SlideShare a Scribd company logo
1 of 220
VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
TRẦN VIỆT HÀ
NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM
TỪ ĐẦU THẾ KỶ XXI ĐẾN NAY
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC
HÀ NỘI - 2019
VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
TRẦN VIỆT HÀ
NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM
TỪ ĐẦU THẾ KỶ XXI ĐẾN NAY
Chuyên ngành: Lý luận văn học
Mã số: 9 22 01 20
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
1. PGS.TS Tôn Thị Thảo Miên
2. PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thu
HÀ NỘI - 2019
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số
liệu, kết quả nêu trong luận án là trung thực và chưa công bố trong bất cứ
công trình nào khác
Hà Nội, ngày 6 tháng 8 năm 2019
Tác giả luận án
Trần Việt Hà
LỜI CẢM ƠN
Để hoàn thành luận án này, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến
PGS.TS Tôn Thị Thảo Miên, PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thu - hai người thầy
đã hướng dẫn tôi ngay từ những bước đi đầu tiên trên con đường đến với
nghiên cứu khoa học. Tôi xin cảm ơn Học viện Khoa học Xã hội, Viện Văn
học, cơ quan tôi đang công tác, các đồng nghiệp, bạn bè và gia đình đã luôn
hỗ trợ, giúp đỡ, động viên tôi trong quá trình nghiên cứu.
Trần Việt Hà
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU.......................................................................................................................... 1
CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU............................................ 6
1.1. Tổng quan nghiên cứu về nhân vật trong tiểu thuyết ở nước ngoài .......................... 6
1.2. Tổng quan nghiên cứu về nhân vật trong tiểu thuyết ở Việt Nam .......................... 16
CHƯƠNG 2. CHUYỂN ĐÔI CÁCH NHÌN VỀ TIỂU THUYẾT VÀ NHÂN VẬT
TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM TỪ ĐẦU THẾ KỶ XXI ĐẾN NAY ............... 28
2.1. Điều kiện dẫn đến thay đổi về nhân vật trong tiểu thuyết đương đại...................... 28
2.2. Một số vấn đề chung về tiểu thuyết và nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu
thế kỷ XXI đến nay...................................................................................................... 37
CHƯƠNG 3. LOẠI HÌNH NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM TỪ
ĐẦU THẾ KỶ XXI ĐẾN NAY ..................................................................................... 63
3.1. Loại hình nhân vật lý tưởng .................................................................................. 63
3.2. Loại hình nhân vật bi kịch..................................................................................... 71
3.3. Loại hình nhân vật tha hóa.................................................................................... 85
3.4. Loại hình nhân vật hiện sinh ................................................................................. 96
3.5. Loại hình nhân vật dị biệt ................................................................................... 106
CHƯƠNG 4. NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT
VIỆT NAM TỪ ĐẦU THẾ KỶ XXI ĐẾN NAY........................................................ 113
4.1. Quá trình chuyển giao ngôi kể ............................................................................ 113
4.2. Tính dục như là một kí hiệu văn hóa ................................................................... 121
4.3. Một số phương cách biểu đạt đángchú ý về nhân vật........................................... 132
4.4. Những tương giao trong ngôn ngữ nhân vật ........................................................ 141
KẾT LUẬN.................................................................................................................. 148
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO .................................................................... 152
DANH MỤC BẢNG
Bảng 1: Khảo sát về sự rút giảm nhân vật tỉ lệ thuận với sự rút giảm quy mô
tiểu thuyết .................................................................................................. 59
Bảng 2: Một số ví dụ về những thăng hoa ngôn ngữ nhục thể .................. 129
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
1.1. Từ đầu thế kỷ XXI đến nay, văn xuôi Việt Nam có rất nhiều khởi sắc cả về
tác phẩm cũng như đội ngũ sáng tác. Khác với chặng đường văn xuôi từ 1945 -
1975, 1975 - 1986, quan niệm về con người đậm chất sử thi, mang tính đơn trị
chiếm vị trí chủ đạo; sau năm 1986 và nhất là từ năm 2000 trở đi, quan niệm về con
người trở nên phức tạp, nhiều chiều. Sự phân rã tính cách và xu hướng phi điển hình
hóa đã làm thay đổi khá căn bản quan niệm về nhân vật trong văn xuôi. Sự dịch
chuyển từ kiểu nhân vật tính cách sang nhân vật tự ý thức hay sự tan rã và dần tiết
giảm số lượng để đào sâu về chất khi xây dựng các nhân vật trong tiểu thuyết đang
là những thách thức để nhiều cây bút thử sức tìm tòi thể nghiệm với phương thức
mới đầy sáng tạo. Quá trình tìm hiểu, nhận diện về nhân vật văn xuôi đầu thế kỷ
XXI nói chung, trong tương quan so sánh với nhân vật trong văn xuôi của thế kỉ
trước, các nhà lí luận đã có được một cách nhìn, một phương diện nghiên cứu khách
quan hơn về những đóng góp của các nhà văn hiện nay với nền văn học nước nhà.
Đồng thời, các nhà nghiên cứu đã khái quát được những bài học kinh nghiệm về
sáng tạo, tiếp nhận trong quá trình giao lưu, hội nhập với văn học thế giới.
1.2. Thể loại tiểu thuyết là thể loại chủ công đóng một vai trò quan trọng, “được
ví là máy cái của văn học” [123, tr.98], lúc này đang có nhiều vận động và đổi mới.
Với sự tác động mạnh mẽ của chủ nghĩa Hậu Hiện đại đến văn học, nhiều cây bút
tiểu thuyết người Việt ở trong và ngoài nước đã có những chuyển mình khá nhanh
và quyết liệt về thế giới quan, nhân sinh quan và bút pháp thể loại để làm mới
những đứa con tình thần, khẳng định tiếng nói trên văn đàn. Sự thành công của thể
loại tiểu thuyết ở Việt Nam từ 1986 đến nay cả về số lượng và chất lượng đã phần
nào khẳng định điều đó. Một yếu tố làm nên thành công của tiểu thuyết chính là quá
trình xây dựng nhân vật của các nhà văn. Bởi vì “tiểu thuyết nghĩ bằng nhân vật”,
cho nên trong quá trình tiếp cận, các nhà nghiên cứu không chỉ cảm nhận được
chính xác giá trị nội dung nghệ thuật tiểu thuyết mà còn đánh giá được những khác
biệt về nhân vật tiểu thuyết qua các chặng đường văn học cụ thể.
2
1.3. Năm 2000 gắn liền với dấu mốc quan trọng chuyển giao thế kỷ ở nhiều lĩnh
vực. Về văn học, nền kinh tế thị trường khởi sắc đã chi phối, tạo nên không gian
thương mại cho văn học. Các hoạt động xuất bản, tiếp thị và phân phối dịch vụ
trung gian, cơ chế chính sách, Luật xuất bản hay vấn đề thị hiếu của độc giả đã thúc
đẩy chuỗi cung - cầu và người sáng tác. Riêng tiểu thuyết, sự thành công của một
loạt các tác giả tác phẩm tạo nên bước ngoặt đáng chú ý. Sự trở lại của Nguyễn
Xuân Khánh sau gần bốn mươi năm vắng bóng bằng tiểu thuyết lịch sử khá đồ sộ
Hồ Quý Ly mang theo dấu ấn hiện đại hóa đậm nét, khuynh hướng ngoại biên hóa
cộng với tinh thần hiện sinh thấm đẫm ở nhiều nhân vật, khác hẳn với lối viết tiểu
thuyết lịch sử trước đây đã gây tiếng vang lớn. Lối viết này đã ảnh hưởng đến khá
nhiều các tiểu thuyết lịch sử đầu thế kỷ XXI. Với tiểu thuyết Một thế giới không có
đàn bà, Bùi Anh Tấn lần đầu tiên đề cập rất thành công đến vấn đề đồng tính luyến
ái và kiểu nhân vật đồng tính trong văn học Việt. Nhiều tác phẩm tiếp theo của ông
(Les - vòng tay không đàn ông, Phương pháp của A.C.Kinsey…) đã châm ngòi cho
tiểu thuyết viết về thế giới hiện thực nghiệt ngã ở những con người thuộc “giới thứ
ba” nói riêng và tiểu thuyết viết về vấn đề tính dục, về nhân vật bản năng trong văn
xuôi nói chung. Tiểu thuyết Muối trăm năm (Mường Mán) đánh dấu một cái nhìn
thẳng vào hiện thực trong cuộc chuyển giao thế kỷ đầy rẫy cái xấu cái ác, sự bất tín
phản bội, những lọc lừa ngang trái nhiễu nhương. Cùng với kiểu nhân vật tha hóa,
cấu trúc tự sự với mạch kể li kì lắt léo, kĩ thuật dòng kí ức được đào sâu trong tác
phẩm làm bật lên những bi đát phận người, đã gây ra những rung động mạnh với
người đọc. Trong khi đó, nhiều tác phẩm viết tiếp về đề tài chiến tranh và hậu chiến
tranh đã đào sâu vào số phận của những mẫu nhân vật chấn thương đi ra từ chiến
tranh, cuốn vào vòng xoáy của cơ chế (pha trộn biểu hiện tha hóa với biểu hiện tinh
thần hiện sinh) trở thành những nạn nhân đau đớn với kiểu nhân vật bi kịch đầy ám
ảnh… Năm 2000, tiểu thuyết Bến đò xưa lặng lẽ (Xuân Đức) bắt đầu bằng lời kể
của một hồn ma cùng quá trình ngược thời gian ba mươi năm với bao biến cố thăng
trầm của lịch sử đã mở ra hướng sử dụng ngôi kể đặc biệt, tạo sự ly kỳ, hấp dẫn cho
đề tài chiến tranh tưởng chừng đã cũ. Có thể nói, cùng với những thành công trên
3
bình diện tác phẩm, thế giới nhân vật từ các tiểu thuyết nói trên và sau này đã được
thể nghiệm bằng những kỹ thuật tiểu thuyết mới khá bạo tay và nhuần nhuyễn, nhờ
đó trở nên phong phú sinh động hơn so với nhân vật tiểu thuyết thế kỷ XX. Tuy
nhiên, những thành công này không hề tách rời, độc lập với những thành công của
thể loại tiểu thuyết Việt Nam từ năm 1986 - 2000 mà là sự phát triển “gối tiếp” ở
một số thành tựu nhất định, đặc biệt là ở một vài đặc điểm, loại hình hay thủ pháp
nghệ thuật xây dựng nhân vật. Thậm chí ở một số khía cạnh, thành tựu về nhân vật
trong tiểu thuyết đầu thế kỷ XXI vẫn chưa sánh bằng thời đầu Đổi mới. Việc nghiên
cứu vấn đề nhân vật trong tiểu thuyết đầu thế kỷ XXI (trong cái nhìn so sánh với
một số tiểu thuyết cuối thế kỷ XX) là cần thiết, đi vào cốt lõi của văn học đương
đại. Nghiên cứu lí luận văn học rất cần xem xét, đánh giá và bổ sung những điểm
mới về nhân vật tiểu thuyết đầu thế kỷ XXI để định hình và định hướng cho việc
nghiên cứu sự phát triển của thể loại văn học quan trọng này. Đó là lý do chúng tôi
chọn đề tài “Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI đến nay”.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án
2.1. Mục đích nghiên cứu
Chọn đề tài “Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI đến nay”,
chúng tôi nhằm mục đích:
- Làm rõ một số quan niệm đương đại về nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam
giai đoạn từ đầu thế kỷ XXI đến nay so với nhân vật tiểu thuyết thế kỷ XX.
- Khái quát tương đối đầy đủ các loại hình nhân vật và các thủ pháp nghệ thuật
chủ yếu thể hiện nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI đến nay.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Đề tài đặt ra các nhiệm vụ nghiên cứu sau đây:
- Giới thiệu tổng quan vấn đề nghiên cứu về nhân vật của văn học nói chung và
tiểu thuyết nói riêng trên thế giới và Việt Nam.
- Khái lược về đặc trưng nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI
đến nay.
4
- Tìm hiểu các loại hình nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI
đến nay.
- Xem xét điểm kế thừa và đổi mới trong nghệ thuật xây dựng nhân vật ở tiểu
thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI đến nay trong quá trình đổi mới và hội nhập.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu là các loại hình nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam
giai đoạn từ đầu thế kỷ XXI đến nay của các tác giả tiêu biểu (Phụ lục 1).
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Do số lượng tác phẩm rất lớn cho nên chúng tôi lựa chọn phạm vi nghiên
cứu của luận án là tiểu thuyết của các tác giả tiêu biểu trong 20 năm đầu thế kỷ
XXI: Nguyễn Xuân Khánh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt
Hà, Nguyễn Đình Tú, Thuận, Nguyễn Bắc Sơn, Phong Điệp, Đỗ Phấn, Di Li,
Tạ Duy Anh... Tác phẩm của các nhà văn này đã có những thành công nhất
định, đã thu hút được sự quan tâm lớn của bạn đọc và của giới phê bình.
4. Phương pháp nghiên cứu của luận án
Vấn đề nhân vật văn học là một vấn đề lớn, đa chiều và mở, cần tiếp cận nghiên
cứu cả định tính và định lượng, trên nhiều phân cấp để có cái nhìn toàn diện về vấn
đề. Để thực hiện được, chúng tôi sử dụng các phương pháp sau đây:
-Phương pháp loại hình: Xác định hướng tiếp cận và đặc trưng của loại hình
nhân vật đang nghiên cứu.
-Phương pháp hệ thống: Khảo cứu, hệ thống lại các biểu hiện cùng loại trong
nhóm tác phẩm hoặc nhóm vấn đề liên quan đến nhân vật trong các tác phẩm
-Phương pháp tiếp cận thi pháp học: Khám phá những đặc điểm nổi bật trong
thi pháp nhân vật trong tiểu thuyết đương đại và lí giải nó trong tính chỉnh thể.
-Phương pháp so sánh: So sánh đối chiếu đặc điểm của các loại hình nhân vật
trong tiểu thuyết thế kỷ XXI với thế kỷ XX nhằm rút ra đặc trưng khu biệt của nó.
Đồng thời, chúng tôi kết hợp vận dụng các thao tác phổ thông trong quá trình
nghiên cứu như phân tích, tổng hợp, thống kê…
5
5. Đóng góp mới về khoa học của luận án
Từ việc nghiên cứu về nhân vật trong các tiểu thuyết, chúng tôi mong muốn:
Thứ nhất, nhận diện các loại hình nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam giai
đoạn từ đầu thế kỷ XXI đến nay trong tương quan so sánh với nhân vật ở một số
tiểu thuyết tiêu biểu thế kỷ XX, từ đó đóng góp những kiến giải mang tính lý luận về
nhân vật tiểu thuyết trong sự phát triển của văn học hiện nay.
Thứ hai, đánh giá được những kế thừa và những điểm nhấn đổi mới trong bút
pháp nghệ thuật xây dựng nhân vật của các cây bút tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế
kỷ XXI đến nay trong quá trình hội nhập giao lưu với văn học, văn hóa thế giới.
Thứ ba, bước đầu lý giải khả năng phát triển của các loại hình nhân vật đó
trong tương lai.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
Đạt được những mục tiêu trên, luận án đã góp phần vào việc nhận diện vấn đề
nhân vật ở tiểu thuyết Việt Nam trong quá trình định hình đầu thế kỷ XXI; đồng
thời ghi nhận những nỗ lực sáng tạo của các tiểu thuyết gia trong quá trình phát
triển của văn xuôi đương đại. Luận án cũng là tư liệu tham khảo hữu ích với bạn
đọc, với các nhà phê bình quan tâm đến vấn đề tiểu thuyết và nhân vật.
7. Cấu trúc của luận án
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Luận án triển khai 4 chương:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu.
Chương 2: Chuyển đổi cách nhìn về tiểu thuyết và nhân vật trong tiểu thuyết
Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI đến nay.
Chương 3: Loại hình nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI
đến nay.
Chương 4: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế
kỷ XXI đến nay.
6
CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
Trong chương này, chúng tôi điểm lại những quan niệm của các nhà nghiên cứu
trong và ngoài nước về vấn đề nhân vật trong tiểu thuyết nói chung và trong tiểu
thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI nói riêng. Từ đó xác định rõ những vấn đề chúng
tôi nghiên cứu và tiếp tục trình bày ở những chương sau của luận án
1.1. Tổng quan nghiên cứu về nhân vật trong tiểu thuyết ở nước ngoài
1.1.1. Nghiên cứu về nhân vật
Nhân vật theo quan niệm truyền thống được coi là hình ảnh của con người cụ
thể trong tác phẩm văn học. Nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài xem vấn đề nhân vật
là một nội dung cốt lõi của văn học và đã có kiến giải cụ thể.
Tác giả Meyer Howard "Mike" Abrams (A Glossary of Literature terms) quan
niệm nhân vật là “người được giải thích bởi độc giả như là người cung cấp những
phẩm chất đạo đức, tính cách, xúc cảm được biểu hiện bằng lời nói - tức đối thoại,
bằng việc làm - tức hành động” [158, tr.23]. Như vậy, nhân vật văn học là con
người trong tác phẩm hoặc là những sự vật, loài vật khác ít nhiều mang bóng dáng
tính cách của con người… để biểu hiện các vấn đề của con người.
Khi viết Dẫn luận nghiên cứu văn học, Gennady Nhicolaevich Pospelov đã cho
rằng việc sáng tạo nhân vật được xem như có tầm quan trọng hàng đầu. Theo ông,
nhân vật “là một mặt của hình thức nghệ thuật của văn học, gắn liền với nội dung
bằng những mối liên hệ khăng khít nhất và với mục đích thuyết minh cho tư tưởng
của tác phẩm” [101, tr.20], là "phương diện tất yếu quan trọng nhất để thể hiện tư
tưởng", "là phương diện có tính thứ nhất trong hình thức của các tác phẩm ấy quyết
định phần lớn vừa cốt truyện, vừa lựa chọn chi tiết, phương tiện ngôn ngữ và thậm
chí cả kết cấu nữa" [101, tr.18]. Quan niệm trên đã cho thấy sự hiện hữu của nhân
vật cho dù ở quy mô, mức độ, hình thức nào cũng có tầm ảnh hưởng quyết định tới
giá trị của tác phẩm văn học. Còn người đọc về cơ bản luôn bám vào các hình tượng
nhân vật như là một cơ sở đầu tiên để cảm thụ và tiếp nhận những nỗ lực sáng tạo,
cảm hứng nghệ thuật của người sáng tác. Thông qua ngôn ngữ và hành động của
7
mình, các nhân vật văn học đã bộc lộ được nét nhân cách, những thái độ về thế giới
xung quanh hay những suy tư về ý nghĩa sự tồn tại của bản thân. Thông qua những
liên hệ suy ngẫm soi chiếu từ nhân vật, người đọc còn bao quát được những vấn đề
con người của mỗi thời đại. Vì thế mà Konstantin Aleksandrovich Fedin còn cho
rằng “nhân vật là một công cụ nhận thức” nữa [109, tr.120]. Điều này chứng tỏ sức
tác động mạnh mẽ của nhân vật văn học trong quá trình tiếp nhận, nhận thức của
người đọc. Đồng thời nhà văn đã sử dụng nhân vật như là một phương tiện hiệu quả
để gửi gắm chiêm nghiệm về cuộc sống con người và quá trình vận động của xã hội.
Chẳng hạn, thông qua kiểu nhân vật con người thừa, con người nhỏ bé ở sáng tác
của Fyodor Mikhailovich Dostoevsky, của Anton Pavlovich Chekhov trong văn học
Nga cuối thế kỉ XIX, người đọc có thể hình dung về một xã hội chuyên chế, hà
khắc, tàn bạo, bóp nghẹt đời sống xã hội. Hay qua kiểu nhân vật thuộc về thế hệ mất
mát trong sáng tác của Ernest Miller Hemingway, Francis Scott Key Fitzgerald,
Jonh Dos Passaos, William Faulkner… có thể thấy những tổn thương tinh thần,
khủng hoảng niềm tin trong xã hội tư bản Âu Mĩ sau chiến tranh thế giới thứ II…
Như vậy điểm thống nhất chung về nhân vật là ở chỗ: nhân vật là phương tiện
thể hiện các tính cách, số phận con người và các quan niệm về chúng, nhờ đó nhà
văn khái quát hiện thực đời sống và bộc lộ tư tưởng tình cảm của mình.
1.1.2. Nghiên cứu về nhân vật trong tiểu thuyết
Ở phần này, chúng tôi xem xét quan niệm của các nhà nghiên cứu về sự khác
biệt giữa nhân vật tiểu thuyết với nhân vật trong các thể loại văn học khác và sự
khác biệt về nhân vật tiểu thuyết giữa các thời kì khác nhau.
Nhà nghiên cứu Mikhail Mikhailovich Bakhtin đã cụ thể về sự khác biệt giữa
nhân vật sử thi và nhân vật tiểu thuyết. Theo ông, nếu như sử thi tập trung thể hiện
quá khứ anh hùng của dân tộc trên cơ sở kí ức của cộng đồng thì tiểu thuyết miêu tả
cuộc sống “hiện tại” không ngừng biến đổi trên cơ sở hiểu biết và kinh nghiệm cá
nhân. Sự xóa nhoà khoảng cách giữa người kể và nhân vật cho phép người viết
dùng kinh nghiệm cá nhân để lí giải, nhìn ngắm nhân vật của mình một cách gần
gũi, thậm chí suồng sã. Ông nhận thấy “nhân vật tiểu thuyết không nên là “anh
8
hùng” trong cái nghĩa sử thi và bi kịch của từ đó, mà nên thống nhất trong bản thân
các nét vừa chính diện vừa phản diện, vừa tầm thường vừa cao cả, vừa buồn cười
vừa nghiêm túc” [109, tr.297-230]. Ông còn cho rằng, nếu như nhân vật sử thi luôn
“ngang bằng” và “trùng khớp” với chính mình về mục đích, số phận, hành động
thì nhân vật tiểu thuyết lại thường xuyên không tương ứng, không “hợp vai” với nó,
với “thân xác xã hội” của nó, rằng con người thường “không đồng nhất với chính
nó” [109, tr.297-230] và sự sống thực sự lại thường diễn ra ở chỗ con người vượt ra
ngoài giới hạn mà nó đã có. Rõ ràng, trong khi nhân vật sử thi là con người cần phải
như thế thì nhân vật tiểu thuyết lại chao đảo giữa những đối cực, xung năng với
nhau để bộc lộ chính mình trong quá trình phát triển và tự hoàn thiện. Nhân vật
trong tiểu thuyết thuộc kiểu “con người phiêu du”, “con người nếm trải” luôn
“lãnh đủ” mọi tác động của cuộc sống. Còn nhân vật trong kịch lại là kiểu “con
người hành động”. Trong khi đó, nhân vật trữ tình là hình tượng nhà thơ trong thơ
trữ tình, phương thức bộc lộ ý thức tác giả; con người “đồng dạng” của tác giả.
Để làm rõ vấn đề khác biệt về nhân vật tương ứng với một số kiểu loại tiểu
thuyết từ xưa đến nay, chúng tôi xem xét các nhóm quan điểm như sau:
Thứ nhất là quan điểm về nhân vật trong tiểu thuyết tiền hiện đại “kiểu
Balzac”. Trong tiểu thuyết tiền hiện đại, hình tượng nhân vật luôn gắn liền với hình
hài và tính cách con người, mang đầy đủ các dấu hiệu bên ngoài bao gồm: một cái
tên rõ ràng, một khuôn mặt được tạo nên từ nhiều nét vẽ, một tính cách cá nhân xác
định và khá cố định, một nhân hình khách thể đậm nét… Trong đó, tính cách
thường được chú ý miêu tả khá kĩ và ngay từ khi xuất hiện, có dụng ý định hình,
định hướng cho con đường đời của nhân vật và sự tiếp nhận của người đọc. Bàn về
vai trò của tính cách với nhân vật, Aristotle (Nghệ thuật thơ ca) đã từng viết: “Tôi
hiểu tính cách là cái lí do mà chúng ta gọi nhân vật bằng một cái tên nào đó”, hay
“Nhân vật sẽ có tính cách, nếu trong lời nói hành động bộc lộ một khuynh hướng ý
chí nào đó, bất kể nó tốt xấu như thế nào”. Ông cũng cho rằng “trong các tính cách
bao giờ cũng cần tìm thấy một tính tất yếu hay một tính khả nhiên, mà theo đó, một
ai đó nói gì hoặc làm gì, hoặc việc gì đó xảy ra với họ đều tuân theo tính tất nhiên,
9
khả nhiên đó” [109, tr.119]. Thông qua tính cách, là kết tinh của một môi trường
sống trong một thời đại nào đó, nhân vật văn học dẫn dắt người đọc vào một thế
giới cụ thể. Chính sự va đập, tương tác của những tính cách đó trong hoàn cảnh nhất
định đã làm bật lên được những vấn đề xã hội và con người mà nhà văn muốn gửi
gắm tới bạn đọc. Điều này thể hiện rõ qua tiểu thuyết chương hồi của phương Đông
hay tiểu thuyết phương Tây của Stendhal, Alexandre Dumas, Honoré de Balzac,
Lev Nikolayevich Tolstoy… Nhân vật trong tiểu thuyết của các nhà văn nói trên
chủ yếu là hình mẫu con người đơn tính cách, đơn bình diện. Kiểu nhân vật truyền
thống này thường đã có sẵn và định hình về tính cách. Trong văn học phương Tây,
nhân vật Jean Van Jean - Madelen (Những người khốn khổ - Victo Huygo) luôn tốt
bụng và thương người. Trong Tấn trò đời (Honoré de Balzac), đó là một lão Grande
(Eugénie Grandet) luôn keo kiệt, hà tiện đến độ nhẫn tâm; một Rastignac (Lão
Goriot, Bước thăng trầm của kỹ nữ, Miếng da lừa) từng bước tha hóa, hay Lucien
Chardon (Vỡ mộng, Bước thăng trầm của kỹ nữ) vỡ mộng trong cuộc chen chân
trong thế giới đồng tiền, âm mưu và tội ác.
Về nghệ thuật xây dựng nhân vật, Mikhail Mikhailovich Bakhtin (Những vấn đề
thi pháp của Dostoievki) cũng đã chỉ rõ: trong tiểu thuyết tiền hiện đại, nhân vật
được xây dựng hoặc thiên về mô phỏng cái cổ điển, nặng về cái chung mà nhẹ về
cái riêng; hoặc nhấn mạnh sự khác thường trong suy nghĩ, tính cách, hành động;
hoặc chú trọng xây dựng những tính cách điển hình đạt tới độ sống động, đặc sắc để
tạo nên những nhân vật điển hình - “một người lạ mà quen biết” (Vissarion
Grigorevich Belinski). Trong đó, cái riêng của nhân vật là bộc lộ cá tính độc đáo;
còn cái chung làm cho nhân vật “Thực sự là đại biểu cho những giai cấp và những
trào lưu nhất định, do đó tiêu biểu nhất định cho thời đại của họ” (Friedrich Engel).
Theo Bakhtin, tiểu thuyết tiền hiện đại chủ yếu phát triển trong quan niệm “độc
thoại”. Đó là loại tự sự trong đó chỉ có tác giả là người duy nhất có ý thức, biết suy
nghĩ và đánh giá mọi sự việc, là vị chúa tể nắm hết mọi bí mật của cuộc đời. Còn
nhân vật thì chỉ là đối tượng câm lặng cho sự phẩm bình, nhận xét ấy. Tác giả nhận
định con người cũng như nhận định cái cây, đồ vật. Do quan hệ giữa nhân vật và tác
10
giả được quan niệm như vậy nên nhân vật của văn xuôi “đơn thanh”, luôn “trong
suốt”. Trong các tiểu thuyết mang tính đơn âm này, nhân vật chỉ là những đối tượng
vô ngôn luôn lặp lại lời tác giả, thường được đóng khung với những đường viền
đậm nét, chịu sự chi phối chủ quan của ý thức tác giả khá nhiều, nhân vật có phát
ngôn nhưng thiếu đi tinh thần đối thoại thực sự. Nhà văn trong trường hợp này thể
hiện ý thức, nghĩ và làm việc hộ các nhân vật của mình. Không có gì xảy ra với
nhân vật mà tác giả không cắt nghĩa được. Nhân vật luôn có sự thống nhất phù hợp
giữa thế giới bên trong và biểu hiện bên ngoài, là một tính cách ổn định, nhất quán
trong sự phát triển mà ta có thể yên tâm theo dõi qua các bước thăng trầm của số
phận, là một cái gì đã xong xuôi, ngã ngũ như một tổng kết. Thế giới nghệ thuật
trong tiểu thuyết độc thoại “được đặt vào trong cái khung vững chắc và không thể
vượt qua của ý thức tác giả đã nhận định nó, miêu tả nó và được kiến tạo trên cái
nền vững chắc của thế giới bên ngoài” [8, tr.217].
Thứ hai là quan điểm về nhân vật trong tiểu thuyết hiện đại kiểu Dostoievski.
Khi xem xét về vai trò, đặc điểm kiểu nhân vật trong tiểu thuyết của Dostoievski,
Bakhtin cho rằng: “Dostoievski tìm kiếm một nhân vật chính có ý thức thượng thừa,
một nhân vật chính mà cuộc đời hoàn toàn dựa trên ý thức bản thân và ý thức cuộc
sống” [68, tr.259]. Có thể hiểu, ý thức sâu sắc về bản thân và về người xung quanh
chính là ý thức cơ bản làm nên chân dung tinh thần của nhân vật trong tiểu thuyết
của Dostoievski. Theo Bakhtin, nhân vật của Dostoievski là những chủ thể ý thức,
là kiểu “con người trong đường hầm”, tự ngụp lặn trong câu chữ của những người
xung quanh, để lắng nghe, cảm nhận, quan sát và tự phân tích. Thông qua quá trình
soi chiếu ấy, nhân vật có thể tự đào sâu đến tận cùng vấn đề thắc mắc, tự khám phá
ra những sự thật về chính mình, một thứ sự thật của ý thức, được ý thức hóa.
Bakhtin cho rằng: “con người trong đường hầm” là ý thức hệ đầu tiên trong tiểu
thuyết của Dostoievski. Chỉ khi nào nhân vật là những con người tự do thực sự,
trong thế đối sánh ngang hàng với tác giả, nói tiếng nói hoàn toàn của mình thì khi
đó nhân vật mới thực sự là “con người trong con người” [68, tr.260].
11
Khi cho rằng “nhân vật là một chủ thể phát ngôn” thì Bakhtin nhận thấy vấn đề
nhân vật đã được Dostoievski xem xét, thể nghiệm theo một hướng khác hẳn, không
cần phải những con người cụ thể, sắc nét, hay được thiêng hóa như trước nữa. Hình
tượng nhân vật trong tiểu thuyết của Dostoievski đã mất “các dấu hiệu bên ngoài”,
chỉ còn lại là LỜI - “giọng của ý thức chủ thể” như một quan điểm riêng về chính
nhân vật và về thế giới mà anh ta đang tồn tại. Ông cho rằng: “Nhân vật của
Dostoievski không phải là một hình tượng khách thể, mà là một lời nói đầy đủ trọng
lượng, một tiếng nói thuần túy, chúng ta không nhìn thấy nó, chúng ta nghe thấy
nó” [8, tr.250]. Nhân vật của Dostoievski là sự kết hợp của ý thức (ý thức về bản
thân và về người khác) và lời nói: kiểu người mộng mơ, hay suy tư. Nhân vật luôn
nghĩ về điều người khác nghĩ và nghĩ về chính bản thân, trước cả khi sự việc sẽ diễn
ra: “hắn cố sức tiên đoán ý thức và giọng điệu, những sự đánh giá và cố diễn đạt
tường tận những lời phát biểu có thể của người khác về mình, ngắt lời mình bằng
những lời đáp tưởng tượng của người khác” [8, tr.249]. Điều này khiến nhân vật
bộc lộ chiều sâu nội cảm và những xung động thầm kín trong tâm hồn.
Bakhtin coi nghệ thuật tiểu thuyết của Dostoievski là một cách tân lớn, một sự
đổi mới thi pháp tiểu thuyết về nguyên tắc so với tiểu thuyết châu Âu thời bấy giờ.
Ông luôn nhìn nhận yếu tố đa âm (hay “phức điệu” - cách nói của tác giả Trịnh Bá
Đĩnh trong Nguyên lí đối thoại của M.Bakhtin trong hệ hình lí luận đương đại) của
tiểu thuyết Dostoievski trong tương quan gắn liền với yếu tố nhân vật: “Tiểu thuyết
của Dos có nhiều giọng khác nhau và những nhân vật của Dos, đối thoại với nhau
như một bè hợp xướng, có trầm có bổng, tạo nên một không gian toàn diện về sự
sống, về ngôn ngữ, về xã hội và con người” [dẫn theo 68, tr.254]. Tiểu thuyết của
Dostoievski được kiến tạo trên nguyên tắc đối thoại của thế giới đa chủ thể: giữa
các nhân vật với nhau, giữa nhân vật với độc giả, giữa nhân vật với tác giả hay với
người kể chuyện, giữa tác giả với độc giả…: “tính nhiều tiếng nói và nhiều ý thức
độc lập không hòa vào nhau, tính độc lập thực sự của tiếng nói có đầy đủ giá trị quả
là một đặc điểm của tiểu thuyết Dostoievski” [8, tr.217]. Trong tiểu thuyết mang
tính đa âm, mỗi nhân vật có một ý thức riêng, một tư tưởng độc lập, kể cả đối với
12
tác giả. Bakhtin viết: “Sự đa dạng của tiếng nói và của ý thức độc lập, sự đa âm đích
thực của những tiếng nói, hoàn toàn riêng biệt, tạo nên nét cơ bản trong tiểu thuyết
của Dostoievski” [dẫn theo 68, tr.255]. Hiểu theo nghĩa này thì đa âm chính là sự cá
nhân hóa, độc lập hóa tiếng nói và tư tưởng của nhân vật. Tiếng nói của nhân vật có
tính độc lập và có giá trị ngang hàng khi vang lên bên cạnh tiếng nói của tác giả hay
tiếng nói của các nhân vật khác. Ý thức, cái nhìn và tiếng nói tác giả không còn
mang tính áp đảo nhân vật như trong tiểu thuyết tiền hiện đại. Cho dù lời nói, ý
nghĩ của nhân vật do chính tác giả sáng tạo nên nhưng nó thể hiện ý thức cá nhân
của nhân vật chứ không thể hiện ý thức của tác giả, trở thành tiếng nói riêng biệt
của một cái tôi khác bên cạnh tiếng nói của tác giả. Tiếng nói khác ấy mới tạo nên
những đối thoại thực sự khách quan. Thông qua tương quan đối thoại, đối chất có ý
thức giữa các nhân vật mà những bất đồng, sai lầm, nhược điểm hay những khủng
hoảng, tan vỡ, dang dở, sự thật từ bên trong của nhân vật mới được bộc lộ. Từ đó,
ông thấy một nguyên tắc xây dựng hình tượng của tiểu thuyết đương đại đó là: các
nhân vật được đặt trong nhiều mối quan hệ, nói lên được tính phức tạp của cuộc đời,
tính đa nghĩa của đời sống… Vì thế, Bakhtin thấy Dostoievski không đoạn tuyệt
hẳn lối tư duy “độc thoại”, nhưng về căn bản ông sáng tạo một thế giới nghệ thuật
khác. Nhân vật của ông chủ yếu được miêu tả như một sự tự ý thức, một dòng tư
tưởng, một giọng điệu độc lập, không hòa nhập với các giọng khác. Vấn đề ở chỗ
nhà văn không chỉ tập trung miêu tả nội tâm nhân vật như một tiểu thuyết tâm lí
thông thường, mà xem nhân vật như một ý thức khác, có tính độc lập tương đối.
Bakhtin cũng đã chỉ ra sự khác biệt trong thủ pháp xây dựng nhân vật của tiểu
thuyết tiền hiện đại và hiện đại. Với tiểu thuyết hiện đại, Bakhtin cho rằng, các nhà
tiểu thuyết hiện đại không chấp nhận cách nhìn dễ dãi về đời sống và con người. Họ
không quan tâm nhiều đến lịch sử nhân vật trong tính toàn vẹn mà chú ý hơn đến
tâm trạng nhân vật trong những mảnh phân thân của nó; xây dựng các mối quan hệ
nhân vật với hoàn cảnh, xã hội; sử dụng lối viết kết hợp ảo và thực, ít sử dụng lối
viết y như thật của tiểu thuyết truyền thống. Thủ pháp hư cấu được sử dụng phổ
biến và đắc dụng hơn như trong tiểu thuyết của Franz Kafka, Haruki Murakami…
13
Quan điểm của Bakhtin đã đánh giá được những đóng góp mang tính bước
ngoặt của tiểu thuyết của Dostoievski, đồng thời gợi mở và tạo định hướng lí luận
quan trọng khi đánh giá nhân vật tiểu thuyết hiện đại so với các thời kỳ trước đây.
Thứ ba là quan điểm về nhân vật trong tiểu thuyết hậu hiện đại của các nhà
Tiểu thuyết mới. Tác giả Nathalie Saraute (Kỉ nguyên nghi ngờ - tuyên ngôn của
nhóm Tiểu thuyết mới) khẳng định: Tiểu thuyết không có một nguyên tắc gì cả mà
mỗi cuốn tiểu thuyết là một tìm tòi mới, tạo ra một nguyên tắc mới. Tác giả đả phá
quan niệm nhân vật trong tiểu thuyết truyền thống cùng lối xây dựng nhân vật tâm
lý của nó. Theo bà, con người của thế kỷ XX không phải là con người của thế kỷ
XIX. Nó không phụ thuộc vào tính cách nữa. Việc đòi hỏi phá vỡ nhân vật đồng
nghĩa với việc phá vỡ đế quốc chủ nghĩa của tác giả đối với nhân vật. Bà cho rằng
tính cách điển hình của nhân vật không phải là hiện thực vì nó đã tước đi diện mạo
chìm, mờ tối của hiện thực. Chỉ có đi sâu vào khám phá tiềm thức của các nhân vật
thì mới có thể tìm ra diện mạo chìm khuất, mờ tối đó. Các nhà Tiểu thuyết mới đi
tìm những hình thức mới và con người mới: “có khả năng thể hiện (hoặc sáng tạo)
những quan hệ mới giữa con người và thế giới, tất cả những người đã quyết định
sáng tạo tiểu thuyết có nghĩa là sáng tạo ra con người”[137, tr.289]. Chính vì vậy,
họ chủ trương loại bỏ những gì quá rõ ràng về quá khứ, nghề nghiệp của nhân vật;
xé nát mọi đường viền của nhân vật, từ họ tên, dung mạo... đến tính cách, tâm lý
[147, tr.10]. Các nhà Tiểu thuyết mới cũng đã khước từ lối kể chuyện từ điểm nhìn
toàn tri, thủ tiêu cốt truyện, tẩy trắng nhân vật, xóa bỏ cá tính… Điều này đã báo
trước những đột phá mới về vấn đề nhân vật. Còn Alain Robbe Grillet cho rằng,
việc “phân tích tâm lý nhân vật” và “chiều sâu” của sự việc không còn sức hấp dẫn
nữa. Ông khẳng định, dù nhân vật không còn tồn tại theo lối cũ, dù tính cách và tên
tuổi nhân vật không quan trọng lắm, thì cũng không có nghĩa là vấn đề con người bị
xóa bỏ: “Tại sao cứ cố đi khám phá ra một cá nhân tên gì trong một tiểu thuyết
không nói đến vấn đề đó? Chúng ta ngày nào chẳng gặp những người mà chúng ta
không hề quen biết tên của họ và chúng ta có thể nói chuyện suốt buổi tối với một
người không quen biết” [147, tr.127]. Trong tiểu thuyết “Ghen” của ông, nhân vật
14
A… đồng thời chính là người kể chuyện, được dùng như người thay thế tác giả
luôn. Không hề xưng danh, có vẻ như không tồn tại, nhưng thực ra anh ta không bỏ
qua bất cứ một chi tiết, cảnh vật hay lời nói cử chỉ của người khác chỉ bởi vì sự
ghen tuông ám ảnh. Nhân vật của ông nhiều thời điểm đã bị “phi nhân hóa” một
cách khéo léo… Trong thực tế, những tác phẩm danh tiếng khác trên thế giới như
Linh Sơn (Cao Hành Kiện), Con đường xứ Flanders (Claude Simon), Sự bất tử
(Milan Kundera)… cũng không nhất thiết phải trọng thị vấn đề nhân vật. Các đại
diện tiêu biểu của văn chương hậu hiện đại thế giới như: Angela Carter, Salman
Rushdie (Anh); Georges Perec và Monique Wittig (Pháp); Gunter Grass và Peter
Handke (Đức); Umberto Eco và Italo Calvino (Italy); John Maxwell Coetzee (Nam
Phi); và Peter Carey (Úc); Gabriel Garcia Márquez (Colombia); Mario Vargas Llosa
(Peru)… bằng nhiều cách khác nhau cũng đi theo hướng này khi xây dựng nhân vật
theo kiểu phi trung tâm, nhằm tạo ra những “tiểu tự sự” về con người đương đại…
Thứ tư là quan điểm của một số các nhà nghiên cứu khác: Các nhà nghiên
cứu văn học Âu Mỹ như Roland Barthes, Milan Kundera, Kristjana Gunnars… cũng
đặc biệt chú ý đến tính phức hợp, đa bình diện trở thành một đặc tính nổi bật của
các nhân vật, đồng thời chi phối mạnh mẽ đến các phương diện khác của nghệ thuật
tự sự và thi pháp thể loại. Về khái niệm nhân vật, Milan Kundera (Nghệ thuật tiểu
thuyết) từng cho rằng: “Nhân vật không phải là sự mô phỏng một con người sống
thật. Đó là một con người tưởng tượng, một cái tôi thực nghiệm” [66]. Điều này đã
làm thay đổi về căn bản quan niệm nhân vật của tiểu thuyết đương đại.
Khi tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy các nhà nghiên cứu tiểu thuyết nước ngoài rất
quan tâm xem xét vấn đề nhân vật như là một yếu tố nghệ thuật quan trọng bậc nhất
của thể loại tiểu thuyết. Boris Suskov (Số phận lịch sử của chủ nghĩa hiện thực) đã
chỉ rõ vấn đề nhân vật là tiền đề cốt lõi để người nghệ sĩ gửi gắm những dụng ý tư
tưởng và dụng công nghệ thuật của mình: "Người viết tiểu thuyết nghĩ mọi vấn đề
đều phải thông qua các nhân vật, xuất phát từ nhân vật" [107, tr.168]. Trong khi đó,
Liviu Petrescu (Thi pháp hậu hiện đại) khẳng định: “Quy định cuối cùng trong
khuôn khổ thi pháp tiểu thuyết là quy định về một phạm trù trần thuật khác nằm
15
ngoài tình huống, tình tiết và chủ thể: phạm trù nhân vật” [83, tr.76]. Rõ ràng, việc
đi sâu vào vấn đề nhân vật chính là đi sâu khám phá một phương diện quan trọng
trong thế giới sáng tạo của nhà văn, đóng vai trò chi phối các yếu tố khác của nội
dung, hình thức nghệ thuật trong tiểu thuyết. Bởi thế Milan Kundera viết: “Tất cả
mọi tiểu thuyết của thời đại đều chăm chú vào bí ẩn của cái tôi. Từ lúc anh bắt đầu
sáng tạo một con người tưởng tượng, một nhân vật, tức thì anh đối mặt với câu hỏi:
Cái tôi là gì? Bằng cách nào nắm bắt được cái tôi ? Đây là một trong những câu hỏi
cơ bản để tiểu thuyết được hình thành với tư cách tiểu thuyết” [66, tr.27].
Về phân loại nhân vật, Meyer Howard "Mike" Abrams (Diện mạo tiểu thuyết)
đã đề xuất một số thuật ngữ quan trọng trong việc nhận diện nhân vật của tiểu
thuyết hiện đại: nhân vật dẹt - không có chiều sâu và nhân vật tròn - cá tính phức
tạp [109, tr.121]. Hiểu theo gợi ý này, ta sẽ dễ dàng nhận thấy bên cạnh xu hướng
tiểu thuyết phức thể hoá nhân vật, tức làm “dày” nhân vật, thì ta lại bắt gặp một xu
hướng ngược lại: tiết giản hóa nhân vật, tức là làm “mỏng” nhân vật, đến mức đôi
khi chúng chỉ còn là các “phản nhân vật”, các kí hiệu hay các hình ảo, bị tẩy trắng
hoặc biến mất khỏi văn bản…. Điều này có thể thấy ở nhiều tiểu thuyết gia hiện đại
phương Tây, đặc biệt là ở Pháp. Các nhân vật của Milan Kundera như Krystina,
Tamina (Cuốn sách của tiếng cười và sự lãng quên), Tereza (Đời nhẹ khôn kham),
Paul (Sự bất tử) đều nhòe mờ ngoại hình. Một số nhà văn còn không chú trọng đến
nhân vật và cho rằng tiểu thuyết của các nhân vật đã thuộc về quá khứ. Trong bối
cảnh hỗn độn của cuộc sống và sự mất niềm tin sâu sắc, cá nhân con người không
còn giữ được sức mạnh tuyệt đỉnh. Vì thế tiểu thuyết đã không dung nạp loại nhân
vật có tính cách. Họ thay bằng các “phản nhân vật” hoặc “đồ vật” hoặc chỉ còn duy
nhất là những dòng chảy ngôn từ và “nhân vật chỉ còn là những đại từ mơ hồ” [129,
tr.56-57] như Josef K (Vụ án - Franz Kafka), Sisyph (Sisyph - Albert Camus)…
Ngoài ra, nhà nghiên cứu Carlo Ginzburg còn đề xuất tới loại nhân vật chức năng
(hay nhân vật mặt nạ), nhân vật tính cách và nhân vật loại hình… Trong khi đó, một
số nhà nghiên cứu đi theo chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa ở các nước XHCN
gồm Liên Xô cũ và một số nước Đông Âu thì phân loại nhân vật chủ yếu dựa theo
16
vai trò của nhân vật trong tác phẩm để chia ra thành nhân vật chính, nhân vật trung
tâm và nhân vật phụ; hoặc theo quan hệ thuận nghịch giữa nhân vật với lý tưởng để
phân chia thành nhân vật chính diện và nhân vật phản diện...
Như vậy, một số nghiên cứu về nhân vật trong tiểu thuyết thế giới thế kỷ XX đã
đặt ra nhiều vấn đề quan trọng có tính gợi mở và định hướng. Điều đó có ảnh hưởng
lớn đối với chúng tôi khi xem xét các vấn đề lý luận về nhân vật tiểu thuyết của các
nhà nghiên cứu trong nước, tạo tiền đề thuận lợi trong việc ứng dụng nghiên cứu
nhân vật tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI đến nay.
1.2. Tổng quan nghiên cứu về nhân vật trong tiểu thuyết ở Việt Nam
Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “Nhân vật văn học là con người cụ thể được
miêu tả trong tác phẩm văn học. Nhân vật văn học có thể có tên riêng…, cũng có
thể không có tên riêng… Khái niệm nhân vật văn học có khi sử dụng như một ẩn
dụ, không chỉ là một con người cụ thể nào cả, mà chỉ là một hiện tượng nổi bật
trong tác phẩm… Nhân vật văn học là một đơn vị nghệ thuật đầy tính ước lệ, không
thể đồng nhất nó với con người có thật trong đời sống” [50, tr.235]. Quan niệm nói
trên cho thấy tính mở của vấn đề nhân vật, cho phép người viết có những sáng tạo
linh hoạt, đột phá và người đọc có cách hiểu chủ động về thế giới nhân vật trong
văn học. Ở đây, chúng tôi chủ yếu đề cập đến những nghiên cứu cụ thể về nhân vật
trong tiểu thuyết, nhất là trong tiểu thuyết từ đầu thế kỷ XXI đến nay.
1.2.1. Nghiên cứu về nhân vật trong tiểu thuyết
Khảo sát các giáo trình Lý luận văn học về vấn đề nhân vật trong tiểu thuyết,
chúng tôi thấy sự thống nhất cơ bản của các nhà nghiên cứu khi cho rằng: nhân vật
tiểu thuyết thuộc loại nhân vật tự sự, được khắc họa đầy đủ, rõ nét, đa diện, có đời
sống nội tâm phong phú và có sự phát triển nội tại rất sinh động. Nhân vật trong tiểu
thuyết có số lượng nhiều, với nhiều số phận khác nhau, tạo nên một xã hội phong
phú, phức tạp với nhiều mối quan hệ, hành động, tư tưởng hay tính cách, giọng
điệu. Nhân vật được nhà văn miêu tả qua các xung đột, mâu thuẫn, biến cố và các
chi tiết, gắn bó với cốt truyện, là một chỉnh thể vận động, có thể đạt đến tính cách,
điển hình, bộc lộ như một quá trình trong không gian, thời gian. Nó có thể được hư
17
cấu hoàn toàn hoặc xây dựng dựa vào một nguyên mẫu, một điển hình xã hội nhờ
nỗ lực lao động nghệ thuật nghiêm túc của nhà văn. Tuy nhiên, khi xem xét những
công trình nghiên cứu riêng lẻ, chúng tôi thấy có một số kiến giải chuyên biệt hơn.
Bài viết Về một hướng thử nghiệm của tiểu thuyết Việt Nam từ cuối thập kỉ 80
đến nay (Nguyễn Thị Bình) và Ý thức cách tân trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1975
(Nguyễn Bích Thu) đã có những kiến giải khá thống nhất: Các tác giả tiểu thuyết
đang nỗ lực “cá nhân hóa lịch sử”, tiết giảm đến tối đa “khoảng cách sử thi”, “nới
rộng đáng kể biên độ hiện thực so với tiểu thuyết trước 1975”. Bởi vậy, bên cạnh
những “con người anh hùng”, “con người cộng đồng”, “con người xã hội” dần bị
tiết giảm vai trò; con người thân phận mang bị kịch cá nhân vượt lên nhanh chóng,
chiếm vị trí chủ đạo trong nhiều tác phẩm. Đồng thời “nhiều cuốn tiểu thuyết đã
hướng tới miêu tả số phận những con người bình thường với những bi kịch của đời
họ. Bi kịch giữa khát vọng và thực trạng, giữa cái muốn vươn lên và cái kìm hãm,
giữa cái nhân bản và phi nhân bản” [79, tr.230]. Ý kiến trên đã cung cấp cho chúng
tôi một số phương diện biểu hiện của bi kịch cá nhân ở nhân vật. Trong những năm
gần đây, nhiều nhà nghiên cứu tiểu thuyết thấy rõ những thay đổi trong quan niệm
về con người ở các nhà văn chi phối rất mạnh đến các quá trình xây dựng nhân vật.
Trần Thị Mai Nhân (Những đổi mới của tiểu thuyết Việt Nam trong 15 năm cuối thế
kỷ XX) viết: “Ngày nay do đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người, nhân vật đã
bước vào tiểu thuyết với một tư thế mới. Nhà tiểu thuyết không thể “khuôn” nhân
vật vào các công thức nữa. Vì vậy, nhân vật trong tiểu thuyết giai đoạn 1986 - 2000
đã thực sự thoát ra khỏi hình thức “sơ đồ hóa” để hiện lên đầy đặn hơn, sống động
hơn. Nhiều tiểu thuyết đã đi sâu vào đời sống tinh thần con người để qua đó, thấy
được “hình bóng của cuộc đời” [91, tr.116]… Khi đánh giá về nghệ thuật xây dựng
nhân vật trong tiểu thuyết, nhà nghiên cứu Trần Thị Mai Nhân bên cạnh việc ghi
nhận những kế thừa kỹ thuật truyền thống của “tiểu thuyết kiểu Banzac”, tác giả
cũng đã quan tâm tới những cách tân thực sự khác biệt trong nghệ thuật xây dựng
nhân vật ở một số tiểu thuyết mang dấu ấn hậu hiện đại cùng trong thời gian này
như Thiên sứ (Phạm Thị Hoài), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Cơ hội của Chúa
18
(Nguyễn Việt Hà), Những đứa trẻ chết già (Nguyễn Bình Phương)…. Đó là kỹ
thuật dòng ý thức, đa ngôi kể, nghệ thuật nghịch dị…, tất cả tạo nên sức hấp dẫn
riêng cho tiểu thuyết thời kỳ đổi mới.
Để phân loại nhân vật nói chung và nhân vật tiểu thuyết nói riêng, trong các
giáo trình lý luận có những thống nhất về một số tiêu chí phân loại như sau:
+/ Căn cứ vào kết cấu hình tượng trong tác phẩm, nhân vật được chia thành:
nhân vật chính, nhân vật phụ, nhân vật trung tâm...
+/ Căn cứ vào quan hệ tư tưởng, nhân vật được chia thành: nhân vật chính diện,
nhân vật phản diện, nhân vật tích cực, tiêu cực…
+/ Căn cứ vào cấu trúc hình tượng, nhân vật được chia thành: nhân vật chức
năng (nhân vật mặt nạ), nhân vật tính cách, nhân vật loại hình, nhân vật tư tưởng...
+/ Căn cứ vào đặc điểm thể loại, nhân vật được chia thành: nhân vật kịch, nhân
vật tự sự, nhân vật trữ tình ...
Bản thân các nhà nghiên cứu các sách trên cũng thừa nhận, các cách phân loại
trên đều “mang tính chất rất tương đối”, giúp khu biệt các kiểu loại nhân vật để
người đọc có cách đánh giá cụ thể về quan niệm con người cũng như nghệ thuật xây
dựng nhân vật của các nhà văn. Tuy nhiên, với cách phân chia này khi áp dụng với
các nhân vật trong văn học Việt Nam trước thời kì Đổi mới (1986) thì dễ dàng đối
chiếu và phân định. Còn với nhân vật văn học từ thời điểm Đổi mới đến nay vốn rất
phức tạp, các tiêu chí này khó đối chiếu và chưa phản ánh đầy đủ được các loại hình
nhân vật. Trong quá trình xem xét hướng phân loại nhân vật trong tiểu thuyết hai
thập niên cuối thế kỷ XX, chúng tôi ghi nhận cách phân loại của Bùi Việt Thắng
(Phía trước của tiểu thuyết) khi chia nhân vật ra thành các kiểu sau: Nhân vật bi
kịch, Nhân vật anh hùng, Nhân vật kì dị, Nhân vật lập thân (lập nghiệp) [119,
tr.134-139]. Sự phân loại và nhận diện của nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng đã bám
sát thực trạng phát triển của thể loại. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy: do khuôn khổ
của bài viết, tác giả chưa đi sâu lí giải sự xuất hiện của từng kiểu nhân vật một cách
thấu đáo. Đặc biệt, ở kiểu nhân vật kì dị, nhân vật lập nghiệp chưa thật rõ ràng về
mặt khái niệm cũng như những đặc điểm cụ thể để nhận diện kiểu nhân vật này.
19
1.2.2. Nghiên cứu về nhân vật trong tiểu thuyết đầu thế kỷ XXI
Tập hợp các tài liệu có được, chúng tôi nhận thấy, đã có một số công trình khoa
học của các nhà nghiên cứu bàn luận vấn đề này như Hoàng Ngọc Hiến (Mấy vấn
đề của tiểu thuyết và đặc trưng thể loại này), Thái Phan Vàng Anh (Tiểu thuyết Việt
Nam đầu thế kỉ XXI từ góc nhìn hậu hiện đại), Bùi Việt Thắng (Về dòng tiểu thuyết
"thân xác" trong văn học Việt Nam thập niên đầu TK XXI), Mai Hải Oanh (Những
cách tân nghệ thuật trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại), Lại Nguyên Ân (Khi
quyền kể chuyện được trao cho nhân vật), Văn Giá (Nhân vật văn học tìm tòi và
sáng tạo), Nguyễn Bình Phương (Tôi không xây dựng một nhân vật điển hình), Hồ
Anh Thái (Họ trở thành nhân vật của tôi), Hoàng Cẩm Giang (Vấn đề nhân vật
trong tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XXI)… Nhìn chung các nhà nghiên cứu nhận
thấy, từ đầu thế kỉ XXI đến nay, vấn đề nhân vật tiểu thuyết được chú ý hơn, thể
hiện mối quan tâm của người viết đối với vấn đề số phận cá nhân, vấn đề bản thể
trong bối cảnh xã hội, không gian sống hiện đại.
Bàn về tầm quan trọng của nhân vật, nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng viết: "Nói
đến tiểu thuyết là nói đến nhân vật. Tài nghệ của nhà tiểu thuyết cũng chủ yếu khúc
xạ qua nhân vật vì nó là con đẻ của tinh thần nhà văn" [120, tr.110]. Ông cho rằng
trong tiểu thuyết, nhân vật không phải là nơi duy nhất nhưng lại là nơi thể hiện một
cách tập trung nhất, sâu đậm nhất quan niệm về con người của tác giả. Tiểu thuyết
chính là mảnh đất quý giá và màu mỡ lưu giữ bóng hình cuộc đời con người, vì thế
nhân vật luôn được xem là sức nổ, là sự sống của tiểu thuyết từ xưa đến nay. Nhân
vật tiểu thuyết độc đáo sẽ làm nên sức sống của mỗi cuốn tiểu thuyết. Bùi Việt
Thắng cũng đã đòi hỏi các nhà tiểu thuyết phải làm thế nào để xây dựng thế giới
nhân vật đa dạng mà không chồng chéo, tẻ nhạt; ngược lại các nhân vật có quan hệ
qua lại, tác động lẫn nhau, soi sáng nhau cùng phản ánh đời sống. “Một tác phẩm
tiểu thuyết đồ sộ, không làm người đọc rối trí, khó tiếp nhận chính là nhờ vào nhân
vật như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt, khâu nối các mảng miếng hết sức chặt chẽ”. Như
vậy, toàn bộ tài năng nghệ thuật của nhà tiểu thuyết nằm ở chỗ, trên trục vận động
của diễn biến cốt truyện, nhân vật phải làm chủ mọi cảnh huống, mọi tình thế, phát
20
triển theo quy luật nội tại của nó. Ông cho rằng cách kể chuyện của nhà văn phải
làm sao “hòa vào các nhân vật, hòa vào từng nhân vật và thế giới riêng của nó, kể
về nhân vật bằng ngôn ngữ của nó, bằng tiết tấu của chính nó.” [120, tr.378]… Bùi
Việt Thắng (Hiện trạng tiểu thuyết) cũng nhận thấy có một sự thật về hình tượng
con người tất yếu sẽ chiếm ngự không gian tiểu thuyết đương đại: con người tha
hóa. Sự tha hóa về con người đầu thế kỷ XXI đã và đang diễn ra dưới nhiều dạng
thức rất khác nhau. Tuy nhiên, tác giả mới chỉ từ vấn đề con người tha hóa mà
khẳng định đó là một kiểu nhân vật - nhân vật tha hóa, nhưng chưa đi vào phân tích,
lí giải nguồn gốc, những tác động trở lại xã hội trước mắt và lâu dài của vấn đề này.
Về đặc điểm nhân vật, xuất phát từ khái niệm cảm quan hậu hiện đại, phi trung
tâm hóa, giải nhân cách hóa, liên văn bản, các nhà nghiên cứu đã chỉ rõ các đặc
điểm đặc thù của nhân vật hậu hiện đại là mảnh vỡ, nhòe mờ hay bị tẩy trắng và
ngôn ngữ vô âm sắc. Tác giả Thái Phan Vàng Anh viết: “Trong nhiều tiểu thuyết,
nhân vật bị tẩy trắng, không gian nhòe mờ, thời gian đảo lộn, phi thực” [153]. Đây
cũng chính là những tiêu chí cơ bản nhất để phân định ranh giới khác biệt giữa nhân
vật trong tiểu thuyết hiện đại và tiểu thuyết hậu hiện đại. Nguyễn Thị Bình (Đổi mới
tiểu thuyết Việt Nam đương đại: lối viết hậu hiện đại) phân định rõ về kiểu nhân vật
mờ hóa, tẩy trắng, “nhân vật phi nhân vật”, “bị tác giả xóa bỏ hầu hết đường viền
nhân thân, tính cách chúng bị phân rã, trở thành một ý niệm, một trạng thái tâm lý,
một ám ảnh…”. Tác giả cho rằng: “Nhân vật vẫn tồn tại, nhưng nó không còn giống
như trong truyền thống, quá trình xây dựng nhân vật trở thành công cuộc phá hủy
chính nó” [21, tr.230-232]. Điều này cho thấy sự phân rã tính cách, biến mất của
nhân vật trở nên khá phổ biến trong tiểu thuyết đương đại. Nguyễn Văn Tùng đã
nhìn nhận: nhiều nhân vật trong tác phẩm đã “không nổi lên bằng một nét cá tính
nào, một đường viền lịch sử nào, một nét hình dung diện mạo nào” hay “Bóng hình
của họ không có chiều dày thực thể, mà chỉ giống như những giọng nói, những hình
dung, những biểu tượng” [146]… Chính thủ pháp mờ hóa được dụng công rất khéo
léo đã góp phần khắc sâu cảm giác vô nghĩa, đơn điệu của con người khi mất đi ý
thức về nhân vị trong cuộc sống hiện đại. Ông cho rằng tiểu thuyết đương đại không
21
còn là những bức tranh xã hội rộng lớn với tập thể các con người khác nhau, mà chủ
yếu được dồn nén, đúc kết qua số phận của một con người: “Đó là nhân vật duy
nhất của cuốn sách, bởi vì tất cả các nhân vật khác đều tồn tại thông qua nhân vật
này và quan hệ với nhân vật này…”. Chẳng hạn, xoay quanh nhân vật như gã Tép
Riu (Gã Tép Riu - Nguyễn Bắc Sơn), Cái bào thai (Thiên thần sám hối - Tạ Duy
Anh)… mà toàn bộ hệ thống cốt truyện được vận hành và các nhân vật còn lại trong
tác phẩm xuất hiện, tương tác, bộc lộ bản thân và có những thay đổi số phận rõ nét.
Về thi pháp nhân vật trong tiểu thuyết đầu thế kỷ XXI, chúng tôi nhận thấy, các
tác giả đã ít nhiều đề cập đến như: Bích Thu (Văn học Việt Nam hiện đại sáng tạo
và tiếp nhận), Nguyễn Thị Kim Tiến (Con người trong tiểu thuyết Việt Nam thời kì
Đổi mới, Về kiểu “ẩn danh” nhân vật - Tiếp cận qua một số tiểu thuyết Việt Nam
đương đại), Đỗ Hải Ninh (Tiểu thuyết có khuynh hướng tự truyện trong văn học
Việt Nam đương đại), Vũ Thị Hạnh (Tư duy nghệ thuật trong tiểu thuyết của một số
nhà nữ hải ngoại đương đại), Nguyễn Thị Ninh (Kết cấu tiểu thuyết Việt Nam
đương đại)… Đây là những công trình nghiên cứu có hàm lượng lý luận cao và có ý
nghĩa phương pháp luận, bước đầu nêu lên những đặc điểm nghệ thuật của tiểu
thuyết Việt Nam đương đại nói chung và nghệ thuật xây dựng nhân vật nói riêng
trên cơ sở phân tích từ nhiều tác phẩm cụ thể. Trong đó, chúng tôi nhận thấy tác giả
Bích Thu cũng đã có những ghi nhận khái quát hơn cả: “Nghệ thuật đồng hiện, kĩ
thuật độc thoại nội tâm, dòng ý thức, lắp ghép, sử dụng huyền thoại, nghệ thuật giãn
cách, đa giọng điệu… đã được tiểu thuyết vận dụng, biến hóa một cách linh hoạt và
uyển chuyển trên tinh thần dân tộc hiện đại” [129, tr.52]. Điều này khẳng định
hướng đi đúng đắn của nhà văn về nghệ thuật xây dựng nhân vật ở các tiểu thuyết
hiện đại và hậu hiện đại trong xu thế phát triển chung của văn xuôi Việt Nam.
Không những thế, các nhà nghiên cứu đã nhận thức rõ mối quan hệ biện chứng giữa
vấn đề nhân vật và nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết đương đại. Chính
điều này đã góp phần làm thay đổi cách nhìn, cách thích ứng của độc giả hiện nay
về nhân vật trong tiểu thuyết. Hoàng Cẩm Giang viết: “Sự thay đổi trong quan niệm
về nhân vật và nghệ thuật xây dựng nhân vật - tất yếu vừa là nguyên nhân, vừa là hệ
22
quả của những đổi thay trong cấu trúc tự sự. Cuộc “cách mạng về nhân vật” bao giờ
cũng là cuộc cách mạng tác động trực tiếp nhất đến cảm quan và tiếp nhận của độc
giả nói chung. Các nhà tiểu thuyết thuộc khuynh hướng cách tân đầu thế kỷ XXI
(Đặng Thân, Nguyễn Bình Phương, Tạ Duy Anh, Thuận…) đã quyết liệt thay đổi
cái nhìn cũng như cách quan niệm mang tính truyền thống của độc giả về phạm trù
“nhân vật” trong các tác phẩm của họ”[46]. Điều này cũng đã góp phần làm thay
đổi căn bản thi pháp tiểu thuyết nói chung hiện nay, đưa tiểu thuyết Việt Nam tiệm
cận nhanh hơn với xu thế phát triển của tiểu thuyết thế giới.
Tìm hiểu những quan điểm dẫn đến một số kiểu loại nhân vật đặc thù, chúng tôi
nhận thấy nhiều tác giả đã xuất phát từ các lí thuyết triết học, lý giải từ nhiều góc độ
khác nhau để phân chia thế giới nhân vật trong tiểu thuyết đương đại. Trong Dấu ấn
của chủ nghĩa hiện sinh trong văn xuôi đương đại Việt Nam, Nguyễn Thái Hoàng
cũng đã đi sâu nghiên cứu vấn đề nhân vật mang tâm thức hiện sinh [60]. Tác giả đã
từ vấn đề nhân vật văn học để chỉ ra những yếu tố căn bản của tinh thần hiện sinh
trong văn xuôi Việt Nam đương đại. Việc phân tách ra thành: Nhân vật vong thân
và bóng dáng tha nhân; Nhân vật cô đơn; Nhân vật dấn thân; Nhân vật bản năng,
Nhân vật mang ám ảnh về cái chết… và chỉ ra mối liên hệ cũng như những biểu
hiện đồng thời của tinh thần hiện sinh trên trong cùng một nhân vật đã cho thấy, tác
giả cố gắng đi sâu vào bản chất xã hội của tinh thần hiện sinh là nguyên nhân tạo
nên phản ứng dây chuyền trong nhận thức, lẽ sống của con người thời đại. Tác giả
Văn Thị Phương Trang (Tiểu thuyết Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI từ góc nhìn
phân tâm học) cũng đã từ góc nhìn phân tâm học để xem xét thế giới nhân vật.
Trong đó, tác giả đã xem xét: Kiểu nhân vật với đời sống vô thức, tâm linh; Kiểu
nhân vật với các phức cảm; Kiểu nhân vật với đời sống tính dục thường ngày để
nhấn mạnh những quẫy đạp, ám ảnh, khát khao, mặc cảm và nổi loạn trong đời sống
bản năng, tinh thần của con người đương đại [143]. Từ cách nhìn này, người viết đã
đi sâu vào nghiên cứu về con người tự nhiên, con người tâm linh trong văn học,
thấy được những tác động mạnh của đời sống hiện đại đến nhận thức, tâm sinh lí,
tâm linh của con người hiện nay. Với góc nhìn này, tính phức tạp trong chiều sâu
23
bản thể của con người hiện đại được soi chiếu một cách khá minh triết, đem lại một
cái nhìn sâu sắc, sát thực hơn. Huỳnh Thị Thu Hậu (Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu
thuyết Việt nam từ 1986 đến 2012) đã nghiên cứu về kiểu hình tượng nhân vật
nghịch dị trong mối tương quan với không gian, thời gian nghịch dị [52]. Việc phân
tách thành kiểu hình tượng: Nhân vật biếm họa; Nhân vật lệch pha giới; Nhân vật
nữ nghịch dị đã cho thấy vấn đề nhân vật nghịch dị rất phong phú, phức tạp, cần
được xem xét nghiên cứu đầy đủ với tư cách là một loại hình nhân vật độc lập, trọn
vẹn trong tiểu thuyết đương đại. Bởi nhân vật nghịch dị không chỉ là một hiện
tượng nhất thời, đơn giản, mà có nguồn gốc xã hội sâu xa. Khi sự băng hoại về đạo
đức và lối sống vô cảm, máy hóa của con người càng đi quá đà do hậu quả nặng nề
của xã hội hậu công nghiệp, hiện tượng nghịch dị như một sự quẫy đạp nổi loạn,
hay phá cách để nhắc nhở về tình trạng chấn thương tinh thần của con người. Qua
đó, các tác giả muốn tạo nên những tiếng chuông cảnh báo tới sự quan tâm của xã
hội, góp phần lý giải những vấn đề đời sống và giải mã những dụng ý tư tưởng nghệ
thuật của nhà văn về con người. Đặc biệt trong công trình nghiên cứu gần đây nhất
của Nguyễn Thị Lan Anh (Nhân vật mang dấu ấn hậu hiện đại trong tiểu thuyết
Việt Nam) đã đánh giá ảnh hưởng của Chủ nghĩa Hậu Hiện đại đối với tiểu thuyết
Việt Nam đương thời. Từ nghiên cứu các loại hình nhân vật mang dấu ấn hậu hiện
đại, tác giả đã phân chia thành năm loại hình nhân vật: Nhân vật lạc lõng cô đơn
dẫn đến tha hóa; Nhân vật dị biệt; Nhân vật huyền ảo tâm linh; Nhân vật đấng tối
cao và Nhân vật: các vai diễn mới. Điều đáng ghi nhận là qua tìm hiểu về các loại
hình nhân vật này, tác giả đã làm nổi bật các dấu ấn hậu hiện đại như giải tự sự, giải
trung tâm, sự phân mảnh, phá vỡ kết cấu, giải cấu trúc, thái độ hoài nghi, phóng
nhại, bất tín nhận thức…[5]. Tuy nhiên, vì chỉ xem xét nhân vật mang dấu ấn hậu
hiện đại, nên tác giả mới chỉ thấy được một phần vấn đề nhân vật của tiểu thuyết
đương đại, còn một số kiểu loại nhân vật không kém phần quan trọng chưa được đi
sâu khai thác. Bên cạnh đó, việc phân chia kiểu Nhân vật đấng tối cao còn phiến
diện, chưa đủ cơ sở và không mang tính khái quát, cần được xem xét lại. Đây cũng
là nội dung mà tác giả luận án sẽ đề cập đến trong chương 3.
24
Trong các nghiên cứu Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi
mới (Nguyễn Kim Hoàn), Nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Xuân Khánh
(Lê Thu Trang), Thế giới nhân vật trong sáng tác của Tạ Duy Anh (Phạm Quỳnh
Dương)…, các tác giả cũng đề xuất một số cách phân loại nhân vật của mình. Tuy
nhiên, việc xem xét đánh giá nhân vật cũng cần có những thước đo, những hệ quy
chiếu phong phú, sát thực hơn. Chẳng hạn Vương Hồng Dũng (Phạm trù nhân vật
trong tiểu thuyết Việt Nam theo xu hướng hậu hiện đại) đã khái quát thành một số
kiểu như: Nhân vật lạc loài, cô đơn; Nhân vật nổi loạn, dấn thân; Nhân vật tự nhận
thức; Nhân vật tha hóa; Nhân vật đồng tính; Nhân vật điên khùng; Nhân vật tâm
linh, siêu thực… Không những thế, ông cho rằng “vấn đề nhân vật ngoại biên trong
tiểu thuyết hậu hiện đại đã được đẩy đến độ biến dạng sâu sắc về khung hình, tạo sự
nhiễu loạn về phả hệ nhân vật. Đó là, thay cho việc xây dựng các nhân vật “có chiều
sâu” và khả năng khái quát (phổ biến trong tiểu thuyết truyền thống), các nhà văn
hậu hiện đại xây dựng nhân vật bằng “sự biến thể nhân vật”, dạng sơ khởi của hình
thức nhân vật “ngụy tạo” (vật thế vì), chứ không phải dạng thức “phản - nhân vật”
như trong Tiểu thuyết Mới [32]. Ý kiến này làm cho hướng phân loại nhân vật
“ngoại biên” trở thành một hướng có tính thuyết phục khi xem xét nghiên cứu hệ
thống nhân vật rất đa dạng trong tiểu thuyết đầu thế kỷ XXI. Trong khi đó, Vũ Thị
Hạnh (Tư duy nghệ thuật trong tiểu thuyết của một số nhà nữ hải ngoại đương đại)
khi đi sâu xem xét tư duy nghệ thuật của các nhà văn nữ hải ngoại dưới góc độ hình
tượng nghệ thuật cũng đã phân chia nhân vật trong tiểu thuyết của họ thành một số
kiểu: Nhân vật cô đơn, tha hương sầu xứ; Nhân vật hoài nghi, kiếm tìm tự ý thức;
Nhân vật đám đông; Nhân vật huyền thoại, kỳ ảo, mang đậm tính chất biểu tượng
[51]. Rõ ràng, Lí luận văn học Việt Nam đầu thế kỉ XXI đang không ngừng tìm
kiếm những hướng xem xét đánh giá phân loại mới. Song tựu trung lại vẫn chỉ dừng
lại ở một phạm vi tiếp cận hẹp, đồng thời chưa nhìn nhận thấy những nét riêng và
sự giao thoa của các nhân vật tiểu thuyết đầu thế kỷ XXI so với trước đó. Trong quá
trình khảo sát, chúng tôi chú ý nhiều hơn ở cách kiến giải của Phạm Xuân Thạch và
Hoàng Cẩm Giang. Phạm Xuân Thạch đã đề xuất một cách phân loại nhân vật tiểu
25
thuyết lịch sử, một kiểu tiểu thuyết đòi hỏi một sức bút già dặn cao tay: “Nhìn từ
góc độ ngữ nghĩa, xuất hiện đồng thời trong các tiểu thuyết lịch sử cả ba dạng nhân
vật: nhân vật - chủ thể của tiến trình lịch sử, nhân vật - nạn nhân của lịch sử và nhân
vật - kẻ quan sát lịch sử” [113]. Theo ông, kiểu nhân vật chủ thể của lịch sử luôn
luôn chủ động truy tìm ý nghĩa của bản thể và tồn tại. Những nhân vật thuộc loại
này thường trực tiếp tham dự vào câu chuyện như một “người trong cuộc”, vừa có
khả năng nắm giữ và can thiệp tiến trình sự kiện, vừa thực hiện mục đích mang tính
chủ động của mình với tiến trình ấy (Hồ Quý Ly - Hồ Quý Ly - Nguyễn Xuân
Khánh). Còn kiểu nhân vật chứng nhân của lịch sử chỉ lạnh lùng quan sát đời sống
từ bên ngoài. Đây là kiểu nhân vật nhận thức được diện mạo, bản chất của các sự
kiện nhưng đồng thời lại giữ một thái độ “giãn cách”, khách quan và tách biệt với
chúng. Nhiệm vụ của anh ta dường như chỉ là quan sát và bình luận những gì được
quan sát thế giới chứ không phải là “dấn thân”, “nhập cuộc” để thay đổi bất cứ điều
gì ở thế giới đó (Cái bào thai - Thiên thần sám hối - Tạ Duy Anh). Đối với kiểu
nhân vật nạn nhân của lịch sử thì nhân vật trở nên lạc lõng và tha hóa trong quá
trình “nhập cuộc”. Đây là kiểu nhân vật bị đẩy vào tiến trình sự kiện một cách bị
động không thể cưỡng lại. Trong quá trình này, một mặt khiến nhân vật trở nên trơ
trọi và lạc lõng giữa thế giới; mặt khác có thể khiến anh ta tha hóa, trở thành một
mẫu hình nhân vật không giống trước hoặc bị “văng” ra khỏi trung tâm của tự sự
(“tôi” - Tấm ván phóng dao - Mạc Can, Hoàn - Người đi vắng - Nguyễn Bình
Phương). Quan niệm của Phạm Xuân Thạch có khả năng vận dụng soi chiếu cả ở
một số nhân vật không phải trong tiểu thuyết lịch sử, giúp cho việc xem xét đánh
giá nhân vật có thêm những tiêu chí mang tính thực tiễn. Tuy nhiên, ở một số
trường hợp biểu hiện phức tạp, kết hợp nhiều tiêu chí như: nạn nhân - chủ thể lịch
sử như An, Can (Con ngựa Mãn Châu - Nguyễn Quang Thân); Từ Lộ (Giàn thiêu -
Võ Thị Hảo); Lẹp (Dòng sông Mía - Đào Thắng); nạn nhân - chứng nhân - chủ thể
như Hồ Nguyên Trừng (Hồ Quý Ly - Nguyễn Xuân Khánh), Bối (Ba người khác -
Tô Hoài)… Điều đó làm cho cách phân loại này ít nhiều có hạn chế nhất định khi
chưa thể khái quát hết được đặc trưng của nhân vật trong tiểu thuyết đương đại.
26
Nhà nghiên cứu Hoàng Cẩm Giang (Các khuynh hướng phát triển của tiểu
thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI từ góc nhìn cấu trúc thể loại) bàn về vấn đề nhân
vật đã chú ý tới hai xu hướng nổi bật của nhân vật trong tiểu thuyết đầu thế kỷ XXI,
còn gọi là các tiểu thuyết thuộc “làn sóng thứ ba”. Đó là xu hướng “phức thể hóa
nhân vật” và “tiết giản hóa nhân vật”. Tác giả cho rằng, cả hai dạng thức này đều
xuất hiện khá nhiều trong các tiểu thuyết đương đại, nơi mỗi dạng thức nhân vật hay
xu hướng xây dựng nhân vật đều thể hiện một quan niệm riêng của các tác giả về
hiện thực và về bản chất thể loại của tiểu thuyết. Xuất phát từ những tiêu chí phân
loại của Tự sự học, Hoàng Cẩm Giang đã đề xuất một hệ thống luận điểm tiếp cận
các phương diện khác nhau của nhân vật từ nhiều cấp độ như: 1. Cấp độ tâm lý -
tính cách (tiềm thức, vô thức, bản năng hay ý thức, tư tưởng...); 2. Cấp độ thân phận
- hành động (nạn nhân, chứng nhân hay chủ thể của lịch sử); 3. Cấp độ chức năng tự
sự (người kể chuyện, nhân vật, người đọc, hay tác giả của chính truyện kể…)[46].
Từ đó, Hoàng Cẩm Giang đã đưa ra một số minh chứng cụ thể, tiêu biểu cho từng
trường hợp ứng với hai xu thế trên. Với cách phân loại này, Phạm Xuân Thạch và
Hoàng Cẩm Giang đã tạo ra một hướng tiếp cận mới về nhân vật trong tiểu thuyết,
vừa cụ thể vừa khái quát và có tính gợi mở, thể hiện những góc nhìn khoa học và
lập luận xác đáng, nghiêm túc và có tính học thuật cao. Tuy nhiên, bản thân các tác
giả trên cũng thừa nhận những hướng phân loại trên cũng chỉ có ý nghĩa tương đối
vì không thể tiến hành khảo sát mọi cấp độ liên quan đến nhân vật và thực tế tác
phẩm luôn phong phú biến hóa hơn các mệnh đề lí luận.
Vậy đâu là những thành tựu và điểm dừng của việc nghiên cứu nhân vật
trong tiểu thuyết đầu thế kỷ XXI? Các quan điểm trên đã góp phần cho việc tiếp
cận quan niệm về con người và thế giới nhân vật trong tiểu thuyết đương đại để
giúp chúng tôi nhìn nhận đánh giá đúng hơn những đóng góp của các nhà văn trên
cả phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật. Tuy nhiên giới hạn chung của các
bài viết, các công trình nghiên cứu trên là chủ yếu đứng trên cái nhìn khái quát về
tiểu thuyết nói chung và tiểu thuyết đầu thế kỷ XXI nói riêng trên phương diện nội
dung và hình thức mà chưa khu biệt được vấn đề loại hình nhân vật tiểu thuyết
27
cũng như sự giao thoa của các loại hình nhân vật trong tiểu thuyết đương đại
và xác định đâu là nguyên nhân và khuynh hướng vận động của chúng?
Bên cạnh đó, một số bài viết hay luận án, luận văn mới chỉ xem xét vấn đề nhân
vật tiểu thuyết dựa trên nhóm nhỏ tác phẩm của một tác giả; hay trong một khung
thời gian chung cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI mà chưa phân tách rõ; hoặc coi
nhân vật là một khía cạnh trong cấu trúc nghiên cứu chung… nên chưa thể đem lại
một cái nhìn hoàn chỉnh. Có bài viết, luận án, luận văn mới chỉ mang tính nhận diện
hoặc đánh giá có phần hơi thiên lệch - khen là chính, do đó hạn chế khả năng tiếp
cận chân thực, khách quan vấn đề. Đặc biệt là chưa chỉ ra một cách có hệ thống
đâu là những điểm kế thừa và khác biệt trong bút pháp nghệ thuật xây dựng
nhân vật ở tiểu thuyết đầu thế kỷ XXI (so với cuối thế kỷ XX) để thấy rõ sự
phát triển và đóng góp của các cây bút tiểu thuyết Việt Nam đương đại?
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Việc điểm lại các công trình nghiên cứu về nhân vật trong tiểu thuyết giúp
chúng tôi có được những cơ sở nhận thức quan trọng để xác định khoanh vùng đối
tượng nghiên cứu của mình: Hiện nay kiểu nhân vật là chủ thể nói theo quan niệm
của Bakhtin và nhân vật theo quan niệm Tiểu thuyết Mới đang tồn tại, chiếm vị trí
chủ đạo ở tiểu thuyết Việt Nam hai mươi năm đầu thế kỷ XXI. Trong khi đó, nhân
vật như một con người có hành động, tính cách rõ nét “kiểu Balzac” vẫn được khai
thác nhưng đã có cải biến nhất định mang tính hiện đại hơn. Điều này có liên quan
mật thiết đến vấn đề tư duy tiểu thuyết phát triển song trùng trong văn xuôi đương
đại. Bên cạnh đó, những nghiên cứu phê bình trong nước đã làm rõ được một số vấn
đề về phân loại nhân vật và thi pháp nhân vật ở những chừng mực nhất định, thể
hiện sự quan tâm của Lí luận văn học đến một vấn đề cốt lõi của thể loại tự sự, giúp
chúng tôi có thêm những gợi ý quý báu khi phát triển vấn đề nghiên cứu của luận
án. Với việc tiếp tục giải quyết hai câu hỏi trên, từ những định hướng, so sánh cụ
thể, chúng tôi lựa chọn hướng nghiên cứu của riêng mình về nhân vật trong tiểu
thuyết đầu thế kỷ XXI nhằm góp thêm một cách nhìn nhận mang tính lý luận và hệ
thống về tiểu thuyết đương đại. Đó cũng là mục đích lớn nhất mà luận án hướng tới.
28
CHƯƠNG 2
CHUYỂN ĐỔI CÁCH NHÌN VỀ TIỂU THUYẾT VÀ NHÂN VẬT
TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM TỪ ĐẦU THẾ KỶ XXI ĐẾN NAY
Trong quá trình nghiên cứu tiểu thuyết đầu thế kỷ XXI, chúng tôi thấy việc xem
xét những điều kiện tác động quá trình cách tân về nhân vật là cần thiết, giúp đảm
bảo cho yêu cầu đánh giá phân loại chính xác, toàn diện, sát hợp; khẳng định vị thế
quan trọng của vấn đề nhân vật tiểu thuyết trong diễn trình lịch sử văn học hiện nay.
2.1. Điều kiện dẫn đến thay đổi về nhân vật trong tiểu thuyết đương đại
Từ 1986 đến nay, chủ trương của Đảng qua các kì Đại hội đã khuyến khích các
văn nghệ sĩ tìm tòi sáng tạo, khuyến khích và yêu cầu có những thể nghiệm mạnh
bạo và rộng rãi trong sáng tạo nghệ thuật, trong việc phát triển các loại hình nghệ
thuật, các hình thức biểu hiện. Điều này đã góp phần “cởi trói” về tư tưởng cho văn
nghệ sĩ, thôi thúc nền văn nghệ nước nhà đổi mới quyết liệt, ngõ hầu thể hiện được
tiếng nói của sự thật, của lương tri trung thực, tự do và đầy trách nhiệm. Đây là cơ
hội mở cho các nhà quản lý nghệ thuật và các nghệ sỹ tìm thấy tiếng nói chung,
thúc đẩy nhanh hơn quá trình phát triển hội nhập của văn học Việt Nam vào tiến
trình văn học thế giới. Tuy nhiên ở đây, chúng tôi tập trung xem xét nhiều hơn đến
tác động nội tại của văn học dẫn đến sự thay đổi về nhân vật trong tiểu thuyết.
2.1.1. Sự gối tiếp hệ hình tư duy tiểu thuyết
Tư duy tiểu thuyết là một khái niệm được sử dụng trong văn học để phân biệt
với tư duy truyện ngắn, tư duy sử thi. Nằm trong cùng một trường tư duy về văn
hóa, tư duy tiểu thuyết cũng có tư duy Tiền Hiện đại, tư duy Hiện đại, tư duy Hậu
Hiện đại. Tư duy tiểu thuyết Việt Nam trong hơn 30 năm qua đã chịu sự chi phối
khá rõ nét của Chủ nghĩa Hậu Hiện đại.
Nửa sau thế kỷ XX, Chủ nghĩa Hậu Hiện đại (postmodernism) đã có ảnh hưởng
mạnh tới nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, nghệ thuật… trên thế giới.
Trong văn học, Chủ nghĩa Hậu Hiện đại đã thách thức những quy ước truyền thống
trong sáng tác. Năm 1985, Ihab Hassan đã đề xuất bảng so sánh nhằm khu biệt sự
khác nhau cơ bản của Chủ nghĩa Hiện đại và Chủ nghĩa Hậu Hiện đại, từ đó giúp
29
việc nhận diện và nghiên cứu các vấn đề của văn học thuận tiện và sát hợp hơn.
Năm 1996, Terry Eagleton (Dẫn luận lí luận văn học) xác định “tác phẩm nghệ
thuật Hậu Hiện đại điển hình nhất là tùy tiện, đa trị, lai ghép, lệch tâm, dễ thay đổi,
ngưng đọng, hệt như mô phỏng”. Trong Chủ nghĩa Hậu Hiện đại và văn học, Barry
Lewis đề xuất thêm các phương diện khác như: sự hỗn độn thế tục (Temporal
disorder), cóp nhặt (Pastiche), mảnh vỡ (Fragmentation), sự nới lỏng tổ chức
(Looseness of association), tính hoài nghi (Paranoia), vòng tương tác (Vicious
circles)… Đối nghịch với Chủ nghĩa Hiện đại về bản chất, Chủ nghĩa Hậu Hiện đại
trong văn học chấp nhận tính hư vô (nothing), hỗn độn (chaos), trò chơi (Game) và
liên văn bản (Intertextuality) như là những chuẩn mực mới trong quá trình sáng tạo
nghệ thuật [dẫn theo 16, tr.29-35]… Những điều này đã có ảnh hưởng rõ nét đến sự
phát triển văn học, trong đó có tiểu thuyết.
Trong văn học phương Tây, tư duy tiểu thuyết Hiện đại và tư duy tiểu thuyết
Hậu Hiện đại phát triển nối tiếp nhau. Đó là sự “thay đổi hệ hình” (paradigm shift -
theo Thomas Samuel Kuhn) rất quan trọng về tư duy tiểu thuyết, có tính chất bước
ngoặt trong sáng tác, từ đó dẫn đến những đổi mới về vấn đề nhân vật. Còn ở Việt
Nam từ năm 1986, tư duy tiểu thuyết Hiện đại và tư duy tiểu thuyết Hậu hiện đại
phát triển “gối tiếp nhau” và cùng tồn tại song song. Trong đó, tư duy tiểu thuyết
Hậu Hiện đại du nhập vào Việt Nam còn phức tạp và chưa hẳn đã định hình, tuy
chưa khẳng định vị thế mạnh nhưng những ảnh hưởng của nó đối với tư duy tiểu
thuyết Hiện đại là không thể phủ nhận. Điều đó thể hiện khá rõ nét qua việc các nhà
văn tiếp nhận và vận dụng thể nghiệm nhiều quan niệm và bút pháp nghệ thuật Hậu
hiện đại trong tiểu thuyết vừa tạo nên những thay đổi trong cấu trúc thể loại, vừa
giúp các nhân vật bộc lộ mình một cách sâu sắc và cá tính hơn.
2.1.2. Những tác động từ dịch thuật và nghiên cứu
Từ 1986, cùng với việc tiếp cận và đánh giá bài bản hơn những ảnh hưởng của
các trào lưu tư tưởng và văn học đang thịnh hành thời đó ở các nước phương Tây
tới văn học Miền Nam trước 1975, hoạt động dịch thuật và nghiên cứu các tác phẩm
triết học và văn học thế giới của giới chuyên môn ở Việt Nam đã có những tiến triển
30
tích cực. Nhiều công trình dịch thuật và nghiên cứu ở miền Nam trước đây về Chủ
nghĩa hiện sinh, Hiện tượng luận, Tiểu thuyết phi lý, Tiểu thuyết Mới… của
Nguyễn Văn Trung, Huỳnh Phan Anh, Trần Thái Đỉnh, Trần Thiện Đạo… được
giới thiệu lại đã có ảnh hưởng đến cả người sáng tác và người tiếp nhận. Các tác
phẩm dịch như: Hữu thể và thời gian, Buông xả thanh thản, Trên đường đến với
ngôn ngữ (Martin Heidegger); Hữu thể và hư vô, Văn học là gì? Thuyết hiện sinh là
một thuyết nhân bản, Buồn nôn (Jean-Paul Sartre); Người xa lạ, Dịch hạch, Người
nổi loạn (Albert Camus)… đã miêu tả nhiều hơn sự lạc lõng trong xã hội, sự buồn
chán, nỗi sợ, sự phi lý và hư vô, lo âu, buồn nôn, tha nhân, sự nổi loạn và dấn
thân… như là những biểu hiện hiện sinh của con người. Điều này đã có ảnh hưởng
nhất định trong văn học, góp phần lí giải và nhận diện về một kiểu người trong xã
hội hiện tại, hình thành nên kiểu nhân vật hiện sinh, đặc biệt nổi bật ở thể loại tiểu
thuyết. Nhiều lí thuyết triết học và văn học mới của Roland Barthes (Độ không của
lối viết, Cái chết của tác giả), Umberto Eco (Tác phẩm mở), Yuri Lotman (Văn bản
- mô hình - kiểu loại), Jacques Derrida (Cấu trúc, kí hiệu và trò chơi diễn ngôn của
các khoa học nhân văn), Paul Ricoeur (Cấu trúc và tường giải học), Michel
Foucault (Trật tự của diễn ngôn), Wolfgang Iser (Hư cấu và tưởng tượng), Hans
Robert Jauss (Lý thuyết tiếp nhận - Kinh nghiệm thẩm mỹ - Tường giải học văn
học), Liviu Petrescu (Thi pháp hậu hiện đại)… cũng được các nhà nghiên cứu, dịch
giả cập nhật và giới thiệu sau đó. Những tiểu thuyết xuất sắc ở cả phương Đông và
phương Tây của Cao Hành Kiện, Mạc Ngôn, Diêm Liên Khoa, Oe Kenzaburo,
Haruki Murakami, Claude Simon, Milan Kundera, Jeffrey Eugenides, Zadie Smith,
Chimamanda Ngozi Adichie, Ian Mc.Ewan, Ben Fountain, Jennifer Egan… cũng
được xuất bản nguyên bản hoặc dịch tại Việt Nam. Các tác phẩm mang đến một lối
tư duy tiểu thuyết mới với bút pháp nghệ thuật sáng tạo mang dấu ấn Hậu hiện đại
đậm nét về văn học và tiểu thuyết nói chung cũng như vấn đề nhân vật trong tiểu
thuyết nói riêng. Điều này hình thành nên một lớp người đọc mới với năng lực tiếp
nhận và trình độ thẩm mĩ cao hơn so với trước đây, đòi hỏi các nhà tiểu thuyết Việt
cần đổi mới tư tưởng, cách viết để khẳng định chỗ đứng của mình trên văn đàn.
31
2.1.3. Những thay đổi trong quan niệm về Tác giả - Văn bản - Người đọc
Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi thấy một số thay đổi về quan niệm của
các tác giả đã ảnh hưởng đến sáng tác tiểu thuyết và vấn đề nhân vật như sau:
Thứ nhất, nhà văn khẳng định dấu ấn cá nhân và nhận thức lại lối viết: Khi
mà sáng tạo trong văn chương chính là tạo ra vùng sinh quyển cho tâm hồn và cái
đẹp thì việc khẳng định dấu ấn cá nhân người viết là yêu cầu đặt ra gắt gao và bức
thiết, có ý nghĩa sinh tử. Hồ Anh Thái viết: “Không còn cách nào khác, nhà văn
phải bừng ngộ, phải có tinh thần phiêu lưu, mạo hiểm, phải dũng cảm. Ngư ông sợ
gió, sợ bão, sợ sóng không chịu ra với biển cả thì không bao giờ bắt được cá lớn.
Nhà văn không thể bằng lòng với những thành công nho nhỏ và danh tiếng có sẵn
mà không dám mạo hiểm, liều mình. Nhà văn không thể lười biếng ngủ quên trên
vinh quang cũ. Nhà văn không thể khuôn mình trong ao tù, nước đọng, mù quáng
mà không biết gì đến thế giới bên ngoài. Tóm lại, nhà văn phải thức tỉnh, phải năng
động, phải dũng cảm… thì khi ấy nhà văn sẽ biết cần phải làm gì để tiểu thuyết của
họ thực sự mang không khí của thời đại mình đang sống” [62; tr 141]. Còn Uông
Triều (Tưởng tượng và dấu vết) đã gửi gắm suy tư thông qua nhân vật”tôi” khi coi
việc viết như một hành vi xác tín bản ngã: “Tôi viết như điên dại, rút ruột, hết lòng
mình, cảm xúc không kịp ghi trên giấy, giống cảm giác làm tình quá nhiều với một
người đàn bà… Tôi sẽ phải viết theo kiểu khác, nếu không, độc giả sẽ xé tan và đáp
thẳng vào mặt tôi, vì cái lối viết đều đều, trang nào cũng giống nhau đến buồn ngủ”
[dẫn theo 153; tr 123]. Đoàn Minh Phượng cũng có những trăn trở về nghiệp viết
lách của mình: “Chúng tôi đã viết chữ, có lẽ bằng máu và bằng nỗi chơi vơi vô tận
của mỗi người” [dẫn theo 153; tr 123]… Chưa bao giờ các nhà văn lại trực tiếp
được bày tỏ về vấn đề đổi mới và các quyền hay sứ mệnh chính đáng của người
cầm bút nghiêm túc, thẳng thắn đến thế. Điều này chi phối không nhỏ đến ý thức
sáng tạo của nhà văn trong việc thể hiện thế giới nhân vật của mình.
Trong khi đó, quan niệm “cái chết của tác giả” [12] làm thay đổi thủ pháp viết.
Trong tiểu thuyết mang dấu ấn hậu hiện đại, nhà văn đơn thuần là người “được sinh
ra cùng một lúc với văn bản, anh ta không có cách nào để trở thành một sinh vật tồn
32
tại trước và ngoài sự viết, anh ta không gì khác hơn là chủ ngữ mà cuốn sách của
anh ta làm vị ngữ; không có thời gian nào khác hơn là thời gian của hành động phát
ngôn và bất cứ văn bản nào bao giờ cũng được viết ở đây và lúc bây giờ” [12]. Do
đó, cho dù là người khai sinh ra nhân vật, nhà văn đã thể hiện tôn trọng sự tự do
trong suy nghĩ, cảm xúc, hành động và kết quả số phận mỗi nhân vật bằng cách trao
quyền kể chuyện cho nhân vật. Mỗi nhân vật đều có quyền thể hiện điểm nhìn
riêng, ý thức riêng trong mối tương quan với các nhân vật khác. Từ đó tạo nên tính
chất đa âm cho văn bản. Chính sự tự thu mình, tự loại bỏ, tự vắng mặt, tự xa rời của
tác giả đã làm thay đổi cách viết cũng như cách nhân vật tồn tại trong tiểu thuyết.
Thứ hai, văn bản trở thành liên văn bản (intertextuality) đem lại khả năng tự
do liên tưởng và mở rộng ý nghĩa tác phẩm ra vô hạn. Liên văn bản có thể hiểu
như là một thủ pháp văn học cụ thể như trích dẫn, vay mượn, nhại, bắt chước, mô
phỏng… tạo nên độ “nhòe” về ranh giới thể loại. Người viết dùng nhiều thể loại,
nhiều kiểu tự sự, phong cách khác nhau tạo nên cấu trúc lai ghép, chắp vá trong văn
bản như một “món nộm suồng sã”, một màn “tạp kĩ”, nhằm chống lại những quan
niệm thâm căn cố đế về tính cội nguồn, đặc thù, đơn nhất và tự trị của nghệ thuật.
Đồng thời liên văn bản có thể tự do liên tưởng, mở rộng ý nghĩa tác phẩm ra vô hạn.
Trong tiểu thuyết đương đại, liên văn bản xuất hiện trong khá nhiều tác phẩm.
Hồ Anh Thái (Cõi người rung chuông tận thế, Đức Phật nàng Savitri và tôi, SBC là
săn bắt chuột) thể nghiệm thành công yếu tố liên văn bản trong sáng tác khi kết hợp
các thể loại báo chí, thơ, kí sự, phóng sự, tiểu phẩm hài, yếu tố văn học dân gian của
dân tộc… Nguyễn Việt Hà (Khải huyền muộn, Ba ngôi của người), Nguyễn Xuân
Khánh (Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn)… cũng đã sử dụng một lượng rất lớn các
tri thức liên ngành về lịch sử, về tôn giáo trong tiểu thuyết của mình nhằm tạo nên
một thế giới của cả quá khứ và hiện tại sinh động với các giá trị lịch sử văn hóa đặc
sắc. Điều này mở ra cho người đọc một tiềm năng về sự khám phá vô tận ý nghĩa
tác phẩm, thấy được sự phong phú về thế giới nhân vật trong tiểu thuyết.
Thứ ba, nhà văn thừa nhận và đáp ứng sự lên ngôi của người đọc. Thế kỷ
XX, Mỹ học tiếp nhận thế giới đã làm thay đổi căn bản quan niệm về vai trò của
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620

More Related Content

What's hot

Thể loại văn học và sự phân loại tác phẩm văn học
Thể loại văn học và sự phân loại tác phẩm văn họcThể loại văn học và sự phân loại tác phẩm văn học
Thể loại văn học và sự phân loại tác phẩm văn họcJackson Linh
 
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260nataliej4
 
HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI QUA TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN ...
HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI QUA TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN ...HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI QUA TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN ...
HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI QUA TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN ...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Thơ nữ việt nam sau 1975, những tìm tòi và cách tân 7774424
Thơ nữ việt nam sau 1975, những tìm tòi và cách tân 7774424Thơ nữ việt nam sau 1975, những tìm tòi và cách tân 7774424
Thơ nữ việt nam sau 1975, những tìm tòi và cách tân 7774424nataliej4
 
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh tháiLuận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh tháinataliej4
 
Mô típ hóa thân trong truyện cổ tích của người việt
Mô típ hóa thân trong truyện cổ tích của người việtMô típ hóa thân trong truyện cổ tích của người việt
Mô típ hóa thân trong truyện cổ tích của người việtnataliej4
 
Luận văn: Tiểu thuyết của Thuận từ góc nhìn kí hiệu học văn học trở nên cấp t...
Luận văn: Tiểu thuyết của Thuận từ góc nhìn kí hiệu học văn học trở nên cấp t...Luận văn: Tiểu thuyết của Thuận từ góc nhìn kí hiệu học văn học trở nên cấp t...
Luận văn: Tiểu thuyết của Thuận từ góc nhìn kí hiệu học văn học trở nên cấp t...Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM TRUYỆN NGẮN NỮ VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN NAY_1024...
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM TRUYỆN NGẮN NỮ VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN NAY_1024...LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM TRUYỆN NGẮN NỮ VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN NAY_1024...
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM TRUYỆN NGẮN NỮ VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN NAY_1024...PinkHandmade
 
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...nataliej4
 
Giao trinh van hoc trung dai Viet Nam. Tap 1.pdf
Giao trinh van hoc trung dai Viet Nam. Tap 1.pdfGiao trinh van hoc trung dai Viet Nam. Tap 1.pdf
Giao trinh van hoc trung dai Viet Nam. Tap 1.pdfMan_Ebook
 

What's hot (20)

Luận án: Thế giới nghệ thuật của Nguyên Hồng trước năm 1945
Luận án: Thế giới nghệ thuật của Nguyên Hồng trước năm 1945Luận án: Thế giới nghệ thuật của Nguyên Hồng trước năm 1945
Luận án: Thế giới nghệ thuật của Nguyên Hồng trước năm 1945
 
Luận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOT
Luận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOTLuận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOT
Luận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOT
 
Thể loại văn học và sự phân loại tác phẩm văn học
Thể loại văn học và sự phân loại tác phẩm văn họcThể loại văn học và sự phân loại tác phẩm văn học
Thể loại văn học và sự phân loại tác phẩm văn học
 
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260
 
HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI QUA TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN ...
HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI QUA TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN ...HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI QUA TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN ...
HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI QUA TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN ...
 
Cảm thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam (1986 - 2010), HOT
Cảm thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam (1986 - 2010), HOTCảm thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam (1986 - 2010), HOT
Cảm thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam (1986 - 2010), HOT
 
Thơ nữ việt nam sau 1975, những tìm tòi và cách tân 7774424
Thơ nữ việt nam sau 1975, những tìm tòi và cách tân 7774424Thơ nữ việt nam sau 1975, những tìm tòi và cách tân 7774424
Thơ nữ việt nam sau 1975, những tìm tòi và cách tân 7774424
 
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh tháiLuận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
 
Mô típ hóa thân trong truyện cổ tích của người việt
Mô típ hóa thân trong truyện cổ tích của người việtMô típ hóa thân trong truyện cổ tích của người việt
Mô típ hóa thân trong truyện cổ tích của người việt
 
Luận văn: Tiểu thuyết của Thuận từ góc nhìn kí hiệu học văn học trở nên cấp t...
Luận văn: Tiểu thuyết của Thuận từ góc nhìn kí hiệu học văn học trở nên cấp t...Luận văn: Tiểu thuyết của Thuận từ góc nhìn kí hiệu học văn học trở nên cấp t...
Luận văn: Tiểu thuyết của Thuận từ góc nhìn kí hiệu học văn học trở nên cấp t...
 
Luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết của Trần Dần
Luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết của Trần DầnLuận văn: Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết của Trần Dần
Luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết của Trần Dần
 
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM TRUYỆN NGẮN NỮ VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN NAY_1024...
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM TRUYỆN NGẮN NỮ VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN NAY_1024...LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM TRUYỆN NGẮN NỮ VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN NAY_1024...
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM TRUYỆN NGẮN NỮ VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN NAY_1024...
 
Luận văn: Thơ cổ phong Nguyễn Trãi, Nguyễn Du từ góc nhìn thi pháp, HAY
Luận văn: Thơ cổ phong Nguyễn Trãi, Nguyễn Du từ góc nhìn thi pháp, HAYLuận văn: Thơ cổ phong Nguyễn Trãi, Nguyễn Du từ góc nhìn thi pháp, HAY
Luận văn: Thơ cổ phong Nguyễn Trãi, Nguyễn Du từ góc nhìn thi pháp, HAY
 
Luận văn: Nghệ thuật giễu nhại trong tiểu thuyết Ba ngôi của người
Luận văn: Nghệ thuật giễu nhại trong tiểu thuyết Ba ngôi của ngườiLuận văn: Nghệ thuật giễu nhại trong tiểu thuyết Ba ngôi của người
Luận văn: Nghệ thuật giễu nhại trong tiểu thuyết Ba ngôi của người
 
Luận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đ
Luận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đLuận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đ
Luận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đ
 
Luận văn: Diễn ngôn chấn thương trong tiểu thuyết nữ Việt Nam, HAY
Luận văn: Diễn ngôn chấn thương trong tiểu thuyết nữ Việt Nam, HAYLuận văn: Diễn ngôn chấn thương trong tiểu thuyết nữ Việt Nam, HAY
Luận văn: Diễn ngôn chấn thương trong tiểu thuyết nữ Việt Nam, HAY
 
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đLuận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
 
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
 
Luận văn: Số đỏ và kỹ nghệ lấy tây của Vũ Trọng Phụng, HAY, 9đ
Luận văn: Số đỏ và kỹ nghệ lấy tây của Vũ Trọng Phụng, HAY, 9đLuận văn: Số đỏ và kỹ nghệ lấy tây của Vũ Trọng Phụng, HAY, 9đ
Luận văn: Số đỏ và kỹ nghệ lấy tây của Vũ Trọng Phụng, HAY, 9đ
 
Giao trinh van hoc trung dai Viet Nam. Tap 1.pdf
Giao trinh van hoc trung dai Viet Nam. Tap 1.pdfGiao trinh van hoc trung dai Viet Nam. Tap 1.pdf
Giao trinh van hoc trung dai Viet Nam. Tap 1.pdf
 

Similar to Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620

Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...
Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...
Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Tailieu.vncty.com the gioi-nhan_vat_trong_truyen_ngan_nguyen_cong_hoan_va_t...
Tailieu.vncty.com   the gioi-nhan_vat_trong_truyen_ngan_nguyen_cong_hoan_va_t...Tailieu.vncty.com   the gioi-nhan_vat_trong_truyen_ngan_nguyen_cong_hoan_va_t...
Tailieu.vncty.com the gioi-nhan_vat_trong_truyen_ngan_nguyen_cong_hoan_va_t...Trần Đức Anh
 
đặC điểm tiểu thuyết hồ biểu chánh
đặC điểm tiểu thuyết hồ biểu chánhđặC điểm tiểu thuyết hồ biểu chánh
đặC điểm tiểu thuyết hồ biểu chánhKelsi Luist
 
Chuyên đề VĂN HỌC HIỆN THỰC 30-45.docx
Chuyên đề VĂN HỌC HIỆN THỰC 30-45.docxChuyên đề VĂN HỌC HIỆN THỰC 30-45.docx
Chuyên đề VĂN HỌC HIỆN THỰC 30-45.docxhiutrn809713
 
Truyen thuyet va_giai_thoai_ve_cac_nhan_vat_lich_su_nam_bo_tu_cuoi_the_ky_xix...
Truyen thuyet va_giai_thoai_ve_cac_nhan_vat_lich_su_nam_bo_tu_cuoi_the_ky_xix...Truyen thuyet va_giai_thoai_ve_cac_nhan_vat_lich_su_nam_bo_tu_cuoi_the_ky_xix...
Truyen thuyet va_giai_thoai_ve_cac_nhan_vat_lich_su_nam_bo_tu_cuoi_the_ky_xix...Garment Space Blog0
 
TRUYỆN NGẮN NỮ VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN NAY.pdf
TRUYỆN NGẮN NỮ VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN NAY.pdfTRUYỆN NGẮN NỮ VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN NAY.pdf
TRUYỆN NGẮN NỮ VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN NAY.pdfNuioKila
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG Luyện thi học sinh giỏi Môn Ngữ văn THPT.pdf
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG Luyện thi học sinh giỏi Môn Ngữ văn THPT.pdfTÀI LIỆU BỒI DƯỠNG Luyện thi học sinh giỏi Môn Ngữ văn THPT.pdf
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG Luyện thi học sinh giỏi Môn Ngữ văn THPT.pdfNuioKila
 
[123doc] - tai-lieu-boi-duong-luyen-thi-hoc-sinh-gioi-mon-ngu-van-thpt.pdf
[123doc] - tai-lieu-boi-duong-luyen-thi-hoc-sinh-gioi-mon-ngu-van-thpt.pdf[123doc] - tai-lieu-boi-duong-luyen-thi-hoc-sinh-gioi-mon-ngu-van-thpt.pdf
[123doc] - tai-lieu-boi-duong-luyen-thi-hoc-sinh-gioi-mon-ngu-van-thpt.pdfNuioKila
 
Những vấn đề lý luận thường gặp trong đề thi học sinh giỏi ngữ văn
Những vấn đề lý luận thường gặp trong đề thi học sinh giỏi ngữ vănNhững vấn đề lý luận thường gặp trong đề thi học sinh giỏi ngữ văn
Những vấn đề lý luận thường gặp trong đề thi học sinh giỏi ngữ vănnataliej4
 
CẢM QUAN THỰC TẠI PHÂN MẢNH.pdf
CẢM QUAN THỰC TẠI PHÂN MẢNH.pdfCẢM QUAN THỰC TẠI PHÂN MẢNH.pdf
CẢM QUAN THỰC TẠI PHÂN MẢNH.pdfLinhHong641224
 
Lược đồ văn học quốc ngữ việt nam nhìn từ quá trình hình thành và tương tác t...
Lược đồ văn học quốc ngữ việt nam nhìn từ quá trình hình thành và tương tác t...Lược đồ văn học quốc ngữ việt nam nhìn từ quá trình hình thành và tương tác t...
Lược đồ văn học quốc ngữ việt nam nhìn từ quá trình hình thành và tương tác t...Thế Giới Tinh Hoa
 
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX nataliej4
 
BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI CHUYÊN SÂU MÔN NGỮ VĂN 7 DÙNG CHUNG 3 BỘ SÁCH NĂM 202...
BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI CHUYÊN SÂU MÔN NGỮ VĂN 7 DÙNG CHUNG 3 BỘ SÁCH NĂM 202...BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI CHUYÊN SÂU MÔN NGỮ VĂN 7 DÙNG CHUNG 3 BỘ SÁCH NĂM 202...
BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI CHUYÊN SÂU MÔN NGỮ VĂN 7 DÙNG CHUNG 3 BỘ SÁCH NĂM 202...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Ngôn ngữ phê bình văn học trong Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan - Gửi miễn ...
Ngôn ngữ phê bình văn học trong Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan - Gửi miễn ...Ngôn ngữ phê bình văn học trong Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan - Gửi miễn ...
Ngôn ngữ phê bình văn học trong Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan - Gửi miễn ...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Tailieu.vncty.com the loai-tuy_but_trong_van_hoc_viet_nam_tu_1930_den_1975
Tailieu.vncty.com   the loai-tuy_but_trong_van_hoc_viet_nam_tu_1930_den_1975Tailieu.vncty.com   the loai-tuy_but_trong_van_hoc_viet_nam_tu_1930_den_1975
Tailieu.vncty.com the loai-tuy_but_trong_van_hoc_viet_nam_tu_1930_den_1975Trần Đức Anh
 

Similar to Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620 (20)

Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...
Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...
Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...
 
Tailieu.vncty.com the gioi-nhan_vat_trong_truyen_ngan_nguyen_cong_hoan_va_t...
Tailieu.vncty.com   the gioi-nhan_vat_trong_truyen_ngan_nguyen_cong_hoan_va_t...Tailieu.vncty.com   the gioi-nhan_vat_trong_truyen_ngan_nguyen_cong_hoan_va_t...
Tailieu.vncty.com the gioi-nhan_vat_trong_truyen_ngan_nguyen_cong_hoan_va_t...
 
đặC điểm tiểu thuyết hồ biểu chánh
đặC điểm tiểu thuyết hồ biểu chánhđặC điểm tiểu thuyết hồ biểu chánh
đặC điểm tiểu thuyết hồ biểu chánh
 
Chuyên đề VĂN HỌC HIỆN THỰC 30-45.docx
Chuyên đề VĂN HỌC HIỆN THỰC 30-45.docxChuyên đề VĂN HỌC HIỆN THỰC 30-45.docx
Chuyên đề VĂN HỌC HIỆN THỰC 30-45.docx
 
Truyen thuyet va_giai_thoai_ve_cac_nhan_vat_lich_su_nam_bo_tu_cuoi_the_ky_xix...
Truyen thuyet va_giai_thoai_ve_cac_nhan_vat_lich_su_nam_bo_tu_cuoi_the_ky_xix...Truyen thuyet va_giai_thoai_ve_cac_nhan_vat_lich_su_nam_bo_tu_cuoi_the_ky_xix...
Truyen thuyet va_giai_thoai_ve_cac_nhan_vat_lich_su_nam_bo_tu_cuoi_the_ky_xix...
 
Luận án: Truyện ngắn nữ Việt Nam từ 1986 đến nay, HAY
Luận án: Truyện ngắn nữ Việt Nam từ 1986 đến nay, HAYLuận án: Truyện ngắn nữ Việt Nam từ 1986 đến nay, HAY
Luận án: Truyện ngắn nữ Việt Nam từ 1986 đến nay, HAY
 
TRUYỆN NGẮN NỮ VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN NAY.pdf
TRUYỆN NGẮN NỮ VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN NAY.pdfTRUYỆN NGẮN NỮ VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN NAY.pdf
TRUYỆN NGẮN NỮ VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN NAY.pdf
 
Khóa luận: Nhân vật nữ trong truyền thuyết dân gian người Việt, HAY
Khóa luận: Nhân vật nữ trong truyền thuyết dân gian người Việt, HAYKhóa luận: Nhân vật nữ trong truyền thuyết dân gian người Việt, HAY
Khóa luận: Nhân vật nữ trong truyền thuyết dân gian người Việt, HAY
 
Luận án: Đặc điểm hồi ký văn học Việt Nam từ 1975 đến 2010
Luận án: Đặc điểm hồi ký văn học Việt Nam từ 1975 đến 2010Luận án: Đặc điểm hồi ký văn học Việt Nam từ 1975 đến 2010
Luận án: Đặc điểm hồi ký văn học Việt Nam từ 1975 đến 2010
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG Luyện thi học sinh giỏi Môn Ngữ văn THPT.pdf
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG Luyện thi học sinh giỏi Môn Ngữ văn THPT.pdfTÀI LIỆU BỒI DƯỠNG Luyện thi học sinh giỏi Môn Ngữ văn THPT.pdf
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG Luyện thi học sinh giỏi Môn Ngữ văn THPT.pdf
 
[123doc] - tai-lieu-boi-duong-luyen-thi-hoc-sinh-gioi-mon-ngu-van-thpt.pdf
[123doc] - tai-lieu-boi-duong-luyen-thi-hoc-sinh-gioi-mon-ngu-van-thpt.pdf[123doc] - tai-lieu-boi-duong-luyen-thi-hoc-sinh-gioi-mon-ngu-van-thpt.pdf
[123doc] - tai-lieu-boi-duong-luyen-thi-hoc-sinh-gioi-mon-ngu-van-thpt.pdf
 
Đề tài: Truyện ngắn Việt Nam từ 1986 đến nay (nhìn từ góc độ thể loại)
Đề tài: Truyện ngắn Việt Nam từ 1986 đến nay (nhìn từ góc độ thể loại)Đề tài: Truyện ngắn Việt Nam từ 1986 đến nay (nhìn từ góc độ thể loại)
Đề tài: Truyện ngắn Việt Nam từ 1986 đến nay (nhìn từ góc độ thể loại)
 
Những vấn đề lý luận thường gặp trong đề thi học sinh giỏi ngữ văn
Những vấn đề lý luận thường gặp trong đề thi học sinh giỏi ngữ vănNhững vấn đề lý luận thường gặp trong đề thi học sinh giỏi ngữ văn
Những vấn đề lý luận thường gặp trong đề thi học sinh giỏi ngữ văn
 
CẢM QUAN THỰC TẠI PHÂN MẢNH.pdf
CẢM QUAN THỰC TẠI PHÂN MẢNH.pdfCẢM QUAN THỰC TẠI PHÂN MẢNH.pdf
CẢM QUAN THỰC TẠI PHÂN MẢNH.pdf
 
Lược đồ văn học quốc ngữ việt nam nhìn từ quá trình hình thành và tương tác t...
Lược đồ văn học quốc ngữ việt nam nhìn từ quá trình hình thành và tương tác t...Lược đồ văn học quốc ngữ việt nam nhìn từ quá trình hình thành và tương tác t...
Lược đồ văn học quốc ngữ việt nam nhìn từ quá trình hình thành và tương tác t...
 
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
 
BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI CHUYÊN SÂU MÔN NGỮ VĂN 7 DÙNG CHUNG 3 BỘ SÁCH NĂM 202...
BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI CHUYÊN SÂU MÔN NGỮ VĂN 7 DÙNG CHUNG 3 BỘ SÁCH NĂM 202...BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI CHUYÊN SÂU MÔN NGỮ VĂN 7 DÙNG CHUNG 3 BỘ SÁCH NĂM 202...
BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI CHUYÊN SÂU MÔN NGỮ VĂN 7 DÙNG CHUNG 3 BỘ SÁCH NĂM 202...
 
Thời đại, cuộc đời, con người, quan niệm, sự nghiệp sáng tác, thơ của Xuân Di...
Thời đại, cuộc đời, con người, quan niệm, sự nghiệp sáng tác, thơ của Xuân Di...Thời đại, cuộc đời, con người, quan niệm, sự nghiệp sáng tác, thơ của Xuân Di...
Thời đại, cuộc đời, con người, quan niệm, sự nghiệp sáng tác, thơ của Xuân Di...
 
Ngôn ngữ phê bình văn học trong Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan - Gửi miễn ...
Ngôn ngữ phê bình văn học trong Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan - Gửi miễn ...Ngôn ngữ phê bình văn học trong Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan - Gửi miễn ...
Ngôn ngữ phê bình văn học trong Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan - Gửi miễn ...
 
Tailieu.vncty.com the loai-tuy_but_trong_van_hoc_viet_nam_tu_1930_den_1975
Tailieu.vncty.com   the loai-tuy_but_trong_van_hoc_viet_nam_tu_1930_den_1975Tailieu.vncty.com   the loai-tuy_but_trong_van_hoc_viet_nam_tu_1930_den_1975
Tailieu.vncty.com the loai-tuy_but_trong_van_hoc_viet_nam_tu_1930_den_1975
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620

Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620 (20)

Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 ĐiểmDanh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
 
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý TưởngDanh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
 

Recently uploaded

Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxTrích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxnhungdt08102004
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líDr K-OGN
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...hoangtuansinh1
 
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxChàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxendkay31
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdfNQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdfNguyễn Đăng Quang
 
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfchuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfVyTng986513
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...ThunTrn734461
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdfTrnHoa46
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................TrnHoa46
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxpowerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxAnAn97022
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhvanhathvc
 

Recently uploaded (20)

Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxTrích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
 
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
 
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxChàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
 
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdfNQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
 
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfchuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
 
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxpowerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
 

Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620

  • 1. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI TRẦN VIỆT HÀ NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM TỪ ĐẦU THẾ KỶ XXI ĐẾN NAY LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC HÀ NỘI - 2019
  • 2. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI TRẦN VIỆT HÀ NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM TỪ ĐẦU THẾ KỶ XXI ĐẾN NAY Chuyên ngành: Lý luận văn học Mã số: 9 22 01 20 NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: 1. PGS.TS Tôn Thị Thảo Miên 2. PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thu HÀ NỘI - 2019
  • 3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong luận án là trung thực và chưa công bố trong bất cứ công trình nào khác Hà Nội, ngày 6 tháng 8 năm 2019 Tác giả luận án Trần Việt Hà
  • 4. LỜI CẢM ƠN Để hoàn thành luận án này, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến PGS.TS Tôn Thị Thảo Miên, PGS.TS Nguyễn Thị Bích Thu - hai người thầy đã hướng dẫn tôi ngay từ những bước đi đầu tiên trên con đường đến với nghiên cứu khoa học. Tôi xin cảm ơn Học viện Khoa học Xã hội, Viện Văn học, cơ quan tôi đang công tác, các đồng nghiệp, bạn bè và gia đình đã luôn hỗ trợ, giúp đỡ, động viên tôi trong quá trình nghiên cứu. Trần Việt Hà
  • 5. MỤC LỤC MỞ ĐẦU.......................................................................................................................... 1 CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU............................................ 6 1.1. Tổng quan nghiên cứu về nhân vật trong tiểu thuyết ở nước ngoài .......................... 6 1.2. Tổng quan nghiên cứu về nhân vật trong tiểu thuyết ở Việt Nam .......................... 16 CHƯƠNG 2. CHUYỂN ĐÔI CÁCH NHÌN VỀ TIỂU THUYẾT VÀ NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM TỪ ĐẦU THẾ KỶ XXI ĐẾN NAY ............... 28 2.1. Điều kiện dẫn đến thay đổi về nhân vật trong tiểu thuyết đương đại...................... 28 2.2. Một số vấn đề chung về tiểu thuyết và nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI đến nay...................................................................................................... 37 CHƯƠNG 3. LOẠI HÌNH NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM TỪ ĐẦU THẾ KỶ XXI ĐẾN NAY ..................................................................................... 63 3.1. Loại hình nhân vật lý tưởng .................................................................................. 63 3.2. Loại hình nhân vật bi kịch..................................................................................... 71 3.3. Loại hình nhân vật tha hóa.................................................................................... 85 3.4. Loại hình nhân vật hiện sinh ................................................................................. 96 3.5. Loại hình nhân vật dị biệt ................................................................................... 106 CHƯƠNG 4. NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM TỪ ĐẦU THẾ KỶ XXI ĐẾN NAY........................................................ 113 4.1. Quá trình chuyển giao ngôi kể ............................................................................ 113 4.2. Tính dục như là một kí hiệu văn hóa ................................................................... 121 4.3. Một số phương cách biểu đạt đángchú ý về nhân vật........................................... 132 4.4. Những tương giao trong ngôn ngữ nhân vật ........................................................ 141 KẾT LUẬN.................................................................................................................. 148 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO .................................................................... 152
  • 6. DANH MỤC BẢNG Bảng 1: Khảo sát về sự rút giảm nhân vật tỉ lệ thuận với sự rút giảm quy mô tiểu thuyết .................................................................................................. 59 Bảng 2: Một số ví dụ về những thăng hoa ngôn ngữ nhục thể .................. 129
  • 7. 1 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài 1.1. Từ đầu thế kỷ XXI đến nay, văn xuôi Việt Nam có rất nhiều khởi sắc cả về tác phẩm cũng như đội ngũ sáng tác. Khác với chặng đường văn xuôi từ 1945 - 1975, 1975 - 1986, quan niệm về con người đậm chất sử thi, mang tính đơn trị chiếm vị trí chủ đạo; sau năm 1986 và nhất là từ năm 2000 trở đi, quan niệm về con người trở nên phức tạp, nhiều chiều. Sự phân rã tính cách và xu hướng phi điển hình hóa đã làm thay đổi khá căn bản quan niệm về nhân vật trong văn xuôi. Sự dịch chuyển từ kiểu nhân vật tính cách sang nhân vật tự ý thức hay sự tan rã và dần tiết giảm số lượng để đào sâu về chất khi xây dựng các nhân vật trong tiểu thuyết đang là những thách thức để nhiều cây bút thử sức tìm tòi thể nghiệm với phương thức mới đầy sáng tạo. Quá trình tìm hiểu, nhận diện về nhân vật văn xuôi đầu thế kỷ XXI nói chung, trong tương quan so sánh với nhân vật trong văn xuôi của thế kỉ trước, các nhà lí luận đã có được một cách nhìn, một phương diện nghiên cứu khách quan hơn về những đóng góp của các nhà văn hiện nay với nền văn học nước nhà. Đồng thời, các nhà nghiên cứu đã khái quát được những bài học kinh nghiệm về sáng tạo, tiếp nhận trong quá trình giao lưu, hội nhập với văn học thế giới. 1.2. Thể loại tiểu thuyết là thể loại chủ công đóng một vai trò quan trọng, “được ví là máy cái của văn học” [123, tr.98], lúc này đang có nhiều vận động và đổi mới. Với sự tác động mạnh mẽ của chủ nghĩa Hậu Hiện đại đến văn học, nhiều cây bút tiểu thuyết người Việt ở trong và ngoài nước đã có những chuyển mình khá nhanh và quyết liệt về thế giới quan, nhân sinh quan và bút pháp thể loại để làm mới những đứa con tình thần, khẳng định tiếng nói trên văn đàn. Sự thành công của thể loại tiểu thuyết ở Việt Nam từ 1986 đến nay cả về số lượng và chất lượng đã phần nào khẳng định điều đó. Một yếu tố làm nên thành công của tiểu thuyết chính là quá trình xây dựng nhân vật của các nhà văn. Bởi vì “tiểu thuyết nghĩ bằng nhân vật”, cho nên trong quá trình tiếp cận, các nhà nghiên cứu không chỉ cảm nhận được chính xác giá trị nội dung nghệ thuật tiểu thuyết mà còn đánh giá được những khác biệt về nhân vật tiểu thuyết qua các chặng đường văn học cụ thể.
  • 8. 2 1.3. Năm 2000 gắn liền với dấu mốc quan trọng chuyển giao thế kỷ ở nhiều lĩnh vực. Về văn học, nền kinh tế thị trường khởi sắc đã chi phối, tạo nên không gian thương mại cho văn học. Các hoạt động xuất bản, tiếp thị và phân phối dịch vụ trung gian, cơ chế chính sách, Luật xuất bản hay vấn đề thị hiếu của độc giả đã thúc đẩy chuỗi cung - cầu và người sáng tác. Riêng tiểu thuyết, sự thành công của một loạt các tác giả tác phẩm tạo nên bước ngoặt đáng chú ý. Sự trở lại của Nguyễn Xuân Khánh sau gần bốn mươi năm vắng bóng bằng tiểu thuyết lịch sử khá đồ sộ Hồ Quý Ly mang theo dấu ấn hiện đại hóa đậm nét, khuynh hướng ngoại biên hóa cộng với tinh thần hiện sinh thấm đẫm ở nhiều nhân vật, khác hẳn với lối viết tiểu thuyết lịch sử trước đây đã gây tiếng vang lớn. Lối viết này đã ảnh hưởng đến khá nhiều các tiểu thuyết lịch sử đầu thế kỷ XXI. Với tiểu thuyết Một thế giới không có đàn bà, Bùi Anh Tấn lần đầu tiên đề cập rất thành công đến vấn đề đồng tính luyến ái và kiểu nhân vật đồng tính trong văn học Việt. Nhiều tác phẩm tiếp theo của ông (Les - vòng tay không đàn ông, Phương pháp của A.C.Kinsey…) đã châm ngòi cho tiểu thuyết viết về thế giới hiện thực nghiệt ngã ở những con người thuộc “giới thứ ba” nói riêng và tiểu thuyết viết về vấn đề tính dục, về nhân vật bản năng trong văn xuôi nói chung. Tiểu thuyết Muối trăm năm (Mường Mán) đánh dấu một cái nhìn thẳng vào hiện thực trong cuộc chuyển giao thế kỷ đầy rẫy cái xấu cái ác, sự bất tín phản bội, những lọc lừa ngang trái nhiễu nhương. Cùng với kiểu nhân vật tha hóa, cấu trúc tự sự với mạch kể li kì lắt léo, kĩ thuật dòng kí ức được đào sâu trong tác phẩm làm bật lên những bi đát phận người, đã gây ra những rung động mạnh với người đọc. Trong khi đó, nhiều tác phẩm viết tiếp về đề tài chiến tranh và hậu chiến tranh đã đào sâu vào số phận của những mẫu nhân vật chấn thương đi ra từ chiến tranh, cuốn vào vòng xoáy của cơ chế (pha trộn biểu hiện tha hóa với biểu hiện tinh thần hiện sinh) trở thành những nạn nhân đau đớn với kiểu nhân vật bi kịch đầy ám ảnh… Năm 2000, tiểu thuyết Bến đò xưa lặng lẽ (Xuân Đức) bắt đầu bằng lời kể của một hồn ma cùng quá trình ngược thời gian ba mươi năm với bao biến cố thăng trầm của lịch sử đã mở ra hướng sử dụng ngôi kể đặc biệt, tạo sự ly kỳ, hấp dẫn cho đề tài chiến tranh tưởng chừng đã cũ. Có thể nói, cùng với những thành công trên
  • 9. 3 bình diện tác phẩm, thế giới nhân vật từ các tiểu thuyết nói trên và sau này đã được thể nghiệm bằng những kỹ thuật tiểu thuyết mới khá bạo tay và nhuần nhuyễn, nhờ đó trở nên phong phú sinh động hơn so với nhân vật tiểu thuyết thế kỷ XX. Tuy nhiên, những thành công này không hề tách rời, độc lập với những thành công của thể loại tiểu thuyết Việt Nam từ năm 1986 - 2000 mà là sự phát triển “gối tiếp” ở một số thành tựu nhất định, đặc biệt là ở một vài đặc điểm, loại hình hay thủ pháp nghệ thuật xây dựng nhân vật. Thậm chí ở một số khía cạnh, thành tựu về nhân vật trong tiểu thuyết đầu thế kỷ XXI vẫn chưa sánh bằng thời đầu Đổi mới. Việc nghiên cứu vấn đề nhân vật trong tiểu thuyết đầu thế kỷ XXI (trong cái nhìn so sánh với một số tiểu thuyết cuối thế kỷ XX) là cần thiết, đi vào cốt lõi của văn học đương đại. Nghiên cứu lí luận văn học rất cần xem xét, đánh giá và bổ sung những điểm mới về nhân vật tiểu thuyết đầu thế kỷ XXI để định hình và định hướng cho việc nghiên cứu sự phát triển của thể loại văn học quan trọng này. Đó là lý do chúng tôi chọn đề tài “Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI đến nay”. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án 2.1. Mục đích nghiên cứu Chọn đề tài “Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI đến nay”, chúng tôi nhằm mục đích: - Làm rõ một số quan niệm đương đại về nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn từ đầu thế kỷ XXI đến nay so với nhân vật tiểu thuyết thế kỷ XX. - Khái quát tương đối đầy đủ các loại hình nhân vật và các thủ pháp nghệ thuật chủ yếu thể hiện nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI đến nay. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Đề tài đặt ra các nhiệm vụ nghiên cứu sau đây: - Giới thiệu tổng quan vấn đề nghiên cứu về nhân vật của văn học nói chung và tiểu thuyết nói riêng trên thế giới và Việt Nam. - Khái lược về đặc trưng nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI đến nay.
  • 10. 4 - Tìm hiểu các loại hình nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI đến nay. - Xem xét điểm kế thừa và đổi mới trong nghệ thuật xây dựng nhân vật ở tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI đến nay trong quá trình đổi mới và hội nhập. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu là các loại hình nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn từ đầu thế kỷ XXI đến nay của các tác giả tiêu biểu (Phụ lục 1). 3.2. Phạm vi nghiên cứu Do số lượng tác phẩm rất lớn cho nên chúng tôi lựa chọn phạm vi nghiên cứu của luận án là tiểu thuyết của các tác giả tiêu biểu trong 20 năm đầu thế kỷ XXI: Nguyễn Xuân Khánh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Đình Tú, Thuận, Nguyễn Bắc Sơn, Phong Điệp, Đỗ Phấn, Di Li, Tạ Duy Anh... Tác phẩm của các nhà văn này đã có những thành công nhất định, đã thu hút được sự quan tâm lớn của bạn đọc và của giới phê bình. 4. Phương pháp nghiên cứu của luận án Vấn đề nhân vật văn học là một vấn đề lớn, đa chiều và mở, cần tiếp cận nghiên cứu cả định tính và định lượng, trên nhiều phân cấp để có cái nhìn toàn diện về vấn đề. Để thực hiện được, chúng tôi sử dụng các phương pháp sau đây: -Phương pháp loại hình: Xác định hướng tiếp cận và đặc trưng của loại hình nhân vật đang nghiên cứu. -Phương pháp hệ thống: Khảo cứu, hệ thống lại các biểu hiện cùng loại trong nhóm tác phẩm hoặc nhóm vấn đề liên quan đến nhân vật trong các tác phẩm -Phương pháp tiếp cận thi pháp học: Khám phá những đặc điểm nổi bật trong thi pháp nhân vật trong tiểu thuyết đương đại và lí giải nó trong tính chỉnh thể. -Phương pháp so sánh: So sánh đối chiếu đặc điểm của các loại hình nhân vật trong tiểu thuyết thế kỷ XXI với thế kỷ XX nhằm rút ra đặc trưng khu biệt của nó. Đồng thời, chúng tôi kết hợp vận dụng các thao tác phổ thông trong quá trình nghiên cứu như phân tích, tổng hợp, thống kê…
  • 11. 5 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án Từ việc nghiên cứu về nhân vật trong các tiểu thuyết, chúng tôi mong muốn: Thứ nhất, nhận diện các loại hình nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn từ đầu thế kỷ XXI đến nay trong tương quan so sánh với nhân vật ở một số tiểu thuyết tiêu biểu thế kỷ XX, từ đó đóng góp những kiến giải mang tính lý luận về nhân vật tiểu thuyết trong sự phát triển của văn học hiện nay. Thứ hai, đánh giá được những kế thừa và những điểm nhấn đổi mới trong bút pháp nghệ thuật xây dựng nhân vật của các cây bút tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI đến nay trong quá trình hội nhập giao lưu với văn học, văn hóa thế giới. Thứ ba, bước đầu lý giải khả năng phát triển của các loại hình nhân vật đó trong tương lai. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án Đạt được những mục tiêu trên, luận án đã góp phần vào việc nhận diện vấn đề nhân vật ở tiểu thuyết Việt Nam trong quá trình định hình đầu thế kỷ XXI; đồng thời ghi nhận những nỗ lực sáng tạo của các tiểu thuyết gia trong quá trình phát triển của văn xuôi đương đại. Luận án cũng là tư liệu tham khảo hữu ích với bạn đọc, với các nhà phê bình quan tâm đến vấn đề tiểu thuyết và nhân vật. 7. Cấu trúc của luận án Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Luận án triển khai 4 chương: Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu. Chương 2: Chuyển đổi cách nhìn về tiểu thuyết và nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI đến nay. Chương 3: Loại hình nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI đến nay. Chương 4: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI đến nay.
  • 12. 6 CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU Trong chương này, chúng tôi điểm lại những quan niệm của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước về vấn đề nhân vật trong tiểu thuyết nói chung và trong tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI nói riêng. Từ đó xác định rõ những vấn đề chúng tôi nghiên cứu và tiếp tục trình bày ở những chương sau của luận án 1.1. Tổng quan nghiên cứu về nhân vật trong tiểu thuyết ở nước ngoài 1.1.1. Nghiên cứu về nhân vật Nhân vật theo quan niệm truyền thống được coi là hình ảnh của con người cụ thể trong tác phẩm văn học. Nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài xem vấn đề nhân vật là một nội dung cốt lõi của văn học và đã có kiến giải cụ thể. Tác giả Meyer Howard "Mike" Abrams (A Glossary of Literature terms) quan niệm nhân vật là “người được giải thích bởi độc giả như là người cung cấp những phẩm chất đạo đức, tính cách, xúc cảm được biểu hiện bằng lời nói - tức đối thoại, bằng việc làm - tức hành động” [158, tr.23]. Như vậy, nhân vật văn học là con người trong tác phẩm hoặc là những sự vật, loài vật khác ít nhiều mang bóng dáng tính cách của con người… để biểu hiện các vấn đề của con người. Khi viết Dẫn luận nghiên cứu văn học, Gennady Nhicolaevich Pospelov đã cho rằng việc sáng tạo nhân vật được xem như có tầm quan trọng hàng đầu. Theo ông, nhân vật “là một mặt của hình thức nghệ thuật của văn học, gắn liền với nội dung bằng những mối liên hệ khăng khít nhất và với mục đích thuyết minh cho tư tưởng của tác phẩm” [101, tr.20], là "phương diện tất yếu quan trọng nhất để thể hiện tư tưởng", "là phương diện có tính thứ nhất trong hình thức của các tác phẩm ấy quyết định phần lớn vừa cốt truyện, vừa lựa chọn chi tiết, phương tiện ngôn ngữ và thậm chí cả kết cấu nữa" [101, tr.18]. Quan niệm trên đã cho thấy sự hiện hữu của nhân vật cho dù ở quy mô, mức độ, hình thức nào cũng có tầm ảnh hưởng quyết định tới giá trị của tác phẩm văn học. Còn người đọc về cơ bản luôn bám vào các hình tượng nhân vật như là một cơ sở đầu tiên để cảm thụ và tiếp nhận những nỗ lực sáng tạo, cảm hứng nghệ thuật của người sáng tác. Thông qua ngôn ngữ và hành động của
  • 13. 7 mình, các nhân vật văn học đã bộc lộ được nét nhân cách, những thái độ về thế giới xung quanh hay những suy tư về ý nghĩa sự tồn tại của bản thân. Thông qua những liên hệ suy ngẫm soi chiếu từ nhân vật, người đọc còn bao quát được những vấn đề con người của mỗi thời đại. Vì thế mà Konstantin Aleksandrovich Fedin còn cho rằng “nhân vật là một công cụ nhận thức” nữa [109, tr.120]. Điều này chứng tỏ sức tác động mạnh mẽ của nhân vật văn học trong quá trình tiếp nhận, nhận thức của người đọc. Đồng thời nhà văn đã sử dụng nhân vật như là một phương tiện hiệu quả để gửi gắm chiêm nghiệm về cuộc sống con người và quá trình vận động của xã hội. Chẳng hạn, thông qua kiểu nhân vật con người thừa, con người nhỏ bé ở sáng tác của Fyodor Mikhailovich Dostoevsky, của Anton Pavlovich Chekhov trong văn học Nga cuối thế kỉ XIX, người đọc có thể hình dung về một xã hội chuyên chế, hà khắc, tàn bạo, bóp nghẹt đời sống xã hội. Hay qua kiểu nhân vật thuộc về thế hệ mất mát trong sáng tác của Ernest Miller Hemingway, Francis Scott Key Fitzgerald, Jonh Dos Passaos, William Faulkner… có thể thấy những tổn thương tinh thần, khủng hoảng niềm tin trong xã hội tư bản Âu Mĩ sau chiến tranh thế giới thứ II… Như vậy điểm thống nhất chung về nhân vật là ở chỗ: nhân vật là phương tiện thể hiện các tính cách, số phận con người và các quan niệm về chúng, nhờ đó nhà văn khái quát hiện thực đời sống và bộc lộ tư tưởng tình cảm của mình. 1.1.2. Nghiên cứu về nhân vật trong tiểu thuyết Ở phần này, chúng tôi xem xét quan niệm của các nhà nghiên cứu về sự khác biệt giữa nhân vật tiểu thuyết với nhân vật trong các thể loại văn học khác và sự khác biệt về nhân vật tiểu thuyết giữa các thời kì khác nhau. Nhà nghiên cứu Mikhail Mikhailovich Bakhtin đã cụ thể về sự khác biệt giữa nhân vật sử thi và nhân vật tiểu thuyết. Theo ông, nếu như sử thi tập trung thể hiện quá khứ anh hùng của dân tộc trên cơ sở kí ức của cộng đồng thì tiểu thuyết miêu tả cuộc sống “hiện tại” không ngừng biến đổi trên cơ sở hiểu biết và kinh nghiệm cá nhân. Sự xóa nhoà khoảng cách giữa người kể và nhân vật cho phép người viết dùng kinh nghiệm cá nhân để lí giải, nhìn ngắm nhân vật của mình một cách gần gũi, thậm chí suồng sã. Ông nhận thấy “nhân vật tiểu thuyết không nên là “anh
  • 14. 8 hùng” trong cái nghĩa sử thi và bi kịch của từ đó, mà nên thống nhất trong bản thân các nét vừa chính diện vừa phản diện, vừa tầm thường vừa cao cả, vừa buồn cười vừa nghiêm túc” [109, tr.297-230]. Ông còn cho rằng, nếu như nhân vật sử thi luôn “ngang bằng” và “trùng khớp” với chính mình về mục đích, số phận, hành động thì nhân vật tiểu thuyết lại thường xuyên không tương ứng, không “hợp vai” với nó, với “thân xác xã hội” của nó, rằng con người thường “không đồng nhất với chính nó” [109, tr.297-230] và sự sống thực sự lại thường diễn ra ở chỗ con người vượt ra ngoài giới hạn mà nó đã có. Rõ ràng, trong khi nhân vật sử thi là con người cần phải như thế thì nhân vật tiểu thuyết lại chao đảo giữa những đối cực, xung năng với nhau để bộc lộ chính mình trong quá trình phát triển và tự hoàn thiện. Nhân vật trong tiểu thuyết thuộc kiểu “con người phiêu du”, “con người nếm trải” luôn “lãnh đủ” mọi tác động của cuộc sống. Còn nhân vật trong kịch lại là kiểu “con người hành động”. Trong khi đó, nhân vật trữ tình là hình tượng nhà thơ trong thơ trữ tình, phương thức bộc lộ ý thức tác giả; con người “đồng dạng” của tác giả. Để làm rõ vấn đề khác biệt về nhân vật tương ứng với một số kiểu loại tiểu thuyết từ xưa đến nay, chúng tôi xem xét các nhóm quan điểm như sau: Thứ nhất là quan điểm về nhân vật trong tiểu thuyết tiền hiện đại “kiểu Balzac”. Trong tiểu thuyết tiền hiện đại, hình tượng nhân vật luôn gắn liền với hình hài và tính cách con người, mang đầy đủ các dấu hiệu bên ngoài bao gồm: một cái tên rõ ràng, một khuôn mặt được tạo nên từ nhiều nét vẽ, một tính cách cá nhân xác định và khá cố định, một nhân hình khách thể đậm nét… Trong đó, tính cách thường được chú ý miêu tả khá kĩ và ngay từ khi xuất hiện, có dụng ý định hình, định hướng cho con đường đời của nhân vật và sự tiếp nhận của người đọc. Bàn về vai trò của tính cách với nhân vật, Aristotle (Nghệ thuật thơ ca) đã từng viết: “Tôi hiểu tính cách là cái lí do mà chúng ta gọi nhân vật bằng một cái tên nào đó”, hay “Nhân vật sẽ có tính cách, nếu trong lời nói hành động bộc lộ một khuynh hướng ý chí nào đó, bất kể nó tốt xấu như thế nào”. Ông cũng cho rằng “trong các tính cách bao giờ cũng cần tìm thấy một tính tất yếu hay một tính khả nhiên, mà theo đó, một ai đó nói gì hoặc làm gì, hoặc việc gì đó xảy ra với họ đều tuân theo tính tất nhiên,
  • 15. 9 khả nhiên đó” [109, tr.119]. Thông qua tính cách, là kết tinh của một môi trường sống trong một thời đại nào đó, nhân vật văn học dẫn dắt người đọc vào một thế giới cụ thể. Chính sự va đập, tương tác của những tính cách đó trong hoàn cảnh nhất định đã làm bật lên được những vấn đề xã hội và con người mà nhà văn muốn gửi gắm tới bạn đọc. Điều này thể hiện rõ qua tiểu thuyết chương hồi của phương Đông hay tiểu thuyết phương Tây của Stendhal, Alexandre Dumas, Honoré de Balzac, Lev Nikolayevich Tolstoy… Nhân vật trong tiểu thuyết của các nhà văn nói trên chủ yếu là hình mẫu con người đơn tính cách, đơn bình diện. Kiểu nhân vật truyền thống này thường đã có sẵn và định hình về tính cách. Trong văn học phương Tây, nhân vật Jean Van Jean - Madelen (Những người khốn khổ - Victo Huygo) luôn tốt bụng và thương người. Trong Tấn trò đời (Honoré de Balzac), đó là một lão Grande (Eugénie Grandet) luôn keo kiệt, hà tiện đến độ nhẫn tâm; một Rastignac (Lão Goriot, Bước thăng trầm của kỹ nữ, Miếng da lừa) từng bước tha hóa, hay Lucien Chardon (Vỡ mộng, Bước thăng trầm của kỹ nữ) vỡ mộng trong cuộc chen chân trong thế giới đồng tiền, âm mưu và tội ác. Về nghệ thuật xây dựng nhân vật, Mikhail Mikhailovich Bakhtin (Những vấn đề thi pháp của Dostoievki) cũng đã chỉ rõ: trong tiểu thuyết tiền hiện đại, nhân vật được xây dựng hoặc thiên về mô phỏng cái cổ điển, nặng về cái chung mà nhẹ về cái riêng; hoặc nhấn mạnh sự khác thường trong suy nghĩ, tính cách, hành động; hoặc chú trọng xây dựng những tính cách điển hình đạt tới độ sống động, đặc sắc để tạo nên những nhân vật điển hình - “một người lạ mà quen biết” (Vissarion Grigorevich Belinski). Trong đó, cái riêng của nhân vật là bộc lộ cá tính độc đáo; còn cái chung làm cho nhân vật “Thực sự là đại biểu cho những giai cấp và những trào lưu nhất định, do đó tiêu biểu nhất định cho thời đại của họ” (Friedrich Engel). Theo Bakhtin, tiểu thuyết tiền hiện đại chủ yếu phát triển trong quan niệm “độc thoại”. Đó là loại tự sự trong đó chỉ có tác giả là người duy nhất có ý thức, biết suy nghĩ và đánh giá mọi sự việc, là vị chúa tể nắm hết mọi bí mật của cuộc đời. Còn nhân vật thì chỉ là đối tượng câm lặng cho sự phẩm bình, nhận xét ấy. Tác giả nhận định con người cũng như nhận định cái cây, đồ vật. Do quan hệ giữa nhân vật và tác
  • 16. 10 giả được quan niệm như vậy nên nhân vật của văn xuôi “đơn thanh”, luôn “trong suốt”. Trong các tiểu thuyết mang tính đơn âm này, nhân vật chỉ là những đối tượng vô ngôn luôn lặp lại lời tác giả, thường được đóng khung với những đường viền đậm nét, chịu sự chi phối chủ quan của ý thức tác giả khá nhiều, nhân vật có phát ngôn nhưng thiếu đi tinh thần đối thoại thực sự. Nhà văn trong trường hợp này thể hiện ý thức, nghĩ và làm việc hộ các nhân vật của mình. Không có gì xảy ra với nhân vật mà tác giả không cắt nghĩa được. Nhân vật luôn có sự thống nhất phù hợp giữa thế giới bên trong và biểu hiện bên ngoài, là một tính cách ổn định, nhất quán trong sự phát triển mà ta có thể yên tâm theo dõi qua các bước thăng trầm của số phận, là một cái gì đã xong xuôi, ngã ngũ như một tổng kết. Thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết độc thoại “được đặt vào trong cái khung vững chắc và không thể vượt qua của ý thức tác giả đã nhận định nó, miêu tả nó và được kiến tạo trên cái nền vững chắc của thế giới bên ngoài” [8, tr.217]. Thứ hai là quan điểm về nhân vật trong tiểu thuyết hiện đại kiểu Dostoievski. Khi xem xét về vai trò, đặc điểm kiểu nhân vật trong tiểu thuyết của Dostoievski, Bakhtin cho rằng: “Dostoievski tìm kiếm một nhân vật chính có ý thức thượng thừa, một nhân vật chính mà cuộc đời hoàn toàn dựa trên ý thức bản thân và ý thức cuộc sống” [68, tr.259]. Có thể hiểu, ý thức sâu sắc về bản thân và về người xung quanh chính là ý thức cơ bản làm nên chân dung tinh thần của nhân vật trong tiểu thuyết của Dostoievski. Theo Bakhtin, nhân vật của Dostoievski là những chủ thể ý thức, là kiểu “con người trong đường hầm”, tự ngụp lặn trong câu chữ của những người xung quanh, để lắng nghe, cảm nhận, quan sát và tự phân tích. Thông qua quá trình soi chiếu ấy, nhân vật có thể tự đào sâu đến tận cùng vấn đề thắc mắc, tự khám phá ra những sự thật về chính mình, một thứ sự thật của ý thức, được ý thức hóa. Bakhtin cho rằng: “con người trong đường hầm” là ý thức hệ đầu tiên trong tiểu thuyết của Dostoievski. Chỉ khi nào nhân vật là những con người tự do thực sự, trong thế đối sánh ngang hàng với tác giả, nói tiếng nói hoàn toàn của mình thì khi đó nhân vật mới thực sự là “con người trong con người” [68, tr.260].
  • 17. 11 Khi cho rằng “nhân vật là một chủ thể phát ngôn” thì Bakhtin nhận thấy vấn đề nhân vật đã được Dostoievski xem xét, thể nghiệm theo một hướng khác hẳn, không cần phải những con người cụ thể, sắc nét, hay được thiêng hóa như trước nữa. Hình tượng nhân vật trong tiểu thuyết của Dostoievski đã mất “các dấu hiệu bên ngoài”, chỉ còn lại là LỜI - “giọng của ý thức chủ thể” như một quan điểm riêng về chính nhân vật và về thế giới mà anh ta đang tồn tại. Ông cho rằng: “Nhân vật của Dostoievski không phải là một hình tượng khách thể, mà là một lời nói đầy đủ trọng lượng, một tiếng nói thuần túy, chúng ta không nhìn thấy nó, chúng ta nghe thấy nó” [8, tr.250]. Nhân vật của Dostoievski là sự kết hợp của ý thức (ý thức về bản thân và về người khác) và lời nói: kiểu người mộng mơ, hay suy tư. Nhân vật luôn nghĩ về điều người khác nghĩ và nghĩ về chính bản thân, trước cả khi sự việc sẽ diễn ra: “hắn cố sức tiên đoán ý thức và giọng điệu, những sự đánh giá và cố diễn đạt tường tận những lời phát biểu có thể của người khác về mình, ngắt lời mình bằng những lời đáp tưởng tượng của người khác” [8, tr.249]. Điều này khiến nhân vật bộc lộ chiều sâu nội cảm và những xung động thầm kín trong tâm hồn. Bakhtin coi nghệ thuật tiểu thuyết của Dostoievski là một cách tân lớn, một sự đổi mới thi pháp tiểu thuyết về nguyên tắc so với tiểu thuyết châu Âu thời bấy giờ. Ông luôn nhìn nhận yếu tố đa âm (hay “phức điệu” - cách nói của tác giả Trịnh Bá Đĩnh trong Nguyên lí đối thoại của M.Bakhtin trong hệ hình lí luận đương đại) của tiểu thuyết Dostoievski trong tương quan gắn liền với yếu tố nhân vật: “Tiểu thuyết của Dos có nhiều giọng khác nhau và những nhân vật của Dos, đối thoại với nhau như một bè hợp xướng, có trầm có bổng, tạo nên một không gian toàn diện về sự sống, về ngôn ngữ, về xã hội và con người” [dẫn theo 68, tr.254]. Tiểu thuyết của Dostoievski được kiến tạo trên nguyên tắc đối thoại của thế giới đa chủ thể: giữa các nhân vật với nhau, giữa nhân vật với độc giả, giữa nhân vật với tác giả hay với người kể chuyện, giữa tác giả với độc giả…: “tính nhiều tiếng nói và nhiều ý thức độc lập không hòa vào nhau, tính độc lập thực sự của tiếng nói có đầy đủ giá trị quả là một đặc điểm của tiểu thuyết Dostoievski” [8, tr.217]. Trong tiểu thuyết mang tính đa âm, mỗi nhân vật có một ý thức riêng, một tư tưởng độc lập, kể cả đối với
  • 18. 12 tác giả. Bakhtin viết: “Sự đa dạng của tiếng nói và của ý thức độc lập, sự đa âm đích thực của những tiếng nói, hoàn toàn riêng biệt, tạo nên nét cơ bản trong tiểu thuyết của Dostoievski” [dẫn theo 68, tr.255]. Hiểu theo nghĩa này thì đa âm chính là sự cá nhân hóa, độc lập hóa tiếng nói và tư tưởng của nhân vật. Tiếng nói của nhân vật có tính độc lập và có giá trị ngang hàng khi vang lên bên cạnh tiếng nói của tác giả hay tiếng nói của các nhân vật khác. Ý thức, cái nhìn và tiếng nói tác giả không còn mang tính áp đảo nhân vật như trong tiểu thuyết tiền hiện đại. Cho dù lời nói, ý nghĩ của nhân vật do chính tác giả sáng tạo nên nhưng nó thể hiện ý thức cá nhân của nhân vật chứ không thể hiện ý thức của tác giả, trở thành tiếng nói riêng biệt của một cái tôi khác bên cạnh tiếng nói của tác giả. Tiếng nói khác ấy mới tạo nên những đối thoại thực sự khách quan. Thông qua tương quan đối thoại, đối chất có ý thức giữa các nhân vật mà những bất đồng, sai lầm, nhược điểm hay những khủng hoảng, tan vỡ, dang dở, sự thật từ bên trong của nhân vật mới được bộc lộ. Từ đó, ông thấy một nguyên tắc xây dựng hình tượng của tiểu thuyết đương đại đó là: các nhân vật được đặt trong nhiều mối quan hệ, nói lên được tính phức tạp của cuộc đời, tính đa nghĩa của đời sống… Vì thế, Bakhtin thấy Dostoievski không đoạn tuyệt hẳn lối tư duy “độc thoại”, nhưng về căn bản ông sáng tạo một thế giới nghệ thuật khác. Nhân vật của ông chủ yếu được miêu tả như một sự tự ý thức, một dòng tư tưởng, một giọng điệu độc lập, không hòa nhập với các giọng khác. Vấn đề ở chỗ nhà văn không chỉ tập trung miêu tả nội tâm nhân vật như một tiểu thuyết tâm lí thông thường, mà xem nhân vật như một ý thức khác, có tính độc lập tương đối. Bakhtin cũng đã chỉ ra sự khác biệt trong thủ pháp xây dựng nhân vật của tiểu thuyết tiền hiện đại và hiện đại. Với tiểu thuyết hiện đại, Bakhtin cho rằng, các nhà tiểu thuyết hiện đại không chấp nhận cách nhìn dễ dãi về đời sống và con người. Họ không quan tâm nhiều đến lịch sử nhân vật trong tính toàn vẹn mà chú ý hơn đến tâm trạng nhân vật trong những mảnh phân thân của nó; xây dựng các mối quan hệ nhân vật với hoàn cảnh, xã hội; sử dụng lối viết kết hợp ảo và thực, ít sử dụng lối viết y như thật của tiểu thuyết truyền thống. Thủ pháp hư cấu được sử dụng phổ biến và đắc dụng hơn như trong tiểu thuyết của Franz Kafka, Haruki Murakami…
  • 19. 13 Quan điểm của Bakhtin đã đánh giá được những đóng góp mang tính bước ngoặt của tiểu thuyết của Dostoievski, đồng thời gợi mở và tạo định hướng lí luận quan trọng khi đánh giá nhân vật tiểu thuyết hiện đại so với các thời kỳ trước đây. Thứ ba là quan điểm về nhân vật trong tiểu thuyết hậu hiện đại của các nhà Tiểu thuyết mới. Tác giả Nathalie Saraute (Kỉ nguyên nghi ngờ - tuyên ngôn của nhóm Tiểu thuyết mới) khẳng định: Tiểu thuyết không có một nguyên tắc gì cả mà mỗi cuốn tiểu thuyết là một tìm tòi mới, tạo ra một nguyên tắc mới. Tác giả đả phá quan niệm nhân vật trong tiểu thuyết truyền thống cùng lối xây dựng nhân vật tâm lý của nó. Theo bà, con người của thế kỷ XX không phải là con người của thế kỷ XIX. Nó không phụ thuộc vào tính cách nữa. Việc đòi hỏi phá vỡ nhân vật đồng nghĩa với việc phá vỡ đế quốc chủ nghĩa của tác giả đối với nhân vật. Bà cho rằng tính cách điển hình của nhân vật không phải là hiện thực vì nó đã tước đi diện mạo chìm, mờ tối của hiện thực. Chỉ có đi sâu vào khám phá tiềm thức của các nhân vật thì mới có thể tìm ra diện mạo chìm khuất, mờ tối đó. Các nhà Tiểu thuyết mới đi tìm những hình thức mới và con người mới: “có khả năng thể hiện (hoặc sáng tạo) những quan hệ mới giữa con người và thế giới, tất cả những người đã quyết định sáng tạo tiểu thuyết có nghĩa là sáng tạo ra con người”[137, tr.289]. Chính vì vậy, họ chủ trương loại bỏ những gì quá rõ ràng về quá khứ, nghề nghiệp của nhân vật; xé nát mọi đường viền của nhân vật, từ họ tên, dung mạo... đến tính cách, tâm lý [147, tr.10]. Các nhà Tiểu thuyết mới cũng đã khước từ lối kể chuyện từ điểm nhìn toàn tri, thủ tiêu cốt truyện, tẩy trắng nhân vật, xóa bỏ cá tính… Điều này đã báo trước những đột phá mới về vấn đề nhân vật. Còn Alain Robbe Grillet cho rằng, việc “phân tích tâm lý nhân vật” và “chiều sâu” của sự việc không còn sức hấp dẫn nữa. Ông khẳng định, dù nhân vật không còn tồn tại theo lối cũ, dù tính cách và tên tuổi nhân vật không quan trọng lắm, thì cũng không có nghĩa là vấn đề con người bị xóa bỏ: “Tại sao cứ cố đi khám phá ra một cá nhân tên gì trong một tiểu thuyết không nói đến vấn đề đó? Chúng ta ngày nào chẳng gặp những người mà chúng ta không hề quen biết tên của họ và chúng ta có thể nói chuyện suốt buổi tối với một người không quen biết” [147, tr.127]. Trong tiểu thuyết “Ghen” của ông, nhân vật
  • 20. 14 A… đồng thời chính là người kể chuyện, được dùng như người thay thế tác giả luôn. Không hề xưng danh, có vẻ như không tồn tại, nhưng thực ra anh ta không bỏ qua bất cứ một chi tiết, cảnh vật hay lời nói cử chỉ của người khác chỉ bởi vì sự ghen tuông ám ảnh. Nhân vật của ông nhiều thời điểm đã bị “phi nhân hóa” một cách khéo léo… Trong thực tế, những tác phẩm danh tiếng khác trên thế giới như Linh Sơn (Cao Hành Kiện), Con đường xứ Flanders (Claude Simon), Sự bất tử (Milan Kundera)… cũng không nhất thiết phải trọng thị vấn đề nhân vật. Các đại diện tiêu biểu của văn chương hậu hiện đại thế giới như: Angela Carter, Salman Rushdie (Anh); Georges Perec và Monique Wittig (Pháp); Gunter Grass và Peter Handke (Đức); Umberto Eco và Italo Calvino (Italy); John Maxwell Coetzee (Nam Phi); và Peter Carey (Úc); Gabriel Garcia Márquez (Colombia); Mario Vargas Llosa (Peru)… bằng nhiều cách khác nhau cũng đi theo hướng này khi xây dựng nhân vật theo kiểu phi trung tâm, nhằm tạo ra những “tiểu tự sự” về con người đương đại… Thứ tư là quan điểm của một số các nhà nghiên cứu khác: Các nhà nghiên cứu văn học Âu Mỹ như Roland Barthes, Milan Kundera, Kristjana Gunnars… cũng đặc biệt chú ý đến tính phức hợp, đa bình diện trở thành một đặc tính nổi bật của các nhân vật, đồng thời chi phối mạnh mẽ đến các phương diện khác của nghệ thuật tự sự và thi pháp thể loại. Về khái niệm nhân vật, Milan Kundera (Nghệ thuật tiểu thuyết) từng cho rằng: “Nhân vật không phải là sự mô phỏng một con người sống thật. Đó là một con người tưởng tượng, một cái tôi thực nghiệm” [66]. Điều này đã làm thay đổi về căn bản quan niệm nhân vật của tiểu thuyết đương đại. Khi tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy các nhà nghiên cứu tiểu thuyết nước ngoài rất quan tâm xem xét vấn đề nhân vật như là một yếu tố nghệ thuật quan trọng bậc nhất của thể loại tiểu thuyết. Boris Suskov (Số phận lịch sử của chủ nghĩa hiện thực) đã chỉ rõ vấn đề nhân vật là tiền đề cốt lõi để người nghệ sĩ gửi gắm những dụng ý tư tưởng và dụng công nghệ thuật của mình: "Người viết tiểu thuyết nghĩ mọi vấn đề đều phải thông qua các nhân vật, xuất phát từ nhân vật" [107, tr.168]. Trong khi đó, Liviu Petrescu (Thi pháp hậu hiện đại) khẳng định: “Quy định cuối cùng trong khuôn khổ thi pháp tiểu thuyết là quy định về một phạm trù trần thuật khác nằm
  • 21. 15 ngoài tình huống, tình tiết và chủ thể: phạm trù nhân vật” [83, tr.76]. Rõ ràng, việc đi sâu vào vấn đề nhân vật chính là đi sâu khám phá một phương diện quan trọng trong thế giới sáng tạo của nhà văn, đóng vai trò chi phối các yếu tố khác của nội dung, hình thức nghệ thuật trong tiểu thuyết. Bởi thế Milan Kundera viết: “Tất cả mọi tiểu thuyết của thời đại đều chăm chú vào bí ẩn của cái tôi. Từ lúc anh bắt đầu sáng tạo một con người tưởng tượng, một nhân vật, tức thì anh đối mặt với câu hỏi: Cái tôi là gì? Bằng cách nào nắm bắt được cái tôi ? Đây là một trong những câu hỏi cơ bản để tiểu thuyết được hình thành với tư cách tiểu thuyết” [66, tr.27]. Về phân loại nhân vật, Meyer Howard "Mike" Abrams (Diện mạo tiểu thuyết) đã đề xuất một số thuật ngữ quan trọng trong việc nhận diện nhân vật của tiểu thuyết hiện đại: nhân vật dẹt - không có chiều sâu và nhân vật tròn - cá tính phức tạp [109, tr.121]. Hiểu theo gợi ý này, ta sẽ dễ dàng nhận thấy bên cạnh xu hướng tiểu thuyết phức thể hoá nhân vật, tức làm “dày” nhân vật, thì ta lại bắt gặp một xu hướng ngược lại: tiết giản hóa nhân vật, tức là làm “mỏng” nhân vật, đến mức đôi khi chúng chỉ còn là các “phản nhân vật”, các kí hiệu hay các hình ảo, bị tẩy trắng hoặc biến mất khỏi văn bản…. Điều này có thể thấy ở nhiều tiểu thuyết gia hiện đại phương Tây, đặc biệt là ở Pháp. Các nhân vật của Milan Kundera như Krystina, Tamina (Cuốn sách của tiếng cười và sự lãng quên), Tereza (Đời nhẹ khôn kham), Paul (Sự bất tử) đều nhòe mờ ngoại hình. Một số nhà văn còn không chú trọng đến nhân vật và cho rằng tiểu thuyết của các nhân vật đã thuộc về quá khứ. Trong bối cảnh hỗn độn của cuộc sống và sự mất niềm tin sâu sắc, cá nhân con người không còn giữ được sức mạnh tuyệt đỉnh. Vì thế tiểu thuyết đã không dung nạp loại nhân vật có tính cách. Họ thay bằng các “phản nhân vật” hoặc “đồ vật” hoặc chỉ còn duy nhất là những dòng chảy ngôn từ và “nhân vật chỉ còn là những đại từ mơ hồ” [129, tr.56-57] như Josef K (Vụ án - Franz Kafka), Sisyph (Sisyph - Albert Camus)… Ngoài ra, nhà nghiên cứu Carlo Ginzburg còn đề xuất tới loại nhân vật chức năng (hay nhân vật mặt nạ), nhân vật tính cách và nhân vật loại hình… Trong khi đó, một số nhà nghiên cứu đi theo chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa ở các nước XHCN gồm Liên Xô cũ và một số nước Đông Âu thì phân loại nhân vật chủ yếu dựa theo
  • 22. 16 vai trò của nhân vật trong tác phẩm để chia ra thành nhân vật chính, nhân vật trung tâm và nhân vật phụ; hoặc theo quan hệ thuận nghịch giữa nhân vật với lý tưởng để phân chia thành nhân vật chính diện và nhân vật phản diện... Như vậy, một số nghiên cứu về nhân vật trong tiểu thuyết thế giới thế kỷ XX đã đặt ra nhiều vấn đề quan trọng có tính gợi mở và định hướng. Điều đó có ảnh hưởng lớn đối với chúng tôi khi xem xét các vấn đề lý luận về nhân vật tiểu thuyết của các nhà nghiên cứu trong nước, tạo tiền đề thuận lợi trong việc ứng dụng nghiên cứu nhân vật tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI đến nay. 1.2. Tổng quan nghiên cứu về nhân vật trong tiểu thuyết ở Việt Nam Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “Nhân vật văn học là con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm văn học. Nhân vật văn học có thể có tên riêng…, cũng có thể không có tên riêng… Khái niệm nhân vật văn học có khi sử dụng như một ẩn dụ, không chỉ là một con người cụ thể nào cả, mà chỉ là một hiện tượng nổi bật trong tác phẩm… Nhân vật văn học là một đơn vị nghệ thuật đầy tính ước lệ, không thể đồng nhất nó với con người có thật trong đời sống” [50, tr.235]. Quan niệm nói trên cho thấy tính mở của vấn đề nhân vật, cho phép người viết có những sáng tạo linh hoạt, đột phá và người đọc có cách hiểu chủ động về thế giới nhân vật trong văn học. Ở đây, chúng tôi chủ yếu đề cập đến những nghiên cứu cụ thể về nhân vật trong tiểu thuyết, nhất là trong tiểu thuyết từ đầu thế kỷ XXI đến nay. 1.2.1. Nghiên cứu về nhân vật trong tiểu thuyết Khảo sát các giáo trình Lý luận văn học về vấn đề nhân vật trong tiểu thuyết, chúng tôi thấy sự thống nhất cơ bản của các nhà nghiên cứu khi cho rằng: nhân vật tiểu thuyết thuộc loại nhân vật tự sự, được khắc họa đầy đủ, rõ nét, đa diện, có đời sống nội tâm phong phú và có sự phát triển nội tại rất sinh động. Nhân vật trong tiểu thuyết có số lượng nhiều, với nhiều số phận khác nhau, tạo nên một xã hội phong phú, phức tạp với nhiều mối quan hệ, hành động, tư tưởng hay tính cách, giọng điệu. Nhân vật được nhà văn miêu tả qua các xung đột, mâu thuẫn, biến cố và các chi tiết, gắn bó với cốt truyện, là một chỉnh thể vận động, có thể đạt đến tính cách, điển hình, bộc lộ như một quá trình trong không gian, thời gian. Nó có thể được hư
  • 23. 17 cấu hoàn toàn hoặc xây dựng dựa vào một nguyên mẫu, một điển hình xã hội nhờ nỗ lực lao động nghệ thuật nghiêm túc của nhà văn. Tuy nhiên, khi xem xét những công trình nghiên cứu riêng lẻ, chúng tôi thấy có một số kiến giải chuyên biệt hơn. Bài viết Về một hướng thử nghiệm của tiểu thuyết Việt Nam từ cuối thập kỉ 80 đến nay (Nguyễn Thị Bình) và Ý thức cách tân trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 (Nguyễn Bích Thu) đã có những kiến giải khá thống nhất: Các tác giả tiểu thuyết đang nỗ lực “cá nhân hóa lịch sử”, tiết giảm đến tối đa “khoảng cách sử thi”, “nới rộng đáng kể biên độ hiện thực so với tiểu thuyết trước 1975”. Bởi vậy, bên cạnh những “con người anh hùng”, “con người cộng đồng”, “con người xã hội” dần bị tiết giảm vai trò; con người thân phận mang bị kịch cá nhân vượt lên nhanh chóng, chiếm vị trí chủ đạo trong nhiều tác phẩm. Đồng thời “nhiều cuốn tiểu thuyết đã hướng tới miêu tả số phận những con người bình thường với những bi kịch của đời họ. Bi kịch giữa khát vọng và thực trạng, giữa cái muốn vươn lên và cái kìm hãm, giữa cái nhân bản và phi nhân bản” [79, tr.230]. Ý kiến trên đã cung cấp cho chúng tôi một số phương diện biểu hiện của bi kịch cá nhân ở nhân vật. Trong những năm gần đây, nhiều nhà nghiên cứu tiểu thuyết thấy rõ những thay đổi trong quan niệm về con người ở các nhà văn chi phối rất mạnh đến các quá trình xây dựng nhân vật. Trần Thị Mai Nhân (Những đổi mới của tiểu thuyết Việt Nam trong 15 năm cuối thế kỷ XX) viết: “Ngày nay do đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người, nhân vật đã bước vào tiểu thuyết với một tư thế mới. Nhà tiểu thuyết không thể “khuôn” nhân vật vào các công thức nữa. Vì vậy, nhân vật trong tiểu thuyết giai đoạn 1986 - 2000 đã thực sự thoát ra khỏi hình thức “sơ đồ hóa” để hiện lên đầy đặn hơn, sống động hơn. Nhiều tiểu thuyết đã đi sâu vào đời sống tinh thần con người để qua đó, thấy được “hình bóng của cuộc đời” [91, tr.116]… Khi đánh giá về nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết, nhà nghiên cứu Trần Thị Mai Nhân bên cạnh việc ghi nhận những kế thừa kỹ thuật truyền thống của “tiểu thuyết kiểu Banzac”, tác giả cũng đã quan tâm tới những cách tân thực sự khác biệt trong nghệ thuật xây dựng nhân vật ở một số tiểu thuyết mang dấu ấn hậu hiện đại cùng trong thời gian này như Thiên sứ (Phạm Thị Hoài), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Cơ hội của Chúa
  • 24. 18 (Nguyễn Việt Hà), Những đứa trẻ chết già (Nguyễn Bình Phương)…. Đó là kỹ thuật dòng ý thức, đa ngôi kể, nghệ thuật nghịch dị…, tất cả tạo nên sức hấp dẫn riêng cho tiểu thuyết thời kỳ đổi mới. Để phân loại nhân vật nói chung và nhân vật tiểu thuyết nói riêng, trong các giáo trình lý luận có những thống nhất về một số tiêu chí phân loại như sau: +/ Căn cứ vào kết cấu hình tượng trong tác phẩm, nhân vật được chia thành: nhân vật chính, nhân vật phụ, nhân vật trung tâm... +/ Căn cứ vào quan hệ tư tưởng, nhân vật được chia thành: nhân vật chính diện, nhân vật phản diện, nhân vật tích cực, tiêu cực… +/ Căn cứ vào cấu trúc hình tượng, nhân vật được chia thành: nhân vật chức năng (nhân vật mặt nạ), nhân vật tính cách, nhân vật loại hình, nhân vật tư tưởng... +/ Căn cứ vào đặc điểm thể loại, nhân vật được chia thành: nhân vật kịch, nhân vật tự sự, nhân vật trữ tình ... Bản thân các nhà nghiên cứu các sách trên cũng thừa nhận, các cách phân loại trên đều “mang tính chất rất tương đối”, giúp khu biệt các kiểu loại nhân vật để người đọc có cách đánh giá cụ thể về quan niệm con người cũng như nghệ thuật xây dựng nhân vật của các nhà văn. Tuy nhiên, với cách phân chia này khi áp dụng với các nhân vật trong văn học Việt Nam trước thời kì Đổi mới (1986) thì dễ dàng đối chiếu và phân định. Còn với nhân vật văn học từ thời điểm Đổi mới đến nay vốn rất phức tạp, các tiêu chí này khó đối chiếu và chưa phản ánh đầy đủ được các loại hình nhân vật. Trong quá trình xem xét hướng phân loại nhân vật trong tiểu thuyết hai thập niên cuối thế kỷ XX, chúng tôi ghi nhận cách phân loại của Bùi Việt Thắng (Phía trước của tiểu thuyết) khi chia nhân vật ra thành các kiểu sau: Nhân vật bi kịch, Nhân vật anh hùng, Nhân vật kì dị, Nhân vật lập thân (lập nghiệp) [119, tr.134-139]. Sự phân loại và nhận diện của nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng đã bám sát thực trạng phát triển của thể loại. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy: do khuôn khổ của bài viết, tác giả chưa đi sâu lí giải sự xuất hiện của từng kiểu nhân vật một cách thấu đáo. Đặc biệt, ở kiểu nhân vật kì dị, nhân vật lập nghiệp chưa thật rõ ràng về mặt khái niệm cũng như những đặc điểm cụ thể để nhận diện kiểu nhân vật này.
  • 25. 19 1.2.2. Nghiên cứu về nhân vật trong tiểu thuyết đầu thế kỷ XXI Tập hợp các tài liệu có được, chúng tôi nhận thấy, đã có một số công trình khoa học của các nhà nghiên cứu bàn luận vấn đề này như Hoàng Ngọc Hiến (Mấy vấn đề của tiểu thuyết và đặc trưng thể loại này), Thái Phan Vàng Anh (Tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI từ góc nhìn hậu hiện đại), Bùi Việt Thắng (Về dòng tiểu thuyết "thân xác" trong văn học Việt Nam thập niên đầu TK XXI), Mai Hải Oanh (Những cách tân nghệ thuật trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại), Lại Nguyên Ân (Khi quyền kể chuyện được trao cho nhân vật), Văn Giá (Nhân vật văn học tìm tòi và sáng tạo), Nguyễn Bình Phương (Tôi không xây dựng một nhân vật điển hình), Hồ Anh Thái (Họ trở thành nhân vật của tôi), Hoàng Cẩm Giang (Vấn đề nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XXI)… Nhìn chung các nhà nghiên cứu nhận thấy, từ đầu thế kỉ XXI đến nay, vấn đề nhân vật tiểu thuyết được chú ý hơn, thể hiện mối quan tâm của người viết đối với vấn đề số phận cá nhân, vấn đề bản thể trong bối cảnh xã hội, không gian sống hiện đại. Bàn về tầm quan trọng của nhân vật, nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng viết: "Nói đến tiểu thuyết là nói đến nhân vật. Tài nghệ của nhà tiểu thuyết cũng chủ yếu khúc xạ qua nhân vật vì nó là con đẻ của tinh thần nhà văn" [120, tr.110]. Ông cho rằng trong tiểu thuyết, nhân vật không phải là nơi duy nhất nhưng lại là nơi thể hiện một cách tập trung nhất, sâu đậm nhất quan niệm về con người của tác giả. Tiểu thuyết chính là mảnh đất quý giá và màu mỡ lưu giữ bóng hình cuộc đời con người, vì thế nhân vật luôn được xem là sức nổ, là sự sống của tiểu thuyết từ xưa đến nay. Nhân vật tiểu thuyết độc đáo sẽ làm nên sức sống của mỗi cuốn tiểu thuyết. Bùi Việt Thắng cũng đã đòi hỏi các nhà tiểu thuyết phải làm thế nào để xây dựng thế giới nhân vật đa dạng mà không chồng chéo, tẻ nhạt; ngược lại các nhân vật có quan hệ qua lại, tác động lẫn nhau, soi sáng nhau cùng phản ánh đời sống. “Một tác phẩm tiểu thuyết đồ sộ, không làm người đọc rối trí, khó tiếp nhận chính là nhờ vào nhân vật như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt, khâu nối các mảng miếng hết sức chặt chẽ”. Như vậy, toàn bộ tài năng nghệ thuật của nhà tiểu thuyết nằm ở chỗ, trên trục vận động của diễn biến cốt truyện, nhân vật phải làm chủ mọi cảnh huống, mọi tình thế, phát
  • 26. 20 triển theo quy luật nội tại của nó. Ông cho rằng cách kể chuyện của nhà văn phải làm sao “hòa vào các nhân vật, hòa vào từng nhân vật và thế giới riêng của nó, kể về nhân vật bằng ngôn ngữ của nó, bằng tiết tấu của chính nó.” [120, tr.378]… Bùi Việt Thắng (Hiện trạng tiểu thuyết) cũng nhận thấy có một sự thật về hình tượng con người tất yếu sẽ chiếm ngự không gian tiểu thuyết đương đại: con người tha hóa. Sự tha hóa về con người đầu thế kỷ XXI đã và đang diễn ra dưới nhiều dạng thức rất khác nhau. Tuy nhiên, tác giả mới chỉ từ vấn đề con người tha hóa mà khẳng định đó là một kiểu nhân vật - nhân vật tha hóa, nhưng chưa đi vào phân tích, lí giải nguồn gốc, những tác động trở lại xã hội trước mắt và lâu dài của vấn đề này. Về đặc điểm nhân vật, xuất phát từ khái niệm cảm quan hậu hiện đại, phi trung tâm hóa, giải nhân cách hóa, liên văn bản, các nhà nghiên cứu đã chỉ rõ các đặc điểm đặc thù của nhân vật hậu hiện đại là mảnh vỡ, nhòe mờ hay bị tẩy trắng và ngôn ngữ vô âm sắc. Tác giả Thái Phan Vàng Anh viết: “Trong nhiều tiểu thuyết, nhân vật bị tẩy trắng, không gian nhòe mờ, thời gian đảo lộn, phi thực” [153]. Đây cũng chính là những tiêu chí cơ bản nhất để phân định ranh giới khác biệt giữa nhân vật trong tiểu thuyết hiện đại và tiểu thuyết hậu hiện đại. Nguyễn Thị Bình (Đổi mới tiểu thuyết Việt Nam đương đại: lối viết hậu hiện đại) phân định rõ về kiểu nhân vật mờ hóa, tẩy trắng, “nhân vật phi nhân vật”, “bị tác giả xóa bỏ hầu hết đường viền nhân thân, tính cách chúng bị phân rã, trở thành một ý niệm, một trạng thái tâm lý, một ám ảnh…”. Tác giả cho rằng: “Nhân vật vẫn tồn tại, nhưng nó không còn giống như trong truyền thống, quá trình xây dựng nhân vật trở thành công cuộc phá hủy chính nó” [21, tr.230-232]. Điều này cho thấy sự phân rã tính cách, biến mất của nhân vật trở nên khá phổ biến trong tiểu thuyết đương đại. Nguyễn Văn Tùng đã nhìn nhận: nhiều nhân vật trong tác phẩm đã “không nổi lên bằng một nét cá tính nào, một đường viền lịch sử nào, một nét hình dung diện mạo nào” hay “Bóng hình của họ không có chiều dày thực thể, mà chỉ giống như những giọng nói, những hình dung, những biểu tượng” [146]… Chính thủ pháp mờ hóa được dụng công rất khéo léo đã góp phần khắc sâu cảm giác vô nghĩa, đơn điệu của con người khi mất đi ý thức về nhân vị trong cuộc sống hiện đại. Ông cho rằng tiểu thuyết đương đại không
  • 27. 21 còn là những bức tranh xã hội rộng lớn với tập thể các con người khác nhau, mà chủ yếu được dồn nén, đúc kết qua số phận của một con người: “Đó là nhân vật duy nhất của cuốn sách, bởi vì tất cả các nhân vật khác đều tồn tại thông qua nhân vật này và quan hệ với nhân vật này…”. Chẳng hạn, xoay quanh nhân vật như gã Tép Riu (Gã Tép Riu - Nguyễn Bắc Sơn), Cái bào thai (Thiên thần sám hối - Tạ Duy Anh)… mà toàn bộ hệ thống cốt truyện được vận hành và các nhân vật còn lại trong tác phẩm xuất hiện, tương tác, bộc lộ bản thân và có những thay đổi số phận rõ nét. Về thi pháp nhân vật trong tiểu thuyết đầu thế kỷ XXI, chúng tôi nhận thấy, các tác giả đã ít nhiều đề cập đến như: Bích Thu (Văn học Việt Nam hiện đại sáng tạo và tiếp nhận), Nguyễn Thị Kim Tiến (Con người trong tiểu thuyết Việt Nam thời kì Đổi mới, Về kiểu “ẩn danh” nhân vật - Tiếp cận qua một số tiểu thuyết Việt Nam đương đại), Đỗ Hải Ninh (Tiểu thuyết có khuynh hướng tự truyện trong văn học Việt Nam đương đại), Vũ Thị Hạnh (Tư duy nghệ thuật trong tiểu thuyết của một số nhà nữ hải ngoại đương đại), Nguyễn Thị Ninh (Kết cấu tiểu thuyết Việt Nam đương đại)… Đây là những công trình nghiên cứu có hàm lượng lý luận cao và có ý nghĩa phương pháp luận, bước đầu nêu lên những đặc điểm nghệ thuật của tiểu thuyết Việt Nam đương đại nói chung và nghệ thuật xây dựng nhân vật nói riêng trên cơ sở phân tích từ nhiều tác phẩm cụ thể. Trong đó, chúng tôi nhận thấy tác giả Bích Thu cũng đã có những ghi nhận khái quát hơn cả: “Nghệ thuật đồng hiện, kĩ thuật độc thoại nội tâm, dòng ý thức, lắp ghép, sử dụng huyền thoại, nghệ thuật giãn cách, đa giọng điệu… đã được tiểu thuyết vận dụng, biến hóa một cách linh hoạt và uyển chuyển trên tinh thần dân tộc hiện đại” [129, tr.52]. Điều này khẳng định hướng đi đúng đắn của nhà văn về nghệ thuật xây dựng nhân vật ở các tiểu thuyết hiện đại và hậu hiện đại trong xu thế phát triển chung của văn xuôi Việt Nam. Không những thế, các nhà nghiên cứu đã nhận thức rõ mối quan hệ biện chứng giữa vấn đề nhân vật và nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết đương đại. Chính điều này đã góp phần làm thay đổi cách nhìn, cách thích ứng của độc giả hiện nay về nhân vật trong tiểu thuyết. Hoàng Cẩm Giang viết: “Sự thay đổi trong quan niệm về nhân vật và nghệ thuật xây dựng nhân vật - tất yếu vừa là nguyên nhân, vừa là hệ
  • 28. 22 quả của những đổi thay trong cấu trúc tự sự. Cuộc “cách mạng về nhân vật” bao giờ cũng là cuộc cách mạng tác động trực tiếp nhất đến cảm quan và tiếp nhận của độc giả nói chung. Các nhà tiểu thuyết thuộc khuynh hướng cách tân đầu thế kỷ XXI (Đặng Thân, Nguyễn Bình Phương, Tạ Duy Anh, Thuận…) đã quyết liệt thay đổi cái nhìn cũng như cách quan niệm mang tính truyền thống của độc giả về phạm trù “nhân vật” trong các tác phẩm của họ”[46]. Điều này cũng đã góp phần làm thay đổi căn bản thi pháp tiểu thuyết nói chung hiện nay, đưa tiểu thuyết Việt Nam tiệm cận nhanh hơn với xu thế phát triển của tiểu thuyết thế giới. Tìm hiểu những quan điểm dẫn đến một số kiểu loại nhân vật đặc thù, chúng tôi nhận thấy nhiều tác giả đã xuất phát từ các lí thuyết triết học, lý giải từ nhiều góc độ khác nhau để phân chia thế giới nhân vật trong tiểu thuyết đương đại. Trong Dấu ấn của chủ nghĩa hiện sinh trong văn xuôi đương đại Việt Nam, Nguyễn Thái Hoàng cũng đã đi sâu nghiên cứu vấn đề nhân vật mang tâm thức hiện sinh [60]. Tác giả đã từ vấn đề nhân vật văn học để chỉ ra những yếu tố căn bản của tinh thần hiện sinh trong văn xuôi Việt Nam đương đại. Việc phân tách ra thành: Nhân vật vong thân và bóng dáng tha nhân; Nhân vật cô đơn; Nhân vật dấn thân; Nhân vật bản năng, Nhân vật mang ám ảnh về cái chết… và chỉ ra mối liên hệ cũng như những biểu hiện đồng thời của tinh thần hiện sinh trên trong cùng một nhân vật đã cho thấy, tác giả cố gắng đi sâu vào bản chất xã hội của tinh thần hiện sinh là nguyên nhân tạo nên phản ứng dây chuyền trong nhận thức, lẽ sống của con người thời đại. Tác giả Văn Thị Phương Trang (Tiểu thuyết Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI từ góc nhìn phân tâm học) cũng đã từ góc nhìn phân tâm học để xem xét thế giới nhân vật. Trong đó, tác giả đã xem xét: Kiểu nhân vật với đời sống vô thức, tâm linh; Kiểu nhân vật với các phức cảm; Kiểu nhân vật với đời sống tính dục thường ngày để nhấn mạnh những quẫy đạp, ám ảnh, khát khao, mặc cảm và nổi loạn trong đời sống bản năng, tinh thần của con người đương đại [143]. Từ cách nhìn này, người viết đã đi sâu vào nghiên cứu về con người tự nhiên, con người tâm linh trong văn học, thấy được những tác động mạnh của đời sống hiện đại đến nhận thức, tâm sinh lí, tâm linh của con người hiện nay. Với góc nhìn này, tính phức tạp trong chiều sâu
  • 29. 23 bản thể của con người hiện đại được soi chiếu một cách khá minh triết, đem lại một cái nhìn sâu sắc, sát thực hơn. Huỳnh Thị Thu Hậu (Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết Việt nam từ 1986 đến 2012) đã nghiên cứu về kiểu hình tượng nhân vật nghịch dị trong mối tương quan với không gian, thời gian nghịch dị [52]. Việc phân tách thành kiểu hình tượng: Nhân vật biếm họa; Nhân vật lệch pha giới; Nhân vật nữ nghịch dị đã cho thấy vấn đề nhân vật nghịch dị rất phong phú, phức tạp, cần được xem xét nghiên cứu đầy đủ với tư cách là một loại hình nhân vật độc lập, trọn vẹn trong tiểu thuyết đương đại. Bởi nhân vật nghịch dị không chỉ là một hiện tượng nhất thời, đơn giản, mà có nguồn gốc xã hội sâu xa. Khi sự băng hoại về đạo đức và lối sống vô cảm, máy hóa của con người càng đi quá đà do hậu quả nặng nề của xã hội hậu công nghiệp, hiện tượng nghịch dị như một sự quẫy đạp nổi loạn, hay phá cách để nhắc nhở về tình trạng chấn thương tinh thần của con người. Qua đó, các tác giả muốn tạo nên những tiếng chuông cảnh báo tới sự quan tâm của xã hội, góp phần lý giải những vấn đề đời sống và giải mã những dụng ý tư tưởng nghệ thuật của nhà văn về con người. Đặc biệt trong công trình nghiên cứu gần đây nhất của Nguyễn Thị Lan Anh (Nhân vật mang dấu ấn hậu hiện đại trong tiểu thuyết Việt Nam) đã đánh giá ảnh hưởng của Chủ nghĩa Hậu Hiện đại đối với tiểu thuyết Việt Nam đương thời. Từ nghiên cứu các loại hình nhân vật mang dấu ấn hậu hiện đại, tác giả đã phân chia thành năm loại hình nhân vật: Nhân vật lạc lõng cô đơn dẫn đến tha hóa; Nhân vật dị biệt; Nhân vật huyền ảo tâm linh; Nhân vật đấng tối cao và Nhân vật: các vai diễn mới. Điều đáng ghi nhận là qua tìm hiểu về các loại hình nhân vật này, tác giả đã làm nổi bật các dấu ấn hậu hiện đại như giải tự sự, giải trung tâm, sự phân mảnh, phá vỡ kết cấu, giải cấu trúc, thái độ hoài nghi, phóng nhại, bất tín nhận thức…[5]. Tuy nhiên, vì chỉ xem xét nhân vật mang dấu ấn hậu hiện đại, nên tác giả mới chỉ thấy được một phần vấn đề nhân vật của tiểu thuyết đương đại, còn một số kiểu loại nhân vật không kém phần quan trọng chưa được đi sâu khai thác. Bên cạnh đó, việc phân chia kiểu Nhân vật đấng tối cao còn phiến diện, chưa đủ cơ sở và không mang tính khái quát, cần được xem xét lại. Đây cũng là nội dung mà tác giả luận án sẽ đề cập đến trong chương 3.
  • 30. 24 Trong các nghiên cứu Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới (Nguyễn Kim Hoàn), Nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Xuân Khánh (Lê Thu Trang), Thế giới nhân vật trong sáng tác của Tạ Duy Anh (Phạm Quỳnh Dương)…, các tác giả cũng đề xuất một số cách phân loại nhân vật của mình. Tuy nhiên, việc xem xét đánh giá nhân vật cũng cần có những thước đo, những hệ quy chiếu phong phú, sát thực hơn. Chẳng hạn Vương Hồng Dũng (Phạm trù nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam theo xu hướng hậu hiện đại) đã khái quát thành một số kiểu như: Nhân vật lạc loài, cô đơn; Nhân vật nổi loạn, dấn thân; Nhân vật tự nhận thức; Nhân vật tha hóa; Nhân vật đồng tính; Nhân vật điên khùng; Nhân vật tâm linh, siêu thực… Không những thế, ông cho rằng “vấn đề nhân vật ngoại biên trong tiểu thuyết hậu hiện đại đã được đẩy đến độ biến dạng sâu sắc về khung hình, tạo sự nhiễu loạn về phả hệ nhân vật. Đó là, thay cho việc xây dựng các nhân vật “có chiều sâu” và khả năng khái quát (phổ biến trong tiểu thuyết truyền thống), các nhà văn hậu hiện đại xây dựng nhân vật bằng “sự biến thể nhân vật”, dạng sơ khởi của hình thức nhân vật “ngụy tạo” (vật thế vì), chứ không phải dạng thức “phản - nhân vật” như trong Tiểu thuyết Mới [32]. Ý kiến này làm cho hướng phân loại nhân vật “ngoại biên” trở thành một hướng có tính thuyết phục khi xem xét nghiên cứu hệ thống nhân vật rất đa dạng trong tiểu thuyết đầu thế kỷ XXI. Trong khi đó, Vũ Thị Hạnh (Tư duy nghệ thuật trong tiểu thuyết của một số nhà nữ hải ngoại đương đại) khi đi sâu xem xét tư duy nghệ thuật của các nhà văn nữ hải ngoại dưới góc độ hình tượng nghệ thuật cũng đã phân chia nhân vật trong tiểu thuyết của họ thành một số kiểu: Nhân vật cô đơn, tha hương sầu xứ; Nhân vật hoài nghi, kiếm tìm tự ý thức; Nhân vật đám đông; Nhân vật huyền thoại, kỳ ảo, mang đậm tính chất biểu tượng [51]. Rõ ràng, Lí luận văn học Việt Nam đầu thế kỉ XXI đang không ngừng tìm kiếm những hướng xem xét đánh giá phân loại mới. Song tựu trung lại vẫn chỉ dừng lại ở một phạm vi tiếp cận hẹp, đồng thời chưa nhìn nhận thấy những nét riêng và sự giao thoa của các nhân vật tiểu thuyết đầu thế kỷ XXI so với trước đó. Trong quá trình khảo sát, chúng tôi chú ý nhiều hơn ở cách kiến giải của Phạm Xuân Thạch và Hoàng Cẩm Giang. Phạm Xuân Thạch đã đề xuất một cách phân loại nhân vật tiểu
  • 31. 25 thuyết lịch sử, một kiểu tiểu thuyết đòi hỏi một sức bút già dặn cao tay: “Nhìn từ góc độ ngữ nghĩa, xuất hiện đồng thời trong các tiểu thuyết lịch sử cả ba dạng nhân vật: nhân vật - chủ thể của tiến trình lịch sử, nhân vật - nạn nhân của lịch sử và nhân vật - kẻ quan sát lịch sử” [113]. Theo ông, kiểu nhân vật chủ thể của lịch sử luôn luôn chủ động truy tìm ý nghĩa của bản thể và tồn tại. Những nhân vật thuộc loại này thường trực tiếp tham dự vào câu chuyện như một “người trong cuộc”, vừa có khả năng nắm giữ và can thiệp tiến trình sự kiện, vừa thực hiện mục đích mang tính chủ động của mình với tiến trình ấy (Hồ Quý Ly - Hồ Quý Ly - Nguyễn Xuân Khánh). Còn kiểu nhân vật chứng nhân của lịch sử chỉ lạnh lùng quan sát đời sống từ bên ngoài. Đây là kiểu nhân vật nhận thức được diện mạo, bản chất của các sự kiện nhưng đồng thời lại giữ một thái độ “giãn cách”, khách quan và tách biệt với chúng. Nhiệm vụ của anh ta dường như chỉ là quan sát và bình luận những gì được quan sát thế giới chứ không phải là “dấn thân”, “nhập cuộc” để thay đổi bất cứ điều gì ở thế giới đó (Cái bào thai - Thiên thần sám hối - Tạ Duy Anh). Đối với kiểu nhân vật nạn nhân của lịch sử thì nhân vật trở nên lạc lõng và tha hóa trong quá trình “nhập cuộc”. Đây là kiểu nhân vật bị đẩy vào tiến trình sự kiện một cách bị động không thể cưỡng lại. Trong quá trình này, một mặt khiến nhân vật trở nên trơ trọi và lạc lõng giữa thế giới; mặt khác có thể khiến anh ta tha hóa, trở thành một mẫu hình nhân vật không giống trước hoặc bị “văng” ra khỏi trung tâm của tự sự (“tôi” - Tấm ván phóng dao - Mạc Can, Hoàn - Người đi vắng - Nguyễn Bình Phương). Quan niệm của Phạm Xuân Thạch có khả năng vận dụng soi chiếu cả ở một số nhân vật không phải trong tiểu thuyết lịch sử, giúp cho việc xem xét đánh giá nhân vật có thêm những tiêu chí mang tính thực tiễn. Tuy nhiên, ở một số trường hợp biểu hiện phức tạp, kết hợp nhiều tiêu chí như: nạn nhân - chủ thể lịch sử như An, Can (Con ngựa Mãn Châu - Nguyễn Quang Thân); Từ Lộ (Giàn thiêu - Võ Thị Hảo); Lẹp (Dòng sông Mía - Đào Thắng); nạn nhân - chứng nhân - chủ thể như Hồ Nguyên Trừng (Hồ Quý Ly - Nguyễn Xuân Khánh), Bối (Ba người khác - Tô Hoài)… Điều đó làm cho cách phân loại này ít nhiều có hạn chế nhất định khi chưa thể khái quát hết được đặc trưng của nhân vật trong tiểu thuyết đương đại.
  • 32. 26 Nhà nghiên cứu Hoàng Cẩm Giang (Các khuynh hướng phát triển của tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI từ góc nhìn cấu trúc thể loại) bàn về vấn đề nhân vật đã chú ý tới hai xu hướng nổi bật của nhân vật trong tiểu thuyết đầu thế kỷ XXI, còn gọi là các tiểu thuyết thuộc “làn sóng thứ ba”. Đó là xu hướng “phức thể hóa nhân vật” và “tiết giản hóa nhân vật”. Tác giả cho rằng, cả hai dạng thức này đều xuất hiện khá nhiều trong các tiểu thuyết đương đại, nơi mỗi dạng thức nhân vật hay xu hướng xây dựng nhân vật đều thể hiện một quan niệm riêng của các tác giả về hiện thực và về bản chất thể loại của tiểu thuyết. Xuất phát từ những tiêu chí phân loại của Tự sự học, Hoàng Cẩm Giang đã đề xuất một hệ thống luận điểm tiếp cận các phương diện khác nhau của nhân vật từ nhiều cấp độ như: 1. Cấp độ tâm lý - tính cách (tiềm thức, vô thức, bản năng hay ý thức, tư tưởng...); 2. Cấp độ thân phận - hành động (nạn nhân, chứng nhân hay chủ thể của lịch sử); 3. Cấp độ chức năng tự sự (người kể chuyện, nhân vật, người đọc, hay tác giả của chính truyện kể…)[46]. Từ đó, Hoàng Cẩm Giang đã đưa ra một số minh chứng cụ thể, tiêu biểu cho từng trường hợp ứng với hai xu thế trên. Với cách phân loại này, Phạm Xuân Thạch và Hoàng Cẩm Giang đã tạo ra một hướng tiếp cận mới về nhân vật trong tiểu thuyết, vừa cụ thể vừa khái quát và có tính gợi mở, thể hiện những góc nhìn khoa học và lập luận xác đáng, nghiêm túc và có tính học thuật cao. Tuy nhiên, bản thân các tác giả trên cũng thừa nhận những hướng phân loại trên cũng chỉ có ý nghĩa tương đối vì không thể tiến hành khảo sát mọi cấp độ liên quan đến nhân vật và thực tế tác phẩm luôn phong phú biến hóa hơn các mệnh đề lí luận. Vậy đâu là những thành tựu và điểm dừng của việc nghiên cứu nhân vật trong tiểu thuyết đầu thế kỷ XXI? Các quan điểm trên đã góp phần cho việc tiếp cận quan niệm về con người và thế giới nhân vật trong tiểu thuyết đương đại để giúp chúng tôi nhìn nhận đánh giá đúng hơn những đóng góp của các nhà văn trên cả phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật. Tuy nhiên giới hạn chung của các bài viết, các công trình nghiên cứu trên là chủ yếu đứng trên cái nhìn khái quát về tiểu thuyết nói chung và tiểu thuyết đầu thế kỷ XXI nói riêng trên phương diện nội dung và hình thức mà chưa khu biệt được vấn đề loại hình nhân vật tiểu thuyết
  • 33. 27 cũng như sự giao thoa của các loại hình nhân vật trong tiểu thuyết đương đại và xác định đâu là nguyên nhân và khuynh hướng vận động của chúng? Bên cạnh đó, một số bài viết hay luận án, luận văn mới chỉ xem xét vấn đề nhân vật tiểu thuyết dựa trên nhóm nhỏ tác phẩm của một tác giả; hay trong một khung thời gian chung cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI mà chưa phân tách rõ; hoặc coi nhân vật là một khía cạnh trong cấu trúc nghiên cứu chung… nên chưa thể đem lại một cái nhìn hoàn chỉnh. Có bài viết, luận án, luận văn mới chỉ mang tính nhận diện hoặc đánh giá có phần hơi thiên lệch - khen là chính, do đó hạn chế khả năng tiếp cận chân thực, khách quan vấn đề. Đặc biệt là chưa chỉ ra một cách có hệ thống đâu là những điểm kế thừa và khác biệt trong bút pháp nghệ thuật xây dựng nhân vật ở tiểu thuyết đầu thế kỷ XXI (so với cuối thế kỷ XX) để thấy rõ sự phát triển và đóng góp của các cây bút tiểu thuyết Việt Nam đương đại? KẾT LUẬN CHƯƠNG 1 Việc điểm lại các công trình nghiên cứu về nhân vật trong tiểu thuyết giúp chúng tôi có được những cơ sở nhận thức quan trọng để xác định khoanh vùng đối tượng nghiên cứu của mình: Hiện nay kiểu nhân vật là chủ thể nói theo quan niệm của Bakhtin và nhân vật theo quan niệm Tiểu thuyết Mới đang tồn tại, chiếm vị trí chủ đạo ở tiểu thuyết Việt Nam hai mươi năm đầu thế kỷ XXI. Trong khi đó, nhân vật như một con người có hành động, tính cách rõ nét “kiểu Balzac” vẫn được khai thác nhưng đã có cải biến nhất định mang tính hiện đại hơn. Điều này có liên quan mật thiết đến vấn đề tư duy tiểu thuyết phát triển song trùng trong văn xuôi đương đại. Bên cạnh đó, những nghiên cứu phê bình trong nước đã làm rõ được một số vấn đề về phân loại nhân vật và thi pháp nhân vật ở những chừng mực nhất định, thể hiện sự quan tâm của Lí luận văn học đến một vấn đề cốt lõi của thể loại tự sự, giúp chúng tôi có thêm những gợi ý quý báu khi phát triển vấn đề nghiên cứu của luận án. Với việc tiếp tục giải quyết hai câu hỏi trên, từ những định hướng, so sánh cụ thể, chúng tôi lựa chọn hướng nghiên cứu của riêng mình về nhân vật trong tiểu thuyết đầu thế kỷ XXI nhằm góp thêm một cách nhìn nhận mang tính lý luận và hệ thống về tiểu thuyết đương đại. Đó cũng là mục đích lớn nhất mà luận án hướng tới.
  • 34. 28 CHƯƠNG 2 CHUYỂN ĐỔI CÁCH NHÌN VỀ TIỂU THUYẾT VÀ NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM TỪ ĐẦU THẾ KỶ XXI ĐẾN NAY Trong quá trình nghiên cứu tiểu thuyết đầu thế kỷ XXI, chúng tôi thấy việc xem xét những điều kiện tác động quá trình cách tân về nhân vật là cần thiết, giúp đảm bảo cho yêu cầu đánh giá phân loại chính xác, toàn diện, sát hợp; khẳng định vị thế quan trọng của vấn đề nhân vật tiểu thuyết trong diễn trình lịch sử văn học hiện nay. 2.1. Điều kiện dẫn đến thay đổi về nhân vật trong tiểu thuyết đương đại Từ 1986 đến nay, chủ trương của Đảng qua các kì Đại hội đã khuyến khích các văn nghệ sĩ tìm tòi sáng tạo, khuyến khích và yêu cầu có những thể nghiệm mạnh bạo và rộng rãi trong sáng tạo nghệ thuật, trong việc phát triển các loại hình nghệ thuật, các hình thức biểu hiện. Điều này đã góp phần “cởi trói” về tư tưởng cho văn nghệ sĩ, thôi thúc nền văn nghệ nước nhà đổi mới quyết liệt, ngõ hầu thể hiện được tiếng nói của sự thật, của lương tri trung thực, tự do và đầy trách nhiệm. Đây là cơ hội mở cho các nhà quản lý nghệ thuật và các nghệ sỹ tìm thấy tiếng nói chung, thúc đẩy nhanh hơn quá trình phát triển hội nhập của văn học Việt Nam vào tiến trình văn học thế giới. Tuy nhiên ở đây, chúng tôi tập trung xem xét nhiều hơn đến tác động nội tại của văn học dẫn đến sự thay đổi về nhân vật trong tiểu thuyết. 2.1.1. Sự gối tiếp hệ hình tư duy tiểu thuyết Tư duy tiểu thuyết là một khái niệm được sử dụng trong văn học để phân biệt với tư duy truyện ngắn, tư duy sử thi. Nằm trong cùng một trường tư duy về văn hóa, tư duy tiểu thuyết cũng có tư duy Tiền Hiện đại, tư duy Hiện đại, tư duy Hậu Hiện đại. Tư duy tiểu thuyết Việt Nam trong hơn 30 năm qua đã chịu sự chi phối khá rõ nét của Chủ nghĩa Hậu Hiện đại. Nửa sau thế kỷ XX, Chủ nghĩa Hậu Hiện đại (postmodernism) đã có ảnh hưởng mạnh tới nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, nghệ thuật… trên thế giới. Trong văn học, Chủ nghĩa Hậu Hiện đại đã thách thức những quy ước truyền thống trong sáng tác. Năm 1985, Ihab Hassan đã đề xuất bảng so sánh nhằm khu biệt sự khác nhau cơ bản của Chủ nghĩa Hiện đại và Chủ nghĩa Hậu Hiện đại, từ đó giúp
  • 35. 29 việc nhận diện và nghiên cứu các vấn đề của văn học thuận tiện và sát hợp hơn. Năm 1996, Terry Eagleton (Dẫn luận lí luận văn học) xác định “tác phẩm nghệ thuật Hậu Hiện đại điển hình nhất là tùy tiện, đa trị, lai ghép, lệch tâm, dễ thay đổi, ngưng đọng, hệt như mô phỏng”. Trong Chủ nghĩa Hậu Hiện đại và văn học, Barry Lewis đề xuất thêm các phương diện khác như: sự hỗn độn thế tục (Temporal disorder), cóp nhặt (Pastiche), mảnh vỡ (Fragmentation), sự nới lỏng tổ chức (Looseness of association), tính hoài nghi (Paranoia), vòng tương tác (Vicious circles)… Đối nghịch với Chủ nghĩa Hiện đại về bản chất, Chủ nghĩa Hậu Hiện đại trong văn học chấp nhận tính hư vô (nothing), hỗn độn (chaos), trò chơi (Game) và liên văn bản (Intertextuality) như là những chuẩn mực mới trong quá trình sáng tạo nghệ thuật [dẫn theo 16, tr.29-35]… Những điều này đã có ảnh hưởng rõ nét đến sự phát triển văn học, trong đó có tiểu thuyết. Trong văn học phương Tây, tư duy tiểu thuyết Hiện đại và tư duy tiểu thuyết Hậu Hiện đại phát triển nối tiếp nhau. Đó là sự “thay đổi hệ hình” (paradigm shift - theo Thomas Samuel Kuhn) rất quan trọng về tư duy tiểu thuyết, có tính chất bước ngoặt trong sáng tác, từ đó dẫn đến những đổi mới về vấn đề nhân vật. Còn ở Việt Nam từ năm 1986, tư duy tiểu thuyết Hiện đại và tư duy tiểu thuyết Hậu hiện đại phát triển “gối tiếp nhau” và cùng tồn tại song song. Trong đó, tư duy tiểu thuyết Hậu Hiện đại du nhập vào Việt Nam còn phức tạp và chưa hẳn đã định hình, tuy chưa khẳng định vị thế mạnh nhưng những ảnh hưởng của nó đối với tư duy tiểu thuyết Hiện đại là không thể phủ nhận. Điều đó thể hiện khá rõ nét qua việc các nhà văn tiếp nhận và vận dụng thể nghiệm nhiều quan niệm và bút pháp nghệ thuật Hậu hiện đại trong tiểu thuyết vừa tạo nên những thay đổi trong cấu trúc thể loại, vừa giúp các nhân vật bộc lộ mình một cách sâu sắc và cá tính hơn. 2.1.2. Những tác động từ dịch thuật và nghiên cứu Từ 1986, cùng với việc tiếp cận và đánh giá bài bản hơn những ảnh hưởng của các trào lưu tư tưởng và văn học đang thịnh hành thời đó ở các nước phương Tây tới văn học Miền Nam trước 1975, hoạt động dịch thuật và nghiên cứu các tác phẩm triết học và văn học thế giới của giới chuyên môn ở Việt Nam đã có những tiến triển
  • 36. 30 tích cực. Nhiều công trình dịch thuật và nghiên cứu ở miền Nam trước đây về Chủ nghĩa hiện sinh, Hiện tượng luận, Tiểu thuyết phi lý, Tiểu thuyết Mới… của Nguyễn Văn Trung, Huỳnh Phan Anh, Trần Thái Đỉnh, Trần Thiện Đạo… được giới thiệu lại đã có ảnh hưởng đến cả người sáng tác và người tiếp nhận. Các tác phẩm dịch như: Hữu thể và thời gian, Buông xả thanh thản, Trên đường đến với ngôn ngữ (Martin Heidegger); Hữu thể và hư vô, Văn học là gì? Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản, Buồn nôn (Jean-Paul Sartre); Người xa lạ, Dịch hạch, Người nổi loạn (Albert Camus)… đã miêu tả nhiều hơn sự lạc lõng trong xã hội, sự buồn chán, nỗi sợ, sự phi lý và hư vô, lo âu, buồn nôn, tha nhân, sự nổi loạn và dấn thân… như là những biểu hiện hiện sinh của con người. Điều này đã có ảnh hưởng nhất định trong văn học, góp phần lí giải và nhận diện về một kiểu người trong xã hội hiện tại, hình thành nên kiểu nhân vật hiện sinh, đặc biệt nổi bật ở thể loại tiểu thuyết. Nhiều lí thuyết triết học và văn học mới của Roland Barthes (Độ không của lối viết, Cái chết của tác giả), Umberto Eco (Tác phẩm mở), Yuri Lotman (Văn bản - mô hình - kiểu loại), Jacques Derrida (Cấu trúc, kí hiệu và trò chơi diễn ngôn của các khoa học nhân văn), Paul Ricoeur (Cấu trúc và tường giải học), Michel Foucault (Trật tự của diễn ngôn), Wolfgang Iser (Hư cấu và tưởng tượng), Hans Robert Jauss (Lý thuyết tiếp nhận - Kinh nghiệm thẩm mỹ - Tường giải học văn học), Liviu Petrescu (Thi pháp hậu hiện đại)… cũng được các nhà nghiên cứu, dịch giả cập nhật và giới thiệu sau đó. Những tiểu thuyết xuất sắc ở cả phương Đông và phương Tây của Cao Hành Kiện, Mạc Ngôn, Diêm Liên Khoa, Oe Kenzaburo, Haruki Murakami, Claude Simon, Milan Kundera, Jeffrey Eugenides, Zadie Smith, Chimamanda Ngozi Adichie, Ian Mc.Ewan, Ben Fountain, Jennifer Egan… cũng được xuất bản nguyên bản hoặc dịch tại Việt Nam. Các tác phẩm mang đến một lối tư duy tiểu thuyết mới với bút pháp nghệ thuật sáng tạo mang dấu ấn Hậu hiện đại đậm nét về văn học và tiểu thuyết nói chung cũng như vấn đề nhân vật trong tiểu thuyết nói riêng. Điều này hình thành nên một lớp người đọc mới với năng lực tiếp nhận và trình độ thẩm mĩ cao hơn so với trước đây, đòi hỏi các nhà tiểu thuyết Việt cần đổi mới tư tưởng, cách viết để khẳng định chỗ đứng của mình trên văn đàn.
  • 37. 31 2.1.3. Những thay đổi trong quan niệm về Tác giả - Văn bản - Người đọc Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi thấy một số thay đổi về quan niệm của các tác giả đã ảnh hưởng đến sáng tác tiểu thuyết và vấn đề nhân vật như sau: Thứ nhất, nhà văn khẳng định dấu ấn cá nhân và nhận thức lại lối viết: Khi mà sáng tạo trong văn chương chính là tạo ra vùng sinh quyển cho tâm hồn và cái đẹp thì việc khẳng định dấu ấn cá nhân người viết là yêu cầu đặt ra gắt gao và bức thiết, có ý nghĩa sinh tử. Hồ Anh Thái viết: “Không còn cách nào khác, nhà văn phải bừng ngộ, phải có tinh thần phiêu lưu, mạo hiểm, phải dũng cảm. Ngư ông sợ gió, sợ bão, sợ sóng không chịu ra với biển cả thì không bao giờ bắt được cá lớn. Nhà văn không thể bằng lòng với những thành công nho nhỏ và danh tiếng có sẵn mà không dám mạo hiểm, liều mình. Nhà văn không thể lười biếng ngủ quên trên vinh quang cũ. Nhà văn không thể khuôn mình trong ao tù, nước đọng, mù quáng mà không biết gì đến thế giới bên ngoài. Tóm lại, nhà văn phải thức tỉnh, phải năng động, phải dũng cảm… thì khi ấy nhà văn sẽ biết cần phải làm gì để tiểu thuyết của họ thực sự mang không khí của thời đại mình đang sống” [62; tr 141]. Còn Uông Triều (Tưởng tượng và dấu vết) đã gửi gắm suy tư thông qua nhân vật”tôi” khi coi việc viết như một hành vi xác tín bản ngã: “Tôi viết như điên dại, rút ruột, hết lòng mình, cảm xúc không kịp ghi trên giấy, giống cảm giác làm tình quá nhiều với một người đàn bà… Tôi sẽ phải viết theo kiểu khác, nếu không, độc giả sẽ xé tan và đáp thẳng vào mặt tôi, vì cái lối viết đều đều, trang nào cũng giống nhau đến buồn ngủ” [dẫn theo 153; tr 123]. Đoàn Minh Phượng cũng có những trăn trở về nghiệp viết lách của mình: “Chúng tôi đã viết chữ, có lẽ bằng máu và bằng nỗi chơi vơi vô tận của mỗi người” [dẫn theo 153; tr 123]… Chưa bao giờ các nhà văn lại trực tiếp được bày tỏ về vấn đề đổi mới và các quyền hay sứ mệnh chính đáng của người cầm bút nghiêm túc, thẳng thắn đến thế. Điều này chi phối không nhỏ đến ý thức sáng tạo của nhà văn trong việc thể hiện thế giới nhân vật của mình. Trong khi đó, quan niệm “cái chết của tác giả” [12] làm thay đổi thủ pháp viết. Trong tiểu thuyết mang dấu ấn hậu hiện đại, nhà văn đơn thuần là người “được sinh ra cùng một lúc với văn bản, anh ta không có cách nào để trở thành một sinh vật tồn
  • 38. 32 tại trước và ngoài sự viết, anh ta không gì khác hơn là chủ ngữ mà cuốn sách của anh ta làm vị ngữ; không có thời gian nào khác hơn là thời gian của hành động phát ngôn và bất cứ văn bản nào bao giờ cũng được viết ở đây và lúc bây giờ” [12]. Do đó, cho dù là người khai sinh ra nhân vật, nhà văn đã thể hiện tôn trọng sự tự do trong suy nghĩ, cảm xúc, hành động và kết quả số phận mỗi nhân vật bằng cách trao quyền kể chuyện cho nhân vật. Mỗi nhân vật đều có quyền thể hiện điểm nhìn riêng, ý thức riêng trong mối tương quan với các nhân vật khác. Từ đó tạo nên tính chất đa âm cho văn bản. Chính sự tự thu mình, tự loại bỏ, tự vắng mặt, tự xa rời của tác giả đã làm thay đổi cách viết cũng như cách nhân vật tồn tại trong tiểu thuyết. Thứ hai, văn bản trở thành liên văn bản (intertextuality) đem lại khả năng tự do liên tưởng và mở rộng ý nghĩa tác phẩm ra vô hạn. Liên văn bản có thể hiểu như là một thủ pháp văn học cụ thể như trích dẫn, vay mượn, nhại, bắt chước, mô phỏng… tạo nên độ “nhòe” về ranh giới thể loại. Người viết dùng nhiều thể loại, nhiều kiểu tự sự, phong cách khác nhau tạo nên cấu trúc lai ghép, chắp vá trong văn bản như một “món nộm suồng sã”, một màn “tạp kĩ”, nhằm chống lại những quan niệm thâm căn cố đế về tính cội nguồn, đặc thù, đơn nhất và tự trị của nghệ thuật. Đồng thời liên văn bản có thể tự do liên tưởng, mở rộng ý nghĩa tác phẩm ra vô hạn. Trong tiểu thuyết đương đại, liên văn bản xuất hiện trong khá nhiều tác phẩm. Hồ Anh Thái (Cõi người rung chuông tận thế, Đức Phật nàng Savitri và tôi, SBC là săn bắt chuột) thể nghiệm thành công yếu tố liên văn bản trong sáng tác khi kết hợp các thể loại báo chí, thơ, kí sự, phóng sự, tiểu phẩm hài, yếu tố văn học dân gian của dân tộc… Nguyễn Việt Hà (Khải huyền muộn, Ba ngôi của người), Nguyễn Xuân Khánh (Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng Ngàn)… cũng đã sử dụng một lượng rất lớn các tri thức liên ngành về lịch sử, về tôn giáo trong tiểu thuyết của mình nhằm tạo nên một thế giới của cả quá khứ và hiện tại sinh động với các giá trị lịch sử văn hóa đặc sắc. Điều này mở ra cho người đọc một tiềm năng về sự khám phá vô tận ý nghĩa tác phẩm, thấy được sự phong phú về thế giới nhân vật trong tiểu thuyết. Thứ ba, nhà văn thừa nhận và đáp ứng sự lên ngôi của người đọc. Thế kỷ XX, Mỹ học tiếp nhận thế giới đã làm thay đổi căn bản quan niệm về vai trò của