SlideShare a Scribd company logo
1 of 135
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
KHOA HÓA HỌC

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP
CHUYÊN NGÀNH PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC
MỘT SỐ BIỆN PHÁP GÂY HỨNG THÚ
HỌC TẬP MÔN HÓA HỌC
LỚP 10 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
Giảng viên hướng dẫn: PGS.TS Trịnh Văn Biều
Sinh viên thực hiện: Phạm Thị Thanh Trúc
TP. Hồ Chí Minh, tháng 05/2013
LỜI CẢM ƠN

Khóa luận tốt nghiệp “Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn
hóa học lớp 10 Trung học phổ thông” đã giúp em học hỏi được nhiều kiến
thức và nhiều kinh nghiệm quý báu, hữu ích rất nhiều cho công tác giảng dạy
sau này. Để hoàn thành khóa luận, ngoài sự nỗ lực của bản thân, em còn nhận
được sự giúp đỡ của nhiều cá nhân và tập thể. Em xin chân thành cảm ơn:
Ban Chủ nhiệm cùng các giảng viên khoa Hóa học, trường Đại học
Sư phạm TP HCM đã tận tình giảng dạy, trang bị cho em kiến thức, kĩ năng để
em hoàn thành khóa luận.
PGS. TS Trịnh Văn Biều – Giảng viên hướng dẫn- đã nhiệt tình
hướng dẫn, động viên tinh thần những lúc em khó khăn và tin tưởng em.
Cô Trần Thị Ngọc Quỳnh cùng các em lớp 10 các trường THPT
chuyên Lê Hồng Phong, Trường THPT Cần Thạnh, Trường THCS-THPT Đinh
Thiện Lý đã giúp em thực hiện khảo sát và thực nghiệm kiểm tra tính thực tiễn
của khóa luận.
Và cuối cùng, em xin cám ơn các bạn sinh viên lớp Hóa K35B và gia
đình đã giúp đỡ, tin tưởng, tạo niềm động lực to lớn giúp em hoàn thành khóa
luận.
Một lần nữa, em xin chân thành cảm ơn.
Tác giả
MỤC LỤC
Lời cảm ơn
Mục lục
Danh mục các chữ viết tắt
Danh muc các bảng
Danh mục các hình vẽ, đồ thị
MỞ ĐẦU............................................................................................................1
CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI...................4
1.1. Lịch sử vấn đề nghiên cứu .......................................................................4
1.1.1. Các sách, bài viết về hứng thú...........................................................4
1.1.2. Các luận văn nghiên cứu về hứng thú trong dạy học hóa học...........4
1.1.3. Các khóa luận tốt nghiệp nghiên cứu về hứng thú trong dạy học hóa
học................................................................................................................6
1.2. Quá trình dạy học.....................................................................................8
1.2.1. Khái niệm...........................................................................................8
1.2.2. Mối quan hệ biện chứng giữa dạy và học..........................................9
1.2.3. Vai trò của giáo viên trong quá trình dạy học .................................10
1.3. Hứng thú.................................................................................................13
1.3.1. Khái niệm hứng thú .........................................................................13
1.3.2. Phân loại hứng thú...........................................................................13
1.3.3. Cấu trúc của hứng thú......................................................................15
1.3.4. Vai trò của hứng thú ........................................................................16
1.4. Hứng thú học tập....................................................................................17
1.4.1. Khái niệm hứng thú học tập ............................................................17
1.4.2. Những thành tố tâm lý cấu thành hứng thú học tập.........................18
1.4.3. Sự hình thành và phát triển hứng thú học tập..................................18
1.4.4. Một số đặc điểm của hứng thú học tập............................................19
1.4.5. Các biểu hiện của hứng thú học tập.................................................20
1.4.6. Tác dụng của hứng thú học tập........................................................21
1.5. Thực trạng việc gây hứng thú học tập môn hóa học ở một số trường
THPT.............................................................................................................21
1.5.1. Mục đích điều tra............................................................................21
1.5.2. Đối tượng điều tra...........................................................................21
1.5.3. Mô tả phiếu điều tra.........................................................................22
1.5.4. Cách xử lí kết quả điều tra...............................................................22
1.5.5. Kết quả điều tra................................................................................23
CHƯƠNG 2: MỘT SỐ BIỆN PHÁP GÂY HỨNG THÚ HỌC TẬP MÔN
HÓA HỌC LỚP 10 THPT ...............................................................................27
2.1. Sử dụng thí nghiệm gây hứng thú..........................................................28
2.1.1. Vai trò của thí nghiệm .....................................................................28
2.1.2. Phân loại thí nghiệm........................................................................29
2.1.3. Sử dụng thí nghiệm gây hứng thú ..................................................30
2.1.4. Một số thí nghiệm gây hứng thú......................................................31
2.2. Sử dụng phim mô phỏng........................................................................45
2.2.1.Tác dụng của phim mô phỏng ..........................................................45
2.2.2. Nguyên tắc lựa chọn phim mô phỏng trong dạy học hóa học.........45
2.2.3. Một số đoạn phim mô phỏng...........................................................46
2.3. Kể chuyện hóa học................................................................................46
2.3.1. Tác dụng .........................................................................................46
2.3.2. Cách kể chuyện gây hứng thú..........................................................46
2.3.3. Một số câu chuyện hóa học .............................................................47
2.4. Vận dụng tình huống gắn với thực tiễn..................................................67
2.4.1. Tác dụng ..........................................................................................68
2.4.2. Những chú ý sử dụng tình huống gắn với thực tiễn ........................68
2.4.3. Một số tình huống gắn với thực tiễn................................................68
2.5. Giáo viên thân thiện với học sinh ..........................................................81
2.6. Đưa sự hài hước vào bài học..................................................................83
2.6.1. Vai trò của hài hước trong dạy học .................................................83
2.6.2. Một số hình thức hài hước trong dạy học........................................84
2.6.3. Một số lưu ý sử dụng sự hài hước ...................................................84
2.7. Một số giáo án áp dụng các biện pháp gây hứng thú.............................84
2.7.1. Giáo án bài “OXI- OZON” - lớp 10 Cơ bản ...................................84
2.7.2. Giáo án bài “Lưu huỳnh” - lớp 10 Cơ bản ......................................92
CHƯƠNG 3: THỰC NGHIỆM SƯ PHẠM ....................................................97
3.1. Mục đích thực nghiệm ...........................................................................97
3.2. Đối tượng thực nghiệm ..........................................................................97
3.3. Nội dung thực nghiệm............................................................................97
3.4. Tiến trình thực nghiệm...........................................................................98
3.5. Kết quả thực nghiệm............................................................................101
KẾT LUẬN ....................................................................................................107
TÀI LIỆU THAM KHẢO..............................................................................112
PHỤ LỤC
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT
ĐC : Đối chứng
GV : Giáo viên
HH : Hóa học
HS : Học sinh
KHHH : Kí hiệu hóa học
PPDH : Phương pháp dạy học
PTHH : Phương trình hóa học
PTTH : Phổ thông trung học
TN : Thực nghiệm
TNSP : Thực nghiệm sư phạm
TP HCM : Thành phố Hồ Chí Minh
DANH MỤC CÁC BẢNG
Bảng 1.1. Số lượng phiếu thăm dò thực trạng hứng thú học tập......................22
Bảng 1.2. Điểm quy đổi các mức độ trả lời của phiếu thăm dò.......................22
Bảng 1.3. Kết quả điều tra sở thích của HS đối với môn hóa học ...................23
Bảng 1.4. Kết quả điều tra ý kiến của HS về môn hóa học..............................23
Bảng 1.5. Ý kiến của HS về môn hóa học (tính theo điểm trung bình) ...........24
Bảng 1.6. Kết quả điều tra hoạt động tích cực của HS.....................................25
trong và ngoài giờ học môn hóa học ................................................................25
Bảng 2.1. Màu sắc hoa thay đổi theo thuốc thử và màu hoa tự nhiên. ............44
Bảng 3.1.Các lớp thực nghiệm và đối chứng ...................................................97
Bảng 3.2. Kết quả điểm kiểm tra thực nghiệm sư phạm................................101
Bảng 3.3. Phân phối tần số, tần suất và tần suất tích lũy tích ........................101
Bảng 3.4. Tổng hợp kết quả học tập...............................................................102
Bảng 3.5. Tổng hợp các tham số đặc trưng....................................................103
Bảng 3.6. Sở thích của HS đối với các biện pháp gây hứng thú học tập .......104
Bảng 3.7. Ý kiến của HS về những ưu điểm khi sử dụng các biện pháp gây
hứng thú..........................................................................................................105
Bảng 3.8. Ý kiến của HS về những hạn chế khi sử dụng các biện pháp gây
hứng thú học tập môn hóa học .......................................................................105
DANH MỤC CÁC HÌNH VẼ, ĐỒ THỊ
Hình 2.1: Sơ đồ phân loại thí nghiệm hóa học.................................................29
Hình 2.2: Phát hiện nguyên tử trong chuyển động...........................................31
Hình 2.3: Vũ điệu kim loại kiềm......................................................................33
Hình 2.4: Khinh khí cầu ...................................................................................37
Hình 2.5: Bông hoa tự cháy..............................................................................40
Hình 2.6: Núi lửa phun.....................................................................................42
Hình 2.7: Pháo hoa ...........................................................................................43
Hình 2.8: Đĩa trứng ốp la..................................................................................44
Hình 2.9: Mưa nhân tạo....................................................................................54
Hình 2.10: Nhà bác học vĩ đại Lavoadie..........................................................60
Hình 2.11: Lỗ hổng tầng ozon ngày càng lan rộng ..........................................62
Hình 2.12: Chu sa (thủy ngân sunfua)..............................................................65
Hình 2.13: Pirit sắt............................................................................................67
Hình 2.14: Khắc hình trên thủy tinh.................................................................70
Hình 2.15: Kính đổi màu..................................................................................76
Hình 2.16: Khu rừng sau trận mưa axit............................................................78
Hình 3.1: Đồ thị đường lũy tích điểm kiểm tra..............................................102
Hình 3.2: Biểu đồ kết quả học tập..................................................................102
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Hóa học như một bức tranh luôn biến động của tự nhiên với đầy đủ những
màu sắc, âm thanh của dáng vẻ bề ngoài, với các qui luật nghiêm khắc của thế giới
vi mô được ẩn dấu bên trong. Hóa học lại là một ngành khoa học thực nghiệm, có
vai trò quan trọng trong cuộc sống và cần thiết đối với các ngành khoa học công
nghệ khác. Thật khó mà kể hết các thành tựu mà hóa học có đóng góp cho cuộc
sống của chúng ta.
Thế nhưng, phần lớn HS vẫn chưa nhận thức được bản chất và tầm quan trọng
của hóa học trong cuộc sống dù sự đổi mới trong giáo dục nói chung và trong dạy
học hóa học nói riêng đã được đẩy mạnh trong những năm gần đây. Đối với các em,
hóa học là môn học trừu tượng, khô khan và xa rời thực tế.
Trong tình thế toàn cầu hóa hiện nay, nền giáo dục đã được đầu tư nhiều hơn.
Nâng cao chất lượng đào tạo là vấn đề được các nhà giáo quan tâm, nghiên cứu để
tìm ra các biện pháp giúp đem lại hiệu quả tốt nhất.
Muốn nâng cao chất lượng của quá trình dạy học, tất nhiên, GV cần nắm vững
nội dung bộ môn giảng dạy, phải nhuần nhuyễn về phương pháp, nghệ thuật truyền
đạt, đặc điểm tâm lý của HS nhằm kích thích hoạt động sáng tạo, độc lập của HS,
phát huy được trí thông minh, lòng ham học hỏi của các em, mặt khác phải làm thế
nào gây hứng thú học tập cho các em. Từ đó, các em có thể tự tìm hiểu những điều
mới lạ về cuộc sống và thế giới xung quanh cho mình. Có câu nói: “Nếu không
khêu gợi được hứng thú cho HS thì cũng như búa thợ rèn đập trên sắt nguội mà
thôi”. Nếu xây dựng được hứng thú học tập nơi HS thì mỗi kiến thức hóa học là
một thế giới vui nhộn, bổ ích; mỗi tiết học là một trải nghiệm thoải mái. Bằng cách
nào? Các biện pháp gây hứng thú học tập khá nhiều, điều quan trọng là những biện
pháp nào là hiệu quả và phù hợp với thực tế hiện nay.
Trước vấn đề cấp thiết trên, em đã quyết định chọn đề tài “Một số biện pháp
gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 Trung học phổ thông”.
2. Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu những biện pháp gây hứng thú để nâng cao hiệu quả quá trình
dạy học hóa học ở trường phổ thông.
3. Khách thể và đối tượng nghiên cứu
– Khách thể nghiên cứu: Quá trình dạy học hóa học ở lớp 10 trường phổ
thông.
– Đối tượng nghiên cứu: Việc gây hứng thú học tập môn hóa học ở lớp 10
trường phổ thông.
4. Giả thuyết khoa học
Nếu GV nắm vững cơ sở lý luận và vận dụng tốt vào trong hoạt động dạy
học thì sẽ giúp HS hứng thú học tập, yêu thích môn học hơn, nâng cao chất lượng
dạy và học môn hóa học ở trường phổ thông.
Bên cạnh đó, khóa luận còn cung cấp nguồn tư liệu giúp GV dễ dàng lựa
chọn và áp dụng vào thực tiễn gây hứng thú trong dạy học.
5. Nhiệm vụ của đề tài
– Nghiên cứu cơ sở lý luận, tìm hiểu bản chất của việc gây hứng thú trong
dạy học hóa học.
– Tìm hiểu thực trạng của việc gây hứng thú ở lớp 10 trung học phổ thông.
– Nêu và đề xuất một số biện pháp gây hứng thú học tập.
– Tổng hợp tư liệu theo các biện pháp gây hứng thú trong dạy học hóa học.
– Thực nghiệm sư phạm để xác định hiệu quả, tính khả thi của những biện
pháp và rút ra các bài học kinh nghiệm.
6. Phạm vi nghiên cứu
– Khóa luận tập trung nghiên cứu một số biện pháp gây hứng thú học tập
hóa học cho HS lớp 10.
+ Sử dụng một số thí nghiệm gây hứng thú.
+ Sử dụng phim mô phỏng.
+ Kể chuyện hóa học.
+ Vận dụng tình huống gắn với thực tiễn.
+ GV thân thiện với HS.
+ Đưa sự hài hước vào trong bài học.
– Đối tượng thực nghiệm sư phạm là HS lớp 10 ở một số trường THPT tại
TP HCM.
– Thời gian thực nghiệm: từ tháng 3/2013 đến tháng 4/2013.
7. Các phương pháp nghiên cứu
7.1. Các phương pháp nghiên cứu lý luận
– Nghiên cứu cơ sở lý luận về quá trình dạy và học.
– Nghiên cứu cơ sở lí luận về hứng thú và gây hứng thú học tập.
– Nghiên cứu các biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học.
7.2. Các phương pháp nghiên cứu thực tiễn
– Điều tra thực trạng hứng thú học tập môn hóa học của HS THPT hiện
nay.
– Trao đổi, rút kinh nghiệm với các GV về các biện pháp gây hứng thú học
tập hóa học.
– Thực nghiệm sư phạm
+ Đánh giá tính khả thi và hiệu quả sử dụng của các biện pháp gây hứng
thú học tập hóa học được đề xuất.
+ Triển khai các biện pháp gây hứng thú cho một số GV phổ thông.
7.3. Các phương pháp toán học
Xử lí kết quả thực nghiệm bằng các phương pháp thống kê, từ đó rút ra kết
luận của đề tài.
CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI
--------
1.1. Lịch sử vấn đề nghiên cứu
Hứng thú là đối tượng được nghiên cứu khá sớm và phổ biến trên thế giới, từ
các nhà tâm lí học đến các nhà giáo dục học. Mỗi người với mỗi quan niệm về hứng
thú, mỗi người với mỗi cách tiếp cận riêng biệt nhưng điểm chung duy nhất nhận
thức được tầm quan trọng của hứng thú trong hoạt động của con người. Sau đây là
một số tài liệu quý giá nghiên cứu về vấn đề này.
1.1.1. Các sách, bài viết về hứng thú
Các sách, bài viết về hứng thú xuất hiện ở Việt Nam vào những năm 70 của
thế kỉ 20, chủ yếu là sách của Liên Xô cũ được biên dịch lại. Sau đây là một số sách
nghiên cứu về hứng thú được phát hành rộng rãi tại Việt Nam.
 “Từ hứng thú đến tài năng” của tác giả L.X.Xô-Lô-Vây-Trích (biên
dịch bởi Lê Khánh Trường, do nhà xuất bản Phụ Nữ Hà Nội phát hành năm 1975)
[31]. Tuy sách không trình bày cơ sở lý luận của hứng thú nhưng lại là cuốn sách
hay về hứng thú và tài năng. Mối liên hệ giữa hứng thú và tài năng được làm sáng tỏ
thông qua những câu chuyện có thật trong cuộc sống. Nội dung sách đơn giản, dễ
hiểu và cách dẫn chuyện sinh động và có thể vận dụng giúp HS tìm thấy hứng thú
và phát huy tài năng.
 Năm 1976, N. G. Marôzôva đã nghiên cứu vấn đề: “Tác dụng của việc
giảng dạy nêu vấn đề đối với hứng thú nhận thức của HS” [18]. Trong tài liệu
này, ngoài việc đưa ra cấu trúc tâm lý của hứng thú, tác giả còn phân tích những
điều kiện và khả năng giáo dục hứng thú trong quá trình học tập và lao động của HS
cũng như tác dụng của việc giảng dạy nêu vấn đề đối với hứng thú nhận thức của
HS. Đây là tài liệu tham khảo hay và quý giá về hứng thú.
1.1.2. Các luận văn nghiên cứu về hứng thú trong dạy học hóa học
Trong những năm gần đây, gây hứng thú học tập hóa học nhận được quan tâm
của nhiều GV, trở thành đề tài nghiên cứu thạc sĩ. Trong đề tài này, chúng tôi xin
giới thiệu một số luận văn giá trị về lí luận cũng như những biện pháp thực tiễn về
hứng thú học tập hóa học.
 Luận văn thạc sĩ “Sử dụng thí nghiệm vui và ảo thuật hóa học nhằm:
Nâng cao hứng thú học tập hóa học cho HS phổ thông” của học viên Hoàng Thị
Minh Anh, Đại học Sư phạm Hà Nội (1995) [2].
Điểm nổi bật của luận văn: Tác giả đã sưu tầm và xây dựng được 117 thí
nghiệm vui và ảo thuật hóa học. Với việc mô tả mô tả chi tiết cách tiến hành, hiện
tượng xảy ra và giải thích hiện tượng ở mỗi thí nghiệm và ảo thuật đã giúp luận văn
trở thành tài liệu tham khảo tốt cho GV và sinh viên sư phạm ngành hóa học, có thể
kết hợp sử dụng các thí nghiệm vui và ảo thuật hóa học này trong các giờ lên lớp,
các buổi ngoại khóa hoặc một vài thí nghiệm có thể cho HS tự làm.
 Luận văn thạc sĩ “Những biện pháp gây hứng thú trong dạy học hóa
học ở trường phổ thông” của học viên Phạm Ngọc Thủy, Đại học Sư phạm TP
HCM (2008) [28].
Điểm nổi bật của đề tài: Tác giả tập trung nghiên cứu 3 biện pháp gây hứng
thú cho HS:
– Gây hứng thú bằng thí nghiệm hóa học kích thích tư duy: Thiết kế minh
họa về thí nghiệm kích thích tư duy gồm 5 thí nghiệm GV biểu diễn và 4 thí nghiệm
do HS thực hiện cùng gợi ý cách sử dụng trong giảng dạy.
– Gây hứng thú bằng thơ về hóa học: thiết kế 9 sáng tác, giới thiệu 16 bài
thơ gồm 7 bài thơ vui và 9 bài thơ đố.
– Gây hứng thú những thông tin mới lạ của hóa học: giới thiệu 27 thông
tin mới lạ của hóa học gồm 5 thông tin mới lạ của Việt Nam và 22 thông tin mới lạ
trên thế giới, phù hợp với nội dung các bài học ở PTTH.
 Luận văn thạc sĩ “Một số biện pháp tạo hứng thú cho HS đối với môn
hóa học lớp 8- Trung học cơ sở” của học viên Nguyễn Vinh Quang, Đại học sư
phạm TP HCM (2012) [24].
Điểm mới và nổi bật của đề tài:
– Đối tượng nghiên cứu là HS lớp 8 mới làm quen với môn Hóa học.
– Tác giả tập trung nghiên cứu 3 nhóm biện pháp giúp GV tạo hứng thú
học tập:
+ Nhóm biện pháp khai thác nội dung kiến thức hóa học gồm 5 biện
pháp.
+ Nhóm biện pháp phát huy tính tích cực, tự lực của HS khi tham gia
các hoạt động học tập gồm 3 biện pháp.
+ Nhóm biện pháp tác động tâm lí của HS gồm 3 biện pháp.
– Đồng thời, tác giả minh họa bằng việc thiết kế một số giáo án cụ thể kết
hợp sử dụng các nhóm biện pháp trên.
Đây là tài liệu khá đầy đủ về cơ sở lý luận của hứng thú cũng như phong phú
về các biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học.
1.1.3. Các khóa luận tốt nghiệp nghiên cứu về hứng thú trong dạy học hóa
học
Nhận thấy tầm quan trọng của hứng thú học tập hóa học trong việc giảng dạy
nên có khá nhiều đề tài tốt nghiệp của sinh viên khoa Hóa nghiên cứu đến vấn đề
này. Sau đây là một số khóa luận tiêu biểu:
 Khóa luận tốt nghiệp “Tạo hứng thú học tập môn hóa học cho HS ở
trường THPT” của sinh viên Phan Thị Ngọc Bích, Khoa Hóa – Đại học Sư phạm
TP HCM (2003) [4].
Điểm nổi bật của khóa luận: Tác đã đi sâu nghiên cứu tầm quan trọng cũng
như các biện pháp gây hứng thú học tập cho HS. Thông qua “giáo dục mối quan hệ
giữa hóa học và sự ô nhiễm môi trường để tạo hứng thú học tập”, tác giả tác động
vào tình cảm và ý thức công dân để gây hứng thú trong học tập hóa học cho HS, đó
là cách tiếp cận sáng tạo và trở thành điểm mới của đề tài.
 Khóa luận tốt nghiệp “Gây hứng thú học tập môn hóa học cho HS phổ
thông bằng các thí nghiệm vui, tranh ảnh, hình vẽ và chuyện vui hóa học” của
sinh viên Phạm Thùy Linh, Khoa Hóa – Đại học Sư phạm TP HCM (2005). [16]
Điểm nổi bật của khóa luận: Tác giả đã tổng hợp nhiều nhiều tư liệu về thí
nghiệm vui, tranh ảnh, hình vẽ và chuyện vui về hóa học trong đĩa CD, cùng với 17
thí nghiệm mới, 8 thí nghiệm mô phỏng và bảng hệ thống tuần hoàn bằng Microsoft
Office Powerpoint; sưu tầm được nhiều tư liệu giúp GV hứng thú trong quá trình
dạy học giúp khóa luận trở thành nguồn tư liệu phong phú và hữu ích cho GV.
 Khóa luận tốt nghiệp “Thiết kế một số hoạt động dạy học gây hứng
thú nhận thức trong môn hóa học lớp 10” của sinh viên Tô Quốc Anh, Khoa Hóa
– Đại học Sư phạm TP HCM (2007) [3].
Điểm nổi bật của đề tài:
– Nghiên cứu khá đầy đủ về hứng thú nhận thức.
– Thiết kế những hoạt động dạy học gây hứng thú nhận thức mới lạ, hấp
dẫn với 11 trò chơi dạy học hóa học lớp 10, 4 dạng dụng cụ dạy học hóa học là lá
bài hóa học, súc sắc hóa học, bảng phụ, bảng đáp án thí nghiệm và thiết kế 4 giáo án
dạy học hóa học lớp 10.
 Khóa luận tốt nghiệp “Một số biện pháp gây hứng thú học tập cho HS
trong giảng dạy bộ môn hóa học ở trường phổ thông” của sinh viên Lê Thị
Thanh Trâm, Khoa Hóa – Đại học Sư phạm TP HCM (2009) [27].
Điểm nổi bật của đề tài:
– Tác giả đề cập đến các biện pháp gây hứng thú: kể chuyện vui hóa học
(gồm 7 câu chuyện), hình vẽ tranh ảnh (2 tranh và hình vẽ), thí nghiệm (gồm 6 thí
nghiệm vui), liên hệ thực tiễn cuộc sống (36 ứng dụng hóa học trong thực tiễn).
– Tác giả thiết kế 5 giáo án hóa học 12 nâng cao có áp dụng các biện pháp
tác giả trình bày trong khóa luận.
– Đề tài tập trung nghiên cứu tạo hứng thú học tập ở chương trình cải cách
12 còn khá mới mẻ và chưa được nghiên cứu nhiều.
 Khóa luận tốt nghiệp “Một số biện pháp gây hứng thú học tập hóa học
cho HS lớp 10 trung học phổ thông” của sinh viên Trần Nữ Anh Đào, Khoa Hóa
– Đại học Sư phạm TP HCM (2010) [14].
Điểm nổi bật của đề tài:
– Tác giả nghiên cứu 3 biện pháp gây hứng thú là:
+ Sử dụng thí nghiệm vui hóa học (gồm 10 thí nghiệm vui).
+ Khai thác các kiến thức thực tế hóa học (12 kiến thức thực tế).
+ Lịch sử hóa học giới thiệu về 28 sự kiện về lịch sử các học thuyết về
cấu tạo chất, giới thiệu 4 nhà khoa học đã lập nên bảng tuần hoàn các nguyên tố
hóa học, 4 sự kiện lịch sử hình thành và phát triển khái niệm hóa trị và liên kết hóa
học, lịch sử tìm ra các nguyên tố nhóm VIA, VIIA, nguồn gốc tên gọi các nguyên tố
nhóm VIA, VIIA.
– Tác giả cũng thiết kế 3 giáo án có áp dụng các biện pháp gây hứng thú
nêu trong khóa luận.
 Khóa luận tốt nghiệp “Thiết kế và sử dụng một số thí nghiệm hóa học
gây hứng thú cho HS trung học phổ thông” của sinh viên Trần Thị Quỳnh Mai,
Khoa Hóa – Đại học Sư phạm TP HCM (2010) [19].
Điểm nổi bật của đề tài: Tác giả thiết kế được 6 thí nghiệm trong giảng dạy bài
mới, 4 thí nghiệm trong bài ôn tập, củng cố, 4 thí nghiệm trong sinh hoạt ngoại khóa
kết hợp với lời dẫn dí dỏm, phù hợp với lứa tuổi HS.
Đây là tài liệu đầy đủ về gây hứng thú học tập bằng thí nghiệm hóa học.
1.2. Quá trình dạy học
1.2.1. Khái niệm
Trong "Lý luận dạy học" [1], tác giả Nguyễn An có nêu: “Quá trình dạy và
học là sự tác động qua lại có chủ đích được thay đổi một cách có trình tự giữa GV
và HS nhằm thực hiện các nhiệm vụ giáo dưỡng, giáo dục cộng sản chủ nghĩa và
phát triển nhân cách cho HS”.
Quá trình dạy và học là một quá trình toàn vẹn bao gồm 3 thành phần không
thể thiếu và có quan hệ mật thiết với nhau đó là: môn học, việc dạy và việc học.
Ngoài ra, còn có thể định nghĩa theo tác giả Phan Trọng Ngọ: “Quá trình dạy
học là chuỗi liên tiếp các hành động dạy và hành động của người dạy và người học
đan xen và tương tác với nhau trong khoảng không gian và thời gian nhất định,
nhằm thực các hiện nhiệm vụ dạy học”.
1.2.2. Mối quan hệ biện chứng giữa dạy và học
Quá trình dạy học không phải là phép cộng máy móc hai quá trình giảng dạy
và học tập [1, tr.13]. Tính toàn vẹn của quá trình ấy nằm ở mục đích chung của dạy
và học ở khả năng không thể tồn tại nếu chỉ có dạy mà không có học [1, tr.14].
Dạy + Học = 1
Dạy học là sự điều khiển tối ưu quá trình HS chiếm lĩnh khái niệm, kiến thức
khoa học từ đó hình thành và phát triển nhân cách cho HS.
Dạy và học là loại hình hoạt động hai chiều, nó đòi hỏi nhất thiết phải có tác
động qua lại giữa GV và HS. Tác động ấy diễn ra trong những điều kiện nhất định
(điều kiện vật chất - học tập, điều kiện vệ sinh, điều kiện tâm lý, đạo đức, thẩm
mỹ...). Dạy và học không thể thiếu tác động qua lại biện chứng giữa GV và HS. Nếu
sự tích cực truyền đạt của GV mà không có sự tích cực hoạt động để tiếp thu kiến
thức của HS thì quá trình dạy và học thực tế không diễn ra. Do đó, bất kì GV nào,
dạy bộ môn gì đều phải nhận thức được bản chất của việc học tích cực và xác định
đúng đắn mối quan hệ biện chứng giữa dạy và học.
Mối quan hệ đó được khẳng định như sau:
– Cách dạy quyết định cách học do đó người GV có vai trò quyết định.
– Mọi hoạt động dạy của GV (soạn bài, lên lớp, kiểm tra, đánh giá...) phải
nhằm phục vụ cho việc học của từng HS trong lớp.
– Các nhà tâm lý học dạy học, qua các công trình nghiên cứu của mình đã
khẳng định rằng sự hình thành và phát triển năng lực của HS, diễn ra trong quá trình
dạy học ở nhà trường, chịu sự quy định của năng lực người thầy. Thầy giỏi trò sẽ
giỏi, đó là một quy luật. Do đó, những năng lực cần thiết ở người GV:
– Trình độ hiểu biết sâu sắc những tri thức bộ môn mình dạy và những
hiểu biết cần thiết những bộ môn liên quan, cũng như những hiểu biết nhất định
(càng sâu càng tốt) thực tiễn cuộc sống liên quan đến bộ môn. Năng lực này của GV
quy định trực tiếp đến độ sâu, độ rộng (khối lượng) và tính thực tiễn của những khái
niệm và tri thức khoa học được hình thành ở HS. Người GV phải không ngừng nâng
cao trong học hỏi lý thuyết, tiếp cận với những tri thức khoa học hiện đại, nghiên
cứu khoa học và tìm hiểu thực tiễn, không bao giờ bằng lòng với vốn tri thức, hiểu
biết của mình.
– Trình độ về phương pháp giảng dạy bộ môn, phương pháp giảng dạy của
thầy quy định phương pháp học tập của trò, quy định cách nhìn và suy nghĩ của trò.
Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy có nhiều trường hợp GV nắm vững tri thức
bộ môn nhưng do phương pháp giảng dạy không thích hợp, năng lực truyền tải
nguyên xi những tri thức trong tài liệu giáo khoa, buộc HS phải tiếp thu một cách
thụ động, không cần phải phân tích thắc mắc, động não mà chủ yếu ra sức ghi nhớ,
học thuộc lòng rồi sau đó lập lại máy móc những gì đã nhớ. Học trong điều kiện
giảng dạy như vậy chỉ hình thành ở HS năng lực nhận thức máy móc, nông cạn,
không thể hình thành năng lực tư duy độc lập sáng tạo, tự mình xây dựng tri thức
cho mình.
Tóm lại, trình độ hiểu biết, đặc biệt là hiểu biết tri thức bộ môn và trình độ
phương pháp dạy học bộ môn của GV quy định trình độ hiểu biết và năng lực của
HS.
1.2.3. Vai trò của giáo viên trong quá trình dạy học [26]
Trước những yêu cầu đổi mới của sự nghiệp giáo dục, với việc ứng dụng hệ
thống các phương pháp dạy học tích cực, nhà trường đang có những biến đổi về
chất trong cách dạy và cách học.
HS đến trường không phải chỉ để nghe những điều thầy dạy vì "nghe rồi quên,
nhìn thì sẽ nhớ, nhưng làm thì mới hiểu" (tục ngữ cổ phương Đông). Chỉ có bắt tay
vào làm mới có thể hiểu sâu sắc. Đúng như Brune đã nhận xét: "Kiến thức thu nhận
bằng con đường tự khám phá là kiến thức vững chắc nhất, đáng tin cậy nhất".
Để có thể "làm", HS không chỉ làm theo những mẫu có sẵn mà làm theo cái
cần thiết, mục đích và yêu cầu đã định. HS cần được bồi dưỡng năng lực tư duy
sáng tạo, năng lực giải quyết vấn đề. Chính trong quá trình bồi dưỡng năng lực đó,
vai trò của người GV lại càng quan trọng hơn bao giờ hết. Trong quá trình đó, thầy
là người thiết kế, điều khiển để cho HS học tập tự giác và tích cực. Thầy kích động
và khơi dậy hứng thú học tập của trò, tổ chức và điều khiển để trò chủ động, tích
cực học tập. Trò được học với tư cách đích thị là mình, được nghĩ bằng cái đầu của
mình, được nói bằng lời của mình, được viết theo ý mình, không bị gò ép, áp đặt.
Với phương pháp dạy học tích cực, vai trò của GV như một chất xúc tác cho
sự phát triển năng lực tư duy sáng tạo của HS.
Theo các nhà tâm lý học hiện nay, có thể nói đến 4 vai trò chính của GV:
– Vai trò thứ nhất: “Người cổ vũ”
GV cần đánh giá cao óc sáng tạo và cần giúp cho HS cũng có thái độ này. Nếu
chỉ đánh giá cao hành vi phục tùng thầy giáo thì HS sẽ cảm thấy sự cố gắng tìm tòi
cái mới của mình là vô ích. Các em sẽ làm “điều mà thầy muốn” rập khuôn theo
cách nghĩ, cách giải của thầy. Trái lại, một thái độ cởi mở trân trọng của thầy đối
với những tìm tòi, mới mẻ của HS, sự nhanh chóng nhận biết và chấp nhận những
giải pháp hay của HS sẽ có tác động khuyến khích các em rất lớn. Bằng ánh mắt trìu
mến, nụ cười khích lệ, GV chuẩn bị cho HS bắt tay vào một công việc khó khăn mà
các em không cảm thấy lo sợ, lúng túng. Thầy cho phép các em được theo đuổi
những con đường riêng để đi đến lời giải và chỉ can thiệp khi thật cần thiết. Chính
thái độ ấy của thầy đã thúc đẩy sự phát triển tư duy sáng tạo của HS.
– Vai trò thứ hai: “Người tổ chức”
Thầy là người tổ chức cho HS làm việc, hoạt động tìm tòi phát hiện chân lý
khoa học. Thầy giáo không “rót kiến thức vào bình chứa - HS” mà “thắp sáng lên
từng ngọn nến - HS”. Lớp học phải trở thành một “cộng đồng xã hội” trong đó có
sự hợp tác học tập giữa tất cả các thành viên, sao cho mỗi HS được phát huy hết
năng lực và sự sáng tạo của mình, kết hợp hài hòa học bạn với học thầy. Dùng
phương pháp đàm thoại gợi mở, GV tổ chức cho HS tranh luận, tìm tòi khám phá,
phát hiện “cái nút” của bài toán. HS chỉ thực sự hứng thú, hiểu kỹ nhớ lâu khi chính
các em là người tìm ra “chìa khóa” giải bài toán.
Thực tế cho thấy, nhiều HS đã đưa ra được những ý kiến mới mẻ, tìm thấy
được những lời giải độc đáo trong một khung cảnh học tập cởi mở và tự do. Ở đó,
mọi người đều có cơ hội bộc lộ tối đa năng lực tư duy sáng tạo của mình. Trong
khung cảnh ấy GV phải phát động được trí tuệ của HS bằng cách kích thích sự suy
nghĩ tiếp nối nhằm làm cho các em tích cực đào sâu hơn nữa suy nghĩ trong một
không khí đầy hưng phấn nhiệt tình.
Thầy giáo có thể tổ chức cho HS làm việc trong các nhóm nhỏ để các em có
thể trình bày rõ những ý nghĩ, những quan niệm của mình, đồng thời trao đổi thẳng
thắn những điều còn nghi vấn.
– Vai trò thứ ba: “Người thiết kế”
GV là người thiết kế, xây dựng nội dung giảng dạy, tạo ra các tình huống để
HS tự giác đảm nhận nhiệm vụ học tập. Trong việc soạn giảng, GV cần đặc biệt
quan tâm đến sự phù hợp giữa các mục tiêu trong nhà trường, mục đích yêu cầu của
từng tiết học và các quá trình phát triển tâm lý lứa tuổi. Nếu GV cổ vũ các em học
tập một cách thông minh, tin tưởng vào khả năng trí tuệ của chúng thì như vậy GV
đã coi trọng sức mạnh trí tuệ của HS. Do đó, bằng mọi cách để kích thích tư duy
độc lập và sáng tạo của HS.
Nếu GV thiết kế được một bài lên lớp, soạn được một nội dung giảng dạy,
trong đó sử dụng khéo léo các câu hỏi và bài tập; đáp ứng được nhu cầu phát triển
trí tưởng tượng, óc tò mò, sự say mê tìm tòi cái mới… của các em thì giờ học đó có
nhiều khả năng thành công.
– Vai trò thứ tư: “Người đánh giá”
GV đánh giá tầm quan trọng, xác nhận kiến thức HS thu nhận được và sắp xếp
kiến thức đó vào hệ thống tri thức sẵn có của HS.
GV phải có đủ năng lực đủ trình độ để nhận ra cái độc đáo, đánh giá đúng đắn
giá trị thật sự các sản phẩm sáng tạo của HS. Trẻ em có thể mất lòng tin, thậm chí
có thái độ chống đối không thân thiện nếu các sản phẩm sáng tạo của các em bị
đánh giá không đúng. Những HS có tư duy sáng tạo phát triển, khi giải toán thường
muốn tìm được nhiều cách giải, nhất là những cách giải đẹp, độc đáo. Ý muốn ấy
của các em phải được khuyến khích và kết quả phải được phân tích, đánh giá đúng
đắn. Trong trường hợp HS có những ý kiến táo bạo, có những cách giải lạ, khác với
suy nghĩ và kinh nghiệm thường gặp, GV phải bình tĩnh nghiên cứu, trân trọng trao
đổi thẳng thắn vấn đề, cuối cùng rút ra kết luận chính xác. Sự đánh giá của GV phải
thật sự vô tư, khách quan, khoa học. Chỉ có như vậy GV mới có thể là người “trọng
tài” đáng tin cậy của các em được.
1.3. Hứng thú
1.3.1. Khái niệm hứng thú
– Theo Đại Từ điển Tiếng Việt, hứng thú có hai nghĩa: “Hứng thú là biểu
hiện của một nhu cầu, làm cho chủ thể tìm cách thỏa mãn, tạo ra khoái cảm, thích
thú và huy động sinh lực để cố gắng thực hiện” và “ Hứng thú là sự ham thích” [33,
tr.861].
– Theo A. V. Daparogiet “Hứng thú là khuynh hướng của sự chú ý tới
những đối tượng nhất định, là nguyện vọng tìm hiểu chúng càng tỉ mỉ càng hay”
[13, tr.281].
– Theo A. G. Côvaliôv định nghĩa: “Hứng thú là thái độ đặc thù của cá
nhân đối với một đối tượng nào đó, do ý nghĩa của nó trong đời sống và sự hấp dẫn
về tình cảm của nó” [11, tr.100].
– Tâm lý học hiện đại có khuynh hướng nghiên cứu hứng thú trong mối
quan hệ với toàn bộ cấu trúc tâm lý của cá nhân và đã đưa ra định nghĩa tương đối
hoàn chỉnh về hứng thú: “Hứng thú là thái độ lựa chọn đặc biệt của cá nhân đối
với một đối tượng nào đó, vừa có ý nghĩa đối với cuộc sống, vừa có khả năng mang
lại xúc cảm cho cá nhân trong quá trình hoạt động" [28, tr. 187]. Ở đây hứng thú
thể hiện mối quan hệ giữa chủ thể với thế giới khách quan, giữa đối tượng với nhu
cầu và xúc cảm, tình cảm của chủ thể hoạt động.
– Các nhà tâm lý học đã nghiên cứu hứng thú theo quan điểm duy vật biện
chứng và chỉ ra tính chất phức tạp của hứng thú, xem xét hứng thú trong mối tương
quan với các thuộc tính khác của nhân cách (nhu cầu, xúc cảm, ý chí,…).
– Như vậy, hứng thú là “Hứng thú là thái độ lựa chọn đặc biệt của cá nhân
đối với một đối tượng nào đó, vừa có ý nghĩa đối với cuộc sống, vừa có khả năng
mang lại xúc cảm cho cá nhân trong quá trình hoạt động".
1.3.2. Phân loại hứng thú
– Căn cứ vào hiệu quả của hứng thú: chia ra làm 2 loại:
+ Hứng thú thụ động: Là loại hứng thú tĩnh quan dừng lại ở hứng thú
ngắm nhìn, chiêm ngưỡng đối tượng gây nên hứng thú, không thể hiện mặt tích cực
để nhận thức sâu hơn đối tượng, làm chủ đối tượng.
+ Hứng thú tích cực: Không chỉ chiêm ngưỡng đối tượng gây nên hứng
thú, mà lao vào hoạt động với mục đích chiếm lĩnh được đối tượng. Nó là một trong
những nguồn kích thích sự phát triển nhân cách, hình thành kỹ năng kỹ xảo, nguồn
gốc của sự sáng tạo.
– Căn cứ vào nội dung đối tượng, nội dung hoạt động: chia ra làm 5 loại:
+ Hứng thú vật chất: Là loại hứng thú biểu hiện thành nguyện vọng như
muốn có chỗ ở đầy đủ, tiện nghi, ăn ngon, mặc đẹp...
+ Hứng thú nhận thức: Ta có thể hiểu hứng thú dưới hình thức học tập
như: Hứng thú vật lý học, hứng thú triết học, hứng thú tâm lý học...
+ Hứng thú lao động nghề nghiệp: Hứng thú một ngành nghề cụ thể:
Hứng thú nghề sư phạm, nghề bác sĩ ...
+ Hứng thú xã hội – chính trị: Hứng thú một lĩnh vực hoạt động chính
trị.
+ Hứng thú mĩ thuật: Hứng thú về cái hay, cái đẹp... như văn học, phim
ảnh, âm nhạc...
– Căn cứ vào khối lượng của hứng thú: chia ra 2 loại:
+ Hứng thú rộng: Bao quát nhiều lĩnh vực, nhiều mặt thường không sâu.
+ Hứng thú hẹp: Hứng thú với từng mặt, từng ngành nghề, lĩnh vực cụ
thể... Trong cuộc sống cá nhân đòi hỏi có hứng thú rộng - hẹp, vì chỉ có hứng thú
hẹp mà không có hứng thú rộng thì nhân cách của họ sẽ không toàn diện, song chỉ
có hứng thú rộng thì sự phát triển nhân cách cá nhân sẽ hời hợt thiếu sự sâu sắc.
– Căn cứ vào tính bền vững: chia ra làm 2 loại:
+ Hứng thú bền vững: Thường gắn liền với năng lực cao và sự nhận
thức sâu sắc nghĩa vụ và thiên hướng của mình.
+ Hứng thú không bền vững: Hứng thú thường bắt nguồn từ nhận thức
hời hợt đối với đối tượng hứng thú.
– Căn cứ vào chiều sâu của hứng thú: chia ra làm 2 loại:
+ Hứng thú sâu sắc: Thường thể hiện thái độ thận trọng có trách nhiệm
với hoạt động, công việc. Mong muốn đi sâu vào đối tượng nhận thức, đi sâu nắm
vững đến mức hoàn hảo đối tượng của mình.
+ Hứng thú hời hợt bên ngoài: Đây là những người qua loa đại khái
trong quá trình nhận thức, trong thực tiễn. Họ là những người nhẹ dạ nông nổi.
– Căn cứ vào chiều hướng của hứng thú: chia ra làm 2 loại:
+ Hứng thú trực tiếp: Hứng thú đối với bản thân quá trình hoạt động,
hứng thú với quá trình nhận thức, quá trình lao động, và hoạt động sáng tạo.
+ Hứng thú gián tiếp: Loại hứng thú đối với kết quả hoạt động.
1.3.3. Cấu trúc của hứng thú
Phân tích cấu trúc của hứng thú, tiến sĩ tâm lý học N. G. Marôzôva đã đưa ra 3
yếu tố, đặc trưng cho hứng thú [18, tr.15]:
– Có xúc cảm sâu sắc, đúng đắn với đối tượng gây ra hứng thú.
– Cá nhân nhận thức được đối tượng đã gây ra hứng thú.
– Có hành động vươn tới chiếm lĩnh đối tượng.
Ba thành tố trên có liên quan chặt chẽ với nhau, tương tác lẫn nhau trong hứng
thú của cá nhân. Trong cấu trúc hứng thú, sự tồn tại của từng mặt riêng lẻ không có
ý nghĩa đối với hứng thú, không nói lên mức độ của hứng thú. Ở mỗi giai đoạn phát
triển khác nhau của hứng thú, mỗi thành tố đó có thể nổi lên mạnh hay yếu, ít hay
nhiều.
Xúc cảm là yếu tố không thể thiếu được trong hứng thú của cá nhân. Nhưng
nếu chỉ dừng ở mức độ xúc cảm với đối tượng thì chưa phải là hứng thú. Nếu chỉ
nói đến mặt nhận thức thì mới là sự hiểu biết của con người với đối tượng. Còn khi
nói đến mặt hành động là chỉ đề cập đến hình thức biểu hiện bên ngoài, không thấy
được xúc cảm, tình cảm của họ với đối tượng đó.
Bất kỳ hứng thú nào cũng là thái độ xúc cảm tích cực của chủ thể với đối
tượng, đó là sự thích thú với bản thân đối tượng; còn nhận thức là tiền đề cho việc
hình thành xúc cảm. Khi cá nhân có xúc cảm thực sự với đối tượng muốn chiếm
lĩnh, có niềm vui tìm hiểu và nhận thức đối tượng thì họ mới tích cực hành động.
Do đó, hứng thú phải là sự kết hợp giữa xúc cảm, nhận thức và hành động tích cực,
nghĩa là có sự kết hợp giữa sự hiểu biết về đối tượng với sự thích thú và tính tích
cực hoạt động để chiếm lĩnh đối tượng.
1.3.4. Vai trò của hứng thú
– Đối với hoạt động nói chung:
Trong quá trình hoạt động của con người, cùng với nhu cầu, hứng thú kích
thích hoạt động làm cho con người say mê hoạt động đem lại hiệu quả cao trong
hoạt động của mình. Hứng thú hình thành và phát triển dẫn đến nhu cầu trong lĩnh
vực đó phát triển dễ dàng hơn. Nhu cầu và hứng thú có quan hệ mật thiết với nhau,
nhu cầu là tiền đề, cơ sở của hứng thú, khi có hứng thú với một cái gì thì cá nhân sẽ
hoạt động tích cực chiếm lĩnh đối tượng để thỏa mãn nhu cầu trong cuộc sống, lúc
đó xuất hiện nhu cầu mới cao hơn.
Công việc nào có hứng thú cao thì con người thực hiện nó dễ dàng hơn, có
hiệu quả cao, tạo ra xúc cảm dương tính mạnh mẽ đối với người tiến hành hoạt
động đó, và họ sẽ tìm thấy niềm vui trong công việc, công việc trở nên nhẹ nhàng, ít
tốn công sức hơn, có sự tập trung cao. Ngược lại, người ta cảm thấy gượng ép, mệt
mỏi, công việc trở nên nặng nhọc khó khăn, chất lượng hoạt động giảm rõ rệt khi
làm việc không có hứng thú.
– Đối với hoạt động nhận thức:
Hứng thú là động lực giúp con người tiến hành hoạt động nhận thức đạt hiệu
quả, hứng thú tạo ra động cơ quan trọng của hoạt động. Hứng thú làm tích cực hóa
các quá trình tâm lý (tri giác, trí nhớ, tư duy, tưởng tượng...).
– Đối với năng lực:
Khi chúng ta được làm việc phù hợp với hứng thú, thì dù phải vượt qua muôn
ngàn khó khăn, người ta vẫn cảm thấy thoải mái làm cho năng lực trong lĩnh vực
hoạt động ấy dễ dàng hình thành, phát triển.
Năng lực phụ thuộc vào sự luyện tập, nhưng chỉ có hứng thú mới cho phép
người ta say sưa làm một việc gì đó tương đối lâu dài không mệt mỏi mà không
sớm thỏa mãn mà thôi. Hứng thú làm cho năng khiếu thêm sắc bén.
Đối với người học, việc hình thành năng lực phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong
đó, hứng thú của người học đối với môn học là rất quan trọng. Trong quá trình
giảng dạy, GV phải thu hút được người học vào bài giảng làm cho người học có
hứng thú đối với môn học. Hứng thú là yếu tố quyết định đến sự hình thành và phát
triển năng lực cá nhân. Hứng thú và năng lực có quan hệ biện chứng với nhau, cái
này làm tiền đề cho cái kia và ngược lại. Hứng thú và năng lực là một cặp không
tách rời khỏi nhau, có nghĩa là tài năng sẽ bị thui chột nếu hứng thú không thực sự
sâu sắc, đầy đủ; hứng thú không được nuôi dưỡng lâu dài nếu không có những năng
lực cần thiết để thỏa mãn hứng thú.
1.4. Hứng thú học tập
1.4.1. Khái niệm hứng thú học tập
Từ định nghĩa về hứng thú của tâm lí học hiện đại thì “hứng thú học tập là sự
ham thích của HS đối với một môn học nào đó, do thấy được ý nghĩa của môn học
này đối với cuộc sống và đối với bản thân, đem lại sự hấp dẫn, lôi cuốn trong quá
trình học tập bộ môn và kích thích HS hoạt động tích cực hơn.”
Có hai loại hứng thú trong học tập là hứng thú trực tiếp và hứng thú gián tiếp.
Hứng thú trực tiếp trong học tập là hứng thú đối với nội dung tri thức, quá
trình học tập, và những phương pháp tiếp thu, vận dụng những tri thức đó [17, tr.
137]. Như vậy, hứng thú trực tiếp được hình thành dựa trên sự say mê của HS đối
với môn học, cũng như cách thức chiếm lĩnh các tri thức và vận dụng tri thức đó.
Hứng thú gián tiếp trong học tập là hứng thú đối với những yếu tố tác động
bên ngoài như được GV khen thưởng, được điểm cộng, đạt điểm cao trong học tập,
GV giảng vui, dễ hiểu, do ảnh hưởng của bạn bè … và sẽ biến mất khi những yếu tố
này không còn nữa. Hứng thú gián tiếp xuất hiện theo phản ứng có thể rất mạnh
nhưng cũng thường ngắn ngủi [17, tr. 137].
1.4.2. Những thành tố tâm lý cấu thành hứng thú học tập
Căn cứ vào cấu trúc của hứng thú, chúng tôi xác định cấu trúc của hứng thú học tập
bao gồm 3 thành phần chủ yếu sau:
– Xúc cảm: Là sự rung động được tạo ra do các em có những tình cảm
nhất định khi tiếp xúc với môn hóa học. Như vậy, thành tố xúc cảm trước hết tham
gia vào việc chuẩn bị tạo nên một thái độ đúng đắn đối với môn học. Đây là tiền đề
tâm lý để hình thành hứng thú học tập môn hóa học cho HS. Những xúc cảm khác
sẽ xuất hiện trong quá trình hoạt động tìm tòi như niềm vui nhận thức - là thành tố
cơ bản và dấu hiệu của hứng thú học tập; niềm vui đạt thành tích, giải thưởng, lời
khen của GV, sự ngưỡng mộ của bạn bè sẽ giúp hình thành hứng thú học tập.
– Nhận thức: Là HS nhận biết tại sao mình thích môn hóa học. Như vậy,
thành tố nhận thức giữ vai trò rất lớn trong việc duy trì hứng thú học tập. HS hiểu
giá trị và ý nghĩa của môn học từ đó xuất hiện thái độ tự giác trong học tập, giúp
củng cố hứng thú học tập ở các em.
– Hành động:
+ Ý thức, tính tự giác, quyết tâm dồn sức lực trí tuệ để hành động nhằm
đạt được mục đích của mình đó là ý chí. Ý chí có một vai trò lớn trong việc giúp HS
vượt qua những khó khăn khi tiếp thu tri thức hay khi gặp những bài tập khó.
+ Động cơ học tập sẽ thôi thúc HS suy nghĩ và hành động, giúp kích
thích và duy trì hứng thú học tập ở HS.
+ Tính tích cực nghĩa là sự hăng hái, năng nổ với công việc. Tính tích
cực tạo điều kiện cho việc tìm tòi và làm xuất hiện niềm vui trong hoạt động học
tập. Khi hứng thú học tập xuất hiện sẽ nâng cao tính tích cực và hiệu quả lĩnh hội tri
thức, kỹ năng và kỹ xảo.
1.4.3. Sự hình thành và phát triển hứng thú học tập
Theo N. G. Marôzôva, trong quá trình phát triển cá thể, hứng thú học tập được
hình thành và phát triển qua 3 giai đoạn sau [18]:
– Giai đoạn 1: Kích thích hứng thú học tập cho HS. Ở giai đoạn này các
em bị cuốn hút bởi nội dung vấn đề GV trình bày. HS chú ý lắng nghe, trực tiếp thể
hiện niềm vui khi nhận ra cái mới. Những niềm vui đó có thể mất đi khi giờ học kết
thúc, nhưng cũng có thể trên cơ sở đó hứng thú được phát triển. Ở giai đoạn này HS
chưa có hứng thú thật sự. Hứng thú chỉ xuất hiện khi HS mong muốn hiểu biết
nhiều hơn, các em đặt ra câu hỏi và vui mừng khi được trả lời.
– Giai đoạn 2: Hứng thú học tập được duy trì. Ở giai đoạn này HS thường
xuyên bị lôi cuốn vào tiết học một cách thường xuyên hơn, nhờ đó các em có xúc
cảm tích cực với môn học tức là hứng thú được duy trì. Thái độ nhận thức xúc cảm
với môn học sẽ thúc đẩy HS quan tâm tới những vấn đề đặt ra ở cả trong giờ học,
lẫn sau khi giờ học đã kết thúc. Nói cách khác, ở các em đã có sự nảy sinh nhu cầu
nhận thức, tìm tòi và phát hiện.
– Giai đoạn 3: Hứng thú học tập trở nên bền vững. Nếu thái độ tích cực đó
được duy trì củng cố, khả năng tìm tòi độc lập ở các em thường xuyên được khơi
dậy thì các em dành nhiều thời gian rảnh rỗi của mình vào việc tìm tòi thêm những
kiến thức có liên quan đến vấn đề mình yêu thích, tham gia hoạt động ngoại khóa,
đọc thêm sách, tìm gặp những người cùng quan tâm tới những vấn đề của mình.
Hứng thú bền vững là giai đoạn cao nhất của sự phát triển hứng thú học tập.
Để hình thành hứng thú học tập, việc tổ chức hoạt động nhận thức phải
thường xuyên chủ động, gắn liền với các mức độ phát triển của nó. Do đó các nhà
sư phạm phải hiểu rõ các giai đoạn phát triển của loại hứng thú này.
1.4.4. Một số đặc điểm của hứng thú học tập
A. K. Marcôva và V. V. Repkin cho rằng hứng thú học tập có một số đặc điểm
sau: [17, tr. 138]
– Trong hứng thú tồn tại một sự kết hợp hữu cơ giữa các quá trình trí tuệ
với các quá trình tình cảm - ý chí của HS.
– Hứng thú học tập, lúc đầu hướng tới nội dung tri thức khoa học của môn
học, sau đó tới các phương pháp khám phá ra nội dung đó.
– Hứng thú học tập dần có được tính bền vững và có tính không bão hòa.
– Hứng thú học tập là động lực thúc đẩy HS tích cực nghiên cứu đối tượng
trong phạm vi của nó.
1.4.5. Các biểu hiện của hứng thú học tập [18]
Hứng thú học tập được biểu hiện thông qua các dấu hiệu, các chỉ số cụ thể
trong hoạt động học tập, trong cuộc sống của các em. Nhà giáo dục có thể quan sát
và nhận biết được chúng. Những biểu hiện này khá phong phú, đa dạng và nhiều khi
còn phức tạp, chúng có thể đan xen vào nhau. Đó là:
– Biểu hiện về mặt xúc cảm: HS có xúc cảm tích cực (yêu thích, say mê,...)
đối với môn học như có niềm vui trong quá trình lĩnh hội kiến thức, mong chờ tiết
học và luyến tiếc khi tiết học kết thúc, …
– Biểu hiện về mặt nhận thức: HS nhận thức đầy đủ, rõ ràng những nguyên
nhân của sự yêu thích môn học như nội dung môn học hấp dẫn, phương pháp khám
phá kiến thức hấp dẫn, vai trò của môn học có ý nghĩa trong cuộc sống, …
– Biểu hiện về mặt hành động: HS học tập tích cực, chủ động, sáng tạo
không chỉ trong giờ lên lớp mà còn ở cả ngoài lớp hàng ngày, như:
 Trong giờ lên lớp:
+ Say mê học tập, chăm chú nghe giảng.
+ Ghi chép bài đầy đủ, cẩn thận.
+ Tích cực suy nghĩ, hăng hái phát biểu xây dựng bài, trao đổi ý kiến
với bạn bè và với GV.
+ Tích cực làm việc cùng nhóm để hoàn thành nhiệm vụ.
 Ở ngoài lớp và ở nhà:
+ Độc lập và tự giác trong việc học tập.
+ Học bài, làm bài đầy đủ.
+ Tự giác làm thêm nhiều bài tập (ngoài yêu cầu của GV)
+ Tự sưu tầm, đọc thêm nhiều tài liệu, sách tham khảo có liên quan đến
môn học.
+ Tự tổng kết những phần, những chương mục đã học và tìm ra mối liên
hệ bên trong giữa chúng.
+ Từng bước tập vận dụng những kiến thức môn học vào thực tiễn.
+ Cố gắng giải nhanh và tìm nhiều cách giải các bài tập…
– Biểu hiện về mặt kết quả học tập: Kết quả học tập đạt loại khá, giỏi.
1.4.6. Tác dụng của hứng thú học tập [16]
Chính hứng thú học tập mang lại một số tác dụng đặc biệt như:
– Là yếu tố cần thiết cho sự phát triển nhân cách, tri thức và nhận thức của
HS.
– Làm chỗ dựa cho sự ghi nhớ, cho phép HS duy trì sự chú ý thường
xuyên và cao độ vào kiến thức bài học.
– Làm cho hoạt động học trở nên hấp dẫn hơn vì các em được duy trì trạng
thái tỉnh táo của cơ thể, giúp HS phấn chấn vui tươi, học tập lâu mệt mỏi.
– Ảnh hưởng đến tính chất, cường độ, diễn biến, kết quả của dạy và học
giúp cho hiệu quả của hoạt động này được nâng cao.
– Tạo ra và duy trì tính tích cực nhận thức, tích cực hoạt động tiếp thu, tìm
hiểu kiến thức.
– Giúp điều khiển hoạt động định hướng vì chính cảm xúc hứng thú tham
gia điều khiển tri giác và tư duy.
– Đóng vai trò trung tâm, tạo cơ sở, động cơ trong các hoạt động nghiên
cứu và sáng tạo.
– Góp phần quan trọng trong sự phát triển kĩ năng, kĩ xảo và trí tuệ của
HS, làm cho hiệu quả của hoạt động học tập được nâng cao.
1.5. Thực trạng việc gây hứng thú học tập môn hóa học ở một số trường THPT
1.5.1. Mục đích điều tra
Tìm hiểu thực trạng việc gây hứng thú trong dạy học hóa học.
1.5.2. Đối tượng điều tra
Chúng tôi tiến hành điều tra 110 HS lớp 10 tại 3 trường THPT trên địa bàn
Tp. HCM.
Bảng 1.1. Số lượng phiếu thăm dò thực trạng hứng thú học tập
Stt Trường Quận
Số phiếu
Phát ra Thu vào
1 Đinh Thiện Lý 7 32 32
2 Lê Quý Đôn 5 38 38
3 Cần Thạnh Cần Giờ 44 40
Tổng cộng 114 110
1.5.3. Mô tả phiếu điều tra
Trong phiếu điều tra gửi tới HS, chúng tôi đưa ra 3 câu hỏi, tập trung vào
các nội dung biểu hiện của hứng thú đã đề cập ở trên:
– Xúc cảm của HS về môn hóa học: Thích, bình thường, không thích, sợ.
– Về mặt nhận thức của HS: lí do khiến em thấy hứng thú với môn hóa học
– Hành động của HS: Hoạt động của HS trong và ngoài giờ hóa học.
1.5.4. Cách xử lí kết quả điều tra
Thống kê số ý kiến của HS trong mỗi câu hỏi, tính điểm nội dung theo các
mức quy đổi như bảng 1.2.
Bảng 1.2. Điểm quy đổi các mức độ trả lời của phiếu thăm dò
STT Mức độ Ký hiệu Điểm quy đổi
1 Rất đúng A 5 điểm
2 Đúng B 4 điểm
3 Đúng một phần C 3 điểm
4 Phân vân D 2 điểm
5 Sai E 1 điểm
Sau đó, tính tổng số điểm, điểm trung bình theo công thức:
Tổng số điểm = 5.MA + 4.MB + 3.MC + 2.MD + 1.ME
(với M: số phiếu cùng ý kiến)
Tổng số điểm
Điểm trung bình =
Tổng số ý phiếu
Dựa vào điểm trung bình, chúng tôi phân tích, nhận xét ý kiến của HS về
những nội dung điều tra và đưa ra kết luận.
1.5.5. Kết quả điều tra
Kết quả điều tra HS thể hiện ở các bảng sau:
Bảng 1.3. Kết quả điều tra sở thích của HS đối với môn hóa học
Nội dung TS ý kiến Tỉ lệ
Thích 56 50,9
Không thích 21 19,1
Bình thường 30 27,3
Sợ 3 2,7
* Nhận xét: Chúng tôi nhận thấy tỉ lệ HS thích môn hóa học cao (50,9%), và
không thích môn hóa học thấp (19,1%). Đây là dấu hiệu đáng mừng đối với bộ môn
hóa học và sẽ có nhiều thuận lợi trong công tác giảng dạy. Tuy nhiên, điều đáng lo
là có một bộ phận (2,7%) lại sợ môn hóa học.
Bảng 1.4. Kết quả điều tra ý kiến của HS về môn hóa học.
STT Nội dung
Mức độ
Rất
đúng
Đúng
Đúng
một phần
Phân
vân
Sai
1 Nội dung hóa học phong phú. 42 45 10 8 5
2 Kiến thức hóa học dể hiểu. 5 20 19 23 43
3 Có nhiều kiến thức liên hệ thực tiễn. 10 25 20 55 10
4 Lịch sử hóa học hấp dẫn, thú vị. 9 23 27 22 19
5 Có nhiều thí nghiệm hấp dẫn, vui. 12 22 36 32 8
6
Có nhiều phim mô phỏng sinh động,
cuốn hút.
13 21 29 35 12
7 Có nhiều tranh ảnh, hình vẽ bắt mắt. 14 28 46 12 10
8 Không khí lớp HS động, thoải mái. 35 20 25 12 8
9 GV dạy hay, cuốn hút, dễ hiểu. 23 21 19 32 15
10
Có thể tranh luận, thắc mắc vấn đề
chưa rõ.
8 15 21 46 21
11
Có nhiều chuyên đề, sinh hoạt ngoại
khóa về hóa học.
1 5 15 35 54
12 Môn em đạt điểm cao 13 27 30 23 17
13 Môn em chọn thi đại học 12 14 25 35 24
14 Ý kiến khác 2
Bảng 1.5. Ý kiến của HS về môn hóa học (tính theo điểm trung bình)
STT Nội dung Tổng số điểm Điểm trung bình
1 Nội dung hóa học phong phú. 441 4,01
2 Kiến thức hóa học dể hiểu. 251 2,28
3 Có nhiều kiến thức liên hệ thực tiễn. 330 3,00
4 Lịch sử hóa học hấp dẫn, thú vị. 281 2,55
5 Có nhiều thí nghiệm hấp dẫn, vui. 328 2,98
6 Có nhiều phim mô phỏng sinh động,
cuốn hút.
318 2,89
7 Có nhiều tranh ảnh, hình vẽ bắt mắt. 354 3,22
8 Không khí lớp HS động, thoải mái. 362 3,29
9 GV dạy hay, cuốn hút, dễ hiểu. 335 3,05
10 Có thể tranh luận, thắc mắc vấn đề
chưa rõ.
276 2,51
11
Có nhiều chuyên đề, sinh hoạt ngoại
khóa về hóa học.
194 1,76
12 Môn em đạt điểm cao 326 2,96
13 Môn em chọn thi đại học 285 2,59
 Nhận xét: Từ kết quả của bảng trên, chúng tôi rút ra vài nhận xét sau:
– Phần lớn HS thấy được sự phong phú trong nội dung của hóa học.
– Những nguyên nhân khiến các em hứng thú với bộ môn là:
+ Sử dụng tranh ảnh, hình vẽ bắt mắt (3.22); có nhiều kiến thức liên hệ
thực tiễn (3.00); các thí nghiệm hấp dẫn (2.98) cùng nhiều phim mô phỏng sinh
động (2.89).
+ Bên cạnh đó, vai trò của GV (cách giảng dạy, cách tạo không khí
lớp….) đóng phần quan trọng trong việc gây hứng thú học tập cho HS.
– HS còn thụ động, học hóa học còn gượng ép vì những nguyên nhân phụ
như điểm số và bắt buộc.
Bảng 1.6. Kết quả điều tra hoạt động tích cực của HS
trong và ngoài giờ học môn hóa học
STT Nội dung
Thường xuyên Đôi khi Chưa bao giờ
Ý kiến Tỷ lệ Ý kiến Tỷ lệ Ý kiến Tỷ lệ
1 Chăm chú nghe giảng. 48 43,6 57 51,8 5 4,5
2
Hăng hái phát biểu ý
kiến xây dựng bài và
nêu thắc mắc nhờ thầy
cô giải đáp.
18 16,4 82 74,5 10 9,1
3
Lắng nghe câu trả lời
của bạn để sửa chữa và
bổ sung.
30 27,3 68 61,8 12 10.9
4
Trao đổi với bạn về bài
học, bài tập mà em
chưa hiểu, chưa làm
được.
35 31,8 58 52,7 17 15,5
5
Tự vận dụng các kiến
thức hóa học vào giải
quyết vấn đề thực tế.
20 18,2 50 45,5 40 36,3
6
Học hiểu bài trước khi
làm bài tập.
22 20 58 52,7 30 27,3
7
Đọc trước sách giáo
khoa để tìm hiểu bài
học.
13 11,8 64 58,2 33 30
8
Đọc thêm tài liệu, sách
tham khảo để mở rộng
kiến thức.
15 13,6 63 57,3 32 29,1
9
Tự làm thêm các bài
tập hóa ngoài yêu cầu
của GV.
21 19,1 49 44,5 40 36,4
10
Tự làm các thí nghiệm
vui hóa học.
10 9,1 22 20 78 70,9
Nhận xét: Từ bảng 1.6 chúng tôi nhận thấy chỉ có 43,6% HS thường xuyên
tập trung trong giờ học. Tỉ lệ HS ít và không phát biểu ý kiến xây dựng bài, không
thắc mắc nội dung bài chiếm trên 80% cho thấy thực tế các em tiếp thu kiến thức
một cách thụ động, chưa có sự hợp tác học hỏi lẫn nhau. Điều này cho thấy môn
hóa chưa thật sự lôi cuốn HS là do các em vẫn xem môn hóa như một môn phụ, GV
chưa tạo được sự yêu thích môn hóa học cho HS, HS chưa thấy được tầm quan
trọng môn hóa học trong đời sống.
Bên cạnh đó, chúng tôi nhận thấy các em chưa chủ động, hứng thú học tập
môn Hóa học (trên 80% HS chưa tích cực chuẩn bị bài ở nhà; chưa có ý thức đọc
thêm tài liệu hoặc tự nghiên cứu bài).
 Kết luận
Dựa vào kết quả điều tra, chúng tôi nhận thấy hóa học là môn học được
nhiều HS quan tâm, cho rằng môn này là môn lý thú. Ngoài ra, chúng ta còn thấy
được việc gây hứng thú trong dạy học hóa học ở trường phổ thông được hầu hết GV
quan tâm. GV đã khai thác và vận dụng nhiều biện pháp nhằm gây hứng thú cho HS
trong quá trình dạy học nhưng chưa đạt hiệu quả cao. Điều đó dẫn đến HS học tập
hóa học còn thụ động chưa tích cực, tự giác khám phá, tìm tòi cũng như nhìn nhận
đầy đủ những điều kì diệu mà hóa học mang lại.
CHƯƠNG 2: MỘT SỐ BIỆN PHÁP GÂY HỨNG THÚ HỌC TẬP
MÔN HÓA HỌC LỚP 10 THPT
--------
Thí nghiệm là một phần không thể thiếu đối với hóa học - môn khoa học
thực nghiệm. Bằng thí nghiệm, chúng ta có thể kiểm tra, chứng minh lí thuyết hoặc
tìm ra kiến thức mới. Thí nghiệm hóa học phân thành hai loại chính là thí nghiệm
biểu diễn của HS. Thí nghiệm sẽ giúp HS học hỏi được nhiều điều từ kiến thức đến
rèn luyện kĩ năng. Bên cạnh đó, khi được quan sát những hiện tượng hấp dẫn, vui
nhộn, bắt mắt như kết tủa, sủi bọt khí, bay hơi, đổi màu sắc, cháy sáng,…, HS sẽ
thấy háo hức và hứng thú, tò mò tìm hiểu nguyên nhân, thử giải thích, dự đoán hiện
tượng và tập thiết kế những thí nghiệm tương tự. Vô hình dung, hóa học đến với HS
một cách vui nhộn, tự nhiên, HS đam mê hóa học lúc nào mà các em cũng chẳng
biết.
Hóa học có thể giải thích hầu hết các hiện tượng trong cuộc sống nhưng
không phải hầu hết chúng đều có thể diễn tả bằng lời, mô tả, biểu diễn một cách
trực diện. Vì thế, sử dụng phim mô phỏng là một sự lựa chọn thông minh để diễn tả
những quá trình vi mô, vĩ mô phức tạp. Đặc biệt, HS sẽ hứng thú với những hình
ảnh minh họa vui nhộn, gần gũi với các em.
Hóa học hình thành và phát triển với bề dày lịch sử đáng tự hào. Lứa tuổi
HS thích tò mò, khám phá và kể chuyện là hình thức được các em ưa chuộng, trở
thành nét đặc trưng, gần gũi với các em. Kết hợp kể chuyện hóa học trong dạy học
là một hình thức được sử dụng từ lâu. Mỗi câu chuyện là một chuyến phiêu lưu hóa
học đầy thú vị cùng những bài học giáo dục được hình thành sau đó. Nhận thức của
HS về hóa học sẽ được thay đổi, hóa học không chỉ đơn giản là những kiến thức
trên sách vở. Đó là những sự khám phá ngẫu nhiên, những hành động điên rồ, cũng
có thể là sự đầu tư nghiên cứu đi vào bế tắc... Vừa học và vừa chơi, kiến thức đến
với HS một cách nhẹ nhàng và thoải mái.
Đối với phần lớn HS, hóa học trong các em là những phương trình phản
ứng, những tính chất hóa học, tính chất vật lí nhàm chán, khô khan. Đôi khi, các em
học hóa học chỉ để đối phó với thi cử mà chẳng thấy chúng hữu ích, gắn bó với cuộc
sống hằng ngày. Sử dụng tình huống gắn với thực tiễn giúp các em vận dụng những
kiến thức đã học vào thực tế, HS nhận thức mới mẻ về hóa học. Đó không còn là
môn học nhàm chán vì hóa học gần gũi với cuộc sống, phục vụ cuộc sống. HS chủ
động tìm kiếm những ứng dụng, giải thích những hiện tượng trong cuộc sống. Với
những hiện tượng không thể giải thích bằng kiến thức đã có, HS sẽ chủ động tìm
kiếm câu trả lời và giành lấy kiến thức mới cho mình một cách tự giác. Đó là một
biểu hiện của hứng thú học tập.
Thực tế cho thấy, HS yêu thích môn học thông qua yêu thích GV dạy bộ
môn đó. Vì thế, GV có ảnh hưởng rất lớn trong việc gây hứng thú học tập cho HS.
Làm thế nào xây dựng tình cảm thầy trò tốt đẹp, làm thế nào để phát huy tình cảm
thầy trò vào gây hứng thú học tập cho HS. Đó là một việc làm khó khăn nhưng
không phải là không làm được.
Mang sự hài hước vào trong bài học là điều khá mới mẻ đối với GV. Sự hài
hước chủ yếu phụ thuộc vào khả năng vốn có của mỗi GV chứ chưa được chú ý áp
dụng vào trong giảng dạy. Sự hài hước có ý nghĩa to lớn trong việc tạo hứng thú
học tập cho HS với những tiếng cười sảng khoái, đồng thời giúp GV cảm thấy hứng
thú và đam mê hơn công tác giảng dạy của mình.
Dựa trên những cơ sở trên, chúng tôi đã nghiên cứu biện pháp gây hứng thú
bằng cách sử dụng thí nghiệm, phim mô phỏng, kể chuyện hóa học; vận dụng tình
huống gắn với kiến thức thực tiễn và phát huy tình cảm thầy trò.
2.1. Sử dụng thí nghiệm gây hứng thú
2.1.1. Vai trò của thí nghiệm
“Khi lưu ý mọi người phải chú trọng đến các bài học lý thuyết hóa học, tôi cho
rằng tôi đã kêu gọi họ làm một việc rất bổ ích…
Nhưng muốn vậy, trước tiên cần phải nắm vững thực hành hóa học, tức là phải
thành thạo đối tượng này, biết cách đặc câu hỏi cho thiên nhiên và lắng nghe trả lời
của nó trong phòng thí nghiệm và trong sách vở.”
Đ.I.MENDELEEP, “Cơ sở hóa học”, trích lời nói đầu của lần xuất bản thứ [24].
Thí nghiệm có vai trò rất quan trọng trong nghiên cứu khoa học và quan
trọng đặc biệt trong dạy học hóa học:
– Thí nghiệm là cầu nối giữa lý thuyết và thực tiễn, giữa hiện tượng tự
nhiên và nhận thức của con người.
– Thí nghiệm là tiêu chuẩn đánh giá tính chân thật của kiến thức, hỗ trợ
đắc lực cho tư duy sáng tạo.
– Thí nghiệm là nền tảng của việc dạy học Hoá học và việc rèn luyện các
kỹ năng thực hành.
– Thí nghiệp góp phần gây hứng thú học tập hóa học.
2.1.2. Phân loại thí nghiệm
Hình 2.1: Sơ đồ phân loại thí nghiệm hóa học
Thí nghiệm
hóa học
Thí nghiệm biểu
diễn của GV
Thí nghiệm
nghiên cứu
Thí nghiệm
minh họa
Thí nghiệm biểu
diễn của HS
Thí nghiệm
nghiên cứu bài
mới
Thí nghiệm
thực hành
Thí nghiệm
ngoại khóa
2.1.3. Sử dụng thí nghiệm gây hứng thú
Gây hứng thú bằng thí nghiệm hóa học không những tạo được hứng thú cho
HS mà còn rèn luyện cho các em kĩ năng thí nghiệm cơ bản, khả năng vận dụng
kiến thức đã biết, tìm tòi kiến thức mới để tìm ra bản chất sự vật, hiện tượng. Để đạt
được kết quả trên, thí nghiệm biểu diễn phải đảm bảo một số yêu cầu sau:
– Thí nghiệm phải an toàn.
– Thí nghiệm phải thành công, hiện tượng bắt mắt, dễ quan sát.
– Thí nghiệm đơn giản, dễ thực hiện và kinh tế.
– Thí nghiệm ít tốn thời gian.
– Nội dung thí nghiệm phải gắn với nội dung bài học và phù hợp với mục
đích.
Bên cạnh đó, GV cũng nên khai thác các thí nghiệm vừa mang tính giáo
dục, vừa chứng minh cho những điều các em đã học, vừa pha vào đó chút hài hước
những câu chuyện gần gũi hấp dẫn giúp các em mau nhớ bài, cảm thấy thích thú với
những điều tưởng như không thể làm được nhưng thực ra lại rất gần gũi và đơn
giản. Đồng thời, GV có thể kết hợp hệ thống lời dẫn dắt vui nhộn, hấp dẫn cùng các
câu hỏi kích thích, tò mò. Qua đó, làm cho các em ngày càng yêu thích bộ môn hơn,
không còn cảm thấy quá nặng nề, mệt mỏi hay quá khô khan, nhàm chán. Các thí
nghiệm này không những gây hứng thú, bất ngờ cho HS mà còn kích thích các em
vận dụng các điều đã học để giải thích hiện tượng. Khi tự mình tìm được lời giải,
các em sẽ thích thú khắc ghi và được dịp củng cố những kiến thức đã biết. Với thí
nghiệm hóa học được xây dựng từ những kiến thức nâng cao, mới lạ sẽ gây sự chú
ý, tò mò cho HS. Khi biết được lời giải, các em sẽ thích thú, say mê tìm hiểu tri thức
để mở rộng tầm hiểu biết của mình.
2.1.4. Một số thí nghiệm gây hứng thú
2.1.4.1. Một số thí nghiệm gây hứng thú trong chương: Nguyên tử
Thí nghiệm 1: Phát hiện nguyên tử trong chuyển động
(Biểu diễn thí nghiệm trong bài ”Nguyên tử”)
a) Mục đích
– Giúp HS hình dung sự chuyển động của các phân tử.
– Giúp HS nhận thức hóa học gần gũi với cuộc sống hằng ngày.
b) Cách tiến hành
Đổ nước nóng cho đầy khoảng nửa cốc. Cho một chút màú thực phẩm vào
trong cốc và khuấy đều. Sau đó, đổ nước lạnh (nước đặt trong tủ lạnh khoảng 2 giờ)
vào cốc và quan sát sự chuyển động của các phân tử nước.
c) Mô tả hiện tượng
Phần nước nóng bốc lên trên, các phân tử nước chuyển động hỗn loạn.
d) Giải thích
Những phân tử nước ấm chuyển động nhanh hơn những phân tử nước lạnh.
Chúng sẽ tách rời nhau và chuyển động lên phía trên. Chúng ta sẽ quan sát hàng
nghìn tỉ nguyên tử chuyển động.
d) Hình ảnh minh họa
Hình 2.2: Phát hiện nguyên tử trong chuyển động
2.1.4.2. Một số thí nghiệm gây hứng thú trong chương : Bảng hệ thống tuần hoàn
các nguyên tố hóa học và định luật tuần hoàn
Thí nghiệm 2: Vũ điệu của các kim loại kiềm
(Biểu diễn trong bài “Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học”)
a) Mục đích
– Chứng minh các nguyên tố trong cùng một nhóm có tính chất hóa học
tương tự nhau.
– Kích thích hứng thú, tư duy của HS.
b) Cách tiến hành
– Ðổ 30ml nước cùng vài giọt phenolphtalein vào một cốc dung dịch
100ml và rót 50ml dầu hỏa lên trên mặt nước.
– Lấy một miếng natri, kali cạo sạch nhỏ bằng hạt đậu đặt cẩn thận lên lớp
dầu hỏa.
c) Mô tả hiện tượng
Natri chìm xuống, nổi lên rồi lại chìm xuống, cứ như thế khoảng 10 - 12 lần
cho đến khi miếng natri tan hết. Trong khi đó lớp nước phía dưới từ trong suốt trở
thành đỏ hồng.
d) Giải thích
Natri, kali nặng hơn dầu hỏa nên chìm xuống. Nhưng khi tiếp xúc với nước nó
lập tức tác dụng với nước giải phóng khí. Bọt khí H2 bao bọc mẩu natri và đệm khí
đó đẩy nó nổi lên lớp dầu hỏa. Tại đây, các bọt khí tách ra và mẩu natri bị chìm
xuống. Dung dịch trở nên màu đỏ hồng là sau phản ứng tạo ra dung dịch kiềm.
2K + 2H2O → 2KOH +H2
2Na + 2H2O → 2NaOH +H2
e) Những điều cần lưu ý
– Cần gọt bỏ lớp oxit bên ngoài của các kim loại kiềm.
– Không được lấy miếng kim loại lớn quá sẽ nổ, nguy hiểm.
f) Hình ảnh minh họa
Hình 2.3: Vũ điệu kim loại kiềm
2.1.4.3. Một số thí nghiệm gây hứng thú trong chương: Nhóm Halogen
Thí nghiệm 3: Bàn tay phép thuật
(Biểu diễn thí nghiệm trong bài “Flo – Brom -Iot”,
hoặc bài “Luyện tập: Nhóm halogen”)
a) Mục đích
– Khắc sau tính chất vật lý và tính chất hóa học của iot.
– Tạo hứng thú qua việc gây bất ngờ, kì bí.
b) Cách tiến hành
– Trộn 50g tinh thể iot với 10g bột nhôm.
– Cho hỗn hợp trên vào một chén sứ.
– Nhúng bao tay vào dung dịch hồ tinh bột rồi đưa lên miệng chén sứ.
– Để 2-3 giọt nước rơi vào hỗn hợp chất rắn trên.
– Dùng bao tay vải để thu khói bốc ra.
c) Mô tả hiện tượng
Khi đưa bàn tay phép thuật màu trắng đến miệng chén sứ, một lúc sau, chén sứ
bốc khói vàng tím và bàn tay phép thuật đã biến thành xanh đen.
d) Giải thích
– Nước xúc tác giúp phản ứng giữa nhôm và iot xảy ra:
2 Al + 3 I2 → 2 AlI3
– Phản ứng tỏa nhiều nhiệt làm cho iot bị thăng hoa.
– Iot gặp dung dịch hồ tinh bột chuyển sang màu xanh đen.
e) Những điều cần lưu ý
– Lượng iot lấy nhiều hơn lượng nhôm cần phản ứng để iot có thể thăng
hoa rõ, đẹp.
– Trộn hỗn hợp iot và nhôm thật đều.
– Để bao tay cách chén sứ khoảng 10cm để HS có thể quan sát rõ lượng
khí thoát ra mà vẫn có thể hạn chế được khí bay ra ngoài.
– Nên đeo bao tay nilon ở trong trước khi đeo bao tay vải có nhúng dung
dịch hồ tinh bột.
Thí nghiệm 4: Chai nước thần kì
(Biểu diễn thí nghiệm trong bài “Luyện tập: Nhóm halogen”)
a) Mục đích
– Nhấn mạnh tính chất của iot và cách nhận biết.
– Gây hứng thú, kích thích sự tò mò tìm hiểu cách giải thích hiện tượng.
b) Cách tiến hành
– Hòa tan tinh thể iot và natri iotua vào trong nước để có màu nâu nhạt.
– Lấy 4 cốc thủy tinh và lần lượt cho vào từng cốc các chất sau:
+ Cốc 1: tinh thể Na2S2O3;
+ Cốc 2: tinh bột;
+ Cốc 3: dd AgNO3;
+ Cốc 4: không có gì.
– Rót nước từ chai vào từng cốc và lắc đều.
c) Mô tả hiện tượng
Trong các cốc sẽ có sự thay đổi nước thần thành những màu khác nhau:
– Cốc 1: không màu;
– Cốc 2: xanh đen;
– Cốc 3: vàng nhạt;
– Cốc 4: nâu nhạt.
d) Giải thích
Trong các cốc có sự thay đổi màu là do:
– Cốc 1: iot đã tham gia phản ứng:
2 Na2S2O3 + I2 → Na2S4O6 + 2 NaI
– Cốc 2: iot tạo màu với hồ tinh bột.
– Cốc 3: màu vàng nhạt của kết tủa AgI tạo thành từ phản ứng:
AgNO3 + NaI → AgI ↓ + NaNO3
– Cốc 4: không có phản ứng xảy ra.
e) Những điều cần lưu ý
– Để iot có thể hòa tan được nhiều trong nước, nên cho hòa tan một ít tinh
thể NaI trước rồi mới hòa tan từ từ iot để được màu trà chanh như ý.
– Có thể thay NaI bằng KI.
Thí nghiệm 5: Dung dịch ăn trứng
(Biểu diễn thí nghiệm trong bài“ Axit clohidric và muối clorua”)
a) Mục đích
– Nhấn mạnh tính chất hóa học của axit clohidric.
– Thí nghiệm đơn giản, gây không khí vui vẻ.
b) Cách tiến hành
– Chuẩn bị 1 cốc thủy tinh chứa dung dịch axit clohidric.
– 3 quả trứng cút đã luộc chín.
– Sau đó, cho trứng vào trong cốc đựng axit sẽ thấy hiện tượng xảy ra.
c)Mô tả hiện tượng
Khi cho quả trứng vào “cốc nước” thấy có hiện tượng sủi bọt khí. Vỏ
quả trứng tan ra.
d) Giải thích
– Vỏ trứng có thành phần cấu tạo chính là CaCO3.
– Khi cho dung dịch có tính axit, sẽ tác dụng với CaCO3 có hiện tượng sủi
bọt khí cacbonic:
HCl + CaCO3 → CaCl2 + CO2 ↑ + H2O
e) Những điều cần lưu ý
Có thể thay dung dịch axit HCl bằng các dung dịch khác như axit H2SO4,
CH3COOH,… tùy vào từng bài học cụ thể.
Có thể hướng dẫn thêm cho HS về nhà tự tìm hiểu xem trong nhà bếp liệu có
chất lỏng nào cũng có thể dùng bóc được trứng hay không. Ví dụ như giấm,
chanh,…
Thí nghiệm 6: Khinh khí cầu biết nói
(Thí nghiệm biểu diễn trong bài “Axit clohidric-muối clorua”)
a) Mục đích
– Chứng minh tính chất hóa học của axit clohidric.
– Hiện tượng hấp dẫn, giải thích khí trong bóng bay.
b) Cách tiến hành
– Cho khoảng 20ml dd axit HCl vào chai nhỏ, nhẹ.
– Cho khoảng 20g dây magie vào trong quả bóng bay, cột lại.
– Để miệng quả bóng bay vào miệng chai rồi cột chặt.
– Thả dây cột miệng quả bóng bay, đổ Mg vào chai.
c) Mô tả hiện tượng
Bong bóng phình to.
d) Giải thích
Kim loại magie phản ứng với axit và nước sinh ra khí hidro làm căng quả
bóng.
Mg + 2 HCl → MgCl2 + H2 ↑
Mg + 2 H2O → Mg(OH)2 + H2 ↑
e) Những điều lưu ý
– Cần cột thật chặt bóng bay vào miệng chai để khí hidro không thoát ra
ngoài.
– Quả bóng bay phải dai, bền. Có thể vẽ chữ hay hình lên quả bóng trước.
– Axit HCl không lấy đậm đặc vì làm cản trở khả năng phản ứng của
magie.
– Không nên đổ magiê vào chai rồi mới cột quả bóng lên miệng vì như vậy
sẽ làm mất đi đáng kể lượng khí thoát ra.
f) Một số hình ảnh minh họa
Hình 2.4: Khinh khí cầu
Thí nghiệm 7: Đài phun nước đổi màu
(Thí nghiệm biểu diễn trong bài “Axit clohidric- muối clorua”)
a) Mục đích
– Nhấn mạnh tính tan nhiều trong nước của axit clohidric.
– Hiện tượng hấp dẫn, bất ngờ, kích thích hứng thú của HS.
b) Cách tiến hành
– Thu khí hidro clorua vào bình thủy tinh.
– Đậy nhanh bình bằng nút cao su gắn ống vút nhọn xuyên qua (đầu ống
vuốt nhọn hướng vào trong bình).
– Úp ngược bình vào chậu nước chứa kiềm loãng có vài giọt phenolphatlein
(hay rượu quỳ).
c)Mô tả hiện tượng
– Trong bình xuất hiện tia nước không màu.
d) Giải thích
Khí hidro clorua tan rất mạnh trong nước (500 lít/1 lít nước) tạo dung dịch
có tính axit nên không làm phenolphtalein mất màu.
c) Những điều cần lưu ý
– Thao tác nhanh để tránh mất khí hidro clorua.
– Nhúng nút cao su có ống vuốt nhọn xuyên qua vào bình nước trước
khi đậy bình.
– Cầm bình bằng ngón cái và trỏ để HS nhìn thấy nước phun.
– Màu của dung dịch trong chậu không nên pha đậm quá.
Thí nghiệm 8: Trứng nổi – Trứng chìm
(Thí nghiệm biểu diễn trong bài “Axit clohidric - muối clorua”)
a) Mục đích
– Hiện tượng bất ngờ, gây hứng thú, kích thích tư duy.
b) Cách tiến hành
– Cho vào 3 cốc lần lượt các dung dịch:
+ Cốc 1: chứa nước
+ Cốc 2: chứa lượng nước muối bằng cốc 1 (có thể hòa tan lượng muối
ăn khoảng 6 muỗng).
+ Cốc 3: chứa lượng nước ít hơn cốc 2 và hòa tan lượng muối ăn ít hơn
(khoảng 2 - 3 muỗng ).
c) Mô tả hiện tượng
Lần lượt thả thả 3 quả trứng như nhau vào 3 cốc trên thì thấy hiện tượng
sau:
– Cốc 1: Quả trứng chìm xuống đáy cốc.
– Cốc 2: Quả trứng nổi lên trên mặt nước.
– Cốc 3: Quả trứng lơ lửng.
d) Giải thích
Thí nghiệm dựa trên nguyên tắc: chất có tỉ trọng lớn sẽ chìm xuống dưới
chất có tỉ trọng nhỏ hơn.
– Cốc 1: vì tỉ trọng của nước nhỏ hơn tỉ trọng của trứng nên khi cho quả
trứng vào, trứng trong cốc 1 sẽ chìm xuống đáy.
– Cốc 2 : trứng sẽ nổi lên trên mặt nước do tỉ trọng của nước muối lớn hơn
trứng nên trứng nổi.
– Cốc 3: Trứng sẽ lơ lửng vì tỉ trọng của nước muối cân bằng với tỉ trọng
của trứng.
2.1.4.4. Một số thí nghiệm gây hứng thú trong chương: Nhóm Oxi - Lưu huỳnh
Thí nghiệm 9: Bông hoa tự cháy
(Biểu diễn thí nghiệm trong bài “Oxi”)
a) Mục đích
– Thấy được sự hấp dẫn, thần kì của hóa học từ những nguyên tố hóa học
quen thuộc.
– Kích thích tò mò, ham thích tìm hiểu và gây hứng thú học tập.
b) Cách tiến hành
– Làm bông hoa khô:
+ Uốn dây kẽm thành hình bông hoa.
+ Bôi một lớp keo dán lên xung quanh bông hoa.
+ Rắc bột magiê lên đều khắp sợi dây kẽm.
+ Để một thời gian để keo dán và bột magiê khô, dính chặt vào dây kẽm.
– Đặt vào trong cốc một miếng cồn khô và mẩu giấy có gói một viên natri.
– Cắm bông hoa khô vào miếng cồn khô.
– Đổ một ít nước vào cốc.
– Đẩy mẩu giấy cho tiếp xúc với nước.
c) Mô tả hiện tượng
Khi đổ nước vào cốc, chiếc cốc bốc lửa làm bông hoa khô cháy sáng rực.
d) Giải thích
– Nước phản ứng với natri sinh ra nhiệt làm cháy mẩu giấy:
2 Na + 2 H2O → 2 NaOH + H2 ↑
– Magiê cháy trong không khí cháy sáng màu vàng:
2 Mg + O2 → 2 MgO
e) Những điều cần lưu ý
– Viên natri to vừa phải (bằng hạt đậu đen).
– Không nên đổ nước trực tiếp lên viên natri.
– Cần để cho bông hoa đứng thẳng vào cốc sứ bằng chân hay giá đỡ,
không nên giữ đứng bằng cồn khô vì khi nhiệt độ cao, cồn khô chảy sẽ làm trái tim
bị đổ.
– Có thể bọc một lớp giấy vào dây kẽm trước khi bôi keo dán giúp cho
phản ứng cháy của magie được dễ dàng.
– Có thể thay bột magie bằng bột của một số kim loại khác như nhôm,
sắt,…
f) Hình ảnh minh họa
Hình 2.5: Bông hoa tự cháy
Thí nghiệm 10: Súng phun lửa
(Biểu diễn thí nghiệm trong bài “Oxi”)
a) Mục đích
– Nhận mạnh tính phi kim mạnh của oxi.
– HS ngạc nhiên trước hiện tượng bắt mắt, sinh động.
b) Cách tiến hành
– Trộn bột than gỗ nghiền nhỏ với kali pemanganat theo tỉ lệ 1:1.
– Lấy nửa muỗng cà phê hỗn hợp cho vào ống nghiệm khô, đun ống
nghiệm trên ngọn lửa đèn cồn.
c) Mô tả hiện tượng
Một lúc sau trong ống nghiệm bắn ra những tia lửa sáng rực như súng phun
lửa.
d) Giải thích
– Kali pemangant phân hủy tạo thành oxi.
2KMnO4
𝑡 𝑜
→ K2MnO4 + O2 + MnO2
– Oxi sinh ra phản ứng với cacbon tạo khí cacbonic tỏa nhiệt.
C + O2
𝑡 𝑜
→ CO2
e) Những điều lưu ý
– Bột than phải khô.
– Đun ống nghiệm đến khi vừa có tia lửa thì ngừng.
Thí nghiệm 11: Núi lửa phun
(Biểu diễn thí nghiệm trong bài “Oxi”)
a) Mục đích
– Nhấn mạnh tính phi kim mạnh của oxi.
– HS hứng thú với thí nghiệm đẹp mắt và tò mò giải thích hiện tượng.
b) Cách tiến hành
– Lấy 100g mạt sắt mịn cùng 50 g lưu huỳnh bột.
– Trộn kĩ và đổ vào một chút nước nóng cho tới khi hỗn hợp trở nên sền
sệt. Sau đó, đặt hỗn hợp lên một đĩa bạc hoặc một khay sắt và lấy đất sét nhão trộn
với những hòn sỏi nhỏ, đắp phủ lên hỗn hợp mạt sắt và lưu huỳnh, sao cho giống
một ngọn núi lửa thực sự.
– Dùng que gỗ chọc từ miệng núi lửa một lỗ, qua lớp đất sét.
c) Mô tả hiện tượng
Sau 10-12 phút, núi lửa tí hon bắt đầu hoạt động. Từ miệng phun, khói bốc
mù mịt và “dung nham” phun trào dữ dội, giống hệt như một ngọn núi lửa trong
thiên nhiên, chỉ thiếu tiếng nổ.
d) Giải thích
Sắt và lưu huỳnh sau khi tiếp xúc với nhau một thời gian ngắn, bắt đầu phản
ứng tạo thành sắt (II) sunfua. Phản ứng tỏa nhiệt làm nước bốc hơi và cũng nhờ
nhiệt phản ứng mạnh, làm cả khối “sôi” trào ra ngoài. Fe + S
𝑡°
→ FeS
f) Hình ảnh minh họa
Hình 2.6: Núi lửa phun
Thí nghiệm 12: Pháo hoa
(Biểu diễn thí nghiệm trong bài “Oxi”)
a) Mục đích
– Kích thú hứng thú của HS qua quan sát hiện tượng thí nghiệm đẹp.
b) Cách tiến hành
– Cuộn dây sắt thành hình lò xo, một đầu quấn vào một mẩu gỗ nhỏ để làm
mồi.
– Đốt cháy mẩu gỗ rồi nhúng vào lọ chứa oxi (giữ cho mẫu gỗ ở giữa lọ).
c) Mô tả hiện tượng
Dây sắt cháy sáng, phát những tia lửa nhỏ như pháo hoa.
d) Giải thích
Sắt phản ứng oxi tinh khiết tạo oxit sắt (III), phản ứng mãnh liệt và tỏa
nhiệt.
3Fe + O2
to
→ Fe2O3
e) Những điều lưu ý
– Cho vào lọ một ít nước hoặc cát để lọ khỏi bị nức khi sắt và oxit sắt nóng
chảy rớt xuống.
– Mẫu gỗ nên nhỏ do tiêu tốn oxi trong bình.
f) Hình ảnh minh họa
Hình 2.7: Pháo hoa
Thí nghiệm 13: Chiên trứng không cần lửa
(Biểu diễn thí nghiệm trong bài“Axit sunfuric và muối sunfat”)
a) Mục đích
– Nhấn mạnh tính háo nước của axit sunfuric đặc.
– Thí nghiệm mới lạ, hấp dẫn, gây hứng thú tò mò cho HS.
b) Cách tiến hành
– Chuẩn bị lọ hóa chất chứa dung dịch axitsunfuric đặc (không đề nhãn).
– Đập quả trứng sống vào trong đĩa.
– Nhỏ từ từ axit sunfuric đặc vào xung quanh đĩa.
– Lòng trắng trứng bắt đầu đông tụ lại trông như món trứng ốp la.
c) Mô tả hiện tượng
– Khi cho ống nhỏ giọt nhỏ vào đĩa trứng sống. Trứng đông tụ lại giống
như món trứng ốp la.
– Khi sờ vào đĩa, thấy đĩa nóng lên.
e) Giải thích
– Loại nước thần dược chính là H2SO4 đặc.
– Trong quả trứng, nước chiếm khoảng 67.5%, các thành phần còn lại là
protein và các axit amin. Khi cho axit sunfuric đặc vào, nó sẽ hút nước và tỏa nhiệt,
làm cho protein đông tụ lại trông như món trứng ốp la.
e) Những điều cần lưu ý
– Trước khi biểu diễn nên làm đĩa ướt qua.
– Phải dùng ống hút sạch để hút axit.
– Nên làm thử vài lần để biết chính xác liều lượng cần dùng.
f) Hình ảnh minh họa
Hình 2.8: Đĩa trứng ốp la
Thí nghiệm 14: Đổi sắc hoa thật
(Biểu diễn thí nghiệm trong bài“Axit sunfuric và muối sunfat”)
a) Mục đích
– HS thấy được ứng dụng của hóa học trong cuộc sống.
– Hứng thú với những điều kì diệu mà hóa học mang lại.
b) Cách tiến hành
– Chuẩn bị các bông hoa có các màu khác nhau (trắng, hồng, xanh lơ).
– Ngâm hoa trong các dung dịch sau: NaOH, HCl, H2SO4.
c)Mô tả hiện tượng
– Tùy vào thời gian ngâm, ta thu được hoa với các màu sắc khác nhau.
Bảng 2.1. Màu sắc hoa thay đổi theo thuốc thử và màu hoa tự nhiên.
Thuốc thử
Màu hoa tự nhiên
Trắng Hồng Xanh lơ
NaOH
Xanh lá cây
( nâu có ánh đỏ)
Xanh lá cây
( nâu có ánh đỏ)
Xanh lơ
(vàng có viền
xanh lá cây)
HCl
Xanh lơ có ánh
xanh lá cây
H2SO4 Xanh lá cây Đỏ son Boocđô
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông
Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông

More Related Content

What's hot

Thiết kế và sử dụng lược đồ tư duy cho các bài rèn luyện tập phần hóa học hữu...
Thiết kế và sử dụng lược đồ tư duy cho các bài rèn luyện tập phần hóa học hữu...Thiết kế và sử dụng lược đồ tư duy cho các bài rèn luyện tập phần hóa học hữu...
Thiết kế và sử dụng lược đồ tư duy cho các bài rèn luyện tập phần hóa học hữu...nataliej4
 
Thiết kế phần mở đầu và củng cố bài giảng môn hóa học lớp 11 trung học phổ th...
Thiết kế phần mở đầu và củng cố bài giảng môn hóa học lớp 11 trung học phổ th...Thiết kế phần mở đầu và củng cố bài giảng môn hóa học lớp 11 trung học phổ th...
Thiết kế phần mở đầu và củng cố bài giảng môn hóa học lớp 11 trung học phổ th...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Thiết kế hệ thống bài giảng điện tử môn hóa học lớp 11 nâng cao theo hướng tí...
Thiết kế hệ thống bài giảng điện tử môn hóa học lớp 11 nâng cao theo hướng tí...Thiết kế hệ thống bài giảng điện tử môn hóa học lớp 11 nâng cao theo hướng tí...
Thiết kế hệ thống bài giảng điện tử môn hóa học lớp 11 nâng cao theo hướng tí...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Luận văn: Thiết kế và sử dụng bài tập thực nghiệm hóa học lớp 10 trong dạy họ...
Luận văn: Thiết kế và sử dụng bài tập thực nghiệm hóa học lớp 10 trong dạy họ...Luận văn: Thiết kế và sử dụng bài tập thực nghiệm hóa học lớp 10 trong dạy họ...
Luận văn: Thiết kế và sử dụng bài tập thực nghiệm hóa học lớp 10 trong dạy họ...Dịch vụ viết thuê Khóa Luận - ZALO 0932091562
 
Kỹ thuật biên soạn phương án nhiễu trong trắc nghiệm khách quan (phần kim loạ...
Kỹ thuật biên soạn phương án nhiễu trong trắc nghiệm khách quan (phần kim loạ...Kỹ thuật biên soạn phương án nhiễu trong trắc nghiệm khách quan (phần kim loạ...
Kỹ thuật biên soạn phương án nhiễu trong trắc nghiệm khách quan (phần kim loạ...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Một số biện pháp giúp học sinh trung bình, yếu học tốt môn hóa học lớp 11 chư...
Một số biện pháp giúp học sinh trung bình, yếu học tốt môn hóa học lớp 11 chư...Một số biện pháp giúp học sinh trung bình, yếu học tốt môn hóa học lớp 11 chư...
Một số biện pháp giúp học sinh trung bình, yếu học tốt môn hóa học lớp 11 chư...https://www.facebook.com/garmentspace
 

What's hot (14)

Thiết kế và sử dụng lược đồ tư duy cho các bài rèn luyện tập phần hóa học hữu...
Thiết kế và sử dụng lược đồ tư duy cho các bài rèn luyện tập phần hóa học hữu...Thiết kế và sử dụng lược đồ tư duy cho các bài rèn luyện tập phần hóa học hữu...
Thiết kế và sử dụng lược đồ tư duy cho các bài rèn luyện tập phần hóa học hữu...
 
Luận văn: Phương pháp dạy học trong dạy học hóa học lớp 10
Luận văn: Phương pháp dạy học trong dạy học hóa học lớp 10Luận văn: Phương pháp dạy học trong dạy học hóa học lớp 10
Luận văn: Phương pháp dạy học trong dạy học hóa học lớp 10
 
Luận văn: Phương pháp dạy học dự án trong dạy hóa học lớp 10
Luận văn: Phương pháp dạy học dự án trong dạy hóa học lớp 10Luận văn: Phương pháp dạy học dự án trong dạy hóa học lớp 10
Luận văn: Phương pháp dạy học dự án trong dạy hóa học lớp 10
 
Luận văn: Phương pháp grap và algorit trong giải bài tập Hóa, 9đ
Luận văn: Phương pháp grap và algorit trong giải bài tập Hóa, 9đLuận văn: Phương pháp grap và algorit trong giải bài tập Hóa, 9đ
Luận văn: Phương pháp grap và algorit trong giải bài tập Hóa, 9đ
 
Đề tài: Xây dựng bài tập trong dạy chương Nhóm oxi hóa lớp 10
Đề tài: Xây dựng bài tập trong dạy chương Nhóm oxi hóa lớp 10Đề tài: Xây dựng bài tập trong dạy chương Nhóm oxi hóa lớp 10
Đề tài: Xây dựng bài tập trong dạy chương Nhóm oxi hóa lớp 10
 
Luận văn: Ứng dụng dạy học dự án môn hóa học ở trường THPT
Luận văn: Ứng dụng dạy học dự án môn hóa học ở trường THPTLuận văn: Ứng dụng dạy học dự án môn hóa học ở trường THPT
Luận văn: Ứng dụng dạy học dự án môn hóa học ở trường THPT
 
Thiết kế phần mở đầu và củng cố bài giảng môn hóa học lớp 11 trung học phổ th...
Thiết kế phần mở đầu và củng cố bài giảng môn hóa học lớp 11 trung học phổ th...Thiết kế phần mở đầu và củng cố bài giảng môn hóa học lớp 11 trung học phổ th...
Thiết kế phần mở đầu và củng cố bài giảng môn hóa học lớp 11 trung học phổ th...
 
Thiết kế hệ thống bài giảng điện tử môn hóa học lớp 11 nâng cao theo hướng tí...
Thiết kế hệ thống bài giảng điện tử môn hóa học lớp 11 nâng cao theo hướng tí...Thiết kế hệ thống bài giảng điện tử môn hóa học lớp 11 nâng cao theo hướng tí...
Thiết kế hệ thống bài giảng điện tử môn hóa học lớp 11 nâng cao theo hướng tí...
 
Luận văn: Thiết kế và sử dụng bài tập thực nghiệm hóa học lớp 10 trong dạy họ...
Luận văn: Thiết kế và sử dụng bài tập thực nghiệm hóa học lớp 10 trong dạy họ...Luận văn: Thiết kế và sử dụng bài tập thực nghiệm hóa học lớp 10 trong dạy họ...
Luận văn: Thiết kế và sử dụng bài tập thực nghiệm hóa học lớp 10 trong dạy họ...
 
Luận văn: Phương pháp dạy học dự án trong dạy hóa lớp 11, 9đ
Luận văn: Phương pháp dạy học dự án trong dạy hóa lớp 11, 9đLuận văn: Phương pháp dạy học dự án trong dạy hóa lớp 11, 9đ
Luận văn: Phương pháp dạy học dự án trong dạy hóa lớp 11, 9đ
 
Phát triển năng lực tự học cho học sinh qua dạy học theo chương Halogen
Phát triển năng lực tự học cho học sinh qua dạy học theo chương HalogenPhát triển năng lực tự học cho học sinh qua dạy học theo chương Halogen
Phát triển năng lực tự học cho học sinh qua dạy học theo chương Halogen
 
Kỹ thuật biên soạn phương án nhiễu trong trắc nghiệm khách quan (phần kim loạ...
Kỹ thuật biên soạn phương án nhiễu trong trắc nghiệm khách quan (phần kim loạ...Kỹ thuật biên soạn phương án nhiễu trong trắc nghiệm khách quan (phần kim loạ...
Kỹ thuật biên soạn phương án nhiễu trong trắc nghiệm khách quan (phần kim loạ...
 
Một số biện pháp giúp học sinh trung bình, yếu học tốt môn hóa học lớp 11 chư...
Một số biện pháp giúp học sinh trung bình, yếu học tốt môn hóa học lớp 11 chư...Một số biện pháp giúp học sinh trung bình, yếu học tốt môn hóa học lớp 11 chư...
Một số biện pháp giúp học sinh trung bình, yếu học tốt môn hóa học lớp 11 chư...
 
Luận văn: Hệ thống bài tập phần Cơ sở lý thuyết cấu tạo chất, 9đ
Luận văn: Hệ thống bài tập phần Cơ sở lý thuyết cấu tạo chất, 9đLuận văn: Hệ thống bài tập phần Cơ sở lý thuyết cấu tạo chất, 9đ
Luận văn: Hệ thống bài tập phần Cơ sở lý thuyết cấu tạo chất, 9đ
 

Viewers also liked

Sáng kiến kinh nghiệm giảng dạy môn Hóa học trong trường THCS
Sáng kiến kinh nghiệm giảng dạy môn Hóa học trong trường THCSSáng kiến kinh nghiệm giảng dạy môn Hóa học trong trường THCS
Sáng kiến kinh nghiệm giảng dạy môn Hóa học trong trường THCSHọc Tập Long An
 
Hoa hoc voi doi song
Hoa hoc voi doi songHoa hoc voi doi song
Hoa hoc voi doi songBích Huệ
 
Skkn nang cao hieu giang day mon hoa hoc bang cach giai thich cac hien tuo...
Skkn   nang cao hieu giang day mon hoa hoc bang cach  giai thich cac hien tuo...Skkn   nang cao hieu giang day mon hoa hoc bang cach  giai thich cac hien tuo...
Skkn nang cao hieu giang day mon hoa hoc bang cach giai thich cac hien tuo...xuandongpro
 
15 câu hỏi ứng dụng – thí nghiệm
15 câu hỏi ứng dụng – thí nghiệm15 câu hỏi ứng dụng – thí nghiệm
15 câu hỏi ứng dụng – thí nghiệmonthi360
 
46 cau hoi thuc tien hoa hoc dua vao bai day
46 cau hoi thuc tien hoa hoc dua vao bai day46 cau hoi thuc tien hoa hoc dua vao bai day
46 cau hoi thuc tien hoa hoc dua vao bai dayNgọn Lửa Xanh
 
Giải thích một số hiện tượng hóa học thường gặp trong cuộc sống
Giải thích một số hiện tượng hóa học thường gặp trong cuộc sốngGiải thích một số hiện tượng hóa học thường gặp trong cuộc sống
Giải thích một số hiện tượng hóa học thường gặp trong cuộc sốngKha Tran Van
 
đồ áN tốt nghiệp xây dựng nhà chung cư ct14 cát bi – hải an – hải phòng
đồ áN tốt nghiệp xây dựng nhà chung cư ct14   cát bi – hải an – hải phòngđồ áN tốt nghiệp xây dựng nhà chung cư ct14   cát bi – hải an – hải phòng
đồ áN tốt nghiệp xây dựng nhà chung cư ct14 cát bi – hải an – hải phònghttps://www.facebook.com/garmentspace
 

Viewers also liked (8)

Sáng kiến kinh nghiệm giảng dạy môn Hóa học trong trường THCS
Sáng kiến kinh nghiệm giảng dạy môn Hóa học trong trường THCSSáng kiến kinh nghiệm giảng dạy môn Hóa học trong trường THCS
Sáng kiến kinh nghiệm giảng dạy môn Hóa học trong trường THCS
 
Hoa hoc voi doi song
Hoa hoc voi doi songHoa hoc voi doi song
Hoa hoc voi doi song
 
Skkn nang cao hieu giang day mon hoa hoc bang cach giai thich cac hien tuo...
Skkn   nang cao hieu giang day mon hoa hoc bang cach  giai thich cac hien tuo...Skkn   nang cao hieu giang day mon hoa hoc bang cach  giai thich cac hien tuo...
Skkn nang cao hieu giang day mon hoa hoc bang cach giai thich cac hien tuo...
 
Huong dan thiet ke thi nghiem ao
Huong dan thiet ke thi nghiem aoHuong dan thiet ke thi nghiem ao
Huong dan thiet ke thi nghiem ao
 
15 câu hỏi ứng dụng – thí nghiệm
15 câu hỏi ứng dụng – thí nghiệm15 câu hỏi ứng dụng – thí nghiệm
15 câu hỏi ứng dụng – thí nghiệm
 
46 cau hoi thuc tien hoa hoc dua vao bai day
46 cau hoi thuc tien hoa hoc dua vao bai day46 cau hoi thuc tien hoa hoc dua vao bai day
46 cau hoi thuc tien hoa hoc dua vao bai day
 
Giải thích một số hiện tượng hóa học thường gặp trong cuộc sống
Giải thích một số hiện tượng hóa học thường gặp trong cuộc sốngGiải thích một số hiện tượng hóa học thường gặp trong cuộc sống
Giải thích một số hiện tượng hóa học thường gặp trong cuộc sống
 
đồ áN tốt nghiệp xây dựng nhà chung cư ct14 cát bi – hải an – hải phòng
đồ áN tốt nghiệp xây dựng nhà chung cư ct14   cát bi – hải an – hải phòngđồ áN tốt nghiệp xây dựng nhà chung cư ct14   cát bi – hải an – hải phòng
đồ áN tốt nghiệp xây dựng nhà chung cư ct14 cát bi – hải an – hải phòng
 

Similar to Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông

Một số biện pháp giúp học sinh trung bình, yếu học tốt môn hóa học lớp 11 chư...
Một số biện pháp giúp học sinh trung bình, yếu học tốt môn hóa học lớp 11 chư...Một số biện pháp giúp học sinh trung bình, yếu học tốt môn hóa học lớp 11 chư...
Một số biện pháp giúp học sinh trung bình, yếu học tốt môn hóa học lớp 11 chư...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Một số biện pháp giúp học sinh trung bình, yếu học tốt môn hóa học lớp 11 chư...
Một số biện pháp giúp học sinh trung bình, yếu học tốt môn hóa học lớp 11 chư...Một số biện pháp giúp học sinh trung bình, yếu học tốt môn hóa học lớp 11 chư...
Một số biện pháp giúp học sinh trung bình, yếu học tốt môn hóa học lớp 11 chư...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Kỹ thuật biên soạn phương án nhiễu trong trắc nghiệm khách quan (phần kim loạ...
Kỹ thuật biên soạn phương án nhiễu trong trắc nghiệm khách quan (phần kim loạ...Kỹ thuật biên soạn phương án nhiễu trong trắc nghiệm khách quan (phần kim loạ...
Kỹ thuật biên soạn phương án nhiễu trong trắc nghiệm khách quan (phần kim loạ...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Kỹ thuật biên soạn phương án nhiễu trong trắc nghiệm khách quan (phần kim loạ...
Kỹ thuật biên soạn phương án nhiễu trong trắc nghiệm khách quan (phần kim loạ...Kỹ thuật biên soạn phương án nhiễu trong trắc nghiệm khách quan (phần kim loạ...
Kỹ thuật biên soạn phương án nhiễu trong trắc nghiệm khách quan (phần kim loạ...NOT
 
Một số hình thức tổ chức các hoạt động đưa dân ca đến với trẻ mẫu giáo 5 – 6 ...
Một số hình thức tổ chức các hoạt động đưa dân ca đến với trẻ mẫu giáo 5 – 6 ...Một số hình thức tổ chức các hoạt động đưa dân ca đến với trẻ mẫu giáo 5 – 6 ...
Một số hình thức tổ chức các hoạt động đưa dân ca đến với trẻ mẫu giáo 5 – 6 ...NOT
 
Một số hình thức tổ chức các hoạt động đưa dân ca đến với trẻ mẫu giáo 5 – 6 ...
Một số hình thức tổ chức các hoạt động đưa dân ca đến với trẻ mẫu giáo 5 – 6 ...Một số hình thức tổ chức các hoạt động đưa dân ca đến với trẻ mẫu giáo 5 – 6 ...
Một số hình thức tổ chức các hoạt động đưa dân ca đến với trẻ mẫu giáo 5 – 6 ...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Một số hình thức tổ chức các hoạt động đưa dân ca đến với trẻ mẫu giáo 5 – 6 ...
Một số hình thức tổ chức các hoạt động đưa dân ca đến với trẻ mẫu giáo 5 – 6 ...Một số hình thức tổ chức các hoạt động đưa dân ca đến với trẻ mẫu giáo 5 – 6 ...
Một số hình thức tổ chức các hoạt động đưa dân ca đến với trẻ mẫu giáo 5 – 6 ...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Một số hình thức tổ chức các hoạt động đưa dân ca đến với trẻ mẫu giáo 5 – 6 ...
Một số hình thức tổ chức các hoạt động đưa dân ca đến với trẻ mẫu giáo 5 – 6 ...Một số hình thức tổ chức các hoạt động đưa dân ca đến với trẻ mẫu giáo 5 – 6 ...
Một số hình thức tổ chức các hoạt động đưa dân ca đến với trẻ mẫu giáo 5 – 6 ...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Su dung thi_nghiem_hoa_hoc_phan_phi_kim_lop_10_trung_hoc_pho_thong_theo_huong...
Su dung thi_nghiem_hoa_hoc_phan_phi_kim_lop_10_trung_hoc_pho_thong_theo_huong...Su dung thi_nghiem_hoa_hoc_phan_phi_kim_lop_10_trung_hoc_pho_thong_theo_huong...
Su dung thi_nghiem_hoa_hoc_phan_phi_kim_lop_10_trung_hoc_pho_thong_theo_huong...Garment Space Blog0
 
Nghiên cứu và thử nghiệm một số biện pháp nâng cao kết quả học tập cho học si...
Nghiên cứu và thử nghiệm một số biện pháp nâng cao kết quả học tập cho học si...Nghiên cứu và thử nghiệm một số biện pháp nâng cao kết quả học tập cho học si...
Nghiên cứu và thử nghiệm một số biện pháp nâng cao kết quả học tập cho học si...https://www.facebook.com/garmentspace
 

Similar to Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông (20)

Bài mẫu Khóa luận sư phạm hóa học, 9 ĐIỂM, HAY
Bài mẫu Khóa luận sư phạm hóa học, 9 ĐIỂM, HAYBài mẫu Khóa luận sư phạm hóa học, 9 ĐIỂM, HAY
Bài mẫu Khóa luận sư phạm hóa học, 9 ĐIỂM, HAY
 
Đề tài: Thiết kế tài liệu hỗ trợ tự học môn Hóa học lớp 11, HAY, 9đ
Đề tài: Thiết kế tài liệu hỗ trợ tự học môn Hóa học lớp 11, HAY, 9đĐề tài: Thiết kế tài liệu hỗ trợ tự học môn Hóa học lớp 11, HAY, 9đ
Đề tài: Thiết kế tài liệu hỗ trợ tự học môn Hóa học lớp 11, HAY, 9đ
 
Đề tài: Biện pháp giúp học sinh học tốt môn hóa học lớp 11, 9đ
Đề tài: Biện pháp giúp học sinh học tốt môn hóa học lớp 11, 9đĐề tài: Biện pháp giúp học sinh học tốt môn hóa học lớp 11, 9đ
Đề tài: Biện pháp giúp học sinh học tốt môn hóa học lớp 11, 9đ
 
Một số biện pháp giúp học sinh trung bình, yếu học tốt môn hóa học lớp 11 chư...
Một số biện pháp giúp học sinh trung bình, yếu học tốt môn hóa học lớp 11 chư...Một số biện pháp giúp học sinh trung bình, yếu học tốt môn hóa học lớp 11 chư...
Một số biện pháp giúp học sinh trung bình, yếu học tốt môn hóa học lớp 11 chư...
 
Một số biện pháp giúp học sinh trung bình, yếu học tốt môn hóa học lớp 11 chư...
Một số biện pháp giúp học sinh trung bình, yếu học tốt môn hóa học lớp 11 chư...Một số biện pháp giúp học sinh trung bình, yếu học tốt môn hóa học lớp 11 chư...
Một số biện pháp giúp học sinh trung bình, yếu học tốt môn hóa học lớp 11 chư...
 
Kỹ thuật biên soạn phương án nhiễu trong trắc nghiệm khách quan (phần kim loạ...
Kỹ thuật biên soạn phương án nhiễu trong trắc nghiệm khách quan (phần kim loạ...Kỹ thuật biên soạn phương án nhiễu trong trắc nghiệm khách quan (phần kim loạ...
Kỹ thuật biên soạn phương án nhiễu trong trắc nghiệm khách quan (phần kim loạ...
 
Kỹ thuật biên soạn phương án nhiễu trong trắc nghiệm khách quan (phần kim loạ...
Kỹ thuật biên soạn phương án nhiễu trong trắc nghiệm khách quan (phần kim loạ...Kỹ thuật biên soạn phương án nhiễu trong trắc nghiệm khách quan (phần kim loạ...
Kỹ thuật biên soạn phương án nhiễu trong trắc nghiệm khách quan (phần kim loạ...
 
Luận văn: Dạy học theo nhóm phần quang hình học, HAY, 9đ
Luận văn: Dạy học theo nhóm phần quang hình học, HAY, 9đLuận văn: Dạy học theo nhóm phần quang hình học, HAY, 9đ
Luận văn: Dạy học theo nhóm phần quang hình học, HAY, 9đ
 
Đề tài: Tổ chức hoạt động đưa dân ca đến với trẻ Mẫu Giáo, HOT
Đề tài: Tổ chức hoạt động đưa dân ca đến với trẻ Mẫu Giáo, HOTĐề tài: Tổ chức hoạt động đưa dân ca đến với trẻ Mẫu Giáo, HOT
Đề tài: Tổ chức hoạt động đưa dân ca đến với trẻ Mẫu Giáo, HOT
 
Một số hình thức tổ chức các hoạt động đưa dân ca đến với trẻ mẫu giáo 5 – 6 ...
Một số hình thức tổ chức các hoạt động đưa dân ca đến với trẻ mẫu giáo 5 – 6 ...Một số hình thức tổ chức các hoạt động đưa dân ca đến với trẻ mẫu giáo 5 – 6 ...
Một số hình thức tổ chức các hoạt động đưa dân ca đến với trẻ mẫu giáo 5 – 6 ...
 
Một số hình thức tổ chức các hoạt động đưa dân ca đến với trẻ mẫu giáo 5 – 6 ...
Một số hình thức tổ chức các hoạt động đưa dân ca đến với trẻ mẫu giáo 5 – 6 ...Một số hình thức tổ chức các hoạt động đưa dân ca đến với trẻ mẫu giáo 5 – 6 ...
Một số hình thức tổ chức các hoạt động đưa dân ca đến với trẻ mẫu giáo 5 – 6 ...
 
Đề tài hình thức tổ chức hoạt động dân ca, ĐIỂM 8, HOT 2018
Đề tài  hình thức tổ chức hoạt động dân ca, ĐIỂM 8, HOT 2018Đề tài  hình thức tổ chức hoạt động dân ca, ĐIỂM 8, HOT 2018
Đề tài hình thức tổ chức hoạt động dân ca, ĐIỂM 8, HOT 2018
 
Một số hình thức tổ chức các hoạt động đưa dân ca đến với trẻ mẫu giáo 5 – 6 ...
Một số hình thức tổ chức các hoạt động đưa dân ca đến với trẻ mẫu giáo 5 – 6 ...Một số hình thức tổ chức các hoạt động đưa dân ca đến với trẻ mẫu giáo 5 – 6 ...
Một số hình thức tổ chức các hoạt động đưa dân ca đến với trẻ mẫu giáo 5 – 6 ...
 
Một số hình thức tổ chức các hoạt động đưa dân ca đến với trẻ mẫu giáo 5 – 6 ...
Một số hình thức tổ chức các hoạt động đưa dân ca đến với trẻ mẫu giáo 5 – 6 ...Một số hình thức tổ chức các hoạt động đưa dân ca đến với trẻ mẫu giáo 5 – 6 ...
Một số hình thức tổ chức các hoạt động đưa dân ca đến với trẻ mẫu giáo 5 – 6 ...
 
Đề tài: Xây dựng hệ thống bài giảng điện tử môn hóa học lớp 11
Đề tài: Xây dựng hệ thống bài giảng điện tử môn hóa học lớp 11Đề tài: Xây dựng hệ thống bài giảng điện tử môn hóa học lớp 11
Đề tài: Xây dựng hệ thống bài giảng điện tử môn hóa học lớp 11
 
Luận văn: Sử dụng phương pháp dạy học dự án trong dạy học hóa học lớp 11
Luận văn: Sử dụng phương pháp dạy học dự án trong dạy học hóa học lớp 11Luận văn: Sử dụng phương pháp dạy học dự án trong dạy học hóa học lớp 11
Luận văn: Sử dụng phương pháp dạy học dự án trong dạy học hóa học lớp 11
 
Su dung thi_nghiem_hoa_hoc_phan_phi_kim_lop_10_trung_hoc_pho_thong_theo_huong...
Su dung thi_nghiem_hoa_hoc_phan_phi_kim_lop_10_trung_hoc_pho_thong_theo_huong...Su dung thi_nghiem_hoa_hoc_phan_phi_kim_lop_10_trung_hoc_pho_thong_theo_huong...
Su dung thi_nghiem_hoa_hoc_phan_phi_kim_lop_10_trung_hoc_pho_thong_theo_huong...
 
Luận văn: Quản lý hoạt động giảng dạy tại trường ĐH Nông Lâm
Luận văn: Quản lý hoạt động giảng dạy tại trường ĐH Nông LâmLuận văn: Quản lý hoạt động giảng dạy tại trường ĐH Nông Lâm
Luận văn: Quản lý hoạt động giảng dạy tại trường ĐH Nông Lâm
 
Nâng cao kết quả học tập cho học sinh trung bình yếu môn hoá
 Nâng cao kết quả học tập cho học sinh trung bình yếu môn hoá Nâng cao kết quả học tập cho học sinh trung bình yếu môn hoá
Nâng cao kết quả học tập cho học sinh trung bình yếu môn hoá
 
Nghiên cứu và thử nghiệm một số biện pháp nâng cao kết quả học tập cho học si...
Nghiên cứu và thử nghiệm một số biện pháp nâng cao kết quả học tập cho học si...Nghiên cứu và thử nghiệm một số biện pháp nâng cao kết quả học tập cho học si...
Nghiên cứu và thử nghiệm một số biện pháp nâng cao kết quả học tập cho học si...
 

More from https://www.facebook.com/garmentspace

Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu...
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu...Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu...
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Nâng cao hiệu quả kinh doanh của Công ty cổ phần...
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Nâng cao hiệu quả kinh doanh của Công ty cổ phần...Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Nâng cao hiệu quả kinh doanh của Công ty cổ phần...
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Nâng cao hiệu quả kinh doanh của Công ty cổ phần...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Khóa luận tốt nghiệp Xây dựng hệ thống hỗ trợ tương tác trong quá trình điều ...
Khóa luận tốt nghiệp Xây dựng hệ thống hỗ trợ tương tác trong quá trình điều ...Khóa luận tốt nghiệp Xây dựng hệ thống hỗ trợ tương tác trong quá trình điều ...
Khóa luận tốt nghiệp Xây dựng hệ thống hỗ trợ tương tác trong quá trình điều ...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh tế Pháp luật về hợp đồng cung ứng dịch vụ thi ...
Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh tế Pháp luật về hợp đồng cung ứng dịch vụ thi ...Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh tế Pháp luật về hợp đồng cung ứng dịch vụ thi ...
Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh tế Pháp luật về hợp đồng cung ứng dịch vụ thi ...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Khóa luận tốt nghiệp Quản trị kinh doanh Hoàn thiện cơ cấu tổ chức và phân qu...
Khóa luận tốt nghiệp Quản trị kinh doanh Hoàn thiện cơ cấu tổ chức và phân qu...Khóa luận tốt nghiệp Quản trị kinh doanh Hoàn thiện cơ cấu tổ chức và phân qu...
Khóa luận tốt nghiệp Quản trị kinh doanh Hoàn thiện cơ cấu tổ chức và phân qu...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ...
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ...Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ...
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Khóa luận tốt nghiệp Phân tích, thiết kế hệ thống thông tin quản lý nhân sự t...
Khóa luận tốt nghiệp Phân tích, thiết kế hệ thống thông tin quản lý nhân sự t...Khóa luận tốt nghiệp Phân tích, thiết kế hệ thống thông tin quản lý nhân sự t...
Khóa luận tốt nghiệp Phân tích, thiết kế hệ thống thông tin quản lý nhân sự t...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ vận tải hàng ...
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ vận tải hàng ...Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ vận tải hàng ...
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ vận tải hàng ...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Khóa luận tốt nghiệp Tuyển dụng nhân lực tại Công ty Cổ phần Miken Việt Nam.pdf
Khóa luận tốt nghiệp Tuyển dụng nhân lực tại Công ty Cổ phần Miken Việt Nam.pdfKhóa luận tốt nghiệp Tuyển dụng nhân lực tại Công ty Cổ phần Miken Việt Nam.pdf
Khóa luận tốt nghiệp Tuyển dụng nhân lực tại Công ty Cổ phần Miken Việt Nam.pdfhttps://www.facebook.com/garmentspace
 
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Nâng cao hiệu quả áp dụng chính sách tiền lươ...
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Nâng cao hiệu quả áp dụng chính sách tiền lươ...Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Nâng cao hiệu quả áp dụng chính sách tiền lươ...
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Nâng cao hiệu quả áp dụng chính sách tiền lươ...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Pháp luật về an toàn lao động và vệ sinh lao ...
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Pháp luật về an toàn lao động và vệ sinh lao ...Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Pháp luật về an toàn lao động và vệ sinh lao ...
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Pháp luật về an toàn lao động và vệ sinh lao ...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Khóa luận tốt nghiệp Giải pháp phát triển hoạt động marketing điện tử cho Côn...
Khóa luận tốt nghiệp Giải pháp phát triển hoạt động marketing điện tử cho Côn...Khóa luận tốt nghiệp Giải pháp phát triển hoạt động marketing điện tử cho Côn...
Khóa luận tốt nghiệp Giải pháp phát triển hoạt động marketing điện tử cho Côn...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh tế Pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa - Th...
Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh tế Pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa - Th...Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh tế Pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa - Th...
Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh tế Pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa - Th...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh tế Pháp luật về giao kết và thực hiện hợp đồng...
Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh tế Pháp luật về giao kết và thực hiện hợp đồng...Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh tế Pháp luật về giao kết và thực hiện hợp đồng...
Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh tế Pháp luật về giao kết và thực hiện hợp đồng...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu mặt hàng ...
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu mặt hàng ...Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu mặt hàng ...
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu mặt hàng ...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Khóa luận tốt nghiệp Hoàn thiện công tác hoạch định của Công ty Cổ phần Đầu t...
Khóa luận tốt nghiệp Hoàn thiện công tác hoạch định của Công ty Cổ phần Đầu t...Khóa luận tốt nghiệp Hoàn thiện công tác hoạch định của Công ty Cổ phần Đầu t...
Khóa luận tốt nghiệp Hoàn thiện công tác hoạch định của Công ty Cổ phần Đầu t...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Pháp luật về đăng ký kinh doanh và thực tiễn ...
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Pháp luật về đăng ký kinh doanh và thực tiễn ...Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Pháp luật về đăng ký kinh doanh và thực tiễn ...
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Pháp luật về đăng ký kinh doanh và thực tiễn ...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Đề tài Tác động của đầu tư đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế.doc
Đề tài Tác động của đầu tư đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế.docĐề tài Tác động của đầu tư đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế.doc
Đề tài Tác động của đầu tư đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế.dochttps://www.facebook.com/garmentspace
 
Luận văn đề tài Nâng cao sự hài lòng về chất lượng dịch vụ tại công ty TNHH D...
Luận văn đề tài Nâng cao sự hài lòng về chất lượng dịch vụ tại công ty TNHH D...Luận văn đề tài Nâng cao sự hài lòng về chất lượng dịch vụ tại công ty TNHH D...
Luận văn đề tài Nâng cao sự hài lòng về chất lượng dịch vụ tại công ty TNHH D...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Khóa luận tốt nghiệp Phân tích và thiết kế hệ thống thông tin quản lý nhân sự...
Khóa luận tốt nghiệp Phân tích và thiết kế hệ thống thông tin quản lý nhân sự...Khóa luận tốt nghiệp Phân tích và thiết kế hệ thống thông tin quản lý nhân sự...
Khóa luận tốt nghiệp Phân tích và thiết kế hệ thống thông tin quản lý nhân sự...https://www.facebook.com/garmentspace
 

More from https://www.facebook.com/garmentspace (20)

Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu...
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu...Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu...
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu...
 
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Nâng cao hiệu quả kinh doanh của Công ty cổ phần...
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Nâng cao hiệu quả kinh doanh của Công ty cổ phần...Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Nâng cao hiệu quả kinh doanh của Công ty cổ phần...
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Nâng cao hiệu quả kinh doanh của Công ty cổ phần...
 
Khóa luận tốt nghiệp Xây dựng hệ thống hỗ trợ tương tác trong quá trình điều ...
Khóa luận tốt nghiệp Xây dựng hệ thống hỗ trợ tương tác trong quá trình điều ...Khóa luận tốt nghiệp Xây dựng hệ thống hỗ trợ tương tác trong quá trình điều ...
Khóa luận tốt nghiệp Xây dựng hệ thống hỗ trợ tương tác trong quá trình điều ...
 
Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh tế Pháp luật về hợp đồng cung ứng dịch vụ thi ...
Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh tế Pháp luật về hợp đồng cung ứng dịch vụ thi ...Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh tế Pháp luật về hợp đồng cung ứng dịch vụ thi ...
Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh tế Pháp luật về hợp đồng cung ứng dịch vụ thi ...
 
Khóa luận tốt nghiệp Quản trị kinh doanh Hoàn thiện cơ cấu tổ chức và phân qu...
Khóa luận tốt nghiệp Quản trị kinh doanh Hoàn thiện cơ cấu tổ chức và phân qu...Khóa luận tốt nghiệp Quản trị kinh doanh Hoàn thiện cơ cấu tổ chức và phân qu...
Khóa luận tốt nghiệp Quản trị kinh doanh Hoàn thiện cơ cấu tổ chức và phân qu...
 
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ...
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ...Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ...
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ...
 
Khóa luận tốt nghiệp Phân tích, thiết kế hệ thống thông tin quản lý nhân sự t...
Khóa luận tốt nghiệp Phân tích, thiết kế hệ thống thông tin quản lý nhân sự t...Khóa luận tốt nghiệp Phân tích, thiết kế hệ thống thông tin quản lý nhân sự t...
Khóa luận tốt nghiệp Phân tích, thiết kế hệ thống thông tin quản lý nhân sự t...
 
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ vận tải hàng ...
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ vận tải hàng ...Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ vận tải hàng ...
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ vận tải hàng ...
 
Khóa luận tốt nghiệp Tuyển dụng nhân lực tại Công ty Cổ phần Miken Việt Nam.pdf
Khóa luận tốt nghiệp Tuyển dụng nhân lực tại Công ty Cổ phần Miken Việt Nam.pdfKhóa luận tốt nghiệp Tuyển dụng nhân lực tại Công ty Cổ phần Miken Việt Nam.pdf
Khóa luận tốt nghiệp Tuyển dụng nhân lực tại Công ty Cổ phần Miken Việt Nam.pdf
 
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Nâng cao hiệu quả áp dụng chính sách tiền lươ...
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Nâng cao hiệu quả áp dụng chính sách tiền lươ...Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Nâng cao hiệu quả áp dụng chính sách tiền lươ...
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Nâng cao hiệu quả áp dụng chính sách tiền lươ...
 
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Pháp luật về an toàn lao động và vệ sinh lao ...
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Pháp luật về an toàn lao động và vệ sinh lao ...Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Pháp luật về an toàn lao động và vệ sinh lao ...
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Pháp luật về an toàn lao động và vệ sinh lao ...
 
Khóa luận tốt nghiệp Giải pháp phát triển hoạt động marketing điện tử cho Côn...
Khóa luận tốt nghiệp Giải pháp phát triển hoạt động marketing điện tử cho Côn...Khóa luận tốt nghiệp Giải pháp phát triển hoạt động marketing điện tử cho Côn...
Khóa luận tốt nghiệp Giải pháp phát triển hoạt động marketing điện tử cho Côn...
 
Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh tế Pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa - Th...
Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh tế Pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa - Th...Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh tế Pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa - Th...
Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh tế Pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa - Th...
 
Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh tế Pháp luật về giao kết và thực hiện hợp đồng...
Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh tế Pháp luật về giao kết và thực hiện hợp đồng...Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh tế Pháp luật về giao kết và thực hiện hợp đồng...
Khóa luận tốt nghiệp Luật kinh tế Pháp luật về giao kết và thực hiện hợp đồng...
 
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu mặt hàng ...
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu mặt hàng ...Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu mặt hàng ...
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu mặt hàng ...
 
Khóa luận tốt nghiệp Hoàn thiện công tác hoạch định của Công ty Cổ phần Đầu t...
Khóa luận tốt nghiệp Hoàn thiện công tác hoạch định của Công ty Cổ phần Đầu t...Khóa luận tốt nghiệp Hoàn thiện công tác hoạch định của Công ty Cổ phần Đầu t...
Khóa luận tốt nghiệp Hoàn thiện công tác hoạch định của Công ty Cổ phần Đầu t...
 
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Pháp luật về đăng ký kinh doanh và thực tiễn ...
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Pháp luật về đăng ký kinh doanh và thực tiễn ...Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Pháp luật về đăng ký kinh doanh và thực tiễn ...
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Pháp luật về đăng ký kinh doanh và thực tiễn ...
 
Đề tài Tác động của đầu tư đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế.doc
Đề tài Tác động của đầu tư đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế.docĐề tài Tác động của đầu tư đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế.doc
Đề tài Tác động của đầu tư đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế.doc
 
Luận văn đề tài Nâng cao sự hài lòng về chất lượng dịch vụ tại công ty TNHH D...
Luận văn đề tài Nâng cao sự hài lòng về chất lượng dịch vụ tại công ty TNHH D...Luận văn đề tài Nâng cao sự hài lòng về chất lượng dịch vụ tại công ty TNHH D...
Luận văn đề tài Nâng cao sự hài lòng về chất lượng dịch vụ tại công ty TNHH D...
 
Khóa luận tốt nghiệp Phân tích và thiết kế hệ thống thông tin quản lý nhân sự...
Khóa luận tốt nghiệp Phân tích và thiết kế hệ thống thông tin quản lý nhân sự...Khóa luận tốt nghiệp Phân tích và thiết kế hệ thống thông tin quản lý nhân sự...
Khóa luận tốt nghiệp Phân tích và thiết kế hệ thống thông tin quản lý nhân sự...
 

Recently uploaded

SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Ma trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tế
Ma trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tếMa trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tế
Ma trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tếngTonH1
 
cuộc cải cách của Lê Thánh Tông - Sử 11
cuộc cải cách của Lê Thánh Tông -  Sử 11cuộc cải cách của Lê Thánh Tông -  Sử 11
cuộc cải cách của Lê Thánh Tông - Sử 11zedgaming208
 
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...Học viện Kstudy
 
CHƯƠNG VII LUẬT DÂN SỰ (2) Pháp luật đại cương.pptx
CHƯƠNG VII LUẬT DÂN SỰ (2) Pháp luật đại cương.pptxCHƯƠNG VII LUẬT DÂN SỰ (2) Pháp luật đại cương.pptx
CHƯƠNG VII LUẬT DÂN SỰ (2) Pháp luật đại cương.pptx22146042
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
200 câu hỏi trắc nghiệm ôn tập PLDC.pdf
200 câu hỏi trắc nghiệm ôn tập  PLDC.pdf200 câu hỏi trắc nghiệm ôn tập  PLDC.pdf
200 câu hỏi trắc nghiệm ôn tập PLDC.pdfdong92356
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
[GIẢI PHẪU BỆNH] Tổn thương cơ bản của tb bào mô
[GIẢI PHẪU BỆNH] Tổn thương cơ bản của tb bào mô[GIẢI PHẪU BỆNH] Tổn thương cơ bản của tb bào mô
[GIẢI PHẪU BỆNH] Tổn thương cơ bản của tb bào môBryan Williams
 
Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )
Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )
Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )lamdapoet123
 
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxTrích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxnhungdt08102004
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfhoangtuansinh1
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoabài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa2353020138
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líDr K-OGN
 
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hoc
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hocBai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hoc
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hocVnPhan58
 
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdfSơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdftohoanggiabao81
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...hoangtuansinh1
 

Recently uploaded (20)

SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
 
Ma trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tế
Ma trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tếMa trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tế
Ma trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tế
 
cuộc cải cách của Lê Thánh Tông - Sử 11
cuộc cải cách của Lê Thánh Tông -  Sử 11cuộc cải cách của Lê Thánh Tông -  Sử 11
cuộc cải cách của Lê Thánh Tông - Sử 11
 
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
 
CHƯƠNG VII LUẬT DÂN SỰ (2) Pháp luật đại cương.pptx
CHƯƠNG VII LUẬT DÂN SỰ (2) Pháp luật đại cương.pptxCHƯƠNG VII LUẬT DÂN SỰ (2) Pháp luật đại cương.pptx
CHƯƠNG VII LUẬT DÂN SỰ (2) Pháp luật đại cương.pptx
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
 
200 câu hỏi trắc nghiệm ôn tập PLDC.pdf
200 câu hỏi trắc nghiệm ôn tập  PLDC.pdf200 câu hỏi trắc nghiệm ôn tập  PLDC.pdf
200 câu hỏi trắc nghiệm ôn tập PLDC.pdf
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
[GIẢI PHẪU BỆNH] Tổn thương cơ bản của tb bào mô
[GIẢI PHẪU BỆNH] Tổn thương cơ bản của tb bào mô[GIẢI PHẪU BỆNH] Tổn thương cơ bản của tb bào mô
[GIẢI PHẪU BỆNH] Tổn thương cơ bản của tb bào mô
 
Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )
Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )
Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )
 
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
 
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxTrích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
 
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoabài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
 
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hoc
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hocBai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hoc
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hoc
 
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdfSơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
 

Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 trung học phổ thông

  • 1. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH KHOA HÓA HỌC  KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP CHUYÊN NGÀNH PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC MỘT SỐ BIỆN PHÁP GÂY HỨNG THÚ HỌC TẬP MÔN HÓA HỌC LỚP 10 TRUNG HỌC PHỔ THÔNG Giảng viên hướng dẫn: PGS.TS Trịnh Văn Biều Sinh viên thực hiện: Phạm Thị Thanh Trúc TP. Hồ Chí Minh, tháng 05/2013
  • 2. LỜI CẢM ƠN  Khóa luận tốt nghiệp “Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 Trung học phổ thông” đã giúp em học hỏi được nhiều kiến thức và nhiều kinh nghiệm quý báu, hữu ích rất nhiều cho công tác giảng dạy sau này. Để hoàn thành khóa luận, ngoài sự nỗ lực của bản thân, em còn nhận được sự giúp đỡ của nhiều cá nhân và tập thể. Em xin chân thành cảm ơn: Ban Chủ nhiệm cùng các giảng viên khoa Hóa học, trường Đại học Sư phạm TP HCM đã tận tình giảng dạy, trang bị cho em kiến thức, kĩ năng để em hoàn thành khóa luận. PGS. TS Trịnh Văn Biều – Giảng viên hướng dẫn- đã nhiệt tình hướng dẫn, động viên tinh thần những lúc em khó khăn và tin tưởng em. Cô Trần Thị Ngọc Quỳnh cùng các em lớp 10 các trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Trường THPT Cần Thạnh, Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý đã giúp em thực hiện khảo sát và thực nghiệm kiểm tra tính thực tiễn của khóa luận. Và cuối cùng, em xin cám ơn các bạn sinh viên lớp Hóa K35B và gia đình đã giúp đỡ, tin tưởng, tạo niềm động lực to lớn giúp em hoàn thành khóa luận. Một lần nữa, em xin chân thành cảm ơn. Tác giả
  • 3. MỤC LỤC Lời cảm ơn Mục lục Danh mục các chữ viết tắt Danh muc các bảng Danh mục các hình vẽ, đồ thị MỞ ĐẦU............................................................................................................1 CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI...................4 1.1. Lịch sử vấn đề nghiên cứu .......................................................................4 1.1.1. Các sách, bài viết về hứng thú...........................................................4 1.1.2. Các luận văn nghiên cứu về hứng thú trong dạy học hóa học...........4 1.1.3. Các khóa luận tốt nghiệp nghiên cứu về hứng thú trong dạy học hóa học................................................................................................................6 1.2. Quá trình dạy học.....................................................................................8 1.2.1. Khái niệm...........................................................................................8 1.2.2. Mối quan hệ biện chứng giữa dạy và học..........................................9 1.2.3. Vai trò của giáo viên trong quá trình dạy học .................................10 1.3. Hứng thú.................................................................................................13 1.3.1. Khái niệm hứng thú .........................................................................13 1.3.2. Phân loại hứng thú...........................................................................13 1.3.3. Cấu trúc của hứng thú......................................................................15 1.3.4. Vai trò của hứng thú ........................................................................16 1.4. Hứng thú học tập....................................................................................17 1.4.1. Khái niệm hứng thú học tập ............................................................17 1.4.2. Những thành tố tâm lý cấu thành hứng thú học tập.........................18 1.4.3. Sự hình thành và phát triển hứng thú học tập..................................18 1.4.4. Một số đặc điểm của hứng thú học tập............................................19 1.4.5. Các biểu hiện của hứng thú học tập.................................................20 1.4.6. Tác dụng của hứng thú học tập........................................................21
  • 4. 1.5. Thực trạng việc gây hứng thú học tập môn hóa học ở một số trường THPT.............................................................................................................21 1.5.1. Mục đích điều tra............................................................................21 1.5.2. Đối tượng điều tra...........................................................................21 1.5.3. Mô tả phiếu điều tra.........................................................................22 1.5.4. Cách xử lí kết quả điều tra...............................................................22 1.5.5. Kết quả điều tra................................................................................23 CHƯƠNG 2: MỘT SỐ BIỆN PHÁP GÂY HỨNG THÚ HỌC TẬP MÔN HÓA HỌC LỚP 10 THPT ...............................................................................27 2.1. Sử dụng thí nghiệm gây hứng thú..........................................................28 2.1.1. Vai trò của thí nghiệm .....................................................................28 2.1.2. Phân loại thí nghiệm........................................................................29 2.1.3. Sử dụng thí nghiệm gây hứng thú ..................................................30 2.1.4. Một số thí nghiệm gây hứng thú......................................................31 2.2. Sử dụng phim mô phỏng........................................................................45 2.2.1.Tác dụng của phim mô phỏng ..........................................................45 2.2.2. Nguyên tắc lựa chọn phim mô phỏng trong dạy học hóa học.........45 2.2.3. Một số đoạn phim mô phỏng...........................................................46 2.3. Kể chuyện hóa học................................................................................46 2.3.1. Tác dụng .........................................................................................46 2.3.2. Cách kể chuyện gây hứng thú..........................................................46 2.3.3. Một số câu chuyện hóa học .............................................................47 2.4. Vận dụng tình huống gắn với thực tiễn..................................................67 2.4.1. Tác dụng ..........................................................................................68 2.4.2. Những chú ý sử dụng tình huống gắn với thực tiễn ........................68 2.4.3. Một số tình huống gắn với thực tiễn................................................68 2.5. Giáo viên thân thiện với học sinh ..........................................................81 2.6. Đưa sự hài hước vào bài học..................................................................83 2.6.1. Vai trò của hài hước trong dạy học .................................................83 2.6.2. Một số hình thức hài hước trong dạy học........................................84
  • 5. 2.6.3. Một số lưu ý sử dụng sự hài hước ...................................................84 2.7. Một số giáo án áp dụng các biện pháp gây hứng thú.............................84 2.7.1. Giáo án bài “OXI- OZON” - lớp 10 Cơ bản ...................................84 2.7.2. Giáo án bài “Lưu huỳnh” - lớp 10 Cơ bản ......................................92 CHƯƠNG 3: THỰC NGHIỆM SƯ PHẠM ....................................................97 3.1. Mục đích thực nghiệm ...........................................................................97 3.2. Đối tượng thực nghiệm ..........................................................................97 3.3. Nội dung thực nghiệm............................................................................97 3.4. Tiến trình thực nghiệm...........................................................................98 3.5. Kết quả thực nghiệm............................................................................101 KẾT LUẬN ....................................................................................................107 TÀI LIỆU THAM KHẢO..............................................................................112 PHỤ LỤC
  • 6. DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT ĐC : Đối chứng GV : Giáo viên HH : Hóa học HS : Học sinh KHHH : Kí hiệu hóa học PPDH : Phương pháp dạy học PTHH : Phương trình hóa học PTTH : Phổ thông trung học TN : Thực nghiệm TNSP : Thực nghiệm sư phạm TP HCM : Thành phố Hồ Chí Minh
  • 7. DANH MỤC CÁC BẢNG Bảng 1.1. Số lượng phiếu thăm dò thực trạng hứng thú học tập......................22 Bảng 1.2. Điểm quy đổi các mức độ trả lời của phiếu thăm dò.......................22 Bảng 1.3. Kết quả điều tra sở thích của HS đối với môn hóa học ...................23 Bảng 1.4. Kết quả điều tra ý kiến của HS về môn hóa học..............................23 Bảng 1.5. Ý kiến của HS về môn hóa học (tính theo điểm trung bình) ...........24 Bảng 1.6. Kết quả điều tra hoạt động tích cực của HS.....................................25 trong và ngoài giờ học môn hóa học ................................................................25 Bảng 2.1. Màu sắc hoa thay đổi theo thuốc thử và màu hoa tự nhiên. ............44 Bảng 3.1.Các lớp thực nghiệm và đối chứng ...................................................97 Bảng 3.2. Kết quả điểm kiểm tra thực nghiệm sư phạm................................101 Bảng 3.3. Phân phối tần số, tần suất và tần suất tích lũy tích ........................101 Bảng 3.4. Tổng hợp kết quả học tập...............................................................102 Bảng 3.5. Tổng hợp các tham số đặc trưng....................................................103 Bảng 3.6. Sở thích của HS đối với các biện pháp gây hứng thú học tập .......104 Bảng 3.7. Ý kiến của HS về những ưu điểm khi sử dụng các biện pháp gây hứng thú..........................................................................................................105 Bảng 3.8. Ý kiến của HS về những hạn chế khi sử dụng các biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học .......................................................................105
  • 8. DANH MỤC CÁC HÌNH VẼ, ĐỒ THỊ Hình 2.1: Sơ đồ phân loại thí nghiệm hóa học.................................................29 Hình 2.2: Phát hiện nguyên tử trong chuyển động...........................................31 Hình 2.3: Vũ điệu kim loại kiềm......................................................................33 Hình 2.4: Khinh khí cầu ...................................................................................37 Hình 2.5: Bông hoa tự cháy..............................................................................40 Hình 2.6: Núi lửa phun.....................................................................................42 Hình 2.7: Pháo hoa ...........................................................................................43 Hình 2.8: Đĩa trứng ốp la..................................................................................44 Hình 2.9: Mưa nhân tạo....................................................................................54 Hình 2.10: Nhà bác học vĩ đại Lavoadie..........................................................60 Hình 2.11: Lỗ hổng tầng ozon ngày càng lan rộng ..........................................62 Hình 2.12: Chu sa (thủy ngân sunfua)..............................................................65 Hình 2.13: Pirit sắt............................................................................................67 Hình 2.14: Khắc hình trên thủy tinh.................................................................70 Hình 2.15: Kính đổi màu..................................................................................76 Hình 2.16: Khu rừng sau trận mưa axit............................................................78 Hình 3.1: Đồ thị đường lũy tích điểm kiểm tra..............................................102 Hình 3.2: Biểu đồ kết quả học tập..................................................................102
  • 9. MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Hóa học như một bức tranh luôn biến động của tự nhiên với đầy đủ những màu sắc, âm thanh của dáng vẻ bề ngoài, với các qui luật nghiêm khắc của thế giới vi mô được ẩn dấu bên trong. Hóa học lại là một ngành khoa học thực nghiệm, có vai trò quan trọng trong cuộc sống và cần thiết đối với các ngành khoa học công nghệ khác. Thật khó mà kể hết các thành tựu mà hóa học có đóng góp cho cuộc sống của chúng ta. Thế nhưng, phần lớn HS vẫn chưa nhận thức được bản chất và tầm quan trọng của hóa học trong cuộc sống dù sự đổi mới trong giáo dục nói chung và trong dạy học hóa học nói riêng đã được đẩy mạnh trong những năm gần đây. Đối với các em, hóa học là môn học trừu tượng, khô khan và xa rời thực tế. Trong tình thế toàn cầu hóa hiện nay, nền giáo dục đã được đầu tư nhiều hơn. Nâng cao chất lượng đào tạo là vấn đề được các nhà giáo quan tâm, nghiên cứu để tìm ra các biện pháp giúp đem lại hiệu quả tốt nhất. Muốn nâng cao chất lượng của quá trình dạy học, tất nhiên, GV cần nắm vững nội dung bộ môn giảng dạy, phải nhuần nhuyễn về phương pháp, nghệ thuật truyền đạt, đặc điểm tâm lý của HS nhằm kích thích hoạt động sáng tạo, độc lập của HS, phát huy được trí thông minh, lòng ham học hỏi của các em, mặt khác phải làm thế nào gây hứng thú học tập cho các em. Từ đó, các em có thể tự tìm hiểu những điều mới lạ về cuộc sống và thế giới xung quanh cho mình. Có câu nói: “Nếu không khêu gợi được hứng thú cho HS thì cũng như búa thợ rèn đập trên sắt nguội mà thôi”. Nếu xây dựng được hứng thú học tập nơi HS thì mỗi kiến thức hóa học là một thế giới vui nhộn, bổ ích; mỗi tiết học là một trải nghiệm thoải mái. Bằng cách nào? Các biện pháp gây hứng thú học tập khá nhiều, điều quan trọng là những biện pháp nào là hiệu quả và phù hợp với thực tế hiện nay. Trước vấn đề cấp thiết trên, em đã quyết định chọn đề tài “Một số biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học lớp 10 Trung học phổ thông”.
  • 10. 2. Mục đích nghiên cứu Nghiên cứu những biện pháp gây hứng thú để nâng cao hiệu quả quá trình dạy học hóa học ở trường phổ thông. 3. Khách thể và đối tượng nghiên cứu – Khách thể nghiên cứu: Quá trình dạy học hóa học ở lớp 10 trường phổ thông. – Đối tượng nghiên cứu: Việc gây hứng thú học tập môn hóa học ở lớp 10 trường phổ thông. 4. Giả thuyết khoa học Nếu GV nắm vững cơ sở lý luận và vận dụng tốt vào trong hoạt động dạy học thì sẽ giúp HS hứng thú học tập, yêu thích môn học hơn, nâng cao chất lượng dạy và học môn hóa học ở trường phổ thông. Bên cạnh đó, khóa luận còn cung cấp nguồn tư liệu giúp GV dễ dàng lựa chọn và áp dụng vào thực tiễn gây hứng thú trong dạy học. 5. Nhiệm vụ của đề tài – Nghiên cứu cơ sở lý luận, tìm hiểu bản chất của việc gây hứng thú trong dạy học hóa học. – Tìm hiểu thực trạng của việc gây hứng thú ở lớp 10 trung học phổ thông. – Nêu và đề xuất một số biện pháp gây hứng thú học tập. – Tổng hợp tư liệu theo các biện pháp gây hứng thú trong dạy học hóa học. – Thực nghiệm sư phạm để xác định hiệu quả, tính khả thi của những biện pháp và rút ra các bài học kinh nghiệm. 6. Phạm vi nghiên cứu – Khóa luận tập trung nghiên cứu một số biện pháp gây hứng thú học tập hóa học cho HS lớp 10. + Sử dụng một số thí nghiệm gây hứng thú. + Sử dụng phim mô phỏng. + Kể chuyện hóa học. + Vận dụng tình huống gắn với thực tiễn.
  • 11. + GV thân thiện với HS. + Đưa sự hài hước vào trong bài học. – Đối tượng thực nghiệm sư phạm là HS lớp 10 ở một số trường THPT tại TP HCM. – Thời gian thực nghiệm: từ tháng 3/2013 đến tháng 4/2013. 7. Các phương pháp nghiên cứu 7.1. Các phương pháp nghiên cứu lý luận – Nghiên cứu cơ sở lý luận về quá trình dạy và học. – Nghiên cứu cơ sở lí luận về hứng thú và gây hứng thú học tập. – Nghiên cứu các biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học. 7.2. Các phương pháp nghiên cứu thực tiễn – Điều tra thực trạng hứng thú học tập môn hóa học của HS THPT hiện nay. – Trao đổi, rút kinh nghiệm với các GV về các biện pháp gây hứng thú học tập hóa học. – Thực nghiệm sư phạm + Đánh giá tính khả thi và hiệu quả sử dụng của các biện pháp gây hứng thú học tập hóa học được đề xuất. + Triển khai các biện pháp gây hứng thú cho một số GV phổ thông. 7.3. Các phương pháp toán học Xử lí kết quả thực nghiệm bằng các phương pháp thống kê, từ đó rút ra kết luận của đề tài.
  • 12. CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI -------- 1.1. Lịch sử vấn đề nghiên cứu Hứng thú là đối tượng được nghiên cứu khá sớm và phổ biến trên thế giới, từ các nhà tâm lí học đến các nhà giáo dục học. Mỗi người với mỗi quan niệm về hứng thú, mỗi người với mỗi cách tiếp cận riêng biệt nhưng điểm chung duy nhất nhận thức được tầm quan trọng của hứng thú trong hoạt động của con người. Sau đây là một số tài liệu quý giá nghiên cứu về vấn đề này. 1.1.1. Các sách, bài viết về hứng thú Các sách, bài viết về hứng thú xuất hiện ở Việt Nam vào những năm 70 của thế kỉ 20, chủ yếu là sách của Liên Xô cũ được biên dịch lại. Sau đây là một số sách nghiên cứu về hứng thú được phát hành rộng rãi tại Việt Nam.  “Từ hứng thú đến tài năng” của tác giả L.X.Xô-Lô-Vây-Trích (biên dịch bởi Lê Khánh Trường, do nhà xuất bản Phụ Nữ Hà Nội phát hành năm 1975) [31]. Tuy sách không trình bày cơ sở lý luận của hứng thú nhưng lại là cuốn sách hay về hứng thú và tài năng. Mối liên hệ giữa hứng thú và tài năng được làm sáng tỏ thông qua những câu chuyện có thật trong cuộc sống. Nội dung sách đơn giản, dễ hiểu và cách dẫn chuyện sinh động và có thể vận dụng giúp HS tìm thấy hứng thú và phát huy tài năng.  Năm 1976, N. G. Marôzôva đã nghiên cứu vấn đề: “Tác dụng của việc giảng dạy nêu vấn đề đối với hứng thú nhận thức của HS” [18]. Trong tài liệu này, ngoài việc đưa ra cấu trúc tâm lý của hứng thú, tác giả còn phân tích những điều kiện và khả năng giáo dục hứng thú trong quá trình học tập và lao động của HS cũng như tác dụng của việc giảng dạy nêu vấn đề đối với hứng thú nhận thức của HS. Đây là tài liệu tham khảo hay và quý giá về hứng thú. 1.1.2. Các luận văn nghiên cứu về hứng thú trong dạy học hóa học Trong những năm gần đây, gây hứng thú học tập hóa học nhận được quan tâm của nhiều GV, trở thành đề tài nghiên cứu thạc sĩ. Trong đề tài này, chúng tôi xin
  • 13. giới thiệu một số luận văn giá trị về lí luận cũng như những biện pháp thực tiễn về hứng thú học tập hóa học.  Luận văn thạc sĩ “Sử dụng thí nghiệm vui và ảo thuật hóa học nhằm: Nâng cao hứng thú học tập hóa học cho HS phổ thông” của học viên Hoàng Thị Minh Anh, Đại học Sư phạm Hà Nội (1995) [2]. Điểm nổi bật của luận văn: Tác giả đã sưu tầm và xây dựng được 117 thí nghiệm vui và ảo thuật hóa học. Với việc mô tả mô tả chi tiết cách tiến hành, hiện tượng xảy ra và giải thích hiện tượng ở mỗi thí nghiệm và ảo thuật đã giúp luận văn trở thành tài liệu tham khảo tốt cho GV và sinh viên sư phạm ngành hóa học, có thể kết hợp sử dụng các thí nghiệm vui và ảo thuật hóa học này trong các giờ lên lớp, các buổi ngoại khóa hoặc một vài thí nghiệm có thể cho HS tự làm.  Luận văn thạc sĩ “Những biện pháp gây hứng thú trong dạy học hóa học ở trường phổ thông” của học viên Phạm Ngọc Thủy, Đại học Sư phạm TP HCM (2008) [28]. Điểm nổi bật của đề tài: Tác giả tập trung nghiên cứu 3 biện pháp gây hứng thú cho HS: – Gây hứng thú bằng thí nghiệm hóa học kích thích tư duy: Thiết kế minh họa về thí nghiệm kích thích tư duy gồm 5 thí nghiệm GV biểu diễn và 4 thí nghiệm do HS thực hiện cùng gợi ý cách sử dụng trong giảng dạy. – Gây hứng thú bằng thơ về hóa học: thiết kế 9 sáng tác, giới thiệu 16 bài thơ gồm 7 bài thơ vui và 9 bài thơ đố. – Gây hứng thú những thông tin mới lạ của hóa học: giới thiệu 27 thông tin mới lạ của hóa học gồm 5 thông tin mới lạ của Việt Nam và 22 thông tin mới lạ trên thế giới, phù hợp với nội dung các bài học ở PTTH.  Luận văn thạc sĩ “Một số biện pháp tạo hứng thú cho HS đối với môn hóa học lớp 8- Trung học cơ sở” của học viên Nguyễn Vinh Quang, Đại học sư phạm TP HCM (2012) [24]. Điểm mới và nổi bật của đề tài: – Đối tượng nghiên cứu là HS lớp 8 mới làm quen với môn Hóa học.
  • 14. – Tác giả tập trung nghiên cứu 3 nhóm biện pháp giúp GV tạo hứng thú học tập: + Nhóm biện pháp khai thác nội dung kiến thức hóa học gồm 5 biện pháp. + Nhóm biện pháp phát huy tính tích cực, tự lực của HS khi tham gia các hoạt động học tập gồm 3 biện pháp. + Nhóm biện pháp tác động tâm lí của HS gồm 3 biện pháp. – Đồng thời, tác giả minh họa bằng việc thiết kế một số giáo án cụ thể kết hợp sử dụng các nhóm biện pháp trên. Đây là tài liệu khá đầy đủ về cơ sở lý luận của hứng thú cũng như phong phú về các biện pháp gây hứng thú học tập môn hóa học. 1.1.3. Các khóa luận tốt nghiệp nghiên cứu về hứng thú trong dạy học hóa học Nhận thấy tầm quan trọng của hứng thú học tập hóa học trong việc giảng dạy nên có khá nhiều đề tài tốt nghiệp của sinh viên khoa Hóa nghiên cứu đến vấn đề này. Sau đây là một số khóa luận tiêu biểu:  Khóa luận tốt nghiệp “Tạo hứng thú học tập môn hóa học cho HS ở trường THPT” của sinh viên Phan Thị Ngọc Bích, Khoa Hóa – Đại học Sư phạm TP HCM (2003) [4]. Điểm nổi bật của khóa luận: Tác đã đi sâu nghiên cứu tầm quan trọng cũng như các biện pháp gây hứng thú học tập cho HS. Thông qua “giáo dục mối quan hệ giữa hóa học và sự ô nhiễm môi trường để tạo hứng thú học tập”, tác giả tác động vào tình cảm và ý thức công dân để gây hứng thú trong học tập hóa học cho HS, đó là cách tiếp cận sáng tạo và trở thành điểm mới của đề tài.  Khóa luận tốt nghiệp “Gây hứng thú học tập môn hóa học cho HS phổ thông bằng các thí nghiệm vui, tranh ảnh, hình vẽ và chuyện vui hóa học” của sinh viên Phạm Thùy Linh, Khoa Hóa – Đại học Sư phạm TP HCM (2005). [16] Điểm nổi bật của khóa luận: Tác giả đã tổng hợp nhiều nhiều tư liệu về thí nghiệm vui, tranh ảnh, hình vẽ và chuyện vui về hóa học trong đĩa CD, cùng với 17
  • 15. thí nghiệm mới, 8 thí nghiệm mô phỏng và bảng hệ thống tuần hoàn bằng Microsoft Office Powerpoint; sưu tầm được nhiều tư liệu giúp GV hứng thú trong quá trình dạy học giúp khóa luận trở thành nguồn tư liệu phong phú và hữu ích cho GV.  Khóa luận tốt nghiệp “Thiết kế một số hoạt động dạy học gây hứng thú nhận thức trong môn hóa học lớp 10” của sinh viên Tô Quốc Anh, Khoa Hóa – Đại học Sư phạm TP HCM (2007) [3]. Điểm nổi bật của đề tài: – Nghiên cứu khá đầy đủ về hứng thú nhận thức. – Thiết kế những hoạt động dạy học gây hứng thú nhận thức mới lạ, hấp dẫn với 11 trò chơi dạy học hóa học lớp 10, 4 dạng dụng cụ dạy học hóa học là lá bài hóa học, súc sắc hóa học, bảng phụ, bảng đáp án thí nghiệm và thiết kế 4 giáo án dạy học hóa học lớp 10.  Khóa luận tốt nghiệp “Một số biện pháp gây hứng thú học tập cho HS trong giảng dạy bộ môn hóa học ở trường phổ thông” của sinh viên Lê Thị Thanh Trâm, Khoa Hóa – Đại học Sư phạm TP HCM (2009) [27]. Điểm nổi bật của đề tài: – Tác giả đề cập đến các biện pháp gây hứng thú: kể chuyện vui hóa học (gồm 7 câu chuyện), hình vẽ tranh ảnh (2 tranh và hình vẽ), thí nghiệm (gồm 6 thí nghiệm vui), liên hệ thực tiễn cuộc sống (36 ứng dụng hóa học trong thực tiễn). – Tác giả thiết kế 5 giáo án hóa học 12 nâng cao có áp dụng các biện pháp tác giả trình bày trong khóa luận. – Đề tài tập trung nghiên cứu tạo hứng thú học tập ở chương trình cải cách 12 còn khá mới mẻ và chưa được nghiên cứu nhiều.  Khóa luận tốt nghiệp “Một số biện pháp gây hứng thú học tập hóa học cho HS lớp 10 trung học phổ thông” của sinh viên Trần Nữ Anh Đào, Khoa Hóa – Đại học Sư phạm TP HCM (2010) [14]. Điểm nổi bật của đề tài: – Tác giả nghiên cứu 3 biện pháp gây hứng thú là: + Sử dụng thí nghiệm vui hóa học (gồm 10 thí nghiệm vui).
  • 16. + Khai thác các kiến thức thực tế hóa học (12 kiến thức thực tế). + Lịch sử hóa học giới thiệu về 28 sự kiện về lịch sử các học thuyết về cấu tạo chất, giới thiệu 4 nhà khoa học đã lập nên bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học, 4 sự kiện lịch sử hình thành và phát triển khái niệm hóa trị và liên kết hóa học, lịch sử tìm ra các nguyên tố nhóm VIA, VIIA, nguồn gốc tên gọi các nguyên tố nhóm VIA, VIIA. – Tác giả cũng thiết kế 3 giáo án có áp dụng các biện pháp gây hứng thú nêu trong khóa luận.  Khóa luận tốt nghiệp “Thiết kế và sử dụng một số thí nghiệm hóa học gây hứng thú cho HS trung học phổ thông” của sinh viên Trần Thị Quỳnh Mai, Khoa Hóa – Đại học Sư phạm TP HCM (2010) [19]. Điểm nổi bật của đề tài: Tác giả thiết kế được 6 thí nghiệm trong giảng dạy bài mới, 4 thí nghiệm trong bài ôn tập, củng cố, 4 thí nghiệm trong sinh hoạt ngoại khóa kết hợp với lời dẫn dí dỏm, phù hợp với lứa tuổi HS. Đây là tài liệu đầy đủ về gây hứng thú học tập bằng thí nghiệm hóa học. 1.2. Quá trình dạy học 1.2.1. Khái niệm Trong "Lý luận dạy học" [1], tác giả Nguyễn An có nêu: “Quá trình dạy và học là sự tác động qua lại có chủ đích được thay đổi một cách có trình tự giữa GV và HS nhằm thực hiện các nhiệm vụ giáo dưỡng, giáo dục cộng sản chủ nghĩa và phát triển nhân cách cho HS”. Quá trình dạy và học là một quá trình toàn vẹn bao gồm 3 thành phần không thể thiếu và có quan hệ mật thiết với nhau đó là: môn học, việc dạy và việc học. Ngoài ra, còn có thể định nghĩa theo tác giả Phan Trọng Ngọ: “Quá trình dạy học là chuỗi liên tiếp các hành động dạy và hành động của người dạy và người học đan xen và tương tác với nhau trong khoảng không gian và thời gian nhất định, nhằm thực các hiện nhiệm vụ dạy học”.
  • 17. 1.2.2. Mối quan hệ biện chứng giữa dạy và học Quá trình dạy học không phải là phép cộng máy móc hai quá trình giảng dạy và học tập [1, tr.13]. Tính toàn vẹn của quá trình ấy nằm ở mục đích chung của dạy và học ở khả năng không thể tồn tại nếu chỉ có dạy mà không có học [1, tr.14]. Dạy + Học = 1 Dạy học là sự điều khiển tối ưu quá trình HS chiếm lĩnh khái niệm, kiến thức khoa học từ đó hình thành và phát triển nhân cách cho HS. Dạy và học là loại hình hoạt động hai chiều, nó đòi hỏi nhất thiết phải có tác động qua lại giữa GV và HS. Tác động ấy diễn ra trong những điều kiện nhất định (điều kiện vật chất - học tập, điều kiện vệ sinh, điều kiện tâm lý, đạo đức, thẩm mỹ...). Dạy và học không thể thiếu tác động qua lại biện chứng giữa GV và HS. Nếu sự tích cực truyền đạt của GV mà không có sự tích cực hoạt động để tiếp thu kiến thức của HS thì quá trình dạy và học thực tế không diễn ra. Do đó, bất kì GV nào, dạy bộ môn gì đều phải nhận thức được bản chất của việc học tích cực và xác định đúng đắn mối quan hệ biện chứng giữa dạy và học. Mối quan hệ đó được khẳng định như sau: – Cách dạy quyết định cách học do đó người GV có vai trò quyết định. – Mọi hoạt động dạy của GV (soạn bài, lên lớp, kiểm tra, đánh giá...) phải nhằm phục vụ cho việc học của từng HS trong lớp. – Các nhà tâm lý học dạy học, qua các công trình nghiên cứu của mình đã khẳng định rằng sự hình thành và phát triển năng lực của HS, diễn ra trong quá trình dạy học ở nhà trường, chịu sự quy định của năng lực người thầy. Thầy giỏi trò sẽ giỏi, đó là một quy luật. Do đó, những năng lực cần thiết ở người GV: – Trình độ hiểu biết sâu sắc những tri thức bộ môn mình dạy và những hiểu biết cần thiết những bộ môn liên quan, cũng như những hiểu biết nhất định (càng sâu càng tốt) thực tiễn cuộc sống liên quan đến bộ môn. Năng lực này của GV quy định trực tiếp đến độ sâu, độ rộng (khối lượng) và tính thực tiễn của những khái niệm và tri thức khoa học được hình thành ở HS. Người GV phải không ngừng nâng cao trong học hỏi lý thuyết, tiếp cận với những tri thức khoa học hiện đại, nghiên
  • 18. cứu khoa học và tìm hiểu thực tiễn, không bao giờ bằng lòng với vốn tri thức, hiểu biết của mình. – Trình độ về phương pháp giảng dạy bộ môn, phương pháp giảng dạy của thầy quy định phương pháp học tập của trò, quy định cách nhìn và suy nghĩ của trò. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy có nhiều trường hợp GV nắm vững tri thức bộ môn nhưng do phương pháp giảng dạy không thích hợp, năng lực truyền tải nguyên xi những tri thức trong tài liệu giáo khoa, buộc HS phải tiếp thu một cách thụ động, không cần phải phân tích thắc mắc, động não mà chủ yếu ra sức ghi nhớ, học thuộc lòng rồi sau đó lập lại máy móc những gì đã nhớ. Học trong điều kiện giảng dạy như vậy chỉ hình thành ở HS năng lực nhận thức máy móc, nông cạn, không thể hình thành năng lực tư duy độc lập sáng tạo, tự mình xây dựng tri thức cho mình. Tóm lại, trình độ hiểu biết, đặc biệt là hiểu biết tri thức bộ môn và trình độ phương pháp dạy học bộ môn của GV quy định trình độ hiểu biết và năng lực của HS. 1.2.3. Vai trò của giáo viên trong quá trình dạy học [26] Trước những yêu cầu đổi mới của sự nghiệp giáo dục, với việc ứng dụng hệ thống các phương pháp dạy học tích cực, nhà trường đang có những biến đổi về chất trong cách dạy và cách học. HS đến trường không phải chỉ để nghe những điều thầy dạy vì "nghe rồi quên, nhìn thì sẽ nhớ, nhưng làm thì mới hiểu" (tục ngữ cổ phương Đông). Chỉ có bắt tay vào làm mới có thể hiểu sâu sắc. Đúng như Brune đã nhận xét: "Kiến thức thu nhận bằng con đường tự khám phá là kiến thức vững chắc nhất, đáng tin cậy nhất". Để có thể "làm", HS không chỉ làm theo những mẫu có sẵn mà làm theo cái cần thiết, mục đích và yêu cầu đã định. HS cần được bồi dưỡng năng lực tư duy sáng tạo, năng lực giải quyết vấn đề. Chính trong quá trình bồi dưỡng năng lực đó, vai trò của người GV lại càng quan trọng hơn bao giờ hết. Trong quá trình đó, thầy là người thiết kế, điều khiển để cho HS học tập tự giác và tích cực. Thầy kích động và khơi dậy hứng thú học tập của trò, tổ chức và điều khiển để trò chủ động, tích
  • 19. cực học tập. Trò được học với tư cách đích thị là mình, được nghĩ bằng cái đầu của mình, được nói bằng lời của mình, được viết theo ý mình, không bị gò ép, áp đặt. Với phương pháp dạy học tích cực, vai trò của GV như một chất xúc tác cho sự phát triển năng lực tư duy sáng tạo của HS. Theo các nhà tâm lý học hiện nay, có thể nói đến 4 vai trò chính của GV: – Vai trò thứ nhất: “Người cổ vũ” GV cần đánh giá cao óc sáng tạo và cần giúp cho HS cũng có thái độ này. Nếu chỉ đánh giá cao hành vi phục tùng thầy giáo thì HS sẽ cảm thấy sự cố gắng tìm tòi cái mới của mình là vô ích. Các em sẽ làm “điều mà thầy muốn” rập khuôn theo cách nghĩ, cách giải của thầy. Trái lại, một thái độ cởi mở trân trọng của thầy đối với những tìm tòi, mới mẻ của HS, sự nhanh chóng nhận biết và chấp nhận những giải pháp hay của HS sẽ có tác động khuyến khích các em rất lớn. Bằng ánh mắt trìu mến, nụ cười khích lệ, GV chuẩn bị cho HS bắt tay vào một công việc khó khăn mà các em không cảm thấy lo sợ, lúng túng. Thầy cho phép các em được theo đuổi những con đường riêng để đi đến lời giải và chỉ can thiệp khi thật cần thiết. Chính thái độ ấy của thầy đã thúc đẩy sự phát triển tư duy sáng tạo của HS. – Vai trò thứ hai: “Người tổ chức” Thầy là người tổ chức cho HS làm việc, hoạt động tìm tòi phát hiện chân lý khoa học. Thầy giáo không “rót kiến thức vào bình chứa - HS” mà “thắp sáng lên từng ngọn nến - HS”. Lớp học phải trở thành một “cộng đồng xã hội” trong đó có sự hợp tác học tập giữa tất cả các thành viên, sao cho mỗi HS được phát huy hết năng lực và sự sáng tạo của mình, kết hợp hài hòa học bạn với học thầy. Dùng phương pháp đàm thoại gợi mở, GV tổ chức cho HS tranh luận, tìm tòi khám phá, phát hiện “cái nút” của bài toán. HS chỉ thực sự hứng thú, hiểu kỹ nhớ lâu khi chính các em là người tìm ra “chìa khóa” giải bài toán. Thực tế cho thấy, nhiều HS đã đưa ra được những ý kiến mới mẻ, tìm thấy được những lời giải độc đáo trong một khung cảnh học tập cởi mở và tự do. Ở đó, mọi người đều có cơ hội bộc lộ tối đa năng lực tư duy sáng tạo của mình. Trong khung cảnh ấy GV phải phát động được trí tuệ của HS bằng cách kích thích sự suy
  • 20. nghĩ tiếp nối nhằm làm cho các em tích cực đào sâu hơn nữa suy nghĩ trong một không khí đầy hưng phấn nhiệt tình. Thầy giáo có thể tổ chức cho HS làm việc trong các nhóm nhỏ để các em có thể trình bày rõ những ý nghĩ, những quan niệm của mình, đồng thời trao đổi thẳng thắn những điều còn nghi vấn. – Vai trò thứ ba: “Người thiết kế” GV là người thiết kế, xây dựng nội dung giảng dạy, tạo ra các tình huống để HS tự giác đảm nhận nhiệm vụ học tập. Trong việc soạn giảng, GV cần đặc biệt quan tâm đến sự phù hợp giữa các mục tiêu trong nhà trường, mục đích yêu cầu của từng tiết học và các quá trình phát triển tâm lý lứa tuổi. Nếu GV cổ vũ các em học tập một cách thông minh, tin tưởng vào khả năng trí tuệ của chúng thì như vậy GV đã coi trọng sức mạnh trí tuệ của HS. Do đó, bằng mọi cách để kích thích tư duy độc lập và sáng tạo của HS. Nếu GV thiết kế được một bài lên lớp, soạn được một nội dung giảng dạy, trong đó sử dụng khéo léo các câu hỏi và bài tập; đáp ứng được nhu cầu phát triển trí tưởng tượng, óc tò mò, sự say mê tìm tòi cái mới… của các em thì giờ học đó có nhiều khả năng thành công. – Vai trò thứ tư: “Người đánh giá” GV đánh giá tầm quan trọng, xác nhận kiến thức HS thu nhận được và sắp xếp kiến thức đó vào hệ thống tri thức sẵn có của HS. GV phải có đủ năng lực đủ trình độ để nhận ra cái độc đáo, đánh giá đúng đắn giá trị thật sự các sản phẩm sáng tạo của HS. Trẻ em có thể mất lòng tin, thậm chí có thái độ chống đối không thân thiện nếu các sản phẩm sáng tạo của các em bị đánh giá không đúng. Những HS có tư duy sáng tạo phát triển, khi giải toán thường muốn tìm được nhiều cách giải, nhất là những cách giải đẹp, độc đáo. Ý muốn ấy của các em phải được khuyến khích và kết quả phải được phân tích, đánh giá đúng đắn. Trong trường hợp HS có những ý kiến táo bạo, có những cách giải lạ, khác với suy nghĩ và kinh nghiệm thường gặp, GV phải bình tĩnh nghiên cứu, trân trọng trao đổi thẳng thắn vấn đề, cuối cùng rút ra kết luận chính xác. Sự đánh giá của GV phải
  • 21. thật sự vô tư, khách quan, khoa học. Chỉ có như vậy GV mới có thể là người “trọng tài” đáng tin cậy của các em được. 1.3. Hứng thú 1.3.1. Khái niệm hứng thú – Theo Đại Từ điển Tiếng Việt, hứng thú có hai nghĩa: “Hứng thú là biểu hiện của một nhu cầu, làm cho chủ thể tìm cách thỏa mãn, tạo ra khoái cảm, thích thú và huy động sinh lực để cố gắng thực hiện” và “ Hứng thú là sự ham thích” [33, tr.861]. – Theo A. V. Daparogiet “Hứng thú là khuynh hướng của sự chú ý tới những đối tượng nhất định, là nguyện vọng tìm hiểu chúng càng tỉ mỉ càng hay” [13, tr.281]. – Theo A. G. Côvaliôv định nghĩa: “Hứng thú là thái độ đặc thù của cá nhân đối với một đối tượng nào đó, do ý nghĩa của nó trong đời sống và sự hấp dẫn về tình cảm của nó” [11, tr.100]. – Tâm lý học hiện đại có khuynh hướng nghiên cứu hứng thú trong mối quan hệ với toàn bộ cấu trúc tâm lý của cá nhân và đã đưa ra định nghĩa tương đối hoàn chỉnh về hứng thú: “Hứng thú là thái độ lựa chọn đặc biệt của cá nhân đối với một đối tượng nào đó, vừa có ý nghĩa đối với cuộc sống, vừa có khả năng mang lại xúc cảm cho cá nhân trong quá trình hoạt động" [28, tr. 187]. Ở đây hứng thú thể hiện mối quan hệ giữa chủ thể với thế giới khách quan, giữa đối tượng với nhu cầu và xúc cảm, tình cảm của chủ thể hoạt động. – Các nhà tâm lý học đã nghiên cứu hứng thú theo quan điểm duy vật biện chứng và chỉ ra tính chất phức tạp của hứng thú, xem xét hứng thú trong mối tương quan với các thuộc tính khác của nhân cách (nhu cầu, xúc cảm, ý chí,…). – Như vậy, hứng thú là “Hứng thú là thái độ lựa chọn đặc biệt của cá nhân đối với một đối tượng nào đó, vừa có ý nghĩa đối với cuộc sống, vừa có khả năng mang lại xúc cảm cho cá nhân trong quá trình hoạt động". 1.3.2. Phân loại hứng thú – Căn cứ vào hiệu quả của hứng thú: chia ra làm 2 loại:
  • 22. + Hứng thú thụ động: Là loại hứng thú tĩnh quan dừng lại ở hứng thú ngắm nhìn, chiêm ngưỡng đối tượng gây nên hứng thú, không thể hiện mặt tích cực để nhận thức sâu hơn đối tượng, làm chủ đối tượng. + Hứng thú tích cực: Không chỉ chiêm ngưỡng đối tượng gây nên hứng thú, mà lao vào hoạt động với mục đích chiếm lĩnh được đối tượng. Nó là một trong những nguồn kích thích sự phát triển nhân cách, hình thành kỹ năng kỹ xảo, nguồn gốc của sự sáng tạo. – Căn cứ vào nội dung đối tượng, nội dung hoạt động: chia ra làm 5 loại: + Hứng thú vật chất: Là loại hứng thú biểu hiện thành nguyện vọng như muốn có chỗ ở đầy đủ, tiện nghi, ăn ngon, mặc đẹp... + Hứng thú nhận thức: Ta có thể hiểu hứng thú dưới hình thức học tập như: Hứng thú vật lý học, hứng thú triết học, hứng thú tâm lý học... + Hứng thú lao động nghề nghiệp: Hứng thú một ngành nghề cụ thể: Hứng thú nghề sư phạm, nghề bác sĩ ... + Hứng thú xã hội – chính trị: Hứng thú một lĩnh vực hoạt động chính trị. + Hứng thú mĩ thuật: Hứng thú về cái hay, cái đẹp... như văn học, phim ảnh, âm nhạc... – Căn cứ vào khối lượng của hứng thú: chia ra 2 loại: + Hứng thú rộng: Bao quát nhiều lĩnh vực, nhiều mặt thường không sâu. + Hứng thú hẹp: Hứng thú với từng mặt, từng ngành nghề, lĩnh vực cụ thể... Trong cuộc sống cá nhân đòi hỏi có hứng thú rộng - hẹp, vì chỉ có hứng thú hẹp mà không có hứng thú rộng thì nhân cách của họ sẽ không toàn diện, song chỉ có hứng thú rộng thì sự phát triển nhân cách cá nhân sẽ hời hợt thiếu sự sâu sắc. – Căn cứ vào tính bền vững: chia ra làm 2 loại: + Hứng thú bền vững: Thường gắn liền với năng lực cao và sự nhận thức sâu sắc nghĩa vụ và thiên hướng của mình. + Hứng thú không bền vững: Hứng thú thường bắt nguồn từ nhận thức hời hợt đối với đối tượng hứng thú.
  • 23. – Căn cứ vào chiều sâu của hứng thú: chia ra làm 2 loại: + Hứng thú sâu sắc: Thường thể hiện thái độ thận trọng có trách nhiệm với hoạt động, công việc. Mong muốn đi sâu vào đối tượng nhận thức, đi sâu nắm vững đến mức hoàn hảo đối tượng của mình. + Hứng thú hời hợt bên ngoài: Đây là những người qua loa đại khái trong quá trình nhận thức, trong thực tiễn. Họ là những người nhẹ dạ nông nổi. – Căn cứ vào chiều hướng của hứng thú: chia ra làm 2 loại: + Hứng thú trực tiếp: Hứng thú đối với bản thân quá trình hoạt động, hứng thú với quá trình nhận thức, quá trình lao động, và hoạt động sáng tạo. + Hứng thú gián tiếp: Loại hứng thú đối với kết quả hoạt động. 1.3.3. Cấu trúc của hứng thú Phân tích cấu trúc của hứng thú, tiến sĩ tâm lý học N. G. Marôzôva đã đưa ra 3 yếu tố, đặc trưng cho hứng thú [18, tr.15]: – Có xúc cảm sâu sắc, đúng đắn với đối tượng gây ra hứng thú. – Cá nhân nhận thức được đối tượng đã gây ra hứng thú. – Có hành động vươn tới chiếm lĩnh đối tượng. Ba thành tố trên có liên quan chặt chẽ với nhau, tương tác lẫn nhau trong hứng thú của cá nhân. Trong cấu trúc hứng thú, sự tồn tại của từng mặt riêng lẻ không có ý nghĩa đối với hứng thú, không nói lên mức độ của hứng thú. Ở mỗi giai đoạn phát triển khác nhau của hứng thú, mỗi thành tố đó có thể nổi lên mạnh hay yếu, ít hay nhiều. Xúc cảm là yếu tố không thể thiếu được trong hứng thú của cá nhân. Nhưng nếu chỉ dừng ở mức độ xúc cảm với đối tượng thì chưa phải là hứng thú. Nếu chỉ nói đến mặt nhận thức thì mới là sự hiểu biết của con người với đối tượng. Còn khi nói đến mặt hành động là chỉ đề cập đến hình thức biểu hiện bên ngoài, không thấy được xúc cảm, tình cảm của họ với đối tượng đó. Bất kỳ hứng thú nào cũng là thái độ xúc cảm tích cực của chủ thể với đối tượng, đó là sự thích thú với bản thân đối tượng; còn nhận thức là tiền đề cho việc hình thành xúc cảm. Khi cá nhân có xúc cảm thực sự với đối tượng muốn chiếm
  • 24. lĩnh, có niềm vui tìm hiểu và nhận thức đối tượng thì họ mới tích cực hành động. Do đó, hứng thú phải là sự kết hợp giữa xúc cảm, nhận thức và hành động tích cực, nghĩa là có sự kết hợp giữa sự hiểu biết về đối tượng với sự thích thú và tính tích cực hoạt động để chiếm lĩnh đối tượng. 1.3.4. Vai trò của hứng thú – Đối với hoạt động nói chung: Trong quá trình hoạt động của con người, cùng với nhu cầu, hứng thú kích thích hoạt động làm cho con người say mê hoạt động đem lại hiệu quả cao trong hoạt động của mình. Hứng thú hình thành và phát triển dẫn đến nhu cầu trong lĩnh vực đó phát triển dễ dàng hơn. Nhu cầu và hứng thú có quan hệ mật thiết với nhau, nhu cầu là tiền đề, cơ sở của hứng thú, khi có hứng thú với một cái gì thì cá nhân sẽ hoạt động tích cực chiếm lĩnh đối tượng để thỏa mãn nhu cầu trong cuộc sống, lúc đó xuất hiện nhu cầu mới cao hơn. Công việc nào có hứng thú cao thì con người thực hiện nó dễ dàng hơn, có hiệu quả cao, tạo ra xúc cảm dương tính mạnh mẽ đối với người tiến hành hoạt động đó, và họ sẽ tìm thấy niềm vui trong công việc, công việc trở nên nhẹ nhàng, ít tốn công sức hơn, có sự tập trung cao. Ngược lại, người ta cảm thấy gượng ép, mệt mỏi, công việc trở nên nặng nhọc khó khăn, chất lượng hoạt động giảm rõ rệt khi làm việc không có hứng thú. – Đối với hoạt động nhận thức: Hứng thú là động lực giúp con người tiến hành hoạt động nhận thức đạt hiệu quả, hứng thú tạo ra động cơ quan trọng của hoạt động. Hứng thú làm tích cực hóa các quá trình tâm lý (tri giác, trí nhớ, tư duy, tưởng tượng...). – Đối với năng lực: Khi chúng ta được làm việc phù hợp với hứng thú, thì dù phải vượt qua muôn ngàn khó khăn, người ta vẫn cảm thấy thoải mái làm cho năng lực trong lĩnh vực hoạt động ấy dễ dàng hình thành, phát triển.
  • 25. Năng lực phụ thuộc vào sự luyện tập, nhưng chỉ có hứng thú mới cho phép người ta say sưa làm một việc gì đó tương đối lâu dài không mệt mỏi mà không sớm thỏa mãn mà thôi. Hứng thú làm cho năng khiếu thêm sắc bén. Đối với người học, việc hình thành năng lực phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó, hứng thú của người học đối với môn học là rất quan trọng. Trong quá trình giảng dạy, GV phải thu hút được người học vào bài giảng làm cho người học có hứng thú đối với môn học. Hứng thú là yếu tố quyết định đến sự hình thành và phát triển năng lực cá nhân. Hứng thú và năng lực có quan hệ biện chứng với nhau, cái này làm tiền đề cho cái kia và ngược lại. Hứng thú và năng lực là một cặp không tách rời khỏi nhau, có nghĩa là tài năng sẽ bị thui chột nếu hứng thú không thực sự sâu sắc, đầy đủ; hứng thú không được nuôi dưỡng lâu dài nếu không có những năng lực cần thiết để thỏa mãn hứng thú. 1.4. Hứng thú học tập 1.4.1. Khái niệm hứng thú học tập Từ định nghĩa về hứng thú của tâm lí học hiện đại thì “hứng thú học tập là sự ham thích của HS đối với một môn học nào đó, do thấy được ý nghĩa của môn học này đối với cuộc sống và đối với bản thân, đem lại sự hấp dẫn, lôi cuốn trong quá trình học tập bộ môn và kích thích HS hoạt động tích cực hơn.” Có hai loại hứng thú trong học tập là hứng thú trực tiếp và hứng thú gián tiếp. Hứng thú trực tiếp trong học tập là hứng thú đối với nội dung tri thức, quá trình học tập, và những phương pháp tiếp thu, vận dụng những tri thức đó [17, tr. 137]. Như vậy, hứng thú trực tiếp được hình thành dựa trên sự say mê của HS đối với môn học, cũng như cách thức chiếm lĩnh các tri thức và vận dụng tri thức đó. Hứng thú gián tiếp trong học tập là hứng thú đối với những yếu tố tác động bên ngoài như được GV khen thưởng, được điểm cộng, đạt điểm cao trong học tập, GV giảng vui, dễ hiểu, do ảnh hưởng của bạn bè … và sẽ biến mất khi những yếu tố này không còn nữa. Hứng thú gián tiếp xuất hiện theo phản ứng có thể rất mạnh nhưng cũng thường ngắn ngủi [17, tr. 137].
  • 26. 1.4.2. Những thành tố tâm lý cấu thành hứng thú học tập Căn cứ vào cấu trúc của hứng thú, chúng tôi xác định cấu trúc của hứng thú học tập bao gồm 3 thành phần chủ yếu sau: – Xúc cảm: Là sự rung động được tạo ra do các em có những tình cảm nhất định khi tiếp xúc với môn hóa học. Như vậy, thành tố xúc cảm trước hết tham gia vào việc chuẩn bị tạo nên một thái độ đúng đắn đối với môn học. Đây là tiền đề tâm lý để hình thành hứng thú học tập môn hóa học cho HS. Những xúc cảm khác sẽ xuất hiện trong quá trình hoạt động tìm tòi như niềm vui nhận thức - là thành tố cơ bản và dấu hiệu của hứng thú học tập; niềm vui đạt thành tích, giải thưởng, lời khen của GV, sự ngưỡng mộ của bạn bè sẽ giúp hình thành hứng thú học tập. – Nhận thức: Là HS nhận biết tại sao mình thích môn hóa học. Như vậy, thành tố nhận thức giữ vai trò rất lớn trong việc duy trì hứng thú học tập. HS hiểu giá trị và ý nghĩa của môn học từ đó xuất hiện thái độ tự giác trong học tập, giúp củng cố hứng thú học tập ở các em. – Hành động: + Ý thức, tính tự giác, quyết tâm dồn sức lực trí tuệ để hành động nhằm đạt được mục đích của mình đó là ý chí. Ý chí có một vai trò lớn trong việc giúp HS vượt qua những khó khăn khi tiếp thu tri thức hay khi gặp những bài tập khó. + Động cơ học tập sẽ thôi thúc HS suy nghĩ và hành động, giúp kích thích và duy trì hứng thú học tập ở HS. + Tính tích cực nghĩa là sự hăng hái, năng nổ với công việc. Tính tích cực tạo điều kiện cho việc tìm tòi và làm xuất hiện niềm vui trong hoạt động học tập. Khi hứng thú học tập xuất hiện sẽ nâng cao tính tích cực và hiệu quả lĩnh hội tri thức, kỹ năng và kỹ xảo. 1.4.3. Sự hình thành và phát triển hứng thú học tập Theo N. G. Marôzôva, trong quá trình phát triển cá thể, hứng thú học tập được hình thành và phát triển qua 3 giai đoạn sau [18]: – Giai đoạn 1: Kích thích hứng thú học tập cho HS. Ở giai đoạn này các em bị cuốn hút bởi nội dung vấn đề GV trình bày. HS chú ý lắng nghe, trực tiếp thể
  • 27. hiện niềm vui khi nhận ra cái mới. Những niềm vui đó có thể mất đi khi giờ học kết thúc, nhưng cũng có thể trên cơ sở đó hứng thú được phát triển. Ở giai đoạn này HS chưa có hứng thú thật sự. Hứng thú chỉ xuất hiện khi HS mong muốn hiểu biết nhiều hơn, các em đặt ra câu hỏi và vui mừng khi được trả lời. – Giai đoạn 2: Hứng thú học tập được duy trì. Ở giai đoạn này HS thường xuyên bị lôi cuốn vào tiết học một cách thường xuyên hơn, nhờ đó các em có xúc cảm tích cực với môn học tức là hứng thú được duy trì. Thái độ nhận thức xúc cảm với môn học sẽ thúc đẩy HS quan tâm tới những vấn đề đặt ra ở cả trong giờ học, lẫn sau khi giờ học đã kết thúc. Nói cách khác, ở các em đã có sự nảy sinh nhu cầu nhận thức, tìm tòi và phát hiện. – Giai đoạn 3: Hứng thú học tập trở nên bền vững. Nếu thái độ tích cực đó được duy trì củng cố, khả năng tìm tòi độc lập ở các em thường xuyên được khơi dậy thì các em dành nhiều thời gian rảnh rỗi của mình vào việc tìm tòi thêm những kiến thức có liên quan đến vấn đề mình yêu thích, tham gia hoạt động ngoại khóa, đọc thêm sách, tìm gặp những người cùng quan tâm tới những vấn đề của mình. Hứng thú bền vững là giai đoạn cao nhất của sự phát triển hứng thú học tập. Để hình thành hứng thú học tập, việc tổ chức hoạt động nhận thức phải thường xuyên chủ động, gắn liền với các mức độ phát triển của nó. Do đó các nhà sư phạm phải hiểu rõ các giai đoạn phát triển của loại hứng thú này. 1.4.4. Một số đặc điểm của hứng thú học tập A. K. Marcôva và V. V. Repkin cho rằng hứng thú học tập có một số đặc điểm sau: [17, tr. 138] – Trong hứng thú tồn tại một sự kết hợp hữu cơ giữa các quá trình trí tuệ với các quá trình tình cảm - ý chí của HS. – Hứng thú học tập, lúc đầu hướng tới nội dung tri thức khoa học của môn học, sau đó tới các phương pháp khám phá ra nội dung đó. – Hứng thú học tập dần có được tính bền vững và có tính không bão hòa. – Hứng thú học tập là động lực thúc đẩy HS tích cực nghiên cứu đối tượng trong phạm vi của nó.
  • 28. 1.4.5. Các biểu hiện của hứng thú học tập [18] Hứng thú học tập được biểu hiện thông qua các dấu hiệu, các chỉ số cụ thể trong hoạt động học tập, trong cuộc sống của các em. Nhà giáo dục có thể quan sát và nhận biết được chúng. Những biểu hiện này khá phong phú, đa dạng và nhiều khi còn phức tạp, chúng có thể đan xen vào nhau. Đó là: – Biểu hiện về mặt xúc cảm: HS có xúc cảm tích cực (yêu thích, say mê,...) đối với môn học như có niềm vui trong quá trình lĩnh hội kiến thức, mong chờ tiết học và luyến tiếc khi tiết học kết thúc, … – Biểu hiện về mặt nhận thức: HS nhận thức đầy đủ, rõ ràng những nguyên nhân của sự yêu thích môn học như nội dung môn học hấp dẫn, phương pháp khám phá kiến thức hấp dẫn, vai trò của môn học có ý nghĩa trong cuộc sống, … – Biểu hiện về mặt hành động: HS học tập tích cực, chủ động, sáng tạo không chỉ trong giờ lên lớp mà còn ở cả ngoài lớp hàng ngày, như:  Trong giờ lên lớp: + Say mê học tập, chăm chú nghe giảng. + Ghi chép bài đầy đủ, cẩn thận. + Tích cực suy nghĩ, hăng hái phát biểu xây dựng bài, trao đổi ý kiến với bạn bè và với GV. + Tích cực làm việc cùng nhóm để hoàn thành nhiệm vụ.  Ở ngoài lớp và ở nhà: + Độc lập và tự giác trong việc học tập. + Học bài, làm bài đầy đủ. + Tự giác làm thêm nhiều bài tập (ngoài yêu cầu của GV) + Tự sưu tầm, đọc thêm nhiều tài liệu, sách tham khảo có liên quan đến môn học. + Tự tổng kết những phần, những chương mục đã học và tìm ra mối liên hệ bên trong giữa chúng. + Từng bước tập vận dụng những kiến thức môn học vào thực tiễn. + Cố gắng giải nhanh và tìm nhiều cách giải các bài tập…
  • 29. – Biểu hiện về mặt kết quả học tập: Kết quả học tập đạt loại khá, giỏi. 1.4.6. Tác dụng của hứng thú học tập [16] Chính hứng thú học tập mang lại một số tác dụng đặc biệt như: – Là yếu tố cần thiết cho sự phát triển nhân cách, tri thức và nhận thức của HS. – Làm chỗ dựa cho sự ghi nhớ, cho phép HS duy trì sự chú ý thường xuyên và cao độ vào kiến thức bài học. – Làm cho hoạt động học trở nên hấp dẫn hơn vì các em được duy trì trạng thái tỉnh táo của cơ thể, giúp HS phấn chấn vui tươi, học tập lâu mệt mỏi. – Ảnh hưởng đến tính chất, cường độ, diễn biến, kết quả của dạy và học giúp cho hiệu quả của hoạt động này được nâng cao. – Tạo ra và duy trì tính tích cực nhận thức, tích cực hoạt động tiếp thu, tìm hiểu kiến thức. – Giúp điều khiển hoạt động định hướng vì chính cảm xúc hứng thú tham gia điều khiển tri giác và tư duy. – Đóng vai trò trung tâm, tạo cơ sở, động cơ trong các hoạt động nghiên cứu và sáng tạo. – Góp phần quan trọng trong sự phát triển kĩ năng, kĩ xảo và trí tuệ của HS, làm cho hiệu quả của hoạt động học tập được nâng cao. 1.5. Thực trạng việc gây hứng thú học tập môn hóa học ở một số trường THPT 1.5.1. Mục đích điều tra Tìm hiểu thực trạng việc gây hứng thú trong dạy học hóa học. 1.5.2. Đối tượng điều tra Chúng tôi tiến hành điều tra 110 HS lớp 10 tại 3 trường THPT trên địa bàn Tp. HCM.
  • 30. Bảng 1.1. Số lượng phiếu thăm dò thực trạng hứng thú học tập Stt Trường Quận Số phiếu Phát ra Thu vào 1 Đinh Thiện Lý 7 32 32 2 Lê Quý Đôn 5 38 38 3 Cần Thạnh Cần Giờ 44 40 Tổng cộng 114 110 1.5.3. Mô tả phiếu điều tra Trong phiếu điều tra gửi tới HS, chúng tôi đưa ra 3 câu hỏi, tập trung vào các nội dung biểu hiện của hứng thú đã đề cập ở trên: – Xúc cảm của HS về môn hóa học: Thích, bình thường, không thích, sợ. – Về mặt nhận thức của HS: lí do khiến em thấy hứng thú với môn hóa học – Hành động của HS: Hoạt động của HS trong và ngoài giờ hóa học. 1.5.4. Cách xử lí kết quả điều tra Thống kê số ý kiến của HS trong mỗi câu hỏi, tính điểm nội dung theo các mức quy đổi như bảng 1.2. Bảng 1.2. Điểm quy đổi các mức độ trả lời của phiếu thăm dò STT Mức độ Ký hiệu Điểm quy đổi 1 Rất đúng A 5 điểm 2 Đúng B 4 điểm 3 Đúng một phần C 3 điểm 4 Phân vân D 2 điểm 5 Sai E 1 điểm Sau đó, tính tổng số điểm, điểm trung bình theo công thức: Tổng số điểm = 5.MA + 4.MB + 3.MC + 2.MD + 1.ME (với M: số phiếu cùng ý kiến) Tổng số điểm Điểm trung bình = Tổng số ý phiếu Dựa vào điểm trung bình, chúng tôi phân tích, nhận xét ý kiến của HS về những nội dung điều tra và đưa ra kết luận.
  • 31. 1.5.5. Kết quả điều tra Kết quả điều tra HS thể hiện ở các bảng sau: Bảng 1.3. Kết quả điều tra sở thích của HS đối với môn hóa học Nội dung TS ý kiến Tỉ lệ Thích 56 50,9 Không thích 21 19,1 Bình thường 30 27,3 Sợ 3 2,7 * Nhận xét: Chúng tôi nhận thấy tỉ lệ HS thích môn hóa học cao (50,9%), và không thích môn hóa học thấp (19,1%). Đây là dấu hiệu đáng mừng đối với bộ môn hóa học và sẽ có nhiều thuận lợi trong công tác giảng dạy. Tuy nhiên, điều đáng lo là có một bộ phận (2,7%) lại sợ môn hóa học. Bảng 1.4. Kết quả điều tra ý kiến của HS về môn hóa học. STT Nội dung Mức độ Rất đúng Đúng Đúng một phần Phân vân Sai 1 Nội dung hóa học phong phú. 42 45 10 8 5 2 Kiến thức hóa học dể hiểu. 5 20 19 23 43 3 Có nhiều kiến thức liên hệ thực tiễn. 10 25 20 55 10 4 Lịch sử hóa học hấp dẫn, thú vị. 9 23 27 22 19 5 Có nhiều thí nghiệm hấp dẫn, vui. 12 22 36 32 8 6 Có nhiều phim mô phỏng sinh động, cuốn hút. 13 21 29 35 12 7 Có nhiều tranh ảnh, hình vẽ bắt mắt. 14 28 46 12 10 8 Không khí lớp HS động, thoải mái. 35 20 25 12 8 9 GV dạy hay, cuốn hút, dễ hiểu. 23 21 19 32 15 10 Có thể tranh luận, thắc mắc vấn đề chưa rõ. 8 15 21 46 21 11 Có nhiều chuyên đề, sinh hoạt ngoại khóa về hóa học. 1 5 15 35 54 12 Môn em đạt điểm cao 13 27 30 23 17 13 Môn em chọn thi đại học 12 14 25 35 24 14 Ý kiến khác 2
  • 32. Bảng 1.5. Ý kiến của HS về môn hóa học (tính theo điểm trung bình) STT Nội dung Tổng số điểm Điểm trung bình 1 Nội dung hóa học phong phú. 441 4,01 2 Kiến thức hóa học dể hiểu. 251 2,28 3 Có nhiều kiến thức liên hệ thực tiễn. 330 3,00 4 Lịch sử hóa học hấp dẫn, thú vị. 281 2,55 5 Có nhiều thí nghiệm hấp dẫn, vui. 328 2,98 6 Có nhiều phim mô phỏng sinh động, cuốn hút. 318 2,89 7 Có nhiều tranh ảnh, hình vẽ bắt mắt. 354 3,22 8 Không khí lớp HS động, thoải mái. 362 3,29 9 GV dạy hay, cuốn hút, dễ hiểu. 335 3,05 10 Có thể tranh luận, thắc mắc vấn đề chưa rõ. 276 2,51 11 Có nhiều chuyên đề, sinh hoạt ngoại khóa về hóa học. 194 1,76 12 Môn em đạt điểm cao 326 2,96 13 Môn em chọn thi đại học 285 2,59  Nhận xét: Từ kết quả của bảng trên, chúng tôi rút ra vài nhận xét sau: – Phần lớn HS thấy được sự phong phú trong nội dung của hóa học. – Những nguyên nhân khiến các em hứng thú với bộ môn là: + Sử dụng tranh ảnh, hình vẽ bắt mắt (3.22); có nhiều kiến thức liên hệ thực tiễn (3.00); các thí nghiệm hấp dẫn (2.98) cùng nhiều phim mô phỏng sinh động (2.89). + Bên cạnh đó, vai trò của GV (cách giảng dạy, cách tạo không khí lớp….) đóng phần quan trọng trong việc gây hứng thú học tập cho HS. – HS còn thụ động, học hóa học còn gượng ép vì những nguyên nhân phụ như điểm số và bắt buộc.
  • 33. Bảng 1.6. Kết quả điều tra hoạt động tích cực của HS trong và ngoài giờ học môn hóa học STT Nội dung Thường xuyên Đôi khi Chưa bao giờ Ý kiến Tỷ lệ Ý kiến Tỷ lệ Ý kiến Tỷ lệ 1 Chăm chú nghe giảng. 48 43,6 57 51,8 5 4,5 2 Hăng hái phát biểu ý kiến xây dựng bài và nêu thắc mắc nhờ thầy cô giải đáp. 18 16,4 82 74,5 10 9,1 3 Lắng nghe câu trả lời của bạn để sửa chữa và bổ sung. 30 27,3 68 61,8 12 10.9 4 Trao đổi với bạn về bài học, bài tập mà em chưa hiểu, chưa làm được. 35 31,8 58 52,7 17 15,5 5 Tự vận dụng các kiến thức hóa học vào giải quyết vấn đề thực tế. 20 18,2 50 45,5 40 36,3 6 Học hiểu bài trước khi làm bài tập. 22 20 58 52,7 30 27,3 7 Đọc trước sách giáo khoa để tìm hiểu bài học. 13 11,8 64 58,2 33 30 8 Đọc thêm tài liệu, sách tham khảo để mở rộng kiến thức. 15 13,6 63 57,3 32 29,1 9 Tự làm thêm các bài tập hóa ngoài yêu cầu của GV. 21 19,1 49 44,5 40 36,4 10 Tự làm các thí nghiệm vui hóa học. 10 9,1 22 20 78 70,9
  • 34. Nhận xét: Từ bảng 1.6 chúng tôi nhận thấy chỉ có 43,6% HS thường xuyên tập trung trong giờ học. Tỉ lệ HS ít và không phát biểu ý kiến xây dựng bài, không thắc mắc nội dung bài chiếm trên 80% cho thấy thực tế các em tiếp thu kiến thức một cách thụ động, chưa có sự hợp tác học hỏi lẫn nhau. Điều này cho thấy môn hóa chưa thật sự lôi cuốn HS là do các em vẫn xem môn hóa như một môn phụ, GV chưa tạo được sự yêu thích môn hóa học cho HS, HS chưa thấy được tầm quan trọng môn hóa học trong đời sống. Bên cạnh đó, chúng tôi nhận thấy các em chưa chủ động, hứng thú học tập môn Hóa học (trên 80% HS chưa tích cực chuẩn bị bài ở nhà; chưa có ý thức đọc thêm tài liệu hoặc tự nghiên cứu bài).  Kết luận Dựa vào kết quả điều tra, chúng tôi nhận thấy hóa học là môn học được nhiều HS quan tâm, cho rằng môn này là môn lý thú. Ngoài ra, chúng ta còn thấy được việc gây hứng thú trong dạy học hóa học ở trường phổ thông được hầu hết GV quan tâm. GV đã khai thác và vận dụng nhiều biện pháp nhằm gây hứng thú cho HS trong quá trình dạy học nhưng chưa đạt hiệu quả cao. Điều đó dẫn đến HS học tập hóa học còn thụ động chưa tích cực, tự giác khám phá, tìm tòi cũng như nhìn nhận đầy đủ những điều kì diệu mà hóa học mang lại.
  • 35. CHƯƠNG 2: MỘT SỐ BIỆN PHÁP GÂY HỨNG THÚ HỌC TẬP MÔN HÓA HỌC LỚP 10 THPT -------- Thí nghiệm là một phần không thể thiếu đối với hóa học - môn khoa học thực nghiệm. Bằng thí nghiệm, chúng ta có thể kiểm tra, chứng minh lí thuyết hoặc tìm ra kiến thức mới. Thí nghiệm hóa học phân thành hai loại chính là thí nghiệm biểu diễn của HS. Thí nghiệm sẽ giúp HS học hỏi được nhiều điều từ kiến thức đến rèn luyện kĩ năng. Bên cạnh đó, khi được quan sát những hiện tượng hấp dẫn, vui nhộn, bắt mắt như kết tủa, sủi bọt khí, bay hơi, đổi màu sắc, cháy sáng,…, HS sẽ thấy háo hức và hứng thú, tò mò tìm hiểu nguyên nhân, thử giải thích, dự đoán hiện tượng và tập thiết kế những thí nghiệm tương tự. Vô hình dung, hóa học đến với HS một cách vui nhộn, tự nhiên, HS đam mê hóa học lúc nào mà các em cũng chẳng biết. Hóa học có thể giải thích hầu hết các hiện tượng trong cuộc sống nhưng không phải hầu hết chúng đều có thể diễn tả bằng lời, mô tả, biểu diễn một cách trực diện. Vì thế, sử dụng phim mô phỏng là một sự lựa chọn thông minh để diễn tả những quá trình vi mô, vĩ mô phức tạp. Đặc biệt, HS sẽ hứng thú với những hình ảnh minh họa vui nhộn, gần gũi với các em. Hóa học hình thành và phát triển với bề dày lịch sử đáng tự hào. Lứa tuổi HS thích tò mò, khám phá và kể chuyện là hình thức được các em ưa chuộng, trở thành nét đặc trưng, gần gũi với các em. Kết hợp kể chuyện hóa học trong dạy học là một hình thức được sử dụng từ lâu. Mỗi câu chuyện là một chuyến phiêu lưu hóa học đầy thú vị cùng những bài học giáo dục được hình thành sau đó. Nhận thức của HS về hóa học sẽ được thay đổi, hóa học không chỉ đơn giản là những kiến thức trên sách vở. Đó là những sự khám phá ngẫu nhiên, những hành động điên rồ, cũng có thể là sự đầu tư nghiên cứu đi vào bế tắc... Vừa học và vừa chơi, kiến thức đến với HS một cách nhẹ nhàng và thoải mái.
  • 36. Đối với phần lớn HS, hóa học trong các em là những phương trình phản ứng, những tính chất hóa học, tính chất vật lí nhàm chán, khô khan. Đôi khi, các em học hóa học chỉ để đối phó với thi cử mà chẳng thấy chúng hữu ích, gắn bó với cuộc sống hằng ngày. Sử dụng tình huống gắn với thực tiễn giúp các em vận dụng những kiến thức đã học vào thực tế, HS nhận thức mới mẻ về hóa học. Đó không còn là môn học nhàm chán vì hóa học gần gũi với cuộc sống, phục vụ cuộc sống. HS chủ động tìm kiếm những ứng dụng, giải thích những hiện tượng trong cuộc sống. Với những hiện tượng không thể giải thích bằng kiến thức đã có, HS sẽ chủ động tìm kiếm câu trả lời và giành lấy kiến thức mới cho mình một cách tự giác. Đó là một biểu hiện của hứng thú học tập. Thực tế cho thấy, HS yêu thích môn học thông qua yêu thích GV dạy bộ môn đó. Vì thế, GV có ảnh hưởng rất lớn trong việc gây hứng thú học tập cho HS. Làm thế nào xây dựng tình cảm thầy trò tốt đẹp, làm thế nào để phát huy tình cảm thầy trò vào gây hứng thú học tập cho HS. Đó là một việc làm khó khăn nhưng không phải là không làm được. Mang sự hài hước vào trong bài học là điều khá mới mẻ đối với GV. Sự hài hước chủ yếu phụ thuộc vào khả năng vốn có của mỗi GV chứ chưa được chú ý áp dụng vào trong giảng dạy. Sự hài hước có ý nghĩa to lớn trong việc tạo hứng thú học tập cho HS với những tiếng cười sảng khoái, đồng thời giúp GV cảm thấy hứng thú và đam mê hơn công tác giảng dạy của mình. Dựa trên những cơ sở trên, chúng tôi đã nghiên cứu biện pháp gây hứng thú bằng cách sử dụng thí nghiệm, phim mô phỏng, kể chuyện hóa học; vận dụng tình huống gắn với kiến thức thực tiễn và phát huy tình cảm thầy trò. 2.1. Sử dụng thí nghiệm gây hứng thú 2.1.1. Vai trò của thí nghiệm “Khi lưu ý mọi người phải chú trọng đến các bài học lý thuyết hóa học, tôi cho rằng tôi đã kêu gọi họ làm một việc rất bổ ích…
  • 37. Nhưng muốn vậy, trước tiên cần phải nắm vững thực hành hóa học, tức là phải thành thạo đối tượng này, biết cách đặc câu hỏi cho thiên nhiên và lắng nghe trả lời của nó trong phòng thí nghiệm và trong sách vở.” Đ.I.MENDELEEP, “Cơ sở hóa học”, trích lời nói đầu của lần xuất bản thứ [24]. Thí nghiệm có vai trò rất quan trọng trong nghiên cứu khoa học và quan trọng đặc biệt trong dạy học hóa học: – Thí nghiệm là cầu nối giữa lý thuyết và thực tiễn, giữa hiện tượng tự nhiên và nhận thức của con người. – Thí nghiệm là tiêu chuẩn đánh giá tính chân thật của kiến thức, hỗ trợ đắc lực cho tư duy sáng tạo. – Thí nghiệm là nền tảng của việc dạy học Hoá học và việc rèn luyện các kỹ năng thực hành. – Thí nghiệp góp phần gây hứng thú học tập hóa học. 2.1.2. Phân loại thí nghiệm Hình 2.1: Sơ đồ phân loại thí nghiệm hóa học Thí nghiệm hóa học Thí nghiệm biểu diễn của GV Thí nghiệm nghiên cứu Thí nghiệm minh họa Thí nghiệm biểu diễn của HS Thí nghiệm nghiên cứu bài mới Thí nghiệm thực hành Thí nghiệm ngoại khóa
  • 38. 2.1.3. Sử dụng thí nghiệm gây hứng thú Gây hứng thú bằng thí nghiệm hóa học không những tạo được hứng thú cho HS mà còn rèn luyện cho các em kĩ năng thí nghiệm cơ bản, khả năng vận dụng kiến thức đã biết, tìm tòi kiến thức mới để tìm ra bản chất sự vật, hiện tượng. Để đạt được kết quả trên, thí nghiệm biểu diễn phải đảm bảo một số yêu cầu sau: – Thí nghiệm phải an toàn. – Thí nghiệm phải thành công, hiện tượng bắt mắt, dễ quan sát. – Thí nghiệm đơn giản, dễ thực hiện và kinh tế. – Thí nghiệm ít tốn thời gian. – Nội dung thí nghiệm phải gắn với nội dung bài học và phù hợp với mục đích. Bên cạnh đó, GV cũng nên khai thác các thí nghiệm vừa mang tính giáo dục, vừa chứng minh cho những điều các em đã học, vừa pha vào đó chút hài hước những câu chuyện gần gũi hấp dẫn giúp các em mau nhớ bài, cảm thấy thích thú với những điều tưởng như không thể làm được nhưng thực ra lại rất gần gũi và đơn giản. Đồng thời, GV có thể kết hợp hệ thống lời dẫn dắt vui nhộn, hấp dẫn cùng các câu hỏi kích thích, tò mò. Qua đó, làm cho các em ngày càng yêu thích bộ môn hơn, không còn cảm thấy quá nặng nề, mệt mỏi hay quá khô khan, nhàm chán. Các thí nghiệm này không những gây hứng thú, bất ngờ cho HS mà còn kích thích các em vận dụng các điều đã học để giải thích hiện tượng. Khi tự mình tìm được lời giải, các em sẽ thích thú khắc ghi và được dịp củng cố những kiến thức đã biết. Với thí nghiệm hóa học được xây dựng từ những kiến thức nâng cao, mới lạ sẽ gây sự chú ý, tò mò cho HS. Khi biết được lời giải, các em sẽ thích thú, say mê tìm hiểu tri thức để mở rộng tầm hiểu biết của mình.
  • 39. 2.1.4. Một số thí nghiệm gây hứng thú 2.1.4.1. Một số thí nghiệm gây hứng thú trong chương: Nguyên tử Thí nghiệm 1: Phát hiện nguyên tử trong chuyển động (Biểu diễn thí nghiệm trong bài ”Nguyên tử”) a) Mục đích – Giúp HS hình dung sự chuyển động của các phân tử. – Giúp HS nhận thức hóa học gần gũi với cuộc sống hằng ngày. b) Cách tiến hành Đổ nước nóng cho đầy khoảng nửa cốc. Cho một chút màú thực phẩm vào trong cốc và khuấy đều. Sau đó, đổ nước lạnh (nước đặt trong tủ lạnh khoảng 2 giờ) vào cốc và quan sát sự chuyển động của các phân tử nước. c) Mô tả hiện tượng Phần nước nóng bốc lên trên, các phân tử nước chuyển động hỗn loạn. d) Giải thích Những phân tử nước ấm chuyển động nhanh hơn những phân tử nước lạnh. Chúng sẽ tách rời nhau và chuyển động lên phía trên. Chúng ta sẽ quan sát hàng nghìn tỉ nguyên tử chuyển động. d) Hình ảnh minh họa Hình 2.2: Phát hiện nguyên tử trong chuyển động
  • 40. 2.1.4.2. Một số thí nghiệm gây hứng thú trong chương : Bảng hệ thống tuần hoàn các nguyên tố hóa học và định luật tuần hoàn Thí nghiệm 2: Vũ điệu của các kim loại kiềm (Biểu diễn trong bài “Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học”) a) Mục đích – Chứng minh các nguyên tố trong cùng một nhóm có tính chất hóa học tương tự nhau. – Kích thích hứng thú, tư duy của HS. b) Cách tiến hành – Ðổ 30ml nước cùng vài giọt phenolphtalein vào một cốc dung dịch 100ml và rót 50ml dầu hỏa lên trên mặt nước. – Lấy một miếng natri, kali cạo sạch nhỏ bằng hạt đậu đặt cẩn thận lên lớp dầu hỏa. c) Mô tả hiện tượng Natri chìm xuống, nổi lên rồi lại chìm xuống, cứ như thế khoảng 10 - 12 lần cho đến khi miếng natri tan hết. Trong khi đó lớp nước phía dưới từ trong suốt trở thành đỏ hồng. d) Giải thích Natri, kali nặng hơn dầu hỏa nên chìm xuống. Nhưng khi tiếp xúc với nước nó lập tức tác dụng với nước giải phóng khí. Bọt khí H2 bao bọc mẩu natri và đệm khí đó đẩy nó nổi lên lớp dầu hỏa. Tại đây, các bọt khí tách ra và mẩu natri bị chìm xuống. Dung dịch trở nên màu đỏ hồng là sau phản ứng tạo ra dung dịch kiềm. 2K + 2H2O → 2KOH +H2 2Na + 2H2O → 2NaOH +H2 e) Những điều cần lưu ý – Cần gọt bỏ lớp oxit bên ngoài của các kim loại kiềm. – Không được lấy miếng kim loại lớn quá sẽ nổ, nguy hiểm.
  • 41. f) Hình ảnh minh họa Hình 2.3: Vũ điệu kim loại kiềm 2.1.4.3. Một số thí nghiệm gây hứng thú trong chương: Nhóm Halogen Thí nghiệm 3: Bàn tay phép thuật (Biểu diễn thí nghiệm trong bài “Flo – Brom -Iot”, hoặc bài “Luyện tập: Nhóm halogen”) a) Mục đích – Khắc sau tính chất vật lý và tính chất hóa học của iot. – Tạo hứng thú qua việc gây bất ngờ, kì bí. b) Cách tiến hành – Trộn 50g tinh thể iot với 10g bột nhôm. – Cho hỗn hợp trên vào một chén sứ. – Nhúng bao tay vào dung dịch hồ tinh bột rồi đưa lên miệng chén sứ. – Để 2-3 giọt nước rơi vào hỗn hợp chất rắn trên. – Dùng bao tay vải để thu khói bốc ra. c) Mô tả hiện tượng Khi đưa bàn tay phép thuật màu trắng đến miệng chén sứ, một lúc sau, chén sứ bốc khói vàng tím và bàn tay phép thuật đã biến thành xanh đen. d) Giải thích – Nước xúc tác giúp phản ứng giữa nhôm và iot xảy ra: 2 Al + 3 I2 → 2 AlI3
  • 42. – Phản ứng tỏa nhiều nhiệt làm cho iot bị thăng hoa. – Iot gặp dung dịch hồ tinh bột chuyển sang màu xanh đen. e) Những điều cần lưu ý – Lượng iot lấy nhiều hơn lượng nhôm cần phản ứng để iot có thể thăng hoa rõ, đẹp. – Trộn hỗn hợp iot và nhôm thật đều. – Để bao tay cách chén sứ khoảng 10cm để HS có thể quan sát rõ lượng khí thoát ra mà vẫn có thể hạn chế được khí bay ra ngoài. – Nên đeo bao tay nilon ở trong trước khi đeo bao tay vải có nhúng dung dịch hồ tinh bột. Thí nghiệm 4: Chai nước thần kì (Biểu diễn thí nghiệm trong bài “Luyện tập: Nhóm halogen”) a) Mục đích – Nhấn mạnh tính chất của iot và cách nhận biết. – Gây hứng thú, kích thích sự tò mò tìm hiểu cách giải thích hiện tượng. b) Cách tiến hành – Hòa tan tinh thể iot và natri iotua vào trong nước để có màu nâu nhạt. – Lấy 4 cốc thủy tinh và lần lượt cho vào từng cốc các chất sau: + Cốc 1: tinh thể Na2S2O3; + Cốc 2: tinh bột; + Cốc 3: dd AgNO3; + Cốc 4: không có gì. – Rót nước từ chai vào từng cốc và lắc đều. c) Mô tả hiện tượng Trong các cốc sẽ có sự thay đổi nước thần thành những màu khác nhau: – Cốc 1: không màu; – Cốc 2: xanh đen; – Cốc 3: vàng nhạt; – Cốc 4: nâu nhạt.
  • 43. d) Giải thích Trong các cốc có sự thay đổi màu là do: – Cốc 1: iot đã tham gia phản ứng: 2 Na2S2O3 + I2 → Na2S4O6 + 2 NaI – Cốc 2: iot tạo màu với hồ tinh bột. – Cốc 3: màu vàng nhạt của kết tủa AgI tạo thành từ phản ứng: AgNO3 + NaI → AgI ↓ + NaNO3 – Cốc 4: không có phản ứng xảy ra. e) Những điều cần lưu ý – Để iot có thể hòa tan được nhiều trong nước, nên cho hòa tan một ít tinh thể NaI trước rồi mới hòa tan từ từ iot để được màu trà chanh như ý. – Có thể thay NaI bằng KI. Thí nghiệm 5: Dung dịch ăn trứng (Biểu diễn thí nghiệm trong bài“ Axit clohidric và muối clorua”) a) Mục đích – Nhấn mạnh tính chất hóa học của axit clohidric. – Thí nghiệm đơn giản, gây không khí vui vẻ. b) Cách tiến hành – Chuẩn bị 1 cốc thủy tinh chứa dung dịch axit clohidric. – 3 quả trứng cút đã luộc chín. – Sau đó, cho trứng vào trong cốc đựng axit sẽ thấy hiện tượng xảy ra. c)Mô tả hiện tượng Khi cho quả trứng vào “cốc nước” thấy có hiện tượng sủi bọt khí. Vỏ quả trứng tan ra. d) Giải thích – Vỏ trứng có thành phần cấu tạo chính là CaCO3. – Khi cho dung dịch có tính axit, sẽ tác dụng với CaCO3 có hiện tượng sủi bọt khí cacbonic: HCl + CaCO3 → CaCl2 + CO2 ↑ + H2O
  • 44. e) Những điều cần lưu ý Có thể thay dung dịch axit HCl bằng các dung dịch khác như axit H2SO4, CH3COOH,… tùy vào từng bài học cụ thể. Có thể hướng dẫn thêm cho HS về nhà tự tìm hiểu xem trong nhà bếp liệu có chất lỏng nào cũng có thể dùng bóc được trứng hay không. Ví dụ như giấm, chanh,… Thí nghiệm 6: Khinh khí cầu biết nói (Thí nghiệm biểu diễn trong bài “Axit clohidric-muối clorua”) a) Mục đích – Chứng minh tính chất hóa học của axit clohidric. – Hiện tượng hấp dẫn, giải thích khí trong bóng bay. b) Cách tiến hành – Cho khoảng 20ml dd axit HCl vào chai nhỏ, nhẹ. – Cho khoảng 20g dây magie vào trong quả bóng bay, cột lại. – Để miệng quả bóng bay vào miệng chai rồi cột chặt. – Thả dây cột miệng quả bóng bay, đổ Mg vào chai. c) Mô tả hiện tượng Bong bóng phình to. d) Giải thích Kim loại magie phản ứng với axit và nước sinh ra khí hidro làm căng quả bóng. Mg + 2 HCl → MgCl2 + H2 ↑ Mg + 2 H2O → Mg(OH)2 + H2 ↑ e) Những điều lưu ý – Cần cột thật chặt bóng bay vào miệng chai để khí hidro không thoát ra ngoài. – Quả bóng bay phải dai, bền. Có thể vẽ chữ hay hình lên quả bóng trước. – Axit HCl không lấy đậm đặc vì làm cản trở khả năng phản ứng của magie.
  • 45. – Không nên đổ magiê vào chai rồi mới cột quả bóng lên miệng vì như vậy sẽ làm mất đi đáng kể lượng khí thoát ra. f) Một số hình ảnh minh họa Hình 2.4: Khinh khí cầu Thí nghiệm 7: Đài phun nước đổi màu (Thí nghiệm biểu diễn trong bài “Axit clohidric- muối clorua”) a) Mục đích – Nhấn mạnh tính tan nhiều trong nước của axit clohidric. – Hiện tượng hấp dẫn, bất ngờ, kích thích hứng thú của HS. b) Cách tiến hành – Thu khí hidro clorua vào bình thủy tinh. – Đậy nhanh bình bằng nút cao su gắn ống vút nhọn xuyên qua (đầu ống vuốt nhọn hướng vào trong bình). – Úp ngược bình vào chậu nước chứa kiềm loãng có vài giọt phenolphatlein (hay rượu quỳ). c)Mô tả hiện tượng – Trong bình xuất hiện tia nước không màu. d) Giải thích Khí hidro clorua tan rất mạnh trong nước (500 lít/1 lít nước) tạo dung dịch có tính axit nên không làm phenolphtalein mất màu. c) Những điều cần lưu ý – Thao tác nhanh để tránh mất khí hidro clorua.
  • 46. – Nhúng nút cao su có ống vuốt nhọn xuyên qua vào bình nước trước khi đậy bình. – Cầm bình bằng ngón cái và trỏ để HS nhìn thấy nước phun. – Màu của dung dịch trong chậu không nên pha đậm quá. Thí nghiệm 8: Trứng nổi – Trứng chìm (Thí nghiệm biểu diễn trong bài “Axit clohidric - muối clorua”) a) Mục đích – Hiện tượng bất ngờ, gây hứng thú, kích thích tư duy. b) Cách tiến hành – Cho vào 3 cốc lần lượt các dung dịch: + Cốc 1: chứa nước + Cốc 2: chứa lượng nước muối bằng cốc 1 (có thể hòa tan lượng muối ăn khoảng 6 muỗng). + Cốc 3: chứa lượng nước ít hơn cốc 2 và hòa tan lượng muối ăn ít hơn (khoảng 2 - 3 muỗng ). c) Mô tả hiện tượng Lần lượt thả thả 3 quả trứng như nhau vào 3 cốc trên thì thấy hiện tượng sau: – Cốc 1: Quả trứng chìm xuống đáy cốc. – Cốc 2: Quả trứng nổi lên trên mặt nước. – Cốc 3: Quả trứng lơ lửng. d) Giải thích Thí nghiệm dựa trên nguyên tắc: chất có tỉ trọng lớn sẽ chìm xuống dưới chất có tỉ trọng nhỏ hơn. – Cốc 1: vì tỉ trọng của nước nhỏ hơn tỉ trọng của trứng nên khi cho quả trứng vào, trứng trong cốc 1 sẽ chìm xuống đáy. – Cốc 2 : trứng sẽ nổi lên trên mặt nước do tỉ trọng của nước muối lớn hơn trứng nên trứng nổi.
  • 47. – Cốc 3: Trứng sẽ lơ lửng vì tỉ trọng của nước muối cân bằng với tỉ trọng của trứng. 2.1.4.4. Một số thí nghiệm gây hứng thú trong chương: Nhóm Oxi - Lưu huỳnh Thí nghiệm 9: Bông hoa tự cháy (Biểu diễn thí nghiệm trong bài “Oxi”) a) Mục đích – Thấy được sự hấp dẫn, thần kì của hóa học từ những nguyên tố hóa học quen thuộc. – Kích thích tò mò, ham thích tìm hiểu và gây hứng thú học tập. b) Cách tiến hành – Làm bông hoa khô: + Uốn dây kẽm thành hình bông hoa. + Bôi một lớp keo dán lên xung quanh bông hoa. + Rắc bột magiê lên đều khắp sợi dây kẽm. + Để một thời gian để keo dán và bột magiê khô, dính chặt vào dây kẽm. – Đặt vào trong cốc một miếng cồn khô và mẩu giấy có gói một viên natri. – Cắm bông hoa khô vào miếng cồn khô. – Đổ một ít nước vào cốc. – Đẩy mẩu giấy cho tiếp xúc với nước. c) Mô tả hiện tượng Khi đổ nước vào cốc, chiếc cốc bốc lửa làm bông hoa khô cháy sáng rực. d) Giải thích – Nước phản ứng với natri sinh ra nhiệt làm cháy mẩu giấy: 2 Na + 2 H2O → 2 NaOH + H2 ↑ – Magiê cháy trong không khí cháy sáng màu vàng: 2 Mg + O2 → 2 MgO e) Những điều cần lưu ý – Viên natri to vừa phải (bằng hạt đậu đen). – Không nên đổ nước trực tiếp lên viên natri.
  • 48. – Cần để cho bông hoa đứng thẳng vào cốc sứ bằng chân hay giá đỡ, không nên giữ đứng bằng cồn khô vì khi nhiệt độ cao, cồn khô chảy sẽ làm trái tim bị đổ. – Có thể bọc một lớp giấy vào dây kẽm trước khi bôi keo dán giúp cho phản ứng cháy của magie được dễ dàng. – Có thể thay bột magie bằng bột của một số kim loại khác như nhôm, sắt,… f) Hình ảnh minh họa Hình 2.5: Bông hoa tự cháy Thí nghiệm 10: Súng phun lửa (Biểu diễn thí nghiệm trong bài “Oxi”) a) Mục đích – Nhận mạnh tính phi kim mạnh của oxi. – HS ngạc nhiên trước hiện tượng bắt mắt, sinh động. b) Cách tiến hành – Trộn bột than gỗ nghiền nhỏ với kali pemanganat theo tỉ lệ 1:1. – Lấy nửa muỗng cà phê hỗn hợp cho vào ống nghiệm khô, đun ống nghiệm trên ngọn lửa đèn cồn. c) Mô tả hiện tượng Một lúc sau trong ống nghiệm bắn ra những tia lửa sáng rực như súng phun lửa.
  • 49. d) Giải thích – Kali pemangant phân hủy tạo thành oxi. 2KMnO4 𝑡 𝑜 → K2MnO4 + O2 + MnO2 – Oxi sinh ra phản ứng với cacbon tạo khí cacbonic tỏa nhiệt. C + O2 𝑡 𝑜 → CO2 e) Những điều lưu ý – Bột than phải khô. – Đun ống nghiệm đến khi vừa có tia lửa thì ngừng. Thí nghiệm 11: Núi lửa phun (Biểu diễn thí nghiệm trong bài “Oxi”) a) Mục đích – Nhấn mạnh tính phi kim mạnh của oxi. – HS hứng thú với thí nghiệm đẹp mắt và tò mò giải thích hiện tượng. b) Cách tiến hành – Lấy 100g mạt sắt mịn cùng 50 g lưu huỳnh bột. – Trộn kĩ và đổ vào một chút nước nóng cho tới khi hỗn hợp trở nên sền sệt. Sau đó, đặt hỗn hợp lên một đĩa bạc hoặc một khay sắt và lấy đất sét nhão trộn với những hòn sỏi nhỏ, đắp phủ lên hỗn hợp mạt sắt và lưu huỳnh, sao cho giống một ngọn núi lửa thực sự. – Dùng que gỗ chọc từ miệng núi lửa một lỗ, qua lớp đất sét. c) Mô tả hiện tượng Sau 10-12 phút, núi lửa tí hon bắt đầu hoạt động. Từ miệng phun, khói bốc mù mịt và “dung nham” phun trào dữ dội, giống hệt như một ngọn núi lửa trong thiên nhiên, chỉ thiếu tiếng nổ. d) Giải thích Sắt và lưu huỳnh sau khi tiếp xúc với nhau một thời gian ngắn, bắt đầu phản ứng tạo thành sắt (II) sunfua. Phản ứng tỏa nhiệt làm nước bốc hơi và cũng nhờ nhiệt phản ứng mạnh, làm cả khối “sôi” trào ra ngoài. Fe + S 𝑡° → FeS
  • 50. f) Hình ảnh minh họa Hình 2.6: Núi lửa phun Thí nghiệm 12: Pháo hoa (Biểu diễn thí nghiệm trong bài “Oxi”) a) Mục đích – Kích thú hứng thú của HS qua quan sát hiện tượng thí nghiệm đẹp. b) Cách tiến hành – Cuộn dây sắt thành hình lò xo, một đầu quấn vào một mẩu gỗ nhỏ để làm mồi. – Đốt cháy mẩu gỗ rồi nhúng vào lọ chứa oxi (giữ cho mẫu gỗ ở giữa lọ). c) Mô tả hiện tượng Dây sắt cháy sáng, phát những tia lửa nhỏ như pháo hoa. d) Giải thích Sắt phản ứng oxi tinh khiết tạo oxit sắt (III), phản ứng mãnh liệt và tỏa nhiệt. 3Fe + O2 to → Fe2O3 e) Những điều lưu ý – Cho vào lọ một ít nước hoặc cát để lọ khỏi bị nức khi sắt và oxit sắt nóng chảy rớt xuống. – Mẫu gỗ nên nhỏ do tiêu tốn oxi trong bình.
  • 51. f) Hình ảnh minh họa Hình 2.7: Pháo hoa Thí nghiệm 13: Chiên trứng không cần lửa (Biểu diễn thí nghiệm trong bài“Axit sunfuric và muối sunfat”) a) Mục đích – Nhấn mạnh tính háo nước của axit sunfuric đặc. – Thí nghiệm mới lạ, hấp dẫn, gây hứng thú tò mò cho HS. b) Cách tiến hành – Chuẩn bị lọ hóa chất chứa dung dịch axitsunfuric đặc (không đề nhãn). – Đập quả trứng sống vào trong đĩa. – Nhỏ từ từ axit sunfuric đặc vào xung quanh đĩa. – Lòng trắng trứng bắt đầu đông tụ lại trông như món trứng ốp la. c) Mô tả hiện tượng – Khi cho ống nhỏ giọt nhỏ vào đĩa trứng sống. Trứng đông tụ lại giống như món trứng ốp la. – Khi sờ vào đĩa, thấy đĩa nóng lên. e) Giải thích – Loại nước thần dược chính là H2SO4 đặc. – Trong quả trứng, nước chiếm khoảng 67.5%, các thành phần còn lại là protein và các axit amin. Khi cho axit sunfuric đặc vào, nó sẽ hút nước và tỏa nhiệt, làm cho protein đông tụ lại trông như món trứng ốp la.
  • 52. e) Những điều cần lưu ý – Trước khi biểu diễn nên làm đĩa ướt qua. – Phải dùng ống hút sạch để hút axit. – Nên làm thử vài lần để biết chính xác liều lượng cần dùng. f) Hình ảnh minh họa Hình 2.8: Đĩa trứng ốp la Thí nghiệm 14: Đổi sắc hoa thật (Biểu diễn thí nghiệm trong bài“Axit sunfuric và muối sunfat”) a) Mục đích – HS thấy được ứng dụng của hóa học trong cuộc sống. – Hứng thú với những điều kì diệu mà hóa học mang lại. b) Cách tiến hành – Chuẩn bị các bông hoa có các màu khác nhau (trắng, hồng, xanh lơ). – Ngâm hoa trong các dung dịch sau: NaOH, HCl, H2SO4. c)Mô tả hiện tượng – Tùy vào thời gian ngâm, ta thu được hoa với các màu sắc khác nhau. Bảng 2.1. Màu sắc hoa thay đổi theo thuốc thử và màu hoa tự nhiên. Thuốc thử Màu hoa tự nhiên Trắng Hồng Xanh lơ NaOH Xanh lá cây ( nâu có ánh đỏ) Xanh lá cây ( nâu có ánh đỏ) Xanh lơ (vàng có viền xanh lá cây) HCl Xanh lơ có ánh xanh lá cây H2SO4 Xanh lá cây Đỏ son Boocđô