SlideShare a Scribd company logo
1 of 167
VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
NGUYỄN XUÂN THỦY
KẾT LUẬN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VIỆT NAM:
LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
Ngành: Luật Hiến pháp và Luật Hành chính
Mã số: 09 38 01 02
LUẬN ÁN TIẾN SĨ LUẬT HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS. Nguyễn Minh Mẫn
HÀ NỘI - 2019
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu độc lập của riêng tôi. Các kết
quả nghiên cứu trong luận án là trung thực và chưa được công bố trong các công
trình khoa học khác.
TÁC GIẢ LUẬN ÁN
Nguyễn Xuân Thủy
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ........................................................................................................................ 1
CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ GIÁM SÁT VÀ
KẾT LUẬN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI ............................................................... 6
1.1. Tình hình nghiên cứu trong nước............................................................................. 6
1.2. Tình hình nghiên cứu quốc tế................................................................................... 18
1.3. Đánh giá chung về tình hình, kết quả nghiên cứu liên quan đến luận án và
những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu................................................................ 22
1.4 Câu hỏi nghiên cứu, lý thuyết nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu...................... 25
CHƯƠNG 2: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ KẾT LUẬN GIÁM SÁT CỦA
QUỐC HỘI VIỆT NAM............................................................................................. 27
2.1. Khái niệm, đặc điểm, vai trò kết luận giám sát của Quốc hội ............................... 27
2.2. Chủ thể, nội dung, hình thức và giá trị pháp lý kết luận giám sát của Quốc hội
Việt Nam ....................................................................................................................... 41
2.3. Các điều kiện đảm bảo hiệu lực, hiệu quả kết luận giám sát của Quốc hội Việt
Nam............................................................................................................................... 56
CHƯƠNG 3: THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VÀ VIỆC THỰC HIỆN KẾT
LUẬN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI....................................................................... 74
3.1. Thực trạng quy định pháp luật về ban hành và thực hiện kết luận giám sát của
Quốc hội........................................................................................................................ 74
3.2. Thực trạng việc ban hành kết luận giám sát của Quốc hội .................................... 81
3.3. Thực trạng việc thực hiện kết luận giám sát của Quốc hội.................................... 91
3.4. Đánh giá chung về việc ban hành và thực hiện kết luận giám sát của Quốc hội... 96
CHƯƠNG 4: QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU
QUẢ THI HÀNH KẾT LUẬN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VIỆT NAM.......108
4.1. Quan điểm về nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thi hành kết luận giám sát của
Quốc hội. ....................................................................................................................108
4.2. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thi hành các kết luận
giám sát của Quốc hội Việt Nam hiện nay..................................................................119
KẾT LUẬN................................................................................................................151
DANH MỤC CÔNG TRÌNH CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ....................................152
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO.................................................................153
DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT
QH Quốc hội
UBTVQH Ủy ban thường vụ Quốc hội
HĐND Hội đồng nhân dân
UBND Ủy ban nhân dân
ĐBQH Đại biểu Quốc hội
CHLB Cộng hòa liên bang
HĐDT Hội đồng dân tộc
TAND Tòa án nhân dân
VKSND Viện kiểm sát nhân dân
VBPL Văn bản pháp luật
NCS Nghiên cứu sinh
UB Ủy ban
QPPL Quy phạm pháp luật
HĐGS Hoạt động giám sát
UBQH Ủy ban Quốc hội
DANH MỤC CÁC BẢNG BIỂU
Bảng 1: Mức độ hài lòng của người dân về một số hoạt động giám sát của Quốc hội.62
Bảng 2: Thời gian tại kỳ họp của Quốc hội dành cho hoạt động giám sát (2009-
2015).............................................................................................................................. 96
Bảng 3: Hoạt động giám sát của HĐDT và các Ủy ban của Quốc hội (2009-2015).... 98
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Trong thời gian qua, hoạt động giám sát và thực hiện các kết luận giám sát của
Quốc hội dựa trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 1992, Luật tổ chức Quốc hội,
Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; mới đây Quốc hội đã ban
hành hàng loạt các văn bản pháp luật mới về hoạt động giám sát như: Hiến pháp năm
2013, Luật tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội
đồng nhân dân năm 2015,... và nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành khác nhau trong
hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Các văn bản quy phạm pháp luật
này được ban hành nhằm thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá
độ lên chủ nghĩa xã hội, Hiến pháp năm 2013 và các nghị quyết của Đảng về tổ chức
và hoạt động của bộ máy nhà nước trong thời kỳ đổi mới và trên thực tế đã phát huy tác
dụng, khẳng định vị trí, vai trò của giám sát và kết luận giám sát của Quốc hội nhằm
nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, tinh thần,
trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức khi thi hành nhiệm vụ, công vụ. Trên
thực tế việc thực hiện pháp luật về giám sát và thực hiện các kết luận giám sát của
Quốc hội đã đạt được nhiều thành tựu. Qua giám sát và kết luận giám sát đã đưa ra
nhiều kiến nghị đóng góp vào hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư
pháp; góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách và
quản lý điều hành kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước,
được dư luận và nhân dân đồng tình, ủng hộ, quan tâm, đánh giá cao, qua đó góp
phần nâng cao vai trò, uy tín, chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan
Nhà nước, đặc biệt là hoạt động giám sát của Quốc hội.
Bên cạnh đó, thực tiễn thi hành pháp luật về giám sát và kết luận giám sát
của Quốc hội cũng bộc lộ những mặt hạn chế, bất cập, cụ thể như:
Một là, hệ thống pháp luật về giám sát và kết luận giám sát của Quốc hội còn
được quy định trong nhiều văn bản khác nhau; một số quy định về nội dung, hình
thức kết luận giám sát còn trùng lặp, chưa rõ ràng, cụ thể; về trình tự, thủ tục chưa
có các biện pháp pháp lý hữu hiệu để thực hiện các kết luận giám sát này. Phạm vi
giám sát của Quốc hội quá rộng với nhiều chủ thể, nhiều hình thức giám sát, nhưng
lại chưa phân định rõ về thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi chủ thể với từng đối
tượng chịu sự giám sát, từng hình thức kết luận giám sát, cũng như sự phối hợp giữa
các chủ thể giám sát dẫn tới sự chồng chéo trong thực hiện các kết luận giám sát của
Quốc hội; thậm chí một số hình thức giám sát chưa bao giờ được thực hiện trên thực
tế, hoặc thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao.
2
Hai là, nhiều quy định pháp luật về hình thức kết luận giám sát và giá trị
pháp lý kết luận giám sát của Quốc hội chưa được thực thi hoặc tính khả thi còn
thấp, như quy định về việc Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với
người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; quy định
Quốc hội thành lập Uỷ ban lâm thời để điều tra về một vấn đề nhất định để đảm bảo
tính khả thi và chính xác của kết luận giám sát; quy định Quốc hội xem xét báo cáo
của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết
của Quốc hội; hoạt động giám sát văn bản pháp luật chưa được thực hiện thường
xuyên, chưa mang lại hiệu lực, hiệu quả cao; chưa có biện pháp hữu hiệu để theo
dõi, kiểm tra việc tiếp thu, giải quyết các kết luận sau giám sát.
Ba là, các điều kiện bảo đảm cho hoạt động giám sát và thực hiện các kết
luận giám sát của Quốc hội như: cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực, bộ
máy giúp việc… chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động giám sát và đảm bảo thực thi các
kết luận giám sát; Và giá trị pháp lý của các hình thức kết luận giám sát chưa được
quy định một cách cụ thể, chi tiết, gây không ít khó khăn trong việc thực hiện các
kết luận giám sát, không quy định trách nhiệm pháp lý khi các đối tượng bị giám sát
không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các kết luận giám sát của Quốc hội.
Hoạt động giám sát không chỉ tính đến kết quả có bao nhiêu nội dung được
giám sát, bao nhiêu hình thức giám sát được sử dụng mà phải tính đến việc sử dụng
các hình thức giám sát đó một cách khoa học và hiệu quả như thế nào, quy trình, thủ
tục giám sát có đảm bảo tính khách quan, chặt chẽ, công khai mà nó còn phải được
luật hóa, mà quan trọng hơn cả đó là việc thực hiện các kết luận giám sát đó như thế
nào? Với vị trí công tác của mình và những lý do nêu trên tôi đã lựa chọn đề tài luận
án của mình là: “Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam: lý luận và thực tiễn”
để làm đề tài luận án nghiên cứu sinh chuyên ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành
chính, đồng thời qua đó cũng góp phần giải quyết một vấn đề lớn còn nhiều vướng
mắc, khó khăn trong việc tổ chức thực hiện hệ thống pháp luật về giám sát và việc
thực thi kết luận giám sát của Quốc hội trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án
- Mục đích nghiên cứu của luận án là làm sáng tỏ cơ sở lý luận và thực tiễn
về kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam. Trên cơ sở đó, Luận án đưa ra những
quan điểm, định hướng, kiến nghị và một số giải pháp nhằm tăng cường việc thực
hiện, thực thi các kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam trong thời gian tới.
- Nhiệm vụ nghiên cứu của luận án:
3
Một là, làm rõ những vấn đề lý luận về kết luận giám sát của Quốc hội. Qua
đó, giải quyết một số nội dung: Khái niệm, đặc điểm, vai trò, nội dung hình thức,
các yếu tố, điều kiện đảm bảo thực thi kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam;
Hai là, phân tích, đánh giá thực trạng việc ban hành, tổ chức thực thi và các
quy định của pháp luật về kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam;
Ba là, phân tích và làm rõ những kết quả làm được, những tồn tại hạn chế và
nguyên nhân của tồn tại hạn chế trong quá trình tổ chức thực thi kết luận giám sát
của Quốc hội;
Bốn là, phân tích, làm rõ những quan điểm, định hướng và đề xuất một số
giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả và tính khả thi
các kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án
Đối tượng nghiên cứu
- Những vấn đề lý luận và thực tiễn về kết luận giám sát của Quốc hội Việt
Nam sẽ được làm rõ trong nghiên cứu này.
- Các quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam về kết luận giám sát và
các điều kiện đảm bảo thực thi kết luận giám sát của Quốc hội ở Việt Nam.
Phạm vi nghiên cứu
Để đáp ứng mục đích chính của đề tài là nghiên cứu về những vấn đề lý luận
và thực tiễn về kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, Luận án sẽ chủ yếu tập
trung phân tích, tìm hiểu và giải thích những nhận thức hiện tại về kết luận giám sát,
các điều kiện đảm bảo thực thi kết luận giám sát của Quốc hội trong bối cảnh nước
ta hiện nay.
Luận án tập trung phân tích, đánh giá thực trạng pháp luật về giám sát và kết luận
giám sát của Quốc hội Việt Nam (thông qua các chủ thể: Quốc hội, Ủy ban thường vụ
Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đoàn Đại biểu Quốc hội, các vị Đại biểu Quốc
hội); thời gian: nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, XIII đến nay.
4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án
Phương pháp luận:
Luận án sử dụng phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ
nghĩa Mác - Lênin; tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội
chủ nghĩa; pháp luật về Hiến pháp và luật hành chính; đường lối, chủ trương của
Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước làm nền tảng phương pháp luận để
luận giải các vấn đề liên quan đến kết luận giám sát thuộc đề tài luận án. Ngoài ra,
luận án còn sử dụng một số lý thuyết độc lập như lý luận về Nhà nước pháp quyền;
quyền con người; lý thuyết quản trị Nhà nước, quản trị quốc gia; tâm lý học; …
4
Phương pháp nghiên cứu:
Luận án sử dụng các phương pháp nghiên cứu cụ thể như: Phương pháp kế
thừa; phương phân tích quy phạm; phương pháp hệ thống; phương pháp thống kê;
phương pháp tổng hợp; phương pháp phân tích; phương pháp so sánh; phương pháp
mô tả; phương pháp giải thích; phương pháp dự báo; phương pháp lịch sử; phương
pháp quy nạp, diễn dịch; phương pháp nghiên cứu hồ sơ, phương pháp nghiên cứu
đa ngành, liên ngành; …Trong quá trình hoàn thành luận án, các phương pháp này
sẽ được kết hợp áp dụng cho phù hợp.
5. Đóng góp mới về khoa học của luận án
Luận án là công trình khoa học đầu tiên nghiên cứu toàn diện, có hệ thống về
lý luận và thực tiễn các kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam hiện nay. Luận án
có những đóng góp mới về khoa học như sau:
Một là, xây dựng được Khái niệm, đặc điểm, vai trò, các điều kiện đảm bảo
thực thi kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam;
Hai là, làm rõ cơ sở pháp lý, giá trị pháp lý của kết luận giám sát Quốc hội
Việt Nam;
Ba là, xây dựng được một cách khoa học và tổng thể các yếu tố và các điều
kiện bảo đảm thực thi kết luận giám sát của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
Bốn là, Phân tích và làm rõ thực trạng quy định của pháp luật và thực trạng việc
thực thi các kết luận giám sát của Quốc hội; Kết quả đạt được, tồn tại hạn chế, nguyên
nhân của tồn tại hạn chế trong việc thực tổ chức thực thi các kết luận giám sát này;
Năm là, làm rõ thêm một số vấn đề lý luận và thực tiễn về quan điểm và định
hướng hoàn thiện pháp luật về giám sát và kết luận giám sát; Qua đó đưa ra nhóm
các giải pháp nhằm nâng cao việc thực thi các kết luận giám sát của Quốc hội.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
a. Ý nghĩa lý luận của luận án
- Làm rõ vấn đề lý luận: Khái niệm, đặc điểm, vai trò kết luận giám sát của
Quốc hội; làm rõ phương thức, hình thức và các điều kiện đảm bảo thực thi các kết
luận giám sát của Quốc hội Việt Nam trong thể chế chính trị một Đảng duy nhất
lãnh đạo và cầm quyền ở nước ta.
- Phân tích làm rõ cơ sở lý luận và cơ sở pháp lý về chức năng giám sát; pháp luật
về giám sát và kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, xác định rõ về nội dung, đối
tượng, hình thức thực hiện và giá trị pháp lý kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam.
b. Ý nghĩa thực tiễn của luận án
5
- Nghiên cứu so sánh quy định của pháp luật và hoạt động giám sát của Nghị
viện một số nước trên thế giới và Việt Nam để rút ra kinh nghiệm và có thể là bài
học cho Quốc hội Việt Nam.
- Phân tích, đánh giá thực trạng pháp luật về giám sát, hoạt động giám sát và
thực hiện các kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam từ đó, đề xuất các phương
hướng và giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát và việc thực
thi các kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam hiện nay; đề xuất, sửa đổi, bổ sung để
hoàn thiện các quy định của pháp luật về giám sát; đề xuất thay đổi, cải cách các điều
kiện bảo đảm thi hành các kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, cụ thể:
- Xây dựng đường lối, chính sách: Đề tài xác lập cơ sở khoa học cho việc
triển khai thi hành văn bản luật có liên quan, ví dụ như: Luật Tổ chức Quốc hội
2015, Luật tổ chức hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015...;
là cơ sở khoa học góp phần phục vụ công tác xây dựng pháp luật về giám sát; đồng
thời hoàn thiện cơ sở pháp lý của việc thực hiện pháp luật giám sát ở nước ta.
- Với các nhóm giải pháp cụ thể được đưa ra trên cơ sở nghiên cứu lý luận và
phân tích thực trạng pháp luật về giám sát và việc tổ chức, thực hiện pháp luật giám
sát và kết luận giám sát, luận án sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà xây
dựng pháp luật, nhà quản lý giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác tổ chức
thực hiện kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam trong điều kiện xây dựng nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
- Luận án hoàn thành sẽ là cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn giúp cho các cơ
quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Quốc hội, Chính phủ) sửa đổi, bổ sung
các quy định của pháp luật phù hợp với thực tiễn, mang lại hiệu quả, hiệu lực cao
trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan Nhà nước, nâng cao địa vị pháp lý và
quyền lực thực sự của Quốc hội Việt Nam.
7. Kết cấu của luận án
Kết cấu của luận án: Ngoài phần Mở đầu thì luận án bao gồm 4 chương, cụ thể
như sau:
Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
Chương 2: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ KẾT LUẬN GIÁM SÁT CỦA QUỐC
HỘI VIỆT NAM
Chương 3: THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VÀ VIỆC THỰC HIỆN KẾT
LUẬN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VIỆT NAM
Chương 4: QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU
QUẢ THI HÀNH CÁC KẾT LUẬN GIÁM SÁT CỦA QUỐC
HỘI
6
CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
VỀ GIÁM SÁT VÀ KẾT LUẬN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI
1.1. Tình hình nghiên cứu trong nước
1.1.1. Tình hình nghiên cứu những vấn đề lý luận về kết luận giám sát của
Quốc hội Việt Nam
Có thể nói, nghiên cứu những vấn đề lý luận về kết luận giám sát của Quốc
hội Việt Nam được một số nhà khoa học, tác giả là những nhà chính trị, nhà nghiên
cứu pháp luật, nhà quản lý, các vị Đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu quan phục vụ
hoạt động của Quốc hội nghiên cứu, cụ thể như:
Đề tài trọng điểm cấp Bộ “Cơ sở lý luận và thực tiễn về vị trí, vai trò, nhiệm
vụ, quyền hạn của Quốc hội trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị Việt Nam
(qua 4 bản Hiến pháp)” do TS. Ngô Đức Mạnh chủ trì (2002). Đề tài tập trung
nghiên cứu cơ sở lí luận và thực tiễn về tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước ở
nước ta; vị trí, vai trò của Quốc hội trong tổ chức bộ máy nhà nước; Làm rõ đặc
điểm của Quốc hội với tính chất là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân và là cơ
quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Đề tài cấp Bộ “Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc đổi mới tổ chức và hoạt
động của Quốc hội khóa XII” do GS.TS Trần Ngọc Đường làm chủ nhiệm (2009)
và Đề tài cấp Bộ “Tổ chức và hoạt động của Quốc hội khóa XII và phương hướng
đổi mới tổ chức và hoạt động khóa XIII” do TS. Đinh Xuân Thảo chủ nhiệm (2011).
Hai đề tài này đều tập trung phân tích các khía cạnh lý luận và thực tiễn về tổ chức
và hoạt động của Quốc hội/ Nghị viện. Bước đầu các tác giả đã đưa ra một số quan
niệm về giám sát và kết luận giám sát của Quốc hội ở nước ta.
Đề tài cấp bộ: “Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng và hoàn thiện quy định
của pháp luật về hoạt động báo cáo, giải trình tại Hội đồng dân tộc, các Ủy ban
của Quốc hội ở nước ta hiện nay”, (2014), do TS Đinh Xuân Thảo làm Chủ nhiệm.
Công trình này đã tập trung nghiên cứu về hình thức chất vấn, điều trần, hoạt động
giám sát, những vấn đề lý luận của việc quy định thẩm quyền yêu cầu báo cáo, giải
trình của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban; đánh giá, phân tích về hệ thống các quy
định pháp luật giám sát về thẩm quyền yêu cầu báo cáo, giải trình tại Hội đồng, các
Ủy ban; thực tiễn thực hiện hoạt động yêu cầu báo cáo, giải trình tại Hội đồng dân
tộc, các Ủy ban của Quốc hội nước ta trong những năm gần đây, coi đây là một hình
7
thức giám sát có hiệu quả, hiệu lực.
Sách tham khảo, Quốc hội Việt Nam – Tổ chức, hoạt động và đổi mới, của
PGS.TS. Phan Trung Lý, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, (2010). Cuốn sách trình
bày tương đối toàn diện về vị trí, vai trò, tính chất và quá trình xây dựng, đổi mới
của Quốc hội Việt Nam. Đặc biệt, cuốn sách xác định và luận giải cho một hệ thống
giải pháp tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là hình thức,
phương thức hoạt động giám sát của Quốc hội để đảm bảo quyền lực của nhân dân
và phúc đáp nhu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
hiện nay.
Sách chuyên khảo, “Giám sát và cơ chế giám sát việc thực hiện quyền lực
nhà nước ở nước ta hiện nay” do GS.TSKH. Đào Trí Úc và PGS.TS. Võ Khánh
Vinh (chủ biên), NXB Công an nhân dân, Hà Nội (2003). Khi phân tích những vấn
đề lý luận về giám sát và cơ chế giám sát, cuốn sách đã nêu khái niệm, các loại, các
lĩnh vực, nội dung và hệ thống các cơ quan giám sát đối với tổ chức và hoạt động
thực hiện quyền lực nhà nước, phân biệt giám sát nhà nước và giám sát xã hội.
Luận án Tiến sĩ Luật học của tác giả Nguyễn Thúy Hoa tại Học viện chính trị
quốc gia Hồ Chí Minh về “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về Quốc hội – cơ quan
đại diện cao nhất của nhân dân Việt Nam” (2015), đã nghiên cứu và làm sáng tỏ
những vấn đề lý luận và thực tiễn về Quốc hội Việt Nam. Mà tập trung làm rõ cơ sở
lý luận về Quốc hội với tính chất là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân Việt
Nam. Trong đó tác giả phân tích làm rõ những vấn đề lý luận về giám sát, quyền
giám sát của Quốc hội Việt Nam.
Những nghiên cứu này nhìn chung đã giải quyết được những vấn đề mang tính
nguyên tắc của hoạt động giám sát, đó là khái niệm về giám sát, pháp luật giám sát,
mục đích giám sát, chủ thể giám sát, mối quan hệ giữa chủ thể và đối tượng giám sát,
công cụ, phương pháp và hình thức giám sát, hậu quả pháp lý hoạt động giám sát. Tuy
nhiên, các công trình nghiên cứu trên vẫn chưa giải quyết được những vấn đề lý luận
về kết luận giám sát của Quốc hội, cụ thể như: khái niệm, đặc điểm, vai trò, giá trị pháp
lý và các chủ thể, hình thức kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam.
1.1.2. Tình hình nghiên cứu những vấn đề thực tiễn hoạt động và pháp
luật về kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam
Thực trạng pháp luật và thực hiện quyền giám sát, thực thi kết luận giám sát
của Quốc hội là một trong những chủ đề được nhiều tác giả nghiên cứu, trong đó
thường tập trung nghiên cứu pháp luật về giám sát và hoạt động giám sát của Quốc
8
hội là chính. Hàng loạt nghiên cứu của nhiều tác giả về giám sát và thực thi kết luận
giám sát của Quốc hội đã được công bố, có thể kể đến các tác phẩm, công trình
nghiên cứu sau:
Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ do TS. Lê Như Tiến làm chủ nhiệm đề tài:
“Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội” (2009),
đề tài cũng đã làm rõ thêm về hiệu quả giám sát của Quốc hội; pháp luật về hoạt động
giám sát của Quốc hội; thực trạng hoạt động giám sát của Quốc hội giai đoạn (2003-
2008); đề tài cũng đã đưa ra một số giải pháp, kiến nghị về đổi mới hoạt động giám sát
của Quốc hội. Trong tất cả các nội dung, từ việc Quốc hội xem xét các báo cáo, giám
sát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chất vấn, bỏ phiếu tín nhiệm đối với
các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đến việc thành lập Ủy ban lâm thời để
điều tra về một vấn đề đều chứa đựng những nội dung chưa thật phù hợp với thực tiễn
cần phải được sửa đổi, bổ sung hoặc hướng dẫn thực hiện.
Cuốn sách: “Hoạt động giám sát của cơ quan dân cử ở Việt Nam, vấn đề và
giải pháp” (2015), của Văn phòng Quốc hội phối hợp với Viện chính sách công và
pháp luật, và được sự hỗ trợ kỹ thuật của Viện Rosa Luxemburg (Cộng hòa Liên
bang Đức), do TS. Nguyên Sĩ Dũng và PGS.TS. Vũ Công Giao đồng chủ biên, Nhà
xuất bản Hồng Đức. Cuốn sách đã nghiên cứu về một số vấn đề lý luận của hoạt
động giám sát của cơ quan dân cử, mà tập trung: Sự hình thành chức năng giám sát
ở Nghị viện các nước trên thế giới, sự hình thành chức năng giám sát của cơ quan
dân cử Việt Nam, đối tượng giám sát của Nghị viện trên thế giới và ở Việt Nam, các
công cụ giám sát chính; Cuốn sách cũng phân tích và nghiên cứu thực trạng hoạt
động giám sát của cơ quan dân cử Việt Nam, các tác giả cũng đưa ra một số công cụ
giám sát mà Quốc hội Việt Nam chưa bao giờ sử dụng đến, xác định các tiêu chí
đánh giá hiệu quả của hoạt động giám sát, thực trạng các điều kiện đảm bảo thực
hiện hoạt động giám sát.
Sách chuyên khảo, “Giám sát và cơ chế giám sát việc thực hiện quyền lực
nhà nước ở nước ta hiện nay” do GS.TSKH. Đào Trí Úc và PGS.TS. Võ Khánh
Vinh (chủ biên), NXB Công an nhân dân, Hà Nội (2003). Công trình cũng đi sâu
phân tích thực trạng giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đối với
bộ máy nhà nước ở Việt Nam, các tác giả cũng chỉ ra một số tồn tại hạn chế và
những nguyên nhân của tồn tại hạn chế trong việc thực hiện cơ chế giám sát quyền
lực của Quốc hội Việt Nam.
9
Báo cáo nghiên cứu: “Hoàn thiện pháp luật về hoạt động chất vấn tại phiên
họp Ủy ban thường vụ Quốc hội” (2012), Dự án tăng cường năng lực của các cơ
quan dân cử ở Việt Nam, do Văn phòng Quốc hội phối hợp với Chương trình phát
triển Liên Hợp Quốc thực hiện. Báo cáo này đưa ra một số vấn đề lý luận về hoạt
động chất vấn giữa hai kỳ họp của Quốc hội; thực trạng hoạt động chất vấn tại
phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội; đưa ra phương hướng và một số giải pháp,
kiến nghị hoàn thiện pháp luật về hoạt động chất vấn tại phiên họp Ủy ban thường
vụ Quốc hội, trong đó muốn đảm bảo các chất vấn của Quốc hội được thực hiện
nghiêm túc thì phải bổ sung, sửa đổi một số quy định của pháp luật hiện hành, ban
hành các văn bản pháp luật mới để điều chỉnh và khắc phục những hạn chế của hoạt
động chất vấn tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Cuốn sách: “Quốc hội Việt Nam 70 năm hình thành và phát triển 1946 –
2016”, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – sự thật, Hà Nội, năm 2015. Do TS. Uông
Chu Lưu chỉ đạo biên soạn. Trong đó có một số bài viết đáng chú ý như: “Tích cực
nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để đổi mới Quốc hội” (trang 28 - 32), của tác
giả Nguyễn Phú Thanh; “Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội” (trang 38
- 40), của tác giả PGS.TS. Trần Thị Tâm Đan; “Về chức năng lập pháp và giám sát
của Quốc hội” (trang 47 - 51), của tác giả Trần Đình Đàn; “Nhìn lại những thành
tựu của Quốc hội Việt Nam trong 10 năm (2005-2015)” (trang 108 - 129), của
GS.TS. Trần Ngọc Đường, trong đó, tác giả đã đánh giá về một số thành tựu và hạn
chế trong hoạt động giám sát của Quốc hội 10 năm qua và một số kiến nghị (tại
phần 3); “Tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội” (trang
207-222), của tác giả TS. Bùi Sĩ Lợi ... các bài viết tập trung nghiên cứu thực trạng
hoạt động giám sát của Quốc hội trong 70 năm qua. Trong đó, các tác giả đã đưa ra
một cách khái quát một số thực trạng cơ bản của việc thực hiện các kết luận giám
sát của Quốc hội và giải pháp để thực hiện tốt các kết luận giám sát này.
Báo cáo điều tra xã hội học về: Một số nội dung liên quan đến hoạt động
hoạt động của Quốc hội khóa XIII – Văn phòng Quốc hội (2016). Đây là báo cáo
điều tra xã hội học có chất lượng cao, chuyên phục vụ hoạt động nghiên cứu của
Quốc hội và Đại biểu Quốc hội. Báo cáo đã đưa ra được một số nhận định thực tiễn
hoạt động của Quốc hội; sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong hoạt động
giám sát của Quốc hội; về hoạt động giám sát của Quốc hội, các đoàn Đại biểu quốc
hội và Đại biểu quốc hội tại địa phương; về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn
tại Quốc hội; về hoạt động lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm với những người do
10
Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; về chất lượng của các dự án luật được Quốc hội
thông qua; về tính hợp lý của cơ cấu tổ chức Quốc hội. Báo cáo nghiên cứu đã cũng
cấp những giá trị khoa học từ thực tiễn, là cơ sở quan trọng cho việc tiếp tục đổi
mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội trong thời gian tới. Báo cáo điều tra này
cung cấp một số lượng lớn thông tin mang tính khoa học, thực tiễn rất cao về tình
hình hoạt động giám sát của Quôc hội, các cơ quan của Quốc hội, ... trong việc thực
hiện các hình thức của giám sát; đặc biệt là nêu được thực trạng hiệu lực, hiệu quả
thi hành các kết luận giám sát của Quốc hội ở Việt Nam.
Luận án Tiến sĩ Luật học của tác giả Nguyễn Thúy Hoa tại Học viện chính trị
quốc gia Hồ Chí Minh về “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về Quốc hội – cơ quan
đại diện cao nhất của nhân dân Việt Nam” (2015), đã nghiên cứu và làm sáng tỏ
những vấn đề thực trạng Quốc hội Việt Nam, trong đó tập trung vào quá trình hình
thành và phát triển Quốc hội Việt Nam, thực trạng về cơ cấu tổ chức của Quốc hội,
những đảm bảo cho Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân Việt Nam.
Trong đó tác giả cũng đưa ra một số điều kiện đảm bảo thực thi các kết luận giám
sát của Quốc hội Việt Nam.
Luận án tiến sĩ Luật học của tác giả Phạm Văn Hùng – Văn phòng Quốc hội về
“Giám sát của Quốc hội đối với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân” (2003) đề
cập tới các vấn đề về cơ sở lý luận về quyền giám sát của Quốc hội với Tòa án nhân
dân, Viện kiểm sát nhân dân: khái niệm quyền giám sát của Quốc hội, điều kiện và ý
nghĩa, vai trò của việc thực hiện quyền giám sát; luận án đề xuất giải pháp đổi mới thực
hiện quyền giám sát trên các mặt: pháp luật, tổ chức thực hiện, tăng cường kiều kiện
đảm bảo. Một trong những điểm mới là tác giả đi sâu giải quyết việc giám sát các vụ án
như thế nào, phạm vi, mức độ và hậu quả pháp lý ra sao.
Luận án tiến sĩ Luật học của tác giả Trương Thị Hồng Hà – Viện Nhà nước
và Pháp luật – Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh về “Hoàn
thiện cơ chế pháp lý đảm bảo chức năng giám sát của Quốc hội” (2008) giải quyết
các nội dung: Cơ sở lý luận về cơ chế pháp lý đảm bảo chức năng giám sát của
Quốc hội, tác giả nêu yếu tố tác động đến hiệu quả của cơ chế pháp lý đảm bảo
chức năng giám sát của Quốc hội; đánh giá thực trạng vận hành của cơ chế pháp lý,
trong đó đánh giá nguyên nhân hạn chế.
Luận án Tiến sĩ Luật học của tác giả Trần Thị Tuyết Mai – Văn phòng Quốc
hội về “Cơ sở lý luận và thực tiễn trong việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt
động giám sát của Quốc hội Việt Nam” (2009) nghiên cứu một cách có hệ thống
11
những vấn đề lý luận về quyền giám sát tối cao của Quốc hội trong tổ chức quyền
lực nhà nước; phân tích những nguyên nhân khách quan và chủ quan làm hạn chế
hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội trong thực tiễn; luận án xác lập
được tiêu chí khoa học làm cơ sở đánh giá hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của
Quốc hội (gồm 4 tiêu chí đánh giá hiệu lực và 4 tiêu chí đánh giá hiệu quả).
Luận án tiến sĩ Luật học của tác giả Trịnh Thị Xuyến về “Kiểm soát quyền
lực nhà nước ở Việt Nam hiện nay – vấn đề và giải pháp” (2007), cũng nghiên cứu
về kiểm soát quyền lực của nhân dân, của cơ quan dân cử với bộ máy nhà nước nói
chung và cơ quan hành pháp nói riêng. Mà trọng tâm trong việc kiểm sát quyền lực
Nhà nước của Quốc hội là thông qua các hình thức, hoạt động giám sát của Quốc
hội, như: chất vấn, trả lời chất vấn; xem xét các báo cáo của Chính phủ; kiểm soát
việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan hành pháp và tư pháp.
Luận văn thạc sỹ Luật học của tác giả Nguyễn Hữu Lộc về “Nâng cao hiệu
quả hoạt động giám tối cao của Quốc hội, hiệu quả giám sát của các cơ quan của
Quốc hội” (2010), tại khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội. Luận văn làm sáng tỏ
các vấn đề lý luận về giám sát, thẩm quyền giám sát tối cao của Quốc hội, phận biệt
hoạt động giám với các hoạt động thanh tra, kiểm tra, các tiêu chí đánh giá và hậu
quả pháp lý của hoạt động giám sát; Về thực tiễn, tác giả đã nghiên cứu các quy
định của pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội; các phương thức thực hiện
quyền giám sát tối cao của Quốc hội và các cơ quan thuộc Quốc hội; thực trạng và
những nguyên nhân của tồn tại hạn chế đối với hoạt động giám sát của Quốc hội;
tác giả cũng đã đưa ra phương hướng và các giải pháp để nâng cao hiệu quả giám
sát của Quốc hội.
Luận án tiến sĩ chuyên ngành Chính trị học của tác giả Vũ Thị Mỹ Hằng,
“Thực hiện chức năng giám sát quyền lực nhà nước của Quốc hội Việt Nam hiện
nay”(2016), tại trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà
Nội. Ở luận án này, tác giả đã giải quyết và nghiên cứu bốn nội dung lớn sau đây:
Tổng quan tình hình nghiên cứu về chức năng và thực hiện chức năng giám sátcủa
Quốc hội; Tác giả đã phân tích làm rõ cơ sở lý luận và pháp lý về chức năng giám
sát quyền lực nhà nước của Quốc hội Việt Nam; Phân tích, đánh giá thực trạng và
chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện hoạt động giám
sát của Quốc hội.
Kỷ yếu hội thảo: “Hoạt động giám sát của Quốc hội” (2013), của Viện
nghiên cứu lập pháp, do TS. Đinh Xuân Thảo và TS. Hoàng Văn Tú chỉ đạo biên
12
soạn, Nhà xuất bản Lao động. Cuốn sách nghiên cứu với ba nội dung chính. Đó là:
nghiên cứu khung pháp lý và công cụ giám sát; Hoạt động giám sát lập pháp và vai
trò của các cơ quan tham mưu của Quốc hội; Kinh nghiệm của Quốc hội Việt Nam
và Quốc hội các nước trong hoạt động giám sát; Vai trò của Đại biểu Quốc hội
trong việc quyết định và giám sát ngân sách. Kỷ yếu này là tập hợp một số bài viết
của các nhà nghiên cứu lý luận, các nhà quản lý và một số Đại biểu Quốc hội, như:
Chức năng và thẩm quyền giám sát của Quốc hội và Đại biểu Quốc hội của TS.
Nguyễn Đình Quyền, phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIII; Các
công cụ giám sát lập pháp: việc chuẩn bị của các Ủy ban Quốc hội để tiến hành
điều trần, điều tra của Morton Rosenberg, nguyên chuyên gia của cơ quan nghiên
cứu Quốc hội Hoa Kỳ; Bộ công cụ giám sát của Quốc hội Việt Nam của GS.TS.
Nguyễn Minh Thuyết, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh thiếu
niên và nhi đồng của Quốc hội khóa XII; Tập bài viết về vai trò của Đại biểu Quốc
hội trong hoạt động giám sát các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp tư nhân và
Nhà nước, trong đầu tư công, ... của một số tác giả như: PGS.TS. Đặng Văn Thanh,
nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội; Morton
Rosenberg, nguyên chuyên gia của cơ quan nghiên cứu Quốc hội Hoa Kỳ;TS.
Dương Thu Hương, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc
hội... Các tác giả cũng đã đưa ra được một số thực trạng và giải pháp cho hoạt động
giám sát ở một số hình thức giám sát cụ thể, để góp phần thực hiện tốt các kết luận
giám sát của Quốc hội Việt Nam.
Cuốn sách: Thông tin tham khảo: “Một số vấn đề về khả năng xác lập quyền
chất vấn cho Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội” (2015), của Trung tâm
nghiên cứu khoa học, thuộc Viện nghiên cứu lập pháp, đây là tài liệu nội bộ, phục
vụ cho công tác nghiên cứu của Đại biểu Quốc hội, các cơ quan phục vụ Quốc hội.
Các tác giả đã nghiên cứu những vấn đề lý luận cơ bản nhất và hoạt động chất vấn;
thực trạng pháp luật thực định về chất vấn ở Việt Nam hiện nay.
Ngoài ra, còn có thể nói đến các nghiên cứu khác, dưới dạng các công trình
nghiên cứu khoa học, báo cáo kết quả nghiên cứu của các cơ quan phục vụ hoạt
động của Quốc hội; các bài báo đăng trên các tạp chí uy tín của một số tác giả, nhà
nghiên cứu trên khắp cả nước về hoạt động giám sát của Quốc hội, cụ thể như:
Nguyễn Đăng Dung (2005), “Sự vô danh tính của chất vấn”, Tạp chí Nghiên cứu
lập pháp, số 2/2005, Hà Nội; Trần Ngọc Đường (1999), “Quyền giám sát tối cao và
một số suy nghĩ về việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả thực hiện quyền giám sát tối
13
cao của Quốc hội”, Kỷ yếu Hội thảo về hoạt động giám sát của Quốc hội, tr. 11-15;
Trần Ngọc Đường (2003), “Quyền giám sát tối cao của Quốc hội và quyền giám sát
của các cơ quan của Quốc hội: đối tượng, nội dung, phương thức thực hiện và hậu
quả pháp lý”, Giám sát và cơ chế giám sát việc thực hiện quyền lực của nhà nước ta
hiện nay, NXB. Công an nhân dân; Lê Văn Hòe (2004), “Giám sát của Quốc hội và
vấn đề đảm bảo hiệu quả giám sát”, Kỷ yếu hội thảo về tổ chức họat động giám sát
của Quốc hội, Hà Nội, tr. 48; Phạm Ngọc Kỳ (1996), Về quyền giám sát tối cao của
Quốc hội, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 18-22, 37-39; Phan Trung Lý
(2004), “Giám sát và luật hoạt động giám sát của Quốc hội”, Kỷ yếu hội thảo về tổ
chức họat động giám sát của Quốc hội, Hà Nội, tr. 20; TS. Trần Tuyết Mai (2016),
Một số vấn đề về hoạt động giám sát của Quốc hội, Thông tin khoa học Lập pháp,
số 01/2016, tr29; Hoàng Thị Ngân (2003), “Về cách tiếp cận quyền giám sát của
Quốc hội”, Giám sát và cơ chế giám sát việc thực hiện quyền lực của nhà nước ta
hiện nay, NXB. Công an nhân dân; Nguyễn Thái Phúc (2000), “Về giám sát của
Quốc hội”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 5/2000, Hà Nội; Bùi Ngọc Thanh
(2004), “Bàn thêm về tổ chức bộ máy Nhà nước và hoạt động giám sát của Quốc
hội”, Kỷ yếu hội thảo về tổ chức họat động giám sát của Quốc hội, Hà Nội, tr. 118;
Và một số báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ hoạt động của Quốc hội
như: Thư viện Quốc hội (2016), Hoạt động của Quốc hội trong năm 2015: Một số
thống kê và so sánh từ kỳ họp thứ nhất đến kỳ họp thứ 10, nhiệm kỳ Quốc hội khóa
XIII, Hà Nội; Thư viện Quốc hội (2016), Báo cáo tóm tắt kết quả điều tra xã hội
học về: Hoạt động giám sát của Quốc hội, Hà Nội; Văn phòng Quốc hội và UNDP
tại Việt Nam (2016), Báo cáo nghiên cứu: Hoàn thiện pháp luật về hoạt động chất
vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Văn phòng Quốc hội – Chương
trình Phát triển Liên hiệp quốc (2010 - 2011), Báo cáo nghiên cứu điều trần tại các
Ủy ban của Nghị viện và khả năng áp dụng ở Việt Nam; Văn phòng Quốc hội
(2004), Kỷ yếu hội thảo về tổ chức họat động giám sát của Quốc hội, Hà Nội, tr. 32-
35, 165-168; Viện Nghiên cứu lập pháp (2013), Kỷ yếu hội thảo: Hoạt động giám
sát của Quốc hội Việt Nam, Nhà xuất bản Lao động, Hà Nội; Viện Nghiên cứu lập
pháp (2016), Một số vấn đề về khả năng xác lập quyền chất vấn cho Hội đồng dân
tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Hà Nội.
Các công trình nghiên cứu trên phần nào đã làm sáng tỏ, phân tích làm rõ
thực trạng về các quy định của pháp luật và việc tổ chức thực hiện hoạt động giám
sát của Quốc hội nói chung. Tuy nhiên, các nghiên cứu này chưa đề cập một cách
14
thỏa đáng, toàn diện, đồng bộ hệ thống pháp luật về kết luận giám sát của Quốc hội;
chưa đề cập đến việc thực trạng việc thực hiện các kết luận giám sát của Quốc hội;
chưa đề cập đến giá trị pháp lý các kết luận giám của Quốc hội Việt Nam, những
nội dung liên quan đến kết luậ giám sát của Quốc hội còn hời hợt, chưa sâu sắc.
1.1.3. Tình hình nghiên cứu những vấn đề về giải pháp nâng cao hiệu lực,
hiệu quả thực thi các kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam.
Luận án Tiến sĩ Luật học của tác giả Nguyễn Thúy Hoa tại Học viện chính trị
quốc gia Hồ Chí Minh về “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về Quốc hội – cơ quan
đại diện cao nhất của nhân dân Việt Nam” (2015), luận án đã đưa ra các quan điểm
(3 quan điểm lớn) và các nhóm giải pháp (4 nhóm giải pháp) đảm bảo Quốc hội là
cơ quan đại diện của nhân dân Việt Nam để thực hiện tốt chức năng giám sát và
thực thi các kết luận giám sát của mình.
Luận án tiến sĩ chuyên ngành Chính trị học của tác giả Vũ Thị Mỹ Hằng,
“Thực hiện chức năng giám sát quyền lực nhà nước của Quốc hội Việt Nam hiện
nay”(2016), tại trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà
Nội. Tác giả đã nghiên cứu đề xuất một số phương hướng và giải pháp nhằm nâng
cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội trên cơ sở nghiên cứu việc thực hiện
chức năng giám sát quyền lực Nhà nước của Quốc hội ở Việt Nam.
Luận án tiến sĩ Luật học của tác giả Trương Thị Hồng Hà – Viện Nhà nước
và Pháp luật – Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh về “Hoàn
thiện cơ chế pháp lý đảm bảo chức năng giám sát của Quốc hội” (2008). Tác giả
đưa ra các quan điểm cần đổi mới nhận thức lý luận và thực tiễn về quyền giám sát
của Quốc hội Việt Nam, quan điểm và giải pháp hoàn thiện cơ chế pháp lý: hoàn
thiện quy định pháp luật, đưa ra một số quan điểm về hậu quả pháp lý hoạt động
giám sát như hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật; làm rõ vai trò chủ thể giám sát
của Đoàn đại biểu Quốc hội; …
Báo cáo nghiên cứu: “Hoàn thiện pháp luật về hoạt động chất vấn tại phiên
họp Ủy ban thường vụ Quốc hội” (2012), Dự án tăng cường năng lực của các cơ
quan dân cử ở Việt Nam, do Văn phòng Quốc hội phối hợp với Chương trình phát
triển Liên Hợp Quốc thực hiện. Báo cáo đưa ra một chuyên đề nghiên cứu về:
“Phương hướng, giải pháp hoàn thiện pháp luật về hoạt động báo cáo, giải trình tại
Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội”, qua nghiên cứu này, các tác giả đưa
ra các quan điểm, phương hướng và bảy giải pháp cơ bản như sau: Quy định về
phạm vi, nội dung vấn đề yêu cầu báo cáo, giải trình; Quy định về trình tự quyết
15
định việc tổ chức phiên họp, yêu cầu báo cáo, giải trình; giả pháp về chủ thể tham
gia phiên họp yêu cầu báo cáo, giải trình; Thủ tục tiến hành; về Biên bản của phiên
họp; về hệ quả pháp lý; và quy định về điều kiện đảm bảo cho hoạt động này và
thực hiện các kết luận giám sát.
Báo cáo Tổng hợp kết quả nghiên cứu đề tài khoa học cấp cơ sở: Việc thực
hiện Nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau giám sát của Quốc hội – Thực trạng và giải
pháp, của Ths. Vũ Tiến Thảm, Viện Nghiên cứu lập pháp. Qua nghiên cứu, tác giả
cũng đã phân tích, làm rõ thực trạng việc tổ chức thực hiện các kết luận giám sát
của Quốc hội. Đặc biệt là tác giả đã đưa ra hệ thống các nhóm giải pháp cở bản để
nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi kết luận giám sát của Quốc hội, cụ thể như:
Nhóm giải pháp hoàn thiện quy định của pháp luật; Nhóm giải pháp trong quá trình
ban hành; Nhóm giải pháp trong khâu tổ chức thực hiện; tác giả cũng đưa ra một số
giải pháp khác mang tính hỗ trợ các nhóm giải pháp chính.
Sách chuyên khảo, “Hoàn thiện cơ chế pháp lý đảm bảo chức năng giám sát
của Quốc hội”, của TS. Trương Thị Hồng Hà, NXB Chính trị Quốc gia (2009).
Cuốn sách bàn về vị trí pháp lý và đặc điểm của Quốc hội, cơ chế pháp lý đảm bảo
chức năng giám sát của Quốc hội, những yếu tố tác động đến hiệu quả chức năng
giám sát của Quốc hội, thực trạng vận hành của cơ chế pháp lý đảm bảo chức năng
giám sát của Quốc hội và các giải pháp chủ yếu nhằm hoàn thiện cơ chế pháp lý
đảm bảo chức năng giám sát của Quốc hội. Trong đó, tác giả cũng đưa ra một số
kiến nghị, giải pháp hoàn thiện pháp luật về giám sát của Quốc hội để nâng cao việc
thi hành các kết luận giám sát của Quốc hội ở Việt Nam.
Cuốn sách: “Hoạt động giám sát của cơ quan dân cử ở Việt Nam, vấn đề và
giải pháp” (2015), của Văn phòng Quốc hội phối hợp với Viện chính sách công và
pháp luật, và được sự hỗ trợ kỹ thuật của Viện Rosa Luxemburg (Cộng hòa Liên
bang Đức), do TS. Nguyễn Sĩ Dũng và PGS.TS. Vũ Công Giao đồng chủ biên, Nhà
xuất bản Hồng Đức. Tại chương 3, các tác giả cũng đưa ra một số kiến nghị và giải
pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử
Việt Nam, mà tập trung vào hoạt động giám sát và thực thi kết luận giám sát của
Quốc hội Việt Nam.
Sách chuyên khảo, “Giám sát và cơ chế giám sát việc thực hiện quyền lực
nhà nước ở nước ta hiện nay” do GS.TSKH. Đào Trí Úc và PGS.TS. Võ Khánh
Vinh (chủ biên), NXB Công an nhân dân, Hà Nội (2003). Công trình cũng đi sâu
16
phân tích và đưa ra một số giải pháp để nâng cao giá trị pháp lý và thi hành các kết
luận giám sát của các cơ quan đại diện hiện nay.
Cuốn sách: Thông tin tham khảo: “Một số vấn đề về khả năng xác lập quyền
chất vấn cho Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội” (2015), của Trung tâm
nghiên cứu khoa học, thuộc Viện nghiên cứu lập pháp, đây là tài liệu nội bộ, phục
vụ cho công tác nghiên cứu của Đại biểu Quốc hội, các cơ quan phục vụ Quốc hội.
Qua nghiên cứu này, các tác giả đưa ra quan điểm và một số kiến nghị nhằm hoàn
thiện pháp luật về chất vấn của các cơ quan của Quốc hội, coi đây là một hình thức
giám sát có hiệu quả nhất của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.
Cuốn sách: “Quốc hội Việt Nam 70 năm hình thành và phát triển 1946 –
2016”, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – sự thật, Hà Nội, năm 2015. Do TS. Uông
Chu Lưu chỉ đạo biên soạn [77]. Trong đó có một số bài viết đáng chú ý như: “Tích
cực nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để đổi mới Quốc hội” ([77] tr. 28 - 32),
của tác giả Nguyễn Phú Thanh; “Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội”
([77] tr. 38 - 40), của tác giả PGS.TS. Trần Thị Tâm Đan; “Tăng cường hiệu lực,
hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội” ([77] tr. 207-222), của tác giả TS. Bùi
Sĩ Lợi ... các bài viết tập trung nghiên cứu thực trạng hoạt động giám sát của Quốc
hội trong 70 năm qua. Cuốn sách cũng đưa ra một số quan điểm và giải pháp nhằm
hoàn thiện pháp luật về giám sát và hoạt động giám sát của Quốc hội. Các tác giả
dựa vào kinh nghiệm nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động của
mình ở Quốc hội đã đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về hoàn thiện pháp luật về
giám sát và thi hành các kết luận giám sát của Quốc hội. Tuy nhiên, những quan
điểm này đều có điểm chung đó là: dựa vào quan điểm của Chủ nghĩa Mác lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh và các cương lĩnh chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam về
việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đổi mới cơ cấu tổ chức và
phương thức hoạt động của Quốc hội Việt Nam, trong đó có hoạt động giám sát.
Các tác giả cũng đưa ra được một số giải pháp quan trọng trong việc thực hiện pháp
luật giám sát và thi hành các kết luận giám sát. Đó là: Tiếp tục tăng cường sự lãnh
đạo Đảng trong hoạt động giám sát của Quốc hội; hoàn thiện hệ thống văn bản quy
phạm pháp luật về hoạt động giám sát và thực thi các kết luận giám sát của Quốc
hội; tăng cường công tác đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất cho các cuộc giám
sát; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng giám sát cho các Đại biểu
Quốc hội; ... Trong đó, các tác giả đã đưa ra một cách khái quát một số thực trạng
17
cơ bản của việc thực hiện các kết luận giám sát của Quốc hội và giải pháp để thực
hiện tốt các kết luận giám sát này.
Ngoài ra còn có một số công trình nghiên cứu khoa học dưới dạng bài viết
trên các tạp chí, báo cáo khoa học của một số tác giả về tổ chức và hoạt động của
Quốc hội khác. Có thể kể đến như: Nguyễn Sĩ Dũng (2002), - chủ biên, Tổ chức và
hoạt động của Quốc hội các nước, Văn phòng Quốc hội, Hà Nội; Nguyễn Sĩ Dũng
(2004) – chủ biên, Quyền giám sát của Quốc hội – Nội dung và thực tiễn từ góc
nhìn tham chiếu, NXB. Tư pháp, Hà Nội; Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
(2011), Những vấn đề lý luận và thực tiễn về Quốc hội – Cơ quan đại diện cao nhất
của nhân dân Việt Nam, Hà Nội; Ths. Nguyễn Đức Lam - Văn phòng Quốc hội
(2008),Vai trò của các nguồn lực hỗ trợ đại biểu Quốc hội trong hoạt động lập
pháp (Phần II); Chuyên đề, Nguồn: Chuyên đề nghiên cứu của Văn phòng Quốc
hội; TS. Ngô Đức Mạnh (2014), Quy trình, thủ tục làm việc của Quốc hội, Hà Nội;
TS. Ngô Đức Mạnh (2009), Tiếp tục hoàn thiện quy trình, thủ tục làm việc của
Quốc hội, (Nghiên cứu lập pháp số 4 (141) tháng 2/2009), Hà Nội; Nguyễn Đình
Quyền (2006), “Một số vấn đề về đánh giá họat động nhiệm kỳ Quốc hội”, Tạp chí
Nghiên cứu lập pháp, số 10/2006, Hà Nội; Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số
6/2007, Mong đợi về một Quốc hội đổi mới, Hà Nội; Văn phòng Quốc hội (2006),
Cơ quan lập pháp và hoạt động giám sát, Hà Nội; Lê Thanh Vân (2007), Một số
vấn đề về đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội, NXB Tư pháp, Hà Nội; Viện
Nghiên cứu lập pháp (2016), Nội quy kỳ họp Quốc hội – Thực trạng và kiến nghị,
Hà Nội; Viện nghiên cứu lập pháp(2016), Nghị viện một số nước trên thế giới, Hà
Nội; TS. Bùi Sỹ Lợi Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội (2013), Tăng
cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội (Chuyên đề) Cổng thông
tin điện tử Quốc hội; Lê Hữu Thể (2001), “Một số suy nghĩ về nâng cao chất lượng,
hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội”, Kỷ yếu Hội thảo Quá trình hình thành,
phát triển và vai trò của Quốc hội trong sự nghiệp đổi mới, Văn phòng Quốc hội, tr.
381-383; Lê Như Tiến (2004), “Hiệu quả giám sát của Quốc hội và các cơ quan
của Quốc hội thông qua việc Chính phủ và các cơ quan hữu quan tiếp thu, xử lý các
kiến nghị giám sát”, Kỷ yếu hội thảo về tổ chức họat động giám sát của Quốc hội,
Hà Nội, tr.137... Các bài báo, công trình nghiên cứu của các tác giả trên tập trung
vào nghiên cứu về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, như: quyền giám sát; quy
trình, thủ tục làm việc của Quốc hội; hoạt động lập pháp; một số bài học về kinh
nghiệm giám sát và hoạt động Quốc hội của một số nước; ... Các tác giả cũng đã
18
góp phần làm rõ cơ chế quyền lực Nhà nước, các quan niệm khác nhau về giám sát,
quyền giám sát, pháp luật về giám sát và việc thực hiện của kết luận giám sát của cơ
quan quyền lực Nhà nước; đặc biệt các tác giả còn đưa ra một số giải pháp để hoàn
thiện pháp luật về giám sát và góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi các kết
luận giám sát của Quốc hội.
1.2. Tình hình nghiên cứu quốc tế
Có thể nói, nghiên cứu về vị trí, vai trò, tính chất, tổ chức và hoạt động của
Quốc hội/nghị viện, mà đặc biệt là hoạt động giám sát của Quốc hội/nghị viện là
mảng vấn đề thu hút sự chú ý nhiều nhất của các nhà luật học và chính trị gia trên
thế giới. Đặc biệt, trong nền dân chủ hiện đại, khi mà quyền lực Nhà nước đòi hỏi
phải được kiểm soát, khi mà chủ quyền nhân dân và mối liên hệ giữa nhân dân và
cơ quan đại diện trở thành nội dung bàn luận căn bản thì số lượng các ấn phẩm khoa
học liên quan đến vấn đề này trở nên hết sức đa dạng và phong phú. Trên những nét
khái quát nhất, có thể lược tả một số tài liệu, công trình nghiên cứu tiêu biểu liên
quan đến chủ đề luận án như sau:
Năm 2006, Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử - Văn phòng Quốc hội xuất
bản cuốn sách “Cơ quan lập pháp và hoạt động giám sát” [83]. Đây là tập hợp các
nghiên cứu của nhiều học giả làm việc ở các Trường đại học, cơ quan có danh tiếng
như: Đại học Arizona, Đại học Trung Âu (Hoa Kỳ), Đại học quản lý Singapore, Đại
học Strathclyde (Vương quốc Anh) …. Các bài viết tập trung vào phân tích, đánh
giá hoạt động giám sát của Nghị viện một số nước, ngoài ra đề cập tới giám sát của
chính quyền cấp vùng ở Brazil, thành phố Westminster (Bang California, Hoa Kỳ).
Cuốn sách là tập hợp của 9 chuyên đề nghiên cứu riêng biệt của các nhà nghiên cứu
hàng đầu về nghị viện là Scott W. Desposato, David M.Olson, Riccardo Pelizzo,
Timothy J. Power, Thomas F.Remington, Edward Schneier, Keith Schulz, Mark
Shepard và Frederick C.Stapenhurst. Các công trình này nghiên cứu hoạt động giám
sát của Quốc hội/nghị viện, từ những vấn đề chung cho đến kinh nghiệm hoạt động
giám sát của nghị viện từng quốc gia điển hình (Liên bang Nga, Nghị viện một số
nước Trung và Đông Âu, Nghị viện Indonesia). Các tác giả cũng đưa ra một số bài
học kinh nghiệm trong việc bảo đảm thi hành các kết luận giám sát của Quốc hội,
phân tích và làm rõ giá trị pháp lý về kết luận giám sát của Quốc hội các nước.
Những sự thay đổi trong lĩnh vực giám sát Quốc hội Mỹ (Changes in
Congressional Oversight), tác giả JOEL D. ABERBACH, American Behavioral
Scientist [108]. Cuốn sách nghiên cứu mối quan tâm ngày càng lớn của Quốc hội
19
Mỹ đối với chức năng giám sát (giám sát Quốc hội đối với hoạt động của các bộ, cơ
quan và ủy ban, và các chương trình, chính sách do họ quản lý). Tác phẩm cũng chú
ý các nhân tố thúc đẩy và tăng cường chất lượng giám sát và phân tích các xu
hướng cách thức giám sát ủy ban của Quốc hội. Tác giả đưa ra các quan điểm về
giám sát, trong đó “giám sát là sự kiểm soát sự thật và bao gồm các cuộc điều tra về
chính sách đang và sẽ được triển khai; điều tra về hoạt động hành chính và việc kêu
gọi cơ quan hành pháp phải chịu trách nhiệm với hoạt động của họ”, tác giả cũng
cho rằng hành vi của các nhà lập pháp sẽ tạo ra tác động đối với hành vi của cơ
quan hành chính quan liêu; giám sát hành chính là cần thiết bởi nó tạo ra cơ chế mà
những nhà quản lý hành chính có thể ảnh hưởng đến chúng ta theo những cách cơ
bản. Tác giả nêu và phân tích những yếu tố ảnh hưởng tới giám sát gồm: Sự kiểm
soát của các đảng với vị trí tổng thống và Quốc hội; nhóm chịu sự tác động; nhóm
lợi ích; tổ chức cơ quan của Quốc hội; tăng cường chất lượng và số lượng nghị sĩ;
sự công khai trong hoạt động.
Giám sát và ngân sách của cơ quan lập pháp: Bối cảnh thế giới. (Legislative
Oversight and Budgeting: A World Perspective), ấn phẩm củaNgân hàng Thế giới
(12 tháng 9 năm 2008) ISBN-13: 978-0821376119 [110]. Tác phẩm qua nghiên cứu
nhiều nước trên thế giới nhận định hầu hết các quốc gia, Quốc hội có thẩm quyền
hiến định trong giám sát hoạt động và sự tuân thủ luật pháp của Chính phủ. Trong
bối cảnh tăng cường chức năng quản trị của Quốc hội, các học giả và các nhà hoạt
động thực tiễn đã xem xét chức năng giám sát của Quốc hội trong việc tăng trách
nhiệm giải trình về tài chính công, kiềm chế tham nhũng và góp phần xóa đói giảm
nghèo. Đây là công trình tập hợp những nghiên cứu từ nhiều góc độ khác nhau về vấn
đề giám sát của cơ quan lập pháp ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Ở các quốc
gia này, các cơ chế giải trình hoặc các hình thức giám sát của cơ quan lập pháp đều dựa
trên quyền lực hiến định của cơ quan lập pháp, tổ chức bộ máy của chính phủ, sự phân
chia quyền lực giữa chính quyền trung ương, vùng và địa phương, và các nguồn lực
sẵn có của cơ quan này (lập pháp). Đặc biệt, tác phẩm đề cập đến việc giám sát ngân
sách từ việc xây dựng, phê duyệt ngân sách đến việc thực hiện và kiểm tra tài khoản
công. Các quốc gia được đề cập đến trong tác phẩm này bao gồm: Ba Lan, Nga,
Braxin, Indonesia, Israel, Nam Phi, Italia, cộng hòa Séc, Uganda,...
Giám sát Quốc hội: Tổng quan (Congressional Oversight: An Overview),
Dịch vụ nghiên cứu Quốc hội (22 tháng 2 năm 2010), tác giả Walter J. Oleszek
[118]. Tác giả bàn luận về khái niệm giám sát của Quốc hội (giám sát là sự kiểm tra
20
nghị viện với các hoạt động của các Bộ, cơ quan và Ủy ban của Liên bang (Hoa kỳ)
và các chương trình và chính sách do các cơ quan này quản lý; sự kiểm tra diễn ra
trong quá trình thực hiện chính sách và sau khi kết thúc việc thực hiện chính sách),
đưa ra 3 mục đích thiết yếu của giám sát, nhận xét một vài đạo luật và quy tắc về
giám sát (ví dụ Luật giám sát của Quốc hội, cho phép Quốc hội kiểm tra và không
thông qua các quy định, luật lệ của cơ quan hành pháp, ngoài ra còn có thủ tục thực
hiện hoạt động giám sát….), xem xét một số kỹ năng giám sát quan trọng và xác
định một số biện pháp khuyến khích và không khuyến khích việc tiến hành giám sát
của Quốc hội Mỹ.
Quản trị nghị viện trong thế kỷ 21: Niên giám Egpa (chuyên khảo của viện
khoa học hành chính quốc tế) (Managing Parliaments in the 21st Century: Egpa
Yearbook (International Institute of Administrative Science Monographs), Công ty
phát hành Ios Pr Inc (June 2001) [104]. Cuốn sách đưa ra và bàn luận về khái niệm
giám sát của nghị viện, trong đó chỉ rõ chức năng lập pháp không chỉ dừng lại ở
việc thông qua các dự án luật mà giám sát thực thi là hệ quả tất yếu của chức năng
này. Chỉ có việc giám sát quá trình thực thi luật, các thành viên nghị viện mới khám
phá các lỗ hổng của pháp luật và hoạt động nhằm sửa chữa những giải thích sai lầm
và việc áp dụng pháp luật không đúng đắn của cơ quan hành pháp. Đồng thời, tác
phẩm cũng chỉ rõ những nhân tố ảnh hưởng đế việc giám sát cũng như những mục
tiêu cụ thể của giám sát.
Báo cáo nghiên cứu: “Điều trần tại các Ủy ban của Nghị viện và khả năng áp
dụng ở Việt Nam” (2010-2011) [78], do Văn phòng Quốc hội - Chương trình phát triển
Liên Hợp Quốc (UNDP), thuộc dự án 00049114 – “Tăng cường năng lực của các cơ
quan đại diện ở Việt Nam” – giai đoạn III. Báo cáo đã nghiên cứu một cách cơ bản
nhất về khái niệm điều trần; thực tiễn điều trần ở một số nghị viện trên thế giới như:
Nghị viện Anh, Nghị viện Đức, Nghị viện New Zealand, Ba Lan, Hoa Kỳ; các lợi ích
của việc điều trần; khả năng áp dụng điều trần ở Việt Nam; tác giả cũng phân tích và
nghiên cứu về một số khó khăn, thuận lợi về nhận thức của hoạt động điều trần; cuối
cùng các tác giả cũng đưa ra một số kiến nghị ban đầu để áp dụng ở Việt Nam, như sửa
đổi một số quy định của pháp luật, công tác tuyên truyền cho một số chủ thể, ... để khắc
phục những tồn tại, hạn chế của hình thức giám sát này.
“Quốc hội và các thành viên” của Roger H.Davidson và Walter J.Oleszek,
Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002 (Người dịch Trần Xuân Danh, Trần
Hương Giang, Minh Long). Trọng tâm của cuốn sách trình bày về cơ cấu và hoạt
21
động của Quốc hội Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Cụ thể là các vấn đề: bầu cử, chức
năng, nhiệm vụ của hai viện và các Ủy ban của Quốc hội, quá trình thông qua các
quyết sách tại Quốc hội, quan hệ giữa Quốc hội và các cơ quan khác của chính
quyền liên bang Mỹ. Cuốn sách dành một sự quan tâm đáng kể tới việc phân tích
vai trò của hoạt động giám sát trong việc thực hiện chức năng của hai viện thuộc
Quốc hội Mỹ. Một số luận điểm nghiên cứu hướng tới phân tích chính sách, hoàn
thiện pháp luật về giám sát và các cơ chế pháp lý bảo đảm thực thi các kết luận
giám sát của cả hai viện thuộc Quốc hội Mỹ.
Một số tài liệu tham khảo khác như: Nghị viện một số nước trên thế giới [98]
của Trung tâm nghiên cứu khoa học lập pháp thuộc Viện nghiên cứu lập pháp của
Quốc hội. Tài liệu có giá trị tham khảo cao là tổng hợp các quy định của pháp luật
về cơ cấu tổ chức và hoạt động của nghị viện một số quốc gia trên thế giới như: Đại
hội đại biểu nhân dân toàn Trung Quốc, Nghị viện Liên bang Nga, Quốc hội Nhật
Bản, những vấn đề cơ bản về Quốc hội Hoa Kỳ, tổ chức của Nghị viện Pháp, nghị
viện Cộng hòa Liên bang Đức, tổ chức Quốc hội New Zealand. Tài liệu cho người
đọc những quy định cơ bản nhất về cơ cấu tổ chức và hoạt động của một số nghị
viện trên thế giới, qua đó làm kinh nghiệm để đổi mới tổ chức và hoạt động của
Quốc hội, đặc biệt là hoạt động giám sát của các nghị viện.
Và một số bài viết của một sô tác giả có nghiên cứu và hoạt động giám sát và
thực hiện các kết luận giám sát của một số nghị viện trên thế giới như: “So sánh hoạt
động giám sát của Quốc hội Nhật bản và Quốc hội Việt Nam” của tác giả Trương Thị
Hồng Hà, trên Tạp chí Nghiên cứu khoa học - Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 2 (62)
tháng 4 – 2006; “Hoạt động kiểm soát quyền hành pháp của Nghị viện các nước Anh,
Pháp, Mỹ”, của tác giả Trần Quốc Việt – Học viện Hành chính quốc gia, đăng trên Tạp
chí Tổ chức Nhà nước, số 3/2015; “Mô hình giám sát của Nghị viện Anh và Mỹ”, của
tác giả Đặng Minh Tuấn, trên Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 1/2001.
Nhìn chung, các công trình nghiên cứu nói trên cung cấp một số kiến thức và
kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là hoạt động giám sát
và thực thi các kết luận giám sát của Quốc hội, về các yếu tố đảm bảo thi hành các
kết luận giám sát và về các điều kiện đảm bảo hiệu qủa trong việc thực thi các kết
luận giám sát. Điều này có ý nghĩa làm phong phú thêm nguồn thông tin cũng như
cách tiếp cận của Luận án để tham khảo, nghiên cứu vấn đề một cách toàn diện, đầy
đủ hơn về Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam. Đây cũng là điều cần thiết
trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ
22
nghĩa trong tình hình mới, đảm bảo mọi quyền lực, lợi ích đều thuộc về nhân dân.
1.3. Đánh giá chung về tình hình, kết quả nghiên cứu liên quan đến
luận án và những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu
1.3.1. Đánh giá chung về tình hình, kết quả các công trình nghiên cứu liên
quan đến luận án
Các công trình nêu trên ở những mức độ khác nhau đã trình bày khái quát về
tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là các hoạt động giám sát
của Quốc hội Việt Nam nói riêng, hoạt động giám sát của một số Nghị viện trên thế
giới. Luận giải được vai trò, vị trí hoạt động giám sát, bước đầu đã nghiên cứu đến
giá trị pháp lý kết luận giám sátcủa Quốc hội Việt Nam trong việc thực hiện quyền
lực Nhà nước của đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Các công trình nghiên cứu đã bước đầu đề cập đến những vấn đề lý luận và thực
tiễn trong hoạt động giám sát của Quốc hội Việt Nam,nêu những khái niệm và các yếu tố
tác động đến hiêụ quả hoạt động giám sát của Quốc hội nước ta. Bên cạnh đó, các công
trình nghiên cứu đã xác định hoạt động giám sát là yêu cầu tất yếu của quá trình thực thi
dân chủ, đảm bảo quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, trong đó Quốc hội Việt Nam
giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong giám sát quyền lực nhà nước.
Nhìn chung, có thể thấy rằng: đã có một số công trình nghiên cứu khoa học
liên quan khá chặt chẽ đến nội dung đề tài mà Luận án đặt ra. Tuy nhiên, các nghiên
cứu này chưa đi sâu nghiên cứu một cách tổng thể và có sự so sánh với kinh nghiệm
của nước ngoài một cách hệ thống để từ đó có cách nhìn nhận đầy đủ về pháp luật
giám sát, giá trị pháp lý và thực hiện các kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam
trong cơ chế quyền lực nhà nước, trong mối quan hệ với thanh tra, kiểm tra, giám
sát của các cơ quan nhà nước; chưa có sự phân tích đầy đủ để làm rõ vai trò, phạm
vi quyền giám sát tối cao và hệ thống pháp luật về kết luận giám sát của Quốc hội.
Do giới hạn bởi phạm vi và định hướng nội dung nghiên cứu nên vấn đề mà các tác
giả nêu lên mới chỉ đề cập đến một vài khía cạnh liên quan đến lý luận, thực tiễn
hoạt động giám sát, pháp luật về giám sát của Quốc hội và một phần rất nhỏ về việc
thực hiện các kết luận giám sát, các giải pháp cũng mới chỉ tập trung hoặc khía cạnh
lý luận hoặc ở cơ chế pháp lý hoặc ở kinh nghiệm thực tiễn, chưa đi sâu vào các giải
pháp căn cơ, hiệu quả để giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn trong việc thực
hiện và xác định giá trị pháp lý các kết luận giám sát của Quốc hội.
Đồng thời, cũng chưa có công trình nghiên cứu nào đề xuất các tiêu chí cụ
thể để xác định hiệu lực và hiệu quả hoạt động giám sát và thực hiện các kết luận
23
giám sát của Quốc hội để từ đó đề xuất những định hướng và giải pháp tổng thể cả
về lý luận, nhận thức, pháp lý, điều kiện hỗ trợ đảm bảo cho hiệu lực và hiệu quả
hoạt động giám sát và thực hiện các kết luận giám sát của Quốc hội.
1.3. . Những nội ung uận án c n tập t ung nghiên cứu tiếp
Tuy đã có khá nhiều công trình nghiên cứu về tổ chức và hoạt động Quốc hội
Việt Nam, hoạt động giám sát của Quốc hội Việt Nam, nhưng chưa có công trình nào
luận chứng một cách sâu sắc về pháp luật kết luận giám sát của Quốc hội, việc thực
hiện và giá trị pháp lý của các kết luận giám sát do Quốc hội ban hành; việc kết hợp với
việc nghiên cứu, so sánh hoạt động giám sát của Nghị viện các nước trên thế giới và
Việt Nam; kinh nghiệm thực hiện các kết luận giám sát và các yếu tố bảo đảm thực thi
kết luận giám sát của các Nghị viện trên thế giới là bài học quý báu cho Việt Nam.
Những điều kiện, yếu tố đảm bảo thực hiện các kết luận giám sát của Quốc hội,
nhất là vấn đề pháp lý, hành lang pháp luật và hiệu lực, hiệu quả thực thi các kết luận
giám sát của Quốc hội; hậu quả của việc không thực thi các kết luận giám sát của Quốc
hội chưa được các tác giả bàn sâu. Tuy nhiên, chưa được hệ thống hóa thànhcác văn
bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh.
Vấn đề thực hiện chức năng giám sát quyền lực nhà nước của Quốc hội; hệ
thống pháp luật giám sát và giá trị pháp lý của các kết luận giám sát chưa được các
tác giả tập trung phân tích, trình bày một cách thấu đáo, toàn diện và có hệ thống.
Vì vậy, luận án sẽ tiếp tục nghiên cứu giải quyết các vấn đề trên dựa trên các cơ sở
lý luận và thực tiễn. Chính vì vậy, những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu trong
Luận án là:
a. Về mặt lý luận :
- Làm rõ vấn đề lý luận: Khái niệm, đặc điểm, vai trò, chủ thể ban hành và
hình thức kết luận giám sát và phương thức, hình thức và giá trị pháp lý các kết luận
giám sát của Quốc hội Việt Nam trong thể chế chính trị một Đảng duy nhất lãnh đạo
và cầm quyền ở nước ta; nghiên cứu, phân tích quá trình hình thành và phát triển
của pháp luật và hoạt động kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam trong lịch sử.
- Phân tích làm rõ cơ sở lý luận và cơ sở pháp lý về chức năng giám sát; pháp luật
về giám sát và kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, xác định rõ về nội dung, đối
tượng, hình thức thực hiện kết luận giám sát của Quốc hội. Cần phân tích, nghiên cứu
làm rõ các điều kiện đảm bảo thực thi các kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam.
24
b. Về mặt thực tiễn:
- Nghiên cứu so sánh quy định của pháp luật và hoạt động giám sát và thực
thi các kết luận giám sát của Nghị viện một số nước trên thế giới, rút ra bài học cho
Quốc hội Việt Nam.
- Tiếp cận trên các phương diện, góc độ, bám sát tinh thần và nội dung Hiến
pháp năm 2013, quy định pháp lý về tổ chức, hoạt động giám sát của Quốc hội, quan
điểm, đường lối của Đảng và các đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
và cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý trong việc thực hiện các kết luận giám sát của Quốc hội
Việt Nam.
- Phân tích, đánh giá thực trạng pháp luật về giám sát, hoạt động giám sát và
thực hiện các kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam;
c. Về mặt ứng ụng của uận án:
Đề xuất các phương hướng và giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả
hoạt động giám sát của Quốc hội Việt Nam hiện nay; đề xuất, sửa đổi, bổ sung để
hoàn thiện các quy định của pháp luật về giám sát; đề xuất các yếu tố bảo đảm thi
hành các kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, cụ thể:
- Xây dựng đường lối, chính sách: Đề tài xác lập cơ sở khoa học cho việc
triển khai thi hành văn bản luật có liên quan, ví dụ như: Luật Tổ chức Quốc hội
2015, Luật tổ chức hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015...;
là cơ sở khoa học góp phần phục vụ công tác xây dựng chính sách pháp luật về
giám sát; đồng thời hoàn thiện cơ sở pháp lý của việc thực hiện pháp luật giám sát
và kết luận giám sát của Quốc hội.
- Với các nhóm giải pháp cụ thể được đưa ra trên cơ sở nghiên cứu lý luận và
phân tích thực trạng pháp luật về giám sát và việc tổ chức, thực hiện pháp luật giám
sát và kết luận giám sát, luận án sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà xây
dựng pháp luật, nhà quản lý giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác tổ chức
thực hiện kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam trong điều kiện xây dựng nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
- Luận án hoàn thành sẽ là cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn giúp cho các cơ
quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Quốc hội, Chính phủ) sửa đổi, bổ sung
các quy định của pháp luật phù hợp với thực tiễn, mang lại hiệu quả, hiệu lực cao
trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan Nhà nước, nâng cao địa vị pháp lý và
quyền lực thực sự của Quốc hội Việt Nam.
25
1.4. Câu hỏi nghiên cứu, lý thuyết nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu
1.4.1 Giả thuyết nghiên cứu
Nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn về kết luận giám sát của Quốc hội
dưới góc độ pháp lý, các giả thuyết khoa học cần đặt ra như sau:
Bảo đảm thực thi kết luận giám sát của Quốc hội theo Hiến pháp, pháp luật
Việt Nam là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Việc ghi nhận,
bảo đảm thực thi kết luận giám sát của Quốc hội đã được Hiến pháp và các văn bản
pháp luật khác ghi nhận. Tuy vậy, những vấn đề lý luận về kết luận giám sát và đảm
bảo thực thi các kết luận giám sát của Quốc hội chưa được nghiên cứu một cách sâu
sắc, toàn diện nên việc thể chế hóa các nội dung này trong hệ thống pháp luật nước
ta chưa đầy đủ và còn nhiều hạn chế. Hiện nay các quy định pháp luật về kết luận
giám sát, đảm bảo thực thi các kết luận giám sát của Quốc hội và việc bảo đảm thực
hiện trên thực tế hiệu quả chưa cao, còn nhiều bất cập, vướng mắc, chưa tạo điều
kiện thuận lợi để chủ thể giám sát, đối tượng giám sát thực hiện đúng quyền, trách
nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với việc thực thi kết luận giám sát của Quốc hội.
Việc tăng cường nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi kết luận giám sát của Quốc
hội đang đặt ra cấp bách, là một trong những yếu tố quyết định đến xây dựng nhà
nước pháp quyền, của dân, do dân, vì dân, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy
an ninh chính trị - xã hội. Do vậy, cần có hệ thống các giải pháp đồng bộ, đặc biệt là
việc hoàn thiện pháp luật để tăng cường bảo đảm hiệu lực, hiệu quả việc thực thi kết
luận giám sát của Quốc hội.
1.4. Câu hỏi nghiên cứu
Thứ nhất, những vấn đề lý luận nào về kết luận giám sát và đảm bảo thực thi các
kết luận giám sát của Quốc hội theo pháp luật Việt Nam cần phải được phân tích và
giải quyết để tạo lập nền tảng nhận thức về quyền lực tối cao của Quốc hội Việt Nam?
Cơ sở lý luận cho việc đánh giá thực trạng về kết luận giám sát và đảm bảo thực thi các
kết luận giám sát của Quốc hội theo pháp luật Việt Nam hiện nay là gì?
Thứ hai, thực trạng quy định của pháp luật và thực trạng việc tổ chức thực
hiện các kết luận giám sát của Quốc hội theo pháp luật Việt Nam hiện nay đang
diễn ra như thế nào? Việc tổ chức thực thi kết luận giám sát và các yếu tố, điều kiện
đảm bảo thực thi các kết luận giám sát của Quốc hội theo pháp luật có ưu điểm, hạn
chế, nguyên nhân nào?
Thứ ba, những quan điểm, giải pháp nào cần đề xuất để nâng cao hiệu lực,
hiệu quả kết luận giám sát và đảm bảo thực thi các kết luận giám sát của Quốc hội
26
theo pháp luật Việt Nam tốt hơn hiện nay? giải pháp cụ thể hoàn thiện pháp luật về
kết luận giám sát của Quốc hội là gì?
Tiểu kết chương 1
Qua khảo sát có thể nhận thấy các nghiên cứu về Quốc hội nước ta từ trước
đến nay chủ yếu tập trung vào các chức năng được ghi nhận chính thức trong Hiến
pháp mà ít đề cập đến kết luận giám sát của Quốc hội. Các công trình nghiên cứu về
kết luận giám sát của Quốc hội ở Việt Nam chủ yếu mới là các bài viết nghiên cứu
ngắn, đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành hoặc tại một số cuộc hội thảo khoa học
mà chưa có những công trình nghiên cứu toàn diện, sâu sắc về nội dung này. Một số
bài viết đã tập trung làm rõ những vấn đề lí luận về giám sát của Quốc hội. Tuy
nhiên, xung quanh hoạt động giám sát của Quốc hội còn có khá nhiều tranh luận.
Như vậy, có thể thấy rằng trong các nghiên cứu đã có hiện nay, xung quanh việc
nhận thức về kết luận giám sát của Quốc hội còn có những vấn đề lí luận chưa được
giải quyết. Qua nghiên cứu Chương 1, tác giả đã tìm hiểu tình hình nghiên cứu
những vấn đề lý luận, thực trạng, giải pháp về kết luận giám sát của Quốc hội Việt
Nam trong thời gian vừa qua qua một số tác phầm nổi tiếng có liên quan. Tác giả
cũng bước đầu đánh giá khách quan về những kết quả nghiên cứu của các công
trình nghiên cứu đó. Qua đó, tác giả làm rõ những vấn đề gì đã nghiên cứu? Những
vấn đề gì mà luận án cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ.
Từ việc khảo sát các nghiên cứu hiện nay có liên quan đến đề tài luận án,
nhiệm vụ đặt ra đối với Luận án là phải làm rõ khái niệm về kết luận giám sát của
Quốc hội trên cơ sở nghiên cứu, làm rõ nền tảng lý luận về quyền lực Nhà nước;
xác định yêu cầu của việc bảo đảm thực thi kết luận giám sát của Quốc hội trong
bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xác định các yếu tố,
điều kiện cụ thể để bảo đảm thực thi kết luận giám sát của Quốc hội; đánh giá một
cách tổng thể thực trạng của việc tổ chức thực thi kết luận giám sát của Quốc hội
trong giai đoạn hiện nay để qua đó hình thành nên các kiến nghị, giải pháp cụ thể
nhằm tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi kết luận giám sát của Quốc
hội đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
27
CHƯƠNG 2
NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ
KẾT LUẬN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VIỆT NAM
2.1. Khái niệm, đặc điểm, vai trò kết luận giám sát của Quốc hội
.1.1. Khái niệm giám sát và Kết luận giám sát của Quốc hội
Theo Từ điển Tiếng Việt, 2003, NXB Đà Nẵng do Hoàng Phê chủ biên thì
“Giám sát là theo dõi và kiểm tra có thực hiện đúng những điều quy định không”.
Đại Từ điển Tiếng Việt, 2009, NXB Giáo dục Việt Nam do Nguyễn Như Ý chủ
biên thì “Giám sát là theo dõi, kiểm tra việc thực thi nhiệm vụ”. Theo Từ điển Luật
học của Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, NXB Tư pháp, thì giám sát là: Sự
theo dõi, quan sát mang tính chủ động thường xuyên của cơ quan, tổ chức hoặc
nhân dân đối với hoạt động của các đối tượng chịu sự giám sát và sự tác động bằng
các biện pháp tích cực để bắt buộc và hướng các hoạt động đó đi đúng quỹ đạo, quy
chế nhằm đạt được mục đích, hiệu quả đã được xác định từ trước đảm bảo cho Hiến
pháp và pháp luật được tuân thủ nghiêm chỉnh. Về bản chất quyền lực Nhà nước thì
giám sát là việc Quốc hội, Hội đồng nhân dân thu thập thông tin về hoạt động của
các cơ quan nhà nước hữu quan và xem xét, đánh giá thông tin thu thập được. Việc
xem xét, đánh giá này là cơ sở để Quốc hội, Hội đồng nhân dân có thể biểu dương
hoặc phê phán các chủ thể có liên quan và trong những trường hợp nhất định, bày tỏ
sự tín nhiệm của mình đối với các chủ thể đó. Như vậy, khái niệm giám sát bao hàm
những nội dung sau đây:
- Giám sát là theo dõi, xem xét, kiểm tra và nhận định về một việc làm nào đó
đúng hay sai so với những điều đã quy định;
- Giám sát luôn gắn với một chủ thể nhất định (ai giám sát) và gắn với đối
tượng cụ thể (giám sát ai và giám sát cái gì);
- Giám sát được tiến hành trên cơ sở những quy định cụ thể;
- Giám sát là hoạt động có mục đích của một chủ thể nhất định.
Trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, giám sát được hiểu là hoạt
động của các cơ quan dân cử (Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp) thực hiện việc
theo dõi, xem xét hoạt động của những cơ quan, cá nhân do cơ quan dân cử bầu,
thành lập hoặc phê chuẩn việc bổ nhiệm nhằm đảm bảo các cơ quan này thực hiện
đúng các quy định của Hiến pháp, luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị
quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp
và văn bản của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên. Theo cách hiểu này, giám sát
28
của cơ quan dân cử được phân biệt với hoạt động thanh tra, kiểm tra của các cơ
quan quản lý nhà nước bởi một số tiêu chí như: chủ thể thực hiện; phạm vi, đối
tượng chị sự giám sát, kiểm tra, thanh tra; nội dung giám sát, thanh tra, kiểm tra và
nhất là hiệu lực, hiệu quả, hệ quả giá trị pháp lý của hoạt động giám sát, thanh tra,
kiểm tra … Ngoài ra, theo quy định pháp luật, nhân dân và các cơ quan, tổ chức của
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng có chức năng giám sát hoạt động của cán bộ, công
chức, viên chức và bộ máy nhà nước.
Khoản 1 Điều 2 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội quy định: “Giám sát là
việc chủ thể giám sát theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá
nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật về việc thực hiện
nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị các cơ
quan có thẩm quyền xử lý”[34].
Điều quan trọng nhất trong hoạt động giám sát của Quốc hội đó là kết luận
giám sát và việc thực thi các kết luận giám sát này. Kết luận giám sát phản ánh hệ
quả pháp lý của hoạt động giám sát. Ở Việt Nam, theo các quy định hiện hành về
hoạt động giám sát của Quốc hội, là việc chủ thể giám sát theo dõi, xem xét, đánh
giá hoạt động của các đối tượng chịu sự giám sát trong việc thi hành các quy định
nhất định. Như vậy, giám sát được hiểu bao gồm hành vi quan sát (theo dõi, xem
xét, cân nhắc) và hành vi phán quyết (đánh giá) đối với hoạt động (hành vi) của đối
tượng chịu sự giám sát. Các biện pháp nhằm tác động vào hành vi của đối tượng bị
giám sát (kiến nghị, yêu cầu, đề nghị chấm dứt hành vi vi phạm, đề nghị bỏ phiếu
tín nhiệm, bãi nhiệm người giữ chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn v.v.) sẽ
dẫn tới hệ quả trách nhiệm của hoạt động giám sát. Hệ quả trách nhiệm, giá trị pháp
lý (chủ yếu là hệ quả pháp lý) của hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội là sự thể
hiện ý chí và thái độ của Quốc hội đối với kết quả giám sát tối cao của Quốc hội. Hệ
quả pháp lý của hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội mang tính đặc thù, khác
với hệ quả pháp lý của các hoạt động giám sát khác ở chỗ nó được thể hiện dưới
hình thức văn bản. Hơn thế nữa, hệ quả pháp lý được thể hiện không chỉ là những
kiến nghị mà trong một số trường hợp còn là những biện pháp xử lý trực tiếp như là
hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết, pháp lệnh.
Hệ quả pháp lý của hoạt động giám sát của Quốc hội thể hiện dưới hình thức kết
luận giám sát. Quốc hội biểu quyết thông qua một kết luận giám sát tại kỳ họp Quốc
hội. Thông qua kết luận giám sát, Quốc hội thể hiện thái độ bằng các biện pháp tác
động đến các đối tượng chịu sự giám sát của Quốc hội. Do đó, nội dung hệ quả pháp lý
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY
Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY

More Related Content

What's hot

What's hot (19)

Luận văn: Xét xử sơ thẩm vụ án hành chính ở Việt Nam, HOT
Luận văn: Xét xử sơ thẩm vụ án hành chính ở Việt Nam, HOTLuận văn: Xét xử sơ thẩm vụ án hành chính ở Việt Nam, HOT
Luận văn: Xét xử sơ thẩm vụ án hành chính ở Việt Nam, HOT
 
Luận văn: Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân, HOT
Luận văn: Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân, HOTLuận văn: Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân, HOT
Luận văn: Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân, HOT
 
Luận văn: Xác minh điều kiện thi hành án theo pháp luật, HOT
Luận văn: Xác minh điều kiện thi hành án theo pháp luật, HOTLuận văn: Xác minh điều kiện thi hành án theo pháp luật, HOT
Luận văn: Xác minh điều kiện thi hành án theo pháp luật, HOT
 
Luận văn: Thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân theo luật tố tụng
Luận văn: Thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân theo luật tố tụngLuận văn: Thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân theo luật tố tụng
Luận văn: Thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân theo luật tố tụng
 
Luận văn: Thừa phát lại trong thi hành án dân sự, HAY
Luận văn: Thừa phát lại trong thi hành án dân sự, HAYLuận văn: Thừa phát lại trong thi hành án dân sự, HAY
Luận văn: Thừa phát lại trong thi hành án dân sự, HAY
 
Luận văn: Tổ chức và hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự
Luận văn: Tổ chức và hoạt động của cơ quan thi hành án dân sựLuận văn: Tổ chức và hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự
Luận văn: Tổ chức và hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự
 
Luận văn: Nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự, HAY
Luận văn: Nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự, HAYLuận văn: Nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự, HAY
Luận văn: Nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự, HAY
 
Luận văn: Thẩm quyền xét xử phúc thẩm vụ án hình sự theo luật
Luận văn: Thẩm quyền xét xử phúc thẩm vụ án hình sự theo luật Luận văn: Thẩm quyền xét xử phúc thẩm vụ án hình sự theo luật
Luận văn: Thẩm quyền xét xử phúc thẩm vụ án hình sự theo luật
 
Luận văn: Thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án trong Luật Tố tụng
Luận văn: Thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án trong Luật Tố tụng Luận văn: Thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án trong Luật Tố tụng
Luận văn: Thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án trong Luật Tố tụng
 
Đề tài: Xây dựng mô hình Tòa án khu vực trong cải cách tư pháp
Đề tài: Xây dựng mô hình Tòa án khu vực trong cải cách tư pháp Đề tài: Xây dựng mô hình Tòa án khu vực trong cải cách tư pháp
Đề tài: Xây dựng mô hình Tòa án khu vực trong cải cách tư pháp
 
Vai trò của Viện kiểm sát trong giải quyết các vụ án hành chính, 9đ
Vai trò của Viện kiểm sát trong giải quyết các vụ án hành chính, 9đVai trò của Viện kiểm sát trong giải quyết các vụ án hành chính, 9đ
Vai trò của Viện kiểm sát trong giải quyết các vụ án hành chính, 9đ
 
Luận văn: Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân, HAY
Luận văn: Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân, HAYLuận văn: Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân, HAY
Luận văn: Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân, HAY
 
Pháp luật về kiểm toán và xây dựng nhà nước pháp quyền, HOT
Pháp luật về kiểm toán và xây dựng nhà nước pháp quyền, HOTPháp luật về kiểm toán và xây dựng nhà nước pháp quyền, HOT
Pháp luật về kiểm toán và xây dựng nhà nước pháp quyền, HOT
 
Đề tài: Thẩm quyền của tòa án trong xét xử sơ thẩm vụ án, HOT
Đề tài: Thẩm quyền của tòa án trong xét xử sơ thẩm vụ án, HOTĐề tài: Thẩm quyền của tòa án trong xét xử sơ thẩm vụ án, HOT
Đề tài: Thẩm quyền của tòa án trong xét xử sơ thẩm vụ án, HOT
 
Luận văn: Hoàn thiện tổ chức bộ máy của kiểm toán nhà nước
Luận văn: Hoàn thiện tổ chức bộ máy của kiểm toán nhà nướcLuận văn: Hoàn thiện tổ chức bộ máy của kiểm toán nhà nước
Luận văn: Hoàn thiện tổ chức bộ máy của kiểm toán nhà nước
 
Luận văn: Hội đồng xét xử sơ thẩm theo pháp luật tố tụng hình sự
Luận văn: Hội đồng xét xử sơ thẩm theo pháp luật tố tụng hình sựLuận văn: Hội đồng xét xử sơ thẩm theo pháp luật tố tụng hình sự
Luận văn: Hội đồng xét xử sơ thẩm theo pháp luật tố tụng hình sự
 
Hoàn thiện địa vị pháp lý của Chấp hành trong thi hành án dân sự
Hoàn thiện địa vị pháp lý của Chấp hành trong thi hành án dân sựHoàn thiện địa vị pháp lý của Chấp hành trong thi hành án dân sự
Hoàn thiện địa vị pháp lý của Chấp hành trong thi hành án dân sự
 
Các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị khi giải quyết vụ việc dân sự
Các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị khi giải quyết vụ việc dân sựCác quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị khi giải quyết vụ việc dân sự
Các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị khi giải quyết vụ việc dân sự
 
Tổ chức và hoạt động của thanh tra nội bộ tại ĐH Quốc gia, HAY
Tổ chức và hoạt động của thanh tra nội bộ tại ĐH Quốc gia, HAYTổ chức và hoạt động của thanh tra nội bộ tại ĐH Quốc gia, HAY
Tổ chức và hoạt động của thanh tra nội bộ tại ĐH Quốc gia, HAY
 

Similar to Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY

Similar to Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY (20)

Luận văn: Hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội, HAY
Luận văn: Hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội, HAYLuận văn: Hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội, HAY
Luận văn: Hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội, HAY
 
Thẩm định dự thảo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, 9đ
Thẩm định dự thảo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, 9đThẩm định dự thảo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, 9đ
Thẩm định dự thảo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, 9đ
 
Luận văn: Hoạt động thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, HOT
Luận văn: Hoạt động thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, HOTLuận văn: Hoạt động thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, HOT
Luận văn: Hoạt động thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, HOT
 
Đề tài: Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Viện kiểm sát, HOT
Đề tài: Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Viện kiểm sát, HOTĐề tài: Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Viện kiểm sát, HOT
Đề tài: Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Viện kiểm sát, HOT
 
Luận văn: Các chủ thể tiến hành tố tụng trong Luật hình sự, HAY
Luận văn: Các chủ thể tiến hành tố tụng trong Luật hình sự, HAYLuận văn: Các chủ thể tiến hành tố tụng trong Luật hình sự, HAY
Luận văn: Các chủ thể tiến hành tố tụng trong Luật hình sự, HAY
 
Luận Văn Thạc Sĩ Cưỡng Chế Thi Hành Án Dân Sự Trên Địa Bàn Huyện Krông Nô
Luận Văn Thạc Sĩ Cưỡng Chế Thi Hành Án Dân Sự Trên Địa Bàn Huyện Krông NôLuận Văn Thạc Sĩ Cưỡng Chế Thi Hành Án Dân Sự Trên Địa Bàn Huyện Krông Nô
Luận Văn Thạc Sĩ Cưỡng Chế Thi Hành Án Dân Sự Trên Địa Bàn Huyện Krông Nô
 
Luận văn: Tái thẩm trong tố tụng dân sự Việt Nam, HOT, HAY
Luận văn: Tái thẩm trong tố tụng dân sự Việt Nam, HOT, HAYLuận văn: Tái thẩm trong tố tụng dân sự Việt Nam, HOT, HAY
Luận văn: Tái thẩm trong tố tụng dân sự Việt Nam, HOT, HAY
 
Luận án: Thực hiện pháp luật về cưỡng chế thi hành án dân sự
Luận án: Thực hiện pháp luật về cưỡng chế thi hành án dân sựLuận án: Thực hiện pháp luật về cưỡng chế thi hành án dân sự
Luận án: Thực hiện pháp luật về cưỡng chế thi hành án dân sự
 
Luận án: Pháp luật về cưỡng chế thi hành án dân sự ở Việt Nam
Luận án: Pháp luật về cưỡng chế thi hành án dân sự ở Việt NamLuận án: Pháp luật về cưỡng chế thi hành án dân sự ở Việt Nam
Luận án: Pháp luật về cưỡng chế thi hành án dân sự ở Việt Nam
 
Đề tài: Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong điều tra, HAY
Đề tài: Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong điều tra, HAYĐề tài: Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong điều tra, HAY
Đề tài: Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong điều tra, HAY
 
BÁO CÁO THỰC TẬP TẠI CHI CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ >> TẢI MIỄN PHÍ ZALO: 0777.14...
BÁO CÁO THỰC TẬP TẠI CHI CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ >> TẢI MIỄN PHÍ ZALO: 0777.14...BÁO CÁO THỰC TẬP TẠI CHI CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ >> TẢI MIỄN PHÍ ZALO: 0777.14...
BÁO CÁO THỰC TẬP TẠI CHI CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ >> TẢI MIỄN PHÍ ZALO: 0777.14...
 
Đề tài: Biện pháp điều tra khám xét theo luật tố tụng hình sự
Đề tài: Biện pháp điều tra khám xét theo luật tố tụng hình sựĐề tài: Biện pháp điều tra khám xét theo luật tố tụng hình sự
Đề tài: Biện pháp điều tra khám xét theo luật tố tụng hình sự
 
Luận Văn Thạc Sĩ Cưỡng Chế Thi Hành Án Dân Sự Trên Địa Bàn Huyện Krông Nô
Luận Văn Thạc Sĩ Cưỡng Chế Thi Hành Án Dân Sự Trên Địa Bàn Huyện Krông NôLuận Văn Thạc Sĩ Cưỡng Chế Thi Hành Án Dân Sự Trên Địa Bàn Huyện Krông Nô
Luận Văn Thạc Sĩ Cưỡng Chế Thi Hành Án Dân Sự Trên Địa Bàn Huyện Krông Nô
 
Luận văn: Địa vị pháp lý của Thẩm tra viên thi hành án dân sự
Luận văn: Địa vị pháp lý của Thẩm tra viên thi hành án dân sựLuận văn: Địa vị pháp lý của Thẩm tra viên thi hành án dân sự
Luận văn: Địa vị pháp lý của Thẩm tra viên thi hành án dân sự
 
Luận Văn Thạc Sĩ Cưỡng Chế Thi Hành Án Dân Sự Trên Địa Bàn Huyện Krông Nô
Luận Văn Thạc Sĩ Cưỡng Chế Thi Hành Án Dân Sự Trên Địa Bàn Huyện Krông NôLuận Văn Thạc Sĩ Cưỡng Chế Thi Hành Án Dân Sự Trên Địa Bàn Huyện Krông Nô
Luận Văn Thạc Sĩ Cưỡng Chế Thi Hành Án Dân Sự Trên Địa Bàn Huyện Krông Nô
 
Luận văn: Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự
Luận văn: Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sựLuận văn: Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự
Luận văn: Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự
 
Luận văn: Cưỡng chế thi hành nghĩa vụ trả tiền theo pháp luật, 9đ
Luận văn: Cưỡng chế thi hành nghĩa vụ trả tiền theo pháp luật, 9đLuận văn: Cưỡng chế thi hành nghĩa vụ trả tiền theo pháp luật, 9đ
Luận văn: Cưỡng chế thi hành nghĩa vụ trả tiền theo pháp luật, 9đ
 
Đổi mới hoạt động ban hành và giám sát thực hiện nghị quyết của QH
Đổi mới hoạt động ban hành và giám sát thực hiện nghị quyết của QHĐổi mới hoạt động ban hành và giám sát thực hiện nghị quyết của QH
Đổi mới hoạt động ban hành và giám sát thực hiện nghị quyết của QH
 
Đề tài: Đổi mới hoạt động ban hành thực hiện nghị quyết quốc hội
Đề tài: Đổi mới hoạt động ban hành thực hiện nghị quyết quốc hộiĐề tài: Đổi mới hoạt động ban hành thực hiện nghị quyết quốc hội
Đề tài: Đổi mới hoạt động ban hành thực hiện nghị quyết quốc hội
 
Đề tài: Chức năng thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát
Đề tài: Chức năng thực hành quyền công tố của Viện kiểm sátĐề tài: Chức năng thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát
Đề tài: Chức năng thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát
 

More from Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562

More from Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562 (20)

Nghiên Cứu Thu Nhận Pectin Từ Một Số Nguồn Thực Vật Và Sản Xuất Màng Pectin S...
Nghiên Cứu Thu Nhận Pectin Từ Một Số Nguồn Thực Vật Và Sản Xuất Màng Pectin S...Nghiên Cứu Thu Nhận Pectin Từ Một Số Nguồn Thực Vật Và Sản Xuất Màng Pectin S...
Nghiên Cứu Thu Nhận Pectin Từ Một Số Nguồn Thực Vật Và Sản Xuất Màng Pectin S...
 
Phát Triển Cho Vay Hộ Kinh Doanh Tại Ngân Hàng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông...
Phát Triển Cho Vay Hộ Kinh Doanh Tại Ngân Hàng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông...Phát Triển Cho Vay Hộ Kinh Doanh Tại Ngân Hàng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông...
Phát Triển Cho Vay Hộ Kinh Doanh Tại Ngân Hàng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông...
 
Nghiên Cứu Nhiễu Loạn Điện Áp Trong Lưới Điện Phân Phối.doc
Nghiên Cứu Nhiễu Loạn Điện Áp Trong Lưới Điện Phân Phối.docNghiên Cứu Nhiễu Loạn Điện Áp Trong Lưới Điện Phân Phối.doc
Nghiên Cứu Nhiễu Loạn Điện Áp Trong Lưới Điện Phân Phối.doc
 
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Kết Quả Kinh Doanh Của Các Công Ty Ngành...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Kết Quả Kinh Doanh Của Các Công Ty Ngành...Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Kết Quả Kinh Doanh Của Các Công Ty Ngành...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Kết Quả Kinh Doanh Của Các Công Ty Ngành...
 
Xây Dựng Công Cụ Sinh Dữ Liệu Thử Tự Động Cho Chương Trình Java.doc
Xây Dựng Công Cụ Sinh Dữ Liệu Thử Tự Động Cho Chương Trình Java.docXây Dựng Công Cụ Sinh Dữ Liệu Thử Tự Động Cho Chương Trình Java.doc
Xây Dựng Công Cụ Sinh Dữ Liệu Thử Tự Động Cho Chương Trình Java.doc
 
Phát Triển Công Nghiệp Huyện Điện Bàn Tỉnh Quảng Nam.doc
Phát Triển Công Nghiệp Huyện Điện Bàn Tỉnh Quảng Nam.docPhát Triển Công Nghiệp Huyện Điện Bàn Tỉnh Quảng Nam.doc
Phát Triển Công Nghiệp Huyện Điện Bàn Tỉnh Quảng Nam.doc
 
Phát Triển Kinh Tế Hộ Nông Dân Trên Địa Bàn Huyện Quảng Ninh, Tỉnh Quảng Bình...
Phát Triển Kinh Tế Hộ Nông Dân Trên Địa Bàn Huyện Quảng Ninh, Tỉnh Quảng Bình...Phát Triển Kinh Tế Hộ Nông Dân Trên Địa Bàn Huyện Quảng Ninh, Tỉnh Quảng Bình...
Phát Triển Kinh Tế Hộ Nông Dân Trên Địa Bàn Huyện Quảng Ninh, Tỉnh Quảng Bình...
 
Vận Dụng Mô Hình Hồi Quy Ngưỡng Trong Nghiên Cứu Tác Động Của Nợ Lên Giá Trị ...
Vận Dụng Mô Hình Hồi Quy Ngưỡng Trong Nghiên Cứu Tác Động Của Nợ Lên Giá Trị ...Vận Dụng Mô Hình Hồi Quy Ngưỡng Trong Nghiên Cứu Tác Động Của Nợ Lên Giá Trị ...
Vận Dụng Mô Hình Hồi Quy Ngưỡng Trong Nghiên Cứu Tác Động Của Nợ Lên Giá Trị ...
 
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Cấu Trúc Vốn Của Doanh Nghiệp Ngành Hàng...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Cấu Trúc Vốn Của Doanh Nghiệp Ngành Hàng...Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Cấu Trúc Vốn Của Doanh Nghiệp Ngành Hàng...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Cấu Trúc Vốn Của Doanh Nghiệp Ngành Hàng...
 
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Hiệu Quả Kinh Doanh Của Các Doanh Nghiệp...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Hiệu Quả Kinh Doanh Của Các Doanh Nghiệp...Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Hiệu Quả Kinh Doanh Của Các Doanh Nghiệp...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Hiệu Quả Kinh Doanh Của Các Doanh Nghiệp...
 
Hoàn Thiện Công Tác Thẩm Định Giá Tài Sản Bảo Đảm Trong Hoạt Động Cho Vay Tại...
Hoàn Thiện Công Tác Thẩm Định Giá Tài Sản Bảo Đảm Trong Hoạt Động Cho Vay Tại...Hoàn Thiện Công Tác Thẩm Định Giá Tài Sản Bảo Đảm Trong Hoạt Động Cho Vay Tại...
Hoàn Thiện Công Tác Thẩm Định Giá Tài Sản Bảo Đảm Trong Hoạt Động Cho Vay Tại...
 
Biện Pháp Quản Lý Xây Dựng Ngân Hàng Câu Hỏi Kiểm Tra Đánh Giá Kết Quả Học Tậ...
Biện Pháp Quản Lý Xây Dựng Ngân Hàng Câu Hỏi Kiểm Tra Đánh Giá Kết Quả Học Tậ...Biện Pháp Quản Lý Xây Dựng Ngân Hàng Câu Hỏi Kiểm Tra Đánh Giá Kết Quả Học Tậ...
Biện Pháp Quản Lý Xây Dựng Ngân Hàng Câu Hỏi Kiểm Tra Đánh Giá Kết Quả Học Tậ...
 
Hoàn Thiện Công Tác Huy Động Vốn Tại Ngân Hàng Tmcp Công Thương Việt Nam Chi ...
Hoàn Thiện Công Tác Huy Động Vốn Tại Ngân Hàng Tmcp Công Thương Việt Nam Chi ...Hoàn Thiện Công Tác Huy Động Vốn Tại Ngân Hàng Tmcp Công Thương Việt Nam Chi ...
Hoàn Thiện Công Tác Huy Động Vốn Tại Ngân Hàng Tmcp Công Thương Việt Nam Chi ...
 
Ánh Xạ Đóng Trong Không Gian Mêtric Suy Rộng.doc
Ánh Xạ Đóng Trong Không Gian Mêtric Suy Rộng.docÁnh Xạ Đóng Trong Không Gian Mêtric Suy Rộng.doc
Ánh Xạ Đóng Trong Không Gian Mêtric Suy Rộng.doc
 
Giải Pháp Hạn Chế Nợ Xấu Đối Với Khách Hàng Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương...
Giải Pháp Hạn Chế Nợ Xấu Đối Với Khách Hàng Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương...Giải Pháp Hạn Chế Nợ Xấu Đối Với Khách Hàng Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương...
Giải Pháp Hạn Chế Nợ Xấu Đối Với Khách Hàng Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương...
 
Hoàn Thiện Công Tác Đào Tạo Đội Ngũ Cán Bộ Công Chức Phường Trên Địa Bàn Quận...
Hoàn Thiện Công Tác Đào Tạo Đội Ngũ Cán Bộ Công Chức Phường Trên Địa Bàn Quận...Hoàn Thiện Công Tác Đào Tạo Đội Ngũ Cán Bộ Công Chức Phường Trên Địa Bàn Quận...
Hoàn Thiện Công Tác Đào Tạo Đội Ngũ Cán Bộ Công Chức Phường Trên Địa Bàn Quận...
 
Giải Pháp Marketing Cho Dịch Vụ Ngân Hàng Điện Tử Tại Ngân Hàng Tmcp Hàng Hải...
Giải Pháp Marketing Cho Dịch Vụ Ngân Hàng Điện Tử Tại Ngân Hàng Tmcp Hàng Hải...Giải Pháp Marketing Cho Dịch Vụ Ngân Hàng Điện Tử Tại Ngân Hàng Tmcp Hàng Hải...
Giải Pháp Marketing Cho Dịch Vụ Ngân Hàng Điện Tử Tại Ngân Hàng Tmcp Hàng Hải...
 
Biện Pháp Quản Lý Công Tác Tự Đánh Giá Trong Kiểm Định Chất Lượng Giáo Dục Cá...
Biện Pháp Quản Lý Công Tác Tự Đánh Giá Trong Kiểm Định Chất Lượng Giáo Dục Cá...Biện Pháp Quản Lý Công Tác Tự Đánh Giá Trong Kiểm Định Chất Lượng Giáo Dục Cá...
Biện Pháp Quản Lý Công Tác Tự Đánh Giá Trong Kiểm Định Chất Lượng Giáo Dục Cá...
 
Kiểm Soát Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngành Xây Dựng Tại Nhtmcp Công Thương...
Kiểm Soát Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngành Xây Dựng Tại Nhtmcp Công Thương...Kiểm Soát Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngành Xây Dựng Tại Nhtmcp Công Thương...
Kiểm Soát Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngành Xây Dựng Tại Nhtmcp Công Thương...
 
Diễn Ngôn Lịch Sử Trong Biên Bản Chiến Tranh 1-2 -3- 4.75 Của Trần Mai Hạnh.doc
Diễn Ngôn Lịch Sử Trong Biên Bản Chiến Tranh 1-2 -3- 4.75 Của Trần Mai Hạnh.docDiễn Ngôn Lịch Sử Trong Biên Bản Chiến Tranh 1-2 -3- 4.75 Của Trần Mai Hạnh.doc
Diễn Ngôn Lịch Sử Trong Biên Bản Chiến Tranh 1-2 -3- 4.75 Của Trần Mai Hạnh.doc
 

Recently uploaded

Tẩy trắng răng - dental bleaching slideshare
Tẩy trắng răng - dental bleaching slideshareTẩy trắng răng - dental bleaching slideshare
Tẩy trắng răng - dental bleaching slideshare
HuyBo25
 

Recently uploaded (20)

Báo cáo thực tập tốt nghiệp Kế toán tiền mặt tại Công ty trách nhiệm hữu hạn ...
Báo cáo thực tập tốt nghiệp Kế toán tiền mặt tại Công ty trách nhiệm hữu hạn ...Báo cáo thực tập tốt nghiệp Kế toán tiền mặt tại Công ty trách nhiệm hữu hạn ...
Báo cáo thực tập tốt nghiệp Kế toán tiền mặt tại Công ty trách nhiệm hữu hạn ...
 
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 21-30)...
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 21-30)...40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 21-30)...
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 21-30)...
 
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 11 - CÁN...
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 11 - CÁN...ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 11 - CÁN...
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 11 - CÁN...
 
TIỂU LUẬN MÔN PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
TIỂU LUẬN MÔN PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU KHOA HỌCTIỂU LUẬN MÔN PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
TIỂU LUẬN MÔN PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
 
TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT TOÁN 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, TRƯỜNG...
TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT TOÁN 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, TRƯỜNG...TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT TOÁN 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, TRƯỜNG...
TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT TOÁN 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, TRƯỜNG...
 
Tẩy trắng răng - dental bleaching slideshare
Tẩy trắng răng - dental bleaching slideshareTẩy trắng răng - dental bleaching slideshare
Tẩy trắng răng - dental bleaching slideshare
 
PHIẾU KHẢO SÁT MỨC ĐỘ HÀI LÒNG VỀ CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN HÀNG KHÁCH BẰ...
PHIẾU KHẢO SÁT MỨC ĐỘ HÀI LÒNG VỀ CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN HÀNG KHÁCH BẰ...PHIẾU KHẢO SÁT MỨC ĐỘ HÀI LÒNG VỀ CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN HÀNG KHÁCH BẰ...
PHIẾU KHẢO SÁT MỨC ĐỘ HÀI LÒNG VỀ CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ VẬN CHUYỂN HÀNG KHÁCH BẰ...
 
Tiểu luận triết học_Nguyễn Gia Nghi_QHCCCLC_11230120.pdf
Tiểu luận triết học_Nguyễn Gia Nghi_QHCCCLC_11230120.pdfTiểu luận triết học_Nguyễn Gia Nghi_QHCCCLC_11230120.pdf
Tiểu luận triết học_Nguyễn Gia Nghi_QHCCCLC_11230120.pdf
 
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá rủi ro môi trường từ ô nhiễm hữu cơ nước thải các...
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá rủi ro môi trường từ ô nhiễm hữu cơ nước thải các...Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá rủi ro môi trường từ ô nhiễm hữu cơ nước thải các...
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá rủi ro môi trường từ ô nhiễm hữu cơ nước thải các...
 
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 31-39)...
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 31-39)...40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 31-39)...
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 31-39)...
 
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 1-20) ...
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 1-20) ...40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 1-20) ...
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 1-20) ...
 
Đào tạo, bồi dưỡng phát triển viên chức Đài Truyền hình Việt Nam
Đào tạo, bồi dưỡng phát triển viên chức Đài Truyền hình Việt NamĐào tạo, bồi dưỡng phát triển viên chức Đài Truyền hình Việt Nam
Đào tạo, bồi dưỡng phát triển viên chức Đài Truyền hình Việt Nam
 
Nhân vật người mang lốt cóc trong truyện cổ tích thần kỳ Việt Nam
Nhân vật người mang lốt cóc trong truyện cổ tích thần kỳ Việt NamNhân vật người mang lốt cóc trong truyện cổ tích thần kỳ Việt Nam
Nhân vật người mang lốt cóc trong truyện cổ tích thần kỳ Việt Nam
 
NHẬN XÉT LUẬN VĂN THẠC SĨ: Các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của n...
NHẬN XÉT LUẬN VĂN THẠC SĨ: Các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của n...NHẬN XÉT LUẬN VĂN THẠC SĨ: Các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của n...
NHẬN XÉT LUẬN VĂN THẠC SĨ: Các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của n...
 
Hoàn thiện hoạt động kiểm soát rủi ro tín dụng trong cho vay doanh nghiệp tại...
Hoàn thiện hoạt động kiểm soát rủi ro tín dụng trong cho vay doanh nghiệp tại...Hoàn thiện hoạt động kiểm soát rủi ro tín dụng trong cho vay doanh nghiệp tại...
Hoàn thiện hoạt động kiểm soát rủi ro tín dụng trong cho vay doanh nghiệp tại...
 
35 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM ...
35 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM ...35 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM ...
35 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM ...
 
Trích dẫn theo Harvard với Microsoft Word
Trích dẫn theo Harvard với Microsoft WordTrích dẫn theo Harvard với Microsoft Word
Trích dẫn theo Harvard với Microsoft Word
 
NGÂN HÀNG KĨ THUẬT SỐ-slide CHƯƠNG 1 B 1 2024.pptx
NGÂN HÀNG KĨ THUẬT SỐ-slide CHƯƠNG 1 B 1 2024.pptxNGÂN HÀNG KĨ THUẬT SỐ-slide CHƯƠNG 1 B 1 2024.pptx
NGÂN HÀNG KĨ THUẬT SỐ-slide CHƯƠNG 1 B 1 2024.pptx
 
Báo cáo bài tập lớn E - Marketing Xây dựng kế hoạch marketing điện tử cho nhã...
Báo cáo bài tập lớn E - Marketing Xây dựng kế hoạch marketing điện tử cho nhã...Báo cáo bài tập lớn E - Marketing Xây dựng kế hoạch marketing điện tử cho nhã...
Báo cáo bài tập lớn E - Marketing Xây dựng kế hoạch marketing điện tử cho nhã...
 
22 ĐỀ THI THỬ TUYỂN SINH TIẾNG ANH VÀO 10 SỞ GD – ĐT THÁI BÌNH NĂM HỌC 2023-2...
22 ĐỀ THI THỬ TUYỂN SINH TIẾNG ANH VÀO 10 SỞ GD – ĐT THÁI BÌNH NĂM HỌC 2023-2...22 ĐỀ THI THỬ TUYỂN SINH TIẾNG ANH VÀO 10 SỞ GD – ĐT THÁI BÌNH NĂM HỌC 2023-2...
22 ĐỀ THI THỬ TUYỂN SINH TIẾNG ANH VÀO 10 SỞ GD – ĐT THÁI BÌNH NĂM HỌC 2023-2...
 

Luận án: Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, HAY

  • 1. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI NGUYỄN XUÂN THỦY KẾT LUẬN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VIỆT NAM: LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN Ngành: Luật Hiến pháp và Luật Hành chính Mã số: 09 38 01 02 LUẬN ÁN TIẾN SĨ LUẬT HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS. Nguyễn Minh Mẫn HÀ NỘI - 2019
  • 2. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu độc lập của riêng tôi. Các kết quả nghiên cứu trong luận án là trung thực và chưa được công bố trong các công trình khoa học khác. TÁC GIẢ LUẬN ÁN Nguyễn Xuân Thủy
  • 3. MỤC LỤC MỞ ĐẦU ........................................................................................................................ 1 CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ GIÁM SÁT VÀ KẾT LUẬN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI ............................................................... 6 1.1. Tình hình nghiên cứu trong nước............................................................................. 6 1.2. Tình hình nghiên cứu quốc tế................................................................................... 18 1.3. Đánh giá chung về tình hình, kết quả nghiên cứu liên quan đến luận án và những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu................................................................ 22 1.4 Câu hỏi nghiên cứu, lý thuyết nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu...................... 25 CHƯƠNG 2: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ KẾT LUẬN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VIỆT NAM............................................................................................. 27 2.1. Khái niệm, đặc điểm, vai trò kết luận giám sát của Quốc hội ............................... 27 2.2. Chủ thể, nội dung, hình thức và giá trị pháp lý kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam ....................................................................................................................... 41 2.3. Các điều kiện đảm bảo hiệu lực, hiệu quả kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam............................................................................................................................... 56 CHƯƠNG 3: THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VÀ VIỆC THỰC HIỆN KẾT LUẬN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI....................................................................... 74 3.1. Thực trạng quy định pháp luật về ban hành và thực hiện kết luận giám sát của Quốc hội........................................................................................................................ 74 3.2. Thực trạng việc ban hành kết luận giám sát của Quốc hội .................................... 81 3.3. Thực trạng việc thực hiện kết luận giám sát của Quốc hội.................................... 91 3.4. Đánh giá chung về việc ban hành và thực hiện kết luận giám sát của Quốc hội... 96 CHƯƠNG 4: QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ THI HÀNH KẾT LUẬN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VIỆT NAM.......108 4.1. Quan điểm về nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thi hành kết luận giám sát của Quốc hội. ....................................................................................................................108 4.2. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thi hành các kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam hiện nay..................................................................119 KẾT LUẬN................................................................................................................151 DANH MỤC CÔNG TRÌNH CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ....................................152 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO.................................................................153
  • 4. DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT QH Quốc hội UBTVQH Ủy ban thường vụ Quốc hội HĐND Hội đồng nhân dân UBND Ủy ban nhân dân ĐBQH Đại biểu Quốc hội CHLB Cộng hòa liên bang HĐDT Hội đồng dân tộc TAND Tòa án nhân dân VKSND Viện kiểm sát nhân dân VBPL Văn bản pháp luật NCS Nghiên cứu sinh UB Ủy ban QPPL Quy phạm pháp luật HĐGS Hoạt động giám sát UBQH Ủy ban Quốc hội
  • 5. DANH MỤC CÁC BẢNG BIỂU Bảng 1: Mức độ hài lòng của người dân về một số hoạt động giám sát của Quốc hội.62 Bảng 2: Thời gian tại kỳ họp của Quốc hội dành cho hoạt động giám sát (2009- 2015).............................................................................................................................. 96 Bảng 3: Hoạt động giám sát của HĐDT và các Ủy ban của Quốc hội (2009-2015).... 98
  • 6. 1 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Trong thời gian qua, hoạt động giám sát và thực hiện các kết luận giám sát của Quốc hội dựa trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 1992, Luật tổ chức Quốc hội, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; mới đây Quốc hội đã ban hành hàng loạt các văn bản pháp luật mới về hoạt động giám sát như: Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015,... và nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành khác nhau trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Các văn bản quy phạm pháp luật này được ban hành nhằm thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Hiến pháp năm 2013 và các nghị quyết của Đảng về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước trong thời kỳ đổi mới và trên thực tế đã phát huy tác dụng, khẳng định vị trí, vai trò của giám sát và kết luận giám sát của Quốc hội nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, tinh thần, trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức khi thi hành nhiệm vụ, công vụ. Trên thực tế việc thực hiện pháp luật về giám sát và thực hiện các kết luận giám sát của Quốc hội đã đạt được nhiều thành tựu. Qua giám sát và kết luận giám sát đã đưa ra nhiều kiến nghị đóng góp vào hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp; góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách và quản lý điều hành kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, được dư luận và nhân dân đồng tình, ủng hộ, quan tâm, đánh giá cao, qua đó góp phần nâng cao vai trò, uy tín, chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là hoạt động giám sát của Quốc hội. Bên cạnh đó, thực tiễn thi hành pháp luật về giám sát và kết luận giám sát của Quốc hội cũng bộc lộ những mặt hạn chế, bất cập, cụ thể như: Một là, hệ thống pháp luật về giám sát và kết luận giám sát của Quốc hội còn được quy định trong nhiều văn bản khác nhau; một số quy định về nội dung, hình thức kết luận giám sát còn trùng lặp, chưa rõ ràng, cụ thể; về trình tự, thủ tục chưa có các biện pháp pháp lý hữu hiệu để thực hiện các kết luận giám sát này. Phạm vi giám sát của Quốc hội quá rộng với nhiều chủ thể, nhiều hình thức giám sát, nhưng lại chưa phân định rõ về thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi chủ thể với từng đối tượng chịu sự giám sát, từng hình thức kết luận giám sát, cũng như sự phối hợp giữa các chủ thể giám sát dẫn tới sự chồng chéo trong thực hiện các kết luận giám sát của Quốc hội; thậm chí một số hình thức giám sát chưa bao giờ được thực hiện trên thực tế, hoặc thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao.
  • 7. 2 Hai là, nhiều quy định pháp luật về hình thức kết luận giám sát và giá trị pháp lý kết luận giám sát của Quốc hội chưa được thực thi hoặc tính khả thi còn thấp, như quy định về việc Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; quy định Quốc hội thành lập Uỷ ban lâm thời để điều tra về một vấn đề nhất định để đảm bảo tính khả thi và chính xác của kết luận giám sát; quy định Quốc hội xem xét báo cáo của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; hoạt động giám sát văn bản pháp luật chưa được thực hiện thường xuyên, chưa mang lại hiệu lực, hiệu quả cao; chưa có biện pháp hữu hiệu để theo dõi, kiểm tra việc tiếp thu, giải quyết các kết luận sau giám sát. Ba là, các điều kiện bảo đảm cho hoạt động giám sát và thực hiện các kết luận giám sát của Quốc hội như: cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực, bộ máy giúp việc… chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động giám sát và đảm bảo thực thi các kết luận giám sát; Và giá trị pháp lý của các hình thức kết luận giám sát chưa được quy định một cách cụ thể, chi tiết, gây không ít khó khăn trong việc thực hiện các kết luận giám sát, không quy định trách nhiệm pháp lý khi các đối tượng bị giám sát không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các kết luận giám sát của Quốc hội. Hoạt động giám sát không chỉ tính đến kết quả có bao nhiêu nội dung được giám sát, bao nhiêu hình thức giám sát được sử dụng mà phải tính đến việc sử dụng các hình thức giám sát đó một cách khoa học và hiệu quả như thế nào, quy trình, thủ tục giám sát có đảm bảo tính khách quan, chặt chẽ, công khai mà nó còn phải được luật hóa, mà quan trọng hơn cả đó là việc thực hiện các kết luận giám sát đó như thế nào? Với vị trí công tác của mình và những lý do nêu trên tôi đã lựa chọn đề tài luận án của mình là: “Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam: lý luận và thực tiễn” để làm đề tài luận án nghiên cứu sinh chuyên ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính, đồng thời qua đó cũng góp phần giải quyết một vấn đề lớn còn nhiều vướng mắc, khó khăn trong việc tổ chức thực hiện hệ thống pháp luật về giám sát và việc thực thi kết luận giám sát của Quốc hội trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án - Mục đích nghiên cứu của luận án là làm sáng tỏ cơ sở lý luận và thực tiễn về kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam. Trên cơ sở đó, Luận án đưa ra những quan điểm, định hướng, kiến nghị và một số giải pháp nhằm tăng cường việc thực hiện, thực thi các kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam trong thời gian tới. - Nhiệm vụ nghiên cứu của luận án:
  • 8. 3 Một là, làm rõ những vấn đề lý luận về kết luận giám sát của Quốc hội. Qua đó, giải quyết một số nội dung: Khái niệm, đặc điểm, vai trò, nội dung hình thức, các yếu tố, điều kiện đảm bảo thực thi kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam; Hai là, phân tích, đánh giá thực trạng việc ban hành, tổ chức thực thi và các quy định của pháp luật về kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam; Ba là, phân tích và làm rõ những kết quả làm được, những tồn tại hạn chế và nguyên nhân của tồn tại hạn chế trong quá trình tổ chức thực thi kết luận giám sát của Quốc hội; Bốn là, phân tích, làm rõ những quan điểm, định hướng và đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả và tính khả thi các kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án Đối tượng nghiên cứu - Những vấn đề lý luận và thực tiễn về kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam sẽ được làm rõ trong nghiên cứu này. - Các quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam về kết luận giám sát và các điều kiện đảm bảo thực thi kết luận giám sát của Quốc hội ở Việt Nam. Phạm vi nghiên cứu Để đáp ứng mục đích chính của đề tài là nghiên cứu về những vấn đề lý luận và thực tiễn về kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, Luận án sẽ chủ yếu tập trung phân tích, tìm hiểu và giải thích những nhận thức hiện tại về kết luận giám sát, các điều kiện đảm bảo thực thi kết luận giám sát của Quốc hội trong bối cảnh nước ta hiện nay. Luận án tập trung phân tích, đánh giá thực trạng pháp luật về giám sát và kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam (thông qua các chủ thể: Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đoàn Đại biểu Quốc hội, các vị Đại biểu Quốc hội); thời gian: nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, XIII đến nay. 4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án Phương pháp luận: Luận án sử dụng phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin; tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; pháp luật về Hiến pháp và luật hành chính; đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước làm nền tảng phương pháp luận để luận giải các vấn đề liên quan đến kết luận giám sát thuộc đề tài luận án. Ngoài ra, luận án còn sử dụng một số lý thuyết độc lập như lý luận về Nhà nước pháp quyền; quyền con người; lý thuyết quản trị Nhà nước, quản trị quốc gia; tâm lý học; …
  • 9. 4 Phương pháp nghiên cứu: Luận án sử dụng các phương pháp nghiên cứu cụ thể như: Phương pháp kế thừa; phương phân tích quy phạm; phương pháp hệ thống; phương pháp thống kê; phương pháp tổng hợp; phương pháp phân tích; phương pháp so sánh; phương pháp mô tả; phương pháp giải thích; phương pháp dự báo; phương pháp lịch sử; phương pháp quy nạp, diễn dịch; phương pháp nghiên cứu hồ sơ, phương pháp nghiên cứu đa ngành, liên ngành; …Trong quá trình hoàn thành luận án, các phương pháp này sẽ được kết hợp áp dụng cho phù hợp. 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án Luận án là công trình khoa học đầu tiên nghiên cứu toàn diện, có hệ thống về lý luận và thực tiễn các kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam hiện nay. Luận án có những đóng góp mới về khoa học như sau: Một là, xây dựng được Khái niệm, đặc điểm, vai trò, các điều kiện đảm bảo thực thi kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam; Hai là, làm rõ cơ sở pháp lý, giá trị pháp lý của kết luận giám sát Quốc hội Việt Nam; Ba là, xây dựng được một cách khoa học và tổng thể các yếu tố và các điều kiện bảo đảm thực thi kết luận giám sát của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. Bốn là, Phân tích và làm rõ thực trạng quy định của pháp luật và thực trạng việc thực thi các kết luận giám sát của Quốc hội; Kết quả đạt được, tồn tại hạn chế, nguyên nhân của tồn tại hạn chế trong việc thực tổ chức thực thi các kết luận giám sát này; Năm là, làm rõ thêm một số vấn đề lý luận và thực tiễn về quan điểm và định hướng hoàn thiện pháp luật về giám sát và kết luận giám sát; Qua đó đưa ra nhóm các giải pháp nhằm nâng cao việc thực thi các kết luận giám sát của Quốc hội. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án a. Ý nghĩa lý luận của luận án - Làm rõ vấn đề lý luận: Khái niệm, đặc điểm, vai trò kết luận giám sát của Quốc hội; làm rõ phương thức, hình thức và các điều kiện đảm bảo thực thi các kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam trong thể chế chính trị một Đảng duy nhất lãnh đạo và cầm quyền ở nước ta. - Phân tích làm rõ cơ sở lý luận và cơ sở pháp lý về chức năng giám sát; pháp luật về giám sát và kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, xác định rõ về nội dung, đối tượng, hình thức thực hiện và giá trị pháp lý kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam. b. Ý nghĩa thực tiễn của luận án
  • 10. 5 - Nghiên cứu so sánh quy định của pháp luật và hoạt động giám sát của Nghị viện một số nước trên thế giới và Việt Nam để rút ra kinh nghiệm và có thể là bài học cho Quốc hội Việt Nam. - Phân tích, đánh giá thực trạng pháp luật về giám sát, hoạt động giám sát và thực hiện các kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam từ đó, đề xuất các phương hướng và giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát và việc thực thi các kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam hiện nay; đề xuất, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các quy định của pháp luật về giám sát; đề xuất thay đổi, cải cách các điều kiện bảo đảm thi hành các kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, cụ thể: - Xây dựng đường lối, chính sách: Đề tài xác lập cơ sở khoa học cho việc triển khai thi hành văn bản luật có liên quan, ví dụ như: Luật Tổ chức Quốc hội 2015, Luật tổ chức hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015...; là cơ sở khoa học góp phần phục vụ công tác xây dựng pháp luật về giám sát; đồng thời hoàn thiện cơ sở pháp lý của việc thực hiện pháp luật giám sát ở nước ta. - Với các nhóm giải pháp cụ thể được đưa ra trên cơ sở nghiên cứu lý luận và phân tích thực trạng pháp luật về giám sát và việc tổ chức, thực hiện pháp luật giám sát và kết luận giám sát, luận án sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà xây dựng pháp luật, nhà quản lý giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác tổ chức thực hiện kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. - Luận án hoàn thành sẽ là cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn giúp cho các cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Quốc hội, Chính phủ) sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật phù hợp với thực tiễn, mang lại hiệu quả, hiệu lực cao trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan Nhà nước, nâng cao địa vị pháp lý và quyền lực thực sự của Quốc hội Việt Nam. 7. Kết cấu của luận án Kết cấu của luận án: Ngoài phần Mở đầu thì luận án bao gồm 4 chương, cụ thể như sau: Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU Chương 2: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ KẾT LUẬN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VIỆT NAM Chương 3: THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VÀ VIỆC THỰC HIỆN KẾT LUẬN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VIỆT NAM Chương 4: QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ THI HÀNH CÁC KẾT LUẬN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI
  • 11. 6 CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ GIÁM SÁT VÀ KẾT LUẬN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI 1.1. Tình hình nghiên cứu trong nước 1.1.1. Tình hình nghiên cứu những vấn đề lý luận về kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam Có thể nói, nghiên cứu những vấn đề lý luận về kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam được một số nhà khoa học, tác giả là những nhà chính trị, nhà nghiên cứu pháp luật, nhà quản lý, các vị Đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu quan phục vụ hoạt động của Quốc hội nghiên cứu, cụ thể như: Đề tài trọng điểm cấp Bộ “Cơ sở lý luận và thực tiễn về vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị Việt Nam (qua 4 bản Hiến pháp)” do TS. Ngô Đức Mạnh chủ trì (2002). Đề tài tập trung nghiên cứu cơ sở lí luận và thực tiễn về tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước ở nước ta; vị trí, vai trò của Quốc hội trong tổ chức bộ máy nhà nước; Làm rõ đặc điểm của Quốc hội với tính chất là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân và là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Đề tài cấp Bộ “Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội khóa XII” do GS.TS Trần Ngọc Đường làm chủ nhiệm (2009) và Đề tài cấp Bộ “Tổ chức và hoạt động của Quốc hội khóa XII và phương hướng đổi mới tổ chức và hoạt động khóa XIII” do TS. Đinh Xuân Thảo chủ nhiệm (2011). Hai đề tài này đều tập trung phân tích các khía cạnh lý luận và thực tiễn về tổ chức và hoạt động của Quốc hội/ Nghị viện. Bước đầu các tác giả đã đưa ra một số quan niệm về giám sát và kết luận giám sát của Quốc hội ở nước ta. Đề tài cấp bộ: “Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng và hoàn thiện quy định của pháp luật về hoạt động báo cáo, giải trình tại Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội ở nước ta hiện nay”, (2014), do TS Đinh Xuân Thảo làm Chủ nhiệm. Công trình này đã tập trung nghiên cứu về hình thức chất vấn, điều trần, hoạt động giám sát, những vấn đề lý luận của việc quy định thẩm quyền yêu cầu báo cáo, giải trình của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban; đánh giá, phân tích về hệ thống các quy định pháp luật giám sát về thẩm quyền yêu cầu báo cáo, giải trình tại Hội đồng, các Ủy ban; thực tiễn thực hiện hoạt động yêu cầu báo cáo, giải trình tại Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội nước ta trong những năm gần đây, coi đây là một hình
  • 12. 7 thức giám sát có hiệu quả, hiệu lực. Sách tham khảo, Quốc hội Việt Nam – Tổ chức, hoạt động và đổi mới, của PGS.TS. Phan Trung Lý, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, (2010). Cuốn sách trình bày tương đối toàn diện về vị trí, vai trò, tính chất và quá trình xây dựng, đổi mới của Quốc hội Việt Nam. Đặc biệt, cuốn sách xác định và luận giải cho một hệ thống giải pháp tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là hình thức, phương thức hoạt động giám sát của Quốc hội để đảm bảo quyền lực của nhân dân và phúc đáp nhu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. Sách chuyên khảo, “Giám sát và cơ chế giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay” do GS.TSKH. Đào Trí Úc và PGS.TS. Võ Khánh Vinh (chủ biên), NXB Công an nhân dân, Hà Nội (2003). Khi phân tích những vấn đề lý luận về giám sát và cơ chế giám sát, cuốn sách đã nêu khái niệm, các loại, các lĩnh vực, nội dung và hệ thống các cơ quan giám sát đối với tổ chức và hoạt động thực hiện quyền lực nhà nước, phân biệt giám sát nhà nước và giám sát xã hội. Luận án Tiến sĩ Luật học của tác giả Nguyễn Thúy Hoa tại Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về Quốc hội – cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân Việt Nam” (2015), đã nghiên cứu và làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn về Quốc hội Việt Nam. Mà tập trung làm rõ cơ sở lý luận về Quốc hội với tính chất là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân Việt Nam. Trong đó tác giả phân tích làm rõ những vấn đề lý luận về giám sát, quyền giám sát của Quốc hội Việt Nam. Những nghiên cứu này nhìn chung đã giải quyết được những vấn đề mang tính nguyên tắc của hoạt động giám sát, đó là khái niệm về giám sát, pháp luật giám sát, mục đích giám sát, chủ thể giám sát, mối quan hệ giữa chủ thể và đối tượng giám sát, công cụ, phương pháp và hình thức giám sát, hậu quả pháp lý hoạt động giám sát. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu trên vẫn chưa giải quyết được những vấn đề lý luận về kết luận giám sát của Quốc hội, cụ thể như: khái niệm, đặc điểm, vai trò, giá trị pháp lý và các chủ thể, hình thức kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam. 1.1.2. Tình hình nghiên cứu những vấn đề thực tiễn hoạt động và pháp luật về kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam Thực trạng pháp luật và thực hiện quyền giám sát, thực thi kết luận giám sát của Quốc hội là một trong những chủ đề được nhiều tác giả nghiên cứu, trong đó thường tập trung nghiên cứu pháp luật về giám sát và hoạt động giám sát của Quốc
  • 13. 8 hội là chính. Hàng loạt nghiên cứu của nhiều tác giả về giám sát và thực thi kết luận giám sát của Quốc hội đã được công bố, có thể kể đến các tác phẩm, công trình nghiên cứu sau: Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ do TS. Lê Như Tiến làm chủ nhiệm đề tài: “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội” (2009), đề tài cũng đã làm rõ thêm về hiệu quả giám sát của Quốc hội; pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội; thực trạng hoạt động giám sát của Quốc hội giai đoạn (2003- 2008); đề tài cũng đã đưa ra một số giải pháp, kiến nghị về đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội. Trong tất cả các nội dung, từ việc Quốc hội xem xét các báo cáo, giám sát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chất vấn, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đến việc thành lập Ủy ban lâm thời để điều tra về một vấn đề đều chứa đựng những nội dung chưa thật phù hợp với thực tiễn cần phải được sửa đổi, bổ sung hoặc hướng dẫn thực hiện. Cuốn sách: “Hoạt động giám sát của cơ quan dân cử ở Việt Nam, vấn đề và giải pháp” (2015), của Văn phòng Quốc hội phối hợp với Viện chính sách công và pháp luật, và được sự hỗ trợ kỹ thuật của Viện Rosa Luxemburg (Cộng hòa Liên bang Đức), do TS. Nguyên Sĩ Dũng và PGS.TS. Vũ Công Giao đồng chủ biên, Nhà xuất bản Hồng Đức. Cuốn sách đã nghiên cứu về một số vấn đề lý luận của hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, mà tập trung: Sự hình thành chức năng giám sát ở Nghị viện các nước trên thế giới, sự hình thành chức năng giám sát của cơ quan dân cử Việt Nam, đối tượng giám sát của Nghị viện trên thế giới và ở Việt Nam, các công cụ giám sát chính; Cuốn sách cũng phân tích và nghiên cứu thực trạng hoạt động giám sát của cơ quan dân cử Việt Nam, các tác giả cũng đưa ra một số công cụ giám sát mà Quốc hội Việt Nam chưa bao giờ sử dụng đến, xác định các tiêu chí đánh giá hiệu quả của hoạt động giám sát, thực trạng các điều kiện đảm bảo thực hiện hoạt động giám sát. Sách chuyên khảo, “Giám sát và cơ chế giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay” do GS.TSKH. Đào Trí Úc và PGS.TS. Võ Khánh Vinh (chủ biên), NXB Công an nhân dân, Hà Nội (2003). Công trình cũng đi sâu phân tích thực trạng giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đối với bộ máy nhà nước ở Việt Nam, các tác giả cũng chỉ ra một số tồn tại hạn chế và những nguyên nhân của tồn tại hạn chế trong việc thực hiện cơ chế giám sát quyền lực của Quốc hội Việt Nam.
  • 14. 9 Báo cáo nghiên cứu: “Hoàn thiện pháp luật về hoạt động chất vấn tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội” (2012), Dự án tăng cường năng lực của các cơ quan dân cử ở Việt Nam, do Văn phòng Quốc hội phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc thực hiện. Báo cáo này đưa ra một số vấn đề lý luận về hoạt động chất vấn giữa hai kỳ họp của Quốc hội; thực trạng hoạt động chất vấn tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội; đưa ra phương hướng và một số giải pháp, kiến nghị hoàn thiện pháp luật về hoạt động chất vấn tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội, trong đó muốn đảm bảo các chất vấn của Quốc hội được thực hiện nghiêm túc thì phải bổ sung, sửa đổi một số quy định của pháp luật hiện hành, ban hành các văn bản pháp luật mới để điều chỉnh và khắc phục những hạn chế của hoạt động chất vấn tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Cuốn sách: “Quốc hội Việt Nam 70 năm hình thành và phát triển 1946 – 2016”, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – sự thật, Hà Nội, năm 2015. Do TS. Uông Chu Lưu chỉ đạo biên soạn. Trong đó có một số bài viết đáng chú ý như: “Tích cực nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để đổi mới Quốc hội” (trang 28 - 32), của tác giả Nguyễn Phú Thanh; “Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội” (trang 38 - 40), của tác giả PGS.TS. Trần Thị Tâm Đan; “Về chức năng lập pháp và giám sát của Quốc hội” (trang 47 - 51), của tác giả Trần Đình Đàn; “Nhìn lại những thành tựu của Quốc hội Việt Nam trong 10 năm (2005-2015)” (trang 108 - 129), của GS.TS. Trần Ngọc Đường, trong đó, tác giả đã đánh giá về một số thành tựu và hạn chế trong hoạt động giám sát của Quốc hội 10 năm qua và một số kiến nghị (tại phần 3); “Tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội” (trang 207-222), của tác giả TS. Bùi Sĩ Lợi ... các bài viết tập trung nghiên cứu thực trạng hoạt động giám sát của Quốc hội trong 70 năm qua. Trong đó, các tác giả đã đưa ra một cách khái quát một số thực trạng cơ bản của việc thực hiện các kết luận giám sát của Quốc hội và giải pháp để thực hiện tốt các kết luận giám sát này. Báo cáo điều tra xã hội học về: Một số nội dung liên quan đến hoạt động hoạt động của Quốc hội khóa XIII – Văn phòng Quốc hội (2016). Đây là báo cáo điều tra xã hội học có chất lượng cao, chuyên phục vụ hoạt động nghiên cứu của Quốc hội và Đại biểu Quốc hội. Báo cáo đã đưa ra được một số nhận định thực tiễn hoạt động của Quốc hội; sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong hoạt động giám sát của Quốc hội; về hoạt động giám sát của Quốc hội, các đoàn Đại biểu quốc hội và Đại biểu quốc hội tại địa phương; về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội; về hoạt động lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm với những người do
  • 15. 10 Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; về chất lượng của các dự án luật được Quốc hội thông qua; về tính hợp lý của cơ cấu tổ chức Quốc hội. Báo cáo nghiên cứu đã cũng cấp những giá trị khoa học từ thực tiễn, là cơ sở quan trọng cho việc tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội trong thời gian tới. Báo cáo điều tra này cung cấp một số lượng lớn thông tin mang tính khoa học, thực tiễn rất cao về tình hình hoạt động giám sát của Quôc hội, các cơ quan của Quốc hội, ... trong việc thực hiện các hình thức của giám sát; đặc biệt là nêu được thực trạng hiệu lực, hiệu quả thi hành các kết luận giám sát của Quốc hội ở Việt Nam. Luận án Tiến sĩ Luật học của tác giả Nguyễn Thúy Hoa tại Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về Quốc hội – cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân Việt Nam” (2015), đã nghiên cứu và làm sáng tỏ những vấn đề thực trạng Quốc hội Việt Nam, trong đó tập trung vào quá trình hình thành và phát triển Quốc hội Việt Nam, thực trạng về cơ cấu tổ chức của Quốc hội, những đảm bảo cho Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân Việt Nam. Trong đó tác giả cũng đưa ra một số điều kiện đảm bảo thực thi các kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam. Luận án tiến sĩ Luật học của tác giả Phạm Văn Hùng – Văn phòng Quốc hội về “Giám sát của Quốc hội đối với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân” (2003) đề cập tới các vấn đề về cơ sở lý luận về quyền giám sát của Quốc hội với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân: khái niệm quyền giám sát của Quốc hội, điều kiện và ý nghĩa, vai trò của việc thực hiện quyền giám sát; luận án đề xuất giải pháp đổi mới thực hiện quyền giám sát trên các mặt: pháp luật, tổ chức thực hiện, tăng cường kiều kiện đảm bảo. Một trong những điểm mới là tác giả đi sâu giải quyết việc giám sát các vụ án như thế nào, phạm vi, mức độ và hậu quả pháp lý ra sao. Luận án tiến sĩ Luật học của tác giả Trương Thị Hồng Hà – Viện Nhà nước và Pháp luật – Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh về “Hoàn thiện cơ chế pháp lý đảm bảo chức năng giám sát của Quốc hội” (2008) giải quyết các nội dung: Cơ sở lý luận về cơ chế pháp lý đảm bảo chức năng giám sát của Quốc hội, tác giả nêu yếu tố tác động đến hiệu quả của cơ chế pháp lý đảm bảo chức năng giám sát của Quốc hội; đánh giá thực trạng vận hành của cơ chế pháp lý, trong đó đánh giá nguyên nhân hạn chế. Luận án Tiến sĩ Luật học của tác giả Trần Thị Tuyết Mai – Văn phòng Quốc hội về “Cơ sở lý luận và thực tiễn trong việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội Việt Nam” (2009) nghiên cứu một cách có hệ thống
  • 16. 11 những vấn đề lý luận về quyền giám sát tối cao của Quốc hội trong tổ chức quyền lực nhà nước; phân tích những nguyên nhân khách quan và chủ quan làm hạn chế hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội trong thực tiễn; luận án xác lập được tiêu chí khoa học làm cơ sở đánh giá hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội (gồm 4 tiêu chí đánh giá hiệu lực và 4 tiêu chí đánh giá hiệu quả). Luận án tiến sĩ Luật học của tác giả Trịnh Thị Xuyến về “Kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam hiện nay – vấn đề và giải pháp” (2007), cũng nghiên cứu về kiểm soát quyền lực của nhân dân, của cơ quan dân cử với bộ máy nhà nước nói chung và cơ quan hành pháp nói riêng. Mà trọng tâm trong việc kiểm sát quyền lực Nhà nước của Quốc hội là thông qua các hình thức, hoạt động giám sát của Quốc hội, như: chất vấn, trả lời chất vấn; xem xét các báo cáo của Chính phủ; kiểm soát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan hành pháp và tư pháp. Luận văn thạc sỹ Luật học của tác giả Nguyễn Hữu Lộc về “Nâng cao hiệu quả hoạt động giám tối cao của Quốc hội, hiệu quả giám sát của các cơ quan của Quốc hội” (2010), tại khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội. Luận văn làm sáng tỏ các vấn đề lý luận về giám sát, thẩm quyền giám sát tối cao của Quốc hội, phận biệt hoạt động giám với các hoạt động thanh tra, kiểm tra, các tiêu chí đánh giá và hậu quả pháp lý của hoạt động giám sát; Về thực tiễn, tác giả đã nghiên cứu các quy định của pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội; các phương thức thực hiện quyền giám sát tối cao của Quốc hội và các cơ quan thuộc Quốc hội; thực trạng và những nguyên nhân của tồn tại hạn chế đối với hoạt động giám sát của Quốc hội; tác giả cũng đã đưa ra phương hướng và các giải pháp để nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội. Luận án tiến sĩ chuyên ngành Chính trị học của tác giả Vũ Thị Mỹ Hằng, “Thực hiện chức năng giám sát quyền lực nhà nước của Quốc hội Việt Nam hiện nay”(2016), tại trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ở luận án này, tác giả đã giải quyết và nghiên cứu bốn nội dung lớn sau đây: Tổng quan tình hình nghiên cứu về chức năng và thực hiện chức năng giám sátcủa Quốc hội; Tác giả đã phân tích làm rõ cơ sở lý luận và pháp lý về chức năng giám sát quyền lực nhà nước của Quốc hội Việt Nam; Phân tích, đánh giá thực trạng và chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện hoạt động giám sát của Quốc hội. Kỷ yếu hội thảo: “Hoạt động giám sát của Quốc hội” (2013), của Viện nghiên cứu lập pháp, do TS. Đinh Xuân Thảo và TS. Hoàng Văn Tú chỉ đạo biên
  • 17. 12 soạn, Nhà xuất bản Lao động. Cuốn sách nghiên cứu với ba nội dung chính. Đó là: nghiên cứu khung pháp lý và công cụ giám sát; Hoạt động giám sát lập pháp và vai trò của các cơ quan tham mưu của Quốc hội; Kinh nghiệm của Quốc hội Việt Nam và Quốc hội các nước trong hoạt động giám sát; Vai trò của Đại biểu Quốc hội trong việc quyết định và giám sát ngân sách. Kỷ yếu này là tập hợp một số bài viết của các nhà nghiên cứu lý luận, các nhà quản lý và một số Đại biểu Quốc hội, như: Chức năng và thẩm quyền giám sát của Quốc hội và Đại biểu Quốc hội của TS. Nguyễn Đình Quyền, phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIII; Các công cụ giám sát lập pháp: việc chuẩn bị của các Ủy ban Quốc hội để tiến hành điều trần, điều tra của Morton Rosenberg, nguyên chuyên gia của cơ quan nghiên cứu Quốc hội Hoa Kỳ; Bộ công cụ giám sát của Quốc hội Việt Nam của GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội khóa XII; Tập bài viết về vai trò của Đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp tư nhân và Nhà nước, trong đầu tư công, ... của một số tác giả như: PGS.TS. Đặng Văn Thanh, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội; Morton Rosenberg, nguyên chuyên gia của cơ quan nghiên cứu Quốc hội Hoa Kỳ;TS. Dương Thu Hương, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội... Các tác giả cũng đã đưa ra được một số thực trạng và giải pháp cho hoạt động giám sát ở một số hình thức giám sát cụ thể, để góp phần thực hiện tốt các kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam. Cuốn sách: Thông tin tham khảo: “Một số vấn đề về khả năng xác lập quyền chất vấn cho Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội” (2015), của Trung tâm nghiên cứu khoa học, thuộc Viện nghiên cứu lập pháp, đây là tài liệu nội bộ, phục vụ cho công tác nghiên cứu của Đại biểu Quốc hội, các cơ quan phục vụ Quốc hội. Các tác giả đã nghiên cứu những vấn đề lý luận cơ bản nhất và hoạt động chất vấn; thực trạng pháp luật thực định về chất vấn ở Việt Nam hiện nay. Ngoài ra, còn có thể nói đến các nghiên cứu khác, dưới dạng các công trình nghiên cứu khoa học, báo cáo kết quả nghiên cứu của các cơ quan phục vụ hoạt động của Quốc hội; các bài báo đăng trên các tạp chí uy tín của một số tác giả, nhà nghiên cứu trên khắp cả nước về hoạt động giám sát của Quốc hội, cụ thể như: Nguyễn Đăng Dung (2005), “Sự vô danh tính của chất vấn”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 2/2005, Hà Nội; Trần Ngọc Đường (1999), “Quyền giám sát tối cao và một số suy nghĩ về việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả thực hiện quyền giám sát tối
  • 18. 13 cao của Quốc hội”, Kỷ yếu Hội thảo về hoạt động giám sát của Quốc hội, tr. 11-15; Trần Ngọc Đường (2003), “Quyền giám sát tối cao của Quốc hội và quyền giám sát của các cơ quan của Quốc hội: đối tượng, nội dung, phương thức thực hiện và hậu quả pháp lý”, Giám sát và cơ chế giám sát việc thực hiện quyền lực của nhà nước ta hiện nay, NXB. Công an nhân dân; Lê Văn Hòe (2004), “Giám sát của Quốc hội và vấn đề đảm bảo hiệu quả giám sát”, Kỷ yếu hội thảo về tổ chức họat động giám sát của Quốc hội, Hà Nội, tr. 48; Phạm Ngọc Kỳ (1996), Về quyền giám sát tối cao của Quốc hội, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 18-22, 37-39; Phan Trung Lý (2004), “Giám sát và luật hoạt động giám sát của Quốc hội”, Kỷ yếu hội thảo về tổ chức họat động giám sát của Quốc hội, Hà Nội, tr. 20; TS. Trần Tuyết Mai (2016), Một số vấn đề về hoạt động giám sát của Quốc hội, Thông tin khoa học Lập pháp, số 01/2016, tr29; Hoàng Thị Ngân (2003), “Về cách tiếp cận quyền giám sát của Quốc hội”, Giám sát và cơ chế giám sát việc thực hiện quyền lực của nhà nước ta hiện nay, NXB. Công an nhân dân; Nguyễn Thái Phúc (2000), “Về giám sát của Quốc hội”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 5/2000, Hà Nội; Bùi Ngọc Thanh (2004), “Bàn thêm về tổ chức bộ máy Nhà nước và hoạt động giám sát của Quốc hội”, Kỷ yếu hội thảo về tổ chức họat động giám sát của Quốc hội, Hà Nội, tr. 118; Và một số báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ hoạt động của Quốc hội như: Thư viện Quốc hội (2016), Hoạt động của Quốc hội trong năm 2015: Một số thống kê và so sánh từ kỳ họp thứ nhất đến kỳ họp thứ 10, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Hà Nội; Thư viện Quốc hội (2016), Báo cáo tóm tắt kết quả điều tra xã hội học về: Hoạt động giám sát của Quốc hội, Hà Nội; Văn phòng Quốc hội và UNDP tại Việt Nam (2016), Báo cáo nghiên cứu: Hoàn thiện pháp luật về hoạt động chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Văn phòng Quốc hội – Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (2010 - 2011), Báo cáo nghiên cứu điều trần tại các Ủy ban của Nghị viện và khả năng áp dụng ở Việt Nam; Văn phòng Quốc hội (2004), Kỷ yếu hội thảo về tổ chức họat động giám sát của Quốc hội, Hà Nội, tr. 32- 35, 165-168; Viện Nghiên cứu lập pháp (2013), Kỷ yếu hội thảo: Hoạt động giám sát của Quốc hội Việt Nam, Nhà xuất bản Lao động, Hà Nội; Viện Nghiên cứu lập pháp (2016), Một số vấn đề về khả năng xác lập quyền chất vấn cho Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Hà Nội. Các công trình nghiên cứu trên phần nào đã làm sáng tỏ, phân tích làm rõ thực trạng về các quy định của pháp luật và việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát của Quốc hội nói chung. Tuy nhiên, các nghiên cứu này chưa đề cập một cách
  • 19. 14 thỏa đáng, toàn diện, đồng bộ hệ thống pháp luật về kết luận giám sát của Quốc hội; chưa đề cập đến việc thực trạng việc thực hiện các kết luận giám sát của Quốc hội; chưa đề cập đến giá trị pháp lý các kết luận giám của Quốc hội Việt Nam, những nội dung liên quan đến kết luậ giám sát của Quốc hội còn hời hợt, chưa sâu sắc. 1.1.3. Tình hình nghiên cứu những vấn đề về giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi các kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam. Luận án Tiến sĩ Luật học của tác giả Nguyễn Thúy Hoa tại Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về Quốc hội – cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân Việt Nam” (2015), luận án đã đưa ra các quan điểm (3 quan điểm lớn) và các nhóm giải pháp (4 nhóm giải pháp) đảm bảo Quốc hội là cơ quan đại diện của nhân dân Việt Nam để thực hiện tốt chức năng giám sát và thực thi các kết luận giám sát của mình. Luận án tiến sĩ chuyên ngành Chính trị học của tác giả Vũ Thị Mỹ Hằng, “Thực hiện chức năng giám sát quyền lực nhà nước của Quốc hội Việt Nam hiện nay”(2016), tại trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Tác giả đã nghiên cứu đề xuất một số phương hướng và giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội trên cơ sở nghiên cứu việc thực hiện chức năng giám sát quyền lực Nhà nước của Quốc hội ở Việt Nam. Luận án tiến sĩ Luật học của tác giả Trương Thị Hồng Hà – Viện Nhà nước và Pháp luật – Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh về “Hoàn thiện cơ chế pháp lý đảm bảo chức năng giám sát của Quốc hội” (2008). Tác giả đưa ra các quan điểm cần đổi mới nhận thức lý luận và thực tiễn về quyền giám sát của Quốc hội Việt Nam, quan điểm và giải pháp hoàn thiện cơ chế pháp lý: hoàn thiện quy định pháp luật, đưa ra một số quan điểm về hậu quả pháp lý hoạt động giám sát như hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật; làm rõ vai trò chủ thể giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội; … Báo cáo nghiên cứu: “Hoàn thiện pháp luật về hoạt động chất vấn tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội” (2012), Dự án tăng cường năng lực của các cơ quan dân cử ở Việt Nam, do Văn phòng Quốc hội phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc thực hiện. Báo cáo đưa ra một chuyên đề nghiên cứu về: “Phương hướng, giải pháp hoàn thiện pháp luật về hoạt động báo cáo, giải trình tại Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội”, qua nghiên cứu này, các tác giả đưa ra các quan điểm, phương hướng và bảy giải pháp cơ bản như sau: Quy định về phạm vi, nội dung vấn đề yêu cầu báo cáo, giải trình; Quy định về trình tự quyết
  • 20. 15 định việc tổ chức phiên họp, yêu cầu báo cáo, giải trình; giả pháp về chủ thể tham gia phiên họp yêu cầu báo cáo, giải trình; Thủ tục tiến hành; về Biên bản của phiên họp; về hệ quả pháp lý; và quy định về điều kiện đảm bảo cho hoạt động này và thực hiện các kết luận giám sát. Báo cáo Tổng hợp kết quả nghiên cứu đề tài khoa học cấp cơ sở: Việc thực hiện Nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau giám sát của Quốc hội – Thực trạng và giải pháp, của Ths. Vũ Tiến Thảm, Viện Nghiên cứu lập pháp. Qua nghiên cứu, tác giả cũng đã phân tích, làm rõ thực trạng việc tổ chức thực hiện các kết luận giám sát của Quốc hội. Đặc biệt là tác giả đã đưa ra hệ thống các nhóm giải pháp cở bản để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi kết luận giám sát của Quốc hội, cụ thể như: Nhóm giải pháp hoàn thiện quy định của pháp luật; Nhóm giải pháp trong quá trình ban hành; Nhóm giải pháp trong khâu tổ chức thực hiện; tác giả cũng đưa ra một số giải pháp khác mang tính hỗ trợ các nhóm giải pháp chính. Sách chuyên khảo, “Hoàn thiện cơ chế pháp lý đảm bảo chức năng giám sát của Quốc hội”, của TS. Trương Thị Hồng Hà, NXB Chính trị Quốc gia (2009). Cuốn sách bàn về vị trí pháp lý và đặc điểm của Quốc hội, cơ chế pháp lý đảm bảo chức năng giám sát của Quốc hội, những yếu tố tác động đến hiệu quả chức năng giám sát của Quốc hội, thực trạng vận hành của cơ chế pháp lý đảm bảo chức năng giám sát của Quốc hội và các giải pháp chủ yếu nhằm hoàn thiện cơ chế pháp lý đảm bảo chức năng giám sát của Quốc hội. Trong đó, tác giả cũng đưa ra một số kiến nghị, giải pháp hoàn thiện pháp luật về giám sát của Quốc hội để nâng cao việc thi hành các kết luận giám sát của Quốc hội ở Việt Nam. Cuốn sách: “Hoạt động giám sát của cơ quan dân cử ở Việt Nam, vấn đề và giải pháp” (2015), của Văn phòng Quốc hội phối hợp với Viện chính sách công và pháp luật, và được sự hỗ trợ kỹ thuật của Viện Rosa Luxemburg (Cộng hòa Liên bang Đức), do TS. Nguyễn Sĩ Dũng và PGS.TS. Vũ Công Giao đồng chủ biên, Nhà xuất bản Hồng Đức. Tại chương 3, các tác giả cũng đưa ra một số kiến nghị và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử Việt Nam, mà tập trung vào hoạt động giám sát và thực thi kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam. Sách chuyên khảo, “Giám sát và cơ chế giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay” do GS.TSKH. Đào Trí Úc và PGS.TS. Võ Khánh Vinh (chủ biên), NXB Công an nhân dân, Hà Nội (2003). Công trình cũng đi sâu
  • 21. 16 phân tích và đưa ra một số giải pháp để nâng cao giá trị pháp lý và thi hành các kết luận giám sát của các cơ quan đại diện hiện nay. Cuốn sách: Thông tin tham khảo: “Một số vấn đề về khả năng xác lập quyền chất vấn cho Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội” (2015), của Trung tâm nghiên cứu khoa học, thuộc Viện nghiên cứu lập pháp, đây là tài liệu nội bộ, phục vụ cho công tác nghiên cứu của Đại biểu Quốc hội, các cơ quan phục vụ Quốc hội. Qua nghiên cứu này, các tác giả đưa ra quan điểm và một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về chất vấn của các cơ quan của Quốc hội, coi đây là một hình thức giám sát có hiệu quả nhất của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Cuốn sách: “Quốc hội Việt Nam 70 năm hình thành và phát triển 1946 – 2016”, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – sự thật, Hà Nội, năm 2015. Do TS. Uông Chu Lưu chỉ đạo biên soạn [77]. Trong đó có một số bài viết đáng chú ý như: “Tích cực nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để đổi mới Quốc hội” ([77] tr. 28 - 32), của tác giả Nguyễn Phú Thanh; “Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội” ([77] tr. 38 - 40), của tác giả PGS.TS. Trần Thị Tâm Đan; “Tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội” ([77] tr. 207-222), của tác giả TS. Bùi Sĩ Lợi ... các bài viết tập trung nghiên cứu thực trạng hoạt động giám sát của Quốc hội trong 70 năm qua. Cuốn sách cũng đưa ra một số quan điểm và giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về giám sát và hoạt động giám sát của Quốc hội. Các tác giả dựa vào kinh nghiệm nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động của mình ở Quốc hội đã đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về hoàn thiện pháp luật về giám sát và thi hành các kết luận giám sát của Quốc hội. Tuy nhiên, những quan điểm này đều có điểm chung đó là: dựa vào quan điểm của Chủ nghĩa Mác lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các cương lĩnh chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam về việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đổi mới cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội Việt Nam, trong đó có hoạt động giám sát. Các tác giả cũng đưa ra được một số giải pháp quan trọng trong việc thực hiện pháp luật giám sát và thi hành các kết luận giám sát. Đó là: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo Đảng trong hoạt động giám sát của Quốc hội; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động giám sát và thực thi các kết luận giám sát của Quốc hội; tăng cường công tác đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất cho các cuộc giám sát; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng giám sát cho các Đại biểu Quốc hội; ... Trong đó, các tác giả đã đưa ra một cách khái quát một số thực trạng
  • 22. 17 cơ bản của việc thực hiện các kết luận giám sát của Quốc hội và giải pháp để thực hiện tốt các kết luận giám sát này. Ngoài ra còn có một số công trình nghiên cứu khoa học dưới dạng bài viết trên các tạp chí, báo cáo khoa học của một số tác giả về tổ chức và hoạt động của Quốc hội khác. Có thể kể đến như: Nguyễn Sĩ Dũng (2002), - chủ biên, Tổ chức và hoạt động của Quốc hội các nước, Văn phòng Quốc hội, Hà Nội; Nguyễn Sĩ Dũng (2004) – chủ biên, Quyền giám sát của Quốc hội – Nội dung và thực tiễn từ góc nhìn tham chiếu, NXB. Tư pháp, Hà Nội; Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2011), Những vấn đề lý luận và thực tiễn về Quốc hội – Cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân Việt Nam, Hà Nội; Ths. Nguyễn Đức Lam - Văn phòng Quốc hội (2008),Vai trò của các nguồn lực hỗ trợ đại biểu Quốc hội trong hoạt động lập pháp (Phần II); Chuyên đề, Nguồn: Chuyên đề nghiên cứu của Văn phòng Quốc hội; TS. Ngô Đức Mạnh (2014), Quy trình, thủ tục làm việc của Quốc hội, Hà Nội; TS. Ngô Đức Mạnh (2009), Tiếp tục hoàn thiện quy trình, thủ tục làm việc của Quốc hội, (Nghiên cứu lập pháp số 4 (141) tháng 2/2009), Hà Nội; Nguyễn Đình Quyền (2006), “Một số vấn đề về đánh giá họat động nhiệm kỳ Quốc hội”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 10/2006, Hà Nội; Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 6/2007, Mong đợi về một Quốc hội đổi mới, Hà Nội; Văn phòng Quốc hội (2006), Cơ quan lập pháp và hoạt động giám sát, Hà Nội; Lê Thanh Vân (2007), Một số vấn đề về đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội, NXB Tư pháp, Hà Nội; Viện Nghiên cứu lập pháp (2016), Nội quy kỳ họp Quốc hội – Thực trạng và kiến nghị, Hà Nội; Viện nghiên cứu lập pháp(2016), Nghị viện một số nước trên thế giới, Hà Nội; TS. Bùi Sỹ Lợi Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội (2013), Tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội (Chuyên đề) Cổng thông tin điện tử Quốc hội; Lê Hữu Thể (2001), “Một số suy nghĩ về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội”, Kỷ yếu Hội thảo Quá trình hình thành, phát triển và vai trò của Quốc hội trong sự nghiệp đổi mới, Văn phòng Quốc hội, tr. 381-383; Lê Như Tiến (2004), “Hiệu quả giám sát của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội thông qua việc Chính phủ và các cơ quan hữu quan tiếp thu, xử lý các kiến nghị giám sát”, Kỷ yếu hội thảo về tổ chức họat động giám sát của Quốc hội, Hà Nội, tr.137... Các bài báo, công trình nghiên cứu của các tác giả trên tập trung vào nghiên cứu về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, như: quyền giám sát; quy trình, thủ tục làm việc của Quốc hội; hoạt động lập pháp; một số bài học về kinh nghiệm giám sát và hoạt động Quốc hội của một số nước; ... Các tác giả cũng đã
  • 23. 18 góp phần làm rõ cơ chế quyền lực Nhà nước, các quan niệm khác nhau về giám sát, quyền giám sát, pháp luật về giám sát và việc thực hiện của kết luận giám sát của cơ quan quyền lực Nhà nước; đặc biệt các tác giả còn đưa ra một số giải pháp để hoàn thiện pháp luật về giám sát và góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi các kết luận giám sát của Quốc hội. 1.2. Tình hình nghiên cứu quốc tế Có thể nói, nghiên cứu về vị trí, vai trò, tính chất, tổ chức và hoạt động của Quốc hội/nghị viện, mà đặc biệt là hoạt động giám sát của Quốc hội/nghị viện là mảng vấn đề thu hút sự chú ý nhiều nhất của các nhà luật học và chính trị gia trên thế giới. Đặc biệt, trong nền dân chủ hiện đại, khi mà quyền lực Nhà nước đòi hỏi phải được kiểm soát, khi mà chủ quyền nhân dân và mối liên hệ giữa nhân dân và cơ quan đại diện trở thành nội dung bàn luận căn bản thì số lượng các ấn phẩm khoa học liên quan đến vấn đề này trở nên hết sức đa dạng và phong phú. Trên những nét khái quát nhất, có thể lược tả một số tài liệu, công trình nghiên cứu tiêu biểu liên quan đến chủ đề luận án như sau: Năm 2006, Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử - Văn phòng Quốc hội xuất bản cuốn sách “Cơ quan lập pháp và hoạt động giám sát” [83]. Đây là tập hợp các nghiên cứu của nhiều học giả làm việc ở các Trường đại học, cơ quan có danh tiếng như: Đại học Arizona, Đại học Trung Âu (Hoa Kỳ), Đại học quản lý Singapore, Đại học Strathclyde (Vương quốc Anh) …. Các bài viết tập trung vào phân tích, đánh giá hoạt động giám sát của Nghị viện một số nước, ngoài ra đề cập tới giám sát của chính quyền cấp vùng ở Brazil, thành phố Westminster (Bang California, Hoa Kỳ). Cuốn sách là tập hợp của 9 chuyên đề nghiên cứu riêng biệt của các nhà nghiên cứu hàng đầu về nghị viện là Scott W. Desposato, David M.Olson, Riccardo Pelizzo, Timothy J. Power, Thomas F.Remington, Edward Schneier, Keith Schulz, Mark Shepard và Frederick C.Stapenhurst. Các công trình này nghiên cứu hoạt động giám sát của Quốc hội/nghị viện, từ những vấn đề chung cho đến kinh nghiệm hoạt động giám sát của nghị viện từng quốc gia điển hình (Liên bang Nga, Nghị viện một số nước Trung và Đông Âu, Nghị viện Indonesia). Các tác giả cũng đưa ra một số bài học kinh nghiệm trong việc bảo đảm thi hành các kết luận giám sát của Quốc hội, phân tích và làm rõ giá trị pháp lý về kết luận giám sát của Quốc hội các nước. Những sự thay đổi trong lĩnh vực giám sát Quốc hội Mỹ (Changes in Congressional Oversight), tác giả JOEL D. ABERBACH, American Behavioral Scientist [108]. Cuốn sách nghiên cứu mối quan tâm ngày càng lớn của Quốc hội
  • 24. 19 Mỹ đối với chức năng giám sát (giám sát Quốc hội đối với hoạt động của các bộ, cơ quan và ủy ban, và các chương trình, chính sách do họ quản lý). Tác phẩm cũng chú ý các nhân tố thúc đẩy và tăng cường chất lượng giám sát và phân tích các xu hướng cách thức giám sát ủy ban của Quốc hội. Tác giả đưa ra các quan điểm về giám sát, trong đó “giám sát là sự kiểm soát sự thật và bao gồm các cuộc điều tra về chính sách đang và sẽ được triển khai; điều tra về hoạt động hành chính và việc kêu gọi cơ quan hành pháp phải chịu trách nhiệm với hoạt động của họ”, tác giả cũng cho rằng hành vi của các nhà lập pháp sẽ tạo ra tác động đối với hành vi của cơ quan hành chính quan liêu; giám sát hành chính là cần thiết bởi nó tạo ra cơ chế mà những nhà quản lý hành chính có thể ảnh hưởng đến chúng ta theo những cách cơ bản. Tác giả nêu và phân tích những yếu tố ảnh hưởng tới giám sát gồm: Sự kiểm soát của các đảng với vị trí tổng thống và Quốc hội; nhóm chịu sự tác động; nhóm lợi ích; tổ chức cơ quan của Quốc hội; tăng cường chất lượng và số lượng nghị sĩ; sự công khai trong hoạt động. Giám sát và ngân sách của cơ quan lập pháp: Bối cảnh thế giới. (Legislative Oversight and Budgeting: A World Perspective), ấn phẩm củaNgân hàng Thế giới (12 tháng 9 năm 2008) ISBN-13: 978-0821376119 [110]. Tác phẩm qua nghiên cứu nhiều nước trên thế giới nhận định hầu hết các quốc gia, Quốc hội có thẩm quyền hiến định trong giám sát hoạt động và sự tuân thủ luật pháp của Chính phủ. Trong bối cảnh tăng cường chức năng quản trị của Quốc hội, các học giả và các nhà hoạt động thực tiễn đã xem xét chức năng giám sát của Quốc hội trong việc tăng trách nhiệm giải trình về tài chính công, kiềm chế tham nhũng và góp phần xóa đói giảm nghèo. Đây là công trình tập hợp những nghiên cứu từ nhiều góc độ khác nhau về vấn đề giám sát của cơ quan lập pháp ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Ở các quốc gia này, các cơ chế giải trình hoặc các hình thức giám sát của cơ quan lập pháp đều dựa trên quyền lực hiến định của cơ quan lập pháp, tổ chức bộ máy của chính phủ, sự phân chia quyền lực giữa chính quyền trung ương, vùng và địa phương, và các nguồn lực sẵn có của cơ quan này (lập pháp). Đặc biệt, tác phẩm đề cập đến việc giám sát ngân sách từ việc xây dựng, phê duyệt ngân sách đến việc thực hiện và kiểm tra tài khoản công. Các quốc gia được đề cập đến trong tác phẩm này bao gồm: Ba Lan, Nga, Braxin, Indonesia, Israel, Nam Phi, Italia, cộng hòa Séc, Uganda,... Giám sát Quốc hội: Tổng quan (Congressional Oversight: An Overview), Dịch vụ nghiên cứu Quốc hội (22 tháng 2 năm 2010), tác giả Walter J. Oleszek [118]. Tác giả bàn luận về khái niệm giám sát của Quốc hội (giám sát là sự kiểm tra
  • 25. 20 nghị viện với các hoạt động của các Bộ, cơ quan và Ủy ban của Liên bang (Hoa kỳ) và các chương trình và chính sách do các cơ quan này quản lý; sự kiểm tra diễn ra trong quá trình thực hiện chính sách và sau khi kết thúc việc thực hiện chính sách), đưa ra 3 mục đích thiết yếu của giám sát, nhận xét một vài đạo luật và quy tắc về giám sát (ví dụ Luật giám sát của Quốc hội, cho phép Quốc hội kiểm tra và không thông qua các quy định, luật lệ của cơ quan hành pháp, ngoài ra còn có thủ tục thực hiện hoạt động giám sát….), xem xét một số kỹ năng giám sát quan trọng và xác định một số biện pháp khuyến khích và không khuyến khích việc tiến hành giám sát của Quốc hội Mỹ. Quản trị nghị viện trong thế kỷ 21: Niên giám Egpa (chuyên khảo của viện khoa học hành chính quốc tế) (Managing Parliaments in the 21st Century: Egpa Yearbook (International Institute of Administrative Science Monographs), Công ty phát hành Ios Pr Inc (June 2001) [104]. Cuốn sách đưa ra và bàn luận về khái niệm giám sát của nghị viện, trong đó chỉ rõ chức năng lập pháp không chỉ dừng lại ở việc thông qua các dự án luật mà giám sát thực thi là hệ quả tất yếu của chức năng này. Chỉ có việc giám sát quá trình thực thi luật, các thành viên nghị viện mới khám phá các lỗ hổng của pháp luật và hoạt động nhằm sửa chữa những giải thích sai lầm và việc áp dụng pháp luật không đúng đắn của cơ quan hành pháp. Đồng thời, tác phẩm cũng chỉ rõ những nhân tố ảnh hưởng đế việc giám sát cũng như những mục tiêu cụ thể của giám sát. Báo cáo nghiên cứu: “Điều trần tại các Ủy ban của Nghị viện và khả năng áp dụng ở Việt Nam” (2010-2011) [78], do Văn phòng Quốc hội - Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), thuộc dự án 00049114 – “Tăng cường năng lực của các cơ quan đại diện ở Việt Nam” – giai đoạn III. Báo cáo đã nghiên cứu một cách cơ bản nhất về khái niệm điều trần; thực tiễn điều trần ở một số nghị viện trên thế giới như: Nghị viện Anh, Nghị viện Đức, Nghị viện New Zealand, Ba Lan, Hoa Kỳ; các lợi ích của việc điều trần; khả năng áp dụng điều trần ở Việt Nam; tác giả cũng phân tích và nghiên cứu về một số khó khăn, thuận lợi về nhận thức của hoạt động điều trần; cuối cùng các tác giả cũng đưa ra một số kiến nghị ban đầu để áp dụng ở Việt Nam, như sửa đổi một số quy định của pháp luật, công tác tuyên truyền cho một số chủ thể, ... để khắc phục những tồn tại, hạn chế của hình thức giám sát này. “Quốc hội và các thành viên” của Roger H.Davidson và Walter J.Oleszek, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002 (Người dịch Trần Xuân Danh, Trần Hương Giang, Minh Long). Trọng tâm của cuốn sách trình bày về cơ cấu và hoạt
  • 26. 21 động của Quốc hội Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Cụ thể là các vấn đề: bầu cử, chức năng, nhiệm vụ của hai viện và các Ủy ban của Quốc hội, quá trình thông qua các quyết sách tại Quốc hội, quan hệ giữa Quốc hội và các cơ quan khác của chính quyền liên bang Mỹ. Cuốn sách dành một sự quan tâm đáng kể tới việc phân tích vai trò của hoạt động giám sát trong việc thực hiện chức năng của hai viện thuộc Quốc hội Mỹ. Một số luận điểm nghiên cứu hướng tới phân tích chính sách, hoàn thiện pháp luật về giám sát và các cơ chế pháp lý bảo đảm thực thi các kết luận giám sát của cả hai viện thuộc Quốc hội Mỹ. Một số tài liệu tham khảo khác như: Nghị viện một số nước trên thế giới [98] của Trung tâm nghiên cứu khoa học lập pháp thuộc Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội. Tài liệu có giá trị tham khảo cao là tổng hợp các quy định của pháp luật về cơ cấu tổ chức và hoạt động của nghị viện một số quốc gia trên thế giới như: Đại hội đại biểu nhân dân toàn Trung Quốc, Nghị viện Liên bang Nga, Quốc hội Nhật Bản, những vấn đề cơ bản về Quốc hội Hoa Kỳ, tổ chức của Nghị viện Pháp, nghị viện Cộng hòa Liên bang Đức, tổ chức Quốc hội New Zealand. Tài liệu cho người đọc những quy định cơ bản nhất về cơ cấu tổ chức và hoạt động của một số nghị viện trên thế giới, qua đó làm kinh nghiệm để đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là hoạt động giám sát của các nghị viện. Và một số bài viết của một sô tác giả có nghiên cứu và hoạt động giám sát và thực hiện các kết luận giám sát của một số nghị viện trên thế giới như: “So sánh hoạt động giám sát của Quốc hội Nhật bản và Quốc hội Việt Nam” của tác giả Trương Thị Hồng Hà, trên Tạp chí Nghiên cứu khoa học - Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 2 (62) tháng 4 – 2006; “Hoạt động kiểm soát quyền hành pháp của Nghị viện các nước Anh, Pháp, Mỹ”, của tác giả Trần Quốc Việt – Học viện Hành chính quốc gia, đăng trên Tạp chí Tổ chức Nhà nước, số 3/2015; “Mô hình giám sát của Nghị viện Anh và Mỹ”, của tác giả Đặng Minh Tuấn, trên Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 1/2001. Nhìn chung, các công trình nghiên cứu nói trên cung cấp một số kiến thức và kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là hoạt động giám sát và thực thi các kết luận giám sát của Quốc hội, về các yếu tố đảm bảo thi hành các kết luận giám sát và về các điều kiện đảm bảo hiệu qủa trong việc thực thi các kết luận giám sát. Điều này có ý nghĩa làm phong phú thêm nguồn thông tin cũng như cách tiếp cận của Luận án để tham khảo, nghiên cứu vấn đề một cách toàn diện, đầy đủ hơn về Kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam. Đây cũng là điều cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ
  • 27. 22 nghĩa trong tình hình mới, đảm bảo mọi quyền lực, lợi ích đều thuộc về nhân dân. 1.3. Đánh giá chung về tình hình, kết quả nghiên cứu liên quan đến luận án và những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu 1.3.1. Đánh giá chung về tình hình, kết quả các công trình nghiên cứu liên quan đến luận án Các công trình nêu trên ở những mức độ khác nhau đã trình bày khái quát về tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là các hoạt động giám sát của Quốc hội Việt Nam nói riêng, hoạt động giám sát của một số Nghị viện trên thế giới. Luận giải được vai trò, vị trí hoạt động giám sát, bước đầu đã nghiên cứu đến giá trị pháp lý kết luận giám sátcủa Quốc hội Việt Nam trong việc thực hiện quyền lực Nhà nước của đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Các công trình nghiên cứu đã bước đầu đề cập đến những vấn đề lý luận và thực tiễn trong hoạt động giám sát của Quốc hội Việt Nam,nêu những khái niệm và các yếu tố tác động đến hiêụ quả hoạt động giám sát của Quốc hội nước ta. Bên cạnh đó, các công trình nghiên cứu đã xác định hoạt động giám sát là yêu cầu tất yếu của quá trình thực thi dân chủ, đảm bảo quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, trong đó Quốc hội Việt Nam giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong giám sát quyền lực nhà nước. Nhìn chung, có thể thấy rằng: đã có một số công trình nghiên cứu khoa học liên quan khá chặt chẽ đến nội dung đề tài mà Luận án đặt ra. Tuy nhiên, các nghiên cứu này chưa đi sâu nghiên cứu một cách tổng thể và có sự so sánh với kinh nghiệm của nước ngoài một cách hệ thống để từ đó có cách nhìn nhận đầy đủ về pháp luật giám sát, giá trị pháp lý và thực hiện các kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam trong cơ chế quyền lực nhà nước, trong mối quan hệ với thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước; chưa có sự phân tích đầy đủ để làm rõ vai trò, phạm vi quyền giám sát tối cao và hệ thống pháp luật về kết luận giám sát của Quốc hội. Do giới hạn bởi phạm vi và định hướng nội dung nghiên cứu nên vấn đề mà các tác giả nêu lên mới chỉ đề cập đến một vài khía cạnh liên quan đến lý luận, thực tiễn hoạt động giám sát, pháp luật về giám sát của Quốc hội và một phần rất nhỏ về việc thực hiện các kết luận giám sát, các giải pháp cũng mới chỉ tập trung hoặc khía cạnh lý luận hoặc ở cơ chế pháp lý hoặc ở kinh nghiệm thực tiễn, chưa đi sâu vào các giải pháp căn cơ, hiệu quả để giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn trong việc thực hiện và xác định giá trị pháp lý các kết luận giám sát của Quốc hội. Đồng thời, cũng chưa có công trình nghiên cứu nào đề xuất các tiêu chí cụ thể để xác định hiệu lực và hiệu quả hoạt động giám sát và thực hiện các kết luận
  • 28. 23 giám sát của Quốc hội để từ đó đề xuất những định hướng và giải pháp tổng thể cả về lý luận, nhận thức, pháp lý, điều kiện hỗ trợ đảm bảo cho hiệu lực và hiệu quả hoạt động giám sát và thực hiện các kết luận giám sát của Quốc hội. 1.3. . Những nội ung uận án c n tập t ung nghiên cứu tiếp Tuy đã có khá nhiều công trình nghiên cứu về tổ chức và hoạt động Quốc hội Việt Nam, hoạt động giám sát của Quốc hội Việt Nam, nhưng chưa có công trình nào luận chứng một cách sâu sắc về pháp luật kết luận giám sát của Quốc hội, việc thực hiện và giá trị pháp lý của các kết luận giám sát do Quốc hội ban hành; việc kết hợp với việc nghiên cứu, so sánh hoạt động giám sát của Nghị viện các nước trên thế giới và Việt Nam; kinh nghiệm thực hiện các kết luận giám sát và các yếu tố bảo đảm thực thi kết luận giám sát của các Nghị viện trên thế giới là bài học quý báu cho Việt Nam. Những điều kiện, yếu tố đảm bảo thực hiện các kết luận giám sát của Quốc hội, nhất là vấn đề pháp lý, hành lang pháp luật và hiệu lực, hiệu quả thực thi các kết luận giám sát của Quốc hội; hậu quả của việc không thực thi các kết luận giám sát của Quốc hội chưa được các tác giả bàn sâu. Tuy nhiên, chưa được hệ thống hóa thànhcác văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh. Vấn đề thực hiện chức năng giám sát quyền lực nhà nước của Quốc hội; hệ thống pháp luật giám sát và giá trị pháp lý của các kết luận giám sát chưa được các tác giả tập trung phân tích, trình bày một cách thấu đáo, toàn diện và có hệ thống. Vì vậy, luận án sẽ tiếp tục nghiên cứu giải quyết các vấn đề trên dựa trên các cơ sở lý luận và thực tiễn. Chính vì vậy, những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu trong Luận án là: a. Về mặt lý luận : - Làm rõ vấn đề lý luận: Khái niệm, đặc điểm, vai trò, chủ thể ban hành và hình thức kết luận giám sát và phương thức, hình thức và giá trị pháp lý các kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam trong thể chế chính trị một Đảng duy nhất lãnh đạo và cầm quyền ở nước ta; nghiên cứu, phân tích quá trình hình thành và phát triển của pháp luật và hoạt động kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam trong lịch sử. - Phân tích làm rõ cơ sở lý luận và cơ sở pháp lý về chức năng giám sát; pháp luật về giám sát và kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, xác định rõ về nội dung, đối tượng, hình thức thực hiện kết luận giám sát của Quốc hội. Cần phân tích, nghiên cứu làm rõ các điều kiện đảm bảo thực thi các kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam.
  • 29. 24 b. Về mặt thực tiễn: - Nghiên cứu so sánh quy định của pháp luật và hoạt động giám sát và thực thi các kết luận giám sát của Nghị viện một số nước trên thế giới, rút ra bài học cho Quốc hội Việt Nam. - Tiếp cận trên các phương diện, góc độ, bám sát tinh thần và nội dung Hiến pháp năm 2013, quy định pháp lý về tổ chức, hoạt động giám sát của Quốc hội, quan điểm, đường lối của Đảng và các đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý trong việc thực hiện các kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam. - Phân tích, đánh giá thực trạng pháp luật về giám sát, hoạt động giám sát và thực hiện các kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam; c. Về mặt ứng ụng của uận án: Đề xuất các phương hướng và giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội Việt Nam hiện nay; đề xuất, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các quy định của pháp luật về giám sát; đề xuất các yếu tố bảo đảm thi hành các kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam, cụ thể: - Xây dựng đường lối, chính sách: Đề tài xác lập cơ sở khoa học cho việc triển khai thi hành văn bản luật có liên quan, ví dụ như: Luật Tổ chức Quốc hội 2015, Luật tổ chức hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015...; là cơ sở khoa học góp phần phục vụ công tác xây dựng chính sách pháp luật về giám sát; đồng thời hoàn thiện cơ sở pháp lý của việc thực hiện pháp luật giám sát và kết luận giám sát của Quốc hội. - Với các nhóm giải pháp cụ thể được đưa ra trên cơ sở nghiên cứu lý luận và phân tích thực trạng pháp luật về giám sát và việc tổ chức, thực hiện pháp luật giám sát và kết luận giám sát, luận án sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà xây dựng pháp luật, nhà quản lý giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác tổ chức thực hiện kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. - Luận án hoàn thành sẽ là cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn giúp cho các cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Quốc hội, Chính phủ) sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật phù hợp với thực tiễn, mang lại hiệu quả, hiệu lực cao trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan Nhà nước, nâng cao địa vị pháp lý và quyền lực thực sự của Quốc hội Việt Nam.
  • 30. 25 1.4. Câu hỏi nghiên cứu, lý thuyết nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu 1.4.1 Giả thuyết nghiên cứu Nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn về kết luận giám sát của Quốc hội dưới góc độ pháp lý, các giả thuyết khoa học cần đặt ra như sau: Bảo đảm thực thi kết luận giám sát của Quốc hội theo Hiến pháp, pháp luật Việt Nam là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Việc ghi nhận, bảo đảm thực thi kết luận giám sát của Quốc hội đã được Hiến pháp và các văn bản pháp luật khác ghi nhận. Tuy vậy, những vấn đề lý luận về kết luận giám sát và đảm bảo thực thi các kết luận giám sát của Quốc hội chưa được nghiên cứu một cách sâu sắc, toàn diện nên việc thể chế hóa các nội dung này trong hệ thống pháp luật nước ta chưa đầy đủ và còn nhiều hạn chế. Hiện nay các quy định pháp luật về kết luận giám sát, đảm bảo thực thi các kết luận giám sát của Quốc hội và việc bảo đảm thực hiện trên thực tế hiệu quả chưa cao, còn nhiều bất cập, vướng mắc, chưa tạo điều kiện thuận lợi để chủ thể giám sát, đối tượng giám sát thực hiện đúng quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với việc thực thi kết luận giám sát của Quốc hội. Việc tăng cường nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi kết luận giám sát của Quốc hội đang đặt ra cấp bách, là một trong những yếu tố quyết định đến xây dựng nhà nước pháp quyền, của dân, do dân, vì dân, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy an ninh chính trị - xã hội. Do vậy, cần có hệ thống các giải pháp đồng bộ, đặc biệt là việc hoàn thiện pháp luật để tăng cường bảo đảm hiệu lực, hiệu quả việc thực thi kết luận giám sát của Quốc hội. 1.4. Câu hỏi nghiên cứu Thứ nhất, những vấn đề lý luận nào về kết luận giám sát và đảm bảo thực thi các kết luận giám sát của Quốc hội theo pháp luật Việt Nam cần phải được phân tích và giải quyết để tạo lập nền tảng nhận thức về quyền lực tối cao của Quốc hội Việt Nam? Cơ sở lý luận cho việc đánh giá thực trạng về kết luận giám sát và đảm bảo thực thi các kết luận giám sát của Quốc hội theo pháp luật Việt Nam hiện nay là gì? Thứ hai, thực trạng quy định của pháp luật và thực trạng việc tổ chức thực hiện các kết luận giám sát của Quốc hội theo pháp luật Việt Nam hiện nay đang diễn ra như thế nào? Việc tổ chức thực thi kết luận giám sát và các yếu tố, điều kiện đảm bảo thực thi các kết luận giám sát của Quốc hội theo pháp luật có ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân nào? Thứ ba, những quan điểm, giải pháp nào cần đề xuất để nâng cao hiệu lực, hiệu quả kết luận giám sát và đảm bảo thực thi các kết luận giám sát của Quốc hội
  • 31. 26 theo pháp luật Việt Nam tốt hơn hiện nay? giải pháp cụ thể hoàn thiện pháp luật về kết luận giám sát của Quốc hội là gì? Tiểu kết chương 1 Qua khảo sát có thể nhận thấy các nghiên cứu về Quốc hội nước ta từ trước đến nay chủ yếu tập trung vào các chức năng được ghi nhận chính thức trong Hiến pháp mà ít đề cập đến kết luận giám sát của Quốc hội. Các công trình nghiên cứu về kết luận giám sát của Quốc hội ở Việt Nam chủ yếu mới là các bài viết nghiên cứu ngắn, đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành hoặc tại một số cuộc hội thảo khoa học mà chưa có những công trình nghiên cứu toàn diện, sâu sắc về nội dung này. Một số bài viết đã tập trung làm rõ những vấn đề lí luận về giám sát của Quốc hội. Tuy nhiên, xung quanh hoạt động giám sát của Quốc hội còn có khá nhiều tranh luận. Như vậy, có thể thấy rằng trong các nghiên cứu đã có hiện nay, xung quanh việc nhận thức về kết luận giám sát của Quốc hội còn có những vấn đề lí luận chưa được giải quyết. Qua nghiên cứu Chương 1, tác giả đã tìm hiểu tình hình nghiên cứu những vấn đề lý luận, thực trạng, giải pháp về kết luận giám sát của Quốc hội Việt Nam trong thời gian vừa qua qua một số tác phầm nổi tiếng có liên quan. Tác giả cũng bước đầu đánh giá khách quan về những kết quả nghiên cứu của các công trình nghiên cứu đó. Qua đó, tác giả làm rõ những vấn đề gì đã nghiên cứu? Những vấn đề gì mà luận án cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ. Từ việc khảo sát các nghiên cứu hiện nay có liên quan đến đề tài luận án, nhiệm vụ đặt ra đối với Luận án là phải làm rõ khái niệm về kết luận giám sát của Quốc hội trên cơ sở nghiên cứu, làm rõ nền tảng lý luận về quyền lực Nhà nước; xác định yêu cầu của việc bảo đảm thực thi kết luận giám sát của Quốc hội trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xác định các yếu tố, điều kiện cụ thể để bảo đảm thực thi kết luận giám sát của Quốc hội; đánh giá một cách tổng thể thực trạng của việc tổ chức thực thi kết luận giám sát của Quốc hội trong giai đoạn hiện nay để qua đó hình thành nên các kiến nghị, giải pháp cụ thể nhằm tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi kết luận giám sát của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
  • 32. 27 CHƯƠNG 2 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ KẾT LUẬN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VIỆT NAM 2.1. Khái niệm, đặc điểm, vai trò kết luận giám sát của Quốc hội .1.1. Khái niệm giám sát và Kết luận giám sát của Quốc hội Theo Từ điển Tiếng Việt, 2003, NXB Đà Nẵng do Hoàng Phê chủ biên thì “Giám sát là theo dõi và kiểm tra có thực hiện đúng những điều quy định không”. Đại Từ điển Tiếng Việt, 2009, NXB Giáo dục Việt Nam do Nguyễn Như Ý chủ biên thì “Giám sát là theo dõi, kiểm tra việc thực thi nhiệm vụ”. Theo Từ điển Luật học của Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, NXB Tư pháp, thì giám sát là: Sự theo dõi, quan sát mang tính chủ động thường xuyên của cơ quan, tổ chức hoặc nhân dân đối với hoạt động của các đối tượng chịu sự giám sát và sự tác động bằng các biện pháp tích cực để bắt buộc và hướng các hoạt động đó đi đúng quỹ đạo, quy chế nhằm đạt được mục đích, hiệu quả đã được xác định từ trước đảm bảo cho Hiến pháp và pháp luật được tuân thủ nghiêm chỉnh. Về bản chất quyền lực Nhà nước thì giám sát là việc Quốc hội, Hội đồng nhân dân thu thập thông tin về hoạt động của các cơ quan nhà nước hữu quan và xem xét, đánh giá thông tin thu thập được. Việc xem xét, đánh giá này là cơ sở để Quốc hội, Hội đồng nhân dân có thể biểu dương hoặc phê phán các chủ thể có liên quan và trong những trường hợp nhất định, bày tỏ sự tín nhiệm của mình đối với các chủ thể đó. Như vậy, khái niệm giám sát bao hàm những nội dung sau đây: - Giám sát là theo dõi, xem xét, kiểm tra và nhận định về một việc làm nào đó đúng hay sai so với những điều đã quy định; - Giám sát luôn gắn với một chủ thể nhất định (ai giám sát) và gắn với đối tượng cụ thể (giám sát ai và giám sát cái gì); - Giám sát được tiến hành trên cơ sở những quy định cụ thể; - Giám sát là hoạt động có mục đích của một chủ thể nhất định. Trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, giám sát được hiểu là hoạt động của các cơ quan dân cử (Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp) thực hiện việc theo dõi, xem xét hoạt động của những cơ quan, cá nhân do cơ quan dân cử bầu, thành lập hoặc phê chuẩn việc bổ nhiệm nhằm đảm bảo các cơ quan này thực hiện đúng các quy định của Hiến pháp, luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp và văn bản của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên. Theo cách hiểu này, giám sát
  • 33. 28 của cơ quan dân cử được phân biệt với hoạt động thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước bởi một số tiêu chí như: chủ thể thực hiện; phạm vi, đối tượng chị sự giám sát, kiểm tra, thanh tra; nội dung giám sát, thanh tra, kiểm tra và nhất là hiệu lực, hiệu quả, hệ quả giá trị pháp lý của hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra … Ngoài ra, theo quy định pháp luật, nhân dân và các cơ quan, tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng có chức năng giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức và bộ máy nhà nước. Khoản 1 Điều 2 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội quy định: “Giám sát là việc chủ thể giám sát theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý”[34]. Điều quan trọng nhất trong hoạt động giám sát của Quốc hội đó là kết luận giám sát và việc thực thi các kết luận giám sát này. Kết luận giám sát phản ánh hệ quả pháp lý của hoạt động giám sát. Ở Việt Nam, theo các quy định hiện hành về hoạt động giám sát của Quốc hội, là việc chủ thể giám sát theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của các đối tượng chịu sự giám sát trong việc thi hành các quy định nhất định. Như vậy, giám sát được hiểu bao gồm hành vi quan sát (theo dõi, xem xét, cân nhắc) và hành vi phán quyết (đánh giá) đối với hoạt động (hành vi) của đối tượng chịu sự giám sát. Các biện pháp nhằm tác động vào hành vi của đối tượng bị giám sát (kiến nghị, yêu cầu, đề nghị chấm dứt hành vi vi phạm, đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm, bãi nhiệm người giữ chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn v.v.) sẽ dẫn tới hệ quả trách nhiệm của hoạt động giám sát. Hệ quả trách nhiệm, giá trị pháp lý (chủ yếu là hệ quả pháp lý) của hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội là sự thể hiện ý chí và thái độ của Quốc hội đối với kết quả giám sát tối cao của Quốc hội. Hệ quả pháp lý của hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội mang tính đặc thù, khác với hệ quả pháp lý của các hoạt động giám sát khác ở chỗ nó được thể hiện dưới hình thức văn bản. Hơn thế nữa, hệ quả pháp lý được thể hiện không chỉ là những kiến nghị mà trong một số trường hợp còn là những biện pháp xử lý trực tiếp như là hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết, pháp lệnh. Hệ quả pháp lý của hoạt động giám sát của Quốc hội thể hiện dưới hình thức kết luận giám sát. Quốc hội biểu quyết thông qua một kết luận giám sát tại kỳ họp Quốc hội. Thông qua kết luận giám sát, Quốc hội thể hiện thái độ bằng các biện pháp tác động đến các đối tượng chịu sự giám sát của Quốc hội. Do đó, nội dung hệ quả pháp lý