SlideShare a Scribd company logo
1 of 138
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
Hồ Thanh Tâm
YẾU TỐ PHÁP - VIỆT TRONG LĨNH VỰC
CẢI CÁCH GIÁO DỤC Ở VIỆT NAM THỜI KỲ
1862 – 1945
TẢI MIỄN PHÍ KẾT BẠN ZALO:0917 193 864
DỊCH VỤ VIẾT LUẬN VĂN CHẤT LƯỢNG
WEBSITE: LUANVANTRUST.COM
ZALO/TELEGRAM: 0917 193 864
MAIL:
BAOCAOTHUCTAPNET@GMAIL.COM
LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
Hồ Thanh Tâm
YẾU TỐ PHÁP - VIỆT TRONG LĨNH VỰC
CẢI CÁCH GIÁO DỤC Ở VIỆT NAM THỜI KỲ
1862 - 1945
Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam
Mã số: 66 22 02 13
LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
TS. TRẦN THỊ THANH THANH
Thành phố Hồ Chí Minh – 2013
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan Luận văn này là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các kết quả,
số liệu nêu trong Luận văn là trung thực và chưa từng được công bố trong bất kỳ công trình
nào khác.
TÁC GIẢ LUẬN VĂN
1
LỜI CẢM ƠN
Chúng tôi xin chân thành bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến:
Quý Thầy Cô Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong quá trình học tập, chúng tôi đã nhận được từ quý Thầy Cô những hướng dẫn tận tình
trong nghiên cứu khoa học Lịch sử, rèn luyện nghiệp vụ sư phạm ... Quý Thầy Cô là những
hình mẫu về tinh thần nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học và tận tâm trong giảng dạy.
TS. Trần Thị Thanh Thanh, người hướng dẫn khoa học. Trong quá trình thực hiện
Luận văn tốt nghiệp, chúng tôi đã nhận được từ Cô sự động viên tinh thần, sự hướng dẫn tận
tình, cẩn trọng và tinh thần nghiêm túc, trung thực trong nghiên cứu khoa học. Qua đó,
chúng tôi đã tìm được hướng nghiên cứu chuyên sâu trong khoa học Lịch sử.
TS. Lê Vinh Quốc, người đã trao cho chúng tôi tình yêu khoa học và kiến lập nền
tảng vững chắc để chúng tôi tiến bước trên con đường nghiên cứu khoa học. Trong quá trình
thực hiện Luận văn tốt nghiệp, chúng tôi đã nhận được từ Thầy sự động viên tinh thần, hỗ
trợ về tài liệu cùng những chỉ dẫn quý báu. Các thế hệ học trò sẽ nối tiếp nhau kế thừa để sự
nghiệp của Thầy tồn tại mãi cùng với sự tiến lên của nền giáo dục đất nước.
Tất cả các bạn học viên cao học chuyên ngành Lịch sử Việt Nam, Trường Đại học
Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
TP. Hồ Chí Minh, Mùa thu 2013
HỒ THANH TÂM
2
MỤC LỤC
LỜI CAM ĐOAN ........................................................................................................ 1
LỜI CẢM ƠN .............................................................................................................. 2
MỤC LỤC .................................................................................................................... 3
MỞ ĐẦU....................................................................................................................... 5
1. Lý do chọn đề tài ............................................................................................................ 5
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ................................................................................. 6
3. Phương pháp nghiên cứu ............................................................................................... 8
4. Lịch sử nghiên cứu vấn đề ............................................................................................. 9
5. Đóng góp mới của luận văn ......................................................................................... 15
6. Nguồn tư liệu................................................................................................................. 15
7. Cấu trúc của luận văn .................................................................................................. 16
CHƯƠNG 1: CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN QUAN HỆ VĂN HÓA PHÁP - VIỆT 18
1.1. Đạo Thiên chúa - “Cửa ngõ” du nhập văn hóa phương Tây ................................ 18
1.2. Quá trình thực dân Pháp xâm lược Việt Nam (1858-1884) .................................. 22
1.3. Chính sách cai trị của thực dân Pháp ở Việt Nam: từ “đồng hóa” đến “liên
hiệp” ................................................................................................................................... 31
CHƯƠNG 2: YẾU TỐ PHÁP - VIỆT TRONG LĨNH VỰC CẢI CÁCH GIÁO
DỤC Ở VIỆT NAM THỜI KỲ 1862-1945.............................................................. 39
2.1. Vấn đề cải cách giáo dục trong thời Nguyễn (1802-1884) ..................................... 39
2.1.1. Nho học thời Nguyễn: “Phải lưu ý cải cách đi thì hơn” ........................................ 39
2.1.2. Nguyễn Trường Tộ: “Sửa đổi học thuật, chú trọng thực dụng” [xem 14, tr.288] 43
2.2. Quá trình xác lập nền giáo dục Pháp ở Nam Kỳ (1862-1886) ............................... 47
2.2.1. Mục đích của nền giáo dục Pháp ở Nam Kỳ ......................................................... 47
2.2.2. Tranh luận về đường lối giáo dục ......................................................................... 49
2.2.3. Những thay đổi về chương trình học và tổ chức giáo dục .................................... 52
2.2.4. Kết quả của nền giáo dục Pháp ở Nam Kỳ (1862-1886) ...................................... 61
2.3. Quá trình chuyển đổi nền giáo dục Việt Nam: từ Nho học sang Tây học (1886-
1945) ................................................................................................................................... 64
2.3.1. Khởi sự nền giáo dục Pháp - Việt ở Bắc Kỳ ......................................................... 64
2.3.2. Song hành tồn tại: giáo dục Nho học và giáo dục Pháp - Việt ............................. 67
2.3.3. Xác lập nền giáo dục Pháp - Việt ở Việt Nam ...................................................... 75
2.3.4. Một vài điều chỉnh của Merlin và Varenne ........................................................... 80
2.4. Quan niệm mới về giáo dục của các sỹ phu Nho học (đầu thế kỷ XX)................. 83
3
CHƯƠNG 3: LĨNH VỰC CẢI CÁCH GIÁO DỤC - MỘT BIỂU HIỆN CỦA SỰ
TƯƠNG TÁC VĂN HÓA PHÁP - VIỆT...........................................................89
3.1. Văn hóa phương Tây - Cơ sở hình thành ý tưởng cải cách giáo dục .................... 89
3.2. Phương thức “tiếpnhận Việt Nam” trong lĩnhvực cải cách giáo dục ................. 92
3.3. Vai trò của chế độ thực dân Pháp trong lĩnh vực văn hóa - giáo dục................... 97
KẾT LUẬN ...................................................................................................... 101
TÀI LIỆU THAM KHẢO................................................................................ 107
PHỤ LỤC......................................................................................................... 118
4
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Đến thế kỷ XIX, ngày càng nhiều những đoàn thuyền viễn dương từ Tây Âu, Bắc
Mỹ cập vào bến bờ của các quốc gia quân chủ phương Đông để xin truyền đạo và thông
thương. Khi thánh giá và lời yêu cầu buôn bán bị chối từ thì mỹ từ “khai hóa” và thực tế của
“ngoại giao pháo hạm” được các đoàn quân viễn chinh sử dụng để mở toang các cửa biển,
thiết lập nền thống trị thực dân. Đức tin Thiên Chúa và chiến tranh xâm lược đi cùng một
con thuyền và cùng một ngọn nước với nhau, đã mở đường cho những thành tố của văn hóa
phương Tây đến với xã hội Việt Nam truyền thống: tổ chức hành chính, hoạt động kinh tế,
nghệ thuật kiến trúc, giáo dục ...
Trong sự biến chuyển chung của tình hình đất nước thời thực dân xâm lược và đô
hộ, nền giáo dục Việt Nam đã diễn ra những thay đổi mang tính cơ bản. Không còn vẻ huy
hoàng trong quá khứ, nền Nho học thời Nguyễn đã trở nên lỗi thời về nội dung và phương
pháp, trở thành lực cản của sự phát triển xã hội. Nhận thấy sự xa rời thực tế của lối học cử
nghiệp, vua Minh Mệnh (1820-1840), vua Tự Đức (1848-1883) và nhiều sỹ phu đã từng có
những ý tưởng, kiến nghị chấn chỉnh lại việc học hành, thi cử, hướng nội dung giáo dục vào
những vấn đề “thời vụ”, “thực điển”. Sau đó, phát xuất từ yêu cầu của việc cai trị và những
nhận thức khác nhau về tình hình Việt Nam, các đô đốc, toàn quyền Pháp đã có những chủ
trương khác nhau trong việc tổ chức nền học vấn mới ở Việt Nam. Quá trình chuyển đổi nền
giáo dục Việt Nam từ Nho học sang Tây học (1862-1945), thông qua những lần cải cách,
điều chỉnh giáo dục, đã phản ánh sự tương tác giữa yếu tố văn hóa Pháp và yếu tố văn hóa
Việt để dẫn đến sự hiện diện của “yếu tố Pháp - Việt” trong chính sách giáo dục của nhà
cầm quyền. Đây là một góc nhìn của việc góp phần đánh giá thỏa đáng hơn về nền giáo dục
Việt Nam thời Pháp đô hộ.
Trong chương trình lịch sử Trung học Phổ thông của nhà trường chúng ta hiện nay,
chính sách văn hóa - giáo dục của thực dân Pháp ở Việt Nam là một nội dung quan trọng.
Tuy nhiên, sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 (Ban cơ bản) chỉ đề cập đến nền giáo dục Pháp -
Việt bằng thông tin ngắn gọn “Văn hóa - giáo dục cũng có những thay đổi. Hệ thống giáo
dục Pháp - Việt được mở rộng gồm các cấp tiểu học, trung học, cao đẳng và đại học” [67,
5
tr.77]. Trong trường hợp này, ngôn từ cô đọng có lẽ đã không đạt được sự thỏa đáng trong
nhận thức quá khứ của người dạy - người học, cũng như không đủ cơ sở chứng minh cho
nhận định tiếp sau đó: “Các yếu tố văn hóa truyền thống, văn hóa mới tiến bộ và văn hóa nô
dịch cùng tồn tại đan xen đấu tranh với nhau” [67, tr.77]. Thông tin ngắn gọn trong sách này
cũng khó lý giải được thuyết phục chủ trương đoàn kết tầng lớp trí thức của Nguyễn Ái
Quốc trong thời kỳ đấu tranh cách mạng: “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức
… để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp” [48, tr.3].
Tìm hiểu lĩnh vực cải cách giáo dục ở Việt Nam thời kỳ 1862-1945 từ góc nhìn
tương tác văn hóa, luận văn muốn khắc họa sâu sắc hơn quá trình giao lưu văn hóa Pháp -
Việt, vai trò quan hệ của nền giáo dục Việt Nam với yếu tố văn hóa ngoại lai đi cùng với
nền cai trị của chủ nghĩa thực dân; nêu tác động của nền giáo dục Pháp - Việt đến văn hóa -
xã hội Việt Nam; đồng thời có thêm tư liệu, luận chứng để tán đồng hay phản biện những
quan điểm nhìn nhận về chính sách giáo dục của triều Nguyễn, chính quyền thực dân Pháp
và phục vụ cho việc dạy học bộ môn Lịch sử ở trường Phổ thông.
Đề tài “Yếu tố Pháp - Việt trong lĩnhvực cải cách giáo dục ở Việt Nam thời kỳ
1862-1945” được tìm hiểu nhằm góp phần đáp ứng những yêu cầu của khoa học và thực
tiễn vừa nêu.
2. Đốitượng và phạm vi nghiên cứu
Thuật ngữ “yếu tố Pháp - Việt” và “lĩnh vực cải cách giáo dục” trong tên đề tài cần
được giải thích để làm rõ nội dung và phạm vi nghiên cứu của luận văn1
.
“Yếu tố” là “thành phần, bộ phận tạo thành sự vật, sự việc, hiện tượng” [138,
tr.1889]. “Yếu tố Pháp - Việt” được diễn đạt rõ hơn là: yếu tố văn hóa Pháp và yếu tố văn
hóa Việt; dấu gạch nối (“ - ”) dùng để chỉ mối quan hệ tương tác giữa các yếu tố thuộc hai
nền văn hóa này, trong đó có giáo dục. Mô hình giáo dục phương Tây (gồm chương trình
học chứa đựng nội dung khoa học, tri thức nghề nghiệp và hệ thống tổ chức được phân chia
thành các bậc học, cấp học, môn học) trong đề nghị cải cách giáo dục của các sỹ phu thời
Nguyễn và trong chủ trương cải cách giáo dục của nhà cầm quyền Pháp khi áp dụng vào
thực tế đã gặp phải sự kháng cự của văn hóa Việt thể hiện qua thái độ nghi kỵ của triều đình
và thái độ bất hợp tác của dân chúng đối với các trường học do chính quyền thực dân tổ
1 Khi trình bày nội dung này, chúng tôi có tham khảo Trần Thị Thanh Thanh (2012), Hỏi và đáp về nền giáo dục Nam
Bộ thời kỳ 1867-1945, Báo cáo tổng kết Đề tài Khoa học và Công nghệ cấp cơ sở, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí
Minh [xem 106, tr.9-10,12-14]
6
chức. “Yếu tố Pháp - Việt” trong nền giáo dục Việt Nam thời Pháp đô hộ là kết quả của sự
dung hòa giữa mục đích thiết lập, chủ trương cải cách giáo dục của nhà cầm quyền Pháp với
thái độ, trình độ tiếp nhận của người bản xứ; sự kết hợp giữa yếu tố Pháp: tiếng Pháp, hệ
thống môn học chuyển tải tri thức khoa học phương Tây, hệ thống bằng cấp … và yếu tố
Việt: chữ Nho, Nam sử, Việt văn … được thể hiện rõ trong chương trình học và hệ thống tổ
chức giáo dục. Sự hiện diện của “yếu tố Pháp - Việt” còn phản ánh quá trình tiếp xúc, tiếp
nhận, tiếp biến và tương tác của hai nền văn hóa theo hai triết lý khác nhau trong hoàn cảnh
thuộc địa.
“Giáo dục”, theo nghĩa rộng, là hoạt động giáo dục tổng thể hình thành và phát triển
nhân cách được tổ chức một cách có mục đích, có kế hoạch nhằm phát triển tối đa những
tiềm năng (sức mạnh thể chất và tinh thần) của con người; theo nghĩa hẹp, là một bộ phận
của hoạt động giáo dục (nghĩa rộng), là hoạt động giáo dục nhằm hình thành thế giới quan
khoa học, tư tưởng chính trị, đạo đức, thẩm mỹ, lao động, phát triển thể lực, những hành vi
và thói quen ứng xử đúng đắn của cá nhân trong các mối quan hệ xã hội [51, tr.29,30]; hay
theo Đào Duy Anh, giáo dục mang nghĩa “dạy dỗ người ta khiến cho thoát ly cái trạng thái
tự nhiên của tạo vật sinh ra (éducation)” [2, tr.330]. Trong luận văn, thuật ngữ “giáo dục”
dùng để chỉ nền Nho học thời Nguyễn và nền giáo dục Phổ thông (instruction
général/normal education) thời Pháp đô hộ (gồm 2 bậc học là Tiểu học và Trung học),
không bao gồm giáo dục gia đình - xã hội, giáo dục dân gian, nền giáo dục dành cho người
Pháp cư trú ở Việt Nam, các trường tư của giáo hội, giáo dục Cao đẳng, Đại học và hệ thống
trường nghề … Do vậy, “cải cách giáo dục” là cải cách nền Nho học và nền giáo dục Phổ
thông thời Pháp đô hộ. Giáo dục được nghiên cứu như một lĩnh vực riêng, phân biệt với các
lĩnh vực khác như chính trị, kinh tế, khoa học - kỹ thuật … Các vấn đề thuộc lĩnh vực cải
cách giáo dục mà luận văn sẽ tìm hiểu là: quan điểm về giáo dục trong tư tưởng canh tân
thời Nguyễn; nội dung giáo dục trong chính sách cai trị, mục tiêu và tổ chức giáo dục; quá
trình chuyển đổi nền giáo dục Việt Nam từ Nho học sang Tây học …
Từ “Việt Nam” trong tên đề tài dùng để chỉ “quốc gia Việt Nam”, là một thực thể
chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội, có quan hệ giao lưu với bên ngoài từ lâu đời, có chủ
quyền, biên giới, có dân tộc, quốc tộc, có quá trình di cư, cộng cư trong lịch sử, có quá trình
giao lưu văn hóa, tiếp biến văn hóa, dung hợp văn hóa [105, tr.2]. Chủ quyền quốc gia Việt
Nam lần lượt bị thực dân Pháp tước đoạt ở Đông Nam Kỳ (1862), Tây Nam Kỳ (1874) và
toàn lãnh thổ (1884); trong thời gian 1887-1945, Việt Nam là bộ phận của Liên bang Đông
7
Dương thuộc Pháp. Như vậy, nội dung lịch sử của thời kỳ 1862-1945 là: Việt Nam quân
chủ, phụ thuộc dưới sự đô hộ của thực dân Pháp [106, tr.13-14].
Luận văn xem xét lĩnh vực cải cách giáo dục ở Việt Nam thời kỳ 1862-1945, tức là
từ lúc triều đình Huế chính thức thừa nhận chủ quyền của thực dân Pháp ở 3 tỉnh miền Đông
Nam Kỳ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường) bằng Hiệp ước Nhâm Tuất (5/6/1862) cho đến
khi phát xít Nhật tiến hành đảo chính Pháp (9/3/1945). Trong thời gian này, triều Nguyễn
(vua Tự Đức, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ …), nhà cầm quyền Pháp, các sỹ phu của
phong trào Duy Tân (đầu thế kỷ XX) đã có những ý tưởng, chủ trương cải cách nền Nho
học hiện đang tồn tại. Ưu thế về quân sự và sự xác lập nền thống trị đã mang đến cho người
Pháp quyền chủ động tiến hành những cải cách giáo dục nhằm kế tục sự nghiệp chinh phục
mà người lính đang hoàn thành. Sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), nền giáo dục
Việt Nam diễn ra sự thay đổi quan trọng: áp dụng nền giáo dục hoàn toàn bằng tiếng Việt
theo chương trình Hoàng Xuân Hãn [xem 108, tr.13-14], sau đó, cách mạng tháng Tám -
1945 thành công, nền giáo dục Việt Nam chuyển hẳn sang giai đoạn mới.
3. Phương pháp nghiên cứu
Chúng tôi sử dụng phương pháp lịch sử và phương pháp logic là chủ yếu, kết hợp
với phương pháp chuyên gia, phương pháp so sánh để tìm hiểu vấn đề.
Tuân theo phương pháp lịch sử, chúng tôi trình bày lĩnh vực cải cách giáo dục ở
Việt Nam theo tiến trình thời gian trong thời kỳ 1862-1945. Vấn đề cải cách giáo dục trong
thời Nguyễn được trình bày từ những ý tưởng của vua Minh Mệnh, vua Tự Đức đến những
kiến nghị của các sỹ phu: Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ … Quá trình xác lập nền Tây
học ở Việt Nam được trình bày từ Nam Kỳ đến Bắc và Trung Kỳ thông qua các chủ trương
cải cách, điều chỉnh giáo dục của Bonard, Krant, Lafont, Paul Bert, Paul Beau,
Klobukowsky, Albert Sarraut, Martial Merlin, Alexandre Varenne.
Tuân theo phương pháp logic tức là dựa trên những sự kiện, hiện tượng lịch sử,
chúng tôi sẽ khái quát, rút ra bản chất, ý nghĩa của vấn đề. Từ việc trình bày những ý tưởng
cải cách giáo dục của vua Minh Mệnh, vua Tự Đức, các sỹ phu Nho học và chủ trương cải
cách giáo dục của nhà cầm quyền Pháp, chúng tôi lý giải nguyên nhân nảy sinh những ý
tưởng, chủ trương cải cách giáo dục; nguyên nhân một số ý tưởng, chủ trương cải cách giáo
dục không được thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả nên phải tiến hành thay đổi điều
chỉnh; trình bày nhận thức về: sự hiện diện của “yếu tố Pháp - Việt” trong lĩnh vực cải cách
8
giáo dục, cơ sở hình thành ý tưởng cải cách giáo dục, phương thức “tiếp nhận Việt Nam”2
trong lĩnh vực cải cách giáo dục, vai trò của chế độ thực dân Pháp trong lĩnh vực cải cách
giáo dục.
Chúng tôi đã sử dụng quan điểm, nhận định về nền giáo dục Việt Nam thời Pháp đô
hộ của các chuyên gia thể hiện trong các chuyên khảo, bài nghiên cứu để làm cơ sở tìm hiểu
hiểu vấn đề. Kết quả nghiên cứu được công bố và nguồn tài liệu mà các chuyên gia đã khai
thác là những cơ sở để chúng tôi lập luận, trình bày nội dung vấn đề theo hướng tán đồng
hay phản biện, bổ khuyết cho sự hạn chế về tài liệu gốc mà chúng tôi chưa có điều kiện tiếp
cận.
Phương pháp so sánh được chúng tôi sử dụng khi trình bày quá trình xác lập nền
giáo dục Pháp - Việt ở Việt Nam để chỉ ra những điểm mới, điểm khác trong chương trình
học và hệ thống tổ chức của cuộc cải cách hay điều chỉnh giáo dục sau so với cuộc cải cách
hay điều chỉnh giáo dục liền trước đó. Kết quả so sánh là một cứ liệu để chúng tôi đánh giá
những tiến bộ hay hạn chế, tính phù hợp hay không phù hợp của những chủ trương cải cách
giáo dục đối với thái độ, trình độ tiếp nhận của dân bản xứ.
Các phương pháp nêu trên được chúng tôi vận dụng liên tục, đan xen trong suốt quá
trình thực hiện đề tài. Theo đó, trình tự trình bày các vấn đề thuộc lĩnh vực cải cách giáo dục
như sau: Khởi đầu là hoàn cảnh lịch sử - điều kiện lịch sử và yêu cầu đổi mới; tiếp đến là ý
tưởng, chủ trương cải cách giáo dục và quá trình tổ chức nền giáo dục, kết hợp so sánh với
nền giáo dục trước cải cách để chỉ ra những nội dung được kế thừa, những nội dung mới và
sau cùng, lý giải nguyên nhân những ý tưởng, kiến nghị cải cách giáo dục không được thực
hiện hoặc thực hiện không hiệu quả, nhận định về sự tồn tại của “yếu tố Pháp - Việt” và yếu
tố “mới” trong các chủ trương cải cách giáo dục của nhà cầm quyền Pháp và đánh giá tác
động của các cuộc cải cách giáo dục này đối với sự phát triển của nền giáo dục, văn hóa - xã
hội Việt Nam.
4. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Các vấn đề của nền giáo dục Việt Nam thời Nguyễn và thời Pháp đô hộ (1862-
1945) đã được các nhà khoa học quan tâm, nghiên cứu, thể hiện qua một số công trình sau:
Khởi đầu của quá trình nghiên cứu nền giáo dục Pháp ở Việt Nam là các bài viết
đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử năm 1967, của Nguyễn Trọng Hoàng là “Chính sách
2 Từ dùng của Trần Thị Thanh Thanh (2010) trong Quan hệ đối ngoại của Việt Nam trong các thế kỷ X-XX, Báo cáo
tổng kết Đề tài Khoa học và Công nghệ cấp Bộ, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh [xem 105, tr.151]
9
giáo dục của thực dân Pháp ở Việt Nam” (số 96/1967); của Nguyễn Anh là “Vài nét về giáo
dục ở Việt Nam từ khi Pháp xâm lược đến cuối chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất” (số
98/1967), “Vài nét về giáo dục ở Việt Nam từ sau Đại chiến thế giới lần thứ Nhất đến Cách
mạng tháng Tám” (số 102/1967). Quan tâm đến chính sách giáo dục, Nguyễn Trọng Hoàng
khẳng định: “Làm cho ngu dân để dễ trị”, đó là thực chất của cái gọi là “chính sách giáo dục
của thực dân Pháp ở Việt Nam” [47, tr.16]; còn Nguyễn Anh, sau khi lý giải nguyên nhân
của các cuộc cải cách giáo dục được nhà cầm quyền Pháp thực hiện ở Việt Nam là để “đối
phó với tình thế, đối phó với nhân dân ta chứ không phải vì sự phát triển của giáo dục theo
đúng nghĩa của nó” [5, tr.45], đã kết luận: “Dìm dân tộc ta trong vòng thất học, ngăn chặn
mọi ánh sáng tiến bộ bên ngoài tràn vào nhà trường là chính sách giáo dục trước sau như
một của thực dân Pháp đối với nhân dân ta. Biến học sinh thành những người vong bản, xa
rời nhân dân, quên quá khứ quang vinh và truyền thống anh dũng của dân tộc mình, chỉ biết
hàm ơn và phục tùng chúng, cung cấp cho họ một ít hiểu biết vừa đủ để làm được viên chức
thừa hành hạng nhỏ, đó là mục đích của giáo dục thực dân đối với nhân dân ta” [5, tr.46].
Những nhận định vừa nêu đã ảnh hưởng lâu dài đến quan điểm đánh giá nền giáo dục Pháp -
Việt của nhiều nhà khoa học ở Việt Nam.
Năm 1985, Vũ Ngọc Khánh xuất bản cuốn Tìm hiểu nền giáo dục Việt Nam trước
1945. Cho rằng “Đế quốc Pháp xâm chiếm nước ta đã mang theo, cùng với những chính
sách bình định, khủng bố, cai trị của chúng, cả một âm mưu xảo quyệt trong giáo dục. Về cả
hai mặt tổ chức và nội dung, chính sách văn hóa giáo dục thực dân là một chính sách thâm
hiểm rất tinh vi, khôn khéo” [54, tr.159], tác giả đã có những nhận xét gay gắt về nền giáo
dục thực dân: “Ngăn cản và xuyên tạc tinh thần dân tộc, tinh thần quốc tế, thực dân Pháp
cũng tìm cách bưng bít, không cho cõi học Việt Nam được tiếp xúc những phát minh khoa
học, những tư tưởng tiến bộ ở nước ngoài” [54, tr.165], “Ta đã nói đến chủ trương kìm hãm
trong việc mở trường hạn tuổi, ngăn cản con em nhà nghèo, con em cách mạng. Nội dung
giáo dục trong các chương trình học khóa cũng lại là một nội dung xa nhân dân, xa đại
chúng. Từ bậc sơ học, tiếng nói của nhân dân đã bị coi rẻ cho đến khi bị gạt bỏ hoàn toàn”
[54, tr.166]. Vũ Ngọc Khánh xem “Ảnh hưởng của nền học Pháp với nền giáo dục Việt
Nam” là “những biến đổi tất nhiên” [54, tr.170], trong đó, “những quan niệm lạc hậu lại tô
đậm” [54, tr.172], đồng thời còn có thêm “những ảnh hưởng tai hại mới” [54, tr.174] như:
“đem đến cho không ít người trí thức Việt Nam một số nếp suy nghĩ lệch lạc mà cứ tưởng là
chân lí” [54, tr.174], “lớp người trẻ tuổi ấy càng nhiễm sâu chủ nghĩa cá nhân, thứ bệnh vốn
10
trong thời kì phong kiến cũng chẳng phải là không trầm trọng. Cả hai loại chủ nghĩa cá nhân
cũ và mới đã thừa cơ hội của chính sách giáo dục thực dân mà lũng đoạn tâm hồn bao nhiêu
thế hệ” [54, tr.178].
Được xuất bản năm 1995, tái bản năm 2006, cuốn Giáo dục Việt Nam thời Cận đại
của Phan Trọng Báu gồm chương mở đầu “Giáo dục Việt Nam dưới triều Nguyễn - Sự suy
tàn của nền giáo dục phong kiến” và 2 phần: “Sự hình thành và phát triển nền giáo dục Việt
Nam thời cận đại”, “Cuộc đấu tranh trên lĩnh vực giáo dục: Sự ra đời và phát triển dòng giáo
dục yêu nước và cách mạng”. Trong đó, tác giả đã đề cập đến cuộc cải cách giáo dục thời
Nguyễn và những cuộc cải cách giáo dục do Paul Beau và Albert Sarraut khởi xướng vào
các năm 1906 và 1917. Tuy chưa trình bày rõ về những thay đổi trong chương trình học và
hệ thống thống tổ chức trong từng cuộc cải cách nhưng nội dung của cuốn sách đã mang đến
nhận thức khái quát về những chuyển biến của nền giáo dục Việt Nam thời Pháp đô hộ,
đồng thời các luận điểm ở phần kết luận là những tiền đề nghiên cứu quan trọng.
Nguyễn Đăng Tiến và cộng sự đã dành 2 chương trong cuốn Lịch sử giáo dục Việt
Nam trước cách mạng tháng Tám - 1945 (1996) để trình bày khái quát về “Giáo dục Việt
Nam dưới triều Nguyễn (1802-1945)” (Chương VI), “Giáo dục Việt Nam dưới thời Pháp
thuộc (1858-1945)” (Chương VII). Chủ yếu dẫn lại tư liệu từ các bài nghiên cứu của
Nguyễn Trọng Hoàng, Nguyễn Anh, các tác giả đã nhận định về kết quả của nền giáo dục
Pháp - Việt như sau: “Chúng [thực dân Pháp] nghĩ rằng, có thể tiến công dễ dàng vào lĩnh
vực giáo dục, chúng hi vọng với chiêu bài “văn minh Tây phương” đưa ra, sẽ mua chuộc
được nhân dân ta, nhưng chúng đã lầm. Chính trong lĩnh vực giáo dục này, chúng cũng phải
đương đầu với sự chống trả quyết liệt của nhân dân ta. Từ những tên võ quan đề đốc ban
đầu của Bôna, Laphông, cho đến loại văn quan sau này như PônBe, Bô, Cơlôbuy Côpxơki,
Xarô, Méclanh đã thay chân nhau nửa thế kỉ, đưa hết nghị định này đến nghị định khác, rồi
đến “cải cách” mà kết quả vẫn không đáng kể như chúng mong muốn. Tất nhiên trong
khoảng thời gian dài cai trị đó, chúng cũng làm được một số việc, đó là thực dân hóa nền
giáo dục phong kiến rồi đi đến thủ tiêu nền giáo dục cũ, lập ra nền giáo dục mới, củng cố và
phát triển, mở rộng nền giáo dục thực dân ở Việt Nam” [117, tr.216].
Trong cuốn Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh - Tập II: Văn học - Báo chí -
Giáo dục do Trần Văn Giàu và Trần Bạch Đằng chủ biên, xuất bản năm 1998, Nguyễn Đình
Đầu đã trình bày khái quát vấn đề “Giáo dục dưới triều Nguyễn và dưới thời Pháp (1698-
1955)” thông qua các đề mục “Tổ chức giáo dục và thi cử ở Sài Gòn - Gia Định từ 1698 đến
11
1859”, “Nền giáo dục Sài Gòn dưới thời Pháp thuộc từ 1859 đến 1955”. Tác giả đã phác
thảo quá trình hình thành, phát triển và chuyển đổi nền giáo dục từ Nho học sang Tây học ở
vùng đất Sài Gòn đồng thời đã lược dịch, tóm lược những văn bản pháp quy về giáo dục do
nhà cầm quyền Pháp ban hành như: Nghị định 17/11/1874, Nghị định 17/3/1879, Quy phạm
học chính (1918) và cung cấp những số liệu về trường học, học sinh đáng tin cậy. Tuy
nhiên, Nguyễn Đình Đầu chưa có những đánh giá mới về nền giáo dục Pháp - Việt mà
“hoàn toàn nhất trí” với những nhận định đã trở nên quen thuộc: “Phê phán nó [giáo dục
Pháp - Việt] là dùng chữ quốc ngữ la tinh trong giáo dục để cắt đứt truyền thống văn hóa
nho học của dân ta; lên án nó [giáo dục Pháp - Việt] là lấy tiếng Pháp làm chuyển ngữ chính
trong đào tạo mọi ngành khoa học và tuyên truyền tính hơn hẳn của văn hóa Pháp hay công
ơn của thực dân Pháp; chúng ta hoàn toàn nhất trí với những ý kiến phê phán và nhận định
đó” [32, tr.747-748].
Năm 2012, tác giả Trần Thị Thanh Thanh trình hội đồng nghiệm thu tại trường Đại
học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo tổng kết đề tài khoa học và công nghệ cấp cơ
sở: “Hỏi và đáp về nền giáo dục Nam Bộ thời kỳ 1867-1945”. Trong công trình chuyên
khảo này, tác giả đã trình bày quá trình lịch sử của nền giáo dục Nam Bộ từ 1867 đến 1945
theo kiểu “Hỏi và đáp”, chú trọng đến diện mạo của hệ thống giáo dục nhà trường ở Nam
Bộ trong thời Pháp đô hộ trên các mặt: tổ chức, chương trình, quy mô, nội dung cải cách,
tác động văn hóa - xã hội … Tuy khẳng định “Thực dân Pháp đã quan tâm đến giáo dục,
không hoàn toàn là để “khai hóa”, “khai sáng” văn minh, mà thực tế là phục vụ công cuộc
“khai thác” thuộc địa, xuất phát từ lợi ích của chính nước Pháp”[106, tr.95] nhưng không
dừng lại ở việc chỉ ra “những điểm tiêu cực của nền giáo dục Pháp ở Nam Kỳ” [xem 106,
tr.94-95], tác giả đã nêu “ảnh hưởng tích cực của nền giáo dục Pháp ở Nam Kỳ” như “nền
giáo dục này ít nhiều mang đến cho người Việt Nam một hệ thống tri thức mới, thiết thực
hơn, đa dạng hơn so với nền giáo dục cũ, đáp ứng được phần nào yêu cầu của cuộc sống
thực tiễn” [106, tr.92-93], “chương trình học của nền giáo dục mới đã dần dần thay thế
những nguyên lý Nho giáo xưa cũ, tách nền giáo dục Việt Nam khỏi ảnh hưởng của Trung
Hoa, đặt nền tảng xây dựng nền giáo dục theo hướng hiện đại, một nền giáo dục chú trọng
“thực nghiệp” và “hợp thời” [106, tr.93-94], “nền giáo dục mới đã góp phần làm hình thành
một lớp trí thức “tân học” tuy ít ỏi nhưng có trình độ về khoa học và tư tưởng, có nhận thức
và tinh thần yêu nước sâu sắc hơn, phần nào có sự độc lập với chế độ chính trị đương thời
…” [106, tr.94].
12
Cũng trong năm 2012, tác giả Trần Thị Phương Hoa đã công bố công trình nghiên
cứu Giáo dục Pháp - Việt ở Bắc Kỳ (1884-1945). Sau khi khảo sát nền giáo dục Pháp - Việt
ở Bắc Kỳ qua các thời kỳ: cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, đầu thế kỷ XX - 1917, 1917-
1930, 1930-1945, tác giả đã “dựa trên quan điểm tiến bộ xã hội và lợi ích quốc gia, dân tộc”
[43, tr.244] để nhận định mặt “tích cực”: “Trường Pháp - Việt chính là cầu nối giữa Nho
học truyền thống với giáo dục Việt Nam hiện đại” [43, tr.245], “Là một thiết chế giáo dục
quan trọng bậc nhất trong việc đào tạo các trí thức Việt Nam kiểu mới, trường Pháp - Việt
có vai trò làm biến đổi cơ cấu xã hội” [43, tr.246], “Học sinh và giáo viên trường Pháp -
Việt đã đóng một vai trò quan trọng trong phong trào giành độc lập dân tộc mà đỉnh cao là
Cách mạng tháng Tám 1945” [43, tr.246], còn những hạn chế được xem xét từ cơ chế quản
lý, mục tiêu giáo dục, chương trình học, cơ sở vật chất, trình độ giáo viên … [xem 43,
tr.247]. Các quan điểm vừa nêu đã được thể hiện, ở những mức độ khác nhau, trong một số
bài viết được đăng trên các tạp chí khoa học như: “Giáo dục Pháp - Việt ở Bắc Kỳ (1906-
1945) và cải cách giáo dục ở Nhật Bản thời Minh Trị” (Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á -
2006), “Franco-Vietnamese School and the Transition from Confucian to the New Kind of
Intellectuals in the Colonial Context” (Nhà trường Pháp - Việt và sự chuyển đổi từ Nho học
sang kiểu trí thức mới trong hoàn cảnh thuộc địa) (European Studies Review - 2008), “Giáo
dục ở Bắc Kỳ đầu thế kỷ XX đến năm 1915 - chuyển đổi các trường Nho giáo sang trường
Pháp - Việt” (Tạp chí Nghiên cứu châu Âu - 2010) … trong đó, đáng chú ý nhất là bài viết
“Các cải cách giáo dục và khủng hoảng của nhà trường Pháp - Việt cuối những năm 20 đầu
những năm 30 của thế kỷ XX” in trong Di sản lịch sử và những hướng tiếp cận mới (2011)
với luận đề: “Ba cải cách quan trọng của nhà trường Pháp - Việt ở Bắc Kỳ (1906, 1917,
1926) là không thành công nhìn từ quan điểm giáo dục đại chúng” [41, tr.283].
Trong phần Dẫn luận của Luận án Tiến sĩ “Giáo dục Pháp - Việt ở Bắc Kỳ từ đầu
thế kỷ XX đến năm 1945” được trích đăng trên Tạp chí Xưa & Nay số 426-4/2013, Trần Thị
Phương Hoa đã điểm qua một số công trình nghiên cứu về giáo dục ở Việt Nam thời Pháp
được công bố ở nước ngoài như: Hoàng Thị Trợ (1965), Changements dans la politique
scolaire au Viet-Nam depuis 1906 (Những thay đổi về chính sách giáo dục ở Việt Nam kể
từ năm 1906); Dương Đức Như (1978), Education in Vietnam under the French Domination
1862-1945 (Giáo dục ở Việt Nam thời Pháp đô hộ, 1862-1945); Gail Kelly (1975), Franco -
Vietnamese Schools, 1918-1938 (Nhà trường Pháp - Việt, 1918-1938), Trịnh Văn Thảo
(1995), L’École francaise en Indochine (Nhà trường Pháp ở Đông Dương), Pascale
13
Bezancon (2002), Une colonisation educatrice? L’experience indochinoise (1860-1945)
(Một nền giáo dục thực dân? Trải nghiệm Đông Dương 1860-1945) … [xem 44, tr.6-7].
Ngoài ra, chương trình học và hệ thống tổ chức của nền giáo dục Việt Nam thời
Pháp đô hộ còn được đề cập khái quát trong một số công trình nghiên cứu có giá trị như
Đào Duy Anh (1938), Việt Nam văn hóa sử cương; Nguyễn Q. Thắng (2005), Khoa cử và
Giáo dục Việt Nam … hay một số công trình được viết dưới dạng giáo trình như Đinh Xuân
Lâm (Chủ biên) (2000), Đại cương Lịch sử Việt Nam, Tập II (1858-1945); Bùi Minh Hiền
(2005), Lịch sử giáo dục Việt Nam; Phan Ngọc Liên (2006), Giáo dục và thi cử Việt Nam
(trước cách mạng tháng Tám 1945) … Những công trình vừa nêu hoặc là không thể hiện
quan điểm riêng về nền giáo dục Pháp - Việt, hoặc là đánh giá nền giáo dục này bằng thái
độ không khác nhiều so với Nguyễn Trọng Hoàng, Nguyễn Anh, Vũ Ngọc Khánh …, chẳng
hạn trong Lịch sử giáo dục Việt Nam, Bùi Minh Hiền (2005) nhận xét “Dùng chính sách
giáo dục ngu dân làm công cụ nô dịch tinh thần, thực dân Pháp đã thực hiện được mưu đồ
kìm hãm sự phát triển của xã hội Việt Nam, ngăn chặn tinh thần tự do dân chủ và những tư
tưởng tiến bộ, từ đó hòng kìm hãm bước tiến của phong trào giải phóng dân tộc của nhân
dân Việt Nam đang dâng lên mạnh mẽ” [35, tr.66].
Như vậy, cho đến nay (2013), đã có một quá trình nghiên cứu nền giáo dục Việt
Nam thời Pháp đô hộ (1862-1945). Có thể khái quát khuynh hướng chung của quá trình này
như sau:
1. Các công trình nghiên cứu đều xem nền giáo dục Việt Nam thời Nguyễn và thời
Pháp đô hộ là một bộ phận hợp thành của nền giáo dục Việt Nam.
2. Phần lớn các công trình nghiên cứu đều mô tả quá trình thực dân Pháp thiết lập
hệ thống giáo dục kiểu mới ở Việt Nam cùng một số nội dung giáo dục. Phạm vi không gian
nghiên cứu nền giáo dục Pháp - Việt chuyển dần từ tổng quát trên toàn lãnh thổ Việt Nam
sang từng khu vực nhất định như Nam Kỳ, Bắc Kỳ.
3. Một số công trình nghiên cứu đã thể hiện sự chú trọng đến lĩnh vực cải cách giáo
dục do triều Nguyễn và chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam tiến hành.
4. Có sự chuyển đổi trong khuynh hướng đánh giá về nền giáo dục Pháp - Việt: từ
thái độ phê phán gay gắt (Nguyễn Trọng Hoàng, Nguyễn Anh, Vũ Ngọc Khánh …) chuyển
dần sang kết luận theo hai hướng “tích cực” - “tiêu cực” và tác động văn hóa - xã hội (Trần
Thị Thanh Thanh, Trần Thị Phương Hoa …).
14
5. Đóng góp mới của luận văn
- Được tổng hợp từ nguồn tư liệu phong phú, bao gồm tư liệu gốc, chuyên khảo, bài
nghiên cứu có giá trị khoa học, luận văn đã trình bày đầy đủ các vấn đề thuộc lĩnh vực cải
cách giáo dục ở Việt Nam thời kỳ 1862-1945 do triều Nguyễn và chính quyền thực dân
Pháp tiến hành, góp thêm nhận định và bổ sung vào nhận thức chung về các vấn đề lịch sử
Việt Nam.
- Luận văn góp phần khắc họa sâu sắc thêm quá trình giao lưu văn hóa Pháp - Việt
trong lĩnh vực giáo dục, về vai trò và tác động quan hệ của nền giáo dục Việt Nam với yếu
tố văn hóa ngoại lai đi cùng với nền cai trị của chủ nghĩa thực dân.
- Kết quả nghiên cứu của luận văn góp phần cung cấp thêm tài liệu tham khảo có
chất lượng cho học viên cao học, giáo viên, sinh viên, học sinh trung học và những người
quan tâm đến lịch sử giáo dục Việt Nam.
6. Nguồn tư liệu
Nguồn tư liệu được sử dụng để nghiên cứu đề tài luận văn bao gồm tư liệu gốc (chỉ
dụ của vua Minh Mệnh, vua Tự Đức, điều trần của Nguyễn Trường Tộ, Nghị định, số liệu
thống kê của chính quyền thực dân Pháp …), chuyên khảo, bài nghiên cứu được xuất bản
thành sách, được đăng trên các tạp chí khoa học hoặc được phổ biến qua Internet. Thông
qua các bản dịch của Lại Như Bằng, chúng tôi tiếp cận được một số tư liệu gốc bằng tiếng
Pháp như Annuaire de la Cochinchine Française (1870, 1871, 1874, 1876, 1878, 1879,
1881), “Étude sur l’instruction publique en Conchinchine”, La langue française et
l'enseignement en Indo-chine. Chúng tôi chú ý đến các chuyên khảo về nền giáo dục Việt
Nam thời Pháp đô hộ của Phan Trọng Báu, Nguyễn Đình Đầu, Trần Thị Thanh Thanh, Trần
Thị Phương Hoa … Những công trình nghiên cứu của các nhà khoa học vừa nêu đã gợi mở
những hướng nhìn khác nhau đối với lĩnh vực cải cách giáo dục ở Việt Nam thời kỳ 1862-
1945, đồng thời cung cấp thêm những tư liệu tiếng Pháp mà chúng tôi chưa có điều kiện tiếp
cận.
Tất cả những tài liệu nêu trên được chúng tôi trình bày trong “Danh mục Tài liệu
tham khảo” và được tham khảo, sử dụng với tinh thần nghiêm túc, cẩn trọng để có những
nhận thức chân xác và nhận định khách quan, thỏa đáng.
15
7. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, luận văn gồm có 3 chương.
Chương 1. Con đường dẫn đến quan hệ văn hóa Pháp - Việt
Văn hóa phương Tây đã du nhập vào xã hội Việt Nam truyền thống cùng với giáo
sỹ thừa sai và đoàn quân xâm lược. Tiếp sau những thắng lợi về quân sự, chính sách cai trị
là nơi phản ánh thái độ của chính quyền thực dân Pháp đối với nền văn hóa Việt Nam. Nội
dung của Chương 1 “Con đường dẫn đến quan hệ văn hóa Pháp - Việt” bao gồm 3 vấn đề:
đạo Thiên Chúa - “Cửa ngõ” du nhập văn hóa phương Tây; quá trình thực dân Pháp xâm
lược Việt Nam (1858-1884); chính sách của thực dân Pháp ở Việt Nam: từ “đồng hóa” đến
“liên hiệp”.
Chương 2. Yếu tố Pháp - Việt trong lĩnh vực cải cách giáo dục ở Việt Nam thời
kỳ 1862-1945
Nền Nho học của thế kỷ XIX đã trở nên lỗi thời về nội dung và phương pháp, trở
thành lực cản của sự phát triển xã hội. Phát xuất từ những động cơ khác nhau, triều Nguyễn
và chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam đã đề ra những ý tưởng, chủ trương cải cách nền
giáo dục hiện đang tồn tại. Quá trình chuyển đổi nền giáo dục Việt Nam từ Nho học sang
Tây học (1862-1945), thông qua những lần cải cách, điều chỉnh giáo dục, đã phản ánh sự
tương tác giữa yếu tố văn hóa Pháp và yếu tố văn hóa Việt để dẫn đến sự hiện diện của “yếu
tố Pháp - Việt” trong chính sách giáo dục của nhà cầm quyền. Đây là nội dung chính của
Chương 2 “Yếu tố Pháp - Việt trong lĩnh vực cải cách giáo dục ở Việt Nam thời kỳ 1862-
1945”.
Chương 3. Lĩnh vực cải cách giáo dục - Một biểu hiện của sự tương tác văn hóa
Pháp - Việt
Trong lĩnh vực cải cách giáo dục ở Việt Nam thời kỳ 1862-1945, những nhân tố
mới lạ có nguồn gốc từ văn hóa phương Tây, dù du nhập trong hoàn cảnh đất nước còn chủ
quyền hay đã bị đô hộ, dù chỉ tồn tại trong ý tưởng hay được thể hiện trong thực tế đều phải
thông qua lăng kính dân tộc trước khi hòa nhập và trở thành một bộ phận của văn hóa Việt
Nam. Văn hóa phương Tây là cơ sở hình thành ý tưởng cải cách giáo dục nhưng phương
thức “tiếp nhận Việt Nam” [104, tr.151] cũng là nhân tố quan trọng tác động đến chính sách
giáo dục của nhà cầm quyền. Chương 3 “Lĩnh vực cải cách giáo dục - Một biểu hiện của sự
tương tác văn hóa Pháp - Việt” sẽ trình bày các vấn đề: văn hóa phương Tây - cơ sở hình
16
thành ý tưởng cải cách giáo dục; phương thức “tiếp nhận Việt Nam” trong lĩnh vực cải cách
giáo dục; vai trò của chế độ thực dân Pháp trong lĩnh vực văn hóa - giáo dục.
17
CHƯƠNG 1: CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN QUAN HỆ VĂN HÓA PHÁP
- VIỆT
Văn hóa phương Tây đã du nhập vào xã hội Việt Nam truyền thống cùng với giáo
sỹ thừa sai và đoàn quân xâm lược. Tiếp sau những thắng lợi về quân sự, chính sách cai trị
là nơi phản ánh thái độ của chính quyền thực dân Pháp đối với nền văn hóa Việt Nam.
1.1. Đạo Thiên chúa - “Cửa ngõ” du nhập văn hóa phương Tây
Các câu chuyện trong “Nghìn lẻ một đêm”, “Cuốn sách những truyện kỳ lạ” của
Macco Polo … đã vẽ lên trong trí tưởng tượng của người châu Âu hình ảnh một thế giới
phương Đông giàu có, đầy vàng bạc, hương liệu và gia vị … Điều này đã trở thành động lực
để các đoàn thuyền giương buồm viễn dương tìm sang phương Đông mỗi khi có điều kiện.
Sau những tháng năm dài đắm chìm trong “Đêm trường Trung cổ”, thế kỷ XVI
chứng kiến những đổi thay sâu sắc ở Tây Âu: sinh hoạt thương mại được phục hồi, thành thị
sống lại, kinh tế hàng hóa ra đời, tầng lớp thị dân (nhà buôn, nhà kinh doanh tài chính, thợ
thủ công …) xuất hiện … [46, tr.136]. Sự phát triển kinh tế đã hình thành các thành thị
(trung tâm thương nghiệp) và làm nảy sinh nhu cầu tìm kiếm thị trường ngoài châu Âu để
trao đổi hàng hóa. Khu vực ven bờ Địa Trung Hải trở thành vùng thương mại nhộn nhịp
những chuyến hàng xuôi ngược.
Thế kỷ XV, khi thương nhân đã phát triển thành một giai cấp đủ sức điều hành nền
kinh tế, quý tộc có đủ uy tín, học thức để lãnh đạo những cuộc thám hiểm và khoa học hàng
hải đạt được nhiều tiến bộ thì cũng là lúc bắt đầu những chuyến hải trình dài ngày tìm kiếm
vùng đất mới và con đường sang phương Đông được tiến hành để thỏa mãn nhu cầu về thị
trường, nguyên liệu cho Chủ nghĩa Tư bản châu Âu đang trong quá trình tích lũy nguyên
thủy chuẩn bị cho những bước phát triển cao hơn. Thương mại trở thành nhịp dẫn cho chiếc
cầu nối liền thế giới Đông - Tây.
Men theo con đường mà Vasco da Gama, Ferdinand de Magellan đã khám phá, các
đoàn thuyền buôn châu Âu đã cập vào các cảng biển của Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản và
các vương quốc Đông Nam Á để buôn bán, trao đổi hàng hóa và tìm kiếm thuộc địa, điều
mà họ có được nhiều thành công ở châu Phi và Tân Lục địa (America). Trên những đoàn
thuyền buôn, ngoài thương nhân, hàng hóa, còn có các giáo sĩ thừa sai khoác tấm áo choàng
18
đen, giương cao cây Thập Tự, nhận lãnh sứ mệnh mở rộng Thiên quốc của Đức Chúa Trời.
Trong khi mang đến cho người Việt niềm tin về sự cứu rỗi, các vị chủ chăn cũng mang đến
cho xã hội nông nghiệp phương Đông những xúc chạm đầu tiên với những thành tố văn hóa
từ phương Tây.
Xã hội Việt Nam trong các thế kỷ XVI-XVIII là một thời kỳ tao loạn. Chinh chiến
triền miên giữa các thế lực phong kiến đã gieo rắc đau thương, ly tán, đẩy dân chúng vào
tình cảnh tuyệt vọng. Các giá trị văn hóa - tín ngưỡng truyền thống cũng trên bước đường
suy thoái. Các giá trị đạo đức Nho giáo bị xâm phạm nghiêm trọng. Phật giáo, Đạo giáo
cũng có những biểu hiện sai lạc. Sống trong một xã hội như vậy, con người dường như rơi
vào khủng hoảng. Những cuộc chiến tranh, sự sụp đổ của ý thức hệ Nho giáo đã làm cho
người dân mất niềm tin vào chính quyền đang cai trị họ. Cuộc sống thực tại đã quá tàn nhẫn,
phủ phàng, niềm an ủi duy nhất để tiếp tục cuộc sống chỉ còn là tâm linh. Nhưng lúc này,
người dân biết hướng vào đâu để gửi gắm những ưu tư, trăn trở của cõi lòng. Chính trong
hoàn cảnh này, Thiên Chúa giáo du nhập vào Việt Nam. Các giáo sĩ rao giảng về Chúa Cứu
Thế (Jésus Christ), về cuộc sống yên bình vĩnh viễn nơi Thiên Đàng, nơi đó, không phân
biệt sang hèn, giàu nghèo, trước Chúa mọi người đều bình đẳng. Sự có mặt của đạo Thiên
Chúa đã mở ra con đường mới cho nhu cầu tâm linh của một bộ phận dân chúng Việt Nam.
Bên cạnh các loại hình tín ngưỡng truyền thống, người dân có dịp tiếp xúc với một tôn giáo
mới, đến từ phương Tây, với nhiều lạ lẫm. Thiên Chúa giáo có hệ thống thần học cao siêu
và giáo lý chặt chẽ đủ sức thuyết phục, giải tỏa những ưu tư, nghi hoặc của người dân về
những lời phán truyền của Đấng Sáng tạo và con đường đi đến Thiên Đàng. Do đó, dù chứa
nhiều yếu tố khác hẳn với tín ngưỡng truyền thống, dù bị triều đình cấm ngặt, nhưng bản
thân đạo Thiên Chúa vẫn có sức hấp dẫn nhất định. Một bộ phận người dân vẫn cúi đầu
thành kính trước Thập giá dẫu họ biết rằng như thế là chống lại triều đình, chống lại niềm
tin đối với tổ tiên. Có thể đạo Thiên Chúa đã mang đến cho những con chiên lạc loài niềm
an ủi, đã gieo niềm tin mới vào cuộc sống của họ.
Đạo Thiên Chúa là “cửa ngõ”, qua đó, những thành tố văn hóa phương Tây có điều
kiện du nhập vào Việt Nam. Công việc truyền giáo đặt ra yêu cầu các giáo sĩ phải hiểu tiếng
nói, giảng đạo bằng tiếng của người bản xứ. Đây là động cơ chính để các giáo sĩ, từ
Francisco de Pina, Graspar de Amaral, Antonio Barbosa đến Alexandre de Rhode nối tiếp
nhau ký âm tiếng Việt bằng chữ cái Latin, và cùng với sự tham gia của những người Việt
Nam đương thời, tạo thành chữ Quốc ngữ. Năm 1651, cuốn Từ điển Việt - Bồ - Latin và
19
cuốn “Giáo lý” của Alexandre de Rhode ra đời. Tiếp tục trải qua hai lần chỉnh lý của
Pigneau de Béhaine với “Từ điển Annam - Latin” (1772) và của Tabert (cộng tác với Dương
Văn Minh) với “Từ điển Annam - Latin và Latin - Annam”, chữ Quốc ngữ đã đủ điều kiện
vượt ra khỏi phạm vi Nhà Thờ để trở thành văn tự được sử dụng rộng rãi. Không dừng lại
trong cộng đồng giáo dân, những tri thức khoa học phương Tây đã được các giáo sĩ mang
vào tận phủ Chúa. Alexandre de Rhode đã tạo được sự chú ý của Chúa Trịnh Tráng (1623-
1657): “Đang khi chúng tôi ở Kẻ Ro, vua đi vắng mới về, chúng tôi ra đón và dâng một
quyển thiên văn bằng chữ Nho, chúng tôi cắt nghĩa các tranh vẽ trong ấy cho vua mừng.
Ngày khác, chúa mời chúng tôi dẫn các then máy đồng hồ chúng tôi dâng cho người thì
người lấy làm thích thú lắm” [dẫn theo 53, tr.94-95]. Ở Đàng Trong, các Thừa sai cũng đảm
nhận nhiều công việc quan trọng. Năm 1686, Chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) đã dùng
Bartholomêô da Costa làm người chăm sóc sức khỏe. Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725)
đã dùng Antonio de Aruedo năm 1704 và De Lima năm 1724 để dạy ông toán và thiên văn
học. Năm 1752, Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) sử dụng thừa sai dòng Tên Xavier
de Moteiro, nhà hình học và Jean de Loureira, bác sĩ [dẫn theo 64, tr.107-108].
Những ảnh hưởng trong lĩnh vực quân sự của phương Tây đối với Việt Nam đã diễn
ra từ thế kỷ XVII, khi Chúa Nguyễn ở Đàng Trong và Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài luôn
“mong nhờ vả được của các lái phương Tây những phương tiện quân sự (vũ khí, huấn luyện,
can thiệp võ trang) để đè bẹp đối phương” [dẫn theo 137, tr.67]. Do đó, “mặc dù, tự thâm
tâm, thù ghét việc truyền bá đức tin Kitô giáo trong lãnh thổ của mình, họ Nguyễn cũng ít
nhiều nhắm mắt làm ngơ trước sự có mặt của các thừa sai Công giáo Roma với mục đích là
có được súng và đại pháo từ Macao” [64, tr.107]. Khoảng thời gian ở Gia Định tập hợp lực
lượng chuẩn bị phản công Tây Sơn, trong lực lượng quân sự của Nguyễn Ánh (sau này là
vua Gia Long), đã có sự tham gia của người châu Âu, thông qua trung gian là Đức Giám
mục Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc). Từ trước, Giám mục Bá Đa Lộc đã dịch sang tiếng
Việt những binh pháp của phương Tây để Nguyễn Ánh tham khảo, quân sĩ phải học thuộc
những nội dung này. Hiệp ước Versailles (28/11/1787) không có điều kiện thực hiện (do sự
bùng nổ của cuộc Cách mạng tư sản Pháp - 1789), bằng uy tín cá nhân, Bá Đa Lộc đã đứng
ra vận động tầng lớp tư sản, sỹ quan hải quân, sắm khí giới và mộ người sang giúp Nguyễn
Ánh. Từ đây quân đội Nguyễn Vương đã có những yếu tố của nền quân sự châu Âu, bao
gồm tổ chức và huấn luyện lực lượng, xây dựng thành lũy kiểu Vauban, theo Lemonnier,
một tướng lĩnh Pháp, “ … Những cuộc hành binh của vua xứ Nam Kỳ giống nhau một cách
20
kì lạ với những cuộc hành binh của Đệ nhất cộng hòa Pháp, giống nhau cả về tổ chức, về vũ
khí và nhất là về ảnh hưởng của các nhà quân sự Pháp cuối thế kỷ XVIII” [dẫn theo 80,
tr.45].
Từ thời vua Minh Mệnh (1820-1840), quan hệ giữa nhà Nguyễn với phương Tây đã
dần đến chỗ tuyệt giao. Tuy vậy, để “hiện đại hóa quân đội”, nhà Nguyễn đã sai người sang
phương Tây mua thuyền máy với giá rất cao; vua Tự Đức (1848-1883) cũng ra lệnh phải
mua súng của nước ngoài và đúc thêm súng ở trong nước. Một sĩ quan người Pháp khi đánh
chiếm Nam Kỳ đã nhận thấy: “Vũ khí của người Nam dùng rất nhiều và khác nhau, súng thì
có những đại bác đủ cỡ mà phần nhiều là loại nhỏ, những súng trường miệng loe
(espingoles), những bích kích pháo, súng đá mang nhãn hiệu của xưởng Saint Etienne” [dẫn
theo 65, tr.382]. Cùng với sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa nhà Nguyễn và phương Tây,
những ảnh hưởng quân sự nêu trên cũng ngày càng mờ nhạt, chỉ còn lại mối quan tâm của
triều đình trong việc chế tạo những chiếc thuyền máy theo kiểu châu Âu để, theo lời vua
Thiệu Trị nói với bộ Công: “Thuyền có đốt lửa do người ngoại quốc chế. Người ngoại quốc
chuyên dùng để tải hàng hóa buôn bán, thu lấy nhiều lời; nước ta dùng để làm cho việc vũ bị
được nghiêm” [dẫn theo 85, tr.90-91]. Cũng nên lưu ý rằng, cách xây dựng thành lũy và vũ
khí mà phương Tây du nhập vào Việt Nam đã lạc hậu so với thời đại. Những ảnh hưởng của
văn hóa phương Tây trong lĩnh vực quân sự chỉ có thể góp phần giúp nhà Nguyễn chứng tỏ
uy vũ trước lân bang, nhưng không thể sánh kịp với trình độ phát triển của châu Âu. Đây là
một trong những hạn chế của cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược sau này.
“Các giáo sĩ thừa sai Cơ đốc giáo không chỉ chuyển tải niềm tin của họ, Thánh kinh
và lối suy nghĩ phương Tây, mà còn đem theo cả xà phòng và bàn chải đánh răng, phép vệ
sinh, các bệnh viện và các yếu tố khác của “nền văn hóa phương Tây” [dẫn theo 53, tr.299].
Đức tin Thiên Chúa đã mở đường cho những thành tố của văn hóa phương Tây đến với xã
hội Việt Nam truyền thống. Dù còn nhiều lạ lẫm và trong buổi ban đầu, sự du nhập và tiếp
nhận văn hóa đi cùng với những toan tính: các giáo sĩ phô trương khả năng của mình để
thuận tiện hơn trong việc truyền đạo, còn Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn giao thiệp với phương
Tây để có được vũ khí, nhưng sự tiếp nhận này đã làm phong phú thêm cho văn hóa dân tộc,
tạo những tiền đề cần thiết để khi thực dân Pháp hiện diện và tiến hành cuộc “chinh phục
tinh thần”, người Việt Nam sẽ không quá ngỡ ngàng.
21
1.2. Quá trình thực dân Pháp xâm lược Việt Nam (1858-1884)
Giáo sĩ thừa sai, trong khi thi hành sứ mệnh truyền bá đức tin Thiên Chúa, đã để
tâm đến vấn đề thuộc địa. Bởi, đây là sự kết hợp quyền lợi giữa tôn giáo và thế tục: nếu sự
truyền giáo dựa vào đô hộ của châu Âu thì, ngược lại, sự đô hộ này, để được vững chắc,
cũng phải tìm hậu thuẫn về lý thuyết cũng như về thực hành nơi thừa sai và nơi chính tôn
giáo mới [115, tr.10].
Bằng thư từ đệ trình lên Hoàng Đế và những lời phát biểu tại các phiên họp, các
thừa sai đã tạo nên trong nhận thức của Napoléon III và thần dân của Ngài về một xứ
Annam giàu có - “Nước Pháp sẽ tìm thấy ở xứ sở đẹp đẽ này nhiều mỏ vàng, bạc, đồng, sắt
và than đá, nhiều gỗ tốt để đóng tàu; Pháp sẽ có một hải cảng an toàn cho các hạm đội và
thực phẩm cho lính thủy của mình … Tại đó người ta còn có thể thiết lập một nền thương
mại quan trọng về gạo, bông, muối, cau, lụa, tơ cùng nhiều mặt hàng khác …” [dẫn theo
115, tr.61-62], dễ dàng chiếm đóng mà “không tốn kém gì cả cho nước Pháp”, còn dân
chúng thì đang “rên xiết dưới chế độ bạo tàn kinh khủng nhất … sẽ đón tiếp chúng ta như
những người giải phóng và ân nhân” [dẫn theo 115, tr.51]. Được sự ủng hộ của Ủy ban Nam
Kỳ, tháng 11/1857, Napoléon III đã ra lệnh can thiệp vào Việt Nam dù trước đó không lâu,
Bộ trưởng Ngoại giao Walewski, đã cho Hoàng Đế biết rằng vấn đề Nam Kỳ đã không nhận
được sự tán thành nơi các đồng sự. Quyết định này có vẻ mâu thuẫn với chính sách mà nền
ngoại giao Pháp đương thời đã ấn định nhưng lại thỏa mãn thỉnh cầu của những người Thiên
Chúa giáo, lực lượng ủng hộ cần thiết của nền Đệ Nhị đế chế. Tán đồng quan điểm của
Hoàng Đế, Rigault de Genouilly lên đường đến “Nam Kỳ” với sứ mệnh chính là bảo vệ,
bằng đại bác và tàu chiến, sự truyền giáo của các thừa sai và mang ánh sáng văn minh đến
cho dân tộc Việt Nam, kèm theo một mục tiêu hoàn toàn ở vai trò thứ yếu: thăm dò khả
năng thiết lập một chế độ bảo hộ [115, tr.87-88].
Đà Nẵng được chọn làm điểm tấn công đầu tiên vì nơi đây “quả là chỗ neo tàu khá
an toàn cả trong mùa gió đông - bắc; và vì nó gần kinh đô Huế, việc chiếm đóng nó sẽ gây
ảnh hưởng trầm trọng trên chính quyền Đông Dương. Áp lực này sẽ buộc họ chấp nhận mọi
điều kiện mà chúng ta xét là vừa phải để áp đặt lên họ” [dẫn theo 115, tr.92]. Chiều
31/8/1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha dàn trận trước cửa biển Đà Nẵng. Mờ sáng 1/9,
đại bác của liên quân bắn tới tấp vào Đà Nẵng. Trước thế tiến công, dân chúng lập tức thực
hiện “vườn không nhà trống”, phối hợp với quân do Nguyễn Tri Phương chỉ huy đắp lũy
phòng ngự. Bị cô lập giữa bãi cát với mấy đồn vừa chiếm, Đô đốc Gigault de Genoilly mới
22
vỡ lẽ “Chính phủ đã bị lừa về tính cách của việc thôn tính Nam Kỳ (…) Người ta nói với
chính phủ về những tài nguyên không hề có, sự sẵn sàng nơi người dân nhưng kỳ thực quân
chính qui lại rất đông và quân tự vệ thì gồm tất cả mọi người khỏe mạnh trong dân chúng”
[dẫn theo 115, tr.94]. Mặt khác, đoàn quân viễn chinh lại phải đối mặt với sự khắc nghiệt
của thời tiết miền Trung. Thức tỉnh trước tình thế, Đô đốc Rigaul de Geouilly chuyển sang
hướng mới: cảng Sài Gòn ở phía Nam, bất chấp sự phản đối quyết liệt của các nhà truyền
giáo.
Đến Cap Saint-Jacques ngày 10/2/1859, đoàn tàu tiến chậm trên sông Sài Gòn do
phải vượt qua nhiều chướng ngại vật và đồn lũy dọc hai bên bờ. Ngày 17/2, quân Pháp tấn
công và chiếm thành Gia Định. Cũng như ở Đà Nẵng mấy tháng trước, người Pháp bị cô
lập, phải nhận từ dân chúng thái độ bất hợp tác và không tìm đâu ra sự nồng nhiệt đón tiếp
của các làng Gia Tô giáo như lời hứa hẹn của các giáo sỹ. Những đám cháy lớn liên tục
bùng lên, những đạo quân “ứng nghĩa” nhanh chóng thành lập. Nhưng, điều đáng sợ hơn cả
là nguy cơ về sự tấn công bất ngờ của quân đội triều đình phát xuất từ phòng tuyến Chí Hòa
vừa được xây dựng dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương. Trong khi đó, tình hình ở Đà
Nẵng ngày càng trầm trọng: Thương vong tiếp tục, thiếu thốn đạn dược, lương thực, nhiên
liệu vận hành tàu chiến ... Không còn khả năng mở cuộc tấn công thẳng vào Kinh đô Huế,
Bộ trưởng Hải quân ra chỉ thị: “Hoàng thượng trông cậy ở kinh nghiệm và sự sáng suốt của
ông để quyết định xem, với lực lượng mà ông chỉ huy, có nên theo đuổi việc thiết lập nền
bảo hộ trên Vương quốc An Nam không; hay là tốt hơn chỉ nên làm áp lực trên Chính phủ
đó, bằng cách chiếm đóng Đà Nẵng và các cứ điểm khác mà ông đã hoặc sẽ có thể chiếm
được và bằng việc phong tỏa một hay nhiều hải cảng ở Nam kỳ, để đi đến một hiệp ước trên
nền tảng kế hoạch đã vạch ra ngày 25 tháng 11 năm 1857; hay đành bỏ các vị trí mà chúng
ta chiếm đóng và từ bỏ hẳn mưu tính rõ ràng nằm ngoài tầm các phương tiện mà ông có”
[dẫn theo 115, tr.107]. Không thể chấp nhận ý tưởng từ bỏ cuộc viễn chinh, trong hoàn cảnh
hiện tại, Rigault de Genouilly nghĩ đến giải pháp thương thuyết với triều đình Huế. Yêu
sách về tự do truyền giáo trở thành chướng ngại khiến cho mọi thương thuyết của đại diện
hai phía không đi đến kết quả chung cuộc. Chiến tranh tái diễn, nhưng trước yêu cầu của
tình hình mới ở Peiho, đầu năm 1860, Đô đốc Page lên đường sang Trung Quốc. Cũng nên
lưu ý là, cho đến thời điểm năm 1860, quan điểm về một chế độ thuộc địa ở Annam vẫn còn
lập lờ trong tư tưởng của Napoléon III, nếu không muốn nói việc chiếm đóng chỉ là phương
tiện để đạt được hiệp ước và lợi ích thương mại vẫn chưa phải là mối bận tận tâm hàng đầu.
23
Nhậm chức Bộ trưởng Hải quân và Thuộc địa ngày 24/11/1860, Chasseloup-Laubat
đã thay thế những do dự, bất nhất trong chính sách của Pháp ở Việt Nam bằng một quan
điểm rõ ràng và thực tế: một thuộc địa vĩnh viễn ở Nam Kỳ. Cũng từ đây, vấn đề tôn giáo đã
phải lùi xuống hàng thứ yếu để nhường chỗ cho quyền lợi thương mại và thuộc địa.
Giải quyết xong chiến sự ở Trung Quốc bằng Hòa ước ngày 25/10/1860, Phó Đô
đốc Charner thẳng tiến về Sài Gòn. Có thể xem cách lập luận dưới đây của Charner là định
hướng cho những hành động quân sự sẽ diễn ra ở Nam Kỳ trong thời gian tới: “Nếu chúng
ta muốn đứng vững ở Nam Kỳ, và tạo ra ở đây một trung tâm buôn bán quan trọng, chúng ta
không nên chỉ giới hạn ở việc chiếm Sài Gòn; quyền lợi của chúng ta đòi chúng ta mở rộng
giao dịch trên toàn Nam bộ là xứ có các tỉnh phì nhiêu nhất và giàu có nhất của toàn Vương
quốc” [dẫn theo 115, tr.122]. Để thực hiện ý định vừa nêu, Đại đồn Chí Hòa là đối tượng
cần phải xử lý đầu tiên. Giao tranh ác liệt đã diễn ra liên tiếp trong các ngày 25-27/2/1861,
cuối cùng, quân Pháp đã công phá được Đại đồn. Giải quyết xong Sài Gòn, đến lượt các tỉnh
còn lại của Nam Kỳ: ngày 12/4, Pháp cắm cờ trên nóc thành Mỹ Tho; ngày 14/12, thành
Biên Hòa bỏ ngỏ; ngày 23/2/1862, Pháp chiếm thành Vĩnh Long; chỉ còn An Giang và Hà
Tiên là vô sự.
Trong khi quân dân Nam Kỳ kháng chiến khắp nơi thì ở miền Bắc, Lê Duy Phụng,
một tín đồ Thiên Chúa giáo, tự xưng dòng dõi nhà Lê, phất cờ tuyên cáo: “Vì cảnh lầm than
của dân ta và vì hoàn cảnh gia đình, ta quyết định phải trả thù cho chính đáng để rửa cái
nhục phải chịu biết bao đau khổ, để cho đạo Thiên Chúa được truyền bá khắp nơi ở Bắc Kỳ
và để cho dân chúng sống trở lại thái bình và hạnh phúc” [dẫn theo 139, tr.285].
Giải quyết cùng lúc hai vấn đề: xâm lược và nổi loạn là một việc làm quá sức, triều
đình Huế buộc phải chấp nhận đề nghị hòa bình với Pháp để tập trung lực lượng đánh tan
cuộc nổi loạn ở phía Bắc. Phái đoàn Việt Nam do Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp dẫn
đầu, khởi hành vào Sài Gòn kèm theo lời dặn của vua Tự Đức: “Hãy hành động rất cẩn thận
hầu có ngưng chiến càng sớm càng tốt, để làm đủ sứ mệnh Trẫm giao phó”, “Hãy dò lường
tình ý, tùy nghi biện bác sao cho họ bình tâm nghĩ lại, giảm được phần nào thì tốt phần ấy,
nếu không được thì mới từ ít đến nhiều” [dẫn theo 85, tr.282-283].
Nếu như lần thương thuyết năm 1861, Nguyễn Bá Nghi cứ tranh luận mãi với
Charner những điều khoản tôn giáo và bác bỏ tất cả mọi giao nhượng lãnh thổ thì đến lúc
này mọi chuyện có vẻ được quyết định nhanh hơn. Chỉ sau một tuần thảo luận, ngày
5/6/1862, tại Trường Thi ở Sài Gòn đã diễn ra sự trao đổi chữ ký sơ bộ cho Hiệp ước. Gồm
24
12 điều khoản, nội dung chủ yếu của Hiệp ước là: Chính phủ Việt Nam nhượng cho Pháp 3
tỉnh phía Đông Nam bộ (Sài Gòn, Mỹ Tho, Biên Hòa) và Côn Đảo; thừa nhận quyền tự do
truyền giáo cho các phái bộ thừa sai Gia Tô; mở một số cảng và sông Cửu Long đến tận
Cam Bốt cho thương mại Pháp; bồi thường 4 triệu đô la, trả trong 10 năm; Chính phủ Việt
Nam phải được sự đồng ý của Pháp khi nhượng đất đai của mình cho nước khác [115,
tr.131-132].
Hiệp ước Nhâm Tuất đã gây phẫn uất trong dân chúng Nam Kỳ, cờ nghĩa của
Trương Định, Thiên Hộ Dương, Nguyễn Trung Trực … tiếp tục giương cao, khắp nơi
truyền đi lời hịch kêu gọi một tinh thần kiên định chiến đấu:
“Bớ các quan ơi,
Chớ thấy chín trùng hòa nghị mà tấm lòng địch khái nỡ phôi
pha, Đừng rằng ba tỉnh giao hòa mà cái việc cừu thù đành bỏ dở”
Tại Huế, vua Tự Đức đã trách phái bộ “Hai người [Phan, Lâm] không chỉ là tội
nhân của bản triều mà còn là tội nhân của muôn đời nữa” [dẫn theo 85, tr.285]. Nhiều năm
sau, nhà vua vẫn còn nặng lòng về các điều khoản nhượng đất: “Bất đắc dĩ cầu hòa với giặc,
sai sứ đi định ước, bậc kỳ nho thạc phụ khẳng khái xin đi, không biết vì cớ gì mà lập thành
hòa ước dễ dàng, đem tất cả thổ địa nhân dân của các triều trước mở mang khó nhọc bỗng
chốc bỏ cho giặc hết” [dẫn theo 85, tr.285].
Mọi chuyện đã lỡ làng, chỉ còn cách cứu vãn tình thế. Không đặt niềm tin vào
phong trào kháng chiến đang diễn ra mạnh mẽ ở miền Nam, nhà vua nghĩ đến khả năng
ngoại giao để khôi phục chủ quyền trên 3 tỉnh vừa bị mất. Một phái bộ gồm 12 người, do
Phan Thanh Giản làm Chánh sứ, được cử sang Pháp để gửi đến triều đình Paris đề nghị: xin
chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ, đổi lại, Việt Nam xin nộp cống vĩnh viễn từ 2-3 triệu
mỗi năm, cùng với tự do buôn bán khắp nước và nhượng đứt Sài Gòn. Trong hoàn cảnh các
cuộc viễn chinh xa xôi làm hao tổn ngân sách đang bị chỉ trích, sự cần thiết duy trì “Liên
minh thân ái” (giữa Pháp và Anh) và nhất là Hoàng Đế không có một chính sách thuộc địa
rõ rệt đối với Nam Kỳ, Napoléon III đã có ý chấp thuận đề nghị của sứ đoàn. Nhưng trước
sự chống đối kịch liệt của “đảng thuộc địa” mà đại diện là Chasseloup-Laubat (Bộ trưởng
Hải quân và Thuộc địa), De La Grandière (thay Bonard làm Tổng chỉ huy quân sự ở Nam
Kỳ), Hoàng Đế Pháp lại ngả theo chủ trương bành trướng thuộc địa. Mọi hy vọng tiêu tan
khi, trong phiên họp ngày 15/10/1862, Hội Đồng Bộ trưởng không phê chuẩn Hiệp ước
25
Aubaret. Quyết định này có nghĩa là không có thay đổi gì về tôn giáo, đất đai, thương mại,
tất cả đều tuân theo các điều khoản của Hiệp ước Nhâm Tuất.
Ngày 10/6/1867, De La Grandière nhận được từ Rigault de Genouilly, người vừa
thay Chasseloup-Laubat làm Bộ trưởng Hải quân và Thuộc địa, khuyến cáo: “Mặc dù tình
trạng [chính trị châu Âu] bớt căng thẳng hơn, nhưng cho tới khi có lệnh mới ông đừng nghĩ
tới chuyện biểu dương lực lượng đối với ba tỉnh” [dẫn theo 8, tr.54]. Chỉ thị đã đến quá
muộn màng và dường như không được chú ý. Trước đó, De La Grangdière đã hai lần cử đại
diện ra Huế nêu yêu sách nhượng luôn cho Pháp 3 tỉnh miền Tây và tại Nam Kỳ, ông đã
phác họa một kế hoạch tỉ mỉ cho các chiến dịch, thậm chí, ranh giới hành chính của các tỉnh
cũng được xác định trước [8, tr.52].
Khởi sự ngày 19/6, quân Pháp bao vây thành Vĩnh Long. Nhận thấy mọi sự kháng
cự lúc này là vô ích, chỉ kéo dài thêm bất hạnh cho dân chúng, Kinh lược sứ Phan Thanh
Giản chấp nhận nộp thành (20/6), đồng thời gửi thư khuyên hàng đến Tổng đốc An Giang
và Tổng đốc Hà Tiên. Hai tỉnh này lần lượt bị Pháp chiếm vào các ngày 21 và 24/6. Trở về
trong nỗi ray rứt, ngậm ngùi, Phan Thanh Giản đã tuyệt thực một thời gian và tự vẫn vào
ngày 5/7, sau khi bày tỏ cùng vua Tự Đức: “Sớ rằng: Đất đai ở Nam Kỳ một khi đến như
thế, mau chóng quá, tình thế không thể ngăn nổi. Thần nghĩa đáng chết, không dám cầu
sống, để cái hổ cho vua (…) Thần đến lúc tuyệt mệnh, nghẹn lời không biết nói sao nữa; chỉ
rỏ nước mắt trông nhớ, khôn xiết nguyện vọng mà thôi ” [89, tr.45-46].
Vua Tự Đức đón nhận tin Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây với thái độ giận dữ, còn Bộ
trưởng Rigault de Genouilly tỏ vẻ bất mãn trước hành động của Đô đốc De La Grandière.
Đến đây, Lục tỉnh Nam kỳ, trên thực tế, đã thuộc về thực dân Pháp, chỉ còn chờ sự thừa
nhận chính thức bằng văn bản của triều đình Huế. Bất chấp tất cả, dân chúng Nam Kỳ tiếp
tục kháng chiến.
Từ lâu, các thừa sai đã dựng lên một huyền thoại về thuyết “Bắc Kỳ ly khai” mà ở
đó người Bắc Kỳ, cư dân của một vương quốc độc lập trước đây, đau khổ dưới sự “đô hộ
của người An Nam” đang nóng lòng chờ đợi người Pháp đến giải phóng cho họ và chấp
nhận sự đô hộ của người Pháp, miễn là xứ này được tách khỏi Nam Kỳ và có một vua Lê
đứng đầu [xem 115, tr.225]. Rigault de Genouilly, Chasseloup-Laubat, De La Grandière …
đều bị quyến rũ bởi một tương lai “nước Pháp trở nên người bảo hộ của Vương quốc và sẽ
làm ra mọi hiệp ước tự do thương mại, dân sự và tôn giáo mà mình muốn …” [dẫn theo 115,
tr.228-229] nhưng đành phải gác lại vì không có điều kiện. Tình hình Nam Kỳ dần đi vào ổn
26
định, Dupré hướng tầm nhìn ra Bắc, ấp ủ một dự định tiến quân mà các chỉ huy quân sự tiền
nhiệm đã bỏ lỡ.
Cơ hội đã đến khi triều đình Huế, do không thể tự giải quyết hành động gây hấn của
Jean Dupuis ở lưu vực sông Hồng, đã cử phái bộ vào Sài Gòn “xin giúp đỡ”3
. Lập tức,
Dupré cử Thiếu tá Hải quân Francis Garnier, cùng với 100 lính và 1 hạm đội nhỏ gồm 2 tàu
chiến trang bị 11 đại bác [85, tr.321], ra Bắc để “mời ông Dupuis tạm thời từ bỏ công việc
kinh doanh của ông ta, để tiếp tục thực hiện lại sau này trong những điều kiện hợp pháp
hơn, và trong trường hợp ông ta từ chối thì sẽ phải cưỡng chế ông ta, và tức khắc đuổi ông
ta đi. Lệnh cũng sẽ là mở cửa sông Hồng cho thuyền bè của người Annam, người Pháp,
người Trung Hoa đi lại, với một mức thuế vừa phải khi đi xuôi đi ngược, làm cho tôn trọng
những điều khoản bảo vệ người Thiên chúa giáo và sẽ đóng lại ở Tonkin cho đến khi ký kết
được hiệp định” [dẫn theo 82, tr.197].
Trái ngược với mong muốn của triều đình Huế, tại Hà Nội, Francis Garnier đã bênh
vực Dupuis, đòi mở cửa sông Hồng cho thương mại Pháp, Tây Ban Nha và Trung Quốc,
phá cửa thành Hà Nội để dời quân đồn trú về đóng tại Trường Thi. Tình hình càng căng
thẳng khi Nguyễn Tri Phương dứt khoát từ chối mọi nội dung thương thuyết có nội dung
nằm ngoài vấn đề Dupuis và tăng cường phòng thủ. Sau khi gửi cho Nguyễn Tri Phương
những lời đe dọa “Tôi tôn vinh tuổi tác cao và lòng yêu nước của ngài. Tôi không hài lòng
về tính chất căm thù mù quáng chống lại người Pháp trong các hành động của ngài. Trách
nhiệm về những hậu quả này sẽ rơi trên đầu ngài” [dẫn theo 82, tr.207] và một tối hậu thư,
ngày 20/11/1873, Francis Garnier tấn công và chiếm thành Hà Nội. Bị thương trong khi chỉ
huy chiến đấu, Nguyễn Tri Phương khước từ mọi sự cứu chữa của người Pháp và qua đời
ngày 20/12, để lại cho hậu thế tấm gương kiên trung của vị tướng giữ thành - “Phương nằm
gan lì ở dinh, tuyệt không ăn uống gì. Bọn quân Pháp coi giữ ở thành ấy thường đem cháo
và thuốc đổ cho Phương ăn uống, nhưng Phương nhất thiết đều phun mửa ra. Thong dong
nói rằng: Nghĩa đáng phải chết” [88, tr.461]. Trong men chiến thắng, Francis Garnier đã
hành động theo bản tính quyết liệt và phiêu lưu của mình: tiến đánh các tỉnh ở Đồng bằng
Bắc Kỳ, như Hưng Yên (24/11), Hải Dương (4/12), Ninh Bình (5/12), Nam Định (10/12).
Thất bại của quân đội triều đình không làm giảm sút nhuệ khí chiến đấu ở Bắc Kỳ.
Phong trào kháng chiến nhanh chóng quy tụ nhiều lực lượng: các đạo quân triều đình còn lại
do Hoàng Tá Viêm, Trương Quang Đản cho huy, quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc, gần như
3Từ dùng của Francis Garnier, chỉ huy trưởng quân Pháp tại Hà Nội, trong Cáo thị ngày 7/11/1873 [xem 82, tr.203].
27
toàn bộ dân chúng, trừ những con chiên, và giành chiến công vang dội tại Cầu Giấy (21/12):
Francis Garnier tử trận. Sau sự kiện này, quân Pháp ở vào tình trạng: không được viện binh,
không có tiền bạc, không còn lương thực và đạn dược. Khoảng 300 lính Pháp mệt mỏi và bị
cô lập ở cách xa bờ biển khoảng 300 cây số, giữa một xứ đắm chìm trong tình trạng vô
chính phủ, lại bị bao vây bởi các băng đảng Cờ Đen thiện chiến và sẵn sàng tấn công [115,
tr.288].
Mệnh lệnh được ban hành từ Paris: “Tôi yêu cầu ông trong mọi hoàn cảnh phải
hành động trong sự hòa hợp hoàn toàn với các đại diện của triều đình Huế. Bằng mọi cách,
ông phải gấp rút ký kết một hiệp ước mà kết quả sẽ đưa đến sự rút quân ra khỏi thành Hà
Nội bởi vì, tôi nhắc lại với ông là Chính phủ tuyệt đối đòi không được có vấn đề chiếm
đóng kéo dài, càng không được chiếm đóng vĩnh viễn, một phần lãnh thổ nào của Bắc Kỳ”
[dẫn theo 115, tr.289]. Không còn lý do để chống lại hay thoái thác, Dupré đành trao cho
Philastre nhiệm vụ: vãn hồi hòa bình ở Bắc Kỳ.
Đến Bắc Kỳ cùng với Nguyễn Văn Tường ngày 26/12, Philastre tiến hành các hoạt
động trao trả cho chính quyền Việt Nam các thành lũy mà quân Pháp đóng giữ, sau đó trở
về Sài Gòn, hai phía tiến hành thương thuyết và nhanh chóng đạt được thỏa thuận. Hiệp ước
Giáp Tuất được ký ngày 15/4/1874, có nội dung: Chủ quyền của Pháp được thừa nhận trên
ba tỉnh miền Tây Nam bộ; một hải cảng ở miền Trung (Quy Nhơn) và hai cảng ở miền Bắc
(Hải Phòng và Hà Nội) cũng như sông Hồng được mở ra cho buôn bán. Tại mỗi cảng, có
một viên Lãnh sự Pháp được một toán quân nhỏ bảo vệ; Một Công sứ Pháp đóng ở Huế; Về
ngoại giao, biểu trưng của một nước có chủ quyền, Triều đình Huế cam kết theo đúng chính
sách đối ngoại của Pháp [115, tr.315]. Dù các đại biểu cánh tả phản ứng quyết liệt, Quốc hội
Pháp đã phê chuẩn Hiệp ước trong phiên họp ngày 5/8/1874; Đức Giáo hoàng rất tán đồng
các điều khoản thuộc lĩnh vực tôn giáo trong khi các thừa sai, vì vẫn giữ tham vọng về sự
thay thế quyền lực ở Bắc Kỳ, chống đối [xem 115, tr.326].
Như vậy, cuộc phiêu lưu của Francis Garnier dẫu cho phải kết thúc bằng lệnh rút
quân, nhưng cũng không phải là hành động vô giá trị. Theo Hiệp ước mới, người Pháp vừa
chính thức có được trọn xứ Nam Kỳ, lại có thêm các quyền lợi về thương mại, tôn giáo.
Các Thống sứ kế nhiệm Dupré như Krantz (5/1874-12/1874), Duperré (1874-1876),
Lafont (1877-1879) cương quyết giữ vững lập trường không can dự vào những chuyện nội
bộ Bắc Kỳ, bất chấp những khuyến dụ liên tục của các Giám mục. Đến năm 1879, hoàn
cảnh thay đổi, chủ trương của Paris đã không còn như trước. Trước hết, vị thế của Pháp ở
28
Bắc Kỳ có nguy cơ bị xâm phạm. Sau gần 5 năm, người Pháp ở Nam Kỳ chờ mãi mà không
nhận được lời cầu cứu nào từ vua Tự Đức để giải quyết tình trạng loạn lạc ở Bắc Kỳ, nhà
vua muốn giữ khoảng cách với Pháp và tỏ ý hướng về Trung Hoa. Thêm vào đó, các cường
quốc Anh, Đức, Tây Ban Nha đang tìm cách nối kết các quan hệ trực tiếp với triều đình
Huế, mà không cần thông qua vai trò trung gian của Pháp theo như quy định của Hiệp ước
Giáp Tuất (1874). Thứ hai, sự phát triển của kỹ nghệ Pháp đặt ra đòi hỏi gắt gao về thị
trường tiêu thụ - “chiếm thuộc địa là vấn đề sống chết đối với nước Pháp” [115, tr.378-379,
385-386]. Đã đến lúc từ “bảo trợ” cần được thay bằng một từ mới có hàm nghĩa rõ ràng để
tiện bề thực hiện: bảo hộ. Chính giới Pháp đã tìm được tiếng nói chung trong vấn đề can
thiệp vào Bắc Kỳ nhưng “tránh lao mình vào các phiêu lưu của một cuộc xâm lược quân sự”
[dẫn theo 115, tr.388], chỉ cần một cuộc biểu dương lực lượng đủ lớn để tạo dựng một uy
thế. “Chính bằng cách chính trị, bằng cách hòa bình, bằng cách hành chánh mà chúng ta mở
rộng và củng cố ảnh hưởng của chúng ta ở Bắc Kỳ và ở An Nam” [dẫn theo 115, tr.388].
Thống sứ Lemyre de Viler đã chỉ thị Henri Rivière như vậy khi cử vị Thiếu tá này chỉ huy 2
hạm đội ra Hà Nội để tăng cường lực lượng trú phòng ở Bắc Kỳ.
Mười năm không phải là thời gian quá lâu để người ta quên đi tất cả, nhất là những
vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia. Do đó, Hoàng Diệu đã không tin nước Pháp phái
quân đội đến Hà Nội chỉ đơn thuần là để bảo vệ những kiều dân và những người du hành
chống bọn Cờ Đen. Quan Tổng đốc Hà Nội đã tăng cường phòng thủ và lặng thinh trước tối
hậu thư yêu cầu nộp thành. Sáng ngày 25/4, cho rằng “bị đe dọa bởi các chuẩn bị hiếu
chiến” [dẫn theo 115, tr.389] của phía Việt Nam, Henri Rivière tấn công thành Hà Nội.
Quân triều đình kháng cự quyết liệt, nhưng chỉ sau hơn 2 giờ chiến đấu, hàng ngũ trở nên
rối loạn, quân Pháp đã làm chủ được các dãy tường thành phía Bắc, Tây Bắc và phía Đông.
Không thể cứu vãn được tình thế, Hoàng Diệu tiến đến Hành cung, hướng về phía Nam lạy
tạ rồi treo cổ tuẫn tiết trong vườn Võ Miếu, để lại những lời đầy trách nhiệm trong tờ biểu
gửi về Kinh đô: “Lòng thần như cắt, một tay khôn cầm. Tướng lược không tài, tự nghĩ sống
là vô ích, thành mất chẳng cứu, ví bằng chết cũng chưa đền. Đem thân định quyên sinh
không thể học Tào Mạt hay dọa địch, treo cổ đền trách nhiệm chỉ mong theo Thương Tuần
chết giữ thành.
Dám đâu trung nghĩa gọi là, chỉ vì sự thế bắt buộc. Đất trung thổ trở nên địch địa,
sống thẹn cùng phường nhân sĩ Bắc Hà, lòng cô trung thề với Long thành, chết xin theo
Nguyễn Tri Phương dưới đất” [dẫn theo 135, tr.49].
29
“Muốn thành công bằng chính sách ngoại giao chậm chạp với triều đình Huế”, như
nhận xét của Henri Riviève, Thống sứ Nam Kỳ đã không hài lòng về những diễn biến vừa
xảy ra ở Hà Nội. Trung Hoa can thiệp vì lo ngại “sự lân cận với một cường quốc Âu châu”
[dẫn theo 115, tr.392] nhưng rồi cũng đồng ý rút quân, phớt lờ lời cầu xin giúp đỡ của vua
Tự Đức, sau khi nhận được từ Bourée, Đại sứ Pháp ở Bắc Kinh, những hứa hẹn cùng sẻ chia
quyền lợi ở Bắc Kỳ.
Tại Paris, chủ trương một cuộc viễn chinh thật sự ở Bắc Kỳ nhưng trước sức kháng
cự của Hội Đồng Bộ trưởng và của Hạ Nghị viện, Jauréguiberry, Bộ trưởng Hải quân, phải
tán thành đường lối “hòa bình” của Lemyre de Viler và chấp nhận gửi đến Bắc Kỳ 700 lính
tăng viện4
thay vì 6000 quân nhưng dự kiến [115, tr.395]. Với số quân này, Henri Riviève
đã chiếm mỏ than Hòn Gai (12/3/1883), Nam Định (27/3/1883). Dân chúng Bắc Kỳ, cũng
như lần trước, đã kiên quyết cùng các đạo quân của triều đình và quân Cờ Đen kháng chiến.
Và một lần nữa, chiến thắng vang dội lại diễn ra tại Cầu Giấy, ngày 19/5: Henri Riviève tử
trận. Không còn những lo âu, vướng bận của năm 1873, ngày 27/5, Chính phủ Pháp gửi cho
đoàn quân viễn chinh một điện tín: “Nước Pháp sẽ trả thù cho những đứa con oanh liệt”
[dẫn theo 115, tr.394].
Sau 36 năm trị vì đầy mỏi mệt trong cơn biến loạn của đất nước, ngày 17/7/1883,
vua Tự Đức băng hà. Cấm Thành rơi vào tình trạng không ổn định: Kế vị theo Di chiếu của
Tiên vương nhưng Hoàng tử Ưng Chân chỉ ở ngôi được 3 ngày rồi bị phế, triều thần tôn
Lãng Quốc công Hồng Dật lên thay, lập triều Hiệp Hòa; các đại thần chia rẽ: Nguyễn Văn
Tường, Tôn Thất Thuyết chủ trương kháng chiến, còn Nguyễn Trọng Hiệp có xu hướng hợp
tác với Pháp. Ý đồ thiết lập nền bảo hộ tại An Nam đã có một thời cơ thuận lợi. Ngày 18/8,
Đô đốc Courbet tấn công các thành lũy bảo vệ Kinh đô. Ngày 25/8, Nguyễn Trọng Hiệp,
thay lời vua Hiệp Hòa, chấp nhận Thỏa ước do Harmand áp đặt. Theo đó, Việt Nam chấp
nhận nền bảo hộ của Pháp, triều Nguyễn được cai trị phần đất từ Đèo Ngang đến Bình
Thuận dưới quyền điều khiển của một Khâm sứ Pháp đóng tại Huế; Pháp kiểm soát các
nguồn lợi kinh tế trong cả nước (thuế quan, tài nguyên …); Vua Nguyễn phải triệt hồi binh
lính ở Bắc Kỳ, quân Pháp sẽ có mặt và đóng đồn “ở bất cứ nơi nào xét thấy cần thiết” để
“bảo vệ vua An Nam chống lại hết thảy các cuộc ngoại xâm, nội loạn” [85, tr.331].
Khi soạn thảo Hiệp ước, Harmand đã vượt quá những chỉ thị của Paris và ông sẽ
không chờ lâu để thấy hệ quả của sự quá đà này: Trong cung cấm, vua Hiệp Hòa bị bức tử,
4Theo Philippe Devillers, số lính tăng viện được gửi đến Bắc Kỳ từ Paris là 750 [xem 82, tr.325].
30
Kiến Phúc đăng cơ; Đại bác quay hướng về tòa Khâm sứ; Các đoàn quân chí nguyện, gọi là
“Đoàn kiệt”, được thành lập tại Huế; Phe chống Pháp, do Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất
Thuyết cầm đầu, bí mật xây dựng, củng cố hệ thống sơn phòng, chuẩn bị kháng chiến lâu
dài; Quan lại Bắc Kỳ, trừ Nguyễn Hữu Độ, không thừa nhận Hiệp ước; Dân chúng khẳng
định: “Chúng tôi thuộc về Vương quốc Đại Nam” [dẫn theo 82, tr.340], và tiếp tục chiến
đấu; Thiên triều Trung Hoa lên tiếng phản đối; Chính phủ Pháp không tán thành. Tất cả cho
thấy cần phải có một sự thay đổi theo hướng, như tuyên bố của Thủ tướng Ferry, “Khôn
ngoan là chỉ nên nghĩ đến một cuộc bảo hộ … Muốn giúp cho công cuộc kinh doanh của
nước Pháp ở Đông Dương đạt hiệu quả tốt thì nước “Đại Nam” không thể là một cái hư
không được” [dẫn theo 85, tr.333-334].
Đến Bắc Kỳ vào mùa xuân năm 1884, viện quân Pháp đã, với sự trợ giúp của cộng
đồng Thiên Chúa giáo do các thừa sai đoàn ngũ hóa, mở cuộc tấn công trong Đồng bằng
Bắc Bộ: Bắc Ninh, Hưng Hóa nối tiếp thất thủ. Đến lượt nhà Thanh, thông qua Hiệp ước
Thiên Tân (5/1884), thừa nhận chế độ bảo hộ của Pháp ở Việt Nam và cam kết rút quân
khỏi Bắc Kỳ. Trước những diễn biến vừa nêu, triều đình Huế chấp nhận bản dự thảo Hiệp
ước do Patenôtre mang đến từ Paris. Lễ ký kết diễn ra ngày 6/6/1884, gồm 19 điều khoản,
bản Hiệp ước xác định rõ vai trò “bảo hộ” của Pháp đối với Việt Nam, điểm khác biệt rõ
nhất so với bản Hiệp ước đã ký gần 1 năm trước là: vùng cai quản của nhà Nguyễn được nới
rộng ở hai đầu Trung Kỳ (từ Thanh Hóa đến Đèo Ngang ở phía Bắc và tỉnh Bình Thuận ở
phía Nam).
Từ một cuộc viễn chinh có động cơ chủ yếu là tôn giáo, người Pháp, dưới tác động
của giáo sỹ thừa sai và tham vọng thực dân, đã từng bước dấn sâu vào cuộc chinh chiến với
rất nhiều khó khăn và chống đối từ phía chính giới Pháp (vì lo ngại gánh nặng ngân sách),
từ phía triều đình và dân chúng Việt Nam (vì bảo vệ nền độc lập). Nhưng rồi, thực dân Pháp
cũng đạt được điều mà không một người Việt Nam yêu nước nào muốn nghe đến: “Nước
Annam công nhận và chấp nhận sự bảo hộ của nước Pháp” [xem 82, tr.624].
1.3. Chính sáchcai trị của thực dân Pháp ở Việt Nam: từ “đồng hóa” đến
“liên hiệp”
Tiếp sau những thắng lợi về quân sự, người Pháp đã tiến hành tổ chức việc cai trị
vào tạo lập sự ổn định ở những vùng đất vừa được chinh phục. “Đồng hóa” (assimilation) và
“liên hiệp” (assocation) là hai khuynh hướng chính chi phối chính sách cai trị của nhà cầm
31
quyền Pháp ở Việt Nam từ khi có được mảnh đất đứng chân ở Nam Kỳ (6/1862) đến khi bị
Nhật đảo chính (3/1945). Cùng với chủ trương thiết lập nền hành chính, quan điểm về văn
hóa - giáo dục của các vị Thống sứ, Toàn quyền là nơi phản ánh rõ quá trình chuyển đổi của
hai khuynh hướng vừa nêu trong đường lối cai trị.
Khởi nguồn từ tư tưởng cổ điển và từ luật La Mã, lý tưởng đồng hóa đã ngự trị lâu
đời trên đời sống chính trị nước Pháp “Quả thật người Pháp dễ dàng trong việc tiếp xúc với
người bản xứ, đến với người đó, vui vẻ với người đó. Sự dễ dàng đó có gốc rễ từ sức mạnh
đồng hóa, hoặc bẩm sinh, hoặc do lý giải, khiến người Pháp tự mình đến gần người bản xứ,
không phải để bắt gặp hay hiểu biết tư tưởng của người đó, mà để áp đặt tư tưởng của mình
trên người đó” [dẫn theo 115, tr.16]. “Đồng hóa” trở thành chính sách cai trị của thực dân
Pháp trên các thuộc địa mà họ có được ở Châu Phi và Tân lục địa. Khi đến Việt Nam vào
giữa thế kỷ XIX, chính sách này vẫn không có nhiều thay đổi và được nhiệt tình thực hiện ở
Nam Kỳ, rồi mở rộng dần ra các vùng đất còn lại bằng những biện pháp tinh tế, ẩn sau vẻ
ngoài của thái độ tôn trọng nền văn minh bản địa.
Chasseloup-Laubat, ngay từ năm 1861, khi quân viễn chinh vừa làm chủ được Gia
Định và thành Định Tường, đã xác định: Nam Kỳ sẽ không đơn thuần là một thuộc địa thế
tục mà là một Đế quốc Gia Tô giáo và Pháp để “văn minh Gia Tô giáo có được trong vùng
đất mới chiếm của chúng ta một cơ sở tuyệt vời, từ đó tỏa chiếu ra trên các vùng đất mà
nhiều tập quán man rợ còn hiện hữu” [dẫn theo 115, tr.170-171]. Nhưng đối mặt với người
Pháp không phải là một dân tộc ở trình độ bán khai sẵn sàng chấp nhận mọi sự áp đặt mà
người Việt, từ rất lâu, đã tạo lập được những giá trị văn hóa vững bền. Do đó, Bộ trưởng
Hải quân và Thuộc địa đã có những định hướng cho hành động của Bonard: tiến hành một
cách khéo léo, bền bỉ và đừng áp chế một cách quá lộ liễu các phong tục và tín ngưỡng của
dân chúng. Điều cốt yếu là trước mắt phải biết hòa giải các quyền lợi và hành động của tôn
giáo mới với sự tôn trọng những thói quen của dân chúng [115, tr.176-177].
Tại Nam Kỳ, Bonard đã lĩnh hội đầy đủ và linh hoạt thực hiện chỉ thị của thượng
cấp. Nhận thấy sức mạnh truyền thống của Nho giáo, sự vững chắc của chế độ quan lại và
làng xã, quân Pháp đang trong tình trạng bị cô lập, Bonard cho rằng một chính sách tự do và
tôn trọng các truyền thống của xứ này có vẻ thích hợp với tình hình hơn là một chính sách
đồng hóa thái quá [115, tr.178]. Giữa lúc hỗn loạn, tìm kiếm đầy đủ nhân sự để kiến lập một
nền hành chính trực trị là điều khó thực hiện: Quan lại triều đình hoặc vì cùng với nhân dân
kháng chiến hoặc bị triệu hồi về Huế hoặc lo sợ đã từ bỏ nhiệm sở; lực lượng của người
32
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY

More Related Content

What's hot

VĂN HỌC NHẬT BẢN TỪ KHỞI THỦY ĐẾN 1868
VĂN HỌC NHẬT BẢN TỪ KHỞI THỦY ĐẾN 1868 VĂN HỌC NHẬT BẢN TỪ KHỞI THỦY ĐẾN 1868
VĂN HỌC NHẬT BẢN TỪ KHỞI THỦY ĐẾN 1868 nataliej4
 
Luận văn thạc sĩ Đặc điểm du nhập của từ vay mượn gốc ấn âu trong tiếng Việt ...
Luận văn thạc sĩ Đặc điểm du nhập của từ vay mượn gốc ấn âu trong tiếng Việt ...Luận văn thạc sĩ Đặc điểm du nhập của từ vay mượn gốc ấn âu trong tiếng Việt ...
Luận văn thạc sĩ Đặc điểm du nhập của từ vay mượn gốc ấn âu trong tiếng Việt ...nataliej4
 
Quản lý rủi ro trong hoạt động kinh doanh XNK của các doanh nghiệp Việt Nam đ...
Quản lý rủi ro trong hoạt động kinh doanh XNK của các doanh nghiệp Việt Nam đ...Quản lý rủi ro trong hoạt động kinh doanh XNK của các doanh nghiệp Việt Nam đ...
Quản lý rủi ro trong hoạt động kinh doanh XNK của các doanh nghiệp Việt Nam đ...anh hieu
 
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM nataliej4
 
汉、越味觉词“甜”、“苦”隐喻对比研究 Nghiên cứu đối chiếu ẩn dụ của từ vị giác tían ngọt và ku...
汉、越味觉词“甜”、“苦”隐喻对比研究 Nghiên cứu đối chiếu ẩn dụ của từ vị giác tían ngọt và ku...汉、越味觉词“甜”、“苦”隐喻对比研究 Nghiên cứu đối chiếu ẩn dụ của từ vị giác tían ngọt và ku...
汉、越味觉词“甜”、“苦”隐喻对比研究 Nghiên cứu đối chiếu ẩn dụ của từ vị giác tían ngọt và ku...NuioKila
 
Luận văn: Vận dụng lý thuyết kiến tạo vào dạy học chương “Chất rắn và chất lỏ...
Luận văn: Vận dụng lý thuyết kiến tạo vào dạy học chương “Chất rắn và chất lỏ...Luận văn: Vận dụng lý thuyết kiến tạo vào dạy học chương “Chất rắn và chất lỏ...
Luận văn: Vận dụng lý thuyết kiến tạo vào dạy học chương “Chất rắn và chất lỏ...Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Trắc nghiệm luật ngân sách nhà nước việt nam
Trắc nghiệm luật ngân sách nhà nước việt namTrắc nghiệm luật ngân sách nhà nước việt nam
Trắc nghiệm luật ngân sách nhà nước việt namBee Bee
 
PHONG CÁCH HỌC TIẾNG VIỆT
PHONG CÁCH HỌC TIẾNG VIỆT PHONG CÁCH HỌC TIẾNG VIỆT
PHONG CÁCH HỌC TIẾNG VIỆT nataliej4
 
Thơ nữ việt nam sau 1975, những tìm tòi và cách tân 7774424
Thơ nữ việt nam sau 1975, những tìm tòi và cách tân 7774424Thơ nữ việt nam sau 1975, những tìm tòi và cách tân 7774424
Thơ nữ việt nam sau 1975, những tìm tòi và cách tân 7774424nataliej4
 

What's hot (20)

VĂN HỌC NHẬT BẢN TỪ KHỞI THỦY ĐẾN 1868
VĂN HỌC NHẬT BẢN TỪ KHỞI THỦY ĐẾN 1868 VĂN HỌC NHẬT BẢN TỪ KHỞI THỦY ĐẾN 1868
VĂN HỌC NHẬT BẢN TỪ KHỞI THỦY ĐẾN 1868
 
Luận văn: Đặc điểm nghệ thuật truyện của Kawabata Yasunari, 9đ
Luận văn: Đặc điểm nghệ thuật truyện của Kawabata Yasunari, 9đLuận văn: Đặc điểm nghệ thuật truyện của Kawabata Yasunari, 9đ
Luận văn: Đặc điểm nghệ thuật truyện của Kawabata Yasunari, 9đ
 
Luận văn thạc sĩ Đặc điểm du nhập của từ vay mượn gốc ấn âu trong tiếng Việt ...
Luận văn thạc sĩ Đặc điểm du nhập của từ vay mượn gốc ấn âu trong tiếng Việt ...Luận văn thạc sĩ Đặc điểm du nhập của từ vay mượn gốc ấn âu trong tiếng Việt ...
Luận văn thạc sĩ Đặc điểm du nhập của từ vay mượn gốc ấn âu trong tiếng Việt ...
 
Quản lý rủi ro trong hoạt động kinh doanh XNK của các doanh nghiệp Việt Nam đ...
Quản lý rủi ro trong hoạt động kinh doanh XNK của các doanh nghiệp Việt Nam đ...Quản lý rủi ro trong hoạt động kinh doanh XNK của các doanh nghiệp Việt Nam đ...
Quản lý rủi ro trong hoạt động kinh doanh XNK của các doanh nghiệp Việt Nam đ...
 
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAYLuận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
 
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM
 
汉、越味觉词“甜”、“苦”隐喻对比研究 Nghiên cứu đối chiếu ẩn dụ của từ vị giác tían ngọt và ku...
汉、越味觉词“甜”、“苦”隐喻对比研究 Nghiên cứu đối chiếu ẩn dụ của từ vị giác tían ngọt và ku...汉、越味觉词“甜”、“苦”隐喻对比研究 Nghiên cứu đối chiếu ẩn dụ của từ vị giác tían ngọt và ku...
汉、越味觉词“甜”、“苦”隐喻对比研究 Nghiên cứu đối chiếu ẩn dụ của từ vị giác tían ngọt và ku...
 
Đề tài: Nghệ thuật Tuồng Đào Tấn trong ngoại khóa cho sinh viên
Đề tài: Nghệ thuật Tuồng Đào Tấn trong ngoại khóa cho sinh viênĐề tài: Nghệ thuật Tuồng Đào Tấn trong ngoại khóa cho sinh viên
Đề tài: Nghệ thuật Tuồng Đào Tấn trong ngoại khóa cho sinh viên
 
Âm nhạc nghi lễ dân gian trong văn hóa của người Khmer, HAY
Âm nhạc nghi lễ dân gian trong văn hóa của người Khmer, HAYÂm nhạc nghi lễ dân gian trong văn hóa của người Khmer, HAY
Âm nhạc nghi lễ dân gian trong văn hóa của người Khmer, HAY
 
Luận văn: Vận dụng lý thuyết kiến tạo vào dạy học chương “Chất rắn và chất lỏ...
Luận văn: Vận dụng lý thuyết kiến tạo vào dạy học chương “Chất rắn và chất lỏ...Luận văn: Vận dụng lý thuyết kiến tạo vào dạy học chương “Chất rắn và chất lỏ...
Luận văn: Vận dụng lý thuyết kiến tạo vào dạy học chương “Chất rắn và chất lỏ...
 
Luận văn: Hình tượng người phụ nữ trong văn học hiện đại hàn quốc
Luận văn: Hình tượng người phụ nữ trong văn học hiện đại hàn quốcLuận văn: Hình tượng người phụ nữ trong văn học hiện đại hàn quốc
Luận văn: Hình tượng người phụ nữ trong văn học hiện đại hàn quốc
 
Trắc nghiệm luật ngân sách nhà nước việt nam
Trắc nghiệm luật ngân sách nhà nước việt namTrắc nghiệm luật ngân sách nhà nước việt nam
Trắc nghiệm luật ngân sách nhà nước việt nam
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
 
Khoá Luận Tốt Nghiệp Một Số Yếu Tố Văn Hoá Trung Hoa Trong Ca Dao Việt Nam
Khoá Luận Tốt Nghiệp Một Số Yếu Tố Văn Hoá Trung Hoa Trong Ca Dao Việt NamKhoá Luận Tốt Nghiệp Một Số Yếu Tố Văn Hoá Trung Hoa Trong Ca Dao Việt Nam
Khoá Luận Tốt Nghiệp Một Số Yếu Tố Văn Hoá Trung Hoa Trong Ca Dao Việt Nam
 
PHONG CÁCH HỌC TIẾNG VIỆT
PHONG CÁCH HỌC TIẾNG VIỆT PHONG CÁCH HỌC TIẾNG VIỆT
PHONG CÁCH HỌC TIẾNG VIỆT
 
Tải Luận Văn Bachelor Thesis Major International Business, 10 Điểm
Tải Luận Văn Bachelor Thesis Major International Business, 10 ĐiểmTải Luận Văn Bachelor Thesis Major International Business, 10 Điểm
Tải Luận Văn Bachelor Thesis Major International Business, 10 Điểm
 
Đề tài: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu
Đề tài: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Minh ChâuĐề tài: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu
Đề tài: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu
 
Đề tài: Dạy học tích hợp trong một số tác phẩm trong môn Ngữ Văn 10
Đề tài: Dạy học tích hợp trong một số tác phẩm trong môn Ngữ Văn 10Đề tài: Dạy học tích hợp trong một số tác phẩm trong môn Ngữ Văn 10
Đề tài: Dạy học tích hợp trong một số tác phẩm trong môn Ngữ Văn 10
 
Luận án: Giáo dục ý thức dân tộc cho sinh viên ĐH ở Hà Nội
Luận án: Giáo dục ý thức dân tộc cho sinh viên ĐH ở Hà NộiLuận án: Giáo dục ý thức dân tộc cho sinh viên ĐH ở Hà Nội
Luận án: Giáo dục ý thức dân tộc cho sinh viên ĐH ở Hà Nội
 
Thơ nữ việt nam sau 1975, những tìm tòi và cách tân 7774424
Thơ nữ việt nam sau 1975, những tìm tòi và cách tân 7774424Thơ nữ việt nam sau 1975, những tìm tòi và cách tân 7774424
Thơ nữ việt nam sau 1975, những tìm tòi và cách tân 7774424
 

Similar to BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY

Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn từ 1802 đ...
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn từ 1802 đ...Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn từ 1802 đ...
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn từ 1802 đ...Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Khóa luận sư phạm lịch sử.
Khóa luận sư phạm lịch sử.Khóa luận sư phạm lịch sử.
Khóa luận sư phạm lịch sử.ssuser499fca
 
Khóa luận sư phạm lịch sử.
Khóa luận sư phạm lịch sử.Khóa luận sư phạm lịch sử.
Khóa luận sư phạm lịch sử.ssuser499fca
 
Quá trình du nhập khoa học, kỹ thuật Phương Tây vào Việt Nam
Quá trình du nhập khoa học, kỹ thuật Phương Tây vào Việt NamQuá trình du nhập khoa học, kỹ thuật Phương Tây vào Việt Nam
Quá trình du nhập khoa học, kỹ thuật Phương Tây vào Việt NamDịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
Luận văn: Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản
Luận văn: Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Nhật BảnLuận văn: Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản
Luận văn: Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Nhật BảnDịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
LUẬN VĂN VĂN HÓA: GIA GIÁO HUẾ THỜI KỲ 1885 - 1945
LUẬN VĂN VĂN HÓA: GIA GIÁO HUẾ THỜI KỲ 1885 - 1945 LUẬN VĂN VĂN HÓA: GIA GIÁO HUẾ THỜI KỲ 1885 - 1945
LUẬN VĂN VĂN HÓA: GIA GIÁO HUẾ THỜI KỲ 1885 - 1945 nataliej4
 
Văn học và phật học trên báo chí phật giáo việt nam trước năm 1945
Văn học và phật học trên báo chí phật giáo việt nam trước năm 1945Văn học và phật học trên báo chí phật giáo việt nam trước năm 1945
Văn học và phật học trên báo chí phật giáo việt nam trước năm 1945Man_Ebook
 
Lịch sử Việt Nam tập 8, từ năm 1919 đến năm 1930.pdf
Lịch sử Việt Nam tập 8, từ năm 1919 đến năm 1930.pdfLịch sử Việt Nam tập 8, từ năm 1919 đến năm 1930.pdf
Lịch sử Việt Nam tập 8, từ năm 1919 đến năm 1930.pdfPhngL812903
 
Sử dụng phương pháp lôgic lịch sử vào nghiên cứu văn hóa làng xã việt nam 6...
Sử dụng phương pháp lôgic   lịch sử vào nghiên cứu văn hóa làng xã việt nam 6...Sử dụng phương pháp lôgic   lịch sử vào nghiên cứu văn hóa làng xã việt nam 6...
Sử dụng phương pháp lôgic lịch sử vào nghiên cứu văn hóa làng xã việt nam 6...jackjohn45
 
GIAO TRINH TRIET HOC M-L - 2021 (1).pdf
GIAO TRINH TRIET HOC M-L - 2021 (1).pdfGIAO TRINH TRIET HOC M-L - 2021 (1).pdf
GIAO TRINH TRIET HOC M-L - 2021 (1).pdfNgnNK
 
7.2021._giao_trinh_triet_hoc_mac_-_lenin_(khong_chuyen)_1.9m.doc
7.2021._giao_trinh_triet_hoc_mac_-_lenin_(khong_chuyen)_1.9m.doc7.2021._giao_trinh_triet_hoc_mac_-_lenin_(khong_chuyen)_1.9m.doc
7.2021._giao_trinh_triet_hoc_mac_-_lenin_(khong_chuyen)_1.9m.docKhanhNguyn38918
 
Chính sách phát triển thủy quân của chúa nguyễn ở đàng trong thế kỉ xvixviii
Chính sách phát triển thủy quân của chúa nguyễn ở đàng trong thế kỉ xvixviiiChính sách phát triển thủy quân của chúa nguyễn ở đàng trong thế kỉ xvixviii
Chính sách phát triển thủy quân của chúa nguyễn ở đàng trong thế kỉ xvixviiihttps://www.facebook.com/garmentspace
 

Similar to BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY (20)

Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều NguyễnLuận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
 
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn từ 1802 đ...
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn từ 1802 đ...Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn từ 1802 đ...
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn từ 1802 đ...
 
Khóa luận sư phạm lịch sử.
Khóa luận sư phạm lịch sử.Khóa luận sư phạm lịch sử.
Khóa luận sư phạm lịch sử.
 
Khóa luận sư phạm lịch sử.
Khóa luận sư phạm lịch sử.Khóa luận sư phạm lịch sử.
Khóa luận sư phạm lịch sử.
 
Quá trình du nhập khoa học, kỹ thuật Phương Tây vào Việt Nam
Quá trình du nhập khoa học, kỹ thuật Phương Tây vào Việt NamQuá trình du nhập khoa học, kỹ thuật Phương Tây vào Việt Nam
Quá trình du nhập khoa học, kỹ thuật Phương Tây vào Việt Nam
 
Luận văn: Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản
Luận văn: Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Nhật BảnLuận văn: Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản
Luận văn: Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản
 
LUẬN VĂN VĂN HÓA: GIA GIÁO HUẾ THỜI KỲ 1885 - 1945
LUẬN VĂN VĂN HÓA: GIA GIÁO HUẾ THỜI KỲ 1885 - 1945 LUẬN VĂN VĂN HÓA: GIA GIÁO HUẾ THỜI KỲ 1885 - 1945
LUẬN VĂN VĂN HÓA: GIA GIÁO HUẾ THỜI KỲ 1885 - 1945
 
Quá Trình Du Nhập Khoa Học, Kỹ Thuật Phương Tây Vào Việt Nam Thế Kỷ Xvi - Xviii
Quá Trình Du Nhập Khoa Học, Kỹ Thuật Phương Tây Vào Việt Nam Thế Kỷ Xvi - XviiiQuá Trình Du Nhập Khoa Học, Kỹ Thuật Phương Tây Vào Việt Nam Thế Kỷ Xvi - Xviii
Quá Trình Du Nhập Khoa Học, Kỹ Thuật Phương Tây Vào Việt Nam Thế Kỷ Xvi - Xviii
 
Văn học và phật học trên báo chí phật giáo việt nam trước năm 1945
Văn học và phật học trên báo chí phật giáo việt nam trước năm 1945Văn học và phật học trên báo chí phật giáo việt nam trước năm 1945
Văn học và phật học trên báo chí phật giáo việt nam trước năm 1945
 
Lịch sử Việt Nam tập 8, từ năm 1919 đến năm 1930.pdf
Lịch sử Việt Nam tập 8, từ năm 1919 đến năm 1930.pdfLịch sử Việt Nam tập 8, từ năm 1919 đến năm 1930.pdf
Lịch sử Việt Nam tập 8, từ năm 1919 đến năm 1930.pdf
 
Đề tài: Vị trí, vai trò của giáo dục Nho giáo trong xã hội phong kiến Việt Nam
Đề tài: Vị trí, vai trò của giáo dục Nho giáo trong xã hội phong kiến Việt NamĐề tài: Vị trí, vai trò của giáo dục Nho giáo trong xã hội phong kiến Việt Nam
Đề tài: Vị trí, vai trò của giáo dục Nho giáo trong xã hội phong kiến Việt Nam
 
Sử dụng phương pháp lôgic lịch sử vào nghiên cứu văn hóa làng xã việt nam 6...
Sử dụng phương pháp lôgic   lịch sử vào nghiên cứu văn hóa làng xã việt nam 6...Sử dụng phương pháp lôgic   lịch sử vào nghiên cứu văn hóa làng xã việt nam 6...
Sử dụng phương pháp lôgic lịch sử vào nghiên cứu văn hóa làng xã việt nam 6...
 
Luận văn: Giáo dục phổ thông huyện Ứng Hòa, Hà Tây (1991-2008)
Luận văn: Giáo dục phổ thông huyện Ứng Hòa, Hà Tây (1991-2008)Luận văn: Giáo dục phổ thông huyện Ứng Hòa, Hà Tây (1991-2008)
Luận văn: Giáo dục phổ thông huyện Ứng Hòa, Hà Tây (1991-2008)
 
Luận văn lịch sử : Giáo dục phổ thông huyện Ứng Hòa
Luận văn lịch sử : Giáo dục phổ thông huyện Ứng HòaLuận văn lịch sử : Giáo dục phổ thông huyện Ứng Hòa
Luận văn lịch sử : Giáo dục phổ thông huyện Ứng Hòa
 
GIAO TRINH TRIET HOC M-L - 2021 (1).pdf
GIAO TRINH TRIET HOC M-L - 2021 (1).pdfGIAO TRINH TRIET HOC M-L - 2021 (1).pdf
GIAO TRINH TRIET HOC M-L - 2021 (1).pdf
 
7.2021._giao_trinh_triet_hoc_mac_-_lenin_(khong_chuyen)_1.9m.doc
7.2021._giao_trinh_triet_hoc_mac_-_lenin_(khong_chuyen)_1.9m.doc7.2021._giao_trinh_triet_hoc_mac_-_lenin_(khong_chuyen)_1.9m.doc
7.2021._giao_trinh_triet_hoc_mac_-_lenin_(khong_chuyen)_1.9m.doc
 
Chính sách phát triển thủy quân của chúa nguyễn ở đàng trong thế kỉ xvixviii
Chính sách phát triển thủy quân của chúa nguyễn ở đàng trong thế kỉ xvixviiiChính sách phát triển thủy quân của chúa nguyễn ở đàng trong thế kỉ xvixviii
Chính sách phát triển thủy quân của chúa nguyễn ở đàng trong thế kỉ xvixviii
 
Đề tài: Tích hợp kiến thức Văn học, Địa lí trong dạy học Lịch sử lớp 12
Đề tài: Tích hợp kiến thức Văn học, Địa lí trong dạy học Lịch sử lớp 12Đề tài: Tích hợp kiến thức Văn học, Địa lí trong dạy học Lịch sử lớp 12
Đề tài: Tích hợp kiến thức Văn học, Địa lí trong dạy học Lịch sử lớp 12
 
Luận văn: Phong trào sinh viên, học sinh ở các đô thị miền Nam trong kháng ch...
Luận văn: Phong trào sinh viên, học sinh ở các đô thị miền Nam trong kháng ch...Luận văn: Phong trào sinh viên, học sinh ở các đô thị miền Nam trong kháng ch...
Luận văn: Phong trào sinh viên, học sinh ở các đô thị miền Nam trong kháng ch...
 
Phong trào sinh viên, học sinh ở các đô thị miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ
Phong trào sinh viên, học sinh ở các đô thị miền Nam trong kháng chiến chống MỹPhong trào sinh viên, học sinh ở các đô thị miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ
Phong trào sinh viên, học sinh ở các đô thị miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ
 

More from Viết Thuê Khóa Luận _ ZALO 0917.193.864 default

More from Viết Thuê Khóa Luận _ ZALO 0917.193.864 default (20)

Khóa luận ngành tài chính ngân hàng chính sách xã hội, HAY
Khóa luận ngành tài chính ngân hàng chính sách xã hội, HAYKhóa luận ngành tài chính ngân hàng chính sách xã hội, HAY
Khóa luận ngành tài chính ngân hàng chính sách xã hội, HAY
 
Bài mẫu báo cáo thực tập tại ngân hàng chính sách xã hội, HAY
Bài mẫu báo cáo thực tập tại ngân hàng chính sách xã hội, HAYBài mẫu báo cáo thực tập tại ngân hàng chính sách xã hội, HAY
Bài mẫu báo cáo thực tập tại ngân hàng chính sách xã hội, HAY
 
Bài mẫu báo cáo tại ngân hàng đầu tư và phát triển BIDV
Bài mẫu báo cáo tại ngân hàng đầu tư và phát triển BIDVBài mẫu báo cáo tại ngân hàng đầu tư và phát triển BIDV
Bài mẫu báo cáo tại ngân hàng đầu tư và phát triển BIDV
 
Báo cáo Thực trạng hoạt động cho vay cá nhân Tại Vietcombank, HAY
Báo cáo Thực trạng hoạt động cho vay cá nhân Tại Vietcombank, HAYBáo cáo Thực trạng hoạt động cho vay cá nhân Tại Vietcombank, HAY
Báo cáo Thực trạng hoạt động cho vay cá nhân Tại Vietcombank, HAY
 
Khóa luận tại ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, HAY
Khóa luận tại ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, HAYKhóa luận tại ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, HAY
Khóa luận tại ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, HAY
 
Bài mẫu tiểu luận về An ninh mạng, HAY
Bài mẫu tiểu luận về An ninh mạng, HAYBài mẫu tiểu luận về An ninh mạng, HAY
Bài mẫu tiểu luận về An ninh mạng, HAY
 
Bài mẫu Tiểu luận về an toàn giao thông đường bộ, HAY
Bài mẫu Tiểu luận về an toàn giao thông đường bộ, HAYBài mẫu Tiểu luận về an toàn giao thông đường bộ, HAY
Bài mẫu Tiểu luận về an toàn giao thông đường bộ, HAY
 
Tiểu luận Chiến lược cạnh tranh của công ty Amazon, HAY
Tiểu luận Chiến lược cạnh tranh của công ty Amazon, HAYTiểu luận Chiến lược cạnh tranh của công ty Amazon, HAY
Tiểu luận Chiến lược cạnh tranh của công ty Amazon, HAY
 
Bài mẫu tiểu luận môn về Apple, HAY
Bài mẫu tiểu luận môn về Apple, HAYBài mẫu tiểu luận môn về Apple, HAY
Bài mẫu tiểu luận môn về Apple, HAY
 
Bài mẫu Tiểu luận về FPT, HAY
Bài mẫu Tiểu luận về FPT, HAYBài mẫu Tiểu luận về FPT, HAY
Bài mẫu Tiểu luận về FPT, HAY
 
Bài mẫu Tiểu luận về chính quyền địa phương, HAY
Bài mẫu Tiểu luận về chính quyền địa phương, HAYBài mẫu Tiểu luận về chính quyền địa phương, HAY
Bài mẫu Tiểu luận về chính quyền địa phương, HAY
 
Bài mẫu tiểu luận về công ty Vissan, HAY
Bài mẫu tiểu luận về công ty Vissan, HAYBài mẫu tiểu luận về công ty Vissan, HAY
Bài mẫu tiểu luận về công ty Vissan, HAY
 
Tiểu luận Chiến lược marketing của kinh đô, HAY
Tiểu luận Chiến lược marketing của kinh đô, HAYTiểu luận Chiến lược marketing của kinh đô, HAY
Tiểu luận Chiến lược marketing của kinh đô, HAY
 
Bài mẫu Tiểu luận về cà phê Trung Nguyên, HAY
Bài mẫu Tiểu luận về cà phê Trung Nguyên, HAYBài mẫu Tiểu luận về cà phê Trung Nguyên, HAY
Bài mẫu Tiểu luận về cà phê Trung Nguyên, HAY
 
Bài mẫu tiểu luận về bình đẳng giới, 9 ĐIỂM
Bài mẫu tiểu luận về bình đẳng giới, 9 ĐIỂMBài mẫu tiểu luận về bình đẳng giới, 9 ĐIỂM
Bài mẫu tiểu luận về bình đẳng giới, 9 ĐIỂM
 
Bài mẫu tiểu luận về bánh ngọt, HAY
Bài mẫu tiểu luận về bánh ngọt, HAYBài mẫu tiểu luận về bánh ngọt, HAY
Bài mẫu tiểu luận về bánh ngọt, HAY
 
Bài mẫu tiểu luận về báo in, HAY
Bài mẫu tiểu luận về báo in, HAYBài mẫu tiểu luận về báo in, HAY
Bài mẫu tiểu luận về báo in, HAY
 
Bài mẫu Tiểu luận bảo vệ môi trường, HAY
Bài mẫu Tiểu luận bảo vệ môi trường, HAYBài mẫu Tiểu luận bảo vệ môi trường, HAY
Bài mẫu Tiểu luận bảo vệ môi trường, HAY
 
Tiểu luận thực trạng bạo lực gia đình Việt Nam hiện nay
Tiểu luận thực trạng bạo lực gia đình Việt Nam hiện nayTiểu luận thực trạng bạo lực gia đình Việt Nam hiện nay
Tiểu luận thực trạng bạo lực gia đình Việt Nam hiện nay
 
Tiểu luận Nguyên lý marketing với đề tài về BITIS, HAY
Tiểu luận Nguyên lý marketing với đề tài về BITIS, HAYTiểu luận Nguyên lý marketing với đề tài về BITIS, HAY
Tiểu luận Nguyên lý marketing với đề tài về BITIS, HAY
 

Recently uploaded

Hướng dẫn viết tiểu luận cuối khóa lớp bồi dưỡng chức danh biên tập viên hạng 3
Hướng dẫn viết tiểu luận cuối khóa lớp bồi dưỡng chức danh biên tập viên hạng 3Hướng dẫn viết tiểu luận cuối khóa lớp bồi dưỡng chức danh biên tập viên hạng 3
Hướng dẫn viết tiểu luận cuối khóa lớp bồi dưỡng chức danh biên tập viên hạng 3lamluanvan.net Viết thuê luận văn
 
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoi
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoiC6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoi
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoidnghia2002
 
[123doc] - ao-dai-truyen-thong-viet-nam-va-xuong-xam-trung-quoc-trong-nen-van...
[123doc] - ao-dai-truyen-thong-viet-nam-va-xuong-xam-trung-quoc-trong-nen-van...[123doc] - ao-dai-truyen-thong-viet-nam-va-xuong-xam-trung-quoc-trong-nen-van...
[123doc] - ao-dai-truyen-thong-viet-nam-va-xuong-xam-trung-quoc-trong-nen-van...VnTh47
 
Luận văn 2024 Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý hành...
Luận văn 2024 Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý hành...Luận văn 2024 Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý hành...
Luận văn 2024 Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý hành...lamluanvan.net Viết thuê luận văn
 
Bài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhà
Bài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhàBài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhà
Bài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhàNguyen Thi Trang Nhung
 
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdfxemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdfXem Số Mệnh
 
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hành
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hànhbài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hành
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hànhdangdinhkien2k4
 
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 11 - CÁN...
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 11 - CÁN...ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 11 - CÁN...
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 11 - CÁN...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Chương 6: Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội khoa học
Chương 6: Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội khoa họcChương 6: Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội khoa học
Chương 6: Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội khoa họchelenafalet
 
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdfxemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdfXem Số Mệnh
 
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...ChuThNgnFEFPLHN
 
22 ĐỀ THI THỬ TUYỂN SINH TIẾNG ANH VÀO 10 SỞ GD – ĐT THÁI BÌNH NĂM HỌC 2023-2...
22 ĐỀ THI THỬ TUYỂN SINH TIẾNG ANH VÀO 10 SỞ GD – ĐT THÁI BÌNH NĂM HỌC 2023-2...22 ĐỀ THI THỬ TUYỂN SINH TIẾNG ANH VÀO 10 SỞ GD – ĐT THÁI BÌNH NĂM HỌC 2023-2...
22 ĐỀ THI THỬ TUYỂN SINH TIẾNG ANH VÀO 10 SỞ GD – ĐT THÁI BÌNH NĂM HỌC 2023-2...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Tử Vi Là Gì Học Luận Giải Tử Vi Và Luận Đoán Vận Hạn
Tử Vi Là Gì Học Luận Giải Tử Vi Và Luận Đoán Vận HạnTử Vi Là Gì Học Luận Giải Tử Vi Và Luận Đoán Vận Hạn
Tử Vi Là Gì Học Luận Giải Tử Vi Và Luận Đoán Vận HạnKabala
 
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 10 - CÁN...
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 10 - CÁN...ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 10 - CÁN...
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 10 - CÁN...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Logistics ngược trong thương mại doa.pdf
Logistics ngược trong thương mại doa.pdfLogistics ngược trong thương mại doa.pdf
Logistics ngược trong thương mại doa.pdfAnPhngVng
 
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng TạoĐề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạowindcances
 
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hộiTrắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hộiNgocNguyen591215
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phương
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình PhươngGiáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phương
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phươnghazzthuan
 

Recently uploaded (20)

Hướng dẫn viết tiểu luận cuối khóa lớp bồi dưỡng chức danh biên tập viên hạng 3
Hướng dẫn viết tiểu luận cuối khóa lớp bồi dưỡng chức danh biên tập viên hạng 3Hướng dẫn viết tiểu luận cuối khóa lớp bồi dưỡng chức danh biên tập viên hạng 3
Hướng dẫn viết tiểu luận cuối khóa lớp bồi dưỡng chức danh biên tập viên hạng 3
 
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoi
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoiC6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoi
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoi
 
[123doc] - ao-dai-truyen-thong-viet-nam-va-xuong-xam-trung-quoc-trong-nen-van...
[123doc] - ao-dai-truyen-thong-viet-nam-va-xuong-xam-trung-quoc-trong-nen-van...[123doc] - ao-dai-truyen-thong-viet-nam-va-xuong-xam-trung-quoc-trong-nen-van...
[123doc] - ao-dai-truyen-thong-viet-nam-va-xuong-xam-trung-quoc-trong-nen-van...
 
Luận văn 2024 Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý hành...
Luận văn 2024 Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý hành...Luận văn 2024 Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý hành...
Luận văn 2024 Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý hành...
 
Bài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhà
Bài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhàBài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhà
Bài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhà
 
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdfxemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
 
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hành
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hànhbài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hành
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hành
 
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 11 - CÁN...
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 11 - CÁN...ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 11 - CÁN...
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 11 - CÁN...
 
Chương 6: Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội khoa học
Chương 6: Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội khoa họcChương 6: Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội khoa học
Chương 6: Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội khoa học
 
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdfxemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
 
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
 
22 ĐỀ THI THỬ TUYỂN SINH TIẾNG ANH VÀO 10 SỞ GD – ĐT THÁI BÌNH NĂM HỌC 2023-2...
22 ĐỀ THI THỬ TUYỂN SINH TIẾNG ANH VÀO 10 SỞ GD – ĐT THÁI BÌNH NĂM HỌC 2023-2...22 ĐỀ THI THỬ TUYỂN SINH TIẾNG ANH VÀO 10 SỞ GD – ĐT THÁI BÌNH NĂM HỌC 2023-2...
22 ĐỀ THI THỬ TUYỂN SINH TIẾNG ANH VÀO 10 SỞ GD – ĐT THÁI BÌNH NĂM HỌC 2023-2...
 
Tử Vi Là Gì Học Luận Giải Tử Vi Và Luận Đoán Vận Hạn
Tử Vi Là Gì Học Luận Giải Tử Vi Và Luận Đoán Vận HạnTử Vi Là Gì Học Luận Giải Tử Vi Và Luận Đoán Vận Hạn
Tử Vi Là Gì Học Luận Giải Tử Vi Và Luận Đoán Vận Hạn
 
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 10 - CÁN...
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 10 - CÁN...ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 10 - CÁN...
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 10 - CÁN...
 
Logistics ngược trong thương mại doa.pdf
Logistics ngược trong thương mại doa.pdfLogistics ngược trong thương mại doa.pdf
Logistics ngược trong thương mại doa.pdf
 
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng TạoĐề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
 
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hộiTrắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
 
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phương
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình PhươngGiáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phương
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phương
 

BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY

  • 1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH Hồ Thanh Tâm YẾU TỐ PHÁP - VIỆT TRONG LĨNH VỰC CẢI CÁCH GIÁO DỤC Ở VIỆT NAM THỜI KỲ 1862 – 1945 TẢI MIỄN PHÍ KẾT BẠN ZALO:0917 193 864 DỊCH VỤ VIẾT LUẬN VĂN CHẤT LƯỢNG WEBSITE: LUANVANTRUST.COM ZALO/TELEGRAM: 0917 193 864 MAIL: BAOCAOTHUCTAPNET@GMAIL.COM LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ
  • 2. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH Hồ Thanh Tâm YẾU TỐ PHÁP - VIỆT TRONG LĨNH VỰC CẢI CÁCH GIÁO DỤC Ở VIỆT NAM THỜI KỲ 1862 - 1945 Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam Mã số: 66 22 02 13 LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: TS. TRẦN THỊ THANH THANH Thành phố Hồ Chí Minh – 2013
  • 3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan Luận văn này là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các kết quả, số liệu nêu trong Luận văn là trung thực và chưa từng được công bố trong bất kỳ công trình nào khác. TÁC GIẢ LUẬN VĂN 1
  • 4. LỜI CẢM ƠN Chúng tôi xin chân thành bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến: Quý Thầy Cô Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Trong quá trình học tập, chúng tôi đã nhận được từ quý Thầy Cô những hướng dẫn tận tình trong nghiên cứu khoa học Lịch sử, rèn luyện nghiệp vụ sư phạm ... Quý Thầy Cô là những hình mẫu về tinh thần nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học và tận tâm trong giảng dạy. TS. Trần Thị Thanh Thanh, người hướng dẫn khoa học. Trong quá trình thực hiện Luận văn tốt nghiệp, chúng tôi đã nhận được từ Cô sự động viên tinh thần, sự hướng dẫn tận tình, cẩn trọng và tinh thần nghiêm túc, trung thực trong nghiên cứu khoa học. Qua đó, chúng tôi đã tìm được hướng nghiên cứu chuyên sâu trong khoa học Lịch sử. TS. Lê Vinh Quốc, người đã trao cho chúng tôi tình yêu khoa học và kiến lập nền tảng vững chắc để chúng tôi tiến bước trên con đường nghiên cứu khoa học. Trong quá trình thực hiện Luận văn tốt nghiệp, chúng tôi đã nhận được từ Thầy sự động viên tinh thần, hỗ trợ về tài liệu cùng những chỉ dẫn quý báu. Các thế hệ học trò sẽ nối tiếp nhau kế thừa để sự nghiệp của Thầy tồn tại mãi cùng với sự tiến lên của nền giáo dục đất nước. Tất cả các bạn học viên cao học chuyên ngành Lịch sử Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. TP. Hồ Chí Minh, Mùa thu 2013 HỒ THANH TÂM 2
  • 5. MỤC LỤC LỜI CAM ĐOAN ........................................................................................................ 1 LỜI CẢM ƠN .............................................................................................................. 2 MỤC LỤC .................................................................................................................... 3 MỞ ĐẦU....................................................................................................................... 5 1. Lý do chọn đề tài ............................................................................................................ 5 2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ................................................................................. 6 3. Phương pháp nghiên cứu ............................................................................................... 8 4. Lịch sử nghiên cứu vấn đề ............................................................................................. 9 5. Đóng góp mới của luận văn ......................................................................................... 15 6. Nguồn tư liệu................................................................................................................. 15 7. Cấu trúc của luận văn .................................................................................................. 16 CHƯƠNG 1: CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN QUAN HỆ VĂN HÓA PHÁP - VIỆT 18 1.1. Đạo Thiên chúa - “Cửa ngõ” du nhập văn hóa phương Tây ................................ 18 1.2. Quá trình thực dân Pháp xâm lược Việt Nam (1858-1884) .................................. 22 1.3. Chính sách cai trị của thực dân Pháp ở Việt Nam: từ “đồng hóa” đến “liên hiệp” ................................................................................................................................... 31 CHƯƠNG 2: YẾU TỐ PHÁP - VIỆT TRONG LĨNH VỰC CẢI CÁCH GIÁO DỤC Ở VIỆT NAM THỜI KỲ 1862-1945.............................................................. 39 2.1. Vấn đề cải cách giáo dục trong thời Nguyễn (1802-1884) ..................................... 39 2.1.1. Nho học thời Nguyễn: “Phải lưu ý cải cách đi thì hơn” ........................................ 39 2.1.2. Nguyễn Trường Tộ: “Sửa đổi học thuật, chú trọng thực dụng” [xem 14, tr.288] 43 2.2. Quá trình xác lập nền giáo dục Pháp ở Nam Kỳ (1862-1886) ............................... 47 2.2.1. Mục đích của nền giáo dục Pháp ở Nam Kỳ ......................................................... 47 2.2.2. Tranh luận về đường lối giáo dục ......................................................................... 49 2.2.3. Những thay đổi về chương trình học và tổ chức giáo dục .................................... 52 2.2.4. Kết quả của nền giáo dục Pháp ở Nam Kỳ (1862-1886) ...................................... 61 2.3. Quá trình chuyển đổi nền giáo dục Việt Nam: từ Nho học sang Tây học (1886- 1945) ................................................................................................................................... 64 2.3.1. Khởi sự nền giáo dục Pháp - Việt ở Bắc Kỳ ......................................................... 64 2.3.2. Song hành tồn tại: giáo dục Nho học và giáo dục Pháp - Việt ............................. 67 2.3.3. Xác lập nền giáo dục Pháp - Việt ở Việt Nam ...................................................... 75 2.3.4. Một vài điều chỉnh của Merlin và Varenne ........................................................... 80 2.4. Quan niệm mới về giáo dục của các sỹ phu Nho học (đầu thế kỷ XX)................. 83 3
  • 6. CHƯƠNG 3: LĨNH VỰC CẢI CÁCH GIÁO DỤC - MỘT BIỂU HIỆN CỦA SỰ TƯƠNG TÁC VĂN HÓA PHÁP - VIỆT...........................................................89 3.1. Văn hóa phương Tây - Cơ sở hình thành ý tưởng cải cách giáo dục .................... 89 3.2. Phương thức “tiếpnhận Việt Nam” trong lĩnhvực cải cách giáo dục ................. 92 3.3. Vai trò của chế độ thực dân Pháp trong lĩnh vực văn hóa - giáo dục................... 97 KẾT LUẬN ...................................................................................................... 101 TÀI LIỆU THAM KHẢO................................................................................ 107 PHỤ LỤC......................................................................................................... 118 4
  • 7. MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Đến thế kỷ XIX, ngày càng nhiều những đoàn thuyền viễn dương từ Tây Âu, Bắc Mỹ cập vào bến bờ của các quốc gia quân chủ phương Đông để xin truyền đạo và thông thương. Khi thánh giá và lời yêu cầu buôn bán bị chối từ thì mỹ từ “khai hóa” và thực tế của “ngoại giao pháo hạm” được các đoàn quân viễn chinh sử dụng để mở toang các cửa biển, thiết lập nền thống trị thực dân. Đức tin Thiên Chúa và chiến tranh xâm lược đi cùng một con thuyền và cùng một ngọn nước với nhau, đã mở đường cho những thành tố của văn hóa phương Tây đến với xã hội Việt Nam truyền thống: tổ chức hành chính, hoạt động kinh tế, nghệ thuật kiến trúc, giáo dục ... Trong sự biến chuyển chung của tình hình đất nước thời thực dân xâm lược và đô hộ, nền giáo dục Việt Nam đã diễn ra những thay đổi mang tính cơ bản. Không còn vẻ huy hoàng trong quá khứ, nền Nho học thời Nguyễn đã trở nên lỗi thời về nội dung và phương pháp, trở thành lực cản của sự phát triển xã hội. Nhận thấy sự xa rời thực tế của lối học cử nghiệp, vua Minh Mệnh (1820-1840), vua Tự Đức (1848-1883) và nhiều sỹ phu đã từng có những ý tưởng, kiến nghị chấn chỉnh lại việc học hành, thi cử, hướng nội dung giáo dục vào những vấn đề “thời vụ”, “thực điển”. Sau đó, phát xuất từ yêu cầu của việc cai trị và những nhận thức khác nhau về tình hình Việt Nam, các đô đốc, toàn quyền Pháp đã có những chủ trương khác nhau trong việc tổ chức nền học vấn mới ở Việt Nam. Quá trình chuyển đổi nền giáo dục Việt Nam từ Nho học sang Tây học (1862-1945), thông qua những lần cải cách, điều chỉnh giáo dục, đã phản ánh sự tương tác giữa yếu tố văn hóa Pháp và yếu tố văn hóa Việt để dẫn đến sự hiện diện của “yếu tố Pháp - Việt” trong chính sách giáo dục của nhà cầm quyền. Đây là một góc nhìn của việc góp phần đánh giá thỏa đáng hơn về nền giáo dục Việt Nam thời Pháp đô hộ. Trong chương trình lịch sử Trung học Phổ thông của nhà trường chúng ta hiện nay, chính sách văn hóa - giáo dục của thực dân Pháp ở Việt Nam là một nội dung quan trọng. Tuy nhiên, sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 (Ban cơ bản) chỉ đề cập đến nền giáo dục Pháp - Việt bằng thông tin ngắn gọn “Văn hóa - giáo dục cũng có những thay đổi. Hệ thống giáo dục Pháp - Việt được mở rộng gồm các cấp tiểu học, trung học, cao đẳng và đại học” [67, 5
  • 8. tr.77]. Trong trường hợp này, ngôn từ cô đọng có lẽ đã không đạt được sự thỏa đáng trong nhận thức quá khứ của người dạy - người học, cũng như không đủ cơ sở chứng minh cho nhận định tiếp sau đó: “Các yếu tố văn hóa truyền thống, văn hóa mới tiến bộ và văn hóa nô dịch cùng tồn tại đan xen đấu tranh với nhau” [67, tr.77]. Thông tin ngắn gọn trong sách này cũng khó lý giải được thuyết phục chủ trương đoàn kết tầng lớp trí thức của Nguyễn Ái Quốc trong thời kỳ đấu tranh cách mạng: “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức … để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp” [48, tr.3]. Tìm hiểu lĩnh vực cải cách giáo dục ở Việt Nam thời kỳ 1862-1945 từ góc nhìn tương tác văn hóa, luận văn muốn khắc họa sâu sắc hơn quá trình giao lưu văn hóa Pháp - Việt, vai trò quan hệ của nền giáo dục Việt Nam với yếu tố văn hóa ngoại lai đi cùng với nền cai trị của chủ nghĩa thực dân; nêu tác động của nền giáo dục Pháp - Việt đến văn hóa - xã hội Việt Nam; đồng thời có thêm tư liệu, luận chứng để tán đồng hay phản biện những quan điểm nhìn nhận về chính sách giáo dục của triều Nguyễn, chính quyền thực dân Pháp và phục vụ cho việc dạy học bộ môn Lịch sử ở trường Phổ thông. Đề tài “Yếu tố Pháp - Việt trong lĩnhvực cải cách giáo dục ở Việt Nam thời kỳ 1862-1945” được tìm hiểu nhằm góp phần đáp ứng những yêu cầu của khoa học và thực tiễn vừa nêu. 2. Đốitượng và phạm vi nghiên cứu Thuật ngữ “yếu tố Pháp - Việt” và “lĩnh vực cải cách giáo dục” trong tên đề tài cần được giải thích để làm rõ nội dung và phạm vi nghiên cứu của luận văn1 . “Yếu tố” là “thành phần, bộ phận tạo thành sự vật, sự việc, hiện tượng” [138, tr.1889]. “Yếu tố Pháp - Việt” được diễn đạt rõ hơn là: yếu tố văn hóa Pháp và yếu tố văn hóa Việt; dấu gạch nối (“ - ”) dùng để chỉ mối quan hệ tương tác giữa các yếu tố thuộc hai nền văn hóa này, trong đó có giáo dục. Mô hình giáo dục phương Tây (gồm chương trình học chứa đựng nội dung khoa học, tri thức nghề nghiệp và hệ thống tổ chức được phân chia thành các bậc học, cấp học, môn học) trong đề nghị cải cách giáo dục của các sỹ phu thời Nguyễn và trong chủ trương cải cách giáo dục của nhà cầm quyền Pháp khi áp dụng vào thực tế đã gặp phải sự kháng cự của văn hóa Việt thể hiện qua thái độ nghi kỵ của triều đình và thái độ bất hợp tác của dân chúng đối với các trường học do chính quyền thực dân tổ 1 Khi trình bày nội dung này, chúng tôi có tham khảo Trần Thị Thanh Thanh (2012), Hỏi và đáp về nền giáo dục Nam Bộ thời kỳ 1867-1945, Báo cáo tổng kết Đề tài Khoa học và Công nghệ cấp cơ sở, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh [xem 106, tr.9-10,12-14] 6
  • 9. chức. “Yếu tố Pháp - Việt” trong nền giáo dục Việt Nam thời Pháp đô hộ là kết quả của sự dung hòa giữa mục đích thiết lập, chủ trương cải cách giáo dục của nhà cầm quyền Pháp với thái độ, trình độ tiếp nhận của người bản xứ; sự kết hợp giữa yếu tố Pháp: tiếng Pháp, hệ thống môn học chuyển tải tri thức khoa học phương Tây, hệ thống bằng cấp … và yếu tố Việt: chữ Nho, Nam sử, Việt văn … được thể hiện rõ trong chương trình học và hệ thống tổ chức giáo dục. Sự hiện diện của “yếu tố Pháp - Việt” còn phản ánh quá trình tiếp xúc, tiếp nhận, tiếp biến và tương tác của hai nền văn hóa theo hai triết lý khác nhau trong hoàn cảnh thuộc địa. “Giáo dục”, theo nghĩa rộng, là hoạt động giáo dục tổng thể hình thành và phát triển nhân cách được tổ chức một cách có mục đích, có kế hoạch nhằm phát triển tối đa những tiềm năng (sức mạnh thể chất và tinh thần) của con người; theo nghĩa hẹp, là một bộ phận của hoạt động giáo dục (nghĩa rộng), là hoạt động giáo dục nhằm hình thành thế giới quan khoa học, tư tưởng chính trị, đạo đức, thẩm mỹ, lao động, phát triển thể lực, những hành vi và thói quen ứng xử đúng đắn của cá nhân trong các mối quan hệ xã hội [51, tr.29,30]; hay theo Đào Duy Anh, giáo dục mang nghĩa “dạy dỗ người ta khiến cho thoát ly cái trạng thái tự nhiên của tạo vật sinh ra (éducation)” [2, tr.330]. Trong luận văn, thuật ngữ “giáo dục” dùng để chỉ nền Nho học thời Nguyễn và nền giáo dục Phổ thông (instruction général/normal education) thời Pháp đô hộ (gồm 2 bậc học là Tiểu học và Trung học), không bao gồm giáo dục gia đình - xã hội, giáo dục dân gian, nền giáo dục dành cho người Pháp cư trú ở Việt Nam, các trường tư của giáo hội, giáo dục Cao đẳng, Đại học và hệ thống trường nghề … Do vậy, “cải cách giáo dục” là cải cách nền Nho học và nền giáo dục Phổ thông thời Pháp đô hộ. Giáo dục được nghiên cứu như một lĩnh vực riêng, phân biệt với các lĩnh vực khác như chính trị, kinh tế, khoa học - kỹ thuật … Các vấn đề thuộc lĩnh vực cải cách giáo dục mà luận văn sẽ tìm hiểu là: quan điểm về giáo dục trong tư tưởng canh tân thời Nguyễn; nội dung giáo dục trong chính sách cai trị, mục tiêu và tổ chức giáo dục; quá trình chuyển đổi nền giáo dục Việt Nam từ Nho học sang Tây học … Từ “Việt Nam” trong tên đề tài dùng để chỉ “quốc gia Việt Nam”, là một thực thể chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội, có quan hệ giao lưu với bên ngoài từ lâu đời, có chủ quyền, biên giới, có dân tộc, quốc tộc, có quá trình di cư, cộng cư trong lịch sử, có quá trình giao lưu văn hóa, tiếp biến văn hóa, dung hợp văn hóa [105, tr.2]. Chủ quyền quốc gia Việt Nam lần lượt bị thực dân Pháp tước đoạt ở Đông Nam Kỳ (1862), Tây Nam Kỳ (1874) và toàn lãnh thổ (1884); trong thời gian 1887-1945, Việt Nam là bộ phận của Liên bang Đông 7
  • 10. Dương thuộc Pháp. Như vậy, nội dung lịch sử của thời kỳ 1862-1945 là: Việt Nam quân chủ, phụ thuộc dưới sự đô hộ của thực dân Pháp [106, tr.13-14]. Luận văn xem xét lĩnh vực cải cách giáo dục ở Việt Nam thời kỳ 1862-1945, tức là từ lúc triều đình Huế chính thức thừa nhận chủ quyền của thực dân Pháp ở 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường) bằng Hiệp ước Nhâm Tuất (5/6/1862) cho đến khi phát xít Nhật tiến hành đảo chính Pháp (9/3/1945). Trong thời gian này, triều Nguyễn (vua Tự Đức, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ …), nhà cầm quyền Pháp, các sỹ phu của phong trào Duy Tân (đầu thế kỷ XX) đã có những ý tưởng, chủ trương cải cách nền Nho học hiện đang tồn tại. Ưu thế về quân sự và sự xác lập nền thống trị đã mang đến cho người Pháp quyền chủ động tiến hành những cải cách giáo dục nhằm kế tục sự nghiệp chinh phục mà người lính đang hoàn thành. Sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), nền giáo dục Việt Nam diễn ra sự thay đổi quan trọng: áp dụng nền giáo dục hoàn toàn bằng tiếng Việt theo chương trình Hoàng Xuân Hãn [xem 108, tr.13-14], sau đó, cách mạng tháng Tám - 1945 thành công, nền giáo dục Việt Nam chuyển hẳn sang giai đoạn mới. 3. Phương pháp nghiên cứu Chúng tôi sử dụng phương pháp lịch sử và phương pháp logic là chủ yếu, kết hợp với phương pháp chuyên gia, phương pháp so sánh để tìm hiểu vấn đề. Tuân theo phương pháp lịch sử, chúng tôi trình bày lĩnh vực cải cách giáo dục ở Việt Nam theo tiến trình thời gian trong thời kỳ 1862-1945. Vấn đề cải cách giáo dục trong thời Nguyễn được trình bày từ những ý tưởng của vua Minh Mệnh, vua Tự Đức đến những kiến nghị của các sỹ phu: Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ … Quá trình xác lập nền Tây học ở Việt Nam được trình bày từ Nam Kỳ đến Bắc và Trung Kỳ thông qua các chủ trương cải cách, điều chỉnh giáo dục của Bonard, Krant, Lafont, Paul Bert, Paul Beau, Klobukowsky, Albert Sarraut, Martial Merlin, Alexandre Varenne. Tuân theo phương pháp logic tức là dựa trên những sự kiện, hiện tượng lịch sử, chúng tôi sẽ khái quát, rút ra bản chất, ý nghĩa của vấn đề. Từ việc trình bày những ý tưởng cải cách giáo dục của vua Minh Mệnh, vua Tự Đức, các sỹ phu Nho học và chủ trương cải cách giáo dục của nhà cầm quyền Pháp, chúng tôi lý giải nguyên nhân nảy sinh những ý tưởng, chủ trương cải cách giáo dục; nguyên nhân một số ý tưởng, chủ trương cải cách giáo dục không được thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả nên phải tiến hành thay đổi điều chỉnh; trình bày nhận thức về: sự hiện diện của “yếu tố Pháp - Việt” trong lĩnh vực cải cách 8
  • 11. giáo dục, cơ sở hình thành ý tưởng cải cách giáo dục, phương thức “tiếp nhận Việt Nam”2 trong lĩnh vực cải cách giáo dục, vai trò của chế độ thực dân Pháp trong lĩnh vực cải cách giáo dục. Chúng tôi đã sử dụng quan điểm, nhận định về nền giáo dục Việt Nam thời Pháp đô hộ của các chuyên gia thể hiện trong các chuyên khảo, bài nghiên cứu để làm cơ sở tìm hiểu hiểu vấn đề. Kết quả nghiên cứu được công bố và nguồn tài liệu mà các chuyên gia đã khai thác là những cơ sở để chúng tôi lập luận, trình bày nội dung vấn đề theo hướng tán đồng hay phản biện, bổ khuyết cho sự hạn chế về tài liệu gốc mà chúng tôi chưa có điều kiện tiếp cận. Phương pháp so sánh được chúng tôi sử dụng khi trình bày quá trình xác lập nền giáo dục Pháp - Việt ở Việt Nam để chỉ ra những điểm mới, điểm khác trong chương trình học và hệ thống tổ chức của cuộc cải cách hay điều chỉnh giáo dục sau so với cuộc cải cách hay điều chỉnh giáo dục liền trước đó. Kết quả so sánh là một cứ liệu để chúng tôi đánh giá những tiến bộ hay hạn chế, tính phù hợp hay không phù hợp của những chủ trương cải cách giáo dục đối với thái độ, trình độ tiếp nhận của dân bản xứ. Các phương pháp nêu trên được chúng tôi vận dụng liên tục, đan xen trong suốt quá trình thực hiện đề tài. Theo đó, trình tự trình bày các vấn đề thuộc lĩnh vực cải cách giáo dục như sau: Khởi đầu là hoàn cảnh lịch sử - điều kiện lịch sử và yêu cầu đổi mới; tiếp đến là ý tưởng, chủ trương cải cách giáo dục và quá trình tổ chức nền giáo dục, kết hợp so sánh với nền giáo dục trước cải cách để chỉ ra những nội dung được kế thừa, những nội dung mới và sau cùng, lý giải nguyên nhân những ý tưởng, kiến nghị cải cách giáo dục không được thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả, nhận định về sự tồn tại của “yếu tố Pháp - Việt” và yếu tố “mới” trong các chủ trương cải cách giáo dục của nhà cầm quyền Pháp và đánh giá tác động của các cuộc cải cách giáo dục này đối với sự phát triển của nền giáo dục, văn hóa - xã hội Việt Nam. 4. Lịch sử nghiên cứu vấn đề Các vấn đề của nền giáo dục Việt Nam thời Nguyễn và thời Pháp đô hộ (1862- 1945) đã được các nhà khoa học quan tâm, nghiên cứu, thể hiện qua một số công trình sau: Khởi đầu của quá trình nghiên cứu nền giáo dục Pháp ở Việt Nam là các bài viết đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử năm 1967, của Nguyễn Trọng Hoàng là “Chính sách 2 Từ dùng của Trần Thị Thanh Thanh (2010) trong Quan hệ đối ngoại của Việt Nam trong các thế kỷ X-XX, Báo cáo tổng kết Đề tài Khoa học và Công nghệ cấp Bộ, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh [xem 105, tr.151] 9
  • 12. giáo dục của thực dân Pháp ở Việt Nam” (số 96/1967); của Nguyễn Anh là “Vài nét về giáo dục ở Việt Nam từ khi Pháp xâm lược đến cuối chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất” (số 98/1967), “Vài nét về giáo dục ở Việt Nam từ sau Đại chiến thế giới lần thứ Nhất đến Cách mạng tháng Tám” (số 102/1967). Quan tâm đến chính sách giáo dục, Nguyễn Trọng Hoàng khẳng định: “Làm cho ngu dân để dễ trị”, đó là thực chất của cái gọi là “chính sách giáo dục của thực dân Pháp ở Việt Nam” [47, tr.16]; còn Nguyễn Anh, sau khi lý giải nguyên nhân của các cuộc cải cách giáo dục được nhà cầm quyền Pháp thực hiện ở Việt Nam là để “đối phó với tình thế, đối phó với nhân dân ta chứ không phải vì sự phát triển của giáo dục theo đúng nghĩa của nó” [5, tr.45], đã kết luận: “Dìm dân tộc ta trong vòng thất học, ngăn chặn mọi ánh sáng tiến bộ bên ngoài tràn vào nhà trường là chính sách giáo dục trước sau như một của thực dân Pháp đối với nhân dân ta. Biến học sinh thành những người vong bản, xa rời nhân dân, quên quá khứ quang vinh và truyền thống anh dũng của dân tộc mình, chỉ biết hàm ơn và phục tùng chúng, cung cấp cho họ một ít hiểu biết vừa đủ để làm được viên chức thừa hành hạng nhỏ, đó là mục đích của giáo dục thực dân đối với nhân dân ta” [5, tr.46]. Những nhận định vừa nêu đã ảnh hưởng lâu dài đến quan điểm đánh giá nền giáo dục Pháp - Việt của nhiều nhà khoa học ở Việt Nam. Năm 1985, Vũ Ngọc Khánh xuất bản cuốn Tìm hiểu nền giáo dục Việt Nam trước 1945. Cho rằng “Đế quốc Pháp xâm chiếm nước ta đã mang theo, cùng với những chính sách bình định, khủng bố, cai trị của chúng, cả một âm mưu xảo quyệt trong giáo dục. Về cả hai mặt tổ chức và nội dung, chính sách văn hóa giáo dục thực dân là một chính sách thâm hiểm rất tinh vi, khôn khéo” [54, tr.159], tác giả đã có những nhận xét gay gắt về nền giáo dục thực dân: “Ngăn cản và xuyên tạc tinh thần dân tộc, tinh thần quốc tế, thực dân Pháp cũng tìm cách bưng bít, không cho cõi học Việt Nam được tiếp xúc những phát minh khoa học, những tư tưởng tiến bộ ở nước ngoài” [54, tr.165], “Ta đã nói đến chủ trương kìm hãm trong việc mở trường hạn tuổi, ngăn cản con em nhà nghèo, con em cách mạng. Nội dung giáo dục trong các chương trình học khóa cũng lại là một nội dung xa nhân dân, xa đại chúng. Từ bậc sơ học, tiếng nói của nhân dân đã bị coi rẻ cho đến khi bị gạt bỏ hoàn toàn” [54, tr.166]. Vũ Ngọc Khánh xem “Ảnh hưởng của nền học Pháp với nền giáo dục Việt Nam” là “những biến đổi tất nhiên” [54, tr.170], trong đó, “những quan niệm lạc hậu lại tô đậm” [54, tr.172], đồng thời còn có thêm “những ảnh hưởng tai hại mới” [54, tr.174] như: “đem đến cho không ít người trí thức Việt Nam một số nếp suy nghĩ lệch lạc mà cứ tưởng là chân lí” [54, tr.174], “lớp người trẻ tuổi ấy càng nhiễm sâu chủ nghĩa cá nhân, thứ bệnh vốn 10
  • 13. trong thời kì phong kiến cũng chẳng phải là không trầm trọng. Cả hai loại chủ nghĩa cá nhân cũ và mới đã thừa cơ hội của chính sách giáo dục thực dân mà lũng đoạn tâm hồn bao nhiêu thế hệ” [54, tr.178]. Được xuất bản năm 1995, tái bản năm 2006, cuốn Giáo dục Việt Nam thời Cận đại của Phan Trọng Báu gồm chương mở đầu “Giáo dục Việt Nam dưới triều Nguyễn - Sự suy tàn của nền giáo dục phong kiến” và 2 phần: “Sự hình thành và phát triển nền giáo dục Việt Nam thời cận đại”, “Cuộc đấu tranh trên lĩnh vực giáo dục: Sự ra đời và phát triển dòng giáo dục yêu nước và cách mạng”. Trong đó, tác giả đã đề cập đến cuộc cải cách giáo dục thời Nguyễn và những cuộc cải cách giáo dục do Paul Beau và Albert Sarraut khởi xướng vào các năm 1906 và 1917. Tuy chưa trình bày rõ về những thay đổi trong chương trình học và hệ thống thống tổ chức trong từng cuộc cải cách nhưng nội dung của cuốn sách đã mang đến nhận thức khái quát về những chuyển biến của nền giáo dục Việt Nam thời Pháp đô hộ, đồng thời các luận điểm ở phần kết luận là những tiền đề nghiên cứu quan trọng. Nguyễn Đăng Tiến và cộng sự đã dành 2 chương trong cuốn Lịch sử giáo dục Việt Nam trước cách mạng tháng Tám - 1945 (1996) để trình bày khái quát về “Giáo dục Việt Nam dưới triều Nguyễn (1802-1945)” (Chương VI), “Giáo dục Việt Nam dưới thời Pháp thuộc (1858-1945)” (Chương VII). Chủ yếu dẫn lại tư liệu từ các bài nghiên cứu của Nguyễn Trọng Hoàng, Nguyễn Anh, các tác giả đã nhận định về kết quả của nền giáo dục Pháp - Việt như sau: “Chúng [thực dân Pháp] nghĩ rằng, có thể tiến công dễ dàng vào lĩnh vực giáo dục, chúng hi vọng với chiêu bài “văn minh Tây phương” đưa ra, sẽ mua chuộc được nhân dân ta, nhưng chúng đã lầm. Chính trong lĩnh vực giáo dục này, chúng cũng phải đương đầu với sự chống trả quyết liệt của nhân dân ta. Từ những tên võ quan đề đốc ban đầu của Bôna, Laphông, cho đến loại văn quan sau này như PônBe, Bô, Cơlôbuy Côpxơki, Xarô, Méclanh đã thay chân nhau nửa thế kỉ, đưa hết nghị định này đến nghị định khác, rồi đến “cải cách” mà kết quả vẫn không đáng kể như chúng mong muốn. Tất nhiên trong khoảng thời gian dài cai trị đó, chúng cũng làm được một số việc, đó là thực dân hóa nền giáo dục phong kiến rồi đi đến thủ tiêu nền giáo dục cũ, lập ra nền giáo dục mới, củng cố và phát triển, mở rộng nền giáo dục thực dân ở Việt Nam” [117, tr.216]. Trong cuốn Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh - Tập II: Văn học - Báo chí - Giáo dục do Trần Văn Giàu và Trần Bạch Đằng chủ biên, xuất bản năm 1998, Nguyễn Đình Đầu đã trình bày khái quát vấn đề “Giáo dục dưới triều Nguyễn và dưới thời Pháp (1698- 1955)” thông qua các đề mục “Tổ chức giáo dục và thi cử ở Sài Gòn - Gia Định từ 1698 đến 11
  • 14. 1859”, “Nền giáo dục Sài Gòn dưới thời Pháp thuộc từ 1859 đến 1955”. Tác giả đã phác thảo quá trình hình thành, phát triển và chuyển đổi nền giáo dục từ Nho học sang Tây học ở vùng đất Sài Gòn đồng thời đã lược dịch, tóm lược những văn bản pháp quy về giáo dục do nhà cầm quyền Pháp ban hành như: Nghị định 17/11/1874, Nghị định 17/3/1879, Quy phạm học chính (1918) và cung cấp những số liệu về trường học, học sinh đáng tin cậy. Tuy nhiên, Nguyễn Đình Đầu chưa có những đánh giá mới về nền giáo dục Pháp - Việt mà “hoàn toàn nhất trí” với những nhận định đã trở nên quen thuộc: “Phê phán nó [giáo dục Pháp - Việt] là dùng chữ quốc ngữ la tinh trong giáo dục để cắt đứt truyền thống văn hóa nho học của dân ta; lên án nó [giáo dục Pháp - Việt] là lấy tiếng Pháp làm chuyển ngữ chính trong đào tạo mọi ngành khoa học và tuyên truyền tính hơn hẳn của văn hóa Pháp hay công ơn của thực dân Pháp; chúng ta hoàn toàn nhất trí với những ý kiến phê phán và nhận định đó” [32, tr.747-748]. Năm 2012, tác giả Trần Thị Thanh Thanh trình hội đồng nghiệm thu tại trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo tổng kết đề tài khoa học và công nghệ cấp cơ sở: “Hỏi và đáp về nền giáo dục Nam Bộ thời kỳ 1867-1945”. Trong công trình chuyên khảo này, tác giả đã trình bày quá trình lịch sử của nền giáo dục Nam Bộ từ 1867 đến 1945 theo kiểu “Hỏi và đáp”, chú trọng đến diện mạo của hệ thống giáo dục nhà trường ở Nam Bộ trong thời Pháp đô hộ trên các mặt: tổ chức, chương trình, quy mô, nội dung cải cách, tác động văn hóa - xã hội … Tuy khẳng định “Thực dân Pháp đã quan tâm đến giáo dục, không hoàn toàn là để “khai hóa”, “khai sáng” văn minh, mà thực tế là phục vụ công cuộc “khai thác” thuộc địa, xuất phát từ lợi ích của chính nước Pháp”[106, tr.95] nhưng không dừng lại ở việc chỉ ra “những điểm tiêu cực của nền giáo dục Pháp ở Nam Kỳ” [xem 106, tr.94-95], tác giả đã nêu “ảnh hưởng tích cực của nền giáo dục Pháp ở Nam Kỳ” như “nền giáo dục này ít nhiều mang đến cho người Việt Nam một hệ thống tri thức mới, thiết thực hơn, đa dạng hơn so với nền giáo dục cũ, đáp ứng được phần nào yêu cầu của cuộc sống thực tiễn” [106, tr.92-93], “chương trình học của nền giáo dục mới đã dần dần thay thế những nguyên lý Nho giáo xưa cũ, tách nền giáo dục Việt Nam khỏi ảnh hưởng của Trung Hoa, đặt nền tảng xây dựng nền giáo dục theo hướng hiện đại, một nền giáo dục chú trọng “thực nghiệp” và “hợp thời” [106, tr.93-94], “nền giáo dục mới đã góp phần làm hình thành một lớp trí thức “tân học” tuy ít ỏi nhưng có trình độ về khoa học và tư tưởng, có nhận thức và tinh thần yêu nước sâu sắc hơn, phần nào có sự độc lập với chế độ chính trị đương thời …” [106, tr.94]. 12
  • 15. Cũng trong năm 2012, tác giả Trần Thị Phương Hoa đã công bố công trình nghiên cứu Giáo dục Pháp - Việt ở Bắc Kỳ (1884-1945). Sau khi khảo sát nền giáo dục Pháp - Việt ở Bắc Kỳ qua các thời kỳ: cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, đầu thế kỷ XX - 1917, 1917- 1930, 1930-1945, tác giả đã “dựa trên quan điểm tiến bộ xã hội và lợi ích quốc gia, dân tộc” [43, tr.244] để nhận định mặt “tích cực”: “Trường Pháp - Việt chính là cầu nối giữa Nho học truyền thống với giáo dục Việt Nam hiện đại” [43, tr.245], “Là một thiết chế giáo dục quan trọng bậc nhất trong việc đào tạo các trí thức Việt Nam kiểu mới, trường Pháp - Việt có vai trò làm biến đổi cơ cấu xã hội” [43, tr.246], “Học sinh và giáo viên trường Pháp - Việt đã đóng một vai trò quan trọng trong phong trào giành độc lập dân tộc mà đỉnh cao là Cách mạng tháng Tám 1945” [43, tr.246], còn những hạn chế được xem xét từ cơ chế quản lý, mục tiêu giáo dục, chương trình học, cơ sở vật chất, trình độ giáo viên … [xem 43, tr.247]. Các quan điểm vừa nêu đã được thể hiện, ở những mức độ khác nhau, trong một số bài viết được đăng trên các tạp chí khoa học như: “Giáo dục Pháp - Việt ở Bắc Kỳ (1906- 1945) và cải cách giáo dục ở Nhật Bản thời Minh Trị” (Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á - 2006), “Franco-Vietnamese School and the Transition from Confucian to the New Kind of Intellectuals in the Colonial Context” (Nhà trường Pháp - Việt và sự chuyển đổi từ Nho học sang kiểu trí thức mới trong hoàn cảnh thuộc địa) (European Studies Review - 2008), “Giáo dục ở Bắc Kỳ đầu thế kỷ XX đến năm 1915 - chuyển đổi các trường Nho giáo sang trường Pháp - Việt” (Tạp chí Nghiên cứu châu Âu - 2010) … trong đó, đáng chú ý nhất là bài viết “Các cải cách giáo dục và khủng hoảng của nhà trường Pháp - Việt cuối những năm 20 đầu những năm 30 của thế kỷ XX” in trong Di sản lịch sử và những hướng tiếp cận mới (2011) với luận đề: “Ba cải cách quan trọng của nhà trường Pháp - Việt ở Bắc Kỳ (1906, 1917, 1926) là không thành công nhìn từ quan điểm giáo dục đại chúng” [41, tr.283]. Trong phần Dẫn luận của Luận án Tiến sĩ “Giáo dục Pháp - Việt ở Bắc Kỳ từ đầu thế kỷ XX đến năm 1945” được trích đăng trên Tạp chí Xưa & Nay số 426-4/2013, Trần Thị Phương Hoa đã điểm qua một số công trình nghiên cứu về giáo dục ở Việt Nam thời Pháp được công bố ở nước ngoài như: Hoàng Thị Trợ (1965), Changements dans la politique scolaire au Viet-Nam depuis 1906 (Những thay đổi về chính sách giáo dục ở Việt Nam kể từ năm 1906); Dương Đức Như (1978), Education in Vietnam under the French Domination 1862-1945 (Giáo dục ở Việt Nam thời Pháp đô hộ, 1862-1945); Gail Kelly (1975), Franco - Vietnamese Schools, 1918-1938 (Nhà trường Pháp - Việt, 1918-1938), Trịnh Văn Thảo (1995), L’École francaise en Indochine (Nhà trường Pháp ở Đông Dương), Pascale 13
  • 16. Bezancon (2002), Une colonisation educatrice? L’experience indochinoise (1860-1945) (Một nền giáo dục thực dân? Trải nghiệm Đông Dương 1860-1945) … [xem 44, tr.6-7]. Ngoài ra, chương trình học và hệ thống tổ chức của nền giáo dục Việt Nam thời Pháp đô hộ còn được đề cập khái quát trong một số công trình nghiên cứu có giá trị như Đào Duy Anh (1938), Việt Nam văn hóa sử cương; Nguyễn Q. Thắng (2005), Khoa cử và Giáo dục Việt Nam … hay một số công trình được viết dưới dạng giáo trình như Đinh Xuân Lâm (Chủ biên) (2000), Đại cương Lịch sử Việt Nam, Tập II (1858-1945); Bùi Minh Hiền (2005), Lịch sử giáo dục Việt Nam; Phan Ngọc Liên (2006), Giáo dục và thi cử Việt Nam (trước cách mạng tháng Tám 1945) … Những công trình vừa nêu hoặc là không thể hiện quan điểm riêng về nền giáo dục Pháp - Việt, hoặc là đánh giá nền giáo dục này bằng thái độ không khác nhiều so với Nguyễn Trọng Hoàng, Nguyễn Anh, Vũ Ngọc Khánh …, chẳng hạn trong Lịch sử giáo dục Việt Nam, Bùi Minh Hiền (2005) nhận xét “Dùng chính sách giáo dục ngu dân làm công cụ nô dịch tinh thần, thực dân Pháp đã thực hiện được mưu đồ kìm hãm sự phát triển của xã hội Việt Nam, ngăn chặn tinh thần tự do dân chủ và những tư tưởng tiến bộ, từ đó hòng kìm hãm bước tiến của phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam đang dâng lên mạnh mẽ” [35, tr.66]. Như vậy, cho đến nay (2013), đã có một quá trình nghiên cứu nền giáo dục Việt Nam thời Pháp đô hộ (1862-1945). Có thể khái quát khuynh hướng chung của quá trình này như sau: 1. Các công trình nghiên cứu đều xem nền giáo dục Việt Nam thời Nguyễn và thời Pháp đô hộ là một bộ phận hợp thành của nền giáo dục Việt Nam. 2. Phần lớn các công trình nghiên cứu đều mô tả quá trình thực dân Pháp thiết lập hệ thống giáo dục kiểu mới ở Việt Nam cùng một số nội dung giáo dục. Phạm vi không gian nghiên cứu nền giáo dục Pháp - Việt chuyển dần từ tổng quát trên toàn lãnh thổ Việt Nam sang từng khu vực nhất định như Nam Kỳ, Bắc Kỳ. 3. Một số công trình nghiên cứu đã thể hiện sự chú trọng đến lĩnh vực cải cách giáo dục do triều Nguyễn và chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam tiến hành. 4. Có sự chuyển đổi trong khuynh hướng đánh giá về nền giáo dục Pháp - Việt: từ thái độ phê phán gay gắt (Nguyễn Trọng Hoàng, Nguyễn Anh, Vũ Ngọc Khánh …) chuyển dần sang kết luận theo hai hướng “tích cực” - “tiêu cực” và tác động văn hóa - xã hội (Trần Thị Thanh Thanh, Trần Thị Phương Hoa …). 14
  • 17. 5. Đóng góp mới của luận văn - Được tổng hợp từ nguồn tư liệu phong phú, bao gồm tư liệu gốc, chuyên khảo, bài nghiên cứu có giá trị khoa học, luận văn đã trình bày đầy đủ các vấn đề thuộc lĩnh vực cải cách giáo dục ở Việt Nam thời kỳ 1862-1945 do triều Nguyễn và chính quyền thực dân Pháp tiến hành, góp thêm nhận định và bổ sung vào nhận thức chung về các vấn đề lịch sử Việt Nam. - Luận văn góp phần khắc họa sâu sắc thêm quá trình giao lưu văn hóa Pháp - Việt trong lĩnh vực giáo dục, về vai trò và tác động quan hệ của nền giáo dục Việt Nam với yếu tố văn hóa ngoại lai đi cùng với nền cai trị của chủ nghĩa thực dân. - Kết quả nghiên cứu của luận văn góp phần cung cấp thêm tài liệu tham khảo có chất lượng cho học viên cao học, giáo viên, sinh viên, học sinh trung học và những người quan tâm đến lịch sử giáo dục Việt Nam. 6. Nguồn tư liệu Nguồn tư liệu được sử dụng để nghiên cứu đề tài luận văn bao gồm tư liệu gốc (chỉ dụ của vua Minh Mệnh, vua Tự Đức, điều trần của Nguyễn Trường Tộ, Nghị định, số liệu thống kê của chính quyền thực dân Pháp …), chuyên khảo, bài nghiên cứu được xuất bản thành sách, được đăng trên các tạp chí khoa học hoặc được phổ biến qua Internet. Thông qua các bản dịch của Lại Như Bằng, chúng tôi tiếp cận được một số tư liệu gốc bằng tiếng Pháp như Annuaire de la Cochinchine Française (1870, 1871, 1874, 1876, 1878, 1879, 1881), “Étude sur l’instruction publique en Conchinchine”, La langue française et l'enseignement en Indo-chine. Chúng tôi chú ý đến các chuyên khảo về nền giáo dục Việt Nam thời Pháp đô hộ của Phan Trọng Báu, Nguyễn Đình Đầu, Trần Thị Thanh Thanh, Trần Thị Phương Hoa … Những công trình nghiên cứu của các nhà khoa học vừa nêu đã gợi mở những hướng nhìn khác nhau đối với lĩnh vực cải cách giáo dục ở Việt Nam thời kỳ 1862- 1945, đồng thời cung cấp thêm những tư liệu tiếng Pháp mà chúng tôi chưa có điều kiện tiếp cận. Tất cả những tài liệu nêu trên được chúng tôi trình bày trong “Danh mục Tài liệu tham khảo” và được tham khảo, sử dụng với tinh thần nghiêm túc, cẩn trọng để có những nhận thức chân xác và nhận định khách quan, thỏa đáng. 15
  • 18. 7. Cấu trúc của luận văn Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, luận văn gồm có 3 chương. Chương 1. Con đường dẫn đến quan hệ văn hóa Pháp - Việt Văn hóa phương Tây đã du nhập vào xã hội Việt Nam truyền thống cùng với giáo sỹ thừa sai và đoàn quân xâm lược. Tiếp sau những thắng lợi về quân sự, chính sách cai trị là nơi phản ánh thái độ của chính quyền thực dân Pháp đối với nền văn hóa Việt Nam. Nội dung của Chương 1 “Con đường dẫn đến quan hệ văn hóa Pháp - Việt” bao gồm 3 vấn đề: đạo Thiên Chúa - “Cửa ngõ” du nhập văn hóa phương Tây; quá trình thực dân Pháp xâm lược Việt Nam (1858-1884); chính sách của thực dân Pháp ở Việt Nam: từ “đồng hóa” đến “liên hiệp”. Chương 2. Yếu tố Pháp - Việt trong lĩnh vực cải cách giáo dục ở Việt Nam thời kỳ 1862-1945 Nền Nho học của thế kỷ XIX đã trở nên lỗi thời về nội dung và phương pháp, trở thành lực cản của sự phát triển xã hội. Phát xuất từ những động cơ khác nhau, triều Nguyễn và chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam đã đề ra những ý tưởng, chủ trương cải cách nền giáo dục hiện đang tồn tại. Quá trình chuyển đổi nền giáo dục Việt Nam từ Nho học sang Tây học (1862-1945), thông qua những lần cải cách, điều chỉnh giáo dục, đã phản ánh sự tương tác giữa yếu tố văn hóa Pháp và yếu tố văn hóa Việt để dẫn đến sự hiện diện của “yếu tố Pháp - Việt” trong chính sách giáo dục của nhà cầm quyền. Đây là nội dung chính của Chương 2 “Yếu tố Pháp - Việt trong lĩnh vực cải cách giáo dục ở Việt Nam thời kỳ 1862- 1945”. Chương 3. Lĩnh vực cải cách giáo dục - Một biểu hiện của sự tương tác văn hóa Pháp - Việt Trong lĩnh vực cải cách giáo dục ở Việt Nam thời kỳ 1862-1945, những nhân tố mới lạ có nguồn gốc từ văn hóa phương Tây, dù du nhập trong hoàn cảnh đất nước còn chủ quyền hay đã bị đô hộ, dù chỉ tồn tại trong ý tưởng hay được thể hiện trong thực tế đều phải thông qua lăng kính dân tộc trước khi hòa nhập và trở thành một bộ phận của văn hóa Việt Nam. Văn hóa phương Tây là cơ sở hình thành ý tưởng cải cách giáo dục nhưng phương thức “tiếp nhận Việt Nam” [104, tr.151] cũng là nhân tố quan trọng tác động đến chính sách giáo dục của nhà cầm quyền. Chương 3 “Lĩnh vực cải cách giáo dục - Một biểu hiện của sự tương tác văn hóa Pháp - Việt” sẽ trình bày các vấn đề: văn hóa phương Tây - cơ sở hình 16
  • 19. thành ý tưởng cải cách giáo dục; phương thức “tiếp nhận Việt Nam” trong lĩnh vực cải cách giáo dục; vai trò của chế độ thực dân Pháp trong lĩnh vực văn hóa - giáo dục. 17
  • 20. CHƯƠNG 1: CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN QUAN HỆ VĂN HÓA PHÁP - VIỆT Văn hóa phương Tây đã du nhập vào xã hội Việt Nam truyền thống cùng với giáo sỹ thừa sai và đoàn quân xâm lược. Tiếp sau những thắng lợi về quân sự, chính sách cai trị là nơi phản ánh thái độ của chính quyền thực dân Pháp đối với nền văn hóa Việt Nam. 1.1. Đạo Thiên chúa - “Cửa ngõ” du nhập văn hóa phương Tây Các câu chuyện trong “Nghìn lẻ một đêm”, “Cuốn sách những truyện kỳ lạ” của Macco Polo … đã vẽ lên trong trí tưởng tượng của người châu Âu hình ảnh một thế giới phương Đông giàu có, đầy vàng bạc, hương liệu và gia vị … Điều này đã trở thành động lực để các đoàn thuyền giương buồm viễn dương tìm sang phương Đông mỗi khi có điều kiện. Sau những tháng năm dài đắm chìm trong “Đêm trường Trung cổ”, thế kỷ XVI chứng kiến những đổi thay sâu sắc ở Tây Âu: sinh hoạt thương mại được phục hồi, thành thị sống lại, kinh tế hàng hóa ra đời, tầng lớp thị dân (nhà buôn, nhà kinh doanh tài chính, thợ thủ công …) xuất hiện … [46, tr.136]. Sự phát triển kinh tế đã hình thành các thành thị (trung tâm thương nghiệp) và làm nảy sinh nhu cầu tìm kiếm thị trường ngoài châu Âu để trao đổi hàng hóa. Khu vực ven bờ Địa Trung Hải trở thành vùng thương mại nhộn nhịp những chuyến hàng xuôi ngược. Thế kỷ XV, khi thương nhân đã phát triển thành một giai cấp đủ sức điều hành nền kinh tế, quý tộc có đủ uy tín, học thức để lãnh đạo những cuộc thám hiểm và khoa học hàng hải đạt được nhiều tiến bộ thì cũng là lúc bắt đầu những chuyến hải trình dài ngày tìm kiếm vùng đất mới và con đường sang phương Đông được tiến hành để thỏa mãn nhu cầu về thị trường, nguyên liệu cho Chủ nghĩa Tư bản châu Âu đang trong quá trình tích lũy nguyên thủy chuẩn bị cho những bước phát triển cao hơn. Thương mại trở thành nhịp dẫn cho chiếc cầu nối liền thế giới Đông - Tây. Men theo con đường mà Vasco da Gama, Ferdinand de Magellan đã khám phá, các đoàn thuyền buôn châu Âu đã cập vào các cảng biển của Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản và các vương quốc Đông Nam Á để buôn bán, trao đổi hàng hóa và tìm kiếm thuộc địa, điều mà họ có được nhiều thành công ở châu Phi và Tân Lục địa (America). Trên những đoàn thuyền buôn, ngoài thương nhân, hàng hóa, còn có các giáo sĩ thừa sai khoác tấm áo choàng 18
  • 21. đen, giương cao cây Thập Tự, nhận lãnh sứ mệnh mở rộng Thiên quốc của Đức Chúa Trời. Trong khi mang đến cho người Việt niềm tin về sự cứu rỗi, các vị chủ chăn cũng mang đến cho xã hội nông nghiệp phương Đông những xúc chạm đầu tiên với những thành tố văn hóa từ phương Tây. Xã hội Việt Nam trong các thế kỷ XVI-XVIII là một thời kỳ tao loạn. Chinh chiến triền miên giữa các thế lực phong kiến đã gieo rắc đau thương, ly tán, đẩy dân chúng vào tình cảnh tuyệt vọng. Các giá trị văn hóa - tín ngưỡng truyền thống cũng trên bước đường suy thoái. Các giá trị đạo đức Nho giáo bị xâm phạm nghiêm trọng. Phật giáo, Đạo giáo cũng có những biểu hiện sai lạc. Sống trong một xã hội như vậy, con người dường như rơi vào khủng hoảng. Những cuộc chiến tranh, sự sụp đổ của ý thức hệ Nho giáo đã làm cho người dân mất niềm tin vào chính quyền đang cai trị họ. Cuộc sống thực tại đã quá tàn nhẫn, phủ phàng, niềm an ủi duy nhất để tiếp tục cuộc sống chỉ còn là tâm linh. Nhưng lúc này, người dân biết hướng vào đâu để gửi gắm những ưu tư, trăn trở của cõi lòng. Chính trong hoàn cảnh này, Thiên Chúa giáo du nhập vào Việt Nam. Các giáo sĩ rao giảng về Chúa Cứu Thế (Jésus Christ), về cuộc sống yên bình vĩnh viễn nơi Thiên Đàng, nơi đó, không phân biệt sang hèn, giàu nghèo, trước Chúa mọi người đều bình đẳng. Sự có mặt của đạo Thiên Chúa đã mở ra con đường mới cho nhu cầu tâm linh của một bộ phận dân chúng Việt Nam. Bên cạnh các loại hình tín ngưỡng truyền thống, người dân có dịp tiếp xúc với một tôn giáo mới, đến từ phương Tây, với nhiều lạ lẫm. Thiên Chúa giáo có hệ thống thần học cao siêu và giáo lý chặt chẽ đủ sức thuyết phục, giải tỏa những ưu tư, nghi hoặc của người dân về những lời phán truyền của Đấng Sáng tạo và con đường đi đến Thiên Đàng. Do đó, dù chứa nhiều yếu tố khác hẳn với tín ngưỡng truyền thống, dù bị triều đình cấm ngặt, nhưng bản thân đạo Thiên Chúa vẫn có sức hấp dẫn nhất định. Một bộ phận người dân vẫn cúi đầu thành kính trước Thập giá dẫu họ biết rằng như thế là chống lại triều đình, chống lại niềm tin đối với tổ tiên. Có thể đạo Thiên Chúa đã mang đến cho những con chiên lạc loài niềm an ủi, đã gieo niềm tin mới vào cuộc sống của họ. Đạo Thiên Chúa là “cửa ngõ”, qua đó, những thành tố văn hóa phương Tây có điều kiện du nhập vào Việt Nam. Công việc truyền giáo đặt ra yêu cầu các giáo sĩ phải hiểu tiếng nói, giảng đạo bằng tiếng của người bản xứ. Đây là động cơ chính để các giáo sĩ, từ Francisco de Pina, Graspar de Amaral, Antonio Barbosa đến Alexandre de Rhode nối tiếp nhau ký âm tiếng Việt bằng chữ cái Latin, và cùng với sự tham gia của những người Việt Nam đương thời, tạo thành chữ Quốc ngữ. Năm 1651, cuốn Từ điển Việt - Bồ - Latin và 19
  • 22. cuốn “Giáo lý” của Alexandre de Rhode ra đời. Tiếp tục trải qua hai lần chỉnh lý của Pigneau de Béhaine với “Từ điển Annam - Latin” (1772) và của Tabert (cộng tác với Dương Văn Minh) với “Từ điển Annam - Latin và Latin - Annam”, chữ Quốc ngữ đã đủ điều kiện vượt ra khỏi phạm vi Nhà Thờ để trở thành văn tự được sử dụng rộng rãi. Không dừng lại trong cộng đồng giáo dân, những tri thức khoa học phương Tây đã được các giáo sĩ mang vào tận phủ Chúa. Alexandre de Rhode đã tạo được sự chú ý của Chúa Trịnh Tráng (1623- 1657): “Đang khi chúng tôi ở Kẻ Ro, vua đi vắng mới về, chúng tôi ra đón và dâng một quyển thiên văn bằng chữ Nho, chúng tôi cắt nghĩa các tranh vẽ trong ấy cho vua mừng. Ngày khác, chúa mời chúng tôi dẫn các then máy đồng hồ chúng tôi dâng cho người thì người lấy làm thích thú lắm” [dẫn theo 53, tr.94-95]. Ở Đàng Trong, các Thừa sai cũng đảm nhận nhiều công việc quan trọng. Năm 1686, Chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) đã dùng Bartholomêô da Costa làm người chăm sóc sức khỏe. Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) đã dùng Antonio de Aruedo năm 1704 và De Lima năm 1724 để dạy ông toán và thiên văn học. Năm 1752, Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) sử dụng thừa sai dòng Tên Xavier de Moteiro, nhà hình học và Jean de Loureira, bác sĩ [dẫn theo 64, tr.107-108]. Những ảnh hưởng trong lĩnh vực quân sự của phương Tây đối với Việt Nam đã diễn ra từ thế kỷ XVII, khi Chúa Nguyễn ở Đàng Trong và Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài luôn “mong nhờ vả được của các lái phương Tây những phương tiện quân sự (vũ khí, huấn luyện, can thiệp võ trang) để đè bẹp đối phương” [dẫn theo 137, tr.67]. Do đó, “mặc dù, tự thâm tâm, thù ghét việc truyền bá đức tin Kitô giáo trong lãnh thổ của mình, họ Nguyễn cũng ít nhiều nhắm mắt làm ngơ trước sự có mặt của các thừa sai Công giáo Roma với mục đích là có được súng và đại pháo từ Macao” [64, tr.107]. Khoảng thời gian ở Gia Định tập hợp lực lượng chuẩn bị phản công Tây Sơn, trong lực lượng quân sự của Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long), đã có sự tham gia của người châu Âu, thông qua trung gian là Đức Giám mục Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc). Từ trước, Giám mục Bá Đa Lộc đã dịch sang tiếng Việt những binh pháp của phương Tây để Nguyễn Ánh tham khảo, quân sĩ phải học thuộc những nội dung này. Hiệp ước Versailles (28/11/1787) không có điều kiện thực hiện (do sự bùng nổ của cuộc Cách mạng tư sản Pháp - 1789), bằng uy tín cá nhân, Bá Đa Lộc đã đứng ra vận động tầng lớp tư sản, sỹ quan hải quân, sắm khí giới và mộ người sang giúp Nguyễn Ánh. Từ đây quân đội Nguyễn Vương đã có những yếu tố của nền quân sự châu Âu, bao gồm tổ chức và huấn luyện lực lượng, xây dựng thành lũy kiểu Vauban, theo Lemonnier, một tướng lĩnh Pháp, “ … Những cuộc hành binh của vua xứ Nam Kỳ giống nhau một cách 20
  • 23. kì lạ với những cuộc hành binh của Đệ nhất cộng hòa Pháp, giống nhau cả về tổ chức, về vũ khí và nhất là về ảnh hưởng của các nhà quân sự Pháp cuối thế kỷ XVIII” [dẫn theo 80, tr.45]. Từ thời vua Minh Mệnh (1820-1840), quan hệ giữa nhà Nguyễn với phương Tây đã dần đến chỗ tuyệt giao. Tuy vậy, để “hiện đại hóa quân đội”, nhà Nguyễn đã sai người sang phương Tây mua thuyền máy với giá rất cao; vua Tự Đức (1848-1883) cũng ra lệnh phải mua súng của nước ngoài và đúc thêm súng ở trong nước. Một sĩ quan người Pháp khi đánh chiếm Nam Kỳ đã nhận thấy: “Vũ khí của người Nam dùng rất nhiều và khác nhau, súng thì có những đại bác đủ cỡ mà phần nhiều là loại nhỏ, những súng trường miệng loe (espingoles), những bích kích pháo, súng đá mang nhãn hiệu của xưởng Saint Etienne” [dẫn theo 65, tr.382]. Cùng với sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa nhà Nguyễn và phương Tây, những ảnh hưởng quân sự nêu trên cũng ngày càng mờ nhạt, chỉ còn lại mối quan tâm của triều đình trong việc chế tạo những chiếc thuyền máy theo kiểu châu Âu để, theo lời vua Thiệu Trị nói với bộ Công: “Thuyền có đốt lửa do người ngoại quốc chế. Người ngoại quốc chuyên dùng để tải hàng hóa buôn bán, thu lấy nhiều lời; nước ta dùng để làm cho việc vũ bị được nghiêm” [dẫn theo 85, tr.90-91]. Cũng nên lưu ý rằng, cách xây dựng thành lũy và vũ khí mà phương Tây du nhập vào Việt Nam đã lạc hậu so với thời đại. Những ảnh hưởng của văn hóa phương Tây trong lĩnh vực quân sự chỉ có thể góp phần giúp nhà Nguyễn chứng tỏ uy vũ trước lân bang, nhưng không thể sánh kịp với trình độ phát triển của châu Âu. Đây là một trong những hạn chế của cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược sau này. “Các giáo sĩ thừa sai Cơ đốc giáo không chỉ chuyển tải niềm tin của họ, Thánh kinh và lối suy nghĩ phương Tây, mà còn đem theo cả xà phòng và bàn chải đánh răng, phép vệ sinh, các bệnh viện và các yếu tố khác của “nền văn hóa phương Tây” [dẫn theo 53, tr.299]. Đức tin Thiên Chúa đã mở đường cho những thành tố của văn hóa phương Tây đến với xã hội Việt Nam truyền thống. Dù còn nhiều lạ lẫm và trong buổi ban đầu, sự du nhập và tiếp nhận văn hóa đi cùng với những toan tính: các giáo sĩ phô trương khả năng của mình để thuận tiện hơn trong việc truyền đạo, còn Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn giao thiệp với phương Tây để có được vũ khí, nhưng sự tiếp nhận này đã làm phong phú thêm cho văn hóa dân tộc, tạo những tiền đề cần thiết để khi thực dân Pháp hiện diện và tiến hành cuộc “chinh phục tinh thần”, người Việt Nam sẽ không quá ngỡ ngàng. 21
  • 24. 1.2. Quá trình thực dân Pháp xâm lược Việt Nam (1858-1884) Giáo sĩ thừa sai, trong khi thi hành sứ mệnh truyền bá đức tin Thiên Chúa, đã để tâm đến vấn đề thuộc địa. Bởi, đây là sự kết hợp quyền lợi giữa tôn giáo và thế tục: nếu sự truyền giáo dựa vào đô hộ của châu Âu thì, ngược lại, sự đô hộ này, để được vững chắc, cũng phải tìm hậu thuẫn về lý thuyết cũng như về thực hành nơi thừa sai và nơi chính tôn giáo mới [115, tr.10]. Bằng thư từ đệ trình lên Hoàng Đế và những lời phát biểu tại các phiên họp, các thừa sai đã tạo nên trong nhận thức của Napoléon III và thần dân của Ngài về một xứ Annam giàu có - “Nước Pháp sẽ tìm thấy ở xứ sở đẹp đẽ này nhiều mỏ vàng, bạc, đồng, sắt và than đá, nhiều gỗ tốt để đóng tàu; Pháp sẽ có một hải cảng an toàn cho các hạm đội và thực phẩm cho lính thủy của mình … Tại đó người ta còn có thể thiết lập một nền thương mại quan trọng về gạo, bông, muối, cau, lụa, tơ cùng nhiều mặt hàng khác …” [dẫn theo 115, tr.61-62], dễ dàng chiếm đóng mà “không tốn kém gì cả cho nước Pháp”, còn dân chúng thì đang “rên xiết dưới chế độ bạo tàn kinh khủng nhất … sẽ đón tiếp chúng ta như những người giải phóng và ân nhân” [dẫn theo 115, tr.51]. Được sự ủng hộ của Ủy ban Nam Kỳ, tháng 11/1857, Napoléon III đã ra lệnh can thiệp vào Việt Nam dù trước đó không lâu, Bộ trưởng Ngoại giao Walewski, đã cho Hoàng Đế biết rằng vấn đề Nam Kỳ đã không nhận được sự tán thành nơi các đồng sự. Quyết định này có vẻ mâu thuẫn với chính sách mà nền ngoại giao Pháp đương thời đã ấn định nhưng lại thỏa mãn thỉnh cầu của những người Thiên Chúa giáo, lực lượng ủng hộ cần thiết của nền Đệ Nhị đế chế. Tán đồng quan điểm của Hoàng Đế, Rigault de Genouilly lên đường đến “Nam Kỳ” với sứ mệnh chính là bảo vệ, bằng đại bác và tàu chiến, sự truyền giáo của các thừa sai và mang ánh sáng văn minh đến cho dân tộc Việt Nam, kèm theo một mục tiêu hoàn toàn ở vai trò thứ yếu: thăm dò khả năng thiết lập một chế độ bảo hộ [115, tr.87-88]. Đà Nẵng được chọn làm điểm tấn công đầu tiên vì nơi đây “quả là chỗ neo tàu khá an toàn cả trong mùa gió đông - bắc; và vì nó gần kinh đô Huế, việc chiếm đóng nó sẽ gây ảnh hưởng trầm trọng trên chính quyền Đông Dương. Áp lực này sẽ buộc họ chấp nhận mọi điều kiện mà chúng ta xét là vừa phải để áp đặt lên họ” [dẫn theo 115, tr.92]. Chiều 31/8/1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha dàn trận trước cửa biển Đà Nẵng. Mờ sáng 1/9, đại bác của liên quân bắn tới tấp vào Đà Nẵng. Trước thế tiến công, dân chúng lập tức thực hiện “vườn không nhà trống”, phối hợp với quân do Nguyễn Tri Phương chỉ huy đắp lũy phòng ngự. Bị cô lập giữa bãi cát với mấy đồn vừa chiếm, Đô đốc Gigault de Genoilly mới 22
  • 25. vỡ lẽ “Chính phủ đã bị lừa về tính cách của việc thôn tính Nam Kỳ (…) Người ta nói với chính phủ về những tài nguyên không hề có, sự sẵn sàng nơi người dân nhưng kỳ thực quân chính qui lại rất đông và quân tự vệ thì gồm tất cả mọi người khỏe mạnh trong dân chúng” [dẫn theo 115, tr.94]. Mặt khác, đoàn quân viễn chinh lại phải đối mặt với sự khắc nghiệt của thời tiết miền Trung. Thức tỉnh trước tình thế, Đô đốc Rigaul de Geouilly chuyển sang hướng mới: cảng Sài Gòn ở phía Nam, bất chấp sự phản đối quyết liệt của các nhà truyền giáo. Đến Cap Saint-Jacques ngày 10/2/1859, đoàn tàu tiến chậm trên sông Sài Gòn do phải vượt qua nhiều chướng ngại vật và đồn lũy dọc hai bên bờ. Ngày 17/2, quân Pháp tấn công và chiếm thành Gia Định. Cũng như ở Đà Nẵng mấy tháng trước, người Pháp bị cô lập, phải nhận từ dân chúng thái độ bất hợp tác và không tìm đâu ra sự nồng nhiệt đón tiếp của các làng Gia Tô giáo như lời hứa hẹn của các giáo sỹ. Những đám cháy lớn liên tục bùng lên, những đạo quân “ứng nghĩa” nhanh chóng thành lập. Nhưng, điều đáng sợ hơn cả là nguy cơ về sự tấn công bất ngờ của quân đội triều đình phát xuất từ phòng tuyến Chí Hòa vừa được xây dựng dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương. Trong khi đó, tình hình ở Đà Nẵng ngày càng trầm trọng: Thương vong tiếp tục, thiếu thốn đạn dược, lương thực, nhiên liệu vận hành tàu chiến ... Không còn khả năng mở cuộc tấn công thẳng vào Kinh đô Huế, Bộ trưởng Hải quân ra chỉ thị: “Hoàng thượng trông cậy ở kinh nghiệm và sự sáng suốt của ông để quyết định xem, với lực lượng mà ông chỉ huy, có nên theo đuổi việc thiết lập nền bảo hộ trên Vương quốc An Nam không; hay là tốt hơn chỉ nên làm áp lực trên Chính phủ đó, bằng cách chiếm đóng Đà Nẵng và các cứ điểm khác mà ông đã hoặc sẽ có thể chiếm được và bằng việc phong tỏa một hay nhiều hải cảng ở Nam kỳ, để đi đến một hiệp ước trên nền tảng kế hoạch đã vạch ra ngày 25 tháng 11 năm 1857; hay đành bỏ các vị trí mà chúng ta chiếm đóng và từ bỏ hẳn mưu tính rõ ràng nằm ngoài tầm các phương tiện mà ông có” [dẫn theo 115, tr.107]. Không thể chấp nhận ý tưởng từ bỏ cuộc viễn chinh, trong hoàn cảnh hiện tại, Rigault de Genouilly nghĩ đến giải pháp thương thuyết với triều đình Huế. Yêu sách về tự do truyền giáo trở thành chướng ngại khiến cho mọi thương thuyết của đại diện hai phía không đi đến kết quả chung cuộc. Chiến tranh tái diễn, nhưng trước yêu cầu của tình hình mới ở Peiho, đầu năm 1860, Đô đốc Page lên đường sang Trung Quốc. Cũng nên lưu ý là, cho đến thời điểm năm 1860, quan điểm về một chế độ thuộc địa ở Annam vẫn còn lập lờ trong tư tưởng của Napoléon III, nếu không muốn nói việc chiếm đóng chỉ là phương tiện để đạt được hiệp ước và lợi ích thương mại vẫn chưa phải là mối bận tận tâm hàng đầu. 23
  • 26. Nhậm chức Bộ trưởng Hải quân và Thuộc địa ngày 24/11/1860, Chasseloup-Laubat đã thay thế những do dự, bất nhất trong chính sách của Pháp ở Việt Nam bằng một quan điểm rõ ràng và thực tế: một thuộc địa vĩnh viễn ở Nam Kỳ. Cũng từ đây, vấn đề tôn giáo đã phải lùi xuống hàng thứ yếu để nhường chỗ cho quyền lợi thương mại và thuộc địa. Giải quyết xong chiến sự ở Trung Quốc bằng Hòa ước ngày 25/10/1860, Phó Đô đốc Charner thẳng tiến về Sài Gòn. Có thể xem cách lập luận dưới đây của Charner là định hướng cho những hành động quân sự sẽ diễn ra ở Nam Kỳ trong thời gian tới: “Nếu chúng ta muốn đứng vững ở Nam Kỳ, và tạo ra ở đây một trung tâm buôn bán quan trọng, chúng ta không nên chỉ giới hạn ở việc chiếm Sài Gòn; quyền lợi của chúng ta đòi chúng ta mở rộng giao dịch trên toàn Nam bộ là xứ có các tỉnh phì nhiêu nhất và giàu có nhất của toàn Vương quốc” [dẫn theo 115, tr.122]. Để thực hiện ý định vừa nêu, Đại đồn Chí Hòa là đối tượng cần phải xử lý đầu tiên. Giao tranh ác liệt đã diễn ra liên tiếp trong các ngày 25-27/2/1861, cuối cùng, quân Pháp đã công phá được Đại đồn. Giải quyết xong Sài Gòn, đến lượt các tỉnh còn lại của Nam Kỳ: ngày 12/4, Pháp cắm cờ trên nóc thành Mỹ Tho; ngày 14/12, thành Biên Hòa bỏ ngỏ; ngày 23/2/1862, Pháp chiếm thành Vĩnh Long; chỉ còn An Giang và Hà Tiên là vô sự. Trong khi quân dân Nam Kỳ kháng chiến khắp nơi thì ở miền Bắc, Lê Duy Phụng, một tín đồ Thiên Chúa giáo, tự xưng dòng dõi nhà Lê, phất cờ tuyên cáo: “Vì cảnh lầm than của dân ta và vì hoàn cảnh gia đình, ta quyết định phải trả thù cho chính đáng để rửa cái nhục phải chịu biết bao đau khổ, để cho đạo Thiên Chúa được truyền bá khắp nơi ở Bắc Kỳ và để cho dân chúng sống trở lại thái bình và hạnh phúc” [dẫn theo 139, tr.285]. Giải quyết cùng lúc hai vấn đề: xâm lược và nổi loạn là một việc làm quá sức, triều đình Huế buộc phải chấp nhận đề nghị hòa bình với Pháp để tập trung lực lượng đánh tan cuộc nổi loạn ở phía Bắc. Phái đoàn Việt Nam do Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp dẫn đầu, khởi hành vào Sài Gòn kèm theo lời dặn của vua Tự Đức: “Hãy hành động rất cẩn thận hầu có ngưng chiến càng sớm càng tốt, để làm đủ sứ mệnh Trẫm giao phó”, “Hãy dò lường tình ý, tùy nghi biện bác sao cho họ bình tâm nghĩ lại, giảm được phần nào thì tốt phần ấy, nếu không được thì mới từ ít đến nhiều” [dẫn theo 85, tr.282-283]. Nếu như lần thương thuyết năm 1861, Nguyễn Bá Nghi cứ tranh luận mãi với Charner những điều khoản tôn giáo và bác bỏ tất cả mọi giao nhượng lãnh thổ thì đến lúc này mọi chuyện có vẻ được quyết định nhanh hơn. Chỉ sau một tuần thảo luận, ngày 5/6/1862, tại Trường Thi ở Sài Gòn đã diễn ra sự trao đổi chữ ký sơ bộ cho Hiệp ước. Gồm 24
  • 27. 12 điều khoản, nội dung chủ yếu của Hiệp ước là: Chính phủ Việt Nam nhượng cho Pháp 3 tỉnh phía Đông Nam bộ (Sài Gòn, Mỹ Tho, Biên Hòa) và Côn Đảo; thừa nhận quyền tự do truyền giáo cho các phái bộ thừa sai Gia Tô; mở một số cảng và sông Cửu Long đến tận Cam Bốt cho thương mại Pháp; bồi thường 4 triệu đô la, trả trong 10 năm; Chính phủ Việt Nam phải được sự đồng ý của Pháp khi nhượng đất đai của mình cho nước khác [115, tr.131-132]. Hiệp ước Nhâm Tuất đã gây phẫn uất trong dân chúng Nam Kỳ, cờ nghĩa của Trương Định, Thiên Hộ Dương, Nguyễn Trung Trực … tiếp tục giương cao, khắp nơi truyền đi lời hịch kêu gọi một tinh thần kiên định chiến đấu: “Bớ các quan ơi, Chớ thấy chín trùng hòa nghị mà tấm lòng địch khái nỡ phôi pha, Đừng rằng ba tỉnh giao hòa mà cái việc cừu thù đành bỏ dở” Tại Huế, vua Tự Đức đã trách phái bộ “Hai người [Phan, Lâm] không chỉ là tội nhân của bản triều mà còn là tội nhân của muôn đời nữa” [dẫn theo 85, tr.285]. Nhiều năm sau, nhà vua vẫn còn nặng lòng về các điều khoản nhượng đất: “Bất đắc dĩ cầu hòa với giặc, sai sứ đi định ước, bậc kỳ nho thạc phụ khẳng khái xin đi, không biết vì cớ gì mà lập thành hòa ước dễ dàng, đem tất cả thổ địa nhân dân của các triều trước mở mang khó nhọc bỗng chốc bỏ cho giặc hết” [dẫn theo 85, tr.285]. Mọi chuyện đã lỡ làng, chỉ còn cách cứu vãn tình thế. Không đặt niềm tin vào phong trào kháng chiến đang diễn ra mạnh mẽ ở miền Nam, nhà vua nghĩ đến khả năng ngoại giao để khôi phục chủ quyền trên 3 tỉnh vừa bị mất. Một phái bộ gồm 12 người, do Phan Thanh Giản làm Chánh sứ, được cử sang Pháp để gửi đến triều đình Paris đề nghị: xin chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ, đổi lại, Việt Nam xin nộp cống vĩnh viễn từ 2-3 triệu mỗi năm, cùng với tự do buôn bán khắp nước và nhượng đứt Sài Gòn. Trong hoàn cảnh các cuộc viễn chinh xa xôi làm hao tổn ngân sách đang bị chỉ trích, sự cần thiết duy trì “Liên minh thân ái” (giữa Pháp và Anh) và nhất là Hoàng Đế không có một chính sách thuộc địa rõ rệt đối với Nam Kỳ, Napoléon III đã có ý chấp thuận đề nghị của sứ đoàn. Nhưng trước sự chống đối kịch liệt của “đảng thuộc địa” mà đại diện là Chasseloup-Laubat (Bộ trưởng Hải quân và Thuộc địa), De La Grandière (thay Bonard làm Tổng chỉ huy quân sự ở Nam Kỳ), Hoàng Đế Pháp lại ngả theo chủ trương bành trướng thuộc địa. Mọi hy vọng tiêu tan khi, trong phiên họp ngày 15/10/1862, Hội Đồng Bộ trưởng không phê chuẩn Hiệp ước 25
  • 28. Aubaret. Quyết định này có nghĩa là không có thay đổi gì về tôn giáo, đất đai, thương mại, tất cả đều tuân theo các điều khoản của Hiệp ước Nhâm Tuất. Ngày 10/6/1867, De La Grandière nhận được từ Rigault de Genouilly, người vừa thay Chasseloup-Laubat làm Bộ trưởng Hải quân và Thuộc địa, khuyến cáo: “Mặc dù tình trạng [chính trị châu Âu] bớt căng thẳng hơn, nhưng cho tới khi có lệnh mới ông đừng nghĩ tới chuyện biểu dương lực lượng đối với ba tỉnh” [dẫn theo 8, tr.54]. Chỉ thị đã đến quá muộn màng và dường như không được chú ý. Trước đó, De La Grangdière đã hai lần cử đại diện ra Huế nêu yêu sách nhượng luôn cho Pháp 3 tỉnh miền Tây và tại Nam Kỳ, ông đã phác họa một kế hoạch tỉ mỉ cho các chiến dịch, thậm chí, ranh giới hành chính của các tỉnh cũng được xác định trước [8, tr.52]. Khởi sự ngày 19/6, quân Pháp bao vây thành Vĩnh Long. Nhận thấy mọi sự kháng cự lúc này là vô ích, chỉ kéo dài thêm bất hạnh cho dân chúng, Kinh lược sứ Phan Thanh Giản chấp nhận nộp thành (20/6), đồng thời gửi thư khuyên hàng đến Tổng đốc An Giang và Tổng đốc Hà Tiên. Hai tỉnh này lần lượt bị Pháp chiếm vào các ngày 21 và 24/6. Trở về trong nỗi ray rứt, ngậm ngùi, Phan Thanh Giản đã tuyệt thực một thời gian và tự vẫn vào ngày 5/7, sau khi bày tỏ cùng vua Tự Đức: “Sớ rằng: Đất đai ở Nam Kỳ một khi đến như thế, mau chóng quá, tình thế không thể ngăn nổi. Thần nghĩa đáng chết, không dám cầu sống, để cái hổ cho vua (…) Thần đến lúc tuyệt mệnh, nghẹn lời không biết nói sao nữa; chỉ rỏ nước mắt trông nhớ, khôn xiết nguyện vọng mà thôi ” [89, tr.45-46]. Vua Tự Đức đón nhận tin Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây với thái độ giận dữ, còn Bộ trưởng Rigault de Genouilly tỏ vẻ bất mãn trước hành động của Đô đốc De La Grandière. Đến đây, Lục tỉnh Nam kỳ, trên thực tế, đã thuộc về thực dân Pháp, chỉ còn chờ sự thừa nhận chính thức bằng văn bản của triều đình Huế. Bất chấp tất cả, dân chúng Nam Kỳ tiếp tục kháng chiến. Từ lâu, các thừa sai đã dựng lên một huyền thoại về thuyết “Bắc Kỳ ly khai” mà ở đó người Bắc Kỳ, cư dân của một vương quốc độc lập trước đây, đau khổ dưới sự “đô hộ của người An Nam” đang nóng lòng chờ đợi người Pháp đến giải phóng cho họ và chấp nhận sự đô hộ của người Pháp, miễn là xứ này được tách khỏi Nam Kỳ và có một vua Lê đứng đầu [xem 115, tr.225]. Rigault de Genouilly, Chasseloup-Laubat, De La Grandière … đều bị quyến rũ bởi một tương lai “nước Pháp trở nên người bảo hộ của Vương quốc và sẽ làm ra mọi hiệp ước tự do thương mại, dân sự và tôn giáo mà mình muốn …” [dẫn theo 115, tr.228-229] nhưng đành phải gác lại vì không có điều kiện. Tình hình Nam Kỳ dần đi vào ổn 26
  • 29. định, Dupré hướng tầm nhìn ra Bắc, ấp ủ một dự định tiến quân mà các chỉ huy quân sự tiền nhiệm đã bỏ lỡ. Cơ hội đã đến khi triều đình Huế, do không thể tự giải quyết hành động gây hấn của Jean Dupuis ở lưu vực sông Hồng, đã cử phái bộ vào Sài Gòn “xin giúp đỡ”3 . Lập tức, Dupré cử Thiếu tá Hải quân Francis Garnier, cùng với 100 lính và 1 hạm đội nhỏ gồm 2 tàu chiến trang bị 11 đại bác [85, tr.321], ra Bắc để “mời ông Dupuis tạm thời từ bỏ công việc kinh doanh của ông ta, để tiếp tục thực hiện lại sau này trong những điều kiện hợp pháp hơn, và trong trường hợp ông ta từ chối thì sẽ phải cưỡng chế ông ta, và tức khắc đuổi ông ta đi. Lệnh cũng sẽ là mở cửa sông Hồng cho thuyền bè của người Annam, người Pháp, người Trung Hoa đi lại, với một mức thuế vừa phải khi đi xuôi đi ngược, làm cho tôn trọng những điều khoản bảo vệ người Thiên chúa giáo và sẽ đóng lại ở Tonkin cho đến khi ký kết được hiệp định” [dẫn theo 82, tr.197]. Trái ngược với mong muốn của triều đình Huế, tại Hà Nội, Francis Garnier đã bênh vực Dupuis, đòi mở cửa sông Hồng cho thương mại Pháp, Tây Ban Nha và Trung Quốc, phá cửa thành Hà Nội để dời quân đồn trú về đóng tại Trường Thi. Tình hình càng căng thẳng khi Nguyễn Tri Phương dứt khoát từ chối mọi nội dung thương thuyết có nội dung nằm ngoài vấn đề Dupuis và tăng cường phòng thủ. Sau khi gửi cho Nguyễn Tri Phương những lời đe dọa “Tôi tôn vinh tuổi tác cao và lòng yêu nước của ngài. Tôi không hài lòng về tính chất căm thù mù quáng chống lại người Pháp trong các hành động của ngài. Trách nhiệm về những hậu quả này sẽ rơi trên đầu ngài” [dẫn theo 82, tr.207] và một tối hậu thư, ngày 20/11/1873, Francis Garnier tấn công và chiếm thành Hà Nội. Bị thương trong khi chỉ huy chiến đấu, Nguyễn Tri Phương khước từ mọi sự cứu chữa của người Pháp và qua đời ngày 20/12, để lại cho hậu thế tấm gương kiên trung của vị tướng giữ thành - “Phương nằm gan lì ở dinh, tuyệt không ăn uống gì. Bọn quân Pháp coi giữ ở thành ấy thường đem cháo và thuốc đổ cho Phương ăn uống, nhưng Phương nhất thiết đều phun mửa ra. Thong dong nói rằng: Nghĩa đáng phải chết” [88, tr.461]. Trong men chiến thắng, Francis Garnier đã hành động theo bản tính quyết liệt và phiêu lưu của mình: tiến đánh các tỉnh ở Đồng bằng Bắc Kỳ, như Hưng Yên (24/11), Hải Dương (4/12), Ninh Bình (5/12), Nam Định (10/12). Thất bại của quân đội triều đình không làm giảm sút nhuệ khí chiến đấu ở Bắc Kỳ. Phong trào kháng chiến nhanh chóng quy tụ nhiều lực lượng: các đạo quân triều đình còn lại do Hoàng Tá Viêm, Trương Quang Đản cho huy, quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc, gần như 3Từ dùng của Francis Garnier, chỉ huy trưởng quân Pháp tại Hà Nội, trong Cáo thị ngày 7/11/1873 [xem 82, tr.203]. 27
  • 30. toàn bộ dân chúng, trừ những con chiên, và giành chiến công vang dội tại Cầu Giấy (21/12): Francis Garnier tử trận. Sau sự kiện này, quân Pháp ở vào tình trạng: không được viện binh, không có tiền bạc, không còn lương thực và đạn dược. Khoảng 300 lính Pháp mệt mỏi và bị cô lập ở cách xa bờ biển khoảng 300 cây số, giữa một xứ đắm chìm trong tình trạng vô chính phủ, lại bị bao vây bởi các băng đảng Cờ Đen thiện chiến và sẵn sàng tấn công [115, tr.288]. Mệnh lệnh được ban hành từ Paris: “Tôi yêu cầu ông trong mọi hoàn cảnh phải hành động trong sự hòa hợp hoàn toàn với các đại diện của triều đình Huế. Bằng mọi cách, ông phải gấp rút ký kết một hiệp ước mà kết quả sẽ đưa đến sự rút quân ra khỏi thành Hà Nội bởi vì, tôi nhắc lại với ông là Chính phủ tuyệt đối đòi không được có vấn đề chiếm đóng kéo dài, càng không được chiếm đóng vĩnh viễn, một phần lãnh thổ nào của Bắc Kỳ” [dẫn theo 115, tr.289]. Không còn lý do để chống lại hay thoái thác, Dupré đành trao cho Philastre nhiệm vụ: vãn hồi hòa bình ở Bắc Kỳ. Đến Bắc Kỳ cùng với Nguyễn Văn Tường ngày 26/12, Philastre tiến hành các hoạt động trao trả cho chính quyền Việt Nam các thành lũy mà quân Pháp đóng giữ, sau đó trở về Sài Gòn, hai phía tiến hành thương thuyết và nhanh chóng đạt được thỏa thuận. Hiệp ước Giáp Tuất được ký ngày 15/4/1874, có nội dung: Chủ quyền của Pháp được thừa nhận trên ba tỉnh miền Tây Nam bộ; một hải cảng ở miền Trung (Quy Nhơn) và hai cảng ở miền Bắc (Hải Phòng và Hà Nội) cũng như sông Hồng được mở ra cho buôn bán. Tại mỗi cảng, có một viên Lãnh sự Pháp được một toán quân nhỏ bảo vệ; Một Công sứ Pháp đóng ở Huế; Về ngoại giao, biểu trưng của một nước có chủ quyền, Triều đình Huế cam kết theo đúng chính sách đối ngoại của Pháp [115, tr.315]. Dù các đại biểu cánh tả phản ứng quyết liệt, Quốc hội Pháp đã phê chuẩn Hiệp ước trong phiên họp ngày 5/8/1874; Đức Giáo hoàng rất tán đồng các điều khoản thuộc lĩnh vực tôn giáo trong khi các thừa sai, vì vẫn giữ tham vọng về sự thay thế quyền lực ở Bắc Kỳ, chống đối [xem 115, tr.326]. Như vậy, cuộc phiêu lưu của Francis Garnier dẫu cho phải kết thúc bằng lệnh rút quân, nhưng cũng không phải là hành động vô giá trị. Theo Hiệp ước mới, người Pháp vừa chính thức có được trọn xứ Nam Kỳ, lại có thêm các quyền lợi về thương mại, tôn giáo. Các Thống sứ kế nhiệm Dupré như Krantz (5/1874-12/1874), Duperré (1874-1876), Lafont (1877-1879) cương quyết giữ vững lập trường không can dự vào những chuyện nội bộ Bắc Kỳ, bất chấp những khuyến dụ liên tục của các Giám mục. Đến năm 1879, hoàn cảnh thay đổi, chủ trương của Paris đã không còn như trước. Trước hết, vị thế của Pháp ở 28
  • 31. Bắc Kỳ có nguy cơ bị xâm phạm. Sau gần 5 năm, người Pháp ở Nam Kỳ chờ mãi mà không nhận được lời cầu cứu nào từ vua Tự Đức để giải quyết tình trạng loạn lạc ở Bắc Kỳ, nhà vua muốn giữ khoảng cách với Pháp và tỏ ý hướng về Trung Hoa. Thêm vào đó, các cường quốc Anh, Đức, Tây Ban Nha đang tìm cách nối kết các quan hệ trực tiếp với triều đình Huế, mà không cần thông qua vai trò trung gian của Pháp theo như quy định của Hiệp ước Giáp Tuất (1874). Thứ hai, sự phát triển của kỹ nghệ Pháp đặt ra đòi hỏi gắt gao về thị trường tiêu thụ - “chiếm thuộc địa là vấn đề sống chết đối với nước Pháp” [115, tr.378-379, 385-386]. Đã đến lúc từ “bảo trợ” cần được thay bằng một từ mới có hàm nghĩa rõ ràng để tiện bề thực hiện: bảo hộ. Chính giới Pháp đã tìm được tiếng nói chung trong vấn đề can thiệp vào Bắc Kỳ nhưng “tránh lao mình vào các phiêu lưu của một cuộc xâm lược quân sự” [dẫn theo 115, tr.388], chỉ cần một cuộc biểu dương lực lượng đủ lớn để tạo dựng một uy thế. “Chính bằng cách chính trị, bằng cách hòa bình, bằng cách hành chánh mà chúng ta mở rộng và củng cố ảnh hưởng của chúng ta ở Bắc Kỳ và ở An Nam” [dẫn theo 115, tr.388]. Thống sứ Lemyre de Viler đã chỉ thị Henri Rivière như vậy khi cử vị Thiếu tá này chỉ huy 2 hạm đội ra Hà Nội để tăng cường lực lượng trú phòng ở Bắc Kỳ. Mười năm không phải là thời gian quá lâu để người ta quên đi tất cả, nhất là những vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia. Do đó, Hoàng Diệu đã không tin nước Pháp phái quân đội đến Hà Nội chỉ đơn thuần là để bảo vệ những kiều dân và những người du hành chống bọn Cờ Đen. Quan Tổng đốc Hà Nội đã tăng cường phòng thủ và lặng thinh trước tối hậu thư yêu cầu nộp thành. Sáng ngày 25/4, cho rằng “bị đe dọa bởi các chuẩn bị hiếu chiến” [dẫn theo 115, tr.389] của phía Việt Nam, Henri Rivière tấn công thành Hà Nội. Quân triều đình kháng cự quyết liệt, nhưng chỉ sau hơn 2 giờ chiến đấu, hàng ngũ trở nên rối loạn, quân Pháp đã làm chủ được các dãy tường thành phía Bắc, Tây Bắc và phía Đông. Không thể cứu vãn được tình thế, Hoàng Diệu tiến đến Hành cung, hướng về phía Nam lạy tạ rồi treo cổ tuẫn tiết trong vườn Võ Miếu, để lại những lời đầy trách nhiệm trong tờ biểu gửi về Kinh đô: “Lòng thần như cắt, một tay khôn cầm. Tướng lược không tài, tự nghĩ sống là vô ích, thành mất chẳng cứu, ví bằng chết cũng chưa đền. Đem thân định quyên sinh không thể học Tào Mạt hay dọa địch, treo cổ đền trách nhiệm chỉ mong theo Thương Tuần chết giữ thành. Dám đâu trung nghĩa gọi là, chỉ vì sự thế bắt buộc. Đất trung thổ trở nên địch địa, sống thẹn cùng phường nhân sĩ Bắc Hà, lòng cô trung thề với Long thành, chết xin theo Nguyễn Tri Phương dưới đất” [dẫn theo 135, tr.49]. 29
  • 32. “Muốn thành công bằng chính sách ngoại giao chậm chạp với triều đình Huế”, như nhận xét của Henri Riviève, Thống sứ Nam Kỳ đã không hài lòng về những diễn biến vừa xảy ra ở Hà Nội. Trung Hoa can thiệp vì lo ngại “sự lân cận với một cường quốc Âu châu” [dẫn theo 115, tr.392] nhưng rồi cũng đồng ý rút quân, phớt lờ lời cầu xin giúp đỡ của vua Tự Đức, sau khi nhận được từ Bourée, Đại sứ Pháp ở Bắc Kinh, những hứa hẹn cùng sẻ chia quyền lợi ở Bắc Kỳ. Tại Paris, chủ trương một cuộc viễn chinh thật sự ở Bắc Kỳ nhưng trước sức kháng cự của Hội Đồng Bộ trưởng và của Hạ Nghị viện, Jauréguiberry, Bộ trưởng Hải quân, phải tán thành đường lối “hòa bình” của Lemyre de Viler và chấp nhận gửi đến Bắc Kỳ 700 lính tăng viện4 thay vì 6000 quân nhưng dự kiến [115, tr.395]. Với số quân này, Henri Riviève đã chiếm mỏ than Hòn Gai (12/3/1883), Nam Định (27/3/1883). Dân chúng Bắc Kỳ, cũng như lần trước, đã kiên quyết cùng các đạo quân của triều đình và quân Cờ Đen kháng chiến. Và một lần nữa, chiến thắng vang dội lại diễn ra tại Cầu Giấy, ngày 19/5: Henri Riviève tử trận. Không còn những lo âu, vướng bận của năm 1873, ngày 27/5, Chính phủ Pháp gửi cho đoàn quân viễn chinh một điện tín: “Nước Pháp sẽ trả thù cho những đứa con oanh liệt” [dẫn theo 115, tr.394]. Sau 36 năm trị vì đầy mỏi mệt trong cơn biến loạn của đất nước, ngày 17/7/1883, vua Tự Đức băng hà. Cấm Thành rơi vào tình trạng không ổn định: Kế vị theo Di chiếu của Tiên vương nhưng Hoàng tử Ưng Chân chỉ ở ngôi được 3 ngày rồi bị phế, triều thần tôn Lãng Quốc công Hồng Dật lên thay, lập triều Hiệp Hòa; các đại thần chia rẽ: Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết chủ trương kháng chiến, còn Nguyễn Trọng Hiệp có xu hướng hợp tác với Pháp. Ý đồ thiết lập nền bảo hộ tại An Nam đã có một thời cơ thuận lợi. Ngày 18/8, Đô đốc Courbet tấn công các thành lũy bảo vệ Kinh đô. Ngày 25/8, Nguyễn Trọng Hiệp, thay lời vua Hiệp Hòa, chấp nhận Thỏa ước do Harmand áp đặt. Theo đó, Việt Nam chấp nhận nền bảo hộ của Pháp, triều Nguyễn được cai trị phần đất từ Đèo Ngang đến Bình Thuận dưới quyền điều khiển của một Khâm sứ Pháp đóng tại Huế; Pháp kiểm soát các nguồn lợi kinh tế trong cả nước (thuế quan, tài nguyên …); Vua Nguyễn phải triệt hồi binh lính ở Bắc Kỳ, quân Pháp sẽ có mặt và đóng đồn “ở bất cứ nơi nào xét thấy cần thiết” để “bảo vệ vua An Nam chống lại hết thảy các cuộc ngoại xâm, nội loạn” [85, tr.331]. Khi soạn thảo Hiệp ước, Harmand đã vượt quá những chỉ thị của Paris và ông sẽ không chờ lâu để thấy hệ quả của sự quá đà này: Trong cung cấm, vua Hiệp Hòa bị bức tử, 4Theo Philippe Devillers, số lính tăng viện được gửi đến Bắc Kỳ từ Paris là 750 [xem 82, tr.325]. 30
  • 33. Kiến Phúc đăng cơ; Đại bác quay hướng về tòa Khâm sứ; Các đoàn quân chí nguyện, gọi là “Đoàn kiệt”, được thành lập tại Huế; Phe chống Pháp, do Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết cầm đầu, bí mật xây dựng, củng cố hệ thống sơn phòng, chuẩn bị kháng chiến lâu dài; Quan lại Bắc Kỳ, trừ Nguyễn Hữu Độ, không thừa nhận Hiệp ước; Dân chúng khẳng định: “Chúng tôi thuộc về Vương quốc Đại Nam” [dẫn theo 82, tr.340], và tiếp tục chiến đấu; Thiên triều Trung Hoa lên tiếng phản đối; Chính phủ Pháp không tán thành. Tất cả cho thấy cần phải có một sự thay đổi theo hướng, như tuyên bố của Thủ tướng Ferry, “Khôn ngoan là chỉ nên nghĩ đến một cuộc bảo hộ … Muốn giúp cho công cuộc kinh doanh của nước Pháp ở Đông Dương đạt hiệu quả tốt thì nước “Đại Nam” không thể là một cái hư không được” [dẫn theo 85, tr.333-334]. Đến Bắc Kỳ vào mùa xuân năm 1884, viện quân Pháp đã, với sự trợ giúp của cộng đồng Thiên Chúa giáo do các thừa sai đoàn ngũ hóa, mở cuộc tấn công trong Đồng bằng Bắc Bộ: Bắc Ninh, Hưng Hóa nối tiếp thất thủ. Đến lượt nhà Thanh, thông qua Hiệp ước Thiên Tân (5/1884), thừa nhận chế độ bảo hộ của Pháp ở Việt Nam và cam kết rút quân khỏi Bắc Kỳ. Trước những diễn biến vừa nêu, triều đình Huế chấp nhận bản dự thảo Hiệp ước do Patenôtre mang đến từ Paris. Lễ ký kết diễn ra ngày 6/6/1884, gồm 19 điều khoản, bản Hiệp ước xác định rõ vai trò “bảo hộ” của Pháp đối với Việt Nam, điểm khác biệt rõ nhất so với bản Hiệp ước đã ký gần 1 năm trước là: vùng cai quản của nhà Nguyễn được nới rộng ở hai đầu Trung Kỳ (từ Thanh Hóa đến Đèo Ngang ở phía Bắc và tỉnh Bình Thuận ở phía Nam). Từ một cuộc viễn chinh có động cơ chủ yếu là tôn giáo, người Pháp, dưới tác động của giáo sỹ thừa sai và tham vọng thực dân, đã từng bước dấn sâu vào cuộc chinh chiến với rất nhiều khó khăn và chống đối từ phía chính giới Pháp (vì lo ngại gánh nặng ngân sách), từ phía triều đình và dân chúng Việt Nam (vì bảo vệ nền độc lập). Nhưng rồi, thực dân Pháp cũng đạt được điều mà không một người Việt Nam yêu nước nào muốn nghe đến: “Nước Annam công nhận và chấp nhận sự bảo hộ của nước Pháp” [xem 82, tr.624]. 1.3. Chính sáchcai trị của thực dân Pháp ở Việt Nam: từ “đồng hóa” đến “liên hiệp” Tiếp sau những thắng lợi về quân sự, người Pháp đã tiến hành tổ chức việc cai trị vào tạo lập sự ổn định ở những vùng đất vừa được chinh phục. “Đồng hóa” (assimilation) và “liên hiệp” (assocation) là hai khuynh hướng chính chi phối chính sách cai trị của nhà cầm 31
  • 34. quyền Pháp ở Việt Nam từ khi có được mảnh đất đứng chân ở Nam Kỳ (6/1862) đến khi bị Nhật đảo chính (3/1945). Cùng với chủ trương thiết lập nền hành chính, quan điểm về văn hóa - giáo dục của các vị Thống sứ, Toàn quyền là nơi phản ánh rõ quá trình chuyển đổi của hai khuynh hướng vừa nêu trong đường lối cai trị. Khởi nguồn từ tư tưởng cổ điển và từ luật La Mã, lý tưởng đồng hóa đã ngự trị lâu đời trên đời sống chính trị nước Pháp “Quả thật người Pháp dễ dàng trong việc tiếp xúc với người bản xứ, đến với người đó, vui vẻ với người đó. Sự dễ dàng đó có gốc rễ từ sức mạnh đồng hóa, hoặc bẩm sinh, hoặc do lý giải, khiến người Pháp tự mình đến gần người bản xứ, không phải để bắt gặp hay hiểu biết tư tưởng của người đó, mà để áp đặt tư tưởng của mình trên người đó” [dẫn theo 115, tr.16]. “Đồng hóa” trở thành chính sách cai trị của thực dân Pháp trên các thuộc địa mà họ có được ở Châu Phi và Tân lục địa. Khi đến Việt Nam vào giữa thế kỷ XIX, chính sách này vẫn không có nhiều thay đổi và được nhiệt tình thực hiện ở Nam Kỳ, rồi mở rộng dần ra các vùng đất còn lại bằng những biện pháp tinh tế, ẩn sau vẻ ngoài của thái độ tôn trọng nền văn minh bản địa. Chasseloup-Laubat, ngay từ năm 1861, khi quân viễn chinh vừa làm chủ được Gia Định và thành Định Tường, đã xác định: Nam Kỳ sẽ không đơn thuần là một thuộc địa thế tục mà là một Đế quốc Gia Tô giáo và Pháp để “văn minh Gia Tô giáo có được trong vùng đất mới chiếm của chúng ta một cơ sở tuyệt vời, từ đó tỏa chiếu ra trên các vùng đất mà nhiều tập quán man rợ còn hiện hữu” [dẫn theo 115, tr.170-171]. Nhưng đối mặt với người Pháp không phải là một dân tộc ở trình độ bán khai sẵn sàng chấp nhận mọi sự áp đặt mà người Việt, từ rất lâu, đã tạo lập được những giá trị văn hóa vững bền. Do đó, Bộ trưởng Hải quân và Thuộc địa đã có những định hướng cho hành động của Bonard: tiến hành một cách khéo léo, bền bỉ và đừng áp chế một cách quá lộ liễu các phong tục và tín ngưỡng của dân chúng. Điều cốt yếu là trước mắt phải biết hòa giải các quyền lợi và hành động của tôn giáo mới với sự tôn trọng những thói quen của dân chúng [115, tr.176-177]. Tại Nam Kỳ, Bonard đã lĩnh hội đầy đủ và linh hoạt thực hiện chỉ thị của thượng cấp. Nhận thấy sức mạnh truyền thống của Nho giáo, sự vững chắc của chế độ quan lại và làng xã, quân Pháp đang trong tình trạng bị cô lập, Bonard cho rằng một chính sách tự do và tôn trọng các truyền thống của xứ này có vẻ thích hợp với tình hình hơn là một chính sách đồng hóa thái quá [115, tr.178]. Giữa lúc hỗn loạn, tìm kiếm đầy đủ nhân sự để kiến lập một nền hành chính trực trị là điều khó thực hiện: Quan lại triều đình hoặc vì cùng với nhân dân kháng chiến hoặc bị triệu hồi về Huế hoặc lo sợ đã từ bỏ nhiệm sở; lực lượng của người 32