ xung quanh với tất cả chiều sâu và chiều rộng của nội dung tác phẩm để thấy nhân vật thoát khỏi kiểu nhân vật chức năng hướng đến kiểu nhân vật loại hình với mô hình nhân vật tâm lí duy mĩ, duy tình trong dòng chảy của văn học, văn hóa Campuchia và Việt Nam; 3) Về không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật các nhà nghiên cứu cũng nói đến nhưng còn ở mức độ khái quát, chung chung chưa đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với nhau, chưa nói rõ không gian và thời gian cụ thể và ảnh hưởng của những yếu tố nào chi phối tới nó và môi trường sống của nó trong đời sống sinh hoạt của con người trong nền văn hóa chung của đất nước Campuchia và Việt Nam. Trên cơ sở tiếp thu thành tựu của những tác giả đi trước chúng tôi thấy còn thiếu vắng nghiên cứu so sánh thi pháp hai truyện thơ Tum Tiêu của người Khơme Campuchia với Vượt biển của người Tày ở Việt Nam một cách hệ thống. Nhưng đây là một đề tài đề cập tới rất nhiều lĩnh vực: 1) Lí luận văn học; 2) Văn học dân gian; 3) Văn học nước ngoài. Điều này đòi hỏi chúng tôi phải thu lượm, nghiên cứu ở các thư viện khác nhau, phải đi đến thực địa nơi cư chú của người Tày, người Khơme sống vùng Tây Nam Bộ của Việt Nam, người Khơme của Campuchia nhất là nơi xuất xứ của câu chuyện để tìm hiểu phong tục, tập quán, lối sống… của họ. Vì vậy, chúng tôi sẽ triển khai nghiên cứu so sánh thi pháp hai truyện thơ này theo hướng sử dụng lí luận của thi pháp học và văn học so sánh để tìm ra các điểm tương đồng và khác biệt của các bình diện thi pháp đã nêu trong hai tác phẩm trên.
  • 29. 26 CHƯƠNG 2 CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI Trước khi so sánh thi pháp truyện thơ Tum Tiêu và Vượt biển, cần phải khái quát hóa vấn đề thi pháp học, thi pháp lịch sử, văn học so sánh, so sánh song song, thi pháp truyện thơ, truyện thơ Đông Nam Á và quá trình hình thành văn bản của hai truyện thơ này làm cơ sở lí thuyết cho đề tài nghiên cứu. 2.1. Thi pháp và thi pháp học lịch sử 2.1.1. Thi pháp học Thi pháp học là một hướng nghiên cứu văn học mạnh mẽ của thế kỉ XX. Đặc điểm của các hướng nghiên cứu trên là muốn thông qua tác phẩm để tìm đến những biểu hiện, những bằng chứng của lịch sử, xã hội, tác giả và cá tính thể hiện trong đó mà chưa chú ý đầy đủ đến bản thân nghệ thuật như một hiện tượng đặc biệt của đời sống tinh thần. Đó là động cơ dẫn dắt thi pháp học hiện đại dấn thân vào các nẻo đường khác nhau. Các công trình về thi pháp học hoặc nghiên cứu văn học theo hướng thi pháp học đều khẳng định thuật ngữ “thi pháp” xuất hiện từ thời cổ đại, trong công trình Thi pháp (Poetika) của Aristote. Thuật ngữ thi pháp (poetics, poetique, poetika) có nội hàm ban đầu là “cách thức, biện pháp, phương pháp mô phỏng, bắt chước để sáng tạo văn học” [1; 13]. Ở Trung Quốc, thuật ngữ “thi pháp” được các học giả từ đời Tống trở đi nói tới: Thế kỉ XIII có sách Thi pháp chính tông của Yết Khê Tư, thế kỉ XVI có Thi pháp chính luận của Phó Nhược Kim. Thuật ngữ “thi pháp” cũng được hiểu là phép làm thơ, vận luật thơ là những nguyên tắc tạo hình, cấu tứ, cốt cách. Ở Việt Nam, thuật ngữ “thi pháp”, “thi pháp học” xuất hiện khá muộn, phải đến những năm 80 của thế kỉ XX mới được xác định. Thuật ngữ “thi pháp học” xuất hiện trong các bài báo: Về việc nghiên cứu thi pháp văn học dân gian của Chu Xuân Diên (1980); Chung quanh khái niệm thi pháp trong khoa nghiên cứu văn học Xô Viết hiện nay của Vương Trí Nhàn (1981). Và chỉ đến công trình Thi pháp thơ Tố Hữu của Trần Đình Sử (1985), nội dung “thi pháp”, “thi pháp học” mới được Trần Đình Sử sử dụng. Giữa “thi pháp” và “thi pháp học” có mối quan hệ qua lại giữa đối tượng và khoa học về đối tượng ấy. Thi pháp là một tồn tại khách quan, là cái có trước xuất hiện từ khi loài người bắt đầu biết sáng tạo nghệ thuật một cách tự giác. Thi pháp học là khoa học nghiên cứu về thi pháp, là cái có sau. Chính vì “thi pháp” có nội hàm rộng chứa đựng trong nó nội hàm vừa là văn học vừa là quá trình văn học, cho nên thuật ngữ “thi pháp” và “thi pháp học” thuộc vào số những thuật ngữ được sử dụng sớm và có sức sống lâu dài của khoa nghiên cứu văn học.