SlideShare a Scribd company logo
1 of 101
1
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
NGUYỄN A SAY
HÌNH TƯỢNG BIỂN TRONG
TRƯỜNG CA THU BỒN, THANH
THẢO, HỮU THỈNH
Chuyên Ngành: Văn học Việt Nam
Mã Số: 60 22 34
LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC
Người hướng dẫn khoa học:
TS. NGUYỄN VĂN KHA
Thành phố Hồ Chí Minh - 2012
2
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan luận văn thạc sĩ Văn học “Hình tượng biển trong trường
ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh” là công trình nghiên cứu của tôi, được
thực hiện dưới sự hướng dẫn khoa học của TS. Nguyễn Văn Kha. Những kết quả
nêu trong luận văn là hoàn toàn trung thực và chưa được công bố trong công trình
nào khác.
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 09 năm 2012
Học viên
Nguyễn A Say
3
Lời cảm ơn
Con xin gửi lời cám ơn sâu sắc đến gia đình, những người đã nuôi
dưỡng con nên người và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho con chuyên tâm học
hành.
Tôi xin cảm ơn với lòng biết ơn và trân trọng đến TS. Nguyễn Văn
Kha, người Thầy không chỉ giúp đỡ tận tình để tôi có thể hoàn thành luận văn,
mà còn là người đã định hướng cho tôi rất nhiều về con đường học tập nghiên
cứu.
Tôi xin cảm ơn quý thầy cô trường Đại học Sư Phạm đã trực tiếp giảng
dạy, cho tôi tri thức, phương pháp cần thiết để tôi hoàn thành khóa luận này.
Tôi xin cảm ơn Quý thầy cô trong Hội đồng đã dành thời gian đọc bài
luận và sẽ cho tôi những đóng góp quý báu, để không chỉ hoàn thiện bài viết
mà còn là những kinh nghiệm cho tôi trên con đường học tập.
Đồng thời, tôi xin gửi lời cảm ơn đến những người bạn, những người
đã động viên, ủng hộ tôi trong suốt quá trình thực hiện đề tài khóa luận tốt
nghiệp.
Xin chân thành cảm ơn!
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 9 năm 2012
Tác giả
Nguyễn A Say
4
MỤC LỤC
DẪN NHẬP ..........................................................................................................................6
1. Lý do chọn đề tài ...........................................................................................................6
2. Lịch sử vấn đề................................................................................................................7
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ...............................................................................10
3.1. Đối tượng .......................................................................................................................... 10
3.2. Phạm vi ............................................................................................................................. 10
4. Phương pháp nghiên cứu .............................................................................................11
5. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài.....................................................................12
6. Cấu trúc của luận văn...................................................................................................12
CHƯƠNG 1. BIỂN TRONG ĐỜI SỐNG TÂM HỒN ...................................................13
VÀ TRONG THƠ CA NGƯỜI VIỆT..............................................................................13
1.1. Biển trong đời sống người Việt ................................................................................13
1.2. Biển trong văn học dân gian .....................................................................................15
1.3. Biển trong thơ ca.......................................................................................................21
CHƯƠNG 2. ĐẶC ĐIỂM CỦA HÌNH TƯỢNG BIỂN .................................................30
TRONG TRƯỜNG CA THU BỒN, THANH THẢO, HỮU THỈNH...........................30
2.1. Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn ...............................................................30
2.1.1. Biển trong kí ức, hành trang của những người con đất Việt trong cuộc chiến đấu giữ
nước của dân tộc ...................................................................................................................... 32
2.1.2. Biển, đảo-một phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam..................................................... 36
2.1.3. Biển đời đầy khó nhọc gian truân .................................................................................. 38
2.2. Hình tượng biển trong trường ca Thanh Thảo..........................................................42
2.2.1. Duyên nợ với biển trong sáng tác của Thanh Thảo........................................................ 42
2.2.2.Biển hiện thân cho nỗi khó nhọc của con người............................................................. 45
2.2.3.Biển- triết lý về sức mạnh của nhân dân......................................................................... 47
2.3. Biển trong trường ca Hữu Thỉnh...............................................................................53
2.3.1. Từ trường ca “Đường tới thành phố” đến “Trường ca Biển”, người lính tiếp tục cống
hiến với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của dân tộc...................................................... 53
2.3.2. Biển- một không gian sống và chiến đấu mới................................................................ 55
2.3.3. Ý chí người lính đảo....................................................................................................... 58
5
2.3.4. Đối thoại với biển- một cuộc đối thoại của nhân cách sống .......................................... 60
CHƯƠNG 3. NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG HÌNH TƯỢNG BIỂN TRONG TRƯỜNG
CA THU BỒN, THANH THẢO, HỮU THỈNH .............................................................65
3.1. Nghệ thuật xây dựng hình ảnh biển mang tính biểu tượng.......................................65
3.1.1. Biểu tượng của Tổ quốc................................................................................................. 65
3.1.2. Biển là “đại dương nhân dân”........................................................................................ 67
3.1.3. Biển - biểu tượng của lòng mẹ...................................................................................... 69
3.1.4. Biển - biểu tượng của tình yêu đôi lứa........................................................................... 70
3.2. Các biện pháp tu từ ...................................................................................................73
3.2.1. So sánh........................................................................................................................... 73
3.2.2. Nhân hóa ........................................................................................................................ 75
3.3. Giọng điệu.................................................................................................................76
3.3.1. Giọng điệu ngợi ca, tự hào............................................................................................. 77
3.3.2. Giọng điệu trữ tình, triết lý ............................................................................................ 79
3.4. Sự liên tưởng.............................................................................................................81
3.5. Không gian - thời gian nghệ thuật ............................................................................83
3.5.1. Không gian nghệ thuật ................................................................................................... 83
3.5.2. Thời gian nghệ thuật ...................................................................................................... 85
KẾT LUẬN.........................................................................................................................88
TÀI LIỆU THAM KHẢO.................................................................................................91
PHỤ LỤC 1.........................................................................................................................97
PHỤ LỤC 2.........................................................................................................................99
6
DẪN NHẬP
1. Lý do chọn đề tài
Vùng biển của Tổ quốc Việt Nam là một đặc ân của thiên nhiên cho con người. Từ bao
đời, biển Việt Nam cung cấp nguồn tài nguyên phong phú. Câu thành ngữ “rừng vàng biển
bạc” có ý chỉ như vậy. Đường bờ biển Việt Nam dài từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Hà
Tiên (Kiên Giang). Biển đảo không những đẹp tự nhiên mà còn chứa đựng nhiều giá trị
tinh thần sâu sắc.
“Là một quốc gia có dải bờ biển trải dọc theo bờ Tây Thái Bình Dương dài hơn ba
nghìn ki lô mét, tự bao đời, biển đã là môi trường sống, môi trường tiếp giao văn hóa của
người Việt. Cùng với các không gian núi rừng và châu thổ, biển đã góp phần hợp thành,
định diện truyền thống, bản sắc văn hóa, cơ sở kinh tế, tư duy... của nhiều cộng đồng cư
dân Việt Nam. Trong tâm thức của người Việt, biển Đông là không gian thiêng gắn với
thời lập quốc. Bao thế hệ người Việt đã hoài niệm về cha Rồng - mẹ Tiên, về công lao sinh
thành, mở cõi của các bậc Thủy tổ. Từ biển, Lạc Long Quân đã về với đất liền, hiển linh
như một Nhân thần, diệt trừ yêu quái, giáo hóa dân chúng, dạy cho dân biết cấy lúa, làm
nghề thủ công” [86].
Từ lâu, biển đã trở thành nỗi ám ảnh trong tâm thức người Việt bởi sự ồn ào và dữ dội
nhưng cũng có lúc lặng im của nó. Biển không chỉ được khai thác về mặt kinh tế, quân sự
mà còn bao hàm nhiều yếu tố văn hóa - nghệ thuật. Không khó để tìm những tác phẩm
nghệ thuật xuất sắc về biển trên các lĩnh vực như âm nhạc, điêu khắc, hội họa… Đối sánh
với rừng, biển là biểu tượng của Tổ quốc, của tình yêu quê hương đất nước con người. Tìm
hiểu về hình tượng biển cũng giống như chúng ta đang tìm về với mẹ nước bao la, tìm về
không gian thần thoại với cha Rồng, mẹ Tiên vậy.
Ngày nay chúng ta đang kêu gọi góp đá xây Trường Sa, xây dựng biển đảo, bảo vệ chủ
quyền đất nước... Biển đảo càng ngày càng đi vào tâm thức, trong ý thức chủ quyền của
người Việt. Nghiên cứu về hình tượng biển, trong văn học, tác giả luận văn muốn góp
thêm một viên đá để xây nên “tượng đài” của lòng yêu quê hương đất nước qua việc tìm
hiểu một số trường ca viết về biển, đảo.
7
Trong thơ ca nói chung và trường ca nói riêng, biển được nhắc đến với nhiều tầng
nghĩa. Biển, đảo là hình ảnh của Tổ quốc, của dân tộc. Đó là hình ảnh của người mẹ Việt
Nam chịu thương chịu khó, của người con gái miền biển sâu sắc, mặn mà. Biển, sóng
tượng trưng cho sức mạnh, tinh thần chiến đấu của nhân dân. Các đặc tính của biển, sóng,
gió, cát… còn tượng trưng cho những sắc thái tình cảm trong tình yêu đôi lứa. Không
những vậy, trong trường ca các nhà thơ còn ví biển như nỗi khó nhọc, gian truân của biển
đời. Viết về biển, các tác giả đã thổi vào những trang thơ tình yêu quê hương, biển đảo của
chính mình.
Trường ca là một thể loại thơ dài hơi, gom vào nó tính chất lịch sử to tớn của thời đại
và mang hơi hướng sử thi. Biển trong trường ca vì vậy cũng được miêu tả với những bình
diện khác nhau. Đặc biệt là trong trường ca của các nhà thơ miền Trung, biển, bờ được các
nhà thơ này thể hiện rất đậm nét.
Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh là những nhà thơ có nhiều thành tựu nổi bật ở mảng
trường ca. Những sáng tác của họ đã gặt hái không ít thành công và được đông đảo bạn
đọc ghi nhận. Hình ảnh biển, đảo trong trường ca của các nhà thơ trên tuy chưa nhiều
nhưng cũng đủ làm nên sắc thái riêng, góp phần làm nổi bật nội dung tác phẩm.
Xuất phát từ những lí do trên, chúng tôi chọn đề tài: Hình tượng biển trong trường ca
Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh để nghiên cứu trên cơ sở tham khảo các đề tài đi trước,
từ đó có cái nhìn phổ quát hơn về hình tượng biển trong trường ca. Nghiên cứu Hình tượng
biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, tác giả luận văn muốn góp một
góc nhìn về hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn Thanh Thảo, Hữu Thỉnh trong bối
cảnh nước ta đang sục sôi xây dựng biển đảo, bảo vệ chủ quyền đất nước.
2. Lịch sử vấn đề
Trường ca là một thể loại nở rộ trong và sau hai cuộc kháng chiến thần thánh, góp phần
làm phong phú thêm đời sống văn học nghệ thuật của dân tộc. Sự phát triển rực rỡ của
trường ca trong giai đoạn này đã thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu. Nhiều bài viết
về trường ca trên Tạp chí Văn học, Tạp chí Nghiên cứu văn học và các tạp chí có uy tín
khác đều cho chúng ta thấy rõ điều này. Trước sự nở rộ của trường ca, nhiều nhà nghiên
cứu đã lật lại vấn đề, tìm hiểu tiến trình vận động của thể loại trường ca, cách đặt tên cũng
như bàn về đặc trưng loại thể, thi pháp...
8
Hoàng Ngọc Hiến trong bài viết “Về đặc trưng của trường ca” đăng trên Tạp chí Văn
học số 3 năm 1984 cho rằng: Trường ca là một thể loại lớn với 2 nghĩa: có dung lượng lớn
và mang nội dung lớn [27,113]. Trường ca là một thể loại vừa có tính chất trữ tình vừa có
tính chất tự sự [27,117]. Trước sự phát triển của trường ca, Mã Giang Lân có bài viết:
“Thử phân định ranh giới giữa trường ca và thơ dài” trên tạp chí Văn học số 5 năm 1988.
Ông cho rằng, trường ca và thơ dài giống nhau ở chỗ: Thơ dài và trường ca thường vận
dụng tổng hợp nhiều thể thơ, thay đổi không khí cảm xúc hạn chế sự bằng phẳng đơn điệu
[42,61]. Tuy nhiên trường ca có kết cấu rõ rệt và hoàn chỉnh hơn, có nhân vật và nhân vật
ở đường nét, có tâm trạng, có hành động [42,62]. Cũng bàn về vấn đề này, trước đó 13
năm nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã viết “Mấy suy nghĩ về thể loại trường ca” trên tạp
chí Văn học số 4 năm 1975. Ông cho rằng có thể gọi chung thơ dài hiện nay là trường ca
với nhiều biến thức, nhiều kiểu kết cấu khác nhau [72].
Ngoài ra còn có rất nhiều bài viết khác đề cập đến vấn đề thi pháp, thể loại, phong cách thơ
cũng như đánh giá vai trò, đóng góp của họ.
Và như vậy, hình tượng biển trong trường ca hầu như chưa có công trình nào đề
cập đến. May ra qua một vài bài viết đề cập đến nội dung tác phẩm, có một hai câu "chạm"
đến vấn đề này mà thôi. Thiếu Mai trong "Thanh Thảo, thơ và trường ca" in trên tạp chí
văn học, số 2 năm 1980 có viết về phần vĩ thanh trong trường ca Những người đi tới biển
của nhà thơ Thanh Thảo như sau: Đã tới biển, đã đến đích, tới đích rồi nhưng đâu phải về
biển là yên nghỉ [46,78]. Lại Nguyên Ân khi bàn đến khúc vĩ thanh này có viết: Không
phải ngẫu nhiên tập trường ca của Thanh Thảo có nhan đề Những người đi tới biển. Trong
khá nhiều hàm nghĩa có một nghĩa khá rõ: anh nói về những người đi tới nhân dân, hòa vào
nhân dân trong một hành trình lịch sử [6,60]. Ngoài ra có thể kể đến bài viết của Lê Thị
Mây “Hữu Thỉnh với trường ca biển”. Tác giả đã đề cập đến nội dung, nghệ thuật của
trường ca biển và những vấn đề của người lính biển đảo hôm nay... tìm kiếm phác hoạ cho
được một chân dung lính đảo hoàn toàn mới [88].
Trong hội nghị khoa học toàn quốc về “Văn hoá biển miền Trung và văn hoá biển
Quảng Ngãi”, TS. Mai Bá Ấn có bài viết “Tâm thức biển trong thơ miền Trung hiện đại”
(Qua trường ca Thu Bồn, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo), in lại Tạp chí Sông Trà
(21)/2007, tr.71-79. Bài viết đưa ra được những tầng nghĩa phổ quát nhất của biển. Đó là
nỗi ám ảnh trong tâm thức người lính; là biểu tượng của tổ quốc, của dân tộc, của người
9
mẹ Việt Nam tần tảo... Tuy nhiên, bài viết còn khá sơ lược, chưa nêu lên được những tầng
nghĩa sâu sắc của biển, một đại dương cuộc đời bao la của con người.
Ngoài các bài viết trên các báo, tạp chí thì trường ca cũng được đề cập đến khá
nhiều trong luận văn cao học, nghiên cứu sinh. Các tác giả Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu
Thỉnh là những cây bút trường ca lớn, có đóng góp, do đó đề tài nghiên cứu về các tác giả
trên là không ít.
Các luận văn trên đều đi vào tìm hiểu quá trình vận động phát triển của trường ca, tìm hiểu
đặc điểm trường ca, vấn đề thể loại cũng như thi pháp nghệ thuật của từng nhà thơ. Bên
cạnh đó còn có một số đề tài khát quát cả một chặng đường phát triển trường ca gắn với sự
vận động, phát triển của lịch sử như luận án Trường ca về thời chống Mĩ trong văn học
hiện đại Việt Nam của Nguyễn Thị Liên Tâm hay Thể trường ca trong Văn học Việt Nam
từ 1945 đến cuối thế kỉ XX của Đào Thị Bình.
Điểm qua các công trình trên, các nhà nghiên cứu chỉ chú ý xoáy vào đặc điểm
trường ca, cấu trúc cũng như đóng góp của trường ca đối với đời sống nghệ thuật. Hình
tượng biển, sóng trong trường ca được ít nhà nghiên cứu quan tâm. Đến hiện nay vẫn chưa
có một công trình khoa học nào đề cập đến hình tượng biển trong trường ca. Tuy nhiên
trong các luận văn về trường ca Thanh Thảo, hình tượng biển sóng cũng được nhắc đến, dù
ít ỏi nhưng cũng thấy được ý đồ nghệ thuật mà tác giả gửi gắm thông qua hình tượng đó.
Cụ thể trong luận văn thạc sĩ của Hoàng Thị Thu Hương, Chất triết luận trong trường ca
Thanh Thảo (năm 2009, trường Đại học Sư phạm Hà Nội), phần những phương thức nghệ
thuật có đề cập đến biểu tượng sóng biển và biểu tượng cát. Biểu tượng sóng là hình thái
tồn tại vĩnh hằng, thể hiện sức mạnh khôn cùng của nhân dân [33,79]; Biển, sóng thể hiện
khát vọng yên bình, giãi bày những suy tư, cảm nghĩ về nhân dân [33,80]. Biểu tượng cát
cũng mang các tầng nghĩa trên. Tác giả Hoàng Thị Thu Hương cho rằng, cát có giá trị nhân
bản sâu sắc, tố cáo tội ác và nỗi đau thương của cả dân tộc. Cát là nỗi mất mát đau khổ, là
tương lai, cát vẫn vĩnh hằng bất diệt với thời gian [33,83].
Luận văn Thạc sĩ của Đào Thị Khánh Vân, Trường ca Thanh Thảo (năm 2009,
trường Đại học Sư Phạm-Đại học Thái Nguyên) có đề cập đến hình ảnh sóng, cát- mặt đất.
Sóng là biểu tượng cho sức mạnh tiềm ẩn, quật cường của quần chúng nhân dân [71,89].
Sóng còn là biểu tượng cho sức mạnh trào dâng, sức mạnh nhấn chìm, sức mạnh vô địch
của quần chúng nhân dân trước kẻ thù [71,90]. Bên cạnh đó tác giả luận văn đề cập đến
cát như là biểu tượng của quê hương, của những năm tháng thăng trầm gian khó mà người
10
dân Sơn Mĩ đã trải qua. Theo Đào Thị Khánh Vân cát là nơi ghi dấu ấn sự tồn tại cũng như
những mất mát, hy sinh của con người... cát vĩnh hằng bất diệt, cát là sự hóa thân của
tương lai tươi sáng [71,95].
Trong luận văn thạc sĩ của Dương Lệ Thủy, Đặc điểm trường ca Thanh Thảo (năm
2011, trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh) cũng đề cập đến hình ảnh sóng -
mặt đất, tương tự như trong công trình của Đào Thị Khánh Vân. Sóng và mặt đất là biểu
tượng cho sức mạnh vô bờ, âm ỉ và đoàn kết của nhân dân ta trong suốt chiều dài giữ nước
[69,106].
Nói chung, hình ảnh biển được đề cập trong các luận văn cao học trên chưa sâu và
mới chỉ tập trung vào biểu tượng biển, sóng, cát trong trường ca của nhà thơ Thanh Thảo.
Trên cở sở tiếp thu thành quả nghiên cứu trong các công trình nghiên cứu, bài viết của
những người đi trước, tác giả luận văn chọn đề tài Hình tượng biển trong trường ca Thu
Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh và chủ yếu chỉ khảo sát trường ca của ba tác giả trên.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng
Với mục đích khoa học đã đề ra, luận văn này chỉ tập trung xem xét và làm sáng tỏ
những vấn đề cơ bản có liên quan đến đề tài: “Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn,
Thanh Thảo, Hữu Thỉnh”. Tìm hiểu đặc điểm của hình tượng biển trong trường ca của các
tác giả trên và một số phương thức nghệ thuật xây dựng hình ảnh biển trong trường ca.
3.2. Phạm vi
Tác giả luận văn xác định rõ, đây là một đề tài chỉ tập trung vào hình tượng biển trong
trường ca. Do đó, tác giả luận văn chỉ đi sâu tìm hiểu trường ca viết về biển của 3 tác giả
có tên tuổi như Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh. Chủ yếu là một số trường ca có trong
ba tuyển tập trường ca sau:
* Thu Bồn (1999), Bài ca chim Chơ Rao-tuyển tập trường ca, Nhà xuất bản Văn
nghệ, Tp. Hồ Chí Minh.
Bài ca chim Chơ rao
Badan khát
Người gồng gánh phương Đông
Chim vàng chốt lửa
Campuchia hy vọng
11
Vách đá Hồ Chí Minh
* Thanh Thảo (2004), Những người đi tới biển, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.
Những người đi tới biển
Trẻ con ở Sơn Mỹ
Những nghĩa sĩ Cần Giuộc
Đêm trên cát
Trò chuyện với nhân vật của mình
Bùng nổ mùa xuân
* Hữu Thỉnh (2004), Trường ca biển, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội
Đường tới thành phố
Trường ca biển
Ngoài ra trong quá trình triển khai đề tài, luận văn có sử dụng một số tác phẩm thơ của
các nhà thơ trong diện khảo sát để vấn đề được sáng tỏ hơn.
4. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp loại hình
Đây là phương pháp nghiên cứu chính của luận văn. Căn cứ vào đặc trưng thể loại
để tìm hiểu hình tượng biển trong trường ca của Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh.
Phương pháp so sánh
Đây là phương pháp không thể thiếu để chúng tôi làm rõ nét đặc sắc của các tác giả
khi xây dựng hình tượng biển trong trường ca của mình so với các tác giả khác.
Phương pháp thống kê
Đề tài xoay quanh hình tượng biển của ba tác giả Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu
Thỉnh nên rất cần tiến hành thống kê tần suất xuất hiện của các từ khóa liên quan. Sử dụng
phương pháp này người viết muốn “lượng hóa” hình tượng biển để chứng minh rằng, biển
là kết quả của tư duy nghệ thuật riêng biệt và độc đáo của từng nhà thơ.
Phương pháp hệ thống
Với quan niệm mỗi trường ca là một chỉnh thể nghệ thuật nằm trong một chỉnh thể lớn
hơn là nền văn học hiện đại, khi khảo sát, phân tích hình tượng biển, người viết không đặt
nó riêng lẻ mà luôn ý thức đặt chúng trong một chỉnh thể thống nhất với các yếu tố nghệ
thuật khác để làm rõ hơn nội dung của tác phẩm.
12
5. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
Từ lâu biển đã trở thành biểu tượng của tổ quốc của dân tộc, biển còn là cái nôi cội
nguồn của dân tộc. Việc nghiên cứu hình tượng biển này góp phần làm rõ đặc điểm của
hình tượng biển trong trường ca đồng thời hiểu rõ dụng ý nghệ thuật của các nhà thơ, bên
cạnh đó góp phần lý giải một phần văn hóa biển, tâm thức biển trong đời sống con người
Việt.
6. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần dẫn nhập, kết luận và phần phụ lục, luận văn chúng tôi gồm có ba chương:
Chương 1: Biển trong đời sống tâm hồn và trong thơ ca người Việt
Chương 2: Đặc điểm của hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu
Thỉnh
Chương 3: Nghệ thuật xây dựng hình tượng biển
13
CHƯƠNG 1. BIỂN TRONG ĐỜI SỐNG TÂM HỒN VÀ
TRONG THƠ CA NGƯỜI VIỆT
1.1. Biển trong đời sống người Việt
Nước ta có 3260 km đường bờ biển kéo dài từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Hà
Tiên (Kiên Giang). Ưu thế đường bờ biển dài, vùng biển rộng đã tác động trực tiếp đến
người dân Việt Nam.
“Là một vùng biển giàu có, biển Đông chứa đựng nhiều tài nguyên sinh vật,
khoáng sản rất phong phú cả về số lượng và chủng loại. Nhờ có biển Đông, nước ta mang
nhiều đặc tính của khí hậu ẩm ướt và vì thế về điều kiện tự nhiên có thể gọi Việt Nam là xứ
sở của biển cả” (45,11).
Cũng theo Nguyễn Thị Hải Lê, ban đầu người Việt không có nguồn gốc biển, họ là
cư dân sống ở vùng trước núi, tràn xuống khai thác đồng bằng lầy trũng, rồi lấn biển và
khai thác biển. Nhưng trong quá trình “Nam tiến” chất biển của họ ngày càng tăng lên.
Giải thích điều này, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Đức Thịnh cho rằng có hai nguyên nhân
cơ bản: thứ nhất đó là do quá trình lấn biển làm nông nghiệp và khai thác biển bắt buộc họ
phải đứng trước biển; thứ hai người Việt đã tiếp nhận truyền thống biển từ người Chăm và
một bộ phận người Chăm bị Việt hóa từ sau thế kỉ XI. Như vậy, qua một thời kì lịch sử
dài, chất biển trong văn hóa người Việt ngày càng được khẳng định và củng cố. Tuy chưa
tạo cho mình được một nền văn hóa biển điển hình như một số dân tộc khác trên thế giới
nhưng người Việt đã làm chủ được một nền văn hóa mang những nét riêng của cư dân
nông nghiệp.
“Dấu ấn của biển đã hiện diện trong đời sống của tổ tiên người Việt từ thời kì tiền
sử. Những di tích “đống vỏ sò” hay “cồn sò điệp” trong các nền văn hóa khảo cổ như văn
hóa Quỳnh Văn, văn hóa Bàu Tró, văn hóa Thạch Lạc, văn hóa Hạ Long… là những dấu
tích chứng minh rằng biển cả là nơi cung cấp nguồn sống chủ yếu cho các cộng đồng
người tiền sử cư trú ở ven biển Việt Nam từ hàng ngàn năm trước” [50,53].
Từ xưa người Việt đã sớm biết chinh phục biển, đảo để phục vụ nhu cầu sinh hoạt
của mình. Biển trở thành nơi cung cấp nhiều sản vật quí cho con người. Ngọc trai, đồi mồi,
san hô… hay gần gũi nhất là muối đều được khai thác từ rất sớm. Nhiều hải sản như mực,
cá, tôm… với hàm lượng dinh dưỡng cao trở thành nguồn thực phẩm quen thuộc. Trong
14
bữa cơm của người dân Việt không thể không có chén nước mắm - một loại gia vị làm từ
cá biển. Nước mắm không chỉ đơn thuần là một gia vị mà nó trở thành một nét văn hóa ẩm
thực, văn hóa truyền thống gia đình của người Việt. Thế nhưng biển không hề êm dịu mà
có lúc “sóng to gió lớn”, con người cũng đã học hỏi được nhiều điều từ “tính tình của
biển”. “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo” là một ví dụ tiêu biểu.
Khai thác các giá trị từ biển cả, con người đã biết “khoan, thư” với cái ồn ào, dữ
dội của biển. Khi gặp nạn trên biển (thường là sóng to, gió bão làm lật tàu, thuyền) các ngư
dân thường khấn Ông, nhờ Ông độ. Nhiều câu chuyện về việc ngư dân được Ông cứu lan
truyền ở nhiều vùng miền. Việc lập đền thờ cá Ông trở thành một tín ngưỡng đẹp của ngư
dân ven biển. Hầu như ở địa phương ven biển nào cũng đều có đền thờ cá Ông. Hằng năm,
tùy theo từng nơi, lễ hội Nghinh Ông diễn ra một cách tôn nghiêm, thu hút hàng ngàn
người tham dự.
Không những thế nước ta còn được thiên nhiên ưu đãi ban cho khá nhiều bãi biển,
nhiều vũng, vịnh, đảo đẹp. Với bãi cát vàng, ngọn sóng trắng xóa vỗ ì oạp, dòng nước xanh
biếc… nhiều bãi biển đã trở thành một địa điểm du lịch lý thú, thu hút khách trong nước
lẫn khách nước ngoài, góp phần đẩy mạnh kinh tế cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống
của ngư dân ven biển nhờ vào ngành công nghiệp không khói này.
Biển còn là một vị trí quan trọng về mặt quân sự. Trong lịch sử kháng chiến chống
giặc ngoại xâm của dân tộc, không thể không nhắc đến vai trò của biển cả. Những năm
kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để kịp thời chi viện người, vũ khí và lương thực cho
chiến trường miền Nam, đường Hồ Chí Minh trên biển đã được hình thành, góp phần làm
nên chiến thắng lẫy lừng ngày 30 tháng 4 năm 1975. Những con tàu không số và cả những
thủy thủ vô danh đã đi vào lịch sử. Trước đó hàng chục thế kỷ, nhiều trận đánh quan trọng,
đẩy lùi quân xâm lược cũng bằng thủy chiến. Thời bấy giờ, dưới trướng Hưng Đạo Vương
Trần Quốc Tuấn có một chàng trai giỏi bơi lặn, tên là Yết Kiêu, đã dùi thủng chiến thuyền
của giặc làm nên chiến thắng lẫy lừng ở cửa bể Vạn Ninh.
Nhiều địa danh trên đất nước ta hàm chứa yếu tố biển hoặc liên quan đến biển như:
Hải Phòng, Hải Dương, Cát Hải, Tiền Hải, hay vùng cửa biển lớn như Cửa Lớn, Cửa Việt,
Cửa Lò, Cửa Tùng… Không những vậy, hình ảnh biển bờ đã đi sâu vào tâm thức người
dân Việt, để rồi trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, người dân Việt đều lấy các yếu tố biển
làm “chuẩn”. Nói về việc làm vô ích, viễn vông: “Dã tràng xe cát biển Đông, Mò kim đáy
bể”; nói về sự đoàn kết: “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”; nói về sự nham
15
hiểm, khó dò của lòng người: “Đố ai lặn xuống vực sâu/ Mà đo miệng cá uốn câu cho
vừa”…
1.2. Biển trong văn học dân gian
Văn học dân gian là một kho tàng vô giá, chứa đựng nhiều giá trị tinh thần sâu sắc.
Văn học dân gian hình thành trong quá trình lao động, sản xuất của dân tộc. Sau tấm màn
hoang đường, kì ảo, chất hiện thực được tái hiện rõ nét. Những hình ảnh về biển, đảo; hình
ảnh ghe thuyền và sinh vật biển đã sớm đi vào sử sách, đặc biệt là trong những câu chuyện
thần thoại, truyền thuyết, cổ tích. “Hình tượng biển và đảo luôn thấp thoáng trong bao
nhiêu cổ tích, truyền thuyết, là dấu ấn trong tâm thức mọi người” [91].
Hệ thần thoại là phương pháp cơ bản của việc hiểu thế giới và thần thoại phản ánh cảm
giác, sự hiểu biết về thế giới của thời đại sinh ra nó. Thuở ban đầu, biển còn vô cùng lạ lẫm
đối với con người. Nhiều hiện tượng của biển được người dân lý giải lại một cách thần
thánh hóa. Tuy nhiên, qua đó chúng ta cũng dễ dàng nhận ra người Việt đã sớm tiếp xúc
với biển và lý giải các hiện tượng liên quan đến biển như sóng, thủy triều, bão lớn hay
sóng thần... Truyện Thần Biển có đoạn lý giải các hiện tượng biển như sau: “Thần chỉ có
mỗi công việc là hô hấp để sống. Mỗi lần hít vào thì nước biển tuôn vào bụng, mỗi lần thở
ra thì khối lượng nước đó lại ùa ra hết. Thần thở khi mạnh, khi nhẹ nhưng rất đều. Cứ mỗi
lần như thế thì biển có hiện tượng thủy triều dâng lên rút xuống như ngày nay ta vẫn
thường thấy. Thần nằm yên lặng, nhưng cũng có khi mệt mỏi, phải cựa quậy. Mỗi lần thần
vùng vẫy là có gió to bão lớn, nước dâng ngập tràn mọi nơi, người trên mặt đất vẫn thường
gọi là sóng của thần hay sóng thần” [49,11]. Dân gian còn truyền tụng câu hát, kể về các vị
thần gầy dựng nên trời đất như ngày nay, trong đó có thần Biển như sau: Ông đếm cát/
Ông tát bể/ Ông kể sao/ Ông đào sông/ Ông trồng cây/ Ông xây rú/ Ông trụ trời. Điều này
phần nào chứng tỏ, ngay từ thuở khai thiên lập địa, biển đã hiện diện trong tâm thức người
Việt.
Theo tác giả Hồ Quốc Hùng: “Truyền thuyết là ký ức cộng đồng về quá khứ. Chủ
yếu nó phản ánh niềm tin, sự ngưỡng mộ của nhân dân đối với nhân vật và sự kiện lịch sử
của dân tộc ít nhiều bằng hư cấu, tưởng tượng. Lịch sử đọng lại trong truyền thuyết như
những tia hồi quang phủ lên cảnh vật, phong thổ của đất nước làm đắm say biết bao thế
hệ” [31,10]. Như vậy, ngoài yếu tố kì ảo, hoang đường, truyền thuyết cũng có một phần
16
nào đó sự kiện có thật. Những truyền thuyết dưới đây phần nào minh chứng cho việc dân
tộc ta đã lấn biển từ khá sớm và biển đã có trong tâm thức của người Việt.
Truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên kể về nguồn gốc của dân tộc ta được sinh ra trong bọc
trăm trứng bởi cha Rồng Lạc Long Quân và mẹ Tiên Âu Cơ. Một hôm lạc Long Quân mới
nói với Âu Cơ rằng: “Ta là nòi rồng, đứng đầu thủy tộc, nàng là giống tiên, sống trên đất,
tuy khí âm dương hợp lại mà sinh con, nhưng thủy hỏa tương khắc, giòng giống bất đồng,
khó ở với nhau được, nay ta đưa năm mươi người con về thủy phủ chia trị các xứ, năm
mươi con theo nàng về trên đất, chia nước mà trị. Lên núi, xuống bể, hữu sự báo nhau biết,
đừng quên”. Từ đấy lớp lớp con cháu của cha Rồng mẹ Tiên phá rừng lấn biển dựng nên
cơ đồ con Lạc cháu Hồng ngày nay.
Chúng ta cũng dễ dàng nhận ra, từ thuở hồng hoang, con người đã lên núi, xuống
biển, phá rừng lấn biển để làm ăn sinh sống. Câu chuyện về bào thai trăm trứng như một
lời tuyên ngôn cho dân tộc Việt Nam, dù ở đâu, trên rừng hay dưới biển thì chúng ta cũng
đều là người một nhà, cùng có chung nguồn gốc.
Tiếp xúc với biển từ rất sớm nên trong tâm thức của họ, biển không chỉ bao la rộng lớn mà
còn có nhiều sinh vật biển nguy hiểm và nó luôn ám ảnh trong tâm trí. Truyền thuyết Ngư
tinh kể về một con tinh ngư xà dài hơn mười trượng, chân nhiều như chân rết, biến hóa
muôn vẻ, linh dị khôn lường, khi đi thì ầm ầm như mưa, lại ăn được thịt người, quấy nhiễu
thuyền chài làm ai ai cũng sợ hãi… là một trong số đó. Câu chuyện còn lý giải một số địa
danh như Bạch Long Vĩ, Cẩu Đầu Sơn, Mạn Cẩu Thủy…
Câu chuyện An Dương Vương được thần Kim Quy đến từ biển ba lần giúp đỡ cũng
là một ví dụ cụ thể về hình ảnh biển đã có trong tâm thức người Việt. Thần Kim Qui xuất
hiện lần thứ nhất giúp nhà vua xây thành, lần thứ hai giúp nhà vua giữ thành và lần thứ ba
rẽ sóng đưa nhà vua xuống biển khi giặc theo sát sau lưng. Cả ba lần, thần Kim Qui cũng
đi ra từ biển và biến mất cũng từ biển. Trong tâm thức người Việt thời bấy giờ cảm nhận,
biển mang trong mình một phần hào sảng, trù phú nhưng cũng chứa đựng sức mạnh to lớn
và ẩn chứa nhiều huyền bí. Người Việt cũng đã biết ngọc trai, một sản vật quý của biển từ
sớm qua chi tiết Mỵ Châu bị chém chết, máu nàng chảy xuống biển, loài trai ăn phải mà
thành.
Theo các truyền thuyết để lại thì từ lâu con người đã biết lấy mực xăm mình theo
hình thủy quái để tránh giao long làm hại, vẽ mắt ở mũi ghe, thuyền để thủy quái không
quấy nhiễu.
17
Truyền thuyết Sơn tinh- Thủy tinh tái hiện lại cách sống với thiên nhiên của dân tộc
ta. Qua câu chuyện tranh giành công chúa của Sơn tinh và Thủy tinh, chúng ta có thể nhận
thấy lý giải của người xưa về các hiện tượng thiên nhiên (tức mưa bão hằng năm), phần
nào thấy được sức mạnh của thiên nhiên (cụ thể là sức mạnh của Thủy tinh- sức mạnh của
sông, biển) và dần dần tìm cách sống chung với nó.
Theo giáo sư Chu Xuân Diên, cổ tích biểu hiện cách nhìn hiện thực của nhân dân
đối với thực tại. Truyện Quả Dưa Hấu kể về cuộc sống của người dân trên hoang đảo cũng
như cách thức người dân trên đảo liên lạc với đất liền. Mai An Tiêm là con vua nhưng vì
thẳng thắn, bộc trực mà bị đày ra hoang đảo. Trên đảo hoang, Mai An Tiêm đã tìm ra được
giống dưa lạ do đàn chim bỏ lại. Sau khi chăm bón, hạt giống đó cho ra thứ quả có vỏ
xanh, ruột đỏ, ăn vào thì ngọt lịm. Mai An Tiêm làm dấu thả dưa xuống biển để tìm đường
liên lạc với đất liền. Theo con sóng, những quả dưa hấu đến được các thuyền buôn, họ tìm
đến đảo đổi hàng hóa lấy dưa. Những quả dưa trôi dạt về đất liền quân lính đi tuần nhặt
được dâng lên vua Hùng. Nhà vua biết chuyện đã cho thuyền đi đón gia đình Mai An Tiêm
về. Câu chuyện cũng phần nào cho chúng ta thấy được nét nông nghiệp của cư dân miền
biển. Dù sống ở biển nhưng yếu tố nông nghiệp qua chi tiết Mai An Tiêm trồng quả dưa
hấu vẫn còn rất đậm đặc.
Truyện Chử Đồng Tử - Tiên Dung đánh dấu quá trình giao lưu buôn bán của dân
tộc ta và các nước lân bang bằng đường biển qua chi tiết hai vợ chồng Chử Đồng Tử và
Tiên Dung giao thiệp với các thuyền buôn nước ngoài. “Họ giao thiệp với các thuyền buôn
nước ngoài thường vẫn hay ghé vào để bán hàng và cất hàng. Công việc buôn bán của họ
ngày một khá. Chỗ bến sông ấy trở thành một nơi đông đúc, sầm uất” (49,243).
Dấu ấn của biển trở nên rất rõ trong truyện cổ tích Đá Vọng Phu. Người phụ nữ bồng con,
hướng mắt ra biển chờ chồng từ ngày này qua ngày nọ cho đến khi hóa đá. Mô-tip hai anh
em ruột lấy nhau và người hóa đá xuất hiện khá nhiều ở các tỉnh ven biển. Điều này phần
nào lý giải vì sao có khá nhiều đá vọng phu (đá trông chồng) ở nhiều địa phương khác
nhau: Lạng Sơn (núi nàng Tô Thị), Thanh Hóa (núi đá trông chồng Sầm Sơn), Bình Định
(núi đá bên cửa biển Đề Bi, Phù Cát), Ninh Thuận (núi đá ở cửa biển Cà Ná)… Biển cả
bao la vừa là nơi cung cấp nhiều sản vật, nuôi sống con người nhưng biển cũng là mối
hiểm họa ám ảnh trong tâm thức người Việt. Nỗi đau đớn, trông chờ đến vô vọng của
người phụ nữ trong truyện Đá Vọng Phu đã thể hiện điều đó. Ngoài câu chuyện nàng Tô
18
Thị hóa đá vì trông chờ người chồng ra trận chiến đấu, hầu hết các câu chuyện khác đều có
mô tip người vợ chờ chồng đi biển mà hóa đá.
Như vậy, ngoài việc lý giải các hiện tượng thiên nhiên, các câu chuyện thần thoại,
truyền thuyết hay cổ tích cũng phác họa sơ lược cho chúng ta thấy cách người Việt sống và
thích nghi với biển. Theo Nguyễn Văn Kim: “Có thể nói, trong lịch sử, trên các không gian
biển Việt Nam đã từng là nơi diễn ra nhiều hoạt động giao thương trong nước - quốc tế,
vùng - liên vùng hết sức sôi động. Bên cạnh kinh tế nông nghiệp, thủ công nghiệp, kinh tế
thương mại, trong đó có ngoại thương, đã luôn đóng vai trò quan trọng, góp phần tạo nên
sự hưng thịnh của kinh tế Việt Nam trong nhiều thời kỳ lịch sử. Đặt Việt Nam trong không
gian kinh tế biển Đông Nam Á, trong mối liên hệ với khu vực thị trường Đông Bắc Á và
Tây Nam Á có thể khẳng định rằng, chủ nhân của các nền văn hóa cổ, các chính thể quân
chủ đã không chỉ chú tâm xây dựng xã hội nông nghiệp, khai thác tự nhiên mà còn quan
tâm đến sự phát triển của kinh tế công thương, phát triển kinh tế biển” [87].
Biển với những đặc tính riêng của mình, phô diễn trước loài người sức mạnh oai hùng, dữ
dội, nhưng cũng có lúc duyên dáng, đằm thắm; giàu có, hào sảng, phong phú nhưng cũng
huyền bí đến tận cùng… Chính những điều đó đã khiến biển trở thành đối tượng của văn
hóa nghệ thuật. Biển xuất hiện trong nhiều hình thức diễn xướng, hò vè, ca dao, tục ngữ,
thơ, truyện…
Trong những lần chài lưới đánh bắt, người lao động cần có một nguồn cổ vũ tinh
thần thì lúc đó hò phát huy tác dụng. Những bài hò như: Hò hụi, hò kéo lưới, hò chèo
thuyền, hò đẩy thuyền, hò đan lưới, lý kéo chài… khá phổ biến. Những bài hò hay các điệu
lý thể hiện tinh thần hào sảng, rộng lớn của biển cùng nhịp điệu, tiết tấu nhanh, mạnh, dứt
khoát tái hiện không khí lao động đầy sức sống, vui tươi. Ngoài ra còn có nhiều bài hò, lý
thể hiện cuộc sống tự do, tự tại, thoải mái cùng biển nước bao la như bài Lý kéo chài dưới
đây:
Nắng lên rồi căng buồm cho khoái
Gác chèo lên ta nướng ngô khoai
Hò ơi…
Nhậu cho tiêu hết mấy chai
Bỏ ghe nghiêng ngả không ai chống chèo
Đặc biệt hò bả trạo (hát bả trạo) là một hình thức diễn xướng dân gian mang tính
nghi lễ. Hò bả trạo diễn lại hành trình ra khơi đánh cá của ngư dân, tái hiện lại hành trình
19
vượt biển đầy gian khổ. Ngày nay trong lễ hội Nghinh Ông của các ngư dân ven biển miền
Trung thì hò bả trạo là một nghi thức không thể thiếu (trong khi đó ở các ngư dân ven biển
Nam Bộ, hình thức diễn xướng thường là hát Bội).
Ngoài hò ra còn có các bài vè: vè con cá, vè cá biển, vè cào hén, vè nghề làm muối, vè đi
biển, vè nhật trình đi biển, vè đánh lưới… bổ sung nhiều thông tin bổ ích về biển, nghề
biển và người dân biển… Chẳng hạn như bài vè cá biển sau đây:
Cá nuôi thiên hạ
Là con cá cơm
Không ăn bằng mồm
Là con cá ngác
Không ăn mà ú
Là con cá voi
Hai mắt thòi lòi
Là con cá tráo
Dựa vào đặc điểm của biển mà người Việt đưa ra nhiều lời khuyên, kinh nghiệm bổ
ích như: Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo; Dã tràng xe cát biển Đông; Đồng vợ đồng
chồng tát biển Đông cũng cạn…
Ca dao tục ngữ viết về biển có khá nhiều. Ca dao, tục ngữ là tiếng nói tâm tình, rút
kết kinh nghiệm sống về tình yêu, lao động sản xuất do đó biển cũng đi vào trong ca dao,
tục ngữ với nhiều hình ảnh quen thuộc với đời sống con người. Theo thống kê của Nguyễn
Thị Hải Lê trong Biển trong văn hóa người Việt, phần phụ lục 3, có đến 273 câu tục ngữ ca
dao có yếu tố biển trong kho tàng tục ngữ ca dao Việt Nam. Trong đó có những câu ca vô
cùng quen thuộc.
Những gì to lớn, vĩ đại không thể do bằng kích thước cụ thể thì con người mượn
hình ảnh biển bờ để ví von. Đó là nghĩa mẹ mênh mông, dạt dào:
Công Cha như núi ngất trời
Nghĩa Mẹ như nước ở ngoài biển Đông
Núi cao biển rộng mênh mông
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi.
Biển còn được ví với ý nghĩa vĩnh hằng, trường tồn. Trong ca dao dân ca, để thể
hiện tấm lòng thủy chung son sắt, lời thề khăng khít thì sự bao la, mênh mông rộng lớn của
biển thích hợp hơn cả:
20
Biển cạn, sông cạn lòng qua không cạn
Núi lở, núi mòn nghĩa bạn không quên
Với những đôi lứa đang yêu, biển có lẽ là một không gian hò hẹn lý tưởng:
Trèo lên trái núi Thiên Thai
Thấy đôi chim phượng hoàng ăn ngoài biển Đông
Anh tưởng giếng sâu anh nối sợi dây cụt
Ai dè giếng cạn nó hụt sợi dây
Qua tới đây không được cưới cô hai mày
Qua chèo ra biển đợi nước đầy qua chèo trở vô
Có khi, biển là một không gian mơ ước của đôi lứa. Biển là một không gian trong
khao khát, trong tâm tưởng của biết bao người:
Cá bống đi tu
Cá thu nó khóc
Cá lóc nó rầu
Phải chi ngoài biển có cầu
Anh ra đến đó đoạn giải sầu cho em
Đôi lúc, con người lại mượn hình ảnh biển để truyền tải ý chí và suy nghĩ của họ.
Khi về mối thù dân tộc, dân gian ta có câu:
Bể Đông có lúc vơi đầy
Mối thù đế quốc có ngày nào quên
Nói về những việc làm tốn công, vô ích:
Thôi đừng đáy bể mò kim
Bóng chim tăm cá dễ tìm được nao
Không những vậy, biển còn thể hiện những bất trắc khó khăn trong cuộc sống. Có
thể đó là cửa tử của người phụ nữ khi vượt cạn:
Đàn ông đi biển có đôi
Đàn bà đi biển mồ côi một mình
Có khi biển được ví với lòng dạ thẳm sâu, khó dò của lòng người:
Lòng sông, lòng bể dễ dò
Nào ai bẻ thước mà đo lòng người
Ca dao, tục ngữ là kho tàng kiến thức, kinh nghiệm của dân tộc ta. Chính vì vậy tất
cả ý nghĩa và sắc thái của biển đều được thể hiện đầy đủ. Điểm qua một số câu ca dao, tục
21
ngữ viết về biển đủ để thấy biển là một chủ đề đã có từ rất lâu trong kho tàng văn hóa, văn
học của dân tộc.
1.3. Biển trong thơ ca
Hầu như ở góc độ nào biển cũng được thơ ca ưu ái nhắc đến, từ thời gian: sáng,
trưa, chiều, tối cho đến những không gian trên biển: bãi biển, bờ biển, làng biển… lẫn các
trạng thái ở biển: buồn, vui, vắng lặng... Không những vậy, tất cả những gì liên quan đến
biển cũng là đối tượng của thơ ca như sóng, cát, gió, cánh buồm, hàng dương, hạt muối…
Chúng ta cũng có thể liệt kê hàng trăm, hàng ngàn bài thơ viết về biển, đảo. Tuy vậy, tùy
vào từng giai đoạn cụ thể mà biển, đảo được tiếp cận ở mức độ khác nhau. Và ở mỗi tác
giả hẳn nhiên cũng có cách cảm nhận riêng biệt về biển.
Do đặc điểm về thời đại mà giai đoạn văn học trung đại nhìn chung có ít bài thơ
viết về biển. Ở giai đoạn này, lãnh thổ nước ta chưa mở rộng như bây giờ. Thơ văn sáng
tác hầu như thuộc về giới trí thức, nhà nho giàu chữ nghĩa và phần đông sống ở kinh thành,
ít kinh qua các vùng đất ven biển. Hình ảnh biển chỉ được nhắc đến trong một số tác phẩm
của các tác giả như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát... Tuy nhiên tất cả sắc thái của
biển đều được các nhà thơ khắc họa một cách chi tiết, rõ ràng.
Biển được Nguyễn Trãi miêu tả trong khá nhiều bài thơ, như: Quan duyệt thủy trận,
Quá hải, Quan hải, Vân Đồn, Thần Phù hải khẩu, Lâm Cảng dạ bạc, Quá Thần Phù hải
khẩu… Đó là hình ảnh biển bao la, hùng vĩ được viết bằng những nét bút hoàng tráng. Với
tầm nhìn cao cả và cảm xúc hào hùng, tác giả đã thổi hồn vào những bài thơ ấy, làm cho
biển bờ cũng dậy sóng:
Kình phun lãng hống, lôi nam bắc,
Sáo ủng sơn liên, ngọc hậu tiền
(Cá kình phun nước sóng gầm thét như sấm ran từ nam đến bắc
Giáo dựng san sát núi trùng điệp như ngọc bày đằng trước, đằng
sau [37,246])
(Thần Phù hải khẩu)
Đó còn là hình ảnh Vịnh Hạ Long với những câu thơ gợi tả đầy sức quyến rũ.
Nguyễn Trãi đã ví Vịnh Hạ Long như một tấm gương lớn mà những ngọn núi, những hòn
đảo xung quanh như những búi tóc của người phụ nữ:
Nhất bàn lam bích trừng minh kính
22
Vạn hộc nha thanh đóa thúy hoàn
(Một mặt phẳng sắc lam, sắc biếc như tâm gương trong suốt
Muôn vòm màu đen màu xanh như những búi tóc óng trễ xuống
[37,248])
(Vân Đồn)
Là một cố vấn quân sự tài ba, Nguyễn Trãi cũng có nhiều bài thơ nói về công tác
phòng ngự trên biển. Theo ông, dù đất nước đã yên bình nhưng không vì vậy mà lơ là cảnh
giác:
Biển Bắc năm xưa đã diệt kình
Dù yên, còn luyện ngũ ôn binh
(Quan duyệt thủy trận)
Từ xưa con người đã biết khai thác sản vật từ biển, thế nhưng biển cũng vô cùng
nguy hiểm với bao hiểm họa chết người. Khi giặc Minh sang xâm chiếm nước ta, chúng
bắt ép dân ta xuống biển mò ngọc trai, không cần biết đó là nơi nước sâu, nhiều cá mập,
thuồng luồng: Người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc, ngán thay cá mập thuồng
luồng/ Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng, khốn nỗi rừng sâu nước độc. Tội ác của giặc
Minh không sao kể xiết, để rồi nhà thơ phải thốt lên:
Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi
(Bình Ngô đại cáo)
Vua Lê Thánh Tông cũng viết về biển với những bài thơ ngợi ca thiên nhiên đất
nước tươi đẹp, đồng thời tự hào về đường lối chính trị của nhà nước phong kiến:
Hải thượng vạn phong quần ngọc lập
Tinh la kỳ bố thúy tranh vanh
Ngư diêm như thổ, dân xu tiện
Hòa đạo vô điền, phú bạc chinh
(Trên bờ biển, muôn ngọn núi quây quần như ngọc
La liệt đá xanh biếc rải ra chon von
Cá và muối nhiều như đất, dân chúng sinh nhai thuận lợi
Lúa màu thiếu ruộng, thuế khóa đánh nhẹ [37,317])
(An Bang phong thổ)
23
Nhà thơ Nguyễn Du đề cập đến biển ở một khía cạnh khác. Biển mênh mông, ầm
ào nhưng xa xôi, diệu vợi. Viết về biển, Nguyễn Du lấy điểm tương đồng trong đặc tính
của biển để toát lên tâm trạng của nàng Kiều. Môi trường sống đầy xa lạ và nguy hiểm
chốn lầu xanh đã chuyển thành cái thế gió cuốn, sóng vỗ xung quanh nàng Kiều. Những
con sóng nối tiếp nhau vỗ vào bờ, cứ đều đặn, đều đặn không dứt làm cho người đọc dễ
dàng nhận ra tâm trạng của Thúy Kiều lúc này: đau đớn, tủi nhục, xót xa, cám cảnh cho
thân phận hẩm hiu, đồng thời lo lắng cho tương lai của mình sau này:
Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông gió cuốn mặt ghềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi
(Truyện Kiều)
Biển với những con sóng ngày đêm xô bờ, với bão tố hung hãn làm cho con người
cảm thấy sợ hãi, bất an. Nhìn những hình ảnh như sóng biển trắng xóa, gió táp, sấm ran,
chớp giật… nhà thơ Cao Bá Quát liên tưởng ngay đến con đường công danh, sự nghiệp của
mình. Đó là một con đường đầy sóng gió gian nan lẫn thử thách khiến cho nhà thơ không
khỏi âu lo:
Bạn chẳng thấy:
Sóng trên biển trắng xóa như bạc đầu
Gió táp xô vỡ thuyền vạn mộc
Sóng ran chớp giật hãi mắt người
Mà trong điểm điểm vài chim âu
Hơi bể quyện vào núi, núi lởm chởm như ngón tay
Phía bắc núi, phía nam núi, suốt nghìn muôn dặm
Trên đường công danh đã mấy ai nhàn
Mũ lộng nhộn nhịp ta cũng đi đây
(Đứng trên Hoành Sơn nhìn biển)
Thơ ca hiện đại nở rộ phong phú về thể loại, cấu trúc và cả đối tượng được miêu tả.
Nhà thơ Huy Cận có khá nhiều bài thơ viết về biển. Bằng cảm quan vũ trụ, biển trong thơ
ông hiện lên với nhiều cung bậc và sắc thái khác nhau. Trong đó, nhà thơ đã tái hiện lại
cuộc sống lao động của ngư dân ven biển qua hình ảnh Đoàn thuyền đánh cá. Đó là những
hình ảnh lao động khỏe khoắn, mạnh mẽ cùng sự phong phú, hào sảng của biển cả:
24
Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then, đêm sập cửa
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khơi
Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng
Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng
Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!
Biển đã có trong tâm thức của mỗi người. Đó là miền duyên hải xinh đẹp với cát trắng, có
nắng vàng và cả trời biếc:
Tôi nói đến một vùng duyên hải
Ở miền Nam êm ái quê tôi
…
Có cát trắng, có nắng vàng, trời biếc
Có những tấm lòng chan chứa tình thương
(Tiếng sóng- Tế Hanh)
Đó là quê hương, là cái nôi nuôi dưỡng ý chí cách mạng và lòng căm thù giặc sâu sắc:
Nơi rất thực và cũng là rất mộng
Của đời tôi yêu biển tự bao giờ
Trong giấc ngủ vẫn nghe tiếng sóng
Như tiếng lòng, giục giã những lời thơ
…
Những con người suốt chín năm kháng chiến
Đem máu đào giữ miếng đất thiêng liêng
Nay đứng thẳng nhìn quân thù Mỹ Diệm
Bùn sẽ tan khi ngọn thuỷ triều lên!
(Tiếng sóng- Tế Hanh)
Nhiều địa danh trở thành căn cứ chiến đấu quan trọng và để lại trong lòng nhân dân nhiều
tình cảm. Cửa Tùng của nhà thơ Hoàng Trung Thông là một bài thơ như thế:
Biển triền miên tung sóng như năm xưa
Hai dải cát nằm nghe dạt dào muôn lớp sóng
Ðất khét mùi đạn bom
25
“Những ý tưởng tự chủ, những cảm xúc tự hào về biển, đảo quê hương được nhà thơ lớn
Tố Hữu khái quát vào những câu thơ như một lời tuyên ngôn - tuyên bố chắc nịch về chủ
quyền hiển nhiên, về nét đẹp rạng ngời của một phần lãnh thổ Việt Nam toàn vẹn và thống
nhất:
Hùng vĩ thay toàn thân đất nước
Tựa Trường Sơn vươn tới Trường Sa
Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước
Đỏ bình minh mặt sóng khơi xa [89]”...
(Vui thế, hôm nay)
Nhà thơ Khương Hữu Dụng bằng những câu thơ đầy triết lý đã vẽ nên hình ảnh bao lơn,
rộng lớn của biển, thu nạp vào trong mình hết thảy muôn suối nghìn sông để cuối cùng hóa
xanh trong:
Ai như biển cả lượng mênh mông
Muôn suối nghìn sông rộng mở lòng
Dòng đục dòng trong thu nạp cả
Tan vào chất mặn hóa xanh trong
(Biển và núi)
Ngoài các tầng ý nghĩa trên, biển, sóng còn được các thi sĩ sử dụng để nói hộ các
cung bậc cảm xúc khi yêu. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà thơ đều mượn hình ảnh
biển, sóng để nói đến các cung bậc cảm xúc ấy. Theo từ điển biểu tượng văn hóa thế giới,
biển là “một biểu tượng của động thái sự sống. Tất cả từ biển mà ra và tất cả trở về biển:
đây là nơi của những cuộc sinh đẻ, những biến thái và những tái sinh. Là nước trong sự
chuyển động, biển tượng trưng cho một trạng thái quá độ giữa các khả năng còn phi hình
và các thực tại đã hiện hình, cho một tình thế nước đôi, tình thế bấp bênh, đầy hồ nghi,
chưa quyết định và có thể kết thúc tốt hay xấu. Từ chỗ đó biển là biểu tượng vừa của sự
sống, vừa của sự chết” [51,80]. Chỗ “không ổn định” của biển với nhiều tình thế bấp bênh,
hồ nghi phần nào giống với cung bậc cảm xúc trong tình yêu. Có lẽ vì thế mà nhiều nhà
thơ lấy hình ảnh của thuyền, biển, sóng… để miêu tả tâm trạng khi yêu.
Nhà thơ Xuân Diệu, ông hoàng thơ tình, đã viết:
Anh không xứng là biển xanh
Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng
Bờ cát dài phẳng lặng
26
Soi ánh nắng pha lê
Bờ đẹp đẽ cát vàng
Thoai thoải hàng thông đứng
Như lặng lẽ mơ màng
Suốt ngàn năm bên sóng...
(Biển)
Để rồi sóng biển ngàn năm hôn mãi bờ cát vàng:
Anh xin làm biển biếc
Hôn mãi cát vàng em
Hôn thật khẽ thật êm
Hôn êm đềm mãi mãi
Đã hôn rồi hôn lại
Cho đến mãi muôn đời
Đến tan cả đất trời
Anh mới thôi dào dạt.
(Biển)
Thuyền và biển, hai sự vật hiện hữu ngoài đời thực bỗng trở nên thơ mộng, thi vị
hẳn khi hóa thân thành những đối tượng vô hình trong thơ ca. Đặc biệt là hình tượng hóa
thành đối tượng trữ tình anh và em. Nữ sĩ Xuân Quỳnh cũng mượn hình ảnh Thuyền và
Biển để nói lên tình yêu đôi lứa:
Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu về đâu
Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau rạn vỡ
Nếu từ giã thuyền rồi
Biển chỉ còn sóng gió
Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố
27
(Thuyền và biển)
Hay trong bài thơ Sóng, những cung bậc, cảm xúc khi yêu của người con gái được Xuân
Quỳnh miêu tả bằng hình ảnh sóng rất tinh tế:
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nỗi mình
Sóng tìm ra tận bể
Sóng có lúc dữ dội lại có lúc êm dịu, hai đặc tính trái ngược nhau mà vẫn luôn luôn
tồn tại, giống như tâm trạng khi yêu, có lúc dạt dào, rạo rực nhưng cũng có lúc lạnh băng,
xa cách. Sóng tượng trưng cho nỗi khát vọng của tình yêu đôi lứa, cho dù ở thời điểm nào
đi chăng nữa:
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ
Hữu Thỉnh cũng có một bài thơ viết về tình yêu rất hay (dù theo nhà thơ không hề
có bóng hồng nào nhuộm tím ông cả!). Nhà thơ cũng mượn hình ảnh biển để truyền tải
thông điệp tình yêu:
Anh xa em
Trăng cũng lẻ
Mặt trời cũng lẻ
Biển vẫn cậy mình dài rộng thế
Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn
Gió không phải là roi mà đá núi phải mòn
Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím
Sóng chẳng đi đến đâu nếu không đưa em đến
Dù sóng đã làm anh
Nghiêng ngã
Vì em...
(Thơ viết ở biển)
28
Nhà thơ Trần Đăng Khoa lại hóa thân thành người lính đảo, mượn hình ảnh biển đối sánh
với nhân vật em để bày tỏ tâm tình người lính biển. Đó là tấm lòng yêu tha thiết biển quê
hương, cùng những suy nghĩ đầy yêu thương về Tổ quốc:
Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên
Gió thổi chưa ngưng trong những vành tang trắng
Anh đứng gác-trời khuya đảo vắng
Biển một bên và em một bên
(Thơ tình người lính biển)
“Những con người giữ biển anh hùng đó lại một lần nữa tự khẳng định mình như một lời
thề trước biển, đảo quê hương:
Ôi, đảo Sinh Tồn, hòn đảo thân yêu
Dẫu chẳng có mưa chúng tôi vẫn sinh tồn trên mặt đảo
Đảo vẫn sinh tồn trên đại dương gió bão
Chúng tôi như hòn đá ngàn năm đập trái tim người [91]”!
(Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn - Trần Đăng Khoa)
Còn có rất nhiều bài thơ khác viết về biển. Nội dung tập trung vẫn là tình yêu biển
đảo, là niềm tự hào dân tộc và đề tài tình yêu. Nhiều bài thơ đã được các nhạc sĩ phổ nhạc.
Điều này cũng góp phần đưa bài thơ, bài ca ấy đi sâu vào lòng người đọc. Năm 2000, Hồ
Quốc Nhạc đã sưu tầm và giới thiệu 82 bài thơ hay về biển của nhiều tác giả như: Huy
Cận, Xuân Diệu, Thế Lữ, Tế Hanh, Xuân Quỳnh, Vũ Quần Phương... Số liệu ấy phần nào
cho thấy biển là một đề tài lớn của các thi nhân.
Gần đây có khá nhiều cuộc thi sáng tác thơ, nhạc về biển và cũng đã có không ít tác
phẩm có giá trị. Đó là Tổ quốc nhìn từ biển của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến. Bài thơ ra đời
trong không khí cả nước sôi sục hướng về biển đảo quê hương. Biển, đảo trở nên gần gũi
hơn bao giờ hết. Bài thơ là tình cảm của những người con đất Việt trước tình hình biển đảo
quê hương đang chịu nhiều sóng gió cùng với ý chí quyết tâm bảo vệ vùng biển, đảo của
dân tộc:
Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển
Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa
Ngàn năm trước con theo cha xuống biển
Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa
Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc
29
Các con nằm thao thức phía Trường Sơn
Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả
Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn
Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển
Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng
Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa
Trong hồn người có ngọn sóng nào không
Như vậy, từ lâu biển đã là đối tượng của văn hóa, văn học. Biển đã có trong tâm
thức người Việt và càng ngày càng được củng cố và phát triển. Những câu thơ, lời ca ấy,
dù ra đời trong hoàn cảnh nào thì cũng đều thể hiện tâm thức hướng biển và tình cảm thiết
tha đối với biển đảo quê hương. Một quốc gia phát triển phải là một quốc gia hướng ra
biển cả. Lời nói ấy của nhà thơ Hữu Thỉnh thật đúng, và nó càng đúng hơn trong hoàn cảnh
hiện nay, khi cả nước đang hướng về biển đảo với quyết tâm bảo vệ, giữ gìn và phát huy
truyền thống biển đảo của dân tộc.
30
CHƯƠNG 2. ĐẶC ĐIỂM CỦA HÌNH TƯỢNG BIỂN
TRONG TRƯỜNG CA THU BỒN, THANH THẢO, HỮU THỈNH
“Văn thơ hàm chứa tư tưởng tình cảm. Nhưng văn chương không nói ý một cách
khô khan. Văn chương đích thực là hoa quí nên mới có hương sắc. Văn chương thấm vào
lòng người, bất tử với thời gian, không có biên giới bởi lẽ văn học nhận thức và thể hiện
bằng hình tượng nghệ thuật. Hình tượng nghệ thuật do nhiều yếu tố, chi tiết nghệ thuật hợp
thành. Đọc tác phẩm văn học phải phát hiện ra và cảm nhận các chi tiết nghệ thuật, có thế
mới khám phá được cái hay, cái đẹp của hình tượng nghệ thuật” [86].
Vậy hình tượng nghệ thuật là gì? Theo Từ điển thuật ngữ văn học, “hình tượng
nghệ thuật chính là các khách thể đời sống được nghệ sĩ tái hiện bằng tưởng tượng sáng tạo
trong những tác phẩm nghệ thuật. Bằng chất liệu cụ thể nó có thể làm cho người ta ngắm
nghía, thưởng ngoạn, tưởng tượng. Hình tượng nghệ thuật tái hiện đời sống, nhưng không
phải sao chép nguyên những hiện tượng có thật, mà là tái hiện có chọn lọc, sáng tạo thông
qua trí tưởng tượng và tài năng của nghệ sĩ, sao cho các hình tượng truyền lại được ấn
tượng sâu sắc, từng làm cho nghệ sĩ day dứt, trăn trở cho người khác” [24,147]. Trong thơ
văn, hình tượng nghệ thuật có thể là một bông hoa, một vầng trăng, một nàng Kiều, một
Trương Phi – cũng có thể là một nét của tâm trạng, tình cảm như “Tương tư” của Nguyễn
Bính, v.v… Hình tượng nghệ thuật là bức vẽ về con người, về cuộc đời, về thiên nhiên cụ
thể được nhà văn sáng tạo nên qua liên tưởng, tưởng tượng để thể hiện tư tưởng, tình cảm
và khái quát hiện thực một cách thẩm mĩ.
Và như vậy, biển cũng được các nhà thơ xây dựng thành hình tượng nghệ thuật để truyền
đạt thông điệp của mình. Tìm hiểu hình tượng biển sẽ cho chúng ta thấy được cái hay, cái
ý vị trong trường ca của các nhà thơ Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
2.1. Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn
Nhà thơ Thu Bồn tên khai sinh là Hà Đức Trọng, sinh năm 1935 ở Điện Bàn - Quảng Nam.
Năm 12 tuổi ông tham gia thiếu sinh quân, làm liên lạc cho bộ đội và trực tiếp chiến đấu.
Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, ông liên tục có mặt ở các chiến trường gian khổ, ác
liệt như Tây Nguyên, Khu V, Quảng Trị, biên giới Tây Nam. Có lúc làm phóng viên mặt
trận, lúc làm lính xung kích, lính pháo, từng là biên tập viên tạp chí Văn nghệ quân Giải
31
phóng Trung Trung bộ, biên tập viên và cán bộ sáng tác tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ông là
Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1962).
Thu Bồn là một tác giả đa tài bởi vì hầu như ở thể loại nào ông cũng có những sáng tác
đáng ghi nhận. Năm 1963 với tác phẩm đầu tay, trường ca Bài ca chim Chơ rao đã khẳng
định vị trí của ông trên thi đàn. Ngay từ khi mới ra đời, Bài ca chim Chơ rao với nội dung
trữ tình chứa đựng tinh thần chiến đấu bất khuất của Hùng và Rin, hai người con Kinh -
Thượng, đã gây một tiếng vang lớn cả trong nước lẫn quốc tế. Năm 1969 tập thơ Tre Xanh
ra đời, tiếp tục khẳng định tài năng của Thu Bồn. Tiếp liền những năm sau đó, Thu Bồn
sáng tác nhiều tác phẩm với sự đa dạng về thể loại.
Thơ: Mặt đất không quên (1970), Một trăm bài thơ tình nhờ em đặt tên (1992);
Tiểu thuyết: Chớp trắng (1970), Những đám mây màu cánh vạc (2 tập, 1975), Hòn đảo
chân ren (1972), Dòng sông tuổi thơ (1973), Đỉnh núi (1980), Mắt bồ câu và rừng phi tiễn
(1986), Vùng pháo sáng (1986), Cửa ngõ miền Tây (1986), Em bé vào hang cọp (2 tập,
1986);
Truyện ngắn: Em bé trong rừng thốt nốt (1979), Dưới tro (1986).
Hơn bốn mươi năm cầm bút, Thu Bồn đã mở rộng phạm vi sáng tác của mình ở nhiều thể
loại, tuy nhiên, có lẽ ông có duyên với trường ca hơn cả. Trường ca Bài ca chim Chơ rao
đã đánh dấu một bước ngoặc “tươi sáng” trong chặng đường trường ca sau này của ông.
Sau thành công vang dội của Bài ca chim Chơ rao, tiếp tục trên nền cảm hứng sử thi Tây
Nguyên, Thu Bồn đã viết Vách đá Hồ Chí Minh (1970) và tiếp sau đó, một loạt trường ca
ra đời, gắn với tên tuổi Thu Bồn: Người gồng gánh phương Đông (1972), Tiếng hú người
Diôlao (1974), Chim vàng chốt lửa (1973-1975), Quê hương mặt trời vàng (1975), Badan
khát (1976), Campuchia hy vọng (1978), Oran 76 ngọn (1979), Người vắt sữa bầu trời
(1985), Thông điệp mùa xuân (1985).
Chặng đường sáng tạo của nhà thơ được ghi nhận qua các giải thưởng sau: Giải thưởng
Văn học Nguyễn Đình Chiểu của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền
Nam Việt Nam (1965) với trường ca Bài ca chim Chơ rao. Giải thưởng thơ báo Hà Nội
mới (1969) với bài thơ Gởi lòng con đến cùng cha. Giải thưởng văn học quốc tế (Hội Nhà
văn Á Phi, 1973) với trường ca Bài ca chim Chơ rao.
32
2.1.1. Biển trong kí ức, hành trang của những người con đất Việt trong cuộc
chiến đấu giữ nước của dân tộc
Thu Bồn là một nhà thơ-chiến sĩ đi nhiều, viết khỏe. Trong những năm tháng chiến tranh
gian khổ, ông đã lăn lộn khắp các chiến trường, đặt bàn chân qua nhiều vùng đất khác
nhau. Thậm chí, ông đã vượt dãy Trường Sơn giữa lúc quân thù đánh phá ác liệt nhất. Có
lẽ vì thế mà ông có nhiều “vốn” để sáng tác. Sáng tác của ông đa dạng về thể loại và đa
dạng cả về địa danh. Đó là một Tây Nguyên bạt ngàn, một Campuchia hy vọng hay một
Hà Nội ngày nào...
Biển là một đối tượng thân thuộc của thơ ca, có lẽ bởi những trạng thái đối nghịch của nó:
vừa dữ dội lại dịu êm, vừa rộng mở vừa huyền bí. Các nhà thơ đã viết về biển trong những
hoàn cảnh khác nhau, bằng những biểu hiện khác nhau nhưng ở họ có một điểm chung: đó
là cảm xúc khi viết về biển rất tự nhiên, chân thành. Và hẳn nhiên, Thu Bồn cũng không
ngoại lệ. Biển trong thơ ông dạt dào cảm xúc và chất đầy nỗi niềm của một người con xa
quê. Biển trong thơ ông hiện lên mãnh liệt trong kí ức của những người con đất Việt qua
công cuộc giữ nước của dân tộc.
Là một người con xứ Quảng, từ lâu hình ảnh biển bờ với tiếng sóng vỗ, mảnh buồm cong,
bãi cát dài đã ăn sâu vào tâm thức nhà thơ. Để rồi chỉ cần một tiếng gợi nhỏ cũng đủ làm
cho tâm hồn nhà thơ dậy sóng. Đối với ông, biển không hề xa lạ. Bởi đơn giản đó là quê
hương:
Quê hương tôi biển nhiều hơn nước
Gọt tận trời cao giọt tận đất sâu
Biển đã thổi cồn cào cơn khát
Giọt đầu nguồn trong- mắt em đâu?
(Qua quê mẹ)
Biển trong thơ ông còn là tình mẫu tử thiêng liêng, là tiếng lòng của những chàng trai cô
gái tuổi đôi mươi hay là những trăn trở về cuộc đời. Tất cả được nhà thơ thể hiện bằng nét
bút “lừng lững” một thời của mình.
Cùng mạch cảm xúc trên, trong thể loại trường ca, nhà thơ Thu Bồn cũng dành rất nhiều
“đất” cho tình yêu biển đảo. Qua số liệu thống kê, trong 6 trường ca khảo sát có tới 71 từ
biển và 32 từ sóng, ngoài ra còn có các từ khác liên quan đến biển như cát, gió, muối,
thuyền... (xem phần phụ lục 1). Điều này phần nào chứng tỏ những hình ảnh biển đã có sẵn
33
trong tâm thức nhà thơ, và nó tự nhiên tuôn chảy mà không cần hướng theo một chủ đích
nào cả.
Kháng chiến nổ ra, những người con Việt Nam yêu nước từ đồng bằng, duyên hải cho đến
cao nguyên... đều hăng hái lên đường nhập ngũ. Trong những năm chiến tranh đầy gian
khổ, địa bàn hoạt động của người lính chủ yếu là ở rừng. Họ đã trải qua nhiều thử thách
với bao chuyến vượt thác, băng rừng, trèo đèo, lội suối đầy vất vả. Rừng núi trở thành quê
hương thứ hai của những người lính miền duyên hải. Thế nhưng, trong họ, cảm xúc về một
miền quê đầy gió sóng vẫn luôn dạt dào. Trong kí ức của người lính, không đâu đẹp bằng
quê hương, không đâu trù phú bằng quê hương. Họ đã kể cho người bạn Campuchia của
mình nghe về một vùng biển quê hương giàu có, bằng một giọng điệu đầy tự hào:
Anh vẫn nói với lòng tôi anh nói
Về những hòn đảo xa nối biển liền trời
Con ngọc trai bám vào thềm lục địa
Một loài sao biển sáng lân tinh
(Campuchia hy vọng)
Sống và chiến đấu ở rừng khiến cho những người lính thèm cảm giác được tung tăng, vẫy
vùng với biển. Trong họ, biển có một vị trí riêng. Biển ám ảnh trong tâm thức, khiến cho
người lính không khỏi không nghĩ đến. Ngay cả trong những sinh hoạt hằng ngày cũng làm
cho họ nhớ da diết miền quê ầm ào sóng vỗ:
Ăn trái gắm nhớ trái dừa da diết
Tắm vũng suối nhớ biển biếc bao la
Những đêm mưa rừng sấm động
Nhớ làm sao tiếng sóng vỗ quanh nhà
(Bài ca chim Chơ rao)
Biển đã nằm ở một tầng sâu trong tâm thức người lính, để rồi ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào,
chỉ một cái gợi rất nhỏ cũng làm cho tình cảm ấy bùng phát mãnh liệt. Hùng là một chiến
sĩ kiên cường. Anh cùng Rin, một chiến sĩ vùng cao, hoạt động cách mạng ở Tây Nguyên.
Để tham gia cách mạng, hòa mình cùng đồng bào dân tộc, anh đã cà hàm răng ngà ngọc,
học cách bương đèo, bới tóc, căng tai, mang vòng lấp lánh. Anh dần dần trở thành một
người con miền núi đúng nghĩa. Nhưng anh vẫn là người con của biển, vẫn đậm đà, chất
phác. Là một người lính, nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ Tổ quốc được đặt lên hàng đầu. Nỗi
nhớ quê hương luôn canh cánh trong lòng nhưng anh đã cố gắng gìm lại. Và càng gìm chặt
34
thì nỗi nhớ về miền quê nhiều sóng biển, lắm chân trời càng mãnh liệt. Trong nhà lao,
trước sự tàn bạo của kẻ thù, Hùng vô cùng kiên cường, cứng rắn, nhưng khi nghe tâm sự
của Rin và Sao, nỗi niềm trong anh như được khơi dòng. Đó là nỗi lòng của một người con
miền biển chất đầy nhớ thương:
Nỗi tâm sự của người con nước mặn
Cũng trào lên như sóng biển dạt dào
Kí ức như ngàn con sóng bao bọc lấy người chiến sĩ. Ở phía biển anh có một mái nhà tranh
nho nhỏ với hàng dương xanh quanh năm cãi lời ngọn gió, một người mẹ hiền sớm hôm
tần tảo vá may cho anh chiếc áo, đợi anh về. Ở nơi đó anh còn có một người yêu vò võ đợi
chờ:
Cô gái biển quanh năm chài lưới
Trên bàn tay có nắng mặt trời
Cô gái có tâm hồn sóng biển
Hứa yêu anh, yêu mãi trọn đời
(Bài ca chim Chơ rao)
Nỗi niềm trong anh cứ thế, cứ thế dâng lên như ngọn thủy triều. Hình ảnh quê hương với
biển xanh, sóng vỗ đến khôn cùng như vẫy gọi anh, để rồi tiếng gọi quê hương bật ra từ tận
đáy lòng, nghe yêu thương và da diết đến lạ:
Quê hương ơi, những biển chiều lặn
Con cá chuồn lao phóng như tên
Ánh đèn xanh đêm hè soi mực
Con sứa rập rình chờ nước biển lên
(Bài ca chim Chơ rao)
Kí ức về quê hương và những con người thân thuộc đã cho anh sức mạnh chiến đấu với kẻ
thù. Bị tra khảo bằng những nhục hình đầy đau đớn, bị dụ dỗ với những lời nói ngọt nhạt
nhưng Hùng vẫn kiên trung với con đường mình đã chọn. Anh tự vùi bàn tay vào than đỏ
châm thuốc hút, dùng kìm véo vào đùi rứt ra miếng thịt... Đứng trước kẻ thù anh không hề
run sợ mà vô cùng anh dũng, kiên trung. Hùng đã chọn cho mình một cái chết hiên ngang:
Tao sẽ chết bằng xe kéo trên đường
Máu thịt tao quyện vào bụi đất
Xương óc tao rải khắp quê Hương
(Bài ca chim Chơ rao)
35
Ý chí của anh đã làm cho bọn giặc phách lạc hồn bay, phải rợn mình khiếp sợ. Chính sự ồn
ào, dữ dội nhưng cũng thâm trầm da diết của biển đã thấm vào anh. Lý tưởng đó, thứ ánh
sáng đó anh học được từ phía biển quê hương:
Ánh sáng đầu nhô từ mặt biển
Cánh buồm căng sưởi lửa mặt trời
Con của mẹ hun đúc từ nơi ấy
Lồng ngực con mang tiếng đập biển khơi
(Bài ca chim Chơ rao)
Tiếng đập biển khơi đã dựng anh đứng dậy, không đầu hàng trước sự tàn bạo của kẻ thù,
bởi với anh, con đường anh chọn là con đường chính nghĩa để rồi mạnh bước đi, chết vẫn
tươi cười.
Trước giây phút hy sinh, trong tâm trí người chiến sĩ, kí ức về quê hương hiện lên mãnh
liệt hơn bao giờ hết. Hùng bị đem ra pháp trường thiêu chết nhưng anh vẫn điềm nhiên.
Anh nhớ về miền biển thân thương với ngôi tháp Chàm rêu phong cổ kính với rừng dừa xa
thấp thoáng sương mù. Anh nhớ về người mẹ hiền trọn đời kim chỉ vá may, nhớ người con
gái mà anh yêu thương tha thiết. Anh bị thiêu chết nhưng anh không chết, lời của anh như
còn vang vọng. Tấm áo mẹ may năm nào anh nhường lại cho người em với lời nhắn nhủ
chiến đấu tới cùng:
Tấm áo mẹ con không bao giờ mặc nữa
Để dành cho em con mặc buổi ra khơi
Tấm áo quê nhà che bao nắng gió
Vững mái chèo bão táp chớ buông lơi
Anh nhắn với cô gái- người yêu anh đừng buồn, bởi dù chết anh vẫn còn mãi với quê
hương, đất nước:
Và cô gái đẹp xinh người vợ trẻ
Ngày chiến thắng về không có bóng anh
Em hãy nhìn lên sắc cờ kiêu hãnh
Có anh về ôm ấp rặng dừa xanh
Tầm vóc của người chiến sĩ bỗng chốc vụt lớn lao. Hùng không chết mà sức mạnh ý chí
của anh lan tỏa đến quảng đại quần chúng nhân dân. Sức mạnh ấy như một trận bão giông,
có thể cuốn phăng tất cả:
Bến thuyền xa gió kéo dài ngọn lửa
36
Chớp xé trời tung thuyền lên nghiên ngửa bão giông
Con cá kình lao mình trong đảo sóng
Lướt đá ghềnh bọt trắng nước mênh mông
(Bài ca chim Chơ rao)
Không phải ngẫu nhiên mà Thu Bồn tái hiện ý chí của Hùng bằng một trận bão giông. Biển
với sức mạnh to lớn và huyền bí của mình có khả năng quét sạch mọi thứ. Biển vừa là nơi
hủy diệt lại vừa là nơi tái sinh. Tinh thần chiến đấu của Hùng sẽ lan tỏa ra quảng đại quần
chúng nhân dân. Họ là những trận bão giông, sẽ dùng sức mạnh khôn cùng của mình hủy
diệt bè lũ cướp nước, đồng thời tái sinh những cuộc đời mới.
Cái chết của Hùng và Rin không hề đau thương, bi lụy mà lan tỏa sức mạnh, ý chí quật
cường đến với nhân dân. Hình ảnh của Hùng và Rin bỗng chốc trở nên bất tử, bất tử đúng
vào khoảnh khắc họ bị thiêu chết ấy:
Lửa rực hai gương mặt gầy rạng rỡ
Hai vòng tay lửa siết vào nhau
Người anh em ơi! Đây là lời đất nước
Gắn bó đến cùng những lúc thương đau
Như vậy, hình ảnh quê hương miền biển luôn hiện hữu trong tâm trí người chiến sĩ cách
mạng, để rồi, từ những kí ức ấy hun đúc trong họ ý chí quyết tâm giữ gìn độc lập tự do cho
Tổ quốc. Biển hiện lên trong trang thơ Thu Bồn tự nhiên và gần gũi nhất, có lẽ đơn giản đó
là quê hương, là cái nôi nuôi những người con đất Việt lớn khôn thì không còn gì là xa lạ
nữa. Bằng tấm lòng của một người con miền biển, Thu Bồn đã thổi vào những bản trường
ca của mình lớp lớp sóng biển đầy sức gợi tả.
2.1.2. Biển, đảo-một phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam
Dù biển có hung hăng, có tàn phá thì biển đảo vẫn là quê hương, là nơi nuôi ta
khôn lớn, là một phần máu thịt của Tổ quốc ta. Hướng về biển, nhà thơ tìm về với cội
nguồn dân tộc:
Tìm cha con hãy đến biển Đông
Nơi ngọn sóng bạc đầu vì sương gió
Khi đau thương biến con thành đảo nhỏ
Mẹ sẽ ôm con trong lòng biển rạt rào
(Người gồng gánh phương Đông)
37
Qua hình ảnh của tình mẫu tử thiêng liêng, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra thông điệp mà
nhà thơ gửi gắm. Biển đảo đã trở thành một phần cơ thể của Mẹ Việt Nam. Để rồi từ đó
bao thế hệ con Rồng cháu Tiên sẵn sàng trở thành người lính biển, người lính đảo, canh
giữ bình yên cho Tổ quốc Việt Nam.
Biển đảo còn là cái nôi nguồn cội của dân tộc ta. Đó còn là hình ảnh của chàng chim Lạc
và nàng Âu Cơ trong cuộc chiến chống lại lão già nghèo đói cùng gia đình lão:
Vợ lão là hoang vu
Con đầu là cơ cực
Cháu trai là nóng nực
Cháu gái là lạnh lùng
Bè bạn lão ta khổ độc cứ từng vùng
(Người gồng gánh phương Đông)
Chàng chim Lạc soãi cánh mở nước về phương Nam, băng qua dải Trường Sơn hùng vĩ.
Trong cuộc chiến với lão già chàng bị lão cắn đứt một ngón tay, để rồi:
Từ những ngón tay chàng trai máu ứa thành những dòng kinh
Còn lại chín ngón tay xòe ra vô tận
Thành chín nhánh Cửu Long sờ vào ngực biển Đông
hình thành đất nước Việt Nam cong như chiếc đòn gánh “gồng gánh phương Đông”.
Biển đảo đã trở thành máu thịt, là quê hương, là đất nước mến yêu như lời tâm sự Quê
hương tôi có biển Đông/ Vừa đủ mặn bốn ngàn năm lao động. Biển đảo trở nên thân thuộc,
là nơi người lính cảm thấy tự hào khi nghĩ về, tôi chỉ em xem biển rộng vô cùng/ và tên gọi
mến yêu từng hòn đảo. Đứng trước biển, ngút ngàn màu xanh trù phú của biển cả, nhà thơ
không khỏi tự hào. Trong trường ca Người gồng gánh phương Đông, tác giả lý giải về Đảo
bằng một đôi mắt vô cùng thi vị:
Những hòn núi xưa không cần vua chúa
Xa lánh biển Đông
Nghe tiếng đàn ngoái cổ lại trông
Được chỉ tên là Đảo
(Người gồng gánh phương Đông)
Thế nhưng, trong lịch sử, biển đảo quê hương đã bao lần phải oằn mình chịu sự chà đạp
của kẻ thù. Biển, đảo luôn là món mồi ngon mà kẻ thù lăm le xâm chiếm:
Nhưng chùm đảo của ta
38
Miếng mồi ngon chơi vơi trước những mồm giặc cướp
(Badan khát)
Để mất biển tức là mất đi Tổ quốc. Vì vậy, giữ gìn biển đảo là một nhiệm vụ cấp thiết hơn
bao giờ hết:
Chúng ta không muốn nỗi buồn thương
Niềm đau lớn vượt ra ngoài biên giới
Nỗi khổ khoanh vùng trong da thịt ta thôi
Ta muốn biển ta chỉ một sắc cờ
Những hòn đảo xa
Những hòn đảo nóng
Đừng quên nỗi lòng ta sóng xé giữa trùng khơi
(Badan khát)
Ý thức được tầm quan trọng của biển đảo, dân tộc ta đã gửi lên biển đảo quê hương những
tình cảm hồn hậu, chân chất nhất, bởi đơn giản con ở đâu cũng là con của mẹ/ hòn đảo nào
cũng Tổ quốc Việt Nam. Đất liền đã gửi ra biển đảo hồn dân tộc. Đó là giống cây trồng,
sách báo hay chỉ là lời thăm hỏi lên hòn đảo quý yêu. Đó là lời chào tới Hoàng Sa, Trường
Sa để gọi hồn Tổ quốc lạc ngoài khơi:
Chào Hoàng Sa
Chào Trường Sa
Những chùm đảo chim
Những hòn đảo nổi
Những ốc đảo tù và gió thổi
Gọi hồn Tổ quốc lạc ngoài khơi.
(Badan khát)
Trường ca Badan khát được tác giả sáng tác vào năm 1976, ngoài chủ đề chính là đất và
con người Tây Nguyên thì tác giả còn đề cập đến vấn đề biển đảo như người viết đã đề cập
ở trên. Vấn đề ấy đến hôm nay vẫn còn nhức nhối. Để cho đất nước được vẹn toàn, nhiệm
vụ bảo vệ biển đảo trở nên khẩn thiết hơn bao giờ hết, hay đơn giản chỉ để cho bờ Tổ quốc
đâu cũng đầy gió sóng.
2.1.3. Biển đời đầy khó nhọc gian truân
Biển trong trường ca Thu Bồn không chỉ mang nét nghĩa quê hương, đất nước mà nó còn
ám chỉ sự khó khăn, vất vả. Từ lâu, trong kho tàng ca dao tục ngữ, người Việt đã ví nỗi
39
khổ đau, vất vả của đời người với biển: biển khổ, biển đau; Đàn ông đi biển có đôi/ Đàn bà
đi biển mồ côi một mình... Biển với sự bao la, rộng lớn lẫn huyền bí đến tận cùng của mình
đã ám ảnh bao thế hệ. Biển là nỗi ám ảnh về sự gian truân, những khó khăn thử thách khôn
lường trong đời sống con người. Trong trường ca Người gồng gánh phương Đông, Thu
Bồn đã viết:
Những cái gì xanh của biển
Đều lấy ra từ máu con người
Màu xanh của biển là màu của những tháng ngày tự do, cho em thơ vui đùa trên
cát; là màu của sự ấm no, người dân chài trở về với những khoang thuyền đầy cá. Có khi
đơn giản đó là tiếng sóng vỗ bình yên, là hàng dương vi vu theo gió... Nhưng để có được
màu xanh ấy, biết bao thế hệ đã phải hy sinh, biết bao máu xương của dân tộc ta đã phải đổ
xuống. Thật xót xa biết bao!
Nhà thơ còn khát quát: Đất nước tôi có biển Đông/ Vừa đủ mặn bốn nghìn năm lao động.
Bốn nghìn năm ấy, dân tộc ta đã chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc để cho thế hệ sau được bình
yên vui sống. Đó là một khoảng thời gian lịch sử, khoảng thời gian của máu và nước mắt.
Nhưng khoảng thời gian ấy chưa dừng lại, từ phía biển, kẻ thù luôn luôn tìm cách xâm
lược nước ta:
Những trái bom
Giặc Mỹ từ biển vào giật mìn san bằng từng chiếc giếng
(Chim vàng chốt lửa)
Đến hạt muối còn quý hơn vàng: Sáng nay muối đến non ngàn/Tay cầm hạt muối hơn vàng
cầm tay. Để có được hạt muối ấy từ bàn tay giặc, biết bao đồng bào ta đã ngã xuống. Đó
không đơn thuần là hạt muối bình thường, mà nó kết tinh thành tinh thần, sức mạnh của
dân tộc. Đó là những hạt muối thấm máu bao đồng đội hy sinh:
Mẹ giữ muối như giữ từng giọt máu
Đừng tan muối ơi! chất mặn Sa Huỳnh
Muối trắng giằng từ bàn tay giặc
Thấm máu bao đồng đội hy sinh
(Bài ca chim Chơ rao)
Phía đại dương mênh mông còn có một vùng đất quanh năm chua mặn, mưa rơi vào lòng
hạn hán. Cuộc sống của những con người nơi đây khốn khó vô cùng, đêm ngày bán lưng
cho đất, bán mặt cho trời nhưng cái ăn, cái mặc vẫn thiếu thốn, chật vật. Đến lời dặn dò
40
của cô gái với chàng trai trước khi ra trận nghe cũng thật thiết tha, thấy thương đến lạ. Đó
là lời dặn dò của một con người con gái bé nhỏ, quanh năm chịu nhiều nhọc nhằn, vất vả:
Anh là con chim bay về xứ nóng
Đừng quên em trên ruộng lúa nhọc nhằn
Đừng quên dấu chân trâu trên mảnh đất khô cằn
Cơn rét lạnh lá hàng dương không đủ ấm
(Badan khát)
Trong trường ca Badan khát, Thu Bồn đã kể về một vùng đất chết bởi sự xâm thực nặng
nề của biển, làng Lỗ Trường. Ở nơi đó:
Sóng mặn cướp hàng dương
Làng sạt lở ngôi đình chìm đáy biển
Bọt nước cuộc đời trôi
Bao người biệt xứ
(Badan khát)
Trước sự xâm thực nặng nề của biển, vùng quê ấy trở thành một vùng đất chết. Vậy
mà biển còn hùa vào áp đảo để rồi cánh đồng ta mòn mỏi những bờ chua. Những người
con của biển phải chống chọi từng ngày từng giờ với thiên nhiên, con người phơi sức
người trên đồng muối trắng, thế nhưng cuộc sống nghèo khó vẫn bám riết lấy họ:
Nhà rách vách xiêu
Chiếc nong rách
Áo tơi chằm
Nằm vo ăn vã
(Badan khát)
Khó khăn, vất vả là thế nhưng những con người nơi đây vẫn không đầu hàng trước số
phận. Những người lính của ta đã nhảy xuống biển, xiết chặt tay nhau làm thành bức
tường, khuân đá ngăn sóng. Những người lính đã đem tất cả tinh thần, sức lực của mình ra
để ngăn biển dù cho biển gầm thét, biển tràn vào lồng lộn:
Biển hung hăng nhưng biển không thể tràn
Qua lồng ngực những người chiến sĩ
(Badan khát)
41
Để có được màu xanh trù phú, bạt ngàn của những cánh đồng, những người chiến
sĩ đã đem hết tất cả ý chí và tinh thần của mình chống biển. Biển trở thành kẻ thù của
người lính:
Chúng ta dành sức trai đánh Mỹ
Nhưng giờ đây phải thắng trời
Những tàu chiến hải quân kéo còi từ biệt biển khơi
Tự đắm mình dưới chân đê làm lá chắn
(Badan khát)
Đương đầu với kẻ thù hết tuổi thanh xuân, nay hòa bình lập lại, người chiến sĩ tiếp tục
cống hiến sức mình để xây dựng quê hương. Từ sự khó khăn, vất vả của những con người
nơi đầu sóng ngọn gió, chúng ta càng hiểu thêm sự hy sinh thầm lặng của họ và càng thấy
khâm phục, tự hào hơn con người Việt Nam.
Phía biển cả bao la không chỉ chứa đựng bao nổi khó khăn, vất vả mà biển còn ám
chỉ những bấp bênh, khó ngờ của cuộc sống. Trong bài thơ Ông già và biển, nhà thơ viết:
Nay sông đã cạn rồi
Còn lại biển
Sóng bao dung nhưng trò đời ai biết
Lỡ bước sảy chân là biển nuốt phăng đời
Biển lúc này như một con cá mập của số phận, chỉ một chút dao động, một chút chênh
vênh thôi con cá mập ấy sẽ nuốt chửng chúng ta. Và những con sóng không khác gì những
cám dỗ của cuộc đời, chỉ một chút lơ là, mất cảnh giác, chúng ta có thể bị vùi lấp bất cứ
lúc nào. Trong những sáng tác của mình, nhà văn Nguyễn Minh Châu cũng có viết về một
con sóng vô hình [78] trong tâm thức những người dân miền biển. Đó là nỗi sợ hãi, e dè về
sức mạnh cuồng nộ của thiên nhiên cũng như ám ảnh bởi những con sóng bấp bênh của
biển đời, đầy chông gai mà cũng lắm cám dỗ.
Biển mang trong mình đầy đủ các cung bậc, sắc thái khác nhau. Viết về những khó khăn,
vất vả ở biển để chúng ta thấy được rằng, cuộc sống của đồng bào ta cực khổ đến nhường
nào. Nhưng dù khó khăn, vất vả họ vẫn cố gắng vượt qua, cố gắng chiến đấu tới cùng để
cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn, vững bền hơn.
Bằng tấm lòng của một người con xứ Quảng, Thu Bồn đã viết nên những trang trường ca
về biển đầy sức gợi. Biển hiện lên bình dị, yêu thương trong kí ức của người chiến sĩ yêu
nước. Biển bờ còn là cái nôi hun đúc ý chí, sức mạnh, giúp họ chiến thắng trước kẻ thù,
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh

More Related Content

What's hot

Tài liệu tìm hiểu chương trình môn ngữ văn
Tài liệu tìm hiểu chương trình môn ngữ vănTài liệu tìm hiểu chương trình môn ngữ văn
Tài liệu tìm hiểu chương trình môn ngữ vănnataliej4
 
Niềm bi cảm (aware) trong Truyện Genji của Murasaki Shikibu
Niềm bi cảm (aware) trong Truyện Genji của Murasaki Shikibu Niềm bi cảm (aware) trong Truyện Genji của Murasaki Shikibu
Niềm bi cảm (aware) trong Truyện Genji của Murasaki Shikibu nataliej4
 
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa
Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi IssaPhong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa
Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi IssaNguyễn Duy Bình
 
Luận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki Murakami
Luận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki MurakamiLuận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki Murakami
Luận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki MurakamiDịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 

What's hot (20)

Tài liệu tìm hiểu chương trình môn ngữ văn
Tài liệu tìm hiểu chương trình môn ngữ vănTài liệu tìm hiểu chương trình môn ngữ văn
Tài liệu tìm hiểu chương trình môn ngữ văn
 
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ nữ Việt Nam đầu thế kỉ XXI
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ nữ Việt Nam đầu thế kỉ XXILuận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ nữ Việt Nam đầu thế kỉ XXI
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ nữ Việt Nam đầu thế kỉ XXI
 
Niềm bi cảm (aware) trong Truyện Genji của Murasaki Shikibu
Niềm bi cảm (aware) trong Truyện Genji của Murasaki Shikibu Niềm bi cảm (aware) trong Truyện Genji của Murasaki Shikibu
Niềm bi cảm (aware) trong Truyện Genji của Murasaki Shikibu
 
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
 
Luận văn: Motif li tán trong thần thoại các tộc người thiểu số, HAY
Luận văn: Motif li tán trong thần thoại các tộc người thiểu số, HAYLuận văn: Motif li tán trong thần thoại các tộc người thiểu số, HAY
Luận văn: Motif li tán trong thần thoại các tộc người thiểu số, HAY
 
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đLuận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
 
Luận văn: Diễn ngôn về giới nữ của các nhà văn nữ đương đại, HOT
Luận văn: Diễn ngôn về giới nữ của các nhà văn nữ đương đại, HOTLuận văn: Diễn ngôn về giới nữ của các nhà văn nữ đương đại, HOT
Luận văn: Diễn ngôn về giới nữ của các nhà văn nữ đương đại, HOT
 
Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa
Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi IssaPhong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa
Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa
 
Th s33.028 ngôn ngữ nghệ thuật ngô tất tố
Th s33.028 ngôn ngữ nghệ thuật ngô tất tốTh s33.028 ngôn ngữ nghệ thuật ngô tất tố
Th s33.028 ngôn ngữ nghệ thuật ngô tất tố
 
Luận văn: Sự chuyển biến trong văn học nửa cuối thế kỉ XIX, HAY
Luận văn: Sự chuyển biến trong văn học nửa cuối thế kỉ XIX, HAYLuận văn: Sự chuyển biến trong văn học nửa cuối thế kỉ XIX, HAY
Luận văn: Sự chuyển biến trong văn học nửa cuối thế kỉ XIX, HAY
 
Luận văn: Hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình Việt Nam
Luận văn: Hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình Việt NamLuận văn: Hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình Việt Nam
Luận văn: Hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình Việt Nam
 
Luận văn: Thơ Bùi Chí Vinh trong bối cảnh thơ Việt Nam hiện nay - Gửi miễn ph...
Luận văn: Thơ Bùi Chí Vinh trong bối cảnh thơ Việt Nam hiện nay - Gửi miễn ph...Luận văn: Thơ Bùi Chí Vinh trong bối cảnh thơ Việt Nam hiện nay - Gửi miễn ph...
Luận văn: Thơ Bùi Chí Vinh trong bối cảnh thơ Việt Nam hiện nay - Gửi miễn ph...
 
Luận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki Murakami
Luận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki MurakamiLuận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki Murakami
Luận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki Murakami
 
Luận văn: Giá trị đạo lý trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu, 9đ
Luận văn: Giá trị đạo lý trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu, 9đLuận văn: Giá trị đạo lý trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu, 9đ
Luận văn: Giá trị đạo lý trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu, 9đ
 
Luận văn: Phương tiện và biện pháp tu từ trong ca dao Nam Bộ
Luận văn: Phương tiện và biện pháp tu từ trong ca dao Nam BộLuận văn: Phương tiện và biện pháp tu từ trong ca dao Nam Bộ
Luận văn: Phương tiện và biện pháp tu từ trong ca dao Nam Bộ
 
Luận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAY
Luận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAYLuận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAY
Luận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAY
 
Đặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAY
Đặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAYĐặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAY
Đặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAY
 
Luận văn: Quá trình tiếp nhận tác phẩm của Tô Hoài, 9đ
Luận văn: Quá trình tiếp nhận tác phẩm của Tô Hoài, 9đLuận văn: Quá trình tiếp nhận tác phẩm của Tô Hoài, 9đ
Luận văn: Quá trình tiếp nhận tác phẩm của Tô Hoài, 9đ
 
Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975
Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975
Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975
 
Cảm thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam (1986 - 2010), HOT
Cảm thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam (1986 - 2010), HOTCảm thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam (1986 - 2010), HOT
Cảm thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam (1986 - 2010), HOT
 

Similar to Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh

Khóa luận tốt nghiệp văn học về Cái say trong thơ của Nguyễn Khuyến
Khóa luận tốt nghiệp văn học về Cái say trong thơ của Nguyễn KhuyếnKhóa luận tốt nghiệp văn học về Cái say trong thơ của Nguyễn Khuyến
Khóa luận tốt nghiệp văn học về Cái say trong thơ của Nguyễn KhuyếnDịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
Khoá Luận Tốt Nghiệp Sự Chuyển Đổi Của Loại Hình Tác Giả Văn Học Việt Nam Trư...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Sự Chuyển Đổi Của Loại Hình Tác Giả Văn Học Việt Nam Trư...Khoá Luận Tốt Nghiệp Sự Chuyển Đổi Của Loại Hình Tác Giả Văn Học Việt Nam Trư...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Sự Chuyển Đổi Của Loại Hình Tác Giả Văn Học Việt Nam Trư...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Luận văn thạc sĩ tôn giáo: Lễ hội truyền thống đối với đời sống người dân
Luận văn thạc sĩ tôn giáo: Lễ hội truyền thống đối với đời sống người dânLuận văn thạc sĩ tôn giáo: Lễ hội truyền thống đối với đời sống người dân
Luận văn thạc sĩ tôn giáo: Lễ hội truyền thống đối với đời sống người dânDịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
NGHIÊN CỨU BIỂU TƢỢNG KHÈN TRONG DÂN CA MÔNG TỪ VĂN HÓA ĐẾN VĂN HỌC DÂN GIAN.pdf
NGHIÊN CỨU BIỂU TƢỢNG KHÈN TRONG DÂN CA MÔNG TỪ VĂN HÓA ĐẾN VĂN HỌC DÂN GIAN.pdfNGHIÊN CỨU BIỂU TƢỢNG KHÈN TRONG DÂN CA MÔNG TỪ VĂN HÓA ĐẾN VĂN HỌC DÂN GIAN.pdf
NGHIÊN CỨU BIỂU TƢỢNG KHÈN TRONG DÂN CA MÔNG TỪ VĂN HÓA ĐẾN VĂN HỌC DÂN GIAN.pdfNuioKila
 

Similar to Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh (20)

Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đLuận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Truyện cổ dân gian Châu Ro, HAY, 9đ
 
Đề tài: Di tích lịch sử lễ hội đền Nghè phục vụ phát triển du lịch
Đề tài: Di tích lịch sử lễ hội đền Nghè phục vụ phát triển du lịchĐề tài: Di tích lịch sử lễ hội đền Nghè phục vụ phát triển du lịch
Đề tài: Di tích lịch sử lễ hội đền Nghè phục vụ phát triển du lịch
 
Luận án: Ảnh hưởng văn học dân gian trong truyện thiếu nhi, HAY
Luận án: Ảnh hưởng văn học dân gian trong truyện thiếu nhi, HAYLuận án: Ảnh hưởng văn học dân gian trong truyện thiếu nhi, HAY
Luận án: Ảnh hưởng văn học dân gian trong truyện thiếu nhi, HAY
 
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI, HAYLuận án: Tiểu thuyết Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam thập niên đầu thế kỷ XXI, HAY
 
Khóa Luận văn học về Mộng trong thơ của Tản Đà
Khóa Luận văn học về Mộng trong thơ của Tản ĐàKhóa Luận văn học về Mộng trong thơ của Tản Đà
Khóa Luận văn học về Mộng trong thơ của Tản Đà
 
Báo Cáo Tốt Nghiệp Sư Phạm Tiểu Học Giáo Dục Nhân Cách, Đạo Đức Cho Học Sinh ...
Báo Cáo Tốt Nghiệp Sư Phạm Tiểu Học Giáo Dục Nhân Cách, Đạo Đức Cho Học Sinh ...Báo Cáo Tốt Nghiệp Sư Phạm Tiểu Học Giáo Dục Nhân Cách, Đạo Đức Cho Học Sinh ...
Báo Cáo Tốt Nghiệp Sư Phạm Tiểu Học Giáo Dục Nhân Cách, Đạo Đức Cho Học Sinh ...
 
Luận văn: Quản lý về thi đua đối với các trường cao đẳng, HOT
Luận văn: Quản lý về thi đua đối với các trường cao đẳng, HOTLuận văn: Quản lý về thi đua đối với các trường cao đẳng, HOT
Luận văn: Quản lý về thi đua đối với các trường cao đẳng, HOT
 
Quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng ở các trường cao đẳng
Quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng ở các trường cao đẳngQuản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng ở các trường cao đẳng
Quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng ở các trường cao đẳng
 
Quản lý về thi đua, khen thưởng các trường cao đẳng tại Hà Nội
Quản lý về thi đua, khen thưởng các trường cao đẳng tại Hà NộiQuản lý về thi đua, khen thưởng các trường cao đẳng tại Hà Nội
Quản lý về thi đua, khen thưởng các trường cao đẳng tại Hà Nội
 
Đề tài: Quản lý thi đua, khen thưởng ở các trường cao đẳng Hà Nội
Đề tài: Quản lý thi đua, khen thưởng ở các trường cao đẳng Hà NộiĐề tài: Quản lý thi đua, khen thưởng ở các trường cao đẳng Hà Nội
Đề tài: Quản lý thi đua, khen thưởng ở các trường cao đẳng Hà Nội
 
Khóa luận tốt nghiệp văn học về Cái say trong thơ của Nguyễn Khuyến
Khóa luận tốt nghiệp văn học về Cái say trong thơ của Nguyễn KhuyếnKhóa luận tốt nghiệp văn học về Cái say trong thơ của Nguyễn Khuyến
Khóa luận tốt nghiệp văn học về Cái say trong thơ của Nguyễn Khuyến
 
Luận án: Ba mô hình truyện lịch sử trong văn xuôi hiện đại Việt Nam
Luận án: Ba mô hình truyện lịch sử trong văn xuôi hiện đại Việt NamLuận án: Ba mô hình truyện lịch sử trong văn xuôi hiện đại Việt Nam
Luận án: Ba mô hình truyện lịch sử trong văn xuôi hiện đại Việt Nam
 
Luận văn: Dấu ấn văn hóa trong truyện ngắn Quế Hương, HAY
Luận văn: Dấu ấn văn hóa trong truyện ngắn Quế Hương, HAYLuận văn: Dấu ấn văn hóa trong truyện ngắn Quế Hương, HAY
Luận văn: Dấu ấn văn hóa trong truyện ngắn Quế Hương, HAY
 
Khoá Luận Tốt Nghiệp Sự Chuyển Đổi Của Loại Hình Tác Giả Văn Học Việt Nam Trư...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Sự Chuyển Đổi Của Loại Hình Tác Giả Văn Học Việt Nam Trư...Khoá Luận Tốt Nghiệp Sự Chuyển Đổi Của Loại Hình Tác Giả Văn Học Việt Nam Trư...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Sự Chuyển Đổi Của Loại Hình Tác Giả Văn Học Việt Nam Trư...
 
Luận án: Di tích chùa Dạm trong hệ thống các chùa thời Lý, HAY
Luận án: Di tích chùa Dạm trong hệ thống các chùa thời Lý, HAYLuận án: Di tích chùa Dạm trong hệ thống các chùa thời Lý, HAY
Luận án: Di tích chùa Dạm trong hệ thống các chùa thời Lý, HAY
 
Luận văn thạc sĩ tôn giáo: Lễ hội truyền thống đối với đời sống người dân
Luận văn thạc sĩ tôn giáo: Lễ hội truyền thống đối với đời sống người dânLuận văn thạc sĩ tôn giáo: Lễ hội truyền thống đối với đời sống người dân
Luận văn thạc sĩ tôn giáo: Lễ hội truyền thống đối với đời sống người dân
 
Đề tài: Quản lí về các di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Thanh Hóa, HAY
Đề tài: Quản lí về các di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Thanh Hóa, HAYĐề tài: Quản lí về các di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Thanh Hóa, HAY
Đề tài: Quản lí về các di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Thanh Hóa, HAY
 
Luận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAY
Luận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAYLuận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAY
Luận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAY
 
NGHIÊN CỨU BIỂU TƢỢNG KHÈN TRONG DÂN CA MÔNG TỪ VĂN HÓA ĐẾN VĂN HỌC DÂN GIAN.pdf
NGHIÊN CỨU BIỂU TƢỢNG KHÈN TRONG DÂN CA MÔNG TỪ VĂN HÓA ĐẾN VĂN HỌC DÂN GIAN.pdfNGHIÊN CỨU BIỂU TƢỢNG KHÈN TRONG DÂN CA MÔNG TỪ VĂN HÓA ĐẾN VĂN HỌC DÂN GIAN.pdf
NGHIÊN CỨU BIỂU TƢỢNG KHÈN TRONG DÂN CA MÔNG TỪ VĂN HÓA ĐẾN VĂN HỌC DÂN GIAN.pdf
 
Đề tài: Bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa Cơ Tu ở Quảng Nam
Đề tài: Bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa Cơ Tu ở Quảng NamĐề tài: Bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa Cơ Tu ở Quảng Nam
Đề tài: Bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa Cơ Tu ở Quảng Nam
 

More from Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864

Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...
Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...
Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...
Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...
Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...
Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...
Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...
Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...
Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Tạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.doc
Tạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.docTạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.doc
Tạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.docDịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 

More from Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864 (20)

Yếu Tố Tự Truyện Trong Truyện Ngắn Thạch Lam Và Thanh Tịnh.doc
Yếu Tố Tự Truyện Trong Truyện Ngắn Thạch Lam Và Thanh Tịnh.docYếu Tố Tự Truyện Trong Truyện Ngắn Thạch Lam Và Thanh Tịnh.doc
Yếu Tố Tự Truyện Trong Truyện Ngắn Thạch Lam Và Thanh Tịnh.doc
 
Từ Ngữ Biểu Thị Tâm Lí – Tình Cảm Trong Ca Dao Người Việt.doc
Từ Ngữ Biểu Thị Tâm Lí – Tình Cảm Trong Ca Dao Người Việt.docTừ Ngữ Biểu Thị Tâm Lí – Tình Cảm Trong Ca Dao Người Việt.doc
Từ Ngữ Biểu Thị Tâm Lí – Tình Cảm Trong Ca Dao Người Việt.doc
 
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...
 
Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...
Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...
Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...
 
Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...
Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...
Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...
 
Vaporisation Of Single And Binary Component Droplets In Heated Flowing Gas St...
Vaporisation Of Single And Binary Component Droplets In Heated Flowing Gas St...Vaporisation Of Single And Binary Component Droplets In Heated Flowing Gas St...
Vaporisation Of Single And Binary Component Droplets In Heated Flowing Gas St...
 
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...
 
Tác Giả Hàm Ẩn Trong Tiểu Thuyết Nguyễn Việt Hà.doc
Tác Giả Hàm Ẩn Trong Tiểu Thuyết Nguyễn Việt Hà.docTác Giả Hàm Ẩn Trong Tiểu Thuyết Nguyễn Việt Hà.doc
Tác Giả Hàm Ẩn Trong Tiểu Thuyết Nguyễn Việt Hà.doc
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...
 
Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...
Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...
Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...
 
Song Song Hóa Các Thuật Toán Trên Mạng Đồ Thị.doc
Song Song Hóa Các Thuật Toán Trên Mạng Đồ Thị.docSong Song Hóa Các Thuật Toán Trên Mạng Đồ Thị.doc
Song Song Hóa Các Thuật Toán Trên Mạng Đồ Thị.doc
 
Ứng Dụng Số Phức Trong Các Bài Toán Sơ Cấp.doc
Ứng Dụng Số Phức Trong Các Bài Toán Sơ Cấp.docỨng Dụng Số Phức Trong Các Bài Toán Sơ Cấp.doc
Ứng Dụng Số Phức Trong Các Bài Toán Sơ Cấp.doc
 
Vai Trò Của Cái Bi Trong Giáo Dục Thẩm Mỹ.doc
Vai Trò Của Cái Bi Trong Giáo Dục Thẩm Mỹ.docVai Trò Của Cái Bi Trong Giáo Dục Thẩm Mỹ.doc
Vai Trò Của Cái Bi Trong Giáo Dục Thẩm Mỹ.doc
 
Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...
Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...
Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...
 
Thu Hút Vốn Đầu Tư Vào Lĩnh Vực Nông Nghiệp Trên Địa Bàn Tỉnh Gia Lai.doc
Thu Hút Vốn Đầu Tư Vào Lĩnh Vực Nông Nghiệp Trên Địa Bàn Tỉnh Gia Lai.docThu Hút Vốn Đầu Tư Vào Lĩnh Vực Nông Nghiệp Trên Địa Bàn Tỉnh Gia Lai.doc
Thu Hút Vốn Đầu Tư Vào Lĩnh Vực Nông Nghiệp Trên Địa Bàn Tỉnh Gia Lai.doc
 
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...
 
Tạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.doc
Tạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.docTạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.doc
Tạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.doc
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...
 

Recently uploaded

sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdfTrnHoa46
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoámyvh40253
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxpowerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxAnAn97022
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIĐiện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfCampbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfTrnHoa46
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...ThunTrn734461
 
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfchuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfVyTng986513
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...hoangtuansinh1
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líDr K-OGN
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................TrnHoa46
 

Recently uploaded (20)

sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
 
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxpowerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfCampbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
 
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfchuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................
 

Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh

  • 1. 1 BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH NGUYỄN A SAY HÌNH TƯỢNG BIỂN TRONG TRƯỜNG CA THU BỒN, THANH THẢO, HỮU THỈNH Chuyên Ngành: Văn học Việt Nam Mã Số: 60 22 34 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC Người hướng dẫn khoa học: TS. NGUYỄN VĂN KHA Thành phố Hồ Chí Minh - 2012
  • 2. 2 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan luận văn thạc sĩ Văn học “Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh” là công trình nghiên cứu của tôi, được thực hiện dưới sự hướng dẫn khoa học của TS. Nguyễn Văn Kha. Những kết quả nêu trong luận văn là hoàn toàn trung thực và chưa được công bố trong công trình nào khác. Tp. Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 09 năm 2012 Học viên Nguyễn A Say
  • 3. 3 Lời cảm ơn Con xin gửi lời cám ơn sâu sắc đến gia đình, những người đã nuôi dưỡng con nên người và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho con chuyên tâm học hành. Tôi xin cảm ơn với lòng biết ơn và trân trọng đến TS. Nguyễn Văn Kha, người Thầy không chỉ giúp đỡ tận tình để tôi có thể hoàn thành luận văn, mà còn là người đã định hướng cho tôi rất nhiều về con đường học tập nghiên cứu. Tôi xin cảm ơn quý thầy cô trường Đại học Sư Phạm đã trực tiếp giảng dạy, cho tôi tri thức, phương pháp cần thiết để tôi hoàn thành khóa luận này. Tôi xin cảm ơn Quý thầy cô trong Hội đồng đã dành thời gian đọc bài luận và sẽ cho tôi những đóng góp quý báu, để không chỉ hoàn thiện bài viết mà còn là những kinh nghiệm cho tôi trên con đường học tập. Đồng thời, tôi xin gửi lời cảm ơn đến những người bạn, những người đã động viên, ủng hộ tôi trong suốt quá trình thực hiện đề tài khóa luận tốt nghiệp. Xin chân thành cảm ơn! Tp. Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 9 năm 2012 Tác giả Nguyễn A Say
  • 4. 4 MỤC LỤC DẪN NHẬP ..........................................................................................................................6 1. Lý do chọn đề tài ...........................................................................................................6 2. Lịch sử vấn đề................................................................................................................7 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ...............................................................................10 3.1. Đối tượng .......................................................................................................................... 10 3.2. Phạm vi ............................................................................................................................. 10 4. Phương pháp nghiên cứu .............................................................................................11 5. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài.....................................................................12 6. Cấu trúc của luận văn...................................................................................................12 CHƯƠNG 1. BIỂN TRONG ĐỜI SỐNG TÂM HỒN ...................................................13 VÀ TRONG THƠ CA NGƯỜI VIỆT..............................................................................13 1.1. Biển trong đời sống người Việt ................................................................................13 1.2. Biển trong văn học dân gian .....................................................................................15 1.3. Biển trong thơ ca.......................................................................................................21 CHƯƠNG 2. ĐẶC ĐIỂM CỦA HÌNH TƯỢNG BIỂN .................................................30 TRONG TRƯỜNG CA THU BỒN, THANH THẢO, HỮU THỈNH...........................30 2.1. Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn ...............................................................30 2.1.1. Biển trong kí ức, hành trang của những người con đất Việt trong cuộc chiến đấu giữ nước của dân tộc ...................................................................................................................... 32 2.1.2. Biển, đảo-một phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam..................................................... 36 2.1.3. Biển đời đầy khó nhọc gian truân .................................................................................. 38 2.2. Hình tượng biển trong trường ca Thanh Thảo..........................................................42 2.2.1. Duyên nợ với biển trong sáng tác của Thanh Thảo........................................................ 42 2.2.2.Biển hiện thân cho nỗi khó nhọc của con người............................................................. 45 2.2.3.Biển- triết lý về sức mạnh của nhân dân......................................................................... 47 2.3. Biển trong trường ca Hữu Thỉnh...............................................................................53 2.3.1. Từ trường ca “Đường tới thành phố” đến “Trường ca Biển”, người lính tiếp tục cống hiến với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của dân tộc...................................................... 53 2.3.2. Biển- một không gian sống và chiến đấu mới................................................................ 55 2.3.3. Ý chí người lính đảo....................................................................................................... 58
  • 5. 5 2.3.4. Đối thoại với biển- một cuộc đối thoại của nhân cách sống .......................................... 60 CHƯƠNG 3. NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG HÌNH TƯỢNG BIỂN TRONG TRƯỜNG CA THU BỒN, THANH THẢO, HỮU THỈNH .............................................................65 3.1. Nghệ thuật xây dựng hình ảnh biển mang tính biểu tượng.......................................65 3.1.1. Biểu tượng của Tổ quốc................................................................................................. 65 3.1.2. Biển là “đại dương nhân dân”........................................................................................ 67 3.1.3. Biển - biểu tượng của lòng mẹ...................................................................................... 69 3.1.4. Biển - biểu tượng của tình yêu đôi lứa........................................................................... 70 3.2. Các biện pháp tu từ ...................................................................................................73 3.2.1. So sánh........................................................................................................................... 73 3.2.2. Nhân hóa ........................................................................................................................ 75 3.3. Giọng điệu.................................................................................................................76 3.3.1. Giọng điệu ngợi ca, tự hào............................................................................................. 77 3.3.2. Giọng điệu trữ tình, triết lý ............................................................................................ 79 3.4. Sự liên tưởng.............................................................................................................81 3.5. Không gian - thời gian nghệ thuật ............................................................................83 3.5.1. Không gian nghệ thuật ................................................................................................... 83 3.5.2. Thời gian nghệ thuật ...................................................................................................... 85 KẾT LUẬN.........................................................................................................................88 TÀI LIỆU THAM KHẢO.................................................................................................91 PHỤ LỤC 1.........................................................................................................................97 PHỤ LỤC 2.........................................................................................................................99
  • 6. 6 DẪN NHẬP 1. Lý do chọn đề tài Vùng biển của Tổ quốc Việt Nam là một đặc ân của thiên nhiên cho con người. Từ bao đời, biển Việt Nam cung cấp nguồn tài nguyên phong phú. Câu thành ngữ “rừng vàng biển bạc” có ý chỉ như vậy. Đường bờ biển Việt Nam dài từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Hà Tiên (Kiên Giang). Biển đảo không những đẹp tự nhiên mà còn chứa đựng nhiều giá trị tinh thần sâu sắc. “Là một quốc gia có dải bờ biển trải dọc theo bờ Tây Thái Bình Dương dài hơn ba nghìn ki lô mét, tự bao đời, biển đã là môi trường sống, môi trường tiếp giao văn hóa của người Việt. Cùng với các không gian núi rừng và châu thổ, biển đã góp phần hợp thành, định diện truyền thống, bản sắc văn hóa, cơ sở kinh tế, tư duy... của nhiều cộng đồng cư dân Việt Nam. Trong tâm thức của người Việt, biển Đông là không gian thiêng gắn với thời lập quốc. Bao thế hệ người Việt đã hoài niệm về cha Rồng - mẹ Tiên, về công lao sinh thành, mở cõi của các bậc Thủy tổ. Từ biển, Lạc Long Quân đã về với đất liền, hiển linh như một Nhân thần, diệt trừ yêu quái, giáo hóa dân chúng, dạy cho dân biết cấy lúa, làm nghề thủ công” [86]. Từ lâu, biển đã trở thành nỗi ám ảnh trong tâm thức người Việt bởi sự ồn ào và dữ dội nhưng cũng có lúc lặng im của nó. Biển không chỉ được khai thác về mặt kinh tế, quân sự mà còn bao hàm nhiều yếu tố văn hóa - nghệ thuật. Không khó để tìm những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc về biển trên các lĩnh vực như âm nhạc, điêu khắc, hội họa… Đối sánh với rừng, biển là biểu tượng của Tổ quốc, của tình yêu quê hương đất nước con người. Tìm hiểu về hình tượng biển cũng giống như chúng ta đang tìm về với mẹ nước bao la, tìm về không gian thần thoại với cha Rồng, mẹ Tiên vậy. Ngày nay chúng ta đang kêu gọi góp đá xây Trường Sa, xây dựng biển đảo, bảo vệ chủ quyền đất nước... Biển đảo càng ngày càng đi vào tâm thức, trong ý thức chủ quyền của người Việt. Nghiên cứu về hình tượng biển, trong văn học, tác giả luận văn muốn góp thêm một viên đá để xây nên “tượng đài” của lòng yêu quê hương đất nước qua việc tìm hiểu một số trường ca viết về biển, đảo.
  • 7. 7 Trong thơ ca nói chung và trường ca nói riêng, biển được nhắc đến với nhiều tầng nghĩa. Biển, đảo là hình ảnh của Tổ quốc, của dân tộc. Đó là hình ảnh của người mẹ Việt Nam chịu thương chịu khó, của người con gái miền biển sâu sắc, mặn mà. Biển, sóng tượng trưng cho sức mạnh, tinh thần chiến đấu của nhân dân. Các đặc tính của biển, sóng, gió, cát… còn tượng trưng cho những sắc thái tình cảm trong tình yêu đôi lứa. Không những vậy, trong trường ca các nhà thơ còn ví biển như nỗi khó nhọc, gian truân của biển đời. Viết về biển, các tác giả đã thổi vào những trang thơ tình yêu quê hương, biển đảo của chính mình. Trường ca là một thể loại thơ dài hơi, gom vào nó tính chất lịch sử to tớn của thời đại và mang hơi hướng sử thi. Biển trong trường ca vì vậy cũng được miêu tả với những bình diện khác nhau. Đặc biệt là trong trường ca của các nhà thơ miền Trung, biển, bờ được các nhà thơ này thể hiện rất đậm nét. Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh là những nhà thơ có nhiều thành tựu nổi bật ở mảng trường ca. Những sáng tác của họ đã gặt hái không ít thành công và được đông đảo bạn đọc ghi nhận. Hình ảnh biển, đảo trong trường ca của các nhà thơ trên tuy chưa nhiều nhưng cũng đủ làm nên sắc thái riêng, góp phần làm nổi bật nội dung tác phẩm. Xuất phát từ những lí do trên, chúng tôi chọn đề tài: Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh để nghiên cứu trên cơ sở tham khảo các đề tài đi trước, từ đó có cái nhìn phổ quát hơn về hình tượng biển trong trường ca. Nghiên cứu Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, tác giả luận văn muốn góp một góc nhìn về hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn Thanh Thảo, Hữu Thỉnh trong bối cảnh nước ta đang sục sôi xây dựng biển đảo, bảo vệ chủ quyền đất nước. 2. Lịch sử vấn đề Trường ca là một thể loại nở rộ trong và sau hai cuộc kháng chiến thần thánh, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn học nghệ thuật của dân tộc. Sự phát triển rực rỡ của trường ca trong giai đoạn này đã thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu. Nhiều bài viết về trường ca trên Tạp chí Văn học, Tạp chí Nghiên cứu văn học và các tạp chí có uy tín khác đều cho chúng ta thấy rõ điều này. Trước sự nở rộ của trường ca, nhiều nhà nghiên cứu đã lật lại vấn đề, tìm hiểu tiến trình vận động của thể loại trường ca, cách đặt tên cũng như bàn về đặc trưng loại thể, thi pháp...
  • 8. 8 Hoàng Ngọc Hiến trong bài viết “Về đặc trưng của trường ca” đăng trên Tạp chí Văn học số 3 năm 1984 cho rằng: Trường ca là một thể loại lớn với 2 nghĩa: có dung lượng lớn và mang nội dung lớn [27,113]. Trường ca là một thể loại vừa có tính chất trữ tình vừa có tính chất tự sự [27,117]. Trước sự phát triển của trường ca, Mã Giang Lân có bài viết: “Thử phân định ranh giới giữa trường ca và thơ dài” trên tạp chí Văn học số 5 năm 1988. Ông cho rằng, trường ca và thơ dài giống nhau ở chỗ: Thơ dài và trường ca thường vận dụng tổng hợp nhiều thể thơ, thay đổi không khí cảm xúc hạn chế sự bằng phẳng đơn điệu [42,61]. Tuy nhiên trường ca có kết cấu rõ rệt và hoàn chỉnh hơn, có nhân vật và nhân vật ở đường nét, có tâm trạng, có hành động [42,62]. Cũng bàn về vấn đề này, trước đó 13 năm nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã viết “Mấy suy nghĩ về thể loại trường ca” trên tạp chí Văn học số 4 năm 1975. Ông cho rằng có thể gọi chung thơ dài hiện nay là trường ca với nhiều biến thức, nhiều kiểu kết cấu khác nhau [72]. Ngoài ra còn có rất nhiều bài viết khác đề cập đến vấn đề thi pháp, thể loại, phong cách thơ cũng như đánh giá vai trò, đóng góp của họ. Và như vậy, hình tượng biển trong trường ca hầu như chưa có công trình nào đề cập đến. May ra qua một vài bài viết đề cập đến nội dung tác phẩm, có một hai câu "chạm" đến vấn đề này mà thôi. Thiếu Mai trong "Thanh Thảo, thơ và trường ca" in trên tạp chí văn học, số 2 năm 1980 có viết về phần vĩ thanh trong trường ca Những người đi tới biển của nhà thơ Thanh Thảo như sau: Đã tới biển, đã đến đích, tới đích rồi nhưng đâu phải về biển là yên nghỉ [46,78]. Lại Nguyên Ân khi bàn đến khúc vĩ thanh này có viết: Không phải ngẫu nhiên tập trường ca của Thanh Thảo có nhan đề Những người đi tới biển. Trong khá nhiều hàm nghĩa có một nghĩa khá rõ: anh nói về những người đi tới nhân dân, hòa vào nhân dân trong một hành trình lịch sử [6,60]. Ngoài ra có thể kể đến bài viết của Lê Thị Mây “Hữu Thỉnh với trường ca biển”. Tác giả đã đề cập đến nội dung, nghệ thuật của trường ca biển và những vấn đề của người lính biển đảo hôm nay... tìm kiếm phác hoạ cho được một chân dung lính đảo hoàn toàn mới [88]. Trong hội nghị khoa học toàn quốc về “Văn hoá biển miền Trung và văn hoá biển Quảng Ngãi”, TS. Mai Bá Ấn có bài viết “Tâm thức biển trong thơ miền Trung hiện đại” (Qua trường ca Thu Bồn, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo), in lại Tạp chí Sông Trà (21)/2007, tr.71-79. Bài viết đưa ra được những tầng nghĩa phổ quát nhất của biển. Đó là nỗi ám ảnh trong tâm thức người lính; là biểu tượng của tổ quốc, của dân tộc, của người
  • 9. 9 mẹ Việt Nam tần tảo... Tuy nhiên, bài viết còn khá sơ lược, chưa nêu lên được những tầng nghĩa sâu sắc của biển, một đại dương cuộc đời bao la của con người. Ngoài các bài viết trên các báo, tạp chí thì trường ca cũng được đề cập đến khá nhiều trong luận văn cao học, nghiên cứu sinh. Các tác giả Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh là những cây bút trường ca lớn, có đóng góp, do đó đề tài nghiên cứu về các tác giả trên là không ít. Các luận văn trên đều đi vào tìm hiểu quá trình vận động phát triển của trường ca, tìm hiểu đặc điểm trường ca, vấn đề thể loại cũng như thi pháp nghệ thuật của từng nhà thơ. Bên cạnh đó còn có một số đề tài khát quát cả một chặng đường phát triển trường ca gắn với sự vận động, phát triển của lịch sử như luận án Trường ca về thời chống Mĩ trong văn học hiện đại Việt Nam của Nguyễn Thị Liên Tâm hay Thể trường ca trong Văn học Việt Nam từ 1945 đến cuối thế kỉ XX của Đào Thị Bình. Điểm qua các công trình trên, các nhà nghiên cứu chỉ chú ý xoáy vào đặc điểm trường ca, cấu trúc cũng như đóng góp của trường ca đối với đời sống nghệ thuật. Hình tượng biển, sóng trong trường ca được ít nhà nghiên cứu quan tâm. Đến hiện nay vẫn chưa có một công trình khoa học nào đề cập đến hình tượng biển trong trường ca. Tuy nhiên trong các luận văn về trường ca Thanh Thảo, hình tượng biển sóng cũng được nhắc đến, dù ít ỏi nhưng cũng thấy được ý đồ nghệ thuật mà tác giả gửi gắm thông qua hình tượng đó. Cụ thể trong luận văn thạc sĩ của Hoàng Thị Thu Hương, Chất triết luận trong trường ca Thanh Thảo (năm 2009, trường Đại học Sư phạm Hà Nội), phần những phương thức nghệ thuật có đề cập đến biểu tượng sóng biển và biểu tượng cát. Biểu tượng sóng là hình thái tồn tại vĩnh hằng, thể hiện sức mạnh khôn cùng của nhân dân [33,79]; Biển, sóng thể hiện khát vọng yên bình, giãi bày những suy tư, cảm nghĩ về nhân dân [33,80]. Biểu tượng cát cũng mang các tầng nghĩa trên. Tác giả Hoàng Thị Thu Hương cho rằng, cát có giá trị nhân bản sâu sắc, tố cáo tội ác và nỗi đau thương của cả dân tộc. Cát là nỗi mất mát đau khổ, là tương lai, cát vẫn vĩnh hằng bất diệt với thời gian [33,83]. Luận văn Thạc sĩ của Đào Thị Khánh Vân, Trường ca Thanh Thảo (năm 2009, trường Đại học Sư Phạm-Đại học Thái Nguyên) có đề cập đến hình ảnh sóng, cát- mặt đất. Sóng là biểu tượng cho sức mạnh tiềm ẩn, quật cường của quần chúng nhân dân [71,89]. Sóng còn là biểu tượng cho sức mạnh trào dâng, sức mạnh nhấn chìm, sức mạnh vô địch của quần chúng nhân dân trước kẻ thù [71,90]. Bên cạnh đó tác giả luận văn đề cập đến cát như là biểu tượng của quê hương, của những năm tháng thăng trầm gian khó mà người
  • 10. 10 dân Sơn Mĩ đã trải qua. Theo Đào Thị Khánh Vân cát là nơi ghi dấu ấn sự tồn tại cũng như những mất mát, hy sinh của con người... cát vĩnh hằng bất diệt, cát là sự hóa thân của tương lai tươi sáng [71,95]. Trong luận văn thạc sĩ của Dương Lệ Thủy, Đặc điểm trường ca Thanh Thảo (năm 2011, trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh) cũng đề cập đến hình ảnh sóng - mặt đất, tương tự như trong công trình của Đào Thị Khánh Vân. Sóng và mặt đất là biểu tượng cho sức mạnh vô bờ, âm ỉ và đoàn kết của nhân dân ta trong suốt chiều dài giữ nước [69,106]. Nói chung, hình ảnh biển được đề cập trong các luận văn cao học trên chưa sâu và mới chỉ tập trung vào biểu tượng biển, sóng, cát trong trường ca của nhà thơ Thanh Thảo. Trên cở sở tiếp thu thành quả nghiên cứu trong các công trình nghiên cứu, bài viết của những người đi trước, tác giả luận văn chọn đề tài Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh và chủ yếu chỉ khảo sát trường ca của ba tác giả trên. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng Với mục đích khoa học đã đề ra, luận văn này chỉ tập trung xem xét và làm sáng tỏ những vấn đề cơ bản có liên quan đến đề tài: “Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh”. Tìm hiểu đặc điểm của hình tượng biển trong trường ca của các tác giả trên và một số phương thức nghệ thuật xây dựng hình ảnh biển trong trường ca. 3.2. Phạm vi Tác giả luận văn xác định rõ, đây là một đề tài chỉ tập trung vào hình tượng biển trong trường ca. Do đó, tác giả luận văn chỉ đi sâu tìm hiểu trường ca viết về biển của 3 tác giả có tên tuổi như Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh. Chủ yếu là một số trường ca có trong ba tuyển tập trường ca sau: * Thu Bồn (1999), Bài ca chim Chơ Rao-tuyển tập trường ca, Nhà xuất bản Văn nghệ, Tp. Hồ Chí Minh. Bài ca chim Chơ rao Badan khát Người gồng gánh phương Đông Chim vàng chốt lửa Campuchia hy vọng
  • 11. 11 Vách đá Hồ Chí Minh * Thanh Thảo (2004), Những người đi tới biển, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội. Những người đi tới biển Trẻ con ở Sơn Mỹ Những nghĩa sĩ Cần Giuộc Đêm trên cát Trò chuyện với nhân vật của mình Bùng nổ mùa xuân * Hữu Thỉnh (2004), Trường ca biển, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội Đường tới thành phố Trường ca biển Ngoài ra trong quá trình triển khai đề tài, luận văn có sử dụng một số tác phẩm thơ của các nhà thơ trong diện khảo sát để vấn đề được sáng tỏ hơn. 4. Phương pháp nghiên cứu Phương pháp loại hình Đây là phương pháp nghiên cứu chính của luận văn. Căn cứ vào đặc trưng thể loại để tìm hiểu hình tượng biển trong trường ca của Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh. Phương pháp so sánh Đây là phương pháp không thể thiếu để chúng tôi làm rõ nét đặc sắc của các tác giả khi xây dựng hình tượng biển trong trường ca của mình so với các tác giả khác. Phương pháp thống kê Đề tài xoay quanh hình tượng biển của ba tác giả Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh nên rất cần tiến hành thống kê tần suất xuất hiện của các từ khóa liên quan. Sử dụng phương pháp này người viết muốn “lượng hóa” hình tượng biển để chứng minh rằng, biển là kết quả của tư duy nghệ thuật riêng biệt và độc đáo của từng nhà thơ. Phương pháp hệ thống Với quan niệm mỗi trường ca là một chỉnh thể nghệ thuật nằm trong một chỉnh thể lớn hơn là nền văn học hiện đại, khi khảo sát, phân tích hình tượng biển, người viết không đặt nó riêng lẻ mà luôn ý thức đặt chúng trong một chỉnh thể thống nhất với các yếu tố nghệ thuật khác để làm rõ hơn nội dung của tác phẩm.
  • 12. 12 5. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài Từ lâu biển đã trở thành biểu tượng của tổ quốc của dân tộc, biển còn là cái nôi cội nguồn của dân tộc. Việc nghiên cứu hình tượng biển này góp phần làm rõ đặc điểm của hình tượng biển trong trường ca đồng thời hiểu rõ dụng ý nghệ thuật của các nhà thơ, bên cạnh đó góp phần lý giải một phần văn hóa biển, tâm thức biển trong đời sống con người Việt. 6. Cấu trúc của luận văn Ngoài phần dẫn nhập, kết luận và phần phụ lục, luận văn chúng tôi gồm có ba chương: Chương 1: Biển trong đời sống tâm hồn và trong thơ ca người Việt Chương 2: Đặc điểm của hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh Chương 3: Nghệ thuật xây dựng hình tượng biển
  • 13. 13 CHƯƠNG 1. BIỂN TRONG ĐỜI SỐNG TÂM HỒN VÀ TRONG THƠ CA NGƯỜI VIỆT 1.1. Biển trong đời sống người Việt Nước ta có 3260 km đường bờ biển kéo dài từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Hà Tiên (Kiên Giang). Ưu thế đường bờ biển dài, vùng biển rộng đã tác động trực tiếp đến người dân Việt Nam. “Là một vùng biển giàu có, biển Đông chứa đựng nhiều tài nguyên sinh vật, khoáng sản rất phong phú cả về số lượng và chủng loại. Nhờ có biển Đông, nước ta mang nhiều đặc tính của khí hậu ẩm ướt và vì thế về điều kiện tự nhiên có thể gọi Việt Nam là xứ sở của biển cả” (45,11). Cũng theo Nguyễn Thị Hải Lê, ban đầu người Việt không có nguồn gốc biển, họ là cư dân sống ở vùng trước núi, tràn xuống khai thác đồng bằng lầy trũng, rồi lấn biển và khai thác biển. Nhưng trong quá trình “Nam tiến” chất biển của họ ngày càng tăng lên. Giải thích điều này, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Đức Thịnh cho rằng có hai nguyên nhân cơ bản: thứ nhất đó là do quá trình lấn biển làm nông nghiệp và khai thác biển bắt buộc họ phải đứng trước biển; thứ hai người Việt đã tiếp nhận truyền thống biển từ người Chăm và một bộ phận người Chăm bị Việt hóa từ sau thế kỉ XI. Như vậy, qua một thời kì lịch sử dài, chất biển trong văn hóa người Việt ngày càng được khẳng định và củng cố. Tuy chưa tạo cho mình được một nền văn hóa biển điển hình như một số dân tộc khác trên thế giới nhưng người Việt đã làm chủ được một nền văn hóa mang những nét riêng của cư dân nông nghiệp. “Dấu ấn của biển đã hiện diện trong đời sống của tổ tiên người Việt từ thời kì tiền sử. Những di tích “đống vỏ sò” hay “cồn sò điệp” trong các nền văn hóa khảo cổ như văn hóa Quỳnh Văn, văn hóa Bàu Tró, văn hóa Thạch Lạc, văn hóa Hạ Long… là những dấu tích chứng minh rằng biển cả là nơi cung cấp nguồn sống chủ yếu cho các cộng đồng người tiền sử cư trú ở ven biển Việt Nam từ hàng ngàn năm trước” [50,53]. Từ xưa người Việt đã sớm biết chinh phục biển, đảo để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của mình. Biển trở thành nơi cung cấp nhiều sản vật quí cho con người. Ngọc trai, đồi mồi, san hô… hay gần gũi nhất là muối đều được khai thác từ rất sớm. Nhiều hải sản như mực, cá, tôm… với hàm lượng dinh dưỡng cao trở thành nguồn thực phẩm quen thuộc. Trong
  • 14. 14 bữa cơm của người dân Việt không thể không có chén nước mắm - một loại gia vị làm từ cá biển. Nước mắm không chỉ đơn thuần là một gia vị mà nó trở thành một nét văn hóa ẩm thực, văn hóa truyền thống gia đình của người Việt. Thế nhưng biển không hề êm dịu mà có lúc “sóng to gió lớn”, con người cũng đã học hỏi được nhiều điều từ “tính tình của biển”. “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo” là một ví dụ tiêu biểu. Khai thác các giá trị từ biển cả, con người đã biết “khoan, thư” với cái ồn ào, dữ dội của biển. Khi gặp nạn trên biển (thường là sóng to, gió bão làm lật tàu, thuyền) các ngư dân thường khấn Ông, nhờ Ông độ. Nhiều câu chuyện về việc ngư dân được Ông cứu lan truyền ở nhiều vùng miền. Việc lập đền thờ cá Ông trở thành một tín ngưỡng đẹp của ngư dân ven biển. Hầu như ở địa phương ven biển nào cũng đều có đền thờ cá Ông. Hằng năm, tùy theo từng nơi, lễ hội Nghinh Ông diễn ra một cách tôn nghiêm, thu hút hàng ngàn người tham dự. Không những thế nước ta còn được thiên nhiên ưu đãi ban cho khá nhiều bãi biển, nhiều vũng, vịnh, đảo đẹp. Với bãi cát vàng, ngọn sóng trắng xóa vỗ ì oạp, dòng nước xanh biếc… nhiều bãi biển đã trở thành một địa điểm du lịch lý thú, thu hút khách trong nước lẫn khách nước ngoài, góp phần đẩy mạnh kinh tế cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của ngư dân ven biển nhờ vào ngành công nghiệp không khói này. Biển còn là một vị trí quan trọng về mặt quân sự. Trong lịch sử kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc, không thể không nhắc đến vai trò của biển cả. Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để kịp thời chi viện người, vũ khí và lương thực cho chiến trường miền Nam, đường Hồ Chí Minh trên biển đã được hình thành, góp phần làm nên chiến thắng lẫy lừng ngày 30 tháng 4 năm 1975. Những con tàu không số và cả những thủy thủ vô danh đã đi vào lịch sử. Trước đó hàng chục thế kỷ, nhiều trận đánh quan trọng, đẩy lùi quân xâm lược cũng bằng thủy chiến. Thời bấy giờ, dưới trướng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn có một chàng trai giỏi bơi lặn, tên là Yết Kiêu, đã dùi thủng chiến thuyền của giặc làm nên chiến thắng lẫy lừng ở cửa bể Vạn Ninh. Nhiều địa danh trên đất nước ta hàm chứa yếu tố biển hoặc liên quan đến biển như: Hải Phòng, Hải Dương, Cát Hải, Tiền Hải, hay vùng cửa biển lớn như Cửa Lớn, Cửa Việt, Cửa Lò, Cửa Tùng… Không những vậy, hình ảnh biển bờ đã đi sâu vào tâm thức người dân Việt, để rồi trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, người dân Việt đều lấy các yếu tố biển làm “chuẩn”. Nói về việc làm vô ích, viễn vông: “Dã tràng xe cát biển Đông, Mò kim đáy bể”; nói về sự đoàn kết: “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”; nói về sự nham
  • 15. 15 hiểm, khó dò của lòng người: “Đố ai lặn xuống vực sâu/ Mà đo miệng cá uốn câu cho vừa”… 1.2. Biển trong văn học dân gian Văn học dân gian là một kho tàng vô giá, chứa đựng nhiều giá trị tinh thần sâu sắc. Văn học dân gian hình thành trong quá trình lao động, sản xuất của dân tộc. Sau tấm màn hoang đường, kì ảo, chất hiện thực được tái hiện rõ nét. Những hình ảnh về biển, đảo; hình ảnh ghe thuyền và sinh vật biển đã sớm đi vào sử sách, đặc biệt là trong những câu chuyện thần thoại, truyền thuyết, cổ tích. “Hình tượng biển và đảo luôn thấp thoáng trong bao nhiêu cổ tích, truyền thuyết, là dấu ấn trong tâm thức mọi người” [91]. Hệ thần thoại là phương pháp cơ bản của việc hiểu thế giới và thần thoại phản ánh cảm giác, sự hiểu biết về thế giới của thời đại sinh ra nó. Thuở ban đầu, biển còn vô cùng lạ lẫm đối với con người. Nhiều hiện tượng của biển được người dân lý giải lại một cách thần thánh hóa. Tuy nhiên, qua đó chúng ta cũng dễ dàng nhận ra người Việt đã sớm tiếp xúc với biển và lý giải các hiện tượng liên quan đến biển như sóng, thủy triều, bão lớn hay sóng thần... Truyện Thần Biển có đoạn lý giải các hiện tượng biển như sau: “Thần chỉ có mỗi công việc là hô hấp để sống. Mỗi lần hít vào thì nước biển tuôn vào bụng, mỗi lần thở ra thì khối lượng nước đó lại ùa ra hết. Thần thở khi mạnh, khi nhẹ nhưng rất đều. Cứ mỗi lần như thế thì biển có hiện tượng thủy triều dâng lên rút xuống như ngày nay ta vẫn thường thấy. Thần nằm yên lặng, nhưng cũng có khi mệt mỏi, phải cựa quậy. Mỗi lần thần vùng vẫy là có gió to bão lớn, nước dâng ngập tràn mọi nơi, người trên mặt đất vẫn thường gọi là sóng của thần hay sóng thần” [49,11]. Dân gian còn truyền tụng câu hát, kể về các vị thần gầy dựng nên trời đất như ngày nay, trong đó có thần Biển như sau: Ông đếm cát/ Ông tát bể/ Ông kể sao/ Ông đào sông/ Ông trồng cây/ Ông xây rú/ Ông trụ trời. Điều này phần nào chứng tỏ, ngay từ thuở khai thiên lập địa, biển đã hiện diện trong tâm thức người Việt. Theo tác giả Hồ Quốc Hùng: “Truyền thuyết là ký ức cộng đồng về quá khứ. Chủ yếu nó phản ánh niềm tin, sự ngưỡng mộ của nhân dân đối với nhân vật và sự kiện lịch sử của dân tộc ít nhiều bằng hư cấu, tưởng tượng. Lịch sử đọng lại trong truyền thuyết như những tia hồi quang phủ lên cảnh vật, phong thổ của đất nước làm đắm say biết bao thế hệ” [31,10]. Như vậy, ngoài yếu tố kì ảo, hoang đường, truyền thuyết cũng có một phần
  • 16. 16 nào đó sự kiện có thật. Những truyền thuyết dưới đây phần nào minh chứng cho việc dân tộc ta đã lấn biển từ khá sớm và biển đã có trong tâm thức của người Việt. Truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên kể về nguồn gốc của dân tộc ta được sinh ra trong bọc trăm trứng bởi cha Rồng Lạc Long Quân và mẹ Tiên Âu Cơ. Một hôm lạc Long Quân mới nói với Âu Cơ rằng: “Ta là nòi rồng, đứng đầu thủy tộc, nàng là giống tiên, sống trên đất, tuy khí âm dương hợp lại mà sinh con, nhưng thủy hỏa tương khắc, giòng giống bất đồng, khó ở với nhau được, nay ta đưa năm mươi người con về thủy phủ chia trị các xứ, năm mươi con theo nàng về trên đất, chia nước mà trị. Lên núi, xuống bể, hữu sự báo nhau biết, đừng quên”. Từ đấy lớp lớp con cháu của cha Rồng mẹ Tiên phá rừng lấn biển dựng nên cơ đồ con Lạc cháu Hồng ngày nay. Chúng ta cũng dễ dàng nhận ra, từ thuở hồng hoang, con người đã lên núi, xuống biển, phá rừng lấn biển để làm ăn sinh sống. Câu chuyện về bào thai trăm trứng như một lời tuyên ngôn cho dân tộc Việt Nam, dù ở đâu, trên rừng hay dưới biển thì chúng ta cũng đều là người một nhà, cùng có chung nguồn gốc. Tiếp xúc với biển từ rất sớm nên trong tâm thức của họ, biển không chỉ bao la rộng lớn mà còn có nhiều sinh vật biển nguy hiểm và nó luôn ám ảnh trong tâm trí. Truyền thuyết Ngư tinh kể về một con tinh ngư xà dài hơn mười trượng, chân nhiều như chân rết, biến hóa muôn vẻ, linh dị khôn lường, khi đi thì ầm ầm như mưa, lại ăn được thịt người, quấy nhiễu thuyền chài làm ai ai cũng sợ hãi… là một trong số đó. Câu chuyện còn lý giải một số địa danh như Bạch Long Vĩ, Cẩu Đầu Sơn, Mạn Cẩu Thủy… Câu chuyện An Dương Vương được thần Kim Quy đến từ biển ba lần giúp đỡ cũng là một ví dụ cụ thể về hình ảnh biển đã có trong tâm thức người Việt. Thần Kim Qui xuất hiện lần thứ nhất giúp nhà vua xây thành, lần thứ hai giúp nhà vua giữ thành và lần thứ ba rẽ sóng đưa nhà vua xuống biển khi giặc theo sát sau lưng. Cả ba lần, thần Kim Qui cũng đi ra từ biển và biến mất cũng từ biển. Trong tâm thức người Việt thời bấy giờ cảm nhận, biển mang trong mình một phần hào sảng, trù phú nhưng cũng chứa đựng sức mạnh to lớn và ẩn chứa nhiều huyền bí. Người Việt cũng đã biết ngọc trai, một sản vật quý của biển từ sớm qua chi tiết Mỵ Châu bị chém chết, máu nàng chảy xuống biển, loài trai ăn phải mà thành. Theo các truyền thuyết để lại thì từ lâu con người đã biết lấy mực xăm mình theo hình thủy quái để tránh giao long làm hại, vẽ mắt ở mũi ghe, thuyền để thủy quái không quấy nhiễu.
  • 17. 17 Truyền thuyết Sơn tinh- Thủy tinh tái hiện lại cách sống với thiên nhiên của dân tộc ta. Qua câu chuyện tranh giành công chúa của Sơn tinh và Thủy tinh, chúng ta có thể nhận thấy lý giải của người xưa về các hiện tượng thiên nhiên (tức mưa bão hằng năm), phần nào thấy được sức mạnh của thiên nhiên (cụ thể là sức mạnh của Thủy tinh- sức mạnh của sông, biển) và dần dần tìm cách sống chung với nó. Theo giáo sư Chu Xuân Diên, cổ tích biểu hiện cách nhìn hiện thực của nhân dân đối với thực tại. Truyện Quả Dưa Hấu kể về cuộc sống của người dân trên hoang đảo cũng như cách thức người dân trên đảo liên lạc với đất liền. Mai An Tiêm là con vua nhưng vì thẳng thắn, bộc trực mà bị đày ra hoang đảo. Trên đảo hoang, Mai An Tiêm đã tìm ra được giống dưa lạ do đàn chim bỏ lại. Sau khi chăm bón, hạt giống đó cho ra thứ quả có vỏ xanh, ruột đỏ, ăn vào thì ngọt lịm. Mai An Tiêm làm dấu thả dưa xuống biển để tìm đường liên lạc với đất liền. Theo con sóng, những quả dưa hấu đến được các thuyền buôn, họ tìm đến đảo đổi hàng hóa lấy dưa. Những quả dưa trôi dạt về đất liền quân lính đi tuần nhặt được dâng lên vua Hùng. Nhà vua biết chuyện đã cho thuyền đi đón gia đình Mai An Tiêm về. Câu chuyện cũng phần nào cho chúng ta thấy được nét nông nghiệp của cư dân miền biển. Dù sống ở biển nhưng yếu tố nông nghiệp qua chi tiết Mai An Tiêm trồng quả dưa hấu vẫn còn rất đậm đặc. Truyện Chử Đồng Tử - Tiên Dung đánh dấu quá trình giao lưu buôn bán của dân tộc ta và các nước lân bang bằng đường biển qua chi tiết hai vợ chồng Chử Đồng Tử và Tiên Dung giao thiệp với các thuyền buôn nước ngoài. “Họ giao thiệp với các thuyền buôn nước ngoài thường vẫn hay ghé vào để bán hàng và cất hàng. Công việc buôn bán của họ ngày một khá. Chỗ bến sông ấy trở thành một nơi đông đúc, sầm uất” (49,243). Dấu ấn của biển trở nên rất rõ trong truyện cổ tích Đá Vọng Phu. Người phụ nữ bồng con, hướng mắt ra biển chờ chồng từ ngày này qua ngày nọ cho đến khi hóa đá. Mô-tip hai anh em ruột lấy nhau và người hóa đá xuất hiện khá nhiều ở các tỉnh ven biển. Điều này phần nào lý giải vì sao có khá nhiều đá vọng phu (đá trông chồng) ở nhiều địa phương khác nhau: Lạng Sơn (núi nàng Tô Thị), Thanh Hóa (núi đá trông chồng Sầm Sơn), Bình Định (núi đá bên cửa biển Đề Bi, Phù Cát), Ninh Thuận (núi đá ở cửa biển Cà Ná)… Biển cả bao la vừa là nơi cung cấp nhiều sản vật, nuôi sống con người nhưng biển cũng là mối hiểm họa ám ảnh trong tâm thức người Việt. Nỗi đau đớn, trông chờ đến vô vọng của người phụ nữ trong truyện Đá Vọng Phu đã thể hiện điều đó. Ngoài câu chuyện nàng Tô
  • 18. 18 Thị hóa đá vì trông chờ người chồng ra trận chiến đấu, hầu hết các câu chuyện khác đều có mô tip người vợ chờ chồng đi biển mà hóa đá. Như vậy, ngoài việc lý giải các hiện tượng thiên nhiên, các câu chuyện thần thoại, truyền thuyết hay cổ tích cũng phác họa sơ lược cho chúng ta thấy cách người Việt sống và thích nghi với biển. Theo Nguyễn Văn Kim: “Có thể nói, trong lịch sử, trên các không gian biển Việt Nam đã từng là nơi diễn ra nhiều hoạt động giao thương trong nước - quốc tế, vùng - liên vùng hết sức sôi động. Bên cạnh kinh tế nông nghiệp, thủ công nghiệp, kinh tế thương mại, trong đó có ngoại thương, đã luôn đóng vai trò quan trọng, góp phần tạo nên sự hưng thịnh của kinh tế Việt Nam trong nhiều thời kỳ lịch sử. Đặt Việt Nam trong không gian kinh tế biển Đông Nam Á, trong mối liên hệ với khu vực thị trường Đông Bắc Á và Tây Nam Á có thể khẳng định rằng, chủ nhân của các nền văn hóa cổ, các chính thể quân chủ đã không chỉ chú tâm xây dựng xã hội nông nghiệp, khai thác tự nhiên mà còn quan tâm đến sự phát triển của kinh tế công thương, phát triển kinh tế biển” [87]. Biển với những đặc tính riêng của mình, phô diễn trước loài người sức mạnh oai hùng, dữ dội, nhưng cũng có lúc duyên dáng, đằm thắm; giàu có, hào sảng, phong phú nhưng cũng huyền bí đến tận cùng… Chính những điều đó đã khiến biển trở thành đối tượng của văn hóa nghệ thuật. Biển xuất hiện trong nhiều hình thức diễn xướng, hò vè, ca dao, tục ngữ, thơ, truyện… Trong những lần chài lưới đánh bắt, người lao động cần có một nguồn cổ vũ tinh thần thì lúc đó hò phát huy tác dụng. Những bài hò như: Hò hụi, hò kéo lưới, hò chèo thuyền, hò đẩy thuyền, hò đan lưới, lý kéo chài… khá phổ biến. Những bài hò hay các điệu lý thể hiện tinh thần hào sảng, rộng lớn của biển cùng nhịp điệu, tiết tấu nhanh, mạnh, dứt khoát tái hiện không khí lao động đầy sức sống, vui tươi. Ngoài ra còn có nhiều bài hò, lý thể hiện cuộc sống tự do, tự tại, thoải mái cùng biển nước bao la như bài Lý kéo chài dưới đây: Nắng lên rồi căng buồm cho khoái Gác chèo lên ta nướng ngô khoai Hò ơi… Nhậu cho tiêu hết mấy chai Bỏ ghe nghiêng ngả không ai chống chèo Đặc biệt hò bả trạo (hát bả trạo) là một hình thức diễn xướng dân gian mang tính nghi lễ. Hò bả trạo diễn lại hành trình ra khơi đánh cá của ngư dân, tái hiện lại hành trình
  • 19. 19 vượt biển đầy gian khổ. Ngày nay trong lễ hội Nghinh Ông của các ngư dân ven biển miền Trung thì hò bả trạo là một nghi thức không thể thiếu (trong khi đó ở các ngư dân ven biển Nam Bộ, hình thức diễn xướng thường là hát Bội). Ngoài hò ra còn có các bài vè: vè con cá, vè cá biển, vè cào hén, vè nghề làm muối, vè đi biển, vè nhật trình đi biển, vè đánh lưới… bổ sung nhiều thông tin bổ ích về biển, nghề biển và người dân biển… Chẳng hạn như bài vè cá biển sau đây: Cá nuôi thiên hạ Là con cá cơm Không ăn bằng mồm Là con cá ngác Không ăn mà ú Là con cá voi Hai mắt thòi lòi Là con cá tráo Dựa vào đặc điểm của biển mà người Việt đưa ra nhiều lời khuyên, kinh nghiệm bổ ích như: Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo; Dã tràng xe cát biển Đông; Đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn… Ca dao tục ngữ viết về biển có khá nhiều. Ca dao, tục ngữ là tiếng nói tâm tình, rút kết kinh nghiệm sống về tình yêu, lao động sản xuất do đó biển cũng đi vào trong ca dao, tục ngữ với nhiều hình ảnh quen thuộc với đời sống con người. Theo thống kê của Nguyễn Thị Hải Lê trong Biển trong văn hóa người Việt, phần phụ lục 3, có đến 273 câu tục ngữ ca dao có yếu tố biển trong kho tàng tục ngữ ca dao Việt Nam. Trong đó có những câu ca vô cùng quen thuộc. Những gì to lớn, vĩ đại không thể do bằng kích thước cụ thể thì con người mượn hình ảnh biển bờ để ví von. Đó là nghĩa mẹ mênh mông, dạt dào: Công Cha như núi ngất trời Nghĩa Mẹ như nước ở ngoài biển Đông Núi cao biển rộng mênh mông Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi. Biển còn được ví với ý nghĩa vĩnh hằng, trường tồn. Trong ca dao dân ca, để thể hiện tấm lòng thủy chung son sắt, lời thề khăng khít thì sự bao la, mênh mông rộng lớn của biển thích hợp hơn cả:
  • 20. 20 Biển cạn, sông cạn lòng qua không cạn Núi lở, núi mòn nghĩa bạn không quên Với những đôi lứa đang yêu, biển có lẽ là một không gian hò hẹn lý tưởng: Trèo lên trái núi Thiên Thai Thấy đôi chim phượng hoàng ăn ngoài biển Đông Anh tưởng giếng sâu anh nối sợi dây cụt Ai dè giếng cạn nó hụt sợi dây Qua tới đây không được cưới cô hai mày Qua chèo ra biển đợi nước đầy qua chèo trở vô Có khi, biển là một không gian mơ ước của đôi lứa. Biển là một không gian trong khao khát, trong tâm tưởng của biết bao người: Cá bống đi tu Cá thu nó khóc Cá lóc nó rầu Phải chi ngoài biển có cầu Anh ra đến đó đoạn giải sầu cho em Đôi lúc, con người lại mượn hình ảnh biển để truyền tải ý chí và suy nghĩ của họ. Khi về mối thù dân tộc, dân gian ta có câu: Bể Đông có lúc vơi đầy Mối thù đế quốc có ngày nào quên Nói về những việc làm tốn công, vô ích: Thôi đừng đáy bể mò kim Bóng chim tăm cá dễ tìm được nao Không những vậy, biển còn thể hiện những bất trắc khó khăn trong cuộc sống. Có thể đó là cửa tử của người phụ nữ khi vượt cạn: Đàn ông đi biển có đôi Đàn bà đi biển mồ côi một mình Có khi biển được ví với lòng dạ thẳm sâu, khó dò của lòng người: Lòng sông, lòng bể dễ dò Nào ai bẻ thước mà đo lòng người Ca dao, tục ngữ là kho tàng kiến thức, kinh nghiệm của dân tộc ta. Chính vì vậy tất cả ý nghĩa và sắc thái của biển đều được thể hiện đầy đủ. Điểm qua một số câu ca dao, tục
  • 21. 21 ngữ viết về biển đủ để thấy biển là một chủ đề đã có từ rất lâu trong kho tàng văn hóa, văn học của dân tộc. 1.3. Biển trong thơ ca Hầu như ở góc độ nào biển cũng được thơ ca ưu ái nhắc đến, từ thời gian: sáng, trưa, chiều, tối cho đến những không gian trên biển: bãi biển, bờ biển, làng biển… lẫn các trạng thái ở biển: buồn, vui, vắng lặng... Không những vậy, tất cả những gì liên quan đến biển cũng là đối tượng của thơ ca như sóng, cát, gió, cánh buồm, hàng dương, hạt muối… Chúng ta cũng có thể liệt kê hàng trăm, hàng ngàn bài thơ viết về biển, đảo. Tuy vậy, tùy vào từng giai đoạn cụ thể mà biển, đảo được tiếp cận ở mức độ khác nhau. Và ở mỗi tác giả hẳn nhiên cũng có cách cảm nhận riêng biệt về biển. Do đặc điểm về thời đại mà giai đoạn văn học trung đại nhìn chung có ít bài thơ viết về biển. Ở giai đoạn này, lãnh thổ nước ta chưa mở rộng như bây giờ. Thơ văn sáng tác hầu như thuộc về giới trí thức, nhà nho giàu chữ nghĩa và phần đông sống ở kinh thành, ít kinh qua các vùng đất ven biển. Hình ảnh biển chỉ được nhắc đến trong một số tác phẩm của các tác giả như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát... Tuy nhiên tất cả sắc thái của biển đều được các nhà thơ khắc họa một cách chi tiết, rõ ràng. Biển được Nguyễn Trãi miêu tả trong khá nhiều bài thơ, như: Quan duyệt thủy trận, Quá hải, Quan hải, Vân Đồn, Thần Phù hải khẩu, Lâm Cảng dạ bạc, Quá Thần Phù hải khẩu… Đó là hình ảnh biển bao la, hùng vĩ được viết bằng những nét bút hoàng tráng. Với tầm nhìn cao cả và cảm xúc hào hùng, tác giả đã thổi hồn vào những bài thơ ấy, làm cho biển bờ cũng dậy sóng: Kình phun lãng hống, lôi nam bắc, Sáo ủng sơn liên, ngọc hậu tiền (Cá kình phun nước sóng gầm thét như sấm ran từ nam đến bắc Giáo dựng san sát núi trùng điệp như ngọc bày đằng trước, đằng sau [37,246]) (Thần Phù hải khẩu) Đó còn là hình ảnh Vịnh Hạ Long với những câu thơ gợi tả đầy sức quyến rũ. Nguyễn Trãi đã ví Vịnh Hạ Long như một tấm gương lớn mà những ngọn núi, những hòn đảo xung quanh như những búi tóc của người phụ nữ: Nhất bàn lam bích trừng minh kính
  • 22. 22 Vạn hộc nha thanh đóa thúy hoàn (Một mặt phẳng sắc lam, sắc biếc như tâm gương trong suốt Muôn vòm màu đen màu xanh như những búi tóc óng trễ xuống [37,248]) (Vân Đồn) Là một cố vấn quân sự tài ba, Nguyễn Trãi cũng có nhiều bài thơ nói về công tác phòng ngự trên biển. Theo ông, dù đất nước đã yên bình nhưng không vì vậy mà lơ là cảnh giác: Biển Bắc năm xưa đã diệt kình Dù yên, còn luyện ngũ ôn binh (Quan duyệt thủy trận) Từ xưa con người đã biết khai thác sản vật từ biển, thế nhưng biển cũng vô cùng nguy hiểm với bao hiểm họa chết người. Khi giặc Minh sang xâm chiếm nước ta, chúng bắt ép dân ta xuống biển mò ngọc trai, không cần biết đó là nơi nước sâu, nhiều cá mập, thuồng luồng: Người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc, ngán thay cá mập thuồng luồng/ Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng, khốn nỗi rừng sâu nước độc. Tội ác của giặc Minh không sao kể xiết, để rồi nhà thơ phải thốt lên: Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi (Bình Ngô đại cáo) Vua Lê Thánh Tông cũng viết về biển với những bài thơ ngợi ca thiên nhiên đất nước tươi đẹp, đồng thời tự hào về đường lối chính trị của nhà nước phong kiến: Hải thượng vạn phong quần ngọc lập Tinh la kỳ bố thúy tranh vanh Ngư diêm như thổ, dân xu tiện Hòa đạo vô điền, phú bạc chinh (Trên bờ biển, muôn ngọn núi quây quần như ngọc La liệt đá xanh biếc rải ra chon von Cá và muối nhiều như đất, dân chúng sinh nhai thuận lợi Lúa màu thiếu ruộng, thuế khóa đánh nhẹ [37,317]) (An Bang phong thổ)
  • 23. 23 Nhà thơ Nguyễn Du đề cập đến biển ở một khía cạnh khác. Biển mênh mông, ầm ào nhưng xa xôi, diệu vợi. Viết về biển, Nguyễn Du lấy điểm tương đồng trong đặc tính của biển để toát lên tâm trạng của nàng Kiều. Môi trường sống đầy xa lạ và nguy hiểm chốn lầu xanh đã chuyển thành cái thế gió cuốn, sóng vỗ xung quanh nàng Kiều. Những con sóng nối tiếp nhau vỗ vào bờ, cứ đều đặn, đều đặn không dứt làm cho người đọc dễ dàng nhận ra tâm trạng của Thúy Kiều lúc này: đau đớn, tủi nhục, xót xa, cám cảnh cho thân phận hẩm hiu, đồng thời lo lắng cho tương lai của mình sau này: Buồn trông cửa bể chiều hôm Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa Buồn trông gió cuốn mặt ghềnh Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi (Truyện Kiều) Biển với những con sóng ngày đêm xô bờ, với bão tố hung hãn làm cho con người cảm thấy sợ hãi, bất an. Nhìn những hình ảnh như sóng biển trắng xóa, gió táp, sấm ran, chớp giật… nhà thơ Cao Bá Quát liên tưởng ngay đến con đường công danh, sự nghiệp của mình. Đó là một con đường đầy sóng gió gian nan lẫn thử thách khiến cho nhà thơ không khỏi âu lo: Bạn chẳng thấy: Sóng trên biển trắng xóa như bạc đầu Gió táp xô vỡ thuyền vạn mộc Sóng ran chớp giật hãi mắt người Mà trong điểm điểm vài chim âu Hơi bể quyện vào núi, núi lởm chởm như ngón tay Phía bắc núi, phía nam núi, suốt nghìn muôn dặm Trên đường công danh đã mấy ai nhàn Mũ lộng nhộn nhịp ta cũng đi đây (Đứng trên Hoành Sơn nhìn biển) Thơ ca hiện đại nở rộ phong phú về thể loại, cấu trúc và cả đối tượng được miêu tả. Nhà thơ Huy Cận có khá nhiều bài thơ viết về biển. Bằng cảm quan vũ trụ, biển trong thơ ông hiện lên với nhiều cung bậc và sắc thái khác nhau. Trong đó, nhà thơ đã tái hiện lại cuộc sống lao động của ngư dân ven biển qua hình ảnh Đoàn thuyền đánh cá. Đó là những hình ảnh lao động khỏe khoắn, mạnh mẽ cùng sự phong phú, hào sảng của biển cả:
  • 24. 24 Mặt trời xuống biển như hòn lửa Sóng đã cài then, đêm sập cửa Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi Câu hát căng buồm cùng gió khơi Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng Cá thu biển Đông như đoàn thoi Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi! Biển đã có trong tâm thức của mỗi người. Đó là miền duyên hải xinh đẹp với cát trắng, có nắng vàng và cả trời biếc: Tôi nói đến một vùng duyên hải Ở miền Nam êm ái quê tôi … Có cát trắng, có nắng vàng, trời biếc Có những tấm lòng chan chứa tình thương (Tiếng sóng- Tế Hanh) Đó là quê hương, là cái nôi nuôi dưỡng ý chí cách mạng và lòng căm thù giặc sâu sắc: Nơi rất thực và cũng là rất mộng Của đời tôi yêu biển tự bao giờ Trong giấc ngủ vẫn nghe tiếng sóng Như tiếng lòng, giục giã những lời thơ … Những con người suốt chín năm kháng chiến Đem máu đào giữ miếng đất thiêng liêng Nay đứng thẳng nhìn quân thù Mỹ Diệm Bùn sẽ tan khi ngọn thuỷ triều lên! (Tiếng sóng- Tế Hanh) Nhiều địa danh trở thành căn cứ chiến đấu quan trọng và để lại trong lòng nhân dân nhiều tình cảm. Cửa Tùng của nhà thơ Hoàng Trung Thông là một bài thơ như thế: Biển triền miên tung sóng như năm xưa Hai dải cát nằm nghe dạt dào muôn lớp sóng Ðất khét mùi đạn bom
  • 25. 25 “Những ý tưởng tự chủ, những cảm xúc tự hào về biển, đảo quê hương được nhà thơ lớn Tố Hữu khái quát vào những câu thơ như một lời tuyên ngôn - tuyên bố chắc nịch về chủ quyền hiển nhiên, về nét đẹp rạng ngời của một phần lãnh thổ Việt Nam toàn vẹn và thống nhất: Hùng vĩ thay toàn thân đất nước Tựa Trường Sơn vươn tới Trường Sa Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước Đỏ bình minh mặt sóng khơi xa [89]”... (Vui thế, hôm nay) Nhà thơ Khương Hữu Dụng bằng những câu thơ đầy triết lý đã vẽ nên hình ảnh bao lơn, rộng lớn của biển, thu nạp vào trong mình hết thảy muôn suối nghìn sông để cuối cùng hóa xanh trong: Ai như biển cả lượng mênh mông Muôn suối nghìn sông rộng mở lòng Dòng đục dòng trong thu nạp cả Tan vào chất mặn hóa xanh trong (Biển và núi) Ngoài các tầng ý nghĩa trên, biển, sóng còn được các thi sĩ sử dụng để nói hộ các cung bậc cảm xúc khi yêu. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà thơ đều mượn hình ảnh biển, sóng để nói đến các cung bậc cảm xúc ấy. Theo từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, biển là “một biểu tượng của động thái sự sống. Tất cả từ biển mà ra và tất cả trở về biển: đây là nơi của những cuộc sinh đẻ, những biến thái và những tái sinh. Là nước trong sự chuyển động, biển tượng trưng cho một trạng thái quá độ giữa các khả năng còn phi hình và các thực tại đã hiện hình, cho một tình thế nước đôi, tình thế bấp bênh, đầy hồ nghi, chưa quyết định và có thể kết thúc tốt hay xấu. Từ chỗ đó biển là biểu tượng vừa của sự sống, vừa của sự chết” [51,80]. Chỗ “không ổn định” của biển với nhiều tình thế bấp bênh, hồ nghi phần nào giống với cung bậc cảm xúc trong tình yêu. Có lẽ vì thế mà nhiều nhà thơ lấy hình ảnh của thuyền, biển, sóng… để miêu tả tâm trạng khi yêu. Nhà thơ Xuân Diệu, ông hoàng thơ tình, đã viết: Anh không xứng là biển xanh Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng Bờ cát dài phẳng lặng
  • 26. 26 Soi ánh nắng pha lê Bờ đẹp đẽ cát vàng Thoai thoải hàng thông đứng Như lặng lẽ mơ màng Suốt ngàn năm bên sóng... (Biển) Để rồi sóng biển ngàn năm hôn mãi bờ cát vàng: Anh xin làm biển biếc Hôn mãi cát vàng em Hôn thật khẽ thật êm Hôn êm đềm mãi mãi Đã hôn rồi hôn lại Cho đến mãi muôn đời Đến tan cả đất trời Anh mới thôi dào dạt. (Biển) Thuyền và biển, hai sự vật hiện hữu ngoài đời thực bỗng trở nên thơ mộng, thi vị hẳn khi hóa thân thành những đối tượng vô hình trong thơ ca. Đặc biệt là hình tượng hóa thành đối tượng trữ tình anh và em. Nữ sĩ Xuân Quỳnh cũng mượn hình ảnh Thuyền và Biển để nói lên tình yêu đôi lứa: Chỉ có thuyền mới hiểu Biển mênh mông nhường nào Chỉ có biển mới biết Thuyền đi đâu về đâu Những ngày không gặp nhau Biển bạc đầu thương nhớ Những ngày không gặp nhau Lòng thuyền đau rạn vỡ Nếu từ giã thuyền rồi Biển chỉ còn sóng gió Nếu phải cách xa anh Em chỉ còn bão tố
  • 27. 27 (Thuyền và biển) Hay trong bài thơ Sóng, những cung bậc, cảm xúc khi yêu của người con gái được Xuân Quỳnh miêu tả bằng hình ảnh sóng rất tinh tế: Dữ dội và dịu êm Ồn ào và lặng lẽ Sông không hiểu nỗi mình Sóng tìm ra tận bể Sóng có lúc dữ dội lại có lúc êm dịu, hai đặc tính trái ngược nhau mà vẫn luôn luôn tồn tại, giống như tâm trạng khi yêu, có lúc dạt dào, rạo rực nhưng cũng có lúc lạnh băng, xa cách. Sóng tượng trưng cho nỗi khát vọng của tình yêu đôi lứa, cho dù ở thời điểm nào đi chăng nữa: Ôi con sóng ngày xưa Và ngày sau vẫn thế Nỗi khát vọng tình yêu Bồi hồi trong ngực trẻ Hữu Thỉnh cũng có một bài thơ viết về tình yêu rất hay (dù theo nhà thơ không hề có bóng hồng nào nhuộm tím ông cả!). Nhà thơ cũng mượn hình ảnh biển để truyền tải thông điệp tình yêu: Anh xa em Trăng cũng lẻ Mặt trời cũng lẻ Biển vẫn cậy mình dài rộng thế Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn Gió không phải là roi mà đá núi phải mòn Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím Sóng chẳng đi đến đâu nếu không đưa em đến Dù sóng đã làm anh Nghiêng ngã Vì em... (Thơ viết ở biển)
  • 28. 28 Nhà thơ Trần Đăng Khoa lại hóa thân thành người lính đảo, mượn hình ảnh biển đối sánh với nhân vật em để bày tỏ tâm tình người lính biển. Đó là tấm lòng yêu tha thiết biển quê hương, cùng những suy nghĩ đầy yêu thương về Tổ quốc: Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên Gió thổi chưa ngưng trong những vành tang trắng Anh đứng gác-trời khuya đảo vắng Biển một bên và em một bên (Thơ tình người lính biển) “Những con người giữ biển anh hùng đó lại một lần nữa tự khẳng định mình như một lời thề trước biển, đảo quê hương: Ôi, đảo Sinh Tồn, hòn đảo thân yêu Dẫu chẳng có mưa chúng tôi vẫn sinh tồn trên mặt đảo Đảo vẫn sinh tồn trên đại dương gió bão Chúng tôi như hòn đá ngàn năm đập trái tim người [91]”! (Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn - Trần Đăng Khoa) Còn có rất nhiều bài thơ khác viết về biển. Nội dung tập trung vẫn là tình yêu biển đảo, là niềm tự hào dân tộc và đề tài tình yêu. Nhiều bài thơ đã được các nhạc sĩ phổ nhạc. Điều này cũng góp phần đưa bài thơ, bài ca ấy đi sâu vào lòng người đọc. Năm 2000, Hồ Quốc Nhạc đã sưu tầm và giới thiệu 82 bài thơ hay về biển của nhiều tác giả như: Huy Cận, Xuân Diệu, Thế Lữ, Tế Hanh, Xuân Quỳnh, Vũ Quần Phương... Số liệu ấy phần nào cho thấy biển là một đề tài lớn của các thi nhân. Gần đây có khá nhiều cuộc thi sáng tác thơ, nhạc về biển và cũng đã có không ít tác phẩm có giá trị. Đó là Tổ quốc nhìn từ biển của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến. Bài thơ ra đời trong không khí cả nước sôi sục hướng về biển đảo quê hương. Biển, đảo trở nên gần gũi hơn bao giờ hết. Bài thơ là tình cảm của những người con đất Việt trước tình hình biển đảo quê hương đang chịu nhiều sóng gió cùng với ý chí quyết tâm bảo vệ vùng biển, đảo của dân tộc: Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa Ngàn năm trước con theo cha xuống biển Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc
  • 29. 29 Các con nằm thao thức phía Trường Sơn Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa Trong hồn người có ngọn sóng nào không Như vậy, từ lâu biển đã là đối tượng của văn hóa, văn học. Biển đã có trong tâm thức người Việt và càng ngày càng được củng cố và phát triển. Những câu thơ, lời ca ấy, dù ra đời trong hoàn cảnh nào thì cũng đều thể hiện tâm thức hướng biển và tình cảm thiết tha đối với biển đảo quê hương. Một quốc gia phát triển phải là một quốc gia hướng ra biển cả. Lời nói ấy của nhà thơ Hữu Thỉnh thật đúng, và nó càng đúng hơn trong hoàn cảnh hiện nay, khi cả nước đang hướng về biển đảo với quyết tâm bảo vệ, giữ gìn và phát huy truyền thống biển đảo của dân tộc.
  • 30. 30 CHƯƠNG 2. ĐẶC ĐIỂM CỦA HÌNH TƯỢNG BIỂN TRONG TRƯỜNG CA THU BỒN, THANH THẢO, HỮU THỈNH “Văn thơ hàm chứa tư tưởng tình cảm. Nhưng văn chương không nói ý một cách khô khan. Văn chương đích thực là hoa quí nên mới có hương sắc. Văn chương thấm vào lòng người, bất tử với thời gian, không có biên giới bởi lẽ văn học nhận thức và thể hiện bằng hình tượng nghệ thuật. Hình tượng nghệ thuật do nhiều yếu tố, chi tiết nghệ thuật hợp thành. Đọc tác phẩm văn học phải phát hiện ra và cảm nhận các chi tiết nghệ thuật, có thế mới khám phá được cái hay, cái đẹp của hình tượng nghệ thuật” [86]. Vậy hình tượng nghệ thuật là gì? Theo Từ điển thuật ngữ văn học, “hình tượng nghệ thuật chính là các khách thể đời sống được nghệ sĩ tái hiện bằng tưởng tượng sáng tạo trong những tác phẩm nghệ thuật. Bằng chất liệu cụ thể nó có thể làm cho người ta ngắm nghía, thưởng ngoạn, tưởng tượng. Hình tượng nghệ thuật tái hiện đời sống, nhưng không phải sao chép nguyên những hiện tượng có thật, mà là tái hiện có chọn lọc, sáng tạo thông qua trí tưởng tượng và tài năng của nghệ sĩ, sao cho các hình tượng truyền lại được ấn tượng sâu sắc, từng làm cho nghệ sĩ day dứt, trăn trở cho người khác” [24,147]. Trong thơ văn, hình tượng nghệ thuật có thể là một bông hoa, một vầng trăng, một nàng Kiều, một Trương Phi – cũng có thể là một nét của tâm trạng, tình cảm như “Tương tư” của Nguyễn Bính, v.v… Hình tượng nghệ thuật là bức vẽ về con người, về cuộc đời, về thiên nhiên cụ thể được nhà văn sáng tạo nên qua liên tưởng, tưởng tượng để thể hiện tư tưởng, tình cảm và khái quát hiện thực một cách thẩm mĩ. Và như vậy, biển cũng được các nhà thơ xây dựng thành hình tượng nghệ thuật để truyền đạt thông điệp của mình. Tìm hiểu hình tượng biển sẽ cho chúng ta thấy được cái hay, cái ý vị trong trường ca của các nhà thơ Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh 2.1. Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn Nhà thơ Thu Bồn tên khai sinh là Hà Đức Trọng, sinh năm 1935 ở Điện Bàn - Quảng Nam. Năm 12 tuổi ông tham gia thiếu sinh quân, làm liên lạc cho bộ đội và trực tiếp chiến đấu. Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, ông liên tục có mặt ở các chiến trường gian khổ, ác liệt như Tây Nguyên, Khu V, Quảng Trị, biên giới Tây Nam. Có lúc làm phóng viên mặt trận, lúc làm lính xung kích, lính pháo, từng là biên tập viên tạp chí Văn nghệ quân Giải
  • 31. 31 phóng Trung Trung bộ, biên tập viên và cán bộ sáng tác tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ông là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1962). Thu Bồn là một tác giả đa tài bởi vì hầu như ở thể loại nào ông cũng có những sáng tác đáng ghi nhận. Năm 1963 với tác phẩm đầu tay, trường ca Bài ca chim Chơ rao đã khẳng định vị trí của ông trên thi đàn. Ngay từ khi mới ra đời, Bài ca chim Chơ rao với nội dung trữ tình chứa đựng tinh thần chiến đấu bất khuất của Hùng và Rin, hai người con Kinh - Thượng, đã gây một tiếng vang lớn cả trong nước lẫn quốc tế. Năm 1969 tập thơ Tre Xanh ra đời, tiếp tục khẳng định tài năng của Thu Bồn. Tiếp liền những năm sau đó, Thu Bồn sáng tác nhiều tác phẩm với sự đa dạng về thể loại. Thơ: Mặt đất không quên (1970), Một trăm bài thơ tình nhờ em đặt tên (1992); Tiểu thuyết: Chớp trắng (1970), Những đám mây màu cánh vạc (2 tập, 1975), Hòn đảo chân ren (1972), Dòng sông tuổi thơ (1973), Đỉnh núi (1980), Mắt bồ câu và rừng phi tiễn (1986), Vùng pháo sáng (1986), Cửa ngõ miền Tây (1986), Em bé vào hang cọp (2 tập, 1986); Truyện ngắn: Em bé trong rừng thốt nốt (1979), Dưới tro (1986). Hơn bốn mươi năm cầm bút, Thu Bồn đã mở rộng phạm vi sáng tác của mình ở nhiều thể loại, tuy nhiên, có lẽ ông có duyên với trường ca hơn cả. Trường ca Bài ca chim Chơ rao đã đánh dấu một bước ngoặc “tươi sáng” trong chặng đường trường ca sau này của ông. Sau thành công vang dội của Bài ca chim Chơ rao, tiếp tục trên nền cảm hứng sử thi Tây Nguyên, Thu Bồn đã viết Vách đá Hồ Chí Minh (1970) và tiếp sau đó, một loạt trường ca ra đời, gắn với tên tuổi Thu Bồn: Người gồng gánh phương Đông (1972), Tiếng hú người Diôlao (1974), Chim vàng chốt lửa (1973-1975), Quê hương mặt trời vàng (1975), Badan khát (1976), Campuchia hy vọng (1978), Oran 76 ngọn (1979), Người vắt sữa bầu trời (1985), Thông điệp mùa xuân (1985). Chặng đường sáng tạo của nhà thơ được ghi nhận qua các giải thưởng sau: Giải thưởng Văn học Nguyễn Đình Chiểu của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (1965) với trường ca Bài ca chim Chơ rao. Giải thưởng thơ báo Hà Nội mới (1969) với bài thơ Gởi lòng con đến cùng cha. Giải thưởng văn học quốc tế (Hội Nhà văn Á Phi, 1973) với trường ca Bài ca chim Chơ rao.
  • 32. 32 2.1.1. Biển trong kí ức, hành trang của những người con đất Việt trong cuộc chiến đấu giữ nước của dân tộc Thu Bồn là một nhà thơ-chiến sĩ đi nhiều, viết khỏe. Trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, ông đã lăn lộn khắp các chiến trường, đặt bàn chân qua nhiều vùng đất khác nhau. Thậm chí, ông đã vượt dãy Trường Sơn giữa lúc quân thù đánh phá ác liệt nhất. Có lẽ vì thế mà ông có nhiều “vốn” để sáng tác. Sáng tác của ông đa dạng về thể loại và đa dạng cả về địa danh. Đó là một Tây Nguyên bạt ngàn, một Campuchia hy vọng hay một Hà Nội ngày nào... Biển là một đối tượng thân thuộc của thơ ca, có lẽ bởi những trạng thái đối nghịch của nó: vừa dữ dội lại dịu êm, vừa rộng mở vừa huyền bí. Các nhà thơ đã viết về biển trong những hoàn cảnh khác nhau, bằng những biểu hiện khác nhau nhưng ở họ có một điểm chung: đó là cảm xúc khi viết về biển rất tự nhiên, chân thành. Và hẳn nhiên, Thu Bồn cũng không ngoại lệ. Biển trong thơ ông dạt dào cảm xúc và chất đầy nỗi niềm của một người con xa quê. Biển trong thơ ông hiện lên mãnh liệt trong kí ức của những người con đất Việt qua công cuộc giữ nước của dân tộc. Là một người con xứ Quảng, từ lâu hình ảnh biển bờ với tiếng sóng vỗ, mảnh buồm cong, bãi cát dài đã ăn sâu vào tâm thức nhà thơ. Để rồi chỉ cần một tiếng gợi nhỏ cũng đủ làm cho tâm hồn nhà thơ dậy sóng. Đối với ông, biển không hề xa lạ. Bởi đơn giản đó là quê hương: Quê hương tôi biển nhiều hơn nước Gọt tận trời cao giọt tận đất sâu Biển đã thổi cồn cào cơn khát Giọt đầu nguồn trong- mắt em đâu? (Qua quê mẹ) Biển trong thơ ông còn là tình mẫu tử thiêng liêng, là tiếng lòng của những chàng trai cô gái tuổi đôi mươi hay là những trăn trở về cuộc đời. Tất cả được nhà thơ thể hiện bằng nét bút “lừng lững” một thời của mình. Cùng mạch cảm xúc trên, trong thể loại trường ca, nhà thơ Thu Bồn cũng dành rất nhiều “đất” cho tình yêu biển đảo. Qua số liệu thống kê, trong 6 trường ca khảo sát có tới 71 từ biển và 32 từ sóng, ngoài ra còn có các từ khác liên quan đến biển như cát, gió, muối, thuyền... (xem phần phụ lục 1). Điều này phần nào chứng tỏ những hình ảnh biển đã có sẵn
  • 33. 33 trong tâm thức nhà thơ, và nó tự nhiên tuôn chảy mà không cần hướng theo một chủ đích nào cả. Kháng chiến nổ ra, những người con Việt Nam yêu nước từ đồng bằng, duyên hải cho đến cao nguyên... đều hăng hái lên đường nhập ngũ. Trong những năm chiến tranh đầy gian khổ, địa bàn hoạt động của người lính chủ yếu là ở rừng. Họ đã trải qua nhiều thử thách với bao chuyến vượt thác, băng rừng, trèo đèo, lội suối đầy vất vả. Rừng núi trở thành quê hương thứ hai của những người lính miền duyên hải. Thế nhưng, trong họ, cảm xúc về một miền quê đầy gió sóng vẫn luôn dạt dào. Trong kí ức của người lính, không đâu đẹp bằng quê hương, không đâu trù phú bằng quê hương. Họ đã kể cho người bạn Campuchia của mình nghe về một vùng biển quê hương giàu có, bằng một giọng điệu đầy tự hào: Anh vẫn nói với lòng tôi anh nói Về những hòn đảo xa nối biển liền trời Con ngọc trai bám vào thềm lục địa Một loài sao biển sáng lân tinh (Campuchia hy vọng) Sống và chiến đấu ở rừng khiến cho những người lính thèm cảm giác được tung tăng, vẫy vùng với biển. Trong họ, biển có một vị trí riêng. Biển ám ảnh trong tâm thức, khiến cho người lính không khỏi không nghĩ đến. Ngay cả trong những sinh hoạt hằng ngày cũng làm cho họ nhớ da diết miền quê ầm ào sóng vỗ: Ăn trái gắm nhớ trái dừa da diết Tắm vũng suối nhớ biển biếc bao la Những đêm mưa rừng sấm động Nhớ làm sao tiếng sóng vỗ quanh nhà (Bài ca chim Chơ rao) Biển đã nằm ở một tầng sâu trong tâm thức người lính, để rồi ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào, chỉ một cái gợi rất nhỏ cũng làm cho tình cảm ấy bùng phát mãnh liệt. Hùng là một chiến sĩ kiên cường. Anh cùng Rin, một chiến sĩ vùng cao, hoạt động cách mạng ở Tây Nguyên. Để tham gia cách mạng, hòa mình cùng đồng bào dân tộc, anh đã cà hàm răng ngà ngọc, học cách bương đèo, bới tóc, căng tai, mang vòng lấp lánh. Anh dần dần trở thành một người con miền núi đúng nghĩa. Nhưng anh vẫn là người con của biển, vẫn đậm đà, chất phác. Là một người lính, nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ Tổ quốc được đặt lên hàng đầu. Nỗi nhớ quê hương luôn canh cánh trong lòng nhưng anh đã cố gắng gìm lại. Và càng gìm chặt
  • 34. 34 thì nỗi nhớ về miền quê nhiều sóng biển, lắm chân trời càng mãnh liệt. Trong nhà lao, trước sự tàn bạo của kẻ thù, Hùng vô cùng kiên cường, cứng rắn, nhưng khi nghe tâm sự của Rin và Sao, nỗi niềm trong anh như được khơi dòng. Đó là nỗi lòng của một người con miền biển chất đầy nhớ thương: Nỗi tâm sự của người con nước mặn Cũng trào lên như sóng biển dạt dào Kí ức như ngàn con sóng bao bọc lấy người chiến sĩ. Ở phía biển anh có một mái nhà tranh nho nhỏ với hàng dương xanh quanh năm cãi lời ngọn gió, một người mẹ hiền sớm hôm tần tảo vá may cho anh chiếc áo, đợi anh về. Ở nơi đó anh còn có một người yêu vò võ đợi chờ: Cô gái biển quanh năm chài lưới Trên bàn tay có nắng mặt trời Cô gái có tâm hồn sóng biển Hứa yêu anh, yêu mãi trọn đời (Bài ca chim Chơ rao) Nỗi niềm trong anh cứ thế, cứ thế dâng lên như ngọn thủy triều. Hình ảnh quê hương với biển xanh, sóng vỗ đến khôn cùng như vẫy gọi anh, để rồi tiếng gọi quê hương bật ra từ tận đáy lòng, nghe yêu thương và da diết đến lạ: Quê hương ơi, những biển chiều lặn Con cá chuồn lao phóng như tên Ánh đèn xanh đêm hè soi mực Con sứa rập rình chờ nước biển lên (Bài ca chim Chơ rao) Kí ức về quê hương và những con người thân thuộc đã cho anh sức mạnh chiến đấu với kẻ thù. Bị tra khảo bằng những nhục hình đầy đau đớn, bị dụ dỗ với những lời nói ngọt nhạt nhưng Hùng vẫn kiên trung với con đường mình đã chọn. Anh tự vùi bàn tay vào than đỏ châm thuốc hút, dùng kìm véo vào đùi rứt ra miếng thịt... Đứng trước kẻ thù anh không hề run sợ mà vô cùng anh dũng, kiên trung. Hùng đã chọn cho mình một cái chết hiên ngang: Tao sẽ chết bằng xe kéo trên đường Máu thịt tao quyện vào bụi đất Xương óc tao rải khắp quê Hương (Bài ca chim Chơ rao)
  • 35. 35 Ý chí của anh đã làm cho bọn giặc phách lạc hồn bay, phải rợn mình khiếp sợ. Chính sự ồn ào, dữ dội nhưng cũng thâm trầm da diết của biển đã thấm vào anh. Lý tưởng đó, thứ ánh sáng đó anh học được từ phía biển quê hương: Ánh sáng đầu nhô từ mặt biển Cánh buồm căng sưởi lửa mặt trời Con của mẹ hun đúc từ nơi ấy Lồng ngực con mang tiếng đập biển khơi (Bài ca chim Chơ rao) Tiếng đập biển khơi đã dựng anh đứng dậy, không đầu hàng trước sự tàn bạo của kẻ thù, bởi với anh, con đường anh chọn là con đường chính nghĩa để rồi mạnh bước đi, chết vẫn tươi cười. Trước giây phút hy sinh, trong tâm trí người chiến sĩ, kí ức về quê hương hiện lên mãnh liệt hơn bao giờ hết. Hùng bị đem ra pháp trường thiêu chết nhưng anh vẫn điềm nhiên. Anh nhớ về miền biển thân thương với ngôi tháp Chàm rêu phong cổ kính với rừng dừa xa thấp thoáng sương mù. Anh nhớ về người mẹ hiền trọn đời kim chỉ vá may, nhớ người con gái mà anh yêu thương tha thiết. Anh bị thiêu chết nhưng anh không chết, lời của anh như còn vang vọng. Tấm áo mẹ may năm nào anh nhường lại cho người em với lời nhắn nhủ chiến đấu tới cùng: Tấm áo mẹ con không bao giờ mặc nữa Để dành cho em con mặc buổi ra khơi Tấm áo quê nhà che bao nắng gió Vững mái chèo bão táp chớ buông lơi Anh nhắn với cô gái- người yêu anh đừng buồn, bởi dù chết anh vẫn còn mãi với quê hương, đất nước: Và cô gái đẹp xinh người vợ trẻ Ngày chiến thắng về không có bóng anh Em hãy nhìn lên sắc cờ kiêu hãnh Có anh về ôm ấp rặng dừa xanh Tầm vóc của người chiến sĩ bỗng chốc vụt lớn lao. Hùng không chết mà sức mạnh ý chí của anh lan tỏa đến quảng đại quần chúng nhân dân. Sức mạnh ấy như một trận bão giông, có thể cuốn phăng tất cả: Bến thuyền xa gió kéo dài ngọn lửa
  • 36. 36 Chớp xé trời tung thuyền lên nghiên ngửa bão giông Con cá kình lao mình trong đảo sóng Lướt đá ghềnh bọt trắng nước mênh mông (Bài ca chim Chơ rao) Không phải ngẫu nhiên mà Thu Bồn tái hiện ý chí của Hùng bằng một trận bão giông. Biển với sức mạnh to lớn và huyền bí của mình có khả năng quét sạch mọi thứ. Biển vừa là nơi hủy diệt lại vừa là nơi tái sinh. Tinh thần chiến đấu của Hùng sẽ lan tỏa ra quảng đại quần chúng nhân dân. Họ là những trận bão giông, sẽ dùng sức mạnh khôn cùng của mình hủy diệt bè lũ cướp nước, đồng thời tái sinh những cuộc đời mới. Cái chết của Hùng và Rin không hề đau thương, bi lụy mà lan tỏa sức mạnh, ý chí quật cường đến với nhân dân. Hình ảnh của Hùng và Rin bỗng chốc trở nên bất tử, bất tử đúng vào khoảnh khắc họ bị thiêu chết ấy: Lửa rực hai gương mặt gầy rạng rỡ Hai vòng tay lửa siết vào nhau Người anh em ơi! Đây là lời đất nước Gắn bó đến cùng những lúc thương đau Như vậy, hình ảnh quê hương miền biển luôn hiện hữu trong tâm trí người chiến sĩ cách mạng, để rồi, từ những kí ức ấy hun đúc trong họ ý chí quyết tâm giữ gìn độc lập tự do cho Tổ quốc. Biển hiện lên trong trang thơ Thu Bồn tự nhiên và gần gũi nhất, có lẽ đơn giản đó là quê hương, là cái nôi nuôi những người con đất Việt lớn khôn thì không còn gì là xa lạ nữa. Bằng tấm lòng của một người con miền biển, Thu Bồn đã thổi vào những bản trường ca của mình lớp lớp sóng biển đầy sức gợi tả. 2.1.2. Biển, đảo-một phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam Dù biển có hung hăng, có tàn phá thì biển đảo vẫn là quê hương, là nơi nuôi ta khôn lớn, là một phần máu thịt của Tổ quốc ta. Hướng về biển, nhà thơ tìm về với cội nguồn dân tộc: Tìm cha con hãy đến biển Đông Nơi ngọn sóng bạc đầu vì sương gió Khi đau thương biến con thành đảo nhỏ Mẹ sẽ ôm con trong lòng biển rạt rào (Người gồng gánh phương Đông)
  • 37. 37 Qua hình ảnh của tình mẫu tử thiêng liêng, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra thông điệp mà nhà thơ gửi gắm. Biển đảo đã trở thành một phần cơ thể của Mẹ Việt Nam. Để rồi từ đó bao thế hệ con Rồng cháu Tiên sẵn sàng trở thành người lính biển, người lính đảo, canh giữ bình yên cho Tổ quốc Việt Nam. Biển đảo còn là cái nôi nguồn cội của dân tộc ta. Đó còn là hình ảnh của chàng chim Lạc và nàng Âu Cơ trong cuộc chiến chống lại lão già nghèo đói cùng gia đình lão: Vợ lão là hoang vu Con đầu là cơ cực Cháu trai là nóng nực Cháu gái là lạnh lùng Bè bạn lão ta khổ độc cứ từng vùng (Người gồng gánh phương Đông) Chàng chim Lạc soãi cánh mở nước về phương Nam, băng qua dải Trường Sơn hùng vĩ. Trong cuộc chiến với lão già chàng bị lão cắn đứt một ngón tay, để rồi: Từ những ngón tay chàng trai máu ứa thành những dòng kinh Còn lại chín ngón tay xòe ra vô tận Thành chín nhánh Cửu Long sờ vào ngực biển Đông hình thành đất nước Việt Nam cong như chiếc đòn gánh “gồng gánh phương Đông”. Biển đảo đã trở thành máu thịt, là quê hương, là đất nước mến yêu như lời tâm sự Quê hương tôi có biển Đông/ Vừa đủ mặn bốn ngàn năm lao động. Biển đảo trở nên thân thuộc, là nơi người lính cảm thấy tự hào khi nghĩ về, tôi chỉ em xem biển rộng vô cùng/ và tên gọi mến yêu từng hòn đảo. Đứng trước biển, ngút ngàn màu xanh trù phú của biển cả, nhà thơ không khỏi tự hào. Trong trường ca Người gồng gánh phương Đông, tác giả lý giải về Đảo bằng một đôi mắt vô cùng thi vị: Những hòn núi xưa không cần vua chúa Xa lánh biển Đông Nghe tiếng đàn ngoái cổ lại trông Được chỉ tên là Đảo (Người gồng gánh phương Đông) Thế nhưng, trong lịch sử, biển đảo quê hương đã bao lần phải oằn mình chịu sự chà đạp của kẻ thù. Biển, đảo luôn là món mồi ngon mà kẻ thù lăm le xâm chiếm: Nhưng chùm đảo của ta
  • 38. 38 Miếng mồi ngon chơi vơi trước những mồm giặc cướp (Badan khát) Để mất biển tức là mất đi Tổ quốc. Vì vậy, giữ gìn biển đảo là một nhiệm vụ cấp thiết hơn bao giờ hết: Chúng ta không muốn nỗi buồn thương Niềm đau lớn vượt ra ngoài biên giới Nỗi khổ khoanh vùng trong da thịt ta thôi Ta muốn biển ta chỉ một sắc cờ Những hòn đảo xa Những hòn đảo nóng Đừng quên nỗi lòng ta sóng xé giữa trùng khơi (Badan khát) Ý thức được tầm quan trọng của biển đảo, dân tộc ta đã gửi lên biển đảo quê hương những tình cảm hồn hậu, chân chất nhất, bởi đơn giản con ở đâu cũng là con của mẹ/ hòn đảo nào cũng Tổ quốc Việt Nam. Đất liền đã gửi ra biển đảo hồn dân tộc. Đó là giống cây trồng, sách báo hay chỉ là lời thăm hỏi lên hòn đảo quý yêu. Đó là lời chào tới Hoàng Sa, Trường Sa để gọi hồn Tổ quốc lạc ngoài khơi: Chào Hoàng Sa Chào Trường Sa Những chùm đảo chim Những hòn đảo nổi Những ốc đảo tù và gió thổi Gọi hồn Tổ quốc lạc ngoài khơi. (Badan khát) Trường ca Badan khát được tác giả sáng tác vào năm 1976, ngoài chủ đề chính là đất và con người Tây Nguyên thì tác giả còn đề cập đến vấn đề biển đảo như người viết đã đề cập ở trên. Vấn đề ấy đến hôm nay vẫn còn nhức nhối. Để cho đất nước được vẹn toàn, nhiệm vụ bảo vệ biển đảo trở nên khẩn thiết hơn bao giờ hết, hay đơn giản chỉ để cho bờ Tổ quốc đâu cũng đầy gió sóng. 2.1.3. Biển đời đầy khó nhọc gian truân Biển trong trường ca Thu Bồn không chỉ mang nét nghĩa quê hương, đất nước mà nó còn ám chỉ sự khó khăn, vất vả. Từ lâu, trong kho tàng ca dao tục ngữ, người Việt đã ví nỗi
  • 39. 39 khổ đau, vất vả của đời người với biển: biển khổ, biển đau; Đàn ông đi biển có đôi/ Đàn bà đi biển mồ côi một mình... Biển với sự bao la, rộng lớn lẫn huyền bí đến tận cùng của mình đã ám ảnh bao thế hệ. Biển là nỗi ám ảnh về sự gian truân, những khó khăn thử thách khôn lường trong đời sống con người. Trong trường ca Người gồng gánh phương Đông, Thu Bồn đã viết: Những cái gì xanh của biển Đều lấy ra từ máu con người Màu xanh của biển là màu của những tháng ngày tự do, cho em thơ vui đùa trên cát; là màu của sự ấm no, người dân chài trở về với những khoang thuyền đầy cá. Có khi đơn giản đó là tiếng sóng vỗ bình yên, là hàng dương vi vu theo gió... Nhưng để có được màu xanh ấy, biết bao thế hệ đã phải hy sinh, biết bao máu xương của dân tộc ta đã phải đổ xuống. Thật xót xa biết bao! Nhà thơ còn khát quát: Đất nước tôi có biển Đông/ Vừa đủ mặn bốn nghìn năm lao động. Bốn nghìn năm ấy, dân tộc ta đã chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc để cho thế hệ sau được bình yên vui sống. Đó là một khoảng thời gian lịch sử, khoảng thời gian của máu và nước mắt. Nhưng khoảng thời gian ấy chưa dừng lại, từ phía biển, kẻ thù luôn luôn tìm cách xâm lược nước ta: Những trái bom Giặc Mỹ từ biển vào giật mìn san bằng từng chiếc giếng (Chim vàng chốt lửa) Đến hạt muối còn quý hơn vàng: Sáng nay muối đến non ngàn/Tay cầm hạt muối hơn vàng cầm tay. Để có được hạt muối ấy từ bàn tay giặc, biết bao đồng bào ta đã ngã xuống. Đó không đơn thuần là hạt muối bình thường, mà nó kết tinh thành tinh thần, sức mạnh của dân tộc. Đó là những hạt muối thấm máu bao đồng đội hy sinh: Mẹ giữ muối như giữ từng giọt máu Đừng tan muối ơi! chất mặn Sa Huỳnh Muối trắng giằng từ bàn tay giặc Thấm máu bao đồng đội hy sinh (Bài ca chim Chơ rao) Phía đại dương mênh mông còn có một vùng đất quanh năm chua mặn, mưa rơi vào lòng hạn hán. Cuộc sống của những con người nơi đây khốn khó vô cùng, đêm ngày bán lưng cho đất, bán mặt cho trời nhưng cái ăn, cái mặc vẫn thiếu thốn, chật vật. Đến lời dặn dò
  • 40. 40 của cô gái với chàng trai trước khi ra trận nghe cũng thật thiết tha, thấy thương đến lạ. Đó là lời dặn dò của một con người con gái bé nhỏ, quanh năm chịu nhiều nhọc nhằn, vất vả: Anh là con chim bay về xứ nóng Đừng quên em trên ruộng lúa nhọc nhằn Đừng quên dấu chân trâu trên mảnh đất khô cằn Cơn rét lạnh lá hàng dương không đủ ấm (Badan khát) Trong trường ca Badan khát, Thu Bồn đã kể về một vùng đất chết bởi sự xâm thực nặng nề của biển, làng Lỗ Trường. Ở nơi đó: Sóng mặn cướp hàng dương Làng sạt lở ngôi đình chìm đáy biển Bọt nước cuộc đời trôi Bao người biệt xứ (Badan khát) Trước sự xâm thực nặng nề của biển, vùng quê ấy trở thành một vùng đất chết. Vậy mà biển còn hùa vào áp đảo để rồi cánh đồng ta mòn mỏi những bờ chua. Những người con của biển phải chống chọi từng ngày từng giờ với thiên nhiên, con người phơi sức người trên đồng muối trắng, thế nhưng cuộc sống nghèo khó vẫn bám riết lấy họ: Nhà rách vách xiêu Chiếc nong rách Áo tơi chằm Nằm vo ăn vã (Badan khát) Khó khăn, vất vả là thế nhưng những con người nơi đây vẫn không đầu hàng trước số phận. Những người lính của ta đã nhảy xuống biển, xiết chặt tay nhau làm thành bức tường, khuân đá ngăn sóng. Những người lính đã đem tất cả tinh thần, sức lực của mình ra để ngăn biển dù cho biển gầm thét, biển tràn vào lồng lộn: Biển hung hăng nhưng biển không thể tràn Qua lồng ngực những người chiến sĩ (Badan khát)
  • 41. 41 Để có được màu xanh trù phú, bạt ngàn của những cánh đồng, những người chiến sĩ đã đem hết tất cả ý chí và tinh thần của mình chống biển. Biển trở thành kẻ thù của người lính: Chúng ta dành sức trai đánh Mỹ Nhưng giờ đây phải thắng trời Những tàu chiến hải quân kéo còi từ biệt biển khơi Tự đắm mình dưới chân đê làm lá chắn (Badan khát) Đương đầu với kẻ thù hết tuổi thanh xuân, nay hòa bình lập lại, người chiến sĩ tiếp tục cống hiến sức mình để xây dựng quê hương. Từ sự khó khăn, vất vả của những con người nơi đầu sóng ngọn gió, chúng ta càng hiểu thêm sự hy sinh thầm lặng của họ và càng thấy khâm phục, tự hào hơn con người Việt Nam. Phía biển cả bao la không chỉ chứa đựng bao nổi khó khăn, vất vả mà biển còn ám chỉ những bấp bênh, khó ngờ của cuộc sống. Trong bài thơ Ông già và biển, nhà thơ viết: Nay sông đã cạn rồi Còn lại biển Sóng bao dung nhưng trò đời ai biết Lỡ bước sảy chân là biển nuốt phăng đời Biển lúc này như một con cá mập của số phận, chỉ một chút dao động, một chút chênh vênh thôi con cá mập ấy sẽ nuốt chửng chúng ta. Và những con sóng không khác gì những cám dỗ của cuộc đời, chỉ một chút lơ là, mất cảnh giác, chúng ta có thể bị vùi lấp bất cứ lúc nào. Trong những sáng tác của mình, nhà văn Nguyễn Minh Châu cũng có viết về một con sóng vô hình [78] trong tâm thức những người dân miền biển. Đó là nỗi sợ hãi, e dè về sức mạnh cuồng nộ của thiên nhiên cũng như ám ảnh bởi những con sóng bấp bênh của biển đời, đầy chông gai mà cũng lắm cám dỗ. Biển mang trong mình đầy đủ các cung bậc, sắc thái khác nhau. Viết về những khó khăn, vất vả ở biển để chúng ta thấy được rằng, cuộc sống của đồng bào ta cực khổ đến nhường nào. Nhưng dù khó khăn, vất vả họ vẫn cố gắng vượt qua, cố gắng chiến đấu tới cùng để cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn, vững bền hơn. Bằng tấm lòng của một người con xứ Quảng, Thu Bồn đã viết nên những trang trường ca về biển đầy sức gợi. Biển hiện lên bình dị, yêu thương trong kí ức của người chiến sĩ yêu nước. Biển bờ còn là cái nôi hun đúc ý chí, sức mạnh, giúp họ chiến thắng trước kẻ thù,