SlideShare a Scribd company logo
1 of 197
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
Đào Vân Anh
TRUYỆN CỔ DÂN GIAN CHÂU RO
LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC
Thành phố Hồ Chí Minh - 2012
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
Đào Vân Anh
TRUYỆN CỔ DÂN GIAN CHÂU RO
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Mã số: 60 22 34
LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC
TS HỒ QUỐC HÙNG
Thành phố Hồ Chí Minh - 2012
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan rằng đây là công trình nghiên cứu của tôi, có sự hỗ trợ từ Giáo
viên hướng dẫn là TS. Hồ Quốc Hùng. Các nội dung nghiên cứu và kết quả trong đề
tài này là trung thực và chưa từng được ai công bố trong bất cứ công trình nghiên cứu
nào trước đây. Những số liệu về văn hoá của dân tộc Châu Ro được chính tác giả thu
thập từ các nguồn khác nhau có ghi trong phần tài liệu tham khảo. Ngoài ra, đề tài còn
sử dụng một số nhận xét, đánh giá cũng như số liệu của các tác giả, cơ quan tổ chức
khác, và cũng được thể hiện trong phần tài liệu tham khảo.
Nếu phát hiện có bất kỳ sự gian lận nào tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước
Hội đồng, cũng như kết quả luận văn của mình.
LỜI CẢM ƠN
Luận văn này là kết quả của quá trình học tập tại Trường Đại học Sư phạm
Thành phố Hồ Chí Minh và quá trình nghiên cứu và điền dã của bản thân tại các huyện
ở tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu trong suốt năm qua.
Với tình cảm chân thành, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đến quý thầy cô đã tham gia
giảng dạy lớp cao học khoá 21 chuyên ngành Văn học Việt Nam, đến Phòng Sau Đại
học của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Và phó giáo sư Chu Xuân
Diên, giáo sư Phan An, tiến sĩ Huỳnh Văn Tới, tiến sĩ Lâm Nhân, thạc sĩ Phan Đình
Dũng đã nhận xét, góp ý cho tôi hoàn thiện luận văn này. Đặc biệt, tôi xin bày tỏ lòng
biết ơn sâu sắc đến tiến sĩ Hồ Quốc Hùng đã tận tình hướng dẫn, giúp đỡ tôi nghiên
cứu đề tài và hoàn chỉnh luận văn.
Trong quá trình sưu tầm tư liệu, tôi đã nhận được sự cộng tác chân tình và hiệu
quả của chính quyền địa phương, của các vị già làng, đồng bào dân tộc Châu Ro ở tỉnh
Đồng Nai và Ngãi Giao, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Ban lãnh đạo Bảo tàng Đồng Nai,
quý thầy cô Trường Văn Hoá Nghệ Thuật tỉnh Đồng Nai đã tạo điều kiện cho tôi trong
nghiên cứu cũng như cung cấp những tư liệu có liên quan đến luận văn và đã động
viên, khuyến khích tôi trong nghiên cứu, sưu tầm truyện cổ Châu Ro.
Mặc dù bản thân đã rất cố gắng nhưng chắc chắn luận văn không tránh khỏi
những thiếu sót, rất mong được nhận những ý kiến đóng góp bổ sung của quý thầy cô.
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 9 năm 2012
Tác giả luận văn
Đào Vân Anh
MỤC LỤC
LỜI CAM ĐOAN .................................................................................................3
LỜI CẢM ƠN.......................................................................................................4
MỤC LỤC.............................................................................................................5
A. DẪN LUẬN......................................................................................................7
1. Lý do chọn đề tài..........................................................................................................7
2. Mục đích đề tài.............................................................................................................8
3. Phạm vi nghiên cứu......................................................................................................8
4. Lịch sử vấn đề nghiên cứu ...........................................................................................9
5. Phương pháp nghiên cứu............................................................................................12
5.1. Phương pháp sưu tầm, điền dã...........................................................................12
5.2. Phương pháp thống kê, phân loại .......................................................................13
5.3 Phương pháp cấu trúc ..........................................................................................13
5.4. Phương pháp so sánh ..........................................................................................13
5.5. Phương pháp liên ngành .....................................................................................13
6. Đóng góp luận văn .....................................................................................................13
7. Cấu trúc luận văn .......................................................................................................14
CHƯƠNG 1: KHÁI QUÁT VỀ TỘC NGƯỜI CHÂU – RO.........................16
1. LỊCH SỬ, XÃ HỘI CHÂU – RO ..............................................................................16
1.1. Tên tộc người......................................................................................................16
1.2. Địa bàn cư trú ....................................................................................................17
1.3. Phân bố dân số và dân cư....................................................................................17
1.4. Lịch sử tộc người................................................................................................18
1.5. Hoạt động kinh tế...............................................................................................20
1.6. Hình thái xã hội..................................................................................................22
1.7. Tổ chức gia đình ................................................................................................23
2. ĐẶC ĐIỂM VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG ............................................................24
2.1 Văn hóa vật chất ..................................................................................................24
2.2 Văn hóa tinh thần.................................................................................................27
3. Tình hình tư liệu...................................................................................................33
3.1. Các văn bản truyện cổ Châu Ro đã được công bố..............................................37
3.2. Các văn bản ghi chép qua điền dã của bản thân. ................................................41
CHƯƠNG 2: PHÂN LOẠI TRUYỆN CỔ DÂN GIAN CHÂU RO .............52
1. Vấn đề thể loại truyện cổ dân gian Châu Ro..............................................................52
1.1. Thần thoại ...........................................................................................................52
1.2. Truyền thuyết......................................................................................................55
1.3. Truyện cổ tích ....................................................................................................59
2. Tìm hiểu về hình thức sinh hoạt, người kể truyện cổ dân gian Châu Ro – Người
“giữ hồn” của làng..........................................................................................................69
2.1. Nghệ nhân Nguyễn Văn Nổi - Già làng Năm Nổi ở ấp Lý Lịch, xã Phú Lý,
huyện Vĩnh Cửu – Đồng Nai. ....................................................................................71
2.2. Nghệ nhân Hồng Thị Lịch ở ấp Lý Lịch, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu – Đồng
Nai..............................................................................................................................84
CHƯƠNG 3: MỘT SỐ ĐẶC TRƯNG CƠ BẢN CỦA TRUYỆN KỂ DÂN
GIAN DÂN TỘC CHÂU RO ............................................................................91
1. Kiểu truyện người lấy vật, vật lấy người. ..................................................................92
2. Kiểu truyện về Cọp (hổ)...........................................................................................101
3. Môtif tiêu biểu, môtip con số 6,7 và môtip mang lốt thú........................................105
4. Vấn đề tiếp nhận truyện cổ Châu Ro của người Châu Ro .......................................112
4.1. Truyện cổ Châu Ro trong đời sống văn hóa của người Châu Ro.....................113
4.2. Tiếp nhận truyện cổ Châu Ro qua phỏng vấn. .................................................117
C. KẾT LUẬN ..................................................................................................121
D. TÀI LIỆU THAM KHẢO ..........................................................................123
PHỤ LỤC..........................................................................................................129
HÌNH ẢNH TƯ LIỆU......................................................................................192
A. DẪN LUẬN
1. Lý do chọn đề tài
Ngày nay, việc giữ gìn và bảo lưu các giá trị văn hoá, văn học của các dân tộc
thiểu số là một trong những vấn đề cấp thiết bởi các giá trị văn hoá tinh thần của các
dân tộc này đang ngày càng bị mai một theo thời gian. Đây là một trong những vấn đề
đang được Đảng và Nhà nước quan tâm. Vì thế, đã có rất nhiều công trình sưu tầm,
nghiên cứu có giá trị và đã trở thành tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam.
Giống như các dân tộc anh em khác, vốn văn nghệ dân gian của người Châu Ro
cũng phong phú, với nhiều thể loại: truyện kể, thơ ca trữ tình, múa, hát đối đáp… Các
câu tục ngữ, phương ngôn đúc kết kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, kinh nghiệm về
thiên nhiên và cuộc sống xã hội.
Do cuộc sống của người Châu Ro phân bố rải rác, phải di chuyển nhiều nơi nên
kho tàng văn học ấy bị mai một, thất tán, hiện có nguy cơ bị hòa tan vào các dòng văn
hóa, văn học khác, “Việt hóa” hay “Châu Ro hóa”.
Hiện nay, có một số công trình nghiên cứu về các loại hình văn hóa của dân tộc
Châu Ro có quy mô địa phương và cả nước đã cho thấy rằng: sức sống, bản sắc văn
hóa của người Châu ro vẫn còn in dấu trong các sinh hoạt hiện thực, “nếu không có
hình thức sưu tầm, nghiên cứu thì e rằng không lâu nữa những dấu hiệu văn hóa còn
lại cũng bị tha hóa, sau này dẫu tiền muôn bạc vạn cũng không thể tái hiện được”
(Huỳnh Văn Tới).
Người Châu Ro không phải là dân tộc thiểu số có số dân đông nhất, tuy nhiên
đây là dân tộc thiểu số bản địa còn giữ được nhiều nét bản sắc dù địa bàn cư trú từ lâu
đã phải chia sẻ với những dân tộc thiểu số khác và người Việt. Vì vậy, trong quá trình
tiếp cận, chúng tôi chú ý đến mảng truyện cổ dân gian của dân tộc này vẫn âm ỉ tồn tại
bền vững cùng với quá trình phát triển lịch sử - văn hóa của dân tộc.
Nhận rõ vị trí, tầm quan trọng và những đóng góp của việc nghiên cứu truyện cổ
dân gian của các dân tộc thiểu số trong tiến trình văn học dân gian Việt Nam, chúng tôi
mong góp một cái nhìn khoa học qua việc khảo sát đề tài “Truyện cổ dân gian Châu
Ro”. Đề tài này nhằm giúp chúng tôi hiểu rõ về phong tục tập quán, văn hóa truyền
thống của dân tộc Châu Ro. Hy vọng việc nghiên cứu đối với mảng truyện cổ dân gian
của dân tộc Châu Ro góp thêm vào công việc nghiên cứu truyện cổ dân gian các dân
tộc thiểu số Việt Nam nói chung.
2. Mục đích đề tài
Đây là đề tài mới và rộng nên trong luận văn chúng tôi sẽ giới hạn tập trung việc
nghiên cứu truyện cổ dân gian dân tộc Châu Ro với những mục đích sau:
_ Đánh giá lại truyện cổ dân gian dân tộc Châu Ro của các nhà nghiên cứu
trước đây và tư liệu của bản thân trong quá trình điền dã.
_ Phân loại truyện cổ dân gian Châu Ro
_ Mô tả cấu trúc thể loại truyện cổ dân gian Châu Ro.
_ Tìm hiểu vị trí của truyện cổ dân gian dân tộc Châu Ro trong đời sống của
đồng bào Châu Ro.
Tóm lại, mục đích chính của đề tài vẫn tập trung hệ thống, phân loại và mô tả
trạng thái hiện tồn của các thể loại. Bước đầu đánh giá về giá trị nội dung của các thể
loại truyện cổ dân gian dân tộc Châu Ro.
3. Phạm vi nghiên cứu
Người Châu Ro sống phân bố rải rác ở nhiều vùng khác nhau trên lãnh thổ của
nước ta. Theo số lượng thống kê, người Châu Ro sống tập trung nhiều ở vùng Đông
Nam bộ, đặc biệt là ở Đồng Nai. Vì thế, trong phạm vi nghiên cứu truyện cổ dân gian
Châu Ro, chúng tôi tập trung khảo sát truyện cổ dân gian Châu Ro ở Đồng Nai.
Theo định hướng khoa học của đề tài, truyện cổ dân gian Châu Ro là đối tượng
nghiên cứu của luận văn. Trước tiên, luận văn tập trung khảo sát truyện cổ gồm các
thể loại của tộc người này. Do đó chúng tôi chú trọng đến nguồn tài liệu về truyện cổ
dân gian Châu Ro được công bố từ trước đến nay trên phạm vi trung ương đến địa
phương. Với những truyện đã sưu tầm và biên soạn, chúng tôi sẽ khảo sát lại và đối
chiếu với tư liệu của bản thân trong quá trình mình điền dã. Cụ thể qua các tài liệu sau:
_ Tuyển tập truyện cổ tích các dân tộc ở Việt Nam (tập 2) – Viện Khoa học
xã hội TP. HCM, 1987.
_ Người Châu Ro ở Đồng Nai - Huỳnh Tới, Yên Trị, Đình Dũng, 1997.
_ Bản đánh máy sưu tầm những truyện kể dân gian của dân tôc Châu Ro -
nhạc sĩ Phan Thiết (nhà nghiên cứu về âm nhạc Châu Ro) ở Ngãi Giao –
Vũng Tàu, 1997.
_ Hoàng hậu Ba Ba – Truyện cổ Châu ro - Vĩnh Trường, 2004.
_ Truyện cổ tích các dân tộc Việt Nam (tập 1) – NXB Phụ nữ, 2007.
_ Những truyện cổ dân gian dân tộc Châu Ro mà chúng tôi sưu tầm được trong
quá trình điền dã.
_ Đặc biệt, chúng tôi có mở rộng khảo sát một vài khía cạnh sinh hoạt của
truyện cổ dân gian Châu Ro trong đời sống sinh hoạt của đồng bào Châu Ro.
4. Lịch sử vấn đề nghiên cứu
4.1.
Tài liệu về loại truyện cổ dân gian dân tộc Châu Ro hiện còn ít. Mặc dù, những
năm gần đây việc nghiên cứu về văn nghệ dân gian Châu Ro đã được các nhà nghiên
cứu chọn làm đề tài nghiên cứu khoa học cho mình. Nhưng riêng truyện cổ dân gian
dân tộc Châu Ro dường như chỉ được sưu tầm thành văn bản là chính. Bên cạnh đấy
cũng có một vài bài viết về truyện cổ dân gian dân tộc Châu Ro, nhưng chỉ dừng lại
bước đầu khảo sát và tìm hiểu về một vài đặc trưng cơ bản và thiếu tính hệ thống. Bởi
vì những công trình nghiên cứu này phần lớn nằm trong nghiên cứu chung về văn hoá
xã hội Châu Ro.
- Người Châu Ro ở Đồng Nai - Huỳnh Tới, Yên Trị, Đình Dũng, Chi hội Văn
nghệ dân gian Đồng Nai xuất bản năm 1998. Tài liệu gồm hai phần chính: phần đầu tác
giả nghiên cứu về văn hóa người Châu Ro: dân số và phân bố; phương thức canh tác cổ
truyền; cấu trúc xã hội, gia đình và tục lệ; về những anh hùng Châu ro trong hai cuộc
kháng chiến chống Pháp, Mĩ trên địa bàn của tỉnh Đồng Nai; Phần sau, tác giả sưu tầm
30 truyện cổ của người Châu Ro. Đây là nguồn tư liệu truyện cổ dân gian dân tộc Châu
Ro đáng quý cho đề tài của chúng tôi đang nghiên cứu. Cả 30 truyện cổ này chỉ mới
dừng lại là sưu tầm thành văn bản, tác giả chưa có đánh giá gì về thể loại truyện cổ
này.
- Hoàng hậu Ba ba, Vĩnh Trường, NXB Đồng Nai, 2004. Công trình sưu tầm
của tác giả gồm 12 truyện cổ dân gian dân tộc Châu Ro. Ở công trình này, tác giả cũng
chỉ dừng lại ở mức độ sưu tầm mà chưa có nhận xét gì về truyện cổ dân gian dân tộc
Châu Ro.
- Bài viết Tìm hiểu cộng đồng cư dân bản địa Châu Ro – Châu Mạ ở Đồng
Nai và Bước đầu tìm hiểu về chuyện kể Châu Ro – Châu Mạ, 2005 của Phan Đình
Dũng. Trong bài viết của mình, tác giả tập trung khái quát những đặc điểm chung nhất
về diện mạo phong tục, tập quán và văn hóa của người ChâuRo. Trong đó đáng lưu ý
là một số vấn đề thần linh – ma quỷ – ác thú và hình thức đội lốt; về hiện tượng mồ
côi; về hình tượng các con số; về sự ban thưởng và trừng phạt, cái thiện và cái ác; … ở
trong truyện kể dân gian Châu Ro đã được đề cập đến. Bài viết cũng có hướng phân
loại đề tài của truyện cổ dân gian dân tộc Châu Ro nhưng thiếu sức thuyết phục. Tuy
nhiên bài viết đã giúp chúng tôi bước đầu hiểu được vài nét cơ bản của truyện cổ dân
gian dân tộc Châu Ro và đã gợi mở hướng nghiên cứu sâu cho đề tài nghiên cứu luận
văn của chúng tôi.
- Tài liệu đánh máy sưu tầm truyện cổ dân gian dân tộc Châu Ro của nhạc sĩ Phan
Thiết gồm 7 truyện được tác giả sưu tầm ở Ngãi Giao, Bà Rịa Vũng Tàu. Tài liệu cũng
chỉ dừng lại ở mức độ sưu tầm mà chưa có đánh giá và nhận xét gì loại truyện này.
Điều đáng nói ở tập văn bản này là những truyện kể được ghi chép có nội dung trùng
với những truyện kể dân gian Châu Ro ở xã Lý Lịch, Vĩnh Cửu – Đồng Nai trước đó
nhưng có đôi chỗ khác nhau về cách diễn đạt và có thêm một số câu nói viết theo ngôn
ngữ của người Châu Ro.
4.2.
Ngoài ra, những năm gần đây, còn có nhiều công trình nghiên cứu khác về dân
tộc Châu Ro có liên quan đến đề tài. Các công trình chủ yếu là nghiên cứu về dân tộc
học, văn hóa, văn nghệ dân gian của người Châu Ro. Riêng phần văn học dân gian
Châu Ro được các tác giả đề cập đến nhưng vẫn khái quát, chung chung, chưa thể hiện
sự nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này. Sau đây là những công trình nghiên cứu
chung về dân tộc Châu Ro:
- Múa dân gian các tộc người Mạ, Chơ Ro, Xtiêng, Nguyễn Thành Đức, năm
2004. Tài liệu chủ yếu tập trung về đặc điểm chung về nghệ thuật biểu diễn dân gian
của người Mạ, Châu Ro, Stiêng. Bên cạnh đấy, tác giả cũng quan tâm đến vài khía
cạnh của văn học dân gian Châu Ro và có cái nhìn phác thảo về mặt nội dung của các
thể loại văn học dân gian Châu Ro nhằm hướng tới giải thích và ca ngợi thế giới tự
nhiên và con người đang lao động trên vùng đất cư trú. Ở đây tác giả đã chỉ ra những
truyền thuyết về những vị thần khổng lồ sáng tạo ra thế giới và loài người, về những
cuộc đại hồng thủy, về cuộc tranh chấp giữa các thần… là nội dung rất phổ biến…
Truyện về loài thú ẩn chứa những tình cảm, lời khuyên con cháu; truyện miêu tả sự
khôn ngoan, thông minh và thủy chung, chân thành của người Châu Ro. Nhìn chung,
tác giả cũng chỉ dừng lại ở việc giới thiệu chung về đặc điểm văn học dân gian dân tộc
Châu Ro mà chưa có phân loại truyện theo thể loại một cách cụ thể, hay đi sâu hơn vào
những vấn đề về kiểu nhân vật tiêu biểu hoặc là môtip truyện…
- Truyền thống của người Chơ Ro, Nguyễn Thành Đức, 2006. Tài liệu đi sâu vào
vấn đề Họ truyền thống của người Châu Ro ở 2 Ấp Đức Thắng và Đồng Xoài xã Túc
Trưng, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Tác giả đề cập đến nguồn gốc của hai họ lớn
nhất của người Châu Ro: Chrau Lun (Cá Sấu) và Bi Cu (Cây gõ mật) có liên quan đến
hai truyện cổ khá phổ biến trong đời sống của họ là Truyền thuyết về họ Chrau Lun và
Bi Cu của người Châu Ro. Qua hai truyện cổ chủ đạo về dòng họ Châu Ro, ta thấy luật
tục về dòng Họ của người Châu Ro rất nghiêm khắc nó vẫn được lưu truyền từ xa xưa
qua nhiều đời con cháu. Nó cấm tất cả con trai con gái cùng dòng Họ không được lấy
nhau.
Bên cạnh đấy, chúng tôi cũng tìm hiểu thêm những tài liệu khác nghiên cứu về văn
hoá Châu Ro như: Sổ tay về các dân tộc ở Việt Nam, Viện dân tộc học – NXB KHXH,
2008; Tập quán cư trú và nhà ở cổ truyền của người Chơ ro ở Đồng Nai, Lâm Nhân,
2008; Trang phục các tộc người nhóm ngôn ngữ Môn – Khmer – NXB văn hóa dân
tộc, Đỗ Thị Hòa (chủ biên), Nguyễn Thị Ngân, Lê Mai Oanh, Nguyễn Cảnh Phương,
2008; Đại gia đình các dân tộc Việt Nam, Nguyễn Văn Huy, Lê Duy Đại, Nguyễn
Quý Thao, Vũ Xuân Thảo, 2009. Nhìn chung, hầu hết những công trình nghiên cứu
trên về dân tộc học, văn hóa, văn nghệ dân gian... đã cung cấp kiến thức bổ trợ cho đề
tài nghiên cứu của chúng tôi về lịch sử nguồn gốc, văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần
của người Châu Ro.
Nhìn chung, những công trình nghiên cứu truyện cổ dân gian Châu Ro ở trên đã tập
hợp được một số lượng truyện cổ dân gian Châu Ro qua văn bản nhưng chưa đi vào
phân loại, mô tả cấu tạo chiều sâu của các thể loại. Đấy là lý do để đề tài luận văn của
chúng tôi tiếp tục triển khai.
5. Phương pháp nghiên cứu
5.1. Phương pháp sưu tầm, điền dã.
Trong quá trình làm luận văn, chúng tôi thực hiện những chuyến điền dã, thực
địa. Chúng tôi tập trung khai thác các đối tượng như: già làng, nghệ nhân, dân
thường…
Có như vậy mới đảm bảo tính chính xác, khoa học, mới có điều kiện đối chiếu,
phân tích giải mã các văn bản. Thực chất đây là phương pháp quan sát tham gia
(Paticipant observation) trong nhân học văn hoá.
5.2. Phương pháp thống kê, phân loại
Sau khi thực hiện phương pháp trên, chúng tôi phải tiến hành phương pháp hệ
thống phân loại tư liệu. Dùng phương pháp này, chúng tôi muốn sắp xếp tư liệu một
cách khoa học để từ đó có thấy được cơ cấu truyện cổ dân gian của tộc người Châu Ro
hiện tại.
5.3 Phương pháp cấu trúc
Mô tả cốt truyện, các môtip, nhân vật tiêu biểu. Từ đây rút ra được các đặc điểm
về mặt cấu tạo thể loại.
5.4. Phương pháp so sánh
Phương pháp này giúp cho việc so sánh đối chiếu những văn bản kể truyện cổ
Châu Ro đã công bố với những bản kể do chúng tôi sưu tầm được để thẩm định lại độ
chính xác của những văn bản đã công bố. Trong chừng mực so sánh với truyện cổ dân
gian với các tộc người khác.
5.5. Phương pháp liên ngành
Phương pháp này rất cần thiết cho đề tài nghiên cứu của chúng tôi, bởi nó giúp
chúng tôi có cái nhìn đa diện, nhiều chiều mang tính toàn vẹn và đưa ra những đánh
giá, nhận định một cách khoa học.
6. Đóng góp luận văn
1. Luận văn hy vọng sẽ bổ sung thêm nguồn tư liệu về truyện cổ dân gian của đồng
bào Châu Ro một cách đầy đủ hơn.
2. Bước đầu thống kê, phân loại một cách tổng thể về truyện cổ dân gian dân tộc
Châu Ro.
3. Giới thiệu một số nét văn hóa thể hiện qua các truyện cổ dân gian dân tộc Châu
Ro.
7. Cấu trúc luận văn
Luận văn gồm có 3 chương tập trung vào những vấn đề sau:
CHƯƠNG 1: KHÁI QUÁT VỀ TỘC NGƯỜI CHÂU – RO
1. Lịch sử, xã hội Châu Ro
2. Đặc điểm văn hoá truyền thống
Hai phần này, luận văn tập trung nêu một số nét về lịch sử, văn hoá của tộc người
Châu Ro làm cơ sở khảo sát nguồn truyện dân gian.
3. Tình hình tư liệu
Để đảm bảo tính khách quan, luận văn tiến hành khảo sát tất cả các văn bản về
truyện cổ Châu Ro đã được công bố, đồng thời đối chiếu với tư liệu điền dã của bản
thân.
Tiểu kết:
CHƯƠNG 2: PHÂN LOẠI TRUYỆN CỔ DÂN GIAN CHÂU RO.
1. Vấn đề thể loại truyện cổ dân gian Châu Ro
2. Tìm hiểu về người kể truyện cổ dân gian Châu Ro – Người “giữ hồn” của
làng.
Nhiệm vụ của chương 2 là tập trung phân loại truyện cổ Châu Ro một cách hợp lý
hơn. Ở đây chúng tôi muốn đưa thêm cái nhìn về truyện kể trong cuộc sống thực tại
qua các nghệ nhân.
Tiểu kết:
CHƯƠNG 3: MỘT SỐ ĐẶC TRƯNG CƠ BẢN CỦA TRUYỆN CỔ DÂN GIAN
CHÂU RO.
3.1. Kiểu truyện người lấy vật, vật lấy người
3.2. Kiểu truyện về Cọp (hổ)
3.3. Môtif tiêu biểu, Môtip con số 6,7
3.4. Vấn đề tiếp nhận truyện cổ Châu Ro của người Châu Ro.
Tóm lại chương III nhằm mô tả cấu tạo của thể loại cổ tích, đây là thể loại tiêu biểu
nhất trong hệ thống truyện cổ dân gian Châu Ro.
C. KẾT LUẬN
D. TÀI LIỆU THAM KHẢO
E. PHỤ LỤC
CHƯƠNG 1: KHÁI QUÁT VỀ TỘC NGƯỜI CHÂU – RO
Để tìm hiểu về truyện cổ dân tộc Châu Ro, không thể không có những hiểu biết
nhất định về lịch sử - xã hội – văn hóa Châu Ro. Việc nghiên cứu những cội nguồn lịch
sử văn hóa này giúp ta lí giải những lớp lịch sử văn hóa đã tạo nên, kết tinh, lắng đọng
ở trong văn học dân gian Châu Ro đặc biệt là truyện cổ của tộc người này như thế nào.
1. LỊCH SỬ, XÃ HỘI CHÂU – RO
1.1. Tên tộc người
Châu Ro là một trong những dân tộc ít người bản địa cư trú lâu đời ở vùng trung du
Đông Nam Bộ. Người Châu Ro được gọi bằng nhiều tên khác nhau. Người Khmer gọi
họ là Ph'nôông. Sách báo cũ ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975 gọi họ là Ro, Tô,
Xôp (Coop)... Tên tự gọi của dân tộc Châu Ro là Chrau - Jro, trong đó Chrau có nghĩa
là Người hay Nhóm người, Tập đoàn người, còn Jro là một danh từ riêng chỉ cộng
đồng của họ. Ngoài ra, người Châu Ro còn được gọi bằng các danh từ có âm gần như:
Châu Ro, Chơ Ro, Chro, Chrau, Jơ Ro, Dơ Ro..., hay bằng một danh từ phiếm chỉ:
người Thượng. Sự khác nhau này là thuật ngữ, tên gọi cổ còn lưu truyền, hoặc giữa tên
gốc bản địa và tên phiên âm đã Việt hóa. Thời kỳ thực dân Pháp đô hộ, người Châu Ro
còn bị gọi là Mọi. Trong các tài liệu, sách báo từ sau năm 1975, sách Các dân tộc ít
người ở Việt Nam (các tỉnh phía Nam), “Tộc danh Chrau Jro còn gắn liền với tên gọi
một giống lúa nếp cổ truyền mà đồng bào rất thích gieo trồng: n’hpal Chrau Jro.
Người Việt gọi giống lúa này là nếp cái (nếp mẹ)”[74, tr205]
Theo các văn bản Nhà nước, từ điển Bách khoa Việt Nam xuất bản năm 2003 đều
dùng thuật ngữ Châu Ro để chỉ tộc người (từ gốc là Chrooo). Như vậy Châu Ro có
nghĩa là người Ro. Vì thế, trong công trình nghiên cứu truyện cổ dân gian Châu Ro,
chúng tôi dùng thuật ngữ Châu Ro để gọi tên của tộc người này. Thuật ngữ Châu Ro đã
được phiên âm ra tiếng Việt và đã Việt hóa.
1.2. Địa bàn cư trú
Người Châu Ro là lớp cư dân cư trú từ xa xưa ở miền núi Nam Đông Dương,
thuộc nhóm ngôn ngữ Môn -Khơ me, dòng Nam Á thuộc chi miền núi phía Nam.
Trước khi có mặt trên những địa bàn cư trú hiện nay, người Châu Ro phân bố
chủ yếu ở vùng đồi núi thấp, về phía Đông Nam của tỉnh Đồng Nai, sau đó một số toả
đi vùng khác.
Người Châu Ro sinh tụ trên một địa bàn không rộng, tập trung chủ yếu của tỉnh
Đồng Nai, thuộc các huyện Xuân Lộc (xã Xuân Trường, xã Xuân Phú, xã Xuân Thọ),
Định Quán, Long Khánh (phường Xuân Vinh, phường Xuân Bình), Định Quán (xã Túc
Trưng), Vĩnh Cửu (xã Phú Lý), Long Thành (xã Phước Thái, Phước Bình), một phần
thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Ngãi Giao) và Bình Thuận (Tánh Linh). Nhiều cứ liệu
khoa học, lịch sử và tư liệu điền dã thì người Châu Ro là một trong những cư dân bản
địa, sống lâu đời ở Đồng Nai, cùng với tộc người Mạ, Xtiêng mà trước đây gọi là tiểu
vương quốc Mạ.
Theo Nguyễn Tắc Dĩ: “Sắc tộc Châu Ro là một chi phái thuộc tiểu vương quốc
Mạ ngày xưa, chịu ảnh hưởng người Chăm, người Raglai … Gồm các bộ tộc Tro, Mru,
Butwa, Bà giêng, Chalat … Họ cùng cư trú ở vùng rừng, đồi núi thấp.”[8, tr55]
1.3. Phân bố dân số và dân cư
Theo số liệu thống kê “Người Chơ Ro ở Việt Nam là 26.455 người” [51, tr38],
và số liệu của Tổng cục thống kê qua Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 “người
dân tộc thiểu số Châu Ro ở Việt Nam có dân số 26.855 người, cư trú tại 36 trên tổng
số 63 tỉnh, thành phố. Người dân tộc thiểu số Châu Ro cư trú tập trung tại các tỉnh
Đồng Nai 15.174 người, chiếm tỷ lệ 56,5% tổng số người Châu Ro tại Việt Nam, tỉnh
Bà Rịa-Vũng Tàu 7.632 người, tỉnh Bình Thuận 3.375 người, Thành phố Hồ Chí Minh
163 người, tỉnh Bình Dương 134 người, tỉnh Bình Phước 130 người...” [2].
Họ cư ngụ vùng rừng có đồi núi thấp. Người Châu Ro có nhiều dòng tộc cư trú ở các
địa bàn khác nhau. Dòng họ Chrau Lưn, B’Giêng, Bi Cu sống ở vùng Túc Trưng, Định
Quán, tỉnh Đồng Nai. Chrau M’Xang ở vùng Võ Đắc, Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Bô
glao ở vùng Gia Rai, Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. M’Rơ ở vùng Bàu Lâm, Xuyên Mộc,
tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
1.4. Lịch sử tộc người
Người Châu Ro là lớp cư dân cư trú từ xa xưa ở miền núi Nam Đông Dương,
nhóm ngôn ngữ Môn-Khơ-me thuộc chi miền núi phía Nam. Tộc người Châu Ro thuộc
nhóm loại hình nhân chủng Anhđônêdiêng, về mặt ngôn ngữ, thuộc ngữ hệ Môn - Khơ
me, dòng Nam Á, chưa có chữ viết riêng. Tiếng nói của họ gần giống tiếng nói của
người Mạ, Cơ-ho, Xtiêng, Co, song lượng từ Khơ-me trong tiếng Châu Ro tương đối
nhiều. Người Châu Ro phân bố chủ yếu ở phía Đông Nam của tỉnh Đồng Nai.
Người Châu Ro là cư dân có mặt sớm trên vùng Đồng Nai. Theo các nguồn sử liệu,
trước khi lưu dân Việt đến Đồng Nai khẩn hoang lập nghiệp vào thế kỷ XVI, thì người
Châu Ro, Mạ cùng các nhóm người Mạ, Kơ Ho, X’Tiêng đã từng cư trú và sinh sống.
Chính vì vậy, người Châu Ro và những nhóm cư dân trên được xem là cư dân
bản địa, cư dân gốc, cư dân tại chỗ của vùng Đồng Nai. Dựa trên một số kết quả
nghiên cứu khảo cổ học ở Đông Nam Bộ đồng thời liên kết với những dấu vết nhân
chủng và ngôn ngữ, tộc người Châu Ro (cùng với với một số tộc người Mạ, Xtiêng…)
là hậu duệ của cư dân cổ Môn Khơ-me và là dân bản địa sinh sống lâu đời ở Đông
Nam bộ ngày nay. Cuộc sống của các cư dân này đã có ít nhiều liên kết chặt chẽ, nhằm
quản lý khu vực sinh sống rộng lớn của mình.
Theo tài liệu Hill Tribes of Vietnam, volume 1, Introduction and Overview
(Tạm dịch: Các tộc người ở Việt Nam, tập 1, Giới thiệu và Tổng quan), qua 3 lần phân
loại các nhóm dân tộc ở Việt Nam, dân tộc Châu Ro đã được nhìn nhận theo ba kết
luận khác nhau. Trong lần phân loại đầu tiên, năm 1959 [52, tr12], “Việt Nam có 63
dân tộc thiểu số (Minorrity Groups, người Câu Ro là một nhóm địa phương thuộc dân
tộc Mạ”. Ở lần phân loại thứ hai, năm 1973, “Việt Nam có 59 dân tộc (Ethnic Groups),
nhưng không thấy xuất hiện tên gọi Châu Ro (Chơ – ro) trong danh sách phân
loại”[48, tr15]. Lần phân loại thứ ba và năm 1979, “Việt Nam có 54 dân tộc, người
Châu Ro chính thức được liệt kê trong danh sách phân loại này, thuộc nhóm ngôn ngữ
Môn – Khơme”[52, tr 17,19].
Một số người dân cao tuổi ở xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai cho biết:
xưa kia, cha ông họ kể lại rằng tổ tiên của người Châu Ro ở vùng đất thuộc thành phố
Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Theo già làng và những người dân ở ấp Lý Lịch, xã Phú Lý,
huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai thì địa bàn cư trú xưa kia của ngưởi Châu Ro là khu
vực ngã ba Bà Hào, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Một truyền thuyết liên quan đến
quá trình tộc người của người Châu Ro được vợ chồng ông bà Điểu Sao (ấp Đồng
Xoài, xã Túc Trưng, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) kể lại rằng: “Từ hồi xa xưa, có
hai vợ chồng nhà nọ sinh được ba cô con gái. Không may, một thời gian ngắn sau khi
sinh con, cả hai vợ chồng cùng mất đi. Ba cô gái trở thành mồ côi cha mẹ, tự lo kiếm
sống qua qua ngày. Do phải tự lo kiếm sống cho bản thân nên ba cô gái đã lạc mất
nhau, mỗi người đi một nơi, làm ăn sinh sống và vợ chồng nhà nọ sinh được ba cô gái.
Không may, một thời gian ngắn sau khi sinh con, cả hai vợ chồng cùng mất đi. Ba cô
con gái trở thành mồ côi cha mẹ, tự lo kiếm sống xây dựng gia đình, sinh con đẻ cái ở
đó. Một người đến Gia Ray (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai), một người đến Bình Lộc
(huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) và một người ở Túc Trưng (huyện Định Quán, tỉnh
Đồng Nai). Theo tiếng người Châu Ro, đó là ba vùng Pôprưng, Pôptoi và Pôplau”[32,
tr19]. Đây là môtip phổ biến trong truyện cổ về nguồn gốc tôc người của các dân tộc
dãy Trường sơn.
Cũng theo ông Điểu Sao, người dân Châu Ro xưa kia không sống tập trung
trong ấp và xã như bây giờ. Pôprưng được tính từ suối Tambung quay ngược xuống
Túc Trưng. Pôptoi là khu vực ấp Lý Lịch, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu ngày nay.
Pôplau là vùng đất từ bảo Chánh tới Gia Huỳnh, Trảng Táo. Ở Pôplau có con suối
Chọc Lau nằm trên núi Chứa Chan ( thuộc huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai).
Các thế hệ người Châu Ro xưa kia đã trải qua nhiều biến động lớn, khu vực cư trú
thường là nơi tranh chấp triền miên của các tộc người láng giềng. Họ buộc phải di cư
liên tục, cuộc sống không ổn định. Mặc dù trải qua những thăng trầm của lịch sử,
người Châu Ro vẫn giữ vững được sức sống tộc người, không ngừng sáng tạo các giá
trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Sau quá trình lịch sử tộc người nhiều biến động, hiện
nay, người Châu Ro sinh sống chủ yếu ở Đồng Nai và các tỉnh lân cận như Bình
Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu.
1.5. Hoạt động kinh tế
Người Châu Ro vốn có nghề truyền thống cổ xưa là kinh tế nương rẫy, hái
lượm, săn bắn, du canh còn nhiều dấu ấn sản xuất nguyên thủy công xã nông thôn, mọi
người cùng làm, cùng hưởng. đến nay đã có nhiều thay đổi tiến bộ về nhiều mặt. Người
Châu Ro đã có khả năng trồng lúa, rẫy, lúa nước do ảnh hưởng của phương thức sản
xuất kinh tế của người Việt. Nguồn kinh tế chủ yếu của người Châu Ro là nghề làm
rẫy. Để có được cái rẫy, họ phải trải qua nhiều khâu thao tác như chặt cây, phơi nắng
cho cây khô, đốt cây trước khi có trận mưa đầu mùa đổ xuống và dọn sạch những tàn
cây chưa cháy hết. Họ biết thu thập kinh nghiệm thời tiết như xem mây, nghe sấm,
nhìn hướng gió để quyết định ngày đốt rẫy phù hợp, làm cho rẫy cháy đều, cháy sạch
mà các khu rừng xung quanh không bị cháy. Công cụ phát rẫy là rựa quéo (vra). Thời
gian phơi lá khoảng trên dưới một tháng, sau đó dọn rẫy và đốt. Sau cơn mưa đầu
mùa, người ta bắt đầu trồng ngô, tỉa lúa, theo lối chọc lỗ tra hạt. Trong trồng cấy lúa
nước, khâu làm đất phụ thuộc vào mùa mưa sớm hay muộn (thường vào tháng 6,7 âm
lịch). Người Châu Ro xưa dùng từng đôi trâu kéo cày bừa, chưa biết dùng phân bón,
làm thủy lợi. Nhìn chung, phương thức canh tác trồng lúa nước của người Châu Ro
tương tự như người Kinh.
Ngoài làm rẫy, người Châu Ro còn săn bắn, hái lượm vì địa bàn sinh sống của
họ được rừng rậm bao phủ và có nhiều thú rừng nên săn bắn khá phát triển. Săn bắn
thú đối với người Châu Ro vừa là nguồn vui tiêu khiển, vừa để bảo vệ rẫy và cung cấp
lương thực cho gia đình và dân làng. Dụng cụ săn bắn chủ yếu là ná (aq). Ná của người
Châu Ro có cấu tạo chung như ná của các dân tộc khác trong khu vực Trường Sơn Tây
nguyên. Thân ná thường bằng gỗ sơn mây, cánh ná bẳng gỗ cây rỏi, loại gỗ lõi, không
có mắt. Dây ná làm bằng vỏ dây gắm được ve lại cho dầy và phết sáp ong. Trên thân ná
chạm 7 ô hoa văn đường viền, tượng trưng cho 7 vía của nam giới. Phần cuối thân ná
trang trí hoa văn. Đầu mũi ná gắn hạt cẩm tròn, nhỏ, màu đỏ, có ý nghĩa tượng trưng
cho cây ná sát thú, thu được nhiều thành phẩm. Toàn cây ná thường được bôi dầu chai
và sáp ong để tạo màu đen và độ bóng cho ná. Người dân dùng tên có tẩm thuốc độc
khác nhau. Thuốc độc tẩm vào tên được chế từ các loại vỏ, lá và quả của cây trong
rừng. Người Châu Ro có tục lệ sau khi ăn thịt các loại thú săn bắn được, họ treo xương
hàm dưới của chúng thành dãy dài trong nhà để làm kỉ niệm và cũng để chứng tỏ
thành tích của mình. Sau khi tế thần linh, người ta tổ chức ăn mừng. Những người trực
tiếp săn bắt được hưởng nhiều thịt hơn, còn lại tất cả các thành viên của cộng đồng đều
được chia phần bằng nhau.
Đánh bắt cá cũng là nghề truyền thống của người Châu Ro. Cách bắt cá của họ
đơn giản. “Họ lấy lá, quả vỏ cây vàng nghệ giã nhỏ, trộn với nhau để làm thuốc bắt cá.
Hỗn hợp này được thả ở đầu nguồn con suối. Cá bị nóng và cay mắt sẽ nổi lên trên
mặt nước và họ chỉ vớt lên. Cách đánh bắt này thường diễn ra vào mùa khô, khi nguồn
nước cạn dùng thuốc mới có tác dụng. Bên cạnh đó, họ cũng dùng các loại công cụ
đánh bắt cá như nơm, lợp, lờ, câu và các công cụ tự chế bằng tre nứa”[32, tr23,24]
Do ảnh hưởng của địa vực cư trú nên người Châu Ro không chỉ thiếu thốn về
đời sống vật chất mà họ còn gặp nhiều khó khăn trong giao lưu, học tập những
kinh nghiệm, kiến thức lao động sản xuất mới. Từ sau 1975, đất nước thống
nhất, cuộc sống của người Châu Ro bước sang giai đoạn mới. Tuy cuộc sống hiện tại
còn gặp nhiều khó khăn nhưng những tiền đề cho công cuộc xây dựng xã hội mới ấm
no hạnh phúc, tiến bộ và văn minh là một hiện thực vững chắc. Nhưng nằm ở một khía
cạnh khác thấy chính xã hội văn minh chưa xâm nhập vào lối sống của người Châu Ro
nên một số hình thái sinh hoạt còn được bảo lưu ở dạng cổ xưa.
1.6. Hình thái xã hội
Tổ chức xã hội người Châu Ro theo đơn vị xã hội truyền thống là buôn làng mà
người Châu Ro gọi là palay, blay, bon. Ví dụ:
Play Tơ Chăn = Làng Bình Giã
Palay Pró = Làng Bình Đa
Palay Tavách = Làng La Vân
Người Châu Ro sống thành từng làng. Mỗi làng (sóc, plây, đunlay) có vài dãy
nhà sàn dài, mỗi nhà dài là một gia đình lớn, chia làm nhiều gia đình nhỏ. Các bon,
plây thường được xây dựng ở gần nguồn nước. Giữa các bon, plây có đường mòn đi lại
giao lưu với nhau. Mỗi bon, plây có ranh giới khá rõ ràng và được truyền cho thế hệ
sau nhận biết. Ranh giới bon, plây thường là các dòng sông, suối, các con đường mòn,
cây cổ thụ, tảng đá,…Đất và rừng trong ranh giới của bon, plây là tài sản của toàn thể
thành viên trong bon, plây đó. Đất rừng là của chung bon, plây, không ai được quyền
sang nhượng, mua bán.
Palay (buôn, làng) là tập hợp một số gia đình cùng dòng tộc. Sau này mỗi palay
có thể gồm nhiều dòng tộc đan xen với nhau. Mỗi palay có một già làng uy tín trong
palay được nhân dân kính trọng, tin tưởng. Mọi việc trong palay do già làng chi phối
điều khiển.
Mỗi nhà dài có một tộc trưởng gọi là ông đầu Nhang (voh Yang va), đó là già
làng có uy tín, có kinh nghiệm sản xuất và chiến đấu, nếu xóm nhỏ giữa rừng thì người
đứng đầu gọi là mẹ sóc (mây sork). Các tộc trưởng và mẹ sóc hợp thành “hội đồng già
làng”. Xã hội chưa phân hóa rõ rệt giàu, nghèo, không có nô lệ trong nhà, dân làng
sống đoàn kết, thân ái giúp nhau. Người con trai từ lúc còn nhỏ đã được người cha rèn
luyện đức tính dũng cảm. Con gái được mẹ và các dì dạy nấu ăn, hái lượm, dạy cách
dệt thổ cẩm, làm xa rông, dạy hát dân ca, múa truyền thống. Con trai, con gái lớn lên
thì tự do tìm hiểu lẫn nhau qua các buổi làm rẫy, lễ hội … rồi nảy sinh tình yêu rồi tiến
đến hôn nhân.
Người Châu Ro có nhiều dòng họ có tên gọi riêng.như họ: Điểu, Thổ, Lý, Văn,
Lâm, Sang, Ka… Các họ như: Tòng, Lâm, Đào, Lý, Dương, Mai, Hồng được cho là
vua Minh Mạng ban cho sau này để làm họ. Thuở xa xưa người Châu Ro có tên gọi
riêng của họ là: Chrau Lũn, Chrau Wan, Chrau Lãnh, Vơ Cũh, Ghe Tthaih, Vog Fieeng
và một số họ khác như Chiêu Xoai ở Long Khánh , Đồng Nai; Chiêu Pơia ở Châu Lâm,
Bầu Lâm, Xuyên Mộc; Châu Tu Giên ở Xuân Lộc, Túc Trưng…
1.7. Tổ chức gia đình
Gia đình người Châu Ro là một gia đình lớn gồm nhiều thế hệ: ông bà, cha mẹ.
con và cháu (bốn thế hệ) sống chung trong một nhà dài lớn. Hình thức và cấu trúc gia
đình của người Châu Ro phụ thuộc vào trình độ phát triển của họ. “bản chất của gia
đình là loại hình chung sống của cặp nam nữ được liên kết lại nhờ hôn nhân, nhằm để
tái sản xuất và thực hiện những chức năng trong lĩnh vực đời sống. Cho nên loại hình
gia đình phải được quyết định chủ yếu bởi quan hệ hôn nhân tồn tại trong gia
đình”[27, tr27]. Theo kết quả tìm hiểu cũng như theo nhận định của một số nhà dân tộc
học trong cuốn Các dân tộc ít người ở Việt Nam – các tỉnh phía Nam, người Châu Ro
tồn tại loại hình gia đình song hệ.
Trên thực tế nghiên cứu tại địa bàn tỉnh Đồng Nai, chúng tôi cho rằng người
người Châu Ro theo chế độ mẫu hệ. Tuy nhiên, chế độ mẫu hệ của tộc người này đang
tan rã và dần chuyển sang chế độ phụ hệ, và hiện tại, người Châu Ro vẫn tồn tại chế độ
“mẫu hệ - phụ quyền”.
Người dân Châu Ro luôn cho rằng họ theo chế độ mẫu hệ (theo truyền thuyết của
người Châu Ro mà chúng tôi đã kể ở phần trên). Theo đó, người phụ nữ đóng vai trò
quan trọng trong quá trình tộc người Châu Ro.. Một truyền thuyết khác của người Châu
Ro kể lại: “Ngày xưa, trong lúc cả làng chạy giặc, có người họ Chơ Lun bỏ quên đồ
phải chạy trở lại lấy. Nghe có tiếng khóc, ông thấy một bé gái đang nằm trong bồ lúa,
thương quá, ông bế bé theo. Ông bà nuôi bé gái lớn dần và trở thành thiếu nữ xinh
đẹp. Ông gả chồng cho cô bé. Ít lâu sau cô sinh được bảy người con gái cũng đẹp như
mẹ. Cô nào cũng giỏi việc làm rẫy, hái rau rừng, giã gạo, đan lát, đan lát, dệt vải …
Một hôm người ông vào rừng thấy cây gõ mật bóng râm mát rượi, ông đến gần nghe
mùi thơm của cây toát ra, ông nghĩ: Ta hạ cây gõ mật này đem về làm cho các cháu ta
mỗi người một cái cối giã gạo. Các làng xung quanh nghe thấy tiếng giã gạo lẫn mùi
thơm của cây gõ mật, chắc họ sẽ kéo đến chơi vui. Rồi ông làm theo ý nghĩ của mình.
Các cháu ông, mỗi người một cái cối, cứ mỗi đêm trăng sáng, các cháu ông đem cối ra
giã gạo. Giã gạo trong cối này rất mau trắng, cơm nấu ra nức mùi thơm bay khắp
vùng xung quanh. Nhiều chàng trai ở khắp vùng gần xa, giỏi săn thú, trèo cây ăn ong,
phát rẫy… lũ lượt đến xin cưới các cô làm vợ. Theo phong tục, các cô phải có họ để
khi cưới không bị loạn luân. Nhưng vì mẹ các cô là con rơi nên không có họ. Ông bà
nghĩ, nhờ cái cối bằng gõ mật mà mọi người biết tới tiếng tăm, rồi ông bà lấy tiếng gọi
cây gõ mật làm họ cho các cháu gái – họ Bi Cu. Các cô gái sinh con đẻ cái rất đông.
Thế là từ đó họ Bi Cu trở thành một họ lớn của người Châu Ro” [32, tr213]. Như vậy,
theo truyền thuyết, người Châu Ro theo họ mẹ. Những tư liệu trên đây được lấy từ
truyền thuyết Châu Ro. Chứng tỏ quá khứ của tộc người này găm rất chặt vào ký ức
qua thể loại truyện cổ dân gian.
2. ĐẶC ĐIỂM VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG
2.1 Văn hóa vật chất
2.1.1. Nhà ở
Người Châu Ro trước đây cư trú trong các ngôi nhà dài với nhiều gia đình trong cùng
một dòng tộc. Việc dựng một ngôi nhà dài đòi hỏi không ít thời gian và nhân công, đặc
biệt là khâu chuẩn bị nguyên vật liệu. Nguyên vật liệu để làm nhà là các loại gỗ rừng,
tre, nứa, lồ ô, lá tranh, lá trung quân, dây mây,.. Các loại gỗ rừng, để nguyên cây dùng
làm cột nhà; các loại tre, nứa, lồ ô … dùng đan vách và sàn nhà; lá trung quân, lá cỏ
tranh dùng để lợp mái; dây mây để buộc. Đặc biệt về nguyên liệu, gỗ làm cột nhà phải
thẳng, không có các loại dây leo bám lên thân cây. Những người già ở Đức Thắng, xã
Túc Trưng, huyện Định Quán lý giải rằng chọn cây có dây leo bám xung quanh để làm
cột nhà thì cuộc sống gia đình sau này sẽ không thoải mái, hay bị ràng buộc.
Dụng cụ làm nhà của người Châu Ro tương đối đơn giản: chà gạc, dao côi,
búa… Thời gian tiến hành dựng nhà thường vào mùa khô. Đây là lúc thời tiết nắng ráo,
thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển nguyên liệu. Hơn nữa, vào mùa mưa, nguyên liệu
bị ướt nên việc buộc dây mây sẽ không được chắc chắn. Công việc dựng nhà thường
kéo dài trong bốn tuần. Khi làm nhà, họ thường tập hợp tất cả các thành viên trong gia
đình, dòng tộc và nhờ những người hàng xóm đến giúp đỡ. Thông thường, gia đình làm
nhà lo cơm nước cho những người đến giúp đỡ, không trả tiền công, khi các gia đình
khác dựng nhà, họ lại sang làm giúp. Người Châu Ro gọi hình thức này là “vần công,
trả công”, nghĩa là làm đổi công cho nhau.
Một việc không thể thiếu được trước khi dựng nhà là chọn đất xem hướng nhà.
Theo quan niệm của người Châu Ro, việc này có ảnh hưởng tốt xấu đến cuộc sống
trong tương lai của gia đình sau này. Theo tục lệ, trước khi dựng nhà người dân vạch
một đường thẳng nhỏ, xếp bảy hạt gạo trên đường thẳng đó rồi lấy bát úp lại. Sáng hôm
sau, nếu bảy hạt còn nguyên vẹn, không bị xê dịch thì là đất tốt, dựng nhà được. Người
Châu Ro cho rằng đất ở đó yên ổn, không có các côn trùng gây hại như mối mọt và là
điềm báo sự đồng ý của thần linh.
Khi dựng nhà dài, người Châu Ro trồng 4 cây cột xuống đất theo ước tính của
bản thân. Sau đó, ông đầu nhang hoặc già làng khấn thần đất và dùng dây mây đo
đường chéo của 4 cột gỗ. Nếu hai đường chéo bằng nhau là được, còn nếu các cột phải
trồng đi trồng lại nhiều lần mà hai đường chéo không bằng nhau thì chủ nhà sẽ bỏ khu
đất đó, tìm khu đất khác dựng nhà. Theo quan niệm của họ, việc hai đường chéo của 4
góc nhà không bằng nhau chứng tỏ thần đất không hài lòng khi họ dựng nhà. Và nếu
chủ nhà vẫn cố dựng nhà trên khu đất đó thì sau này con cái của họ sẽ không được
khỏe mạnh, hạnh phúc.
Cửa chính nằm ở đầu hồi của nhà dài, hướng của cửa nhà làm hướng bắc hoặc
hướng nam, để hằng ngày, mặt trời đi qua ngang nhà. Nhà ở thường vuông góc với
hướng di chuyển của mặt trời. Người Châu Ro kiêng làm cửa hướng tây hoặc hướng
đông, vì vậy, mặt trời sẽ đi dọc theo chiều dài căn nhà, các gia đình trong nhà sẽ nóng
bức, đau ốm thường xuyên…
Trong suốt quá trình làm nhà, gia đình chủ nhà thường có 2 lần làm lễ cúng thần
đất và tổ tiên. Lần thứ nhất cúng trước khi bắt đầu làm nhà và lần thứ hai là khi việc cất
nhà hoàn thành.
Sau này, nhà sàn dài của nhiều gia đình trong dòng tộc đã thay thế bằng các nhà
sàn nhỏ của từng gia đình. Các ngôi nhà nhỏ này nằm cận kề nhau, tập trung khoảng 10
đến 15 nóc nhà thành từng ấp. Mỗi ngôi nhà khoảng 30m² đến 40m², sàn cao khoảng
1.2m đến 1.5m, cầu thang lên phía đầu hồi. Phần giữa nhà là nơi sinh hoạt chung của
gia đình. Phía cuối là nơi ngủ, được ngăn cách bằng cá vách liếp và trải chiếu lùng (đan
từ cây lùng).
Hiện nay, hầu hết người Châu Ro ở nhà trệt như người Việt. Các ngôi nhà sàn
theo thời gian và do ảnh hưởng của chiến tranh dần dần hư hại. Nguyên liệu gỗ ngày
càng khan hiếm cũng hạn chế nhiều đến việc dựng lại nhà sàn mới. Trong nhiều ấp, xã
có đông người ch6u Ro các ngôi nhà trệt tường gạch mái tôn gần như thay thế nhà sàn.
2.1.2. Trang phục
Theo truyền thống, nam giới Châu Ro thường đóng khố (tronh), ở trần; nữ quấn
váy (xipút), ngực để trần. Khi thời tiết lạnh, cả nam và nữ có thêm áo (ao) chui đầu,
không tay và quấn thêm chăn (su) bên ngoài. Nữ giới thường đeo trang sức, là những
chiếc vòng cổ (kieng), vòng tay (nglao) bằng hạt cườm nhiều màu sắc và những chiếc
vòng tay bằng đồng, bạc, nhôm...
2.1.3. Ẩm thực
Hằng ngày, người Châu Ro ăn cơm gạo tẻ. Gạo nếp là lương thực quý dùng làm
các loại bánh: piêng đinh (cơm lam nướng trong ống nứa), piêng puh (bánh dày trộn
mè), piêng chum (bánh tét)…để cúng yang. Bữa ăn của họ đơn sơ họ ăn canh rau, canh
đọt mây, canh bồi (loại canh gồm có cá nấu chung với nhiều loại rau và bột bắp). Cá
khô nướng và muối ớt là món ăn thường xuyên.
2.2 Văn hóa tinh thần
2.2.1. Phong tục – tín ngưỡng
Có lẽ do làm nông là chính, người Châu Ro phải quan sát thiên nhiên để tính
mùa và họ tỏ ra khá am tường vật hậu học. Người Châu ro có câu: "Ray nhim đaq (đọc
là đạ) Gung Char": đầu mùa mưa, cây to (là anh) mọc ven sông Ray khóc cỏ tranh (là
em) mọc trên núi Chứa Chan còn bị nắng nên héo vàng; và cũng có câu: "Gung Char
đaq nhim Ray": giữa mùa mưa cỏ tranh (là em) trên núi Chứa Chan khóc anh (cây to)
mọc ven sông Ray chết vì ngập nước. Khi họ thấy ếch kêu, ve kêu, thấy đuôi kỳ đà đen
đều, cắc ké đầu xanh, xương ếch đen đi (khi bắt ăn thịt)... thì biết trời sắp mưa. Bà con
cũng để ý quan sát thấy nước giếng tự nhiên cạn bớt là dấu hiệu trời sắp mưa...
Người Châu Ro có vài kiêng cữ: con cù lần (con cu li hoặc phủ hầu) vào rẫy;
hoặc trút, trăn, rắn, rùa chết trong rẫy thì người ta bỏ rẫy đó không làm vì sợ trỉa lúa sẽ
thất thu, gia đình sẽ đau ốm. Muốn làm tiếp tục trên rẫy đó thì phải cúng. Đi làm nếu
gặp con mang (mển, đỏ) thì quay về, mai đi làm tiếp. Trong khi làm rẫy phải cữ kêu
trời, không nói tớichết vì dịch bệnh... Người Châu Ro (cũng như người Mạ, người
Stiêng) giải thích: xưa kia cù lần là ông tổ con người, dạy người làm rẫy cho nên gặp
ông tổ thì con cháu phải tránh xa, không được làm kinh động. Như vậy con cù lần –
một con vật rất phổ biến của vùng núi rừng, địa bàn cư ngụ của người Châu Ro, có khả
năng là tô tem của người Châu Ro, đặc biệt là người Châu Ro ở Đồng Nai.
Cũng như nhiều tộc người khác ở Trường Sơn, người Châu Ro tin ma lai làm
người ta bệnh tật xui xẻo, nên ai có ma lai sẽ bị cách ly khỏi cộng đồng (xưa kia có thể
bị giết chết). Chịu ảnh hưởng các tộc người khác, họ tin các cây cổ thụ, hòn đá lớn đều
có ma quỷ trú ngụ; cũng tin con người có 3 hồn 7 vía (hoặc 9, nếu là nữ) nên lúc cúng
yang hằng năm thầy chang hoặc bà bóng sẽ lấy vía trả lại người trong nhà (sợ vía có
thể đi lạc). Lu nước của gia đình phải để hướng Đông, khi ngủ thì nằm đầu hướng Tây
và không úp mặt, không co chân (sợ không ăn nên làm ra). Họ cấm con nít la hét lúc
bình minh hoặc chiều tà vì tin rằng lúc đó ma quỷ đi săn, chúng tưởng là khỉ sẽ bắn
mũi tên bệnh tật làm trẻ đau ốm và có thể chết.
Như vậy thế giới quan của người Châu Ro luôn tin rằng mọi vật đều có linh hồn
và các thần linh chi phối, hỗ trợ con người vì thế người Châu Ro có tín ngưỡng đa
thần: thần lúa (Yang va), thần rừng (Yang bri), thần suối (Yang dal), thần rẫy (Yang
mir), thần ruộng (Yang mơ)…Vị thần được tôn vinh hơn cả là Thần Lúa và Thần Rừng.
Theo quan niệm của họ, đó là những phúc thần nhân ái, trừ khử tà ma, mang lại sức
mạnh cường tráng cho mọi người và sự giàu có cho người Châu Ro. Việc cúng Thần
Lúa, thần Rừng là quan trọng do đó hình thành tập quán lễ hội hàng năm có sức thu hút
cộng đồng tham gia để vừa vui hội vừa thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng tâm linh.
Vào những tháng đầu năm, mùa xuân sau tết âm lịch của người Kinh, đêm có
trăng là người Châu Ro tổ chức hội mừng lúa mới, cúng thần lúa (Ốp Yang Va). Lễ hội
kéo dài nhiều ngày coi là lễ hội chính tương tự như các dân tộc khác ăn tết vậy. Vào
ngày cúng Yang va, mọi thứ đều phải được chuẩn bị sẵn từ trước. Người Châu Ro dựng
cây nêu, làm các loại bánh cúng (bánh dày, bánh nếp, cơm lam…), trang hoàng bàn thờ
Yang… Người ta lấy hai cây tre non vót thành bông ở đầu cây - tượng trưng cho bông
lúa. Đỉnh bông trải lớp tro để đốt trầm hoặc nhang thơm. Một cây dựng ở bàn thờ, một
cây đặt ở kho lúa. Bàn thờ Yang rất đơn sơ, đặt dăm mâm cúng, mỗi mâm đều có thịt
gà, bánh, rượu, miếng thịt heo sống…Riêng mâm hứa trả vụ tới không có thịt gà mà có
15 cọng tre, mỗi cọng xâu 7 miếng tim, gan, lòng… đặt quanh miếng thịt heo sống.
Người gọi Yang đọc lời khấn trong buổi cúng theo truyền thống là Bà Búp hoặc
Thầy Chang - họ là cầu nối giữa con người với thần linh. Vào sáng sớm ngày cúng
Yang-va, trong khi mọi người chuẩn bị lễ vật cúng thì bà chủ nhà đeo gùi, mang theo
bầu nước và chà gạt vào rẫy, thực hiện nghi thức “rước hồn lúa”. Lễ vật sau khi thực
hiện nghi thức “rước hồn lúa” gồm có 2 cây mía, 2 cây chuối non, các bông lúa nhiều
hạt và sau khi đưa về nhà được chia làm hai phần: một để ở bàn thờ Yang va, một đặt
vào trong kho lúa. Thầy chang làm lễ ba lần theo tuần tự sau. Thầy Chang đọc lời thỉnh
cầu mời thần Lúa và các thần về dự, chứng kiến lòng thành của gia đình: “ Tơ yang va,
yang bri, yang mir, yang co bap yênh bươn nhai, muynh ênh pơ lah, la pa ênh lir, la
pir ênh đang , la pang ênh yêt, pây xim yôh tang, bay yang yôh blơ, ah ênh ôp hut, ôp
xa nơ geh...” (lạy thần lúa, thần rừng thần rẫy, ông bà tổ tiên, chúng con dâng lễ cúng
các thần và ông bà tổ tiên, mong các thần và ông bà tổ tiên cho chúng con làm ăn được
mùa...); Lần thứ hai: Khấn trả lễ và tiếp chuyện với thần lúa. Năm vừa qua gia đình
làm ăn phát đạt thì cúng theo đúng lời hứa với thần hoặc là cúng nhiều hơn tuỳ theo gia
đình. Nếu năm vừa rồi mùa màng thất bại mà chủ nhà hứa cúng heo thi có thể cúng gà
cũng được, nhưng phải khấn xin phép thần. “...nar he ênh oh, nar he ênh vah, nar he
ênh toh, vơr nhai muynh, vơr ta lep, tơ ne pan...” (...hôm nay tôi khấn cúng trả lễ như
đã hứa chứ chúng tôi không dám nói dối, nói sai); Lần thứ ba: thầy Chang hoặc bà
Bóng cùng chủ nhà khấn “hứa trả lễ vụ sau” cầu cho mùa sau được thuận lợi đồng thời
chủ nhà hứa sẽ trả lễ với thần, nếu mùa màng bội thu thì trả lễ to.
Khoảng cách các giai đoạn cúng này khoảng chừng 60 phút. Trong suốt quá trình làm
lễ có sự kết hợp của dàn cồng chiêng 6 chiếc, khi tiếp chuyện với thần và khi khấn vái
đều có nhạc đệm của tiếng cồng tiếng chiêng kèm theo. Sau lời mỗi khấn vái ở các giai
đoạn kết thúc, thầy Chang vảy ít gạo lên bàn thờ, chủ nhà làm tiệc đãi khách. Người
phụ nữ lớn tuổi nhất trong làng (gia đình) chịu trách nhiệm cai quan chòi lúa, gọi là mẹ
lúa (Mây va) uống ly rượu đầu tiên, vì theo quan niệm của người Chơ ro, vẫn còn bảo
lưu chế độ mẫu hệ, người phụ nữ lớn tuổi nhất trong gia đình là người tiêu biểu cho sự
cai quản, chăm sóc nhà dài, nương rẫy và chịu đựng nhiều trách nhiệm với cộng đồng.
Bài khấn hứa có tiết tấu nhịp nhàng, nội dung lời khấn ở trong nhà và kho lúa
không khác nhau nhiều. Ở kho lúa chú trọng đến thần lúa (Yang va) nhiều hơn các
Yang khác. Lễ cúng diễn ra trong tiếng đàn cồng chiêng bảy chiếc, đánh theo nhịp điệu
lúc khoan thai, lúc dồn dập. Đồng bào cho rằng phải có tiếng nhạc cụ, cồng chiêng rộn
ràng thì ông bà tổ tiên và các Yang mới vui vẻ về dự và chứng giám lễ cúng.
Khi cúng Yang ở kho lúa cũng là kết thúc nghi lễ cúng Yang va. Trong khi cùng
chúng vui uống rượu cần, mọi người đều vui vẻ, ca hát những bài hát của dân tộc mình
theo tiếng đàn tre, kèn lúa, cồng chiêng ngân vang. Họ vui chơi cho đến khi bếp lửa
tàn, thường là nửa đêm, mới kết thúc trọn vẹn lễ hội cúng Yang va.
Người Châu Ro có tục cúng Thần Rừng (Ốp Yang Bri) vào trước mùa mưa,
song không ấn định thời gian cụ thể, có nới thì ba năm cúng một lần, có nơi thì bảy
năm cúng một lần, cũng có nơi tùy theo tình hình kinh tế của cả dòng tộc, buôn làng
mà họ tổ chức. Tục cúng thần Lúa có thể tổ chức ở lang hay ở trong từng gia đình
nhưng cúng Thần Rừng phải được tổ chức trong phạm vi cộng đồng, do già làng chủ trì
và quyết định, tổ chức ở ngoài trời, dưới khoảng đất rộng dưới bóng gốc cây cổ thụ mà
người Châu Ro cho là linh thiêng, thường là những cây Dầu, cây Da.
Tục cúng thần Rừng tổ chức trong vài ngày và rất tốn kém về thời gian, công
sức cũng như tiền của nên đòi hỏi sự đóng góp tham gia của cả cộng đồng. Thông
thường mọi người góp lễ vật là: gạo, rượu, heo, gà, vịt, trầu cau, trái cây…Lễ vật bày
cưới tán cây to, già làng cầu suối cho nhiều cá, rừng cho nhiều nai, mển, cây có nhiều
chim, nhiều ong… Sau đây là bài khấn thu thập ở xã Châu Pha (tỉnh Bà Rịa – Vũng
Tàu):
Đất đai dương trạch
Hoài đai dương trạch
Cây có lá xanh
Đá Trang, sông Xoài
Hòn Đại hòn Lang
Trương giác, Trương Hải
…
Trương thiên vạn vị
Mới tại thiên lập địa
Con người còn tối tăm non dại
Thưa thần linh
Nhờ ơn thần linh
Con trai ra con trai
Con gái cầm chày giã gạo
Con trai đi săn bắn ná
Thưa thần linh… [3]
Lời khấn này chắc chắn chịu ảnh hưởng lời khấn của thầy cúng Việt, nhưng vẫn giữ
bản sắc dân tộc thiểu số. Cúng xong, mọi người ăn uống rồi ra về.
2.2.2. Văn học dân gian
Văn học dân gian phản ánh cuộc sống, tư duy, chuẩn mực và cách ứng xử của
con người với thiên nhiên, xã hội, với con người qua các thời kỳ lịch sử. Văn học dân
gian Châu Ro cũng thế, nó là bộ phận của văn hóa truyền thống, nếu nó được sưu tầm
nghiên cứu đúng mức sẽ bộc lộ được văn hóa bản sắc của người Châu Ro.
Văn học dân gian Châu Ro đã được hình thành trong quá trình lao động sản xuất, được
sống và lưu truyền các nghi lễ - lễ hội, trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trong gia
đình. Nó là linh hồn, là giá trị tinh thần đẹp nhất trong cuộc sống cộng đồng. Văn học
dân gian Châu Ro khá phong phú với nhiều thể loại: truyện kể dân gian, ca dao, dân ca,
truyện ngụ ngôn, thành ngữ, các câu tục ngữ…được đúc kết các kinh nghiệm sản xuất
nông nghiệp, kinh nghiệm về thiên nhiên và cuộc sống xã hội.
Vốn văn học dân gian này chứa đựng những tri thức, tình cảm, tâm lí của dân
tộc Châu Ro, mặc dù đã được sưu tầm, xuất bản nhưng vẫn còn nhiều khuyết thiếu.
Nguy cơ di sản quý giá này mất đi cùng với sự ra đi của các thế hệ già là một thực tế
đáng báo động.
Văn học dân gian Châu Ro nói chung và đặc biệt là truyện cổ Châu Ro nói
riêng, người Châu Ro muốn phản ánh quá trình lao động chinh phục thiên nhiên và đấu
tranh xã hội của mình; phản ánh tư tưởng, tình cảm, khát vọng no ấm của người dân
lao động bằng những tư duy sáng tạo và những thể hiện riêng. Bên cạnh đấy, nó cũng
có dụng ý giải thích những địa danh núi non, sông, hồ .. có truyện khuyến khích con
người làm việc thiện, tố cáo những kẻ bạc ác, kết thúc truyện bao giờ cái thiện, cái
chính nghĩa cũng chiến thắng.
Người Châu Ro xưa theo chế độ mẫu hệ, nên người lưu truyền những câu
truyện kể này chính là những người bà, người mẹ trong gia đình. Họ thường kể những
câu truyện kể này cho con cháu mình nghe trước khi đi ngủ hay lúc nông nhàn. Hình
thức thể hiện là hát kể, vừa kể chuyện vừa hát, có khi kể bằng giọng văn xuôi. Qua
những câu truyện kể này, ta thấy người Châu Ro đã thể hiện rất rõ tư duy của dân tộc
mình. Đó là quan niệm về cuộc sống và cái chết, về cuộc đấu tranh của các nhân vật
đại diện cho cái thiện, cái ác, cho hạnh phúc của con người, chống lại các thế lực gian
ác… Trong các loại hình văn hóa dân gian Châu Ro, truyện cổ là loại hình phản ánh
tâm tư, khát vọng, ước mơ… về cuộc sống của tộc người. Nội dung của truyện cổ Châu
Ro ví như một bức tranh khá sinh động, minh họa cho cuộc sống lao động và sinh hoạt
tinh thần của tộc người, mặt khác nó là tấm gương phản ánh khá trung thực những
quan hệ xã hội dân tộc Châu Ro. Đồng thời nó cũng là tiếng nói của tình yêu nam nữ
trong sáng, tình người mộc mạc, chân thực, đẹp đẽ của nhân dân.
Sự tồn tại của truyện cổ Châu Ro cũng mang tính chất chung như các nền văn
học dân gian của các dân tộc khác. Đó là sự lưu truyền bằng miệng trong quần chúng
mà chủ yếu là các bà, các mẹ và già làng… Mặt khác, nguồn truyện được lưu truyền
bằng hát kể, kể của ngôn ngữ nói và được ghi lại bằng trí nhớ chứ không bằng chữ viết
(vì người Châu Ro không có chữ viết). Chính vì thế mà có những câu truyện có nhiều
văn bản kể khác nhau nhưng vẫn một nội dung (dị bản). Điều đó đã tạo nên nét độc
đáo và phong phú của truyện cổ Châu Ro. Đó cũng là lý do khi khảo sát văn bản,
chúng tôi có tiến hành điền dã so sánh với cách kể của người dân để xem đời sống đích
thực thể loại truyện kể như thế nào. Vấn đề này sẽ được trình bày ở chương 2. Theo
chúng tôi nghiên cứu và sưu tầm, mảng truyện cổ này bao gồm các thể loại truyện: thần
thoại, truyền thuyết, cổ tích. Truyện cổ Châu Ro như là mạch nước ngầm vẫn âm ỉ
chảy qua từng thế hệ người Châu Ro. Truyện kể dân gian này là một trong những vốn
văn hóa truyền thống đang dần bị mai một. Và nó thực sự cần được sưu tầm, bảo tồn,
nghiên cứu một cách nghiêm túc và khoa học, nếu không thì “dẫu tiền muôn bạc vạn
cũng không thể tái hiện được” (Huỳnh Văn Tới).
Tiểu kết:
Trên đây, chúng tôi đã khái quát về người Châu Ro ở Đồng Nai về nguồn gốc, nơi
cư trú, nhóm ngữ hệ, dân số, quá trình lịch sử hình thành. Đây là một quá trình tộc
người khá phổ biến ở dọc Trường Sơn nước ta. Tuy nhiên người Châu Ro dường như
có một quá trình lịch sử - văn hoá gắn với văn hoá đồng bằng trong quá trình khảo sát
truyện dân gian. Đấy là một trong những điểm nhấn của chúng tôi.
3. Tình hình tư liệu
So với việc sưu tầm truyện cổ tích của người Việt (Kinh) thì truyện cổ tích của
các dân tộc thiểu số được tiến hành muộn hơn, chủ yếu là sau thời kỳ cách mạng tháng
Tám năm 1945. Và truyện cổ Châu Ro cũng trong tiến trình muộn mằn ấy. Chúng tôi
nhận thấy công trình Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam của Võ Quang Nhơn[45];
bài viết của Phan Đăng Nhật “Những vấn đề đặt ra từ công cuộc sưu tầm nghiên cứu
văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam thế kỷ XX”. Đây có thể xem là hai
công trình lớn nghiên cứu về văn học các dân tộc thiểu số và sớm nhất từ sau cách
mạng tháng Tám năm 1945. Ở cả hai công trình này, tác giả nghiên cứu chuyên sâu về
tình hình sưu tầm truyện cổ tích của các dân tộc thiểu số trước và sau cách mạng tháng
Tám. Một công trình khá lớn tiếp theo là Truyện cổ các dân tộc thiểu số Việt Nam
[67]do Đặng Nghiêm Vạn, Đặng Văn Lung và Tăng Kim Ngân nghiên cứu. Ở công
trình này, các tác giả đã sắp xếp truyện cổ các dân tộc theo dòng ngôn ngữ - dân tộc
học, tập trung vào một số dân tộc của ba dòng chính: dòng Nam đảo (Malayô –
Pôlinêxia); dòng Nam (Môn –Khơ Me, Tày – Thái và Cơ lao). Ở công trình này đã có
chuyên sâu hơn so với hai công trình trước. Nhưng hai công trình trước lại là tiền đề
cho các công trình nghiên cứu về văn học các dân tộc thiểu số sau này. Sở dĩ chúng tôi
điểm qua ba công trình nghiên cứu trên để thấy rằng: cả ba công trình nghiên cứu lớn
đó cũng chưa được các nhà nghiên cứu về văn học dân gian các dân tộc thiểu số đề cập
đến truyện cổ dân gian Châu Ro.
Trên đây mới chỉ là điểm qua rất lướt tình hình nghiên cứu văn học dân gian của
các dân tộc thiểu số Việt Nam của một số nhà nghiên cứu tiên khởi về lĩnh vực này từ
sau Cách mạng tháng Tám 1945, chắc còn thiếu nhiều; cũng bởi, do nguồn tìm hiểu tư
liệu của người viết còn hạn chế. Song, những công trình trên giúp chúng tôi bước đầu
đưa ra được những nhận định chung về tình hình nghiên cứu văn học dân gian Châu Ro
nói chung và truyện cổ Châu Ro nói riêng vẫn còn là mảnh đất hoang chưa được dày
công vun xới. Đây là một trong những vấn đề khó khăn rất lớn về nguồn tư liệu cho
công trình nghiên cứu của chúng tôi. Trên những khó khăn về nguồn tư liệu, chúng tôi
đã gắng sức tập hợp một số công trình nghiên về văn học dân các dân tộc thiểu số phía
Nam để tìm ra những tư liệu có liên quan đến đề tài chúng tôi đang nghiên cứu, và
những bài viết về dân tộc Châu Ro, truyện cổ Châu Ro đã được công bố rải rác ở một
vài công trình được xuất bản ở trung ương và địa phương. Trước hết hết, chúng tôi đi
sâu vào nguồn tư liệu hiện có.
Theo chúng tôi tìm hiểu, việc sưu tầm, ghi chép những truyện cổ Châu Ro chỉ
mới bắt đầu từ những năm đầu thế kỷ XX nhưng chỉ có một truyện và nó chỉ ở hiện
trạng là giới thiệu văn bản truyện kể như: “Mẹ nhau – Thần chết” – Tuyển tập truyện
cổ tích các dân tộc ở Việt Nam (tập 2), Viện khoa học và xã hội tại thành phố Hồ Chí
Minh, 1987. Vấn đề sưu tầm truyện cổ này chưa được chú trọng. Phải chăng vấn đề
lịch sử của tộc người này như đã trình bày ở chương 1 cũng đã ảnh hưởng không nhỏ
đến việc sưu tầm và nghiên cứu truyện cổ Châu Ro?. Đến những năm cuối của thế kỷ
XX, vấn đề về văn hóa, văn nghệ dân tộc Châu Ro mới thực sự khởi sắc nhưng đa phần
những công trình nghiên cứu về tộc người Châu Ro là ở lĩnh vực văn hóa là chủ yếu
còn lĩnh vực văn học thì chưa có một công trình nào nghiên cứu chuyên biệt về lĩnh
vực này.
Việc sưu tầm, bảo tồn truyện cổ Châu Ro hiện nay đang gặp một số khó khăn do
người Châu Ro không có chữ viết, xã hội Châu Ro lại đang trên con đường “Việt
hóa”… và người thực sự có tâm huyết, có đam mê với truyện cổ số lượng rất ít và
không có nhiều thời gian để đi sưu tầm tại cơ sở. Bên cạnh đó, những người đi sưu tầm
ít biết tiếng dân tộc, hoặc không có nhiều nên lâu nay tư liệu về truyện cổ Châu Ro của
dân tộc này vẫn còn bị bỏ ngỏ, và đang dần mai một và có khả năng biến mất.
Hình thức lưu truyền của truyện cổ Châu Ro cũng khác so với các dân tộc anh
em khác. Những truyện cổ của các dân tộc thiểu số thường được kể trong các lễ hội của
dân tộc mình. Điều này cũng là một sự lan tỏa khá lớn trong cộng đồng dân tộc và khả
năng lưu giữ rộng và tốt hơn. Và phần nào nó cũng đã kích thích sự hứng thú cho các
nhà nghiên cứu về văn hóa, văn học dân gian, đặc biệt là truyện cổ một cách khoa học
và khách quan hơn.
Còn đối với văn học dân gian Châu Ro nói chung và truyện cổ Châu Ro nói
riêng do hình thức lưu truyền chính yếu là từ những người phụ nữ trong gia đình (theo
chế độ mẫu hệ), người bà, mẹ, chị..kể lại khi họ làm nương, trong lúc nông nhàn hay
khi họ ru con ngủ về những câu truyện cổ của dân tộc mình. Vì vậy, tiếp cận kho tàng
truyện cổ, chúng tôi rất chú trọng đến đối tượng này. Những truyện kể này thường kể
về nguồn gốc ra đời dân tộc mình, về phong tục, tập quán, những lễ hội, kiêng kỵ, tình
yêu nam nữ và sinh hoạt thường ngày …
Truyện cổ Châu Ro do các bà, mẹ kể lại theo trí nhớ được sưu tầm và ghi chép
lại. Những người sưu tầm truyện cổ Châu Ro trước đây được kể lại bằng tiếng Kinh và
một số truyện là bằng tiếng Châu Ro. Theo chúng tôi được biết có một số truyện kể
Châu Ro, người Châu Ro chỉ có thể lại bằng tiếng của dân tộc mình và không thể kể lại
bằng tiếng Việt vì họ chỉ nhớ mẹ họ đã kể như thế bằng tiếng Châu Ro. Vì thế, một số
truyện được ghi âm lại và phải nhờ đến một người khác dịch ra tiếng Kinh rồi ghi chép
lại. Những truyện kể này thường được các già làng hay trưởng thôn dịch ra tiếng Việt.
Khi chuyển ngữ như vậy, một vấn đề nảy sinh là cái phương ngữ, ngữ điệu, cái “hồn”
thậm chí cả nội dung có thể dẫn đến những bản kể dịch sai do không hiểu đúng nghĩa.
Vì vậy, việc xác định chất lượng của các bản kể, bản dịch quả là một công việc hết sức
phức tạp và khó khăn.
Với tâm huyết muốn góp một chút công sức vào việc bảo tồn vốn văn học dân
gian Châu Ro nói chung và truyện cổ Châu Ro nói riêng ở địa phương mình để thấy
được những tinh hoa của đời sống dân tộc Châu Ro qua những truyện kể, chúng tôi
thấy phải tiếp xúc từ hai nguồn: văn bản đã công bố và điều tra thực địa để đối chứng,
so sánh. Qua đấy, chúng ta có thể thấy được những đặc điểm riêng biệt về văn hóa, văn
hoc dân gian của người Châu Ro mà không lẫn với bất cứ một dân tộc anh em nào
khác. Trên cơ sở ấy, chúng tôi cũng đưa ra những đánh giá, nhận xét một cách khách
quan, khoa học hơn về hiện trạng của truyện cổ Châu Ro dưới góc độ chuyên ngành.
Việc so sánh, đối chiếu với những văn bản truyện kể của mình sưu tầm được với tài
liệu được công bố trước đây sẽ giúp ta nhận ra cái cốt được giữ lại ở mỗi văn bản
truyện kể là nội dung gì?. Từ đó, chúng tôi bước đầu đưa ra kết luận về độ chính xác
của văn bản truyện kể Châu Ro. Sau đấy, chúng tôi tiến hành phân loại truyện cổ Châu
Ro theo tiêu chí thể loại và tiểu loại truyện kể dân gian.
3.1. Các văn bản truyện cổ Châu Ro đã được công bố
- Tuyển tập truyện cổ tích các dân tộc ở Việt Nam (tập 2) – Viện Khoa học xã
hội TP. HCM, 1987.
Đây là công trình nghiên cứu chuyên đề về truyện cổ các dân tộc ở Việt Nam.
Công trình đã chọn lọc và giới thiệu tinh tuyển những truyện cổ của mỗi dân tộc Việt.
Trong công trình này đã giới thiệu những truyện cổ của 52 dân tộc Việt. Là công trình
nghiên cứu công phu sưu tầm, có hệ thống và có cơ sở khoa học. Đặc biệt, trước phần
giới thiệu truyện cổ của một dân tộc nào đấy thì trước đó đều có phần giới thiệu khái
quát về tên gọi, dân số, địa bàn cư trú, ngôn ngữ, kinh tế - xã hội, lịch sử, văn hóa…
của dân tộc ấy. Phần này đã giúp người đọc hiểu nội dung truyện cổ của dân tộc ấy một
cách thấu triệt.
Ở công trình này chỉ giới thiệu một truyện cổ Châu Ro: Mẹ nhau – thần chết,
truyện này đề cập đến tín ngưỡng cho trẻ em ăn thịt con chim bìm bịp của người Châu
Ro “Cho tới nay người Chơ -ro thường có tập quán cho trẻ con ăn thịt chim bìm bịp và
lấy xương của chim làm dây chuỗi cho trẻ em đeo ở cổ, để “mẹ nhau – thần chết”
không dám bắt chúng đi” để tránh những điều xui xẻo xảy đến cho những đứa trẻ trong
gia đình, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến sức khỏe cũng như liên quan đến tuổi
đời của đứa trẻ. Đây là một nét văn hóa có liên quan đến phong tục của người Châu
Ro.
Công trình này không phân loại hay luận giải vấn đề gì về truyện cổ Châu Ro, chỉ
là giới thiệu một truyện cổ Châu Ro đã sưu tầm được. Chúng tôi thiết nghĩ mục đích
chính của công trình này là giới thiệu truyện cổ của các dân tộc Việt, là “chiếc áo đa
sắc” nhằm tôn vinh những nét độc đáo của văn học dân gian Việt Nam nói chung và
truyện cổ của các dân tộc thiểu số nói riêng.
- Người Châu Ro ở Đồng Nai: Huỳnh Tới, Yên Trị, Đình Dũng – Chi hội văn nghệ
Đồng Nai – NXB Đồng Nai, 1997.
Công trình nghiên cứu này nghiên cứu chuyên sâu về dân tộc Châu Ro, trong đó có
phần sưu tầm và giới thiệu truyện cổ của dân tộc này. Những truyện cổ này là tài liệu
chính mà chúng tôi sử dụng khi nghiên cứu chuyên biệt về truyện cổ Châu Ro trong
luận văn của mình. Đây là một công trình được các tác giả sưu tầm trong khoảng thời
gian khá dài và rất công phu. Vì người Châu Ro có cuộc sống phân bố rải rác, di
chuyển nhiều nơi nên kho tàng văn hóa ấy đã mai một, thất tán, có nguy cơ hòa tan vào
các dòng văn hóa khác. Công trình nghiên cứu này chủ yếu nghiên cứu sâu về văn hóa
người Châu Ro. Tài liệu gồm 190 trang, trong đó từ trang 1 đến trang 116 tác giả trình
bày về văn hóa Châu Ro, từ trang 116 đến trang 190 tác giả giới thiệu 30 truyện cổ
Châu Ro. Phần một của tài liệu được xem là tiền đề để tìm hiểu phần hai, truyện cổ
Châu Ro. Như đã trình bày ở trên, đây là tài liệu chính yếu cho công trình nghiên cứu
của chúng tôi khi nghiên cứu về truyện cổ của dân tộc này.
Ở công trình nghiên cứu này, tác giả đã sưu tầm được 30 truyện cổ Châu Ro và
được sắp xếp thứ tự một cách ngẫu nhiên chứ không theo loại thể ( thần thoại, cổ tích,
truyện cười, truyện ngụ ngôn...). Những truyện cổ này được tác giả ghi chép, thu âm và
biên soạn lại trong những chuyến thực tế, điền dã của mình. Bước đầu, chúng tôi nhận
thấy những truyện cổ này được các tác giả biên soạn lại vẫn còn ở dạng “mộc”, không
chỉnh sửa theo chủ quan của người sưu tầm nên ngôn ngữ của những truyện cổ này vẫn
còn ở tính chất thô phác ban đầu.
Những truyện cổ này bước đầu được chúng tôi tạm thống kê, phân loại để có cái
nhìn hệ thống về nó:
o Truyện về loài vật (5 truyện): Cọp và Thỏ; Chèo bẻo: vua của các loài vua;
Rùa và khỉ; Thỏ và Cọp; Vì sao chim cút sống ở bờ bụi?.
o Truyện kể về các địa danh (5 truyện): Sự tích miếu ông Chồn; Cánh đồng Cà
Dăm; Sự tích sông Ray; Vì sao người Châu Ro ở vùng rừng núi?; Sự tích
Suối Thề.
o Truyện cổ tích (20 truyện): Thằng mồ côi; Cọp cướp vợ người; Con gà trắng;
Con sóc bông; Vì sao người Châu Ro không có chữ viết?; Kiêng ăn thịt heo;
Mẹ nhau thần chết; Người hóa voi; Không hẹn trước; Những người ăn mây
trời; Chàng Lác; Những người con của chó; Tráng sĩ diệt cọp tinh; Chàng
Katiêng và con quỷ; Mụ chằn tinh và cây gậy thần; Nàng tiên mèo; Hai anh
em; Cô gái lấy cọp; Con đười ươi; Cọp có nghĩa.
- Hoàng hậu Ba Ba – Truyện cổ Châu ro - Truyện cổ các dân tộc thiểu số: Vĩnh
Trường, NXB Thanh Hóa, 2004.
Công trình nghiên cứu truyện cổ Châu Ro của tác giả Vĩnh Trường đã sưu tầm
được 13 truyện cổ Châu Ro. Tài liệu gồm 78 trang và những truyện cổ này cũng được
xắp xếp thứ tự một cách ngẫu nhiên và nội dung tài liệu chỉ bao gồm nội dung của 13
truyện cổ Châu Ro. Chúng tôi nhận thấy công trình này chỉ là sưu tầm và giới thiệu
truyện cổ Châu Ro chứ chưa đưa ra một nhận định hay lí giải gì về những truyện cổ
này.
Ở tài liệu này chúng tôi cũng tạm thống kê và phân loại:
o Truyện về loài vật (4 truyện): Thỏ và Cọp; Cọp, Voi và Thỏ; Ốc và Thỏ; Mưu
con Rùa.
o Truyện về địa danh (2 truyện): Sự tích sông Ray; Sự tích núi Nhang
o Truyện cổ tích (7 truyện): Sự tích chim năm trâu sáu cột; Cô gái và hoàng tử;
Chàng trai và con quỉ; Hoàng hậu Ba Ba; Cô Sáu – Cô Bảy; Người em út;
Kần Dâng – Kần Doi.
- Truyện cổ tích các dân tộc Việt Nam (tập 1), NXB Phụ Nữ, 2007.
Ở tài liệu này đã giới thiệu hai truyện cổ Châu Ro: Sự tích sông Ray (truyện kể
địa danh) và Cô Sáu – Cô Bảy (truyện cổ tích). Và cả hai truyện cổ này cũng chỉ ở
dạng công bố để bạn đọc tham khảo chứ chưa đưa ra gợi ý cụ thể nào để chúng tôi khai
thác đề tài của mình.
- Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi.
Công trình này giới thiệu một số truyện cổ của các dân tộc thiểu số Việt Nam,
trong đó tài liệu đã giới thiệu 1 truyện kể: Ca Dút, Ca Dui (truyện cổ tích) kể về hai
anh em mồ côi, trải qua bao khó khăn, cuối cùng cũng được hưởng hạnh phúc bên gia
đình riêng của mình. Truyện kể này được tác giả giới thiệu về văn bản kể và cũng
không có bất cứ nhận định hay đánh giá gì về nội dung của truyện kể này.
- Chuyện kể địa danh – Vũ Ngọc Khánh.
Ở công trình này, tác giả Vũ Ngọc Khánh giới thiệu 1 truyện Thác Trị An.
Truyện kể về mối tình của tù trưởng Xơ-ra Đina và một trưởng nữ của tù trưởng Điểu
Lôi, người Châu Ro. Một mối tình Xơ-ra Đina và Điểu Du đã vượt qua bao gian khó
và cả sự ghen tức của Sang Mô, một kẻ đem lòng si mê Điểu Du nhưng không được
tình yêu của nàng đáp lại. Sang Mô tìm mọi cách để hại gia đình Xơ-ra Đina. Chúng tôi
nhận thấy rằng ở văn bản kể này đã khá hoàn chỉnh về nội dung và nghệ thuật. Bên
cạnh đấy, cách diễn đạt truyện kể này vẫn còn nguyên sự mộc mạc, đơn giản của
truyện cổ.
Nhìn chung, những công trình nghiên cứu về truyện cổ Châu Ro mới chỉ dừng
lại ở dạng sưu tầm và giới thiệu. Tổng số các truyện cổ Châu Ro mà chúng tôi thu thập
được ở các tài liệu đã công bố ở cả trung ương lẫn ở địa phương là 48 văn bản, trong
đó chúng tôi bước đầu tạm phân loại gồm : 9 truyện loài vật, 9 truyện địa danh, 30
truyện cổ tích. Và vấn đề phân loại truyện cổ Châu Ro, chúng tôi sẽ đề cập rõ hơn ở
chương 2. Trong 48 truyện cổ Châu Ro đã công bố, chúng tôi nhận thấy 48 truyện cổ
Châu Ro đều là bản kể, trong đó có 8 bản kể giống nhau hoàn toàn về nội dung nhưng
đôi chỗ khác nhau về ngôn từ và cách diễn đạt. Phải chăng vấn đề này chính là đặc
điểm chung của văn học dân gian nói chung và của truyện cổ nói riêng mang tính dị
bản do hình thức lưu truyền là truyền miệng?.
Khi nghiên cứu Văn học dân gian nói chung và truyện cổ nói riêng, chúng ta
thường bám sát vào văn bản tác phẩm truyện cổ thông qua các yếu tố ngôn từ. Vấn đề
đặt ra ở đây là chất lượng của bản kể đã được công bố ở trung ương hay ở địa phương
thì hình như nó chưa được chú trọng. Theo Hồ Quốc Hùng “vấn đề cần trao đổi ở đây
là độ tin cậy của văn bản, sự sống động của ngôn ngữ VHDG được thể hiện như thế
nào trong văn bản – điều mà các nhà nghiên cứu ít quan tâm đến chất lượng của nó, vì
vậy, trong một số trường hợp khó tránh khỏi những nhận định sai lệch” [23] Dựa vào
đánh giá trên về tình hình văn bản văn học dân gian, luận văn của chúng tôi cũng bước
đầu khảo sát về chất lượng của các truyện cổ Châu Ro đã được công bố. Theo chúng
tôi biết được, những người đã sưu tầm truyện cổ Châu Ro trước đây, họ không hiểu
biết hết tiếng Châu Ro và việc biên soạn lại những truyện cổ sưu tầm được phần lớn là
do trưởng thôn dịch lại hay được nghe kể lại bằng tiếng Việt do người Châu Ro kể. Khi
đi điền dã, chúng tôi được biết là có những truyện kể của người Châu Ro họ không thể
kể lại bằng tiếng Kinh những truyện kể của dân tộc mình được mà chỉ kể bằng tiếng
Châu Ro. Và những bản kể này được dịch hay biên soạn lại có thêm bớt chủ quan của
người biên soạn. Bên cạnh đấy, chúng tôi cũng nhận thấy có vài truyện kể đã công bố ở
những công trình nghiên cứu của các tác giả khác nhau nhưng lại có bản kể giống nhau
hoàn toàn. Điều này chúng tôi thiết nghĩ là có sự sao chép? hay do sự tương trùng ngẫu
nhiên giữa các truyện? (vì sự phân bố dân cư rải rác của người Châu Ro) hay là sự cố
tình làm khác đi về mặt ngôn từ nhưng nội dung vẫn giống nhau so với những truyện
đã công bố trước đó để phần nào lý giải về vấn đề tính dị bản của văn học dân gian nói
chung? “có những người tự cho phép mình “đồng sáng tạo” một cách chủ quan tùy tiện,
khiến cho tác phẩm có gì đấy xa lạ với đời sống đích thực của nó”[23] như truyện Sự tích
sông Ray, Mẹ nhau – thần chết, Cô Sáu – Cô Bảy, Thỏ và Cọp .
3.2. Các văn bản ghi chép qua điền dã của bản thân.
3.2.1. Những truyện cổ do bản thân sưu tầm.
Trong quá trình điền dã tại các địa phương kể trên khoảng một tháng, chúng tôi
đã thu thập, sưu tầm được 15 truyện kể và cũng tạm phân loại:
_ Truyện kể địa danh (6 truyện): Sự tích núi Nhang, Sự tích sông Ray, Sự tích
_ núi Dinh và núi Chứa Chan, Sự tích suối Thề, Sự tích của đảo, Sự tích miếu
ông Chồn.
_ Truyện loài vật (2 truyện): Vì sao chim cút sống ở bụi?, Thỏ và Cọp.
_ Truyện kể về nguồn gộc tộc họ và phong tục của người Châu Ro (3 truyện):
Truyền thuyết về họ BiCu của người Châu Ro, Truyền thuyết về họ
ChrauLun của người Châu Ro, Truyền thuyết về tục treo tổ ong trước nhà.
_ Truyện cổ tích (7 truyện): Hoàng hậu Ba Ba, Truyền thuyết về người Châu
Ro, Chàng trai và con quỉ, Cô gái và hoàng tử, Sự tích chim năm trâu sáu
cột,Nàng tiên mèo, Sự tích con chim Chèo bẻo.
Trong 15 bản kể, chúng tôi nhận thấy có hai bản kể có tính dị bản: Sự tích con
chim Chèo Bẻo và Suối Thề. Các văn bản kể còn lại thì gần như giống nhau hoàn toàn
với các truyện đã công bố trước đó.
Tổng cộng chúng tôi có 66 văn bản kể, trong đó có 11 truyện loài vật, 14 truyện
địa danh, 38 truyện cổ tích, 3 truyện về nguồn gốc tộc họ. Như vậy, chúng tôi đã sử
dụng 66 truyện cổ Châu Ro này để phục vụ trực tiếp cho luận văn của mình.
3.2.2.So sánh, đối chiếu những văn bản truyện cổ dân gian Châu Ro tương đồng
Dựa trên những truyện cổ Châu Ro đã được công bố trước đó và những tồn nghi
của chúng tôi về chúng, chúng tôi đã có những chuyến đi điền dã tại xã Phú Lý huyện
Vĩnh Cửu; Định Quán; Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai; huyện Tánh Linh tỉnh Bình Thuận;
huyện Ngãi Giao tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là địa bàn người Châu Ro sinh sống đông
nhất để sưu tầm, thẩm định lại những tồn nghi, độ chính xác hay độ vênh lệch giữa các
bản kể trước. Điều này sẽ là cơ sở khoa học, khách quan cho công trình nghiên cứu của
chúng tôi. Bên cạnh đấy, việc làm này phần nào phát huy vấn đề bảo tồn kho tàng
truyện cổ Châu Ro nói riêng và văn học dân gian của các dân tộc Việt Nam nói chung.
Sau khi sưu tầm được 66 truyện kể Châu Ro, chúng tôi đối chiếu những văn bản
của các tác giả khác nhau đã công bố trước đó và cả những văn bản của chúng tôi sưu
tầm thì nhận thấy rằng có những bản kể giống nhau hoàn toàn về nội dung và những
bản kể chỉ giống nhau ở cốt truyện nhưng lại khác nhau về cách diễn đạt hay về ngôn
từ của bản kể… như chúng tôi đã đề cập ở phần trên.
Xin nêu một vài trường hợp về vấn đề văn bản truyện kể Châu Ro:
3.2.2.1. Trường hợp thứ nhất: truyện Mẹ Nhau – Thần Chết, Tuyển tập truyện
cổ tích các dân tộc ở Việt Nam (tập 2) – Viện Khoa học xã hội TP. HCM, 1987 đã giới
thiệu đề cập đến phong tục tập quán hay ăn thịt chim bìm bịp của người Châu Ro đặc
biệt là trẻ em. Nội dung truyện giải thích thông qua cái chết của nhiều đứa con trong
một gia đình. Những đứa con của họ hay bị thần nhau bắt đi (chết). Người cha trong
một lần tình cờ nghe lời Mẹ nhau nói mà họ biết được cách để cho con mình khỏi chết.
Cách đó là cứ “ ăn thịt chim bìm bịp” và họ đã thực hiện, đứa con trai sống mà không
bị bắt đi. Vì thế, thịt chim bìm bịp trở thành như “vật linh” mà thần chết không dám
động vào. Không chỉ cho trẻ em ăn thịt chim bìm bịp mà người Châu Ro còn lấy xương
của chúng làm xâu chuổi như một thứ “bùa thiêng ” treo ở cổ trẻ em.
Truyện kể “ Có một cặp vợ chồng ở buôn nọ, hễ sinh con, cứ nuôi đến khoảng
sáu, bảy tuổi đứa trẻ lại tự nhiên ngã bệnh rồi chết. Hai vợ chồng buồn bã lo lắng,
cúng Giàng nhiều lần mà vẫn không hết. Lần đó, đứa con sinh lần thứ tư đã lên bảy
tuổi. Hai vợ chồng trong lòng mừng thầm vì may ra lần này nuôi được chăng… Khi
đứa con mang cơm nước lên tới chỗ bụi rậm, bỗng có tiếng đàn bà từ trong bụi vẳng
ra: mẹ là mẹ nhau của con. Mẹ đang tính sắp đem con về với mẹ, vì con là cuống rốn
của mẹ. Con phải giữ gìn, tắm rửa sạch sẽ và không được ăn thịt chim bìm bịp nghe
con! Nếu con ăn, mẹ không đón con về đâu. Nhớ nghe con!. Người chồng nghe thấy,
biết đó là thần chết định bắt con mình. Về nhà, người chồng không nói gì cả, đi bẫy
chim bìm bịp, làm thịt ở rừng, giấu không cho đứa con biết. Rồi anh ta nướng thịt chim
bìm bịp chung với thịt chim đa đa cho con ăn.. Mấy hôm sau, đứa con lại mang cơm
lên cho bố ở rẫy. Khi đến gần bụi rậm đầu rẫy chợt có tiếng đàn bà nói với vẻ giận
dữ: Tao đã bảo mày, mày không nghe, cứ ăn thịt chim bìm bịp, từ nay tao không còn
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ

More Related Content

What's hot

Luận văn: Tình yêu trong thơ Nôm thế kỷ XV đến thế kỷ XIX dưới góc nhìn văn h...
Luận văn: Tình yêu trong thơ Nôm thế kỷ XV đến thế kỷ XIX dưới góc nhìn văn h...Luận văn: Tình yêu trong thơ Nôm thế kỷ XV đến thế kỷ XIX dưới góc nhìn văn h...
Luận văn: Tình yêu trong thơ Nôm thế kỷ XV đến thế kỷ XIX dưới góc nhìn văn h...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh tháiLuận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh tháinataliej4
 
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam nataliej4
 
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...nataliej4
 
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX nataliej4
 
Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết hồ anh tháitruonghocso.com
Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết hồ anh tháitruonghocso.comNghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết hồ anh tháitruonghocso.com
Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết hồ anh tháitruonghocso.comThế Giới Tinh Hoa
 

What's hot (20)

Luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết của Trần Dần
Luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết của Trần DầnLuận văn: Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết của Trần Dần
Luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết của Trần Dần
 
Luận văn: Tình yêu trong thơ Nôm thế kỷ XV đến thế kỷ XIX dưới góc nhìn văn h...
Luận văn: Tình yêu trong thơ Nôm thế kỷ XV đến thế kỷ XIX dưới góc nhìn văn h...Luận văn: Tình yêu trong thơ Nôm thế kỷ XV đến thế kỷ XIX dưới góc nhìn văn h...
Luận văn: Tình yêu trong thơ Nôm thế kỷ XV đến thế kỷ XIX dưới góc nhìn văn h...
 
Luận văn: Bản sắc văn hóa Tây Nguyên trong văn xuôi H’Linh Niê
Luận văn: Bản sắc văn hóa Tây Nguyên trong văn xuôi H’Linh NiêLuận văn: Bản sắc văn hóa Tây Nguyên trong văn xuôi H’Linh Niê
Luận văn: Bản sắc văn hóa Tây Nguyên trong văn xuôi H’Linh Niê
 
luan van thac si tiem nang phat trien du lich van hoa tam linh o nam dinh
luan van thac si tiem nang phat trien du lich van hoa tam linh o nam dinhluan van thac si tiem nang phat trien du lich van hoa tam linh o nam dinh
luan van thac si tiem nang phat trien du lich van hoa tam linh o nam dinh
 
Luận án: Nghiên cứu một số truyện thơ của dân tộc Thái ở Việt Nam
Luận án: Nghiên cứu một số truyện thơ của dân tộc Thái ở Việt NamLuận án: Nghiên cứu một số truyện thơ của dân tộc Thái ở Việt Nam
Luận án: Nghiên cứu một số truyện thơ của dân tộc Thái ở Việt Nam
 
Luận văn: Thơ cổ phong Nguyễn Trãi, Nguyễn Du từ góc nhìn thi pháp
Luận văn: Thơ cổ phong Nguyễn Trãi, Nguyễn Du từ góc nhìn thi phápLuận văn: Thơ cổ phong Nguyễn Trãi, Nguyễn Du từ góc nhìn thi pháp
Luận văn: Thơ cổ phong Nguyễn Trãi, Nguyễn Du từ góc nhìn thi pháp
 
Luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu
Luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh ChâuLuận văn: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu
Luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu
 
Danh Sách Hơn 210 Đề Tài Tiểu Luận Môn Văn Từ Sinh Viên Khóa Trước Đây
Danh Sách Hơn 210 Đề Tài Tiểu Luận Môn Văn Từ Sinh Viên Khóa Trước ĐâyDanh Sách Hơn 210 Đề Tài Tiểu Luận Môn Văn Từ Sinh Viên Khóa Trước Đây
Danh Sách Hơn 210 Đề Tài Tiểu Luận Môn Văn Từ Sinh Viên Khóa Trước Đây
 
Luận văn: Phát huy giá trị văn hóa dân tộc Xơ Đăng tỉnh Kon Tum
Luận văn: Phát huy giá trị văn hóa dân tộc Xơ Đăng tỉnh Kon TumLuận văn: Phát huy giá trị văn hóa dân tộc Xơ Đăng tỉnh Kon Tum
Luận văn: Phát huy giá trị văn hóa dân tộc Xơ Đăng tỉnh Kon Tum
 
Luận văn: Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, HAY
Luận văn: Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, HAYLuận văn: Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, HAY
Luận văn: Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, HAY
 
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh tháiLuận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
 
Luận văn: Nghiên cứu phát triển du lịch sinh thái miệt vườn, 9 ĐIỂM
Luận văn: Nghiên cứu phát triển du lịch sinh thái miệt vườn, 9 ĐIỂMLuận văn: Nghiên cứu phát triển du lịch sinh thái miệt vườn, 9 ĐIỂM
Luận văn: Nghiên cứu phát triển du lịch sinh thái miệt vườn, 9 ĐIỂM
 
Đề tài: Bảo tồn di sản văn hóa tài liệu, hiện vật ở Bảo tàng HCM
Đề tài: Bảo tồn di sản văn hóa tài liệu, hiện vật ở Bảo tàng HCMĐề tài: Bảo tồn di sản văn hóa tài liệu, hiện vật ở Bảo tàng HCM
Đề tài: Bảo tồn di sản văn hóa tài liệu, hiện vật ở Bảo tàng HCM
 
Luận văn: Quá trình tiếp nhận tác phẩm của Tô Hoài, 9đ
Luận văn: Quá trình tiếp nhận tác phẩm của Tô Hoài, 9đLuận văn: Quá trình tiếp nhận tác phẩm của Tô Hoài, 9đ
Luận văn: Quá trình tiếp nhận tác phẩm của Tô Hoài, 9đ
 
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
Mấy Vấn Đề Thi Pháp Văn Học Trung Đại Việt Nam
 
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
 
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đLuận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
 
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
 
Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết hồ anh tháitruonghocso.com
Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết hồ anh tháitruonghocso.comNghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết hồ anh tháitruonghocso.com
Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết hồ anh tháitruonghocso.com
 
Đề tài: Quản lý lễ hội truyền thống Phủ Quảng Cung ở Nam Định
Đề tài: Quản lý lễ hội truyền thống Phủ Quảng Cung ở Nam ĐịnhĐề tài: Quản lý lễ hội truyền thống Phủ Quảng Cung ở Nam Định
Đề tài: Quản lý lễ hội truyền thống Phủ Quảng Cung ở Nam Định
 

Similar to Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ

Khóa luận tốt nghiệp văn học về Cái say trong thơ của Nguyễn Khuyến
Khóa luận tốt nghiệp văn học về Cái say trong thơ của Nguyễn KhuyếnKhóa luận tốt nghiệp văn học về Cái say trong thơ của Nguyễn Khuyến
Khóa luận tốt nghiệp văn học về Cái say trong thơ của Nguyễn KhuyếnDịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
Liên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệp
Liên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệpLiên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệp
Liên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệpMan_Ebook
 
Khoá Luận Tốt Nghiệp Sự Chuyển Đổi Của Loại Hình Tác Giả Văn Học Việt Nam Trư...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Sự Chuyển Đổi Của Loại Hình Tác Giả Văn Học Việt Nam Trư...Khoá Luận Tốt Nghiệp Sự Chuyển Đổi Của Loại Hình Tác Giả Văn Học Việt Nam Trư...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Sự Chuyển Đổi Của Loại Hình Tác Giả Văn Học Việt Nam Trư...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Luận văn thạc sĩ Giá trị đạo lý trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu với đời ...
Luận văn thạc sĩ Giá trị đạo lý trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu với đời ...Luận văn thạc sĩ Giá trị đạo lý trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu với đời ...
Luận văn thạc sĩ Giá trị đạo lý trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu với đời ...Dịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 

Similar to Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ (20)

Luận văn: Dấu ấn văn hóa trong truyện ngắn Quế Hương, HAY
Luận văn: Dấu ấn văn hóa trong truyện ngắn Quế Hương, HAYLuận văn: Dấu ấn văn hóa trong truyện ngắn Quế Hương, HAY
Luận văn: Dấu ấn văn hóa trong truyện ngắn Quế Hương, HAY
 
Luận văn: Thế giới biểu tượng trong Lĩnh Nam chích quái, HAY
Luận văn: Thế giới biểu tượng trong Lĩnh Nam chích quái, HAYLuận văn: Thế giới biểu tượng trong Lĩnh Nam chích quái, HAY
Luận văn: Thế giới biểu tượng trong Lĩnh Nam chích quái, HAY
 
Luận văn: Thế giới biểu tượng trong Lĩnh Nam chích quái, 9đ
Luận văn: Thế giới biểu tượng trong Lĩnh Nam chích quái, 9đLuận văn: Thế giới biểu tượng trong Lĩnh Nam chích quái, 9đ
Luận văn: Thế giới biểu tượng trong Lĩnh Nam chích quái, 9đ
 
Khóa luận tốt nghiệp cái say trong thơ nguyễn khuyến
Khóa luận tốt nghiệp cái say trong thơ nguyễn khuyếnKhóa luận tốt nghiệp cái say trong thơ nguyễn khuyến
Khóa luận tốt nghiệp cái say trong thơ nguyễn khuyến
 
Luận văn: Biểu tượng nước và đá trong thơ Hồ Xuân Hương, 9đ
Luận văn: Biểu tượng nước và đá trong thơ Hồ Xuân Hương, 9đLuận văn: Biểu tượng nước và đá trong thơ Hồ Xuân Hương, 9đ
Luận văn: Biểu tượng nước và đá trong thơ Hồ Xuân Hương, 9đ
 
Khóa luận tốt nghiệp văn học về Cái say trong thơ của Nguyễn Khuyến
Khóa luận tốt nghiệp văn học về Cái say trong thơ của Nguyễn KhuyếnKhóa luận tốt nghiệp văn học về Cái say trong thơ của Nguyễn Khuyến
Khóa luận tốt nghiệp văn học về Cái say trong thơ của Nguyễn Khuyến
 
Luận văn: Văn xuôi Hồ Anh Thái từ góc nhìn Liên văn hóa, HAY
Luận văn: Văn xuôi Hồ Anh Thái từ góc nhìn Liên văn hóa, HAYLuận văn: Văn xuôi Hồ Anh Thái từ góc nhìn Liên văn hóa, HAY
Luận văn: Văn xuôi Hồ Anh Thái từ góc nhìn Liên văn hóa, HAY
 
Luận văn: Giá trị đạo lý trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu, 9đ
Luận văn: Giá trị đạo lý trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu, 9đLuận văn: Giá trị đạo lý trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu, 9đ
Luận văn: Giá trị đạo lý trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu, 9đ
 
Luận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAY
Luận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAYLuận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAY
Luận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAY
 
Liên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệp
Liên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệpLiên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệp
Liên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệp
 
Luận văn: Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ góc nhìn liên văn bản
Luận văn: Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ góc nhìn liên văn bảnLuận văn: Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ góc nhìn liên văn bản
Luận văn: Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ góc nhìn liên văn bản
 
Khoá Luận Tốt Nghiệp Sự Chuyển Đổi Của Loại Hình Tác Giả Văn Học Việt Nam Trư...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Sự Chuyển Đổi Của Loại Hình Tác Giả Văn Học Việt Nam Trư...Khoá Luận Tốt Nghiệp Sự Chuyển Đổi Của Loại Hình Tác Giả Văn Học Việt Nam Trư...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Sự Chuyển Đổi Của Loại Hình Tác Giả Văn Học Việt Nam Trư...
 
Luận án: Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết Việt Nam 1986 - 2012
Luận án: Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết Việt Nam 1986 - 2012Luận án: Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết Việt Nam 1986 - 2012
Luận án: Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết Việt Nam 1986 - 2012
 
Luận văn: Thiên nhiên trong thơ chữ hán Nguyễn Du, HAY, 9đ
Luận văn: Thiên nhiên trong thơ chữ hán Nguyễn Du, HAY, 9đLuận văn: Thiên nhiên trong thơ chữ hán Nguyễn Du, HAY, 9đ
Luận văn: Thiên nhiên trong thơ chữ hán Nguyễn Du, HAY, 9đ
 
Luận văn: Thiên nhiên trong thơ chữ hán Nguyễn Du, HAY
Luận văn: Thiên nhiên trong thơ chữ hán Nguyễn Du, HAYLuận văn: Thiên nhiên trong thơ chữ hán Nguyễn Du, HAY
Luận văn: Thiên nhiên trong thơ chữ hán Nguyễn Du, HAY
 
Luận văn: Tình yêu trong thơ Nôm thế kỷ XV đến thế kỷ XIX, HAY
Luận văn: Tình yêu trong thơ Nôm thế kỷ XV đến thế kỷ XIX, HAYLuận văn: Tình yêu trong thơ Nôm thế kỷ XV đến thế kỷ XIX, HAY
Luận văn: Tình yêu trong thơ Nôm thế kỷ XV đến thế kỷ XIX, HAY
 
Đặc điểm thể chân dung và văn học của Hồ Anh Thái
Đặc điểm thể chân dung và văn học của Hồ Anh TháiĐặc điểm thể chân dung và văn học của Hồ Anh Thái
Đặc điểm thể chân dung và văn học của Hồ Anh Thái
 
Luận văn thạc sĩ Giá trị đạo lý trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu với đời ...
Luận văn thạc sĩ Giá trị đạo lý trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu với đời ...Luận văn thạc sĩ Giá trị đạo lý trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu với đời ...
Luận văn thạc sĩ Giá trị đạo lý trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu với đời ...
 
Luận án: Nghệ thuật tượng trưng trong sáng tác của trường thơ loạn
Luận án: Nghệ thuật tượng trưng trong sáng tác của trường thơ loạnLuận án: Nghệ thuật tượng trưng trong sáng tác của trường thơ loạn
Luận án: Nghệ thuật tượng trưng trong sáng tác của trường thơ loạn
 
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu ThỉnhHình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620

Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620 (20)

Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 ĐiểmDanh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
 
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý TưởngDanh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
 

Recently uploaded

sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdfTrnHoa46
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIĐiện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfchuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfVyTng986513
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfCampbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfTrnHoa46
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...hoangtuansinh1
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líDr K-OGN
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................TrnHoa46
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoámyvh40253
 
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhvanhathvc
 

Recently uploaded (20)

sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
 
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfchuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
 
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
 
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfCampbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
 
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
 
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
 

Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ

  • 1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH Đào Vân Anh TRUYỆN CỔ DÂN GIAN CHÂU RO LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC Thành phố Hồ Chí Minh - 2012
  • 2. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH Đào Vân Anh TRUYỆN CỔ DÂN GIAN CHÂU RO Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 60 22 34 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC TS HỒ QUỐC HÙNG Thành phố Hồ Chí Minh - 2012
  • 3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan rằng đây là công trình nghiên cứu của tôi, có sự hỗ trợ từ Giáo viên hướng dẫn là TS. Hồ Quốc Hùng. Các nội dung nghiên cứu và kết quả trong đề tài này là trung thực và chưa từng được ai công bố trong bất cứ công trình nghiên cứu nào trước đây. Những số liệu về văn hoá của dân tộc Châu Ro được chính tác giả thu thập từ các nguồn khác nhau có ghi trong phần tài liệu tham khảo. Ngoài ra, đề tài còn sử dụng một số nhận xét, đánh giá cũng như số liệu của các tác giả, cơ quan tổ chức khác, và cũng được thể hiện trong phần tài liệu tham khảo. Nếu phát hiện có bất kỳ sự gian lận nào tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Hội đồng, cũng như kết quả luận văn của mình.
  • 4. LỜI CẢM ƠN Luận văn này là kết quả của quá trình học tập tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và quá trình nghiên cứu và điền dã của bản thân tại các huyện ở tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu trong suốt năm qua. Với tình cảm chân thành, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đến quý thầy cô đã tham gia giảng dạy lớp cao học khoá 21 chuyên ngành Văn học Việt Nam, đến Phòng Sau Đại học của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Và phó giáo sư Chu Xuân Diên, giáo sư Phan An, tiến sĩ Huỳnh Văn Tới, tiến sĩ Lâm Nhân, thạc sĩ Phan Đình Dũng đã nhận xét, góp ý cho tôi hoàn thiện luận văn này. Đặc biệt, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến tiến sĩ Hồ Quốc Hùng đã tận tình hướng dẫn, giúp đỡ tôi nghiên cứu đề tài và hoàn chỉnh luận văn. Trong quá trình sưu tầm tư liệu, tôi đã nhận được sự cộng tác chân tình và hiệu quả của chính quyền địa phương, của các vị già làng, đồng bào dân tộc Châu Ro ở tỉnh Đồng Nai và Ngãi Giao, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Ban lãnh đạo Bảo tàng Đồng Nai, quý thầy cô Trường Văn Hoá Nghệ Thuật tỉnh Đồng Nai đã tạo điều kiện cho tôi trong nghiên cứu cũng như cung cấp những tư liệu có liên quan đến luận văn và đã động viên, khuyến khích tôi trong nghiên cứu, sưu tầm truyện cổ Châu Ro. Mặc dù bản thân đã rất cố gắng nhưng chắc chắn luận văn không tránh khỏi những thiếu sót, rất mong được nhận những ý kiến đóng góp bổ sung của quý thầy cô. Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 9 năm 2012 Tác giả luận văn Đào Vân Anh
  • 5. MỤC LỤC LỜI CAM ĐOAN .................................................................................................3 LỜI CẢM ƠN.......................................................................................................4 MỤC LỤC.............................................................................................................5 A. DẪN LUẬN......................................................................................................7 1. Lý do chọn đề tài..........................................................................................................7 2. Mục đích đề tài.............................................................................................................8 3. Phạm vi nghiên cứu......................................................................................................8 4. Lịch sử vấn đề nghiên cứu ...........................................................................................9 5. Phương pháp nghiên cứu............................................................................................12 5.1. Phương pháp sưu tầm, điền dã...........................................................................12 5.2. Phương pháp thống kê, phân loại .......................................................................13 5.3 Phương pháp cấu trúc ..........................................................................................13 5.4. Phương pháp so sánh ..........................................................................................13 5.5. Phương pháp liên ngành .....................................................................................13 6. Đóng góp luận văn .....................................................................................................13 7. Cấu trúc luận văn .......................................................................................................14 CHƯƠNG 1: KHÁI QUÁT VỀ TỘC NGƯỜI CHÂU – RO.........................16 1. LỊCH SỬ, XÃ HỘI CHÂU – RO ..............................................................................16 1.1. Tên tộc người......................................................................................................16 1.2. Địa bàn cư trú ....................................................................................................17 1.3. Phân bố dân số và dân cư....................................................................................17 1.4. Lịch sử tộc người................................................................................................18 1.5. Hoạt động kinh tế...............................................................................................20 1.6. Hình thái xã hội..................................................................................................22 1.7. Tổ chức gia đình ................................................................................................23 2. ĐẶC ĐIỂM VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG ............................................................24 2.1 Văn hóa vật chất ..................................................................................................24
  • 6. 2.2 Văn hóa tinh thần.................................................................................................27 3. Tình hình tư liệu...................................................................................................33 3.1. Các văn bản truyện cổ Châu Ro đã được công bố..............................................37 3.2. Các văn bản ghi chép qua điền dã của bản thân. ................................................41 CHƯƠNG 2: PHÂN LOẠI TRUYỆN CỔ DÂN GIAN CHÂU RO .............52 1. Vấn đề thể loại truyện cổ dân gian Châu Ro..............................................................52 1.1. Thần thoại ...........................................................................................................52 1.2. Truyền thuyết......................................................................................................55 1.3. Truyện cổ tích ....................................................................................................59 2. Tìm hiểu về hình thức sinh hoạt, người kể truyện cổ dân gian Châu Ro – Người “giữ hồn” của làng..........................................................................................................69 2.1. Nghệ nhân Nguyễn Văn Nổi - Già làng Năm Nổi ở ấp Lý Lịch, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu – Đồng Nai. ....................................................................................71 2.2. Nghệ nhân Hồng Thị Lịch ở ấp Lý Lịch, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu – Đồng Nai..............................................................................................................................84 CHƯƠNG 3: MỘT SỐ ĐẶC TRƯNG CƠ BẢN CỦA TRUYỆN KỂ DÂN GIAN DÂN TỘC CHÂU RO ............................................................................91 1. Kiểu truyện người lấy vật, vật lấy người. ..................................................................92 2. Kiểu truyện về Cọp (hổ)...........................................................................................101 3. Môtif tiêu biểu, môtip con số 6,7 và môtip mang lốt thú........................................105 4. Vấn đề tiếp nhận truyện cổ Châu Ro của người Châu Ro .......................................112 4.1. Truyện cổ Châu Ro trong đời sống văn hóa của người Châu Ro.....................113 4.2. Tiếp nhận truyện cổ Châu Ro qua phỏng vấn. .................................................117 C. KẾT LUẬN ..................................................................................................121 D. TÀI LIỆU THAM KHẢO ..........................................................................123 PHỤ LỤC..........................................................................................................129 HÌNH ẢNH TƯ LIỆU......................................................................................192
  • 7. A. DẪN LUẬN 1. Lý do chọn đề tài Ngày nay, việc giữ gìn và bảo lưu các giá trị văn hoá, văn học của các dân tộc thiểu số là một trong những vấn đề cấp thiết bởi các giá trị văn hoá tinh thần của các dân tộc này đang ngày càng bị mai một theo thời gian. Đây là một trong những vấn đề đang được Đảng và Nhà nước quan tâm. Vì thế, đã có rất nhiều công trình sưu tầm, nghiên cứu có giá trị và đã trở thành tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam. Giống như các dân tộc anh em khác, vốn văn nghệ dân gian của người Châu Ro cũng phong phú, với nhiều thể loại: truyện kể, thơ ca trữ tình, múa, hát đối đáp… Các câu tục ngữ, phương ngôn đúc kết kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, kinh nghiệm về thiên nhiên và cuộc sống xã hội. Do cuộc sống của người Châu Ro phân bố rải rác, phải di chuyển nhiều nơi nên kho tàng văn học ấy bị mai một, thất tán, hiện có nguy cơ bị hòa tan vào các dòng văn hóa, văn học khác, “Việt hóa” hay “Châu Ro hóa”. Hiện nay, có một số công trình nghiên cứu về các loại hình văn hóa của dân tộc Châu Ro có quy mô địa phương và cả nước đã cho thấy rằng: sức sống, bản sắc văn hóa của người Châu ro vẫn còn in dấu trong các sinh hoạt hiện thực, “nếu không có hình thức sưu tầm, nghiên cứu thì e rằng không lâu nữa những dấu hiệu văn hóa còn lại cũng bị tha hóa, sau này dẫu tiền muôn bạc vạn cũng không thể tái hiện được” (Huỳnh Văn Tới). Người Châu Ro không phải là dân tộc thiểu số có số dân đông nhất, tuy nhiên đây là dân tộc thiểu số bản địa còn giữ được nhiều nét bản sắc dù địa bàn cư trú từ lâu đã phải chia sẻ với những dân tộc thiểu số khác và người Việt. Vì vậy, trong quá trình tiếp cận, chúng tôi chú ý đến mảng truyện cổ dân gian của dân tộc này vẫn âm ỉ tồn tại bền vững cùng với quá trình phát triển lịch sử - văn hóa của dân tộc. Nhận rõ vị trí, tầm quan trọng và những đóng góp của việc nghiên cứu truyện cổ dân gian của các dân tộc thiểu số trong tiến trình văn học dân gian Việt Nam, chúng tôi
  • 8. mong góp một cái nhìn khoa học qua việc khảo sát đề tài “Truyện cổ dân gian Châu Ro”. Đề tài này nhằm giúp chúng tôi hiểu rõ về phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của dân tộc Châu Ro. Hy vọng việc nghiên cứu đối với mảng truyện cổ dân gian của dân tộc Châu Ro góp thêm vào công việc nghiên cứu truyện cổ dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung. 2. Mục đích đề tài Đây là đề tài mới và rộng nên trong luận văn chúng tôi sẽ giới hạn tập trung việc nghiên cứu truyện cổ dân gian dân tộc Châu Ro với những mục đích sau: _ Đánh giá lại truyện cổ dân gian dân tộc Châu Ro của các nhà nghiên cứu trước đây và tư liệu của bản thân trong quá trình điền dã. _ Phân loại truyện cổ dân gian Châu Ro _ Mô tả cấu trúc thể loại truyện cổ dân gian Châu Ro. _ Tìm hiểu vị trí của truyện cổ dân gian dân tộc Châu Ro trong đời sống của đồng bào Châu Ro. Tóm lại, mục đích chính của đề tài vẫn tập trung hệ thống, phân loại và mô tả trạng thái hiện tồn của các thể loại. Bước đầu đánh giá về giá trị nội dung của các thể loại truyện cổ dân gian dân tộc Châu Ro. 3. Phạm vi nghiên cứu Người Châu Ro sống phân bố rải rác ở nhiều vùng khác nhau trên lãnh thổ của nước ta. Theo số lượng thống kê, người Châu Ro sống tập trung nhiều ở vùng Đông Nam bộ, đặc biệt là ở Đồng Nai. Vì thế, trong phạm vi nghiên cứu truyện cổ dân gian Châu Ro, chúng tôi tập trung khảo sát truyện cổ dân gian Châu Ro ở Đồng Nai. Theo định hướng khoa học của đề tài, truyện cổ dân gian Châu Ro là đối tượng nghiên cứu của luận văn. Trước tiên, luận văn tập trung khảo sát truyện cổ gồm các thể loại của tộc người này. Do đó chúng tôi chú trọng đến nguồn tài liệu về truyện cổ dân gian Châu Ro được công bố từ trước đến nay trên phạm vi trung ương đến địa
  • 9. phương. Với những truyện đã sưu tầm và biên soạn, chúng tôi sẽ khảo sát lại và đối chiếu với tư liệu của bản thân trong quá trình mình điền dã. Cụ thể qua các tài liệu sau: _ Tuyển tập truyện cổ tích các dân tộc ở Việt Nam (tập 2) – Viện Khoa học xã hội TP. HCM, 1987. _ Người Châu Ro ở Đồng Nai - Huỳnh Tới, Yên Trị, Đình Dũng, 1997. _ Bản đánh máy sưu tầm những truyện kể dân gian của dân tôc Châu Ro - nhạc sĩ Phan Thiết (nhà nghiên cứu về âm nhạc Châu Ro) ở Ngãi Giao – Vũng Tàu, 1997. _ Hoàng hậu Ba Ba – Truyện cổ Châu ro - Vĩnh Trường, 2004. _ Truyện cổ tích các dân tộc Việt Nam (tập 1) – NXB Phụ nữ, 2007. _ Những truyện cổ dân gian dân tộc Châu Ro mà chúng tôi sưu tầm được trong quá trình điền dã. _ Đặc biệt, chúng tôi có mở rộng khảo sát một vài khía cạnh sinh hoạt của truyện cổ dân gian Châu Ro trong đời sống sinh hoạt của đồng bào Châu Ro. 4. Lịch sử vấn đề nghiên cứu 4.1. Tài liệu về loại truyện cổ dân gian dân tộc Châu Ro hiện còn ít. Mặc dù, những năm gần đây việc nghiên cứu về văn nghệ dân gian Châu Ro đã được các nhà nghiên cứu chọn làm đề tài nghiên cứu khoa học cho mình. Nhưng riêng truyện cổ dân gian dân tộc Châu Ro dường như chỉ được sưu tầm thành văn bản là chính. Bên cạnh đấy cũng có một vài bài viết về truyện cổ dân gian dân tộc Châu Ro, nhưng chỉ dừng lại bước đầu khảo sát và tìm hiểu về một vài đặc trưng cơ bản và thiếu tính hệ thống. Bởi vì những công trình nghiên cứu này phần lớn nằm trong nghiên cứu chung về văn hoá xã hội Châu Ro. - Người Châu Ro ở Đồng Nai - Huỳnh Tới, Yên Trị, Đình Dũng, Chi hội Văn nghệ dân gian Đồng Nai xuất bản năm 1998. Tài liệu gồm hai phần chính: phần đầu tác giả nghiên cứu về văn hóa người Châu Ro: dân số và phân bố; phương thức canh tác cổ truyền; cấu trúc xã hội, gia đình và tục lệ; về những anh hùng Châu ro trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mĩ trên địa bàn của tỉnh Đồng Nai; Phần sau, tác giả sưu tầm
  • 10. 30 truyện cổ của người Châu Ro. Đây là nguồn tư liệu truyện cổ dân gian dân tộc Châu Ro đáng quý cho đề tài của chúng tôi đang nghiên cứu. Cả 30 truyện cổ này chỉ mới dừng lại là sưu tầm thành văn bản, tác giả chưa có đánh giá gì về thể loại truyện cổ này. - Hoàng hậu Ba ba, Vĩnh Trường, NXB Đồng Nai, 2004. Công trình sưu tầm của tác giả gồm 12 truyện cổ dân gian dân tộc Châu Ro. Ở công trình này, tác giả cũng chỉ dừng lại ở mức độ sưu tầm mà chưa có nhận xét gì về truyện cổ dân gian dân tộc Châu Ro. - Bài viết Tìm hiểu cộng đồng cư dân bản địa Châu Ro – Châu Mạ ở Đồng Nai và Bước đầu tìm hiểu về chuyện kể Châu Ro – Châu Mạ, 2005 của Phan Đình Dũng. Trong bài viết của mình, tác giả tập trung khái quát những đặc điểm chung nhất về diện mạo phong tục, tập quán và văn hóa của người ChâuRo. Trong đó đáng lưu ý là một số vấn đề thần linh – ma quỷ – ác thú và hình thức đội lốt; về hiện tượng mồ côi; về hình tượng các con số; về sự ban thưởng và trừng phạt, cái thiện và cái ác; … ở trong truyện kể dân gian Châu Ro đã được đề cập đến. Bài viết cũng có hướng phân loại đề tài của truyện cổ dân gian dân tộc Châu Ro nhưng thiếu sức thuyết phục. Tuy nhiên bài viết đã giúp chúng tôi bước đầu hiểu được vài nét cơ bản của truyện cổ dân gian dân tộc Châu Ro và đã gợi mở hướng nghiên cứu sâu cho đề tài nghiên cứu luận văn của chúng tôi. - Tài liệu đánh máy sưu tầm truyện cổ dân gian dân tộc Châu Ro của nhạc sĩ Phan Thiết gồm 7 truyện được tác giả sưu tầm ở Ngãi Giao, Bà Rịa Vũng Tàu. Tài liệu cũng chỉ dừng lại ở mức độ sưu tầm mà chưa có đánh giá và nhận xét gì loại truyện này. Điều đáng nói ở tập văn bản này là những truyện kể được ghi chép có nội dung trùng với những truyện kể dân gian Châu Ro ở xã Lý Lịch, Vĩnh Cửu – Đồng Nai trước đó nhưng có đôi chỗ khác nhau về cách diễn đạt và có thêm một số câu nói viết theo ngôn ngữ của người Châu Ro. 4.2.
  • 11. Ngoài ra, những năm gần đây, còn có nhiều công trình nghiên cứu khác về dân tộc Châu Ro có liên quan đến đề tài. Các công trình chủ yếu là nghiên cứu về dân tộc học, văn hóa, văn nghệ dân gian của người Châu Ro. Riêng phần văn học dân gian Châu Ro được các tác giả đề cập đến nhưng vẫn khái quát, chung chung, chưa thể hiện sự nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này. Sau đây là những công trình nghiên cứu chung về dân tộc Châu Ro: - Múa dân gian các tộc người Mạ, Chơ Ro, Xtiêng, Nguyễn Thành Đức, năm 2004. Tài liệu chủ yếu tập trung về đặc điểm chung về nghệ thuật biểu diễn dân gian của người Mạ, Châu Ro, Stiêng. Bên cạnh đấy, tác giả cũng quan tâm đến vài khía cạnh của văn học dân gian Châu Ro và có cái nhìn phác thảo về mặt nội dung của các thể loại văn học dân gian Châu Ro nhằm hướng tới giải thích và ca ngợi thế giới tự nhiên và con người đang lao động trên vùng đất cư trú. Ở đây tác giả đã chỉ ra những truyền thuyết về những vị thần khổng lồ sáng tạo ra thế giới và loài người, về những cuộc đại hồng thủy, về cuộc tranh chấp giữa các thần… là nội dung rất phổ biến… Truyện về loài thú ẩn chứa những tình cảm, lời khuyên con cháu; truyện miêu tả sự khôn ngoan, thông minh và thủy chung, chân thành của người Châu Ro. Nhìn chung, tác giả cũng chỉ dừng lại ở việc giới thiệu chung về đặc điểm văn học dân gian dân tộc Châu Ro mà chưa có phân loại truyện theo thể loại một cách cụ thể, hay đi sâu hơn vào những vấn đề về kiểu nhân vật tiêu biểu hoặc là môtip truyện… - Truyền thống của người Chơ Ro, Nguyễn Thành Đức, 2006. Tài liệu đi sâu vào vấn đề Họ truyền thống của người Châu Ro ở 2 Ấp Đức Thắng và Đồng Xoài xã Túc Trưng, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Tác giả đề cập đến nguồn gốc của hai họ lớn nhất của người Châu Ro: Chrau Lun (Cá Sấu) và Bi Cu (Cây gõ mật) có liên quan đến hai truyện cổ khá phổ biến trong đời sống của họ là Truyền thuyết về họ Chrau Lun và Bi Cu của người Châu Ro. Qua hai truyện cổ chủ đạo về dòng họ Châu Ro, ta thấy luật tục về dòng Họ của người Châu Ro rất nghiêm khắc nó vẫn được lưu truyền từ xa xưa
  • 12. qua nhiều đời con cháu. Nó cấm tất cả con trai con gái cùng dòng Họ không được lấy nhau. Bên cạnh đấy, chúng tôi cũng tìm hiểu thêm những tài liệu khác nghiên cứu về văn hoá Châu Ro như: Sổ tay về các dân tộc ở Việt Nam, Viện dân tộc học – NXB KHXH, 2008; Tập quán cư trú và nhà ở cổ truyền của người Chơ ro ở Đồng Nai, Lâm Nhân, 2008; Trang phục các tộc người nhóm ngôn ngữ Môn – Khmer – NXB văn hóa dân tộc, Đỗ Thị Hòa (chủ biên), Nguyễn Thị Ngân, Lê Mai Oanh, Nguyễn Cảnh Phương, 2008; Đại gia đình các dân tộc Việt Nam, Nguyễn Văn Huy, Lê Duy Đại, Nguyễn Quý Thao, Vũ Xuân Thảo, 2009. Nhìn chung, hầu hết những công trình nghiên cứu trên về dân tộc học, văn hóa, văn nghệ dân gian... đã cung cấp kiến thức bổ trợ cho đề tài nghiên cứu của chúng tôi về lịch sử nguồn gốc, văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần của người Châu Ro. Nhìn chung, những công trình nghiên cứu truyện cổ dân gian Châu Ro ở trên đã tập hợp được một số lượng truyện cổ dân gian Châu Ro qua văn bản nhưng chưa đi vào phân loại, mô tả cấu tạo chiều sâu của các thể loại. Đấy là lý do để đề tài luận văn của chúng tôi tiếp tục triển khai. 5. Phương pháp nghiên cứu 5.1. Phương pháp sưu tầm, điền dã. Trong quá trình làm luận văn, chúng tôi thực hiện những chuyến điền dã, thực địa. Chúng tôi tập trung khai thác các đối tượng như: già làng, nghệ nhân, dân thường… Có như vậy mới đảm bảo tính chính xác, khoa học, mới có điều kiện đối chiếu, phân tích giải mã các văn bản. Thực chất đây là phương pháp quan sát tham gia (Paticipant observation) trong nhân học văn hoá.
  • 13. 5.2. Phương pháp thống kê, phân loại Sau khi thực hiện phương pháp trên, chúng tôi phải tiến hành phương pháp hệ thống phân loại tư liệu. Dùng phương pháp này, chúng tôi muốn sắp xếp tư liệu một cách khoa học để từ đó có thấy được cơ cấu truyện cổ dân gian của tộc người Châu Ro hiện tại. 5.3 Phương pháp cấu trúc Mô tả cốt truyện, các môtip, nhân vật tiêu biểu. Từ đây rút ra được các đặc điểm về mặt cấu tạo thể loại. 5.4. Phương pháp so sánh Phương pháp này giúp cho việc so sánh đối chiếu những văn bản kể truyện cổ Châu Ro đã công bố với những bản kể do chúng tôi sưu tầm được để thẩm định lại độ chính xác của những văn bản đã công bố. Trong chừng mực so sánh với truyện cổ dân gian với các tộc người khác. 5.5. Phương pháp liên ngành Phương pháp này rất cần thiết cho đề tài nghiên cứu của chúng tôi, bởi nó giúp chúng tôi có cái nhìn đa diện, nhiều chiều mang tính toàn vẹn và đưa ra những đánh giá, nhận định một cách khoa học. 6. Đóng góp luận văn 1. Luận văn hy vọng sẽ bổ sung thêm nguồn tư liệu về truyện cổ dân gian của đồng bào Châu Ro một cách đầy đủ hơn. 2. Bước đầu thống kê, phân loại một cách tổng thể về truyện cổ dân gian dân tộc Châu Ro. 3. Giới thiệu một số nét văn hóa thể hiện qua các truyện cổ dân gian dân tộc Châu Ro.
  • 14. 7. Cấu trúc luận văn Luận văn gồm có 3 chương tập trung vào những vấn đề sau: CHƯƠNG 1: KHÁI QUÁT VỀ TỘC NGƯỜI CHÂU – RO 1. Lịch sử, xã hội Châu Ro 2. Đặc điểm văn hoá truyền thống Hai phần này, luận văn tập trung nêu một số nét về lịch sử, văn hoá của tộc người Châu Ro làm cơ sở khảo sát nguồn truyện dân gian. 3. Tình hình tư liệu Để đảm bảo tính khách quan, luận văn tiến hành khảo sát tất cả các văn bản về truyện cổ Châu Ro đã được công bố, đồng thời đối chiếu với tư liệu điền dã của bản thân. Tiểu kết: CHƯƠNG 2: PHÂN LOẠI TRUYỆN CỔ DÂN GIAN CHÂU RO. 1. Vấn đề thể loại truyện cổ dân gian Châu Ro 2. Tìm hiểu về người kể truyện cổ dân gian Châu Ro – Người “giữ hồn” của làng. Nhiệm vụ của chương 2 là tập trung phân loại truyện cổ Châu Ro một cách hợp lý hơn. Ở đây chúng tôi muốn đưa thêm cái nhìn về truyện kể trong cuộc sống thực tại qua các nghệ nhân. Tiểu kết: CHƯƠNG 3: MỘT SỐ ĐẶC TRƯNG CƠ BẢN CỦA TRUYỆN CỔ DÂN GIAN CHÂU RO. 3.1. Kiểu truyện người lấy vật, vật lấy người 3.2. Kiểu truyện về Cọp (hổ) 3.3. Môtif tiêu biểu, Môtip con số 6,7 3.4. Vấn đề tiếp nhận truyện cổ Châu Ro của người Châu Ro.
  • 15. Tóm lại chương III nhằm mô tả cấu tạo của thể loại cổ tích, đây là thể loại tiêu biểu nhất trong hệ thống truyện cổ dân gian Châu Ro. C. KẾT LUẬN D. TÀI LIỆU THAM KHẢO E. PHỤ LỤC
  • 16. CHƯƠNG 1: KHÁI QUÁT VỀ TỘC NGƯỜI CHÂU – RO Để tìm hiểu về truyện cổ dân tộc Châu Ro, không thể không có những hiểu biết nhất định về lịch sử - xã hội – văn hóa Châu Ro. Việc nghiên cứu những cội nguồn lịch sử văn hóa này giúp ta lí giải những lớp lịch sử văn hóa đã tạo nên, kết tinh, lắng đọng ở trong văn học dân gian Châu Ro đặc biệt là truyện cổ của tộc người này như thế nào. 1. LỊCH SỬ, XÃ HỘI CHÂU – RO 1.1. Tên tộc người Châu Ro là một trong những dân tộc ít người bản địa cư trú lâu đời ở vùng trung du Đông Nam Bộ. Người Châu Ro được gọi bằng nhiều tên khác nhau. Người Khmer gọi họ là Ph'nôông. Sách báo cũ ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975 gọi họ là Ro, Tô, Xôp (Coop)... Tên tự gọi của dân tộc Châu Ro là Chrau - Jro, trong đó Chrau có nghĩa là Người hay Nhóm người, Tập đoàn người, còn Jro là một danh từ riêng chỉ cộng đồng của họ. Ngoài ra, người Châu Ro còn được gọi bằng các danh từ có âm gần như: Châu Ro, Chơ Ro, Chro, Chrau, Jơ Ro, Dơ Ro..., hay bằng một danh từ phiếm chỉ: người Thượng. Sự khác nhau này là thuật ngữ, tên gọi cổ còn lưu truyền, hoặc giữa tên gốc bản địa và tên phiên âm đã Việt hóa. Thời kỳ thực dân Pháp đô hộ, người Châu Ro còn bị gọi là Mọi. Trong các tài liệu, sách báo từ sau năm 1975, sách Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Nam), “Tộc danh Chrau Jro còn gắn liền với tên gọi một giống lúa nếp cổ truyền mà đồng bào rất thích gieo trồng: n’hpal Chrau Jro. Người Việt gọi giống lúa này là nếp cái (nếp mẹ)”[74, tr205] Theo các văn bản Nhà nước, từ điển Bách khoa Việt Nam xuất bản năm 2003 đều dùng thuật ngữ Châu Ro để chỉ tộc người (từ gốc là Chrooo). Như vậy Châu Ro có nghĩa là người Ro. Vì thế, trong công trình nghiên cứu truyện cổ dân gian Châu Ro, chúng tôi dùng thuật ngữ Châu Ro để gọi tên của tộc người này. Thuật ngữ Châu Ro đã được phiên âm ra tiếng Việt và đã Việt hóa.
  • 17. 1.2. Địa bàn cư trú Người Châu Ro là lớp cư dân cư trú từ xa xưa ở miền núi Nam Đông Dương, thuộc nhóm ngôn ngữ Môn -Khơ me, dòng Nam Á thuộc chi miền núi phía Nam. Trước khi có mặt trên những địa bàn cư trú hiện nay, người Châu Ro phân bố chủ yếu ở vùng đồi núi thấp, về phía Đông Nam của tỉnh Đồng Nai, sau đó một số toả đi vùng khác. Người Châu Ro sinh tụ trên một địa bàn không rộng, tập trung chủ yếu của tỉnh Đồng Nai, thuộc các huyện Xuân Lộc (xã Xuân Trường, xã Xuân Phú, xã Xuân Thọ), Định Quán, Long Khánh (phường Xuân Vinh, phường Xuân Bình), Định Quán (xã Túc Trưng), Vĩnh Cửu (xã Phú Lý), Long Thành (xã Phước Thái, Phước Bình), một phần thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Ngãi Giao) và Bình Thuận (Tánh Linh). Nhiều cứ liệu khoa học, lịch sử và tư liệu điền dã thì người Châu Ro là một trong những cư dân bản địa, sống lâu đời ở Đồng Nai, cùng với tộc người Mạ, Xtiêng mà trước đây gọi là tiểu vương quốc Mạ. Theo Nguyễn Tắc Dĩ: “Sắc tộc Châu Ro là một chi phái thuộc tiểu vương quốc Mạ ngày xưa, chịu ảnh hưởng người Chăm, người Raglai … Gồm các bộ tộc Tro, Mru, Butwa, Bà giêng, Chalat … Họ cùng cư trú ở vùng rừng, đồi núi thấp.”[8, tr55] 1.3. Phân bố dân số và dân cư Theo số liệu thống kê “Người Chơ Ro ở Việt Nam là 26.455 người” [51, tr38], và số liệu của Tổng cục thống kê qua Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 “người dân tộc thiểu số Châu Ro ở Việt Nam có dân số 26.855 người, cư trú tại 36 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người dân tộc thiểu số Châu Ro cư trú tập trung tại các tỉnh Đồng Nai 15.174 người, chiếm tỷ lệ 56,5% tổng số người Châu Ro tại Việt Nam, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu 7.632 người, tỉnh Bình Thuận 3.375 người, Thành phố Hồ Chí Minh 163 người, tỉnh Bình Dương 134 người, tỉnh Bình Phước 130 người...” [2].
  • 18. Họ cư ngụ vùng rừng có đồi núi thấp. Người Châu Ro có nhiều dòng tộc cư trú ở các địa bàn khác nhau. Dòng họ Chrau Lưn, B’Giêng, Bi Cu sống ở vùng Túc Trưng, Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Chrau M’Xang ở vùng Võ Đắc, Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Bô glao ở vùng Gia Rai, Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. M’Rơ ở vùng Bàu Lâm, Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. 1.4. Lịch sử tộc người Người Châu Ro là lớp cư dân cư trú từ xa xưa ở miền núi Nam Đông Dương, nhóm ngôn ngữ Môn-Khơ-me thuộc chi miền núi phía Nam. Tộc người Châu Ro thuộc nhóm loại hình nhân chủng Anhđônêdiêng, về mặt ngôn ngữ, thuộc ngữ hệ Môn - Khơ me, dòng Nam Á, chưa có chữ viết riêng. Tiếng nói của họ gần giống tiếng nói của người Mạ, Cơ-ho, Xtiêng, Co, song lượng từ Khơ-me trong tiếng Châu Ro tương đối nhiều. Người Châu Ro phân bố chủ yếu ở phía Đông Nam của tỉnh Đồng Nai. Người Châu Ro là cư dân có mặt sớm trên vùng Đồng Nai. Theo các nguồn sử liệu, trước khi lưu dân Việt đến Đồng Nai khẩn hoang lập nghiệp vào thế kỷ XVI, thì người Châu Ro, Mạ cùng các nhóm người Mạ, Kơ Ho, X’Tiêng đã từng cư trú và sinh sống. Chính vì vậy, người Châu Ro và những nhóm cư dân trên được xem là cư dân bản địa, cư dân gốc, cư dân tại chỗ của vùng Đồng Nai. Dựa trên một số kết quả nghiên cứu khảo cổ học ở Đông Nam Bộ đồng thời liên kết với những dấu vết nhân chủng và ngôn ngữ, tộc người Châu Ro (cùng với với một số tộc người Mạ, Xtiêng…) là hậu duệ của cư dân cổ Môn Khơ-me và là dân bản địa sinh sống lâu đời ở Đông Nam bộ ngày nay. Cuộc sống của các cư dân này đã có ít nhiều liên kết chặt chẽ, nhằm quản lý khu vực sinh sống rộng lớn của mình. Theo tài liệu Hill Tribes of Vietnam, volume 1, Introduction and Overview (Tạm dịch: Các tộc người ở Việt Nam, tập 1, Giới thiệu và Tổng quan), qua 3 lần phân loại các nhóm dân tộc ở Việt Nam, dân tộc Châu Ro đã được nhìn nhận theo ba kết luận khác nhau. Trong lần phân loại đầu tiên, năm 1959 [52, tr12], “Việt Nam có 63
  • 19. dân tộc thiểu số (Minorrity Groups, người Câu Ro là một nhóm địa phương thuộc dân tộc Mạ”. Ở lần phân loại thứ hai, năm 1973, “Việt Nam có 59 dân tộc (Ethnic Groups), nhưng không thấy xuất hiện tên gọi Châu Ro (Chơ – ro) trong danh sách phân loại”[48, tr15]. Lần phân loại thứ ba và năm 1979, “Việt Nam có 54 dân tộc, người Châu Ro chính thức được liệt kê trong danh sách phân loại này, thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơme”[52, tr 17,19]. Một số người dân cao tuổi ở xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai cho biết: xưa kia, cha ông họ kể lại rằng tổ tiên của người Châu Ro ở vùng đất thuộc thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Theo già làng và những người dân ở ấp Lý Lịch, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai thì địa bàn cư trú xưa kia của ngưởi Châu Ro là khu vực ngã ba Bà Hào, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Một truyền thuyết liên quan đến quá trình tộc người của người Châu Ro được vợ chồng ông bà Điểu Sao (ấp Đồng Xoài, xã Túc Trưng, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) kể lại rằng: “Từ hồi xa xưa, có hai vợ chồng nhà nọ sinh được ba cô con gái. Không may, một thời gian ngắn sau khi sinh con, cả hai vợ chồng cùng mất đi. Ba cô gái trở thành mồ côi cha mẹ, tự lo kiếm sống qua qua ngày. Do phải tự lo kiếm sống cho bản thân nên ba cô gái đã lạc mất nhau, mỗi người đi một nơi, làm ăn sinh sống và vợ chồng nhà nọ sinh được ba cô gái. Không may, một thời gian ngắn sau khi sinh con, cả hai vợ chồng cùng mất đi. Ba cô con gái trở thành mồ côi cha mẹ, tự lo kiếm sống xây dựng gia đình, sinh con đẻ cái ở đó. Một người đến Gia Ray (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai), một người đến Bình Lộc (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) và một người ở Túc Trưng (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai). Theo tiếng người Châu Ro, đó là ba vùng Pôprưng, Pôptoi và Pôplau”[32, tr19]. Đây là môtip phổ biến trong truyện cổ về nguồn gốc tôc người của các dân tộc dãy Trường sơn. Cũng theo ông Điểu Sao, người dân Châu Ro xưa kia không sống tập trung trong ấp và xã như bây giờ. Pôprưng được tính từ suối Tambung quay ngược xuống Túc Trưng. Pôptoi là khu vực ấp Lý Lịch, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu ngày nay.
  • 20. Pôplau là vùng đất từ bảo Chánh tới Gia Huỳnh, Trảng Táo. Ở Pôplau có con suối Chọc Lau nằm trên núi Chứa Chan ( thuộc huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai). Các thế hệ người Châu Ro xưa kia đã trải qua nhiều biến động lớn, khu vực cư trú thường là nơi tranh chấp triền miên của các tộc người láng giềng. Họ buộc phải di cư liên tục, cuộc sống không ổn định. Mặc dù trải qua những thăng trầm của lịch sử, người Châu Ro vẫn giữ vững được sức sống tộc người, không ngừng sáng tạo các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Sau quá trình lịch sử tộc người nhiều biến động, hiện nay, người Châu Ro sinh sống chủ yếu ở Đồng Nai và các tỉnh lân cận như Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu. 1.5. Hoạt động kinh tế Người Châu Ro vốn có nghề truyền thống cổ xưa là kinh tế nương rẫy, hái lượm, săn bắn, du canh còn nhiều dấu ấn sản xuất nguyên thủy công xã nông thôn, mọi người cùng làm, cùng hưởng. đến nay đã có nhiều thay đổi tiến bộ về nhiều mặt. Người Châu Ro đã có khả năng trồng lúa, rẫy, lúa nước do ảnh hưởng của phương thức sản xuất kinh tế của người Việt. Nguồn kinh tế chủ yếu của người Châu Ro là nghề làm rẫy. Để có được cái rẫy, họ phải trải qua nhiều khâu thao tác như chặt cây, phơi nắng cho cây khô, đốt cây trước khi có trận mưa đầu mùa đổ xuống và dọn sạch những tàn cây chưa cháy hết. Họ biết thu thập kinh nghiệm thời tiết như xem mây, nghe sấm, nhìn hướng gió để quyết định ngày đốt rẫy phù hợp, làm cho rẫy cháy đều, cháy sạch mà các khu rừng xung quanh không bị cháy. Công cụ phát rẫy là rựa quéo (vra). Thời gian phơi lá khoảng trên dưới một tháng, sau đó dọn rẫy và đốt. Sau cơn mưa đầu mùa, người ta bắt đầu trồng ngô, tỉa lúa, theo lối chọc lỗ tra hạt. Trong trồng cấy lúa nước, khâu làm đất phụ thuộc vào mùa mưa sớm hay muộn (thường vào tháng 6,7 âm lịch). Người Châu Ro xưa dùng từng đôi trâu kéo cày bừa, chưa biết dùng phân bón, làm thủy lợi. Nhìn chung, phương thức canh tác trồng lúa nước của người Châu Ro tương tự như người Kinh.
  • 21. Ngoài làm rẫy, người Châu Ro còn săn bắn, hái lượm vì địa bàn sinh sống của họ được rừng rậm bao phủ và có nhiều thú rừng nên săn bắn khá phát triển. Săn bắn thú đối với người Châu Ro vừa là nguồn vui tiêu khiển, vừa để bảo vệ rẫy và cung cấp lương thực cho gia đình và dân làng. Dụng cụ săn bắn chủ yếu là ná (aq). Ná của người Châu Ro có cấu tạo chung như ná của các dân tộc khác trong khu vực Trường Sơn Tây nguyên. Thân ná thường bằng gỗ sơn mây, cánh ná bẳng gỗ cây rỏi, loại gỗ lõi, không có mắt. Dây ná làm bằng vỏ dây gắm được ve lại cho dầy và phết sáp ong. Trên thân ná chạm 7 ô hoa văn đường viền, tượng trưng cho 7 vía của nam giới. Phần cuối thân ná trang trí hoa văn. Đầu mũi ná gắn hạt cẩm tròn, nhỏ, màu đỏ, có ý nghĩa tượng trưng cho cây ná sát thú, thu được nhiều thành phẩm. Toàn cây ná thường được bôi dầu chai và sáp ong để tạo màu đen và độ bóng cho ná. Người dân dùng tên có tẩm thuốc độc khác nhau. Thuốc độc tẩm vào tên được chế từ các loại vỏ, lá và quả của cây trong rừng. Người Châu Ro có tục lệ sau khi ăn thịt các loại thú săn bắn được, họ treo xương hàm dưới của chúng thành dãy dài trong nhà để làm kỉ niệm và cũng để chứng tỏ thành tích của mình. Sau khi tế thần linh, người ta tổ chức ăn mừng. Những người trực tiếp săn bắt được hưởng nhiều thịt hơn, còn lại tất cả các thành viên của cộng đồng đều được chia phần bằng nhau. Đánh bắt cá cũng là nghề truyền thống của người Châu Ro. Cách bắt cá của họ đơn giản. “Họ lấy lá, quả vỏ cây vàng nghệ giã nhỏ, trộn với nhau để làm thuốc bắt cá. Hỗn hợp này được thả ở đầu nguồn con suối. Cá bị nóng và cay mắt sẽ nổi lên trên mặt nước và họ chỉ vớt lên. Cách đánh bắt này thường diễn ra vào mùa khô, khi nguồn nước cạn dùng thuốc mới có tác dụng. Bên cạnh đó, họ cũng dùng các loại công cụ đánh bắt cá như nơm, lợp, lờ, câu và các công cụ tự chế bằng tre nứa”[32, tr23,24] Do ảnh hưởng của địa vực cư trú nên người Châu Ro không chỉ thiếu thốn về đời sống vật chất mà họ còn gặp nhiều khó khăn trong giao lưu, học tập những kinh nghiệm, kiến thức lao động sản xuất mới. Từ sau 1975, đất nước thống nhất, cuộc sống của người Châu Ro bước sang giai đoạn mới. Tuy cuộc sống hiện tại
  • 22. còn gặp nhiều khó khăn nhưng những tiền đề cho công cuộc xây dựng xã hội mới ấm no hạnh phúc, tiến bộ và văn minh là một hiện thực vững chắc. Nhưng nằm ở một khía cạnh khác thấy chính xã hội văn minh chưa xâm nhập vào lối sống của người Châu Ro nên một số hình thái sinh hoạt còn được bảo lưu ở dạng cổ xưa. 1.6. Hình thái xã hội Tổ chức xã hội người Châu Ro theo đơn vị xã hội truyền thống là buôn làng mà người Châu Ro gọi là palay, blay, bon. Ví dụ: Play Tơ Chăn = Làng Bình Giã Palay Pró = Làng Bình Đa Palay Tavách = Làng La Vân Người Châu Ro sống thành từng làng. Mỗi làng (sóc, plây, đunlay) có vài dãy nhà sàn dài, mỗi nhà dài là một gia đình lớn, chia làm nhiều gia đình nhỏ. Các bon, plây thường được xây dựng ở gần nguồn nước. Giữa các bon, plây có đường mòn đi lại giao lưu với nhau. Mỗi bon, plây có ranh giới khá rõ ràng và được truyền cho thế hệ sau nhận biết. Ranh giới bon, plây thường là các dòng sông, suối, các con đường mòn, cây cổ thụ, tảng đá,…Đất và rừng trong ranh giới của bon, plây là tài sản của toàn thể thành viên trong bon, plây đó. Đất rừng là của chung bon, plây, không ai được quyền sang nhượng, mua bán. Palay (buôn, làng) là tập hợp một số gia đình cùng dòng tộc. Sau này mỗi palay có thể gồm nhiều dòng tộc đan xen với nhau. Mỗi palay có một già làng uy tín trong palay được nhân dân kính trọng, tin tưởng. Mọi việc trong palay do già làng chi phối điều khiển. Mỗi nhà dài có một tộc trưởng gọi là ông đầu Nhang (voh Yang va), đó là già làng có uy tín, có kinh nghiệm sản xuất và chiến đấu, nếu xóm nhỏ giữa rừng thì người đứng đầu gọi là mẹ sóc (mây sork). Các tộc trưởng và mẹ sóc hợp thành “hội đồng già làng”. Xã hội chưa phân hóa rõ rệt giàu, nghèo, không có nô lệ trong nhà, dân làng
  • 23. sống đoàn kết, thân ái giúp nhau. Người con trai từ lúc còn nhỏ đã được người cha rèn luyện đức tính dũng cảm. Con gái được mẹ và các dì dạy nấu ăn, hái lượm, dạy cách dệt thổ cẩm, làm xa rông, dạy hát dân ca, múa truyền thống. Con trai, con gái lớn lên thì tự do tìm hiểu lẫn nhau qua các buổi làm rẫy, lễ hội … rồi nảy sinh tình yêu rồi tiến đến hôn nhân. Người Châu Ro có nhiều dòng họ có tên gọi riêng.như họ: Điểu, Thổ, Lý, Văn, Lâm, Sang, Ka… Các họ như: Tòng, Lâm, Đào, Lý, Dương, Mai, Hồng được cho là vua Minh Mạng ban cho sau này để làm họ. Thuở xa xưa người Châu Ro có tên gọi riêng của họ là: Chrau Lũn, Chrau Wan, Chrau Lãnh, Vơ Cũh, Ghe Tthaih, Vog Fieeng và một số họ khác như Chiêu Xoai ở Long Khánh , Đồng Nai; Chiêu Pơia ở Châu Lâm, Bầu Lâm, Xuyên Mộc; Châu Tu Giên ở Xuân Lộc, Túc Trưng… 1.7. Tổ chức gia đình Gia đình người Châu Ro là một gia đình lớn gồm nhiều thế hệ: ông bà, cha mẹ. con và cháu (bốn thế hệ) sống chung trong một nhà dài lớn. Hình thức và cấu trúc gia đình của người Châu Ro phụ thuộc vào trình độ phát triển của họ. “bản chất của gia đình là loại hình chung sống của cặp nam nữ được liên kết lại nhờ hôn nhân, nhằm để tái sản xuất và thực hiện những chức năng trong lĩnh vực đời sống. Cho nên loại hình gia đình phải được quyết định chủ yếu bởi quan hệ hôn nhân tồn tại trong gia đình”[27, tr27]. Theo kết quả tìm hiểu cũng như theo nhận định của một số nhà dân tộc học trong cuốn Các dân tộc ít người ở Việt Nam – các tỉnh phía Nam, người Châu Ro tồn tại loại hình gia đình song hệ. Trên thực tế nghiên cứu tại địa bàn tỉnh Đồng Nai, chúng tôi cho rằng người người Châu Ro theo chế độ mẫu hệ. Tuy nhiên, chế độ mẫu hệ của tộc người này đang tan rã và dần chuyển sang chế độ phụ hệ, và hiện tại, người Châu Ro vẫn tồn tại chế độ “mẫu hệ - phụ quyền”.
  • 24. Người dân Châu Ro luôn cho rằng họ theo chế độ mẫu hệ (theo truyền thuyết của người Châu Ro mà chúng tôi đã kể ở phần trên). Theo đó, người phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong quá trình tộc người Châu Ro.. Một truyền thuyết khác của người Châu Ro kể lại: “Ngày xưa, trong lúc cả làng chạy giặc, có người họ Chơ Lun bỏ quên đồ phải chạy trở lại lấy. Nghe có tiếng khóc, ông thấy một bé gái đang nằm trong bồ lúa, thương quá, ông bế bé theo. Ông bà nuôi bé gái lớn dần và trở thành thiếu nữ xinh đẹp. Ông gả chồng cho cô bé. Ít lâu sau cô sinh được bảy người con gái cũng đẹp như mẹ. Cô nào cũng giỏi việc làm rẫy, hái rau rừng, giã gạo, đan lát, đan lát, dệt vải … Một hôm người ông vào rừng thấy cây gõ mật bóng râm mát rượi, ông đến gần nghe mùi thơm của cây toát ra, ông nghĩ: Ta hạ cây gõ mật này đem về làm cho các cháu ta mỗi người một cái cối giã gạo. Các làng xung quanh nghe thấy tiếng giã gạo lẫn mùi thơm của cây gõ mật, chắc họ sẽ kéo đến chơi vui. Rồi ông làm theo ý nghĩ của mình. Các cháu ông, mỗi người một cái cối, cứ mỗi đêm trăng sáng, các cháu ông đem cối ra giã gạo. Giã gạo trong cối này rất mau trắng, cơm nấu ra nức mùi thơm bay khắp vùng xung quanh. Nhiều chàng trai ở khắp vùng gần xa, giỏi săn thú, trèo cây ăn ong, phát rẫy… lũ lượt đến xin cưới các cô làm vợ. Theo phong tục, các cô phải có họ để khi cưới không bị loạn luân. Nhưng vì mẹ các cô là con rơi nên không có họ. Ông bà nghĩ, nhờ cái cối bằng gõ mật mà mọi người biết tới tiếng tăm, rồi ông bà lấy tiếng gọi cây gõ mật làm họ cho các cháu gái – họ Bi Cu. Các cô gái sinh con đẻ cái rất đông. Thế là từ đó họ Bi Cu trở thành một họ lớn của người Châu Ro” [32, tr213]. Như vậy, theo truyền thuyết, người Châu Ro theo họ mẹ. Những tư liệu trên đây được lấy từ truyền thuyết Châu Ro. Chứng tỏ quá khứ của tộc người này găm rất chặt vào ký ức qua thể loại truyện cổ dân gian. 2. ĐẶC ĐIỂM VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG 2.1 Văn hóa vật chất 2.1.1. Nhà ở
  • 25. Người Châu Ro trước đây cư trú trong các ngôi nhà dài với nhiều gia đình trong cùng một dòng tộc. Việc dựng một ngôi nhà dài đòi hỏi không ít thời gian và nhân công, đặc biệt là khâu chuẩn bị nguyên vật liệu. Nguyên vật liệu để làm nhà là các loại gỗ rừng, tre, nứa, lồ ô, lá tranh, lá trung quân, dây mây,.. Các loại gỗ rừng, để nguyên cây dùng làm cột nhà; các loại tre, nứa, lồ ô … dùng đan vách và sàn nhà; lá trung quân, lá cỏ tranh dùng để lợp mái; dây mây để buộc. Đặc biệt về nguyên liệu, gỗ làm cột nhà phải thẳng, không có các loại dây leo bám lên thân cây. Những người già ở Đức Thắng, xã Túc Trưng, huyện Định Quán lý giải rằng chọn cây có dây leo bám xung quanh để làm cột nhà thì cuộc sống gia đình sau này sẽ không thoải mái, hay bị ràng buộc. Dụng cụ làm nhà của người Châu Ro tương đối đơn giản: chà gạc, dao côi, búa… Thời gian tiến hành dựng nhà thường vào mùa khô. Đây là lúc thời tiết nắng ráo, thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển nguyên liệu. Hơn nữa, vào mùa mưa, nguyên liệu bị ướt nên việc buộc dây mây sẽ không được chắc chắn. Công việc dựng nhà thường kéo dài trong bốn tuần. Khi làm nhà, họ thường tập hợp tất cả các thành viên trong gia đình, dòng tộc và nhờ những người hàng xóm đến giúp đỡ. Thông thường, gia đình làm nhà lo cơm nước cho những người đến giúp đỡ, không trả tiền công, khi các gia đình khác dựng nhà, họ lại sang làm giúp. Người Châu Ro gọi hình thức này là “vần công, trả công”, nghĩa là làm đổi công cho nhau. Một việc không thể thiếu được trước khi dựng nhà là chọn đất xem hướng nhà. Theo quan niệm của người Châu Ro, việc này có ảnh hưởng tốt xấu đến cuộc sống trong tương lai của gia đình sau này. Theo tục lệ, trước khi dựng nhà người dân vạch một đường thẳng nhỏ, xếp bảy hạt gạo trên đường thẳng đó rồi lấy bát úp lại. Sáng hôm sau, nếu bảy hạt còn nguyên vẹn, không bị xê dịch thì là đất tốt, dựng nhà được. Người Châu Ro cho rằng đất ở đó yên ổn, không có các côn trùng gây hại như mối mọt và là điềm báo sự đồng ý của thần linh. Khi dựng nhà dài, người Châu Ro trồng 4 cây cột xuống đất theo ước tính của bản thân. Sau đó, ông đầu nhang hoặc già làng khấn thần đất và dùng dây mây đo
  • 26. đường chéo của 4 cột gỗ. Nếu hai đường chéo bằng nhau là được, còn nếu các cột phải trồng đi trồng lại nhiều lần mà hai đường chéo không bằng nhau thì chủ nhà sẽ bỏ khu đất đó, tìm khu đất khác dựng nhà. Theo quan niệm của họ, việc hai đường chéo của 4 góc nhà không bằng nhau chứng tỏ thần đất không hài lòng khi họ dựng nhà. Và nếu chủ nhà vẫn cố dựng nhà trên khu đất đó thì sau này con cái của họ sẽ không được khỏe mạnh, hạnh phúc. Cửa chính nằm ở đầu hồi của nhà dài, hướng của cửa nhà làm hướng bắc hoặc hướng nam, để hằng ngày, mặt trời đi qua ngang nhà. Nhà ở thường vuông góc với hướng di chuyển của mặt trời. Người Châu Ro kiêng làm cửa hướng tây hoặc hướng đông, vì vậy, mặt trời sẽ đi dọc theo chiều dài căn nhà, các gia đình trong nhà sẽ nóng bức, đau ốm thường xuyên… Trong suốt quá trình làm nhà, gia đình chủ nhà thường có 2 lần làm lễ cúng thần đất và tổ tiên. Lần thứ nhất cúng trước khi bắt đầu làm nhà và lần thứ hai là khi việc cất nhà hoàn thành. Sau này, nhà sàn dài của nhiều gia đình trong dòng tộc đã thay thế bằng các nhà sàn nhỏ của từng gia đình. Các ngôi nhà nhỏ này nằm cận kề nhau, tập trung khoảng 10 đến 15 nóc nhà thành từng ấp. Mỗi ngôi nhà khoảng 30m² đến 40m², sàn cao khoảng 1.2m đến 1.5m, cầu thang lên phía đầu hồi. Phần giữa nhà là nơi sinh hoạt chung của gia đình. Phía cuối là nơi ngủ, được ngăn cách bằng cá vách liếp và trải chiếu lùng (đan từ cây lùng). Hiện nay, hầu hết người Châu Ro ở nhà trệt như người Việt. Các ngôi nhà sàn theo thời gian và do ảnh hưởng của chiến tranh dần dần hư hại. Nguyên liệu gỗ ngày càng khan hiếm cũng hạn chế nhiều đến việc dựng lại nhà sàn mới. Trong nhiều ấp, xã có đông người ch6u Ro các ngôi nhà trệt tường gạch mái tôn gần như thay thế nhà sàn. 2.1.2. Trang phục Theo truyền thống, nam giới Châu Ro thường đóng khố (tronh), ở trần; nữ quấn váy (xipút), ngực để trần. Khi thời tiết lạnh, cả nam và nữ có thêm áo (ao) chui đầu,
  • 27. không tay và quấn thêm chăn (su) bên ngoài. Nữ giới thường đeo trang sức, là những chiếc vòng cổ (kieng), vòng tay (nglao) bằng hạt cườm nhiều màu sắc và những chiếc vòng tay bằng đồng, bạc, nhôm... 2.1.3. Ẩm thực Hằng ngày, người Châu Ro ăn cơm gạo tẻ. Gạo nếp là lương thực quý dùng làm các loại bánh: piêng đinh (cơm lam nướng trong ống nứa), piêng puh (bánh dày trộn mè), piêng chum (bánh tét)…để cúng yang. Bữa ăn của họ đơn sơ họ ăn canh rau, canh đọt mây, canh bồi (loại canh gồm có cá nấu chung với nhiều loại rau và bột bắp). Cá khô nướng và muối ớt là món ăn thường xuyên. 2.2 Văn hóa tinh thần 2.2.1. Phong tục – tín ngưỡng Có lẽ do làm nông là chính, người Châu Ro phải quan sát thiên nhiên để tính mùa và họ tỏ ra khá am tường vật hậu học. Người Châu ro có câu: "Ray nhim đaq (đọc là đạ) Gung Char": đầu mùa mưa, cây to (là anh) mọc ven sông Ray khóc cỏ tranh (là em) mọc trên núi Chứa Chan còn bị nắng nên héo vàng; và cũng có câu: "Gung Char đaq nhim Ray": giữa mùa mưa cỏ tranh (là em) trên núi Chứa Chan khóc anh (cây to) mọc ven sông Ray chết vì ngập nước. Khi họ thấy ếch kêu, ve kêu, thấy đuôi kỳ đà đen đều, cắc ké đầu xanh, xương ếch đen đi (khi bắt ăn thịt)... thì biết trời sắp mưa. Bà con cũng để ý quan sát thấy nước giếng tự nhiên cạn bớt là dấu hiệu trời sắp mưa... Người Châu Ro có vài kiêng cữ: con cù lần (con cu li hoặc phủ hầu) vào rẫy; hoặc trút, trăn, rắn, rùa chết trong rẫy thì người ta bỏ rẫy đó không làm vì sợ trỉa lúa sẽ thất thu, gia đình sẽ đau ốm. Muốn làm tiếp tục trên rẫy đó thì phải cúng. Đi làm nếu gặp con mang (mển, đỏ) thì quay về, mai đi làm tiếp. Trong khi làm rẫy phải cữ kêu trời, không nói tớichết vì dịch bệnh... Người Châu Ro (cũng như người Mạ, người Stiêng) giải thích: xưa kia cù lần là ông tổ con người, dạy người làm rẫy cho nên gặp ông tổ thì con cháu phải tránh xa, không được làm kinh động. Như vậy con cù lần –
  • 28. một con vật rất phổ biến của vùng núi rừng, địa bàn cư ngụ của người Châu Ro, có khả năng là tô tem của người Châu Ro, đặc biệt là người Châu Ro ở Đồng Nai. Cũng như nhiều tộc người khác ở Trường Sơn, người Châu Ro tin ma lai làm người ta bệnh tật xui xẻo, nên ai có ma lai sẽ bị cách ly khỏi cộng đồng (xưa kia có thể bị giết chết). Chịu ảnh hưởng các tộc người khác, họ tin các cây cổ thụ, hòn đá lớn đều có ma quỷ trú ngụ; cũng tin con người có 3 hồn 7 vía (hoặc 9, nếu là nữ) nên lúc cúng yang hằng năm thầy chang hoặc bà bóng sẽ lấy vía trả lại người trong nhà (sợ vía có thể đi lạc). Lu nước của gia đình phải để hướng Đông, khi ngủ thì nằm đầu hướng Tây và không úp mặt, không co chân (sợ không ăn nên làm ra). Họ cấm con nít la hét lúc bình minh hoặc chiều tà vì tin rằng lúc đó ma quỷ đi săn, chúng tưởng là khỉ sẽ bắn mũi tên bệnh tật làm trẻ đau ốm và có thể chết. Như vậy thế giới quan của người Châu Ro luôn tin rằng mọi vật đều có linh hồn và các thần linh chi phối, hỗ trợ con người vì thế người Châu Ro có tín ngưỡng đa thần: thần lúa (Yang va), thần rừng (Yang bri), thần suối (Yang dal), thần rẫy (Yang mir), thần ruộng (Yang mơ)…Vị thần được tôn vinh hơn cả là Thần Lúa và Thần Rừng. Theo quan niệm của họ, đó là những phúc thần nhân ái, trừ khử tà ma, mang lại sức mạnh cường tráng cho mọi người và sự giàu có cho người Châu Ro. Việc cúng Thần Lúa, thần Rừng là quan trọng do đó hình thành tập quán lễ hội hàng năm có sức thu hút cộng đồng tham gia để vừa vui hội vừa thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng tâm linh. Vào những tháng đầu năm, mùa xuân sau tết âm lịch của người Kinh, đêm có trăng là người Châu Ro tổ chức hội mừng lúa mới, cúng thần lúa (Ốp Yang Va). Lễ hội kéo dài nhiều ngày coi là lễ hội chính tương tự như các dân tộc khác ăn tết vậy. Vào ngày cúng Yang va, mọi thứ đều phải được chuẩn bị sẵn từ trước. Người Châu Ro dựng cây nêu, làm các loại bánh cúng (bánh dày, bánh nếp, cơm lam…), trang hoàng bàn thờ Yang… Người ta lấy hai cây tre non vót thành bông ở đầu cây - tượng trưng cho bông lúa. Đỉnh bông trải lớp tro để đốt trầm hoặc nhang thơm. Một cây dựng ở bàn thờ, một cây đặt ở kho lúa. Bàn thờ Yang rất đơn sơ, đặt dăm mâm cúng, mỗi mâm đều có thịt
  • 29. gà, bánh, rượu, miếng thịt heo sống…Riêng mâm hứa trả vụ tới không có thịt gà mà có 15 cọng tre, mỗi cọng xâu 7 miếng tim, gan, lòng… đặt quanh miếng thịt heo sống. Người gọi Yang đọc lời khấn trong buổi cúng theo truyền thống là Bà Búp hoặc Thầy Chang - họ là cầu nối giữa con người với thần linh. Vào sáng sớm ngày cúng Yang-va, trong khi mọi người chuẩn bị lễ vật cúng thì bà chủ nhà đeo gùi, mang theo bầu nước và chà gạt vào rẫy, thực hiện nghi thức “rước hồn lúa”. Lễ vật sau khi thực hiện nghi thức “rước hồn lúa” gồm có 2 cây mía, 2 cây chuối non, các bông lúa nhiều hạt và sau khi đưa về nhà được chia làm hai phần: một để ở bàn thờ Yang va, một đặt vào trong kho lúa. Thầy chang làm lễ ba lần theo tuần tự sau. Thầy Chang đọc lời thỉnh cầu mời thần Lúa và các thần về dự, chứng kiến lòng thành của gia đình: “ Tơ yang va, yang bri, yang mir, yang co bap yênh bươn nhai, muynh ênh pơ lah, la pa ênh lir, la pir ênh đang , la pang ênh yêt, pây xim yôh tang, bay yang yôh blơ, ah ênh ôp hut, ôp xa nơ geh...” (lạy thần lúa, thần rừng thần rẫy, ông bà tổ tiên, chúng con dâng lễ cúng các thần và ông bà tổ tiên, mong các thần và ông bà tổ tiên cho chúng con làm ăn được mùa...); Lần thứ hai: Khấn trả lễ và tiếp chuyện với thần lúa. Năm vừa qua gia đình làm ăn phát đạt thì cúng theo đúng lời hứa với thần hoặc là cúng nhiều hơn tuỳ theo gia đình. Nếu năm vừa rồi mùa màng thất bại mà chủ nhà hứa cúng heo thi có thể cúng gà cũng được, nhưng phải khấn xin phép thần. “...nar he ênh oh, nar he ênh vah, nar he ênh toh, vơr nhai muynh, vơr ta lep, tơ ne pan...” (...hôm nay tôi khấn cúng trả lễ như đã hứa chứ chúng tôi không dám nói dối, nói sai); Lần thứ ba: thầy Chang hoặc bà Bóng cùng chủ nhà khấn “hứa trả lễ vụ sau” cầu cho mùa sau được thuận lợi đồng thời chủ nhà hứa sẽ trả lễ với thần, nếu mùa màng bội thu thì trả lễ to. Khoảng cách các giai đoạn cúng này khoảng chừng 60 phút. Trong suốt quá trình làm lễ có sự kết hợp của dàn cồng chiêng 6 chiếc, khi tiếp chuyện với thần và khi khấn vái đều có nhạc đệm của tiếng cồng tiếng chiêng kèm theo. Sau lời mỗi khấn vái ở các giai đoạn kết thúc, thầy Chang vảy ít gạo lên bàn thờ, chủ nhà làm tiệc đãi khách. Người phụ nữ lớn tuổi nhất trong làng (gia đình) chịu trách nhiệm cai quan chòi lúa, gọi là mẹ
  • 30. lúa (Mây va) uống ly rượu đầu tiên, vì theo quan niệm của người Chơ ro, vẫn còn bảo lưu chế độ mẫu hệ, người phụ nữ lớn tuổi nhất trong gia đình là người tiêu biểu cho sự cai quản, chăm sóc nhà dài, nương rẫy và chịu đựng nhiều trách nhiệm với cộng đồng. Bài khấn hứa có tiết tấu nhịp nhàng, nội dung lời khấn ở trong nhà và kho lúa không khác nhau nhiều. Ở kho lúa chú trọng đến thần lúa (Yang va) nhiều hơn các Yang khác. Lễ cúng diễn ra trong tiếng đàn cồng chiêng bảy chiếc, đánh theo nhịp điệu lúc khoan thai, lúc dồn dập. Đồng bào cho rằng phải có tiếng nhạc cụ, cồng chiêng rộn ràng thì ông bà tổ tiên và các Yang mới vui vẻ về dự và chứng giám lễ cúng. Khi cúng Yang ở kho lúa cũng là kết thúc nghi lễ cúng Yang va. Trong khi cùng chúng vui uống rượu cần, mọi người đều vui vẻ, ca hát những bài hát của dân tộc mình theo tiếng đàn tre, kèn lúa, cồng chiêng ngân vang. Họ vui chơi cho đến khi bếp lửa tàn, thường là nửa đêm, mới kết thúc trọn vẹn lễ hội cúng Yang va. Người Châu Ro có tục cúng Thần Rừng (Ốp Yang Bri) vào trước mùa mưa, song không ấn định thời gian cụ thể, có nới thì ba năm cúng một lần, có nơi thì bảy năm cúng một lần, cũng có nơi tùy theo tình hình kinh tế của cả dòng tộc, buôn làng mà họ tổ chức. Tục cúng thần Lúa có thể tổ chức ở lang hay ở trong từng gia đình nhưng cúng Thần Rừng phải được tổ chức trong phạm vi cộng đồng, do già làng chủ trì và quyết định, tổ chức ở ngoài trời, dưới khoảng đất rộng dưới bóng gốc cây cổ thụ mà người Châu Ro cho là linh thiêng, thường là những cây Dầu, cây Da. Tục cúng thần Rừng tổ chức trong vài ngày và rất tốn kém về thời gian, công sức cũng như tiền của nên đòi hỏi sự đóng góp tham gia của cả cộng đồng. Thông thường mọi người góp lễ vật là: gạo, rượu, heo, gà, vịt, trầu cau, trái cây…Lễ vật bày cưới tán cây to, già làng cầu suối cho nhiều cá, rừng cho nhiều nai, mển, cây có nhiều chim, nhiều ong… Sau đây là bài khấn thu thập ở xã Châu Pha (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu): Đất đai dương trạch Hoài đai dương trạch
  • 31. Cây có lá xanh Đá Trang, sông Xoài Hòn Đại hòn Lang Trương giác, Trương Hải … Trương thiên vạn vị Mới tại thiên lập địa Con người còn tối tăm non dại Thưa thần linh Nhờ ơn thần linh Con trai ra con trai Con gái cầm chày giã gạo Con trai đi săn bắn ná Thưa thần linh… [3] Lời khấn này chắc chắn chịu ảnh hưởng lời khấn của thầy cúng Việt, nhưng vẫn giữ bản sắc dân tộc thiểu số. Cúng xong, mọi người ăn uống rồi ra về. 2.2.2. Văn học dân gian Văn học dân gian phản ánh cuộc sống, tư duy, chuẩn mực và cách ứng xử của con người với thiên nhiên, xã hội, với con người qua các thời kỳ lịch sử. Văn học dân gian Châu Ro cũng thế, nó là bộ phận của văn hóa truyền thống, nếu nó được sưu tầm nghiên cứu đúng mức sẽ bộc lộ được văn hóa bản sắc của người Châu Ro. Văn học dân gian Châu Ro đã được hình thành trong quá trình lao động sản xuất, được sống và lưu truyền các nghi lễ - lễ hội, trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trong gia đình. Nó là linh hồn, là giá trị tinh thần đẹp nhất trong cuộc sống cộng đồng. Văn học dân gian Châu Ro khá phong phú với nhiều thể loại: truyện kể dân gian, ca dao, dân ca, truyện ngụ ngôn, thành ngữ, các câu tục ngữ…được đúc kết các kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, kinh nghiệm về thiên nhiên và cuộc sống xã hội.
  • 32. Vốn văn học dân gian này chứa đựng những tri thức, tình cảm, tâm lí của dân tộc Châu Ro, mặc dù đã được sưu tầm, xuất bản nhưng vẫn còn nhiều khuyết thiếu. Nguy cơ di sản quý giá này mất đi cùng với sự ra đi của các thế hệ già là một thực tế đáng báo động. Văn học dân gian Châu Ro nói chung và đặc biệt là truyện cổ Châu Ro nói riêng, người Châu Ro muốn phản ánh quá trình lao động chinh phục thiên nhiên và đấu tranh xã hội của mình; phản ánh tư tưởng, tình cảm, khát vọng no ấm của người dân lao động bằng những tư duy sáng tạo và những thể hiện riêng. Bên cạnh đấy, nó cũng có dụng ý giải thích những địa danh núi non, sông, hồ .. có truyện khuyến khích con người làm việc thiện, tố cáo những kẻ bạc ác, kết thúc truyện bao giờ cái thiện, cái chính nghĩa cũng chiến thắng. Người Châu Ro xưa theo chế độ mẫu hệ, nên người lưu truyền những câu truyện kể này chính là những người bà, người mẹ trong gia đình. Họ thường kể những câu truyện kể này cho con cháu mình nghe trước khi đi ngủ hay lúc nông nhàn. Hình thức thể hiện là hát kể, vừa kể chuyện vừa hát, có khi kể bằng giọng văn xuôi. Qua những câu truyện kể này, ta thấy người Châu Ro đã thể hiện rất rõ tư duy của dân tộc mình. Đó là quan niệm về cuộc sống và cái chết, về cuộc đấu tranh của các nhân vật đại diện cho cái thiện, cái ác, cho hạnh phúc của con người, chống lại các thế lực gian ác… Trong các loại hình văn hóa dân gian Châu Ro, truyện cổ là loại hình phản ánh tâm tư, khát vọng, ước mơ… về cuộc sống của tộc người. Nội dung của truyện cổ Châu Ro ví như một bức tranh khá sinh động, minh họa cho cuộc sống lao động và sinh hoạt tinh thần của tộc người, mặt khác nó là tấm gương phản ánh khá trung thực những quan hệ xã hội dân tộc Châu Ro. Đồng thời nó cũng là tiếng nói của tình yêu nam nữ trong sáng, tình người mộc mạc, chân thực, đẹp đẽ của nhân dân. Sự tồn tại của truyện cổ Châu Ro cũng mang tính chất chung như các nền văn học dân gian của các dân tộc khác. Đó là sự lưu truyền bằng miệng trong quần chúng mà chủ yếu là các bà, các mẹ và già làng… Mặt khác, nguồn truyện được lưu truyền
  • 33. bằng hát kể, kể của ngôn ngữ nói và được ghi lại bằng trí nhớ chứ không bằng chữ viết (vì người Châu Ro không có chữ viết). Chính vì thế mà có những câu truyện có nhiều văn bản kể khác nhau nhưng vẫn một nội dung (dị bản). Điều đó đã tạo nên nét độc đáo và phong phú của truyện cổ Châu Ro. Đó cũng là lý do khi khảo sát văn bản, chúng tôi có tiến hành điền dã so sánh với cách kể của người dân để xem đời sống đích thực thể loại truyện kể như thế nào. Vấn đề này sẽ được trình bày ở chương 2. Theo chúng tôi nghiên cứu và sưu tầm, mảng truyện cổ này bao gồm các thể loại truyện: thần thoại, truyền thuyết, cổ tích. Truyện cổ Châu Ro như là mạch nước ngầm vẫn âm ỉ chảy qua từng thế hệ người Châu Ro. Truyện kể dân gian này là một trong những vốn văn hóa truyền thống đang dần bị mai một. Và nó thực sự cần được sưu tầm, bảo tồn, nghiên cứu một cách nghiêm túc và khoa học, nếu không thì “dẫu tiền muôn bạc vạn cũng không thể tái hiện được” (Huỳnh Văn Tới). Tiểu kết: Trên đây, chúng tôi đã khái quát về người Châu Ro ở Đồng Nai về nguồn gốc, nơi cư trú, nhóm ngữ hệ, dân số, quá trình lịch sử hình thành. Đây là một quá trình tộc người khá phổ biến ở dọc Trường Sơn nước ta. Tuy nhiên người Châu Ro dường như có một quá trình lịch sử - văn hoá gắn với văn hoá đồng bằng trong quá trình khảo sát truyện dân gian. Đấy là một trong những điểm nhấn của chúng tôi. 3. Tình hình tư liệu So với việc sưu tầm truyện cổ tích của người Việt (Kinh) thì truyện cổ tích của các dân tộc thiểu số được tiến hành muộn hơn, chủ yếu là sau thời kỳ cách mạng tháng Tám năm 1945. Và truyện cổ Châu Ro cũng trong tiến trình muộn mằn ấy. Chúng tôi nhận thấy công trình Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam của Võ Quang Nhơn[45]; bài viết của Phan Đăng Nhật “Những vấn đề đặt ra từ công cuộc sưu tầm nghiên cứu văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam thế kỷ XX”. Đây có thể xem là hai công trình lớn nghiên cứu về văn học các dân tộc thiểu số và sớm nhất từ sau cách
  • 34. mạng tháng Tám năm 1945. Ở cả hai công trình này, tác giả nghiên cứu chuyên sâu về tình hình sưu tầm truyện cổ tích của các dân tộc thiểu số trước và sau cách mạng tháng Tám. Một công trình khá lớn tiếp theo là Truyện cổ các dân tộc thiểu số Việt Nam [67]do Đặng Nghiêm Vạn, Đặng Văn Lung và Tăng Kim Ngân nghiên cứu. Ở công trình này, các tác giả đã sắp xếp truyện cổ các dân tộc theo dòng ngôn ngữ - dân tộc học, tập trung vào một số dân tộc của ba dòng chính: dòng Nam đảo (Malayô – Pôlinêxia); dòng Nam (Môn –Khơ Me, Tày – Thái và Cơ lao). Ở công trình này đã có chuyên sâu hơn so với hai công trình trước. Nhưng hai công trình trước lại là tiền đề cho các công trình nghiên cứu về văn học các dân tộc thiểu số sau này. Sở dĩ chúng tôi điểm qua ba công trình nghiên cứu trên để thấy rằng: cả ba công trình nghiên cứu lớn đó cũng chưa được các nhà nghiên cứu về văn học dân gian các dân tộc thiểu số đề cập đến truyện cổ dân gian Châu Ro. Trên đây mới chỉ là điểm qua rất lướt tình hình nghiên cứu văn học dân gian của các dân tộc thiểu số Việt Nam của một số nhà nghiên cứu tiên khởi về lĩnh vực này từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, chắc còn thiếu nhiều; cũng bởi, do nguồn tìm hiểu tư liệu của người viết còn hạn chế. Song, những công trình trên giúp chúng tôi bước đầu đưa ra được những nhận định chung về tình hình nghiên cứu văn học dân gian Châu Ro nói chung và truyện cổ Châu Ro nói riêng vẫn còn là mảnh đất hoang chưa được dày công vun xới. Đây là một trong những vấn đề khó khăn rất lớn về nguồn tư liệu cho công trình nghiên cứu của chúng tôi. Trên những khó khăn về nguồn tư liệu, chúng tôi đã gắng sức tập hợp một số công trình nghiên về văn học dân các dân tộc thiểu số phía Nam để tìm ra những tư liệu có liên quan đến đề tài chúng tôi đang nghiên cứu, và những bài viết về dân tộc Châu Ro, truyện cổ Châu Ro đã được công bố rải rác ở một vài công trình được xuất bản ở trung ương và địa phương. Trước hết hết, chúng tôi đi sâu vào nguồn tư liệu hiện có. Theo chúng tôi tìm hiểu, việc sưu tầm, ghi chép những truyện cổ Châu Ro chỉ mới bắt đầu từ những năm đầu thế kỷ XX nhưng chỉ có một truyện và nó chỉ ở hiện
  • 35. trạng là giới thiệu văn bản truyện kể như: “Mẹ nhau – Thần chết” – Tuyển tập truyện cổ tích các dân tộc ở Việt Nam (tập 2), Viện khoa học và xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh, 1987. Vấn đề sưu tầm truyện cổ này chưa được chú trọng. Phải chăng vấn đề lịch sử của tộc người này như đã trình bày ở chương 1 cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc sưu tầm và nghiên cứu truyện cổ Châu Ro?. Đến những năm cuối của thế kỷ XX, vấn đề về văn hóa, văn nghệ dân tộc Châu Ro mới thực sự khởi sắc nhưng đa phần những công trình nghiên cứu về tộc người Châu Ro là ở lĩnh vực văn hóa là chủ yếu còn lĩnh vực văn học thì chưa có một công trình nào nghiên cứu chuyên biệt về lĩnh vực này. Việc sưu tầm, bảo tồn truyện cổ Châu Ro hiện nay đang gặp một số khó khăn do người Châu Ro không có chữ viết, xã hội Châu Ro lại đang trên con đường “Việt hóa”… và người thực sự có tâm huyết, có đam mê với truyện cổ số lượng rất ít và không có nhiều thời gian để đi sưu tầm tại cơ sở. Bên cạnh đó, những người đi sưu tầm ít biết tiếng dân tộc, hoặc không có nhiều nên lâu nay tư liệu về truyện cổ Châu Ro của dân tộc này vẫn còn bị bỏ ngỏ, và đang dần mai một và có khả năng biến mất. Hình thức lưu truyền của truyện cổ Châu Ro cũng khác so với các dân tộc anh em khác. Những truyện cổ của các dân tộc thiểu số thường được kể trong các lễ hội của dân tộc mình. Điều này cũng là một sự lan tỏa khá lớn trong cộng đồng dân tộc và khả năng lưu giữ rộng và tốt hơn. Và phần nào nó cũng đã kích thích sự hứng thú cho các nhà nghiên cứu về văn hóa, văn học dân gian, đặc biệt là truyện cổ một cách khoa học và khách quan hơn. Còn đối với văn học dân gian Châu Ro nói chung và truyện cổ Châu Ro nói riêng do hình thức lưu truyền chính yếu là từ những người phụ nữ trong gia đình (theo chế độ mẫu hệ), người bà, mẹ, chị..kể lại khi họ làm nương, trong lúc nông nhàn hay khi họ ru con ngủ về những câu truyện cổ của dân tộc mình. Vì vậy, tiếp cận kho tàng truyện cổ, chúng tôi rất chú trọng đến đối tượng này. Những truyện kể này thường kể
  • 36. về nguồn gốc ra đời dân tộc mình, về phong tục, tập quán, những lễ hội, kiêng kỵ, tình yêu nam nữ và sinh hoạt thường ngày … Truyện cổ Châu Ro do các bà, mẹ kể lại theo trí nhớ được sưu tầm và ghi chép lại. Những người sưu tầm truyện cổ Châu Ro trước đây được kể lại bằng tiếng Kinh và một số truyện là bằng tiếng Châu Ro. Theo chúng tôi được biết có một số truyện kể Châu Ro, người Châu Ro chỉ có thể lại bằng tiếng của dân tộc mình và không thể kể lại bằng tiếng Việt vì họ chỉ nhớ mẹ họ đã kể như thế bằng tiếng Châu Ro. Vì thế, một số truyện được ghi âm lại và phải nhờ đến một người khác dịch ra tiếng Kinh rồi ghi chép lại. Những truyện kể này thường được các già làng hay trưởng thôn dịch ra tiếng Việt. Khi chuyển ngữ như vậy, một vấn đề nảy sinh là cái phương ngữ, ngữ điệu, cái “hồn” thậm chí cả nội dung có thể dẫn đến những bản kể dịch sai do không hiểu đúng nghĩa. Vì vậy, việc xác định chất lượng của các bản kể, bản dịch quả là một công việc hết sức phức tạp và khó khăn. Với tâm huyết muốn góp một chút công sức vào việc bảo tồn vốn văn học dân gian Châu Ro nói chung và truyện cổ Châu Ro nói riêng ở địa phương mình để thấy được những tinh hoa của đời sống dân tộc Châu Ro qua những truyện kể, chúng tôi thấy phải tiếp xúc từ hai nguồn: văn bản đã công bố và điều tra thực địa để đối chứng, so sánh. Qua đấy, chúng ta có thể thấy được những đặc điểm riêng biệt về văn hóa, văn hoc dân gian của người Châu Ro mà không lẫn với bất cứ một dân tộc anh em nào khác. Trên cơ sở ấy, chúng tôi cũng đưa ra những đánh giá, nhận xét một cách khách quan, khoa học hơn về hiện trạng của truyện cổ Châu Ro dưới góc độ chuyên ngành. Việc so sánh, đối chiếu với những văn bản truyện kể của mình sưu tầm được với tài liệu được công bố trước đây sẽ giúp ta nhận ra cái cốt được giữ lại ở mỗi văn bản truyện kể là nội dung gì?. Từ đó, chúng tôi bước đầu đưa ra kết luận về độ chính xác của văn bản truyện kể Châu Ro. Sau đấy, chúng tôi tiến hành phân loại truyện cổ Châu Ro theo tiêu chí thể loại và tiểu loại truyện kể dân gian.
  • 37. 3.1. Các văn bản truyện cổ Châu Ro đã được công bố - Tuyển tập truyện cổ tích các dân tộc ở Việt Nam (tập 2) – Viện Khoa học xã hội TP. HCM, 1987. Đây là công trình nghiên cứu chuyên đề về truyện cổ các dân tộc ở Việt Nam. Công trình đã chọn lọc và giới thiệu tinh tuyển những truyện cổ của mỗi dân tộc Việt. Trong công trình này đã giới thiệu những truyện cổ của 52 dân tộc Việt. Là công trình nghiên cứu công phu sưu tầm, có hệ thống và có cơ sở khoa học. Đặc biệt, trước phần giới thiệu truyện cổ của một dân tộc nào đấy thì trước đó đều có phần giới thiệu khái quát về tên gọi, dân số, địa bàn cư trú, ngôn ngữ, kinh tế - xã hội, lịch sử, văn hóa… của dân tộc ấy. Phần này đã giúp người đọc hiểu nội dung truyện cổ của dân tộc ấy một cách thấu triệt. Ở công trình này chỉ giới thiệu một truyện cổ Châu Ro: Mẹ nhau – thần chết, truyện này đề cập đến tín ngưỡng cho trẻ em ăn thịt con chim bìm bịp của người Châu Ro “Cho tới nay người Chơ -ro thường có tập quán cho trẻ con ăn thịt chim bìm bịp và lấy xương của chim làm dây chuỗi cho trẻ em đeo ở cổ, để “mẹ nhau – thần chết” không dám bắt chúng đi” để tránh những điều xui xẻo xảy đến cho những đứa trẻ trong gia đình, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến sức khỏe cũng như liên quan đến tuổi đời của đứa trẻ. Đây là một nét văn hóa có liên quan đến phong tục của người Châu Ro. Công trình này không phân loại hay luận giải vấn đề gì về truyện cổ Châu Ro, chỉ là giới thiệu một truyện cổ Châu Ro đã sưu tầm được. Chúng tôi thiết nghĩ mục đích chính của công trình này là giới thiệu truyện cổ của các dân tộc Việt, là “chiếc áo đa sắc” nhằm tôn vinh những nét độc đáo của văn học dân gian Việt Nam nói chung và truyện cổ của các dân tộc thiểu số nói riêng. - Người Châu Ro ở Đồng Nai: Huỳnh Tới, Yên Trị, Đình Dũng – Chi hội văn nghệ Đồng Nai – NXB Đồng Nai, 1997.
  • 38. Công trình nghiên cứu này nghiên cứu chuyên sâu về dân tộc Châu Ro, trong đó có phần sưu tầm và giới thiệu truyện cổ của dân tộc này. Những truyện cổ này là tài liệu chính mà chúng tôi sử dụng khi nghiên cứu chuyên biệt về truyện cổ Châu Ro trong luận văn của mình. Đây là một công trình được các tác giả sưu tầm trong khoảng thời gian khá dài và rất công phu. Vì người Châu Ro có cuộc sống phân bố rải rác, di chuyển nhiều nơi nên kho tàng văn hóa ấy đã mai một, thất tán, có nguy cơ hòa tan vào các dòng văn hóa khác. Công trình nghiên cứu này chủ yếu nghiên cứu sâu về văn hóa người Châu Ro. Tài liệu gồm 190 trang, trong đó từ trang 1 đến trang 116 tác giả trình bày về văn hóa Châu Ro, từ trang 116 đến trang 190 tác giả giới thiệu 30 truyện cổ Châu Ro. Phần một của tài liệu được xem là tiền đề để tìm hiểu phần hai, truyện cổ Châu Ro. Như đã trình bày ở trên, đây là tài liệu chính yếu cho công trình nghiên cứu của chúng tôi khi nghiên cứu về truyện cổ của dân tộc này. Ở công trình nghiên cứu này, tác giả đã sưu tầm được 30 truyện cổ Châu Ro và được sắp xếp thứ tự một cách ngẫu nhiên chứ không theo loại thể ( thần thoại, cổ tích, truyện cười, truyện ngụ ngôn...). Những truyện cổ này được tác giả ghi chép, thu âm và biên soạn lại trong những chuyến thực tế, điền dã của mình. Bước đầu, chúng tôi nhận thấy những truyện cổ này được các tác giả biên soạn lại vẫn còn ở dạng “mộc”, không chỉnh sửa theo chủ quan của người sưu tầm nên ngôn ngữ của những truyện cổ này vẫn còn ở tính chất thô phác ban đầu. Những truyện cổ này bước đầu được chúng tôi tạm thống kê, phân loại để có cái nhìn hệ thống về nó: o Truyện về loài vật (5 truyện): Cọp và Thỏ; Chèo bẻo: vua của các loài vua; Rùa và khỉ; Thỏ và Cọp; Vì sao chim cút sống ở bờ bụi?. o Truyện kể về các địa danh (5 truyện): Sự tích miếu ông Chồn; Cánh đồng Cà Dăm; Sự tích sông Ray; Vì sao người Châu Ro ở vùng rừng núi?; Sự tích Suối Thề.
  • 39. o Truyện cổ tích (20 truyện): Thằng mồ côi; Cọp cướp vợ người; Con gà trắng; Con sóc bông; Vì sao người Châu Ro không có chữ viết?; Kiêng ăn thịt heo; Mẹ nhau thần chết; Người hóa voi; Không hẹn trước; Những người ăn mây trời; Chàng Lác; Những người con của chó; Tráng sĩ diệt cọp tinh; Chàng Katiêng và con quỷ; Mụ chằn tinh và cây gậy thần; Nàng tiên mèo; Hai anh em; Cô gái lấy cọp; Con đười ươi; Cọp có nghĩa. - Hoàng hậu Ba Ba – Truyện cổ Châu ro - Truyện cổ các dân tộc thiểu số: Vĩnh Trường, NXB Thanh Hóa, 2004. Công trình nghiên cứu truyện cổ Châu Ro của tác giả Vĩnh Trường đã sưu tầm được 13 truyện cổ Châu Ro. Tài liệu gồm 78 trang và những truyện cổ này cũng được xắp xếp thứ tự một cách ngẫu nhiên và nội dung tài liệu chỉ bao gồm nội dung của 13 truyện cổ Châu Ro. Chúng tôi nhận thấy công trình này chỉ là sưu tầm và giới thiệu truyện cổ Châu Ro chứ chưa đưa ra một nhận định hay lí giải gì về những truyện cổ này. Ở tài liệu này chúng tôi cũng tạm thống kê và phân loại: o Truyện về loài vật (4 truyện): Thỏ và Cọp; Cọp, Voi và Thỏ; Ốc và Thỏ; Mưu con Rùa. o Truyện về địa danh (2 truyện): Sự tích sông Ray; Sự tích núi Nhang o Truyện cổ tích (7 truyện): Sự tích chim năm trâu sáu cột; Cô gái và hoàng tử; Chàng trai và con quỉ; Hoàng hậu Ba Ba; Cô Sáu – Cô Bảy; Người em út; Kần Dâng – Kần Doi. - Truyện cổ tích các dân tộc Việt Nam (tập 1), NXB Phụ Nữ, 2007. Ở tài liệu này đã giới thiệu hai truyện cổ Châu Ro: Sự tích sông Ray (truyện kể địa danh) và Cô Sáu – Cô Bảy (truyện cổ tích). Và cả hai truyện cổ này cũng chỉ ở dạng công bố để bạn đọc tham khảo chứ chưa đưa ra gợi ý cụ thể nào để chúng tôi khai thác đề tài của mình.
  • 40. - Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi. Công trình này giới thiệu một số truyện cổ của các dân tộc thiểu số Việt Nam, trong đó tài liệu đã giới thiệu 1 truyện kể: Ca Dút, Ca Dui (truyện cổ tích) kể về hai anh em mồ côi, trải qua bao khó khăn, cuối cùng cũng được hưởng hạnh phúc bên gia đình riêng của mình. Truyện kể này được tác giả giới thiệu về văn bản kể và cũng không có bất cứ nhận định hay đánh giá gì về nội dung của truyện kể này. - Chuyện kể địa danh – Vũ Ngọc Khánh. Ở công trình này, tác giả Vũ Ngọc Khánh giới thiệu 1 truyện Thác Trị An. Truyện kể về mối tình của tù trưởng Xơ-ra Đina và một trưởng nữ của tù trưởng Điểu Lôi, người Châu Ro. Một mối tình Xơ-ra Đina và Điểu Du đã vượt qua bao gian khó và cả sự ghen tức của Sang Mô, một kẻ đem lòng si mê Điểu Du nhưng không được tình yêu của nàng đáp lại. Sang Mô tìm mọi cách để hại gia đình Xơ-ra Đina. Chúng tôi nhận thấy rằng ở văn bản kể này đã khá hoàn chỉnh về nội dung và nghệ thuật. Bên cạnh đấy, cách diễn đạt truyện kể này vẫn còn nguyên sự mộc mạc, đơn giản của truyện cổ. Nhìn chung, những công trình nghiên cứu về truyện cổ Châu Ro mới chỉ dừng lại ở dạng sưu tầm và giới thiệu. Tổng số các truyện cổ Châu Ro mà chúng tôi thu thập được ở các tài liệu đã công bố ở cả trung ương lẫn ở địa phương là 48 văn bản, trong đó chúng tôi bước đầu tạm phân loại gồm : 9 truyện loài vật, 9 truyện địa danh, 30 truyện cổ tích. Và vấn đề phân loại truyện cổ Châu Ro, chúng tôi sẽ đề cập rõ hơn ở chương 2. Trong 48 truyện cổ Châu Ro đã công bố, chúng tôi nhận thấy 48 truyện cổ Châu Ro đều là bản kể, trong đó có 8 bản kể giống nhau hoàn toàn về nội dung nhưng đôi chỗ khác nhau về ngôn từ và cách diễn đạt. Phải chăng vấn đề này chính là đặc điểm chung của văn học dân gian nói chung và của truyện cổ nói riêng mang tính dị bản do hình thức lưu truyền là truyền miệng?. Khi nghiên cứu Văn học dân gian nói chung và truyện cổ nói riêng, chúng ta thường bám sát vào văn bản tác phẩm truyện cổ thông qua các yếu tố ngôn từ. Vấn đề
  • 41. đặt ra ở đây là chất lượng của bản kể đã được công bố ở trung ương hay ở địa phương thì hình như nó chưa được chú trọng. Theo Hồ Quốc Hùng “vấn đề cần trao đổi ở đây là độ tin cậy của văn bản, sự sống động của ngôn ngữ VHDG được thể hiện như thế nào trong văn bản – điều mà các nhà nghiên cứu ít quan tâm đến chất lượng của nó, vì vậy, trong một số trường hợp khó tránh khỏi những nhận định sai lệch” [23] Dựa vào đánh giá trên về tình hình văn bản văn học dân gian, luận văn của chúng tôi cũng bước đầu khảo sát về chất lượng của các truyện cổ Châu Ro đã được công bố. Theo chúng tôi biết được, những người đã sưu tầm truyện cổ Châu Ro trước đây, họ không hiểu biết hết tiếng Châu Ro và việc biên soạn lại những truyện cổ sưu tầm được phần lớn là do trưởng thôn dịch lại hay được nghe kể lại bằng tiếng Việt do người Châu Ro kể. Khi đi điền dã, chúng tôi được biết là có những truyện kể của người Châu Ro họ không thể kể lại bằng tiếng Kinh những truyện kể của dân tộc mình được mà chỉ kể bằng tiếng Châu Ro. Và những bản kể này được dịch hay biên soạn lại có thêm bớt chủ quan của người biên soạn. Bên cạnh đấy, chúng tôi cũng nhận thấy có vài truyện kể đã công bố ở những công trình nghiên cứu của các tác giả khác nhau nhưng lại có bản kể giống nhau hoàn toàn. Điều này chúng tôi thiết nghĩ là có sự sao chép? hay do sự tương trùng ngẫu nhiên giữa các truyện? (vì sự phân bố dân cư rải rác của người Châu Ro) hay là sự cố tình làm khác đi về mặt ngôn từ nhưng nội dung vẫn giống nhau so với những truyện đã công bố trước đó để phần nào lý giải về vấn đề tính dị bản của văn học dân gian nói chung? “có những người tự cho phép mình “đồng sáng tạo” một cách chủ quan tùy tiện, khiến cho tác phẩm có gì đấy xa lạ với đời sống đích thực của nó”[23] như truyện Sự tích sông Ray, Mẹ nhau – thần chết, Cô Sáu – Cô Bảy, Thỏ và Cọp . 3.2. Các văn bản ghi chép qua điền dã của bản thân. 3.2.1. Những truyện cổ do bản thân sưu tầm. Trong quá trình điền dã tại các địa phương kể trên khoảng một tháng, chúng tôi đã thu thập, sưu tầm được 15 truyện kể và cũng tạm phân loại:
  • 42. _ Truyện kể địa danh (6 truyện): Sự tích núi Nhang, Sự tích sông Ray, Sự tích _ núi Dinh và núi Chứa Chan, Sự tích suối Thề, Sự tích của đảo, Sự tích miếu ông Chồn. _ Truyện loài vật (2 truyện): Vì sao chim cút sống ở bụi?, Thỏ và Cọp. _ Truyện kể về nguồn gộc tộc họ và phong tục của người Châu Ro (3 truyện): Truyền thuyết về họ BiCu của người Châu Ro, Truyền thuyết về họ ChrauLun của người Châu Ro, Truyền thuyết về tục treo tổ ong trước nhà. _ Truyện cổ tích (7 truyện): Hoàng hậu Ba Ba, Truyền thuyết về người Châu Ro, Chàng trai và con quỉ, Cô gái và hoàng tử, Sự tích chim năm trâu sáu cột,Nàng tiên mèo, Sự tích con chim Chèo bẻo. Trong 15 bản kể, chúng tôi nhận thấy có hai bản kể có tính dị bản: Sự tích con chim Chèo Bẻo và Suối Thề. Các văn bản kể còn lại thì gần như giống nhau hoàn toàn với các truyện đã công bố trước đó. Tổng cộng chúng tôi có 66 văn bản kể, trong đó có 11 truyện loài vật, 14 truyện địa danh, 38 truyện cổ tích, 3 truyện về nguồn gốc tộc họ. Như vậy, chúng tôi đã sử dụng 66 truyện cổ Châu Ro này để phục vụ trực tiếp cho luận văn của mình. 3.2.2.So sánh, đối chiếu những văn bản truyện cổ dân gian Châu Ro tương đồng Dựa trên những truyện cổ Châu Ro đã được công bố trước đó và những tồn nghi của chúng tôi về chúng, chúng tôi đã có những chuyến đi điền dã tại xã Phú Lý huyện Vĩnh Cửu; Định Quán; Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai; huyện Tánh Linh tỉnh Bình Thuận; huyện Ngãi Giao tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là địa bàn người Châu Ro sinh sống đông nhất để sưu tầm, thẩm định lại những tồn nghi, độ chính xác hay độ vênh lệch giữa các bản kể trước. Điều này sẽ là cơ sở khoa học, khách quan cho công trình nghiên cứu của chúng tôi. Bên cạnh đấy, việc làm này phần nào phát huy vấn đề bảo tồn kho tàng truyện cổ Châu Ro nói riêng và văn học dân gian của các dân tộc Việt Nam nói chung. Sau khi sưu tầm được 66 truyện kể Châu Ro, chúng tôi đối chiếu những văn bản của các tác giả khác nhau đã công bố trước đó và cả những văn bản của chúng tôi sưu
  • 43. tầm thì nhận thấy rằng có những bản kể giống nhau hoàn toàn về nội dung và những bản kể chỉ giống nhau ở cốt truyện nhưng lại khác nhau về cách diễn đạt hay về ngôn từ của bản kể… như chúng tôi đã đề cập ở phần trên. Xin nêu một vài trường hợp về vấn đề văn bản truyện kể Châu Ro: 3.2.2.1. Trường hợp thứ nhất: truyện Mẹ Nhau – Thần Chết, Tuyển tập truyện cổ tích các dân tộc ở Việt Nam (tập 2) – Viện Khoa học xã hội TP. HCM, 1987 đã giới thiệu đề cập đến phong tục tập quán hay ăn thịt chim bìm bịp của người Châu Ro đặc biệt là trẻ em. Nội dung truyện giải thích thông qua cái chết của nhiều đứa con trong một gia đình. Những đứa con của họ hay bị thần nhau bắt đi (chết). Người cha trong một lần tình cờ nghe lời Mẹ nhau nói mà họ biết được cách để cho con mình khỏi chết. Cách đó là cứ “ ăn thịt chim bìm bịp” và họ đã thực hiện, đứa con trai sống mà không bị bắt đi. Vì thế, thịt chim bìm bịp trở thành như “vật linh” mà thần chết không dám động vào. Không chỉ cho trẻ em ăn thịt chim bìm bịp mà người Châu Ro còn lấy xương của chúng làm xâu chuổi như một thứ “bùa thiêng ” treo ở cổ trẻ em. Truyện kể “ Có một cặp vợ chồng ở buôn nọ, hễ sinh con, cứ nuôi đến khoảng sáu, bảy tuổi đứa trẻ lại tự nhiên ngã bệnh rồi chết. Hai vợ chồng buồn bã lo lắng, cúng Giàng nhiều lần mà vẫn không hết. Lần đó, đứa con sinh lần thứ tư đã lên bảy tuổi. Hai vợ chồng trong lòng mừng thầm vì may ra lần này nuôi được chăng… Khi đứa con mang cơm nước lên tới chỗ bụi rậm, bỗng có tiếng đàn bà từ trong bụi vẳng ra: mẹ là mẹ nhau của con. Mẹ đang tính sắp đem con về với mẹ, vì con là cuống rốn của mẹ. Con phải giữ gìn, tắm rửa sạch sẽ và không được ăn thịt chim bìm bịp nghe con! Nếu con ăn, mẹ không đón con về đâu. Nhớ nghe con!. Người chồng nghe thấy, biết đó là thần chết định bắt con mình. Về nhà, người chồng không nói gì cả, đi bẫy chim bìm bịp, làm thịt ở rừng, giấu không cho đứa con biết. Rồi anh ta nướng thịt chim bìm bịp chung với thịt chim đa đa cho con ăn.. Mấy hôm sau, đứa con lại mang cơm lên cho bố ở rẫy. Khi đến gần bụi rậm đầu rẫy chợt có tiếng đàn bà nói với vẻ giận dữ: Tao đã bảo mày, mày không nghe, cứ ăn thịt chim bìm bịp, từ nay tao không còn