SlideShare a Scribd company logo
1 of 120
i
ĐẠI HỌC HUẾ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
NGUYỄN THỊ THỂ
THƯƠNG NGHIỆP VÙNG THUẬN QUẢNG
THỜI CHÚA NGUYỄN (1558 - 1774)
Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam
Mã số: 60 22 03 13
LUẬN VĂN THẠC SĨ SỬ HỌC
Người hướng dẫn khoa học
PGS.TS. Đỗ Bang
Huế, 2016
ii
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu và kết
quả nghiên cứu nêu trong Luận văn là trung thực, chưa từng được công bố trong bất
kỳ một công trình nào khác. Những tài liệu tham khảo phục vụ cho Luận văn có
nguồn gốc rõ ràng. Nếu có gì sai sót tôi xin chịu trách nhiệm.
Tác giả
Nguyễn Thị Thể
iii
LỜI CẢM ƠN
Luận văn tốt nghiệp được hoàn thành tại Đại học Huế. Để hoàn thành được
công trình luận văn lịch sử này, ngoài sự cố gắng, nổ lực của bản thân, cho phép
tác giả xin được bày tỏ lòng biết ơn chân thành, sâu sắc đến: Ban giám hiệu, Phòng
đào tạo sau đại học trường Đại học Sư phạm Huế (ĐHSP); Phòng tư liệu khoa Lịch
sử trường ĐHSP Huế, Thư viện trường ĐHSP Huế, Phòng tư liệu khoa Lịch sử
trường ĐHKH Huế, Trung tâm học liệu Đại học Huế, Thư viện tỉnh Thừa Thiên
Huế; Qúy thầy cô trong tổ Lịch sử Việt Nam, khoa Lịch sử trường ĐHSP Huế đã
tạo điều kiện thuận lợi cho tôi trong quá trình học tập, nghiên cứu và thực hiện đề
tài luận văn này.
Đặc biệt, xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến thầy giáo – PGS.TS Đỗ Bang,
khoa Lịch sử trường ĐHKH Huế - đã trực tiếp hướng dẫn, dìu dắt, giúp đỡ tôi
trong suốt quá trình triển khai, nghiên cứu và hoàn thành đề tài.
Cuối cùng, tôi xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ, chia sẻ, ủng hộ, quan tâm
và động viên của gia đình, thầy cô, bạn bè đã dành cho tôi trong suốt khóa học vừa
qua và đồng thời cũng mong nhận được sự đóng góp, của quý Thầy Cô, các nhà
khoa học, đọc giả và các bạn học viên cho đề tài này.
T.T.Huế, tháng năm 2016
Tác giả
Nguyễn Thị Thể
1
MỤC LỤC
LỜI CAM ĐOAN ..................................................................................................... ii
LỜI CẢM ƠN.......................................................................................................... iii
MỤC LỤC..................................................................................................................1
DANH MỤC CÁC KÝ HIỆU, CHỮ VIẾT TẮT ...................................................3
MỞ ĐẦU ....................................................................................................................4
1. Lý do chọn đề tài ...................................................................................................4
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề....................................................................................5
2.1. Giai đoạn trước năm 1975 .........................................................................6
2.2. Giai đoạn sau năm 1975 .............................................................................6
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu........................................................................8
3.1. Đối tượng nghiên cứu ................................................................................8
3.2. Phạm vi nghiên cứu ....................................................................................8
4. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu........................................................................9
4.1. Mục tiêu nghiên cứu ...................................................................................9
4.2. Nhiệm vụ nghiên cứu..................................................................................9
5. Nguồn tài liệu và phương pháp nghiên cứu........................................................9
5.1. Nguồn tài liệu ..............................................................................................9
5.2. Phương pháp nghiên cứu .........................................................................10
6. Đóng góp của luận văn........................................................................................10
7. Bố cục của luận văn.............................................................................................11
Chương 1: VÀI NÉT VỀ VÙNG ĐẤT VÀ CON NGƯỜI THUẬN QUẢNG
DƯỚI THỜI CHÚA NGUYỄN .............................................................................12
1.1. Điều kiện tự nhiên ............................................................................................12
1.2. Tài nguyên thiên nhiên ....................................................................................15
2
1.3. Tình hình chính trị - xã hội .............................................................................18
1.4. Chính sách của chúa Nguyễn đối với việc phát triển kinh tế thương nghiệp
...................................................................................................................................24
CHƯƠNG 2: TÌNH HÌNH THƯƠNG NGHIỆP THUẬN - QUẢNG TỪ NĂM
1558 - 1774 ...............................................................................................................31
2.1. Tình hình nội thương.......................................................................................31
2.1.1. Hệ thống các chợ làng............................................................................31
2.1.2. Thành phần tham gia buôn bán. ..........................................................34
2.1.3. Hình thức và các mặt hàng trao đổi.....................................................35
2.1.4. Giao thương kinh tế giữa các vùng ......................................................45
2.2. Tình hình ngoại thuơng ...................................................................................48
2.2.1. Thành phần thương nhân nước ngoài .................................................48
2.2.2. Hoạt động buôn bán ở các thương cảng..............................................57
2.2.3. Các loại hàng hóa buôn bán..................................................................62
2.2.4. Các phương thức mua bán....................................................................66
CHƯƠNG 3: ĐẶC ĐIỂM, VAI TRÒ VÀ TÁC ĐỘNG CỦA THƯƠNG NGHIỆP
VÙNG THUẬN QUẢNG THỜI CHÚA NGUYỄN.................................................69
3.1. Đặc điểm của thương nghiệp Thuận Quảng 1558 - 1774 .............................69
3.2. Vai trò - tác động của thương nghiệp Thuận Quảng...................................81
3.2.1. Đối với Chính trị - Quân sự ..................................................................82
3.3.2. Đối với kinh tế - xã hội ..........................................................................83
3.2.3. Đối với giao lưu văn hóa........................................................................85
KẾT LUẬN..............................................................................................................88
TÀI LIỆU THAM KHẢO ......................................................................................90
PHỤ LỤC................................................................................................................ P0
3
DANH MỤC CÁC KÝ HIỆU, CHỮ VIẾT TẮT
ĐHKH : Đại học Khoa học
ĐHSP : Đại học Sư phạm
NCLS : Nghiên cứu lịch sử
NXB : Nhà xuất bản
P.1 : Phụ lục số 1
[23] : Xem ở tài liệu tham khảo số 23
[23, tr. 90] : Dẫn theo tài liệu tham khảo số 23, trang số 90.
4
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Lịch sử dân tộc Việt Nam gắn liền với quá trình Nam tiến, mở rộng lãnh thổ,
tầm ảnh hưởng văn hóa về phương Nam. Thuận - Quảng là vùng đất đứng chân chiến
lược của chúa - vua Nguyễn, là trung tâm kinh tế của Đàng Trong vốn thuộc chủ
quyền của Đại Việt từ các thế kỷ trước. Qúa trình Nam tiến đã thực sự tạo nên những
ảnh hưởng lớn lao đối với lịch sử dân tộc mà kết quả trực tiếp của nó là tạo nên một
vùng đất mới rộng lớn ở phía Nam, trong đó có vùng Thuận - Quảng trù phú.
Năm 1613, trước khi qua đời, Nguyễn Hoàng căn dặn với Nguyễn Phúc
Nguyên và Triều thần: “ Đất Thuận Quảng phía Bắc có Hoành Sơn và Linh Giang
hiểm trở, phía Nam có núi Hải Vân và núi Đá bia vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển
có cá muối. Thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh
để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời. Ví bằng thế lực
không địch được thì cố giữ vững đất đai để chờ cơ hội, chứ đừng bỏ qua lời dạy của
ta”[82, tr.44]
Chúa Nguyễn rất quan tâm đến đời sống cũng như vấn đề phát triển kinh tế,
hoạt động thương mại. Thực hiện chính sách trọng thương, triệt để khai thác nguồn
lực của đất nước, chúa Nguyễn đã đặt vương quốc của mình trên nền tảng kinh tế
ngoại thương, phát triển Đàng Trong trở thành một thể chế biển (Maritime polity),
phát huy truyền thống khai thác, phát triển giao thương và giao lưu văn hóa trên
biển. Sự hưng thịnh của hoạt động kinh tế ngoại thương, sự xuất hiện tấp nập của
những đoàn thuyền buôn ngoại quốc đã mang lại cho vương quốc của chúa Nguyễn
một mô hình phát triển hoàn toàn khác so với vùng đất Đàng Ngoài của họ Trịnh.
Đàng Trong nói chung và vùng Thuận Quảng nói riêng, hoạt động thương
mại đó là sự tích hợp của yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Đến thế kỷ XVIII, kinh tế
vùng Thuận - Quảng đã có những bước khởi sắc mới: các chợ làng, chợ huyện, chợ
phủ…mọc lên khắp nơi, bên cạnh đó việc giao lưu buôn bán với nước ngoài trở
thành một nhu cầu lớn. Các thương cảng ra đời như Hội An, Thanh Hà, Nước Mặn
vào thế kỷ XVII-XVIII. Các thương cảng này đều nằm trên đất Thuận Quảng
(tương đương với vùng đất hiện thuộc các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng
5
Nam - Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên). Chính sự phát triển kinh tế
đó đã tạo cơ sở cho chúa Nguyễn mở mang lãnh thổ Đàng Trong, chống Trịnh
thành công và tạo nên một diện mạo mới cho miền Trung Việt Nam.
Tìm hiểu thương nghiệp vùng Thuận Quảng từ 1558 - 1774 là nghiên cứu về
một loại hình kinh tế - xã hội - văn hóa dưới thời các Chúa Nguyễn có quan hệ đến
sản xuất hàng hóa, thương nghiệp, phát triển đô thị trong mối quan hệ giao lưu kinh
tế và văn hóa với các nước bên ngoài. Vì vậy, việc nghiên cứu về kinh tế thương
nghiệp ở vùng Thuận - Quảng có ý nghĩa khoa học và thực tiễn sâu sắc.
Về ý nghĩa khoa học, đề tài góp phần làm rõ những biến chuyển trong nền
kinh tế ở vùng Thuận - Quảng. Sự phát triển của nông nghiệp và thủ công nghiệp
cùng với nhu cầu cuộc sống đang lên khiến cho chợ búa mọc lên khắp nơi. Đồng
thời, nhu cầu giao lưu buôn bán với các thương nhân nước ngoài ngày càng lớn. Đó
chính là cơ sở cho sự ra đời nền kinh tế thương nghiệp phát triển và dẫn đến sự xuất
hiện của mầm mống kinh tế tư bản chủ nghĩa.
Về ý nghĩa thực tiễn, ở một mức độ nhất định đề tài góp phần rút ra được một
số bài học, kinh nghiệm để thực hiện có hiệu quả các biện pháp, chính sách về kinh tế
trong công cuộc đổi mới hiện nay. Một số nội dung của luận văn có thể sử dụng làm
tài liệu tham khảo, giảng dạy lịch sử về việc tổ chức các hoạt động kinh tế, và bổ
sung vào nguồn tư liệu cho phần lịch sử dân tộc thời trung đại. Qua đó, chúng ta thấy
sự cần thiết phải tìm hiểu và nghiên cứu hoạt động kinh tế thương nghiệp.
Với tất cả ý nghĩa đó, tôi chọn đề tài “Thương nghiệp vùng Thuận Quảng
thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)” để làm luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Lịch sử
Việt Nam của mình.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Thương nghiệp là một bộ phận của nền kinh tế và là một lĩnh vực đặc biệt
quan trọng trong sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, do đó cũng đã có nhiều tác
giả trong và ngoài nước nghiên cứu về vấn đề này. Các nhà nghiên cứu với những
đề tài khác nhau, phạm vi nghiên cứu rộng hẹp khác nhau, cũng đã đề cập đến vấn
đề thương nghiệp vùng Thuận Quảng thế kỉ XVI-XVIII trong công trình của mình,
nhưng mức độ sâu rộng cũng khác nhau.
6
2.1. Giai đoạn trước năm 1975
- Lê Quý Đôn với Phủ biên tạp lục, bản dịch xuất bản năm 1976. Sách gồm 6
tập nói về những vấn đề liên quan đến sứ Thuận Hóa và Quảng Nam như: sự khai
thiết khôi phục hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam, về hình thế núi sông, thành lũy,
đường sá, bến đò…cũng như các tình tiết về kinh tế xã hội, về các chính sách của
nhà nước, về sản vật, thuế khóa, về phương thức trao đổi mua bán…
- Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn. Sách chia làm 2 phần:
Tiền biên và chính biên. Trong đó, phần Tiền biên ghi chép về sự nghiệp của chín
chúa Nguyễn, bắt đầu từ khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa (1558) đến hết
thời chúa Nguyễn Phúc Thuần (1777). Vào năm 1962, Viện Sử học bắt đầu cho
công bố bản dịch bộ Đại Nam thực lục tập 1 phần Tiền biên, đến năm 1978 thì in
tập XXXVIII, hoàn thành công việc xuất bản trọn bộ Đại nam thực lục.
- Việt sử xứ Đàng Trong, của tác giả Phan Khoang, xuất bản lần đầu tiên năm
1969. Đây được xem là công trình nghiên cứu toàn diện đầu tiên về xứ Đàng Trong,
đã vạch ra con đường chinh phục về phía Nam của các chúa Nguyễn, trong đó ở
chương III và chương IV đề cập đến khu vực hành chính, thuế điền, thuế đò, thuế
vàng bạc, muối sắt, thuế đầu nguồn, về phép đo lường, tiền tệ, về kinh tế canh nông
thương mãi, tiểu công nghệ của người dân xứ Đàng Trong, mối quan hệ ngoại giao
buôn bán với các nước trong khu vực.
2.2. Giai đoạn sau năm 1975
2.2.1. Các cuốn sách, luận văn liên quan tới đề tài
Giai đoạn này đã có nhiều tác giả quan tâm, tìm hiểu và nghiên cứu về hoạt
động kinh tế thương nghiệp.
- Năm 1996, tác giả Đỗ Bang với cuốn Phố cảng vùng Thuận Quảng thế kỷ
XVII-XVIII, là tác phẩm nghiên cứu về một loại hình kinh tế - xã hội - văn hóa dưới
thời các chúa Nguyễn. Trong đó đề cập đến sự phát triển thương mại dẫn đến việc
hình thành các phố cảng, các trung tâm thương mại như Hội An, Thanh Hà, Nước
Mặn.- Xứ Đàng Trong của Christophoro Borri, bản dịch xuất bản năm 1998 đề cập
một cách tổng thể bối cảnh và tình hình kinh tế, xã hội, tôn giáo… của vương quốc
Đàng Trong
- Năm 1999, trên cơ sở nguồn tư liệu khá phong phú, Li Tana, với tác phẩm
7
Xứ Đàng Trong lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỉ XVII và XVIII, cung cấp
những tư liệu về những ảnh hưởng của quá trình giao thương buôn bán đến sự phát
triển kinh tế, dành trọn chương 3 và 4 viết về thành phần thương gia, tiền tệ và
thương mại ở xứ Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn.
- Những người Châu Âu ở An Nam của tác giả Chales Maybon, bản dịch năm
2006 cũng cung cấp những sự kiện về việc trao đổi, buôn bán với các nước.
Gần đây, có một số Luận văn Thạc sĩ có liên quan đến đề tài:
- Trương Thị Thu Thảo (2010), Chợ làng ở Thừa Thiên Huế (thế kỷ XVI-
XIX), Luận văn Thạc sĩ Sử học, Trường Đại học Sư phạm Huế đã khái quát về quá
trình hình thành và phát triển của các hệ thống chợ ở Thừa Thiên Huế.
- Lê Thị Hương (2011), Kinh tế ngoại thương Đàng Trong thế kỉ XVII -
XVIII, Luận văn Thạc sĩ Sử học, Trường Đại học Sư phạm Huế cũng đã đi sâu
nghiên cứu về tình hình thương mại, trao đổi mua bán ở miền này dưới thời các
chúa Nguyễn.
- Nguyễn Viết Minh (2012), Kinh tế nông nghiệp, thủ công nghiệp vùng
Thuận- Quảng dưới thời Chúa Nguyễn, Luận văn Thạc sĩ Sử học, Trường Đại học
Sư phạm Huế, trình bày về các chính sách nông nghiệp, các loại hình, làng nghề thủ
công nghiệp ở vùng Thuận Quảng.
- Trương Thị Quỳnh Nga (2013), Nguồn hàng và thị trường ở Đàng Trong
thế kỷ XVII - XVIII, Luận văn Thạc sĩ Sử học, Trường Đại học Khoa học Huế, trình
bày về các mặt hàng, nguồn hàng, luồng hàng buôn bán trong và ngoài nước.
- Phạm Nhân Đức (2014 – Đại học Sư phạm Huế) với luận văn Thương
nghiệp Quảng Trị thế kỉ XVI - XIX, đã trình bày chi tiết về tình hình nội thương,
ngoại thương Quảng Trị trong gần 4 thế kỉ, cũng như vạch ra các con đường thương
mại liên vùng, liên tỉnh thời các chúa Nguyễn và vua Nguyễn.
2.2.2. Các bài viết trong các kỷ yếu hội thảo khoa học, tạp chí có liên quan
Trong Kỷ yếu hội thảo khoa học (2008) “Chúa Nguyễn và vương triều
Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỉ XVI - đến thế kỉ XIX” đã có nhiều bài viết
liên quan tới đề tài: như bài viết của Nguyễn Quang Ngọc với “Nguyễn Phúc
Nguyên: vị chúa của những kỳ công mở cõi đầu thế kỉ XVII, Nguyễn Thị Huê với
“Sự thịnh suy của hoạt động ngoại thương ở Đàng Trong thế kỷ XVII - XVIII”,
8
Phạm Thị Ưng, Lê Trí Duẩn với “Vai trò một số vị chúa tiêu biểu dưới thời các
chúa Nguyễn”, Andrew Hardy với “Nguồn” trong kinh tế hàng hóa ở Đàng Trong,
Đỗ Bang “Đô thị Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn”…đã cung cấp cho tôi
nguồn tư liệu quan trọng và những quan điểm, đánh giá nhìn nhận mới về chúa
Nguyễn trong lịch sử để từ đó làm cơ sở cho người nghiên cứu sau này có điều kiện
đi sâu tìm hiểu về các vấn đề liên quan tới thời chúa Nguyễn, trong đó đặt biệt là
vấn đề kinh tế.
Ngoài ra, còn phải kể đến các bài viết của các nhà nghiên cứu công bố trên
tạp Nghiên cứu lịch sử, tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, tạp chí Huế xưa & nay
như: Nguyễn Trọng Văn, Mai Phương Ngọc “Quan hệ thương mại của Đàng Trong
với người Hoa thế kỉ XVI - XVIII”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, Đỗ Bang với “Phố
cảng Thanh Hà - Bao Vinh trong tiến trình lịch sử Phú Xuân - Huế thế kỷ XVII -
XIX”, Tạp chí Nghiêncứu lịch sử, Dương Văn Huy “ Quản lý ngoại thương của
chính quyền Đàng Trong thế kỷ XVII-XVIII”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á.
Nhìn chung, các công trình trên dù ở những góc độ nghiên cứu khác nhau
đều góp phần làm rõ hoạt động về thương mại, kinh tế Đàng Trong nói chung và
vùng Thuận- Quảng nói riêng thế kỉ XVI - XVIII. Tuy nhiên, chưa có một công
trình nào đề cập một cách toàn diện và hệ thống về kinh tế thương nghiệp ở Thuận -
Quảng từ năm 1558 đến 1774. Đây là nhiệm vụ cơ bản mà tác giả đặt ra và giải
quyết trong Luận văn này.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu chính của đề tài đó chính là tình hình kinh tế thương
nghiệp của vùng Thuận - Quảng dưới thời chúa Nguyễn.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
- Về không gian: vùng Thuận - Quảng xưa, ngày nay bao gồm các tỉnh
Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Quảng Ngãi,
Bình Định, khảo sát và nghiên cứu về tình hình thương nghiệp diễn ra ở xứ Đàng
Trong. Tuy nhiên khi nghiên cứu không tách rời các hoạt động diễn ra trong cả đất
nước ta.
- Về thời gian: từ năm 1558, khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ vùng
9
Thuận Hóa đến năm 1774, trước khi quân Trịnh vào đánh chiếm Phú Xuân.
4. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu
4.1. Mục tiêu nghiên cứu
Dựa trên nguồn tư liệu sưu tầm được, luận văn tập trung nghiên cứu, cung
cấp sự hiểu biết một cách có hệ thống về tình hình nội thương và ngoại thương vùng
Thuận - Quảng thời các chúa Nguyễn. Phản ánh một cách sinh động về các hình
thức mua bán, trao đổi hàng hóa, phương tiện đi lại để buôn bán, các đối tượng
tham gia buôn bán, các yếu tố tác động đến thương mại…Để từ đó có cách nhìn,
đánh giá đúng đắn hơn về đặc điểm cũng như vai trò và tác động của nó đối với
vùng Thuận Quảng nói riêng và xứ Đàng Trong nói chung.
4.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để đạt được mục tiêu trên, đề tài thực hiện các nhiệm vụ sau:
Một là, sưu tầm, tập hợp, nghiên cứu, đánh giá các tài liệu liên quan đến kinh
tế thương nghiệp Thuận- Quảng và các tài liệu viết về kinh tế Đàng Trong từ năm
1558 đến 1774.
Hai là, tổng hợp, so sánh, đối chiếu, đánh giá tài liệu sau đó chọn lọc tài liệu
và thông tin liên quan đến đề tài.
Ba là, hệ thống hóa nội dung cho phù hợp với từng giai đoạn, từng khía cạnh
của đề tài để đi sâu tìm hiểu về kinh tế thương nghiệp và vai trò của nó đối với vùng
Thuận-Quảng.
Bốn là, rút ra kết luận, nhận xét, đánh giá về kinh tế thương nghiệp cũng như
vai trò của nó đến nền kinh tế Đàng Trong từ thế kỉ XVII đến thế kỉ XVIII. Từ đó
thấy tầm quan trọng của kinh tế thương nghiệp đối với sự phát triển và ổn định đất
nước Đàng Trong.
5. Nguồn tài liệu và phương pháp nghiên cứu
5.1. Nguồn tài liệu
Nguồn tài liệu được sử dụng để thực hiện trước tiên là các thư tịch cổ viết về
vùng đất Thuận Hóa thế kỉ XVII - XVIII như: Phủ biên tạp lục của Lê Qúy Đôn,
Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn…Đây là những cuốn sách có
nhiều thông tin cụ thể, quý giá có liên quan đến nội dung chúng tôi cần tìm hiểu.
Các công trình chuyên khảo như: Phố cảng vùng Thuận quảng thế kỉ XVII - XVIII
10
của tác giả Đỗ Bang… phản ảnh một khía cạnh nhất định tình hình kinh tế, xã hội
của vùng Thuận- Quảng.
Sự phát triển của thương mại ở Đàng Trong đã thu hút nhiều các thuyền
buôn, thương nhân nước ngoài đến buôn bán. Những ghi chép của họ đã cung cấp
nhiều thông tin quan trọng về thương nghiệp ở Đàng Trong. Phải kể đến như: “Xứ
Đàng Trong năm 1621” (Nxb TPHCM) của nhà truyền giáo Cristophoro Borri,
“Những người Châu Âu ở nước An Nam” của tác giả Chales Maybon…là một trong
những nguồn tư liệu tham khảo chính phục vụ cho luận văn. Bên cạnh đó, chúng tôi
còn sử dụng các bài nghiên cứu được in trên các tạp chí, hay các tài liệu tiếng anh,
internet có liên quan đến vấn đề này.
5.2. Phương pháp nghiên cứu
Thực hiện luận văn này, chúng tôi chủ yếu sử dụng phương pháp lịch sử, kết
hợp với phương pháp logic. Trình bày theo từng vấn đề, trân trọng tính khách quan
của lịch sử. Khi xử lí tài liệu chúng tôi sử dụng phương pháp thống kê, so sánh, đối
chiếu để làm sáng tỏ những vấn đề nghiên cứu.
6. Đóng góp của luận văn
Luận văn là công trình đi vào nghiên cứu một cách tương đối toàn diện, có
hệ thống về thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn từ năm 1558 đến
năm 1774.
Luận văn cung cấp những tư liệu mới về thương mại như các chợ làng, các
trung tâm trao đổi mua bán, hoạt động nội thương, các thương cảng. Phân tích một
cách có hệ thống những thương phẩm được buôn bán, trao đổi trong thương mại ở
vùng Thuận Quảng, không những các mặt hàng bản địa mà còn cả các mặt hàng
trao đổi với bên ngoài. Đồng thời luận văn cũng đi sâu chỉ ra được đặc điểm, tác
động và vai trò của thương nghiệp đối với vùng và đối với cả nước.
Luận văn là nguồn tài liệu bổ sung vào các công trình nghiên cứu lịch sử về
mặt kinh tế. Là tài liệu tham khảo cho sinh viên ngành lịch sử ở các trường Cao
đẳng, Đại học.
Luận văn còn là nguồn tài liệu tham khảo cho việc hoạch định các chính sách
về phát triển thương mại của vùng, đặc biệt là việc sản suất và phát triển có trọng
11
tâm các mặt hàng có tiềm năng trong trao đổi mua bán.
7. Bố cục của luận văn
Ngoài các phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục;
nội dung của luận văn được kết cấu làm 3 chương:
Chương 1: Vài nét về vùng đất và con người Thuận Quảng dưới thời chúa Nguyễn.
Chương 2: Tình hình thương nghiệp ở Thuận Quảng từ năm 1558 - 1774.
Chương 3: Đặc điểm, vai trò và tác động của thương nghiệp Thuận Quảng
thời chúa Nguyễn.
12
Chương 1: VÀI NÉT VỀ VÙNG ĐẤT VÀ CON NGƯỜI THUẬN QUẢNG
DƯỚI THỜI CHÚA NGUYỄN
1.1. Điều kiện tự nhiên
Đàng Trong còn gọi là Nam Hà, xuất hiện từ thời Trịnh - Nguyễn phân tranh
thế kỷ XVII. Và vùng đất Thuận - Quảng, chỉ phần lãnh thổ Đại Việt từ nam sông
Gianh (tỉnh Quảng Bình hiện nay) trở vào tới Bình Định. Vùng đất Đàng Trong của
các chúa Nguyễn là “một dải đất dài và hẹp, nằm giữa núi và biển. Địa hình của
vùng đất này có hai đặc điểm: thứ nhất là dãy Trường Sơn, phủ đầy rừng rậm, chạy
suốt chiều dài của nước này, và càng xuống phía nam càng thấp dần. Thứ hai là dãy
núi đã bị nhiều con sông nước chảy mạnh và mũi núi cắt ngang làm thành một số
lưu vực nhỏ và hẹp, ít gắn với nhau về mặt địa lý”[65, tr. 21].
Xứ Đàng Trong theo Li Tana, được chia thành ba vùng tự nhiên khác nhau.
Hai vùng đầu có những diện tích tương đối rộng thích hợp với nông nghiệp. Vùng
thứ nhất, ngày nay là Quảng Nam, là một đồng bằng phì nhiêu, khoảng 1.800 cây số
vuông. Nước do sông Thu Bồn và nhiều nhánh của con sông này cung cấp. Vùng
thứ hai tương ứng với đồng bằng Bình Định trù phú ngày nay, có tổng diện tích là
1.550 cây số vuông, có hai dãy núi khác nhau bao quanh. Hai thung lũng của vùng
đất này sử dụng nước của hai con sông Đà Rằng và Lại Giang. Vùng thứ ba gồm ba
thung lũng thông thương với nhau một cách dễ dàng, một vùng khác biệt”.[65,
tr.22]
Về vị trí của xứ Đàng Trong, hướng Nam giáp vĩ tuyến 11, hướng Bắc giáp
xứ Đàng Ngoài, hướng Đông giáp biển Đông và hướng Tây giáp với nước Lào. Xứ
Đàng Trong có chiều dài hơn một trăm dặm nằm theo dọc bờ biển, từ vĩ tuyến 11,
cho tới khoảng vĩ tuyến 17, chỗ ranh giới giữa Đàng Trong với Đàng Ngoài. Chiều
rộng không lớn lắm, nơi có chiều ngang hẹp nhất chỉ khoảng 40 km, đất bằng
phẳng, phía Đông là dải đồng bằng nằm sát biển, còn phía tây là dãy núi chạy dài.
Vùng Thuận Quảng, từ Nam sông Gianh cho tới Quy Nhơn có địa hình đa dạng,
phức tạp. Núi cao, sông suối nhiều và dốc, đồng bằng hẹp lại có những dải cát trắng
ven biển, vịnh biển và đầm phá mênh mông. Vì vậy mà thảm động, thực vật cũng
rất phong phú, nhiều chủng loại của đồng bằng, biển cả, đầm phá, sông suối, núi
13
rừng, gò đồi…
Do ở vào giữa vĩ tuyến 11 và 17, do đó, mùa hạ kéo dài liên tục, gây nóng
bức. Mùa đông, mưa liên tục với lượng mưa lớn, do đó hay có lũ lụt gây thiệt hại rất
lớn: “Cứ mười lăm hôm lại xảy ra một trận lụt và mỗi lần kéo dài ba ngày” [16,
tr.10]. Lũ về mang theo một lượng phù sa lớn bồi đắp cho đồng ruộng làm cho đất đai
phì nhiêu, cây cối tốt tươi, lúa tốt được mùa. Nên người dân nơi đây họ rất mong lũ
về, họ chấp nhận sống với lũ vì sau mỗi đợt lũ về mang lại cho họ một mùa vụ bội
thu, năng suất lúa cao. Như Christophoro Borri nói: “Mọi người ở đây đều mong nước
lũ, không những để được mát mẻ và dễ chịu, mà còn để cho đồng ruộng được mầu
mỡ. Thế nên khi thấy mùa nước tới, họ để lộ hẳn sự vui mừng và thích thú: họ thăm
hỏi nhau, chúc mừng nhau, ôm nhau hò hét vui vẻ và nhắc đi nhắc lại “đã đến lụt, đã
đến lụt” có nghĩa là nước đã tới, nước đã tới rồi. Nói tóm lại là không ai là không
bày tỏ niềm vui, từ kẻ già đến chúa cũng vậy .[16, tr.10]
Xứ Đàng Trong chia thành năm tỉnh. Tỉnh thứ nhất là trung tâm của Đàng
Trong - nơi chúa ở ngay sát Đàng Ngoài là Thuận Hóa. Tỉnh thứ hai là Cacciam
(Quảng Nam), nơi hoàng tử trấn thủ. Tỉnh thứ ba là Quamguia (Quảng Ngãi). Thứ
tư là Quingnim (Quy Nhơn), nguời Bồ đặt tên là Pulucambis và tỉnh thứ năm là
Renran (Phú Yên) [16, tr.5]
Vị trí Thuận Quảng nằm ở khoảng giữa đất nước ta, dọc theo bờ biển miền
Trung, từ Quảng Bình vào đến giáp Phú Yên, thuộc khu vực Trung Trung Bộ; chiều
dài gần 800 km, từ bắc vĩ độ 12,54 đến 18 độ. Phía Tây là dãy Trường Sơn và cao
nguyên Trung Bộ, phía đông là biển. Đây là đoạn bờ biển khúc khuỷu, có nhiều cửa
sông tạo thành nhiều vịnh sâu kín gió. Dọc theo bờ biển hiện nay đã xây dựng nhiều
bãi tắm đẹp. Đoạn bờ biển này có nhiều bãi cát và cồn cát kéo dài, một phần được
phù sa sông bồi đắp, tạo thành chuỗi đồng bằng hẹp ven biển - chân núi. Đoạn bờ
biển này có nhiều sóng to gió lớn nên hình thành nhiều đụn cát cao. Dài nhất là đầm
phá Tam Giang, rộng nhất là đầm Cầu Hai ở phía Bắc. Phá Trường Giang - sông Cổ
Cò ở giữa và đầm Thị Nại, đầm Ô Loan ở phía Nam.
Đây còn là khu vực nằm giữa hai đèo cao: đèo Ngang (tức Hoàng Sơn) ở
phía Bắc và đèo Cả (tức Đại Lãnh) ở phía Nam. Ngoài ra, trên dải đất “gập ghềnh
14
và dằng dặc” của khúc ruột miền trung còn chứa đựng cả điểm tận cùng của Trường
Sơn Bắc, đó là dãy Bạch Mã - Hải Vân, cao 1.444m, chân xọac ra tận biển Đông và
đầu đội đến chín tầng mây, chia cắt khu vực thành hai nửa Bắc, Nam với đặc điểm
khí hậu phần nào khác biệt, được một nhà thơ lớn của đất Bắc hồi đầu thế kỷ XX là
Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu cảm nhận và khái quát hóa một cách tài tình trong câu
thơ: “ Hải Vân đèo lớn vừa qua, mưa xuân ai đã đổi ra nắng hè” [7, tr.28]
Dọc duyên hải có nhiều mỏm núi ăn ra tận biển thành các đèo như: Đèo
Ngang, đèo Hải Vân, đèo Cù Mông, Đại Lãnh…tạo thành địa giới của nhiều tỉnh.
Ngoài khơi có nhiều đảo và bán đảo như: Mũi Ròn, mũi Lài, đảo Cồn Cỏ, mũi Chân
Mây, bán đảo Sơn Trà, Cù Lao Chàm, Cù Lao Ré, mũi Ba Làng An, bán đảo
Phương Mai…Dọc theo bờ biển có nhiều hải cảng, lớn nhất là Đà Nẵng và Quy
Nhơn [11, tr.11]
Vùng Thuận - Quảng cũng có nhiều sông, phát nguyên từ dãy Trường Sơn và
cao nguyên phía Tây. Sông ngắn, độ dốc cao đổ ra biển Đông, tạo thành nhiều cửa
khẩu và thương cảng. Sông lớn nhất là sông Gianh, sông Nhật Lệ, sông Côn…Đây
cũng là nơi đã hình thành nhiều làng mạc, trung tâm thương nghiệp và phố cảng
(ven sông). Từ đầu thế kỉ XVII, Alexandre De Rhose cũng đã ghi nhận lợi ích của
sông ngòi Đàng Trong như sau: “Đàng Trong được dẫn nước bằng 24 con sông
đẹp. Nó mang đến một sự tiện lợi kỳ diệu cho việc đi lại trên sông trong toàn xứ sở,
nó còn tạo ra sự thuận tiện cho viêc buôn bán và du lịch”. [Dẫn theo 11, tr.12]
Vùng Thuận - Quảng, khí hậu chia làm hai mùa rõ rệt. Mùa khô từ tháng 2
đến tháng 7. Mùa mưa từ tháng 8 đến tháng 1. Việc sản xuất hàng hóa và mua bán
ngoài trời tấp nập thường diễn ra vào mùa khô khi trời tạnh ráo. Vào mùa mưa có
kèm theo bão lụt, tiếp đó là rét buốt nên chợ búa thưa thớt, phố xá vắng khách, các
thuyền buôn rời bến cảng để đưa hàng về nước.
Đầu thế kỷ XVII, khi có mặt ở Thuận - Quảng, Cristoforo Borri cho biết khí
hậu ở đây như sau:
Nếu trong mùa hè bao gồm các tháng 6,7,8 xứ này nóng vì ở trong vùng
nhiệt đới và mặt trời ở vào đỉnh điểm của nó thì trái lại tháng 9,10,11 là mùa thu,
cái nóng hết đi, không khí trở nên điều hòa nhờ những cơn mưa liên tục từ trên
15
miền núi cao, các dòng nước tuôn trào tràn ngập vương quốc, chảy ra đến tận biển.
Trong 3 tháng này mùa đông phân biệt với các mùa khác trong năm. Cuối cùng vào
tháng 3,4,5 người ta thấy hiệu quả của mùa xuân. Tất cả đều xanh tươi và nở hoa
[16, tr 10].
Điều kiện tự nhiên đó đã ảnh hưởng đến đời sống của cư dân và hoạt động
kinh tế của vùng Thuận - Quảng. Đặc điểm tự nhiên ở đây không giống như đồng
bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long. Là dải đồng bằng chật hẹp và được bồi
đắp bởi các con sông ngắn dốc, độ phì nhiêu cũng ít màu mỡ đã trở thành những
khó khăn ban đầu của cư dân vùng Thuận - Quảng. Nhưng cũng chính điều đó để
thấy rõ sự nỗ lực của các chúa Nguyễn trong việc xây dựng Đàng Trong nói chung
và vùng Thuận - Quảng nói riêng trở thành một khu vực trù phú, phát triển cả nông
nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp.
1.2. Tài nguyên thiên nhiên
Xuất phát từ điều kiện tự nhiên đã hình thành nên một vùng Thuận - Quảng
với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng. Hai xứ Thuận, Quảng giàu
có, giàu cả về lâm sản, nông sản và hải sản, nhất là xứ Quảng Nam. Lại có nơi đất
có vàng, sắt. Trong Phủ biên tạp lục của Lê Qúy Đôn viết:
Những sản vật quý phần nhiều xuất từ miền Nam…Xứ Quảng Nam (kể cả
Gia Định) là đất phì nhiêu nhất thiên hạ…Ở phủ Thăng Hoa, phủ Điện Bàn, đồng
ruộng rộng rãi ruộng lúa tốt…Ba phủ Quy Nhơn, Quãng Ngãi, Gia Định thì thóc
gạo nhiều không kể xiết, nhất là Gia Định đất đã màu mỡ mà không lo cái nạn hạn,
lụt…Ở Gia Định có nơi cấy một hộc thóc giống như gặt được 100 hộc thóc, có nơi
ruộng không cần cày, chỉ phát cỏ rồi cấy, cấy một hộc thóc giống gặt được 300 hộc
thóc” và “một tiền quý mua được 16 đấu thóc, bằng 30 bát quan đồng. Giá thóc rẻ
chưa nơi nào như thế. Gạo nếp, gạo tẻ đều trắng trẻo, tôm cá rất to béo, ăn không
hết” và : “Trước kia sự buôn bán với Đồng Nai được lưu thông, gạo ở Phú Xuân 10
thăng là một hộc (bằng 20 bát quan đồng), giá chỉ 3 tiền, có thể đủ một người ăn
trong một tháng. [52, tr.476]
Ở phủ Quảng Ngãi thì xã Phú Xuân huyện Bình Sơn, xã Bình Khang huyện
Chương Nghĩa, đất đai đều gần sông, đất, nước tốt lành, đồng điền rộng cao mà
16
bằng phẳng, ước hơn nghìn mẫu, cũng gọi là Tiểu Đồng Nai. Cũng theo Lê Qúy
Đôn, trên các cánh đồng ở Đàng Trong, người ta đã cấy đến 26 giống lúa nếp và 23
giống lúa tẻ.
Trong sách Hải Ngoại Ký Sự, Hòa thượng Thích Đại Sán viếng Hội An,
Thuận Hóa đời chúa Hiển Tông viết: “Hai đồng ruộng lúa xanh xanh chờ trổ bông,
hỏi thăm nghe nói ruộng không bỏ phân, một năm làm đến ba mùa, cũng khá tốt.
Rừng cây trông hút mắt. Nơi làng xóm ở, nhà tranh phên trúc, ngang dọc như bàn
cờ, giống cây trồng có tre, mít, dừa, cam, hóa có thạch lựu, dinh hương, mộc lan,
hoa lài”…[92, tr.32]
Ngoài ngũ cốc, Thuận Quảng sản xuất nhiều cau, hạt tiêu, bo bo, hạt mè,
đường cát, đường phổi. Về lâm sản, dãy núi Trường Sơn sản xuất trầm hương, kỳ
nam, sừng tê, ngà voi, sáp ong, dầu rái, cây lụi tre tư lao (dùng làm cán dao)…Kỳ
nam, trầm hương là hai thứ người đương thời rất quý vì chữa được nhiều bệnh, ở
miền núi các phủ Phú Yên, Quy Nhơn, Diên Khánh, Bình Khương đều có. Chúa
Nguyễn có đặt đội An Sơn hằng năm cứ tháng 2 thì đi kiếm, tháng 6 thì đem về.
[52, tr.477]
Sự giàu có về tài nguyên phải kể đến ở đây là các núi vàng. Lê Qúy Đôn
chép lại trong Phủ biên tạp lục: “Trà Tế cũng như Trà Nô là những ngọn núi có kim
khí rất vượng, thường có một đường trong đất đi xiên xéo ra, khi vàng bốc nổi lên
trên cũng có đường đi thẳng, đường đi ngang qua núi khác. Núi nào có vàng thì đất
mềm, không có thì đất cứng” [26, tr.285 ]. Hầu như dinh phủ nào thuộc Thuận
Quảng bấy giờ đếu có núi sản vàng, dân cư nhiều địa phương đã biết đến nghề khai
thác vàng và thu lợi từ tài nguyên này.
“Xã Nam Phố hạ huyện Phú Vang, có một dải núi đất, gồm có bốn ngọn là
ngọn La Thiết, ngọn Cây Trâm, ngọn cây Bùi, ngọn Đồng Giá, chân núi đều sản
xuất vàng, một gánh đất mới được một phân vàng, vàng rất tốt, đáng 9, 10
tuổi”…Xứ Quảng Nam có nhiều núi sản suất vàng…Các núi Trà Nô, Trà Tế nguồn
Thu Bồn huyện Duy Xuyên phủ Thăng Hoa sản vàng…Dân thuộc đến đầu núi tìm
thấy mạch, đào lấy đất, làm nhà để che, chứa chất thành đống, múc nước dội vào,
chỗ đất đào hoặc sâu đến hơn nghìn thước. Rửa đãi một ngày, thường được vàng
17
vụn đầy một bong bóng trâu, nộp vào trường để nấu đúc…Phủ Quy Nhơn cũng
nhiều núi có vàng, dân thuộc Kim hộ đi khai thác và nộp thuế vàng cho phủ chúa
khá lớn…”[26, tr.285,286,287].
Núi rừng ở đây còn sản nhiều lâm sản quý giá phục vụ tốt cho đời sống con
người như: làm thuốc chữa bệnh, cung cấp thức ăn, vật liệu xây dựng nhà cửa,
phương tiện đi lại, làm nguyên liệu cho các nghề thủ công ra đời và phát triển. Có
rất nhiều sản phẩm sau này trở thành mặt hàng xuất khẩu quan trọng khi giao
thương phát triển.
Gỗ là thứ người Việt rất cần dùng thì Thuận, Quảng sản xuất rất nhiều và
nhiều thứ quý. Theo Phủ biên tạp lục thì các đầu nguồn từ Bố Chính trở vào đều có
nhiều thứ gỗ tốt. Các đầu nguồn huyện Khương Lộc có “gỗ tán” bền sắc đen như
sắt, dân địa phương dùng làm cột nhà, “gỗ bời lời” to mà sắc trằng dùng làm ván
cách…Mỗi năm tháng 8, khách buôn đóng bè chở xuống bán từng cây hoặc từng
súc lớn nhỏ, có đến nghìn, trăm. Như làm một ngôi nhà 5 gian gỗ rất tốt cũng không
quá 30 quan, dùng gỗ tạp xen vào thì 17, 18 quan . Còn đóng thuyền thì dùng “gỗ
huyện” rất dài và to, bề rộng, bề dài đều gấp đôi gỗ khác, sắc đỏ, chắc nhẹ hoặc
dùng “gỗ gụ”, “gỗ sến” còn “gỗ lim” thì quá nặng không ai dùng.
Gỗ kiền kiền cứng, bền, lâu hư chôn sâu xuống đất mấy thước, 100 năm
cũng không mục, ở đầu nguồn Nam Bố Chính và các huyện Khương Lộc, Quảng
Điền, Phú Vinh đều có. Nhà cửa, lầu gác, ghe thuyền của họ Nguyễn đều dùng gỗ
kiền kiền. “Gỗ sao” có thể làm vách thuyền, loại sản xuất đầu nguồn huyện Phú
Vinh, huyện Hương Trà nhẹ, vào nước thì nổi, dùng làm thuyền buôn và thuyền
đánh cá, dùng không quá 10 năm, như loại sản xuất ở Bình Khương và Gia Định rất
tốt, bền, đóng thuyền có thể lâu được 60 năm nhưng tính nặng, không nổi. Gỗ kiền
kiền nặng mà cứng, không chịu sóng gió, chỉ làm thuyền đi sông mà thôi, còn gỗ
sao chịu sóng gió có thể làm thuyền đi biển được. Họ Nguyễn có xây dựng cung
điện, nhà cửa thường lấy gỗ ở các phủ Quy Nhơn, Quảng Ngãi và Gia Định. Phủ
Gia Định sản xuất nhiều gỗ tốt, các xứ, nguồn, thuộc huyện Phước Long, huyện Tân
Bình, có nhiều gỗ sao, gỗ trắc, gỗ giáng hương, gỗ gụ. Nhưng loại gỗ tốt nhất của
hai xứ Thuận - Quảng là “gỗ hoa lệ” tục gọi là “gỗ trắc mật” thớ nó nhỏ mà trơn
18
nhuận, có mùi thơm như mía nướng, sắc nó ban đầu đỏ, để lâu thành đen, bền,
cứng, không ngọt người ta thường dùng làm rương, hòm, ghế, bàn. Đòn kiệu và các
đồ dùng; có thứ tên là thai bái sắc trắng như ngà voi, uốn không gãy. Lại có cây mít
trồng lâu năm thành gỗ tốt, sắc vàng dùng làm cột nhà hoặc làm ván, làm
vách…[52, tr.478-479]
Quả cây có công dụng về tiểu công nghệ, ở tổng Bái trời có cây dầu sơn do
người trồng, quả nó như quả hồng, lấy hột giả nhỏ, chưng sơ qua, rồi ép lấy dầu mà
sơn.[52, tr.479]
Các chúa Nguyễn có đặt hai đội Dầu sơn, gồm 60 người miễn trừ sai dư, lao
dịch, để lấy dầu sơn đem nạp. Ở Gia Định, đất ven vùng sản xuất nhiều sơn, từ thời
chúa Túc Tông đã mộ 500 dân, đặt làm 11 thuyền gọi là Ô Tất để lấy sơn đem nạp
(mỗi năm thu được 6528 cân sơn). Nghề nông là gốc, nhưng dọc theo bờ biển nhân
dân cũng sống về nghề chài lưới. Đánh cá, làm mắm, đem lại những nguồn lợi lớn
cho các miền duyên hải. Biển Thuận, Quảng còn có đồi mồi, xà cừ, các đảo trong
biển Quảng Nam, Bình Khương có yến sào. Ở Hà Tiên có huyền phách sắc đen như
sắt, người ta nói dùng nó tránh được gió độc, nên thường dùng làm tràng hạt.[52,
tr.479].
Với những điều kiện tự nhiên thuận lợi về vị trí địa lý kết hợp với sự phong
phú về tài nguyên thiên nhiên, mặt hàng nông sản và thủ công là một trong những
yếu tố thúc đẩy sự phát triển của kinh tế hàng hóa và thương nghiệp. Đàng Trong
mà cụ thể là vùng đất Thuận Quảng, hoạt động thương mại cũng bị chi phối bởi khí
hậu, thời tiết khá đậm nét. Việc sản xuất hàng hóa và mua bán ngoài trời thường
diễn ra tấp nập vào mùa khô khi trời tạnh ráo. Vào mùa mưa hay kèm theo bão lụt,
nên chợ búa thưa thớt và phố xá thường vắng khách hơn, các thuyền buôn nước
ngoài sau khi đã mua gom đầy hàng hóa bắt đầu rời cảng đưa hàng hóa về nước, tạo
thành mùa mậu dịch trong năm.
1.3. Tình hình chính trị - xã hội
Cho đến giữa thế kỷ XVIII, họ Nguyễn đã làm chủ một vùng đất rộng lớn từ
nam dải Hoành Sơn cho đến mũi Cà Mau. Hình thành 12 đơn vị hành chính gọi là
dinh, trấn. Vùng Thuận Quảng cũ chia làm 6 dinh: Bố Chính, Quảng Bình, Lưu
19
Đồn, Cựu dinh, Chính dinh và Quảng Nam. Vùng đất mới chia làm 6 dinh: Phú
Yên, Bình Khang, Bình Thuận, Trấn Biên, Phiên Trấn, Long Hồ (Vĩnh Long), một
trấn phụ thuộc là Hà Tiên. Mỗi dinh quản một phủ, dưới phủ có huyện, tổng, xã
(hay phường, thuộc). Riêng dinh Quảng Nam quản 3 phủ: Thăng Hoa, Quảng Ngãi,
Quy Nhơn. Thủ phủ ban đầu của chúa Nguyễn đóng ở xã Ái Tử thuộc Cựu dinh
(Quảng Trị ngày nay), sau nhiều lần dịch chuyển mới định vị tại Phú Xuân (Huế
ngày nay).
Dưới thời Nguyễn Hoàng, bộ máy cai trị ở Thuận - Quảng chủ yếu gồm các
quan lại chúa Trịnh cắt đặt và chịu sự chi phối của chính quyền Đàng Ngoài. Đến
năm 1614, chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho thải hồi các quan lại do họ Trịnh cử, cải
tổ lại bộ máy chính quyền. Ở trung ương là Chính Dinh đặt Tam ty phụ trách tất cả
công việc: Ty Xá sai (phụ trách hành chính và tư pháp) do Đô tri đứng đầu, Ký lục
giúp việc; Ty Tướng thần lại (phụ trách về tài chính, thu thuế, phát lương) do Cai bạ
đứng đầu; Ty lệnh sử (phụ trách về tế tự, nghi lễ) do Nha úy đứng đầu. Mỗi ty có
những nhân viên giúp việc gọi là Câu kê (3 người), Cai hợp (7 người), Thủ hợp (10
người), Ty lại (40 người). Ngoài Tam ty, Nguyễn Phúc Nguyên còn đặt thêm Ty
Nội lệnh sử kiêm coi các thứ thuế và 2 Ty Tả Hữu lệnh sử chia nhau thu tiền sai dư
ở hai xứ. Tại các dinh khác do chức Trấn thủ đứng đầu, do Cai bạ và Ký lục giúp
việc, và cũng có các Ty phụ trách công việc, tên gọi các ty cũng giống như ở Chính
dinh, nhưng thường không đặt đủ 3 ty như ở Chính dinh. Các dinh Quảng Nam,
Bình Khang, Bình Thuận, Trấn Biên…chỉ có 2 Ty là Xá sai và Tướng thần lại; dinh
Phiên Trấn chỉ có Ty Tướng thần lại; dinh Cựu chỉ có Ty Lệnh sử. Dinh chia thành
phủ do Tri phủ đứng đầu. Ở một vài phủ đặc biệt như Quãng Ngãi, Quy Nhơn có
đặt chức Tuần phủ. Phủ chia thành huyện (hoặc châu) do Tri huyện (hoặc Tri châu)
đứng đầu. Huyện chia thành tổng do Cai tổng đứng đầu. Dưới châu là thuộc do Cai
thuộc đứng đầu. Tổng chia thành xã, là hành chính cơ sở, do Xã trưởng đứng đầu.
Buổi đầu, nhân dân Đàng Trong quen gọi dòng họ thống trị là Chúa, các
chúa Nguyễn vẫn chỉ xưng Quốc công. Đến năm 1692, Nguyễn Phúc Chu chủ
trương tách Đàng Trong thành khu vực riêng, tự xưng Đại Việt Quốc vương, nhưng
việc không thành. Nối tiếp ý đồ, năm 1744, Nguyễn Phúc Khoát tự xưng vương, lập
20
thành triều đình, đổi Phú Xuân làm “Đô thành”, cho xây dựng nhiều cung điện, dinh
thự làm nơi triều hội. Các Ty bị bãi bỏ, thay bằng các Bộ: Ty Xá sai biến thành Bộ
Lại (lấy từ Ký lục và thuộc viên) và Bộ Hình (lấy từ Đô tri và thuộc viên), Ty lệnh
sử biến thành Bộ Lễ (lấy từ Nha úy và thuộc viên), Ty Tướng thần lại biến thành Bộ
Hộ (lấy từ Cai bạ phó đoán sự và thuộc viên), cùng với hai Bộ mới đặt là Bộ Công
và Bộ Binh, họp thành Lục Bộ, do Thượng thư đứng đầu. Tổ chức cấp Bộ cũng theo
như cách tổ chức của nhà Lê cũ. Trên Lục Bộ có 4 viên quan cao cấp được gọi là
Tứ trụ đại thần (đặt từ thời Nguyễn Phúc Lan) gồm: Tả nội, Tả ngoại, Hữu nội, Hữu
ngoại, chọn từ những người thân tín và công thần cũ của họ Nguyễn. Lấy văn chức
đặt thành Hàn lâm viện. Các đơn vị hành chính địa phương vẫn gọi là Dinh do Trấn
thủ đứng đầu, có các Cai bạ và Ký lục giúp việc; bên dưới đặt 1-2 ty chuyên trách,
cùng với số nhân viên tùy thuộc. Mỗi dinh quản hạt một phủ do Tri phủ đứng đầu,
phụ thuộc vào Trấn thủ. Ở những phủ không là trị sở của dinh Trấn thủ thì đặt thành
Trấn do Đô đốc đứng đầu. Phủ chia thành huyện (hoặc châu), do Tri huyện (hoặc
Tri châu) đứng đầu; thuộc viên có Đề lại, Thông lại, Huấn đạo, Lễ sinh. Dưới huyện
là tổng do Cai tổng đứng đầu. Dưới Tổng là xã do Xã trưởng và Tướng thần phụ
trách. Số Xã trưởng và Tướng thần nhiều hay ít tùy thuộc theo số dân trong xã. Tại
miền núi, dưới châu là thuộc do Cai thuộc hoặc Ký thuộc (tùy theo thuộc lớn nhỏ)
đứng đầu. Ngoài ra, ở miền núi và ven biển còn có các đơn vị cơ sở là thôn,
phường, nậu, man. Bên cạnh quan chức cai trị, ở phủ, huyện, châu, tổng, thuộc,
chúa Nguyễn cho đặt ngạch quan chuyên thu thuế, tổ chức theo ngành dọc gọi là
Bản đường quan.
Trên cơ sở tổ chức của bộ máy chính quyền, các chúa Nguyễn đã ra sức thực
hiện các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, thủ công nghiệp, tích cực
khai khẩn, mở mang ruộng đất. Nhưng dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, ông
lại lấy ngoại thương làm điểm nhấn cho nền kinh tế ở Thuận - Quảng. Cũng chính
điều đó giải thích cho sự có mặt của các thương nhân nước ngoài như Nhật Bản, Bồ
Đào Nha, Trung Quốc… đến buôn bán ở đây. Sự phồn thịnh của các thương cảng
như Thanh Hà, Hội An, Nước Mặn, là minh chứng cho thấy rõ nét thời kỳ cực thịnh
của vùng Thuận - Quảng dưới thời các chúa Nguyễn. Và những bước đi táo bạo này
đã đưa vùng Thuận - Quảng phát triển thịnh vượng, dùng kinh tế thương nghiệp để
21
đối trọng với Đàng Ngoài. Và cũng là lần đầu tiên, cư dân một nước có truyền
thống nông nghiệp lại sống chủ yếu bằng thương mại và cũng là lần đầu tiên Việt
Nam được thế giới biết đến một cách rộng rãi.
Đàng Trong là vùng đất mới khai phá, đất đai phì nhiêu và còn hoang hóa
nhiều, người dân không lo về nạn thiếu ruộng. Còn về con người, như lời giáo sĩ
Christoforo Borri nhận xét là: “ Người dân ở đây siêng năng, ưa làm lụng, tránh sự
ăn không ngồi rồi. Đàn bà khéo dệt vải lụa và làm bánh trái. Họ đối với người nước
ngoài rất hòa nhã, ân cần” [16, tr.11]. Đất và người là những điều kiện căn bản cho
nền kinh tế của Đàng Trong. Và sự phát triển kinh tế ấy đã khiến một thời gian dài
những mâu thuẫn xã hội ở Đàng Trong được giải quyết. Cuộc sống người dân tương
đối thư thả và các chúa cũng có điều kiện duy trì trật tự xã hội trong một thời gian
dài. Ngay từ thời trị vì của Tiên chúa Nguyễn Hoàng, vùng Thuận Quảng đã bắt đầu
thịnh vượng. Sách Việt Nam khai quốc chí truyện chép: “Năm Mậu Thân (1608),
niên hiệu Hoàng Định thứ 9, các nơi ở Đàng Ngoài thời tiết khô hạn, lúa má cháy
khô, một thưng gạo giá 1 mạch, có nhiều người chết đói, thậm chí có nơi người ta
ăn thịt lẫn nhau. Đói khổ như thế đến hơn một năm. Duy chỉ có hại xứ Thuận
Quảng mưa thuận gió hòa, một đấu gạo giá chỉ 3 tiền, ngoài đường không ai nhặt
của rơi, bốn dân đều được ăn cư lạc nghiệp”. [7, tr.41]
Sách Đại Nam thực lục tiền biên cũng nhận xét tương tự: “Bấy giờ Chúa ở
trấn hơn mười năm, chính sự rộng rãi, quân lệnh nghiêm trang, nhân dân đều an cư
lạc nghiệp, chợ không bán hai giá, không có trộm cướp. Thuyền buôn của các nước
đến nhiều. Trấn trở nên một nơi đô hội lớn” .[82, tr.129]
Trên vùng đất mới Thuận - Quảng, đời sống văn hóa, xã hội cũng được xác
lập theo kiểu riêng. Sự phân chia giai cấp không rõ nét và khắc nghiệt như ở Đàng
Ngoài; con người sống phóng khoáng, cởi mở, văn hóa đa dạng có sự giao hòa, pha
trộn giữa văn hóa Việt với văn hóa bản địa, đồng thời chịu ảnh hưởng của các luồng
văn hóa ngoại nhập. Lãnh thổ Đàng Trong được hình thành trên cơ sở vùng đất
Thuận - Quảng và lớn mạnh theo đà Nam tiến mạnh mẽ dưới thời các chúa Nguyễn.
Với việc thực hiện các chính sách tích cực, góp phần giúp Thuận - Quảng đủ sức
đối trọng với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài.
22
Trong suốt thế kỷ XVII, dưới thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, chúa
Thượng Nguyễn Phúc Lan, chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần, chúa Nghĩa Nguyễn Phúc
Thái, chúa Quốc Nguyễn Phúc Chu, tình hình xã hội và đời sống nhân dân Đàng
Trong vẫn tiếp tục tốt đẹp. Sử cũ cho biết dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần: “bấy
giờ trong cõi vô sự, thóc lúa được mùa, chúa càng sửa sang chính trị, không xây
đài tạ, không gần con hát đẹp, nhẹ bớt dao dịch thuế má, trăm họ vui vẻ đều khen là
đời thái bình”.[82, tr.129] Còn Nguyễn Phúc Chu thì “chiêu hiền đãi sĩ, cầu lời nói
hay, nạp lời can dán, bỏ xa hoa, bớt chi phí, nhẹ thuế má dao dịch, bớt việc hình
ngục, trăm họ không ai là không vui mừng” [82, tr.146]
Ở một góc độ nào đó có thể nói rằng, Đàng Trong đã hình thành và phát triển
như một vương quốc độc lập, tạo nên một nước Việt Nam mới với những nét văn
hóa phong phú và đa dạng hơn. Thời kỳ hưng thịnh, phát triển nhanh của nền kinh
tế và sự ổn định xã hội của Đàng Trong chỉ kéo dài cho đến những năm nửa đầu thế
kỷ XVIII. Giữa thế kỷ XVIII, hoạt động kinh tế sa sút, đời sống nhân dân bắt đầu
gặp nhiều khó khăn. Người dân nghèo không còn thiết tha với đồng ruộng. Ruộng
đất công hoặc bị người có quyền thế hay nhà giàu chiếm đoạt hoặc người ta cầm cố,
đem bán, thậm chí bỏ hoang do trưng thu thuế má và phụ thu quá nặng nề. Điều này
một mặt bắt nguồn từ chính sách thuế khóa của nhà nước ngày càng nặng nề, phiền
phức, mặt khác còn do sự nhũng nhiễu, hạch sách của đội ngũ quan lại.
Quan lại ở Đàng Trong không được cấp lương bổng nhất định mà chỉ được
ban một số dân phu, được phép thu thêm một số tiền gạo ngoài thuế của dân. Điều
này dẫn đến một thực tế là quan lại tùy tiện đua nhau hạch sách dân, thu lợi cho
mình mà nhà nước không kiểm soát được. Lê Qúy Đôn viết trong Phủ biên tạp lục
rằng: “quan liêu ở Đàng Trong nhũng lạm quá lắm, hết thảy bổng lộc đều lấy vào
của dân, dân không chịu nổi” [26, tr.186-187]. Với chế độ buôn quan bán tước, bọn
quan lại kém tài ít đức dùng tiền của bóc lột để tiến thân trên đường chính trị và bọn
địa chủ phú hào cũng dùng tiền của bóc lột để mua quan tước, gia nhập vào bộ máy
quan liêu. Nửa sau thế kỷ XVIII, sự khủng hoảng của chính thể Đàng Trong càng
trở nên trầm trọng khi triều đình bị lũng đoạn bởi quốc phó Trương Phúc Loan.
“Phúc Loan chuyên quyền hơn 30 năm, tham lam tàn nhẫn, giết chóc rất nhiều. Ăn
23
ngụ lộc ở nguồn Sái, nguồn Thu Bồn, nguồn Trà Đinh, nguồn Trà Vân, nguồn Đông
Hương, mỗi năm thu vào 4,5 vạn. Lại cai Tàu vụ, quản cơ Trung tượng, quản Hộ bộ
và các việc tạp, số thu nhập lại 3,4 vạn. Vàng bạc, châu ngọc, vật báu, gấm vóc,
vườn ruộng, nhà cửa, tôi tớ, ngựa trâu, không biết bao nhiêu mà kể…”[26, tr.236].
Đến cuối thế kỷ XVIII, bộ máy nhà nước quân chủ quan liêu ở Đàng Trong trở
thành bộ máy ăn bám vô cùng nặng nề, một gánh nặng đè lên đầu người nhân dân
lao động.
Sự suy thoái kinh tế thể hiện rõ nhất trong sản xuất nông nghiệp, nhất là ở
vùng Thuận Quảng. Nhà nước của chúa Nguyễn vào cuối thế kỷ XVIII, đã bỏ rơi
chức năng chăm lo đến nông nghiệp. Đến năm 1774, Lê Qúy Đôn cho biết: “Xứ
Thuận Hóa có 9 huyện, ruộng đất toàn bộ có 256.507 mẫu, nhưng thực cày cấy chỉ
có 153.181 mẫu (còn lại 12.326 mẫu bỏ hoang). Xứ Quảng Nam có 25 huyện, ruộng
đất nhiều gấp bội so với Thuận Hóa, nhưng ruộng thực cày cấy chỉ có 27 vạn mẫu.
Huyện nào cũng có ruộng bỏ hoang. Từ năm 1752 đã xảy ra nạn đói lớn, một
phương gạo trị giá 3 quan tiền, dân nhiều người chết đói. Tình hình đời sống của
nhân dân Đàng Trong ngày càng khó khăn, đặc biệt là vào mùa đông năm Giáp
ngọ (1774), Thuận Hóa bị đói to, mỗi lẻ gạo trị giá 1 tiền, người chết đói rất nhiều,
người nhà có khi ăn thịt lẫn nhau” [Dẫn theo 82, tr.179]
Mâu thuẫn chất chứa bên trong xã hội trở nên sâu sắc và lên đến đỉnh điểm,
người dân nghèo không mãi cam chịu, những cuộc khởi nghĩa bắt đầu diễn ra của
đủ mọi tầng lớp nhân dân từ thương nhân, các tộc người thiểu số và đặc biệt là của
nông dân đã liên tiếp nổ ra. Năm 1771, cuộc khởi nghĩa Tây Sơn - kết tinh sức
mạnh quật khởi của tầng lớp nhân dân bùng nổ, từng bước lật đổ các thế lực phong
kiến Đàng Trong, Đàng Ngoài, đánh tan các thế lực ngoại xâm (Xiêm, Thanh), xóa
ranh giới chia cắt đất nước, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc.
Như vậy nhìn chung, trải qua các đời chúa đầu, tình hình chính trị - xã hội ổn
định, các chúa chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng Đàng Trong thành một vùng đất
giàu mạnh về nhiều mặt. Cùng với quá trình Nam tiến, các chúa Nguyễn ở Đàng
Trong đã có những chính sách tích cực và tiến bộ thu hút nhiều lực lượng tìm đến
đây, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo cơ sở khá vững chắc
24
cho quá trình tồn tại và phát triển của các chúa Nguyễn. Tuy nhiên, đến đời chúa
Nguyễn Phúc Thuần thì vương triều họ Nguyễn bị nạn quyền thần lộng hành và bộ
máy nhà nước đó rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Bối cảnh chính trị - xã
hội như vậy, ít nhiều đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế thương nghiệp Đàng
Trong nói chung và vùng Thuận Quảng nói riêng trong giai đoạn từ thế kỷ XVI -
XVIII. Từ sự hưng thịnh tiếp nối của những năm đầu thế kỷ này, đến giữa thế kỷ
bắt đầu ngưng trệ và đi xuống rõ rệt vào nửa sau thế kỷ XVIII.
1.4. Chính sách của chúa Nguyễn đối với việc phát triển kinh tế thương nghiệp
Lịch sử kinh tế các triều đại phong kiến Việt Nam hiện diện bởi loại hình
kinh tế nông nghiệp tự cung tự cấp trong suốt chiều dài lịch sử. Xứ Đàng Trong của
các chúa Nguyễn ra đời đúng vào khoảng thời gian đầy những biến động lịch sử
trong nước cũng như thế giới, trong một “thời đại thương nghiệp”. Sự hình thành
các luồng giao lưu buôn bán quốc tế tác động mạnh mẽ đến các vùng, làm cho nhu
cầu hàng hóa tăng lên không ngừng. Đàng Trong nói chung và vùng Thuận Quảng
nói riêng trong các thế kỉ XVI - XVII - XVIII chính là sự biểu hiện sinh động cho
những thay đổi mang tính đột phá của các chúa Nguyễn. Chính vì vậy mà Li Tana
cho rằng:
“ Chúng ta có thể nói một cách hoàn toàn bảo đảm rằng chính thương
nghiệp đã làm cho vương quốc mới của Việt Nam, chỉ trong vòng ít thập niên, trở
nên giàu có và đủ mạnh để có thể duy trì được nền độc lập của mình đối với phía
bắc và mở rộng về phía nam. Không có thương mại, Đàng Trong khó có thể tồn tại
nổi, cho dù tài nguyên thiên nhiên dồi dào, vì những khó khăn vương quốc này phải
đương đầu. Thiếu nhân lực, thiếu tiền của, không có sẵn quan hệ với bên ngoài và
nhiều khó khăn khác, nhất là khi lại phải xây dựng trên một vùng đất mới giành
được từ một dân tộc khác có một nền văn hóa khác. Ngoại thương đã trở thành yếu
tố quyết định trong tốc độ phát triển của Đàng Trong. Ngoài thương nghiệp, không
gì khác có thể giúp họ Nguyễn xây dựng một cách nhanh chóng vùng đất ít nhân lực
này để có thể đương đầu nổi với một vùng đất có số tiềm lực nhiều gấp đôi, gấp ba
Đàng Trong về mọi mặt. Đối với các nước khác ở Đông Nam châu Á, vấn đề ngoại
thương có thể chỉ là vấn đề làm giàu, nhưng đối với Đàng Trong vào buổi đầu, đây
25
là một vấn đề sống chết.”[65, tr 85].
Đứng trước sự phát triển của nền thương mại quốc tế, để đáp ứng yêu cầu
phát triển của vùng đất mới, các chúa Nguyễn đã không ngừng đưa ra những chính
sách giao thương tích cực, cởi mở, dùng giao thương làm đòn bẩy để phát triển kinh
tế, tăng cường sức mạnh và tiềm lực quốc gia
Thứ nhất, chúa Nguyễn đã chú trọng sản xuất giao thương nội địa làm cơ sở
cho giao thương với nước ngoài. Thực hiện âm mưu cát cứ, xây dựng một đất nước
riêng để chống lại họ Trịnh, một mặt củng cố việc phòng thủ đất Thuận - Quảng,
mặt khác đẩy mạnh việc khai hoang, mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam đặc biệt
vùng châu thổ sông Đồng Nai và Cửu Long: “chiêu mộ những dân có vật lực ở xứ
Quảng Nam, các phủ Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn cho dời tới đây, phát chặt
mở mang, hết thảy thành bằng phẳng, đất đai màu mỡ, cho dân tự chiếm, trồng cau
và làm nhà cửa”[68, tr.345]. Mỗi vùng đều có những đặc sản riêng: hồ tiêu ở Hà
Tiên, mía ở Bình Thuận và Quảng Nam, dâu ở Thuận Hóa, Quảng Nam, bông ở
Quảng Ngãi, quế ở Quy Nhơn, Thăng Hoa, Điện Bàn…Những đặc sản này cũng trở
thành những thương phẩm của Đàng Trong trao đổi với lái buôn nước ngoài. Nền
kinh tế nông nghiệp Đàng Trong một thời gian dài phát triển tương đối ổn định. Đó
chính là cơ sở kinh tế vững chắc tạo điều kiện thuận lợi cho sự thống trị của chúa
Nguyễn ở Đàng Trong và cũng là cơ sở cho kinh tế thương nghiệp phát triển mạnh
mẽ.
Các chúa Nguyễn đã cho lập các quan xưởng đúc súng, tiền, đóng
thuyền…nhằm phục vụ nhu cầu của nhà nước. Thời kì này ở Đàng Trong đã hình
thành một số trung tâm sản xuất gốm sứ lớn, sản phẩm làm ra không chỉ phục vụ
nhu cầu trong nước mà còn trở thành mặt hàng xuất khẩu được ưa chuộng. Một học
giả Nhật Bản khác là G.S Hasebe Gakuji nhận xét: “ Kỹ thuật sản xuất đồ gốm ở
Nhật Bản vào thế kỷ XVI còn kém xa so với kỹ thuật Đại Việt” [30, tr.183]. Cùng
với gốm sứ, tơ lụa, mía đường cũng là một mặt hàng xuất khẩu khá nổi tiếng của
Đàng Trong. Bên cạnh các nghề thủ công truyền thống như gốm, dệt vải, mía
đường…các nghề khác như làm giấy, rèn sắt, đúc đồng, làm nón…cũng có những
bước phát triển vượt bậc. Chính nhờ sự phát triển mạnh mẽ của các nghề thủ công
26
đã kích thích nội thương phát triển, từ đó hoạt động ngoại thương cũng chịu những
tác động tích cực.
Thứ hai, các chúa Nguyễn chủ động mời gọi thương nhân nước ngoài đến
buôn bán với Đàng Trong. Sử liệu của Christophoro Borri viết năm 1621: “Chúa
Đàng Trong không đóng cửa với một quốc gia nào, ngài để cho tự do và mở cửa
cho tất cả người ngoại quốc, người Hà Lan cũng tới như những người khác, cùng
với tàu chở rất nhiều hàng hóa của họ. Phương châm của người Đàng Trong là
không bao giờ tỏ ra sợ một quốc gia nào trên thế giới” [16, tr.88]. Vì thế, từ cuối
thế kỷ XVI, XVII và nửa đầu thế kỷ XVIII, ngoại thương ở Đàng Trong có bước
phát triển vượt bậc bởi số lượng thuyền đến buôn bán. Đối với Đàng Trong, ngoại
thương không chỉ là vấn đề làm giàu mà là vấn đề tồn vong của một chính quyền
mới thành lập trên mảnh đất giàu tài nguyên thiên nhiên nhưng thiếu nhân lực, thiếu
tiền bạc và thiếu quan hệ bang giao với các nước bên ngoài.
Mặt khác, sự hình thành của luồng giao lưu buôn bán quốc tế tác động mạnh
mẽ đến các vùng lâu nay còn xa cách, đóng kín làm cho nhu cầu hàng hóa đặc sản
địa phương tăng lên không ngừng. Người ta có thể khai thác nhiều hơn, làm lợi hơn
khi bán được nhiều sản vật làm ra hay khai thác được. Bên cạnh đó, một thời nhà
Thanh đóng cửa buộc các thương nhân Trung Quốc cũng như thương nhân nước
ngoài quen hoạt động buôn bán ở đây phải dồn sang nước ta. Tất cả những điều đó
khiến nội thương nhộn nhịp, buôn bán với nước ngoài cũng phát triển. Đồng thời,
Đàng Trong ở vào vị trí rất thuận lợi trên tuyến thương mại khu vực và quốc tế, là
vị trí trung tâm của khu vực Đông Nam Á và là nơi mà “người ngoại quốc bị quyến
rũ bởi đất đai phì nhiêu và thèm muốn những của cải tràn đầy trong xứ họ. Không
những người xứ Đàng Ngoài, xứ Campuchia và Phúc Kiến và mấy xứ lân cận đến
buôn bán, mà mỗi ngày người ta còn thấy các thương gia đến từ những miền đất xa
xôi Trung Quốc, Ma Cao, Nhật Bản, Manila và Malacca. Tất cả đều đem bạc đến
xứ Đàng Trong để đem hàng hóa của xứ này về” [16, tr.89]
Chính sách mở cửa giao lưu với nước ngoài còn được các chúa Nguyễn thực
hiện ngay trong quan hệ hôn nhân gia đình với các hoàng gia bên ngoài. Đó là việc
chúa Nguyễn Hoàng nhận một thương gia và cũng là phái viên đầu tiên của chính
27
quyền Tokugawa làm con nuôi, còn chúa Nguyễn Phúc Nguyên thì gả hai công
chúa, một cho thương gia Nhật và một cho vua Chân Lạp. Tất cả đều hướng tới
những mối quan hệ lâu dài, bên cạnh đó tạo những điều kiện thuận lợi nhất định cho
các đoàn thuyền buôn ngoại quốc sang buôn bán.
Các triều đại phong kiến Việt Nam trước đây cũng như nhiều triều đại phong
kiến phương Đông khác có chính sách hạn chế ngoại thương một phần lí do xuất
phát từ nhu cầu tự vệ để ngăn ngừa do thám của nước ngoài, mặt khác, do ảnh
hưởng của tư tưởng “trọng nông ức thương”, “dĩ nông vi bản” của Nho giáo, muốn
gắn chặt người nông dân với đồng ruộng. Vì thế, các triều đại phong kiến thường
“đóng cửa” ngoại thương hoặc có những biện pháp kiểm tra ngoại thương rất chặt
chẽ. Tuy nhiên, đến đầu thế kỷ XVI: “Do tác động của luồng thương nghiệp thế
giới và các nước trong khu vực, do yêu cầu xây dựng tiềm lực kinh tế - quân sự -
chính trị lớn mạnh để mưu định nghiệp lớn, chúa Nguyễn, trước tiên là Nguyễn
Hoàng, sau đó được kế tục bởi chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã thực thi một chính
sách ngoaị thương “mở cửa”. Sẵn sàng mời gọi thương nhân nước ngoài đến đầu
tư buôn bán. Nhờ vậy mà ngoại thương Đàng trong phát triển cực kỳ rực rỡ…” [55,
tr.19]. Điều này giải thích cho sự có mặt của các thương nhân nước ngoài ở Đàng
Trong vào thế kỉ XVII, XVIII. Với sự xác lập mối quan hệ với nhiều quốc gia này
đã giúp cho Đàng Trong không chỉ bảo vệ, nâng cao được vị thế chính trị của mình
như một đối tác trọng yếu trong các mối quan hệ tương tác quyền lực khu vực mà
thông qua các mối quan hệ đó, chủ yếu là giao thương kinh tế đường biển - hải
thương, đã tạo thế đứng vững chắc cho Phú Xuân. Chủ trương đẩy mạnh và mở
rộng quan hệ hải thương cũng cho thấy tầm nhìn chiến lược của các chúa Nguyễn
trong việc nắm bắt xu thế phát triển của thời đại.
Thứ ba, để tạo cơ sở thuận lợi cho hoạt động thương mại của người nước
ngoài, các chúa Nguyễn chú trọng xây dựng hệ thống các thương cảng dọc ven biển.
Ở Hội An đã hình thành hai khu phố tự trị của người Nhật và người Hoa. Viết về đô
thị Hội An, Chritoforo Borri mô tả như sau: “Vì cho tiện việc hội chợ, chúa Nguyễn
cho phép người Trung Quốc và Nhật Bản làm nhà cửa theo tỉ lệ người của họ để
dựng nên một đô thị, đô thị này gọi là Faifo và nó khá lớn. Chúng tôi có thể nói có
28
hai thành phố, một của người Trung Quốc và một của người Nhật. Họ sống riêng biệt
và theo phong tục, tập quán của mỗi nước…” [16, tr.88].Bên cạnh Hội An, chúa
Nguyễn còn cho thiết lập nhiều cảng thị khác: Thanh Hà, Nước Mặn,…Đô thị Đàng
Trong ra đời là hệ quả của chính sách tiến bộ cuả các chúa Nguyễn đón nhận đúng
thời cơ thương mại quốc tế và di dân đô thị đang phát triển. Tầm nhìn đó đã vượt xa
các nguyên thủ phương Đông cùng thời lấy làng xã làm nền tảng, nông dân làm chỗ
dựa, nông nghiệp làm trọng tâm và cấm vận là chủ yếu.
Thứ tư, các chúa Nguyễn chú trọng kiện toàn bộ máy quản lý ngoại thương.
Trên phương diện kinh tế, việc mở rộng giao thương quốc tế đã đem lại nhiều lợi
ích kinh tế cho chính quyền Đàng Trong. Một số nguồn sử liệu cho thấy, hằng năm
số thuyền buôn đến nhiều hay ít đều ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách của chính
quyền. Do vậy, ngay từ buổi đầu, chúa Nguyễn đã chủ động đặt ra chế độ thuế quan
đối với các tàu buôn ngoại quốc. Chính quyền Đàng Trong đã lập các ty tàu vụ và
thiết lập cả một bộ máy viên chức có trách nhiệm giải quyết các vấn đề có liên quan
đến kinh tế đối ngoại và thu thuế xuất - nhập khẩu. Theo Lê Qúy Đôn cho biết: “
Khi họ Nguyễn cát cứ, thu được thuế thuyền rất nhiều. Đặt cai tàu, tri tàu mỗi chức
một viên, cai bạ tàu, tri bạ tàu, cai phủ tàu, ký lục tàu, thủ tàu nội mỗi chức hai
viên, cai phòng 6 người, lệnh sử 30 người, toàn thuế binh 50 người, lính tàu 4 đội
70 người, thông sự 7 người [26, tr.290].Ở mỗi cảng khẩu còn thiết lập công đường
để thu thuế nhập cảng. Mặt khác để kiểm tra hoạt động kinh tế đối ngoại, chúa
Nguyễn đã huy động hệ thống quản lý địa phương vào việc điều tra giám sát để
trưng thu thổ vật theo lệ và thuế. Nguồn lợi thuế cũng san sẻ cho quân dân địa
phương để khích lệ họ tham gia. Phủ biên tạp lục của Lê Qúy Đôn còn ghi: “Các xã
Minh Hương ở Hội An, Cù Lao Chiêm, Cẩm Phố, Làng Câu thì giữ việc thám báo,
hễ tàu đến xứ Quảng Nam, vào cửa biển Đại Chiêm đến phố Hội An hay vào cửa
biển Đà Nẵng đến xứ Lưu Lâu mà buôn bán thì phải nạp các hạng thổ vật và phải
nạp thuế theo lệ định. Tính suốt cả năm được tiền bao nhiêu thì lấy 6 phần nộp làm
thuế cảng, còn 4 phần thì quân dân đều lấy nhiều ít chia nhau”[26, tr.290]
Cũng theo Phủ biên tạp lục thì:
“Lệ tàu vụ của họ Nguyễn, hàng năm cứ tháng giêng thì các viên cai bạ, tri
29
bạ, lệnh sử, cai phủ, ký lục phủ của Tàu Ty đều phải vào phố Hội An xứ Quảng
Nam, chia sai những người thuộc quân am hiểu tiếng nước ngoài đi canh giữ Cù
Lao Chàm và cửa Đà Nẵng, hễ thấy có tàu buôn các nước đến đấy thì phải xét hỏi
tất cả, quả là tàu buôn bán chịu thuế thì đem thuyền trưởng và tài phó tàu ấy vào
phố Hội An để trình cai bạ xét thực khải lên và trình quan cai tàu để truyền cho
tuần ty đem dân phụ lũy đến hộ tống vào cửa đậu ở sở tuần, lệnh sử và các nha đến
xem, thuyền trưởng và tài phó kê khai sổ sách, điểm mục, xong mới cho qua sở tàu
mà lên phố để đậu” [26, tr.292]
Hệ thống quản lý ngoại thương mà các chúa Nguyễn thiết lập không chỉ đơn
giản là những viên quan thu thuế ở các cảng thị mà họ còn đồng thời là đại diện cho
chính quyền trong việc giải quyết các vấn đề đối ngoại. Mặc dù ít nhiều chưa thể
thoát khỏi tính chất “phong kiến” nhưng hệ thống quản lý ngoại thương của chúa
Nguyễn đã được thiết lập chặt chẽ và tương đối thống nhất. Bên cạnh đó, còn tạo
điều kiện cho khách buôn đến Đàng Trong. Khi đã lôi cuốn một lượng lớn khách
buôn nước ngoài đến, chúa Nguyễn tạo mọi điều kiện buôn bán thuận lợi nhằm giữ
chân họ. Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Hà Lan là những khách hàng lớn của
Đàng Trong thời kì này. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã cho lập một khu phố riêng
dành cho người Nhật và một phố dành cho người Hoa tại Hội An, nơi có nhiều hải
cảng đẹp nhất lúc bấy giờ. Người phương Tây gọi Hội An là “đô thị Nhật Bản” vì
sự sầm uất của nó trong thời kì cực thịnh.
Như vậy, nhờ những chính sách “mở cửa”, ưu đãi đối với thương nhân nước
ngoài mà thương nghiệp Đàng Trong phát triển hết sức rực rỡ vào thế kỉ XVI -
XVII. Theo nghiên cứu của Nguyễn Văn Kim thì: “Trong lịch sử Việt Nam, chưa
bao giờ nên kinh tế hải thương lại có quan hệ mở rộng, đa dạng và phát triển hưng
thịnh như giai đoạn thế kỷ XVI - XVII. Hầu hết các cường quốc kinh tế lúc bấy giờ,
cả ở châu Á và châu Âu, đều đến và thiết lập quan hệ trao đổi, buôn bán với Đàng
Trong” [55, tr.23]. Và cách thức này đã đưa Đàng Trong nói chung và vùng Thuận-
Quảng nói riêng hội nhập với mô hình phát triển chung của hầu hết các quốc gia
Đông Nam Á lúc bấy giờ là hướng ra biển.
30
Tiểu kết chương 1
Thuận Quảng, mảnh đất dựng nghiệp của các chúa Nguyễn ra đời vào đúng
thời đúng buổi, trong một thời đại thương nghiệp, hội đủ tất cả những yếu tố để xây
dựng một vương quốc mới. Đây cũng là nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi
dào, phong phú tiếp tục được đẩy mạnh khai thác phục vụ tiêu dùng của người dân
và trao đổi nhờ vào những chính sách của các chúa Nguyễn. Chính thương nghiệp
đã làm cho vương quốc mới của Việt Nam chỉ trong vòng ít thập niên đã trở nên
giàu có và đủ mạnh để duy trì nền độc lập của mình đối với phía Bắc. Lần đầu tiên,
cư dân của một đất nước có truyền thống nông nghiệp lại sống chủ yếu bằng thương
mại và cũng lần đầu tiên Việt Nam được thế giới biết đến một cách rộng rãi.
Trong một tư duy năng động thoáng mở, nguồn lực tri thức, kinh nghiệm
của chính quyền Đàng Trong là sự tích hợp của nhiều truyền thống, nhiều dòng
văn hóa bản địa, khu vực và quốc tế. Các chính sách hợp thời hợp lòng người thực
sự đã tạo nên những động lực mới cho chính quyền thực hiện thành công các
chính sách phát triển.
31
CHƯƠNG 2: TÌNH HÌNH THƯƠNG NGHIỆP THUẬN - QUẢNG
TỪ NĂM 1558 - 1774
2.1. Tình hình nội thương
2.1.1. Hệ thống các chợ làng
Chợ làng là nơi người tiểu nông bán những sản phẩm thừa, chưa dùng đến,
và là nơi họ mua những sản phẩm thiếu để đáp ứng nhu cầu đời sống và vật chất.
Chợ gắn với làng xã, gắn với quá trình tập trung dân cư. Trong phạm vi một vùng,
các chợ luân phiên nhau họp. Có chợ mai (họp vào buổi sáng), chợ hôm (họp vào
buổi chiều), có chợ họp hằng ngày hoặc vài ba ngày một phiên. Mạng lưới chợ hình
thành một cách tự nhiên bởi sự phát triển của kinh tế, của đời sống dân cư, nhu cầu
giao lưu buôn bán hàng hóa và giao lưu văn hóa.
Trước khi Nguyễn Hoàng vào cai trị vùng đất Thuận Quảng, nền sản xuất
hàng hóa và thương nghiệp ở đây còn hết sức yếu ớt. Trên địa bàn ba tỉnh Quảng
Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế hiện nay, theo sách Ô châu cận lục ghi lại chỉ
có 3 cái chợ là chợ Thế Lại ở huyện Kim Trà (Thừa Thiên Huế), chợ Đại Phúc tại
địa phận hai làng Đại Phúc và Tuy Lộc huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) và chợ Thuận
tại địa phận hai huyện Vũ Xương và Hải Lăng (Quảng Trị) [1, tr.87-88]
Ở vùng đất Quảng Nam ngày nay không thấy có ghi chợ nào. Cảnh lưu thông
và vận chuyển sản vật, hàng hóa ở các thế kỉ trước cũng hết sức ảm đạm. Đại Việt
Sử ký toàn thư ghi lại thời điểm năm 1485 như sau: “Trước xứ Quảng Nam không
có thuyền. Hàng năm quân dân gánh thuế thường bị tổn thất. Từ nay trở đi khi nộp
thuế cho thừa ty Quảng Nam chuyển giao thuế vật cho ba ty Đô, Thừa, Hiến, Thuận
Hóa để sai người chuyển đi nộp lên” [68, tr. 289]. Về mặt tài nguyên thiên nhiên,
đầu thế kỉ XVI, Dương Văn An đã ghi lại đây là vùng đất giàu tài nguyên thiên
nhiên với trầm hương, hồ tiêu, ngà voi, sừng tê, thổ cẩm trắng, vải gấm xanh, vỏ
gai…[1,tr.21-29]. Như vậy, trước lúc chúa Nguyễn vào cai trị, vùng đất Thuận
Quảng không phải là một xứ nghèo sản vật, nhưng do quá trình lưu thông hàng hóa
và thị trường còn kém, chưa được các triều đại chú trọng xây dựng và phát triển mà
chỉ coi đây là vùng chủ yếu để cai trị giữ đất và cống nạp, nên sản vật khó trở thành
hàng hóa. Chính vì vậy, ngay khi vào cai trị vùng đất này, cùng với việc mở mang
32
đất đai, củng cố sức mạnh quân sự để đối trọng với Đàng Ngoài, thì các chúa
Nguyễn đã khuyến khích việc hình thành nên các chợ ở địa phương và xây dựng các
khu đô thị tập trung ở những cửa sông, cửa biển để thuận tiện cho việc trao đổi buôn
bán trong nước và với nước ngoài.
Ở Thuận Quảng, cùng với sự mở mang đất đai, phát triển kinh tế, chợ mọc
lên rất nhiều tại các địa phương. Các chợ lớn ở mỗi phủ được Lê Qúy Đôn tổng kết
trong Phủ biên tạp lục như sau: Xứ Thuận Hóa (Thừa Thiên Huế) có 5 chợ: chợ
Dinh, chợ Sãi, chợ Cam Lộ, chợ Phả Lại, chợ Phú Xuân. Riêng xứ Quảng Nam, tài
liệu còn ghi chép cả số tiền thuế chợ phải nộp cho chính quyền đương thời.
- Xứ Quảng Nam: chợ Hội An, tiền thuế 49 quan. Chợ Khánh Thọ tiền thuế
45 quan. Chợ Chiên Đàn tiền thuế 48 quan. Chợ Phú Trạm tiền thuế 255 quan, chợ
Tân An tiền thuế 70 quan, chợ Khẩu Đáy tiền thuế 309 quan…
- Phủ Điện Bàn: chợ Thẩm Lĩnh thuế 70 quan.
- Phủ Quy Nhơn: chợ Yên Khang tiền thuế 36 quan, chợ Tiên Yên tiền thuế
48 quan. Chợ Phúc Sơn tiền thuế 176 quan, chợ Kiền Dương tiền thuế 51 quan, chợ
Phúc Yên tiền thuế 55 quan [26, tr. 274-276]
Ngoài hệ thống chợ ở các phủ, hệ thống chợ làng ở các huyện cũng rất phát
triển. Theo khảo cứu của tác giả Lê Quang Định trong Hoàng Việt nhất thống dư
địa chí và Phủ biên tạp lục của Lê Qúy Đôn và một số nguồn tư liệu điền dã thì
huyện Hương Trà - Phủ Thuận Hóa có các chợ: chợ Phủ Cam, chợ An Cựu, chợ
Dương Xuân, chợ Thiên Lộc, chợ Kim Long, chợ Xuân Hòa, chợ Long Hồ, chợ
Xước Dũ. Ngoài ra còn có chợ Bằng Lãng, chợ Thai Dương…Ở huyện Quảng Điền
có chợ Thanh Kệ, chợ Hương Cần, trong đó “chợ Thanh Kệ đông vào buổi
trưa,…chợ Hương Cần đông vào buổi sáng” [25, tr.215]. Còn có chợ Hạ Lang, chợ
Van Xá, chợ Sa Đôi, chợ Thành Công, chợ Cổ Bi. Ở huyện Phú Vang có chợ Hồng
Phúc, chợ Cao Đôi, chợ phường Phụ Lũy, chợ Diêm Phụng và chợ Mỹ Toàn…[97,
tr.28-36]
Quảng Bình, cùng với sự phát triển của nông nghiệp và thủ công nghiệp đã
làm nảy sinh nhu cầu trao đổi, mua bán giữa cộng đồng dân cư trong làng và các
làng khác. Dựa theo Ô châu cận lục, chúng ta có thể biết được ở Quảng Bình nửa
33
đầu thế kỷ XVI đã có các chợ: Đại Phúc, Thủy Lan, Cổ Liễu, Lũ Đăng. Đến nửa sau
thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII, ở huyện Lệ Thủy theo Phủ biên tạp lục và Hoàng
Việt nhất thống dư địa chí bao gồm: chợ An Duyệt, chợ Thạch Xá Hạ, chợ Thạch
Xá Thượng, chợ Hồng Trạm, chợ Phò Tông. Ở huyện Phong Đăng có những chợ:
chợ Cổ Hiền, chợ Dinh Mười, chợ Võ Xá. Huyện Bố Trạch thế kỷ XVII-XVIII: chợ
An Lão, chợ Chính An, chợ Lý Hòa, chợ Thanh Hà. [26, tr.137-139]
Năm 1605, khi huyện Điện Bàn phủ Triệu Phong thuộc dinh Thuận Hóa
được thăng làm phủ lãnh 5 huyện Tân Phúc, An Nông, Hòa Vang, Diên Khánh (đến
năm Minh Mạng thứ 11 đổi tên thành huyện Diên Phước, tương ứng với huyện
Điện Bàn và một phần lãnh thổ thành phố Đà Nẵng ngày nay) có các chợ như: chợ
Cẩm Lũ, Đông Bàn, Phong Thử, Bất Nhị, chợ Thanh Chiêm, chợ Xuân Đài. Ở
huyện Hòa Vang bên cạnh các chợ Cẩm Lệ, Thúy Loan, Quảng Huế, Ái Nghĩa,
Phiếm Ái đã ra đời từ các thế kỉ trước thì còn có thêm chợ Hải Châu, chợ Hà Nhai,
chợ Phò Nam, chợ An Thái, chợ Hà Điền…[25 ,tr.220]. Huyện Duy Xuyên nằm ở
khu vực phía nam sông Thu Bồn, tương đương với vùng đất của huyện Duy Xuyên,
một phần lớn huyện Quế Sơn và một phần phía đông nam của huyện Đại Lộc ngày
nay). Dưới thời các chúa Nguyễn, bên cạnh chợ Bàn Thạch đã ra đời trước đó thì
còn có các chợ mới như chợ Phượng Châu, chợ Mậu Hòa, chợ Trà Kiệu, chợ La
Tháp, chợ Thu Bồn. Huyện Lễ Dương có chợ Hà Lam, chợ Việt An và chợ Phước
Sơn. Ở huyện Hà Đông theo Lê Qúy Đôn có: chợ Chiên Đàn, chợ Khánh Thọ và
chợ Cầu Ông Bộ. [26, tr.152-153]
Quảng Trị cùng với Thừa Thiên Huế cũng là những trung tâm kinh tế lớn
nằm ở phía Bắc Chiêm Thành, hệ thống các chợ cũng được hình thành với quy mô
và diện tích đáng kể như: Ở huyện Vĩnh Linh có: chợ Huyện, chợ Tùng Luật, chợ
Hàm Hòa, chợ Đàng. Ở huyện Gio Linh có chợ Mai Xá, chợ Cầu, chợ Kênh, chợ
Bến Ngự, chợ Nam Đông..Ở Huyện Triệu Phong gồm: chợ Thuận, chợ Dâu Kênh,
chợ Đình Bích La, chợ Gia Độ, chợ An Lợi, chợ Sãi, chợ Hôm…Ở huyện Hải Lăng
có chợ Diên Sanh, chợ Câu Nghi, chợ Phương Lang, chợ Kim Long…Và huyện
Cam Lộ có chợ Phiên Cam Lộ, chợ Sòng, chợ Nam Thuận…[29, tr.71-72]
Sự ra đời của các chợ tại các dinh, phủ đã không những chỉ phục vụ trực tiếp
34
cho nhu cầu của đời sống của cung phủ, binh lính và nhân dân trong nội thành mà
hàng hóa và sản phẩm thủ công nghiệp ở đây còn được luân chuyển đến các địa
phương khác. Theo Lê Qúy Đôn : “ Từ năm Đinh Mão Chính Hòa thứ 8 đến nay chỉ
90 năm mà ở trên thì các phủ thờ ở Kim Long, giữa thì cung phủ hành lang, dưới
thì nhà cửa ở phủ Ao,…ở thượng lưu về bờ nam có phủ Dương Xuân và Phủ
Cam…Ở thượng lưu hạ lưu phía trước chính Dinh thị chợ phố liền nhau, đường cái
đi ở giữa, nhà cửa chia khoảng tiếp nhau, đều là mái ngói. Cây to bóng mát, tả hữu
thành hàng. Thuyền buôn bán, đò dọc ngang, đi lại như mắc cửi” [26, tr.145-146].
2.1.2. Thành phần tham gia buôn bán.
Chợ làng ra đời xuất phát từ nhu cầu trao đổi sản phẩm dư thừa của nền kinh
tế tiểu nông, thủ công nghiệp chưa tách khỏi nông nghiệp, thương nghiệp chỉ là
ngành kinh tế phụ. Họ đem các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủ công, đánh bắt
đến chợ để bán và mua các loại hàng hóa phục vụ cho nhu cầu sản xuất và sinh
hoạt. Với việc nới lỏng thuế má và biết vỗ về lòng dân, biết tận dụng các loại sản
vật, đã tạo một luồng khí mới mẻ trong sản xuất giao thương, đó cũng chính là
nguyên nhân chính giải cho sự đa dạng của các thành phần tham gia buôn bán gồm:
- Những người nông dân - thợ thủ công đem sản phẩm do họ tự làm ra đến
chợ để bán và mua những sản phẩm cần thiết mà họ không sản xuất được, vì thế mà
người đi chợ đa số vừa là người bán cũng vừa là người mua, không có sự phân biệt
rạch ròi giữa mua và bán. Sản phẩm do họ trực tiếp làm ra và cũng chính do họ là
người đưa đến chợ để bán. Người nông dân thường tranh thủ chạy ra chợ lúc nông
nhàn, khi các loại nông sản đến kỳ thu hoạch hoặc khi kiếm được mớ cá, mớ tôm.
Phương tiện chủ yếu của họ là đi bộ nên khoảng cách trao đổi không lớn lắm
thường trong phạm vi một vài làng hoặc hai ba chợ trong ngày.
- Bộ phận thứ hai là những người buôn bán chuyên nghiệp. Phần lớn, họ xuất
thân từ những người nông dân - thợ thủ công có thêm nghề buôn bán phụ trợ hoặc
dân ngụ cư không có ruộng khẩu phần phải lấy buôn bán làm nghiệp sống. Ban đầu
có thể họ cũng chỉ “buôn thúng, bán bưng”, qua thời gian, nhờ khéo léo, nhanh
nhẹn, tích lũy được kinh nghiệm và vốn liếng, nên họ chọn nghề buôn bán để sống.
Họ lấy hàng từ đầu mối và phân phối ở chợ làng. Đầu mối hàng hóa có thể ở ngay
35
tại làng, các vùng lân cận trong tỉnh hay các tỉnh khác. Nhờ hoạt động của đội ngũ
buôn bán này đã làm phong phú thêm cơ cấu các mặt hàng ở chợ và góp phần phát
triển chợ.
- Bộ phận buôn bán có vốn lớn, chiếm lĩnh thị trường rộng là các thương
nhân người Hoa. Người Hoa chiếm lĩnh thị trường buôn bán ở các khu đô thị, đặc
biệt là ở Hội An, thương nhân người Hoa chiếm tuyệt đại đa số. Họ không ngừng
mở rộng phạm vi hoạt động của mình ra các chợ vùng ven và chợ lớn trong tỉnh.
Mặc dù nhà nước đã cố gắng hạn chế việc buôn bán của tầng lớp này như việc quy
định thương nhân Hoa kiều chỉ được buôn bán thuốc bắc mà không được bán bất kỳ
thứ hàng hóa nào của Trung Quốc [122, tr.211].
- Người buôn bán bao gồm đủ các thành phần cư dân trong làng, hầu hết là
phụ nữ. Điều này được phản ánh qua sự kiện chúa Nguyễn Phúc Khoát chủ trương
buộc phụ nữ Đàng Trong phải mặc quần có đáy để phân biệt với phụ nữ Đàng
Ngoài mặc váy, bởi vậy trong dân gian có câu:
Không đi thì chợ không đông
Đi thì phải mượn quần chồng sao đang.
Koffler rất cảm phục tài buôn bán của người phụ nữ Phú Xuân: “Phụ nữ rất
am hiểu công việc mua bán, chăm làm và có đầu óc lanh lợi…Tài ba khôn khéo sẵn
có của họ đã làm cho tài sản gia đình ngày càng sinh sôi nảy nở thêm” [Dẫn theo
11,tr.123]. Do vậy, việc buôn bán ở chợ cũng là tiêu chuẩn để phản ánh, đánh giá
người phụ nữ với câu: “trai khôn chọn vợ chợ đông”
- Tại các chợ vùng thượng nguồn, người dân tộc thiểu số cũng là thành phần
buôn bán chính. Họ mang tới chợ các mặt hàng lâm - thổ sản như quế, tiêu, trầu,
dầu rái, than củi và cả những mặt hàng thủ công tinh xảo như thổ cẩm… để đổi lấy
các mặt hàng gạo, cá, mắm, muối của các thương nhân từ miền xuôi lên
2.1.3. Hình thức và các mặt hàng trao đổi
* Hình thức trao đổi buôn bán
- Những người nông dân, thợ thủ công họ đem các sản phẩm trồng trọt, chăn
nuôi, đánh bắt đến chợ để bán và mua về các loại hàng hóa phục vụ cho sản xuất và
sinh hoạt. Giá trị hàng hóa mà họ mua và bán không lớn, cũng có lúc thay vì trả tiền
36
họ sử dụng hình thức vật đổi vật. Cũng có người “mua đầu chợ, bán cuối chợ”, vốn
và lãi cũng rất nhỏ bé, ít ỏi, chủ yếu mang tính trao đổi sản phẩm hơn là mua bán
theo đúng nghĩa.
- Mua bao tiêu: thực chất là mua hết toàn bộ số hàng mà người bán có.
Thương nhân muốn có hàng, hàng tốt và hàng rẻ để trao đổi buôn bán ở các tỉnh
khác hoặc với các vùng khác trong tỉnh thì họ cử người “thư ký” đi đến tận cơ sở
sản xuất để đặt hàng, ứng tiền trước, hoặc nếu có nhiều vốn thì thường mua hết tất
cả sản phẩm cho đủ số lượng. Các thương nhân còn đầu tư vốn, kỹ thuật lâu dài cho
cơ sở sản xuất để làm ăn. Nhiều cơ sở hết vốn, vay nợ thương nhân rồi trở lại làm
thuê cho họ. “Đây là hình thức ràng buộc giữa người sản xuất và người phân phối,
mà phần lợi bao giờ cũng về tay thương nhân” [9, tr.243]
- Đặt tiền trước: thương nhân nội ngoại tỉnh, muốn có hàng và hàng tốt, chất
lượng trong kỳ buôn bán tới, hoặc qua trung gian cần có hàng ngay nhằm chuyển
lên tàu khi mãn vụ, phải ứng tiền trước (đặt cọc) cho người bán để lấy lòng tin,
khẳng định món hàng mình cần mua. Tiền ứng trước từ 1/3 đến ½ tiền phải trả khi
thanh toán toàn bộ. Việc đặt hàng ứng trước này thường thực hiện đối với chúa hoặc
quan lại và cả người sản xuất tơ, đường mía với những mẫu hàng, giá hàng theo quy
định được thỏa thuận của người mua từ trước.
- Buôn bán lưu động dọc theo các con sông: sông ngòi đóng một vai trò quan
trọng trong cuộc sống của người dân Việt Nam. Khi mà giao thông đường bộ còn
chưa phát triển thì việc giao lưu bằng đường thủy giữ một vị trí quan trọng. Vùng
Thuận Quảng có hệ thống sông ngòi khá dày đặc, tạo nên một mạng lưới giao thông
đường thủy nội địa. Những dòng sông như: sông Gianh, sông Nhật Lệ, sông Côn,
sông Hàn, sông Thu Bồn… Sự ưu đãi về mặt tự nhiên đã được người dân vùng
Thuận Quảng tận dụng triệt để trong giao lưu buôn bán nội tỉnh cũng như ngoại tỉnh
và với thương nhân nước ngoài.
Ngoài ra, các thương nhân vùng Thuận Quảng còn sử dụng một số phương
thức khác mang tính chất không được tích cực, tốt đẹp như đầu cơ vơ vét, buôn bán
gian lận…Tuy nhiên, chỉ có một bộ phận nhỏ những gian thương mới sử dụng hai
phương thức này để trục lợi cho mình.
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)
Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)

More Related Content

What's hot

VIỆT NAM- Gốm BÁT TRÀNG
VIỆT NAM- Gốm BÁT TRÀNGVIỆT NAM- Gốm BÁT TRÀNG
VIỆT NAM- Gốm BÁT TRÀNG
vinhbinh2010
 

What's hot (20)

Khóa Luận văn học về Mộng trong thơ của Tản Đà
Khóa Luận văn học về Mộng trong thơ của Tản ĐàKhóa Luận văn học về Mộng trong thơ của Tản Đà
Khóa Luận văn học về Mộng trong thơ của Tản Đà
 
Luận án: Ảnh hưởng văn học dân gian trong truyện thiếu nhi, HAY
Luận án: Ảnh hưởng văn học dân gian trong truyện thiếu nhi, HAYLuận án: Ảnh hưởng văn học dân gian trong truyện thiếu nhi, HAY
Luận án: Ảnh hưởng văn học dân gian trong truyện thiếu nhi, HAY
 
Cấu tạo và phương thức định danh của hệ thống từ ngữ nghề chè
Cấu tạo và phương thức định danh của hệ thống từ ngữ nghề chèCấu tạo và phương thức định danh của hệ thống từ ngữ nghề chè
Cấu tạo và phương thức định danh của hệ thống từ ngữ nghề chè
 
Luận án: Truyện nôm bác học từ góc nhìn của cổ mẫu, HAY
Luận án: Truyện nôm bác học từ góc nhìn của cổ mẫu, HAYLuận án: Truyện nôm bác học từ góc nhìn của cổ mẫu, HAY
Luận án: Truyện nôm bác học từ góc nhìn của cổ mẫu, HAY
 
Quan niệm về con người trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, 9đ
Quan niệm về con người trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, 9đQuan niệm về con người trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, 9đ
Quan niệm về con người trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, 9đ
 
Luận văn: Nghi lễ hôn nhân của người Tu Dí ở tỉnh Lào Cai, HAY
Luận văn: Nghi lễ hôn nhân của người Tu Dí ở tỉnh Lào Cai, HAYLuận văn: Nghi lễ hôn nhân của người Tu Dí ở tỉnh Lào Cai, HAY
Luận văn: Nghi lễ hôn nhân của người Tu Dí ở tỉnh Lào Cai, HAY
 
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI VÀO VIỆT NAM
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI VÀO VIỆT NAMQUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI VÀO VIỆT NAM
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI VÀO VIỆT NAM
 
Luận văn: Giải toán có lời văn của học sinh lớp 4 tại TPHCM
Luận văn: Giải toán có lời văn của học sinh lớp 4 tại TPHCMLuận văn: Giải toán có lời văn của học sinh lớp 4 tại TPHCM
Luận văn: Giải toán có lời văn của học sinh lớp 4 tại TPHCM
 
Đề tài: Quản lý di tích lịch sử văn hóa đình Vĩnh Khê, Hải Phòng
Đề tài: Quản lý di tích lịch sử văn hóa đình Vĩnh Khê, Hải PhòngĐề tài: Quản lý di tích lịch sử văn hóa đình Vĩnh Khê, Hải Phòng
Đề tài: Quản lý di tích lịch sử văn hóa đình Vĩnh Khê, Hải Phòng
 
Luận văn: Quản lý nhà nước về di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Quả...
Luận văn: Quản lý nhà nước về di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Quả...Luận văn: Quản lý nhà nước về di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Quả...
Luận văn: Quản lý nhà nước về di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Quả...
 
VIỆT NAM- Gốm BÁT TRÀNG
VIỆT NAM- Gốm BÁT TRÀNGVIỆT NAM- Gốm BÁT TRÀNG
VIỆT NAM- Gốm BÁT TRÀNG
 
Luận văn: Bản sắc văn hóa Tây Nguyên trong văn xuôi H’Linh Niê
Luận văn: Bản sắc văn hóa Tây Nguyên trong văn xuôi H’Linh NiêLuận văn: Bản sắc văn hóa Tây Nguyên trong văn xuôi H’Linh Niê
Luận văn: Bản sắc văn hóa Tây Nguyên trong văn xuôi H’Linh Niê
 
Luận văn: Rèn luyện kỹ năng xây dựng đoạn văn trong bài văn nghị luận văn học...
Luận văn: Rèn luyện kỹ năng xây dựng đoạn văn trong bài văn nghị luận văn học...Luận văn: Rèn luyện kỹ năng xây dựng đoạn văn trong bài văn nghị luận văn học...
Luận văn: Rèn luyện kỹ năng xây dựng đoạn văn trong bài văn nghị luận văn học...
 
Nghiên cứu thành ngữ tiếng Việt từ bình diện ngôn ngữ học nhân chủng : Luận á...
Nghiên cứu thành ngữ tiếng Việt từ bình diện ngôn ngữ học nhân chủng : Luận á...Nghiên cứu thành ngữ tiếng Việt từ bình diện ngôn ngữ học nhân chủng : Luận á...
Nghiên cứu thành ngữ tiếng Việt từ bình diện ngôn ngữ học nhân chủng : Luận á...
 
Luận văn: Hoàn thiện công tác quản lý các công trình thủy lợi, 9 ĐIỂM! HOT!
Luận văn: Hoàn thiện công tác quản lý các công trình thủy lợi, 9 ĐIỂM! HOT!Luận văn: Hoàn thiện công tác quản lý các công trình thủy lợi, 9 ĐIỂM! HOT!
Luận văn: Hoàn thiện công tác quản lý các công trình thủy lợi, 9 ĐIỂM! HOT!
 
Luận văn: Phương pháp nghiên cứu khoa học lịch sử, HAY
Luận văn: Phương pháp nghiên cứu khoa học lịch sử, HAY Luận văn: Phương pháp nghiên cứu khoa học lịch sử, HAY
Luận văn: Phương pháp nghiên cứu khoa học lịch sử, HAY
 
Luận văn: Linh thần trong truyền thuyết Việt Nam, HAY, 9đ
Luận văn: Linh thần trong truyền thuyết Việt Nam, HAY, 9đLuận văn: Linh thần trong truyền thuyết Việt Nam, HAY, 9đ
Luận văn: Linh thần trong truyền thuyết Việt Nam, HAY, 9đ
 
Dạy học tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu cho học sinh lớ...
Dạy học tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu cho học sinh lớ...Dạy học tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu cho học sinh lớ...
Dạy học tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu cho học sinh lớ...
 
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đLuận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
 
Đề tài: Quản lý về di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Quảng Bình, HAY
Đề tài: Quản lý về di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Quảng Bình, HAYĐề tài: Quản lý về di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Quảng Bình, HAY
Đề tài: Quản lý về di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Quảng Bình, HAY
 

Similar to Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)

Similar to Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774) (20)

Luận văn: Tình hình kinh tế và văn hóa huyện Triệu Phong (XVI đến XIX)
Luận văn: Tình hình kinh tế và văn hóa huyện Triệu Phong (XVI đến XIX)Luận văn: Tình hình kinh tế và văn hóa huyện Triệu Phong (XVI đến XIX)
Luận văn: Tình hình kinh tế và văn hóa huyện Triệu Phong (XVI đến XIX)
 
Luận văn: Tình hình kinh tế và văn hóa huyện Triệu Phong (Quảng Trị) từ thế k...
Luận văn: Tình hình kinh tế và văn hóa huyện Triệu Phong (Quảng Trị) từ thế k...Luận văn: Tình hình kinh tế và văn hóa huyện Triệu Phong (Quảng Trị) từ thế k...
Luận văn: Tình hình kinh tế và văn hóa huyện Triệu Phong (Quảng Trị) từ thế k...
 
Chính sách phát triển thủy quân của chúa nguyễn ở đàng trong thế kỉ xvixviii
Chính sách phát triển thủy quân của chúa nguyễn ở đàng trong thế kỉ xvixviiiChính sách phát triển thủy quân của chúa nguyễn ở đàng trong thế kỉ xvixviii
Chính sách phát triển thủy quân của chúa nguyễn ở đàng trong thế kỉ xvixviii
 
Quá trình du nhập khoa học, kỹ thuật Phương Tây vào Việt Nam
Quá trình du nhập khoa học, kỹ thuật Phương Tây vào Việt NamQuá trình du nhập khoa học, kỹ thuật Phương Tây vào Việt Nam
Quá trình du nhập khoa học, kỹ thuật Phương Tây vào Việt Nam
 
Luận văn: Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản
Luận văn: Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Nhật BảnLuận văn: Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản
Luận văn: Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản
 
Luận văn thạc sĩ - Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 17...
Luận văn thạc sĩ - Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 17...Luận văn thạc sĩ - Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 17...
Luận văn thạc sĩ - Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 17...
 
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều NguyễnLuận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
 
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn từ 1802 đ...
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn từ 1802 đ...Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn từ 1802 đ...
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn từ 1802 đ...
 
Luận văn: Kinh tế - xã hội Quảng Ngãi dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Luận văn: Kinh tế - xã hội Quảng Ngãi dưới triều Nguyễn (1802-1885)Luận văn: Kinh tế - xã hội Quảng Ngãi dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Luận văn: Kinh tế - xã hội Quảng Ngãi dưới triều Nguyễn (1802-1885)
 
Luận văn thạc sĩ Kinh tế - xã hội Quảng Ngãi dưới triều Nguyễn (1802-1885).doc
Luận văn thạc sĩ Kinh tế - xã hội Quảng Ngãi dưới triều Nguyễn (1802-1885).docLuận văn thạc sĩ Kinh tế - xã hội Quảng Ngãi dưới triều Nguyễn (1802-1885).doc
Luận văn thạc sĩ Kinh tế - xã hội Quảng Ngãi dưới triều Nguyễn (1802-1885).doc
 
Hoạt động thương mại - truyền giáo của Bồ Đào Nha và Pháp ở Việt Nam
Hoạt động thương mại - truyền giáo của Bồ Đào Nha và Pháp ở Việt NamHoạt động thương mại - truyền giáo của Bồ Đào Nha và Pháp ở Việt Nam
Hoạt động thương mại - truyền giáo của Bồ Đào Nha và Pháp ở Việt Nam
 
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
 
Khóa luận sư phạm lịch sử.
Khóa luận sư phạm lịch sử.Khóa luận sư phạm lịch sử.
Khóa luận sư phạm lịch sử.
 
Khóa luận sư phạm lịch sử.
Khóa luận sư phạm lịch sử.Khóa luận sư phạm lịch sử.
Khóa luận sư phạm lịch sử.
 
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAYBÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
 
Khóa luận sư phạm lịch sử.
Khóa luận sư phạm lịch sử.Khóa luận sư phạm lịch sử.
Khóa luận sư phạm lịch sử.
 
Khóa luận sư phạm lịch sử.
Khóa luận sư phạm lịch sử.Khóa luận sư phạm lịch sử.
Khóa luận sư phạm lịch sử.
 
Đề tài: Quản lý di tích lễ hội đình Giang Võng TP Hạ Long, HOT, 9đ
Đề tài: Quản lý di tích lễ hội đình Giang Võng TP Hạ Long, HOT, 9đĐề tài: Quản lý di tích lễ hội đình Giang Võng TP Hạ Long, HOT, 9đ
Đề tài: Quản lý di tích lễ hội đình Giang Võng TP Hạ Long, HOT, 9đ
 
Đề tài: Đặc điểm di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia ở tỉnh Đồng Tháp, giả...
Đề tài: Đặc điểm di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia ở tỉnh Đồng Tháp, giả...Đề tài: Đặc điểm di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia ở tỉnh Đồng Tháp, giả...
Đề tài: Đặc điểm di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia ở tỉnh Đồng Tháp, giả...
 
Chính sách khai thác và bảo vệ chủ quyền biển đảo thời chúa Nguyễn và vua Ngu...
Chính sách khai thác và bảo vệ chủ quyền biển đảo thời chúa Nguyễn và vua Ngu...Chính sách khai thác và bảo vệ chủ quyền biển đảo thời chúa Nguyễn và vua Ngu...
Chính sách khai thác và bảo vệ chủ quyền biển đảo thời chúa Nguyễn và vua Ngu...
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877 (20)

Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Bệnh Viện Chỉnh Hình Và Phục Hồi...
Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Bệnh Viện Chỉnh Hình Và Phục Hồi...Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Bệnh Viện Chỉnh Hình Và Phục Hồi...
Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Bệnh Viện Chỉnh Hình Và Phục Hồi...
 
Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Sự Nghiệp Thuộc Sở Xây...
Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Sự Nghiệp Thuộc Sở Xây...Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Sự Nghiệp Thuộc Sở Xây...
Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Sự Nghiệp Thuộc Sở Xây...
 
Hoàn Thiện Công Tác Hạch Toán Kế Toán Tại Các Đơn Vị Dự Toán Cấp...
Hoàn Thiện Công Tác Hạch Toán Kế Toán Tại Các Đơn Vị Dự Toán Cấp...Hoàn Thiện Công Tác Hạch Toán Kế Toán Tại Các Đơn Vị Dự Toán Cấp...
Hoàn Thiện Công Tác Hạch Toán Kế Toán Tại Các Đơn Vị Dự Toán Cấp...
 
Hoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Sở Giáo Dục Và Đào Tạo ...
Hoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Sở Giáo Dục Và Đào Tạo ...Hoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Sở Giáo Dục Và Đào Tạo ...
Hoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Sở Giáo Dục Và Đào Tạo ...
 
Hoàn Thiện Tổ Chức Kế Toán Quản Trị Tại Công Ty Tnhh Thương Mại Đầu Tư Và Phá...
Hoàn Thiện Tổ Chức Kế Toán Quản Trị Tại Công Ty Tnhh Thương Mại Đầu Tư Và Phá...Hoàn Thiện Tổ Chức Kế Toán Quản Trị Tại Công Ty Tnhh Thương Mại Đầu Tư Và Phá...
Hoàn Thiện Tổ Chức Kế Toán Quản Trị Tại Công Ty Tnhh Thương Mại Đầu Tư Và Phá...
 
Hoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Thuộc Trung Tâm Y Tế
Hoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Thuộc Trung Tâm Y TếHoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Thuộc Trung Tâm Y Tế
Hoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Thuộc Trung Tâm Y Tế
 
Tiểu Luận Thực Trạng Đời Sống Văn Hóa Của Công Nhân Khu Công Nghiệp - Hay T...
Tiểu Luận Thực Trạng Đời Sống Văn Hóa Của Công Nhân Khu Công Nghiệp - Hay T...Tiểu Luận Thực Trạng Đời Sống Văn Hóa Của Công Nhân Khu Công Nghiệp - Hay T...
Tiểu Luận Thực Trạng Đời Sống Văn Hóa Của Công Nhân Khu Công Nghiệp - Hay T...
 
Tiểu Luận Quản Lý Hoạt Động Nhà Văn Hóa - Đỉnh Của Chóp!
Tiểu Luận Quản Lý Hoạt Động Nhà Văn Hóa - Đỉnh Của Chóp!Tiểu Luận Quản Lý Hoạt Động Nhà Văn Hóa - Đỉnh Của Chóp!
Tiểu Luận Quản Lý Hoạt Động Nhà Văn Hóa - Đỉnh Của Chóp!
 
Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Văn Hóa - Hay Bá Cháy!
Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Văn Hóa - Hay Bá Cháy!Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Văn Hóa - Hay Bá Cháy!
Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Văn Hóa - Hay Bá Cháy!
 
Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Thiết Chế Văn Hóa - Hay Quên Lối Ra!.
Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Thiết Chế Văn Hóa - Hay Quên Lối Ra!.Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Thiết Chế Văn Hóa - Hay Quên Lối Ra!.
Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Thiết Chế Văn Hóa - Hay Quên Lối Ra!.
 
Tiểu Luận Quản Lý Di Tích Kiến Trúc Nghệ Thuật Chùa Tứ Kỳ - Hay Bá Đạo!
Tiểu Luận Quản Lý Di Tích Kiến Trúc Nghệ Thuật Chùa Tứ Kỳ - Hay Bá Đạo!Tiểu Luận Quản Lý Di Tích Kiến Trúc Nghệ Thuật Chùa Tứ Kỳ - Hay Bá Đạo!
Tiểu Luận Quản Lý Di Tích Kiến Trúc Nghệ Thuật Chùa Tứ Kỳ - Hay Bá Đạo!
 
Tiểu Luận Quản Lý Các Dịch Vụ Văn Hóa Tại Khu Du Lịch - Hay Xĩu Ngang!
Tiểu Luận Quản Lý Các Dịch Vụ Văn Hóa Tại Khu Du Lịch - Hay Xĩu Ngang!Tiểu Luận Quản Lý Các Dịch Vụ Văn Hóa Tại Khu Du Lịch - Hay Xĩu Ngang!
Tiểu Luận Quản Lý Các Dịch Vụ Văn Hóa Tại Khu Du Lịch - Hay Xĩu Ngang!
 
Tiểu Luận Nâng Cao Hiệu Quả Công Tác Quản Lý Các Điểm Di Tích Lịch Sử Văn H...
Tiểu Luận Nâng Cao Hiệu Quả Công Tác Quản Lý Các Điểm Di Tích Lịch Sử Văn H...Tiểu Luận Nâng Cao Hiệu Quả Công Tác Quản Lý Các Điểm Di Tích Lịch Sử Văn H...
Tiểu Luận Nâng Cao Hiệu Quả Công Tác Quản Lý Các Điểm Di Tích Lịch Sử Văn H...
 
Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Lễ Hội Tịch - Xuất Sắc Nhất!
Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Lễ Hội Tịch - Xuất Sắc Nhất!Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Lễ Hội Tịch - Xuất Sắc Nhất!
Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Lễ Hội Tịch - Xuất Sắc Nhất!
 
Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Di Tích Và Phát Triển Du Lịch - Hay Nhứ...
Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Di Tích Và Phát Triển Du Lịch - Hay Nhứ...Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Di Tích Và Phát Triển Du Lịch - Hay Nhứ...
Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Di Tích Và Phát Triển Du Lịch - Hay Nhứ...
 
Tiểu Luận Bảo Vệ Và Phát Huy Di Sản Văn Hóa Dân Tộc - Hay Chảy Ke!
Tiểu Luận Bảo Vệ Và Phát Huy Di Sản Văn Hóa Dân Tộc - Hay Chảy Ke!Tiểu Luận Bảo Vệ Và Phát Huy Di Sản Văn Hóa Dân Tộc - Hay Chảy Ke!
Tiểu Luận Bảo Vệ Và Phát Huy Di Sản Văn Hóa Dân Tộc - Hay Chảy Ke!
 
Quy Trình Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Cổ Phần Truyền Thông Và Sự Kiện Taf
Quy Trình Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Cổ Phần Truyền Thông Và Sự Kiện TafQuy Trình Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Cổ Phần Truyền Thông Và Sự Kiện Taf
Quy Trình Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Cổ Phần Truyền Thông Và Sự Kiện Taf
 
Thực Trạng Hoạt Động Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Quảng Cáo
Thực Trạng Hoạt Động Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Quảng CáoThực Trạng Hoạt Động Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Quảng Cáo
Thực Trạng Hoạt Động Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Quảng Cáo
 
Một Số Kiến Nghị Để Nâng Cao Hiệu Quảng Đối Với Dịch Vụ Quảng Cáo Và Tổ Chức ...
Một Số Kiến Nghị Để Nâng Cao Hiệu Quảng Đối Với Dịch Vụ Quảng Cáo Và Tổ Chức ...Một Số Kiến Nghị Để Nâng Cao Hiệu Quảng Đối Với Dịch Vụ Quảng Cáo Và Tổ Chức ...
Một Số Kiến Nghị Để Nâng Cao Hiệu Quảng Đối Với Dịch Vụ Quảng Cáo Và Tổ Chức ...
 
Hoàn Thiện Quy Trình Dịch Vụ Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Đầu Tư
Hoàn Thiện Quy Trình Dịch Vụ Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Đầu TưHoàn Thiện Quy Trình Dịch Vụ Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Đầu Tư
Hoàn Thiện Quy Trình Dịch Vụ Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Đầu Tư
 

Recently uploaded

Logic học và phương pháp nghiên cứu khoa học
Logic học và phương pháp nghiên cứu khoa họcLogic học và phương pháp nghiên cứu khoa học
Logic học và phương pháp nghiên cứu khoa học
K61PHMTHQUNHCHI
 

Recently uploaded (20)

Báo cáo bài tập lớn E - Marketing Xây dựng kế hoạch marketing điện tử cho nhã...
Báo cáo bài tập lớn E - Marketing Xây dựng kế hoạch marketing điện tử cho nhã...Báo cáo bài tập lớn E - Marketing Xây dựng kế hoạch marketing điện tử cho nhã...
Báo cáo bài tập lớn E - Marketing Xây dựng kế hoạch marketing điện tử cho nhã...
 
Báo cáo bài tập Quản trị Marketing Kế hoạch marketing cho ống hút cỏ của Gree...
Báo cáo bài tập Quản trị Marketing Kế hoạch marketing cho ống hút cỏ của Gree...Báo cáo bài tập Quản trị Marketing Kế hoạch marketing cho ống hút cỏ của Gree...
Báo cáo bài tập Quản trị Marketing Kế hoạch marketing cho ống hút cỏ của Gree...
 
Logic học và phương pháp nghiên cứu khoa học
Logic học và phương pháp nghiên cứu khoa họcLogic học và phương pháp nghiên cứu khoa học
Logic học và phương pháp nghiên cứu khoa học
 
Báo cáo thực tập tốt nghiệp Phân tích hiệu quả hoạt động huy động và cho vay ...
Báo cáo thực tập tốt nghiệp Phân tích hiệu quả hoạt động huy động và cho vay ...Báo cáo thực tập tốt nghiệp Phân tích hiệu quả hoạt động huy động và cho vay ...
Báo cáo thực tập tốt nghiệp Phân tích hiệu quả hoạt động huy động và cho vay ...
 
Báo cáo tốt nghiệp Phát triển sản phẩm thẻ tại Ngân hàng thương mại cổ phần K...
Báo cáo tốt nghiệp Phát triển sản phẩm thẻ tại Ngân hàng thương mại cổ phần K...Báo cáo tốt nghiệp Phát triển sản phẩm thẻ tại Ngân hàng thương mại cổ phần K...
Báo cáo tốt nghiệp Phát triển sản phẩm thẻ tại Ngân hàng thương mại cổ phần K...
 
35 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM ...
35 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM ...35 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM ...
35 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM ...
 
Báo cáo tốt nghiệp Hoàn thiện công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực c...
Báo cáo tốt nghiệp Hoàn thiện công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực c...Báo cáo tốt nghiệp Hoàn thiện công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực c...
Báo cáo tốt nghiệp Hoàn thiện công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực c...
 
Báo cáo thực tập tốt nghiệp Kế toán tiền mặt tại Công ty trách nhiệm hữu hạn ...
Báo cáo thực tập tốt nghiệp Kế toán tiền mặt tại Công ty trách nhiệm hữu hạn ...Báo cáo thực tập tốt nghiệp Kế toán tiền mặt tại Công ty trách nhiệm hữu hạn ...
Báo cáo thực tập tốt nghiệp Kế toán tiền mặt tại Công ty trách nhiệm hữu hạn ...
 
tiểu luận THỰC HÀNH QUẢN TRỊ TÀI CHÍNH 1.docx
tiểu luận THỰC HÀNH QUẢN TRỊ TÀI CHÍNH 1.docxtiểu luận THỰC HÀNH QUẢN TRỊ TÀI CHÍNH 1.docx
tiểu luận THỰC HÀNH QUẢN TRỊ TÀI CHÍNH 1.docx
 
Báo cáo tốt nghiệp Hoàn thiện an toàn lao động điện công ty trách nhiệm hữu h...
Báo cáo tốt nghiệp Hoàn thiện an toàn lao động điện công ty trách nhiệm hữu h...Báo cáo tốt nghiệp Hoàn thiện an toàn lao động điện công ty trách nhiệm hữu h...
Báo cáo tốt nghiệp Hoàn thiện an toàn lao động điện công ty trách nhiệm hữu h...
 
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại...
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại...Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại...
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại...
 
Nghe Tay Trai Hai Ra Tien - Chris Guillebeau (1).pdf
Nghe Tay Trai Hai Ra Tien - Chris Guillebeau (1).pdfNghe Tay Trai Hai Ra Tien - Chris Guillebeau (1).pdf
Nghe Tay Trai Hai Ra Tien - Chris Guillebeau (1).pdf
 
Báo cáo tốt nghiệp Kế toán tiền gửi ngân hàng tại công ty TNHH Một Thành Viên...
Báo cáo tốt nghiệp Kế toán tiền gửi ngân hàng tại công ty TNHH Một Thành Viên...Báo cáo tốt nghiệp Kế toán tiền gửi ngân hàng tại công ty TNHH Một Thành Viên...
Báo cáo tốt nghiệp Kế toán tiền gửi ngân hàng tại công ty TNHH Một Thành Viên...
 
Báo cáo thực tập tốt nghiệp Phân tích thực trạng hoạt động bán hàng tại Công ...
Báo cáo thực tập tốt nghiệp Phân tích thực trạng hoạt động bán hàng tại Công ...Báo cáo thực tập tốt nghiệp Phân tích thực trạng hoạt động bán hàng tại Công ...
Báo cáo thực tập tốt nghiệp Phân tích thực trạng hoạt động bán hàng tại Công ...
 
TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT VẬT LÝ 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, TRƯ...
TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT VẬT LÝ 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, TRƯ...TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT VẬT LÝ 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, TRƯ...
TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT VẬT LÝ 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, TRƯ...
 
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 31-39)...
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 31-39)...40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 31-39)...
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 31-39)...
 
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá thực trạng an toàn vệ sinh lao động và rủi ro lao...
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá thực trạng an toàn vệ sinh lao động và rủi ro lao...Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá thực trạng an toàn vệ sinh lao động và rủi ro lao...
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá thực trạng an toàn vệ sinh lao động và rủi ro lao...
 
TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT TOÁN 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, TRƯỜNG...
TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT TOÁN 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, TRƯỜNG...TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT TOÁN 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, TRƯỜNG...
TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT TOÁN 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, TRƯỜNG...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Hệ thống ca dao than thân người Việt từ góc nhìn thi pháp
Hệ thống ca dao than thân người Việt từ góc nhìn thi phápHệ thống ca dao than thân người Việt từ góc nhìn thi pháp
Hệ thống ca dao than thân người Việt từ góc nhìn thi pháp
 

Luận văn: Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)

  • 1. i ĐẠI HỌC HUẾ TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM NGUYỄN THỊ THỂ THƯƠNG NGHIỆP VÙNG THUẬN QUẢNG THỜI CHÚA NGUYỄN (1558 - 1774) Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam Mã số: 60 22 03 13 LUẬN VĂN THẠC SĨ SỬ HỌC Người hướng dẫn khoa học PGS.TS. Đỗ Bang Huế, 2016
  • 2. ii LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu và kết quả nghiên cứu nêu trong Luận văn là trung thực, chưa từng được công bố trong bất kỳ một công trình nào khác. Những tài liệu tham khảo phục vụ cho Luận văn có nguồn gốc rõ ràng. Nếu có gì sai sót tôi xin chịu trách nhiệm. Tác giả Nguyễn Thị Thể
  • 3. iii LỜI CẢM ƠN Luận văn tốt nghiệp được hoàn thành tại Đại học Huế. Để hoàn thành được công trình luận văn lịch sử này, ngoài sự cố gắng, nổ lực của bản thân, cho phép tác giả xin được bày tỏ lòng biết ơn chân thành, sâu sắc đến: Ban giám hiệu, Phòng đào tạo sau đại học trường Đại học Sư phạm Huế (ĐHSP); Phòng tư liệu khoa Lịch sử trường ĐHSP Huế, Thư viện trường ĐHSP Huế, Phòng tư liệu khoa Lịch sử trường ĐHKH Huế, Trung tâm học liệu Đại học Huế, Thư viện tỉnh Thừa Thiên Huế; Qúy thầy cô trong tổ Lịch sử Việt Nam, khoa Lịch sử trường ĐHSP Huế đã tạo điều kiện thuận lợi cho tôi trong quá trình học tập, nghiên cứu và thực hiện đề tài luận văn này. Đặc biệt, xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến thầy giáo – PGS.TS Đỗ Bang, khoa Lịch sử trường ĐHKH Huế - đã trực tiếp hướng dẫn, dìu dắt, giúp đỡ tôi trong suốt quá trình triển khai, nghiên cứu và hoàn thành đề tài. Cuối cùng, tôi xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ, chia sẻ, ủng hộ, quan tâm và động viên của gia đình, thầy cô, bạn bè đã dành cho tôi trong suốt khóa học vừa qua và đồng thời cũng mong nhận được sự đóng góp, của quý Thầy Cô, các nhà khoa học, đọc giả và các bạn học viên cho đề tài này. T.T.Huế, tháng năm 2016 Tác giả Nguyễn Thị Thể
  • 4. 1 MỤC LỤC LỜI CAM ĐOAN ..................................................................................................... ii LỜI CẢM ƠN.......................................................................................................... iii MỤC LỤC..................................................................................................................1 DANH MỤC CÁC KÝ HIỆU, CHỮ VIẾT TẮT ...................................................3 MỞ ĐẦU ....................................................................................................................4 1. Lý do chọn đề tài ...................................................................................................4 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề....................................................................................5 2.1. Giai đoạn trước năm 1975 .........................................................................6 2.2. Giai đoạn sau năm 1975 .............................................................................6 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu........................................................................8 3.1. Đối tượng nghiên cứu ................................................................................8 3.2. Phạm vi nghiên cứu ....................................................................................8 4. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu........................................................................9 4.1. Mục tiêu nghiên cứu ...................................................................................9 4.2. Nhiệm vụ nghiên cứu..................................................................................9 5. Nguồn tài liệu và phương pháp nghiên cứu........................................................9 5.1. Nguồn tài liệu ..............................................................................................9 5.2. Phương pháp nghiên cứu .........................................................................10 6. Đóng góp của luận văn........................................................................................10 7. Bố cục của luận văn.............................................................................................11 Chương 1: VÀI NÉT VỀ VÙNG ĐẤT VÀ CON NGƯỜI THUẬN QUẢNG DƯỚI THỜI CHÚA NGUYỄN .............................................................................12 1.1. Điều kiện tự nhiên ............................................................................................12 1.2. Tài nguyên thiên nhiên ....................................................................................15
  • 5. 2 1.3. Tình hình chính trị - xã hội .............................................................................18 1.4. Chính sách của chúa Nguyễn đối với việc phát triển kinh tế thương nghiệp ...................................................................................................................................24 CHƯƠNG 2: TÌNH HÌNH THƯƠNG NGHIỆP THUẬN - QUẢNG TỪ NĂM 1558 - 1774 ...............................................................................................................31 2.1. Tình hình nội thương.......................................................................................31 2.1.1. Hệ thống các chợ làng............................................................................31 2.1.2. Thành phần tham gia buôn bán. ..........................................................34 2.1.3. Hình thức và các mặt hàng trao đổi.....................................................35 2.1.4. Giao thương kinh tế giữa các vùng ......................................................45 2.2. Tình hình ngoại thuơng ...................................................................................48 2.2.1. Thành phần thương nhân nước ngoài .................................................48 2.2.2. Hoạt động buôn bán ở các thương cảng..............................................57 2.2.3. Các loại hàng hóa buôn bán..................................................................62 2.2.4. Các phương thức mua bán....................................................................66 CHƯƠNG 3: ĐẶC ĐIỂM, VAI TRÒ VÀ TÁC ĐỘNG CỦA THƯƠNG NGHIỆP VÙNG THUẬN QUẢNG THỜI CHÚA NGUYỄN.................................................69 3.1. Đặc điểm của thương nghiệp Thuận Quảng 1558 - 1774 .............................69 3.2. Vai trò - tác động của thương nghiệp Thuận Quảng...................................81 3.2.1. Đối với Chính trị - Quân sự ..................................................................82 3.3.2. Đối với kinh tế - xã hội ..........................................................................83 3.2.3. Đối với giao lưu văn hóa........................................................................85 KẾT LUẬN..............................................................................................................88 TÀI LIỆU THAM KHẢO ......................................................................................90 PHỤ LỤC................................................................................................................ P0
  • 6. 3 DANH MỤC CÁC KÝ HIỆU, CHỮ VIẾT TẮT ĐHKH : Đại học Khoa học ĐHSP : Đại học Sư phạm NCLS : Nghiên cứu lịch sử NXB : Nhà xuất bản P.1 : Phụ lục số 1 [23] : Xem ở tài liệu tham khảo số 23 [23, tr. 90] : Dẫn theo tài liệu tham khảo số 23, trang số 90.
  • 7. 4 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Lịch sử dân tộc Việt Nam gắn liền với quá trình Nam tiến, mở rộng lãnh thổ, tầm ảnh hưởng văn hóa về phương Nam. Thuận - Quảng là vùng đất đứng chân chiến lược của chúa - vua Nguyễn, là trung tâm kinh tế của Đàng Trong vốn thuộc chủ quyền của Đại Việt từ các thế kỷ trước. Qúa trình Nam tiến đã thực sự tạo nên những ảnh hưởng lớn lao đối với lịch sử dân tộc mà kết quả trực tiếp của nó là tạo nên một vùng đất mới rộng lớn ở phía Nam, trong đó có vùng Thuận - Quảng trù phú. Năm 1613, trước khi qua đời, Nguyễn Hoàng căn dặn với Nguyễn Phúc Nguyên và Triều thần: “ Đất Thuận Quảng phía Bắc có Hoành Sơn và Linh Giang hiểm trở, phía Nam có núi Hải Vân và núi Đá bia vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối. Thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời. Ví bằng thế lực không địch được thì cố giữ vững đất đai để chờ cơ hội, chứ đừng bỏ qua lời dạy của ta”[82, tr.44] Chúa Nguyễn rất quan tâm đến đời sống cũng như vấn đề phát triển kinh tế, hoạt động thương mại. Thực hiện chính sách trọng thương, triệt để khai thác nguồn lực của đất nước, chúa Nguyễn đã đặt vương quốc của mình trên nền tảng kinh tế ngoại thương, phát triển Đàng Trong trở thành một thể chế biển (Maritime polity), phát huy truyền thống khai thác, phát triển giao thương và giao lưu văn hóa trên biển. Sự hưng thịnh của hoạt động kinh tế ngoại thương, sự xuất hiện tấp nập của những đoàn thuyền buôn ngoại quốc đã mang lại cho vương quốc của chúa Nguyễn một mô hình phát triển hoàn toàn khác so với vùng đất Đàng Ngoài của họ Trịnh. Đàng Trong nói chung và vùng Thuận Quảng nói riêng, hoạt động thương mại đó là sự tích hợp của yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Đến thế kỷ XVIII, kinh tế vùng Thuận - Quảng đã có những bước khởi sắc mới: các chợ làng, chợ huyện, chợ phủ…mọc lên khắp nơi, bên cạnh đó việc giao lưu buôn bán với nước ngoài trở thành một nhu cầu lớn. Các thương cảng ra đời như Hội An, Thanh Hà, Nước Mặn vào thế kỷ XVII-XVIII. Các thương cảng này đều nằm trên đất Thuận Quảng (tương đương với vùng đất hiện thuộc các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng
  • 8. 5 Nam - Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên). Chính sự phát triển kinh tế đó đã tạo cơ sở cho chúa Nguyễn mở mang lãnh thổ Đàng Trong, chống Trịnh thành công và tạo nên một diện mạo mới cho miền Trung Việt Nam. Tìm hiểu thương nghiệp vùng Thuận Quảng từ 1558 - 1774 là nghiên cứu về một loại hình kinh tế - xã hội - văn hóa dưới thời các Chúa Nguyễn có quan hệ đến sản xuất hàng hóa, thương nghiệp, phát triển đô thị trong mối quan hệ giao lưu kinh tế và văn hóa với các nước bên ngoài. Vì vậy, việc nghiên cứu về kinh tế thương nghiệp ở vùng Thuận - Quảng có ý nghĩa khoa học và thực tiễn sâu sắc. Về ý nghĩa khoa học, đề tài góp phần làm rõ những biến chuyển trong nền kinh tế ở vùng Thuận - Quảng. Sự phát triển của nông nghiệp và thủ công nghiệp cùng với nhu cầu cuộc sống đang lên khiến cho chợ búa mọc lên khắp nơi. Đồng thời, nhu cầu giao lưu buôn bán với các thương nhân nước ngoài ngày càng lớn. Đó chính là cơ sở cho sự ra đời nền kinh tế thương nghiệp phát triển và dẫn đến sự xuất hiện của mầm mống kinh tế tư bản chủ nghĩa. Về ý nghĩa thực tiễn, ở một mức độ nhất định đề tài góp phần rút ra được một số bài học, kinh nghiệm để thực hiện có hiệu quả các biện pháp, chính sách về kinh tế trong công cuộc đổi mới hiện nay. Một số nội dung của luận văn có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo, giảng dạy lịch sử về việc tổ chức các hoạt động kinh tế, và bổ sung vào nguồn tư liệu cho phần lịch sử dân tộc thời trung đại. Qua đó, chúng ta thấy sự cần thiết phải tìm hiểu và nghiên cứu hoạt động kinh tế thương nghiệp. Với tất cả ý nghĩa đó, tôi chọn đề tài “Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 1774)” để làm luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Lịch sử Việt Nam của mình. 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề Thương nghiệp là một bộ phận của nền kinh tế và là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, do đó cũng đã có nhiều tác giả trong và ngoài nước nghiên cứu về vấn đề này. Các nhà nghiên cứu với những đề tài khác nhau, phạm vi nghiên cứu rộng hẹp khác nhau, cũng đã đề cập đến vấn đề thương nghiệp vùng Thuận Quảng thế kỉ XVI-XVIII trong công trình của mình, nhưng mức độ sâu rộng cũng khác nhau.
  • 9. 6 2.1. Giai đoạn trước năm 1975 - Lê Quý Đôn với Phủ biên tạp lục, bản dịch xuất bản năm 1976. Sách gồm 6 tập nói về những vấn đề liên quan đến sứ Thuận Hóa và Quảng Nam như: sự khai thiết khôi phục hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam, về hình thế núi sông, thành lũy, đường sá, bến đò…cũng như các tình tiết về kinh tế xã hội, về các chính sách của nhà nước, về sản vật, thuế khóa, về phương thức trao đổi mua bán… - Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn. Sách chia làm 2 phần: Tiền biên và chính biên. Trong đó, phần Tiền biên ghi chép về sự nghiệp của chín chúa Nguyễn, bắt đầu từ khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa (1558) đến hết thời chúa Nguyễn Phúc Thuần (1777). Vào năm 1962, Viện Sử học bắt đầu cho công bố bản dịch bộ Đại Nam thực lục tập 1 phần Tiền biên, đến năm 1978 thì in tập XXXVIII, hoàn thành công việc xuất bản trọn bộ Đại nam thực lục. - Việt sử xứ Đàng Trong, của tác giả Phan Khoang, xuất bản lần đầu tiên năm 1969. Đây được xem là công trình nghiên cứu toàn diện đầu tiên về xứ Đàng Trong, đã vạch ra con đường chinh phục về phía Nam của các chúa Nguyễn, trong đó ở chương III và chương IV đề cập đến khu vực hành chính, thuế điền, thuế đò, thuế vàng bạc, muối sắt, thuế đầu nguồn, về phép đo lường, tiền tệ, về kinh tế canh nông thương mãi, tiểu công nghệ của người dân xứ Đàng Trong, mối quan hệ ngoại giao buôn bán với các nước trong khu vực. 2.2. Giai đoạn sau năm 1975 2.2.1. Các cuốn sách, luận văn liên quan tới đề tài Giai đoạn này đã có nhiều tác giả quan tâm, tìm hiểu và nghiên cứu về hoạt động kinh tế thương nghiệp. - Năm 1996, tác giả Đỗ Bang với cuốn Phố cảng vùng Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII, là tác phẩm nghiên cứu về một loại hình kinh tế - xã hội - văn hóa dưới thời các chúa Nguyễn. Trong đó đề cập đến sự phát triển thương mại dẫn đến việc hình thành các phố cảng, các trung tâm thương mại như Hội An, Thanh Hà, Nước Mặn.- Xứ Đàng Trong của Christophoro Borri, bản dịch xuất bản năm 1998 đề cập một cách tổng thể bối cảnh và tình hình kinh tế, xã hội, tôn giáo… của vương quốc Đàng Trong - Năm 1999, trên cơ sở nguồn tư liệu khá phong phú, Li Tana, với tác phẩm
  • 10. 7 Xứ Đàng Trong lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỉ XVII và XVIII, cung cấp những tư liệu về những ảnh hưởng của quá trình giao thương buôn bán đến sự phát triển kinh tế, dành trọn chương 3 và 4 viết về thành phần thương gia, tiền tệ và thương mại ở xứ Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn. - Những người Châu Âu ở An Nam của tác giả Chales Maybon, bản dịch năm 2006 cũng cung cấp những sự kiện về việc trao đổi, buôn bán với các nước. Gần đây, có một số Luận văn Thạc sĩ có liên quan đến đề tài: - Trương Thị Thu Thảo (2010), Chợ làng ở Thừa Thiên Huế (thế kỷ XVI- XIX), Luận văn Thạc sĩ Sử học, Trường Đại học Sư phạm Huế đã khái quát về quá trình hình thành và phát triển của các hệ thống chợ ở Thừa Thiên Huế. - Lê Thị Hương (2011), Kinh tế ngoại thương Đàng Trong thế kỉ XVII - XVIII, Luận văn Thạc sĩ Sử học, Trường Đại học Sư phạm Huế cũng đã đi sâu nghiên cứu về tình hình thương mại, trao đổi mua bán ở miền này dưới thời các chúa Nguyễn. - Nguyễn Viết Minh (2012), Kinh tế nông nghiệp, thủ công nghiệp vùng Thuận- Quảng dưới thời Chúa Nguyễn, Luận văn Thạc sĩ Sử học, Trường Đại học Sư phạm Huế, trình bày về các chính sách nông nghiệp, các loại hình, làng nghề thủ công nghiệp ở vùng Thuận Quảng. - Trương Thị Quỳnh Nga (2013), Nguồn hàng và thị trường ở Đàng Trong thế kỷ XVII - XVIII, Luận văn Thạc sĩ Sử học, Trường Đại học Khoa học Huế, trình bày về các mặt hàng, nguồn hàng, luồng hàng buôn bán trong và ngoài nước. - Phạm Nhân Đức (2014 – Đại học Sư phạm Huế) với luận văn Thương nghiệp Quảng Trị thế kỉ XVI - XIX, đã trình bày chi tiết về tình hình nội thương, ngoại thương Quảng Trị trong gần 4 thế kỉ, cũng như vạch ra các con đường thương mại liên vùng, liên tỉnh thời các chúa Nguyễn và vua Nguyễn. 2.2.2. Các bài viết trong các kỷ yếu hội thảo khoa học, tạp chí có liên quan Trong Kỷ yếu hội thảo khoa học (2008) “Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỉ XVI - đến thế kỉ XIX” đã có nhiều bài viết liên quan tới đề tài: như bài viết của Nguyễn Quang Ngọc với “Nguyễn Phúc Nguyên: vị chúa của những kỳ công mở cõi đầu thế kỉ XVII, Nguyễn Thị Huê với “Sự thịnh suy của hoạt động ngoại thương ở Đàng Trong thế kỷ XVII - XVIII”,
  • 11. 8 Phạm Thị Ưng, Lê Trí Duẩn với “Vai trò một số vị chúa tiêu biểu dưới thời các chúa Nguyễn”, Andrew Hardy với “Nguồn” trong kinh tế hàng hóa ở Đàng Trong, Đỗ Bang “Đô thị Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn”…đã cung cấp cho tôi nguồn tư liệu quan trọng và những quan điểm, đánh giá nhìn nhận mới về chúa Nguyễn trong lịch sử để từ đó làm cơ sở cho người nghiên cứu sau này có điều kiện đi sâu tìm hiểu về các vấn đề liên quan tới thời chúa Nguyễn, trong đó đặt biệt là vấn đề kinh tế. Ngoài ra, còn phải kể đến các bài viết của các nhà nghiên cứu công bố trên tạp Nghiên cứu lịch sử, tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, tạp chí Huế xưa & nay như: Nguyễn Trọng Văn, Mai Phương Ngọc “Quan hệ thương mại của Đàng Trong với người Hoa thế kỉ XVI - XVIII”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, Đỗ Bang với “Phố cảng Thanh Hà - Bao Vinh trong tiến trình lịch sử Phú Xuân - Huế thế kỷ XVII - XIX”, Tạp chí Nghiêncứu lịch sử, Dương Văn Huy “ Quản lý ngoại thương của chính quyền Đàng Trong thế kỷ XVII-XVIII”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á. Nhìn chung, các công trình trên dù ở những góc độ nghiên cứu khác nhau đều góp phần làm rõ hoạt động về thương mại, kinh tế Đàng Trong nói chung và vùng Thuận- Quảng nói riêng thế kỉ XVI - XVIII. Tuy nhiên, chưa có một công trình nào đề cập một cách toàn diện và hệ thống về kinh tế thương nghiệp ở Thuận - Quảng từ năm 1558 đến 1774. Đây là nhiệm vụ cơ bản mà tác giả đặt ra và giải quyết trong Luận văn này. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu chính của đề tài đó chính là tình hình kinh tế thương nghiệp của vùng Thuận - Quảng dưới thời chúa Nguyễn. 3.2. Phạm vi nghiên cứu - Về không gian: vùng Thuận - Quảng xưa, ngày nay bao gồm các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, khảo sát và nghiên cứu về tình hình thương nghiệp diễn ra ở xứ Đàng Trong. Tuy nhiên khi nghiên cứu không tách rời các hoạt động diễn ra trong cả đất nước ta. - Về thời gian: từ năm 1558, khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ vùng
  • 12. 9 Thuận Hóa đến năm 1774, trước khi quân Trịnh vào đánh chiếm Phú Xuân. 4. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu 4.1. Mục tiêu nghiên cứu Dựa trên nguồn tư liệu sưu tầm được, luận văn tập trung nghiên cứu, cung cấp sự hiểu biết một cách có hệ thống về tình hình nội thương và ngoại thương vùng Thuận - Quảng thời các chúa Nguyễn. Phản ánh một cách sinh động về các hình thức mua bán, trao đổi hàng hóa, phương tiện đi lại để buôn bán, các đối tượng tham gia buôn bán, các yếu tố tác động đến thương mại…Để từ đó có cách nhìn, đánh giá đúng đắn hơn về đặc điểm cũng như vai trò và tác động của nó đối với vùng Thuận Quảng nói riêng và xứ Đàng Trong nói chung. 4.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Để đạt được mục tiêu trên, đề tài thực hiện các nhiệm vụ sau: Một là, sưu tầm, tập hợp, nghiên cứu, đánh giá các tài liệu liên quan đến kinh tế thương nghiệp Thuận- Quảng và các tài liệu viết về kinh tế Đàng Trong từ năm 1558 đến 1774. Hai là, tổng hợp, so sánh, đối chiếu, đánh giá tài liệu sau đó chọn lọc tài liệu và thông tin liên quan đến đề tài. Ba là, hệ thống hóa nội dung cho phù hợp với từng giai đoạn, từng khía cạnh của đề tài để đi sâu tìm hiểu về kinh tế thương nghiệp và vai trò của nó đối với vùng Thuận-Quảng. Bốn là, rút ra kết luận, nhận xét, đánh giá về kinh tế thương nghiệp cũng như vai trò của nó đến nền kinh tế Đàng Trong từ thế kỉ XVII đến thế kỉ XVIII. Từ đó thấy tầm quan trọng của kinh tế thương nghiệp đối với sự phát triển và ổn định đất nước Đàng Trong. 5. Nguồn tài liệu và phương pháp nghiên cứu 5.1. Nguồn tài liệu Nguồn tài liệu được sử dụng để thực hiện trước tiên là các thư tịch cổ viết về vùng đất Thuận Hóa thế kỉ XVII - XVIII như: Phủ biên tạp lục của Lê Qúy Đôn, Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn…Đây là những cuốn sách có nhiều thông tin cụ thể, quý giá có liên quan đến nội dung chúng tôi cần tìm hiểu. Các công trình chuyên khảo như: Phố cảng vùng Thuận quảng thế kỉ XVII - XVIII
  • 13. 10 của tác giả Đỗ Bang… phản ảnh một khía cạnh nhất định tình hình kinh tế, xã hội của vùng Thuận- Quảng. Sự phát triển của thương mại ở Đàng Trong đã thu hút nhiều các thuyền buôn, thương nhân nước ngoài đến buôn bán. Những ghi chép của họ đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng về thương nghiệp ở Đàng Trong. Phải kể đến như: “Xứ Đàng Trong năm 1621” (Nxb TPHCM) của nhà truyền giáo Cristophoro Borri, “Những người Châu Âu ở nước An Nam” của tác giả Chales Maybon…là một trong những nguồn tư liệu tham khảo chính phục vụ cho luận văn. Bên cạnh đó, chúng tôi còn sử dụng các bài nghiên cứu được in trên các tạp chí, hay các tài liệu tiếng anh, internet có liên quan đến vấn đề này. 5.2. Phương pháp nghiên cứu Thực hiện luận văn này, chúng tôi chủ yếu sử dụng phương pháp lịch sử, kết hợp với phương pháp logic. Trình bày theo từng vấn đề, trân trọng tính khách quan của lịch sử. Khi xử lí tài liệu chúng tôi sử dụng phương pháp thống kê, so sánh, đối chiếu để làm sáng tỏ những vấn đề nghiên cứu. 6. Đóng góp của luận văn Luận văn là công trình đi vào nghiên cứu một cách tương đối toàn diện, có hệ thống về thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn từ năm 1558 đến năm 1774. Luận văn cung cấp những tư liệu mới về thương mại như các chợ làng, các trung tâm trao đổi mua bán, hoạt động nội thương, các thương cảng. Phân tích một cách có hệ thống những thương phẩm được buôn bán, trao đổi trong thương mại ở vùng Thuận Quảng, không những các mặt hàng bản địa mà còn cả các mặt hàng trao đổi với bên ngoài. Đồng thời luận văn cũng đi sâu chỉ ra được đặc điểm, tác động và vai trò của thương nghiệp đối với vùng và đối với cả nước. Luận văn là nguồn tài liệu bổ sung vào các công trình nghiên cứu lịch sử về mặt kinh tế. Là tài liệu tham khảo cho sinh viên ngành lịch sử ở các trường Cao đẳng, Đại học. Luận văn còn là nguồn tài liệu tham khảo cho việc hoạch định các chính sách về phát triển thương mại của vùng, đặc biệt là việc sản suất và phát triển có trọng
  • 14. 11 tâm các mặt hàng có tiềm năng trong trao đổi mua bán. 7. Bố cục của luận văn Ngoài các phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục; nội dung của luận văn được kết cấu làm 3 chương: Chương 1: Vài nét về vùng đất và con người Thuận Quảng dưới thời chúa Nguyễn. Chương 2: Tình hình thương nghiệp ở Thuận Quảng từ năm 1558 - 1774. Chương 3: Đặc điểm, vai trò và tác động của thương nghiệp Thuận Quảng thời chúa Nguyễn.
  • 15. 12 Chương 1: VÀI NÉT VỀ VÙNG ĐẤT VÀ CON NGƯỜI THUẬN QUẢNG DƯỚI THỜI CHÚA NGUYỄN 1.1. Điều kiện tự nhiên Đàng Trong còn gọi là Nam Hà, xuất hiện từ thời Trịnh - Nguyễn phân tranh thế kỷ XVII. Và vùng đất Thuận - Quảng, chỉ phần lãnh thổ Đại Việt từ nam sông Gianh (tỉnh Quảng Bình hiện nay) trở vào tới Bình Định. Vùng đất Đàng Trong của các chúa Nguyễn là “một dải đất dài và hẹp, nằm giữa núi và biển. Địa hình của vùng đất này có hai đặc điểm: thứ nhất là dãy Trường Sơn, phủ đầy rừng rậm, chạy suốt chiều dài của nước này, và càng xuống phía nam càng thấp dần. Thứ hai là dãy núi đã bị nhiều con sông nước chảy mạnh và mũi núi cắt ngang làm thành một số lưu vực nhỏ và hẹp, ít gắn với nhau về mặt địa lý”[65, tr. 21]. Xứ Đàng Trong theo Li Tana, được chia thành ba vùng tự nhiên khác nhau. Hai vùng đầu có những diện tích tương đối rộng thích hợp với nông nghiệp. Vùng thứ nhất, ngày nay là Quảng Nam, là một đồng bằng phì nhiêu, khoảng 1.800 cây số vuông. Nước do sông Thu Bồn và nhiều nhánh của con sông này cung cấp. Vùng thứ hai tương ứng với đồng bằng Bình Định trù phú ngày nay, có tổng diện tích là 1.550 cây số vuông, có hai dãy núi khác nhau bao quanh. Hai thung lũng của vùng đất này sử dụng nước của hai con sông Đà Rằng và Lại Giang. Vùng thứ ba gồm ba thung lũng thông thương với nhau một cách dễ dàng, một vùng khác biệt”.[65, tr.22] Về vị trí của xứ Đàng Trong, hướng Nam giáp vĩ tuyến 11, hướng Bắc giáp xứ Đàng Ngoài, hướng Đông giáp biển Đông và hướng Tây giáp với nước Lào. Xứ Đàng Trong có chiều dài hơn một trăm dặm nằm theo dọc bờ biển, từ vĩ tuyến 11, cho tới khoảng vĩ tuyến 17, chỗ ranh giới giữa Đàng Trong với Đàng Ngoài. Chiều rộng không lớn lắm, nơi có chiều ngang hẹp nhất chỉ khoảng 40 km, đất bằng phẳng, phía Đông là dải đồng bằng nằm sát biển, còn phía tây là dãy núi chạy dài. Vùng Thuận Quảng, từ Nam sông Gianh cho tới Quy Nhơn có địa hình đa dạng, phức tạp. Núi cao, sông suối nhiều và dốc, đồng bằng hẹp lại có những dải cát trắng ven biển, vịnh biển và đầm phá mênh mông. Vì vậy mà thảm động, thực vật cũng rất phong phú, nhiều chủng loại của đồng bằng, biển cả, đầm phá, sông suối, núi
  • 16. 13 rừng, gò đồi… Do ở vào giữa vĩ tuyến 11 và 17, do đó, mùa hạ kéo dài liên tục, gây nóng bức. Mùa đông, mưa liên tục với lượng mưa lớn, do đó hay có lũ lụt gây thiệt hại rất lớn: “Cứ mười lăm hôm lại xảy ra một trận lụt và mỗi lần kéo dài ba ngày” [16, tr.10]. Lũ về mang theo một lượng phù sa lớn bồi đắp cho đồng ruộng làm cho đất đai phì nhiêu, cây cối tốt tươi, lúa tốt được mùa. Nên người dân nơi đây họ rất mong lũ về, họ chấp nhận sống với lũ vì sau mỗi đợt lũ về mang lại cho họ một mùa vụ bội thu, năng suất lúa cao. Như Christophoro Borri nói: “Mọi người ở đây đều mong nước lũ, không những để được mát mẻ và dễ chịu, mà còn để cho đồng ruộng được mầu mỡ. Thế nên khi thấy mùa nước tới, họ để lộ hẳn sự vui mừng và thích thú: họ thăm hỏi nhau, chúc mừng nhau, ôm nhau hò hét vui vẻ và nhắc đi nhắc lại “đã đến lụt, đã đến lụt” có nghĩa là nước đã tới, nước đã tới rồi. Nói tóm lại là không ai là không bày tỏ niềm vui, từ kẻ già đến chúa cũng vậy .[16, tr.10] Xứ Đàng Trong chia thành năm tỉnh. Tỉnh thứ nhất là trung tâm của Đàng Trong - nơi chúa ở ngay sát Đàng Ngoài là Thuận Hóa. Tỉnh thứ hai là Cacciam (Quảng Nam), nơi hoàng tử trấn thủ. Tỉnh thứ ba là Quamguia (Quảng Ngãi). Thứ tư là Quingnim (Quy Nhơn), nguời Bồ đặt tên là Pulucambis và tỉnh thứ năm là Renran (Phú Yên) [16, tr.5] Vị trí Thuận Quảng nằm ở khoảng giữa đất nước ta, dọc theo bờ biển miền Trung, từ Quảng Bình vào đến giáp Phú Yên, thuộc khu vực Trung Trung Bộ; chiều dài gần 800 km, từ bắc vĩ độ 12,54 đến 18 độ. Phía Tây là dãy Trường Sơn và cao nguyên Trung Bộ, phía đông là biển. Đây là đoạn bờ biển khúc khuỷu, có nhiều cửa sông tạo thành nhiều vịnh sâu kín gió. Dọc theo bờ biển hiện nay đã xây dựng nhiều bãi tắm đẹp. Đoạn bờ biển này có nhiều bãi cát và cồn cát kéo dài, một phần được phù sa sông bồi đắp, tạo thành chuỗi đồng bằng hẹp ven biển - chân núi. Đoạn bờ biển này có nhiều sóng to gió lớn nên hình thành nhiều đụn cát cao. Dài nhất là đầm phá Tam Giang, rộng nhất là đầm Cầu Hai ở phía Bắc. Phá Trường Giang - sông Cổ Cò ở giữa và đầm Thị Nại, đầm Ô Loan ở phía Nam. Đây còn là khu vực nằm giữa hai đèo cao: đèo Ngang (tức Hoàng Sơn) ở phía Bắc và đèo Cả (tức Đại Lãnh) ở phía Nam. Ngoài ra, trên dải đất “gập ghềnh
  • 17. 14 và dằng dặc” của khúc ruột miền trung còn chứa đựng cả điểm tận cùng của Trường Sơn Bắc, đó là dãy Bạch Mã - Hải Vân, cao 1.444m, chân xọac ra tận biển Đông và đầu đội đến chín tầng mây, chia cắt khu vực thành hai nửa Bắc, Nam với đặc điểm khí hậu phần nào khác biệt, được một nhà thơ lớn của đất Bắc hồi đầu thế kỷ XX là Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu cảm nhận và khái quát hóa một cách tài tình trong câu thơ: “ Hải Vân đèo lớn vừa qua, mưa xuân ai đã đổi ra nắng hè” [7, tr.28] Dọc duyên hải có nhiều mỏm núi ăn ra tận biển thành các đèo như: Đèo Ngang, đèo Hải Vân, đèo Cù Mông, Đại Lãnh…tạo thành địa giới của nhiều tỉnh. Ngoài khơi có nhiều đảo và bán đảo như: Mũi Ròn, mũi Lài, đảo Cồn Cỏ, mũi Chân Mây, bán đảo Sơn Trà, Cù Lao Chàm, Cù Lao Ré, mũi Ba Làng An, bán đảo Phương Mai…Dọc theo bờ biển có nhiều hải cảng, lớn nhất là Đà Nẵng và Quy Nhơn [11, tr.11] Vùng Thuận - Quảng cũng có nhiều sông, phát nguyên từ dãy Trường Sơn và cao nguyên phía Tây. Sông ngắn, độ dốc cao đổ ra biển Đông, tạo thành nhiều cửa khẩu và thương cảng. Sông lớn nhất là sông Gianh, sông Nhật Lệ, sông Côn…Đây cũng là nơi đã hình thành nhiều làng mạc, trung tâm thương nghiệp và phố cảng (ven sông). Từ đầu thế kỉ XVII, Alexandre De Rhose cũng đã ghi nhận lợi ích của sông ngòi Đàng Trong như sau: “Đàng Trong được dẫn nước bằng 24 con sông đẹp. Nó mang đến một sự tiện lợi kỳ diệu cho việc đi lại trên sông trong toàn xứ sở, nó còn tạo ra sự thuận tiện cho viêc buôn bán và du lịch”. [Dẫn theo 11, tr.12] Vùng Thuận - Quảng, khí hậu chia làm hai mùa rõ rệt. Mùa khô từ tháng 2 đến tháng 7. Mùa mưa từ tháng 8 đến tháng 1. Việc sản xuất hàng hóa và mua bán ngoài trời tấp nập thường diễn ra vào mùa khô khi trời tạnh ráo. Vào mùa mưa có kèm theo bão lụt, tiếp đó là rét buốt nên chợ búa thưa thớt, phố xá vắng khách, các thuyền buôn rời bến cảng để đưa hàng về nước. Đầu thế kỷ XVII, khi có mặt ở Thuận - Quảng, Cristoforo Borri cho biết khí hậu ở đây như sau: Nếu trong mùa hè bao gồm các tháng 6,7,8 xứ này nóng vì ở trong vùng nhiệt đới và mặt trời ở vào đỉnh điểm của nó thì trái lại tháng 9,10,11 là mùa thu, cái nóng hết đi, không khí trở nên điều hòa nhờ những cơn mưa liên tục từ trên
  • 18. 15 miền núi cao, các dòng nước tuôn trào tràn ngập vương quốc, chảy ra đến tận biển. Trong 3 tháng này mùa đông phân biệt với các mùa khác trong năm. Cuối cùng vào tháng 3,4,5 người ta thấy hiệu quả của mùa xuân. Tất cả đều xanh tươi và nở hoa [16, tr 10]. Điều kiện tự nhiên đó đã ảnh hưởng đến đời sống của cư dân và hoạt động kinh tế của vùng Thuận - Quảng. Đặc điểm tự nhiên ở đây không giống như đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long. Là dải đồng bằng chật hẹp và được bồi đắp bởi các con sông ngắn dốc, độ phì nhiêu cũng ít màu mỡ đã trở thành những khó khăn ban đầu của cư dân vùng Thuận - Quảng. Nhưng cũng chính điều đó để thấy rõ sự nỗ lực của các chúa Nguyễn trong việc xây dựng Đàng Trong nói chung và vùng Thuận - Quảng nói riêng trở thành một khu vực trù phú, phát triển cả nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp. 1.2. Tài nguyên thiên nhiên Xuất phát từ điều kiện tự nhiên đã hình thành nên một vùng Thuận - Quảng với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng. Hai xứ Thuận, Quảng giàu có, giàu cả về lâm sản, nông sản và hải sản, nhất là xứ Quảng Nam. Lại có nơi đất có vàng, sắt. Trong Phủ biên tạp lục của Lê Qúy Đôn viết: Những sản vật quý phần nhiều xuất từ miền Nam…Xứ Quảng Nam (kể cả Gia Định) là đất phì nhiêu nhất thiên hạ…Ở phủ Thăng Hoa, phủ Điện Bàn, đồng ruộng rộng rãi ruộng lúa tốt…Ba phủ Quy Nhơn, Quãng Ngãi, Gia Định thì thóc gạo nhiều không kể xiết, nhất là Gia Định đất đã màu mỡ mà không lo cái nạn hạn, lụt…Ở Gia Định có nơi cấy một hộc thóc giống như gặt được 100 hộc thóc, có nơi ruộng không cần cày, chỉ phát cỏ rồi cấy, cấy một hộc thóc giống gặt được 300 hộc thóc” và “một tiền quý mua được 16 đấu thóc, bằng 30 bát quan đồng. Giá thóc rẻ chưa nơi nào như thế. Gạo nếp, gạo tẻ đều trắng trẻo, tôm cá rất to béo, ăn không hết” và : “Trước kia sự buôn bán với Đồng Nai được lưu thông, gạo ở Phú Xuân 10 thăng là một hộc (bằng 20 bát quan đồng), giá chỉ 3 tiền, có thể đủ một người ăn trong một tháng. [52, tr.476] Ở phủ Quảng Ngãi thì xã Phú Xuân huyện Bình Sơn, xã Bình Khang huyện Chương Nghĩa, đất đai đều gần sông, đất, nước tốt lành, đồng điền rộng cao mà
  • 19. 16 bằng phẳng, ước hơn nghìn mẫu, cũng gọi là Tiểu Đồng Nai. Cũng theo Lê Qúy Đôn, trên các cánh đồng ở Đàng Trong, người ta đã cấy đến 26 giống lúa nếp và 23 giống lúa tẻ. Trong sách Hải Ngoại Ký Sự, Hòa thượng Thích Đại Sán viếng Hội An, Thuận Hóa đời chúa Hiển Tông viết: “Hai đồng ruộng lúa xanh xanh chờ trổ bông, hỏi thăm nghe nói ruộng không bỏ phân, một năm làm đến ba mùa, cũng khá tốt. Rừng cây trông hút mắt. Nơi làng xóm ở, nhà tranh phên trúc, ngang dọc như bàn cờ, giống cây trồng có tre, mít, dừa, cam, hóa có thạch lựu, dinh hương, mộc lan, hoa lài”…[92, tr.32] Ngoài ngũ cốc, Thuận Quảng sản xuất nhiều cau, hạt tiêu, bo bo, hạt mè, đường cát, đường phổi. Về lâm sản, dãy núi Trường Sơn sản xuất trầm hương, kỳ nam, sừng tê, ngà voi, sáp ong, dầu rái, cây lụi tre tư lao (dùng làm cán dao)…Kỳ nam, trầm hương là hai thứ người đương thời rất quý vì chữa được nhiều bệnh, ở miền núi các phủ Phú Yên, Quy Nhơn, Diên Khánh, Bình Khương đều có. Chúa Nguyễn có đặt đội An Sơn hằng năm cứ tháng 2 thì đi kiếm, tháng 6 thì đem về. [52, tr.477] Sự giàu có về tài nguyên phải kể đến ở đây là các núi vàng. Lê Qúy Đôn chép lại trong Phủ biên tạp lục: “Trà Tế cũng như Trà Nô là những ngọn núi có kim khí rất vượng, thường có một đường trong đất đi xiên xéo ra, khi vàng bốc nổi lên trên cũng có đường đi thẳng, đường đi ngang qua núi khác. Núi nào có vàng thì đất mềm, không có thì đất cứng” [26, tr.285 ]. Hầu như dinh phủ nào thuộc Thuận Quảng bấy giờ đếu có núi sản vàng, dân cư nhiều địa phương đã biết đến nghề khai thác vàng và thu lợi từ tài nguyên này. “Xã Nam Phố hạ huyện Phú Vang, có một dải núi đất, gồm có bốn ngọn là ngọn La Thiết, ngọn Cây Trâm, ngọn cây Bùi, ngọn Đồng Giá, chân núi đều sản xuất vàng, một gánh đất mới được một phân vàng, vàng rất tốt, đáng 9, 10 tuổi”…Xứ Quảng Nam có nhiều núi sản suất vàng…Các núi Trà Nô, Trà Tế nguồn Thu Bồn huyện Duy Xuyên phủ Thăng Hoa sản vàng…Dân thuộc đến đầu núi tìm thấy mạch, đào lấy đất, làm nhà để che, chứa chất thành đống, múc nước dội vào, chỗ đất đào hoặc sâu đến hơn nghìn thước. Rửa đãi một ngày, thường được vàng
  • 20. 17 vụn đầy một bong bóng trâu, nộp vào trường để nấu đúc…Phủ Quy Nhơn cũng nhiều núi có vàng, dân thuộc Kim hộ đi khai thác và nộp thuế vàng cho phủ chúa khá lớn…”[26, tr.285,286,287]. Núi rừng ở đây còn sản nhiều lâm sản quý giá phục vụ tốt cho đời sống con người như: làm thuốc chữa bệnh, cung cấp thức ăn, vật liệu xây dựng nhà cửa, phương tiện đi lại, làm nguyên liệu cho các nghề thủ công ra đời và phát triển. Có rất nhiều sản phẩm sau này trở thành mặt hàng xuất khẩu quan trọng khi giao thương phát triển. Gỗ là thứ người Việt rất cần dùng thì Thuận, Quảng sản xuất rất nhiều và nhiều thứ quý. Theo Phủ biên tạp lục thì các đầu nguồn từ Bố Chính trở vào đều có nhiều thứ gỗ tốt. Các đầu nguồn huyện Khương Lộc có “gỗ tán” bền sắc đen như sắt, dân địa phương dùng làm cột nhà, “gỗ bời lời” to mà sắc trằng dùng làm ván cách…Mỗi năm tháng 8, khách buôn đóng bè chở xuống bán từng cây hoặc từng súc lớn nhỏ, có đến nghìn, trăm. Như làm một ngôi nhà 5 gian gỗ rất tốt cũng không quá 30 quan, dùng gỗ tạp xen vào thì 17, 18 quan . Còn đóng thuyền thì dùng “gỗ huyện” rất dài và to, bề rộng, bề dài đều gấp đôi gỗ khác, sắc đỏ, chắc nhẹ hoặc dùng “gỗ gụ”, “gỗ sến” còn “gỗ lim” thì quá nặng không ai dùng. Gỗ kiền kiền cứng, bền, lâu hư chôn sâu xuống đất mấy thước, 100 năm cũng không mục, ở đầu nguồn Nam Bố Chính và các huyện Khương Lộc, Quảng Điền, Phú Vinh đều có. Nhà cửa, lầu gác, ghe thuyền của họ Nguyễn đều dùng gỗ kiền kiền. “Gỗ sao” có thể làm vách thuyền, loại sản xuất đầu nguồn huyện Phú Vinh, huyện Hương Trà nhẹ, vào nước thì nổi, dùng làm thuyền buôn và thuyền đánh cá, dùng không quá 10 năm, như loại sản xuất ở Bình Khương và Gia Định rất tốt, bền, đóng thuyền có thể lâu được 60 năm nhưng tính nặng, không nổi. Gỗ kiền kiền nặng mà cứng, không chịu sóng gió, chỉ làm thuyền đi sông mà thôi, còn gỗ sao chịu sóng gió có thể làm thuyền đi biển được. Họ Nguyễn có xây dựng cung điện, nhà cửa thường lấy gỗ ở các phủ Quy Nhơn, Quảng Ngãi và Gia Định. Phủ Gia Định sản xuất nhiều gỗ tốt, các xứ, nguồn, thuộc huyện Phước Long, huyện Tân Bình, có nhiều gỗ sao, gỗ trắc, gỗ giáng hương, gỗ gụ. Nhưng loại gỗ tốt nhất của hai xứ Thuận - Quảng là “gỗ hoa lệ” tục gọi là “gỗ trắc mật” thớ nó nhỏ mà trơn
  • 21. 18 nhuận, có mùi thơm như mía nướng, sắc nó ban đầu đỏ, để lâu thành đen, bền, cứng, không ngọt người ta thường dùng làm rương, hòm, ghế, bàn. Đòn kiệu và các đồ dùng; có thứ tên là thai bái sắc trắng như ngà voi, uốn không gãy. Lại có cây mít trồng lâu năm thành gỗ tốt, sắc vàng dùng làm cột nhà hoặc làm ván, làm vách…[52, tr.478-479] Quả cây có công dụng về tiểu công nghệ, ở tổng Bái trời có cây dầu sơn do người trồng, quả nó như quả hồng, lấy hột giả nhỏ, chưng sơ qua, rồi ép lấy dầu mà sơn.[52, tr.479] Các chúa Nguyễn có đặt hai đội Dầu sơn, gồm 60 người miễn trừ sai dư, lao dịch, để lấy dầu sơn đem nạp. Ở Gia Định, đất ven vùng sản xuất nhiều sơn, từ thời chúa Túc Tông đã mộ 500 dân, đặt làm 11 thuyền gọi là Ô Tất để lấy sơn đem nạp (mỗi năm thu được 6528 cân sơn). Nghề nông là gốc, nhưng dọc theo bờ biển nhân dân cũng sống về nghề chài lưới. Đánh cá, làm mắm, đem lại những nguồn lợi lớn cho các miền duyên hải. Biển Thuận, Quảng còn có đồi mồi, xà cừ, các đảo trong biển Quảng Nam, Bình Khương có yến sào. Ở Hà Tiên có huyền phách sắc đen như sắt, người ta nói dùng nó tránh được gió độc, nên thường dùng làm tràng hạt.[52, tr.479]. Với những điều kiện tự nhiên thuận lợi về vị trí địa lý kết hợp với sự phong phú về tài nguyên thiên nhiên, mặt hàng nông sản và thủ công là một trong những yếu tố thúc đẩy sự phát triển của kinh tế hàng hóa và thương nghiệp. Đàng Trong mà cụ thể là vùng đất Thuận Quảng, hoạt động thương mại cũng bị chi phối bởi khí hậu, thời tiết khá đậm nét. Việc sản xuất hàng hóa và mua bán ngoài trời thường diễn ra tấp nập vào mùa khô khi trời tạnh ráo. Vào mùa mưa hay kèm theo bão lụt, nên chợ búa thưa thớt và phố xá thường vắng khách hơn, các thuyền buôn nước ngoài sau khi đã mua gom đầy hàng hóa bắt đầu rời cảng đưa hàng hóa về nước, tạo thành mùa mậu dịch trong năm. 1.3. Tình hình chính trị - xã hội Cho đến giữa thế kỷ XVIII, họ Nguyễn đã làm chủ một vùng đất rộng lớn từ nam dải Hoành Sơn cho đến mũi Cà Mau. Hình thành 12 đơn vị hành chính gọi là dinh, trấn. Vùng Thuận Quảng cũ chia làm 6 dinh: Bố Chính, Quảng Bình, Lưu
  • 22. 19 Đồn, Cựu dinh, Chính dinh và Quảng Nam. Vùng đất mới chia làm 6 dinh: Phú Yên, Bình Khang, Bình Thuận, Trấn Biên, Phiên Trấn, Long Hồ (Vĩnh Long), một trấn phụ thuộc là Hà Tiên. Mỗi dinh quản một phủ, dưới phủ có huyện, tổng, xã (hay phường, thuộc). Riêng dinh Quảng Nam quản 3 phủ: Thăng Hoa, Quảng Ngãi, Quy Nhơn. Thủ phủ ban đầu của chúa Nguyễn đóng ở xã Ái Tử thuộc Cựu dinh (Quảng Trị ngày nay), sau nhiều lần dịch chuyển mới định vị tại Phú Xuân (Huế ngày nay). Dưới thời Nguyễn Hoàng, bộ máy cai trị ở Thuận - Quảng chủ yếu gồm các quan lại chúa Trịnh cắt đặt và chịu sự chi phối của chính quyền Đàng Ngoài. Đến năm 1614, chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho thải hồi các quan lại do họ Trịnh cử, cải tổ lại bộ máy chính quyền. Ở trung ương là Chính Dinh đặt Tam ty phụ trách tất cả công việc: Ty Xá sai (phụ trách hành chính và tư pháp) do Đô tri đứng đầu, Ký lục giúp việc; Ty Tướng thần lại (phụ trách về tài chính, thu thuế, phát lương) do Cai bạ đứng đầu; Ty lệnh sử (phụ trách về tế tự, nghi lễ) do Nha úy đứng đầu. Mỗi ty có những nhân viên giúp việc gọi là Câu kê (3 người), Cai hợp (7 người), Thủ hợp (10 người), Ty lại (40 người). Ngoài Tam ty, Nguyễn Phúc Nguyên còn đặt thêm Ty Nội lệnh sử kiêm coi các thứ thuế và 2 Ty Tả Hữu lệnh sử chia nhau thu tiền sai dư ở hai xứ. Tại các dinh khác do chức Trấn thủ đứng đầu, do Cai bạ và Ký lục giúp việc, và cũng có các Ty phụ trách công việc, tên gọi các ty cũng giống như ở Chính dinh, nhưng thường không đặt đủ 3 ty như ở Chính dinh. Các dinh Quảng Nam, Bình Khang, Bình Thuận, Trấn Biên…chỉ có 2 Ty là Xá sai và Tướng thần lại; dinh Phiên Trấn chỉ có Ty Tướng thần lại; dinh Cựu chỉ có Ty Lệnh sử. Dinh chia thành phủ do Tri phủ đứng đầu. Ở một vài phủ đặc biệt như Quãng Ngãi, Quy Nhơn có đặt chức Tuần phủ. Phủ chia thành huyện (hoặc châu) do Tri huyện (hoặc Tri châu) đứng đầu. Huyện chia thành tổng do Cai tổng đứng đầu. Dưới châu là thuộc do Cai thuộc đứng đầu. Tổng chia thành xã, là hành chính cơ sở, do Xã trưởng đứng đầu. Buổi đầu, nhân dân Đàng Trong quen gọi dòng họ thống trị là Chúa, các chúa Nguyễn vẫn chỉ xưng Quốc công. Đến năm 1692, Nguyễn Phúc Chu chủ trương tách Đàng Trong thành khu vực riêng, tự xưng Đại Việt Quốc vương, nhưng việc không thành. Nối tiếp ý đồ, năm 1744, Nguyễn Phúc Khoát tự xưng vương, lập
  • 23. 20 thành triều đình, đổi Phú Xuân làm “Đô thành”, cho xây dựng nhiều cung điện, dinh thự làm nơi triều hội. Các Ty bị bãi bỏ, thay bằng các Bộ: Ty Xá sai biến thành Bộ Lại (lấy từ Ký lục và thuộc viên) và Bộ Hình (lấy từ Đô tri và thuộc viên), Ty lệnh sử biến thành Bộ Lễ (lấy từ Nha úy và thuộc viên), Ty Tướng thần lại biến thành Bộ Hộ (lấy từ Cai bạ phó đoán sự và thuộc viên), cùng với hai Bộ mới đặt là Bộ Công và Bộ Binh, họp thành Lục Bộ, do Thượng thư đứng đầu. Tổ chức cấp Bộ cũng theo như cách tổ chức của nhà Lê cũ. Trên Lục Bộ có 4 viên quan cao cấp được gọi là Tứ trụ đại thần (đặt từ thời Nguyễn Phúc Lan) gồm: Tả nội, Tả ngoại, Hữu nội, Hữu ngoại, chọn từ những người thân tín và công thần cũ của họ Nguyễn. Lấy văn chức đặt thành Hàn lâm viện. Các đơn vị hành chính địa phương vẫn gọi là Dinh do Trấn thủ đứng đầu, có các Cai bạ và Ký lục giúp việc; bên dưới đặt 1-2 ty chuyên trách, cùng với số nhân viên tùy thuộc. Mỗi dinh quản hạt một phủ do Tri phủ đứng đầu, phụ thuộc vào Trấn thủ. Ở những phủ không là trị sở của dinh Trấn thủ thì đặt thành Trấn do Đô đốc đứng đầu. Phủ chia thành huyện (hoặc châu), do Tri huyện (hoặc Tri châu) đứng đầu; thuộc viên có Đề lại, Thông lại, Huấn đạo, Lễ sinh. Dưới huyện là tổng do Cai tổng đứng đầu. Dưới Tổng là xã do Xã trưởng và Tướng thần phụ trách. Số Xã trưởng và Tướng thần nhiều hay ít tùy thuộc theo số dân trong xã. Tại miền núi, dưới châu là thuộc do Cai thuộc hoặc Ký thuộc (tùy theo thuộc lớn nhỏ) đứng đầu. Ngoài ra, ở miền núi và ven biển còn có các đơn vị cơ sở là thôn, phường, nậu, man. Bên cạnh quan chức cai trị, ở phủ, huyện, châu, tổng, thuộc, chúa Nguyễn cho đặt ngạch quan chuyên thu thuế, tổ chức theo ngành dọc gọi là Bản đường quan. Trên cơ sở tổ chức của bộ máy chính quyền, các chúa Nguyễn đã ra sức thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, thủ công nghiệp, tích cực khai khẩn, mở mang ruộng đất. Nhưng dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, ông lại lấy ngoại thương làm điểm nhấn cho nền kinh tế ở Thuận - Quảng. Cũng chính điều đó giải thích cho sự có mặt của các thương nhân nước ngoài như Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Trung Quốc… đến buôn bán ở đây. Sự phồn thịnh của các thương cảng như Thanh Hà, Hội An, Nước Mặn, là minh chứng cho thấy rõ nét thời kỳ cực thịnh của vùng Thuận - Quảng dưới thời các chúa Nguyễn. Và những bước đi táo bạo này đã đưa vùng Thuận - Quảng phát triển thịnh vượng, dùng kinh tế thương nghiệp để
  • 24. 21 đối trọng với Đàng Ngoài. Và cũng là lần đầu tiên, cư dân một nước có truyền thống nông nghiệp lại sống chủ yếu bằng thương mại và cũng là lần đầu tiên Việt Nam được thế giới biết đến một cách rộng rãi. Đàng Trong là vùng đất mới khai phá, đất đai phì nhiêu và còn hoang hóa nhiều, người dân không lo về nạn thiếu ruộng. Còn về con người, như lời giáo sĩ Christoforo Borri nhận xét là: “ Người dân ở đây siêng năng, ưa làm lụng, tránh sự ăn không ngồi rồi. Đàn bà khéo dệt vải lụa và làm bánh trái. Họ đối với người nước ngoài rất hòa nhã, ân cần” [16, tr.11]. Đất và người là những điều kiện căn bản cho nền kinh tế của Đàng Trong. Và sự phát triển kinh tế ấy đã khiến một thời gian dài những mâu thuẫn xã hội ở Đàng Trong được giải quyết. Cuộc sống người dân tương đối thư thả và các chúa cũng có điều kiện duy trì trật tự xã hội trong một thời gian dài. Ngay từ thời trị vì của Tiên chúa Nguyễn Hoàng, vùng Thuận Quảng đã bắt đầu thịnh vượng. Sách Việt Nam khai quốc chí truyện chép: “Năm Mậu Thân (1608), niên hiệu Hoàng Định thứ 9, các nơi ở Đàng Ngoài thời tiết khô hạn, lúa má cháy khô, một thưng gạo giá 1 mạch, có nhiều người chết đói, thậm chí có nơi người ta ăn thịt lẫn nhau. Đói khổ như thế đến hơn một năm. Duy chỉ có hại xứ Thuận Quảng mưa thuận gió hòa, một đấu gạo giá chỉ 3 tiền, ngoài đường không ai nhặt của rơi, bốn dân đều được ăn cư lạc nghiệp”. [7, tr.41] Sách Đại Nam thực lục tiền biên cũng nhận xét tương tự: “Bấy giờ Chúa ở trấn hơn mười năm, chính sự rộng rãi, quân lệnh nghiêm trang, nhân dân đều an cư lạc nghiệp, chợ không bán hai giá, không có trộm cướp. Thuyền buôn của các nước đến nhiều. Trấn trở nên một nơi đô hội lớn” .[82, tr.129] Trên vùng đất mới Thuận - Quảng, đời sống văn hóa, xã hội cũng được xác lập theo kiểu riêng. Sự phân chia giai cấp không rõ nét và khắc nghiệt như ở Đàng Ngoài; con người sống phóng khoáng, cởi mở, văn hóa đa dạng có sự giao hòa, pha trộn giữa văn hóa Việt với văn hóa bản địa, đồng thời chịu ảnh hưởng của các luồng văn hóa ngoại nhập. Lãnh thổ Đàng Trong được hình thành trên cơ sở vùng đất Thuận - Quảng và lớn mạnh theo đà Nam tiến mạnh mẽ dưới thời các chúa Nguyễn. Với việc thực hiện các chính sách tích cực, góp phần giúp Thuận - Quảng đủ sức đối trọng với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài.
  • 25. 22 Trong suốt thế kỷ XVII, dưới thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan, chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần, chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Thái, chúa Quốc Nguyễn Phúc Chu, tình hình xã hội và đời sống nhân dân Đàng Trong vẫn tiếp tục tốt đẹp. Sử cũ cho biết dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần: “bấy giờ trong cõi vô sự, thóc lúa được mùa, chúa càng sửa sang chính trị, không xây đài tạ, không gần con hát đẹp, nhẹ bớt dao dịch thuế má, trăm họ vui vẻ đều khen là đời thái bình”.[82, tr.129] Còn Nguyễn Phúc Chu thì “chiêu hiền đãi sĩ, cầu lời nói hay, nạp lời can dán, bỏ xa hoa, bớt chi phí, nhẹ thuế má dao dịch, bớt việc hình ngục, trăm họ không ai là không vui mừng” [82, tr.146] Ở một góc độ nào đó có thể nói rằng, Đàng Trong đã hình thành và phát triển như một vương quốc độc lập, tạo nên một nước Việt Nam mới với những nét văn hóa phong phú và đa dạng hơn. Thời kỳ hưng thịnh, phát triển nhanh của nền kinh tế và sự ổn định xã hội của Đàng Trong chỉ kéo dài cho đến những năm nửa đầu thế kỷ XVIII. Giữa thế kỷ XVIII, hoạt động kinh tế sa sút, đời sống nhân dân bắt đầu gặp nhiều khó khăn. Người dân nghèo không còn thiết tha với đồng ruộng. Ruộng đất công hoặc bị người có quyền thế hay nhà giàu chiếm đoạt hoặc người ta cầm cố, đem bán, thậm chí bỏ hoang do trưng thu thuế má và phụ thu quá nặng nề. Điều này một mặt bắt nguồn từ chính sách thuế khóa của nhà nước ngày càng nặng nề, phiền phức, mặt khác còn do sự nhũng nhiễu, hạch sách của đội ngũ quan lại. Quan lại ở Đàng Trong không được cấp lương bổng nhất định mà chỉ được ban một số dân phu, được phép thu thêm một số tiền gạo ngoài thuế của dân. Điều này dẫn đến một thực tế là quan lại tùy tiện đua nhau hạch sách dân, thu lợi cho mình mà nhà nước không kiểm soát được. Lê Qúy Đôn viết trong Phủ biên tạp lục rằng: “quan liêu ở Đàng Trong nhũng lạm quá lắm, hết thảy bổng lộc đều lấy vào của dân, dân không chịu nổi” [26, tr.186-187]. Với chế độ buôn quan bán tước, bọn quan lại kém tài ít đức dùng tiền của bóc lột để tiến thân trên đường chính trị và bọn địa chủ phú hào cũng dùng tiền của bóc lột để mua quan tước, gia nhập vào bộ máy quan liêu. Nửa sau thế kỷ XVIII, sự khủng hoảng của chính thể Đàng Trong càng trở nên trầm trọng khi triều đình bị lũng đoạn bởi quốc phó Trương Phúc Loan. “Phúc Loan chuyên quyền hơn 30 năm, tham lam tàn nhẫn, giết chóc rất nhiều. Ăn
  • 26. 23 ngụ lộc ở nguồn Sái, nguồn Thu Bồn, nguồn Trà Đinh, nguồn Trà Vân, nguồn Đông Hương, mỗi năm thu vào 4,5 vạn. Lại cai Tàu vụ, quản cơ Trung tượng, quản Hộ bộ và các việc tạp, số thu nhập lại 3,4 vạn. Vàng bạc, châu ngọc, vật báu, gấm vóc, vườn ruộng, nhà cửa, tôi tớ, ngựa trâu, không biết bao nhiêu mà kể…”[26, tr.236]. Đến cuối thế kỷ XVIII, bộ máy nhà nước quân chủ quan liêu ở Đàng Trong trở thành bộ máy ăn bám vô cùng nặng nề, một gánh nặng đè lên đầu người nhân dân lao động. Sự suy thoái kinh tế thể hiện rõ nhất trong sản xuất nông nghiệp, nhất là ở vùng Thuận Quảng. Nhà nước của chúa Nguyễn vào cuối thế kỷ XVIII, đã bỏ rơi chức năng chăm lo đến nông nghiệp. Đến năm 1774, Lê Qúy Đôn cho biết: “Xứ Thuận Hóa có 9 huyện, ruộng đất toàn bộ có 256.507 mẫu, nhưng thực cày cấy chỉ có 153.181 mẫu (còn lại 12.326 mẫu bỏ hoang). Xứ Quảng Nam có 25 huyện, ruộng đất nhiều gấp bội so với Thuận Hóa, nhưng ruộng thực cày cấy chỉ có 27 vạn mẫu. Huyện nào cũng có ruộng bỏ hoang. Từ năm 1752 đã xảy ra nạn đói lớn, một phương gạo trị giá 3 quan tiền, dân nhiều người chết đói. Tình hình đời sống của nhân dân Đàng Trong ngày càng khó khăn, đặc biệt là vào mùa đông năm Giáp ngọ (1774), Thuận Hóa bị đói to, mỗi lẻ gạo trị giá 1 tiền, người chết đói rất nhiều, người nhà có khi ăn thịt lẫn nhau” [Dẫn theo 82, tr.179] Mâu thuẫn chất chứa bên trong xã hội trở nên sâu sắc và lên đến đỉnh điểm, người dân nghèo không mãi cam chịu, những cuộc khởi nghĩa bắt đầu diễn ra của đủ mọi tầng lớp nhân dân từ thương nhân, các tộc người thiểu số và đặc biệt là của nông dân đã liên tiếp nổ ra. Năm 1771, cuộc khởi nghĩa Tây Sơn - kết tinh sức mạnh quật khởi của tầng lớp nhân dân bùng nổ, từng bước lật đổ các thế lực phong kiến Đàng Trong, Đàng Ngoài, đánh tan các thế lực ngoại xâm (Xiêm, Thanh), xóa ranh giới chia cắt đất nước, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc. Như vậy nhìn chung, trải qua các đời chúa đầu, tình hình chính trị - xã hội ổn định, các chúa chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng Đàng Trong thành một vùng đất giàu mạnh về nhiều mặt. Cùng với quá trình Nam tiến, các chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã có những chính sách tích cực và tiến bộ thu hút nhiều lực lượng tìm đến đây, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo cơ sở khá vững chắc
  • 27. 24 cho quá trình tồn tại và phát triển của các chúa Nguyễn. Tuy nhiên, đến đời chúa Nguyễn Phúc Thuần thì vương triều họ Nguyễn bị nạn quyền thần lộng hành và bộ máy nhà nước đó rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Bối cảnh chính trị - xã hội như vậy, ít nhiều đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế thương nghiệp Đàng Trong nói chung và vùng Thuận Quảng nói riêng trong giai đoạn từ thế kỷ XVI - XVIII. Từ sự hưng thịnh tiếp nối của những năm đầu thế kỷ này, đến giữa thế kỷ bắt đầu ngưng trệ và đi xuống rõ rệt vào nửa sau thế kỷ XVIII. 1.4. Chính sách của chúa Nguyễn đối với việc phát triển kinh tế thương nghiệp Lịch sử kinh tế các triều đại phong kiến Việt Nam hiện diện bởi loại hình kinh tế nông nghiệp tự cung tự cấp trong suốt chiều dài lịch sử. Xứ Đàng Trong của các chúa Nguyễn ra đời đúng vào khoảng thời gian đầy những biến động lịch sử trong nước cũng như thế giới, trong một “thời đại thương nghiệp”. Sự hình thành các luồng giao lưu buôn bán quốc tế tác động mạnh mẽ đến các vùng, làm cho nhu cầu hàng hóa tăng lên không ngừng. Đàng Trong nói chung và vùng Thuận Quảng nói riêng trong các thế kỉ XVI - XVII - XVIII chính là sự biểu hiện sinh động cho những thay đổi mang tính đột phá của các chúa Nguyễn. Chính vì vậy mà Li Tana cho rằng: “ Chúng ta có thể nói một cách hoàn toàn bảo đảm rằng chính thương nghiệp đã làm cho vương quốc mới của Việt Nam, chỉ trong vòng ít thập niên, trở nên giàu có và đủ mạnh để có thể duy trì được nền độc lập của mình đối với phía bắc và mở rộng về phía nam. Không có thương mại, Đàng Trong khó có thể tồn tại nổi, cho dù tài nguyên thiên nhiên dồi dào, vì những khó khăn vương quốc này phải đương đầu. Thiếu nhân lực, thiếu tiền của, không có sẵn quan hệ với bên ngoài và nhiều khó khăn khác, nhất là khi lại phải xây dựng trên một vùng đất mới giành được từ một dân tộc khác có một nền văn hóa khác. Ngoại thương đã trở thành yếu tố quyết định trong tốc độ phát triển của Đàng Trong. Ngoài thương nghiệp, không gì khác có thể giúp họ Nguyễn xây dựng một cách nhanh chóng vùng đất ít nhân lực này để có thể đương đầu nổi với một vùng đất có số tiềm lực nhiều gấp đôi, gấp ba Đàng Trong về mọi mặt. Đối với các nước khác ở Đông Nam châu Á, vấn đề ngoại thương có thể chỉ là vấn đề làm giàu, nhưng đối với Đàng Trong vào buổi đầu, đây
  • 28. 25 là một vấn đề sống chết.”[65, tr 85]. Đứng trước sự phát triển của nền thương mại quốc tế, để đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng đất mới, các chúa Nguyễn đã không ngừng đưa ra những chính sách giao thương tích cực, cởi mở, dùng giao thương làm đòn bẩy để phát triển kinh tế, tăng cường sức mạnh và tiềm lực quốc gia Thứ nhất, chúa Nguyễn đã chú trọng sản xuất giao thương nội địa làm cơ sở cho giao thương với nước ngoài. Thực hiện âm mưu cát cứ, xây dựng một đất nước riêng để chống lại họ Trịnh, một mặt củng cố việc phòng thủ đất Thuận - Quảng, mặt khác đẩy mạnh việc khai hoang, mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam đặc biệt vùng châu thổ sông Đồng Nai và Cửu Long: “chiêu mộ những dân có vật lực ở xứ Quảng Nam, các phủ Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn cho dời tới đây, phát chặt mở mang, hết thảy thành bằng phẳng, đất đai màu mỡ, cho dân tự chiếm, trồng cau và làm nhà cửa”[68, tr.345]. Mỗi vùng đều có những đặc sản riêng: hồ tiêu ở Hà Tiên, mía ở Bình Thuận và Quảng Nam, dâu ở Thuận Hóa, Quảng Nam, bông ở Quảng Ngãi, quế ở Quy Nhơn, Thăng Hoa, Điện Bàn…Những đặc sản này cũng trở thành những thương phẩm của Đàng Trong trao đổi với lái buôn nước ngoài. Nền kinh tế nông nghiệp Đàng Trong một thời gian dài phát triển tương đối ổn định. Đó chính là cơ sở kinh tế vững chắc tạo điều kiện thuận lợi cho sự thống trị của chúa Nguyễn ở Đàng Trong và cũng là cơ sở cho kinh tế thương nghiệp phát triển mạnh mẽ. Các chúa Nguyễn đã cho lập các quan xưởng đúc súng, tiền, đóng thuyền…nhằm phục vụ nhu cầu của nhà nước. Thời kì này ở Đàng Trong đã hình thành một số trung tâm sản xuất gốm sứ lớn, sản phẩm làm ra không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn trở thành mặt hàng xuất khẩu được ưa chuộng. Một học giả Nhật Bản khác là G.S Hasebe Gakuji nhận xét: “ Kỹ thuật sản xuất đồ gốm ở Nhật Bản vào thế kỷ XVI còn kém xa so với kỹ thuật Đại Việt” [30, tr.183]. Cùng với gốm sứ, tơ lụa, mía đường cũng là một mặt hàng xuất khẩu khá nổi tiếng của Đàng Trong. Bên cạnh các nghề thủ công truyền thống như gốm, dệt vải, mía đường…các nghề khác như làm giấy, rèn sắt, đúc đồng, làm nón…cũng có những bước phát triển vượt bậc. Chính nhờ sự phát triển mạnh mẽ của các nghề thủ công
  • 29. 26 đã kích thích nội thương phát triển, từ đó hoạt động ngoại thương cũng chịu những tác động tích cực. Thứ hai, các chúa Nguyễn chủ động mời gọi thương nhân nước ngoài đến buôn bán với Đàng Trong. Sử liệu của Christophoro Borri viết năm 1621: “Chúa Đàng Trong không đóng cửa với một quốc gia nào, ngài để cho tự do và mở cửa cho tất cả người ngoại quốc, người Hà Lan cũng tới như những người khác, cùng với tàu chở rất nhiều hàng hóa của họ. Phương châm của người Đàng Trong là không bao giờ tỏ ra sợ một quốc gia nào trên thế giới” [16, tr.88]. Vì thế, từ cuối thế kỷ XVI, XVII và nửa đầu thế kỷ XVIII, ngoại thương ở Đàng Trong có bước phát triển vượt bậc bởi số lượng thuyền đến buôn bán. Đối với Đàng Trong, ngoại thương không chỉ là vấn đề làm giàu mà là vấn đề tồn vong của một chính quyền mới thành lập trên mảnh đất giàu tài nguyên thiên nhiên nhưng thiếu nhân lực, thiếu tiền bạc và thiếu quan hệ bang giao với các nước bên ngoài. Mặt khác, sự hình thành của luồng giao lưu buôn bán quốc tế tác động mạnh mẽ đến các vùng lâu nay còn xa cách, đóng kín làm cho nhu cầu hàng hóa đặc sản địa phương tăng lên không ngừng. Người ta có thể khai thác nhiều hơn, làm lợi hơn khi bán được nhiều sản vật làm ra hay khai thác được. Bên cạnh đó, một thời nhà Thanh đóng cửa buộc các thương nhân Trung Quốc cũng như thương nhân nước ngoài quen hoạt động buôn bán ở đây phải dồn sang nước ta. Tất cả những điều đó khiến nội thương nhộn nhịp, buôn bán với nước ngoài cũng phát triển. Đồng thời, Đàng Trong ở vào vị trí rất thuận lợi trên tuyến thương mại khu vực và quốc tế, là vị trí trung tâm của khu vực Đông Nam Á và là nơi mà “người ngoại quốc bị quyến rũ bởi đất đai phì nhiêu và thèm muốn những của cải tràn đầy trong xứ họ. Không những người xứ Đàng Ngoài, xứ Campuchia và Phúc Kiến và mấy xứ lân cận đến buôn bán, mà mỗi ngày người ta còn thấy các thương gia đến từ những miền đất xa xôi Trung Quốc, Ma Cao, Nhật Bản, Manila và Malacca. Tất cả đều đem bạc đến xứ Đàng Trong để đem hàng hóa của xứ này về” [16, tr.89] Chính sách mở cửa giao lưu với nước ngoài còn được các chúa Nguyễn thực hiện ngay trong quan hệ hôn nhân gia đình với các hoàng gia bên ngoài. Đó là việc chúa Nguyễn Hoàng nhận một thương gia và cũng là phái viên đầu tiên của chính
  • 30. 27 quyền Tokugawa làm con nuôi, còn chúa Nguyễn Phúc Nguyên thì gả hai công chúa, một cho thương gia Nhật và một cho vua Chân Lạp. Tất cả đều hướng tới những mối quan hệ lâu dài, bên cạnh đó tạo những điều kiện thuận lợi nhất định cho các đoàn thuyền buôn ngoại quốc sang buôn bán. Các triều đại phong kiến Việt Nam trước đây cũng như nhiều triều đại phong kiến phương Đông khác có chính sách hạn chế ngoại thương một phần lí do xuất phát từ nhu cầu tự vệ để ngăn ngừa do thám của nước ngoài, mặt khác, do ảnh hưởng của tư tưởng “trọng nông ức thương”, “dĩ nông vi bản” của Nho giáo, muốn gắn chặt người nông dân với đồng ruộng. Vì thế, các triều đại phong kiến thường “đóng cửa” ngoại thương hoặc có những biện pháp kiểm tra ngoại thương rất chặt chẽ. Tuy nhiên, đến đầu thế kỷ XVI: “Do tác động của luồng thương nghiệp thế giới và các nước trong khu vực, do yêu cầu xây dựng tiềm lực kinh tế - quân sự - chính trị lớn mạnh để mưu định nghiệp lớn, chúa Nguyễn, trước tiên là Nguyễn Hoàng, sau đó được kế tục bởi chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã thực thi một chính sách ngoaị thương “mở cửa”. Sẵn sàng mời gọi thương nhân nước ngoài đến đầu tư buôn bán. Nhờ vậy mà ngoại thương Đàng trong phát triển cực kỳ rực rỡ…” [55, tr.19]. Điều này giải thích cho sự có mặt của các thương nhân nước ngoài ở Đàng Trong vào thế kỉ XVII, XVIII. Với sự xác lập mối quan hệ với nhiều quốc gia này đã giúp cho Đàng Trong không chỉ bảo vệ, nâng cao được vị thế chính trị của mình như một đối tác trọng yếu trong các mối quan hệ tương tác quyền lực khu vực mà thông qua các mối quan hệ đó, chủ yếu là giao thương kinh tế đường biển - hải thương, đã tạo thế đứng vững chắc cho Phú Xuân. Chủ trương đẩy mạnh và mở rộng quan hệ hải thương cũng cho thấy tầm nhìn chiến lược của các chúa Nguyễn trong việc nắm bắt xu thế phát triển của thời đại. Thứ ba, để tạo cơ sở thuận lợi cho hoạt động thương mại của người nước ngoài, các chúa Nguyễn chú trọng xây dựng hệ thống các thương cảng dọc ven biển. Ở Hội An đã hình thành hai khu phố tự trị của người Nhật và người Hoa. Viết về đô thị Hội An, Chritoforo Borri mô tả như sau: “Vì cho tiện việc hội chợ, chúa Nguyễn cho phép người Trung Quốc và Nhật Bản làm nhà cửa theo tỉ lệ người của họ để dựng nên một đô thị, đô thị này gọi là Faifo và nó khá lớn. Chúng tôi có thể nói có
  • 31. 28 hai thành phố, một của người Trung Quốc và một của người Nhật. Họ sống riêng biệt và theo phong tục, tập quán của mỗi nước…” [16, tr.88].Bên cạnh Hội An, chúa Nguyễn còn cho thiết lập nhiều cảng thị khác: Thanh Hà, Nước Mặn,…Đô thị Đàng Trong ra đời là hệ quả của chính sách tiến bộ cuả các chúa Nguyễn đón nhận đúng thời cơ thương mại quốc tế và di dân đô thị đang phát triển. Tầm nhìn đó đã vượt xa các nguyên thủ phương Đông cùng thời lấy làng xã làm nền tảng, nông dân làm chỗ dựa, nông nghiệp làm trọng tâm và cấm vận là chủ yếu. Thứ tư, các chúa Nguyễn chú trọng kiện toàn bộ máy quản lý ngoại thương. Trên phương diện kinh tế, việc mở rộng giao thương quốc tế đã đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho chính quyền Đàng Trong. Một số nguồn sử liệu cho thấy, hằng năm số thuyền buôn đến nhiều hay ít đều ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách của chính quyền. Do vậy, ngay từ buổi đầu, chúa Nguyễn đã chủ động đặt ra chế độ thuế quan đối với các tàu buôn ngoại quốc. Chính quyền Đàng Trong đã lập các ty tàu vụ và thiết lập cả một bộ máy viên chức có trách nhiệm giải quyết các vấn đề có liên quan đến kinh tế đối ngoại và thu thuế xuất - nhập khẩu. Theo Lê Qúy Đôn cho biết: “ Khi họ Nguyễn cát cứ, thu được thuế thuyền rất nhiều. Đặt cai tàu, tri tàu mỗi chức một viên, cai bạ tàu, tri bạ tàu, cai phủ tàu, ký lục tàu, thủ tàu nội mỗi chức hai viên, cai phòng 6 người, lệnh sử 30 người, toàn thuế binh 50 người, lính tàu 4 đội 70 người, thông sự 7 người [26, tr.290].Ở mỗi cảng khẩu còn thiết lập công đường để thu thuế nhập cảng. Mặt khác để kiểm tra hoạt động kinh tế đối ngoại, chúa Nguyễn đã huy động hệ thống quản lý địa phương vào việc điều tra giám sát để trưng thu thổ vật theo lệ và thuế. Nguồn lợi thuế cũng san sẻ cho quân dân địa phương để khích lệ họ tham gia. Phủ biên tạp lục của Lê Qúy Đôn còn ghi: “Các xã Minh Hương ở Hội An, Cù Lao Chiêm, Cẩm Phố, Làng Câu thì giữ việc thám báo, hễ tàu đến xứ Quảng Nam, vào cửa biển Đại Chiêm đến phố Hội An hay vào cửa biển Đà Nẵng đến xứ Lưu Lâu mà buôn bán thì phải nạp các hạng thổ vật và phải nạp thuế theo lệ định. Tính suốt cả năm được tiền bao nhiêu thì lấy 6 phần nộp làm thuế cảng, còn 4 phần thì quân dân đều lấy nhiều ít chia nhau”[26, tr.290] Cũng theo Phủ biên tạp lục thì: “Lệ tàu vụ của họ Nguyễn, hàng năm cứ tháng giêng thì các viên cai bạ, tri
  • 32. 29 bạ, lệnh sử, cai phủ, ký lục phủ của Tàu Ty đều phải vào phố Hội An xứ Quảng Nam, chia sai những người thuộc quân am hiểu tiếng nước ngoài đi canh giữ Cù Lao Chàm và cửa Đà Nẵng, hễ thấy có tàu buôn các nước đến đấy thì phải xét hỏi tất cả, quả là tàu buôn bán chịu thuế thì đem thuyền trưởng và tài phó tàu ấy vào phố Hội An để trình cai bạ xét thực khải lên và trình quan cai tàu để truyền cho tuần ty đem dân phụ lũy đến hộ tống vào cửa đậu ở sở tuần, lệnh sử và các nha đến xem, thuyền trưởng và tài phó kê khai sổ sách, điểm mục, xong mới cho qua sở tàu mà lên phố để đậu” [26, tr.292] Hệ thống quản lý ngoại thương mà các chúa Nguyễn thiết lập không chỉ đơn giản là những viên quan thu thuế ở các cảng thị mà họ còn đồng thời là đại diện cho chính quyền trong việc giải quyết các vấn đề đối ngoại. Mặc dù ít nhiều chưa thể thoát khỏi tính chất “phong kiến” nhưng hệ thống quản lý ngoại thương của chúa Nguyễn đã được thiết lập chặt chẽ và tương đối thống nhất. Bên cạnh đó, còn tạo điều kiện cho khách buôn đến Đàng Trong. Khi đã lôi cuốn một lượng lớn khách buôn nước ngoài đến, chúa Nguyễn tạo mọi điều kiện buôn bán thuận lợi nhằm giữ chân họ. Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Hà Lan là những khách hàng lớn của Đàng Trong thời kì này. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã cho lập một khu phố riêng dành cho người Nhật và một phố dành cho người Hoa tại Hội An, nơi có nhiều hải cảng đẹp nhất lúc bấy giờ. Người phương Tây gọi Hội An là “đô thị Nhật Bản” vì sự sầm uất của nó trong thời kì cực thịnh. Như vậy, nhờ những chính sách “mở cửa”, ưu đãi đối với thương nhân nước ngoài mà thương nghiệp Đàng Trong phát triển hết sức rực rỡ vào thế kỉ XVI - XVII. Theo nghiên cứu của Nguyễn Văn Kim thì: “Trong lịch sử Việt Nam, chưa bao giờ nên kinh tế hải thương lại có quan hệ mở rộng, đa dạng và phát triển hưng thịnh như giai đoạn thế kỷ XVI - XVII. Hầu hết các cường quốc kinh tế lúc bấy giờ, cả ở châu Á và châu Âu, đều đến và thiết lập quan hệ trao đổi, buôn bán với Đàng Trong” [55, tr.23]. Và cách thức này đã đưa Đàng Trong nói chung và vùng Thuận- Quảng nói riêng hội nhập với mô hình phát triển chung của hầu hết các quốc gia Đông Nam Á lúc bấy giờ là hướng ra biển.
  • 33. 30 Tiểu kết chương 1 Thuận Quảng, mảnh đất dựng nghiệp của các chúa Nguyễn ra đời vào đúng thời đúng buổi, trong một thời đại thương nghiệp, hội đủ tất cả những yếu tố để xây dựng một vương quốc mới. Đây cũng là nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, phong phú tiếp tục được đẩy mạnh khai thác phục vụ tiêu dùng của người dân và trao đổi nhờ vào những chính sách của các chúa Nguyễn. Chính thương nghiệp đã làm cho vương quốc mới của Việt Nam chỉ trong vòng ít thập niên đã trở nên giàu có và đủ mạnh để duy trì nền độc lập của mình đối với phía Bắc. Lần đầu tiên, cư dân của một đất nước có truyền thống nông nghiệp lại sống chủ yếu bằng thương mại và cũng lần đầu tiên Việt Nam được thế giới biết đến một cách rộng rãi. Trong một tư duy năng động thoáng mở, nguồn lực tri thức, kinh nghiệm của chính quyền Đàng Trong là sự tích hợp của nhiều truyền thống, nhiều dòng văn hóa bản địa, khu vực và quốc tế. Các chính sách hợp thời hợp lòng người thực sự đã tạo nên những động lực mới cho chính quyền thực hiện thành công các chính sách phát triển.
  • 34. 31 CHƯƠNG 2: TÌNH HÌNH THƯƠNG NGHIỆP THUẬN - QUẢNG TỪ NĂM 1558 - 1774 2.1. Tình hình nội thương 2.1.1. Hệ thống các chợ làng Chợ làng là nơi người tiểu nông bán những sản phẩm thừa, chưa dùng đến, và là nơi họ mua những sản phẩm thiếu để đáp ứng nhu cầu đời sống và vật chất. Chợ gắn với làng xã, gắn với quá trình tập trung dân cư. Trong phạm vi một vùng, các chợ luân phiên nhau họp. Có chợ mai (họp vào buổi sáng), chợ hôm (họp vào buổi chiều), có chợ họp hằng ngày hoặc vài ba ngày một phiên. Mạng lưới chợ hình thành một cách tự nhiên bởi sự phát triển của kinh tế, của đời sống dân cư, nhu cầu giao lưu buôn bán hàng hóa và giao lưu văn hóa. Trước khi Nguyễn Hoàng vào cai trị vùng đất Thuận Quảng, nền sản xuất hàng hóa và thương nghiệp ở đây còn hết sức yếu ớt. Trên địa bàn ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế hiện nay, theo sách Ô châu cận lục ghi lại chỉ có 3 cái chợ là chợ Thế Lại ở huyện Kim Trà (Thừa Thiên Huế), chợ Đại Phúc tại địa phận hai làng Đại Phúc và Tuy Lộc huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) và chợ Thuận tại địa phận hai huyện Vũ Xương và Hải Lăng (Quảng Trị) [1, tr.87-88] Ở vùng đất Quảng Nam ngày nay không thấy có ghi chợ nào. Cảnh lưu thông và vận chuyển sản vật, hàng hóa ở các thế kỉ trước cũng hết sức ảm đạm. Đại Việt Sử ký toàn thư ghi lại thời điểm năm 1485 như sau: “Trước xứ Quảng Nam không có thuyền. Hàng năm quân dân gánh thuế thường bị tổn thất. Từ nay trở đi khi nộp thuế cho thừa ty Quảng Nam chuyển giao thuế vật cho ba ty Đô, Thừa, Hiến, Thuận Hóa để sai người chuyển đi nộp lên” [68, tr. 289]. Về mặt tài nguyên thiên nhiên, đầu thế kỉ XVI, Dương Văn An đã ghi lại đây là vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên với trầm hương, hồ tiêu, ngà voi, sừng tê, thổ cẩm trắng, vải gấm xanh, vỏ gai…[1,tr.21-29]. Như vậy, trước lúc chúa Nguyễn vào cai trị, vùng đất Thuận Quảng không phải là một xứ nghèo sản vật, nhưng do quá trình lưu thông hàng hóa và thị trường còn kém, chưa được các triều đại chú trọng xây dựng và phát triển mà chỉ coi đây là vùng chủ yếu để cai trị giữ đất và cống nạp, nên sản vật khó trở thành hàng hóa. Chính vì vậy, ngay khi vào cai trị vùng đất này, cùng với việc mở mang
  • 35. 32 đất đai, củng cố sức mạnh quân sự để đối trọng với Đàng Ngoài, thì các chúa Nguyễn đã khuyến khích việc hình thành nên các chợ ở địa phương và xây dựng các khu đô thị tập trung ở những cửa sông, cửa biển để thuận tiện cho việc trao đổi buôn bán trong nước và với nước ngoài. Ở Thuận Quảng, cùng với sự mở mang đất đai, phát triển kinh tế, chợ mọc lên rất nhiều tại các địa phương. Các chợ lớn ở mỗi phủ được Lê Qúy Đôn tổng kết trong Phủ biên tạp lục như sau: Xứ Thuận Hóa (Thừa Thiên Huế) có 5 chợ: chợ Dinh, chợ Sãi, chợ Cam Lộ, chợ Phả Lại, chợ Phú Xuân. Riêng xứ Quảng Nam, tài liệu còn ghi chép cả số tiền thuế chợ phải nộp cho chính quyền đương thời. - Xứ Quảng Nam: chợ Hội An, tiền thuế 49 quan. Chợ Khánh Thọ tiền thuế 45 quan. Chợ Chiên Đàn tiền thuế 48 quan. Chợ Phú Trạm tiền thuế 255 quan, chợ Tân An tiền thuế 70 quan, chợ Khẩu Đáy tiền thuế 309 quan… - Phủ Điện Bàn: chợ Thẩm Lĩnh thuế 70 quan. - Phủ Quy Nhơn: chợ Yên Khang tiền thuế 36 quan, chợ Tiên Yên tiền thuế 48 quan. Chợ Phúc Sơn tiền thuế 176 quan, chợ Kiền Dương tiền thuế 51 quan, chợ Phúc Yên tiền thuế 55 quan [26, tr. 274-276] Ngoài hệ thống chợ ở các phủ, hệ thống chợ làng ở các huyện cũng rất phát triển. Theo khảo cứu của tác giả Lê Quang Định trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí và Phủ biên tạp lục của Lê Qúy Đôn và một số nguồn tư liệu điền dã thì huyện Hương Trà - Phủ Thuận Hóa có các chợ: chợ Phủ Cam, chợ An Cựu, chợ Dương Xuân, chợ Thiên Lộc, chợ Kim Long, chợ Xuân Hòa, chợ Long Hồ, chợ Xước Dũ. Ngoài ra còn có chợ Bằng Lãng, chợ Thai Dương…Ở huyện Quảng Điền có chợ Thanh Kệ, chợ Hương Cần, trong đó “chợ Thanh Kệ đông vào buổi trưa,…chợ Hương Cần đông vào buổi sáng” [25, tr.215]. Còn có chợ Hạ Lang, chợ Van Xá, chợ Sa Đôi, chợ Thành Công, chợ Cổ Bi. Ở huyện Phú Vang có chợ Hồng Phúc, chợ Cao Đôi, chợ phường Phụ Lũy, chợ Diêm Phụng và chợ Mỹ Toàn…[97, tr.28-36] Quảng Bình, cùng với sự phát triển của nông nghiệp và thủ công nghiệp đã làm nảy sinh nhu cầu trao đổi, mua bán giữa cộng đồng dân cư trong làng và các làng khác. Dựa theo Ô châu cận lục, chúng ta có thể biết được ở Quảng Bình nửa
  • 36. 33 đầu thế kỷ XVI đã có các chợ: Đại Phúc, Thủy Lan, Cổ Liễu, Lũ Đăng. Đến nửa sau thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII, ở huyện Lệ Thủy theo Phủ biên tạp lục và Hoàng Việt nhất thống dư địa chí bao gồm: chợ An Duyệt, chợ Thạch Xá Hạ, chợ Thạch Xá Thượng, chợ Hồng Trạm, chợ Phò Tông. Ở huyện Phong Đăng có những chợ: chợ Cổ Hiền, chợ Dinh Mười, chợ Võ Xá. Huyện Bố Trạch thế kỷ XVII-XVIII: chợ An Lão, chợ Chính An, chợ Lý Hòa, chợ Thanh Hà. [26, tr.137-139] Năm 1605, khi huyện Điện Bàn phủ Triệu Phong thuộc dinh Thuận Hóa được thăng làm phủ lãnh 5 huyện Tân Phúc, An Nông, Hòa Vang, Diên Khánh (đến năm Minh Mạng thứ 11 đổi tên thành huyện Diên Phước, tương ứng với huyện Điện Bàn và một phần lãnh thổ thành phố Đà Nẵng ngày nay) có các chợ như: chợ Cẩm Lũ, Đông Bàn, Phong Thử, Bất Nhị, chợ Thanh Chiêm, chợ Xuân Đài. Ở huyện Hòa Vang bên cạnh các chợ Cẩm Lệ, Thúy Loan, Quảng Huế, Ái Nghĩa, Phiếm Ái đã ra đời từ các thế kỉ trước thì còn có thêm chợ Hải Châu, chợ Hà Nhai, chợ Phò Nam, chợ An Thái, chợ Hà Điền…[25 ,tr.220]. Huyện Duy Xuyên nằm ở khu vực phía nam sông Thu Bồn, tương đương với vùng đất của huyện Duy Xuyên, một phần lớn huyện Quế Sơn và một phần phía đông nam của huyện Đại Lộc ngày nay). Dưới thời các chúa Nguyễn, bên cạnh chợ Bàn Thạch đã ra đời trước đó thì còn có các chợ mới như chợ Phượng Châu, chợ Mậu Hòa, chợ Trà Kiệu, chợ La Tháp, chợ Thu Bồn. Huyện Lễ Dương có chợ Hà Lam, chợ Việt An và chợ Phước Sơn. Ở huyện Hà Đông theo Lê Qúy Đôn có: chợ Chiên Đàn, chợ Khánh Thọ và chợ Cầu Ông Bộ. [26, tr.152-153] Quảng Trị cùng với Thừa Thiên Huế cũng là những trung tâm kinh tế lớn nằm ở phía Bắc Chiêm Thành, hệ thống các chợ cũng được hình thành với quy mô và diện tích đáng kể như: Ở huyện Vĩnh Linh có: chợ Huyện, chợ Tùng Luật, chợ Hàm Hòa, chợ Đàng. Ở huyện Gio Linh có chợ Mai Xá, chợ Cầu, chợ Kênh, chợ Bến Ngự, chợ Nam Đông..Ở Huyện Triệu Phong gồm: chợ Thuận, chợ Dâu Kênh, chợ Đình Bích La, chợ Gia Độ, chợ An Lợi, chợ Sãi, chợ Hôm…Ở huyện Hải Lăng có chợ Diên Sanh, chợ Câu Nghi, chợ Phương Lang, chợ Kim Long…Và huyện Cam Lộ có chợ Phiên Cam Lộ, chợ Sòng, chợ Nam Thuận…[29, tr.71-72] Sự ra đời của các chợ tại các dinh, phủ đã không những chỉ phục vụ trực tiếp
  • 37. 34 cho nhu cầu của đời sống của cung phủ, binh lính và nhân dân trong nội thành mà hàng hóa và sản phẩm thủ công nghiệp ở đây còn được luân chuyển đến các địa phương khác. Theo Lê Qúy Đôn : “ Từ năm Đinh Mão Chính Hòa thứ 8 đến nay chỉ 90 năm mà ở trên thì các phủ thờ ở Kim Long, giữa thì cung phủ hành lang, dưới thì nhà cửa ở phủ Ao,…ở thượng lưu về bờ nam có phủ Dương Xuân và Phủ Cam…Ở thượng lưu hạ lưu phía trước chính Dinh thị chợ phố liền nhau, đường cái đi ở giữa, nhà cửa chia khoảng tiếp nhau, đều là mái ngói. Cây to bóng mát, tả hữu thành hàng. Thuyền buôn bán, đò dọc ngang, đi lại như mắc cửi” [26, tr.145-146]. 2.1.2. Thành phần tham gia buôn bán. Chợ làng ra đời xuất phát từ nhu cầu trao đổi sản phẩm dư thừa của nền kinh tế tiểu nông, thủ công nghiệp chưa tách khỏi nông nghiệp, thương nghiệp chỉ là ngành kinh tế phụ. Họ đem các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủ công, đánh bắt đến chợ để bán và mua các loại hàng hóa phục vụ cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt. Với việc nới lỏng thuế má và biết vỗ về lòng dân, biết tận dụng các loại sản vật, đã tạo một luồng khí mới mẻ trong sản xuất giao thương, đó cũng chính là nguyên nhân chính giải cho sự đa dạng của các thành phần tham gia buôn bán gồm: - Những người nông dân - thợ thủ công đem sản phẩm do họ tự làm ra đến chợ để bán và mua những sản phẩm cần thiết mà họ không sản xuất được, vì thế mà người đi chợ đa số vừa là người bán cũng vừa là người mua, không có sự phân biệt rạch ròi giữa mua và bán. Sản phẩm do họ trực tiếp làm ra và cũng chính do họ là người đưa đến chợ để bán. Người nông dân thường tranh thủ chạy ra chợ lúc nông nhàn, khi các loại nông sản đến kỳ thu hoạch hoặc khi kiếm được mớ cá, mớ tôm. Phương tiện chủ yếu của họ là đi bộ nên khoảng cách trao đổi không lớn lắm thường trong phạm vi một vài làng hoặc hai ba chợ trong ngày. - Bộ phận thứ hai là những người buôn bán chuyên nghiệp. Phần lớn, họ xuất thân từ những người nông dân - thợ thủ công có thêm nghề buôn bán phụ trợ hoặc dân ngụ cư không có ruộng khẩu phần phải lấy buôn bán làm nghiệp sống. Ban đầu có thể họ cũng chỉ “buôn thúng, bán bưng”, qua thời gian, nhờ khéo léo, nhanh nhẹn, tích lũy được kinh nghiệm và vốn liếng, nên họ chọn nghề buôn bán để sống. Họ lấy hàng từ đầu mối và phân phối ở chợ làng. Đầu mối hàng hóa có thể ở ngay
  • 38. 35 tại làng, các vùng lân cận trong tỉnh hay các tỉnh khác. Nhờ hoạt động của đội ngũ buôn bán này đã làm phong phú thêm cơ cấu các mặt hàng ở chợ và góp phần phát triển chợ. - Bộ phận buôn bán có vốn lớn, chiếm lĩnh thị trường rộng là các thương nhân người Hoa. Người Hoa chiếm lĩnh thị trường buôn bán ở các khu đô thị, đặc biệt là ở Hội An, thương nhân người Hoa chiếm tuyệt đại đa số. Họ không ngừng mở rộng phạm vi hoạt động của mình ra các chợ vùng ven và chợ lớn trong tỉnh. Mặc dù nhà nước đã cố gắng hạn chế việc buôn bán của tầng lớp này như việc quy định thương nhân Hoa kiều chỉ được buôn bán thuốc bắc mà không được bán bất kỳ thứ hàng hóa nào của Trung Quốc [122, tr.211]. - Người buôn bán bao gồm đủ các thành phần cư dân trong làng, hầu hết là phụ nữ. Điều này được phản ánh qua sự kiện chúa Nguyễn Phúc Khoát chủ trương buộc phụ nữ Đàng Trong phải mặc quần có đáy để phân biệt với phụ nữ Đàng Ngoài mặc váy, bởi vậy trong dân gian có câu: Không đi thì chợ không đông Đi thì phải mượn quần chồng sao đang. Koffler rất cảm phục tài buôn bán của người phụ nữ Phú Xuân: “Phụ nữ rất am hiểu công việc mua bán, chăm làm và có đầu óc lanh lợi…Tài ba khôn khéo sẵn có của họ đã làm cho tài sản gia đình ngày càng sinh sôi nảy nở thêm” [Dẫn theo 11,tr.123]. Do vậy, việc buôn bán ở chợ cũng là tiêu chuẩn để phản ánh, đánh giá người phụ nữ với câu: “trai khôn chọn vợ chợ đông” - Tại các chợ vùng thượng nguồn, người dân tộc thiểu số cũng là thành phần buôn bán chính. Họ mang tới chợ các mặt hàng lâm - thổ sản như quế, tiêu, trầu, dầu rái, than củi và cả những mặt hàng thủ công tinh xảo như thổ cẩm… để đổi lấy các mặt hàng gạo, cá, mắm, muối của các thương nhân từ miền xuôi lên 2.1.3. Hình thức và các mặt hàng trao đổi * Hình thức trao đổi buôn bán - Những người nông dân, thợ thủ công họ đem các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt đến chợ để bán và mua về các loại hàng hóa phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Giá trị hàng hóa mà họ mua và bán không lớn, cũng có lúc thay vì trả tiền
  • 39. 36 họ sử dụng hình thức vật đổi vật. Cũng có người “mua đầu chợ, bán cuối chợ”, vốn và lãi cũng rất nhỏ bé, ít ỏi, chủ yếu mang tính trao đổi sản phẩm hơn là mua bán theo đúng nghĩa. - Mua bao tiêu: thực chất là mua hết toàn bộ số hàng mà người bán có. Thương nhân muốn có hàng, hàng tốt và hàng rẻ để trao đổi buôn bán ở các tỉnh khác hoặc với các vùng khác trong tỉnh thì họ cử người “thư ký” đi đến tận cơ sở sản xuất để đặt hàng, ứng tiền trước, hoặc nếu có nhiều vốn thì thường mua hết tất cả sản phẩm cho đủ số lượng. Các thương nhân còn đầu tư vốn, kỹ thuật lâu dài cho cơ sở sản xuất để làm ăn. Nhiều cơ sở hết vốn, vay nợ thương nhân rồi trở lại làm thuê cho họ. “Đây là hình thức ràng buộc giữa người sản xuất và người phân phối, mà phần lợi bao giờ cũng về tay thương nhân” [9, tr.243] - Đặt tiền trước: thương nhân nội ngoại tỉnh, muốn có hàng và hàng tốt, chất lượng trong kỳ buôn bán tới, hoặc qua trung gian cần có hàng ngay nhằm chuyển lên tàu khi mãn vụ, phải ứng tiền trước (đặt cọc) cho người bán để lấy lòng tin, khẳng định món hàng mình cần mua. Tiền ứng trước từ 1/3 đến ½ tiền phải trả khi thanh toán toàn bộ. Việc đặt hàng ứng trước này thường thực hiện đối với chúa hoặc quan lại và cả người sản xuất tơ, đường mía với những mẫu hàng, giá hàng theo quy định được thỏa thuận của người mua từ trước. - Buôn bán lưu động dọc theo các con sông: sông ngòi đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của người dân Việt Nam. Khi mà giao thông đường bộ còn chưa phát triển thì việc giao lưu bằng đường thủy giữ một vị trí quan trọng. Vùng Thuận Quảng có hệ thống sông ngòi khá dày đặc, tạo nên một mạng lưới giao thông đường thủy nội địa. Những dòng sông như: sông Gianh, sông Nhật Lệ, sông Côn, sông Hàn, sông Thu Bồn… Sự ưu đãi về mặt tự nhiên đã được người dân vùng Thuận Quảng tận dụng triệt để trong giao lưu buôn bán nội tỉnh cũng như ngoại tỉnh và với thương nhân nước ngoài. Ngoài ra, các thương nhân vùng Thuận Quảng còn sử dụng một số phương thức khác mang tính chất không được tích cực, tốt đẹp như đầu cơ vơ vét, buôn bán gian lận…Tuy nhiên, chỉ có một bộ phận nhỏ những gian thương mới sử dụng hai phương thức này để trục lợi cho mình.