SlideShare a Scribd company logo
1 of 225
ĐẠI HỌC HUẾ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC
--------------
Lê Tiến Công
TỔ CHỨC PHÒNG THỦ VÀ HOẠT ĐỘNG
BẢO VỆ VÙNG BIỂN MIỀN TRUNG
DƯỚI TRIỀU NGUYỄN GIAI ĐOẠN 1802 - 1885
Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam
Mã số: 62 22 03 13
LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ
Người hướng dẫn khoa học:
1. PGS.TS. Đỗ Bang
2. PGS.TS. Nguyễn Văn Đăng
HUẾ, NĂM 2015
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng
tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong luận án là trung thực và
chưa từng được ai công bố trong bất kỳ công trình nào khác.
Huế, ngày 07 tháng 03 năm 2015
Tác giả
Lê Tiến Công
LỜI CẢM ƠN
Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ phát triển Khoa học Công nghệ Quốc
gia (NAFOSTED). Luận án là một trong những sản phẩn đào tạo của đề tài khoa
học “Tổ chức và hoạt động bảo vệ biển đảo Việt Nam dưới triều Nguyễn thời kỳ
1802-1885”, mã số: IV4-2011.10 (02/2012/IV/HĐ-KHXH). Với lòng biết ơn sâu
sắc, tôi xin trân trọng cảm ơn Quỹ NAFOSTED, PGS.TS. Đỗ Bang - chủ nhiệm
đề tài đồng thời là cán bộ hướng dẫn khoa học đã tận tình hướng dẫn tôi hoàn
thành luận án.
Tôi xin trân trọng cảm ơn PGS.TS. Nguyễn Văn Đăng - cán bộ đồng hướng
dẫn tôi hoàn thành luận án này.
Tôi xin trân trọng cảm ơn TS. Nguyễn Văn Hoa, người đã động viên và giới
thiệu tôi làm hồ sơ Nghiên cứu sinh.
Tôi xin trân trọng cảm ơn PGS.TS. Trần Đức Cường, PGS.TS. Nguyễn
Minh Tường, PGS.TS. Bùi Thị Tân, TS. Huỳnh Công Bá, TS. Thái Quang Trung,
TS. Phan Tiến Dũng, TS. Phan Thanh Hải, TS. Ngô Đức Lập… đã có nhiều góp
ý cho các nội dung luận án.
Tôi chân thành cảm ơn ThS. Trần Văn Quyến, CN. Ngô Đức Chí, ThS. Võ
Vinh Quang, NNC. Tống Quốc Hưng… Những người cung cấp nhiều tư liệu cần
thiết, đặc biệt là việc dịch và trích yếu nội dung các văn bản Hán Nôm. Luận án
này được hoàn thành nhờ rất nhiều vào những tư liệu quý giá đó.
Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các thầy cô và đồng nghiệp tại
trường Đại học Phan Châu Trinh (Hội An) đã giúp đỡ, tạo điều kiện về thời gian
cũng như động viên tôi hoàn thành luận án.
Cuối cùng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn và dành tặng luận án này cho gia
đình và người thân, những người luôn lo lắng và dõi theo bước đi của tôi. Đó
cũng là động lực lớn nhất giúp tôi luôn cố gắng trong cuộc sống và học tập.
Huế, tháng 03 năm 2015
Tác giả
Lê Tiến Công
DANH MỤC NHỮNG CHỮ VIẾT TẮT
DÙNG TRONG LUẬN ÁN
BAVH Bulletin des Amis du Vieux Hué
(Những người bạn Cố đô Huế)
Châu bản Châu bản triều Nguyễn
ĐHKH Đại học Khoa học
ĐHTH Đại học Tổng hợp
ĐHSP Đại học Sư phạm
GS. Giáo sư
Hội điển Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ
HN Hà Nội
NCLS Nghiên cứu Lịch sử
Nxb. Nhà xuất bản
KHXH Khoa học xã hội
PL. Phụ lục
Quân thuỷ Quân thuỷ trong lịch sử chống ngoại xâm
Tg. Tác giả
Thực lục Đại Nam thực lục chính biên
Ths. Thạc sĩ
Toát yếu Quốc triều chính biên toát yếu
Toàn thư Đại Việt sử ký toàn thư
TP HCM Thành phố Hồ Chí Minh
Tr. Trang
TS. Tiến sĩ
MỤC LỤC
Trang
Trang phụ bìa .................................................................................................................0
Lời cam đoan..................................................................................................................0
Lời cảm ơn .....................................................................................................................0
Danh mục các ký hiệu, các chữ viết tắt..........................................................................0
Mục lục...........................................................................................................................0
PHẦN MỞ ĐẦU............................................................................................................1
1. Lý do chọn đề tài........................................................................................................1
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề ........................................................................................2
3. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu............................................................................12
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ...........................................................................13
5. Nguồn tư liệu nghiên cứu ........................................................................................13
6. Phương pháp nghiên cứu .........................................................................................14
7. Đóng góp của luận án ..............................................................................................15
8. Bố cục của luận án ..................................................................................................16
Chương 1: CƠ SỞ TÁC ĐỘNG ĐẾN VIỆC TỔ CHỨC PHÒNG THỦ VÀ HOẠT
ĐỘNG BẢO VỆ VÙNG BIỂN MIỀN TRUNG DƯỚI TRIỀU NGUYỄN GIAI
ĐOẠN 1802 – 1885 ....................................................................................................17
1.1. VỊ TRÍ CHIẾN LƯỢC CỦA BIỂN ĐẢO MIỀN TRUNG ..................................17
1.2. TRUYỀN THỐNG BẢO VỆ VÀ THỰC THI CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO TẠI
MIỀN TRUNG TRƯỚC TRIỀU NGUYỄN ...............................................................20
1.2.1. Truyền thống bảo vệ biển...................................................................................20
1.2.2. Quản lý và khai thác nguồn lợi trên quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa trước
triều Nguyễn.................................................................................................................23
1.3. BỐI CẢNH CẢNH LỊCH SỬ DƯỚI TRIỀU NGUYỄN GIAI ĐOẠN 1802-
1885..............................................................................................................................28
1.4. BIỂN ĐẢO MIỀN TRUNG TRONG TẦM NHÌN QUỐC PHÒNG - AN NINH
DƯỚI TRIỀU NGUYỄN.............................................................................................32
* Tiểu kết chương 1......................................................................................................39
Chương 2: TỔ CHỨC PHÒNG THỦ VÙNG BIỂN MIỀN TRUNG DƯỚI TRIỀU
NGUYỄN GIAI ĐOẠN 1802-1885 ............................................................................40
2.1. HỆ THỐNG CÔNG TRÌNH PHÒNG THỦ VÙNG BIỂN MIỀN TRUNG........40
2.1.1. Các công trình phòng thủ vùng biển tại Kinh sư: ..............................................40
2.1.1.1. Các công trình phòng thủ vùng biển tại cửa biển Thuận An..........................40
2.1.1.2. Các công trình phòng thủ phía nam Kinh sư..................................................47
2.1.2. Các công trình phòng thủ ở cửa biển Đà Nẵng..................................................51
2.1.2.1. Các tấn biển Đà Nẵng, Cu Đê ........................................................................52
2.1.2.2. Các thành, pháo đài, bảo ................................................................................53
2.1.3. Các công trình phòng thủ vùng biển các tỉnh khác............................................58
2.1.3.1. Các công trình phòng thủ vùng biển các tỉnh Tả trực ....................................58
2.1.3.2. Các công trình phòng thủ vùng biển các tỉnh Hữu trực .................................61
2.1.3.3. Các công trình phòng thủ vùng biển các tỉnh Tả kỳ ......................................63
2.1.3.4. Các công trình phòng thủ vùng biển các tỉnh Hữu kỳ ....................................69
2.2. TỔ CHỨC, HUẤN LUYỆN THỦY QUÂN ........................................................73
2.2.1. Tổ chức thủy quân..............................................................................................73
2.2.2. Huấn luyện thủy quân ........................................................................................78
2.3. THUYỀN CHIẾN, VŨ KHÍ VÀ THÔNG TIN LIÊN LẠC ................................80
2.3.1. Thuyền chiến của thủy quân ..............................................................................80
2.3.2. Vũ khí của thủy quân .........................................................................................86
2.3.3. Thông tin liên lạc trong bảo vệ vùng biển .........................................................89
2.3.3.1. Đài hỏa phong, ngựa trạm, vọng lâu, kỳ lâu ..................................................89
2.3.3.2. Hiệu cờ, hiệu súng và kính thiên lý.................................................................91
* Tiểu kết chương 2......................................................................................................96
Chương 3: HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ VÀ THỰC THI CHỦ QUYỀN VÙNG BIỂN
MIỀN TRUNG DƯỚI TRIỀU NGUYỄN GIAI ĐOẠN 1802-1885 ..........................98
3.1. HOẠT ĐỘNG TUẦN TRA, KIỂM SOÁT VÙNG BIỂN VÀ THỰC THI CHỦ
QUYỀN TRÊN QUẦN ĐẢO HOÀNG SA – TRƯỜNG SA .....................................98
3.1.1. Tuần tra, kiểm soát vùng biển............................................................................98
3.1.2. Tổ chức bảo vệ và thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa.103
3.2. HOẠT ĐỘNG PHÒNG CHỐNG CƯỚP BIỂN.................................................110
3.2.1. Vài nét về nguồn gốc cướp biển tại vùng biển miền Trung.............................110
3.2.2. Hoạt động phòng chống cướp biển .................................................................111
3.2.3. Hiệu quả và hạn chế của hoạt động phòng, chống cướp biển..........................116
3.3. CÔNG TÁC CỨU HỘ, CỨU NẠN....................................................................121
3.3.1. Cứu hộ thuyền công sai....................................................................................122
3.3.2. Cứu hộ thuyền buôn, thuyền đánh cá nước ngoài............................................124
3.4. CHỐNG NGOẠI XÂM, BẢO VỆ CHỦ QUYỀN.............................................129
3.4.1. Những cuộc đụng độ của nhà Nguyễn với thực dân phương Tây trước năm
1858............................................................................................................................129
3.4.2. Chống ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền (1858 – 1883) .......................................136
3.4.2.1. Liên quân Pháp – Tây Ban Nha thất bại tại chiến trường Đà Nẵng ............137
3.4.2.2. Tăng cường phòng thủ tại các cửa biển miền Trung (1858 – 1883) ............146
3.4.2.3. Thuận An thất thủ..........................................................................................150
* Tiểu kết chương 3: .................................................................................................153
KẾT LUẬN................................................................................................................155
CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN
ĐẾN NỘI DUNG LUẬN ÁN....................................................................................158
TÀI LIỆU THAM KHẢO .........................................................................................160
PHỤ LỤC...................................................................................................................172
1
MỞ ĐẦU
1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Vùng biển Việt Nam dài rộng, có vị trí đặc biệt quan trọng đối với kinh kế xã
hội và an ninh quốc phòng. Hiện nay, trong điều kiện hội nhập quốc tế, vùng biển
và hải đảo được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Đó là, kết hợp chặt chẽ quốc
phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội trên từng địa bàn lãnh thổ, nhằm bảo
đảm vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, trong
đó có vùng biển và hải đảo [68], [69].
Từ trong lịch sử, các triều đại quân chủ Việt Nam luôn coi trọng vị trí chiến
lược của biển đảo. Vào đầu thế kỷ XIX, để đối phó với âm mưu xâm lược từ bên
ngoài, triều Nguyễn vừa phải quan tâm bảo vệ biên giới trên đất liền, vừa phải quan
tâm đến công tác phòng thủ quốc gia từ phía biển. Hệ thống thành đồn pháo đài, tấn
sở ven biển được xây dựng nhằm mục đích đó. Bên cạnh đó, nhà Nguyễn quan tâm
phát triển thủy quân, trang bị thuyền chiến, vũ khí theo hướng thủy quân biển. Kết
hợp quân triều đình với quân địa phương, dân binh, dân phu trong hoạt động thực
thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Các hoạt động khác như tuần tra,
kiểm soát vùng biển, chống cướp biển, cứu hộ cứu nạn… được thực hiện thường
xuyên thể hiện ý chí bảo vệ biển của triều đại này.
Mặc dù triều Nguyễn không thành công trong công cuộc chống ngoại xâm vào
nửa sau thế kỷ XIX nhưng những nỗ lực trong bảo vệ đất nước mà triều đại này đã
làm vẫn là bài học kinh nghiệm quý cho hậu thế trong xây dựng và bảo vệ vùng
biển, bảo vệ đất nước. Đặc biệt, nó còn có ý nghĩa lớn hơn trong giai đoạn hiện nay,
khi Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn dần trên Biển Đông, không
phải từ các nước xa lạ mà chính từ nước láng giềng. Điển hình nhất là từ đầu tháng
5.2014, Trung Quốc đã mang giàn khoan HD 981 cùng nhiều tàu, máy bay hộ tống
vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng đối với chủ quyền và
toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, xâm phạm trắng trợn vùng đặc quyền kinh tế của
Việt Nam theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Vùng biển luôn có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ
quốc. Bảo vệ vững chắc và xây dựng vùng biển đảo giàu mạnh, kết hợp chặt chẽ
2
quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế xã hội trên từng địa bàn lãnh thổ góp
phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Nghiên cứu truyền thống quốc phòng, an ninh nói chung, bảo vệ biển nói riêng dưới
triều Nguyễn sẽ góp phần làm sáng tỏ hơn nữa những vấn đề lịch sử và từ đó rút ra
những bài học kinh nghiệm trong truyền thống giữ nước. Chính vì những lý do trên,
việc nghiên cứu việc tổ chức và hoạt động bảo vệ quốc gia trên biển, trực tiếp là hệ
thống phòng thủ vùng biển dưới triều Nguyễn có ý nghĩa thời sự, khoa học và thực
tiễn trong giai đoạn hiện nay.
Qua quá trình học tập, giảng dạy và nghiên cứu tại miền Trung, tác giả đặc biệt
quan tâm đến vấn đề bảo vệ biển dưới thời Nguyễn và đã nghiên cứu, bảo vệ thành
công luận văn thạc sĩ liên quan đến đề tài vào năm 2006. Từ đó đến nay tác giả tiếp
tục có những nghiên cứu công bố trên các tạp chí chuyên ngành, các hội thảo quốc
gia và quốc tế về chủ đề biển đảo. Với mong muốn mở rộng và nghiên cứu đầy đủ
hơn về công cuộc bảo vệ vùng biển dưới triều Nguyễn, được sự khuyến khích của
cán bộ hướng dẫn, chúng tôi mạnh dạn chọn đề tài “Tổ chức phòng thủ và hoạt
động bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802-1885” để làm
luận án tiến sĩ.
2. LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU VẤN ĐỀ
2.1. Lịch sử nghiên cứu vấn đề ở trong nước
2.1.1. Giai đoạn trước 1975
Thư tịch cổ của Việt Nam sớm đề cập đến vùng biển Việt Nam tuy nhiên việc
nghiên cứu về vùng biển Việt Nam thì phải đến những năm đầu thế kỷ XX, với một
số bài viết đề cập đến những vấn đề liên quan trong tạp chí Những người bạn cố đô
Huế. Ở tạp chí này, một số bài viết giới thiệu các tư liệu liên quan đến quá trình
xâm nhập của phương Tây vào Việt Nam. Đáng chú ý là các bài viết của L. Cadière,
H. Cosserat, R. Morinneau… và đặc biệt là bản dịch các bài về Những ghi chú về
thiết lập nền bảo hộ Pháp ở An Nam của một tác giả khuyết danh do Lê Thanh Cảnh
dịch (từ chữ Hán sang tiếng Pháp), công bố trên 5 số trên tạp chí từ năm 1928 đến
1837 [19]-[23],...
Giai đoạn từ 1945-1975, có những nghiên cứu đáng chú ý như tác phẩm Les
archipels de Hoang Sa et de Truong Sa selon les anciens ouvrages Vietnamiens
3
d'histoire et de ge'ographie của Võ Long Tê năm 1974. Năm 1975, nhóm nghiên
cứu Sử Địa (Sài Gòn) công bố số 29, Đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa. (Đầu
năm 2015 đặc khảo này đã được tái bản với nhan đề “Đặc khảo về Hoàng Sa -
Trường Sa, biển Đông và chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam” do
Nguyễn Nhã chủ biên). Đặc khảo này có nhiều bài viết giá trị của các tác giả Hoàng
Xuân Hãn, Sơn Hồng Đức, Trần Thế Đức, Nguyễn Nhã, Lam Giang, Lãng Hồ…
cung cấp nhiều tư liệu và luận cứ khoa học khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa được
người Việt xác lập chủ quyền từ nhiều thế kỷ trước.
2.1.2. Giai đoạn từ 1975 đến nay
Sau 1975, việc nghiên cứu chú trọng nhiều về chủ quyền của Việt Nam tại
Hoàng Sa, Trường Sa, lịch sử thủy quân và lịch sử chống ngoại xâm. Năm 1979 có
tác phẩm Hoàng Sa - quần đảo Việt Nam của Văn Trọng. Quần đảo Hoàng Sa và
quần đảo Trường Sa, bộ phận lãnh thổ Việt Nam, NXB Sự thật, 1981. Năm 1982
Bộ Ngoại giao Việt Nam ấn hành cuốn Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường
Sa: Lãnh thổ Việt Nam. Điểm nổi bật của các công trình này là công bố những tài
liệu về Hoàng Sa – một bộ phận không thể tách rời của Việt Nam. Năm 1983, các
tác giả Nguyễn Việt, Vũ Minh Giang, Nguyễn Mạnh Hùng có tác phẩm Quân thủy
trong lịch sử chống ngoại xâm với rất nhiều đóng góp về lĩnh vực thủy quân trong
lịch sử dân tộc, tuy vậy cuốn sách này chỉ nghiên cứu đến thời Tây Sơn [191]. Năm
1988, tác giả Vũ Phi Hoàng có cuốn Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa- lãnh
thổ Việt Nam (NXB Quân đội Nhân dân) [87]. Ra đời ngay sau thời điểm sự kiện
Gạc Ma bị Trung Quốc đánh chiếm có sách Huyện đảo Trường Sa của NXB Tổng
hợp Phú Khánh, 1988 [91]. Cũng trong năm 1988, Nguyễn Q. Thắng có cuốn
Hoàng Sa, Trường Sa (nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 1988, năm 2002 được bổ
sung và tái bản với tên “Hoàng Sa, Trường Sa – lãnh thổ Việt Nam nhìn từ công
pháp quốc tế”) [182]. Năm 1995, Lưu Văn Lợi có công trình Cuộc tranh chấp Việt
Trung về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (NXB Công an Nhân dân) [104].
Nhìn chung những công trình trên vừa cung cấp tư liệu, vừa phân tích tính pháp lý
về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa. Năm 1995,
đề tài nghiên cứu khoa học cấp Quốc gia mã số BĐHĐ 01 về lịch sử chủ quyền của
Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do Nguyễn Quang Ngọc làm chủ
4
nhiệm được thực hiện thành công với nhiều đóng góp trong tiến trình nghiên cứu về
Hoàng Sa, Trường Sa đặc biệt ở góc độ bản đồ, tài liệu thư tịch cổ trong nước và tư
liệu phương Tây. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được xuất bản năm 2002 [118].
Năm 2003, Nguyễn Nhã bảo vệ luận án Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam
tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, với những bằng chứng chứng minh quá trình
chiếm hữu thực sự, hoà bình và thực thi liên tục của các Nhà nước quân chủ Việt
Nam qua các thời kỳ lịch sử tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa [124]. Đầu
năm 2008 các tác giả Nguyễn Nhã, Nguyễn Đình Đầu, Lê Minh Nghĩa, Từ Đặng
Minh Thu, Vũ Quang Việt có tác phẩm Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam tổng
hợp các bài viết và tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa –
Trường Sa [125].
Gần đây khi vấn đề chủ quyền lãnh hải trên Biển Đông nổi lên, việc nghiên
cứu về Hoàng Sa, Trường Sa được đặc biệt quan tâm. Đến nay có khá nhiều công
trình viết về Biển Đông và hải đảo cũng như phòng thủ biển ở Việt Nam trong lịch
sử. Tiêu biểu có một số đề tài: Đề tài cấp Bộ Hệ thống công trình phòng thủ miền
Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885) do tác giả Đỗ Bang làm chủ nhiệm, đã xuất
bản năm 2011 [7]. Ở công trình này tác giả nghiên cứu về hệ thống phòng thủ cả
vùng núi và vùng biển miền Trung. Đề tài khoa học cấp thành phố Font tư liệu về
chủ quyền của Việt Nam với huyện đảo Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng do Trần Đức
Anh Sơn làm chủ nhiệm (2011) đã hệ thống các tư liệu thành văn, tư liệu cổ, bản
đồ… các công trình, bài viết trong và ngoài nước liên quan đến Hoàng Sa và biển
đảo Việt Nam [163]. Sau công trình nghiên cứu về Font tư liệu nói trên, Trần Đức
Anh Sơn tiếp tục nghiên cứu và công bố nhiều bài viết về chủ quyền của Việt Nam
trên quần đảo Hoàng Sa trong đó đáng chú ý là những bài viết liên quan đến những
bản đồ cổ. Tháng 9.2014, Trần Đức Anh Sơn công bố 3 cuốn sách về Hoàng Sa –
Trường Sa và tàu thuyền thời Nguyễn gồm: Tàu thuyền và ngành đóng thuyền ở
Việt Nam thời Nguyễn [164], Tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo
Hoàng Sa [165], Hoàng Sa - Trường Sa, tư liệu và quan điểm của học giả quốc tế
[166]. Các công trình trên có đóng góp đáng kể trong tiến trình nghiên cứu về biển
đảo Việt Nam nói chung đặc biệt ở mảng tư liệu và bản đồ cổ.
5
Từ đầu năm 2012 đến cuối năm 2014, Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế
chủ trì thực hiện đề tài khoa học “Tổ chức và hoạt động bảo vệ biển đảo Việt Nam
dưới triều Nguyễn thời kỳ 1802-1885”. Đề tài do Đỗ Bang làm chủ nhiệm, mã số
IV4-2011.10 (02/2012/IV/HĐ-KHXH) thuộc Quỹ Phát triển khoa học và Công
nghệ Quốc gia (Nafosted). Ở đề tài trên chúng tôi thực hiện các nội dung: “Hệ
thống các công trình phòng thủ ở các cửa biển miền Trung dưới triều Nguyễn”,
“Chống ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền biển đảo”, “Cứu hộ, cứu nạn”. Bên cạnh đó,
chúng tôi nghiên cứu các phần chống cướp biển (phần miền Trung), vẽ bản đồ, vận
tải biển, kiểm soát tàu thuyền.
Những năm gần đây có nhiều cuốn sách liên quan đến Biển Đông nói chung
được xuất bản như Đinh Kim Phúc, Hoàng Sa – Trường Sa, luận cứ và sự kiện
[129]. Nguyễn Văn Kim (chủ biên), Người Việt với biển [96]. Trần Công Trục, Dấu
ấn Việt trên Biển Đông [187]. Vũ Hữu San, Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa,
Trường Sa [160]. Nguyễn Đình Đầu, Chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông và
Hoàng Sa, Trường Sa [74]. Nguyễn Ngọc Trường, Về vấn đề Biển Đông [188].
Điểm nổi bật của các công trình trên là tiếp tục công bố những tài liệu, bản đồ và
phân tích cơ sở pháp lý của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa.
Trong đó, cuốn Người Việt với biển là tập hợp những nghiên cứu về biển trong lịch
sử, văn hóa, giao thương của người Việt ở trong nước và với bên ngoài. Năm 2013,
Ủy ban Biên giới Quốc gia đã tuyển chọn và in Tuyển tập các Châu bản triều
Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường
Sa [13]. Tuyển tập đã công bố các bản gốc Châu bản triều Nguyễn từ năm Minh
Mạng 11 (1830) đến năm Thiệu Trị thứ 7 (1847). Các Châu bản được phiên dịch
sang các thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, ngoài bản gốc là chữ Hán… đã cung cấp những
tư liệu quý, góp phần khẳng định quá trình thực thi chủ quyền của nhà Nguyễn tại
hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Tháng 5 năm 2014, Viện nghiên cứu Hán Nôm
xuất bản sách Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần
đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông [190]. Đây
là cuốn sách công bố nhiều tư liệu Hán Nôm gồm các sách địa chí, bản đồ cổ, văn
bản hành chính, sách chính sử nhà Nguyễn.... có ghi chép về Hoàng Sa, Trường Sa
và vùng biển Việt Nam trong lịch sử. Tuy nhiên, một số ý kiến đã góp ý cho thấy
6
công trình trên đã có những sai sót trong dịch thuật, hạn chế trong việc làm văn bản
học và nhầm lẫn trong việc đưa vào một số bản đồ không phản ánh đúng quần đảo
Hoàng Sa – Trường Sa mà thực chất là những dải cát ven biển miền Trung làm
giảm giá trị khoa học của công trình [192]. Cũng trong tháng 5.2014, sách Triều
Nguyễn với công cuộc bảo vệ biển đảo tổ quốc thế kỷ XIX do Đỗ Bang chủ biên
được xuất bản là cuốn sách có liên quan trực tiếp đến đề tài [9]. Cuốn sách cung cấp
cho người đọc cái nhìn khách quan về Triều Nguyễn – với tư cách là triều đại quản
lý lãnh thổ, lãnh hải rộng lớn, trong đó nhấn mạnh đến thành tựu khai thác và quản
lý Hoàng Sa. Cũng trong cuốn sách này, chúng tôi thực hiện phần “Hệ thống phòng
thủ cảng biển miền Trung trong cuộc kháng chiến chóng ngoại xâm dưới triều
Nguyễn (1858-1883)”.
Trong thời gian qua, một số các cuộc tọa đàm, hội nghị khoa học quốc gia và
quốc tế liên quan đến Biển Đông được tổ chức. Đó là các hội thảo quốc gia: Luận
cứ khoa học về lịch sử, địa lý và pháp lý chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa diễn ra tại Hà Nội năm 1996. Năm 2009, tại TPHCM có
tọa đàm Biển Đông và hải đảo Việt Nam. Cũng trong năm 2009, tại Hà Nội có hội
thảo quốc tế Biển Đông: hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực. Tháng 11
năm 2011, Hội Luật gia Việt Nam, Học viện Ngoại giao đồng phối hợp tổ chức Hội
thảo khoa học quốc tế lần thứ ba về Biển Đông với chủ đề Biển Đông: Hợp tác vì
an ninh và phát triển ở khu vực tại Hà Nội. Tháng 12.2012, tại Đà Nẵng có hội thảo
quốc gia: Hợp tác Biển Đông – lịch sử và triển vọng. Tháng 11.2013, tại Hà Nội
tiếp tục tổ chức hội thảo Biển Đông lần thứ 5 có cùng chủ đề với hội thảo năm 2009
là Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và phát triển trong khu vực. Tháng 12.2013, hội
Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo Triều Nguyễn với công cuộc
bảo vệ biển đảo tổ quốc vào thế kỷ XIX (đã xuất bản [9]). Tháng 6.2014, hội thảo
khoa học quốc tế Hoàng Sa – Trường Sa: sự thật lịch sử được tổ chức tại Đà
Nẵng... Tại các cuộc hội thảo, tọa đàm quốc gia, quốc tế nói trên đã có nhiều tham
luận, bài viết về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa,
nhiều tư liệu lịch sử, các bản đồ giá trị được công bố…
Gần đây chủ đề Biển Đông trở thành mối quan tâm của nhiều người, từ giới
chính trị, quân sự đến những người nghiên cứu. Vì vậy việc nghiên cứu và công bố
7
tài liệu lịch sử về vùng biển Việt Nam rất được quan tâm. Nhiều bài báo và tư liệu
được công bố, các đề tài khoa học được triển khai đã đem đến nhiều thông tin quý
giá về một phần lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc. Nhiều cơ quan thông tấn báo chí
đã đăng tải các bài viết liên quan đến chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa,
Trường Sa. Đáng chú ý như: Tạp chí Khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội số 3.
1998, công bố những nghiên cứu về Hoàng Sa – Trường Sa từ kết quả của đề tài cấp
nhà nước. Tạp chí Nghiên cứu & Phát Triển (Sở KHCN Thừa Thiên Huế) cho đăng
chuyên san về Biển Đông (số 4 (75) 2009) và gần đây là chuyên đề sử liệu về Thiên
Nam tứ chí lộ đồ thư và Giáp Ngọ niên bình Nam đồ (số 2 (109), 2014) [168].
Trong những năm qua tạp chí này đã công bố nhiều các bài viết liên quan đến Biển
Đông của các tác giả như Phạm Hoàng Quân [131]-[137], Nguyễn Duy Chính [55],
[56]… Tháng 7 năm 2014, tạp chí Xưa & Nay đã ra số đặc khảo về Hoàng Sa…
công bố các bài viết của các nhà nghiên cứu có uy tín. Các tạp chí như Nghiên cứu
Lịch sử, Lịch sử Quân sự, Xưa & Nay, Nghiên cứu Đông Nam Á, Huế xưa & nay,
… trong những năm qua đã đăng nhiều bài viết liên quan đến Hoàng Sa – Trường
Sa và các nội dung liên quan đến đến đề tài của các tác giả Phan Huy Lê, Vũ Minh
Giang, Nguyễn Quang Ngọc, Nguyễn Nhã, Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Văn Kim,
Đỗ Bang, Nguyễn Văn Đăng, Trần Đức Anh Sơn, Phạm Hoàng Quân, Nguyễn
Thanh Lợi, Hoàng Anh Tuấn, Lê Thị Toán…
Bên cạnh nhiều công trình nghiên cứu về biển đảo nói chung, Hoàng Sa,
Trường Sa nói riêng còn có một số luận án, luận văn nghiên cứu về công tác phòng
thủ và hoạt động chống ngoại xâm dưới triều Nguyễn, tiêu biểu như luận văn của
Lưu Anh Rô về Đà Nẵng trong buổi đầu chống xâm lược Pháp (1858-1860) chủ
yếu nói về quá trình tổ chức bố phòng và cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp –
Tây Ban Nha trong những năm 1858-1860 [158]. Luận án của Lưu Trang với đề tài
Phố cảng Đà Nẵng từ năm 1802 đến năm 1860, đã dành một phần nghiên cứu về
cuộc kháng chiến của quan quân và nhân dân tại Đà Nẵng trong buổi đầu đánh Pháp
[185]. Về công tác tổ chức phòng thủ tại Kinh đô và bờ biển, đáng lưu ý có luận văn
của Lê Thị Toán về Hệ thống phòng thủ Kinh đô Huế của triều Nguyễn, 1802-1885
[175]. Luận văn Tổ chức và hoạt động phòng thủ vùng biển miền Trung dưới triều
Nguyễn, thời kì 1802-1858 của Lê Tiến Công [35]. Về tổ chức lực lượng phòng thủ
8
vùng biển có luận văn Thủy quân thời Nguyễn của Bùi Gia Khánh [97]. Luận văn
Chính sách an ninh – phòng thủ biển của nhà Nguyễn ở nửa đầu thế kỷ XIX của
Đinh Thị Hải Đường [80]. Ở luận văn này, tác giả Đinh Thị Hải Đường tập trung
vào chính sách an ninh - phòng thủ biển của vua Nguyễn trong giai đoạn đầu và
phạm vi nghiên cứu được mở rộng ra cả nước…
Nhìn chung từ 1975 đến nay, các nghiên cứu trong nước về lịch sử quân sự nói
chung, và công tác bảo vệ đất nước dưới triều Nguyễn nói riêng được quan tâm khá
nhiều với nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nhận diện về những nỗ lực xây dựng
và bảo vệ đất nước của các triều đại phong kiến Việt Nam, trong đó có nhà Nguyễn.
2.2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề ở nước ngoài
Những ghi chép, nghiên cứu rời rạc có liên quan tới vùng biển Việt Nam trước
năm 1945 trước tiên phải kể đến những người nước ngoài qua lại trên vùng Biển
Đông và tới buôn bán tại Việt Nam. Các ghi chép, báo cáo, nhật ký của các giáo sĩ,
thương nhân, quân nhân của các nước khác đến nước ta trước đây như: Xứ Đàng
Trong của C. Borri [11], Hải ngoại kỷ sự của Thích Đại Sán (1695) [161], Một
chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792 - 1793) của John Barrow [10]... Nhìn chung,
các tài liệu trên đã đề cập tới vùng biển miền Trung với nhiều góc độ khác nhau
như: địa lí - địa hình, kinh tế, chính trị, xã hội và hoạt động quân sự, ngoại giao…
Cuốn sách đầu tiên đề cập đến việc thực dân phương Tây xâm lược Việt Nam
là công trình của Lé Opold Pallo được in tại Pháp năm 1864 với nhan đề “Lịch sử
cuộc viễn chinh Nam Kỳ năm 1861 [126]. Tác giả Lé Opold Pallo cũng là người
trực tiếp tham chiến nên đã cung cấp nhiều tư liệu thực tế về cuộc chiến tại miền
Trung và Nam kỳ. Tuy vậy, cuốn sách không tránh khỏi những cái nhìn thiên lệch
của những kẻ xâm lược.
Nhiều công trình nghiên cứu của các học giả người Việt ở nước ngoài như Từ
Đặng Minh Thu, Vũ Quang Việt, Nguyễn Duy Chính, các công trình dịch thuật của
Ngô Bắc về các tư liệu của người nước ngoài có liên quan đến lịch sử thăm dò và
xâm chiếm Việt Nam.
Liên quan đến quá trình ứng phó của các vua đầu triều Nguyễn đối với âm
mưu xâm lược của phương Tây phải kể đến các luận án tiến sĩ của Trương Bá Cần
bảo vệ năm 1963, Hoạt động ngoại giao của nước Pháp nhằm củng cố cơ sở tại
9
Nam Kỳ [24]. Luận án của Cao Huy Thuần, Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc
địa của Pháp tại Việt Nam 1857-1914 [184]. Luận án của Y. Tsuboi (Nhật Bản),
Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa [178]… Các luận án này đều được
bảo vệ tại Pháp, đã dịch và xuất bản, tái bản nhiều lần tại Việt Nam và được giới
nghiên cứu đánh giá cao. Điều đặc biệt là các công trình trên đều đã khai thác, biên
soạn công phu từ những tài liệu gốc của người Pháp lưu giữ lại văn khố bộ Ngoại
giao, bộ Hải quân và Thuộc địa hay các thư viện lớn của Pháp. Các học giả phương
Tây phải kể đến Marwyn S. Samyels, Tranh chấp Biển Đông. Monique Chemillier-
Gendreau, Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa [26]. Braice M.
Claget, Những yêu sách và đối kháng của Việt Nam và Trung Quốc ở khu vựa bãi
ngầm Tư Chính và Thanh Long trong Biển Đông [27]. Philippe Devillers, Nước Pháp
và người An Nam, bạn hay thù? [64]…
Nếu như các học giả phương Tây có những nghiên cứu khách quan về lịch sử
chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thì các học giả Trung
Quốc lại ngụy biện trong các công trình của họ. Tiêu biểu trong các nghiên cứu của
Trung Quốc về tư liệu cổ có liên quan đến Biển Đông là cuốn sách của Hàn Chấn
Hoa cùng các cộng sự có tựa đề Ngã quốc Nam Hải chư đảo sử liệu hối biên. Cuốn
sách này tác giả trình bày tư liệu theo trình tự các triều đại Trung Quốc: Hán, Tam
Quốc, Nam Bắc triều, Tùy, Ðường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh. Tuy nhiên nghiên
cứu của họ bị các nhà nghiên cứu Việt Nam bác bỏ trong một loạt các công trình,
tiêu biểu như của Hồ Bạch Thảo có công trình Phản biện lập luận của nhà nghiên
cứu Hàn Chấn Hoa về lãnh vực sử địa cổ có liên quan đến Biển Ðông được đề cập
trong tác phẩm Ngã quốc Nam Hải chư đảo sử liệu hối biên. Tác giả Hồ Bạch Thảo
đã phê phán Hàn Chấn Hoa rằng “Ông mượn các địa danh có sẵn trong lịch sử như
Trướng Hải, Tiêu Thạch, Cửu Nhũ Loa Châu để gán cho đảo Hoàng Sa; hoặc Vạn
Lý Trường Sa để gán cho quần đảo Trường Sa” [169]. Tác giả Phạm Hoàng Quân
có chuyên khảo chi tiết về Những ghi chép liên quan đến biển Đông Việt Nam trong
chính sử Trung Quốc. Ở công trình trên, Phạm Hoàng Quân đã trích dịch 25 bộ
chính sử Trung Quốc để chứng minh trong suốt hơn 2000 năm quân chủ, Trung
Quốc chưa bao giờ quản lý đất đai và hành chính tới những đảo xa hơn huyện Nhai
của Hải Nam ngày nay. Họ chỉ quan niệm về vùng biển Đông Việt Nam như một
10
vùng nằm ngoài sự cai quản của đế chế, là hải đạo chung trong con đường hàng hải
giao thương quốc tế [131] – [136].
Bên cạnh các công trình, bài viết thì trong những năm qua, trên thế giới có rất
nhiều cuộc hội thảo về Biển Đông đã được tổ chức tại nhiều quốc gia như Mỹ, Nga,
Úc, Nhật, Hàn Quốc, Campuchia, Myanmar như... Tháng 4.2012, tại Nga đã tổ chức
Hội thảo khoa học quốc tế Những vấn đề thực tiễn của an ninh khu vực Đông Á và
an ninh Biển Đông. Tháng 10.2012, hội thảo quốc tế về Thực trạng vấn đề chủ
quyền Biển Đông và giải pháp do Đại học Chosun và Đại học Quốc gia Hà Nội phối
hợp tổ chức đã diễn ra tại Đại học Chosun, Gwangju, Hàn Quốc. Tháng 3.2013, Hội
Châu Á - trụ sở tại New York - phối hợp với trường Chính sách công Lý Quang
Diệu của Singapore đồng tổ chức tại Mỹ hội thảo về Tranh chấp ở Biển Đông.
Tháng 9.2013, Hội thảo quốc tế Biển Đông: thành tựu, thách thức và hướng tương
lai tổ chức tại Campuchia. Tháng 11.2013, Hội thảo quốc tế về Biển Đông diễn ra
tại Đại học New South Wales, Australia. Tháng 2.2014, Hội thảo quốc tế về Biển
Đông và biển Hoa Đông tổ chức tại Đại học Công nghiệp Kyoto, Nhật Bản. Tháng
4.2014, Hội thảo Thách thức an ninh hàng hải đối với ASEAN và triển vọng giải
quyết tranh chấp Biển Đông được tổ chức tại Myanmar… Nhìn chung, chủ đề hội
thảo đã nói lên tính chất thời sự của những tranh chấp trên Biển Đông. Bên cạnh đó,
vấn đề Biển Đông không còn là mối quan tâm trong khu vực mà còn là mối quan
tâm của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhiều đại biểu quốc tế,
trong đó có nhiều nhà khoa học Việt Nam đã tham dự với nhiều tham luận khoa học
về lịch sử chủ quyền của quốc gia trên vùng Biển Đông.
Như vậy cho đến nay nghiên cứu về lịch sử biển đảo Việt Nam nói chung và
những nội dung liên quan đến đề tài nói riêng đã có khá nhiều công trình. Các công
trình đã đề cập đến nhiều lĩnh vực liên quan đến đề tài, có thể chỉ ra một số đặc
điểm của các nghiên cứu trên như sau:
- Các công trình nghiên cứu trong những năm qua tập trung khai thác và công
bố nhiều tư liệu, bản đồ cổ (trong nước và các bài báo, bản đổ nước ngoài) liên quan
đến quá trình khai thác, thực thi chủ quyền của Việt Nam trên vùng biển, trong đó
nhấn mạnh đến chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Các công trình, bài viết chủ yếu khai thác các bản đồ, thư tịch, tư liệu dưới thời
11
chúa Nguyễn, Triều Nguyễn như các sách Phủ biên tạp lục, Đại Việt sử ký tục biên,
Hội điển, Thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Hoàng Việt địa dư chí, Lịch triều hiến
chương loại chí, Việt sử cương giám khảo lược… đặc biệt là Châu bản triều
Nguyễn… Bên cạnh đó các tư liệu Hán Nôm ở các địa phương, các tư liệu, bản đồ
phương Tây và cũng được khai thác khá nhiều.
- Ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân, các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu;
nhiều đề tài, hội nghị hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế được tổ chức nhằm tiếp
tục làm sáng tỏ chủ quyền của Việt Nam trên vùng biển và hải đảo. Các cuộc hội
thảo là cơ hội để các nhà khoa học Việt Nam trình bày về những chứng cứ lịch sử
khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được
ghi rõ trong chính sử, sách điển chế, sách địa lý, trong Châu bản triều Nguyễn là
văn bản Nhà nước dưới triều Nguyễn.
- Các nghiên cứu tập trung nhiều về lịch sử xác lập chủ quyền tại Hoàng Sa-
Trường Sa. Bên cạnh đó một số công trình đề cập đến hoạt động khai thác kinh tế
biển, lịch sử tàu, thuyền chiến, lịch sử chống ngoại xâm…
Như vậy nghiên cứu về Biển Đông mà đặc biệt là chủ quyền của Việt Nam
trên Biển Đông là chủ đề không mới, đến nay đã có nhiều nghiên cứu ở các mức độ
khác nhau. Những nghiên cứu trên đã đánh dấu những thành tựu đáng kể trong tiến
trình nghiên cứu và các tư liệu về chủ đề biển đảo. Đó cũng là điều kiện thuận lợi để
tác giả tiếp thu và kế thừa (đặc biệt ở mặt tư liệu) khi thực hiện đề tài này. Tuy vậy
các nghiên cứu trên tập trung nhiều về vấn đề lịch sử xác lập và thực thi chủ quyền
của Việt Nam trên Biển Đông, trong khi những nghiên cứu về vấn đề bảo vệ vùng
biển chưa được quan tâm đúng mức như: hệ thống phòng thủ, công tác tuần tra,
kiểm soát vùng biển, chống cướp biển, cứu hộ cứu nạn, vận tải công,… đều là
những hoạt động quan trọng thường xuyên, liên tục trong suốt giai đoạn độc lập của
nhà Nguyễn.
Trên cơ sở kế thừa, phát triển từ kết quả nghiên cứu luận văn thạc sĩ bảo vệ
năm 2006 cùng các nghiên cứu có hệ thống của mình [34] - [49], chúng tôi mở rộng
về thời gian nghiên cứu đến năm 1885, hệ thống và cập nhật những tư liệu, kết quả
nghiên cứu mới nhất để thực hiện luận án tiến sĩ. Quá trình nghiên cứu luận án cũng
là quá trình tác giả tham gia thực hiện đề tài khoa học mã số IV4-2011.10
12
(02/2012/IV/HĐ-KHXH). Tác giả là người tham gia viết các phần liên quan trực
tiếp đến hệ thống phòng thủ và hoạt động bảo vệ vùng biển miền Trung. Luận án
cũng là sản phẩn đào tạo thuộc đề tài khoa học nói trên. Điểm mới trong luận án là
chúng tôi bổ sung nhiều tư liệu điền dã là các văn bản Hán Nôm, bằng sắc thủy
quân, các văn bia, đặc biệt là các Châu bản triều Nguyễn chưa từng được công bố
để nghiên cứu nhằm bổ sung, góp phần nghiên cứu về lịch sử bảo vệ biển đảo dưới
triều Nguyễn.
3. MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU
Đề tài có những mục tiêu sau:
- Nghiên cứu đầy đủ, khách quan và hệ thống về công cuộc tổ chức, những
hoạt động và hiệu quả bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn.
- Nghiên cứu về việc tổ chức và các hoạt động bảo vệ vùng biển, bao gồm cả
cửa biển, mặt biển và hải đảo miền Trung của triều Nguyễn nhằm thấy được một
cách cụ thể và khái quát về công cuộc bảo vệ vùng biển cũng là bảo vệ quốc gia
đương thời. Từ đó, luận án đánh giá những thành công và những hạn chế của triều
Nguyễn trong công cuộc phòng thủ và bảo vệ vùng biển cũng như những kinh
nghiệm lịch sử góp phần làm cơ sở tham khảo cho công cuộc xây dựng và bảo vệ
đất nước ngày nay.
- Nghiên cứu về bảo vệ chủ quyền vùng biển cũng là nghiên cứu một phần
quan trọng của lịch sử quân sự Việt Nam. Bối cảnh lịch sử xưa nay có khác nhau
nhưng những thách thức trong công cuộc bảo vệ đất nước là không hề thay đổi,
thậm chí còn phức tạp hơn rất nhiều và bài học mất nước vẫn còn nguyên giá trị.
Bởi vậy, nghiên cứu đề tài sẽ góp phần vào việc xây dựng và bảo vệ đất nước trong
bối cảnh hiện nay.
Để đạt được mục tiêu trên, luận án thực hiện một số nhiệm vụ sau:
- Phân tích vị trí chiến lược của biển đảo miền Trung trong tầm nhìn an ninh-
phòng thủ biển dưới triều Nguyễn. Nêu và phân tích các chính sách của triều
Nguyễn trong việc thực hiện các biện pháp phòng thủ và bảo vệ vùng biển.
- Nghiên cứu, đánh giá hệ thống phòng thủ vùng biển miền Trung trong mối
tương quan với nhiệm vụ phòng thủ đất nước dưới triều Nguyễn. Nghiên cứu về
cách thức tổ chức, huấn luyện và trang bị của thủy quân, lực lượng chủ yếu trong
13
việc bảo vệ vùng biển, những ưu điểm và hạn chế của thủy quân triều Nguyễn trong
mối tương quan với nhiệm vụ bảo vệ biển, bảo vệ đất nước.
- Nghiên cứu các hoạt động bảo vệ và thực thi chủ quyền vùng biển, bao gồm
các hoạt động: tuần tra kiểm soát vùng biển, chống cướp biển, cứu hộ cứu nạn, chống
ngoại xâm. Phân tích những thành công và hạn chế của các hoạt động trên, tìm ra
nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến những thành công và hạn chế đó.
- Chú trọng nghiên cứu về việc tổ chức bảo vệ và thực thi chủ quyền của Việt
Nam trên quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa dưới triều Nguyễn, nhằm thấy được tính
liên tục và quyết tâm khẳng định chủ quyền của các vua triều Nguyễn trên hai quần
đảo này.
- Làm rõ đặc điểm, vai trò của hoạt động phòng thủ, bảo vệ vùng biển đối với
an ninh, phòng thủ quốc gia nói chung dưới triều Nguyễn làm cơ sở tham khảo cho
công cuộc xây dựng và bảo vệ vùng biển ngày nay.
4. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
Đối tượng của đề tài là nghiên cứu toàn bộ công cuộc tổ chức phòng thủ và
những hoạt động bảo vệ vùng biển ở miền Trung Việt Nam dưới triều Nguyễn,
được thể hiện bằng những chủ trương, cơ chế tổ chức cũng như những hoạt động cụ
thể, sinh động đương thời. Trên cơ sở nghiên cứu, đề tài có cơ sở đánh giá tính hiệu
quả và những mặt hạn chế của các hoạt động này.
Đề tài giới hạn trong phạm vi không gian vùng biển các tỉnh miền Trung Việt
Nam đương thời (tương đương với các tỉnh Thanh Hóa tới Bình Thuận ngày nay),
bao gồm tất cả vùng biển, bờ biển, cửa biển, hải đảo, chú trọng đến hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa.
Thời gian nghiên cứu trong đề tài từ năm 1802 đến năm 1885. Đây là giai đoạn
từ khi triều Nguyễn thành lập đến sự kiện Kinh đô thất thủ, đất nước rơi vào tay thực
dân Pháp. Đây cũng là giai đoạn mà việc tổ chức phòng thủ và hoạt động bảo vệ vùng
biển được thể hiện liên tục và có hệ thống dưới sự chủ trì của nhà Nguyễn độc lập.
5. NGUỒN TƯ LIỆU NGHIÊN CỨU
Để thực hiện đề tài chúng tôi sử dụng nhiều nguồn tư liệu khác nhau. Trong
đó, nguồn tư liệu quan trọng nhất là các tư liệu gốc liên quan trực tiếp đến triều
Nguyễn như Đại Nam thực lục chính biên, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ,
14
Minh Mạng chính yếu, Quốc triều chính biên toát yếu, Đại Nam nhất thống chí…
Đặc biệt nguồn tư liệu quan trọng được chúng tôi khai thác là Châu bản triều
Nguyễn. Châu bản triều Nguyễn là tập hợp các văn bản hành chính của triều
Nguyễn, bao gồm các tập tấu, sớ, phụng thượng dụ, chiếu, chỉ dụ, tư trình, bẩm,
truyền, sai, phó, khiển... được đích thân vua ngự lãm hoặc ngự phê bằng mực màu
son, truyền đạt ý chỉ hoặc giải quyết các vấn đề chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh
tế, văn hóa, xã hội. Đây là những tư liệu gốc, có giá trị đặc biệt trong nghiên cứu.
Ngày 14.5.2014, Châu bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản tư
liệu Chương trình Ký ức thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương điều đó càng
khẳng định giá trị nguồn tư liệu này.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tham khảo một số công trình nghiên cứu của các
tác giả đi trước gồm các nhóm tài liệu như: các báo cáo kết quả công trình nghiên
cứu khoa học, sách chuyên khảo, các luận án, luận văn, các bài báo khoa học được
công bố trên các tạp chí chuyên ngành, các tham luận hội thảo quốc gia và quốc tế.
Nguồn tài liệu quan trọng khác là các tư liệu điền dã của tác giả tại miền Trung.
Đó là các văn bản Hán Nôm gồm các sắc, bằng, chế, báo cáo của thủy quân; các văn
bia, tài liệu địa chí địa phương. Bên cạnh đó, tác giả xác định vị trí, đo vẽ một số di
tích còn lại trên thực tế nhằm bổ sung và củng cố các luận chứng trong luận án.
6. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Để thực hiện đề tài này tác giả sử dụng phương pháp duy vật lịch sử và
phương pháp lôgic để nghiên cứu. Trên thực tế đề tài thuộc chuyên môn Lịch sử
Việt Nam trung đại, lại nghiên cứu về những hoạt động quân sự, quốc phòng nên để
thực hiện đề tài, chúng tôi áp dụng kết hợp các phương pháp nghiên cứu tiếp cận cụ
thể là phương pháp Khảo cổ học, điền dã, phương pháp bản đồ. Các phương pháp
so sánh, đối chiếu tư liệu, phương pháp thống kê cũng được áp dụng.
Phương pháp điền dã: thực hiện đề tài này, tác giả đã tiến hành nghiên cứu
điền dã, thực địa tại vùng biển các tình miền Trung, các di tích liên quan đến hệ
thống phòng thủ dưới triều Nguyễn để có cái nhìn thực tế, so sánh với các nguồn tư
liệu thành văn. Tác giả gặp gỡ, trao đổi với người dân địa phương, thực hành đo đạc
các di tích trên thực tế nhằm góp phần xác định vị trí, kích thước, mục đích, công
năng và hiện trạng các di tích.
15
Phương pháp thống kê, so sánh: tác giả tiến hành thống kê, so sánh các số liệu
liên quan đến đề tài như: số liệu về hệ thống các công trình phòng thủ, định ngạch
các hạng thuyền cho các tỉnh miền Trung dưới triều Nguyễn, số thuyền bọc đồng
được đóng dưới triều Nguyễn, tàu thuyền gặp nạn, công tác cứu hộ; thống kê, so
sánh về lực lượng thủy quân… Phương pháp thống kê đã cung cấp những số liệu để
so sánh và phân tích, làm rõ các luận điểm trong đề tài.
Phương pháp bản đồ: quá trình thực hiện đề tài, tác giả đã nghiên cứu các bản
đồ cổ trong và ngoài nước có liên quan đến vùng biển Việt Nam. Tác giả phân tích,
so sánh thông tin từ các bản đồ, đối chứng với các tư liệu thành văn và diện mạo
thực tế để đưa ra đánh giá cụ thể trong luận án.
Trong xử lý, trích dẫn tư liệu, tác giả chủ yếu sử dụng tư liệu gốc có độ tin cậy
cao. Tác giả tiến hành sưu tầm các tư liệu liên quan đến đề tài, đặc biệt chú trọng
đến tài liệu gốc như Châu bản triều Nguyễn, các tài liệu Hán Nôm sưu tầm được.
Bên cạnh đó, tác giả nghiên cứu thông tin từ các nguồn tài liệu thư tịch như Đại
Nam thực lục chính biên, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Quốc triều chính biên
toát yếu, Đại Nam nhất thống chí,… đây là những công trình được biên soạn dưới
triều Nguyễn và được tổ chức dịch thuật bởi các cơ quan chuyên môn có uy tín. Tuy
nhiên có nhiều lý do khách quan, tác giả không thể tiếp cận tư liệu gốc mà phải trích
dẫn lại, trong những trường hợp như vậy, tác giả đều ghi rõ nguồn.
7. ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN ÁN
Luận án là kết quả của một quá trình nghiên cứu có tính hệ thống của tác giả,
được hoàn thiện và bổ sung bằng các tư liệu mới phát hiện. Đó là các tư liệu điền
dã, bao gồm các văn bia, văn bản Hán Nôm như: sắc phong, bằng, chế, báo cáo…
liên quan đến thủy binh triều Nguyễn. Bên cạnh tư liệu điền dã, tác giả đã khai thác
các bản gốc tư liệu Châu bản triều Nguyễn liên quan đến đề tài. Nhiều tài liệu Châu
bản triều Nguyễn sử dụng trong luận án chưa được công bố. Đóng góp của luận án
là cung cấp những tư liệu mới, có hệ thống, khách quan liên quan đến chủ đề bảo vệ
đất nước và vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn.
Luận án là công trình đầu tiên nghiên cứu đầy đủ và toàn diện công cuộc tổ
chức và hoạt động bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn. Trên cơ sở
những tư liệu đáng tin cậy, tác giả đã nghiên cứu và làm rõ những nỗ lực bảo vệ chủ
16
quyền, an ninh vùng biển của nhà Nguyễn. Việc thiết lập hệ thống phòng thủ vùng
biển và các hoạt động phòng thủ tại đây hoàn toàn nằm trong ý thức về chủ quyền
dân tộc của nhà Nguyễn khi phải đối phó và đối đầu với một kẻ thù hoàn toàn mới
đến từ phía biển với trang bị kỹ thuật và phương tiện vượt trội. Đối với các hoạt
động bảo vệ và thực thi chủ quyền vùng biển, đặc biệt là trên hai quần đảo Hoàng
Sa - Trường Sa, triều Nguyễn đã tiếp tục quản lý và thực thi chủ quyền thường
xuyên, liên tục. Các vua đầu triều Nguyễn có công lao rất lớn đối với lịch sử thực
thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Luận án cũng nghiên cứu
cách thức quản lý, thực thi chủ quyền, thể hiện ở các hoạt động tuần tra kiểm soát,
chống cướp biển, cứu hộ cứu nạn, chống ngoại xâm của triều Nguyễn. Đây là những
hoạt động thường xuyên nhằm khẳng định chủ quyền và giữ yên vùng biển. Những
hạn chế trong bảo vệ vùng biển miền Trung vừa mang yếu tố chủ quan của vua tôi nhà
Nguyễn vừa là hạn chế chung mang tính thời đại lúc bấy giờ. Từ những thành công và
hạn chế trong công cuộc bảo vệ vùng biển dưới triều Nguyễn, tác giả rút ra một số bài
học có thể áp dụng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước ngày nay.
8. BỐ CỤC LUẬN ÁN
Ngoài phần mở đầu, phần kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục, nội dung luận
án được kết cấu thành 3 chương như sau:
Chương 1: Cơ sở tác động đến việc tổ chức phòng thủ và hoạt động bảo vệ vùng
biển miền Trung dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802-1885
Chương 2: Tổ chức phòng thủ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn giai
đoạn 1802-1885
Chương 3: Hoạt động bảo vệ và thực thi chủ quyền vùng biển miền Trung
dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802-1885.
17
Chương 1
CƠ SỞ TÁC ĐỘNG ĐẾN VIỆC TỔ CHỨC PHÒNG THỦ
VÀ HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ VÙNG BIỂN MIỀN TRUNG
DƯỚI TRIỀU NGUYỄN GIAI ĐOẠN 1802 - 1885
1.1. VỊ TRÍ CHIẾN LƯỢC CỦA BIỂN ĐẢO MIỀN TRUNG
Việt Nam giáp với Biển Đông ở hai phía Đông và Nam. Vùng biển Việt Nam
là một phần Biển Đông với bờ biển dài 3.260km, khoảng l00km2
thì có l km bờ
biển; biển có vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với
diện tích trên 1 triệu km2
(gấp 3 diện tích đất liền: l triệu km2
/330.000km2
). Vùng
biển miền Trung có vị trí quan trọng trong tổng thể biển đảo Việt Nam, trong đó có
2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với nhiều đảo lớn, nhỏ, gần và xa bờ, hợp thành
phòng tuyến bảo vệ, kiểm soát và làm chủ vùng biển. Vùng biển Việt Nam nói
chung, miền Trung nói riêng có vị trí chiến lược quan trọng: nối liền Thái Bình
Dương với Ấn Độ Dương, châu Á với châu Âu, châu Úc với Trung Đông. Giao lưu
quốc tế thuận lợi, phát triển ngành biển. Vùng biển và hải đảo nước ta có vị trí chiến
lược hết sức to lớn, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ nền
độc lập dân tộc, có liên quan trực tiếp đến sự phồn vinh của đất nước và hạnh phúc
của nhân dân.
Quốc phòng, an ninh: biển nước ta nằm trên đường giao thông quốc tế từ Đông
sang Tây, từ Bắc xuống Nam vì vậy có vị trí quân sự hết sức quan trọng. Đứng trên
vùng biển đảo của nước ta có thể quan sát khống chế đường giao thông huyết mạch
ở Đông Nam Á. Biển đảo nước ta có tầm quan trọng hết sức lớn lao đối với sự phát
triển; trường tồn của đất nước.
Đảo và quần đảo: vùng biển nước ta có trên 4000 hòn đảo lớn nhỏ trong đó:
Vùng biển Đông Bắc có trên 3.000 đảo. Bắc Trung bộ trên 40 đảo. Còn lại ở vùng
biển nam Trung bộ, vùng biển Tây Nam và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Căn cứ vào vị trí chiến lược và các điều kiện địa lý kinh tế, dân cư, thường người ta
chia các đảo, quần đảo thành các nhóm:
+ Hệ thống đảo tiền tiêu có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc. Trên các đảo có thể lập những căn cứ kiểm soát vùng biển, vùng trời
18
nước ta, kiểm tra hoạt động của tàu, thuyền, bảo đảm an ninh quốc phòng, xây dựng
kinh tế, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước ta. Đó là các đảo, quần
đảo như: Hoàng Sa, Trường Sa, Chàng Tây, Thổ Chu, Phú Quốc, Côn Đảo, Phú
Quý, Lý Sơn, Cồn Cỏ, Cô Tô, Bạch Long Vĩ...
+ Các đảo lớn có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triên kinh tế-xã hội. Đó là
các đảo như: Cô Tô, Cát Bà, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc.
+ Các đảo gần bờ có điều kiện phát triển nghề cá, du lịch và cũng là căn cứ đề
bảo vệ trật tự, an ninh trên vùng biển và bờ biển nước ta. Đó là các đảo thuộc huyện
đảo Cát Bà, huyện đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), huyện
đảo Phú Quý (Bình Thuận), huyện đảo Côn Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu), huyện đảo
Lý Sơn (Quảng Ngãi), huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang)...
+ Quần đảo Hoàng Sa (nay là huyện đảo Hoàng Sa trực thuộc thành phố Đà
Nẵng) là một trong hai quần đảo xa bờ thuộc chủ quyền của Việt Nam từ lâu đời.
Trong lịch sử quần đảo Hoàng Sa còn có tên là “Bãi cát vàng”. Tên quốc tế thường
được thể hiện trên các hải đồ là Paracels. Quần đảo gồm 37đảo, đá, bãi cạn, bãi
ngầm và một số đối tượng địa lý khác thuộc huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng.
Khu vực quần đảo nằm trên vùng biển rộng khoảng 30.000 km2
. Phạm vi quần đảo
được giới hạn bằng các đảo, bãi ở các cực Bắc, Nam, Đông, Tây.
Về khoảng cách đến đất liền, từ đảo Tri Tôn đến mũi Ba Làng An, tỉnh Quảng
Ngãi là 135 hải lý, đến huyện đảo Lý Sơn (Cù Lao Ré) tỉnh Quảng Ngãi 123 là hải
lý. Tổng diện tích phần nổi của quần đảo Hoàng Sa khoảng 10 km2
, đảo lớn nhất là
đảo Phú Lâm với diện tích khoảng 1,5 km2
. Quần đảo Hoàng Sa nằm ngang bờ biển
các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và một phần tỉnh Quảng Ngãi.
Hoàng Sa nằm trong vùng "xích đạo từ" có độ sai lệch từ không thay đổi hoặc
thay đổi rất nhỏ, rất thuận lợi cho việc đi biển. Quần đảo này có khí hậu nhiệt đới,
nóng ẩm, mưa nhiều, thường có sương mù và nhiều giông bão, nhất là từ tháng 6
đến tháng 8 hằng năm. Trên một số đảo có nguồn nước ngọt, có cây cối, chim và
rùa biển sinh sống.
Nằm phía Đông của Việt Nam, Hoàng Sa án ngữ đường hàng hải quốc tế huyết
mạch từ Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương. Vùng biển này có
19
tiềm năng lớn về khoáng sản và nguồn hải sản, thuận lợi trong việc phát triển kinh
tế, quan trọng hơn đây là vị trí quân sự chiến lược, khống chế đường giao thông trên
biển và trên không trong khu vực phía bắc Biển Đông.
+ Quần đảo Trường Sa: Người Pháp gọi là Archipel des ile Spratley, người
Anh, người Mỹ gọi là Spratley Islands hay Spratlies. Trung Quốc gọi là Nansha
(Nam Sa). Quần đảo Trường Sa cách quần đảo Hoàng Sa tính đến đảo gần nhất là
khoảng 350 hải lý, đảo xa nhất là khoảng 500 hải lý, cách Vũng Tàu 305 và các
Cam Ranh 250 hải lý, cách đảo Phú Quốc 240 hải lý, cách Bình Thuận (Phan Thiết)
270 hải lý. Quần đảo trải dài từ 6o 2’ vĩ B, 111o28’ vĩ B, từ kinh độ 112 o Đ, 115 o
Đ1.4 trong vùng biển chiếm khoảng 160.000 đến 180.000km2
. Biển tuy rộng nhưng
diện tích các đảo, đá, bãi nổi trên mặt nước lại rất ít, chỉ tổng cộng 11km2
. Về số
lượng đảo, theo thống kê của Nguyễn Hồng Thao (Vụ Biển, thuộc Ban Biên giới
Chính phủ) năm 1988, gồm 137 đảo, đá, bãi không kể 5 bãi ngầm thuộc thềm lục
địa Việt Nam (gồm bãi Phúc Trần, Huyền Trân, Quế Đường, Phúc Nguyên, Tứ
Chính). Căn cứ vào hải đồ vẽ năm 1979 của Cục Bản đồ Quân sự Bộ Tổng tham
mưu (Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam), quần đảo Trường Sa có thể chia ra
làm các cụm chính kể từ bắc xuống nam: cụm Song Tử, Thị Tứ, Loai Ta, Nam Yết
hay Ti Gia, Sinh Tồn, Trường Sa, An Bang, Bình Nguyên.
Tầm quan trọng của hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa đảo ở miền Trung
được đánh giá là án ngữ nhiều tuyến hàng hải và hàng không quan trọng của thế
giới và khu vực, năm trong số mười tuyến đường biển thông thương lớn nhất trên
thế giới liên quan đến Biển Đông bao gồm các con đường từ Tây Âu, bắc Mỹ qua
Địa Trung Hải, kênh đào Xuy- ê, Trung Đông đến Ấn Độ, Đông Á, Úc, Niu Di Lân,
con đường hàng hải bắc Thái Bình Dương từ tây bắc Mỹ đến Đông Á và Đông Nam
Á, con đường từ Đông Á đến Úc và Niu Di Lân, và từ Đông đến Trung Đông. Nền
kinh tế của nhiều nước trong khu vực Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Xingapo...
phụ thuộc vào các tuyến hàng hải này.
Với vị trí quan trọng của nó, từ trong lịch sử, vùng biển Việt Nam nói chung,
miền Trung nói riêng đã được cha ông chú ý khai thác và bảo vệ, thực thi chủ quyền
lãnh thổ như là một phần máu thịt của quốc gia Đại Việt.
20
1.2. TRUYỀN THỐNG BẢO VỆ VÀ THỰC THI CHỦ QUYỀN BIỂN
ĐẢO TẠI MIỀN TRUNG TRƯỚC TRIỀU NGUYỄN
1.2.1. Truyền thống bảo vệ biển
Trước khi miền Trung về với Đại Việt thì đây là địa bàn được làm chủ bởi
người Chămpa, một dân tộc có truyền thống hướng biển và làm chủ mặt biển.
Người Chămpa rất giỏi nghề đi biển, điều đó được khẳng định như một tất yếu. Kỹ
thuật đóng thuyền đi biển của người Chămpa đạt đến trình độ kỹ thuật cao. Họ có
tiếng hung bạo trên biển, làm chủ mặt biển và bố trí lực lượng dự phòng tại các cửa
biển. Theo Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, năm 1044, thuyền chiến nhà Lý khi tới
cửa Tư Dung thì "nghe tin Chiêm Thành đem quân và voi bày trận ở bên nam sông
Ngũ Bồ" [102: 308]. Muộn hơn, năm 1069, Lý Thường Kiệt tiên phong đem 5 vạn
quân đi đường thủy vào đánh Champa, "đến cửa Nhật Lệ [cửa Động Hải] thuyền
quân bị thủy quân Chiêm Thành chặn đánh... Cửa Nhật Lệ rộng, sâu, chiến thuyền
lớn vào được, thủy quân Chiêm Thành tập trung ở đó để bảo vệ lãnh thổ, sau này
thủy quân Việt vào đánh Chiêm Thành cũng ghé ở đó" [98: 44-45]. Như thế cũng
cho thấy sự phòng thủ của Chămpa là ở cửa biển lớn, sẵn sàng bảo vệ và nghênh
chiến với thuyền chiến Đại Việt. Vào giai đoạn sau thì sự phòng thủ của Chămpa
trở nên suy giảm, đến nỗi thời Trần Anh Tông, có lần Đoàn Nhữ Hài đi sứ đến Trà
Bàn, đến cửa biển Ti Ni (tức cửa Thị Nại) của Chămpa là nơi thương thuyền các nơi
tụ tập đông, tuyên bố việc cấm buôn bán rồi đem bảng yết thị treo lên. Với lực
lượng yếu dần, quân Chămpa thường quấy phá, cướp bóc nhân dân ven biển Đại
Việt nhưng không có khả năng ở lại mà thường rút lui.
Vào giai đoạn đất nước chia cắt, tình hình chiến tranh trong các thế kỉ XVI-
XVII, cùng với nhu cầu bảo vệ, thực thi chủ quyền vùng biển trước sự xâm nhập
của thực dân phương Tây đã thúc đẩy quân thủy phát triển mạnh theo hai hướng:
tăng cường trang bị và khả năng chiến đấu; mở rộng phạm vi hoạt động trên biển
[191: 421]. Tuy nhiên, do đặc điểm chung của phương Đông, hoạt động bảo vệ biển
thời kỳ này lại không thể hiện rõ nét và chưa chuyên nghiệp. Các tác giả Quân thủy
nhận xét: "mặc dù có hoạt động trên biển, nhưng cho đến trước thế kỷ XVII, vùng
biển phương Đông này không mấy khi đặt ra nhu cầu giành giật hay bảo vệ quyền
lợi trên biển một cách bức bách và thường xuyên như Địa Trung Hải đương thời.
21
Không có những bộ phận lớn thường trực trên biển là nét chung của lực lượng vũ
trang phương Đông cho đến tận thời cận đại" [191: 423]. Theo tác giả Trần Quốc
Vượng, thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong cũng là thời kỳ “phục hưng của các cảng
thị miền Trung”, và đây cũng là bước đột phá đặc biệt, chính vì vậy việc phòng thủ
cũng phải gắn liền. Tấm bản đồ Giáp Ngọ niên bình Nam đồ cho biết cảng thị và
đồn phòng thủ Đàng Trong rất nhiều [14]. Theo A. de Rhoded, thời kỳ này có
khoảng 200 thuyền, tập trung ở ba nơi chính: một là bến con sông lớn (sông Gianh)
68 chiếc, hai là Kẻ Chiêm, ba là ở biên giới nước Chàm (Chămpa) vùng Khánh Hoà
ngày nay [174: 45].
Chúa Nguyễn bố trí lực lượng thủy quân trên ba vùng chiến lược nhằm chống
sự đe dọa từ phương Bắc (quân Trịnh), phương Nam (Chămpa) và một lực lượng
bảo vệ cửa biển "Kẻ Chiêm", đại diện cho mặt kinh tế, thương mại và là vùng "yết
hầu" của chúa. Cristoforo Borri cho biết người Đàng Trong rất thành thạo trong
nghệ thuật sử dụng các đại bác và thủy chiến: “họ biết nạp đạn và bắn giỏi hơn cả
người Âu Châu. Họ tự huấn luyện để đảm bảo khả năng bằng các cuộc thực tập liên
tục và các cuộc bắn bia, họ khá thành công vì thế họ kiêu ngạo về chuyện đó và tự
tán tụng giá trị của mình; khi các tàu Âu Châu đến hải cảng của họ, các thủy binh
của nhà vua liền thách đố các xạ thủ của chúng ta, những người này biết rằng không
thể so sánh với họ nên tránh cuộc thách thức chừng nào họ tránh được” [12: 401].
Ông cho biết thêm, người Đàng Trong “có hơn 100 chiến thuyền. Và như thế họ trở
nên mạnh trên mặt biển” [12: 402].
Về huấn luyện thủy quân, sử nhà Nguyễn cho biết, tháng 7.1642, “một hôm
chúa ngự thuyền đi chơi cửa Eo [Thuận An ngày nay], thấy thủy quân không được
chỉnh tề, bèn ra lệnh ba huyện Hương Trà, Quảng Điền và Phú Vang làm trường
thao diễn thủy quân... Từ đấy trở đi thủy quân đều tinh luyện" [149: 55]. Các chúa
Nguyễn cho xây dựng những căn cứ hải quân, tác giả Huỳnh Lý cho biết: "Tôi đã
xem một bản đồ tình báo của một hạm trưởng Pháp gửi lên Bộ trưởng bộ Hải quân,
vẽ năm 1757, vẽ vùng bờ biển từ Huế và cửa Thuận, vào đến Hội An và Thanh
Chiêm, trong đó vẽ cả sông Hương, sông Cổ Cò từ vịnh Đà Nẵng vào Hội An và
sông Thu Bồn cho đến Thanh Chiêm. Chúng ta biết rằng Thanh Chiêm là trại Thủy
Quân, cũng là nơi ta thu thuế các tàu buôn. Trong bản đồ ấy chúng có vẽ cả thuyền
22
chiến của ta, nhìn ngang, nhìn dọc và nhìn từ đằng lái- Mỗi be thuyền có 25 tay
chèo, và chúng bảo dài độ 45m, rộng 4,5m, có hai đại bác nhẹ” [106: 106].
Dưới thời chúa Nguyễn, tài liệu ghi nhận những chiến công trong việc bảo vệ
vùng biển đảo, chống lại sự đe dọa của các thế lực bên ngoài. Tài liệu cho thấy các
chúa Nguyễn sẵn sàng bảo vệ vùng biển của mình như năm 1559, tàu Tây Ban Nha
đã bị lực lượng phòng hải của chúa cảnh cáo: "mờ sáng ngày 3.9.1559, quân Tây
Ban Nha thấy cả một rừng lưỡi giáo tua tủa quanh các núi trọc nơi đậu thuyền, đồng
thời có nhiều chiếc thuyền mang chất cháy đi hàng ba nhằm thẳng tàu Tây Ban Nha
tiến tới; cùng lúc đó, pháo từ các đồn lũy trên bờ phát hỏa. Cảm thấy bị phục kích
và tiến công, hạm thuyền Tây Ban Nha vội bỏ chạy và nhờ trận gió tây, quân Tây
Ban Nha mới thoát nạn" [93: 89]. Năm 1585, một sự nhầm lẫn nhưng cũng đáng lưu
ý về sức mạnh thủy quân. Đại Nam thực lục tiền biên chép: “Năm Ất Dậu (1585),
bấy giờ có tướng giặc nước Tây dương hiệu là Hiển Quý đi 5 chiếc thuyền lớn đến
đậu ở Cửa Việt để cướp bóc ven biển. Chúa sai hoàng tử thứ 6 lĩnh hơn 10 chiếc
thuyền, tiến thẳng đến cửa biển, đánh tan 2 chiếc thuyền giặc. Hiển Quý sợ chạy...
từ đó giặc biển im hơi" [149: 32]. Sự kiện này, tác giả Nguyễn Thế Anh vẫn cho
rằng đó là hải tặc: "sự thật là hải tặc người Nhật, Shirahama Kenki, sẽ còn được
nhắc đến 16 năm sau trong một lá thư chúa Nguyễn Hoàng gửi năm 1601 cho
Ieyasu" [1]. Sau này sự việc được xác định là "đánh nhầm" vào thuyền của một
thương gia Nhật Bản. Bên cạnh hai cuộc đụng độ trên còn có hai cuộc đối đầu khác
diễn ra tại vùng biển Đàng Trong mà phần thắng thuộc về thủy quân chúa Nguyễn.
Một cuộc diễn ra giữa quân chúa Nguyễn với tàu chiến Hà Lan vào giữa thế kỷ
XVII và một cuộc đụng độ khác diễn ra vào đầu thế kỷ XVIII với việc quân chúa
Nguyễn đã đẩy lui quân Anh muốn xâm chiếm Côn Đảo [40], [42].
Dưới thời Tây Sơn, tuy thời gian tồn tại không dài nhưng triều đại này rất chú
trọng tăng cường thủy quân theo hướng quân thủy biển. Theo các tác giả Quân thủy,
để làm được điều đó Tây Sơn đã tập trung vào bốn việc chính: 1. Tăng cường hệ
thống bố phòng các cửa biển và hải cảng; 2. Đóng thêm thuyền chiến lớn và các biện
pháp nhằm tăng sức chiến đấu của thuyền chiến; 3. Sử dụng “cướp biển”; 4. Khai
thác kỹ thuật quân sự phương Tây. Tây Sơn đã nhiều lần ban chiếu chiêu dụ lực
lượng tàu ô, kêu gọi họ sớm đầu hàng sẽ “mở lòng bao dung, tùy tài cất dụng”. Tác
23
giả Nguyễn Quang Ngọc trong một bài viết đã cho rằng đó là một chính sách quan
trọng và có hiệu quả của vương triều này: “Qui thuận những người Trung Quốc xiêu
dạt sống gửi trên mặt biển và sử dụng họ tham gia vào công việc giữ gìn Biển Đông
là một chính sách quan trọng và có hiệu quả cao của vương triều Tây Sơn” [117].
Như vậy mặc dù có sự quan tâm khác nhau nhưng các triều đại quân chủ Việt
Nam luôn chú ý đến phòng thủ ở các cửa biển, vùng biển chiến lược. Bên cạnh hệ
thống phòng thủ là việc thường xuyên trang bị thuyền chiến, vũ khí. Và dĩ nhiên họ
sẵn sàng thực thi chủ quyền khi cần thiết.
1.2.2. Quản lý và khai thác nguồn lợi trên quần đảo Hoàng Sa – Trường
Sa trước triều Nguyễn
Trong các bản đồ, thư tịch cổ của nước ta đều có những ghi chép khẳng định
hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa thuộc phần lãnh thổ do các triều đại phong
kiến Việt Nam quản lý, khai thác. Đây là hai quần đảo nằm xa bờ, không phải là dải
cát ven biển miền Trung kéo dài từ cửa Nhật Lệ (Quang Bình) tới Tư Dung (Thừa
Thiên Huế) thường được gọi là “Đại Trường Sa”, “Tiểu Trường Sa”. Tác giả Phan
Huy Lê đã nhấn mạnh rằng, tuyệt đối không được nhầm lẫn giữa hai quần đảo
Hoàng Sa, Trường Sa với dải cát Đại Trường Sa, Tiểu Trường Sa: “Đại Trường Sa
đã xuất hiện từ thời Lý để chỉ dải cồn cát ven biển từ cửa Nhật Lệ (Đồng Hới,
Quảng Bình) đến cửa Tư Dung (Tư Hiền, Thừa Thiên Huế). Sau khi cửa Eo bị vỡ thì
dải cồn cát từ Cửa Việt (Quảng Trị) đến cửa Tư Dung gọi là Tiểu Trường Sa” [101: 7].
Trong luận án tiến sĩ của mình, tác giả Nguyễn Nhã cho rằng: “Bãi Cát (Kát)
Vàng hay Cồn Vàng là gốc từ chữ Nôm, Hoàng Sa gốc từ chữ Hán, đều đồng nghĩa
(Sa = Cát, Hoàng = Vàng; Trường = Dài; Đại = Lớn; Vạn Lý = Vạn Dặm; bãi là
chỗ đất nổi lên ở ven hay giữa sông, biển; cồn là gò đống nổi lên ở giữa sông hay
biển. Danh xưng từ chữ nôm "Cát Vàng" rất được thông dụng trong dân gian, được
dân gian đặt tên sớm. Tên gọi từ chữ Hán “Hoàng Sa” được giới nho sĩ dịch và viết
ra về sau. Người Bồ Đào Nha, Hòa Lan gọi quần đảo là Parcel hay Pracel vào đầu
thế kỷ XVI, khi ấy người phương Tây chưa biết đến các đảo ở phía nam mà sau này
gọi là Trường Sa; trên bản đồ thường ghi “I de Pracell” như bản đồ Bartholomen
Velho (1560), bản đồ Fernao Vaz Dourado (1590), bản đồVan Langren (1595)…
Người Pháp, Anh gọi là Paracel vào thế kỷ XVII, XVIII trên các bản đồ hàng hải.
24
Mãi đến năm 1787-1788, khi đoàn khảo sát Kergariou Locmaria xác định rõ ràng và
chính xác vị trí của quần đảo Paracel như hiện nay, người phương Tây mới bắt đầu
phân biệt quần đảo Paracel ở phía bắc với quần đảo ở phía nam mà sau này đến thập
niên 40 trong thế kỷ XX người Pháp mới gọi là Spratly chỉ chung cho quần đảo
Trường Sa [124: 1].
Đồng thời với quá trình Nam tiến của dân tộc, các chúa Nguyễn đã tiếp tục
quản lý các quần đảo ngoài khơi. Hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vốn được
người Việt khai thác và quản lý từ rất sớm và được coi như một nhóm các đảo ngoài
khơi. Tập bản đồ Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư được Đỗ Bá Công Đạo vẽ năm Chính
Hòa thứ 7 (1686) có ghi chép về việc quản lý và khai thác của chúa Nguyễn trên
quần đảo Hoàng Sa. Ở tập bản đồ này, phần phủ Thăng Hoa và phủ Quảng Ngãi ở
phía biển có vẽ “Bãi Cát Vàng” và có lời chú giải nói rõ việc họ Nguyễn quản lý và
khai thác “Bãi Cát Vàng”: “…Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng, dài
độ 400 dặm, rộng 20 dặm, đứng dựng giữa biển, từ cửa biển Đại Chiêm đến cửa Sa
Vinh. Mỗi lần có gió tây nam thì thương thuyền các nước đi ở phía trong trôi dạt ra
đấy; gió đông bắc thì thương thuyền chạy phía ngoài cũng trôi dạt ở đấy, đều bị chết
đói cả. Hàng hóa đều vứt bỏ ở đó. Mỗi năm vào tháng cuối Đông, họ Nguyễn đưa
18 chiếc thuyền đến đó lấy hàng hóa, của cải, phần nhiều được vàng bạc, tiền tệ,
súng đạn. Từ cửa Đại Chiêm vượt biển đến đó thì một ngày rưỡi. Từ cửa Sa Kỳ đến
đó thì nửa ngày. Chỗ bãi cát dài ấy cũng có đồi mỗi…” [168].
Trong Đại Nam thực lục tiền biên, ghi về thời điểm năm 1711, lần đầu tiên nói
đến địa danh Trường Sa. Sách chép: “mùa hạ tháng 4, sai đo bãi cát Trường Sa
(Trường Sa hải chử) dài ngắn rộng hẹp bao nhiêu” [149: 126]. Địa danh Trường Sa
tiếp tục được nói đến trong sách này vào năm 1754, cho biết Hoàng Sa “tục gọi là
Vạn Lý Trường Sa” [149: 164].
Trong các ghi chép của các nhà hàng hải phương Tây luôn xem các quần đảo
giữa Biển Đông có quan hệ hữu cơ với vùng bờ biển Đàng Trong do chúa Nguyễn
quản lý. Tác giả Nguyễn Quang Ngọc cho rằng: “Các nhà hàng hải phương Tây đã
có nhiều ghi chép và vẽ bản đồ xác định vùng quần đảo giữa Biển Đông là Baixos
de Chapar (Bãi đá ngầm Chămpa) hay Pulo Capaa (Đảo của Chămpa) và đoạn bờ
biển tương đương với khu vực từ cửa biển Đại Chiêm (Quảng Nam) đến cửa biển
25
Sa Kỳ (Quảng Ngãi) được gọi là Costa da Pracel (Bờ biển Hoàng Sa). Bước sang
thế kỷ XVII, số lượng tàu thuyền của người phương Tây đi đến vùng biển này
thường xuyên hơn và nhận thức của họ về các quần đảo giữa Biển Đông cũng
phong phú và chính xác hơn. Nhiều tư liệu chép đến các vụ đắm tàu ở Paracel được
người Đàng Trong ra tận nơi cứu hộ rồi đưa các nạn nhân về Quảng Nam. Chính
quyền Đàng Trong đã dành cho mình quyền giải quyết hậu quả và xử lý các hàng
hoá tiền bạc trên các tàu bị đắm ở Hoàng Sa. Chính vì thế mà vào năm 1701, các
giáo sĩ người Pháp trên tàu Amphitrite khẳng định: "Paracel là một quần đảo thuộc
về vương quốc An Nam" [119].
Trong sách Hải ngoại kỷ sự của nhà sư Thích Đại Sán, người Trung Quốc sang
Đàng Trong năm 1695 có 3 đoạn miêu tả về Vạn Lý Trường Sa, trong đó có viết:
“Thời Quốc vương trước, hằng năm sai thuyền đánh cá đi dọc theo bãi cát, lượm
vàng bạc khí cụ của các thuyền hư tấp vào” [161]. Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng
Quân cho rằng đoạn văn trên không nên dịch là “thuyền đánh cá” mà nên dùng
“thuyền lớn” (điếu xá) sẽ hợp hơn với bối cảnh đoạn văn [137: 80].
Những tư liệu được chép trước thế kỷ XIX hầu hết có những nội dung tương tự
như trên. Đó là đều có miêu tả về vị trí, đặc điểm tự nhiên của Hoàng Sa giữa Biển
Đông do các chúa Nguyễn quản lý. Bên cạch đó các tài liệu cũng cho biết về cũng
như cơ cấu, chức năng và hoạt động của đội Hoàng Sa lúc bấy giờ. Trong các ghi
chép về Hoàng Sa, Trường Sa trước triều Nguyễn thì sách Phủ biên tạp lục của Lê
Quý Đôn viết vào năm 1776 có thể xem là đầy đủ nhất. Sách này chép: "Phủ Quảng
Ngãi, ở ngoài cửa biển xã An Vĩnh huyện Bình Sơn có núi gọi là Cù Lao Ré...; phía
ngoài nữa lại có đảo Đại Trường Sa, trước kia có nhiều hải vật và những hoá vật của
tàu, lập đội Hoàng Sa để lấy, đi 3 ngày 3 đêm thì mới đến, là chỗ gần xứ Bắc Hải....
Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt
phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5
chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đây tha hồ bắt chim
bắt cá mà ăn. Lấy được hoá vật của tàu, như là gươm, ngựa, hoa bạc, tiền bạc, hòn
bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên, cùng là
kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng 8 thì
26
về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong, mới cho đem
bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm, rồi lĩnh bằng trở về...
Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn
Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy
sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc
Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên tìm lượm vật của tàu và các thứ đồi mồi,
hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản...
Hoàng Sa chính gần phủ Liêm Châu đảo Hải Nam, người đi thuyền có lúc gặp
thuyền đánh cá Bắc Quốc, hỏi nhau ở trong biển. Tôi đã từng thấy một đạo công
văn của quan chính đường huyện Văn Xương Quỳnh Châu gửi cho Thuận Hoá nói
rằng: năm Kiền Long thứ 18 có 10 tên quân nhân xã An Vĩnh đội Cát Liềm huyện
Chương Nghĩa phủ Quảng Ngãi nước An Nam ngày tháng 7 đến Vạn Lý Trường Sa
tìm kiếm các thứ, có 8 tên lên bờ tìm kiếm, chỉ để 2 tên giữ thuyền, bị gió đứt dây
thuyền, giạt vào Thanh Lan cảng, quan ở đấy xét thực, đưa trả về nguyên quán.
Nguyễn Phúc Chu (Nguyễn Phúc Khoát?) sai cai bạ Thuận Hoá là Thức Lượng hầu
làm thư trả lời" [75: 116-120]. Khảo tả của Lê Quý Đôn có thể xem là một ghi chép
hoàn chỉnh về vị trí, đặc điểm của các quần đảo mà ông chép là đảo Đại Trường Sa,
Vạn Lý Trường Sa từng được đội Hoàng Sa của chúa Nguyễn hàng năm đều tới
quản lý, khai thác.
Sách Đại Việt sử ký tục biên (1676-1789) [66], bộ chính sử biên soạn thời Lê -
Trịnh, hay về sau là Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam nhất thống chí trong đó
những ghi chép về Hoàng Sa, Trường Sa cũng có nội dung tương tự ghi chép của Lê
Quý Đôn. Trong đó sách Đại Nam thực lục tiền biên chép về một sự việc đội Hoàng
Sa ra đảo chẳng may gặp nạn, dạt vào hải phận Quỳnh Châu của nhà Thanh và được
cứu giúp: “Năm 1754, mùa Thu, tháng 7, dân đội Hoàng Sa ở Quảng Ngãi đi thuyền
ra đảo Hoàng Sa, gặp gió dạt vào hải phận Quỳnh Châu nước Thanh. Tổng đốc
Thanh hậu cấp cho rồi cho đưa về. Chúa sai viết thư [cám ơn]” [149: 164].
Qua sự việc trên cho thấy việc đội Hoàng Sa ra đảo không có sự tranh chấp
nào. Cũng nhân việc này, sách nói rõ thêm về quần đảo Hoàng Sa cũng như công
tác khai thác, quản lý của đội Hoàng Sa, Bắc Hải thời chúa Nguyễn (Quốc sơ) như
sau: “Ở ngoài biển, về xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi, có hơn 130
27
bãi cát cách nhau hoặc đi một ngày đường, hoặc vài trống canh, kéo dài không biết
mấy nghìn dặm, tục gọi là “Vạn Lý Trường Sa”. Trên bãi có giếng nước ngọt. Sản
vật có hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, vích, ba ba... Buổi quốc sơ đặt đội Hoàng Sa 70
người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hằng năm, đến tháng 3 thì đi thuyền ra, độ ba
đêm ngày thì đến bãi, tìm lượm hóa vật, đến tháng 8 thì về nộp. Lại có đội Bắc Hải,
mộ người ở thôn Tứ Chánh thuộc Bình Thuận hoặc xã Cảnh Dương sung vào, sai đi
thuyền nhỏ đến các xứ Bắc Hải, Côn Lôn, để tìm lượm hóa vật; đội này cũng do đội
Hoàng Sa kiêm quản)” [149: 164].
Các thư tịch cổ của Việt Nam luôn xếp Hoàng Sa – Trường Sa vào phần hình
thể, cương vực vùng biển. Bên cạnh đó nhiều văn bản hiện còn lưu trữ trong dân
gian ở phường An Vĩnh tại Cù Lao Ré, nay thuộc huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng
Ngãi (do Nguyễn Quang Ngọc và Vũ Văn Quân phát hiện) cũng bổ sung thêm tư
liệu về việc quản lý và khai thác tại Hoàng Sa. Đó là đơn của ông Hà Liễu, cai hợp
phường Cù Lao Ré, xã An Vĩnh, xin chính quyền Tây Sơn cho phép chấn chỉnh đội
Hoàng Sa tiếp tục hoạt động. Tờ chỉ thị ngày 14 tháng 2 Thái Đức năm thứ 9 (1786)
của quan Thái phó Tổng Lý Quân Binh Dân Chư Vụ Thượng Tướng Công đốc suất
công việc của đội Hoàng Sa... Đơn của phường Cù Lao Ré xã An Vĩnh ngày 15
tháng Giêng năm 1776, lưu tại nhà thờ họ Võ thôn Tây xã Lý Vĩnh, huyện Lý Sơn,
tỉnh Quảng Ngãi nói rõ đội Hoàng Sa đã có lịch sử lâu đời và bên cạnh chức năng
thu lượm hoá vật, hải vật còn có nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ an toàn vùng biển đảo:
"Nguyên xã chúng tôi từ xưa đã có hai đội Hoàng Sa và Quế Hương... Bây giờ
chúng tôi lập hai đội Hoàng Sa và Quế Hương như cũ gồm dân ngoại tịch, được bao
nhiêu xin làm sổ sách dâng nạp, vượt thuyền ra các đảo, cù lao ngoài biển tìm nhặt
các vật hạng đồng thiếc, hải ba, đồi mồi được bao nhiêu dâng nạp. Nếu như có tờ
truyền báo xảy ra chinh chiến, chúng tôi xin vững lòng ứng chiến với kẻ xâm phạm.
Xong việc rồi chúng tôi lại xin tờ sai ra tìm báu vật cùng thuế quan đem phụng
nạp..." [119].
Có thể nói việc quản lý và khai thác quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trước thế
kỷ XIX đã được ghi chép trong các thư tịch trong và ngoài nước. Các tư liệu đều
khẳng định từ đầu thế kỷ XVII, chúa Nguyễn đã quản lý và khai thác tại đây. Đây là
công việc do nhà nước quản lý và đội Hoàng Sa, Bắc Hải thực thi nhiệm vụ. Hàng
28
năm vào lúc thuận gió, từ tháng 3 đến tháng 8 họ lại ra biển để làm nhiệm vụ của
Nhà nước giao phó. Họ đã xác định được tại đây có hơn 130 bãi cát và hải trình đi
tới các hòn đảo như thế nào. Bên cạnh đó, họ tổ chức thu lượm hóa vật, sản vật đem
về phủ Phú Xuân giao nộp. Hoạt động này diễn ra thường xuyên, được duy trì dưới
thời Tây Sơn và được kế tục, nâng cao hơn dưới triều Nguyễn.
1.3. BỐI CẢNH CẢNH LỊCH SỬ DƯỚI TRIỀU NGUYỄN GIAI ĐOẠN
1802-1885
Vào đầu thế kỷ XIX, triều Nguyễn được thành lập, khôi phục và củng cố chế
độ quân chủ tập quyền trong bối cảnh thế giới đang có bước chuyển biến mạnh mẽ.
Cùng với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản là sự phát triển mạnh của khoa học kỹ
thuật, trong đó có kỹ thuật quân sự. Đây là thời đại của các nước tư bản phương Tây
ráo riết tranh giành thị trường và xâm chiếm thuộc địa. Nhiều nước phương Đông
lần lượt bị thôn tính, điều đó đe dọa trực tiếp đến chủ quyền của các quốc gia
phương Đông, trong đó có Việt Nam.
Với vị trí nằm bên bờ Biển Đông, từ rất sớm các thế lực phương Tây trong quá
trình tìm kiếm thị trường, thuộc địa đã rất mong muốn có được mảnh đất màu mỡ
này. Cuộc chiến tranh giành thị trường và thuộc địa ở phương Đông giai đoạn đầu
thuộc về người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha. Bồ Đào Nha đã chiếm Goa năm 1510,
Malacca (1511), dòm ngó Trung Quốc (1514), Philippin (1521). Sau người Bồ Đào
Nha là Hà Lan, Anh. Năm 1702, người Anh từng xâm chiếm Côn Đảo nhưng đã bị
thủy quân chúa Nguyễn dùng kế đẩy lui một năm sau đó [42].
Nhìn chung, từ những cuộc thăm dò thị trường, mở thương điếm đến việc tìm
cách áp đặt thuộc địa ở phương Đông đã trở thành con đường quen thuộc của tư bản
phương Tây tại phương Đông. Trong cuộc đua này, tư bản Pháp tuy tới muộn nhưng
lại thành công trong cuộc xâm lược Việt Nam vào thế kỷ XIX.
Người Pháp tới Việt Nam muộn hơn. Cơ hội để người Pháp tìm cách xâm
chiếm Việt Nam bắt nguồn từ cuộc chiến tranh giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn khi
Nguyễn Ánh giao con trai của mình là Hoàng Tử Cảnh cho giám mục Pigneau de
Behaine (Adran - Bá Đa Lộc) làm con tin qua Pháp cầu viện. Trong một bức thư của
Bá Đa Lộc viết ngày 20.3.1785, đã cho thấy rõ âm mưu của người Pháp trong
thương vụ chính trị này: “nếu sau này cha cậu (chỉ Nguyễn Ánh) đi với phía người
29
Ăng Lê hay phía người Hoa Lang để nhờ họ giúp ông ta phục quốc thì quý cha sẽ
cảm thấy là cái việc mà chúng ta có thể làm cho cậu con trai của ông ta ít ra cũng sẽ
hữu ích vô cùng” [88: 389]. Tham vọng của Bá Đa Lộc đã được thể hiện như thế.
Tuy nhiên rất may là mọi việc không xuôi chèo mát mái, những điều khoản từ Hiệp
ước với Pháp không được thực thi, những ràng buộc không có điều kiện thực hiện
nhưng dù sao, người Pháp vẫn có cớ lui tới, ít nhất là sâu hơn những người phương
Tây đương thời.
Sự chi viện của Pháp không bao giờ được thực hiện nhưng với sự nỗ lực của
Bá Đa Lộc và những kẻ phiêu lưu, Nguyễn Ánh vẫn nhận được một số giúp đỡ nhất
định. Trong quân đội của Nguyễn Ánh từ khi còn ở Gia Định đã sử dụng những
thuyền chiến, chiến thuật và cả chỉ huy là người phương Tây. Các cuộc hành quân
của ông, cũng được đánh giá là theo binh pháp kiểu phương Tây. Chính Nguyễn
Ánh – Gia Long và các vua kế nghiệp hiểu rõ hơn ai hết ý đồ của các nước phương
Tây lúc bấy giờ để đưa ra những biện pháp ứng phó.
Trong quan hệ với Pháp, triều Nguyễn vốn đã có chút “duyên nợ” từ trước nên
khi thành công vua Gia Long cũng không dễ từ chối quan hệ với họ. Gia Long đã tiếp
tục sử dụng một số người Pháp cho làm quan trong triều đình như một sự đền ơn. Tuy
nhiên, sang đến thời Minh Mạng thì sứ mạng của những vị quan này không còn, họ
đã về nước trong sự thất bại bởi không thể là cầu nối giữa Pháp và Việt Nam.
Trong quan hệ với người Anh, năm 1804 phái đoàn Anh đã tới Việt Nam
muốn thiết lập quan hệ, “dâng biểu xin thông thương” nhưng Gia Long đã từ chối:
“Tiên vương kinh dinh việc nước không để người Hạ lẫn người Di, đó thực là cái ý
đề phòng từ lúc việc còn nhỏ. Người Hồng Mao [chỉ người Anh] gian giảo, trí trá,
không phải nòi giống ta, lòng họ khác hẳn, không cho ở lại, ban cho ưu hậu mà
khiến về…”. Sau đó họ đã hai ba lần dâng thư nhưng vua Gia Long vẫn kiên quyết
không cho [149: 603]. Dưới thời Minh Mạng, người Anh tiếp tục tới xin thông
thương nhưng vẫn không thu được kết quả.
Hoa Kỳ cũng từng muốn đặt quan hệ với Việt Nam. Năm 1820, John White đến
Gia Định. Năm 1832, Edmond Roberts đến Việt Nam trình quốc thư nhưng Minh
Mạng không tiếp. Không nản chí, năm 1836, Edmond Roberts mang theo quốc thư
trở lại nhưng vẫn không thành. Tuy nhiên, càng về sau, trước tình hình thế giới có
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)
Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)

More Related Content

What's hot

Luận văn: Cảm thức người xa lạ trong tiểu thuyết Kẻ xa lạ của A Camus và Thất...
Luận văn: Cảm thức người xa lạ trong tiểu thuyết Kẻ xa lạ của A Camus và Thất...Luận văn: Cảm thức người xa lạ trong tiểu thuyết Kẻ xa lạ của A Camus và Thất...
Luận văn: Cảm thức người xa lạ trong tiểu thuyết Kẻ xa lạ của A Camus và Thất...Dịch vụ viết thuê Khóa Luận - ZALO 0932091562
 

What's hot (20)

Luận văn: Nguyên tắc trách nhiệm do lỗi của Luật hình sự, HOT
Luận văn: Nguyên tắc trách nhiệm do lỗi của Luật hình sự, HOTLuận văn: Nguyên tắc trách nhiệm do lỗi của Luật hình sự, HOT
Luận văn: Nguyên tắc trách nhiệm do lỗi của Luật hình sự, HOT
 
Luận văn: Viện Kiểm sát với vai trò bảo vệ quyền con người, HOT
Luận văn: Viện Kiểm sát với vai trò bảo vệ quyền con người, HOTLuận văn: Viện Kiểm sát với vai trò bảo vệ quyền con người, HOT
Luận văn: Viện Kiểm sát với vai trò bảo vệ quyền con người, HOT
 
Luận văn: Quản lý về hoạt động thi hành án dân sự hiện nay, HAY
Luận văn: Quản lý về hoạt động thi hành án dân sự hiện nay, HAYLuận văn: Quản lý về hoạt động thi hành án dân sự hiện nay, HAY
Luận văn: Quản lý về hoạt động thi hành án dân sự hiện nay, HAY
 
Luận văn: Bảo đảm quyền bào chữa trong luật tố tụng hình sự
Luận văn: Bảo đảm quyền bào chữa trong luật tố tụng hình sựLuận văn: Bảo đảm quyền bào chữa trong luật tố tụng hình sự
Luận văn: Bảo đảm quyền bào chữa trong luật tố tụng hình sự
 
Luận văn: Bảo vệ quyền công dân của phạm nhân tại các trại giam
Luận văn: Bảo vệ quyền công dân của phạm nhân tại các trại giamLuận văn: Bảo vệ quyền công dân của phạm nhân tại các trại giam
Luận văn: Bảo vệ quyền công dân của phạm nhân tại các trại giam
 
Luận văn: Vai trò của Thẩm phán trong xét xử các vụ án hình sự
Luận văn: Vai trò của Thẩm phán trong xét xử các vụ án hình sựLuận văn: Vai trò của Thẩm phán trong xét xử các vụ án hình sự
Luận văn: Vai trò của Thẩm phán trong xét xử các vụ án hình sự
 
Luận văn: Tội chứa mại dâm theo quy định của Bộ luật hình sự
Luận văn: Tội chứa mại dâm theo quy định của Bộ luật hình sựLuận văn: Tội chứa mại dâm theo quy định của Bộ luật hình sự
Luận văn: Tội chứa mại dâm theo quy định của Bộ luật hình sự
 
Luận văn: Hỏi cung bị can trong luật tố tụng hình sự Việt Nam
Luận văn: Hỏi cung bị can trong luật tố tụng hình sự Việt NamLuận văn: Hỏi cung bị can trong luật tố tụng hình sự Việt Nam
Luận văn: Hỏi cung bị can trong luật tố tụng hình sự Việt Nam
 
Luận văn: Biện pháp tạm giam trong luật tố tụng hình sự, HAY
Luận văn: Biện pháp tạm giam trong luật tố tụng hình sự, HAYLuận văn: Biện pháp tạm giam trong luật tố tụng hình sự, HAY
Luận văn: Biện pháp tạm giam trong luật tố tụng hình sự, HAY
 
Luận văn: Bảo hộ quyền tác giả trước những xâm phạm từ internet, 9 ĐIỂM
Luận văn: Bảo hộ quyền tác giả trước những xâm phạm từ internet, 9 ĐIỂMLuận văn: Bảo hộ quyền tác giả trước những xâm phạm từ internet, 9 ĐIỂM
Luận văn: Bảo hộ quyền tác giả trước những xâm phạm từ internet, 9 ĐIỂM
 
Luận văn: Trách nhiệm hình sự về tội phạm về chức vụ, HAY
Luận văn: Trách nhiệm hình sự về tội phạm về chức vụ, HAYLuận văn: Trách nhiệm hình sự về tội phạm về chức vụ, HAY
Luận văn: Trách nhiệm hình sự về tội phạm về chức vụ, HAY
 
Đề tài: Gia đình theo luật hôn nhân và gia đình Việt Nam, HOT
Đề tài: Gia đình theo luật hôn nhân và gia đình Việt Nam, HOTĐề tài: Gia đình theo luật hôn nhân và gia đình Việt Nam, HOT
Đề tài: Gia đình theo luật hôn nhân và gia đình Việt Nam, HOT
 
Luận văn Pháp Luật Về Bảo Hộ Quyền Tác Giả Trên Internet
Luận văn Pháp Luật Về Bảo Hộ Quyền Tác Giả Trên InternetLuận văn Pháp Luật Về Bảo Hộ Quyền Tác Giả Trên Internet
Luận văn Pháp Luật Về Bảo Hộ Quyền Tác Giả Trên Internet
 
Luận văn: Bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm văn học theo luật
Luận văn: Bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm văn học theo luậtLuận văn: Bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm văn học theo luật
Luận văn: Bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm văn học theo luật
 
Luận văn: Thu thập, đánh giá chứng cứ trong Luật tố tụng hình sự
Luận văn: Thu thập, đánh giá chứng cứ trong Luật tố tụng hình sựLuận văn: Thu thập, đánh giá chứng cứ trong Luật tố tụng hình sự
Luận văn: Thu thập, đánh giá chứng cứ trong Luật tố tụng hình sự
 
Luận văn: Thu thập, đánh giá chứng cứ trong Luật tố tụng, HAY
Luận văn: Thu thập, đánh giá chứng cứ trong Luật tố tụng, HAYLuận văn: Thu thập, đánh giá chứng cứ trong Luật tố tụng, HAY
Luận văn: Thu thập, đánh giá chứng cứ trong Luật tố tụng, HAY
 
Luận Văn Pháp Luật Việt Nam Hiện Hành Về Di Sản Dùng Vào Việc Thờ Cúng.docx
Luận Văn Pháp Luật Việt Nam Hiện Hành Về Di Sản Dùng Vào Việc Thờ Cúng.docxLuận Văn Pháp Luật Việt Nam Hiện Hành Về Di Sản Dùng Vào Việc Thờ Cúng.docx
Luận Văn Pháp Luật Việt Nam Hiện Hành Về Di Sản Dùng Vào Việc Thờ Cúng.docx
 
Đề tài: Tổng hợp hình phạt trong các trường hợp đặc biệt, HOT
Đề tài: Tổng hợp hình phạt trong các trường hợp đặc biệt, HOTĐề tài: Tổng hợp hình phạt trong các trường hợp đặc biệt, HOT
Đề tài: Tổng hợp hình phạt trong các trường hợp đặc biệt, HOT
 
Luận văn: Hỏi cung bị can trong Luật tố tụng hình sự, HAY
Luận văn: Hỏi cung bị can trong Luật tố tụng hình sự, HAYLuận văn: Hỏi cung bị can trong Luật tố tụng hình sự, HAY
Luận văn: Hỏi cung bị can trong Luật tố tụng hình sự, HAY
 
Luận văn: Cảm thức người xa lạ trong tiểu thuyết Kẻ xa lạ của A Camus và Thất...
Luận văn: Cảm thức người xa lạ trong tiểu thuyết Kẻ xa lạ của A Camus và Thất...Luận văn: Cảm thức người xa lạ trong tiểu thuyết Kẻ xa lạ của A Camus và Thất...
Luận văn: Cảm thức người xa lạ trong tiểu thuyết Kẻ xa lạ của A Camus và Thất...
 

Similar to Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)

ĐỀ TÀI : Luận án Nghiên cứu tư liệu Hán Nôm về khuyến học của Nghệ An
ĐỀ TÀI : Luận án Nghiên cứu tư liệu Hán Nôm về khuyến học của Nghệ AnĐỀ TÀI : Luận án Nghiên cứu tư liệu Hán Nôm về khuyến học của Nghệ An
ĐỀ TÀI : Luận án Nghiên cứu tư liệu Hán Nôm về khuyến học của Nghệ AnLuận Văn 1800
 
Luận án: Nghiên cứu tư liệu Hán Nôm về khuyến học của Nghệ An - Gửi miễn phí ...
Luận án: Nghiên cứu tư liệu Hán Nôm về khuyến học của Nghệ An - Gửi miễn phí ...Luận án: Nghiên cứu tư liệu Hán Nôm về khuyến học của Nghệ An - Gửi miễn phí ...
Luận án: Nghiên cứu tư liệu Hán Nôm về khuyến học của Nghệ An - Gửi miễn phí ...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Luận án: Nguồn lợi cá trong các hệ sinh thái ở vùng biển ven bờ - Gửi miễn ph...
Luận án: Nguồn lợi cá trong các hệ sinh thái ở vùng biển ven bờ - Gửi miễn ph...Luận án: Nguồn lợi cá trong các hệ sinh thái ở vùng biển ven bờ - Gửi miễn ph...
Luận án: Nguồn lợi cá trong các hệ sinh thái ở vùng biển ven bờ - Gửi miễn ph...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Mối quan hệ giữa tiếp cận nguồn nước, chiến lược sản xuất và thu nhập của hộ ...
Mối quan hệ giữa tiếp cận nguồn nước, chiến lược sản xuất và thu nhập của hộ ...Mối quan hệ giữa tiếp cận nguồn nước, chiến lược sản xuất và thu nhập của hộ ...
Mối quan hệ giữa tiếp cận nguồn nước, chiến lược sản xuất và thu nhập của hộ ...Nguyễn Công Huy
 
đáNh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp phục hồi môi trường sau khai thác qu...
đáNh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp phục hồi môi trường sau khai thác qu...đáNh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp phục hồi môi trường sau khai thác qu...
đáNh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp phục hồi môi trường sau khai thác qu...TÀI LIỆU NGÀNH MAY
 
Th s33.030 khảo sát truyền thuyết về lưu nhân chú ở vùng đại từ thái nguyên
Th s33.030 khảo sát truyền thuyết về lưu nhân chú ở vùng đại từ thái nguyênTh s33.030 khảo sát truyền thuyết về lưu nhân chú ở vùng đại từ thái nguyên
Th s33.030 khảo sát truyền thuyết về lưu nhân chú ở vùng đại từ thái nguyênhttps://www.facebook.com/garmentspace
 
Xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ lưu lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn
Xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ lưu lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn Xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ lưu lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn
Xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ lưu lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn nataliej4
 
Nghiên cứu tiến hóa trầm tích trong mối quan hệ với chuyển động kiến tạo và ý...
Nghiên cứu tiến hóa trầm tích trong mối quan hệ với chuyển động kiến tạo và ý...Nghiên cứu tiến hóa trầm tích trong mối quan hệ với chuyển động kiến tạo và ý...
Nghiên cứu tiến hóa trầm tích trong mối quan hệ với chuyển động kiến tạo và ý...NuioKila
 

Similar to Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885) (20)

Luận án: Các đàn miếu đại tự triều Nguyễn ở Huế (1802-1945)
Luận án: Các đàn miếu đại tự triều Nguyễn ở Huế (1802-1945)Luận án: Các đàn miếu đại tự triều Nguyễn ở Huế (1802-1945)
Luận án: Các đàn miếu đại tự triều Nguyễn ở Huế (1802-1945)
 
ĐỀ TÀI : Luận án Nghiên cứu tư liệu Hán Nôm về khuyến học của Nghệ An
ĐỀ TÀI : Luận án Nghiên cứu tư liệu Hán Nôm về khuyến học của Nghệ AnĐỀ TÀI : Luận án Nghiên cứu tư liệu Hán Nôm về khuyến học của Nghệ An
ĐỀ TÀI : Luận án Nghiên cứu tư liệu Hán Nôm về khuyến học của Nghệ An
 
Luận án: Nghiên cứu tư liệu Hán Nôm về khuyến học của Nghệ An - Gửi miễn phí ...
Luận án: Nghiên cứu tư liệu Hán Nôm về khuyến học của Nghệ An - Gửi miễn phí ...Luận án: Nghiên cứu tư liệu Hán Nôm về khuyến học của Nghệ An - Gửi miễn phí ...
Luận án: Nghiên cứu tư liệu Hán Nôm về khuyến học của Nghệ An - Gửi miễn phí ...
 
Luận án: Sinh thái học quần thể bảo tồn loài Rồng đất, HAY
Luận án: Sinh thái học quần thể bảo tồn loài Rồng đất, HAYLuận án: Sinh thái học quần thể bảo tồn loài Rồng đất, HAY
Luận án: Sinh thái học quần thể bảo tồn loài Rồng đất, HAY
 
Hoạt động thương mại - truyền giáo của Bồ Đào Nha và Pháp ở Việt Nam
Hoạt động thương mại - truyền giáo của Bồ Đào Nha và Pháp ở Việt NamHoạt động thương mại - truyền giáo của Bồ Đào Nha và Pháp ở Việt Nam
Hoạt động thương mại - truyền giáo của Bồ Đào Nha và Pháp ở Việt Nam
 
Luận án: Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Trung Việt Nam
Luận án: Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Trung Việt NamLuận án: Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Trung Việt Nam
Luận án: Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Trung Việt Nam
 
Luận án: Nguồn lợi cá trong các hệ sinh thái ở vùng biển ven bờ - Gửi miễn ph...
Luận án: Nguồn lợi cá trong các hệ sinh thái ở vùng biển ven bờ - Gửi miễn ph...Luận án: Nguồn lợi cá trong các hệ sinh thái ở vùng biển ven bờ - Gửi miễn ph...
Luận án: Nguồn lợi cá trong các hệ sinh thái ở vùng biển ven bờ - Gửi miễn ph...
 
Luận án: Ảnh hưởng văn học dân gian trong truyện thiếu nhi, HAY
Luận án: Ảnh hưởng văn học dân gian trong truyện thiếu nhi, HAYLuận án: Ảnh hưởng văn học dân gian trong truyện thiếu nhi, HAY
Luận án: Ảnh hưởng văn học dân gian trong truyện thiếu nhi, HAY
 
Mối quan hệ giữa tiếp cận nguồn nước, chiến lược sản xuất và thu nhập của hộ ...
Mối quan hệ giữa tiếp cận nguồn nước, chiến lược sản xuất và thu nhập của hộ ...Mối quan hệ giữa tiếp cận nguồn nước, chiến lược sản xuất và thu nhập của hộ ...
Mối quan hệ giữa tiếp cận nguồn nước, chiến lược sản xuất và thu nhập của hộ ...
 
Luận văn thạc sĩ - Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 17...
Luận văn thạc sĩ - Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 17...Luận văn thạc sĩ - Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 17...
Luận văn thạc sĩ - Thương nghiệp vùng Thuận Quảng thời chúa Nguyễn (1558 - 17...
 
Luận văn: Nghiên cứu sinh sản nhân tạo và ương ấu trùng sá sùng Sipunculus nu...
Luận văn: Nghiên cứu sinh sản nhân tạo và ương ấu trùng sá sùng Sipunculus nu...Luận văn: Nghiên cứu sinh sản nhân tạo và ương ấu trùng sá sùng Sipunculus nu...
Luận văn: Nghiên cứu sinh sản nhân tạo và ương ấu trùng sá sùng Sipunculus nu...
 
đáNh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp phục hồi môi trường sau khai thác qu...
đáNh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp phục hồi môi trường sau khai thác qu...đáNh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp phục hồi môi trường sau khai thác qu...
đáNh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp phục hồi môi trường sau khai thác qu...
 
Th s33.030 khảo sát truyền thuyết về lưu nhân chú ở vùng đại từ thái nguyên
Th s33.030 khảo sát truyền thuyết về lưu nhân chú ở vùng đại từ thái nguyênTh s33.030 khảo sát truyền thuyết về lưu nhân chú ở vùng đại từ thái nguyên
Th s33.030 khảo sát truyền thuyết về lưu nhân chú ở vùng đại từ thái nguyên
 
Luận án: Khu hệ lưỡng cư và bò sát vùng phía bắc Đèo Cù Mông
Luận án: Khu hệ lưỡng cư và bò sát vùng phía bắc Đèo Cù MôngLuận án: Khu hệ lưỡng cư và bò sát vùng phía bắc Đèo Cù Mông
Luận án: Khu hệ lưỡng cư và bò sát vùng phía bắc Đèo Cù Mông
 
Luận án: Ảnh hưởng của kích dục tố đến sinh sản của cầy vòi hương
Luận án: Ảnh hưởng của kích dục tố đến sinh sản của cầy vòi hươngLuận án: Ảnh hưởng của kích dục tố đến sinh sản của cầy vòi hương
Luận án: Ảnh hưởng của kích dục tố đến sinh sản của cầy vòi hương
 
Luận án: Đặc điểm du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX, HAY
Luận án: Đặc điểm du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX, HAYLuận án: Đặc điểm du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX, HAY
Luận án: Đặc điểm du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX, HAY
 
Đề tài: Bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa Cơ Tu ở Quảng Nam
Đề tài: Bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa Cơ Tu ở Quảng NamĐề tài: Bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa Cơ Tu ở Quảng Nam
Đề tài: Bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa Cơ Tu ở Quảng Nam
 
Luận văn: Nghiên cứu đa dạng và phân bố họ Na, HAY, 9đ
Luận văn: Nghiên cứu đa dạng và phân bố họ Na, HAY, 9đLuận văn: Nghiên cứu đa dạng và phân bố họ Na, HAY, 9đ
Luận văn: Nghiên cứu đa dạng và phân bố họ Na, HAY, 9đ
 
Xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ lưu lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn
Xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ lưu lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn Xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ lưu lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn
Xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ lưu lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn
 
Nghiên cứu tiến hóa trầm tích trong mối quan hệ với chuyển động kiến tạo và ý...
Nghiên cứu tiến hóa trầm tích trong mối quan hệ với chuyển động kiến tạo và ý...Nghiên cứu tiến hóa trầm tích trong mối quan hệ với chuyển động kiến tạo và ý...
Nghiên cứu tiến hóa trầm tích trong mối quan hệ với chuyển động kiến tạo và ý...
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864

Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏiDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏiDịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864 (20)

200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc
200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc
200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc
 
Danh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểmDanh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểm
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểmDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểm
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏiDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểmDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểm
 
danh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhua
danh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhuadanh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhua
danh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhua
 
Kinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay Nhất
Kinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay NhấtKinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay Nhất
Kinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay Nhất
 
Kho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểm
Kho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểmKho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểm
Kho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểm
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại họcKho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại học
 
Kho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tử
Kho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tửKho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tử
Kho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tử
 
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểmKho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểm
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu HọcKho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu Học
 
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhất
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhấtKho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhất
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhất
 
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểmKho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểm
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin HọcKho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin Học
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập Khẩu
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập KhẩuKho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập Khẩu
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập Khẩu
 

Recently uploaded

Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfCampbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfTrnHoa46
 
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...hoangtuansinh1
 
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIĐiện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhhkinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhhdtlnnm
 
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng ĐồngGiới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng ĐồngYhoccongdong.com
 
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quanGNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quanmyvh40253
 
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdfSLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdfhoangtuansinh1
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIĐiện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoámyvh40253
 
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docxTHAO316680
 
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfBỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfNguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảoKiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảohoanhv296
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...Nguyen Thanh Tu Collection
 
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢI
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢIPHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢI
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢImyvh40253
 
cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-
cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-
cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-KhnhHuyn546843
 

Recently uploaded (20)

Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfCampbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
 
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
 
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
 
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
 
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhhkinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
 
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng ĐồngGiới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
 
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quanGNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
 
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdfSLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
 
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
 
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
 
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfBỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
 
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảoKiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
 
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢI
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢIPHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢI
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢI
 
cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-
cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-
cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-
 

Phòng thủ và bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885)

  • 1. ĐẠI HỌC HUẾ TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC -------------- Lê Tiến Công TỔ CHỨC PHÒNG THỦ VÀ HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ VÙNG BIỂN MIỀN TRUNG DƯỚI TRIỀU NGUYỄN GIAI ĐOẠN 1802 - 1885 Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam Mã số: 62 22 03 13 LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS.TS. Đỗ Bang 2. PGS.TS. Nguyễn Văn Đăng
  • 2. HUẾ, NĂM 2015 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong luận án là trung thực và chưa từng được ai công bố trong bất kỳ công trình nào khác. Huế, ngày 07 tháng 03 năm 2015 Tác giả Lê Tiến Công
  • 3. LỜI CẢM ƠN Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ phát triển Khoa học Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED). Luận án là một trong những sản phẩn đào tạo của đề tài khoa học “Tổ chức và hoạt động bảo vệ biển đảo Việt Nam dưới triều Nguyễn thời kỳ 1802-1885”, mã số: IV4-2011.10 (02/2012/IV/HĐ-KHXH). Với lòng biết ơn sâu sắc, tôi xin trân trọng cảm ơn Quỹ NAFOSTED, PGS.TS. Đỗ Bang - chủ nhiệm đề tài đồng thời là cán bộ hướng dẫn khoa học đã tận tình hướng dẫn tôi hoàn thành luận án. Tôi xin trân trọng cảm ơn PGS.TS. Nguyễn Văn Đăng - cán bộ đồng hướng dẫn tôi hoàn thành luận án này. Tôi xin trân trọng cảm ơn TS. Nguyễn Văn Hoa, người đã động viên và giới thiệu tôi làm hồ sơ Nghiên cứu sinh. Tôi xin trân trọng cảm ơn PGS.TS. Trần Đức Cường, PGS.TS. Nguyễn Minh Tường, PGS.TS. Bùi Thị Tân, TS. Huỳnh Công Bá, TS. Thái Quang Trung, TS. Phan Tiến Dũng, TS. Phan Thanh Hải, TS. Ngô Đức Lập… đã có nhiều góp ý cho các nội dung luận án. Tôi chân thành cảm ơn ThS. Trần Văn Quyến, CN. Ngô Đức Chí, ThS. Võ Vinh Quang, NNC. Tống Quốc Hưng… Những người cung cấp nhiều tư liệu cần thiết, đặc biệt là việc dịch và trích yếu nội dung các văn bản Hán Nôm. Luận án này được hoàn thành nhờ rất nhiều vào những tư liệu quý giá đó. Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các thầy cô và đồng nghiệp tại trường Đại học Phan Châu Trinh (Hội An) đã giúp đỡ, tạo điều kiện về thời gian cũng như động viên tôi hoàn thành luận án. Cuối cùng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn và dành tặng luận án này cho gia đình và người thân, những người luôn lo lắng và dõi theo bước đi của tôi. Đó cũng là động lực lớn nhất giúp tôi luôn cố gắng trong cuộc sống và học tập. Huế, tháng 03 năm 2015 Tác giả Lê Tiến Công
  • 4. DANH MỤC NHỮNG CHỮ VIẾT TẮT DÙNG TRONG LUẬN ÁN BAVH Bulletin des Amis du Vieux Hué (Những người bạn Cố đô Huế) Châu bản Châu bản triều Nguyễn ĐHKH Đại học Khoa học ĐHTH Đại học Tổng hợp ĐHSP Đại học Sư phạm GS. Giáo sư Hội điển Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ HN Hà Nội NCLS Nghiên cứu Lịch sử Nxb. Nhà xuất bản KHXH Khoa học xã hội PL. Phụ lục Quân thuỷ Quân thuỷ trong lịch sử chống ngoại xâm Tg. Tác giả Thực lục Đại Nam thực lục chính biên Ths. Thạc sĩ Toát yếu Quốc triều chính biên toát yếu Toàn thư Đại Việt sử ký toàn thư TP HCM Thành phố Hồ Chí Minh Tr. Trang TS. Tiến sĩ
  • 5. MỤC LỤC Trang Trang phụ bìa .................................................................................................................0 Lời cam đoan..................................................................................................................0 Lời cảm ơn .....................................................................................................................0 Danh mục các ký hiệu, các chữ viết tắt..........................................................................0 Mục lục...........................................................................................................................0 PHẦN MỞ ĐẦU............................................................................................................1 1. Lý do chọn đề tài........................................................................................................1 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề ........................................................................................2 3. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu............................................................................12 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ...........................................................................13 5. Nguồn tư liệu nghiên cứu ........................................................................................13 6. Phương pháp nghiên cứu .........................................................................................14 7. Đóng góp của luận án ..............................................................................................15 8. Bố cục của luận án ..................................................................................................16 Chương 1: CƠ SỞ TÁC ĐỘNG ĐẾN VIỆC TỔ CHỨC PHÒNG THỦ VÀ HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ VÙNG BIỂN MIỀN TRUNG DƯỚI TRIỀU NGUYỄN GIAI ĐOẠN 1802 – 1885 ....................................................................................................17 1.1. VỊ TRÍ CHIẾN LƯỢC CỦA BIỂN ĐẢO MIỀN TRUNG ..................................17 1.2. TRUYỀN THỐNG BẢO VỆ VÀ THỰC THI CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO TẠI MIỀN TRUNG TRƯỚC TRIỀU NGUYỄN ...............................................................20 1.2.1. Truyền thống bảo vệ biển...................................................................................20 1.2.2. Quản lý và khai thác nguồn lợi trên quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa trước triều Nguyễn.................................................................................................................23 1.3. BỐI CẢNH CẢNH LỊCH SỬ DƯỚI TRIỀU NGUYỄN GIAI ĐOẠN 1802- 1885..............................................................................................................................28 1.4. BIỂN ĐẢO MIỀN TRUNG TRONG TẦM NHÌN QUỐC PHÒNG - AN NINH DƯỚI TRIỀU NGUYỄN.............................................................................................32 * Tiểu kết chương 1......................................................................................................39
  • 6. Chương 2: TỔ CHỨC PHÒNG THỦ VÙNG BIỂN MIỀN TRUNG DƯỚI TRIỀU NGUYỄN GIAI ĐOẠN 1802-1885 ............................................................................40 2.1. HỆ THỐNG CÔNG TRÌNH PHÒNG THỦ VÙNG BIỂN MIỀN TRUNG........40 2.1.1. Các công trình phòng thủ vùng biển tại Kinh sư: ..............................................40 2.1.1.1. Các công trình phòng thủ vùng biển tại cửa biển Thuận An..........................40 2.1.1.2. Các công trình phòng thủ phía nam Kinh sư..................................................47 2.1.2. Các công trình phòng thủ ở cửa biển Đà Nẵng..................................................51 2.1.2.1. Các tấn biển Đà Nẵng, Cu Đê ........................................................................52 2.1.2.2. Các thành, pháo đài, bảo ................................................................................53 2.1.3. Các công trình phòng thủ vùng biển các tỉnh khác............................................58 2.1.3.1. Các công trình phòng thủ vùng biển các tỉnh Tả trực ....................................58 2.1.3.2. Các công trình phòng thủ vùng biển các tỉnh Hữu trực .................................61 2.1.3.3. Các công trình phòng thủ vùng biển các tỉnh Tả kỳ ......................................63 2.1.3.4. Các công trình phòng thủ vùng biển các tỉnh Hữu kỳ ....................................69 2.2. TỔ CHỨC, HUẤN LUYỆN THỦY QUÂN ........................................................73 2.2.1. Tổ chức thủy quân..............................................................................................73 2.2.2. Huấn luyện thủy quân ........................................................................................78 2.3. THUYỀN CHIẾN, VŨ KHÍ VÀ THÔNG TIN LIÊN LẠC ................................80 2.3.1. Thuyền chiến của thủy quân ..............................................................................80 2.3.2. Vũ khí của thủy quân .........................................................................................86 2.3.3. Thông tin liên lạc trong bảo vệ vùng biển .........................................................89 2.3.3.1. Đài hỏa phong, ngựa trạm, vọng lâu, kỳ lâu ..................................................89 2.3.3.2. Hiệu cờ, hiệu súng và kính thiên lý.................................................................91 * Tiểu kết chương 2......................................................................................................96 Chương 3: HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ VÀ THỰC THI CHỦ QUYỀN VÙNG BIỂN MIỀN TRUNG DƯỚI TRIỀU NGUYỄN GIAI ĐOẠN 1802-1885 ..........................98 3.1. HOẠT ĐỘNG TUẦN TRA, KIỂM SOÁT VÙNG BIỂN VÀ THỰC THI CHỦ QUYỀN TRÊN QUẦN ĐẢO HOÀNG SA – TRƯỜNG SA .....................................98 3.1.1. Tuần tra, kiểm soát vùng biển............................................................................98 3.1.2. Tổ chức bảo vệ và thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa.103 3.2. HOẠT ĐỘNG PHÒNG CHỐNG CƯỚP BIỂN.................................................110
  • 7. 3.2.1. Vài nét về nguồn gốc cướp biển tại vùng biển miền Trung.............................110 3.2.2. Hoạt động phòng chống cướp biển .................................................................111 3.2.3. Hiệu quả và hạn chế của hoạt động phòng, chống cướp biển..........................116 3.3. CÔNG TÁC CỨU HỘ, CỨU NẠN....................................................................121 3.3.1. Cứu hộ thuyền công sai....................................................................................122 3.3.2. Cứu hộ thuyền buôn, thuyền đánh cá nước ngoài............................................124 3.4. CHỐNG NGOẠI XÂM, BẢO VỆ CHỦ QUYỀN.............................................129 3.4.1. Những cuộc đụng độ của nhà Nguyễn với thực dân phương Tây trước năm 1858............................................................................................................................129 3.4.2. Chống ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền (1858 – 1883) .......................................136 3.4.2.1. Liên quân Pháp – Tây Ban Nha thất bại tại chiến trường Đà Nẵng ............137 3.4.2.2. Tăng cường phòng thủ tại các cửa biển miền Trung (1858 – 1883) ............146 3.4.2.3. Thuận An thất thủ..........................................................................................150 * Tiểu kết chương 3: .................................................................................................153 KẾT LUẬN................................................................................................................155 CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN NỘI DUNG LUẬN ÁN....................................................................................158 TÀI LIỆU THAM KHẢO .........................................................................................160 PHỤ LỤC...................................................................................................................172
  • 8. 1 MỞ ĐẦU 1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI Vùng biển Việt Nam dài rộng, có vị trí đặc biệt quan trọng đối với kinh kế xã hội và an ninh quốc phòng. Hiện nay, trong điều kiện hội nhập quốc tế, vùng biển và hải đảo được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Đó là, kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội trên từng địa bàn lãnh thổ, nhằm bảo đảm vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, trong đó có vùng biển và hải đảo [68], [69]. Từ trong lịch sử, các triều đại quân chủ Việt Nam luôn coi trọng vị trí chiến lược của biển đảo. Vào đầu thế kỷ XIX, để đối phó với âm mưu xâm lược từ bên ngoài, triều Nguyễn vừa phải quan tâm bảo vệ biên giới trên đất liền, vừa phải quan tâm đến công tác phòng thủ quốc gia từ phía biển. Hệ thống thành đồn pháo đài, tấn sở ven biển được xây dựng nhằm mục đích đó. Bên cạnh đó, nhà Nguyễn quan tâm phát triển thủy quân, trang bị thuyền chiến, vũ khí theo hướng thủy quân biển. Kết hợp quân triều đình với quân địa phương, dân binh, dân phu trong hoạt động thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Các hoạt động khác như tuần tra, kiểm soát vùng biển, chống cướp biển, cứu hộ cứu nạn… được thực hiện thường xuyên thể hiện ý chí bảo vệ biển của triều đại này. Mặc dù triều Nguyễn không thành công trong công cuộc chống ngoại xâm vào nửa sau thế kỷ XIX nhưng những nỗ lực trong bảo vệ đất nước mà triều đại này đã làm vẫn là bài học kinh nghiệm quý cho hậu thế trong xây dựng và bảo vệ vùng biển, bảo vệ đất nước. Đặc biệt, nó còn có ý nghĩa lớn hơn trong giai đoạn hiện nay, khi Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn dần trên Biển Đông, không phải từ các nước xa lạ mà chính từ nước láng giềng. Điển hình nhất là từ đầu tháng 5.2014, Trung Quốc đã mang giàn khoan HD 981 cùng nhiều tàu, máy bay hộ tống vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, xâm phạm trắng trợn vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Vùng biển luôn có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Bảo vệ vững chắc và xây dựng vùng biển đảo giàu mạnh, kết hợp chặt chẽ
  • 9. 2 quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế xã hội trên từng địa bàn lãnh thổ góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Nghiên cứu truyền thống quốc phòng, an ninh nói chung, bảo vệ biển nói riêng dưới triều Nguyễn sẽ góp phần làm sáng tỏ hơn nữa những vấn đề lịch sử và từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm trong truyền thống giữ nước. Chính vì những lý do trên, việc nghiên cứu việc tổ chức và hoạt động bảo vệ quốc gia trên biển, trực tiếp là hệ thống phòng thủ vùng biển dưới triều Nguyễn có ý nghĩa thời sự, khoa học và thực tiễn trong giai đoạn hiện nay. Qua quá trình học tập, giảng dạy và nghiên cứu tại miền Trung, tác giả đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ biển dưới thời Nguyễn và đã nghiên cứu, bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ liên quan đến đề tài vào năm 2006. Từ đó đến nay tác giả tiếp tục có những nghiên cứu công bố trên các tạp chí chuyên ngành, các hội thảo quốc gia và quốc tế về chủ đề biển đảo. Với mong muốn mở rộng và nghiên cứu đầy đủ hơn về công cuộc bảo vệ vùng biển dưới triều Nguyễn, được sự khuyến khích của cán bộ hướng dẫn, chúng tôi mạnh dạn chọn đề tài “Tổ chức phòng thủ và hoạt động bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802-1885” để làm luận án tiến sĩ. 2. LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU VẤN ĐỀ 2.1. Lịch sử nghiên cứu vấn đề ở trong nước 2.1.1. Giai đoạn trước 1975 Thư tịch cổ của Việt Nam sớm đề cập đến vùng biển Việt Nam tuy nhiên việc nghiên cứu về vùng biển Việt Nam thì phải đến những năm đầu thế kỷ XX, với một số bài viết đề cập đến những vấn đề liên quan trong tạp chí Những người bạn cố đô Huế. Ở tạp chí này, một số bài viết giới thiệu các tư liệu liên quan đến quá trình xâm nhập của phương Tây vào Việt Nam. Đáng chú ý là các bài viết của L. Cadière, H. Cosserat, R. Morinneau… và đặc biệt là bản dịch các bài về Những ghi chú về thiết lập nền bảo hộ Pháp ở An Nam của một tác giả khuyết danh do Lê Thanh Cảnh dịch (từ chữ Hán sang tiếng Pháp), công bố trên 5 số trên tạp chí từ năm 1928 đến 1837 [19]-[23],... Giai đoạn từ 1945-1975, có những nghiên cứu đáng chú ý như tác phẩm Les archipels de Hoang Sa et de Truong Sa selon les anciens ouvrages Vietnamiens
  • 10. 3 d'histoire et de ge'ographie của Võ Long Tê năm 1974. Năm 1975, nhóm nghiên cứu Sử Địa (Sài Gòn) công bố số 29, Đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa. (Đầu năm 2015 đặc khảo này đã được tái bản với nhan đề “Đặc khảo về Hoàng Sa - Trường Sa, biển Đông và chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam” do Nguyễn Nhã chủ biên). Đặc khảo này có nhiều bài viết giá trị của các tác giả Hoàng Xuân Hãn, Sơn Hồng Đức, Trần Thế Đức, Nguyễn Nhã, Lam Giang, Lãng Hồ… cung cấp nhiều tư liệu và luận cứ khoa học khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa được người Việt xác lập chủ quyền từ nhiều thế kỷ trước. 2.1.2. Giai đoạn từ 1975 đến nay Sau 1975, việc nghiên cứu chú trọng nhiều về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa, lịch sử thủy quân và lịch sử chống ngoại xâm. Năm 1979 có tác phẩm Hoàng Sa - quần đảo Việt Nam của Văn Trọng. Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, bộ phận lãnh thổ Việt Nam, NXB Sự thật, 1981. Năm 1982 Bộ Ngoại giao Việt Nam ấn hành cuốn Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa: Lãnh thổ Việt Nam. Điểm nổi bật của các công trình này là công bố những tài liệu về Hoàng Sa – một bộ phận không thể tách rời của Việt Nam. Năm 1983, các tác giả Nguyễn Việt, Vũ Minh Giang, Nguyễn Mạnh Hùng có tác phẩm Quân thủy trong lịch sử chống ngoại xâm với rất nhiều đóng góp về lĩnh vực thủy quân trong lịch sử dân tộc, tuy vậy cuốn sách này chỉ nghiên cứu đến thời Tây Sơn [191]. Năm 1988, tác giả Vũ Phi Hoàng có cuốn Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa- lãnh thổ Việt Nam (NXB Quân đội Nhân dân) [87]. Ra đời ngay sau thời điểm sự kiện Gạc Ma bị Trung Quốc đánh chiếm có sách Huyện đảo Trường Sa của NXB Tổng hợp Phú Khánh, 1988 [91]. Cũng trong năm 1988, Nguyễn Q. Thắng có cuốn Hoàng Sa, Trường Sa (nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 1988, năm 2002 được bổ sung và tái bản với tên “Hoàng Sa, Trường Sa – lãnh thổ Việt Nam nhìn từ công pháp quốc tế”) [182]. Năm 1995, Lưu Văn Lợi có công trình Cuộc tranh chấp Việt Trung về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (NXB Công an Nhân dân) [104]. Nhìn chung những công trình trên vừa cung cấp tư liệu, vừa phân tích tính pháp lý về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa. Năm 1995, đề tài nghiên cứu khoa học cấp Quốc gia mã số BĐHĐ 01 về lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do Nguyễn Quang Ngọc làm chủ
  • 11. 4 nhiệm được thực hiện thành công với nhiều đóng góp trong tiến trình nghiên cứu về Hoàng Sa, Trường Sa đặc biệt ở góc độ bản đồ, tài liệu thư tịch cổ trong nước và tư liệu phương Tây. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được xuất bản năm 2002 [118]. Năm 2003, Nguyễn Nhã bảo vệ luận án Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, với những bằng chứng chứng minh quá trình chiếm hữu thực sự, hoà bình và thực thi liên tục của các Nhà nước quân chủ Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa [124]. Đầu năm 2008 các tác giả Nguyễn Nhã, Nguyễn Đình Đầu, Lê Minh Nghĩa, Từ Đặng Minh Thu, Vũ Quang Việt có tác phẩm Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam tổng hợp các bài viết và tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa [125]. Gần đây khi vấn đề chủ quyền lãnh hải trên Biển Đông nổi lên, việc nghiên cứu về Hoàng Sa, Trường Sa được đặc biệt quan tâm. Đến nay có khá nhiều công trình viết về Biển Đông và hải đảo cũng như phòng thủ biển ở Việt Nam trong lịch sử. Tiêu biểu có một số đề tài: Đề tài cấp Bộ Hệ thống công trình phòng thủ miền Trung dưới triều Nguyễn (1802-1885) do tác giả Đỗ Bang làm chủ nhiệm, đã xuất bản năm 2011 [7]. Ở công trình này tác giả nghiên cứu về hệ thống phòng thủ cả vùng núi và vùng biển miền Trung. Đề tài khoa học cấp thành phố Font tư liệu về chủ quyền của Việt Nam với huyện đảo Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng do Trần Đức Anh Sơn làm chủ nhiệm (2011) đã hệ thống các tư liệu thành văn, tư liệu cổ, bản đồ… các công trình, bài viết trong và ngoài nước liên quan đến Hoàng Sa và biển đảo Việt Nam [163]. Sau công trình nghiên cứu về Font tư liệu nói trên, Trần Đức Anh Sơn tiếp tục nghiên cứu và công bố nhiều bài viết về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa trong đó đáng chú ý là những bài viết liên quan đến những bản đồ cổ. Tháng 9.2014, Trần Đức Anh Sơn công bố 3 cuốn sách về Hoàng Sa – Trường Sa và tàu thuyền thời Nguyễn gồm: Tàu thuyền và ngành đóng thuyền ở Việt Nam thời Nguyễn [164], Tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa [165], Hoàng Sa - Trường Sa, tư liệu và quan điểm của học giả quốc tế [166]. Các công trình trên có đóng góp đáng kể trong tiến trình nghiên cứu về biển đảo Việt Nam nói chung đặc biệt ở mảng tư liệu và bản đồ cổ.
  • 12. 5 Từ đầu năm 2012 đến cuối năm 2014, Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế chủ trì thực hiện đề tài khoa học “Tổ chức và hoạt động bảo vệ biển đảo Việt Nam dưới triều Nguyễn thời kỳ 1802-1885”. Đề tài do Đỗ Bang làm chủ nhiệm, mã số IV4-2011.10 (02/2012/IV/HĐ-KHXH) thuộc Quỹ Phát triển khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nafosted). Ở đề tài trên chúng tôi thực hiện các nội dung: “Hệ thống các công trình phòng thủ ở các cửa biển miền Trung dưới triều Nguyễn”, “Chống ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền biển đảo”, “Cứu hộ, cứu nạn”. Bên cạnh đó, chúng tôi nghiên cứu các phần chống cướp biển (phần miền Trung), vẽ bản đồ, vận tải biển, kiểm soát tàu thuyền. Những năm gần đây có nhiều cuốn sách liên quan đến Biển Đông nói chung được xuất bản như Đinh Kim Phúc, Hoàng Sa – Trường Sa, luận cứ và sự kiện [129]. Nguyễn Văn Kim (chủ biên), Người Việt với biển [96]. Trần Công Trục, Dấu ấn Việt trên Biển Đông [187]. Vũ Hữu San, Địa lý Biển Đông với Hoàng Sa, Trường Sa [160]. Nguyễn Đình Đầu, Chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông và Hoàng Sa, Trường Sa [74]. Nguyễn Ngọc Trường, Về vấn đề Biển Đông [188]. Điểm nổi bật của các công trình trên là tiếp tục công bố những tài liệu, bản đồ và phân tích cơ sở pháp lý của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa. Trong đó, cuốn Người Việt với biển là tập hợp những nghiên cứu về biển trong lịch sử, văn hóa, giao thương của người Việt ở trong nước và với bên ngoài. Năm 2013, Ủy ban Biên giới Quốc gia đã tuyển chọn và in Tuyển tập các Châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa [13]. Tuyển tập đã công bố các bản gốc Châu bản triều Nguyễn từ năm Minh Mạng 11 (1830) đến năm Thiệu Trị thứ 7 (1847). Các Châu bản được phiên dịch sang các thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, ngoài bản gốc là chữ Hán… đã cung cấp những tư liệu quý, góp phần khẳng định quá trình thực thi chủ quyền của nhà Nguyễn tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Tháng 5 năm 2014, Viện nghiên cứu Hán Nôm xuất bản sách Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông [190]. Đây là cuốn sách công bố nhiều tư liệu Hán Nôm gồm các sách địa chí, bản đồ cổ, văn bản hành chính, sách chính sử nhà Nguyễn.... có ghi chép về Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển Việt Nam trong lịch sử. Tuy nhiên, một số ý kiến đã góp ý cho thấy
  • 13. 6 công trình trên đã có những sai sót trong dịch thuật, hạn chế trong việc làm văn bản học và nhầm lẫn trong việc đưa vào một số bản đồ không phản ánh đúng quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa mà thực chất là những dải cát ven biển miền Trung làm giảm giá trị khoa học của công trình [192]. Cũng trong tháng 5.2014, sách Triều Nguyễn với công cuộc bảo vệ biển đảo tổ quốc thế kỷ XIX do Đỗ Bang chủ biên được xuất bản là cuốn sách có liên quan trực tiếp đến đề tài [9]. Cuốn sách cung cấp cho người đọc cái nhìn khách quan về Triều Nguyễn – với tư cách là triều đại quản lý lãnh thổ, lãnh hải rộng lớn, trong đó nhấn mạnh đến thành tựu khai thác và quản lý Hoàng Sa. Cũng trong cuốn sách này, chúng tôi thực hiện phần “Hệ thống phòng thủ cảng biển miền Trung trong cuộc kháng chiến chóng ngoại xâm dưới triều Nguyễn (1858-1883)”. Trong thời gian qua, một số các cuộc tọa đàm, hội nghị khoa học quốc gia và quốc tế liên quan đến Biển Đông được tổ chức. Đó là các hội thảo quốc gia: Luận cứ khoa học về lịch sử, địa lý và pháp lý chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa diễn ra tại Hà Nội năm 1996. Năm 2009, tại TPHCM có tọa đàm Biển Đông và hải đảo Việt Nam. Cũng trong năm 2009, tại Hà Nội có hội thảo quốc tế Biển Đông: hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực. Tháng 11 năm 2011, Hội Luật gia Việt Nam, Học viện Ngoại giao đồng phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ ba về Biển Đông với chủ đề Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực tại Hà Nội. Tháng 12.2012, tại Đà Nẵng có hội thảo quốc gia: Hợp tác Biển Đông – lịch sử và triển vọng. Tháng 11.2013, tại Hà Nội tiếp tục tổ chức hội thảo Biển Đông lần thứ 5 có cùng chủ đề với hội thảo năm 2009 là Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và phát triển trong khu vực. Tháng 12.2013, hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo Triều Nguyễn với công cuộc bảo vệ biển đảo tổ quốc vào thế kỷ XIX (đã xuất bản [9]). Tháng 6.2014, hội thảo khoa học quốc tế Hoàng Sa – Trường Sa: sự thật lịch sử được tổ chức tại Đà Nẵng... Tại các cuộc hội thảo, tọa đàm quốc gia, quốc tế nói trên đã có nhiều tham luận, bài viết về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, nhiều tư liệu lịch sử, các bản đồ giá trị được công bố… Gần đây chủ đề Biển Đông trở thành mối quan tâm của nhiều người, từ giới chính trị, quân sự đến những người nghiên cứu. Vì vậy việc nghiên cứu và công bố
  • 14. 7 tài liệu lịch sử về vùng biển Việt Nam rất được quan tâm. Nhiều bài báo và tư liệu được công bố, các đề tài khoa học được triển khai đã đem đến nhiều thông tin quý giá về một phần lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc. Nhiều cơ quan thông tấn báo chí đã đăng tải các bài viết liên quan đến chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa. Đáng chú ý như: Tạp chí Khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội số 3. 1998, công bố những nghiên cứu về Hoàng Sa – Trường Sa từ kết quả của đề tài cấp nhà nước. Tạp chí Nghiên cứu & Phát Triển (Sở KHCN Thừa Thiên Huế) cho đăng chuyên san về Biển Đông (số 4 (75) 2009) và gần đây là chuyên đề sử liệu về Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư và Giáp Ngọ niên bình Nam đồ (số 2 (109), 2014) [168]. Trong những năm qua tạp chí này đã công bố nhiều các bài viết liên quan đến Biển Đông của các tác giả như Phạm Hoàng Quân [131]-[137], Nguyễn Duy Chính [55], [56]… Tháng 7 năm 2014, tạp chí Xưa & Nay đã ra số đặc khảo về Hoàng Sa… công bố các bài viết của các nhà nghiên cứu có uy tín. Các tạp chí như Nghiên cứu Lịch sử, Lịch sử Quân sự, Xưa & Nay, Nghiên cứu Đông Nam Á, Huế xưa & nay, … trong những năm qua đã đăng nhiều bài viết liên quan đến Hoàng Sa – Trường Sa và các nội dung liên quan đến đến đề tài của các tác giả Phan Huy Lê, Vũ Minh Giang, Nguyễn Quang Ngọc, Nguyễn Nhã, Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Văn Kim, Đỗ Bang, Nguyễn Văn Đăng, Trần Đức Anh Sơn, Phạm Hoàng Quân, Nguyễn Thanh Lợi, Hoàng Anh Tuấn, Lê Thị Toán… Bên cạnh nhiều công trình nghiên cứu về biển đảo nói chung, Hoàng Sa, Trường Sa nói riêng còn có một số luận án, luận văn nghiên cứu về công tác phòng thủ và hoạt động chống ngoại xâm dưới triều Nguyễn, tiêu biểu như luận văn của Lưu Anh Rô về Đà Nẵng trong buổi đầu chống xâm lược Pháp (1858-1860) chủ yếu nói về quá trình tổ chức bố phòng và cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha trong những năm 1858-1860 [158]. Luận án của Lưu Trang với đề tài Phố cảng Đà Nẵng từ năm 1802 đến năm 1860, đã dành một phần nghiên cứu về cuộc kháng chiến của quan quân và nhân dân tại Đà Nẵng trong buổi đầu đánh Pháp [185]. Về công tác tổ chức phòng thủ tại Kinh đô và bờ biển, đáng lưu ý có luận văn của Lê Thị Toán về Hệ thống phòng thủ Kinh đô Huế của triều Nguyễn, 1802-1885 [175]. Luận văn Tổ chức và hoạt động phòng thủ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn, thời kì 1802-1858 của Lê Tiến Công [35]. Về tổ chức lực lượng phòng thủ
  • 15. 8 vùng biển có luận văn Thủy quân thời Nguyễn của Bùi Gia Khánh [97]. Luận văn Chính sách an ninh – phòng thủ biển của nhà Nguyễn ở nửa đầu thế kỷ XIX của Đinh Thị Hải Đường [80]. Ở luận văn này, tác giả Đinh Thị Hải Đường tập trung vào chính sách an ninh - phòng thủ biển của vua Nguyễn trong giai đoạn đầu và phạm vi nghiên cứu được mở rộng ra cả nước… Nhìn chung từ 1975 đến nay, các nghiên cứu trong nước về lịch sử quân sự nói chung, và công tác bảo vệ đất nước dưới triều Nguyễn nói riêng được quan tâm khá nhiều với nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nhận diện về những nỗ lực xây dựng và bảo vệ đất nước của các triều đại phong kiến Việt Nam, trong đó có nhà Nguyễn. 2.2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề ở nước ngoài Những ghi chép, nghiên cứu rời rạc có liên quan tới vùng biển Việt Nam trước năm 1945 trước tiên phải kể đến những người nước ngoài qua lại trên vùng Biển Đông và tới buôn bán tại Việt Nam. Các ghi chép, báo cáo, nhật ký của các giáo sĩ, thương nhân, quân nhân của các nước khác đến nước ta trước đây như: Xứ Đàng Trong của C. Borri [11], Hải ngoại kỷ sự của Thích Đại Sán (1695) [161], Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792 - 1793) của John Barrow [10]... Nhìn chung, các tài liệu trên đã đề cập tới vùng biển miền Trung với nhiều góc độ khác nhau như: địa lí - địa hình, kinh tế, chính trị, xã hội và hoạt động quân sự, ngoại giao… Cuốn sách đầu tiên đề cập đến việc thực dân phương Tây xâm lược Việt Nam là công trình của Lé Opold Pallo được in tại Pháp năm 1864 với nhan đề “Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kỳ năm 1861 [126]. Tác giả Lé Opold Pallo cũng là người trực tiếp tham chiến nên đã cung cấp nhiều tư liệu thực tế về cuộc chiến tại miền Trung và Nam kỳ. Tuy vậy, cuốn sách không tránh khỏi những cái nhìn thiên lệch của những kẻ xâm lược. Nhiều công trình nghiên cứu của các học giả người Việt ở nước ngoài như Từ Đặng Minh Thu, Vũ Quang Việt, Nguyễn Duy Chính, các công trình dịch thuật của Ngô Bắc về các tư liệu của người nước ngoài có liên quan đến lịch sử thăm dò và xâm chiếm Việt Nam. Liên quan đến quá trình ứng phó của các vua đầu triều Nguyễn đối với âm mưu xâm lược của phương Tây phải kể đến các luận án tiến sĩ của Trương Bá Cần bảo vệ năm 1963, Hoạt động ngoại giao của nước Pháp nhằm củng cố cơ sở tại
  • 16. 9 Nam Kỳ [24]. Luận án của Cao Huy Thuần, Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam 1857-1914 [184]. Luận án của Y. Tsuboi (Nhật Bản), Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa [178]… Các luận án này đều được bảo vệ tại Pháp, đã dịch và xuất bản, tái bản nhiều lần tại Việt Nam và được giới nghiên cứu đánh giá cao. Điều đặc biệt là các công trình trên đều đã khai thác, biên soạn công phu từ những tài liệu gốc của người Pháp lưu giữ lại văn khố bộ Ngoại giao, bộ Hải quân và Thuộc địa hay các thư viện lớn của Pháp. Các học giả phương Tây phải kể đến Marwyn S. Samyels, Tranh chấp Biển Đông. Monique Chemillier- Gendreau, Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa [26]. Braice M. Claget, Những yêu sách và đối kháng của Việt Nam và Trung Quốc ở khu vựa bãi ngầm Tư Chính và Thanh Long trong Biển Đông [27]. Philippe Devillers, Nước Pháp và người An Nam, bạn hay thù? [64]… Nếu như các học giả phương Tây có những nghiên cứu khách quan về lịch sử chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thì các học giả Trung Quốc lại ngụy biện trong các công trình của họ. Tiêu biểu trong các nghiên cứu của Trung Quốc về tư liệu cổ có liên quan đến Biển Đông là cuốn sách của Hàn Chấn Hoa cùng các cộng sự có tựa đề Ngã quốc Nam Hải chư đảo sử liệu hối biên. Cuốn sách này tác giả trình bày tư liệu theo trình tự các triều đại Trung Quốc: Hán, Tam Quốc, Nam Bắc triều, Tùy, Ðường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh. Tuy nhiên nghiên cứu của họ bị các nhà nghiên cứu Việt Nam bác bỏ trong một loạt các công trình, tiêu biểu như của Hồ Bạch Thảo có công trình Phản biện lập luận của nhà nghiên cứu Hàn Chấn Hoa về lãnh vực sử địa cổ có liên quan đến Biển Ðông được đề cập trong tác phẩm Ngã quốc Nam Hải chư đảo sử liệu hối biên. Tác giả Hồ Bạch Thảo đã phê phán Hàn Chấn Hoa rằng “Ông mượn các địa danh có sẵn trong lịch sử như Trướng Hải, Tiêu Thạch, Cửu Nhũ Loa Châu để gán cho đảo Hoàng Sa; hoặc Vạn Lý Trường Sa để gán cho quần đảo Trường Sa” [169]. Tác giả Phạm Hoàng Quân có chuyên khảo chi tiết về Những ghi chép liên quan đến biển Đông Việt Nam trong chính sử Trung Quốc. Ở công trình trên, Phạm Hoàng Quân đã trích dịch 25 bộ chính sử Trung Quốc để chứng minh trong suốt hơn 2000 năm quân chủ, Trung Quốc chưa bao giờ quản lý đất đai và hành chính tới những đảo xa hơn huyện Nhai của Hải Nam ngày nay. Họ chỉ quan niệm về vùng biển Đông Việt Nam như một
  • 17. 10 vùng nằm ngoài sự cai quản của đế chế, là hải đạo chung trong con đường hàng hải giao thương quốc tế [131] – [136]. Bên cạnh các công trình, bài viết thì trong những năm qua, trên thế giới có rất nhiều cuộc hội thảo về Biển Đông đã được tổ chức tại nhiều quốc gia như Mỹ, Nga, Úc, Nhật, Hàn Quốc, Campuchia, Myanmar như... Tháng 4.2012, tại Nga đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế Những vấn đề thực tiễn của an ninh khu vực Đông Á và an ninh Biển Đông. Tháng 10.2012, hội thảo quốc tế về Thực trạng vấn đề chủ quyền Biển Đông và giải pháp do Đại học Chosun và Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức đã diễn ra tại Đại học Chosun, Gwangju, Hàn Quốc. Tháng 3.2013, Hội Châu Á - trụ sở tại New York - phối hợp với trường Chính sách công Lý Quang Diệu của Singapore đồng tổ chức tại Mỹ hội thảo về Tranh chấp ở Biển Đông. Tháng 9.2013, Hội thảo quốc tế Biển Đông: thành tựu, thách thức và hướng tương lai tổ chức tại Campuchia. Tháng 11.2013, Hội thảo quốc tế về Biển Đông diễn ra tại Đại học New South Wales, Australia. Tháng 2.2014, Hội thảo quốc tế về Biển Đông và biển Hoa Đông tổ chức tại Đại học Công nghiệp Kyoto, Nhật Bản. Tháng 4.2014, Hội thảo Thách thức an ninh hàng hải đối với ASEAN và triển vọng giải quyết tranh chấp Biển Đông được tổ chức tại Myanmar… Nhìn chung, chủ đề hội thảo đã nói lên tính chất thời sự của những tranh chấp trên Biển Đông. Bên cạnh đó, vấn đề Biển Đông không còn là mối quan tâm trong khu vực mà còn là mối quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhiều đại biểu quốc tế, trong đó có nhiều nhà khoa học Việt Nam đã tham dự với nhiều tham luận khoa học về lịch sử chủ quyền của quốc gia trên vùng Biển Đông. Như vậy cho đến nay nghiên cứu về lịch sử biển đảo Việt Nam nói chung và những nội dung liên quan đến đề tài nói riêng đã có khá nhiều công trình. Các công trình đã đề cập đến nhiều lĩnh vực liên quan đến đề tài, có thể chỉ ra một số đặc điểm của các nghiên cứu trên như sau: - Các công trình nghiên cứu trong những năm qua tập trung khai thác và công bố nhiều tư liệu, bản đồ cổ (trong nước và các bài báo, bản đổ nước ngoài) liên quan đến quá trình khai thác, thực thi chủ quyền của Việt Nam trên vùng biển, trong đó nhấn mạnh đến chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Các công trình, bài viết chủ yếu khai thác các bản đồ, thư tịch, tư liệu dưới thời
  • 18. 11 chúa Nguyễn, Triều Nguyễn như các sách Phủ biên tạp lục, Đại Việt sử ký tục biên, Hội điển, Thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Hoàng Việt địa dư chí, Lịch triều hiến chương loại chí, Việt sử cương giám khảo lược… đặc biệt là Châu bản triều Nguyễn… Bên cạnh đó các tư liệu Hán Nôm ở các địa phương, các tư liệu, bản đồ phương Tây và cũng được khai thác khá nhiều. - Ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân, các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu; nhiều đề tài, hội nghị hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế được tổ chức nhằm tiếp tục làm sáng tỏ chủ quyền của Việt Nam trên vùng biển và hải đảo. Các cuộc hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học Việt Nam trình bày về những chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được ghi rõ trong chính sử, sách điển chế, sách địa lý, trong Châu bản triều Nguyễn là văn bản Nhà nước dưới triều Nguyễn. - Các nghiên cứu tập trung nhiều về lịch sử xác lập chủ quyền tại Hoàng Sa- Trường Sa. Bên cạnh đó một số công trình đề cập đến hoạt động khai thác kinh tế biển, lịch sử tàu, thuyền chiến, lịch sử chống ngoại xâm… Như vậy nghiên cứu về Biển Đông mà đặc biệt là chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông là chủ đề không mới, đến nay đã có nhiều nghiên cứu ở các mức độ khác nhau. Những nghiên cứu trên đã đánh dấu những thành tựu đáng kể trong tiến trình nghiên cứu và các tư liệu về chủ đề biển đảo. Đó cũng là điều kiện thuận lợi để tác giả tiếp thu và kế thừa (đặc biệt ở mặt tư liệu) khi thực hiện đề tài này. Tuy vậy các nghiên cứu trên tập trung nhiều về vấn đề lịch sử xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, trong khi những nghiên cứu về vấn đề bảo vệ vùng biển chưa được quan tâm đúng mức như: hệ thống phòng thủ, công tác tuần tra, kiểm soát vùng biển, chống cướp biển, cứu hộ cứu nạn, vận tải công,… đều là những hoạt động quan trọng thường xuyên, liên tục trong suốt giai đoạn độc lập của nhà Nguyễn. Trên cơ sở kế thừa, phát triển từ kết quả nghiên cứu luận văn thạc sĩ bảo vệ năm 2006 cùng các nghiên cứu có hệ thống của mình [34] - [49], chúng tôi mở rộng về thời gian nghiên cứu đến năm 1885, hệ thống và cập nhật những tư liệu, kết quả nghiên cứu mới nhất để thực hiện luận án tiến sĩ. Quá trình nghiên cứu luận án cũng là quá trình tác giả tham gia thực hiện đề tài khoa học mã số IV4-2011.10
  • 19. 12 (02/2012/IV/HĐ-KHXH). Tác giả là người tham gia viết các phần liên quan trực tiếp đến hệ thống phòng thủ và hoạt động bảo vệ vùng biển miền Trung. Luận án cũng là sản phẩn đào tạo thuộc đề tài khoa học nói trên. Điểm mới trong luận án là chúng tôi bổ sung nhiều tư liệu điền dã là các văn bản Hán Nôm, bằng sắc thủy quân, các văn bia, đặc biệt là các Châu bản triều Nguyễn chưa từng được công bố để nghiên cứu nhằm bổ sung, góp phần nghiên cứu về lịch sử bảo vệ biển đảo dưới triều Nguyễn. 3. MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU Đề tài có những mục tiêu sau: - Nghiên cứu đầy đủ, khách quan và hệ thống về công cuộc tổ chức, những hoạt động và hiệu quả bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn. - Nghiên cứu về việc tổ chức và các hoạt động bảo vệ vùng biển, bao gồm cả cửa biển, mặt biển và hải đảo miền Trung của triều Nguyễn nhằm thấy được một cách cụ thể và khái quát về công cuộc bảo vệ vùng biển cũng là bảo vệ quốc gia đương thời. Từ đó, luận án đánh giá những thành công và những hạn chế của triều Nguyễn trong công cuộc phòng thủ và bảo vệ vùng biển cũng như những kinh nghiệm lịch sử góp phần làm cơ sở tham khảo cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước ngày nay. - Nghiên cứu về bảo vệ chủ quyền vùng biển cũng là nghiên cứu một phần quan trọng của lịch sử quân sự Việt Nam. Bối cảnh lịch sử xưa nay có khác nhau nhưng những thách thức trong công cuộc bảo vệ đất nước là không hề thay đổi, thậm chí còn phức tạp hơn rất nhiều và bài học mất nước vẫn còn nguyên giá trị. Bởi vậy, nghiên cứu đề tài sẽ góp phần vào việc xây dựng và bảo vệ đất nước trong bối cảnh hiện nay. Để đạt được mục tiêu trên, luận án thực hiện một số nhiệm vụ sau: - Phân tích vị trí chiến lược của biển đảo miền Trung trong tầm nhìn an ninh- phòng thủ biển dưới triều Nguyễn. Nêu và phân tích các chính sách của triều Nguyễn trong việc thực hiện các biện pháp phòng thủ và bảo vệ vùng biển. - Nghiên cứu, đánh giá hệ thống phòng thủ vùng biển miền Trung trong mối tương quan với nhiệm vụ phòng thủ đất nước dưới triều Nguyễn. Nghiên cứu về cách thức tổ chức, huấn luyện và trang bị của thủy quân, lực lượng chủ yếu trong
  • 20. 13 việc bảo vệ vùng biển, những ưu điểm và hạn chế của thủy quân triều Nguyễn trong mối tương quan với nhiệm vụ bảo vệ biển, bảo vệ đất nước. - Nghiên cứu các hoạt động bảo vệ và thực thi chủ quyền vùng biển, bao gồm các hoạt động: tuần tra kiểm soát vùng biển, chống cướp biển, cứu hộ cứu nạn, chống ngoại xâm. Phân tích những thành công và hạn chế của các hoạt động trên, tìm ra nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến những thành công và hạn chế đó. - Chú trọng nghiên cứu về việc tổ chức bảo vệ và thực thi chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa dưới triều Nguyễn, nhằm thấy được tính liên tục và quyết tâm khẳng định chủ quyền của các vua triều Nguyễn trên hai quần đảo này. - Làm rõ đặc điểm, vai trò của hoạt động phòng thủ, bảo vệ vùng biển đối với an ninh, phòng thủ quốc gia nói chung dưới triều Nguyễn làm cơ sở tham khảo cho công cuộc xây dựng và bảo vệ vùng biển ngày nay. 4. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU Đối tượng của đề tài là nghiên cứu toàn bộ công cuộc tổ chức phòng thủ và những hoạt động bảo vệ vùng biển ở miền Trung Việt Nam dưới triều Nguyễn, được thể hiện bằng những chủ trương, cơ chế tổ chức cũng như những hoạt động cụ thể, sinh động đương thời. Trên cơ sở nghiên cứu, đề tài có cơ sở đánh giá tính hiệu quả và những mặt hạn chế của các hoạt động này. Đề tài giới hạn trong phạm vi không gian vùng biển các tỉnh miền Trung Việt Nam đương thời (tương đương với các tỉnh Thanh Hóa tới Bình Thuận ngày nay), bao gồm tất cả vùng biển, bờ biển, cửa biển, hải đảo, chú trọng đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thời gian nghiên cứu trong đề tài từ năm 1802 đến năm 1885. Đây là giai đoạn từ khi triều Nguyễn thành lập đến sự kiện Kinh đô thất thủ, đất nước rơi vào tay thực dân Pháp. Đây cũng là giai đoạn mà việc tổ chức phòng thủ và hoạt động bảo vệ vùng biển được thể hiện liên tục và có hệ thống dưới sự chủ trì của nhà Nguyễn độc lập. 5. NGUỒN TƯ LIỆU NGHIÊN CỨU Để thực hiện đề tài chúng tôi sử dụng nhiều nguồn tư liệu khác nhau. Trong đó, nguồn tư liệu quan trọng nhất là các tư liệu gốc liên quan trực tiếp đến triều Nguyễn như Đại Nam thực lục chính biên, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ,
  • 21. 14 Minh Mạng chính yếu, Quốc triều chính biên toát yếu, Đại Nam nhất thống chí… Đặc biệt nguồn tư liệu quan trọng được chúng tôi khai thác là Châu bản triều Nguyễn. Châu bản triều Nguyễn là tập hợp các văn bản hành chính của triều Nguyễn, bao gồm các tập tấu, sớ, phụng thượng dụ, chiếu, chỉ dụ, tư trình, bẩm, truyền, sai, phó, khiển... được đích thân vua ngự lãm hoặc ngự phê bằng mực màu son, truyền đạt ý chỉ hoặc giải quyết các vấn đề chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đây là những tư liệu gốc, có giá trị đặc biệt trong nghiên cứu. Ngày 14.5.2014, Châu bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu Chương trình Ký ức thế giới Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương điều đó càng khẳng định giá trị nguồn tư liệu này. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tham khảo một số công trình nghiên cứu của các tác giả đi trước gồm các nhóm tài liệu như: các báo cáo kết quả công trình nghiên cứu khoa học, sách chuyên khảo, các luận án, luận văn, các bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí chuyên ngành, các tham luận hội thảo quốc gia và quốc tế. Nguồn tài liệu quan trọng khác là các tư liệu điền dã của tác giả tại miền Trung. Đó là các văn bản Hán Nôm gồm các sắc, bằng, chế, báo cáo của thủy quân; các văn bia, tài liệu địa chí địa phương. Bên cạnh đó, tác giả xác định vị trí, đo vẽ một số di tích còn lại trên thực tế nhằm bổ sung và củng cố các luận chứng trong luận án. 6. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Để thực hiện đề tài này tác giả sử dụng phương pháp duy vật lịch sử và phương pháp lôgic để nghiên cứu. Trên thực tế đề tài thuộc chuyên môn Lịch sử Việt Nam trung đại, lại nghiên cứu về những hoạt động quân sự, quốc phòng nên để thực hiện đề tài, chúng tôi áp dụng kết hợp các phương pháp nghiên cứu tiếp cận cụ thể là phương pháp Khảo cổ học, điền dã, phương pháp bản đồ. Các phương pháp so sánh, đối chiếu tư liệu, phương pháp thống kê cũng được áp dụng. Phương pháp điền dã: thực hiện đề tài này, tác giả đã tiến hành nghiên cứu điền dã, thực địa tại vùng biển các tình miền Trung, các di tích liên quan đến hệ thống phòng thủ dưới triều Nguyễn để có cái nhìn thực tế, so sánh với các nguồn tư liệu thành văn. Tác giả gặp gỡ, trao đổi với người dân địa phương, thực hành đo đạc các di tích trên thực tế nhằm góp phần xác định vị trí, kích thước, mục đích, công năng và hiện trạng các di tích.
  • 22. 15 Phương pháp thống kê, so sánh: tác giả tiến hành thống kê, so sánh các số liệu liên quan đến đề tài như: số liệu về hệ thống các công trình phòng thủ, định ngạch các hạng thuyền cho các tỉnh miền Trung dưới triều Nguyễn, số thuyền bọc đồng được đóng dưới triều Nguyễn, tàu thuyền gặp nạn, công tác cứu hộ; thống kê, so sánh về lực lượng thủy quân… Phương pháp thống kê đã cung cấp những số liệu để so sánh và phân tích, làm rõ các luận điểm trong đề tài. Phương pháp bản đồ: quá trình thực hiện đề tài, tác giả đã nghiên cứu các bản đồ cổ trong và ngoài nước có liên quan đến vùng biển Việt Nam. Tác giả phân tích, so sánh thông tin từ các bản đồ, đối chứng với các tư liệu thành văn và diện mạo thực tế để đưa ra đánh giá cụ thể trong luận án. Trong xử lý, trích dẫn tư liệu, tác giả chủ yếu sử dụng tư liệu gốc có độ tin cậy cao. Tác giả tiến hành sưu tầm các tư liệu liên quan đến đề tài, đặc biệt chú trọng đến tài liệu gốc như Châu bản triều Nguyễn, các tài liệu Hán Nôm sưu tầm được. Bên cạnh đó, tác giả nghiên cứu thông tin từ các nguồn tài liệu thư tịch như Đại Nam thực lục chính biên, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Quốc triều chính biên toát yếu, Đại Nam nhất thống chí,… đây là những công trình được biên soạn dưới triều Nguyễn và được tổ chức dịch thuật bởi các cơ quan chuyên môn có uy tín. Tuy nhiên có nhiều lý do khách quan, tác giả không thể tiếp cận tư liệu gốc mà phải trích dẫn lại, trong những trường hợp như vậy, tác giả đều ghi rõ nguồn. 7. ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN ÁN Luận án là kết quả của một quá trình nghiên cứu có tính hệ thống của tác giả, được hoàn thiện và bổ sung bằng các tư liệu mới phát hiện. Đó là các tư liệu điền dã, bao gồm các văn bia, văn bản Hán Nôm như: sắc phong, bằng, chế, báo cáo… liên quan đến thủy binh triều Nguyễn. Bên cạnh tư liệu điền dã, tác giả đã khai thác các bản gốc tư liệu Châu bản triều Nguyễn liên quan đến đề tài. Nhiều tài liệu Châu bản triều Nguyễn sử dụng trong luận án chưa được công bố. Đóng góp của luận án là cung cấp những tư liệu mới, có hệ thống, khách quan liên quan đến chủ đề bảo vệ đất nước và vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn. Luận án là công trình đầu tiên nghiên cứu đầy đủ và toàn diện công cuộc tổ chức và hoạt động bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn. Trên cơ sở những tư liệu đáng tin cậy, tác giả đã nghiên cứu và làm rõ những nỗ lực bảo vệ chủ
  • 23. 16 quyền, an ninh vùng biển của nhà Nguyễn. Việc thiết lập hệ thống phòng thủ vùng biển và các hoạt động phòng thủ tại đây hoàn toàn nằm trong ý thức về chủ quyền dân tộc của nhà Nguyễn khi phải đối phó và đối đầu với một kẻ thù hoàn toàn mới đến từ phía biển với trang bị kỹ thuật và phương tiện vượt trội. Đối với các hoạt động bảo vệ và thực thi chủ quyền vùng biển, đặc biệt là trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, triều Nguyễn đã tiếp tục quản lý và thực thi chủ quyền thường xuyên, liên tục. Các vua đầu triều Nguyễn có công lao rất lớn đối với lịch sử thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Luận án cũng nghiên cứu cách thức quản lý, thực thi chủ quyền, thể hiện ở các hoạt động tuần tra kiểm soát, chống cướp biển, cứu hộ cứu nạn, chống ngoại xâm của triều Nguyễn. Đây là những hoạt động thường xuyên nhằm khẳng định chủ quyền và giữ yên vùng biển. Những hạn chế trong bảo vệ vùng biển miền Trung vừa mang yếu tố chủ quan của vua tôi nhà Nguyễn vừa là hạn chế chung mang tính thời đại lúc bấy giờ. Từ những thành công và hạn chế trong công cuộc bảo vệ vùng biển dưới triều Nguyễn, tác giả rút ra một số bài học có thể áp dụng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước ngày nay. 8. BỐ CỤC LUẬN ÁN Ngoài phần mở đầu, phần kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục, nội dung luận án được kết cấu thành 3 chương như sau: Chương 1: Cơ sở tác động đến việc tổ chức phòng thủ và hoạt động bảo vệ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802-1885 Chương 2: Tổ chức phòng thủ vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802-1885 Chương 3: Hoạt động bảo vệ và thực thi chủ quyền vùng biển miền Trung dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802-1885.
  • 24. 17 Chương 1 CƠ SỞ TÁC ĐỘNG ĐẾN VIỆC TỔ CHỨC PHÒNG THỦ VÀ HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ VÙNG BIỂN MIỀN TRUNG DƯỚI TRIỀU NGUYỄN GIAI ĐOẠN 1802 - 1885 1.1. VỊ TRÍ CHIẾN LƯỢC CỦA BIỂN ĐẢO MIỀN TRUNG Việt Nam giáp với Biển Đông ở hai phía Đông và Nam. Vùng biển Việt Nam là một phần Biển Đông với bờ biển dài 3.260km, khoảng l00km2 thì có l km bờ biển; biển có vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với diện tích trên 1 triệu km2 (gấp 3 diện tích đất liền: l triệu km2 /330.000km2 ). Vùng biển miền Trung có vị trí quan trọng trong tổng thể biển đảo Việt Nam, trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với nhiều đảo lớn, nhỏ, gần và xa bờ, hợp thành phòng tuyến bảo vệ, kiểm soát và làm chủ vùng biển. Vùng biển Việt Nam nói chung, miền Trung nói riêng có vị trí chiến lược quan trọng: nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, châu Á với châu Âu, châu Úc với Trung Đông. Giao lưu quốc tế thuận lợi, phát triển ngành biển. Vùng biển và hải đảo nước ta có vị trí chiến lược hết sức to lớn, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ nền độc lập dân tộc, có liên quan trực tiếp đến sự phồn vinh của đất nước và hạnh phúc của nhân dân. Quốc phòng, an ninh: biển nước ta nằm trên đường giao thông quốc tế từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam vì vậy có vị trí quân sự hết sức quan trọng. Đứng trên vùng biển đảo của nước ta có thể quan sát khống chế đường giao thông huyết mạch ở Đông Nam Á. Biển đảo nước ta có tầm quan trọng hết sức lớn lao đối với sự phát triển; trường tồn của đất nước. Đảo và quần đảo: vùng biển nước ta có trên 4000 hòn đảo lớn nhỏ trong đó: Vùng biển Đông Bắc có trên 3.000 đảo. Bắc Trung bộ trên 40 đảo. Còn lại ở vùng biển nam Trung bộ, vùng biển Tây Nam và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Căn cứ vào vị trí chiến lược và các điều kiện địa lý kinh tế, dân cư, thường người ta chia các đảo, quần đảo thành các nhóm: + Hệ thống đảo tiền tiêu có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên các đảo có thể lập những căn cứ kiểm soát vùng biển, vùng trời
  • 25. 18 nước ta, kiểm tra hoạt động của tàu, thuyền, bảo đảm an ninh quốc phòng, xây dựng kinh tế, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước ta. Đó là các đảo, quần đảo như: Hoàng Sa, Trường Sa, Chàng Tây, Thổ Chu, Phú Quốc, Côn Đảo, Phú Quý, Lý Sơn, Cồn Cỏ, Cô Tô, Bạch Long Vĩ... + Các đảo lớn có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triên kinh tế-xã hội. Đó là các đảo như: Cô Tô, Cát Bà, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc. + Các đảo gần bờ có điều kiện phát triển nghề cá, du lịch và cũng là căn cứ đề bảo vệ trật tự, an ninh trên vùng biển và bờ biển nước ta. Đó là các đảo thuộc huyện đảo Cát Bà, huyện đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận), huyện đảo Côn Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu), huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang)... + Quần đảo Hoàng Sa (nay là huyện đảo Hoàng Sa trực thuộc thành phố Đà Nẵng) là một trong hai quần đảo xa bờ thuộc chủ quyền của Việt Nam từ lâu đời. Trong lịch sử quần đảo Hoàng Sa còn có tên là “Bãi cát vàng”. Tên quốc tế thường được thể hiện trên các hải đồ là Paracels. Quần đảo gồm 37đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác thuộc huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng. Khu vực quần đảo nằm trên vùng biển rộng khoảng 30.000 km2 . Phạm vi quần đảo được giới hạn bằng các đảo, bãi ở các cực Bắc, Nam, Đông, Tây. Về khoảng cách đến đất liền, từ đảo Tri Tôn đến mũi Ba Làng An, tỉnh Quảng Ngãi là 135 hải lý, đến huyện đảo Lý Sơn (Cù Lao Ré) tỉnh Quảng Ngãi 123 là hải lý. Tổng diện tích phần nổi của quần đảo Hoàng Sa khoảng 10 km2 , đảo lớn nhất là đảo Phú Lâm với diện tích khoảng 1,5 km2 . Quần đảo Hoàng Sa nằm ngang bờ biển các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và một phần tỉnh Quảng Ngãi. Hoàng Sa nằm trong vùng "xích đạo từ" có độ sai lệch từ không thay đổi hoặc thay đổi rất nhỏ, rất thuận lợi cho việc đi biển. Quần đảo này có khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm, mưa nhiều, thường có sương mù và nhiều giông bão, nhất là từ tháng 6 đến tháng 8 hằng năm. Trên một số đảo có nguồn nước ngọt, có cây cối, chim và rùa biển sinh sống. Nằm phía Đông của Việt Nam, Hoàng Sa án ngữ đường hàng hải quốc tế huyết mạch từ Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương. Vùng biển này có
  • 26. 19 tiềm năng lớn về khoáng sản và nguồn hải sản, thuận lợi trong việc phát triển kinh tế, quan trọng hơn đây là vị trí quân sự chiến lược, khống chế đường giao thông trên biển và trên không trong khu vực phía bắc Biển Đông. + Quần đảo Trường Sa: Người Pháp gọi là Archipel des ile Spratley, người Anh, người Mỹ gọi là Spratley Islands hay Spratlies. Trung Quốc gọi là Nansha (Nam Sa). Quần đảo Trường Sa cách quần đảo Hoàng Sa tính đến đảo gần nhất là khoảng 350 hải lý, đảo xa nhất là khoảng 500 hải lý, cách Vũng Tàu 305 và các Cam Ranh 250 hải lý, cách đảo Phú Quốc 240 hải lý, cách Bình Thuận (Phan Thiết) 270 hải lý. Quần đảo trải dài từ 6o 2’ vĩ B, 111o28’ vĩ B, từ kinh độ 112 o Đ, 115 o Đ1.4 trong vùng biển chiếm khoảng 160.000 đến 180.000km2 . Biển tuy rộng nhưng diện tích các đảo, đá, bãi nổi trên mặt nước lại rất ít, chỉ tổng cộng 11km2 . Về số lượng đảo, theo thống kê của Nguyễn Hồng Thao (Vụ Biển, thuộc Ban Biên giới Chính phủ) năm 1988, gồm 137 đảo, đá, bãi không kể 5 bãi ngầm thuộc thềm lục địa Việt Nam (gồm bãi Phúc Trần, Huyền Trân, Quế Đường, Phúc Nguyên, Tứ Chính). Căn cứ vào hải đồ vẽ năm 1979 của Cục Bản đồ Quân sự Bộ Tổng tham mưu (Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam), quần đảo Trường Sa có thể chia ra làm các cụm chính kể từ bắc xuống nam: cụm Song Tử, Thị Tứ, Loai Ta, Nam Yết hay Ti Gia, Sinh Tồn, Trường Sa, An Bang, Bình Nguyên. Tầm quan trọng của hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa đảo ở miền Trung được đánh giá là án ngữ nhiều tuyến hàng hải và hàng không quan trọng của thế giới và khu vực, năm trong số mười tuyến đường biển thông thương lớn nhất trên thế giới liên quan đến Biển Đông bao gồm các con đường từ Tây Âu, bắc Mỹ qua Địa Trung Hải, kênh đào Xuy- ê, Trung Đông đến Ấn Độ, Đông Á, Úc, Niu Di Lân, con đường hàng hải bắc Thái Bình Dương từ tây bắc Mỹ đến Đông Á và Đông Nam Á, con đường từ Đông Á đến Úc và Niu Di Lân, và từ Đông đến Trung Đông. Nền kinh tế của nhiều nước trong khu vực Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Xingapo... phụ thuộc vào các tuyến hàng hải này. Với vị trí quan trọng của nó, từ trong lịch sử, vùng biển Việt Nam nói chung, miền Trung nói riêng đã được cha ông chú ý khai thác và bảo vệ, thực thi chủ quyền lãnh thổ như là một phần máu thịt của quốc gia Đại Việt.
  • 27. 20 1.2. TRUYỀN THỐNG BẢO VỆ VÀ THỰC THI CHỦ QUYỀN BIỂN ĐẢO TẠI MIỀN TRUNG TRƯỚC TRIỀU NGUYỄN 1.2.1. Truyền thống bảo vệ biển Trước khi miền Trung về với Đại Việt thì đây là địa bàn được làm chủ bởi người Chămpa, một dân tộc có truyền thống hướng biển và làm chủ mặt biển. Người Chămpa rất giỏi nghề đi biển, điều đó được khẳng định như một tất yếu. Kỹ thuật đóng thuyền đi biển của người Chămpa đạt đến trình độ kỹ thuật cao. Họ có tiếng hung bạo trên biển, làm chủ mặt biển và bố trí lực lượng dự phòng tại các cửa biển. Theo Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, năm 1044, thuyền chiến nhà Lý khi tới cửa Tư Dung thì "nghe tin Chiêm Thành đem quân và voi bày trận ở bên nam sông Ngũ Bồ" [102: 308]. Muộn hơn, năm 1069, Lý Thường Kiệt tiên phong đem 5 vạn quân đi đường thủy vào đánh Champa, "đến cửa Nhật Lệ [cửa Động Hải] thuyền quân bị thủy quân Chiêm Thành chặn đánh... Cửa Nhật Lệ rộng, sâu, chiến thuyền lớn vào được, thủy quân Chiêm Thành tập trung ở đó để bảo vệ lãnh thổ, sau này thủy quân Việt vào đánh Chiêm Thành cũng ghé ở đó" [98: 44-45]. Như thế cũng cho thấy sự phòng thủ của Chămpa là ở cửa biển lớn, sẵn sàng bảo vệ và nghênh chiến với thuyền chiến Đại Việt. Vào giai đoạn sau thì sự phòng thủ của Chămpa trở nên suy giảm, đến nỗi thời Trần Anh Tông, có lần Đoàn Nhữ Hài đi sứ đến Trà Bàn, đến cửa biển Ti Ni (tức cửa Thị Nại) của Chămpa là nơi thương thuyền các nơi tụ tập đông, tuyên bố việc cấm buôn bán rồi đem bảng yết thị treo lên. Với lực lượng yếu dần, quân Chămpa thường quấy phá, cướp bóc nhân dân ven biển Đại Việt nhưng không có khả năng ở lại mà thường rút lui. Vào giai đoạn đất nước chia cắt, tình hình chiến tranh trong các thế kỉ XVI- XVII, cùng với nhu cầu bảo vệ, thực thi chủ quyền vùng biển trước sự xâm nhập của thực dân phương Tây đã thúc đẩy quân thủy phát triển mạnh theo hai hướng: tăng cường trang bị và khả năng chiến đấu; mở rộng phạm vi hoạt động trên biển [191: 421]. Tuy nhiên, do đặc điểm chung của phương Đông, hoạt động bảo vệ biển thời kỳ này lại không thể hiện rõ nét và chưa chuyên nghiệp. Các tác giả Quân thủy nhận xét: "mặc dù có hoạt động trên biển, nhưng cho đến trước thế kỷ XVII, vùng biển phương Đông này không mấy khi đặt ra nhu cầu giành giật hay bảo vệ quyền lợi trên biển một cách bức bách và thường xuyên như Địa Trung Hải đương thời.
  • 28. 21 Không có những bộ phận lớn thường trực trên biển là nét chung của lực lượng vũ trang phương Đông cho đến tận thời cận đại" [191: 423]. Theo tác giả Trần Quốc Vượng, thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong cũng là thời kỳ “phục hưng của các cảng thị miền Trung”, và đây cũng là bước đột phá đặc biệt, chính vì vậy việc phòng thủ cũng phải gắn liền. Tấm bản đồ Giáp Ngọ niên bình Nam đồ cho biết cảng thị và đồn phòng thủ Đàng Trong rất nhiều [14]. Theo A. de Rhoded, thời kỳ này có khoảng 200 thuyền, tập trung ở ba nơi chính: một là bến con sông lớn (sông Gianh) 68 chiếc, hai là Kẻ Chiêm, ba là ở biên giới nước Chàm (Chămpa) vùng Khánh Hoà ngày nay [174: 45]. Chúa Nguyễn bố trí lực lượng thủy quân trên ba vùng chiến lược nhằm chống sự đe dọa từ phương Bắc (quân Trịnh), phương Nam (Chămpa) và một lực lượng bảo vệ cửa biển "Kẻ Chiêm", đại diện cho mặt kinh tế, thương mại và là vùng "yết hầu" của chúa. Cristoforo Borri cho biết người Đàng Trong rất thành thạo trong nghệ thuật sử dụng các đại bác và thủy chiến: “họ biết nạp đạn và bắn giỏi hơn cả người Âu Châu. Họ tự huấn luyện để đảm bảo khả năng bằng các cuộc thực tập liên tục và các cuộc bắn bia, họ khá thành công vì thế họ kiêu ngạo về chuyện đó và tự tán tụng giá trị của mình; khi các tàu Âu Châu đến hải cảng của họ, các thủy binh của nhà vua liền thách đố các xạ thủ của chúng ta, những người này biết rằng không thể so sánh với họ nên tránh cuộc thách thức chừng nào họ tránh được” [12: 401]. Ông cho biết thêm, người Đàng Trong “có hơn 100 chiến thuyền. Và như thế họ trở nên mạnh trên mặt biển” [12: 402]. Về huấn luyện thủy quân, sử nhà Nguyễn cho biết, tháng 7.1642, “một hôm chúa ngự thuyền đi chơi cửa Eo [Thuận An ngày nay], thấy thủy quân không được chỉnh tề, bèn ra lệnh ba huyện Hương Trà, Quảng Điền và Phú Vang làm trường thao diễn thủy quân... Từ đấy trở đi thủy quân đều tinh luyện" [149: 55]. Các chúa Nguyễn cho xây dựng những căn cứ hải quân, tác giả Huỳnh Lý cho biết: "Tôi đã xem một bản đồ tình báo của một hạm trưởng Pháp gửi lên Bộ trưởng bộ Hải quân, vẽ năm 1757, vẽ vùng bờ biển từ Huế và cửa Thuận, vào đến Hội An và Thanh Chiêm, trong đó vẽ cả sông Hương, sông Cổ Cò từ vịnh Đà Nẵng vào Hội An và sông Thu Bồn cho đến Thanh Chiêm. Chúng ta biết rằng Thanh Chiêm là trại Thủy Quân, cũng là nơi ta thu thuế các tàu buôn. Trong bản đồ ấy chúng có vẽ cả thuyền
  • 29. 22 chiến của ta, nhìn ngang, nhìn dọc và nhìn từ đằng lái- Mỗi be thuyền có 25 tay chèo, và chúng bảo dài độ 45m, rộng 4,5m, có hai đại bác nhẹ” [106: 106]. Dưới thời chúa Nguyễn, tài liệu ghi nhận những chiến công trong việc bảo vệ vùng biển đảo, chống lại sự đe dọa của các thế lực bên ngoài. Tài liệu cho thấy các chúa Nguyễn sẵn sàng bảo vệ vùng biển của mình như năm 1559, tàu Tây Ban Nha đã bị lực lượng phòng hải của chúa cảnh cáo: "mờ sáng ngày 3.9.1559, quân Tây Ban Nha thấy cả một rừng lưỡi giáo tua tủa quanh các núi trọc nơi đậu thuyền, đồng thời có nhiều chiếc thuyền mang chất cháy đi hàng ba nhằm thẳng tàu Tây Ban Nha tiến tới; cùng lúc đó, pháo từ các đồn lũy trên bờ phát hỏa. Cảm thấy bị phục kích và tiến công, hạm thuyền Tây Ban Nha vội bỏ chạy và nhờ trận gió tây, quân Tây Ban Nha mới thoát nạn" [93: 89]. Năm 1585, một sự nhầm lẫn nhưng cũng đáng lưu ý về sức mạnh thủy quân. Đại Nam thực lục tiền biên chép: “Năm Ất Dậu (1585), bấy giờ có tướng giặc nước Tây dương hiệu là Hiển Quý đi 5 chiếc thuyền lớn đến đậu ở Cửa Việt để cướp bóc ven biển. Chúa sai hoàng tử thứ 6 lĩnh hơn 10 chiếc thuyền, tiến thẳng đến cửa biển, đánh tan 2 chiếc thuyền giặc. Hiển Quý sợ chạy... từ đó giặc biển im hơi" [149: 32]. Sự kiện này, tác giả Nguyễn Thế Anh vẫn cho rằng đó là hải tặc: "sự thật là hải tặc người Nhật, Shirahama Kenki, sẽ còn được nhắc đến 16 năm sau trong một lá thư chúa Nguyễn Hoàng gửi năm 1601 cho Ieyasu" [1]. Sau này sự việc được xác định là "đánh nhầm" vào thuyền của một thương gia Nhật Bản. Bên cạnh hai cuộc đụng độ trên còn có hai cuộc đối đầu khác diễn ra tại vùng biển Đàng Trong mà phần thắng thuộc về thủy quân chúa Nguyễn. Một cuộc diễn ra giữa quân chúa Nguyễn với tàu chiến Hà Lan vào giữa thế kỷ XVII và một cuộc đụng độ khác diễn ra vào đầu thế kỷ XVIII với việc quân chúa Nguyễn đã đẩy lui quân Anh muốn xâm chiếm Côn Đảo [40], [42]. Dưới thời Tây Sơn, tuy thời gian tồn tại không dài nhưng triều đại này rất chú trọng tăng cường thủy quân theo hướng quân thủy biển. Theo các tác giả Quân thủy, để làm được điều đó Tây Sơn đã tập trung vào bốn việc chính: 1. Tăng cường hệ thống bố phòng các cửa biển và hải cảng; 2. Đóng thêm thuyền chiến lớn và các biện pháp nhằm tăng sức chiến đấu của thuyền chiến; 3. Sử dụng “cướp biển”; 4. Khai thác kỹ thuật quân sự phương Tây. Tây Sơn đã nhiều lần ban chiếu chiêu dụ lực lượng tàu ô, kêu gọi họ sớm đầu hàng sẽ “mở lòng bao dung, tùy tài cất dụng”. Tác
  • 30. 23 giả Nguyễn Quang Ngọc trong một bài viết đã cho rằng đó là một chính sách quan trọng và có hiệu quả của vương triều này: “Qui thuận những người Trung Quốc xiêu dạt sống gửi trên mặt biển và sử dụng họ tham gia vào công việc giữ gìn Biển Đông là một chính sách quan trọng và có hiệu quả cao của vương triều Tây Sơn” [117]. Như vậy mặc dù có sự quan tâm khác nhau nhưng các triều đại quân chủ Việt Nam luôn chú ý đến phòng thủ ở các cửa biển, vùng biển chiến lược. Bên cạnh hệ thống phòng thủ là việc thường xuyên trang bị thuyền chiến, vũ khí. Và dĩ nhiên họ sẵn sàng thực thi chủ quyền khi cần thiết. 1.2.2. Quản lý và khai thác nguồn lợi trên quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa trước triều Nguyễn Trong các bản đồ, thư tịch cổ của nước ta đều có những ghi chép khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa thuộc phần lãnh thổ do các triều đại phong kiến Việt Nam quản lý, khai thác. Đây là hai quần đảo nằm xa bờ, không phải là dải cát ven biển miền Trung kéo dài từ cửa Nhật Lệ (Quang Bình) tới Tư Dung (Thừa Thiên Huế) thường được gọi là “Đại Trường Sa”, “Tiểu Trường Sa”. Tác giả Phan Huy Lê đã nhấn mạnh rằng, tuyệt đối không được nhầm lẫn giữa hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa với dải cát Đại Trường Sa, Tiểu Trường Sa: “Đại Trường Sa đã xuất hiện từ thời Lý để chỉ dải cồn cát ven biển từ cửa Nhật Lệ (Đồng Hới, Quảng Bình) đến cửa Tư Dung (Tư Hiền, Thừa Thiên Huế). Sau khi cửa Eo bị vỡ thì dải cồn cát từ Cửa Việt (Quảng Trị) đến cửa Tư Dung gọi là Tiểu Trường Sa” [101: 7]. Trong luận án tiến sĩ của mình, tác giả Nguyễn Nhã cho rằng: “Bãi Cát (Kát) Vàng hay Cồn Vàng là gốc từ chữ Nôm, Hoàng Sa gốc từ chữ Hán, đều đồng nghĩa (Sa = Cát, Hoàng = Vàng; Trường = Dài; Đại = Lớn; Vạn Lý = Vạn Dặm; bãi là chỗ đất nổi lên ở ven hay giữa sông, biển; cồn là gò đống nổi lên ở giữa sông hay biển. Danh xưng từ chữ nôm "Cát Vàng" rất được thông dụng trong dân gian, được dân gian đặt tên sớm. Tên gọi từ chữ Hán “Hoàng Sa” được giới nho sĩ dịch và viết ra về sau. Người Bồ Đào Nha, Hòa Lan gọi quần đảo là Parcel hay Pracel vào đầu thế kỷ XVI, khi ấy người phương Tây chưa biết đến các đảo ở phía nam mà sau này gọi là Trường Sa; trên bản đồ thường ghi “I de Pracell” như bản đồ Bartholomen Velho (1560), bản đồ Fernao Vaz Dourado (1590), bản đồVan Langren (1595)… Người Pháp, Anh gọi là Paracel vào thế kỷ XVII, XVIII trên các bản đồ hàng hải.
  • 31. 24 Mãi đến năm 1787-1788, khi đoàn khảo sát Kergariou Locmaria xác định rõ ràng và chính xác vị trí của quần đảo Paracel như hiện nay, người phương Tây mới bắt đầu phân biệt quần đảo Paracel ở phía bắc với quần đảo ở phía nam mà sau này đến thập niên 40 trong thế kỷ XX người Pháp mới gọi là Spratly chỉ chung cho quần đảo Trường Sa [124: 1]. Đồng thời với quá trình Nam tiến của dân tộc, các chúa Nguyễn đã tiếp tục quản lý các quần đảo ngoài khơi. Hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vốn được người Việt khai thác và quản lý từ rất sớm và được coi như một nhóm các đảo ngoài khơi. Tập bản đồ Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư được Đỗ Bá Công Đạo vẽ năm Chính Hòa thứ 7 (1686) có ghi chép về việc quản lý và khai thác của chúa Nguyễn trên quần đảo Hoàng Sa. Ở tập bản đồ này, phần phủ Thăng Hoa và phủ Quảng Ngãi ở phía biển có vẽ “Bãi Cát Vàng” và có lời chú giải nói rõ việc họ Nguyễn quản lý và khai thác “Bãi Cát Vàng”: “…Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng, dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm, đứng dựng giữa biển, từ cửa biển Đại Chiêm đến cửa Sa Vinh. Mỗi lần có gió tây nam thì thương thuyền các nước đi ở phía trong trôi dạt ra đấy; gió đông bắc thì thương thuyền chạy phía ngoài cũng trôi dạt ở đấy, đều bị chết đói cả. Hàng hóa đều vứt bỏ ở đó. Mỗi năm vào tháng cuối Đông, họ Nguyễn đưa 18 chiếc thuyền đến đó lấy hàng hóa, của cải, phần nhiều được vàng bạc, tiền tệ, súng đạn. Từ cửa Đại Chiêm vượt biển đến đó thì một ngày rưỡi. Từ cửa Sa Kỳ đến đó thì nửa ngày. Chỗ bãi cát dài ấy cũng có đồi mỗi…” [168]. Trong Đại Nam thực lục tiền biên, ghi về thời điểm năm 1711, lần đầu tiên nói đến địa danh Trường Sa. Sách chép: “mùa hạ tháng 4, sai đo bãi cát Trường Sa (Trường Sa hải chử) dài ngắn rộng hẹp bao nhiêu” [149: 126]. Địa danh Trường Sa tiếp tục được nói đến trong sách này vào năm 1754, cho biết Hoàng Sa “tục gọi là Vạn Lý Trường Sa” [149: 164]. Trong các ghi chép của các nhà hàng hải phương Tây luôn xem các quần đảo giữa Biển Đông có quan hệ hữu cơ với vùng bờ biển Đàng Trong do chúa Nguyễn quản lý. Tác giả Nguyễn Quang Ngọc cho rằng: “Các nhà hàng hải phương Tây đã có nhiều ghi chép và vẽ bản đồ xác định vùng quần đảo giữa Biển Đông là Baixos de Chapar (Bãi đá ngầm Chămpa) hay Pulo Capaa (Đảo của Chămpa) và đoạn bờ biển tương đương với khu vực từ cửa biển Đại Chiêm (Quảng Nam) đến cửa biển
  • 32. 25 Sa Kỳ (Quảng Ngãi) được gọi là Costa da Pracel (Bờ biển Hoàng Sa). Bước sang thế kỷ XVII, số lượng tàu thuyền của người phương Tây đi đến vùng biển này thường xuyên hơn và nhận thức của họ về các quần đảo giữa Biển Đông cũng phong phú và chính xác hơn. Nhiều tư liệu chép đến các vụ đắm tàu ở Paracel được người Đàng Trong ra tận nơi cứu hộ rồi đưa các nạn nhân về Quảng Nam. Chính quyền Đàng Trong đã dành cho mình quyền giải quyết hậu quả và xử lý các hàng hoá tiền bạc trên các tàu bị đắm ở Hoàng Sa. Chính vì thế mà vào năm 1701, các giáo sĩ người Pháp trên tàu Amphitrite khẳng định: "Paracel là một quần đảo thuộc về vương quốc An Nam" [119]. Trong sách Hải ngoại kỷ sự của nhà sư Thích Đại Sán, người Trung Quốc sang Đàng Trong năm 1695 có 3 đoạn miêu tả về Vạn Lý Trường Sa, trong đó có viết: “Thời Quốc vương trước, hằng năm sai thuyền đánh cá đi dọc theo bãi cát, lượm vàng bạc khí cụ của các thuyền hư tấp vào” [161]. Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân cho rằng đoạn văn trên không nên dịch là “thuyền đánh cá” mà nên dùng “thuyền lớn” (điếu xá) sẽ hợp hơn với bối cảnh đoạn văn [137: 80]. Những tư liệu được chép trước thế kỷ XIX hầu hết có những nội dung tương tự như trên. Đó là đều có miêu tả về vị trí, đặc điểm tự nhiên của Hoàng Sa giữa Biển Đông do các chúa Nguyễn quản lý. Bên cạch đó các tài liệu cũng cho biết về cũng như cơ cấu, chức năng và hoạt động của đội Hoàng Sa lúc bấy giờ. Trong các ghi chép về Hoàng Sa, Trường Sa trước triều Nguyễn thì sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết vào năm 1776 có thể xem là đầy đủ nhất. Sách này chép: "Phủ Quảng Ngãi, ở ngoài cửa biển xã An Vĩnh huyện Bình Sơn có núi gọi là Cù Lao Ré...; phía ngoài nữa lại có đảo Đại Trường Sa, trước kia có nhiều hải vật và những hoá vật của tàu, lập đội Hoàng Sa để lấy, đi 3 ngày 3 đêm thì mới đến, là chỗ gần xứ Bắc Hải.... Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đây tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hoá vật của tàu, như là gươm, ngựa, hoa bạc, tiền bạc, hòn bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiên, cùng là kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng 8 thì
  • 33. 26 về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong, mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm, rồi lĩnh bằng trở về... Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên tìm lượm vật của tàu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản... Hoàng Sa chính gần phủ Liêm Châu đảo Hải Nam, người đi thuyền có lúc gặp thuyền đánh cá Bắc Quốc, hỏi nhau ở trong biển. Tôi đã từng thấy một đạo công văn của quan chính đường huyện Văn Xương Quỳnh Châu gửi cho Thuận Hoá nói rằng: năm Kiền Long thứ 18 có 10 tên quân nhân xã An Vĩnh đội Cát Liềm huyện Chương Nghĩa phủ Quảng Ngãi nước An Nam ngày tháng 7 đến Vạn Lý Trường Sa tìm kiếm các thứ, có 8 tên lên bờ tìm kiếm, chỉ để 2 tên giữ thuyền, bị gió đứt dây thuyền, giạt vào Thanh Lan cảng, quan ở đấy xét thực, đưa trả về nguyên quán. Nguyễn Phúc Chu (Nguyễn Phúc Khoát?) sai cai bạ Thuận Hoá là Thức Lượng hầu làm thư trả lời" [75: 116-120]. Khảo tả của Lê Quý Đôn có thể xem là một ghi chép hoàn chỉnh về vị trí, đặc điểm của các quần đảo mà ông chép là đảo Đại Trường Sa, Vạn Lý Trường Sa từng được đội Hoàng Sa của chúa Nguyễn hàng năm đều tới quản lý, khai thác. Sách Đại Việt sử ký tục biên (1676-1789) [66], bộ chính sử biên soạn thời Lê - Trịnh, hay về sau là Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam nhất thống chí trong đó những ghi chép về Hoàng Sa, Trường Sa cũng có nội dung tương tự ghi chép của Lê Quý Đôn. Trong đó sách Đại Nam thực lục tiền biên chép về một sự việc đội Hoàng Sa ra đảo chẳng may gặp nạn, dạt vào hải phận Quỳnh Châu của nhà Thanh và được cứu giúp: “Năm 1754, mùa Thu, tháng 7, dân đội Hoàng Sa ở Quảng Ngãi đi thuyền ra đảo Hoàng Sa, gặp gió dạt vào hải phận Quỳnh Châu nước Thanh. Tổng đốc Thanh hậu cấp cho rồi cho đưa về. Chúa sai viết thư [cám ơn]” [149: 164]. Qua sự việc trên cho thấy việc đội Hoàng Sa ra đảo không có sự tranh chấp nào. Cũng nhân việc này, sách nói rõ thêm về quần đảo Hoàng Sa cũng như công tác khai thác, quản lý của đội Hoàng Sa, Bắc Hải thời chúa Nguyễn (Quốc sơ) như sau: “Ở ngoài biển, về xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi, có hơn 130
  • 34. 27 bãi cát cách nhau hoặc đi một ngày đường, hoặc vài trống canh, kéo dài không biết mấy nghìn dặm, tục gọi là “Vạn Lý Trường Sa”. Trên bãi có giếng nước ngọt. Sản vật có hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, vích, ba ba... Buổi quốc sơ đặt đội Hoàng Sa 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hằng năm, đến tháng 3 thì đi thuyền ra, độ ba đêm ngày thì đến bãi, tìm lượm hóa vật, đến tháng 8 thì về nộp. Lại có đội Bắc Hải, mộ người ở thôn Tứ Chánh thuộc Bình Thuận hoặc xã Cảnh Dương sung vào, sai đi thuyền nhỏ đến các xứ Bắc Hải, Côn Lôn, để tìm lượm hóa vật; đội này cũng do đội Hoàng Sa kiêm quản)” [149: 164]. Các thư tịch cổ của Việt Nam luôn xếp Hoàng Sa – Trường Sa vào phần hình thể, cương vực vùng biển. Bên cạnh đó nhiều văn bản hiện còn lưu trữ trong dân gian ở phường An Vĩnh tại Cù Lao Ré, nay thuộc huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi (do Nguyễn Quang Ngọc và Vũ Văn Quân phát hiện) cũng bổ sung thêm tư liệu về việc quản lý và khai thác tại Hoàng Sa. Đó là đơn của ông Hà Liễu, cai hợp phường Cù Lao Ré, xã An Vĩnh, xin chính quyền Tây Sơn cho phép chấn chỉnh đội Hoàng Sa tiếp tục hoạt động. Tờ chỉ thị ngày 14 tháng 2 Thái Đức năm thứ 9 (1786) của quan Thái phó Tổng Lý Quân Binh Dân Chư Vụ Thượng Tướng Công đốc suất công việc của đội Hoàng Sa... Đơn của phường Cù Lao Ré xã An Vĩnh ngày 15 tháng Giêng năm 1776, lưu tại nhà thờ họ Võ thôn Tây xã Lý Vĩnh, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi nói rõ đội Hoàng Sa đã có lịch sử lâu đời và bên cạnh chức năng thu lượm hoá vật, hải vật còn có nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ an toàn vùng biển đảo: "Nguyên xã chúng tôi từ xưa đã có hai đội Hoàng Sa và Quế Hương... Bây giờ chúng tôi lập hai đội Hoàng Sa và Quế Hương như cũ gồm dân ngoại tịch, được bao nhiêu xin làm sổ sách dâng nạp, vượt thuyền ra các đảo, cù lao ngoài biển tìm nhặt các vật hạng đồng thiếc, hải ba, đồi mồi được bao nhiêu dâng nạp. Nếu như có tờ truyền báo xảy ra chinh chiến, chúng tôi xin vững lòng ứng chiến với kẻ xâm phạm. Xong việc rồi chúng tôi lại xin tờ sai ra tìm báu vật cùng thuế quan đem phụng nạp..." [119]. Có thể nói việc quản lý và khai thác quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trước thế kỷ XIX đã được ghi chép trong các thư tịch trong và ngoài nước. Các tư liệu đều khẳng định từ đầu thế kỷ XVII, chúa Nguyễn đã quản lý và khai thác tại đây. Đây là công việc do nhà nước quản lý và đội Hoàng Sa, Bắc Hải thực thi nhiệm vụ. Hàng
  • 35. 28 năm vào lúc thuận gió, từ tháng 3 đến tháng 8 họ lại ra biển để làm nhiệm vụ của Nhà nước giao phó. Họ đã xác định được tại đây có hơn 130 bãi cát và hải trình đi tới các hòn đảo như thế nào. Bên cạnh đó, họ tổ chức thu lượm hóa vật, sản vật đem về phủ Phú Xuân giao nộp. Hoạt động này diễn ra thường xuyên, được duy trì dưới thời Tây Sơn và được kế tục, nâng cao hơn dưới triều Nguyễn. 1.3. BỐI CẢNH CẢNH LỊCH SỬ DƯỚI TRIỀU NGUYỄN GIAI ĐOẠN 1802-1885 Vào đầu thế kỷ XIX, triều Nguyễn được thành lập, khôi phục và củng cố chế độ quân chủ tập quyền trong bối cảnh thế giới đang có bước chuyển biến mạnh mẽ. Cùng với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản là sự phát triển mạnh của khoa học kỹ thuật, trong đó có kỹ thuật quân sự. Đây là thời đại của các nước tư bản phương Tây ráo riết tranh giành thị trường và xâm chiếm thuộc địa. Nhiều nước phương Đông lần lượt bị thôn tính, điều đó đe dọa trực tiếp đến chủ quyền của các quốc gia phương Đông, trong đó có Việt Nam. Với vị trí nằm bên bờ Biển Đông, từ rất sớm các thế lực phương Tây trong quá trình tìm kiếm thị trường, thuộc địa đã rất mong muốn có được mảnh đất màu mỡ này. Cuộc chiến tranh giành thị trường và thuộc địa ở phương Đông giai đoạn đầu thuộc về người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha. Bồ Đào Nha đã chiếm Goa năm 1510, Malacca (1511), dòm ngó Trung Quốc (1514), Philippin (1521). Sau người Bồ Đào Nha là Hà Lan, Anh. Năm 1702, người Anh từng xâm chiếm Côn Đảo nhưng đã bị thủy quân chúa Nguyễn dùng kế đẩy lui một năm sau đó [42]. Nhìn chung, từ những cuộc thăm dò thị trường, mở thương điếm đến việc tìm cách áp đặt thuộc địa ở phương Đông đã trở thành con đường quen thuộc của tư bản phương Tây tại phương Đông. Trong cuộc đua này, tư bản Pháp tuy tới muộn nhưng lại thành công trong cuộc xâm lược Việt Nam vào thế kỷ XIX. Người Pháp tới Việt Nam muộn hơn. Cơ hội để người Pháp tìm cách xâm chiếm Việt Nam bắt nguồn từ cuộc chiến tranh giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn khi Nguyễn Ánh giao con trai của mình là Hoàng Tử Cảnh cho giám mục Pigneau de Behaine (Adran - Bá Đa Lộc) làm con tin qua Pháp cầu viện. Trong một bức thư của Bá Đa Lộc viết ngày 20.3.1785, đã cho thấy rõ âm mưu của người Pháp trong thương vụ chính trị này: “nếu sau này cha cậu (chỉ Nguyễn Ánh) đi với phía người
  • 36. 29 Ăng Lê hay phía người Hoa Lang để nhờ họ giúp ông ta phục quốc thì quý cha sẽ cảm thấy là cái việc mà chúng ta có thể làm cho cậu con trai của ông ta ít ra cũng sẽ hữu ích vô cùng” [88: 389]. Tham vọng của Bá Đa Lộc đã được thể hiện như thế. Tuy nhiên rất may là mọi việc không xuôi chèo mát mái, những điều khoản từ Hiệp ước với Pháp không được thực thi, những ràng buộc không có điều kiện thực hiện nhưng dù sao, người Pháp vẫn có cớ lui tới, ít nhất là sâu hơn những người phương Tây đương thời. Sự chi viện của Pháp không bao giờ được thực hiện nhưng với sự nỗ lực của Bá Đa Lộc và những kẻ phiêu lưu, Nguyễn Ánh vẫn nhận được một số giúp đỡ nhất định. Trong quân đội của Nguyễn Ánh từ khi còn ở Gia Định đã sử dụng những thuyền chiến, chiến thuật và cả chỉ huy là người phương Tây. Các cuộc hành quân của ông, cũng được đánh giá là theo binh pháp kiểu phương Tây. Chính Nguyễn Ánh – Gia Long và các vua kế nghiệp hiểu rõ hơn ai hết ý đồ của các nước phương Tây lúc bấy giờ để đưa ra những biện pháp ứng phó. Trong quan hệ với Pháp, triều Nguyễn vốn đã có chút “duyên nợ” từ trước nên khi thành công vua Gia Long cũng không dễ từ chối quan hệ với họ. Gia Long đã tiếp tục sử dụng một số người Pháp cho làm quan trong triều đình như một sự đền ơn. Tuy nhiên, sang đến thời Minh Mạng thì sứ mạng của những vị quan này không còn, họ đã về nước trong sự thất bại bởi không thể là cầu nối giữa Pháp và Việt Nam. Trong quan hệ với người Anh, năm 1804 phái đoàn Anh đã tới Việt Nam muốn thiết lập quan hệ, “dâng biểu xin thông thương” nhưng Gia Long đã từ chối: “Tiên vương kinh dinh việc nước không để người Hạ lẫn người Di, đó thực là cái ý đề phòng từ lúc việc còn nhỏ. Người Hồng Mao [chỉ người Anh] gian giảo, trí trá, không phải nòi giống ta, lòng họ khác hẳn, không cho ở lại, ban cho ưu hậu mà khiến về…”. Sau đó họ đã hai ba lần dâng thư nhưng vua Gia Long vẫn kiên quyết không cho [149: 603]. Dưới thời Minh Mạng, người Anh tiếp tục tới xin thông thương nhưng vẫn không thu được kết quả. Hoa Kỳ cũng từng muốn đặt quan hệ với Việt Nam. Năm 1820, John White đến Gia Định. Năm 1832, Edmond Roberts đến Việt Nam trình quốc thư nhưng Minh Mạng không tiếp. Không nản chí, năm 1836, Edmond Roberts mang theo quốc thư trở lại nhưng vẫn không thành. Tuy nhiên, càng về sau, trước tình hình thế giới có