SlideShare a Scribd company logo
1 of 27
Download to read offline
ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
-----------------------
PHAN THỊ THU THÚY
NHÂN SINH QUAN
TRONG TƯ TƯỞNG CỦA MINH MỆNH
- ĐẶC ĐIỂM VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ
Ngành: CNDVBC&CNDVLS
Mã số: 9.22.90.02
TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHỦ NGHĨA DUY VẬT
BIỆN CHỨNG VÀ CHỦ NGHĨA DUY VẬT LỊCH SỬ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH – 2022
Công trình được hoàn thành tại:
ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
Người hướng dẫn khoa học:
1. PGS.TS. CAO XUÂN LONG
2. PGS.TS. TRẦN MAI ƯỚC
Phản biện độc lập 1: PGS.TS. Đặng Hữu Toàn
Phản biện độc lập 2: PGS.TS. Trần Thị Hạnh
Phản biện 1: PGS.TS. Vũ Văn Gầu
Phản biện 2: PGS.TS. Lương Minh Cừ
Phản biện 3: TS. Nguyễn Sinh Kế
Luận án được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp cơ sở đào
tạo họp tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học
Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Vào lúc 8 giờ 00 ngày 25 tháng 01 năm 2022
Có thể tìm hiểu luận án tại:
- Thư viện trung tâm ĐHQG-HCM.
- Thư viện Trường Đại học KHXH & NV, TP. HCM.
- Thư viện Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC
ĐÃ CÔNG BỐ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI CỦA LUẬN ÁN
1. Tác giả: Tư tưởng giáo dục của Minh Mệnh, Tạp chí Khoa
học chính trị, số 02/2018, chỉ số ISSN 1859-0187, tr. 61-64
2. Tác giả: Tư tưởng đạo đức của Minh Mệnh, Tạp chí Khoa
học chính trị, số 04/2019, chỉ số ISSN 1859-0187, tr.64- 68
3. Thành viên: Nho gia và những ảnh hưởng của nó đến đời
sống xã hội Việt Nam hiện nay (Dùng cho cao học và nghiên cứu
sinh), Tài liệu tham khảo do TS.Trần Mai Ước chủ biên, theo
quyết định công nhận số 2222/QĐ-ĐHNH, ngày 16/10/2017 của
Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh.
4. Thành viên: Tư tưởng “Dĩ dân vi bản”, nội dung- giá trị
vận dụng trong giai đoạn hiện nay, Đề tài nghiên cứu khoa học
cấp trường (TS.Trần Mai Ước chủ biên), quyết định công nhận số
166/QĐ-ĐHNH, ngày 7/2/2018 của Hiệu trưởng Trường Đại học
Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh
1
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Trong bất cứ giai đoạn phát triển nào của lịch sử xã hội loài người, con
người luôn đóng vai trò quyết định vì chính con người là kết quả của quá trình
phát triển lâu dài của lịch sử, là chủ nhân của lịch sử và là mục tiêu và động
lực của quá trình phát triển. Do vậy việc đào tạo, xây dựng phát triển con
người toàn diện là vấn đề quan trọng, trong đó có vấn đề xây dựng thế giới
quan, nhân sinh quan cho con người. Nói về “Nhân sinh” là nói về cuộc sống
con người, “nhân sinh quan” chính là những quan điểm về con người và về
cuộc sống con người, đề cập đến lẽ sống con người là gì. Do đó, tư tưởng
nhân sinh luôn đề cao vai trò và vị trí con người, hướng đến những điều tốt
đẹp cho cuộc sống con người. Chính vì vậy, tư tưởng nhân sinh đã trở thành
một trong những chủ đề lớn của lịch sử tư tưởng nhân loại. Dân tộc Việt Nam
trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước luôn đề cao con người,
khẳng định vai trò to lớn của con người. Tư tưởng này được tiếp nối qua
nhiều thế hệ, đến thời đại Hồ Chí Minh, một lần nữa, Người đã khẳng định vị
trí, vai trò quan trọng của con người mới xã hội chủ nghĩa đối với sự nghiệp
xây dựng chủ nghĩa xã hội: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần
có những con người xã hội chủ nghĩa” 1
Thấm nhuần tư tưởng đó, trong quá trình cách mạng và quá trình đổi mới
đất nước hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam rất chú trọng công tác đào tạo
phát triển con người Việt Nam toàn diện, đặc biệt là quan tâm xây dựng nhân
sinh quan tích cực cho con người. Văn kiện Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành
Trung ương khóa VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ những mục
tiêu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển con người Việt Nam trong giai đoạn
cách mạng mới, đó là con người với những phẩm chất nổi bật: “Có tinh thần
yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội,
có ý chí vươn lên đưa nước ta thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, đoàn kết với
nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân
chủ và tiến bộ xã hội”2
Trải qua hơn 30 năm đổi mới toàn diện đất nước do Đảng lãnh đạo,
chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực, có ý nghĩa lịch
sử to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Tuy
nhiên, thành quả của công cuộc đổi mới mà chúng ta đạt được chỉ là bước
1
Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.66.
2
Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ ba, Ban chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb.
Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.58.
2
đầu, vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Đáng chú ý trong đó là tình trạng phai
nhạt lý tưởng và “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những
biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng
viên, công chức diễn biến phức tạp;...đạo đức xã hội có mặt xuống cấp đáng
lo ngại”3
. Nguyên nhân của hạn chế trên là do tác động của kinh tế thị trường,
của quá trình hội nhập quốc tế với những tác động mà cuộc cách mạng khoa
học công nghệ mang lại, cùng với tình hình khu vực và thế giới thay đổi
nhanh chóng, diễn biến rất phức tạp, khó lường, đòi hỏi Đảng và nhà nước
cùng nhân dân ta cần tập trung khắc phục, đưa đất nước phát triển nhanh và
bền vững. Để xây dựng được con người Việt Nam với nhân sinh quan tích
cực và có chiều sâu, một mặt chúng ta cần phải tìm hiểu, tiếp thu và kế thừa
những tinh hoa tinh thần và nhân sinh quan trong tư tưởng nhân loại; mặt
khác, phải biết kế thừa, phát huy và làm giàu thêm những giá trị về mặt nhân
sinh quan tốt đẹp trong truyền thống lịch sử và văn hóa dân tộc Việt Nam.
Một trong những nhà tư tưởng, nhà chính trị tiêu biểu của những năm
đầu thế kỷ XIX là Minh Mệnh (1791-1841), người đã xây dựng hệ thống tư
tưởng chính thống của triều Nguyễn. Trong đó, ông có những quan niệm về vị
trí, vai trò con người, quan điểm về dân, lấy dân làm gốc, quan điểm về giáo
dục và đạo lý làm người hết sức sâu sắc. Nổi bật và xuyên suốt trong nhân
sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh đó là tinh thần yêu nước thương
dân, là ý chí xây dựng một đất nước kỷ cương, phát triển mạnh về kinh tế, văn
hóa, khát vọng xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh. Vì thế, nhận xét về
ông, tác giả Lê Sỹ Thắng (1997) đã khẳng định: “Minh Mệnh là người đặt cơ
sở tư tưởng và thể chế của triều Nguyễn”4
. Nếu bỏ qua những hạn chế về điều
kiện lịch sử thì những giá trị nhân sinh trong tư tưởng của Minh Mệnh vẫn
còn nguyên ý nghĩa lịch sử quý báu, góp phần thiết thực vào việc phát huy
hiệu quả nhân tố con người trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay.
Chính vì thế tôi đã chọn vấn đề:“Nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh
Mệnh – Đặc điểm và ý nghĩa lịch sử” làm đề tài luận án tiến sĩ chuyên ngành
Chủ nghĩa duy vật biện chứng và Chủ nghĩa duy vật lịch sử.
Nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh là một trong những đề tài
rộng lớn có ý nghĩa lý luận sâu sắc và ý nghĩa thực tiễn thiết thực, đã thu hút
sự quan tâm nghiên cứu của nhiều nhà khoa học dưới nhiều góc độ, khía cạnh
khác nhau, khá phong phú và sâu sắc, nhưng có thể phân thành các chủ đề sau:
3
Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà
Nội, 2016, tr.74
4
Lê Sĩ Thắng: Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập 2, Nxb.Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997, tr.74.
3
Chủ đề thứ nhất là những công trình nghiên cứu liên quan đến điều
kiện và tiền đề hình thành nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh.
Với chủ đề nghiên cứu này, có các tác phẩm tiêu biểu: Lịch sử thế giới, của
Lưu Tộ Xương, Quang Nhân Hồng, Hàn Thừa Văn và Ngãi Châu Xương, Nxb
Thành phố Hồ Chí Minh, 2002; Lược sử ngoại giao Việt Nam các thời trước
của Nguyễn Lương Bích, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1996; Nghiên cứu
Huế (7 tập) của Trung tâm nghiên cứu Huế phát hành năm 1999, 2001, 2002,
2003, 2008, 2010; Lịch sử Việt Nam của tác giả Trần Đức Cường tổng chủ
biên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2017; Sự phát triển của tư tưởng Việt
Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám, tập 1 của Trần Văn Giàu, Nxb
Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996; Việt Nam và hình mẫu Trung Hoa nghiên
cứu so sánh về chính quyền dân sự nhà Nguyễn và nhà Thanh nửa đầu thế kỷ
XIX, bản dịch tiếng Việt, của tác giả Alexander Barton Woodside, Harvard
University Press Cambridge, Massachusetts, 1971; Vùng đất Nam Bộ dưới
triều Minh Mạng (1820-1841) của tác giả Choi Byung Wook ( Lê Thùy Linh,
Trần Thiện Thanh, Hoàng Anh Tuấn, Phạm Văn Thủy, Nguyễn Mạnh Dũng
dịch), Nxb Hà Nội, Hà Nội, 2019; Bài báo Vua Minh Mạng với tư tưởng củng
cố nền thống nhất quốc gia của tác giả Nguyễn Minh Tường, đăng trên tạp chí
Xưa và nay, số 286, tháng 6/2007; Bài báo Ý thức về biển của vua Minh Mệnh
của tác giả Vu Hướng Đông đăng trên tạp chí Xưa và nay, số 343 (11/2009).
Chủ đề thứ hai là những công trình nghiên cứu liên quan đến nội
dung và đặc điểm nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh. Với chủ đề
nghiên cứu này, có các tác phẩm Đại Nam thực lục chính biên của Quốc sử
quán triều Nguyễn, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2006; Minh Mệnh chính yếu của
Quốc sử quán triều Nguyễn, 1974; Hoàng Việt luật lệ do Nguyễn Văn Thành,
Nxb Văn hóa Hà Nội, 1994; Lịch sử tư tưởng Việt Nam của Lê Sỹ Thắng,
Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997; Những vị vua hay chữ nước Việt của
Phạm Trường Khang, Nxb Văn hóa thông tin, 2013; Quan niệm của Nho giáo
về giáo dục con người của Nguyễn Thị Nga và Hồ Trọng Hoài, Nxb Chính trị
quốc gia, Hà Nội, 2003; bài viết Tư tưởng đạo đức của vua Minh Mệnh của
Lê Thị Lan, đăng trên Tạp chí Triết học, số 12, năm 2015; bài viết Tập sự -
một trong những phương tiện đào tạo quan lại (1820-1918), của tác giả
Emmanuel Poisson đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 6, 1999; cuốn
sách A history of the Vietnamese, của tác giả Taylor K.W, Cambridge
University press, 2013.
Chủ đề thứ ba là những công trình nghiên cứu giá trị, hạn chế và ý
nghĩa lịch sử nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh. Với chủ đề
4
nghiên cứu này, có các tác phẩm Sự khủng hoảng của chế độ phong kiến triều
Nguyễn của Trần Văn Giàu, Nxb Văn hóa Hà Nội, 1958; Chính sách khuyến
nông dưới thời vua Minh Mệnh của Trương Hữu Quýnh – Đỗ Bang, Nxb Văn
hóa Thông tin, Hà Nội, 1991; Tình hình ruộng đất nông nghiệp và đời sống
nhân dân dưới triều Nguyễn của Đỗ Bang, Nxb Thuận Hóa, Huế,
1998; Chính sách văn hóa triều Nguyễn (1802 - 1884) của Vũ Thị Phương
Hậu, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội, 2014; Định chế pháp luật và tố tụng
triều Nguyễn (1802-1885) của Huỳnh Công Bá, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2016;
Tư tưởng chính trị “Dân là gốc” trong lịch sử tư tưởng Việt Nam của tác giả
Lê Văn Thắng, Nguyễn Văn Tuân (Đồng chủ biên), Nxb Chính trị quốc gia,
Hà Nội, 2018.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án
Mục đích nghiên cứu của luận án: Mục đích nghiên cứu của luận án là
nhằm làm rõ một cách có hệ thống những nội dung nhân sinh quan trong tư
tưởng Minh Mệnh và từ đó rút ra những đặc điểm, ý nghĩa lịch sử của tư
tưởng này.
Nhiệm vụ nghiên cứu của luận án:
Để đạt được mục đích trên, luận án phải thực hiện những nhiệm vụ sau:
Một là, trình bày, phân tích làm rõ những điều kiện và tiền đề hình thành
nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh.
Hai là, trình bày, phân tích lý giải, làm rõ những nội dung và đặc điểm
cơ bản nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh.
Ba là, phân tích, đánh giá, chỉ ra những giá trị, hạn chế của nhân sinh
quan trong tư tưởng Minh Mệnh; từ đó rút ra ý nghĩa về mặt lý luận và về mặt
thực tiễn trong quan điểm nhân sinh của ông.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án
Đối tượng nghiên cứu của luận án: Là nghiên cứu nhân sinh quan trong tư
tưởng Minh Mệnh, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử trong tư tưởng của ông.
Phạm vi nghiên cứu của luận án: Luận án không nghiên cứu, tìm hiểu
toàn bộ tư tưởng của Minh Mệnh nói chung, mà chỉ tập trung nghiên cứu về
nội dung cơ bản và đặc điểm chủ yếu của nhân sinh quan trong tư tưởng
Minh Mệnh qua tác phẩm “Minh Mệnh chính yếu” của Quốc sử quán Triều
Nguyễn, do Ủy ban dịch thuật thuộc Bộ Văn hóa Giáo dục và thanh niên
dịch và hiệu chỉnh, xuất bản từ năm 1972 đến 1975.
5. Cơ sở l luận và phương ph p nghiên cứu của luận n
Cơ sở lý luận của luận án
5
Luận án được thực hiện dựa trên cơ sở thế giới quan và phương pháp
luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, đồng
thời dựa trên quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hiến pháp, pháp luật
của nhà nước Việt Nam về vấn đề nhân sinh để định hướng cho việc nghiên
cứu đề tài này.
Phương pháp nghiên cứu của luận án
Luận án sử dụng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu như: sự thống
nhất giữa phân tích và tổng hợp, quy nạp và diễn dịch, logic và lịch sử, so
sánh và đối chiếu, lý luận kết hợp với thực tiễn để nghiên cứu và trình bày
luận án.
6. Đóng góp mới của luận án
Thứ nhất, luận án tập trung phân tích làm rõ và có hệ thống những nội
dung và những đặc điểm chủ yếu nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh.
Thứ hai, luận án đã trình bày, phân tích, rút ra giá trị, hạn chế và ý nghĩa
lịch sử bổ ích, góp phần vào thực tiễn giáo dục nhân sinh quan cho con
người Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay.
7. Ý nghĩa khoa học và nghĩa thực tiễn của luận án
Ý nghĩa khoa học của luận án
Trên cơ sở trình bày một cách có hệ thống nội dung, đặc điểm và ý
nghĩa lịch sử nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh, luận án không chỉ
giúp chúng ta có sự nhận thức sâu sắc hơn quan điểm nhân sinh của ông, mà
còn khẳng định giá trị khoa học và ý nghĩa lịch sử nhân sinh quan trong tư
tưởng của Minh Mệnh nói riêng, cũng như của nhân sinh quan trong tư
tưởng Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XIX nói chung.
Ý nghĩa thực tiễn của luận án
Những phân tích, đánh giá của luận án về đặc điểm, giá trị, hạn chế và ý
nghĩa lịch sử nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh góp phần nâng cao
nhận thức về nhân sinh quan cho con người Việt Nam trong quá trình hội
nhập quốc tế hiện nay.
Luận án cũng có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo, phục vụ cho việc
tìm hiểu, nghiên cứu và học tập môn Lịch sử tư tưởng Việt Nam và cho
những ai quan tâm.
8. Kết cấu của luận n
Ngoài phần mở đầu, phần kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận
án gồm 3 chương, 6 tiết và 14 tiểu tiết.
6
Chương 1
ĐIỀU KIỆN VÀ TIỀN ĐỀ HÌNH THÀNH NHÂN SINH QUAN
TRONG TƯ TƯỞNG MINH MỆNH
1.1. ĐIỀU KIỆN LỊCH SỬ - XÃ HỘI THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM CUỐI THẾ
KỶ XVIII ĐẦU THẾ KỶ XIX VỚI SỰ HÌNH THÀNH NHÂN SINH QUAN
TRONG TƯ TƯỞNG MINH MỆNH
1.1.1.Điều kiện lịch sử - xã hội thế giới cuối thế kỷ XVIII đầu thế
kỷ XIX với sự hình thành nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh
Trong giai đoạn cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, lịch sử xã hội thế
giới có nhiều chuyển biến mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Trước hết, việc
cải tiến kỹ thuật đã góp phần thúc đẩy nền sản xuất xã hội phát triển mạnh
mẽ, sự bóc lột sức lao động của giai cấp tư sản đối với giai cấp công nhân ở
các nước tư bản ngày càng tăng; nhu cầu xâm lược, tìm kiếm thuộc địa của
các nước tư bản ngày càng rõ nét hơn; đồng thời, việc thay đổi sức sản xuất
đã làm đảo lộn trật tự xã hội và ý thức hệ tư tưởng cũ, những tư tưởng tiến bộ
mới ra đời đã đặt ra vấn đề cơ bản và cấp thiết về cuộc sống con người, giá trị
và nhân phẩm con người.
Chế độ tư bản chủ nghĩa phát triển mạnh mẽ ở châu Âu, trong khi các
quốc gia phong kiến Châu Á khác thì vẫn là thời kỳ phát triển của kinh tế nông
nghiệp lạc hậu. Trong bối cảnh chung của khu vực và thế giới, Việt Nam
không thể đứng ngoài những biến động chính trị mà tư bản phương Tây tạo
nên trong quá trình tìm kiếm thuộc địa và khu vực ảnh hưởng, những tư tưởng
mới buổi đầu đi vào nước ta, tất yếu đã bước đầu phát sinh ảnh hưởng, bước
đầu tác động vào tư tưởng của Minh Mệnh trong việc cai trị đất nước sao cho
khỏi lệ thuộc, ông đã nhìn thấy được vai trò của đổi mới đối với phát triển đất
nước. Do vậy, việc Minh Mệnh chọn lựa quan điểm nhân sinh tiến bộ, phù hợp
với xu thế thời đại là một đòi hỏi lúc bấy giờ. Hệ tư tưởng nhân sinh đó vừa
phải tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển, nhằm củng cố sự thống nhất đất
nước, vừa phải bảo vệ sự an nguy của quốc gia trước họa ngoại xâm.
1.1.2. Điều kiện lịch sử - xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XVIII đầu thế
kỷ XIX với sự hình thành nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh
Bước sang đầu thế kỷ XIX, xu thế phát triển của xã hội Việt Nam đang
có những chuyển biến mới, vấn đề phát triển kinh tế, văn hóa, giữ vững an
ninh chính trị, bảo vệ quốc gia thống nhất, từng bước củng cố tiềm lực dân
tộc, trở thành những vấn đề bức xúc, nhằm đáp ứng yêu cầu thời đại và đối
phó với nguy cơ ngoại xâm. Triều đại nhà Nguyễn được thành lập, trải qua
7
các đời vua Gia Long (1802- 1819) rồi đến Minh Mệnh (1820- 1840) đều
đứng trước những yêu cầu đó của lịch sử.
Điều kiện về kinh tế, dưới thời trị vì của Minh Mệnh, hầu hết nhân dân
là nông dân, sống bằng nghề nông là chủ yếu, do đó ông rất quan tâm đầu tư
cho nông nghiệp để đảm bảo xây dựng nền tảng xã hội ổn định trong trật tự
phong kiến.
Điều kiện về cơ cấu giai cấp, trong xã hội phân chia thành 2 nhóm giai
cấp: giai cấp thống trị và giai cấp bị trị. Giai cấp thống trị bao gồm: vua,
quan, thư lại trong hệ thống chính quyền và giai cấp địa chủ. Tầng lớp bị trị
bao gồm: nông dân, thợ thủ công, thương nhân, dân nghèo thành thị, những
người bị đi đày, nô tì. Đa số nông dân có một ít ruộng đất cùng với một phần
ruộng công làng xã, không đủ ăn, phải làm thêm bằng cách chạy chợ buôn
bán, làm thủ công, làm thuê. Họ phải chịu mọi tai họa của tự nhiên và bất
công xã hội, mọi thứ thuế má, sưu dịch. Những vấn đề đó ảnh hưởng không
nhỏ đến nhân sinh quan của Minh Mệnh trong việc giữ vững ổn định đất
nước, tránh xung đột, xáo trộn trong nước.
Điều kiện về chính trị, nhà nước dưới triều Nguyễn là nhà nước quân chủ
chuyên chế tập trung cao độ, mọi quyền hành đều thuộc về hoàng đế (vua).
Vua là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, nắm cả lập pháp, hành pháp và
tư pháp. Tuy nhiên dựa vào tập quán trị nước, truyền thống dân chủ làng xã và
kỷ cương phép nước, Minh Mệnh cũng dành sự khoan thư cho dân, điều chỉnh
kỷ cương phép nước cho thuận chính đạo, hợp ý trời, chính những điều tiết này
của Minh Mệnh trong thực tiễn trị nước đã giúp cho triết lý nhân sinh của ông
thấm đượm chủ nghĩa yêu nước và mang tính nhân văn sâu sắc.
Điều kiện về văn hóa, đến đầu thế kỷ XIX, sau khi thống nhất đất nước
từ Bắc tới Nam, trên lãnh thổ nước ta có sự hiện diện của ba trung tâm văn
hóa lớn là: văn hóa Thăng Long, văn hóa Phú Xuân, văn hóa Gia Định. Tính
địa phương đem lại sự phong phú, đa dạng nhưng nó cũng gây ra những cản
trở nhất định trong quá trình quản lý đất nước. Với đặc trưng của văn hóa Việt
Nam lúc bấy giờ thì cũng tác động không nhỏ đối với việc hình thành nhân
sinh quan của ông, tư tưởng đó sẽ phải nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa của
cộng đồng người Việt Nam, đáp ứng những đòi hỏi của đời sống văn hóa
nhằm mục tiêu phục vụ, giữ vững ổn định chính trị.
Như vậy, chính những đặc điểm và yêu cầu khách quan đó của lịch sử xã
hội thế giới và Việt Nam đầu thế kỷ XIX đặt ra cho nhân sinh quan của Minh
Mệnh một vấn đề cần giải quyết đó là, tư tưởng đó phải phù hợp với xu thế của
thời đại, của đất nước lúc bấy giờ. Triết lý nhân sinh đó giúp ổn định lòng người,
8
thúc đẩy lòng tự hào, ý thức tự tôn dân tộc, tập hợp các tầng lớp dân chúng, duy
trì sự ổn định của xã hội là vấn đề hết sức cần thiết và đòi hỏi khách quan
1.2. TIỀN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ VAI TRÒ NHÂN TỐ CHỦ QUAN CỦA
MINH MỆNH VỚI SỰ HÌNH THÀNH NHÂN SINH QUAN TRONG TƯ
TƯỞNG CỦA ÔNG
1.2.1. Tiền đề l luận hình thành nhân sinh quan trong tư tưởng
Minh Mệnh
Thứ nhất, quan điểm nhân sinh trong truyền thống văn hóa Việt Nam với
sự hình thành nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh
Nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh được hình thành trên cơ sở
từ truyền thống văn hóa Việt Nam, mang đậm tính nhân văn và tính dân tộc
sâu sắc, trước hết được kế thừa từ truyền thống yêu nước, thương dân, lấy
dân làm gốc. Bên cạnh đó, tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm cộng đồng
cũng là một truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc hình thành nên nhân
sinh quan của Minh Mệnh. Ngoài ra, truyền thống nhân ái, lòng khoan dung,
nhân đạo, tinh thần nhân văn sâu sắc là đặc trưng trong triết lý sống của
người Việt Nam được Minh Mệnh tiếp thu trong việc xây dựng và thực hiện
triết lý nhân sinh của mình. Cần cù, siêng năng là một trong những giá trị
đạo đức nổi bật, phẩm chất đáng quý của người Á Đông, trong đó có người
Việt Nam được Minh Mệnh tiếp thu. Thứ hai, quan điểm nhân sinh trong
văn hóa phương Đông với sự hình thành nhân sinh quan trong tư tưởng
Minh Mệnh. Ông đặc biệt đề cao đức hiếu, đức trung, đức lễ, đức tín, vì bốn
đức này là phương tiện chủ yếu nhất để bảo vệ vương quyền, duy trì chế độ
phong kiến và trong việc trị nước, an dân, là khuôn mẫu trong việc tề gia, trị
quốc: “Từ nay về sau cần phải lấy bốn chữ “trung tín hiếu để” làm kinh nhựt
tụng mà dạy dỗ con em”5
. Ngoài ra, ông đặc biệt đề cao tư tưởng “thân dân”,
đường lối “nhân chính” và nền chính trị được lòng dân của Nho giáo.
Nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh còn được hình thành trên cơ
sở tiếp thu tư tưởng của Pháp gia, Phật giáo và Đạo giáo. Vận dụng những tư
tưởng của Pháp gia, Minh Mệnh rất chú trọng đến hoàn thiện hệ thống pháp
luật, luôn ra sức củng cố bộ máy quản lý đất nước. Tư tưởng Pháp trị khi
dung hòa với Nho giáo và các yếu tố của truyền thống dân tộc Việt Nam đã
làm cho tư tưởng Pháp trị của Minh Mệnh có phần linh hoạt, mềm dẻo, có
tình có lý và do đó đậm tính nhân sinh sâu sắc. Thứ hai, Minh Mệnh đã kế
thừa quan điểm nhân sinh trong triết lý Phật giáo. Ông tiếp thu tinh thần từ bi
5
Quốc sử quán triều Nguyễn: Minh Mệnh chính yếu, tập 4, Bộ Văn hóa giáo dục và thanh niên, Sài gòn,
1974, tr.42.
9
bác ái, vô ngã của phật giáo, ông chủ trương thân dân, lấy dân làm gốc, với
tinh thần nhập thế tích cực, nguyện hết lòng vì nước vì dân. Thứ ba, tư tưởng
của Đạo giáo đã được ông kế thừa với tư tưởng “trước phải hữu vi, sau mới
được vô vi” thành phương châm sống của mình “trước phải siêng năng, sau
mới được hưởng thụ”.
1.2.2. Vai trò nhân tố chủ quan của Minh Mệnh với sự hình thành
nhân sinh quan trong tư tưởng của ông
Thứ nhất, đó là khả năng tư duy, trí tuệ và năng lực hoạt động thực tiễn
của Minh Mệnh. Điều này được hình thành, phát triển và hoàn thiện trong
suốt quá trình từ lúc thiếu niên đến khi trưởng thành của Minh Mệnh, biểu
hiện ở khả năng lĩnh hội, ở năng lực học tập và đặc biệt là khả năng thực hiện
nó trong hiện thực. Thứ hai, phẩm chất đạo đức và tác phong của Minh Mệnh.
Ông sớm nhận thức được việc muốn xây dựng một đất nước vững mạnh thì
điều đầu tiên, những người đứng đầu phải có kiến thức, có năng lực và kèm
theo đó là đức độ, nên bản thân ông chưa bao giờ ngừng nghỉ việc học, chưa
khi nào dám biếng nhác, chây lười việc triều chính. Đức tính siêng năng, cần
mẫn thấm nhuần trong con người ông, mọi việc trong triều, ông cũng tự tay
“châu phê” rồi mới cho thi hành. Nhân sinh quan của Minh Mệnh được thể
hiện rõ nét trong suốt cuộc đời ông, đó là một quá trình trau dồi, rèn luyện và
hoàn thiện không ngừng của Minh Mệnh nhằm xây dựng và phát triển đất
nước, chăm lo cuộc sống tốt đẹp hơn cho dân.
Kết luận chương 1
Qua việc nghiên cứu điều kiện lịch sử xã hội và tiền đề hình thành nhân
sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh, tác giả rút ra một số kết luận sau:
Một là, nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh được hình thành và
phát triển xuất phát từ yêu cầu khách quan của lịch sử xã hội trong nước và
thế giới nửa đầu thế kỷ XIX. Trong đó, đối với tình hình thế giới, ở phương
Tây, sự phát triển của khoa học kỹ thuật mà đánh dấu là cuộc cách mạng công
nghiệp đã là cơ sở dẫn đến sự biến đổi sâu sắc trên tất cả các mặt khác của đời
sống xã hội không chỉ riêng các nước ở Châu Âu mà sẽ ảnh hưởng đến các
nước khác trên phạm vi toàn thế giới. Trong nước, Minh Mệnh đã có những
chính sách nhất định về kinh tế, chính trị, văn hóa nhằm thiết lập trật tự kỷ
cương, ổn định chính sự và lòng người. Hai là, từ việc kế thừa truyền thống
văn hóa Việt Nam kết hợp với lòng nhân ái của đạo Phật, chuẩn mực đạo đức
của Nho giáo, sự nghiêm khắc của Pháp gia cùng với triết lý sống tích cực của
Đạo giáo đã thấm nhuần vào Minh Mệnh từ tấm bé, hình thành nên nhân cách
10
của một vị vua anh minh, nghiêm khắc, nhân đức làm nên một giai đoạn trị vì
của Minh Mệnh với một tinh thần thượng quốc, thương dân, có trật tự gia
phong và kỷ cương xã hội.
Chương 2
NỘI DUNG VÀ ĐẶC ĐIỂM TRONG TƯ TƯỞNG
NHÂN SINH CỦA MINH MỆNH
2.1. NỘI DUNG NHÂN SINH QUAN TRONG TƯ TƯỞNG MINH MỆNH
2.1.1. Quan điểm của Minh Mệnh về bản tính, vị trí, vai trò của
con người
Một là, quan điểm của Minh Mệnh về bản tính con người.
Chịu ảnh hưởng tư tưởng của Nho giáo, Minh Mệnh cho rằng con người
ta nên làm điều thiện, rời xa điều ác. Minh Mệnh đề cao Tứ đức “nhân,
nghĩa, lễ, trí”, được xem là những đức tính cần có của một con người. Một
trong những nội dung cơ bản trong quan niệm về bản tính con người của
Minh Mệnh là quan niệm tính người có thể bị thay đổi, biến đổi bởi các điều
kiện, yếu tố bên ngoài, bởi sự tu dưỡng, giáo hóa đạo đức sau này của con
người. Minh Mệnh đề cao sự tu dưỡng, học tập của con người, muốn vậy
con người phải luôn suy nghĩ, hành động theo điều thiện, phải tu dưỡng, học
tập đạo đức luân thường để có được những phẩm chất đạo đức nhân, nghĩa,
lễ, trí, tín và phải hành động đúng theo ý trời, phải trừ bỏ, tiết chế mọi ham
muốn, dục vọng vật chất của con người. Có thể thấy quan niệm và sự luận
giải về tính người của Minh Mệnh đã rất đề cao những yếu tố hợp lý, tiến bộ
như coi trọng việc giáo dục, giáo hóa, tu dưỡng đạo đức, thừa nhận ở mức
độ nhất định vai trò nỗ lực chủ quan của con người trong việc hình thành và
hoàn thiện nhân cách của con người.
Hai là, quan điểm của Minh Mệnh về vị trí, vai trò con người.
Thứ nhất, vị trí, vai trò của con người trong mối quan hệ với trời đất,
vạn vật. Khi bàn về mối quan hệ này, Minh Mệnh cho rằng con người phải
biết hành động đúng với đạo trời, không được làm trái mệnh trời mà phải suy
nghĩ, hành động theo đúng đạo trời, mệnh trời, bởi nếu không như vậy sẽ mắc
tội với trời và bị trời trừng phạt. “Trẫm từ khi lên ngôi đến nay, lúc nào cũng
nâm nấm, nem nép, chỉ sợ chưa hợp ý trời, nay hạn, dịch làm tai, có phải là
đấng thượng đế đã khiển trách ta là không có đức vậy ư?”6
. Quyền uy và vai
6
Quốc sử quán triều Nguyễn: Minh Mệnh chính yếu, tập 1, Bộ Văn hóa giáo dục và thanh niên, Sài gòn,
1974, tr.31.
11
trò của trời đối với con người được Minh Mệnh tin tưởng một cách tuyệt đối.
Thứ hai, vai trò của con người trong các mối quan hệ xã hội cơ bản. Ông cho
rằng, dân có vị trí quyết định, là gốc của nước, là nền tảng của nền chính trị.
Năm Minh Mệnh thứ 6, ông có nói “Dân là gốc của nước, nếu dân không yêu
vua giúp vua thì làm sao hưởng sự giàu sang lâu dài được”7
. Minh Mệnh đã thể
hiện khá rõ ràng tư tưởng chính trị thân dân, khoan thư sức dân, lấy dân làm
gốc trong hoạt động thực tiễn cầm quyền phong phú của mình thông qua
đường lối, quyết sách chiến lược giữ nước và xây dựng nước giàu mạnh. Theo
ông, muốn phát huy được sức mạnh của nhân dân thì trước hết phải đoàn kết và
tập hợp lực lượng toàn dân, đồng thời phải quan tâm, chăm lo đến đời sống
nhân dân, tăng cường sức dân, bồi dưỡng sức dân. Thứ ba, quan điểm của
Minh Mệnh về mối quan hệ giữa vua với dân. Trong quan niệm về vai trò của
dân, Minh Mệnh đã thấy được dân như là một lực lượng sản xuất to lớn và có
ảnh hưởng nhất định đối với sự thịnh suy, hưng vong của chế độ chính trị, sự
ổn định của xã hội. Từ đó, Minh Mệnh đã ý thức sự tồn vong, an nguy, thịnh
suy của triều đại, của chế độ gắn chặt và phụ thuộc vào chủ trương, biện pháp
của nhà vua có thuận theo lòng dân, ý dân hay không. Đây chính là tư tưởng
vừa có tính định hướng vừa có tính xác định những nghĩa vụ, trách nhiệm của
đất nước (vua, quan) đối với dân, làm sao cho người dân có được cuộc sống tốt
đẹp hơn. Nghĩa vụ và trách nhiệm ấy gộp lại thành hai chính sách “dưỡng dân”
và “giáo dân”. Hai chính sách này thể hiện vai trò của nhà vua là “cha mẹ của
dân” và “thay trời trị dân, dưỡng dân”
Tóm lại, Minh Mệnh đã để lại những mệnh đề tư tưởng về bản tính, vị
trí vai trò con người, về mối quan hệ giữa người với người (mối quan hệ
giữa vua với dân) có giá trị, thể hiện một lòng yêu thương nhân dân đáng
trân trọng và có thể được coi là những cống hiến vào truyền thống nhân ái
của dân tộc. Tư tưởng thân dân ấy đã được thể hiện thành những chính sách,
biện pháp cụ thể nhằm ổn định lòng dân và giảm nỗi đau khổ cho dân, tư
tưởng ấy thực sự đã định hướng cho lý tưởng của nhà vua và chính sách
dùng người của ông.
2.1.2. Quan điểm của Minh Mệnh về đạo lý làm người
Một là, về mục đích thực hiện đạo làm người. Thứ nhất, theo Minh
Mệnh, thực hiện đạo làm người là tiền đề, điều kiện quan trọng nhất để hình
thành và hoàn thiện đạo đức con người. Ngoài ra, nó còn là công cụ giúp con
người có được cái đạo lý làm người của mình. Thứ hai, theo Minh Mệnh đạo
7
Quốc sử quán triều Nguyễn: Minh Mệnh chính yếu, tập 4, Bộ Văn hóa giáo dục và thanh niên, Sài gòn,
1974, tr.67.
12
làm người có vai trò rất quan trọng, là công cụ, phương tiện chủ yếu nhất tạo
ra một sức mạnh để duy trì trật tự xã hội, phát triển đất nước. Hai là, Minh
Mệnh đã đề ra những chuẩn mực đạo đức để con người thực hiện dưới hai góc
độ. Trước tiên, về những chuẩn mực chung của con người, ông đã đề ra mười
tiêu chuẩn cụ thể về đạo làm người (Thập huấn điều), đặt nền móng đạo đức
cho mỗi người. Thứ hai, với tư cách là một vị vua, ông còn nghiêm khắc đưa
ra những quy tắc để tự mình điều chỉnh những hành vi trong cuộc sống
thường nhật, đưa ra những chuẩn mực đạo đức cần thiết để hoàn thiện mình.
Ba là, trách nhiệm, bổn phận làm người. Dựa trên vị trí, vai trò của mỗi người
trong xã hội là khác nhau, Minh Mệnh đưa ra những quan niệm về trách
nhiệm, bổn phận làm người cho mỗi người từ vua, quan đến dân trong xã hội.
Bốn là, về phương pháp tu dưỡng con người, Trước hết, Minh Mệnh khẳng
định, người dân phải học, phải được dạy những chuẩn mực đạo đức, quy
phạm đạo đức: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, hiếu, trung. Ngoài ra, một trong những
phương pháp tu dưỡng đạo đức mà Minh Mệnh rất quan tâm chính là phương
pháp nêu gương. Do vậy, Minh Mệnh ý thức được yêu cầu đặt ra đối với bản
thân trong việc trị nước an dân là phải luôn lấy những chuẩn mực đạo đức để
tu dưỡng và thực hiện hành vi cai trị của mình, như đối với dân phải kính cẩn,
khoan hòa, huệ dân, khoan thư sức dân, không chỉ là thượng sách giữ nước
mà còn là cái đức cần có của nhà vua.
Tóm lại, quan điểm đạo lý làm người của Minh Mệnh bao gồm những lý
luận nền tảng của đạo đức Nho giáo, những tư tưởng xác lập các chuẩn mực
đạo đức quan trọng, căn bản nhất của đời sống đạo đức xã hội, đó là những
chuẩn mực dành cho vua, cho dân trong nhận thức và hành động, trở thành nội
dung chủ đạo trong đường lối cai trị của ông, góp phần quan trọng vào thành
công trong sự nghiệp xây dựng và củng cố triều đại nhà Nguyễn, góp phần
củng cố sức mạnh văn hóa tinh thần của dân tộc, tạo nên một giai đoạn phát
triển bình ổn và vững chắc của đời sống văn hóa đạo đức trong thế kỷ XIX.
2.1.3. Quan điểm của Minh Mệnh về giáo dục con người
Một là, quan điểm về mục đích của giáo dục. Theo quan điểm của
Minh Mệnh, giáo dục trước hết là để làm người do đó cần giáo dục con
người hướng vào việc bồi dưỡng hoàn thiện nhân cách, trí tuệ cho con
người. Bên cạnh đó mục đích giáo dục cũng nhằm phục vụ cho đất nước,
cho sự phát triển xã hội. Hai là, quan điểm về đối tượng giáo dục, ông đã
khẳng định rằng đối tượng giáo dục là “hữu giáo vô loài”, chính vì vậy,
chính sách giáo dục dưới thời trị vì của Minh Mệnh mở ra khiến cho ai ai
cũng có cơ hội học tập. Ba là, quan điểm về nội dung giáo dục, theo ông
13
căn bản nhất là chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức thông thường. Ở
bước cao hơn, ông đề ra việc dạy cho con người tri thức về văn, chính trị
nhằm đào tạo những mẫu người phục vụ cho thể chế chính trị phong kiến.
Bốn là, quan điểm về phương pháp, tổ chức giáo dục, Minh Mệnh rất đề
cao phương pháp học tập tích cực, sáng tạo trong giáo dục, khiến việc học
tập trở thành một hoạt động tư duy chủ động, hứng thú. Về tổ chức giáo
dục, Minh Mệnh đã cho tổ chức ra một hệ thống trường học từ trung ương
đến địa phương nhằm mục đích giáo dục đạo làm người và đạo trị nước đến
tất cả mọi người dân. Ông tiếp tục cho duy trì hai kiểu trường học là trường
công và trường tư, nhưng đặc biệt quan tâm củng cố hệ thống trường công.
Để tuyển chọn nhân tài cho bộ máy nhà nước, Minh Mệnh có những tư
tưởng về dùng người, đã đề cập đến những vấn đề rất cơ bản như: vị trí của
người hiền, những biện pháp chính trong việc cầu hiền và những nguyên
tắc cần phải tuân theo trong việc dùng người.
2.2. ĐẶC ĐIỂM NHÂN SINH QUAN TRONG TƯ TƯỞNG MINH MỆNH
2.2.1. Tính kế thừa, phát triển trong nhân sinh quan của Minh Mệnh
Đặc điểm về kế thừa và phát triển từ truyền thống văn hóa Việt Nam và
tư tưởng văn hóa phương Đông này được thể hiện qua những nội dung sau:
Trong quan điểm về con người. Một là, trên cơ sở kế thừa quan niệm về con
người của Nho giáo, Minh Mệnh đã đưa ra những quan niệm về vị trí, vai trò
của dân. Quan niệm đó chính là sự tiếp nối của truyền thống dân tộc về việc
khẳng định nhân dân có vai trò, vị trí vô cùng quan trọng trong sự nghiệp xây
dựng xã hội phồn vinh, là người quyết định thành bại của sự nghiệp chính trị,
“lật thuyền mới biết dân như nước”. Hai là, ông xác định, chủ quyền quốc gia
và sự phát triển về kinh tế là cơ sở để đem lại cuộc sống vật chất sung túc và đời
sống tinh thần phong phú cho người dân, giải quyết các vấn đề về con người đều
dựa trên tinh thần thương yêu, quý trọng con người. Đây là tư tưởng “việc nhân
nghĩa cốt để yên dân” mà Minh Mệnh kế thừa và tiếp tục phát huy trong thời đại
mới của mình. Đặc điểm ấy còn được thể hiện trong quan điểm về đạo lý làm
người. Một là, khi bàn về đạo làm người, Minh Mệnh cũng kế thừa dựa vào
cương thường của Nho giáo, nhưng cũng căn cứ trên tình hình cụ thể của đất
nước để đề ra “Thập huấn điều”, để mong cho dân chúng đi vào nề nếp, xã
hội ổn định, chính những quan niệm Nho giáo bị chi phối bởi tinh thần chủ
nghĩa yêu nước truyền thống của dân tộc, đó là điểm cốt lõi trong tư tưởng
của ông. Hai là, khi bàn về đạo làm vua, Minh Mệnh đã kết hợp những chuẩn
mực trong giá trị truyền thống văn hóa Việt Nam với những chuẩn mực đạo
đức Nho giáo. Ông nêu ra những chuẩn mực cần có của người làm vua là kính
14
thiên, cần và kiệm. Bên cạnh đó, đặc điểm ấy còn thể hiện trong quan điểm về
giáo dục con người. Trên cơ sở tư tưởng giáo dục của Nho giáo là nòng cốt,
kết hợp với kế thừa truyền thống văn hóa giáo dục hết sức tốt đẹp của dân tộc
Việt Nam cùng với những giá trị nhân sinh của Phật giáo, Minh Mệnh đã có
những quan niệm về giáo dục con người đặc sắc, góp phần vào việc xây dựng
vương triều, củng cố phát triển đất nước.
2.2.2. Tính nhân văn trong nhân sinh quan của Minh Mệnh
Thứ nhất, trong quan niệm về con người, Minh Mệnh đã thể hiện lòng
thương yêu, quý trọng con người gắn liền với lòng yêu nước sâu sắc. Cụ thể,
tính nhân văn ấy được biểu hiện trong quan điểm thân dân, coi dân là gốc của
mọi hành động. Yêu thương, quý trọng con người còn được thể hiện qua sự
nghiêm minh trong giữ gìn kỷ cương phép nước và sự khoan dung trong xét
xử hành vi vi phạm pháp luật. Thứ hai, trong nhân sinh quan của Minh Mệnh
đã thể hiện tinh thần hướng đến những giá trị tiến bộ, văn minh, điều đó được
thể hiện qua các vấn đề như: Một là, trên vị thế của người lãnh đạo, quản lý
đất nước có quyền lực tối cao, Minh Mệnh vẫn luôn tìm tòi những biện pháp
quản lý xã hội đem lại những lợi ích thiết thực hơn cho người dân, Hai là,
Minh Mệnh luôn yêu cầu bản thân ông và quan lại phải dựa trên tinh thần nêu
gương, phục vụ nhân dân, chăm lo cho cuộc sống của người dân, đảm bảo
người dân được yên ổn làm ăn. Ba là, Minh Mệnh đã cho ban hành pháp luật
không chỉ để điều chỉnh hành vi của nhân dân mà còn chủ yếu điều chỉnh
hành vi của quan lại.
2.2.3. Tính mâu thuẫn trong nhân sinh quan của Minh Mệnh
Thứ nhất, nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh có sự mâu
thuẫn giữa canh tân và bảo thủ. Nhân sinh quan của ông dựa trên nền tảng ý
thức chung là hệ tư tưởng Nho giáo nên ông không thể đi đến cùng việc đổi
mới tư duy trong quan hệ với phương Tây. Có thể nói, dưới triều đại Minh
Mệnh, khi đất nước còn độc lập tự chủ, nhà Nguyễn đã bỏ lỡ nhiều cơ hội
thuận lợi để Việt Nam tiếp xúc với văn minh phương Tây. Minh Mệnh
nghiên cứu và tìm hiểu kỹ thuật tiên tiến của Châu Âu là để phục vụ cho một
chiến lược phòng thủ chống lại, chứ không phải là một chọn lựa và chấp
nhận một đường lối mới, với những cách nhìn và giải pháp mới. Đó chính là
mâu thuẫn giữa những tư tưởng vừa canh tân đổi mới nhưng vừa bảo thủ,
nặng tính giai cấp của ông. Thứ hai, nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh
Mệnh có sự mâu thuẫn trong việc giải quyết mối quan hệ giữa đức trị và
pháp trị. Giữa biện pháp đạo đức và hình phạt, Minh Mệnh coi trọng biện
pháp đạo đức, còn hình phạt chỉ là biện pháp tạm thời để cứu vãn những tình
15
thế khó khăn trong việc giáo hóa, cai trị dân mà thôi, do vậy ông chủ trương
chỉ sử dụng hình phạt chứ không được lạm dụng hình phạt đối với dân. Tuy
nhiên, trong thực tiễn cầm quyền của mình, Minh Mệnh chưa có sự kết hợp
đức trị và pháp trị một cách linh hoạt và nhân văn. Mặc dù đưa ra nhiều tư
tưởng sâu sắc về pháp luật nhưng pháp luật của Minh Mệnh không phải cho
đại chúng, mà của một thiểu số người, là pháp luật của vương triều Nguyễn,
là pháp luật đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nông dân. Trong 20 năm cai trị,
số lượng các cuộc nổi dậy chống ông tăng gấp nhiều lần so với thời vua Gia
Long, điều này cho thấy tư tưởng đức trị tuy tốt đẹp, song khi vận dụng chưa
hẳn nhất trí với tư tưởng pháp trị một cách linh hoạt và mềm dẻo. Thứ ba,
nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh có sự mâu thuẫn giữa lợi ích
giai cấp thống trị với lợi ích nhân dân. Nhân sinh quan trong tư tưởng của
Minh Mệnh dựa trên ý thức hệ tư tưởng Nho giáo, tuyên truyền và giáo hóa
mọi người theo những nguyên lý, quy phạm của Nho giáo, lấy lợi ích giai
cấp thống trị là chủ yếu. Do vậy, nó đã mâu thuẫn với tư tưởng thân dân, với
đường lối nhân chính.
Kết luận chương 2
Một là, về nội dung của nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh.
Xuất phát điểm có giá trị và ý nghĩa nhất trong nhân sinh quan của tư tưởng
Minh Mệnh đó là quan điểm về con người, quan điểm đó thể hiện ở việc đề
cao vai trò và sức mạnh của nhân dân, trên cơ sở đó xác định trách nhiệm
của người làm vua đối với dân. Thứ hai, quan điểm về đạo lý làm người của
Minh Mệnh bao gồm những lý luận nền tảng của đạo đức Nho giáo, xác lập
các chuẩn mực đạo đức quan trọng, căn bản nhất của đời sống đạo đức xã
hội, đây là một nội dung trọng tâm được thể hiện khá phong phú, đặc sắc và
tương đối có tính hế thống. Ông đã xác định được những chuẩn mực tốt đẹp
cần có mà mỗi người phải gìn giữ thực hiện nhằm tạo ra một sức mạnh để
duy trì trật tự xã hội, phát triển đất nước. Tư tưởng về đạo lý làm người của
Minh Mệnh trở thành nội dung chủ đạo trong đường lối cai trị của ông, góp
phần quan trọng vào thành công trong sự nghiệp xây dựng và củng cố triều
đại nhà Nguyễn. Thứ ba, tư tưởng giáo dục của Minh Mệnh cũng bao gồm
những lý luận nền tảng của giáo dục Nho giáo, trong đó nội dung giáo dục
đạo làm người là một nội dung trọng tâm, được Minh Mệnh rất quan tâm.
Ông lấy ở đó cái nội dung cốt yếu nhất trong hệ tư tưởng Nho giáo, vận dụng
tư tưởng đó vào hành động của mình nhằm thực hiện quan điểm dân sinh,
triết lý nhân sinh thông qua việc thực thi đường lối trị nước bằng đức trị kết
16
hợp với pháp trị để mang lại cuộc sống ấm no cho người dân, sự hưng thịnh
của vương triều.
Hai là, nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh mang ba đặc điểm
sau: tính kế thừa, tính mâu thuẫn và tính nhân văn sâu sắc. Tính kế thừa
được xuất phát từ truyền thống văn hóa Việt Nam và tư tưởng văn hóa
phương Đông, đặc biệt là tư tưởng của Nho giáo, nhằm làm mới Nho giáo
cho phù hợp với điều kiện lịch sử xã hội Việt Nam giai đoạn này; Tính
nhân văn là đặc điểm xuyên suốt được thể hiện trong quan niệm về con
người, với lòng thương yêu, quý trọng con người gắn liền với lòng yêu
nước sâu sắc của ông; trong đó ông đưa ra quan điểm giáo dục con người
hướng thiện, thúc đẩy con người phấn đấu theo những giá trị nhân bản cao
đẹp, góp phần duy trì và phát huy những giá trị và nếp sống đạo đức trong
sáng của con người. Quan điểm này được thể hiện khá hệ thống trong tư
tưởng của Minh Mệnh; Tính mâu thuẫn của nhân sinh quan trong tư tưởng
Minh Mệnh bao gồm: mâu thuẫn giữa canh tân và bảo thủ, mâu thuẫn giữa
giải quyết mối quan hệ đức trị và pháp trị, mâu thuẫn giữa lợi ích giai cấp
thống trị với lợi ích nhân dân
Chương 3
GIÁ TRỊ, HẠN CHẾ VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ TRONG
NHÂN SINH QUAN CỦA MINH MỆNH
3.1. GIÁ TRỊ, HẠN CHẾ TRONG NHÂN SINH QUAN CỦA MINH MỆNH
3.1.1. Giá trị trong nhân sinh quan của Minh Mệnh
Giá trị thứ nhất là, nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh góp
phần xây dựng một xã hội ổn định, thịnh trị, phát triển tốt đẹp. Có thể thấy
rằng, triết lý nhân sinh của Minh Mệnh là phương án trả lời cho câu hỏi của
lịch sử - xã hội Việt Nam vào những năm cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX
đặt ra về cuộc sống con người, đó là làm thế nào cho con người có cuộc sống
tốt đẹp hơn, làm thế nào để xây dựng một xã hội ổn định, phát triển và thịnh
trị. Giá trị thứ hai là, nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh luôn đề
cao nhân dân, lấy dân làm gốc cho những quyết sách của mình. Thứ nhất,
quyền lợi của người dân là xuất phát điểm, là mục tiêu hướng đến trong mọi
đường lối, chủ trương của Minh Mệnh. Thứ hai, Minh Mệnh tập trung phát
triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng, quan
tâm phát triển giáo dục, chăm lo đạo đức nhằm không ngừng nâng cao đời
sống cho người dân tốt đẹp hơn.
17
3.1.2. Hạn chế trong nhân sinh quan của Minh Mệnh
Thứ nhất, nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh hạn chế bởi
thế giới quan duy tâm. Hạn chế này được biểu hiện trong quan niệm về
Trời. Minh Mệnh đề cao vai trò của trời, coi trời là tối cao, chi phối vạn vật
và con người, ông tuyệt đối phục tùng mệnh trời, tuân theo mệnh trời. Với
sự chi phối của thế giới quan duy tâm đó, quan điểm Thiên mệnh đã kìm
hãm sự phát triển của mọi người dân trong xã hội lúc bấy giờ. Tuy nhiên,
Minh Mệnh dù thừa nhận có trời, song ông vẫn thừa nhận ở sức mạnh chủ
quan của con người, ông là người có khuynh hướng tư tưởng tiến bộ khi tin
vào bản thân mình, vào việc tu dưỡng rèn đức của mình. Như vậy, sự mâu
thuẫn trong thế giới quan duy tâm của Minh Mệnh biểu hiện ở chỗ: một
mặt, ông quan niệm mọi sự thịnh suy đều phó mặc cho trời, dẫn đến tư
tưởng “an phận”, phủ nhận sự tiến hoá; mặt khác, ông luôn thực thi những
biện pháp đổi mới trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, từ nông nghiệp
đến quân sự đến giáo dục - thi cử với một niềm tin mãnh liệt về sự tốt đẹp
hơn đang ở phía trước. Thứ hai, nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh
Mệnh hạn chế bởi tính chất giai cấp. Dưới thời trị vì của Minh Mệnh, cơ sở
nền kinh tế của nước ta là nền kinh tế nông nghiệp. Với định hướng như
vậy, dù trong điều kiện kinh tế hàng hóa đang phát triển, ở phương Tây
cách mạng công nghiệp đang diễn ra rầm rộ, một số nước Tây Âu đã hoàn
thành cách mạng Tư sản, thì Minh Mệnh vẫn mãi kế thừa tư tưởng “trọng
nông ức thương”, xét ở khía cạnh lịch sử, tư tưởng này của Minh Mệnh là
trái với xu hướng phát triển của thế giới lúc bấy giờ.
Bên cạnh những giá trị to lớn trong quan niệm về đạo đức thì tính chất
bảo thủ của nó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển xã hội. Mọi
chuẩn mực đạo đức ông đưa ra đều yêu cầu mọi người phải theo một
nguyên tắc, lễ giáo khắt khe, cương thường trật tự của xã hội phong kiến.
Điều này, trói buộc con người vào những chuẩn mực đạo đức phong kiến,
làm con người không phát huy hết tài năng, sự sáng tạo của mình, làm
chậm quá trình phát triển của con người và xã hội. Minh Mệnh rất có ý
thức xây dựng một hệ tư tưởng chính thống độc lập nhưng cuối cùng Minh
Mệnh vẫn là một ông vua độc tôn Nho giáo và đường lối cai trị vẫn nằm
trong khuôn khổ của hệ tư tưởng Nho giáo đã trở nên lỗi thời trước chuyển
biến của thời đại. Sở dĩ trong tư tưởng nhân sinh của Minh Mệnh biểu hiện
những hạn chế đã phân tích ở trên là do về nguyên nhân khách quan chính
từ trong điều kiện lịch sử xã hội quy định và về nguyên nhân chủ quan là do
lập trường giai cấp quy định.
18
3.2. Ý NGHĨA LỊCH SỬ TRONG NHÂN SINH QUAN CỦA MINH MỆNH
3.2.1. Ý nghĩa về mặt lý luận trong nhân sinh quan của Minh Mệnh.
Một là, nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh đã góp phần làm
phong phú và sâu sắc thêm tinh thần và giá trị nhân sinh của dân tộc Việt
Nam. Bằng việc tiếp thu nhân sinh quan trong truyền thống văn hóa Việt
Nam, cũng như tiếp thu, kế thừa có chọn lọc nhân sinh quan trong lịch sử
tư tưởng Phương Đông, Minh Mệnh đã phát triển nội dung nhân sinh trong
tư tưởng của mình một cách hệ thống, sâu sắc hơn, từ đó làm phong phú và
sâu sắc thêm những quan điểm về bản chất con người, về vị trí, vai trò con
người, những quan điểm về đạo lý làm người và giáo dục con người, góp
phần vào quá trình phát triển triết lý nhân sinh của dân tộc Việt Nam, trên
cơ sở đó làm giàu thêm bản sắc và truyền thống văn hóa của dân tộc Việt
Nam. Hai là, nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh bổ sung vào tư
tưởng nhân sinh truyền thống những quan điểm mới, tiến bộ, do đó, nó góp
phần vào quá trình phát triển nhân sinh quan của nhân loại nói chung, cũng
như phát triển quan điểm nhân sinh của dân tộc Việt Nam nói riêng. Ba là,
bằng sự phản ánh sâu sắc thực tiễn xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XIX, nhân
sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh góp phần thể hiện một cách cụ
thể, sinh động nội dung tư tưởng, triết lý nhân sinh nói chung, vì thế quan
điểm này của ông trở thành một trong những tiền đề để các nhà tư tưởng
sau này kế thừa và phát triển.
3.2.2. Ý nghĩa về mặt thực tiễn trong nhân sinh quan của Minh
Mệnh
Thứ nhất, nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh góp phần xây
dựng và giáo dục nhân sinh quan tốt đẹp cho con người Việt Nam. Một là,
nhân sinh quan đó đề cao việc tu dưỡng đạo đức của tất cả mọi người trong xã
hội. Từ ý nghĩa lịch sử đó, trong giai đoạn hiện nay, để phát huy vai trò của
nhân tố con người, nhiệm vụ đặt ra với Đảng và Nhà nước ta là cần phải có
những chủ trương, đường lối và chính sách đúng đắn trong việc xây dựng đạo
đức mới cho con người Việt Nam – đạo đức cách mạng Việt Nam có ý nghĩa
quan trọng đến việc phát huy nhân tố con người mới trong xây dựng chủ
nghĩa xã hội. Ngoài ra, việc nâng cao năng lực lãnh đạo của người đứng đầu
đất nước trong quan điểm của Minh Mệnh vẫn còn nguyên vẹn giá trị, đó là
tinh thần ham hiểu biết, ham học hỏi đưa đất nước đi lên, đó là tinh thần rèn
đức luyện tài, nỗ lực phấn đấu không ngừng để khắc phục khó khăn, đưa đất
nước phát triển nhanh, bền vững. Trên tinh thần đó, trong Văn kiện Đại hội
Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã định hướng phát triển đất nước
19
trong giai đoạn mới đó là: “Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện;
tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng; đổi mới phương thức lãnh
đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; xây dựng hệ thống
chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây
dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ cấp
chiến lược, người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm
nhiệm vụ”8
. Hai là, nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh có ý
nghĩa trong việc phát huy vai trò của giáo dục trong việc xây dựng nhân sinh
quan tốt đẹp cho con người. Từ ý nghĩa lịch sử đó, để phát huy vai trò của
nhân tố con người, nhiệm vụ đặt ra đối với Đảng và Nhà nước ta là, cần phải
có những chủ trương, đường lối và chính sách đúng đắn trong việc xây dựng
và phát triển con người. Ngày nay, nội dung giáo dục không phải chỉ bó hẹp
trong phạm vi giáo dục đạo đức, nhưng đó cũng là một nội dung chính trong
giáo dục con người mới. Lý luận này được tiếp nối qua nhiều thế hệ và sau
này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có những tiếp nối tư tưởng về giáo dục,
trong đó có tư tưởng về giáo dục đạo đức. Người xem, đạo đức là cái gốc
của con người. Người nói: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có
4 phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có 4 đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.
Thiếu một mùa, thì không thành trời; thiếu một phương, thì không thành đất;
thiếu một đức thì không thành người”9
. Minh Mệnh còn để lại cho chúng ta
nhiều tư tưởng về rèn luyện đạo đức có giá trị. Trong những nội dung giáo
dục của Minh Mệnh, tư tưởng ái dân là tư tưởng nổi bật nhất. Hiện nay,
chúng ta đang tiến hành sự nghiệp đổi mới nhằm đưa đất nước tiến lên chủ
nghĩa xã hội thì đòi hỏi lòng nhân ái phải được nâng lên ngang tầm với chủ
nghĩa nhân đạo của giai cấp công nhân, nghĩa là lòng nhân ái phải trên lập
trường của chủ nghĩa Mác – Lênin và nhân sinh quan cộng sản lấy việc giải
phóng con người khỏi ách áp bức, bóc lột, phát huy sức mạnh của chính con
người, trước hết là người lao động làm mục đích tối cao của mình. Minh
Mệnh đặc biệt khuyến khích đạo học, có nghĩa là khuyến khích người ta trở
thành người có học, gia nhập tầng lớp “sĩ”. Ngày nay, để thực hiện thành
công sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá, tiến vào nền kinh tế tri thức
một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất, không có cách nào hơn là khuyến
khích học tập dưới mọi hình thức, xã hội hoá giáo dục ở trình độ cao – hay
nói cách khác là coi trọng tri thức, trí thức hoá quần chúng nhân dân trong
8
Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị quốc gia sự
thật, Hà Nội, 2021, tr.118-119.
9
Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.233.
20
chừng mực có thể, nhất là ở những ngành mũi nhọn. Việc coi trọng giáo dục
- thi cử thời Minh Mệnh với phương châm “hiền tài là rường cột của quốc
gia” cũng là một trong những nét tiến bộ cần phát huy. Thực hiện chiến lược
phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa,
nhiệm vụ phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực,
bồi dưỡng nhân tài luôn được Đảng ta quan tâm và thực hiện trong hơn 30
năm qua. Đại hội XIII, Đảng ta xác định nhiệm vụ của giáo dục và đào tạo
là: “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục,
đào tạo....Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang
phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”10
Mặc dù đề cao đạo học, coi trọng “trí”, yêu kẻ sĩ mến người tài, Minh
Mệnh vẫn không quên xem xét mặt đức hạnh như là yếu tố then chốt của
người có học chân chính. Bước vào công cuộc toàn cầu hoá, hội nhập quốc
tế và thực hiện thể chế kinh tế thị trường, nước ta đang có bước chuyển mình
quan trọng. Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế, đời
sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao. Song
chúng ta cũng đang phải đối mặt với một thực trạng đáng lo ngại về đạo đức
xã hội. Sự xuống cấp về đạo đức không những ở trong nhân dân mà còn ở
một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, đảng viên. Đảng ta đã nhận định
rằng: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ
nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một
bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi”11
. Tình hình thực tế và nhiệm vụ
cách mạng trong thời kỳ mới, đòi hỏi Đảng phải không ngừng nâng cao chất
lượng cầm quyền; Đảng phải thực sự trong sạch, vững mạnh, có đầy đủ năng
lực và bản lĩnh lãnh đạo; Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn
để phù hợp với xu thế khách quan.
Một ý nghĩa nữa trong tư tưởng giáo dục của Minh Mệnh là tư tưởng về
đối tượng giáo dục, giáo dục đến tất cả mọi người. Trong thời kỳ đẩy mạnh
công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay, với mục tiêu xây dựng con người
mới phát triển toàn diện cả về tri thức, đạo đức, thể chất và thẩm mỹ thì hơn
lúc nào hết, đòi hỏi con người phải luôn học tập, xem học tập như là nhu cầu
tồn tại và phát triển của mình. Đến Đại hội XIII, Đảng ta đã xác định giáo
dục đào tạo cần đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách
10
Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị quốc gia sự
thật, Hà Nội, 2021, tr.232.
11
Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị quốc gia sự
thật, Hà Nội,1996, tr.95.
21
mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế, do đó khẳng định: “Xây
dựng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập;
thực hiện đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động. Đặc biệt, chú ý phát
hiện, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút nhân tài cho phát triển kinh tế- xã hội”12
.
Bên cạnh tư tưởng hiếu học, chúng ta cũng có thể kế thừa tư tưởng giáo dục
về “đạo trị nước” cho tầng lớp người quân tử - quan lại. Theo Minh Mệnh,
tầng lớp quan lại không chỉ giỏi về tri thức chính trị mà còn phải là tấm
gương rèn luyện về nhân cách, đạo đức, nghĩa là chú ý cả đức và tài, đủ năng
lực và phẩm chất. Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, con người mới phát
triển toàn diện mà chúng ta hướng đến xây dựng cũng chính là một mẫu
người vừa hồng vừa chuyên. Trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá,
giáo dục đào tạo được coi là quốc sách hàng đầu, con người được coi là
nguồn lực quan trọng nhất, là nhân tố cơ bản tạo nên nội lực để phát triển xã
hội thì xây dựng mẫu người lý tưởng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nó góp
phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng con người mới trong thời kỳ đổi
mới. Thứ hai, nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh góp phần xây dựng
xã hội lành mạnh, tốt đẹp. Dựa trên nền tảng tư tưởng ấy, Chủ tịch Hồ Chí
Minh và Đảng ta đã xây dựng một khối đoàn kết toàn dân vững chắc, khơi
dậy ý chí tự lực tự cường, lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất của
nhân dân, thống nhất tư tưởng và hành động của quần chúng nhân dân vì một
mục tiêu chung: độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân.
Có thể khẳng định rằng, chủ trương phát huy quyền làm chủ của nhân
dân là quan điểm có tính cách mạng và khoa học, là biện pháp tích cực của
Đảng trong quá trình phát triển xã hội theo nguyên tắc "lấy dân làm gốc".
Việc mở rộng dân chủ hoá đời sống xã hội, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ
sở đã và đang phát huy vai trò làm chủ, tính chủ động, sáng tạo của quần
chúng nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước theo định
hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công
bằng, dân chủ, văn minh. Đại hội XIII xác định rõ việc tiếp tục “phát huy dân
chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm tất cả
quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ
trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở”13
. Phương thức, cơ
chế thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa là nhân dân thực hiện quyền làm chủ
12
Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị quốc gia sự
thật, Hà Nội, 2021, tr.234.
13
Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị quốc gia sự
thật, Hà Nội, 2021, tr.173.
22
thông qua hoạt động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và các hình
thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, mà trọng tâm là thể chế hóa và thực
hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám
sát, dân thụ hưởng”14
, như văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra. Có như
vậy, chắc chắn chúng ta sẽ góp phần tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ, tích
cực và tiến bộ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từng bước hiện thực
hoá mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”
mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn và kiên trì thực
hiện. Hai là, nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh đề cao việc tăng
cường thực hiện pháp trị trên cơ sở đức trị làm nền tảng. Tư tưởng của Minh
Mệnh về sự kết hợp "đức trị" và "pháp trị" trong quản lý đất nước có ý nghĩa
rất lớn trong việc vận dụng vào nước ta hiện nay. Minh Mệnh dùng pháp luật
để bảo vệ thuần phong mỹ tục và dùng thuần phong mỹ tục để đưa con
người hướng về chữ nhân, chữ nghĩa, biết phục tùng và sống theo pháp luật.
Dùng đức - hình kết hợp để trị nước, ông đã tìm thấy được hiệu quả trong
phương thức cai trị "đức chủ - hình bổ". Tư tưởng này của Minh Mệnh có ý
nghĩa rất lớn để Đảng và Nhà nước ta học tập và kế thừa. Tại Đại hội lần thứ
VIII của Đảng, năm 1996 nêu rõ: “Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa,
xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam, quản lý xã hội bằng pháp luật,
đồng thời coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức”15
. Minh Mệnh cho xây dựng
bộ Hoàng Việt luật lệ tuy nghiêm khắc nhưng thân dân, kết hợp cả sự
nghiêm khắc và sự khoan dung, dùng pháp trị để tôn vinh những giá trị đạo
đức, tinh thần nhân văn của dân tộc. Đó cũng là quan điểm chủ đạo của
Minh Mệnh trong quá trình quản lý và điều hành đất nước, đưa Đại Nam trở
thành quốc gia cường thịnh ở khu vực lúc bấy giờ. Tinh thần đó của ông
được Đảng và nhà nước ta vận dụng trong việc xây dựng “Nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân”. Đến Đại hội XIII, Đảng
ta đã đưa ra định hướng phát triển đất nước đến năm 2030 sẽ là “xây dựng
và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hôi chủ nghĩa trong sạch vững mạnh,
tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát
triển của đất nước”16
14
Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị quốc gia sự
thật, Hà Nội, 2021, tr.173.
15
Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, NXB Chính trị quốc gia,
Hà Nội, 1996, tr.129.
16
Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị quốc gia sự
thật, Hà Nội, 2021, tr.118.
23
Kết luận chương 3
Từ việc trình bày, phân tích những đặc điểm, giá trị, hạn chế và ý nghĩa
lịch sử cơ bản trong nhân sinh của Minh Mệnh có thể rút ra những kết luận
sau: Thứ nhất, nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh có những giá trị
sau: Một là, nhân sinh quan đó góp phần xây dựng một xã hội ổn định, thịnh
trị, phát triển tốt đẹp. Hai là, nhân sinh quan trong tư tưởng của ông luôn đề
cao nhân dân, lấy dân làm gốc cho những quyết sách của mình. Bên cạnh đó,
nhân sinh quan của ông có những hạn chế nhất định, đó là hạn chế bởi thế
giới quan duy tâm và bởi lập trường giai cấp quy định. Những hạn chế ấy đã
thể hiện sự bất lực của ý thức hệ phong kiến trước các nhiệm vụ của lịch sử
dân tộc. Thứ hai, nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh mang ý nghĩa lý
luận và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Về ý nghĩa lý luận: một là, nhân sinh quan
đó đã góp phần làm phong phú và sâu sắc thêm tu tưởng nhân sinh nói
chung, tinh thần và giá trị của tư tưởng nhân sinh của dân tộc Việt Nam nói
riêng; hai là, nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh bổ sung vào
trong tư tưởng nhân sinh truyền thống những quan điểm mới, tiến bộ, do đó
nó góp phần vào quá trình phát triển tư tưởng nhân sinh nói chung, cũng như
phát triển quan điểm nhân sinh của dân tộc Việt Nam nói riêng; ba là, bằng
sự phản ánh sâu sắc thực tiễn xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XIX, nhân sinh
quan trong tư tưởng Minh Mệnh góp phần thể hiện một cách cụ thể, sinh
động nội dung tư tưởng nhân sinh nói chung, vì thế nhân sinh quan trong tư
tưởng của Minh Mệnh trở thành một trong những tiền đề để các nhà tư tưởng
sau này kế thừa và phát triển. Về ý nghĩa thực tiễn: Một là, nhân sinh quan
trong tư tưởng Minh Mệnh góp phần xây dựng và giáo dục nhân sinh quan tốt
đẹp cho con người Việt Nam; Hai là, nhân sinh quan trong tư tưởng Minh
Mệnh góp phần xây dựng xã hội lành mạnh, tốt đẹp.
KẾT LUẬN CHUNG
Nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh được hình thành và phát
triển trong điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam và thế giới giai đoạn đầu thế
kỷ XIX, đó là sự tiếp thu, kế thừa từ truyền thống văn hóa của dân tộc Việt
Nam đồng thời có chọn lọc các giá trị tư tưởng nhân sinh của văn hóa phương
Đông, đặc biệt là tư tưởng nhân sinh của Nho giáo là chủ yếu nhất. Nội dung
nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh là tổng hợp các quan điểm chủ yếu
sau: một là, quan điểm về bản chất con người, đề cao vai trò, vị trí của con
người trong quan hệ với tự nhiên, xã hội và bản thân con người; quan điểm về
24
đạo lý làm người và quan điểm về giáo dục con người. Và xuyên suốt tất cả
đều nổi bật lên những đặc điểm, đó là nhân sinh quan trong tư tưởng Minh
Mệnh kế thừa và phát triển từ truyền thống văn hóa Việt Nam và tư tưởng văn
hóa phương Đông, đặc biệt là tư tưởng của Nho giáo nhằm làm mới Nho giáo
cho phù hợp với điều kiện lịch sử xã hội Việt Nam trong giai đoạn đầu thế kỷ
XIX; những triết lý nhân sinh đó mang đậm tính nhân văn sâu sắc và tính mâu
thuẫn không thể tránh khỏi bởi bối cảnh thời đại lúc bấy giờ. Từ nội dung và đặc
điểm trong nhân sinh quan Minh Mệnh, luận án cũng rút ra những giá trị trong
triết lý nhân sinh của ông, những hạn chế bởi thế giới quan duy tâm và bởi lập
trường giai cấp quy định, những ý nghĩa cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn trong
giai đoạn hiện nay ở nước ta. Có thể thấy rằng vấn đề nhân sinh mà trọng tâm
là về con người và cuộc sống con người luôn là khát vọng cháy bỏng và là
mục tiêu cao cả của những người cộng sản, là ngọn cờ đích thực của Đảng
trong tập hợp sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sức mạnh của
mỗi cá nhân, mọi tầng lớp nhân dân, là một trong những nội dung cốt yếu của
chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và cương lĩnh phát triển đất nước được
nêu trong các văn kiện của Đảng, pháp luật và chính sách của Nhà nước, là
một trong những nhiệm vụ trọng tâm của mọi thời kỳ cách mạng. Có thể
khẳng định rằng, những nội dung chủ đạo và nét đặc sắc nhất trong nhân sinh
quan của Minh Mệnh được tác giả phân tích trong luận án sẽ góp phần vào
việc tìm hiểu và nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, vị trí của Minh Mệnh trong
giai đoạn đầu thế kỷ XIX cũng như trong lịch sử tư tưởng dân tộc. Bao trùm
trên hết tất cả các tư tưởng ấy là tấm lòng phụng sự tổ quốc, yêu nước thương
dân, nó là mạch cảm xúc chủ đạo chi phối cuộc đời hoạt động chính trị sôi
động của Minh Mệnh, nó là cơ sở chi phối toàn bộ nhân sinh quan trong tư
tưởng của Minh Mệnh.

More Related Content

What's hot

Tri thức và quyền lực tri thức trong tư tưởng chính trị alvin toffler
Tri thức và quyền lực tri thức trong tư tưởng chính trị alvin tofflerTri thức và quyền lực tri thức trong tư tưởng chính trị alvin toffler
Tri thức và quyền lực tri thức trong tư tưởng chính trị alvin tofflerMan_Ebook
 
Tư tưởng nhân văn và đạo đức kitô giáo với văn hóa việt nam
Tư tưởng nhân văn và đạo đức kitô giáo với văn hóa việt namTư tưởng nhân văn và đạo đức kitô giáo với văn hóa việt nam
Tư tưởng nhân văn và đạo đức kitô giáo với văn hóa việt namMan_Ebook
 
Tư tưởng đạo đức của khổng tử - đặc điểm và ý nghĩa lịch sử
Tư tưởng đạo đức của khổng tử - đặc điểm và ý nghĩa lịch sửTư tưởng đạo đức của khổng tử - đặc điểm và ý nghĩa lịch sử
Tư tưởng đạo đức của khổng tử - đặc điểm và ý nghĩa lịch sửMan_Ebook
 
Triết Học Ấn Độ Cổ Đại - Nội Dung, Đặc Điểm Và ý Nghĩa Lịch Sử
Triết Học Ấn Độ Cổ Đại - Nội Dung, Đặc Điểm Và ý Nghĩa Lịch SửTriết Học Ấn Độ Cổ Đại - Nội Dung, Đặc Điểm Và ý Nghĩa Lịch Sử
Triết Học Ấn Độ Cổ Đại - Nội Dung, Đặc Điểm Và ý Nghĩa Lịch SửMan_Ebook
 
Tư tưởng hồ chí minh về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau với việc giáo ...
Tư tưởng hồ chí minh về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau với việc giáo ...Tư tưởng hồ chí minh về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau với việc giáo ...
Tư tưởng hồ chí minh về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau với việc giáo ...Man_Ebook
 
ĐạO tin lành và ảnh hưởng của nó đến quá trình phát triển kinh tế xã hội tr...
ĐạO tin lành và ảnh hưởng của nó đến quá trình phát triển kinh tế   xã hội tr...ĐạO tin lành và ảnh hưởng của nó đến quá trình phát triển kinh tế   xã hội tr...
ĐạO tin lành và ảnh hưởng của nó đến quá trình phát triển kinh tế xã hội tr...Man_Ebook
 
Một số vấn đề trong triết học phật giáo trần nhân tông
Một số vấn đề trong triết học phật giáo trần nhân tôngMột số vấn đề trong triết học phật giáo trần nhân tông
Một số vấn đề trong triết học phật giáo trần nhân tôngMan_Ebook
 
Triết lý Lakei - Kamei trong cộng đồng người Chăm ở Nam Trung Bộ
Triết lý Lakei - Kamei trong cộng đồng người Chăm ở Nam Trung BộTriết lý Lakei - Kamei trong cộng đồng người Chăm ở Nam Trung Bộ
Triết lý Lakei - Kamei trong cộng đồng người Chăm ở Nam Trung BộMan_Ebook
 
Ảnh hưởng của phật giáo đến lối sống của người việt nam hiện nay
Ảnh hưởng của phật giáo đến lối sống của người việt nam hiện nayẢnh hưởng của phật giáo đến lối sống của người việt nam hiện nay
Ảnh hưởng của phật giáo đến lối sống của người việt nam hiện nayMan_Ebook
 
Nhan sinh quan 1
Nhan sinh quan 1Nhan sinh quan 1
Nhan sinh quan 1Huy Trần
 
Tieu luan triet hoc - Phan tich tu tuong nhan sinh quan trong mot so đieu ra...
Tieu luan triet hoc -  Phan tich tu tuong nhan sinh quan trong mot so đieu ra...Tieu luan triet hoc -  Phan tich tu tuong nhan sinh quan trong mot so đieu ra...
Tieu luan triet hoc - Phan tich tu tuong nhan sinh quan trong mot so đieu ra...Chinh Vo Wili
 
Luận văn HAY: Quản lý hoạt động văn hóa học đường của học sinh trung học phổ ...
Luận văn HAY: Quản lý hoạt động văn hóa học đường của học sinh trung học phổ ...Luận văn HAY: Quản lý hoạt động văn hóa học đường của học sinh trung học phổ ...
Luận văn HAY: Quản lý hoạt động văn hóa học đường của học sinh trung học phổ ...Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
LUẬN VĂN THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN LÊ MINH KHUÊ SAU NĂM 1975_102537...
LUẬN VĂN THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN LÊ MINH KHUÊ SAU NĂM 1975_102537...LUẬN VĂN THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN LÊ MINH KHUÊ SAU NĂM 1975_102537...
LUẬN VĂN THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN LÊ MINH KHUÊ SAU NĂM 1975_102537...KhoTi1
 
Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945
 Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945 Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945
Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945anh hieu
 

What's hot (20)

Tri thức và quyền lực tri thức trong tư tưởng chính trị alvin toffler
Tri thức và quyền lực tri thức trong tư tưởng chính trị alvin tofflerTri thức và quyền lực tri thức trong tư tưởng chính trị alvin toffler
Tri thức và quyền lực tri thức trong tư tưởng chính trị alvin toffler
 
Tư tưởng nhân văn và đạo đức kitô giáo với văn hóa việt nam
Tư tưởng nhân văn và đạo đức kitô giáo với văn hóa việt namTư tưởng nhân văn và đạo đức kitô giáo với văn hóa việt nam
Tư tưởng nhân văn và đạo đức kitô giáo với văn hóa việt nam
 
Tư tưởng đạo đức của khổng tử - đặc điểm và ý nghĩa lịch sử
Tư tưởng đạo đức của khổng tử - đặc điểm và ý nghĩa lịch sửTư tưởng đạo đức của khổng tử - đặc điểm và ý nghĩa lịch sử
Tư tưởng đạo đức của khổng tử - đặc điểm và ý nghĩa lịch sử
 
Triết Học Ấn Độ Cổ Đại - Nội Dung, Đặc Điểm Và ý Nghĩa Lịch Sử
Triết Học Ấn Độ Cổ Đại - Nội Dung, Đặc Điểm Và ý Nghĩa Lịch SửTriết Học Ấn Độ Cổ Đại - Nội Dung, Đặc Điểm Và ý Nghĩa Lịch Sử
Triết Học Ấn Độ Cổ Đại - Nội Dung, Đặc Điểm Và ý Nghĩa Lịch Sử
 
Tư tưởng hồ chí minh về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau với việc giáo ...
Tư tưởng hồ chí minh về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau với việc giáo ...Tư tưởng hồ chí minh về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau với việc giáo ...
Tư tưởng hồ chí minh về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau với việc giáo ...
 
ĐạO tin lành và ảnh hưởng của nó đến quá trình phát triển kinh tế xã hội tr...
ĐạO tin lành và ảnh hưởng của nó đến quá trình phát triển kinh tế   xã hội tr...ĐạO tin lành và ảnh hưởng của nó đến quá trình phát triển kinh tế   xã hội tr...
ĐạO tin lành và ảnh hưởng của nó đến quá trình phát triển kinh tế xã hội tr...
 
Một số vấn đề trong triết học phật giáo trần nhân tông
Một số vấn đề trong triết học phật giáo trần nhân tôngMột số vấn đề trong triết học phật giáo trần nhân tông
Một số vấn đề trong triết học phật giáo trần nhân tông
 
Triết lý Lakei - Kamei trong cộng đồng người Chăm ở Nam Trung Bộ
Triết lý Lakei - Kamei trong cộng đồng người Chăm ở Nam Trung BộTriết lý Lakei - Kamei trong cộng đồng người Chăm ở Nam Trung Bộ
Triết lý Lakei - Kamei trong cộng đồng người Chăm ở Nam Trung Bộ
 
Luận văn: Sự hình thành và phát triển của Phật giáo Quảng Bình, HAY
Luận văn: Sự hình thành và phát triển của Phật giáo Quảng Bình, HAYLuận văn: Sự hình thành và phát triển của Phật giáo Quảng Bình, HAY
Luận văn: Sự hình thành và phát triển của Phật giáo Quảng Bình, HAY
 
Luận văn: Ảnh hưởng nhân sinh quan của Lão - Trang, HAY, 9đ
Luận văn: Ảnh hưởng nhân sinh quan của Lão - Trang, HAY, 9đLuận văn: Ảnh hưởng nhân sinh quan của Lão - Trang, HAY, 9đ
Luận văn: Ảnh hưởng nhân sinh quan của Lão - Trang, HAY, 9đ
 
Luận văn: Tư tưởng Nho, Phật của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dữ
Luận văn: Tư tưởng Nho, Phật của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn DữLuận văn: Tư tưởng Nho, Phật của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dữ
Luận văn: Tư tưởng Nho, Phật của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dữ
 
Ảnh hưởng của phật giáo đến lối sống của người việt nam hiện nay
Ảnh hưởng của phật giáo đến lối sống của người việt nam hiện nayẢnh hưởng của phật giáo đến lối sống của người việt nam hiện nay
Ảnh hưởng của phật giáo đến lối sống của người việt nam hiện nay
 
Nhan sinh quan 1
Nhan sinh quan 1Nhan sinh quan 1
Nhan sinh quan 1
 
Luận văn: Tư tưởng cơ bản của Phật giáo về quyền con người
Luận văn: Tư tưởng cơ bản của Phật giáo về quyền con ngườiLuận văn: Tư tưởng cơ bản của Phật giáo về quyền con người
Luận văn: Tư tưởng cơ bản của Phật giáo về quyền con người
 
Tieu luan triet hoc - Phan tich tu tuong nhan sinh quan trong mot so đieu ra...
Tieu luan triet hoc -  Phan tich tu tuong nhan sinh quan trong mot so đieu ra...Tieu luan triet hoc -  Phan tich tu tuong nhan sinh quan trong mot so đieu ra...
Tieu luan triet hoc - Phan tich tu tuong nhan sinh quan trong mot so đieu ra...
 
Luận văn HAY: Quản lý hoạt động văn hóa học đường của học sinh trung học phổ ...
Luận văn HAY: Quản lý hoạt động văn hóa học đường của học sinh trung học phổ ...Luận văn HAY: Quản lý hoạt động văn hóa học đường của học sinh trung học phổ ...
Luận văn HAY: Quản lý hoạt động văn hóa học đường của học sinh trung học phổ ...
 
Luận án: Giáo dục tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh cho sinh viên
Luận án: Giáo dục tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh cho sinh viênLuận án: Giáo dục tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh cho sinh viên
Luận án: Giáo dục tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh cho sinh viên
 
LUẬN VĂN THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN LÊ MINH KHUÊ SAU NĂM 1975_102537...
LUẬN VĂN THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN LÊ MINH KHUÊ SAU NĂM 1975_102537...LUẬN VĂN THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN LÊ MINH KHUÊ SAU NĂM 1975_102537...
LUẬN VĂN THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN LÊ MINH KHUÊ SAU NĂM 1975_102537...
 
Luận án: Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức công chức, HAY
Luận án: Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức công chức, HAYLuận án: Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức công chức, HAY
Luận án: Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức công chức, HAY
 
Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945
 Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945 Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945
Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam 1932-1945
 

Similar to Nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh - đặc điểm và ý nghĩa lịch sử

Chuong 1_TTHCM_28.5.pptx
Chuong 1_TTHCM_28.5.pptxChuong 1_TTHCM_28.5.pptx
Chuong 1_TTHCM_28.5.pptxiNhL6
 
Vận dụng quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với việc dùng người của người lã...
Vận dụng quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với việc dùng người của người lã...Vận dụng quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với việc dùng người của người lã...
Vận dụng quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với việc dùng người của người lã...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
CHƯƠNG-1.pptx
CHƯƠNG-1.pptxCHƯƠNG-1.pptx
CHƯƠNG-1.pptxNhPhmTrn1
 
ôN tập tư tưởng hồ chí minh, đường lối cm
ôN tập tư tưởng hồ chí minh, đường lối cmôN tập tư tưởng hồ chí minh, đường lối cm
ôN tập tư tưởng hồ chí minh, đường lối cmthonght
 
tu-tuong-ho-chi-minh__slide-ci-khai-niem-nguon-goc-qua-trinh-hinh-thanh-tu-tu...
tu-tuong-ho-chi-minh__slide-ci-khai-niem-nguon-goc-qua-trinh-hinh-thanh-tu-tu...tu-tuong-ho-chi-minh__slide-ci-khai-niem-nguon-goc-qua-trinh-hinh-thanh-tu-tu...
tu-tuong-ho-chi-minh__slide-ci-khai-niem-nguon-goc-qua-trinh-hinh-thanh-tu-tu...ThanhTPhm12
 
ch1-TTHCM.pdf
ch1-TTHCM.pdfch1-TTHCM.pdf
ch1-TTHCM.pdfLongPhi60
 
Chuong trinh dao tao tham phan chuyen biet hoi nhap quoc te (tap 1)
Chuong trinh dao tao tham phan chuyen biet hoi nhap quoc te (tap 1)Chuong trinh dao tao tham phan chuyen biet hoi nhap quoc te (tap 1)
Chuong trinh dao tao tham phan chuyen biet hoi nhap quoc te (tap 1)Hung Nguyen
 
172giao trinh-tu-tuong-ho-chi-minh
172giao trinh-tu-tuong-ho-chi-minh172giao trinh-tu-tuong-ho-chi-minh
172giao trinh-tu-tuong-ho-chi-minhDép Tổ Ong
 
trinh-tu-tuong-ho-chi-minhfew
 trinh-tu-tuong-ho-chi-minhfew trinh-tu-tuong-ho-chi-minhfew
trinh-tu-tuong-ho-chi-minhfewLạnh Lắm
 
Tiểu luận tư tưởng Hồ Chí Minh_ Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề giữ gìn và phá...
Tiểu luận tư tưởng Hồ Chí Minh_ Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề giữ gìn và phá...Tiểu luận tư tưởng Hồ Chí Minh_ Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề giữ gìn và phá...
Tiểu luận tư tưởng Hồ Chí Minh_ Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề giữ gìn và phá...Nhận Viết Đề Tài Trọn Gói ZALO 0932091562
 
Tu tuong hcm
Tu tuong hcmTu tuong hcm
Tu tuong hcmNhan Tan
 
Giáo trình tử tưởng hcm bộ giáo dục và đào tạo, lần 1
Giáo trình tử tưởng hcm  bộ giáo dục và đào tạo, lần 1Giáo trình tử tưởng hcm  bộ giáo dục và đào tạo, lần 1
Giáo trình tử tưởng hcm bộ giáo dục và đào tạo, lần 1Nam Cengroup
 
Giao trinh tu tuong ho chi minh
Giao trinh tu tuong ho chi minhGiao trinh tu tuong ho chi minh
Giao trinh tu tuong ho chi minhNguyen Van Hoa
 
ttHCM-2919 (1).docx
ttHCM-2919 (1).docxttHCM-2919 (1).docx
ttHCM-2919 (1).docxQuinnAn
 

Similar to Nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh - đặc điểm và ý nghĩa lịch sử (20)

Chuong 1_TTHCM_28.5.pptx
Chuong 1_TTHCM_28.5.pptxChuong 1_TTHCM_28.5.pptx
Chuong 1_TTHCM_28.5.pptx
 
Vận dụng quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với việc dùng người của người lã...
Vận dụng quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với việc dùng người của người lã...Vận dụng quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với việc dùng người của người lã...
Vận dụng quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với việc dùng người của người lã...
 
CHƯƠNG-1.pptx
CHƯƠNG-1.pptxCHƯƠNG-1.pptx
CHƯƠNG-1.pptx
 
ôN tập tư tưởng hồ chí minh, đường lối cm
ôN tập tư tưởng hồ chí minh, đường lối cmôN tập tư tưởng hồ chí minh, đường lối cm
ôN tập tư tưởng hồ chí minh, đường lối cm
 
Tiểu Luận Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người mới
Tiểu Luận Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người mớiTiểu Luận Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người mới
Tiểu Luận Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người mới
 
Luận án: Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh, HAY
Luận án: Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh, HAYLuận án: Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh, HAY
Luận án: Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh, HAY
 
tu-tuong-ho-chi-minh__slide-ci-khai-niem-nguon-goc-qua-trinh-hinh-thanh-tu-tu...
tu-tuong-ho-chi-minh__slide-ci-khai-niem-nguon-goc-qua-trinh-hinh-thanh-tu-tu...tu-tuong-ho-chi-minh__slide-ci-khai-niem-nguon-goc-qua-trinh-hinh-thanh-tu-tu...
tu-tuong-ho-chi-minh__slide-ci-khai-niem-nguon-goc-qua-trinh-hinh-thanh-tu-tu...
 
ch1-TTHCM.pdf
ch1-TTHCM.pdfch1-TTHCM.pdf
ch1-TTHCM.pdf
 
Chuong trinh dao tao tham phan chuyen biet hoi nhap quoc te (tap 1)
Chuong trinh dao tao tham phan chuyen biet hoi nhap quoc te (tap 1)Chuong trinh dao tao tham phan chuyen biet hoi nhap quoc te (tap 1)
Chuong trinh dao tao tham phan chuyen biet hoi nhap quoc te (tap 1)
 
172giao trinh-tu-tuong-ho-chi-minh
172giao trinh-tu-tuong-ho-chi-minh172giao trinh-tu-tuong-ho-chi-minh
172giao trinh-tu-tuong-ho-chi-minh
 
trinh-tu-tuong-ho-chi-minhfew
 trinh-tu-tuong-ho-chi-minhfew trinh-tu-tuong-ho-chi-minhfew
trinh-tu-tuong-ho-chi-minhfew
 
Tiểu luận tư tưởng Hồ Chí Minh_ Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề giữ gìn và phá...
Tiểu luận tư tưởng Hồ Chí Minh_ Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề giữ gìn và phá...Tiểu luận tư tưởng Hồ Chí Minh_ Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề giữ gìn và phá...
Tiểu luận tư tưởng Hồ Chí Minh_ Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề giữ gìn và phá...
 
Tu tuong hcm
Tu tuong hcmTu tuong hcm
Tu tuong hcm
 
Tu tuong hcm
Tu tuong hcmTu tuong hcm
Tu tuong hcm
 
Tu tuong-hcm
Tu tuong-hcmTu tuong-hcm
Tu tuong-hcm
 
Giáo trình tử tưởng hcm bộ giáo dục và đào tạo, lần 1
Giáo trình tử tưởng hcm  bộ giáo dục và đào tạo, lần 1Giáo trình tử tưởng hcm  bộ giáo dục và đào tạo, lần 1
Giáo trình tử tưởng hcm bộ giáo dục và đào tạo, lần 1
 
Giao trinh tu tuong ho chi minh
Giao trinh tu tuong ho chi minhGiao trinh tu tuong ho chi minh
Giao trinh tu tuong ho chi minh
 
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí MinhKhông gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
 
Đề tài: Xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư quận Thủ Đức
Đề tài: Xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư quận Thủ ĐứcĐề tài: Xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư quận Thủ Đức
Đề tài: Xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư quận Thủ Đức
 
ttHCM-2919 (1).docx
ttHCM-2919 (1).docxttHCM-2919 (1).docx
ttHCM-2919 (1).docx
 

More from Man_Ebook

BÀI GIẢNG MÔN HỌC CƠ SỞ NGÔN NGỮ, Dùng cho hệ Cao đẳng chuyên nghiệp.pdf
BÀI GIẢNG MÔN HỌC CƠ SỞ NGÔN NGỮ, Dùng cho hệ Cao đẳng chuyên nghiệp.pdfBÀI GIẢNG MÔN HỌC CƠ SỞ NGÔN NGỮ, Dùng cho hệ Cao đẳng chuyên nghiệp.pdf
BÀI GIẢNG MÔN HỌC CƠ SỞ NGÔN NGỮ, Dùng cho hệ Cao đẳng chuyên nghiệp.pdfMan_Ebook
 
TL Báo cáo Thực tập tại Nissan Đà Nẵng.doc
TL Báo cáo Thực tập tại Nissan Đà Nẵng.docTL Báo cáo Thực tập tại Nissan Đà Nẵng.doc
TL Báo cáo Thực tập tại Nissan Đà Nẵng.docMan_Ebook
 
Giáo trình thực vật học 2 - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình thực vật học 2 - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình thực vật học 2 - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình thực vật học 2 - Trường ĐH Cần Thơ.pdfMan_Ebook
 
Giáo trình mô động vật - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình mô động vật - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình mô động vật - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình mô động vật - Trường ĐH Cần Thơ.pdfMan_Ebook
 
Giáo trình ngôn ngữ hệ thống A - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình ngôn ngữ hệ thống A - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình ngôn ngữ hệ thống A - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình ngôn ngữ hệ thống A - Trường ĐH Cần Thơ.pdfMan_Ebook
 
Giáo trình ngôn ngữ mô hình hóa UML - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình ngôn ngữ mô hình hóa UML - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình ngôn ngữ mô hình hóa UML - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình ngôn ngữ mô hình hóa UML - Trường ĐH Cần Thơ.pdfMan_Ebook
 
Giáo trình nguyên lý máy học - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình nguyên lý máy học - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình nguyên lý máy học - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình nguyên lý máy học - Trường ĐH Cần Thơ.pdfMan_Ebook
 
Giáo trình mô hình hóa quyết định - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình mô hình hóa quyết định - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình mô hình hóa quyết định - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình mô hình hóa quyết định - Trường ĐH Cần Thơ.pdfMan_Ebook
 
Giáo trình Linux và phần mềm nguồn mở.pdf
Giáo trình Linux và phần mềm nguồn mở.pdfGiáo trình Linux và phần mềm nguồn mở.pdf
Giáo trình Linux và phần mềm nguồn mở.pdfMan_Ebook
 
Giáo trình logic học đại cương - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình logic học đại cương - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình logic học đại cương - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình logic học đại cương - Trường ĐH Cần Thơ.pdfMan_Ebook
 
Giáo trình lý thuyết điều khiển tự động.pdf
Giáo trình lý thuyết điều khiển tự động.pdfGiáo trình lý thuyết điều khiển tự động.pdf
Giáo trình lý thuyết điều khiển tự động.pdfMan_Ebook
 
Giáo trình mạng máy tính - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình mạng máy tính - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình mạng máy tính - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình mạng máy tính - Trường ĐH Cần Thơ.pdfMan_Ebook
 
Giáo trình lý thuyết xếp hàng và ứng dụng đánh giá hệ thống.pdf
Giáo trình lý thuyết xếp hàng và ứng dụng đánh giá hệ thống.pdfGiáo trình lý thuyết xếp hàng và ứng dụng đánh giá hệ thống.pdf
Giáo trình lý thuyết xếp hàng và ứng dụng đánh giá hệ thống.pdfMan_Ebook
 
Giáo trình lập trình cho thiết bị di động.pdf
Giáo trình lập trình cho thiết bị di động.pdfGiáo trình lập trình cho thiết bị di động.pdf
Giáo trình lập trình cho thiết bị di động.pdfMan_Ebook
 
Giáo trình lập trình web - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình lập trình web  - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình lập trình web  - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình lập trình web - Trường ĐH Cần Thơ.pdfMan_Ebook
 
Giáo trình lập trình .Net - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình lập trình .Net  - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình lập trình .Net  - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình lập trình .Net - Trường ĐH Cần Thơ.pdfMan_Ebook
 
Giáo trình lập trình song song - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình lập trình song song  - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình lập trình song song  - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình lập trình song song - Trường ĐH Cần Thơ.pdfMan_Ebook
 
Giáo trình lập trình hướng đối tượng.pdf
Giáo trình lập trình hướng đối tượng.pdfGiáo trình lập trình hướng đối tượng.pdf
Giáo trình lập trình hướng đối tượng.pdfMan_Ebook
 
Giáo trình lập trình hướng đối tượng Java.pdf
Giáo trình lập trình hướng đối tượng Java.pdfGiáo trình lập trình hướng đối tượng Java.pdf
Giáo trình lập trình hướng đối tượng Java.pdfMan_Ebook
 
Giáo trình kỹ thuật phản ứng - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình kỹ thuật phản ứng  - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình kỹ thuật phản ứng  - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình kỹ thuật phản ứng - Trường ĐH Cần Thơ.pdfMan_Ebook
 

More from Man_Ebook (20)

BÀI GIẢNG MÔN HỌC CƠ SỞ NGÔN NGỮ, Dùng cho hệ Cao đẳng chuyên nghiệp.pdf
BÀI GIẢNG MÔN HỌC CƠ SỞ NGÔN NGỮ, Dùng cho hệ Cao đẳng chuyên nghiệp.pdfBÀI GIẢNG MÔN HỌC CƠ SỞ NGÔN NGỮ, Dùng cho hệ Cao đẳng chuyên nghiệp.pdf
BÀI GIẢNG MÔN HỌC CƠ SỞ NGÔN NGỮ, Dùng cho hệ Cao đẳng chuyên nghiệp.pdf
 
TL Báo cáo Thực tập tại Nissan Đà Nẵng.doc
TL Báo cáo Thực tập tại Nissan Đà Nẵng.docTL Báo cáo Thực tập tại Nissan Đà Nẵng.doc
TL Báo cáo Thực tập tại Nissan Đà Nẵng.doc
 
Giáo trình thực vật học 2 - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình thực vật học 2 - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình thực vật học 2 - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình thực vật học 2 - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
 
Giáo trình mô động vật - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình mô động vật - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình mô động vật - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình mô động vật - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
 
Giáo trình ngôn ngữ hệ thống A - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình ngôn ngữ hệ thống A - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình ngôn ngữ hệ thống A - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình ngôn ngữ hệ thống A - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
 
Giáo trình ngôn ngữ mô hình hóa UML - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình ngôn ngữ mô hình hóa UML - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình ngôn ngữ mô hình hóa UML - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình ngôn ngữ mô hình hóa UML - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
 
Giáo trình nguyên lý máy học - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình nguyên lý máy học - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình nguyên lý máy học - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình nguyên lý máy học - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
 
Giáo trình mô hình hóa quyết định - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình mô hình hóa quyết định - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình mô hình hóa quyết định - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình mô hình hóa quyết định - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
 
Giáo trình Linux và phần mềm nguồn mở.pdf
Giáo trình Linux và phần mềm nguồn mở.pdfGiáo trình Linux và phần mềm nguồn mở.pdf
Giáo trình Linux và phần mềm nguồn mở.pdf
 
Giáo trình logic học đại cương - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình logic học đại cương - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình logic học đại cương - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình logic học đại cương - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
 
Giáo trình lý thuyết điều khiển tự động.pdf
Giáo trình lý thuyết điều khiển tự động.pdfGiáo trình lý thuyết điều khiển tự động.pdf
Giáo trình lý thuyết điều khiển tự động.pdf
 
Giáo trình mạng máy tính - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình mạng máy tính - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình mạng máy tính - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình mạng máy tính - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
 
Giáo trình lý thuyết xếp hàng và ứng dụng đánh giá hệ thống.pdf
Giáo trình lý thuyết xếp hàng và ứng dụng đánh giá hệ thống.pdfGiáo trình lý thuyết xếp hàng và ứng dụng đánh giá hệ thống.pdf
Giáo trình lý thuyết xếp hàng và ứng dụng đánh giá hệ thống.pdf
 
Giáo trình lập trình cho thiết bị di động.pdf
Giáo trình lập trình cho thiết bị di động.pdfGiáo trình lập trình cho thiết bị di động.pdf
Giáo trình lập trình cho thiết bị di động.pdf
 
Giáo trình lập trình web - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình lập trình web  - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình lập trình web  - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình lập trình web - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
 
Giáo trình lập trình .Net - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình lập trình .Net  - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình lập trình .Net  - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình lập trình .Net - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
 
Giáo trình lập trình song song - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình lập trình song song  - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình lập trình song song  - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình lập trình song song - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
 
Giáo trình lập trình hướng đối tượng.pdf
Giáo trình lập trình hướng đối tượng.pdfGiáo trình lập trình hướng đối tượng.pdf
Giáo trình lập trình hướng đối tượng.pdf
 
Giáo trình lập trình hướng đối tượng Java.pdf
Giáo trình lập trình hướng đối tượng Java.pdfGiáo trình lập trình hướng đối tượng Java.pdf
Giáo trình lập trình hướng đối tượng Java.pdf
 
Giáo trình kỹ thuật phản ứng - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình kỹ thuật phản ứng  - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình kỹ thuật phản ứng  - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình kỹ thuật phản ứng - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
 

Recently uploaded

TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...ThunTrn734461
 
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxTrích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxnhungdt08102004
 
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líDr K-OGN
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxChàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxendkay31
 
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdfSơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdftohoanggiabao81
 
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhvanhathvc
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdfNQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdfNguyễn Đăng Quang
 
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...hoangtuansinh1
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfhoangtuansinh1
 
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoabài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa2353020138
 

Recently uploaded (19)

TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
 
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxTrích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
 
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
 
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxChàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
 
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
 
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdfSơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
 
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdfNQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
 
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
 
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoabài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
 

Nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh - đặc điểm và ý nghĩa lịch sử

  • 1. ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN ----------------------- PHAN THỊ THU THÚY NHÂN SINH QUAN TRONG TƯ TƯỞNG CỦA MINH MỆNH - ĐẶC ĐIỂM VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ Ngành: CNDVBC&CNDVLS Mã số: 9.22.90.02 TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHỦ NGHĨA DUY VẬT BIỆN CHỨNG VÀ CHỦ NGHĨA DUY VẬT LỊCH SỬ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH – 2022
  • 2. Công trình được hoàn thành tại: ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS.TS. CAO XUÂN LONG 2. PGS.TS. TRẦN MAI ƯỚC Phản biện độc lập 1: PGS.TS. Đặng Hữu Toàn Phản biện độc lập 2: PGS.TS. Trần Thị Hạnh Phản biện 1: PGS.TS. Vũ Văn Gầu Phản biện 2: PGS.TS. Lương Minh Cừ Phản biện 3: TS. Nguyễn Sinh Kế Luận án được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án cấp cơ sở đào tạo họp tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Vào lúc 8 giờ 00 ngày 25 tháng 01 năm 2022 Có thể tìm hiểu luận án tại: - Thư viện trung tâm ĐHQG-HCM. - Thư viện Trường Đại học KHXH & NV, TP. HCM. - Thư viện Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
  • 3. DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC ĐÃ CÔNG BỐ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI CỦA LUẬN ÁN 1. Tác giả: Tư tưởng giáo dục của Minh Mệnh, Tạp chí Khoa học chính trị, số 02/2018, chỉ số ISSN 1859-0187, tr. 61-64 2. Tác giả: Tư tưởng đạo đức của Minh Mệnh, Tạp chí Khoa học chính trị, số 04/2019, chỉ số ISSN 1859-0187, tr.64- 68 3. Thành viên: Nho gia và những ảnh hưởng của nó đến đời sống xã hội Việt Nam hiện nay (Dùng cho cao học và nghiên cứu sinh), Tài liệu tham khảo do TS.Trần Mai Ước chủ biên, theo quyết định công nhận số 2222/QĐ-ĐHNH, ngày 16/10/2017 của Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh. 4. Thành viên: Tư tưởng “Dĩ dân vi bản”, nội dung- giá trị vận dụng trong giai đoạn hiện nay, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường (TS.Trần Mai Ước chủ biên), quyết định công nhận số 166/QĐ-ĐHNH, ngày 7/2/2018 của Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh
  • 4. 1 PHẦN MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Trong bất cứ giai đoạn phát triển nào của lịch sử xã hội loài người, con người luôn đóng vai trò quyết định vì chính con người là kết quả của quá trình phát triển lâu dài của lịch sử, là chủ nhân của lịch sử và là mục tiêu và động lực của quá trình phát triển. Do vậy việc đào tạo, xây dựng phát triển con người toàn diện là vấn đề quan trọng, trong đó có vấn đề xây dựng thế giới quan, nhân sinh quan cho con người. Nói về “Nhân sinh” là nói về cuộc sống con người, “nhân sinh quan” chính là những quan điểm về con người và về cuộc sống con người, đề cập đến lẽ sống con người là gì. Do đó, tư tưởng nhân sinh luôn đề cao vai trò và vị trí con người, hướng đến những điều tốt đẹp cho cuộc sống con người. Chính vì vậy, tư tưởng nhân sinh đã trở thành một trong những chủ đề lớn của lịch sử tư tưởng nhân loại. Dân tộc Việt Nam trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước luôn đề cao con người, khẳng định vai trò to lớn của con người. Tư tưởng này được tiếp nối qua nhiều thế hệ, đến thời đại Hồ Chí Minh, một lần nữa, Người đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của con người mới xã hội chủ nghĩa đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa” 1 Thấm nhuần tư tưởng đó, trong quá trình cách mạng và quá trình đổi mới đất nước hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam rất chú trọng công tác đào tạo phát triển con người Việt Nam toàn diện, đặc biệt là quan tâm xây dựng nhân sinh quan tích cực cho con người. Văn kiện Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương khóa VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ những mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới, đó là con người với những phẩm chất nổi bật: “Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên đưa nước ta thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”2 Trải qua hơn 30 năm đổi mới toàn diện đất nước do Đảng lãnh đạo, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực, có ý nghĩa lịch sử to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Tuy nhiên, thành quả của công cuộc đổi mới mà chúng ta đạt được chỉ là bước 1 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.66. 2 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ ba, Ban chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.58.
  • 5. 2 đầu, vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Đáng chú ý trong đó là tình trạng phai nhạt lý tưởng và “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức diễn biến phức tạp;...đạo đức xã hội có mặt xuống cấp đáng lo ngại”3 . Nguyên nhân của hạn chế trên là do tác động của kinh tế thị trường, của quá trình hội nhập quốc tế với những tác động mà cuộc cách mạng khoa học công nghệ mang lại, cùng với tình hình khu vực và thế giới thay đổi nhanh chóng, diễn biến rất phức tạp, khó lường, đòi hỏi Đảng và nhà nước cùng nhân dân ta cần tập trung khắc phục, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Để xây dựng được con người Việt Nam với nhân sinh quan tích cực và có chiều sâu, một mặt chúng ta cần phải tìm hiểu, tiếp thu và kế thừa những tinh hoa tinh thần và nhân sinh quan trong tư tưởng nhân loại; mặt khác, phải biết kế thừa, phát huy và làm giàu thêm những giá trị về mặt nhân sinh quan tốt đẹp trong truyền thống lịch sử và văn hóa dân tộc Việt Nam. Một trong những nhà tư tưởng, nhà chính trị tiêu biểu của những năm đầu thế kỷ XIX là Minh Mệnh (1791-1841), người đã xây dựng hệ thống tư tưởng chính thống của triều Nguyễn. Trong đó, ông có những quan niệm về vị trí, vai trò con người, quan điểm về dân, lấy dân làm gốc, quan điểm về giáo dục và đạo lý làm người hết sức sâu sắc. Nổi bật và xuyên suốt trong nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh đó là tinh thần yêu nước thương dân, là ý chí xây dựng một đất nước kỷ cương, phát triển mạnh về kinh tế, văn hóa, khát vọng xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh. Vì thế, nhận xét về ông, tác giả Lê Sỹ Thắng (1997) đã khẳng định: “Minh Mệnh là người đặt cơ sở tư tưởng và thể chế của triều Nguyễn”4 . Nếu bỏ qua những hạn chế về điều kiện lịch sử thì những giá trị nhân sinh trong tư tưởng của Minh Mệnh vẫn còn nguyên ý nghĩa lịch sử quý báu, góp phần thiết thực vào việc phát huy hiệu quả nhân tố con người trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay. Chính vì thế tôi đã chọn vấn đề:“Nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh – Đặc điểm và ý nghĩa lịch sử” làm đề tài luận án tiến sĩ chuyên ngành Chủ nghĩa duy vật biện chứng và Chủ nghĩa duy vật lịch sử. Nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh là một trong những đề tài rộng lớn có ý nghĩa lý luận sâu sắc và ý nghĩa thực tiễn thiết thực, đã thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều nhà khoa học dưới nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau, khá phong phú và sâu sắc, nhưng có thể phân thành các chủ đề sau: 3 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.74 4 Lê Sĩ Thắng: Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập 2, Nxb.Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997, tr.74.
  • 6. 3 Chủ đề thứ nhất là những công trình nghiên cứu liên quan đến điều kiện và tiền đề hình thành nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh. Với chủ đề nghiên cứu này, có các tác phẩm tiêu biểu: Lịch sử thế giới, của Lưu Tộ Xương, Quang Nhân Hồng, Hàn Thừa Văn và Ngãi Châu Xương, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2002; Lược sử ngoại giao Việt Nam các thời trước của Nguyễn Lương Bích, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1996; Nghiên cứu Huế (7 tập) của Trung tâm nghiên cứu Huế phát hành năm 1999, 2001, 2002, 2003, 2008, 2010; Lịch sử Việt Nam của tác giả Trần Đức Cường tổng chủ biên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2017; Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám, tập 1 của Trần Văn Giàu, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1996; Việt Nam và hình mẫu Trung Hoa nghiên cứu so sánh về chính quyền dân sự nhà Nguyễn và nhà Thanh nửa đầu thế kỷ XIX, bản dịch tiếng Việt, của tác giả Alexander Barton Woodside, Harvard University Press Cambridge, Massachusetts, 1971; Vùng đất Nam Bộ dưới triều Minh Mạng (1820-1841) của tác giả Choi Byung Wook ( Lê Thùy Linh, Trần Thiện Thanh, Hoàng Anh Tuấn, Phạm Văn Thủy, Nguyễn Mạnh Dũng dịch), Nxb Hà Nội, Hà Nội, 2019; Bài báo Vua Minh Mạng với tư tưởng củng cố nền thống nhất quốc gia của tác giả Nguyễn Minh Tường, đăng trên tạp chí Xưa và nay, số 286, tháng 6/2007; Bài báo Ý thức về biển của vua Minh Mệnh của tác giả Vu Hướng Đông đăng trên tạp chí Xưa và nay, số 343 (11/2009). Chủ đề thứ hai là những công trình nghiên cứu liên quan đến nội dung và đặc điểm nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh. Với chủ đề nghiên cứu này, có các tác phẩm Đại Nam thực lục chính biên của Quốc sử quán triều Nguyễn, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2006; Minh Mệnh chính yếu của Quốc sử quán triều Nguyễn, 1974; Hoàng Việt luật lệ do Nguyễn Văn Thành, Nxb Văn hóa Hà Nội, 1994; Lịch sử tư tưởng Việt Nam của Lê Sỹ Thắng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997; Những vị vua hay chữ nước Việt của Phạm Trường Khang, Nxb Văn hóa thông tin, 2013; Quan niệm của Nho giáo về giáo dục con người của Nguyễn Thị Nga và Hồ Trọng Hoài, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003; bài viết Tư tưởng đạo đức của vua Minh Mệnh của Lê Thị Lan, đăng trên Tạp chí Triết học, số 12, năm 2015; bài viết Tập sự - một trong những phương tiện đào tạo quan lại (1820-1918), của tác giả Emmanuel Poisson đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 6, 1999; cuốn sách A history of the Vietnamese, của tác giả Taylor K.W, Cambridge University press, 2013. Chủ đề thứ ba là những công trình nghiên cứu giá trị, hạn chế và ý nghĩa lịch sử nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh. Với chủ đề
  • 7. 4 nghiên cứu này, có các tác phẩm Sự khủng hoảng của chế độ phong kiến triều Nguyễn của Trần Văn Giàu, Nxb Văn hóa Hà Nội, 1958; Chính sách khuyến nông dưới thời vua Minh Mệnh của Trương Hữu Quýnh – Đỗ Bang, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1991; Tình hình ruộng đất nông nghiệp và đời sống nhân dân dưới triều Nguyễn của Đỗ Bang, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1998; Chính sách văn hóa triều Nguyễn (1802 - 1884) của Vũ Thị Phương Hậu, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội, 2014; Định chế pháp luật và tố tụng triều Nguyễn (1802-1885) của Huỳnh Công Bá, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2016; Tư tưởng chính trị “Dân là gốc” trong lịch sử tư tưởng Việt Nam của tác giả Lê Văn Thắng, Nguyễn Văn Tuân (Đồng chủ biên), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2018. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án Mục đích nghiên cứu của luận án: Mục đích nghiên cứu của luận án là nhằm làm rõ một cách có hệ thống những nội dung nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh và từ đó rút ra những đặc điểm, ý nghĩa lịch sử của tư tưởng này. Nhiệm vụ nghiên cứu của luận án: Để đạt được mục đích trên, luận án phải thực hiện những nhiệm vụ sau: Một là, trình bày, phân tích làm rõ những điều kiện và tiền đề hình thành nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh. Hai là, trình bày, phân tích lý giải, làm rõ những nội dung và đặc điểm cơ bản nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh. Ba là, phân tích, đánh giá, chỉ ra những giá trị, hạn chế của nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh; từ đó rút ra ý nghĩa về mặt lý luận và về mặt thực tiễn trong quan điểm nhân sinh của ông. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án Đối tượng nghiên cứu của luận án: Là nghiên cứu nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử trong tư tưởng của ông. Phạm vi nghiên cứu của luận án: Luận án không nghiên cứu, tìm hiểu toàn bộ tư tưởng của Minh Mệnh nói chung, mà chỉ tập trung nghiên cứu về nội dung cơ bản và đặc điểm chủ yếu của nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh qua tác phẩm “Minh Mệnh chính yếu” của Quốc sử quán Triều Nguyễn, do Ủy ban dịch thuật thuộc Bộ Văn hóa Giáo dục và thanh niên dịch và hiệu chỉnh, xuất bản từ năm 1972 đến 1975. 5. Cơ sở l luận và phương ph p nghiên cứu của luận n Cơ sở lý luận của luận án
  • 8. 5 Luận án được thực hiện dựa trên cơ sở thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, đồng thời dựa trên quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hiến pháp, pháp luật của nhà nước Việt Nam về vấn đề nhân sinh để định hướng cho việc nghiên cứu đề tài này. Phương pháp nghiên cứu của luận án Luận án sử dụng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu như: sự thống nhất giữa phân tích và tổng hợp, quy nạp và diễn dịch, logic và lịch sử, so sánh và đối chiếu, lý luận kết hợp với thực tiễn để nghiên cứu và trình bày luận án. 6. Đóng góp mới của luận án Thứ nhất, luận án tập trung phân tích làm rõ và có hệ thống những nội dung và những đặc điểm chủ yếu nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh. Thứ hai, luận án đã trình bày, phân tích, rút ra giá trị, hạn chế và ý nghĩa lịch sử bổ ích, góp phần vào thực tiễn giáo dục nhân sinh quan cho con người Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay. 7. Ý nghĩa khoa học và nghĩa thực tiễn của luận án Ý nghĩa khoa học của luận án Trên cơ sở trình bày một cách có hệ thống nội dung, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh, luận án không chỉ giúp chúng ta có sự nhận thức sâu sắc hơn quan điểm nhân sinh của ông, mà còn khẳng định giá trị khoa học và ý nghĩa lịch sử nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh nói riêng, cũng như của nhân sinh quan trong tư tưởng Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XIX nói chung. Ý nghĩa thực tiễn của luận án Những phân tích, đánh giá của luận án về đặc điểm, giá trị, hạn chế và ý nghĩa lịch sử nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh góp phần nâng cao nhận thức về nhân sinh quan cho con người Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay. Luận án cũng có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo, phục vụ cho việc tìm hiểu, nghiên cứu và học tập môn Lịch sử tư tưởng Việt Nam và cho những ai quan tâm. 8. Kết cấu của luận n Ngoài phần mở đầu, phần kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận án gồm 3 chương, 6 tiết và 14 tiểu tiết.
  • 9. 6 Chương 1 ĐIỀU KIỆN VÀ TIỀN ĐỀ HÌNH THÀNH NHÂN SINH QUAN TRONG TƯ TƯỞNG MINH MỆNH 1.1. ĐIỀU KIỆN LỊCH SỬ - XÃ HỘI THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM CUỐI THẾ KỶ XVIII ĐẦU THẾ KỶ XIX VỚI SỰ HÌNH THÀNH NHÂN SINH QUAN TRONG TƯ TƯỞNG MINH MỆNH 1.1.1.Điều kiện lịch sử - xã hội thế giới cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX với sự hình thành nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh Trong giai đoạn cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, lịch sử xã hội thế giới có nhiều chuyển biến mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Trước hết, việc cải tiến kỹ thuật đã góp phần thúc đẩy nền sản xuất xã hội phát triển mạnh mẽ, sự bóc lột sức lao động của giai cấp tư sản đối với giai cấp công nhân ở các nước tư bản ngày càng tăng; nhu cầu xâm lược, tìm kiếm thuộc địa của các nước tư bản ngày càng rõ nét hơn; đồng thời, việc thay đổi sức sản xuất đã làm đảo lộn trật tự xã hội và ý thức hệ tư tưởng cũ, những tư tưởng tiến bộ mới ra đời đã đặt ra vấn đề cơ bản và cấp thiết về cuộc sống con người, giá trị và nhân phẩm con người. Chế độ tư bản chủ nghĩa phát triển mạnh mẽ ở châu Âu, trong khi các quốc gia phong kiến Châu Á khác thì vẫn là thời kỳ phát triển của kinh tế nông nghiệp lạc hậu. Trong bối cảnh chung của khu vực và thế giới, Việt Nam không thể đứng ngoài những biến động chính trị mà tư bản phương Tây tạo nên trong quá trình tìm kiếm thuộc địa và khu vực ảnh hưởng, những tư tưởng mới buổi đầu đi vào nước ta, tất yếu đã bước đầu phát sinh ảnh hưởng, bước đầu tác động vào tư tưởng của Minh Mệnh trong việc cai trị đất nước sao cho khỏi lệ thuộc, ông đã nhìn thấy được vai trò của đổi mới đối với phát triển đất nước. Do vậy, việc Minh Mệnh chọn lựa quan điểm nhân sinh tiến bộ, phù hợp với xu thế thời đại là một đòi hỏi lúc bấy giờ. Hệ tư tưởng nhân sinh đó vừa phải tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển, nhằm củng cố sự thống nhất đất nước, vừa phải bảo vệ sự an nguy của quốc gia trước họa ngoại xâm. 1.1.2. Điều kiện lịch sử - xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX với sự hình thành nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh Bước sang đầu thế kỷ XIX, xu thế phát triển của xã hội Việt Nam đang có những chuyển biến mới, vấn đề phát triển kinh tế, văn hóa, giữ vững an ninh chính trị, bảo vệ quốc gia thống nhất, từng bước củng cố tiềm lực dân tộc, trở thành những vấn đề bức xúc, nhằm đáp ứng yêu cầu thời đại và đối phó với nguy cơ ngoại xâm. Triều đại nhà Nguyễn được thành lập, trải qua
  • 10. 7 các đời vua Gia Long (1802- 1819) rồi đến Minh Mệnh (1820- 1840) đều đứng trước những yêu cầu đó của lịch sử. Điều kiện về kinh tế, dưới thời trị vì của Minh Mệnh, hầu hết nhân dân là nông dân, sống bằng nghề nông là chủ yếu, do đó ông rất quan tâm đầu tư cho nông nghiệp để đảm bảo xây dựng nền tảng xã hội ổn định trong trật tự phong kiến. Điều kiện về cơ cấu giai cấp, trong xã hội phân chia thành 2 nhóm giai cấp: giai cấp thống trị và giai cấp bị trị. Giai cấp thống trị bao gồm: vua, quan, thư lại trong hệ thống chính quyền và giai cấp địa chủ. Tầng lớp bị trị bao gồm: nông dân, thợ thủ công, thương nhân, dân nghèo thành thị, những người bị đi đày, nô tì. Đa số nông dân có một ít ruộng đất cùng với một phần ruộng công làng xã, không đủ ăn, phải làm thêm bằng cách chạy chợ buôn bán, làm thủ công, làm thuê. Họ phải chịu mọi tai họa của tự nhiên và bất công xã hội, mọi thứ thuế má, sưu dịch. Những vấn đề đó ảnh hưởng không nhỏ đến nhân sinh quan của Minh Mệnh trong việc giữ vững ổn định đất nước, tránh xung đột, xáo trộn trong nước. Điều kiện về chính trị, nhà nước dưới triều Nguyễn là nhà nước quân chủ chuyên chế tập trung cao độ, mọi quyền hành đều thuộc về hoàng đế (vua). Vua là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, nắm cả lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tuy nhiên dựa vào tập quán trị nước, truyền thống dân chủ làng xã và kỷ cương phép nước, Minh Mệnh cũng dành sự khoan thư cho dân, điều chỉnh kỷ cương phép nước cho thuận chính đạo, hợp ý trời, chính những điều tiết này của Minh Mệnh trong thực tiễn trị nước đã giúp cho triết lý nhân sinh của ông thấm đượm chủ nghĩa yêu nước và mang tính nhân văn sâu sắc. Điều kiện về văn hóa, đến đầu thế kỷ XIX, sau khi thống nhất đất nước từ Bắc tới Nam, trên lãnh thổ nước ta có sự hiện diện của ba trung tâm văn hóa lớn là: văn hóa Thăng Long, văn hóa Phú Xuân, văn hóa Gia Định. Tính địa phương đem lại sự phong phú, đa dạng nhưng nó cũng gây ra những cản trở nhất định trong quá trình quản lý đất nước. Với đặc trưng của văn hóa Việt Nam lúc bấy giờ thì cũng tác động không nhỏ đối với việc hình thành nhân sinh quan của ông, tư tưởng đó sẽ phải nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa của cộng đồng người Việt Nam, đáp ứng những đòi hỏi của đời sống văn hóa nhằm mục tiêu phục vụ, giữ vững ổn định chính trị. Như vậy, chính những đặc điểm và yêu cầu khách quan đó của lịch sử xã hội thế giới và Việt Nam đầu thế kỷ XIX đặt ra cho nhân sinh quan của Minh Mệnh một vấn đề cần giải quyết đó là, tư tưởng đó phải phù hợp với xu thế của thời đại, của đất nước lúc bấy giờ. Triết lý nhân sinh đó giúp ổn định lòng người,
  • 11. 8 thúc đẩy lòng tự hào, ý thức tự tôn dân tộc, tập hợp các tầng lớp dân chúng, duy trì sự ổn định của xã hội là vấn đề hết sức cần thiết và đòi hỏi khách quan 1.2. TIỀN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ VAI TRÒ NHÂN TỐ CHỦ QUAN CỦA MINH MỆNH VỚI SỰ HÌNH THÀNH NHÂN SINH QUAN TRONG TƯ TƯỞNG CỦA ÔNG 1.2.1. Tiền đề l luận hình thành nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh Thứ nhất, quan điểm nhân sinh trong truyền thống văn hóa Việt Nam với sự hình thành nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh Nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh được hình thành trên cơ sở từ truyền thống văn hóa Việt Nam, mang đậm tính nhân văn và tính dân tộc sâu sắc, trước hết được kế thừa từ truyền thống yêu nước, thương dân, lấy dân làm gốc. Bên cạnh đó, tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm cộng đồng cũng là một truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc hình thành nên nhân sinh quan của Minh Mệnh. Ngoài ra, truyền thống nhân ái, lòng khoan dung, nhân đạo, tinh thần nhân văn sâu sắc là đặc trưng trong triết lý sống của người Việt Nam được Minh Mệnh tiếp thu trong việc xây dựng và thực hiện triết lý nhân sinh của mình. Cần cù, siêng năng là một trong những giá trị đạo đức nổi bật, phẩm chất đáng quý của người Á Đông, trong đó có người Việt Nam được Minh Mệnh tiếp thu. Thứ hai, quan điểm nhân sinh trong văn hóa phương Đông với sự hình thành nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh. Ông đặc biệt đề cao đức hiếu, đức trung, đức lễ, đức tín, vì bốn đức này là phương tiện chủ yếu nhất để bảo vệ vương quyền, duy trì chế độ phong kiến và trong việc trị nước, an dân, là khuôn mẫu trong việc tề gia, trị quốc: “Từ nay về sau cần phải lấy bốn chữ “trung tín hiếu để” làm kinh nhựt tụng mà dạy dỗ con em”5 . Ngoài ra, ông đặc biệt đề cao tư tưởng “thân dân”, đường lối “nhân chính” và nền chính trị được lòng dân của Nho giáo. Nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh còn được hình thành trên cơ sở tiếp thu tư tưởng của Pháp gia, Phật giáo và Đạo giáo. Vận dụng những tư tưởng của Pháp gia, Minh Mệnh rất chú trọng đến hoàn thiện hệ thống pháp luật, luôn ra sức củng cố bộ máy quản lý đất nước. Tư tưởng Pháp trị khi dung hòa với Nho giáo và các yếu tố của truyền thống dân tộc Việt Nam đã làm cho tư tưởng Pháp trị của Minh Mệnh có phần linh hoạt, mềm dẻo, có tình có lý và do đó đậm tính nhân sinh sâu sắc. Thứ hai, Minh Mệnh đã kế thừa quan điểm nhân sinh trong triết lý Phật giáo. Ông tiếp thu tinh thần từ bi 5 Quốc sử quán triều Nguyễn: Minh Mệnh chính yếu, tập 4, Bộ Văn hóa giáo dục và thanh niên, Sài gòn, 1974, tr.42.
  • 12. 9 bác ái, vô ngã của phật giáo, ông chủ trương thân dân, lấy dân làm gốc, với tinh thần nhập thế tích cực, nguyện hết lòng vì nước vì dân. Thứ ba, tư tưởng của Đạo giáo đã được ông kế thừa với tư tưởng “trước phải hữu vi, sau mới được vô vi” thành phương châm sống của mình “trước phải siêng năng, sau mới được hưởng thụ”. 1.2.2. Vai trò nhân tố chủ quan của Minh Mệnh với sự hình thành nhân sinh quan trong tư tưởng của ông Thứ nhất, đó là khả năng tư duy, trí tuệ và năng lực hoạt động thực tiễn của Minh Mệnh. Điều này được hình thành, phát triển và hoàn thiện trong suốt quá trình từ lúc thiếu niên đến khi trưởng thành của Minh Mệnh, biểu hiện ở khả năng lĩnh hội, ở năng lực học tập và đặc biệt là khả năng thực hiện nó trong hiện thực. Thứ hai, phẩm chất đạo đức và tác phong của Minh Mệnh. Ông sớm nhận thức được việc muốn xây dựng một đất nước vững mạnh thì điều đầu tiên, những người đứng đầu phải có kiến thức, có năng lực và kèm theo đó là đức độ, nên bản thân ông chưa bao giờ ngừng nghỉ việc học, chưa khi nào dám biếng nhác, chây lười việc triều chính. Đức tính siêng năng, cần mẫn thấm nhuần trong con người ông, mọi việc trong triều, ông cũng tự tay “châu phê” rồi mới cho thi hành. Nhân sinh quan của Minh Mệnh được thể hiện rõ nét trong suốt cuộc đời ông, đó là một quá trình trau dồi, rèn luyện và hoàn thiện không ngừng của Minh Mệnh nhằm xây dựng và phát triển đất nước, chăm lo cuộc sống tốt đẹp hơn cho dân. Kết luận chương 1 Qua việc nghiên cứu điều kiện lịch sử xã hội và tiền đề hình thành nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh, tác giả rút ra một số kết luận sau: Một là, nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh được hình thành và phát triển xuất phát từ yêu cầu khách quan của lịch sử xã hội trong nước và thế giới nửa đầu thế kỷ XIX. Trong đó, đối với tình hình thế giới, ở phương Tây, sự phát triển của khoa học kỹ thuật mà đánh dấu là cuộc cách mạng công nghiệp đã là cơ sở dẫn đến sự biến đổi sâu sắc trên tất cả các mặt khác của đời sống xã hội không chỉ riêng các nước ở Châu Âu mà sẽ ảnh hưởng đến các nước khác trên phạm vi toàn thế giới. Trong nước, Minh Mệnh đã có những chính sách nhất định về kinh tế, chính trị, văn hóa nhằm thiết lập trật tự kỷ cương, ổn định chính sự và lòng người. Hai là, từ việc kế thừa truyền thống văn hóa Việt Nam kết hợp với lòng nhân ái của đạo Phật, chuẩn mực đạo đức của Nho giáo, sự nghiêm khắc của Pháp gia cùng với triết lý sống tích cực của Đạo giáo đã thấm nhuần vào Minh Mệnh từ tấm bé, hình thành nên nhân cách
  • 13. 10 của một vị vua anh minh, nghiêm khắc, nhân đức làm nên một giai đoạn trị vì của Minh Mệnh với một tinh thần thượng quốc, thương dân, có trật tự gia phong và kỷ cương xã hội. Chương 2 NỘI DUNG VÀ ĐẶC ĐIỂM TRONG TƯ TƯỞNG NHÂN SINH CỦA MINH MỆNH 2.1. NỘI DUNG NHÂN SINH QUAN TRONG TƯ TƯỞNG MINH MỆNH 2.1.1. Quan điểm của Minh Mệnh về bản tính, vị trí, vai trò của con người Một là, quan điểm của Minh Mệnh về bản tính con người. Chịu ảnh hưởng tư tưởng của Nho giáo, Minh Mệnh cho rằng con người ta nên làm điều thiện, rời xa điều ác. Minh Mệnh đề cao Tứ đức “nhân, nghĩa, lễ, trí”, được xem là những đức tính cần có của một con người. Một trong những nội dung cơ bản trong quan niệm về bản tính con người của Minh Mệnh là quan niệm tính người có thể bị thay đổi, biến đổi bởi các điều kiện, yếu tố bên ngoài, bởi sự tu dưỡng, giáo hóa đạo đức sau này của con người. Minh Mệnh đề cao sự tu dưỡng, học tập của con người, muốn vậy con người phải luôn suy nghĩ, hành động theo điều thiện, phải tu dưỡng, học tập đạo đức luân thường để có được những phẩm chất đạo đức nhân, nghĩa, lễ, trí, tín và phải hành động đúng theo ý trời, phải trừ bỏ, tiết chế mọi ham muốn, dục vọng vật chất của con người. Có thể thấy quan niệm và sự luận giải về tính người của Minh Mệnh đã rất đề cao những yếu tố hợp lý, tiến bộ như coi trọng việc giáo dục, giáo hóa, tu dưỡng đạo đức, thừa nhận ở mức độ nhất định vai trò nỗ lực chủ quan của con người trong việc hình thành và hoàn thiện nhân cách của con người. Hai là, quan điểm của Minh Mệnh về vị trí, vai trò con người. Thứ nhất, vị trí, vai trò của con người trong mối quan hệ với trời đất, vạn vật. Khi bàn về mối quan hệ này, Minh Mệnh cho rằng con người phải biết hành động đúng với đạo trời, không được làm trái mệnh trời mà phải suy nghĩ, hành động theo đúng đạo trời, mệnh trời, bởi nếu không như vậy sẽ mắc tội với trời và bị trời trừng phạt. “Trẫm từ khi lên ngôi đến nay, lúc nào cũng nâm nấm, nem nép, chỉ sợ chưa hợp ý trời, nay hạn, dịch làm tai, có phải là đấng thượng đế đã khiển trách ta là không có đức vậy ư?”6 . Quyền uy và vai 6 Quốc sử quán triều Nguyễn: Minh Mệnh chính yếu, tập 1, Bộ Văn hóa giáo dục và thanh niên, Sài gòn, 1974, tr.31.
  • 14. 11 trò của trời đối với con người được Minh Mệnh tin tưởng một cách tuyệt đối. Thứ hai, vai trò của con người trong các mối quan hệ xã hội cơ bản. Ông cho rằng, dân có vị trí quyết định, là gốc của nước, là nền tảng của nền chính trị. Năm Minh Mệnh thứ 6, ông có nói “Dân là gốc của nước, nếu dân không yêu vua giúp vua thì làm sao hưởng sự giàu sang lâu dài được”7 . Minh Mệnh đã thể hiện khá rõ ràng tư tưởng chính trị thân dân, khoan thư sức dân, lấy dân làm gốc trong hoạt động thực tiễn cầm quyền phong phú của mình thông qua đường lối, quyết sách chiến lược giữ nước và xây dựng nước giàu mạnh. Theo ông, muốn phát huy được sức mạnh của nhân dân thì trước hết phải đoàn kết và tập hợp lực lượng toàn dân, đồng thời phải quan tâm, chăm lo đến đời sống nhân dân, tăng cường sức dân, bồi dưỡng sức dân. Thứ ba, quan điểm của Minh Mệnh về mối quan hệ giữa vua với dân. Trong quan niệm về vai trò của dân, Minh Mệnh đã thấy được dân như là một lực lượng sản xuất to lớn và có ảnh hưởng nhất định đối với sự thịnh suy, hưng vong của chế độ chính trị, sự ổn định của xã hội. Từ đó, Minh Mệnh đã ý thức sự tồn vong, an nguy, thịnh suy của triều đại, của chế độ gắn chặt và phụ thuộc vào chủ trương, biện pháp của nhà vua có thuận theo lòng dân, ý dân hay không. Đây chính là tư tưởng vừa có tính định hướng vừa có tính xác định những nghĩa vụ, trách nhiệm của đất nước (vua, quan) đối với dân, làm sao cho người dân có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Nghĩa vụ và trách nhiệm ấy gộp lại thành hai chính sách “dưỡng dân” và “giáo dân”. Hai chính sách này thể hiện vai trò của nhà vua là “cha mẹ của dân” và “thay trời trị dân, dưỡng dân” Tóm lại, Minh Mệnh đã để lại những mệnh đề tư tưởng về bản tính, vị trí vai trò con người, về mối quan hệ giữa người với người (mối quan hệ giữa vua với dân) có giá trị, thể hiện một lòng yêu thương nhân dân đáng trân trọng và có thể được coi là những cống hiến vào truyền thống nhân ái của dân tộc. Tư tưởng thân dân ấy đã được thể hiện thành những chính sách, biện pháp cụ thể nhằm ổn định lòng dân và giảm nỗi đau khổ cho dân, tư tưởng ấy thực sự đã định hướng cho lý tưởng của nhà vua và chính sách dùng người của ông. 2.1.2. Quan điểm của Minh Mệnh về đạo lý làm người Một là, về mục đích thực hiện đạo làm người. Thứ nhất, theo Minh Mệnh, thực hiện đạo làm người là tiền đề, điều kiện quan trọng nhất để hình thành và hoàn thiện đạo đức con người. Ngoài ra, nó còn là công cụ giúp con người có được cái đạo lý làm người của mình. Thứ hai, theo Minh Mệnh đạo 7 Quốc sử quán triều Nguyễn: Minh Mệnh chính yếu, tập 4, Bộ Văn hóa giáo dục và thanh niên, Sài gòn, 1974, tr.67.
  • 15. 12 làm người có vai trò rất quan trọng, là công cụ, phương tiện chủ yếu nhất tạo ra một sức mạnh để duy trì trật tự xã hội, phát triển đất nước. Hai là, Minh Mệnh đã đề ra những chuẩn mực đạo đức để con người thực hiện dưới hai góc độ. Trước tiên, về những chuẩn mực chung của con người, ông đã đề ra mười tiêu chuẩn cụ thể về đạo làm người (Thập huấn điều), đặt nền móng đạo đức cho mỗi người. Thứ hai, với tư cách là một vị vua, ông còn nghiêm khắc đưa ra những quy tắc để tự mình điều chỉnh những hành vi trong cuộc sống thường nhật, đưa ra những chuẩn mực đạo đức cần thiết để hoàn thiện mình. Ba là, trách nhiệm, bổn phận làm người. Dựa trên vị trí, vai trò của mỗi người trong xã hội là khác nhau, Minh Mệnh đưa ra những quan niệm về trách nhiệm, bổn phận làm người cho mỗi người từ vua, quan đến dân trong xã hội. Bốn là, về phương pháp tu dưỡng con người, Trước hết, Minh Mệnh khẳng định, người dân phải học, phải được dạy những chuẩn mực đạo đức, quy phạm đạo đức: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, hiếu, trung. Ngoài ra, một trong những phương pháp tu dưỡng đạo đức mà Minh Mệnh rất quan tâm chính là phương pháp nêu gương. Do vậy, Minh Mệnh ý thức được yêu cầu đặt ra đối với bản thân trong việc trị nước an dân là phải luôn lấy những chuẩn mực đạo đức để tu dưỡng và thực hiện hành vi cai trị của mình, như đối với dân phải kính cẩn, khoan hòa, huệ dân, khoan thư sức dân, không chỉ là thượng sách giữ nước mà còn là cái đức cần có của nhà vua. Tóm lại, quan điểm đạo lý làm người của Minh Mệnh bao gồm những lý luận nền tảng của đạo đức Nho giáo, những tư tưởng xác lập các chuẩn mực đạo đức quan trọng, căn bản nhất của đời sống đạo đức xã hội, đó là những chuẩn mực dành cho vua, cho dân trong nhận thức và hành động, trở thành nội dung chủ đạo trong đường lối cai trị của ông, góp phần quan trọng vào thành công trong sự nghiệp xây dựng và củng cố triều đại nhà Nguyễn, góp phần củng cố sức mạnh văn hóa tinh thần của dân tộc, tạo nên một giai đoạn phát triển bình ổn và vững chắc của đời sống văn hóa đạo đức trong thế kỷ XIX. 2.1.3. Quan điểm của Minh Mệnh về giáo dục con người Một là, quan điểm về mục đích của giáo dục. Theo quan điểm của Minh Mệnh, giáo dục trước hết là để làm người do đó cần giáo dục con người hướng vào việc bồi dưỡng hoàn thiện nhân cách, trí tuệ cho con người. Bên cạnh đó mục đích giáo dục cũng nhằm phục vụ cho đất nước, cho sự phát triển xã hội. Hai là, quan điểm về đối tượng giáo dục, ông đã khẳng định rằng đối tượng giáo dục là “hữu giáo vô loài”, chính vì vậy, chính sách giáo dục dưới thời trị vì của Minh Mệnh mở ra khiến cho ai ai cũng có cơ hội học tập. Ba là, quan điểm về nội dung giáo dục, theo ông
  • 16. 13 căn bản nhất là chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức thông thường. Ở bước cao hơn, ông đề ra việc dạy cho con người tri thức về văn, chính trị nhằm đào tạo những mẫu người phục vụ cho thể chế chính trị phong kiến. Bốn là, quan điểm về phương pháp, tổ chức giáo dục, Minh Mệnh rất đề cao phương pháp học tập tích cực, sáng tạo trong giáo dục, khiến việc học tập trở thành một hoạt động tư duy chủ động, hứng thú. Về tổ chức giáo dục, Minh Mệnh đã cho tổ chức ra một hệ thống trường học từ trung ương đến địa phương nhằm mục đích giáo dục đạo làm người và đạo trị nước đến tất cả mọi người dân. Ông tiếp tục cho duy trì hai kiểu trường học là trường công và trường tư, nhưng đặc biệt quan tâm củng cố hệ thống trường công. Để tuyển chọn nhân tài cho bộ máy nhà nước, Minh Mệnh có những tư tưởng về dùng người, đã đề cập đến những vấn đề rất cơ bản như: vị trí của người hiền, những biện pháp chính trong việc cầu hiền và những nguyên tắc cần phải tuân theo trong việc dùng người. 2.2. ĐẶC ĐIỂM NHÂN SINH QUAN TRONG TƯ TƯỞNG MINH MỆNH 2.2.1. Tính kế thừa, phát triển trong nhân sinh quan của Minh Mệnh Đặc điểm về kế thừa và phát triển từ truyền thống văn hóa Việt Nam và tư tưởng văn hóa phương Đông này được thể hiện qua những nội dung sau: Trong quan điểm về con người. Một là, trên cơ sở kế thừa quan niệm về con người của Nho giáo, Minh Mệnh đã đưa ra những quan niệm về vị trí, vai trò của dân. Quan niệm đó chính là sự tiếp nối của truyền thống dân tộc về việc khẳng định nhân dân có vai trò, vị trí vô cùng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng xã hội phồn vinh, là người quyết định thành bại của sự nghiệp chính trị, “lật thuyền mới biết dân như nước”. Hai là, ông xác định, chủ quyền quốc gia và sự phát triển về kinh tế là cơ sở để đem lại cuộc sống vật chất sung túc và đời sống tinh thần phong phú cho người dân, giải quyết các vấn đề về con người đều dựa trên tinh thần thương yêu, quý trọng con người. Đây là tư tưởng “việc nhân nghĩa cốt để yên dân” mà Minh Mệnh kế thừa và tiếp tục phát huy trong thời đại mới của mình. Đặc điểm ấy còn được thể hiện trong quan điểm về đạo lý làm người. Một là, khi bàn về đạo làm người, Minh Mệnh cũng kế thừa dựa vào cương thường của Nho giáo, nhưng cũng căn cứ trên tình hình cụ thể của đất nước để đề ra “Thập huấn điều”, để mong cho dân chúng đi vào nề nếp, xã hội ổn định, chính những quan niệm Nho giáo bị chi phối bởi tinh thần chủ nghĩa yêu nước truyền thống của dân tộc, đó là điểm cốt lõi trong tư tưởng của ông. Hai là, khi bàn về đạo làm vua, Minh Mệnh đã kết hợp những chuẩn mực trong giá trị truyền thống văn hóa Việt Nam với những chuẩn mực đạo đức Nho giáo. Ông nêu ra những chuẩn mực cần có của người làm vua là kính
  • 17. 14 thiên, cần và kiệm. Bên cạnh đó, đặc điểm ấy còn thể hiện trong quan điểm về giáo dục con người. Trên cơ sở tư tưởng giáo dục của Nho giáo là nòng cốt, kết hợp với kế thừa truyền thống văn hóa giáo dục hết sức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam cùng với những giá trị nhân sinh của Phật giáo, Minh Mệnh đã có những quan niệm về giáo dục con người đặc sắc, góp phần vào việc xây dựng vương triều, củng cố phát triển đất nước. 2.2.2. Tính nhân văn trong nhân sinh quan của Minh Mệnh Thứ nhất, trong quan niệm về con người, Minh Mệnh đã thể hiện lòng thương yêu, quý trọng con người gắn liền với lòng yêu nước sâu sắc. Cụ thể, tính nhân văn ấy được biểu hiện trong quan điểm thân dân, coi dân là gốc của mọi hành động. Yêu thương, quý trọng con người còn được thể hiện qua sự nghiêm minh trong giữ gìn kỷ cương phép nước và sự khoan dung trong xét xử hành vi vi phạm pháp luật. Thứ hai, trong nhân sinh quan của Minh Mệnh đã thể hiện tinh thần hướng đến những giá trị tiến bộ, văn minh, điều đó được thể hiện qua các vấn đề như: Một là, trên vị thế của người lãnh đạo, quản lý đất nước có quyền lực tối cao, Minh Mệnh vẫn luôn tìm tòi những biện pháp quản lý xã hội đem lại những lợi ích thiết thực hơn cho người dân, Hai là, Minh Mệnh luôn yêu cầu bản thân ông và quan lại phải dựa trên tinh thần nêu gương, phục vụ nhân dân, chăm lo cho cuộc sống của người dân, đảm bảo người dân được yên ổn làm ăn. Ba là, Minh Mệnh đã cho ban hành pháp luật không chỉ để điều chỉnh hành vi của nhân dân mà còn chủ yếu điều chỉnh hành vi của quan lại. 2.2.3. Tính mâu thuẫn trong nhân sinh quan của Minh Mệnh Thứ nhất, nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh có sự mâu thuẫn giữa canh tân và bảo thủ. Nhân sinh quan của ông dựa trên nền tảng ý thức chung là hệ tư tưởng Nho giáo nên ông không thể đi đến cùng việc đổi mới tư duy trong quan hệ với phương Tây. Có thể nói, dưới triều đại Minh Mệnh, khi đất nước còn độc lập tự chủ, nhà Nguyễn đã bỏ lỡ nhiều cơ hội thuận lợi để Việt Nam tiếp xúc với văn minh phương Tây. Minh Mệnh nghiên cứu và tìm hiểu kỹ thuật tiên tiến của Châu Âu là để phục vụ cho một chiến lược phòng thủ chống lại, chứ không phải là một chọn lựa và chấp nhận một đường lối mới, với những cách nhìn và giải pháp mới. Đó chính là mâu thuẫn giữa những tư tưởng vừa canh tân đổi mới nhưng vừa bảo thủ, nặng tính giai cấp của ông. Thứ hai, nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh có sự mâu thuẫn trong việc giải quyết mối quan hệ giữa đức trị và pháp trị. Giữa biện pháp đạo đức và hình phạt, Minh Mệnh coi trọng biện pháp đạo đức, còn hình phạt chỉ là biện pháp tạm thời để cứu vãn những tình
  • 18. 15 thế khó khăn trong việc giáo hóa, cai trị dân mà thôi, do vậy ông chủ trương chỉ sử dụng hình phạt chứ không được lạm dụng hình phạt đối với dân. Tuy nhiên, trong thực tiễn cầm quyền của mình, Minh Mệnh chưa có sự kết hợp đức trị và pháp trị một cách linh hoạt và nhân văn. Mặc dù đưa ra nhiều tư tưởng sâu sắc về pháp luật nhưng pháp luật của Minh Mệnh không phải cho đại chúng, mà của một thiểu số người, là pháp luật của vương triều Nguyễn, là pháp luật đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nông dân. Trong 20 năm cai trị, số lượng các cuộc nổi dậy chống ông tăng gấp nhiều lần so với thời vua Gia Long, điều này cho thấy tư tưởng đức trị tuy tốt đẹp, song khi vận dụng chưa hẳn nhất trí với tư tưởng pháp trị một cách linh hoạt và mềm dẻo. Thứ ba, nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh có sự mâu thuẫn giữa lợi ích giai cấp thống trị với lợi ích nhân dân. Nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh dựa trên ý thức hệ tư tưởng Nho giáo, tuyên truyền và giáo hóa mọi người theo những nguyên lý, quy phạm của Nho giáo, lấy lợi ích giai cấp thống trị là chủ yếu. Do vậy, nó đã mâu thuẫn với tư tưởng thân dân, với đường lối nhân chính. Kết luận chương 2 Một là, về nội dung của nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh. Xuất phát điểm có giá trị và ý nghĩa nhất trong nhân sinh quan của tư tưởng Minh Mệnh đó là quan điểm về con người, quan điểm đó thể hiện ở việc đề cao vai trò và sức mạnh của nhân dân, trên cơ sở đó xác định trách nhiệm của người làm vua đối với dân. Thứ hai, quan điểm về đạo lý làm người của Minh Mệnh bao gồm những lý luận nền tảng của đạo đức Nho giáo, xác lập các chuẩn mực đạo đức quan trọng, căn bản nhất của đời sống đạo đức xã hội, đây là một nội dung trọng tâm được thể hiện khá phong phú, đặc sắc và tương đối có tính hế thống. Ông đã xác định được những chuẩn mực tốt đẹp cần có mà mỗi người phải gìn giữ thực hiện nhằm tạo ra một sức mạnh để duy trì trật tự xã hội, phát triển đất nước. Tư tưởng về đạo lý làm người của Minh Mệnh trở thành nội dung chủ đạo trong đường lối cai trị của ông, góp phần quan trọng vào thành công trong sự nghiệp xây dựng và củng cố triều đại nhà Nguyễn. Thứ ba, tư tưởng giáo dục của Minh Mệnh cũng bao gồm những lý luận nền tảng của giáo dục Nho giáo, trong đó nội dung giáo dục đạo làm người là một nội dung trọng tâm, được Minh Mệnh rất quan tâm. Ông lấy ở đó cái nội dung cốt yếu nhất trong hệ tư tưởng Nho giáo, vận dụng tư tưởng đó vào hành động của mình nhằm thực hiện quan điểm dân sinh, triết lý nhân sinh thông qua việc thực thi đường lối trị nước bằng đức trị kết
  • 19. 16 hợp với pháp trị để mang lại cuộc sống ấm no cho người dân, sự hưng thịnh của vương triều. Hai là, nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh mang ba đặc điểm sau: tính kế thừa, tính mâu thuẫn và tính nhân văn sâu sắc. Tính kế thừa được xuất phát từ truyền thống văn hóa Việt Nam và tư tưởng văn hóa phương Đông, đặc biệt là tư tưởng của Nho giáo, nhằm làm mới Nho giáo cho phù hợp với điều kiện lịch sử xã hội Việt Nam giai đoạn này; Tính nhân văn là đặc điểm xuyên suốt được thể hiện trong quan niệm về con người, với lòng thương yêu, quý trọng con người gắn liền với lòng yêu nước sâu sắc của ông; trong đó ông đưa ra quan điểm giáo dục con người hướng thiện, thúc đẩy con người phấn đấu theo những giá trị nhân bản cao đẹp, góp phần duy trì và phát huy những giá trị và nếp sống đạo đức trong sáng của con người. Quan điểm này được thể hiện khá hệ thống trong tư tưởng của Minh Mệnh; Tính mâu thuẫn của nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh bao gồm: mâu thuẫn giữa canh tân và bảo thủ, mâu thuẫn giữa giải quyết mối quan hệ đức trị và pháp trị, mâu thuẫn giữa lợi ích giai cấp thống trị với lợi ích nhân dân Chương 3 GIÁ TRỊ, HẠN CHẾ VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ TRONG NHÂN SINH QUAN CỦA MINH MỆNH 3.1. GIÁ TRỊ, HẠN CHẾ TRONG NHÂN SINH QUAN CỦA MINH MỆNH 3.1.1. Giá trị trong nhân sinh quan của Minh Mệnh Giá trị thứ nhất là, nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh góp phần xây dựng một xã hội ổn định, thịnh trị, phát triển tốt đẹp. Có thể thấy rằng, triết lý nhân sinh của Minh Mệnh là phương án trả lời cho câu hỏi của lịch sử - xã hội Việt Nam vào những năm cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX đặt ra về cuộc sống con người, đó là làm thế nào cho con người có cuộc sống tốt đẹp hơn, làm thế nào để xây dựng một xã hội ổn định, phát triển và thịnh trị. Giá trị thứ hai là, nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh luôn đề cao nhân dân, lấy dân làm gốc cho những quyết sách của mình. Thứ nhất, quyền lợi của người dân là xuất phát điểm, là mục tiêu hướng đến trong mọi đường lối, chủ trương của Minh Mệnh. Thứ hai, Minh Mệnh tập trung phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng, quan tâm phát triển giáo dục, chăm lo đạo đức nhằm không ngừng nâng cao đời sống cho người dân tốt đẹp hơn.
  • 20. 17 3.1.2. Hạn chế trong nhân sinh quan của Minh Mệnh Thứ nhất, nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh hạn chế bởi thế giới quan duy tâm. Hạn chế này được biểu hiện trong quan niệm về Trời. Minh Mệnh đề cao vai trò của trời, coi trời là tối cao, chi phối vạn vật và con người, ông tuyệt đối phục tùng mệnh trời, tuân theo mệnh trời. Với sự chi phối của thế giới quan duy tâm đó, quan điểm Thiên mệnh đã kìm hãm sự phát triển của mọi người dân trong xã hội lúc bấy giờ. Tuy nhiên, Minh Mệnh dù thừa nhận có trời, song ông vẫn thừa nhận ở sức mạnh chủ quan của con người, ông là người có khuynh hướng tư tưởng tiến bộ khi tin vào bản thân mình, vào việc tu dưỡng rèn đức của mình. Như vậy, sự mâu thuẫn trong thế giới quan duy tâm của Minh Mệnh biểu hiện ở chỗ: một mặt, ông quan niệm mọi sự thịnh suy đều phó mặc cho trời, dẫn đến tư tưởng “an phận”, phủ nhận sự tiến hoá; mặt khác, ông luôn thực thi những biện pháp đổi mới trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, từ nông nghiệp đến quân sự đến giáo dục - thi cử với một niềm tin mãnh liệt về sự tốt đẹp hơn đang ở phía trước. Thứ hai, nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh hạn chế bởi tính chất giai cấp. Dưới thời trị vì của Minh Mệnh, cơ sở nền kinh tế của nước ta là nền kinh tế nông nghiệp. Với định hướng như vậy, dù trong điều kiện kinh tế hàng hóa đang phát triển, ở phương Tây cách mạng công nghiệp đang diễn ra rầm rộ, một số nước Tây Âu đã hoàn thành cách mạng Tư sản, thì Minh Mệnh vẫn mãi kế thừa tư tưởng “trọng nông ức thương”, xét ở khía cạnh lịch sử, tư tưởng này của Minh Mệnh là trái với xu hướng phát triển của thế giới lúc bấy giờ. Bên cạnh những giá trị to lớn trong quan niệm về đạo đức thì tính chất bảo thủ của nó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển xã hội. Mọi chuẩn mực đạo đức ông đưa ra đều yêu cầu mọi người phải theo một nguyên tắc, lễ giáo khắt khe, cương thường trật tự của xã hội phong kiến. Điều này, trói buộc con người vào những chuẩn mực đạo đức phong kiến, làm con người không phát huy hết tài năng, sự sáng tạo của mình, làm chậm quá trình phát triển của con người và xã hội. Minh Mệnh rất có ý thức xây dựng một hệ tư tưởng chính thống độc lập nhưng cuối cùng Minh Mệnh vẫn là một ông vua độc tôn Nho giáo và đường lối cai trị vẫn nằm trong khuôn khổ của hệ tư tưởng Nho giáo đã trở nên lỗi thời trước chuyển biến của thời đại. Sở dĩ trong tư tưởng nhân sinh của Minh Mệnh biểu hiện những hạn chế đã phân tích ở trên là do về nguyên nhân khách quan chính từ trong điều kiện lịch sử xã hội quy định và về nguyên nhân chủ quan là do lập trường giai cấp quy định.
  • 21. 18 3.2. Ý NGHĨA LỊCH SỬ TRONG NHÂN SINH QUAN CỦA MINH MỆNH 3.2.1. Ý nghĩa về mặt lý luận trong nhân sinh quan của Minh Mệnh. Một là, nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh đã góp phần làm phong phú và sâu sắc thêm tinh thần và giá trị nhân sinh của dân tộc Việt Nam. Bằng việc tiếp thu nhân sinh quan trong truyền thống văn hóa Việt Nam, cũng như tiếp thu, kế thừa có chọn lọc nhân sinh quan trong lịch sử tư tưởng Phương Đông, Minh Mệnh đã phát triển nội dung nhân sinh trong tư tưởng của mình một cách hệ thống, sâu sắc hơn, từ đó làm phong phú và sâu sắc thêm những quan điểm về bản chất con người, về vị trí, vai trò con người, những quan điểm về đạo lý làm người và giáo dục con người, góp phần vào quá trình phát triển triết lý nhân sinh của dân tộc Việt Nam, trên cơ sở đó làm giàu thêm bản sắc và truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam. Hai là, nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh bổ sung vào tư tưởng nhân sinh truyền thống những quan điểm mới, tiến bộ, do đó, nó góp phần vào quá trình phát triển nhân sinh quan của nhân loại nói chung, cũng như phát triển quan điểm nhân sinh của dân tộc Việt Nam nói riêng. Ba là, bằng sự phản ánh sâu sắc thực tiễn xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XIX, nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh góp phần thể hiện một cách cụ thể, sinh động nội dung tư tưởng, triết lý nhân sinh nói chung, vì thế quan điểm này của ông trở thành một trong những tiền đề để các nhà tư tưởng sau này kế thừa và phát triển. 3.2.2. Ý nghĩa về mặt thực tiễn trong nhân sinh quan của Minh Mệnh Thứ nhất, nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh góp phần xây dựng và giáo dục nhân sinh quan tốt đẹp cho con người Việt Nam. Một là, nhân sinh quan đó đề cao việc tu dưỡng đạo đức của tất cả mọi người trong xã hội. Từ ý nghĩa lịch sử đó, trong giai đoạn hiện nay, để phát huy vai trò của nhân tố con người, nhiệm vụ đặt ra với Đảng và Nhà nước ta là cần phải có những chủ trương, đường lối và chính sách đúng đắn trong việc xây dựng đạo đức mới cho con người Việt Nam – đạo đức cách mạng Việt Nam có ý nghĩa quan trọng đến việc phát huy nhân tố con người mới trong xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngoài ra, việc nâng cao năng lực lãnh đạo của người đứng đầu đất nước trong quan điểm của Minh Mệnh vẫn còn nguyên vẹn giá trị, đó là tinh thần ham hiểu biết, ham học hỏi đưa đất nước đi lên, đó là tinh thần rèn đức luyện tài, nỗ lực phấn đấu không ngừng để khắc phục khó khăn, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững. Trên tinh thần đó, trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã định hướng phát triển đất nước
  • 22. 19 trong giai đoạn mới đó là: “Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện; tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng; đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”8 . Hai là, nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh có ý nghĩa trong việc phát huy vai trò của giáo dục trong việc xây dựng nhân sinh quan tốt đẹp cho con người. Từ ý nghĩa lịch sử đó, để phát huy vai trò của nhân tố con người, nhiệm vụ đặt ra đối với Đảng và Nhà nước ta là, cần phải có những chủ trương, đường lối và chính sách đúng đắn trong việc xây dựng và phát triển con người. Ngày nay, nội dung giáo dục không phải chỉ bó hẹp trong phạm vi giáo dục đạo đức, nhưng đó cũng là một nội dung chính trong giáo dục con người mới. Lý luận này được tiếp nối qua nhiều thế hệ và sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có những tiếp nối tư tưởng về giáo dục, trong đó có tư tưởng về giáo dục đạo đức. Người xem, đạo đức là cái gốc của con người. Người nói: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có 4 phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có 4 đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa, thì không thành trời; thiếu một phương, thì không thành đất; thiếu một đức thì không thành người”9 . Minh Mệnh còn để lại cho chúng ta nhiều tư tưởng về rèn luyện đạo đức có giá trị. Trong những nội dung giáo dục của Minh Mệnh, tư tưởng ái dân là tư tưởng nổi bật nhất. Hiện nay, chúng ta đang tiến hành sự nghiệp đổi mới nhằm đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội thì đòi hỏi lòng nhân ái phải được nâng lên ngang tầm với chủ nghĩa nhân đạo của giai cấp công nhân, nghĩa là lòng nhân ái phải trên lập trường của chủ nghĩa Mác – Lênin và nhân sinh quan cộng sản lấy việc giải phóng con người khỏi ách áp bức, bóc lột, phát huy sức mạnh của chính con người, trước hết là người lao động làm mục đích tối cao của mình. Minh Mệnh đặc biệt khuyến khích đạo học, có nghĩa là khuyến khích người ta trở thành người có học, gia nhập tầng lớp “sĩ”. Ngày nay, để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá, tiến vào nền kinh tế tri thức một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất, không có cách nào hơn là khuyến khích học tập dưới mọi hình thức, xã hội hoá giáo dục ở trình độ cao – hay nói cách khác là coi trọng tri thức, trí thức hoá quần chúng nhân dân trong 8 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr.118-119. 9 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.233.
  • 23. 20 chừng mực có thể, nhất là ở những ngành mũi nhọn. Việc coi trọng giáo dục - thi cử thời Minh Mệnh với phương châm “hiền tài là rường cột của quốc gia” cũng là một trong những nét tiến bộ cần phát huy. Thực hiện chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhiệm vụ phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài luôn được Đảng ta quan tâm và thực hiện trong hơn 30 năm qua. Đại hội XIII, Đảng ta xác định nhiệm vụ của giáo dục và đào tạo là: “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo....Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”10 Mặc dù đề cao đạo học, coi trọng “trí”, yêu kẻ sĩ mến người tài, Minh Mệnh vẫn không quên xem xét mặt đức hạnh như là yếu tố then chốt của người có học chân chính. Bước vào công cuộc toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế và thực hiện thể chế kinh tế thị trường, nước ta đang có bước chuyển mình quan trọng. Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao. Song chúng ta cũng đang phải đối mặt với một thực trạng đáng lo ngại về đạo đức xã hội. Sự xuống cấp về đạo đức không những ở trong nhân dân mà còn ở một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, đảng viên. Đảng ta đã nhận định rằng: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi”11 . Tình hình thực tế và nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới, đòi hỏi Đảng phải không ngừng nâng cao chất lượng cầm quyền; Đảng phải thực sự trong sạch, vững mạnh, có đầy đủ năng lực và bản lĩnh lãnh đạo; Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn để phù hợp với xu thế khách quan. Một ý nghĩa nữa trong tư tưởng giáo dục của Minh Mệnh là tư tưởng về đối tượng giáo dục, giáo dục đến tất cả mọi người. Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay, với mục tiêu xây dựng con người mới phát triển toàn diện cả về tri thức, đạo đức, thể chất và thẩm mỹ thì hơn lúc nào hết, đòi hỏi con người phải luôn học tập, xem học tập như là nhu cầu tồn tại và phát triển của mình. Đến Đại hội XIII, Đảng ta đã xác định giáo dục đào tạo cần đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách 10 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr.232. 11 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội,1996, tr.95.
  • 24. 21 mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế, do đó khẳng định: “Xây dựng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; thực hiện đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động. Đặc biệt, chú ý phát hiện, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút nhân tài cho phát triển kinh tế- xã hội”12 . Bên cạnh tư tưởng hiếu học, chúng ta cũng có thể kế thừa tư tưởng giáo dục về “đạo trị nước” cho tầng lớp người quân tử - quan lại. Theo Minh Mệnh, tầng lớp quan lại không chỉ giỏi về tri thức chính trị mà còn phải là tấm gương rèn luyện về nhân cách, đạo đức, nghĩa là chú ý cả đức và tài, đủ năng lực và phẩm chất. Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, con người mới phát triển toàn diện mà chúng ta hướng đến xây dựng cũng chính là một mẫu người vừa hồng vừa chuyên. Trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá, giáo dục đào tạo được coi là quốc sách hàng đầu, con người được coi là nguồn lực quan trọng nhất, là nhân tố cơ bản tạo nên nội lực để phát triển xã hội thì xây dựng mẫu người lý tưởng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nó góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng con người mới trong thời kỳ đổi mới. Thứ hai, nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh góp phần xây dựng xã hội lành mạnh, tốt đẹp. Dựa trên nền tảng tư tưởng ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã xây dựng một khối đoàn kết toàn dân vững chắc, khơi dậy ý chí tự lực tự cường, lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân, thống nhất tư tưởng và hành động của quần chúng nhân dân vì một mục tiêu chung: độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân. Có thể khẳng định rằng, chủ trương phát huy quyền làm chủ của nhân dân là quan điểm có tính cách mạng và khoa học, là biện pháp tích cực của Đảng trong quá trình phát triển xã hội theo nguyên tắc "lấy dân làm gốc". Việc mở rộng dân chủ hoá đời sống xã hội, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã và đang phát huy vai trò làm chủ, tính chủ động, sáng tạo của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đại hội XIII xác định rõ việc tiếp tục “phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở”13 . Phương thức, cơ chế thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa là nhân dân thực hiện quyền làm chủ 12 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr.234. 13 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr.173.
  • 25. 22 thông qua hoạt động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, mà trọng tâm là thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”14 , như văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra. Có như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ góp phần tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực và tiến bộ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từng bước hiện thực hoá mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn và kiên trì thực hiện. Hai là, nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh đề cao việc tăng cường thực hiện pháp trị trên cơ sở đức trị làm nền tảng. Tư tưởng của Minh Mệnh về sự kết hợp "đức trị" và "pháp trị" trong quản lý đất nước có ý nghĩa rất lớn trong việc vận dụng vào nước ta hiện nay. Minh Mệnh dùng pháp luật để bảo vệ thuần phong mỹ tục và dùng thuần phong mỹ tục để đưa con người hướng về chữ nhân, chữ nghĩa, biết phục tùng và sống theo pháp luật. Dùng đức - hình kết hợp để trị nước, ông đã tìm thấy được hiệu quả trong phương thức cai trị "đức chủ - hình bổ". Tư tưởng này của Minh Mệnh có ý nghĩa rất lớn để Đảng và Nhà nước ta học tập và kế thừa. Tại Đại hội lần thứ VIII của Đảng, năm 1996 nêu rõ: “Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam, quản lý xã hội bằng pháp luật, đồng thời coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức”15 . Minh Mệnh cho xây dựng bộ Hoàng Việt luật lệ tuy nghiêm khắc nhưng thân dân, kết hợp cả sự nghiêm khắc và sự khoan dung, dùng pháp trị để tôn vinh những giá trị đạo đức, tinh thần nhân văn của dân tộc. Đó cũng là quan điểm chủ đạo của Minh Mệnh trong quá trình quản lý và điều hành đất nước, đưa Đại Nam trở thành quốc gia cường thịnh ở khu vực lúc bấy giờ. Tinh thần đó của ông được Đảng và nhà nước ta vận dụng trong việc xây dựng “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân”. Đến Đại hội XIII, Đảng ta đã đưa ra định hướng phát triển đất nước đến năm 2030 sẽ là “xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hôi chủ nghĩa trong sạch vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước”16 14 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr.173. 15 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.129. 16 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr.118.
  • 26. 23 Kết luận chương 3 Từ việc trình bày, phân tích những đặc điểm, giá trị, hạn chế và ý nghĩa lịch sử cơ bản trong nhân sinh của Minh Mệnh có thể rút ra những kết luận sau: Thứ nhất, nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh có những giá trị sau: Một là, nhân sinh quan đó góp phần xây dựng một xã hội ổn định, thịnh trị, phát triển tốt đẹp. Hai là, nhân sinh quan trong tư tưởng của ông luôn đề cao nhân dân, lấy dân làm gốc cho những quyết sách của mình. Bên cạnh đó, nhân sinh quan của ông có những hạn chế nhất định, đó là hạn chế bởi thế giới quan duy tâm và bởi lập trường giai cấp quy định. Những hạn chế ấy đã thể hiện sự bất lực của ý thức hệ phong kiến trước các nhiệm vụ của lịch sử dân tộc. Thứ hai, nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh mang ý nghĩa lý luận và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Về ý nghĩa lý luận: một là, nhân sinh quan đó đã góp phần làm phong phú và sâu sắc thêm tu tưởng nhân sinh nói chung, tinh thần và giá trị của tư tưởng nhân sinh của dân tộc Việt Nam nói riêng; hai là, nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh bổ sung vào trong tư tưởng nhân sinh truyền thống những quan điểm mới, tiến bộ, do đó nó góp phần vào quá trình phát triển tư tưởng nhân sinh nói chung, cũng như phát triển quan điểm nhân sinh của dân tộc Việt Nam nói riêng; ba là, bằng sự phản ánh sâu sắc thực tiễn xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XIX, nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh góp phần thể hiện một cách cụ thể, sinh động nội dung tư tưởng nhân sinh nói chung, vì thế nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh trở thành một trong những tiền đề để các nhà tư tưởng sau này kế thừa và phát triển. Về ý nghĩa thực tiễn: Một là, nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh góp phần xây dựng và giáo dục nhân sinh quan tốt đẹp cho con người Việt Nam; Hai là, nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh góp phần xây dựng xã hội lành mạnh, tốt đẹp. KẾT LUẬN CHUNG Nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh được hình thành và phát triển trong điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam và thế giới giai đoạn đầu thế kỷ XIX, đó là sự tiếp thu, kế thừa từ truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam đồng thời có chọn lọc các giá trị tư tưởng nhân sinh của văn hóa phương Đông, đặc biệt là tư tưởng nhân sinh của Nho giáo là chủ yếu nhất. Nội dung nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh là tổng hợp các quan điểm chủ yếu sau: một là, quan điểm về bản chất con người, đề cao vai trò, vị trí của con người trong quan hệ với tự nhiên, xã hội và bản thân con người; quan điểm về
  • 27. 24 đạo lý làm người và quan điểm về giáo dục con người. Và xuyên suốt tất cả đều nổi bật lên những đặc điểm, đó là nhân sinh quan trong tư tưởng Minh Mệnh kế thừa và phát triển từ truyền thống văn hóa Việt Nam và tư tưởng văn hóa phương Đông, đặc biệt là tư tưởng của Nho giáo nhằm làm mới Nho giáo cho phù hợp với điều kiện lịch sử xã hội Việt Nam trong giai đoạn đầu thế kỷ XIX; những triết lý nhân sinh đó mang đậm tính nhân văn sâu sắc và tính mâu thuẫn không thể tránh khỏi bởi bối cảnh thời đại lúc bấy giờ. Từ nội dung và đặc điểm trong nhân sinh quan Minh Mệnh, luận án cũng rút ra những giá trị trong triết lý nhân sinh của ông, những hạn chế bởi thế giới quan duy tâm và bởi lập trường giai cấp quy định, những ý nghĩa cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn trong giai đoạn hiện nay ở nước ta. Có thể thấy rằng vấn đề nhân sinh mà trọng tâm là về con người và cuộc sống con người luôn là khát vọng cháy bỏng và là mục tiêu cao cả của những người cộng sản, là ngọn cờ đích thực của Đảng trong tập hợp sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sức mạnh của mỗi cá nhân, mọi tầng lớp nhân dân, là một trong những nội dung cốt yếu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và cương lĩnh phát triển đất nước được nêu trong các văn kiện của Đảng, pháp luật và chính sách của Nhà nước, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của mọi thời kỳ cách mạng. Có thể khẳng định rằng, những nội dung chủ đạo và nét đặc sắc nhất trong nhân sinh quan của Minh Mệnh được tác giả phân tích trong luận án sẽ góp phần vào việc tìm hiểu và nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, vị trí của Minh Mệnh trong giai đoạn đầu thế kỷ XIX cũng như trong lịch sử tư tưởng dân tộc. Bao trùm trên hết tất cả các tư tưởng ấy là tấm lòng phụng sự tổ quốc, yêu nước thương dân, nó là mạch cảm xúc chủ đạo chi phối cuộc đời hoạt động chính trị sôi động của Minh Mệnh, nó là cơ sở chi phối toàn bộ nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh.