SlideShare a Scribd company logo
1 of 221
VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
TRẦN THỊ KIM OANH
VĂN HÓA ẨM THỰC CỦA NGƯỜI HOA
QUẢNG ĐÔNG Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
HIỆN NAY
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA HỌC
HÀ NỘI - 2019
VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
TRẦN THỊ KIM OANH
VĂN HÓA ẨM THỰC CỦA NGƯỜI HOA
QUẢNG ĐÔNG Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
HIỆN NAY
Ngành:Văn hóa học
Mã số: 9.22.90.40
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA HỌC
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS.Võ Quang Trọng
HÀ NỘI - 2019
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan Luận án này là công trình nghiên cứu của riêng
tôi. Các kết quả nêu trong luận án là trung thực và chưa được công bố
trong bất kỳ công trình nào khác. Nếu có gì sai sót tôi xin chịu trách
nhiệm hoàn toàn.
Nghiên cứu sinh
Trần Thị Kim Oanh
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ..........................................................................................................1
Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ
LUẬN VÀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU..........................................................10
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu ..............................................................10
1.1.1. Các nghiên cứu về văn hóa ẩm thực trong nước...................................10
1.1.2. Các nghiên cứu về ẩm thực của người Hoa ..........................................15
1.1.3. Đánh giá chung về tình hình nghiên cứu ..............................................20
1.2. Khái niệm.................................................................................................22
1.3. Cơ sở lý luận ............................................................................................25
1.4. Địa bàn nghiên cứu ..................................................................................29
1.4.1. Vài nét về cộng đồng Người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh, quá
trình định cư và phân bố..................................................................................29
1.4.2 Khái quát về người Hoa Quảng Đông tại địa bàn nghiên cứu...............33
1.4.3. Một số đặc điểm nổi bật trong văn hóa ẩm thực của người Hoa..........35
1.4.4. Vài nét về văn hoá ẩm thực người Hoa hiện nay trên địa bàn nghiên cứu ..39
Chương 2: ẨM THỰC THƯỜNG NGÀY CỦA NGƯỜI HOA
QUẢNG ĐÔNG.............................................................................................44
2.1. Giải mã bữa ăn trong gia đình..................................................................45
2.1.1. Cấu trúc bữa ăn .....................................................................................45
2.1.2. Chuẩn bị bữa ăn.....................................................................................55
2.1.3. Thực hành văn hoá qua một bữa ăn ......................................................65
2.2. Ẩm thực công cộng trong đời sống hiện đại............................................68
2.2.1. Dimsum - sự lựa chọn đặc sắc cho những bữa ăn ngoài gia đình ........70
2.2.2. Thực hành ẩm thực ngoài nhà hàng theo thực đơn – sự lựa chọn
thay thế cho bữa ăn gia đình ...........................................................................76
Chương 3: ẨM THỰC TRONG NGHI LỄ LỊCH TIẾT VÀ VÒNG
ĐỜI CỦA NGƯỜI HOA QUẢNG ĐÔNG .................................................82
3.1. Ẩm thực và ước vọng trong các nghi lễ...................................................82
3.2. Tính cộng đồng trong thực hành ẩm thực qua các nghi lễ.....................106
Chương 4: ẨM THỰC CỦA NGƯỜI HOA QUẢNG ĐÔNG VÀ
NHỮNG VẤN ĐỀ BÀN LUẬN..................................................................124
4.1. Vũ trụ quan và nhân sinh quan thể hiện qua văn hoá ẩm thực ..............124
4.2. Văn hoá ẩm thực và quan hệ xã hội.......................................................131
4.3. Văn hoá ẩm thực trong đời sống hiện đại ..............................................140
KẾT LUẬN..................................................................................................147
DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ ĐÃ
CÔNG BỐ....................................................................................................151
TÀI LIỆU THAM KHẢO ..........................................................................152
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Ẩm thực không chỉ dừng lại ở việc phục vụ nhu cầu vật chất cho con
người mà còn thể hiện giá trị tinh thần, giá trị văn hóa. Ẩm thực vừa thể hiện
giá trị văn hóa toàn cầu vừa mang đặc trưng văn hóa của các địa phương, vừa
thể hiện giá trị truyền thống và cũng vừa phản ánh cuộc sống đương đại. Thực
tế ngày nay, ở Việt Nam, khi chất lượng cuộc sống tăng lên, thị hiếu ẩm thực
của con người cũng vì thế mà thay đổi. Nếu trước đây chúng ta quan niệm “ăn
chắc mặc bền” thì nay là “ăn ngon mặc đẹp”, phạm trù “ngon” vượt qua giới
hạn phạm vi phục vụ thể chất của ẩm thực. Văn hoá ẩm thực góp phần định
hình giá trị cá nhân, gia đình và cảm quan của con người đối với xã hội xung
quanh cũng như với thế giới tâm linh. Cùng với sự phát triển của xã hội là thị
hiếu, tính cách, giá trị con người xung quanh thực hành ẩm thực ngày càng
được bộc lộ rõ. Ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay từ đường lớn đến ngõ hẻm,
các nhà hàng, quán ăn với đủ thể loại và quy mô mọc lên rất nhiều đáp ứng nhu
cầu của thực khách. Ở khía cạnh gia đình, ẩm thực vẫn là sợi dây kết nối tình thân,
chia sẻ mối quan tâm lẫn nhau. Người nội trợ trong gia đình trăn trở làm sao lựa
chọn thực phẩm phù hợp đảm bảo ngon, đẹp, tốt cho sức khoẻ trong mỗi bữa ăn.
Có lẽ thực hành ẩm thực hàng ngày trong gia đình, thực hành ẩm thực ngoài hàng
quán và trong các nghi lễ là những hoạt động thể hiện nhiều khía cạnh của văn hoá
ẩm thực hơn cả. Bên cạnh đó, văn hoá ẩm thực đóng vai trò chuyên chở nhiều
thông điệp trong đời sống con người ở khía cạnh hướng tới cội nguồn để định hình
bản sắc của tộc người, hướng tới thị hiếu cá nhân, góp phần nhận diện được vai
trò, tầng lớp của cá nhân hay gia đình trong xã hội.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là một thành phố đa sắc tộc, ngoài
người Việt và Khơmer, nơi đây còn tập trung người Hoa sinh sống đông nhất cả
nước với 50,3%, bao gồm 5 nhóm ngôn ngữ chính là Hải Nam, Phúc Kiến, Hẹ,
Triều Châu và Quảng Đông. Trong đó nhóm ngôn ngữ Quảng Đông chiếm tỉ lệ
đông nhất (40%) và tập trung chủ yếu ở các quận 11, quận 5 và quận 6 [94]. Mặc
dù đã trải qua khoảng 3 đến 4 đời cộng cư và sinh sống ở vùng đất mới, nhưng
những thực hành văn hoá của nhóm Hoa Quảng Đông vẫn còn lưu giữ khá đậm
2
nét, tạo nên một cộng đồng người Hoa Quảng Đông vừa gần gũi vừa riêng biệt,
góp phần định hình bản sắc cho văn hoá khu vực gắn với tộc người. Đặc trưng
của nhóm Hoa Quảng Đông là cư trú tập trung theo địa bàn sinh sống vì vậy
mang dấu ấn cộng đồng khá rõ nét. Ẩm thực Quảng Đông đặc biệt phát triển với
truyền thống nấu ăn lâu đời và nhiều món ăn mang tính đặc trưng. Câu nói “Chơi
quận nhất, ăn quận 5, nằm quận 3” thường dùng để chỉ đến các món ăn ngon của
người Hoa trong đó các món ăn nhóm Hoa Quảng Đông chiếm ưu thế. Đây là
điểm tiếp cận thú vị vì thực hành văn hoá ẩm thực của nhóm Hoa Quảng Đông sẽ
phản ánh khá rõ đặc trưng văn hoá ẩm thực của nhóm cộng đồng này, đây là cơ sở
để hiểu hơn về văn hoá của người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.
Có thể nói tìm hiểu về văn hoá ẩm thực sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về
thực hành văn hoá gia đình và cộng đồng của nhóm người Hoa Quảng Đông ở
thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. Ẩm thực phản ánh vai trò về giới trong chuẩn bị
bữa ăn, phản ánh vị trí cá nhân và gia đình trong các bữa ăn cộng đồng, qua cách
lựa chọn số lượng và chất lượng của món ăn đãi khách. Thực hành văn hoá ẩm
thực trong mỗi hoàn cảnh, điều kiện và giai đoạn khác nhau chuyên chở những
thông điệp và ý nghĩa khác nhau, nên bữa ăn không đơn giản là ăn để sống mà là
văn hoá ứng xử giữa những con người ăn chung với nhau, phản ánh các dàn xếp
trong các mối quan hệ xã hội. Những giá trị của con người hay nhóm người thể
hiện qua văn hoá ẩm thực góp phần thể hiện giá trị văn hoá cá nhân và nói rộng ra
là thể hiện văn hoá tộc người, ở đây là nhóm tộc người Hoa Quảng Đông ở Thành
phố Hồ Chí Minh. Nhận diện văn hoá ẩm thực trên các khía cạnh như vậy là một
cách tiếp cận khá khác biệt với đa số những nghiên cứu về văn hoá ẩm thực đã
thực hiện trước đây.
Cộng đồng người Hoa Quảng Đông di cư đến Việt Nam qua nhiều giai
đoạn, đến nay họ có thời gian sinh sống lâu dài với người Việt, quá trình sinh
sống tạo nên sự tiếp xúc, giao lưu biến đổi trong văn hoá nói chung và văn hóa
ẩm thực nói riêng. Những phương thức thực hành ẩm thực hay nguồn thực phẩm
của người Hoa Quảng Đông ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay khác khá nhiều
so với ở quê hương của họ nên càng thấy rõ vai trò của ẩm thực trong kết nối
cộng đồng trong quá trình sinh sống của họ ở một vùng đất mới. Nghiên cứu văn
3
hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng góp
phần tìm hiểu chức năng của ẩm thực trong đời sống của họ hiện nay.
Quá trình học tập và nghiên cứu ở các bậc học chúng tôi có điều kiện tiếp
xúc với nhiều công trình nghiên cứu về ẩm thực, trong các tác phẩm đó, văn hoá
ẩm thực gắn liền với cộng đồng người hay vùng miền chiếm tỉ lệ nhiều hơn cả,
nghiên cứu về văn hóa ẩm thực người Hoa Quảng Đông ở Thành phố Hồ Chí
Minh hiện nay để thấy được vai trò của ẩm thực thể hiện nhân sinh quan, khuynh
hướng biến đổi về giới trong chế biến cũng như thực hành ẩm thực và mối quan
hệ gia đình, xã hội thì còn chưa được nghiên cứu sâu.
Với tất cả các lý do đó, chúng tôi lựa chọn đề tài nghiên cứu “Văn hoá
ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay”
để làm luận án Tiến sĩ chuyên ngành văn hóa học với mong muốn đưa đến
những nhìn nhận mới mẻ và cập nhật về văn hóa ẩm thực của cộng đồng người
Hoa Quảng Đông ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án
- Mục đích nghiên cứu của luận án
Nhận diện về văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông trên các
phương diện ẩm thực trong gia đình, ngoài gia đình vầ ẩm thực trong nghi lễ để
nhìn ra vai trò của ẩm thực trên phương diện thể hiện nhân sinh quan, giới, dàn
xếp trật tự xã hội và những khuynh hướng biến đổi trong bối cảnh xã hội đương
đại. Qua đó, luận án hướng đến việc hiểu rõ hơn về văn hóa về văn hóa tộc
người của nhóm người Hoa Quảng Đông nói riêng và người Hoa nói chung ở
Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.
Với mục đích nghiên cứu như vậy, câu hỏi nghiên cứu chính của chúng tôi
trong luận án này là:
- Thực hành văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở Thành phố Hồ
chí Minh hiện nay diễn ra như thế nào?
- Những thực hành văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông phản ánh
thế nào về quan điểm nhân sinh quan và liên kết mối quan hệ gia đình, xã hội
trong bối cảnh hiện nay?
- Nhiệm vụ nghiên cứu của luận án
4
+ Tổng quan các công trình nghiên cứu liên quan đến văn hóa ẩm thực và
văn hóa ẩm thực của người Hoa, người Hoa Quảng Đông.
+ Nhận diện văn hóa ẩm thực trong gia đình, ẩm thực ngoài gia đình và ẩm
thực trong nghi lễ.
+ Chỉ ra quá trình biến đổi của văn hóa ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở
Thành phố Hồ Chí Minh, các nhân tố tác động và mục đích của sự biến đổi ấy.
+ Bàn luận về một số vấn đề đặt ra từ thực hành và biến đổi thực hành ẩm
thực của người Hoa Quảng Đông ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án
- Đối tượng nghiên cứu:
Đối tượng nghiên cứu chính của luận án chính là những thực hành văn
hoá ẩm thực đa dạng trong đời sống thường ngày và trong các nghi lễ của cộng
đồng người Hoa Quảng Đông xét trong bối cảnh văn hoá, kinh tế và xã hội ở
Thành phố Hồ Chí Minh khoảng thời gian 10 năm trở lại đây. Theo khảo sát và
nhận định của chúng tôi thì đây là khoảng thời gian có nhiều thay đổi về kinh tế,
điều đó tác động đến chất lượng bữa ăn trong gia đình, chất lượng và nhu cầu ăn
ngoài của từng cá nhân và gia đình. Theo đó, nhà hàng quán ăn với các quy mô
lớn nhỏ và các dịch vụ phục vụ thực phẩm liên quan đến ẩm thực cũng phát triển
mạnh, điều này có tác động đến văn hoá ẩm thực của cộng đồng người Hoa Quảng
Đông ở thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, sự chuyển biến này còn là kết quả của
một thời gian dịch chuyển lâu dài, theo đó các giai đoạn lịch sử trước đó cũng được
quan tâm và nghiên cứu một cách phù hợp.
- Phạm vi nghiên cứu của luận án
Về mặt không gian và thời gian: Chúng tôi giới hạn phạm vi nghiên cứu của
đề tài là tập trung là khảo sát các thực hành ẩm thực hàng ngày tại gia đình, thực
hành ẩm thực trong các nghi lễ vòng đời, dịp lễ tết, và thực hành ẩm thực ngoài
phạm vi gia đình như nhà hàng, quán ăn của nhóm người Hoa ngôn ngữ Quảng
Đông hiện nay đang sinh sống tập trung ở các quận 5, quận 11 và quận 6 thuộc
thành phố Hồ Chí Minh.
Về vấn đề nghiên cứu: Văn hóa ẩm thực là khái niệm rộng và dù muốn thì
chúng tôi cũng không thể đề cập tới tất cả các khía cạnh của văn hóa ẩm thực,
5
nên luận án này chúng tôi tập trung tìm hiểu về văn hoá ẩm thực của cộng đồng
người Hoa Quảng Đông hiện sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh ở một số
khía cạnh như nguyên liệu, cách thức chế biến, vai trò của ẩm thực trong đời
sống hàng ngày, trong mối quan hệ gia đình, xã hội với cách thức mà người Hoa
dùng ẩm thực để khẳng định và liên kết xã hội, thể hiện đặc trưng văn hóa tộc
người của họ và mối liên quan giữa văn hoá ẩm thực với vũ trụ quan, nhân sinh
quan. Mặc dù sinh sống ở Việt Nam khoảng ba đến bốn đời nhưng mỗi gia đình
người Hoa Quảng Đông ít nhiều vẫn còn giữ nét bản sắc của mình thông qua các
thực hành ẩm thực hàng ngày cũng như trong các dịp lễ tết. Ẩm thực được thực
hành như một hình thức giao tiếp văn hoá chứa đựng nhiều thông điệp, nhiều ý
nghĩa liên quan đến các mối quan hệ, các chiều kết nối, tương tác,…Và đó chính là
những khía cạnh văn hóa quan trọng nằm trong phạm vi quan tâm của chúng tôi ở
luận án này.
4. Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu của luận án
Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về ẩm thực nói chung và ẩm thực người
Hoa nói riêng song với luận án này chúng tôi tiếp cận ẩm thực từ góc tiếp cận
văn hóa học, trong đó quan tâm tới các chiều cạnh văn hóa của ẩm thực, các mối
quan hệ tương tác, kết nối, những diễn giải sâu về thực hành ẩm thực của những
người trong cuộc, những bàn luận về giới, vị thế xã hội, vũ trụ quan và nhân sinh
quan được thể hiện qua ẩm thực. Trong quá trình thực hiện luận án chúng tôi sử
dụng kết hợp nhiều phương pháp nghiên cứu trong đó chủ yếu tập trung vào các
phương pháp cụ thể sau:
- Quan sát tham dự: Là cách “thu thập dữ kiện bằng cách sống gần gũi
trong một thời gian dài với thành viên của một xã hội khác” (44, 56). Do vậy,
địa bàn nghiên cứu là địa bàn tác giả sinh sống nên chúng tôi đã trực tiếp tham
dự vào các thực hành ẩm thực của cộng đồng người Hoa Quảng Đông. Chúng tôi
tiếp xúc, tham dự và nhập cuộc vào các sự kiện diễn ra qua bữa ăn hàng ngày,
đến các sự kiện như tang ma, cưới hỏi, chúc thọ. Với mỗi hiện tượng quan sát
chúng tôi tập trung vào các tình huống quan trọng trong các khâu thực hành liên
quan đến vai trò ẩm thực sử dụng trong mỗi sự kiện. Cụ thể:
6
Tham dự 5 bữa ăn gia đình có hoàn cảnh khác nhau, trong đó 1 gia đình 2
thế hệ, buôn bán, kinh tế khá giả, đã sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh 3 đời;
1 gia đình 3 thế hệ (trẻ, trung niên và già), buôn bán, kinh tế khá giả, sinh sống
được 4 đời; 1 gia đình 2 thế hệ (trung niên và lớn tuổi), công chức nghỉ hưu, điều
kiện kinh tế bình thường; 1 gia đình 2 thế hệ (trẻ và trung niên), 3 đời ở thành
phố Hồ Chí Minh, buôn bán ở chợ, kinh tế bình thường; Và 1 gia đình đơn thân
(vợ người Việt, chồng người Quảng Đông đã mất), gồm 2 thế hệ, buôn bán nhỏ
ở chợ, hoàn cảnh kinh tế bình thường. Quá trình quan sát tham dự bắt đầu từ việc
cùng các bà các chị đi chợ mua nguyên liệu đến chế biến bữa ăn và dùng bữa với
gia đình. Với những gia đình hoàn cảnh khác nhau như vậy đã cho chúng tôi các
góc nhìn đa dạng về quan điểm, cách chế biến và thực hành văn hoá ẩm thực
trong từng gia đình khác nhau..
Chúng tôi cũng đã tham dự 2 lễ cúng táo quân ở phạm vi gia đình, thực hiện
là phụ nữ, trung niên, gia đình khá giả; 1 lễ đầy tháng, gia đình trẻ, công chức,
kinh tế khá khá giả; Tham dự 3 đám cưới, trong đó có 1 đám cưới thuộc gia đình
công chức giàu có; 1 đám cưới gia đình công chức và buôn bán kinh tế khá giả;
1 gia đình nam người Quảng Đông kết hôn với vợ Việt, công nhân, hoàn cảnh
kinh tế bình thường; 1 lễ chúc thọ thuộc gia đình khá giả; 1 tang ma gia đình
công chức, đơn thân. Tất cả các gia đình người Hoa này đều sinh sống ở địa bàn
nghiên cứ từ 3 đến 4 đời. Với những đối tượng quan sát nghi lễ như thế đã cho
chúng tôi nhìn nhận về cách thức bài trí và quan điểm lựa chọn món ăn dịp lễ
cũng như cách thực thụ hưởng món ăn ngày lễ và bữa ăn cộng đồng liên quan
đến nghi lễ. Mỗi gia đình có vị trí xã hội khác nhau, điều kiện sống khác nhau và
tiềm lực kinh tế khác nhau cũng đã thể hiện được những điểm chung và riêng
khác nhau trong quá trình thực hành văn hoá ẩm thực liên quan đến nghi lễ này.
Bằng những quan sát thực tiễn sẽ góp phần giúp chúng tôi đánh giá được vai trò
của văn hoá ẩm thực đang diễn ra như thế nào trong cộng đồng người Hoa
Quảng Đông, giúp làm sáng tỏ hơn cho những dữ liệu phỏng vấn sâu. Trong quá
trình quan sát tham dự chúng tôi cũng đã rất may mắn có được những người
cung cấp thông tin nhiệt tình và trợ giúp hiệu quả, giảng giải về món ăn, cách
chế biến... để có thể thực hiện được tốt phương pháp quan trọng này.
7
- Phỏng vấn sâu (thực hiện 35 cuộc), được áp dụng cho nhiều đối tượng. Những
đối tượng phỏng vấn là những người đại diện ở các gia đình có điều kiện kinh tế khác
nhau và những người có vai trò khác nhau trong gia đình và ngoài xã hội, khác nhau
về giới tính, nghề nghiệp, độ tuổi... Chúng tôi đã phỏng vấn những người cao tuổi
còn minh mẫn (60 tuổi) để hỏi về tập quán ẩm thực truyền thống của người Hoa
Quảng Đông cũng như quan điểm của họ về thực hành văn hoá ẩm thực trong gia
đình và các nghi lễ; Chúng tôi phỏng vấn những người trung tuổi bao gồm cả nam và
nữ để biết thực hành ẩm thực hiện tại, thị hiếu, phân công về giới, ẩm thực gắn với
mối quan hệ xã hội. Chúng tôi phỏng vấn người trẻ tuổi để biết quan điểm và thị hiếu
của họ trong thực hành ẩm thực trong và ngoài phạm vi gia đình. Điều đó giúp cho
chúng tôi có được một bức tranh tổng thể về vai trò ẩm thực đang diễn ra trong cộng
đồng người Hoa Quảng Đông hiện nay.
Nội dung phỏng vấn bám sát vào việc tìm hiểu về những thực hành bữa ăn
hàng ngày, lễ tết, món ăn sử dụng trong thờ cúng ở các nghi lễ lịch tiết và nghi lễ
vòng đời; Các món ăn được sử dụng hay kiêng kỵ trong một sự kiện nhất định nào
đó; Quá trình thực hành ẩm thực trong cộng đồng với sự có mặt của nhiều đối
tượng khách mời được tham gia. Điều đó cho chúng tôi góc nhìn tổng thể về tập
quán văn hoá ứng xử và quan điểm tâm linh của họ thông qua thực hành ẩm thực.
Trong bối cảnh không gian văn hoá thay đổi dưới tác động của di cư, đồng
thời có sự tương tác giữa nhiều nhóm ngôn ngữ Hoa và nhiều tộc người trong
một môi trường sống thì phương pháp phỏng vấn sâu, phỏng vấn hồi cố sẽ cho
chúng tôi thấy được những biến đổi và những yếu tố còn được bảo tồn thông qua
thực hành văn hoá ẩm thực. Tuy nhiên, với phương pháp hồi cố này chúng tôi
cũng gặp không ít khó khăn vì sự di cư đã khá lâu, những người lớn tuổi còn biết
hoặc nhớ về văn hoá truyền thống khá ít, bên cạnh đó, sự biến đổi diễn ra trong
văn hóa ẩm thực là sự biến đổi từ từ, không đột biến nên không mấy ai nhớ
chính xác, nhiều người còn không phân biệt đâu là món ăn truyền thống của Hoa
Quảng Đông và đâu là món ăn của các nhóm người Hoa khác.
- Thảo luận nhóm tập trung (2 cuộc) Chúng tôi lựa chọn 6 người cùng tương
đồng về độ tuổi, địa vị…để tiến hành thảo luận các chủ đề liên quan đến việc ăn uống
cũng như ứng xử xung quanh bữa ăn hàng ngày, bữa ăn trong nghi lễ ma chay cưới
8
hỏi hay lễ tết. Những thông tin này khá tập trung, bao quát được nhiều vấn đề và rất
có ý nghĩa cho chúng tôi trong quá trình nghiên cứu.
Ngoài các phương pháp chính vừa nêu trên, chúng tôi còn sử dụng phương
pháp phân tích, tổng hợp, so sánh, hỏi ý kiến chuyên gia...trong suốt quá trình
thực hiện luận án.
Việc tập hợp và phân tích nguồn tài liệu thứ cấp cũng được chúng tôi sử
dụng: bao gồm các tài liệu từ sách, tạp chí, báo…các công trình nghiên cứu đã
được in ấn xuất bản đang được lưu trữ tại các thư viện. Những tài liệu này giúp
chúng tôi có một cái nhìn tổng thể về người Hoa, người Hoa Quảng Đông tại
thành phố Hồ Chí Minh cùng văn hóa và văn hóa ẩm thực của họ. Có thể nói,
nguồn tư liệu thứ cấp này có vai trò rất quan trọng, thông qua đó chúng tôi đã
vận dụng, kế thừa các kết quả nghiên cứu trước để tìm ra những luận điểm mới,
cách tiếp cận mới và phát triển chúng trong luận án của mình.
5. Đóng góp mới về khoa học của luận án
Về luận cứ khoa học và tư liệu: Luận án góp phần tập hợp tư liệu về văn
hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông hiện nay, góp phần diễn giải về văn
hóa ẩm thực của nhóm tộc người này dưới góc nhìn văn hóa.
Về mặt lý thuyết: Nghiên cứu “Văn hoá ẩm thực người Hoa Quảng Đông ở
thành phố Hồ Chí Minh hiện nay” góp thêm tư liệu để bổ sung vào quan điểm lý
thuyết xem ẩm thực như một trường văn hoá tự trị, phản ánh trật tự xã hội hiện
tại và tham gia vào sản xuất văn hoá mà tác giả Nir Avieli đã đưa ra trong trường
hợp nghiên cứu ẩm thực Hội An Việt Nam, góp phần bổ sung vào thuyết hành xử -
thực hành của Pierre Bourdieu ở khía cạnh có sự tham gia của văn hoá ẩm thực.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn
Ý nghĩa lý luận: Đây không phải là vấn đề mới trong hệ thống văn hoá ẩm
thực đã được nghiên cứu ở Việt Nam. Tuy nhiên tìm hiểu văn hoá ẩm thực người
Hoa Quảng Đông bao gồm xem xét ẩm thực như một trường văn hoá tự trị, phản
ánh trật tự xã hội hiện tại và tham gia vào sản xuất văn hoá theo quan điểm lý
thuyết của các nhà nghiên cứu văn hoá và nhân học đã mà Nir Avieli đã sử dụng
trong trường hợp nghiên cứu ẩm thực ở Hội An Việt Nam, từ đó góp phần làm
sáng tỏ quan điểm về cách hiểu lý thuyết hiện đại ứng dụng trong trường hợp
9
nghiên cứu ở cộng đồng người Hoa Việt Nam. Áp dụng thuyết chức năng, thuyết
hành xử - thực hành của Pierre Bourdieu góp phần làm rõ hơn trường phái lý
thuyết nhân học và xã hội học nổi bật ra đời thế kỷ XX vào trong trường hợp
nghiên cứu ẩm thực ở Việt Nam là một điểm mới xét trong khuôn khổ ẩm thực
người Hoa Quảng Đông ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Trên cơ sở xem xét thực hành bữa ăn tại gia, bữa ăn cộng đồng, bữa ăn
trong các nghi lễ để làm rõ hơn vai trò của ẩm thực tham gia vào việc tạo dựng
văn hóa tộc người, góp phần hiểu thêm được sự hội nhập bên cạnh yếu tố truyền
thống lưu giữ trong văn hoá ẩm thực của nhóm Hoa Quảng Đông trên địa bàn
Thành phố Hồ chí Minh hiện nay.
Ý nghĩa thực tiễn: Tìm hiểu về văn hóa ẩm thực người Hoa Quảng Đông ở
thành phố Hồ Chí Minh dưới góc nhìn văn hóa, luận án góp phần cung cấp
nguồn tư liệu quan trọng về văn hóa ẩm thực đặc sắc của người Hoa nơi đây
cũng như về đời sống văn hóa tộc người, những thông điệp văn hóa, xã hội cũng
như kinh tế, chính trị được thể hiện qua ẩm thực giúp cho việc hiểu về ẩm thực
không chỉ là việc ăn uống thông thường mà ẩm thực là văn hóa, biểu đạt nhiều
thông điệp văn hóa, xã hội. Nguồn tài liệu này giúp ích không chỉ cho các nhà
nghiên cứu, giảng dạy mà còn giúp cho các nhà hoạch định chính sách về văn
hóa tộc người ở khía cạnh hiểu về văn hóa của từng nhóm tộc người để có được
những ứng xử phù hợp và những chính sách khả thi trong việc phát huy thế
mạnh của nguồn lực văn hóa trong phát triển xã hội.
7. Cấu trúc của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, luận án gồm có 4 chương:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận và địa bàn
nghiên cứu
Chương 2: Ẩm thực thường ngày của người Hoa Quảng Đông
Chương 3: Ẩm thực trong nghi lễ lịch tiết và vòng đời của người Hoa
Quảng Đông
Chương 4: Ẩm thực của người Hoa Quảng Đông và những vấn đề bàn luận.
10
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN
VÀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu
Nghiên cứu về ẩm thực, văn hoá ẩm thực không phải là hướng nghiên cứu
mới mà trong lịch sử nó thu hút được sự quan tâm của nhiều tác giả, trong đó nổi
bật là văn hoá ẩm thực của các tộc người, các vùng miền, địa phương. Theo đó,
chúng tôi khái quát các công trình nghiên cứu đi trước ở các góc độ như sau:
1.1.1. Các nghiên cứu về văn hóa ẩm thực trong nước
Thông qua tài liệu thu thập về nghiên cứu ẩm thực trong nước cho chúng tôi
thấy ẩm thực và văn hoá ẩm thực ở Việt Nam hiện nay vẫn luôn là một trong
những chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm của các học giả trong và ngoài nước.
Chúng tôi tạm chia những công trình này thành các nhóm như sau: Nhóm thứ
nhất, là các công trình nghiên cứu mang tính khảo tả, các tác giả chủ yếu dừng
lại ở giới thiệu và mô tả về món ăn, cơ cấu món ăn, nguyên liệu và cách thức chế
biến dựa trên điều kiện tự nhiên cụ thể của vùng miền. Món ăn gắn liền với vùng
đất, tạo nên dấu ấn đặc sắc cho tộc người ở góc độ ẩm thực cũng như ứng xử về
mặt lịch sử xã hội và những biến đổi về tập quán ăn uống của cộng đồng từ xưa
đến nay. Nhóm nghiên cứu thứ hai là dưới góc độ nhân học văn hoá, coi ẩm thực
như phương tiện truyền tải các thông điệp về giới, mối quan hệ xã hội của một
nhóm tộc người cụ thể.
Nhóm công trình nghiên cứu mang tính khảo cứu, cấu trúc món ăn và cách
thức chế biến món ăn dưới sự tác động của điều kiện tự nhiên và môi trường sống:
Trong tác phẩm nghiên cứu về ẩm thực “Khám phá ẩm thực truyền thống
Việt Nam” [79] Giáo sư Ngô Đức Thịnh đã khái quát về ẩm thực Việt Nam từ
ẩm thực của người Việt, ẩm thực của các dân tộc thiểu số thông qua bản sắc văn
hoá lịch sử vùng miền để tìm kiếm bản sắc văn hoá ẩm thực và góp phần tìm tòi
những đặc trưng của ẩm thực các dân tộc Việt Nam nói chung. Trục phân tích
11
của ông chính là đi từ yếu tố lịch sử để thấy sự gắn kết giữa lịch sử tự nhiên với
tộc người phản ánh qua món ăn, đặc biệt là bữa ăn hàng ngày, vai trò về ẩm thực
trong trị bệnh. Trên cơ sở đó ông đã phân tích ẩm thực theo khu vực sinh sống
và tộc người để thấy ẩm thực được tiếp cận ở yếu tố lịch sử, điều kiện tự nhiên
hình thành nên thói quen, tập quán trong ăn uống, hiểu truyền thống ăn uống góp
phần hình thành giá trị văn hoá trải qua quá trình lịch sử lâu đời. Món ăn, đặc
biệt món ăn thường ngày là tấm gương phản chiếu trung thực môi trường sống,
cách thức chinh phục tự nhiên và trình độ của chính con người khu vực ấy. Tác
giả cũng lập luận rằng, trong quá trình phát triển, cùng với những món ăn truyền
thống thì con người có xu hướng học hỏi những cái hay, cái mới trong cách chế
biến món ăn của các dân tộc khác để làm giàu cho giá trị ẩm thực của mình
“…Bởi thế muốn hay không thì món ăn của người Việt Nam nói chung cũng đang
đứng trước sự cách tân đổi mới để đáp ứng nhu cầu của con người trong thời đại
mới” [79, tr.399]. Trong đó tác giả đưa ra một số giả thuyết như đa dạng hoá thành
phần lương thực bữa ăn, thay đổi nguồn thực phẩm và thành phần lương thực đa
dạng, hay gắn ẩm thực với du lịch để bản sắc văn hoá vùng miền được lưu giữ và
biết đến nhiều hơn qua dịch vụ du lịch. Thông qua món ăn đặc trưng gắn với vùng
miền và tộc người tác giả đã dựng lên bức tranh văn hoá dân tộc vừa truyền thống,
vừa mang khuynh hướng biến đổi phù hợp với thời đại mới. Đây là nguồn tư liệu
cho chúng tôi có cơ sở tham chiếu thêm về những khuynh hướng biến đổi của món
ăn trong quá trình mô tả món ăn của người Hoa Quảng Đông trong bối cảnh định cư
ở vùng đất mới.
Trong tuyển tập những bài viết “Văn hoá ẩm thực Việt Nam nhìn từ lý
luận và thực tiễn” [92] của hai tác giả Trần Quốc Vượng và Nguyễn Thị Bảy đã
tổng hợp lý luận chung về ẩm thực và văn hoá ẩm thực Việt Nam, nêu lên được
khái niệm và phân loại ẩm thực. Tác giả cho rằng với điều kiện sinh thái ở Việt
Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung đã tạo nên giá trị vượt trội trong nông
nghiệp. Đó là một trong những cơ sở tác giả đưa ra công thức chung trong bữa
ăn hàng ngày của người Việt là “Cơm – Rau - Cá – Thịt” trong đó chiếm vị thế
chủ đạo vẫn là các thực phẩm gắn liền với nông nghiệp. Đồng thời tác giả cũng
12
đi sâu nghiên cứu văn hoá ẩm thực tại các vùng miền Việt Nam thông qua những
chuyến điền dã thực địa, cho người đọc hình dung được mối tương quan giữa
văn hoá ẩm thực với từng môi trường sinh thái cụ thể...Từ những bài viết ngắn,
các tác giả đã tổng lược được những vấn đề lý thuyết liên quan đến văn hoá ẩm
thực, những thực hành văn hoá thông qua ẩm thực như tết ta, trung thu, ăn uống
của người Hà Nội, nhận diện văn hoá ẩm thực Huế hay đặc sản yến sào và nghệ
thuật ẩm thực yến của thủ đô Hà Nội.... Có thể nói cuốn sách đã đem đến một cái
nhìn tổng quan về những giá trị ẩm thực rất đỗi bình thường của từng vùng miền
và tác động của ẩm thực đến suy nghĩ và cách thực hành văn hoá, ứng xử đối với
món ăn của từng vùng miền, đặc biệt là ở Hà Nội.
Trong “Ẩm thực dân gian Hà Nội” [7], tác giả Nguyễn Thị Bảy đã dành
cả một chương để nói về môi trường sinh thái ảnh hưởng đến văn hoá ẩm thực
dân gian Hà Nội. Theo tác giả những đặc trưng môi trường sống, cảnh quan Hà
Nội và những ứng xử của người Hà Nội tạo nên đặc trưng cho từng món ăn, điều
đó “Khiến cho văn hoá ẩm thực dân gian Hà Nội thăng hoa và tạo thành một nét
đẹp, tinh tế, lắng đọng tâm hồn và sự tài khéo của người Hà Nội từ xưa đến
nay” [7, tr.83]. Với mỗi hoàn cảnh sống, điều kiện tự nhiên và ứng xử văn hoá
của con người khác nhau sẽ mang đến những dư vị món ăn độc đáo khác nhau,
trong đó ẩm thực dân gian Hà Nội là một ví dụ.
Trong công trình “Tập quán ăn uống của người Việt ở vùng Kinh Bắc”
[83] tác giả Vương Xuân Tình đã đề cập đến lịch sử và mối quan hệ ăn uống của
người Việt vùng Kinh Bắc trong điều kiện tự nhiên và xã hội của vùng. Những món
ăn truyền thống và món ăn mang ít nhiều biến đổi được nhìn nhận, xem xét trong
mối quan hệ với tập quán ăn uống, với nét văn hóa đặc trưng của cư dân vùng này.
Qua đó, tác giả chỉ ra những nét đẹp văn hoá trong ẩm thực của người Kinh Bắc .
Năm 2012, tác giả Đào Hùng có cuốn sách “Câu chuyện ẩm thực dưới
góc nhìn lịch sử” [42]. Ẩm thực được xem xét theo chiều dài thời gian và chiều
rộng không gian của các dân tộc trên thế giới cũng như ở các địa phương của
Việt Nam, đề cập đến vấn đề chung về văn hóa ẩm thực: “Ẩm thực học là gì?”;
“Ăn uống – một hiện tượng văn hóa xã hội”; “Sự chuyển hóa của các cách ăn”;
13
“Chuyện khẩu vị và thói quen ăn uống”,... Một số bài đã mô tả phong tục liên quan
đến tập quán ăn uống của người Việt: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, “Thanh
minh trong tiết tháng ba”, “Tháng bảy ngày rằm xá tội vong linh”, “Tết trung thu ăn
gì?”,... Tác giả muốn làm sáng tỏ vấn đề: “Các tập tục ăn uống đều được hình
thành trong lịch sử phát triển của từng tộc người, nó phản ánh trong bối cảnh và
môi trường sinh hoạt của tộc người đó, đồng thời bị chi phối bởi những ý thức, tín
ngưỡng của xã hội đó” [42, tr.55].
Nghiên cứu về ẩm thực miền bắc có nhiều tác phẩm của nhiều tác giả để lại
dấu ấn như: “Quà Hà Nội”, của tác giả Nguyễn Thị Bảy, “Truyền thống biến đổi
trong tập quán ăn uống của người Tày vùng Đông Bắc Việt Nam” của Ma Ngọc
Dung, “Văn hoá ẩm thực của dân tộc Mường và dân tộc Khơ Mú” của Hoàng
Anh Nhân, Hoàng Thị Hạnh. Các tác giả đề cập đến môi trường sống tác động
đến cách chế biến món ăn và phong cách ẩm thực của từng vùng cụ thể thông qua
các món ăn tiêu biểu: Như cá ủ chua, củ kiệu muối cá, chả chìa... của dân tộc Mường,
nguyên tắc chế biến và cảm xúc ẩm thực, món ăn ngày thường, món ăn truyền
thống.... được các tác giả ghi nhận rất cụ thể. Mô thức món ăn và thực hành văn hoá
thông qua món ăn gắn với yếu tố lịch sử, tâm linh, tín ngưỡng...và vì vậy văn hóa ẩm
thực luôn là một phần quan trọng của văn hóa mỗi tộc người, mỗi vùng miền.
Có khá nhiều bài viết về văn hoá ẩm thực Việt Nam, tại Hà Nội in trong tập
kỷ yếu hội thảo “Thực tiễn ẩm thực và bản sắc văn hoá”(1997) quy tụ nhiều bài
viết trong và ngoài nước về văn hoá ẩm thực các miền Bắc – Trung – Nam, đã
mang lại cái nhìn đa dạng về văn hoá ẩm thực từ các vùng miền khác nhau. Ví
như vùng Nam Bộ sông nước là các món dân dã như cá lóc nướng, chuột đồng
nướng, cá trê trui...Món ăn Huế với tinh tế về bày biện kiểu cung đình, Hội An
với món ăn truyền thống như mì Quảng, hay Hà Nội với những món ăn thanh
lịch chủ yếu là luộc, hấp thể hiện nét thanh lịch,...
Tuy là nghiên cứu ẩm thực trên nền tảng người Việt có lịch sử sinh sống
lâu đời, nhưng những nghiên cứu và khảo cứu món ăn có sự tác động của môi
trường sống chính là bức tranh để giúp chúng tôi tham chiếu về vai trò của điều
14
kiện sống tác động đến món ăn, cách ăn hay chế biến món ăn trong cộng đồng
người Hoa Quảng Đông đang sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhóm nghiên cứu coi món ăn là thông điệp truyền tải những vấn đề xã hội:
Năm 2014, với nhan đề trong nghiên cứu “Miếng ngon Hà Nội”[10] của tác
giả Vũ Bằng được tái bản lại, bằng những việc mô tả lại các món ngon đặc sắc
của Hà Nội một thời như phở, cốm vòng, rươi, bún...lồng vào đó là cảm xúc của
tác giả. Theo ông món ăn không đơn thuần là chỉ để ăn no mà mang cảm giác
hồi cố một khoảng thời gian đã qua, thưởng thức món ăn làm lòng thêm ấm áp,
nhớ về nơi đã sinh ra, nơi đã đi qua và gợi lại hình ảnh của những người thân
thương. Món ăn đã được tác giả thổi vào “cái hồn” để gợi lại những cảm xúc,
mang giá trị văn hoá vào từng món ăn.
Tác giả Nir Avieli trong luận án nghiên cứu văn hoá ẩm thực Hội An
“Rice talks food & community in a Vietnamese town” [116] đã nghiên cứu văn
hoá ẩm thực ở Việt Nam với cách tiếp cận mới mẻ khi nhìn ẩm thực không chỉ
thoả mãn đặc tính bình thường về mặt sinh học, mà còn thể hiện được mối quan
hệ giữa món ăn và văn hoá ở Hội An. Đặc biệt, tác giả đi phân tích mối quan hệ
hai chiều giữa lĩnh vực ẩm thực Hội An với những khía cạnh văn hoá xã hội như
cấu trúc xã hội, quan hệ về giới, vai trò của giới, quan hệ giai cấp, thực hành tín
ngưỡng tôn giáo, không gian và cả đặc điểm chính trị xã hội của địa phương đó.
Tuy nhiên những khái niệm mang tính lý thuyết này liên quan đến lịch sử phát
triển của nhân học về món ăn nhiều hơn là tập trung vào món ăn và cách ăn uống
như là một hiện tượng về xã hội. Khi tiếp cận nghiên cứu ẩm thực Hội An tác giả
này cho rằng ẩm thực không chỉ là tấm gương phản chiếu những hình thái văn
hoá xã hội mà trong một số hoàn cảnh nhất định nó còn tham gia vào các quá
trình tái sản sinh văn hoá. Quan điểm mới mẻ của ông đã đưa vấn đề tiếp cận
nghiên cứu văn hoá ẩm thực như là một lĩnh vực văn hoá tự trị, phản ánh các trật tự
xã hội hiện tồn và tham gia vào sản sinh văn hoá. Nội dung luận án của ông gắn liền
với ba chủ đề chính “Ăn ở nhà” “ăn ở ngoài”; “Món ăn trong chu kỳ cuộc đời”;
“Món ăn trong lễ hội” và những bàn luận liên quan đến các chủ đề đó. Những vấn
15
đề lý thuyết về ẩm thực, chỉ ra được các nguyên tắc và cơ chế bên trong của ẩm
thực Hội An trong mối liên quan mật thiết với văn hoá xã hội nơi đây. Tác giả cũng
chỉ ra vì bản chất linh động và tự nhiên của ẩm thực, các sự kiện ăn uống cũng
thường bao hàm các phương tiện để con người thể hiện những so sánh, mâu thuẫn,
đưa ra những nghi ngờ về tính hợp pháp của một số dạng thức xã hội trong đời sống
hàng ngày, vì thế ẩm thực góp phần thích hợp cho những tranh đấu văn hoá xã hội,
thương lượng và thử nghiệm.
Nhìn chung, những nghiên cứu về ẩm thực Việt Nam đến nay đã thu hút sự
quan tâm của nhiều tác giả với nhiều công trình đã công bố, có những nghiên cứu
mang tính khảo tả và có những nghiên cứu mang tính phân tích so sánh chi tiết các
thành tố xoay quanh văn hoá ẩm thực. Đó là gợi mở quan trọng cho chúng tôi trong
quá trình nghiên cứu văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở Thành phố Hồ
Chí Minh.
1.1.2. Các nghiên cứu về ẩm thực của người Hoa
Ẩm thực Trung Hoa không chỉ dừng lại ở ăn no, ăn ngon mà còn ăn bổ,
ăn khoẻ và sự cầu kỳ trong các món ăn để cúng lễ. Trong phần tổng quan chúng
tôi tạm chia các nghiên cứu theo các nhóm: Nhóm công trình nghiên cứu ẩm
thực ở góc độ khảo tả món ăn gắn liền với môi trường sống. Nhóm công trình
nghiên cứu món ăn trên góc độ ẩm thực dưỡng sinh và nhóm công trình nghiên
cứu vai trò của ẩm thực trong các nghi lễ.
Nhóm công trình nghiên cứu khảo tả món ăn gắn với môi trường sinh sống
Tác giả Nguyễn Thị Minh Cúc trong cuốn “Pà pá Mình kiếm món gì ngon
ăn đi – Tản mạn ẩm thực Chợ Lớn”[16], bằng cách viết dí dỏm, vui tươi kèm
theo tình cảm sâu sắc về những món ăn đặc trưng của các cộng đồng người Hoa
quận 5, Chợ Lớn gắn liền với cuộc sống của tác giả từ nhỏ đến nay. Có thể nói,
bằng cách giới thiệu món ăn từ tên gọi, nguyên liệu, cách thức thực hiện đã cho
người đọc tiếp cận một bức tranh nhiều món ăn đa dạng, đặc sắc vừa dân dã vừa
đặc trưng truyền thống của cộng đồng người Hoa. Mỗi món ăn là một ký ức, tình
cảm của tác giả về người thân, bạn bè, và những gánh hàng rong trong hẻm quen
16
thuộc gắn với tuổi thơ. Cuốn sách tổng hợp khá đa dạng các món ăn mang tính
đặc trưng của từng cộng đồng người Hoa như Hủ tíu Hồ Triều Châu; Cách ăn
sáng Dimsum đặc sắc của người Quảng Đông; Những món ăn gắn liền với ngày
tết, sum vầy cuối năm; Những món quà ăn chơi theo gánh những cô chú hàng
rong như bánh hẹ, bánh bò, bánh củ cải…. Theo tác giả, cùng với thời gian một
số món ăn trong ký ức một thời vẫn còn nguyên vẹn, nhưng bên cạnh đó đa số
món ăn cũng thay đổi ví như thay đổi trong hương vị đặc trưng và cách thức ăn.
Cũng theo ý kiến của tác giả những món ăn được đề cập trong nghiên cứu hiện
nay không khó tìm nhưng có những món ăn để tìm lại đúng dư vị ký ức thật khó.
Đây là một điểm tiếp cận khá thú vị để chúng tôi có cơ sở tìm hiểu về sự biến
đổi món ăn theo thời gian trong cộng đồng người Hoa nói riêng và người Hoa
sinh sống cùng người Việt nói chung.
Tuyển tập “The globalization of Chinese food anthropology of asia” [104]
đã đề cập đến một số vấn đề liên quan đến chế độ ăn uống của Trung Quốc tại
Đại Lục, Đài Loan, HongKong, Macao; Điều gì từ Đại Lục đã ảnh hưởng đến
cách thức chế biến món ăn của các cộng đồng người Trung Quốc ở các nước
Châu Á khác và các cộng đồng người Trung Quốc tha hương? Điều gì đã khiến
cho thực phẩm Trung Quốc phổ biến ở các nước như Indonesia, Nhật Bản,
Philippin...Thông qua khảo sát thực tiễn nhiều bài viết, tác giả chỉ ra sự thay đổi
của ẩm thực Trung Quốc ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới. Điều đó thể hiện ở
những điểm mới và giao thoa trong món ăn Trung Quốc. Bên cạnh đó, những bài
viết bàn luận đến cách thức duy trì được yếu tố truyền thống của ẩm thực Trung
Quốc tại các quốc gia khác mà vẫn đáp ứng được nhu cầu giao thoa biến đổi của
các nền văn hoá hiện nay xem xét trong khuôn khổ ẩm thực thay đổi theo môi
trường sinh thái mới nơi có cộng đồng người Trung Quốc sinh sống. Tác phẩm
cũng mở ra điểm mới trong nghiên cứu tác động của thế giới thế kỷ XX đến ẩm
thực Trung Quốc xuất hiện ở ngoài phạm vi Đại Lục cũng như lý thuyết sắc tộc
xã hội xem xét trên bình diện món ăn Trung Quốc và thói quen sử dụng món ăn
Trung Quốc ở nhiều nơi khác nhau trên Thế giới.
17
Bài viết “Vài món ăn dân dã của người Hoa”[21] của tác giả Trần Phỏng
Diều in trên tạp chí Dân tộc và Thời đại cho biết, ý thức cuộc sống nơi đất khách
quê người nên người Hoa rất cần kiệm, có ý thức tích luỹ tiền bạc để lo cuộc
sống lâu dài vì vậy trong ăn uống thường ngày họ cũng đơn giản ít tiền nhưng
ngon miệng như món cháo trứng vịt muối cho buổi sáng và món đạm bạc đơn sơ
vào buổi trưa tối với miếng thịt nhỏ luộc lấy nước nấu canh sau đó cắt khúc đem
kho...Với những thực phẩm ban đầu có thể ít, đơn giản, nhưng qua cách chế biến
lại trở thành những món ăn hấp dẫn, những món ăn góp phần tạo nên sự thành
công cho người Hoa ở nơi đất khách từ thuở hàn vi khởi nghiệp. Hay cũng với
cách nhìn của tác giả trong bài viết “Tiệm “Chạp Phô” của người Hoa”[22] in
trên số 64 tạp chí Dân tộc và Thời đại, Trần Phỏng Diều cho rằng, gắn với tinh
thần chịu thương, chịu khó của người Hoa là những buôn bán nhỏ theo kiểu mô
hình “tiệm chạp phô” tận dụng mặt bằng rất nhỏ hẹp trước nhà, hay trước ngõ
bày bán khô, hột vịt muối, củ cải muối...các thực phẩm thường ngày của người
Hoa thường dùng, những hình ảnh tiệm chạp phô và những gì bày bán phản ánh
sự linh hoạt trong kinh doanh buôn bán của người Hoa và quan trọng hơn là thể
hiện những nhu yếu phẩm trong chế biến món ăn họ thường sử dụng hàng ngày.
Cũng trong số 81 tạp chí Dân tộc và Thời đại với bài viết “Văn hoá ẩm thực của
người Hoa” [23], Trần Phỏng Diều đưa ra một cái nhìn mới mẻ về ẩm thực người
Hoa ở vùng Nam Bộ, về ăn uống thì người Hoa có nhiều món chịu ảnh hưởng của
người Việt và người Khơme bên cạnh đó vẫn giữ được những nét rất riêng trong ăn
uống. Các món ăn từ thịt ưa thích của người Hoa, các gia vị thường dùng đi kèm,
các món canh hay thức uống.... Thể hiện đặc điểm rất riêng được mang theo trên
hành trình di cư của người Hoa vào Việt Nam, và một số nét thay đổi khi cùng sinh
sống với người Việt và người Khơme trên vùng đất mới. Theo bài viết, có thể thấy
trên vùng đất Nam Bộ món ăn của người Hoa rất đa dạng, phong phú.
Nhóm công trình nghiên cứu món ăn ở góc độ ẩm thực dưỡng sinh, trị liệu:
Qua bài viết “Tư tưởng triết học trong văn hoá ẩm thực Trung Quốc” [51]
chúng ta có được cái nhìn cơ bản về ẩm thực Trung Quốc, người dân Trung
18
Quốc không chỉ sáng tạo ra nền văn hoá ẩm thực nổi tiếng thế giới mà còn đưa
việc ăn uống lên thành nghệ thuật hưởng thụ cuộc sống và nghệ thuật sống
không thể thay thế. Văn hoá ẩm thực Trung Quốc được hình thành thông qua
những yếu tố triết học tích luỹ bao đời, các tư tưởng triết lý như “Âm dương ngũ
hành, Trung hoà vi mĩ, Dĩ thực liệu bệnh, Phanh nhẫm dũ trị quốc (Việc nấu ăn
cũng quan trọng như việc trị quốc vậy)... đã thể hiện rất rõ trong tinh thần văn
hoá ẩm thực người Hoa nói chung. Chữ “hoà” là cơ sở để con người sử dụng hay
lựa chọn thực phẩm phù hợp, đồng thời “Thiên nhân hợp nhất” cũng thể hiện
thăng hoa trong nghệ thuật ẩm thực Trung Hoa....Những học thuyết mang tính
triết học thể hiện trong văn hoá ẩm thực Trung Hoa không chỉ là một bộ phận
cấu thành quan trọng trong văn hoá Trung Quốc mà còn xứng đáng để chúng ta
không ngừng khám phá.
Trong “Ẩm thực trị liệu theo y học Trung Hoa” (Lê Khánh Trường, Lê
Anh Việt dịch [89]) đã đề cập ý nghĩa của dưỡng sinh trong ăn uống để đảm bảo
vừa bổ sung dinh dưỡng nhưng vừa phòng bệnh và chữa bệnh, cũng như các
nguyên tắc cân bằng dưỡng sinh trong lựa chọn thực phẩm chế biến. Theo trục
phân tích này tác giả cũng đưa ra các món ăn, canh, trà có tác dụng dưỡng sinh
trong ăn uống và những thực phẩm bổ dưỡng thường dùng. Có thể nói, việc hình
thành dưỡng sinh phòng chữa bệnh sử dụng lâu đời và có vai trò đặc sắc trong
giá trị ẩm thực Trung Hoa. Ăn uống không đơn thuần lấy no mà liên quan đến
việc điều phối gia vị, phương pháp chế biến, kiêng kỵ trong phối trộn món ăn và
cách thức chế biến cũng như tác động điều kiện tự nhiên “mùa nào thức nấy” và
thời điểm ăn mang lại giá trị tốt cho sức khoẻ, cân bằng dưỡng sinh cho cơ thể.
Với cách tiếp cận như vậy, đây là nghiên cứu tổng kết những kinh nghiệm về
dưỡng sinh đúc kết hàng nghìn năm ở Trung Hoa để bảo vệ con người từ những
món ăn thường nhật hàng ngày. Về cơ bản đây là nghiên cứu sơ khảo mô tả món
ăn và tác dụng của nó trong vai trò dưỡng sinh phòng và trị bệnh nhưng sẽ là tư
liệu tốt để chúng tôi so sánh và có cơ sở để hiểu sâu hơn vai trò của món ăn với
19
sức khoẻ con người như một số món ăn mà cộng đồng người Hoa Quảng Đông
đang sử dụng trong các bữa ăn gia đình và bữa ăn cộng đồng hiện nay.
Nhóm công trình nghiên cứu vai trò ẩm thực trong các nghi lễ
Trong bài viết “Tục lệ ngày tết với người Hoa”[70], tác giả Võ Thanh
Phụng đã đề cập khá sâu sắc đến một số tập tục ngày tết của người Hoa Quảng
Đông sinh sống tại Việt Nam. Nhiều tục lệ liên quan đến ẩm thực ngày tết như
sáng sớm mỗi gia đình phải dùng bữa cơm khai niên, đi chúc tết từ nhà này sang
nhà khác thì được thiết đãi trà, rượu, bánh trái, cơm nước bên cạnh chút lộc lì xì
đầu năm.
“Biểu tượng trong lễ cưới của người Hoa (Nhóm ngôn ngữ Quảng Đông ở
Thành phố Hồ Chí Minh”[69] của tác giả Trần Hạnh Minh Phương lại mang đến
một khía cạnh mới của sự tác động ẩm thực đến đời sống cộng đồng người Hoa
nhóm ngôn ngữ Quảng Đông ở Thành phố Hồ Chí Minh. Trong lễ cưới, người
Hoa sử dụng nhiều biểu tượng thể hiện mong muốn hôn nhân bền vững sinh
nhiều con cái, gia đình làm ăn phát đạt, ngoài biểu tượng về Rồng – Phượng hay
Song Hỷ thì một trong những lễ vật nhà trai mang đến cho nhà gái không thể
thiếu cặp củ sen thể hiện gắn bó keo sơn. Mong muốn đôi trai gái hạnh phúc,
làm ăn phát đạt thì các lễ vật chọn như mực, hào khô, tôm khô, nấm đông cô, tóc
tiên, táo đỏ, bách hợp...tất cả đều có đôi. Ngày cưới nhà trai bày cúng trời đất với
các lễ vật là năm loại bánh: Lùng phùng bẻn (bánh hình rồng), Cáy tan cú (hình
tròn), hạp thù su (bột nở bung to), wong lĩnh (nhân bách thảo), chè trôi
nước....cầu mong phước lành may mắn hạnh phúc cho đôi vợ chồng trẻ...Ngoài
ra ẩm thực góp phần trong các nghi lễ đám cưới còn thể hiện lòng hiếu kính đối
với tổ tiên, biểu tượng cho sự kết giao giữa hai dòng họ...Hôn nhân là sự kiện
trọng đại của đời người do đó những biểu tượng thể hiện trong ẩm thực là một
điều bao đời nay người Hoa quan tâm.
Trong luận án tiến sĩ “Nghi lễ chuyển đổi của người Hoa Quảng Đông ở
thành phố Hồ Chí Minh hiện nay” của tác giả Trần Hạnh Minh Phương [68]
trong đó có hình ảnh về ẩm thực góp mặt trong các nghi lễ như lễ đầy tháng,
20
cưới hỏi, chúc thọ và tang ma. Những món ăn sử dụng trong các nghi lễ là các lễ
vật được sử dụng mang tính bắt buộc và là phương tiện nhận diện sự khác nhau
giữa các nghi lễ ví dụ như hình ảnh trứng luộc nhuộm đỏ trong lễ đầy tháng,
bánh Thọ và mì trường thọ trong lễ chúc thọ, bánh trong lễ cưới...Mặc dù mới
chỉ nêu ra mà chưa đi sâu mô tả hay phân tích song đây là nguồn tư liệu có giá trị
để chúng tôi có cơ sở đối chiếu và tìm hiểu sâu hơn về các món ăn hay vật phẩm
thờ cúng gắn liền với nghi lễ vòng đời của người Hoa Quảng Đông hiện nay. Từ
đó nhận diện sự khác biệt giữa các món ăn hay thực phẩm dùng trong các nghi lễ
khác nhau mang giá trị biểu trưng và mang ý nghĩa mong cầu khác nhau của
cộng đồng người Hoa Quảng Đông.
1.1.3. Đánh giá chung về tình hình nghiên cứu
Nghiên cứu về ẩm thực và văn hoá ẩm thực ở Việt Nam nói chung và
cộng đồng người Hoa nói riêng luôn là đề tài thu hút các nhà nghiên cứu trong
và ngoài nước, thể hiện trong các công trình có quy mô khác nhau đem lại nhiều
giá trị quan trọng. Các công trình chúng tôi đề cập ở trên đã cho thấy cái nhìn đa
chiều về ẩm thực và các thực hành ẩm thực ở các khía cạnh gắn với tự nhiên,
dưỡng sinh và phản chiếu xã hội được thực hành trong từng món ăn cụ thể hay
bữa ăn thường ngày trong gia đình và món ăn cúng lễ. Qua điểm luận các công
trình nghiên cứu đi trước chúng tôi có thể rút ra một số nhận xét như sau:
Có nhiều công trình nghiên cứu về văn hoá ẩm thực, đặc biệt là khảo cứu
hoặc cấu trúc món ăn dưới tác động của điều kiện tự nhiên và môi trường.
Những nội dung nghiên cứu này thường làm nổi bật yếu tố môi trường sống, tự
nhiên tác động đến cấu trúc món ăn hoặc nguyên vật liệu mà nhóm cộng đồng sử
dụng để đạt được những yếu tố như sức khoẻ, cân bằng với môi trường sống
hoặc tận dụng những nguyên liệu thực phẩm tốt sản sinh từ môi trường sống.
Những yếu tố đó góp phần hình thành nên giá trị văn hoá lâu đời, món ăn tiêu
biểu đại diện cho vùng, miền, khu vực do vậy văn hoá ẩm thực là một phần quan
trọng trong đời sống văn hoá tộc người và những thích ứng của con người trên
vùng đất mới thể hiện qua văn hoá ẩm thực được thực hành.
21
Ở góc độ nghiên cứu coi ẩm thực như là thông điệp truyền tải các vấn đề
xã hội được đề cập qua các nghiên cứu trong cộng đồng người Việt ở Hội An,
món ăn đặc trưng của ẩm thực Hà Nội. Ầm thực được xem xét ở vai trò kết nối
giữa món ăn và văn hoá, góp phần phản chiếu văn hoá của đời sống như quan hệ
giai cấp, chính trị xã hội địa phương, qua ẩm thực gợi nhớ về ký ức tuổi thơ. ..
điều đó cho thấy tính linh động của ẩm thực.
Các công trình nghiên cứu văn hoá ẩm thực gắn liền với các dưỡng sinh
trị liệu, các nhà nghiên cứu đã khẳng định ẩm thực không chỉ đơn thuần là món
ăn, sở thích mà còn là bài thuốc dưỡng sinh hay trị bệnh phù hợp với thời tiết khí
hậu và phù hợp với thể trạng sức khoẻ con người ở những thời điểm khác nhau.
Điều này được đề cập thông qua món ăn được lựa chọn hay cách thức phối trộn
nguyên liệu.
Ở góc độ món ăn trong nghi lễ, có nhiều công trình nghiên cứu đề cập văn
hoá ẩm thực gắn với các nghi lễ trong đời sống, thể hiện mong cầu của con
người vào cuộc sống, vào những điều may mắn, tốt đẹp. Mỗi sự kiện khác nhau
con người có quan điểm sử dụng ẩm thực khác nhau thể hiện được ý nghĩa biểu
trưng của ẩm thực phản ánh nguyện vọng của con người.
Có thể nói, trong phạm vi của luận án chúng tôi chưa có điều kiện phân tích
tài liệu liên quan đến ẩm thực trong nước một cách sâu và chi tiết, nhưng các nguồn
tài liệu điểm trên mang tính chất đa dạng, đa chiều về văn hoá ẩm thực Việt Nam,
nói đến sự tương tác qua lại giữa ẩm thực và sinh thái, nói đến sự thể hiện của ẩm
thực ở chiều cạnh lịch sử, chính trị, kinh tế, xã hội,… Đó chính là những cách tiếp
cận khá thú vị, tạo điều kiện cho chúng tôi tham khảo, học hỏi và có cái nhìn đa
chiều hơn khi đi nghiên cứu về Văn hoá ẩm thực người Hoa Quảng Đông ở thành
phố Hồ Chí Minh hiện nay”. Đồng thời giúp chúng tôi đưa ra cái nhìn khách quan
và toàn diện về vấn đề ẩm thực đang tồn tại và phát triển của các cộng đồng dân tộc
khác nhau trên đất nước Việt Nam. Tuy nhiên, nghiên cứu về văn hoá ẩm thực
người Hoa nói chung đến nay vẫn còn những khoảng trống có thể tiếp tục nghiên
cứu chuyên sâu.
22
Nhìn chung, các công trình nghiên cứu về văn hoá ẩm thực thường chủ
yếu tập trung vào văn hoá ẩm thực của cộng đồng người Việt, cũng như một số
các nhóm cộng đồng người khác hiện đang sinh sống ở Việt Nam. Chỉ có một số
ít công trình nghiên cứu về văn hoá ẩm thực của cộng đồng người Hoa riêng biệt
trên bình diện tổng quát nhằm rút ra những đặc trưng cơ bản trong đó có ẩm
thực. Nghiên cứu văn hoá ẩm thực người Hoa phần lớn thường lồng ghép trong
nghên cứu chung về người Hoa ở Việt Nam bao gồm cả các vấn đề chính trị, văn
hoá, kinh tế, xã hội.
Nghiên cứu về văn hoá ẩm thực đã có công trình đề cập đến vấn đề ẩm
thực là tấm gương phản chiếu văn hoá đời sống, chính trị xã hội đang diễn ra
trong một nhóm cộng đồng, nhưng chưa có trường hợp nghiên cứu mang tính
đánh giá vai trò của ẩm thực phản ánh đời sống văn hoá tộc người của cộng đồng
người Hoa nói chung và nhóm cộng đồng người Hoa Quảng Đông nói riêng xét
trong bối cảnh hiện nay. Chính vì vậy, trong luận án này chúng tôi sẽ tập trung
nhận diện những ảnh hưởng của ẩm thực đến một số phạm vi thực hành văn hoá
người Hoa Quảng Đông và những vấn đề đặt ra từ thực trạng ảnh hưởng đó.
1.2. Khái niệm
Để nghiên cứu về đề tài “Văn hóa ẩm thực của người Hoa Quảng Đông
ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay” trước hết chúng tôi đề cập đến các khái
niệm liên quan đến văn hoá ẩm thực như sau.
- Văn hoá ẩm thực (food culture)
Văn hoá ẩm thực có thể được hiểu là những thực hành văn hoá liên quan
đến ẩm thực. Theo đó, Bắt nguồn từ ý nghĩa Hán Việt “ẩm” là uống, “thực” là
ăn, “ẩm thực” được hiểu là ăn uống.
Dựa trên ý nghĩa của từ ăn uống, nhiều nhà nghiên cứu đã có nhiều
cách hiểu khác nhau về văn hoá ẩm thực và những ứng xử xung quanh việc ăn
uống. Những thực hành này tuỳ thuộc vào mỗi gia đình, mỗi cá thể gắn liền
với môi trường sống khác nhau, vị trí xã hội khác nhau mà có những cách
thực hành khác nhau.
23
Dưới góc nhìn văn hóa, ẩm thực (chuyện ăn uống) được bàn luận xoay
quanh các vấn đề cụ thể như: Ăn cái gì? Ăn lúc nào? Ăn với ai? Các món ăn
được chế biến như thế nào? Không chỉ vậy, văn hóa ẩm thực còn được đặt trong
các vấn đề ứng xử với tự nhiên và với xã hội về ăn uống. Theo quan điểm của
giáo sư Trần Văn Khê về văn hoá ẩm thực “Trong văn hoá ẩm thực người Việt
Nam có ba cách ăn: Ăn toàn diện, ăn bằng ngũ quan, bằng mắt nhìn, mũi ngửi,
răng nhai, tai nghe, lưỡi nếm. Hầu hết món ăn của ta là đa vị, rất ít món ăn là
một vị. Tất cả đều hài hoà, không vị nào lấn át vị nào” [52, tr.63]. Với cách tiếp
cận này, ẩm thực được hiểu là sự tổng hoà nhiều giác quan đem đến cái ngon
cho người thưởng thức. Từ góc độ món ăn đơn giản hay món ăn nơi sang trọng
mà mang đến dư vị ngon khác nhau cho người thưởng thức, hoặc hàm chứa ý
nghĩa triết lý nhân sinh của con người khác nhau trong đời sống xã hội cũng như
góp phần định hình giá trị xã hội, văn hoá ứng xử, phản ánh thói quen thông qua
cách thức lựa chọn và thực hành ẩm thực.
Theo tác giả Phan Văn Hoàn, nói đến văn hoá ăn uống, phải đề cập đến
hai vấn đề là các món ăn và cách thức ăn hay lối ăn. Đây là hai nội dung cần và
đủ trực tiếp tạo nên văn hoá ẩm thực. Do vậy nghiên cứu văn hoá ẩm thực là
nghiên cứu đến hai khía cạnh được nêu trên [40, tr.17-18]. Ở khía cạnh khác
Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng, “có thể hiểu văn hoá ẩm thực là lối ăn
uống, cách ăn uống, hay cách ứng xử về ẩm thực tuỳ theo môi trường sống” [92,
tr.31]. Hiểu theo nghĩa rộng là lối sống, cách sống, thế ứng xử tuỳ thuộc vào môi
trường tự nhiên, môi trường sinh thái nhân văn, tuỳ theo tộc người, vùng miền,
theo giai tầng xã hội tạo nên thực hành văn hoá ẩm thực khác nhau giữa các
vùng miền.... Theo đó, văn hoá ẩm thực là yếu tố lớn bao trùm nhiều ý nghĩa.
Đồng thời, văn hoá ẩm thực cũng là một tiêu chí đánh giá chất lượng cuộc sống,
nó phản ánh truyền thống và đặc trưng của mỗi cư dân sinh sống ở khu vực, đất
nước đó. Như người Việt Nam từ xa xưa đã chú ý tới văn hoá ẩm thực thông qua
“Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” đâu chỉ là vật chất mà còn ứng xử với gia
đình, với xã hội thông qua những bữa ăn. Ngày nay, cùng với sự phát triển của
24
xã hội, con người không chỉ “Ăn no mặc ấm” mà luôn hướng tới tiêu chí “ăn
ngon mặc đẹp”. Trong ba cái thú Ăn- chơi- mặc thì cái “ăn” được đưa lên hàng
đầu. Ăn trở thành một nét văn hoá rất riêng, bởi vậy tìm hiểu văn hoá ẩm thực
của một số dân tộc không chỉ biết về đặc điểm các món ăn mà thông qua đó thấy
được địa vị, phong thái của con người trong xã hội cũng như những nét văn hoá
riêng biệt.
Thông qua các phân tích trên về cách tiếp cận văn hoá ẩm thực thì văn hoá
ẩm thực không chỉ là món ăn, cách ăn mà còn thể hiện mối quan hệ tự nhiên và
xã hội quanh món ăn. Trong luận án này, chúng tôi hiểu văn hoá ẩm thực không
đơn thuần là món ăn mà là cách thức và tổ chức ăn uống trong tương tác với các
vấn đề xã hội, vũ trụ quan, nhân sinh quan và những đặc trưng văn hóa của cộng
đồng.
- Vũ trụ quan và nhân sinh quan
Trong đó, vũ trụ quan là khái niệm dùng để chị quan niệm của con người về
không gian và thời gian, theo đó xem xét vũ trụ quan là nói đến sự thay đổi của
đất trời, vạn vật, là quan niệm của con người về những gì diễn ra trong vũ trụ và
vạn vật. Hiểu về vũ trụ quan là hiểu được vị trí của con người đối với vạn vật, từ
đó ảnh hưởng đến quan niệm của con người về nhân sinh quan.
Nhân sinh quan được hiểu là quan niệm của con người về cuộc sống, sự sống
hay quan niệm của con người về những định luật diễn ra trong cuộc sống. Hiểu
theo nghĩa rộng là hướng quan điểm của con người với lẽ sống, mục đích sống ý
nghĩa, giá trị, và đó chính là phản ánh quan điểm hiện tồn của xã hội loài người,
biểu hiện những lợi ích, khát vọng và hoài bão của con người trong đời sống
hướng tới điều tốt đẹp.
Xét trên góc độ nghiên cứu của luận án, những thực hành văn hoá ẩm thực gắn
với người Hoa Quảng Đông phản ánh quan niệm về vũ trụ quan và nhân sinh
quan khá sâu sắc và phong phú. Thông qua ẩm thực, cụ thể là các món ăn, thể
hiện đa dạng quan điểm và niềm tin của con người hướng tới các giá trị như:
Món ăn tốt, hài hoà âm dương mang đến sức khoẻ và sự may mắn trong cuộc
sống qua những bữa ăn hàng ngày. Quan điểm hướng tới sự sung túc, ấm no,
25
phát triển thông qua những món ăn sử dụng để cúng lễ hoặc bữa ăn cộng đồng
qua gắn liền với các nghi lễ trong đời sống. Ẩm thực có vai trò thiết lập mối
quan hệ và hướng tới kết nối quan hệ tốt hơn cho con người, điều đó thể hiện sự
cải tạo phát triển xã hội hợp lý trên quan điểm nhân sinh quan.
Nhìn chung, nhân sinh quan và vũ trụ quan thể hiện ở góc độ văn hoá ẩm thực
của người Hoa Quảng Đông là sự tương tác mẫu số trong sự kết hợp nhân sinh
quan trên khuynh hướng hướng tới cái hay, cái phù hợp như quan điểm bao đời
nay vẫn thực hành mà chưa phá vỡ diện mạo chung của nó đó là những thái độ
hướng tới sự an lành, tốt đẹp và may mắn trong cuộc sống.
1.3. Cơ sở lý luận
Luận án sử dụng cách tiếp cận lý thuyết của các nhà nghiên cứu trong
ngành nhân học và văn hoá học, giống như Nir Avieli đã tổng kết trong công
trình nghiên cứu của mình “Rice talks – food & Community in a Vietnamese
Town” [116] để nghiên cứu văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở
thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.
Theo quan điểm của một số nhà nghiên cứu đi trước như Goody (1982)
[111]; Mennell (1992) [125] thì có 3 cách tiếp cận văn hoá và xã hội đối với ẩm
thực: Tiếp cận chức năng, cấu trúc và phát triển. Còn theo như Nir Avieli đã
tổng kết trong công trình nghiên cứu của mình, trên thực tế có nhiều cách tiếp
cận mà nhà nhân học thường sử dụng khi tìm hiểu mối quan hệ giữa món ăn và
văn hoá. Theo đó, phương thức truyền thống các nhà nhân học nghiên cứu món
ăn thường có khuynh hướng coi lĩnh vực ẩm thực là nơi phản ánh trật tự xã hội
đang tồn tại và những sắp xếp về văn hoá hiện tồn. Trong 3 thập kỷ qua, có 2
cách tiếp cận mới nổi lên: Một là, một số nhà nghiên cứu xem lĩnh vực ẩm thực
như là một lĩnh vực văn hoá tự trị, mà trong đó có những nguyên tắc nội tại và
các cơ chế bên trong cần phải khám phá và phân tích như Douglas (1975);
Ashkenazi (1991),… Hai là, những người khác như Bourdieu (1984); Mennell
(1985); Mintz (1986); Ohnuki-Tierney (1990; 1993; 1995) thì nhận ra những
khía cạnh sản sinh văn hóa của lĩnh vực ẩm thực. Họ cho rằng ẩm thực không
26
chỉ là tấm gương phản chiếu những hình thái văn hoá xã hội, mà trong một số
hoàn cảnh nhất định, nó còn tham gia vào các quá trình sản sinh văn hoá.
Trong tổng kết các hướng nghiên cứu của các nhà nghiên cứu nhân học và
văn hoá đã đi trước, điều mà Nir Avieli quan tâm là quan niệm lý thuyết mới mẻ
này về lĩnh vực ẩm thực như một lĩnh vực văn hoá tự trị, như là nơi phản ánh các
trật tự xã hội hiện tồn, và tham gia vào việc sản sinh văn hoá. Và đó cũng chính
là tiền đề để Nir Avieli nghiên cứu trường hợp ẩm thực Hội An Việt Nam. Cụ
thể, trong chủ đề “Ăn ở nhà” tác giả đã bàn về cấu trúc món ăn, phân tích
nguyên tắc âm-dương, ngũ hành từ đó nói đến món ăn trong nhà phản ánh vũ trụ
quan. Đồng thời, Nir cũng quan tâm đến sự chuẩn bị món ăn, trình bày và tiêu
thụ dưới lăng kính của việc ẩm thực thể hiện cấu trúc xã hội như thế nào bao
gồm cá nhân, tuổi tác, giới tính, thứ bậc ưu tiên. Do đó, món ăn trong nhà không
chỉ duy trì và sản sinh các cấu trúc xã hội này, mà còn thúc đẩy những sự mâu
thuẫn, tranh cãi về vị trí và tính bá chủ. Vì vậy, món ăn trong nhà cũng trở thành
một lãnh địa mà trong đó các ý tưởng xã hội hiện đại thách thức trật tự truyền
thống. Ở chủ đề ‘Ăn ngoài”, Nir quan tâm đến lĩnh vực ăn uống công cộng ở
Hội An nhằm phác họa các khu vực ăn uống, từ những chỗ ăn uống đơn giản bên
vệ đường cho tới các khách sạn nhà hàng dưới góc độ xem xét cách thức tổ chức
hệ thống ăn uống này và ý nghĩa của chúng. Ông cho rằng, các khía cạnh khác
nhau của bản sắc địa phương được sản sinh, tái sản sinh và thương lượng trong
lĩnh vực ăn uống công cộng. Ở chủ đề '‘Món ăn trong các sự kiện của chu kỳ
đời sống’, tác giả chỉ ra rằng các món ăn được sử dụng trong các sự kiện này,
cũng như các “sắc thái ẩm thực được sắp xếp trong các không gian ăn uống nhất
định và thể hiện các biểu tượng ẩm thực có ý nghĩa cả về mặt văn hoá và xã hội.
Thông qua tìm hiểu lễ giỗ trong thờ cúng tổ tiên, tác giả cho rằng các món ăn
cộng đồng sáng tạo ra, tổ chức và duy trì mối quan hệ giữa người sống và
người chết, cũng như giữa người sống với nhau. Tìm hiểu ẩm thực trong tiệc
cưới là cách nhấn mạnh vai trò lưỡng đôi của món ăn tiệc như là nơi vừa củng
cố cộng đồng, vừa thúc đẩy mâu thuẫn. Món ăn trở thành cơ chế để thể hiện sự
27
phân biệt đẳng cấp, cũng như vốn kinh tế và vốn văn hoá của con người. Với
ẩm thực trong lễ hội, tác giả nhấn mạnh đến món ăn cộng đồng như là một
phương tiện đo lường sự gắn bó của mỗi nhóm xã hội. Tác giả cũng tập trung
vào các ý nghĩa biểu tượng của các món ăn trong các dịp đặc biệt như là các
biểu tượng chính thể hiện các giá trị cơ bản của văn hóa Việt Nam. Mặt khác,
các món ăn biểu tượng đó cũng thể hiện những ý tưởng “địa phương” mà đôi
khi thách thức thông điệp chính thức của “quốc gia”. Các món ăn biểu tượng
này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng nên một khái niệm
“tưởng tượng” và trừu tượng về “dân tộc”.
Qua tất cả những khám phá đó, Nir Avieli nhấn mạnh các sự kiện công
cộng đóng vai trò như là mẫu hình, có tính phản chiếu và thể hiện bản chất của
các quá trình sản sinh, tái sản sinh và thương thoả của văn hoá, như là chúng
được thể hiện một cách vật chất hoá trong lĩnh vực ẩm thực. Tác giả cũng cho
rằng, với bản chất linh động và tự nhiên của ẩm thực, các sự kiện ăn uống cũng
thường bao hàm các phương tiện để con người thể hiện những sự so sánh, mâu
thuẫn, đưa ra những nghi ngờ về tính hợp pháp của một số dạng thức xã hội
trong đời sống hàng ngày. Và vì thế, lĩnh vực ẩm thực thích hợp cho những tranh
đấu xã hội và văn hoá, thương lượng và thử nghiệm. Như vậy, trong nghiên cứu
“Rice talks – food & Community in a Vietnamese Town”, Nir Avieli nhấn mạnh
mối quan hệ giữa món ăn và các khía cạnh văn hoá xã hội khác, bao gồm cấu trúc
xã hội, quan hệ giới, vai trò giới, quan hệ giai cấp, thực hành tôn giáo, vũ trụ quan,
tính tộc người, không gian, thời gian, thậm chí cả chính trị của địa phương và quốc
gia [116; tr.3].
Theo như phân tích tổng kết các hướng lý thuyết khác nhau, thì hiện nay
nghiên cứu về ẩm thực có nhiều hướng tiếp cận, các vấn đề được theo đuổi rộng
hơn. Nhưng dựa trên cách tiếp cận những hướng nghiên cứu đi trước mà Nir Avieli
đã ứng dụng thì trong trường hợp nghiên cứu về ẩm thực của người Hoa Quảng
Đông ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay chúng tôi chỉ hướng đến hai cách tiếp cận
nghiên cứu chính, đó là:
28
Thứ nhất, nhìn nhận về vũ trụ quan qua cân bằng âm dương ngũ hành, ý
nghĩa tên gọi màu sắc trong món ăn mà người Hoa Quảng Đông đang sử dụng,
phản ánh quan điểm mong cầu tốt đẹp vào cuộc sống thông qua ẩm thực.
Thứ hai, văn hoá ẩm thực là tấm gương phản chiếu cấu trúc và quan hệ xã
hội, giúp củng cố và phản ánh cấu trúc xã hội đang tồn tại.
Theo đó, luận án này chúng tôi theo đuổi rộng hơn vấn đề lý luận liên quan
đến mối quan hệ giữa thực phẩm và văn hoá bao gồm quan điểm nhân sinh quan
trong thực hành văn hoá ẩm thực; Ảnh hưởng của ẩm thực đến mối quan hệ trật
tự xã hội, đàm phán và những biểu đạt về giới. Chúng tôi sử dụng khung lý luận
mà nghiên cứu của Nir Avieli đề cập để tìm hiểu những thông điệp văn hóa thể
hiện trong các thực hành ẩm thực của người Hoa Quảng Đông cũng như quá
trình mà ẩm thực tham gia vào việc sản sinh văn hóa tộc người.
Bên cạnh đó, luận án còn quan tâm đến lý thuyết của Pierre Bourdieu khi
ông đề cập đến cách thức ẩm thực tác động đến văn hoá, bản sắc cũng như sự
thay đổi về mặt xã hội. Trong thảo luận triết học của ông “Vai trò hương vị góp
phần thay đổi văn hoá” nghiên cứu năm 1980 đến 1984 với tác phẩm
“Distinction: A social Critique of the Judgment of tase” ông đã cụ thể hoá hơn
về quan điểm ẩm thực đã nêu ra trước đó bao gồm thị hiếu được phân biệt dựa
trên nền tảng văn hoá cũng như phân theo cá nhân và tầng lớp sẽ khác nhau. Dựa
trên mô hình thống kê số lượng tiêu thụ thức ăn ở Pháp thì mỗi tầng lớp cá nhân
khác nhau có sự lựa chọn ưu đãi khác nhau về thực phẩm và cách thức họ ăn.
Theo đó, ông cho rằng những người dạy học được cho là “người có vốn văn hoá
hơn” họ lựa chọn trái cây, rau, thịt đỏ, khoai tây, rượu vang… tốt hơn những
tầng lớp dưới đó ví dụ như công nhân. Bên cạnh đó, ông còn đề cập đến một vấn
đề khác mang quan điểm nhân học hơn đó là mô tả sự khác biệt giữa cách cư xử
“cao” “thấp” của người Pháp trong cách ăn uống. Ví dụ tầng lớp công nhân thích
ăn đa dạng, dễ thích ứng món ăn hơn như mì, mì ống và thời gian ăn linh hoạt
hơn, dụng cụ ăn linh hoạt hơn thậm chí chấp nhận bữa ăn nhanh phục vụ trên các
mảnh bìa carton đóng gói. Sự khác nhau về bữa ăn của tầng lớp công nhân và
29
tầng lớp cao hơn với mô hình tiêu thụ đề cập như trên góp phần thể hiện sự khác
biệt trong phân tầng văn hoá của xã hội.
Như vậy, quan điểm của Bourdieu về quá trình sản xuất văn hoá thông
qua cách thức tiêu thụ thực phẩm phần nào phản ánh được vai trò của ẩm thực
đối với văn hoá và xã hội. Ông cũng lập luận rằng những người cùng chung giai
cấp, địa vị sẽ có chung không gian xã hội và giá trị chung giống nhau “Những
hình tượng mà các cá nhân và các nhóm chắc hẳn đưa vào trong hành động
thực tiễn của họ chính là một phần và một mảng của thực tại xã hội của họ. Một
giai cấp được xác định bởi cái nhận thức mà nó có về hiện thực cũng như bởi
chính cái hiện thực của nó” [117, tr.564].
Áp dụng cách nhìn này của Pierre Bourdieu trong trường hợp nghiên cứu
ẩm thực của Người Hoa Quảng Đông ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, chúng
tôi cố gắng thông qua các thực hành ẩm thực như chất lượng thực phẩm, món ăn,
vị trí ăn trong và ngoài gia đình…để đánh giá phần nào sự phân tầng giai cấp và
giá trị của mỗi nhóm người trong xã hội, cũng như lựa chọn sự tương xứng trong
kết nối xã hội của chính bản thân và gia đình.
1.4. Địa bàn nghiên cứu
1.4.1. Vài nét về cộng đồng Người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh, quá
trình định cư và phân bố
Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và ở Việt Nam nói chung, người Hoa là một
bộ phận cư dân của dân tộc Việt Nam. Trong lịch sử và hiện tại, cộng đồng người
Hoa đã có những đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng và phát triển Sài Gòn
– Chợ Lớn trước đây cũng như Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.
Ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay dân số người Hoa có giảm dần bởi các
lý do như di dân ra các tỉnh, xuất ngoại và giảm sinh. Theo số liệu năm (2005 –
2015), hiện nay ở Thành phố Hồ Chí Minh còn 397,445 người Việt gốc Hoa1
.
Người Hoa sống chủ yếu ở quận 5, quận 6, quận 8, quận 10 và quận 11. Người
Hoa ở đây chủ yếu là người Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Khách Gia và
1
Theo kết quả điều tra thực trạng Kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2015, của Uỷ
ban Dân Tộc, Nxb Văn hoá Dân Tộc.
30
Hải Nam. Dù định cư đã qua nhiều đời, người Hoa nói chung vẫn gìn giữ được bản
sắc văn hóa, phong tục tập quán truyền thống của dân tộc mình và và sử dụng tiếng
Hoa làm ngôn ngữ chính thức trong các giao dịch nội bộ.
Qua nhiều đợt di dân khác nhau, hiện nay cộng đồng người Hoa sinh sống
ở Thành phố Hồ Chí Minh không đồng nhất về khoảng thời gian định cư. Nhóm
di cư đến Việt Nam từ lâu đời nhất, họ là người Hoa từ miền duyên hải Nam
Trung Quốc di cư đến miền Nam Việt Nam ít nhất là khoảng nửa đầu thế kỷ
XVII và kéo dài nhiều thời gian sau đó cho đến khi nước Cộng hòa Nhân dân
Trung Hoa được thành lập năm 1949. Một số nhà nghiên cứu thường nhắc đến
cuộc di cư của hai viên quan nhà Minh là Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn
Địch đến xứ Đồng Nai vào năm 1679 được xem như là một cái mốc khởi đầu
cho sự hình thành cộng đồng người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh cũng như khu
vực Nam Bộ. Vào đầu thế kỷ XX, chính quyền thuộc địa thực dân Pháp ở Đông
Dương mở rộng việc khai thác thuộc địa và cần một số lượng lớn nhân công,
người bản xứ không đáp ứng đủ nhu cầu nên chính phủ Pháp thỏa thuận với
chính phủ Trung Hoa dân quốc để tuyển mộ người Trung Hoa cho các đồn điền
cao su, các công trường làm đường giao thông... Vì vậy, miền Nam Việt Nam,
mà trực tiếp là cảng Sài Gòn đón nhận nhiều đợt nhập cư đông đảo của người
Hoa. Số lượng người Hoa ở miền Nam tăng nhanh sau chiến tranh Thế Giới lần
thứ hai bởi cuộc nội chiến giữa lực lượng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng
Cộng sản với lực lượng Quốc Dân Đảng. Trong số những di dân người Hoa đến
Việt Nam một số ít tiếp tục cuộc hành trình đến nước khác, phần nhiều là đến
Campuchia và Lào do bị ảnh hưởng vấn đề pháp lý sau hiệp định Giơ-ne-vơ
“trên nguyên tắc không ai theo quốc tịch Việt Nam thì phải bị trục xuất”. Đợt di
cư tiếp theo sau này gắn liền nhiều hơn với cư dân các vùng duyên hải miền
Nam Trung Quốc, họ tập trung chủ yếu ở các tỉnh Miền Tây và khu vực Thành
phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn - Chợ Lớn) - nơi đã có người Hoa sinh sống trước đó
- xét một cách tổng thể cộng đồng người Hoa ở đây sống khá tập trung và riêng biệt
theo các “bang”. Theo tác giả Châu Hải “cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX trong năm
bang người Hoa thì có bang Quảng Đông và bang Phúc Kiến là lớn nhất…Mỗi bang
31
có một thế mạnh ngành nghề nhất định….người Quảng Đông chiếm ưu thế trong
ngành công nghiệp thủ công…giữ vị trí khá quan trọng trong trường buôn bán Sài
Gòn – Chợ Lớn do đó họ có thế lực trong các nhóm cộng đồng người Hoa thời bấy
giờ” [38, tr.62]. Trong quá trình cùng hội nhập, người Hoa có nhiều lý do nhưng chủ
yếu là do bản thân của cộng đồng Hoa cố gắng tìm cách ổn định và phát triển trên
vùng đất miền Nam Việt Nam. Sự hội nhập đó đem lại những điều kiện thuận tiện
cho công việc làm ăn, sản xuất kinh doanh và cả những quyền lợi về mặt chính trị, xã
hội. Với tư cách là công dân họ được quyền tự do đi lại, cư trú, có quyền sở hữu bất
động sản và cả việc kết hôn dễ dàng với những người thuộc các dân tộc khác ở Việt
Nam. Chính nhờ những quyền lợi đó mà các hoạt động thương mại của người Hoa
nhanh chóng phát triển và là một thế mạnh trong hoạt động kinh tế của họ. Về phía
các chính quyền ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975, sự hội nhập của người Hoa
trở thành thành viên của các cộng đồng dân tộc ở Việt Nam cũng có nhiều ích lợi.
Dân cư và phân bố dân cư
Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở tháng 4 năm 2009, các quận huyện ở
Thành phố Hồ Chí Minh đều có người Hoa cư trú và sinh sống, nhiều nhất là quận 5,
quận 6 và quận 11, trong đó quận 11 có 92.003 người chiếm tỉ lệ cao nhất. Cụ thể:
Bảng thống kê tỷ lệ dân số người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh
Quận Số người Hoa Dân số toàn quận Tỉ lệ người Hoa (%)
11 92.003 226.854 40.56
5 54.291 171.452 31.67
6 63.978 249.329 25.66
Tân Bình 10.242 421.724 2.43
10 20.775 230.345 9.02
1 15.280 180.225 8.48
8 34.915 408.772 8.54
Bình Tân 42.206 572.132 7.38
Nguồn: Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh “Điều tra dân số & nhà ở 2009”, T9/2010.
32
Quận 5, quận 6, quận 10 và quận 11 ngày nay là những quận vốn trước
đây thuộc Chợ Lớn, là vùng đất của khu vực cư trú xa xưa của người Hoa, nơi có
làng Minh Hương xưa, một đô thị cổ mà người Hoa gọi là Đề Ngạn, nằm dọc
con kênh Tàu Hủ. Hơn hai thế kỷ về trước, Chợ Lớn được ghi tên trên bản đồ
của Le Brun vẽ năm 1795 với cái tên “Cửa hàng bách hóa Trung Hoa” (hoặc
Bazar Chinoi). Theo ghi chép của tác giả Trịnh Hoài Đức “Cách phía Nam trấn
12 dặm, nằm gần hai bên quan lộ là đường phố lớn, ba đường xuyên thẳng qua
giáp bến sông, một con đường chạy ngang ở giữa và một con đường chạy dọc
theo bờ sông. Các con đường ấy giao nhau hình chữ điền. Phố xá liên tiếp sát
mái nhau, người Hoa, người Việt ở chung lẫn lộn dài chừng ba dặm, hàng hóa
bày bán có gấm đoạn, đồ sứ, giấy má, châu báu, sách vở, thuốc thang, trà bột.
Những sản phẩm Nam Bắc theo đường sông, đường biển chở tới không thiếu
món nào. Phía Bắc đường lớn có miếu Quan Thánh và hội quán Phước Châu,
Quảng Đông, Triều Châu ở hai bên tả hữu. Phía Tây đường lớn ở giữa có miếu
Thiên Hậu, gần phía Tây có hội quán Ôn Lăng. Phía Tây đường lớn ở đầu phía
Nam có hội quán Chương Châu. Hễ gặp tiết đẹp đêm trăng, các ngày tam
nguyên, sóc vọng thì treo đèn đặt bàn, đua tranh kỹ xảo, trông như cây lửa cầu
sao, thành gấm vóc, hội Quỳnh Dao, trống kèn huyên náo. Đó là nơi phố thị đô
hội náo nhiệt. Đường phố lớn ở giữa có giếng nước xưa, nước ngọt đầy suốt bốn
mùa không cạn...” [27]. Như vậy, vùng đất Chợ Lớn mà ngày nay là các quận 5,
quận 6, quận 10, quận 11 của thành phố Hồ Chí Minh đã sớm là nơi quy tụ sinh
sống của người Hoa. Hiện nay, dọc kênh Tàu Hủ, các phố Hàm Tử, Trần Văn
Kiểu vẫn còn nhiều kiến trúc mang sắc thái Hoa của thời kỳ đầu thế kỷ XIX, nơi
diễn ra các hoạt động thương mại náo nhiệt của người Hoa.
Ở Thành phố Hồ Chí Minh, phân bố cư trú của người Hoa theo hai dạng,
một là cư trú xen kẽ với các cộng đồng cư dân khác, hai là cư trú tập trung thành
từng khu vực nhỏ. Hình thức cư trú thứ nhất là phổ biến đối với cộng động
người Hoa trên toàn địa bàn thành phố. Ngay những khu vực tập trung nhất của
người Hoa ở quận 5 hoặc quận 11...trong các khu phố, các chung cư đều có sự
33
xen kẽ giữa người Hoa với người Việt và với các dân tộc anh em khác. Còn về
dạng cư trú tập trung đông người Hoa, phần nhiều là trong phạm vi một số khu
phố, tổ dân phố ở các quận 5, quận 6, quận 11... ở một số phường của quận 5,
quận 11 có tỷ lệ dân số người Hoa khá cao, khoảng trên 70%.
1.4.2 Khái quát về người Hoa Quảng Đông tại địa bàn nghiên cứu
Là một trong năm nhóm người Hoa hiện sinh sống tại Thành phố Hồ Chí
Minh, cộng đồng người Hoa Quảng Đông chiếm tỉ lệ dân số đông nhất, ngôn
ngữ Quảng được sử dụng rộng rãi, kinh tế chủ đạo và nổi bật nhất là văn hoá ẩm
thực trở thành nét độc đáo cho ẩm thực người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện nay, đa số người Quảng Đông tập trung chủ yếu ở các quận quận 5, quận 6
và quận 11 trong đó quận 5 chiếm tỉ lệ đông hơn cả và là nơi phản ánh bản sắc
của cộng đồng người Hoa Quảng Đông một rõ nét nhất.
Cũng giống như các cộng đồng người Hoa khác có mặt ở Thành phố Hồ
Chí Minh, cộng đồng người Quảng Đông đến định cư ở đây qua nhiều giai đoạn
khác nhau. Giai đoạn đầu khoảng cuối thế kỷ thứ XVII. Đây là cộng đồng người
đến Việt Nam trên tinh thần “phản Thanh phục Minh” và những người bị triều
đình nhà Thanh đàn áp theo nhóm tị nạn Trần Thượng Xuyên. Sau khi đến Đàng
Trong thì được chúa Nguyễn đồng ý cho cư trú tại Cù Lao phố và Đông Phố
(Gia Định) và một số địa điểm khác tại Nam Bộ, Cù Lao phố là một cù lao trên
sông Đồng Nai, ngày nay thuộc thành phố Biên Hòa. Người Hoa đã lập chợ,
buôn bán, phố xá đông đúc ở đây.
Năm 1778, quân Tây Sơn đàn áp những người Hoa ở Cù Lao phố do họ
đã ủng hộ Nguyễn Ánh, việc đó lại lặp lại vào năm 1782. Do đó năm 1778 người
Hoa Cù Lao phố đã chuyển đến Chợ Lớn mà người Hoa gọi là “Đề Ngạn” và lập
ra làng Minh Hương. Theo sách Gia Định Thành Thông chí của Trịnh Hoài Đức
Làng Minh Hương được thành lập vào cuối thế kỷ XVII. “Họ là Tàu lại ăn mặc
theo lối ta và hợp thành một xã có đặc ân” [27, tr.164)]. Như vậy, làng Minh
Hương ở Sài Gòn xưa thuộc về quận 5 ngày nay, vùng đất có đình Minh Hương Gia
Thạnh bao gồm phường 10 và phường 11 của quận. Những ghi chép của Trịnh
34
Hoài Đức, cũng như các tài liệu nghiên cứu sau này đều cho thấy rõ, chính quyền
phong kiến Đàng Trong có sự phân biệt giữa người Hoa là công dân Việt Nam với
người Hoa. Những làng Minh Hương là đơn vị hành chính có địa phận rõ ràng,
giống như các làng xã đương thời là đơn vị hành chính cấp cơ sở. Cái khác ở đây là
những thành viên trong làng là những người Hoa đã nhập tịch và họ được sự đối xử
ưu ái, cởi mở của nhà nước.
Đến nay, cộng đồng người Hoa Quảng Đông vẫn chiếm tỉ lệ cao nhất ở
Thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên càng gần đây tỉ lệ dân số càng giảm2
. Ngay
từ khi có mặt ở Chợ Lớn, người Hoa Quảng Đông đã bộc lộ lợi thế của mình là
ngành thủ công nghiệp sản xuất kinh doanh các mặt hàng kim loại, làm đồ trang
sức, xay xát và nhập khẩu lúa gạo [38, tr.62], do vậy, xét về địa bàn cư trú họ
sống tập trung theo các con đường lớn, tiện cho việc kinh doanh buôn bán như là
đường Trần Hưng Đạo, Châu Văn Liêm, Nguyễn Trãi, Hải Thượng Lãn Ông, Tạ
Uyên, Bùi Hữu Nghĩa… hiện tại. Với sự sinh sống tập trung tạo nên cộng đồng
cư dân biệt lập, đồng nhất, hỗ trợ nhau nhiều khía cạnh trong cuộc sống và đặc
biệt có thể lưu giữ những đặc trưng cơ bản của văn hoá tộc người ở trên một số
các khía cạnh nhất định.
Ở quận 6 người Hoa Quảng Đông cư trú thành khu vực vừa mang tính
phương ngữ, vừa mang tính kinh doanh, họ buôn bán gần khu vực Chợ Lớn như
khu Tháp Mười, Trần Bình, Lê Tấn Khế xung quanh chợ Bình Tây [100, tr.16].
Ở quận 5, theo Trần Hạnh Minh Phương, hiện nay người Hoa Quảng
Đông chủ yếu sống tập đông nhất ở phường 6, phường 11, phường 14, chung cư
Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Thuý Hoa, đường An Bình, Trần Hưng Đạo,
Phùng Hưng, Lương Nhữ Học, Nguyễn Thời Trung, Trần Hưng Đạo, Hàm Tử
[68, tr.51]. Từ thế kỷ XX trở về trước đa số người Hoa Quảng Đông sinh sống
quần tụ theo dạng thức “bang”, “hội” [38]. Hiện nay, cùng với xu thế mở rộng
giao lưu trong quá trình sinh sống, kinh doanh, cộng hôn trong hôn nhân đặc biệt
2
Theo kết quả điều tra thực trạng Kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2015, của Uỷ
ban Dân Tộc, Nxb Văn hoá Dân Tộc.
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM
Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM

More Related Content

What's hot

Bài tiểu luận vế dân tộc
Bài tiểu luận vế dân tộcBài tiểu luận vế dân tộc
Bài tiểu luận vế dân tộc
Harry Cliff
 
giáo trình cơ sở văn hóa việt nam
giáo trình cơ sở văn hóa việt namgiáo trình cơ sở văn hóa việt nam
giáo trình cơ sở văn hóa việt nam
MChau NTr
 
Tronj bộ câu hỏi tâm lý học chi tiết có đáp án - tincanban.com
Tronj bộ câu hỏi tâm lý học chi tiết có đáp án - tincanban.comTronj bộ câu hỏi tâm lý học chi tiết có đáp án - tincanban.com
Tronj bộ câu hỏi tâm lý học chi tiết có đáp án - tincanban.com
Thùy Linh
 

What's hot (20)

354+ Đề Tài Báo Cáo Tốt Nghiệp Ngành Ngôn Ngữ Trung Quốc – Cực Đa Dạng & Ph...
354+ Đề Tài Báo Cáo Tốt Nghiệp Ngành Ngôn Ngữ Trung Quốc – Cực Đa Dạng & Ph...354+ Đề Tài Báo Cáo Tốt Nghiệp Ngành Ngôn Ngữ Trung Quốc – Cực Đa Dạng & Ph...
354+ Đề Tài Báo Cáo Tốt Nghiệp Ngành Ngôn Ngữ Trung Quốc – Cực Đa Dạng & Ph...
 
Luận văn: Hiệu quả khai thác ẩm thực dân gian Hà Nội, HAY
Luận văn: Hiệu quả khai thác ẩm thực dân gian Hà Nội, HAYLuận văn: Hiệu quả khai thác ẩm thực dân gian Hà Nội, HAY
Luận văn: Hiệu quả khai thác ẩm thực dân gian Hà Nội, HAY
 
Cơ sở văn hóa việt nam
Cơ sở văn hóa việt namCơ sở văn hóa việt nam
Cơ sở văn hóa việt nam
 
Bài tiểu luận vế dân tộc
Bài tiểu luận vế dân tộcBài tiểu luận vế dân tộc
Bài tiểu luận vế dân tộc
 
Bài mẫu tiểu luận về du lịch Việt Nam, HAY
Bài mẫu tiểu luận về du lịch Việt Nam, HAYBài mẫu tiểu luận về du lịch Việt Nam, HAY
Bài mẫu tiểu luận về du lịch Việt Nam, HAY
 
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
 
Văn hóa việt nam trong bối cảnh toàn cầu hóa
Văn hóa việt nam trong bối cảnh toàn cầu hóaVăn hóa việt nam trong bối cảnh toàn cầu hóa
Văn hóa việt nam trong bối cảnh toàn cầu hóa
 
Tiểu luận môn lập kế hoạch kinh doanh nhà hàng băng chuyền chay minh tâm
Tiểu luận môn lập kế hoạch kinh doanh nhà hàng băng chuyền chay minh tâmTiểu luận môn lập kế hoạch kinh doanh nhà hàng băng chuyền chay minh tâm
Tiểu luận môn lập kế hoạch kinh doanh nhà hàng băng chuyền chay minh tâm
 
Đề Cương cơ sở văn hóa việt nam
Đề Cương cơ sở văn hóa việt namĐề Cương cơ sở văn hóa việt nam
Đề Cương cơ sở văn hóa việt nam
 
Thành ngữ, quán ngữ trong hoạt động giao tiếp của giới trẻ, HAY
Thành ngữ, quán ngữ trong hoạt động giao tiếp của giới trẻ, HAYThành ngữ, quán ngữ trong hoạt động giao tiếp của giới trẻ, HAY
Thành ngữ, quán ngữ trong hoạt động giao tiếp của giới trẻ, HAY
 
giáo trình cơ sở văn hóa việt nam
giáo trình cơ sở văn hóa việt namgiáo trình cơ sở văn hóa việt nam
giáo trình cơ sở văn hóa việt nam
 
Luận văn: Tang ma của người Cống ở huyện Mường Tè, Lai Châu
Luận văn: Tang ma của người Cống ở huyện Mường Tè, Lai ChâuLuận văn: Tang ma của người Cống ở huyện Mường Tè, Lai Châu
Luận văn: Tang ma của người Cống ở huyện Mường Tè, Lai Châu
 
BÀI MẪU TIỂU LUẬN VỀ VĂN HÓA TRUNG QUỐC, HAY
BÀI MẪU TIỂU LUẬN VỀ VĂN HÓA TRUNG QUỐC, HAYBÀI MẪU TIỂU LUẬN VỀ VĂN HÓA TRUNG QUỐC, HAY
BÀI MẪU TIỂU LUẬN VỀ VĂN HÓA TRUNG QUỐC, HAY
 
Kho 200 Đề Tài Khóa Luận Tốt Nghiệp Ngành Ngôn Ngữ Nhật, 9 Điễm Dễ Làm Nhất
Kho 200 Đề Tài Khóa Luận Tốt Nghiệp Ngành Ngôn Ngữ Nhật, 9 Điễm Dễ Làm NhấtKho 200 Đề Tài Khóa Luận Tốt Nghiệp Ngành Ngôn Ngữ Nhật, 9 Điễm Dễ Làm Nhất
Kho 200 Đề Tài Khóa Luận Tốt Nghiệp Ngành Ngôn Ngữ Nhật, 9 Điễm Dễ Làm Nhất
 
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong MediaMột số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
 
Luận văn: Lễ hội của người Thái ở miền Tây Nghệ An, HOT
Luận văn: Lễ hội của người Thái ở miền Tây Nghệ An, HOTLuận văn: Lễ hội của người Thái ở miền Tây Nghệ An, HOT
Luận văn: Lễ hội của người Thái ở miền Tây Nghệ An, HOT
 
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đLuận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
 
Luận văn: Văn hóa của người Khmer trong phát triển du lịch, HAY
Luận văn: Văn hóa của người Khmer trong phát triển du lịch, HAYLuận văn: Văn hóa của người Khmer trong phát triển du lịch, HAY
Luận văn: Văn hóa của người Khmer trong phát triển du lịch, HAY
 
200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Tốt Nghiệp Ngành Ngôn Ngữ Hàn, Từ Sinh Viên Giỏi....
200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Tốt Nghiệp Ngành Ngôn Ngữ Hàn, Từ Sinh Viên Giỏi....200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Tốt Nghiệp Ngành Ngôn Ngữ Hàn, Từ Sinh Viên Giỏi....
200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Tốt Nghiệp Ngành Ngôn Ngữ Hàn, Từ Sinh Viên Giỏi....
 
Tronj bộ câu hỏi tâm lý học chi tiết có đáp án - tincanban.com
Tronj bộ câu hỏi tâm lý học chi tiết có đáp án - tincanban.comTronj bộ câu hỏi tâm lý học chi tiết có đáp án - tincanban.com
Tronj bộ câu hỏi tâm lý học chi tiết có đáp án - tincanban.com
 

Similar to Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM

Similar to Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM (20)

Tiểu Luận Cơ Sở Văn Hóa Việt Nam - Ẩm Thực Văn Hóa Của người Việt
Tiểu Luận Cơ Sở Văn Hóa Việt Nam - Ẩm Thực Văn Hóa Của người ViệtTiểu Luận Cơ Sở Văn Hóa Việt Nam - Ẩm Thực Văn Hóa Của người Việt
Tiểu Luận Cơ Sở Văn Hóa Việt Nam - Ẩm Thực Văn Hóa Của người Việt
 
Tiểu luận Văn hóa ẩm thực Việt Nam Văn hóa ẩm thực tỉnh Cà Mau.pdf
Tiểu luận Văn hóa ẩm thực Việt Nam Văn hóa ẩm thực tỉnh Cà Mau.pdfTiểu luận Văn hóa ẩm thực Việt Nam Văn hóa ẩm thực tỉnh Cà Mau.pdf
Tiểu luận Văn hóa ẩm thực Việt Nam Văn hóa ẩm thực tỉnh Cà Mau.pdf
 
Văn hóa ẩm thực của người Việt qua ca dao tục ngữ truyền thống
Văn hóa ẩm thực của người Việt qua ca dao tục ngữ truyền thốngVăn hóa ẩm thực của người Việt qua ca dao tục ngữ truyền thống
Văn hóa ẩm thực của người Việt qua ca dao tục ngữ truyền thống
 
Vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường ở tỉnh Hòa Bình hiện na
Vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường ở tỉnh Hòa Bình hiện naVấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường ở tỉnh Hòa Bình hiện na
Vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường ở tỉnh Hòa Bình hiện na
 
Luận văn: Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường
Luận văn: Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc MườngLuận văn: Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường
Luận văn: Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường
 
Đề tài: Đời sống văn hóa của các hộ gia đình nông dân Khmer, HAY
Đề tài: Đời sống văn hóa của các hộ gia đình nông dân Khmer, HAYĐề tài: Đời sống văn hóa của các hộ gia đình nông dân Khmer, HAY
Đề tài: Đời sống văn hóa của các hộ gia đình nông dân Khmer, HAY
 
Luận văn: Ẩm thực của người Nùng ở tỉnh Lạng Sơn, HAY, 9đ - Gửi miễn phí qua ...
Luận văn: Ẩm thực của người Nùng ở tỉnh Lạng Sơn, HAY, 9đ - Gửi miễn phí qua ...Luận văn: Ẩm thực của người Nùng ở tỉnh Lạng Sơn, HAY, 9đ - Gửi miễn phí qua ...
Luận văn: Ẩm thực của người Nùng ở tỉnh Lạng Sơn, HAY, 9đ - Gửi miễn phí qua ...
 
Đề tài: Quản lý lễ hội truyền thống Quán Giá tại Hà Nội, HOT, 9đ
Đề tài: Quản lý lễ hội truyền thống Quán Giá tại Hà Nội, HOT, 9đĐề tài: Quản lý lễ hội truyền thống Quán Giá tại Hà Nội, HOT, 9đ
Đề tài: Quản lý lễ hội truyền thống Quán Giá tại Hà Nội, HOT, 9đ
 
Luận văn: Nghi lễ hôn nhân của người Tu Dí ở tỉnh Lào Cai, HAY
Luận văn: Nghi lễ hôn nhân của người Tu Dí ở tỉnh Lào Cai, HAYLuận văn: Nghi lễ hôn nhân của người Tu Dí ở tỉnh Lào Cai, HAY
Luận văn: Nghi lễ hôn nhân của người Tu Dí ở tỉnh Lào Cai, HAY
 
Tập quán trong sinh đẻ và nuôi dạy trẻ nhỏ của người Hmông, 9đ
Tập quán trong sinh đẻ và nuôi dạy trẻ nhỏ của người Hmông, 9đTập quán trong sinh đẻ và nuôi dạy trẻ nhỏ của người Hmông, 9đ
Tập quán trong sinh đẻ và nuôi dạy trẻ nhỏ của người Hmông, 9đ
 
Tiểu luận về văn hóa ẩm thực Việt Nam 9 điểm.doc
Tiểu luận về văn hóa ẩm thực Việt Nam 9 điểm.docTiểu luận về văn hóa ẩm thực Việt Nam 9 điểm.doc
Tiểu luận về văn hóa ẩm thực Việt Nam 9 điểm.doc
 
Luận án: Hôn nhân của người Tày ở vùng biên giới tỉnh Cao Bằng
Luận án: Hôn nhân của người Tày ở vùng biên giới tỉnh Cao BằngLuận án: Hôn nhân của người Tày ở vùng biên giới tỉnh Cao Bằng
Luận án: Hôn nhân của người Tày ở vùng biên giới tỉnh Cao Bằng
 
ẨM-THỰC-BA-MIỀN.doc
ẨM-THỰC-BA-MIỀN.docẨM-THỰC-BA-MIỀN.doc
ẨM-THỰC-BA-MIỀN.doc
 
Luận án: Sinh hoạt văn hóa quan họ làng quan họ Viêm Xá, HAY
Luận án: Sinh hoạt văn hóa quan họ làng quan họ Viêm Xá, HAYLuận án: Sinh hoạt văn hóa quan họ làng quan họ Viêm Xá, HAY
Luận án: Sinh hoạt văn hóa quan họ làng quan họ Viêm Xá, HAY
 
Đề tài: Quản lý lễ hội Kỳ Phúc, làng Yên Liêu Thượng huyện Yên Mô
Đề tài: Quản lý lễ hội Kỳ Phúc, làng Yên Liêu Thượng huyện Yên MôĐề tài: Quản lý lễ hội Kỳ Phúc, làng Yên Liêu Thượng huyện Yên Mô
Đề tài: Quản lý lễ hội Kỳ Phúc, làng Yên Liêu Thượng huyện Yên Mô
 
Luận văn: Văn hóa vật chất của người Cơ tu ở xã Hòa Bắc, HAY
Luận văn: Văn hóa vật chất của người Cơ tu ở xã Hòa Bắc, HAYLuận văn: Văn hóa vật chất của người Cơ tu ở xã Hòa Bắc, HAY
Luận văn: Văn hóa vật chất của người Cơ tu ở xã Hòa Bắc, HAY
 
Luận Văn Vai Trò Của Hệ Thống Chính Trị Trong Việc Giữ Gìn Bản Sắc Văn Hóa Dâ...
Luận Văn Vai Trò Của Hệ Thống Chính Trị Trong Việc Giữ Gìn Bản Sắc Văn Hóa Dâ...Luận Văn Vai Trò Của Hệ Thống Chính Trị Trong Việc Giữ Gìn Bản Sắc Văn Hóa Dâ...
Luận Văn Vai Trò Của Hệ Thống Chính Trị Trong Việc Giữ Gìn Bản Sắc Văn Hóa Dâ...
 
Đề tài Khai thác văn hoá ẩm thực Hải Dương phục vụ hoạt động du lịch sdt/ ZA...
Đề tài Khai thác văn hoá ẩm thực Hải Dương phục vụ hoạt động du lịch  sdt/ ZA...Đề tài Khai thác văn hoá ẩm thực Hải Dương phục vụ hoạt động du lịch  sdt/ ZA...
Đề tài Khai thác văn hoá ẩm thực Hải Dương phục vụ hoạt động du lịch sdt/ ZA...
 
Luận văn: Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở Thành phố Hải Dương, HAY
Luận văn:  Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở Thành phố Hải Dương, HAYLuận văn:  Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở Thành phố Hải Dương, HAY
Luận văn: Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở Thành phố Hải Dương, HAY
 
Khoá Luận Tốt Nghiệp Giao Thoa Văn Hóa Trong Ẩm Thực Hàn Quốc Tại Việt Nam Qu...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Giao Thoa Văn Hóa Trong Ẩm Thực Hàn Quốc Tại Việt Nam Qu...Khoá Luận Tốt Nghiệp Giao Thoa Văn Hóa Trong Ẩm Thực Hàn Quốc Tại Việt Nam Qu...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Giao Thoa Văn Hóa Trong Ẩm Thực Hàn Quốc Tại Việt Nam Qu...
 

More from Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864

More from Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864 (20)

Yếu Tố Tự Truyện Trong Truyện Ngắn Thạch Lam Và Thanh Tịnh.doc
Yếu Tố Tự Truyện Trong Truyện Ngắn Thạch Lam Và Thanh Tịnh.docYếu Tố Tự Truyện Trong Truyện Ngắn Thạch Lam Và Thanh Tịnh.doc
Yếu Tố Tự Truyện Trong Truyện Ngắn Thạch Lam Và Thanh Tịnh.doc
 
Từ Ngữ Biểu Thị Tâm Lí – Tình Cảm Trong Ca Dao Người Việt.doc
Từ Ngữ Biểu Thị Tâm Lí – Tình Cảm Trong Ca Dao Người Việt.docTừ Ngữ Biểu Thị Tâm Lí – Tình Cảm Trong Ca Dao Người Việt.doc
Từ Ngữ Biểu Thị Tâm Lí – Tình Cảm Trong Ca Dao Người Việt.doc
 
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...
 
Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...
Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...
Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...
 
Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...
Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...
Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...
 
Vaporisation Of Single And Binary Component Droplets In Heated Flowing Gas St...
Vaporisation Of Single And Binary Component Droplets In Heated Flowing Gas St...Vaporisation Of Single And Binary Component Droplets In Heated Flowing Gas St...
Vaporisation Of Single And Binary Component Droplets In Heated Flowing Gas St...
 
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...
 
Tác Giả Hàm Ẩn Trong Tiểu Thuyết Nguyễn Việt Hà.doc
Tác Giả Hàm Ẩn Trong Tiểu Thuyết Nguyễn Việt Hà.docTác Giả Hàm Ẩn Trong Tiểu Thuyết Nguyễn Việt Hà.doc
Tác Giả Hàm Ẩn Trong Tiểu Thuyết Nguyễn Việt Hà.doc
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...
 
Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...
Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...
Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...
 
Song Song Hóa Các Thuật Toán Trên Mạng Đồ Thị.doc
Song Song Hóa Các Thuật Toán Trên Mạng Đồ Thị.docSong Song Hóa Các Thuật Toán Trên Mạng Đồ Thị.doc
Song Song Hóa Các Thuật Toán Trên Mạng Đồ Thị.doc
 
Ứng Dụng Số Phức Trong Các Bài Toán Sơ Cấp.doc
Ứng Dụng Số Phức Trong Các Bài Toán Sơ Cấp.docỨng Dụng Số Phức Trong Các Bài Toán Sơ Cấp.doc
Ứng Dụng Số Phức Trong Các Bài Toán Sơ Cấp.doc
 
Vai Trò Của Cái Bi Trong Giáo Dục Thẩm Mỹ.doc
Vai Trò Của Cái Bi Trong Giáo Dục Thẩm Mỹ.docVai Trò Của Cái Bi Trong Giáo Dục Thẩm Mỹ.doc
Vai Trò Của Cái Bi Trong Giáo Dục Thẩm Mỹ.doc
 
Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...
Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...
Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...
 
Thu Hút Vốn Đầu Tư Vào Lĩnh Vực Nông Nghiệp Trên Địa Bàn Tỉnh Gia Lai.doc
Thu Hút Vốn Đầu Tư Vào Lĩnh Vực Nông Nghiệp Trên Địa Bàn Tỉnh Gia Lai.docThu Hút Vốn Đầu Tư Vào Lĩnh Vực Nông Nghiệp Trên Địa Bàn Tỉnh Gia Lai.doc
Thu Hút Vốn Đầu Tư Vào Lĩnh Vực Nông Nghiệp Trên Địa Bàn Tỉnh Gia Lai.doc
 
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...
 
Tạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.doc
Tạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.docTạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.doc
Tạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.doc
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...
 

Recently uploaded

Logic học và phương pháp nghiên cứu khoa học
Logic học và phương pháp nghiên cứu khoa họcLogic học và phương pháp nghiên cứu khoa học
Logic học và phương pháp nghiên cứu khoa học
K61PHMTHQUNHCHI
 

Recently uploaded (20)

Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá thực trạng an toàn vệ sinh lao động và rủi ro lao...
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá thực trạng an toàn vệ sinh lao động và rủi ro lao...Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá thực trạng an toàn vệ sinh lao động và rủi ro lao...
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá thực trạng an toàn vệ sinh lao động và rủi ro lao...
 
Báo cáo tốt nghiệp Hoàn thiện an toàn lao động điện công ty trách nhiệm hữu h...
Báo cáo tốt nghiệp Hoàn thiện an toàn lao động điện công ty trách nhiệm hữu h...Báo cáo tốt nghiệp Hoàn thiện an toàn lao động điện công ty trách nhiệm hữu h...
Báo cáo tốt nghiệp Hoàn thiện an toàn lao động điện công ty trách nhiệm hữu h...
 
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá rủi ro quá trình xử lí nước cấp tại Chi nhánh Cấp...
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá rủi ro quá trình xử lí nước cấp tại Chi nhánh Cấp...Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá rủi ro quá trình xử lí nước cấp tại Chi nhánh Cấp...
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá rủi ro quá trình xử lí nước cấp tại Chi nhánh Cấp...
 
35 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM ...
35 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM ...35 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM ...
35 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM ...
 
Tiểu luận tổng quan về Mối quan hệ giữa chu kỳ kinh tế và đầu tư trong nền ki...
Tiểu luận tổng quan về Mối quan hệ giữa chu kỳ kinh tế và đầu tư trong nền ki...Tiểu luận tổng quan về Mối quan hệ giữa chu kỳ kinh tế và đầu tư trong nền ki...
Tiểu luận tổng quan về Mối quan hệ giữa chu kỳ kinh tế và đầu tư trong nền ki...
 
Báo cáo thực tập tốt nghiệp Phân tích hiệu quả hoạt động huy động và cho vay ...
Báo cáo thực tập tốt nghiệp Phân tích hiệu quả hoạt động huy động và cho vay ...Báo cáo thực tập tốt nghiệp Phân tích hiệu quả hoạt động huy động và cho vay ...
Báo cáo thực tập tốt nghiệp Phân tích hiệu quả hoạt động huy động và cho vay ...
 
Mở rộng hoạt động cho vay tiêu dùng tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Mar...
Mở rộng hoạt động cho vay tiêu dùng tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Mar...Mở rộng hoạt động cho vay tiêu dùng tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Mar...
Mở rộng hoạt động cho vay tiêu dùng tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Mar...
 
Báo cáo thực tập tốt nghiệp Kế toán tiền mặt tại Công ty trách nhiệm hữu hạn ...
Báo cáo thực tập tốt nghiệp Kế toán tiền mặt tại Công ty trách nhiệm hữu hạn ...Báo cáo thực tập tốt nghiệp Kế toán tiền mặt tại Công ty trách nhiệm hữu hạn ...
Báo cáo thực tập tốt nghiệp Kế toán tiền mặt tại Công ty trách nhiệm hữu hạn ...
 
Báo cáo tốt nghiệp Hoàn thiện công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực c...
Báo cáo tốt nghiệp Hoàn thiện công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực c...Báo cáo tốt nghiệp Hoàn thiện công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực c...
Báo cáo tốt nghiệp Hoàn thiện công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực c...
 
CHỦ ĐỀ VÀ TÍNH LIÊN KẾT TRONG DIỄN NGÔN CHÍNH LUẬN TIẾNG VIỆT
CHỦ ĐỀ VÀ TÍNH LIÊN KẾT TRONG DIỄN NGÔN CHÍNH LUẬN TIẾNG VIỆTCHỦ ĐỀ VÀ TÍNH LIÊN KẾT TRONG DIỄN NGÔN CHÍNH LUẬN TIẾNG VIỆT
CHỦ ĐỀ VÀ TÍNH LIÊN KẾT TRONG DIỄN NGÔN CHÍNH LUẬN TIẾNG VIỆT
 
NGÂN HÀNG KĨ THUẬT SỐ-slide CHƯƠNG 1 B 1 2024.pptx
NGÂN HÀNG KĨ THUẬT SỐ-slide CHƯƠNG 1 B 1 2024.pptxNGÂN HÀNG KĨ THUẬT SỐ-slide CHƯƠNG 1 B 1 2024.pptx
NGÂN HÀNG KĨ THUẬT SỐ-slide CHƯƠNG 1 B 1 2024.pptx
 
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá rủi ro môi trường từ ô nhiễm hữu cơ nước thải các...
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá rủi ro môi trường từ ô nhiễm hữu cơ nước thải các...Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá rủi ro môi trường từ ô nhiễm hữu cơ nước thải các...
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá rủi ro môi trường từ ô nhiễm hữu cơ nước thải các...
 
Tóm tắt luận văn Hệ thống ca dao than thân người Việt từ góc nhìn thi pháp
Tóm tắt luận văn Hệ thống ca dao than thân người Việt từ góc nhìn thi phápTóm tắt luận văn Hệ thống ca dao than thân người Việt từ góc nhìn thi pháp
Tóm tắt luận văn Hệ thống ca dao than thân người Việt từ góc nhìn thi pháp
 
Luận Văn: HOÀNG TỬ BÉ TỪ GÓC NHÌN CẢI BIÊN HỌC
Luận Văn: HOÀNG TỬ BÉ TỪ GÓC NHÌN CẢI BIÊN HỌCLuận Văn: HOÀNG TỬ BÉ TỪ GÓC NHÌN CẢI BIÊN HỌC
Luận Văn: HOÀNG TỬ BÉ TỪ GÓC NHÌN CẢI BIÊN HỌC
 
Tiểu luận triết học_Nguyễn Gia Nghi_QHCCCLC_11230120.pdf
Tiểu luận triết học_Nguyễn Gia Nghi_QHCCCLC_11230120.pdfTiểu luận triết học_Nguyễn Gia Nghi_QHCCCLC_11230120.pdf
Tiểu luận triết học_Nguyễn Gia Nghi_QHCCCLC_11230120.pdf
 
Logic học và phương pháp nghiên cứu khoa học
Logic học và phương pháp nghiên cứu khoa họcLogic học và phương pháp nghiên cứu khoa học
Logic học và phương pháp nghiên cứu khoa học
 
Hoàn thiện công tác kiểm soát chi NSNN qua Kho bạc Nhà nước huyện Tri Tôn – t...
Hoàn thiện công tác kiểm soát chi NSNN qua Kho bạc Nhà nước huyện Tri Tôn – t...Hoàn thiện công tác kiểm soát chi NSNN qua Kho bạc Nhà nước huyện Tri Tôn – t...
Hoàn thiện công tác kiểm soát chi NSNN qua Kho bạc Nhà nước huyện Tri Tôn – t...
 
Báo cáo bài tập Quản trị Marketing Kế hoạch marketing cho ống hút cỏ của Gree...
Báo cáo bài tập Quản trị Marketing Kế hoạch marketing cho ống hút cỏ của Gree...Báo cáo bài tập Quản trị Marketing Kế hoạch marketing cho ống hút cỏ của Gree...
Báo cáo bài tập Quản trị Marketing Kế hoạch marketing cho ống hút cỏ của Gree...
 
Báo cáo thực tập tốt nghiệp Phân tích thực trạng hoạt động bán hàng tại Công ...
Báo cáo thực tập tốt nghiệp Phân tích thực trạng hoạt động bán hàng tại Công ...Báo cáo thực tập tốt nghiệp Phân tích thực trạng hoạt động bán hàng tại Công ...
Báo cáo thực tập tốt nghiệp Phân tích thực trạng hoạt động bán hàng tại Công ...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 

Luận án: Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở TPHCM

  • 1. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI TRẦN THỊ KIM OANH VĂN HÓA ẨM THỰC CỦA NGƯỜI HOA QUẢNG ĐÔNG Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH HIỆN NAY LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA HỌC HÀ NỘI - 2019
  • 2. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI TRẦN THỊ KIM OANH VĂN HÓA ẨM THỰC CỦA NGƯỜI HOA QUẢNG ĐÔNG Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH HIỆN NAY Ngành:Văn hóa học Mã số: 9.22.90.40 LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA HỌC Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS.Võ Quang Trọng HÀ NỘI - 2019
  • 3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan Luận án này là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các kết quả nêu trong luận án là trung thực và chưa được công bố trong bất kỳ công trình nào khác. Nếu có gì sai sót tôi xin chịu trách nhiệm hoàn toàn. Nghiên cứu sinh Trần Thị Kim Oanh
  • 4. MỤC LỤC MỞ ĐẦU ..........................................................................................................1 Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU..........................................................10 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu ..............................................................10 1.1.1. Các nghiên cứu về văn hóa ẩm thực trong nước...................................10 1.1.2. Các nghiên cứu về ẩm thực của người Hoa ..........................................15 1.1.3. Đánh giá chung về tình hình nghiên cứu ..............................................20 1.2. Khái niệm.................................................................................................22 1.3. Cơ sở lý luận ............................................................................................25 1.4. Địa bàn nghiên cứu ..................................................................................29 1.4.1. Vài nét về cộng đồng Người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh, quá trình định cư và phân bố..................................................................................29 1.4.2 Khái quát về người Hoa Quảng Đông tại địa bàn nghiên cứu...............33 1.4.3. Một số đặc điểm nổi bật trong văn hóa ẩm thực của người Hoa..........35 1.4.4. Vài nét về văn hoá ẩm thực người Hoa hiện nay trên địa bàn nghiên cứu ..39 Chương 2: ẨM THỰC THƯỜNG NGÀY CỦA NGƯỜI HOA QUẢNG ĐÔNG.............................................................................................44 2.1. Giải mã bữa ăn trong gia đình..................................................................45 2.1.1. Cấu trúc bữa ăn .....................................................................................45 2.1.2. Chuẩn bị bữa ăn.....................................................................................55 2.1.3. Thực hành văn hoá qua một bữa ăn ......................................................65 2.2. Ẩm thực công cộng trong đời sống hiện đại............................................68 2.2.1. Dimsum - sự lựa chọn đặc sắc cho những bữa ăn ngoài gia đình ........70 2.2.2. Thực hành ẩm thực ngoài nhà hàng theo thực đơn – sự lựa chọn thay thế cho bữa ăn gia đình ...........................................................................76 Chương 3: ẨM THỰC TRONG NGHI LỄ LỊCH TIẾT VÀ VÒNG ĐỜI CỦA NGƯỜI HOA QUẢNG ĐÔNG .................................................82
  • 5. 3.1. Ẩm thực và ước vọng trong các nghi lễ...................................................82 3.2. Tính cộng đồng trong thực hành ẩm thực qua các nghi lễ.....................106 Chương 4: ẨM THỰC CỦA NGƯỜI HOA QUẢNG ĐÔNG VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ BÀN LUẬN..................................................................124 4.1. Vũ trụ quan và nhân sinh quan thể hiện qua văn hoá ẩm thực ..............124 4.2. Văn hoá ẩm thực và quan hệ xã hội.......................................................131 4.3. Văn hoá ẩm thực trong đời sống hiện đại ..............................................140 KẾT LUẬN..................................................................................................147 DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ....................................................................................................151 TÀI LIỆU THAM KHẢO ..........................................................................152
  • 6. 1 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Ẩm thực không chỉ dừng lại ở việc phục vụ nhu cầu vật chất cho con người mà còn thể hiện giá trị tinh thần, giá trị văn hóa. Ẩm thực vừa thể hiện giá trị văn hóa toàn cầu vừa mang đặc trưng văn hóa của các địa phương, vừa thể hiện giá trị truyền thống và cũng vừa phản ánh cuộc sống đương đại. Thực tế ngày nay, ở Việt Nam, khi chất lượng cuộc sống tăng lên, thị hiếu ẩm thực của con người cũng vì thế mà thay đổi. Nếu trước đây chúng ta quan niệm “ăn chắc mặc bền” thì nay là “ăn ngon mặc đẹp”, phạm trù “ngon” vượt qua giới hạn phạm vi phục vụ thể chất của ẩm thực. Văn hoá ẩm thực góp phần định hình giá trị cá nhân, gia đình và cảm quan của con người đối với xã hội xung quanh cũng như với thế giới tâm linh. Cùng với sự phát triển của xã hội là thị hiếu, tính cách, giá trị con người xung quanh thực hành ẩm thực ngày càng được bộc lộ rõ. Ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay từ đường lớn đến ngõ hẻm, các nhà hàng, quán ăn với đủ thể loại và quy mô mọc lên rất nhiều đáp ứng nhu cầu của thực khách. Ở khía cạnh gia đình, ẩm thực vẫn là sợi dây kết nối tình thân, chia sẻ mối quan tâm lẫn nhau. Người nội trợ trong gia đình trăn trở làm sao lựa chọn thực phẩm phù hợp đảm bảo ngon, đẹp, tốt cho sức khoẻ trong mỗi bữa ăn. Có lẽ thực hành ẩm thực hàng ngày trong gia đình, thực hành ẩm thực ngoài hàng quán và trong các nghi lễ là những hoạt động thể hiện nhiều khía cạnh của văn hoá ẩm thực hơn cả. Bên cạnh đó, văn hoá ẩm thực đóng vai trò chuyên chở nhiều thông điệp trong đời sống con người ở khía cạnh hướng tới cội nguồn để định hình bản sắc của tộc người, hướng tới thị hiếu cá nhân, góp phần nhận diện được vai trò, tầng lớp của cá nhân hay gia đình trong xã hội. Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là một thành phố đa sắc tộc, ngoài người Việt và Khơmer, nơi đây còn tập trung người Hoa sinh sống đông nhất cả nước với 50,3%, bao gồm 5 nhóm ngôn ngữ chính là Hải Nam, Phúc Kiến, Hẹ, Triều Châu và Quảng Đông. Trong đó nhóm ngôn ngữ Quảng Đông chiếm tỉ lệ đông nhất (40%) và tập trung chủ yếu ở các quận 11, quận 5 và quận 6 [94]. Mặc dù đã trải qua khoảng 3 đến 4 đời cộng cư và sinh sống ở vùng đất mới, nhưng những thực hành văn hoá của nhóm Hoa Quảng Đông vẫn còn lưu giữ khá đậm
  • 7. 2 nét, tạo nên một cộng đồng người Hoa Quảng Đông vừa gần gũi vừa riêng biệt, góp phần định hình bản sắc cho văn hoá khu vực gắn với tộc người. Đặc trưng của nhóm Hoa Quảng Đông là cư trú tập trung theo địa bàn sinh sống vì vậy mang dấu ấn cộng đồng khá rõ nét. Ẩm thực Quảng Đông đặc biệt phát triển với truyền thống nấu ăn lâu đời và nhiều món ăn mang tính đặc trưng. Câu nói “Chơi quận nhất, ăn quận 5, nằm quận 3” thường dùng để chỉ đến các món ăn ngon của người Hoa trong đó các món ăn nhóm Hoa Quảng Đông chiếm ưu thế. Đây là điểm tiếp cận thú vị vì thực hành văn hoá ẩm thực của nhóm Hoa Quảng Đông sẽ phản ánh khá rõ đặc trưng văn hoá ẩm thực của nhóm cộng đồng này, đây là cơ sở để hiểu hơn về văn hoá của người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. Có thể nói tìm hiểu về văn hoá ẩm thực sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về thực hành văn hoá gia đình và cộng đồng của nhóm người Hoa Quảng Đông ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. Ẩm thực phản ánh vai trò về giới trong chuẩn bị bữa ăn, phản ánh vị trí cá nhân và gia đình trong các bữa ăn cộng đồng, qua cách lựa chọn số lượng và chất lượng của món ăn đãi khách. Thực hành văn hoá ẩm thực trong mỗi hoàn cảnh, điều kiện và giai đoạn khác nhau chuyên chở những thông điệp và ý nghĩa khác nhau, nên bữa ăn không đơn giản là ăn để sống mà là văn hoá ứng xử giữa những con người ăn chung với nhau, phản ánh các dàn xếp trong các mối quan hệ xã hội. Những giá trị của con người hay nhóm người thể hiện qua văn hoá ẩm thực góp phần thể hiện giá trị văn hoá cá nhân và nói rộng ra là thể hiện văn hoá tộc người, ở đây là nhóm tộc người Hoa Quảng Đông ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nhận diện văn hoá ẩm thực trên các khía cạnh như vậy là một cách tiếp cận khá khác biệt với đa số những nghiên cứu về văn hoá ẩm thực đã thực hiện trước đây. Cộng đồng người Hoa Quảng Đông di cư đến Việt Nam qua nhiều giai đoạn, đến nay họ có thời gian sinh sống lâu dài với người Việt, quá trình sinh sống tạo nên sự tiếp xúc, giao lưu biến đổi trong văn hoá nói chung và văn hóa ẩm thực nói riêng. Những phương thức thực hành ẩm thực hay nguồn thực phẩm của người Hoa Quảng Đông ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay khác khá nhiều so với ở quê hương của họ nên càng thấy rõ vai trò của ẩm thực trong kết nối cộng đồng trong quá trình sinh sống của họ ở một vùng đất mới. Nghiên cứu văn
  • 8. 3 hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng góp phần tìm hiểu chức năng của ẩm thực trong đời sống của họ hiện nay. Quá trình học tập và nghiên cứu ở các bậc học chúng tôi có điều kiện tiếp xúc với nhiều công trình nghiên cứu về ẩm thực, trong các tác phẩm đó, văn hoá ẩm thực gắn liền với cộng đồng người hay vùng miền chiếm tỉ lệ nhiều hơn cả, nghiên cứu về văn hóa ẩm thực người Hoa Quảng Đông ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay để thấy được vai trò của ẩm thực thể hiện nhân sinh quan, khuynh hướng biến đổi về giới trong chế biến cũng như thực hành ẩm thực và mối quan hệ gia đình, xã hội thì còn chưa được nghiên cứu sâu. Với tất cả các lý do đó, chúng tôi lựa chọn đề tài nghiên cứu “Văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay” để làm luận án Tiến sĩ chuyên ngành văn hóa học với mong muốn đưa đến những nhìn nhận mới mẻ và cập nhật về văn hóa ẩm thực của cộng đồng người Hoa Quảng Đông ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án - Mục đích nghiên cứu của luận án Nhận diện về văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông trên các phương diện ẩm thực trong gia đình, ngoài gia đình vầ ẩm thực trong nghi lễ để nhìn ra vai trò của ẩm thực trên phương diện thể hiện nhân sinh quan, giới, dàn xếp trật tự xã hội và những khuynh hướng biến đổi trong bối cảnh xã hội đương đại. Qua đó, luận án hướng đến việc hiểu rõ hơn về văn hóa về văn hóa tộc người của nhóm người Hoa Quảng Đông nói riêng và người Hoa nói chung ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. Với mục đích nghiên cứu như vậy, câu hỏi nghiên cứu chính của chúng tôi trong luận án này là: - Thực hành văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở Thành phố Hồ chí Minh hiện nay diễn ra như thế nào? - Những thực hành văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông phản ánh thế nào về quan điểm nhân sinh quan và liên kết mối quan hệ gia đình, xã hội trong bối cảnh hiện nay? - Nhiệm vụ nghiên cứu của luận án
  • 9. 4 + Tổng quan các công trình nghiên cứu liên quan đến văn hóa ẩm thực và văn hóa ẩm thực của người Hoa, người Hoa Quảng Đông. + Nhận diện văn hóa ẩm thực trong gia đình, ẩm thực ngoài gia đình và ẩm thực trong nghi lễ. + Chỉ ra quá trình biến đổi của văn hóa ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở Thành phố Hồ Chí Minh, các nhân tố tác động và mục đích của sự biến đổi ấy. + Bàn luận về một số vấn đề đặt ra từ thực hành và biến đổi thực hành ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án - Đối tượng nghiên cứu: Đối tượng nghiên cứu chính của luận án chính là những thực hành văn hoá ẩm thực đa dạng trong đời sống thường ngày và trong các nghi lễ của cộng đồng người Hoa Quảng Đông xét trong bối cảnh văn hoá, kinh tế và xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh khoảng thời gian 10 năm trở lại đây. Theo khảo sát và nhận định của chúng tôi thì đây là khoảng thời gian có nhiều thay đổi về kinh tế, điều đó tác động đến chất lượng bữa ăn trong gia đình, chất lượng và nhu cầu ăn ngoài của từng cá nhân và gia đình. Theo đó, nhà hàng quán ăn với các quy mô lớn nhỏ và các dịch vụ phục vụ thực phẩm liên quan đến ẩm thực cũng phát triển mạnh, điều này có tác động đến văn hoá ẩm thực của cộng đồng người Hoa Quảng Đông ở thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, sự chuyển biến này còn là kết quả của một thời gian dịch chuyển lâu dài, theo đó các giai đoạn lịch sử trước đó cũng được quan tâm và nghiên cứu một cách phù hợp. - Phạm vi nghiên cứu của luận án Về mặt không gian và thời gian: Chúng tôi giới hạn phạm vi nghiên cứu của đề tài là tập trung là khảo sát các thực hành ẩm thực hàng ngày tại gia đình, thực hành ẩm thực trong các nghi lễ vòng đời, dịp lễ tết, và thực hành ẩm thực ngoài phạm vi gia đình như nhà hàng, quán ăn của nhóm người Hoa ngôn ngữ Quảng Đông hiện nay đang sinh sống tập trung ở các quận 5, quận 11 và quận 6 thuộc thành phố Hồ Chí Minh. Về vấn đề nghiên cứu: Văn hóa ẩm thực là khái niệm rộng và dù muốn thì chúng tôi cũng không thể đề cập tới tất cả các khía cạnh của văn hóa ẩm thực,
  • 10. 5 nên luận án này chúng tôi tập trung tìm hiểu về văn hoá ẩm thực của cộng đồng người Hoa Quảng Đông hiện sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh ở một số khía cạnh như nguyên liệu, cách thức chế biến, vai trò của ẩm thực trong đời sống hàng ngày, trong mối quan hệ gia đình, xã hội với cách thức mà người Hoa dùng ẩm thực để khẳng định và liên kết xã hội, thể hiện đặc trưng văn hóa tộc người của họ và mối liên quan giữa văn hoá ẩm thực với vũ trụ quan, nhân sinh quan. Mặc dù sinh sống ở Việt Nam khoảng ba đến bốn đời nhưng mỗi gia đình người Hoa Quảng Đông ít nhiều vẫn còn giữ nét bản sắc của mình thông qua các thực hành ẩm thực hàng ngày cũng như trong các dịp lễ tết. Ẩm thực được thực hành như một hình thức giao tiếp văn hoá chứa đựng nhiều thông điệp, nhiều ý nghĩa liên quan đến các mối quan hệ, các chiều kết nối, tương tác,…Và đó chính là những khía cạnh văn hóa quan trọng nằm trong phạm vi quan tâm của chúng tôi ở luận án này. 4. Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu của luận án Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về ẩm thực nói chung và ẩm thực người Hoa nói riêng song với luận án này chúng tôi tiếp cận ẩm thực từ góc tiếp cận văn hóa học, trong đó quan tâm tới các chiều cạnh văn hóa của ẩm thực, các mối quan hệ tương tác, kết nối, những diễn giải sâu về thực hành ẩm thực của những người trong cuộc, những bàn luận về giới, vị thế xã hội, vũ trụ quan và nhân sinh quan được thể hiện qua ẩm thực. Trong quá trình thực hiện luận án chúng tôi sử dụng kết hợp nhiều phương pháp nghiên cứu trong đó chủ yếu tập trung vào các phương pháp cụ thể sau: - Quan sát tham dự: Là cách “thu thập dữ kiện bằng cách sống gần gũi trong một thời gian dài với thành viên của một xã hội khác” (44, 56). Do vậy, địa bàn nghiên cứu là địa bàn tác giả sinh sống nên chúng tôi đã trực tiếp tham dự vào các thực hành ẩm thực của cộng đồng người Hoa Quảng Đông. Chúng tôi tiếp xúc, tham dự và nhập cuộc vào các sự kiện diễn ra qua bữa ăn hàng ngày, đến các sự kiện như tang ma, cưới hỏi, chúc thọ. Với mỗi hiện tượng quan sát chúng tôi tập trung vào các tình huống quan trọng trong các khâu thực hành liên quan đến vai trò ẩm thực sử dụng trong mỗi sự kiện. Cụ thể:
  • 11. 6 Tham dự 5 bữa ăn gia đình có hoàn cảnh khác nhau, trong đó 1 gia đình 2 thế hệ, buôn bán, kinh tế khá giả, đã sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh 3 đời; 1 gia đình 3 thế hệ (trẻ, trung niên và già), buôn bán, kinh tế khá giả, sinh sống được 4 đời; 1 gia đình 2 thế hệ (trung niên và lớn tuổi), công chức nghỉ hưu, điều kiện kinh tế bình thường; 1 gia đình 2 thế hệ (trẻ và trung niên), 3 đời ở thành phố Hồ Chí Minh, buôn bán ở chợ, kinh tế bình thường; Và 1 gia đình đơn thân (vợ người Việt, chồng người Quảng Đông đã mất), gồm 2 thế hệ, buôn bán nhỏ ở chợ, hoàn cảnh kinh tế bình thường. Quá trình quan sát tham dự bắt đầu từ việc cùng các bà các chị đi chợ mua nguyên liệu đến chế biến bữa ăn và dùng bữa với gia đình. Với những gia đình hoàn cảnh khác nhau như vậy đã cho chúng tôi các góc nhìn đa dạng về quan điểm, cách chế biến và thực hành văn hoá ẩm thực trong từng gia đình khác nhau.. Chúng tôi cũng đã tham dự 2 lễ cúng táo quân ở phạm vi gia đình, thực hiện là phụ nữ, trung niên, gia đình khá giả; 1 lễ đầy tháng, gia đình trẻ, công chức, kinh tế khá khá giả; Tham dự 3 đám cưới, trong đó có 1 đám cưới thuộc gia đình công chức giàu có; 1 đám cưới gia đình công chức và buôn bán kinh tế khá giả; 1 gia đình nam người Quảng Đông kết hôn với vợ Việt, công nhân, hoàn cảnh kinh tế bình thường; 1 lễ chúc thọ thuộc gia đình khá giả; 1 tang ma gia đình công chức, đơn thân. Tất cả các gia đình người Hoa này đều sinh sống ở địa bàn nghiên cứ từ 3 đến 4 đời. Với những đối tượng quan sát nghi lễ như thế đã cho chúng tôi nhìn nhận về cách thức bài trí và quan điểm lựa chọn món ăn dịp lễ cũng như cách thực thụ hưởng món ăn ngày lễ và bữa ăn cộng đồng liên quan đến nghi lễ. Mỗi gia đình có vị trí xã hội khác nhau, điều kiện sống khác nhau và tiềm lực kinh tế khác nhau cũng đã thể hiện được những điểm chung và riêng khác nhau trong quá trình thực hành văn hoá ẩm thực liên quan đến nghi lễ này. Bằng những quan sát thực tiễn sẽ góp phần giúp chúng tôi đánh giá được vai trò của văn hoá ẩm thực đang diễn ra như thế nào trong cộng đồng người Hoa Quảng Đông, giúp làm sáng tỏ hơn cho những dữ liệu phỏng vấn sâu. Trong quá trình quan sát tham dự chúng tôi cũng đã rất may mắn có được những người cung cấp thông tin nhiệt tình và trợ giúp hiệu quả, giảng giải về món ăn, cách chế biến... để có thể thực hiện được tốt phương pháp quan trọng này.
  • 12. 7 - Phỏng vấn sâu (thực hiện 35 cuộc), được áp dụng cho nhiều đối tượng. Những đối tượng phỏng vấn là những người đại diện ở các gia đình có điều kiện kinh tế khác nhau và những người có vai trò khác nhau trong gia đình và ngoài xã hội, khác nhau về giới tính, nghề nghiệp, độ tuổi... Chúng tôi đã phỏng vấn những người cao tuổi còn minh mẫn (60 tuổi) để hỏi về tập quán ẩm thực truyền thống của người Hoa Quảng Đông cũng như quan điểm của họ về thực hành văn hoá ẩm thực trong gia đình và các nghi lễ; Chúng tôi phỏng vấn những người trung tuổi bao gồm cả nam và nữ để biết thực hành ẩm thực hiện tại, thị hiếu, phân công về giới, ẩm thực gắn với mối quan hệ xã hội. Chúng tôi phỏng vấn người trẻ tuổi để biết quan điểm và thị hiếu của họ trong thực hành ẩm thực trong và ngoài phạm vi gia đình. Điều đó giúp cho chúng tôi có được một bức tranh tổng thể về vai trò ẩm thực đang diễn ra trong cộng đồng người Hoa Quảng Đông hiện nay. Nội dung phỏng vấn bám sát vào việc tìm hiểu về những thực hành bữa ăn hàng ngày, lễ tết, món ăn sử dụng trong thờ cúng ở các nghi lễ lịch tiết và nghi lễ vòng đời; Các món ăn được sử dụng hay kiêng kỵ trong một sự kiện nhất định nào đó; Quá trình thực hành ẩm thực trong cộng đồng với sự có mặt của nhiều đối tượng khách mời được tham gia. Điều đó cho chúng tôi góc nhìn tổng thể về tập quán văn hoá ứng xử và quan điểm tâm linh của họ thông qua thực hành ẩm thực. Trong bối cảnh không gian văn hoá thay đổi dưới tác động của di cư, đồng thời có sự tương tác giữa nhiều nhóm ngôn ngữ Hoa và nhiều tộc người trong một môi trường sống thì phương pháp phỏng vấn sâu, phỏng vấn hồi cố sẽ cho chúng tôi thấy được những biến đổi và những yếu tố còn được bảo tồn thông qua thực hành văn hoá ẩm thực. Tuy nhiên, với phương pháp hồi cố này chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn vì sự di cư đã khá lâu, những người lớn tuổi còn biết hoặc nhớ về văn hoá truyền thống khá ít, bên cạnh đó, sự biến đổi diễn ra trong văn hóa ẩm thực là sự biến đổi từ từ, không đột biến nên không mấy ai nhớ chính xác, nhiều người còn không phân biệt đâu là món ăn truyền thống của Hoa Quảng Đông và đâu là món ăn của các nhóm người Hoa khác. - Thảo luận nhóm tập trung (2 cuộc) Chúng tôi lựa chọn 6 người cùng tương đồng về độ tuổi, địa vị…để tiến hành thảo luận các chủ đề liên quan đến việc ăn uống cũng như ứng xử xung quanh bữa ăn hàng ngày, bữa ăn trong nghi lễ ma chay cưới
  • 13. 8 hỏi hay lễ tết. Những thông tin này khá tập trung, bao quát được nhiều vấn đề và rất có ý nghĩa cho chúng tôi trong quá trình nghiên cứu. Ngoài các phương pháp chính vừa nêu trên, chúng tôi còn sử dụng phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh, hỏi ý kiến chuyên gia...trong suốt quá trình thực hiện luận án. Việc tập hợp và phân tích nguồn tài liệu thứ cấp cũng được chúng tôi sử dụng: bao gồm các tài liệu từ sách, tạp chí, báo…các công trình nghiên cứu đã được in ấn xuất bản đang được lưu trữ tại các thư viện. Những tài liệu này giúp chúng tôi có một cái nhìn tổng thể về người Hoa, người Hoa Quảng Đông tại thành phố Hồ Chí Minh cùng văn hóa và văn hóa ẩm thực của họ. Có thể nói, nguồn tư liệu thứ cấp này có vai trò rất quan trọng, thông qua đó chúng tôi đã vận dụng, kế thừa các kết quả nghiên cứu trước để tìm ra những luận điểm mới, cách tiếp cận mới và phát triển chúng trong luận án của mình. 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án Về luận cứ khoa học và tư liệu: Luận án góp phần tập hợp tư liệu về văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông hiện nay, góp phần diễn giải về văn hóa ẩm thực của nhóm tộc người này dưới góc nhìn văn hóa. Về mặt lý thuyết: Nghiên cứu “Văn hoá ẩm thực người Hoa Quảng Đông ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay” góp thêm tư liệu để bổ sung vào quan điểm lý thuyết xem ẩm thực như một trường văn hoá tự trị, phản ánh trật tự xã hội hiện tại và tham gia vào sản xuất văn hoá mà tác giả Nir Avieli đã đưa ra trong trường hợp nghiên cứu ẩm thực Hội An Việt Nam, góp phần bổ sung vào thuyết hành xử - thực hành của Pierre Bourdieu ở khía cạnh có sự tham gia của văn hoá ẩm thực. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn Ý nghĩa lý luận: Đây không phải là vấn đề mới trong hệ thống văn hoá ẩm thực đã được nghiên cứu ở Việt Nam. Tuy nhiên tìm hiểu văn hoá ẩm thực người Hoa Quảng Đông bao gồm xem xét ẩm thực như một trường văn hoá tự trị, phản ánh trật tự xã hội hiện tại và tham gia vào sản xuất văn hoá theo quan điểm lý thuyết của các nhà nghiên cứu văn hoá và nhân học đã mà Nir Avieli đã sử dụng trong trường hợp nghiên cứu ẩm thực ở Hội An Việt Nam, từ đó góp phần làm sáng tỏ quan điểm về cách hiểu lý thuyết hiện đại ứng dụng trong trường hợp
  • 14. 9 nghiên cứu ở cộng đồng người Hoa Việt Nam. Áp dụng thuyết chức năng, thuyết hành xử - thực hành của Pierre Bourdieu góp phần làm rõ hơn trường phái lý thuyết nhân học và xã hội học nổi bật ra đời thế kỷ XX vào trong trường hợp nghiên cứu ẩm thực ở Việt Nam là một điểm mới xét trong khuôn khổ ẩm thực người Hoa Quảng Đông ở Thành phố Hồ Chí Minh. Trên cơ sở xem xét thực hành bữa ăn tại gia, bữa ăn cộng đồng, bữa ăn trong các nghi lễ để làm rõ hơn vai trò của ẩm thực tham gia vào việc tạo dựng văn hóa tộc người, góp phần hiểu thêm được sự hội nhập bên cạnh yếu tố truyền thống lưu giữ trong văn hoá ẩm thực của nhóm Hoa Quảng Đông trên địa bàn Thành phố Hồ chí Minh hiện nay. Ý nghĩa thực tiễn: Tìm hiểu về văn hóa ẩm thực người Hoa Quảng Đông ở thành phố Hồ Chí Minh dưới góc nhìn văn hóa, luận án góp phần cung cấp nguồn tư liệu quan trọng về văn hóa ẩm thực đặc sắc của người Hoa nơi đây cũng như về đời sống văn hóa tộc người, những thông điệp văn hóa, xã hội cũng như kinh tế, chính trị được thể hiện qua ẩm thực giúp cho việc hiểu về ẩm thực không chỉ là việc ăn uống thông thường mà ẩm thực là văn hóa, biểu đạt nhiều thông điệp văn hóa, xã hội. Nguồn tài liệu này giúp ích không chỉ cho các nhà nghiên cứu, giảng dạy mà còn giúp cho các nhà hoạch định chính sách về văn hóa tộc người ở khía cạnh hiểu về văn hóa của từng nhóm tộc người để có được những ứng xử phù hợp và những chính sách khả thi trong việc phát huy thế mạnh của nguồn lực văn hóa trong phát triển xã hội. 7. Cấu trúc của luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, luận án gồm có 4 chương: Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận và địa bàn nghiên cứu Chương 2: Ẩm thực thường ngày của người Hoa Quảng Đông Chương 3: Ẩm thực trong nghi lễ lịch tiết và vòng đời của người Hoa Quảng Đông Chương 4: Ẩm thực của người Hoa Quảng Đông và những vấn đề bàn luận.
  • 15. 10 Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu Nghiên cứu về ẩm thực, văn hoá ẩm thực không phải là hướng nghiên cứu mới mà trong lịch sử nó thu hút được sự quan tâm của nhiều tác giả, trong đó nổi bật là văn hoá ẩm thực của các tộc người, các vùng miền, địa phương. Theo đó, chúng tôi khái quát các công trình nghiên cứu đi trước ở các góc độ như sau: 1.1.1. Các nghiên cứu về văn hóa ẩm thực trong nước Thông qua tài liệu thu thập về nghiên cứu ẩm thực trong nước cho chúng tôi thấy ẩm thực và văn hoá ẩm thực ở Việt Nam hiện nay vẫn luôn là một trong những chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm của các học giả trong và ngoài nước. Chúng tôi tạm chia những công trình này thành các nhóm như sau: Nhóm thứ nhất, là các công trình nghiên cứu mang tính khảo tả, các tác giả chủ yếu dừng lại ở giới thiệu và mô tả về món ăn, cơ cấu món ăn, nguyên liệu và cách thức chế biến dựa trên điều kiện tự nhiên cụ thể của vùng miền. Món ăn gắn liền với vùng đất, tạo nên dấu ấn đặc sắc cho tộc người ở góc độ ẩm thực cũng như ứng xử về mặt lịch sử xã hội và những biến đổi về tập quán ăn uống của cộng đồng từ xưa đến nay. Nhóm nghiên cứu thứ hai là dưới góc độ nhân học văn hoá, coi ẩm thực như phương tiện truyền tải các thông điệp về giới, mối quan hệ xã hội của một nhóm tộc người cụ thể. Nhóm công trình nghiên cứu mang tính khảo cứu, cấu trúc món ăn và cách thức chế biến món ăn dưới sự tác động của điều kiện tự nhiên và môi trường sống: Trong tác phẩm nghiên cứu về ẩm thực “Khám phá ẩm thực truyền thống Việt Nam” [79] Giáo sư Ngô Đức Thịnh đã khái quát về ẩm thực Việt Nam từ ẩm thực của người Việt, ẩm thực của các dân tộc thiểu số thông qua bản sắc văn hoá lịch sử vùng miền để tìm kiếm bản sắc văn hoá ẩm thực và góp phần tìm tòi những đặc trưng của ẩm thực các dân tộc Việt Nam nói chung. Trục phân tích
  • 16. 11 của ông chính là đi từ yếu tố lịch sử để thấy sự gắn kết giữa lịch sử tự nhiên với tộc người phản ánh qua món ăn, đặc biệt là bữa ăn hàng ngày, vai trò về ẩm thực trong trị bệnh. Trên cơ sở đó ông đã phân tích ẩm thực theo khu vực sinh sống và tộc người để thấy ẩm thực được tiếp cận ở yếu tố lịch sử, điều kiện tự nhiên hình thành nên thói quen, tập quán trong ăn uống, hiểu truyền thống ăn uống góp phần hình thành giá trị văn hoá trải qua quá trình lịch sử lâu đời. Món ăn, đặc biệt món ăn thường ngày là tấm gương phản chiếu trung thực môi trường sống, cách thức chinh phục tự nhiên và trình độ của chính con người khu vực ấy. Tác giả cũng lập luận rằng, trong quá trình phát triển, cùng với những món ăn truyền thống thì con người có xu hướng học hỏi những cái hay, cái mới trong cách chế biến món ăn của các dân tộc khác để làm giàu cho giá trị ẩm thực của mình “…Bởi thế muốn hay không thì món ăn của người Việt Nam nói chung cũng đang đứng trước sự cách tân đổi mới để đáp ứng nhu cầu của con người trong thời đại mới” [79, tr.399]. Trong đó tác giả đưa ra một số giả thuyết như đa dạng hoá thành phần lương thực bữa ăn, thay đổi nguồn thực phẩm và thành phần lương thực đa dạng, hay gắn ẩm thực với du lịch để bản sắc văn hoá vùng miền được lưu giữ và biết đến nhiều hơn qua dịch vụ du lịch. Thông qua món ăn đặc trưng gắn với vùng miền và tộc người tác giả đã dựng lên bức tranh văn hoá dân tộc vừa truyền thống, vừa mang khuynh hướng biến đổi phù hợp với thời đại mới. Đây là nguồn tư liệu cho chúng tôi có cơ sở tham chiếu thêm về những khuynh hướng biến đổi của món ăn trong quá trình mô tả món ăn của người Hoa Quảng Đông trong bối cảnh định cư ở vùng đất mới. Trong tuyển tập những bài viết “Văn hoá ẩm thực Việt Nam nhìn từ lý luận và thực tiễn” [92] của hai tác giả Trần Quốc Vượng và Nguyễn Thị Bảy đã tổng hợp lý luận chung về ẩm thực và văn hoá ẩm thực Việt Nam, nêu lên được khái niệm và phân loại ẩm thực. Tác giả cho rằng với điều kiện sinh thái ở Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung đã tạo nên giá trị vượt trội trong nông nghiệp. Đó là một trong những cơ sở tác giả đưa ra công thức chung trong bữa ăn hàng ngày của người Việt là “Cơm – Rau - Cá – Thịt” trong đó chiếm vị thế chủ đạo vẫn là các thực phẩm gắn liền với nông nghiệp. Đồng thời tác giả cũng
  • 17. 12 đi sâu nghiên cứu văn hoá ẩm thực tại các vùng miền Việt Nam thông qua những chuyến điền dã thực địa, cho người đọc hình dung được mối tương quan giữa văn hoá ẩm thực với từng môi trường sinh thái cụ thể...Từ những bài viết ngắn, các tác giả đã tổng lược được những vấn đề lý thuyết liên quan đến văn hoá ẩm thực, những thực hành văn hoá thông qua ẩm thực như tết ta, trung thu, ăn uống của người Hà Nội, nhận diện văn hoá ẩm thực Huế hay đặc sản yến sào và nghệ thuật ẩm thực yến của thủ đô Hà Nội.... Có thể nói cuốn sách đã đem đến một cái nhìn tổng quan về những giá trị ẩm thực rất đỗi bình thường của từng vùng miền và tác động của ẩm thực đến suy nghĩ và cách thực hành văn hoá, ứng xử đối với món ăn của từng vùng miền, đặc biệt là ở Hà Nội. Trong “Ẩm thực dân gian Hà Nội” [7], tác giả Nguyễn Thị Bảy đã dành cả một chương để nói về môi trường sinh thái ảnh hưởng đến văn hoá ẩm thực dân gian Hà Nội. Theo tác giả những đặc trưng môi trường sống, cảnh quan Hà Nội và những ứng xử của người Hà Nội tạo nên đặc trưng cho từng món ăn, điều đó “Khiến cho văn hoá ẩm thực dân gian Hà Nội thăng hoa và tạo thành một nét đẹp, tinh tế, lắng đọng tâm hồn và sự tài khéo của người Hà Nội từ xưa đến nay” [7, tr.83]. Với mỗi hoàn cảnh sống, điều kiện tự nhiên và ứng xử văn hoá của con người khác nhau sẽ mang đến những dư vị món ăn độc đáo khác nhau, trong đó ẩm thực dân gian Hà Nội là một ví dụ. Trong công trình “Tập quán ăn uống của người Việt ở vùng Kinh Bắc” [83] tác giả Vương Xuân Tình đã đề cập đến lịch sử và mối quan hệ ăn uống của người Việt vùng Kinh Bắc trong điều kiện tự nhiên và xã hội của vùng. Những món ăn truyền thống và món ăn mang ít nhiều biến đổi được nhìn nhận, xem xét trong mối quan hệ với tập quán ăn uống, với nét văn hóa đặc trưng của cư dân vùng này. Qua đó, tác giả chỉ ra những nét đẹp văn hoá trong ẩm thực của người Kinh Bắc . Năm 2012, tác giả Đào Hùng có cuốn sách “Câu chuyện ẩm thực dưới góc nhìn lịch sử” [42]. Ẩm thực được xem xét theo chiều dài thời gian và chiều rộng không gian của các dân tộc trên thế giới cũng như ở các địa phương của Việt Nam, đề cập đến vấn đề chung về văn hóa ẩm thực: “Ẩm thực học là gì?”; “Ăn uống – một hiện tượng văn hóa xã hội”; “Sự chuyển hóa của các cách ăn”;
  • 18. 13 “Chuyện khẩu vị và thói quen ăn uống”,... Một số bài đã mô tả phong tục liên quan đến tập quán ăn uống của người Việt: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, “Thanh minh trong tiết tháng ba”, “Tháng bảy ngày rằm xá tội vong linh”, “Tết trung thu ăn gì?”,... Tác giả muốn làm sáng tỏ vấn đề: “Các tập tục ăn uống đều được hình thành trong lịch sử phát triển của từng tộc người, nó phản ánh trong bối cảnh và môi trường sinh hoạt của tộc người đó, đồng thời bị chi phối bởi những ý thức, tín ngưỡng của xã hội đó” [42, tr.55]. Nghiên cứu về ẩm thực miền bắc có nhiều tác phẩm của nhiều tác giả để lại dấu ấn như: “Quà Hà Nội”, của tác giả Nguyễn Thị Bảy, “Truyền thống biến đổi trong tập quán ăn uống của người Tày vùng Đông Bắc Việt Nam” của Ma Ngọc Dung, “Văn hoá ẩm thực của dân tộc Mường và dân tộc Khơ Mú” của Hoàng Anh Nhân, Hoàng Thị Hạnh. Các tác giả đề cập đến môi trường sống tác động đến cách chế biến món ăn và phong cách ẩm thực của từng vùng cụ thể thông qua các món ăn tiêu biểu: Như cá ủ chua, củ kiệu muối cá, chả chìa... của dân tộc Mường, nguyên tắc chế biến và cảm xúc ẩm thực, món ăn ngày thường, món ăn truyền thống.... được các tác giả ghi nhận rất cụ thể. Mô thức món ăn và thực hành văn hoá thông qua món ăn gắn với yếu tố lịch sử, tâm linh, tín ngưỡng...và vì vậy văn hóa ẩm thực luôn là một phần quan trọng của văn hóa mỗi tộc người, mỗi vùng miền. Có khá nhiều bài viết về văn hoá ẩm thực Việt Nam, tại Hà Nội in trong tập kỷ yếu hội thảo “Thực tiễn ẩm thực và bản sắc văn hoá”(1997) quy tụ nhiều bài viết trong và ngoài nước về văn hoá ẩm thực các miền Bắc – Trung – Nam, đã mang lại cái nhìn đa dạng về văn hoá ẩm thực từ các vùng miền khác nhau. Ví như vùng Nam Bộ sông nước là các món dân dã như cá lóc nướng, chuột đồng nướng, cá trê trui...Món ăn Huế với tinh tế về bày biện kiểu cung đình, Hội An với món ăn truyền thống như mì Quảng, hay Hà Nội với những món ăn thanh lịch chủ yếu là luộc, hấp thể hiện nét thanh lịch,... Tuy là nghiên cứu ẩm thực trên nền tảng người Việt có lịch sử sinh sống lâu đời, nhưng những nghiên cứu và khảo cứu món ăn có sự tác động của môi trường sống chính là bức tranh để giúp chúng tôi tham chiếu về vai trò của điều
  • 19. 14 kiện sống tác động đến món ăn, cách ăn hay chế biến món ăn trong cộng đồng người Hoa Quảng Đông đang sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nhóm nghiên cứu coi món ăn là thông điệp truyền tải những vấn đề xã hội: Năm 2014, với nhan đề trong nghiên cứu “Miếng ngon Hà Nội”[10] của tác giả Vũ Bằng được tái bản lại, bằng những việc mô tả lại các món ngon đặc sắc của Hà Nội một thời như phở, cốm vòng, rươi, bún...lồng vào đó là cảm xúc của tác giả. Theo ông món ăn không đơn thuần là chỉ để ăn no mà mang cảm giác hồi cố một khoảng thời gian đã qua, thưởng thức món ăn làm lòng thêm ấm áp, nhớ về nơi đã sinh ra, nơi đã đi qua và gợi lại hình ảnh của những người thân thương. Món ăn đã được tác giả thổi vào “cái hồn” để gợi lại những cảm xúc, mang giá trị văn hoá vào từng món ăn. Tác giả Nir Avieli trong luận án nghiên cứu văn hoá ẩm thực Hội An “Rice talks food & community in a Vietnamese town” [116] đã nghiên cứu văn hoá ẩm thực ở Việt Nam với cách tiếp cận mới mẻ khi nhìn ẩm thực không chỉ thoả mãn đặc tính bình thường về mặt sinh học, mà còn thể hiện được mối quan hệ giữa món ăn và văn hoá ở Hội An. Đặc biệt, tác giả đi phân tích mối quan hệ hai chiều giữa lĩnh vực ẩm thực Hội An với những khía cạnh văn hoá xã hội như cấu trúc xã hội, quan hệ về giới, vai trò của giới, quan hệ giai cấp, thực hành tín ngưỡng tôn giáo, không gian và cả đặc điểm chính trị xã hội của địa phương đó. Tuy nhiên những khái niệm mang tính lý thuyết này liên quan đến lịch sử phát triển của nhân học về món ăn nhiều hơn là tập trung vào món ăn và cách ăn uống như là một hiện tượng về xã hội. Khi tiếp cận nghiên cứu ẩm thực Hội An tác giả này cho rằng ẩm thực không chỉ là tấm gương phản chiếu những hình thái văn hoá xã hội mà trong một số hoàn cảnh nhất định nó còn tham gia vào các quá trình tái sản sinh văn hoá. Quan điểm mới mẻ của ông đã đưa vấn đề tiếp cận nghiên cứu văn hoá ẩm thực như là một lĩnh vực văn hoá tự trị, phản ánh các trật tự xã hội hiện tồn và tham gia vào sản sinh văn hoá. Nội dung luận án của ông gắn liền với ba chủ đề chính “Ăn ở nhà” “ăn ở ngoài”; “Món ăn trong chu kỳ cuộc đời”; “Món ăn trong lễ hội” và những bàn luận liên quan đến các chủ đề đó. Những vấn
  • 20. 15 đề lý thuyết về ẩm thực, chỉ ra được các nguyên tắc và cơ chế bên trong của ẩm thực Hội An trong mối liên quan mật thiết với văn hoá xã hội nơi đây. Tác giả cũng chỉ ra vì bản chất linh động và tự nhiên của ẩm thực, các sự kiện ăn uống cũng thường bao hàm các phương tiện để con người thể hiện những so sánh, mâu thuẫn, đưa ra những nghi ngờ về tính hợp pháp của một số dạng thức xã hội trong đời sống hàng ngày, vì thế ẩm thực góp phần thích hợp cho những tranh đấu văn hoá xã hội, thương lượng và thử nghiệm. Nhìn chung, những nghiên cứu về ẩm thực Việt Nam đến nay đã thu hút sự quan tâm của nhiều tác giả với nhiều công trình đã công bố, có những nghiên cứu mang tính khảo tả và có những nghiên cứu mang tính phân tích so sánh chi tiết các thành tố xoay quanh văn hoá ẩm thực. Đó là gợi mở quan trọng cho chúng tôi trong quá trình nghiên cứu văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở Thành phố Hồ Chí Minh. 1.1.2. Các nghiên cứu về ẩm thực của người Hoa Ẩm thực Trung Hoa không chỉ dừng lại ở ăn no, ăn ngon mà còn ăn bổ, ăn khoẻ và sự cầu kỳ trong các món ăn để cúng lễ. Trong phần tổng quan chúng tôi tạm chia các nghiên cứu theo các nhóm: Nhóm công trình nghiên cứu ẩm thực ở góc độ khảo tả món ăn gắn liền với môi trường sống. Nhóm công trình nghiên cứu món ăn trên góc độ ẩm thực dưỡng sinh và nhóm công trình nghiên cứu vai trò của ẩm thực trong các nghi lễ. Nhóm công trình nghiên cứu khảo tả món ăn gắn với môi trường sinh sống Tác giả Nguyễn Thị Minh Cúc trong cuốn “Pà pá Mình kiếm món gì ngon ăn đi – Tản mạn ẩm thực Chợ Lớn”[16], bằng cách viết dí dỏm, vui tươi kèm theo tình cảm sâu sắc về những món ăn đặc trưng của các cộng đồng người Hoa quận 5, Chợ Lớn gắn liền với cuộc sống của tác giả từ nhỏ đến nay. Có thể nói, bằng cách giới thiệu món ăn từ tên gọi, nguyên liệu, cách thức thực hiện đã cho người đọc tiếp cận một bức tranh nhiều món ăn đa dạng, đặc sắc vừa dân dã vừa đặc trưng truyền thống của cộng đồng người Hoa. Mỗi món ăn là một ký ức, tình cảm của tác giả về người thân, bạn bè, và những gánh hàng rong trong hẻm quen
  • 21. 16 thuộc gắn với tuổi thơ. Cuốn sách tổng hợp khá đa dạng các món ăn mang tính đặc trưng của từng cộng đồng người Hoa như Hủ tíu Hồ Triều Châu; Cách ăn sáng Dimsum đặc sắc của người Quảng Đông; Những món ăn gắn liền với ngày tết, sum vầy cuối năm; Những món quà ăn chơi theo gánh những cô chú hàng rong như bánh hẹ, bánh bò, bánh củ cải…. Theo tác giả, cùng với thời gian một số món ăn trong ký ức một thời vẫn còn nguyên vẹn, nhưng bên cạnh đó đa số món ăn cũng thay đổi ví như thay đổi trong hương vị đặc trưng và cách thức ăn. Cũng theo ý kiến của tác giả những món ăn được đề cập trong nghiên cứu hiện nay không khó tìm nhưng có những món ăn để tìm lại đúng dư vị ký ức thật khó. Đây là một điểm tiếp cận khá thú vị để chúng tôi có cơ sở tìm hiểu về sự biến đổi món ăn theo thời gian trong cộng đồng người Hoa nói riêng và người Hoa sinh sống cùng người Việt nói chung. Tuyển tập “The globalization of Chinese food anthropology of asia” [104] đã đề cập đến một số vấn đề liên quan đến chế độ ăn uống của Trung Quốc tại Đại Lục, Đài Loan, HongKong, Macao; Điều gì từ Đại Lục đã ảnh hưởng đến cách thức chế biến món ăn của các cộng đồng người Trung Quốc ở các nước Châu Á khác và các cộng đồng người Trung Quốc tha hương? Điều gì đã khiến cho thực phẩm Trung Quốc phổ biến ở các nước như Indonesia, Nhật Bản, Philippin...Thông qua khảo sát thực tiễn nhiều bài viết, tác giả chỉ ra sự thay đổi của ẩm thực Trung Quốc ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới. Điều đó thể hiện ở những điểm mới và giao thoa trong món ăn Trung Quốc. Bên cạnh đó, những bài viết bàn luận đến cách thức duy trì được yếu tố truyền thống của ẩm thực Trung Quốc tại các quốc gia khác mà vẫn đáp ứng được nhu cầu giao thoa biến đổi của các nền văn hoá hiện nay xem xét trong khuôn khổ ẩm thực thay đổi theo môi trường sinh thái mới nơi có cộng đồng người Trung Quốc sinh sống. Tác phẩm cũng mở ra điểm mới trong nghiên cứu tác động của thế giới thế kỷ XX đến ẩm thực Trung Quốc xuất hiện ở ngoài phạm vi Đại Lục cũng như lý thuyết sắc tộc xã hội xem xét trên bình diện món ăn Trung Quốc và thói quen sử dụng món ăn Trung Quốc ở nhiều nơi khác nhau trên Thế giới.
  • 22. 17 Bài viết “Vài món ăn dân dã của người Hoa”[21] của tác giả Trần Phỏng Diều in trên tạp chí Dân tộc và Thời đại cho biết, ý thức cuộc sống nơi đất khách quê người nên người Hoa rất cần kiệm, có ý thức tích luỹ tiền bạc để lo cuộc sống lâu dài vì vậy trong ăn uống thường ngày họ cũng đơn giản ít tiền nhưng ngon miệng như món cháo trứng vịt muối cho buổi sáng và món đạm bạc đơn sơ vào buổi trưa tối với miếng thịt nhỏ luộc lấy nước nấu canh sau đó cắt khúc đem kho...Với những thực phẩm ban đầu có thể ít, đơn giản, nhưng qua cách chế biến lại trở thành những món ăn hấp dẫn, những món ăn góp phần tạo nên sự thành công cho người Hoa ở nơi đất khách từ thuở hàn vi khởi nghiệp. Hay cũng với cách nhìn của tác giả trong bài viết “Tiệm “Chạp Phô” của người Hoa”[22] in trên số 64 tạp chí Dân tộc và Thời đại, Trần Phỏng Diều cho rằng, gắn với tinh thần chịu thương, chịu khó của người Hoa là những buôn bán nhỏ theo kiểu mô hình “tiệm chạp phô” tận dụng mặt bằng rất nhỏ hẹp trước nhà, hay trước ngõ bày bán khô, hột vịt muối, củ cải muối...các thực phẩm thường ngày của người Hoa thường dùng, những hình ảnh tiệm chạp phô và những gì bày bán phản ánh sự linh hoạt trong kinh doanh buôn bán của người Hoa và quan trọng hơn là thể hiện những nhu yếu phẩm trong chế biến món ăn họ thường sử dụng hàng ngày. Cũng trong số 81 tạp chí Dân tộc và Thời đại với bài viết “Văn hoá ẩm thực của người Hoa” [23], Trần Phỏng Diều đưa ra một cái nhìn mới mẻ về ẩm thực người Hoa ở vùng Nam Bộ, về ăn uống thì người Hoa có nhiều món chịu ảnh hưởng của người Việt và người Khơme bên cạnh đó vẫn giữ được những nét rất riêng trong ăn uống. Các món ăn từ thịt ưa thích của người Hoa, các gia vị thường dùng đi kèm, các món canh hay thức uống.... Thể hiện đặc điểm rất riêng được mang theo trên hành trình di cư của người Hoa vào Việt Nam, và một số nét thay đổi khi cùng sinh sống với người Việt và người Khơme trên vùng đất mới. Theo bài viết, có thể thấy trên vùng đất Nam Bộ món ăn của người Hoa rất đa dạng, phong phú. Nhóm công trình nghiên cứu món ăn ở góc độ ẩm thực dưỡng sinh, trị liệu: Qua bài viết “Tư tưởng triết học trong văn hoá ẩm thực Trung Quốc” [51] chúng ta có được cái nhìn cơ bản về ẩm thực Trung Quốc, người dân Trung
  • 23. 18 Quốc không chỉ sáng tạo ra nền văn hoá ẩm thực nổi tiếng thế giới mà còn đưa việc ăn uống lên thành nghệ thuật hưởng thụ cuộc sống và nghệ thuật sống không thể thay thế. Văn hoá ẩm thực Trung Quốc được hình thành thông qua những yếu tố triết học tích luỹ bao đời, các tư tưởng triết lý như “Âm dương ngũ hành, Trung hoà vi mĩ, Dĩ thực liệu bệnh, Phanh nhẫm dũ trị quốc (Việc nấu ăn cũng quan trọng như việc trị quốc vậy)... đã thể hiện rất rõ trong tinh thần văn hoá ẩm thực người Hoa nói chung. Chữ “hoà” là cơ sở để con người sử dụng hay lựa chọn thực phẩm phù hợp, đồng thời “Thiên nhân hợp nhất” cũng thể hiện thăng hoa trong nghệ thuật ẩm thực Trung Hoa....Những học thuyết mang tính triết học thể hiện trong văn hoá ẩm thực Trung Hoa không chỉ là một bộ phận cấu thành quan trọng trong văn hoá Trung Quốc mà còn xứng đáng để chúng ta không ngừng khám phá. Trong “Ẩm thực trị liệu theo y học Trung Hoa” (Lê Khánh Trường, Lê Anh Việt dịch [89]) đã đề cập ý nghĩa của dưỡng sinh trong ăn uống để đảm bảo vừa bổ sung dinh dưỡng nhưng vừa phòng bệnh và chữa bệnh, cũng như các nguyên tắc cân bằng dưỡng sinh trong lựa chọn thực phẩm chế biến. Theo trục phân tích này tác giả cũng đưa ra các món ăn, canh, trà có tác dụng dưỡng sinh trong ăn uống và những thực phẩm bổ dưỡng thường dùng. Có thể nói, việc hình thành dưỡng sinh phòng chữa bệnh sử dụng lâu đời và có vai trò đặc sắc trong giá trị ẩm thực Trung Hoa. Ăn uống không đơn thuần lấy no mà liên quan đến việc điều phối gia vị, phương pháp chế biến, kiêng kỵ trong phối trộn món ăn và cách thức chế biến cũng như tác động điều kiện tự nhiên “mùa nào thức nấy” và thời điểm ăn mang lại giá trị tốt cho sức khoẻ, cân bằng dưỡng sinh cho cơ thể. Với cách tiếp cận như vậy, đây là nghiên cứu tổng kết những kinh nghiệm về dưỡng sinh đúc kết hàng nghìn năm ở Trung Hoa để bảo vệ con người từ những món ăn thường nhật hàng ngày. Về cơ bản đây là nghiên cứu sơ khảo mô tả món ăn và tác dụng của nó trong vai trò dưỡng sinh phòng và trị bệnh nhưng sẽ là tư liệu tốt để chúng tôi so sánh và có cơ sở để hiểu sâu hơn vai trò của món ăn với
  • 24. 19 sức khoẻ con người như một số món ăn mà cộng đồng người Hoa Quảng Đông đang sử dụng trong các bữa ăn gia đình và bữa ăn cộng đồng hiện nay. Nhóm công trình nghiên cứu vai trò ẩm thực trong các nghi lễ Trong bài viết “Tục lệ ngày tết với người Hoa”[70], tác giả Võ Thanh Phụng đã đề cập khá sâu sắc đến một số tập tục ngày tết của người Hoa Quảng Đông sinh sống tại Việt Nam. Nhiều tục lệ liên quan đến ẩm thực ngày tết như sáng sớm mỗi gia đình phải dùng bữa cơm khai niên, đi chúc tết từ nhà này sang nhà khác thì được thiết đãi trà, rượu, bánh trái, cơm nước bên cạnh chút lộc lì xì đầu năm. “Biểu tượng trong lễ cưới của người Hoa (Nhóm ngôn ngữ Quảng Đông ở Thành phố Hồ Chí Minh”[69] của tác giả Trần Hạnh Minh Phương lại mang đến một khía cạnh mới của sự tác động ẩm thực đến đời sống cộng đồng người Hoa nhóm ngôn ngữ Quảng Đông ở Thành phố Hồ Chí Minh. Trong lễ cưới, người Hoa sử dụng nhiều biểu tượng thể hiện mong muốn hôn nhân bền vững sinh nhiều con cái, gia đình làm ăn phát đạt, ngoài biểu tượng về Rồng – Phượng hay Song Hỷ thì một trong những lễ vật nhà trai mang đến cho nhà gái không thể thiếu cặp củ sen thể hiện gắn bó keo sơn. Mong muốn đôi trai gái hạnh phúc, làm ăn phát đạt thì các lễ vật chọn như mực, hào khô, tôm khô, nấm đông cô, tóc tiên, táo đỏ, bách hợp...tất cả đều có đôi. Ngày cưới nhà trai bày cúng trời đất với các lễ vật là năm loại bánh: Lùng phùng bẻn (bánh hình rồng), Cáy tan cú (hình tròn), hạp thù su (bột nở bung to), wong lĩnh (nhân bách thảo), chè trôi nước....cầu mong phước lành may mắn hạnh phúc cho đôi vợ chồng trẻ...Ngoài ra ẩm thực góp phần trong các nghi lễ đám cưới còn thể hiện lòng hiếu kính đối với tổ tiên, biểu tượng cho sự kết giao giữa hai dòng họ...Hôn nhân là sự kiện trọng đại của đời người do đó những biểu tượng thể hiện trong ẩm thực là một điều bao đời nay người Hoa quan tâm. Trong luận án tiến sĩ “Nghi lễ chuyển đổi của người Hoa Quảng Đông ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay” của tác giả Trần Hạnh Minh Phương [68] trong đó có hình ảnh về ẩm thực góp mặt trong các nghi lễ như lễ đầy tháng,
  • 25. 20 cưới hỏi, chúc thọ và tang ma. Những món ăn sử dụng trong các nghi lễ là các lễ vật được sử dụng mang tính bắt buộc và là phương tiện nhận diện sự khác nhau giữa các nghi lễ ví dụ như hình ảnh trứng luộc nhuộm đỏ trong lễ đầy tháng, bánh Thọ và mì trường thọ trong lễ chúc thọ, bánh trong lễ cưới...Mặc dù mới chỉ nêu ra mà chưa đi sâu mô tả hay phân tích song đây là nguồn tư liệu có giá trị để chúng tôi có cơ sở đối chiếu và tìm hiểu sâu hơn về các món ăn hay vật phẩm thờ cúng gắn liền với nghi lễ vòng đời của người Hoa Quảng Đông hiện nay. Từ đó nhận diện sự khác biệt giữa các món ăn hay thực phẩm dùng trong các nghi lễ khác nhau mang giá trị biểu trưng và mang ý nghĩa mong cầu khác nhau của cộng đồng người Hoa Quảng Đông. 1.1.3. Đánh giá chung về tình hình nghiên cứu Nghiên cứu về ẩm thực và văn hoá ẩm thực ở Việt Nam nói chung và cộng đồng người Hoa nói riêng luôn là đề tài thu hút các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, thể hiện trong các công trình có quy mô khác nhau đem lại nhiều giá trị quan trọng. Các công trình chúng tôi đề cập ở trên đã cho thấy cái nhìn đa chiều về ẩm thực và các thực hành ẩm thực ở các khía cạnh gắn với tự nhiên, dưỡng sinh và phản chiếu xã hội được thực hành trong từng món ăn cụ thể hay bữa ăn thường ngày trong gia đình và món ăn cúng lễ. Qua điểm luận các công trình nghiên cứu đi trước chúng tôi có thể rút ra một số nhận xét như sau: Có nhiều công trình nghiên cứu về văn hoá ẩm thực, đặc biệt là khảo cứu hoặc cấu trúc món ăn dưới tác động của điều kiện tự nhiên và môi trường. Những nội dung nghiên cứu này thường làm nổi bật yếu tố môi trường sống, tự nhiên tác động đến cấu trúc món ăn hoặc nguyên vật liệu mà nhóm cộng đồng sử dụng để đạt được những yếu tố như sức khoẻ, cân bằng với môi trường sống hoặc tận dụng những nguyên liệu thực phẩm tốt sản sinh từ môi trường sống. Những yếu tố đó góp phần hình thành nên giá trị văn hoá lâu đời, món ăn tiêu biểu đại diện cho vùng, miền, khu vực do vậy văn hoá ẩm thực là một phần quan trọng trong đời sống văn hoá tộc người và những thích ứng của con người trên vùng đất mới thể hiện qua văn hoá ẩm thực được thực hành.
  • 26. 21 Ở góc độ nghiên cứu coi ẩm thực như là thông điệp truyền tải các vấn đề xã hội được đề cập qua các nghiên cứu trong cộng đồng người Việt ở Hội An, món ăn đặc trưng của ẩm thực Hà Nội. Ầm thực được xem xét ở vai trò kết nối giữa món ăn và văn hoá, góp phần phản chiếu văn hoá của đời sống như quan hệ giai cấp, chính trị xã hội địa phương, qua ẩm thực gợi nhớ về ký ức tuổi thơ. .. điều đó cho thấy tính linh động của ẩm thực. Các công trình nghiên cứu văn hoá ẩm thực gắn liền với các dưỡng sinh trị liệu, các nhà nghiên cứu đã khẳng định ẩm thực không chỉ đơn thuần là món ăn, sở thích mà còn là bài thuốc dưỡng sinh hay trị bệnh phù hợp với thời tiết khí hậu và phù hợp với thể trạng sức khoẻ con người ở những thời điểm khác nhau. Điều này được đề cập thông qua món ăn được lựa chọn hay cách thức phối trộn nguyên liệu. Ở góc độ món ăn trong nghi lễ, có nhiều công trình nghiên cứu đề cập văn hoá ẩm thực gắn với các nghi lễ trong đời sống, thể hiện mong cầu của con người vào cuộc sống, vào những điều may mắn, tốt đẹp. Mỗi sự kiện khác nhau con người có quan điểm sử dụng ẩm thực khác nhau thể hiện được ý nghĩa biểu trưng của ẩm thực phản ánh nguyện vọng của con người. Có thể nói, trong phạm vi của luận án chúng tôi chưa có điều kiện phân tích tài liệu liên quan đến ẩm thực trong nước một cách sâu và chi tiết, nhưng các nguồn tài liệu điểm trên mang tính chất đa dạng, đa chiều về văn hoá ẩm thực Việt Nam, nói đến sự tương tác qua lại giữa ẩm thực và sinh thái, nói đến sự thể hiện của ẩm thực ở chiều cạnh lịch sử, chính trị, kinh tế, xã hội,… Đó chính là những cách tiếp cận khá thú vị, tạo điều kiện cho chúng tôi tham khảo, học hỏi và có cái nhìn đa chiều hơn khi đi nghiên cứu về Văn hoá ẩm thực người Hoa Quảng Đông ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay”. Đồng thời giúp chúng tôi đưa ra cái nhìn khách quan và toàn diện về vấn đề ẩm thực đang tồn tại và phát triển của các cộng đồng dân tộc khác nhau trên đất nước Việt Nam. Tuy nhiên, nghiên cứu về văn hoá ẩm thực người Hoa nói chung đến nay vẫn còn những khoảng trống có thể tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu.
  • 27. 22 Nhìn chung, các công trình nghiên cứu về văn hoá ẩm thực thường chủ yếu tập trung vào văn hoá ẩm thực của cộng đồng người Việt, cũng như một số các nhóm cộng đồng người khác hiện đang sinh sống ở Việt Nam. Chỉ có một số ít công trình nghiên cứu về văn hoá ẩm thực của cộng đồng người Hoa riêng biệt trên bình diện tổng quát nhằm rút ra những đặc trưng cơ bản trong đó có ẩm thực. Nghiên cứu văn hoá ẩm thực người Hoa phần lớn thường lồng ghép trong nghên cứu chung về người Hoa ở Việt Nam bao gồm cả các vấn đề chính trị, văn hoá, kinh tế, xã hội. Nghiên cứu về văn hoá ẩm thực đã có công trình đề cập đến vấn đề ẩm thực là tấm gương phản chiếu văn hoá đời sống, chính trị xã hội đang diễn ra trong một nhóm cộng đồng, nhưng chưa có trường hợp nghiên cứu mang tính đánh giá vai trò của ẩm thực phản ánh đời sống văn hoá tộc người của cộng đồng người Hoa nói chung và nhóm cộng đồng người Hoa Quảng Đông nói riêng xét trong bối cảnh hiện nay. Chính vì vậy, trong luận án này chúng tôi sẽ tập trung nhận diện những ảnh hưởng của ẩm thực đến một số phạm vi thực hành văn hoá người Hoa Quảng Đông và những vấn đề đặt ra từ thực trạng ảnh hưởng đó. 1.2. Khái niệm Để nghiên cứu về đề tài “Văn hóa ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay” trước hết chúng tôi đề cập đến các khái niệm liên quan đến văn hoá ẩm thực như sau. - Văn hoá ẩm thực (food culture) Văn hoá ẩm thực có thể được hiểu là những thực hành văn hoá liên quan đến ẩm thực. Theo đó, Bắt nguồn từ ý nghĩa Hán Việt “ẩm” là uống, “thực” là ăn, “ẩm thực” được hiểu là ăn uống. Dựa trên ý nghĩa của từ ăn uống, nhiều nhà nghiên cứu đã có nhiều cách hiểu khác nhau về văn hoá ẩm thực và những ứng xử xung quanh việc ăn uống. Những thực hành này tuỳ thuộc vào mỗi gia đình, mỗi cá thể gắn liền với môi trường sống khác nhau, vị trí xã hội khác nhau mà có những cách thực hành khác nhau.
  • 28. 23 Dưới góc nhìn văn hóa, ẩm thực (chuyện ăn uống) được bàn luận xoay quanh các vấn đề cụ thể như: Ăn cái gì? Ăn lúc nào? Ăn với ai? Các món ăn được chế biến như thế nào? Không chỉ vậy, văn hóa ẩm thực còn được đặt trong các vấn đề ứng xử với tự nhiên và với xã hội về ăn uống. Theo quan điểm của giáo sư Trần Văn Khê về văn hoá ẩm thực “Trong văn hoá ẩm thực người Việt Nam có ba cách ăn: Ăn toàn diện, ăn bằng ngũ quan, bằng mắt nhìn, mũi ngửi, răng nhai, tai nghe, lưỡi nếm. Hầu hết món ăn của ta là đa vị, rất ít món ăn là một vị. Tất cả đều hài hoà, không vị nào lấn át vị nào” [52, tr.63]. Với cách tiếp cận này, ẩm thực được hiểu là sự tổng hoà nhiều giác quan đem đến cái ngon cho người thưởng thức. Từ góc độ món ăn đơn giản hay món ăn nơi sang trọng mà mang đến dư vị ngon khác nhau cho người thưởng thức, hoặc hàm chứa ý nghĩa triết lý nhân sinh của con người khác nhau trong đời sống xã hội cũng như góp phần định hình giá trị xã hội, văn hoá ứng xử, phản ánh thói quen thông qua cách thức lựa chọn và thực hành ẩm thực. Theo tác giả Phan Văn Hoàn, nói đến văn hoá ăn uống, phải đề cập đến hai vấn đề là các món ăn và cách thức ăn hay lối ăn. Đây là hai nội dung cần và đủ trực tiếp tạo nên văn hoá ẩm thực. Do vậy nghiên cứu văn hoá ẩm thực là nghiên cứu đến hai khía cạnh được nêu trên [40, tr.17-18]. Ở khía cạnh khác Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng, “có thể hiểu văn hoá ẩm thực là lối ăn uống, cách ăn uống, hay cách ứng xử về ẩm thực tuỳ theo môi trường sống” [92, tr.31]. Hiểu theo nghĩa rộng là lối sống, cách sống, thế ứng xử tuỳ thuộc vào môi trường tự nhiên, môi trường sinh thái nhân văn, tuỳ theo tộc người, vùng miền, theo giai tầng xã hội tạo nên thực hành văn hoá ẩm thực khác nhau giữa các vùng miền.... Theo đó, văn hoá ẩm thực là yếu tố lớn bao trùm nhiều ý nghĩa. Đồng thời, văn hoá ẩm thực cũng là một tiêu chí đánh giá chất lượng cuộc sống, nó phản ánh truyền thống và đặc trưng của mỗi cư dân sinh sống ở khu vực, đất nước đó. Như người Việt Nam từ xa xưa đã chú ý tới văn hoá ẩm thực thông qua “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” đâu chỉ là vật chất mà còn ứng xử với gia đình, với xã hội thông qua những bữa ăn. Ngày nay, cùng với sự phát triển của
  • 29. 24 xã hội, con người không chỉ “Ăn no mặc ấm” mà luôn hướng tới tiêu chí “ăn ngon mặc đẹp”. Trong ba cái thú Ăn- chơi- mặc thì cái “ăn” được đưa lên hàng đầu. Ăn trở thành một nét văn hoá rất riêng, bởi vậy tìm hiểu văn hoá ẩm thực của một số dân tộc không chỉ biết về đặc điểm các món ăn mà thông qua đó thấy được địa vị, phong thái của con người trong xã hội cũng như những nét văn hoá riêng biệt. Thông qua các phân tích trên về cách tiếp cận văn hoá ẩm thực thì văn hoá ẩm thực không chỉ là món ăn, cách ăn mà còn thể hiện mối quan hệ tự nhiên và xã hội quanh món ăn. Trong luận án này, chúng tôi hiểu văn hoá ẩm thực không đơn thuần là món ăn mà là cách thức và tổ chức ăn uống trong tương tác với các vấn đề xã hội, vũ trụ quan, nhân sinh quan và những đặc trưng văn hóa của cộng đồng. - Vũ trụ quan và nhân sinh quan Trong đó, vũ trụ quan là khái niệm dùng để chị quan niệm của con người về không gian và thời gian, theo đó xem xét vũ trụ quan là nói đến sự thay đổi của đất trời, vạn vật, là quan niệm của con người về những gì diễn ra trong vũ trụ và vạn vật. Hiểu về vũ trụ quan là hiểu được vị trí của con người đối với vạn vật, từ đó ảnh hưởng đến quan niệm của con người về nhân sinh quan. Nhân sinh quan được hiểu là quan niệm của con người về cuộc sống, sự sống hay quan niệm của con người về những định luật diễn ra trong cuộc sống. Hiểu theo nghĩa rộng là hướng quan điểm của con người với lẽ sống, mục đích sống ý nghĩa, giá trị, và đó chính là phản ánh quan điểm hiện tồn của xã hội loài người, biểu hiện những lợi ích, khát vọng và hoài bão của con người trong đời sống hướng tới điều tốt đẹp. Xét trên góc độ nghiên cứu của luận án, những thực hành văn hoá ẩm thực gắn với người Hoa Quảng Đông phản ánh quan niệm về vũ trụ quan và nhân sinh quan khá sâu sắc và phong phú. Thông qua ẩm thực, cụ thể là các món ăn, thể hiện đa dạng quan điểm và niềm tin của con người hướng tới các giá trị như: Món ăn tốt, hài hoà âm dương mang đến sức khoẻ và sự may mắn trong cuộc sống qua những bữa ăn hàng ngày. Quan điểm hướng tới sự sung túc, ấm no,
  • 30. 25 phát triển thông qua những món ăn sử dụng để cúng lễ hoặc bữa ăn cộng đồng qua gắn liền với các nghi lễ trong đời sống. Ẩm thực có vai trò thiết lập mối quan hệ và hướng tới kết nối quan hệ tốt hơn cho con người, điều đó thể hiện sự cải tạo phát triển xã hội hợp lý trên quan điểm nhân sinh quan. Nhìn chung, nhân sinh quan và vũ trụ quan thể hiện ở góc độ văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông là sự tương tác mẫu số trong sự kết hợp nhân sinh quan trên khuynh hướng hướng tới cái hay, cái phù hợp như quan điểm bao đời nay vẫn thực hành mà chưa phá vỡ diện mạo chung của nó đó là những thái độ hướng tới sự an lành, tốt đẹp và may mắn trong cuộc sống. 1.3. Cơ sở lý luận Luận án sử dụng cách tiếp cận lý thuyết của các nhà nghiên cứu trong ngành nhân học và văn hoá học, giống như Nir Avieli đã tổng kết trong công trình nghiên cứu của mình “Rice talks – food & Community in a Vietnamese Town” [116] để nghiên cứu văn hoá ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. Theo quan điểm của một số nhà nghiên cứu đi trước như Goody (1982) [111]; Mennell (1992) [125] thì có 3 cách tiếp cận văn hoá và xã hội đối với ẩm thực: Tiếp cận chức năng, cấu trúc và phát triển. Còn theo như Nir Avieli đã tổng kết trong công trình nghiên cứu của mình, trên thực tế có nhiều cách tiếp cận mà nhà nhân học thường sử dụng khi tìm hiểu mối quan hệ giữa món ăn và văn hoá. Theo đó, phương thức truyền thống các nhà nhân học nghiên cứu món ăn thường có khuynh hướng coi lĩnh vực ẩm thực là nơi phản ánh trật tự xã hội đang tồn tại và những sắp xếp về văn hoá hiện tồn. Trong 3 thập kỷ qua, có 2 cách tiếp cận mới nổi lên: Một là, một số nhà nghiên cứu xem lĩnh vực ẩm thực như là một lĩnh vực văn hoá tự trị, mà trong đó có những nguyên tắc nội tại và các cơ chế bên trong cần phải khám phá và phân tích như Douglas (1975); Ashkenazi (1991),… Hai là, những người khác như Bourdieu (1984); Mennell (1985); Mintz (1986); Ohnuki-Tierney (1990; 1993; 1995) thì nhận ra những khía cạnh sản sinh văn hóa của lĩnh vực ẩm thực. Họ cho rằng ẩm thực không
  • 31. 26 chỉ là tấm gương phản chiếu những hình thái văn hoá xã hội, mà trong một số hoàn cảnh nhất định, nó còn tham gia vào các quá trình sản sinh văn hoá. Trong tổng kết các hướng nghiên cứu của các nhà nghiên cứu nhân học và văn hoá đã đi trước, điều mà Nir Avieli quan tâm là quan niệm lý thuyết mới mẻ này về lĩnh vực ẩm thực như một lĩnh vực văn hoá tự trị, như là nơi phản ánh các trật tự xã hội hiện tồn, và tham gia vào việc sản sinh văn hoá. Và đó cũng chính là tiền đề để Nir Avieli nghiên cứu trường hợp ẩm thực Hội An Việt Nam. Cụ thể, trong chủ đề “Ăn ở nhà” tác giả đã bàn về cấu trúc món ăn, phân tích nguyên tắc âm-dương, ngũ hành từ đó nói đến món ăn trong nhà phản ánh vũ trụ quan. Đồng thời, Nir cũng quan tâm đến sự chuẩn bị món ăn, trình bày và tiêu thụ dưới lăng kính của việc ẩm thực thể hiện cấu trúc xã hội như thế nào bao gồm cá nhân, tuổi tác, giới tính, thứ bậc ưu tiên. Do đó, món ăn trong nhà không chỉ duy trì và sản sinh các cấu trúc xã hội này, mà còn thúc đẩy những sự mâu thuẫn, tranh cãi về vị trí và tính bá chủ. Vì vậy, món ăn trong nhà cũng trở thành một lãnh địa mà trong đó các ý tưởng xã hội hiện đại thách thức trật tự truyền thống. Ở chủ đề ‘Ăn ngoài”, Nir quan tâm đến lĩnh vực ăn uống công cộng ở Hội An nhằm phác họa các khu vực ăn uống, từ những chỗ ăn uống đơn giản bên vệ đường cho tới các khách sạn nhà hàng dưới góc độ xem xét cách thức tổ chức hệ thống ăn uống này và ý nghĩa của chúng. Ông cho rằng, các khía cạnh khác nhau của bản sắc địa phương được sản sinh, tái sản sinh và thương lượng trong lĩnh vực ăn uống công cộng. Ở chủ đề '‘Món ăn trong các sự kiện của chu kỳ đời sống’, tác giả chỉ ra rằng các món ăn được sử dụng trong các sự kiện này, cũng như các “sắc thái ẩm thực được sắp xếp trong các không gian ăn uống nhất định và thể hiện các biểu tượng ẩm thực có ý nghĩa cả về mặt văn hoá và xã hội. Thông qua tìm hiểu lễ giỗ trong thờ cúng tổ tiên, tác giả cho rằng các món ăn cộng đồng sáng tạo ra, tổ chức và duy trì mối quan hệ giữa người sống và người chết, cũng như giữa người sống với nhau. Tìm hiểu ẩm thực trong tiệc cưới là cách nhấn mạnh vai trò lưỡng đôi của món ăn tiệc như là nơi vừa củng cố cộng đồng, vừa thúc đẩy mâu thuẫn. Món ăn trở thành cơ chế để thể hiện sự
  • 32. 27 phân biệt đẳng cấp, cũng như vốn kinh tế và vốn văn hoá của con người. Với ẩm thực trong lễ hội, tác giả nhấn mạnh đến món ăn cộng đồng như là một phương tiện đo lường sự gắn bó của mỗi nhóm xã hội. Tác giả cũng tập trung vào các ý nghĩa biểu tượng của các món ăn trong các dịp đặc biệt như là các biểu tượng chính thể hiện các giá trị cơ bản của văn hóa Việt Nam. Mặt khác, các món ăn biểu tượng đó cũng thể hiện những ý tưởng “địa phương” mà đôi khi thách thức thông điệp chính thức của “quốc gia”. Các món ăn biểu tượng này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng nên một khái niệm “tưởng tượng” và trừu tượng về “dân tộc”. Qua tất cả những khám phá đó, Nir Avieli nhấn mạnh các sự kiện công cộng đóng vai trò như là mẫu hình, có tính phản chiếu và thể hiện bản chất của các quá trình sản sinh, tái sản sinh và thương thoả của văn hoá, như là chúng được thể hiện một cách vật chất hoá trong lĩnh vực ẩm thực. Tác giả cũng cho rằng, với bản chất linh động và tự nhiên của ẩm thực, các sự kiện ăn uống cũng thường bao hàm các phương tiện để con người thể hiện những sự so sánh, mâu thuẫn, đưa ra những nghi ngờ về tính hợp pháp của một số dạng thức xã hội trong đời sống hàng ngày. Và vì thế, lĩnh vực ẩm thực thích hợp cho những tranh đấu xã hội và văn hoá, thương lượng và thử nghiệm. Như vậy, trong nghiên cứu “Rice talks – food & Community in a Vietnamese Town”, Nir Avieli nhấn mạnh mối quan hệ giữa món ăn và các khía cạnh văn hoá xã hội khác, bao gồm cấu trúc xã hội, quan hệ giới, vai trò giới, quan hệ giai cấp, thực hành tôn giáo, vũ trụ quan, tính tộc người, không gian, thời gian, thậm chí cả chính trị của địa phương và quốc gia [116; tr.3]. Theo như phân tích tổng kết các hướng lý thuyết khác nhau, thì hiện nay nghiên cứu về ẩm thực có nhiều hướng tiếp cận, các vấn đề được theo đuổi rộng hơn. Nhưng dựa trên cách tiếp cận những hướng nghiên cứu đi trước mà Nir Avieli đã ứng dụng thì trong trường hợp nghiên cứu về ẩm thực của người Hoa Quảng Đông ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay chúng tôi chỉ hướng đến hai cách tiếp cận nghiên cứu chính, đó là:
  • 33. 28 Thứ nhất, nhìn nhận về vũ trụ quan qua cân bằng âm dương ngũ hành, ý nghĩa tên gọi màu sắc trong món ăn mà người Hoa Quảng Đông đang sử dụng, phản ánh quan điểm mong cầu tốt đẹp vào cuộc sống thông qua ẩm thực. Thứ hai, văn hoá ẩm thực là tấm gương phản chiếu cấu trúc và quan hệ xã hội, giúp củng cố và phản ánh cấu trúc xã hội đang tồn tại. Theo đó, luận án này chúng tôi theo đuổi rộng hơn vấn đề lý luận liên quan đến mối quan hệ giữa thực phẩm và văn hoá bao gồm quan điểm nhân sinh quan trong thực hành văn hoá ẩm thực; Ảnh hưởng của ẩm thực đến mối quan hệ trật tự xã hội, đàm phán và những biểu đạt về giới. Chúng tôi sử dụng khung lý luận mà nghiên cứu của Nir Avieli đề cập để tìm hiểu những thông điệp văn hóa thể hiện trong các thực hành ẩm thực của người Hoa Quảng Đông cũng như quá trình mà ẩm thực tham gia vào việc sản sinh văn hóa tộc người. Bên cạnh đó, luận án còn quan tâm đến lý thuyết của Pierre Bourdieu khi ông đề cập đến cách thức ẩm thực tác động đến văn hoá, bản sắc cũng như sự thay đổi về mặt xã hội. Trong thảo luận triết học của ông “Vai trò hương vị góp phần thay đổi văn hoá” nghiên cứu năm 1980 đến 1984 với tác phẩm “Distinction: A social Critique of the Judgment of tase” ông đã cụ thể hoá hơn về quan điểm ẩm thực đã nêu ra trước đó bao gồm thị hiếu được phân biệt dựa trên nền tảng văn hoá cũng như phân theo cá nhân và tầng lớp sẽ khác nhau. Dựa trên mô hình thống kê số lượng tiêu thụ thức ăn ở Pháp thì mỗi tầng lớp cá nhân khác nhau có sự lựa chọn ưu đãi khác nhau về thực phẩm và cách thức họ ăn. Theo đó, ông cho rằng những người dạy học được cho là “người có vốn văn hoá hơn” họ lựa chọn trái cây, rau, thịt đỏ, khoai tây, rượu vang… tốt hơn những tầng lớp dưới đó ví dụ như công nhân. Bên cạnh đó, ông còn đề cập đến một vấn đề khác mang quan điểm nhân học hơn đó là mô tả sự khác biệt giữa cách cư xử “cao” “thấp” của người Pháp trong cách ăn uống. Ví dụ tầng lớp công nhân thích ăn đa dạng, dễ thích ứng món ăn hơn như mì, mì ống và thời gian ăn linh hoạt hơn, dụng cụ ăn linh hoạt hơn thậm chí chấp nhận bữa ăn nhanh phục vụ trên các mảnh bìa carton đóng gói. Sự khác nhau về bữa ăn của tầng lớp công nhân và
  • 34. 29 tầng lớp cao hơn với mô hình tiêu thụ đề cập như trên góp phần thể hiện sự khác biệt trong phân tầng văn hoá của xã hội. Như vậy, quan điểm của Bourdieu về quá trình sản xuất văn hoá thông qua cách thức tiêu thụ thực phẩm phần nào phản ánh được vai trò của ẩm thực đối với văn hoá và xã hội. Ông cũng lập luận rằng những người cùng chung giai cấp, địa vị sẽ có chung không gian xã hội và giá trị chung giống nhau “Những hình tượng mà các cá nhân và các nhóm chắc hẳn đưa vào trong hành động thực tiễn của họ chính là một phần và một mảng của thực tại xã hội của họ. Một giai cấp được xác định bởi cái nhận thức mà nó có về hiện thực cũng như bởi chính cái hiện thực của nó” [117, tr.564]. Áp dụng cách nhìn này của Pierre Bourdieu trong trường hợp nghiên cứu ẩm thực của Người Hoa Quảng Đông ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, chúng tôi cố gắng thông qua các thực hành ẩm thực như chất lượng thực phẩm, món ăn, vị trí ăn trong và ngoài gia đình…để đánh giá phần nào sự phân tầng giai cấp và giá trị của mỗi nhóm người trong xã hội, cũng như lựa chọn sự tương xứng trong kết nối xã hội của chính bản thân và gia đình. 1.4. Địa bàn nghiên cứu 1.4.1. Vài nét về cộng đồng Người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh, quá trình định cư và phân bố Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và ở Việt Nam nói chung, người Hoa là một bộ phận cư dân của dân tộc Việt Nam. Trong lịch sử và hiện tại, cộng đồng người Hoa đã có những đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng và phát triển Sài Gòn – Chợ Lớn trước đây cũng như Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. Ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay dân số người Hoa có giảm dần bởi các lý do như di dân ra các tỉnh, xuất ngoại và giảm sinh. Theo số liệu năm (2005 – 2015), hiện nay ở Thành phố Hồ Chí Minh còn 397,445 người Việt gốc Hoa1 . Người Hoa sống chủ yếu ở quận 5, quận 6, quận 8, quận 10 và quận 11. Người Hoa ở đây chủ yếu là người Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Khách Gia và 1 Theo kết quả điều tra thực trạng Kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2015, của Uỷ ban Dân Tộc, Nxb Văn hoá Dân Tộc.
  • 35. 30 Hải Nam. Dù định cư đã qua nhiều đời, người Hoa nói chung vẫn gìn giữ được bản sắc văn hóa, phong tục tập quán truyền thống của dân tộc mình và và sử dụng tiếng Hoa làm ngôn ngữ chính thức trong các giao dịch nội bộ. Qua nhiều đợt di dân khác nhau, hiện nay cộng đồng người Hoa sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh không đồng nhất về khoảng thời gian định cư. Nhóm di cư đến Việt Nam từ lâu đời nhất, họ là người Hoa từ miền duyên hải Nam Trung Quốc di cư đến miền Nam Việt Nam ít nhất là khoảng nửa đầu thế kỷ XVII và kéo dài nhiều thời gian sau đó cho đến khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập năm 1949. Một số nhà nghiên cứu thường nhắc đến cuộc di cư của hai viên quan nhà Minh là Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch đến xứ Đồng Nai vào năm 1679 được xem như là một cái mốc khởi đầu cho sự hình thành cộng đồng người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh cũng như khu vực Nam Bộ. Vào đầu thế kỷ XX, chính quyền thuộc địa thực dân Pháp ở Đông Dương mở rộng việc khai thác thuộc địa và cần một số lượng lớn nhân công, người bản xứ không đáp ứng đủ nhu cầu nên chính phủ Pháp thỏa thuận với chính phủ Trung Hoa dân quốc để tuyển mộ người Trung Hoa cho các đồn điền cao su, các công trường làm đường giao thông... Vì vậy, miền Nam Việt Nam, mà trực tiếp là cảng Sài Gòn đón nhận nhiều đợt nhập cư đông đảo của người Hoa. Số lượng người Hoa ở miền Nam tăng nhanh sau chiến tranh Thế Giới lần thứ hai bởi cuộc nội chiến giữa lực lượng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản với lực lượng Quốc Dân Đảng. Trong số những di dân người Hoa đến Việt Nam một số ít tiếp tục cuộc hành trình đến nước khác, phần nhiều là đến Campuchia và Lào do bị ảnh hưởng vấn đề pháp lý sau hiệp định Giơ-ne-vơ “trên nguyên tắc không ai theo quốc tịch Việt Nam thì phải bị trục xuất”. Đợt di cư tiếp theo sau này gắn liền nhiều hơn với cư dân các vùng duyên hải miền Nam Trung Quốc, họ tập trung chủ yếu ở các tỉnh Miền Tây và khu vực Thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn - Chợ Lớn) - nơi đã có người Hoa sinh sống trước đó - xét một cách tổng thể cộng đồng người Hoa ở đây sống khá tập trung và riêng biệt theo các “bang”. Theo tác giả Châu Hải “cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX trong năm bang người Hoa thì có bang Quảng Đông và bang Phúc Kiến là lớn nhất…Mỗi bang
  • 36. 31 có một thế mạnh ngành nghề nhất định….người Quảng Đông chiếm ưu thế trong ngành công nghiệp thủ công…giữ vị trí khá quan trọng trong trường buôn bán Sài Gòn – Chợ Lớn do đó họ có thế lực trong các nhóm cộng đồng người Hoa thời bấy giờ” [38, tr.62]. Trong quá trình cùng hội nhập, người Hoa có nhiều lý do nhưng chủ yếu là do bản thân của cộng đồng Hoa cố gắng tìm cách ổn định và phát triển trên vùng đất miền Nam Việt Nam. Sự hội nhập đó đem lại những điều kiện thuận tiện cho công việc làm ăn, sản xuất kinh doanh và cả những quyền lợi về mặt chính trị, xã hội. Với tư cách là công dân họ được quyền tự do đi lại, cư trú, có quyền sở hữu bất động sản và cả việc kết hôn dễ dàng với những người thuộc các dân tộc khác ở Việt Nam. Chính nhờ những quyền lợi đó mà các hoạt động thương mại của người Hoa nhanh chóng phát triển và là một thế mạnh trong hoạt động kinh tế của họ. Về phía các chính quyền ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975, sự hội nhập của người Hoa trở thành thành viên của các cộng đồng dân tộc ở Việt Nam cũng có nhiều ích lợi. Dân cư và phân bố dân cư Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở tháng 4 năm 2009, các quận huyện ở Thành phố Hồ Chí Minh đều có người Hoa cư trú và sinh sống, nhiều nhất là quận 5, quận 6 và quận 11, trong đó quận 11 có 92.003 người chiếm tỉ lệ cao nhất. Cụ thể: Bảng thống kê tỷ lệ dân số người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh Quận Số người Hoa Dân số toàn quận Tỉ lệ người Hoa (%) 11 92.003 226.854 40.56 5 54.291 171.452 31.67 6 63.978 249.329 25.66 Tân Bình 10.242 421.724 2.43 10 20.775 230.345 9.02 1 15.280 180.225 8.48 8 34.915 408.772 8.54 Bình Tân 42.206 572.132 7.38 Nguồn: Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh “Điều tra dân số & nhà ở 2009”, T9/2010.
  • 37. 32 Quận 5, quận 6, quận 10 và quận 11 ngày nay là những quận vốn trước đây thuộc Chợ Lớn, là vùng đất của khu vực cư trú xa xưa của người Hoa, nơi có làng Minh Hương xưa, một đô thị cổ mà người Hoa gọi là Đề Ngạn, nằm dọc con kênh Tàu Hủ. Hơn hai thế kỷ về trước, Chợ Lớn được ghi tên trên bản đồ của Le Brun vẽ năm 1795 với cái tên “Cửa hàng bách hóa Trung Hoa” (hoặc Bazar Chinoi). Theo ghi chép của tác giả Trịnh Hoài Đức “Cách phía Nam trấn 12 dặm, nằm gần hai bên quan lộ là đường phố lớn, ba đường xuyên thẳng qua giáp bến sông, một con đường chạy ngang ở giữa và một con đường chạy dọc theo bờ sông. Các con đường ấy giao nhau hình chữ điền. Phố xá liên tiếp sát mái nhau, người Hoa, người Việt ở chung lẫn lộn dài chừng ba dặm, hàng hóa bày bán có gấm đoạn, đồ sứ, giấy má, châu báu, sách vở, thuốc thang, trà bột. Những sản phẩm Nam Bắc theo đường sông, đường biển chở tới không thiếu món nào. Phía Bắc đường lớn có miếu Quan Thánh và hội quán Phước Châu, Quảng Đông, Triều Châu ở hai bên tả hữu. Phía Tây đường lớn ở giữa có miếu Thiên Hậu, gần phía Tây có hội quán Ôn Lăng. Phía Tây đường lớn ở đầu phía Nam có hội quán Chương Châu. Hễ gặp tiết đẹp đêm trăng, các ngày tam nguyên, sóc vọng thì treo đèn đặt bàn, đua tranh kỹ xảo, trông như cây lửa cầu sao, thành gấm vóc, hội Quỳnh Dao, trống kèn huyên náo. Đó là nơi phố thị đô hội náo nhiệt. Đường phố lớn ở giữa có giếng nước xưa, nước ngọt đầy suốt bốn mùa không cạn...” [27]. Như vậy, vùng đất Chợ Lớn mà ngày nay là các quận 5, quận 6, quận 10, quận 11 của thành phố Hồ Chí Minh đã sớm là nơi quy tụ sinh sống của người Hoa. Hiện nay, dọc kênh Tàu Hủ, các phố Hàm Tử, Trần Văn Kiểu vẫn còn nhiều kiến trúc mang sắc thái Hoa của thời kỳ đầu thế kỷ XIX, nơi diễn ra các hoạt động thương mại náo nhiệt của người Hoa. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, phân bố cư trú của người Hoa theo hai dạng, một là cư trú xen kẽ với các cộng đồng cư dân khác, hai là cư trú tập trung thành từng khu vực nhỏ. Hình thức cư trú thứ nhất là phổ biến đối với cộng động người Hoa trên toàn địa bàn thành phố. Ngay những khu vực tập trung nhất của người Hoa ở quận 5 hoặc quận 11...trong các khu phố, các chung cư đều có sự
  • 38. 33 xen kẽ giữa người Hoa với người Việt và với các dân tộc anh em khác. Còn về dạng cư trú tập trung đông người Hoa, phần nhiều là trong phạm vi một số khu phố, tổ dân phố ở các quận 5, quận 6, quận 11... ở một số phường của quận 5, quận 11 có tỷ lệ dân số người Hoa khá cao, khoảng trên 70%. 1.4.2 Khái quát về người Hoa Quảng Đông tại địa bàn nghiên cứu Là một trong năm nhóm người Hoa hiện sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh, cộng đồng người Hoa Quảng Đông chiếm tỉ lệ dân số đông nhất, ngôn ngữ Quảng được sử dụng rộng rãi, kinh tế chủ đạo và nổi bật nhất là văn hoá ẩm thực trở thành nét độc đáo cho ẩm thực người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, đa số người Quảng Đông tập trung chủ yếu ở các quận quận 5, quận 6 và quận 11 trong đó quận 5 chiếm tỉ lệ đông hơn cả và là nơi phản ánh bản sắc của cộng đồng người Hoa Quảng Đông một rõ nét nhất. Cũng giống như các cộng đồng người Hoa khác có mặt ở Thành phố Hồ Chí Minh, cộng đồng người Quảng Đông đến định cư ở đây qua nhiều giai đoạn khác nhau. Giai đoạn đầu khoảng cuối thế kỷ thứ XVII. Đây là cộng đồng người đến Việt Nam trên tinh thần “phản Thanh phục Minh” và những người bị triều đình nhà Thanh đàn áp theo nhóm tị nạn Trần Thượng Xuyên. Sau khi đến Đàng Trong thì được chúa Nguyễn đồng ý cho cư trú tại Cù Lao phố và Đông Phố (Gia Định) và một số địa điểm khác tại Nam Bộ, Cù Lao phố là một cù lao trên sông Đồng Nai, ngày nay thuộc thành phố Biên Hòa. Người Hoa đã lập chợ, buôn bán, phố xá đông đúc ở đây. Năm 1778, quân Tây Sơn đàn áp những người Hoa ở Cù Lao phố do họ đã ủng hộ Nguyễn Ánh, việc đó lại lặp lại vào năm 1782. Do đó năm 1778 người Hoa Cù Lao phố đã chuyển đến Chợ Lớn mà người Hoa gọi là “Đề Ngạn” và lập ra làng Minh Hương. Theo sách Gia Định Thành Thông chí của Trịnh Hoài Đức Làng Minh Hương được thành lập vào cuối thế kỷ XVII. “Họ là Tàu lại ăn mặc theo lối ta và hợp thành một xã có đặc ân” [27, tr.164)]. Như vậy, làng Minh Hương ở Sài Gòn xưa thuộc về quận 5 ngày nay, vùng đất có đình Minh Hương Gia Thạnh bao gồm phường 10 và phường 11 của quận. Những ghi chép của Trịnh
  • 39. 34 Hoài Đức, cũng như các tài liệu nghiên cứu sau này đều cho thấy rõ, chính quyền phong kiến Đàng Trong có sự phân biệt giữa người Hoa là công dân Việt Nam với người Hoa. Những làng Minh Hương là đơn vị hành chính có địa phận rõ ràng, giống như các làng xã đương thời là đơn vị hành chính cấp cơ sở. Cái khác ở đây là những thành viên trong làng là những người Hoa đã nhập tịch và họ được sự đối xử ưu ái, cởi mở của nhà nước. Đến nay, cộng đồng người Hoa Quảng Đông vẫn chiếm tỉ lệ cao nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên càng gần đây tỉ lệ dân số càng giảm2 . Ngay từ khi có mặt ở Chợ Lớn, người Hoa Quảng Đông đã bộc lộ lợi thế của mình là ngành thủ công nghiệp sản xuất kinh doanh các mặt hàng kim loại, làm đồ trang sức, xay xát và nhập khẩu lúa gạo [38, tr.62], do vậy, xét về địa bàn cư trú họ sống tập trung theo các con đường lớn, tiện cho việc kinh doanh buôn bán như là đường Trần Hưng Đạo, Châu Văn Liêm, Nguyễn Trãi, Hải Thượng Lãn Ông, Tạ Uyên, Bùi Hữu Nghĩa… hiện tại. Với sự sinh sống tập trung tạo nên cộng đồng cư dân biệt lập, đồng nhất, hỗ trợ nhau nhiều khía cạnh trong cuộc sống và đặc biệt có thể lưu giữ những đặc trưng cơ bản của văn hoá tộc người ở trên một số các khía cạnh nhất định. Ở quận 6 người Hoa Quảng Đông cư trú thành khu vực vừa mang tính phương ngữ, vừa mang tính kinh doanh, họ buôn bán gần khu vực Chợ Lớn như khu Tháp Mười, Trần Bình, Lê Tấn Khế xung quanh chợ Bình Tây [100, tr.16]. Ở quận 5, theo Trần Hạnh Minh Phương, hiện nay người Hoa Quảng Đông chủ yếu sống tập đông nhất ở phường 6, phường 11, phường 14, chung cư Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Thuý Hoa, đường An Bình, Trần Hưng Đạo, Phùng Hưng, Lương Nhữ Học, Nguyễn Thời Trung, Trần Hưng Đạo, Hàm Tử [68, tr.51]. Từ thế kỷ XX trở về trước đa số người Hoa Quảng Đông sinh sống quần tụ theo dạng thức “bang”, “hội” [38]. Hiện nay, cùng với xu thế mở rộng giao lưu trong quá trình sinh sống, kinh doanh, cộng hôn trong hôn nhân đặc biệt 2 Theo kết quả điều tra thực trạng Kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2015, của Uỷ ban Dân Tộc, Nxb Văn hoá Dân Tộc.