SlideShare a Scribd company logo
1 of 169
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
NGUYỄN VĂN QUANG
KHÔNG GIAN VĂN HÓA HUẾ
VỚI SỰ HÌNH THÀNH NHÂN CÁCH HỒ CHÍ MINH
LUẬN ÁN TIẾN SĨ
CHUYÊN NGÀNH: HỒ CHÍ MINH HỌC
HÀ NỘI - 2017
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
NGUYỄN VĂN QUANG
KHÔNG GIAN VĂN HÓA HUẾ
VỚI SỰ HÌNH THÀNH NHÂN CÁCH HỒ CHÍ MINH
LUẬN ÁN TIẾN SĨ
CHUYÊN NGÀNH: HỒ CHÍ MINH HỌC
Mã số: 62 31 02 04
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
1. PGS.TS. PHẠM HỒNG CHƯƠNG
2. TS. LÝ VIỆT QUANG
HÀ NỘI - 2017
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu khoa
học của riêng tôi. Các số liệu, kết quả nghiên cứu nêu trong
luận án là trung thực, có nguồn gốc rõ ràng và được trích dẫn
đầy đủ theo quy định.
Tác giả
Nguyễn Văn Quang
MỤC LỤC
Trang
MỞ ĐẦU 1
Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN
ĐẾN ĐỀ TÀI VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI LUẬN ÁN 7
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài 7
1.2. Những vấn đề kế thừa và định hướng triển khai của đề tài 24
Chương 2: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÍ LUẬN VỀ NHÂN CÁCH HỒ CHÍ
MINH VÀ KHÔNG GIAN VĂN HÓA HUẾ 28
2.1. Nhân cách Hồ Chí Minh 28
2.2. Không gian văn hóa Huế 40
Chương 3: ẢNH HƯỞNG CỦA KHÔNG GIAN VĂN HÓA HUẾ ĐẾN
SỰ HÌNH THÀNH NHÂN CÁCH HỒ CHÍ MINH 78
3.1. Một số yếu tố của không gian văn hóa Huế ảnh hướng đến sự hình
thành nhân cách Hồ Chí Minh 78
3.2. Biểu hiện của nhân cách Hồ Chí Minh từ ảnh hưởng của không gian văn
hóa Huế 104
Chương 4: Ý NGHĨA CỦA VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU ĐỐI VỚI SỰ
PHÁT TRIỂN NHÂN CÁCH HỒ CHÍ MINH CHO CON NGƯỜI
VIỆT NAM HIỆN NAY 127
4.1. Một số nhận xét về ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế đến sự hình
thành nhân cách Hồ Chí Minh 127
4.2. Ý nghĩa của việc nghiên cứu ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế
đến sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh đối với sự phát triển nhân
cách Hồ Chí Minh cho con người Việt Nam hiện nay 132
KẾT LUẬN 149
DANH MỤC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ CÓ LIÊN
QUAN ĐẾN LUẬN ÁN 151
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 152
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt
xuất của Việt Nam. Người tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc, cho ý chí kiên
cường, bất khuất của con người Việt Nam trong công cuộc dựng xây đất nước. Với
nhân cách cao đẹp, Hồ Chí Minh đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong dòng chảy
lịch sử nhân loại, góp phần làm phong phú và phát triển những giá trị chung của loài
người. Vì vậy, nghiên cứu nhân cách Hồ Chí Minh sẽ góp phần làm sáng tỏ những
giá trị đặc sắc của Hồ Chí Minh.
Nhân cách Hồ Chí Minh được hình thành và phát triển từ sự tác động - ảnh
hưởng đa chiều của các điều kiện kinh tế, lịch sử, môi trường văn hóa, xã hội và con
người của những nơi Người từng sống, học tập, làm việc, được biểu hiện qua tư
tưởng và hành động. Trong các không gian văn hóa ảnh hưởng đến sự hình thành và
phát triển nhân cách Hồ Chí Minh, Huế có vị trí đặc biệt quan trọng. Nơi đây hội tụ
tinh hoa văn hóa dân tộc, đồng thời cũng là vùng văn hóa mang sắc thái và dấu ấn
đặc trưng của văn hóa cung đình quyện hòa với văn hóa dân gian, Người cùng gia
đình sinh sống trong một khoảng thời gian khá dài, thời gian bắt đầu hình thành nhân
cách trước khi ra đi tìm đường cứu nước.
Tại kinh đô Huế, sự biến động về kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội đã tác
động mạnh mẽ đến Hồ Chí Minh. Bằng sự mẫn cảm của người học trò thông minh,
sự khát khao tìm tòi học hỏi, chiếm lĩnh tri thức mới, Người sớm thâu nhận những
giá trị của văn hóa Huế, tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại. Đó là truyền
thống yêu nước, thương dân, khát vọng độc lập, tự do; lối sống đoàn kết, thương
yêu, đùm bọc trong khó khăn hoạn nạn; lòng tự hào, tự tôn dân tộc của những vị vua
yêu nước, của những thầy dạy học và những nhà cách mạng tiền bối; tư tưởng “Tự
do, Bình đẳng, Bác ái” của văn hóa Pháp; tư tưởng dân tộc, dân chủ của Tân văn,
Tân thư... Để từ đó, Hồ Chí Minh có bước trưởng thành hơn trong suy nghĩ và hành
động, trực tiếp tham gia phong trào Duy Tân, đấu tranh chống thuế cùng nhân dân
Thừa Thiên. Những nhân tố quan trọng đó đã tác động mạnh mẽ đến sự hình thành
và phát triển nhân cách Hồ Chí Minh.
2
Thời kì Hồ Chí Minh ở Huế cũng là khoảng thời gian không chỉ để lại những
kỉ niệm đẹp về tuổi thơ hồn nhiên, về cuộc sống đầm ấm bên sự giáo dưỡng của
cha, sự yêu thương, đùm bọc của mẹ và làng xóm láng giềng… mà còn là nơi ghi
dấu những kỉ niệm đau buồn, mất mát về sự ra đi của người mẹ kính yêu, tiếng khóc
của em thơ khát sữa. Trên hết, chính nhờ sự giáo dục và nền nếp của một gia đình
nhà Nho yêu nước cùng với tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, lối sống trọng
nghĩa trọng tình, đoàn kết, tương ái của văn hóa và con người xứ Huế, đã hun đúc
và hình thành nên nhân cách của một con người mà tương lai làm rạng danh cả một
dân tộc.
Thời gian sống ở Huế, tiếp nối văn hóa xứ Nghệ, văn hóa Huế đã thẩm thấu và
ảnh hưởng sâu sắc đến nhận thức, hành động, góp phần quan trọng định hình nhân
cách của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành. Đúng như lời khẳng định
của Phạm Văn Đồng: “Thời gian ở Huế là thời gian Nguyễn Tất Thành lớn lên và
bắt đầu đi học. Những năm tháng đó là thời gian cực kỳ quan trọng đối với sự hình
thành con người Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, thời gian hình thành một con
người lạ lùng, với những ý tưởng lạ lùng, đưa đến những thành tựu lạ lùng” [172,
tr.6]. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có nhiều công trình nghiên cứu, luận giải về
sự ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế đến sự hình thành và phát triển nhân cách
Hồ Chí Minh.
Trong giai đoạn hiện nay, ý thức được tầm quan trọng của nguồn lực con người
trong phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước ta những năm qua đã ban hành nhiều văn
bản quan trọng (Chỉ thị 06-CT/TW, ngày 07/11/2006 về “Tổ chức cuộc vận động
“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Chỉ thị số 05-CT/TW,
ngày 15/5/2016 “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách
Hồ Chí Minh”) nhằm làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng
sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong
cách Hồ Chí Minh; làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thật sự trở
thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, là cơ sở khoa học để xây
dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ
vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
3
Tuy nhiên, vấn đề nhân cách Hồ Chí Minh và phát huy giá trị nhân cách Hồ Chí
Minh lại chưa được chú trọng nghiên cứu và triển khai; chưa có các chuyên đề học
tập và sinh hoạt trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu niên, học sinh
sinh viên, cán bộ đảng viên, trong khi yêu cầu cấp bách hiện nay là xây dựng con
người Việt Nam phát triển toàn diện, không chỉ về thể lực, trí lực, khả năng lao động
mà cần có đạo đức và trí tuệ, đúng như Hồ Chí Minh nhấn mạnh phải xây dựng
những con người “vừa có đức vừa có tài”, “vừa hồng vừa chuyên”.
Từ ý nghĩa đó, nghiên cứu đề tài Không gian văn hóa Huế với sự hình thành
nhân cách Hồ Chí Minh để thấy được không gian văn hóa Huế ảnh hưởng rất lớn đến
sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, góp phần làm sáng rõ hơn về cuộc
đời, tiểu sử, sự nghiệp cách mạng và tư tưởng một con người vĩ đại, một nhân cách vĩ
đại - Hồ Chí Minh.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích nghiên cứu
Luận án nghiên cứu và làm rõ những ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế
đến sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh; trên cơ sở đó, phân tích những biểu hiện
của nhân cách Hồ Chí Minh từ sự ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế, từ đó rút
ra ý nghĩa của vấn đề nghiên cứu đối với việc phát triển nhân cách Hồ Chí Minh
cho con người Việt Nam hiện nay.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để đạt được mục đích trên, luận án thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Làm rõ khái niệm và cấu trúc nhân cách và nhân cách Hồ Chí Minh.
- Làm rõ những khái niệm, cấu trúc của không gian văn hóa Huế.
- Phân tích và luận giải các nhân tố của không gian văn hóa Huế ảnh hưởng
đến sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh.
- Phân tích những biểu hiện của nhân cách Hồ Chí Minh từ sự ảnh hưởng của
không gian văn hóa Huế.
- Rút ra một số nhận xét về sự ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế đến sự
hình thành nhân cách Hồ Chí Minh và ý nghĩa của vấn đề nghiên cứu đối với sự
phát triển nhân cách Hồ Chí Minh cho con người Việt Nam hiện nay.
4
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Những ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế đến sự hình thành nhân cách
Hồ Chí Minh và những biểu hiện của nhân cách Hồ Chí Minh từ ảnh hưởng của
không gian văn hóa Huế.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
- Về nội dung: Luận án tập trung nghiên cứu sự ảnh hưởng không gian văn hóa
Huế đến sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh và những biểu hiện của nhân cách
Hồ Chí Minh từ sự ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế.
Tuy nhiên, trong luận án, nghiên cứu sinh chỉ đề cập đến những khía cạnh sau
đây: Thứ nhất, làm rõ các yếu tố cơ bản của không gian văn hóa Huế có ảnh hưởng
đến sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh; Thứ hai, làm rõ những biểu hiện của
nhân cách Hồ Chí Minh trong khoảng thời gian sống ở Huế, dưới sự tác động của
không gian văn hóa Huế.
- Về không gian: Thừa Thiên Huế những năm cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX.
- Về thời gian: Luận án nghiên cứu không gian văn hóa Huế trong khoảng cuối
thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, gắn với thời gian Hồ Chí Minh sống, học tập và hoạt
động ở Huế đến trước khi ra đi tìm đường cứu nước.
4. Cơ sở lí luận, phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu cụ thể
4.1. Cơ sở lí luận
Cơ sở lí luận của luận án là quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh; quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong nghiên cứu về cuộc
đời, tiểu sử Hồ Chí Minh và văn hóa.
4.2. Phương pháp luận
Chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử là phương pháp luận của việc
nghiên cứu, thực hiện đề tài luận án.
4.3. Phương pháp nghiên cứu cụ thể
- Nghiên cứu ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế đến sự hình thành nhân
cách Hồ Chí Minh được thực hiện trên cơ sở tiếp cận của các khoa học tổng hợp
liên ngành; trên nền tảng quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
5
- Tiếp cận liên ngành lấy lịch sử, khoa học lịch sử làm nền, sử dụng Hồ Chí
Minh học làm trục chính, văn hóa học, nhân học làm chất liệu nghiên cứu, phân tích
và luận chứng, làm rõ những vấn đề liên quan đến văn hóa, giá trị, nhân cách con
người. Các khoa học tâm lí học, giáo dục học, xã hội học, nghiên cứu con người
làm rõ các vấn đề liên quan đến nhân cách con người, sự ảnh hưởng của đời sống
đến sự hình thành và phát triển nhân cách con người.
- Ngoài cơ sở lí luận và phương pháp luận nêu trên, tác giả còn sử dụng các
phương pháp như: phân tích, tổng hợp, lịch sử, logic, thống kê, so sánh, điền dã,
văn bản học, trao đổi với chuyên gia… nhằm tìm kiếm, phân tích các kết quả nghiên
cứu có sẵn để miêu tả, khái quát hoá toàn cảnh về chủ đề nghiên cứu từ các góc độ
khác nhau.
5. Đóng góp mới về khoa học của đề tài
- Làm rõ những ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế đến sự hình thành
nhân cách Hồ Chí Minh.
- Trên cơ sở nghiên cứu sự ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế đến sự
hình thành nhân cách Hồ Chí Minh, luận án góp phần làm rõ những biểu hiện của
nhân cách Hồ Chí Minh từ sự tác động của các yếu tố trong không gian văn hóa
Huế, gắn với quá trình Người sống và học tập tại Huế.
- Rút ra ý nghĩa của vấn đề nghiên cứu đối với việc phát triển nhân cách Hồ
Chí Minh cho con người Việt Nam hiện nay.
6. Ý nghĩa lí luận và thực tiễn của đề tài
6.1. Ý nghĩa lí luận
- Kết quả nghiên cứu của luận án góp phần làm sáng tỏ thêm về cuộc đời, tiểu
sử, nguồn gốc hình thành tư tưởng và nhân cách Hồ Chí Minh; hệ thống hoá các cứ
liệu lịch sử về những sinh hoạt, hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh thời kì ở
Huế (1895-1901 và 1906-1909).
- Luận án hệ thống hóa và làm rõ ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế đến
sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh, luận giải về những biểu hiện của nhân cách
Hồ Chí Minh.
6
- Luận án rút ra một số nhận xét về những tác động của không gian văn hóa
Huế đến sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh và rút ra ý nghĩa của vấn đề nghiên
cứu đối với việc phát triển nhân cách Hồ Chí Minh cho con người Việt Nam
hiện nay.
6.2. Ý nghĩa thực tiễn
- Luận án có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo, tuyên truyền, học tập,
nghiên cứu, giảng dạy tư tưởng, tiểu sử, sự nghiệp, nhân cách của Hồ Chí Minh tại
địa phương.
- Luận án có thể sử dụng làm cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu nhân cách
Hồ Chí Minh; nghiên cứu những ảnh hưởng của các không gian văn hóa đến Hồ
Chí Minh, cũng như là nguồn tư liệu để giáo dục nhân cách cho học sinh sinh viên.
- Luận án có thể xây dựng thành tài liệu giáo dục lịch sử địa phương, định
hướng để giáo dục và rèn luyện nhân cách cho sinh viên trong các trường cao đẳng,
đại học, giáo dục lối sống trong gia đình, nhà trường và xã hội hiện nay.
7. Cấu trúc của đề tài
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Danh mục công trình của tác giả đã công bố
liên quan đến đề tài luận án và Danh mục tài liệu tham khảo, luận án gồm 4
chương, 8 tiết.
7
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI LUẬN ÁN
1.1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
1.1.1. Nhóm công trình nghiên cứu không gian văn hóa Huế
1.1.1.1. Các công trình nghiên cứu nước ngoài
Huế là một trong những trung tâm văn hóa của Việt Nam, luôn thu hút nhiều
nhà nghiên cứu nước ngoài. Tuy nhiên, hiện nay chưa có nhiều công trình nghiên
cứu Huế chuyên sâu, hệ thống và hoàn chỉnh. Khảo sát thực tế cho thấy, các học giả
nước ngoài nghiên cứu Huế trên các lát cắt văn hóa hoặc gắn với các lĩnh vực cụ thể
nhất định. Trong đó, Hội Những người bạn Cố đô Huế (Association des Amis du
Vieux Hué - B.A.V.H) [118] có hẳn chuyên mục là “sưu tầm, bảo tồn và truyền đạt
những dấu tích xưa về chính trị tôn giáo, nghệ thuật và văn học liên quan đến Huế
và phụ cận”. Từ ý nghĩa đó, Tập san B.A.V.H (Bulletin des Amis du Vieux Hué) vốn
là nội san của Hội Những người bạn của Huế xưa (ra đời từ năm 1914 và hoạt động
đến giữa năm 1944 thì bị đình bản vì những biến cố lịch sử) chuyên viết về các vấn
đề văn hóa, lịch sử, địa lí, nghệ thuật, tôn giáo, phong tục, mĩ thuật, ngôn ngữ, dân
tộc học… Nguồn tư liệu viết được đề cập trong B.A.V.H rất phong phú, bao gồm:
tư liệu về Kinh thành Huế và phụ cận, kiến trúc vùng Huế, các vấn đề về tôn giáo,
tín ngưỡng, dân gian, câu hò, câu hát, ca dao hay cuộc sống trong cung đình hoặc
các chủ đề cụ thể như: đền, chùa, am, miếu, lễ nghi cung đình được đề cập sâu sắc.
Ngoài ra, tập san còn có những bài viết chuyên sâu vào các chủ đề như: kiến
trúc cung đình, tín ngưỡng và tôn giáo như đền, chùa, am, miếu như chùa Thiên
Mụ, Quốc Ân, Bảo Quốc, Diệu Đế, Từ Hiếu, Túy Vân, đền Voi Ré, Chiêu Ứng,
điện Huệ Nam.... Tác giả Đào Thái Hanh có nhiều bài nghiên cứu về các vị nữ thần
làm tăng thêm nét cổ kính của Cố đô Huế với một màu sắc huyền hoặc biểu thị lòng
tin vào thần linh của người dân vùng Huế xưa: Histoire de la déesse Thiên Y A
Na (Lịch sử nữ thần Thiên Y A Na), La déesse Liễu Hạnh (Nữ thần Liễu Hạnh),
Histoire de la déesse Thái Dương Phu Nhơn (Chuyện Thánh mẫu Thái Dương phu
8
nhân), Histoire de la déesse Kỳ Thạch Phù Nhơn (Sự tích của nữ thần Kỳ Thạch
phu nhơn)... Bên cạnh các lễ nghi cung đình, mảng tư liệu về tôn giáo, tín ngưỡng
của người An Nam cũng được đề cập trong B.A.V.H, nổi bật là các công trình có
giá trị của linh mục L.Cadière như: “L'Annam” (An Nam), “Introduction à l'étude
l'Annam et du Champa” (Hướng dẫn nghiên cứu về An Nam và Champa) và “La
Famille et la religion en pays Annamites” (Gia đình và tôn giáo ở các xứ An Nam).
Tác giả Nguyễn Đình Hòe đã có nhiều chuyên đề nghiên cứu về văn hóa lịch sử
Huế có giá trị như: Note sur les pins du Nam Giao (Esplanade des sacrifices) (Ghi
chú về những cây thông ở Nam Giao), La pagode de l’éléphant qui barrit (Miếu
Voi Ré), Note sur les cendres des Tây Sơn dans la prison du Khám Đường (Ghi
chú về các tro di cốt Tây Sơn trong Khám Đường), Histoire de I’Ecole des Hâu Bô
de Hué (Lịch sử trường Hậu Bổ ở Huế), Les Barques royales et mandarinales dans
le vieux Hue (Thuyền ngự và thuyền quan thời Huế xưa), La pagode de Diệu
Đế (Chùa Diệu Đế), Quelques coins de la Citadelle de Hué (Một vài nơi ở Kinh
thành Huế). Các công trình nghiên cứu này được giới nghiên cứu đánh giá cao về sự
tâm huyết trong sưu tầm, công phu về biên soạn.
Đặc biệt, tập san đã dành nhiều trang nghiên cứu về lịch sử Huế và những vấn
đề liên quan từ khi Pháp chiếm Việt Nam, như: Quá trình can thiệp của Pháp vào
Việt Nam, Các cuộc phế lập ở Huế, Cuộc bôn ba của vua Hàm Nghi và căn cứ Tân
Sở, Những lễ nghi của Nam triều... Lịch sử Huế thời cận đại nằm trong khuôn khổ
của lịch sử Việt Nam (An Nam) nửa đầu thế kỉ XX, bao gồm các nguồn lịch sử triều
Nguyễn: từ Gia Long đến Bảo Đại; cuộc xâm lược An Nam của Pháp; công cuộc
bảo hộ của Pháp… Ngày nay, tập san B.A.V.H đã trở thành một nguồn tư liệu rất
phong phú, quý hiếm và có giá trị cho những ai muốn nghiên cứu về Huế.
Các công trình nghiên cứu trong Tập san B.A.V.H rất phong phú, mặc dù
không đi trực tiếp nghiên cứu “không gian văn hóa Huế”, nhưng lại tập trung
nghiên cứu các vấn đề nhỏ hơn của văn hóa Huế.
1.1.1.2. Các công trình nghiên cứu trong nước
Thừa Thiên Huế với tư cách là một vùng văn hóa đặc trưng của Việt Nam đã
được nhiều nhà khoa học dày công nghiên cứu. Tuy nhiên, khảo sát các tài liệu
9
nghiên cứu về Huế, phần nhiều các học giả tập trung vào cấu trúc văn hóa (gồm văn
hóa vật chất và văn hóa tinh thần, hay văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể). Trong
số các công trình nghiên cứu về văn hóa tinh thần, chưa có công trình nghiên cứu
chuyên sâu về các giá trị văn hóa truyền thống của Huế và không gian văn hóa Huế,
cũng như những ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế đến sự hình thành nhân
cách Hồ Chí Minh trong những năm Người sống ở Huế. Liên quan đến nhóm công
trình này có thể điểm qua một số tài liệu sau:
Địa chí Thừa Thiên Huế là công trình của nhiều nhà khoa học cung cấp nguồn
tư liệu phong phú, xác thực về đặc điểm của vùng đất và con người Thừa Thiên
Huế. Công trình được xuất bản dưới dang sách và trang tin điện tử. Trang điện tử
Địa chí Thừa Thiên Huế [166] được biên soạn dưới hình thức địa chí tổng hợp gồm:
tự nhiên, lịch sử, dân cư và hành chính, kinh tế, văn hóa. Sau đó, Địa chí Thừa Thiên
Huế - Phần Tự nhiên [167], Phần Lịch sử [168] và Phần Dân cư và hành chính được
xuất bản. Về “Phần Văn hóa”, cho đến nay vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu, bổ
sung và hoàn thiện. Trong khoa học nghiên cứu về Huế, Địa chí Thừa Thiên Huế là
bộ công trình hữu ích, cung cấp hệ thống thông tin cần thiết trên nhiều phương diện
về vùng đất này. Tuy nhiên, bộ công trình này chưa thống nhất trong việc phân tích
lĩnh vực “Văn hóa” - một yếu tố quan trọng làm nên không gian văn hóa Huế.
Bên cạnh đó, hai công trình Văn hóa cố đô [181] và 700 năm Thuận Hóa -
Phú Xuân - Huế [185] do Nguyễn Đắc Xuân biên soạn đã giới thiệu tổng hợp về
triều Nguyễn và Huế xưa. Các công trình cung cấp bức tranh tổng quan về Huế với
địa lí - địa danh, lịch sử - sự kiện, văn hóa - giáo dục, văn hóa nghệ thuật, danh
nhân. Bên cạnh đó, ấn phẩm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế - 700 năm
hình thành và phát triển [68] đã đề cập tương đối đầy đủ và toàn diện về quá trình
hình thành và phát triển của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế
trong hơn 700 năm, trên các lĩnh vực: lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội…
Đặc biệt, trong công trình này, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Tuyết Nga bước đầu
khẳng định Huế là vùng đất đánh dấu sự mở đầu của quá trình nhận thức, tư duy
yêu nước và cách mạng, góp phần quan trọng hình thành nên nhân cách của Nguyễn
Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Chính những cứ liệu quan trọng nêu
trên, cung cấp thông tin cần thiết cho việc nghiên cứu không gian văn hóa Huế.
10
Nghiên cứu tổng thể văn hóa Huế không thể không kể đến Giáo trình Tổng
quan văn hóa Huế [150] của Trương Minh Trai. Đây là công trình nghiên cứu tổng
quan về văn hóa Huế, hình thành trên cơ sở kế thừa và tiếp thu những thành tự
nghiên cứu về văn hóa Huế của các nhà khoa học và nhà nghiên cứu Huế, cung cấp
hệ thống tri thức về di tích, danh lam, thắng cảnh, các thiết chế văn hóa xưa nay, các
giá trị văn hóa tinh thần được bảo tồn khá nguyên vẹn và hiện hữu qua cuộc sống
thường ngày của người dân xứ Huế. Công trình này còn cung cấp một cách tiếp cận
văn hóa Huế trên ba phương diện gồm văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần, cảnh
quan và con người xứ Huế, đồng thời cung cấp một số khái niệm cần thiết về văn
hóa Huế. Mặc dù khá đầy đủ, tuy nhiên công trình này chưa làm rõ về không gian
văn hóa Huế, những đặc trưng và các giá trị văn hóa truyền thống của vùng đất này.
Tiếng Huế - Người Huế & Văn Hóa Huế [153] của Trung tâm nghiên cứu
Quốc học. Công trình này tổng hợp những bài phát biểu, bài nghiên cứu về Huế,
khám phá Huế ở những giá trị nhân văn về con người Huế - Văn hóa Huế. Đặc biệt,
Lê Nguyễn Lưu với bộ sách Văn Hóa Huế Xưa được biên soạn nhân kỷ niệm 700
năm lịch sử vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế (1306 - 2006). Bộ
sách gồm 3 tập: Đời sống văn hóa gia tộc [87], Đời sống văn hóa làng xã [88] và
Đời sống văn hóa cung đình [89]. Tác giả đã phân tích khá sâu sắc về văn hóa Huế
xưa từ đời sống văn hóa gia tộc (cội nguồn, các thiết chế, đời sống văn hóa vật thể
và phi vật thể), đến đời sống văn hóa làng xã (quá trình hình thành, cơ cấu tổ chức
và các văn hóa vật thể, phi vật thể trong làng xã) và đời sống văn hóa cung đình
(gắn với công cuộc xây dựng Phú Xuân - Huế, văn hóa vật thể và phi vật thể cung
đình Huế). Kết quả nghiên cứu của các công trình trên cung cấp những thông tin
cần thiết cho việc nghiên cứu không gian văn hóa Huế.
Tiếp cận văn hóa Huế từ nhiều khía cạnh và góc độ khác nhau, Trần Đức
Anh Sơn trong công trình Huế - Triều Nguyễn. Một cái nhìn [134] đã giới thiệu
văn hóa Huế dưới “cái nhìn” về sự tinh tế trong văn hóa vật chất đến văn hóa tinh
thần xứ Huế. Với một cách tiếp cận khác, Phan Thuận An qua công trình Quần thể
di tích Huế [4] nhấn mạnh đến “diện mạo” và “giá trị” của giá trị văn hóa vật chất.
Nhà nghiên cứu Phạm Thị Dung qua công trình Huế - Qua miền di sản [31], cung
11
cấp cái nhìn toàn cảnh về Huế theo tám chủ đề cụ thể: Di tích - Danh thắng xưa và
nay, Địa danh văn hóa, Làng quê nổi tiếng, Kiến trúc tôn giáo, Một phần di sản,
Kinh thành cổ kính, Lăng tẩm các triều vua, Nét riêng xứ Huế. Với các cách tiếp
cận nêu trên của các nhà nghiên cứu, chúng ta vẫn chưa thấy được những giá trị
văn hóa tinh thần của văn hóa Huế. Phải chăng đây là sự thiếu sót của các nhà
nghiên cứu này.
Trong bài viết “Cảm nhận về văn hóa xứ Huế” in trong công trình Văn hóa,
văn hóa tộc người và văn hóa Việt Nam [140] của Ngô Đức Thịnh và “Tiểu vùng
văn hóa xứ Huế” của Trần Quốc Vượng trong Cơ sở văn hóa Việt Nam [179] đã
chỉ ra những nét tiểu biểu của văn hóa Huế với tư cách là một vùng văn hóa,
không gian văn hóa mang tính địa phương, nối tiếp văn hóa Thăng Long - Hà Nội,
là bộ mặt của văn hóa Đại Việt thế kỉ XVIII-XIX. Mặc dù là hai công trình tiêu
biểu về văn hóa nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng, tuy nhiên các tác giả
chưa đi sâu lý giải một thành tố quan trọng cấu thành văn hóa đó là hệ thống các
giá trị văn hóa truyền thống (hiểu theo nghĩa hẹp của định nghĩa văn hóa là các
giá trị văn hóa tinh thần).
Ngoài các công trình nêu trên, liên quan đến luận án còn có một số tài liệu
như: Văn hóa Huế trong dòng chảy văn hóa Việt [33], Di sản văn hóa cố đô Huế
[61], Một vài ý nghĩa về bản chất văn hóa Huế [158], Phác thảo về quá trình phát
triển của văn hóa Phú Xuân - Thời kì thành Hóa Châu [160], Bản sắc văn hóa dân
tộc qua sắc thái Huế” [178]…
Các công trình nêu trên mặc dù đã tiếp cận văn hóa Huế và không gian văn
hóa Huế theo các khía cạnh khác nhau, tuy nhiên hạn chế của các công trình này
chưa có sự thống nhất khi phân tích cấu trúc “không gian văn hóa Huế”, cũng như
hệ thống các giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của vùng đất này.
1.1.2. Nhóm công trình nghiên cứu nhân cách Hồ Chí Minh
1.1.2.1. Công trình nghiên cứu nước ngoài
Các công trình nghiên cứu về nhân cách Hồ Chí Minh ở nước ngoài không
nhiều nên các nghiên cứu chuyên biệt về nhân cách Hồ Chí Minh gần như chưa
được thống kê cụ thể. Khảo sát các công trình, bài viết của các tác giả nước ngoài,
12
chưa thấy có công trình nào nghiên cứu trực diện và hệ thống về nhân cách Hồ Chí
Minh, đôi khi xuất hiện một số quan điểm, nhân định về các đặc điểm của nhân
cách Hồ Chí Minh gắn với quá trình hoạt động cách mạng của Người.
Đánh giá về Hồ Chí Minh, Hans D’Orville - Phó Tổng giám đốc UNESCO
nhận định: “Các chuyến bôn ba nước ngoài mà Người đã trải qua, những trào lưu tư
tưởng mà ông đã tiếp nhận và đặc biệt là khả năng giao hòa những sự đa dạng mà
Người đã tiếp thu đã khiến Hồ Chí Minh trở thành một người thầy về cuộc sống
trong một thế giới có xu hướng toàn cầu hóa hiện nay” [122, tr.207]. Dấu ấn về
nhân cách Hồ Chí Minh tiếp tục được Charles Fenn viết trong lời tựa của cuốn sách
Hồ Chí Minh - Một chân dung: “Nếu chúng ta so sánh Hồ Chí Minh với các lãnh tụ
nổi tiếng khác của thế kỉ XX, chúng ta không thể không có ấn tượng khi biết rằng
trong một thời gian, Hồ Chí Minh đã đi đến nhiều nơi trên thế giới và đã bắt đầu in
dấu ấn của mình lên các biến cố quốc tế trước cả Mao Trạch Đông, Găng-đi, Nê-ru,
Ru-dơ-ven, Sơc-sin hay Đơ-Gôn được biết đến trên thế giới”.
Lady Borton và C. David Thomas trong công trình Hồ Chí Minh - Một chân
dung (HO CHI MINH - A Portrait) [76] đã tập hợp, nghiên cứu về cuộc đời và sự
nghiệp của Hồ Chí Minh. Tư liệu được tập hợp trong cuốn sách không có gì mới
nhưng lại được trình bày sáng tạo, cung cấp hệ thống tri thức về cuộc đời hoạt
động cách mạng của Người. Các tác giả này đánh giá cao tư tưởng, phẩm chất đạo
đức trong sáng, cao đẹp của một vị lãnh tụ cách mạng vĩ đại, nhưng cũng là một
con người vô cùng giản dị, khiêm tốn, gần gũi thân thiết với tất cả mọi người. Dẫn
lời giới thiệu của Charles Fenn, công trình khẳng định: “Cuộc sống cá nhân mẫu
mực, tính kiên định vì nền độc lập và tự do của Việt Nam, những thành quả phi
thường của Người bất chấp những khó khăn chồng chất, đã có thể đưa Hồ Chí
Minh trong sự phán xét cuối cùng của nhân loại lên hàng đầu danh sách những
lãnh tụ của thế kỉ 20”. Hồ Chí Minh với những cống hiến của mình đã góp phần
tạo nên một khuôn mặt mới của thế giới, đối thoại hòa bình thay cho chiến tranh,
phản ánh khát vọng của các dân tộc trong đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc,
dân chủ và tiến bộ xã hội.
13
William J. Duiker với công trình Hồ Chí Minh cuộc đời (Ho Chi Minh a life)
[195] xuất bản lần đầu tiên vào năm 2000, được đánh giá là cuốn tiểu sử về Hồ Chí
Minh đầy đủ và có giá trị nhất Hoa Kỳ. Qua công trình này, tác giả nhận định Hồ Chí
Minh là “một trong những nhân vật chính trị có ảnh hưởng nhất trong thế kỉ 20” - một
con người có “một tính cách lãnh đạo riêng bằng thuyết phục và đồng tâm hơn là áp
đặt ý chí quyền lực của mình cho người khác”; là biểu tượng có sức cổ vũ nhất của
đất nước ông, là nhà tổ chức tài ba, nhà chiến lược sắc sảo và nhà lãnh đạo có sức
thuyết phục. Con người Hồ Chí Minh một nửa là Lênin, một nửa là Gandhi; người
kết hợp được trong cá nhân mình hai sức mạnh trung tâm của lịch sử Việt Nam hiện
đại: khát vọng độc lập dân tộc và đòi hỏi công bằng xã hội và kinh tế. “Ông đã có
một vị trí trong ngôi đền các danh nhân cách mạng, những người đấu tranh kiên
cường để đưa lại cho những người cùng khổ trên toàn thế giới tiếng nói trung thực
của họ”.
Bên cạnh đó, Jean Lacouture, là tác giả công trình Ho Chi Minh, A Political
Biography (Hồ Chí Minh: Tiểu sử Chính trị”) in lần đầu năm 1967 [192]. Công trình
gồm 15 chương, mô tả một cách sinh động toàn bộ cuộc đời hoạt động của Hồ Chí
Minh. Lồng ghép trong những trình bày về quá trình hoạt động của Hồ Chí Minh,
Jean Lacouture nêu bật những phẩm chất cá nhân của Hồ Chí Minh - cơ sở cho
những thắng lợi mang tính tất yếu của cách mạng Việt Nam. Tác giả cho rằng Hồ Chí
Minh “là kiểu mẫu cao nhất và hầu như độc đáo, một người gắn bó mật thiết với quần
chúng”, là “người có óc xét đoán vượt trội với những năng khiếu đột hứng và trí
thông minh kỳ diệu”.
Đánh giá về những phẩm chất đặc biệt của Hồ Chí Minh, trong cuốn Why
Vietnam? (Tại sao Việt Nam?) [2] A. Pát-ti nhìn nhận ở Người có những phẩm chất
đặc biệt: “Ông Hồ không hiện lên đối với tôi như một nhà cách mạng không thực tế
hay một người cấp tiến cuồng nhiệt, theo đuổi những lời nói rập khuôn, hét to
đường lối của Đảng, hay thiên về phá hoại mà không có những kế hoạch xây dựng
lại. Đây là một con người thông minh, thấu hiểu những vấn đề của đất nước mình,
một con người biết điều và tinh tế” [2, tr.92]. Tầm vóc của Hồ Chí Minh được tác
giả nhận định: “...Hơn một phần tư thế kỉ nay, chỉ có Hồ Chí Minh mới giữ được
14
cho ngọn đuốc độc lập bập bùng cháy trong trái tim, khối óc của những người Việt
Nam cộng sản cũng như không cộng sản, và duy nhất chỉ có ông đã trở thành hiện
thân của chủ nghĩa quốc gia Việt Nam, một Gioóc-giơ Oa-sinh-tơn của Việt Nam...
Từ lâu ông đã trở thành Bác Hồ của người nghèo và tầm thường với một ánh hào
quang trên đầu mà tất cả các chế độ bù nhìn liên tiếp đã không bao giờ có khả năng
đánh đổ được”.
Nguyên Bí thư thứ nhất ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô -
N. Khơ-rút-sốp đã dành hẳn một chương trong cuốn Hồi ký của mình để viết về Hồ
Chí Minh: “Trong cuộc đời hoạt động chính trị của mình, tôi đã biết rất nhiều người
nhưng không có người nào gây được cho tôi ấn tượng đặc biệt như Hồ Chí Minh.
Người có đầu óc tín ngưỡng thường hay nói đến các vị thánh. Đúng vậy, với cách
sống và uy tín của ông đối với đồng bào trong nước, Hồ Chí Minh đúng là có thể so
sánh với “các vị thánh đỏ, một vị thánh cách mạng”... Mỗi lời nói của ông hình như
dựa vào niềm tin là về nguyên tắc tất cả mọi người cộng sản đều là anh em cùng
giai cấp, học chỉ có thể tỏ ra trung thực và chân thành với nhau mà thôi. Hồ Chí
Minh quả thật là một trong “các vị Thánh” của chủ nghĩa cộng sản” [108, tr.52-54].
Cũng với góc nhìn phẩm chất của Hồ Chí Minh, Stanley Karnow trên tờ Time (Mỹ)
có bài viết nhận định: Một thân hình gầy gò, chòm râu dài, chiếc áo khoác cũ và đôi
dép cao su đã mòn, Hồ Chí Minh đã tạo ra một hình ảnh Bác Hồ hiền lành giản dị.
Nhưng Người là nhà cách mạng dày dạn kinh nghiệm và một nhà dân tộc chủ nghĩa
nồng nhiệt, suốt đời đấu tranh cho một mục đích duy nhất: mang lại độc lập tự do cho
dân tộc mình. Không có sự dao động trong niềm tin của Hồ Chí Minh, không thể lay
chuyển ý chí của Người, ngay cả khi cuộc chiến tranh của Mỹ leo thang, tàn phá đất
nước, Người vẫn giữ niềm tin đối với nền độc lập của Việt Nam. Dưới con mắt
phương Tây, điều dường như không thể tưởng tượng được là Hồ Chí Minh có thể
cống hiến sự hi sinh to lớn như ông đã làm. Cũng với cách nhìn nhận ấy, trong bài
báo “Thăm một chiến sĩ cộng sản Nguyễn Ái Quốc” đăng trên tờ Ogoniok (Ngọn
lửa nhỏ) số 39, ngày 23/12/1923, nhà báo Liên Xô Ô-xíp Man-đen-sơ-tam viết: “Từ
Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ
là một nền văn hóa tương lai” [92, tr.462]. Ông còn nhận xét: “Qua phong thái
15
thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy
ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái thế giới” [92, tr.463].
Trong công trình “Ho” (Hồ) của David Halberstam, tác giả đánh giá Hồ Chí
Minh “là hiện thân của một cuộc cách mạng”, “là biểu tượng của cuộc sống, hy vọng,
đấu tranh, hi sinh và thắng lợi”. Tác giả đi tìm nguyên nhân từ những yếu tố thuộc
phẩm chất cá nhân của Hồ Chí Minh, đặc biệt nhấn mạnh Người “không cố tìm kiếm
cho mình những cái trang sức quyền lực vì ông tự tin ở mình và ở mối quan hệ của
ông với nhân dân”. Hay trong công trình Chủ tịch Hồ Chí Minh qua cảm nghĩ của
một người Hàn Quốc [1] của Ahn Kyong Hwan, cho rằng tinh thần yêu nước thương
dân, yêu dân tộc của Hồ Chí Minh, một nhân vật vĩ đại nhất xứng đáng là tấm gương
cho tất cả các nhà lãnh đạo chính trị trên thế giới. Người đã không màng đến địa vị
của mình, được công nhận là một nhà lãnh đạo tầm cỡ thế giới, sống như cuộc sống
của người dân bình thường, chăm lo cải thiện cuộc sống của đồng bào Việt Nam.
Khẳng định giá trị và sức sống của phẩm chất nhân cách và giá trị tinh thần của
Hồ Chí Minh trong lòng nhân loại nói chung, đặc biệt là nhân dân các nước Mỹ
Latinh, nhà báo, nhà hoạt động chính trị I-gơ-na-xi-ô Gôn-xa-lết Han-xen trong
Tinh thần Hồ Chí Minh ở Mỹ Latinh [73] đã phân tích tầm nhìn xa và nhãn quan
chính trị thiên bẩm của Hồ Chí Minh. Theo tác giả, đối với những người cách mạng
và những nhà đấu tranh xã hội trên toàn thế giới, tấm gương đấu tranh của nhân dân
Việt Nam luôn gắn liền với tầm nhìn xa của Hồ Chí Minh - tầm nhìn mang tính giác
ngộ, đoàn kết và tập hợp lực lượng, với một niềm tin vào chủ nghĩa yêu nước lịch
sử của quần chúng. Tầm nhìn xa và thiên bẩm chính trị Hồ Chí Minh được nảy sinh
từ mối quan hệ gắn bó với người dân và nhận thức nhạy bén trước những nguyện
vọng của nhân dân.
Trong số học giả nước ngoài nghiên cứu về Hồ Chí Minh, có nhiều người vừa
là “người quen”, vừa là đối thủ của Người trong các cuộc chiến tranh trước đây như
Tổng đại diện của Chính phủ Pháp Jean Sainteny. Trong công trình Face à Ho Chi
Minh (Đối diện Hồ Chí Minh) [193] đã khẳng định: “Chắc chắn, ông Hồ Chí Minh
là con người rất mực tế nhị, đến mức không cảm thấy tính giản dị của mình, lòng
tha thiết với những phong tục, tập quán của địa phương đã làm ông trở nên rất quần
16
chúng. Ngay kẻ thù của ông cũng không bao giờ hồ nghi cái điều giản dị ấy”. Hay
trong tác phẩm “Một nền hòa bình bị bỏ lỡ”, Sainteny đã viết một cách khách quan:
“Sự hiểu biết văn hóa rộng lớn, trí thông minh, những hoạt động phi thường và lòng
vô tư tuyệt đối đã làm cho uy tín của Người và lòng tin của nhân dân đối với Người
không gì so sánh nổi. Những lời nói, những hành động, thái độ của Người, đều
thuyết phục là Người không muốn dùng giải pháp bạo lực” [152, tr.94].
Tóm lại, khi nghiên cứu nhân cách Hồ Chí Minh, những công trình nghiên cứu
của các học giả nước ngoài đã làm rõ một số nét đặc trưng về phẩm chất và năng lực
đặc biệt của Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đến nay chưa thấy thống kê các công trình ở
nước ngoài nghiên cứu chuyên biệt về nhân cách Hồ Chí Minh. Mặc dù còn nhiều
vấn đề chưa có sự thống nhất về quan điểm, cách tiếp cận, thậm chí có những sai sót,
song tất cả đều phải thừa nhận rằng Hồ Chí Minh là một con người đặc biệt của dân
tộc và nhân loại, đã hi sinh đời mình cho Tổ quốc, cho phong trào giải phóng dân tộc
và phong trào hòa bình trên thế giới.
1.1.2.2. Các công trình nghiên cứu trong nước
Nhân cách Hồ Chí Minh là một chủ đề khá mới trong khoa học nghiên cứu về
Hồ Chí Minh, do đó chưa có nhiều công trình luận giải về chủ đề này. Liên quan đến
nhóm công trình này có thể kể đến một số công trình nghiên cứu như:
Trong công trình Nhân cách Hồ Chí Minh [136], tác giả Mạch Quang Thắng
luận giải khá sâu sắc về nhân cách Hồ Chí Minh. Tác giả đã luận giải từ “con đường
hình thành, phát triển, hoàn thiện nhân cách Hồ Chí Minh” đến quan niệm “nhân
cách Hồ Chí Minh”, các đặc trưng và giá trị của nhân cách Hồ Chí Minh. Trong
công trình này, tác giả chỉ đề cập đến “nhân tố gia đình, quê hương”, “truyền thống
văn hóa của dân tộc” nói chung, mà chưa đi sâu phân tích những ảnh hưởng của các
không gian văn hóa (trong đó có không gian văn hóa Huế) đến sự hình thành và
phát triển nhân cách Hồ Chí Minh.
Trần Thái Bình với công trình Hồ Chí Minh - Sự hình thành một nhân cách
lớn [25] đã dành hẳn Phần 1 với 2 chương để nói về “Môi trường: Thiên - Địa -
Nhân” đã có những ảnh hưởng nhất định đến Hồ Chí Minh thời trẻ. Tuy nhiên, tác
giả cũng chưa nêu lên được sự ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế đến sự hình
thành và phát triển nhân cách Hồ Chí Minh.
17
Trong công trình Làng Sen năm ấy [146], tác giả Nguyễn Yên Thy cho rằng
nhân cách Hồ Chí Minh được hình thành trong khoảng thời gian từ năm 1901 đến
1906. Tác giả khẳng định thời điểm đó, Hồ Chí Minh ở độ tuổi thiếu niên, nhạy
cảm, theo cha từ kinh thành Huế về quê. Tuổi thơ được sống trong khung cảnh ấm
áp tình người như vậy chắc chắn sẽ có những tác động lớn. Tuy nhiên, tác giả chưa
đưa ra những luận cứ, luận chứng thuyết phục để chứng minh không gian văn hóa
Nghệ - Tĩnh có ảnh hưởng quyết định sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh và
cũng chưa làm rõ được những biểu hiện của nhân cách Hồ Chí Minh. Đây chính là
sự gợi mở để tiếp tục nghiên cứu không gian văn hóa thứ hai có ảnh hưởng lớn đến
Hồ Chí Minh - không gian văn hóa Huế.
Một trong những công trình kiến giải về nhân cách Hồ Chí Minh khá sâu sắc
là Tỏa sáng nhân cách Hồ Chí Minh [5] được in trong Xây dựng con người Việt
Nam theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh [6]. Tác giả Hoàng Anh xác định
“nhân cách Hồ Chí Minh” là một địa hạt nghiên cứu khó, nhưng nó lại có giá
trị trong thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Trên cơ sở kế thừa kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, tác giả chỉ rõ nhân
cách Hồ Chí Minh được cấu thành từ hai thành tố là phẩm chất đạo đức và phẩm
chất trí tuệ, hay theo như Hồ Chí Minh, nhân cách là sự thống nhất giữa Đức và
Tài. Mặc dù tác giả đã cố gắng luận giải nội hàm của nhân cách Hồ Chí Minh khá
rõ nét, tuy nhiên, tác giả chưa có điều kiện nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng, cơ
sở, nguồn gốc hình thành và phát triển nhân cách Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, công trình Đặc trưng nhân cách Hồ Chí Minh - Giá trị và sức lan
tỏa [11] của Phạm Ngọc Anh đã chỉ ra tầm quan trọng của giá trị làm người, giá trị xã
hội to lớn của nhân cách Hồ Chí Minh đối với nhiều thế hệ người Việt Nam. Mặc dù
khẳng định việc nghiên cứu di sản Hồ Chí Minh nói chung và nhân cách văn hóa nói
riêng là một công việc hết sức cấp bách và quan trọng, và cho đến nay, những nghiên
cứu về chủ đề này vẫn chỉ là bước đầu, là địa hạt mà chưa có nhiều công trình đào sâu
nghiên cứu. Tác giả đã chỉ ra những đặc trưng của nhân cách Hồ Chí Minh như: (1)
Sự khâm phục, đánh giá cao của xã hội, ở niềm tin và sức sống bất diệt bởi những giá
trị làm người, giá trị xã hội mà nhân cách Hồ Chí Minh đã được các thế hệ người Việt
18
Nam và nhân loại trên hành tinh chúng ta thừa nhận; (2) Chí hướng, nhân sinh quan,
thế giới quan khoa học, lí tưởng sống, niềm tin sâu sắc vào sự nghiệp cứu dân, cứu
nước, sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam và nhân dân lao động toàn thế
giới; (3) Tình yêu quê hương, đất nước, yêu nhân dân sâu sắc gắn liền với lí tưởng và
tình cảm cách mạng của Người; (4) Tầm vóc và hiểu biết cao về lí luận cách mạng;
khả năng vận dụng lí luận vào thực tiễn một cách sáng tạo là một phẩm chất cơ bản
và cốt lõi; (5) Sức mạnh và ý chí, nghị lực, khát vọng phi thường trong đấu tranh cách
mạng; (6) Sự hòa quyện, sự kết đọng của sự thông tuệ dân gian; là sự thông minh, tế
nhị và mộc mạc của tinh hoa văn hóa Việt Nam thể hiện trong ứng xử hàng ngày; (7)
Tính đồng bộ, hệ thống trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
Nhà nghiên cứu Đỗ Long trong Hồ Chí Minh - Những vấn đề tâm lí học [84]
và Nguyễn Khắc Nho trong Hồ Chí Minh - Đỉnh cao truyền thống Nhân - Trí -
Dũng Việt Nam [116] tập trung luận giải hai nội dung quan trọng là “quá trình hình
thành tự ý thức” và “nhân cách Hồ Chí Minh”. Trong bài viết “Hồ Chí Minh: Một
nhân cách lớn” in trong ấn phẩm Hồ Chí Minh - Những vấn đề tâm lí học, nhà
nghiên cứu Đỗ Long đã làm rõ nhân cách Hồ Chí Minh nhất quán với năm đặc
trưng: nhất quán về tư tưởng, nhất quán về trí tuệ, nhất quán về tình cảm, nhất quán
về ý chí, nhất quán về đạo đức và nhất quán về nếp sống.
Trong Kỷ yếu hội thảo Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh
nhân văn hóa [163] nhà nghiên cứu Trần Văn Giàu với công trình “Nhân cách của
Chủ tịch Hồ Chí Minh” đã nêu lên bảy phẩm chất của nhân cách Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, một số tác giả như Nguyễn Thị Chuẩn, Trương Minh Dục, Đặng Thị
Nhiệt Thu, Lê Bá Vương trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học toàn quốc “Một thế kỉ
Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước” (5/6/1911 - 5/6/2011) [164] đã luận giải những
điều kiện khách quan và chủ quan, những yếu tố tác động đến Nguyễn Tất Thành
trước khi ra đi tìm đường cứu nước. Các tác giả Võ Văn Minh, Nguyễn Văn Quang
bước đầu lý giải sự chuyển biến từ tinh thần yêu nước đến hành động cứu nước, tư
tưởng và nhân cách Hồ Chí Minh thời trẻ.
Mặc dù không trực tiếp nghiên cứu về Nhân cách Hồ Chí Minh, nhưng trong
công trình Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam [48], Đại
19
tướng Võ Nguyên Giáp đã nêu rõ những phẩm chất của nhân cách văn hóa Hồ Chí
Minh, đó là: “sống có hoài bão, có lí tưởng yêu nước, thương dân sâu sắc, nhất là
đối với những người cùng khổ bị áp bức, bóc lột, có bản lãnh kiên định, có khí tiết
kiên cường trong đấu tranh thực hiện mục tiêu, lí tưởng đã lựa chọn; thông minh,
sắc sảo, nhạy bén với cái mới, ham học hỏi, có tư duy độc lập sáng tạo; có lòng tin
mãnh liệt ở nhân dân; có ý chí, nghị lực phi thường và đầu óc thực tế, nói đi đôi với
làm; mẫu mực về đạo đức cách mạng; tác phong bình dị, chân tình, khiêm tốn, có
sức cảm hóa lớn đối với mọi người; là bậc đại nhân, đại trí, đại dũng”… Đó là
những phẩm chất nổi bật trong nhân cách văn hóa Hồ Chí Minh, được hình thành từ
tinh hoa văn hóa Đông - Tây, trên nền truyền thống văn hóa Việt Nam; là tổng hợp
nhuần nhuyễn giữa cách thức tư duy, trí tuệ, tình cảm và hành động đến mức giản
dị, khiêm tốn phi thường. Đúng như Tổng thống Cộng hòa Chilê X. Agienđê đã
khái quát: “Nếu như muốn tìm một sự tiêu biểu cho tất cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ
Chí Minh thì đó là đức tính vô cùng giản dị và sự khiêm tốn phi thường”.
Trên cơ sở những bài báo từ các hội thảo khoa học, Bảo tàng Hồ Chí Minh
Thừa Thiên Huế đã tập hợp và xuất bản sách Âm vang thời Bác Hồ ở Huế [22],
gồm 14 bài viết của các nhà khoa học nghiên cứu về “Những năm tháng Bác Hồ
và gia đình Người ở Huế”. Một số bài viết bước đầu luận giải về sự ảnh hưởng
của đời sống chính trị - xã hội Huế đối với Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất
Thành. Tác giả Nguyễn Sĩ Đạm bước đầu chỉ rõ những tác động thúc đẩy sự phát
triển nhân cách và tư tưởng yêu nước của Nguyễn Tất Thành ở Huế. Năm 2008,
Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế xuất bản ấn phẩm “Nghiên cứu, xác minh
tư liệu và di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh thời kì 1890 - 1911” [20]. Các tác giả đã
khẳng định chính sự tham gia phong trào chống thuế cùng với nhân dân Thừa
Thiên Huế đã mở ra thời kì “dấn thân” hoạt động cách mạng và tìm đường cứu
nước của Nguyễn Tất Thành. Tác giả Cao Huy Hùng khẳng định rằng chính
những hoạt động thực tiễn sôi động trong phong trào cách mạng của nhân dân
Thừa Thiên Huế giai đoạn 1906 - 1909, đặc biệt là phong trào chống thuế 1908
đánh dấu bước chuyển từ nhận thức yêu nước đến hành động yêu nước và quyết
tâm ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành.
20
Năm 2010 và 2011, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hai Hội
thảo về Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay [62] và Kỷ niệm 100 năm ngày
Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước [63]. Hội thảo đã tập hợp nhiều báo cáo của các
nhà khoa học trong cả nước luận giải về giá trị, ý nghĩa của di sản Hồ Chí Minh và
sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Các tác giả như Lê Văn Tích, Lê Văn
Yên, Đinh Xuân Lý đã làm rõ bối cảnh về lịch sử trong nước và thế giới những năm
đầu thế kỉ XX và quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành. Bên
cạnh đó, các tác giả như Phan Công Tuyên, Nguyễn Quốc Bảo, Nguyễn Văn
Quang, Lê Thị Hằng đã bước đầu làm rõ một số ảnh hưởng của văn hóa Huế đến sự
hình thành tư tưởng yêu nước, chí hướng cách mạng và nhân cách Hồ Chí Minh.
Tác giả Đức Vượng trong Quá trình hình thành tư tưởng yêu nước của Hồ Chí
Minh [177] đã chỉ ra những luồng tư tưởng có ảnh hưởng đến Hồ Chí Minh trước sự
lựa chọn con đường cứu nước và những nhân tố thúc đẩy Hồ Chí Minh sớm suy
nghĩ về con đường cứu nước, tư tưởng yêu nước của Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, nghiên cứu về đặc trưng, nội dung và giá trị của nhân cách Hồ Chí
Minh nói chung còn có một số bài báo của các tác giả như: Nhân cách Hồ Chí Minh -
Những giá trị thiết yếu trong hệ giá trị Việt Nam [59], Nhân cách Hồ Chí Minh
[137]... đã bước đầu làm rõ những đặc trưng, giá trị và sức lan tỏa và một phần nhân
cách Hồ Chí Minh.
Nhìn chung, các công trình nghiên cứu về nhân cách Hồ Chí Minh rất hạn chế.
Một số công trình mới chỉ đề cập đến những khía cạnh về phẩm chất hoặc năng lực
đặc biệt của Hồ Chí Minh.
1.1.3. Nhóm công trình nghiên cứu những ảnh hưởng của không gian văn
hóa Huế đến nhân cách Hồ Chí Minh
1.1.3.1. Công trình nghiên cứu nước ngoài
Các công trình của các tác giả nước ngoài nghiên cứu về những ảnh hưởng của
không gian văn hóa Huế đến nhân cách Hồ Chí Minh thật sự không nhiều, bởi lẽ đây
là một chủ đề khá hẹp. Hầu hết các nhà nhiên cứu nước ngoài chỉ điểm qua và nhận
định sơ lược về ảnh hưởng của các không gian văn hóa đến Hồ Chí Minh gắn với quá
trình hoạt động cách mạng của Người.
21
Trong các công trình của các tác giả nước ngoài nghiên cứu chủ đề ảnh hưởng
của không gian văn hóa Huế đến nhân cách Hồ Chí Minh, phải kể đến bộ công trình
Đồng chí Hồ Chí Minh [30] của E. Cô-bê-lép. Công trình này được nghiên cứu công
phu, cung cấp nhiều hiểu biết chính xác về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Hồ
Chí Minh, gắn với thời kì lịch sử huy hoàng của dân tộc và những biến cố lớn lao của
thời đại, đồng thời giúp cho người đọc hiểu biết về tư tưởng, đạo đức, phong cách và
nhân cách của một lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Đặc
biệt, trong công trình này, E. Cô-bê-lép luận giải sự chuyển biến về nhận thức và
hành động của Nguyễn Tất Thành trong quá trình dịch chuyển giữa hai vùng văn hóa:
xứ Nghệ và xứ Huế. Ông lý giải thời kì ở Huế, “những biến cố phi thường làm tâm trí
Thành sôi nổi hẳn lên. Mùa xuân năm 1908 là mùa xuân Thành học được những bài
học thực tiễn về đấu tranh chính trị, không khí sôi động của những cuộc nổi dậy của
quần chúng đã tác động mạnh mẽ đến tâm hồn Thành. Đối với Thành, những ngày ấy
bằng cả mấy năm sống cổ lỗ đều đều ở làng Sen. Cuộc sống thực tế ở Huế cứ mỗi
ngày lại dạy thêm cho anh những bài học khắc nghiệt và bổ ích”.
Jean Lacouture, trong công trình Ho Chi Minh (Hồ Chí Minh) [191], nhận định
rằng Hồ Chí Minh lớn lên trong cái nôi của phong trào yêu nước, cuộc đời hoạt động
cách mạng của anh “bắt đầu trong không khí bất công, oán hận và phẫn nộ, căm thù
chống lại nước Pháp”. Học giả David Helberstam cũng khẳng định: “Tư tưởng yêu
nước của Hồ được tăng cường ở Huế”, khi đang học ở Huế “Hồ tiếp tục các công
việc yêu nước một cách tích cực và cuối cùng ông đã rời bỏ trường này trước khi có
một mảnh bằng […] Ông là một con người muốn học thêm nữa bằng cách chu du ra
nước ngoài hơn là học trong trường khắt khe do Pháp đỡ đầu”.
1.1.3.2. Công trình nghiên cứu trong nước
Khảo cứu các công trình nghiên cứu về những ảnh hưởng của không gian văn
hóa Việt Nam nói chung, văn hóa Huế nói riêng đến sự hình thành và phát triển
nhân cách Hồ Chí Minh, chúng tôi nhận thấy chưa có một công trình nghiên cứu
tổng thể, toàn diện và sâu sắc.
Liên quan đến nhóm công trình này, Đi tìm dấu tích thời niên thiếu của Bác Hồ
ở Huế [184] của Nguyễn Đắc Xuân là công trình nghiên cứu về thời niên thiếu của
22
Hồ Chí Minh từ thuở mới theo gia đình đặt chân lên đất Huế (1895) cho đến lúc
Người từ giã Huế để vào các tỉnh phía Nam bắt đầu hành trình đi tìm đường cứu nước
(1909). Công trình này gồm 13 chương, 311 trang, được biên soạn bằng những cứ
liệu lịch sử có giá trị khoa học trên cơ sở tư liệu được khảo sát điền dã, phỏng vấn các
nhân chứng lịch sử, những người bạn học, những người học cùng trường và những
người thân quen với gia đình của Hồ Chí Minh. Về tài liệu tham khảo, tác giả đã sử
dụng tư liệu phong phú, ngoài tài liệu của triều Nguyễn, còn có Bộ hồ sơ mật của mật
thám Pháp gồm 21 tài liệu được lưu trữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh trong thời gian từ
năm 1911 đến năm 1928. Điều đáng lưu ý nhất là tác giả đã chỉ ra thời gian sinh sống
và học tập tại Huế, Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành đã chứng kiến sự bất lực
của các vua quan triều Nguyễn, thấy được tội ác của thực dân Pháp, tiếp xúc với văn
hóa phương Tây và hòa mình vào phong trào đấu tranh yêu nước… Tất cả những gì
Hồ Chí Minh tiếp nhận ở Huế cùng với truyền thống yêu nước của quê hương xứ
Nghệ đã hình thành tư tưởng yêu nước và nhân cách Hồ Chí Minh. Mặc dù đã cố
gắng làm rõ ảnh hưởng của đời sống vật chất, tinh thần, của điều kiện kinh tế, chính
trị - xã hội đến tuổi trẻ của Hồ Chí Minh, nhưng tác giả chưa thể khẳng định ảnh
hưởng của văn hóa Huế đến sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh.
Bộ công trình Hồ Chí Minh tiểu sử [65] của Học viện Chính trị - Hành chính
Quốc gia Hồ Chí Minh do Song Thành chủ biên đã luận giải tương đối đầy đủ về
cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh. Chương I của công trình này tác giả đề cập
đến “Thời niên thiếu và những hoạt động yêu nước đầu tiên” (5/1890 - 6/1911).
Trong đó, các tác giả dành 12 trang để trình bày tóm tắt về những hoạt động của Hồ
Chí Minh và gia đình ở Huế (1895 - 1901 và 1906 - 1909). Tuy nhiên, công trình
này chưa có điều kiện luận giải sự ảnh hưởng, tác động của không gian văn hóa Huế
đối với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh.
Nhà nghiên cứu Trần Văn Giàu với hai công trình tiêu biểu: Giá trị tinh thần
truyền thống của dân tộc Việt Nam [49] và Sự hình thành về cơ bản tư tưởng Hồ Chí
Minh [51], đã làm rõ mối quan hệ giữa các giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc
Việt Nam với sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Ông khẳng định những giá trị tinh
thần tốt đẹp của dân tộc ta trong suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước đã trang
23
bị kiến thức và tư tưởng của Nguyễn Tất Thành, trong đó, gia đình đặt những nền
móng đầu tiên, truyền thống quê hương xây dựng nên tấm lòng yêu nước nồng nhiệt;
Quốc học Việt Nam trang bị cho Hồ Chí Minh một căn bản truyền thống yêu nước,
yêu dân, tự hào dân tộc… Qua công trình Sự hình thành về cơ bản tư tưởng Hồ Chí
Minh, Trần Văn Giàu đã làm rõ những đặc điểm cơ bản của tư tưởng yêu nước truyền
thống - hành trang tư tưởng chủ yếu của Hồ Chí Minh.
Bộ công trình 3 tập Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh [170], [171], [172] do
Viện Hồ Chí Minh xuất bản năm 1993. Trong tập 3, tác giả Trịnh Tùng và Đặng
Văn Hồ với tham luận “Từ tinh thần yêu nước đến tư tưởng cứu nước - bước
chuyển trong tư tưởng Hồ Chí Minh thời kì ở Thừa Thiên - Huế (1906-1909)” đã
phân tích những ảnh hưởng của điều kiện kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội Huế đến
sự hình thành tinh thần và tư tưởng yêu nước Hồ Chí Minh - biểu hiện đặc sắc nhất
của nhân cách Hồ Chí Minh. Từ kết quả nghiên cứu, các tác giả trên đã kết luận:
“Thừa Thiên - Huế là một trong những địa bàn quan trọng trong bước đầu xuất hiện
tư tưởng cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Tác giả Trần Minh Trưởng và cộng sự trong công trình Ảnh hưởng của các giá
trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc đến sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh
[157] đã chỉ rõ bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam là tài sản vô giá của dân tộc,
góp phần làm giàu tri thức văn hóa nhân loại. Đồng thời, công trình cũng chỉ ra văn
hóa truyền thống dân tộc, truyền thống yêu nước đã trở thành xuất phát điểm, động
lực thôi thúc Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước và là nhân tố quan trọng
hình thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh. Các tác giả chưa có điều kiện đi sâu nghiên
cứu những ảnh hưởng của các giá trị văn hóa Huế với tư cách là một trong ba vùng
văn hóa đặc trưng của Việt Nam cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Tuy nhiên, những
kiến giải về ảnh hưởng của các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và phương
pháp nghiên cứu của công trình này có ý nghĩa phương pháp luận, định hướng cho
việc thực hiện luận án này.
Bên cạnh đó, Bác Hồ với miền núi Ngự sông Hương [174] của Phạm Hồng Việt
đã luận giải Huế với tình thương cùng nỗi gian truân của gia đình, với tình nghĩa
đồng bào, láng giềng hàng xóm, với những tác động ngược chiều khác nhau của xã
24
hội và nhà trường đối với Hồ Chí Minh. Tác giả khẳng định từ Huế, Nguyễn Tất
Thành đã chín chắn và hình thành quyết định ra đi tìm đường cứu nước.
Ngoài các công trình nêu trên, liên quan đến đề tài còn có một số công trình
như: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tiểu sử và sự nghiệp [15], Phong trào kháng thuế của
nông dân miền Trung Việt Nam năm 1908 và sự tham gia đấu tranh của anh Nguyễn
Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) tại Thừa Thiên Huế [23], Tư tưởng Hồ Chí Minh
và con đường cách mạng Việt Nam [48], Vĩ đại một con người [52], Vàng trong lửa -
Chủ tịch Hồ Chí Minh với miền Nam Tổ quốc [53], Thời thanh niên của Bác Hồ [56],
Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, tập 1 (1890-1929) [64], Những mẩu chuyện về đời
hoạt động của Hồ Chủ tịch [147], v.v… Ngoài các công trình nêu trên, liên quan đến
sự hình thành và phát triển nhân cách Hồ Chí Minh thời trẻ còn có một số bài báo
như: Tân văn - Tân thư và ảnh hưởng của nó đến tư tưởng yêu nước ở Việt Nam nửa
đầu thế kỉ XX [24], Dưới mái trường Quốc Học [28], Dưới mái tranh trường Quốc
Học những năm 1906 - 1911 [29], Nơi đặt nền móng đầu tiên cho chặng đường cứu
nước của Hồ Chủ tịch [69], Về con đường cứu nước của Hồ Chí Minh [77], Hồ Chí
Minh và sự chủ động sáng tạo trong việc lựa chọn con đường cứu nước [107],v.v…
Các công trình nêu trên mặc dù không trực tiếp đi sâu nghiên cứu những ảnh
hưởng của không gian văn hóa Huế đến sự hình thành và phát triển nhân cách Hồ Chí
Minh, những đã nêu rõ thời kì ở Huế, những ảnh hưởng của các điều kiện về kinh tế,
chính trị, văn hóa, xã hội của Huế đã góp phần đưa ra quyết định ra đi tìm đường cứu
nước của Hồ Chí Minh.
1.2. NHỮNG VẤN ĐỀ KẾ THỪA VÀ ĐỊNH HƯỚNG TRIỂN KHAI CỦA ĐỀ TÀI
1.2.1. Những vấn đề luận án kế thừa
Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án ở trên cho thấy
việc nghiên cứu về văn hóa Huế và Hồ Chí Minh nói chung là hết sức phong phú,
nhiều góc độ, khía cạnh với nội dung sâu sắc. Tuy nhiên, nghiên cứu ảnh hưởng của
không gian văn hóa Huế đến sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh là một chủ đề
chưa có công trình độc lập, trình bày hệ thống, đặc biệt là từ góc độ chuyên ngành
Hồ Chí Minh học. Do đó, chúng tôi cố gắng vận dụng những nguồn tư liệu, đặc biệt
là khai thác các bài viết, bài phát biểu và các đoạn trích có tính chất hồi ức của Hồ
25
Chí Minh được Người viết trong quá trình hoạt động cách mạng ở trong và ngoài
nước. Bên cạnh đó, để tìm những tư liệu khoa học cho đề tài này, luận án còn khai
thác những vấn đề liên quan đến văn hóa, văn hóa Huế, cũng như những tư liệu hồi
ký, tài liệu phỏng vấn những người sống cùng thời với Hồ Chí Minh thời kì ở Huế,
đã được một số nhà nghiên cứu tâm huyết sưu tầm và biên soạn.
Trên cơ sở khảo cứu các tài liệu, các công trình tiêu biểu nghiên cứu về văn
hóa Việt Nam, luận án kế thừa các quan điểm, cách tiếp cận khác nhau về văn hóa
nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng. Những đóng góp của các nhà nghiên
cứu trong việc luận giải các khái niệm, cấu trúc, các thiết chế và chức năng văn
hóa, diễn trình lịch sử của văn hóa, không gian văn hóa Việt Nam và những ảnh
hưởng của văn hóa tới nhân cách con người... là cơ sở để kiến giải khái niệm
“không gian văn hóa Huế”. Với nhóm công trình nghiên cứu về văn hóa Huế và
không gian văn hóa Huế, mặc dù chưa có công trình chuyên sâu, nhưng các cách
tiếp cận, nghiên cứu từng mặt, từng khía cạnh về văn hóa Huế của các tác giả là
những cứ liệu quan trọng, làm cơ sở khoa học để luận giải các khái niệm, cấu trúc
của “không gian văn hóa Huế”. Như vậy, các công trình nghiên cứu về văn hóa
Việt Nam nói chung và không gian văn hóa Huế nói riêng nêu trên đã cung cấp
những tri thức cần thiết để xây dựng hệ thống khái niệm, cấu trúc văn hóa Huế và
không gian văn hóa Huế.
Ngoài ra, luận án còn kế thừa kết quả của công trình nghiên cứu những ảnh
hưởng của không gian văn hóa Huế đến nhân cách Hồ Chí Minh. Các công trình
nêu trên đã luận giải những ảnh hưởng của các điều kiện về kinh tế, chính trị, văn
hóa, xã hội của Huế đến Hồ Chí Minh. Lập luận khoa học của các nhà nghiên cứu sẽ
là cơ sở vững chắc để có thể thực hiện đề tài này.
Nghiên cứu về nhân cách Hồ Chí Minh cho đến nay chưa có nhiều công
trình nghiên cứu chuyên sâu. Một số nhà khoa học trong các bài viết đã bước đầu
luận giải về sự hình thành một nhân cách; đặc trưng và sức lan tỏa của nhân cách
hồ Chí Minh… Luận án đã kế thừa phương pháp nghiên cứu, cách thức tiếp cận,
cũng như những quan điểm về sự hình thành, phát triển và đặc trưng nhân cách
Hồ Chí Minh.
26
1.2.2. Những vấn đề luận án tập trung nghiên cứu
Mặc dù các nhà khoa học, nhà nghiên cứu với sự nỗ lực của mình, thông qua
cái bài báo, đề tài khoa học đã cố gắng luận giải về các nội dung như: nhân cách Hồ
Chí Minh, những ảnh hưởng của các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của Việt
Nam, của vùng đất Nghệ - Tĩnh và Huế đến Hồ Chí Minh... Tuy nhiên, chưa có một
công trình nghiên cứu toàn diện và sâu sắc những ảnh hưởng của không gian văn
hóa Huế đến sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh. Từ thực trạng nghiên cứu trên,
nghiên cứu sinh nhận thấy cần nghiên cứu ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế
đến sự hình thành và phát triển nhân cách Hồ Chí Minh. Căn cứ vào mục đích và
nhiệm vụ nghiên cứu của luận án đề ra, từ góc độ chuyên ngành Hồ Chí Minh học,
luận án thấy cần phải tiếp tục nghiên cứu để làm rõ những vấn đề chủ yếu sau:
Thứ nhất, nghiên cứu làm rõ khái niệm, cấu trúc nhân cách, quy luật hình
thành nhân cách, trong đó tập trung làm rõ quan niệm chủ nghĩa Mác - Lênin về
nhân cách. Từ việc hệ thống hóa tri thức về nhân cách nói chung và nhân cách Hồ
Chí Minh, luận án làm rõ khái niệm nhân cách Hồ Chí Minh.
Thứ hai, trên cơ sở hệ thống hóa tri thức, luận án làm rõ những khái niệm, cấu
trúc và những nét đặc trưng của không gian văn hóa Huế, cũng như xác định và
phân tích các nhân tố chủ yếu của không gian văn hóa Huế ảnh hưởng đến sự hình
thành nhân cách Hồ Chí Minh.
Thứ ba, trên cơ sở hệ thống hóa tri thức về nhân cách Hồ Chí Minh, luận án phân
tích những biểu hiện của nhân cách Hồ Chí Minh từ sự ảnh hưởng của không gian văn
hóa Huế, trong những năm tháng Người sống và học tập ở Huế.
Thứ tư, nhận xét về những ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế đến sự hình
thành và phát triển nhân cách Hồ Chí Minh, đồng thời rút ra ý nghĩa của vấn đề
nghiên cứu để phát triển nhân cách Hồ Chí Minh hiện nay.
27
TIỂU KẾT CHƯƠNG 1
Nghiên cứu “Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí
Minh”, luận án đã tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài thông qua khảo
sát, phân tích, nhận định các công trình nghiên cứu theo 3 nhóm: (1) Các công trình
nghiên cứu không gian văn hóa Huế; (2) Các công trình nghiên cứu những ảnh hưởng
của không gian văn hóa Huế đến nhân cách Hồ Chí Minh; (3) Các công trình nghiên
cứu về nhân cách Hồ Chí Minh. Qua đó nhận thấy, Hồ Chí Minh là một nhân vật kiệt
xuất của Việt Nam và thế giới, do đó có nhiều công trình nghiên cứu về Người từ cuộc
đời, tiểu sử, sự nghiệp cách mạng, hệ thống quan điểm, tư tưởng, phương pháp và
phong cách. Tuy nhiên, chủ đề nhân cách Hồ Chí Minh chưa thật sự có nhiều công
trình nghiên cứu. Một số công trình nghiên cứu bước đầu làm rõ những đặc trưng về
nhân cách Hồ Chí Minh, tuy nhiên lại nhấn mạnh nhiều yếu tố đạo đức hơn là trí tuệ.
Về ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế đến sự hình thành nhân cách Hồ Chí
Minh, cho đến nay chưa có nhiều đề tài nghiên cứu chuyên sâu. Đa phần các công
trình, bài viết tập trung làm rõ những tác động riêng lẻ từ đời sống chính trị, những biến
động về chính trị đến sự hình thành tư tưởng yêu nước và nhân cách Hồ Chí Minh, một
số công trình làm rõ đặc trưng và giá trị của nhân cách Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, thật
thiếu sót khi chưa có công trình nào nghiên cứu một cách toàn diện, sâu sắc, có hệ
thống về sự ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế đến sự hình thành và phát triển
nhân cách Hồ Chí Minh.
Kết quả nghiên cứu của các công trình liên quan là nguồn tư liệu quý giá để thực
hiện các nhiệm vụ nghiên cứu của luận án. Tuy nhiên, từ tổng quan tình hình nghiên
cứu trên, đặt ra những vấn đề luận án tiếp tục làm rõ: quan niệm về nhân cách Hồ Chí
Minh và không gian văn hóa Huế; những yếu tố cấu thành không gian văn hóa Huế;
những ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế đến sự hình thành và phát triển nhân
cách Hồ Chí Minh; những biểu hiện của nhân cách Hồ Chí Minh từ ảnh hưởng của
không gian văn hóa Huế; ý nghĩa của việc nghiên cứu đề tài đối với việc giáo dục và
rèn luyện đạo đức, nhân cách cho thế hệ trẻ hiện nay. Những vấn đề này cũng là nhiệm
vụ nghiên cứu chính và được làm rõ trong các chương tiếp theo của luận án.
28
Chương 2
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÍ LUẬN VỀ
NHÂN CÁCH HỒ CHÍ MINH VÀ KHÔNG GIAN VĂN HÓA HUẾ
2.1. NHÂN CÁCH HỒ CHÍ MINH
2.1.1. Khái niệm, cấu trúc, quy luật nhân cách
2.1.1.1. Khái niệm nhân cách
Nhân cách là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học khác nhau, như
triết học, xã hội học, chính trị học, luật học, tâm lí học, giáo dục học, xã hội học,
đạo đức học… Từ nhiều cách tiếp cận, các nhà nghiên cứu đã đưa ra những kiến
giải khác nhau về nhân cách. Trong đó, quan điểm triết học về nhân cách con người,
về cơ bản, có những khác biệt so với quan điểm của các khoa học cụ thể.
Theo quan điểm của các nhà tư tưởng triết học phương Đông, con người là
tiểu vũ trụ, mang những đặc tính của vũ trụ. Những đặc tính này chi phối sự phát
triển con người. Thực thể con người là sản phẩm của nguyên lý âm dương, vừa đối
lập vừa thống nhất, chứa đựng và chuyển hóa lẫn nhau, trời - đất - người hợp thành
một (thiên - địa - nhân hợp nhất). Mạnh Tử nhận xét rằng khi phát triển hết mình,
con người không chỉ có thể biết trời mà còn hợp nhất với trời làm một. Tính cách
của con người chịu ảnh hưởng của ngũ hành và chia ra loại người: Kim, Mộc, Thủy,
Hỏa, Thổ. Người phương Đông đánh giá con người qua chất là chủ yếu, lượng là
phụ; lấy “tâm thiện” là lí tưởng, đề cao tính thiện, tính nhân, thích sự im lặng, nhẹ
nhàng, đề cao sự cân bằng không thái quá, biết đủ là giàu, giản dị ở vật chất, giản dị
trong nội tâm, trong ngôn từ, trong quan hệ với mọi người.
Ở Việt Nam, thuật ngữ nhân cách được luận giải theo nhiều góc độ khác nhau:
(1) Nhân cách được hiểu là con người có đức và tài, hay là tính cách và năng lực,
hoặc là con người có các phẩm chất: Đức, Trí, Thể, Mĩ, Lao (lao động); (2) Nhân
cách được hiểu như các phẩm chất và năng lực của con người; (3) Nhân cách được
hiểu như phẩm chất của con người mới: làm chủ, yêu nước, nhân ái, tinh thần quốc
tế vô sản, tinh thần lao động; (4) Nhân cách được hiểu như mặt đạo đức, giá trị làm
người của con người… Trong Tâm lí học đại cương, Nguyễn Quang Uẩn xác định
29
nhân cách là tổ hợp những đặc điểm, những thuộc tính tâm lí của cá nhân, biểu hiện
bản sắc và giá trị xã hội của con người. Từ điển Tiếng Việt ghi rõ nhân cách là “tư
cách và phẩm chất con người” [119, tr.710] và “phẩm chất” đó được Hồ Chí Minh
nêu khái quát thành các “tư cách” của người cách mạng với 23 điều ngắn gọn, thuộc
về ba cách ứng xử của người cách mạng với bản thân, người khác và công việc.
Nếu như Mạnh Tử coi nhân cách là tiên thiên, con người sinh ra vốn tính thiện
“nhân chi sơ, tính bản thiện” hay Tuân Tử thì ngược lại “nhân chi sơ, tính bản ác”,
thì Hồ Chí Minh lại có cách nhìn khoa học và toàn diện hơn. Theo quan điểm của
Người, con người từ khi sinh ra chỉ là một sinh vật, chưa có nhân cách, quá trình
đứa trẻ lớn lên và thông qua quá trình xã hội hóa thì nhân cách mới được hình thành
và phát triển. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Ngủ thì ai cũng lương thiện, tỉnh dậy sinh
ra kẻ dữ hiền”. Quan điểm của Người không thần thánh hóa theo kiểu duy tâm mà
coi nhân cách như là một yếu tố động, bởi từ lúc chào đời cho đến khi trưởng thành
thì cá nhân bao giờ cũng chịu sực tác động của môi trường xung quanh, đồng thời
con người cũng là chủ thể của các hoạt động và giao tiếp.
Nếu Khổng Tử xem nhân cách con người thể hiện ở Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín,
trong đó Nhân là gốc, thì Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến 5 “tính tốt”, đó là: Nhân,
Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm. Trong đó, Nhân là thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ
đồng bào, đồng chí,... sẵn sàng hi sinh vì mọi người, khổ trước mọi người, vui sau
thiên hạ. Vì thế không ham giàu sang, không e cực khổ, không sợ uy quyền;
Nghĩa là ngay thẳng, không tư tâm, không làm việc bậy, không có việc gì phải giấu
đoàn thể. Ngoài lợi ích của đoàn thể, không có lợi ích riêng phải lo toan; Trí là đầu
óc trong sạch sáng suốt, không mù quáng, dễ hiểu lí, dễ tìm phương hướng, biết
xem người, biết xét việc. Vì vậy mà biết làm việc có lợi tránh việc có hại cho đoàn
thể; Dũng là dũng cảm, gan góc, gặp việc gì phải có gan làm, thấy khuyết điểm phải
có gan sửa chữa, cực khổ khó khăn có gan chịu đựng. Có gan chống lại những vinh
hoa, phú quý không chính đáng. Nếu cần thì có gan hi sinh cả tính mệnh cho đoàn
thể: cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè nhút nhát; Liêm là không tham địa vị, không
tham tiền tài, không tham sung sướng, không ham người tâng bốc mình. Vì vậy, mà
30
quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa. Chỉ có một cái ham là ham học, ham
làm và ham tiến bộ [96, tr.291-292].
Ở phương Tây, khái niệm nhân cách được luận giải khá phong phú. Nhà triết
học Hy Lạp - Aristotle (384-322 TCN) cho rằng con người là một “động vật chính
trị”, xã hội và nền giáo dục tác động đến sự phát triển của con người, hình thành
nhân cách con người. Cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, các nhà tâm lí học Đức là
Wilhelm Dilthey (1833-1911) và Eduard Spranger (1882-1963) lần đầu tiên đưa ra
khái niệm nhân cách là cái mặt nạ có tính chất xã hội của cái tôi bên trong, khi nào
cái mặt nạ đó trùng với cái tôi thì nhân cách phát triển chín muồi. Nhà tâm lí học Xô
Viết, X.L. Rubinstein cho rằng con người là nhân cách do nó xác định được quan hệ
của mình với những người xung quanh một cách có ý thức. Nhân cách được hình
thành và phát triển nhờ các mối quan hệ xã hội, trong quá trình thực hiện các mối
quan hệ xã hội đó cá nhân phát triển và bắt đầu quá trình hoạt động sống của mình.
Do vậy, có nhiều định nghĩa khác nhau về nhân cách, nhưng nhân cách thường
được xác định như là một hệ thống quan hệ của con người với thế giới xung quanh
và với chính bản thân mình. Trên quan điểm triết học duy vật biện chứng, một số
nhà tâm lí học Xô-viết có các cách tiếp cận khác nhau về nhân cách. A.N.
Leonchiep (1903-1979) coi nhân cách như một cấu tạo tâm lí mới, được hình thành
trong các quan hệ sống của cá nhân do kết quả hoạt động cải tạo của người đó.
Xem xét nhân cách dưới góc độ triết học, các nhà kinh điển Mác - Lênin cho
rằng nhân cách là những phẩm chất, những trạng thái, tính chất, xu hướng bên
trong của từng cá nhân. Đó là thế giới của cái “tôi” do tác động tổng hợp của các
yếu tố cơ thể và xã hội hết sức riêng biệt tạo nên để cá nhân đó có thể tồn tại và
hoàn thành trách nhiệm của mình đối với bản thân và xã hội [75]. Định nghĩa này
xác định bốn điểm cơ bản sau:
+ Thứ nhất, nhân cách luôn gắn với con người hiện thực, là sản phẩm của
những hoàn cảnh xã hội, lịch sử cụ thể. Con người là một chỉnh thể thống nhất,
trong đó cộng gộp các yếu tố tự nhiên và xã hội. Trong quá trình phát triển, cấu tạo
sinh vật di truyền và tâm sinh lí của cá nhân là cơ sở nền tảng để hình thành nên
những đặc điểm lịch sử - xã hội của con người.
31
+ Thứ hai, con người hình thành nhân cách của mình là một quá trình kép, xã
hội hóa cá nhân và cá nhân hóa xã hội. Với những đặc điểm về di truyền, sinh lý,
gia đình và hoàn cảnh sống, mỗi cá nhân tiếp thu và chuyển hóa những giá trị văn
hóa của xã hội vào trong mình, thực hiện quá trình sàng lọc, tự giáo dục, tự tạo nên
thế giới riêng của mình. Từ đó, hình thành nên những dạng riêng biệt về động lực,
niềm tin, ý chí, định hướng giá trị… trong xúc cảm, nhận thức và hành động.
+ Thứ ba, con người vừa là chủ thể vừa là khách thể của sự phát triển. Con
người chỉ hình thành nhân cách trong những điều kiện xã hội nhất định. Trong quá
trình đó, mỗi cá nhân bằng sự hoạt động tích cực của mình, tiến hành các hoạt
động, tiếp nhận tri thức và kinh nghiệm xã hội, hình thành các phẩm chất xã hội
và tâm lí nhất định. Với nhân cách riêng, mỗi cá nhân có khả năng tự ý thức về
mình, làm chủ cuộc sống của mình, tự lựa chọn nhiệm vụ, trách nhiệm hoạt động
cụ thể trong xã hội. Một trong những yếu tố then chốt của nhân cách là sự thôi
thúc nội tâm, là ý chí cá nhân vươn đến những mục đích mà mình mong muốn.
+ Thứ tư, nhân cách là nói đến con người đã hình thành về mặt xã hội, là sự
biểu hiện chức năng xã hội của con người. Con người sinh ra không tự hình thành
nhân cách mà chỉ là một cá thể người. Cá thể này chỉ trở thành nhân cách khi nó
mang tính chất là một chủ thể của các quan hệ xã hội với những đặc điểm về thái
độ, tình cảm, bản lĩnh, hành vi phù hợp với các thang giá trị xã hội [13, tr.184-186].
Như vậy, nhân cách là hệ thống những phẩm giá của một người được đánh giá
từ mối quan hệ qua lại của người đó với những người khác, với tập thể, với xã hội
và với môi trường xung quanh từ quá khứ, hiện tại và tương lai. Nhân cách là giá trị
được xây dựng và hình thành trong toàn bộ thời gian con người tồn tại trong xã hội,
nó đặc trưng cho mỗi con người, thể hiện những phẩm chất bên trong con người
nhưng lại mang tính xã hội sâu sắc.
Từ các quan niệm trên, có đi đến khẳng định nhân cách là hệ thống những
phẩm giá và năng lực của một người được hình thành và phát triển trong tương tác
giữa con người với tự nhiên và xã hội, nó đặc trưng cho mỗi con người, thể hiện
những phẩm chất bên trong con người mang tính xã hội sâu sắc.
32
2.1.1.2. Cấu trúc nhân cách
Bàn về cấu trúc của nhân cách có nhiều quan niệm khác nhau. Tùy theo quan
niệm về bản chất nhân cách, mỗi nhà nghiên cứu đưa ra một cấu trúc khác nhau về
nhân cách. J. Stefanovi đưa ra cấu trúc nhân cách bao gồm năm thành phần: đặc
điểm tích cực - động cơ của nhân cách như xu hướng, nguyện vọng, hứng thú, kế
hoạch sống; đặc điểm lập trường - quan hệ của nhân cách thể hiện mặt giá trị của
nhân cách bao gồm lập trường, lí tưởng và quan điểm sống; đặc điểm về mặt hành
động của nhân cách bao gồm tri thức, kĩ xảo và thói quen; đặc điểm tự điều chỉnh
của nhân cách bao gồm tự ý thức, tự đánh giá, tự phê bình của nhân cách; đặc điểm
về động thái của nhân cách thể hiện ở khí chất của nó.
K.K. Platonov lại cho rằng nhân cách gồm bốn tiểu cấu trúc sau: Tiểu cấu trúc
có nguồn gốc sinh học (gồm: khí chất, giới tính, lứa tuổi và cả những đặc điểm tâm
lí); tiểu cấu trúc các đặc điểm của các quá trình tâm lí (gồm: trí tuệ, trí nhớ, ý chí,
đặc điểm của cảm xúc…); tiểu cấu trúc về vốn kinh nghiệm (gồm: tri thức, kĩ năng,
kĩ xảo, thói quen…); tiểu cấu trúc xu hướng nhân cách (gồm: nhu cầu, hứng thú, lí
tưởng, thế giới quan, niềm tin…). Cũng có quan niệm coi nhân cách gồm 4 nhóm
thuộc tính tâm lí điển hình của cá nhân: xu hướng, tính cách, khí chất, năng lực.
Theo Phạm Minh Hạc, thì nhân cách con người bao gồm bốn bộ phận: xu hướng
của nhân cách; khả năng của nhân cách; phong cách, hành vi của nhân cách; hệ
thống điều khiển của nhân cách.
Ngoài các cách phân định trên, một số nhà nghiên cứu cho rằng cấu trúc nhân
cách gồm ba thành phần. Theo A.G. Covaliov, nhân cách được cấu thành từ các quá
trình tâm lí, các trạng thái tâm lí và các thuộc tính tâm lí cá nhân. Còn Sigmund
Freud cho rằng đó là cái nó, cái tôi và cái siêu tôi. Ngoài ra, cũng có quan điểm coi
nhân cách bao gồm ba lĩnh vực là: nhận thức (tri thức và năng lực trí tuệ), tình cảm
(rung cảm và thái độ) và ý chí (phẩm chất ý chí, kĩ năng, kĩ xảo, thói quen).
Bàn về cấu trúc nhân cách, Hồ Chí Minh nhấn mạnh hai yếu tố quan trọng là
đức và tài (hồng và chuyên). Trong đó, đức là gốc của con người, là nền tảng của
nhân cách con người; tài là các năng lực thích ứng với xã hội của con người, là hiệu
suất, hiệu quả trong một lĩnh vực hoạt động nào đó của họ. Người chỉ rõ: “Cũng
33
như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc,
không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì
dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” [96, tr.293-294]. Theo Hồ Chí
Minh, đạo đức cách mạng là quyết tâm suốt đời phấn đấu cho Đảng, cho cách
mạng, đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích cá
nhân mình, hết lòng phục vụ nhân dân. Mặt khác, muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ
của người cán bộ cách mạng thì nhất thiết phải có tài, có năng lực công tác. Theo
Người: “Có tài mà không có đức chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã
hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài cũng không lợi gì
cho loài người” [102, tr.339]. Do đó, về năng lực cần có của người cách mạng,
trước hết phải quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm chỉnh quan điểm, đường lối,
chính sách của Đảng, có trình độ và năng lực cần thiết để đảm nhiệm trọng trách mà
Đảng và nhân dân giao phó.
Kế thừa quan điểm của Hồ Chí Minh, một số nhà khoa học cũng cho rằng cấu
trúc nhân cách gồm hai thành phần cơ bản là đức và tài hay còn gọi là phẩm chất và
năng lực (đạo đức và trí tuệ). Trong đó, mặt “Đức” được thể hiện qua những phẩm
chất chủ yếu sau: (1) Phẩm chất xã hội: thế giới quan, thái độ chính trị - xã hội, thái
độ lao động, lập trường cá nhân, trong đó thế giới quan là yếu tố quan trọng nhất.
Sự phát triển của những phẩm chất này góp phần quan trọng giúp cá nhân có những
nhận thức và hành động đúng đắn, hợp lý trong những hoàn cảnh, điều kiện thực
tiễn khác nhau. Chỉ khi xác lập được thế giới quan thì mỗi cá nhân mới khẳng định
nhân cách của mình trong cuộc sống; (2) Phẩm chất cá nhân: đạo đức, các đức tính,
thói và tật, trong đó đạo đức là yếu tố quan trọng nhất. Đó là đạo đức của từng cá
nhân riêng lẻ trong cộng động, phản ánh tồn tại xã hội của cá nhân ấy. Trong hoạt
động nhận thức và thực tiễn của mình, cá nhân thực hiện đạo đức xã hội như là hệ
thống kinh nghiệm xã hội, những lí tưởng, chuẩn mực, tư tưởng đánh giá đạo đức
được hình thành trong lịch sử cộng đồng, biến kinh nghiệm xã hội thành kinh
nghiệm của bản thân; (3) Phẩm chất ý chí, tính kỉ luật, phê phán, độc lập, tác
phong… Thông qua các hoạt động thực tiễn, gắn với các mối quan hệ xã hội, cá
nhân tự hình thành nhân cách thông qua ý thức kỉ luật, ý thức phê phán (tự phê bình
34
và phê bình), tinh thần độc lập trong các hoạt động và thái độ và cách thức ứng xử
với các cá nhân và tập thể khác trong cộng đồng; (4) Cung cách ứng xử: tác phong,
tính khí, lễ tiết trong giao tiếp, ứng xử giữa các cá nhân với cộng đồng xã hội. Gắn
với các môi trường khác nhau, cung cách ứng xử được hình thành và tuân theo
những chuẩn mực nhất định [13, tr.188].
Về mặt “Tài” được thể hiện qua năng lực hoàn thành, chất lượng và hiệu quả
các nhiệm vụ và hoạt động được giao. Trong đó: (1) Năng lực xã hội hóa: khả năng
chiếm lĩnh tri thức và từ vốn kiến thức ban đầu đó làm cơ sở cho sự sáng tạo của
các chủ thể mang nhân cách trong hoạt động thực tiễn. Năng lực này còn được thể
hiện ở khả năng thích nghi, thích ứng, hòa nhập, linh hoạt trong môi trường xã hội;
(2) Năng lực chủ thể hóa: khả năng làm chủ, bản lĩnh, “cái tôi”, quan điểm, lập
trường, sự cuốn hút, lôi cuốn người khác và các dấu ấn riêng có của cá nhân trong
các mối quan hệ xã hội; (3) Năng lực hành động: khả năng hành động theo mục
đích, lí tưởng, có tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo với năng suất, chất lượng và
hiệu quả cao nhất, là thể hiện tính tích cực xã hội chủ thể mang nhân cách; (4) Năng
lực giao lưu, giao tiếp: khả năng cá nhân thiết lập và duy trì các mối quan hệ với
người khác và cộng đồng. Với đặc điểm, sở trường, phẩm chất cá nhân riêng mà sự
giao lưu, giao tiếp của mỗi cá nhân được mở rộng hay bó hẹp [13, tr.189].
2.1.1.3. Quy luật của sự hình thành và phát triển nhân cách
Nhân cách con người không tự nhiên mà có, không được sinh ra đồng thời với
sự hình thành bản thân con người. Sự hình thành và phát triển nhân cách là quá
trình lâu dài, đó là kết quả của quá trình tích lũy dần dần những kinh nghiệm sống,
những tri thức, tập nhiễm được trong quá trình sống và trưởng thành. Qua nghiên
cứu, sự hình thành và phát triển nhân cách được thể hiện như sau:
+ Thứ nhất, nhân cách được hình thành và phát triển gắn với quá trình giáo
dục, tự giáo dục và hoạt động thực tiễn của con người
Giáo dục xuất hiện cùng với loài người và tồn tại, phát triển cùng với loài
người. Con người lớn lên và trưởng thành qua quá trình tiếp nhận và thẩm thấu các
tri thức văn hóa, xây dựng kĩ năng, biến thành phẩm chất người của mình trước hết
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh

More Related Content

What's hot

Văn hoá ẩm thực
Văn hoá ẩm thựcVăn hoá ẩm thực
Văn hoá ẩm thựckieutrinhsr
 
Du lich van mieu quoc tu giam ha noi
Du lich van mieu quoc tu giam ha noiDu lich van mieu quoc tu giam ha noi
Du lich van mieu quoc tu giam ha noiChau Duong
 
VĂN HỌC THIẾU NHI.pdf
VĂN HỌC THIẾU NHI.pdfVĂN HỌC THIẾU NHI.pdf
VĂN HỌC THIẾU NHI.pdfjackjohn45
 
Slide thuyết trình môn điều tra xã hội học
Slide thuyết trình môn điều tra xã hội họcSlide thuyết trình môn điều tra xã hội học
Slide thuyết trình môn điều tra xã hội họcTak Sman
 
Tín ngưỡng Phồn thực của người Chăm
Tín ngưỡng Phồn thực của người ChămTín ngưỡng Phồn thực của người Chăm
Tín ngưỡng Phồn thực của người ChămThanh Hải
 
Bài tập nhóm: Các di sản thế giới ở Việt Nam
Bài tập nhóm: Các di sản thế giới ở Việt NamBài tập nhóm: Các di sản thế giới ở Việt Nam
Bài tập nhóm: Các di sản thế giới ở Việt NamShizuka Tsukino
 
Giáo Trình Giáo Dục Học Đại Cương
Giáo Trình Giáo Dục Học Đại Cương Giáo Trình Giáo Dục Học Đại Cương
Giáo Trình Giáo Dục Học Đại Cương nataliej4
 
LUẬN VĂN THẠC SĨ: XÂY DỰNG VĂN HÓA NHÀ TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
LUẬN VĂN THẠC SĨ: XÂY DỰNG VĂN HÓA NHÀ TRƯỜNG TRUNG HỌC  PHỔ THÔNGLUẬN VĂN THẠC SĨ: XÂY DỰNG VĂN HÓA NHÀ TRƯỜNG TRUNG HỌC  PHỔ THÔNG
LUẬN VĂN THẠC SĨ: XÂY DỰNG VĂN HÓA NHÀ TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNGOnTimeVitThu
 

What's hot (20)

Văn hoá ẩm thực
Văn hoá ẩm thựcVăn hoá ẩm thực
Văn hoá ẩm thực
 
Đề tài: Giáo dục đạo đức cho học sinh Trường Trung cấp Cầu đường
Đề tài: Giáo dục đạo đức cho học sinh Trường Trung cấp Cầu đườngĐề tài: Giáo dục đạo đức cho học sinh Trường Trung cấp Cầu đường
Đề tài: Giáo dục đạo đức cho học sinh Trường Trung cấp Cầu đường
 
Đề tài: Đưa Hát ru vào trường THCS Hoàng Hoa Thám, HAY
Đề tài: Đưa Hát ru vào trường THCS Hoàng Hoa Thám, HAYĐề tài: Đưa Hát ru vào trường THCS Hoàng Hoa Thám, HAY
Đề tài: Đưa Hát ru vào trường THCS Hoàng Hoa Thám, HAY
 
Du lich van mieu quoc tu giam ha noi
Du lich van mieu quoc tu giam ha noiDu lich van mieu quoc tu giam ha noi
Du lich van mieu quoc tu giam ha noi
 
VĂN HỌC THIẾU NHI.pdf
VĂN HỌC THIẾU NHI.pdfVĂN HỌC THIẾU NHI.pdf
VĂN HỌC THIẾU NHI.pdf
 
Slide thuyết trình môn điều tra xã hội học
Slide thuyết trình môn điều tra xã hội họcSlide thuyết trình môn điều tra xã hội học
Slide thuyết trình môn điều tra xã hội học
 
Thuyet trinh DT 01
Thuyet trinh DT 01Thuyet trinh DT 01
Thuyet trinh DT 01
 
Luận văn: Lễ Hằng Thuận trong cưới hỏi ở TPHCM hiện nay, 9đ
Luận văn: Lễ Hằng Thuận trong cưới hỏi ở TPHCM hiện nay, 9đLuận văn: Lễ Hằng Thuận trong cưới hỏi ở TPHCM hiện nay, 9đ
Luận văn: Lễ Hằng Thuận trong cưới hỏi ở TPHCM hiện nay, 9đ
 
Luận văn: Khai thác một số lễ hội tiêu biểu ở Thanh Hóa, HAY
Luận văn: Khai thác một số lễ hội tiêu biểu ở Thanh Hóa, HAYLuận văn: Khai thác một số lễ hội tiêu biểu ở Thanh Hóa, HAY
Luận văn: Khai thác một số lễ hội tiêu biểu ở Thanh Hóa, HAY
 
Tín ngưỡng Phồn thực của người Chăm
Tín ngưỡng Phồn thực của người ChămTín ngưỡng Phồn thực của người Chăm
Tín ngưỡng Phồn thực của người Chăm
 
Đề tài: Đưa Hát Then vào dạy học tại Trường sư phạm Cao Bằng
Đề tài: Đưa Hát Then vào dạy học tại Trường sư phạm Cao BằngĐề tài: Đưa Hát Then vào dạy học tại Trường sư phạm Cao Bằng
Đề tài: Đưa Hát Then vào dạy học tại Trường sư phạm Cao Bằng
 
Bài tập nhóm: Các di sản thế giới ở Việt Nam
Bài tập nhóm: Các di sản thế giới ở Việt NamBài tập nhóm: Các di sản thế giới ở Việt Nam
Bài tập nhóm: Các di sản thế giới ở Việt Nam
 
Luận án: Nghệ thuật với giáo dục thị hiếu thẩm mỹ cho sinh viên
Luận án: Nghệ thuật với giáo dục thị hiếu thẩm mỹ cho sinh viênLuận án: Nghệ thuật với giáo dục thị hiếu thẩm mỹ cho sinh viên
Luận án: Nghệ thuật với giáo dục thị hiếu thẩm mỹ cho sinh viên
 
Luận văn: Truyền dạy hát Then cho học sinh năng khiếu, HAY, 9đ
Luận văn: Truyền dạy hát Then cho học sinh năng khiếu, HAY, 9đLuận văn: Truyền dạy hát Then cho học sinh năng khiếu, HAY, 9đ
Luận văn: Truyền dạy hát Then cho học sinh năng khiếu, HAY, 9đ
 
Đề tài: Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh THCS tại TPHCM, HOT
Đề tài: Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh THCS tại TPHCM, HOTĐề tài: Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh THCS tại TPHCM, HOT
Đề tài: Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh THCS tại TPHCM, HOT
 
Luận văn: Tự đánh giá chất lượng giáo dục - đào tạo ở Học viện
Luận văn: Tự đánh giá chất lượng giáo dục - đào tạo ở Học việnLuận văn: Tự đánh giá chất lượng giáo dục - đào tạo ở Học viện
Luận văn: Tự đánh giá chất lượng giáo dục - đào tạo ở Học viện
 
Giáo Trình Giáo Dục Học Đại Cương
Giáo Trình Giáo Dục Học Đại Cương Giáo Trình Giáo Dục Học Đại Cương
Giáo Trình Giáo Dục Học Đại Cương
 
Đề tài: Quản lý di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, HAY, 9đ
Đề tài: Quản lý di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, HAY, 9đĐề tài: Quản lý di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, HAY, 9đ
Đề tài: Quản lý di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, HAY, 9đ
 
LUẬN VĂN THẠC SĨ: XÂY DỰNG VĂN HÓA NHÀ TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
LUẬN VĂN THẠC SĨ: XÂY DỰNG VĂN HÓA NHÀ TRƯỜNG TRUNG HỌC  PHỔ THÔNGLUẬN VĂN THẠC SĨ: XÂY DỰNG VĂN HÓA NHÀ TRƯỜNG TRUNG HỌC  PHỔ THÔNG
LUẬN VĂN THẠC SĨ: XÂY DỰNG VĂN HÓA NHÀ TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
 
Đề tài: Lễ hội Công giáo tại Việt Nam và phát triển du lịch, HAY
Đề tài: Lễ hội Công giáo tại Việt Nam và phát triển du lịch, HAYĐề tài: Lễ hội Công giáo tại Việt Nam và phát triển du lịch, HAY
Đề tài: Lễ hội Công giáo tại Việt Nam và phát triển du lịch, HAY
 

Similar to Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh

Luận Văn Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá và về vấn đề xây dựng nền văn hoá ti...
Luận Văn Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá và về vấn đề xây dựng nền văn hoá ti...Luận Văn Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá và về vấn đề xây dựng nền văn hoá ti...
Luận Văn Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá và về vấn đề xây dựng nền văn hoá ti...sividocz
 
Nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh - đặc điểm và ý nghĩa lịch sử
Nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh - đặc điểm và ý nghĩa lịch sửNhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh - đặc điểm và ý nghĩa lịch sử
Nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh - đặc điểm và ý nghĩa lịch sửMan_Ebook
 
Tiểu luận tư tưởng Hồ Chí Minh_ Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề giữ gìn và phá...
Tiểu luận tư tưởng Hồ Chí Minh_ Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề giữ gìn và phá...Tiểu luận tư tưởng Hồ Chí Minh_ Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề giữ gìn và phá...
Tiểu luận tư tưởng Hồ Chí Minh_ Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề giữ gìn và phá...Nhận Viết Đề Tài Trọn Gói ZALO 0932091562
 
Văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh và vận dụng trong hội nhập quốc tế - Gửi miễn ...
Văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh và vận dụng trong hội nhập quốc tế - Gửi miễn ...Văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh và vận dụng trong hội nhập quốc tế - Gửi miễn ...
Văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh và vận dụng trong hội nhập quốc tế - Gửi miễn ...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Luận án: Văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh trong hội nhập quốc tế - Gửi miễn phí...
Luận án: Văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh trong hội nhập quốc tế - Gửi miễn phí...Luận án: Văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh trong hội nhập quốc tế - Gửi miễn phí...
Luận án: Văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh trong hội nhập quốc tế - Gửi miễn phí...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN_10241812052019
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN_10241812052019LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN_10241812052019
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN_10241812052019PinkHandmade
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thố...
Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thố...Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thố...
Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thố...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Tư tưởng HCM
Tư tưởng HCMTư tưởng HCM
Tư tưởng HCMLinh Thuc
 
CHƯƠNG-1.pptx
CHƯƠNG-1.pptxCHƯƠNG-1.pptx
CHƯƠNG-1.pptxNhPhmTrn1
 
De cuong on thi mon tu tuong hcm
De cuong on thi mon tu tuong hcmDe cuong on thi mon tu tuong hcm
De cuong on thi mon tu tuong hcmbuiconghong
 

Similar to Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh (20)

Đề tài: Xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư quận Thủ Đức
Đề tài: Xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư quận Thủ ĐứcĐề tài: Xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư quận Thủ Đức
Đề tài: Xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư quận Thủ Đức
 
Luận Văn Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá và về vấn đề xây dựng nền văn hoá ti...
Luận Văn Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá và về vấn đề xây dựng nền văn hoá ti...Luận Văn Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá và về vấn đề xây dựng nền văn hoá ti...
Luận Văn Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá và về vấn đề xây dựng nền văn hoá ti...
 
Nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh - đặc điểm và ý nghĩa lịch sử
Nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh - đặc điểm và ý nghĩa lịch sửNhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh - đặc điểm và ý nghĩa lịch sử
Nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh - đặc điểm và ý nghĩa lịch sử
 
Luận án: Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh, HAY
Luận án: Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh, HAYLuận án: Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh, HAY
Luận án: Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh, HAY
 
Tiểu luận tư tưởng Hồ Chí Minh_ Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề giữ gìn và phá...
Tiểu luận tư tưởng Hồ Chí Minh_ Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề giữ gìn và phá...Tiểu luận tư tưởng Hồ Chí Minh_ Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề giữ gìn và phá...
Tiểu luận tư tưởng Hồ Chí Minh_ Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề giữ gìn và phá...
 
Văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh và vận dụng trong hội nhập quốc tế - Gửi miễn ...
Văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh và vận dụng trong hội nhập quốc tế - Gửi miễn ...Văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh và vận dụng trong hội nhập quốc tế - Gửi miễn ...
Văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh và vận dụng trong hội nhập quốc tế - Gửi miễn ...
 
Luận án: Văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh trong hội nhập quốc tế - Gửi miễn phí...
Luận án: Văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh trong hội nhập quốc tế - Gửi miễn phí...Luận án: Văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh trong hội nhập quốc tế - Gửi miễn phí...
Luận án: Văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh trong hội nhập quốc tế - Gửi miễn phí...
 
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN_10241812052019
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN_10241812052019LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN_10241812052019
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN_10241812052019
 
Luận án: Văn hóa Hồ Chí Minh trong chiến lược ngoại giao văn hóa
Luận án: Văn hóa Hồ Chí Minh trong chiến lược ngoại giao văn hóaLuận án: Văn hóa Hồ Chí Minh trong chiến lược ngoại giao văn hóa
Luận án: Văn hóa Hồ Chí Minh trong chiến lược ngoại giao văn hóa
 
Luận văn: Phát huy giá trị văn hóa dân tộc Xơ Đăng tỉnh Kon Tum
Luận văn: Phát huy giá trị văn hóa dân tộc Xơ Đăng tỉnh Kon TumLuận văn: Phát huy giá trị văn hóa dân tộc Xơ Đăng tỉnh Kon Tum
Luận văn: Phát huy giá trị văn hóa dân tộc Xơ Đăng tỉnh Kon Tum
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thố...
Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thố...Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thố...
Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thố...
 
Tt hcm cmd moi
Tt hcm cmd moiTt hcm cmd moi
Tt hcm cmd moi
 
Luận án: Giáo dục tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh cho sinh viên
Luận án: Giáo dục tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh cho sinh viênLuận án: Giáo dục tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh cho sinh viên
Luận án: Giáo dục tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh cho sinh viên
 
Luận án: Triết lý hành động Hồ Chí Minh, HAY
Luận án: Triết lý hành động Hồ Chí Minh, HAYLuận án: Triết lý hành động Hồ Chí Minh, HAY
Luận án: Triết lý hành động Hồ Chí Minh, HAY
 
Tư tưởng HCM
Tư tưởng HCMTư tưởng HCM
Tư tưởng HCM
 
Chuong 1.pptx
Chuong 1.pptxChuong 1.pptx
Chuong 1.pptx
 
Luận án: Giáo dục giá trị văn hóa tinh thần cho sinh viên Việt Nam
Luận án: Giáo dục giá trị văn hóa tinh thần cho sinh viên Việt NamLuận án: Giáo dục giá trị văn hóa tinh thần cho sinh viên Việt Nam
Luận án: Giáo dục giá trị văn hóa tinh thần cho sinh viên Việt Nam
 
CHƯƠNG-1.pptx
CHƯƠNG-1.pptxCHƯƠNG-1.pptx
CHƯƠNG-1.pptx
 
De cuong on thi mon tu tuong hcm
De cuong on thi mon tu tuong hcmDe cuong on thi mon tu tuong hcm
De cuong on thi mon tu tuong hcm
 
6.pdf
6.pdf6.pdf
6.pdf
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620

Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620 (20)

Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 ĐiểmDanh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
 
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý TưởngDanh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
 

Recently uploaded

SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...ChuThNgnFEFPLHN
 
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhhkinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhhdtlnnm
 
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfBỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfNguyen Thanh Tu Collection
 
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hành
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hànhbài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hành
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hànhdangdinhkien2k4
 
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phương
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình PhươngGiáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phương
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phươnghazzthuan
 
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Access: Chuong III Thiet ke truy van Query.ppt
Access: Chuong III Thiet ke truy van Query.pptAccess: Chuong III Thiet ke truy van Query.ppt
Access: Chuong III Thiet ke truy van Query.pptPhamThiThuThuy1
 
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng ĐồngGiới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng ĐồngYhoccongdong.com
 
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptxBài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptxDungxPeach
 
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...Nguyen Thanh Tu Collection
 
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdfxemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdfXem Số Mệnh
 
bài thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.docx
bài thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.docxbài thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.docx
bài thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.docxTrnHiYn5
 
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docxTHAO316680
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...hoangtuansinh1
 
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiệnBài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiệnpmtiendhti14a5hn
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 

Recently uploaded (20)

SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
 
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhhkinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
 
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfBỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
 
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hành
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hànhbài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hành
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hành
 
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phương
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình PhươngGiáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phương
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phương
 
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
 
Access: Chuong III Thiet ke truy van Query.ppt
Access: Chuong III Thiet ke truy van Query.pptAccess: Chuong III Thiet ke truy van Query.ppt
Access: Chuong III Thiet ke truy van Query.ppt
 
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
 
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng ĐồngGiới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
 
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptxBài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
 
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
 
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdfxemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
 
bài thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.docx
bài thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.docxbài thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.docx
bài thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.docx
 
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
 
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
 
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiệnBài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 

Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh

  • 1. HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH NGUYỄN VĂN QUANG KHÔNG GIAN VĂN HÓA HUẾ VỚI SỰ HÌNH THÀNH NHÂN CÁCH HỒ CHÍ MINH LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHUYÊN NGÀNH: HỒ CHÍ MINH HỌC HÀ NỘI - 2017
  • 2. HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH NGUYỄN VĂN QUANG KHÔNG GIAN VĂN HÓA HUẾ VỚI SỰ HÌNH THÀNH NHÂN CÁCH HỒ CHÍ MINH LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHUYÊN NGÀNH: HỒ CHÍ MINH HỌC Mã số: 62 31 02 04 NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: 1. PGS.TS. PHẠM HỒNG CHƯƠNG 2. TS. LÝ VIỆT QUANG HÀ NỘI - 2017
  • 3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu khoa học của riêng tôi. Các số liệu, kết quả nghiên cứu nêu trong luận án là trung thực, có nguồn gốc rõ ràng và được trích dẫn đầy đủ theo quy định. Tác giả Nguyễn Văn Quang
  • 4. MỤC LỤC Trang MỞ ĐẦU 1 Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI LUẬN ÁN 7 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài 7 1.2. Những vấn đề kế thừa và định hướng triển khai của đề tài 24 Chương 2: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÍ LUẬN VỀ NHÂN CÁCH HỒ CHÍ MINH VÀ KHÔNG GIAN VĂN HÓA HUẾ 28 2.1. Nhân cách Hồ Chí Minh 28 2.2. Không gian văn hóa Huế 40 Chương 3: ẢNH HƯỞNG CỦA KHÔNG GIAN VĂN HÓA HUẾ ĐẾN SỰ HÌNH THÀNH NHÂN CÁCH HỒ CHÍ MINH 78 3.1. Một số yếu tố của không gian văn hóa Huế ảnh hướng đến sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh 78 3.2. Biểu hiện của nhân cách Hồ Chí Minh từ ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế 104 Chương 4: Ý NGHĨA CỦA VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN NHÂN CÁCH HỒ CHÍ MINH CHO CON NGƯỜI VIỆT NAM HIỆN NAY 127 4.1. Một số nhận xét về ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế đến sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh 127 4.2. Ý nghĩa của việc nghiên cứu ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế đến sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh đối với sự phát triển nhân cách Hồ Chí Minh cho con người Việt Nam hiện nay 132 KẾT LUẬN 149 DANH MỤC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN 151 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 152
  • 5. 1 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. Người tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc, cho ý chí kiên cường, bất khuất của con người Việt Nam trong công cuộc dựng xây đất nước. Với nhân cách cao đẹp, Hồ Chí Minh đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong dòng chảy lịch sử nhân loại, góp phần làm phong phú và phát triển những giá trị chung của loài người. Vì vậy, nghiên cứu nhân cách Hồ Chí Minh sẽ góp phần làm sáng tỏ những giá trị đặc sắc của Hồ Chí Minh. Nhân cách Hồ Chí Minh được hình thành và phát triển từ sự tác động - ảnh hưởng đa chiều của các điều kiện kinh tế, lịch sử, môi trường văn hóa, xã hội và con người của những nơi Người từng sống, học tập, làm việc, được biểu hiện qua tư tưởng và hành động. Trong các không gian văn hóa ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách Hồ Chí Minh, Huế có vị trí đặc biệt quan trọng. Nơi đây hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc, đồng thời cũng là vùng văn hóa mang sắc thái và dấu ấn đặc trưng của văn hóa cung đình quyện hòa với văn hóa dân gian, Người cùng gia đình sinh sống trong một khoảng thời gian khá dài, thời gian bắt đầu hình thành nhân cách trước khi ra đi tìm đường cứu nước. Tại kinh đô Huế, sự biến động về kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội đã tác động mạnh mẽ đến Hồ Chí Minh. Bằng sự mẫn cảm của người học trò thông minh, sự khát khao tìm tòi học hỏi, chiếm lĩnh tri thức mới, Người sớm thâu nhận những giá trị của văn hóa Huế, tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại. Đó là truyền thống yêu nước, thương dân, khát vọng độc lập, tự do; lối sống đoàn kết, thương yêu, đùm bọc trong khó khăn hoạn nạn; lòng tự hào, tự tôn dân tộc của những vị vua yêu nước, của những thầy dạy học và những nhà cách mạng tiền bối; tư tưởng “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” của văn hóa Pháp; tư tưởng dân tộc, dân chủ của Tân văn, Tân thư... Để từ đó, Hồ Chí Minh có bước trưởng thành hơn trong suy nghĩ và hành động, trực tiếp tham gia phong trào Duy Tân, đấu tranh chống thuế cùng nhân dân Thừa Thiên. Những nhân tố quan trọng đó đã tác động mạnh mẽ đến sự hình thành và phát triển nhân cách Hồ Chí Minh.
  • 6. 2 Thời kì Hồ Chí Minh ở Huế cũng là khoảng thời gian không chỉ để lại những kỉ niệm đẹp về tuổi thơ hồn nhiên, về cuộc sống đầm ấm bên sự giáo dưỡng của cha, sự yêu thương, đùm bọc của mẹ và làng xóm láng giềng… mà còn là nơi ghi dấu những kỉ niệm đau buồn, mất mát về sự ra đi của người mẹ kính yêu, tiếng khóc của em thơ khát sữa. Trên hết, chính nhờ sự giáo dục và nền nếp của một gia đình nhà Nho yêu nước cùng với tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, lối sống trọng nghĩa trọng tình, đoàn kết, tương ái của văn hóa và con người xứ Huế, đã hun đúc và hình thành nên nhân cách của một con người mà tương lai làm rạng danh cả một dân tộc. Thời gian sống ở Huế, tiếp nối văn hóa xứ Nghệ, văn hóa Huế đã thẩm thấu và ảnh hưởng sâu sắc đến nhận thức, hành động, góp phần quan trọng định hình nhân cách của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành. Đúng như lời khẳng định của Phạm Văn Đồng: “Thời gian ở Huế là thời gian Nguyễn Tất Thành lớn lên và bắt đầu đi học. Những năm tháng đó là thời gian cực kỳ quan trọng đối với sự hình thành con người Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, thời gian hình thành một con người lạ lùng, với những ý tưởng lạ lùng, đưa đến những thành tựu lạ lùng” [172, tr.6]. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có nhiều công trình nghiên cứu, luận giải về sự ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế đến sự hình thành và phát triển nhân cách Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn hiện nay, ý thức được tầm quan trọng của nguồn lực con người trong phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước ta những năm qua đã ban hành nhiều văn bản quan trọng (Chỉ thị 06-CT/TW, ngày 07/11/2006 về “Tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”) nhằm làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, là cơ sở khoa học để xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
  • 7. 3 Tuy nhiên, vấn đề nhân cách Hồ Chí Minh và phát huy giá trị nhân cách Hồ Chí Minh lại chưa được chú trọng nghiên cứu và triển khai; chưa có các chuyên đề học tập và sinh hoạt trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu niên, học sinh sinh viên, cán bộ đảng viên, trong khi yêu cầu cấp bách hiện nay là xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, không chỉ về thể lực, trí lực, khả năng lao động mà cần có đạo đức và trí tuệ, đúng như Hồ Chí Minh nhấn mạnh phải xây dựng những con người “vừa có đức vừa có tài”, “vừa hồng vừa chuyên”. Từ ý nghĩa đó, nghiên cứu đề tài Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh để thấy được không gian văn hóa Huế ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, góp phần làm sáng rõ hơn về cuộc đời, tiểu sử, sự nghiệp cách mạng và tư tưởng một con người vĩ đại, một nhân cách vĩ đại - Hồ Chí Minh. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 2.1. Mục đích nghiên cứu Luận án nghiên cứu và làm rõ những ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế đến sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh; trên cơ sở đó, phân tích những biểu hiện của nhân cách Hồ Chí Minh từ sự ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế, từ đó rút ra ý nghĩa của vấn đề nghiên cứu đối với việc phát triển nhân cách Hồ Chí Minh cho con người Việt Nam hiện nay. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Để đạt được mục đích trên, luận án thực hiện các nhiệm vụ sau: - Làm rõ khái niệm và cấu trúc nhân cách và nhân cách Hồ Chí Minh. - Làm rõ những khái niệm, cấu trúc của không gian văn hóa Huế. - Phân tích và luận giải các nhân tố của không gian văn hóa Huế ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh. - Phân tích những biểu hiện của nhân cách Hồ Chí Minh từ sự ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế. - Rút ra một số nhận xét về sự ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế đến sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh và ý nghĩa của vấn đề nghiên cứu đối với sự phát triển nhân cách Hồ Chí Minh cho con người Việt Nam hiện nay.
  • 8. 4 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Những ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế đến sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh và những biểu hiện của nhân cách Hồ Chí Minh từ ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế. 3.2. Phạm vi nghiên cứu - Về nội dung: Luận án tập trung nghiên cứu sự ảnh hưởng không gian văn hóa Huế đến sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh và những biểu hiện của nhân cách Hồ Chí Minh từ sự ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế. Tuy nhiên, trong luận án, nghiên cứu sinh chỉ đề cập đến những khía cạnh sau đây: Thứ nhất, làm rõ các yếu tố cơ bản của không gian văn hóa Huế có ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh; Thứ hai, làm rõ những biểu hiện của nhân cách Hồ Chí Minh trong khoảng thời gian sống ở Huế, dưới sự tác động của không gian văn hóa Huế. - Về không gian: Thừa Thiên Huế những năm cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. - Về thời gian: Luận án nghiên cứu không gian văn hóa Huế trong khoảng cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, gắn với thời gian Hồ Chí Minh sống, học tập và hoạt động ở Huế đến trước khi ra đi tìm đường cứu nước. 4. Cơ sở lí luận, phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu cụ thể 4.1. Cơ sở lí luận Cơ sở lí luận của luận án là quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong nghiên cứu về cuộc đời, tiểu sử Hồ Chí Minh và văn hóa. 4.2. Phương pháp luận Chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử là phương pháp luận của việc nghiên cứu, thực hiện đề tài luận án. 4.3. Phương pháp nghiên cứu cụ thể - Nghiên cứu ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế đến sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh được thực hiện trên cơ sở tiếp cận của các khoa học tổng hợp liên ngành; trên nền tảng quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
  • 9. 5 - Tiếp cận liên ngành lấy lịch sử, khoa học lịch sử làm nền, sử dụng Hồ Chí Minh học làm trục chính, văn hóa học, nhân học làm chất liệu nghiên cứu, phân tích và luận chứng, làm rõ những vấn đề liên quan đến văn hóa, giá trị, nhân cách con người. Các khoa học tâm lí học, giáo dục học, xã hội học, nghiên cứu con người làm rõ các vấn đề liên quan đến nhân cách con người, sự ảnh hưởng của đời sống đến sự hình thành và phát triển nhân cách con người. - Ngoài cơ sở lí luận và phương pháp luận nêu trên, tác giả còn sử dụng các phương pháp như: phân tích, tổng hợp, lịch sử, logic, thống kê, so sánh, điền dã, văn bản học, trao đổi với chuyên gia… nhằm tìm kiếm, phân tích các kết quả nghiên cứu có sẵn để miêu tả, khái quát hoá toàn cảnh về chủ đề nghiên cứu từ các góc độ khác nhau. 5. Đóng góp mới về khoa học của đề tài - Làm rõ những ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế đến sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh. - Trên cơ sở nghiên cứu sự ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế đến sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh, luận án góp phần làm rõ những biểu hiện của nhân cách Hồ Chí Minh từ sự tác động của các yếu tố trong không gian văn hóa Huế, gắn với quá trình Người sống và học tập tại Huế. - Rút ra ý nghĩa của vấn đề nghiên cứu đối với việc phát triển nhân cách Hồ Chí Minh cho con người Việt Nam hiện nay. 6. Ý nghĩa lí luận và thực tiễn của đề tài 6.1. Ý nghĩa lí luận - Kết quả nghiên cứu của luận án góp phần làm sáng tỏ thêm về cuộc đời, tiểu sử, nguồn gốc hình thành tư tưởng và nhân cách Hồ Chí Minh; hệ thống hoá các cứ liệu lịch sử về những sinh hoạt, hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh thời kì ở Huế (1895-1901 và 1906-1909). - Luận án hệ thống hóa và làm rõ ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế đến sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh, luận giải về những biểu hiện của nhân cách Hồ Chí Minh.
  • 10. 6 - Luận án rút ra một số nhận xét về những tác động của không gian văn hóa Huế đến sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh và rút ra ý nghĩa của vấn đề nghiên cứu đối với việc phát triển nhân cách Hồ Chí Minh cho con người Việt Nam hiện nay. 6.2. Ý nghĩa thực tiễn - Luận án có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo, tuyên truyền, học tập, nghiên cứu, giảng dạy tư tưởng, tiểu sử, sự nghiệp, nhân cách của Hồ Chí Minh tại địa phương. - Luận án có thể sử dụng làm cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu nhân cách Hồ Chí Minh; nghiên cứu những ảnh hưởng của các không gian văn hóa đến Hồ Chí Minh, cũng như là nguồn tư liệu để giáo dục nhân cách cho học sinh sinh viên. - Luận án có thể xây dựng thành tài liệu giáo dục lịch sử địa phương, định hướng để giáo dục và rèn luyện nhân cách cho sinh viên trong các trường cao đẳng, đại học, giáo dục lối sống trong gia đình, nhà trường và xã hội hiện nay. 7. Cấu trúc của đề tài Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Danh mục công trình của tác giả đã công bố liên quan đến đề tài luận án và Danh mục tài liệu tham khảo, luận án gồm 4 chương, 8 tiết.
  • 11. 7 Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI LUẬN ÁN 1.1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI 1.1.1. Nhóm công trình nghiên cứu không gian văn hóa Huế 1.1.1.1. Các công trình nghiên cứu nước ngoài Huế là một trong những trung tâm văn hóa của Việt Nam, luôn thu hút nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài. Tuy nhiên, hiện nay chưa có nhiều công trình nghiên cứu Huế chuyên sâu, hệ thống và hoàn chỉnh. Khảo sát thực tế cho thấy, các học giả nước ngoài nghiên cứu Huế trên các lát cắt văn hóa hoặc gắn với các lĩnh vực cụ thể nhất định. Trong đó, Hội Những người bạn Cố đô Huế (Association des Amis du Vieux Hué - B.A.V.H) [118] có hẳn chuyên mục là “sưu tầm, bảo tồn và truyền đạt những dấu tích xưa về chính trị tôn giáo, nghệ thuật và văn học liên quan đến Huế và phụ cận”. Từ ý nghĩa đó, Tập san B.A.V.H (Bulletin des Amis du Vieux Hué) vốn là nội san của Hội Những người bạn của Huế xưa (ra đời từ năm 1914 và hoạt động đến giữa năm 1944 thì bị đình bản vì những biến cố lịch sử) chuyên viết về các vấn đề văn hóa, lịch sử, địa lí, nghệ thuật, tôn giáo, phong tục, mĩ thuật, ngôn ngữ, dân tộc học… Nguồn tư liệu viết được đề cập trong B.A.V.H rất phong phú, bao gồm: tư liệu về Kinh thành Huế và phụ cận, kiến trúc vùng Huế, các vấn đề về tôn giáo, tín ngưỡng, dân gian, câu hò, câu hát, ca dao hay cuộc sống trong cung đình hoặc các chủ đề cụ thể như: đền, chùa, am, miếu, lễ nghi cung đình được đề cập sâu sắc. Ngoài ra, tập san còn có những bài viết chuyên sâu vào các chủ đề như: kiến trúc cung đình, tín ngưỡng và tôn giáo như đền, chùa, am, miếu như chùa Thiên Mụ, Quốc Ân, Bảo Quốc, Diệu Đế, Từ Hiếu, Túy Vân, đền Voi Ré, Chiêu Ứng, điện Huệ Nam.... Tác giả Đào Thái Hanh có nhiều bài nghiên cứu về các vị nữ thần làm tăng thêm nét cổ kính của Cố đô Huế với một màu sắc huyền hoặc biểu thị lòng tin vào thần linh của người dân vùng Huế xưa: Histoire de la déesse Thiên Y A Na (Lịch sử nữ thần Thiên Y A Na), La déesse Liễu Hạnh (Nữ thần Liễu Hạnh), Histoire de la déesse Thái Dương Phu Nhơn (Chuyện Thánh mẫu Thái Dương phu
  • 12. 8 nhân), Histoire de la déesse Kỳ Thạch Phù Nhơn (Sự tích của nữ thần Kỳ Thạch phu nhơn)... Bên cạnh các lễ nghi cung đình, mảng tư liệu về tôn giáo, tín ngưỡng của người An Nam cũng được đề cập trong B.A.V.H, nổi bật là các công trình có giá trị của linh mục L.Cadière như: “L'Annam” (An Nam), “Introduction à l'étude l'Annam et du Champa” (Hướng dẫn nghiên cứu về An Nam và Champa) và “La Famille et la religion en pays Annamites” (Gia đình và tôn giáo ở các xứ An Nam). Tác giả Nguyễn Đình Hòe đã có nhiều chuyên đề nghiên cứu về văn hóa lịch sử Huế có giá trị như: Note sur les pins du Nam Giao (Esplanade des sacrifices) (Ghi chú về những cây thông ở Nam Giao), La pagode de l’éléphant qui barrit (Miếu Voi Ré), Note sur les cendres des Tây Sơn dans la prison du Khám Đường (Ghi chú về các tro di cốt Tây Sơn trong Khám Đường), Histoire de I’Ecole des Hâu Bô de Hué (Lịch sử trường Hậu Bổ ở Huế), Les Barques royales et mandarinales dans le vieux Hue (Thuyền ngự và thuyền quan thời Huế xưa), La pagode de Diệu Đế (Chùa Diệu Đế), Quelques coins de la Citadelle de Hué (Một vài nơi ở Kinh thành Huế). Các công trình nghiên cứu này được giới nghiên cứu đánh giá cao về sự tâm huyết trong sưu tầm, công phu về biên soạn. Đặc biệt, tập san đã dành nhiều trang nghiên cứu về lịch sử Huế và những vấn đề liên quan từ khi Pháp chiếm Việt Nam, như: Quá trình can thiệp của Pháp vào Việt Nam, Các cuộc phế lập ở Huế, Cuộc bôn ba của vua Hàm Nghi và căn cứ Tân Sở, Những lễ nghi của Nam triều... Lịch sử Huế thời cận đại nằm trong khuôn khổ của lịch sử Việt Nam (An Nam) nửa đầu thế kỉ XX, bao gồm các nguồn lịch sử triều Nguyễn: từ Gia Long đến Bảo Đại; cuộc xâm lược An Nam của Pháp; công cuộc bảo hộ của Pháp… Ngày nay, tập san B.A.V.H đã trở thành một nguồn tư liệu rất phong phú, quý hiếm và có giá trị cho những ai muốn nghiên cứu về Huế. Các công trình nghiên cứu trong Tập san B.A.V.H rất phong phú, mặc dù không đi trực tiếp nghiên cứu “không gian văn hóa Huế”, nhưng lại tập trung nghiên cứu các vấn đề nhỏ hơn của văn hóa Huế. 1.1.1.2. Các công trình nghiên cứu trong nước Thừa Thiên Huế với tư cách là một vùng văn hóa đặc trưng của Việt Nam đã được nhiều nhà khoa học dày công nghiên cứu. Tuy nhiên, khảo sát các tài liệu
  • 13. 9 nghiên cứu về Huế, phần nhiều các học giả tập trung vào cấu trúc văn hóa (gồm văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, hay văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể). Trong số các công trình nghiên cứu về văn hóa tinh thần, chưa có công trình nghiên cứu chuyên sâu về các giá trị văn hóa truyền thống của Huế và không gian văn hóa Huế, cũng như những ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế đến sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh trong những năm Người sống ở Huế. Liên quan đến nhóm công trình này có thể điểm qua một số tài liệu sau: Địa chí Thừa Thiên Huế là công trình của nhiều nhà khoa học cung cấp nguồn tư liệu phong phú, xác thực về đặc điểm của vùng đất và con người Thừa Thiên Huế. Công trình được xuất bản dưới dang sách và trang tin điện tử. Trang điện tử Địa chí Thừa Thiên Huế [166] được biên soạn dưới hình thức địa chí tổng hợp gồm: tự nhiên, lịch sử, dân cư và hành chính, kinh tế, văn hóa. Sau đó, Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Tự nhiên [167], Phần Lịch sử [168] và Phần Dân cư và hành chính được xuất bản. Về “Phần Văn hóa”, cho đến nay vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện. Trong khoa học nghiên cứu về Huế, Địa chí Thừa Thiên Huế là bộ công trình hữu ích, cung cấp hệ thống thông tin cần thiết trên nhiều phương diện về vùng đất này. Tuy nhiên, bộ công trình này chưa thống nhất trong việc phân tích lĩnh vực “Văn hóa” - một yếu tố quan trọng làm nên không gian văn hóa Huế. Bên cạnh đó, hai công trình Văn hóa cố đô [181] và 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế [185] do Nguyễn Đắc Xuân biên soạn đã giới thiệu tổng hợp về triều Nguyễn và Huế xưa. Các công trình cung cấp bức tranh tổng quan về Huế với địa lí - địa danh, lịch sử - sự kiện, văn hóa - giáo dục, văn hóa nghệ thuật, danh nhân. Bên cạnh đó, ấn phẩm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế - 700 năm hình thành và phát triển [68] đã đề cập tương đối đầy đủ và toàn diện về quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế trong hơn 700 năm, trên các lĩnh vực: lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… Đặc biệt, trong công trình này, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Tuyết Nga bước đầu khẳng định Huế là vùng đất đánh dấu sự mở đầu của quá trình nhận thức, tư duy yêu nước và cách mạng, góp phần quan trọng hình thành nên nhân cách của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Chính những cứ liệu quan trọng nêu trên, cung cấp thông tin cần thiết cho việc nghiên cứu không gian văn hóa Huế.
  • 14. 10 Nghiên cứu tổng thể văn hóa Huế không thể không kể đến Giáo trình Tổng quan văn hóa Huế [150] của Trương Minh Trai. Đây là công trình nghiên cứu tổng quan về văn hóa Huế, hình thành trên cơ sở kế thừa và tiếp thu những thành tự nghiên cứu về văn hóa Huế của các nhà khoa học và nhà nghiên cứu Huế, cung cấp hệ thống tri thức về di tích, danh lam, thắng cảnh, các thiết chế văn hóa xưa nay, các giá trị văn hóa tinh thần được bảo tồn khá nguyên vẹn và hiện hữu qua cuộc sống thường ngày của người dân xứ Huế. Công trình này còn cung cấp một cách tiếp cận văn hóa Huế trên ba phương diện gồm văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần, cảnh quan và con người xứ Huế, đồng thời cung cấp một số khái niệm cần thiết về văn hóa Huế. Mặc dù khá đầy đủ, tuy nhiên công trình này chưa làm rõ về không gian văn hóa Huế, những đặc trưng và các giá trị văn hóa truyền thống của vùng đất này. Tiếng Huế - Người Huế & Văn Hóa Huế [153] của Trung tâm nghiên cứu Quốc học. Công trình này tổng hợp những bài phát biểu, bài nghiên cứu về Huế, khám phá Huế ở những giá trị nhân văn về con người Huế - Văn hóa Huế. Đặc biệt, Lê Nguyễn Lưu với bộ sách Văn Hóa Huế Xưa được biên soạn nhân kỷ niệm 700 năm lịch sử vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế (1306 - 2006). Bộ sách gồm 3 tập: Đời sống văn hóa gia tộc [87], Đời sống văn hóa làng xã [88] và Đời sống văn hóa cung đình [89]. Tác giả đã phân tích khá sâu sắc về văn hóa Huế xưa từ đời sống văn hóa gia tộc (cội nguồn, các thiết chế, đời sống văn hóa vật thể và phi vật thể), đến đời sống văn hóa làng xã (quá trình hình thành, cơ cấu tổ chức và các văn hóa vật thể, phi vật thể trong làng xã) và đời sống văn hóa cung đình (gắn với công cuộc xây dựng Phú Xuân - Huế, văn hóa vật thể và phi vật thể cung đình Huế). Kết quả nghiên cứu của các công trình trên cung cấp những thông tin cần thiết cho việc nghiên cứu không gian văn hóa Huế. Tiếp cận văn hóa Huế từ nhiều khía cạnh và góc độ khác nhau, Trần Đức Anh Sơn trong công trình Huế - Triều Nguyễn. Một cái nhìn [134] đã giới thiệu văn hóa Huế dưới “cái nhìn” về sự tinh tế trong văn hóa vật chất đến văn hóa tinh thần xứ Huế. Với một cách tiếp cận khác, Phan Thuận An qua công trình Quần thể di tích Huế [4] nhấn mạnh đến “diện mạo” và “giá trị” của giá trị văn hóa vật chất. Nhà nghiên cứu Phạm Thị Dung qua công trình Huế - Qua miền di sản [31], cung
  • 15. 11 cấp cái nhìn toàn cảnh về Huế theo tám chủ đề cụ thể: Di tích - Danh thắng xưa và nay, Địa danh văn hóa, Làng quê nổi tiếng, Kiến trúc tôn giáo, Một phần di sản, Kinh thành cổ kính, Lăng tẩm các triều vua, Nét riêng xứ Huế. Với các cách tiếp cận nêu trên của các nhà nghiên cứu, chúng ta vẫn chưa thấy được những giá trị văn hóa tinh thần của văn hóa Huế. Phải chăng đây là sự thiếu sót của các nhà nghiên cứu này. Trong bài viết “Cảm nhận về văn hóa xứ Huế” in trong công trình Văn hóa, văn hóa tộc người và văn hóa Việt Nam [140] của Ngô Đức Thịnh và “Tiểu vùng văn hóa xứ Huế” của Trần Quốc Vượng trong Cơ sở văn hóa Việt Nam [179] đã chỉ ra những nét tiểu biểu của văn hóa Huế với tư cách là một vùng văn hóa, không gian văn hóa mang tính địa phương, nối tiếp văn hóa Thăng Long - Hà Nội, là bộ mặt của văn hóa Đại Việt thế kỉ XVIII-XIX. Mặc dù là hai công trình tiêu biểu về văn hóa nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng, tuy nhiên các tác giả chưa đi sâu lý giải một thành tố quan trọng cấu thành văn hóa đó là hệ thống các giá trị văn hóa truyền thống (hiểu theo nghĩa hẹp của định nghĩa văn hóa là các giá trị văn hóa tinh thần). Ngoài các công trình nêu trên, liên quan đến luận án còn có một số tài liệu như: Văn hóa Huế trong dòng chảy văn hóa Việt [33], Di sản văn hóa cố đô Huế [61], Một vài ý nghĩa về bản chất văn hóa Huế [158], Phác thảo về quá trình phát triển của văn hóa Phú Xuân - Thời kì thành Hóa Châu [160], Bản sắc văn hóa dân tộc qua sắc thái Huế” [178]… Các công trình nêu trên mặc dù đã tiếp cận văn hóa Huế và không gian văn hóa Huế theo các khía cạnh khác nhau, tuy nhiên hạn chế của các công trình này chưa có sự thống nhất khi phân tích cấu trúc “không gian văn hóa Huế”, cũng như hệ thống các giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của vùng đất này. 1.1.2. Nhóm công trình nghiên cứu nhân cách Hồ Chí Minh 1.1.2.1. Công trình nghiên cứu nước ngoài Các công trình nghiên cứu về nhân cách Hồ Chí Minh ở nước ngoài không nhiều nên các nghiên cứu chuyên biệt về nhân cách Hồ Chí Minh gần như chưa được thống kê cụ thể. Khảo sát các công trình, bài viết của các tác giả nước ngoài,
  • 16. 12 chưa thấy có công trình nào nghiên cứu trực diện và hệ thống về nhân cách Hồ Chí Minh, đôi khi xuất hiện một số quan điểm, nhân định về các đặc điểm của nhân cách Hồ Chí Minh gắn với quá trình hoạt động cách mạng của Người. Đánh giá về Hồ Chí Minh, Hans D’Orville - Phó Tổng giám đốc UNESCO nhận định: “Các chuyến bôn ba nước ngoài mà Người đã trải qua, những trào lưu tư tưởng mà ông đã tiếp nhận và đặc biệt là khả năng giao hòa những sự đa dạng mà Người đã tiếp thu đã khiến Hồ Chí Minh trở thành một người thầy về cuộc sống trong một thế giới có xu hướng toàn cầu hóa hiện nay” [122, tr.207]. Dấu ấn về nhân cách Hồ Chí Minh tiếp tục được Charles Fenn viết trong lời tựa của cuốn sách Hồ Chí Minh - Một chân dung: “Nếu chúng ta so sánh Hồ Chí Minh với các lãnh tụ nổi tiếng khác của thế kỉ XX, chúng ta không thể không có ấn tượng khi biết rằng trong một thời gian, Hồ Chí Minh đã đi đến nhiều nơi trên thế giới và đã bắt đầu in dấu ấn của mình lên các biến cố quốc tế trước cả Mao Trạch Đông, Găng-đi, Nê-ru, Ru-dơ-ven, Sơc-sin hay Đơ-Gôn được biết đến trên thế giới”. Lady Borton và C. David Thomas trong công trình Hồ Chí Minh - Một chân dung (HO CHI MINH - A Portrait) [76] đã tập hợp, nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh. Tư liệu được tập hợp trong cuốn sách không có gì mới nhưng lại được trình bày sáng tạo, cung cấp hệ thống tri thức về cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Các tác giả này đánh giá cao tư tưởng, phẩm chất đạo đức trong sáng, cao đẹp của một vị lãnh tụ cách mạng vĩ đại, nhưng cũng là một con người vô cùng giản dị, khiêm tốn, gần gũi thân thiết với tất cả mọi người. Dẫn lời giới thiệu của Charles Fenn, công trình khẳng định: “Cuộc sống cá nhân mẫu mực, tính kiên định vì nền độc lập và tự do của Việt Nam, những thành quả phi thường của Người bất chấp những khó khăn chồng chất, đã có thể đưa Hồ Chí Minh trong sự phán xét cuối cùng của nhân loại lên hàng đầu danh sách những lãnh tụ của thế kỉ 20”. Hồ Chí Minh với những cống hiến của mình đã góp phần tạo nên một khuôn mặt mới của thế giới, đối thoại hòa bình thay cho chiến tranh, phản ánh khát vọng của các dân tộc trong đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
  • 17. 13 William J. Duiker với công trình Hồ Chí Minh cuộc đời (Ho Chi Minh a life) [195] xuất bản lần đầu tiên vào năm 2000, được đánh giá là cuốn tiểu sử về Hồ Chí Minh đầy đủ và có giá trị nhất Hoa Kỳ. Qua công trình này, tác giả nhận định Hồ Chí Minh là “một trong những nhân vật chính trị có ảnh hưởng nhất trong thế kỉ 20” - một con người có “một tính cách lãnh đạo riêng bằng thuyết phục và đồng tâm hơn là áp đặt ý chí quyền lực của mình cho người khác”; là biểu tượng có sức cổ vũ nhất của đất nước ông, là nhà tổ chức tài ba, nhà chiến lược sắc sảo và nhà lãnh đạo có sức thuyết phục. Con người Hồ Chí Minh một nửa là Lênin, một nửa là Gandhi; người kết hợp được trong cá nhân mình hai sức mạnh trung tâm của lịch sử Việt Nam hiện đại: khát vọng độc lập dân tộc và đòi hỏi công bằng xã hội và kinh tế. “Ông đã có một vị trí trong ngôi đền các danh nhân cách mạng, những người đấu tranh kiên cường để đưa lại cho những người cùng khổ trên toàn thế giới tiếng nói trung thực của họ”. Bên cạnh đó, Jean Lacouture, là tác giả công trình Ho Chi Minh, A Political Biography (Hồ Chí Minh: Tiểu sử Chính trị”) in lần đầu năm 1967 [192]. Công trình gồm 15 chương, mô tả một cách sinh động toàn bộ cuộc đời hoạt động của Hồ Chí Minh. Lồng ghép trong những trình bày về quá trình hoạt động của Hồ Chí Minh, Jean Lacouture nêu bật những phẩm chất cá nhân của Hồ Chí Minh - cơ sở cho những thắng lợi mang tính tất yếu của cách mạng Việt Nam. Tác giả cho rằng Hồ Chí Minh “là kiểu mẫu cao nhất và hầu như độc đáo, một người gắn bó mật thiết với quần chúng”, là “người có óc xét đoán vượt trội với những năng khiếu đột hứng và trí thông minh kỳ diệu”. Đánh giá về những phẩm chất đặc biệt của Hồ Chí Minh, trong cuốn Why Vietnam? (Tại sao Việt Nam?) [2] A. Pát-ti nhìn nhận ở Người có những phẩm chất đặc biệt: “Ông Hồ không hiện lên đối với tôi như một nhà cách mạng không thực tế hay một người cấp tiến cuồng nhiệt, theo đuổi những lời nói rập khuôn, hét to đường lối của Đảng, hay thiên về phá hoại mà không có những kế hoạch xây dựng lại. Đây là một con người thông minh, thấu hiểu những vấn đề của đất nước mình, một con người biết điều và tinh tế” [2, tr.92]. Tầm vóc của Hồ Chí Minh được tác giả nhận định: “...Hơn một phần tư thế kỉ nay, chỉ có Hồ Chí Minh mới giữ được
  • 18. 14 cho ngọn đuốc độc lập bập bùng cháy trong trái tim, khối óc của những người Việt Nam cộng sản cũng như không cộng sản, và duy nhất chỉ có ông đã trở thành hiện thân của chủ nghĩa quốc gia Việt Nam, một Gioóc-giơ Oa-sinh-tơn của Việt Nam... Từ lâu ông đã trở thành Bác Hồ của người nghèo và tầm thường với một ánh hào quang trên đầu mà tất cả các chế độ bù nhìn liên tiếp đã không bao giờ có khả năng đánh đổ được”. Nguyên Bí thư thứ nhất ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô - N. Khơ-rút-sốp đã dành hẳn một chương trong cuốn Hồi ký của mình để viết về Hồ Chí Minh: “Trong cuộc đời hoạt động chính trị của mình, tôi đã biết rất nhiều người nhưng không có người nào gây được cho tôi ấn tượng đặc biệt như Hồ Chí Minh. Người có đầu óc tín ngưỡng thường hay nói đến các vị thánh. Đúng vậy, với cách sống và uy tín của ông đối với đồng bào trong nước, Hồ Chí Minh đúng là có thể so sánh với “các vị thánh đỏ, một vị thánh cách mạng”... Mỗi lời nói của ông hình như dựa vào niềm tin là về nguyên tắc tất cả mọi người cộng sản đều là anh em cùng giai cấp, học chỉ có thể tỏ ra trung thực và chân thành với nhau mà thôi. Hồ Chí Minh quả thật là một trong “các vị Thánh” của chủ nghĩa cộng sản” [108, tr.52-54]. Cũng với góc nhìn phẩm chất của Hồ Chí Minh, Stanley Karnow trên tờ Time (Mỹ) có bài viết nhận định: Một thân hình gầy gò, chòm râu dài, chiếc áo khoác cũ và đôi dép cao su đã mòn, Hồ Chí Minh đã tạo ra một hình ảnh Bác Hồ hiền lành giản dị. Nhưng Người là nhà cách mạng dày dạn kinh nghiệm và một nhà dân tộc chủ nghĩa nồng nhiệt, suốt đời đấu tranh cho một mục đích duy nhất: mang lại độc lập tự do cho dân tộc mình. Không có sự dao động trong niềm tin của Hồ Chí Minh, không thể lay chuyển ý chí của Người, ngay cả khi cuộc chiến tranh của Mỹ leo thang, tàn phá đất nước, Người vẫn giữ niềm tin đối với nền độc lập của Việt Nam. Dưới con mắt phương Tây, điều dường như không thể tưởng tượng được là Hồ Chí Minh có thể cống hiến sự hi sinh to lớn như ông đã làm. Cũng với cách nhìn nhận ấy, trong bài báo “Thăm một chiến sĩ cộng sản Nguyễn Ái Quốc” đăng trên tờ Ogoniok (Ngọn lửa nhỏ) số 39, ngày 23/12/1923, nhà báo Liên Xô Ô-xíp Man-đen-sơ-tam viết: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai” [92, tr.462]. Ông còn nhận xét: “Qua phong thái
  • 19. 15 thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái thế giới” [92, tr.463]. Trong công trình “Ho” (Hồ) của David Halberstam, tác giả đánh giá Hồ Chí Minh “là hiện thân của một cuộc cách mạng”, “là biểu tượng của cuộc sống, hy vọng, đấu tranh, hi sinh và thắng lợi”. Tác giả đi tìm nguyên nhân từ những yếu tố thuộc phẩm chất cá nhân của Hồ Chí Minh, đặc biệt nhấn mạnh Người “không cố tìm kiếm cho mình những cái trang sức quyền lực vì ông tự tin ở mình và ở mối quan hệ của ông với nhân dân”. Hay trong công trình Chủ tịch Hồ Chí Minh qua cảm nghĩ của một người Hàn Quốc [1] của Ahn Kyong Hwan, cho rằng tinh thần yêu nước thương dân, yêu dân tộc của Hồ Chí Minh, một nhân vật vĩ đại nhất xứng đáng là tấm gương cho tất cả các nhà lãnh đạo chính trị trên thế giới. Người đã không màng đến địa vị của mình, được công nhận là một nhà lãnh đạo tầm cỡ thế giới, sống như cuộc sống của người dân bình thường, chăm lo cải thiện cuộc sống của đồng bào Việt Nam. Khẳng định giá trị và sức sống của phẩm chất nhân cách và giá trị tinh thần của Hồ Chí Minh trong lòng nhân loại nói chung, đặc biệt là nhân dân các nước Mỹ Latinh, nhà báo, nhà hoạt động chính trị I-gơ-na-xi-ô Gôn-xa-lết Han-xen trong Tinh thần Hồ Chí Minh ở Mỹ Latinh [73] đã phân tích tầm nhìn xa và nhãn quan chính trị thiên bẩm của Hồ Chí Minh. Theo tác giả, đối với những người cách mạng và những nhà đấu tranh xã hội trên toàn thế giới, tấm gương đấu tranh của nhân dân Việt Nam luôn gắn liền với tầm nhìn xa của Hồ Chí Minh - tầm nhìn mang tính giác ngộ, đoàn kết và tập hợp lực lượng, với một niềm tin vào chủ nghĩa yêu nước lịch sử của quần chúng. Tầm nhìn xa và thiên bẩm chính trị Hồ Chí Minh được nảy sinh từ mối quan hệ gắn bó với người dân và nhận thức nhạy bén trước những nguyện vọng của nhân dân. Trong số học giả nước ngoài nghiên cứu về Hồ Chí Minh, có nhiều người vừa là “người quen”, vừa là đối thủ của Người trong các cuộc chiến tranh trước đây như Tổng đại diện của Chính phủ Pháp Jean Sainteny. Trong công trình Face à Ho Chi Minh (Đối diện Hồ Chí Minh) [193] đã khẳng định: “Chắc chắn, ông Hồ Chí Minh là con người rất mực tế nhị, đến mức không cảm thấy tính giản dị của mình, lòng tha thiết với những phong tục, tập quán của địa phương đã làm ông trở nên rất quần
  • 20. 16 chúng. Ngay kẻ thù của ông cũng không bao giờ hồ nghi cái điều giản dị ấy”. Hay trong tác phẩm “Một nền hòa bình bị bỏ lỡ”, Sainteny đã viết một cách khách quan: “Sự hiểu biết văn hóa rộng lớn, trí thông minh, những hoạt động phi thường và lòng vô tư tuyệt đối đã làm cho uy tín của Người và lòng tin của nhân dân đối với Người không gì so sánh nổi. Những lời nói, những hành động, thái độ của Người, đều thuyết phục là Người không muốn dùng giải pháp bạo lực” [152, tr.94]. Tóm lại, khi nghiên cứu nhân cách Hồ Chí Minh, những công trình nghiên cứu của các học giả nước ngoài đã làm rõ một số nét đặc trưng về phẩm chất và năng lực đặc biệt của Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đến nay chưa thấy thống kê các công trình ở nước ngoài nghiên cứu chuyên biệt về nhân cách Hồ Chí Minh. Mặc dù còn nhiều vấn đề chưa có sự thống nhất về quan điểm, cách tiếp cận, thậm chí có những sai sót, song tất cả đều phải thừa nhận rằng Hồ Chí Minh là một con người đặc biệt của dân tộc và nhân loại, đã hi sinh đời mình cho Tổ quốc, cho phong trào giải phóng dân tộc và phong trào hòa bình trên thế giới. 1.1.2.2. Các công trình nghiên cứu trong nước Nhân cách Hồ Chí Minh là một chủ đề khá mới trong khoa học nghiên cứu về Hồ Chí Minh, do đó chưa có nhiều công trình luận giải về chủ đề này. Liên quan đến nhóm công trình này có thể kể đến một số công trình nghiên cứu như: Trong công trình Nhân cách Hồ Chí Minh [136], tác giả Mạch Quang Thắng luận giải khá sâu sắc về nhân cách Hồ Chí Minh. Tác giả đã luận giải từ “con đường hình thành, phát triển, hoàn thiện nhân cách Hồ Chí Minh” đến quan niệm “nhân cách Hồ Chí Minh”, các đặc trưng và giá trị của nhân cách Hồ Chí Minh. Trong công trình này, tác giả chỉ đề cập đến “nhân tố gia đình, quê hương”, “truyền thống văn hóa của dân tộc” nói chung, mà chưa đi sâu phân tích những ảnh hưởng của các không gian văn hóa (trong đó có không gian văn hóa Huế) đến sự hình thành và phát triển nhân cách Hồ Chí Minh. Trần Thái Bình với công trình Hồ Chí Minh - Sự hình thành một nhân cách lớn [25] đã dành hẳn Phần 1 với 2 chương để nói về “Môi trường: Thiên - Địa - Nhân” đã có những ảnh hưởng nhất định đến Hồ Chí Minh thời trẻ. Tuy nhiên, tác giả cũng chưa nêu lên được sự ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế đến sự hình thành và phát triển nhân cách Hồ Chí Minh.
  • 21. 17 Trong công trình Làng Sen năm ấy [146], tác giả Nguyễn Yên Thy cho rằng nhân cách Hồ Chí Minh được hình thành trong khoảng thời gian từ năm 1901 đến 1906. Tác giả khẳng định thời điểm đó, Hồ Chí Minh ở độ tuổi thiếu niên, nhạy cảm, theo cha từ kinh thành Huế về quê. Tuổi thơ được sống trong khung cảnh ấm áp tình người như vậy chắc chắn sẽ có những tác động lớn. Tuy nhiên, tác giả chưa đưa ra những luận cứ, luận chứng thuyết phục để chứng minh không gian văn hóa Nghệ - Tĩnh có ảnh hưởng quyết định sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh và cũng chưa làm rõ được những biểu hiện của nhân cách Hồ Chí Minh. Đây chính là sự gợi mở để tiếp tục nghiên cứu không gian văn hóa thứ hai có ảnh hưởng lớn đến Hồ Chí Minh - không gian văn hóa Huế. Một trong những công trình kiến giải về nhân cách Hồ Chí Minh khá sâu sắc là Tỏa sáng nhân cách Hồ Chí Minh [5] được in trong Xây dựng con người Việt Nam theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh [6]. Tác giả Hoàng Anh xác định “nhân cách Hồ Chí Minh” là một địa hạt nghiên cứu khó, nhưng nó lại có giá trị trong thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Trên cơ sở kế thừa kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, tác giả chỉ rõ nhân cách Hồ Chí Minh được cấu thành từ hai thành tố là phẩm chất đạo đức và phẩm chất trí tuệ, hay theo như Hồ Chí Minh, nhân cách là sự thống nhất giữa Đức và Tài. Mặc dù tác giả đã cố gắng luận giải nội hàm của nhân cách Hồ Chí Minh khá rõ nét, tuy nhiên, tác giả chưa có điều kiện nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng, cơ sở, nguồn gốc hình thành và phát triển nhân cách Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, công trình Đặc trưng nhân cách Hồ Chí Minh - Giá trị và sức lan tỏa [11] của Phạm Ngọc Anh đã chỉ ra tầm quan trọng của giá trị làm người, giá trị xã hội to lớn của nhân cách Hồ Chí Minh đối với nhiều thế hệ người Việt Nam. Mặc dù khẳng định việc nghiên cứu di sản Hồ Chí Minh nói chung và nhân cách văn hóa nói riêng là một công việc hết sức cấp bách và quan trọng, và cho đến nay, những nghiên cứu về chủ đề này vẫn chỉ là bước đầu, là địa hạt mà chưa có nhiều công trình đào sâu nghiên cứu. Tác giả đã chỉ ra những đặc trưng của nhân cách Hồ Chí Minh như: (1) Sự khâm phục, đánh giá cao của xã hội, ở niềm tin và sức sống bất diệt bởi những giá trị làm người, giá trị xã hội mà nhân cách Hồ Chí Minh đã được các thế hệ người Việt
  • 22. 18 Nam và nhân loại trên hành tinh chúng ta thừa nhận; (2) Chí hướng, nhân sinh quan, thế giới quan khoa học, lí tưởng sống, niềm tin sâu sắc vào sự nghiệp cứu dân, cứu nước, sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam và nhân dân lao động toàn thế giới; (3) Tình yêu quê hương, đất nước, yêu nhân dân sâu sắc gắn liền với lí tưởng và tình cảm cách mạng của Người; (4) Tầm vóc và hiểu biết cao về lí luận cách mạng; khả năng vận dụng lí luận vào thực tiễn một cách sáng tạo là một phẩm chất cơ bản và cốt lõi; (5) Sức mạnh và ý chí, nghị lực, khát vọng phi thường trong đấu tranh cách mạng; (6) Sự hòa quyện, sự kết đọng của sự thông tuệ dân gian; là sự thông minh, tế nhị và mộc mạc của tinh hoa văn hóa Việt Nam thể hiện trong ứng xử hàng ngày; (7) Tính đồng bộ, hệ thống trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhà nghiên cứu Đỗ Long trong Hồ Chí Minh - Những vấn đề tâm lí học [84] và Nguyễn Khắc Nho trong Hồ Chí Minh - Đỉnh cao truyền thống Nhân - Trí - Dũng Việt Nam [116] tập trung luận giải hai nội dung quan trọng là “quá trình hình thành tự ý thức” và “nhân cách Hồ Chí Minh”. Trong bài viết “Hồ Chí Minh: Một nhân cách lớn” in trong ấn phẩm Hồ Chí Minh - Những vấn đề tâm lí học, nhà nghiên cứu Đỗ Long đã làm rõ nhân cách Hồ Chí Minh nhất quán với năm đặc trưng: nhất quán về tư tưởng, nhất quán về trí tuệ, nhất quán về tình cảm, nhất quán về ý chí, nhất quán về đạo đức và nhất quán về nếp sống. Trong Kỷ yếu hội thảo Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa [163] nhà nghiên cứu Trần Văn Giàu với công trình “Nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh” đã nêu lên bảy phẩm chất của nhân cách Hồ Chí Minh. Ngoài ra, một số tác giả như Nguyễn Thị Chuẩn, Trương Minh Dục, Đặng Thị Nhiệt Thu, Lê Bá Vương trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học toàn quốc “Một thế kỉ Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước” (5/6/1911 - 5/6/2011) [164] đã luận giải những điều kiện khách quan và chủ quan, những yếu tố tác động đến Nguyễn Tất Thành trước khi ra đi tìm đường cứu nước. Các tác giả Võ Văn Minh, Nguyễn Văn Quang bước đầu lý giải sự chuyển biến từ tinh thần yêu nước đến hành động cứu nước, tư tưởng và nhân cách Hồ Chí Minh thời trẻ. Mặc dù không trực tiếp nghiên cứu về Nhân cách Hồ Chí Minh, nhưng trong công trình Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam [48], Đại
  • 23. 19 tướng Võ Nguyên Giáp đã nêu rõ những phẩm chất của nhân cách văn hóa Hồ Chí Minh, đó là: “sống có hoài bão, có lí tưởng yêu nước, thương dân sâu sắc, nhất là đối với những người cùng khổ bị áp bức, bóc lột, có bản lãnh kiên định, có khí tiết kiên cường trong đấu tranh thực hiện mục tiêu, lí tưởng đã lựa chọn; thông minh, sắc sảo, nhạy bén với cái mới, ham học hỏi, có tư duy độc lập sáng tạo; có lòng tin mãnh liệt ở nhân dân; có ý chí, nghị lực phi thường và đầu óc thực tế, nói đi đôi với làm; mẫu mực về đạo đức cách mạng; tác phong bình dị, chân tình, khiêm tốn, có sức cảm hóa lớn đối với mọi người; là bậc đại nhân, đại trí, đại dũng”… Đó là những phẩm chất nổi bật trong nhân cách văn hóa Hồ Chí Minh, được hình thành từ tinh hoa văn hóa Đông - Tây, trên nền truyền thống văn hóa Việt Nam; là tổng hợp nhuần nhuyễn giữa cách thức tư duy, trí tuệ, tình cảm và hành động đến mức giản dị, khiêm tốn phi thường. Đúng như Tổng thống Cộng hòa Chilê X. Agienđê đã khái quát: “Nếu như muốn tìm một sự tiêu biểu cho tất cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đó là đức tính vô cùng giản dị và sự khiêm tốn phi thường”. Trên cơ sở những bài báo từ các hội thảo khoa học, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã tập hợp và xuất bản sách Âm vang thời Bác Hồ ở Huế [22], gồm 14 bài viết của các nhà khoa học nghiên cứu về “Những năm tháng Bác Hồ và gia đình Người ở Huế”. Một số bài viết bước đầu luận giải về sự ảnh hưởng của đời sống chính trị - xã hội Huế đối với Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành. Tác giả Nguyễn Sĩ Đạm bước đầu chỉ rõ những tác động thúc đẩy sự phát triển nhân cách và tư tưởng yêu nước của Nguyễn Tất Thành ở Huế. Năm 2008, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế xuất bản ấn phẩm “Nghiên cứu, xác minh tư liệu và di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh thời kì 1890 - 1911” [20]. Các tác giả đã khẳng định chính sự tham gia phong trào chống thuế cùng với nhân dân Thừa Thiên Huế đã mở ra thời kì “dấn thân” hoạt động cách mạng và tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành. Tác giả Cao Huy Hùng khẳng định rằng chính những hoạt động thực tiễn sôi động trong phong trào cách mạng của nhân dân Thừa Thiên Huế giai đoạn 1906 - 1909, đặc biệt là phong trào chống thuế 1908 đánh dấu bước chuyển từ nhận thức yêu nước đến hành động yêu nước và quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành.
  • 24. 20 Năm 2010 và 2011, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hai Hội thảo về Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay [62] và Kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước [63]. Hội thảo đã tập hợp nhiều báo cáo của các nhà khoa học trong cả nước luận giải về giá trị, ý nghĩa của di sản Hồ Chí Minh và sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Các tác giả như Lê Văn Tích, Lê Văn Yên, Đinh Xuân Lý đã làm rõ bối cảnh về lịch sử trong nước và thế giới những năm đầu thế kỉ XX và quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành. Bên cạnh đó, các tác giả như Phan Công Tuyên, Nguyễn Quốc Bảo, Nguyễn Văn Quang, Lê Thị Hằng đã bước đầu làm rõ một số ảnh hưởng của văn hóa Huế đến sự hình thành tư tưởng yêu nước, chí hướng cách mạng và nhân cách Hồ Chí Minh. Tác giả Đức Vượng trong Quá trình hình thành tư tưởng yêu nước của Hồ Chí Minh [177] đã chỉ ra những luồng tư tưởng có ảnh hưởng đến Hồ Chí Minh trước sự lựa chọn con đường cứu nước và những nhân tố thúc đẩy Hồ Chí Minh sớm suy nghĩ về con đường cứu nước, tư tưởng yêu nước của Hồ Chí Minh. Ngoài ra, nghiên cứu về đặc trưng, nội dung và giá trị của nhân cách Hồ Chí Minh nói chung còn có một số bài báo của các tác giả như: Nhân cách Hồ Chí Minh - Những giá trị thiết yếu trong hệ giá trị Việt Nam [59], Nhân cách Hồ Chí Minh [137]... đã bước đầu làm rõ những đặc trưng, giá trị và sức lan tỏa và một phần nhân cách Hồ Chí Minh. Nhìn chung, các công trình nghiên cứu về nhân cách Hồ Chí Minh rất hạn chế. Một số công trình mới chỉ đề cập đến những khía cạnh về phẩm chất hoặc năng lực đặc biệt của Hồ Chí Minh. 1.1.3. Nhóm công trình nghiên cứu những ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế đến nhân cách Hồ Chí Minh 1.1.3.1. Công trình nghiên cứu nước ngoài Các công trình của các tác giả nước ngoài nghiên cứu về những ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế đến nhân cách Hồ Chí Minh thật sự không nhiều, bởi lẽ đây là một chủ đề khá hẹp. Hầu hết các nhà nhiên cứu nước ngoài chỉ điểm qua và nhận định sơ lược về ảnh hưởng của các không gian văn hóa đến Hồ Chí Minh gắn với quá trình hoạt động cách mạng của Người.
  • 25. 21 Trong các công trình của các tác giả nước ngoài nghiên cứu chủ đề ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế đến nhân cách Hồ Chí Minh, phải kể đến bộ công trình Đồng chí Hồ Chí Minh [30] của E. Cô-bê-lép. Công trình này được nghiên cứu công phu, cung cấp nhiều hiểu biết chính xác về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh, gắn với thời kì lịch sử huy hoàng của dân tộc và những biến cố lớn lao của thời đại, đồng thời giúp cho người đọc hiểu biết về tư tưởng, đạo đức, phong cách và nhân cách của một lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Đặc biệt, trong công trình này, E. Cô-bê-lép luận giải sự chuyển biến về nhận thức và hành động của Nguyễn Tất Thành trong quá trình dịch chuyển giữa hai vùng văn hóa: xứ Nghệ và xứ Huế. Ông lý giải thời kì ở Huế, “những biến cố phi thường làm tâm trí Thành sôi nổi hẳn lên. Mùa xuân năm 1908 là mùa xuân Thành học được những bài học thực tiễn về đấu tranh chính trị, không khí sôi động của những cuộc nổi dậy của quần chúng đã tác động mạnh mẽ đến tâm hồn Thành. Đối với Thành, những ngày ấy bằng cả mấy năm sống cổ lỗ đều đều ở làng Sen. Cuộc sống thực tế ở Huế cứ mỗi ngày lại dạy thêm cho anh những bài học khắc nghiệt và bổ ích”. Jean Lacouture, trong công trình Ho Chi Minh (Hồ Chí Minh) [191], nhận định rằng Hồ Chí Minh lớn lên trong cái nôi của phong trào yêu nước, cuộc đời hoạt động cách mạng của anh “bắt đầu trong không khí bất công, oán hận và phẫn nộ, căm thù chống lại nước Pháp”. Học giả David Helberstam cũng khẳng định: “Tư tưởng yêu nước của Hồ được tăng cường ở Huế”, khi đang học ở Huế “Hồ tiếp tục các công việc yêu nước một cách tích cực và cuối cùng ông đã rời bỏ trường này trước khi có một mảnh bằng […] Ông là một con người muốn học thêm nữa bằng cách chu du ra nước ngoài hơn là học trong trường khắt khe do Pháp đỡ đầu”. 1.1.3.2. Công trình nghiên cứu trong nước Khảo cứu các công trình nghiên cứu về những ảnh hưởng của không gian văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa Huế nói riêng đến sự hình thành và phát triển nhân cách Hồ Chí Minh, chúng tôi nhận thấy chưa có một công trình nghiên cứu tổng thể, toàn diện và sâu sắc. Liên quan đến nhóm công trình này, Đi tìm dấu tích thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế [184] của Nguyễn Đắc Xuân là công trình nghiên cứu về thời niên thiếu của
  • 26. 22 Hồ Chí Minh từ thuở mới theo gia đình đặt chân lên đất Huế (1895) cho đến lúc Người từ giã Huế để vào các tỉnh phía Nam bắt đầu hành trình đi tìm đường cứu nước (1909). Công trình này gồm 13 chương, 311 trang, được biên soạn bằng những cứ liệu lịch sử có giá trị khoa học trên cơ sở tư liệu được khảo sát điền dã, phỏng vấn các nhân chứng lịch sử, những người bạn học, những người học cùng trường và những người thân quen với gia đình của Hồ Chí Minh. Về tài liệu tham khảo, tác giả đã sử dụng tư liệu phong phú, ngoài tài liệu của triều Nguyễn, còn có Bộ hồ sơ mật của mật thám Pháp gồm 21 tài liệu được lưu trữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh trong thời gian từ năm 1911 đến năm 1928. Điều đáng lưu ý nhất là tác giả đã chỉ ra thời gian sinh sống và học tập tại Huế, Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành đã chứng kiến sự bất lực của các vua quan triều Nguyễn, thấy được tội ác của thực dân Pháp, tiếp xúc với văn hóa phương Tây và hòa mình vào phong trào đấu tranh yêu nước… Tất cả những gì Hồ Chí Minh tiếp nhận ở Huế cùng với truyền thống yêu nước của quê hương xứ Nghệ đã hình thành tư tưởng yêu nước và nhân cách Hồ Chí Minh. Mặc dù đã cố gắng làm rõ ảnh hưởng của đời sống vật chất, tinh thần, của điều kiện kinh tế, chính trị - xã hội đến tuổi trẻ của Hồ Chí Minh, nhưng tác giả chưa thể khẳng định ảnh hưởng của văn hóa Huế đến sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh. Bộ công trình Hồ Chí Minh tiểu sử [65] của Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh do Song Thành chủ biên đã luận giải tương đối đầy đủ về cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh. Chương I của công trình này tác giả đề cập đến “Thời niên thiếu và những hoạt động yêu nước đầu tiên” (5/1890 - 6/1911). Trong đó, các tác giả dành 12 trang để trình bày tóm tắt về những hoạt động của Hồ Chí Minh và gia đình ở Huế (1895 - 1901 và 1906 - 1909). Tuy nhiên, công trình này chưa có điều kiện luận giải sự ảnh hưởng, tác động của không gian văn hóa Huế đối với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh. Nhà nghiên cứu Trần Văn Giàu với hai công trình tiêu biểu: Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam [49] và Sự hình thành về cơ bản tư tưởng Hồ Chí Minh [51], đã làm rõ mối quan hệ giữa các giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam với sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Ông khẳng định những giá trị tinh thần tốt đẹp của dân tộc ta trong suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước đã trang
  • 27. 23 bị kiến thức và tư tưởng của Nguyễn Tất Thành, trong đó, gia đình đặt những nền móng đầu tiên, truyền thống quê hương xây dựng nên tấm lòng yêu nước nồng nhiệt; Quốc học Việt Nam trang bị cho Hồ Chí Minh một căn bản truyền thống yêu nước, yêu dân, tự hào dân tộc… Qua công trình Sự hình thành về cơ bản tư tưởng Hồ Chí Minh, Trần Văn Giàu đã làm rõ những đặc điểm cơ bản của tư tưởng yêu nước truyền thống - hành trang tư tưởng chủ yếu của Hồ Chí Minh. Bộ công trình 3 tập Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh [170], [171], [172] do Viện Hồ Chí Minh xuất bản năm 1993. Trong tập 3, tác giả Trịnh Tùng và Đặng Văn Hồ với tham luận “Từ tinh thần yêu nước đến tư tưởng cứu nước - bước chuyển trong tư tưởng Hồ Chí Minh thời kì ở Thừa Thiên - Huế (1906-1909)” đã phân tích những ảnh hưởng của điều kiện kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội Huế đến sự hình thành tinh thần và tư tưởng yêu nước Hồ Chí Minh - biểu hiện đặc sắc nhất của nhân cách Hồ Chí Minh. Từ kết quả nghiên cứu, các tác giả trên đã kết luận: “Thừa Thiên - Huế là một trong những địa bàn quan trọng trong bước đầu xuất hiện tư tưởng cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Tác giả Trần Minh Trưởng và cộng sự trong công trình Ảnh hưởng của các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc đến sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh [157] đã chỉ rõ bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam là tài sản vô giá của dân tộc, góp phần làm giàu tri thức văn hóa nhân loại. Đồng thời, công trình cũng chỉ ra văn hóa truyền thống dân tộc, truyền thống yêu nước đã trở thành xuất phát điểm, động lực thôi thúc Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước và là nhân tố quan trọng hình thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh. Các tác giả chưa có điều kiện đi sâu nghiên cứu những ảnh hưởng của các giá trị văn hóa Huế với tư cách là một trong ba vùng văn hóa đặc trưng của Việt Nam cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Tuy nhiên, những kiến giải về ảnh hưởng của các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và phương pháp nghiên cứu của công trình này có ý nghĩa phương pháp luận, định hướng cho việc thực hiện luận án này. Bên cạnh đó, Bác Hồ với miền núi Ngự sông Hương [174] của Phạm Hồng Việt đã luận giải Huế với tình thương cùng nỗi gian truân của gia đình, với tình nghĩa đồng bào, láng giềng hàng xóm, với những tác động ngược chiều khác nhau của xã
  • 28. 24 hội và nhà trường đối với Hồ Chí Minh. Tác giả khẳng định từ Huế, Nguyễn Tất Thành đã chín chắn và hình thành quyết định ra đi tìm đường cứu nước. Ngoài các công trình nêu trên, liên quan đến đề tài còn có một số công trình như: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tiểu sử và sự nghiệp [15], Phong trào kháng thuế của nông dân miền Trung Việt Nam năm 1908 và sự tham gia đấu tranh của anh Nguyễn Tất Thành (Chủ tịch Hồ Chí Minh) tại Thừa Thiên Huế [23], Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam [48], Vĩ đại một con người [52], Vàng trong lửa - Chủ tịch Hồ Chí Minh với miền Nam Tổ quốc [53], Thời thanh niên của Bác Hồ [56], Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, tập 1 (1890-1929) [64], Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch [147], v.v… Ngoài các công trình nêu trên, liên quan đến sự hình thành và phát triển nhân cách Hồ Chí Minh thời trẻ còn có một số bài báo như: Tân văn - Tân thư và ảnh hưởng của nó đến tư tưởng yêu nước ở Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX [24], Dưới mái trường Quốc Học [28], Dưới mái tranh trường Quốc Học những năm 1906 - 1911 [29], Nơi đặt nền móng đầu tiên cho chặng đường cứu nước của Hồ Chủ tịch [69], Về con đường cứu nước của Hồ Chí Minh [77], Hồ Chí Minh và sự chủ động sáng tạo trong việc lựa chọn con đường cứu nước [107],v.v… Các công trình nêu trên mặc dù không trực tiếp đi sâu nghiên cứu những ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế đến sự hình thành và phát triển nhân cách Hồ Chí Minh, những đã nêu rõ thời kì ở Huế, những ảnh hưởng của các điều kiện về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của Huế đã góp phần đưa ra quyết định ra đi tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh. 1.2. NHỮNG VẤN ĐỀ KẾ THỪA VÀ ĐỊNH HƯỚNG TRIỂN KHAI CỦA ĐỀ TÀI 1.2.1. Những vấn đề luận án kế thừa Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án ở trên cho thấy việc nghiên cứu về văn hóa Huế và Hồ Chí Minh nói chung là hết sức phong phú, nhiều góc độ, khía cạnh với nội dung sâu sắc. Tuy nhiên, nghiên cứu ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế đến sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh là một chủ đề chưa có công trình độc lập, trình bày hệ thống, đặc biệt là từ góc độ chuyên ngành Hồ Chí Minh học. Do đó, chúng tôi cố gắng vận dụng những nguồn tư liệu, đặc biệt là khai thác các bài viết, bài phát biểu và các đoạn trích có tính chất hồi ức của Hồ
  • 29. 25 Chí Minh được Người viết trong quá trình hoạt động cách mạng ở trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, để tìm những tư liệu khoa học cho đề tài này, luận án còn khai thác những vấn đề liên quan đến văn hóa, văn hóa Huế, cũng như những tư liệu hồi ký, tài liệu phỏng vấn những người sống cùng thời với Hồ Chí Minh thời kì ở Huế, đã được một số nhà nghiên cứu tâm huyết sưu tầm và biên soạn. Trên cơ sở khảo cứu các tài liệu, các công trình tiêu biểu nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, luận án kế thừa các quan điểm, cách tiếp cận khác nhau về văn hóa nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng. Những đóng góp của các nhà nghiên cứu trong việc luận giải các khái niệm, cấu trúc, các thiết chế và chức năng văn hóa, diễn trình lịch sử của văn hóa, không gian văn hóa Việt Nam và những ảnh hưởng của văn hóa tới nhân cách con người... là cơ sở để kiến giải khái niệm “không gian văn hóa Huế”. Với nhóm công trình nghiên cứu về văn hóa Huế và không gian văn hóa Huế, mặc dù chưa có công trình chuyên sâu, nhưng các cách tiếp cận, nghiên cứu từng mặt, từng khía cạnh về văn hóa Huế của các tác giả là những cứ liệu quan trọng, làm cơ sở khoa học để luận giải các khái niệm, cấu trúc của “không gian văn hóa Huế”. Như vậy, các công trình nghiên cứu về văn hóa Việt Nam nói chung và không gian văn hóa Huế nói riêng nêu trên đã cung cấp những tri thức cần thiết để xây dựng hệ thống khái niệm, cấu trúc văn hóa Huế và không gian văn hóa Huế. Ngoài ra, luận án còn kế thừa kết quả của công trình nghiên cứu những ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế đến nhân cách Hồ Chí Minh. Các công trình nêu trên đã luận giải những ảnh hưởng của các điều kiện về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của Huế đến Hồ Chí Minh. Lập luận khoa học của các nhà nghiên cứu sẽ là cơ sở vững chắc để có thể thực hiện đề tài này. Nghiên cứu về nhân cách Hồ Chí Minh cho đến nay chưa có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu. Một số nhà khoa học trong các bài viết đã bước đầu luận giải về sự hình thành một nhân cách; đặc trưng và sức lan tỏa của nhân cách hồ Chí Minh… Luận án đã kế thừa phương pháp nghiên cứu, cách thức tiếp cận, cũng như những quan điểm về sự hình thành, phát triển và đặc trưng nhân cách Hồ Chí Minh.
  • 30. 26 1.2.2. Những vấn đề luận án tập trung nghiên cứu Mặc dù các nhà khoa học, nhà nghiên cứu với sự nỗ lực của mình, thông qua cái bài báo, đề tài khoa học đã cố gắng luận giải về các nội dung như: nhân cách Hồ Chí Minh, những ảnh hưởng của các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam, của vùng đất Nghệ - Tĩnh và Huế đến Hồ Chí Minh... Tuy nhiên, chưa có một công trình nghiên cứu toàn diện và sâu sắc những ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế đến sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh. Từ thực trạng nghiên cứu trên, nghiên cứu sinh nhận thấy cần nghiên cứu ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế đến sự hình thành và phát triển nhân cách Hồ Chí Minh. Căn cứ vào mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án đề ra, từ góc độ chuyên ngành Hồ Chí Minh học, luận án thấy cần phải tiếp tục nghiên cứu để làm rõ những vấn đề chủ yếu sau: Thứ nhất, nghiên cứu làm rõ khái niệm, cấu trúc nhân cách, quy luật hình thành nhân cách, trong đó tập trung làm rõ quan niệm chủ nghĩa Mác - Lênin về nhân cách. Từ việc hệ thống hóa tri thức về nhân cách nói chung và nhân cách Hồ Chí Minh, luận án làm rõ khái niệm nhân cách Hồ Chí Minh. Thứ hai, trên cơ sở hệ thống hóa tri thức, luận án làm rõ những khái niệm, cấu trúc và những nét đặc trưng của không gian văn hóa Huế, cũng như xác định và phân tích các nhân tố chủ yếu của không gian văn hóa Huế ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh. Thứ ba, trên cơ sở hệ thống hóa tri thức về nhân cách Hồ Chí Minh, luận án phân tích những biểu hiện của nhân cách Hồ Chí Minh từ sự ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế, trong những năm tháng Người sống và học tập ở Huế. Thứ tư, nhận xét về những ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế đến sự hình thành và phát triển nhân cách Hồ Chí Minh, đồng thời rút ra ý nghĩa của vấn đề nghiên cứu để phát triển nhân cách Hồ Chí Minh hiện nay.
  • 31. 27 TIỂU KẾT CHƯƠNG 1 Nghiên cứu “Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh”, luận án đã tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài thông qua khảo sát, phân tích, nhận định các công trình nghiên cứu theo 3 nhóm: (1) Các công trình nghiên cứu không gian văn hóa Huế; (2) Các công trình nghiên cứu những ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế đến nhân cách Hồ Chí Minh; (3) Các công trình nghiên cứu về nhân cách Hồ Chí Minh. Qua đó nhận thấy, Hồ Chí Minh là một nhân vật kiệt xuất của Việt Nam và thế giới, do đó có nhiều công trình nghiên cứu về Người từ cuộc đời, tiểu sử, sự nghiệp cách mạng, hệ thống quan điểm, tư tưởng, phương pháp và phong cách. Tuy nhiên, chủ đề nhân cách Hồ Chí Minh chưa thật sự có nhiều công trình nghiên cứu. Một số công trình nghiên cứu bước đầu làm rõ những đặc trưng về nhân cách Hồ Chí Minh, tuy nhiên lại nhấn mạnh nhiều yếu tố đạo đức hơn là trí tuệ. Về ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế đến sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh, cho đến nay chưa có nhiều đề tài nghiên cứu chuyên sâu. Đa phần các công trình, bài viết tập trung làm rõ những tác động riêng lẻ từ đời sống chính trị, những biến động về chính trị đến sự hình thành tư tưởng yêu nước và nhân cách Hồ Chí Minh, một số công trình làm rõ đặc trưng và giá trị của nhân cách Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, thật thiếu sót khi chưa có công trình nào nghiên cứu một cách toàn diện, sâu sắc, có hệ thống về sự ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế đến sự hình thành và phát triển nhân cách Hồ Chí Minh. Kết quả nghiên cứu của các công trình liên quan là nguồn tư liệu quý giá để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu của luận án. Tuy nhiên, từ tổng quan tình hình nghiên cứu trên, đặt ra những vấn đề luận án tiếp tục làm rõ: quan niệm về nhân cách Hồ Chí Minh và không gian văn hóa Huế; những yếu tố cấu thành không gian văn hóa Huế; những ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế đến sự hình thành và phát triển nhân cách Hồ Chí Minh; những biểu hiện của nhân cách Hồ Chí Minh từ ảnh hưởng của không gian văn hóa Huế; ý nghĩa của việc nghiên cứu đề tài đối với việc giáo dục và rèn luyện đạo đức, nhân cách cho thế hệ trẻ hiện nay. Những vấn đề này cũng là nhiệm vụ nghiên cứu chính và được làm rõ trong các chương tiếp theo của luận án.
  • 32. 28 Chương 2 MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÍ LUẬN VỀ NHÂN CÁCH HỒ CHÍ MINH VÀ KHÔNG GIAN VĂN HÓA HUẾ 2.1. NHÂN CÁCH HỒ CHÍ MINH 2.1.1. Khái niệm, cấu trúc, quy luật nhân cách 2.1.1.1. Khái niệm nhân cách Nhân cách là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học khác nhau, như triết học, xã hội học, chính trị học, luật học, tâm lí học, giáo dục học, xã hội học, đạo đức học… Từ nhiều cách tiếp cận, các nhà nghiên cứu đã đưa ra những kiến giải khác nhau về nhân cách. Trong đó, quan điểm triết học về nhân cách con người, về cơ bản, có những khác biệt so với quan điểm của các khoa học cụ thể. Theo quan điểm của các nhà tư tưởng triết học phương Đông, con người là tiểu vũ trụ, mang những đặc tính của vũ trụ. Những đặc tính này chi phối sự phát triển con người. Thực thể con người là sản phẩm của nguyên lý âm dương, vừa đối lập vừa thống nhất, chứa đựng và chuyển hóa lẫn nhau, trời - đất - người hợp thành một (thiên - địa - nhân hợp nhất). Mạnh Tử nhận xét rằng khi phát triển hết mình, con người không chỉ có thể biết trời mà còn hợp nhất với trời làm một. Tính cách của con người chịu ảnh hưởng của ngũ hành và chia ra loại người: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Người phương Đông đánh giá con người qua chất là chủ yếu, lượng là phụ; lấy “tâm thiện” là lí tưởng, đề cao tính thiện, tính nhân, thích sự im lặng, nhẹ nhàng, đề cao sự cân bằng không thái quá, biết đủ là giàu, giản dị ở vật chất, giản dị trong nội tâm, trong ngôn từ, trong quan hệ với mọi người. Ở Việt Nam, thuật ngữ nhân cách được luận giải theo nhiều góc độ khác nhau: (1) Nhân cách được hiểu là con người có đức và tài, hay là tính cách và năng lực, hoặc là con người có các phẩm chất: Đức, Trí, Thể, Mĩ, Lao (lao động); (2) Nhân cách được hiểu như các phẩm chất và năng lực của con người; (3) Nhân cách được hiểu như phẩm chất của con người mới: làm chủ, yêu nước, nhân ái, tinh thần quốc tế vô sản, tinh thần lao động; (4) Nhân cách được hiểu như mặt đạo đức, giá trị làm người của con người… Trong Tâm lí học đại cương, Nguyễn Quang Uẩn xác định
  • 33. 29 nhân cách là tổ hợp những đặc điểm, những thuộc tính tâm lí của cá nhân, biểu hiện bản sắc và giá trị xã hội của con người. Từ điển Tiếng Việt ghi rõ nhân cách là “tư cách và phẩm chất con người” [119, tr.710] và “phẩm chất” đó được Hồ Chí Minh nêu khái quát thành các “tư cách” của người cách mạng với 23 điều ngắn gọn, thuộc về ba cách ứng xử của người cách mạng với bản thân, người khác và công việc. Nếu như Mạnh Tử coi nhân cách là tiên thiên, con người sinh ra vốn tính thiện “nhân chi sơ, tính bản thiện” hay Tuân Tử thì ngược lại “nhân chi sơ, tính bản ác”, thì Hồ Chí Minh lại có cách nhìn khoa học và toàn diện hơn. Theo quan điểm của Người, con người từ khi sinh ra chỉ là một sinh vật, chưa có nhân cách, quá trình đứa trẻ lớn lên và thông qua quá trình xã hội hóa thì nhân cách mới được hình thành và phát triển. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Ngủ thì ai cũng lương thiện, tỉnh dậy sinh ra kẻ dữ hiền”. Quan điểm của Người không thần thánh hóa theo kiểu duy tâm mà coi nhân cách như là một yếu tố động, bởi từ lúc chào đời cho đến khi trưởng thành thì cá nhân bao giờ cũng chịu sực tác động của môi trường xung quanh, đồng thời con người cũng là chủ thể của các hoạt động và giao tiếp. Nếu Khổng Tử xem nhân cách con người thể hiện ở Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, trong đó Nhân là gốc, thì Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến 5 “tính tốt”, đó là: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm. Trong đó, Nhân là thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng bào, đồng chí,... sẵn sàng hi sinh vì mọi người, khổ trước mọi người, vui sau thiên hạ. Vì thế không ham giàu sang, không e cực khổ, không sợ uy quyền; Nghĩa là ngay thẳng, không tư tâm, không làm việc bậy, không có việc gì phải giấu đoàn thể. Ngoài lợi ích của đoàn thể, không có lợi ích riêng phải lo toan; Trí là đầu óc trong sạch sáng suốt, không mù quáng, dễ hiểu lí, dễ tìm phương hướng, biết xem người, biết xét việc. Vì vậy mà biết làm việc có lợi tránh việc có hại cho đoàn thể; Dũng là dũng cảm, gan góc, gặp việc gì phải có gan làm, thấy khuyết điểm phải có gan sửa chữa, cực khổ khó khăn có gan chịu đựng. Có gan chống lại những vinh hoa, phú quý không chính đáng. Nếu cần thì có gan hi sinh cả tính mệnh cho đoàn thể: cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè nhút nhát; Liêm là không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham sung sướng, không ham người tâng bốc mình. Vì vậy, mà
  • 34. 30 quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa. Chỉ có một cái ham là ham học, ham làm và ham tiến bộ [96, tr.291-292]. Ở phương Tây, khái niệm nhân cách được luận giải khá phong phú. Nhà triết học Hy Lạp - Aristotle (384-322 TCN) cho rằng con người là một “động vật chính trị”, xã hội và nền giáo dục tác động đến sự phát triển của con người, hình thành nhân cách con người. Cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, các nhà tâm lí học Đức là Wilhelm Dilthey (1833-1911) và Eduard Spranger (1882-1963) lần đầu tiên đưa ra khái niệm nhân cách là cái mặt nạ có tính chất xã hội của cái tôi bên trong, khi nào cái mặt nạ đó trùng với cái tôi thì nhân cách phát triển chín muồi. Nhà tâm lí học Xô Viết, X.L. Rubinstein cho rằng con người là nhân cách do nó xác định được quan hệ của mình với những người xung quanh một cách có ý thức. Nhân cách được hình thành và phát triển nhờ các mối quan hệ xã hội, trong quá trình thực hiện các mối quan hệ xã hội đó cá nhân phát triển và bắt đầu quá trình hoạt động sống của mình. Do vậy, có nhiều định nghĩa khác nhau về nhân cách, nhưng nhân cách thường được xác định như là một hệ thống quan hệ của con người với thế giới xung quanh và với chính bản thân mình. Trên quan điểm triết học duy vật biện chứng, một số nhà tâm lí học Xô-viết có các cách tiếp cận khác nhau về nhân cách. A.N. Leonchiep (1903-1979) coi nhân cách như một cấu tạo tâm lí mới, được hình thành trong các quan hệ sống của cá nhân do kết quả hoạt động cải tạo của người đó. Xem xét nhân cách dưới góc độ triết học, các nhà kinh điển Mác - Lênin cho rằng nhân cách là những phẩm chất, những trạng thái, tính chất, xu hướng bên trong của từng cá nhân. Đó là thế giới của cái “tôi” do tác động tổng hợp của các yếu tố cơ thể và xã hội hết sức riêng biệt tạo nên để cá nhân đó có thể tồn tại và hoàn thành trách nhiệm của mình đối với bản thân và xã hội [75]. Định nghĩa này xác định bốn điểm cơ bản sau: + Thứ nhất, nhân cách luôn gắn với con người hiện thực, là sản phẩm của những hoàn cảnh xã hội, lịch sử cụ thể. Con người là một chỉnh thể thống nhất, trong đó cộng gộp các yếu tố tự nhiên và xã hội. Trong quá trình phát triển, cấu tạo sinh vật di truyền và tâm sinh lí của cá nhân là cơ sở nền tảng để hình thành nên những đặc điểm lịch sử - xã hội của con người.
  • 35. 31 + Thứ hai, con người hình thành nhân cách của mình là một quá trình kép, xã hội hóa cá nhân và cá nhân hóa xã hội. Với những đặc điểm về di truyền, sinh lý, gia đình và hoàn cảnh sống, mỗi cá nhân tiếp thu và chuyển hóa những giá trị văn hóa của xã hội vào trong mình, thực hiện quá trình sàng lọc, tự giáo dục, tự tạo nên thế giới riêng của mình. Từ đó, hình thành nên những dạng riêng biệt về động lực, niềm tin, ý chí, định hướng giá trị… trong xúc cảm, nhận thức và hành động. + Thứ ba, con người vừa là chủ thể vừa là khách thể của sự phát triển. Con người chỉ hình thành nhân cách trong những điều kiện xã hội nhất định. Trong quá trình đó, mỗi cá nhân bằng sự hoạt động tích cực của mình, tiến hành các hoạt động, tiếp nhận tri thức và kinh nghiệm xã hội, hình thành các phẩm chất xã hội và tâm lí nhất định. Với nhân cách riêng, mỗi cá nhân có khả năng tự ý thức về mình, làm chủ cuộc sống của mình, tự lựa chọn nhiệm vụ, trách nhiệm hoạt động cụ thể trong xã hội. Một trong những yếu tố then chốt của nhân cách là sự thôi thúc nội tâm, là ý chí cá nhân vươn đến những mục đích mà mình mong muốn. + Thứ tư, nhân cách là nói đến con người đã hình thành về mặt xã hội, là sự biểu hiện chức năng xã hội của con người. Con người sinh ra không tự hình thành nhân cách mà chỉ là một cá thể người. Cá thể này chỉ trở thành nhân cách khi nó mang tính chất là một chủ thể của các quan hệ xã hội với những đặc điểm về thái độ, tình cảm, bản lĩnh, hành vi phù hợp với các thang giá trị xã hội [13, tr.184-186]. Như vậy, nhân cách là hệ thống những phẩm giá của một người được đánh giá từ mối quan hệ qua lại của người đó với những người khác, với tập thể, với xã hội và với môi trường xung quanh từ quá khứ, hiện tại và tương lai. Nhân cách là giá trị được xây dựng và hình thành trong toàn bộ thời gian con người tồn tại trong xã hội, nó đặc trưng cho mỗi con người, thể hiện những phẩm chất bên trong con người nhưng lại mang tính xã hội sâu sắc. Từ các quan niệm trên, có đi đến khẳng định nhân cách là hệ thống những phẩm giá và năng lực của một người được hình thành và phát triển trong tương tác giữa con người với tự nhiên và xã hội, nó đặc trưng cho mỗi con người, thể hiện những phẩm chất bên trong con người mang tính xã hội sâu sắc.
  • 36. 32 2.1.1.2. Cấu trúc nhân cách Bàn về cấu trúc của nhân cách có nhiều quan niệm khác nhau. Tùy theo quan niệm về bản chất nhân cách, mỗi nhà nghiên cứu đưa ra một cấu trúc khác nhau về nhân cách. J. Stefanovi đưa ra cấu trúc nhân cách bao gồm năm thành phần: đặc điểm tích cực - động cơ của nhân cách như xu hướng, nguyện vọng, hứng thú, kế hoạch sống; đặc điểm lập trường - quan hệ của nhân cách thể hiện mặt giá trị của nhân cách bao gồm lập trường, lí tưởng và quan điểm sống; đặc điểm về mặt hành động của nhân cách bao gồm tri thức, kĩ xảo và thói quen; đặc điểm tự điều chỉnh của nhân cách bao gồm tự ý thức, tự đánh giá, tự phê bình của nhân cách; đặc điểm về động thái của nhân cách thể hiện ở khí chất của nó. K.K. Platonov lại cho rằng nhân cách gồm bốn tiểu cấu trúc sau: Tiểu cấu trúc có nguồn gốc sinh học (gồm: khí chất, giới tính, lứa tuổi và cả những đặc điểm tâm lí); tiểu cấu trúc các đặc điểm của các quá trình tâm lí (gồm: trí tuệ, trí nhớ, ý chí, đặc điểm của cảm xúc…); tiểu cấu trúc về vốn kinh nghiệm (gồm: tri thức, kĩ năng, kĩ xảo, thói quen…); tiểu cấu trúc xu hướng nhân cách (gồm: nhu cầu, hứng thú, lí tưởng, thế giới quan, niềm tin…). Cũng có quan niệm coi nhân cách gồm 4 nhóm thuộc tính tâm lí điển hình của cá nhân: xu hướng, tính cách, khí chất, năng lực. Theo Phạm Minh Hạc, thì nhân cách con người bao gồm bốn bộ phận: xu hướng của nhân cách; khả năng của nhân cách; phong cách, hành vi của nhân cách; hệ thống điều khiển của nhân cách. Ngoài các cách phân định trên, một số nhà nghiên cứu cho rằng cấu trúc nhân cách gồm ba thành phần. Theo A.G. Covaliov, nhân cách được cấu thành từ các quá trình tâm lí, các trạng thái tâm lí và các thuộc tính tâm lí cá nhân. Còn Sigmund Freud cho rằng đó là cái nó, cái tôi và cái siêu tôi. Ngoài ra, cũng có quan điểm coi nhân cách bao gồm ba lĩnh vực là: nhận thức (tri thức và năng lực trí tuệ), tình cảm (rung cảm và thái độ) và ý chí (phẩm chất ý chí, kĩ năng, kĩ xảo, thói quen). Bàn về cấu trúc nhân cách, Hồ Chí Minh nhấn mạnh hai yếu tố quan trọng là đức và tài (hồng và chuyên). Trong đó, đức là gốc của con người, là nền tảng của nhân cách con người; tài là các năng lực thích ứng với xã hội của con người, là hiệu suất, hiệu quả trong một lĩnh vực hoạt động nào đó của họ. Người chỉ rõ: “Cũng
  • 37. 33 như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” [96, tr.293-294]. Theo Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng là quyết tâm suốt đời phấn đấu cho Đảng, cho cách mạng, đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích cá nhân mình, hết lòng phục vụ nhân dân. Mặt khác, muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ của người cán bộ cách mạng thì nhất thiết phải có tài, có năng lực công tác. Theo Người: “Có tài mà không có đức chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài cũng không lợi gì cho loài người” [102, tr.339]. Do đó, về năng lực cần có của người cách mạng, trước hết phải quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm chỉnh quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, có trình độ và năng lực cần thiết để đảm nhiệm trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó. Kế thừa quan điểm của Hồ Chí Minh, một số nhà khoa học cũng cho rằng cấu trúc nhân cách gồm hai thành phần cơ bản là đức và tài hay còn gọi là phẩm chất và năng lực (đạo đức và trí tuệ). Trong đó, mặt “Đức” được thể hiện qua những phẩm chất chủ yếu sau: (1) Phẩm chất xã hội: thế giới quan, thái độ chính trị - xã hội, thái độ lao động, lập trường cá nhân, trong đó thế giới quan là yếu tố quan trọng nhất. Sự phát triển của những phẩm chất này góp phần quan trọng giúp cá nhân có những nhận thức và hành động đúng đắn, hợp lý trong những hoàn cảnh, điều kiện thực tiễn khác nhau. Chỉ khi xác lập được thế giới quan thì mỗi cá nhân mới khẳng định nhân cách của mình trong cuộc sống; (2) Phẩm chất cá nhân: đạo đức, các đức tính, thói và tật, trong đó đạo đức là yếu tố quan trọng nhất. Đó là đạo đức của từng cá nhân riêng lẻ trong cộng động, phản ánh tồn tại xã hội của cá nhân ấy. Trong hoạt động nhận thức và thực tiễn của mình, cá nhân thực hiện đạo đức xã hội như là hệ thống kinh nghiệm xã hội, những lí tưởng, chuẩn mực, tư tưởng đánh giá đạo đức được hình thành trong lịch sử cộng đồng, biến kinh nghiệm xã hội thành kinh nghiệm của bản thân; (3) Phẩm chất ý chí, tính kỉ luật, phê phán, độc lập, tác phong… Thông qua các hoạt động thực tiễn, gắn với các mối quan hệ xã hội, cá nhân tự hình thành nhân cách thông qua ý thức kỉ luật, ý thức phê phán (tự phê bình
  • 38. 34 và phê bình), tinh thần độc lập trong các hoạt động và thái độ và cách thức ứng xử với các cá nhân và tập thể khác trong cộng đồng; (4) Cung cách ứng xử: tác phong, tính khí, lễ tiết trong giao tiếp, ứng xử giữa các cá nhân với cộng đồng xã hội. Gắn với các môi trường khác nhau, cung cách ứng xử được hình thành và tuân theo những chuẩn mực nhất định [13, tr.188]. Về mặt “Tài” được thể hiện qua năng lực hoàn thành, chất lượng và hiệu quả các nhiệm vụ và hoạt động được giao. Trong đó: (1) Năng lực xã hội hóa: khả năng chiếm lĩnh tri thức và từ vốn kiến thức ban đầu đó làm cơ sở cho sự sáng tạo của các chủ thể mang nhân cách trong hoạt động thực tiễn. Năng lực này còn được thể hiện ở khả năng thích nghi, thích ứng, hòa nhập, linh hoạt trong môi trường xã hội; (2) Năng lực chủ thể hóa: khả năng làm chủ, bản lĩnh, “cái tôi”, quan điểm, lập trường, sự cuốn hút, lôi cuốn người khác và các dấu ấn riêng có của cá nhân trong các mối quan hệ xã hội; (3) Năng lực hành động: khả năng hành động theo mục đích, lí tưởng, có tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo với năng suất, chất lượng và hiệu quả cao nhất, là thể hiện tính tích cực xã hội chủ thể mang nhân cách; (4) Năng lực giao lưu, giao tiếp: khả năng cá nhân thiết lập và duy trì các mối quan hệ với người khác và cộng đồng. Với đặc điểm, sở trường, phẩm chất cá nhân riêng mà sự giao lưu, giao tiếp của mỗi cá nhân được mở rộng hay bó hẹp [13, tr.189]. 2.1.1.3. Quy luật của sự hình thành và phát triển nhân cách Nhân cách con người không tự nhiên mà có, không được sinh ra đồng thời với sự hình thành bản thân con người. Sự hình thành và phát triển nhân cách là quá trình lâu dài, đó là kết quả của quá trình tích lũy dần dần những kinh nghiệm sống, những tri thức, tập nhiễm được trong quá trình sống và trưởng thành. Qua nghiên cứu, sự hình thành và phát triển nhân cách được thể hiện như sau: + Thứ nhất, nhân cách được hình thành và phát triển gắn với quá trình giáo dục, tự giáo dục và hoạt động thực tiễn của con người Giáo dục xuất hiện cùng với loài người và tồn tại, phát triển cùng với loài người. Con người lớn lên và trưởng thành qua quá trình tiếp nhận và thẩm thấu các tri thức văn hóa, xây dựng kĩ năng, biến thành phẩm chất người của mình trước hết