SlideShare a Scribd company logo
1 of 80
Download to read offline
PHÂN TÍCH TÁC PHẨM VĂN HỌC TRONG NHÀ TRƯỜNG
TỪ GÓC ĐỘ NGÔN NGỮ
PHÂN TÍCH TÁC PHẨM VĂN HỌC
TRONG NHÀ TRƯỜNG TỪ GÓC ĐỘ NGÔN NGỮ
Tác giả: TS. NGUYỄN TRỌNG KHÁNH
LỜI NÓI ĐẦU
Cảm thụ, phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường là công việc
thường xuyên, đồng thời cũng là một yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các thầy,
cô giáo dạy văn, tất cả các em học sinh. Làm thế nào để có thể cảm thụ, phát
hiện được những vẻ đẹp đích thực về tư tưởng, nghệ thuật của các tác phẩm
văn chương là một vấn đề lâu nay các nhà nghiên cứu, các thầy, cô giáo dạy
văn vẫn hằng trăn trở.
Cuốn sách này giới thiệu những bài viết theo hướng cảm thụ, phân tích
các tác phẩm văn học trong nhà trường từ góc độ ngôn ngữ. Hầu hết các bài
viết tập hợp trong sách đều là những bài nghiên cứu được rút ra từ thực tiễn
giảng dạy, ôn luyện thi môn Ngữ văn cho đối tượng học sinh các lớp cuối cấp
học phổ thông của chính tác giả và một số bài đã được đăng rải rác trên các
báo, tạp chí Ngôn ngữ, Ngôn ngữ và đời sống, Văn học và tuổi trẻ v.v… Đây
là một công việc khó, bởi các tác phẩm văn học trong chương trình trung học
phổ thông đều là những tác phẩm đã quen thuộc với nhiều người, được
nghiên cứu khá kĩ, không ít tác phẩm từng là đối tượng của những cuộc tranh
luận học thuật sôi nổi trong đời sống văn học. Do vậy, cảm thụ, phân tích tác
phẩm từ góc độ ngôn ngữ đương nhiên không phải là một con đường tiếp
nhận văn học hoàn toàn mới mẻ; nó cũng không đối lập hay phủ nhận sự kế
thừa kết quả nghiên cứu của các tác giả đi trước. Tuy nhiên, xuất phát từ góc
độ ngôn ngữ, không ít ý nghĩa chân chính của các từ ngữ, hình ảnh, chi tiết
trong tác phẩm văn học đã được phát hiện, không ít những cách lí giải có tính
chất áp đặt chủ quan hoặc xa rời tác phẩm tồn tại bấy lâu trong nhiều tài liệu
giảng dạy, đã được xem xét, điều chỉnh lại một cách có cơ sở khoa học và
phù hợp hơn; góp phần khơi dậy niềm hứng thú, say mê văn học từ chính
quá trình nhận thức và làm chủ ngôn ngữ – phương tiện biểu hiện chủ yếu
của tác phẩm.
Đối tượng phục vụ của cuốn sách là các học sinh đang chuẩn bị cho
các kì thi tốt nghiệp phổ thông, thi tuyển sinh đại học, cao đẳng…, các thầy,
cô giáo dạy văn, sinh viên Ngữ văn, học sinh năng khiếu môn Ngữ văn. Do
đó, chúng tôi chỉ tập trung chủ yếu vào một số tác phẩm trong chương trình
trung học phổ thông hiện còn tồn tại những cách hiểu chưa thống nhất, hoặc
từ góc độ ngôn ngữ vẫn có thể khai thác được những ý nghĩa mới, làm phong
phú, sinh động thêm giá trị tư tưởng – nghệ thuật của tác phẩm. Chúng tôi
cũng hướng sự chú ý của mình vào những tác phẩm có mặt trong Bộ sách
giáo khoa biên soạn theo Chương trình thí điểm Trung học phổ thông, đã
được Bộ Giáo đục và Đào tạo ban hành kèm theo Quyết định số471/ 2002/
QĐ - BGD&ĐT ngày 19/ 11/ 2002 của Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo. Cấu
trúc của sách được sắp xếp theo trình tự các bài viết về các tác phẩm văn
học trong Chương trình sách giáo khoa Trung học phổ thông hiện hành. Bài
cuối cùng chúng tôi đưa vào tập sách này là bài viết về những sai sót về ngôn
ngữ trong các đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng môn Văn. Thiết nghĩ, đây
cũng là vấn đề thiết thực trong cảm thụ, phân tích tác phẩm và cả trong việc
ra đề thi – một công diệc không kém phần hệ trọng đối với quá trình giảng
dạy, học tập và thi cử môn Ngữ văn trong nhà trường.
Hi vọng cuốn sách sẽ góp một tiếng nói vào việc nâng cao hiệu quả của
công việc dạy văn, học văn trong nhà trường. Chúng tôi thành thực mong
nhận được ý kiến trao đổi và chỉ giáo của các bậc thức giả và đồng nghiệp
gần xa để cuốn sách hoàn thiện hơn ở lần in sau.
Hà Nội, tháng 6 năm 2005 TS.
NGUYỄN TRỌNG KHÁNH
1. TỪ CÁCH TIẾP CẬN NGÔN NGỮ TÁC PHẨM VĂN HỌC…
Việc giảng dạy, học tập môn Ngữ văn trong nhà trường, nhất là ở các
cấp học phổ thông, có một vấn đề tồn tại đã lâu nhưng chưa được giải quyết
triệt để và hiện vẫn còn đang làm nhiều thầy, cô giáo, nhiều nhà khoa học tâm
huyết phải băn khoăn, trăn trở. Đó là tình trạng ngày càng có nhiều em học
sinh tỏ ra chán ghét môn Văn học. Nhiều nguyên nhân đã được đề cập và
làm sáng tỏ, nhiều biện pháp đã được áp dụng, trong đó đáng kể nhất là công
tác cải tiến, đổi mới nội dung chương trình sách giáo khoa, đổi mới phương
pháp dạy văn, học văn theo xu hướng ngày càng tiến gần hơn và tiếp cận với
những thuộc tính đặc trưng của bộ môn v.v… Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải
thừa nhận một thực tế là cho đến nay, môn Văn học trong nhà trường vẫn
chưa thật sự tạo ra được sức hấp dẫn, lôi cuốn cần thiết, do vậy cũng vẫn
chưa có được chỗ đứng vững chắc trong tâm hồn, tình cảm của các em học
sinh như vị trí xứng đáng vốn có của nó.
Về mặt bản chất, khoa học tìm hiểu, khám phá, cảm thụ văn chương
cũng giống với mọi khoa học nhận thức có tính sáng tạo khác về quy luật và
đặc trưng của tâm lí nhận thức. Hứng thú và niềm say mê khoa học ở phía
chủ thể nhận thức chỉ có thể được hình thành, xây đựng một cách bền vững
trên cơ sở những phát hiện mới lạ trong quá trình tìm hiểu, khám phá đối
tượng nghiên cứu. Một học sinh học kém môn Toán chắc chắn sẽ chán và sợ
học Toán, trong khi Toán học là một mềm say mê lớn với đại đa số các em
học sinh khác. Trong Văn học cũng vậy, đối tượng tìm hiểu, khám phá là tác
phẩm văn chương, do đó, mặc dù có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các em
học sinh không hứng thú với những giờ dạy văn trong nhà trường, thì nguyên
nhân cơ bản nhất vẫn là do các em không hiểu được tác phẩm. Từ chỗ không
hiểu tác phẩm, không cảm thụ được những gì nhà văn thể hiện trong tác
phẩm nên các em không thể có những phát hiện mới lạ, không thể xuất hiện
những rung động thẩm mĩ trong tâm hồn, tình cảm – cội nguồn của niềm say
mê sáng tạo trong quá trình nhận thức, cảm thụ văn học nơi các em.
Điều đáng lo ngại hơn là, mặc dù không hiểu tác phẩm, hoặc chỉ hiểu
một cách khá mơ hồ nhưng các em vẫn phải phân tích, thể hiện sự cảm thụ
của mình về tác phẩm trong các bài làm văn, nên dần dần đã hình thành ở
các em một thói quen ít chú ý đến văn bản tác phẩm, cứ dựa theo sự phân
tích có sẵn trong lời giảng của thầy hoặc trong các tài liệu tham khảo rồi gán
cho tác phẩm những ý nghĩa lớn lao, những mĩ từ to tát…, nhiều khi rất xa lạ
với nội dung tư tưởng và ý nghĩa chân chính, đích thực của tác phẩm. Thói
quen ấy, một mặt rất dễ gây ra tâm lí “phản cảm”, khiến các em ngày càng
chán học văn, sợ học văn. Mặt khác, thói quen ấy cũng tạo ra một lối học văn
theo kiểu “mang máng”, thiếu căn cứ, không bám sát tác phẩm, hoặc “tầm
chương, trích cứ” một cách hời hợt, máy móc, hoặc “xã hội học dung tục”, tác
phẩm chỉ là một cái cớ để bàn luận về một vấn đề luân lí, đạo đức, xã hội nào
đấy. Nhiều em học sinh không hề đọc tác phẩm trước khi nghe giảng hoặc
phân tích tác phẩm. Có em đã học xong trung học phổ thông mà vẫn không
thuộc nổi dù chỉ một bài thơ, thậm chí một khổ thơ nào đấy trong chương
trình! Cho nên, cũng không phải chuyện lạ, trong các kì thi tuyển sinh đại học
hằng năm, mặc dù môn Văn là môn học đã được các em học sinh ở các khối
C, D… định hướng từ trước, nhưng việc chép không đúng hoặc nhầm lẫn các
câu thơ từ bài nọ sang bài kia, nhầm lẫn nhân vật nọ với nhân vật kia v.v… là
hiện tượng khá phổ biến. Ví dụ, nhầm bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình
Thi với chương “Đất nước” (trích trong trường ca “Mặt đường khát vọng”) của
Nguyễn Khoa Điềm, nhầm nhân vật Độ (trong truyện ngắn “Đôi mắt”) với
nhân vật Hộ (trong “Đời thừa”) của Nam Cao; thậm chí nhầm nhân vật Chí
Phèo với nhân vật Tràng, nên khi đề yêu cầu phân tích nhân vật Chí Phèo
trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao thì có thí sinh vẫn say sưa viết hàng
năm, bảy trang giấy phân tích tác phẩm “Vợ nhặt” của Kim Lân. Có học sinh
còn gọi Chí Phèo là “đồng chí”, Hộ là “người chiến sĩ cách mạng” v.v…
Phân tích tác phẩm văn học phải xuất phát từ việc khai thác trực
tiếp những yếu tố ngôn ngữ trong văn bản tác phẩm
Việc cảm thụ, phân tích văn học không xuất phát từ khâu tìm hiểu, khai
thác nội dung tư tưởng tác phẩm trực tiếp từ những yếu tố ngôn ngữ của văn
bản tác phẩm còn dẫn đến một thực trạng viết lan man, “tán” một cách sao
rỗng, áp đặt những cách hiểu suy diễn, chủ quan, vô căn cứ, không gắn với
tác phẩm, nhan nhản trong các bài làm văn của học sinh. Đề thi tuyển sinh đại
học – cao đẳng, khối D, năm 2002, yêu cầu bình giảng bốn câu thơ sau trong
bài Đây mùa thu tới của Xuân Diệu:
Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh
Những luồng run rẩy rung rinh lá
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh
Rất nhiều thí sinh đã đành phải bó tay trước dạng đề này vì không hiểu
đoạn thơ. Ở những bài làm khá hơn, một số em có thể viết khá dài dòng về
sự lãng mạn của Xuân Diệu, về nỗi buồn mông lung vô cớ trong thơ ông,
thậm chí cả về những cách tân mới mẻ, sự “Tây hoá” cảm xúc và ngôn từ của
một nhà thơ hiện đại vào bậc nhất trong làng thơ Việt Nam hồi ấy, một nhà
thơ “mới nhất trong các nhà Thơ mới”, nhưng vẫn không thể nào chỉ rõ ra
được cụ thể bốn câu thơ đang miêu tả cái gì và qua sự miêu tả ấy đã thể hiện
vẻ đẹp trong cảm xúc của một tâm hồn thơ trước thiên nhiên tạo vật như thế
nào, trong khi, đây mới thật sự là cái đích nhận thức thẩm mĩ mà sự cảm thụ,
phân tích đoạn thơ cần phải đạt được.
Đề tuyển sinh khối D, năm 2003 (Câu 2) yêu cầu: “Phân tích những bức
tranh mùa thu trong đoạn thơ sau để làm rõ sự biến đổi tâm trạng của nhà
thơ:
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy
Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa”.
Hầu hết các bài viết của thí sinh đều chỉ phân tích về “bức tranh mùa
thu” hoặc về mùa thu nói chung; đa số “tán” dông dài, có em còn viện rất
nhiều dẫn chứng về mùa thu trong thơ ca cổ, kim, đông, tây nhưng chẳng đả
động gì đến tác phẩm. Rất ít thí sinh đặt những bức tranh mùa thu và tâm
trạng tác giả trong dòng mạch cảm hứng chung về đất nước, vốn là dòng
mạch cảm hứng chủ đạo bao trùm, xuyên suốt trong toàn bộ bài thơ Đất
nước của Nguyễn Đình Thi.
Tiếp nhận tác phẩm văn học từ các yếu tố ngôn ngữ
Một trong những biện pháp nhằm khắc phục tình trạng trên là phải xuất
phát từ những yếu tố ngôn ngữ để tìm hiểu, khám phá và phân tích tác phẩm
văn học. Đây cũng chính là con đường cảm thụ, phân tích văn học đi từ nghệ
thuật đến nội dung tư tưởng, lấy việc giảng nghệ thuật để phát hiện và làm
nổi bật ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm – một vấn đề phương pháp đã từng
được giới nghiên cứu đề cập và bàn luận khá sôi nổi từ nhiều năm nay. Sở dĩ
nói xuất phát từ ngôn ngữ cũng đồng thời có nghĩa là xuất phát từ nghệ thuật
bởi vì, văn học là nghệ thuật ngôn từ”; tác phẩm văn chương là sản phẩm của
một loại hình nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ làm chất liệu vừa để gửi gắm lại
vừa để phô diễn, giãi bày tâm hồn, tư tưởng, tình cảm của chủ thể cảm xúc
trước các hiện tượng đời sống. Xét từ góc độ giao tiếp thì thông qua tác phẩm
của mình, nhà văn, nhà thơ thực hiện một sự giao tiếp xã hội và tác phẩm là
một dạng ngôn bản. sản phẩm của quá trình giao lưu đồng cảm và đồng sáng
tạo giữa tác giả với các thế hệ độc giả. Dẫu rằng cách diễn đạt, trình bày của
ngôn ngữ văn chương có những thuộc tính đặc trưng riêng biệt thế nào thì nó
vẫn không thể vượt ra ngoài phạm vi những khuôn phép, quy luật biểu đạt
của ngôn ngữ giao tiếp nói chung: Tuy nhiên, trong hoạt động giao tiếp đó,
quy trình sáng tạo và tiếp nhận tác phẩm văn học là hai con đường ngược
chiều nhau. Đó là quá trình “mã hoá” và quá trình “giải mã” lượng thông tin
tâm hồn. Nhà văn, nhà thơ xuất phát từ những cảm xúc, những trăn trở, suy
tư (tư tưởng – cảm xúc của tác giả) mà sáng tạo ra những hình tượng nghệ
thuật rồi dùng ngôn ngữ để diễn đạt, thể hiện hình tượng nghệ thuật và tư
tưởng ấy. Tác phẩm văn học đến với độc giả và đến lượt mình, người tiếp
nhận tác phẩm lại đi từ việc tiếp xúc với văn bản tác phẩm, thông qua các yếu
tố ngôn ngữ và thế giới hình tượng trong tác phẩm để phát hiện ra tư tưởng
nghệ thuật – những cảm xúc, những suy tư trăn trở của nhà văn, nhà thơ gửi
gắm trong đó (xem sơ đồ dưới đây). Nói theo cách nói của một nhà phê bình:
nhà thơ “gói” tâm tình của mình lại, còn nhà phê bình (độc giả) thì lại tìm cách
“mở” tâm tình ấy ra. Cả hai việc “gói” và “mở” ấy đều phải được thực hiện
bằng phương tiện ngôn ngữ – yếu tố trung tâm của tác phẩm văn học. Vì vậy,
tiếp nhận tác phẩm văn học từ các yếu tố ngôn ngữ có thể coi như chiếc chìa
khoá duy nhất để mở cánh cửa đi vào khám phá thế giới nghệ thuật của tác
phẩm, tìm hiểu tâm hồn, tư tưởng, tình cảm của nhà văn, nhà thơ gửi gắm và
biểu hiện trong đó.
Quy trình sáng tạo văn học
TÁC GIẢ  TƯ TƯỞNG CẢM XÚC 
HÌNH TƯỢNG NGHỆ THUẬT  NGÔN NGỮ
Quy trình tiếp nhận văn học
TƯ TƯỞNG TÁC PHẨM  HÌNH TƯỢNG NGHỆ THUẬT 
NGÔN NGỮ  ĐỘC GIẢ
Dĩ nhiên, tiếp cận ngôn ngữ tác phẩm văn học không phủ nhận hay loại
trừ các phương pháp và con đường khác trong cảm thụ, phân tích văn học
như: tìm hiểu hoàn cảnh sáng tác, tìm hiểu lịch sử, những chi tiết đời tư của
tác giả, vận dụng các kiến thức xã hội, tri thức khoa học và lí luận văn học
hiện đại, tham khảo ý kiến của chính tác giả v.v… mà vẫn vận đụng, tích hợp
tất cả các phương pháp ấy trong nghiên cứu. Phương pháp phân tích, cảm
thụ tác phẩm văn học đi từ các yếu tố ngôn ngữ thực chất chỉ nhằm mục đích
hướng người đọc chú ý trực tiếp vào đối tượng nghiên cứu, lấy việc khai thác
văn bản làm căn cứ xác thực để phát hiện và suy luận trong nghiên cứu. Từ
kinh nghiệm thực tế của bản thân đã nhiều năm dạy và luyện thi môn Văn cho
đối tượng học sinh các lớp cuối cấp học phổ thông, dưới đây chúng tôi xin đề
cập đến một vài phương diện, thao tác cụ thể của phương pháp tiếp cận ngôn
ngữ tác phẩm văn học mà theo chúng tôi là có hiệu quả thiết thực, có thể giúp
người đọc hiểu được tác phẩm một cách có căn cứ, gây được hứng thú cho
học sinh trong các giờ dạy văn, học văn.
Phát hiện và hiểu đúng ý nghĩa của từ ngữ
Trước hết, trong cảm thụ, phân tích văn học cần phải biết phát hiện và
hiểu đúng ý nghĩa của các từ ngữ trong tác phẩm. Đây chính là thao tác phát
hiện ở người tiếp nhận: phát hiện ra các từ ngữ cần thiết và phát hiện được ý
nghĩa tư tưởng chứa đựng (biểu hiện) trong các đơn vị từ ngữ ấy. Có thể đó
là những từ ngữ chứa đựng những ý nghĩa trừu tượng, khó hiểu nhưng cũng
có khi chúng chỉ là những từ ngữ hết sức thông thường. Đã thành một thói
quen trong giới nghiên cứu, giảng dạy tác phẩm văn học, cứ nói đến việc khai
thác từ ngữ là người ta nghĩ ngay đến “nhãn tự”, tức là những chữ có “thần”,
những từ ngữ chứa đựng nhiều thủ pháp nghệ thuật (ẩn dụ, hoán dụ, chơi
chữ, khoa trương v.v…), thể hiện dụng công của tác giả. Điều ấy quả không
sai, nhưng như thế sẽ bỏ sót rất nhiều từ ngữ mà thiếu nó, tư tưởng nghệ
thuật của tác phẩm không thể nào nổi bật lên được. Bởi vì, cùng với các hình
tượng nghệ thuật, nhiều khi cảm xúc và tư tưởng của nhà văn, nhà thơ còn
được diễn đạt trực tiếp bằng các từ ngữ bình thường. Lại cũng có trường
hợp, do sự mẫn cảm ngôn ngữ đặc biệt và năng lực ngôn ngữ tiềm tàng, nhà
văn, nhà thơ - những nghệ sĩ ngôn từ – đã “vô tình” đem đến cho các từ ngữ
bình thường những phẩm chất nghệ thuật mới, những khả năng biểu đạt đặc
biệt, tạo nên những chữ “xuất thần” mà có khi, chính người sử dụng nó cũng
không ngờ tới. Nhưng vì có vẻ “bình thường” nên người đọc rất dễ bỏ qua khi
nghiên cứu tác phẩm. Người cảm thụ, phân tích văn học, với tư cách là người
đồng sáng tạo với chủ thể cảm xúc, vừa phải biết phát hiện những từ ngữ
chứa đựng các biện pháp tu từ, đồng thời cũng vừa phải biết phát hiện cho
thật trúng và không để lọt những từ ngữ bình thường nhưng lại có giá trị biểu
đạt “xuất thần” ấy. Trở lại bốn câu thơ trên trong bài Đây mùa thu tới thì, riêng
ở nhan đề bài thơ, người đọc cần phải đặc biệt chú ý đến chữ tới – một chữ
quả là rất bình thường, nhưng nếu bị bỏ qua thì tư tưởng cơ bản của tác
phẩm cũng không thể nói rõ được. Bởi vì, bài thơ không chỉ nói về mùa thu
chung chung, mà chủ yếu nhằm thể hiện những xúc cảm tinh tế của chủ thể
trữ tình trước cái khoảnh khắc chuyển mùa của thiên nhiên tạo vật lúc thu
sang: Đây (là một) mùa thu (đang) tới. Bám sát vào một số từ ngữ trong khổ
thơ đó như: vườn, hoa đã rụng cành, sắc đỏ rũa màu xanh, nhánh (cây) khô
gầy… chúng ta sẽ nhận ra ngay đây là bốn câu thơ tập trung miêu tả khung
cảnh một vườn thu. Để ý kĩ chút nữa, chúng ta sẽ phát hiện ra sự quan sát rất
tinh tế của một tâm hồn thơ, thể hiện qua cách diễn đạt độc đáo, mới lạ của
rất nhiều từ ngữ bình thường ở đoạn thơ này. Nét đặc trưng của mùa thu là
cảnh lá rụng hoa tàn. Nhưng vì thu mới ở vào độ thu tới, thu sang, lúc thời tiết
còn đang chuyển giao từ mùa hạ nóng nực sang mùa thu se lạnh nên sự tàn
rụng ấy cũng chưa nhiều. Trong vườn mới chỉ có hơn một loài hoa đã rụng
cành. “Hơn một” có nghĩa là chưa nhiều lắm, chỉ mới vài ba loài hoa chớm lụi
tàn, còn “đã rụng” nghĩa là sự rụng tàn chỉ mới xảy ra mà thôi. Những sắc lá
úa vàng của mùa thu đang lấn dần màu xanh, làm cho màu xanh bị rũa dần
đã từng tí một. Rũa ở đây là một động từ tiếng Việt, chỉ hoạt động bào mòn,
chứ không phải là sự rữa nát, cũng không phải từ rủa (sắc đỏ rủa màu xanh),
với nghĩa là càu nhàu, chửi rủa hay đối ngược, học theo cách diễn đạt của
tiếng Pháp như có người vẫn nghĩ. Và đôi nhánh cây (chỉ “đôi nhánh” thôi chứ
chưa nhiều) đã bị rụng lá, trơ trọi như những chiếc xương khô gầy mỏng
mảnh trong làn gió se lạnh lúc đầu thu… Rõ ràng những chữ “hơn một”, “đã
rụng cành”, “đôi nhánh”, “rũa” đâu phải là những biện pháp tu từ từ vựng hay
những thủ pháp nghệ thuật tân kì? Những chính nhờ những chữ ấy mà thiên
nhiên, cảnh vật bỗng trở nên hết sức sinh động, gợi cảm. Ta bỗng nhận thấy
một mùa thu mới xôn xao hiện về và một cặp mắt xanh non, ngơ ngác, một
tâm hồn thơ tinh tế, nhạy cảm cũng đang khẽ rung lên trước mỗi biến thái tinh
vi, mong manh, huyền diệu của thiên nhiên tạo vật lúc chuyển mùa…
Một ví dụ khác, trong bài thơ Đất Nước (trích Chương V, trường ca Mặt
đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm, nếu không chú ý đến các chữ bình
thường và một cấu trúc ngữ pháp phổ biến của kiểu câu định nghĩa được lặp
đi lặp lại rất nhiều lần trong toàn bộ Phần I của bài thơ như: “đất nước đã có
rồi”, “đất nước có trong”, “đất nước bắt đầu”, “đất nước lớn lên”, “đất nước có
từ”, “đất là”, “nước là”, “đất nước là”..: thì sẽ không thể phát hiện ra ý tưởng
và sự cảm nhận độc đáo của tác giả về đất nước. Bằng việc đưa ra những sự
vật, hiện tượng rất bình dị mà gắn bó sâu sắc với đời sống và tinh thần, tình
cảm của mỗi con ngời tự thuở ấu thơ để định nghĩa về đất nước, Nguyễn
Khoa Điềm đã đưa ra một quan niệm hết sức giản dị nhưng không kém phần
mới mẻ: đất nước không phải là một khái niệm trừu tượng mà là những gì
gần gũi, thân thuộc, là sự sống, máu thịt và tinh thần của mỗi con người nên
mỗi người đều phải có trách nhiệm với đất nước, bởi vì trách nhiệm với đất
nước cũng là trách nhiệm với chính sự sống của bản thân mình. Khi phân tích
đoạn thơ tiếp theo ở Phần II:
Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng
Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng thành đất Tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà
Điểm…
thì người phân tích cần phải biết phát hiện và bám vào khai thác động
từ “góp” lặp đi lặp lại ở mỗi dòng thơ: góp, góp cho, góp nên, góp mình… Đây
là một từ tuy được sử dụng hết sức thông thường, không chứa đựng bất kì
một thủ pháp nghệ thuật nào nhưng lại có khả năng biểu đạt rất tập trung cô
đọng, thể hiện sự cảm nhận sâu sắc của tác giả về vai trò, sứ mệnh, những hi
sinh đóng góp to lớn của nhân dân đối với đất nước.
Phát hiện đúng các từ ngữ, hình ảnh cần thiết trong tác phẩm gắn liền
với yêu cầu phát hiện và hiểu đúng ý nghĩa cửa các từ ngữ, hình ảnh ấy.
Không phát hiện được ý nghĩa hoặc hiểu không đúng ý nghĩa của các đơn vị
ngôn ngữ đều dẫn đến những cách hiểu sai lầm trong cảm thụ, phân tích tác
phẩm văn học. Không hiểu đúng ý nghĩa của các đơn vị ngôn ngữ còn khiến
cho tác phẩm trở nên khó hiểu, làm giảm sút niềm hứng thú của đối tượng
tiếp nhận trong khi theo dõi tác phẩm. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, giờ dạy
văn sẽ sôi động hẳn lên khi tác phẩm trở nên dễ hiểu dưới sự dẫn dắt, gợi
mở và phân tích của thầy giáo. Các em học sinh đều tỏ ra hứng khởi và chăm
chú theo dõi hơn khi phát hiện trúng ý nghĩa của một từ ngữ, hình ảnh trong
tác phẩm mà vốn trước đây các em chưa hiểu được hoặc chưa ngờ tới.
Chẳng hạn, khi phân tích hai câu thơ.
Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu
Lả lả cành hoang nắng trở chiều
thì, câu thơ trên sẽ hoàn toàn dễ hiểu và sẽ gây được sự chú ý theo dõi
của học sinh nếu biết gợi ý cho các em hiểu “cành hoang” nghĩa là những
cành cây rụng lá vào mùa thu. Ngược lại, nếu không làm sáng tỏ được ý
nghĩa của hai từ đó thì dẫu thầy cô giáo có phân tích bao nhiêu đi nữa, sự
phân tích ấy cũng không đủ sức thuyết phục, không làm đọng lại nơi tâm hồn
các em những ấn tượng sâu sắc. Bởi vì, khi không hiểu ý nghĩa của từ ngữ,
trí tưởng tượng của các em không thể hình dung được các hình ảnh miêu tả
trong tác phẩm – một trong những đặc trưng quan trọng nhất của hoạt động
nhận thức, cảm thụ văn học:
Nhưng các từ ngữ, hình ảnh trong tác phẩm văn học thường chứa
đựng nhiều loại ý nghĩa: nghĩa gốc, nghĩa chuyển, nghĩa đen, nghĩa bóng,
nghĩa sự vật, nghĩa biểu niệm, nghĩa biểu cảm… Khai thác loại ý nghĩa nào là
tuỳ ở sự nhạy cảm của người nghiên cứu, song nguyên tắc chung là phải khai
thác những ý nghĩa phù hợp với chủ đề tư tưởng tác phẩm và cảm xúc của
tác giả. Chẳng hạn, trong đoạn thơ sau:
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viêng Chăn xây hồn thơ.
(Quang Dũng, Tây Tiến)
Đối với cụm từ “hội đuốc hoa”, hướng khai thác chỉ nên tập trung vào ý
nghĩa biểu thị nét lãng mạn trong cảm xúc của Quang Dũng. Đây là đoạn thơ
tác giả hồi tưởng về một đêm liên hoan văn nghệ của đơn vị Tây Tiến tại một
bản làng nơi đóng quân. Nhưng trong nỗi nhớ về đơn vị cũ, nhà thơ đã gọi kỉ
niệm đó bằng cái tên “hội đuốc hoa” – với ý nghĩa chỉ hội cưới và cái đêm
“động phòng hoa chúc” của một đời người. Đó quả là một liên tưởng hết sức
lãng mạn mà có lẽ chỉ những người lính Tây Tiến tài hoa như Quang Dũng
mới có được những xúc cảm như vậy.
Trong nhiều trường hợp, chủ đề tư tưởng của tác phẩm thường được
biểu hiện qua những ý nghĩa biểu trưng của một vài từ ngữ, hình ảnh nào đó
trong tác phẩm. Chẳng hạn, Đôi mắt là một tên truyện bộc lộ trọn vẹn chủ đề
tác phẩm. “Đôi mắt” là biểu tượng cho cách nhìn và lập trường tư tưởng, thái
độ của người cầm bút đối với con người và cuộc kháng chiến cứu nước của
dân tộc. Trong bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên, “Tây Bắc” là tên
một vùng đất xa xôi của Tổ quốc nhưng cũng là biểu tượng cho cuộc sống
cần lao rộng lớn, còn nhiều gian khó của nhân dân. “Con tàu” là hình ảnh của
một tâm hồn thơ đang trong hành trình từ bỏ cái tôi cô đơn, đóng khép để trở
về hoà nhập, gắn bó với cuộc đời của nhân dân, đất nước. Hình ảnh ấy chỉ
xuất hiện ở phần đầu và phần cuối của bài thơ. Ở phần đầu bài thơ, con tàu
là một nỗi lòng khao khát, hăm hở, một lời mời gọi lên đường; còn ở phần
cuối bài thơ (nghĩa là khi con tàu đã đến được nơi cần đến), thì đó là một
khúc hát mê say, lôi cuốn và lãng mạn. Do đó, Tiếng hát con tàu cũng là cách
nói hình ảnh thể hiện chủ đề tư tưởng của bài thơ: tiếng hát thiết tha, sôi nổi
và sâu lắng của những tâm hồn thơ trong hành trình tìm về với cuộc sống lớn
của nhân dân đất nước, tìm về với cội nguồn của những cảm hứng thơ ca
chân chính, đích thực. Trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, ý nghĩa biểu
trưng của hình ảnh con sóng cũng đồng thời chính là chủ đề tư tưởng của bài
thơ, thể hiện khát vọng hạnh phúc và những biểu hiện tâm hồn đẹp đẽ của
người phụ nữ Việt Nam mới trong tình yêu. Trong Mảnh trăng cuối rừng của
Nguyễn Minh Châu, hình ảnh “mảnh trăng” là một hình ảnh có ý nghĩa biểu
trưng cho Vẻ đẹp lấp lánh như những viên ngọc nhưng còn tiềm tàng, ẩn giấu
trong bề sâu tâm hồn con người Việt Nam thời đánh Mĩ. Cái vẻ đẹp ấy cũng
là cội nguồn cảm hứng và ý tưởng nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Minh
Châu mà qua nhân vật chính của thiên truyện - Nguyệt, cô thanh niên xung
phong đẹp người đẹp nết trên tuyến đường Trường Sơn ác liệt – nhà văn đã
tìm thấy được cái ánh sáng lung linh, huyền diệu, đậm màu sắc lí tưởng của
nó…
Phải nắm được các đặc trưng của ngôn ngũ thơ.
Riêng đối với tác phẩm thơ, người cảm thụ, phân tích cần phải nắm
được những đặc trưng của ngôn ngữ thơ. Khác với ngôn ngữ trong giao tiếp
thông thường, do đặc trưng thể loại, ngôn ngữ thơ thường có một con đường
riêng trong cách biểu hiện và diễn đạt. Đã có nhiều công trình nghiên cứu vấn
đề này. Ở đây chúng tôi xin chỉ đề cập đến một vài điểm chủ yếu. Do nguyên
tắc kiệm lời, ngôn ngữ thơ có tính chất dồn nén, hàm súc và đa nghĩa. Về mặt
cấu trúc, nhiều khi các yếu tố ngôn ngữ không được hiện diện đầy đủ trên bề
mặt văn bản của tác phẩm thơ, hoặc là trong một câu thơ, trật tự các yếu tố
ngôn ngữ không tuân theo những cách diễn đạt thông thường. Nói theo cách
của nhà thơ Ngô Minh thì nhiều khi, “khoảng cách giữa câu thơ đòng trên và
câu thơ tiếp theo không phải theo thứ tự 1, 2, 3… nữa, mà nhảy cóc từ 1 đến
10, 20… Tức là khoảng “lặng” giữa các câu thơ mà nhà thơ dành cho người
đọc tự do nghĩ ngợi, càng rộng thì độ nén của thơ càng cao”. Như những
khoảng lặng giữa các khổ thơ trong bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử và
giữa các câu thơ của hai khổ cuối trong bài thơ ấy là một ví dụ. Kinh nghiệm
của một số nhà nghiên cứu khi gặp những trường hợp như vậy thường tìm
cách đưa những câu thơ trở về với cách diễn đạt thông thường, tức là chuyển
những câu thơ có cấu trúc đặc biệt thành cách diễn đạt của văn xuôi, như
thêm vào một số từ ngữ hoặc làm hiện diện những yếu tố bị tỉnh lược, khiếm
diện trong câu thơ (đoạn thơ), hoặc đảo trật tự các từ ngữ trong câu thơ theo
trật tự của câu văn xuôi v.v… Ngôn ngữ học gọi thủ pháp này là “phép thử”.
Trong thực tế giảng dạy, phân tích thơ, phép thử ấy nhiều khi tỏ ra rất hữu
hiệu, nhất là đối với các em học sinh. Nó gợi mở trí tưởng tượng, lấp đầy các
“khoảng trống” ngữ nghĩa giữa các câu thơ để người đọc có thể hiểu và cảm
thụ chúng. Chẳng hạn, có những câu thơ mới đọc tưởng chừng rất khó hiểu,
song chỉ cần diễn đạt lại câu thơ dưới dạng văn xuôi, lập tức có thể phát hiện
ngay được ý nghĩa lấp lánh của nó. Trong bài Thơ duyên của Xuân Diệu, học
sinh thường bị “vấp” ngay từ những câu thơ đầu tiên:
Chiều mộng hoà thơ trên nhánh duyên
Cây me ríu rít cặp chim chuyền
Song nếu làm một phép thử ngôn ngữ học là đảo trật tự hai câu thơ và
diễn đạt chúng bằng văn xuôi: “Trên cành cây me có đôi chim chuyền cành ríu
rít, khiến cho cành cây me trở thành nhánh duyên, còn không gian của buổi
chiều thu bỗng biến thành một không gian thơ mộng (của những lứa đôi)”, thì
câu thơ đầu tiên sẽ trở nên hoàn toàn dễ hiểu và hình ảnh về bức tranh buổi
chiều thu đậm đà màu sắc duyên tình tươi vui như thể đã hiển hiện khá sinh
động ngay trước mắt người đọc.
Hay như khi phân tích những câu thơ “hai giọng” (trong bài Tống biệt
hành của Thâm Tâm) thể hiện cái khẩu khí cứng cỏi, khí phách ngang tàng
của người li khách giã nhà theo “chí nhớn”:
Đưa người, ta chỉ đưa người ấy,
Một giã gia đình, một dửng dưng…
– Li khách! Li khách! Con đường nhỏ,
Chí nhớn chưa về bàn tay không,
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm, mẹ già cũng đừng mong.
Giáo sư Trần Đình Sử viết: “Từ ngữ trong câu dồn nén, có nhiều tỉnh
lược, giữa các dòng thơ có nhiều khoảng trống, tạo thành một vẻ ám ảnh bí
ẩn, không dễ gì thuyết minh cho thông (…). Có nhiều chỗ tối nghĩa, phải thêm
chữ vào mới hiểu được. Chẳng hạn, Chí nhớn: chưa về (nếu) bàn tay không.
(Chưa thành công) thì không bao giờ nói trở lại… (Dẫu có là) Ba năm, (thì)
mẹ già cũng đừng mong”.
Thủ pháp này cũng có thể dùng để nhận diện cấu trúc những đoạn thơ,
câu thơ có cách diễn đạt lạ, độc đáo, qua đó phát hiện mạch cảm xúc, suy
tưởng của chủ thể trữ tình. Chẳng hạn, với đoạn thơ sau trong bài Vội vàng
của Xuân Diệu:
Của ong bướm này đây tuần tháng mật,
Này đây hoa của đồng nội xanh rì,
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si,
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi.
Mỗi sáng sớm thần Vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
Trước hết, phải thấy rằng, “này đây” là một cụm từ mà về mặt ý nghĩa
và chức năng cú pháp, nó chỉ tương đương với một đại từ chỉ vị trí ở gần,
ngay phía trước mặt người nói: “này” hoặc “đây”. Về cấu trúc, hầu hết các câu
thơ trong đoạn thơ trên đều không tuân theo trật tự ngữ pháp thông thường;
toàn bộ đoạn thơ là một phép so sánh trùng điệp, trong đó vế 2 – cái dùng để
so sánh – là liên tiếp những hình ảnh được miêu tả ở mỗi câu thơ, còn vế 1 –
cái. được so sánh – bị ẩn đi, không hiện diện. Để hiểu ý nghĩa tư tưởng, cảm
xúc được biểu đạt ở đoạn thơ này, chúng ta hãy thiết lập lại trật tự văn xuôi
của các câu thơ, chỉ sử dụng một từ “này” hoặc “đây” theo cách diễn đạt
thông thường và hiện thực hoá vế 1 là “cuộc đời”, ta sẽ có những câu văn
xuôi được diễn đạt như sau:
VẾ 1:
CÁI ĐƯỢC SO SÁNH
Cuộc đời này như là
VẾ 2:
CÁI DÙNG ĐỂ SO SÁNH
– tuần tháng mật của bướm ong
– hoa của đồng nội xanh rì
– lá của cành tơ phơ phất
– khúc tình si của yến anh
– ánh chớp của hàng mi
– tháng giêng của mùa xuân…
Dễ dàng nhận ra đây là đoạn thơ thể hiện sự cảm nhận của nhà thơ về
cuộc đời và sự sống trần thế. Dưới cặp mắt xanh non háo hức và đầy vui
sướng của Xuân Diệu, sự sống trần thế luôn là một thế giới hết sức tươi đẹp,
đẫm nhạc, đẫm hương thơm, đầy màu sắc và tình ái, đầy ánh sáng và âm
nhạc… Tất cả như đang bày ra trước mặt, ngay trong tầm tay của mỗi người
và dâng đón, chào mời…
Ở khổ thơ cuối bài Đất nước của Nguyễn Đình Thi, lấy chất liệu từ một
thực tế ở chiến trường Điện Biên Phủ trong trận đánh chiếm đồi A1, giữa cái
nắng hè gay gắt, dưới ánh chớp lửa đạn rực trời, trưa ngày 7/5/1954, các
chiến sĩ ta từ các chiến hào, mình đầy bùn đất, sau “Năm mươi sáu ngày đêm
khoét núi ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non, gan không núng,
chí không mòn…” (Tố hữu, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên) đã ào ạt xông lên
chiếm cao điểm cuối cùng của giặc, giải phóng hoàn toàn Điện Biên, kết thúc
thắng lợi cuộc kháng chiến, nhà thơ đã tạo nên một hình ảnh biểu trưng khái
quát về Đất Nước kháng chiến:
Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy, sáng loà
Tuy nhiên, không phải người đọc thơ nào cũng nhận ra ngay cách diễn
đạt biểu trưng ấy, nhất là đối với các em học sinh phổ thông. Vì vậy, khi phân
tích, giảng giải, có thể dùng phép thử của ngôn ngữ học, thêm quan hệ từ
biểu thị ý so sánh “như” vào cuối hai câu thơ đầu để hiện rõ cách diễn đạt
biểu trưng của khổ thơ: bốn câu thơ đã dựng nên bức tượng đài sừng sững
về một Đất Nước kháng chiến từ trong đau thương uất hận, từ trong máu lửa
bùn lầy đã anh dũng đứng dậy chói loà trong niềm tin và chiến thắng.
Một điểm khá quan trọng khi cảm thụ, phân tích thơ mà chúng tôi muốn
đề cập ở đây là vấn đề tìm hiểu mạch lạc của tư tưởng – cảm xúc và cấu trúc
bài thơ. Để hiểu một tác phẩm thơ, ngươi đọc phải cảm thụ, theo dõi được cái
mạch vận động, phát triển của tư tưởng, cảm xúc trong toàn bộ bài thơ mà
ngôn ngữ học gọi là mạch lạc của một tác phẩm thơ. Mạch lạc là một khái
niệm ngôn ngữ học thuộc lĩnh vực phân tích diễn ngôn và có liên quan trực
tiếp tới cấu trúc văn bản của tác phẩm: “Dễ nhận thấy là văn bản văn học
mang tính mạch lạc một cách rõ ràng hơn là hội thoại thường ngày, cũng có
nghĩa là người cầm bút chú ý nhiều hơn tới sự cấu trúc bài viết của mình.
Khái niệm mạch lạc đối với cấu trúc của văn bản là một trong những khái
niệm quan trọng của người cầm bút”. “Người cầm bút” ở đây trước hết là tác
giả, chủ thể sáng tạo văn bản tác phẩm thơ và sau đó là “phận sự của người
đọc”. Theo dõi được mạch lạc của tư tưởng, cảm xúc thơ, chỉ ra được cấu
trúc văn bản của tác phẩm thơ chính là “một phần trong quá trình đọc”, hơn
nữa còn là một phần hết sức quan trọng, bởi từ đó người đọc nắm được
những gì cốt lõi và cảm thụ được tinh thần cơ bản của bài thơ. Thực ra, việc
tìm hiểu mạch lạc và cấu trúc bài thơ cũng đã được tiến hành thông qua việc
phân tích bố cục, cách chia đoạn bài thơ, một công việc khá quen thuộc trong
phân tích, giảng dạy các tác phẩm thơ (và tác phẩm văn học nói chung) trong
nhà trường phổ thông. Bởi vì, bố cục và mạch lạc trong cấu trúc tác phẩm có
quan hệ với nhau một cách chặt chẽ. Tuy nhiên, bố cục chỉ là cái biểu hiện
bên ngoài của cảm xúc, tư tưởng; nó thuộc về hình thức của cấu trúc tác
phẩm. Còn mạch lạc mới chính là trình tự bên trong của dòng mạch cảm xúc;
đó là cái dòng chảy tư tưởng, tình cảm chạy suốt bài thơ; nó thuộc về cái lô
gích bên trong cấu trúc của tác phẩm thơ. Nhìn chung, có hai cách cấu trúc
bài thơ: cấu trúc theo kiểu khai triển đề tài và cấu trúc theo mạch phát triển
tâm trạng cảm xúc của chủ thể trữ tình. Cấu trúc của các bài thơ Đây mùa thu
tới, Đất nước, Bên kia sông Đuống… có thể coi như thuộc kiểu thứ nhất. Còn
cấu trúc của các bài thơ Tống biệt hành, Đây thôn Vĩ Dạ, Sóng, Tiếng hát con
tàu… là thuộc kiểu thứ hai. Có thể cụ thể hoá cấu trúc bài thơ Đây mùa thu
tới của Xuân Diệu thông qua mối quan hệ giữa bố cục và mạch lạc như sau:
BỐ CỤC MẠCH LẠC
Đoạn 1: Tín hiệu báo
thu và tâm trạng con
ngươi lúc thu sang.
(Khổ thơ đầu)
Sự hồ hởi, vui sướng của nhà thơ khi nhận ra
dấu hiệu của mùa thu qua dáng vẻ thướt tha,
yểu điệu của những hàng liễu rủ dưới sắc nắng
chiều thu vàng nhạt.
Đoạn 2: Toàn cảnh
thiên nhiên, đất trời
lúc vào thu.
Cảm nhận tinh tế của nhà thơ trước những
biến thái hết sức tinh vi, mong manh, nhỏ nhặt
của thiên nhiên, tạo vật lúc vào thu qua những
hình ảnh: vườn thu, trăng thu, núi thu – sương
(Ba khổ thơ cuối) thu, rét thu, sông thu – đò thu, bầu trời thu
(mây, chim, khí trời), thiếu nữ thu.
Bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi có bố cục gồm ba phần:
Đoạn 1: Khung cảnh mùa thu Hà Nội những năm dài nô lệ trước Cách
mạng tháng Tám.
Đoạn 2: Khung cảnh mùa thu đất nước có độc lập, tự do từ sau Cách
mạng tháng Tám.
Đoạn 3: Hình ảnh đất nước đau thương đã đứng dậy và ngời sáng
trong suốt cuộc kháng chiến trường kì. Bố cục đó được xây dựng dựa trên cơ
sở của dòng mạch tư tưởng - cảm xúc chung về đất nước xuyên suốt trong
toàn bộ bài thơ: Khơi nguồn cho niềm xúc cảm và những suy tư về đất nước
là không gian trong trẻo và mùi hương cốm mới rất đặc trưng của một buổi
sáng mùa thu ở chiến khu Việt Bắc trong kháng chiến gợi nhớ về những mùa
thu đất nước trong quá khứ:
Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
“Những ngày thu đã xa” ấy là những ngày đất nước còn chìm đắm
trong vòng nô lệ trước Cách mạng tháng Tám, mà hình ảnh biểu trưng là
khung cảnh mùa thu Hà Nội. Hà Nội vào thu: đất nước qua cái nhìn lãng mạn
của Nguyễn Đình Thi vẫn rất đẹp, gợi cảm và đầy khí phách nhưng không
tránh khỏi buồn vắng, hiu hắt:
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.
Từ niềm hoài niệm đó, nhà thơ trở về với niềm vui phơi phới và niềm tự
hào sâu lắng trước khung cảnh một đất nước có truyền thống bất khuất, đã
có độc lập tự do sau Cách mạng:
… Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất…
Cuối cùng là những suy tư về hình ảnh đất nước trong cuộc kháng
chiến trường kì, một đất nước đau thương, uất hận vì chiến tranh tàn phá
nhưng vẫn hết sức anh dũng, bất khuất và ngời sáng trong niềm tin chiến
thắng:
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu
(…) Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng loà.
Bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh nhìn hình thức và thi tứ thì có vẻ phóng
túng, tự do nhưng từ chiều sâu của tư tưởng và cảm hứng, người đọc vẫn có
thể nhận thấy rất rõ sự mạch lạc của dòng cảm xúc được triển khai một cách
khá giản dị theo cái lô gích diễn tiến rất tự nhiên của tình cảm: bắt đầu từ
những khát vọng mãnh liệt về một tình yêu chân chính, không chấp nhận
những tình cảm nhỏ hẹp, vị kỉ (Sông không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra tận bể/
Nỗi khát vọng tình yêu/ Bồi hồi trong ngực trẻ), dẫn đến những suy tư đầy xúc
động về các trạng thái tâm hồn trong tình yêu ấy như: sự băn khoăn, trăn trở
về nguồn cội của tình yêu (Sóng bắt đầu từ gió/ Gió bắt đầu từ đâu/ Em cũng
không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau); nỗi nhớ nhung tha thiết, mãnh liệt của
một tình yêu chân chính (Ôi con sóng nhớ bờ/ Ngày đêm không ngủ được…/
Nơi nào em cũng nghĩ/ Hướng về anh một phương); niềm hi vọng tin tưởng
(Trăm ngàn con sóng đó/ Con nào chẳng tới bờ…) và cuối cùng là khát vọng
được hi sinh, dâng hiến, được sống hết mình cho tình yêu đó (Làm sao được
tan ra/ Thành trăm con sóng nhỏ/ Giữa biển lớn tình yêu/ Để ngàn năm còn
vỗ).
Cấu trúc bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm theo sát mạch vận
động, phát triển tâm trạng của chủ thể trữ tình – người đưa tiễn: bắt đầu là
những băn khoăn trước thái độ và tình cảm của li khách trong giờ phút chia
tay: Sao có tiếng sóng (…)/ Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong/ Đưa người ta
chỉ đưa người ấy…, tiếp đến là những hồi tưởng về cảnh ngộ của người ra đi:
Ta biết người buồn (...) và cuối cùng là lòng ngưỡng vọng, cảm phục đối với
tinh thần trượng nghĩa cùng những tình cảm đầy nhân tính của li khách trong
thời đại ý thức về cái tôi đã được thức tỉnh: Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
v.v…
Như vậy, nếu chỉ dừng lại ở bố cục thì sự cảm thụ và phân tích vẫn còn
đang ở giai đoạn chia cắt bài thơ thành những bộ phận biểu thị nội dung,
chưa thấy được cấu trúc chỉnh thể tác phẩm, đặc biệt là chưa theo dõi được
mạch vận động, phát triển tư tưởng – cảm xúc của chủ thể trữ tình trong bài
thơ. Phân tích được cấu trúc tác phẩm, theo dõi được mạch lạc tư tưởng,
cảm xúc và thi tứ của bài thơ cũng tức là người đọc đã có thể rung cảm, đồng
điệu được với những xúc động, những trăn trở, suy tư của nhà thơ từ trong
chiều sâu chỉnh thể tác phẩm..
2. THỜI GIAN VỚI Ý NGHĨA HAI CHỮ “VỘI VÀNG” CỦA XUÂN
DIỆU
Trong tập Gửi hương cho gió (1945) Xuân Diệu đã viết những câu thơ
thật giàu hình ảnh về thời gian:
Thời gian rót từng giọt buồn tê héo
Sự sống đi như hương bỏ hoa chiều…
Thời gian vốn là một tồn tại khách quan của tự nhiên. Đó là một đại
lượng vật chất không ngừng biến đổi, diễn ra một chiều, một đi không trở lại,
giống như một dòng chảy vô tình… Nhưng chính nhờ sự cảm nhận của con
người mà thời gian trở nên có ý nghĩa. Trong tác phẩm văn học, mỗi nhà văn,
nhà thơ xuất phát từ một “điểm nhìn” nhất định sẽ có những cách chiếm lĩnh
và thể hiện thời gian khác nhau. Thi pháp học hiện đại gọi đó là thời gian
nghệ thuật. “Thời gian được cảm nhận bằng tâm lí và mang ý nghĩa thẩm mĩ
(…), là hình thức cảm nhận thế giới của con người gắn liền với một quan
niệm nhất định về thế giới”. Độ dài ngắn của thời gian nghệ thuật thường
được đo bằng tâm lí và trạng thái cảm xúc của chủ thể trữ tình: Trăm năm thì
ngắn, một ngày dài ghê (Tản Đà), Sầu đong càng lắc càng đầy/ Ba thu dọn lại
một ngày dài ghê (Nguyễn Du) v.v… Sự cảm nhận thời gian trong thơ Xuân
Diệu bắt nguồn từ nét đặc sắc trong quan niệm và tư tưởng nghệ thuật độc
đáo của thi nhân. Trong các nhà thơ mới trước Cách mạng, Xuân Diệu là một
hồn thơ yêu đời và sống mãnh liệt nhất. Hồn thơ ấy luôn thể hiện khát vọng
được sống, được yêu trong một niềm khát khao giao cảm mãnh liệt với cuộc
đời và thiên nhiên tạo vật. Tác giả Thi nhân Việt Nam nhận xét: “Thơ Xuân
Diệu còn là một nguồn sống rào rạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ
này. Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống
cuống quýt, muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình. Khi vui cũng như
khi buồn, người đều nồng nàn, tha thiết (…). Sự bồng bột của Xuân Diệu có
lẽ đã phát biểu ra một cách đầy đủ hơn cả trong những rung động tinh vi”. Thi
sĩ có thể cảm nhận được một cách rất tinh tế những sự chuyển vận của thiên
nhiên cùng bước đi của thời gian. Tiếng gõ nhịp thời gian thường tạo ra trong
thơ Xuân Diệu sự rung động và những cảm xúc riêng:
Không gian như có dây tơ,
Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu,
Êm đềm chiều ngẩn ngơ chiều,
Lòng không sao cả, hiu hiu khẽ buồn….
(Chiều)
Nhưng nét độc đáo nhất trong sự cảm nhận về thời gian của Xuân Diệu
là ông luôn có những xúc cảm thật mạnh mẽ về sự đối lập giữa thời gian của
vũ trụ vô biên với thời gian hữu hạn của cuộc đời mỗi con người. Hơn hai hết,
vị “Tao đàn nguyên suý” của phong trào Thơ mới này ý thức được một cách
thật sâu xa về giới hạn ngắn ngủi của đời người trước thời gian một đi không
trở lại. Trước sự chảy trôi của thời gian, Xuân Diệu có những cảm nhận thật
xót xa, thấm thía:
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian;
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nêu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại.
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi…
(Vội vàng)
Ý thức về thời gian như thế nên trong thơ Xuân Diệu, thời gian thường
gắn liền với những dự cảm về sự tàn phai, mất mát và xa cách:
Thong thả, chiều vàng thong thả lại…
Rồi đi… Đêm xám tới dần dần…
Cứ thế mà bay cho đến hết
Những ngày, những tháng, những mùa xuân.
(Giờ tàn)
Nỗi sợ thời gian chảy trôi ấy khiến cho thi sĩ có thể cảm nhận được một
cách tinh tế những sắc màu tàn phai, những hương vị chia li sầu tủi ẩn náu
trong bước đi của thời gian: Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi/ Khắp sông
núi bỗng than thầm tiễn biệt (Vội vàng). Xuân Diệu có những dự cảm thật mới
lạ, độc đáo: Trong gặp gỡ đã có mầm li biệt (Giục giã), nên ông tỏ ra rất thấu
hiểu những “lí lẽ ngang ngạnh” của thời gian:
Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua;
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già;
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.
(Vội vàng)
Với Xuân Diệu, thời gian trở thành một nguy cơ, luôn chứa đựng sự bất
trắc. Thời gian làm cho mọi thứ trở nên không vững bền:
Hết ngày, hết tháng, hết! Em ơi!
Kinh hãi không gian quặn tiếng còi
Anh đến tìm em, em thấy đó
Sắp xa, thôi cũng tựa xa rồi!
(Hết ngày, hết tháng…)
Ý thức về thời gian đời người ngắn ngủi, hữu hạn luôn tạo ra trong thơ
Xuân Diệu những linh cảm bất an và một nỗi lo sợ luôn thường trực trong thơ
ông: sợ tương lai, sợ ngày mai:
Gấp đi em, anh rất sợ ngày mai;
Đời trôi chảy, lòng ta không vĩnh viễn.
(Giục giã)
Trong thơ Xuân Diệu, tương lai, ngày mai đã trở thành “lực lượng thù
địch với hạnh phúc, tuổi xuân của con người” (Trần Đình Sử). Nhưng là một
nhà thơ tha thiết với sự sống trần thế, Xuân Diệu vẫn có những xúc cảm hết
sức sôi nổi trước cuộc đời. Khi đối diện với thời gian, nếu hầu hết các nhà thơ
mới đều muốn thoát li thực tại, thì bằng cảm quan thẩm mĩ tích cực và độc
đáo, Xuân Diệu luôn tìm thấy cái đẹp ngay giữa cuộc đời trần thế. Nhà thơ
Chế Lan Viên nhận xét: “Xuân Diệu đốt cảnh bồng lai và xua ai nấy về hạ
giới”. Cảm xúc về cuộc đời trong Vội vàng là nỗi sung sướng, vồ vập trước
một thế giới tươi non, đầy mật ngọt, hoa thơm, đầy tình ái, ánh sáng và âm
nhạc… tất cả đều cuốn hút, say mê. “Nhà thơ như thể đã phát hiện ra một
thiên đường có thật ngay trên mặt đất này, trong tầm tay của mỗi người”
(Trần Đình Sử). Qua cách diễn đạt độc đáo của Xuân Diệu, thiên đường ấy
như thể đang bày sẵn trước mắt mọi người:
Của ong bướm này đây tuần tháng mật,
Này đây hoa của đồng nội xanh rì,
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si,
“Này”, “đây” là những đại từ chỉ định không gian gần, ở ngay trước mặt,
trong tầm tay, được dùng kết hợp theo lối song trùng tạo thành một cụm từ
đồng chức năng “này đây”, khiến cho cấp độ ý nghĩa của các thành tố được
nhấn mạnh thêm. Những chữ “này đây” ấy lại được dùng theo phương thức
đảo ngữ và lặp đi lặp lại trong mỗi dòng thơ, tạo thành một điệp khúc, có tác
dụng diễn tả rất đạt những xôn xao, náo nức của tâm hồn nhà thơ. Bởi vì,
đằng sau mỗi chữ “này đây” ấy đều là những hình ảnh đầy sinh khí của tình
yêu và sự sống: này đây là tuần tháng mật, này đây là hoa của đồng nội xanh
rì, này đây là lá của cành tơ phơ phất và này đây là khúc tình si… Người đọc
như thấy được cả cái háo hức của chính tâm hồn nhà thơ, một nhà thơ ham
sự sống nên luôn nhìn nó trong trạng thái sinh sôi, nảy nở và giàu sức sống
nhất. Và với Xuân Diệu, cái đẹp nhất của thế giới này vẫn là những vẻ đẹp
của con người:
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi.
Mỗi sáng sớm thần Vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
Ánh nắng mỗi buổi sớm mai chiếu rọi xuống thế gian được ví như ánh
“chớp hàng mi” của người con gái đẹp; còn tháng giêng của mùa xuân được
ví như “một cặp môi gần”!
Cảm nhận thời gian và sự sống như thế nên Xuân Diệu thường có
những ý tưởng thật táo bạo. Nhà thơ không muốn tuổi trẻ, tình yêu và những
sắc hương đẹp đẽ trong cuộc đời cứ phải tàn phai theo năm tháng; thi sĩ
muốn tắt nắng, buộc gió, muốn thời gian phải ngừng trôi:
Tôi muôn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất,
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.
(Vội vàng)
Nhưng mà không được, bởi làm sao có thể cưỡng lại được quy luật
của tự nhiên? Vậy thì, theo Xuân Diệu, chỉ còn một cách thôi là sóng cho thật
mãnh liệt, sống cho thật đủ đầy ý nghĩa trong cái khoảnh khắc hữu hạn của
một đời người: Sống toàn tâm, toàn trí, sống toàn hồn/ Sống toàn thân và
thức nhọn giác quan với cuộc đời. Do vậy, với Xuân Diệu, thời gian sống đích
thực của con người chỉ là thời hiện tại – một thời hiện tại với những hiện hữu
của nó mà không cần biết đến quá khứ hay tương lai:
Cần chi biết ngày mai hay bữa trước?
Gần nhau đây, thì yêu mến là hơn
(Mời yêu)
Thời hiện tại trong thơ Xuân Diệu cũng đồng nghĩa với tình yêu và tuổi
trẻ, thời còn khoe sắc đua hương:
Và hãy yêu tôi một giờ cũng đủ,
Một giây cũng cam, một phút cũng đành.
(Mời yêu)
Nhưng thời hiện tại cũng không vững bền, nó sẽ mau chóng qua đi rất
nhanh, bởi cái ranh giới mong manh giữa hiện tại và quá khứ, liền ngay sau
hiện tại đã là quá khứ mất rồi! Do đó, Xuân Diệu cho rằng, để níu giữ lấy cái
đang tồn tại, đang hiện hữu; để khắc phục sự hữu hạn ngắn ngủi của kiếp
người thì không chỉ sống hết mình với hiện tại là đủ mà còn cần phải mau lên,
phải thật vội vàng:
– Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối
Còn hơn buôn le lói suốt trăm năm.
(Giục giã)
– Mau với chứ! Vội vàng lên với chứ!
Em, em ơi! Tình non sắp già rồi…
– Mau với chứ! Thời gian không đứng đợi.
(Giục giã)
Như vậy, vội vàng là một thái độ sống, một triết lí nhân sinh – thẩm mĩ
mang đậm ý nghĩa nhân văn tích cực. Thái độ và triết lí sống đó đã được
Xuân Diệu thể hiện một cách thật thiết tha trong rất nhiều những bài thơ sôi
nổi, đầy nhiệt huyết của mình. Xuân Diệu đã hơn một lần tâm sự: Tôi không
chờ nắng hạ mới hoài xuân (Vội vàng). Bởi vì: Tôi sợ mất sự sống của tôi,/
Tôi không muốn nó rớt chảy trôi theo dòng ngày tháng (Lời đưa duyên) và
Nếu tôi đứng, nếu máu tôi ngừng,/ Thời gian của tôi sẽ không còn nữa
(Thương vay). Cho nên, mô típ giục giã, vội vàng, gấp gáp… xuất hiện nhiều
lần và trở đi trở lại trong thơ Xuân Diệu trước Cách mạng như một nỗi niềm
thiết tha khắc khoải, nhức nhối. Có nhà nghiên cứu nhận xét rằng, trung thơ
Xuân Diệu, người ta thấy ông sử dụng rất nhiều liên từ, tận dụng triệt để thủ
pháp liệt kê; có lẽ cũng là để có thể chuyển tải cho hết những nỗi niềm thiết
tha sôi nổi, rạo rực trong tâm hồn mình đối với thời gian và sự sống. Phải
chăng, đấy cũng là yếu tố tích cực nhất trong thơ Xuân Diệu trước Cách
mạng, một nhà thơ luôn biết mình hữu hạn nên khao khát không thôi gắn bó
với cuộc đời:
Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều;
Và non nước. và cây, và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
(Vội vàng)
3. VẺ ĐẸP LỨA ĐÔI, HÌNH ẢNH NGƯỜI THIẾU NỮ VỚI HÌNH
TƯỢNG THIÊN NHIÊN TRONG THƠ XUÂN DIỆU
Xuân Diệu là một nhà thơ tình yêu, điều ấy thật đúng bởi ông sáng tác
hơn năm trăm bài thơ tình. Đúng hơn, ông là nhà thơ của vẻ đẹp xuân tình và
hình ảnh người thiếu nữ. Trong tập thơ đầu tay Thơ thơ (1938), người thanh
niên mười tám tuổi đời ấy khai bút bằng những tuyên ngôn và đây là một
trong những tuyên ngôn ấy:
Còn gì khổ bằng yêu không dám nói
Để tháng năm ôm mãi vết thương sầu
Ta thi sĩ kiếp phong lưu lặn lội
Thiếu ái tình, thiếu cả, có chi đâu
Ta vẫn biết nước non đang nũng nịu
Bảo ta nên ngoan ngoãn lựa lời thơ
Ca cái đẹp của hương chiều êm dịu
Của tràng giang lặng khuất bóng trăng mờ
Nhưng mặc kệ, đời ta phụng sự
Cả tài hoa lẫn cảnh trí thiên nhiên
Chỉ biết rằng khi xa người thiếu nữ
Ngòi bút ta mất hết vẻ thần tiên.
Thơ trữ tình vốn bao giờ cũng chủ quan, nhà thơ cảm nhận và biểu
hiện thế giới không phải như thế giới vốn có trong thực tại mà theo sự chiêm
nghiệm và xúc động riêng của tâm hồn nhà thơ. Đến thơ lãng mạn, tính chất
chủ quan ấy đã có một cái tôi cá nhân cụ thể, mãnh liệt và đầy cảm xúc, nằm
ở trung tâm cảm nhận, làm nguyên tắc thế giới quan. Nhà nghiên cứu văn
học Trần Đình Sử viết: “Chất lãng mạn nằm trong cách cảm nhận, biểu hiện
thế giới và con người một cách đặc thù”. Trước đó, nhà nghiên cứu, phê bình
văn học người Nga V. Gri–mum–xki cũng đã từng nói: “Nhà thơ lãng mạn
muốn bày tỏ cho chúng ta trước hết là về chính họ, là phơi bày tâm hồn họ,
cõi lòng họ. Họ thổ lộ cho ta những chiều sâu tâm hồn xúc cảm, sự đa dạng
của cá tính. Họ reo lên vì vui, họ gào lên hay khóc lên vì đau đớn. Họ kể lể,
họ bảo ban, họ vạch trần với khuynh hướng rõ rệt, buộc người nghe phục
tùng cảm giác về đời sống của họ, làm cho người nghe thấy cái gì đang hiện
ra trong trực giác trực tiếp của nhà thơ”. Chất lãng mạn của thơ Xuân Diệu
trước hết bộc lộ ở cặp mắt xanh non háo hức, ở trái tim sôi nổi, rạo rực và
thái độ cuống quýt trong sự gắn bó tha thiết với cuộc đời. Do đó, thi sĩ luôn
cảm nhận và thể hiện sự sống ở trạng thái đắm say, xuân sắc và viên mãn
nhất. Thiên nhiên trong thơ ông phải là một thế giới đương khoe sắc đua
hương, một thế giới của muôn bướm với muôn hoa, lúc nào cũng đẫm nhạc,
đẫm hương thơm, đầy ánh sáng và tình ái. Thi sĩ đã mĩ hoá thiên nhiên theo
cách riêng của mình, bằng những xúc cảm chủ quan và lãng mạn. Không chỉ
trong những bài thơ trực tiếp về tình yêu đôi lứa mà trong hầu hết những bài
thơ thuộc nhiều đề tài khác của Xuân Diệu, hình tượng thiên nhiên vẫn luôn
thể hiện những nét cố hữu của riêng tâm hồn ông: trẻ trung, tình tứ, mộng mơ
và hết sức lãng mạn. Đó là một loại hình tượng thiên nhiên mang vẻ đẹp và
sức sống của con người, đặc biệt là vẻ đẹp của những lứa đôi và hình ảnh
người thiếu nữ. Bài Thơ duyên diễn tả những cảm nhận tinh tế của nhà thơ
trước sự giao hoà tuyệt diệu của thiên nhiên, cảnh vật và con người trong một
buổi chiều thu. Duyên trong bài thơ này không chỉ có ý nghĩa tình yêu lứa đôi
gắn với quan hệ nam nữ mà còn là cái duyên của đất trời, cỏ cây, hoa lá, cái
duyên của tạo vật và lòng người. Giữa buổi chiều thu trong sáng, dịu êm,
người thanh niên mới lớn nghe dâng lên trong lòng mình những rung động
tình yêu buổi ban đầu với một thiếu nữ không quen biết cũng đang đồng hành
nhẹ bước trên đường. Mối lương duyên ấy tuy cũng mới chỉ từ một phía, chỉ
là “tự lòng ta nghe ý bạn”, nên cũng còn rất mơ hồ, khó diễn tả; nhưng trong
không khí giao hoà của mùa thu, dường như tất cả thiên nhiên tạo vật đâu
đâu cũng “đều có duyên với nhau, cặp đôi với nhau, hiệp vần với nhau trong
âm hưởng của nhạc (“Thu đến nơi nơi động tiếng huyền”), trong không khí
của thơ, mộng (“Chiều mộng hoà thơ”) và trong tình thương yêu (…) để sáng
tạo nên một bài thơ dịu treo lên giữa một buổi chiều thu”:
Chiều mộng hoà thơ trên nhánh duyên,
Cây me ríu rít cặp chim chuyền.
Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá,
Thu đến – nơi nơi động tiếng huyền…
Cách cảm nhận đặc biệt ấy đã đem đến trong thơ Xuân Diệu một không
gian nghệ thuật rất độc đáo. Không gian trong bài thơ Với bàn tay ấy đặc sắc
không chỉ ở sự hoà phối tuyệt diệu giữa màu sắc, âm thanh, nhịp điệu và độ
cao – thấp của vần điệu mà còn ở chỗ, mọi cảnh vật thiên nhiên, dù chỉ là
những “cây, cỏ, hoa, lá, mây, trăng, làn rêu…”, nhưng tất cả đều đã được thi
sĩ miêu tả giống như những lứa đôi đương dập dìu ân ái rất tình tứ, rất dịu
dàng:
– Một tối bầu trời đắm sắc mây,
Cây tìm nghiêng xuống cánh hoa gầy,
Hoa nghiêng xuống cỏ, trong khi cỏ
Nghiêng xuống làn rêu, một tối đầy.
Những lời huyền bí toả tên trăng,
Những ý bao la rủ xuống trần,
Những tiếng ân tình hoa bảo gió,
Gió đào thỏ thẻ bảo hoa xuân.
Cảm xúc của Xuân Diệu trước thiên nhiên từ điểm nhìn tình yêu đôi lứa
không chỉ thể hiện cái chất men say đắm, nồng nàn, tha thiết mà còn hết sức
tinh tế. Nhà thơ cảm nhận thiên nhiên, đất trời không phải chỉ bằng những
giác quan thông thường vốn có mà còn bằng cả giác quan tâm linh của một
hồn thơ yêu đời, luôn khát khao giao cảm mãnh liệt với sự sống. Xuân Diệu
quan niệm đã là sự sống thì “chẳng bao giờ chán nản” (ông có bài thơ nhan
đề: Sự sống chẳng bao giờ chán nản) và phải sống thật mãnh liệt, phải sống
hết mình: Sống toàn tâm, toàn trí, sống toàn hồn – Sống toàn thân và thức
nhọn giác quan với cuộc đời. Hoặc: Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối/ Còn
hơn buồn le lói suốt trăm năm. Ngôn ngữ thơ Xuân Diệu luôn có những sáng
tạo đột biến rất mới mẻ, mạnh bạo bởi “cảm xúc mạnh mẽ, nồng nàn, luôn ở
trạng thái cực điểm khiến thơ ông không chấp nhận những cách diễn đạt
thông thường, những từ ngữ phẳng lặng”. Thơ Xuân Diệu đầy rẫy những cảm
giác trực giác, những màu sắc, âm thanh, mùi vị… và đặc biệt nhất là hình
ảnh: “Hình ảnh động tới con mắt, nhất là động tới nhận thức, tới trí tuệ; hình
ảnh diễn đạt tình cảm và tư tưởng (…). Thơ nói bằng nhạc điệu và hình ảnh,
mà tôi xin nhắc lại, theo ý tôi, hình ảnh là mãnh liệt nhất”. Với Xuân Diệu, hình
ảnh ấy phải là hình ảnh của những lứa đôi, hình ảnh của những ái ân xuân
tình, xuân sắc và nhất là hình ảnh của người thiếu nữ. Có thể nói rằng, qua
con mắt, qua cái nhìn nghệ thuật của nhà thơ, thiên nhiên, cảnh vật và sự
sống ở đâu cũng hoá ra bóng hình người con gái. Hãy xem cái cách nhà thơ
vồ vập, cuống quýt tận hưởng mùa xuân của đất trời:
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu.
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
– Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
Thơ xưa thường lấy thiên nhiên để làm tiêu chuẩn miêu tả vẻ đẹp của
con người: Phù dung như diện, liễu như mi (mặt như hoa phù dung, lông mày
như lá liễu), hoặc: Mai cốt cách, tuyết tinh thần (cốt cách yểu điệu như mai,
tinh thần trắng trong như tuyết) thì nay Xuân Diệu làm ngược lại, ông lấy vẻ
đẹp của con người mà chủ yếu là vẻ đẹp của người thiếu nữ làm tiêu chuẩn
để miêu tả vẻ đẹp của thiên nhiên. Để diễn tả được những biến thái tinh vi,
mong manh, huyền diệu của thiên nhiên tạo vật lúc chuyển mùa khi mùa thu
mới tới (Bài Đây mùa thu tới), Xuân Diệu tả liễu. Những cây liễu rủ bên hồ
được tác giả cảm nhận giống như những nàng thiếu nữ thướt tha, yểu điệu,
nghiêng mình buông những suối tóc dài. Trong gió thu lạnh đìu hiu, dáng liễu
cũng giống như dáng người đứng chịu tang/ Tóc buồn buông xuống lệ ngàn
hàng… Một hình ảnh buồn nhưng cũng thật gợi cảm, phảng phất đâu đây
bóng dáng quen thuộc của các nàng thiếu nữ đài các, đẹp và buồn một cách
lãng mạn trong thơ mới dạo ấy nói chung và trong thơ Xuân Diệu nói riêng.
Hai câu thơ thật ra chỉ nhằm gợi tả vẻ yểu điệu, thướt tha của liễu như một tín
hiệu báo thu sang mà thôi. Nhiều khi, thiên nhiên còn được so sánh trực tiếp
với vẻ đẹp của người thiếu nữ “bằng những hình ảnh rất bạo, đầy rẫy cảm
giác và có tính sắc dục” (Nguyễn Đăng Mạnh). Mỗi hình tượng thiên nhiên
thường được ví với một bộ phận trên cơ thể của người thiếu nữ, như một
biểu tượng tuyệt đối về tiêu chuẩn thẩm mĩ và sức sống. Đây là vẻ đẹp của
vầng trăng mà thi sĩ đã hết lời “Ca tụng”:
Trăng vú mộng của muôn đời thi sĩ
Giơ hai tay mơn trớn vẻ tròn đầy
Trăng nguồn sương làm ướt cả gió hây
Trăng võng rượu khiến đêm mờ chếnh choáng
Làn gió đêm được tưởng tượng như trăm ngàn cánh tay mơn man: Gió
canh khuya như nghìn cánh tay ôm/ Trăng mối lái phủ màng tơ mộng ảo, và
ánh bình minh buổi sớm mai được ví với ánh chớp hàng mi của người con gái
đẹp, còn tháng giêng thì được ví với một cặp môi gần.
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi sáng sớm thần Vui hằng gõ cửa
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần…
Cách so sánh thật bạo, rất Xuân Diệu nhưng cũng thật đúng. Đúng bởi
tháng giêng là tháng đầu tiên trong năm, là tháng đẹp nhất của mùa xuân –
mùa đẹp nhất, giàu sinh khí và sức sống nhất của các mùa trong năm – thì
còn gì đáng so sánh hơn là một vẻ đẹp trần gian vô cùng trong trắng, tinh khôi
và tràn đầy sức sống như một cặp môi gần!
Xuân Diệu là một nhà thơ “mới nhất trong các nhà thơ mới” về nhiều
phương diện. Với một thế giới nghệ thuật riêng, độc đáo, mới mẻ từ tư tưởng,
hình ảnh đến ngôn từ, ông đã đem đến cho Thơ mới một nguồn sinh khí mới.
Những tâm hồn còn trẻ vẫn sẽ mãi mãi yêu thích thơ ông. Và đó là một phần
thưởng lớn mà bất kì người nghệ sĩ chân chính nào cũng hằng mơ ước.
4. CHỮ VÀ NGHĨA TRONG BÀI THƠ “ĐÂY MÙA THU TỚI”
Đã có quá nhiều bài bình, phân tích, giảng văn về bài thơ Đây mùa thu
tới của Xuân Diệu. Nhưng cho đến nay vẫn còn tồn tại không ít cách hiểu
khác nhau. Một trong những nguyên nhân là do sự cảm nhận và lí giải về mặt
ngữ nghĩa của tác phẩm. Dưới đây, chúng tôi xin nêu một hướng tiếp cận mới
đối với một số từ ngữ, hình ảnh hiện vẫn còn là điểm gây tranh luận hoặc ít
được chú ý đúng mức trong sự cảm nhận về bài thơ này.
Những tín hiệu báo thu và tâm trạng con người lúc thu tới, thu
sang
Nhiều người cho rằng bài thơ mở đầu đã gợi một nỗi buồn sầu đến độ
héo hắt bi thương. Ấn tượng đó trước hết được tạo bởi các chữ “buồn”, “đìu
hiu”, “đứng chịu tang”, “lệ ngàn hàng” trong hai câu thơ đầu:
Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng
Song, nếu hiểu hai câu thơ này như vậy thì sẽ không thể tránh khỏi
mâu thuẫn với tiếng reo đầy vui sướng của nhà thơ - chủ thể cảm xúc – trước
toàn cảnh đất trời vào thu rực rỡ một sắc thu vàng như màu áo mơ phai của
người thiếu nữ (sắc vàng của nắng và cả lá vàng nữa – lá vàng trong nắng
thu vàng…) ở hai câu thơ tiếp liền sau đó:
Đây mùa thu tới – mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng.
Đặt trong cấu tứ, bố cục chung của toàn bài thì khổ thơ mở đầu này có
một vị trí khá đặc biệt. Cả bốn câu thơ tập trung gợi tả những dấu hiệu đất trời
vào thu và tâm trạng con người lúc thu tới, thu sang. Cũng phải nói thêm
rằng, thi nhân ấy là một con người còn rất trẻ cả về tuổi tác lẫn cảm xúc.
Xuân Diệu sáng tác Đây mùa thu tới khi ông mới mười tám tuổi đời và hồn
thơ Xuân Diệu lúc ấy đương ở vào độ non tơ rạo rực, sôi nổi và bồng bột
nhất. Thi sĩ đã từng tự nói về những cảm xúc của mình hồi ấy: “Đây là lòng tôi
đương thời sôi nổi, đây là hồn tôi đương lúc vang ngân, và đây là tuổi xuân
của tôi, và đây là sự sống của tôi nữa”. Với một hồn thơ như thế nên khi bắt
gặp những tín hiệu đầu tiên của mùa thu mới tới, thi sĩ đã mở hết lòng mình
hồ hởi, vồ vập đón nhận tất cả những biến thái mong manh, huyền điệu, dù là
nhỏ nhặt nhất của thiên nhiên, tạo vật lúc chuyển mùa. Câu thơ thứ ba với
điệp ngữ “mùa thu tới” và dấu gạch nối như những tiếng reo vui không thể
kìm nén, bất giác đã bật ra khi nhà thơ chợt nhận thấy những tín hiệu báo thu
sang đầu tiên hiện ra trên hàng liễu rủ...
Khác với thơ ca trung đại phương Đông thường dùng những hình ảnh
ước lệ: sen tàn, cúc nở hoa, lá ngô đồng rụng… để làm biểu tượng cho sự
chuyển mùa lúc thu sang, ở bài thơ này, Xuân Diệu tả liễu. Những cây liễu
bên hồ cành lá mềm mại vào lúc thu tới, thu sang, êm đềm rủ xuống và được
thi sĩ lãng mạn cảm nhận giống như các nàng thiếu nữ thướt tha, yểu điệu,
nghiêng mình buông những suối tóc dài. Trong gió thu lạnh đìu hiu, dáng liễu
cũng giống như dáng người đứng chịu tang, Tóc buồn buông xuống lệ ngàn
hàng (Hai câu thơ đầu sử dụng phép ẩn dụ dựa trên quan hệ liên tưởng
tương đồng nhưng đã lược bỏ từ so sánh và đối tượng so sánh, theo kiểu so
sánh ngầm, do vậy có thể đọc một cách “văn xuôi” thành: “rặng liễu đìu hiu”
như các nàng thiếu nữ “đứng chịu tang” và “tóc buồn buông xuống” như thể
“ngàn hàng” lệ rơi không dứt). Một hình ảnh buồn nhưng cũng thật gợi cảm,
phảng phất đâu đây bóng dáng quen thuộc của các nàng thiếu nữ đài các,
đẹp và buồn một cách lãng mạn trong Thơ mới dạo ấy nói chung và trong thơ
Xuân Diệu nói riêng. Đó là cách nhìn, cách cảm của cả một trào lưu thơ, một
thế hệ các nhà thơ mới nên không thể nói những hình ảnh đó thể hiện một nỗi
buồn tang tóc, bi luỵ. Hai câu thơ thật ra chỉ nhằm gợi tả vẻ yểu điệu, thướt
tha của liễu như một tín hiệu báo thu sang mà thôi. Khi cái hối hả của mùa hạ
nóng nực đi qua, dấu hiệu báo thu sang thường là sự ngưng lại, vẻ chậm
chạp “chùng chình” rất riêng của thời tiết:
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
sông được lúc dềnh dàng
Nắng bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu…
(Hữu Thỉnh, Sang thu)
Với Xuân Diệu, những cành liễu mềm mại, êm đềm rủ xuống ấy chính
là một dấu hiệu thời tiết, một tín hiệu báo thu sang đầu tiên mà thi sĩ bất chợt
nhận thấy một cách thật ngạc nhiên, thích thú. Thi sĩ bất giác reo lên: Đây
mùa thu tới – mùa thu tới… và đằng sau những tiếng reo hồ hởi của chủ thể
cảm xúc, người đọc có thể hình dung ra ánh mắt trẻ trung ngơ ngác của nhà
thơ đang sững sờ trước sự thay đổi và trước vẻ đẹp đến bất ngờ của thiên
nhiên, cảnh vật lúc chớm vào thu. Bốn câu thơ tả những dấu hiệu mùa thu tới
và tâm trạng con người lúc thu tới, thu sang thật gợi cảm, tươi sáng; tuy có
buồn nhưng không hề ảm đạm, héo hắt; buồn mà vẫn đẹp. Đẹp bởi sự cảm
nhận rất tinh tế và mới mẻ những chuyển vận của thiên nhiên cùng bước đi
của thời gian; đẹp bởi màu sắc, đường nét tươi sáng, bởi vẻ yểu điệu, thướt
tha trẻ trung, lãng mạn rất phù hợp với mùa thu mới chớm. Ấn tượng và cảm
giác đó trong bốn câu thơ mở đầu này đã chi phối không khí và cảm xúc
chung của cả bài thơ.
Toàn cảnh “mùa thu tới”
Ba khổ thơ tiếp theo miêu tả toàn cảnh thiên nhiên, đất trời và con
người mùa thu. Cảm xúc tinh tế nồng nàn của hồn thơ Xuân Diệu có lẽ được
thể hiện rõ nhất qua cách sử dụng ngôn ngữ độc đáo ở đoạn thơ này. Ở đây,
chúng tôi chỉ nhấn mạnh đến những từ ngữ có tính chất đồng hướng lập luận,
tức là những từ ngữ thực hiện chức năng liên kết về nội dung của văn bản tác
phẩm. Tuy nhiên, do hầu hết những đơn vị thuộc loại này vốn không phải các
biện pháp tu từ ngữ nghĩa nên xưa nay, chúng thường dễ bị các thầy, cô giáo
và các em học sinh bỏ qua khi cảm thụ, phân tích tác phẩm.
Trước hết là tựa đề Đây mùa thu tới, một cái tựa đề đã cho thấy rõ,
mùa thu trong bài thơ này là lúc thu tới, thu sang, mùa thu ở cái thời khắc
chuyển giao từ mùa hạ nóng nực, hối hả sang tiết thu se lạnh… Chắc hẳn khi
đặt cái tựa đề này, Xuân Diệu đã có ý thức cụ thể hoá đề tài, tạo ra một tiêu
điểm cảm xúc nhằm liên kết, quy tụ các từ ngữ, hình ảnh trong toàn bộ bài
thơ về một chủ đề chung. Sau bốn câu thơ đầu gợi tả tín hiệu báo thu và tâm
trạng con người lúc thu tới, thu sang, đây là những đặc tả cận cảnh ở một
vườn thu:
Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh
Những luồng run rẩy rung rinh lá
Đôi nhánh khô gầy, xương mỏng manh.
Cảnh sắc đặc trưng của thiên nhiên mùa thu là lá rụng, hoa tàn…
Nhưng vì thu mới tới nên sự úa vàng, tàn rụng ấy cũng chưa nhiều. Trong
vườn thu, Hơn một loài hoa đã rụng cành. “Hơn một” thì cũng có nghĩa là
chưa nhiều lắm, mới chỉ vài ba loài hoa chớm lụi tàn. Không rõ cách nói: hơn
một lần, hơn một loài v.v… có từ bao giờ trong lời nói Việt, nhưng từ Đây mùa
thu tới, người ta vẫn nghĩ đấy là một trong những lối dùng chữ, đặt câu quá
Tây của Xuân Diệu. Rồi cũng trong Vườn thu, “sắc đỏ rũa màu xanh”. Có
người cho rằng, chữ “rũa” trong câu thơ này đúng ra phải đọc là “rủa” (sắc đỏ
rủa màu xanh): sắc đỏ càu nhàu với màu xanh, do dịch từ nghĩa đen của chữ
jurler tiếng Pháp mà nghĩa bóng là không hợp, là đối ngược. Liệu có đúng
Xuân Diệu “Tây” quá đến mức phải mượn cả một từ tiếng Pháp khiên cưỡng,
xa lạ với ngữ cảnh như vậy chăng? Dẫu có hư thực thế nào thì cho đến hôm
nay, tức là đã sau hơn nửa thế kỉ kể từ hồi Xuân Diệu xuất hiện trên thi đàn
Thơ mới, người đọc thơ cũng chỉ còn thấy “sắc đỏ rũa màu xanh” là một câu
thơ rất phù hợp với mùa thu mới chớm: trong vườn sắc đỏ úa của những
chiếc lá vàng ngày càng nhiều, nó lấn dần màu xanh, khiến cho màu xanh
như thể bị “rũa” dần, bị mòn dần đi từng tí một. Còn Những luồng run rẩy rung
rinh lá là một câu thơ chứa đựng nhiều biện pháp tu từ, vừa lặp phụ âm r, vừa
dùng đảo ngữ, vừa trộn lẫn cảm giác do cách kết hợp trực tiếp loại từ luồng
với đảo ngữ run rẩy rung rinh lá khiến cho người đọc thơ như có thể cảm giác
được cả cái run rẩy rùng mình vì ớn lạnh của chính tâm hồn nhà thơ. Câu thơ
cũng khiến cho hình ảnh của những nhành cây “khô gầy xương mỏng manh”
bỗng sinh động, cựa quậy, có cảm giác hơn. Và “đôi nhánh” cũng có nghĩa là
không nhiều lắm, mới chỉ có vài ba nhánh cây bị rụng lá, trơ trọi như những
chiếc xương khô gầy, mỏng mảnh đương run rẩy trong làn gió heo may se
lạnh tiết đầu thu…
Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ
Non xa khởi sự nhạt sương mờ
Đã nghe rét mướt luồn trong gió
Đã vắng người sang những chuyến đò
Mây vẩn từng không, chim bay đi
Khí trời u uất hận chia li
Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói
Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì?
Những câu thơ gợi tả không gian, đất trời và con người lúc mùa thu
mới chớm trong hai khổ thơ này vẫn thể hiện rất rõ lối quan sát kĩ càng và sự
cảm nhận hết sức tinh tế, nhạy cảm của hồn thơ Xuân Diệu. Cả thời gian lẫn
không gian, cảnh vật đầu thu như vẫn còn đang trong giai đoạn chuyển vận,
đang trong thế lưỡng phân của thời tiết lúc giao mùa chứ chưa thật rành
mạch, rõ nét: vào những buổi tối vắng vẻ, lạnh lẽo độ thu sang, vầng trăng (dĩ
nhiên, trăng qua cách cảm xúc của Xuân Diệu cũng phải là “nàng trăng” - một
thiếu nữ trăng) dường như cũng cảm thấy trống trải, lạnh vắng, cô đơn hơn
nên “tự ngẩn ngơ”. Ấy là trăng lạnh: Trăng lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời
(Nguyệt cầm), là trăng suông: Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá (Lời kĩ
nữ), nhưng cũng chỉ “thỉnh thoảng” mới có những buổi tối có trăng lạnh, trăng
suông như vậy. Sương thu làm mờ, làm nhạt bóng hình dãy núi xa xa phía
đường chân trời, nhưng cũng mới chỉ ở trạng thái bắt đầu, khởi sự chứ chưa
phải đã thường xuyên. Mây xám vẩn lên màu chia li u uất, bởi đấy cũng là lúc
những con chim di cư bắt đầu bay đi tránh rét. Những chuyến đò “đã vắng”
khách: đã vắng cũng tức là khách chỉ mới bắt đầu thưa vắng thôi chứ chưa
phải đã vắng lâu, vắng hẳn. Đặc biệt, cái “rét mướt” đầu thu đã được thi sĩ
lãng mạn diễn tả bằng một câu thơ rất mới mẻ, đầy ấn tượng:
Đã nghe rét mướt luồn trong gió
“Đã nghe” (cũng như “đã vắng” trong câu trên) nghĩa là sự vật đã xuất
hiện nhưng còn ở trạng thái mới bắt đầu. Xuân Diệu rất có tài tả rét, trong
Nguyệt cầm, Lời kĩ nữ… và cả trong Đây mùa thu tới. Đúng hơn, thi sĩ có tài
cảm nhận cái rét mướt, lạnh lẽo theo điệu tâm hồn riêng của mình. Nhờ sự
chuyển đổi, tương giao của các hệ cảm giác, cái rét đầu thu không chỉ được
cảm nhận bằng xúc giác thông thường mà bằng cả thính giác (nghe) và thị
giác (luồn), nói chung bằng tất cả các giác quan tinh nhạy đã căng sẵn và
luôn “thức nhọn” của tâm hồn nhà thơ. Chữ “luồn” và “nghe” còn khiến cho cái
rét được cụ thể hoá thành tiếng, thành hình, thành ảnh, diễn tả một cách tinh
tế nét đặc trưng của cái rét đầu thu, mà trong dân gian vẫn thường gọi là “rét
trộm” (ngắn ngủi, bất ngờ, thoáng đến, thoáng đi như thể lén lút, vụng trộm,
chứ không liên tục, kéo dài như cái rét của mùa đông), đang ẩn thân vào cảnh
vật và lòng người gợi nỗi cô đơn. Bài thơ kết thúc bằng hình ảnh thiếu nữ
mùa thu, một hình ảnh chứa đựng rất nhiều tâm trạng, bộc lộ cái nét lãng mạn
dịu dàng, tinh tế rất đặc trưng của điệu hồn Xuân Diệu: Không gian như có
dây tơ/ Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu/ Êm êm chiều ngẩn ngơ chiều/ Lòng
không sao cả hiu hiu khẽ buồn (Chiều – 1938). Hình ảnh “ít nhiều thiếu nữ
buồn không nói” và mơ màng “tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì” cũng gợi biết bao
liên tưởng lãng mạn, dịu êm cho người đọc trước mỗi độ thu về…
Là một nhà thơ “mới nhất trong các nhà thơ mới”, và nhất là ở phương
diện ngôn từ, Xuân Diệu đã khiến cả một mùa thu tới xôn xao hiện về trước
mắt người đọc, gợi mở biết bao rung động theo những cảm nhận tinh tế, nhỏ
nhặt mà rất sâu xa. Bằng việc huy động những giá trị lập luận tiềm tàng trong
mỗi từ ngữ giản dị, bình thường, Xuân Diệu đã đem đến những sáng tạo thật
mới lạ, góp phần đổi mới ngôn ngữ, cách diễn đạt và những nếp tư duy quen
thuộc, cố hữu tự bao đời. Điều đáng lưu ý là, đôi khi dẫu có khoác lên mình
bộ “y phục tối tân” (Hoài Thanh), với những cách “dùng chữ, đặt câu quá Tây”
thì ở Xuân Diệu, điều căn bản, cốt lõi nhất vẫn chính là cảm xúc, cảm xúc tinh
tế, nồng nàn, luôn trong trạng thái cực điểm đã khiến thơ ông không chấp
nhận những cách diễn đạt thông thường, những từ ngữ phẳng lặng. Xuân
Diệu đã tìm đến cách diễn đạt của ngôn ngữ khác, của thơ tượng trưng Pháp
và đổi mới chính ngôn ngữ, lối nói sẵn có của tiếng Việt. Nhiều cách đặt câu,
dùng từ của ông nay đã trở thành quen thuộc và phổ biến với mọi người,
nhưng hồi Xuân Diệu mới xuất hiện, đấy là một cuộc cách tân mạnh dạn. Hãy
nghe nhận xét khá thú vị của một người cùng thời với ông cách đây hơn nửa
thế kỉ: “Ngay lời văn của Xuân Diệu cũng có vẻ chơi vơi. Xuân Diệu viết văn
tựa trẻ con học nói hay như người ngoại quốc mới võ vẽ biết tiếng Nam. Câu
văn tuồng bỡ ngỡ. Nhưng cái bỡ ngỡ ấy chính là chỗ Xuân Diệu hơn người.
Dòng tư tưởng sôi nổi không thể đi theo những đường có sẵn. Ý văn xô đẩy
khiến khuôn khổ câu văn phải lung lay”.
5. TỪ Ý NGHĨA CỦA “NHÁNH DUYÊN”… ĐẾN SỰ CẢM NHẬN BÀI
“THƠ DUYÊN”
Nét đặc sắc làm nên vẻ đẹp độc đáo của Thơ duyên (in trong tập Thơ
thơ – 1938) của Xuân Diệu là những xúc cảm tinh tế, lãng mạn của một tâm
hồn thơ. Không phải ngẫu nhiên mà trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh cho
rằng Thơ duyên cùng với Đây mùa thu tới và Nguyệt cầm mới là những bài
thơ “đích thực là Xuân Diệu”, bởi ở đây, “sự bồng bột của Xuân Diệu có lẽ đã
phát biểu ra một cách đầy đủ hơn cả trong những rung động tinh vi”. Bài thơ
cũng là một trong ba tác phẩm của Xuân Diệu được chọn giảng trong chương
trình Ngữ văn bậc Trung học phổ thông (gồm Vội vàng, Đây mùa thu tới và
Thơ duyên) nên đã khá quen thuộc với nhiều người, nhất là các em học sinh
và các thầy cô giáo. Tuy vậy, về cách diễn đạt và ý nghĩa của một số từ ngữ
trong bài thơ thì cho đến nay, ít nhất là trong phạm vi nhà trường, hình như
vẫn là một bức tình thư còn kín, gây nên không ít cách hiểu khác nhau, ảnh
hưởng không nhỏ tới sự cảm thụ, phân tích tác phẩm. Chúng tôi xin đề cập
đến cách hiểu một số từ ngữ để làm điểm xuất phát cho một hướng cảm thụ,
khám phá, phân tích toàn bộ ý nghĩa tư tưởng và cảm xúc thẩm mĩ của bài
thơ.
Từ ý nghĩa của “nhánh duyên”…
Khi học bài thơ này, nhiều em học sinh cảm thấy rất băn khoăn khó
hiểu về mấy chữ “chiều mộng hoà thơ” và “nhánh duyên” trong khổ thơ mở
đầu:
Chiều mộng hoà thơ trên nhánh duyên,
Cây me ríu rít cặp chim chuyền.
Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá,
Thu đến – nơi nơi động tiếng huyền.
Thực ra, để hiểu cụm từ “chiều mộng hoà thơ” thì trước hết phải hiểu
đúng ý nghĩa của hình ảnh “nhánh duyên”, bởi vì, câu thơ đầu tiên có thể diễn
đạt bằng văn xuôi: cái thơ mộng của buổi chiều thu là ở trên nhánh duyên…
Theo các tác giả của cuốn sách 125 bài văn dành cho học sinh lớp 11 và 12
luyện thi tú tài cao đẳng – đại học (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 1998) thì
“nhánh duyên” là cách diễn tả về những “cành cây có duyên”. Và cái duyên ấy
chính là dáng vẻ mềm mại của nhành cây đung đưa trước gió: “Một buổi
chiều mộng mơ, bầu trời trong xanh và như có gió nhẹ nhàng đung đưa,
những cành cây mềm mại có vẻ yếu ớt nhưng rất có duyên”. Theo hướng dẫn
của Đáp án đề thi tuyển sinh vào Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, năm
2000 – 2001 (Câu 2b) thì “duyên” lại được hiểu là duyên dáng, nên “nhánh
duyên” nghĩa là nhành cây duyên dáng: “Cái thơ mộng của chiều thu hoà
nhập với cái duyên dáng của nhánh cây (chữ duyên trong câu thơ đầu nên
hiểu là nét duyên dáng – Chú thích trong ngoặc đơn là của Đáp án)”. Còn
trong Đáp án đề thi tuyển sinh vào Cao đẳng Sư phạm Hoà Bình năm 2000 _
2001 (Câu 1b) thì giải thích duyên là sự giao hoà. Tuy nhiên cũng không rõ
nhánh duyên nghĩa là gì mà buổi chiều lại có thể giao hoà với nó được (!?):
“Duyên có nghĩa là sự giao hoà của vũ trụ, của thiên nhiên, của con người với
đất trời, cây cỏ, với những người khác. Trong cảm nhận của tác giả, (…) cả
đất trời, cảnh và con người đâu đâu cũng có duyên với nhau. Buổi chiều thì
giao hoà với nhánh duyên. Trên cành cây me thì cặp chim ríu rít chuyền từ
cành này qua cành khác. Bầu trời xanh như ngọc thì như sà xuống, đổ xuống
giao hoà với cành cây, kẽ lá” v.v…
Vậy nên hiểu nghĩa của nhánh duyên như thế nào? Chúng tôi cho rằng,
để hiểu đúng về hình ảnh này trước hết cần phải đặt nó trong mạch cảm xúc,
suy tưởng chung của nhà thơ và trong toàn bộ thế giới hình tượng độc đáo
của tác phẩm, một thế giới được Xuân Diệu miêu tả và biểu hiện theo một lối
riêng, rất thi vị và đầy lãng mạn. Nhìn bao quát, toàn cảnh thiên nhiên ở khổ
thơ đầu tiên này là một bức tranh thu tuyệt đẹp, rất tươi sáng và đậm màu
sắc duyên tình thơ mộng, khác hẳn với những buổi chiều buồn tàn tạ thường
thấy trong Thơ mới dạo ấy:
Chiều mộng hoà thơ trên nhánh duyên
Cây me ríu rít cặp chim chuyền
Như vậy, “chiều mộng hoà thơ” có thể hiểu là buổi chiều thu thơ mộng
và vẻ thơ mộng ấy được gợi ra nhờ một hình tượng thơ đặc sắc: trên cành
cây me có đôi chim chuyền cành ríu rít - đấy chính là hình ảnh về một mối
lương duyên tốt đẹp, một lứa đôi ríu rít tươi vui, tràn đầy sức sống. Và hình
ảnh đó đã trở thành hình ảnh trung tâm của bức tranh thu, khiến cho cành cây
me trở thành nhánh duyên – nhánh cây của tình duyên đôi lứa, còn buổi chiều
Phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường từ góc độ ngôn ngữ
Phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường từ góc độ ngôn ngữ
Phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường từ góc độ ngôn ngữ
Phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường từ góc độ ngôn ngữ
Phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường từ góc độ ngôn ngữ
Phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường từ góc độ ngôn ngữ
Phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường từ góc độ ngôn ngữ
Phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường từ góc độ ngôn ngữ
Phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường từ góc độ ngôn ngữ
Phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường từ góc độ ngôn ngữ
Phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường từ góc độ ngôn ngữ
Phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường từ góc độ ngôn ngữ
Phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường từ góc độ ngôn ngữ
Phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường từ góc độ ngôn ngữ
Phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường từ góc độ ngôn ngữ
Phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường từ góc độ ngôn ngữ
Phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường từ góc độ ngôn ngữ
Phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường từ góc độ ngôn ngữ
Phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường từ góc độ ngôn ngữ
Phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường từ góc độ ngôn ngữ
Phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường từ góc độ ngôn ngữ
Phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường từ góc độ ngôn ngữ
Phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường từ góc độ ngôn ngữ
Phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường từ góc độ ngôn ngữ
Phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường từ góc độ ngôn ngữ
Phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường từ góc độ ngôn ngữ
Phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường từ góc độ ngôn ngữ
Phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường từ góc độ ngôn ngữ
Phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường từ góc độ ngôn ngữ
Phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường từ góc độ ngôn ngữ
Phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường từ góc độ ngôn ngữ
Phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường từ góc độ ngôn ngữ
Phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường từ góc độ ngôn ngữ
Phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường từ góc độ ngôn ngữ
Phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường từ góc độ ngôn ngữ
Phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường từ góc độ ngôn ngữ
Phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường từ góc độ ngôn ngữ
Phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường từ góc độ ngôn ngữ

More Related Content

What's hot

Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ
Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ
Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ nataliej4
 
Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...
Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...
Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...nataliej4
 
Tập Bài Giảng Lý Luận Dạy Học Ngữ Văn
Tập Bài Giảng Lý Luận Dạy Học Ngữ Văn Tập Bài Giảng Lý Luận Dạy Học Ngữ Văn
Tập Bài Giảng Lý Luận Dạy Học Ngữ Văn nataliej4
 
Giao thoa thể loại trong Hồi ký Tô Hoài (Qua Cát bụi chân ai, Chiều chiều, ch...
Giao thoa thể loại trong Hồi ký Tô Hoài (Qua Cát bụi chân ai, Chiều chiều, ch...Giao thoa thể loại trong Hồi ký Tô Hoài (Qua Cát bụi chân ai, Chiều chiều, ch...
Giao thoa thể loại trong Hồi ký Tô Hoài (Qua Cát bụi chân ai, Chiều chiều, ch...nataliej4
 
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 

What's hot (20)

Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAYLuận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
 
Luận văn: Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, HAY
Luận văn: Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, HAYLuận văn: Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, HAY
Luận văn: Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, HAY
 
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAYLuận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
 
Cảm thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam (1986 - 2010), HOT
Cảm thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam (1986 - 2010), HOTCảm thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam (1986 - 2010), HOT
Cảm thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam (1986 - 2010), HOT
 
Luận văn: Yếu tố phong tục trong truyện cổ tích người Việt từ góc nhìn văn hoá
Luận văn: Yếu tố phong tục trong truyện cổ tích người Việt từ góc nhìn văn hoáLuận văn: Yếu tố phong tục trong truyện cổ tích người Việt từ góc nhìn văn hoá
Luận văn: Yếu tố phong tục trong truyện cổ tích người Việt từ góc nhìn văn hoá
 
Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ
Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ
Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ
 
Luận văn: Quá trình tiếp nhận tác phẩm của Tô Hoài, 9đ
Luận văn: Quá trình tiếp nhận tác phẩm của Tô Hoài, 9đLuận văn: Quá trình tiếp nhận tác phẩm của Tô Hoài, 9đ
Luận văn: Quá trình tiếp nhận tác phẩm của Tô Hoài, 9đ
 
Luận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAY
Luận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAYLuận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAY
Luận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAY
 
Luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết của Trần Dần
Luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết của Trần DầnLuận văn: Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết của Trần Dần
Luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết của Trần Dần
 
Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...
Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...
Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...
 
Luận văn: Nhân vật trong truyện Vũ Trọng Phụng và Ngọc Giao
Luận văn: Nhân vật trong truyện Vũ Trọng Phụng và Ngọc GiaoLuận văn: Nhân vật trong truyện Vũ Trọng Phụng và Ngọc Giao
Luận văn: Nhân vật trong truyện Vũ Trọng Phụng và Ngọc Giao
 
Luận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIX
Luận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIXLuận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIX
Luận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIX
 
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyếtLuận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
 
Luận văn: Thi pháp chân không trong tiểu thuyết Kawabata Yasunari
Luận văn: Thi pháp chân không trong tiểu thuyết Kawabata YasunariLuận văn: Thi pháp chân không trong tiểu thuyết Kawabata Yasunari
Luận văn: Thi pháp chân không trong tiểu thuyết Kawabata Yasunari
 
Luận văn: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp
Luận văn: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Huy ThiệpLuận văn: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp
Luận văn: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp
 
Tập Bài Giảng Lý Luận Dạy Học Ngữ Văn
Tập Bài Giảng Lý Luận Dạy Học Ngữ Văn Tập Bài Giảng Lý Luận Dạy Học Ngữ Văn
Tập Bài Giảng Lý Luận Dạy Học Ngữ Văn
 
Quan Hệ Gia Đình Trong Cái Nhìn So Sánh Giữa Ca Dao Nam Bộ Và Ca Dao Bắc Bộ
Quan Hệ Gia Đình Trong Cái Nhìn So Sánh Giữa Ca Dao Nam Bộ Và Ca Dao Bắc BộQuan Hệ Gia Đình Trong Cái Nhìn So Sánh Giữa Ca Dao Nam Bộ Và Ca Dao Bắc Bộ
Quan Hệ Gia Đình Trong Cái Nhìn So Sánh Giữa Ca Dao Nam Bộ Và Ca Dao Bắc Bộ
 
Giao thoa thể loại trong Hồi ký Tô Hoài (Qua Cát bụi chân ai, Chiều chiều, ch...
Giao thoa thể loại trong Hồi ký Tô Hoài (Qua Cát bụi chân ai, Chiều chiều, ch...Giao thoa thể loại trong Hồi ký Tô Hoài (Qua Cát bụi chân ai, Chiều chiều, ch...
Giao thoa thể loại trong Hồi ký Tô Hoài (Qua Cát bụi chân ai, Chiều chiều, ch...
 
Luận văn: Diễn ngôn về giới nữ của các nhà văn nữ đương đại, HOT
Luận văn: Diễn ngôn về giới nữ của các nhà văn nữ đương đại, HOTLuận văn: Diễn ngôn về giới nữ của các nhà văn nữ đương đại, HOT
Luận văn: Diễn ngôn về giới nữ của các nhà văn nữ đương đại, HOT
 
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
 

Similar to Phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường từ góc độ ngôn ngữ

Thể ký và việc giảng dạy tác phẩm ký ở nhà trường phổ thông.pdf
Thể ký và việc giảng dạy tác phẩm ký ở nhà trường phổ thông.pdfThể ký và việc giảng dạy tác phẩm ký ở nhà trường phổ thông.pdf
Thể ký và việc giảng dạy tác phẩm ký ở nhà trường phổ thông.pdfMan_Ebook
 
Luận văn: Dạy học các trích đoạn Truyện Kiều theo đặc trưng thi pháp thể loại...
Luận văn: Dạy học các trích đoạn Truyện Kiều theo đặc trưng thi pháp thể loại...Luận văn: Dạy học các trích đoạn Truyện Kiều theo đặc trưng thi pháp thể loại...
Luận văn: Dạy học các trích đoạn Truyện Kiều theo đặc trưng thi pháp thể loại...Dịch vụ viết thuê Khóa Luận - ZALO 0932091562
 
TỔ CHỨC DẠY BÀI ĐỌC HIỂU VĂN BẢN TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN CHO HỌC SINH LỚP ...
TỔ CHỨC DẠY BÀI ĐỌC HIỂU VĂN BẢN TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN CHO HỌC SINH LỚP ...TỔ CHỨC DẠY BÀI ĐỌC HIỂU VĂN BẢN TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN CHO HỌC SINH LỚP ...
TỔ CHỨC DẠY BÀI ĐỌC HIỂU VĂN BẢN TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN CHO HỌC SINH LỚP ...HanaTiti
 
Th s33.012 tìm hiểu chú giải văn học trung đại việt nam trong sách giáo khoa ...
Th s33.012 tìm hiểu chú giải văn học trung đại việt nam trong sách giáo khoa ...Th s33.012 tìm hiểu chú giải văn học trung đại việt nam trong sách giáo khoa ...
Th s33.012 tìm hiểu chú giải văn học trung đại việt nam trong sách giáo khoa ...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Dạy học các tác phẩm thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương ở trung học phổ thông theo h...
Dạy học các tác phẩm thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương ở trung học phổ thông theo h...Dạy học các tác phẩm thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương ở trung học phổ thông theo h...
Dạy học các tác phẩm thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương ở trung học phổ thông theo h...nataliej4
 
Văn Học Thiếu Nhi (Đỗ Thị Thanh Hương).pdf
Văn Học Thiếu Nhi (Đỗ Thị Thanh Hương).pdfVăn Học Thiếu Nhi (Đỗ Thị Thanh Hương).pdf
Văn Học Thiếu Nhi (Đỗ Thị Thanh Hương).pdfNuioKila
 
VĂN HỌC THIẾU NHI.pdf
VĂN HỌC THIẾU NHI.pdfVĂN HỌC THIẾU NHI.pdf
VĂN HỌC THIẾU NHI.pdfjackjohn45
 
Dạy học các trích đoạn truyện kiều theo đặc trưng thi pháp thể loại cho học s...
Dạy học các trích đoạn truyện kiều theo đặc trưng thi pháp thể loại cho học s...Dạy học các trích đoạn truyện kiều theo đặc trưng thi pháp thể loại cho học s...
Dạy học các trích đoạn truyện kiều theo đặc trưng thi pháp thể loại cho học s...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Chiến Thuật Ôn Thi THPT Quốc Gia Môn Ngữ Văn - Chuyên đề Nghị luận xã hội tập 2
Chiến Thuật Ôn Thi THPT Quốc Gia Môn Ngữ Văn - Chuyên đề Nghị luận xã hội tập 2Chiến Thuật Ôn Thi THPT Quốc Gia Môn Ngữ Văn - Chuyên đề Nghị luận xã hội tập 2
Chiến Thuật Ôn Thi THPT Quốc Gia Môn Ngữ Văn - Chuyên đề Nghị luận xã hội tập 2Nguyễn Sáu
 
Ngam nghi tu de thi van qgthpt 2015
Ngam nghi tu de thi van qgthpt 2015Ngam nghi tu de thi van qgthpt 2015
Ngam nghi tu de thi van qgthpt 2015kennyback209
 
Giáo án dạy thêm môn Ngữ văn Lớp 7 - Chương trình đầy đủ cả năm học
Giáo án dạy thêm môn Ngữ văn Lớp 7 - Chương trình đầy đủ cả năm họcGiáo án dạy thêm môn Ngữ văn Lớp 7 - Chương trình đầy đủ cả năm học
Giáo án dạy thêm môn Ngữ văn Lớp 7 - Chương trình đầy đủ cả năm họcJada Harber
 
Khoá Luận Dạy Học Truyện Ngắn Vợ Nhặt Của Kim Lân (Ngữ Văn 12, Tập 2) Theo Hư...
Khoá Luận Dạy Học Truyện Ngắn Vợ Nhặt Của Kim Lân (Ngữ Văn 12, Tập 2) Theo Hư...Khoá Luận Dạy Học Truyện Ngắn Vợ Nhặt Của Kim Lân (Ngữ Văn 12, Tập 2) Theo Hư...
Khoá Luận Dạy Học Truyện Ngắn Vợ Nhặt Của Kim Lân (Ngữ Văn 12, Tập 2) Theo Hư...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Khóa luận sư phạm về Một số ẩn dụ tiêu biểu trong thơ Đường.
Khóa luận sư phạm về Một số ẩn dụ tiêu biểu trong thơ Đường.Khóa luận sư phạm về Một số ẩn dụ tiêu biểu trong thơ Đường.
Khóa luận sư phạm về Một số ẩn dụ tiêu biểu trong thơ Đường.Dịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
ĐIểm báo 20 11
ĐIểm báo 20 11ĐIểm báo 20 11
ĐIểm báo 20 11lechi55
 
Điểm báo Ngày NGVN - 2010
Điểm báo Ngày NGVN - 2010Điểm báo Ngày NGVN - 2010
Điểm báo Ngày NGVN - 2010lechi55
 
Tích hợp rèn kỹ năng sống cho học sinh trong dạy học thơ trữ tình hiện đại vi...
Tích hợp rèn kỹ năng sống cho học sinh trong dạy học thơ trữ tình hiện đại vi...Tích hợp rèn kỹ năng sống cho học sinh trong dạy học thơ trữ tình hiện đại vi...
Tích hợp rèn kỹ năng sống cho học sinh trong dạy học thơ trữ tình hiện đại vi...jackjohn45
 

Similar to Phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường từ góc độ ngôn ngữ (20)

Thể ký và việc giảng dạy tác phẩm ký ở nhà trường phổ thông.pdf
Thể ký và việc giảng dạy tác phẩm ký ở nhà trường phổ thông.pdfThể ký và việc giảng dạy tác phẩm ký ở nhà trường phổ thông.pdf
Thể ký và việc giảng dạy tác phẩm ký ở nhà trường phổ thông.pdf
 
Luận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, 9đ
Luận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, 9đLuận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, 9đ
Luận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, 9đ
 
Luận văn: Dạy học các trích đoạn Truyện Kiều theo đặc trưng thi pháp thể loại...
Luận văn: Dạy học các trích đoạn Truyện Kiều theo đặc trưng thi pháp thể loại...Luận văn: Dạy học các trích đoạn Truyện Kiều theo đặc trưng thi pháp thể loại...
Luận văn: Dạy học các trích đoạn Truyện Kiều theo đặc trưng thi pháp thể loại...
 
TỔ CHỨC DẠY BÀI ĐỌC HIỂU VĂN BẢN TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN CHO HỌC SINH LỚP ...
TỔ CHỨC DẠY BÀI ĐỌC HIỂU VĂN BẢN TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN CHO HỌC SINH LỚP ...TỔ CHỨC DẠY BÀI ĐỌC HIỂU VĂN BẢN TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN CHO HỌC SINH LỚP ...
TỔ CHỨC DẠY BÀI ĐỌC HIỂU VĂN BẢN TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN CHO HỌC SINH LỚP ...
 
Th s33.012 tìm hiểu chú giải văn học trung đại việt nam trong sách giáo khoa ...
Th s33.012 tìm hiểu chú giải văn học trung đại việt nam trong sách giáo khoa ...Th s33.012 tìm hiểu chú giải văn học trung đại việt nam trong sách giáo khoa ...
Th s33.012 tìm hiểu chú giải văn học trung đại việt nam trong sách giáo khoa ...
 
Dạy học các tác phẩm thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương ở trung học phổ thông theo h...
Dạy học các tác phẩm thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương ở trung học phổ thông theo h...Dạy học các tác phẩm thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương ở trung học phổ thông theo h...
Dạy học các tác phẩm thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương ở trung học phổ thông theo h...
 
Văn Học Thiếu Nhi (Đỗ Thị Thanh Hương).pdf
Văn Học Thiếu Nhi (Đỗ Thị Thanh Hương).pdfVăn Học Thiếu Nhi (Đỗ Thị Thanh Hương).pdf
Văn Học Thiếu Nhi (Đỗ Thị Thanh Hương).pdf
 
VĂN HỌC THIẾU NHI.pdf
VĂN HỌC THIẾU NHI.pdfVĂN HỌC THIẾU NHI.pdf
VĂN HỌC THIẾU NHI.pdf
 
Dạy học thơ đường ở trường phổ thông theo hướng tích cực, 9đ
Dạy học thơ đường ở trường phổ thông theo hướng tích cực, 9đDạy học thơ đường ở trường phổ thông theo hướng tích cực, 9đ
Dạy học thơ đường ở trường phổ thông theo hướng tích cực, 9đ
 
Dạy học các trích đoạn truyện kiều theo đặc trưng thi pháp thể loại cho học s...
Dạy học các trích đoạn truyện kiều theo đặc trưng thi pháp thể loại cho học s...Dạy học các trích đoạn truyện kiều theo đặc trưng thi pháp thể loại cho học s...
Dạy học các trích đoạn truyện kiều theo đặc trưng thi pháp thể loại cho học s...
 
Chiến Thuật Ôn Thi THPT Quốc Gia Môn Ngữ Văn - Chuyên đề Nghị luận xã hội tập 2
Chiến Thuật Ôn Thi THPT Quốc Gia Môn Ngữ Văn - Chuyên đề Nghị luận xã hội tập 2Chiến Thuật Ôn Thi THPT Quốc Gia Môn Ngữ Văn - Chuyên đề Nghị luận xã hội tập 2
Chiến Thuật Ôn Thi THPT Quốc Gia Môn Ngữ Văn - Chuyên đề Nghị luận xã hội tập 2
 
Ngam nghi tu de thi van qgthpt 2015
Ngam nghi tu de thi van qgthpt 2015Ngam nghi tu de thi van qgthpt 2015
Ngam nghi tu de thi van qgthpt 2015
 
Giáo án dạy thêm môn Ngữ văn Lớp 7 - Chương trình đầy đủ cả năm học
Giáo án dạy thêm môn Ngữ văn Lớp 7 - Chương trình đầy đủ cả năm họcGiáo án dạy thêm môn Ngữ văn Lớp 7 - Chương trình đầy đủ cả năm học
Giáo án dạy thêm môn Ngữ văn Lớp 7 - Chương trình đầy đủ cả năm học
 
Thế Giới Biểu Tượng Trong Văn Xuôi Võ Thị Hảo.doc
Thế Giới Biểu Tượng Trong Văn Xuôi Võ Thị Hảo.docThế Giới Biểu Tượng Trong Văn Xuôi Võ Thị Hảo.doc
Thế Giới Biểu Tượng Trong Văn Xuôi Võ Thị Hảo.doc
 
Khoá Luận Dạy Học Truyện Ngắn Vợ Nhặt Của Kim Lân (Ngữ Văn 12, Tập 2) Theo Hư...
Khoá Luận Dạy Học Truyện Ngắn Vợ Nhặt Của Kim Lân (Ngữ Văn 12, Tập 2) Theo Hư...Khoá Luận Dạy Học Truyện Ngắn Vợ Nhặt Của Kim Lân (Ngữ Văn 12, Tập 2) Theo Hư...
Khoá Luận Dạy Học Truyện Ngắn Vợ Nhặt Của Kim Lân (Ngữ Văn 12, Tập 2) Theo Hư...
 
Khóa luận sư phạm về Một số ẩn dụ tiêu biểu trong thơ Đường.
Khóa luận sư phạm về Một số ẩn dụ tiêu biểu trong thơ Đường.Khóa luận sư phạm về Một số ẩn dụ tiêu biểu trong thơ Đường.
Khóa luận sư phạm về Một số ẩn dụ tiêu biểu trong thơ Đường.
 
ĐIểm báo 20 11
ĐIểm báo 20 11ĐIểm báo 20 11
ĐIểm báo 20 11
 
Điểm báo Ngày NGVN - 2010
Điểm báo Ngày NGVN - 2010Điểm báo Ngày NGVN - 2010
Điểm báo Ngày NGVN - 2010
 
Gia sư văn tại hà nội
Gia sư văn tại hà nộiGia sư văn tại hà nội
Gia sư văn tại hà nội
 
Tích hợp rèn kỹ năng sống cho học sinh trong dạy học thơ trữ tình hiện đại vi...
Tích hợp rèn kỹ năng sống cho học sinh trong dạy học thơ trữ tình hiện đại vi...Tích hợp rèn kỹ năng sống cho học sinh trong dạy học thơ trữ tình hiện đại vi...
Tích hợp rèn kỹ năng sống cho học sinh trong dạy học thơ trữ tình hiện đại vi...
 

More from nataliej4

đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155nataliej4
 
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...nataliej4
 
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279nataliej4
 
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc giaTừ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gianataliej4
 
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vươngCông tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vươngnataliej4
 
Bài giảng nghề giám đốc
Bài giảng nghề giám đốcBài giảng nghề giám đốc
Bài giảng nghề giám đốcnataliej4
 
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán tin học
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán   tin họcđề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán   tin học
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán tin họcnataliej4
 
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao độngGiáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao độngnataliej4
 
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắnLựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắnnataliej4
 
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877nataliej4
 
Sổ tay hướng dẫn khách thuê tòa nhà ree tower
Sổ tay hướng dẫn khách thuê   tòa nhà ree towerSổ tay hướng dẫn khách thuê   tòa nhà ree tower
Sổ tay hướng dẫn khách thuê tòa nhà ree towernataliej4
 
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...nataliej4
 
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tậtBài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tậtnataliej4
 
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864nataliej4
 
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...nataliej4
 
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùngBài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùngnataliej4
 
Bài giảng môn khởi sự kinh doanh
Bài giảng môn khởi sự kinh doanhBài giảng môn khởi sự kinh doanh
Bài giảng môn khởi sự kinh doanhnataliej4
 
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes learning intro
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes   learning introGiới thiệu học máy – mô hình naïve bayes   learning intro
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes learning intronataliej4
 
Lý thuyết thuế chuẩn tắc
Lý thuyết thuế chuẩn tắcLý thuyết thuế chuẩn tắc
Lý thuyết thuế chuẩn tắcnataliej4
 
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)nataliej4
 

More from nataliej4 (20)

đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
 
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
 
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
 
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc giaTừ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
 
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vươngCông tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
 
Bài giảng nghề giám đốc
Bài giảng nghề giám đốcBài giảng nghề giám đốc
Bài giảng nghề giám đốc
 
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán tin học
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán   tin họcđề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán   tin học
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán tin học
 
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao độngGiáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
 
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắnLựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
 
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
 
Sổ tay hướng dẫn khách thuê tòa nhà ree tower
Sổ tay hướng dẫn khách thuê   tòa nhà ree towerSổ tay hướng dẫn khách thuê   tòa nhà ree tower
Sổ tay hướng dẫn khách thuê tòa nhà ree tower
 
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
 
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tậtBài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
 
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
 
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
 
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùngBài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
 
Bài giảng môn khởi sự kinh doanh
Bài giảng môn khởi sự kinh doanhBài giảng môn khởi sự kinh doanh
Bài giảng môn khởi sự kinh doanh
 
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes learning intro
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes   learning introGiới thiệu học máy – mô hình naïve bayes   learning intro
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes learning intro
 
Lý thuyết thuế chuẩn tắc
Lý thuyết thuế chuẩn tắcLý thuyết thuế chuẩn tắc
Lý thuyết thuế chuẩn tắc
 
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
 

Recently uploaded

SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxTrích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxnhungdt08102004
 
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoabài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa2353020138
 
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...Nguyen Thanh Tu Collection
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...ThunTrn734461
 
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdfSơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdftohoanggiabao81
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfhoangtuansinh1
 
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxChàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxendkay31
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líDr K-OGN
 
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhvanhathvc
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...hoangtuansinh1
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdfNQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdfNguyễn Đăng Quang
 
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...Nguyen Thanh Tu Collection
 

Recently uploaded (19)

SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
 
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxTrích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
 
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoabài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
 
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
 
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdfSơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
 
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxChàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
 
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdfNQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
 
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
 

Phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường từ góc độ ngôn ngữ

  • 1. PHÂN TÍCH TÁC PHẨM VĂN HỌC TRONG NHÀ TRƯỜNG TỪ GÓC ĐỘ NGÔN NGỮ PHÂN TÍCH TÁC PHẨM VĂN HỌC TRONG NHÀ TRƯỜNG TỪ GÓC ĐỘ NGÔN NGỮ Tác giả: TS. NGUYỄN TRỌNG KHÁNH LỜI NÓI ĐẦU Cảm thụ, phân tích tác phẩm văn học trong nhà trường là công việc thường xuyên, đồng thời cũng là một yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các thầy, cô giáo dạy văn, tất cả các em học sinh. Làm thế nào để có thể cảm thụ, phát hiện được những vẻ đẹp đích thực về tư tưởng, nghệ thuật của các tác phẩm văn chương là một vấn đề lâu nay các nhà nghiên cứu, các thầy, cô giáo dạy văn vẫn hằng trăn trở. Cuốn sách này giới thiệu những bài viết theo hướng cảm thụ, phân tích các tác phẩm văn học trong nhà trường từ góc độ ngôn ngữ. Hầu hết các bài viết tập hợp trong sách đều là những bài nghiên cứu được rút ra từ thực tiễn giảng dạy, ôn luyện thi môn Ngữ văn cho đối tượng học sinh các lớp cuối cấp học phổ thông của chính tác giả và một số bài đã được đăng rải rác trên các báo, tạp chí Ngôn ngữ, Ngôn ngữ và đời sống, Văn học và tuổi trẻ v.v… Đây là một công việc khó, bởi các tác phẩm văn học trong chương trình trung học phổ thông đều là những tác phẩm đã quen thuộc với nhiều người, được nghiên cứu khá kĩ, không ít tác phẩm từng là đối tượng của những cuộc tranh luận học thuật sôi nổi trong đời sống văn học. Do vậy, cảm thụ, phân tích tác phẩm từ góc độ ngôn ngữ đương nhiên không phải là một con đường tiếp nhận văn học hoàn toàn mới mẻ; nó cũng không đối lập hay phủ nhận sự kế thừa kết quả nghiên cứu của các tác giả đi trước. Tuy nhiên, xuất phát từ góc độ ngôn ngữ, không ít ý nghĩa chân chính của các từ ngữ, hình ảnh, chi tiết trong tác phẩm văn học đã được phát hiện, không ít những cách lí giải có tính chất áp đặt chủ quan hoặc xa rời tác phẩm tồn tại bấy lâu trong nhiều tài liệu
  • 2. giảng dạy, đã được xem xét, điều chỉnh lại một cách có cơ sở khoa học và phù hợp hơn; góp phần khơi dậy niềm hứng thú, say mê văn học từ chính quá trình nhận thức và làm chủ ngôn ngữ – phương tiện biểu hiện chủ yếu của tác phẩm. Đối tượng phục vụ của cuốn sách là các học sinh đang chuẩn bị cho các kì thi tốt nghiệp phổ thông, thi tuyển sinh đại học, cao đẳng…, các thầy, cô giáo dạy văn, sinh viên Ngữ văn, học sinh năng khiếu môn Ngữ văn. Do đó, chúng tôi chỉ tập trung chủ yếu vào một số tác phẩm trong chương trình trung học phổ thông hiện còn tồn tại những cách hiểu chưa thống nhất, hoặc từ góc độ ngôn ngữ vẫn có thể khai thác được những ý nghĩa mới, làm phong phú, sinh động thêm giá trị tư tưởng – nghệ thuật của tác phẩm. Chúng tôi cũng hướng sự chú ý của mình vào những tác phẩm có mặt trong Bộ sách giáo khoa biên soạn theo Chương trình thí điểm Trung học phổ thông, đã được Bộ Giáo đục và Đào tạo ban hành kèm theo Quyết định số471/ 2002/ QĐ - BGD&ĐT ngày 19/ 11/ 2002 của Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo. Cấu trúc của sách được sắp xếp theo trình tự các bài viết về các tác phẩm văn học trong Chương trình sách giáo khoa Trung học phổ thông hiện hành. Bài cuối cùng chúng tôi đưa vào tập sách này là bài viết về những sai sót về ngôn ngữ trong các đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng môn Văn. Thiết nghĩ, đây cũng là vấn đề thiết thực trong cảm thụ, phân tích tác phẩm và cả trong việc ra đề thi – một công diệc không kém phần hệ trọng đối với quá trình giảng dạy, học tập và thi cử môn Ngữ văn trong nhà trường. Hi vọng cuốn sách sẽ góp một tiếng nói vào việc nâng cao hiệu quả của công việc dạy văn, học văn trong nhà trường. Chúng tôi thành thực mong nhận được ý kiến trao đổi và chỉ giáo của các bậc thức giả và đồng nghiệp gần xa để cuốn sách hoàn thiện hơn ở lần in sau. Hà Nội, tháng 6 năm 2005 TS. NGUYỄN TRỌNG KHÁNH
  • 3. 1. TỪ CÁCH TIẾP CẬN NGÔN NGỮ TÁC PHẨM VĂN HỌC… Việc giảng dạy, học tập môn Ngữ văn trong nhà trường, nhất là ở các cấp học phổ thông, có một vấn đề tồn tại đã lâu nhưng chưa được giải quyết triệt để và hiện vẫn còn đang làm nhiều thầy, cô giáo, nhiều nhà khoa học tâm huyết phải băn khoăn, trăn trở. Đó là tình trạng ngày càng có nhiều em học sinh tỏ ra chán ghét môn Văn học. Nhiều nguyên nhân đã được đề cập và làm sáng tỏ, nhiều biện pháp đã được áp dụng, trong đó đáng kể nhất là công tác cải tiến, đổi mới nội dung chương trình sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy văn, học văn theo xu hướng ngày càng tiến gần hơn và tiếp cận với những thuộc tính đặc trưng của bộ môn v.v… Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải thừa nhận một thực tế là cho đến nay, môn Văn học trong nhà trường vẫn chưa thật sự tạo ra được sức hấp dẫn, lôi cuốn cần thiết, do vậy cũng vẫn chưa có được chỗ đứng vững chắc trong tâm hồn, tình cảm của các em học sinh như vị trí xứng đáng vốn có của nó. Về mặt bản chất, khoa học tìm hiểu, khám phá, cảm thụ văn chương cũng giống với mọi khoa học nhận thức có tính sáng tạo khác về quy luật và đặc trưng của tâm lí nhận thức. Hứng thú và niềm say mê khoa học ở phía chủ thể nhận thức chỉ có thể được hình thành, xây đựng một cách bền vững trên cơ sở những phát hiện mới lạ trong quá trình tìm hiểu, khám phá đối tượng nghiên cứu. Một học sinh học kém môn Toán chắc chắn sẽ chán và sợ học Toán, trong khi Toán học là một mềm say mê lớn với đại đa số các em học sinh khác. Trong Văn học cũng vậy, đối tượng tìm hiểu, khám phá là tác phẩm văn chương, do đó, mặc dù có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các em học sinh không hứng thú với những giờ dạy văn trong nhà trường, thì nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là do các em không hiểu được tác phẩm. Từ chỗ không hiểu tác phẩm, không cảm thụ được những gì nhà văn thể hiện trong tác phẩm nên các em không thể có những phát hiện mới lạ, không thể xuất hiện những rung động thẩm mĩ trong tâm hồn, tình cảm – cội nguồn của niềm say mê sáng tạo trong quá trình nhận thức, cảm thụ văn học nơi các em.
  • 4. Điều đáng lo ngại hơn là, mặc dù không hiểu tác phẩm, hoặc chỉ hiểu một cách khá mơ hồ nhưng các em vẫn phải phân tích, thể hiện sự cảm thụ của mình về tác phẩm trong các bài làm văn, nên dần dần đã hình thành ở các em một thói quen ít chú ý đến văn bản tác phẩm, cứ dựa theo sự phân tích có sẵn trong lời giảng của thầy hoặc trong các tài liệu tham khảo rồi gán cho tác phẩm những ý nghĩa lớn lao, những mĩ từ to tát…, nhiều khi rất xa lạ với nội dung tư tưởng và ý nghĩa chân chính, đích thực của tác phẩm. Thói quen ấy, một mặt rất dễ gây ra tâm lí “phản cảm”, khiến các em ngày càng chán học văn, sợ học văn. Mặt khác, thói quen ấy cũng tạo ra một lối học văn theo kiểu “mang máng”, thiếu căn cứ, không bám sát tác phẩm, hoặc “tầm chương, trích cứ” một cách hời hợt, máy móc, hoặc “xã hội học dung tục”, tác phẩm chỉ là một cái cớ để bàn luận về một vấn đề luân lí, đạo đức, xã hội nào đấy. Nhiều em học sinh không hề đọc tác phẩm trước khi nghe giảng hoặc phân tích tác phẩm. Có em đã học xong trung học phổ thông mà vẫn không thuộc nổi dù chỉ một bài thơ, thậm chí một khổ thơ nào đấy trong chương trình! Cho nên, cũng không phải chuyện lạ, trong các kì thi tuyển sinh đại học hằng năm, mặc dù môn Văn là môn học đã được các em học sinh ở các khối C, D… định hướng từ trước, nhưng việc chép không đúng hoặc nhầm lẫn các câu thơ từ bài nọ sang bài kia, nhầm lẫn nhân vật nọ với nhân vật kia v.v… là hiện tượng khá phổ biến. Ví dụ, nhầm bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi với chương “Đất nước” (trích trong trường ca “Mặt đường khát vọng”) của Nguyễn Khoa Điềm, nhầm nhân vật Độ (trong truyện ngắn “Đôi mắt”) với nhân vật Hộ (trong “Đời thừa”) của Nam Cao; thậm chí nhầm nhân vật Chí Phèo với nhân vật Tràng, nên khi đề yêu cầu phân tích nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao thì có thí sinh vẫn say sưa viết hàng năm, bảy trang giấy phân tích tác phẩm “Vợ nhặt” của Kim Lân. Có học sinh còn gọi Chí Phèo là “đồng chí”, Hộ là “người chiến sĩ cách mạng” v.v… Phân tích tác phẩm văn học phải xuất phát từ việc khai thác trực tiếp những yếu tố ngôn ngữ trong văn bản tác phẩm
  • 5. Việc cảm thụ, phân tích văn học không xuất phát từ khâu tìm hiểu, khai thác nội dung tư tưởng tác phẩm trực tiếp từ những yếu tố ngôn ngữ của văn bản tác phẩm còn dẫn đến một thực trạng viết lan man, “tán” một cách sao rỗng, áp đặt những cách hiểu suy diễn, chủ quan, vô căn cứ, không gắn với tác phẩm, nhan nhản trong các bài làm văn của học sinh. Đề thi tuyển sinh đại học – cao đẳng, khối D, năm 2002, yêu cầu bình giảng bốn câu thơ sau trong bài Đây mùa thu tới của Xuân Diệu: Hơn một loài hoa đã rụng cành Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh Những luồng run rẩy rung rinh lá Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh Rất nhiều thí sinh đã đành phải bó tay trước dạng đề này vì không hiểu đoạn thơ. Ở những bài làm khá hơn, một số em có thể viết khá dài dòng về sự lãng mạn của Xuân Diệu, về nỗi buồn mông lung vô cớ trong thơ ông, thậm chí cả về những cách tân mới mẻ, sự “Tây hoá” cảm xúc và ngôn từ của một nhà thơ hiện đại vào bậc nhất trong làng thơ Việt Nam hồi ấy, một nhà thơ “mới nhất trong các nhà Thơ mới”, nhưng vẫn không thể nào chỉ rõ ra được cụ thể bốn câu thơ đang miêu tả cái gì và qua sự miêu tả ấy đã thể hiện vẻ đẹp trong cảm xúc của một tâm hồn thơ trước thiên nhiên tạo vật như thế nào, trong khi, đây mới thật sự là cái đích nhận thức thẩm mĩ mà sự cảm thụ, phân tích đoạn thơ cần phải đạt được. Đề tuyển sinh khối D, năm 2003 (Câu 2) yêu cầu: “Phân tích những bức tranh mùa thu trong đoạn thơ sau để làm rõ sự biến đổi tâm trạng của nhà thơ: Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội Những phố dài xao xác hơi may Người ra đi đầu không ngoảnh lại Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy
  • 6. Mùa thu nay khác rồi Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi Gió thổi rừng tre phấp phới Trời thu thay áo mới Trong biếc nói cười thiết tha Trời xanh đây là của chúng ta Núi rừng đây là của chúng ta Những cánh đồng thơm mát Những ngả đường bát ngát Những dòng sông đỏ nặng phù sa”. Hầu hết các bài viết của thí sinh đều chỉ phân tích về “bức tranh mùa thu” hoặc về mùa thu nói chung; đa số “tán” dông dài, có em còn viện rất nhiều dẫn chứng về mùa thu trong thơ ca cổ, kim, đông, tây nhưng chẳng đả động gì đến tác phẩm. Rất ít thí sinh đặt những bức tranh mùa thu và tâm trạng tác giả trong dòng mạch cảm hứng chung về đất nước, vốn là dòng mạch cảm hứng chủ đạo bao trùm, xuyên suốt trong toàn bộ bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi. Tiếp nhận tác phẩm văn học từ các yếu tố ngôn ngữ Một trong những biện pháp nhằm khắc phục tình trạng trên là phải xuất phát từ những yếu tố ngôn ngữ để tìm hiểu, khám phá và phân tích tác phẩm văn học. Đây cũng chính là con đường cảm thụ, phân tích văn học đi từ nghệ thuật đến nội dung tư tưởng, lấy việc giảng nghệ thuật để phát hiện và làm nổi bật ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm – một vấn đề phương pháp đã từng được giới nghiên cứu đề cập và bàn luận khá sôi nổi từ nhiều năm nay. Sở dĩ nói xuất phát từ ngôn ngữ cũng đồng thời có nghĩa là xuất phát từ nghệ thuật bởi vì, văn học là nghệ thuật ngôn từ”; tác phẩm văn chương là sản phẩm của một loại hình nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ làm chất liệu vừa để gửi gắm lại vừa để phô diễn, giãi bày tâm hồn, tư tưởng, tình cảm của chủ thể cảm xúc
  • 7. trước các hiện tượng đời sống. Xét từ góc độ giao tiếp thì thông qua tác phẩm của mình, nhà văn, nhà thơ thực hiện một sự giao tiếp xã hội và tác phẩm là một dạng ngôn bản. sản phẩm của quá trình giao lưu đồng cảm và đồng sáng tạo giữa tác giả với các thế hệ độc giả. Dẫu rằng cách diễn đạt, trình bày của ngôn ngữ văn chương có những thuộc tính đặc trưng riêng biệt thế nào thì nó vẫn không thể vượt ra ngoài phạm vi những khuôn phép, quy luật biểu đạt của ngôn ngữ giao tiếp nói chung: Tuy nhiên, trong hoạt động giao tiếp đó, quy trình sáng tạo và tiếp nhận tác phẩm văn học là hai con đường ngược chiều nhau. Đó là quá trình “mã hoá” và quá trình “giải mã” lượng thông tin tâm hồn. Nhà văn, nhà thơ xuất phát từ những cảm xúc, những trăn trở, suy tư (tư tưởng – cảm xúc của tác giả) mà sáng tạo ra những hình tượng nghệ thuật rồi dùng ngôn ngữ để diễn đạt, thể hiện hình tượng nghệ thuật và tư tưởng ấy. Tác phẩm văn học đến với độc giả và đến lượt mình, người tiếp nhận tác phẩm lại đi từ việc tiếp xúc với văn bản tác phẩm, thông qua các yếu tố ngôn ngữ và thế giới hình tượng trong tác phẩm để phát hiện ra tư tưởng nghệ thuật – những cảm xúc, những suy tư trăn trở của nhà văn, nhà thơ gửi gắm trong đó (xem sơ đồ dưới đây). Nói theo cách nói của một nhà phê bình: nhà thơ “gói” tâm tình của mình lại, còn nhà phê bình (độc giả) thì lại tìm cách “mở” tâm tình ấy ra. Cả hai việc “gói” và “mở” ấy đều phải được thực hiện bằng phương tiện ngôn ngữ – yếu tố trung tâm của tác phẩm văn học. Vì vậy, tiếp nhận tác phẩm văn học từ các yếu tố ngôn ngữ có thể coi như chiếc chìa khoá duy nhất để mở cánh cửa đi vào khám phá thế giới nghệ thuật của tác phẩm, tìm hiểu tâm hồn, tư tưởng, tình cảm của nhà văn, nhà thơ gửi gắm và biểu hiện trong đó. Quy trình sáng tạo văn học TÁC GIẢ  TƯ TƯỞNG CẢM XÚC  HÌNH TƯỢNG NGHỆ THUẬT  NGÔN NGỮ Quy trình tiếp nhận văn học
  • 8. TƯ TƯỞNG TÁC PHẨM  HÌNH TƯỢNG NGHỆ THUẬT  NGÔN NGỮ  ĐỘC GIẢ Dĩ nhiên, tiếp cận ngôn ngữ tác phẩm văn học không phủ nhận hay loại trừ các phương pháp và con đường khác trong cảm thụ, phân tích văn học như: tìm hiểu hoàn cảnh sáng tác, tìm hiểu lịch sử, những chi tiết đời tư của tác giả, vận dụng các kiến thức xã hội, tri thức khoa học và lí luận văn học hiện đại, tham khảo ý kiến của chính tác giả v.v… mà vẫn vận đụng, tích hợp tất cả các phương pháp ấy trong nghiên cứu. Phương pháp phân tích, cảm thụ tác phẩm văn học đi từ các yếu tố ngôn ngữ thực chất chỉ nhằm mục đích hướng người đọc chú ý trực tiếp vào đối tượng nghiên cứu, lấy việc khai thác văn bản làm căn cứ xác thực để phát hiện và suy luận trong nghiên cứu. Từ kinh nghiệm thực tế của bản thân đã nhiều năm dạy và luyện thi môn Văn cho đối tượng học sinh các lớp cuối cấp học phổ thông, dưới đây chúng tôi xin đề cập đến một vài phương diện, thao tác cụ thể của phương pháp tiếp cận ngôn ngữ tác phẩm văn học mà theo chúng tôi là có hiệu quả thiết thực, có thể giúp người đọc hiểu được tác phẩm một cách có căn cứ, gây được hứng thú cho học sinh trong các giờ dạy văn, học văn. Phát hiện và hiểu đúng ý nghĩa của từ ngữ Trước hết, trong cảm thụ, phân tích văn học cần phải biết phát hiện và hiểu đúng ý nghĩa của các từ ngữ trong tác phẩm. Đây chính là thao tác phát hiện ở người tiếp nhận: phát hiện ra các từ ngữ cần thiết và phát hiện được ý nghĩa tư tưởng chứa đựng (biểu hiện) trong các đơn vị từ ngữ ấy. Có thể đó là những từ ngữ chứa đựng những ý nghĩa trừu tượng, khó hiểu nhưng cũng có khi chúng chỉ là những từ ngữ hết sức thông thường. Đã thành một thói quen trong giới nghiên cứu, giảng dạy tác phẩm văn học, cứ nói đến việc khai thác từ ngữ là người ta nghĩ ngay đến “nhãn tự”, tức là những chữ có “thần”, những từ ngữ chứa đựng nhiều thủ pháp nghệ thuật (ẩn dụ, hoán dụ, chơi chữ, khoa trương v.v…), thể hiện dụng công của tác giả. Điều ấy quả không sai, nhưng như thế sẽ bỏ sót rất nhiều từ ngữ mà thiếu nó, tư tưởng nghệ
  • 9. thuật của tác phẩm không thể nào nổi bật lên được. Bởi vì, cùng với các hình tượng nghệ thuật, nhiều khi cảm xúc và tư tưởng của nhà văn, nhà thơ còn được diễn đạt trực tiếp bằng các từ ngữ bình thường. Lại cũng có trường hợp, do sự mẫn cảm ngôn ngữ đặc biệt và năng lực ngôn ngữ tiềm tàng, nhà văn, nhà thơ - những nghệ sĩ ngôn từ – đã “vô tình” đem đến cho các từ ngữ bình thường những phẩm chất nghệ thuật mới, những khả năng biểu đạt đặc biệt, tạo nên những chữ “xuất thần” mà có khi, chính người sử dụng nó cũng không ngờ tới. Nhưng vì có vẻ “bình thường” nên người đọc rất dễ bỏ qua khi nghiên cứu tác phẩm. Người cảm thụ, phân tích văn học, với tư cách là người đồng sáng tạo với chủ thể cảm xúc, vừa phải biết phát hiện những từ ngữ chứa đựng các biện pháp tu từ, đồng thời cũng vừa phải biết phát hiện cho thật trúng và không để lọt những từ ngữ bình thường nhưng lại có giá trị biểu đạt “xuất thần” ấy. Trở lại bốn câu thơ trên trong bài Đây mùa thu tới thì, riêng ở nhan đề bài thơ, người đọc cần phải đặc biệt chú ý đến chữ tới – một chữ quả là rất bình thường, nhưng nếu bị bỏ qua thì tư tưởng cơ bản của tác phẩm cũng không thể nói rõ được. Bởi vì, bài thơ không chỉ nói về mùa thu chung chung, mà chủ yếu nhằm thể hiện những xúc cảm tinh tế của chủ thể trữ tình trước cái khoảnh khắc chuyển mùa của thiên nhiên tạo vật lúc thu sang: Đây (là một) mùa thu (đang) tới. Bám sát vào một số từ ngữ trong khổ thơ đó như: vườn, hoa đã rụng cành, sắc đỏ rũa màu xanh, nhánh (cây) khô gầy… chúng ta sẽ nhận ra ngay đây là bốn câu thơ tập trung miêu tả khung cảnh một vườn thu. Để ý kĩ chút nữa, chúng ta sẽ phát hiện ra sự quan sát rất tinh tế của một tâm hồn thơ, thể hiện qua cách diễn đạt độc đáo, mới lạ của rất nhiều từ ngữ bình thường ở đoạn thơ này. Nét đặc trưng của mùa thu là cảnh lá rụng hoa tàn. Nhưng vì thu mới ở vào độ thu tới, thu sang, lúc thời tiết còn đang chuyển giao từ mùa hạ nóng nực sang mùa thu se lạnh nên sự tàn rụng ấy cũng chưa nhiều. Trong vườn mới chỉ có hơn một loài hoa đã rụng cành. “Hơn một” có nghĩa là chưa nhiều lắm, chỉ mới vài ba loài hoa chớm lụi tàn, còn “đã rụng” nghĩa là sự rụng tàn chỉ mới xảy ra mà thôi. Những sắc lá úa vàng của mùa thu đang lấn dần màu xanh, làm cho màu xanh bị rũa dần đã từng tí một. Rũa ở đây là một động từ tiếng Việt, chỉ hoạt động bào mòn,
  • 10. chứ không phải là sự rữa nát, cũng không phải từ rủa (sắc đỏ rủa màu xanh), với nghĩa là càu nhàu, chửi rủa hay đối ngược, học theo cách diễn đạt của tiếng Pháp như có người vẫn nghĩ. Và đôi nhánh cây (chỉ “đôi nhánh” thôi chứ chưa nhiều) đã bị rụng lá, trơ trọi như những chiếc xương khô gầy mỏng mảnh trong làn gió se lạnh lúc đầu thu… Rõ ràng những chữ “hơn một”, “đã rụng cành”, “đôi nhánh”, “rũa” đâu phải là những biện pháp tu từ từ vựng hay những thủ pháp nghệ thuật tân kì? Những chính nhờ những chữ ấy mà thiên nhiên, cảnh vật bỗng trở nên hết sức sinh động, gợi cảm. Ta bỗng nhận thấy một mùa thu mới xôn xao hiện về và một cặp mắt xanh non, ngơ ngác, một tâm hồn thơ tinh tế, nhạy cảm cũng đang khẽ rung lên trước mỗi biến thái tinh vi, mong manh, huyền diệu của thiên nhiên tạo vật lúc chuyển mùa… Một ví dụ khác, trong bài thơ Đất Nước (trích Chương V, trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm, nếu không chú ý đến các chữ bình thường và một cấu trúc ngữ pháp phổ biến của kiểu câu định nghĩa được lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong toàn bộ Phần I của bài thơ như: “đất nước đã có rồi”, “đất nước có trong”, “đất nước bắt đầu”, “đất nước lớn lên”, “đất nước có từ”, “đất là”, “nước là”, “đất nước là”..: thì sẽ không thể phát hiện ra ý tưởng và sự cảm nhận độc đáo của tác giả về đất nước. Bằng việc đưa ra những sự vật, hiện tượng rất bình dị mà gắn bó sâu sắc với đời sống và tinh thần, tình cảm của mỗi con ngời tự thuở ấu thơ để định nghĩa về đất nước, Nguyễn Khoa Điềm đã đưa ra một quan niệm hết sức giản dị nhưng không kém phần mới mẻ: đất nước không phải là một khái niệm trừu tượng mà là những gì gần gũi, thân thuộc, là sự sống, máu thịt và tinh thần của mỗi con người nên mỗi người đều phải có trách nhiệm với đất nước, bởi vì trách nhiệm với đất nước cũng là trách nhiệm với chính sự sống của bản thân mình. Khi phân tích đoạn thơ tiếp theo ở Phần II: Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống mái Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
  • 11. Chín mươi chín con voi góp mình dựng thành đất Tổ Hùng Vương Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm… thì người phân tích cần phải biết phát hiện và bám vào khai thác động từ “góp” lặp đi lặp lại ở mỗi dòng thơ: góp, góp cho, góp nên, góp mình… Đây là một từ tuy được sử dụng hết sức thông thường, không chứa đựng bất kì một thủ pháp nghệ thuật nào nhưng lại có khả năng biểu đạt rất tập trung cô đọng, thể hiện sự cảm nhận sâu sắc của tác giả về vai trò, sứ mệnh, những hi sinh đóng góp to lớn của nhân dân đối với đất nước. Phát hiện đúng các từ ngữ, hình ảnh cần thiết trong tác phẩm gắn liền với yêu cầu phát hiện và hiểu đúng ý nghĩa cửa các từ ngữ, hình ảnh ấy. Không phát hiện được ý nghĩa hoặc hiểu không đúng ý nghĩa của các đơn vị ngôn ngữ đều dẫn đến những cách hiểu sai lầm trong cảm thụ, phân tích tác phẩm văn học. Không hiểu đúng ý nghĩa của các đơn vị ngôn ngữ còn khiến cho tác phẩm trở nên khó hiểu, làm giảm sút niềm hứng thú của đối tượng tiếp nhận trong khi theo dõi tác phẩm. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, giờ dạy văn sẽ sôi động hẳn lên khi tác phẩm trở nên dễ hiểu dưới sự dẫn dắt, gợi mở và phân tích của thầy giáo. Các em học sinh đều tỏ ra hứng khởi và chăm chú theo dõi hơn khi phát hiện trúng ý nghĩa của một từ ngữ, hình ảnh trong tác phẩm mà vốn trước đây các em chưa hiểu được hoặc chưa ngờ tới. Chẳng hạn, khi phân tích hai câu thơ. Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu Lả lả cành hoang nắng trở chiều thì, câu thơ trên sẽ hoàn toàn dễ hiểu và sẽ gây được sự chú ý theo dõi của học sinh nếu biết gợi ý cho các em hiểu “cành hoang” nghĩa là những
  • 12. cành cây rụng lá vào mùa thu. Ngược lại, nếu không làm sáng tỏ được ý nghĩa của hai từ đó thì dẫu thầy cô giáo có phân tích bao nhiêu đi nữa, sự phân tích ấy cũng không đủ sức thuyết phục, không làm đọng lại nơi tâm hồn các em những ấn tượng sâu sắc. Bởi vì, khi không hiểu ý nghĩa của từ ngữ, trí tưởng tượng của các em không thể hình dung được các hình ảnh miêu tả trong tác phẩm – một trong những đặc trưng quan trọng nhất của hoạt động nhận thức, cảm thụ văn học: Nhưng các từ ngữ, hình ảnh trong tác phẩm văn học thường chứa đựng nhiều loại ý nghĩa: nghĩa gốc, nghĩa chuyển, nghĩa đen, nghĩa bóng, nghĩa sự vật, nghĩa biểu niệm, nghĩa biểu cảm… Khai thác loại ý nghĩa nào là tuỳ ở sự nhạy cảm của người nghiên cứu, song nguyên tắc chung là phải khai thác những ý nghĩa phù hợp với chủ đề tư tưởng tác phẩm và cảm xúc của tác giả. Chẳng hạn, trong đoạn thơ sau: Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa Kìa em xiêm áo tự bao giờ Khèn lên man điệu nàng e ấp Nhạc về Viêng Chăn xây hồn thơ. (Quang Dũng, Tây Tiến) Đối với cụm từ “hội đuốc hoa”, hướng khai thác chỉ nên tập trung vào ý nghĩa biểu thị nét lãng mạn trong cảm xúc của Quang Dũng. Đây là đoạn thơ tác giả hồi tưởng về một đêm liên hoan văn nghệ của đơn vị Tây Tiến tại một bản làng nơi đóng quân. Nhưng trong nỗi nhớ về đơn vị cũ, nhà thơ đã gọi kỉ niệm đó bằng cái tên “hội đuốc hoa” – với ý nghĩa chỉ hội cưới và cái đêm “động phòng hoa chúc” của một đời người. Đó quả là một liên tưởng hết sức lãng mạn mà có lẽ chỉ những người lính Tây Tiến tài hoa như Quang Dũng mới có được những xúc cảm như vậy. Trong nhiều trường hợp, chủ đề tư tưởng của tác phẩm thường được biểu hiện qua những ý nghĩa biểu trưng của một vài từ ngữ, hình ảnh nào đó trong tác phẩm. Chẳng hạn, Đôi mắt là một tên truyện bộc lộ trọn vẹn chủ đề
  • 13. tác phẩm. “Đôi mắt” là biểu tượng cho cách nhìn và lập trường tư tưởng, thái độ của người cầm bút đối với con người và cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc. Trong bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên, “Tây Bắc” là tên một vùng đất xa xôi của Tổ quốc nhưng cũng là biểu tượng cho cuộc sống cần lao rộng lớn, còn nhiều gian khó của nhân dân. “Con tàu” là hình ảnh của một tâm hồn thơ đang trong hành trình từ bỏ cái tôi cô đơn, đóng khép để trở về hoà nhập, gắn bó với cuộc đời của nhân dân, đất nước. Hình ảnh ấy chỉ xuất hiện ở phần đầu và phần cuối của bài thơ. Ở phần đầu bài thơ, con tàu là một nỗi lòng khao khát, hăm hở, một lời mời gọi lên đường; còn ở phần cuối bài thơ (nghĩa là khi con tàu đã đến được nơi cần đến), thì đó là một khúc hát mê say, lôi cuốn và lãng mạn. Do đó, Tiếng hát con tàu cũng là cách nói hình ảnh thể hiện chủ đề tư tưởng của bài thơ: tiếng hát thiết tha, sôi nổi và sâu lắng của những tâm hồn thơ trong hành trình tìm về với cuộc sống lớn của nhân dân đất nước, tìm về với cội nguồn của những cảm hứng thơ ca chân chính, đích thực. Trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, ý nghĩa biểu trưng của hình ảnh con sóng cũng đồng thời chính là chủ đề tư tưởng của bài thơ, thể hiện khát vọng hạnh phúc và những biểu hiện tâm hồn đẹp đẽ của người phụ nữ Việt Nam mới trong tình yêu. Trong Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu, hình ảnh “mảnh trăng” là một hình ảnh có ý nghĩa biểu trưng cho Vẻ đẹp lấp lánh như những viên ngọc nhưng còn tiềm tàng, ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người Việt Nam thời đánh Mĩ. Cái vẻ đẹp ấy cũng là cội nguồn cảm hứng và ý tưởng nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Minh Châu mà qua nhân vật chính của thiên truyện - Nguyệt, cô thanh niên xung phong đẹp người đẹp nết trên tuyến đường Trường Sơn ác liệt – nhà văn đã tìm thấy được cái ánh sáng lung linh, huyền diệu, đậm màu sắc lí tưởng của nó… Phải nắm được các đặc trưng của ngôn ngũ thơ. Riêng đối với tác phẩm thơ, người cảm thụ, phân tích cần phải nắm được những đặc trưng của ngôn ngữ thơ. Khác với ngôn ngữ trong giao tiếp thông thường, do đặc trưng thể loại, ngôn ngữ thơ thường có một con đường
  • 14. riêng trong cách biểu hiện và diễn đạt. Đã có nhiều công trình nghiên cứu vấn đề này. Ở đây chúng tôi xin chỉ đề cập đến một vài điểm chủ yếu. Do nguyên tắc kiệm lời, ngôn ngữ thơ có tính chất dồn nén, hàm súc và đa nghĩa. Về mặt cấu trúc, nhiều khi các yếu tố ngôn ngữ không được hiện diện đầy đủ trên bề mặt văn bản của tác phẩm thơ, hoặc là trong một câu thơ, trật tự các yếu tố ngôn ngữ không tuân theo những cách diễn đạt thông thường. Nói theo cách của nhà thơ Ngô Minh thì nhiều khi, “khoảng cách giữa câu thơ đòng trên và câu thơ tiếp theo không phải theo thứ tự 1, 2, 3… nữa, mà nhảy cóc từ 1 đến 10, 20… Tức là khoảng “lặng” giữa các câu thơ mà nhà thơ dành cho người đọc tự do nghĩ ngợi, càng rộng thì độ nén của thơ càng cao”. Như những khoảng lặng giữa các khổ thơ trong bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử và giữa các câu thơ của hai khổ cuối trong bài thơ ấy là một ví dụ. Kinh nghiệm của một số nhà nghiên cứu khi gặp những trường hợp như vậy thường tìm cách đưa những câu thơ trở về với cách diễn đạt thông thường, tức là chuyển những câu thơ có cấu trúc đặc biệt thành cách diễn đạt của văn xuôi, như thêm vào một số từ ngữ hoặc làm hiện diện những yếu tố bị tỉnh lược, khiếm diện trong câu thơ (đoạn thơ), hoặc đảo trật tự các từ ngữ trong câu thơ theo trật tự của câu văn xuôi v.v… Ngôn ngữ học gọi thủ pháp này là “phép thử”. Trong thực tế giảng dạy, phân tích thơ, phép thử ấy nhiều khi tỏ ra rất hữu hiệu, nhất là đối với các em học sinh. Nó gợi mở trí tưởng tượng, lấp đầy các “khoảng trống” ngữ nghĩa giữa các câu thơ để người đọc có thể hiểu và cảm thụ chúng. Chẳng hạn, có những câu thơ mới đọc tưởng chừng rất khó hiểu, song chỉ cần diễn đạt lại câu thơ dưới dạng văn xuôi, lập tức có thể phát hiện ngay được ý nghĩa lấp lánh của nó. Trong bài Thơ duyên của Xuân Diệu, học sinh thường bị “vấp” ngay từ những câu thơ đầu tiên: Chiều mộng hoà thơ trên nhánh duyên Cây me ríu rít cặp chim chuyền Song nếu làm một phép thử ngôn ngữ học là đảo trật tự hai câu thơ và diễn đạt chúng bằng văn xuôi: “Trên cành cây me có đôi chim chuyền cành ríu rít, khiến cho cành cây me trở thành nhánh duyên, còn không gian của buổi
  • 15. chiều thu bỗng biến thành một không gian thơ mộng (của những lứa đôi)”, thì câu thơ đầu tiên sẽ trở nên hoàn toàn dễ hiểu và hình ảnh về bức tranh buổi chiều thu đậm đà màu sắc duyên tình tươi vui như thể đã hiển hiện khá sinh động ngay trước mắt người đọc. Hay như khi phân tích những câu thơ “hai giọng” (trong bài Tống biệt hành của Thâm Tâm) thể hiện cái khẩu khí cứng cỏi, khí phách ngang tàng của người li khách giã nhà theo “chí nhớn”: Đưa người, ta chỉ đưa người ấy, Một giã gia đình, một dửng dưng… – Li khách! Li khách! Con đường nhỏ, Chí nhớn chưa về bàn tay không, Thì không bao giờ nói trở lại! Ba năm, mẹ già cũng đừng mong. Giáo sư Trần Đình Sử viết: “Từ ngữ trong câu dồn nén, có nhiều tỉnh lược, giữa các dòng thơ có nhiều khoảng trống, tạo thành một vẻ ám ảnh bí ẩn, không dễ gì thuyết minh cho thông (…). Có nhiều chỗ tối nghĩa, phải thêm chữ vào mới hiểu được. Chẳng hạn, Chí nhớn: chưa về (nếu) bàn tay không. (Chưa thành công) thì không bao giờ nói trở lại… (Dẫu có là) Ba năm, (thì) mẹ già cũng đừng mong”. Thủ pháp này cũng có thể dùng để nhận diện cấu trúc những đoạn thơ, câu thơ có cách diễn đạt lạ, độc đáo, qua đó phát hiện mạch cảm xúc, suy tưởng của chủ thể trữ tình. Chẳng hạn, với đoạn thơ sau trong bài Vội vàng của Xuân Diệu: Của ong bướm này đây tuần tháng mật, Này đây hoa của đồng nội xanh rì, Này đây lá của cành tơ phơ phất; Của yến anh này đây khúc tình si,
  • 16. Và này đây ánh sáng chớp hàng mi. Mỗi sáng sớm thần Vui hằng gõ cửa; Tháng giêng ngon như một cặp môi gần; Trước hết, phải thấy rằng, “này đây” là một cụm từ mà về mặt ý nghĩa và chức năng cú pháp, nó chỉ tương đương với một đại từ chỉ vị trí ở gần, ngay phía trước mặt người nói: “này” hoặc “đây”. Về cấu trúc, hầu hết các câu thơ trong đoạn thơ trên đều không tuân theo trật tự ngữ pháp thông thường; toàn bộ đoạn thơ là một phép so sánh trùng điệp, trong đó vế 2 – cái dùng để so sánh – là liên tiếp những hình ảnh được miêu tả ở mỗi câu thơ, còn vế 1 – cái. được so sánh – bị ẩn đi, không hiện diện. Để hiểu ý nghĩa tư tưởng, cảm xúc được biểu đạt ở đoạn thơ này, chúng ta hãy thiết lập lại trật tự văn xuôi của các câu thơ, chỉ sử dụng một từ “này” hoặc “đây” theo cách diễn đạt thông thường và hiện thực hoá vế 1 là “cuộc đời”, ta sẽ có những câu văn xuôi được diễn đạt như sau: VẾ 1: CÁI ĐƯỢC SO SÁNH Cuộc đời này như là VẾ 2: CÁI DÙNG ĐỂ SO SÁNH – tuần tháng mật của bướm ong – hoa của đồng nội xanh rì – lá của cành tơ phơ phất – khúc tình si của yến anh – ánh chớp của hàng mi – tháng giêng của mùa xuân… Dễ dàng nhận ra đây là đoạn thơ thể hiện sự cảm nhận của nhà thơ về cuộc đời và sự sống trần thế. Dưới cặp mắt xanh non háo hức và đầy vui sướng của Xuân Diệu, sự sống trần thế luôn là một thế giới hết sức tươi đẹp, đẫm nhạc, đẫm hương thơm, đầy màu sắc và tình ái, đầy ánh sáng và âm nhạc… Tất cả như đang bày ra trước mặt, ngay trong tầm tay của mỗi người và dâng đón, chào mời…
  • 17. Ở khổ thơ cuối bài Đất nước của Nguyễn Đình Thi, lấy chất liệu từ một thực tế ở chiến trường Điện Biên Phủ trong trận đánh chiếm đồi A1, giữa cái nắng hè gay gắt, dưới ánh chớp lửa đạn rực trời, trưa ngày 7/5/1954, các chiến sĩ ta từ các chiến hào, mình đầy bùn đất, sau “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn…” (Tố hữu, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên) đã ào ạt xông lên chiếm cao điểm cuối cùng của giặc, giải phóng hoàn toàn Điện Biên, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến, nhà thơ đã tạo nên một hình ảnh biểu trưng khái quát về Đất Nước kháng chiến: Súng nổ rung trời giận dữ Người lên như nước vỡ bờ Nước Việt Nam từ máu lửa Rũ bùn đứng dậy, sáng loà Tuy nhiên, không phải người đọc thơ nào cũng nhận ra ngay cách diễn đạt biểu trưng ấy, nhất là đối với các em học sinh phổ thông. Vì vậy, khi phân tích, giảng giải, có thể dùng phép thử của ngôn ngữ học, thêm quan hệ từ biểu thị ý so sánh “như” vào cuối hai câu thơ đầu để hiện rõ cách diễn đạt biểu trưng của khổ thơ: bốn câu thơ đã dựng nên bức tượng đài sừng sững về một Đất Nước kháng chiến từ trong đau thương uất hận, từ trong máu lửa bùn lầy đã anh dũng đứng dậy chói loà trong niềm tin và chiến thắng. Một điểm khá quan trọng khi cảm thụ, phân tích thơ mà chúng tôi muốn đề cập ở đây là vấn đề tìm hiểu mạch lạc của tư tưởng – cảm xúc và cấu trúc bài thơ. Để hiểu một tác phẩm thơ, ngươi đọc phải cảm thụ, theo dõi được cái mạch vận động, phát triển của tư tưởng, cảm xúc trong toàn bộ bài thơ mà ngôn ngữ học gọi là mạch lạc của một tác phẩm thơ. Mạch lạc là một khái niệm ngôn ngữ học thuộc lĩnh vực phân tích diễn ngôn và có liên quan trực tiếp tới cấu trúc văn bản của tác phẩm: “Dễ nhận thấy là văn bản văn học mang tính mạch lạc một cách rõ ràng hơn là hội thoại thường ngày, cũng có nghĩa là người cầm bút chú ý nhiều hơn tới sự cấu trúc bài viết của mình.
  • 18. Khái niệm mạch lạc đối với cấu trúc của văn bản là một trong những khái niệm quan trọng của người cầm bút”. “Người cầm bút” ở đây trước hết là tác giả, chủ thể sáng tạo văn bản tác phẩm thơ và sau đó là “phận sự của người đọc”. Theo dõi được mạch lạc của tư tưởng, cảm xúc thơ, chỉ ra được cấu trúc văn bản của tác phẩm thơ chính là “một phần trong quá trình đọc”, hơn nữa còn là một phần hết sức quan trọng, bởi từ đó người đọc nắm được những gì cốt lõi và cảm thụ được tinh thần cơ bản của bài thơ. Thực ra, việc tìm hiểu mạch lạc và cấu trúc bài thơ cũng đã được tiến hành thông qua việc phân tích bố cục, cách chia đoạn bài thơ, một công việc khá quen thuộc trong phân tích, giảng dạy các tác phẩm thơ (và tác phẩm văn học nói chung) trong nhà trường phổ thông. Bởi vì, bố cục và mạch lạc trong cấu trúc tác phẩm có quan hệ với nhau một cách chặt chẽ. Tuy nhiên, bố cục chỉ là cái biểu hiện bên ngoài của cảm xúc, tư tưởng; nó thuộc về hình thức của cấu trúc tác phẩm. Còn mạch lạc mới chính là trình tự bên trong của dòng mạch cảm xúc; đó là cái dòng chảy tư tưởng, tình cảm chạy suốt bài thơ; nó thuộc về cái lô gích bên trong cấu trúc của tác phẩm thơ. Nhìn chung, có hai cách cấu trúc bài thơ: cấu trúc theo kiểu khai triển đề tài và cấu trúc theo mạch phát triển tâm trạng cảm xúc của chủ thể trữ tình. Cấu trúc của các bài thơ Đây mùa thu tới, Đất nước, Bên kia sông Đuống… có thể coi như thuộc kiểu thứ nhất. Còn cấu trúc của các bài thơ Tống biệt hành, Đây thôn Vĩ Dạ, Sóng, Tiếng hát con tàu… là thuộc kiểu thứ hai. Có thể cụ thể hoá cấu trúc bài thơ Đây mùa thu tới của Xuân Diệu thông qua mối quan hệ giữa bố cục và mạch lạc như sau: BỐ CỤC MẠCH LẠC Đoạn 1: Tín hiệu báo thu và tâm trạng con ngươi lúc thu sang. (Khổ thơ đầu) Sự hồ hởi, vui sướng của nhà thơ khi nhận ra dấu hiệu của mùa thu qua dáng vẻ thướt tha, yểu điệu của những hàng liễu rủ dưới sắc nắng chiều thu vàng nhạt. Đoạn 2: Toàn cảnh thiên nhiên, đất trời lúc vào thu. Cảm nhận tinh tế của nhà thơ trước những biến thái hết sức tinh vi, mong manh, nhỏ nhặt của thiên nhiên, tạo vật lúc vào thu qua những hình ảnh: vườn thu, trăng thu, núi thu – sương
  • 19. (Ba khổ thơ cuối) thu, rét thu, sông thu – đò thu, bầu trời thu (mây, chim, khí trời), thiếu nữ thu. Bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi có bố cục gồm ba phần: Đoạn 1: Khung cảnh mùa thu Hà Nội những năm dài nô lệ trước Cách mạng tháng Tám. Đoạn 2: Khung cảnh mùa thu đất nước có độc lập, tự do từ sau Cách mạng tháng Tám. Đoạn 3: Hình ảnh đất nước đau thương đã đứng dậy và ngời sáng trong suốt cuộc kháng chiến trường kì. Bố cục đó được xây dựng dựa trên cơ sở của dòng mạch tư tưởng - cảm xúc chung về đất nước xuyên suốt trong toàn bộ bài thơ: Khơi nguồn cho niềm xúc cảm và những suy tư về đất nước là không gian trong trẻo và mùi hương cốm mới rất đặc trưng của một buổi sáng mùa thu ở chiến khu Việt Bắc trong kháng chiến gợi nhớ về những mùa thu đất nước trong quá khứ: Sáng mát trong như sáng năm xưa Gió thổi mùa thu hương cốm mới Tôi nhớ những ngày thu đã xa “Những ngày thu đã xa” ấy là những ngày đất nước còn chìm đắm trong vòng nô lệ trước Cách mạng tháng Tám, mà hình ảnh biểu trưng là khung cảnh mùa thu Hà Nội. Hà Nội vào thu: đất nước qua cái nhìn lãng mạn của Nguyễn Đình Thi vẫn rất đẹp, gợi cảm và đầy khí phách nhưng không tránh khỏi buồn vắng, hiu hắt: Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội Những phố dài xao xác hơi may Người ra đi đầu không ngoảnh lại Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.
  • 20. Từ niềm hoài niệm đó, nhà thơ trở về với niềm vui phơi phới và niềm tự hào sâu lắng trước khung cảnh một đất nước có truyền thống bất khuất, đã có độc lập tự do sau Cách mạng: … Trời thu thay áo mới Trong biếc nói cười thiết tha Trời xanh đây là của chúng ta Núi rừng đây là của chúng ta Những cánh đồng thơm mát Những ngả đường bát ngát Những dòng sông đỏ nặng phù sa Nước chúng ta Nước những người chưa bao giờ khuất… Cuối cùng là những suy tư về hình ảnh đất nước trong cuộc kháng chiến trường kì, một đất nước đau thương, uất hận vì chiến tranh tàn phá nhưng vẫn hết sức anh dũng, bất khuất và ngời sáng trong niềm tin chiến thắng: Ôi những cánh đồng quê chảy máu Dây thép gai đâm nát trời chiều Những đêm dài hành quân nung nấu Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu (…) Nước Việt Nam từ máu lửa Rũ bùn đứng dậy sáng loà. Bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh nhìn hình thức và thi tứ thì có vẻ phóng túng, tự do nhưng từ chiều sâu của tư tưởng và cảm hứng, người đọc vẫn có thể nhận thấy rất rõ sự mạch lạc của dòng cảm xúc được triển khai một cách
  • 21. khá giản dị theo cái lô gích diễn tiến rất tự nhiên của tình cảm: bắt đầu từ những khát vọng mãnh liệt về một tình yêu chân chính, không chấp nhận những tình cảm nhỏ hẹp, vị kỉ (Sông không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra tận bể/ Nỗi khát vọng tình yêu/ Bồi hồi trong ngực trẻ), dẫn đến những suy tư đầy xúc động về các trạng thái tâm hồn trong tình yêu ấy như: sự băn khoăn, trăn trở về nguồn cội của tình yêu (Sóng bắt đầu từ gió/ Gió bắt đầu từ đâu/ Em cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau); nỗi nhớ nhung tha thiết, mãnh liệt của một tình yêu chân chính (Ôi con sóng nhớ bờ/ Ngày đêm không ngủ được…/ Nơi nào em cũng nghĩ/ Hướng về anh một phương); niềm hi vọng tin tưởng (Trăm ngàn con sóng đó/ Con nào chẳng tới bờ…) và cuối cùng là khát vọng được hi sinh, dâng hiến, được sống hết mình cho tình yêu đó (Làm sao được tan ra/ Thành trăm con sóng nhỏ/ Giữa biển lớn tình yêu/ Để ngàn năm còn vỗ). Cấu trúc bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm theo sát mạch vận động, phát triển tâm trạng của chủ thể trữ tình – người đưa tiễn: bắt đầu là những băn khoăn trước thái độ và tình cảm của li khách trong giờ phút chia tay: Sao có tiếng sóng (…)/ Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong/ Đưa người ta chỉ đưa người ấy…, tiếp đến là những hồi tưởng về cảnh ngộ của người ra đi: Ta biết người buồn (...) và cuối cùng là lòng ngưỡng vọng, cảm phục đối với tinh thần trượng nghĩa cùng những tình cảm đầy nhân tính của li khách trong thời đại ý thức về cái tôi đã được thức tỉnh: Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực! v.v… Như vậy, nếu chỉ dừng lại ở bố cục thì sự cảm thụ và phân tích vẫn còn đang ở giai đoạn chia cắt bài thơ thành những bộ phận biểu thị nội dung, chưa thấy được cấu trúc chỉnh thể tác phẩm, đặc biệt là chưa theo dõi được mạch vận động, phát triển tư tưởng – cảm xúc của chủ thể trữ tình trong bài thơ. Phân tích được cấu trúc tác phẩm, theo dõi được mạch lạc tư tưởng, cảm xúc và thi tứ của bài thơ cũng tức là người đọc đã có thể rung cảm, đồng điệu được với những xúc động, những trăn trở, suy tư của nhà thơ từ trong chiều sâu chỉnh thể tác phẩm..
  • 22. 2. THỜI GIAN VỚI Ý NGHĨA HAI CHỮ “VỘI VÀNG” CỦA XUÂN DIỆU Trong tập Gửi hương cho gió (1945) Xuân Diệu đã viết những câu thơ thật giàu hình ảnh về thời gian: Thời gian rót từng giọt buồn tê héo Sự sống đi như hương bỏ hoa chiều… Thời gian vốn là một tồn tại khách quan của tự nhiên. Đó là một đại lượng vật chất không ngừng biến đổi, diễn ra một chiều, một đi không trở lại, giống như một dòng chảy vô tình… Nhưng chính nhờ sự cảm nhận của con người mà thời gian trở nên có ý nghĩa. Trong tác phẩm văn học, mỗi nhà văn, nhà thơ xuất phát từ một “điểm nhìn” nhất định sẽ có những cách chiếm lĩnh và thể hiện thời gian khác nhau. Thi pháp học hiện đại gọi đó là thời gian nghệ thuật. “Thời gian được cảm nhận bằng tâm lí và mang ý nghĩa thẩm mĩ (…), là hình thức cảm nhận thế giới của con người gắn liền với một quan niệm nhất định về thế giới”. Độ dài ngắn của thời gian nghệ thuật thường được đo bằng tâm lí và trạng thái cảm xúc của chủ thể trữ tình: Trăm năm thì ngắn, một ngày dài ghê (Tản Đà), Sầu đong càng lắc càng đầy/ Ba thu dọn lại một ngày dài ghê (Nguyễn Du) v.v… Sự cảm nhận thời gian trong thơ Xuân Diệu bắt nguồn từ nét đặc sắc trong quan niệm và tư tưởng nghệ thuật độc đáo của thi nhân. Trong các nhà thơ mới trước Cách mạng, Xuân Diệu là một hồn thơ yêu đời và sống mãnh liệt nhất. Hồn thơ ấy luôn thể hiện khát vọng được sống, được yêu trong một niềm khát khao giao cảm mãnh liệt với cuộc đời và thiên nhiên tạo vật. Tác giả Thi nhân Việt Nam nhận xét: “Thơ Xuân Diệu còn là một nguồn sống rào rạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này. Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống quýt, muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình. Khi vui cũng như khi buồn, người đều nồng nàn, tha thiết (…). Sự bồng bột của Xuân Diệu có lẽ đã phát biểu ra một cách đầy đủ hơn cả trong những rung động tinh vi”. Thi sĩ có thể cảm nhận được một cách rất tinh tế những sự chuyển vận của thiên
  • 23. nhiên cùng bước đi của thời gian. Tiếng gõ nhịp thời gian thường tạo ra trong thơ Xuân Diệu sự rung động và những cảm xúc riêng: Không gian như có dây tơ, Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu, Êm đềm chiều ngẩn ngơ chiều, Lòng không sao cả, hiu hiu khẽ buồn…. (Chiều) Nhưng nét độc đáo nhất trong sự cảm nhận về thời gian của Xuân Diệu là ông luôn có những xúc cảm thật mạnh mẽ về sự đối lập giữa thời gian của vũ trụ vô biên với thời gian hữu hạn của cuộc đời mỗi con người. Hơn hai hết, vị “Tao đàn nguyên suý” của phong trào Thơ mới này ý thức được một cách thật sâu xa về giới hạn ngắn ngủi của đời người trước thời gian một đi không trở lại. Trước sự chảy trôi của thời gian, Xuân Diệu có những cảm nhận thật xót xa, thấm thía: Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật, Không cho dài thời trẻ của nhân gian; Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn, Nêu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại. Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi… (Vội vàng) Ý thức về thời gian như thế nên trong thơ Xuân Diệu, thời gian thường gắn liền với những dự cảm về sự tàn phai, mất mát và xa cách: Thong thả, chiều vàng thong thả lại… Rồi đi… Đêm xám tới dần dần… Cứ thế mà bay cho đến hết Những ngày, những tháng, những mùa xuân.
  • 24. (Giờ tàn) Nỗi sợ thời gian chảy trôi ấy khiến cho thi sĩ có thể cảm nhận được một cách tinh tế những sắc màu tàn phai, những hương vị chia li sầu tủi ẩn náu trong bước đi của thời gian: Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi/ Khắp sông núi bỗng than thầm tiễn biệt (Vội vàng). Xuân Diệu có những dự cảm thật mới lạ, độc đáo: Trong gặp gỡ đã có mầm li biệt (Giục giã), nên ông tỏ ra rất thấu hiểu những “lí lẽ ngang ngạnh” của thời gian: Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua; Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già; Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất. (Vội vàng) Với Xuân Diệu, thời gian trở thành một nguy cơ, luôn chứa đựng sự bất trắc. Thời gian làm cho mọi thứ trở nên không vững bền: Hết ngày, hết tháng, hết! Em ơi! Kinh hãi không gian quặn tiếng còi Anh đến tìm em, em thấy đó Sắp xa, thôi cũng tựa xa rồi! (Hết ngày, hết tháng…) Ý thức về thời gian đời người ngắn ngủi, hữu hạn luôn tạo ra trong thơ Xuân Diệu những linh cảm bất an và một nỗi lo sợ luôn thường trực trong thơ ông: sợ tương lai, sợ ngày mai: Gấp đi em, anh rất sợ ngày mai; Đời trôi chảy, lòng ta không vĩnh viễn. (Giục giã) Trong thơ Xuân Diệu, tương lai, ngày mai đã trở thành “lực lượng thù địch với hạnh phúc, tuổi xuân của con người” (Trần Đình Sử). Nhưng là một nhà thơ tha thiết với sự sống trần thế, Xuân Diệu vẫn có những xúc cảm hết
  • 25. sức sôi nổi trước cuộc đời. Khi đối diện với thời gian, nếu hầu hết các nhà thơ mới đều muốn thoát li thực tại, thì bằng cảm quan thẩm mĩ tích cực và độc đáo, Xuân Diệu luôn tìm thấy cái đẹp ngay giữa cuộc đời trần thế. Nhà thơ Chế Lan Viên nhận xét: “Xuân Diệu đốt cảnh bồng lai và xua ai nấy về hạ giới”. Cảm xúc về cuộc đời trong Vội vàng là nỗi sung sướng, vồ vập trước một thế giới tươi non, đầy mật ngọt, hoa thơm, đầy tình ái, ánh sáng và âm nhạc… tất cả đều cuốn hút, say mê. “Nhà thơ như thể đã phát hiện ra một thiên đường có thật ngay trên mặt đất này, trong tầm tay của mỗi người” (Trần Đình Sử). Qua cách diễn đạt độc đáo của Xuân Diệu, thiên đường ấy như thể đang bày sẵn trước mắt mọi người: Của ong bướm này đây tuần tháng mật, Này đây hoa của đồng nội xanh rì, Này đây lá của cành tơ phơ phất; Của yến anh này đây khúc tình si, “Này”, “đây” là những đại từ chỉ định không gian gần, ở ngay trước mặt, trong tầm tay, được dùng kết hợp theo lối song trùng tạo thành một cụm từ đồng chức năng “này đây”, khiến cho cấp độ ý nghĩa của các thành tố được nhấn mạnh thêm. Những chữ “này đây” ấy lại được dùng theo phương thức đảo ngữ và lặp đi lặp lại trong mỗi dòng thơ, tạo thành một điệp khúc, có tác dụng diễn tả rất đạt những xôn xao, náo nức của tâm hồn nhà thơ. Bởi vì, đằng sau mỗi chữ “này đây” ấy đều là những hình ảnh đầy sinh khí của tình yêu và sự sống: này đây là tuần tháng mật, này đây là hoa của đồng nội xanh rì, này đây là lá của cành tơ phơ phất và này đây là khúc tình si… Người đọc như thấy được cả cái háo hức của chính tâm hồn nhà thơ, một nhà thơ ham sự sống nên luôn nhìn nó trong trạng thái sinh sôi, nảy nở và giàu sức sống nhất. Và với Xuân Diệu, cái đẹp nhất của thế giới này vẫn là những vẻ đẹp của con người: Và này đây ánh sáng chớp hàng mi. Mỗi sáng sớm thần Vui hằng gõ cửa;
  • 26. Tháng giêng ngon như một cặp môi gần; Ánh nắng mỗi buổi sớm mai chiếu rọi xuống thế gian được ví như ánh “chớp hàng mi” của người con gái đẹp; còn tháng giêng của mùa xuân được ví như “một cặp môi gần”! Cảm nhận thời gian và sự sống như thế nên Xuân Diệu thường có những ý tưởng thật táo bạo. Nhà thơ không muốn tuổi trẻ, tình yêu và những sắc hương đẹp đẽ trong cuộc đời cứ phải tàn phai theo năm tháng; thi sĩ muốn tắt nắng, buộc gió, muốn thời gian phải ngừng trôi: Tôi muôn tắt nắng đi Cho màu đừng nhạt mất, Tôi muốn buộc gió lại Cho hương đừng bay đi. (Vội vàng) Nhưng mà không được, bởi làm sao có thể cưỡng lại được quy luật của tự nhiên? Vậy thì, theo Xuân Diệu, chỉ còn một cách thôi là sóng cho thật mãnh liệt, sống cho thật đủ đầy ý nghĩa trong cái khoảnh khắc hữu hạn của một đời người: Sống toàn tâm, toàn trí, sống toàn hồn/ Sống toàn thân và thức nhọn giác quan với cuộc đời. Do vậy, với Xuân Diệu, thời gian sống đích thực của con người chỉ là thời hiện tại – một thời hiện tại với những hiện hữu của nó mà không cần biết đến quá khứ hay tương lai: Cần chi biết ngày mai hay bữa trước? Gần nhau đây, thì yêu mến là hơn (Mời yêu) Thời hiện tại trong thơ Xuân Diệu cũng đồng nghĩa với tình yêu và tuổi trẻ, thời còn khoe sắc đua hương: Và hãy yêu tôi một giờ cũng đủ, Một giây cũng cam, một phút cũng đành.
  • 27. (Mời yêu) Nhưng thời hiện tại cũng không vững bền, nó sẽ mau chóng qua đi rất nhanh, bởi cái ranh giới mong manh giữa hiện tại và quá khứ, liền ngay sau hiện tại đã là quá khứ mất rồi! Do đó, Xuân Diệu cho rằng, để níu giữ lấy cái đang tồn tại, đang hiện hữu; để khắc phục sự hữu hạn ngắn ngủi của kiếp người thì không chỉ sống hết mình với hiện tại là đủ mà còn cần phải mau lên, phải thật vội vàng: – Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối Còn hơn buôn le lói suốt trăm năm. (Giục giã) – Mau với chứ! Vội vàng lên với chứ! Em, em ơi! Tình non sắp già rồi… – Mau với chứ! Thời gian không đứng đợi. (Giục giã) Như vậy, vội vàng là một thái độ sống, một triết lí nhân sinh – thẩm mĩ mang đậm ý nghĩa nhân văn tích cực. Thái độ và triết lí sống đó đã được Xuân Diệu thể hiện một cách thật thiết tha trong rất nhiều những bài thơ sôi nổi, đầy nhiệt huyết của mình. Xuân Diệu đã hơn một lần tâm sự: Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân (Vội vàng). Bởi vì: Tôi sợ mất sự sống của tôi,/ Tôi không muốn nó rớt chảy trôi theo dòng ngày tháng (Lời đưa duyên) và Nếu tôi đứng, nếu máu tôi ngừng,/ Thời gian của tôi sẽ không còn nữa (Thương vay). Cho nên, mô típ giục giã, vội vàng, gấp gáp… xuất hiện nhiều lần và trở đi trở lại trong thơ Xuân Diệu trước Cách mạng như một nỗi niềm thiết tha khắc khoải, nhức nhối. Có nhà nghiên cứu nhận xét rằng, trung thơ Xuân Diệu, người ta thấy ông sử dụng rất nhiều liên từ, tận dụng triệt để thủ pháp liệt kê; có lẽ cũng là để có thể chuyển tải cho hết những nỗi niềm thiết tha sôi nổi, rạo rực trong tâm hồn mình đối với thời gian và sự sống. Phải chăng, đấy cũng là yếu tố tích cực nhất trong thơ Xuân Diệu trước Cách
  • 28. mạng, một nhà thơ luôn biết mình hữu hạn nên khao khát không thôi gắn bó với cuộc đời: Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm, Ta muốn ôm Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn; Ta muốn riết mây đưa và gió lượn, Ta muốn say cánh bướm với tình yêu, Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều; Và non nước. và cây, và cỏ rạng, Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng, Cho no nê thanh sắc của thời tươi; – Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi! (Vội vàng) 3. VẺ ĐẸP LỨA ĐÔI, HÌNH ẢNH NGƯỜI THIẾU NỮ VỚI HÌNH TƯỢNG THIÊN NHIÊN TRONG THƠ XUÂN DIỆU Xuân Diệu là một nhà thơ tình yêu, điều ấy thật đúng bởi ông sáng tác hơn năm trăm bài thơ tình. Đúng hơn, ông là nhà thơ của vẻ đẹp xuân tình và hình ảnh người thiếu nữ. Trong tập thơ đầu tay Thơ thơ (1938), người thanh niên mười tám tuổi đời ấy khai bút bằng những tuyên ngôn và đây là một trong những tuyên ngôn ấy: Còn gì khổ bằng yêu không dám nói Để tháng năm ôm mãi vết thương sầu Ta thi sĩ kiếp phong lưu lặn lội Thiếu ái tình, thiếu cả, có chi đâu
  • 29. Ta vẫn biết nước non đang nũng nịu Bảo ta nên ngoan ngoãn lựa lời thơ Ca cái đẹp của hương chiều êm dịu Của tràng giang lặng khuất bóng trăng mờ Nhưng mặc kệ, đời ta phụng sự Cả tài hoa lẫn cảnh trí thiên nhiên Chỉ biết rằng khi xa người thiếu nữ Ngòi bút ta mất hết vẻ thần tiên. Thơ trữ tình vốn bao giờ cũng chủ quan, nhà thơ cảm nhận và biểu hiện thế giới không phải như thế giới vốn có trong thực tại mà theo sự chiêm nghiệm và xúc động riêng của tâm hồn nhà thơ. Đến thơ lãng mạn, tính chất chủ quan ấy đã có một cái tôi cá nhân cụ thể, mãnh liệt và đầy cảm xúc, nằm ở trung tâm cảm nhận, làm nguyên tắc thế giới quan. Nhà nghiên cứu văn học Trần Đình Sử viết: “Chất lãng mạn nằm trong cách cảm nhận, biểu hiện thế giới và con người một cách đặc thù”. Trước đó, nhà nghiên cứu, phê bình văn học người Nga V. Gri–mum–xki cũng đã từng nói: “Nhà thơ lãng mạn muốn bày tỏ cho chúng ta trước hết là về chính họ, là phơi bày tâm hồn họ, cõi lòng họ. Họ thổ lộ cho ta những chiều sâu tâm hồn xúc cảm, sự đa dạng của cá tính. Họ reo lên vì vui, họ gào lên hay khóc lên vì đau đớn. Họ kể lể, họ bảo ban, họ vạch trần với khuynh hướng rõ rệt, buộc người nghe phục tùng cảm giác về đời sống của họ, làm cho người nghe thấy cái gì đang hiện ra trong trực giác trực tiếp của nhà thơ”. Chất lãng mạn của thơ Xuân Diệu trước hết bộc lộ ở cặp mắt xanh non háo hức, ở trái tim sôi nổi, rạo rực và thái độ cuống quýt trong sự gắn bó tha thiết với cuộc đời. Do đó, thi sĩ luôn cảm nhận và thể hiện sự sống ở trạng thái đắm say, xuân sắc và viên mãn nhất. Thiên nhiên trong thơ ông phải là một thế giới đương khoe sắc đua hương, một thế giới của muôn bướm với muôn hoa, lúc nào cũng đẫm nhạc,
  • 30. đẫm hương thơm, đầy ánh sáng và tình ái. Thi sĩ đã mĩ hoá thiên nhiên theo cách riêng của mình, bằng những xúc cảm chủ quan và lãng mạn. Không chỉ trong những bài thơ trực tiếp về tình yêu đôi lứa mà trong hầu hết những bài thơ thuộc nhiều đề tài khác của Xuân Diệu, hình tượng thiên nhiên vẫn luôn thể hiện những nét cố hữu của riêng tâm hồn ông: trẻ trung, tình tứ, mộng mơ và hết sức lãng mạn. Đó là một loại hình tượng thiên nhiên mang vẻ đẹp và sức sống của con người, đặc biệt là vẻ đẹp của những lứa đôi và hình ảnh người thiếu nữ. Bài Thơ duyên diễn tả những cảm nhận tinh tế của nhà thơ trước sự giao hoà tuyệt diệu của thiên nhiên, cảnh vật và con người trong một buổi chiều thu. Duyên trong bài thơ này không chỉ có ý nghĩa tình yêu lứa đôi gắn với quan hệ nam nữ mà còn là cái duyên của đất trời, cỏ cây, hoa lá, cái duyên của tạo vật và lòng người. Giữa buổi chiều thu trong sáng, dịu êm, người thanh niên mới lớn nghe dâng lên trong lòng mình những rung động tình yêu buổi ban đầu với một thiếu nữ không quen biết cũng đang đồng hành nhẹ bước trên đường. Mối lương duyên ấy tuy cũng mới chỉ từ một phía, chỉ là “tự lòng ta nghe ý bạn”, nên cũng còn rất mơ hồ, khó diễn tả; nhưng trong không khí giao hoà của mùa thu, dường như tất cả thiên nhiên tạo vật đâu đâu cũng “đều có duyên với nhau, cặp đôi với nhau, hiệp vần với nhau trong âm hưởng của nhạc (“Thu đến nơi nơi động tiếng huyền”), trong không khí của thơ, mộng (“Chiều mộng hoà thơ”) và trong tình thương yêu (…) để sáng tạo nên một bài thơ dịu treo lên giữa một buổi chiều thu”: Chiều mộng hoà thơ trên nhánh duyên, Cây me ríu rít cặp chim chuyền. Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá, Thu đến – nơi nơi động tiếng huyền… Cách cảm nhận đặc biệt ấy đã đem đến trong thơ Xuân Diệu một không gian nghệ thuật rất độc đáo. Không gian trong bài thơ Với bàn tay ấy đặc sắc không chỉ ở sự hoà phối tuyệt diệu giữa màu sắc, âm thanh, nhịp điệu và độ cao – thấp của vần điệu mà còn ở chỗ, mọi cảnh vật thiên nhiên, dù chỉ là những “cây, cỏ, hoa, lá, mây, trăng, làn rêu…”, nhưng tất cả đều đã được thi
  • 31. sĩ miêu tả giống như những lứa đôi đương dập dìu ân ái rất tình tứ, rất dịu dàng: – Một tối bầu trời đắm sắc mây, Cây tìm nghiêng xuống cánh hoa gầy, Hoa nghiêng xuống cỏ, trong khi cỏ Nghiêng xuống làn rêu, một tối đầy. Những lời huyền bí toả tên trăng, Những ý bao la rủ xuống trần, Những tiếng ân tình hoa bảo gió, Gió đào thỏ thẻ bảo hoa xuân. Cảm xúc của Xuân Diệu trước thiên nhiên từ điểm nhìn tình yêu đôi lứa không chỉ thể hiện cái chất men say đắm, nồng nàn, tha thiết mà còn hết sức tinh tế. Nhà thơ cảm nhận thiên nhiên, đất trời không phải chỉ bằng những giác quan thông thường vốn có mà còn bằng cả giác quan tâm linh của một hồn thơ yêu đời, luôn khát khao giao cảm mãnh liệt với sự sống. Xuân Diệu quan niệm đã là sự sống thì “chẳng bao giờ chán nản” (ông có bài thơ nhan đề: Sự sống chẳng bao giờ chán nản) và phải sống thật mãnh liệt, phải sống hết mình: Sống toàn tâm, toàn trí, sống toàn hồn – Sống toàn thân và thức nhọn giác quan với cuộc đời. Hoặc: Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối/ Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm. Ngôn ngữ thơ Xuân Diệu luôn có những sáng tạo đột biến rất mới mẻ, mạnh bạo bởi “cảm xúc mạnh mẽ, nồng nàn, luôn ở trạng thái cực điểm khiến thơ ông không chấp nhận những cách diễn đạt thông thường, những từ ngữ phẳng lặng”. Thơ Xuân Diệu đầy rẫy những cảm giác trực giác, những màu sắc, âm thanh, mùi vị… và đặc biệt nhất là hình ảnh: “Hình ảnh động tới con mắt, nhất là động tới nhận thức, tới trí tuệ; hình ảnh diễn đạt tình cảm và tư tưởng (…). Thơ nói bằng nhạc điệu và hình ảnh, mà tôi xin nhắc lại, theo ý tôi, hình ảnh là mãnh liệt nhất”. Với Xuân Diệu, hình
  • 32. ảnh ấy phải là hình ảnh của những lứa đôi, hình ảnh của những ái ân xuân tình, xuân sắc và nhất là hình ảnh của người thiếu nữ. Có thể nói rằng, qua con mắt, qua cái nhìn nghệ thuật của nhà thơ, thiên nhiên, cảnh vật và sự sống ở đâu cũng hoá ra bóng hình người con gái. Hãy xem cái cách nhà thơ vồ vập, cuống quýt tận hưởng mùa xuân của đất trời: Ta muốn ôm Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn; Ta muốn riết mây đưa và gió lượn, Ta muốn say cánh bướm với tình yêu. Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều Và non nước, và cây, và cỏ rạng Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng Cho no nê thanh sắc của thời tươi; – Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi! Thơ xưa thường lấy thiên nhiên để làm tiêu chuẩn miêu tả vẻ đẹp của con người: Phù dung như diện, liễu như mi (mặt như hoa phù dung, lông mày như lá liễu), hoặc: Mai cốt cách, tuyết tinh thần (cốt cách yểu điệu như mai, tinh thần trắng trong như tuyết) thì nay Xuân Diệu làm ngược lại, ông lấy vẻ đẹp của con người mà chủ yếu là vẻ đẹp của người thiếu nữ làm tiêu chuẩn để miêu tả vẻ đẹp của thiên nhiên. Để diễn tả được những biến thái tinh vi, mong manh, huyền diệu của thiên nhiên tạo vật lúc chuyển mùa khi mùa thu mới tới (Bài Đây mùa thu tới), Xuân Diệu tả liễu. Những cây liễu rủ bên hồ được tác giả cảm nhận giống như những nàng thiếu nữ thướt tha, yểu điệu, nghiêng mình buông những suối tóc dài. Trong gió thu lạnh đìu hiu, dáng liễu cũng giống như dáng người đứng chịu tang/ Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng… Một hình ảnh buồn nhưng cũng thật gợi cảm, phảng phất đâu đây bóng dáng quen thuộc của các nàng thiếu nữ đài các, đẹp và buồn một cách lãng mạn trong thơ mới dạo ấy nói chung và trong thơ Xuân Diệu nói riêng.
  • 33. Hai câu thơ thật ra chỉ nhằm gợi tả vẻ yểu điệu, thướt tha của liễu như một tín hiệu báo thu sang mà thôi. Nhiều khi, thiên nhiên còn được so sánh trực tiếp với vẻ đẹp của người thiếu nữ “bằng những hình ảnh rất bạo, đầy rẫy cảm giác và có tính sắc dục” (Nguyễn Đăng Mạnh). Mỗi hình tượng thiên nhiên thường được ví với một bộ phận trên cơ thể của người thiếu nữ, như một biểu tượng tuyệt đối về tiêu chuẩn thẩm mĩ và sức sống. Đây là vẻ đẹp của vầng trăng mà thi sĩ đã hết lời “Ca tụng”: Trăng vú mộng của muôn đời thi sĩ Giơ hai tay mơn trớn vẻ tròn đầy Trăng nguồn sương làm ướt cả gió hây Trăng võng rượu khiến đêm mờ chếnh choáng Làn gió đêm được tưởng tượng như trăm ngàn cánh tay mơn man: Gió canh khuya như nghìn cánh tay ôm/ Trăng mối lái phủ màng tơ mộng ảo, và ánh bình minh buổi sớm mai được ví với ánh chớp hàng mi của người con gái đẹp, còn tháng giêng thì được ví với một cặp môi gần. Và này đây ánh sáng chớp hàng mi Mỗi sáng sớm thần Vui hằng gõ cửa Tháng giêng ngon như một cặp môi gần… Cách so sánh thật bạo, rất Xuân Diệu nhưng cũng thật đúng. Đúng bởi tháng giêng là tháng đầu tiên trong năm, là tháng đẹp nhất của mùa xuân – mùa đẹp nhất, giàu sinh khí và sức sống nhất của các mùa trong năm – thì còn gì đáng so sánh hơn là một vẻ đẹp trần gian vô cùng trong trắng, tinh khôi và tràn đầy sức sống như một cặp môi gần! Xuân Diệu là một nhà thơ “mới nhất trong các nhà thơ mới” về nhiều phương diện. Với một thế giới nghệ thuật riêng, độc đáo, mới mẻ từ tư tưởng, hình ảnh đến ngôn từ, ông đã đem đến cho Thơ mới một nguồn sinh khí mới. Những tâm hồn còn trẻ vẫn sẽ mãi mãi yêu thích thơ ông. Và đó là một phần thưởng lớn mà bất kì người nghệ sĩ chân chính nào cũng hằng mơ ước.
  • 34. 4. CHỮ VÀ NGHĨA TRONG BÀI THƠ “ĐÂY MÙA THU TỚI” Đã có quá nhiều bài bình, phân tích, giảng văn về bài thơ Đây mùa thu tới của Xuân Diệu. Nhưng cho đến nay vẫn còn tồn tại không ít cách hiểu khác nhau. Một trong những nguyên nhân là do sự cảm nhận và lí giải về mặt ngữ nghĩa của tác phẩm. Dưới đây, chúng tôi xin nêu một hướng tiếp cận mới đối với một số từ ngữ, hình ảnh hiện vẫn còn là điểm gây tranh luận hoặc ít được chú ý đúng mức trong sự cảm nhận về bài thơ này. Những tín hiệu báo thu và tâm trạng con người lúc thu tới, thu sang Nhiều người cho rằng bài thơ mở đầu đã gợi một nỗi buồn sầu đến độ héo hắt bi thương. Ấn tượng đó trước hết được tạo bởi các chữ “buồn”, “đìu hiu”, “đứng chịu tang”, “lệ ngàn hàng” trong hai câu thơ đầu: Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng Song, nếu hiểu hai câu thơ này như vậy thì sẽ không thể tránh khỏi mâu thuẫn với tiếng reo đầy vui sướng của nhà thơ - chủ thể cảm xúc – trước toàn cảnh đất trời vào thu rực rỡ một sắc thu vàng như màu áo mơ phai của người thiếu nữ (sắc vàng của nắng và cả lá vàng nữa – lá vàng trong nắng thu vàng…) ở hai câu thơ tiếp liền sau đó: Đây mùa thu tới – mùa thu tới Với áo mơ phai dệt lá vàng. Đặt trong cấu tứ, bố cục chung của toàn bài thì khổ thơ mở đầu này có một vị trí khá đặc biệt. Cả bốn câu thơ tập trung gợi tả những dấu hiệu đất trời vào thu và tâm trạng con người lúc thu tới, thu sang. Cũng phải nói thêm rằng, thi nhân ấy là một con người còn rất trẻ cả về tuổi tác lẫn cảm xúc. Xuân Diệu sáng tác Đây mùa thu tới khi ông mới mười tám tuổi đời và hồn thơ Xuân Diệu lúc ấy đương ở vào độ non tơ rạo rực, sôi nổi và bồng bột
  • 35. nhất. Thi sĩ đã từng tự nói về những cảm xúc của mình hồi ấy: “Đây là lòng tôi đương thời sôi nổi, đây là hồn tôi đương lúc vang ngân, và đây là tuổi xuân của tôi, và đây là sự sống của tôi nữa”. Với một hồn thơ như thế nên khi bắt gặp những tín hiệu đầu tiên của mùa thu mới tới, thi sĩ đã mở hết lòng mình hồ hởi, vồ vập đón nhận tất cả những biến thái mong manh, huyền điệu, dù là nhỏ nhặt nhất của thiên nhiên, tạo vật lúc chuyển mùa. Câu thơ thứ ba với điệp ngữ “mùa thu tới” và dấu gạch nối như những tiếng reo vui không thể kìm nén, bất giác đã bật ra khi nhà thơ chợt nhận thấy những tín hiệu báo thu sang đầu tiên hiện ra trên hàng liễu rủ... Khác với thơ ca trung đại phương Đông thường dùng những hình ảnh ước lệ: sen tàn, cúc nở hoa, lá ngô đồng rụng… để làm biểu tượng cho sự chuyển mùa lúc thu sang, ở bài thơ này, Xuân Diệu tả liễu. Những cây liễu bên hồ cành lá mềm mại vào lúc thu tới, thu sang, êm đềm rủ xuống và được thi sĩ lãng mạn cảm nhận giống như các nàng thiếu nữ thướt tha, yểu điệu, nghiêng mình buông những suối tóc dài. Trong gió thu lạnh đìu hiu, dáng liễu cũng giống như dáng người đứng chịu tang, Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng (Hai câu thơ đầu sử dụng phép ẩn dụ dựa trên quan hệ liên tưởng tương đồng nhưng đã lược bỏ từ so sánh và đối tượng so sánh, theo kiểu so sánh ngầm, do vậy có thể đọc một cách “văn xuôi” thành: “rặng liễu đìu hiu” như các nàng thiếu nữ “đứng chịu tang” và “tóc buồn buông xuống” như thể “ngàn hàng” lệ rơi không dứt). Một hình ảnh buồn nhưng cũng thật gợi cảm, phảng phất đâu đây bóng dáng quen thuộc của các nàng thiếu nữ đài các, đẹp và buồn một cách lãng mạn trong Thơ mới dạo ấy nói chung và trong thơ Xuân Diệu nói riêng. Đó là cách nhìn, cách cảm của cả một trào lưu thơ, một thế hệ các nhà thơ mới nên không thể nói những hình ảnh đó thể hiện một nỗi buồn tang tóc, bi luỵ. Hai câu thơ thật ra chỉ nhằm gợi tả vẻ yểu điệu, thướt tha của liễu như một tín hiệu báo thu sang mà thôi. Khi cái hối hả của mùa hạ nóng nực đi qua, dấu hiệu báo thu sang thường là sự ngưng lại, vẻ chậm chạp “chùng chình” rất riêng của thời tiết: Bỗng nhận ra hương ổi
  • 36. Phả vào trong gió se Sương chùng chình qua ngõ Hình như thu đã về sông được lúc dềnh dàng Nắng bắt đầu vội vã Có đám mây mùa hạ Vắt nửa mình sang thu… (Hữu Thỉnh, Sang thu) Với Xuân Diệu, những cành liễu mềm mại, êm đềm rủ xuống ấy chính là một dấu hiệu thời tiết, một tín hiệu báo thu sang đầu tiên mà thi sĩ bất chợt nhận thấy một cách thật ngạc nhiên, thích thú. Thi sĩ bất giác reo lên: Đây mùa thu tới – mùa thu tới… và đằng sau những tiếng reo hồ hởi của chủ thể cảm xúc, người đọc có thể hình dung ra ánh mắt trẻ trung ngơ ngác của nhà thơ đang sững sờ trước sự thay đổi và trước vẻ đẹp đến bất ngờ của thiên nhiên, cảnh vật lúc chớm vào thu. Bốn câu thơ tả những dấu hiệu mùa thu tới và tâm trạng con người lúc thu tới, thu sang thật gợi cảm, tươi sáng; tuy có buồn nhưng không hề ảm đạm, héo hắt; buồn mà vẫn đẹp. Đẹp bởi sự cảm nhận rất tinh tế và mới mẻ những chuyển vận của thiên nhiên cùng bước đi của thời gian; đẹp bởi màu sắc, đường nét tươi sáng, bởi vẻ yểu điệu, thướt tha trẻ trung, lãng mạn rất phù hợp với mùa thu mới chớm. Ấn tượng và cảm giác đó trong bốn câu thơ mở đầu này đã chi phối không khí và cảm xúc chung của cả bài thơ. Toàn cảnh “mùa thu tới” Ba khổ thơ tiếp theo miêu tả toàn cảnh thiên nhiên, đất trời và con người mùa thu. Cảm xúc tinh tế nồng nàn của hồn thơ Xuân Diệu có lẽ được thể hiện rõ nhất qua cách sử dụng ngôn ngữ độc đáo ở đoạn thơ này. Ở đây, chúng tôi chỉ nhấn mạnh đến những từ ngữ có tính chất đồng hướng lập luận, tức là những từ ngữ thực hiện chức năng liên kết về nội dung của văn bản tác
  • 37. phẩm. Tuy nhiên, do hầu hết những đơn vị thuộc loại này vốn không phải các biện pháp tu từ ngữ nghĩa nên xưa nay, chúng thường dễ bị các thầy, cô giáo và các em học sinh bỏ qua khi cảm thụ, phân tích tác phẩm. Trước hết là tựa đề Đây mùa thu tới, một cái tựa đề đã cho thấy rõ, mùa thu trong bài thơ này là lúc thu tới, thu sang, mùa thu ở cái thời khắc chuyển giao từ mùa hạ nóng nực, hối hả sang tiết thu se lạnh… Chắc hẳn khi đặt cái tựa đề này, Xuân Diệu đã có ý thức cụ thể hoá đề tài, tạo ra một tiêu điểm cảm xúc nhằm liên kết, quy tụ các từ ngữ, hình ảnh trong toàn bộ bài thơ về một chủ đề chung. Sau bốn câu thơ đầu gợi tả tín hiệu báo thu và tâm trạng con người lúc thu tới, thu sang, đây là những đặc tả cận cảnh ở một vườn thu: Hơn một loài hoa đã rụng cành Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh Những luồng run rẩy rung rinh lá Đôi nhánh khô gầy, xương mỏng manh. Cảnh sắc đặc trưng của thiên nhiên mùa thu là lá rụng, hoa tàn… Nhưng vì thu mới tới nên sự úa vàng, tàn rụng ấy cũng chưa nhiều. Trong vườn thu, Hơn một loài hoa đã rụng cành. “Hơn một” thì cũng có nghĩa là chưa nhiều lắm, mới chỉ vài ba loài hoa chớm lụi tàn. Không rõ cách nói: hơn một lần, hơn một loài v.v… có từ bao giờ trong lời nói Việt, nhưng từ Đây mùa thu tới, người ta vẫn nghĩ đấy là một trong những lối dùng chữ, đặt câu quá Tây của Xuân Diệu. Rồi cũng trong Vườn thu, “sắc đỏ rũa màu xanh”. Có người cho rằng, chữ “rũa” trong câu thơ này đúng ra phải đọc là “rủa” (sắc đỏ rủa màu xanh): sắc đỏ càu nhàu với màu xanh, do dịch từ nghĩa đen của chữ jurler tiếng Pháp mà nghĩa bóng là không hợp, là đối ngược. Liệu có đúng Xuân Diệu “Tây” quá đến mức phải mượn cả một từ tiếng Pháp khiên cưỡng, xa lạ với ngữ cảnh như vậy chăng? Dẫu có hư thực thế nào thì cho đến hôm nay, tức là đã sau hơn nửa thế kỉ kể từ hồi Xuân Diệu xuất hiện trên thi đàn Thơ mới, người đọc thơ cũng chỉ còn thấy “sắc đỏ rũa màu xanh” là một câu
  • 38. thơ rất phù hợp với mùa thu mới chớm: trong vườn sắc đỏ úa của những chiếc lá vàng ngày càng nhiều, nó lấn dần màu xanh, khiến cho màu xanh như thể bị “rũa” dần, bị mòn dần đi từng tí một. Còn Những luồng run rẩy rung rinh lá là một câu thơ chứa đựng nhiều biện pháp tu từ, vừa lặp phụ âm r, vừa dùng đảo ngữ, vừa trộn lẫn cảm giác do cách kết hợp trực tiếp loại từ luồng với đảo ngữ run rẩy rung rinh lá khiến cho người đọc thơ như có thể cảm giác được cả cái run rẩy rùng mình vì ớn lạnh của chính tâm hồn nhà thơ. Câu thơ cũng khiến cho hình ảnh của những nhành cây “khô gầy xương mỏng manh” bỗng sinh động, cựa quậy, có cảm giác hơn. Và “đôi nhánh” cũng có nghĩa là không nhiều lắm, mới chỉ có vài ba nhánh cây bị rụng lá, trơ trọi như những chiếc xương khô gầy, mỏng mảnh đương run rẩy trong làn gió heo may se lạnh tiết đầu thu… Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ Non xa khởi sự nhạt sương mờ Đã nghe rét mướt luồn trong gió Đã vắng người sang những chuyến đò Mây vẩn từng không, chim bay đi Khí trời u uất hận chia li Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì? Những câu thơ gợi tả không gian, đất trời và con người lúc mùa thu mới chớm trong hai khổ thơ này vẫn thể hiện rất rõ lối quan sát kĩ càng và sự cảm nhận hết sức tinh tế, nhạy cảm của hồn thơ Xuân Diệu. Cả thời gian lẫn không gian, cảnh vật đầu thu như vẫn còn đang trong giai đoạn chuyển vận, đang trong thế lưỡng phân của thời tiết lúc giao mùa chứ chưa thật rành mạch, rõ nét: vào những buổi tối vắng vẻ, lạnh lẽo độ thu sang, vầng trăng (dĩ nhiên, trăng qua cách cảm xúc của Xuân Diệu cũng phải là “nàng trăng” - một
  • 39. thiếu nữ trăng) dường như cũng cảm thấy trống trải, lạnh vắng, cô đơn hơn nên “tự ngẩn ngơ”. Ấy là trăng lạnh: Trăng lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời (Nguyệt cầm), là trăng suông: Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá (Lời kĩ nữ), nhưng cũng chỉ “thỉnh thoảng” mới có những buổi tối có trăng lạnh, trăng suông như vậy. Sương thu làm mờ, làm nhạt bóng hình dãy núi xa xa phía đường chân trời, nhưng cũng mới chỉ ở trạng thái bắt đầu, khởi sự chứ chưa phải đã thường xuyên. Mây xám vẩn lên màu chia li u uất, bởi đấy cũng là lúc những con chim di cư bắt đầu bay đi tránh rét. Những chuyến đò “đã vắng” khách: đã vắng cũng tức là khách chỉ mới bắt đầu thưa vắng thôi chứ chưa phải đã vắng lâu, vắng hẳn. Đặc biệt, cái “rét mướt” đầu thu đã được thi sĩ lãng mạn diễn tả bằng một câu thơ rất mới mẻ, đầy ấn tượng: Đã nghe rét mướt luồn trong gió “Đã nghe” (cũng như “đã vắng” trong câu trên) nghĩa là sự vật đã xuất hiện nhưng còn ở trạng thái mới bắt đầu. Xuân Diệu rất có tài tả rét, trong Nguyệt cầm, Lời kĩ nữ… và cả trong Đây mùa thu tới. Đúng hơn, thi sĩ có tài cảm nhận cái rét mướt, lạnh lẽo theo điệu tâm hồn riêng của mình. Nhờ sự chuyển đổi, tương giao của các hệ cảm giác, cái rét đầu thu không chỉ được cảm nhận bằng xúc giác thông thường mà bằng cả thính giác (nghe) và thị giác (luồn), nói chung bằng tất cả các giác quan tinh nhạy đã căng sẵn và luôn “thức nhọn” của tâm hồn nhà thơ. Chữ “luồn” và “nghe” còn khiến cho cái rét được cụ thể hoá thành tiếng, thành hình, thành ảnh, diễn tả một cách tinh tế nét đặc trưng của cái rét đầu thu, mà trong dân gian vẫn thường gọi là “rét trộm” (ngắn ngủi, bất ngờ, thoáng đến, thoáng đi như thể lén lút, vụng trộm, chứ không liên tục, kéo dài như cái rét của mùa đông), đang ẩn thân vào cảnh vật và lòng người gợi nỗi cô đơn. Bài thơ kết thúc bằng hình ảnh thiếu nữ mùa thu, một hình ảnh chứa đựng rất nhiều tâm trạng, bộc lộ cái nét lãng mạn dịu dàng, tinh tế rất đặc trưng của điệu hồn Xuân Diệu: Không gian như có dây tơ/ Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu/ Êm êm chiều ngẩn ngơ chiều/ Lòng không sao cả hiu hiu khẽ buồn (Chiều – 1938). Hình ảnh “ít nhiều thiếu nữ
  • 40. buồn không nói” và mơ màng “tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì” cũng gợi biết bao liên tưởng lãng mạn, dịu êm cho người đọc trước mỗi độ thu về… Là một nhà thơ “mới nhất trong các nhà thơ mới”, và nhất là ở phương diện ngôn từ, Xuân Diệu đã khiến cả một mùa thu tới xôn xao hiện về trước mắt người đọc, gợi mở biết bao rung động theo những cảm nhận tinh tế, nhỏ nhặt mà rất sâu xa. Bằng việc huy động những giá trị lập luận tiềm tàng trong mỗi từ ngữ giản dị, bình thường, Xuân Diệu đã đem đến những sáng tạo thật mới lạ, góp phần đổi mới ngôn ngữ, cách diễn đạt và những nếp tư duy quen thuộc, cố hữu tự bao đời. Điều đáng lưu ý là, đôi khi dẫu có khoác lên mình bộ “y phục tối tân” (Hoài Thanh), với những cách “dùng chữ, đặt câu quá Tây” thì ở Xuân Diệu, điều căn bản, cốt lõi nhất vẫn chính là cảm xúc, cảm xúc tinh tế, nồng nàn, luôn trong trạng thái cực điểm đã khiến thơ ông không chấp nhận những cách diễn đạt thông thường, những từ ngữ phẳng lặng. Xuân Diệu đã tìm đến cách diễn đạt của ngôn ngữ khác, của thơ tượng trưng Pháp và đổi mới chính ngôn ngữ, lối nói sẵn có của tiếng Việt. Nhiều cách đặt câu, dùng từ của ông nay đã trở thành quen thuộc và phổ biến với mọi người, nhưng hồi Xuân Diệu mới xuất hiện, đấy là một cuộc cách tân mạnh dạn. Hãy nghe nhận xét khá thú vị của một người cùng thời với ông cách đây hơn nửa thế kỉ: “Ngay lời văn của Xuân Diệu cũng có vẻ chơi vơi. Xuân Diệu viết văn tựa trẻ con học nói hay như người ngoại quốc mới võ vẽ biết tiếng Nam. Câu văn tuồng bỡ ngỡ. Nhưng cái bỡ ngỡ ấy chính là chỗ Xuân Diệu hơn người. Dòng tư tưởng sôi nổi không thể đi theo những đường có sẵn. Ý văn xô đẩy khiến khuôn khổ câu văn phải lung lay”. 5. TỪ Ý NGHĨA CỦA “NHÁNH DUYÊN”… ĐẾN SỰ CẢM NHẬN BÀI “THƠ DUYÊN” Nét đặc sắc làm nên vẻ đẹp độc đáo của Thơ duyên (in trong tập Thơ thơ – 1938) của Xuân Diệu là những xúc cảm tinh tế, lãng mạn của một tâm hồn thơ. Không phải ngẫu nhiên mà trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh cho rằng Thơ duyên cùng với Đây mùa thu tới và Nguyệt cầm mới là những bài
  • 41. thơ “đích thực là Xuân Diệu”, bởi ở đây, “sự bồng bột của Xuân Diệu có lẽ đã phát biểu ra một cách đầy đủ hơn cả trong những rung động tinh vi”. Bài thơ cũng là một trong ba tác phẩm của Xuân Diệu được chọn giảng trong chương trình Ngữ văn bậc Trung học phổ thông (gồm Vội vàng, Đây mùa thu tới và Thơ duyên) nên đã khá quen thuộc với nhiều người, nhất là các em học sinh và các thầy cô giáo. Tuy vậy, về cách diễn đạt và ý nghĩa của một số từ ngữ trong bài thơ thì cho đến nay, ít nhất là trong phạm vi nhà trường, hình như vẫn là một bức tình thư còn kín, gây nên không ít cách hiểu khác nhau, ảnh hưởng không nhỏ tới sự cảm thụ, phân tích tác phẩm. Chúng tôi xin đề cập đến cách hiểu một số từ ngữ để làm điểm xuất phát cho một hướng cảm thụ, khám phá, phân tích toàn bộ ý nghĩa tư tưởng và cảm xúc thẩm mĩ của bài thơ. Từ ý nghĩa của “nhánh duyên”… Khi học bài thơ này, nhiều em học sinh cảm thấy rất băn khoăn khó hiểu về mấy chữ “chiều mộng hoà thơ” và “nhánh duyên” trong khổ thơ mở đầu: Chiều mộng hoà thơ trên nhánh duyên, Cây me ríu rít cặp chim chuyền. Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá, Thu đến – nơi nơi động tiếng huyền. Thực ra, để hiểu cụm từ “chiều mộng hoà thơ” thì trước hết phải hiểu đúng ý nghĩa của hình ảnh “nhánh duyên”, bởi vì, câu thơ đầu tiên có thể diễn đạt bằng văn xuôi: cái thơ mộng của buổi chiều thu là ở trên nhánh duyên… Theo các tác giả của cuốn sách 125 bài văn dành cho học sinh lớp 11 và 12 luyện thi tú tài cao đẳng – đại học (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 1998) thì “nhánh duyên” là cách diễn tả về những “cành cây có duyên”. Và cái duyên ấy chính là dáng vẻ mềm mại của nhành cây đung đưa trước gió: “Một buổi chiều mộng mơ, bầu trời trong xanh và như có gió nhẹ nhàng đung đưa, những cành cây mềm mại có vẻ yếu ớt nhưng rất có duyên”. Theo hướng dẫn
  • 42. của Đáp án đề thi tuyển sinh vào Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, năm 2000 – 2001 (Câu 2b) thì “duyên” lại được hiểu là duyên dáng, nên “nhánh duyên” nghĩa là nhành cây duyên dáng: “Cái thơ mộng của chiều thu hoà nhập với cái duyên dáng của nhánh cây (chữ duyên trong câu thơ đầu nên hiểu là nét duyên dáng – Chú thích trong ngoặc đơn là của Đáp án)”. Còn trong Đáp án đề thi tuyển sinh vào Cao đẳng Sư phạm Hoà Bình năm 2000 _ 2001 (Câu 1b) thì giải thích duyên là sự giao hoà. Tuy nhiên cũng không rõ nhánh duyên nghĩa là gì mà buổi chiều lại có thể giao hoà với nó được (!?): “Duyên có nghĩa là sự giao hoà của vũ trụ, của thiên nhiên, của con người với đất trời, cây cỏ, với những người khác. Trong cảm nhận của tác giả, (…) cả đất trời, cảnh và con người đâu đâu cũng có duyên với nhau. Buổi chiều thì giao hoà với nhánh duyên. Trên cành cây me thì cặp chim ríu rít chuyền từ cành này qua cành khác. Bầu trời xanh như ngọc thì như sà xuống, đổ xuống giao hoà với cành cây, kẽ lá” v.v… Vậy nên hiểu nghĩa của nhánh duyên như thế nào? Chúng tôi cho rằng, để hiểu đúng về hình ảnh này trước hết cần phải đặt nó trong mạch cảm xúc, suy tưởng chung của nhà thơ và trong toàn bộ thế giới hình tượng độc đáo của tác phẩm, một thế giới được Xuân Diệu miêu tả và biểu hiện theo một lối riêng, rất thi vị và đầy lãng mạn. Nhìn bao quát, toàn cảnh thiên nhiên ở khổ thơ đầu tiên này là một bức tranh thu tuyệt đẹp, rất tươi sáng và đậm màu sắc duyên tình thơ mộng, khác hẳn với những buổi chiều buồn tàn tạ thường thấy trong Thơ mới dạo ấy: Chiều mộng hoà thơ trên nhánh duyên Cây me ríu rít cặp chim chuyền Như vậy, “chiều mộng hoà thơ” có thể hiểu là buổi chiều thu thơ mộng và vẻ thơ mộng ấy được gợi ra nhờ một hình tượng thơ đặc sắc: trên cành cây me có đôi chim chuyền cành ríu rít - đấy chính là hình ảnh về một mối lương duyên tốt đẹp, một lứa đôi ríu rít tươi vui, tràn đầy sức sống. Và hình ảnh đó đã trở thành hình ảnh trung tâm của bức tranh thu, khiến cho cành cây me trở thành nhánh duyên – nhánh cây của tình duyên đôi lứa, còn buổi chiều