SlideShare a Scribd company logo
1 of 58
Download to read offline
1
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
-----------------------------------------------------
MAI THỊ NGA
NGHỆ THUẬT TỰ SỰ
TRONG TIỂU THUYẾT TÔ HOÀI
LUẬN VĂN THẠC SĨ
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Hà Nội-2012
2
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
-----------------------------------------------------
MAI THỊ NGA
NGHỆ THUẬT TỰ SỰ
TRONG TIỂU THUYẾT TÔ HOÀI
Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Mã số: 60 22 01 21
Người hướng dẫn khoa học:
PGS.TS. ĐOÀN ĐỨC PHƯƠNG
Hà Nội-2012
4
MỤC LỤC
Trang
MỞ ĐẦU 2
1. Lý do chọn đề tà 2
2. Lịch sử vấn đề 3
3. Đối tượng, phạm vi và mục đích nghiên cứu 5
4. Phương pháp nghiên cứu 6
5. Cấu trúc của luận văn 6
NỘI DUNG 7
Chương 1: Khái lược về nghệ thuật tự sự và hành trình sáng tác của Tô Hoài 7
1.1. Khái lược về nghệ thuật tự sự 7
1.1.1. Tự sự 7
1.1.2. Tự sự học 8
1.2. Hành trình sáng tác của Tô Hoài 10
1.2.1. Sơ lược tiểu sử 10
1.2.2. Hành trình sáng tác 11
1.2.3. Tiểu thuyết của Tô Hoài 14
Chương 2: Nghệ thuật tổ chức cốt truyện và xây dựng nhân vật 18
2.1. Nghệ thuật tổ chức cốt truyện 18
2.1.1. Cốt truyện sự kiện trong tiểu thuyết của Tô Hoài 19
2.1.2. Tổ chức diễn biến cốt truyện trong tiểu thuyết Tô Hoài 27
2.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật 37
2.2.1. Khắc họa nhân vật qua các chi tiết 39
2.2.2. Khắc họa nhân vật qua ngoại hình và hành động 44
2.2.3. Khắc họa nhân vật qua biểu hiện nội tâm và ngôn ngữ 56
Chương 3: Người kể chuyện và ngôn ngữ trần thuật 67
3.1. Người kể chuyện trong tiểu thuyết của Tô Hoài 67
3.1.1. Người kể chuyện 67
3.1.2. Điểm nhìn trần thuật 74
3.1.3. Giọng điệu trần thuật 79
3.1.3.1. Giọng dửng dưng lạnh lùng, pha chút mỉa mai, châm biếm 80
3.1.3.2. Giọng điệu trữ tình, ấm áp, tươi vui 81
3.1.3.3. Giọng điệu dí dỏm, hài hước. 84
3.2. Ngôn ngữ trần thuật 86
5
3.2.1. Ngôn ngữ giàu tính tạo hình 87
3.2.2. Ngôn ngữ giàu tính khẩu ngữ 92
3.2.3. Lớp ngôn từ gợi không khí một thời 96
KẾT LUẬN
101
TÀI LIỆU THAM KHẢO 105
6
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trên 60 năm “phiêu lưu” qua hơn 20 quốc gia Dế Mèn phiêu lưu ký vẫn là tác
phẩm được yêu thích của bạn đọc. Và thật may mắn khi cha đẻ của nó mặc dù đã
qua tuổi 90 vẫn ung dung, hóm hỉnh nụ cười với thế thái nhân tình. Trời cho Tô
Hoài vốn sức khỏe và chính ông làm cho vốn ấy ngày càng có lãi. Hơn ai hết Tô
Hoài hiểu lao động là hạnh phúc. Mỗi ngày với ông không một chút lãng phí, không
một giây nào không có ý nghĩa. Khi tuổi còn đang ở độ hừng hực ông “viết như là
chạy thi”; khi đã đủ chín chắn và muốn hiểu thêm về những cuộc đời, những vùng
miền ông hăng hái “lên vùng cao đất mới”; rồi khi thấy cần một nơi yên tĩnh để
chiêm nghiệm lại mọi thứ ông “trở về với những miền thân thuộc”; trở về là để
chuẩn bị cho một cuộc “phiêu lưu” mới và giờ đây khi thế hệ trẻ non nớt đang cần
những chú Dế Mèn có tâm hồn để đối trọng với thế giới hiện đại vô cảm thì Tô
Hoài lại sẵn sàng cho những điều còn trăn trở, còn bỏ ngỏ khi ông ở tuổi đôi mươi.
Cuộc “phiêu lưu” của nhà văn Tô Hoài có lẽ là cuộc phiêu lưu trường kì, ý nghĩa và
nhiều kết quả nhất mà nhà văn nào cũng ao ước có được trong cuộc đời cầm bút của
mình. Khi nhắc đến Tô Hoài, người ta nhớ đến “một nhà văn có nhiều cái nhất”,
một nhà văn là “vinh dự cho Hà Nội, tài sản của Hà Nội” (Hữu Thỉnh). Tác phẩm
của Tô Hoài không chỉ là một kho tri thức khổng lồ mà còn là những bài học khiến
chúng ta đọc rồi phải suy ngẫm về hôm qua, hôm nay và cả mai sau. Mỗi lần tìm
hiểu về những tác phẩm của Tô Hoài là một lần người ta tìm ra những tầng vỉa ẩn
sau lớp chữ nghĩa giản dị, đời thường. Do vậy, hết thế hệ này đến thế hệ khác vẫn
không nguôi ý định tìm hiểu vẻ đẹp những tác phẩm của Tô Hoài. Chúng tôi cũng
muốn góp một phần bé nhỏ trong công việc của người nghiên cứu để hiểu hơn về
phong cách của một nhà văn cả đời miệt mài đi tìm con chữ cống hiến cho đời.
7
Việc viết lách của nhà văn trở thành cơm bữa hàng ngày không thể thiếu. Vì
thế ở Tô Hoài không chỉ có khối lượng tác phẩm đồ sộ mà còn tập hợp đa dạng các
thể loại như một cánh rừng với đủ các loại thảo mộc lớn nhỏ thuộc các chủng loại
khác nhau. Ở mỗi thể loại, Tô Hoài thể hiện một “gương mặt”, một dấu ấn riêng
không thể nhòe lẫn. Tiểu thuyết có lẽ là thể loại mà ở đó Tô Hoài nếm đủ vị đời của
văn chương : có cay đắng, ngọt bùi, vinh quang và cả thờ ơ. Nhưng cũng chính ở
thể loại này người ta mới nhận ra sự tích tụ từ những thể loại khác mà nhà văn đã có
cả một quá trình vun góp. Nếu các truyện ngắn là những mảnh nhỏ của cảnh đời,
những ký họa chân dung con người, thì tiểu thuyết là cả một dòng sông cuộc đời
trôi chảy của bao nhiêu sự việc, câu chuyện, đời người. Tìm hiểu về tiểu thuyết của
Tô Hoài theo hướng tự sự học sẽ góp phần làm sáng tỏ sự tích tụ, sự thống nhất, sự
phát triển của phong cách nhà văn theo dòng thời gian.
Nghiên cứu truyện kể dưới góc độ tự sự học đang là xu hướng có nhiều triển
vọng trên thế giới và trong nước. Đó không chỉ là cách thức kể chuyện sao cho câu
chuyện trở nên hấp dẫn mà còn là cách để nhà văn lý giải sự vật, hiện tượng một
cách hiệu quả. Tìm hiểu kĩ thuật viết tiểu thuyết của Tô Hoài, chúng ta sẽ lí giải
được sức sống, sự hấp dẫn, mới mẻ của tiểu thuyết Tô Hoài.
2. Lịch sử vấn đề
Tính đến nay, Tô Hoài đã có ngót 70 năm cầm bút, dấn thân vào nghiệp văn
chương. Kết quả ông gặt hái được là một khối lượng đồ sộ về tác phẩm và một chỗ
đứng vững chắc trong làng văn chương Việt Nam. Việc nghiên cứu về Tô Hoài đã
bắt đầu từ trước năm 1945 và đến nay vẫn tiếp tục.
Trước năm 1945, các truyện ngắn về đề tài nông thôn, dân quê và thiếu nhi
được bạn đọc đón nhận và bước đầu ghi nhận một dấu ấn riêng của nhà văn Tô
Hoài. Vũ Ngọc Phan đã xếp Tô Hoài vào nhóm “các tác giả tả chân” và đánh giá Tô
Hoài là “nhà văn có biệt tài viết về những cảnh nghèo nàn của dân quê” [13; 21].
Sau năm 1945, Tô Hoài viết nhiều hơn, dày hơn, ở nhiều thể loại, ở nhiều
mảng đề tài khác nhau nhưng tiêu biểu hơn cả là đề tài miền núi và Hà Nội. Thời
điểm này Tô Hoài đã nhận được nhiều lời khen về khả năng bao quát đời sống hiện
8
thực, sự khắc họa công phu đời sống và thiên nhiên miền núi. Tuy vậy cũng có
những đánh giá không đồng tình về tư tưởng và quan điểm nghệ thuật của Tô Hoài
ở một số tiểu thuyết. Nhiều tác phẩm vẫn được người đọc đón nhận, nhưng lại ít có
bài bàn bạc và bình luận.
Sau năm 1975, cùng với các bài phê bình, giới thiệu tác phẩm, các công trình
nghiên cứu về Tô Hoài trở nên sôi nổi và có nhiều kết quả. Tiêu biểu là các tiểu
luận của Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Vân Thanh,…Phan Cự Đệ đã nhận xét: “Tô
Hoài không chìm đắm trong thiên nhiên, không tìm ở thiên nhiên một lối thoát, một
niềm an ủi như các nhà lãng mạn tiêu cực, nhưng bao giờ anh cũng chắt chiu, trân
trọng những vẻ đẹp và chất thơ của đời sống” [13; 87 ]. Hà Minh Đức thì cho rằng :
“Tác phẩm của Tô Hoài luôn khai thác ở mạch chìm sâu của cuộc đời nơi bóng tối
đang còn đè nặng”[13; 119] và “Tô Hoài, một cây bút văn xuôi sắc sảo và đa dạng”
[13; 131]. Vương Trí Nhàn là người có những bài viết sâu sắc, hấp dẫn về Tô Hoài.
Nhà phê bình đã không quá lời khi nhận xét Tô Hoài đã “viết là say và viết là tỉnh.
Viết để ghi lại những gì đã sống, viết lại chính mình là sự sống nữa”[13; 195], bởi
thực tế cuộc đời cầm bút cần mẫn và chuyên nghiệp của Tô Hoài đã chứng minh
cho sự sống mãnh liệt, dẻo dai, bền bỉ của ông.
Để có cái nhìn đầy đủ hơn về nhà văn, NXB Giáo dục đã cho xuất bản và tái
bản nhiều lần cuốn Tô Hoài về tác gia và tác phẩm. Đây thực sự là cuốn sách tổng
hợp tương đối đầy đủ và toàn diện các bài nghiên cứu về Tô Hoài từ trước đến nay.
Điều này cho thấy vị trí của Tô Hoài trong nền văn học nước nhà – một tác giả lớn
của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam.
Trong những thập niên gần đây, có nhiều khóa luận, luận văn, luận án đi sâu
vào tìm tòi, phát hiện những sáng tạo độc đáo, chất thẩm mĩ mới trong văn chương
Tô Hoài (Tìm hiểu sáng tác miền núi, người kể chuyện trong hồi kí và tự truyện, đặc
điểm nghệ thuật truyện ngắn… ).
Như vậy, có thể khẳng định Tô Hoài là một hiện tượng văn học được nghiên
cứu nhiều. Các nghiên cứu về Tô Hoài và tác phẩm của ông đều hướng đến đánh
giá cao bút lực dồi dào, độc đáo, và giá trị đích thực của văn chương ông.
9
Trong khối lượng tác phẩm đồ sộ của Tô Hoài không thể không nhắc tới tiểu
thuyết - con đẻ của thời hiện đại. Tuy số lượng tiểu thuyết so với các thể loại khác
không nhiều nhưng thực sự nó rải đều cả quá trình sáng tác của nhà văn, và cũng là
thể loại tác giả dồn nhiều tâm huyết nhất. Đã có không ít các bài viết về tiểu thuyết
của Tô Hoài. Có thể kể đến: Như Phong với Vấn đề tiểu thuyết Mười năm, Tô Hoài
với Miền Tây, Phan Cự Đệ với Tiểu thuyết Đảo hoang của Tô Hoài; Hà Minh Đức
với, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ, tuổi trẻ kiên cường và bất khuất, Tiểu thuyết Mười
năm của Tô Hoài … Đặc biệt là những nghiên cứu dưới góc độ tự sự học, một
hướng nghiên cứu có nhiều triển vọng để giải mã nghệ thuật ngôn từ. Đó là các
khóa luận, luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết Ba người khác của Tô
Hoài (Nguyễn Thị Thùy Dương), Cốt truyện và nhân vật trong tiểu thuyết Ba người
khác của nhà văn Tô Hoài (Nguyễn Thị Thanh Thủy)…
Những nghiên cứu trên đây là kết quả có ý nghĩa để người đọc hiểu biết thêm
về Tô Hoài và tác phẩm của ông. Tuy vậy, các nghiên cứu đó một là mới dừng lại
tìm hiểu ở từng tiểu thuyết của Tô Hoài, hai là mới nghiên cứu riêng lẻ một số yếu
tố thuộc nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Tô Hoài. Chúng tôi lĩnh hội những kết
quả của người nghiên cứu trước và thông qua luận văn của mình muốn được nghiên
cứu một cách đầy đủ, thấu đáo, đặt các yếu tố thuộc nghệ thuật tự sự liên kết với
nhau trong một cấu trúc tự sự chỉnh thể để làm nổi bật “vai trò của chủ thể trần
thuật” theo quan niệm của tự sự học.
3. Mục đích, đối tượng, phạm vi nghiên cứu
Luận văn tìm hiểu cách nhà văn trần thuật để từ đó lý giải những vấn đề nhà
văn đặt ra trong cuộc sống, đồng thời rút ra được phong cách nghệ thuật độc đáo
của Tô Hoài. Luận văn lựa chọn các phương diện của nghệ thuật tự sự trong tiểu
thuyết của Tô Hoài làm đối tượng nghiên cứu của mình. Đó là Nghệ thuật tổ chức
cốt truyện, nghệ thuật xây dựng nhân vật, người kể chuyện và ngôn ngữ trần thuật
Tô Hoài có 7 tiểu thuyết và một số truyện dài được coi như tiểu thuyết thuộc
các giai đoạn sáng tác khác nhau. Tuy nhiên phạm vi khảo sát của luận văn chỉ gồm
bốn tiểu thuyết Miền Tây (Nhà xuất bản văn học, 1973), Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ
10
(Nhà xuất bản Thanh Niên, 1971), Đảo hoang (Nhà xuất bản văn học, 1969), Ba
người khác (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2007).
4. Phương pháp nghiên cứu
Để đạt mục đích trên, chúng tôi sử dụng các phương pháp: Phương pháp tiếp
cận thi pháp học, Phương pháp hệ thống, phương pháp so sánh, phương pháp phân
tích, phương pháp tổng hợp v.v…
5. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, luận văn gồm có 3 chương:
Chương 1: Khái lược về nghệ thuật tự sự và hành trình sáng tác của Tô Hoài.
Chương 2: Nghệ thuật tổ chức cốt truyện và xây dựng nhân vật.
Chương 3: Người kể chuyện và ngôn ngữ trần thuật.
11
NỘI DUNG
CHƯƠNG 1
KHÁI LƯỢC VỀ NGHỆ THUẬT TỰ SỰ VÀ HÀNH TRÌNH SÁNG TÁC
CỦA TÔ HOÀI
1.1. Khái lược về nghệ thuật tự sự
1.1.1. Tự sự
Roland Barthes nói: "đã có bản thân lịch sử loài người, thì đã có tự sự" [19;
13]. Và như vậy, bản chất của tự sự ngày nay được hiểu là một sự truyền đạt thông
tin, là quá trình phát ra trong quá trình giao tiếp, văn bản tự sự là cụm thông tin
được phát ra, và tự sự có thể thực hiện bằng nhiều phương thức, con đường. Hội
họa, hình thức kí hiệu ghi chép tối sơ của loài người, có thể miêu tả đối tượng săn
bắt, chỉ ra bộ phận phải bắn trúng, kế hoạch vây bắt. Điêu khắc, kiến trúc... đều là
phương tiện tự sự. Tự sự nằm trong bản chất của con người, bởi con người là một
động vật biết tự sự. Muốn hiểu một sự vật nào thì người ta kể câu chuyện về sự vật
đó. Nhà giải cấu trúc Mĩ J.H.Miller có nói (1993): "Tự sự là cách để ta đưa các sự
việc vào một trật tự, và từ trật tự ấy mà chúng có được ý nghĩa [19; 12]. Tự sự là
cách tạo nghĩa cho sự kiện, biến cố"; và Jonathan Culler (1998) cũng nói: "Tự sự là
phương thức chủ yếu để con người hiểu biết sự vật" [19; 12]. Như vậy, tự sự là một
khái niệm được sử dụng rộng rãi và có tính chất liên ngành.
Tự sự tồn tại và được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, tuy vậy, trong các hình
thức tự sự, chỉ có tự sự văn học là phức tạp nhất, và nó làm thành đối tượng chủ yếu
của tự sự học. Với ý nghĩa tự sự như một phương thức tạo nghĩa và truyền thông tin
trong văn học, tự sự có trong thơ, trong kịch, chứ không chỉ là trong truyện ngắn,
tiểu thuyết, ngụ ngôn... Và đối tượng chủ yếu của tự sự học là nghệ thuật tự sự.
1.1.2. Tự sự học
12
Tự sự học (Narratology) là thuật ngữ do nhà nghiên cứu người Pháp
T.Todorov đề xuất năm 1969, và nó là “một bộ phận cấu thành của hệ hình lý luận
hiện đại”. Và lý thuyết về tự sự đã bổ sung cho lý thuyết về tiểu thuyết, trở thành
một trong những vấn đề chủ yếu của nghiên cứu văn học.
Từ thời cổ đại, đã có tự sự học, nhưng tự sự học lúc đó được hiểu trong giới
hạn của tu từ học. Ban đầu người ta biết phân biệt các loại tự sự : tự sự lịch sử khác
tự sự nghệ thuật. Sau đó phân biệt đến tự sự mô phỏng với tự sự giải thích, tự sự
hỗn hợp. Như vậy tự sự học đã được cha ông ta biết đến từ xa xưa, từ thời của
Platon và Aristote. Tuy được biết đến từ lâu nhưng từ cuối thế kỉ XIX tự sự học
hiện đại mới manh nha hình thành. Những thập niên đầu B.Tomasepxki,
V.Shklovski, V.Propp, Bakhtin là những người mở đường cho tự sự học hiện đại.
Và sự phát triển của tự sự học theo thời gian, thành tựu có thể chia làm ba thời kì.
Thời kì trước chủ nghĩa cấu trúc, tự sự học chủ yếu nghiên cứu các thành phần và
chức năng của tự sự như cốt truyện, nhân vật, ngôn từ trần thuật, điểm nhìn… Có
thể kể đến các công trình của B.Tomasepxki nghiên cứu các yếu tố và đơn vị của tự
sự (1925), V.Propp nghiên cứu cấu trúc và chức năng tự sự của truyện cổ tích
(1928), các vấn đề điểm nhìn, dòng ý thức được quan tâm với Percy Lubbock…
Các sáng tác của các nhà tiểu thuyết phương Tây thời kì này đã khơi gợi cho các
nhà nghiên cứu những tìm tòi, khám phá về tự sự học gắn với ý thức về kĩ thuật của
tiểu thuyết. Giai đoạn tiếp theo của tự sự học là thời kì cấu trúc chủ nghĩa với vấn
đề nghiên cứu chủ yếu là bản chất ngôn ngữ và ngữ pháp của tự sự nhằm tìm ra một
cách đọc mà không cần đến sự đối chiếu giữa tác phẩm tự sự và hiện thực khách
quan. Với mục đích như trên, chủ nghĩa cấu trúc có đặc điểm là lấy ngôn ngữ học
làm hình mẫu, xem tự sự học là sự mở rộng của cú pháp học, còn trữ tình là sự mở
rộng của ẩn dụ. Tiêu biểu cho giai đoạn nghiên cứu này là G.Genette với tuyên bố
“mỗi câu chuyện là sự mở rộng của một câu - chủ yếu là vị ngữ động từ” [19; 14].
Thời kì thứ ba của tự sự học là thời kì hậu cấu trúc chủ nghĩa coi tự sự học gắn liền
với kí hiệu học và siêu kí hiệu học, lấy văn bản làm cơ sở và ý nghĩa tác phẩm được
biểu hiện qua hình thức tự sự. Các đại diện tiêu biểu thời kì này là I.Lotman,
13
B.Uspenski, Pierre Acherey. Họ coi trọng phân tích hình thức như các tác giả thời
kì thứ hai nhưng lại không tán thành việc sao phỏng giản đơn các mô hình ngôn ngữ
học. Họ coi trọng vai trò tác động của hình thái ý thức, nêu yêu cầu lí thuyết tự sự
phải gắn với chức năng nhận thức và giao tiếp.
Tự sự học là một lĩnh vực tri thức rộng lớn, trở thành một trong những lĩnh
vực học thuật được phổ biến, quan tâm trên thế giới và lý thuyết về tự sự học không
ngừng được khám phá từ xưa tới nay. Đã có nhiều thành tựu với hệ thống chặt chẽ,
kiến thức rộng và sâu, song tự sự học vẫn còn không ngừng mở rộng và phát triển.
Mỗi giai đoạn ta nhận thấy sự thay đổi về hệ hình lí thuyết, các tầng bậc và phương
pháp nghiên cứu tự sự. Ở giai đoạn đầu tương ứng là hệ hình tự sự học kinh điển tập
trung nghiên cứu cấu trúc của truyện, mối quan hệ của các sự kiện tạo nên truyện.
Bước phát triển thứ hai của tự sự học là theo hướng chủ nghĩa cấu trúc kinh điển,
hướng này chủ yếu nghiên cứu lời kể, cách kể, hay còn gọi là nghiên cứu diễn ngôn
tự sự. Và ngày nay, hướng thứ ba là mô hình tự sự học có công thức “tự sự học +
X”. Quan niệm này thực sự mở rộng phạm vi của tự sự học, tạo ra mối liên kết, liên
ngành giữa tự sự học với các lĩnh vực khác có liên quan.
Với sự phát triển không ngừng của tự sự học như vậy có thể khẳng định tự sự
học có một vai trò rất lớn trong nghiên cứu cấu trúc tự sự. Tự sự học hiện đại cho
chúng ta thấy rõ vai trò của chủ thể trong trần thuật khi phân biệt kể cái gì và kể
như thế nào. Lần đầu tiên nó làm cho người trần thuật vô hình vốn ít được người ta
chú ý phân tích, được hiện ra như là một hệ thống biểu đạt. Lí thuyết tự sự cũng chỉ
ra kết cấu của các tầng bậc trần thuật và theo đó xuất hiện các kiểu người trần thuật
khác nhau. Lí thuyết tự sự hiện đại đã nêu ra các khái niệm về góc nhìn, điểm nhìn,
tiêu cự… điều đó giúp phân tích, nhận dạng hình thức tự sự.
Nghiên cứu tự sự học đang là một xu thế có nhiều triển vọng trong lí luận văn
học và nó ngày càng có ý nghĩa văn hóa rộng lớn. Nó không chỉ mở ra khả năng
nghiên cứu truyền thống tự sự trong mỗi nền văn học, và nghiên cứu so sánh quốc
tế về phương diện tự sự, nghiên cứu loại hình ảnh hưởng, và trở thành một bộ phận
của thi pháp học so sánh; mà nó còn giúp hiểu rõ mọi hình thức tự sự, nghệ thuật và
14
phi nghệ thuật. Tìm hiểu về tự sự học sẽ cho ta thấy kĩ thuật trần thuật của các thể
loại, các nhà văn, truyền thống văn hóa và từ đó nhìn nhận các vấn đề văn học sử
một cách sâu sắc hơn.
Văn học Việt Nam có truyền thống tự sự lâu đời và đó là một lợi thế để chúng
ta vận dụng lí thuyết tự sự học vào nghiên cứu văn học dân tộc. Những nghiên cứu,
những bài viết dưới góc độ tự sự học ngày càng nhiều và nó chứng tỏ vai trò, ý
nghĩa lớn lao của tự sự học trong nghiên cứu văn học, đặc biệt là những tác phẩm tự
sự.
1.2. Hành trình sáng tác của Tô Hoài
1.2.1. Sơ lược tiểu sử
Tô Hoài sinh năm 1920, tên thật là Nguyễn Sen. Bút danh Tô Hoài gắn liền
với những địa danh quen thuộc của quê hương ông (sông Tô Lịch, phủ Hoài Đức).
Bút danh ấy đã theo Tô Hoài suốt cuộc đời cầm bút và trở nên quá đỗi quen thuộc
với nhiều thế hệ bạn đọc. Tô Hoài xuất thân trong một gia đình làm nghề thủ công
dệt lụa. Ông học hết bậc Tiểu học, sau đó vừa tự học vừa đi làm để kiểm sống.
Trước khi cầm bút viết văn, ông đã từng làm nhiều nghề như thợ thủ công, dạy học
tư, bán hàng, kế toán hiệu buôn,… Có lẽ chính cuộc sống bươn chải trong nhiều
ngành nghề khác nhau và gần gũi với nhân dân nên các trang viết của ông sau này
mới ẩn chứa một kho kiến thức phong phú, đa dạng và đậm chất thôn quê, dân dã
như vậy.
Trước Cách mạng tháng Tám, Tô Hoài đã tham gia các phong trào do Mặt trận
Dân chủ khởi xướng ngay ở quê hương ông. Cũng thời gian đó ông viết những sáng
tác đầu tiên. Sau Cách mạng tháng Tám, ông tham gia phong trào Nam tiến, lên
Việt Bắc làm báo Cứu quốc, chủ nhiệm Cứu quốc Việt Bắc, chủ bút Tạp chí Cứu
quốc. Sau đó ông về công tác ở hội văn nghệ Việt Nam (1951). Hòa bình lập lại,
ông tham gia nhiều chức vụ trong Hội nhà văn Việt Nam: Tổng thư kí (1957), ủy
viên Ban chấp hành (1958 – 1980), Phó tổng thư kí. Sau đó những năm từ 1966 đến
1996 ông là Chủ tịch Hội văn nghệ Hà Nội. Ngoài ra Tô Hoài còn tham gia nhiều
công tác xã hội khác từ tổ trưởng dân phố đến đại biểu Quốc hội.
15
Cuộc sống của Tô Hoài vẫn tiếp diễn, ở tuổi ngoài 90 ông vẫn là một nhà văn
làm việc hăng say, có nhiều đóng góp cho văn nghệ nước nhà và luôn được đông
đảo bạn đọc đón nhận.
1.2.2. Hành trình sáng tác
Tô Hoài đã có một quá trình viết bền bỉ, liên tục, không ngừng nghỉ, trên rất
nhiều đề tài của văn học Việt Nam hiện đại. Ông viết cho thiếu nhi, viết dã sử, rồi từ
nông thôn đến thành thị, từ miền xuôi lên miền núi, từ cách mạng đến đời thường,
trong chiến tranh rồi trở lại hòa bình, viết về đời sống rộng lớn của các tầng lớp
nhân dân rồi trải lòng với những hồi ức riêng tư của mình. Trên hành trình lao động
không mệt mỏi, nhà văn đã tạo một chỗ đứng nhất định trong nền văn học nước nhà.
Quá trình viết ấy để lại một khối lượng đồ sộ với trên 160 đầu sách, được trải đều
theo các chặng của giai đoạn lịch sử nước nhà và cuộc đời cầm bút của nhà văn.
1.2.2.1. Trước Cách mạng tháng Tám
Thời kì Tô Hoài bước vào nghề văn cũng là lúc trào lưu lãng mạn đang thịnh
hành ở nước ta và ít nhiều ông cũng ảnh hưởng. Ban đầu ông cũng làm thơ lãng
mạn nhưng rồi ông sớm nhận ra đó không phải là lĩnh vực ông có duyên. Mặt khác,
dù thích đọc truyện của Khái Hưng nhưng ông cũng cho rằng mình không thích
hợp để viết về những đôi lứa “lá ngọc cành vàng”. Với ông điều mà ông tâm niệm
có lẽ là cuộc sống giản dị xung quanh mình, cuộc sống lam lũ, hiện thực như chính
đời nhà văn: “Đời sống xã hội quanh tôi, tư tưởng và hoàn cảnh của chính tôi đã
vào cả những sáng tác của tôi, ý nghĩ tự nhiên của tôi bấy giờ là viết những sự thực
xảy ra trong nhà, trong làng, quanh mình”. Chính vì quan niệm như vậy nên từ
những tác phẩm đầu tay Tô Hoài đã cho thấy xu hướng “tả chân”, và cùng với Nam
Cao ông trở thành một dấu ấn đặc trưng của văn học hiện thực Việt Nam những
năm tiền cách mạng.
Tô Hoài bắt đầu nghề viết văn với những sáng tác đăng trên báo Hà Nội tân
văn Chủ nhật và Tiểu thuyết thứ bảy của ông bà chủ bút Vũ Ngọc Phan và Hằng
Phương (Nước lên, Bụi ô tô, Một đêm sáng giăng suông, Bệnh già, Trê cóc, Ông
Trạng Chuối, Con gà mái ri…). Những sáng tác đó bước đầu đem đến cho nhà văn
16
khoản thù lao để sau đó ông chuyển hẳn sang nghề viết văn; đồng thời nó cũng
chứng tỏ sở trường của ông khi viết về nỗi cực khổ của người dân và niềm thích thú
của những trẻ thơ trong các truyện cho thiếu nhi.
Rời Hà Nội tân văn, Tô Hoài bắt đầu viết cho báo Tân Dân của Vũ Đình
Long. Với đề tài dành cho đối tượng thiếu nhi, Tô Hoài đã viết Con dế mèn rồi sau
đó là Dế Mèn phiêu lưu ký (1941). Tác phẩm viết cho thiếu nhi nhưng đã gây được
ấn tượng mạnh với nhiều đối tượng độc giả và được tái bản nhiều lần cho đến ngày
nay. Từ sau tác phẩm đó, Tô Hoài viết đều, viết khỏe, viết thành nếp. Và ông đã tự
thổ lộ: “tôi vào nghề văn có trong ngoài ba năm trước Cách mạng tháng Tám 1945
mà tôi viết như chạy thi được năm truyện dài, truyện vừa, ba tập truyện ngắn, còn
truyện thiếu nhi như Dế Mèn thì mấy chục truyện…” ( trích theo[13; 24]).
Tổng kết thành quả lao động trước Cách mạng tháng Tám của một nhà văn có
tuổi đời trên hai mươi và tuổi nghề chưa được 5 năm, ta khẳng định đó là một thành
công lớn lao hiếm nhà văn nào có được, và chính xác đó là một cuộc “chạy thi”. Có
thể kể đến những tác phẩm tiêu biểu của ông với hai đề tài là viết về thiếu nhi và
người dân quê. Viết cho thiếu nhi có Dế Mèn phiêu lưu ký, O chuột, Trê và Cóc,
Võ sĩ bọ ngựa, Đám cưới chuột, Chuột thành phố,… Trong những tác phẩm viết
về thế giới loài vật, nhà văn đã đưa vào truyện mạch ngầm khát vọng tuổi trẻ, trải
nghiệm của cái tuổi bồng bột, sôi nổi, và thế giới đại đồng hòa thuận của con
người. Trong đó nổi bật nhất là Dế Mèn phiêu lưu ký, một thiên đồng thoại xuất
sắc thể hiện được khát vọng chính đáng của người lao động, mơ ước một cuộc sống
hòa bình yên vui. Viết về cảnh và người lao động vùng quê có Nhà nghèo, Nước
lên, Giăng thề, Quê người, Đêm mưa, Xóm giềng… Tác giả lấy bối cảnh và con
người một vùng ven đô là quê ngoại để miêu tả cảnh vật, kể chuyện đời người thân,
kẻ sơ của tác giả. Vùng quê ấy có sự thâm nhập của sự sống thành thị nhưng còn xa
cách và biệt lập với thành thị. Tô Hoài đã để lại dấu ấn phong tục trong những tác
phẩm của mình, và đằng sau cái bề mặt phong tục ấy là một dòng sống luôn tuôn
chảy ở phía sâu – nó là sự phôi pha, sự tàn lụi của những số phận, những kiếp
người.
17
Như vậy, trước năm 1945, ngòi bút Tô Hoài đã cùng lúc viết về hai đối tượng.
Một là cuộc sống xung quanh mình, cuộc sống của một vùng quê đang ngấm dần
và mở rộng sự bần hàn, túng bấn… Hai là sự theo đuổi thế giới riêng của trẻ thơ,
của loài vật với những ước mơ, tưởng tượng, khát khao…Tuy viết về hai mảng đề
tài khác nhau nhưng thực ra nó cùng thống nhất, hội tụ vào nhau trong một thế giới
nghệ thuật chung mang cảm quan, đặc điểm của nghệ thuật Tô Hoài - một kiểu
khám phá hiện thực riêng.
1.2.2.2. Sau Cách mạng tháng Tám
Với các nhà văn, Cách mạng tháng Tám đánh dấu một bước chuyển biến trong
tư tưởng và sáng tác . Tô Hoài cũng vậy nhưng ông sớm bắt nhịp với sự đổi thay để
bám vào các vấn đề mới của đời sống và viết. Quãng thời gian này nhà văn đã viết
dồi dào, sung sức và đạt được nhiều thành công hơn bao giờ hết.
Những năm kháng chiến chống Pháp, Tô Hoài đi vào đời sống các dân tộc Tây
Bắc, tìm hiểu và mô tả cuộc sống của họ. Nhà văn đã viết về sự đổi thay của cuộc
sống, của con người đặc biệt là về mặt tư tưởng của họ từ khi có cách mạng. Tiêu
biểu phải kể đến tập truyện Núi cứu quốc, Truyện Tây Bắc, Cứu đất cứu mường…
Hòa bình lập lại sau năm 1954 ở miền Bắc, và sau đó những năm kháng chiến
chống Mỹ và cuộc sống xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở miền Bắc, ngòi bút Tô Hoài
hướng vào đề tài quen thuộc trước Cách mạng ông đã viết, đó là cuộc sống nơi phố
phường Hà Nội với: Mười năm, Người ven thành, Những ngõ phố người đường
phố, Quê nhà,…Mặt khác mạch nguồn cảm hứng về miền núi chảy suốt trong các
tác phẩm: Vợ chồng A Phủ, Miền Tây, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ, Họ Giàng ở
Phìn Sa,… Viết về Hà Nội ven đô thời kì này nhà văn vừa trải rộng, đào sâu vào
thế giới bên ngoài và bên trong của nó để thấy được Hà Nội trong ba chiều quá khứ,
hiện tại, tương lai. Viết về đề tài vùng cao, Tô Hoài không những cho ta thấy bức
tranh rộng lớn của miền núi trong buổi đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội mà ông còn
thành công khi cố gắng xây dựng vẻ đẹp toàn diện về hình ảnh những con người
cách mạng miền núi – con người mới xã hội chủ nghĩa. Tất cả đều được đặt trong sự
thay đổi giữa hai chế độ.
18
Trong thời gian dài sau Cách mạng, gặt hái được nhiều thành công về những
đề tài trên, Tô Hoài vẫn không quên sáng tác cho thiếu nhi – mảng đề tài thuở đầu
làm nên vóc dáng Tô Hoài. Nhà văn đã viết đủ các thể loại từ truyện, kịch, kịch
phim, hoạt họa, đồng thoại… Số lượng đạt trên ba mươi tác phẩm nhưng thành
công vẫn là ở truyện. Tiêu biểu có Chiến sĩ Hà Nội, Chiếc xe bí mật, Con gà lờ đờ,
Chim hải âu, Vừ A Dính, Đàn chim gáy, Kim Đồng, Đảo hoang, Chiếc nỏ thần…
1.2.2.3. Thời kì đổi mới
Thời gian cứ trôi chảy, cuộc sống luôn biến chuyển, xoay vần đòi hỏi người
nghệ sĩ phải có cái tinh tường, cái kiên trì, dẻo dai để nắm bắt mạch nguồn ấy, viết
thành những dòng chữ cho bạn đọc cùng suy ngẫm. Bước sang thời kì đổi mới, xã
hội có nhiều thay đổi và văn học cũng vậy. Tô Hoài ghi lại những đổi thay, quan sát
xung quanh và khám phá ra mạch ngầm của dòng chảy cuộc sống. Ông không đi tới
những miền xa xôi của Tổ quốc mà trở về với những gì thân thuộc đã từng gắn bó
với mình từ nhỏ, trở về với lòng mình để trải nghiệm, để suy ngẫm. Chính vì thế
trong thời kì này chủ yếu là các sáng tác thuộc thể loại kí và tiểu thuyết. Tiêu biểu
có: Cát bụi chân ai (1992), Chuyện cũ Hà Nội I, II (1998, 2000), Chiều chiều
(1999), Ba người khác (2006)
Ở độ tuổi có thể nói là điều gì cũng đã từng trải qua, Tô Hoài mạnh dạn thể
hiện những suy ngẫm, chiêm nghiệm, hồi ức riêng tư về cuộc đời, về con người, về
thời kỳ lịch sử đã qua. Mỗi trang viết của ông trong các tác phẩm này có khi đưa
người đọc từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, cũng có khi khiến người ta phải lặng
mình suy nghĩ. Đó là sự thống nhất, là cái cốt văn phong mà Tô Hoài đã rèn dũa
trong hành trình văn chương mấy chục năm của mình. Giờ đây nó không những vẫn
đọng lại trong các trang sách của ông mà nó còn sâu sắc, còn đạt tới độ chín muồi.
“Dao có mài mới sắc”, “Gừng càng già càng cay”, với sự cần mẫn, bền bỉ, dẻo
dai, không ngừng học hỏi, tích lũy, tự vượt mình để sáng tạo, Tô Hoài đã tạo dựng
một chỗ đứng vững chãi trên nền văn học dân tộc.
1.2.3. Tiểu thuyết của Tô Hoài
19
Tô Hoài là một nhà văn lớn của dân tộc, có rất nhiều phương diện làm nên tầm
vóc đó của tác giả. Tô Hoài của những sáng tác về Hà Nội, Tô Hoài với miền núi
Tây Bắc, Việt Bắc, Tô Hoài của Dế Mèn phiêu lưu ký và những sáng tác cho thiếu
nhi, Tô Hoài của hồi ký tự truyện... Ở phương diện nào, Tô Hoài cũng tạo lập được
một giá trị riêng, một gương mặt riêng không thể nhòe lẫn. Trong thế giới nghệ
thuật hết sức đa dạng ấy, về mặt thể loại, không thể không nói đến tiểu thuyết, bên
cạnh truyện ngắn, hồi ký, bút ký, chân dung văn học. Nếu tính về số lượng thì trong
hơn 150 đầu sách của Tô Hoài, tiểu thuyết chỉ chiếm khoảng chục cuốn, đó là một
con số nhỏ bé so với toàn bộ sự nghiệp sáng tác của ông. Và hành trình viết tiểu
thuyết của Tô Hoài cũng trải đều qua các thời kì sáng tác từ khi ông mới khăn gói
vào nghề cho đến khi lên “lão làng” trong nền văn chương nước nhà. Hành trình ấy
kéo dài suốt nửa thế kỉ từ tiểu thuyết Mười năm (1958), đến gần đây nhất là cuốn
Ba người khác (2006). Thời gian viết các cuốn tiểu thuyết cách nhau rất đều, nếu
để ý sẽ thấy nhà văn luôn viết truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài trước, rồi sau đó
cho ra đời tiểu thuyết. Rất đều đặn, nhịp nhàng như là có kế hoạch trước. Và có lẽ
đó là một cách tích tụ tâm huyết, một bước đi “tích tiểu thành đại” của nhà văn trên
chặng đường viết tiểu thuyết của mình.
Tiểu thuyết là thể loại mà Tô Hoài được đánh giá một cách đa chiều hơn. Có
khen, có chê, có giải thưởng và có cả sự trầm lặng bình thản không buông lời. Vinh
quang và cay đắng trong cuộc đời cầm bút của một nhà văn, Tô Hoài đều nếm trải.
Tiểu thuyết Miền Tây đem đến cho Tô Hoài giải thưởng Hoa Sen của Hội nhà văn
Á - Phi, nhưng Mười năm lại từng bị chỉ trích gay gắt của một số cây bút phê bình
và giới lãnh đạo văn nghệ đương thời, còn một số tiểu thuyết được tác giả viết với
nhiều tâm huyết, công phu và vốn sống thì lại gặp sự thờ ơ của dư luận.
Nhìn đề tài, tiểu thuyết Tô Hoài có ba mảng lớn: về Hà Nội (chủ yếu vùng quê
ven thành) về miền núi (Tây Bắc, Việt Bắc), về thời huyền sử xa xưa của đất nước
(khai thác các truyền thuyết, cổ tích), ngoài ra còn có mảng đề tài khác viết về thời
cải cách như Ba người khác. Tô Hoài - nhà văn của Hà Nội, không chỉ ở tập ký đặc
sắc Chuyện cũ Hà Nội và những tập truyện ngắn Nhà nghèo, Giăng thề, Người
20
ven thành..., mà còn phần quan trọng là ở tiểu thuyết, trong đó phải kể đến Mười
năm (1958), Quê nhà (1980). Ở đề tài miền núi, Tô Hoài không chỉ xuất sắc trong
các truyện ngắn, các tập truyện ký, bút ký mà còn ở các tiểu thuyết Miền Tây, Tuổi
trẻ Hoàng Văn Thụ, Nhớ Mai Châu. Ở đề tài huyền sử xa xưa có thể kể đến Đảo
hoang, Chuyện nỏ thần, Nhà Chử.
Tiểu thuyết Tô Hoài là hình ảnh của dòng đời tự nhiên, chảy trôi miên viễn.
Cuộc sống hiện ra dưới cái nhìn của Tô Hoài thật dung dị tự nhiên như nó vốn thế:
có mọi thứ của sinh hoạt đời thường, vặt vãnh, cái tốt đẹp và cái tầm thường, có đời
sống xã hội, vận động của lịch sử và đời sống thế sự, sinh hoạt phong tục. Tô Hoài
vẫn được coi là nhà văn của những “chuyện thường, người thường, đời thường”.
Nhưng cũng không vì thế mà lại không thấy ở tác phẩm của ông, nhất là tiểu thuyết,
sự phản ánh những vấn đề xã hội và lịch sử, theo một cách riêng, xã hội và lịch sử
được nhìn nhận, được tái hiện trong những sự việc, chi tiết của đời sống sinh hoạt,
thế sự, gắn kết tự nhiên với đời sống thường nhật, với công việc làm ăn, những
buồn vui, đổi thay của số phận con người. Sự xen lẫn đan dệt một cách tự nhiên
giữa những hoạt động cách mạng với những chuyện làm ăn, mưu sinh, yêu đương,
mọi tập tục quen thuộc trong đời sống một làng quê. Nhãn quan phong tục đem lại
cho tiểu thuyết (và cả những thể loại khác) của Tô Hoài sức hấp dẫn riêng biệt và
độc đáo. Đọc Tô Hoài, người đọc được tiếp xúc với vô số phong tục, tập tục từ sinh
hoạt trong gia đình, trong nhà, đến những sinh hoạt cộng đồng, lễ hội, ma chay,
cưới hỏi..., ở rất nhiều vùng, từ làng quê ven thành, vùng đồng bằng Bắc Bộ đến
vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi, cả ở những xứ sở xa xôi ngoài biên
giới. Bất cứ nhà dân tộc học, xã hội học nào cũng mong có được một vốn hiểu biết
cực kỳ phong phú, sinh động như của nhà văn Tô Hoài. Trong những tác phẩm viết
về thời dựng nước xa xưa, Tô Hoài tạo dựng được không khí và màu sắc huyền sử
bằng những bức tranh chi tiết cụ thể sống động về phong tục, sinh hoạt, lao động
của thời xưa cùng với những bức tranh thiên nhiên, trong thời kỳ mà bước chân và
bàn tay khai phá của con người đang lấn dần từ vùng đồi núi xuống vùng châu thổ
còn hoang sơ, rậm rạp, mênh mông, đến cả những hòn đảo ngoài biển. Có thể nói
21
tiểu thuyết là thể loại tập hợp hầu hết cá tính văn chương của nhà văn. Như vậy, khi
chọn thể loại tiểu thuyết để nghiên cứu dưới góc độ tự sự học thực sự sẽ giúp cho
người nghiên cứu cũng như độc giả hiểu một cách sâu sắc, nhất quán về phong
cách một nhà văn lớn của dân tộc.
22
CHƯƠNG 2
NGHỆ THUẬT TỔ CHỨC CỐT TRUYỆN VÀ XÂY DỰNG NHÂN VẬT
2.1. Nghệ thuật tổ chức cốt truyện
Tổ chức cốt truyện là một trong những phương diện cơ bản của nghệ thuật tự
sự. Đó là sự cụ thể hóa, sinh động hóa chủ đề, tư tưởng tác phẩm, thể hiện tài năng,
phong cách và quan niệm nghệ thuật của mỗi nhà văn. Nếu cốt truyện hấp dẫn thì
không những lôi cuốn được người đọc ngay từ những trang đầu tiên mà còn giúp
nhà văn xây dựng được những tính cách sinh động từ đó bộc lộ tư tưởng, chủ đề
một cách sâu sắc. Một nhà tiểu thuyết Anh đã khẳng định: “Nhà văn sống bằng cốt
truyện y như họa sĩ sống bằng màu và bút vẽ vậy” (trích theo [29; 41]). Trong tác
phẩm tự sự, cốt truyện là cái khung để đỡ cho toàn bộ tòa nhà nghệ thuật ngôn từ
đứng vững. Loại bỏ cốt truyện, văn bản tự sự lập tức chuyển sang dạng văn bản
khác. Từ thế kỉ XIX trở về trước, nhà văn khi bắt tay vào kể câu chuyện, là lúc họ
đã có được một cốt truyện độc đáo, đáng chú ý theo kiểu riêng của mình. Về cơ bản,
kể từ văn bản tự sự cổ xưa nhất trong văn học viết còn lưu được cho đến nay, Anh
hùng ca về Gilgamesh, cốt truyện của tự sự hầu hết tuân thủ nguyên tắc: có truyện
để kể. Kèm thêm một điều kiện bất di dịch: sự hấp dẫn li kì được đặt trong tiến trình
kịch tính. Sang thế kỉ XX, đã xuất hiện hiện tượng không ít nhà nghiên cứu phê
bình lẫn nhà văn đều tuyên bố cốt truyện không còn trong tác phẩm tự sự nữa.
Những nhà văn “mạnh mồm” nhất cho loại tuyên ngôn này là nhóm tác giả thuộc
trào lưu Tiểu thuyết Mới. Sau một hồi say mê đến mức cực đoan với những nỗ lực
cách tân, họ quả quyết, cốt truyện (cùng với nhân vật,...) đã biến mất khỏi địa hạt tự
sự. Thế là một hậu quả nghịch lí kì khôi xuất hiện: với tư cách là những người đang
sáng tạo tiểu thuyết, đang đảm bảo cho sự phát triển của thể loại, họ lại đưa ra tuyên
bố: tiểu thuyết đã chết. Trong khi đó, vĩnh viễn tiểu thuyết cũng như mọi hình thức
tự sự khác đều không bao giờ chết. Điều này đồng nghĩa với việc cốt truyện cũng sẽ
luôn là thành tố cốt lõi, đồng hành với bất kì hình thức tự sự nào. Chỉ có điều, qua
thời gian, cốt truyện phải được đổi khác để đáp ứng những nhu cầu mới về thẩm mĩ.
23
Có nhiều cách hiểu khác nhau về cốt truyện. Theo giáo trình Lí luận văn học
của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cốt truyện là “hệ thống sự kiện cụ thể được tổ
chức theo yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật nhất định, tạo thành một bộ phận cơ bản,
quan trọng nhất trong hình thức động của tác phẩm văn học thuộc loại tự sự và
kịch” [15; 88]. Còn theo giáo trình Lí luận văn học của khoa Ngữ văn, trường đại
học Tổng hợp Hà Nội, ( nay thuộc Đại học Quốc gia) “cốt truyện là một hệ thống
các sự kiện phản ánh những diễn biến của cuộc sống và nhất là các xung đột xã hội
một cách nghệ thuật, qua đó các tính cách hình thành và phát triển trong những mối
quan hệ qua lại của chúng nhằm làm sáng tỏ chủ đề và tư tưởng tác phẩm” [9; 137].
Chất liệu cơ bản để tạo nên cốt truyện là các sự kiện, biến cố, tình tiết. Trong đó sự
kiện – đó là những việc có tác động và ảnh hưởng đáng kể đến số phận và tính
cách của nhân vật. Biến cố là những sự kiện lớn, có thể tạo thành những bước ngoặt
quan trọng trong cuộc đời nhân vật. Còn những yếu tố cụ thể tạo thành sự kiện được
gọi là tình tiết.
Cốt truyện có rất nhiều cách phân loại khác nhau: Có các kiểu cốt truyện chia
theo tiêu chí hình thức thể hiện, các kiểu cốt truyện dựa trên tiêu chí nội dung
(cốt truyện triết học, cốt truyện luận đề,...), kết cấu (cốt truyện mở, cốt truyện
đóng, cốt truyện kết thúc bất ngờ,...), trường phái (cốt truyện lãng mạn, cốt
truyện hiện thực, cốt truyện hiện thực huyền ảo, cốt truyện cực hạn,...). Thậm
chí còn có thể chia nhỏ hơn dựa vào các thể loại và tiểu loại như cốt truyện cổ
tích, cốt truyện ngụ ngôn, cốt truyện trinh thám, cốt truyện kinh dị,...Lựa chọn
cách phân chia nào là tùy thuộc vào quan điểm cá nhân. Tuy vậy, đối với tác
phẩm tự sự cách phân chia cốt truyện theo tiêu chí hình thức thể hiện được sử
dụng phổ biến hơn cả. Theo đó có ba tiêu chí cơ bản là dựa vào sự kiện, thời
gian, nhân vật. Trên ba tiêu chí cơ bản đó có nhiều các loại hình cốt truyện
khác nhau.
2.1.1. Cốt truyện sự kiện trong tiểu thuyết của Tô Hoài
Khảo sát bốn tiểu thuyết của Tô Hoài chúng tôi nhận thấy tác giả thiên về
việc sử dụng kiểu cốt truyện truyền thống là cốt truyện sự kiện (Cốt truyện sự
24
kiện có đặc điểm là các sự kiện, biến cố của cuộc đời, số phận nhân vật được kể theo trật
tự biên niên giống như thực tế đã xảy ra và chủ yếu kể hành động hơn là đi sâu khám phá
thế giới nội tâm nhân vật. Các sự kiện quan hệ theo mạch nhân quả, được triển khai liên
tục, cho đến hết truyện). Trong những sáng tác của mình, Tô Hoài ít khi sử dụng
thuần túy cốt truyện tâm lí ( Truyện được triển khai dựa trên tâm lí của nhân vật với
những bức xúc, dằn vặt nội tâm, sự vận động nội tâm đó là cơ sở thúc đẩy truyện phát
triển ), đó không phải là sở trường của ông. Mặt mạnh của ông có lẽ là ở cốt truyện
sự kiện. Tuy nhiên, Tô Hoài đã sử dụng một cách linh hoạt loại hình cốt truyện sự kiện
để tạo nên sự hấp dẫn riêng cho mỗi tác phẩm.
Ở các tiểu thuyết Đảo hoang, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ, Miền Tây, cốt truyện
phát triển theo trật tự thời gian trước sau và có mối liên hệ nhân quả nhất định. Các sự
kiện tương đối nhiều nhưng lại ít biến cố lớn làm thay đổi mạch truyện. Dường như cốt
truyện là một chu trình đã được lên giây cót, chạy đều, ít mâu thuẫn, xung đột căng
thẳng, ít kịch tính. Ở các tiểu thuyết của mình, Tô Hoài đã biết cách tổ chức các sự kiện,
các chi tiết, tình tiết truyện sao cho đạt hiệu quả cao nhất, thể hiện được ý đồ nghệ thuật.
Tiểu thuyết Đảo hoang được phát triển trên cơ sở của truyện cổ tích Quả dưa hấu
nên kết cấu truyện giống với truyện Quả dưa hấu. Đó là hành trình Mai An Tiêm từ lúc
bị đầy ra đảo đến lúc trở về đoàn tụ. Tuy vậy, cốt truyện đó được Tô Hoài xây dựng một
cách công phu, sáng tạo gây hấp dẫn cho người đọc. Trạng thái khởi đầu được kể qua các
chi tiết: Mai An Tiêm xin đi chống lũ ở vùng sông Cái, xây dựng vùng nước lũ trở
thành một vùng đất mới tên là Bãi Lở. Sự kiện này được Tô Hoài kể theo mối quan
hệ nhân - quả nhưng kết quả đặt trước và nguyên nhân kể sau. Đó là một thói quen
nhưng cũng chính là một dấu ấn riêng mà Tô Hoài hay sử dụng trong các sáng tác
của mình. Biến cố đầu tiên, là nền tảng cho các biến cố tiếp theo bắt đầu bằng sự
kiện dân Bãi Lở dưới sự lãnh đạo của Mai An Tiêm giành chiến thắng ở tất cả các
phần thi: “Tin cõi Bãi Lở đã giật giải cơm thi lại giật giải vật, làm cho khắp nơi
càng rộn rịch hơn”. Và sự kiện trung tâm là khi Vua Hùng nghe lời xu nịnh của
mưu sĩ mà đầy gia đình An Tiêm ra đảo: “Mưu sĩ tâu: An Tiêm có tội, phải khép nó
vào tội chết mới được” vì “Hơn mười năm nay, An Tiêm toàn mưu đồ những
25
chuyện phạm thượng và phản trắc” nên “Ngoài bể Đông có dải đất chưa ai đến bao
giờ, nó xấc xược như thế thì bắt nó phải chung thân biệt xứ ra đảo hoang giữa bể để
xem nó có phép biến chết thành sống, để xem nó có thân lập nổi thân như nó thường
khoác lác hay không. Vả chăng, như thế cũng để dứt mối lo về sau” và “Thế là cả
nhà An Tiêm bị bắt bỏ ngục” rồi “Một sớm kia, Phong Châu còn ngủ im trong làn
sương dày” thì cả nhà An Tiêm bị áp giải ra đảo. Biến cố ấy là bước ngoặt khiến gia
đình An Tiêm rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thậm chí là cái chết có thể đến bất cứ lúc
nào; nhưng nó cũng là khởi đầu cho một cuộc sống mới, một cuộc chiến đấu giành
sự sống, một bài ca về lòng dũng cảm, nghị lực phi thường và tình yêu vô bờ của
gia đình Mai An Tiêm. Từ biến cố khởi đầu đó, cốt truyện được tập trung vào cuộc
sống của gia đình An Tiêm trên đảo. Cuộc sống ấy kéo dài tưởng chừng như không
có thời gian với hàng loạt các sự kiện, các biến cố tiếp tục nối kết nhau theo vòng
thời gian để đẩy câu chuyện càng ngày càng trở nên hấp dẫn. Trong cốt truyện của
Đảo hoang ta thấy các sự kiện, hành động của nhân vật là nhân tố quan trọng nhất
thúc đẩy sự vận động của mạch truyện, tạo ra những điểm thắt nút, tạo nên cao trào
cho sự phát triển của cốt truyện. Trong các sự kiện đó, có sự kiện trung tâm trở
thành biến cố làm thay đổi cuộc sống của gia đình An Tiêm trên đảo. Đó là sự kiện
rồng cuốn nước phá tan ngôi nhà trong rừng của gia đình An Tiêm, khiến gia đình li
tán, bố mẹ và em gái ở một phương, cậu con trai của An Tiêm là Mon ở một
phương: “Trời ơi! Rồng cuốn nước đến đây rồi…Một con nước xô lên quá nóc lều
rồi những con nước ập xuống, cả bóng tối khoảng rừng ngụp vào. Mon lật đật
quàng tay ôm cây thang. Nước đánh dựng lên rồi ngã xuống”. Nếu biến cố đầu tiên
là gia đình An Tiêm bị đầy ra đảo thì biến cố thứ hai là gia đình An Tiêm bị chia li
trong cơn bão ngoài đảo. Biến cố này là sự tiếp nối của biến cố thứ nhất củng cố
những khó khăn chồng chất mà các thành viên trong gia đình gặp phải, đặc biệt là
khi họ bị tách rời; mặt khác nó cũng là sự kiện đánh dấu sự trưởng thành của con
trai Mai An Tiêm là Mon, là sự kiện khẳng định chắc chắn hơn nữa nghị lực phi
thường, vượt lên tất cả, luôn tin tưởng, hy vọng vào những điều tốt đẹp của các
thành viên trong gia đình An Tiêm. Sự kiện Mon đưa mọi người ra đảo để lập vùng
26
đất mới đóng vai trò như sự kiện kết thúc. Sự kiện kết thúc đóng lại cốt truyện và ta
thấy ở đó là một sự sáng tạo, một sự khác biệt với cốt truyện cổ tích ta đã đọc. Đó là
một sự phát triển, một bước nâng cao ý nghĩa cho câu chuyện. Sự kiện trước là
nguyên nhân, là nền tảng để sự kiện sau hình thành. Việc cơn bão đánh tan ngôi nhà
của An Tiêm, khiến Mon phải sống xa gia đình, là để Mon sống tự lập, rèn luyện
chí hướng, tinh thần quả cảm giống như An Tiêm, để Mon trưởng thành, đủ điều
kiện nối chí cha ra lập vùng đất mới ở phía nam của Tổ quốc. Cốt truyện tuy không
mang độ căng của những mâu thuẫn, xung đột xã hội gay gắt nhưng vẫn có sức hấp
dẫn, vẫn đầy kịch tính nhờ các sự kiện, biến cố đầy tính sáng tạo của nhà văn. Tiểu
thuyết Đảo hoang có nhiều sự kiện và biến cố được thiết lập thành một chu trình
đầu cuối khá hoàn hảo nhưng không phải để lí giải về giống dưa hấu như truyện cổ
tích, mà là nhằm ca ngợi ý chí, nghị lực, lòng quả cảm, tình yêu lao động, yêu động
vật và trên hết tình thương, niềm tin giữa những người trong gia đình. Cuộc sống
nếu có những đức tính đó sẽ chiến thắng mọi trở ngại, mọi khó khăn, nguy hiểm
trên đời.
Nếu ở Đảo hoang tác giả xây dựng cốt truyện về ý chí của con người trong
cuộc sống hàng ngày thì với Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ tác giả xây dựng cốt truyện
về ý chí của người Cộng sản khi làm cách mạng. Tiểu thuyết Tuổi trẻ Hoàng Văn
Thụ cũng mang mô hình của loại tiểu thuyết sự kiện theo dòng thời gian. Chính Tô
Hoài có nói ông muốn “thể nghiệm một cách viết người thực việc thực”. Chính vì
viết về người thực việc thực nên các sự việc và nhân vật trong tác phẩm đều thực,
Tô Hoài không hư cấu, cũng không thêm bớt, thay đổi ngày tháng. Sự thể nghiệm
cách viết này của Tô Hoài lại có những thú vị, hấp dẫn riêng bởi “không có câu
chuyện cổ tích nào đẹp hơn câu chuyện do cuộc sống viết ra”. Viết về một giai đoạn
cách mạng, một thực tế đời sống cách mạng lúc bấy giờ là một đòi hỏi, một sự mới
mẻ bởi: “Thực tế cách mạng Việt Nam phong phú và kì diệu đến mức nhiều sự việc
đã diễn biến phức tạp, éo le, đầy đủ. Chặt chẽ, sinh động và cao đẹp vượt xa những
chuyện tưởng tượng công phu, nhiều quần chúng và cán bộ cách mạng do bản thân
trải qua những thử thách ác liệt, những giây phút một mất một còn, đã phát huy
27
được trí tuệ và phẩm chất để tự mình trở thành những điển hình hoàn hảo của thời
đại, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng” [13; 348]. Tô Hoài đã tìm hiểu, đã nghe,
nói chuyện với các nhân vật thực để có được kho tư liệu phong phú viết nên tác
phẩm. Bằng sự tinh tế, khả năng cảm thụ và chọn lọc của mình ông đã miêu tả và
diễn đạt các sự việc lịch sử một cách thoải mái, sinh động và cụ thể như chính Tô
Hoài là người trong cuộc. Cốt truyện của Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ kể lại hành trình
của hai người trẻ tuổi, đặc biệt là Hoàng Văn Thụ, từ khi đi tìm đường cho đến khi
tổ chức được cơ sở Đảng rộng khắp các huyện, các tỉnh, ra cả Hà Nội và sang nước
ngoài. Hành trình của người cộng sản trải qua rất nhiều sự kiện, bắt đầu từ lúc Thụ
và Chi lên đường đi tìm cách mạng, ngây thơ và hào hứng như đi vào một cuộc
phiêu lưu của tuổi trẻ cho đến mùa thu năm 1935 khi Thụ đã mở rộng được căn cứ
cách mạng, trở thành một cán bộ, lên đường về Thủ đô. Cốt truyện chỉ tập trung
xoay quanh một phần cuộc đời nhân vật là khi anh còn trẻ, với hai giai đoạn: giai
đoạn đầu nhiều bỡ ngỡ, khó khăn, giai đoạn hai trưởng thành, dày dặn. Trên hành
trình đi tìm đường cách mạng nhân vật Thụ gặp phải muôn vàn khó khăn, “tính
mệnh có khi được bàn trong một bữa rượu”. Rồi tổ chức cách mạng đầu tiên được
lập ra chỉ với ba người trẻ tuổi đập chén rượu thề cùng sống chết như cuộc kết nghĩa
vườn đào, gọt trọc đầu để vào lính Quốc dân đảng, tạm tránh nguy cơ cạn tiền, cạn
gạo, cuộc đi thê thảm lên vũ Hán giữa cái lộn xộn, chết chóc của đất nước Trung
Hoa thời Tưởng Giới Thạch, sự đi không thành thì trở về có khi mót dây khoai, lúc
rình bắt thỏ rừng có khi phải đi ăn mày; có lúc Thụ còn sắm bộ đồ cắt tóc kiếm ăn,
đeo đại đao tham gia Long Châu Đỏ. Bằng hàng loạt các sự việc sống động mà
phảng phất không khí giang hồ mãi võ, Tô Hoài đã dựng lại một cách chân thực
chặng đường đầu đến với cách mạng của Hoàng Văn Thụ. Các sự kiện đó phản ánh
được nhiệt tình hăng hái của không chỉ riêng Hoàng Văn Thụ mà còn là của những
thanh niên yêu nước Việt Nam thời bấy giờ, không do dự, tính toán, với tất cả lòng
tin tưởng và sự say mê của tuổi hai mươi. Sau hàng loạt các sự kiện kể về chặng
đường vượt khó của Hoàng Văn Thụ, sự kiện chính là Hoàng Văn Thụ về lại Long
Châu gặp lại Chi và nói : “Bây giờ thì làm gì cũng được chúng ta đã khác lắm rồi”.
28
Câu nói đó đánh dấu bước ngoặt trưởng thành của Thụ. Hành trình cách mạng của
anh rẽ sang một hướng mới. Trong chặng thứ hai đó các sự kiện chính tập trung vào
sự mở rộng của cơ sở cách mạng, sự trưởng thành của nhân vật Thụ. Cái làm nên
xương thịt của tiểu thuyết là nhân vật – con người. Nhưng ở đây chính sự việc lại
làm cho nhân vật tràn đầy sức sống, làm cho câu chuyện có sức hấp dẫn, lôi cuốn
người đọc. Với vốn sống phong phú, sự quan sát tinh tường, Tô Hoài đã không tự
giới hạn câu chuyện trong phạm vi một cuộc đời, không chỉ kể lại quá trình hoạt
động của Hoàng Văn Thụ khi còn trẻ mà qua các sự kiện, các chi tiết sinh động, tác
giả đã dựng lại bộ mặt chung của một phong trào đang nhen nhúm, trưởng thành
trong lòng những người dân nghèo yêu nước. Không chỉ kể được về một nhân vật
lịch sử mà còn kể về những con người quần chúng, những con người đóng góp lớn
cho sự thành công của cách mạng, điều mà sách lịch sử không làm được.
Trong lịch sử phát triển của nghệ thuật tự sự, loại hình cốt truyện sự kiện ra
đời rất sớm và được sử dụng rộng rãi, đặc biệt được phát huy khi viết những tác
phẩm thuộc trào lưu hiện thực phê phán. Loại cốt truyện này thường có những xung
đột xã hội gay gắt, được đẩy lên cao trào để qua đó tính cách nhân vật được bộc lộ
và phát triển, từ đó khái quát thành những vấn đề xã hội điển hình. Ở hai tiểu thuyết
Đảo hoang và Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ tác giả không xây dựng những xung đột xã
hội gay gắt, không tạo ra những mâu thuẫn đòi hỏi nhất định phải giải quyết nhưng
tác phẩm vẫn hấp dẫn người đọc, vẫn có những sự kiện thu hút, kích thích khả năng
tưởng tượng của độc giả. Bởi vấn đề Tô Hoài hướng đến là vấn đề hàng ngày của
mỗi người, những chuyện thường nhật, những suy nghĩ, những đức tính cao đẹp của
con người, nhất là những con người của cách mạng, con người của một thời kì cộng
sản. Cả hai tiểu thuyết trên đều có sườn truyện từ trước, song cốt truyện mà Tô Hoài
dựng lên thực sự vẫn là một cái mới, một cốt truyện gợi lại được không khí huyền
sử xa xưa và không khí sôi sục cách mạng một thời của dân tộc, đồng thời vẫn còn
nguyên giá trị với cuộc sống con người hiện đại. Bằng khả năng sáng tạo, Tô Hoài
đã bồi đắp vào sườn truyện đó như khớp nối phần xương rời rạc thành một khối
thống nhất.
29
Cốt truyện của tiểu thuyết Miền Tây tập trung vào việc miêu tả công cuộc xây
dựng chủ nghĩa xã hội ở vùng cao vì thế các sự kiện của truyện là sự thay đổi về
kinh tế, chính trị, xã hội; về văn hóa, tư tưởng và về con người. Để thấy được sự
thay đổi đó, tác giả đã xây dựng hai cảnh đời trái ngược nhau: cảnh đời trước Cách
mạng và sau Cách mạng mà cảnh hai phiên chợ là môi trường, hoàn cảnh cũng là sự
việc trung tâm thể hiện sự thay đổi đó. Phiên chợ Phiềng Sa trước kia với các chi
tiết thể hiện sự khốn khổ của người dân vùng cao: những đoàn ngựa của bọn lái
buôn bất chấp mọi điều vơ vét cho đầy túi tiền qua các phiên chợ, các cô gái nghèo
đi chợ ngượng ngùng vì váy áo rách rưới, những khuôn mặt gầy guộc, bạc phếch
của những ông già suốt đời không ăn một hạt muối, cảnh nhân dân chen chúc, dẫm
đạp, xô đẩy nhau mua muối của lão khách Sìn, những tên lính dõng hung hăng la
hét vừa đi vừa cướp hàng để thu thuế…Và phiên chợ sau Cách mạng với không khí
lao động hồ hởi, vui tươi của người dân: ngựa thồ lọc cọc, leng keng kéo nhau đi
từng đàn, các chị ríu rít vui đùa với trẻ con, tranh nhau nắm đuôi ngựa để leo dốc,
các cụ bà ngồi se lanh thêu áo, trẻ con đốt lửa nướng ngô, trai gái vui vẻ đi mua
hàng, hàng rượu và hàng thắng cố tấp nập người ra vào chè chén nhưng họ vào để
nói chuyện về việc làm ăn, lao động như tổ đổi công, hàng sắp lên, thuốc trừ
sâu…Song song với cảnh hai phiên chợ tác giả tập trung vào làm rõ sự thay đổi về
con người qua gia đình bà Giàng Súa. Trước kia thì chui rúc như những bóng ma,
dắt díu nhau chạy trốn vào trong rừng và luôn ở trong trạng thái bất an, sống tách
biệt với mọi người. Nhưng nay cuộc sống của gia đình bà đã khác, con trai, con gái
trở thành cán bộ, bản thân bà được tôn trọng, được sống trong tình cảm làng bản,
trong niềm vui đổi mới của cộng đồng. Truyện ít những sự kiện, chi tiết miêu tả
cuộc sống cũ, mà chủ yếu là tập trung vào những sự kiện, chi tiết ở cuộc sống mới.
Đó là những đổi thay trong cuộc sống sau ngày chính quyền cách mạng thành lập.
Tác giả miêu tả mở rộng với nhiều sự kiện, chi tiết riêng lẻ nhưng được đặt trong
mối liên hệ ràng buộc với hoàn cảnh xã hội. Đó là những đổi thay về kinh tế, không
còn cảnh phụ thuộc, cảnh nô lệ, cướp bóc, thay vào đó là cảnh nô nức lao động,
khắp nơi giúp đỡ nhau làm nương, làm rẫy… Đó là đổi thay về chính trị, không còn
30
cảnh những quan tây, những bọn thống lý cai trị, mà là những cán bộ cách mạng
xuất thân từ tầng lớp người lao động; tuy có được chính quyền nhưng phải cảnh
giác với âm mưu mới của kẻ thù…Đó là thay đổi trong con người, bà Giàng Súa với
niềm vui khi được sống như một con người thực sự; Thào Khay, Thào Mỵ trưởng
thành, đi học để xây dựng xóm thôn đổi mới, Vừ Sá Tỏa trở thành cán bộ được
nhân dân yêu mến… Hệ thống sự kiện về kinh tế, chính trị làm nền cho quá trình
vận động đổi mới của nhân vật. Tô Hoài đã kết hợp đan xen giữa hệ thống sự kiện
làm nền và bức tranh tâm trạng của nhân vật để dẫn dắt sự phát triển của cốt truyện.
Cốt truyện của Miền Tây ít những biến cố lớn bởi thực tế cách mạng thắng lợi đã là
một biến cố lớn chi phối sự phát triển của câu chuyện. Tô Hoài không miêu tả sự.
Chính vì không nhằm mục đích phê phán hiện thực, không nhằm nêu lên sự đấu
tranh của các giai cấp mà chủ yếu là tái hiện cuộc sống mới ở miền Tây nên tác
phẩm không có xung đột, mâu thuẫn chính trị - xã hội cấp thiết phải giải quyết.
Cả ba tiểu thuyết trên theo dòng thời gian là sự trải nghiệm của Tô Hoài ở mỗi
chặng khác nhau của cuộc đời nhà văn, đồng thời đó cũng là các thời kì phát triển
của lịch sử dân tộc. Và dù là viết về thời huyền sử xa xưa, về thời kì cách mạng sôi
sục, về kết quả tốt đẹp mà cách mạng mang lại thì đều có một điểm chung là tác giả
đã xây dựng cốt truyện phát triển theo thời gian tuyến tính, các sự kiện, chi tiết xảy
ra có trật tự trước sau, sự kiện sau là bước phát triển của sự kiện trước. Cách xây
dựng cốt truyện này mang tính chất truyền thống tuy đơn giản, không sử dụng đến
các thủ pháp giải mã tình tiết, hành động nhưng xét ở góc độ lịch sử nó lại là cách tổ
chức hợp lí, tạo được hiệu quả nghệ thuật và từ đó càng khẳng định sự thống nhất
cũng như sự liền mạch của phong cách nhà văn không chỉ trong truyện ngắn, ký mà
trong cả thể loại tiểu thuyết.
Vẫn là cốt truyện ít cầu kì, phức tạp; ít biến cố, xung đột, nhưng ở Ba người
khác đã có sự linh hoạt trong cách tổ chức các sự kiện, chi tiết. Hành động, sự việc
trong truyện không còn tuân thủ nguyên tắc trước sau về mặt thời gian mà đã bị đảo
lộn, nhảy cóc. Cốt truyện không phát triển theo một chuỗi sự kiện có trình tự mà là
sự lắp ghép các sự việc của một thời kì đã qua và hiện lên qua hồi ức của một nhân
31
vật anh đội xưng “tôi”. Tiểu thuyết lấy bối cảnh chung là nông thôn Việt Nam trong
những năm đầu diễn ra cuộc cải cách ruộng đất nhưng cốt truyện của tác phẩm
không đi vào miêu tả toàn bộ diện mạo của cuộc cải cách mà chỉ tập trung vào một
vài khía cạnh. Đó là những sinh hoạt thường ngày, công việc cải cách của đội cải
cách. Cốt truyện nương theo mạch hồi tưởng của anh đội Bối – nhân vật xưng “tôi”,
trung tâm của cốt truyện là ở phần hồi tưởng về thời cải cách. Mở đầu là sự kiện đội
cải cách do Cự dẫn đầu về làm cải cách ở “vùng hai trăm ngày”. Sau sự kiện này là
hàng loạt các sự kiện về những con người tham gia cải cách và người nông dân. Câu
chuyện không nhiều sự kiện, biến cố lớn, các sự kiện không có mối quan hệ nhân
quả với nhau mà nó là các phần riêng lẻ hiện lên trong kí ức anh đội do đó mạch
truyện phóng túng, rất khó có thể tóm tắt câu chuyện một cách gọn gàng. Bắt đầu
Bối kể lại chuyện kể khổ ở hội nghị của một anh rễ rồi lại trở về hiện tại với hoạt
động cải cách ruộng đất, sau đó lại hồi tưởng kể lại chuyện trước khi tham gia cải
cách. Có lúc đang kể chuyện cải cách lại bắt sang kể chuyện về Đình bị bắt như thế
nào, và cuộc gặp lại 20 năm rồi sau đó trở lại với không khí của những ngày đi cải
cách ruộng đất, sau đó lại tiếp tục kể về cuộc sống của mình mười mấy năm sau với
cuộc gặp gỡ với Tư Nhỡ và kết thúc bằng câu chuyện về Cự.
2.1.2. Tổ chức diễn biến cốt truyện trong tiểu thuyết của Tô Hoài
Có cốt truyện chỉ là những diễn biến bình thường, thầm lặng của đời sống, khó
mà kể lại cho hấp dẫn, nhưng đa số các cốt truyện đều đi sâu khai thác những xung
đột khác nhau của đời sống. Và do đó nhìn vào cốt truyện người ta có thể tìm ra các
bước diễn biến của cốt truyện. Đó là một quá trình tương đối hoàn chỉnh giống như
quá trình vận động của một xung đột, nghĩa là có mở đầu, thắt nút, phát triển và kết
thúc. Tiểu thuyết của Tô Hoài chủ yếu sử dụng loại cốt truyện sự kiện nên diễn biến
của cốt truyện cũng được nhà văn tổ chức theo mô hình vận động của một câu
chuyện hoàn chỉnh.
Phần trình bày thường có nhiệm vụ giới thiệu một cách khái quát hoàn cảnh
nảy sinh xung đột chính của tác phẩm, đồng thời giới thiệu một cách sơ lược lai lịch
của các nhân vật về lứa tuổi, nghề nghiệp, quan hệ gia đình, quan hệ xã hội. Các
32
nhân vật lúc đó chưa có sự vận động trong tính cách, trong hoàn cảnh xung đột.
Phần trình bày có thể ở đầu, có thể ở giữa, và có thể ở kết thúc tác phẩm chứ không
nhất thiết phải ở phần đầu của văn bản. Phần trình bày ở vị trí nào là một thủ pháp
kĩ thuật, là sự lựa chọn có “chiến lược” theo ý đồ thẩm mỹ của nhà văn.
Phần trình bày mang tính truyền thống thường là câu chuyện được bắt đầu
bằng một giới thiệu tóm tắt về nhân vật và bối cảnh của câu chuyện. Một số tiểu
thuyết của Tô Hoài có phần trình bày như vậy. Ta có thể nhận thấy điều đó qua tiểu
thuyết Miền Tây và Ba người khác. Trong tiểu thuyết Miền Tây, sau khi giới thiệu
về đoàn lái buôn mang hàng lên vùng cao, là những lời giới thiệu về gia đình bà
Giàng Súa, một cách bài bản về gia cảnh, về cuộc sống và số phận hiện tại của bà:
“Bà Giàng Súa bỗng sợ hãi nghĩ đến các con…Đời bà con ngựa chỉ mang tai họa
đến mà thôi. Năm ấy, đương vụ làm nương xuân, chồng bà Giàng Súa phải bỏ cày.
Mùa nương nhà dân sao bằng mùa thuốc nhà quan, ông Giàng Súa đành cắm cái cày
giữa nương đi tải thuốc phiện cho nhà thống lý. Con ngựa tải thuốc phiện chuyến ấy
chẳng may tuột chân xuống vách đá”. Có rất nhiều lời đồn thổi về cái chết của
chồng bà, chẳng biết thực hư thế nào nhưng sau đó cả làng đồn thổi nhau “Giàng
Súa là con ma”, rồi họ tìm cách giết mẹ con bà, cả nhà phải dắt díu nhau chạy trốn
vào trong rừng sâu và sống cuộc sống tách biệt với cộng đồng. Như vậy, ngay ở
phần mở đầu của tác phẩm, tác giả đã trình bày bối cảnh diễn ra câu chuyện là ở
vùng cao miền Tây, bắt đầu từ những phiên chợ Phiềng Sa, rồi số phận của gia đình
bà Giàng Súa để sau này thấy được sự thay đổi do cách mạng mang lại. Phần trình
bày trong tiểu thuyết Ba người khác cũng là những lời giới thiệu sơ lược về bối
cảnh nảy sinh câu chuyện và lai lịch của anh đội Bối – nhân vật “tôi”. Đó là hội
nghị tổng kết công tác cải cách ở các huyện lị với câu chuyện chảy nước mắt về một
cố nông, và sau đó là sự ra đi rầm rộ của các đội cải cách mới. Trong đó có những
dòng giới thiệu về việc đội cải cách mới của anh Bối cùng đội với đội trưởng Cự và
anh đội Đình: “Tổng kết xong các đội lại đi đợt mới. Cuộc ra quân rầm rộ có xếp
hàng nghe mệnh lệnh xuất kích như chiến dịch thời kháng chiên. Đợt này khu vực
làm bao trùm cả Hải Dương, Kiến An, cải cách thẳng không qua giảm tô”. Tiếp sau
33
hành trình về làng làm cải cách của đội cải cách mười hai người là phần giới thiệu
sơ lược về tiểu sử của nhân vật “tôi”: “Năm ấy, tôi ngót ba mươi. Từ tấm bé chỉ ở
thành phố. Đến tuổi đi làm kiếm được chân giữ cửa trông kẻ cắp cho hiệu thịt bò
“Sáp phăng giông” phố Tràng Tiền. Cách mạng thì vào tự vệ phố, đến lúc kháng
chiến không còn đội tự vệ nữa, nhưng tự cho mình đã là Việt Minh, tôi đi theo
kháng chiến lên Việt Bắc. ..” Tác giả đã để cho anh đội Bối tự giới thiệu về phần
đời trước của mình từ lúc còn bé, đến khi bắt đầu đi làm, rồi tham gia cách mạng,
trốn tự vệ tìm mọi cách để trốn khỏi trạm kiểm soát đi tìm vợ và con gái, rồi sau đó
lại quanh quẩn đi hết vùng này đến vùng kia và trở về Hà Nội lấy vợ, sinh con, sau
đó tham gia đội cải cách. Cách giới thiệu ở phần đầu mang tính truyền thống này dự
báo phần diễn biến sau đó là các lớp sự kiện, chi tiết tập trung làm nổi bật tính cách
nhân vật và môi trường hoạt động của nhân vật đó.
Cùng với cách thể hiện phần trình bày mang tính truyền thống, Tô Hoài cũng
sử dụng cách thức tổ chức phần trình bày linh hoạt với phần mở đầu bằng những
dòng miêu tả về thiên nhiên – mùi hương hồi của đất Lạng Sơn : “Rõ ràng trong
bóng tối mà mắt trông thấy được, cuồn cuộn thành luống qua những khe tường đất
bên nách cửa, có một mùi ấm và thơm lạ lùng. Chả mấy chốc mùi thơm đã đầy nhà,
nồng nàn đến tận chân tóc (…). Buổi sáng mọi người đều đổ ra đường. Ai cũng
đứng ngửng lên cho thấy mùi hồi chín chảy qua mặt. Rừng hồi ngào ngạt xanh thẫm
trên các quả đồi quanh làng. Những cơn gió sớm đẫm mùi hồ, từ các đồi trọc Lộc
Bình xôn xao xuống, tràn vào cánh đồng Thất Khê, ùa lên những hang đá Văn
Uyên, Thoát Lãng trên biên giới xuống Cao Lộc, Chi Lăng, qua những vùng hồi mà
một mảnh lá gãy cũng dậy mùi thơm, gió cang thơm ngát (…). Và cứ khi mùi hồi
chín lại thấy cơ man người đi trèo hồi, hái thuê…” (Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ). Đọc
phần đầu người đọc dường như tự thắc mắc tại sao kể về cuộc đời Hoàng Văn Thụ
mà lại mở đầu bằng hương hồi và cuộc sống của người dân với hồi, chẳng có sự
móc nối nào. Nhưng Tô Hoài không giới thiệu về Hoàng Văn Thụ như cách trình
bày thông thường bởi nó đã quá đủ đầy trong những tư liệu lịch sử, và sẽ là thừa
nếu giới thiệu trong tiểu thuyết này. Tác giả đã lựa chọn hương hồi là hương vị của
34
thiên nhiên vùng biên giới Tổ quốc để mở đầu, để giới thiệu nhằm ẩn ý hướng tới
hành trình cách mạng của nhân vật. Ở đây, ta thấy có nét tương đồng với truyện
ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, cũng mở đầu bằng hình ảnh rừng xà
nu bạt ngàn, hùng vĩ nhưng đau thương như chính con người Tây Nguyên vậy. Ở
tiểu thuyết này hương hồi vô tình hay hữu ý đã trở thành một nhân vật tượng trưng.
Hồi là sản phẩm, hương liệu là sự giàu có của đất nước. Nhưng hồi cũng là nguồn
gốc đau khổ, chết chóc khi cả đất nước là một nhà tù, cả dân tộc còn là nô lệ. Mùi
hồi có vị và có sắc phảng phất suốt tập truyện khiến ta có cảm giác có sự hoạt động
của Đảng thông qua nhân vật Hoàng Văn Thụ - gắn chặt với mùi thơm của hương
hồi có hình, có sắc ẩn hiện đậm đà và say mê như trong không khí thơ ca. Xuyên
qua mùi hương hồi bát ngát, Thụ và Chi lên đường cách mạng ngây thơ và hào
hứng như đi vào một cuộc phiêu lưu của tuổi trẻ: “Trong mùi hồi bốc lên mặt nước
vẫn âm tiếng bom nổ thật kích động, thật lạ lùng. Muốn làm cách mệnh, cứu đất
nước, phải đứng lên đánh thằng Tây như thế mới được. Trông khóe mắt cháy rực
của hai người thanh niên cùng sôi nổi một khát vọng” [1; 13]. Dạng thức trình bày
này khiến cho tiểu thuyết lịch sử mang đậm phong vị trữ tình, khiến cho câu chuyện
có nhiều ý nghĩa khi soi chiếu vào một nhân vật có thực.
Bên cạnh hai cách trình bày trên, trong tiểu thuyết Đảo hoang ta còn bắt gặp
một kiểu trình bày nữa đó là cách khởi đầu ở chính giữa hành động truyện. Cốt
truyện bắt đầu ở “khúc giữa” của câu chuyện, một lát cắt trong cuộc sống của nhân
vật – thường là một hành động của nhân vật sau đó mới làm rõ dần lí lịch, tình cảnh
của họ. Đọc Đảo hoang, ta thấy khởi đầu là những sự kiện: Mai An Tiêm lập công
khi đi mở vùng đất mới Bãi Lở, trở về kinh tham dự hội thi và giành được thắng lợi,
sau đó vua Hùng nghe lời dèm pha của mưu sĩ mà đầy gia đình Mai An Tiêm ra đảo
hoang. Trên hành trình ra đảo tác giả mới để cho nhân vật kể về lai lịch, giới thiệu
về bản thân mình: “Mới sinh ra, An Tiêm ở bờ biển. Những đợt sóng cao lù lù từ
ngoài khơi chạy vào, vừa chạy vừa gào, ập xuống, muốn lôi ngay thằng bé ra khơi.
Nhưng thằng bé vẫn bám được vào đất. Thằng bé vẫn lang thang sống trên dọc biển
Đông. An Tiêm lớn lên, cha mẹ mất từ lúc ẵm ngửa, không biết mình là ai. Những
35
chòm xóm ven biển đã chuyền tay nhau nuôi thằng bé. Mới đầu thì ai cũng có lòng
thương. Nhưng sau vì mỗi người đều phải đêm ngày mải miết đi đâm cá, đi gõ hà,
gõ ngao kiếm miếng ăn, thế là thằng bé cứ bò đi vơ vẩn, người phải đổi tay nuôi,
người này vứt cho người khác. Có người không muốn nuôi, đem bỏ nó ra bãi cho
sóng liếm đi. Có người thương, lại ra ẵm về. Bồng bềnh giữa cái sống cái chết như
thế, thằng bé trải gian truân từng ngày, vừa lớn lên, vừa lưu lạc, đi nhiều quá đến
nỗi trí nhớ mỏng manh của nó không còn nhớ được hôm qua, năm qua ở đâu nữa.
Quãng mười tuổi, trạc như Mon, như Gái - như tuổi các con bây giờ, bằng tuổi ấy,
bé An Tiêm đã dày dạn lắm, khắp mình đã trổ chàm vằn vèo, xám xịt, để hằng ngày
xuống mò cái ăn dưới nước thì cá mập, cá trình khó nhìn thấy mà đuổi bắt ăn
thịt(…). An Tiêm lớn lên giữa những hiểm nghèo ấy. Trong cái chết mà không chết,
thì cái sống phải mạnh(…). Đến một ngày kia, vua cha xuống bộ Ninh Hải mở hội
thi cày(…). An Tiêm cày vừa nhanh vừa chắc, được nhà vua thưởng lụa, cho đứng
ngang hàng những người cày giỏi. Sau đó, nhà vua gọi An Tiêm đến, rồi cho theo
về kinh đô”. Cách mở đầu như thế tạo sự tự nhiên, “giống như thực” của cốt truyện.
Đó cũng là cách mà tác phẩm tự sự hiện đại hay sử dụng.
Với cách thức tổ chức phần trình bày như trên ta thấy nhà văn luôn cố gắng để
làm đa dạng, phong phú các cách thức tổ chức diễn biến cốt truyện trong tác phẩm
của mình. Đó là một cố gắng đáng ghi nhận.
Với cốt truyện, phần vận động là phần quan trọng nhất, ở đó các nhân vật
được bộc lộ tính cách, các xung đột xã hội bắt đầu nảy sinh và theo đó được đẩy lên
đỉnh điểm rồi đưa ra cách giải quyết; hoàn cảnh, môi trường nhân vật hoạt động
cũng không còn là tĩnh tại, mà là hoàn cảnh xung đột. Phần vận động có thể chia
làm ba giai đoạn là: sự kiện thắt nút, sự kiện phát triển và sự kiện mở nút. Sự kiện
thắt nút là giai đoạn đánh dấu sự bắt đầu của diễn biến đời sống, mở đầu cho sự vận
động của xung đột. Sự kiện này có tác dụng đưa các nhân vật tham gia vào xung
đột, qua đó sẽ bộc lộ những nét bản chất, những đặc điểm cơ bản. Và theo đó, nhân
vật, hoàn cảnh, tính cách cũng bắt đầu vận động. Trong toàn bộ cốt truyện thì phần
dài nhất là phần phát triển, phần này miêu tả cụ thể quá trình diễn biến của hiện
36
thực, nó bao gồm một chuỗi các sự kiện hoặc biến cố nối tiếp nhau để làm cho xung
đột được đẩy lên đến mức căng thẳng hơn, gay gắt hơn, qua đó khẳng định bản chất
của các nhân vật, các tính cách một cách rõ ràng trong những tình huống khác nhau.
Nối tiếp phần phát triển, đưa sự kiện lên cao trào là giai đoạn căng thẳng nhất - sự
kiện đỉnh điểm. Ngay sau sự kiện này là sự kiện mở nút, nó cho thấy cách giải quyết
của nhà văn đối với xung đột đã được miêu tả, hoặc cho thấy những khả năng trong
việc giải quyết xung đột đó.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh có một nhận xét: “Có thể nói, Tô Hoài là
nhà văn của người thường, của chuyện thường, của đời thường” [16; 45]. Đúng thế,
Tô Hoài không viết về những đôi lứa lá ngọc cành vàng, không thi vị hóa đời sống,
không vẽ vời, lý tưởng hóa các chân dung. Ông chỉ viết về những điều mà ông đã
nhìn thấy: “Tôi đã miêu tả tâm trạng của tôi, gia đình tôi, làng tôi, mọi cái của mình,
quanh mình” (Tự truyện). Chính vì cái sở trường đó mà tác phẩm của Tô Hoài tuy
có cốt truyện sự kiện nhưng diễn trình vận động của nó lại ít khi tuân theo nguyên
tắc là được xây dựng trên sự vận động của một xung đột đầy đủ. Tiểu thuyết của
ông có những tác phẩm có cốt truyện sự kiện mang dáng dấp sự vận động của một
xung đột, còn đa phần là các sự kiện vận động một cách linh hoạt y như sự việc diễn
ra trong đời sống hàng ngày.
Sự vận động trong tiểu thuyết Đảo hoang không giống với mô hình phát triển
một xung đột như ta thường thấy mà nó vận động theo diễn biến của đời sống hàng
ngày. Câu chuyện Đảo hoang chỉ thực sự bắt đầu khi gia đình An Tiêm bị đầy ra
đảo. Các sự kiện, chi tiết, tình tiết nhỏ nhất đều tập trung miêu tả diễn biến cuộc
sống của gia đình An Tiêm ngoài đảo. Đó là những ngày đi tìm chỗ trú ẩn trên
những vách đá; rồi cả nhà chia nhau vào rừng đi tìm nước uống; tìm chỗ làm nhà,
tìm cách giữ nước, lấy thức ăn; và rồi “trận rồng cuốn nước” khiến cả nhà li tán; họ
vừa tìm cách sống sót vừa đi tìm nhau; Mon trồng được giống dưa hấu và họ thả
dưa hấu ra biển mong có ngày đến được đất liền. Cả chuỗi sự kiện, chi tiết chỉ nhằm
miêu tả, kể về hành trình tìm cách thích nghi với cuộc sống ngoài đảo. Đó là những
diễn biến của cuộc sống hàng ngày với cái ăn, cái mặc, sự sống, cái chết, những
37
khám phá về cuộc sống, về thực động vật, tình yêu thương của con người. Ở tiểu
thuyết Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ và Miền Tây ta thấy diễn trình vận động của các
sự kiện cũng là những sự kiện của cuộc sống, của nhịp sống hàng ngày song nó lại
dựa trên nền của xung đột lịch sử có trước là mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với
thực dân Pháp, là mâu thuẫn giai cấp giữa người lao động và địa chủ phong kiến.
Đối với tiểu thuyết Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ, Tô Hoài đã viết nên câu chuyện về
người chiến sĩ trẻ tuổi Hoàng Văn Thụ trên con đường đến với cách mạng. Tô Hoài
miêu tả hành trình đi tìm đường của Hoàng Văn Thụ theo các sự kiện lịch sử mà
nhân vật có thực đã trải qua. Có điều đọc kĩ ta sẽ thấy các chi tiết, tình tiết trong
truyện chủ yếu kể về những khó khăn gian khổ, những vấp váp, hi sinh, những
chuyện của cuộc sống hàng ngày, chứ không nhấn mạnh đến những sự kiện lớn, đặc
biệt là tác giả không kể về những ngày ở trong xà lim, và sự hi sinh cao đẹp của
nhân vật. Kể về một nhân vật lịch sử, sự kiện sẽ nương theo các hoạt động có thực
của nhân vật do đó nó có sự phát triển theo một lộ trình có trước gắn bó với tiến
trình phát triển của cách mạng Việt Nam, nên có thể nói cốt truyện vận động theo
sự kiện lịch sử. Song Tô Hoài ý thức rất rõ sự khô khan của sự kiện lịch sử nên ông
đã “nêm gia vị” của cuộc sống vào đó, hòa trộn và tạo nên những trang viết xúc
động, giàu hình ảnh. Ẩn hiện trong quá trình đi tìm đường cách mạng là những sự
việc của cuộc sống, những gian nan Hoàng Văn Thụ trải qua là gian nan của lịch sử
đối với tất cả những thanh niên trẻ tuổi lúc bấy giờ, và cũng là khó khăn trong cuộc
sống đời thường. Đối với tiểu thuyết Miền Tây, tác giả đã dựng nên hai cảnh đời
trái ngược nhau trước và sau Cách mạng ở một vùng núi cao. Các sự kiện trong đó
diễn biến theo hai cảnh đời đó. Trước Cách mạng thì cuộc sống nhân dân cay đắng,
tủi nhục với những cuộc bày mưu tranh ăn của bọn quan đồn, bọn thống lý và lái
buôn, cảnh đời đau khổ tủi nhục của những người phu ngựa, cảnh nhốn nháo, hỗn
loạn của phiên chợ Phiềng Sa, và nạn mê tín dị đoan đe dọa sinh mạng của những
con người lương thiện như bà Giàng Súa. Những cảnh đời ấy được rải đều trên
trang giấy, tập trung làm rõ nối khốn khổ của cảnh đời cũ. Và những sự kiện ấy là
những sự kiện của đời sống được xây dựng trên nền của một mâu thuẫn có từ trước,
38
do đó sự phát triển của nó mang tính chất của nhịp sống – nhịp sống của người dân
tộc vùng cao khi chưa có cách mạng về. Phần sau với các sự kiện về cảnh đời đổi
thay khi cách mạng về. Cảnh lao động hăng say, cảnh chợ đông vui mà không còn
xô bồ, cuộc sống, suy nghĩ của những người dân vùng cao đã thay đổi. Bằng những
hình ảnh tương phản về những sinh hoạt, những cảnh sống hằng ngày của nhân dân
vùng cao, Tô Hoài đã dụng công lột tả được sự khác nhau giữa hai chế độ xã hội mà
không cần xây dựng xung đột, mâu thuẫn xã hội gay gắt.
Bên cạnh sự vận động theo nhịp sống hàng ngày và sự kiện lịch sử thì tác
phẩm của Tô Hoài còn có cốt truyện vận động theo mạch hồi tưởng của nhân vật.
Ta bắt gặp điều đó trong tiểu thuyết Ba người khác. Viết về cải cách ruộng đất –
một sự kiện lịch sử chứa đầy những chuyện li kì Tô Hoài chú tâm thể hiện mặt trái
của cuộc cải cách với ba nhân vật anh đội và những việc xảy ra khi họ xuống vùng
“hai trăm ngày” làm cải cách. Tiểu thuyết có hai mảng sự kiện lớn là những sự kiện
về thời cải cách ruộng đất và những việc xảy ra với ba anh đội nhất là sau cải cách.
Cả hai mảng sự kiện này đều được kể lại thông qua hồi ức của một nhân vật là anh
đội Bối. Chỉ có điều rất khó để xâu chuỗi những sự kiện này thành một cốt truyện
với mối quan hệ nhân quả, liên quan, tác động đến nhau. Các sự kiện đó, bản thân
nó là yếu tố nền tạo nên cốt truyện nhưng nó lại không có tác dụng tạo sự phát triển
cho câu chuyện bởi diễn biến của nó ít liên hệ với nhau. Cái tạo nên sự phát triển
cho cốt truyện, dẫn dắt các sự kiện chính là hồi ức của nhân vật. Hai mảng sự kiện
chính đó là hai mảng kí ức của nhân vật “tôi” và nó được kể lại đan cài vào nhau.
Chúng là những sự kiện đời thường thể hiện diễn biến của cuộc đời nhân vật, làm rõ
bản chất của nhân vật, nếu thiếu đi một sự kiện nào đó thì không ảnh hưởng nhiều
đến sự phát triển cốt truyện. Giữa những sự kiện tưởng như không có mối liên hệ ấy
lại có một sự thống nhất, mối dây liên hệ chung : nhân vật người kể chuyện với hồi
ức của anh ta chính là dấu nối giữa những sự kiện đó, anh ta có mối liên hệ với tất
cả, hoặc anh ta tham gia hoặc anh ta được chứng kiến, được nghe kể lại. Điều đó tạo
nên sự phát triển và nhất quán cho cốt truyện. Như vậy, diễn biến của cốt truyện
trong Ba người khác vận động theo nhịp hồi tưởng của chính nhân vật trong truyện.
39
Cũng là “tả chân”, là kể về những cảnh đời, cuộc sống của con người, đặc biệt
là người dân nhưng ở Nam Cao, ở Nguyễn Công Hoan, cốt truyện thường có những
xung đột và nó được đẩy lên cao trào để rồi đưa nhà văn đưa ra cách giải quyết
nhưng Tô Hoài lại rẽ theo một hướng khác, ông tập trung vào những sinh hoạt hàng
ngày, những việc nhỏ nhặt trong đời sống, đi sâu vào miêu tả, kể một cách cụ thể,
chi tiết. Và sự phát triển của cốt truyện chính là sự phát triển của những sự việc nhỏ
nhặt như vậy. Qua cốt truyện bức tranh cuộc sống, sinh hoạt và cả những suy nghĩ,
tình cảm của con người được thể hiện một cách sinh động. Đó là lối đi riêng của
nhà văn mà không phải ai cũng làm được.
Phần kết thúc thường là phần mà người đọc chờ đợi, háo hức để đánh giá cách
giải quyết của nhà văn tức là cho thấy cách kết quả của những xung đột, những diễn
biến đời sống xã hội mà nhà văn đã đặt ra. Chính vì thế Sêkhôp có viết: “Khi viết
một truyện ngắn tốt nhất là hãy tô đậm cái mở đầu và kết thúc”. Phần kết thúc có
khi được coi là “sức mạnh của quả đấm nghệ thuật”, nó có thể được đặt ở đầu hoặc
ở cuối tác phẩm, và nó có cách thể hiện khác nhau. Tác phẩm có thể có một cách
kết thúc, hoặc nhiều cách kết thúc, hoặc không có kết thúc.
Ở các tiểu thuyết của Tô Hoài, cốt truyện được xây dựng theo mô hình của cốt
truyện sự kiện song diễn biến cốt truyện lại không phát triển theo xung đột nên khi
kết thúc tác phẩm ta ít gặp sự bất ngờ, sự nuối tiếc hay háo hức, vui sướng mà trong
đó là âm thanh của cuộc sống, có khi nó đọng lại, có khi nó còn ngân vang. Với tiểu
thuyết Đảo hoang và Ba người khác tác giả đã dựng nên một cái kết trọn vẹn (câu
chuyện được kết thúc với vấn đề được giải quyết triệt để.). Nếu diễn biến của cốt
truyện tiểu thuyết Đảo hoang mở đầu là hành trình ra đảo của gia đình Mai An
Tiêm thì kết thúc tác phẩm là sự trở về của họ giữa niềm vui hân hoan, sự đón chào
của nhân dân. Không dừng lại như kết thúc của truyện cổ tích, Tô Hoài kéo dài kết
thúc : sau sự trở về của gia đình An Tiêm là hành trình ngược ra đảo của Mon. Mon
dẫn theo một đoàn người ra đảo lập vùng đất mới, vùng đất phía nam của Tổ quốc:
“Mon trở lại đảo cùng một đoàn hơn ba mươi chiếc thuyền…Về sau, Mon cho lập
trại, lập làng ở bờ biển quanh chân núi. Mỗi hôm, mặt trời ngả sau núi, bóng núi lại
Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Tô Hoài.pdf
Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Tô Hoài.pdf
Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Tô Hoài.pdf
Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Tô Hoài.pdf
Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Tô Hoài.pdf
Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Tô Hoài.pdf
Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Tô Hoài.pdf
Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Tô Hoài.pdf
Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Tô Hoài.pdf
Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Tô Hoài.pdf
Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Tô Hoài.pdf
Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Tô Hoài.pdf
Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Tô Hoài.pdf
Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Tô Hoài.pdf
Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Tô Hoài.pdf
Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Tô Hoài.pdf
Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Tô Hoài.pdf
Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Tô Hoài.pdf
Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Tô Hoài.pdf
Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Tô Hoài.pdf

More Related Content

What's hot

LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM TRUYỆN NGẮN NỮ VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN NAY_1024...
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM TRUYỆN NGẮN NỮ VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN NAY_1024...LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM TRUYỆN NGẮN NỮ VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN NAY_1024...
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM TRUYỆN NGẮN NỮ VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN NAY_1024...PinkHandmade
 
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Cái bi và nghệ thuật bi kịch của shakespear qua các vở bi kịch rômeo juliet...
Cái bi và nghệ thuật bi kịch của shakespear qua các vở bi kịch rômeo   juliet...Cái bi và nghệ thuật bi kịch của shakespear qua các vở bi kịch rômeo   juliet...
Cái bi và nghệ thuật bi kịch của shakespear qua các vở bi kịch rômeo juliet...NOT
 
Luận văn: Tiểu thuyết của Thuận từ góc nhìn kí hiệu học văn học trở nên cấp t...
Luận văn: Tiểu thuyết của Thuận từ góc nhìn kí hiệu học văn học trở nên cấp t...Luận văn: Tiểu thuyết của Thuận từ góc nhìn kí hiệu học văn học trở nên cấp t...
Luận văn: Tiểu thuyết của Thuận từ góc nhìn kí hiệu học văn học trở nên cấp t...Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Thể loại văn học và sự phân loại tác phẩm văn học
Thể loại văn học và sự phân loại tác phẩm văn họcThể loại văn học và sự phân loại tác phẩm văn học
Thể loại văn học và sự phân loại tác phẩm văn họcJackson Linh
 
[Tiểu luận] Giá trị hiện thực trong thơ Đỗ Phủ
[Tiểu luận] Giá trị hiện thực trong thơ Đỗ Phủ[Tiểu luận] Giá trị hiện thực trong thơ Đỗ Phủ
[Tiểu luận] Giá trị hiện thực trong thơ Đỗ PhủThanh Cong Ma
 
Giao trinh van hoc trung dai Viet Nam. Tap 1.pdf
Giao trinh van hoc trung dai Viet Nam. Tap 1.pdfGiao trinh van hoc trung dai Viet Nam. Tap 1.pdf
Giao trinh van hoc trung dai Viet Nam. Tap 1.pdfMan_Ebook
 

What's hot (20)

Luận văn: Yếu tố phong tục trong truyện cổ tích người Việt, HAY
Luận văn: Yếu tố phong tục trong truyện cổ tích người Việt, HAYLuận văn: Yếu tố phong tục trong truyện cổ tích người Việt, HAY
Luận văn: Yếu tố phong tục trong truyện cổ tích người Việt, HAY
 
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM TRUYỆN NGẮN NỮ VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN NAY_1024...
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM TRUYỆN NGẮN NỮ VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN NAY_1024...LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM TRUYỆN NGẮN NỮ VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN NAY_1024...
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM TRUYỆN NGẮN NỮ VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN NAY_1024...
 
Luận văn: Văn xuôi Hồ Anh Thái từ góc nhìn Liên văn hóa, HAY
Luận văn: Văn xuôi Hồ Anh Thái từ góc nhìn Liên văn hóa, HAYLuận văn: Văn xuôi Hồ Anh Thái từ góc nhìn Liên văn hóa, HAY
Luận văn: Văn xuôi Hồ Anh Thái từ góc nhìn Liên văn hóa, HAY
 
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
 
Luận văn: Linh thần trong truyền thuyết Việt Nam, HAY, 9đ
Luận văn: Linh thần trong truyền thuyết Việt Nam, HAY, 9đLuận văn: Linh thần trong truyền thuyết Việt Nam, HAY, 9đ
Luận văn: Linh thần trong truyền thuyết Việt Nam, HAY, 9đ
 
Cái bi và nghệ thuật bi kịch của shakespear qua các vở bi kịch rômeo juliet...
Cái bi và nghệ thuật bi kịch của shakespear qua các vở bi kịch rômeo   juliet...Cái bi và nghệ thuật bi kịch của shakespear qua các vở bi kịch rômeo   juliet...
Cái bi và nghệ thuật bi kịch của shakespear qua các vở bi kịch rômeo juliet...
 
Khóa Luận văn học về Mộng trong thơ của Tản Đà
Khóa Luận văn học về Mộng trong thơ của Tản ĐàKhóa Luận văn học về Mộng trong thơ của Tản Đà
Khóa Luận văn học về Mộng trong thơ của Tản Đà
 
Luận án: Tiểu thuyết có tính chất tự truyện trong văn học Việt Nam
Luận án: Tiểu thuyết có tính chất tự truyện trong văn học Việt NamLuận án: Tiểu thuyết có tính chất tự truyện trong văn học Việt Nam
Luận án: Tiểu thuyết có tính chất tự truyện trong văn học Việt Nam
 
Luận văn: Yếu tố trữ tình trong truyện ngắn Trần Thùy Mai và Quế Hương
Luận văn: Yếu tố trữ tình trong truyện ngắn Trần Thùy Mai và Quế HươngLuận văn: Yếu tố trữ tình trong truyện ngắn Trần Thùy Mai và Quế Hương
Luận văn: Yếu tố trữ tình trong truyện ngắn Trần Thùy Mai và Quế Hương
 
Luận văn: Tiểu thuyết của Thuận từ góc nhìn kí hiệu học văn học trở nên cấp t...
Luận văn: Tiểu thuyết của Thuận từ góc nhìn kí hiệu học văn học trở nên cấp t...Luận văn: Tiểu thuyết của Thuận từ góc nhìn kí hiệu học văn học trở nên cấp t...
Luận văn: Tiểu thuyết của Thuận từ góc nhìn kí hiệu học văn học trở nên cấp t...
 
Luận văn: Nghệ thuật giễu nhại trong tiểu thuyết Ba ngôi của người
Luận văn: Nghệ thuật giễu nhại trong tiểu thuyết Ba ngôi của ngườiLuận văn: Nghệ thuật giễu nhại trong tiểu thuyết Ba ngôi của người
Luận văn: Nghệ thuật giễu nhại trong tiểu thuyết Ba ngôi của người
 
Thể loại văn học và sự phân loại tác phẩm văn học
Thể loại văn học và sự phân loại tác phẩm văn họcThể loại văn học và sự phân loại tác phẩm văn học
Thể loại văn học và sự phân loại tác phẩm văn học
 
Luận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIX
Luận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIXLuận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIX
Luận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIX
 
[Tiểu luận] Giá trị hiện thực trong thơ Đỗ Phủ
[Tiểu luận] Giá trị hiện thực trong thơ Đỗ Phủ[Tiểu luận] Giá trị hiện thực trong thơ Đỗ Phủ
[Tiểu luận] Giá trị hiện thực trong thơ Đỗ Phủ
 
Luận văn: Tiểu thuyết của Đỗ Phấn từ góc nhìn sinh thái, HOT
Luận văn: Tiểu thuyết của Đỗ Phấn từ góc nhìn sinh thái, HOTLuận văn: Tiểu thuyết của Đỗ Phấn từ góc nhìn sinh thái, HOT
Luận văn: Tiểu thuyết của Đỗ Phấn từ góc nhìn sinh thái, HOT
 
Giao trinh van hoc trung dai Viet Nam. Tap 1.pdf
Giao trinh van hoc trung dai Viet Nam. Tap 1.pdfGiao trinh van hoc trung dai Viet Nam. Tap 1.pdf
Giao trinh van hoc trung dai Viet Nam. Tap 1.pdf
 
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAYLuận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
 
Luận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đ
Luận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đLuận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đ
Luận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đ
 
Luận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đ
Luận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đLuận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đ
Luận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đ
 
Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975
Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975
Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975
 

Similar to Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Tô Hoài.pdf

Giao thoa thể loại trong Hồi ký Tô Hoài (Qua Cát bụi chân ai, Chiều chiều, ch...
Giao thoa thể loại trong Hồi ký Tô Hoài (Qua Cát bụi chân ai, Chiều chiều, ch...Giao thoa thể loại trong Hồi ký Tô Hoài (Qua Cát bụi chân ai, Chiều chiều, ch...
Giao thoa thể loại trong Hồi ký Tô Hoài (Qua Cát bụi chân ai, Chiều chiều, ch...nataliej4
 
Ngôn Ngữ Nghệ Thuật Trong Tiểu Thuyết Mười Lẻ Một Đêm Của Hồ Anh Thái.pdf
Ngôn Ngữ Nghệ Thuật Trong Tiểu Thuyết Mười Lẻ Một Đêm Của Hồ Anh Thái.pdfNgôn Ngữ Nghệ Thuật Trong Tiểu Thuyết Mười Lẻ Một Đêm Của Hồ Anh Thái.pdf
Ngôn Ngữ Nghệ Thuật Trong Tiểu Thuyết Mười Lẻ Một Đêm Của Hồ Anh Thái.pdfHanaTiti
 
Luận văn: Nghệ thuật giễu nhại trong tiểu thuyết Ba ngôi của người của Nguyễn...
Luận văn: Nghệ thuật giễu nhại trong tiểu thuyết Ba ngôi của người của Nguyễn...Luận văn: Nghệ thuật giễu nhại trong tiểu thuyết Ba ngôi của người của Nguyễn...
Luận văn: Nghệ thuật giễu nhại trong tiểu thuyết Ba ngôi của người của Nguyễn...Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
LUẬN VĂN Thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn Hồ Anh Thái 5467321.pdf
LUẬN VĂN Thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn Hồ Anh Thái 5467321.pdfLUẬN VĂN Thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn Hồ Anh Thái 5467321.pdf
LUẬN VĂN Thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn Hồ Anh Thái 5467321.pdfNuioKila
 
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh tháiLuận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh tháinataliej4
 
Th s33.006 thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của vi hồng
Th s33.006 thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của vi hồngTh s33.006 thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của vi hồng
Th s33.006 thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của vi hồnghttps://www.facebook.com/garmentspace
 
BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI CHUYÊN SÂU MÔN NGỮ VĂN 7 DÙNG CHUNG 3 BỘ SÁCH NĂM 202...
BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI CHUYÊN SÂU MÔN NGỮ VĂN 7 DÙNG CHUNG 3 BỘ SÁCH NĂM 202...BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI CHUYÊN SÂU MÔN NGỮ VĂN 7 DÙNG CHUNG 3 BỘ SÁCH NĂM 202...
BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI CHUYÊN SÂU MÔN NGỮ VĂN 7 DÙNG CHUNG 3 BỘ SÁCH NĂM 202...Nguyen Thanh Tu Collection
 
đặC điểm tiểu thuyết hồ biểu chánh
đặC điểm tiểu thuyết hồ biểu chánhđặC điểm tiểu thuyết hồ biểu chánh
đặC điểm tiểu thuyết hồ biểu chánhKelsi Luist
 
Luận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki Murakami
Luận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki MurakamiLuận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki Murakami
Luận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki MurakamiDịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG.pdf
AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG.pdfAI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG.pdf
AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG.pdfngTrang74
 
Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...
Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...
Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Tailieu.vncty.com the gioi-nhan_vat_trong_truyen_ngan_nguyen_cong_hoan_va_t...
Tailieu.vncty.com   the gioi-nhan_vat_trong_truyen_ngan_nguyen_cong_hoan_va_t...Tailieu.vncty.com   the gioi-nhan_vat_trong_truyen_ngan_nguyen_cong_hoan_va_t...
Tailieu.vncty.com the gioi-nhan_vat_trong_truyen_ngan_nguyen_cong_hoan_va_t...Trần Đức Anh
 
NGUYỄN DU VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdf
NGUYỄN DU VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdfNGUYỄN DU VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdf
NGUYỄN DU VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdfNuioKila
 
Xuân diệu về tác gia và tác phẩm
Xuân diệu về tác gia và tác phẩmXuân diệu về tác gia và tác phẩm
Xuân diệu về tác gia và tác phẩmjackjohn45
 
Phong cách nghệ thuật truyện ngắn thạch lam luận văn th s. văn học 6793262
Phong cách nghệ thuật truyện ngắn thạch lam   luận văn th s. văn học 6793262Phong cách nghệ thuật truyện ngắn thạch lam   luận văn th s. văn học 6793262
Phong cách nghệ thuật truyện ngắn thạch lam luận văn th s. văn học 6793262jackjohn45
 

Similar to Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Tô Hoài.pdf (20)

Giao thoa thể loại trong Hồi ký Tô Hoài (Qua Cát bụi chân ai, Chiều chiều, ch...
Giao thoa thể loại trong Hồi ký Tô Hoài (Qua Cát bụi chân ai, Chiều chiều, ch...Giao thoa thể loại trong Hồi ký Tô Hoài (Qua Cát bụi chân ai, Chiều chiều, ch...
Giao thoa thể loại trong Hồi ký Tô Hoài (Qua Cát bụi chân ai, Chiều chiều, ch...
 
Ngôn Ngữ Nghệ Thuật Trong Tiểu Thuyết Mười Lẻ Một Đêm Của Hồ Anh Thái.pdf
Ngôn Ngữ Nghệ Thuật Trong Tiểu Thuyết Mười Lẻ Một Đêm Của Hồ Anh Thái.pdfNgôn Ngữ Nghệ Thuật Trong Tiểu Thuyết Mười Lẻ Một Đêm Của Hồ Anh Thái.pdf
Ngôn Ngữ Nghệ Thuật Trong Tiểu Thuyết Mười Lẻ Một Đêm Của Hồ Anh Thái.pdf
 
Đặc Điểm Truyện Ngắn Tô Hoài Qua Chuyện Cũ Hà Nội.doc
Đặc Điểm Truyện Ngắn Tô Hoài Qua Chuyện Cũ Hà Nội.docĐặc Điểm Truyện Ngắn Tô Hoài Qua Chuyện Cũ Hà Nội.doc
Đặc Điểm Truyện Ngắn Tô Hoài Qua Chuyện Cũ Hà Nội.doc
 
Luận văn: Nghệ thuật giễu nhại trong tiểu thuyết Ba ngôi của người của Nguyễn...
Luận văn: Nghệ thuật giễu nhại trong tiểu thuyết Ba ngôi của người của Nguyễn...Luận văn: Nghệ thuật giễu nhại trong tiểu thuyết Ba ngôi của người của Nguyễn...
Luận văn: Nghệ thuật giễu nhại trong tiểu thuyết Ba ngôi của người của Nguyễn...
 
LUẬN VĂN Thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn Hồ Anh Thái 5467321.pdf
LUẬN VĂN Thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn Hồ Anh Thái 5467321.pdfLUẬN VĂN Thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn Hồ Anh Thái 5467321.pdf
LUẬN VĂN Thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn Hồ Anh Thái 5467321.pdf
 
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh tháiLuận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
 
Th s33.006 thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của vi hồng
Th s33.006 thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của vi hồngTh s33.006 thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của vi hồng
Th s33.006 thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của vi hồng
 
Thế Giới Nhân Vật Trong Truyện Ngắn Trang Thế Hy.doc
Thế Giới Nhân Vật Trong Truyện Ngắn Trang Thế Hy.docThế Giới Nhân Vật Trong Truyện Ngắn Trang Thế Hy.doc
Thế Giới Nhân Vật Trong Truyện Ngắn Trang Thế Hy.doc
 
BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI CHUYÊN SÂU MÔN NGỮ VĂN 7 DÙNG CHUNG 3 BỘ SÁCH NĂM 202...
BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI CHUYÊN SÂU MÔN NGỮ VĂN 7 DÙNG CHUNG 3 BỘ SÁCH NĂM 202...BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI CHUYÊN SÂU MÔN NGỮ VĂN 7 DÙNG CHUNG 3 BỘ SÁCH NĂM 202...
BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI CHUYÊN SÂU MÔN NGỮ VĂN 7 DÙNG CHUNG 3 BỘ SÁCH NĂM 202...
 
đặC điểm tiểu thuyết hồ biểu chánh
đặC điểm tiểu thuyết hồ biểu chánhđặC điểm tiểu thuyết hồ biểu chánh
đặC điểm tiểu thuyết hồ biểu chánh
 
Luận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki Murakami
Luận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki MurakamiLuận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki Murakami
Luận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki Murakami
 
Luận văn: Nghệ thuật tự sự trong truyện thiếu nhi về loài vật của Tô Hoài
Luận văn: Nghệ thuật tự sự trong truyện thiếu nhi về loài vật của Tô HoàiLuận văn: Nghệ thuật tự sự trong truyện thiếu nhi về loài vật của Tô Hoài
Luận văn: Nghệ thuật tự sự trong truyện thiếu nhi về loài vật của Tô Hoài
 
AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG.pdf
AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG.pdfAI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG.pdf
AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG.pdf
 
123
123123
123
 
Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...
Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...
Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...
 
Tailieu.vncty.com the gioi-nhan_vat_trong_truyen_ngan_nguyen_cong_hoan_va_t...
Tailieu.vncty.com   the gioi-nhan_vat_trong_truyen_ngan_nguyen_cong_hoan_va_t...Tailieu.vncty.com   the gioi-nhan_vat_trong_truyen_ngan_nguyen_cong_hoan_va_t...
Tailieu.vncty.com the gioi-nhan_vat_trong_truyen_ngan_nguyen_cong_hoan_va_t...
 
NGUYỄN DU VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdf
NGUYỄN DU VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdfNGUYỄN DU VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdf
NGUYỄN DU VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdf
 
Luận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAY
Luận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAYLuận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAY
Luận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAY
 
Xuân diệu về tác gia và tác phẩm
Xuân diệu về tác gia và tác phẩmXuân diệu về tác gia và tác phẩm
Xuân diệu về tác gia và tác phẩm
 
Phong cách nghệ thuật truyện ngắn thạch lam luận văn th s. văn học 6793262
Phong cách nghệ thuật truyện ngắn thạch lam   luận văn th s. văn học 6793262Phong cách nghệ thuật truyện ngắn thạch lam   luận văn th s. văn học 6793262
Phong cách nghệ thuật truyện ngắn thạch lam luận văn th s. văn học 6793262
 

More from HanaTiti

TRUYỀN THÔNG TRONG CÁC SỰ KIỆN NGHỆ THUẬT Ở VIỆT NAM NĂM 2012.pdf
TRUYỀN THÔNG TRONG CÁC SỰ KIỆN NGHỆ THUẬT Ở VIỆT NAM NĂM 2012.pdfTRUYỀN THÔNG TRONG CÁC SỰ KIỆN NGHỆ THUẬT Ở VIỆT NAM NĂM 2012.pdf
TRUYỀN THÔNG TRONG CÁC SỰ KIỆN NGHỆ THUẬT Ở VIỆT NAM NĂM 2012.pdfHanaTiti
 
TRỊ LIỆU TÂM LÝ CHO MỘT TRƢỜNG HỢP TRẺ VỊ THÀNH NIÊN CÓ TRIỆU CHỨNG TRẦM CẢM.pdf
TRỊ LIỆU TÂM LÝ CHO MỘT TRƢỜNG HỢP TRẺ VỊ THÀNH NIÊN CÓ TRIỆU CHỨNG TRẦM CẢM.pdfTRỊ LIỆU TÂM LÝ CHO MỘT TRƢỜNG HỢP TRẺ VỊ THÀNH NIÊN CÓ TRIỆU CHỨNG TRẦM CẢM.pdf
TRỊ LIỆU TÂM LÝ CHO MỘT TRƢỜNG HỢP TRẺ VỊ THÀNH NIÊN CÓ TRIỆU CHỨNG TRẦM CẢM.pdfHanaTiti
 
IMPACTS OF FINANCIAL DEPTH AND DOMESTIC CREDIT ON ECONOMIC GROWTH - THE CASES...
IMPACTS OF FINANCIAL DEPTH AND DOMESTIC CREDIT ON ECONOMIC GROWTH - THE CASES...IMPACTS OF FINANCIAL DEPTH AND DOMESTIC CREDIT ON ECONOMIC GROWTH - THE CASES...
IMPACTS OF FINANCIAL DEPTH AND DOMESTIC CREDIT ON ECONOMIC GROWTH - THE CASES...HanaTiti
 
THE LINKAGE BETWEEN CORRUPTION AND CARBON DIOXIDE EMISSION - EVIDENCE FROM AS...
THE LINKAGE BETWEEN CORRUPTION AND CARBON DIOXIDE EMISSION - EVIDENCE FROM AS...THE LINKAGE BETWEEN CORRUPTION AND CARBON DIOXIDE EMISSION - EVIDENCE FROM AS...
THE LINKAGE BETWEEN CORRUPTION AND CARBON DIOXIDE EMISSION - EVIDENCE FROM AS...HanaTiti
 
Phát triển dịch vụ Ngân hàng bán lẻ tại Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhậ...
Phát triển dịch vụ Ngân hàng bán lẻ tại Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhậ...Phát triển dịch vụ Ngân hàng bán lẻ tại Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhậ...
Phát triển dịch vụ Ngân hàng bán lẻ tại Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhậ...HanaTiti
 
Nhân vật phụ nữ trong truyện ngắn Cao Duy Sơn.pdf
Nhân vật phụ nữ trong truyện ngắn Cao Duy Sơn.pdfNhân vật phụ nữ trong truyện ngắn Cao Duy Sơn.pdf
Nhân vật phụ nữ trong truyện ngắn Cao Duy Sơn.pdfHanaTiti
 
Pháp luật về giao dịch bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam.pdf
Pháp luật về giao dịch bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam.pdfPháp luật về giao dịch bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam.pdf
Pháp luật về giao dịch bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam.pdfHanaTiti
 
Tổ chức dạy học lịch sử Việt Nam lớp 10 theo hướng phát triển năng lực vận dụ...
Tổ chức dạy học lịch sử Việt Nam lớp 10 theo hướng phát triển năng lực vận dụ...Tổ chức dạy học lịch sử Việt Nam lớp 10 theo hướng phát triển năng lực vận dụ...
Tổ chức dạy học lịch sử Việt Nam lớp 10 theo hướng phát triển năng lực vận dụ...HanaTiti
 
The impact of education on unemployment incidence - micro evidence from Vietn...
The impact of education on unemployment incidence - micro evidence from Vietn...The impact of education on unemployment incidence - micro evidence from Vietn...
The impact of education on unemployment incidence - micro evidence from Vietn...HanaTiti
 
Deteminants of brand loyalty in the Vietnamese neer industry.pdf
Deteminants of brand loyalty in the Vietnamese neer industry.pdfDeteminants of brand loyalty in the Vietnamese neer industry.pdf
Deteminants of brand loyalty in the Vietnamese neer industry.pdfHanaTiti
 
Phát triển hoạt động môi giới chứng khoán của CTCP Alpha.pdf
Phát triển hoạt động môi giới chứng khoán của CTCP Alpha.pdfPhát triển hoạt động môi giới chứng khoán của CTCP Alpha.pdf
Phát triển hoạt động môi giới chứng khoán của CTCP Alpha.pdfHanaTiti
 
The current situation of English language teaching in the light of CLT to the...
The current situation of English language teaching in the light of CLT to the...The current situation of English language teaching in the light of CLT to the...
The current situation of English language teaching in the light of CLT to the...HanaTiti
 
Quản lý chi ngân sách nhà nước tại Kho bạc nhà nước Ba Vì.pdf
Quản lý chi ngân sách nhà nước tại Kho bạc nhà nước Ba Vì.pdfQuản lý chi ngân sách nhà nước tại Kho bạc nhà nước Ba Vì.pdf
Quản lý chi ngân sách nhà nước tại Kho bạc nhà nước Ba Vì.pdfHanaTiti
 
Sự tiếp nhận đối với Hàng không giá rẻ của khách hàng Việt Nam.pdf
Sự tiếp nhận đối với Hàng không giá rẻ của khách hàng Việt Nam.pdfSự tiếp nhận đối với Hàng không giá rẻ của khách hàng Việt Nam.pdf
Sự tiếp nhận đối với Hàng không giá rẻ của khách hàng Việt Nam.pdfHanaTiti
 
An Investigation into the Effect of Matching Exercises on the 10th form Stude...
An Investigation into the Effect of Matching Exercises on the 10th form Stude...An Investigation into the Effect of Matching Exercises on the 10th form Stude...
An Investigation into the Effect of Matching Exercises on the 10th form Stude...HanaTiti
 
Đánh giá chất lượng truyền tin multicast trên tầng ứng dụng.pdf
Đánh giá chất lượng truyền tin multicast trên tầng ứng dụng.pdfĐánh giá chất lượng truyền tin multicast trên tầng ứng dụng.pdf
Đánh giá chất lượng truyền tin multicast trên tầng ứng dụng.pdfHanaTiti
 
Quản lý các trường THCS trên địa bàn huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ theo hướng...
Quản lý các trường THCS trên địa bàn huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ theo hướng...Quản lý các trường THCS trên địa bàn huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ theo hướng...
Quản lý các trường THCS trên địa bàn huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ theo hướng...HanaTiti
 
Nghiên cứu và đề xuất mô hình nuôi tôm bền vững vùng ven biển huyện Thái Thụy...
Nghiên cứu và đề xuất mô hình nuôi tôm bền vững vùng ven biển huyện Thái Thụy...Nghiên cứu và đề xuất mô hình nuôi tôm bền vững vùng ven biển huyện Thái Thụy...
Nghiên cứu và đề xuất mô hình nuôi tôm bền vững vùng ven biển huyện Thái Thụy...HanaTiti
 
PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP THƯƠNG MẠI NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH.pdf
PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP THƯƠNG MẠI NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH.pdfPHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP THƯƠNG MẠI NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH.pdf
PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP THƯƠNG MẠI NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH.pdfHanaTiti
 
ENERGY CONSUMPTION AND REAL GDP IN ASEAN.pdf
ENERGY CONSUMPTION AND REAL GDP IN ASEAN.pdfENERGY CONSUMPTION AND REAL GDP IN ASEAN.pdf
ENERGY CONSUMPTION AND REAL GDP IN ASEAN.pdfHanaTiti
 

More from HanaTiti (20)

TRUYỀN THÔNG TRONG CÁC SỰ KIỆN NGHỆ THUẬT Ở VIỆT NAM NĂM 2012.pdf
TRUYỀN THÔNG TRONG CÁC SỰ KIỆN NGHỆ THUẬT Ở VIỆT NAM NĂM 2012.pdfTRUYỀN THÔNG TRONG CÁC SỰ KIỆN NGHỆ THUẬT Ở VIỆT NAM NĂM 2012.pdf
TRUYỀN THÔNG TRONG CÁC SỰ KIỆN NGHỆ THUẬT Ở VIỆT NAM NĂM 2012.pdf
 
TRỊ LIỆU TÂM LÝ CHO MỘT TRƢỜNG HỢP TRẺ VỊ THÀNH NIÊN CÓ TRIỆU CHỨNG TRẦM CẢM.pdf
TRỊ LIỆU TÂM LÝ CHO MỘT TRƢỜNG HỢP TRẺ VỊ THÀNH NIÊN CÓ TRIỆU CHỨNG TRẦM CẢM.pdfTRỊ LIỆU TÂM LÝ CHO MỘT TRƢỜNG HỢP TRẺ VỊ THÀNH NIÊN CÓ TRIỆU CHỨNG TRẦM CẢM.pdf
TRỊ LIỆU TÂM LÝ CHO MỘT TRƢỜNG HỢP TRẺ VỊ THÀNH NIÊN CÓ TRIỆU CHỨNG TRẦM CẢM.pdf
 
IMPACTS OF FINANCIAL DEPTH AND DOMESTIC CREDIT ON ECONOMIC GROWTH - THE CASES...
IMPACTS OF FINANCIAL DEPTH AND DOMESTIC CREDIT ON ECONOMIC GROWTH - THE CASES...IMPACTS OF FINANCIAL DEPTH AND DOMESTIC CREDIT ON ECONOMIC GROWTH - THE CASES...
IMPACTS OF FINANCIAL DEPTH AND DOMESTIC CREDIT ON ECONOMIC GROWTH - THE CASES...
 
THE LINKAGE BETWEEN CORRUPTION AND CARBON DIOXIDE EMISSION - EVIDENCE FROM AS...
THE LINKAGE BETWEEN CORRUPTION AND CARBON DIOXIDE EMISSION - EVIDENCE FROM AS...THE LINKAGE BETWEEN CORRUPTION AND CARBON DIOXIDE EMISSION - EVIDENCE FROM AS...
THE LINKAGE BETWEEN CORRUPTION AND CARBON DIOXIDE EMISSION - EVIDENCE FROM AS...
 
Phát triển dịch vụ Ngân hàng bán lẻ tại Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhậ...
Phát triển dịch vụ Ngân hàng bán lẻ tại Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhậ...Phát triển dịch vụ Ngân hàng bán lẻ tại Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhậ...
Phát triển dịch vụ Ngân hàng bán lẻ tại Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhậ...
 
Nhân vật phụ nữ trong truyện ngắn Cao Duy Sơn.pdf
Nhân vật phụ nữ trong truyện ngắn Cao Duy Sơn.pdfNhân vật phụ nữ trong truyện ngắn Cao Duy Sơn.pdf
Nhân vật phụ nữ trong truyện ngắn Cao Duy Sơn.pdf
 
Pháp luật về giao dịch bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam.pdf
Pháp luật về giao dịch bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam.pdfPháp luật về giao dịch bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam.pdf
Pháp luật về giao dịch bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam.pdf
 
Tổ chức dạy học lịch sử Việt Nam lớp 10 theo hướng phát triển năng lực vận dụ...
Tổ chức dạy học lịch sử Việt Nam lớp 10 theo hướng phát triển năng lực vận dụ...Tổ chức dạy học lịch sử Việt Nam lớp 10 theo hướng phát triển năng lực vận dụ...
Tổ chức dạy học lịch sử Việt Nam lớp 10 theo hướng phát triển năng lực vận dụ...
 
The impact of education on unemployment incidence - micro evidence from Vietn...
The impact of education on unemployment incidence - micro evidence from Vietn...The impact of education on unemployment incidence - micro evidence from Vietn...
The impact of education on unemployment incidence - micro evidence from Vietn...
 
Deteminants of brand loyalty in the Vietnamese neer industry.pdf
Deteminants of brand loyalty in the Vietnamese neer industry.pdfDeteminants of brand loyalty in the Vietnamese neer industry.pdf
Deteminants of brand loyalty in the Vietnamese neer industry.pdf
 
Phát triển hoạt động môi giới chứng khoán của CTCP Alpha.pdf
Phát triển hoạt động môi giới chứng khoán của CTCP Alpha.pdfPhát triển hoạt động môi giới chứng khoán của CTCP Alpha.pdf
Phát triển hoạt động môi giới chứng khoán của CTCP Alpha.pdf
 
The current situation of English language teaching in the light of CLT to the...
The current situation of English language teaching in the light of CLT to the...The current situation of English language teaching in the light of CLT to the...
The current situation of English language teaching in the light of CLT to the...
 
Quản lý chi ngân sách nhà nước tại Kho bạc nhà nước Ba Vì.pdf
Quản lý chi ngân sách nhà nước tại Kho bạc nhà nước Ba Vì.pdfQuản lý chi ngân sách nhà nước tại Kho bạc nhà nước Ba Vì.pdf
Quản lý chi ngân sách nhà nước tại Kho bạc nhà nước Ba Vì.pdf
 
Sự tiếp nhận đối với Hàng không giá rẻ của khách hàng Việt Nam.pdf
Sự tiếp nhận đối với Hàng không giá rẻ của khách hàng Việt Nam.pdfSự tiếp nhận đối với Hàng không giá rẻ của khách hàng Việt Nam.pdf
Sự tiếp nhận đối với Hàng không giá rẻ của khách hàng Việt Nam.pdf
 
An Investigation into the Effect of Matching Exercises on the 10th form Stude...
An Investigation into the Effect of Matching Exercises on the 10th form Stude...An Investigation into the Effect of Matching Exercises on the 10th form Stude...
An Investigation into the Effect of Matching Exercises on the 10th form Stude...
 
Đánh giá chất lượng truyền tin multicast trên tầng ứng dụng.pdf
Đánh giá chất lượng truyền tin multicast trên tầng ứng dụng.pdfĐánh giá chất lượng truyền tin multicast trên tầng ứng dụng.pdf
Đánh giá chất lượng truyền tin multicast trên tầng ứng dụng.pdf
 
Quản lý các trường THCS trên địa bàn huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ theo hướng...
Quản lý các trường THCS trên địa bàn huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ theo hướng...Quản lý các trường THCS trên địa bàn huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ theo hướng...
Quản lý các trường THCS trên địa bàn huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ theo hướng...
 
Nghiên cứu và đề xuất mô hình nuôi tôm bền vững vùng ven biển huyện Thái Thụy...
Nghiên cứu và đề xuất mô hình nuôi tôm bền vững vùng ven biển huyện Thái Thụy...Nghiên cứu và đề xuất mô hình nuôi tôm bền vững vùng ven biển huyện Thái Thụy...
Nghiên cứu và đề xuất mô hình nuôi tôm bền vững vùng ven biển huyện Thái Thụy...
 
PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP THƯƠNG MẠI NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH.pdf
PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP THƯƠNG MẠI NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH.pdfPHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP THƯƠNG MẠI NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH.pdf
PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP THƯƠNG MẠI NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH.pdf
 
ENERGY CONSUMPTION AND REAL GDP IN ASEAN.pdf
ENERGY CONSUMPTION AND REAL GDP IN ASEAN.pdfENERGY CONSUMPTION AND REAL GDP IN ASEAN.pdf
ENERGY CONSUMPTION AND REAL GDP IN ASEAN.pdf
 

Recently uploaded

Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxChàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxendkay31
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líDr K-OGN
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................TrnHoa46
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxTrích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxnhungdt08102004
 
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdfSơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdftohoanggiabao81
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdfTrnHoa46
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfchuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfVyTng986513
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...hoangtuansinh1
 
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhvanhathvc
 
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxpowerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxAnAn97022
 
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdfNQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdfNguyễn Đăng Quang
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...ThunTrn734461
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfhoangtuansinh1
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 

Recently uploaded (20)

Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxChàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxTrích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
 
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
 
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdfSơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
 
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
 
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfchuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
 
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
 
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxpowerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
 
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdfNQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 

Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Tô Hoài.pdf

  • 1. 1 ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN ----------------------------------------------------- MAI THỊ NGA NGHỆ THUẬT TỰ SỰ TRONG TIỂU THUYẾT TÔ HOÀI LUẬN VĂN THẠC SĨ Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Hà Nội-2012
  • 2. 2 ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN ----------------------------------------------------- MAI THỊ NGA NGHỆ THUẬT TỰ SỰ TRONG TIỂU THUYẾT TÔ HOÀI Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 60 22 01 21 Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. ĐOÀN ĐỨC PHƯƠNG Hà Nội-2012
  • 3. 4 MỤC LỤC Trang MỞ ĐẦU 2 1. Lý do chọn đề tà 2 2. Lịch sử vấn đề 3 3. Đối tượng, phạm vi và mục đích nghiên cứu 5 4. Phương pháp nghiên cứu 6 5. Cấu trúc của luận văn 6 NỘI DUNG 7 Chương 1: Khái lược về nghệ thuật tự sự và hành trình sáng tác của Tô Hoài 7 1.1. Khái lược về nghệ thuật tự sự 7 1.1.1. Tự sự 7 1.1.2. Tự sự học 8 1.2. Hành trình sáng tác của Tô Hoài 10 1.2.1. Sơ lược tiểu sử 10 1.2.2. Hành trình sáng tác 11 1.2.3. Tiểu thuyết của Tô Hoài 14 Chương 2: Nghệ thuật tổ chức cốt truyện và xây dựng nhân vật 18 2.1. Nghệ thuật tổ chức cốt truyện 18 2.1.1. Cốt truyện sự kiện trong tiểu thuyết của Tô Hoài 19 2.1.2. Tổ chức diễn biến cốt truyện trong tiểu thuyết Tô Hoài 27 2.2. Nghệ thuật xây dựng nhân vật 37 2.2.1. Khắc họa nhân vật qua các chi tiết 39 2.2.2. Khắc họa nhân vật qua ngoại hình và hành động 44 2.2.3. Khắc họa nhân vật qua biểu hiện nội tâm và ngôn ngữ 56 Chương 3: Người kể chuyện và ngôn ngữ trần thuật 67 3.1. Người kể chuyện trong tiểu thuyết của Tô Hoài 67 3.1.1. Người kể chuyện 67 3.1.2. Điểm nhìn trần thuật 74 3.1.3. Giọng điệu trần thuật 79 3.1.3.1. Giọng dửng dưng lạnh lùng, pha chút mỉa mai, châm biếm 80 3.1.3.2. Giọng điệu trữ tình, ấm áp, tươi vui 81 3.1.3.3. Giọng điệu dí dỏm, hài hước. 84 3.2. Ngôn ngữ trần thuật 86
  • 4. 5 3.2.1. Ngôn ngữ giàu tính tạo hình 87 3.2.2. Ngôn ngữ giàu tính khẩu ngữ 92 3.2.3. Lớp ngôn từ gợi không khí một thời 96 KẾT LUẬN 101 TÀI LIỆU THAM KHẢO 105
  • 5. 6 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Trên 60 năm “phiêu lưu” qua hơn 20 quốc gia Dế Mèn phiêu lưu ký vẫn là tác phẩm được yêu thích của bạn đọc. Và thật may mắn khi cha đẻ của nó mặc dù đã qua tuổi 90 vẫn ung dung, hóm hỉnh nụ cười với thế thái nhân tình. Trời cho Tô Hoài vốn sức khỏe và chính ông làm cho vốn ấy ngày càng có lãi. Hơn ai hết Tô Hoài hiểu lao động là hạnh phúc. Mỗi ngày với ông không một chút lãng phí, không một giây nào không có ý nghĩa. Khi tuổi còn đang ở độ hừng hực ông “viết như là chạy thi”; khi đã đủ chín chắn và muốn hiểu thêm về những cuộc đời, những vùng miền ông hăng hái “lên vùng cao đất mới”; rồi khi thấy cần một nơi yên tĩnh để chiêm nghiệm lại mọi thứ ông “trở về với những miền thân thuộc”; trở về là để chuẩn bị cho một cuộc “phiêu lưu” mới và giờ đây khi thế hệ trẻ non nớt đang cần những chú Dế Mèn có tâm hồn để đối trọng với thế giới hiện đại vô cảm thì Tô Hoài lại sẵn sàng cho những điều còn trăn trở, còn bỏ ngỏ khi ông ở tuổi đôi mươi. Cuộc “phiêu lưu” của nhà văn Tô Hoài có lẽ là cuộc phiêu lưu trường kì, ý nghĩa và nhiều kết quả nhất mà nhà văn nào cũng ao ước có được trong cuộc đời cầm bút của mình. Khi nhắc đến Tô Hoài, người ta nhớ đến “một nhà văn có nhiều cái nhất”, một nhà văn là “vinh dự cho Hà Nội, tài sản của Hà Nội” (Hữu Thỉnh). Tác phẩm của Tô Hoài không chỉ là một kho tri thức khổng lồ mà còn là những bài học khiến chúng ta đọc rồi phải suy ngẫm về hôm qua, hôm nay và cả mai sau. Mỗi lần tìm hiểu về những tác phẩm của Tô Hoài là một lần người ta tìm ra những tầng vỉa ẩn sau lớp chữ nghĩa giản dị, đời thường. Do vậy, hết thế hệ này đến thế hệ khác vẫn không nguôi ý định tìm hiểu vẻ đẹp những tác phẩm của Tô Hoài. Chúng tôi cũng muốn góp một phần bé nhỏ trong công việc của người nghiên cứu để hiểu hơn về phong cách của một nhà văn cả đời miệt mài đi tìm con chữ cống hiến cho đời.
  • 6. 7 Việc viết lách của nhà văn trở thành cơm bữa hàng ngày không thể thiếu. Vì thế ở Tô Hoài không chỉ có khối lượng tác phẩm đồ sộ mà còn tập hợp đa dạng các thể loại như một cánh rừng với đủ các loại thảo mộc lớn nhỏ thuộc các chủng loại khác nhau. Ở mỗi thể loại, Tô Hoài thể hiện một “gương mặt”, một dấu ấn riêng không thể nhòe lẫn. Tiểu thuyết có lẽ là thể loại mà ở đó Tô Hoài nếm đủ vị đời của văn chương : có cay đắng, ngọt bùi, vinh quang và cả thờ ơ. Nhưng cũng chính ở thể loại này người ta mới nhận ra sự tích tụ từ những thể loại khác mà nhà văn đã có cả một quá trình vun góp. Nếu các truyện ngắn là những mảnh nhỏ của cảnh đời, những ký họa chân dung con người, thì tiểu thuyết là cả một dòng sông cuộc đời trôi chảy của bao nhiêu sự việc, câu chuyện, đời người. Tìm hiểu về tiểu thuyết của Tô Hoài theo hướng tự sự học sẽ góp phần làm sáng tỏ sự tích tụ, sự thống nhất, sự phát triển của phong cách nhà văn theo dòng thời gian. Nghiên cứu truyện kể dưới góc độ tự sự học đang là xu hướng có nhiều triển vọng trên thế giới và trong nước. Đó không chỉ là cách thức kể chuyện sao cho câu chuyện trở nên hấp dẫn mà còn là cách để nhà văn lý giải sự vật, hiện tượng một cách hiệu quả. Tìm hiểu kĩ thuật viết tiểu thuyết của Tô Hoài, chúng ta sẽ lí giải được sức sống, sự hấp dẫn, mới mẻ của tiểu thuyết Tô Hoài. 2. Lịch sử vấn đề Tính đến nay, Tô Hoài đã có ngót 70 năm cầm bút, dấn thân vào nghiệp văn chương. Kết quả ông gặt hái được là một khối lượng đồ sộ về tác phẩm và một chỗ đứng vững chắc trong làng văn chương Việt Nam. Việc nghiên cứu về Tô Hoài đã bắt đầu từ trước năm 1945 và đến nay vẫn tiếp tục. Trước năm 1945, các truyện ngắn về đề tài nông thôn, dân quê và thiếu nhi được bạn đọc đón nhận và bước đầu ghi nhận một dấu ấn riêng của nhà văn Tô Hoài. Vũ Ngọc Phan đã xếp Tô Hoài vào nhóm “các tác giả tả chân” và đánh giá Tô Hoài là “nhà văn có biệt tài viết về những cảnh nghèo nàn của dân quê” [13; 21]. Sau năm 1945, Tô Hoài viết nhiều hơn, dày hơn, ở nhiều thể loại, ở nhiều mảng đề tài khác nhau nhưng tiêu biểu hơn cả là đề tài miền núi và Hà Nội. Thời điểm này Tô Hoài đã nhận được nhiều lời khen về khả năng bao quát đời sống hiện
  • 7. 8 thực, sự khắc họa công phu đời sống và thiên nhiên miền núi. Tuy vậy cũng có những đánh giá không đồng tình về tư tưởng và quan điểm nghệ thuật của Tô Hoài ở một số tiểu thuyết. Nhiều tác phẩm vẫn được người đọc đón nhận, nhưng lại ít có bài bàn bạc và bình luận. Sau năm 1975, cùng với các bài phê bình, giới thiệu tác phẩm, các công trình nghiên cứu về Tô Hoài trở nên sôi nổi và có nhiều kết quả. Tiêu biểu là các tiểu luận của Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Vân Thanh,…Phan Cự Đệ đã nhận xét: “Tô Hoài không chìm đắm trong thiên nhiên, không tìm ở thiên nhiên một lối thoát, một niềm an ủi như các nhà lãng mạn tiêu cực, nhưng bao giờ anh cũng chắt chiu, trân trọng những vẻ đẹp và chất thơ của đời sống” [13; 87 ]. Hà Minh Đức thì cho rằng : “Tác phẩm của Tô Hoài luôn khai thác ở mạch chìm sâu của cuộc đời nơi bóng tối đang còn đè nặng”[13; 119] và “Tô Hoài, một cây bút văn xuôi sắc sảo và đa dạng” [13; 131]. Vương Trí Nhàn là người có những bài viết sâu sắc, hấp dẫn về Tô Hoài. Nhà phê bình đã không quá lời khi nhận xét Tô Hoài đã “viết là say và viết là tỉnh. Viết để ghi lại những gì đã sống, viết lại chính mình là sự sống nữa”[13; 195], bởi thực tế cuộc đời cầm bút cần mẫn và chuyên nghiệp của Tô Hoài đã chứng minh cho sự sống mãnh liệt, dẻo dai, bền bỉ của ông. Để có cái nhìn đầy đủ hơn về nhà văn, NXB Giáo dục đã cho xuất bản và tái bản nhiều lần cuốn Tô Hoài về tác gia và tác phẩm. Đây thực sự là cuốn sách tổng hợp tương đối đầy đủ và toàn diện các bài nghiên cứu về Tô Hoài từ trước đến nay. Điều này cho thấy vị trí của Tô Hoài trong nền văn học nước nhà – một tác giả lớn của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam. Trong những thập niên gần đây, có nhiều khóa luận, luận văn, luận án đi sâu vào tìm tòi, phát hiện những sáng tạo độc đáo, chất thẩm mĩ mới trong văn chương Tô Hoài (Tìm hiểu sáng tác miền núi, người kể chuyện trong hồi kí và tự truyện, đặc điểm nghệ thuật truyện ngắn… ). Như vậy, có thể khẳng định Tô Hoài là một hiện tượng văn học được nghiên cứu nhiều. Các nghiên cứu về Tô Hoài và tác phẩm của ông đều hướng đến đánh giá cao bút lực dồi dào, độc đáo, và giá trị đích thực của văn chương ông.
  • 8. 9 Trong khối lượng tác phẩm đồ sộ của Tô Hoài không thể không nhắc tới tiểu thuyết - con đẻ của thời hiện đại. Tuy số lượng tiểu thuyết so với các thể loại khác không nhiều nhưng thực sự nó rải đều cả quá trình sáng tác của nhà văn, và cũng là thể loại tác giả dồn nhiều tâm huyết nhất. Đã có không ít các bài viết về tiểu thuyết của Tô Hoài. Có thể kể đến: Như Phong với Vấn đề tiểu thuyết Mười năm, Tô Hoài với Miền Tây, Phan Cự Đệ với Tiểu thuyết Đảo hoang của Tô Hoài; Hà Minh Đức với, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ, tuổi trẻ kiên cường và bất khuất, Tiểu thuyết Mười năm của Tô Hoài … Đặc biệt là những nghiên cứu dưới góc độ tự sự học, một hướng nghiên cứu có nhiều triển vọng để giải mã nghệ thuật ngôn từ. Đó là các khóa luận, luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết Ba người khác của Tô Hoài (Nguyễn Thị Thùy Dương), Cốt truyện và nhân vật trong tiểu thuyết Ba người khác của nhà văn Tô Hoài (Nguyễn Thị Thanh Thủy)… Những nghiên cứu trên đây là kết quả có ý nghĩa để người đọc hiểu biết thêm về Tô Hoài và tác phẩm của ông. Tuy vậy, các nghiên cứu đó một là mới dừng lại tìm hiểu ở từng tiểu thuyết của Tô Hoài, hai là mới nghiên cứu riêng lẻ một số yếu tố thuộc nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Tô Hoài. Chúng tôi lĩnh hội những kết quả của người nghiên cứu trước và thông qua luận văn của mình muốn được nghiên cứu một cách đầy đủ, thấu đáo, đặt các yếu tố thuộc nghệ thuật tự sự liên kết với nhau trong một cấu trúc tự sự chỉnh thể để làm nổi bật “vai trò của chủ thể trần thuật” theo quan niệm của tự sự học. 3. Mục đích, đối tượng, phạm vi nghiên cứu Luận văn tìm hiểu cách nhà văn trần thuật để từ đó lý giải những vấn đề nhà văn đặt ra trong cuộc sống, đồng thời rút ra được phong cách nghệ thuật độc đáo của Tô Hoài. Luận văn lựa chọn các phương diện của nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết của Tô Hoài làm đối tượng nghiên cứu của mình. Đó là Nghệ thuật tổ chức cốt truyện, nghệ thuật xây dựng nhân vật, người kể chuyện và ngôn ngữ trần thuật Tô Hoài có 7 tiểu thuyết và một số truyện dài được coi như tiểu thuyết thuộc các giai đoạn sáng tác khác nhau. Tuy nhiên phạm vi khảo sát của luận văn chỉ gồm bốn tiểu thuyết Miền Tây (Nhà xuất bản văn học, 1973), Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ
  • 9. 10 (Nhà xuất bản Thanh Niên, 1971), Đảo hoang (Nhà xuất bản văn học, 1969), Ba người khác (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2007). 4. Phương pháp nghiên cứu Để đạt mục đích trên, chúng tôi sử dụng các phương pháp: Phương pháp tiếp cận thi pháp học, Phương pháp hệ thống, phương pháp so sánh, phương pháp phân tích, phương pháp tổng hợp v.v… 5. Cấu trúc của luận văn Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, luận văn gồm có 3 chương: Chương 1: Khái lược về nghệ thuật tự sự và hành trình sáng tác của Tô Hoài. Chương 2: Nghệ thuật tổ chức cốt truyện và xây dựng nhân vật. Chương 3: Người kể chuyện và ngôn ngữ trần thuật.
  • 10. 11 NỘI DUNG CHƯƠNG 1 KHÁI LƯỢC VỀ NGHỆ THUẬT TỰ SỰ VÀ HÀNH TRÌNH SÁNG TÁC CỦA TÔ HOÀI 1.1. Khái lược về nghệ thuật tự sự 1.1.1. Tự sự Roland Barthes nói: "đã có bản thân lịch sử loài người, thì đã có tự sự" [19; 13]. Và như vậy, bản chất của tự sự ngày nay được hiểu là một sự truyền đạt thông tin, là quá trình phát ra trong quá trình giao tiếp, văn bản tự sự là cụm thông tin được phát ra, và tự sự có thể thực hiện bằng nhiều phương thức, con đường. Hội họa, hình thức kí hiệu ghi chép tối sơ của loài người, có thể miêu tả đối tượng săn bắt, chỉ ra bộ phận phải bắn trúng, kế hoạch vây bắt. Điêu khắc, kiến trúc... đều là phương tiện tự sự. Tự sự nằm trong bản chất của con người, bởi con người là một động vật biết tự sự. Muốn hiểu một sự vật nào thì người ta kể câu chuyện về sự vật đó. Nhà giải cấu trúc Mĩ J.H.Miller có nói (1993): "Tự sự là cách để ta đưa các sự việc vào một trật tự, và từ trật tự ấy mà chúng có được ý nghĩa [19; 12]. Tự sự là cách tạo nghĩa cho sự kiện, biến cố"; và Jonathan Culler (1998) cũng nói: "Tự sự là phương thức chủ yếu để con người hiểu biết sự vật" [19; 12]. Như vậy, tự sự là một khái niệm được sử dụng rộng rãi và có tính chất liên ngành. Tự sự tồn tại và được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, tuy vậy, trong các hình thức tự sự, chỉ có tự sự văn học là phức tạp nhất, và nó làm thành đối tượng chủ yếu của tự sự học. Với ý nghĩa tự sự như một phương thức tạo nghĩa và truyền thông tin trong văn học, tự sự có trong thơ, trong kịch, chứ không chỉ là trong truyện ngắn, tiểu thuyết, ngụ ngôn... Và đối tượng chủ yếu của tự sự học là nghệ thuật tự sự. 1.1.2. Tự sự học
  • 11. 12 Tự sự học (Narratology) là thuật ngữ do nhà nghiên cứu người Pháp T.Todorov đề xuất năm 1969, và nó là “một bộ phận cấu thành của hệ hình lý luận hiện đại”. Và lý thuyết về tự sự đã bổ sung cho lý thuyết về tiểu thuyết, trở thành một trong những vấn đề chủ yếu của nghiên cứu văn học. Từ thời cổ đại, đã có tự sự học, nhưng tự sự học lúc đó được hiểu trong giới hạn của tu từ học. Ban đầu người ta biết phân biệt các loại tự sự : tự sự lịch sử khác tự sự nghệ thuật. Sau đó phân biệt đến tự sự mô phỏng với tự sự giải thích, tự sự hỗn hợp. Như vậy tự sự học đã được cha ông ta biết đến từ xa xưa, từ thời của Platon và Aristote. Tuy được biết đến từ lâu nhưng từ cuối thế kỉ XIX tự sự học hiện đại mới manh nha hình thành. Những thập niên đầu B.Tomasepxki, V.Shklovski, V.Propp, Bakhtin là những người mở đường cho tự sự học hiện đại. Và sự phát triển của tự sự học theo thời gian, thành tựu có thể chia làm ba thời kì. Thời kì trước chủ nghĩa cấu trúc, tự sự học chủ yếu nghiên cứu các thành phần và chức năng của tự sự như cốt truyện, nhân vật, ngôn từ trần thuật, điểm nhìn… Có thể kể đến các công trình của B.Tomasepxki nghiên cứu các yếu tố và đơn vị của tự sự (1925), V.Propp nghiên cứu cấu trúc và chức năng tự sự của truyện cổ tích (1928), các vấn đề điểm nhìn, dòng ý thức được quan tâm với Percy Lubbock… Các sáng tác của các nhà tiểu thuyết phương Tây thời kì này đã khơi gợi cho các nhà nghiên cứu những tìm tòi, khám phá về tự sự học gắn với ý thức về kĩ thuật của tiểu thuyết. Giai đoạn tiếp theo của tự sự học là thời kì cấu trúc chủ nghĩa với vấn đề nghiên cứu chủ yếu là bản chất ngôn ngữ và ngữ pháp của tự sự nhằm tìm ra một cách đọc mà không cần đến sự đối chiếu giữa tác phẩm tự sự và hiện thực khách quan. Với mục đích như trên, chủ nghĩa cấu trúc có đặc điểm là lấy ngôn ngữ học làm hình mẫu, xem tự sự học là sự mở rộng của cú pháp học, còn trữ tình là sự mở rộng của ẩn dụ. Tiêu biểu cho giai đoạn nghiên cứu này là G.Genette với tuyên bố “mỗi câu chuyện là sự mở rộng của một câu - chủ yếu là vị ngữ động từ” [19; 14]. Thời kì thứ ba của tự sự học là thời kì hậu cấu trúc chủ nghĩa coi tự sự học gắn liền với kí hiệu học và siêu kí hiệu học, lấy văn bản làm cơ sở và ý nghĩa tác phẩm được biểu hiện qua hình thức tự sự. Các đại diện tiêu biểu thời kì này là I.Lotman,
  • 12. 13 B.Uspenski, Pierre Acherey. Họ coi trọng phân tích hình thức như các tác giả thời kì thứ hai nhưng lại không tán thành việc sao phỏng giản đơn các mô hình ngôn ngữ học. Họ coi trọng vai trò tác động của hình thái ý thức, nêu yêu cầu lí thuyết tự sự phải gắn với chức năng nhận thức và giao tiếp. Tự sự học là một lĩnh vực tri thức rộng lớn, trở thành một trong những lĩnh vực học thuật được phổ biến, quan tâm trên thế giới và lý thuyết về tự sự học không ngừng được khám phá từ xưa tới nay. Đã có nhiều thành tựu với hệ thống chặt chẽ, kiến thức rộng và sâu, song tự sự học vẫn còn không ngừng mở rộng và phát triển. Mỗi giai đoạn ta nhận thấy sự thay đổi về hệ hình lí thuyết, các tầng bậc và phương pháp nghiên cứu tự sự. Ở giai đoạn đầu tương ứng là hệ hình tự sự học kinh điển tập trung nghiên cứu cấu trúc của truyện, mối quan hệ của các sự kiện tạo nên truyện. Bước phát triển thứ hai của tự sự học là theo hướng chủ nghĩa cấu trúc kinh điển, hướng này chủ yếu nghiên cứu lời kể, cách kể, hay còn gọi là nghiên cứu diễn ngôn tự sự. Và ngày nay, hướng thứ ba là mô hình tự sự học có công thức “tự sự học + X”. Quan niệm này thực sự mở rộng phạm vi của tự sự học, tạo ra mối liên kết, liên ngành giữa tự sự học với các lĩnh vực khác có liên quan. Với sự phát triển không ngừng của tự sự học như vậy có thể khẳng định tự sự học có một vai trò rất lớn trong nghiên cứu cấu trúc tự sự. Tự sự học hiện đại cho chúng ta thấy rõ vai trò của chủ thể trong trần thuật khi phân biệt kể cái gì và kể như thế nào. Lần đầu tiên nó làm cho người trần thuật vô hình vốn ít được người ta chú ý phân tích, được hiện ra như là một hệ thống biểu đạt. Lí thuyết tự sự cũng chỉ ra kết cấu của các tầng bậc trần thuật và theo đó xuất hiện các kiểu người trần thuật khác nhau. Lí thuyết tự sự hiện đại đã nêu ra các khái niệm về góc nhìn, điểm nhìn, tiêu cự… điều đó giúp phân tích, nhận dạng hình thức tự sự. Nghiên cứu tự sự học đang là một xu thế có nhiều triển vọng trong lí luận văn học và nó ngày càng có ý nghĩa văn hóa rộng lớn. Nó không chỉ mở ra khả năng nghiên cứu truyền thống tự sự trong mỗi nền văn học, và nghiên cứu so sánh quốc tế về phương diện tự sự, nghiên cứu loại hình ảnh hưởng, và trở thành một bộ phận của thi pháp học so sánh; mà nó còn giúp hiểu rõ mọi hình thức tự sự, nghệ thuật và
  • 13. 14 phi nghệ thuật. Tìm hiểu về tự sự học sẽ cho ta thấy kĩ thuật trần thuật của các thể loại, các nhà văn, truyền thống văn hóa và từ đó nhìn nhận các vấn đề văn học sử một cách sâu sắc hơn. Văn học Việt Nam có truyền thống tự sự lâu đời và đó là một lợi thế để chúng ta vận dụng lí thuyết tự sự học vào nghiên cứu văn học dân tộc. Những nghiên cứu, những bài viết dưới góc độ tự sự học ngày càng nhiều và nó chứng tỏ vai trò, ý nghĩa lớn lao của tự sự học trong nghiên cứu văn học, đặc biệt là những tác phẩm tự sự. 1.2. Hành trình sáng tác của Tô Hoài 1.2.1. Sơ lược tiểu sử Tô Hoài sinh năm 1920, tên thật là Nguyễn Sen. Bút danh Tô Hoài gắn liền với những địa danh quen thuộc của quê hương ông (sông Tô Lịch, phủ Hoài Đức). Bút danh ấy đã theo Tô Hoài suốt cuộc đời cầm bút và trở nên quá đỗi quen thuộc với nhiều thế hệ bạn đọc. Tô Hoài xuất thân trong một gia đình làm nghề thủ công dệt lụa. Ông học hết bậc Tiểu học, sau đó vừa tự học vừa đi làm để kiểm sống. Trước khi cầm bút viết văn, ông đã từng làm nhiều nghề như thợ thủ công, dạy học tư, bán hàng, kế toán hiệu buôn,… Có lẽ chính cuộc sống bươn chải trong nhiều ngành nghề khác nhau và gần gũi với nhân dân nên các trang viết của ông sau này mới ẩn chứa một kho kiến thức phong phú, đa dạng và đậm chất thôn quê, dân dã như vậy. Trước Cách mạng tháng Tám, Tô Hoài đã tham gia các phong trào do Mặt trận Dân chủ khởi xướng ngay ở quê hương ông. Cũng thời gian đó ông viết những sáng tác đầu tiên. Sau Cách mạng tháng Tám, ông tham gia phong trào Nam tiến, lên Việt Bắc làm báo Cứu quốc, chủ nhiệm Cứu quốc Việt Bắc, chủ bút Tạp chí Cứu quốc. Sau đó ông về công tác ở hội văn nghệ Việt Nam (1951). Hòa bình lập lại, ông tham gia nhiều chức vụ trong Hội nhà văn Việt Nam: Tổng thư kí (1957), ủy viên Ban chấp hành (1958 – 1980), Phó tổng thư kí. Sau đó những năm từ 1966 đến 1996 ông là Chủ tịch Hội văn nghệ Hà Nội. Ngoài ra Tô Hoài còn tham gia nhiều công tác xã hội khác từ tổ trưởng dân phố đến đại biểu Quốc hội.
  • 14. 15 Cuộc sống của Tô Hoài vẫn tiếp diễn, ở tuổi ngoài 90 ông vẫn là một nhà văn làm việc hăng say, có nhiều đóng góp cho văn nghệ nước nhà và luôn được đông đảo bạn đọc đón nhận. 1.2.2. Hành trình sáng tác Tô Hoài đã có một quá trình viết bền bỉ, liên tục, không ngừng nghỉ, trên rất nhiều đề tài của văn học Việt Nam hiện đại. Ông viết cho thiếu nhi, viết dã sử, rồi từ nông thôn đến thành thị, từ miền xuôi lên miền núi, từ cách mạng đến đời thường, trong chiến tranh rồi trở lại hòa bình, viết về đời sống rộng lớn của các tầng lớp nhân dân rồi trải lòng với những hồi ức riêng tư của mình. Trên hành trình lao động không mệt mỏi, nhà văn đã tạo một chỗ đứng nhất định trong nền văn học nước nhà. Quá trình viết ấy để lại một khối lượng đồ sộ với trên 160 đầu sách, được trải đều theo các chặng của giai đoạn lịch sử nước nhà và cuộc đời cầm bút của nhà văn. 1.2.2.1. Trước Cách mạng tháng Tám Thời kì Tô Hoài bước vào nghề văn cũng là lúc trào lưu lãng mạn đang thịnh hành ở nước ta và ít nhiều ông cũng ảnh hưởng. Ban đầu ông cũng làm thơ lãng mạn nhưng rồi ông sớm nhận ra đó không phải là lĩnh vực ông có duyên. Mặt khác, dù thích đọc truyện của Khái Hưng nhưng ông cũng cho rằng mình không thích hợp để viết về những đôi lứa “lá ngọc cành vàng”. Với ông điều mà ông tâm niệm có lẽ là cuộc sống giản dị xung quanh mình, cuộc sống lam lũ, hiện thực như chính đời nhà văn: “Đời sống xã hội quanh tôi, tư tưởng và hoàn cảnh của chính tôi đã vào cả những sáng tác của tôi, ý nghĩ tự nhiên của tôi bấy giờ là viết những sự thực xảy ra trong nhà, trong làng, quanh mình”. Chính vì quan niệm như vậy nên từ những tác phẩm đầu tay Tô Hoài đã cho thấy xu hướng “tả chân”, và cùng với Nam Cao ông trở thành một dấu ấn đặc trưng của văn học hiện thực Việt Nam những năm tiền cách mạng. Tô Hoài bắt đầu nghề viết văn với những sáng tác đăng trên báo Hà Nội tân văn Chủ nhật và Tiểu thuyết thứ bảy của ông bà chủ bút Vũ Ngọc Phan và Hằng Phương (Nước lên, Bụi ô tô, Một đêm sáng giăng suông, Bệnh già, Trê cóc, Ông Trạng Chuối, Con gà mái ri…). Những sáng tác đó bước đầu đem đến cho nhà văn
  • 15. 16 khoản thù lao để sau đó ông chuyển hẳn sang nghề viết văn; đồng thời nó cũng chứng tỏ sở trường của ông khi viết về nỗi cực khổ của người dân và niềm thích thú của những trẻ thơ trong các truyện cho thiếu nhi. Rời Hà Nội tân văn, Tô Hoài bắt đầu viết cho báo Tân Dân của Vũ Đình Long. Với đề tài dành cho đối tượng thiếu nhi, Tô Hoài đã viết Con dế mèn rồi sau đó là Dế Mèn phiêu lưu ký (1941). Tác phẩm viết cho thiếu nhi nhưng đã gây được ấn tượng mạnh với nhiều đối tượng độc giả và được tái bản nhiều lần cho đến ngày nay. Từ sau tác phẩm đó, Tô Hoài viết đều, viết khỏe, viết thành nếp. Và ông đã tự thổ lộ: “tôi vào nghề văn có trong ngoài ba năm trước Cách mạng tháng Tám 1945 mà tôi viết như chạy thi được năm truyện dài, truyện vừa, ba tập truyện ngắn, còn truyện thiếu nhi như Dế Mèn thì mấy chục truyện…” ( trích theo[13; 24]). Tổng kết thành quả lao động trước Cách mạng tháng Tám của một nhà văn có tuổi đời trên hai mươi và tuổi nghề chưa được 5 năm, ta khẳng định đó là một thành công lớn lao hiếm nhà văn nào có được, và chính xác đó là một cuộc “chạy thi”. Có thể kể đến những tác phẩm tiêu biểu của ông với hai đề tài là viết về thiếu nhi và người dân quê. Viết cho thiếu nhi có Dế Mèn phiêu lưu ký, O chuột, Trê và Cóc, Võ sĩ bọ ngựa, Đám cưới chuột, Chuột thành phố,… Trong những tác phẩm viết về thế giới loài vật, nhà văn đã đưa vào truyện mạch ngầm khát vọng tuổi trẻ, trải nghiệm của cái tuổi bồng bột, sôi nổi, và thế giới đại đồng hòa thuận của con người. Trong đó nổi bật nhất là Dế Mèn phiêu lưu ký, một thiên đồng thoại xuất sắc thể hiện được khát vọng chính đáng của người lao động, mơ ước một cuộc sống hòa bình yên vui. Viết về cảnh và người lao động vùng quê có Nhà nghèo, Nước lên, Giăng thề, Quê người, Đêm mưa, Xóm giềng… Tác giả lấy bối cảnh và con người một vùng ven đô là quê ngoại để miêu tả cảnh vật, kể chuyện đời người thân, kẻ sơ của tác giả. Vùng quê ấy có sự thâm nhập của sự sống thành thị nhưng còn xa cách và biệt lập với thành thị. Tô Hoài đã để lại dấu ấn phong tục trong những tác phẩm của mình, và đằng sau cái bề mặt phong tục ấy là một dòng sống luôn tuôn chảy ở phía sâu – nó là sự phôi pha, sự tàn lụi của những số phận, những kiếp người.
  • 16. 17 Như vậy, trước năm 1945, ngòi bút Tô Hoài đã cùng lúc viết về hai đối tượng. Một là cuộc sống xung quanh mình, cuộc sống của một vùng quê đang ngấm dần và mở rộng sự bần hàn, túng bấn… Hai là sự theo đuổi thế giới riêng của trẻ thơ, của loài vật với những ước mơ, tưởng tượng, khát khao…Tuy viết về hai mảng đề tài khác nhau nhưng thực ra nó cùng thống nhất, hội tụ vào nhau trong một thế giới nghệ thuật chung mang cảm quan, đặc điểm của nghệ thuật Tô Hoài - một kiểu khám phá hiện thực riêng. 1.2.2.2. Sau Cách mạng tháng Tám Với các nhà văn, Cách mạng tháng Tám đánh dấu một bước chuyển biến trong tư tưởng và sáng tác . Tô Hoài cũng vậy nhưng ông sớm bắt nhịp với sự đổi thay để bám vào các vấn đề mới của đời sống và viết. Quãng thời gian này nhà văn đã viết dồi dào, sung sức và đạt được nhiều thành công hơn bao giờ hết. Những năm kháng chiến chống Pháp, Tô Hoài đi vào đời sống các dân tộc Tây Bắc, tìm hiểu và mô tả cuộc sống của họ. Nhà văn đã viết về sự đổi thay của cuộc sống, của con người đặc biệt là về mặt tư tưởng của họ từ khi có cách mạng. Tiêu biểu phải kể đến tập truyện Núi cứu quốc, Truyện Tây Bắc, Cứu đất cứu mường… Hòa bình lập lại sau năm 1954 ở miền Bắc, và sau đó những năm kháng chiến chống Mỹ và cuộc sống xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở miền Bắc, ngòi bút Tô Hoài hướng vào đề tài quen thuộc trước Cách mạng ông đã viết, đó là cuộc sống nơi phố phường Hà Nội với: Mười năm, Người ven thành, Những ngõ phố người đường phố, Quê nhà,…Mặt khác mạch nguồn cảm hứng về miền núi chảy suốt trong các tác phẩm: Vợ chồng A Phủ, Miền Tây, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ, Họ Giàng ở Phìn Sa,… Viết về Hà Nội ven đô thời kì này nhà văn vừa trải rộng, đào sâu vào thế giới bên ngoài và bên trong của nó để thấy được Hà Nội trong ba chiều quá khứ, hiện tại, tương lai. Viết về đề tài vùng cao, Tô Hoài không những cho ta thấy bức tranh rộng lớn của miền núi trong buổi đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội mà ông còn thành công khi cố gắng xây dựng vẻ đẹp toàn diện về hình ảnh những con người cách mạng miền núi – con người mới xã hội chủ nghĩa. Tất cả đều được đặt trong sự thay đổi giữa hai chế độ.
  • 17. 18 Trong thời gian dài sau Cách mạng, gặt hái được nhiều thành công về những đề tài trên, Tô Hoài vẫn không quên sáng tác cho thiếu nhi – mảng đề tài thuở đầu làm nên vóc dáng Tô Hoài. Nhà văn đã viết đủ các thể loại từ truyện, kịch, kịch phim, hoạt họa, đồng thoại… Số lượng đạt trên ba mươi tác phẩm nhưng thành công vẫn là ở truyện. Tiêu biểu có Chiến sĩ Hà Nội, Chiếc xe bí mật, Con gà lờ đờ, Chim hải âu, Vừ A Dính, Đàn chim gáy, Kim Đồng, Đảo hoang, Chiếc nỏ thần… 1.2.2.3. Thời kì đổi mới Thời gian cứ trôi chảy, cuộc sống luôn biến chuyển, xoay vần đòi hỏi người nghệ sĩ phải có cái tinh tường, cái kiên trì, dẻo dai để nắm bắt mạch nguồn ấy, viết thành những dòng chữ cho bạn đọc cùng suy ngẫm. Bước sang thời kì đổi mới, xã hội có nhiều thay đổi và văn học cũng vậy. Tô Hoài ghi lại những đổi thay, quan sát xung quanh và khám phá ra mạch ngầm của dòng chảy cuộc sống. Ông không đi tới những miền xa xôi của Tổ quốc mà trở về với những gì thân thuộc đã từng gắn bó với mình từ nhỏ, trở về với lòng mình để trải nghiệm, để suy ngẫm. Chính vì thế trong thời kì này chủ yếu là các sáng tác thuộc thể loại kí và tiểu thuyết. Tiêu biểu có: Cát bụi chân ai (1992), Chuyện cũ Hà Nội I, II (1998, 2000), Chiều chiều (1999), Ba người khác (2006) Ở độ tuổi có thể nói là điều gì cũng đã từng trải qua, Tô Hoài mạnh dạn thể hiện những suy ngẫm, chiêm nghiệm, hồi ức riêng tư về cuộc đời, về con người, về thời kỳ lịch sử đã qua. Mỗi trang viết của ông trong các tác phẩm này có khi đưa người đọc từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, cũng có khi khiến người ta phải lặng mình suy nghĩ. Đó là sự thống nhất, là cái cốt văn phong mà Tô Hoài đã rèn dũa trong hành trình văn chương mấy chục năm của mình. Giờ đây nó không những vẫn đọng lại trong các trang sách của ông mà nó còn sâu sắc, còn đạt tới độ chín muồi. “Dao có mài mới sắc”, “Gừng càng già càng cay”, với sự cần mẫn, bền bỉ, dẻo dai, không ngừng học hỏi, tích lũy, tự vượt mình để sáng tạo, Tô Hoài đã tạo dựng một chỗ đứng vững chãi trên nền văn học dân tộc. 1.2.3. Tiểu thuyết của Tô Hoài
  • 18. 19 Tô Hoài là một nhà văn lớn của dân tộc, có rất nhiều phương diện làm nên tầm vóc đó của tác giả. Tô Hoài của những sáng tác về Hà Nội, Tô Hoài với miền núi Tây Bắc, Việt Bắc, Tô Hoài của Dế Mèn phiêu lưu ký và những sáng tác cho thiếu nhi, Tô Hoài của hồi ký tự truyện... Ở phương diện nào, Tô Hoài cũng tạo lập được một giá trị riêng, một gương mặt riêng không thể nhòe lẫn. Trong thế giới nghệ thuật hết sức đa dạng ấy, về mặt thể loại, không thể không nói đến tiểu thuyết, bên cạnh truyện ngắn, hồi ký, bút ký, chân dung văn học. Nếu tính về số lượng thì trong hơn 150 đầu sách của Tô Hoài, tiểu thuyết chỉ chiếm khoảng chục cuốn, đó là một con số nhỏ bé so với toàn bộ sự nghiệp sáng tác của ông. Và hành trình viết tiểu thuyết của Tô Hoài cũng trải đều qua các thời kì sáng tác từ khi ông mới khăn gói vào nghề cho đến khi lên “lão làng” trong nền văn chương nước nhà. Hành trình ấy kéo dài suốt nửa thế kỉ từ tiểu thuyết Mười năm (1958), đến gần đây nhất là cuốn Ba người khác (2006). Thời gian viết các cuốn tiểu thuyết cách nhau rất đều, nếu để ý sẽ thấy nhà văn luôn viết truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài trước, rồi sau đó cho ra đời tiểu thuyết. Rất đều đặn, nhịp nhàng như là có kế hoạch trước. Và có lẽ đó là một cách tích tụ tâm huyết, một bước đi “tích tiểu thành đại” của nhà văn trên chặng đường viết tiểu thuyết của mình. Tiểu thuyết là thể loại mà Tô Hoài được đánh giá một cách đa chiều hơn. Có khen, có chê, có giải thưởng và có cả sự trầm lặng bình thản không buông lời. Vinh quang và cay đắng trong cuộc đời cầm bút của một nhà văn, Tô Hoài đều nếm trải. Tiểu thuyết Miền Tây đem đến cho Tô Hoài giải thưởng Hoa Sen của Hội nhà văn Á - Phi, nhưng Mười năm lại từng bị chỉ trích gay gắt của một số cây bút phê bình và giới lãnh đạo văn nghệ đương thời, còn một số tiểu thuyết được tác giả viết với nhiều tâm huyết, công phu và vốn sống thì lại gặp sự thờ ơ của dư luận. Nhìn đề tài, tiểu thuyết Tô Hoài có ba mảng lớn: về Hà Nội (chủ yếu vùng quê ven thành) về miền núi (Tây Bắc, Việt Bắc), về thời huyền sử xa xưa của đất nước (khai thác các truyền thuyết, cổ tích), ngoài ra còn có mảng đề tài khác viết về thời cải cách như Ba người khác. Tô Hoài - nhà văn của Hà Nội, không chỉ ở tập ký đặc sắc Chuyện cũ Hà Nội và những tập truyện ngắn Nhà nghèo, Giăng thề, Người
  • 19. 20 ven thành..., mà còn phần quan trọng là ở tiểu thuyết, trong đó phải kể đến Mười năm (1958), Quê nhà (1980). Ở đề tài miền núi, Tô Hoài không chỉ xuất sắc trong các truyện ngắn, các tập truyện ký, bút ký mà còn ở các tiểu thuyết Miền Tây, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ, Nhớ Mai Châu. Ở đề tài huyền sử xa xưa có thể kể đến Đảo hoang, Chuyện nỏ thần, Nhà Chử. Tiểu thuyết Tô Hoài là hình ảnh của dòng đời tự nhiên, chảy trôi miên viễn. Cuộc sống hiện ra dưới cái nhìn của Tô Hoài thật dung dị tự nhiên như nó vốn thế: có mọi thứ của sinh hoạt đời thường, vặt vãnh, cái tốt đẹp và cái tầm thường, có đời sống xã hội, vận động của lịch sử và đời sống thế sự, sinh hoạt phong tục. Tô Hoài vẫn được coi là nhà văn của những “chuyện thường, người thường, đời thường”. Nhưng cũng không vì thế mà lại không thấy ở tác phẩm của ông, nhất là tiểu thuyết, sự phản ánh những vấn đề xã hội và lịch sử, theo một cách riêng, xã hội và lịch sử được nhìn nhận, được tái hiện trong những sự việc, chi tiết của đời sống sinh hoạt, thế sự, gắn kết tự nhiên với đời sống thường nhật, với công việc làm ăn, những buồn vui, đổi thay của số phận con người. Sự xen lẫn đan dệt một cách tự nhiên giữa những hoạt động cách mạng với những chuyện làm ăn, mưu sinh, yêu đương, mọi tập tục quen thuộc trong đời sống một làng quê. Nhãn quan phong tục đem lại cho tiểu thuyết (và cả những thể loại khác) của Tô Hoài sức hấp dẫn riêng biệt và độc đáo. Đọc Tô Hoài, người đọc được tiếp xúc với vô số phong tục, tập tục từ sinh hoạt trong gia đình, trong nhà, đến những sinh hoạt cộng đồng, lễ hội, ma chay, cưới hỏi..., ở rất nhiều vùng, từ làng quê ven thành, vùng đồng bằng Bắc Bộ đến vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi, cả ở những xứ sở xa xôi ngoài biên giới. Bất cứ nhà dân tộc học, xã hội học nào cũng mong có được một vốn hiểu biết cực kỳ phong phú, sinh động như của nhà văn Tô Hoài. Trong những tác phẩm viết về thời dựng nước xa xưa, Tô Hoài tạo dựng được không khí và màu sắc huyền sử bằng những bức tranh chi tiết cụ thể sống động về phong tục, sinh hoạt, lao động của thời xưa cùng với những bức tranh thiên nhiên, trong thời kỳ mà bước chân và bàn tay khai phá của con người đang lấn dần từ vùng đồi núi xuống vùng châu thổ còn hoang sơ, rậm rạp, mênh mông, đến cả những hòn đảo ngoài biển. Có thể nói
  • 20. 21 tiểu thuyết là thể loại tập hợp hầu hết cá tính văn chương của nhà văn. Như vậy, khi chọn thể loại tiểu thuyết để nghiên cứu dưới góc độ tự sự học thực sự sẽ giúp cho người nghiên cứu cũng như độc giả hiểu một cách sâu sắc, nhất quán về phong cách một nhà văn lớn của dân tộc.
  • 21. 22 CHƯƠNG 2 NGHỆ THUẬT TỔ CHỨC CỐT TRUYỆN VÀ XÂY DỰNG NHÂN VẬT 2.1. Nghệ thuật tổ chức cốt truyện Tổ chức cốt truyện là một trong những phương diện cơ bản của nghệ thuật tự sự. Đó là sự cụ thể hóa, sinh động hóa chủ đề, tư tưởng tác phẩm, thể hiện tài năng, phong cách và quan niệm nghệ thuật của mỗi nhà văn. Nếu cốt truyện hấp dẫn thì không những lôi cuốn được người đọc ngay từ những trang đầu tiên mà còn giúp nhà văn xây dựng được những tính cách sinh động từ đó bộc lộ tư tưởng, chủ đề một cách sâu sắc. Một nhà tiểu thuyết Anh đã khẳng định: “Nhà văn sống bằng cốt truyện y như họa sĩ sống bằng màu và bút vẽ vậy” (trích theo [29; 41]). Trong tác phẩm tự sự, cốt truyện là cái khung để đỡ cho toàn bộ tòa nhà nghệ thuật ngôn từ đứng vững. Loại bỏ cốt truyện, văn bản tự sự lập tức chuyển sang dạng văn bản khác. Từ thế kỉ XIX trở về trước, nhà văn khi bắt tay vào kể câu chuyện, là lúc họ đã có được một cốt truyện độc đáo, đáng chú ý theo kiểu riêng của mình. Về cơ bản, kể từ văn bản tự sự cổ xưa nhất trong văn học viết còn lưu được cho đến nay, Anh hùng ca về Gilgamesh, cốt truyện của tự sự hầu hết tuân thủ nguyên tắc: có truyện để kể. Kèm thêm một điều kiện bất di dịch: sự hấp dẫn li kì được đặt trong tiến trình kịch tính. Sang thế kỉ XX, đã xuất hiện hiện tượng không ít nhà nghiên cứu phê bình lẫn nhà văn đều tuyên bố cốt truyện không còn trong tác phẩm tự sự nữa. Những nhà văn “mạnh mồm” nhất cho loại tuyên ngôn này là nhóm tác giả thuộc trào lưu Tiểu thuyết Mới. Sau một hồi say mê đến mức cực đoan với những nỗ lực cách tân, họ quả quyết, cốt truyện (cùng với nhân vật,...) đã biến mất khỏi địa hạt tự sự. Thế là một hậu quả nghịch lí kì khôi xuất hiện: với tư cách là những người đang sáng tạo tiểu thuyết, đang đảm bảo cho sự phát triển của thể loại, họ lại đưa ra tuyên bố: tiểu thuyết đã chết. Trong khi đó, vĩnh viễn tiểu thuyết cũng như mọi hình thức tự sự khác đều không bao giờ chết. Điều này đồng nghĩa với việc cốt truyện cũng sẽ luôn là thành tố cốt lõi, đồng hành với bất kì hình thức tự sự nào. Chỉ có điều, qua thời gian, cốt truyện phải được đổi khác để đáp ứng những nhu cầu mới về thẩm mĩ.
  • 22. 23 Có nhiều cách hiểu khác nhau về cốt truyện. Theo giáo trình Lí luận văn học của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cốt truyện là “hệ thống sự kiện cụ thể được tổ chức theo yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật nhất định, tạo thành một bộ phận cơ bản, quan trọng nhất trong hình thức động của tác phẩm văn học thuộc loại tự sự và kịch” [15; 88]. Còn theo giáo trình Lí luận văn học của khoa Ngữ văn, trường đại học Tổng hợp Hà Nội, ( nay thuộc Đại học Quốc gia) “cốt truyện là một hệ thống các sự kiện phản ánh những diễn biến của cuộc sống và nhất là các xung đột xã hội một cách nghệ thuật, qua đó các tính cách hình thành và phát triển trong những mối quan hệ qua lại của chúng nhằm làm sáng tỏ chủ đề và tư tưởng tác phẩm” [9; 137]. Chất liệu cơ bản để tạo nên cốt truyện là các sự kiện, biến cố, tình tiết. Trong đó sự kiện – đó là những việc có tác động và ảnh hưởng đáng kể đến số phận và tính cách của nhân vật. Biến cố là những sự kiện lớn, có thể tạo thành những bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời nhân vật. Còn những yếu tố cụ thể tạo thành sự kiện được gọi là tình tiết. Cốt truyện có rất nhiều cách phân loại khác nhau: Có các kiểu cốt truyện chia theo tiêu chí hình thức thể hiện, các kiểu cốt truyện dựa trên tiêu chí nội dung (cốt truyện triết học, cốt truyện luận đề,...), kết cấu (cốt truyện mở, cốt truyện đóng, cốt truyện kết thúc bất ngờ,...), trường phái (cốt truyện lãng mạn, cốt truyện hiện thực, cốt truyện hiện thực huyền ảo, cốt truyện cực hạn,...). Thậm chí còn có thể chia nhỏ hơn dựa vào các thể loại và tiểu loại như cốt truyện cổ tích, cốt truyện ngụ ngôn, cốt truyện trinh thám, cốt truyện kinh dị,...Lựa chọn cách phân chia nào là tùy thuộc vào quan điểm cá nhân. Tuy vậy, đối với tác phẩm tự sự cách phân chia cốt truyện theo tiêu chí hình thức thể hiện được sử dụng phổ biến hơn cả. Theo đó có ba tiêu chí cơ bản là dựa vào sự kiện, thời gian, nhân vật. Trên ba tiêu chí cơ bản đó có nhiều các loại hình cốt truyện khác nhau. 2.1.1. Cốt truyện sự kiện trong tiểu thuyết của Tô Hoài Khảo sát bốn tiểu thuyết của Tô Hoài chúng tôi nhận thấy tác giả thiên về việc sử dụng kiểu cốt truyện truyền thống là cốt truyện sự kiện (Cốt truyện sự
  • 23. 24 kiện có đặc điểm là các sự kiện, biến cố của cuộc đời, số phận nhân vật được kể theo trật tự biên niên giống như thực tế đã xảy ra và chủ yếu kể hành động hơn là đi sâu khám phá thế giới nội tâm nhân vật. Các sự kiện quan hệ theo mạch nhân quả, được triển khai liên tục, cho đến hết truyện). Trong những sáng tác của mình, Tô Hoài ít khi sử dụng thuần túy cốt truyện tâm lí ( Truyện được triển khai dựa trên tâm lí của nhân vật với những bức xúc, dằn vặt nội tâm, sự vận động nội tâm đó là cơ sở thúc đẩy truyện phát triển ), đó không phải là sở trường của ông. Mặt mạnh của ông có lẽ là ở cốt truyện sự kiện. Tuy nhiên, Tô Hoài đã sử dụng một cách linh hoạt loại hình cốt truyện sự kiện để tạo nên sự hấp dẫn riêng cho mỗi tác phẩm. Ở các tiểu thuyết Đảo hoang, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ, Miền Tây, cốt truyện phát triển theo trật tự thời gian trước sau và có mối liên hệ nhân quả nhất định. Các sự kiện tương đối nhiều nhưng lại ít biến cố lớn làm thay đổi mạch truyện. Dường như cốt truyện là một chu trình đã được lên giây cót, chạy đều, ít mâu thuẫn, xung đột căng thẳng, ít kịch tính. Ở các tiểu thuyết của mình, Tô Hoài đã biết cách tổ chức các sự kiện, các chi tiết, tình tiết truyện sao cho đạt hiệu quả cao nhất, thể hiện được ý đồ nghệ thuật. Tiểu thuyết Đảo hoang được phát triển trên cơ sở của truyện cổ tích Quả dưa hấu nên kết cấu truyện giống với truyện Quả dưa hấu. Đó là hành trình Mai An Tiêm từ lúc bị đầy ra đảo đến lúc trở về đoàn tụ. Tuy vậy, cốt truyện đó được Tô Hoài xây dựng một cách công phu, sáng tạo gây hấp dẫn cho người đọc. Trạng thái khởi đầu được kể qua các chi tiết: Mai An Tiêm xin đi chống lũ ở vùng sông Cái, xây dựng vùng nước lũ trở thành một vùng đất mới tên là Bãi Lở. Sự kiện này được Tô Hoài kể theo mối quan hệ nhân - quả nhưng kết quả đặt trước và nguyên nhân kể sau. Đó là một thói quen nhưng cũng chính là một dấu ấn riêng mà Tô Hoài hay sử dụng trong các sáng tác của mình. Biến cố đầu tiên, là nền tảng cho các biến cố tiếp theo bắt đầu bằng sự kiện dân Bãi Lở dưới sự lãnh đạo của Mai An Tiêm giành chiến thắng ở tất cả các phần thi: “Tin cõi Bãi Lở đã giật giải cơm thi lại giật giải vật, làm cho khắp nơi càng rộn rịch hơn”. Và sự kiện trung tâm là khi Vua Hùng nghe lời xu nịnh của mưu sĩ mà đầy gia đình An Tiêm ra đảo: “Mưu sĩ tâu: An Tiêm có tội, phải khép nó vào tội chết mới được” vì “Hơn mười năm nay, An Tiêm toàn mưu đồ những
  • 24. 25 chuyện phạm thượng và phản trắc” nên “Ngoài bể Đông có dải đất chưa ai đến bao giờ, nó xấc xược như thế thì bắt nó phải chung thân biệt xứ ra đảo hoang giữa bể để xem nó có phép biến chết thành sống, để xem nó có thân lập nổi thân như nó thường khoác lác hay không. Vả chăng, như thế cũng để dứt mối lo về sau” và “Thế là cả nhà An Tiêm bị bắt bỏ ngục” rồi “Một sớm kia, Phong Châu còn ngủ im trong làn sương dày” thì cả nhà An Tiêm bị áp giải ra đảo. Biến cố ấy là bước ngoặt khiến gia đình An Tiêm rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thậm chí là cái chết có thể đến bất cứ lúc nào; nhưng nó cũng là khởi đầu cho một cuộc sống mới, một cuộc chiến đấu giành sự sống, một bài ca về lòng dũng cảm, nghị lực phi thường và tình yêu vô bờ của gia đình Mai An Tiêm. Từ biến cố khởi đầu đó, cốt truyện được tập trung vào cuộc sống của gia đình An Tiêm trên đảo. Cuộc sống ấy kéo dài tưởng chừng như không có thời gian với hàng loạt các sự kiện, các biến cố tiếp tục nối kết nhau theo vòng thời gian để đẩy câu chuyện càng ngày càng trở nên hấp dẫn. Trong cốt truyện của Đảo hoang ta thấy các sự kiện, hành động của nhân vật là nhân tố quan trọng nhất thúc đẩy sự vận động của mạch truyện, tạo ra những điểm thắt nút, tạo nên cao trào cho sự phát triển của cốt truyện. Trong các sự kiện đó, có sự kiện trung tâm trở thành biến cố làm thay đổi cuộc sống của gia đình An Tiêm trên đảo. Đó là sự kiện rồng cuốn nước phá tan ngôi nhà trong rừng của gia đình An Tiêm, khiến gia đình li tán, bố mẹ và em gái ở một phương, cậu con trai của An Tiêm là Mon ở một phương: “Trời ơi! Rồng cuốn nước đến đây rồi…Một con nước xô lên quá nóc lều rồi những con nước ập xuống, cả bóng tối khoảng rừng ngụp vào. Mon lật đật quàng tay ôm cây thang. Nước đánh dựng lên rồi ngã xuống”. Nếu biến cố đầu tiên là gia đình An Tiêm bị đầy ra đảo thì biến cố thứ hai là gia đình An Tiêm bị chia li trong cơn bão ngoài đảo. Biến cố này là sự tiếp nối của biến cố thứ nhất củng cố những khó khăn chồng chất mà các thành viên trong gia đình gặp phải, đặc biệt là khi họ bị tách rời; mặt khác nó cũng là sự kiện đánh dấu sự trưởng thành của con trai Mai An Tiêm là Mon, là sự kiện khẳng định chắc chắn hơn nữa nghị lực phi thường, vượt lên tất cả, luôn tin tưởng, hy vọng vào những điều tốt đẹp của các thành viên trong gia đình An Tiêm. Sự kiện Mon đưa mọi người ra đảo để lập vùng
  • 25. 26 đất mới đóng vai trò như sự kiện kết thúc. Sự kiện kết thúc đóng lại cốt truyện và ta thấy ở đó là một sự sáng tạo, một sự khác biệt với cốt truyện cổ tích ta đã đọc. Đó là một sự phát triển, một bước nâng cao ý nghĩa cho câu chuyện. Sự kiện trước là nguyên nhân, là nền tảng để sự kiện sau hình thành. Việc cơn bão đánh tan ngôi nhà của An Tiêm, khiến Mon phải sống xa gia đình, là để Mon sống tự lập, rèn luyện chí hướng, tinh thần quả cảm giống như An Tiêm, để Mon trưởng thành, đủ điều kiện nối chí cha ra lập vùng đất mới ở phía nam của Tổ quốc. Cốt truyện tuy không mang độ căng của những mâu thuẫn, xung đột xã hội gay gắt nhưng vẫn có sức hấp dẫn, vẫn đầy kịch tính nhờ các sự kiện, biến cố đầy tính sáng tạo của nhà văn. Tiểu thuyết Đảo hoang có nhiều sự kiện và biến cố được thiết lập thành một chu trình đầu cuối khá hoàn hảo nhưng không phải để lí giải về giống dưa hấu như truyện cổ tích, mà là nhằm ca ngợi ý chí, nghị lực, lòng quả cảm, tình yêu lao động, yêu động vật và trên hết tình thương, niềm tin giữa những người trong gia đình. Cuộc sống nếu có những đức tính đó sẽ chiến thắng mọi trở ngại, mọi khó khăn, nguy hiểm trên đời. Nếu ở Đảo hoang tác giả xây dựng cốt truyện về ý chí của con người trong cuộc sống hàng ngày thì với Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ tác giả xây dựng cốt truyện về ý chí của người Cộng sản khi làm cách mạng. Tiểu thuyết Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ cũng mang mô hình của loại tiểu thuyết sự kiện theo dòng thời gian. Chính Tô Hoài có nói ông muốn “thể nghiệm một cách viết người thực việc thực”. Chính vì viết về người thực việc thực nên các sự việc và nhân vật trong tác phẩm đều thực, Tô Hoài không hư cấu, cũng không thêm bớt, thay đổi ngày tháng. Sự thể nghiệm cách viết này của Tô Hoài lại có những thú vị, hấp dẫn riêng bởi “không có câu chuyện cổ tích nào đẹp hơn câu chuyện do cuộc sống viết ra”. Viết về một giai đoạn cách mạng, một thực tế đời sống cách mạng lúc bấy giờ là một đòi hỏi, một sự mới mẻ bởi: “Thực tế cách mạng Việt Nam phong phú và kì diệu đến mức nhiều sự việc đã diễn biến phức tạp, éo le, đầy đủ. Chặt chẽ, sinh động và cao đẹp vượt xa những chuyện tưởng tượng công phu, nhiều quần chúng và cán bộ cách mạng do bản thân trải qua những thử thách ác liệt, những giây phút một mất một còn, đã phát huy
  • 26. 27 được trí tuệ và phẩm chất để tự mình trở thành những điển hình hoàn hảo của thời đại, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng” [13; 348]. Tô Hoài đã tìm hiểu, đã nghe, nói chuyện với các nhân vật thực để có được kho tư liệu phong phú viết nên tác phẩm. Bằng sự tinh tế, khả năng cảm thụ và chọn lọc của mình ông đã miêu tả và diễn đạt các sự việc lịch sử một cách thoải mái, sinh động và cụ thể như chính Tô Hoài là người trong cuộc. Cốt truyện của Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ kể lại hành trình của hai người trẻ tuổi, đặc biệt là Hoàng Văn Thụ, từ khi đi tìm đường cho đến khi tổ chức được cơ sở Đảng rộng khắp các huyện, các tỉnh, ra cả Hà Nội và sang nước ngoài. Hành trình của người cộng sản trải qua rất nhiều sự kiện, bắt đầu từ lúc Thụ và Chi lên đường đi tìm cách mạng, ngây thơ và hào hứng như đi vào một cuộc phiêu lưu của tuổi trẻ cho đến mùa thu năm 1935 khi Thụ đã mở rộng được căn cứ cách mạng, trở thành một cán bộ, lên đường về Thủ đô. Cốt truyện chỉ tập trung xoay quanh một phần cuộc đời nhân vật là khi anh còn trẻ, với hai giai đoạn: giai đoạn đầu nhiều bỡ ngỡ, khó khăn, giai đoạn hai trưởng thành, dày dặn. Trên hành trình đi tìm đường cách mạng nhân vật Thụ gặp phải muôn vàn khó khăn, “tính mệnh có khi được bàn trong một bữa rượu”. Rồi tổ chức cách mạng đầu tiên được lập ra chỉ với ba người trẻ tuổi đập chén rượu thề cùng sống chết như cuộc kết nghĩa vườn đào, gọt trọc đầu để vào lính Quốc dân đảng, tạm tránh nguy cơ cạn tiền, cạn gạo, cuộc đi thê thảm lên vũ Hán giữa cái lộn xộn, chết chóc của đất nước Trung Hoa thời Tưởng Giới Thạch, sự đi không thành thì trở về có khi mót dây khoai, lúc rình bắt thỏ rừng có khi phải đi ăn mày; có lúc Thụ còn sắm bộ đồ cắt tóc kiếm ăn, đeo đại đao tham gia Long Châu Đỏ. Bằng hàng loạt các sự việc sống động mà phảng phất không khí giang hồ mãi võ, Tô Hoài đã dựng lại một cách chân thực chặng đường đầu đến với cách mạng của Hoàng Văn Thụ. Các sự kiện đó phản ánh được nhiệt tình hăng hái của không chỉ riêng Hoàng Văn Thụ mà còn là của những thanh niên yêu nước Việt Nam thời bấy giờ, không do dự, tính toán, với tất cả lòng tin tưởng và sự say mê của tuổi hai mươi. Sau hàng loạt các sự kiện kể về chặng đường vượt khó của Hoàng Văn Thụ, sự kiện chính là Hoàng Văn Thụ về lại Long Châu gặp lại Chi và nói : “Bây giờ thì làm gì cũng được chúng ta đã khác lắm rồi”.
  • 27. 28 Câu nói đó đánh dấu bước ngoặt trưởng thành của Thụ. Hành trình cách mạng của anh rẽ sang một hướng mới. Trong chặng thứ hai đó các sự kiện chính tập trung vào sự mở rộng của cơ sở cách mạng, sự trưởng thành của nhân vật Thụ. Cái làm nên xương thịt của tiểu thuyết là nhân vật – con người. Nhưng ở đây chính sự việc lại làm cho nhân vật tràn đầy sức sống, làm cho câu chuyện có sức hấp dẫn, lôi cuốn người đọc. Với vốn sống phong phú, sự quan sát tinh tường, Tô Hoài đã không tự giới hạn câu chuyện trong phạm vi một cuộc đời, không chỉ kể lại quá trình hoạt động của Hoàng Văn Thụ khi còn trẻ mà qua các sự kiện, các chi tiết sinh động, tác giả đã dựng lại bộ mặt chung của một phong trào đang nhen nhúm, trưởng thành trong lòng những người dân nghèo yêu nước. Không chỉ kể được về một nhân vật lịch sử mà còn kể về những con người quần chúng, những con người đóng góp lớn cho sự thành công của cách mạng, điều mà sách lịch sử không làm được. Trong lịch sử phát triển của nghệ thuật tự sự, loại hình cốt truyện sự kiện ra đời rất sớm và được sử dụng rộng rãi, đặc biệt được phát huy khi viết những tác phẩm thuộc trào lưu hiện thực phê phán. Loại cốt truyện này thường có những xung đột xã hội gay gắt, được đẩy lên cao trào để qua đó tính cách nhân vật được bộc lộ và phát triển, từ đó khái quát thành những vấn đề xã hội điển hình. Ở hai tiểu thuyết Đảo hoang và Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ tác giả không xây dựng những xung đột xã hội gay gắt, không tạo ra những mâu thuẫn đòi hỏi nhất định phải giải quyết nhưng tác phẩm vẫn hấp dẫn người đọc, vẫn có những sự kiện thu hút, kích thích khả năng tưởng tượng của độc giả. Bởi vấn đề Tô Hoài hướng đến là vấn đề hàng ngày của mỗi người, những chuyện thường nhật, những suy nghĩ, những đức tính cao đẹp của con người, nhất là những con người của cách mạng, con người của một thời kì cộng sản. Cả hai tiểu thuyết trên đều có sườn truyện từ trước, song cốt truyện mà Tô Hoài dựng lên thực sự vẫn là một cái mới, một cốt truyện gợi lại được không khí huyền sử xa xưa và không khí sôi sục cách mạng một thời của dân tộc, đồng thời vẫn còn nguyên giá trị với cuộc sống con người hiện đại. Bằng khả năng sáng tạo, Tô Hoài đã bồi đắp vào sườn truyện đó như khớp nối phần xương rời rạc thành một khối thống nhất.
  • 28. 29 Cốt truyện của tiểu thuyết Miền Tây tập trung vào việc miêu tả công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở vùng cao vì thế các sự kiện của truyện là sự thay đổi về kinh tế, chính trị, xã hội; về văn hóa, tư tưởng và về con người. Để thấy được sự thay đổi đó, tác giả đã xây dựng hai cảnh đời trái ngược nhau: cảnh đời trước Cách mạng và sau Cách mạng mà cảnh hai phiên chợ là môi trường, hoàn cảnh cũng là sự việc trung tâm thể hiện sự thay đổi đó. Phiên chợ Phiềng Sa trước kia với các chi tiết thể hiện sự khốn khổ của người dân vùng cao: những đoàn ngựa của bọn lái buôn bất chấp mọi điều vơ vét cho đầy túi tiền qua các phiên chợ, các cô gái nghèo đi chợ ngượng ngùng vì váy áo rách rưới, những khuôn mặt gầy guộc, bạc phếch của những ông già suốt đời không ăn một hạt muối, cảnh nhân dân chen chúc, dẫm đạp, xô đẩy nhau mua muối của lão khách Sìn, những tên lính dõng hung hăng la hét vừa đi vừa cướp hàng để thu thuế…Và phiên chợ sau Cách mạng với không khí lao động hồ hởi, vui tươi của người dân: ngựa thồ lọc cọc, leng keng kéo nhau đi từng đàn, các chị ríu rít vui đùa với trẻ con, tranh nhau nắm đuôi ngựa để leo dốc, các cụ bà ngồi se lanh thêu áo, trẻ con đốt lửa nướng ngô, trai gái vui vẻ đi mua hàng, hàng rượu và hàng thắng cố tấp nập người ra vào chè chén nhưng họ vào để nói chuyện về việc làm ăn, lao động như tổ đổi công, hàng sắp lên, thuốc trừ sâu…Song song với cảnh hai phiên chợ tác giả tập trung vào làm rõ sự thay đổi về con người qua gia đình bà Giàng Súa. Trước kia thì chui rúc như những bóng ma, dắt díu nhau chạy trốn vào trong rừng và luôn ở trong trạng thái bất an, sống tách biệt với mọi người. Nhưng nay cuộc sống của gia đình bà đã khác, con trai, con gái trở thành cán bộ, bản thân bà được tôn trọng, được sống trong tình cảm làng bản, trong niềm vui đổi mới của cộng đồng. Truyện ít những sự kiện, chi tiết miêu tả cuộc sống cũ, mà chủ yếu là tập trung vào những sự kiện, chi tiết ở cuộc sống mới. Đó là những đổi thay trong cuộc sống sau ngày chính quyền cách mạng thành lập. Tác giả miêu tả mở rộng với nhiều sự kiện, chi tiết riêng lẻ nhưng được đặt trong mối liên hệ ràng buộc với hoàn cảnh xã hội. Đó là những đổi thay về kinh tế, không còn cảnh phụ thuộc, cảnh nô lệ, cướp bóc, thay vào đó là cảnh nô nức lao động, khắp nơi giúp đỡ nhau làm nương, làm rẫy… Đó là đổi thay về chính trị, không còn
  • 29. 30 cảnh những quan tây, những bọn thống lý cai trị, mà là những cán bộ cách mạng xuất thân từ tầng lớp người lao động; tuy có được chính quyền nhưng phải cảnh giác với âm mưu mới của kẻ thù…Đó là thay đổi trong con người, bà Giàng Súa với niềm vui khi được sống như một con người thực sự; Thào Khay, Thào Mỵ trưởng thành, đi học để xây dựng xóm thôn đổi mới, Vừ Sá Tỏa trở thành cán bộ được nhân dân yêu mến… Hệ thống sự kiện về kinh tế, chính trị làm nền cho quá trình vận động đổi mới của nhân vật. Tô Hoài đã kết hợp đan xen giữa hệ thống sự kiện làm nền và bức tranh tâm trạng của nhân vật để dẫn dắt sự phát triển của cốt truyện. Cốt truyện của Miền Tây ít những biến cố lớn bởi thực tế cách mạng thắng lợi đã là một biến cố lớn chi phối sự phát triển của câu chuyện. Tô Hoài không miêu tả sự. Chính vì không nhằm mục đích phê phán hiện thực, không nhằm nêu lên sự đấu tranh của các giai cấp mà chủ yếu là tái hiện cuộc sống mới ở miền Tây nên tác phẩm không có xung đột, mâu thuẫn chính trị - xã hội cấp thiết phải giải quyết. Cả ba tiểu thuyết trên theo dòng thời gian là sự trải nghiệm của Tô Hoài ở mỗi chặng khác nhau của cuộc đời nhà văn, đồng thời đó cũng là các thời kì phát triển của lịch sử dân tộc. Và dù là viết về thời huyền sử xa xưa, về thời kì cách mạng sôi sục, về kết quả tốt đẹp mà cách mạng mang lại thì đều có một điểm chung là tác giả đã xây dựng cốt truyện phát triển theo thời gian tuyến tính, các sự kiện, chi tiết xảy ra có trật tự trước sau, sự kiện sau là bước phát triển của sự kiện trước. Cách xây dựng cốt truyện này mang tính chất truyền thống tuy đơn giản, không sử dụng đến các thủ pháp giải mã tình tiết, hành động nhưng xét ở góc độ lịch sử nó lại là cách tổ chức hợp lí, tạo được hiệu quả nghệ thuật và từ đó càng khẳng định sự thống nhất cũng như sự liền mạch của phong cách nhà văn không chỉ trong truyện ngắn, ký mà trong cả thể loại tiểu thuyết. Vẫn là cốt truyện ít cầu kì, phức tạp; ít biến cố, xung đột, nhưng ở Ba người khác đã có sự linh hoạt trong cách tổ chức các sự kiện, chi tiết. Hành động, sự việc trong truyện không còn tuân thủ nguyên tắc trước sau về mặt thời gian mà đã bị đảo lộn, nhảy cóc. Cốt truyện không phát triển theo một chuỗi sự kiện có trình tự mà là sự lắp ghép các sự việc của một thời kì đã qua và hiện lên qua hồi ức của một nhân
  • 30. 31 vật anh đội xưng “tôi”. Tiểu thuyết lấy bối cảnh chung là nông thôn Việt Nam trong những năm đầu diễn ra cuộc cải cách ruộng đất nhưng cốt truyện của tác phẩm không đi vào miêu tả toàn bộ diện mạo của cuộc cải cách mà chỉ tập trung vào một vài khía cạnh. Đó là những sinh hoạt thường ngày, công việc cải cách của đội cải cách. Cốt truyện nương theo mạch hồi tưởng của anh đội Bối – nhân vật xưng “tôi”, trung tâm của cốt truyện là ở phần hồi tưởng về thời cải cách. Mở đầu là sự kiện đội cải cách do Cự dẫn đầu về làm cải cách ở “vùng hai trăm ngày”. Sau sự kiện này là hàng loạt các sự kiện về những con người tham gia cải cách và người nông dân. Câu chuyện không nhiều sự kiện, biến cố lớn, các sự kiện không có mối quan hệ nhân quả với nhau mà nó là các phần riêng lẻ hiện lên trong kí ức anh đội do đó mạch truyện phóng túng, rất khó có thể tóm tắt câu chuyện một cách gọn gàng. Bắt đầu Bối kể lại chuyện kể khổ ở hội nghị của một anh rễ rồi lại trở về hiện tại với hoạt động cải cách ruộng đất, sau đó lại hồi tưởng kể lại chuyện trước khi tham gia cải cách. Có lúc đang kể chuyện cải cách lại bắt sang kể chuyện về Đình bị bắt như thế nào, và cuộc gặp lại 20 năm rồi sau đó trở lại với không khí của những ngày đi cải cách ruộng đất, sau đó lại tiếp tục kể về cuộc sống của mình mười mấy năm sau với cuộc gặp gỡ với Tư Nhỡ và kết thúc bằng câu chuyện về Cự. 2.1.2. Tổ chức diễn biến cốt truyện trong tiểu thuyết của Tô Hoài Có cốt truyện chỉ là những diễn biến bình thường, thầm lặng của đời sống, khó mà kể lại cho hấp dẫn, nhưng đa số các cốt truyện đều đi sâu khai thác những xung đột khác nhau của đời sống. Và do đó nhìn vào cốt truyện người ta có thể tìm ra các bước diễn biến của cốt truyện. Đó là một quá trình tương đối hoàn chỉnh giống như quá trình vận động của một xung đột, nghĩa là có mở đầu, thắt nút, phát triển và kết thúc. Tiểu thuyết của Tô Hoài chủ yếu sử dụng loại cốt truyện sự kiện nên diễn biến của cốt truyện cũng được nhà văn tổ chức theo mô hình vận động của một câu chuyện hoàn chỉnh. Phần trình bày thường có nhiệm vụ giới thiệu một cách khái quát hoàn cảnh nảy sinh xung đột chính của tác phẩm, đồng thời giới thiệu một cách sơ lược lai lịch của các nhân vật về lứa tuổi, nghề nghiệp, quan hệ gia đình, quan hệ xã hội. Các
  • 31. 32 nhân vật lúc đó chưa có sự vận động trong tính cách, trong hoàn cảnh xung đột. Phần trình bày có thể ở đầu, có thể ở giữa, và có thể ở kết thúc tác phẩm chứ không nhất thiết phải ở phần đầu của văn bản. Phần trình bày ở vị trí nào là một thủ pháp kĩ thuật, là sự lựa chọn có “chiến lược” theo ý đồ thẩm mỹ của nhà văn. Phần trình bày mang tính truyền thống thường là câu chuyện được bắt đầu bằng một giới thiệu tóm tắt về nhân vật và bối cảnh của câu chuyện. Một số tiểu thuyết của Tô Hoài có phần trình bày như vậy. Ta có thể nhận thấy điều đó qua tiểu thuyết Miền Tây và Ba người khác. Trong tiểu thuyết Miền Tây, sau khi giới thiệu về đoàn lái buôn mang hàng lên vùng cao, là những lời giới thiệu về gia đình bà Giàng Súa, một cách bài bản về gia cảnh, về cuộc sống và số phận hiện tại của bà: “Bà Giàng Súa bỗng sợ hãi nghĩ đến các con…Đời bà con ngựa chỉ mang tai họa đến mà thôi. Năm ấy, đương vụ làm nương xuân, chồng bà Giàng Súa phải bỏ cày. Mùa nương nhà dân sao bằng mùa thuốc nhà quan, ông Giàng Súa đành cắm cái cày giữa nương đi tải thuốc phiện cho nhà thống lý. Con ngựa tải thuốc phiện chuyến ấy chẳng may tuột chân xuống vách đá”. Có rất nhiều lời đồn thổi về cái chết của chồng bà, chẳng biết thực hư thế nào nhưng sau đó cả làng đồn thổi nhau “Giàng Súa là con ma”, rồi họ tìm cách giết mẹ con bà, cả nhà phải dắt díu nhau chạy trốn vào trong rừng sâu và sống cuộc sống tách biệt với cộng đồng. Như vậy, ngay ở phần mở đầu của tác phẩm, tác giả đã trình bày bối cảnh diễn ra câu chuyện là ở vùng cao miền Tây, bắt đầu từ những phiên chợ Phiềng Sa, rồi số phận của gia đình bà Giàng Súa để sau này thấy được sự thay đổi do cách mạng mang lại. Phần trình bày trong tiểu thuyết Ba người khác cũng là những lời giới thiệu sơ lược về bối cảnh nảy sinh câu chuyện và lai lịch của anh đội Bối – nhân vật “tôi”. Đó là hội nghị tổng kết công tác cải cách ở các huyện lị với câu chuyện chảy nước mắt về một cố nông, và sau đó là sự ra đi rầm rộ của các đội cải cách mới. Trong đó có những dòng giới thiệu về việc đội cải cách mới của anh Bối cùng đội với đội trưởng Cự và anh đội Đình: “Tổng kết xong các đội lại đi đợt mới. Cuộc ra quân rầm rộ có xếp hàng nghe mệnh lệnh xuất kích như chiến dịch thời kháng chiên. Đợt này khu vực làm bao trùm cả Hải Dương, Kiến An, cải cách thẳng không qua giảm tô”. Tiếp sau
  • 32. 33 hành trình về làng làm cải cách của đội cải cách mười hai người là phần giới thiệu sơ lược về tiểu sử của nhân vật “tôi”: “Năm ấy, tôi ngót ba mươi. Từ tấm bé chỉ ở thành phố. Đến tuổi đi làm kiếm được chân giữ cửa trông kẻ cắp cho hiệu thịt bò “Sáp phăng giông” phố Tràng Tiền. Cách mạng thì vào tự vệ phố, đến lúc kháng chiến không còn đội tự vệ nữa, nhưng tự cho mình đã là Việt Minh, tôi đi theo kháng chiến lên Việt Bắc. ..” Tác giả đã để cho anh đội Bối tự giới thiệu về phần đời trước của mình từ lúc còn bé, đến khi bắt đầu đi làm, rồi tham gia cách mạng, trốn tự vệ tìm mọi cách để trốn khỏi trạm kiểm soát đi tìm vợ và con gái, rồi sau đó lại quanh quẩn đi hết vùng này đến vùng kia và trở về Hà Nội lấy vợ, sinh con, sau đó tham gia đội cải cách. Cách giới thiệu ở phần đầu mang tính truyền thống này dự báo phần diễn biến sau đó là các lớp sự kiện, chi tiết tập trung làm nổi bật tính cách nhân vật và môi trường hoạt động của nhân vật đó. Cùng với cách thể hiện phần trình bày mang tính truyền thống, Tô Hoài cũng sử dụng cách thức tổ chức phần trình bày linh hoạt với phần mở đầu bằng những dòng miêu tả về thiên nhiên – mùi hương hồi của đất Lạng Sơn : “Rõ ràng trong bóng tối mà mắt trông thấy được, cuồn cuộn thành luống qua những khe tường đất bên nách cửa, có một mùi ấm và thơm lạ lùng. Chả mấy chốc mùi thơm đã đầy nhà, nồng nàn đến tận chân tóc (…). Buổi sáng mọi người đều đổ ra đường. Ai cũng đứng ngửng lên cho thấy mùi hồi chín chảy qua mặt. Rừng hồi ngào ngạt xanh thẫm trên các quả đồi quanh làng. Những cơn gió sớm đẫm mùi hồ, từ các đồi trọc Lộc Bình xôn xao xuống, tràn vào cánh đồng Thất Khê, ùa lên những hang đá Văn Uyên, Thoát Lãng trên biên giới xuống Cao Lộc, Chi Lăng, qua những vùng hồi mà một mảnh lá gãy cũng dậy mùi thơm, gió cang thơm ngát (…). Và cứ khi mùi hồi chín lại thấy cơ man người đi trèo hồi, hái thuê…” (Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ). Đọc phần đầu người đọc dường như tự thắc mắc tại sao kể về cuộc đời Hoàng Văn Thụ mà lại mở đầu bằng hương hồi và cuộc sống của người dân với hồi, chẳng có sự móc nối nào. Nhưng Tô Hoài không giới thiệu về Hoàng Văn Thụ như cách trình bày thông thường bởi nó đã quá đủ đầy trong những tư liệu lịch sử, và sẽ là thừa nếu giới thiệu trong tiểu thuyết này. Tác giả đã lựa chọn hương hồi là hương vị của
  • 33. 34 thiên nhiên vùng biên giới Tổ quốc để mở đầu, để giới thiệu nhằm ẩn ý hướng tới hành trình cách mạng của nhân vật. Ở đây, ta thấy có nét tương đồng với truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, cũng mở đầu bằng hình ảnh rừng xà nu bạt ngàn, hùng vĩ nhưng đau thương như chính con người Tây Nguyên vậy. Ở tiểu thuyết này hương hồi vô tình hay hữu ý đã trở thành một nhân vật tượng trưng. Hồi là sản phẩm, hương liệu là sự giàu có của đất nước. Nhưng hồi cũng là nguồn gốc đau khổ, chết chóc khi cả đất nước là một nhà tù, cả dân tộc còn là nô lệ. Mùi hồi có vị và có sắc phảng phất suốt tập truyện khiến ta có cảm giác có sự hoạt động của Đảng thông qua nhân vật Hoàng Văn Thụ - gắn chặt với mùi thơm của hương hồi có hình, có sắc ẩn hiện đậm đà và say mê như trong không khí thơ ca. Xuyên qua mùi hương hồi bát ngát, Thụ và Chi lên đường cách mạng ngây thơ và hào hứng như đi vào một cuộc phiêu lưu của tuổi trẻ: “Trong mùi hồi bốc lên mặt nước vẫn âm tiếng bom nổ thật kích động, thật lạ lùng. Muốn làm cách mệnh, cứu đất nước, phải đứng lên đánh thằng Tây như thế mới được. Trông khóe mắt cháy rực của hai người thanh niên cùng sôi nổi một khát vọng” [1; 13]. Dạng thức trình bày này khiến cho tiểu thuyết lịch sử mang đậm phong vị trữ tình, khiến cho câu chuyện có nhiều ý nghĩa khi soi chiếu vào một nhân vật có thực. Bên cạnh hai cách trình bày trên, trong tiểu thuyết Đảo hoang ta còn bắt gặp một kiểu trình bày nữa đó là cách khởi đầu ở chính giữa hành động truyện. Cốt truyện bắt đầu ở “khúc giữa” của câu chuyện, một lát cắt trong cuộc sống của nhân vật – thường là một hành động của nhân vật sau đó mới làm rõ dần lí lịch, tình cảnh của họ. Đọc Đảo hoang, ta thấy khởi đầu là những sự kiện: Mai An Tiêm lập công khi đi mở vùng đất mới Bãi Lở, trở về kinh tham dự hội thi và giành được thắng lợi, sau đó vua Hùng nghe lời dèm pha của mưu sĩ mà đầy gia đình Mai An Tiêm ra đảo hoang. Trên hành trình ra đảo tác giả mới để cho nhân vật kể về lai lịch, giới thiệu về bản thân mình: “Mới sinh ra, An Tiêm ở bờ biển. Những đợt sóng cao lù lù từ ngoài khơi chạy vào, vừa chạy vừa gào, ập xuống, muốn lôi ngay thằng bé ra khơi. Nhưng thằng bé vẫn bám được vào đất. Thằng bé vẫn lang thang sống trên dọc biển Đông. An Tiêm lớn lên, cha mẹ mất từ lúc ẵm ngửa, không biết mình là ai. Những
  • 34. 35 chòm xóm ven biển đã chuyền tay nhau nuôi thằng bé. Mới đầu thì ai cũng có lòng thương. Nhưng sau vì mỗi người đều phải đêm ngày mải miết đi đâm cá, đi gõ hà, gõ ngao kiếm miếng ăn, thế là thằng bé cứ bò đi vơ vẩn, người phải đổi tay nuôi, người này vứt cho người khác. Có người không muốn nuôi, đem bỏ nó ra bãi cho sóng liếm đi. Có người thương, lại ra ẵm về. Bồng bềnh giữa cái sống cái chết như thế, thằng bé trải gian truân từng ngày, vừa lớn lên, vừa lưu lạc, đi nhiều quá đến nỗi trí nhớ mỏng manh của nó không còn nhớ được hôm qua, năm qua ở đâu nữa. Quãng mười tuổi, trạc như Mon, như Gái - như tuổi các con bây giờ, bằng tuổi ấy, bé An Tiêm đã dày dạn lắm, khắp mình đã trổ chàm vằn vèo, xám xịt, để hằng ngày xuống mò cái ăn dưới nước thì cá mập, cá trình khó nhìn thấy mà đuổi bắt ăn thịt(…). An Tiêm lớn lên giữa những hiểm nghèo ấy. Trong cái chết mà không chết, thì cái sống phải mạnh(…). Đến một ngày kia, vua cha xuống bộ Ninh Hải mở hội thi cày(…). An Tiêm cày vừa nhanh vừa chắc, được nhà vua thưởng lụa, cho đứng ngang hàng những người cày giỏi. Sau đó, nhà vua gọi An Tiêm đến, rồi cho theo về kinh đô”. Cách mở đầu như thế tạo sự tự nhiên, “giống như thực” của cốt truyện. Đó cũng là cách mà tác phẩm tự sự hiện đại hay sử dụng. Với cách thức tổ chức phần trình bày như trên ta thấy nhà văn luôn cố gắng để làm đa dạng, phong phú các cách thức tổ chức diễn biến cốt truyện trong tác phẩm của mình. Đó là một cố gắng đáng ghi nhận. Với cốt truyện, phần vận động là phần quan trọng nhất, ở đó các nhân vật được bộc lộ tính cách, các xung đột xã hội bắt đầu nảy sinh và theo đó được đẩy lên đỉnh điểm rồi đưa ra cách giải quyết; hoàn cảnh, môi trường nhân vật hoạt động cũng không còn là tĩnh tại, mà là hoàn cảnh xung đột. Phần vận động có thể chia làm ba giai đoạn là: sự kiện thắt nút, sự kiện phát triển và sự kiện mở nút. Sự kiện thắt nút là giai đoạn đánh dấu sự bắt đầu của diễn biến đời sống, mở đầu cho sự vận động của xung đột. Sự kiện này có tác dụng đưa các nhân vật tham gia vào xung đột, qua đó sẽ bộc lộ những nét bản chất, những đặc điểm cơ bản. Và theo đó, nhân vật, hoàn cảnh, tính cách cũng bắt đầu vận động. Trong toàn bộ cốt truyện thì phần dài nhất là phần phát triển, phần này miêu tả cụ thể quá trình diễn biến của hiện
  • 35. 36 thực, nó bao gồm một chuỗi các sự kiện hoặc biến cố nối tiếp nhau để làm cho xung đột được đẩy lên đến mức căng thẳng hơn, gay gắt hơn, qua đó khẳng định bản chất của các nhân vật, các tính cách một cách rõ ràng trong những tình huống khác nhau. Nối tiếp phần phát triển, đưa sự kiện lên cao trào là giai đoạn căng thẳng nhất - sự kiện đỉnh điểm. Ngay sau sự kiện này là sự kiện mở nút, nó cho thấy cách giải quyết của nhà văn đối với xung đột đã được miêu tả, hoặc cho thấy những khả năng trong việc giải quyết xung đột đó. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh có một nhận xét: “Có thể nói, Tô Hoài là nhà văn của người thường, của chuyện thường, của đời thường” [16; 45]. Đúng thế, Tô Hoài không viết về những đôi lứa lá ngọc cành vàng, không thi vị hóa đời sống, không vẽ vời, lý tưởng hóa các chân dung. Ông chỉ viết về những điều mà ông đã nhìn thấy: “Tôi đã miêu tả tâm trạng của tôi, gia đình tôi, làng tôi, mọi cái của mình, quanh mình” (Tự truyện). Chính vì cái sở trường đó mà tác phẩm của Tô Hoài tuy có cốt truyện sự kiện nhưng diễn trình vận động của nó lại ít khi tuân theo nguyên tắc là được xây dựng trên sự vận động của một xung đột đầy đủ. Tiểu thuyết của ông có những tác phẩm có cốt truyện sự kiện mang dáng dấp sự vận động của một xung đột, còn đa phần là các sự kiện vận động một cách linh hoạt y như sự việc diễn ra trong đời sống hàng ngày. Sự vận động trong tiểu thuyết Đảo hoang không giống với mô hình phát triển một xung đột như ta thường thấy mà nó vận động theo diễn biến của đời sống hàng ngày. Câu chuyện Đảo hoang chỉ thực sự bắt đầu khi gia đình An Tiêm bị đầy ra đảo. Các sự kiện, chi tiết, tình tiết nhỏ nhất đều tập trung miêu tả diễn biến cuộc sống của gia đình An Tiêm ngoài đảo. Đó là những ngày đi tìm chỗ trú ẩn trên những vách đá; rồi cả nhà chia nhau vào rừng đi tìm nước uống; tìm chỗ làm nhà, tìm cách giữ nước, lấy thức ăn; và rồi “trận rồng cuốn nước” khiến cả nhà li tán; họ vừa tìm cách sống sót vừa đi tìm nhau; Mon trồng được giống dưa hấu và họ thả dưa hấu ra biển mong có ngày đến được đất liền. Cả chuỗi sự kiện, chi tiết chỉ nhằm miêu tả, kể về hành trình tìm cách thích nghi với cuộc sống ngoài đảo. Đó là những diễn biến của cuộc sống hàng ngày với cái ăn, cái mặc, sự sống, cái chết, những
  • 36. 37 khám phá về cuộc sống, về thực động vật, tình yêu thương của con người. Ở tiểu thuyết Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ và Miền Tây ta thấy diễn trình vận động của các sự kiện cũng là những sự kiện của cuộc sống, của nhịp sống hàng ngày song nó lại dựa trên nền của xung đột lịch sử có trước là mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp, là mâu thuẫn giai cấp giữa người lao động và địa chủ phong kiến. Đối với tiểu thuyết Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ, Tô Hoài đã viết nên câu chuyện về người chiến sĩ trẻ tuổi Hoàng Văn Thụ trên con đường đến với cách mạng. Tô Hoài miêu tả hành trình đi tìm đường của Hoàng Văn Thụ theo các sự kiện lịch sử mà nhân vật có thực đã trải qua. Có điều đọc kĩ ta sẽ thấy các chi tiết, tình tiết trong truyện chủ yếu kể về những khó khăn gian khổ, những vấp váp, hi sinh, những chuyện của cuộc sống hàng ngày, chứ không nhấn mạnh đến những sự kiện lớn, đặc biệt là tác giả không kể về những ngày ở trong xà lim, và sự hi sinh cao đẹp của nhân vật. Kể về một nhân vật lịch sử, sự kiện sẽ nương theo các hoạt động có thực của nhân vật do đó nó có sự phát triển theo một lộ trình có trước gắn bó với tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam, nên có thể nói cốt truyện vận động theo sự kiện lịch sử. Song Tô Hoài ý thức rất rõ sự khô khan của sự kiện lịch sử nên ông đã “nêm gia vị” của cuộc sống vào đó, hòa trộn và tạo nên những trang viết xúc động, giàu hình ảnh. Ẩn hiện trong quá trình đi tìm đường cách mạng là những sự việc của cuộc sống, những gian nan Hoàng Văn Thụ trải qua là gian nan của lịch sử đối với tất cả những thanh niên trẻ tuổi lúc bấy giờ, và cũng là khó khăn trong cuộc sống đời thường. Đối với tiểu thuyết Miền Tây, tác giả đã dựng nên hai cảnh đời trái ngược nhau trước và sau Cách mạng ở một vùng núi cao. Các sự kiện trong đó diễn biến theo hai cảnh đời đó. Trước Cách mạng thì cuộc sống nhân dân cay đắng, tủi nhục với những cuộc bày mưu tranh ăn của bọn quan đồn, bọn thống lý và lái buôn, cảnh đời đau khổ tủi nhục của những người phu ngựa, cảnh nhốn nháo, hỗn loạn của phiên chợ Phiềng Sa, và nạn mê tín dị đoan đe dọa sinh mạng của những con người lương thiện như bà Giàng Súa. Những cảnh đời ấy được rải đều trên trang giấy, tập trung làm rõ nối khốn khổ của cảnh đời cũ. Và những sự kiện ấy là những sự kiện của đời sống được xây dựng trên nền của một mâu thuẫn có từ trước,
  • 37. 38 do đó sự phát triển của nó mang tính chất của nhịp sống – nhịp sống của người dân tộc vùng cao khi chưa có cách mạng về. Phần sau với các sự kiện về cảnh đời đổi thay khi cách mạng về. Cảnh lao động hăng say, cảnh chợ đông vui mà không còn xô bồ, cuộc sống, suy nghĩ của những người dân vùng cao đã thay đổi. Bằng những hình ảnh tương phản về những sinh hoạt, những cảnh sống hằng ngày của nhân dân vùng cao, Tô Hoài đã dụng công lột tả được sự khác nhau giữa hai chế độ xã hội mà không cần xây dựng xung đột, mâu thuẫn xã hội gay gắt. Bên cạnh sự vận động theo nhịp sống hàng ngày và sự kiện lịch sử thì tác phẩm của Tô Hoài còn có cốt truyện vận động theo mạch hồi tưởng của nhân vật. Ta bắt gặp điều đó trong tiểu thuyết Ba người khác. Viết về cải cách ruộng đất – một sự kiện lịch sử chứa đầy những chuyện li kì Tô Hoài chú tâm thể hiện mặt trái của cuộc cải cách với ba nhân vật anh đội và những việc xảy ra khi họ xuống vùng “hai trăm ngày” làm cải cách. Tiểu thuyết có hai mảng sự kiện lớn là những sự kiện về thời cải cách ruộng đất và những việc xảy ra với ba anh đội nhất là sau cải cách. Cả hai mảng sự kiện này đều được kể lại thông qua hồi ức của một nhân vật là anh đội Bối. Chỉ có điều rất khó để xâu chuỗi những sự kiện này thành một cốt truyện với mối quan hệ nhân quả, liên quan, tác động đến nhau. Các sự kiện đó, bản thân nó là yếu tố nền tạo nên cốt truyện nhưng nó lại không có tác dụng tạo sự phát triển cho câu chuyện bởi diễn biến của nó ít liên hệ với nhau. Cái tạo nên sự phát triển cho cốt truyện, dẫn dắt các sự kiện chính là hồi ức của nhân vật. Hai mảng sự kiện chính đó là hai mảng kí ức của nhân vật “tôi” và nó được kể lại đan cài vào nhau. Chúng là những sự kiện đời thường thể hiện diễn biến của cuộc đời nhân vật, làm rõ bản chất của nhân vật, nếu thiếu đi một sự kiện nào đó thì không ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển cốt truyện. Giữa những sự kiện tưởng như không có mối liên hệ ấy lại có một sự thống nhất, mối dây liên hệ chung : nhân vật người kể chuyện với hồi ức của anh ta chính là dấu nối giữa những sự kiện đó, anh ta có mối liên hệ với tất cả, hoặc anh ta tham gia hoặc anh ta được chứng kiến, được nghe kể lại. Điều đó tạo nên sự phát triển và nhất quán cho cốt truyện. Như vậy, diễn biến của cốt truyện trong Ba người khác vận động theo nhịp hồi tưởng của chính nhân vật trong truyện.
  • 38. 39 Cũng là “tả chân”, là kể về những cảnh đời, cuộc sống của con người, đặc biệt là người dân nhưng ở Nam Cao, ở Nguyễn Công Hoan, cốt truyện thường có những xung đột và nó được đẩy lên cao trào để rồi đưa nhà văn đưa ra cách giải quyết nhưng Tô Hoài lại rẽ theo một hướng khác, ông tập trung vào những sinh hoạt hàng ngày, những việc nhỏ nhặt trong đời sống, đi sâu vào miêu tả, kể một cách cụ thể, chi tiết. Và sự phát triển của cốt truyện chính là sự phát triển của những sự việc nhỏ nhặt như vậy. Qua cốt truyện bức tranh cuộc sống, sinh hoạt và cả những suy nghĩ, tình cảm của con người được thể hiện một cách sinh động. Đó là lối đi riêng của nhà văn mà không phải ai cũng làm được. Phần kết thúc thường là phần mà người đọc chờ đợi, háo hức để đánh giá cách giải quyết của nhà văn tức là cho thấy cách kết quả của những xung đột, những diễn biến đời sống xã hội mà nhà văn đã đặt ra. Chính vì thế Sêkhôp có viết: “Khi viết một truyện ngắn tốt nhất là hãy tô đậm cái mở đầu và kết thúc”. Phần kết thúc có khi được coi là “sức mạnh của quả đấm nghệ thuật”, nó có thể được đặt ở đầu hoặc ở cuối tác phẩm, và nó có cách thể hiện khác nhau. Tác phẩm có thể có một cách kết thúc, hoặc nhiều cách kết thúc, hoặc không có kết thúc. Ở các tiểu thuyết của Tô Hoài, cốt truyện được xây dựng theo mô hình của cốt truyện sự kiện song diễn biến cốt truyện lại không phát triển theo xung đột nên khi kết thúc tác phẩm ta ít gặp sự bất ngờ, sự nuối tiếc hay háo hức, vui sướng mà trong đó là âm thanh của cuộc sống, có khi nó đọng lại, có khi nó còn ngân vang. Với tiểu thuyết Đảo hoang và Ba người khác tác giả đã dựng nên một cái kết trọn vẹn (câu chuyện được kết thúc với vấn đề được giải quyết triệt để.). Nếu diễn biến của cốt truyện tiểu thuyết Đảo hoang mở đầu là hành trình ra đảo của gia đình Mai An Tiêm thì kết thúc tác phẩm là sự trở về của họ giữa niềm vui hân hoan, sự đón chào của nhân dân. Không dừng lại như kết thúc của truyện cổ tích, Tô Hoài kéo dài kết thúc : sau sự trở về của gia đình An Tiêm là hành trình ngược ra đảo của Mon. Mon dẫn theo một đoàn người ra đảo lập vùng đất mới, vùng đất phía nam của Tổ quốc: “Mon trở lại đảo cùng một đoàn hơn ba mươi chiếc thuyền…Về sau, Mon cho lập trại, lập làng ở bờ biển quanh chân núi. Mỗi hôm, mặt trời ngả sau núi, bóng núi lại