SlideShare a Scribd company logo
1 of 129
i
ĐẠI HỌC HUẾ
TRƢỜNG ĐẠI HỌC SƢ PHẠM
LÊ THÀNH LUÂN
GIÁO DỤC VÀ KHOA CỬ NHO HỌC Ở QUẢNG TRỊ DƢỚI
TRIỀU NGUYỄN TỪ 1802 ĐẾN 1919
Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam
Mã số: 60220313
LUẬN VĂN THẠC SĨ SỬ HỌC
NGƢỜI HƢỚNG DẪN KHOA HỌC:
TS. HUỲNH CÔNG BÁ
Thừa Thiên Huế, năm 2016
ii
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi,
các số liệu và kết quả nghiên cứu ghi trong luận văn là trung
thực, được các đồng tác giả cho phép sử dụng và chưa từng
được công bố trong bất kỳ một công trình nào khác.
Họ tên tác giả
Lê Thành Luân
iii
LỜI CẢM ƠN
Luận văn tốt nghiệp cao học được hoàn thành tại Đại học Huế. Có được bản
luận văn tốt nghiệp này, tác giả xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sự tri ân sâu
sắc đến Đại học Huế, trường Đại học Sư phạm, phòng đào tạo sau đại học…
Đặc biệt, tác giả xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Thầy giáo Tiến sĩ Sử học
Huỳnh Công Bá, đã trực tiếp hướng dẫn, dìu dắt, giúp đỡ tác giả với những chỉ dẫn
khoa học quý giá trong suốt quá trình triển khai, nghiên cứu và hoàn thành đề tài
"Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn từ 1802 đến 1919".
Với lòng biết ơn sâu sắc, tác giả xin chân thành cảm ơn quý Thầy Cô giáo - Các
nhà khoa học đã trực tiếp giảng dạy truyền đạt những kiến thức khoa học thuộc chuyên
ngành lịch sử Việt Nam cho bản thân tác giả trong suốt thời gian học tập tại trường.
Xin gửi tới thư viện trường ĐHSP Huế, thư viện trường ĐHKH Huế, thư viện
Tổng hợp Thừa Thiên Huế lời cảm ơn sâu sắc vì đã tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp
tác giả thu thập những tài liệu nghiên cứu cần thiết liên quan tới đề tài tốt nghiệp.
Xin ghi nhận công sức và những đóng góp quý báu và nhiệt tình của các anh
chị, các bạn học viên lớp lịch sử Việt Nam khóa 23 đã đóng góp ý kiến và giúp đỡ
tác giả thực hiện đề tài này.
Tác giả rất mong nhận được sự đóng góp, phê bình của quý Thầy Cô giáo, các
nhà khoa học, đọc giả và các bạn đồng nghiệp.
Thừa Thiên Huế, tháng 9 năm 2016
Tác giả
Lê Thành Luân
1
MỤC LỤC
Trang phụ bìa......................................................................................................... i
Lời cam đoan………………………………………….……………………………….ii
Lời cảm ơn………………………………………………….…………………………iii
Mục lục………………………………………………………….……………………....1
Danh mục các bảng…….………….…….………..…….……….……….………………3
MỞ ĐẦU...............................................................................................................................4
1. Lý do chọn đề tài .................................................................................................4
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề...................................................................................5
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu.......................................................................7
4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu ......................................................................7
5. Nguồn tư liệu nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu ......................................8
6. Đóng góp của luận văn........................................................................................8
7. Bố cục của luận văn.............................................................................................9
NỘI DUNG.........................................................................................................................10
CHƢƠNG 1. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, LỊCH SỬ, TRUYỀN THỐNG GIÁO DỤC -
KHOA CỬ QUẢNG TRỊ TRƢỚC NĂM 1802 VÀ GIÁO DỤC - KHOA CỬ NHO
HỌC VIỆT NAM DƢỚI TRIỀU NGUYỄN ...................................................................10
1.1. Đặc điểm tự nhiên và lịch sử tỉnh Quảng Trị.................................................10
1.1.1. Đặc điểm tự nhiên tỉnh Quảng Trị...........................................................10
1.1.2. Khái quát lịch sử tỉnh Quảng Trị .............................................................13
1.2. Truyền thống giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị trước năm 1802 ...18
1.3. Khái quát giáo dục - khoa cử Nho học dưới triều Nguyễn ............................20
1.3.1. Chính sách về giáo dục và khoa cử .........................................................20
1.3.2. Tình hình giáo dục dưới triều Nguyễn.....................................................26
1.3.3. Tình hình thi cử dưới triều Nguyễn .........................................................29
CHƢƠNG 2. TỔ CHỨC GIÁO DỤC VÀ KẾT QUẢ THI CỬ NHO HỌC Ở QUẢNG
TRỊ DƢỚI TRIỀU NGUYỄN...........................................................................................33
2.1. Tổ chức giáo dục Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn ..........................33
2.1.1. Dựng Văn Miếu, Văn Thánh, Văn Từ, Văn Chỉ để xiển dương Nho học...33
2
2.1.2. Tổ chức trường lớp ..................................................................................35
2.1.3. Đội ngũ thầy giáo.....................................................................................40
2.1.4. Nội dung giáo dục và tài liệu học tập ......................................................44
2.2. Thi cử và kết quả khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn ............46
2.2.1. Thi Hương và kết quả đỗ Cử nhân, Tú tài...............................................46
2.2.2. Thi Hội, thi Đình và kết quả đỗ Tiến sĩ, Phó bảng..................................52
CHƢƠNG 3. VAI TRÕ CỦA GIA TỘC VÀ LÀNG XÃ, ĐÓNG GÓP CỦA GIÁO
DỤC - KHOA CỬ NHO HỌC QUẢNG TRỊ DƢỚI TRIỀU NGUYỄN VÀ BÀI HỌC
KINH NGHIỆM.................................................................................................................59
3.1. Vai trò của làng xã và dòng họ đối với giáo dục - khoa cử Quảng Trị dưới
triều Nguyễn ..........................................................................................................59
3.1.1. Những làng xã và dòng họ có truyền thống đỗ đạt..................................59
3.1.2. Vai trò của làng xã và dòng họ đối với giáo dục - khoa cử.....................65
3.2. Đóng góp của giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn...72
3.2.1. Trên lĩnh vực chính trị và xã hội .............................................................72
3.2.2. Trên lĩnh vực văn hóa và tư tưởng...........................................................74
3.2.3. Đối với phong trào giải phóng dân tộc cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.77
3.3. Bài học kinh nghiệm từ giáo dục - khoa cử Nho học Quảng Trị dưới triều
Nguyễn ..................................................................................................................81
KẾT LUẬN.........................................................................................................................85
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO..........................................................................88
3
DANH MỤC CÁC BẢNG
Bảng 2.1: Thống kê Nho sĩ Quảng Trị đỗ Cử nhân ở các huyện .............................50
Bảng 2.2: Danh sách Nho sĩ Quảng Trị đỗ Tiến sĩ, Phó bảng dưới triều Nguyễn......54
Bảng 2.3: Thống kê Nho sĩ Quảng Trị sĩ đỗ Tiến sĩ, Phó bảng ở các huyện ...........56
GHI CHÚ
NXB
SCN
TCN
Tr
[33, tr.126]
: Nhà xuất bản
: Sau Công nguyên
: Trước Công nguyên
: Trang
: Dẫn theo tài liệu tham khảo số 33, trang 126
4
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt
Nam, cũng như các triều đại trước đó rất coi trọng giáo dục, khoa cử nhằm đào tạo
nhân tài phục vụ cho việc xây dựng bộ máy chính quyền, làm nền tảng cho sự phát
triển quốc gia dân tộc. Dưới thời Nguyễn, trên cơ sở kế thừa và tiếp nối truyền
thống, trong những điều kiện mới, một hệ thống giáo dục Nho học đã nhanh chóng
được thiết lập từ trung ương cho đến địa phương.
Mục đích của nền giáo dục phong kiến nói chung và giáo dục triều Nguyễn
nói riêng là đào tạo nguồn nhân lực xuất thân từ Nho học để mỗi người, tùy theo địa
vị, chức phận của mình giúp vua trong việc trị quốc an dân, bình thiên hạ. Họ còn là
hạt nhân tiên phong trong việc truyền bá hệ tư tưởng Nho giáo sâu rộng trong nhân
dân. Tuy khẳng định việc cầu hiền có thể bằng nhiều biện pháp khác nhau, song
giáo dục - khoa cử vẫn là con đường khách quan, nhờ đó có được nguồn nhân lực
theo ý muốn. Trên đà như vậy, việc hoạch định chính sách giáo dục - khoa cử thời
triều Nguyễn càng trở nên chặt chẽ và quy củ hơn.
Nội dung giáo dục và thi cử trong suốt thời kỳ phong kiến Việt Nam nói
chung và thời nhà Nguyễn nói riêng là tư tưởng Nho giáo thông qua các sách giáo
khoa kinh điển của Nho gia. Trong hệ thống các nhà trường công lập, tư thục, cũng
như việc giáo dục trong gia đình, tài liệu dạy và học chủ yếu là “Tứ thư”, “Ngũ
kinh”, các lời dạy của các bậc thánh hiền. Song, nội dung chủ yếu vẫn là những tri
thức về đạo đức, phương pháp tu dưỡng đạo đức, cách thức ứng xử trong các quan hệ
xã hội của con người, đặc biệt là những tri thức chính trị, cùng những kinh nghiệm,
những bài học cho nhà vua, cho người cầm quyền trong việc trị nước, an dân theo
đường lối đức trị, lễ trị.
Thời kỳ này, tầng lớp Nho sĩ trở thành đẳng cấp chính của xã hội và là rường
cột của Nhà nước phong kiến, là nguồn bổ sung chủ yếu của bộ máy nhà nước phong
kiến quan liêu. Tầng lớp quan lại Nho học đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong
việc định ra và triển khai hoạt động của bộ máy nhà nước. Nhờ đó, triều Nguyễn đã
thực hiện việc quản lý xã hội ngày càng có quy mô, nề nếp, có hiệu quả hơn.
5
Việc nghiên cứu về giáo dục và thi cử dưới triều Nguyễn đã có rất nhiều
công trình được công bố trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi nhận
thấy rằng chưa có một công trình nào nghiên cứu và tái hiện đầy đủ tình hình giáo
dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn. Tình hình giáo dục và khoa
cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn đã phát triển ra sao? Các nhà khoa bảng
đã có những đóng góp gì cho sự phát triển của nước nhà lúc bấy giờ? Đặc điểm giáo
dục và khoa cử ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn có những điểm gì giống và khác với
những địa phương khác?... Mặt khác, công tác nghiên cứu giáo dục và khoa cử dưới
triều Nguyễn ở nước ta nói chung và Quảng Trị nói riêng, hiện nay có nhiều ý kiến
trái chiều của các học giả trong và ngoài nước. Là thế hệ đi sau, được thừa hưởng
thành quả nghiên cứu công phu của thế hệ đi trước, chúng tôi lấy lòng cảm kích, và
dưới sự gợi ý của Tiến sĩ Sử học Huỳnh Công Bá chúng tôi quyết định chọn đề tài
“Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn từ 1802 đến 1919”
để làm Luận văn tốt nghiệp Thạc sĩ Sử học thuộc chuyên ngành Lịch sử Việt Nam.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Liên quan đến đề tài đã có một số công trình nghiên cứu sau:
Với tầm quan trọng của việc đào tạo và sử dụng nhân tài, ngay trong triều đại
nhà Nguyễn đã có một số công trình ghi chép, nghiên cứu và biên soạn sử sách về
giáo dục và khoa cử dưới triều Nguyễn. Người có công lớn nhất ghi chép lại các nhà
khoa bảng triều Nguyễn là Cao Xuân Dục với bộ Quốc triều Hương khoa lục, chép
lại những người đỗ khoa thi Hương từ năm Gia Long thứ 6 (1807) đến khoa thi
Hương cuối cùng năm Khải Định thứ 3 (1918) và bộ Quốc triều Đăng khoa lục chép
lại những người đỗ khoa thi Hội đầu tiên (1822) đến khoa thi Hội cuối cùng (1919).
Trong những năm 90 của thế kỷ XX, đã có nhiều công trình nghiên cứu về
giáo dục và khoa cử triều Nguyễn nói riêng và các triều đại phong kiến Việt Nam
nói chung. Có thể kể đến như: Lược khảo về khoa cử Việt Nam (Từ khởi thủy đến
khoa Mậu Ngọ 1818) của Trần Văn Giáp (1941); Tìm hiểu nền giáo dục Việt Nam
trước năm 1945 của Vũ Ngọc Khánh (1985); Giáo dục Việt Nam thời cận đại của Phan
Trọng Báu (1994); Sự phát triển giáo dục và chế độ thi cử Việt Nam thời phong kiến
của Nguyễn Tiến Cường (1998); Khoa cử và giáo dục Việt Nam của Nguyễn Q. Thắng
6
(1998); Việc đào tạo và sử dụng quan lại dưới triều Nguyễn từ năm 1802 đến năm
1884 của Lê Thị Thanh Hòa (1998). Những công trình trên đã đi sâu tìm hiểu, nghiên
cứu một cách toàn diện về những chính sách, tình hình giáo dục, nội dung cũng như
cách thức tổ chức thi cử dưới triều Nguyễn… Tác phẩm Những ông Nghè ông cống
triều Nguyễn của Bùi Hạnh Cẩn (1995) đã lược khảo khá đầy đủ về danh tính, quê
quán, làm đến chức quan nào… của các vị Cử nhân, Tiến sĩ dưới triều Nguyễn.
Năm 2000, công trình Khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn do Phạm
Đức Thành Dũng và Vĩnh Cao chủ biên đã nghiên cứu đầy đủ tình hình thi cử dưới
triều Nguyễn, nghiên cứu về Văn Miếu, Bia Tiến sĩ và trình bày lược khảo các nhà
khoa bảng Nho học dưới triều Nguyễn trong đó có các nhà khoa bảng ở Quảng Trị.
Năm 2003, Tác giả Hoàng Nhật Lân đã nghiên cứu đề tài Tình hình giáo dục
và thi cử ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn (1802-1945) làm Khóa luận tốt nghiệp đại
học trường Đại học khoa khọc Huế đã nghiên cứu về tình hình giáo dục và thi cử ở
Quảng Trị dưới triều Nguyễn. Tuy nhiên, đề tài chưa làm rõ được những vai trò của
làng xã, dòng họ có truyền thống đỗ đạt; những đóng góp của các nhà khoa bảng
Quảng Trị với quê hương, đất nước. Đặc biệt, đề tài có một số hạn chế như: trong
đề tài, phải chăng tác giả đã nhầm lẫn khi cho rằng thi Hội đỗ Phó bảng, thi Đình đỗ
Tiến sĩ, khi tác giả đặt mục “2.3. Thi Hội và những người Quảng Trị đỗ Phó bảng”
[53, tr.58], và “2.4. Thi Đình và những người Quảng Trị đỗ Tiến sĩ” [53, tr.61]; tác
giả cho rằng dưới triều Nguyễn “Không có người nào đỗ Trạng nguyên” [53, tr.64],
nhưng thực chất theo lệ “tứ bất” triều đình không lấy đỗ Trạng nguyên. Nhìn chung,
do hạn chế của một khóa luận tốt nghiệp nên đề tài chưa đi sâu tìm hiểu thêm để
hoàn thiện về chế độ giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị.
Năm 2005, trong báo cáo đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ của tác giả
Nguyễn Văn Đăng về Giáo dục và khoa cử Việt Nam thời Nguyễn (1802 - 1884); và
gần đây cuốn Hệ thống giáo dục và khoa cử Nho giáo triều Nguyễn của Nguyễn
Ngọc Quỳnh (2011) đã nghiên cứu đầy đủ về tình hình giáo dục và lược khảo thân
thế các vị Tiến sĩ triều Nguyễn. Đặc biệt phải kể đến là Luận văn thạc sĩ sử học của
tác giả Trần Thị Ngọc Sa về Thống kê định lượng và kết quả thi Hương, thi Hội
dưới triều Nguyễn (1802 - 1919). Tác giả không chỉ thống kê các khoa thi Hương,
7
thi Hội và kết quả chung qua các triều đại nhà Nguyễn mà còn hệ thống hóa một
cách đầy đủ, khoa học danh sách những người thi Hương, thi Hội dưới triều Nguyễn
theo từng tỉnh, huyện và xã. Bên cạnh đó, tác giả đã thống kê tình hình đỗ thi
Hương của các dòng họ trong cả nước. Qua đó, tác giả đã đưa ra những nhận xét và
rút ra bài học kinh nghiệm từ thi cử dưới triều Nguyễn. Ngoài ra, còn có một số tác
phẩm là bài báo, luận văn nghiên cứu về giáo dục và khoa cử triều Nguyễn và các
nhà khoa bảng ở Quảng Trị được đăng trên các tạp chí.
Các công trình nêu trên tuy đã nghiên cứu một cách toàn diện và có hệ thống
về giáo dục và khoa cử triều Nguyễn. Tuy nhiên, chưa có công trình nào đi sâu tìm
hiểu một cách có hệ thống, đầy đủ về giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị
dưới triều Nguyễn.
3. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tƣợng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu chính của đề tài là giáo dục và khoa cử Nho học ở
Quảng Trị dưới triều Nguyễn. Ngoài ra, luận văn còn đề cập đến những đóng góp
của giáo dục và các nhà khoa bảng Nho học Quảng Trị dưới triều Nguyễn đối với
quê hương, đất nước.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Về không gian: Luận văn tập trung nghiên cứu giáo dục và khoa cử Nho học
ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn.
Về thời gian: Luận văn nghiên cứu từ khi triều Nguyễn thành lập năm 1802
đến khoa thi Nho học cuối cùng được tổ chức vào năm 1919.
4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
4.1. Mục đích nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu của luận văn là nhằm khôi phục lại bức tranh về giáo
dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn. Qua đó, khẳng định vị trí,
vai trò của nền giáo dục và đóng góp của các nhà khoa bảng Nho học Quảng Trị
dưới triều Nguyễn đối với quê hương, đất nước.
8
4.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để đạt được mục đích nghiên cứu trên, nhiệm vụ đặt ra là phải sưu tầm, xử
lý các tài liệu liên quan để làm rõ tình hình giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng
Trị dưới triều Nguyễn. Qua đó rút ra những đóng góp từ giáo dục và các nhà khoa
bảng Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn.
5. Nguồn tƣ liệu nghiên cứu và phƣơng pháp nghiên cứu
5.1. Nguồn tƣ liệu nghiên cứu
Để thực hiện luận văn, chúng tôi tiếp cận và sử dụng nhiều nguồn tư liệu
khác nhau từ các công trình sử học do Quốc sử quán và Nội các triều Nguyễn biên
soạn đã được dịch và xuất bản như: Đại Nam thực lục, Khâm định Đại Nam hội
điển sử lệ, Quốc triều Chính biên toát yếu, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam liệt
truyện… Các sách chuyên khảo về khoa cử đã được biên soạn dưới triều Nguyễn
như Quốc triều Hương khoa lục, Quốc triều Đăng khoa lục của Cao Xuân Dục và
những nguồn tư liệu gốc khác có liên quan
Luận văn cũng tham khảo các công trình nghiên cứu trước đây về giáo dục
và khoa cử đã được xuất bản, các bài báo được đăng trên các tạp chí, các báo cáo tại
các hội nghị khoa học, các luận văn có liên quan đến đề tài nghiên cứu.
5.2. Phƣơng pháp nghiên cứu
5.2.1. Phương pháp luận:
Cơ sở phương pháp luận của đề tài là chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy
vật lịch sử.
5.2.2. Phương pháp cụ thể:
Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi sử dụng phương pháp lịch sử kết hợp
với phương pháp logic. Bên cạnh đó, chúng tôi còn sử dụng phương pháp thống kê,
phân tích, tổng hợp, so sánh, đối chiếu… để rút ra kết luận khoa học, chính xác.
6. Đóng góp của luận văn
Thứ nhất: Luận văn là công trình nghiên cứu có hệ thống về giáo dục và
khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn bao gồm hệ thống trường lớp, đội
ngũ thầy giáo, nội dung giáo dục và tài liệu học tập. Luận văn hệ thống hóa đầy đủ
về những nhà khoa bảng Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn, qua đó rút ra
9
những đóng góp của nền giáo dục và các nhà trí thức khoa bảng Nho học Quảng Trị
đối với đất nước trong giai đoạn đương thời, Đây là nguồn sử liệu thành văn quan
trọng, làm cơ sở cho việc tìm hiểu một cách toàn diện về giáo dục và khoa cử Nho
học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn. Luận văn là nguồn tư liệu tham khảo bổ ích
trong việc nghiên cứu, biên soạn và giảng dạy lịch sử địa phương Quảng Trị.
Thứ hai: Thông qua việc nghiên cứu về nền giáo dục truyền thống, về các
nhà khoa bảng, đặc biệt là các làng và dòng họ có truyền thống hiếu học, chúng ta
có thể khơi dậy niềm tự hào dân tộc, về quê hương đất nước góp phần giáo dục
truyền thống hiếu học cho thế hệ trẻ, phát huy truyền thống của cha ông để tiếp tục
xây dựng quê hương đất nước ngày một giàu mạnh.
Thứ ba: Bên cạnh đó, nước ta đang thực hiện công cuộc công nghiệp hóa,
hiện đại hóa đất nước thì giáo dục là vấn đề đã và đang được Đảng và Nhà nước
quan tâm, đặc biệt là trong bối cảnh nước ta đang từng bước cải cách nền giáo dục
để phù hợp với tiến trình phát triển của đất nước, luận văn góp phần rút ra những
bài học kinh nghiệm cho việc xây dựng nền giáo dục, tổ chức thi cử, cũng như vấn
đề sử dụng nhân tài ở Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung. Từng bước hoàn
thiện nền giáo dục của nước nhà phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
7. Bố cục của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung của
luận văn bao gồm 3 chương:
Chương 1. Đặc điểm tự nhiên, lịch sử, truyền thống giáo dục - khoa cử Quảng
Trị trước năm 1802 và giáo dục - khoa cử Nho học Việt Nam dưới triều Nguyễn
Chương 2. Tổ chức giáo dục và kết quả thi cử Nho học ở Quảng Trị dưới
triều Nguyễn
Chương 3. Vai trò của gia tộc và làng xã, đóng góp của giáo dục - khoa cử
Nho học Quảng Trị dưới triều Nguyễn và bài học kinh nghiệm
10
NỘI DUNG
CHƢƠNG 1. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, LỊCH SỬ, TRUYỀN THỐNG
GIÁO DỤC - KHOA CỬ QUẢNG TRỊ TRƢỚC NĂM 1802 VÀ GIÁO
DỤC - KHOA CỬ NHO HỌC VIỆT NAM DƢỚI TRIỀU NGUYỄN
1.1. Đặc điểm tự nhiên và lịch sử tỉnh Quảng Trị
1.1.1. Đặc điểm tự nhiên tỉnh Quảng Trị
Vị trí địa lý, Quảng Trị là vùng đất đã có lịch sử hình thành từ xa xưa nhưng
phải đến năm Minh Mạng thứ 13 (năm 1832), Quảng Trị với tư cách là một đơn vị
hành chính cấp tỉnh mới chính thức hình thành. Là một tỉnh nằm ở khu vực miền
Trung của đất nước, nơi chuyển tiếp giữa hai miền Nam - Bắc của nước ta. Lãnh thổ
Quảng Trị có tọa độ trên đất liền ở cực Bắc là 17°10’ vĩ Bắc thuộc thôn Tây, xã
Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh; cực Nam là 16°18’ vĩ Bắc thuộc thôn Hạ, xã Quế Hải,
huyện Hải Lăng; cực Đông là 107°240’ kinh Đông thuộc thôn Thâm Khê, xã Hải
Khê, huyện Hải Lăng và cực Tây là 106°24’ thuộc Đồn Cù Bai, xã Hướng Lập,
huyện Hướng Hóa.
Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Bình; phía Nam giáp tỉnh Thừa Thiên Huế; phía
Đông giáp biển Đông với chiều dài bờ biển trên 75 km và được án ngự ngoài khơi
bởi đảo Cồn Cỏ rộng khoảng 4km², cách bờ biển (Mũi Lay) khoảng 30km; phía Tây
giáp 2 tỉnh Savanakhet và Saravan của nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, với
chiều dài biên giới 206km, được ngăn cách bởi dãy Trường Sơn hùng vĩ và được
thông thương thuận lợi qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, nơi hạ thấp của dãy Trường
Sơn (độ cao 350m), và cửa khẩu quốc gia La Lay.
Đặc điểm về địa hình: Do cấu tạo của dãy Trường Sơn, địa hình Quảng Trị
thấp dần từ Tây sang Đông, Đông Nam và chia thành 4 dạng địa hình: vùng núi cao
phân bố ở phía Tây từ đỉnh dãy Trường Sơn đến miền đồi bát úp; vùng trung du và
đồng bằng nhỏ hẹp chạy dọc tỉnh; kế đến là vùng cát nội đồng và ven biển. Do địa
hình phía Tây núi cao, chiều ngang nhỏ hẹp nên hệ thống sông suối đều ngắn và dốc.
Trong đó, diện tích đồi núi chiếm 80%; Đồng bằng chiếm 11,5%; Bãi cát và cồn cát
11
trắng ven biển chiếm 7,5%. Điển hình như ở Hải Lăng, hội tụ đầy đủ về đặc điểm địa
hình Quảng Trị, “phía Đông có kênh dài, phía Tây có núi liền nhau” [33, tr.126].
Địa hình núi cao, phân bố ở phía Tây từ dãy Trường Sơn, chiếm diện tích lớn
nhất, có độ cao từ 250-2000m. Địa hình phân cắt mạnh, có độ dốc lớn, quá trình xâm
thực và rửa trôi mạnh; địa hình gò đồi, núi thấp là phần chuyển tiếp từ địa hình núi cao
đến địa hình đồng bằng, chạy dài dọc theo tỉnh. Có độ cao từ 50-250m, một vài nơi có
độ cao trên 500m, phân bố ở Cam Lộ, phía Tây của Gio Linh, Vĩnh Linh…
Về đồng bằng có đặc điểm là bồi tụ hẹp, có lớp bồi tích mỏng, độ dinh dưỡng
nghèo, phù sa bồi đất ít, riêng đồng bằng sông Bến Hải phía Bắc tỉnh tương đối phì
nhiêu. Đồng bằng Triệu Phong được bồi tụ bởi phù sa của sông Thạch Hãn khá màu mỡ.
Đồng bằng vùng Hải Lăng phổ biến là cát, kém dinh dưỡng cho cây trồng phát triển.
Nét nổi bật về tự nhiên ở Quảng Trị là cồn cát và đụn cát chạy dọc theo bờ biển
từ Nam Cửa Tùng đến giáp Thừa Thiên Huế, có bề rộng trung bình 4-5km, độ cao từ 5-
15m. Cồn cát Nhĩ Thượng - Gio Linh cao 31m. Do tính chất liên kết kém bền vững, độ
cao lớn, lại chịu ảnh hưởng của gió mạnh nên nạn cát bay, cát lấp, đồi cát di động
thường xảy ra, gây tác hại xấu đến sản xuất và sinh hoạt đời sống nhân dân trong vùng.
Với 3/4 diện tích là đồi núi, địa hình Quảng Trị bị chia cắt mạnh bởi có nhiều
đồi núi, sông suối, đầm phá dày đặc, đồng bằng nhỏ hẹp. Phía Tây lộ thiên đá gốc
nhọn, sườn dốc thoải lượn sóng. Phía Đông chủ yếu là bãi cát và cồn cát. Địa hình
đồng bằng cấu tạo bởi phù sa lại thấp ở giữa nên dễ bị ngập úng vào mùa mưa lũ.
Về Sông ngòi, Quảng Trị có mật độ sông ngòi trung bình 0,8-1km/km2, vùng
núi và vùng đồi của tỉnh có mật độ sông ngòi dày đặc cao lên tới 1,85km/km2. Hầu
hết sông ngòi đều dốc, ngắn, ở vùng phía Tây lòng sông thường hẹp và nhiều thác
ghềnh. Quảng Trị có 12 con sông lớn hình thành 3 hệ thống sông chính là: Sông
Bến Hải; Sông Thạch Hãn; Sông Ô Lâu (Mỹ Chánh) và có hơn 60 phụ lưu sông
khác. Sông Bến Hải đổ ra biển Cửa Tùng, sông Thạch Hãn đổ ra biển Cửa Việt,
sông Ô Lâu ( Mỹ Chánh) đổ vào Phá Tam Giang qua Cửa Lác
Về khí hậu, nhìn chung khí hậu ở Quảng Trị rất khắc nghiệt, do nằm trọn
trong khu vực nhiệt đới ẩm gió mùa và là vùng chuyển tiếp giữa hai miền khí hậu
Bắc - Nam. Quảng Trị còn chịu ảnh hưởng lớn của miền khí hậu Đông Trường Sơn,
12
do đó khí hậu chia làm hai mùa rõ rệt: Mùa gió Tây - Nam thì khô, nóng bức, ít mưa
và dễ gây ra hạn hán; mùa mưa lại ngắn và thường đến chậm. Từ tháng 7 đến tháng
11 hàng năm thường xuyên có nhiều mưa bão hay gây ra lũ lụt, gió xoáy, gió lốc.
Mùa nóng ở Quảng Trị kéo dài từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm, từ cuối tháng 12
đến giữa tháng 2 năm sau là mùa lạnh. Sách Đại Nam nhất thống chí có chép:
“Tháng 5 tháng 6 và tháng 7 gió Nam thổi mạnh; trước ngày 7 tháng 7
có mưa;… tháng 8 tháng 9 khí trời mát dần, thường có mưa lũ, lại thỉnh
thoảng có gió Đông vài ba ngày mới tắt “tục gọi là gió từ bến”; tháng 10
trong những ngày mồng 3, 13 và 23 thường bị lụt, ngạn ngữ có câu: ông
tha mà bà chẳng tha, làm cho cái lụt ngày 3 tháng 10” [75, tr.110].
Tỉnh Quảng Trị chịu ảnh hưởng của hai hướng gió chính là gió mùa Tây Nam
(gió Lào) và gió mùa Đông Bắc. Đặc biệt gió Tây Nam khô nóng ở Quảng Trị là
hiện tượng rất điển hình, được đánh giá là dữ dội nhất ở nước ta, làm ảnh hưởng
không nhỏ tới các hoạt động kinh tế - xã hội, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp.
Quảng Trị nằm trong khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của bão. Mùa bão thường tập
trung vào các tháng 9 và 10. Bão có cường suất gió mạnh kèm theo mưa lớn tạo ra
lũ quét ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống dân cư.
Do địa hình và chế độ thuỷ văn ở Quảng Trị rất đa dạng và phức tạp nên đất ở
đây cũng đa dạng, chủ yếu tập trung vào 3 nhóm cơ bản: Nhóm cồn cát và đất cát
ven biển từ Vĩnh Linh đến Hải Lăng với diện tích khoảng 28.630 ha, chiếm 6,23%
diện tích đất tự nhiên, hầu hết là đất nghèo dinh dưỡng, hoang hoá, đất chua; nhóm
đất phù sa do các sông bồi đắp dọc sông Mỹ Chánh, Thạch Hãn, sông Hiếu, Bến
Hải có diện tích khoảng 9.130 ha, chiếm 2% diện tích đất tự nhiên, đây là đất có
tiềm năng dinh dưỡng cao đã và đang khai thác vào sản xuất nông nghiệp khá hiệu
quả; nhóm đất đỏ vàng được gọi là Bazan ở vùng núi và gò đồi trung du Hướng
Hoá, Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ diện tích 20.000 ha, đất trồng dày, tơi xốp, độ
mùn khá, dinh dưỡng cao rất thích hợp phát triển trồng cây công nghiệp lâu năm.
Ngoài ra, đất đỏ vàng nâu còn có khả năng khai thác ở vùng lau lách, đồi trọc diện
tích khá nhưng chất lượng không cao, đất chua, đất nghèo mùn.
13
Quảng Trị có đường bờ biển dài 75 km, có 2 cửa lạch là: Cửa Tùng và Cửa
Việt, có cảng Cửa Việt khá sâu thuận lợi cho tàu trọng tải lớn ra vào. Ngoài khơi có
đảo Cồn Cỏ cách đất liền chừng 30km, tạo thế thuận lợi vươn ra biển và là vị trí quan
trọng trong quân sự phòng thủ biển Đông. Quảng Trị có khả năng phát triển nuôi
trồng thuỷ hải sản xuất khẩu khá lớn, tuy nhiên lại thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt
gây ra không ít khó khăn.
Với một phức thể về địa lý và tự nhiên mang nhiều nét khu biệt đó, các thế hệ
người Quảng Trị đã nối tiếp nhau cùng cộng sinh, vượt qua mọi thách thức, chung
sức chung lòng xây dựng quê hương. Quá trình đó đã tạo ra tính cách chịu thương,
chịu khó, vượt mọi khó khăn của con người Quảng Trị. Chính điều kiện thiên nhiên
khắc nghiệt với “gió Lào, cát trắng”, những Nho sĩ Quảng Trị đã nổ lực vươn lên,
dùi mài kinh sử để mong tới ngày được vinh danh.
1.1.2. Khái quát lịch sử tỉnh Quảng Trị
Trong lịch sử, Quảng Trị đã từng chịu nhiều biến động, xáo trộn và chia cắt.
Từ thời đại Hùng Vương theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi, vùng đất Quảng Trị xưa
thuộc một trong 15 bộ của nước Văn Lang, Âu Lạc với tên gọi là Việt Thường thị.
Thời Triệu Việt vương, đổi làm nội bản của châu Bắc Cảnh thuộc nước Nam Việt,
“là phiên dậu thứ tư về phương Nam” [103, tr.44]. Nhưng theo học giả Đào Duy
Anh trong tác phẩm Đất nước Việt Nam qua các đời và cho rằng Việt Thường Thị
là vùng đất thuộc Hà Tĩnh ngày nay, tác giả cho rằng: “Việt Thường Thị: Tên nước
xưa trong truyền thuyết, từ đời Ngô thì thành tên một huyện thuộc quận Cửu Đức,
tương đương với miền Hà Tĩnh ngày nay” [5, tr.18]. Theo tác giả, quận Nhật Nam
là đất của người Chăm, vùng Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng
Nam ngày nay, “Giao Chỉ, Cửu Chân thuộc nước Âu Lạc xưa.., còn quận Nhật
Nam tương đương với miền đất của người Chàm là láng giềng ở phía Nam của tổ
tiên chúng ta sẽ lập thành nước Lâm Ấp hay nước Chiêm Thành” [5, tr.69].
Các nhà khảo cổ học thì chứng minh “trong giai đoạn tiền Chămpa (nhất là từ
giữa thế kỷ I TCN đến đầu CN), vùng đất Quảng Trị ngày nay trực thuộc tiểu quốc
Bắc Chăm, nằm trong vùng Amaravati. Bộ phận cư dân ở đây mặc dù không thuộc
hệ chính thống của bộ lạc Dừa” [99, tr99]. Như vậy, có thể khẳng định, dưới thời
14
Văn Lang - Âu Lạc, cư dân ở vùng đất Quảng Trị là hậu duệ của cư dân Sa Huỳnh,
cư trú vùng Bắc đèo Hải Vân và được sát nhập vào vương quốc Chămpa sau này.
Đến thời Bắc thuộc, năm 111 TCN, nhà Hán thay thế họ Triệu xâm lược và
thống trị Âu Lạc. Ngoài hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân, nhà Hán cho lập thêm
quận Nhật Nam. Quận Nhật Nam là miền đất từ núi Hoành Sơn vào đến Quảng Nam.
Quận Nhật Nam có 5 huyện: Tây Quyển, Tỉ Cảnh, Chu Ngô, Lô Dung và Tượng Lâm.
Quận trị lúc đầu đóng ở Tây Quyển, về sau dời sang Chu Ngô. Theo Dư địa chí của
Nguyễn Trãi, “mãi đến thời Nam – Bắc Triều vẫn gọi là huyện Tỉ Cảnh, có lẽ là vùng
đất Quảng Trị ngày nay” [103, tr.143]. Theo học giả Đào Duy Anh thì Tỉ Cảnh (Tỉ
Ảnh) có thể là huyện Địa Lý và Ma Linh sau này, còn Chu Ngô chắc là vùng đất thuộc
lưu vực sông Thạch Hãn, sau đổi thành Châu Ô. “Tỉ Ảnh ở miền Nam Quảng Bình,
trong vùng lưu vực sông Nhật Lệ, cho đến sông Bến Hải; Chu Ngô ở miền Quảng Trị,
trong vùng lưu vực sông Thạch Hãn” [5, tr.61]. Như vậy, Quảng Trị cổ lúc ấy có thể
thuộc một phần của huyện Tỉ Cảnh và toàn bộ huyện Chu Ngô. Tuy nhiên, sự cai trị
của nhà Hán đối với vùng này có lẽ rất lỏng lẽo, chứ không như ở Giao Chỉ, Cửu Chân.
Như vậy, từ năm 111 TCN đến năm 192 SCN, Quảng Trị thuộc quận Nhật Nam.
Đến cuối thế kỷ thứ II, thuộc đời Sơ Bình (190-193), nhân lúc xã hội Trung
Quốc rơi vào cảnh loạn lạc, nhà Đông Hán suy sụp, cư dân trên đất Quảng Trị cùng
với nhân dân vùng Tượng Lâm, dưới sự lãnh đạo của Khu Liên nổi dậy khởi nghĩa
giành quyền tự chủ và lập nước. Tác giả Huỳnh Công Bá trong cuốn Giáo trình lịch
sử Việt Nam cổ trung đại cho biết: “Quốc gia mới lập của nhân dân Tượng Lâm
một thời gian dài được các thư tịch cổ Trung Quốc gọi là Lâm Ấp (do rút gọn từ
Tượng Lâm Ấp mà ra). Nhưng thực ra, tên gọi quốc gia của người Chăm chính là
Chămpa” [15, tr.147]. Như vậy, từ năm 192 đến năm 1069, vùng đất Quảng Trị
thuộc vương quốc Chămpa.
Sau khi giành được quyền độc lập tự chủ, quốc gia phong kiến Đại Việt đã
không ngừng phát triển, lớn mạnh về mọi mặt. Nhằm phá tan âm mưu của nhà Tống
cấu kết với chính quyền Chămpa để đánh nước ta và để loại trừ mối nguy hiểm về
phía nam, năm 1069, vua Lý Thánh Tông thân chinh cùng với Lý Thường Kiệt đem
5 vạn quân tiến đánh Chămpa, bắt vua Rudravarman III cùng 5 vạn tù binh. Vua
15
Chămpa “xin dâng 3 châu Địa Lý và Ma Linh, Bố Chính để chuộc tội” [55, tr.323].
Vua Lý chấp thuận, châu Ma Linh thuộc phần đất Quảng Bình và Bắc Quảng Trị.
Năm 1075, Lý Thường Kiệt cho vẽ bản đồ 3 châu. “Đổi châu Địa Lý làm
châu Lâm Bình, châu Ma Linh làm châu Minh Linh” [55, tr.323], đồng thời chiêu
mộ dân vùng Thanh Hoá, Nghệ An vào sinh sống làm ăn, cùng binh lính trấn đóng
vùng đất này, đây là lớp người di dân đầu tiên vào Quảng Trị. Vùng đất của Quảng
Trị lúc bấy giờ thuộc châu Minh Linh, kể từ Cửa Việt trở ra phía Bắc bao gồm đất
của các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh và một phần đất của thị xã Đông Hà, Cam Lộ,
Hướng Hoá ngày nay. Trong khoảng thời gian từ năm 1075-1306, Quảng Trị là
vùng đất của 2 nước Đại Việt và Chămpa.
Trong thời gian này, bên ngoài tuy hòa hiếu, nhưng bên trong, giai cấp thống
trị Champa nhiều lần gây chiến với Đại Việt để lấy lại đất. Sau khi kháng chiến
chống Nguyên thắng lợi, quan hệ giữa Đại Việt và Champa trở nên tốt đẹp. Năm
1306, Vua Chăm là Chế Mân (Jaya simhavarman III) đem châu Ô, châu Lý làm quà
sính lễ để cưới Công chúa Huyền Trân, đó là vùng đất Nam Quảng Trị, Thừa Thiên
Huế và Bắc Quảng Nam ngày nay. Năm 1307, nhà Trần đổi châu Ô thành Thuận
Châu, châu Lý thành Hóa Châu. Theo học giả Đào Duy Anh “phủ Triệu Phong là
châu Ô của Chiêm Thành, đến đời Trần thành châu Thuận… Các huyện Thuận
Xương (nay là huyện Triệu Phong) và Hải Lăng cũng là đất châu Thuận xưa. Châu
Thuận có thể là gồm cả đất Quảng Trị từ Cửa Việt trở vào, tức là phủ Triệu Phong
ở thời chúa Nguyễn” [5, tr.163]. Như vậy, Thuận Châu là dải đất từ sông Hiếu (Cửa
Việt) vào đến Bắc tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay.
Từ năm 1307-1400 Quảng Trị là đất thuộc châu Minh Linh (phía bắc Quảng
Trị) và Châu Thuận (phía nam Quảng Trị), là một bộ phận đất đai của nước Đại
Việt. Nhà Trần chiêu mộ nhân dân trong vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh vào đây làm ăn
sinh sống, vua Trần còn cắt cử quan lại vào trấn thủ ở vùng Thuận Hóa.
Năm 1466, Lê Thánh Tông chia cả nước thành 12 đạo thừa tuyên, Quảng Trị
là vùng đất thuộc thừa tuyên Thuận Hóa.
Năm 1558, Nguyễn Hoàng được vua Lê cho vào trấn thủ vùng đất Thuận Hóa,
ông chọn Quảng Trị làm nơi đặt thủ phủ của mình tại xã Ái Tử huyện Vũ Xương
16
(nay thuộc huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị) gọi là dinh Ái Tử với mưu đồ cát cứ
lâu dài. Năm 1570, Nguyễn Hoàng được vua Lê phong làm Tổng trấn hai xứ Thuận
Hóa và Quảng Nam, ông cho di dân, khai khẩn đất đai. Có một thời gian ngắn,
Quảng Trị là thủ phủ của chúa Nguyễn.
Năm 1802, sau khi đánh bại Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế lấy hiệu
là Gia Long. Ông lấy hai huyện Hải Lăng và Đăng Xương thuộc Phủ Triệu Phong,
huyện Minh Linh thuộc Phủ Quảng Bình lập ra Dinh Quảng Trị, riêng phía tây đặt
đạo Cam Lộ thuộc dinh Quảng Trị. “Gia Long năm mới lên ngôi gọi là trực lệ doanh
Quảng Trị có 1 phủ 3 huyện 1 đạo 1 châu là phủ Triệu Phong lĩnh 3 huyện: Đăng
Xương, Hải Lăng, Minh Linh; đạo Cam Lộ lĩnh châu Hướng Hóa” [65, tr.23].
Năm Minh Mạng thứ tư (1823) ở miền núi đặt châu Hướng Hoá thuộc đạo
Cam Lộ. Năm Minh Mạng thứ 8 (1827) đổi dinh Quảng Trị thành trấn Quảng Trị.
Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ có chép: “Minh Mạng năm thứ 8 (1827), đổi
doanh làm trấn bỏ hai chữ trực lệ tất cả 9 đạo trại Mường người thiểu số dâng
cống gồm: Mường Vang, Na Bí, Thượng Kế, Tá Bang, Xương Thịnh, Tầm Bồn, Ba
Lan, Mường Bổng, Làng Thì, đều đổi làm châu” [65, tr.23]. Năm Minh Mạng thứ
12 (1831) đổi trấn Quảng Trị thành tỉnh Quảng Trị và cải đạo Cam Lộ thành phủ
Cam Lộ. Năm 1834 đổi châu Hướng Hoá thành huyện Hướng Hoá. Năm 1836 đặt
thêm huyện Địa Linh với đất trích ở hai huyện Minh Linh và Đăng Xương.
Năm Tự Đức thứ 3 (1850) đổi huyện Hướng Hoá thành huyện Thành Hoá.
Năm 1853, Tự Đức bỏ tên tỉnh Quảng Trị thành lập đạo Quảng Trị và sát nhập vào
Phủ Thừa Thiên. Đến năm 1876 lại đổi đạo Quảng Trị thành tỉnh Quảng Trị như cũ
và đặt lại 2 phủ Triệu Phong và Cam Lộ kiêm lý hai huyện Đăng Xương và Thành
Hóa. Năm Đồng Khánh thứ 1 (1886) đặt huyện Gio Linh, tức huyện Địa Linh cũ.
Năm Duy Tân thứ 2 (1908) đổi huyện Thành Hoá làm huyện Hướng Hoá. Theo
Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, dưới triều Nguyễn, tỉnh Quảng Trị “có 2 phủ 5
huyện 9 châu là phủ Triệu Phong lĩnh 4 huyện: Đăng Xương, Hải Lăng, Minh Linh,
Địa Linh; phủ Cam Lộ lĩnh 1 huyện Hướng Hóa và 9 châu: Mường Vang, Na Bí,
Thượng Kế, Tá Bang, Xương Thịnh, Tầm Bồn, Ba Lan, Mường Bổng, Làng Thì”
[65, tr.23]. Các châu ấy nay thuộc về đất Lào.
17
Dưới thời Pháp thuộc, về cơ bản hệ thống hành chính cơ sở ở Quảng Trị vẫn
được giữ như cũ, chỉ thay đổi địa giới, tên gọi một số huyện. Cả tỉnh lúc này có 6
huyện là: Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ và Hướng Hoá.
Năm 1906, Phủ toàn quyền Đông Dương quyết định thành lập thị xã Quảng Trị.
Ngày 5/9/1929 Phủ toàn quyền Pháp ở Đông Dương quyết định thành lập thêm thị
xã Đông Hà. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, các đơn vị hành chính
cấp phủ đổi thành cấp huyện, bỏ đơn vị cấp tổng, giữ cấp xã.
Tháng 7/1954 Hiệp định Giơnever được ký kết, nước ta tạm thời bị chia cắt
làm hai miền Bắc - Nam, vĩ tuyến 17 sông Bến Hải là giới tuyến quân sự chia đôi
tỉnh Quảng Trị. Với âm mưu chia cắt lâu dài, chính quyền Sài Gòn thành lập 3 quận
phía Nam sông Bến Hải là: Quận Ba Lòng, quận Mai Lĩnh, quận Trung Lương. Phía
Bắc sông Bến Hải là huyện Vĩnh Linh có vị trí và vai trò đặc biệt là tiền đồn của miền
Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương trực tiếp của miền Nam ruột thịt nên Chính phủ
quyết định thành lập đặc khu Vĩnh Linh trực thuộc Trung ương, tương đương đơn vị
hành chính cấp tỉnh. Tháng 3 năm 1975, Quảng Trị được giải phóng hoàn toàn. Từ
tháng 7/1976, tỉnh Quảng Trị cùng với tỉnh Quảng Bình, tỉnh Thừa Thiên Huế và khu
vực Vĩnh Linh hợp nhất lại thành lập tỉnh mới đó là tỉnh Bình - Trị - Thiên. Bấy giờ các
huyện của tỉnh Quảng Trị cũ cũng tiến hành sát nhập lại với quy mô lớn hơn (gồm 1 thị
xã và 3 huyện): Thị xã Đông Hà (gồm Đông Hà và một phần Cam Lộ); huyện Bến Hải
(gồm huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và một phần Cam Lộ); huyện Triệu Hải (gồm Triệu
Phong, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị) và huyện Hướng Hoá.
Tháng 7/1989, Quảng Trị trở lại đơn vị hành chính cấp tỉnh trực thuộc Trung
ương có 4 đơn vị hành chính: thị xã Đông Hà, Bến Hải, Triệu Hải, Hướng Hoá.
Đến đầu năm 1991 có sự thay đổi về địa giới và tên gọi các huyện, thị xã của
tỉnh Quảng Trị như sau: Thị xã Đông Hà tách ra thành lập thị xã Đông Hà và huyện
Cam Lộ; huyện Bến Hải tách ra thành lập 2 huyện là: Vĩnh Linh và Gio Linh;
Huyện Triệu Hải tách ra thành lập 3 huyện, thị xã là: Triệu Phong, Hải Lăng và thị
xã Quảng Trị. Đến đầu năm 1997 huyện Hướng Hoá được tách ra thành lập 2 huyện
là: Hướng Hoá và Đakrông. Năm 2004, huyện đảo Cồn Cỏ được thành lập.
18
Tính đến nay, toàn tỉnh Quảng Trị có 10 đơn vị hành chính gồm thành phố
Đông Hà trực thuộc tỉnh Quảng Trị, thị xã Quảng Trị và 8 huyện (Vĩnh Linh, Gio
Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, Cam Lộ, Hướng Hóa, Đakrông, huyện đảo Cồn Cỏ).
Với một diễn trình lịch sử hình thành và phát triển, nội chiến và chia cắt; một vị trị
địa lý khá đặc thù, Quảng Trị trở thành nơi gặp gỡ, tiếp nhận và giao hoà nhiều hệ
văn hoá khác nhau. Trên nền của văn hoá tiền và sơ sử, hội tụ ở đó không ít dấu tích
của văn hoá Sơn Vi, Hoà Bình, Đông Sơn, Sa Huỳnh là quá trình tiếp biến khi tiếp
cận với văn hoá Hán, Chămpa, Đại Việt, kể cả văn hoá phương Tây... Tất cả đã đan
vào nhau trong khả năng dung hoà, dung hợp của người Quảng Trị để trở thành tài
sản của chính mình trên hành trình tiến về phía trước.
1.2. Truyền thống giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị trƣớc năm 1802
Quảng Trị trong khoảng từ thế kỷ XI – XIV là vùng đất địa đầu của quốc gia
phong kiến Đại Việt. Cũng trong giai đoạn này, Chămpa thường xuyên tổ chức
những cuộc xâm chiếm, quấy phá ở vùng Thuận Hóa, vậy nên công tác giáo dục và
khoa cử ở Quảng Trị thời kỳ này chưa có điều kiện để hình thành và phát triển.
Đến thế kỷ XV, dưới thời Lê Sơ, nhà nước phong kiến trung ương tập quyền
được xác lập và cũng cố vững mạnh. Nhà nước đề cao Nho giáo, ưu tiên tuyển chọn
quan lại bằng con đường khoa cử, từ đây nền giáo dục khoa cử Nho học đi vào nề
nếp. Tuy nhiên, không như các sĩ tử từ Hà Tĩnh trở ra bắc đã có bề dày truyền thống
giáo dục và khoa cử hàng trăm năm, Quảng Trị trong bối cảnh xứ Thuận Hóa là
vùng đất mới, con đường cử nghiệp, học hành, đèn sách tất nhiên còn mỏng manh,
sơ sài, vô cùng khó khăn, tốn kém và lâu dài.
Quảng Trị là vùng đất ít được sự ưu đãi của tự nhiên, nghèo về tiềm năng,
cuộc sống người dân luôn khốn khó và thường xuyên bị đe dọa bởi thiên tai. Là
vùng đất “gió Lào cát trắng”, một vùng quê nghèo xơ xác, nhưng điều đó đã hun
đúc cho người Quảng Trị một lối sống quen chịu đựng gian khổ, biết vượt lên hoàn
cảnh, luôn tìm cách vượt qua nghèo khó để vươn lên. Điều vô cùng quý báu và đáng
trân trọng chính là con đường vượt qua nhọc nhằn, khó khăn với lòng khát vọng
khổ học để thành tài của con người Quảng Trị. Trong số đó, Bùi Dục Tài là tấm
gương sáng để mọi thế hệ sau cùng noi theo. “Vào thời điểm đó cái chữ quý hơn
19
vàng, làng không có thầy dạy học. Việc học hành rất khó khăn nhưng cụ Bùi Dục
Tài đã cố gắng tìm sách để đọc, tìm thầy để học. Quá trình đi thi cũng rất khó khăn,
cụ phải lều chõng ra đến Thăng Long để dự thi” [116]. Trong kỳ thi Hương năm
Tân Dậu đời vua Lê Hiến Tông niên hiệu Cảnh Thống năm thứ 4 (1501), Bùi Dục Tài
đỗ Hương cống. Tại kỳ thi Hội năm 1502 lấy đỗ 61 người, trong đó có Bùi Dục Tài.
Để xếp hạng những người đã được chọn lọc qua kỳ thi Hội, tại kỳ thi Đình vua Lê Hiến
Tông đích thân ra đề văn sách hỏi về công việc đế vương trị nước. Bùi Dục Tài đỗ Đệ
nhị giáp tiến sĩ, được ban yến, ban mũ áo, cờ biển mang chữ “Đệ nhị giáp tiến
sĩ” và “Sắc tứ vinh quy”, được khắc tên vào bia đá ở Văn Miếu. Ông xứng đáng là
người “sớm nêu sĩ vọng, đột phá khai khoa” [2, tr.138].
Năm 1558, lấy cớ vào trấn thủ vùng Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng đã tổ chức
khai phá, mở rộng đất đai, củng cố thế lực, chăm lo phát triển kinh tế, ổn định xã
hội. Trường học chủ yếu được mở trong dân gian, việc học hành và thi cử đã được
các làng xã quan tâm. Trong bối cảnh đó, ở triều đình việc tổ chức giáo dục khoa cử
chưa được chặt chẻ, chính quyền các chúa Nguyễn cũng đã quan tâm việc tổ chức
học hành và thi cử, nhưng do còn có nhiều việc cấp bách cụ thể như việc phát triển
thế lực để đối trọng với Đàng Ngoài, chính quyền chúa Nguyễn sử dụng nhân tài
qua con đường tiến cử là chủ yếu. Chính vì vậy, số người Quảng Trị đỗ đạt dưới
thời chúa Nguyễn, thời quân Trịnh chiếm đóng và Tây Sơn còn hạn chế.
Sang thời nhà Nguyễn, ngay từ khi Nguyễn Ánh lên ngôi (1802) lấy hiệu là
Gia Long, đã quan tâm phát triển giáo dục và khoa cử làm phương tiện chủ yếu để
đào tạo, rèn luyện nhân tài. Giáo dục và khoa cử dưới thời Nguyễn được tổ chức
chặt chẻ, có hệ thống từ trung ương đến địa phương. Quảng Trị là vùng đất giáp
ranh Phủ Thừa Thiên nên cũng đã có những bước phát triển mới về công tác giáo
dục và đạt được nhiều kết quả.
Quảng Trị có vị trí giáp với Kinh đô Huế ở phía Nam, đây là yếu tố tác động
mạnh đến lịch sử phát triển của tỉnh Quảng Trị nói chung và tình hình giáo dục -
khoa cử nói riêng. Có vị trí ở gần kinh đô, được triều đình quan tâm, Quảng Trị có
điều kiện để phát triển kinh tế, xã hội, nhất là ổn định về chính trị, không thường
xuyên diễn ra khởi nghĩa nông dân như ở các tỉnh Bắc Kỳ. Với việc triều Nguyễn
20
xây dựng nhà nước theo thể chế quân chủ trung ương tập quyền, lấy Nho giáo làm
hệ tư tưởng chính thống, Quảng Trị là tỉnh giáp ranh về phía Bắc của Kinh đô đã
chịu nhiều tác động của hệ tư tưởng Nho giáo, trường học dạy chữ Nho được mở ra,
triều đình quan tâm phát triển Nho học ở các tỉnh ở gần kinh đô. Mặt khác, là vị trí
kinh đô, triều đình ưu tiên lấy đỗ nhiều người trong các kỳ thi Hương, Nho sĩ
Quảng Trị tham gia dự thi tại trường thi Thừa Thiên có nhiều thuận lợi, “Kinh sư là
đất đứng đầu tất cả, gần đây văn phong ngày một chấn khởi, sĩ số thêm nhiều lên,
đã chuẩn cho giải ngạch lấy 38 tên, nay thêm 12 tên, cho đủ số 50” [84, tr.1044].
Bên cạnh đó, trước đây sĩ tử phải lều chõng ra đến Thăng Long dự thi, Nho sĩ phải
có hoàn cảnh khá giả hay được giúp sức của cả làng xã, dòng họ mới có điều kiện
lên kinh dự thi, tuy nhiên, dưới triều Nguyễn việc sĩ tử đi lại dự thi thuận lợi hơn
trước đây và các tỉnh khác.
Ngoại trừ danh nhân Bùi Dục Tài, còn lại người Quảng Trị hầu hết đỗ đạt vào
thời triều Nguyễn. Theo thống kê từ các kỳ thi dưới triều Nguyễn, Quảng Trị có 14
Tiến sĩ, 10 Phó bảng và 187 Cử nhân. Trong hoàn cảnh khó khăn, Quảng Trị không có
điều kiện phát triển giáo dục so với các tỉnh, nhất là các tỉnh ngoài Bắc nhưng với nghị
lực phi thường, người Quảng Trị đã nỗ lực vượt lên mọi khó khăn, trong đó với những
tên tuổi như: Nguyễn Đức Hoạt, Nguyễn Tăng Doãn, Hoàng Hữu Xứng, Lâm Hoành,
Nguyễn Văn Tường, Lê Đăng Trinh, Nguyễn Tự Như, Lê Đức, Lê Nguyên Lượng…
1.3. Khái quát giáo dục - khoa cử Nho học dƣới triều Nguyễn
1.3.1. Chính sách về giáo dục và khoa cử
Thứ nhất, nhằm tuyển dụng, đào tạo và phát triển đội ngũ quan lại, nhà
Nguyễn rất coi trọng việc học hành thi cử. Ngay sau khi lên ngôi Hoàng đế, trong
chuyến ra thăm Thăng Long lần đầu tiên (1802), vua Gia Long đã cùng tùy tùng lo
tính khôi phục giáo dục, bàn về phép khoa cử để khi thích hợp sẽ tổ chức thi
Hương, thi Hội, đào tạo nhân tài giúp nước. Khi mới lên ngôi, vua Gia Long rất trân
trọng và tin dùng giới sĩ phu Bắc Hà, “ông đã mời được các Nho sĩ Phan Huy Ích,
Bùi Dương Lịch, Phạm Đình Hổ, Phạm Quý Thích, Nguyễn Du… ra làm quan hoặc
phụ trách giáo dục” [31, tr.17], Nguyễn Đình Tứ làm Đốc học phủ Phụng Thiên; Lê
Huy ở Sâm Kinh Bắc; Vũ Đình Tử ở Sơn Nam thượng; Nguyễn Huy Thảng ở Sơn
21
Nam hạ… Trong vòng 3 năm (1803 - 1805), vua Gia Long đã ba lần ban chiếu mời
những người đã qua các kỳ thi dưới thời Lê, hoặc những người thông thạo kinh sử, có
năng lực ra cộng tác với triều Nguyễn để sớm ổn định bộ máy quản lý nhà nước.
Kế vị vua Gia Long, các vua Nguyễn về sau cũng rất coi trọng hiền tài, ban
hành nhiều chính sách để chiêu tập, đào tạo nhân tài phục vụ đất nước “Bên cạnh
việc tiếp tục sử dụng đội ngũ võ quan vừa qua chinh chiến thông qua hai hình thức
tiến cử (hay bảo cử) và nhiệm tử, triều Nguyễn đã luôn coi trọng và sử dụng chế độ
khoa cử làm công cụ chính trong việc tuyển chọn nhân tài” [31, tr.17]. Năm 1820,
vua Minh Mạng xuống chiếu rằng: “Thánh nhân lưu ơn lại không gì bằng gây dựng
cho người, mà kẻ vương giả ra ơn không gì bằng mở khóa thi chọn lấy kẻ sĩ” [89,
tr.1506]. Vua Thiệu Trị cũng đã từng nói “Việc dạy học là chính sự trọng đại của
triều đình cho nên các tỉnh đều đặt chức Đốc học, khiến cho dạy dỗ học trò để làm
cái kế hay về việc tác thành nhân tài” [31, tr.17].
Tiếp nối truyền thống giáo dục của các triều đại trước, các vua đầu triều
Nguyễn đã nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công cuộc giáo dục đào tạo để tạo
nên nguồn nhân lực về con người phục vụ cho đất nước.
Thứ hai, xây dựng đội ngũ quan lại chăm lo về giáo dục. Đối với trường học
ở kinh đô. Năm 1803, Gia Long cho đặt các chức chánh phó Đốc học ở Quốc Tử
giám. Đến năm 1821, Minh Mạng bỏ các chức danh trên và khôi phục lại Tế tửu,
Tư nghiệp, đặt chức Học chính phụ trách việc học tập của các Tôn sinh. Năm 1838,
triều đình lại cử 2 viên đại thần kiêm lĩnh công việc của Quốc Tử giám với các chức
Tri sự, Đề điệu. Ở các đường (Tập Thiện Đường, Dục Đức Đường…), triều đình đặt
các chức Phụ đạo, Sư bảo, Tán thiện, Bạn độc, Trưởng sử để dạy bảo các hoàng tử,
hoàng đệ. Ở nhà tôn học của con cháu hoàng thân, hoàng đệ do Tổng quản, Giáo
tập, Thừa biện phụ trách.
Ở địa phương, ngay sau khi lên ngôi, Gia Long cho đặt các chức Đốc học,
Trợ giáo. Ở mỗi tỉnh, nhà vua cho đặt các chức Đốc học để quản lý việc giáo dục thi
cử. Năm Gia Long thư 11 (1812) “chuẩn định các dinh trấn trong ngoài, các tổng
bảo cử những người văn học uẩn súc, đáng làm khuôn phép cho học trò, ai 50 tuổi
22
trở lên, mỗi tổng 2 người hoặc 3 người, do trấn cấp giấy ủy nhiệm cho miễn việc
binh, việc sưu để dạy những học trò mới học” [64, tr.93].
Cùng với việc mở rộng trường học, nhà vua cho đặt thêm các chức Giáo thụ,
Huấn đạo ở các phủ, huyện. Năm 1812, Gia Long lệnh cho các dinh trấn chọn
những người có văn học từ 50 tuổi trở lên đặt làm Tổng giáo để dạy các lớp sơ học.
Năm 1821, Minh Mạng quy định: Giáo quan ở các phủ, huyện nếu là Sinh đồ,
Hương cống thì phải đủ 40 tuổi trở lên, người khác (không có học hàm) phải đủ 50
tuổi trở lên. Năm 1824, nhà vua cho xét tuyển Giám sinh Quốc Tử giám để chia bổ
Huấn đạo các huyện. Năm 1825, Minh Mạng cho đặt mỗi huyện 1 Huấn đạo, Năm
1830, lại cho bổ 142 Tú tài từ 40 tuổi trở lên làm Huấn đạo. Đến năm 1856, dưới
thời Tự Đức, triều đình định lệ: Cử nhân đã từng thi Hội từ 40 tuổi trở lên mới được
bổ làm giáo chức. Vào cuối đời Tự Đức chức học quan phải đạt yêu cầu là Tiến sĩ,
Phó bảng hoặc Cử nhân lão thành.
Minh Mạng cũng chăm lo việc học ở địa phương. Đối với việc học ở tỉnh,
năm 1823, Minh Mạng xuống chỉ các doanh, trấn, đạo đặt thêm Đốc học, bớt viên
Trợ giáo. Ở cấp phủ, huyện, cũng trong năm này, Minh Mạng xuống chỉ: “chuẩn
cho mỗi phủ đặt một viên giáo thụ, mỗi huyện đặt 1 viên huấn đạo để dẫn dắt học
sinh, cho văn học được mở rộng” [66, tr.477]
Ngay cả những miền biên ải, những vùng dân tộc thiểu số, nhà Nguyễn cũng
chú trọng việc xây dựng đội ngũ học quan. Dưới thời Thiệu Trị, chức Đốc học,
Giáo thụ, Huấn đạo lần đầu tiên được bổ tới các tỉnh, phủ, huyện vùng biên giới xa xôi
như Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên. Chính sách này cũng được thực hiện trong
thời Tự Đức. Năm Tự Đức thứ 27 (1874), triều đình chuẩn định cho đặt chức dạy học ở
những tỉnh đạo, thổ dân, “các tỉnh đạo, thổ dân thuộc hạt có người muốn đi học thì liệu
đặt chức dạy học… Việc học đều phải đặt chức dạy, để cho đổi cả, bộ phải tuân lệnh tư
cho các tỉnh, đạo gián hoặc có dân Thổ muốn đi học, xét tâu trả lời” [86, tr.28], và
chọn người thông hiểu văn chương để đặt chức Tổng giáo để phục vụ cho việc dạy học
“chọn người đỗ Tú tài hoặc là học trò ở trong hạt, người nào hơi thông văn học, hiểu
biết tiếng Kinh, tiếng Thổ… Tùy theo học trò ít nhiều, địa thế xa gần, 1 tổng hoặc 2
23
tổng đặt 1 Tổng giáo, chuyên dạy về chữ nghĩa, lễ phép và tiếng Kinh” [86, tr.28-29].
Sau khi giáo dục phát triển sẽ đặt chức Giáo thụ, Huấn đạo.
Thứ ba, nhà Nguyễn chủ trương xây dựng nền giáo dục Nho học có hệ thống
từ trung ương đến địa phương. Triều đình mở rộng hệ thống trường lớp từ kinh đô
đến tận các phủ, huyện trong cả nước. Bên cạnh đó, nhà vua còn cho phép mở các
trường tư thục tại các làng xã để bảo đảm nhu cầu học tập trong nhân dân.
Đối với kinh đô Huế, nhà Nguyễn đã cho xây dựng hệ thống trường lớp hoàn
thiện và tập trung nhất, tiêu biểu nhất cho toàn bộ hệ thống giáo dục của triều đại.
Trường Quốc Tử giám được xem là trường học đặc biệt, là trung tâm giáo dục cấp
quốc gia dành cho những sinh viên, học sinh ưu tú thuộc nhiều đối tượng khác nhau
như: Tôn sinh, Giám sinh, Ấm sinh, Cống sinh, học sinh các vùng miền núi… Quốc
Tử giám là nơi được các vị vua quan tâm kiện toàn cơ cấu tổ chức, quy tập các học
quan và nhà giáo ưu tú làm khuôn mẫu cho nền giáo dục toàn quốc. Ngoài Quốc Tử
giám còn có một hệ thống các trường lớp chuyên biệt dành cho nhiều đối tượng
khác nhau. Đó là nhà học của vua, của các thái tử, hoàng tử.
Ở các địa phương, ngoài việc học ở trung ương, nhà Nguyễn cũng thiết lập
một hệ thống giáo dục đến các trấn, doanh (tỉnh) và phủ, huyện. Sau cải cách hành
chính của Minh Mạng vào các năm 1831-1832 cùng với việc thống nhất đổi tên gọi
tỉnh trong toàn quốc thì trường học ở cấp tỉnh được thiết lập cùng học quan phụ trách
mang chức danh Đốc học. Đến giữa thế kỷ XIX, cả nước có 158 trường học cấp phủ và
huyện (châu). Ngoài các trường công, nhà vua còn cho phép tư nhân mở trường học
trong các làng xã do các ông đồ, các Nho sĩ không làm quan mở trường dạy học. Mặt
khác, triều đình còn quan tâm đến việc mở trường dạy học ở các châu, huyện miền núi.
Thứ tư, nhà Nguyễn chú trọng công tác biên soạn sách vở. Ngay sau khi
thống nhất đất nước, các vua nhà Nguyễn đã tiến hành chỉnh đốn và phát triển học
hành, thi cử, trong đó việc tổ chức biên soạn, in ấn các tài liệu học tập được chú
trọng. Để phục vụ cho việc học tập và khoa cử, triều đình cũng chú ý đến biên soạn
các loại văn mẫu. Năm Giáp Tý (1804), quan Bắc thành tâu: “Hiện nay thánh thượng
lưu ý việc đào tạo nhân tài… vậy xin chuẩn định học quy khiến cho người dạy lấy đó
mà dạy học trò, trò lấy đó mà chuyêm nghiệm, vua chuẩn y lời tâu, sai Tham tri Bộ
24
Binh là Nguyễn Thế Trực và quan Quốc Tử giám là Nguyễn Viết Ứng soạn dịnh
những bài mẫu mới về kinh nghĩa và văn sách để ban bố, thi hành” [91, tr.32]. Nhà
vua còn cho thu thập các sách sử cũ. Từ năm Minh Mạng thứ 8 (1827) đến năm Tự
Đức thứ 2 (1849), triều đình đã ra 6 chỉ và đạo dụ về vấn đề tìm mua sách vở. Cùng
với việc tóm lược Bắc sử, nhà Nguyễn chú trọng công tác biên soạn sử sách nước
nhà phục vụ cho việc học hành và khoa cử. Chương trình học tập vẫn là sách Tứ
thư, Ngũ kinh, học Bắc sử, Việt sử. Các vua Nguyễn đã cho bổ sung thêm một số tài
liệu khác ngoài các bộ sách giáo khoa truyền thống, chẳng hạn năm 1833, Minh
Mạng giao cho bộ Lễ tập hợp 80 bài thuộc thể văn tam trường của nhà Thanh, in
thành 31 bộ chia cho Quốc Tử giám và học quan ở các địa phương. Năm 1845,
Thiệu Trị sai soạn cuốn: “Thiệu Trị văn quy tự vận hội tập” (loại sách âm vận về
phép làm thơ - văn dựa trên cuốn vạn phủ của nhà Thanh nhưng đầy đủ, rõ ràng
hơn), 2 năm sau đó triều đình lại cho khắc in bộ: “Lịch đại sử tổng luận” ban cho
các quan đại thần và các trường trong toàn quốc.
Thứ năm, tổ chức đều đặn các kỳ thi nhằm tuyển chọn nhân tài. Song song
với chính sách giáo dục nói trên là việc tổ chức các kỳ thi Hương, thi Hội nhằm
tuyển dụng nhân tài. Nhận thức được việc đào tạo quan lại liên quan đến thịnh suy
của đất nước nên các vua của triều Nguyễn từ Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự
Đức đều rất quan tâm đến chế độ thi cử để tuyển chọn quan lại, các kỳ thi được tổ
chức đều đặn và hoàn bị. Ngoài các kỳ thi chính thức được quy định 3 năm 1 lần gồm
thi Hương, thi Hội, thi Đình, nhà Nguyễn còn tổ chức các kỳ thi đặc biệt đó là Ân
khoa, Chế khoa, Hoành từ, (Cát sĩ khoa năm 1851, Nhã sĩ khoa năm 1865).
Bên cạnh đó, các thể lệ thi cũng được cải tổ thường xuyên. Triều đình đặt ra
các điều kiện dự thi tương đối rộng rãi để cho mọi tầng lớp nhân dân có khả năng và
đức hạnh đều được dự thi, chỉ trừ những người đang thụ án, con nhà kép hát và
những người đang có đại tang… thì không được dự thi.
Thứ sáu, ban hành những chính sách đãi ngộ đối với Nho sinh. Quá trình
xây dựng hệ thống trường lớp, học quan đi đôi với những chính sách nhằm khuyến
khích việc học hành của tầng lớp Nho sinh, là đối tượng chính của nền giáo dục.
Đối với học sinh trường Quốc Tử giám, các đời vua Nguyễn đều có chính sách quan
25
tâm đặc biệt, người học ở đây được cấp học bổng, quần áo, dầu, gạo, sách vở, bút mực
đầy đủ… Hằng năm, vào các dịp lễ tết hoặc mừng xuân, các vua đều thân đến khen
thưởng cho học trò. Năm 1825, nhân dịp mừng xuân, Minh Mạng cho học sinh mỗi
người 10 quan tiền, có người cho là quá hậu, cho rằng “Cho con hát, đàn bà thì không
nên hậu, chứ cho học trò là của báu của nhà nước, ngày nay nuôi để ngày khác dùng,
há chẳng nên hậu hay sao”.
Đối với học sinh trường tỉnh, phủ, huyện khi vào học đều được miễn giảm
lao dịch và chịu khảo hạch một năm hai lần, chia làm các hạng: ưu, bình, thứ, liệt. Học
sinh học giỏi có thể được sung cống vào Quốc Tử giám, được tiến cử về kinh để bổ
dụng. Học sinh trường tỉnh hàng tháng được cấp thêm dầu, đèn. Đến các kỳ thi Hương,
thi Hội, học trò ở các tỉnh xa xôi khó khăn ở phía Nam đều được cấp lương đi đường.
Tiếp nối truyền thống của các triều trước, các vua Nguyễn cũng có những
chính sách ưu đãi đối với những Tiến sĩ đỗ đạt nhằm khuyến khích việc học. Trước
khi được bổ dụng vào các chức vị của triều đình, các tân Tiến sĩ được vinh quy bái
tổ tại quê nhà. Dưới triều Nguyễn, lễ Ân tứ vinh quy được tổ chức ngay từ khoa thi
đầu tiên vào thời Minh Mạng (1822), nhưng đến thời Tự Đức được quy định cụ thể
và đi vào quy củ. Ngoài chính sách đãi ngộ đối với các Tiến sĩ, nhà Nguyễn còn có
lệ khắc tên tuổi, quê quán và một số thông tin về tiểu sử khoa cử của các Tiến sĩ lên
các tấm bia đá ở Văn Miếu. Việc dựng bia điền tên các Tiến sĩ vào bia đá để lưu
truyền về đời sau có ý nghĩa rất quan trọng, khích lệ lòng người về tài năng đức độ của
các đại khoa học vị Tiến sĩ, khuyến khích các kẻ sĩ chăm lo đèn sách, tu dưỡng, đỗ đạt
cao, mong sao được bước lên con đường khoa học. Mặt khác, việc dựng bia Tiến sĩ còn
ngụ ý khuyên răn, làm cho người ta phấn khởi để nâng cao tiết tháo liêm cần, lấp kín
con đường tham nhũng, thờ vua phải hết lòng trung, yêu dân phải có ơn huệ, ở trên
miếu đường thì giữ lòng công minh, ở các địa phương thì có chính sự tốt làm cho dân
chúng được hưởng sự yên vui.
Thứ bảy, gắn liền với việc tuyển chọn quan lại, phát triển đội ngũ học quan
là những quy chế thưởng phạt rõ ràng. Chính sách thưởng, phạt đối với các quan lại
nói chung, các học quan nói riêng được nhà nước phong kiến triều Nguyễn thực
hiện rất nghiêm minh. Triều Nguyễn có những chính sách khảo xét, thưởng phạt
26
công minh, với thái độ cương quyết, nhất là sự công minh của vua Gia Long thể
hiện “phép nước bất vị thân”, nên tất cả những người vi phạm đều không được
châm chước. Triều đình nêu rõ thưởng phạt khuyên răn là việc lớn của nhà nước,
đều là để thúc dục người lười mong cho thành công. Nếu không khuyên răn cho rõ
ràng thì người mẫn cán lấy gì mà khuyến khích, người lười biếng lấy gì mà sợ hãi.
Dưới thời Minh Mạng, một số năm các Đốc học được triệu về Kinh để ra mắt và
chịu sự xét hỏi của nhà vua, người có thực tài được bổ vào các bộ, viện, ai kém cỏi
thì bị giáng chức, đuổi đi hoặc buộc về hưu. Bên cạnh đó, tầng lớp học quan từ tỉnh
đến huyện cũng chịu sự sát hạch hằng năm của Đốc phủ. Dưới thời Tự Đức, năm
1852, triều đình đổi lệ sát hạch học quan, theo đó chức Giáo thụ, Huấn đạo, Học
chính mỗi năm một lần xét. Các quan ở Quốc Tử giám chịu sự sát hạch của các đại
thần, các bộ và chịu sự thăng giáng. Tế tửu, Tư nghiệp nếu không đạt yêu cầu cũng
mất chức. Để khảo xét học quan và cũng nhằm khuyến khích việc học hành thi cử,
từ thời Minh Mạng, triều đình có chính sách thưởng phạt học quan bằng việc căn cứ
vào số học trò đi thi và trình độ của thí sinh.
1.3.2. Tình hình giáo dục dưới triều Nguyễn
Về Tổ chức trường lớp, thực hiện chính sách phát triển giáo dục, tuyển chọn
nhân tài giúp vua trị nước, các vua Nguyễn đã ra sức chăm lo mở trường lớp, xây
dựng một hệ thống giáo dục tương đối hoàn bị từ trung ương đến địa phương.
Ở Trung ương, có hệ thống nhà học của vua, hoàng thân, trường Quốc Tử
giám… Nhà học của vua được xây dựng để phục vụ cho việc học tập, bổ sung kiến
thức, nhà học thường được các vị vua xếp đặt ở những nơi yên tĩnh. Sau khi lên
ngôi, các vua Nguyễn vẫn không ngừng học tập. Năm 1810, vua Gia Long sai xây
dựng điện Dưỡng Tâm làm nơi vua đến đọc sách và nghĩ ngơi khi nhàn rỗi. Sang
thời Minh Mạng cho xây dựng thêm Trí Nhân đường (1821) để những khi rỗi việc
vua đến dạo chơi, câu cá và Điếu Ngư đình dùng làm nơi đọc sách, làm thơ. Năm
1848, sau khi lên ngôi, vua Tự Đức chuẩn y cho mở tòa Kinh Diên tức viện Tập
Hiền nhằm phục vụ cho việc học… Như vậy, nhà học là nơi phục vụ cho công việc
học tập của vua, “Từ vua Gia Long cho đến vua Tự Đức có những nhà học chính:
27
Điện Dưỡng Tâm (Gia Long), Trí Nhân đường (Minh Mạng), tòa Kinh Diên, tức
viện Tập Hiền (Tự Đức)” [31, tr.28].
Các vua đầu triều Nguyễn rất quan tâm đến việc học của con cái, các Thái tử
là những vị vua đứng đầu, trị vì đất nước trong tương lai nên việc học được các vua
đặc biệt quan tâm. Năm 1817, Tập Thiện đường được thiết lập làm nhà học cho các
hoàng tử, việc tuyển thầy dạy học ở Giảng đường cũng được triều đình chú trọng.
Bên cạnh đó, triều đình cho xây dựng Tôn học đường, dùng làm nhà học cho con
cháu các Hoàng thân. Trường được vua Tự Đức chuẩn y xây dựng vào năm 1850,
đến năm 1851 trường được xây xong. Tuy nhiên, Tôn học đường chỉ hoạt động
trong một thời gian ngắn. Vì hoạt động không hiệu quả, năm 1871, vua Tự Đức cho
bỏ nhà Tôn học, giao về cho gia đình quản lý rèn dạy, nếu sau này tiến bộ hơn thì
cho vào trường Giám để học tiếp hay đi dự kỳ thi quốc gia.
Quốc Tử giám, trường Quốc Tử giám lần đầu tiên được thành lập dưới thời
nhà Lý năm 1076 ở kinh đô Thăng Long. Danh xưng Quốc Tử giám cũng được biến
đổi qua các thời kỳ. Năm Quý Sửu (1253) được gọi là Quốc Học viện, Quốc Tử viện.
Năm 1483 được gọi là nhà Thái Học. Năm 1721 được đổi thành trường Quốc học
Dưới triều Nguyễn trường Quốc Tử giám được dựng vào năm 1803 tại kinh
đô Huế với tên là nhà Quốc học. Năm Tân Tỵ (1821) vua Minh Mạng chính thức
đổi thành Quốc Tử giám. “Trong hệ thống giáo dục ở trung ương thời Nguyễn,
Quốc Tử giám được xem là trung tâm giáo dục - đào tạo lớn nhất nước” [31, tr.22].
Dưới thời nhà Nguyễn, triều đình đã quan tâm đến việc học ngoại ngữ, trong
đó, vua Minh Mạng là người đầu tiên để tâm đến vấn đề ngoại ngữ. Nhà vua cho lập
Tứ Dịch quán, sai quan ở bộ xem xét, định khóa trình cho học tập ngôn ngữ và văn
tự ngoại quốc, chủ yếu là tiếng Xiêm, tiếng Lào, tiếng Pháp.
Để phục vụ cho việc học ở kinh đô, triều đình đã cho xây dựng hệ thống thư
viện, trước là để xử lý các vấn đề làm tư liệu cho việc viết sổ sách của triều đại, sau là
để phục vụ cho công việc học tập, đọc sách của nhà vua và các hoàng tử. Từ đó các thư
viện Thái Bình Lâu, thư viện Sử quán, Tàng Thư lâu, thư viện Nội Các, thư viện Tự
Khuê, ngoài ra còn có Tân Thơ viện, thư viện Bảo Đại… được thành lập về sau này.
28
Ở địa phương, hệ thống trường học được thành lập đến tận phủ, huyện, có
các quan chức giáo dục trông coi việc học. Trường tỉnh có chức Đốc học, trường
phủ có chức Giáo thụ, trường huyện có chức Huấn đạo làm nhiệm vụ quản lý việc
dạy học trong địa hạt. Đến thời Tự Đức (1864 - 1875), nước ta có 31 tỉnh và đạo, chia
làm 321 phủ và huyện, tổng số trường học ở tỉnh, phủ, huyện là 158 trường… Tính
trung bình trên toàn quốc cứ 2 huyện có một trường học quốc lập, vào khoảng 5570
suất đinh thì có 1 trường học. Tuy nhiên, dưới thời nhà Nguyễn, trường quốc lập chưa
được mở đến cấp xã. Ở các tổng, xã, ấp là các trường học dân lập hay tư thục. Đó là
các trường do các thầy đồ, các Nho sĩ mở ra để dạy dỗ con em nhân dân trong làng
như các triều đại trước đó.
Để phụ trách việc học, nhà Nguyễn chú trọng đặt các chức học quan, triều
đình đặt ra các chức Đốc học, Giáo thụ, Huấn đạo do triều đình quản lý. Ở cấp tỉnh
có chức Đốc học, có nhiệm vụ làm thanh tra học vấn, tước quan hàm ngũ phẩm. Ở
phủ có chức Giáo thụ, là giám độc học vấn, tước quan hàm thất phẩm. Ở huyện có
chức Huấn đạo, phụ trách giảng dạy, tước quan hàm bát phẩm. Việc tuyển chọn các
học quan được triều đình rất quan tâm, phải là người có văn học, có tuổi tác, hoặc
do thăng thụ, hoặc do điệu bổ phải làm sớ nêu rõ để chờ thăng bổ. Các đốc học
được chọn trong số các Tiến sĩ, các giáo thụ, huấn đạo được chọn trong các cử
nhân, tú tài. Việc chọn lọc người có học rộng tài cao để bổ chức học quan của triều
đình Nguyễn là rất đúng, tuy nhiên trong đó có yêu cầu về độ tuổi là phải từ 40 tuổi
trở lên là một hạn chế trong việc tuyển chọn quan lại, không tận dụng hết được nhân
tài trong nhân dân.
Việc đặt học quan ở địa phương được các vua Nguyễn chú ý đến bắt đầu từ
thời vua Gia Long, trong các năm tiếp theo, triều đình quy định thêm về việc đặt các
chức Đốc học, Giáo thụ, Huấn đạo và trợ giáo như:
“Ở các tỉnh lớn, giáo dục, khoa cử đã phát triển thì mỗi tỉnh đặt một
đốc học, một số tỉnh đặt thêm phó đốc học. Ở các phủ, huyện lớn cũng vậy,
mỗi phủ đặt một giáo thụ và mỗi huyện đặt một huấn đạo. Ở một số huyện
ở xa, giáo dục ít phát triển, số học trò chưa nhiều thì các tri huyện, tri châu
có thể kiêm luôn chức huấn đạo” [91, tr.51].
29
Bên cạnh những quy định cụ thể, triều đình rất quan tâm, chú ý đến tình hình
phát triển giáo dục của các địa phương. Địa phương nào có số học trò ngày càng tăng
thì triều đình sẽ kịp thời ra chiếu chỉ bổ sung học quan, địa phương nào xét thấy chưa
cần thiết thì có thể rút bớt hoặc chuyển sang công việc khác, hoặc do quan địa
phương đứng đầu kiêm nhiệm, hoặc do học quan địa phương khác phụ trách.
Để khuyến khích, biểu dương việc học, triều đình cho lập Văn Miếu thờ
Khổng Tử. Việc xây dựng Văn Miếu nhằm nêu rõ sự tôn trọng giáo dục, khoa cử
của triều đình. Các vua nhà Nguyễn cũng tỏ lòng ngưỡng mộ Nho học, nêu rõ việc
tôn sư trọng đạo bằng những cuộc tự thân tế lễ Khổng Tử ở Văn Miếu.
“Văn Miếu đời Nguyễn được tiến hành xây dựng và di chuyển qua ba
địa điểm: làng Triều Sơn, làng Lương Quán và làng Long Hồ. Tới đầu
thời vua Gia Long (1808), Văn Miếu chính thức của triều Nguyễn được
xây dựng quy mô trên đất thôn An Bình, nay thuộc làng An Ninh. Quốc
Tử giám cũng được đặt ở nơi này” [91, tr.47].
Cùng với việc xây dựng Văn Miếu thờ Khổng Tử, triều đình cho lập các bia
Tiến sĩ. Từ thời vua Minh Mạng, triều đình bắt đầu mở các khoa thi Đình, bia đề tên
tiến sĩ bắt đầu được xây dựng từ năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Minh Mệnh thứ 3
(1822). “Tính tới khoa thi cuối cùng, khoa Kỷ Mùi (1919) niên hiệu Khải Định thứ
4, tất cả có 32 bia đề tên tiến sĩ đã được dựng” [91, tr.48] của 292 vị Tiến sĩ thi đậu
dưới triều Nguyễn. Ngoài 32 tấm bia tiến sĩ trên, ở Văn Miếu - Quốc Tử giám còn
có hai tấm bia dựng ở hai bên sân, khắc đạo dụ của vua Minh Mạng về việc dùng
hoạn quan và đạo dụ của vua Triệu Trị về việc dùng ngoại thích. Việc dựng Văn
Miếu dưới triều đình nhà Nguyễn cũng như các triều đại trước đó góp phần khích
lệ, nêu gương học hành, khoa cử của các nhân tài Nho học.
1.3.3. Tình hình thi cử dưới triều Nguyễn
Truyền thống thi cử ở nước ta bắt đầu từ thời nhà Lý, trải qua các triều đại
phong kiến việc tuyển chọn quan lại bằng con đường khoa cử đã được phát triển và
ngày một hoàn thiện. Học hành đỗ đạt và được cử ra làm quan là con đường chính quy
để mọi người, không kể thuộc thành phần xuất thân, được đến với chốn quan trường, từ
đó tuyển lựa đội ngũ quan lại phục vụ cho bộ máy nhà nước quân chủ trung ương tập
quyền. Phan Huy Chú đã từng khẳng định: “Con đường tìm người tài giỏi, trước hết là
30
khoa mục. Phàm muốn thu hút người tài năng, tuấn kiệt vào trong phạm vi của mình,
thì người làm vua một nước không thể nào không có khoa cử” [22, tr.5]
Tuy nhiên, trong gần ba thế kỷ đất nước bị chia cắt, việc học hành thi cử có
lúc bị gián đoạn, tổ chức khó khăn. Sau khi lên ngôi, tiếp nối truyền thống khoa cử
của các triều đại phong kiến trước đó, vua Gia Long đã có nhiều biện pháp khắc
phục nền giáo dục và cho tổ chức các kỳ thi nhằm tuyển chọn nhân tài. Ông cho
rằng: “Khoa mục là con đường bằng phẳng của học trò thực không thể thiếu được.
Phải nên giáo dục thành tài, rồi sau thi Hương, thi Hội lần lượt được cử hành, thì
người hiền tài nối nhau lên giúp việc” [50, tr.558].
Năm Đinh Mão (1807) vua Gia Long xuống chiếu: “Nhà nước cầu nhân tài,
ắt nhằm vào khoa mục. Về quy chế khoa cử ở tiền triều ta, các đời có cử hành…
Nay thiên hạ đã yên, Bắc, Nam cùng một đường lối, mở mang chính trị giáo hóa,
đúng là phải thời” [67, tr.13]. Rồi vua định lệ tháng 10 năm đó tổ chức kỳ thi
Hương, đó là kỳ thi đầu tiên dưới triều Nguyễn. Kỳ thi này chia làm 4 trường:
Trường nhất thi Kinh nghĩa, trường nhì thi Chiếu, Chế, Biểu, trường ba thi thơ
Đường, Phú, trường tư thi Văn sách. Người trúng tuyển gọi là Hương cống, phỏng
theo lối thi cử nhà Lê.
Sau khi lên ngôi, Minh Mạng xuống chiếu rằng: “Tuyển cử người hiền năng
là việc lớn của nhà vua, vậy Quốc gia lấy người, phần nhiều theo trong khoa mục
chọ dùng. Trẫm từ khi lên ngự trị đến giờ, thường nghĩ đến cất nhắc các nhân tài”
[89, tr.1509]. Khi khoa cử ngày càng hoàn bị, triều đình rút ngắn thời gian tổ chức
thi cử và mở nhiều khoa thi khác nhau. Minh Mạng định ra phép ba năm một lần thi
thay cho sáu năm thi một lần dưới thời vua Gia Long. Theo đó, khoa thi Hương vào
năm Tý, Mão, Ngọ và Dậu. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), triều đình cho tổ chức
khoa thi Hội đầu tiên, Tiến sĩ triều Nguyễn cũng bắt đầu lấy đỗ từ đây. Khoa thi Hội
tổ chức vào năm Thìn, Mùi, Sửu và Tuất. Sau thi Hội, triều đình cho tổ chức thi
Đình để phân hạng cao thấp. Bên cạnh đó, nhằm mục đích tuyển chọn thêm nhân tài
bổ sung cho bộ máy quan lại, ngoài chính khoa còn có Ân khoa, Chế khoa. Ân khoa
thi Hương được tổ chức đầu tiên vào năm 1821, Ân khoa thi Hội tổ chức năm 1822
31
dưới đời vua Minh Mạng. Kỳ thi Chế khoa được tổ chức đầu tiên năm 1850 dưới
đời vua Tự Đức, kỳ thi Nhã sĩ khoa tổ chức vào năm 1865.
Việc tổ chức các khoa thi có quy định cụ thể và chặt chẻ từ địa điểm thi, thời
gian thi cho đến đối tượng tham gia dự thi. Trước khi tham dự kỳ thi Hương, các thí
sinh phải trải qua kỳ khảo hạch ở địa phương, triều đình quy định trường thi Hương
theo từng khu vực. Về thời gian, các khoa thi được tổ chức theo từng năm giống
nhau nhưng các địa phương thi vào ngày nào, tháng nào thì khác nhau. Khoa thi
Hương đầu tiên tổ chức năm Đinh Mão (1807).
Trong hơn 1 thế kỷ chế độ thi cử Nho học dưới triều Nguyễn với nội dung
các môn thi, đề thi, thể lệ, quy chế về thi cử hầu như phục hồi lại theo lệ cũ của đời
Lê. Tuy nhiên, nhà Nguyễn đã bớt đi một số quy định như hạn chế việc khắc tên các
tân khoa vào bia đá, không lấy đỗ Trạng nguyên. Từ năm 1828, dưới thời vua Minh
Mạng những người đỗ Hương cống gọi là Cử nhân, những người đỗ Sinh đồ gọi là
Tú tài. Năm 1929, lại phân ra những người thi Hội đỗ lớp dưới gọi là Phó bảng.
Trong khi thi Hương được tổ chức theo từng địa phương, thì thi Hội và thi
Đình đều được tổ chức ở kinh đô. Thi Hội được tổ chức vào các năm Thìn, Tuất,
Mùi, Sửu, thường được tổ chức vào mùa xuân. Kỳ thi Hội đầu tiên được tổ chức
vào tháng 3 dưới thời vua Minh Mạng (1822). Kỳ thi Đình được tổ chức một đến
hai tháng sau, có khi là ba tháng sau khi thi Hội. Thi Đình được tổ chức nhằm phân
hạng cao thấp những người đỗ Tiến sĩ trong kỳ thi Hội. Tuy nhiên, do số lượng đỗ
bảng chính ít nên vua lượng xét cho những người đỗ Phó bảng cũng được vào thi
Đình, như năm Tự Đức thứ 30 và năm Tự Đức thứ 33. Dưới triều Nguyễn, triều
đình không lấy đỗ Trạng nguyên.
Tóm lại, ngay sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã rất quan tâm đến đào tạo và
tuyển chọn nhân tài. Đến thời vua Minh Mạng, việc đào tạo tuyển chọn nhân tài
ngày càng được chấn chỉnh, mở mang và đi vào nề nếp, quy củ. Tất cả đều nhằm
mục đích tuyển chọn thêm người tài bổ sung cho bộ máy nhà nước. Từ năm Đinh
Mão (1807), khi vua Gia Long cho mở khoa thi Hương đầu tiên đến năm Mậu Ngọ
Khải Định thứ 3 (1918), nhà Nguyễn đã tổ chức được 47 khoa thi Hương, lấy đỗ
5226 Cử nhân. Ở kỳ thi Hội, từ khoa thi đại khoa đầu tiên vào năm Nhâm Ngọ Minh
32
Mạng thứ 3 (1822) đến năm Kỷ Mùi Khải Đinh thứ 4 (1919), nhà Nguyễn tổ chức
được 39 khoa thi Hội, lấy đỗ 558 người. Trong đó có 292 Tiến sĩ, 266 Phó bảng.
Tiểu kết chương 1: Suốt cả một quá trình lịch sử chia cắt đất nước là quá
trình nhân dân Quảng Trị đứng lên đấu tranh và cũng là quá trình gồng mình lên
chống đỡ thiên tai dồn dập. Khói lửa chiến tranh, bão tố, lũ lụt cùng những xáo trộn,
chia cắt... là một thực tế nghiệt ngã, tàn phá nặng nề vùng đất này và đã làm cho con
người phải chịu biết bao gian khổ, mất mát, đau thương. Chính trong hoàn cảnh đó
nhân dân Quảng Trị lại không ngừng nổ lực vươn lên. Những Nho sĩ cố gắng dùi
mài kinh sử đợi ngày ứng thí không ngoài mục đích tiến lên làm quan nhằm thay
đổi vận mệnh. Dưới triều Nguyễn, nhiều Nho sĩ Quảng Trị đã đỗ đạt cao và góp
phần không nhỏ cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Tiếp nối truyền thống giáo dục và khoa cử của các triều đại trước đó, Triều
Nguyễn đã quan tâm phát triển giáo dục nhằm mục đích tuyển chọn nhân tài. Các
vua Nguyễn đã ban hành nhiều chính sách phát triền giáo dục và khoa cử, cùng với
việc xây dựng hệ thống trường lớp từ trung ương đến địa phương, triều đình cho tổ
chức đều đặn các khoa thi; thực hiện các chính sách ưu đãi, nhất là những chính
sách đãi ngộ cùng những định lệ mang tính đặc ân đối với những người đỗ đạt; gắn
liền với việc phát triển đội ngũ học quan là những quy chế thưởng phạt rõ ràng đối
với tầng lớp này nhằm không ngừng nâng cao năng lực của đội ngũ thầy đồ cũng
như thúc đẩy sự phát triển của giáo dục; nhà nước dành cho học quan chế độ lương
bổng và có vị trí xứng đáng trong xã hội. Điều này đã minh chứng rằng, việc tổ
chức các khoa thi dưới triều Nguyễn không ngoài mục đích tuyển chọn nhân tài
trong các tầng lớp nhân dân, thể hiện chủ trương chiêu hiền đãi sĩ trong việc tuyển
dụng bộ máy thống trị đất nước, tạo nên nguồn động viên, khuyến khích kẻ sĩ tham
gia khoa cử.
33
CHƢƠNG 2. TỔ CHỨC GIÁO DỤC VÀ KẾT QUẢ THI CỬ NHO
HỌC Ở QUẢNG TRỊ DƢỚI TRIỀU NGUYỄN
2.1. Tổ chức giáo dục Nho học ở Quảng Trị dƣới triều Nguyễn
2.1.1. Dựng Văn Miếu, Văn Thánh, Văn Từ, Văn Chỉ để xiển dương Nho học
Việc xây dựng Văn Miếu thể hiện sự tôn kính đối với người lập ra Nho giáo,
hệ tư tưởng chính thống của các triều đại quân chủ. Cùng với việc mở mang học
tập, truyền bá Nho học, nhà Nguyễn cho xây dựng Văn Miếu để thờ Khổng Tử cùng
Tứ Phối và các đấng hiền triết. Nối tiếp truyền thống khoa cử ở thời Lê và thời chúa
Nguyễn, vua Gia Long đã có nhiều biện pháp nhằm khôi phục lại nền giáo dục và
thi cử: “Cho lập văn miếu ở Kinh Đô Huế, sửa lại văn miếu ở Thăng Long, khuyến
khích việc xây dựng các Văn Thánh ở các doanh trấn để thờ Khổng Tử và Thất
Thập Nhị Hiền” [16, tr.254]. Vua Gia Long đã dựng Văn Miếu ở các dinh, trấn,
“Năm 1808 vua sai bộ Lễ bàn định quy chế Văn Miếu ở các thành, doanh, trấn.
Quy chế Văn miếu thì chính đường 3 gian, 4 chái, tiền đường 5 gian, 2 chái, phía
hữu dựng đền Khải Thánh 3 gian, 2 chái” [31, tr.38].
Sau cải cách hành chính của vua Minh Mạng, đất nước chia làm 31 tỉnh thành.
“Ngoài Văn Miếu lớn được lập ở kinh đô Huế, còn lại 30 tỉnh chỉ có 3 tỉnh chưa
dựng Văn miếu là Hà Tiên, Định Tường và An Giang” [31, tr.38].
Ở Quảng Trị, kế thừa truyền thống khoa cử Nho học ngoài Bắc của các dòng
họ ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh di dân vào sinh sống nơi đây đã có ý thức tôn
sùng Nho học. Bên cạnh đó, dưới thời chúa Nguyễn, định đô ở Thuận Hóa cũng có
những chính sách phát triển giáo dục, tuyển chọn nhân tài, nhất là dưới tác động của
chính sách phát triển giáo dục Nho học dưới triều Nguyễn. Nhằm mục đích tôn sùng
Nho học, khuyến khích con cháu học tập, ngoài Văn Miếu được triều đình dựng lên
ở tỉnh, còn cho dựng Văn Thánh ở các phủ, huyện; nhiều làng xã cho dựng Văn Từ,
Văn Chỉ để thờ Khổng Tử và các đấng hiền triết. Hiện nay, các làng xã có thói quen
gọi miếu thờ Khổng Tử ở địa phương là Văn Thánh như làng Câu Nhi, làng Hưng
Nhơn ở Hải Lăng. Tuy nhiên, theo các học giả nghiên cứu về giáo dục và khoa cử
Nho học cho rằng: Văn Miếu được dựng ở Kinh đô, ngoài ra, triều đình còn cho
34
dựng Văn Miếu ở các tỉnh; miếu thờ Khổng Tử ở cấp phủ, huyện gọi là Văn Thánh.
Đối với miếu thờ Khổng Tử ở làng xã, theo tác giả Phan Kế Bính trong tác phẩm
Việt Nam Phong tục thì đó là Văn Từ, Văn Chỉ: “Mỗi làng có một Văn từ hoặc Văn
chỉ. Đàn lộ thiên gọi là Văn chỉ, có lợp mái gọi là Văn từ” [18, tr.116].
Văn Miếu tỉnh Quảng Trị được triều đình xây dựng ở xã An Đôn, huyện
Đăng Xương (nay thuộc thị xã Quảng Trị). Sách Đại Nam nhất thống chí có chép
về Văn Miếu ở đạo Quảng Trị: “Ở xã An Đôn, huyện Đăng Xương, đầu bản triều,
Văn Miếu ở xã Phúc Mỹ, năm Gia Long thứ 13 dời đến xã Thạch Hãn, huyện Hải
Lăng; năm Minh Mệnh thứ 21 dời đến chổ hiện nay; năm Tự Đức thứ 7, để cho đạo
Quảng Trị thờ” [75, tr.194]. Tuy nhiên, Văn Miếu hiện nay không còn vết tích.
Theo tài liệu điều tra điền dã, dấu tích của Văn Miếu được dựng trong khuôn viên
của trường Trung học cơ sở Nguyễn Tất Thành, phường An Đôn, thị xã Quảng Trị.
Theo thầy giáo Lê Anh Bộ, nguyên Phó hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Nguyễn
Tất Thành, phường An Đôn cho biết: “vào thời điểm năm 1978 thì vẫn còn nền móng
của Văn Miếu, nhưng do không có chính sách trùng tu nên Văn Miếu bị lấp dần theo
thời gian” [108]. Thầy Bộ cho biết: “Hiện tại, Văn Miếu ở vị trí bên phải của cổng
trường Trung học cơ sở Nguyễn Tất Thành, phường An Đôn” [xem phụ lục 5].
Bên cạnh Văn Miếu do triều đình dựng lên, Huyện Địa Linh (đời Đồng
Khánh đổi làm huyện Gio Linh) cho xây dựng Văn Thánh. Văn Thánh được xây
dựng ở xã Kim Đâu (nay thuộc xã Cam An, huyện Cam Lộ). Văn Thánh còn khá
nguyên vẹn, được xây dựng trên một khu đất khá rộng ở phía trước chùa Kim Sơn,
Văn Thánh quay về hướng Nam gồm cổng chính, bình phong và khu vực thờ tự
[xem phụ lục 4]. Tại làng Kim Đâu có Hội Khổng Tử được thành lập cùng với việc
xây dựng Văn Thánh, nhằm mục đích tế lễ, hương khói và đặc biệt là khuyên răn
con cháu học hành. Hội gồm khoảng 30 người, trước đây có thành viên của các làng
lân cận nhưng hiện nay chỉ có thành viên trong làng tham gia. Hiện nay, Hội vẫn
duy trì việc tế lễ và hương khói tại Văn Thánh, “lễ tế Khổng Tử được tổ chức mỗi
năm 1 lần vào ngày Đinh của tháng 2 âm lịch do Hội trưởng làm chủ tế. Ngoài ra,
Hội giao cho ông Hà Văn Bang, trưởng thôn Kim Đâu trong coi Văn Thánh và
hương khói vào ngày rằm, lễ tết” [113].
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn
Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn

More Related Content

What's hot

Luận văn HAY: Quản lý hoạt động văn hóa học đường của học sinh trung học phổ ...
Luận văn HAY: Quản lý hoạt động văn hóa học đường của học sinh trung học phổ ...Luận văn HAY: Quản lý hoạt động văn hóa học đường của học sinh trung học phổ ...
Luận văn HAY: Quản lý hoạt động văn hóa học đường của học sinh trung học phổ ...Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Skkn mon lich su chon
Skkn mon lich su chonSkkn mon lich su chon
Skkn mon lich su chonHoa Phượng
 
Nghiên Cứu Văn Hoá Đọc Của Sinh Viên Tại Trung Tâm Thông Tin Thông Tin – Thư ...
Nghiên Cứu Văn Hoá Đọc Của Sinh Viên Tại Trung Tâm Thông Tin Thông Tin – Thư ...Nghiên Cứu Văn Hoá Đọc Của Sinh Viên Tại Trung Tâm Thông Tin Thông Tin – Thư ...
Nghiên Cứu Văn Hoá Đọc Của Sinh Viên Tại Trung Tâm Thông Tin Thông Tin – Thư ...nataliej4
 
Sáng kiến kinh nghiệm sử 7: Một số biện pháp giúp học sinh học tốt môn lịch s...
Sáng kiến kinh nghiệm sử 7: Một số biện pháp giúp học sinh học tốt môn lịch s...Sáng kiến kinh nghiệm sử 7: Một số biện pháp giúp học sinh học tốt môn lịch s...
Sáng kiến kinh nghiệm sử 7: Một số biện pháp giúp học sinh học tốt môn lịch s...Học Tập Long An
 
Th s33.015 hát quan lang của người tày ở thạch an cao bằng tiếp cận dưới góc ...
Th s33.015 hát quan lang của người tày ở thạch an cao bằng tiếp cận dưới góc ...Th s33.015 hát quan lang của người tày ở thạch an cao bằng tiếp cận dưới góc ...
Th s33.015 hát quan lang của người tày ở thạch an cao bằng tiếp cận dưới góc ...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Th s33.017 nghệ thuật xây dựng hình tượng người công nhân mỏ trong tiểu thuyế...
Th s33.017 nghệ thuật xây dựng hình tượng người công nhân mỏ trong tiểu thuyế...Th s33.017 nghệ thuật xây dựng hình tượng người công nhân mỏ trong tiểu thuyế...
Th s33.017 nghệ thuật xây dựng hình tượng người công nhân mỏ trong tiểu thuyế...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Kho tàng lễ hội cổ truyền Việt Nam
Kho tàng lễ hội cổ truyền Việt NamKho tàng lễ hội cổ truyền Việt Nam
Kho tàng lễ hội cổ truyền Việt NamPham Long
 
Th s33.012 tìm hiểu chú giải văn học trung đại việt nam trong sách giáo khoa ...
Th s33.012 tìm hiểu chú giải văn học trung đại việt nam trong sách giáo khoa ...Th s33.012 tìm hiểu chú giải văn học trung đại việt nam trong sách giáo khoa ...
Th s33.012 tìm hiểu chú giải văn học trung đại việt nam trong sách giáo khoa ...https://www.facebook.com/garmentspace
 

What's hot (17)

Luận án: Ảnh hưởng văn học dân gian trong truyện thiếu nhi, HAY
Luận án: Ảnh hưởng văn học dân gian trong truyện thiếu nhi, HAYLuận án: Ảnh hưởng văn học dân gian trong truyện thiếu nhi, HAY
Luận án: Ảnh hưởng văn học dân gian trong truyện thiếu nhi, HAY
 
Luận văn HAY: Quản lý hoạt động văn hóa học đường của học sinh trung học phổ ...
Luận văn HAY: Quản lý hoạt động văn hóa học đường của học sinh trung học phổ ...Luận văn HAY: Quản lý hoạt động văn hóa học đường của học sinh trung học phổ ...
Luận văn HAY: Quản lý hoạt động văn hóa học đường của học sinh trung học phổ ...
 
Đặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAY
Đặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAYĐặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAY
Đặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAY
 
Skkn mon lich su chon
Skkn mon lich su chonSkkn mon lich su chon
Skkn mon lich su chon
 
Nghiên Cứu Văn Hoá Đọc Của Sinh Viên Tại Trung Tâm Thông Tin Thông Tin – Thư ...
Nghiên Cứu Văn Hoá Đọc Của Sinh Viên Tại Trung Tâm Thông Tin Thông Tin – Thư ...Nghiên Cứu Văn Hoá Đọc Của Sinh Viên Tại Trung Tâm Thông Tin Thông Tin – Thư ...
Nghiên Cứu Văn Hoá Đọc Của Sinh Viên Tại Trung Tâm Thông Tin Thông Tin – Thư ...
 
Sáng kiến kinh nghiệm sử 7: Một số biện pháp giúp học sinh học tốt môn lịch s...
Sáng kiến kinh nghiệm sử 7: Một số biện pháp giúp học sinh học tốt môn lịch s...Sáng kiến kinh nghiệm sử 7: Một số biện pháp giúp học sinh học tốt môn lịch s...
Sáng kiến kinh nghiệm sử 7: Một số biện pháp giúp học sinh học tốt môn lịch s...
 
Đề tài: Tích hợp kiến thức Văn học, Địa lí trong dạy học Lịch sử lớp 12
Đề tài: Tích hợp kiến thức Văn học, Địa lí trong dạy học Lịch sử lớp 12Đề tài: Tích hợp kiến thức Văn học, Địa lí trong dạy học Lịch sử lớp 12
Đề tài: Tích hợp kiến thức Văn học, Địa lí trong dạy học Lịch sử lớp 12
 
Đề tài: Trò chơi trong giờ học âm nhạc trường Sư phạm, HAY, 9đ
Đề tài: Trò chơi trong giờ học âm nhạc trường Sư phạm, HAY, 9đĐề tài: Trò chơi trong giờ học âm nhạc trường Sư phạm, HAY, 9đ
Đề tài: Trò chơi trong giờ học âm nhạc trường Sư phạm, HAY, 9đ
 
Đề tài: Dạy môn Âm nhạc tại trường THCS Trần Bình Trọng, HAY
Đề tài: Dạy môn Âm nhạc tại trường THCS Trần Bình Trọng, HAYĐề tài: Dạy môn Âm nhạc tại trường THCS Trần Bình Trọng, HAY
Đề tài: Dạy môn Âm nhạc tại trường THCS Trần Bình Trọng, HAY
 
Luận văn: Phát triển năng lực tự học với sách giáo khoa của học sinh
Luận văn: Phát triển năng lực tự học với sách giáo khoa của học sinhLuận văn: Phát triển năng lực tự học với sách giáo khoa của học sinh
Luận văn: Phát triển năng lực tự học với sách giáo khoa của học sinh
 
Đề tài: Dạy học hát cho sinh viên Cao đẳng Sư phạm Âm nhạc, HOT
Đề tài: Dạy học hát cho sinh viên Cao đẳng Sư phạm Âm nhạc, HOTĐề tài: Dạy học hát cho sinh viên Cao đẳng Sư phạm Âm nhạc, HOT
Đề tài: Dạy học hát cho sinh viên Cao đẳng Sư phạm Âm nhạc, HOT
 
Th s33.015 hát quan lang của người tày ở thạch an cao bằng tiếp cận dưới góc ...
Th s33.015 hát quan lang của người tày ở thạch an cao bằng tiếp cận dưới góc ...Th s33.015 hát quan lang của người tày ở thạch an cao bằng tiếp cận dưới góc ...
Th s33.015 hát quan lang của người tày ở thạch an cao bằng tiếp cận dưới góc ...
 
Th s33.017 nghệ thuật xây dựng hình tượng người công nhân mỏ trong tiểu thuyế...
Th s33.017 nghệ thuật xây dựng hình tượng người công nhân mỏ trong tiểu thuyế...Th s33.017 nghệ thuật xây dựng hình tượng người công nhân mỏ trong tiểu thuyế...
Th s33.017 nghệ thuật xây dựng hình tượng người công nhân mỏ trong tiểu thuyế...
 
Kho tàng lễ hội cổ truyền Việt Nam
Kho tàng lễ hội cổ truyền Việt NamKho tàng lễ hội cổ truyền Việt Nam
Kho tàng lễ hội cổ truyền Việt Nam
 
Th s33.012 tìm hiểu chú giải văn học trung đại việt nam trong sách giáo khoa ...
Th s33.012 tìm hiểu chú giải văn học trung đại việt nam trong sách giáo khoa ...Th s33.012 tìm hiểu chú giải văn học trung đại việt nam trong sách giáo khoa ...
Th s33.012 tìm hiểu chú giải văn học trung đại việt nam trong sách giáo khoa ...
 
Luận văn: Tư tưởng Nho, Phật của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dữ
Luận văn: Tư tưởng Nho, Phật của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn DữLuận văn: Tư tưởng Nho, Phật của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dữ
Luận văn: Tư tưởng Nho, Phật của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dữ
 
Quản lý quá trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trung học cơ sở...
Quản lý quá trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trung học cơ sở...Quản lý quá trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trung học cơ sở...
Quản lý quá trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trung học cơ sở...
 

Similar to Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn

Luận văn thạc sĩ sư phạm.
Luận văn thạc sĩ sư phạm.Luận văn thạc sĩ sư phạm.
Luận văn thạc sĩ sư phạm.ssuser499fca
 
Quá trình du nhập khoa học, kỹ thuật Phương Tây vào Việt Nam
Quá trình du nhập khoa học, kỹ thuật Phương Tây vào Việt NamQuá trình du nhập khoa học, kỹ thuật Phương Tây vào Việt Nam
Quá trình du nhập khoa học, kỹ thuật Phương Tây vào Việt NamDịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
Luận văn: Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản
Luận văn: Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Nhật BảnLuận văn: Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản
Luận văn: Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Nhật BảnDịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
Sử dụng tài liệu về di sản văn hóa vật thể ở địa phương trong dạy học lịch sử...
Sử dụng tài liệu về di sản văn hóa vật thể ở địa phương trong dạy học lịch sử...Sử dụng tài liệu về di sản văn hóa vật thể ở địa phương trong dạy học lịch sử...
Sử dụng tài liệu về di sản văn hóa vật thể ở địa phương trong dạy học lịch sử...jackjohn45
 
Khóa luận sư phạm lịch sử.
Khóa luận sư phạm lịch sử.Khóa luận sư phạm lịch sử.
Khóa luận sư phạm lịch sử.ssuser499fca
 
Khóa luận sư phạm lịch sử.
Khóa luận sư phạm lịch sử.Khóa luận sư phạm lịch sử.
Khóa luận sư phạm lịch sử.ssuser499fca
 
Dạy học các tác phẩm thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương ở trung học phổ thông theo h...
Dạy học các tác phẩm thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương ở trung học phổ thông theo h...Dạy học các tác phẩm thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương ở trung học phổ thông theo h...
Dạy học các tác phẩm thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương ở trung học phổ thông theo h...nataliej4
 
Giáo dục đại học thế giới và việt nam tài liệu chuyên đề nghiệp vụ sư phạm
Giáo dục đại học thế giới và việt nam tài liệu chuyên đề nghiệp vụ sư phạmGiáo dục đại học thế giới và việt nam tài liệu chuyên đề nghiệp vụ sư phạm
Giáo dục đại học thế giới và việt nam tài liệu chuyên đề nghiệp vụ sư phạmjackjohn45
 
Luận văn thạc sĩ Giá trị đạo lý trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu với đời ...
Luận văn thạc sĩ Giá trị đạo lý trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu với đời ...Luận văn thạc sĩ Giá trị đạo lý trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu với đời ...
Luận văn thạc sĩ Giá trị đạo lý trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu với đời ...Dịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
Sử dụng phương pháp lôgic lịch sử vào nghiên cứu văn hóa làng xã việt nam 6...
Sử dụng phương pháp lôgic   lịch sử vào nghiên cứu văn hóa làng xã việt nam 6...Sử dụng phương pháp lôgic   lịch sử vào nghiên cứu văn hóa làng xã việt nam 6...
Sử dụng phương pháp lôgic lịch sử vào nghiên cứu văn hóa làng xã việt nam 6...jackjohn45
 
Luận Văn Thạc Sĩ Ngôn Ngữ Học về Quá trình tiếp nhận tác phẩm của tô hoài
Luận Văn Thạc Sĩ Ngôn Ngữ Học về Quá trình tiếp nhận tác phẩm của tô hoàiLuận Văn Thạc Sĩ Ngôn Ngữ Học về Quá trình tiếp nhận tác phẩm của tô hoài
Luận Văn Thạc Sĩ Ngôn Ngữ Học về Quá trình tiếp nhận tác phẩm của tô hoàiDịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
Luận văn: Phát triển năng lực đánh giá lịch sử của học sinh trong dạy học lịc...
Luận văn: Phát triển năng lực đánh giá lịch sử của học sinh trong dạy học lịc...Luận văn: Phát triển năng lực đánh giá lịch sử của học sinh trong dạy học lịc...
Luận văn: Phát triển năng lực đánh giá lịch sử của học sinh trong dạy học lịc...Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 

Similar to Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn (20)

Yếu tố văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Việt Nam (1986 - 2000)
Yếu tố văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Việt Nam (1986 - 2000)Yếu tố văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Việt Nam (1986 - 2000)
Yếu tố văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Việt Nam (1986 - 2000)
 
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAYBÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
BÀI MÂU Luận văn lịch sử văn hóa Việt Nam, 9 ĐIỂM, HAY
 
Luận văn thạc sĩ sư phạm.
Luận văn thạc sĩ sư phạm.Luận văn thạc sĩ sư phạm.
Luận văn thạc sĩ sư phạm.
 
Quá trình du nhập khoa học, kỹ thuật Phương Tây vào Việt Nam
Quá trình du nhập khoa học, kỹ thuật Phương Tây vào Việt NamQuá trình du nhập khoa học, kỹ thuật Phương Tây vào Việt Nam
Quá trình du nhập khoa học, kỹ thuật Phương Tây vào Việt Nam
 
Luận văn: Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản
Luận văn: Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Nhật BảnLuận văn: Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản
Luận văn: Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản
 
Sử dụng tài liệu về di sản văn hóa vật thể ở địa phương trong dạy học lịch sử...
Sử dụng tài liệu về di sản văn hóa vật thể ở địa phương trong dạy học lịch sử...Sử dụng tài liệu về di sản văn hóa vật thể ở địa phương trong dạy học lịch sử...
Sử dụng tài liệu về di sản văn hóa vật thể ở địa phương trong dạy học lịch sử...
 
Khóa luận sư phạm lịch sử.
Khóa luận sư phạm lịch sử.Khóa luận sư phạm lịch sử.
Khóa luận sư phạm lịch sử.
 
Khóa luận sư phạm lịch sử.
Khóa luận sư phạm lịch sử.Khóa luận sư phạm lịch sử.
Khóa luận sư phạm lịch sử.
 
Quá Trình Du Nhập Khoa Học, Kỹ Thuật Phương Tây Vào Việt Nam Thế Kỷ Xvi - Xviii
Quá Trình Du Nhập Khoa Học, Kỹ Thuật Phương Tây Vào Việt Nam Thế Kỷ Xvi - XviiiQuá Trình Du Nhập Khoa Học, Kỹ Thuật Phương Tây Vào Việt Nam Thế Kỷ Xvi - Xviii
Quá Trình Du Nhập Khoa Học, Kỹ Thuật Phương Tây Vào Việt Nam Thế Kỷ Xvi - Xviii
 
Dạy học các tác phẩm thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương ở trung học phổ thông theo h...
Dạy học các tác phẩm thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương ở trung học phổ thông theo h...Dạy học các tác phẩm thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương ở trung học phổ thông theo h...
Dạy học các tác phẩm thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương ở trung học phổ thông theo h...
 
Giáo dục đại học thế giới và việt nam tài liệu chuyên đề nghiệp vụ sư phạm
Giáo dục đại học thế giới và việt nam tài liệu chuyên đề nghiệp vụ sư phạmGiáo dục đại học thế giới và việt nam tài liệu chuyên đề nghiệp vụ sư phạm
Giáo dục đại học thế giới và việt nam tài liệu chuyên đề nghiệp vụ sư phạm
 
Luận văn: Văn xuôi Hồ Anh Thái từ góc nhìn Liên văn hóa, HAY
Luận văn: Văn xuôi Hồ Anh Thái từ góc nhìn Liên văn hóa, HAYLuận văn: Văn xuôi Hồ Anh Thái từ góc nhìn Liên văn hóa, HAY
Luận văn: Văn xuôi Hồ Anh Thái từ góc nhìn Liên văn hóa, HAY
 
Văn xuôi Trương Tửu trong văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX, HAY
Văn xuôi Trương Tửu trong văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX, HAYVăn xuôi Trương Tửu trong văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX, HAY
Văn xuôi Trương Tửu trong văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX, HAY
 
Luận văn thạc sĩ Giá trị đạo lý trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu với đời ...
Luận văn thạc sĩ Giá trị đạo lý trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu với đời ...Luận văn thạc sĩ Giá trị đạo lý trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu với đời ...
Luận văn thạc sĩ Giá trị đạo lý trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu với đời ...
 
Sử dụng phương pháp lôgic lịch sử vào nghiên cứu văn hóa làng xã việt nam 6...
Sử dụng phương pháp lôgic   lịch sử vào nghiên cứu văn hóa làng xã việt nam 6...Sử dụng phương pháp lôgic   lịch sử vào nghiên cứu văn hóa làng xã việt nam 6...
Sử dụng phương pháp lôgic lịch sử vào nghiên cứu văn hóa làng xã việt nam 6...
 
Luận Văn Thạc Sĩ Ngôn Ngữ Học về Quá trình tiếp nhận tác phẩm của tô hoài
Luận Văn Thạc Sĩ Ngôn Ngữ Học về Quá trình tiếp nhận tác phẩm của tô hoàiLuận Văn Thạc Sĩ Ngôn Ngữ Học về Quá trình tiếp nhận tác phẩm của tô hoài
Luận Văn Thạc Sĩ Ngôn Ngữ Học về Quá trình tiếp nhận tác phẩm của tô hoài
 
Luận văn: Yếu tố phong tục trong truyện cổ tích người Việt từ góc nhìn văn hoá
Luận văn: Yếu tố phong tục trong truyện cổ tích người Việt từ góc nhìn văn hoáLuận văn: Yếu tố phong tục trong truyện cổ tích người Việt từ góc nhìn văn hoá
Luận văn: Yếu tố phong tục trong truyện cổ tích người Việt từ góc nhìn văn hoá
 
Luận văn: Yếu tố phong tục trong truyện cổ tích người Việt, HAY
Luận văn: Yếu tố phong tục trong truyện cổ tích người Việt, HAYLuận văn: Yếu tố phong tục trong truyện cổ tích người Việt, HAY
Luận văn: Yếu tố phong tục trong truyện cổ tích người Việt, HAY
 
Đề tài nét tương đồng và khác biệt trong văn hóa mặc, ĐIỂM 8
Đề tài  nét tương đồng và khác biệt trong văn hóa mặc, ĐIỂM 8Đề tài  nét tương đồng và khác biệt trong văn hóa mặc, ĐIỂM 8
Đề tài nét tương đồng và khác biệt trong văn hóa mặc, ĐIỂM 8
 
Luận văn: Phát triển năng lực đánh giá lịch sử của học sinh trong dạy học lịc...
Luận văn: Phát triển năng lực đánh giá lịch sử của học sinh trong dạy học lịc...Luận văn: Phát triển năng lực đánh giá lịch sử của học sinh trong dạy học lịc...
Luận văn: Phát triển năng lực đánh giá lịch sử của học sinh trong dạy học lịc...
 

More from Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562

Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Kết Quả Kinh Doanh Của Các Công Ty Ngành...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Kết Quả Kinh Doanh Của Các Công Ty Ngành...Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Kết Quả Kinh Doanh Của Các Công Ty Ngành...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Kết Quả Kinh Doanh Của Các Công Ty Ngành...Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Vận Dụng Mô Hình Hồi Quy Ngưỡng Trong Nghiên Cứu Tác Động Của Nợ Lên Giá Trị ...
Vận Dụng Mô Hình Hồi Quy Ngưỡng Trong Nghiên Cứu Tác Động Của Nợ Lên Giá Trị ...Vận Dụng Mô Hình Hồi Quy Ngưỡng Trong Nghiên Cứu Tác Động Của Nợ Lên Giá Trị ...
Vận Dụng Mô Hình Hồi Quy Ngưỡng Trong Nghiên Cứu Tác Động Của Nợ Lên Giá Trị ...Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Cấu Trúc Vốn Của Doanh Nghiệp Ngành Hàng...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Cấu Trúc Vốn Của Doanh Nghiệp Ngành Hàng...Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Cấu Trúc Vốn Của Doanh Nghiệp Ngành Hàng...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Cấu Trúc Vốn Của Doanh Nghiệp Ngành Hàng...Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Hiệu Quả Kinh Doanh Của Các Doanh Nghiệp...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Hiệu Quả Kinh Doanh Của Các Doanh Nghiệp...Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Hiệu Quả Kinh Doanh Của Các Doanh Nghiệp...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Hiệu Quả Kinh Doanh Của Các Doanh Nghiệp...Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Hoàn Thiện Công Tác Thẩm Định Giá Tài Sản Bảo Đảm Trong Hoạt Động Cho Vay Tại...
Hoàn Thiện Công Tác Thẩm Định Giá Tài Sản Bảo Đảm Trong Hoạt Động Cho Vay Tại...Hoàn Thiện Công Tác Thẩm Định Giá Tài Sản Bảo Đảm Trong Hoạt Động Cho Vay Tại...
Hoàn Thiện Công Tác Thẩm Định Giá Tài Sản Bảo Đảm Trong Hoạt Động Cho Vay Tại...Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Biện Pháp Quản Lý Xây Dựng Ngân Hàng Câu Hỏi Kiểm Tra Đánh Giá Kết Quả Học Tậ...
Biện Pháp Quản Lý Xây Dựng Ngân Hàng Câu Hỏi Kiểm Tra Đánh Giá Kết Quả Học Tậ...Biện Pháp Quản Lý Xây Dựng Ngân Hàng Câu Hỏi Kiểm Tra Đánh Giá Kết Quả Học Tậ...
Biện Pháp Quản Lý Xây Dựng Ngân Hàng Câu Hỏi Kiểm Tra Đánh Giá Kết Quả Học Tậ...Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Giải Pháp Hạn Chế Nợ Xấu Đối Với Khách Hàng Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương...
Giải Pháp Hạn Chế Nợ Xấu Đối Với Khách Hàng Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương...Giải Pháp Hạn Chế Nợ Xấu Đối Với Khách Hàng Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương...
Giải Pháp Hạn Chế Nợ Xấu Đối Với Khách Hàng Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương...Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Hoàn Thiện Công Tác Đào Tạo Đội Ngũ Cán Bộ Công Chức Phường Trên Địa Bàn Quận...
Hoàn Thiện Công Tác Đào Tạo Đội Ngũ Cán Bộ Công Chức Phường Trên Địa Bàn Quận...Hoàn Thiện Công Tác Đào Tạo Đội Ngũ Cán Bộ Công Chức Phường Trên Địa Bàn Quận...
Hoàn Thiện Công Tác Đào Tạo Đội Ngũ Cán Bộ Công Chức Phường Trên Địa Bàn Quận...Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Biện Pháp Quản Lý Công Tác Tự Đánh Giá Trong Kiểm Định Chất Lượng Giáo Dục Cá...
Biện Pháp Quản Lý Công Tác Tự Đánh Giá Trong Kiểm Định Chất Lượng Giáo Dục Cá...Biện Pháp Quản Lý Công Tác Tự Đánh Giá Trong Kiểm Định Chất Lượng Giáo Dục Cá...
Biện Pháp Quản Lý Công Tác Tự Đánh Giá Trong Kiểm Định Chất Lượng Giáo Dục Cá...Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 

More from Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562 (20)

Nghiên Cứu Thu Nhận Pectin Từ Một Số Nguồn Thực Vật Và Sản Xuất Màng Pectin S...
Nghiên Cứu Thu Nhận Pectin Từ Một Số Nguồn Thực Vật Và Sản Xuất Màng Pectin S...Nghiên Cứu Thu Nhận Pectin Từ Một Số Nguồn Thực Vật Và Sản Xuất Màng Pectin S...
Nghiên Cứu Thu Nhận Pectin Từ Một Số Nguồn Thực Vật Và Sản Xuất Màng Pectin S...
 
Phát Triển Cho Vay Hộ Kinh Doanh Tại Ngân Hàng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông...
Phát Triển Cho Vay Hộ Kinh Doanh Tại Ngân Hàng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông...Phát Triển Cho Vay Hộ Kinh Doanh Tại Ngân Hàng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông...
Phát Triển Cho Vay Hộ Kinh Doanh Tại Ngân Hàng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông...
 
Nghiên Cứu Nhiễu Loạn Điện Áp Trong Lưới Điện Phân Phối.doc
Nghiên Cứu Nhiễu Loạn Điện Áp Trong Lưới Điện Phân Phối.docNghiên Cứu Nhiễu Loạn Điện Áp Trong Lưới Điện Phân Phối.doc
Nghiên Cứu Nhiễu Loạn Điện Áp Trong Lưới Điện Phân Phối.doc
 
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Kết Quả Kinh Doanh Của Các Công Ty Ngành...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Kết Quả Kinh Doanh Của Các Công Ty Ngành...Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Kết Quả Kinh Doanh Của Các Công Ty Ngành...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Kết Quả Kinh Doanh Của Các Công Ty Ngành...
 
Xây Dựng Công Cụ Sinh Dữ Liệu Thử Tự Động Cho Chương Trình Java.doc
Xây Dựng Công Cụ Sinh Dữ Liệu Thử Tự Động Cho Chương Trình Java.docXây Dựng Công Cụ Sinh Dữ Liệu Thử Tự Động Cho Chương Trình Java.doc
Xây Dựng Công Cụ Sinh Dữ Liệu Thử Tự Động Cho Chương Trình Java.doc
 
Phát Triển Công Nghiệp Huyện Điện Bàn Tỉnh Quảng Nam.doc
Phát Triển Công Nghiệp Huyện Điện Bàn Tỉnh Quảng Nam.docPhát Triển Công Nghiệp Huyện Điện Bàn Tỉnh Quảng Nam.doc
Phát Triển Công Nghiệp Huyện Điện Bàn Tỉnh Quảng Nam.doc
 
Phát Triển Kinh Tế Hộ Nông Dân Trên Địa Bàn Huyện Quảng Ninh, Tỉnh Quảng Bình...
Phát Triển Kinh Tế Hộ Nông Dân Trên Địa Bàn Huyện Quảng Ninh, Tỉnh Quảng Bình...Phát Triển Kinh Tế Hộ Nông Dân Trên Địa Bàn Huyện Quảng Ninh, Tỉnh Quảng Bình...
Phát Triển Kinh Tế Hộ Nông Dân Trên Địa Bàn Huyện Quảng Ninh, Tỉnh Quảng Bình...
 
Vận Dụng Mô Hình Hồi Quy Ngưỡng Trong Nghiên Cứu Tác Động Của Nợ Lên Giá Trị ...
Vận Dụng Mô Hình Hồi Quy Ngưỡng Trong Nghiên Cứu Tác Động Của Nợ Lên Giá Trị ...Vận Dụng Mô Hình Hồi Quy Ngưỡng Trong Nghiên Cứu Tác Động Của Nợ Lên Giá Trị ...
Vận Dụng Mô Hình Hồi Quy Ngưỡng Trong Nghiên Cứu Tác Động Của Nợ Lên Giá Trị ...
 
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Cấu Trúc Vốn Của Doanh Nghiệp Ngành Hàng...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Cấu Trúc Vốn Của Doanh Nghiệp Ngành Hàng...Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Cấu Trúc Vốn Của Doanh Nghiệp Ngành Hàng...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Cấu Trúc Vốn Của Doanh Nghiệp Ngành Hàng...
 
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Hiệu Quả Kinh Doanh Của Các Doanh Nghiệp...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Hiệu Quả Kinh Doanh Của Các Doanh Nghiệp...Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Hiệu Quả Kinh Doanh Của Các Doanh Nghiệp...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Hiệu Quả Kinh Doanh Của Các Doanh Nghiệp...
 
Hoàn Thiện Công Tác Thẩm Định Giá Tài Sản Bảo Đảm Trong Hoạt Động Cho Vay Tại...
Hoàn Thiện Công Tác Thẩm Định Giá Tài Sản Bảo Đảm Trong Hoạt Động Cho Vay Tại...Hoàn Thiện Công Tác Thẩm Định Giá Tài Sản Bảo Đảm Trong Hoạt Động Cho Vay Tại...
Hoàn Thiện Công Tác Thẩm Định Giá Tài Sản Bảo Đảm Trong Hoạt Động Cho Vay Tại...
 
Biện Pháp Quản Lý Xây Dựng Ngân Hàng Câu Hỏi Kiểm Tra Đánh Giá Kết Quả Học Tậ...
Biện Pháp Quản Lý Xây Dựng Ngân Hàng Câu Hỏi Kiểm Tra Đánh Giá Kết Quả Học Tậ...Biện Pháp Quản Lý Xây Dựng Ngân Hàng Câu Hỏi Kiểm Tra Đánh Giá Kết Quả Học Tậ...
Biện Pháp Quản Lý Xây Dựng Ngân Hàng Câu Hỏi Kiểm Tra Đánh Giá Kết Quả Học Tậ...
 
Hoàn Thiện Công Tác Huy Động Vốn Tại Ngân Hàng Tmcp Công Thương Việt Nam Chi ...
Hoàn Thiện Công Tác Huy Động Vốn Tại Ngân Hàng Tmcp Công Thương Việt Nam Chi ...Hoàn Thiện Công Tác Huy Động Vốn Tại Ngân Hàng Tmcp Công Thương Việt Nam Chi ...
Hoàn Thiện Công Tác Huy Động Vốn Tại Ngân Hàng Tmcp Công Thương Việt Nam Chi ...
 
Ánh Xạ Đóng Trong Không Gian Mêtric Suy Rộng.doc
Ánh Xạ Đóng Trong Không Gian Mêtric Suy Rộng.docÁnh Xạ Đóng Trong Không Gian Mêtric Suy Rộng.doc
Ánh Xạ Đóng Trong Không Gian Mêtric Suy Rộng.doc
 
Giải Pháp Hạn Chế Nợ Xấu Đối Với Khách Hàng Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương...
Giải Pháp Hạn Chế Nợ Xấu Đối Với Khách Hàng Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương...Giải Pháp Hạn Chế Nợ Xấu Đối Với Khách Hàng Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương...
Giải Pháp Hạn Chế Nợ Xấu Đối Với Khách Hàng Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương...
 
Hoàn Thiện Công Tác Đào Tạo Đội Ngũ Cán Bộ Công Chức Phường Trên Địa Bàn Quận...
Hoàn Thiện Công Tác Đào Tạo Đội Ngũ Cán Bộ Công Chức Phường Trên Địa Bàn Quận...Hoàn Thiện Công Tác Đào Tạo Đội Ngũ Cán Bộ Công Chức Phường Trên Địa Bàn Quận...
Hoàn Thiện Công Tác Đào Tạo Đội Ngũ Cán Bộ Công Chức Phường Trên Địa Bàn Quận...
 
Giải Pháp Marketing Cho Dịch Vụ Ngân Hàng Điện Tử Tại Ngân Hàng Tmcp Hàng Hải...
Giải Pháp Marketing Cho Dịch Vụ Ngân Hàng Điện Tử Tại Ngân Hàng Tmcp Hàng Hải...Giải Pháp Marketing Cho Dịch Vụ Ngân Hàng Điện Tử Tại Ngân Hàng Tmcp Hàng Hải...
Giải Pháp Marketing Cho Dịch Vụ Ngân Hàng Điện Tử Tại Ngân Hàng Tmcp Hàng Hải...
 
Biện Pháp Quản Lý Công Tác Tự Đánh Giá Trong Kiểm Định Chất Lượng Giáo Dục Cá...
Biện Pháp Quản Lý Công Tác Tự Đánh Giá Trong Kiểm Định Chất Lượng Giáo Dục Cá...Biện Pháp Quản Lý Công Tác Tự Đánh Giá Trong Kiểm Định Chất Lượng Giáo Dục Cá...
Biện Pháp Quản Lý Công Tác Tự Đánh Giá Trong Kiểm Định Chất Lượng Giáo Dục Cá...
 
Kiểm Soát Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngành Xây Dựng Tại Nhtmcp Công Thương...
Kiểm Soát Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngành Xây Dựng Tại Nhtmcp Công Thương...Kiểm Soát Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngành Xây Dựng Tại Nhtmcp Công Thương...
Kiểm Soát Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngành Xây Dựng Tại Nhtmcp Công Thương...
 
Diễn Ngôn Lịch Sử Trong Biên Bản Chiến Tranh 1-2 -3- 4.75 Của Trần Mai Hạnh.doc
Diễn Ngôn Lịch Sử Trong Biên Bản Chiến Tranh 1-2 -3- 4.75 Của Trần Mai Hạnh.docDiễn Ngôn Lịch Sử Trong Biên Bản Chiến Tranh 1-2 -3- 4.75 Của Trần Mai Hạnh.doc
Diễn Ngôn Lịch Sử Trong Biên Bản Chiến Tranh 1-2 -3- 4.75 Của Trần Mai Hạnh.doc
 

Recently uploaded

Giáo trình xây dựng thực đơn. Ths Hoang Ngoc Hien.pdf
Giáo trình xây dựng thực đơn. Ths Hoang Ngoc Hien.pdfGiáo trình xây dựng thực đơn. Ths Hoang Ngoc Hien.pdf
Giáo trình xây dựng thực đơn. Ths Hoang Ngoc Hien.pdf4pdx29gsr9
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...Nguyen Thanh Tu Collection
 
60 CÂU HỎI ÔN TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NĂM 2024.docx
60 CÂU HỎI ÔN TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NĂM 2024.docx60 CÂU HỎI ÔN TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NĂM 2024.docx
60 CÂU HỎI ÔN TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NĂM 2024.docxasdnguyendinhdang
 
26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf
26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf
26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdfltbdieu
 
20 ĐỀ DỰ ĐOÁN - PHÁT TRIỂN ĐỀ MINH HỌA BGD KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 MÔ...
20 ĐỀ DỰ ĐOÁN - PHÁT TRIỂN ĐỀ MINH HỌA BGD KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 MÔ...20 ĐỀ DỰ ĐOÁN - PHÁT TRIỂN ĐỀ MINH HỌA BGD KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 MÔ...
20 ĐỀ DỰ ĐOÁN - PHÁT TRIỂN ĐỀ MINH HỌA BGD KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 MÔ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng ĐồngGiới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng ĐồngYhoccongdong.com
 
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng TạoĐề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạowindcances
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfBỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfNguyen Thanh Tu Collection
 
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Bài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhà
Bài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhàBài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhà
Bài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhàNguyen Thi Trang Nhung
 
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdfxemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdfXem Số Mệnh
 
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdfxemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdfXem Số Mệnh
 
Kiến thức cơ bản về tư duy số - VTC Net Viet
Kiến thức cơ bản về tư duy số - VTC Net VietKiến thức cơ bản về tư duy số - VTC Net Viet
Kiến thức cơ bản về tư duy số - VTC Net VietNguyễn Quang Huy
 
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiệnBài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiệnpmtiendhti14a5hn
 
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 10 - CÁN...
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 10 - CÁN...ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 10 - CÁN...
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 10 - CÁN...Nguyen Thanh Tu Collection
 
bài thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.docx
bài thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.docxbài thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.docx
bài thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.docxTrnHiYn5
 
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...hoangtuansinh1
 
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptxBài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptxDungxPeach
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 

Recently uploaded (20)

Giáo trình xây dựng thực đơn. Ths Hoang Ngoc Hien.pdf
Giáo trình xây dựng thực đơn. Ths Hoang Ngoc Hien.pdfGiáo trình xây dựng thực đơn. Ths Hoang Ngoc Hien.pdf
Giáo trình xây dựng thực đơn. Ths Hoang Ngoc Hien.pdf
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
 
60 CÂU HỎI ÔN TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NĂM 2024.docx
60 CÂU HỎI ÔN TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NĂM 2024.docx60 CÂU HỎI ÔN TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NĂM 2024.docx
60 CÂU HỎI ÔN TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NĂM 2024.docx
 
26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf
26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf
26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf
 
20 ĐỀ DỰ ĐOÁN - PHÁT TRIỂN ĐỀ MINH HỌA BGD KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 MÔ...
20 ĐỀ DỰ ĐOÁN - PHÁT TRIỂN ĐỀ MINH HỌA BGD KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 MÔ...20 ĐỀ DỰ ĐOÁN - PHÁT TRIỂN ĐỀ MINH HỌA BGD KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 MÔ...
20 ĐỀ DỰ ĐOÁN - PHÁT TRIỂN ĐỀ MINH HỌA BGD KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 MÔ...
 
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng ĐồngGiới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
 
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng TạoĐề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfBỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
 
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
 
Bài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhà
Bài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhàBài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhà
Bài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhà
 
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdfxemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
 
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdfxemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
 
Kiến thức cơ bản về tư duy số - VTC Net Viet
Kiến thức cơ bản về tư duy số - VTC Net VietKiến thức cơ bản về tư duy số - VTC Net Viet
Kiến thức cơ bản về tư duy số - VTC Net Viet
 
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiệnBài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
 
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 10 - CÁN...
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 10 - CÁN...ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 10 - CÁN...
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 10 - CÁN...
 
bài thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.docx
bài thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.docxbài thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.docx
bài thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.docx
 
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
 
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptxBài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 

Luận văn: Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn

  • 1. i ĐẠI HỌC HUẾ TRƢỜNG ĐẠI HỌC SƢ PHẠM LÊ THÀNH LUÂN GIÁO DỤC VÀ KHOA CỬ NHO HỌC Ở QUẢNG TRỊ DƢỚI TRIỀU NGUYỄN TỪ 1802 ĐẾN 1919 Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam Mã số: 60220313 LUẬN VĂN THẠC SĨ SỬ HỌC NGƢỜI HƢỚNG DẪN KHOA HỌC: TS. HUỲNH CÔNG BÁ Thừa Thiên Huế, năm 2016
  • 2. ii LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi, các số liệu và kết quả nghiên cứu ghi trong luận văn là trung thực, được các đồng tác giả cho phép sử dụng và chưa từng được công bố trong bất kỳ một công trình nào khác. Họ tên tác giả Lê Thành Luân
  • 3. iii LỜI CẢM ƠN Luận văn tốt nghiệp cao học được hoàn thành tại Đại học Huế. Có được bản luận văn tốt nghiệp này, tác giả xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sự tri ân sâu sắc đến Đại học Huế, trường Đại học Sư phạm, phòng đào tạo sau đại học… Đặc biệt, tác giả xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Thầy giáo Tiến sĩ Sử học Huỳnh Công Bá, đã trực tiếp hướng dẫn, dìu dắt, giúp đỡ tác giả với những chỉ dẫn khoa học quý giá trong suốt quá trình triển khai, nghiên cứu và hoàn thành đề tài "Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn từ 1802 đến 1919". Với lòng biết ơn sâu sắc, tác giả xin chân thành cảm ơn quý Thầy Cô giáo - Các nhà khoa học đã trực tiếp giảng dạy truyền đạt những kiến thức khoa học thuộc chuyên ngành lịch sử Việt Nam cho bản thân tác giả trong suốt thời gian học tập tại trường. Xin gửi tới thư viện trường ĐHSP Huế, thư viện trường ĐHKH Huế, thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế lời cảm ơn sâu sắc vì đã tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp tác giả thu thập những tài liệu nghiên cứu cần thiết liên quan tới đề tài tốt nghiệp. Xin ghi nhận công sức và những đóng góp quý báu và nhiệt tình của các anh chị, các bạn học viên lớp lịch sử Việt Nam khóa 23 đã đóng góp ý kiến và giúp đỡ tác giả thực hiện đề tài này. Tác giả rất mong nhận được sự đóng góp, phê bình của quý Thầy Cô giáo, các nhà khoa học, đọc giả và các bạn đồng nghiệp. Thừa Thiên Huế, tháng 9 năm 2016 Tác giả Lê Thành Luân
  • 4. 1 MỤC LỤC Trang phụ bìa......................................................................................................... i Lời cam đoan………………………………………….……………………………….ii Lời cảm ơn………………………………………………….…………………………iii Mục lục………………………………………………………….……………………....1 Danh mục các bảng…….………….…….………..…….……….……….………………3 MỞ ĐẦU...............................................................................................................................4 1. Lý do chọn đề tài .................................................................................................4 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề...................................................................................5 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu.......................................................................7 4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu ......................................................................7 5. Nguồn tư liệu nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu ......................................8 6. Đóng góp của luận văn........................................................................................8 7. Bố cục của luận văn.............................................................................................9 NỘI DUNG.........................................................................................................................10 CHƢƠNG 1. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, LỊCH SỬ, TRUYỀN THỐNG GIÁO DỤC - KHOA CỬ QUẢNG TRỊ TRƢỚC NĂM 1802 VÀ GIÁO DỤC - KHOA CỬ NHO HỌC VIỆT NAM DƢỚI TRIỀU NGUYỄN ...................................................................10 1.1. Đặc điểm tự nhiên và lịch sử tỉnh Quảng Trị.................................................10 1.1.1. Đặc điểm tự nhiên tỉnh Quảng Trị...........................................................10 1.1.2. Khái quát lịch sử tỉnh Quảng Trị .............................................................13 1.2. Truyền thống giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị trước năm 1802 ...18 1.3. Khái quát giáo dục - khoa cử Nho học dưới triều Nguyễn ............................20 1.3.1. Chính sách về giáo dục và khoa cử .........................................................20 1.3.2. Tình hình giáo dục dưới triều Nguyễn.....................................................26 1.3.3. Tình hình thi cử dưới triều Nguyễn .........................................................29 CHƢƠNG 2. TỔ CHỨC GIÁO DỤC VÀ KẾT QUẢ THI CỬ NHO HỌC Ở QUẢNG TRỊ DƢỚI TRIỀU NGUYỄN...........................................................................................33 2.1. Tổ chức giáo dục Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn ..........................33 2.1.1. Dựng Văn Miếu, Văn Thánh, Văn Từ, Văn Chỉ để xiển dương Nho học...33
  • 5. 2 2.1.2. Tổ chức trường lớp ..................................................................................35 2.1.3. Đội ngũ thầy giáo.....................................................................................40 2.1.4. Nội dung giáo dục và tài liệu học tập ......................................................44 2.2. Thi cử và kết quả khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn ............46 2.2.1. Thi Hương và kết quả đỗ Cử nhân, Tú tài...............................................46 2.2.2. Thi Hội, thi Đình và kết quả đỗ Tiến sĩ, Phó bảng..................................52 CHƢƠNG 3. VAI TRÕ CỦA GIA TỘC VÀ LÀNG XÃ, ĐÓNG GÓP CỦA GIÁO DỤC - KHOA CỬ NHO HỌC QUẢNG TRỊ DƢỚI TRIỀU NGUYỄN VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM.................................................................................................................59 3.1. Vai trò của làng xã và dòng họ đối với giáo dục - khoa cử Quảng Trị dưới triều Nguyễn ..........................................................................................................59 3.1.1. Những làng xã và dòng họ có truyền thống đỗ đạt..................................59 3.1.2. Vai trò của làng xã và dòng họ đối với giáo dục - khoa cử.....................65 3.2. Đóng góp của giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn...72 3.2.1. Trên lĩnh vực chính trị và xã hội .............................................................72 3.2.2. Trên lĩnh vực văn hóa và tư tưởng...........................................................74 3.2.3. Đối với phong trào giải phóng dân tộc cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.77 3.3. Bài học kinh nghiệm từ giáo dục - khoa cử Nho học Quảng Trị dưới triều Nguyễn ..................................................................................................................81 KẾT LUẬN.........................................................................................................................85 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO..........................................................................88
  • 6. 3 DANH MỤC CÁC BẢNG Bảng 2.1: Thống kê Nho sĩ Quảng Trị đỗ Cử nhân ở các huyện .............................50 Bảng 2.2: Danh sách Nho sĩ Quảng Trị đỗ Tiến sĩ, Phó bảng dưới triều Nguyễn......54 Bảng 2.3: Thống kê Nho sĩ Quảng Trị sĩ đỗ Tiến sĩ, Phó bảng ở các huyện ...........56 GHI CHÚ NXB SCN TCN Tr [33, tr.126] : Nhà xuất bản : Sau Công nguyên : Trước Công nguyên : Trang : Dẫn theo tài liệu tham khảo số 33, trang 126
  • 7. 4 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam, cũng như các triều đại trước đó rất coi trọng giáo dục, khoa cử nhằm đào tạo nhân tài phục vụ cho việc xây dựng bộ máy chính quyền, làm nền tảng cho sự phát triển quốc gia dân tộc. Dưới thời Nguyễn, trên cơ sở kế thừa và tiếp nối truyền thống, trong những điều kiện mới, một hệ thống giáo dục Nho học đã nhanh chóng được thiết lập từ trung ương cho đến địa phương. Mục đích của nền giáo dục phong kiến nói chung và giáo dục triều Nguyễn nói riêng là đào tạo nguồn nhân lực xuất thân từ Nho học để mỗi người, tùy theo địa vị, chức phận của mình giúp vua trong việc trị quốc an dân, bình thiên hạ. Họ còn là hạt nhân tiên phong trong việc truyền bá hệ tư tưởng Nho giáo sâu rộng trong nhân dân. Tuy khẳng định việc cầu hiền có thể bằng nhiều biện pháp khác nhau, song giáo dục - khoa cử vẫn là con đường khách quan, nhờ đó có được nguồn nhân lực theo ý muốn. Trên đà như vậy, việc hoạch định chính sách giáo dục - khoa cử thời triều Nguyễn càng trở nên chặt chẽ và quy củ hơn. Nội dung giáo dục và thi cử trong suốt thời kỳ phong kiến Việt Nam nói chung và thời nhà Nguyễn nói riêng là tư tưởng Nho giáo thông qua các sách giáo khoa kinh điển của Nho gia. Trong hệ thống các nhà trường công lập, tư thục, cũng như việc giáo dục trong gia đình, tài liệu dạy và học chủ yếu là “Tứ thư”, “Ngũ kinh”, các lời dạy của các bậc thánh hiền. Song, nội dung chủ yếu vẫn là những tri thức về đạo đức, phương pháp tu dưỡng đạo đức, cách thức ứng xử trong các quan hệ xã hội của con người, đặc biệt là những tri thức chính trị, cùng những kinh nghiệm, những bài học cho nhà vua, cho người cầm quyền trong việc trị nước, an dân theo đường lối đức trị, lễ trị. Thời kỳ này, tầng lớp Nho sĩ trở thành đẳng cấp chính của xã hội và là rường cột của Nhà nước phong kiến, là nguồn bổ sung chủ yếu của bộ máy nhà nước phong kiến quan liêu. Tầng lớp quan lại Nho học đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc định ra và triển khai hoạt động của bộ máy nhà nước. Nhờ đó, triều Nguyễn đã thực hiện việc quản lý xã hội ngày càng có quy mô, nề nếp, có hiệu quả hơn.
  • 8. 5 Việc nghiên cứu về giáo dục và thi cử dưới triều Nguyễn đã có rất nhiều công trình được công bố trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi nhận thấy rằng chưa có một công trình nào nghiên cứu và tái hiện đầy đủ tình hình giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn. Tình hình giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn đã phát triển ra sao? Các nhà khoa bảng đã có những đóng góp gì cho sự phát triển của nước nhà lúc bấy giờ? Đặc điểm giáo dục và khoa cử ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn có những điểm gì giống và khác với những địa phương khác?... Mặt khác, công tác nghiên cứu giáo dục và khoa cử dưới triều Nguyễn ở nước ta nói chung và Quảng Trị nói riêng, hiện nay có nhiều ý kiến trái chiều của các học giả trong và ngoài nước. Là thế hệ đi sau, được thừa hưởng thành quả nghiên cứu công phu của thế hệ đi trước, chúng tôi lấy lòng cảm kích, và dưới sự gợi ý của Tiến sĩ Sử học Huỳnh Công Bá chúng tôi quyết định chọn đề tài “Giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn từ 1802 đến 1919” để làm Luận văn tốt nghiệp Thạc sĩ Sử học thuộc chuyên ngành Lịch sử Việt Nam. 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề Liên quan đến đề tài đã có một số công trình nghiên cứu sau: Với tầm quan trọng của việc đào tạo và sử dụng nhân tài, ngay trong triều đại nhà Nguyễn đã có một số công trình ghi chép, nghiên cứu và biên soạn sử sách về giáo dục và khoa cử dưới triều Nguyễn. Người có công lớn nhất ghi chép lại các nhà khoa bảng triều Nguyễn là Cao Xuân Dục với bộ Quốc triều Hương khoa lục, chép lại những người đỗ khoa thi Hương từ năm Gia Long thứ 6 (1807) đến khoa thi Hương cuối cùng năm Khải Định thứ 3 (1918) và bộ Quốc triều Đăng khoa lục chép lại những người đỗ khoa thi Hội đầu tiên (1822) đến khoa thi Hội cuối cùng (1919). Trong những năm 90 của thế kỷ XX, đã có nhiều công trình nghiên cứu về giáo dục và khoa cử triều Nguyễn nói riêng và các triều đại phong kiến Việt Nam nói chung. Có thể kể đến như: Lược khảo về khoa cử Việt Nam (Từ khởi thủy đến khoa Mậu Ngọ 1818) của Trần Văn Giáp (1941); Tìm hiểu nền giáo dục Việt Nam trước năm 1945 của Vũ Ngọc Khánh (1985); Giáo dục Việt Nam thời cận đại của Phan Trọng Báu (1994); Sự phát triển giáo dục và chế độ thi cử Việt Nam thời phong kiến của Nguyễn Tiến Cường (1998); Khoa cử và giáo dục Việt Nam của Nguyễn Q. Thắng
  • 9. 6 (1998); Việc đào tạo và sử dụng quan lại dưới triều Nguyễn từ năm 1802 đến năm 1884 của Lê Thị Thanh Hòa (1998). Những công trình trên đã đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu một cách toàn diện về những chính sách, tình hình giáo dục, nội dung cũng như cách thức tổ chức thi cử dưới triều Nguyễn… Tác phẩm Những ông Nghè ông cống triều Nguyễn của Bùi Hạnh Cẩn (1995) đã lược khảo khá đầy đủ về danh tính, quê quán, làm đến chức quan nào… của các vị Cử nhân, Tiến sĩ dưới triều Nguyễn. Năm 2000, công trình Khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn do Phạm Đức Thành Dũng và Vĩnh Cao chủ biên đã nghiên cứu đầy đủ tình hình thi cử dưới triều Nguyễn, nghiên cứu về Văn Miếu, Bia Tiến sĩ và trình bày lược khảo các nhà khoa bảng Nho học dưới triều Nguyễn trong đó có các nhà khoa bảng ở Quảng Trị. Năm 2003, Tác giả Hoàng Nhật Lân đã nghiên cứu đề tài Tình hình giáo dục và thi cử ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn (1802-1945) làm Khóa luận tốt nghiệp đại học trường Đại học khoa khọc Huế đã nghiên cứu về tình hình giáo dục và thi cử ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn. Tuy nhiên, đề tài chưa làm rõ được những vai trò của làng xã, dòng họ có truyền thống đỗ đạt; những đóng góp của các nhà khoa bảng Quảng Trị với quê hương, đất nước. Đặc biệt, đề tài có một số hạn chế như: trong đề tài, phải chăng tác giả đã nhầm lẫn khi cho rằng thi Hội đỗ Phó bảng, thi Đình đỗ Tiến sĩ, khi tác giả đặt mục “2.3. Thi Hội và những người Quảng Trị đỗ Phó bảng” [53, tr.58], và “2.4. Thi Đình và những người Quảng Trị đỗ Tiến sĩ” [53, tr.61]; tác giả cho rằng dưới triều Nguyễn “Không có người nào đỗ Trạng nguyên” [53, tr.64], nhưng thực chất theo lệ “tứ bất” triều đình không lấy đỗ Trạng nguyên. Nhìn chung, do hạn chế của một khóa luận tốt nghiệp nên đề tài chưa đi sâu tìm hiểu thêm để hoàn thiện về chế độ giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị. Năm 2005, trong báo cáo đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ của tác giả Nguyễn Văn Đăng về Giáo dục và khoa cử Việt Nam thời Nguyễn (1802 - 1884); và gần đây cuốn Hệ thống giáo dục và khoa cử Nho giáo triều Nguyễn của Nguyễn Ngọc Quỳnh (2011) đã nghiên cứu đầy đủ về tình hình giáo dục và lược khảo thân thế các vị Tiến sĩ triều Nguyễn. Đặc biệt phải kể đến là Luận văn thạc sĩ sử học của tác giả Trần Thị Ngọc Sa về Thống kê định lượng và kết quả thi Hương, thi Hội dưới triều Nguyễn (1802 - 1919). Tác giả không chỉ thống kê các khoa thi Hương,
  • 10. 7 thi Hội và kết quả chung qua các triều đại nhà Nguyễn mà còn hệ thống hóa một cách đầy đủ, khoa học danh sách những người thi Hương, thi Hội dưới triều Nguyễn theo từng tỉnh, huyện và xã. Bên cạnh đó, tác giả đã thống kê tình hình đỗ thi Hương của các dòng họ trong cả nước. Qua đó, tác giả đã đưa ra những nhận xét và rút ra bài học kinh nghiệm từ thi cử dưới triều Nguyễn. Ngoài ra, còn có một số tác phẩm là bài báo, luận văn nghiên cứu về giáo dục và khoa cử triều Nguyễn và các nhà khoa bảng ở Quảng Trị được đăng trên các tạp chí. Các công trình nêu trên tuy đã nghiên cứu một cách toàn diện và có hệ thống về giáo dục và khoa cử triều Nguyễn. Tuy nhiên, chưa có công trình nào đi sâu tìm hiểu một cách có hệ thống, đầy đủ về giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn. 3. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tƣợng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu chính của đề tài là giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn. Ngoài ra, luận văn còn đề cập đến những đóng góp của giáo dục và các nhà khoa bảng Nho học Quảng Trị dưới triều Nguyễn đối với quê hương, đất nước. 3.2. Phạm vi nghiên cứu Về không gian: Luận văn tập trung nghiên cứu giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn. Về thời gian: Luận văn nghiên cứu từ khi triều Nguyễn thành lập năm 1802 đến khoa thi Nho học cuối cùng được tổ chức vào năm 1919. 4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 4.1. Mục đích nghiên cứu Mục đích nghiên cứu của luận văn là nhằm khôi phục lại bức tranh về giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn. Qua đó, khẳng định vị trí, vai trò của nền giáo dục và đóng góp của các nhà khoa bảng Nho học Quảng Trị dưới triều Nguyễn đối với quê hương, đất nước.
  • 11. 8 4.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Để đạt được mục đích nghiên cứu trên, nhiệm vụ đặt ra là phải sưu tầm, xử lý các tài liệu liên quan để làm rõ tình hình giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn. Qua đó rút ra những đóng góp từ giáo dục và các nhà khoa bảng Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn. 5. Nguồn tƣ liệu nghiên cứu và phƣơng pháp nghiên cứu 5.1. Nguồn tƣ liệu nghiên cứu Để thực hiện luận văn, chúng tôi tiếp cận và sử dụng nhiều nguồn tư liệu khác nhau từ các công trình sử học do Quốc sử quán và Nội các triều Nguyễn biên soạn đã được dịch và xuất bản như: Đại Nam thực lục, Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ, Quốc triều Chính biên toát yếu, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam liệt truyện… Các sách chuyên khảo về khoa cử đã được biên soạn dưới triều Nguyễn như Quốc triều Hương khoa lục, Quốc triều Đăng khoa lục của Cao Xuân Dục và những nguồn tư liệu gốc khác có liên quan Luận văn cũng tham khảo các công trình nghiên cứu trước đây về giáo dục và khoa cử đã được xuất bản, các bài báo được đăng trên các tạp chí, các báo cáo tại các hội nghị khoa học, các luận văn có liên quan đến đề tài nghiên cứu. 5.2. Phƣơng pháp nghiên cứu 5.2.1. Phương pháp luận: Cơ sở phương pháp luận của đề tài là chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. 5.2.2. Phương pháp cụ thể: Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi sử dụng phương pháp lịch sử kết hợp với phương pháp logic. Bên cạnh đó, chúng tôi còn sử dụng phương pháp thống kê, phân tích, tổng hợp, so sánh, đối chiếu… để rút ra kết luận khoa học, chính xác. 6. Đóng góp của luận văn Thứ nhất: Luận văn là công trình nghiên cứu có hệ thống về giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn bao gồm hệ thống trường lớp, đội ngũ thầy giáo, nội dung giáo dục và tài liệu học tập. Luận văn hệ thống hóa đầy đủ về những nhà khoa bảng Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn, qua đó rút ra
  • 12. 9 những đóng góp của nền giáo dục và các nhà trí thức khoa bảng Nho học Quảng Trị đối với đất nước trong giai đoạn đương thời, Đây là nguồn sử liệu thành văn quan trọng, làm cơ sở cho việc tìm hiểu một cách toàn diện về giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn. Luận văn là nguồn tư liệu tham khảo bổ ích trong việc nghiên cứu, biên soạn và giảng dạy lịch sử địa phương Quảng Trị. Thứ hai: Thông qua việc nghiên cứu về nền giáo dục truyền thống, về các nhà khoa bảng, đặc biệt là các làng và dòng họ có truyền thống hiếu học, chúng ta có thể khơi dậy niềm tự hào dân tộc, về quê hương đất nước góp phần giáo dục truyền thống hiếu học cho thế hệ trẻ, phát huy truyền thống của cha ông để tiếp tục xây dựng quê hương đất nước ngày một giàu mạnh. Thứ ba: Bên cạnh đó, nước ta đang thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì giáo dục là vấn đề đã và đang được Đảng và Nhà nước quan tâm, đặc biệt là trong bối cảnh nước ta đang từng bước cải cách nền giáo dục để phù hợp với tiến trình phát triển của đất nước, luận văn góp phần rút ra những bài học kinh nghiệm cho việc xây dựng nền giáo dục, tổ chức thi cử, cũng như vấn đề sử dụng nhân tài ở Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung. Từng bước hoàn thiện nền giáo dục của nước nhà phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. 7. Bố cục của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung của luận văn bao gồm 3 chương: Chương 1. Đặc điểm tự nhiên, lịch sử, truyền thống giáo dục - khoa cử Quảng Trị trước năm 1802 và giáo dục - khoa cử Nho học Việt Nam dưới triều Nguyễn Chương 2. Tổ chức giáo dục và kết quả thi cử Nho học ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn Chương 3. Vai trò của gia tộc và làng xã, đóng góp của giáo dục - khoa cử Nho học Quảng Trị dưới triều Nguyễn và bài học kinh nghiệm
  • 13. 10 NỘI DUNG CHƢƠNG 1. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, LỊCH SỬ, TRUYỀN THỐNG GIÁO DỤC - KHOA CỬ QUẢNG TRỊ TRƢỚC NĂM 1802 VÀ GIÁO DỤC - KHOA CỬ NHO HỌC VIỆT NAM DƢỚI TRIỀU NGUYỄN 1.1. Đặc điểm tự nhiên và lịch sử tỉnh Quảng Trị 1.1.1. Đặc điểm tự nhiên tỉnh Quảng Trị Vị trí địa lý, Quảng Trị là vùng đất đã có lịch sử hình thành từ xa xưa nhưng phải đến năm Minh Mạng thứ 13 (năm 1832), Quảng Trị với tư cách là một đơn vị hành chính cấp tỉnh mới chính thức hình thành. Là một tỉnh nằm ở khu vực miền Trung của đất nước, nơi chuyển tiếp giữa hai miền Nam - Bắc của nước ta. Lãnh thổ Quảng Trị có tọa độ trên đất liền ở cực Bắc là 17°10’ vĩ Bắc thuộc thôn Tây, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh; cực Nam là 16°18’ vĩ Bắc thuộc thôn Hạ, xã Quế Hải, huyện Hải Lăng; cực Đông là 107°240’ kinh Đông thuộc thôn Thâm Khê, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng và cực Tây là 106°24’ thuộc Đồn Cù Bai, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa. Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Bình; phía Nam giáp tỉnh Thừa Thiên Huế; phía Đông giáp biển Đông với chiều dài bờ biển trên 75 km và được án ngự ngoài khơi bởi đảo Cồn Cỏ rộng khoảng 4km², cách bờ biển (Mũi Lay) khoảng 30km; phía Tây giáp 2 tỉnh Savanakhet và Saravan của nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, với chiều dài biên giới 206km, được ngăn cách bởi dãy Trường Sơn hùng vĩ và được thông thương thuận lợi qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, nơi hạ thấp của dãy Trường Sơn (độ cao 350m), và cửa khẩu quốc gia La Lay. Đặc điểm về địa hình: Do cấu tạo của dãy Trường Sơn, địa hình Quảng Trị thấp dần từ Tây sang Đông, Đông Nam và chia thành 4 dạng địa hình: vùng núi cao phân bố ở phía Tây từ đỉnh dãy Trường Sơn đến miền đồi bát úp; vùng trung du và đồng bằng nhỏ hẹp chạy dọc tỉnh; kế đến là vùng cát nội đồng và ven biển. Do địa hình phía Tây núi cao, chiều ngang nhỏ hẹp nên hệ thống sông suối đều ngắn và dốc. Trong đó, diện tích đồi núi chiếm 80%; Đồng bằng chiếm 11,5%; Bãi cát và cồn cát
  • 14. 11 trắng ven biển chiếm 7,5%. Điển hình như ở Hải Lăng, hội tụ đầy đủ về đặc điểm địa hình Quảng Trị, “phía Đông có kênh dài, phía Tây có núi liền nhau” [33, tr.126]. Địa hình núi cao, phân bố ở phía Tây từ dãy Trường Sơn, chiếm diện tích lớn nhất, có độ cao từ 250-2000m. Địa hình phân cắt mạnh, có độ dốc lớn, quá trình xâm thực và rửa trôi mạnh; địa hình gò đồi, núi thấp là phần chuyển tiếp từ địa hình núi cao đến địa hình đồng bằng, chạy dài dọc theo tỉnh. Có độ cao từ 50-250m, một vài nơi có độ cao trên 500m, phân bố ở Cam Lộ, phía Tây của Gio Linh, Vĩnh Linh… Về đồng bằng có đặc điểm là bồi tụ hẹp, có lớp bồi tích mỏng, độ dinh dưỡng nghèo, phù sa bồi đất ít, riêng đồng bằng sông Bến Hải phía Bắc tỉnh tương đối phì nhiêu. Đồng bằng Triệu Phong được bồi tụ bởi phù sa của sông Thạch Hãn khá màu mỡ. Đồng bằng vùng Hải Lăng phổ biến là cát, kém dinh dưỡng cho cây trồng phát triển. Nét nổi bật về tự nhiên ở Quảng Trị là cồn cát và đụn cát chạy dọc theo bờ biển từ Nam Cửa Tùng đến giáp Thừa Thiên Huế, có bề rộng trung bình 4-5km, độ cao từ 5- 15m. Cồn cát Nhĩ Thượng - Gio Linh cao 31m. Do tính chất liên kết kém bền vững, độ cao lớn, lại chịu ảnh hưởng của gió mạnh nên nạn cát bay, cát lấp, đồi cát di động thường xảy ra, gây tác hại xấu đến sản xuất và sinh hoạt đời sống nhân dân trong vùng. Với 3/4 diện tích là đồi núi, địa hình Quảng Trị bị chia cắt mạnh bởi có nhiều đồi núi, sông suối, đầm phá dày đặc, đồng bằng nhỏ hẹp. Phía Tây lộ thiên đá gốc nhọn, sườn dốc thoải lượn sóng. Phía Đông chủ yếu là bãi cát và cồn cát. Địa hình đồng bằng cấu tạo bởi phù sa lại thấp ở giữa nên dễ bị ngập úng vào mùa mưa lũ. Về Sông ngòi, Quảng Trị có mật độ sông ngòi trung bình 0,8-1km/km2, vùng núi và vùng đồi của tỉnh có mật độ sông ngòi dày đặc cao lên tới 1,85km/km2. Hầu hết sông ngòi đều dốc, ngắn, ở vùng phía Tây lòng sông thường hẹp và nhiều thác ghềnh. Quảng Trị có 12 con sông lớn hình thành 3 hệ thống sông chính là: Sông Bến Hải; Sông Thạch Hãn; Sông Ô Lâu (Mỹ Chánh) và có hơn 60 phụ lưu sông khác. Sông Bến Hải đổ ra biển Cửa Tùng, sông Thạch Hãn đổ ra biển Cửa Việt, sông Ô Lâu ( Mỹ Chánh) đổ vào Phá Tam Giang qua Cửa Lác Về khí hậu, nhìn chung khí hậu ở Quảng Trị rất khắc nghiệt, do nằm trọn trong khu vực nhiệt đới ẩm gió mùa và là vùng chuyển tiếp giữa hai miền khí hậu Bắc - Nam. Quảng Trị còn chịu ảnh hưởng lớn của miền khí hậu Đông Trường Sơn,
  • 15. 12 do đó khí hậu chia làm hai mùa rõ rệt: Mùa gió Tây - Nam thì khô, nóng bức, ít mưa và dễ gây ra hạn hán; mùa mưa lại ngắn và thường đến chậm. Từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm thường xuyên có nhiều mưa bão hay gây ra lũ lụt, gió xoáy, gió lốc. Mùa nóng ở Quảng Trị kéo dài từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm, từ cuối tháng 12 đến giữa tháng 2 năm sau là mùa lạnh. Sách Đại Nam nhất thống chí có chép: “Tháng 5 tháng 6 và tháng 7 gió Nam thổi mạnh; trước ngày 7 tháng 7 có mưa;… tháng 8 tháng 9 khí trời mát dần, thường có mưa lũ, lại thỉnh thoảng có gió Đông vài ba ngày mới tắt “tục gọi là gió từ bến”; tháng 10 trong những ngày mồng 3, 13 và 23 thường bị lụt, ngạn ngữ có câu: ông tha mà bà chẳng tha, làm cho cái lụt ngày 3 tháng 10” [75, tr.110]. Tỉnh Quảng Trị chịu ảnh hưởng của hai hướng gió chính là gió mùa Tây Nam (gió Lào) và gió mùa Đông Bắc. Đặc biệt gió Tây Nam khô nóng ở Quảng Trị là hiện tượng rất điển hình, được đánh giá là dữ dội nhất ở nước ta, làm ảnh hưởng không nhỏ tới các hoạt động kinh tế - xã hội, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Quảng Trị nằm trong khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của bão. Mùa bão thường tập trung vào các tháng 9 và 10. Bão có cường suất gió mạnh kèm theo mưa lớn tạo ra lũ quét ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống dân cư. Do địa hình và chế độ thuỷ văn ở Quảng Trị rất đa dạng và phức tạp nên đất ở đây cũng đa dạng, chủ yếu tập trung vào 3 nhóm cơ bản: Nhóm cồn cát và đất cát ven biển từ Vĩnh Linh đến Hải Lăng với diện tích khoảng 28.630 ha, chiếm 6,23% diện tích đất tự nhiên, hầu hết là đất nghèo dinh dưỡng, hoang hoá, đất chua; nhóm đất phù sa do các sông bồi đắp dọc sông Mỹ Chánh, Thạch Hãn, sông Hiếu, Bến Hải có diện tích khoảng 9.130 ha, chiếm 2% diện tích đất tự nhiên, đây là đất có tiềm năng dinh dưỡng cao đã và đang khai thác vào sản xuất nông nghiệp khá hiệu quả; nhóm đất đỏ vàng được gọi là Bazan ở vùng núi và gò đồi trung du Hướng Hoá, Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ diện tích 20.000 ha, đất trồng dày, tơi xốp, độ mùn khá, dinh dưỡng cao rất thích hợp phát triển trồng cây công nghiệp lâu năm. Ngoài ra, đất đỏ vàng nâu còn có khả năng khai thác ở vùng lau lách, đồi trọc diện tích khá nhưng chất lượng không cao, đất chua, đất nghèo mùn.
  • 16. 13 Quảng Trị có đường bờ biển dài 75 km, có 2 cửa lạch là: Cửa Tùng và Cửa Việt, có cảng Cửa Việt khá sâu thuận lợi cho tàu trọng tải lớn ra vào. Ngoài khơi có đảo Cồn Cỏ cách đất liền chừng 30km, tạo thế thuận lợi vươn ra biển và là vị trí quan trọng trong quân sự phòng thủ biển Đông. Quảng Trị có khả năng phát triển nuôi trồng thuỷ hải sản xuất khẩu khá lớn, tuy nhiên lại thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt gây ra không ít khó khăn. Với một phức thể về địa lý và tự nhiên mang nhiều nét khu biệt đó, các thế hệ người Quảng Trị đã nối tiếp nhau cùng cộng sinh, vượt qua mọi thách thức, chung sức chung lòng xây dựng quê hương. Quá trình đó đã tạo ra tính cách chịu thương, chịu khó, vượt mọi khó khăn của con người Quảng Trị. Chính điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt với “gió Lào, cát trắng”, những Nho sĩ Quảng Trị đã nổ lực vươn lên, dùi mài kinh sử để mong tới ngày được vinh danh. 1.1.2. Khái quát lịch sử tỉnh Quảng Trị Trong lịch sử, Quảng Trị đã từng chịu nhiều biến động, xáo trộn và chia cắt. Từ thời đại Hùng Vương theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi, vùng đất Quảng Trị xưa thuộc một trong 15 bộ của nước Văn Lang, Âu Lạc với tên gọi là Việt Thường thị. Thời Triệu Việt vương, đổi làm nội bản của châu Bắc Cảnh thuộc nước Nam Việt, “là phiên dậu thứ tư về phương Nam” [103, tr.44]. Nhưng theo học giả Đào Duy Anh trong tác phẩm Đất nước Việt Nam qua các đời và cho rằng Việt Thường Thị là vùng đất thuộc Hà Tĩnh ngày nay, tác giả cho rằng: “Việt Thường Thị: Tên nước xưa trong truyền thuyết, từ đời Ngô thì thành tên một huyện thuộc quận Cửu Đức, tương đương với miền Hà Tĩnh ngày nay” [5, tr.18]. Theo tác giả, quận Nhật Nam là đất của người Chăm, vùng Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam ngày nay, “Giao Chỉ, Cửu Chân thuộc nước Âu Lạc xưa.., còn quận Nhật Nam tương đương với miền đất của người Chàm là láng giềng ở phía Nam của tổ tiên chúng ta sẽ lập thành nước Lâm Ấp hay nước Chiêm Thành” [5, tr.69]. Các nhà khảo cổ học thì chứng minh “trong giai đoạn tiền Chămpa (nhất là từ giữa thế kỷ I TCN đến đầu CN), vùng đất Quảng Trị ngày nay trực thuộc tiểu quốc Bắc Chăm, nằm trong vùng Amaravati. Bộ phận cư dân ở đây mặc dù không thuộc hệ chính thống của bộ lạc Dừa” [99, tr99]. Như vậy, có thể khẳng định, dưới thời
  • 17. 14 Văn Lang - Âu Lạc, cư dân ở vùng đất Quảng Trị là hậu duệ của cư dân Sa Huỳnh, cư trú vùng Bắc đèo Hải Vân và được sát nhập vào vương quốc Chămpa sau này. Đến thời Bắc thuộc, năm 111 TCN, nhà Hán thay thế họ Triệu xâm lược và thống trị Âu Lạc. Ngoài hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân, nhà Hán cho lập thêm quận Nhật Nam. Quận Nhật Nam là miền đất từ núi Hoành Sơn vào đến Quảng Nam. Quận Nhật Nam có 5 huyện: Tây Quyển, Tỉ Cảnh, Chu Ngô, Lô Dung và Tượng Lâm. Quận trị lúc đầu đóng ở Tây Quyển, về sau dời sang Chu Ngô. Theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi, “mãi đến thời Nam – Bắc Triều vẫn gọi là huyện Tỉ Cảnh, có lẽ là vùng đất Quảng Trị ngày nay” [103, tr.143]. Theo học giả Đào Duy Anh thì Tỉ Cảnh (Tỉ Ảnh) có thể là huyện Địa Lý và Ma Linh sau này, còn Chu Ngô chắc là vùng đất thuộc lưu vực sông Thạch Hãn, sau đổi thành Châu Ô. “Tỉ Ảnh ở miền Nam Quảng Bình, trong vùng lưu vực sông Nhật Lệ, cho đến sông Bến Hải; Chu Ngô ở miền Quảng Trị, trong vùng lưu vực sông Thạch Hãn” [5, tr.61]. Như vậy, Quảng Trị cổ lúc ấy có thể thuộc một phần của huyện Tỉ Cảnh và toàn bộ huyện Chu Ngô. Tuy nhiên, sự cai trị của nhà Hán đối với vùng này có lẽ rất lỏng lẽo, chứ không như ở Giao Chỉ, Cửu Chân. Như vậy, từ năm 111 TCN đến năm 192 SCN, Quảng Trị thuộc quận Nhật Nam. Đến cuối thế kỷ thứ II, thuộc đời Sơ Bình (190-193), nhân lúc xã hội Trung Quốc rơi vào cảnh loạn lạc, nhà Đông Hán suy sụp, cư dân trên đất Quảng Trị cùng với nhân dân vùng Tượng Lâm, dưới sự lãnh đạo của Khu Liên nổi dậy khởi nghĩa giành quyền tự chủ và lập nước. Tác giả Huỳnh Công Bá trong cuốn Giáo trình lịch sử Việt Nam cổ trung đại cho biết: “Quốc gia mới lập của nhân dân Tượng Lâm một thời gian dài được các thư tịch cổ Trung Quốc gọi là Lâm Ấp (do rút gọn từ Tượng Lâm Ấp mà ra). Nhưng thực ra, tên gọi quốc gia của người Chăm chính là Chămpa” [15, tr.147]. Như vậy, từ năm 192 đến năm 1069, vùng đất Quảng Trị thuộc vương quốc Chămpa. Sau khi giành được quyền độc lập tự chủ, quốc gia phong kiến Đại Việt đã không ngừng phát triển, lớn mạnh về mọi mặt. Nhằm phá tan âm mưu của nhà Tống cấu kết với chính quyền Chămpa để đánh nước ta và để loại trừ mối nguy hiểm về phía nam, năm 1069, vua Lý Thánh Tông thân chinh cùng với Lý Thường Kiệt đem 5 vạn quân tiến đánh Chămpa, bắt vua Rudravarman III cùng 5 vạn tù binh. Vua
  • 18. 15 Chămpa “xin dâng 3 châu Địa Lý và Ma Linh, Bố Chính để chuộc tội” [55, tr.323]. Vua Lý chấp thuận, châu Ma Linh thuộc phần đất Quảng Bình và Bắc Quảng Trị. Năm 1075, Lý Thường Kiệt cho vẽ bản đồ 3 châu. “Đổi châu Địa Lý làm châu Lâm Bình, châu Ma Linh làm châu Minh Linh” [55, tr.323], đồng thời chiêu mộ dân vùng Thanh Hoá, Nghệ An vào sinh sống làm ăn, cùng binh lính trấn đóng vùng đất này, đây là lớp người di dân đầu tiên vào Quảng Trị. Vùng đất của Quảng Trị lúc bấy giờ thuộc châu Minh Linh, kể từ Cửa Việt trở ra phía Bắc bao gồm đất của các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh và một phần đất của thị xã Đông Hà, Cam Lộ, Hướng Hoá ngày nay. Trong khoảng thời gian từ năm 1075-1306, Quảng Trị là vùng đất của 2 nước Đại Việt và Chămpa. Trong thời gian này, bên ngoài tuy hòa hiếu, nhưng bên trong, giai cấp thống trị Champa nhiều lần gây chiến với Đại Việt để lấy lại đất. Sau khi kháng chiến chống Nguyên thắng lợi, quan hệ giữa Đại Việt và Champa trở nên tốt đẹp. Năm 1306, Vua Chăm là Chế Mân (Jaya simhavarman III) đem châu Ô, châu Lý làm quà sính lễ để cưới Công chúa Huyền Trân, đó là vùng đất Nam Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Bắc Quảng Nam ngày nay. Năm 1307, nhà Trần đổi châu Ô thành Thuận Châu, châu Lý thành Hóa Châu. Theo học giả Đào Duy Anh “phủ Triệu Phong là châu Ô của Chiêm Thành, đến đời Trần thành châu Thuận… Các huyện Thuận Xương (nay là huyện Triệu Phong) và Hải Lăng cũng là đất châu Thuận xưa. Châu Thuận có thể là gồm cả đất Quảng Trị từ Cửa Việt trở vào, tức là phủ Triệu Phong ở thời chúa Nguyễn” [5, tr.163]. Như vậy, Thuận Châu là dải đất từ sông Hiếu (Cửa Việt) vào đến Bắc tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay. Từ năm 1307-1400 Quảng Trị là đất thuộc châu Minh Linh (phía bắc Quảng Trị) và Châu Thuận (phía nam Quảng Trị), là một bộ phận đất đai của nước Đại Việt. Nhà Trần chiêu mộ nhân dân trong vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh vào đây làm ăn sinh sống, vua Trần còn cắt cử quan lại vào trấn thủ ở vùng Thuận Hóa. Năm 1466, Lê Thánh Tông chia cả nước thành 12 đạo thừa tuyên, Quảng Trị là vùng đất thuộc thừa tuyên Thuận Hóa. Năm 1558, Nguyễn Hoàng được vua Lê cho vào trấn thủ vùng đất Thuận Hóa, ông chọn Quảng Trị làm nơi đặt thủ phủ của mình tại xã Ái Tử huyện Vũ Xương
  • 19. 16 (nay thuộc huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị) gọi là dinh Ái Tử với mưu đồ cát cứ lâu dài. Năm 1570, Nguyễn Hoàng được vua Lê phong làm Tổng trấn hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam, ông cho di dân, khai khẩn đất đai. Có một thời gian ngắn, Quảng Trị là thủ phủ của chúa Nguyễn. Năm 1802, sau khi đánh bại Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế lấy hiệu là Gia Long. Ông lấy hai huyện Hải Lăng và Đăng Xương thuộc Phủ Triệu Phong, huyện Minh Linh thuộc Phủ Quảng Bình lập ra Dinh Quảng Trị, riêng phía tây đặt đạo Cam Lộ thuộc dinh Quảng Trị. “Gia Long năm mới lên ngôi gọi là trực lệ doanh Quảng Trị có 1 phủ 3 huyện 1 đạo 1 châu là phủ Triệu Phong lĩnh 3 huyện: Đăng Xương, Hải Lăng, Minh Linh; đạo Cam Lộ lĩnh châu Hướng Hóa” [65, tr.23]. Năm Minh Mạng thứ tư (1823) ở miền núi đặt châu Hướng Hoá thuộc đạo Cam Lộ. Năm Minh Mạng thứ 8 (1827) đổi dinh Quảng Trị thành trấn Quảng Trị. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ có chép: “Minh Mạng năm thứ 8 (1827), đổi doanh làm trấn bỏ hai chữ trực lệ tất cả 9 đạo trại Mường người thiểu số dâng cống gồm: Mường Vang, Na Bí, Thượng Kế, Tá Bang, Xương Thịnh, Tầm Bồn, Ba Lan, Mường Bổng, Làng Thì, đều đổi làm châu” [65, tr.23]. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831) đổi trấn Quảng Trị thành tỉnh Quảng Trị và cải đạo Cam Lộ thành phủ Cam Lộ. Năm 1834 đổi châu Hướng Hoá thành huyện Hướng Hoá. Năm 1836 đặt thêm huyện Địa Linh với đất trích ở hai huyện Minh Linh và Đăng Xương. Năm Tự Đức thứ 3 (1850) đổi huyện Hướng Hoá thành huyện Thành Hoá. Năm 1853, Tự Đức bỏ tên tỉnh Quảng Trị thành lập đạo Quảng Trị và sát nhập vào Phủ Thừa Thiên. Đến năm 1876 lại đổi đạo Quảng Trị thành tỉnh Quảng Trị như cũ và đặt lại 2 phủ Triệu Phong và Cam Lộ kiêm lý hai huyện Đăng Xương và Thành Hóa. Năm Đồng Khánh thứ 1 (1886) đặt huyện Gio Linh, tức huyện Địa Linh cũ. Năm Duy Tân thứ 2 (1908) đổi huyện Thành Hoá làm huyện Hướng Hoá. Theo Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, dưới triều Nguyễn, tỉnh Quảng Trị “có 2 phủ 5 huyện 9 châu là phủ Triệu Phong lĩnh 4 huyện: Đăng Xương, Hải Lăng, Minh Linh, Địa Linh; phủ Cam Lộ lĩnh 1 huyện Hướng Hóa và 9 châu: Mường Vang, Na Bí, Thượng Kế, Tá Bang, Xương Thịnh, Tầm Bồn, Ba Lan, Mường Bổng, Làng Thì” [65, tr.23]. Các châu ấy nay thuộc về đất Lào.
  • 20. 17 Dưới thời Pháp thuộc, về cơ bản hệ thống hành chính cơ sở ở Quảng Trị vẫn được giữ như cũ, chỉ thay đổi địa giới, tên gọi một số huyện. Cả tỉnh lúc này có 6 huyện là: Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ và Hướng Hoá. Năm 1906, Phủ toàn quyền Đông Dương quyết định thành lập thị xã Quảng Trị. Ngày 5/9/1929 Phủ toàn quyền Pháp ở Đông Dương quyết định thành lập thêm thị xã Đông Hà. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, các đơn vị hành chính cấp phủ đổi thành cấp huyện, bỏ đơn vị cấp tổng, giữ cấp xã. Tháng 7/1954 Hiệp định Giơnever được ký kết, nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền Bắc - Nam, vĩ tuyến 17 sông Bến Hải là giới tuyến quân sự chia đôi tỉnh Quảng Trị. Với âm mưu chia cắt lâu dài, chính quyền Sài Gòn thành lập 3 quận phía Nam sông Bến Hải là: Quận Ba Lòng, quận Mai Lĩnh, quận Trung Lương. Phía Bắc sông Bến Hải là huyện Vĩnh Linh có vị trí và vai trò đặc biệt là tiền đồn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương trực tiếp của miền Nam ruột thịt nên Chính phủ quyết định thành lập đặc khu Vĩnh Linh trực thuộc Trung ương, tương đương đơn vị hành chính cấp tỉnh. Tháng 3 năm 1975, Quảng Trị được giải phóng hoàn toàn. Từ tháng 7/1976, tỉnh Quảng Trị cùng với tỉnh Quảng Bình, tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực Vĩnh Linh hợp nhất lại thành lập tỉnh mới đó là tỉnh Bình - Trị - Thiên. Bấy giờ các huyện của tỉnh Quảng Trị cũ cũng tiến hành sát nhập lại với quy mô lớn hơn (gồm 1 thị xã và 3 huyện): Thị xã Đông Hà (gồm Đông Hà và một phần Cam Lộ); huyện Bến Hải (gồm huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và một phần Cam Lộ); huyện Triệu Hải (gồm Triệu Phong, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị) và huyện Hướng Hoá. Tháng 7/1989, Quảng Trị trở lại đơn vị hành chính cấp tỉnh trực thuộc Trung ương có 4 đơn vị hành chính: thị xã Đông Hà, Bến Hải, Triệu Hải, Hướng Hoá. Đến đầu năm 1991 có sự thay đổi về địa giới và tên gọi các huyện, thị xã của tỉnh Quảng Trị như sau: Thị xã Đông Hà tách ra thành lập thị xã Đông Hà và huyện Cam Lộ; huyện Bến Hải tách ra thành lập 2 huyện là: Vĩnh Linh và Gio Linh; Huyện Triệu Hải tách ra thành lập 3 huyện, thị xã là: Triệu Phong, Hải Lăng và thị xã Quảng Trị. Đến đầu năm 1997 huyện Hướng Hoá được tách ra thành lập 2 huyện là: Hướng Hoá và Đakrông. Năm 2004, huyện đảo Cồn Cỏ được thành lập.
  • 21. 18 Tính đến nay, toàn tỉnh Quảng Trị có 10 đơn vị hành chính gồm thành phố Đông Hà trực thuộc tỉnh Quảng Trị, thị xã Quảng Trị và 8 huyện (Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, Cam Lộ, Hướng Hóa, Đakrông, huyện đảo Cồn Cỏ). Với một diễn trình lịch sử hình thành và phát triển, nội chiến và chia cắt; một vị trị địa lý khá đặc thù, Quảng Trị trở thành nơi gặp gỡ, tiếp nhận và giao hoà nhiều hệ văn hoá khác nhau. Trên nền của văn hoá tiền và sơ sử, hội tụ ở đó không ít dấu tích của văn hoá Sơn Vi, Hoà Bình, Đông Sơn, Sa Huỳnh là quá trình tiếp biến khi tiếp cận với văn hoá Hán, Chămpa, Đại Việt, kể cả văn hoá phương Tây... Tất cả đã đan vào nhau trong khả năng dung hoà, dung hợp của người Quảng Trị để trở thành tài sản của chính mình trên hành trình tiến về phía trước. 1.2. Truyền thống giáo dục và khoa cử Nho học ở Quảng Trị trƣớc năm 1802 Quảng Trị trong khoảng từ thế kỷ XI – XIV là vùng đất địa đầu của quốc gia phong kiến Đại Việt. Cũng trong giai đoạn này, Chămpa thường xuyên tổ chức những cuộc xâm chiếm, quấy phá ở vùng Thuận Hóa, vậy nên công tác giáo dục và khoa cử ở Quảng Trị thời kỳ này chưa có điều kiện để hình thành và phát triển. Đến thế kỷ XV, dưới thời Lê Sơ, nhà nước phong kiến trung ương tập quyền được xác lập và cũng cố vững mạnh. Nhà nước đề cao Nho giáo, ưu tiên tuyển chọn quan lại bằng con đường khoa cử, từ đây nền giáo dục khoa cử Nho học đi vào nề nếp. Tuy nhiên, không như các sĩ tử từ Hà Tĩnh trở ra bắc đã có bề dày truyền thống giáo dục và khoa cử hàng trăm năm, Quảng Trị trong bối cảnh xứ Thuận Hóa là vùng đất mới, con đường cử nghiệp, học hành, đèn sách tất nhiên còn mỏng manh, sơ sài, vô cùng khó khăn, tốn kém và lâu dài. Quảng Trị là vùng đất ít được sự ưu đãi của tự nhiên, nghèo về tiềm năng, cuộc sống người dân luôn khốn khó và thường xuyên bị đe dọa bởi thiên tai. Là vùng đất “gió Lào cát trắng”, một vùng quê nghèo xơ xác, nhưng điều đó đã hun đúc cho người Quảng Trị một lối sống quen chịu đựng gian khổ, biết vượt lên hoàn cảnh, luôn tìm cách vượt qua nghèo khó để vươn lên. Điều vô cùng quý báu và đáng trân trọng chính là con đường vượt qua nhọc nhằn, khó khăn với lòng khát vọng khổ học để thành tài của con người Quảng Trị. Trong số đó, Bùi Dục Tài là tấm gương sáng để mọi thế hệ sau cùng noi theo. “Vào thời điểm đó cái chữ quý hơn
  • 22. 19 vàng, làng không có thầy dạy học. Việc học hành rất khó khăn nhưng cụ Bùi Dục Tài đã cố gắng tìm sách để đọc, tìm thầy để học. Quá trình đi thi cũng rất khó khăn, cụ phải lều chõng ra đến Thăng Long để dự thi” [116]. Trong kỳ thi Hương năm Tân Dậu đời vua Lê Hiến Tông niên hiệu Cảnh Thống năm thứ 4 (1501), Bùi Dục Tài đỗ Hương cống. Tại kỳ thi Hội năm 1502 lấy đỗ 61 người, trong đó có Bùi Dục Tài. Để xếp hạng những người đã được chọn lọc qua kỳ thi Hội, tại kỳ thi Đình vua Lê Hiến Tông đích thân ra đề văn sách hỏi về công việc đế vương trị nước. Bùi Dục Tài đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ, được ban yến, ban mũ áo, cờ biển mang chữ “Đệ nhị giáp tiến sĩ” và “Sắc tứ vinh quy”, được khắc tên vào bia đá ở Văn Miếu. Ông xứng đáng là người “sớm nêu sĩ vọng, đột phá khai khoa” [2, tr.138]. Năm 1558, lấy cớ vào trấn thủ vùng Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng đã tổ chức khai phá, mở rộng đất đai, củng cố thế lực, chăm lo phát triển kinh tế, ổn định xã hội. Trường học chủ yếu được mở trong dân gian, việc học hành và thi cử đã được các làng xã quan tâm. Trong bối cảnh đó, ở triều đình việc tổ chức giáo dục khoa cử chưa được chặt chẻ, chính quyền các chúa Nguyễn cũng đã quan tâm việc tổ chức học hành và thi cử, nhưng do còn có nhiều việc cấp bách cụ thể như việc phát triển thế lực để đối trọng với Đàng Ngoài, chính quyền chúa Nguyễn sử dụng nhân tài qua con đường tiến cử là chủ yếu. Chính vì vậy, số người Quảng Trị đỗ đạt dưới thời chúa Nguyễn, thời quân Trịnh chiếm đóng và Tây Sơn còn hạn chế. Sang thời nhà Nguyễn, ngay từ khi Nguyễn Ánh lên ngôi (1802) lấy hiệu là Gia Long, đã quan tâm phát triển giáo dục và khoa cử làm phương tiện chủ yếu để đào tạo, rèn luyện nhân tài. Giáo dục và khoa cử dưới thời Nguyễn được tổ chức chặt chẻ, có hệ thống từ trung ương đến địa phương. Quảng Trị là vùng đất giáp ranh Phủ Thừa Thiên nên cũng đã có những bước phát triển mới về công tác giáo dục và đạt được nhiều kết quả. Quảng Trị có vị trí giáp với Kinh đô Huế ở phía Nam, đây là yếu tố tác động mạnh đến lịch sử phát triển của tỉnh Quảng Trị nói chung và tình hình giáo dục - khoa cử nói riêng. Có vị trí ở gần kinh đô, được triều đình quan tâm, Quảng Trị có điều kiện để phát triển kinh tế, xã hội, nhất là ổn định về chính trị, không thường xuyên diễn ra khởi nghĩa nông dân như ở các tỉnh Bắc Kỳ. Với việc triều Nguyễn
  • 23. 20 xây dựng nhà nước theo thể chế quân chủ trung ương tập quyền, lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng chính thống, Quảng Trị là tỉnh giáp ranh về phía Bắc của Kinh đô đã chịu nhiều tác động của hệ tư tưởng Nho giáo, trường học dạy chữ Nho được mở ra, triều đình quan tâm phát triển Nho học ở các tỉnh ở gần kinh đô. Mặt khác, là vị trí kinh đô, triều đình ưu tiên lấy đỗ nhiều người trong các kỳ thi Hương, Nho sĩ Quảng Trị tham gia dự thi tại trường thi Thừa Thiên có nhiều thuận lợi, “Kinh sư là đất đứng đầu tất cả, gần đây văn phong ngày một chấn khởi, sĩ số thêm nhiều lên, đã chuẩn cho giải ngạch lấy 38 tên, nay thêm 12 tên, cho đủ số 50” [84, tr.1044]. Bên cạnh đó, trước đây sĩ tử phải lều chõng ra đến Thăng Long dự thi, Nho sĩ phải có hoàn cảnh khá giả hay được giúp sức của cả làng xã, dòng họ mới có điều kiện lên kinh dự thi, tuy nhiên, dưới triều Nguyễn việc sĩ tử đi lại dự thi thuận lợi hơn trước đây và các tỉnh khác. Ngoại trừ danh nhân Bùi Dục Tài, còn lại người Quảng Trị hầu hết đỗ đạt vào thời triều Nguyễn. Theo thống kê từ các kỳ thi dưới triều Nguyễn, Quảng Trị có 14 Tiến sĩ, 10 Phó bảng và 187 Cử nhân. Trong hoàn cảnh khó khăn, Quảng Trị không có điều kiện phát triển giáo dục so với các tỉnh, nhất là các tỉnh ngoài Bắc nhưng với nghị lực phi thường, người Quảng Trị đã nỗ lực vượt lên mọi khó khăn, trong đó với những tên tuổi như: Nguyễn Đức Hoạt, Nguyễn Tăng Doãn, Hoàng Hữu Xứng, Lâm Hoành, Nguyễn Văn Tường, Lê Đăng Trinh, Nguyễn Tự Như, Lê Đức, Lê Nguyên Lượng… 1.3. Khái quát giáo dục - khoa cử Nho học dƣới triều Nguyễn 1.3.1. Chính sách về giáo dục và khoa cử Thứ nhất, nhằm tuyển dụng, đào tạo và phát triển đội ngũ quan lại, nhà Nguyễn rất coi trọng việc học hành thi cử. Ngay sau khi lên ngôi Hoàng đế, trong chuyến ra thăm Thăng Long lần đầu tiên (1802), vua Gia Long đã cùng tùy tùng lo tính khôi phục giáo dục, bàn về phép khoa cử để khi thích hợp sẽ tổ chức thi Hương, thi Hội, đào tạo nhân tài giúp nước. Khi mới lên ngôi, vua Gia Long rất trân trọng và tin dùng giới sĩ phu Bắc Hà, “ông đã mời được các Nho sĩ Phan Huy Ích, Bùi Dương Lịch, Phạm Đình Hổ, Phạm Quý Thích, Nguyễn Du… ra làm quan hoặc phụ trách giáo dục” [31, tr.17], Nguyễn Đình Tứ làm Đốc học phủ Phụng Thiên; Lê Huy ở Sâm Kinh Bắc; Vũ Đình Tử ở Sơn Nam thượng; Nguyễn Huy Thảng ở Sơn
  • 24. 21 Nam hạ… Trong vòng 3 năm (1803 - 1805), vua Gia Long đã ba lần ban chiếu mời những người đã qua các kỳ thi dưới thời Lê, hoặc những người thông thạo kinh sử, có năng lực ra cộng tác với triều Nguyễn để sớm ổn định bộ máy quản lý nhà nước. Kế vị vua Gia Long, các vua Nguyễn về sau cũng rất coi trọng hiền tài, ban hành nhiều chính sách để chiêu tập, đào tạo nhân tài phục vụ đất nước “Bên cạnh việc tiếp tục sử dụng đội ngũ võ quan vừa qua chinh chiến thông qua hai hình thức tiến cử (hay bảo cử) và nhiệm tử, triều Nguyễn đã luôn coi trọng và sử dụng chế độ khoa cử làm công cụ chính trong việc tuyển chọn nhân tài” [31, tr.17]. Năm 1820, vua Minh Mạng xuống chiếu rằng: “Thánh nhân lưu ơn lại không gì bằng gây dựng cho người, mà kẻ vương giả ra ơn không gì bằng mở khóa thi chọn lấy kẻ sĩ” [89, tr.1506]. Vua Thiệu Trị cũng đã từng nói “Việc dạy học là chính sự trọng đại của triều đình cho nên các tỉnh đều đặt chức Đốc học, khiến cho dạy dỗ học trò để làm cái kế hay về việc tác thành nhân tài” [31, tr.17]. Tiếp nối truyền thống giáo dục của các triều đại trước, các vua đầu triều Nguyễn đã nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công cuộc giáo dục đào tạo để tạo nên nguồn nhân lực về con người phục vụ cho đất nước. Thứ hai, xây dựng đội ngũ quan lại chăm lo về giáo dục. Đối với trường học ở kinh đô. Năm 1803, Gia Long cho đặt các chức chánh phó Đốc học ở Quốc Tử giám. Đến năm 1821, Minh Mạng bỏ các chức danh trên và khôi phục lại Tế tửu, Tư nghiệp, đặt chức Học chính phụ trách việc học tập của các Tôn sinh. Năm 1838, triều đình lại cử 2 viên đại thần kiêm lĩnh công việc của Quốc Tử giám với các chức Tri sự, Đề điệu. Ở các đường (Tập Thiện Đường, Dục Đức Đường…), triều đình đặt các chức Phụ đạo, Sư bảo, Tán thiện, Bạn độc, Trưởng sử để dạy bảo các hoàng tử, hoàng đệ. Ở nhà tôn học của con cháu hoàng thân, hoàng đệ do Tổng quản, Giáo tập, Thừa biện phụ trách. Ở địa phương, ngay sau khi lên ngôi, Gia Long cho đặt các chức Đốc học, Trợ giáo. Ở mỗi tỉnh, nhà vua cho đặt các chức Đốc học để quản lý việc giáo dục thi cử. Năm Gia Long thư 11 (1812) “chuẩn định các dinh trấn trong ngoài, các tổng bảo cử những người văn học uẩn súc, đáng làm khuôn phép cho học trò, ai 50 tuổi
  • 25. 22 trở lên, mỗi tổng 2 người hoặc 3 người, do trấn cấp giấy ủy nhiệm cho miễn việc binh, việc sưu để dạy những học trò mới học” [64, tr.93]. Cùng với việc mở rộng trường học, nhà vua cho đặt thêm các chức Giáo thụ, Huấn đạo ở các phủ, huyện. Năm 1812, Gia Long lệnh cho các dinh trấn chọn những người có văn học từ 50 tuổi trở lên đặt làm Tổng giáo để dạy các lớp sơ học. Năm 1821, Minh Mạng quy định: Giáo quan ở các phủ, huyện nếu là Sinh đồ, Hương cống thì phải đủ 40 tuổi trở lên, người khác (không có học hàm) phải đủ 50 tuổi trở lên. Năm 1824, nhà vua cho xét tuyển Giám sinh Quốc Tử giám để chia bổ Huấn đạo các huyện. Năm 1825, Minh Mạng cho đặt mỗi huyện 1 Huấn đạo, Năm 1830, lại cho bổ 142 Tú tài từ 40 tuổi trở lên làm Huấn đạo. Đến năm 1856, dưới thời Tự Đức, triều đình định lệ: Cử nhân đã từng thi Hội từ 40 tuổi trở lên mới được bổ làm giáo chức. Vào cuối đời Tự Đức chức học quan phải đạt yêu cầu là Tiến sĩ, Phó bảng hoặc Cử nhân lão thành. Minh Mạng cũng chăm lo việc học ở địa phương. Đối với việc học ở tỉnh, năm 1823, Minh Mạng xuống chỉ các doanh, trấn, đạo đặt thêm Đốc học, bớt viên Trợ giáo. Ở cấp phủ, huyện, cũng trong năm này, Minh Mạng xuống chỉ: “chuẩn cho mỗi phủ đặt một viên giáo thụ, mỗi huyện đặt 1 viên huấn đạo để dẫn dắt học sinh, cho văn học được mở rộng” [66, tr.477] Ngay cả những miền biên ải, những vùng dân tộc thiểu số, nhà Nguyễn cũng chú trọng việc xây dựng đội ngũ học quan. Dưới thời Thiệu Trị, chức Đốc học, Giáo thụ, Huấn đạo lần đầu tiên được bổ tới các tỉnh, phủ, huyện vùng biên giới xa xôi như Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên. Chính sách này cũng được thực hiện trong thời Tự Đức. Năm Tự Đức thứ 27 (1874), triều đình chuẩn định cho đặt chức dạy học ở những tỉnh đạo, thổ dân, “các tỉnh đạo, thổ dân thuộc hạt có người muốn đi học thì liệu đặt chức dạy học… Việc học đều phải đặt chức dạy, để cho đổi cả, bộ phải tuân lệnh tư cho các tỉnh, đạo gián hoặc có dân Thổ muốn đi học, xét tâu trả lời” [86, tr.28], và chọn người thông hiểu văn chương để đặt chức Tổng giáo để phục vụ cho việc dạy học “chọn người đỗ Tú tài hoặc là học trò ở trong hạt, người nào hơi thông văn học, hiểu biết tiếng Kinh, tiếng Thổ… Tùy theo học trò ít nhiều, địa thế xa gần, 1 tổng hoặc 2
  • 26. 23 tổng đặt 1 Tổng giáo, chuyên dạy về chữ nghĩa, lễ phép và tiếng Kinh” [86, tr.28-29]. Sau khi giáo dục phát triển sẽ đặt chức Giáo thụ, Huấn đạo. Thứ ba, nhà Nguyễn chủ trương xây dựng nền giáo dục Nho học có hệ thống từ trung ương đến địa phương. Triều đình mở rộng hệ thống trường lớp từ kinh đô đến tận các phủ, huyện trong cả nước. Bên cạnh đó, nhà vua còn cho phép mở các trường tư thục tại các làng xã để bảo đảm nhu cầu học tập trong nhân dân. Đối với kinh đô Huế, nhà Nguyễn đã cho xây dựng hệ thống trường lớp hoàn thiện và tập trung nhất, tiêu biểu nhất cho toàn bộ hệ thống giáo dục của triều đại. Trường Quốc Tử giám được xem là trường học đặc biệt, là trung tâm giáo dục cấp quốc gia dành cho những sinh viên, học sinh ưu tú thuộc nhiều đối tượng khác nhau như: Tôn sinh, Giám sinh, Ấm sinh, Cống sinh, học sinh các vùng miền núi… Quốc Tử giám là nơi được các vị vua quan tâm kiện toàn cơ cấu tổ chức, quy tập các học quan và nhà giáo ưu tú làm khuôn mẫu cho nền giáo dục toàn quốc. Ngoài Quốc Tử giám còn có một hệ thống các trường lớp chuyên biệt dành cho nhiều đối tượng khác nhau. Đó là nhà học của vua, của các thái tử, hoàng tử. Ở các địa phương, ngoài việc học ở trung ương, nhà Nguyễn cũng thiết lập một hệ thống giáo dục đến các trấn, doanh (tỉnh) và phủ, huyện. Sau cải cách hành chính của Minh Mạng vào các năm 1831-1832 cùng với việc thống nhất đổi tên gọi tỉnh trong toàn quốc thì trường học ở cấp tỉnh được thiết lập cùng học quan phụ trách mang chức danh Đốc học. Đến giữa thế kỷ XIX, cả nước có 158 trường học cấp phủ và huyện (châu). Ngoài các trường công, nhà vua còn cho phép tư nhân mở trường học trong các làng xã do các ông đồ, các Nho sĩ không làm quan mở trường dạy học. Mặt khác, triều đình còn quan tâm đến việc mở trường dạy học ở các châu, huyện miền núi. Thứ tư, nhà Nguyễn chú trọng công tác biên soạn sách vở. Ngay sau khi thống nhất đất nước, các vua nhà Nguyễn đã tiến hành chỉnh đốn và phát triển học hành, thi cử, trong đó việc tổ chức biên soạn, in ấn các tài liệu học tập được chú trọng. Để phục vụ cho việc học tập và khoa cử, triều đình cũng chú ý đến biên soạn các loại văn mẫu. Năm Giáp Tý (1804), quan Bắc thành tâu: “Hiện nay thánh thượng lưu ý việc đào tạo nhân tài… vậy xin chuẩn định học quy khiến cho người dạy lấy đó mà dạy học trò, trò lấy đó mà chuyêm nghiệm, vua chuẩn y lời tâu, sai Tham tri Bộ
  • 27. 24 Binh là Nguyễn Thế Trực và quan Quốc Tử giám là Nguyễn Viết Ứng soạn dịnh những bài mẫu mới về kinh nghĩa và văn sách để ban bố, thi hành” [91, tr.32]. Nhà vua còn cho thu thập các sách sử cũ. Từ năm Minh Mạng thứ 8 (1827) đến năm Tự Đức thứ 2 (1849), triều đình đã ra 6 chỉ và đạo dụ về vấn đề tìm mua sách vở. Cùng với việc tóm lược Bắc sử, nhà Nguyễn chú trọng công tác biên soạn sử sách nước nhà phục vụ cho việc học hành và khoa cử. Chương trình học tập vẫn là sách Tứ thư, Ngũ kinh, học Bắc sử, Việt sử. Các vua Nguyễn đã cho bổ sung thêm một số tài liệu khác ngoài các bộ sách giáo khoa truyền thống, chẳng hạn năm 1833, Minh Mạng giao cho bộ Lễ tập hợp 80 bài thuộc thể văn tam trường của nhà Thanh, in thành 31 bộ chia cho Quốc Tử giám và học quan ở các địa phương. Năm 1845, Thiệu Trị sai soạn cuốn: “Thiệu Trị văn quy tự vận hội tập” (loại sách âm vận về phép làm thơ - văn dựa trên cuốn vạn phủ của nhà Thanh nhưng đầy đủ, rõ ràng hơn), 2 năm sau đó triều đình lại cho khắc in bộ: “Lịch đại sử tổng luận” ban cho các quan đại thần và các trường trong toàn quốc. Thứ năm, tổ chức đều đặn các kỳ thi nhằm tuyển chọn nhân tài. Song song với chính sách giáo dục nói trên là việc tổ chức các kỳ thi Hương, thi Hội nhằm tuyển dụng nhân tài. Nhận thức được việc đào tạo quan lại liên quan đến thịnh suy của đất nước nên các vua của triều Nguyễn từ Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đều rất quan tâm đến chế độ thi cử để tuyển chọn quan lại, các kỳ thi được tổ chức đều đặn và hoàn bị. Ngoài các kỳ thi chính thức được quy định 3 năm 1 lần gồm thi Hương, thi Hội, thi Đình, nhà Nguyễn còn tổ chức các kỳ thi đặc biệt đó là Ân khoa, Chế khoa, Hoành từ, (Cát sĩ khoa năm 1851, Nhã sĩ khoa năm 1865). Bên cạnh đó, các thể lệ thi cũng được cải tổ thường xuyên. Triều đình đặt ra các điều kiện dự thi tương đối rộng rãi để cho mọi tầng lớp nhân dân có khả năng và đức hạnh đều được dự thi, chỉ trừ những người đang thụ án, con nhà kép hát và những người đang có đại tang… thì không được dự thi. Thứ sáu, ban hành những chính sách đãi ngộ đối với Nho sinh. Quá trình xây dựng hệ thống trường lớp, học quan đi đôi với những chính sách nhằm khuyến khích việc học hành của tầng lớp Nho sinh, là đối tượng chính của nền giáo dục. Đối với học sinh trường Quốc Tử giám, các đời vua Nguyễn đều có chính sách quan
  • 28. 25 tâm đặc biệt, người học ở đây được cấp học bổng, quần áo, dầu, gạo, sách vở, bút mực đầy đủ… Hằng năm, vào các dịp lễ tết hoặc mừng xuân, các vua đều thân đến khen thưởng cho học trò. Năm 1825, nhân dịp mừng xuân, Minh Mạng cho học sinh mỗi người 10 quan tiền, có người cho là quá hậu, cho rằng “Cho con hát, đàn bà thì không nên hậu, chứ cho học trò là của báu của nhà nước, ngày nay nuôi để ngày khác dùng, há chẳng nên hậu hay sao”. Đối với học sinh trường tỉnh, phủ, huyện khi vào học đều được miễn giảm lao dịch và chịu khảo hạch một năm hai lần, chia làm các hạng: ưu, bình, thứ, liệt. Học sinh học giỏi có thể được sung cống vào Quốc Tử giám, được tiến cử về kinh để bổ dụng. Học sinh trường tỉnh hàng tháng được cấp thêm dầu, đèn. Đến các kỳ thi Hương, thi Hội, học trò ở các tỉnh xa xôi khó khăn ở phía Nam đều được cấp lương đi đường. Tiếp nối truyền thống của các triều trước, các vua Nguyễn cũng có những chính sách ưu đãi đối với những Tiến sĩ đỗ đạt nhằm khuyến khích việc học. Trước khi được bổ dụng vào các chức vị của triều đình, các tân Tiến sĩ được vinh quy bái tổ tại quê nhà. Dưới triều Nguyễn, lễ Ân tứ vinh quy được tổ chức ngay từ khoa thi đầu tiên vào thời Minh Mạng (1822), nhưng đến thời Tự Đức được quy định cụ thể và đi vào quy củ. Ngoài chính sách đãi ngộ đối với các Tiến sĩ, nhà Nguyễn còn có lệ khắc tên tuổi, quê quán và một số thông tin về tiểu sử khoa cử của các Tiến sĩ lên các tấm bia đá ở Văn Miếu. Việc dựng bia điền tên các Tiến sĩ vào bia đá để lưu truyền về đời sau có ý nghĩa rất quan trọng, khích lệ lòng người về tài năng đức độ của các đại khoa học vị Tiến sĩ, khuyến khích các kẻ sĩ chăm lo đèn sách, tu dưỡng, đỗ đạt cao, mong sao được bước lên con đường khoa học. Mặt khác, việc dựng bia Tiến sĩ còn ngụ ý khuyên răn, làm cho người ta phấn khởi để nâng cao tiết tháo liêm cần, lấp kín con đường tham nhũng, thờ vua phải hết lòng trung, yêu dân phải có ơn huệ, ở trên miếu đường thì giữ lòng công minh, ở các địa phương thì có chính sự tốt làm cho dân chúng được hưởng sự yên vui. Thứ bảy, gắn liền với việc tuyển chọn quan lại, phát triển đội ngũ học quan là những quy chế thưởng phạt rõ ràng. Chính sách thưởng, phạt đối với các quan lại nói chung, các học quan nói riêng được nhà nước phong kiến triều Nguyễn thực hiện rất nghiêm minh. Triều Nguyễn có những chính sách khảo xét, thưởng phạt
  • 29. 26 công minh, với thái độ cương quyết, nhất là sự công minh của vua Gia Long thể hiện “phép nước bất vị thân”, nên tất cả những người vi phạm đều không được châm chước. Triều đình nêu rõ thưởng phạt khuyên răn là việc lớn của nhà nước, đều là để thúc dục người lười mong cho thành công. Nếu không khuyên răn cho rõ ràng thì người mẫn cán lấy gì mà khuyến khích, người lười biếng lấy gì mà sợ hãi. Dưới thời Minh Mạng, một số năm các Đốc học được triệu về Kinh để ra mắt và chịu sự xét hỏi của nhà vua, người có thực tài được bổ vào các bộ, viện, ai kém cỏi thì bị giáng chức, đuổi đi hoặc buộc về hưu. Bên cạnh đó, tầng lớp học quan từ tỉnh đến huyện cũng chịu sự sát hạch hằng năm của Đốc phủ. Dưới thời Tự Đức, năm 1852, triều đình đổi lệ sát hạch học quan, theo đó chức Giáo thụ, Huấn đạo, Học chính mỗi năm một lần xét. Các quan ở Quốc Tử giám chịu sự sát hạch của các đại thần, các bộ và chịu sự thăng giáng. Tế tửu, Tư nghiệp nếu không đạt yêu cầu cũng mất chức. Để khảo xét học quan và cũng nhằm khuyến khích việc học hành thi cử, từ thời Minh Mạng, triều đình có chính sách thưởng phạt học quan bằng việc căn cứ vào số học trò đi thi và trình độ của thí sinh. 1.3.2. Tình hình giáo dục dưới triều Nguyễn Về Tổ chức trường lớp, thực hiện chính sách phát triển giáo dục, tuyển chọn nhân tài giúp vua trị nước, các vua Nguyễn đã ra sức chăm lo mở trường lớp, xây dựng một hệ thống giáo dục tương đối hoàn bị từ trung ương đến địa phương. Ở Trung ương, có hệ thống nhà học của vua, hoàng thân, trường Quốc Tử giám… Nhà học của vua được xây dựng để phục vụ cho việc học tập, bổ sung kiến thức, nhà học thường được các vị vua xếp đặt ở những nơi yên tĩnh. Sau khi lên ngôi, các vua Nguyễn vẫn không ngừng học tập. Năm 1810, vua Gia Long sai xây dựng điện Dưỡng Tâm làm nơi vua đến đọc sách và nghĩ ngơi khi nhàn rỗi. Sang thời Minh Mạng cho xây dựng thêm Trí Nhân đường (1821) để những khi rỗi việc vua đến dạo chơi, câu cá và Điếu Ngư đình dùng làm nơi đọc sách, làm thơ. Năm 1848, sau khi lên ngôi, vua Tự Đức chuẩn y cho mở tòa Kinh Diên tức viện Tập Hiền nhằm phục vụ cho việc học… Như vậy, nhà học là nơi phục vụ cho công việc học tập của vua, “Từ vua Gia Long cho đến vua Tự Đức có những nhà học chính:
  • 30. 27 Điện Dưỡng Tâm (Gia Long), Trí Nhân đường (Minh Mạng), tòa Kinh Diên, tức viện Tập Hiền (Tự Đức)” [31, tr.28]. Các vua đầu triều Nguyễn rất quan tâm đến việc học của con cái, các Thái tử là những vị vua đứng đầu, trị vì đất nước trong tương lai nên việc học được các vua đặc biệt quan tâm. Năm 1817, Tập Thiện đường được thiết lập làm nhà học cho các hoàng tử, việc tuyển thầy dạy học ở Giảng đường cũng được triều đình chú trọng. Bên cạnh đó, triều đình cho xây dựng Tôn học đường, dùng làm nhà học cho con cháu các Hoàng thân. Trường được vua Tự Đức chuẩn y xây dựng vào năm 1850, đến năm 1851 trường được xây xong. Tuy nhiên, Tôn học đường chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn. Vì hoạt động không hiệu quả, năm 1871, vua Tự Đức cho bỏ nhà Tôn học, giao về cho gia đình quản lý rèn dạy, nếu sau này tiến bộ hơn thì cho vào trường Giám để học tiếp hay đi dự kỳ thi quốc gia. Quốc Tử giám, trường Quốc Tử giám lần đầu tiên được thành lập dưới thời nhà Lý năm 1076 ở kinh đô Thăng Long. Danh xưng Quốc Tử giám cũng được biến đổi qua các thời kỳ. Năm Quý Sửu (1253) được gọi là Quốc Học viện, Quốc Tử viện. Năm 1483 được gọi là nhà Thái Học. Năm 1721 được đổi thành trường Quốc học Dưới triều Nguyễn trường Quốc Tử giám được dựng vào năm 1803 tại kinh đô Huế với tên là nhà Quốc học. Năm Tân Tỵ (1821) vua Minh Mạng chính thức đổi thành Quốc Tử giám. “Trong hệ thống giáo dục ở trung ương thời Nguyễn, Quốc Tử giám được xem là trung tâm giáo dục - đào tạo lớn nhất nước” [31, tr.22]. Dưới thời nhà Nguyễn, triều đình đã quan tâm đến việc học ngoại ngữ, trong đó, vua Minh Mạng là người đầu tiên để tâm đến vấn đề ngoại ngữ. Nhà vua cho lập Tứ Dịch quán, sai quan ở bộ xem xét, định khóa trình cho học tập ngôn ngữ và văn tự ngoại quốc, chủ yếu là tiếng Xiêm, tiếng Lào, tiếng Pháp. Để phục vụ cho việc học ở kinh đô, triều đình đã cho xây dựng hệ thống thư viện, trước là để xử lý các vấn đề làm tư liệu cho việc viết sổ sách của triều đại, sau là để phục vụ cho công việc học tập, đọc sách của nhà vua và các hoàng tử. Từ đó các thư viện Thái Bình Lâu, thư viện Sử quán, Tàng Thư lâu, thư viện Nội Các, thư viện Tự Khuê, ngoài ra còn có Tân Thơ viện, thư viện Bảo Đại… được thành lập về sau này.
  • 31. 28 Ở địa phương, hệ thống trường học được thành lập đến tận phủ, huyện, có các quan chức giáo dục trông coi việc học. Trường tỉnh có chức Đốc học, trường phủ có chức Giáo thụ, trường huyện có chức Huấn đạo làm nhiệm vụ quản lý việc dạy học trong địa hạt. Đến thời Tự Đức (1864 - 1875), nước ta có 31 tỉnh và đạo, chia làm 321 phủ và huyện, tổng số trường học ở tỉnh, phủ, huyện là 158 trường… Tính trung bình trên toàn quốc cứ 2 huyện có một trường học quốc lập, vào khoảng 5570 suất đinh thì có 1 trường học. Tuy nhiên, dưới thời nhà Nguyễn, trường quốc lập chưa được mở đến cấp xã. Ở các tổng, xã, ấp là các trường học dân lập hay tư thục. Đó là các trường do các thầy đồ, các Nho sĩ mở ra để dạy dỗ con em nhân dân trong làng như các triều đại trước đó. Để phụ trách việc học, nhà Nguyễn chú trọng đặt các chức học quan, triều đình đặt ra các chức Đốc học, Giáo thụ, Huấn đạo do triều đình quản lý. Ở cấp tỉnh có chức Đốc học, có nhiệm vụ làm thanh tra học vấn, tước quan hàm ngũ phẩm. Ở phủ có chức Giáo thụ, là giám độc học vấn, tước quan hàm thất phẩm. Ở huyện có chức Huấn đạo, phụ trách giảng dạy, tước quan hàm bát phẩm. Việc tuyển chọn các học quan được triều đình rất quan tâm, phải là người có văn học, có tuổi tác, hoặc do thăng thụ, hoặc do điệu bổ phải làm sớ nêu rõ để chờ thăng bổ. Các đốc học được chọn trong số các Tiến sĩ, các giáo thụ, huấn đạo được chọn trong các cử nhân, tú tài. Việc chọn lọc người có học rộng tài cao để bổ chức học quan của triều đình Nguyễn là rất đúng, tuy nhiên trong đó có yêu cầu về độ tuổi là phải từ 40 tuổi trở lên là một hạn chế trong việc tuyển chọn quan lại, không tận dụng hết được nhân tài trong nhân dân. Việc đặt học quan ở địa phương được các vua Nguyễn chú ý đến bắt đầu từ thời vua Gia Long, trong các năm tiếp theo, triều đình quy định thêm về việc đặt các chức Đốc học, Giáo thụ, Huấn đạo và trợ giáo như: “Ở các tỉnh lớn, giáo dục, khoa cử đã phát triển thì mỗi tỉnh đặt một đốc học, một số tỉnh đặt thêm phó đốc học. Ở các phủ, huyện lớn cũng vậy, mỗi phủ đặt một giáo thụ và mỗi huyện đặt một huấn đạo. Ở một số huyện ở xa, giáo dục ít phát triển, số học trò chưa nhiều thì các tri huyện, tri châu có thể kiêm luôn chức huấn đạo” [91, tr.51].
  • 32. 29 Bên cạnh những quy định cụ thể, triều đình rất quan tâm, chú ý đến tình hình phát triển giáo dục của các địa phương. Địa phương nào có số học trò ngày càng tăng thì triều đình sẽ kịp thời ra chiếu chỉ bổ sung học quan, địa phương nào xét thấy chưa cần thiết thì có thể rút bớt hoặc chuyển sang công việc khác, hoặc do quan địa phương đứng đầu kiêm nhiệm, hoặc do học quan địa phương khác phụ trách. Để khuyến khích, biểu dương việc học, triều đình cho lập Văn Miếu thờ Khổng Tử. Việc xây dựng Văn Miếu nhằm nêu rõ sự tôn trọng giáo dục, khoa cử của triều đình. Các vua nhà Nguyễn cũng tỏ lòng ngưỡng mộ Nho học, nêu rõ việc tôn sư trọng đạo bằng những cuộc tự thân tế lễ Khổng Tử ở Văn Miếu. “Văn Miếu đời Nguyễn được tiến hành xây dựng và di chuyển qua ba địa điểm: làng Triều Sơn, làng Lương Quán và làng Long Hồ. Tới đầu thời vua Gia Long (1808), Văn Miếu chính thức của triều Nguyễn được xây dựng quy mô trên đất thôn An Bình, nay thuộc làng An Ninh. Quốc Tử giám cũng được đặt ở nơi này” [91, tr.47]. Cùng với việc xây dựng Văn Miếu thờ Khổng Tử, triều đình cho lập các bia Tiến sĩ. Từ thời vua Minh Mạng, triều đình bắt đầu mở các khoa thi Đình, bia đề tên tiến sĩ bắt đầu được xây dựng từ năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Minh Mệnh thứ 3 (1822). “Tính tới khoa thi cuối cùng, khoa Kỷ Mùi (1919) niên hiệu Khải Định thứ 4, tất cả có 32 bia đề tên tiến sĩ đã được dựng” [91, tr.48] của 292 vị Tiến sĩ thi đậu dưới triều Nguyễn. Ngoài 32 tấm bia tiến sĩ trên, ở Văn Miếu - Quốc Tử giám còn có hai tấm bia dựng ở hai bên sân, khắc đạo dụ của vua Minh Mạng về việc dùng hoạn quan và đạo dụ của vua Triệu Trị về việc dùng ngoại thích. Việc dựng Văn Miếu dưới triều đình nhà Nguyễn cũng như các triều đại trước đó góp phần khích lệ, nêu gương học hành, khoa cử của các nhân tài Nho học. 1.3.3. Tình hình thi cử dưới triều Nguyễn Truyền thống thi cử ở nước ta bắt đầu từ thời nhà Lý, trải qua các triều đại phong kiến việc tuyển chọn quan lại bằng con đường khoa cử đã được phát triển và ngày một hoàn thiện. Học hành đỗ đạt và được cử ra làm quan là con đường chính quy để mọi người, không kể thuộc thành phần xuất thân, được đến với chốn quan trường, từ đó tuyển lựa đội ngũ quan lại phục vụ cho bộ máy nhà nước quân chủ trung ương tập quyền. Phan Huy Chú đã từng khẳng định: “Con đường tìm người tài giỏi, trước hết là
  • 33. 30 khoa mục. Phàm muốn thu hút người tài năng, tuấn kiệt vào trong phạm vi của mình, thì người làm vua một nước không thể nào không có khoa cử” [22, tr.5] Tuy nhiên, trong gần ba thế kỷ đất nước bị chia cắt, việc học hành thi cử có lúc bị gián đoạn, tổ chức khó khăn. Sau khi lên ngôi, tiếp nối truyền thống khoa cử của các triều đại phong kiến trước đó, vua Gia Long đã có nhiều biện pháp khắc phục nền giáo dục và cho tổ chức các kỳ thi nhằm tuyển chọn nhân tài. Ông cho rằng: “Khoa mục là con đường bằng phẳng của học trò thực không thể thiếu được. Phải nên giáo dục thành tài, rồi sau thi Hương, thi Hội lần lượt được cử hành, thì người hiền tài nối nhau lên giúp việc” [50, tr.558]. Năm Đinh Mão (1807) vua Gia Long xuống chiếu: “Nhà nước cầu nhân tài, ắt nhằm vào khoa mục. Về quy chế khoa cử ở tiền triều ta, các đời có cử hành… Nay thiên hạ đã yên, Bắc, Nam cùng một đường lối, mở mang chính trị giáo hóa, đúng là phải thời” [67, tr.13]. Rồi vua định lệ tháng 10 năm đó tổ chức kỳ thi Hương, đó là kỳ thi đầu tiên dưới triều Nguyễn. Kỳ thi này chia làm 4 trường: Trường nhất thi Kinh nghĩa, trường nhì thi Chiếu, Chế, Biểu, trường ba thi thơ Đường, Phú, trường tư thi Văn sách. Người trúng tuyển gọi là Hương cống, phỏng theo lối thi cử nhà Lê. Sau khi lên ngôi, Minh Mạng xuống chiếu rằng: “Tuyển cử người hiền năng là việc lớn của nhà vua, vậy Quốc gia lấy người, phần nhiều theo trong khoa mục chọ dùng. Trẫm từ khi lên ngự trị đến giờ, thường nghĩ đến cất nhắc các nhân tài” [89, tr.1509]. Khi khoa cử ngày càng hoàn bị, triều đình rút ngắn thời gian tổ chức thi cử và mở nhiều khoa thi khác nhau. Minh Mạng định ra phép ba năm một lần thi thay cho sáu năm thi một lần dưới thời vua Gia Long. Theo đó, khoa thi Hương vào năm Tý, Mão, Ngọ và Dậu. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), triều đình cho tổ chức khoa thi Hội đầu tiên, Tiến sĩ triều Nguyễn cũng bắt đầu lấy đỗ từ đây. Khoa thi Hội tổ chức vào năm Thìn, Mùi, Sửu và Tuất. Sau thi Hội, triều đình cho tổ chức thi Đình để phân hạng cao thấp. Bên cạnh đó, nhằm mục đích tuyển chọn thêm nhân tài bổ sung cho bộ máy quan lại, ngoài chính khoa còn có Ân khoa, Chế khoa. Ân khoa thi Hương được tổ chức đầu tiên vào năm 1821, Ân khoa thi Hội tổ chức năm 1822
  • 34. 31 dưới đời vua Minh Mạng. Kỳ thi Chế khoa được tổ chức đầu tiên năm 1850 dưới đời vua Tự Đức, kỳ thi Nhã sĩ khoa tổ chức vào năm 1865. Việc tổ chức các khoa thi có quy định cụ thể và chặt chẻ từ địa điểm thi, thời gian thi cho đến đối tượng tham gia dự thi. Trước khi tham dự kỳ thi Hương, các thí sinh phải trải qua kỳ khảo hạch ở địa phương, triều đình quy định trường thi Hương theo từng khu vực. Về thời gian, các khoa thi được tổ chức theo từng năm giống nhau nhưng các địa phương thi vào ngày nào, tháng nào thì khác nhau. Khoa thi Hương đầu tiên tổ chức năm Đinh Mão (1807). Trong hơn 1 thế kỷ chế độ thi cử Nho học dưới triều Nguyễn với nội dung các môn thi, đề thi, thể lệ, quy chế về thi cử hầu như phục hồi lại theo lệ cũ của đời Lê. Tuy nhiên, nhà Nguyễn đã bớt đi một số quy định như hạn chế việc khắc tên các tân khoa vào bia đá, không lấy đỗ Trạng nguyên. Từ năm 1828, dưới thời vua Minh Mạng những người đỗ Hương cống gọi là Cử nhân, những người đỗ Sinh đồ gọi là Tú tài. Năm 1929, lại phân ra những người thi Hội đỗ lớp dưới gọi là Phó bảng. Trong khi thi Hương được tổ chức theo từng địa phương, thì thi Hội và thi Đình đều được tổ chức ở kinh đô. Thi Hội được tổ chức vào các năm Thìn, Tuất, Mùi, Sửu, thường được tổ chức vào mùa xuân. Kỳ thi Hội đầu tiên được tổ chức vào tháng 3 dưới thời vua Minh Mạng (1822). Kỳ thi Đình được tổ chức một đến hai tháng sau, có khi là ba tháng sau khi thi Hội. Thi Đình được tổ chức nhằm phân hạng cao thấp những người đỗ Tiến sĩ trong kỳ thi Hội. Tuy nhiên, do số lượng đỗ bảng chính ít nên vua lượng xét cho những người đỗ Phó bảng cũng được vào thi Đình, như năm Tự Đức thứ 30 và năm Tự Đức thứ 33. Dưới triều Nguyễn, triều đình không lấy đỗ Trạng nguyên. Tóm lại, ngay sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã rất quan tâm đến đào tạo và tuyển chọn nhân tài. Đến thời vua Minh Mạng, việc đào tạo tuyển chọn nhân tài ngày càng được chấn chỉnh, mở mang và đi vào nề nếp, quy củ. Tất cả đều nhằm mục đích tuyển chọn thêm người tài bổ sung cho bộ máy nhà nước. Từ năm Đinh Mão (1807), khi vua Gia Long cho mở khoa thi Hương đầu tiên đến năm Mậu Ngọ Khải Định thứ 3 (1918), nhà Nguyễn đã tổ chức được 47 khoa thi Hương, lấy đỗ 5226 Cử nhân. Ở kỳ thi Hội, từ khoa thi đại khoa đầu tiên vào năm Nhâm Ngọ Minh
  • 35. 32 Mạng thứ 3 (1822) đến năm Kỷ Mùi Khải Đinh thứ 4 (1919), nhà Nguyễn tổ chức được 39 khoa thi Hội, lấy đỗ 558 người. Trong đó có 292 Tiến sĩ, 266 Phó bảng. Tiểu kết chương 1: Suốt cả một quá trình lịch sử chia cắt đất nước là quá trình nhân dân Quảng Trị đứng lên đấu tranh và cũng là quá trình gồng mình lên chống đỡ thiên tai dồn dập. Khói lửa chiến tranh, bão tố, lũ lụt cùng những xáo trộn, chia cắt... là một thực tế nghiệt ngã, tàn phá nặng nề vùng đất này và đã làm cho con người phải chịu biết bao gian khổ, mất mát, đau thương. Chính trong hoàn cảnh đó nhân dân Quảng Trị lại không ngừng nổ lực vươn lên. Những Nho sĩ cố gắng dùi mài kinh sử đợi ngày ứng thí không ngoài mục đích tiến lên làm quan nhằm thay đổi vận mệnh. Dưới triều Nguyễn, nhiều Nho sĩ Quảng Trị đã đỗ đạt cao và góp phần không nhỏ cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tiếp nối truyền thống giáo dục và khoa cử của các triều đại trước đó, Triều Nguyễn đã quan tâm phát triển giáo dục nhằm mục đích tuyển chọn nhân tài. Các vua Nguyễn đã ban hành nhiều chính sách phát triền giáo dục và khoa cử, cùng với việc xây dựng hệ thống trường lớp từ trung ương đến địa phương, triều đình cho tổ chức đều đặn các khoa thi; thực hiện các chính sách ưu đãi, nhất là những chính sách đãi ngộ cùng những định lệ mang tính đặc ân đối với những người đỗ đạt; gắn liền với việc phát triển đội ngũ học quan là những quy chế thưởng phạt rõ ràng đối với tầng lớp này nhằm không ngừng nâng cao năng lực của đội ngũ thầy đồ cũng như thúc đẩy sự phát triển của giáo dục; nhà nước dành cho học quan chế độ lương bổng và có vị trí xứng đáng trong xã hội. Điều này đã minh chứng rằng, việc tổ chức các khoa thi dưới triều Nguyễn không ngoài mục đích tuyển chọn nhân tài trong các tầng lớp nhân dân, thể hiện chủ trương chiêu hiền đãi sĩ trong việc tuyển dụng bộ máy thống trị đất nước, tạo nên nguồn động viên, khuyến khích kẻ sĩ tham gia khoa cử.
  • 36. 33 CHƢƠNG 2. TỔ CHỨC GIÁO DỤC VÀ KẾT QUẢ THI CỬ NHO HỌC Ở QUẢNG TRỊ DƢỚI TRIỀU NGUYỄN 2.1. Tổ chức giáo dục Nho học ở Quảng Trị dƣới triều Nguyễn 2.1.1. Dựng Văn Miếu, Văn Thánh, Văn Từ, Văn Chỉ để xiển dương Nho học Việc xây dựng Văn Miếu thể hiện sự tôn kính đối với người lập ra Nho giáo, hệ tư tưởng chính thống của các triều đại quân chủ. Cùng với việc mở mang học tập, truyền bá Nho học, nhà Nguyễn cho xây dựng Văn Miếu để thờ Khổng Tử cùng Tứ Phối và các đấng hiền triết. Nối tiếp truyền thống khoa cử ở thời Lê và thời chúa Nguyễn, vua Gia Long đã có nhiều biện pháp nhằm khôi phục lại nền giáo dục và thi cử: “Cho lập văn miếu ở Kinh Đô Huế, sửa lại văn miếu ở Thăng Long, khuyến khích việc xây dựng các Văn Thánh ở các doanh trấn để thờ Khổng Tử và Thất Thập Nhị Hiền” [16, tr.254]. Vua Gia Long đã dựng Văn Miếu ở các dinh, trấn, “Năm 1808 vua sai bộ Lễ bàn định quy chế Văn Miếu ở các thành, doanh, trấn. Quy chế Văn miếu thì chính đường 3 gian, 4 chái, tiền đường 5 gian, 2 chái, phía hữu dựng đền Khải Thánh 3 gian, 2 chái” [31, tr.38]. Sau cải cách hành chính của vua Minh Mạng, đất nước chia làm 31 tỉnh thành. “Ngoài Văn Miếu lớn được lập ở kinh đô Huế, còn lại 30 tỉnh chỉ có 3 tỉnh chưa dựng Văn miếu là Hà Tiên, Định Tường và An Giang” [31, tr.38]. Ở Quảng Trị, kế thừa truyền thống khoa cử Nho học ngoài Bắc của các dòng họ ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh di dân vào sinh sống nơi đây đã có ý thức tôn sùng Nho học. Bên cạnh đó, dưới thời chúa Nguyễn, định đô ở Thuận Hóa cũng có những chính sách phát triển giáo dục, tuyển chọn nhân tài, nhất là dưới tác động của chính sách phát triển giáo dục Nho học dưới triều Nguyễn. Nhằm mục đích tôn sùng Nho học, khuyến khích con cháu học tập, ngoài Văn Miếu được triều đình dựng lên ở tỉnh, còn cho dựng Văn Thánh ở các phủ, huyện; nhiều làng xã cho dựng Văn Từ, Văn Chỉ để thờ Khổng Tử và các đấng hiền triết. Hiện nay, các làng xã có thói quen gọi miếu thờ Khổng Tử ở địa phương là Văn Thánh như làng Câu Nhi, làng Hưng Nhơn ở Hải Lăng. Tuy nhiên, theo các học giả nghiên cứu về giáo dục và khoa cử Nho học cho rằng: Văn Miếu được dựng ở Kinh đô, ngoài ra, triều đình còn cho
  • 37. 34 dựng Văn Miếu ở các tỉnh; miếu thờ Khổng Tử ở cấp phủ, huyện gọi là Văn Thánh. Đối với miếu thờ Khổng Tử ở làng xã, theo tác giả Phan Kế Bính trong tác phẩm Việt Nam Phong tục thì đó là Văn Từ, Văn Chỉ: “Mỗi làng có một Văn từ hoặc Văn chỉ. Đàn lộ thiên gọi là Văn chỉ, có lợp mái gọi là Văn từ” [18, tr.116]. Văn Miếu tỉnh Quảng Trị được triều đình xây dựng ở xã An Đôn, huyện Đăng Xương (nay thuộc thị xã Quảng Trị). Sách Đại Nam nhất thống chí có chép về Văn Miếu ở đạo Quảng Trị: “Ở xã An Đôn, huyện Đăng Xương, đầu bản triều, Văn Miếu ở xã Phúc Mỹ, năm Gia Long thứ 13 dời đến xã Thạch Hãn, huyện Hải Lăng; năm Minh Mệnh thứ 21 dời đến chổ hiện nay; năm Tự Đức thứ 7, để cho đạo Quảng Trị thờ” [75, tr.194]. Tuy nhiên, Văn Miếu hiện nay không còn vết tích. Theo tài liệu điều tra điền dã, dấu tích của Văn Miếu được dựng trong khuôn viên của trường Trung học cơ sở Nguyễn Tất Thành, phường An Đôn, thị xã Quảng Trị. Theo thầy giáo Lê Anh Bộ, nguyên Phó hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Nguyễn Tất Thành, phường An Đôn cho biết: “vào thời điểm năm 1978 thì vẫn còn nền móng của Văn Miếu, nhưng do không có chính sách trùng tu nên Văn Miếu bị lấp dần theo thời gian” [108]. Thầy Bộ cho biết: “Hiện tại, Văn Miếu ở vị trí bên phải của cổng trường Trung học cơ sở Nguyễn Tất Thành, phường An Đôn” [xem phụ lục 5]. Bên cạnh Văn Miếu do triều đình dựng lên, Huyện Địa Linh (đời Đồng Khánh đổi làm huyện Gio Linh) cho xây dựng Văn Thánh. Văn Thánh được xây dựng ở xã Kim Đâu (nay thuộc xã Cam An, huyện Cam Lộ). Văn Thánh còn khá nguyên vẹn, được xây dựng trên một khu đất khá rộng ở phía trước chùa Kim Sơn, Văn Thánh quay về hướng Nam gồm cổng chính, bình phong và khu vực thờ tự [xem phụ lục 4]. Tại làng Kim Đâu có Hội Khổng Tử được thành lập cùng với việc xây dựng Văn Thánh, nhằm mục đích tế lễ, hương khói và đặc biệt là khuyên răn con cháu học hành. Hội gồm khoảng 30 người, trước đây có thành viên của các làng lân cận nhưng hiện nay chỉ có thành viên trong làng tham gia. Hiện nay, Hội vẫn duy trì việc tế lễ và hương khói tại Văn Thánh, “lễ tế Khổng Tử được tổ chức mỗi năm 1 lần vào ngày Đinh của tháng 2 âm lịch do Hội trưởng làm chủ tế. Ngoài ra, Hội giao cho ông Hà Văn Bang, trưởng thôn Kim Đâu trong coi Văn Thánh và hương khói vào ngày rằm, lễ tết” [113].