SlideShare a Scribd company logo
1 of 267
i
VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
NGUYỄN THỊ LAN PHƯƠNG
ĐỐI CHIẾU ẨN DỤ Ý NIỆM
TRONG QUẢNG CÁO TIẾNG VIỆT VÀ TIẾNG ANH
Ngành: Ngôn ngữ học so sánh, đối chiếu
Mã số: 9.22.20.24
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp
Hà Nội – 2020
ii
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu khoa học của riêng tôi.
Các số liệu thống kê là hoàn toàn trung thực do tôi thực hiện. Đề tài nghiên cứu
và các kết luận khoa học của luận án chưa từng được công bố trong bất kì công
trình nào khác.
Tác giả luận án
Nguyễn Thị Lan Phương
iii
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU.....................................................................................................................1
CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÝ THUYẾT
.....................................................................................................................................7
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu ...........................................................................7
1.1.1. Dẫn đề ............................................................................................................7
1.1.2. Tổng quan về ẩn dụ ý niệm.............................................................................7
1.1.3. Tổng quan về ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo................................................11
1.2. Cơ sở lý luận về đề tài nghiên cứu......................................................................16
1.2.1. Cơ sở lý luận về ẩn dụ ý niệm.......................................................................16
1.2.2. Cơ sở lý luận về Ngôn ngữ học đối chiếu .....................................................30
1.2.3. Cơ sở lý luận về văn hóa Việt và Anh...........................................................32
1.2.4. Cơ sở lý luận về Quảng cáo..........................................................................35
1.3. Tiểu kết...............................................................................................................39
CHƯƠNG 2: ĐỐI CHIẾU ẨN DỤ CẤU TRÚC TRONG QUẢNG CÁO TIẾNG
VIỆT VÀ TIẾNG ANH.............................................................................................40
2.1. Dẫn đề.................................................................................................................40
2.2. Bức tranh tổng thể về ẩn dụ cấu trúc trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh ..40
2.3. Đối chiếu ẩn dụ cấu trúc trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh.....................42
2.3.1. Ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ CON NGƯỜI............................................................42
2.3.2. Ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG...............................68
2.3.3. Ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ MÓN QUÀ................................................................72
2.3.4. Ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ MÓN ĂN...................................................................77
2.3.5. Ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ NGUỒN NĂNG LƯỢNG..........................................81
2.3.6. Ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ LIỀU THUỐC...........................................................85
2.3.7. Ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ ĐIỀU KỲ DIỆU........................................................88
2.3. Tiểu kết...............................................................................................................92
CHƯƠNG 3: ĐỐI CHIẾU ẨN DỤ BẢN THỂ TRONG QUẢNG CÁO TIẾNG
VIỆT VÀ TIẾNG ANH.............................................................................................93
3.1. Dẫn đề.................................................................................................................93
3.2. Bức tranh tổng thể về ẩn dụ bản thể trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh....93
3.3. Đối chiếu ẩn dụ bản thể trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh ......................95
3.3.1. Ẩn dụ bản thể trong quảng cáo tiếng Việt ....................................................95
3.3.2. Ẩn dụ bản thể trong quảng cáo tiếng Anh ..................................................104
3.3.3. Đối chiếu ẩn dụ bản thể giữa quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh...............111
3.4. Tiểu kết.............................................................................................................113
iv
CHƯƠNG 4: ĐỐI CHIẾU ẨN DỤ ĐỊNH HƯỚNG TRONG QUẢNG CÁO TIẾNG
VIỆT VÀ TIẾNG ANH...........................................................................................114
4.1. Dẫn đề...............................................................................................................114
4.2. Bức tranh tổng thể về ẩn dụ định hướng trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh114
4.2.1. Các cặp không gian trong ẩn dụ định hướng trong quảng cáo ..................114
4.2.2. Các ẩn dụ định hướng trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh ................116
4.3. Đối chiếu ẩn dụ định hướng trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh..............118
4.3.1. Ẩn dụ QUYỀN LỰC ĐỊNH HƯỚNG LÊN TRÊN, KHÔNG CÓ QUYỀN LỰC
ĐỊNH HƯỚNG XUỐNG DƯỚI...........................................................................118
4.3.2. Ẩn dụ TRẠNG THÁI CÓ Ý THỨC ĐỊNH HƯỚNG LÊN TRÊN, TRẠNG
THÁI VÔ THỨC ĐỊNH HƯỚNG XUỐNG DƯỚI ...............................................121
4.3.3. Ẩn dụ CÁI TỐT ĐỊNH HƯỚNG LÊN TRÊN, CÁI XẤU ĐỊNH HƯỚNG
XUỐNG DƯỚI.....................................................................................................125
4.3.4. Ẩn dụ HẠNH PHÚC ĐỊNH HƯỚNG LÊN TRÊN, NỖI BUỒN ĐỊNH
HƯỚNG XUỐNG DƯỚI......................................................................................128
4.3.5. Ẩn dụ KHỎE MẠNH VÀ SỰ SỐNG ĐỊNH HƯỚNG LÊN TRÊN, BỆNH TẬT
VÀ CÁI CHẾT ĐỊNH HƯỚNG XUỐNG DƯỚI...................................................131
4.3.6. Ẩn dụ NHIỀU HƠN ĐỊNH HƯỚNG LÊN TRÊN, ÍT HƠN ĐỊNH HƯỚNG
XUỐNG DƯỚI.....................................................................................................136
4.3.7. Ẩn dụ TƯƠNG LAI Ở PHÍA TRƯỚC, QUÁ KHỨ Ở PHÍA SAU ...............139
4.3.8. Ẩn dụ PHÁT TRIỂN ĐỊNH HƯỚNG RA NGOÀI.......................................141
4.3.9. Ẩn dụ LỰC TÁC ĐỘNG HƯỚNG VÀO SÂU.............................................144
4.4. Tiểu kết.............................................................................................................146
KẾT LUẬN .............................................................................................................147
CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC ĐÃ CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN
ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN ........................................................................................151
TÀI LIỆU THAM KHẢO.......................................................................................152
PHỤ LỤC 1: ĐỐI CHIẾU CÁC NÉT VĂN HÓA ĐẶC TRƯNG VIỆT - ANH........1
PHỤ LỤC 2: THỐNG KÊ DỤ DẪN CỦA CÁC TIỂU LOẠI ẨN DỤ CẤU TRÚC .2
PHỤ LỤC 3: THỐNG KÊ DỤ DẪN CỦA CÁC TIỂU LOẠI ẨN DỤ BẢN THỂ ..15
PHỤ LỤC 4: THỐNG KÊ DỤ DẪN CỦA CÁC TIỂU LOẠI ẨN DỤ ĐỊNH
HƯỚNG ....................................................................................................................25
PHỤ LỤC 5: NGỮ LIỆU NGHIÊN CỨU ................................................................29
v
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT
AD: Ẩn dụ
BT: Biểu thức
HCC: High – Context Culture (Văn hóa ngữ cảnh cao)
IDV: Individualism Index (Chỉ số đo mức độ cá nhân)
KH: Khách hàng
LCC: Low – Context Culture (Văn hóa ngữ cảnh thấp)
MAS: Masculinity and Femininity (Chỉ số đo mức độ tính nam)
MIP: Metaphor Identification Procedure (Quy trình nhận dạng ẩn dụ)
MĐ: Miền đích
MN: Miền nguồn
NNH: Ngôn ngữ học
PDI: Power Distance Index (Chỉ số đo khoảng cách quyền lực)
QC: Quảng cáo
SP: Sản phẩm và dịch vụ
TA: Tiếng Anh
TV: Tiếng Việt
UAI: Uncertainty Avoidance Index (Chỉ số đo mức độ tránh mơ hồ)
vi
DANH MỤC CÁC BẢNG
Bảng 2.1: Thống kê các tiểu loại ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ CON NGƯỜI 43
Bảng 2.2: Sơ đồ ánh xạ của ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ CON NGƯỜI 43
Bảng 2.3: Thống kê các tiểu loại ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ BẠN BÈ 52
Bảng 2.4: Sơ đồ ánh xạ của ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ BẠN BÈ 53
Bảng 2.5: Thống kê các tiểu loại ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ CHIẾN BINH 57
Bảng 2.6: Sơ đồ ánh xạ của ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ CHIẾN BINH 57
Bảng 2.7: Thống kê các tiểu loại ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ VẬN ĐỘNG VIÊN 64
Bảng 2.8: Sơ đồ ánh xạ của ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ VẬN ĐỘNG VIÊN 64
Bảng 2.9: Thống kê tiểu loại ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ PHƯƠNG TIỆN GIAO
THÔNG
68
Bảng 2.10: Sơ đồ ánh xạ của ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ PHƯƠNG TIỆN GIAO
THÔNG
69
Bảng 2.11: Thống kê các tiểu loại ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ MÓN QUÀ 73
Bảng 2.12: Sơ đồ ánh xạ của ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ MÓN QUÀ 73
Bảng 2.13: Thống kê các tiểu loại ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ MÓN ĂN 78
Bảng 2.14: Sơ đồ ánh xạ của ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ MÓN ĂN 78
Bảng 2.15: Thống kê các tiểu loại ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ NGUỒN NĂNG
LƯỢNG
81
Bảng 2.16: Sơ đồ ánh xạ của ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ NGUỒN NĂNG LƯỢNG 82
Bảng 2.17: Thống kê các tiểu loại ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ LIỀU THUỐC 85
Bảng 2.18: Sơ đồ ánh xạ của ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ LIỀU THUỐC 85
Bảng 2.19: Thống kê các tiểu loại ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ ĐIỀU KỲ DIỆU 89
Bảng 2.20: Sơ đồ ánh xạ của ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ ĐIỀU KỲ DIỆU 89
Bảng 3.1: Thống kê số lượng các tiểu loại ẩn dụ bản thể 94
Bảng 4.1: Dụ dẫn và tần suất sử dụng các cặp không gian trong ẩn dụ định
hướng
115
vii
Bảng 4.2: Thống kê số lượng các tiểu loại ẩn dụ QUYỀN LỰC ĐỊNH
HƯỚNG LÊN TRÊN, KHÔNG CÓ QUYỀN LỰC ĐỊNH HƯỚNG XUỐNG
DƯỚI
119
Bảng 4.3: Thống kê số lượng các ẩn dụ TRẠNG THÁI CÓ Ý THỨC ĐỊNH
HƯỚNG LÊN TRÊN, TRẠNG THÁI VÔ THỨC ĐỊNH HƯỚNG XUỐNG
DƯỚI
122
Bảng 4.4: Thống kê số lượng các tiểu loại ẩn dụ CÁI TỐT ĐỊNH HƯỚNG
LÊN TRÊN, CÁI XẤU ĐỊNH HƯỚNG XUỐNG DƯỚI
126
Bảng 4.5: Thống kê số lượng các tiểu loại ẩn dụ HẠNH PHÚC ĐỊNH
HƯỚNG LÊN TRÊN, NỖI BUỒN ĐỊNH HƯỚNG XUỐNG DƯỚI
129
Bảng 4.6: Thống kê số lượng các ẩn dụ KHỎE MẠNH VÀ SỰ SỐNG ĐỊNH
HƯỚNG LÊN TRÊN, BỆNH TẬT VÀ CÁI CHẾT ĐỊNH HƯỚNG XUỐNG
DƯỚI
132
Bảng 4.7: Thống kê số lượng các tiểu loại ẩn dụ NHIỀU HƠN ĐỊNH
HƯỚNG LÊN TRÊN, ÍT HƠN ĐỊNH HƯỚNG XUỐNG DƯỚI và các biến
thể
136
Bảng 4.8: Thống kê số lượng các tiểu loại ẩn dụ TƯƠNG LAI Ở PHÍA
TRƯỚC, QUÁ KHỨ Ở PHÍA SAU
139
Bảng 4.9: Thống kê số lượng ẩn dụ SỰ PHÁT TRIỂN ĐỊNH HƯỚNG RA
NGOÀI
142
Bảng 4.10: Thống kê số lượng ẩn dụ LỰC TÁC ĐỘNG HƯỚNG VÀO SÂU 144
viii
DANH MỤC CÁC HÌNH VẼ, BIỂU ĐỒ, SƠ ĐỒ
Hình 2.1: Tần suất sử dụng của các tiểu loại ẩn dụ trong ẩn dụ cấu trúc 41
Hình 2.2: Các tầng bậc của ẩn dụ cấu trúc trong quảng cáo tiếng Việt và
tiếng Anh
42
Hình 4.1: Thống kê số lượng dụ dẫn trong các miền không gian của ẩn dụ
định hướng
116
Hình 4.2: Các tầng bậc của ẩn dụ định hướng trong quảng cáo tiếng Việt
và tiếng Anh
117
Hình 4.3: Thống kê tần suất sử dụng của các tiểu loại ẩn dụ định hướng 118
1
MỞ ĐẦU
1. Lý do lựa chọn đề tài
Theo quan điểm truyền thống tồn tại từ thời Aristotle, ẩn dụ (AD) được coi là
“phương tiện trang trí hoa mĩ cho ngôn từ”, là dấu ấn thể hiện ngôn năng của các học
giả trong các lĩnh vực liên quan đến nghệ thuật như văn học, thơ ca, hùng biện và là
vấn đề thuần tuý về ngôn ngữ. Đến cuối thế kỷ XX, dưới sự soi rọi của ngôn ngữ học
(NNH) tri nhận, AD bắt đầu được nghiên cứu trên các bình diện khác. Theo quan điểm
của NNH tri nhận, AD là mô hình kết nối hai miền ý niệm xảy ra trong quá trình tư
duy của con người, do vậy việc nghiên cứu AD được chuyển từ AD trong ngôn ngữ
sang AD trong trí não nhằm tìm hiểu các cơ sở tư duy và nhận thức của con người
trong quá trình sử dụng công cụ ngôn ngữ này.
Trong cuốn sách nổi tiếng Metaphors We Live by (Chúng ta đang sống trong ẩn dụ)
xuất bản năm 1980, Lakoff và Johnson đã đưa ra một nhận định thách thức các quan
điểm truyền thống khi cho rằng AD không chỉ giới hạn trong phạm vi của văn học và
thơ ca mà xuất hiện phổ biến trong cuộc sống hàng ngày của con người, thể hiện trong
lời nói đời thường của con người bởi “ẩn dụ là vấn đề của tư duy và hành động. Nó
không chỉ được sử dụng bởi những người có năng lực sáng tác phi thường trong văn
học mà còn bởi những người bình thường nhất trong cuộc sống hàng ngày” [120: tr.4].
AD cho phép người nói biểu đạt ngôn ngữ một cách ngắn gọn, súc tích, ấn tượng và
sinh động, qua đó gia tăng hiệu quả giao tiếp. Chính nhờ sự phổ biến trong đời sống và
những tác động mà nó mang lại, AD đã trở thành chủ đề thu hút sự chú ý đặc biệt của
các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, không chỉ ở phương diện lí thuyết thuần túy mà còn ở
các khía cạnh thực tiễn, chẳng hạn, nghiên cứu hiệu quả của AD ý niệm trong các loại
hình diễn ngôn khác nhau, với những mục đích khác nhau.
Trong khi đó, sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin trong bối cảnh của
Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra một “thế giới phẳng” mà ở đó ranh giới
địa lý giữa các quốc gia dần xoá nhoà, thị trường ngày càng trở nên toàn cầu hoá. Điều
này mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng tạo ra không ít thách thức cho doanh nghiệp.
Theo Kotler P. và Amstrong G., trong thị trường cạnh tranh hiện nay, để tạo được chỗ
đứng vững chắc trong tâm trí khách hàng (KH) mục tiêu, công ty không chỉ cần tạo ra
2
sản phẩm – dịch vụ (SP) tốt mà còn phải truyền thông về lợi ích của SP đó đến KH
[112: tr.462]. Vai trò của quảng cáo (QC) vì thế trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Làm thế nào để tạo ra những QC ấn tượng và dễ nhớ với KH là câu hỏi quan trọng mà
các nhà sản xuất phải nỗ lực tìm câu trả lời. Với lợi thế trong định hướng tư duy, trong
việc gây tác động và tạo ấn tượng, AD ý niệm là một công cụ hữu ích với các chuyên
gia QC, như Kövecses (2002) đã khẳng định “một AD được lựa chọn tốt có thể gia
tăng đáng kể mong muốn của người mua đối với SP được QC” [108: tr.59].
Với vai trò quan trọng đó, đã có khá nhiều nghiên cứu về ngôn ngữ QC nói chung
và AD trong QC nói riêng ở nước ngoài, mang lại nhiều kết luận và hàm ý có giá trị cả
về lý thuyết lẫn thực tế. Tuy nhiên, trong Việt ngữ học, số lượng các nghiên cứu về
ngôn ngữ QC còn hạn chế, đặc biệt vẫn chưa có nghiên cứu nào tìm hiểu về AD ý
niệm trong QC. Đây là lý do thôi thúc chúng tôi chọn đề tài “Đối chiếu ẩn dụ ý niệm
trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh” để thực hiện luận án tiến sỹ này nhằm làm
rõ cơ chế ánh xạ và mô hình tri nhận của AD ý niệm trong QC của hai ngôn ngữ.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích nghiên cứu
Luận án vận dụng Lý thuyết về AD ý niệm, đặc biệt là cơ chế ánh xạ và mô hình tri
nhận của AD ý niệm, để xác định và đối chiếu việc sử dụng AD ý niệm trong các diễn
ngôn QC tiếng Việt (TV) và tiếng Anh (TA) nhằm tìm ra những điểm tương đồng và
khác biệt và lý giải cho sự tương đồng và khác biệt đó trên cơ sở ngôn ngữ, văn hóa và
tư duy dân tộc.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để hoàn thành mục đích nghiên cứu, luận án cần thực hiện các nhiệm vụ sau:
(1) hệ thống hoá lý luận về AD ý niệm và các khái niệm có liên quan;
(2) tìm hiểu về AD ý niệm trong QC TV và TA: các AD ý niệm nào được sử dụng
trong QC, các AD ý niệm được xây dựng trên ánh xạ nào, các AD ý niệm được sử
dụng với tần suất như thế nào trong các diễn ngôn QC;
(3) so sánh các AD tìm được trong 2 khối liệu QC TV và QC TA nhằm tìm ra sự
tương đồng/khác biệt giữa hai ngôn ngữ và giải thích cho sự tương đồng / khác biệt đó
dựa trên mối quan hệ giữa ngôn ngữ, văn hóa và tư duy dân tộc.
3
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là AD ý niệm trong các diễn ngôn QC trong hai
ngôn ngữ Việt và Anh.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Luận án lựa chọn cách tiếp cận AD ý niệm theo phân loại của Lakoff và Johnson,
chia AD thành 3 loại chính: AD cấu trúc, AD định hướng và AD bản thể. Do hạn chế
về thời gian và dung lượng, trong luận án này, chúng tôi chỉ tập trung xem xét AD
ngôn từ bởi ngôn từ là “chất liệu chính trong các thông điệp QC” [112: tr.475] và loại
trừ AD hình ảnh khỏi phạm vi nghiên cứu nhằm làm sáng rõ hơn việc sử dụng AD
trong QC của hai ngôn ngữ.
Chúng tôi cũng giới hạn phạm vi nghiên cứu ở các QC được trình chiếu trong
phạm vi không gian của hai nền văn hóa được so sánh là Việt và Anh.
4. Phương pháp nghiên cứu và ngữ liệu nghiên cứu
4.1. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện mục tiêu nghiên cứu đã đề ra, luận án sử dụng các phương pháp sau:
- Phương pháp phân tích diễn ngôn: được sử dụng để phân tích các diễn ngôn QC
nhằm xác định các AD ý niệm trong QC.
- Phương pháp miêu tả: được sử dụng để miêu tả các AD ý niệm trong khối liệu
nghiên cứu. Thủ pháp phân tích ý niệm cũng được sử dụng để hỗ trợ cho phương pháp
miêu tả nhằm phân tích rõ hơn các AD ý niệm được tìm thấy.
- Phương pháp so sánh đối chiếu: được sử dụng để so sánh các AD ý niệm trong 2
khối ngữ liệu TV và TA. Với luận án này, chúng tôi sử dụng phương pháp đối chiếu 2
chiều giữa tiếng Việt và tiếng Anh dựa trên 3 tiêu chí: tần suất xuất hiện, ánh xạ của
AD ý niệm và đặc trưng văn hóa tư duy dân tộc tác động tới các AD này.
- Thủ pháp thống kê phân loại: cho phép tập hợp, phân loại và thống kê các loại
AD ý niệm trong QC TV và TA.
Ngoài ra chúng tôi cũng sử dụng kết hợp đường hướng diễn dịch và quy nạp để tìm
ra kết quả nghiên cứu trong các Chương 2, 3 và 4: lấy khung lý thuyết và các nghiên
cứu trước làm tiền đề để xác định các nhóm AD, đồng thời dựa trên nguồn ngữ liệu để
minh họa và bổ sung các kết quả nghiên cứu mới vào khung lý thuyết.
4
4.2. Ngữ liệu nghiên cứu
Nghiên cứu sử dụng ngữ liệu gồm 400 QC trong đó có 200 QC bằng TV và 200
QC bằng TA. Để đảm bảo tính đại diện cho hai nền văn hóa, chúng tôi chỉ lựa chọn
các QC được trình chiếu và truyền thông đến KH trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam và
Anh. Các QC được thu thập bằng phương pháp chọn mẫu hạn ngạch (quota sampling)
để đảm bảo số lượng QC tiếng Việt và tiếng Anh trong mỗi nhóm SP được nghiên cứu
là như nhau. Nguồn thu thập gồm QC trên báo, tạp chí, QC ngoài trời, tờ rơi, video và
audio để đảm bảo tính đa dạng của dữ liệu. Thời gian thu thập dữ liệu kéo dài từ tháng
10 năm 2016 đến tháng 4 năm 2017, thời gian QC trình chiếu được lựa chọn là từ năm
2000 đến nay để đảm bảo tính cập nhật.
Các QC sau khi được thu thập được đánh máy và phân thành hai nhóm: QC TV
(được mã hóa từ V1 đến V200) và QC TA (được mã hóa từ A1 đến A200), được chia
nhỏ thành 12 nhóm SP (Phụ lục 2). Các QC dạng tiếng được trình chiếu trên đài và tivi
được chúng tôi phiên thành văn bản dạng chữ để thuận tiện cho việc phân tích. Với
ngữ liệu TA, chúng tôi sử dụng bản dịch thô (do nghiên cứu sinh dịch) cho các biểu
thức (BT) ngôn ngữ và đặt bản dịch này trong ngoặc đơn sau BT nhằm làm sáng rõ ý
niệm được sử dụng trong các AD ý niệm trong QC TA.
Dữ liệu được xử lý theo 2 giai đoạn. Trong giai đoạn thứ nhất, chúng tôi tiến hành
nhận diện các AD được sử dụng trong các diễn ngôn QC thuộc ngữ liệu nghiên cứu,
dựa trên cơ sở lý luận về AD được trình bày trong Chương 1. Dựa trên các đặc điểm
của miền nguồn, các AD được tìm thấy được phân chia thành AD cấu trúc, AD bản thể
và AD định hướng, sau đó được phân nhỏ hơn thành các tiểu loại tùy theo miền nguồn
được sử dụng để kích hoạt các AD này. Trong giai đoạn thứ hai, chúng tôi tiến hành
đối chiếu các AD tìm được trong mỗi tiểu loại giữa TV và TA nhằm xác định các nét
tương đồng và khác biệt giữa hai ngôn ngữ, đồng thời tìm hiểu các nền tảng văn hóa,
ngôn ngữ và xã hội để lý giải cho sự tương đồng và khác biệt này.
5. Đóng góp mới của luận án
Luận án đã đưa ra các kết luận về AD ý niệm trong các diễn ngôn QC trong hai
ngôn ngữ, cụ thể bao gồm các loại và tiểu loại AD đã được sử dụng, mô hình ánh xạ,
tần suất xuất hiện của AD trong QC và sự so sánh giữa hai ngôn ngữ. Với những kết
luận như vậy, luận án có những đóng góp sau về lý luận và thực tiễn:
5
5.1. Đóng góp về mặt lý luận
Bằng việc hệ thống một cách có chọn lọc các khái niệm cốt yếu về NNH tri nhận
và AD ý niệm, kế thừa cơ sở lý luận đi trước, thông qua việc nghiên cứu chuyên sâu
các AD được tìm thấy trong ngữ liệu và đi tìm lời giải đáp cho những tương đồng và
khác biệt về AD ý niệm giữa hai ngôn ngữ, luận án góp phần bổ sung và làm sáng rõ
các đặc trưng văn hóa dân tộc Việt và Anh trong lĩnh vực nghiên cứu về QC, đóng góp
vào nền tảng lý luận của AD ý niệm nói chung và AD ý niệm trong QC nói riêng.
5.2. Đóng góp về mặt thực tiễn
Luận án đã xây dựng được các sơ đồ tầng bậc của AD cấu trúc, AD bản thể và AD
định hướng; so sánh đối chiếu về tần suất, ánh xạ và đặc trưng văn hóa của các AD;
luận giải sự tương đồng cũng như khác biệt trong hệ thống AD giữa hai ngôn ngữ dựa
trên các đặc trưng văn hóa và tư duy dân tộc. Điều này giúp những người học tập,
giảng dạy và nghiên cứu ngôn ngữ có thêm một cái nhìn về phương thức tư duy về thế
giới khách quan của hai dân tộc Việt và Anh và những biểu hiện của tư duy này trong
lĩnh vực nghiên cứu cụ thể là QC.
Luận án cũng chỉ ra các loại AD ý niệm và tần suất sử dụng của các AD này trong
QC cùng một số bình luận về vai trò của AD trong các diễn ngôn QC. Đây là cơ sở
tham khảo giúp các nhà thiết kế QC tư duy và sáng tạo ra những diễn ngôn QC ấn
tượng, dễ nhớ với KH nhằm đáp ứng mục tiêu xúc tiến SP.
6. Ý nghĩa của luận án
6.1. Ý nghĩa lý luận
Về mặt lý luận, các kết quả của nghiên cứu đã góp phần làm sáng rõ thêm khái
niệm, đặc tính của AD ý niệm, quan hệ giữa AD trong ngôn ngữ và tư duy, văn hoá, từ
đó góp phần khẳng định và thúc đẩy việc phát triển khuynh hướng lý thuyết ngôn ngữ
học hiện đại này.
Với việc so sánh đối chiếu các diễn ngôn QC giữa TV và TA nhằm tìm hiểu các
đặc trưng văn hóa, xã hội của hai dân tộc và tác động của những nhân tố này lên
phương thức tư duy được thể hiện qua cách thức hình thành AD trong mỗi ngôn ngữ,
luận án khẳng định các luận điểm mang tính phổ quát, đồng thời làm phong phú hơn
các đặc trưng văn hóa và tư duy dân tộc trong văn liệu nghiên cứu về NNH tri nhận
hiện nay.
6
6.2. Ý nghĩa thực tiễn
Với các số liệu về tần suất của AD và các thảo luận về vai trò của AD đối với diễn
ngôn QC, kết quả nghiên cứu của luận án là nền tảng giúp các nhà thiết kế QC nói
riêng và nhà quản trị marketing nói chung định hướng và thiết kế QC một cách sáng
tạo, ấn tượng và hiệu quả nhằm tác động đến quyết định mua của KH.
Đồng thời, thông qua phân tích và so sánh các mô hình ánh xạ của AD trong QC
của hai ngôn ngữ, luận án được kỳ vọng sẽ có khả năng ứng dụng trong các lĩnh vực
khác nhau trong giảng dạy ngôn ngữ ở Việt Nam, bao gồm dịch thuật, giảng dạy TA
cho người Việt và TV cho người nói TA.
7. Bố cục của luận án
Ngoài các phần chung như Phần mở đầu, Phần Kết luận, Phụ lục và Tài liệu tham
khảo, luận án có kết cấu gồm 4 chương cụ thể như sau:
Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu và cơ sở lý luận. Trong chương
này, các nghiên cứu có liên quan đến ngôn ngữ QC và AD ý niệm trong QC được tổng
hợp và phân tích. Một số vấn đề lý luận chung về AD ý niệm, NNH đối chiếu, văn hóa
và QC cũng được trình bày trong chương này.
Chương 2. Đối chiếu ẩn dụ cấu trúc trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh.
Chương này xác định các miền nguồn được sử dụng để hình thành nên AD cấu trúc và
ánh xạ của mỗi AD. Dựa trên các đặc điểm miền nguồn, các AD thượng danh và hạ
danh được xác định và sắp xếp theo tầng bậc, sau đó được so sánh dựa trên các đặc
điểm văn hóa dân tộc.
Chương 3. Đối chiếu ẩn dụ bản thể trong quảng cáo Việt và tiếng Anh.
Chương này tìm hiểu hệ thống AD bản thể xuất hiện trong các diễn ngôn QC của hai
ngôn ngữ, tìm hiểu động cơ hình thành AD, so sánh các điểm giống và khác nhau
trong tư duy AD giữa hai ngôn ngữ dựa trên cơ sở văn hóa dân tộc.
Chương 4. Đối chiếu ẩn dụ định hướng trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng
Anh. Chương 4 tập trung làm rõ các AD định hướng được sử dụng trong QC TV và
TA cùng các tiểu loại của chúng. Mỗi tiểu loại AD đều được so sánh đối chiếu để tìm
ra các điểm tương đồng và khác biệt; sự tương đồng và khác biệt này được lý giải dựa
trên các đặc trưng văn hóa dân tộc.
7
CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
VÀ CƠ SỞ LÝ THUYẾT
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu
1.1.1. Dẫn đề
Để có cái nhìn tổng quan về lịch sử phát triển của AD ý niệm trong QC, chúng tôi
tìm hiểu các nghiên cứu có liên quan theo vấn đề và theo trình tự thời gian để thấy
được sự thay đổi trong quan điểm về AD. Chúng tôi cũng lựa chọn cách tiếp cận “thu
hẹp” dần, bắt đầu bằng các nghiên cứu về AD ý niệm nói chung rồi tập trung vào các
nghiên cứu về AD ý niệm trong QC ở nước ngoài và trong nước để tìm hiểu các kết
luận đã đạt được, qua đó xác định “khoảng trống” cho vấn đề nghiên cứu.
1.1.2. Tổng quan về ẩn dụ ý niệm
1.1.2.1. Tình hình nghiên cứu trên thế giới về ẩn dụ ý niệm
Trên thế giới, các vấn đề của NNH tri nhận bắt đầu được nghiên cứu từ những năm
1950 nhưng thuật ngữ ngôn ngữ học tri nhận (cognitive linguistics), ngữ nghĩa học tri
nhận (cognitive semantics), ngữ pháp tri nhận (cognitive grammar) chỉ chính thức
được sử dụng là trong cuốn Foundation of Cognitive Grammar (Cơ sở của ngữ pháp
tri nhận) của Langacker [121]. Năm 1989, Hội ngôn ngữ học tri nhận quốc tế được
thành lập tại Duisbury, Đức, khởi đầu cho sự phát triển mạnh mẽ của NNH tri nhận
sau này (dẫn theo Triệu Diễm Phương, [46: tr.5]).
NNH tri nhận bắt đầu phổ biến vào thập niên 80 của thế kỷ XX với sự khởi xướng
của Lakoff và Johnson bằng cuốn sách được ví như “kinh thánh của NNH tri nhận”
Metaphor We Live by [120]. Với tuyên bố “AD không đơn thuần là vấn đề về ngôn
ngữ mà còn là vấn đề của tư duy và hành động”, Lakoff và Johnson đã đi ngược lại các
quan điểm truyền thống về AD và khẳng định AD không chỉ là thủ pháp tu từ mà là
phương thức tư duy. Điều này khiến phạm vi nghiên cứu về AD không chỉ dừng lại ở
AD trong ngôn ngữ mà chuyển sang AD trong trí não, từ đó mở ra cánh cửa để tìm
hiểu quá trình tư duy của con người đối với các sự vật, hiện tượng trong thế giới khách
quan. Các nghiên cứu về AD từ đó cũng lan tỏa ra các bình diện khác như triết học,
logic học, tâm lý học, thần kinh học…
8
Nằm trong số các nghiên cứu đầu tiên về AD tri nhận, Schon (1979) đã đưa ra các
ý tưởng mở đường cho lý thuyết tri nhận về AD bằng cách xem xét mối liên kết giữa
AD và tư duy, trong đó tác giả coi AD là đầu mối của suy nghĩ con người và sự ý niệm
hoá [135]. Sau đó, Reddy (1979) phân tích và bổ sung thêm vào ý thức – hệ hình
(paradigm-consciousness) trong giao tiếp mà Schon đã phát triển trước đó. Bằng việc
tìm hiểu những ẩn dụ ngầm ẩn trong đường dẫn và xem giao tiếp như một sự chuyển
dịch thông tin qua các đường dẫn đó, tác giả đề xuất có thể coi ẩn dụ là sự thay thế của
giao tiếp, là biểu tượng công cụ hay dạng mẫu mà trong đó chúng ta hiểu được ý định
người khác muốn nói thông qua ngữ cảnh của bản thân chúng ta [133].
Những năm sau đó, lý thuyết về AD ngày càng được mở rộng. Ban đầu, các nghiên
cứu thiên về xu hướng cho rằng AD ý niệm chủ yếu được hình thành dựa trên kinh
nghiệm thân thể. Trong các nghiên cứu vào thập niên 80, Lakoff (1987) [116] và
Kövecses (1986) [106] khẳng định rằng các AD diễn tả cảm xúc đều xuất phát từ cơ sở
sinh lý học của con người và chịu tác động từ các yếu tố văn hoá của ngôn ngữ.
Sau đó, trong các tác phẩm viết chung với các học giả khác như Johnson ([114],
[119]), Kövecses ([116]), Lakoff đã đề cập đến vai trò của AD trong việc hình thành
hệ thống ý niệm của con người và cấu trúc của ngôn ngữ tự nhiên. Tư tưởng này sau
đó được tác giả nâng lên thành thuyết “Trí tuệ nghiệm thân”, nghiên cứu mối quan hệ
giữa tư duy, quan niệm về thế giới và cấu tạo của cơ thể và bộ não con người.
Năm 1987, ba nghiên cứu rất có giá trị về ngôn ngữ và tri nhận được xuất bản, gồm
The Body in the Mind: The Bodily Basis of Meaning, Imagination and Reason (Cơ thể
trong tâm trí: Cơ sở vật chất của ý nghĩa, tưởng tượng và lý giải) của Johnson [104],
Foundation of Cognitive Grammar (Cơ sở ngữ pháp tri nhận) của Langacker [121] và
Women, Fire, and Dangerous Things. What Categories Reveal about the Mind (Phụ
nữ, lửa và những điều nguy hiểm – Các phạm trù cho thấy gì về tâm trí) của Lakoff
[115]. Trong [104], Johnson trình bày hai cấu trúc tri nhận về lý giải và vận dụng ngôn
ngữ gồm sơ đồ hình ảnh, cấu trúc AD và cơ sở vật chất của chúng. Trong [121] và
[115], Langacker và Lakoff phân tích những vấn đề này cụ thể hơn và chính thức sử
dụng các thuật ngữ ngôn ngữ học tri nhận, ngữ nghĩa học tri nhận và ngữ pháp tri
nhận. Hai nghiên cứu này được coi là những tác phẩm mang tính nền tảng của NNH tri
nhận với các lý thuyết cơ bản trong lĩnh vực này.
9
Nửa cuối thập niên 90 ghi nhận một tiến bộ quan trọng trong lý thuyết AD với
nghiên cứu của Joe Grady (1997) với khẳng định về sự gắn kết giữa AD ý niệm với
các lý thuyết thần kinh và quan điểm cho rằng kinh nghiệm hàng ngày, kinh nghiệm
cảm giác của con người là nền tảng của nhận thức ngôn ngữ [98].
Năm 2002, lý thuyết về không gian pha trộn giữa không gian tinh thần tưởng tượng
với lý thuyết thần kinh của ngôn ngữ được giới thiệu bởi G. Fauconnier và M. Turner
cùng khẳng định rằng ánh xạ AD được thực hiện trên cơ sở vật lý giống như một bản
đồ thần kinh, các suy luận AD bắt nguồn từ cơ chế thần kinh tự nhiên trong tâm trí của
con người [93].
Năm 2006, vai trò của AD như một công cụ tư duy và nhận thức của con người về
thế giới khách quan một lần nữa được nhấn mạnh với phát biểu của Evans V. và Green
M.: “khó tìm được lối nghĩ và cách nói phi AD về một số khái niệm nhất định, cách
chúng ta ý niệm hóa và miêu tả các khái niệm đều mang tính AD rất cao” [89: tr.290].
Các nghiên cứu về AD ý niệm trên thế giới ghi danh các tên tuổi G. Lakoff, M.
Johnson, Z. Kövecses, G. Fauconnier, M. Turner, C. Fillmore, J.E. Grady, M. Green,
R.W.Langacker… Các tác giả này đã phát triển những lí thuyết, khái niệm cốt lõi trong
AD ý niệm, tạo nên một nền tảng vững chắc cho các nghiên cứu chuyên sâu về AD ý
niệm được thực hiện sau này.
Bên cạnh việc phát triển lý thuyết AD, các nhà nghiên cứu còn đi sâu tìm hiểu các
ứng dụng của AD ý niệm trong các lĩnh vực khác nhau như chính trị [72], [80], [136];
kinh tế [73], [91], [105]; môi trường [123]; giáo dục [81], [97]; về các đối tượng tri
nhận như cảm xúc [106], [107]; không gian và thời gian [95]; tình dục [94]…; trong
các ngôn ngữ khác nhau [78], [150]… đem lại nhiều nhận xét mới mẻ mà lịch sử
nghiên cứu AD truyền thống hầu như không có.
1.1.2.2. Tình hình nghiên cứu ở Việt Nam về ẩn dụ ý niệm
Ở Việt Nam, các vấn đề liên quan đến NNH tri nhận bắt đầu được nghiên cứu vào
đầu thế kỷ 21 nhưng có lẽ công trình mang màu sắc tri nhận đầu tiên là Từ chỉ hướng
vận động trong tiếng Việt của Nguyễn Lai năm 1990, mặc dù tác giả không dùng thuật
ngữ “ngôn ngữ học tri nhận”. Công trình này phân tích sự phát triển ngữ nghĩa của các
từ chỉ hướng ra-vào, lên-xuống, đến-tới, lại-qua, sang-về dựa trên trải nghiệm vật lí và
tâm lí [38]. Năm 2002, Nguyễn Đức Tồn bắt đầu tìm hiểu AD theo hướng đặt AD
10
trong mối quan hệ giữa văn hóa - tư duy - ngôn ngữ và tìm hiểu bản chất của AD
thông qua tư duy phạm trù [60]. Tuy nhiên, một cách chính danh, NNH tri nhận bắt
đầu được đề cập tới là trong Ngôn ngữ học tri nhận - Từ lý thuyết đại cương đến thực
tiễn tiếng Việt của Lý Toàn Thắng năm 2005 [52] và Ngôn ngữ học tri nhận – Ghi
chép và suy nghĩ của Trần Văn Cơ năm 2007 [5]. Đây có thể xem là hai công trình đặt
nền móng cho các nghiên cứu về NNH tri nhận ở Việt Nam.
Các nghiên cứu sau đó đã cố gắng làm rõ bản chất của AD với nhiều quan điểm
khác biệt so với truyền thống. Chẳng hạn, Nguyễn Đức Tồn (2007) khẳng định rằng
AD không chỉ là phép dùng từ mà là phép chuyển nghĩa dựa trên sự loại suy đặc điểm,
thuộc tính, hoạt động… giữa các sự vật, hiện tượng khác loại [61]; hay Phan Thế Hưng
(2007 và 2009) phủ nhận quan điểm phổ biến trước đó vốn coi AD là phép so sánh và
khẳng định AD được tạo ra từ sự xếp loại. So sánh AD bao hàm sự so sánh tầng bậc
của loại theo hệ thống tôn ti, AD không thể đảo ngược, vì vậy có thể nói mối quan hệ
của hai sự vật trong AD là quan hệ bất đối xứng [35], [36].
Năm 2009, Trần Văn Cơ có chuyên khảo Khảo luận ẩn dụ tri nhận [7] tổng thuật
một cách hệ thống và toàn diện các vấn đề cốt lõi về AD ý niệm từ hai công trình kinh
điển của Lakoff và Johnson (Metaphors We Live by và Women, Fire and the
Dangerous Things: What Categories Reveal about the Mind). Các khái niệm then chốt
trong AD ý niệm được phân tích cụ thể và diễn giải tỉ mỉ trong bối cảnh ngôn ngữ và
văn hóa Việt Nam, đặt nền móng cho các nghiên cứu sau này về AD ý niệm.
Các tác giả sau này đã nghiên cứu AD từ nhiều góc độ khác nhau. Nằm trong số
các nghiên cứu về AD không gian, Nguyễn Đức Dân [8] và Nguyễn Văn Hiệp ([21],
[23]) đã xem xét sự chuyển nghĩa và AD của các cặp từ chỉ không gian như trên -
dưới, trước - sau, trong - ngoài và các từ vận động có hướng như ra - vào, lên - xuống
trên cơ sở nghiệm thân và khẳng định rằng các từ ngữ không gian có sự chuyển nghĩa
rất mạnh và có thể xem như các ví dụ tiêu biểu của việc ý niệm hoá, phân loại và mô tả
thế giới khách quan, tạo ra những AD không gian mang đậm dấu ấn văn hoá Việt.
Trong số các nghiên cứu về AD thời gian, các tác giả như Nguyễn Hòa (2007) [26]
và Nguyễn Đức Dân (2012) [9] đều có chung nhận định rằng sự tri nhận thời gian
được hình thành dựa trên sự tri nhận không gian, do đó có thể nói rằng các khái niệm
và biểu hiện không gian xuất hiện trước các khái niệm về thời gian. Nguyễn Văn Hán
11
(2012) bổ sung thêm rằng cách thức tri nhận thời gian luôn mang tính chất quy ước xã
hội, văn hoá và mô típ của cộng đồng [15].
Bên cạnh đó, còn có nhiều nghiên cứu về ứng dụng của AD ý niệm trong các lĩnh
vực khác nhau, như AD ý niệm cảm xúc và tình cảm của con người [10], [24], [40],
[45], [58]; AD ý niệm trong tác phẩm của các nhà nghệ thuật nổi tiếng [4], [16], [17],
[18], [29], [34], [49], [50], [66], [70]; cách tri nhận của các từ ngữ chỉ bộ phận cơ thể
người [13], [145] hay việc sử dụng AD ý niệm trên các diễn ngôn của nhiều lĩnh vực
như kinh tế [14], văn hoá [68], thực vật [41], ẩm thực [31], [140], [25], hôn nhân [1],
cuộc đời [17], [47], [48], tình yêu [30]. Các nghiên cứu này góp phần làm phong phú
thêm cơ sở lý thuyết và ứng dụng của AD ý niệm.
1.1.3. Tổng quan về ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo
Kövecses đã khẳng định: “QC là minh họa rõ nét nhất cho việc sử dụng AD ý
niệm. Khả năng bán của một SP phụ thuộc một phần vào việc lựa chọn AD ý niệm sao
cho hình ảnh/từ vựng được sử dụng trong QC có thể khơi dậy cảm hứng cho người
xem. Một AD được lựa chọn hợp lý có thể tạo ra điều kỳ diệu trong thúc đẩy doanh số
bán của SP được QC” [108: tr.65]. Bởi hiệu quả và sự phổ biến này, AD ý niệm trong
QC trở thành chủ đề nghiên cứu rất được quan tâm.
1.1.3.1. Tình hình nghiên cứu trên thế giới về ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo
Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về AD ý niệm trong QC, tập trung vào 4
nhóm nội dung chính sau đây:
Thứ nhất, về hiệu quả của AD trong QC, các nghiên cứu đều có chung nhận định
rằng AD đóng vai trò tích cực đối với các diễn ngôn QC.
Trong các công trình của mình, các nhà nghiên cứu xem xét hiệu ứng của các loại
AD khác nhau với nhiều nhóm SP khác nhau. Cụ thể, phân chia theo loại SP, Baek Y.
(2008) cho rằng với nhóm SP hướng mục tiêu hưởng thụ, việc sử dụng AD mang lại
hiệu quả truyền thông cao hơn vì nó khiến người đọc có thái độ tích cực hơn đối với
QC; tuy nhiên với SP hướng mục tiêu sử dụng, tác động của các khẩu hiệu có sử dụng
AD và không sử dụng AD không có khác biệt mang ý nghĩa thống kê [76]. Trong khi
đó, trong một nghiên cứu về tác động của AD với các QC đồ ăn, Yu C. (2009) khẳng
định việc sử dụng AD khiến các khẩu hiệu QC thức ăn trở nên hấp dẫn và thu hút hơn
đối với người đọc [150]. Các nhà nghiên cứu khác như Ruiz J.H. (2006) xem xét AD
12
trong QC phòng chống ma túy [134] hay Svaziene L. (2010) tìm hiểu về tác động của
AD trong QC chính trị [139] cũng đều khẳng định hiệu ứng thuyết phục của AD ý
niệm trong việc dẫn dắt tư duy của người đọc.
Phân theo loại hình, Janos M. (2014) tìm hiểu hiệu quả của AD hình ảnh trong QC
và khẳng định AD hình ảnh có vai trò quan trọng bởi một hình ảnh có thể thay thế cho
nhiều từ vựng, do đó rất hiệu quả với QC bởi QC có không gian và thời gian hữu hạn.
Thêm vào đó, một hình ảnh có thể được suy luận theo nhiều cách, do vậy có thể kích
thích sự suy nghĩ của người đọc, khiến QC đọng lại trong tâm trí họ lâu hơn [103].
Trong nghiên cứu của mình, Svaziene L. (2010) đã dùng từ ‘vũ khí hạng nặng’ và ‘tẩy
não’ để mô tả hiệu quả của AD hình ảnh trong việc thu hút và duy trì sự chú ý của
người đọc đối với QC chính trị nói riêng và QC thương mại nói chung [139]. Tiếp cận
từ cả góc độ AD hình ảnh và AD ngôn từ, Zhang X. và Gao X. (2009) khẳng định là
phương thức bày tỏ của AD ý niệm, AD hình ảnh và AD ngôn từ được sử dụng trong
QC thúc giục người đọc tìm kiếm sự liên quan trong ngữ cảnh tri nhận và dự định giao
tiếp của người QC, qua đó ghi nhớ thông tin QC hiệu quả hơn [153]. Và một cách chi
tiết nhất, Li D. và Guo Q. (2016) đã giải thích ảnh hưởng tích cực của AD tới hiệu ứng
truyền thông của QC qua 4 tác động: (1) tạo ra sự mới mẻ nhằm kích thích trí tò mò và
cộng hưởng của người xem; (2) diễn đạt ngắn gọn và súc tích nhằm tiết kiệm thời gian
và giúp QC trở nên dễ nhớ, dễ nhắc lại; (3) tạo ý hàm ngôn nhằm gây ấn tượng và
buộc người xem phải phân tích để hiểu nghĩa bóng của AD và (4) tạo hiệu ứng văn
hoá, theo đó AD không chỉ giúp người mua hiểu được SP mà còn là công cụ để phản
ánh văn hoá của thương hiệu và công ty [124].
Tóm lại, các nghiên cứu về vai trò của AD ý niệm trong QC đều khẳng định rằng
AD có vai trò tích cực trong truyền tải thông điệp về SP vì AD giúp gây ấn tượng, kích
thích trí tưởng tượng và khiến KH phải suy nghĩ về QC, từ đó ghi nhớ SP hơn.
Thứ hai, về các AD ý niệm được dùng trong QC, các nghiên cứu cho thấy sự phong
phú trong các AD chia theo miền nguồn và ánh xạ được sử dụng.
Cụ thể, phân theo ánh xạ, Ruiz J.H. (2006) xác định được 6 AD được sử dụng để
truyền thông về tác hại của ma túy và vai trò của gia đình trong các QC phòng chống
ma túy, gồm ĂN LÀ HUỶ DIỆT, BỘ NÃO LÀ MIẾNG BỌT BIỂN, BIẾT LÀ NHÌN
THẤY, CON NGƯỜI LÀ ĐỘNG VẬT, KHÔNG ĐƯỢC BẢO VỆ LÀ KHÔNG
13
MẶC QUẦN ÁO, NHÀ LÀ KHU VỰC RÀO CHẮN ĐEM LẠI SỰ BẢO VỆ [134].
Cũng căn cứ vào ánh xạ giữa MN và MĐ, Yu C. (2009) đã xác định được 4 AD lớn
trong khẩu hiệu QC thức ăn, gồm CUỘC SỐNG LÀ THỰC THỂ/VẬT CHẤT, CẢM
GIÁC/MONG MUỐN LÀ VẬT CHẤT, TRẠNG THÁI/TÍNH CÁCH LÀ NƠI
CHỐN và SP LÀ THỰC THỂ/VẬT CHẤT, trong mỗi AD lớn có một vài AD phái
sinh [150] còn Svaziene L. (2010) tìm được 3 AD trong các QC vận động bầu cử Mỹ
gồm BẦU CỬ LÀ LỪA ĐẢO, TỔNG THỐNG LÀ MỘT VẤN ĐỀ và OBAMA LÀ
KỴ SỸ NGÂY THƠ CHIẾN ĐẤU VỚI CHIẾC CỐI XAY GIÓ MỸ [139]. Phân theo
miền nguồn, Ágnes A. (2009) xác định được 7 miền nguồn của AD ý niệm bao gồm
SỰ GẦN GŨI VỀ THỂ CHẤT, BẠN BÈ, HÀNH TRÌNH, TRẢI NGHIỆM CẢM
XÚC, SỨC NÓNG, HAM MUỐN THỂ XÁC, TỐT VÀ HẠNH PHÚC [71].
Thứ ba, về tần suất sử dụng của các loại AD trong QC, có nghiên cứu lựa chọn
phân chia AD theo loại hình gồm AD ngôn từ, AD hình ảnh hoặc AD ngôn ảnh [71],
[134], [150]; hoặc theo 3 loại AD cấu trúc, định hướng và bản thể của Lakoff và
Johnson [129], hoặc theo hình thức trình bày [74]. Kết quả nghiên cứu cho thấy nhiều
kết luận khác nhau về tần suất của các loại AD được sử dụng trong QC.
Cụ thể, so sánh giữa AD hình ảnh, ngôn từ và ngôn ảnh, Anderson E.M. (1998) kết
luận rằng cả ba loại AD đều được sử dụng phổ biến trên các website, trong đó các
website bán hàng trực tuyến có xu hướng sử dụng nhiều AD hình ảnh hơn còn các
website chỉ dùng để giới thiệu SP mà không bán hàng trực tiếp thường sử dụng nhiều
AD ngôn từ và ngôn ảnh [74]. Trong khi đó, lựa chọn phân chia AD theo đề xuất của
Lakoff và Johnson, Morris P.K. và Waldman J.A. (2011) kết luận rằng AD bản thể,
AD cấu trúc và AD vật chứa được sử dụng phổ biến trong QC hình ảnh và QC ngôn
từ; AD định hướng được sử dụng ít nhất trong QC ngôn từ và không được sử dụng
trong QC hình ảnh [129]. Kết luận này tương đồng với kết quả nghiên cứu của một số
tác giả Việt Nam như [27], [100], [127], [130], [143] (sẽ được đề cập ở phần sau).
Thứ tư là các nghiên cứu về tác động của văn hóa đối với AD ý niệm. Ở khía cạnh
này, các nhà nghiên cứu có hai quan điểm đối ngược nhau.
Một số cho rằng khác biệt văn hoá dẫn đến khác biệt trong tư duy hình thành AD.
Ủng hộ quan điểm này, Morris P.K. và Waldman J.A. (2011) đã so sánh AD trong QC
của 5 quốc gia dựa trên các miền văn hoá theo mô hình của Hofstede. Tác giả kết luận
14
rằng các đặc điểm văn hoá được phản ánh rõ nét trong QC nhằm đảm bảo rằng thông
điệp QC phù hợp với KH mà QC hướng tới [129]. Sử dụng tiêu chí văn hóa ngữ cảnh
cao (HCC) và văn hóa ngữ cảnh thấp (LCC) để so sánh, Li J. và Rodriguez L. (2015)
chỉ ra rằng tần suất và chủ đề của AD có sự khác biệt lớn giữa các nền văn hoá. Về tần
suất, số lượng QC có sử dụng AD chiếm tỉ lệ áp đảo ở châu Á so với các châu lục
khác, cho thấy sự phức tạp trong định hướng không gian dựa trên hình ảnh, bắt nguồn
từ văn hoá đa dạng của châu lục này. Về chủ đề, số lượng hình ảnh trong QC ở châu Á
cũng vượt trội so với châu Âu và Bắc Mỹ, do châu Á có nền văn hoá HCC, trong văn
hoá này, một thông điệp được hiểu không chỉ bằng nội dung mà còn dựa trên ngữ
cảnh. Ngược lại, Bắc Mỹ và châu Âu có văn hoá LCC, trong đó thông điệp thường
được đưa ra trực tiếp thông qua các diễn đạt hiển ngôn [125].
Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu khác lại cho rằng mặc dù có sự khác biệt về văn
hoá nhưng về bản chất, AD ý niệm xuất phát từ tư duy của con người về sự vật, hiện
tượng, do đó không có sự khác biệt đáng kể cho dù con người đang sống trong nền văn
hoá nào. Li D. và Guo Q. (2006) lập luận rằng con người có có trải nghiệm sống tương
tự nhau nên có hệ thống tri nhận như nhau, do đó AD trong các nền văn hoá khác nhau
vẫn có cùng một cơ sở tri nhận. Tác giả chứng minh quan điểm của mình bằng cách so
sánh cơ sở tri nhận giữa TA và tiếng Trung Quốc và nhận định rằng không có sự khác
biệt trong AD ý niệm giữa 2 nền văn hoá [124].
Như vậy đã có khá nhiều công trình trên thế giới nghiên cứu về AD ý niệm trong
QC. Các nhà nghiên cứu đều khẳng định vai trò quan trọng và hiệu ứng của AD đối
với QC và xác định được nhiều loại AD được sử dụng phổ biến trong QC. Tuy nhiên,
về mối quan hệ giữa văn hoá và AD, có 2 quan điểm trái ngược nhau (văn hoá có /
không ảnh hưởng tới cơ sở hình thành AD) nhưng quan điểm cho rằng sự khác biệt
văn hoá dẫn đến khác biệt về cơ sở tri nhận của AD nhận được sự ủng hộ nhiều hơn.
1.1.3.2. Tình hình nghiên cứu ở Việt Nam về ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo
Nhìn chung, số lượng các nghiên cứu về ngôn ngữ QC và AD ý niệm trong QC ở
Việt Nam còn khá hạn chế. Về ngôn ngữ QC nói chung có chuyên khảo của Mai Xuân
Huy (2001) xem xét các đặc điểm của diễn ngôn QC từ góc độ giao tiếp, trong đó tác
giả tập trung vào phân tích ngữ nghĩa và ngữ dụng của ngôn ngữ QC [33], luận văn
của Phạm Thị Cẩm Vân (2003) tìm hiểu về phong cách ngôn ngữ của QC, trong đó tác
15
giả chỉ rõ các công cụ tu từ hay được sử dụng trong QC [68] và luận án của Trần Thị
Thu Hiền (2013) nghiên cứu các đặc trưng phong cách, đặc trưng ngữ nghĩa, chức
năng ngôn ngữ, các lớp từ vựng được sử dụng trong QC [19]. Đặc biệt, luận án [19]
mặc dù không tiếp cận theo lý thuyết tri nhận nhưng trong các khảo sát liên quan đến
đặc trưng ngữ nghĩa, tác giả khẳng định rằng AD có tỉ lệ sử dụng cao nhất trong số các
biện pháp tu từ ngữ nghĩa điển hình trong QC và cho rằng việc nghiên cứu AD ý niệm
trong ngôn ngữ QC là rất cần thiết vì nó xuất hiện nhiều trong QC ở cả hai thứ tiếng.
Cụ thể hơn về AD trong QC có luận văn của Nguyễn Thị Chi Mai (2010) [127] so
sánh việc sử dụng 3 loại AD (AD tri nhận, AD hỗn hợp và AD mới) trong các khẩu
hiệu QC TA nhìn từ phương diện ngữ dụng học. Tác giả kết luận rằng AD tri nhận là
công cụ phổ biến nhất trong khẩu hiệu QC; bóc tách giữa 3 tiểu loại trong AD tri nhận,
tác giả khẳng định AD bản thể được sử dụng nhiều nhất, AD cấu trúc và AD định
hướng có tần suất sử dụng bằng nhau.
Trực tiếp nghiên cứu về AD ý niệm trong QC có luận văn của Huỳnh Trung Ngữ
(2010) [130] và Phạm Thị Hằng (2012) [100]. Luận văn [130] đối chiếu AD ý niệm
trong khẩu hiệu QC TA và TV. Tác giả xác định được 17 miền nguồn được sử dụng
trong AD, tiêu biểu như HÀNH TRÌNH, CHIẾN TRANH, BẠN BÈ, THỨC ĂN,
SỨC KHOẺ… và chỉ ra sự khác biệt về tần suất của các loại AD: AD bản thể được sử
dụng phổ biến nhất trong QC TA còn AD cấu trúc được sử dụng nhiều nhất trong QC
TV. Trong khi đó, luận văn [100] tìm hiểu về AD ý niệm trong khẩu hiệu QC và kết
luận rằng AD là công cụ phổ biến trong thiết kế khẩu hiệu QC; trong 3 tiểu loại, AD
bản thể được sử dụng nhiều nhất, sau đó là AD cấu trúc, cuối cùng là AD định hướng.
Ngoài ra còn có một số bài báo về AD ý niệm trong QC. Đáng chú ý là bài báo của
Lưu Trọng Tuấn (2010) [143] nghiên cứu AD bản thể và AD cấu trúc trong khẩu hiệu
QC TV. Tác giả khẳng định hiệu quả của AD ý niệm trong khẩu hiệu QC, so sánh tần
suất và kết luận rằng AD bản thể được sử dụng phổ biến hơn. Tác giả cũng xác định
được 4 AD bản thể (THƯƠNG HIỆU LÀ NGUỒN LỰC GIÁ TRỊ, THƯƠNG HIỆU
LÀ VẬT CHỨA, THƯƠNG HIỆU LÀ BẠN ĐỒNG HÀNH, THƯƠNG HIỆU LÀ
CHIẾN BINH) và 1 AD cấu trúc (THƯƠNG HIỆU LÀ CHUYỂN ĐỘNG) trong khẩu
hiệu QC. Ngoài ra còn có bài báo của Phan Văn Hoà và Huỳnh Trung Ngữ (2011) [27]
so sánh AD ý niệm trong khẩu hiệu QC giữa hai ngôn ngữ và của Trần Thị Thu Hiền
16
(2014) [20] so sánh 7 loại AD truyền thống trong khẩu hiệu QC TV và TA. Hai bài
báo này gắn với luận án [19] và luận văn [130] của cùng tác giả đã đề cập đến ở trên.
Có thể nói các nghiên cứu về AD ý niệm trong Việt ngữ học thời gian qua đã khái
quát hoá AD ý niệm qua chức năng ý niệm hoá, thể hiện cách tri nhận về sự vật hiện
tượng trong thế giới khách quan. Các nghiên cứu này đã xây dựng được nền tảng lý
luận và thực tiễn tương đối phong phú. Tuy nhiên, số lượng công trình chưa nhiều, đặc
biệt chưa có nghiên cứu toàn diện về AD ý niệm trong QC đối chiếu giữa hai ngôn
ngữ. Đây chính là ‘khoảng trống’ nghiên cứu mà luận án hy vọng sẽ lấp đầy.
1.2. Cơ sở lý luận về đề tài nghiên cứu
Để có nền tảng lý thuyết cho nghiên cứu thực tế ở Chương 2, 3 và 4 của luận án,
chúng tôi hệ thống hóa các lý thuyết liên quan đến đề tài nghiên cứu chia thành 4
nhóm nội dung chính bao gồm: AD ý niệm, Ngôn ngữ học đối chiếu, Đặc trưng văn
hóa Việt - Anh và Quảng cáo.
1.2.1. Cơ sở lý luận về ẩn dụ ý niệm
1.2.1.1. Các quan điểm về ẩn dụ
Nghiên cứu về AD có vị trí quan trọng trong trào lưu tri nhận. Cột mốc đánh dấu
cho lĩnh vực này là sự xuất hiện của cuốn sách Metaphors We Live by của Lakoff và
Johnson [120] vào năm 1980 với những thay đổi bước ngoặt trong quan điểm về AD.
Vì vậy, trong nghiên cứu này, chúng tôi lựa chọn trình bày quan điểm về AD theo hai
giai đoạn: (1) AD theo quan điểm truyền thống hệ thống hoá các quan điểm tính đến
thời điểm công bố tác phẩm trên và (2) AD theo quan điểm của ngôn ngữ học tri nhận
gồm các quan điểm từ năm 1980 đến hiện tại.
 Ẩn dụ theo quan điểm truyền thống
Quan điểm cổ xưa nhất về AD đến từ Aristotle, một tên tuổi lớn trong triết học Hy
Lạp cổ đại. Theo Aristotle, AD là “hình thức trang trí trong ngôn ngữ nghệ thuật và
hùng biện”, là cách lạ hóa ngôn ngữ nhằm tạo nên sự thu hút trong hùng biện và thi ca,
làm giàu có hơn cho ngôn ngữ bởi nó giúp người nói biểu đạt ý kiến một cách hấp dẫn
và ấn tượng. Đây chính là khởi nguyên cho các quan điểm về AD sau này (dẫn theo
Nguyễn Thị Bích Hạnh, [16]).
Theo quan điểm truyền thống, AD được coi là phép chuyển đổi tên gọi dựa trên sự
so sánh ngầm giữa hai sự vật có sự tương đồng. Với cách tiếp cận này, AD đặc trưng
17
với dạng lược đồ: A là B, ví dụ như trong Achilles is a lion (Achilles là một con sư tử).
Như vậy, từ thời Aristotle, AD đã được xác định là cách thức so sánh dựa trên sự
tương đồng giữa hai phạm trù nhưng sự so sánh không được đánh dấu hiển ngôn. Điều
này khiến AD khác với tỉ dụ (simile): với tỉ dụ, sự so sánh được biểu thị rõ ràng qua
việc dùng các tiểu từ so sánh như as hay like (giống như): Achilles is as brave as a lion
(Achilles dũng cảm như một con sư tử); Achilles is brave, like a lion (Achilles dũng
cảm, giống như một con sư tử) (dẫn theo Evans và Green, 2006) [89: tr.293].
Trong Metaphor – A Practical Introduction [108: tr. ix], Kövecses tóm tắt các đặc
điểm của AD theo quan điểm truyền thống như sau: (1) AD là đặc điểm của từ vựng, là
hiện tượng ngôn ngữ; (2) AD được sử dụng cho mục đích nghệ thuật và tu từ; (3) AD
được hình thành dựa trên sự tương đồng giữa hai thực thể được so sánh; (4) AD là việc
dùng từ có mục đích và (5) AD là hình thái không thể thiếu của lời nói.
Như vậy, theo quan điểm truyền thống, AD là phương thức chuyển nghĩa của từ
vựng căn cứ vào mối quan hệ tương đồng giữa sự vật / đối tượng và là biện pháp tu từ
nhằm tạo nên những biểu tượng trong nhận thức của con người. Do đó, có thể nói AD
là đặc tính riêng của ngôn ngữ, là vấn đề của lời nói hơn là vấn đề thuộc phạm trù tư
tưởng và hành động.
 Ẩn dụ theo quan điểm của ngôn ngữ học tri nhận
Sự phát triển của NNH tri nhận trong những năm 80 của thế kỷ XX với sự khởi đầu
của Lakoff và Johnson đã tạo ra sự thay đổi bước ngoặt trong quan niệm về AD. NNH
tri nhận nghiên cứu AD thông qua các lĩnh vực kinh nghiệm và cho rằng AD là hiện
tượng tri nhận chứ không đơn thuần là hiện tượng ngôn ngữ. Đó là quá trình con người
dựa vào một sự vật, một hiện tượng nào đó để nhận thức, hiểu biết, suy nghĩ và diễn
đạt một sự vật hay một hiện tượng khác. AD có tính chất ý niệm hóa, do đó Lakoff và
Johnson gọi nó bằng thuật ngữ “Ẩn dụ ý niệm” (conceptual metaphors) hay “Ẩn dụ tri
nhận” (cognitive metaphors).
Lakoff và Johnson khẳng định “AD không đơn thuần là vấn đề về ngôn ngữ mà
còn là vấn đề của tư duy và hành động” [120: tr.3]. Khác với quan điểm truyền thống
cho rằng AD là một dạng so sánh, Lakoff và Turner (1989) cho rằng cách mô hình hóa
AD bằng cấu trúc so sánh A như/giống B là sự phản ánh sai bản chất của AD. So sánh
có thể được coi là AD ở thể yếu nhưng AD không hoàn toàn là so sánh [117]. Bản chất
18
AD là nhận thức một ý niệm này thông qua một ý niệm khác, mặc dù các cấu trúc trên
cũng cho thấy sự kết nối giữa hai miền ý niệm nhưng như/giống mang hiệu lực yếu
hơn. Căn cứ để xác lập AD không phải là cấu trúc ngôn ngữ biểu hiện AD mà là bản
chất tri nhận của nó, tức là sự ý niệm hóa miền A thông qua miền B bằng hệ thống các
ánh xạ nhất quán, đơn tuyến và trở thành mô hình tri nhận trong tinh thần con người.
Theo các nhà NNH tri nhận, AD là cơ chế nhận thức về sự vật, hiện tượng trong
thế giới khách quan, ở đó con người nhìn nhận và xây dựng lập luận cho các khái niệm
trừu tượng, phức tạp thông qua logic của những khái niệm cụ thể, đơn giản hơn. AD là
quá trình tri nhận có chức năng biểu hiện và hình thành những ý niệm mới. Nhờ
phương thức AD, con người nhận biết được thế giới vật chất, tinh thần và cảm xúc.
AD gắn liền với đặc trưng văn hoá tinh thần của con người [5].
Theo Lakoff và Johnson, AD theo quan điểm tri nhận gồm 5 đặc điểm: (1) AD là
hình thức biểu hiện của tư duy, không phải là từ vựng; (2) AD giúp tìm hiểu các khái
niệm rõ ràng hơn chứ không chỉ nhằm mục đích thẩm mỹ; (3) AD thường không được
cấu thành trên sự tương đồng; (4) AD được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày bởi
những người bình thường chứ không chỉ bởi những người có năng lực ngôn ngữ siêu
phàm và (5) AD không phải là hình thức trang trí hoa mỹ của ngôn ngữ mà là quá trình
tư duy và tri thức của con người (dẫn theo Kövecses) [108: tr. x].
Với ý nghĩa đó, theo đường hướng tri nhận, AD là phương thức biểu tượng tri thức
dưới dạng ngôn ngữ.
1.2.1.2. Định nghĩa, cơ sở hình thành và đặc điểm của ẩn dụ ý niệm
 Định nghĩa ẩn dụ ý niệm
Lakoff và Johnson (1980) định nghĩa “AD ý niệm là sự ý niệm hóa một miền tinh
thần qua một miền tinh thần khác, gọi là sự ánh xạ (mapping) có hệ thống từ một miền
này sang một miền khác nhằm tạo nên một mô hình tri nhận giúp lĩnh hội miền đích một
cách hiệu quả hơn”. AD ý niệm được hình thành dựa trên kinh nghiệm của con người
đối với thế giới, trong đó một miền (thường là miền cụ thể) được dùng để hiểu một miền
khác (thường là miền trừu tượng hơn); miền thứ nhất được gọi là miền nguồn (source
domain - MN), miền sau gọi là miền đích (target domain - MĐ) [120: tr.5].
NNH tri nhận phân biệt AD ý niệm và AD ngôn ngữ (linguistics metaphor).
Kövecses chỉ rõ rằng AD ngôn ngữ chỉ là các BT AD, là dạng cụ thể của AD ý niệm,
19
trong khi AD ý niệm vốn trừu tượng và khái quát. AD ý niệm (được biểu diễn bằng
chữ in hoa) là cơ sở ý niệm cho tất cả những BT AD được liệt kê theo nó. Các BT AD
(được viết bằng chữ in nghiêng) có thể rất đa dạng nhưng nếu nó chỉ được ánh xạ từ
một MN duy nhất tới một MĐ tương ứng thì đó chỉ là một AD ý niệm [108: tr.6]. Ví
dụ (dẫn theo Lakoff và Johnson), AD ý niệm LOVE IS A JOURNEY (TÌNH YÊU LÀ
MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH) có các BT ngôn ngữ như: Look how far we’ve come
(Hãy nhìn xem chúng ta đã đi được bao xa); We’re at a crossroad (Chúng ta đang ở
ngã ba đường); We can’t turn back now (Chúng ta không thể quay trở lại)…
 Cơ sở hình thành ẩn dụ ý niệm
Trái với quan điểm truyền thống cho rằng cơ sở hình thành AD là sự tương đồng
giữa hai thực thể được so sánh, NNH tri nhận cho rằng bên cạnh sự tương đồng khách
quan vốn đã tồn tại trước, AD ý niệm được hình thành dựa trên một loạt kinh nghiệm
của con người, bao gồm sự tương liên về kinh nghiệm, sự tương đồng không khách
quan, nền tảng văn hóa và sinh học chung giữa hai miền ý niệm… Nhóm các cơ sở này
lại, Kövecses cho rằng có hai nền tảng chính hình thành nên AD ý niệm [108: tr.81].
Thứ nhất là sự tương liên về kinh nghiệm. Động lực lớn nhất thúc đẩy sự hình
thành AD là sự tương liên trong trải nghiệm của con người. Khi một sự kiện xảy ra dẫn
đến một sự kiện khác thì hai sự kiện này được cho là có tương liên về trải nghiệm. Ví
dụ (dẫn theo Kövecses), nếu đổ thêm chất lỏng vào vật chứa thì mực chất lỏng trong
vật chứa tăng lên, như vậy hai sự kiện này có quan hệ tỉ lệ thuận, mối quan hệ này là
nền tảng tạo nên AD NHIỀU HƠN HƯỚNG LÊN TRÊN. AD này hoạt động dựa trên
hai ý niệm: số lượng và chiều thẳng đứng. Số lượng được thể hiện bằng thang đo
NHIỀU/ÍT, chiều thẳng đứng thể hiện bằng thang đo HƯỚNG LÊN TRÊN/HƯỚNG
XUỐNG DƯỚI. Xuất phát từ trải nghiệm hàng ngày, khi số lượng gia tăng thì chiều
thẳng đứng gia tăng, tạo nên AD ý niệm NHIỀU HƠN HƯỚNG LÊN TRÊN, ÍT HƠN
HƯỚNG XUỐNG DƯỚI. Những ví dụ tương tự về sự tương liên giữa hai sự vật hình
thành nên AD ý niệm được tìm thấy rất phổ biến trong các ngôn ngữ [108: tr.81].
Thứ hai là sự tương đồng cấu trúc được cảm nhận. Bên cạnh sự tương liên, AD
còn được hình thành dựa trên sự tương đồng phi khách quan mà người nói cảm nhận
về hai đối tượng. Ví dụ (dẫn theo Kövecses), trong AD LIFE IS A GAMBLING
GAME (cuộc đời là một canh bạc), các BT ngôn ngữ I’ll take my chances (Tôi sẽ nắm
20
lấy cơ hội của tôi), He won big (Anh ấy thắng lớn), It’s a toss-up (Đó là một trò chơi
sấp ngửa) cho thấy con người khắc họa cuộc sống như một canh bạc, có may rủi, thắng
thua, sấp-ngửa; các hoạt động diễn ra trong cuộc sống và kết quả mà nó mang lại cũng
giống như việc thắng/thua trong một ván bài. Con người cảm nhận được sự tương
đồng giữa cuộc sống và trò đánh bạc, mặc dù sự tương đồng này không mang tính
khách quan và không tồn tại từ trước. Sự tương đồng giữa cấu trúc của một miền ý
niệm này với cấu trúc của một miền ý niệm khác là một cơ sở quan trọng để hình
thành nên AD và thường được gọi là sự tương đồng cấu trúc cảm nhận [108: tr.82].
Kövecses cũng đưa ra một lưu ý thú vị rằng một vài AD không dựa trên sự tương
đồng mà tạo ra sự tương đồng giữa hai miền ý niệm. Các BT ngôn ngữ trên khiến
người đọc liên tưởng đến các thuộc tính của một canh bạc, từ đó tạo thành nền tảng
hình thành nên AD LIFE IS A GAMBLING GAME [108: tr.84].
 Đặc điểm của ẩn dụ ý niệm
AD ý niệm có 7 đặc điểm nổi bật sau:
Thứ nhất, tính đơn hướng. Các AD ý niệm đều mang tính một chiều, tức là AD ánh
xạ cấu trúc từ một miền nguồn sang một miền đích chứ không có ánh xạ tương ứng
theo chiều ngược lại. Chẳng hạn, TÌNH YÊU được ý niệm hóa theo HÀNH TRÌNH
nhưng không thể cấu trúc qui ước hóa HÀNH TRÌNH theo TÌNH YÊU: “tình nhân”
được miêu tả quy ước như các “lữ khách” chứ “lữ khách” không được miêu tả thành
“tình nhân”, “trái tim tan vỡ vì tình yêu” được miêu tả quy ước như các vụ đâm xe
trong khi vụ đâm xe không thể miêu tả theo lối “trái tim tan vỡ”... Do đó, các thuật ngữ
“đích” và “nguồn” mã hóa bản chất một chiều của ánh xạ.
Thứ hai, tính che giấu và nhấn mạnh. Một đặc điểm quan trọng của AD ý niệm là
tính che giấu và nhấn mạnh: khi ý niệm đích được cấu trúc hóa theo một MN cụ thể,
nó sẽ kích hoạt một khía cạnh nào đó của MĐ và đồng thời làm mờ những khía cạnh
khác. Ví dụ (dẫn theo Lakoff và Johnson), AD ARGUMENT IS WAR (Tranh luận là
chiến tranh) nhấn mạnh đến bản chất đối nghịch của tranh luận (Anh ta thắng cuộc
tranh luận, Tôi đã không thể bảo vệ quan điểm đó...) nhưng lại làm mờ đi khía cạnh về
sự phát triển có trật tự và có tổ chức về một chủ đề cụ thể. Ngược lại, AD
ARGUMENT IS A JOURNEY (Tranh luận là một cuộc hành trình) lại nhấn mạnh đến
sự phát triển có trật tự và có tổ chức của cuộc tranh luận (Chúng ta sẽ nhích lên từng
21
bước một; Chúng ta đã có được nhiều lí lẽ), đồng thời che giấu các khía cạnh mang
tính đối đầu [120]. Đây là lí do các chính trị gia thường dùng nhiều AD ý niệm trong
các diễn ngôn chính trị để nhấn mạnh vào thông điệp họ muốn truyền tải.
Thứ ba, tính hệ thống. Các AD ý niệm tương tác với nhau và tạo thành những hệ
thống AD tương đối phức tạp. Những hệ thống này là tập hợp của các ánh xạ AD hình
ảnh, các ánh xạ này cấu trúc hóa những AD cụ thể hơn. Lakoff (1993) nêu ra một ví dụ
về một hệ thống AD được gọi là AD cấu trúc sự kiện (event structure metaphor). Đây
thực tế là một chuỗi các AD tương tác trong cách thuyết giải phát ngôn [118]. Ví dụ
(dẫn theo Lakoff và Johnson, [120]): AD CUỘC ĐỜI LÀ MỘT HÀNH TRÌNH bao
gồm hệ thống AD TÌNH TRẠNG LÀ VỊ TRÍ (Anh ấy đang ở ngã ba cuộc đời),
THAY ĐỔI LÀ CHUYỂN ĐỘNG (Anh ấy đi từ tuổi 40 sang tuổi 50 mà không hề có
dấu hiệu gì của khủng hoảng trung niên), MỤC ĐÍCH LÀ ĐIỂM ĐẾN (Tôi dường
như chẳng bao giờ đến được nơi tôi muốn trong đời), PHƯƠNG TIỆN LÀ LỐI ĐI
(Trong đời nó, nó đi theo một con đường trái với thói thường). Trong AD cấu trúc sự
kiện này, mỗi ví dụ nhỏ (trong ngoặc đơn) thừa hưởng cấu trúc từ một AD cụ thể (chữ
in hoa) trong khuôn khổ phức hợp cấu trúc sự kiện.
Thứ tư, tính tầng bậc. Các phép đồ họa AD không tồn tại riêng biệt mà được tổ
chức theo một cấu trúc tầng bậc, trong đó các AD ý niệm ở cấp độ thấp hơn (còn gọi là
AD hạ danh) thừa hưởng cấu trúc của AD có cấp độ cao hơn (còn gọi là AD thượng
danh). Ví dụ (dẫn theo Lakoff [120: tr.209]): TÌNH YÊU LÀ MỘT HÀNH TRÌNH và
NGHỀ NGHIỆP LÀ MỘT HÀNH TRÌNH là các AD bậc dưới của CUỘC SỐNG LÀ
MỘT HÀNH TRÌNH. Đến lượt mình, CUỘC SỐNG LÀ MỘT HÀNH TRÌNH lại là
bậc dưới của AD HÀNH ĐỘNG LÀ CHUYỂN ĐỘNG ĐƯỢC ĐỊNH HƯỚNG. Cùng
cấp với AD này là các ý niệm TRẠNG THÁI LÀ NƠI CHỐN, THAY ĐỔI LÀ
CHUYỂN ĐỘNG, NGUYÊN NHÂN LÀ LỰC TÁC ĐỘNG, HÀNH ĐỘNG LÀ
CHUYỂN ĐỘNG TỰ ĐẨY, PHƯƠNG TIỆN LÀ ĐƯỜNG ĐẾN ĐÍCH.
Thứ năm, tính phổ quát. Lakoff và Johnson cho rằng AD ý niệm có tính phổ quát
bởi nó phản ánh quá trình tri nhận để thu nhận hình ảnh của con người nên mặc dù có
sự khác biệt văn hoá giữa các ngôn ngữ, AD ý niệm dường như không có sự khác biệt
lớn. AD ý niệm được phản ánh qua lăng kính ngôn ngữ và văn hóa dân tộc, nên cấu
trúc AD của những ý niệm cơ bản tương hòa với những giá trị văn hóa nền tảng nhất
22
[120]. Sau khảo sát được thực hiện với hàng loạt AD ý niệm bằng TA và kiểm chứng
trên các ngôn ngữ khác, Kövecses kết luận rằng một số AD ý niệm mang tính phổ
quát, ví dụ như HẠNH PHÚC LÀ HƯỚNG LÊN, HẠNH PHÚC LÀ ÁNH SÁNG,
HẠNH PHÚC LÀ CHẤT LỎNG TRONG VẬT CHỨA, TỨC GIẬN LÀ CHẤT KHÍ
HOẶC CHẤT LỎNG NÉN TRONG VẬT CHỨA đều được tìm thấy trong rất nhiều
ngôn ngữ [108]. Boers thì cho rằng các AD liên quan đến kinh nghiệm của cơ thể phần
lớn mang tính phổ quát, bởi cấu tạo của con người giống nhau nên cách thức tư duy
dựa trên cơ thể hẳn phải có những tương đồng nhất định [79].
Thứ sáu, tính biến thiên văn hoá. Mặc dù thiên về quan điểm cho rằng AD ý niệm
có tính phổ quát, Lakoff và Johnson cũng thừa nhận rằng nghiên cứu của mình mới
chủ yếu giới hạn ở các AD ý niệm và AD ngôn từ trong TA mà chưa đi sâu so sánh
AD ý niệm trên cơ sở văn hóa. Trong nghiên cứu sau này, Deignan và cộng sự cho
rằng một số AD ý niệm có thể mang tính phổ quát nhưng không thể có một hệ thống
AD ý niệm và AD ngôn ngữ hoàn toàn như nhau tồn tại ở hai nền ngôn ngữ – văn hóa
[86]. Ngay cả Boers và Kövecses cũng thừa nhận sự biến thiên văn hóa trong AD. Cụ
thể, Boers khẳng định sự biến thiên văn hóa thể hiện rõ ràng trong AD cấu trúc khi
MN cụ thể hoặc chi tiết hơn MĐ [79] còn theo Kövecses, sự biến thiên văn hóa có thể
xảy ra theo 3 hướng: biến thiên trong phạm vi các AD ý niệm, biến thiên theo mức độ
chi tiết hóa các AD ý niệm và biến thiên theo mức độ nhấn mạnh AD hoặc hoán dụ
[108]. Nhiều tác giả sau này đã so sánh AD trong TA và các ngôn ngữ khác như tiếng
Tây Ban Nha [82], tiếng Đức [83], tiếng Trung [84] và kết luận rằng các yếu tố văn
hóa có tác động tới việc lựa chọn AD của người nói.
Thứ bảy, tính tương hòa văn hóa. Trong Metaphors We Live by, Lakoff và Johnson
khẳng định rằng bởi AD ý niệm được hình thành dựa trên các trải nghiệm của con
người với nền văn hóa nên các cấu trúc AD cơ bản đều tương hòa với những giá trị
tiêu biểu nhất của nền văn hóa đó [120, tr.16]. Nói cách khác, các cấu trúc AD luôn
phù hợp với phong tục tập quán, hoạt động tinh thần hay phương thức tư duy của một
cộng đồng văn hóa và phản ánh những đặc trưng đó. Ví dụ NHIỀU HƠN LÀ TỐT
HƠN, TO HƠN LÀ TỐT HƠN tương hòa với các AD NHIỀU HƠN HƯỚNG LÊN
TRÊN, CÁI TỐT HƯỚNG LÊN TRÊN trong khi ÍT HƠN LÀ TỐT HƠN, BÉ HƠN
LÀ TỐT HƠN đối ngược với các AD này. Các AD tương hòa tồn tại phổ biến trong
23
khi AD bất tương hòa chỉ chiếm số ít. Lakoff cho rằng không thể khẳng định rằng tất
cả những giá trị văn hóa liên quan đến hệ thống AD thực sự tồn tại, nhưng những giá
trị nào tồn tại và ăn sâu gốc rễ vào văn hóa thì tương hòa với hệ thống AD.
Các đặc điểm này sẽ được vận dụng để kiến giải sự tương đồng và khác biệt của
AD ý niệm trong các diễn ngôn quảng cáo ở Chương 2, 3 và 4.
1.2.1.3. Các khái niệm liên quan đến ẩn dụ ý niệm
 Ý niệm (concept) và ý niệm hoá (conceptualization)
Ý niệm là đối tượng nghiên cứu quan trọng nhất trong NNH tri nhận bởi các mô
hình tri nhận đều được cấu thành từ ý niệm. Trần Văn Cơ [5], Lý Toàn Thắng [52] và
sau này là Nguyễn Thiện Giáp [12] đều chia sẻ quan điểm rằng ý niệm là một đơn vị
của ý thức con người, là biểu tượng tinh thần phản ánh cách con người tri nhận và
tương tác với thế giới xung quanh, là phương thức con người tiếp nhận bức tranh thế
giới khách quan theo cảm nhận chủ quan của riêng mình.
Theo Trần Văn Cơ, ý niệm được hình thành trong quá trình tư duy của con người.
Ý niệm hình thành trong quá trình cấu trúc hóa thông tin về một sự việc khách quan
trong thế giới, bao gồm nội dung thông tin được tiếp nhận về thế giới hiện thực và thế
giới tưởng tượng được lọc qua lăng kính chủ quan của con người [5]. Theo Lý Toàn
Thắng, ý niệm không chỉ là kết quả của quá trình tư duy mà là SP của quá trình tri
nhận, được đúc kết bằng kinh nghiệm của con người qua nhiều thế hệ [52]. Cả hai tác
giả đều cho rằng ý niệm vừa mang tính phổ quát bởi nó phản ánh thế giới khách quan,
vừa có tính đặc thù bởi nó gắn liền với đặc trưng văn hóa và ngôn ngữ dân tộc.
Ý niệm hóa là quá trình hình thành ý niệm. Theo Nguyễn Thiện Giáp, ý niệm phản
ánh các thuộc tính và bản chất của sự vật trong não bộ của con người, được hình thành
từ những khái quát trừu tượng. Ý niệm hóa là quá trình phát triển của nhận thức từ cảm
tính sang lý tính, từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng. Nó cấu trúc các phương
diện trong kinh nghiệm của con người và truyền tải thành các nội dung ngôn ngữ [12].
 Phạm trù (category), phạm trù hoá (categorization), điển dạng (prototype)
Theo quan điểm cổ điển có từ thời Aristotle, phạm trù là một tập hợp hữu hạn các
điều kiện cần và đủ. Các điều kiện này chính là các đặc trưng bản chất, thành viên của
một phạm trù được hình thành dựa trên đặc trưng có hoặc không. Đến thập niên 1970,
E.Rosch đưa ra quan điểm có tính thách thức quan điểm truyền thống khi khẳng định
24
rằng việc xếp loại các thành viên vào phạm trù hoàn toàn dựa trên sự tương đồng (dẫn
theo Evans và Greens, [89: tr.250]).Trong NNH tri nhận, phạm trù thể hiện tư duy con
người, cho phép khái quát hóa kinh nghiệm để phân loại các sự vật hiện tượng trong
thế giới khách quan, như vậy một phạm trù phải được dựa trên những gì mà con người
tri giác và trải nghiệm về sự vật hiện tượng đó chứ không phải chính bản thân nó.
Phạm trù hóa là quá trình phân loại sự vật, hiện tượng, là hoạt động tri nhận bậc
cao của con người dựa trên kinh nghiệm của bản thân nhằm tìm hiểu và tương tác với
thế giới xung quanh. Quá trình phân loại này diễn ra gần như vô thức và có liên quan
đến các vấn đề tâm sinh lý, khả năng tri giác, ghi nhớ, sắp xếp thông tin… chứ không
phải là một sản phẩm mang tính quy ước.
Trong mỗi phạm trù đều có các thành viên đứng ở vị trí trung tâm, nổi bật hơn các
thành viên khác – được gọi là điển dạng. Nói cách khác, điển dạng là các thành viên
điển hình của một phạm trù, là ví dụ tốt nhất cho phạm trù đó. Khi nhắc tới một phạm
trù, trước tiên người ta sẽ nghĩ tới điển dạng hơn là quan tâm tới toàn bộ danh sách hay
các thuộc tính chung. Ví dụ, khi nói về loài chim, người ta thường nghĩ đến chim sáo,
chim sẻ thay vì chim cánh cụt hay đà điểu. Do đó, chim sáo, chim sẻ là điển dạng của
loài chim, trong khi chim cánh cụt và đà điểu nằm ở ngoại vi của phạm trù.
 Miền (domain), miền nguồn (source domain), miền đích (target domain)
Langacker (1987) định nghĩa: “Miền là những thực thể tri nhận như trải nghiệm tinh
thần, không gian trình hiện, ý niệm, hoặc phức hợp ý niệm” [121]. Để một cấu trúc tri
thức được coi là một miền, cấu trúc tri thức đó phải cung cấp thông tin nền giúp hiểu và
sử dụng các nhóm từ vựng trong một ngôn ngữ. Ví dụ, nhóm từ hot (nóng), cold (lạnh),
lukewarm (âm ấm) nhằm trong miền TEMPERATURE (nhiệt độ); nếu không có kiến
thức nền về nhiệt độ, chúng ta sẽ không thể hiểu và sử dụng các từ vựng này.
Như vậy, miền là tập hợp các ý niệm có liên quan đến một nội dung tinh thần như
các thực thể tri nhận, thuộc tính, quan hệ. Các thực thể tri nhận thường được thể hiện
bằng danh từ, chúng tạo thành những nhóm riêng lẻ, mỗi nhóm gồm một số thành viên
với các thuộc tính tương đồng. Các thuộc tính và quan hệ tạo thành hệ thống các phương
diện của miền ý niệm, được thể hiện trong ngôn ngữ bằng tính từ hoặc động từ.
Miền nguồn và miền đích là thuật ngữ quy chiếu tới các miền ý niệm trong cấu trúc
AD ý niệm. Kövecses (2002) định nghĩa “miền nguồn là miền ý niệm mà từ đó người
25
ta rút ra các biểu thức AD để từ đó có thể hiểu một miền ý niệm khác; miền đích là
miền ý niệm được hiểu thông qua cách sử dụng của miền nguồn” [108: tr.4].
So sánh giữa hai miền ý niệm, MN thường cụ thể, có thể phác họa rõ ràng, dễ nhận
biết hoặc đã được ý niệm hóa trong tâm trí con người trong khi MĐ thường trừu tượng,
khó xác định hoặc còn mới mẻ đối với nhận thức và kinh nghiệm. Bởi thế việc phóng
chiếu qua MN giúp xây dựng các lược đồ hình ảnh đối ứng để làm công cụ tri nhận giúp
việc nhận thức về MĐ trở nên khả thi và dễ dàng hơn. Ví dụ LOVE (tình yêu), LIFE
(cuộc sống) hay ARGUMENT (sự tranh luận) là các MĐ – chúng trừu tượng, vô hình và
khó xác định. Những MĐ này được phóng chiếu sang MN cụ thể và quen thuộc hơn như
JOURNEY (hành trình), WAR (chiến tranh), PLANT (thực vật)… Theo cách đó, AD ý
niệm giúp những khái niệm vô hình, khó hiểu trở nên có thể hiểu được.
Kövecses đã liệt kê 13 MN phổ biến nhất trong AD ý niệm, bao gồm CƠ THỂ CON
NGƯỜI, SỨC KHỎE VÀ BỆNH TẬT, MÁY MÓC VÀ THIẾT BỊ, TRÒ CHƠI VÀ
THỂ THAO, NẤU NƯỚNG VÀ MÓN ĂN, CHUYỂN ĐỘNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG…
và 13 MĐ có xu hướng sử dụng AD ý niệm để quy chiếu, bao gồm TÌNH CẢM,
MONG MUỐN, ĐẠO ĐỨC, XÃ HỘI, CHÍNH TRỊ, KINH TẾ… ([108: tr.18-28]).
Các khái niệm này là căn cứ để luận án tìm hiểu về miền ý niệm SP và các miền
nguồn, miền đích có liên quan tới miền ý niệm này theo quan hệ AD.
 Ánh xạ (mapping)
Theo Kövecses (2002), trong cấu trúc AD ý niệm, ánh xạ là “một hệ thống cố định
các tương ứng giữa các yếu tố hợp thành miền nguồn và miền đích” [108: tr.7]. Nó là
sự phóng chiếu giữa những yếu tố của MN và những yếu tố tương ứng của MĐ, do đó
việc tìm hiểu AD ý niệm thường được thực hiện thông qua việc tìm hiểu sơ đồ ánh xạ
giữa MN và MĐ.
AD theo quan điểm của NNH tri nhận không chỉ là phương thức chuyển nghĩa dựa
trên sự tương đồng giữa hai sự vật mà là ánh xạ giữa các cặp điểm tương ứng của hai
miền ý niệm. Tập hợp các điểm A ở MN sẽ có ánh xạ là tập hợp các điểm A’ ở MĐ.
Ví dụ (dẫn theo Lakoff và Johnson) trong AD TÌNH YÊU LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH:
người yêu tương ứng với lữ khách, mối quan hệ tương ứng với phương tiện, mục tiêu
của hai người yêu nhau tương ứng với đích đến của cuộc hành trình, những khó khăn
trong mối quan hệ tương ứng với các rào cản trên đường đi [120].
26
Ánh xạ trong AD ý niệm có một vài thuộc tính. Thứ nhất, ánh xạ không mang tính
quy ước mà xuất phát từ vận động của con người trong không gian, từ các trải nghiệm
cá nhân và nhận thức trong cuộc sống hàng ngày. Một ý niệm có thể chứa nhiều ánh xạ
khác nhau, tạo thành các tiểu hệ trong ý niệm đó. Thứ hai, ánh xạ mang tính bộ phận,
nó không thể hiện toàn bộ thuộc tính của MN sang MĐ mà chỉ có một số phương diện
của MN được làm nổi bật và ánh xạ sang MĐ, những khía cạnh còn lại bị che giấu đi.
Tính bộ phận của AD ý niệm là do không gian hai MN và MĐ không đồng nhất tuyệt
đối mà chỉ trùng lặp bộ phận. Thứ ba, ánh xạ có tính đơn tuyến, nó chỉ được cấu trúc
từ MN sang MĐ chứ không đi theo chiều ngược lại.
Lí thuyết ánh xạ là cơ sở căn bản để triển khai nội dung của Chương 2.
 Nghiệm thân (embodiment) và lược đồ hình ảnh (image schema)
Nghiệm thân là tư tưởng có vai trò then chốt trong NNH tri nhận như Lakoff và
Johnson đã khẳng định: “Cơ sở tri nhận của con người phải được hiểu qua tính nghiệm
thân” [120]. Hai tác giả cho rằng nghiệm thân là quá trình con người sử dụng các bộ
phận cơ thể và trải nghiệm của thân xác để hình thành nên hệ thống ý niệm và tư duy.
Nghiệm thân bao gồm hai yếu tố: nhận thức của con người về thế giới khách quan và
trải nghiệm của con người trong cuộc sống; ngôn ngữ là công cụ để phản ánh cách
thức mà con người tư duy về thế giới mà họ trải nghiệm.
Tuy nhiên, nghiệm thân vẫn còn là một khái niệm chưa thống nhất. Nhiều nhà
nghiên cứu đã phê phán NNH tri nhận khi không đề cập tới yếu tố văn hóa trong quá
trình hình thành nhận thức của con người. Khắc phục thiếu sót này, T. Rohrer đề xuất
định nghĩa về nghiệm thân như “một sự trải nghiệm về thân thể, về nhận thức và về xã
hội của con người là cơ sở cho hệ thống ý niệm và hệ thống ngôn ngữ của chúng ta”
[142: tr.20]. Với cách hiểu này, nghiệm thân không chỉ là các trải nghiệm sinh lí mà
còn bao hàm cả tác động của các yếu tố văn hóa và tư duy dân tộc.
Một khía cạnh quan trọng trong cơ chế nghiệm thân là lược đồ hình ảnh. Theo
Lakoff, “lược đồ hình ảnh là các cấu trúc tương đối đơn giản xảy ra liên tục trong trải
nghiệm cơ thể hàng ngày của chúng ta… Những cấu trúc này có ý nghĩa trực tiếp,
trước nhất, vì chúng được trải nghiệm trực tiếp và lặp lại nhờ bản chất tự nhiên của cơ
thể và cách thức hành chức của nó trong môi trường của chúng ta” [115: tr.267]. Evan
và Green cho rằng lược đồ hình ảnh đến từ sự tương tác của con người với thế giới
27
khách quan, là cách con người khám phá các vật thể vật lý bằng cách tiếp xúc với
chúng, do đó lược đồ hình ảnh có thể được dùng như MN cho các ánh xạ AD. Qua
tương tác với thế giới bên ngoài, các hoạt động thân thể với tư cách là chất kiến tạo sẽ
tạo nên quá trình phạm trù hóa, từ đó hình thành lược đồ hình ảnh, giúp con người ý
niệm về thế giới với giản đồ cụ thể [89: tr.300].
Lí thuyết nghiệm thân là cơ sở căn bản để triển khai các nội dung ở Chương 4.
1.2.1.4. Phân loại ẩn dụ ý niệm
Có nhiều tiêu chí khác nhau để phân loại AD ý niệm như phân loại theo tính thông
dụng, phân loại theo tính khái quát, phân loại theo miền nguồn, trong đó chúng tôi
nhận thấy cách phân loại của Lakoff và Johnson là hợp lý và được thừa nhận bởi nhiều
tên tuổi khác trong NNH tri nhận như Reddy, Langacker, Kövecses, bởi vậy luận án
lựa chọn tiếp cận AD ý niệm trong QC bằng cách phân loại này.
Trong Metaphors We Live by [120], Lakoff và Johnson đã đề cập đến AD bản thể,
AD định hướng và AD cấu trúc, tuy nhiên hai tác giả chưa đưa ra các tiêu chí phân
định cụ thể giữa 3 loại AD này. Thiếu sót này đã được Kövecses khắc phục bằng cách
miêu tả chi tiết các loại AD theo chức năng tri nhận của chúng trong Metaphor: A
Practical Introduction [108]. Sau đây là trình bày ngắn gọn về các loại AD ý niệm,
phân biệt theo chức năng tri nhận của chúng.
 Ẩn dụ cấu trúc (structural metaphor)
AD cấu trúc là nhóm AD ý niệm lớn nhất. AD cấu trúc là loại AD mà ở đó ý nghĩa
của một từ/biểu thức (miền đích) được hiểu thông qua cấu trúc của một từ/biểu thức
khác (miền nguồn). Loại AD này giúp chúng ta hiểu rõ MĐ (thường trừu tượng và mơ
hồ) thông qua cấu trúc của MN (thường cụ thể và quen thuộc). Như thế, MN cung cấp
một cấu trúc tri thức tương đối phong phú cho MĐ thông qua ánh xạ giữa các yếu tố
của hai miền.
Ví dụ AD ý niệm TRANH LUẬN LÀ CHIẾN TRANH là AD cấu trúc, ở đó MĐ
TRANH LUẬN được hiểu qua cấu trúc của MN CUỘC CHIẾN TRANH. Chúng ta sử
dụng những hiểu biết về chiến tranh để hình dung ra một cuộc tranh luận với sự ‘hiếu
chiến’ của những người tham gia và các hoạt động điển hình trong cuộc chiến tranh
đó: mặc dù không có vũ khí nhưng cả hai bên đều rất mạnh mẽ với những lập luận của
mình. AD này được phản ánh thông qua các BT AD như “Lập luận của anh ấy không
28
thể bảo vệ được”, “Anh ấy tấn công vào mọi điểm yếu trong lập luận của tôi”, “Tôi
chưa bao giờ giành thắng lợi trong cuộc tranh luận với anh ấy”, “Tôi đầu hàng trước
những lời cáo buộc của anh ấy”…
 Ẩn dụ bản thể (ontological metaphor)
AD bản thể quy những trải nghiệm vốn vô hình, trừu tượng, mơ hồ thành những
thực thể hữu hình, tồn tại dưới dạng thức sự vật, chất liệu… Với cách đó, AD bản thể
giúp chúng ta hiểu rõ hơn các ý niệm trừu tượng.
AD thực thể và chất liệu (entity and substance metaphor) là nhóm tiêu biểu trong
AD bản thể, ở đó những sự vật không tách biệt và không có đường bao ngoài rõ ràng
được phân loại bằng cách tạo ra một ‘đường biên nhân tạo’ khiến chúng trở nên riêng
rẽ như những thực thể hoặc chất liệu nhằm các mục đích khác nhau như định danh,
định lượng, nhận diện khía cạnh... Ví dụ trong các BT “Chúng ta cần kiềm chế lạm
phát”, “Lạm phát khiến chất lượng cuộc sống của chúng ta suy giảm”, lạm phát được
quy thành một thực thể hữu hình. Ngoài ra còn có AD vật chứa (container metaphor),
trong AD này, các thực thể được coi là một vật chứa có giới hạn bởi đường bao ngoài,
chúng ta định vị mình ở bên trong và phần còn lại của thế giới tồn tại ở bên ngoài.
Phương thức định vị trong-ngoài này được áp dụng lên các vật thể khác trong cuộc
sống, ví dụ ‘Chiếc tàu tiến vào trong tầm nhìn’, ‘Giữa đường đua tôi bị kiệt sức’…
AD bản thể cũng bao gồm nhân hóa (personification), trong đó các đặc điểm tiêu biểu
của con người được gán cho các thực thể phi con người. Nhân hóa cho phép chúng ta
hiểu rõ nhiều trải nghiệm với các thực thể phi con người bằng cách quy chiếu sang
động cơ, đặc điểm và hoạt động của con người. Ví dụ “Lạm phát đã tấn công vào nền
móng của nền kinh tế”, “Kẻ thù lớn nhất của chúng ta là lạm phát”…
Các AD bản thể diễn ra một cách tự nhiên và thường xuyên trong tâm trí con người
đến nỗi chúng ta thường không coi đó là AD. Trong đối sánh với AD cấu trúc, AD bản
thể ít cung cấp cấu trúc tri nhận hơn. Nhiệm vụ tri nhận của AD bản thể dường như chỉ
là cung cấp trạng thái bản thể cho các phạm trù chung của những ý niệm đích trừu
tượng. Nhờ có AD bản thể mà các kinh nghiệm trừu tượng có thể được cấu trúc sâu
hơn theo AD cấu trúc.
Theo định nghĩa của Lakoff và Johnson, ranh giới giữa AD bản thể và AD cấu trúc
tương đối mơ hồ. Kövecses cụ thể hóa rằng sự khác biệt giữa AD bản thể và AD cấu
29
trúc nằm ở chỗ AD cấu trúc có một MN được xác định rõ ràng để cấu trúc hóa MĐ
trừu tượng trong khi AD bản thể không có MĐ rõ ràng. Khi lược đồ ánh xạ của AD
bản thể mạnh hơn bản thân AD, AD đó được xếp vào AD cấu trúc. [108: tr.34].
 Ẩn dụ định hướng (orientational metaphor)
AD định hướng không cấu trúc ý niệm thông qua một ý niệm khác mà thay vào đó
tổ chức cả một hệ thống ý niệm trong mối tương quan với nhau. Chúng ta gọi nó là
“AD định hướng” bởi hầu hết các AD này đều liên quan đến định vị không gian được
tổ chức thành các cặp đối lập như lên – xuống, trong – ngoài, trước – sau, nông – sâu,
tâm – biên…
Ví dụ AD ý niệm NIỀM VUI ĐỊNH HƯỚNG LÊN TRÊN có các BT như “Tôi
thấy phấn chấn hẳn lên”, “Tinh thần đang lên cao”, “Tôi đang ở trên chín tầng
mây”…, ngược lại AD NỖI BUỒN ĐỊNH HƯỚNG XUỐNG DƯỚI được thể hiện
qua các BT như “Tinh thần suy sụp”, “Tôi rơi xuống đáy vực sâu của sự chán nản”…
Điều đáng lưu ý là AD định hướng không mang tính võ đoán mà bắt nguồn từ kinh
nghiệm vật lý và văn hóa của con người. Bên cạnh đó, phương thức ý niệm hóa của
một số ý niệm cũng có sự thống nhất: các giá trị tích cực (như sức khỏe, hạnh phúc, ý
thức, toàn thể, trung tâm, liên kết, cân bằng…) thường hướng lên trên trong khi các giá
trị tiêu cực (bệnh tật, nỗi buồn, vô thức, phi toàn thể, ngoại vi, không liên kết, mất cân
bằng…) thường hướng xuống dưới.
So với hai loại AD trên, AD định hướng có chức năng tri nhận thấp nhất. Cấu trúc
tri nhận mà nó tạo ra cho các ý niệm đích thậm chí còn sơ sài hơn cả AD bản thể; thay
vào đó nó chủ yếu giúp hệ thống ý niệm trở nên gắn bó và mạch lạc hơn, thể hiện ở
chỗ các ý niệm đích có xu hướng được ý niệm hóa một cách thống nhất và đồng dạng.
Tuy nhiên cần lưu ý rằng bản thân Lakoff và Johnson cũng khẳng định “sự phân
chia AD thành 3 loại là sự phân chia mang tính nhân tạo. Mọi loại AD đều có tính cấu
trúc (thể hiện ở ánh xạ của cấu trúc này lên cấu trúc kia); mọi loại AD đều có tính bản
thể (thể hiện ở chỗ chúng tạo ra thực thể nguồn-đích)” [120]. Đó là chưa kể đến việc
cùng một BT ngôn ngữ có thể phân tích theo nhiều góc độ AD ý niệm khác nhau. Ví
dụ, BT “Tết đang đến” có thể phân tích theo AD cấu trúc (THỜI GIAN LÀ VẬT
CHUYỂN ĐỘNG), hoặc theo AD bản thể (THỜI GIAN LÀ THỰC THỂ). Đây chính
là hiện tượng trùng lặp trong AD. Chính bởi lý do đó, trong luận án này chúng tôi coi
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh
Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh

More Related Content

What's hot

Luận Văn Thạc Sĩ Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Động Lực Làm Việc Của Đ...
Luận Văn Thạc Sĩ Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Động Lực Làm Việc Của Đ...Luận Văn Thạc Sĩ Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Động Lực Làm Việc Của Đ...
Luận Văn Thạc Sĩ Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Động Lực Làm Việc Của Đ...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Đề tài: Kế toán doanh thu, chi phí và xác định kết quả kinh doanh tại Công ty...
Đề tài: Kế toán doanh thu, chi phí và xác định kết quả kinh doanh tại Công ty...Đề tài: Kế toán doanh thu, chi phí và xác định kết quả kinh doanh tại Công ty...
Đề tài: Kế toán doanh thu, chi phí và xác định kết quả kinh doanh tại Công ty...Viết thuê trọn gói ZALO 0934573149
 
Tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ về bảo vệ môi trường dành cho cán bộ và nhân viê...
Tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ về bảo vệ môi trường dành cho cán bộ và nhân viê...Tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ về bảo vệ môi trường dành cho cán bộ và nhân viê...
Tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ về bảo vệ môi trường dành cho cán bộ và nhân viê...SOS Môi Trường
 
Cac phuong cham hoi thoai - Tieng Viet
Cac phuong cham hoi thoai - Tieng VietCac phuong cham hoi thoai - Tieng Viet
Cac phuong cham hoi thoai - Tieng VietBích Phương
 
Luận văn: Quản lý hoạt động bồi dưỡng năng lực dạy học cho đội ngũ giáo viên ...
Luận văn: Quản lý hoạt động bồi dưỡng năng lực dạy học cho đội ngũ giáo viên ...Luận văn: Quản lý hoạt động bồi dưỡng năng lực dạy học cho đội ngũ giáo viên ...
Luận văn: Quản lý hoạt động bồi dưỡng năng lực dạy học cho đội ngũ giáo viên ...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Tập Bài Giảng Lý Luận Dạy Học Ngữ Văn
Tập Bài Giảng Lý Luận Dạy Học Ngữ Văn Tập Bài Giảng Lý Luận Dạy Học Ngữ Văn
Tập Bài Giảng Lý Luận Dạy Học Ngữ Văn nataliej4
 

What's hot (20)

Luận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOT
Luận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOTLuận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOT
Luận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOT
 
Luận Văn Thạc Sĩ Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Động Lực Làm Việc Của Đ...
Luận Văn Thạc Sĩ Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Động Lực Làm Việc Của Đ...Luận Văn Thạc Sĩ Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Động Lực Làm Việc Của Đ...
Luận Văn Thạc Sĩ Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Động Lực Làm Việc Của Đ...
 
Luận án: Nghiên cứu từ ngữ nghề nghiệp ở Quảng Nam - Đà Nẵng
Luận án: Nghiên cứu từ ngữ nghề nghiệp ở Quảng Nam - Đà NẵngLuận án: Nghiên cứu từ ngữ nghề nghiệp ở Quảng Nam - Đà Nẵng
Luận án: Nghiên cứu từ ngữ nghề nghiệp ở Quảng Nam - Đà Nẵng
 
Thuyết minh dự án Nông nghiệp sạch Công nghệ cao tỉnh Nghệ An www.duanviet.co...
Thuyết minh dự án Nông nghiệp sạch Công nghệ cao tỉnh Nghệ An www.duanviet.co...Thuyết minh dự án Nông nghiệp sạch Công nghệ cao tỉnh Nghệ An www.duanviet.co...
Thuyết minh dự án Nông nghiệp sạch Công nghệ cao tỉnh Nghệ An www.duanviet.co...
 
Luận văn: Nét đẹp nhân văn trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, 9đ
Luận văn: Nét đẹp nhân văn trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, 9đLuận văn: Nét đẹp nhân văn trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, 9đ
Luận văn: Nét đẹp nhân văn trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, 9đ
 
Luận án: Thành ngữ có yếu tố chỉ loài vật trong tiếng Hán, HAY
Luận án: Thành ngữ có yếu tố chỉ loài vật trong tiếng Hán, HAYLuận án: Thành ngữ có yếu tố chỉ loài vật trong tiếng Hán, HAY
Luận án: Thành ngữ có yếu tố chỉ loài vật trong tiếng Hán, HAY
 
Đề tài: Kế toán doanh thu, chi phí và xác định kết quả kinh doanh tại Công ty...
Đề tài: Kế toán doanh thu, chi phí và xác định kết quả kinh doanh tại Công ty...Đề tài: Kế toán doanh thu, chi phí và xác định kết quả kinh doanh tại Công ty...
Đề tài: Kế toán doanh thu, chi phí và xác định kết quả kinh doanh tại Công ty...
 
Luận án: Đối chiếu nhóm động từ chuyển động đa hướng Anh - Việt
Luận án: Đối chiếu nhóm động từ chuyển động đa hướng Anh - ViệtLuận án: Đối chiếu nhóm động từ chuyển động đa hướng Anh - Việt
Luận án: Đối chiếu nhóm động từ chuyển động đa hướng Anh - Việt
 
Luận án: Đối chiếu thuật ngữ thời trang Anh Việt, HAY
Luận án: Đối chiếu thuật ngữ thời trang Anh Việt, HAYLuận án: Đối chiếu thuật ngữ thời trang Anh Việt, HAY
Luận án: Đối chiếu thuật ngữ thời trang Anh Việt, HAY
 
Luận án: Đối chiếu thuật ngữ báo chí Anh - Việt và chuyển dịch thuật ngữ
Luận án: Đối chiếu thuật ngữ báo chí Anh - Việt và chuyển dịch thuật ngữLuận án: Đối chiếu thuật ngữ báo chí Anh - Việt và chuyển dịch thuật ngữ
Luận án: Đối chiếu thuật ngữ báo chí Anh - Việt và chuyển dịch thuật ngữ
 
Tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ về bảo vệ môi trường dành cho cán bộ và nhân viê...
Tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ về bảo vệ môi trường dành cho cán bộ và nhân viê...Tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ về bảo vệ môi trường dành cho cán bộ và nhân viê...
Tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ về bảo vệ môi trường dành cho cán bộ và nhân viê...
 
Luận án: Tư tưởng tự do tinh thần của F.M.Dostoievski và giá trị
Luận án: Tư tưởng tự do tinh thần của F.M.Dostoievski và giá trịLuận án: Tư tưởng tự do tinh thần của F.M.Dostoievski và giá trị
Luận án: Tư tưởng tự do tinh thần của F.M.Dostoievski và giá trị
 
Cac phuong cham hoi thoai - Tieng Viet
Cac phuong cham hoi thoai - Tieng VietCac phuong cham hoi thoai - Tieng Viet
Cac phuong cham hoi thoai - Tieng Viet
 
Văn chính luận Hồ Chí Minh từ góc nhìn phân tích diễn ngôn, HAY
Văn chính luận Hồ Chí Minh từ góc nhìn phân tích diễn ngôn, HAYVăn chính luận Hồ Chí Minh từ góc nhìn phân tích diễn ngôn, HAY
Văn chính luận Hồ Chí Minh từ góc nhìn phân tích diễn ngôn, HAY
 
Thực trạng công tác văn thư, lưu trữ tại trường THPT, CĐ, Đại học!
Thực trạng công tác văn thư, lưu trữ tại trường THPT, CĐ, Đại học!Thực trạng công tác văn thư, lưu trữ tại trường THPT, CĐ, Đại học!
Thực trạng công tác văn thư, lưu trữ tại trường THPT, CĐ, Đại học!
 
Đề tài: Công tác văn thư-lưu trữ tại văn phòng huyện Mỹ Đức, 9đ
Đề tài: Công tác văn thư-lưu trữ tại văn phòng huyện Mỹ Đức, 9đ  Đề tài: Công tác văn thư-lưu trữ tại văn phòng huyện Mỹ Đức, 9đ
Đề tài: Công tác văn thư-lưu trữ tại văn phòng huyện Mỹ Đức, 9đ
 
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đLuận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
 
Luận văn: Quản lý hoạt động bồi dưỡng năng lực dạy học cho đội ngũ giáo viên ...
Luận văn: Quản lý hoạt động bồi dưỡng năng lực dạy học cho đội ngũ giáo viên ...Luận văn: Quản lý hoạt động bồi dưỡng năng lực dạy học cho đội ngũ giáo viên ...
Luận văn: Quản lý hoạt động bồi dưỡng năng lực dạy học cho đội ngũ giáo viên ...
 
Luận án: Đặc trưng thơ văn xuôi Việt Nam hiện đại, HAY
Luận án: Đặc trưng thơ văn xuôi Việt Nam hiện đại, HAYLuận án: Đặc trưng thơ văn xuôi Việt Nam hiện đại, HAY
Luận án: Đặc trưng thơ văn xuôi Việt Nam hiện đại, HAY
 
Tập Bài Giảng Lý Luận Dạy Học Ngữ Văn
Tập Bài Giảng Lý Luận Dạy Học Ngữ Văn Tập Bài Giảng Lý Luận Dạy Học Ngữ Văn
Tập Bài Giảng Lý Luận Dạy Học Ngữ Văn
 

Similar to Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh

Chọn lọc chất phụ gia tạo chế phẩm thuốc trừ sâu sinh học từ nuclear polyhedr...
Chọn lọc chất phụ gia tạo chế phẩm thuốc trừ sâu sinh học từ nuclear polyhedr...Chọn lọc chất phụ gia tạo chế phẩm thuốc trừ sâu sinh học từ nuclear polyhedr...
Chọn lọc chất phụ gia tạo chế phẩm thuốc trừ sâu sinh học từ nuclear polyhedr...TÀI LIỆU NGÀNH MAY
 
Luận Văn Hoàn Thiện Chuỗi Cung Ứng Thuốc Bảo Vệ Thực Vật Tại Công Ty Nông Dượ...
Luận Văn Hoàn Thiện Chuỗi Cung Ứng Thuốc Bảo Vệ Thực Vật Tại Công Ty Nông Dượ...Luận Văn Hoàn Thiện Chuỗi Cung Ứng Thuốc Bảo Vệ Thực Vật Tại Công Ty Nông Dượ...
Luận Văn Hoàn Thiện Chuỗi Cung Ứng Thuốc Bảo Vệ Thực Vật Tại Công Ty Nông Dượ...Hỗ Trợ Viết Đề Tài luanvanpanda.com
 
Luận Văn Hoàn Thiện Chuỗi Cung Ứng Thuốc Bảo Vệ Thực Vật Tại Công Ty Nông Dượ...
Luận Văn Hoàn Thiện Chuỗi Cung Ứng Thuốc Bảo Vệ Thực Vật Tại Công Ty Nông Dượ...Luận Văn Hoàn Thiện Chuỗi Cung Ứng Thuốc Bảo Vệ Thực Vật Tại Công Ty Nông Dượ...
Luận Văn Hoàn Thiện Chuỗi Cung Ứng Thuốc Bảo Vệ Thực Vật Tại Công Ty Nông Dượ...Hỗ Trợ Viết Đề Tài luanvanpanda.com
 
Khả năng ăn bọ gậy của cá trong phòng chống sốt xuất huyết, 9đ - Gửi miễn phí...
Khả năng ăn bọ gậy của cá trong phòng chống sốt xuất huyết, 9đ - Gửi miễn phí...Khả năng ăn bọ gậy của cá trong phòng chống sốt xuất huyết, 9đ - Gửi miễn phí...
Khả năng ăn bọ gậy của cá trong phòng chống sốt xuất huyết, 9đ - Gửi miễn phí...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Luận Văn Thạc sĩ Các yếu tố ảnh hưởng đến động lực làm việc
Luận Văn Thạc sĩ Các yếu tố ảnh hưởng đến động lực làm việcLuận Văn Thạc sĩ Các yếu tố ảnh hưởng đến động lực làm việc
Luận Văn Thạc sĩ Các yếu tố ảnh hưởng đến động lực làm việcDịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
Luận văn thạc sĩ kinh tế quốc tế.
Luận văn thạc sĩ kinh tế quốc tế.Luận văn thạc sĩ kinh tế quốc tế.
Luận văn thạc sĩ kinh tế quốc tế.ssuser499fca
 
Luận Văn Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Chất Lượng Thông Tin Kế Toán Trình Bày Trê...
Luận Văn Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Chất Lượng Thông Tin Kế Toán Trình Bày Trê...Luận Văn Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Chất Lượng Thông Tin Kế Toán Trình Bày Trê...
Luận Văn Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Chất Lượng Thông Tin Kế Toán Trình Bày Trê...Hỗ Trợ Viết Đề Tài luanvanpanda.com
 
Tác Động Của Tỷ Lệ Sở Hữu Nước Ngoài Và Tỷ Lệ Sở Hữu Nhà Nước Đến Hành Vi Tuâ...
Tác Động Của Tỷ Lệ Sở Hữu Nước Ngoài Và Tỷ Lệ Sở Hữu Nhà Nước Đến Hành Vi Tuâ...Tác Động Của Tỷ Lệ Sở Hữu Nước Ngoài Và Tỷ Lệ Sở Hữu Nhà Nước Đến Hành Vi Tuâ...
Tác Động Của Tỷ Lệ Sở Hữu Nước Ngoài Và Tỷ Lệ Sở Hữu Nhà Nước Đến Hành Vi Tuâ...Nhận Viết Đề Tài Thuê trangluanvan.com
 
Nghiên cứu sản xuất sản phẩm giàu lycopen từ quả cà chua và đánh giá hiệu quả...
Nghiên cứu sản xuất sản phẩm giàu lycopen từ quả cà chua và đánh giá hiệu quả...Nghiên cứu sản xuất sản phẩm giàu lycopen từ quả cà chua và đánh giá hiệu quả...
Nghiên cứu sản xuất sản phẩm giàu lycopen từ quả cà chua và đánh giá hiệu quả...Man_Ebook
 

Similar to Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh (20)

Luận án: Tìm hiểu ứng dụng thống kê trong các nghiên cứu y học
Luận án: Tìm hiểu ứng dụng thống kê trong các nghiên cứu y họcLuận án: Tìm hiểu ứng dụng thống kê trong các nghiên cứu y học
Luận án: Tìm hiểu ứng dụng thống kê trong các nghiên cứu y học
 
Chọn lọc chất phụ gia tạo chế phẩm thuốc trừ sâu sinh học từ nuclear polyhedr...
Chọn lọc chất phụ gia tạo chế phẩm thuốc trừ sâu sinh học từ nuclear polyhedr...Chọn lọc chất phụ gia tạo chế phẩm thuốc trừ sâu sinh học từ nuclear polyhedr...
Chọn lọc chất phụ gia tạo chế phẩm thuốc trừ sâu sinh học từ nuclear polyhedr...
 
Đề tài: Thiết kế quy trình công nghệ làm khô khí trên giàn, HOT, 9đ
Đề tài: Thiết kế quy trình công nghệ làm khô khí trên giàn, HOT, 9đĐề tài: Thiết kế quy trình công nghệ làm khô khí trên giàn, HOT, 9đ
Đề tài: Thiết kế quy trình công nghệ làm khô khí trên giàn, HOT, 9đ
 
Luận Văn Hoàn Thiện Chuỗi Cung Ứng Thuốc Bảo Vệ Thực Vật Tại Công Ty Nông Dượ...
Luận Văn Hoàn Thiện Chuỗi Cung Ứng Thuốc Bảo Vệ Thực Vật Tại Công Ty Nông Dượ...Luận Văn Hoàn Thiện Chuỗi Cung Ứng Thuốc Bảo Vệ Thực Vật Tại Công Ty Nông Dượ...
Luận Văn Hoàn Thiện Chuỗi Cung Ứng Thuốc Bảo Vệ Thực Vật Tại Công Ty Nông Dượ...
 
Luận Văn Hoàn Thiện Chuỗi Cung Ứng Thuốc Bảo Vệ Thực Vật Tại Công Ty Nông Dượ...
Luận Văn Hoàn Thiện Chuỗi Cung Ứng Thuốc Bảo Vệ Thực Vật Tại Công Ty Nông Dượ...Luận Văn Hoàn Thiện Chuỗi Cung Ứng Thuốc Bảo Vệ Thực Vật Tại Công Ty Nông Dượ...
Luận Văn Hoàn Thiện Chuỗi Cung Ứng Thuốc Bảo Vệ Thực Vật Tại Công Ty Nông Dượ...
 
Luận án: Tổng hợp hydrotalxit mang ức chế ăn mòn, HAY
Luận án: Tổng hợp hydrotalxit mang ức chế ăn mòn, HAYLuận án: Tổng hợp hydrotalxit mang ức chế ăn mòn, HAY
Luận án: Tổng hợp hydrotalxit mang ức chế ăn mòn, HAY
 
nhân trần tía.pdf
nhân trần tía.pdfnhân trần tía.pdf
nhân trần tía.pdf
 
Vấn đề đình công trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Vấn đề đình công trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoàiVấn đề đình công trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Vấn đề đình công trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
 
Khả năng ăn bọ gậy của cá trong phòng chống sốt xuất huyết, 9đ - Gửi miễn phí...
Khả năng ăn bọ gậy của cá trong phòng chống sốt xuất huyết, 9đ - Gửi miễn phí...Khả năng ăn bọ gậy của cá trong phòng chống sốt xuất huyết, 9đ - Gửi miễn phí...
Khả năng ăn bọ gậy của cá trong phòng chống sốt xuất huyết, 9đ - Gửi miễn phí...
 
Luận Văn Thạc sĩ Các yếu tố ảnh hưởng đến động lực làm việc
Luận Văn Thạc sĩ Các yếu tố ảnh hưởng đến động lực làm việcLuận Văn Thạc sĩ Các yếu tố ảnh hưởng đến động lực làm việc
Luận Văn Thạc sĩ Các yếu tố ảnh hưởng đến động lực làm việc
 
Luận án: Xây dựng bài toán tối ưu vận hành trữ nước tưới, HAY
Luận án: Xây dựng bài toán tối ưu vận hành trữ nước tưới, HAYLuận án: Xây dựng bài toán tối ưu vận hành trữ nước tưới, HAY
Luận án: Xây dựng bài toán tối ưu vận hành trữ nước tưới, HAY
 
Luận văn thạc sĩ kinh tế quốc tế.
Luận văn thạc sĩ kinh tế quốc tế.Luận văn thạc sĩ kinh tế quốc tế.
Luận văn thạc sĩ kinh tế quốc tế.
 
Đa dạng thực vật trong hệ sinh thái rừng ở Vườn Quốc gia Xuân Sơn
Đa dạng thực vật trong hệ sinh thái rừng ở Vườn Quốc gia Xuân SơnĐa dạng thực vật trong hệ sinh thái rừng ở Vườn Quốc gia Xuân Sơn
Đa dạng thực vật trong hệ sinh thái rừng ở Vườn Quốc gia Xuân Sơn
 
Luận Văn Phân Cấp Tài Khóa Và Tăng Trưởng Kinh Tế Địa Phương
Luận Văn Phân Cấp Tài Khóa Và Tăng Trưởng Kinh Tế Địa PhươngLuận Văn Phân Cấp Tài Khóa Và Tăng Trưởng Kinh Tế Địa Phương
Luận Văn Phân Cấp Tài Khóa Và Tăng Trưởng Kinh Tế Địa Phương
 
Tiếp cận của người dân với dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế
Tiếp cận của người dân với dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tếTiếp cận của người dân với dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế
Tiếp cận của người dân với dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế
 
Luận Văn Những Nhân Tố Tác Động Đến Vận Dụng Hệ Thống Kế Toán Chi Phí Dựa Trê...
Luận Văn Những Nhân Tố Tác Động Đến Vận Dụng Hệ Thống Kế Toán Chi Phí Dựa Trê...Luận Văn Những Nhân Tố Tác Động Đến Vận Dụng Hệ Thống Kế Toán Chi Phí Dựa Trê...
Luận Văn Những Nhân Tố Tác Động Đến Vận Dụng Hệ Thống Kế Toán Chi Phí Dựa Trê...
 
Luận Văn Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Chất Lượng Thông Tin Kế Toán Trình Bày Trê...
Luận Văn Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Chất Lượng Thông Tin Kế Toán Trình Bày Trê...Luận Văn Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Chất Lượng Thông Tin Kế Toán Trình Bày Trê...
Luận Văn Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Chất Lượng Thông Tin Kế Toán Trình Bày Trê...
 
Luận án: Sử dụng đất sản xuất nông nghiệp bền vững tỉnh Hà Tĩnh
Luận án: Sử dụng đất sản xuất nông nghiệp bền vững tỉnh Hà TĩnhLuận án: Sử dụng đất sản xuất nông nghiệp bền vững tỉnh Hà Tĩnh
Luận án: Sử dụng đất sản xuất nông nghiệp bền vững tỉnh Hà Tĩnh
 
Tác Động Của Tỷ Lệ Sở Hữu Nước Ngoài Và Tỷ Lệ Sở Hữu Nhà Nước Đến Hành Vi Tuâ...
Tác Động Của Tỷ Lệ Sở Hữu Nước Ngoài Và Tỷ Lệ Sở Hữu Nhà Nước Đến Hành Vi Tuâ...Tác Động Của Tỷ Lệ Sở Hữu Nước Ngoài Và Tỷ Lệ Sở Hữu Nhà Nước Đến Hành Vi Tuâ...
Tác Động Của Tỷ Lệ Sở Hữu Nước Ngoài Và Tỷ Lệ Sở Hữu Nhà Nước Đến Hành Vi Tuâ...
 
Nghiên cứu sản xuất sản phẩm giàu lycopen từ quả cà chua và đánh giá hiệu quả...
Nghiên cứu sản xuất sản phẩm giàu lycopen từ quả cà chua và đánh giá hiệu quả...Nghiên cứu sản xuất sản phẩm giàu lycopen từ quả cà chua và đánh giá hiệu quả...
Nghiên cứu sản xuất sản phẩm giàu lycopen từ quả cà chua và đánh giá hiệu quả...
 

More from Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864

Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...
Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...
Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...
Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...
Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...
Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...
Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...
Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...
Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Tạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.doc
Tạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.docTạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.doc
Tạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.docDịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 

More from Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864 (20)

Yếu Tố Tự Truyện Trong Truyện Ngắn Thạch Lam Và Thanh Tịnh.doc
Yếu Tố Tự Truyện Trong Truyện Ngắn Thạch Lam Và Thanh Tịnh.docYếu Tố Tự Truyện Trong Truyện Ngắn Thạch Lam Và Thanh Tịnh.doc
Yếu Tố Tự Truyện Trong Truyện Ngắn Thạch Lam Và Thanh Tịnh.doc
 
Từ Ngữ Biểu Thị Tâm Lí – Tình Cảm Trong Ca Dao Người Việt.doc
Từ Ngữ Biểu Thị Tâm Lí – Tình Cảm Trong Ca Dao Người Việt.docTừ Ngữ Biểu Thị Tâm Lí – Tình Cảm Trong Ca Dao Người Việt.doc
Từ Ngữ Biểu Thị Tâm Lí – Tình Cảm Trong Ca Dao Người Việt.doc
 
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...
 
Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...
Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...
Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...
 
Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...
Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...
Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...
 
Vaporisation Of Single And Binary Component Droplets In Heated Flowing Gas St...
Vaporisation Of Single And Binary Component Droplets In Heated Flowing Gas St...Vaporisation Of Single And Binary Component Droplets In Heated Flowing Gas St...
Vaporisation Of Single And Binary Component Droplets In Heated Flowing Gas St...
 
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...
 
Tác Giả Hàm Ẩn Trong Tiểu Thuyết Nguyễn Việt Hà.doc
Tác Giả Hàm Ẩn Trong Tiểu Thuyết Nguyễn Việt Hà.docTác Giả Hàm Ẩn Trong Tiểu Thuyết Nguyễn Việt Hà.doc
Tác Giả Hàm Ẩn Trong Tiểu Thuyết Nguyễn Việt Hà.doc
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...
 
Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...
Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...
Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...
 
Song Song Hóa Các Thuật Toán Trên Mạng Đồ Thị.doc
Song Song Hóa Các Thuật Toán Trên Mạng Đồ Thị.docSong Song Hóa Các Thuật Toán Trên Mạng Đồ Thị.doc
Song Song Hóa Các Thuật Toán Trên Mạng Đồ Thị.doc
 
Ứng Dụng Số Phức Trong Các Bài Toán Sơ Cấp.doc
Ứng Dụng Số Phức Trong Các Bài Toán Sơ Cấp.docỨng Dụng Số Phức Trong Các Bài Toán Sơ Cấp.doc
Ứng Dụng Số Phức Trong Các Bài Toán Sơ Cấp.doc
 
Vai Trò Của Cái Bi Trong Giáo Dục Thẩm Mỹ.doc
Vai Trò Của Cái Bi Trong Giáo Dục Thẩm Mỹ.docVai Trò Của Cái Bi Trong Giáo Dục Thẩm Mỹ.doc
Vai Trò Của Cái Bi Trong Giáo Dục Thẩm Mỹ.doc
 
Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...
Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...
Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...
 
Thu Hút Vốn Đầu Tư Vào Lĩnh Vực Nông Nghiệp Trên Địa Bàn Tỉnh Gia Lai.doc
Thu Hút Vốn Đầu Tư Vào Lĩnh Vực Nông Nghiệp Trên Địa Bàn Tỉnh Gia Lai.docThu Hút Vốn Đầu Tư Vào Lĩnh Vực Nông Nghiệp Trên Địa Bàn Tỉnh Gia Lai.doc
Thu Hút Vốn Đầu Tư Vào Lĩnh Vực Nông Nghiệp Trên Địa Bàn Tỉnh Gia Lai.doc
 
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...
 
Tạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.doc
Tạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.docTạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.doc
Tạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.doc
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...
 

Recently uploaded

SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...Nguyen Thanh Tu Collection
 
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢI
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢIPHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢI
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢImyvh40253
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...Nguyen Thanh Tu Collection
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIĐiện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoámyvh40253
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfBỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfNguyen Thanh Tu Collection
 
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfCampbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfTrnHoa46
 
CD21 Exercise 2.1 KEY.docx tieng anh cho
CD21 Exercise 2.1 KEY.docx tieng anh choCD21 Exercise 2.1 KEY.docx tieng anh cho
CD21 Exercise 2.1 KEY.docx tieng anh chonamc250
 
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quanGNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quanmyvh40253
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfhoangtuansinh1
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................TrnHoa46
 
Nhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptx
Nhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptxNhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptx
Nhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptxhoangvubaongoc112011
 
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng ĐồngGiới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng ĐồngYhoccongdong.com
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docxTHAO316680
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...Nguyen Thanh Tu Collection
 

Recently uploaded (20)

SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
 
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢI
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢIPHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢI
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢI
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfBỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
 
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfCampbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
 
CD21 Exercise 2.1 KEY.docx tieng anh cho
CD21 Exercise 2.1 KEY.docx tieng anh choCD21 Exercise 2.1 KEY.docx tieng anh cho
CD21 Exercise 2.1 KEY.docx tieng anh cho
 
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quanGNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
 
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................
 
Nhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptx
Nhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptxNhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptx
Nhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptx
 
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng ĐồngGiới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
 
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
 

Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh

  • 1. i VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI NGUYỄN THỊ LAN PHƯƠNG ĐỐI CHIẾU ẨN DỤ Ý NIỆM TRONG QUẢNG CÁO TIẾNG VIỆT VÀ TIẾNG ANH Ngành: Ngôn ngữ học so sánh, đối chiếu Mã số: 9.22.20.24 LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp Hà Nội – 2020
  • 2. ii LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu khoa học của riêng tôi. Các số liệu thống kê là hoàn toàn trung thực do tôi thực hiện. Đề tài nghiên cứu và các kết luận khoa học của luận án chưa từng được công bố trong bất kì công trình nào khác. Tác giả luận án Nguyễn Thị Lan Phương
  • 3. iii MỤC LỤC MỞ ĐẦU.....................................................................................................................1 CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÝ THUYẾT .....................................................................................................................................7 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu ...........................................................................7 1.1.1. Dẫn đề ............................................................................................................7 1.1.2. Tổng quan về ẩn dụ ý niệm.............................................................................7 1.1.3. Tổng quan về ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo................................................11 1.2. Cơ sở lý luận về đề tài nghiên cứu......................................................................16 1.2.1. Cơ sở lý luận về ẩn dụ ý niệm.......................................................................16 1.2.2. Cơ sở lý luận về Ngôn ngữ học đối chiếu .....................................................30 1.2.3. Cơ sở lý luận về văn hóa Việt và Anh...........................................................32 1.2.4. Cơ sở lý luận về Quảng cáo..........................................................................35 1.3. Tiểu kết...............................................................................................................39 CHƯƠNG 2: ĐỐI CHIẾU ẨN DỤ CẤU TRÚC TRONG QUẢNG CÁO TIẾNG VIỆT VÀ TIẾNG ANH.............................................................................................40 2.1. Dẫn đề.................................................................................................................40 2.2. Bức tranh tổng thể về ẩn dụ cấu trúc trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh ..40 2.3. Đối chiếu ẩn dụ cấu trúc trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh.....................42 2.3.1. Ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ CON NGƯỜI............................................................42 2.3.2. Ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG...............................68 2.3.3. Ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ MÓN QUÀ................................................................72 2.3.4. Ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ MÓN ĂN...................................................................77 2.3.5. Ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ NGUỒN NĂNG LƯỢNG..........................................81 2.3.6. Ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ LIỀU THUỐC...........................................................85 2.3.7. Ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ ĐIỀU KỲ DIỆU........................................................88 2.3. Tiểu kết...............................................................................................................92 CHƯƠNG 3: ĐỐI CHIẾU ẨN DỤ BẢN THỂ TRONG QUẢNG CÁO TIẾNG VIỆT VÀ TIẾNG ANH.............................................................................................93 3.1. Dẫn đề.................................................................................................................93 3.2. Bức tranh tổng thể về ẩn dụ bản thể trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh....93 3.3. Đối chiếu ẩn dụ bản thể trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh ......................95 3.3.1. Ẩn dụ bản thể trong quảng cáo tiếng Việt ....................................................95 3.3.2. Ẩn dụ bản thể trong quảng cáo tiếng Anh ..................................................104 3.3.3. Đối chiếu ẩn dụ bản thể giữa quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh...............111 3.4. Tiểu kết.............................................................................................................113
  • 4. iv CHƯƠNG 4: ĐỐI CHIẾU ẨN DỤ ĐỊNH HƯỚNG TRONG QUẢNG CÁO TIẾNG VIỆT VÀ TIẾNG ANH...........................................................................................114 4.1. Dẫn đề...............................................................................................................114 4.2. Bức tranh tổng thể về ẩn dụ định hướng trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh114 4.2.1. Các cặp không gian trong ẩn dụ định hướng trong quảng cáo ..................114 4.2.2. Các ẩn dụ định hướng trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh ................116 4.3. Đối chiếu ẩn dụ định hướng trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh..............118 4.3.1. Ẩn dụ QUYỀN LỰC ĐỊNH HƯỚNG LÊN TRÊN, KHÔNG CÓ QUYỀN LỰC ĐỊNH HƯỚNG XUỐNG DƯỚI...........................................................................118 4.3.2. Ẩn dụ TRẠNG THÁI CÓ Ý THỨC ĐỊNH HƯỚNG LÊN TRÊN, TRẠNG THÁI VÔ THỨC ĐỊNH HƯỚNG XUỐNG DƯỚI ...............................................121 4.3.3. Ẩn dụ CÁI TỐT ĐỊNH HƯỚNG LÊN TRÊN, CÁI XẤU ĐỊNH HƯỚNG XUỐNG DƯỚI.....................................................................................................125 4.3.4. Ẩn dụ HẠNH PHÚC ĐỊNH HƯỚNG LÊN TRÊN, NỖI BUỒN ĐỊNH HƯỚNG XUỐNG DƯỚI......................................................................................128 4.3.5. Ẩn dụ KHỎE MẠNH VÀ SỰ SỐNG ĐỊNH HƯỚNG LÊN TRÊN, BỆNH TẬT VÀ CÁI CHẾT ĐỊNH HƯỚNG XUỐNG DƯỚI...................................................131 4.3.6. Ẩn dụ NHIỀU HƠN ĐỊNH HƯỚNG LÊN TRÊN, ÍT HƠN ĐỊNH HƯỚNG XUỐNG DƯỚI.....................................................................................................136 4.3.7. Ẩn dụ TƯƠNG LAI Ở PHÍA TRƯỚC, QUÁ KHỨ Ở PHÍA SAU ...............139 4.3.8. Ẩn dụ PHÁT TRIỂN ĐỊNH HƯỚNG RA NGOÀI.......................................141 4.3.9. Ẩn dụ LỰC TÁC ĐỘNG HƯỚNG VÀO SÂU.............................................144 4.4. Tiểu kết.............................................................................................................146 KẾT LUẬN .............................................................................................................147 CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC ĐÃ CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN ........................................................................................151 TÀI LIỆU THAM KHẢO.......................................................................................152 PHỤ LỤC 1: ĐỐI CHIẾU CÁC NÉT VĂN HÓA ĐẶC TRƯNG VIỆT - ANH........1 PHỤ LỤC 2: THỐNG KÊ DỤ DẪN CỦA CÁC TIỂU LOẠI ẨN DỤ CẤU TRÚC .2 PHỤ LỤC 3: THỐNG KÊ DỤ DẪN CỦA CÁC TIỂU LOẠI ẨN DỤ BẢN THỂ ..15 PHỤ LỤC 4: THỐNG KÊ DỤ DẪN CỦA CÁC TIỂU LOẠI ẨN DỤ ĐỊNH HƯỚNG ....................................................................................................................25 PHỤ LỤC 5: NGỮ LIỆU NGHIÊN CỨU ................................................................29
  • 5. v DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT AD: Ẩn dụ BT: Biểu thức HCC: High – Context Culture (Văn hóa ngữ cảnh cao) IDV: Individualism Index (Chỉ số đo mức độ cá nhân) KH: Khách hàng LCC: Low – Context Culture (Văn hóa ngữ cảnh thấp) MAS: Masculinity and Femininity (Chỉ số đo mức độ tính nam) MIP: Metaphor Identification Procedure (Quy trình nhận dạng ẩn dụ) MĐ: Miền đích MN: Miền nguồn NNH: Ngôn ngữ học PDI: Power Distance Index (Chỉ số đo khoảng cách quyền lực) QC: Quảng cáo SP: Sản phẩm và dịch vụ TA: Tiếng Anh TV: Tiếng Việt UAI: Uncertainty Avoidance Index (Chỉ số đo mức độ tránh mơ hồ)
  • 6. vi DANH MỤC CÁC BẢNG Bảng 2.1: Thống kê các tiểu loại ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ CON NGƯỜI 43 Bảng 2.2: Sơ đồ ánh xạ của ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ CON NGƯỜI 43 Bảng 2.3: Thống kê các tiểu loại ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ BẠN BÈ 52 Bảng 2.4: Sơ đồ ánh xạ của ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ BẠN BÈ 53 Bảng 2.5: Thống kê các tiểu loại ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ CHIẾN BINH 57 Bảng 2.6: Sơ đồ ánh xạ của ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ CHIẾN BINH 57 Bảng 2.7: Thống kê các tiểu loại ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ VẬN ĐỘNG VIÊN 64 Bảng 2.8: Sơ đồ ánh xạ của ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ VẬN ĐỘNG VIÊN 64 Bảng 2.9: Thống kê tiểu loại ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG 68 Bảng 2.10: Sơ đồ ánh xạ của ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG 69 Bảng 2.11: Thống kê các tiểu loại ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ MÓN QUÀ 73 Bảng 2.12: Sơ đồ ánh xạ của ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ MÓN QUÀ 73 Bảng 2.13: Thống kê các tiểu loại ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ MÓN ĂN 78 Bảng 2.14: Sơ đồ ánh xạ của ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ MÓN ĂN 78 Bảng 2.15: Thống kê các tiểu loại ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ NGUỒN NĂNG LƯỢNG 81 Bảng 2.16: Sơ đồ ánh xạ của ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ NGUỒN NĂNG LƯỢNG 82 Bảng 2.17: Thống kê các tiểu loại ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ LIỀU THUỐC 85 Bảng 2.18: Sơ đồ ánh xạ của ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ LIỀU THUỐC 85 Bảng 2.19: Thống kê các tiểu loại ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ ĐIỀU KỲ DIỆU 89 Bảng 2.20: Sơ đồ ánh xạ của ẩn dụ SẢN PHẨM LÀ ĐIỀU KỲ DIỆU 89 Bảng 3.1: Thống kê số lượng các tiểu loại ẩn dụ bản thể 94 Bảng 4.1: Dụ dẫn và tần suất sử dụng các cặp không gian trong ẩn dụ định hướng 115
  • 7. vii Bảng 4.2: Thống kê số lượng các tiểu loại ẩn dụ QUYỀN LỰC ĐỊNH HƯỚNG LÊN TRÊN, KHÔNG CÓ QUYỀN LỰC ĐỊNH HƯỚNG XUỐNG DƯỚI 119 Bảng 4.3: Thống kê số lượng các ẩn dụ TRẠNG THÁI CÓ Ý THỨC ĐỊNH HƯỚNG LÊN TRÊN, TRẠNG THÁI VÔ THỨC ĐỊNH HƯỚNG XUỐNG DƯỚI 122 Bảng 4.4: Thống kê số lượng các tiểu loại ẩn dụ CÁI TỐT ĐỊNH HƯỚNG LÊN TRÊN, CÁI XẤU ĐỊNH HƯỚNG XUỐNG DƯỚI 126 Bảng 4.5: Thống kê số lượng các tiểu loại ẩn dụ HẠNH PHÚC ĐỊNH HƯỚNG LÊN TRÊN, NỖI BUỒN ĐỊNH HƯỚNG XUỐNG DƯỚI 129 Bảng 4.6: Thống kê số lượng các ẩn dụ KHỎE MẠNH VÀ SỰ SỐNG ĐỊNH HƯỚNG LÊN TRÊN, BỆNH TẬT VÀ CÁI CHẾT ĐỊNH HƯỚNG XUỐNG DƯỚI 132 Bảng 4.7: Thống kê số lượng các tiểu loại ẩn dụ NHIỀU HƠN ĐỊNH HƯỚNG LÊN TRÊN, ÍT HƠN ĐỊNH HƯỚNG XUỐNG DƯỚI và các biến thể 136 Bảng 4.8: Thống kê số lượng các tiểu loại ẩn dụ TƯƠNG LAI Ở PHÍA TRƯỚC, QUÁ KHỨ Ở PHÍA SAU 139 Bảng 4.9: Thống kê số lượng ẩn dụ SỰ PHÁT TRIỂN ĐỊNH HƯỚNG RA NGOÀI 142 Bảng 4.10: Thống kê số lượng ẩn dụ LỰC TÁC ĐỘNG HƯỚNG VÀO SÂU 144
  • 8. viii DANH MỤC CÁC HÌNH VẼ, BIỂU ĐỒ, SƠ ĐỒ Hình 2.1: Tần suất sử dụng của các tiểu loại ẩn dụ trong ẩn dụ cấu trúc 41 Hình 2.2: Các tầng bậc của ẩn dụ cấu trúc trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh 42 Hình 4.1: Thống kê số lượng dụ dẫn trong các miền không gian của ẩn dụ định hướng 116 Hình 4.2: Các tầng bậc của ẩn dụ định hướng trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh 117 Hình 4.3: Thống kê tần suất sử dụng của các tiểu loại ẩn dụ định hướng 118
  • 9. 1 MỞ ĐẦU 1. Lý do lựa chọn đề tài Theo quan điểm truyền thống tồn tại từ thời Aristotle, ẩn dụ (AD) được coi là “phương tiện trang trí hoa mĩ cho ngôn từ”, là dấu ấn thể hiện ngôn năng của các học giả trong các lĩnh vực liên quan đến nghệ thuật như văn học, thơ ca, hùng biện và là vấn đề thuần tuý về ngôn ngữ. Đến cuối thế kỷ XX, dưới sự soi rọi của ngôn ngữ học (NNH) tri nhận, AD bắt đầu được nghiên cứu trên các bình diện khác. Theo quan điểm của NNH tri nhận, AD là mô hình kết nối hai miền ý niệm xảy ra trong quá trình tư duy của con người, do vậy việc nghiên cứu AD được chuyển từ AD trong ngôn ngữ sang AD trong trí não nhằm tìm hiểu các cơ sở tư duy và nhận thức của con người trong quá trình sử dụng công cụ ngôn ngữ này. Trong cuốn sách nổi tiếng Metaphors We Live by (Chúng ta đang sống trong ẩn dụ) xuất bản năm 1980, Lakoff và Johnson đã đưa ra một nhận định thách thức các quan điểm truyền thống khi cho rằng AD không chỉ giới hạn trong phạm vi của văn học và thơ ca mà xuất hiện phổ biến trong cuộc sống hàng ngày của con người, thể hiện trong lời nói đời thường của con người bởi “ẩn dụ là vấn đề của tư duy và hành động. Nó không chỉ được sử dụng bởi những người có năng lực sáng tác phi thường trong văn học mà còn bởi những người bình thường nhất trong cuộc sống hàng ngày” [120: tr.4]. AD cho phép người nói biểu đạt ngôn ngữ một cách ngắn gọn, súc tích, ấn tượng và sinh động, qua đó gia tăng hiệu quả giao tiếp. Chính nhờ sự phổ biến trong đời sống và những tác động mà nó mang lại, AD đã trở thành chủ đề thu hút sự chú ý đặc biệt của các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, không chỉ ở phương diện lí thuyết thuần túy mà còn ở các khía cạnh thực tiễn, chẳng hạn, nghiên cứu hiệu quả của AD ý niệm trong các loại hình diễn ngôn khác nhau, với những mục đích khác nhau. Trong khi đó, sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin trong bối cảnh của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra một “thế giới phẳng” mà ở đó ranh giới địa lý giữa các quốc gia dần xoá nhoà, thị trường ngày càng trở nên toàn cầu hoá. Điều này mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng tạo ra không ít thách thức cho doanh nghiệp. Theo Kotler P. và Amstrong G., trong thị trường cạnh tranh hiện nay, để tạo được chỗ đứng vững chắc trong tâm trí khách hàng (KH) mục tiêu, công ty không chỉ cần tạo ra
  • 10. 2 sản phẩm – dịch vụ (SP) tốt mà còn phải truyền thông về lợi ích của SP đó đến KH [112: tr.462]. Vai trò của quảng cáo (QC) vì thế trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Làm thế nào để tạo ra những QC ấn tượng và dễ nhớ với KH là câu hỏi quan trọng mà các nhà sản xuất phải nỗ lực tìm câu trả lời. Với lợi thế trong định hướng tư duy, trong việc gây tác động và tạo ấn tượng, AD ý niệm là một công cụ hữu ích với các chuyên gia QC, như Kövecses (2002) đã khẳng định “một AD được lựa chọn tốt có thể gia tăng đáng kể mong muốn của người mua đối với SP được QC” [108: tr.59]. Với vai trò quan trọng đó, đã có khá nhiều nghiên cứu về ngôn ngữ QC nói chung và AD trong QC nói riêng ở nước ngoài, mang lại nhiều kết luận và hàm ý có giá trị cả về lý thuyết lẫn thực tế. Tuy nhiên, trong Việt ngữ học, số lượng các nghiên cứu về ngôn ngữ QC còn hạn chế, đặc biệt vẫn chưa có nghiên cứu nào tìm hiểu về AD ý niệm trong QC. Đây là lý do thôi thúc chúng tôi chọn đề tài “Đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh” để thực hiện luận án tiến sỹ này nhằm làm rõ cơ chế ánh xạ và mô hình tri nhận của AD ý niệm trong QC của hai ngôn ngữ. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 2.1. Mục đích nghiên cứu Luận án vận dụng Lý thuyết về AD ý niệm, đặc biệt là cơ chế ánh xạ và mô hình tri nhận của AD ý niệm, để xác định và đối chiếu việc sử dụng AD ý niệm trong các diễn ngôn QC tiếng Việt (TV) và tiếng Anh (TA) nhằm tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt và lý giải cho sự tương đồng và khác biệt đó trên cơ sở ngôn ngữ, văn hóa và tư duy dân tộc. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Để hoàn thành mục đích nghiên cứu, luận án cần thực hiện các nhiệm vụ sau: (1) hệ thống hoá lý luận về AD ý niệm và các khái niệm có liên quan; (2) tìm hiểu về AD ý niệm trong QC TV và TA: các AD ý niệm nào được sử dụng trong QC, các AD ý niệm được xây dựng trên ánh xạ nào, các AD ý niệm được sử dụng với tần suất như thế nào trong các diễn ngôn QC; (3) so sánh các AD tìm được trong 2 khối liệu QC TV và QC TA nhằm tìm ra sự tương đồng/khác biệt giữa hai ngôn ngữ và giải thích cho sự tương đồng / khác biệt đó dựa trên mối quan hệ giữa ngôn ngữ, văn hóa và tư duy dân tộc.
  • 11. 3 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận án là AD ý niệm trong các diễn ngôn QC trong hai ngôn ngữ Việt và Anh. 3.2. Phạm vi nghiên cứu Luận án lựa chọn cách tiếp cận AD ý niệm theo phân loại của Lakoff và Johnson, chia AD thành 3 loại chính: AD cấu trúc, AD định hướng và AD bản thể. Do hạn chế về thời gian và dung lượng, trong luận án này, chúng tôi chỉ tập trung xem xét AD ngôn từ bởi ngôn từ là “chất liệu chính trong các thông điệp QC” [112: tr.475] và loại trừ AD hình ảnh khỏi phạm vi nghiên cứu nhằm làm sáng rõ hơn việc sử dụng AD trong QC của hai ngôn ngữ. Chúng tôi cũng giới hạn phạm vi nghiên cứu ở các QC được trình chiếu trong phạm vi không gian của hai nền văn hóa được so sánh là Việt và Anh. 4. Phương pháp nghiên cứu và ngữ liệu nghiên cứu 4.1. Phương pháp nghiên cứu Để thực hiện mục tiêu nghiên cứu đã đề ra, luận án sử dụng các phương pháp sau: - Phương pháp phân tích diễn ngôn: được sử dụng để phân tích các diễn ngôn QC nhằm xác định các AD ý niệm trong QC. - Phương pháp miêu tả: được sử dụng để miêu tả các AD ý niệm trong khối liệu nghiên cứu. Thủ pháp phân tích ý niệm cũng được sử dụng để hỗ trợ cho phương pháp miêu tả nhằm phân tích rõ hơn các AD ý niệm được tìm thấy. - Phương pháp so sánh đối chiếu: được sử dụng để so sánh các AD ý niệm trong 2 khối ngữ liệu TV và TA. Với luận án này, chúng tôi sử dụng phương pháp đối chiếu 2 chiều giữa tiếng Việt và tiếng Anh dựa trên 3 tiêu chí: tần suất xuất hiện, ánh xạ của AD ý niệm và đặc trưng văn hóa tư duy dân tộc tác động tới các AD này. - Thủ pháp thống kê phân loại: cho phép tập hợp, phân loại và thống kê các loại AD ý niệm trong QC TV và TA. Ngoài ra chúng tôi cũng sử dụng kết hợp đường hướng diễn dịch và quy nạp để tìm ra kết quả nghiên cứu trong các Chương 2, 3 và 4: lấy khung lý thuyết và các nghiên cứu trước làm tiền đề để xác định các nhóm AD, đồng thời dựa trên nguồn ngữ liệu để minh họa và bổ sung các kết quả nghiên cứu mới vào khung lý thuyết.
  • 12. 4 4.2. Ngữ liệu nghiên cứu Nghiên cứu sử dụng ngữ liệu gồm 400 QC trong đó có 200 QC bằng TV và 200 QC bằng TA. Để đảm bảo tính đại diện cho hai nền văn hóa, chúng tôi chỉ lựa chọn các QC được trình chiếu và truyền thông đến KH trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam và Anh. Các QC được thu thập bằng phương pháp chọn mẫu hạn ngạch (quota sampling) để đảm bảo số lượng QC tiếng Việt và tiếng Anh trong mỗi nhóm SP được nghiên cứu là như nhau. Nguồn thu thập gồm QC trên báo, tạp chí, QC ngoài trời, tờ rơi, video và audio để đảm bảo tính đa dạng của dữ liệu. Thời gian thu thập dữ liệu kéo dài từ tháng 10 năm 2016 đến tháng 4 năm 2017, thời gian QC trình chiếu được lựa chọn là từ năm 2000 đến nay để đảm bảo tính cập nhật. Các QC sau khi được thu thập được đánh máy và phân thành hai nhóm: QC TV (được mã hóa từ V1 đến V200) và QC TA (được mã hóa từ A1 đến A200), được chia nhỏ thành 12 nhóm SP (Phụ lục 2). Các QC dạng tiếng được trình chiếu trên đài và tivi được chúng tôi phiên thành văn bản dạng chữ để thuận tiện cho việc phân tích. Với ngữ liệu TA, chúng tôi sử dụng bản dịch thô (do nghiên cứu sinh dịch) cho các biểu thức (BT) ngôn ngữ và đặt bản dịch này trong ngoặc đơn sau BT nhằm làm sáng rõ ý niệm được sử dụng trong các AD ý niệm trong QC TA. Dữ liệu được xử lý theo 2 giai đoạn. Trong giai đoạn thứ nhất, chúng tôi tiến hành nhận diện các AD được sử dụng trong các diễn ngôn QC thuộc ngữ liệu nghiên cứu, dựa trên cơ sở lý luận về AD được trình bày trong Chương 1. Dựa trên các đặc điểm của miền nguồn, các AD được tìm thấy được phân chia thành AD cấu trúc, AD bản thể và AD định hướng, sau đó được phân nhỏ hơn thành các tiểu loại tùy theo miền nguồn được sử dụng để kích hoạt các AD này. Trong giai đoạn thứ hai, chúng tôi tiến hành đối chiếu các AD tìm được trong mỗi tiểu loại giữa TV và TA nhằm xác định các nét tương đồng và khác biệt giữa hai ngôn ngữ, đồng thời tìm hiểu các nền tảng văn hóa, ngôn ngữ và xã hội để lý giải cho sự tương đồng và khác biệt này. 5. Đóng góp mới của luận án Luận án đã đưa ra các kết luận về AD ý niệm trong các diễn ngôn QC trong hai ngôn ngữ, cụ thể bao gồm các loại và tiểu loại AD đã được sử dụng, mô hình ánh xạ, tần suất xuất hiện của AD trong QC và sự so sánh giữa hai ngôn ngữ. Với những kết luận như vậy, luận án có những đóng góp sau về lý luận và thực tiễn:
  • 13. 5 5.1. Đóng góp về mặt lý luận Bằng việc hệ thống một cách có chọn lọc các khái niệm cốt yếu về NNH tri nhận và AD ý niệm, kế thừa cơ sở lý luận đi trước, thông qua việc nghiên cứu chuyên sâu các AD được tìm thấy trong ngữ liệu và đi tìm lời giải đáp cho những tương đồng và khác biệt về AD ý niệm giữa hai ngôn ngữ, luận án góp phần bổ sung và làm sáng rõ các đặc trưng văn hóa dân tộc Việt và Anh trong lĩnh vực nghiên cứu về QC, đóng góp vào nền tảng lý luận của AD ý niệm nói chung và AD ý niệm trong QC nói riêng. 5.2. Đóng góp về mặt thực tiễn Luận án đã xây dựng được các sơ đồ tầng bậc của AD cấu trúc, AD bản thể và AD định hướng; so sánh đối chiếu về tần suất, ánh xạ và đặc trưng văn hóa của các AD; luận giải sự tương đồng cũng như khác biệt trong hệ thống AD giữa hai ngôn ngữ dựa trên các đặc trưng văn hóa và tư duy dân tộc. Điều này giúp những người học tập, giảng dạy và nghiên cứu ngôn ngữ có thêm một cái nhìn về phương thức tư duy về thế giới khách quan của hai dân tộc Việt và Anh và những biểu hiện của tư duy này trong lĩnh vực nghiên cứu cụ thể là QC. Luận án cũng chỉ ra các loại AD ý niệm và tần suất sử dụng của các AD này trong QC cùng một số bình luận về vai trò của AD trong các diễn ngôn QC. Đây là cơ sở tham khảo giúp các nhà thiết kế QC tư duy và sáng tạo ra những diễn ngôn QC ấn tượng, dễ nhớ với KH nhằm đáp ứng mục tiêu xúc tiến SP. 6. Ý nghĩa của luận án 6.1. Ý nghĩa lý luận Về mặt lý luận, các kết quả của nghiên cứu đã góp phần làm sáng rõ thêm khái niệm, đặc tính của AD ý niệm, quan hệ giữa AD trong ngôn ngữ và tư duy, văn hoá, từ đó góp phần khẳng định và thúc đẩy việc phát triển khuynh hướng lý thuyết ngôn ngữ học hiện đại này. Với việc so sánh đối chiếu các diễn ngôn QC giữa TV và TA nhằm tìm hiểu các đặc trưng văn hóa, xã hội của hai dân tộc và tác động của những nhân tố này lên phương thức tư duy được thể hiện qua cách thức hình thành AD trong mỗi ngôn ngữ, luận án khẳng định các luận điểm mang tính phổ quát, đồng thời làm phong phú hơn các đặc trưng văn hóa và tư duy dân tộc trong văn liệu nghiên cứu về NNH tri nhận hiện nay.
  • 14. 6 6.2. Ý nghĩa thực tiễn Với các số liệu về tần suất của AD và các thảo luận về vai trò của AD đối với diễn ngôn QC, kết quả nghiên cứu của luận án là nền tảng giúp các nhà thiết kế QC nói riêng và nhà quản trị marketing nói chung định hướng và thiết kế QC một cách sáng tạo, ấn tượng và hiệu quả nhằm tác động đến quyết định mua của KH. Đồng thời, thông qua phân tích và so sánh các mô hình ánh xạ của AD trong QC của hai ngôn ngữ, luận án được kỳ vọng sẽ có khả năng ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau trong giảng dạy ngôn ngữ ở Việt Nam, bao gồm dịch thuật, giảng dạy TA cho người Việt và TV cho người nói TA. 7. Bố cục của luận án Ngoài các phần chung như Phần mở đầu, Phần Kết luận, Phụ lục và Tài liệu tham khảo, luận án có kết cấu gồm 4 chương cụ thể như sau: Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu và cơ sở lý luận. Trong chương này, các nghiên cứu có liên quan đến ngôn ngữ QC và AD ý niệm trong QC được tổng hợp và phân tích. Một số vấn đề lý luận chung về AD ý niệm, NNH đối chiếu, văn hóa và QC cũng được trình bày trong chương này. Chương 2. Đối chiếu ẩn dụ cấu trúc trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh. Chương này xác định các miền nguồn được sử dụng để hình thành nên AD cấu trúc và ánh xạ của mỗi AD. Dựa trên các đặc điểm miền nguồn, các AD thượng danh và hạ danh được xác định và sắp xếp theo tầng bậc, sau đó được so sánh dựa trên các đặc điểm văn hóa dân tộc. Chương 3. Đối chiếu ẩn dụ bản thể trong quảng cáo Việt và tiếng Anh. Chương này tìm hiểu hệ thống AD bản thể xuất hiện trong các diễn ngôn QC của hai ngôn ngữ, tìm hiểu động cơ hình thành AD, so sánh các điểm giống và khác nhau trong tư duy AD giữa hai ngôn ngữ dựa trên cơ sở văn hóa dân tộc. Chương 4. Đối chiếu ẩn dụ định hướng trong quảng cáo tiếng Việt và tiếng Anh. Chương 4 tập trung làm rõ các AD định hướng được sử dụng trong QC TV và TA cùng các tiểu loại của chúng. Mỗi tiểu loại AD đều được so sánh đối chiếu để tìm ra các điểm tương đồng và khác biệt; sự tương đồng và khác biệt này được lý giải dựa trên các đặc trưng văn hóa dân tộc.
  • 15. 7 CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÝ THUYẾT 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu 1.1.1. Dẫn đề Để có cái nhìn tổng quan về lịch sử phát triển của AD ý niệm trong QC, chúng tôi tìm hiểu các nghiên cứu có liên quan theo vấn đề và theo trình tự thời gian để thấy được sự thay đổi trong quan điểm về AD. Chúng tôi cũng lựa chọn cách tiếp cận “thu hẹp” dần, bắt đầu bằng các nghiên cứu về AD ý niệm nói chung rồi tập trung vào các nghiên cứu về AD ý niệm trong QC ở nước ngoài và trong nước để tìm hiểu các kết luận đã đạt được, qua đó xác định “khoảng trống” cho vấn đề nghiên cứu. 1.1.2. Tổng quan về ẩn dụ ý niệm 1.1.2.1. Tình hình nghiên cứu trên thế giới về ẩn dụ ý niệm Trên thế giới, các vấn đề của NNH tri nhận bắt đầu được nghiên cứu từ những năm 1950 nhưng thuật ngữ ngôn ngữ học tri nhận (cognitive linguistics), ngữ nghĩa học tri nhận (cognitive semantics), ngữ pháp tri nhận (cognitive grammar) chỉ chính thức được sử dụng là trong cuốn Foundation of Cognitive Grammar (Cơ sở của ngữ pháp tri nhận) của Langacker [121]. Năm 1989, Hội ngôn ngữ học tri nhận quốc tế được thành lập tại Duisbury, Đức, khởi đầu cho sự phát triển mạnh mẽ của NNH tri nhận sau này (dẫn theo Triệu Diễm Phương, [46: tr.5]). NNH tri nhận bắt đầu phổ biến vào thập niên 80 của thế kỷ XX với sự khởi xướng của Lakoff và Johnson bằng cuốn sách được ví như “kinh thánh của NNH tri nhận” Metaphor We Live by [120]. Với tuyên bố “AD không đơn thuần là vấn đề về ngôn ngữ mà còn là vấn đề của tư duy và hành động”, Lakoff và Johnson đã đi ngược lại các quan điểm truyền thống về AD và khẳng định AD không chỉ là thủ pháp tu từ mà là phương thức tư duy. Điều này khiến phạm vi nghiên cứu về AD không chỉ dừng lại ở AD trong ngôn ngữ mà chuyển sang AD trong trí não, từ đó mở ra cánh cửa để tìm hiểu quá trình tư duy của con người đối với các sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan. Các nghiên cứu về AD từ đó cũng lan tỏa ra các bình diện khác như triết học, logic học, tâm lý học, thần kinh học…
  • 16. 8 Nằm trong số các nghiên cứu đầu tiên về AD tri nhận, Schon (1979) đã đưa ra các ý tưởng mở đường cho lý thuyết tri nhận về AD bằng cách xem xét mối liên kết giữa AD và tư duy, trong đó tác giả coi AD là đầu mối của suy nghĩ con người và sự ý niệm hoá [135]. Sau đó, Reddy (1979) phân tích và bổ sung thêm vào ý thức – hệ hình (paradigm-consciousness) trong giao tiếp mà Schon đã phát triển trước đó. Bằng việc tìm hiểu những ẩn dụ ngầm ẩn trong đường dẫn và xem giao tiếp như một sự chuyển dịch thông tin qua các đường dẫn đó, tác giả đề xuất có thể coi ẩn dụ là sự thay thế của giao tiếp, là biểu tượng công cụ hay dạng mẫu mà trong đó chúng ta hiểu được ý định người khác muốn nói thông qua ngữ cảnh của bản thân chúng ta [133]. Những năm sau đó, lý thuyết về AD ngày càng được mở rộng. Ban đầu, các nghiên cứu thiên về xu hướng cho rằng AD ý niệm chủ yếu được hình thành dựa trên kinh nghiệm thân thể. Trong các nghiên cứu vào thập niên 80, Lakoff (1987) [116] và Kövecses (1986) [106] khẳng định rằng các AD diễn tả cảm xúc đều xuất phát từ cơ sở sinh lý học của con người và chịu tác động từ các yếu tố văn hoá của ngôn ngữ. Sau đó, trong các tác phẩm viết chung với các học giả khác như Johnson ([114], [119]), Kövecses ([116]), Lakoff đã đề cập đến vai trò của AD trong việc hình thành hệ thống ý niệm của con người và cấu trúc của ngôn ngữ tự nhiên. Tư tưởng này sau đó được tác giả nâng lên thành thuyết “Trí tuệ nghiệm thân”, nghiên cứu mối quan hệ giữa tư duy, quan niệm về thế giới và cấu tạo của cơ thể và bộ não con người. Năm 1987, ba nghiên cứu rất có giá trị về ngôn ngữ và tri nhận được xuất bản, gồm The Body in the Mind: The Bodily Basis of Meaning, Imagination and Reason (Cơ thể trong tâm trí: Cơ sở vật chất của ý nghĩa, tưởng tượng và lý giải) của Johnson [104], Foundation of Cognitive Grammar (Cơ sở ngữ pháp tri nhận) của Langacker [121] và Women, Fire, and Dangerous Things. What Categories Reveal about the Mind (Phụ nữ, lửa và những điều nguy hiểm – Các phạm trù cho thấy gì về tâm trí) của Lakoff [115]. Trong [104], Johnson trình bày hai cấu trúc tri nhận về lý giải và vận dụng ngôn ngữ gồm sơ đồ hình ảnh, cấu trúc AD và cơ sở vật chất của chúng. Trong [121] và [115], Langacker và Lakoff phân tích những vấn đề này cụ thể hơn và chính thức sử dụng các thuật ngữ ngôn ngữ học tri nhận, ngữ nghĩa học tri nhận và ngữ pháp tri nhận. Hai nghiên cứu này được coi là những tác phẩm mang tính nền tảng của NNH tri nhận với các lý thuyết cơ bản trong lĩnh vực này.
  • 17. 9 Nửa cuối thập niên 90 ghi nhận một tiến bộ quan trọng trong lý thuyết AD với nghiên cứu của Joe Grady (1997) với khẳng định về sự gắn kết giữa AD ý niệm với các lý thuyết thần kinh và quan điểm cho rằng kinh nghiệm hàng ngày, kinh nghiệm cảm giác của con người là nền tảng của nhận thức ngôn ngữ [98]. Năm 2002, lý thuyết về không gian pha trộn giữa không gian tinh thần tưởng tượng với lý thuyết thần kinh của ngôn ngữ được giới thiệu bởi G. Fauconnier và M. Turner cùng khẳng định rằng ánh xạ AD được thực hiện trên cơ sở vật lý giống như một bản đồ thần kinh, các suy luận AD bắt nguồn từ cơ chế thần kinh tự nhiên trong tâm trí của con người [93]. Năm 2006, vai trò của AD như một công cụ tư duy và nhận thức của con người về thế giới khách quan một lần nữa được nhấn mạnh với phát biểu của Evans V. và Green M.: “khó tìm được lối nghĩ và cách nói phi AD về một số khái niệm nhất định, cách chúng ta ý niệm hóa và miêu tả các khái niệm đều mang tính AD rất cao” [89: tr.290]. Các nghiên cứu về AD ý niệm trên thế giới ghi danh các tên tuổi G. Lakoff, M. Johnson, Z. Kövecses, G. Fauconnier, M. Turner, C. Fillmore, J.E. Grady, M. Green, R.W.Langacker… Các tác giả này đã phát triển những lí thuyết, khái niệm cốt lõi trong AD ý niệm, tạo nên một nền tảng vững chắc cho các nghiên cứu chuyên sâu về AD ý niệm được thực hiện sau này. Bên cạnh việc phát triển lý thuyết AD, các nhà nghiên cứu còn đi sâu tìm hiểu các ứng dụng của AD ý niệm trong các lĩnh vực khác nhau như chính trị [72], [80], [136]; kinh tế [73], [91], [105]; môi trường [123]; giáo dục [81], [97]; về các đối tượng tri nhận như cảm xúc [106], [107]; không gian và thời gian [95]; tình dục [94]…; trong các ngôn ngữ khác nhau [78], [150]… đem lại nhiều nhận xét mới mẻ mà lịch sử nghiên cứu AD truyền thống hầu như không có. 1.1.2.2. Tình hình nghiên cứu ở Việt Nam về ẩn dụ ý niệm Ở Việt Nam, các vấn đề liên quan đến NNH tri nhận bắt đầu được nghiên cứu vào đầu thế kỷ 21 nhưng có lẽ công trình mang màu sắc tri nhận đầu tiên là Từ chỉ hướng vận động trong tiếng Việt của Nguyễn Lai năm 1990, mặc dù tác giả không dùng thuật ngữ “ngôn ngữ học tri nhận”. Công trình này phân tích sự phát triển ngữ nghĩa của các từ chỉ hướng ra-vào, lên-xuống, đến-tới, lại-qua, sang-về dựa trên trải nghiệm vật lí và tâm lí [38]. Năm 2002, Nguyễn Đức Tồn bắt đầu tìm hiểu AD theo hướng đặt AD
  • 18. 10 trong mối quan hệ giữa văn hóa - tư duy - ngôn ngữ và tìm hiểu bản chất của AD thông qua tư duy phạm trù [60]. Tuy nhiên, một cách chính danh, NNH tri nhận bắt đầu được đề cập tới là trong Ngôn ngữ học tri nhận - Từ lý thuyết đại cương đến thực tiễn tiếng Việt của Lý Toàn Thắng năm 2005 [52] và Ngôn ngữ học tri nhận – Ghi chép và suy nghĩ của Trần Văn Cơ năm 2007 [5]. Đây có thể xem là hai công trình đặt nền móng cho các nghiên cứu về NNH tri nhận ở Việt Nam. Các nghiên cứu sau đó đã cố gắng làm rõ bản chất của AD với nhiều quan điểm khác biệt so với truyền thống. Chẳng hạn, Nguyễn Đức Tồn (2007) khẳng định rằng AD không chỉ là phép dùng từ mà là phép chuyển nghĩa dựa trên sự loại suy đặc điểm, thuộc tính, hoạt động… giữa các sự vật, hiện tượng khác loại [61]; hay Phan Thế Hưng (2007 và 2009) phủ nhận quan điểm phổ biến trước đó vốn coi AD là phép so sánh và khẳng định AD được tạo ra từ sự xếp loại. So sánh AD bao hàm sự so sánh tầng bậc của loại theo hệ thống tôn ti, AD không thể đảo ngược, vì vậy có thể nói mối quan hệ của hai sự vật trong AD là quan hệ bất đối xứng [35], [36]. Năm 2009, Trần Văn Cơ có chuyên khảo Khảo luận ẩn dụ tri nhận [7] tổng thuật một cách hệ thống và toàn diện các vấn đề cốt lõi về AD ý niệm từ hai công trình kinh điển của Lakoff và Johnson (Metaphors We Live by và Women, Fire and the Dangerous Things: What Categories Reveal about the Mind). Các khái niệm then chốt trong AD ý niệm được phân tích cụ thể và diễn giải tỉ mỉ trong bối cảnh ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, đặt nền móng cho các nghiên cứu sau này về AD ý niệm. Các tác giả sau này đã nghiên cứu AD từ nhiều góc độ khác nhau. Nằm trong số các nghiên cứu về AD không gian, Nguyễn Đức Dân [8] và Nguyễn Văn Hiệp ([21], [23]) đã xem xét sự chuyển nghĩa và AD của các cặp từ chỉ không gian như trên - dưới, trước - sau, trong - ngoài và các từ vận động có hướng như ra - vào, lên - xuống trên cơ sở nghiệm thân và khẳng định rằng các từ ngữ không gian có sự chuyển nghĩa rất mạnh và có thể xem như các ví dụ tiêu biểu của việc ý niệm hoá, phân loại và mô tả thế giới khách quan, tạo ra những AD không gian mang đậm dấu ấn văn hoá Việt. Trong số các nghiên cứu về AD thời gian, các tác giả như Nguyễn Hòa (2007) [26] và Nguyễn Đức Dân (2012) [9] đều có chung nhận định rằng sự tri nhận thời gian được hình thành dựa trên sự tri nhận không gian, do đó có thể nói rằng các khái niệm và biểu hiện không gian xuất hiện trước các khái niệm về thời gian. Nguyễn Văn Hán
  • 19. 11 (2012) bổ sung thêm rằng cách thức tri nhận thời gian luôn mang tính chất quy ước xã hội, văn hoá và mô típ của cộng đồng [15]. Bên cạnh đó, còn có nhiều nghiên cứu về ứng dụng của AD ý niệm trong các lĩnh vực khác nhau, như AD ý niệm cảm xúc và tình cảm của con người [10], [24], [40], [45], [58]; AD ý niệm trong tác phẩm của các nhà nghệ thuật nổi tiếng [4], [16], [17], [18], [29], [34], [49], [50], [66], [70]; cách tri nhận của các từ ngữ chỉ bộ phận cơ thể người [13], [145] hay việc sử dụng AD ý niệm trên các diễn ngôn của nhiều lĩnh vực như kinh tế [14], văn hoá [68], thực vật [41], ẩm thực [31], [140], [25], hôn nhân [1], cuộc đời [17], [47], [48], tình yêu [30]. Các nghiên cứu này góp phần làm phong phú thêm cơ sở lý thuyết và ứng dụng của AD ý niệm. 1.1.3. Tổng quan về ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo Kövecses đã khẳng định: “QC là minh họa rõ nét nhất cho việc sử dụng AD ý niệm. Khả năng bán của một SP phụ thuộc một phần vào việc lựa chọn AD ý niệm sao cho hình ảnh/từ vựng được sử dụng trong QC có thể khơi dậy cảm hứng cho người xem. Một AD được lựa chọn hợp lý có thể tạo ra điều kỳ diệu trong thúc đẩy doanh số bán của SP được QC” [108: tr.65]. Bởi hiệu quả và sự phổ biến này, AD ý niệm trong QC trở thành chủ đề nghiên cứu rất được quan tâm. 1.1.3.1. Tình hình nghiên cứu trên thế giới về ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về AD ý niệm trong QC, tập trung vào 4 nhóm nội dung chính sau đây: Thứ nhất, về hiệu quả của AD trong QC, các nghiên cứu đều có chung nhận định rằng AD đóng vai trò tích cực đối với các diễn ngôn QC. Trong các công trình của mình, các nhà nghiên cứu xem xét hiệu ứng của các loại AD khác nhau với nhiều nhóm SP khác nhau. Cụ thể, phân chia theo loại SP, Baek Y. (2008) cho rằng với nhóm SP hướng mục tiêu hưởng thụ, việc sử dụng AD mang lại hiệu quả truyền thông cao hơn vì nó khiến người đọc có thái độ tích cực hơn đối với QC; tuy nhiên với SP hướng mục tiêu sử dụng, tác động của các khẩu hiệu có sử dụng AD và không sử dụng AD không có khác biệt mang ý nghĩa thống kê [76]. Trong khi đó, trong một nghiên cứu về tác động của AD với các QC đồ ăn, Yu C. (2009) khẳng định việc sử dụng AD khiến các khẩu hiệu QC thức ăn trở nên hấp dẫn và thu hút hơn đối với người đọc [150]. Các nhà nghiên cứu khác như Ruiz J.H. (2006) xem xét AD
  • 20. 12 trong QC phòng chống ma túy [134] hay Svaziene L. (2010) tìm hiểu về tác động của AD trong QC chính trị [139] cũng đều khẳng định hiệu ứng thuyết phục của AD ý niệm trong việc dẫn dắt tư duy của người đọc. Phân theo loại hình, Janos M. (2014) tìm hiểu hiệu quả của AD hình ảnh trong QC và khẳng định AD hình ảnh có vai trò quan trọng bởi một hình ảnh có thể thay thế cho nhiều từ vựng, do đó rất hiệu quả với QC bởi QC có không gian và thời gian hữu hạn. Thêm vào đó, một hình ảnh có thể được suy luận theo nhiều cách, do vậy có thể kích thích sự suy nghĩ của người đọc, khiến QC đọng lại trong tâm trí họ lâu hơn [103]. Trong nghiên cứu của mình, Svaziene L. (2010) đã dùng từ ‘vũ khí hạng nặng’ và ‘tẩy não’ để mô tả hiệu quả của AD hình ảnh trong việc thu hút và duy trì sự chú ý của người đọc đối với QC chính trị nói riêng và QC thương mại nói chung [139]. Tiếp cận từ cả góc độ AD hình ảnh và AD ngôn từ, Zhang X. và Gao X. (2009) khẳng định là phương thức bày tỏ của AD ý niệm, AD hình ảnh và AD ngôn từ được sử dụng trong QC thúc giục người đọc tìm kiếm sự liên quan trong ngữ cảnh tri nhận và dự định giao tiếp của người QC, qua đó ghi nhớ thông tin QC hiệu quả hơn [153]. Và một cách chi tiết nhất, Li D. và Guo Q. (2016) đã giải thích ảnh hưởng tích cực của AD tới hiệu ứng truyền thông của QC qua 4 tác động: (1) tạo ra sự mới mẻ nhằm kích thích trí tò mò và cộng hưởng của người xem; (2) diễn đạt ngắn gọn và súc tích nhằm tiết kiệm thời gian và giúp QC trở nên dễ nhớ, dễ nhắc lại; (3) tạo ý hàm ngôn nhằm gây ấn tượng và buộc người xem phải phân tích để hiểu nghĩa bóng của AD và (4) tạo hiệu ứng văn hoá, theo đó AD không chỉ giúp người mua hiểu được SP mà còn là công cụ để phản ánh văn hoá của thương hiệu và công ty [124]. Tóm lại, các nghiên cứu về vai trò của AD ý niệm trong QC đều khẳng định rằng AD có vai trò tích cực trong truyền tải thông điệp về SP vì AD giúp gây ấn tượng, kích thích trí tưởng tượng và khiến KH phải suy nghĩ về QC, từ đó ghi nhớ SP hơn. Thứ hai, về các AD ý niệm được dùng trong QC, các nghiên cứu cho thấy sự phong phú trong các AD chia theo miền nguồn và ánh xạ được sử dụng. Cụ thể, phân theo ánh xạ, Ruiz J.H. (2006) xác định được 6 AD được sử dụng để truyền thông về tác hại của ma túy và vai trò của gia đình trong các QC phòng chống ma túy, gồm ĂN LÀ HUỶ DIỆT, BỘ NÃO LÀ MIẾNG BỌT BIỂN, BIẾT LÀ NHÌN THẤY, CON NGƯỜI LÀ ĐỘNG VẬT, KHÔNG ĐƯỢC BẢO VỆ LÀ KHÔNG
  • 21. 13 MẶC QUẦN ÁO, NHÀ LÀ KHU VỰC RÀO CHẮN ĐEM LẠI SỰ BẢO VỆ [134]. Cũng căn cứ vào ánh xạ giữa MN và MĐ, Yu C. (2009) đã xác định được 4 AD lớn trong khẩu hiệu QC thức ăn, gồm CUỘC SỐNG LÀ THỰC THỂ/VẬT CHẤT, CẢM GIÁC/MONG MUỐN LÀ VẬT CHẤT, TRẠNG THÁI/TÍNH CÁCH LÀ NƠI CHỐN và SP LÀ THỰC THỂ/VẬT CHẤT, trong mỗi AD lớn có một vài AD phái sinh [150] còn Svaziene L. (2010) tìm được 3 AD trong các QC vận động bầu cử Mỹ gồm BẦU CỬ LÀ LỪA ĐẢO, TỔNG THỐNG LÀ MỘT VẤN ĐỀ và OBAMA LÀ KỴ SỸ NGÂY THƠ CHIẾN ĐẤU VỚI CHIẾC CỐI XAY GIÓ MỸ [139]. Phân theo miền nguồn, Ágnes A. (2009) xác định được 7 miền nguồn của AD ý niệm bao gồm SỰ GẦN GŨI VỀ THỂ CHẤT, BẠN BÈ, HÀNH TRÌNH, TRẢI NGHIỆM CẢM XÚC, SỨC NÓNG, HAM MUỐN THỂ XÁC, TỐT VÀ HẠNH PHÚC [71]. Thứ ba, về tần suất sử dụng của các loại AD trong QC, có nghiên cứu lựa chọn phân chia AD theo loại hình gồm AD ngôn từ, AD hình ảnh hoặc AD ngôn ảnh [71], [134], [150]; hoặc theo 3 loại AD cấu trúc, định hướng và bản thể của Lakoff và Johnson [129], hoặc theo hình thức trình bày [74]. Kết quả nghiên cứu cho thấy nhiều kết luận khác nhau về tần suất của các loại AD được sử dụng trong QC. Cụ thể, so sánh giữa AD hình ảnh, ngôn từ và ngôn ảnh, Anderson E.M. (1998) kết luận rằng cả ba loại AD đều được sử dụng phổ biến trên các website, trong đó các website bán hàng trực tuyến có xu hướng sử dụng nhiều AD hình ảnh hơn còn các website chỉ dùng để giới thiệu SP mà không bán hàng trực tiếp thường sử dụng nhiều AD ngôn từ và ngôn ảnh [74]. Trong khi đó, lựa chọn phân chia AD theo đề xuất của Lakoff và Johnson, Morris P.K. và Waldman J.A. (2011) kết luận rằng AD bản thể, AD cấu trúc và AD vật chứa được sử dụng phổ biến trong QC hình ảnh và QC ngôn từ; AD định hướng được sử dụng ít nhất trong QC ngôn từ và không được sử dụng trong QC hình ảnh [129]. Kết luận này tương đồng với kết quả nghiên cứu của một số tác giả Việt Nam như [27], [100], [127], [130], [143] (sẽ được đề cập ở phần sau). Thứ tư là các nghiên cứu về tác động của văn hóa đối với AD ý niệm. Ở khía cạnh này, các nhà nghiên cứu có hai quan điểm đối ngược nhau. Một số cho rằng khác biệt văn hoá dẫn đến khác biệt trong tư duy hình thành AD. Ủng hộ quan điểm này, Morris P.K. và Waldman J.A. (2011) đã so sánh AD trong QC của 5 quốc gia dựa trên các miền văn hoá theo mô hình của Hofstede. Tác giả kết luận
  • 22. 14 rằng các đặc điểm văn hoá được phản ánh rõ nét trong QC nhằm đảm bảo rằng thông điệp QC phù hợp với KH mà QC hướng tới [129]. Sử dụng tiêu chí văn hóa ngữ cảnh cao (HCC) và văn hóa ngữ cảnh thấp (LCC) để so sánh, Li J. và Rodriguez L. (2015) chỉ ra rằng tần suất và chủ đề của AD có sự khác biệt lớn giữa các nền văn hoá. Về tần suất, số lượng QC có sử dụng AD chiếm tỉ lệ áp đảo ở châu Á so với các châu lục khác, cho thấy sự phức tạp trong định hướng không gian dựa trên hình ảnh, bắt nguồn từ văn hoá đa dạng của châu lục này. Về chủ đề, số lượng hình ảnh trong QC ở châu Á cũng vượt trội so với châu Âu và Bắc Mỹ, do châu Á có nền văn hoá HCC, trong văn hoá này, một thông điệp được hiểu không chỉ bằng nội dung mà còn dựa trên ngữ cảnh. Ngược lại, Bắc Mỹ và châu Âu có văn hoá LCC, trong đó thông điệp thường được đưa ra trực tiếp thông qua các diễn đạt hiển ngôn [125]. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu khác lại cho rằng mặc dù có sự khác biệt về văn hoá nhưng về bản chất, AD ý niệm xuất phát từ tư duy của con người về sự vật, hiện tượng, do đó không có sự khác biệt đáng kể cho dù con người đang sống trong nền văn hoá nào. Li D. và Guo Q. (2006) lập luận rằng con người có có trải nghiệm sống tương tự nhau nên có hệ thống tri nhận như nhau, do đó AD trong các nền văn hoá khác nhau vẫn có cùng một cơ sở tri nhận. Tác giả chứng minh quan điểm của mình bằng cách so sánh cơ sở tri nhận giữa TA và tiếng Trung Quốc và nhận định rằng không có sự khác biệt trong AD ý niệm giữa 2 nền văn hoá [124]. Như vậy đã có khá nhiều công trình trên thế giới nghiên cứu về AD ý niệm trong QC. Các nhà nghiên cứu đều khẳng định vai trò quan trọng và hiệu ứng của AD đối với QC và xác định được nhiều loại AD được sử dụng phổ biến trong QC. Tuy nhiên, về mối quan hệ giữa văn hoá và AD, có 2 quan điểm trái ngược nhau (văn hoá có / không ảnh hưởng tới cơ sở hình thành AD) nhưng quan điểm cho rằng sự khác biệt văn hoá dẫn đến khác biệt về cơ sở tri nhận của AD nhận được sự ủng hộ nhiều hơn. 1.1.3.2. Tình hình nghiên cứu ở Việt Nam về ẩn dụ ý niệm trong quảng cáo Nhìn chung, số lượng các nghiên cứu về ngôn ngữ QC và AD ý niệm trong QC ở Việt Nam còn khá hạn chế. Về ngôn ngữ QC nói chung có chuyên khảo của Mai Xuân Huy (2001) xem xét các đặc điểm của diễn ngôn QC từ góc độ giao tiếp, trong đó tác giả tập trung vào phân tích ngữ nghĩa và ngữ dụng của ngôn ngữ QC [33], luận văn của Phạm Thị Cẩm Vân (2003) tìm hiểu về phong cách ngôn ngữ của QC, trong đó tác
  • 23. 15 giả chỉ rõ các công cụ tu từ hay được sử dụng trong QC [68] và luận án của Trần Thị Thu Hiền (2013) nghiên cứu các đặc trưng phong cách, đặc trưng ngữ nghĩa, chức năng ngôn ngữ, các lớp từ vựng được sử dụng trong QC [19]. Đặc biệt, luận án [19] mặc dù không tiếp cận theo lý thuyết tri nhận nhưng trong các khảo sát liên quan đến đặc trưng ngữ nghĩa, tác giả khẳng định rằng AD có tỉ lệ sử dụng cao nhất trong số các biện pháp tu từ ngữ nghĩa điển hình trong QC và cho rằng việc nghiên cứu AD ý niệm trong ngôn ngữ QC là rất cần thiết vì nó xuất hiện nhiều trong QC ở cả hai thứ tiếng. Cụ thể hơn về AD trong QC có luận văn của Nguyễn Thị Chi Mai (2010) [127] so sánh việc sử dụng 3 loại AD (AD tri nhận, AD hỗn hợp và AD mới) trong các khẩu hiệu QC TA nhìn từ phương diện ngữ dụng học. Tác giả kết luận rằng AD tri nhận là công cụ phổ biến nhất trong khẩu hiệu QC; bóc tách giữa 3 tiểu loại trong AD tri nhận, tác giả khẳng định AD bản thể được sử dụng nhiều nhất, AD cấu trúc và AD định hướng có tần suất sử dụng bằng nhau. Trực tiếp nghiên cứu về AD ý niệm trong QC có luận văn của Huỳnh Trung Ngữ (2010) [130] và Phạm Thị Hằng (2012) [100]. Luận văn [130] đối chiếu AD ý niệm trong khẩu hiệu QC TA và TV. Tác giả xác định được 17 miền nguồn được sử dụng trong AD, tiêu biểu như HÀNH TRÌNH, CHIẾN TRANH, BẠN BÈ, THỨC ĂN, SỨC KHOẺ… và chỉ ra sự khác biệt về tần suất của các loại AD: AD bản thể được sử dụng phổ biến nhất trong QC TA còn AD cấu trúc được sử dụng nhiều nhất trong QC TV. Trong khi đó, luận văn [100] tìm hiểu về AD ý niệm trong khẩu hiệu QC và kết luận rằng AD là công cụ phổ biến trong thiết kế khẩu hiệu QC; trong 3 tiểu loại, AD bản thể được sử dụng nhiều nhất, sau đó là AD cấu trúc, cuối cùng là AD định hướng. Ngoài ra còn có một số bài báo về AD ý niệm trong QC. Đáng chú ý là bài báo của Lưu Trọng Tuấn (2010) [143] nghiên cứu AD bản thể và AD cấu trúc trong khẩu hiệu QC TV. Tác giả khẳng định hiệu quả của AD ý niệm trong khẩu hiệu QC, so sánh tần suất và kết luận rằng AD bản thể được sử dụng phổ biến hơn. Tác giả cũng xác định được 4 AD bản thể (THƯƠNG HIỆU LÀ NGUỒN LỰC GIÁ TRỊ, THƯƠNG HIỆU LÀ VẬT CHỨA, THƯƠNG HIỆU LÀ BẠN ĐỒNG HÀNH, THƯƠNG HIỆU LÀ CHIẾN BINH) và 1 AD cấu trúc (THƯƠNG HIỆU LÀ CHUYỂN ĐỘNG) trong khẩu hiệu QC. Ngoài ra còn có bài báo của Phan Văn Hoà và Huỳnh Trung Ngữ (2011) [27] so sánh AD ý niệm trong khẩu hiệu QC giữa hai ngôn ngữ và của Trần Thị Thu Hiền
  • 24. 16 (2014) [20] so sánh 7 loại AD truyền thống trong khẩu hiệu QC TV và TA. Hai bài báo này gắn với luận án [19] và luận văn [130] của cùng tác giả đã đề cập đến ở trên. Có thể nói các nghiên cứu về AD ý niệm trong Việt ngữ học thời gian qua đã khái quát hoá AD ý niệm qua chức năng ý niệm hoá, thể hiện cách tri nhận về sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan. Các nghiên cứu này đã xây dựng được nền tảng lý luận và thực tiễn tương đối phong phú. Tuy nhiên, số lượng công trình chưa nhiều, đặc biệt chưa có nghiên cứu toàn diện về AD ý niệm trong QC đối chiếu giữa hai ngôn ngữ. Đây chính là ‘khoảng trống’ nghiên cứu mà luận án hy vọng sẽ lấp đầy. 1.2. Cơ sở lý luận về đề tài nghiên cứu Để có nền tảng lý thuyết cho nghiên cứu thực tế ở Chương 2, 3 và 4 của luận án, chúng tôi hệ thống hóa các lý thuyết liên quan đến đề tài nghiên cứu chia thành 4 nhóm nội dung chính bao gồm: AD ý niệm, Ngôn ngữ học đối chiếu, Đặc trưng văn hóa Việt - Anh và Quảng cáo. 1.2.1. Cơ sở lý luận về ẩn dụ ý niệm 1.2.1.1. Các quan điểm về ẩn dụ Nghiên cứu về AD có vị trí quan trọng trong trào lưu tri nhận. Cột mốc đánh dấu cho lĩnh vực này là sự xuất hiện của cuốn sách Metaphors We Live by của Lakoff và Johnson [120] vào năm 1980 với những thay đổi bước ngoặt trong quan điểm về AD. Vì vậy, trong nghiên cứu này, chúng tôi lựa chọn trình bày quan điểm về AD theo hai giai đoạn: (1) AD theo quan điểm truyền thống hệ thống hoá các quan điểm tính đến thời điểm công bố tác phẩm trên và (2) AD theo quan điểm của ngôn ngữ học tri nhận gồm các quan điểm từ năm 1980 đến hiện tại.  Ẩn dụ theo quan điểm truyền thống Quan điểm cổ xưa nhất về AD đến từ Aristotle, một tên tuổi lớn trong triết học Hy Lạp cổ đại. Theo Aristotle, AD là “hình thức trang trí trong ngôn ngữ nghệ thuật và hùng biện”, là cách lạ hóa ngôn ngữ nhằm tạo nên sự thu hút trong hùng biện và thi ca, làm giàu có hơn cho ngôn ngữ bởi nó giúp người nói biểu đạt ý kiến một cách hấp dẫn và ấn tượng. Đây chính là khởi nguyên cho các quan điểm về AD sau này (dẫn theo Nguyễn Thị Bích Hạnh, [16]). Theo quan điểm truyền thống, AD được coi là phép chuyển đổi tên gọi dựa trên sự so sánh ngầm giữa hai sự vật có sự tương đồng. Với cách tiếp cận này, AD đặc trưng
  • 25. 17 với dạng lược đồ: A là B, ví dụ như trong Achilles is a lion (Achilles là một con sư tử). Như vậy, từ thời Aristotle, AD đã được xác định là cách thức so sánh dựa trên sự tương đồng giữa hai phạm trù nhưng sự so sánh không được đánh dấu hiển ngôn. Điều này khiến AD khác với tỉ dụ (simile): với tỉ dụ, sự so sánh được biểu thị rõ ràng qua việc dùng các tiểu từ so sánh như as hay like (giống như): Achilles is as brave as a lion (Achilles dũng cảm như một con sư tử); Achilles is brave, like a lion (Achilles dũng cảm, giống như một con sư tử) (dẫn theo Evans và Green, 2006) [89: tr.293]. Trong Metaphor – A Practical Introduction [108: tr. ix], Kövecses tóm tắt các đặc điểm của AD theo quan điểm truyền thống như sau: (1) AD là đặc điểm của từ vựng, là hiện tượng ngôn ngữ; (2) AD được sử dụng cho mục đích nghệ thuật và tu từ; (3) AD được hình thành dựa trên sự tương đồng giữa hai thực thể được so sánh; (4) AD là việc dùng từ có mục đích và (5) AD là hình thái không thể thiếu của lời nói. Như vậy, theo quan điểm truyền thống, AD là phương thức chuyển nghĩa của từ vựng căn cứ vào mối quan hệ tương đồng giữa sự vật / đối tượng và là biện pháp tu từ nhằm tạo nên những biểu tượng trong nhận thức của con người. Do đó, có thể nói AD là đặc tính riêng của ngôn ngữ, là vấn đề của lời nói hơn là vấn đề thuộc phạm trù tư tưởng và hành động.  Ẩn dụ theo quan điểm của ngôn ngữ học tri nhận Sự phát triển của NNH tri nhận trong những năm 80 của thế kỷ XX với sự khởi đầu của Lakoff và Johnson đã tạo ra sự thay đổi bước ngoặt trong quan niệm về AD. NNH tri nhận nghiên cứu AD thông qua các lĩnh vực kinh nghiệm và cho rằng AD là hiện tượng tri nhận chứ không đơn thuần là hiện tượng ngôn ngữ. Đó là quá trình con người dựa vào một sự vật, một hiện tượng nào đó để nhận thức, hiểu biết, suy nghĩ và diễn đạt một sự vật hay một hiện tượng khác. AD có tính chất ý niệm hóa, do đó Lakoff và Johnson gọi nó bằng thuật ngữ “Ẩn dụ ý niệm” (conceptual metaphors) hay “Ẩn dụ tri nhận” (cognitive metaphors). Lakoff và Johnson khẳng định “AD không đơn thuần là vấn đề về ngôn ngữ mà còn là vấn đề của tư duy và hành động” [120: tr.3]. Khác với quan điểm truyền thống cho rằng AD là một dạng so sánh, Lakoff và Turner (1989) cho rằng cách mô hình hóa AD bằng cấu trúc so sánh A như/giống B là sự phản ánh sai bản chất của AD. So sánh có thể được coi là AD ở thể yếu nhưng AD không hoàn toàn là so sánh [117]. Bản chất
  • 26. 18 AD là nhận thức một ý niệm này thông qua một ý niệm khác, mặc dù các cấu trúc trên cũng cho thấy sự kết nối giữa hai miền ý niệm nhưng như/giống mang hiệu lực yếu hơn. Căn cứ để xác lập AD không phải là cấu trúc ngôn ngữ biểu hiện AD mà là bản chất tri nhận của nó, tức là sự ý niệm hóa miền A thông qua miền B bằng hệ thống các ánh xạ nhất quán, đơn tuyến và trở thành mô hình tri nhận trong tinh thần con người. Theo các nhà NNH tri nhận, AD là cơ chế nhận thức về sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan, ở đó con người nhìn nhận và xây dựng lập luận cho các khái niệm trừu tượng, phức tạp thông qua logic của những khái niệm cụ thể, đơn giản hơn. AD là quá trình tri nhận có chức năng biểu hiện và hình thành những ý niệm mới. Nhờ phương thức AD, con người nhận biết được thế giới vật chất, tinh thần và cảm xúc. AD gắn liền với đặc trưng văn hoá tinh thần của con người [5]. Theo Lakoff và Johnson, AD theo quan điểm tri nhận gồm 5 đặc điểm: (1) AD là hình thức biểu hiện của tư duy, không phải là từ vựng; (2) AD giúp tìm hiểu các khái niệm rõ ràng hơn chứ không chỉ nhằm mục đích thẩm mỹ; (3) AD thường không được cấu thành trên sự tương đồng; (4) AD được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày bởi những người bình thường chứ không chỉ bởi những người có năng lực ngôn ngữ siêu phàm và (5) AD không phải là hình thức trang trí hoa mỹ của ngôn ngữ mà là quá trình tư duy và tri thức của con người (dẫn theo Kövecses) [108: tr. x]. Với ý nghĩa đó, theo đường hướng tri nhận, AD là phương thức biểu tượng tri thức dưới dạng ngôn ngữ. 1.2.1.2. Định nghĩa, cơ sở hình thành và đặc điểm của ẩn dụ ý niệm  Định nghĩa ẩn dụ ý niệm Lakoff và Johnson (1980) định nghĩa “AD ý niệm là sự ý niệm hóa một miền tinh thần qua một miền tinh thần khác, gọi là sự ánh xạ (mapping) có hệ thống từ một miền này sang một miền khác nhằm tạo nên một mô hình tri nhận giúp lĩnh hội miền đích một cách hiệu quả hơn”. AD ý niệm được hình thành dựa trên kinh nghiệm của con người đối với thế giới, trong đó một miền (thường là miền cụ thể) được dùng để hiểu một miền khác (thường là miền trừu tượng hơn); miền thứ nhất được gọi là miền nguồn (source domain - MN), miền sau gọi là miền đích (target domain - MĐ) [120: tr.5]. NNH tri nhận phân biệt AD ý niệm và AD ngôn ngữ (linguistics metaphor). Kövecses chỉ rõ rằng AD ngôn ngữ chỉ là các BT AD, là dạng cụ thể của AD ý niệm,
  • 27. 19 trong khi AD ý niệm vốn trừu tượng và khái quát. AD ý niệm (được biểu diễn bằng chữ in hoa) là cơ sở ý niệm cho tất cả những BT AD được liệt kê theo nó. Các BT AD (được viết bằng chữ in nghiêng) có thể rất đa dạng nhưng nếu nó chỉ được ánh xạ từ một MN duy nhất tới một MĐ tương ứng thì đó chỉ là một AD ý niệm [108: tr.6]. Ví dụ (dẫn theo Lakoff và Johnson), AD ý niệm LOVE IS A JOURNEY (TÌNH YÊU LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH) có các BT ngôn ngữ như: Look how far we’ve come (Hãy nhìn xem chúng ta đã đi được bao xa); We’re at a crossroad (Chúng ta đang ở ngã ba đường); We can’t turn back now (Chúng ta không thể quay trở lại)…  Cơ sở hình thành ẩn dụ ý niệm Trái với quan điểm truyền thống cho rằng cơ sở hình thành AD là sự tương đồng giữa hai thực thể được so sánh, NNH tri nhận cho rằng bên cạnh sự tương đồng khách quan vốn đã tồn tại trước, AD ý niệm được hình thành dựa trên một loạt kinh nghiệm của con người, bao gồm sự tương liên về kinh nghiệm, sự tương đồng không khách quan, nền tảng văn hóa và sinh học chung giữa hai miền ý niệm… Nhóm các cơ sở này lại, Kövecses cho rằng có hai nền tảng chính hình thành nên AD ý niệm [108: tr.81]. Thứ nhất là sự tương liên về kinh nghiệm. Động lực lớn nhất thúc đẩy sự hình thành AD là sự tương liên trong trải nghiệm của con người. Khi một sự kiện xảy ra dẫn đến một sự kiện khác thì hai sự kiện này được cho là có tương liên về trải nghiệm. Ví dụ (dẫn theo Kövecses), nếu đổ thêm chất lỏng vào vật chứa thì mực chất lỏng trong vật chứa tăng lên, như vậy hai sự kiện này có quan hệ tỉ lệ thuận, mối quan hệ này là nền tảng tạo nên AD NHIỀU HƠN HƯỚNG LÊN TRÊN. AD này hoạt động dựa trên hai ý niệm: số lượng và chiều thẳng đứng. Số lượng được thể hiện bằng thang đo NHIỀU/ÍT, chiều thẳng đứng thể hiện bằng thang đo HƯỚNG LÊN TRÊN/HƯỚNG XUỐNG DƯỚI. Xuất phát từ trải nghiệm hàng ngày, khi số lượng gia tăng thì chiều thẳng đứng gia tăng, tạo nên AD ý niệm NHIỀU HƠN HƯỚNG LÊN TRÊN, ÍT HƠN HƯỚNG XUỐNG DƯỚI. Những ví dụ tương tự về sự tương liên giữa hai sự vật hình thành nên AD ý niệm được tìm thấy rất phổ biến trong các ngôn ngữ [108: tr.81]. Thứ hai là sự tương đồng cấu trúc được cảm nhận. Bên cạnh sự tương liên, AD còn được hình thành dựa trên sự tương đồng phi khách quan mà người nói cảm nhận về hai đối tượng. Ví dụ (dẫn theo Kövecses), trong AD LIFE IS A GAMBLING GAME (cuộc đời là một canh bạc), các BT ngôn ngữ I’ll take my chances (Tôi sẽ nắm
  • 28. 20 lấy cơ hội của tôi), He won big (Anh ấy thắng lớn), It’s a toss-up (Đó là một trò chơi sấp ngửa) cho thấy con người khắc họa cuộc sống như một canh bạc, có may rủi, thắng thua, sấp-ngửa; các hoạt động diễn ra trong cuộc sống và kết quả mà nó mang lại cũng giống như việc thắng/thua trong một ván bài. Con người cảm nhận được sự tương đồng giữa cuộc sống và trò đánh bạc, mặc dù sự tương đồng này không mang tính khách quan và không tồn tại từ trước. Sự tương đồng giữa cấu trúc của một miền ý niệm này với cấu trúc của một miền ý niệm khác là một cơ sở quan trọng để hình thành nên AD và thường được gọi là sự tương đồng cấu trúc cảm nhận [108: tr.82]. Kövecses cũng đưa ra một lưu ý thú vị rằng một vài AD không dựa trên sự tương đồng mà tạo ra sự tương đồng giữa hai miền ý niệm. Các BT ngôn ngữ trên khiến người đọc liên tưởng đến các thuộc tính của một canh bạc, từ đó tạo thành nền tảng hình thành nên AD LIFE IS A GAMBLING GAME [108: tr.84].  Đặc điểm của ẩn dụ ý niệm AD ý niệm có 7 đặc điểm nổi bật sau: Thứ nhất, tính đơn hướng. Các AD ý niệm đều mang tính một chiều, tức là AD ánh xạ cấu trúc từ một miền nguồn sang một miền đích chứ không có ánh xạ tương ứng theo chiều ngược lại. Chẳng hạn, TÌNH YÊU được ý niệm hóa theo HÀNH TRÌNH nhưng không thể cấu trúc qui ước hóa HÀNH TRÌNH theo TÌNH YÊU: “tình nhân” được miêu tả quy ước như các “lữ khách” chứ “lữ khách” không được miêu tả thành “tình nhân”, “trái tim tan vỡ vì tình yêu” được miêu tả quy ước như các vụ đâm xe trong khi vụ đâm xe không thể miêu tả theo lối “trái tim tan vỡ”... Do đó, các thuật ngữ “đích” và “nguồn” mã hóa bản chất một chiều của ánh xạ. Thứ hai, tính che giấu và nhấn mạnh. Một đặc điểm quan trọng của AD ý niệm là tính che giấu và nhấn mạnh: khi ý niệm đích được cấu trúc hóa theo một MN cụ thể, nó sẽ kích hoạt một khía cạnh nào đó của MĐ và đồng thời làm mờ những khía cạnh khác. Ví dụ (dẫn theo Lakoff và Johnson), AD ARGUMENT IS WAR (Tranh luận là chiến tranh) nhấn mạnh đến bản chất đối nghịch của tranh luận (Anh ta thắng cuộc tranh luận, Tôi đã không thể bảo vệ quan điểm đó...) nhưng lại làm mờ đi khía cạnh về sự phát triển có trật tự và có tổ chức về một chủ đề cụ thể. Ngược lại, AD ARGUMENT IS A JOURNEY (Tranh luận là một cuộc hành trình) lại nhấn mạnh đến sự phát triển có trật tự và có tổ chức của cuộc tranh luận (Chúng ta sẽ nhích lên từng
  • 29. 21 bước một; Chúng ta đã có được nhiều lí lẽ), đồng thời che giấu các khía cạnh mang tính đối đầu [120]. Đây là lí do các chính trị gia thường dùng nhiều AD ý niệm trong các diễn ngôn chính trị để nhấn mạnh vào thông điệp họ muốn truyền tải. Thứ ba, tính hệ thống. Các AD ý niệm tương tác với nhau và tạo thành những hệ thống AD tương đối phức tạp. Những hệ thống này là tập hợp của các ánh xạ AD hình ảnh, các ánh xạ này cấu trúc hóa những AD cụ thể hơn. Lakoff (1993) nêu ra một ví dụ về một hệ thống AD được gọi là AD cấu trúc sự kiện (event structure metaphor). Đây thực tế là một chuỗi các AD tương tác trong cách thuyết giải phát ngôn [118]. Ví dụ (dẫn theo Lakoff và Johnson, [120]): AD CUỘC ĐỜI LÀ MỘT HÀNH TRÌNH bao gồm hệ thống AD TÌNH TRẠNG LÀ VỊ TRÍ (Anh ấy đang ở ngã ba cuộc đời), THAY ĐỔI LÀ CHUYỂN ĐỘNG (Anh ấy đi từ tuổi 40 sang tuổi 50 mà không hề có dấu hiệu gì của khủng hoảng trung niên), MỤC ĐÍCH LÀ ĐIỂM ĐẾN (Tôi dường như chẳng bao giờ đến được nơi tôi muốn trong đời), PHƯƠNG TIỆN LÀ LỐI ĐI (Trong đời nó, nó đi theo một con đường trái với thói thường). Trong AD cấu trúc sự kiện này, mỗi ví dụ nhỏ (trong ngoặc đơn) thừa hưởng cấu trúc từ một AD cụ thể (chữ in hoa) trong khuôn khổ phức hợp cấu trúc sự kiện. Thứ tư, tính tầng bậc. Các phép đồ họa AD không tồn tại riêng biệt mà được tổ chức theo một cấu trúc tầng bậc, trong đó các AD ý niệm ở cấp độ thấp hơn (còn gọi là AD hạ danh) thừa hưởng cấu trúc của AD có cấp độ cao hơn (còn gọi là AD thượng danh). Ví dụ (dẫn theo Lakoff [120: tr.209]): TÌNH YÊU LÀ MỘT HÀNH TRÌNH và NGHỀ NGHIỆP LÀ MỘT HÀNH TRÌNH là các AD bậc dưới của CUỘC SỐNG LÀ MỘT HÀNH TRÌNH. Đến lượt mình, CUỘC SỐNG LÀ MỘT HÀNH TRÌNH lại là bậc dưới của AD HÀNH ĐỘNG LÀ CHUYỂN ĐỘNG ĐƯỢC ĐỊNH HƯỚNG. Cùng cấp với AD này là các ý niệm TRẠNG THÁI LÀ NƠI CHỐN, THAY ĐỔI LÀ CHUYỂN ĐỘNG, NGUYÊN NHÂN LÀ LỰC TÁC ĐỘNG, HÀNH ĐỘNG LÀ CHUYỂN ĐỘNG TỰ ĐẨY, PHƯƠNG TIỆN LÀ ĐƯỜNG ĐẾN ĐÍCH. Thứ năm, tính phổ quát. Lakoff và Johnson cho rằng AD ý niệm có tính phổ quát bởi nó phản ánh quá trình tri nhận để thu nhận hình ảnh của con người nên mặc dù có sự khác biệt văn hoá giữa các ngôn ngữ, AD ý niệm dường như không có sự khác biệt lớn. AD ý niệm được phản ánh qua lăng kính ngôn ngữ và văn hóa dân tộc, nên cấu trúc AD của những ý niệm cơ bản tương hòa với những giá trị văn hóa nền tảng nhất
  • 30. 22 [120]. Sau khảo sát được thực hiện với hàng loạt AD ý niệm bằng TA và kiểm chứng trên các ngôn ngữ khác, Kövecses kết luận rằng một số AD ý niệm mang tính phổ quát, ví dụ như HẠNH PHÚC LÀ HƯỚNG LÊN, HẠNH PHÚC LÀ ÁNH SÁNG, HẠNH PHÚC LÀ CHẤT LỎNG TRONG VẬT CHỨA, TỨC GIẬN LÀ CHẤT KHÍ HOẶC CHẤT LỎNG NÉN TRONG VẬT CHỨA đều được tìm thấy trong rất nhiều ngôn ngữ [108]. Boers thì cho rằng các AD liên quan đến kinh nghiệm của cơ thể phần lớn mang tính phổ quát, bởi cấu tạo của con người giống nhau nên cách thức tư duy dựa trên cơ thể hẳn phải có những tương đồng nhất định [79]. Thứ sáu, tính biến thiên văn hoá. Mặc dù thiên về quan điểm cho rằng AD ý niệm có tính phổ quát, Lakoff và Johnson cũng thừa nhận rằng nghiên cứu của mình mới chủ yếu giới hạn ở các AD ý niệm và AD ngôn từ trong TA mà chưa đi sâu so sánh AD ý niệm trên cơ sở văn hóa. Trong nghiên cứu sau này, Deignan và cộng sự cho rằng một số AD ý niệm có thể mang tính phổ quát nhưng không thể có một hệ thống AD ý niệm và AD ngôn ngữ hoàn toàn như nhau tồn tại ở hai nền ngôn ngữ – văn hóa [86]. Ngay cả Boers và Kövecses cũng thừa nhận sự biến thiên văn hóa trong AD. Cụ thể, Boers khẳng định sự biến thiên văn hóa thể hiện rõ ràng trong AD cấu trúc khi MN cụ thể hoặc chi tiết hơn MĐ [79] còn theo Kövecses, sự biến thiên văn hóa có thể xảy ra theo 3 hướng: biến thiên trong phạm vi các AD ý niệm, biến thiên theo mức độ chi tiết hóa các AD ý niệm và biến thiên theo mức độ nhấn mạnh AD hoặc hoán dụ [108]. Nhiều tác giả sau này đã so sánh AD trong TA và các ngôn ngữ khác như tiếng Tây Ban Nha [82], tiếng Đức [83], tiếng Trung [84] và kết luận rằng các yếu tố văn hóa có tác động tới việc lựa chọn AD của người nói. Thứ bảy, tính tương hòa văn hóa. Trong Metaphors We Live by, Lakoff và Johnson khẳng định rằng bởi AD ý niệm được hình thành dựa trên các trải nghiệm của con người với nền văn hóa nên các cấu trúc AD cơ bản đều tương hòa với những giá trị tiêu biểu nhất của nền văn hóa đó [120, tr.16]. Nói cách khác, các cấu trúc AD luôn phù hợp với phong tục tập quán, hoạt động tinh thần hay phương thức tư duy của một cộng đồng văn hóa và phản ánh những đặc trưng đó. Ví dụ NHIỀU HƠN LÀ TỐT HƠN, TO HƠN LÀ TỐT HƠN tương hòa với các AD NHIỀU HƠN HƯỚNG LÊN TRÊN, CÁI TỐT HƯỚNG LÊN TRÊN trong khi ÍT HƠN LÀ TỐT HƠN, BÉ HƠN LÀ TỐT HƠN đối ngược với các AD này. Các AD tương hòa tồn tại phổ biến trong
  • 31. 23 khi AD bất tương hòa chỉ chiếm số ít. Lakoff cho rằng không thể khẳng định rằng tất cả những giá trị văn hóa liên quan đến hệ thống AD thực sự tồn tại, nhưng những giá trị nào tồn tại và ăn sâu gốc rễ vào văn hóa thì tương hòa với hệ thống AD. Các đặc điểm này sẽ được vận dụng để kiến giải sự tương đồng và khác biệt của AD ý niệm trong các diễn ngôn quảng cáo ở Chương 2, 3 và 4. 1.2.1.3. Các khái niệm liên quan đến ẩn dụ ý niệm  Ý niệm (concept) và ý niệm hoá (conceptualization) Ý niệm là đối tượng nghiên cứu quan trọng nhất trong NNH tri nhận bởi các mô hình tri nhận đều được cấu thành từ ý niệm. Trần Văn Cơ [5], Lý Toàn Thắng [52] và sau này là Nguyễn Thiện Giáp [12] đều chia sẻ quan điểm rằng ý niệm là một đơn vị của ý thức con người, là biểu tượng tinh thần phản ánh cách con người tri nhận và tương tác với thế giới xung quanh, là phương thức con người tiếp nhận bức tranh thế giới khách quan theo cảm nhận chủ quan của riêng mình. Theo Trần Văn Cơ, ý niệm được hình thành trong quá trình tư duy của con người. Ý niệm hình thành trong quá trình cấu trúc hóa thông tin về một sự việc khách quan trong thế giới, bao gồm nội dung thông tin được tiếp nhận về thế giới hiện thực và thế giới tưởng tượng được lọc qua lăng kính chủ quan của con người [5]. Theo Lý Toàn Thắng, ý niệm không chỉ là kết quả của quá trình tư duy mà là SP của quá trình tri nhận, được đúc kết bằng kinh nghiệm của con người qua nhiều thế hệ [52]. Cả hai tác giả đều cho rằng ý niệm vừa mang tính phổ quát bởi nó phản ánh thế giới khách quan, vừa có tính đặc thù bởi nó gắn liền với đặc trưng văn hóa và ngôn ngữ dân tộc. Ý niệm hóa là quá trình hình thành ý niệm. Theo Nguyễn Thiện Giáp, ý niệm phản ánh các thuộc tính và bản chất của sự vật trong não bộ của con người, được hình thành từ những khái quát trừu tượng. Ý niệm hóa là quá trình phát triển của nhận thức từ cảm tính sang lý tính, từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng. Nó cấu trúc các phương diện trong kinh nghiệm của con người và truyền tải thành các nội dung ngôn ngữ [12].  Phạm trù (category), phạm trù hoá (categorization), điển dạng (prototype) Theo quan điểm cổ điển có từ thời Aristotle, phạm trù là một tập hợp hữu hạn các điều kiện cần và đủ. Các điều kiện này chính là các đặc trưng bản chất, thành viên của một phạm trù được hình thành dựa trên đặc trưng có hoặc không. Đến thập niên 1970, E.Rosch đưa ra quan điểm có tính thách thức quan điểm truyền thống khi khẳng định
  • 32. 24 rằng việc xếp loại các thành viên vào phạm trù hoàn toàn dựa trên sự tương đồng (dẫn theo Evans và Greens, [89: tr.250]).Trong NNH tri nhận, phạm trù thể hiện tư duy con người, cho phép khái quát hóa kinh nghiệm để phân loại các sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan, như vậy một phạm trù phải được dựa trên những gì mà con người tri giác và trải nghiệm về sự vật hiện tượng đó chứ không phải chính bản thân nó. Phạm trù hóa là quá trình phân loại sự vật, hiện tượng, là hoạt động tri nhận bậc cao của con người dựa trên kinh nghiệm của bản thân nhằm tìm hiểu và tương tác với thế giới xung quanh. Quá trình phân loại này diễn ra gần như vô thức và có liên quan đến các vấn đề tâm sinh lý, khả năng tri giác, ghi nhớ, sắp xếp thông tin… chứ không phải là một sản phẩm mang tính quy ước. Trong mỗi phạm trù đều có các thành viên đứng ở vị trí trung tâm, nổi bật hơn các thành viên khác – được gọi là điển dạng. Nói cách khác, điển dạng là các thành viên điển hình của một phạm trù, là ví dụ tốt nhất cho phạm trù đó. Khi nhắc tới một phạm trù, trước tiên người ta sẽ nghĩ tới điển dạng hơn là quan tâm tới toàn bộ danh sách hay các thuộc tính chung. Ví dụ, khi nói về loài chim, người ta thường nghĩ đến chim sáo, chim sẻ thay vì chim cánh cụt hay đà điểu. Do đó, chim sáo, chim sẻ là điển dạng của loài chim, trong khi chim cánh cụt và đà điểu nằm ở ngoại vi của phạm trù.  Miền (domain), miền nguồn (source domain), miền đích (target domain) Langacker (1987) định nghĩa: “Miền là những thực thể tri nhận như trải nghiệm tinh thần, không gian trình hiện, ý niệm, hoặc phức hợp ý niệm” [121]. Để một cấu trúc tri thức được coi là một miền, cấu trúc tri thức đó phải cung cấp thông tin nền giúp hiểu và sử dụng các nhóm từ vựng trong một ngôn ngữ. Ví dụ, nhóm từ hot (nóng), cold (lạnh), lukewarm (âm ấm) nhằm trong miền TEMPERATURE (nhiệt độ); nếu không có kiến thức nền về nhiệt độ, chúng ta sẽ không thể hiểu và sử dụng các từ vựng này. Như vậy, miền là tập hợp các ý niệm có liên quan đến một nội dung tinh thần như các thực thể tri nhận, thuộc tính, quan hệ. Các thực thể tri nhận thường được thể hiện bằng danh từ, chúng tạo thành những nhóm riêng lẻ, mỗi nhóm gồm một số thành viên với các thuộc tính tương đồng. Các thuộc tính và quan hệ tạo thành hệ thống các phương diện của miền ý niệm, được thể hiện trong ngôn ngữ bằng tính từ hoặc động từ. Miền nguồn và miền đích là thuật ngữ quy chiếu tới các miền ý niệm trong cấu trúc AD ý niệm. Kövecses (2002) định nghĩa “miền nguồn là miền ý niệm mà từ đó người
  • 33. 25 ta rút ra các biểu thức AD để từ đó có thể hiểu một miền ý niệm khác; miền đích là miền ý niệm được hiểu thông qua cách sử dụng của miền nguồn” [108: tr.4]. So sánh giữa hai miền ý niệm, MN thường cụ thể, có thể phác họa rõ ràng, dễ nhận biết hoặc đã được ý niệm hóa trong tâm trí con người trong khi MĐ thường trừu tượng, khó xác định hoặc còn mới mẻ đối với nhận thức và kinh nghiệm. Bởi thế việc phóng chiếu qua MN giúp xây dựng các lược đồ hình ảnh đối ứng để làm công cụ tri nhận giúp việc nhận thức về MĐ trở nên khả thi và dễ dàng hơn. Ví dụ LOVE (tình yêu), LIFE (cuộc sống) hay ARGUMENT (sự tranh luận) là các MĐ – chúng trừu tượng, vô hình và khó xác định. Những MĐ này được phóng chiếu sang MN cụ thể và quen thuộc hơn như JOURNEY (hành trình), WAR (chiến tranh), PLANT (thực vật)… Theo cách đó, AD ý niệm giúp những khái niệm vô hình, khó hiểu trở nên có thể hiểu được. Kövecses đã liệt kê 13 MN phổ biến nhất trong AD ý niệm, bao gồm CƠ THỂ CON NGƯỜI, SỨC KHỎE VÀ BỆNH TẬT, MÁY MÓC VÀ THIẾT BỊ, TRÒ CHƠI VÀ THỂ THAO, NẤU NƯỚNG VÀ MÓN ĂN, CHUYỂN ĐỘNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG… và 13 MĐ có xu hướng sử dụng AD ý niệm để quy chiếu, bao gồm TÌNH CẢM, MONG MUỐN, ĐẠO ĐỨC, XÃ HỘI, CHÍNH TRỊ, KINH TẾ… ([108: tr.18-28]). Các khái niệm này là căn cứ để luận án tìm hiểu về miền ý niệm SP và các miền nguồn, miền đích có liên quan tới miền ý niệm này theo quan hệ AD.  Ánh xạ (mapping) Theo Kövecses (2002), trong cấu trúc AD ý niệm, ánh xạ là “một hệ thống cố định các tương ứng giữa các yếu tố hợp thành miền nguồn và miền đích” [108: tr.7]. Nó là sự phóng chiếu giữa những yếu tố của MN và những yếu tố tương ứng của MĐ, do đó việc tìm hiểu AD ý niệm thường được thực hiện thông qua việc tìm hiểu sơ đồ ánh xạ giữa MN và MĐ. AD theo quan điểm của NNH tri nhận không chỉ là phương thức chuyển nghĩa dựa trên sự tương đồng giữa hai sự vật mà là ánh xạ giữa các cặp điểm tương ứng của hai miền ý niệm. Tập hợp các điểm A ở MN sẽ có ánh xạ là tập hợp các điểm A’ ở MĐ. Ví dụ (dẫn theo Lakoff và Johnson) trong AD TÌNH YÊU LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH: người yêu tương ứng với lữ khách, mối quan hệ tương ứng với phương tiện, mục tiêu của hai người yêu nhau tương ứng với đích đến của cuộc hành trình, những khó khăn trong mối quan hệ tương ứng với các rào cản trên đường đi [120].
  • 34. 26 Ánh xạ trong AD ý niệm có một vài thuộc tính. Thứ nhất, ánh xạ không mang tính quy ước mà xuất phát từ vận động của con người trong không gian, từ các trải nghiệm cá nhân và nhận thức trong cuộc sống hàng ngày. Một ý niệm có thể chứa nhiều ánh xạ khác nhau, tạo thành các tiểu hệ trong ý niệm đó. Thứ hai, ánh xạ mang tính bộ phận, nó không thể hiện toàn bộ thuộc tính của MN sang MĐ mà chỉ có một số phương diện của MN được làm nổi bật và ánh xạ sang MĐ, những khía cạnh còn lại bị che giấu đi. Tính bộ phận của AD ý niệm là do không gian hai MN và MĐ không đồng nhất tuyệt đối mà chỉ trùng lặp bộ phận. Thứ ba, ánh xạ có tính đơn tuyến, nó chỉ được cấu trúc từ MN sang MĐ chứ không đi theo chiều ngược lại. Lí thuyết ánh xạ là cơ sở căn bản để triển khai nội dung của Chương 2.  Nghiệm thân (embodiment) và lược đồ hình ảnh (image schema) Nghiệm thân là tư tưởng có vai trò then chốt trong NNH tri nhận như Lakoff và Johnson đã khẳng định: “Cơ sở tri nhận của con người phải được hiểu qua tính nghiệm thân” [120]. Hai tác giả cho rằng nghiệm thân là quá trình con người sử dụng các bộ phận cơ thể và trải nghiệm của thân xác để hình thành nên hệ thống ý niệm và tư duy. Nghiệm thân bao gồm hai yếu tố: nhận thức của con người về thế giới khách quan và trải nghiệm của con người trong cuộc sống; ngôn ngữ là công cụ để phản ánh cách thức mà con người tư duy về thế giới mà họ trải nghiệm. Tuy nhiên, nghiệm thân vẫn còn là một khái niệm chưa thống nhất. Nhiều nhà nghiên cứu đã phê phán NNH tri nhận khi không đề cập tới yếu tố văn hóa trong quá trình hình thành nhận thức của con người. Khắc phục thiếu sót này, T. Rohrer đề xuất định nghĩa về nghiệm thân như “một sự trải nghiệm về thân thể, về nhận thức và về xã hội của con người là cơ sở cho hệ thống ý niệm và hệ thống ngôn ngữ của chúng ta” [142: tr.20]. Với cách hiểu này, nghiệm thân không chỉ là các trải nghiệm sinh lí mà còn bao hàm cả tác động của các yếu tố văn hóa và tư duy dân tộc. Một khía cạnh quan trọng trong cơ chế nghiệm thân là lược đồ hình ảnh. Theo Lakoff, “lược đồ hình ảnh là các cấu trúc tương đối đơn giản xảy ra liên tục trong trải nghiệm cơ thể hàng ngày của chúng ta… Những cấu trúc này có ý nghĩa trực tiếp, trước nhất, vì chúng được trải nghiệm trực tiếp và lặp lại nhờ bản chất tự nhiên của cơ thể và cách thức hành chức của nó trong môi trường của chúng ta” [115: tr.267]. Evan và Green cho rằng lược đồ hình ảnh đến từ sự tương tác của con người với thế giới
  • 35. 27 khách quan, là cách con người khám phá các vật thể vật lý bằng cách tiếp xúc với chúng, do đó lược đồ hình ảnh có thể được dùng như MN cho các ánh xạ AD. Qua tương tác với thế giới bên ngoài, các hoạt động thân thể với tư cách là chất kiến tạo sẽ tạo nên quá trình phạm trù hóa, từ đó hình thành lược đồ hình ảnh, giúp con người ý niệm về thế giới với giản đồ cụ thể [89: tr.300]. Lí thuyết nghiệm thân là cơ sở căn bản để triển khai các nội dung ở Chương 4. 1.2.1.4. Phân loại ẩn dụ ý niệm Có nhiều tiêu chí khác nhau để phân loại AD ý niệm như phân loại theo tính thông dụng, phân loại theo tính khái quát, phân loại theo miền nguồn, trong đó chúng tôi nhận thấy cách phân loại của Lakoff và Johnson là hợp lý và được thừa nhận bởi nhiều tên tuổi khác trong NNH tri nhận như Reddy, Langacker, Kövecses, bởi vậy luận án lựa chọn tiếp cận AD ý niệm trong QC bằng cách phân loại này. Trong Metaphors We Live by [120], Lakoff và Johnson đã đề cập đến AD bản thể, AD định hướng và AD cấu trúc, tuy nhiên hai tác giả chưa đưa ra các tiêu chí phân định cụ thể giữa 3 loại AD này. Thiếu sót này đã được Kövecses khắc phục bằng cách miêu tả chi tiết các loại AD theo chức năng tri nhận của chúng trong Metaphor: A Practical Introduction [108]. Sau đây là trình bày ngắn gọn về các loại AD ý niệm, phân biệt theo chức năng tri nhận của chúng.  Ẩn dụ cấu trúc (structural metaphor) AD cấu trúc là nhóm AD ý niệm lớn nhất. AD cấu trúc là loại AD mà ở đó ý nghĩa của một từ/biểu thức (miền đích) được hiểu thông qua cấu trúc của một từ/biểu thức khác (miền nguồn). Loại AD này giúp chúng ta hiểu rõ MĐ (thường trừu tượng và mơ hồ) thông qua cấu trúc của MN (thường cụ thể và quen thuộc). Như thế, MN cung cấp một cấu trúc tri thức tương đối phong phú cho MĐ thông qua ánh xạ giữa các yếu tố của hai miền. Ví dụ AD ý niệm TRANH LUẬN LÀ CHIẾN TRANH là AD cấu trúc, ở đó MĐ TRANH LUẬN được hiểu qua cấu trúc của MN CUỘC CHIẾN TRANH. Chúng ta sử dụng những hiểu biết về chiến tranh để hình dung ra một cuộc tranh luận với sự ‘hiếu chiến’ của những người tham gia và các hoạt động điển hình trong cuộc chiến tranh đó: mặc dù không có vũ khí nhưng cả hai bên đều rất mạnh mẽ với những lập luận của mình. AD này được phản ánh thông qua các BT AD như “Lập luận của anh ấy không
  • 36. 28 thể bảo vệ được”, “Anh ấy tấn công vào mọi điểm yếu trong lập luận của tôi”, “Tôi chưa bao giờ giành thắng lợi trong cuộc tranh luận với anh ấy”, “Tôi đầu hàng trước những lời cáo buộc của anh ấy”…  Ẩn dụ bản thể (ontological metaphor) AD bản thể quy những trải nghiệm vốn vô hình, trừu tượng, mơ hồ thành những thực thể hữu hình, tồn tại dưới dạng thức sự vật, chất liệu… Với cách đó, AD bản thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn các ý niệm trừu tượng. AD thực thể và chất liệu (entity and substance metaphor) là nhóm tiêu biểu trong AD bản thể, ở đó những sự vật không tách biệt và không có đường bao ngoài rõ ràng được phân loại bằng cách tạo ra một ‘đường biên nhân tạo’ khiến chúng trở nên riêng rẽ như những thực thể hoặc chất liệu nhằm các mục đích khác nhau như định danh, định lượng, nhận diện khía cạnh... Ví dụ trong các BT “Chúng ta cần kiềm chế lạm phát”, “Lạm phát khiến chất lượng cuộc sống của chúng ta suy giảm”, lạm phát được quy thành một thực thể hữu hình. Ngoài ra còn có AD vật chứa (container metaphor), trong AD này, các thực thể được coi là một vật chứa có giới hạn bởi đường bao ngoài, chúng ta định vị mình ở bên trong và phần còn lại của thế giới tồn tại ở bên ngoài. Phương thức định vị trong-ngoài này được áp dụng lên các vật thể khác trong cuộc sống, ví dụ ‘Chiếc tàu tiến vào trong tầm nhìn’, ‘Giữa đường đua tôi bị kiệt sức’… AD bản thể cũng bao gồm nhân hóa (personification), trong đó các đặc điểm tiêu biểu của con người được gán cho các thực thể phi con người. Nhân hóa cho phép chúng ta hiểu rõ nhiều trải nghiệm với các thực thể phi con người bằng cách quy chiếu sang động cơ, đặc điểm và hoạt động của con người. Ví dụ “Lạm phát đã tấn công vào nền móng của nền kinh tế”, “Kẻ thù lớn nhất của chúng ta là lạm phát”… Các AD bản thể diễn ra một cách tự nhiên và thường xuyên trong tâm trí con người đến nỗi chúng ta thường không coi đó là AD. Trong đối sánh với AD cấu trúc, AD bản thể ít cung cấp cấu trúc tri nhận hơn. Nhiệm vụ tri nhận của AD bản thể dường như chỉ là cung cấp trạng thái bản thể cho các phạm trù chung của những ý niệm đích trừu tượng. Nhờ có AD bản thể mà các kinh nghiệm trừu tượng có thể được cấu trúc sâu hơn theo AD cấu trúc. Theo định nghĩa của Lakoff và Johnson, ranh giới giữa AD bản thể và AD cấu trúc tương đối mơ hồ. Kövecses cụ thể hóa rằng sự khác biệt giữa AD bản thể và AD cấu
  • 37. 29 trúc nằm ở chỗ AD cấu trúc có một MN được xác định rõ ràng để cấu trúc hóa MĐ trừu tượng trong khi AD bản thể không có MĐ rõ ràng. Khi lược đồ ánh xạ của AD bản thể mạnh hơn bản thân AD, AD đó được xếp vào AD cấu trúc. [108: tr.34].  Ẩn dụ định hướng (orientational metaphor) AD định hướng không cấu trúc ý niệm thông qua một ý niệm khác mà thay vào đó tổ chức cả một hệ thống ý niệm trong mối tương quan với nhau. Chúng ta gọi nó là “AD định hướng” bởi hầu hết các AD này đều liên quan đến định vị không gian được tổ chức thành các cặp đối lập như lên – xuống, trong – ngoài, trước – sau, nông – sâu, tâm – biên… Ví dụ AD ý niệm NIỀM VUI ĐỊNH HƯỚNG LÊN TRÊN có các BT như “Tôi thấy phấn chấn hẳn lên”, “Tinh thần đang lên cao”, “Tôi đang ở trên chín tầng mây”…, ngược lại AD NỖI BUỒN ĐỊNH HƯỚNG XUỐNG DƯỚI được thể hiện qua các BT như “Tinh thần suy sụp”, “Tôi rơi xuống đáy vực sâu của sự chán nản”… Điều đáng lưu ý là AD định hướng không mang tính võ đoán mà bắt nguồn từ kinh nghiệm vật lý và văn hóa của con người. Bên cạnh đó, phương thức ý niệm hóa của một số ý niệm cũng có sự thống nhất: các giá trị tích cực (như sức khỏe, hạnh phúc, ý thức, toàn thể, trung tâm, liên kết, cân bằng…) thường hướng lên trên trong khi các giá trị tiêu cực (bệnh tật, nỗi buồn, vô thức, phi toàn thể, ngoại vi, không liên kết, mất cân bằng…) thường hướng xuống dưới. So với hai loại AD trên, AD định hướng có chức năng tri nhận thấp nhất. Cấu trúc tri nhận mà nó tạo ra cho các ý niệm đích thậm chí còn sơ sài hơn cả AD bản thể; thay vào đó nó chủ yếu giúp hệ thống ý niệm trở nên gắn bó và mạch lạc hơn, thể hiện ở chỗ các ý niệm đích có xu hướng được ý niệm hóa một cách thống nhất và đồng dạng. Tuy nhiên cần lưu ý rằng bản thân Lakoff và Johnson cũng khẳng định “sự phân chia AD thành 3 loại là sự phân chia mang tính nhân tạo. Mọi loại AD đều có tính cấu trúc (thể hiện ở ánh xạ của cấu trúc này lên cấu trúc kia); mọi loại AD đều có tính bản thể (thể hiện ở chỗ chúng tạo ra thực thể nguồn-đích)” [120]. Đó là chưa kể đến việc cùng một BT ngôn ngữ có thể phân tích theo nhiều góc độ AD ý niệm khác nhau. Ví dụ, BT “Tết đang đến” có thể phân tích theo AD cấu trúc (THỜI GIAN LÀ VẬT CHUYỂN ĐỘNG), hoặc theo AD bản thể (THỜI GIAN LÀ THỰC THỂ). Đây chính là hiện tượng trùng lặp trong AD. Chính bởi lý do đó, trong luận án này chúng tôi coi