SlideShare a Scribd company logo
1 of 266
Download to read offline
VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
HÀ THÙY DƯƠNG
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT
VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ HỌC
HÀ NỘI – 2020
VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
HÀ THÙY DƯƠNG
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT
VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT
Chuyên ngành : Ngôn ngữ học
Mã số : 9229020
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS PHẠM VIỆT HÙNG
HÀ NỘI – 2020
i
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình do tôi nghiên cứu và thực hiện dưới
sự hướng dẫn của PGS.TS. Phạm Hùng Việt. Các tư liệu được sử dụng trong
luận án có xuất xứ rõ ràng. Để hoàn thành luận án này, ngoài các tài liệu tham
khảo đã liệt kê, tôi cam đoan không sao chép các công trình hoặc nghiên cứu
của người khác. Những kết quả nghiên cứu được nêu trong luận án là trung
thực và chưa từng được ai công bố trong bất kì công trình nào khác.
Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2020
TÁC GIẢ LUẬN ÁN
Hà Thùy Dương
ii
LỜI CẢM ƠN
Trước hết, tôi vô cùng biết ơn PGS.TS. Phạm Hùng Việt – người đã
trực tiếp dành nhiều thời gian tận tình hướng dẫn, cung cấp những thông tin
và tài liệu tham khảo quý báu giúp tôi hoàn thành Luận án này.
Tôi xin chân thành cảm ơn Ban Lãnh đạo Viện Từ điển học và Bách
khoa thư Việt Nam, nơi tôi đang công tác; các thầy cô giáo Khoa Ngôn ngữ
học – Học viện Khoa học Xã hội đã tạo điều kiện giúp đỡ tôi trong quá trình
thực hiện Luận án này.
Sau cùng, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đến những người thân cùng bạn bè
đồng nghiệp, những người luôn cổ vũ, động viên tôi hoàn thiện Luận án này.
Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2020
TÁC GIẢ LUẬN ÁN
Hà Thùy Dương
iii
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU .......................................................................................................... 1
1. Tính cấp thiết của đề tài ................................................................1
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án.............................1
2.1. Mục đích nghiên cứu........................................................................ 2
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu........................................................................ 2
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án..............................3
3.1. Đối tượng nghiên cứu....................................................................... 3
3.2. Phạm vi nghiên cứu.......................................................................... 3
4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án .......3
4.1. Phương pháp nghiên cứu................................................................. 3
4.2. Nguồn ngữ liệu nghiên cứu.............................................................. 5
5. Đóng góp mới về khoa học của luận án .........................................6
5.1. Đóng góp về mặt lí luận.................................................................... 6
5.2. Đóng góp về mặt thực tiễn................................................................ 6
6. Ý nghĩa lí luận và thực tiễn của luận án........................................6
6.1. Về mặt lí luận .................................................................................... 7
6.2. Về mặt thực tiễn ................................................................................ 7
7. Cơ cấu của luận án.........................................................................7
CHƯƠNG 1: .................................................................................................... 8
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÍ LUẬN.......... 8
1.1. Tổng quan tình hình hình nghiên cứu ........................................8
1.1.1. Tình hình nghiên cứu tên gọi thực vật trên thế giới.................... 8
1.1.2. Tình hình nghiên cứu tên gọi thực vật ở Việt Nam ...................10
1.1.3. Tình hình nghiên cứu, biên soạn từ điển tiếng Việt .............16
1.2. Cơ sở lí luận của việc nghiên cứu tên gọi cây nông nghiệp trong
tiếng Việt ..........................................................................................22
1.2.1. Vấn đề định danh.........................................................................22
iv
1.2.2. Một số cơ sở lí thuyết về từ và ngữ..............................................31
1.2.3. Một số vấn đề về nghĩa của từ .....................................................36
1.2.4. Một số vấn đề từ điển học............................................................42
1.3. Khái quát về cây nông nghiệp...................................................48
Tiểu kết.............................................................................................49
CHƯƠNG 2: ..................................................................................................50
ĐẶC ĐIỂM TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT..50
2.1. Dẫn nhập ...................................................................................50
2.2. Tên gọi cây nông nghiệp trong tiếng Việt xét về nguồn gốc ngôn
ngữ....................................................................................................51
2.3. Tên gọi cây nông nghiệp trong tiếng Việt xét về cấu tạo..........53
2.3.1. Cách thức biểu thị tên gọi cây nông nghiệp trong tiếng Việt ....53
2.3.2. Mô hình cấu tạo tên gọi cây nông nghiệp trong tiếng Việt........60
2.4. Tên gọi cây nông nghiệp trong tiếng Việt xét về đặc điểm định
danh..................................................................................................70
2.4.1. Những dấu hiệu được lựa chọn để định danh cây nông nghiệp70
2.4.2. Các mô hình định danh cây nông nghiệp trong tiếng Việt........73
2.4.3. Tên gọi cây nông nghiệp trong tiếng Việt xét về các bậc định danh.80
Tiểu kết.............................................................................................87
CHƯƠNG 3: ..................................................................................................89
ĐỊNH NGHĨA TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TIẾNG VIỆT TRONG
CÁC TỪ ĐIỂN GIẢI THÍCH......................................................................89
3.1. Dẫn nhập ...................................................................................89
3.2. Phân tích cấu trúc ngữ nghĩa của tên gọi cây nông nghiệp
trong tiếng Việt................................................................................89
3.2.1. Miêu tả và phân tích định nghĩa tên gọi cây nông nghiệp trong tiếng
Việt...........................................................................................................90
3.2.2. Mô hình cấu trúc ngữ nghĩa tên gọi cây nông nghiệp trong tiếng Việt
...............................................................................................................104
v
3.2.3. Nhận xét về định nghĩa từ ngữ chỉ tên gọi cây nông nghiệp trong
"Từ điển tiếng Việt" ..............................................................................107
3.3. So sánh định nghĩa tên gọi cây nông nghiệp trong các từ điển
giải thích tiếng Việt........................................................................115
3.3.1. So sánh định nghĩa tên gọi cây lương thực trong các từ điển giải
thích tiếng Việt ......................................................................................116
3.3.2. So sánh định nghĩa tên gọi cây ăn quả trong các từ điển giải
thích tiếng Việt .....................................................................................123
3.3.3. So sánh định nghĩa tên gọi cây nguyên liệu trong các từ điển giải
thích tiếng Việt ......................................................................................134
3.3.4. Đề xuất mô hình định nghĩa mục từ cây nông nghiệp trong từ
điển giải thích tiếng Việt......................................................................142
Tiểu kết...........................................................................................143
KẾT LUẬN..................................................................................................146
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ............151
TÀI LIỆU THAM KHẢO ..........................................................................152
PHỤ LỤC.....................................................................................................165
vi
DANH MỤC CÁC BẢNG
TT Tên gọi Trang
Bảng 2.1 Nguồn gốc ngôn ngữ của tên gọi cây nông nghiệp trong tiếng Việt 53
Bảng 2.2 Tổng hợp cấu tạo tên gọi cây nông nghiệp trong tiếng Việt 59
Bảng 2.3 Mô hình cấu tạo tên gọi cây nông nghiệp là ngữ định danh 69
Bảng 2.4 Tổng hợp các đặc điểm dùng để định danh cây nông nghiệp 79
Bảng 2.5 Các bậc định danh tên gọi cây nông nghiệp trong tiếng Việt 85
Bảng 3.1 Các nét nghĩa đặc trưng của tên gọi cây nông nghiệp tiếng Việt 103
Bảng 3.2
Nét nghĩa "cây trồng/được gieo trồng" được bổ sung vào lời định
nghĩa
111
Bảng 3.3 Nét nghĩa "thời điểm" được bổ sung vào lời định nghĩa 114
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
1.1. Việt Nam là nước thuộc vào nền văn minh nông nghiệp nên cây nông
nghiệp tự nhiên và thuần dưỡng rất phong phú và đa dạng. Tương ứng với đặc
điểm tồn tại khách quan đó, việc định danh, đặt tên cho cây nông nghiệp cũng
trở nên phong phú và đa dạng tương ứng. Ở nước ta trong số các công trình
nghiên cứu ở cấp trên và sau đại học đã có nhiều luận văn, luận án nghiên cứu về
thuật ngữ, về từ nghề nghiệp, còn tên gọi cây nông nghiệp là những từ, ngữ
thông thường chưa có công trình nghiên cứu tương xứng. Chưa có một công
khoa học nào nghiên cứu chuyên sâu về hệ thống các từ ngữ là tên gọi các loại
cây nông nghiệp trong tiếng Việt về phương diện cấu tạo, ngữ nghĩa, đặc điểm
định danh.
1.2. Từ điển là công cụ tra cứu hữu hiệu cho người sử dụng ngôn ngữ. Trong
sự phát triển thực tiễn, từ điển học thực hành ở Việt Nam, trong đó điển hình
là từ điển giải thích ngữ văn, đã phát triển mạnh mẽ. Số lượng từ điển tiếng
Việt tăng vọt vào thời gian mấy năm trở lại đây. Đến nay, chưa có những nghiên
cứu sâu sắc và có giá trị ứng dụng về các mô hình định nghĩa, cách giải thích ý
nghĩa của các kiểu loại mục từ trong các từ điển giải thích tiếng Việt. Việc tìm
hiểu định nghĩa các mục từ là tên gọi cây nông nghiệp trong các từ điển giải
thích sẽ bước đầu góp phần nâng cao chất lượng định nghĩa của từ điển.
1.3. Từ hai lí do trên, chúng tôi chọn đề tài Tên gọi cây nông nghiệp trong
tiếng Việt và cách giải thích trong từ điển tiếng Việt cho luận án của mình.
Luận án của chúng tôi sẽ tập trung khảo sát, nghiên cứu những đặc điểm về cấu
tạo, định danh và ngữ nghĩa của các từ ngữ là tên gọi các cây nông nghiệp trong
tiếng Việt. Trên cơ sở đó tìm hiểu định nghĩa các từ ngữ này trong từ điển giải
thích và đề xuất mô hình ngữ nghĩa để định nghĩa chính xác và thống nhất các
mục từ cây nông nghiệp trong từ điển giải thích tiếng Việt.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án
2
2.1. Mục đích nghiên cứu
- Làm sáng rõ các đặc điểm về cấu tạo, về định danh các từ ngữ là tên gọi các
loại cây nông nghiệp trong tiếng Việt;
- Phân tích, nhận xét định nghĩa các mục từ tên gọi các loại cây nông nghiệp
trong từ điển giải thích tiếng Việt để xác định mô hình cấu trúc nghĩa tên gọi cây
nông nghiệp;
- Đề xuất bổ sung các thông tin cần thiết vào định nghĩa và đưa ra một mô
hình định nghĩa phù hợp cho các mục từ là tên gọi cây nông nghiệp trong từ điển
giải thích tiếng Việt.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để đạt được mục đích trên, luận án tập trung giải quyết các nhiệm vụ sau:
a. Tổng quan tình hình nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam về tên gọi về
thực vật nói chung, cây nông nghiệp nói riêng. Từ đó xác định được các nội
dung nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án.
b. Xác lập được một khung lí thuyết liên quan đến đối tượng nghiên cứu, nội
dung nghiên cứu của luận án. Khung lí thuyết này gồm các vấn đề: lí thuyết về định
danh ngôn ngữ, lí thuyết về từ, cấu tạo từ, cụm từ; lí thuyết về nghĩa từ; lí thuyết về
từ điển học.
c. Khảo sát, thống kê, phân loại từ ngữ là tên gọi các loại cây nông nghiệp
trong tiếng Việt từ các nguồn ngữ liệu khác nhau; tìm hiểu đặc điểm cấu tạo của
chúng; xác định các đặc trưng được sử dụng để gọi tên (định danh) các loại cây
nông nghiệp, miêu tả cụ thể các phương thức định danh, mô hình định danh các
loại cây nông nghiệp trong tiếng Việt.
d. Khảo sát nội dung ngữ nghĩa tên gọi các loại cây nông nghiệp qua các định
nghĩa trong Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên), xác định các nét nghĩa
được sử dụng để định nghĩa tên gọi cây nông nghiệp và mô hình cấu trúc ngữ
nghĩa tổng quát của các định nghĩa tên gọi cây nông nghiệp.
e. So sánh định nghĩa một số mục từ tên gọi cây nông nghiệp trong 8 cuốn từ
điển giải thích tiếng Việt. Từ đó nêu nhận xét về cách định nghĩa, bổ sung các
3
thông tin cần thiết vào định nghĩa về cây nông nghiệp và đề xuất mô hình định
nghĩa các mục từ tên gọi cây nông nghiệp trong từ điển giải thích tiếng Việt.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là đặc điểm tên gọi cây nông nghiệp trong
tiếng Việt và định nghĩa cây nông nghiệp trong các từ điển giải thích trên cơ sở
2609 các từ ngữ là tên gọi cây nông nghiệp trong tiếng Việt được thu thập từ các
nguồn ngữ liệu đáng tin cậy khác nhau và các mục từ tên gọi cây nông nghiệp
trong các từ điển tiếng Việt. Đó là những từ thường dùng gọi tên các loại cây
được con người trồng, chăm sóc và thu hoạch phục vụ các nhu cầu khác nhau
của con người. Một số tên gọi cây nông nghiệp đã được định nghĩa trong từ điển
tiếng Việt cho trình độ phổ thông, đại học, phân biệt với nghĩa thuật ngữ và phân
biệt với từ nghề nghiệp về phạm vi sử dụng. Như vậy, những loại cây hoang dã
không phải là đối tượng nghiên cứu của luận án.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu của luận án gồm hai phương diện sau đây:
- Đặc điểm cấu tạo, đặc điểm định danh của tên gọi cây nông nghiệp trong
tiếng Việt.
- Ngữ nghĩa của các từ tên gọi cây nông nghiệp được thể hiện trong định
nghĩa các mục từ trong Từ điển tiếng Việt.
4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án
4.1. Phương pháp nghiên cứu
Luận án này sử dụng một số phương pháp và thủ pháp nghiên cứu của ngôn
ngữ học sau đây:
4.1.1. Phương pháp miêu tả
Phương pháp miêu tả được dùng để miêu tả đặc điểm cấu tạo tên gọi các loại
cây nông nghiệp, các phương thức định danh trong tên gọi các loại cây nông
4
nghiệp trong tiếng Việt. Từ đó nêu lên những nhận xét về những đặc trưng về
cấu tạo và định danh của tên gọi cây nông nghiệp trong tiếng Việt.
4.1.2. Phương pháp phân tích thành tố trực tiếp
Phương pháp này được áp dụng để phân tích cấu tạo tên gọi các cây nông
nghiệp theo thành tố trực tiếp nhằm xác định các yếu tố cấu tạo tên gọi các loại
cây nông nghiệp. Từ đó, tìm ra được các nguyên tắc cấu tạo tên gọi cây nông
nghiệp tiếng Việt, các mô hình cấu tạo của chúng.
4.1.3. Phương pháp phân tích thành tố nghĩa
Phương pháp này được áp dụng để phân tích cấu trúc ngữ nghĩa của từ là tên
các loại cây nông nghiệp được định nghĩa bằng cách dùng từ bao trong từ điển
tiếng Việt thành các nét nghĩa, từ đó xác lập các đặc trưng định danh làm cơ sở
xây dựng các mô hình định danh tên cây nông nghiệp, đồng thời xác định các
đặc trưng ngữ nghĩa (được thể hiện bằng các nét nghĩa trong lời định nghĩa)
được sử dụng để định nghĩa cây nông nghiệp tiếng Việt.
4.1.4. Phương pháp lịch sử so sánh
Luận án sử dụng phương pháp lich sử so sánh để so sánh một số định nghĩa
cây nông nghiệp trong 7 quyển từ điển tiếng Việt xuất bản trong khoảng thời
gian 80 năm (Việt Nam tự điển (Hội Khai trí - Tiến Đức, Sài Gòn, 1931 đến Từ
điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên, Hà Nội, tái bản năm
2012) để phân tích trúc ngữ nghĩa của mục từ tên gọi cây nông nghiệp.Từ đó xác
định các đặc trưng ngữ nghĩa (được thể hiện bằng các nét nghĩa trong lời định
nghĩa) được sử dụng để định nghĩa các loại cây nông nghiệp trong tiếng Việt.
4.1.5. Thủ pháp thống kê, phân loại
Thủ pháp thống kê được sử dụng để xác định số lượng từ ngữ là tên gọi các
loại cây nông nghiệp trong tiếng Việt, tỉ lệ phần trăm của các phương thức cấu
tạo, các mô hình định danh tên cây nông nghiệp trong tiếng Việt. Các kết quả
thống kê sẽ được tổng hợp lại dưới hình thức của bảng biểu giúp hình dung rõ
5
hơn các đặc điểm cấu tạo, phương thức định danh trong tên gọi cây nông nghiệp
trong tiếng Việt.
4.2. Nguồn ngữ liệu nghiên cứu
Ngữ liệu nghiên cứu của luận án là các từ ngữ gọi tên các cây nông nghiệp
trong tiếng Việt, tức là những loài cây có ích cho đời sống, được con người gieo
trồng trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp.
- Các mục từ là tên gọi các loại cây nông nghiệp xuất hiện trong các cuốn từ
điển: Việt Nam tự điển (Hội Khai trí - Tiến Đức, Sài Gòn, 1931) [46], Tự điển
Việt Nam phổ thông (Đào Văn Tập biên soạn, Sài Gòn, 1951) [93], Việt Nam tân
từ điển (Thanh Nghị biên soạn, Sài Gòn, 1952) [75], Tự điển Việt Nam (Lê Văn
Đức biên soạn, Sài Gòn, 1970) [32], Từ điển tiếng Việt (Văn Tân chủ biên, Hà
Nội, 1977) [92], Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên, Hà Nội, 1999)
[136], Từ điển từ và ngữ Việt Nam (Nguyễn Lân biên soạn, Tp. Hồ Chí Minh,
2000) [57], Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên, Hà
Nội, 2012) [125].
- Các Thông tư Ban hành Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất kinh
doanh ở Việt Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Tổng hợp danh sách các giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh
tại Việt Nam đến 20/10/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Tổng hợp danh sách các giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh
tại Việt Nam đến 28/7/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Danh mục bổ sung giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh ở Việt
Nam (Ban hành kèm theo Thông tư số: 01/2019/TT-BNNPTNT ngày 18 tháng 01
năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
- Danh sách giống lúa tại Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số
80/2005/QĐ - BNN ngày 05 tháng 12 năm 2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn.
6
- Danh sách giống khoai tại Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số
80/2005/QĐ - BNN ngày 05 tháng 12 năm 2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn.
Thực tế khảo sát các nguồn ngữ liệu, chúng tôi chỉ có ngữ liệu về một số loại
cây nông nghiệp là: lúa, ngô, khoai lang, sắn, đậu, lạc, vừng,...; cây ăn quả: cam,
bưởi, nhãn, vải, chuối, xoài, thanh long, mận, táo, dứa, dừa, nho, ổi,...; cây trồng
phục vụ công nghiệp, lâm nghiệp: cà phê, cao su, chè, mía, bông, đay, thuốc lá,
sơn, sở, trẩu, hồ tiêu, ca cao, hồi,... Số lượng tên cây thuốc rất lớn và cũng đã có
những công trình nghiên cứu chúng. Còn các cây thực phẩm như các loại rau,
cây gia vị không có tư liệu đầy đủ. Vì vậy, luận án này chỉ khảo sát tên gọi cây
nông nghiệp chỉ giới hạn là tên gọi cây lương thực, cây trồng phục vụ công
nghiệp, lâm nghiệp và cây ăn quả. Từ các nguồn ngữ liệu khác nhau, chúng tôi
đã thu thập được 2609 tên gọi cây nông nghiệp được biểu thị bằng từ và cụm từ
của tiếng Việt.
5. Đóng góp mới về khoa học của luận án
5.1. Đóng góp về mặt lí luận
Kết quả nghiên cứu của luận án góp thêm vào việc vận dụng lí thuyết ngôn
ngữ học (định danh ngôn ngữ, ngữ nghĩa học, từ điển học thực hành) để nghiên
cứu, xử lí từ ngữ tên gọi cây nông nghiệp trong tiếng Việt, chỉ rõ tính khoa học,
hiệu quả của các lí thuyết ngôn ngữ học vào nghiên cứu thực tế nguồn ngữ liệu
tiếng Việt.
5.2. Đóng góp về mặt thực tiễn
Các kết quả nghiên cứu của luận án có thể được sử dụng trong việc làm cơ sở
đặt tên bằng tiếng Việt cho các loại cây trồng mới ở Việt Nam, cũng như vào
việc định nghĩa các mục từ này trong từ điển được chính xác, khoa học hơn.
6. Ý nghĩa lí luận và thực tiễn của luận án
Có thể nói, đây là luận án đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu một cách hệ thống
và toàn diện những đặc điểm cơ bản về phương diện cấu tạo, định danh và cấu
7
trúc nghĩa tên gọi cây nông nghiệp trong định nghĩa của từ điển giải thích tiếng
Việt. Vì vậy, luận án sẽ có ý nghĩa như sau:
6.1. Về mặt lí luận
- Luận án sẽ làm rõ các đặc điểm được sử dụng để gọi tên (định danh) các
loại cây nông nghiệp trong tiếng Việt. Qua đó thấy được đặc điểm trong tư duy
của người Việt trong quá trình nhận thức thế giới khách quan thường chú ý tri
giác như thế nào, lựa chọn những đặc trưng nào của sự vật, đối tượng để làm cơ
sở đặt tên (định danh) cho chúng.
- Kết quả nghiên cứu của luận án là minh chứng về mối quan hệ giữa nghiên
cứu lí thuyết với nghiên cứu ứng dụng trong địa hạt ngôn ngữ học, sẽ góp phần
vào việc nâng cao chất lượng, độ chính xác của các định nghĩa về tên gọi các
loại cây nông nghiệp nói riêng trong các loại từ điển tiếng Việt.
6.2. Về mặt thực tiễn
Kết quả nghiên cứu của luận án sẽ:
- Cho phép xác định, đề xuất được các biện pháp, cách thức gọi tên (định
danh) các loại sự vật, hiện tượng mới xuất hiện dựa vào các đặc điểm riêng, nổi
bật (các đặc điểm định danh) của chúng.
- Có thể sử dụng cho việc giảng dạy từ vựng tiếng Việt và định nghĩa hệ
thống tên gọi các loài thực vật nói chung, tên gọi các loại cây nông nghiệp nói
riêng trong tiếng Việt trong từ điển giải thích tiếng Việt.
- Sử dụng thống nhất mô hình định nghĩa mà luận án đã đề xuất vào việc định
nghĩa các mục từ cây nông nghiệp trong từ điển giải thích tiếng Việt.
7. Cơ cấu của luận án
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Phụ lục, luận án gồm 3
chương được bố cục như sau:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu và cơ sở lí luận
Chương 2: Đặc điểm tên gọi cây nông nghiệp trong tiếng Việt
8
Chương 3: Định nghĩa tên gọi cây nông nghiệp tiếng Việt trong các từ điển
giải thích
CHƯƠNG 1:
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÍ LUẬN
1.1. Tổng quan tình hình hình nghiên cứu
Vì tên gọi cây nông nghiệp nói riêng thường được coi như một phần của tên
gọi thực vật nói chung, nên để thấy được tình hình nghiên cứu về tên gọi cây
nông nghiệp, luận án trình bày tổng quan về tình hình nghiên cứu tên gọi thực
vật trên thế giới và tình hình nghiên cứu tên gọi thực vật và tên gọi cây nông
nghiệp ở Việt Nam.
1.1.1. Tình hình nghiên cứu tên gọi thực vật trên thế giới
Trong ngôn ngữ học hiện đại, việc nghiên cứu đặc điểm cấu tạo và định danh
tên gọi thực vật trong các ngôn ngữ trên thế giới còn ít được nghiên cứu. Với sự
hiểu biết hạn chế của mình, chúng tôi trình bày khái quát một số công trình nghiên
cứu trên thế giới có liên quan đến đề tài luận án.
Luận án Phó tiến sĩ về đề tài Tên gọi dân tộc các loài thực vật (dựa trên ngữ
liệu tiếng Anh, tiếng Nga và tiếng Cadắc) [152] của G.I. Uiukbôva bảo vệ năm
1983 tại Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô thuộc loại
công trình nghiên cứu đầu tiên. Lựa chọn 523 tên gọi thực vật tiếng Anh, 290 tên
gọi thực vật tiếng Nga và 302 tên gọi thực vật tiếng Cadắc làm đối tượng nghiên
cứu, luận án đã miêu tả tên gọi thực vật trong ba ngôn ngữ này, xác định được 10
thuộc tính được sử dụng (tác giả gọi là "bộ lí do") để định danh thực vật trong các
ngôn ngữ Anh, Nga và Cadắc.
Luận án Phó tiến sĩ về đề tài Trường nghĩa "thực vật" trong tiếng Nga [151]
của Said Aliafar bảo vệ năm 1999 tại Trường Đại học Tổng hợp Xanh Pêtecbua đã
dựa vào 800 từ là tên gọi thực vật trong tiếng Nga được định nghĩa trong Từ điển
9
tiếng Nga của S.I. Ojegov và N. Ju. Svedova để nghiên cứu đặc điểm ngữ nghĩa
của các từ tên gọi thực vật trong tiếng Nga và cách giải thích nghĩa từ vựng của
chúng trong từ điển. Luận án cũng tìm hiểu đặc điểm định danh tên gọi các loại
cây và hoa trong tiếng Nga.
Luận án Phó tiến sĩ về đề tài Các phương thức định danh thực vật trong tiếng
Nanai [147] của L.J. Zacsor bảo vệ năm 2005 tại Xanh Pêtecbua đã dựa vào 1171
tên gọi thực vật trong tiếng Nanai để miêu tả nguồn gốc hình thành và đặc điểm
phát triển lịch sử tên gọi thực vật trong tiếng Nanai. Luận án cũng đã nghiên cứu
phương thức phụ tố trong định danh thực vật, tìm hiểu đặc điểm cấu tạo tên gọi
thực vật và đặc điểm định danh thực vật bằng các phương tiện hình thái, từ vựng -
ngữ nghĩa và cú pháp trong trong ngôn ngữ Nanai.
Luận án Phó tiến sĩ về đề tài Tên gọi các loài thực vật ngoại lai trong tiếng
Anh và tiếng Nga: Các bình diện cấu trúc - cấu tạo từ và mô típ định danh [146]
của A.V. Berestneva, bảo vệ năm 2008 tại Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia
Gomen (Bêlarus). Dựa vào 2.000 tên gọi tiếng Nga và hơn 2.500 tên gọi tiếng
Anh các loài thực vật ngoại lai, luận án đã phân tích cấu trúc - cấu tạo từ tên gọi
các loài thực vật ngoại lai tiếng Anh và tiếng Nga, xác định các nguyên tắc, dấu
hiệu định danh thực vật ngoại lai trong hai ngôn ngữ và xác định các loại dấu
hiệu được dùng để định danh các loài thực vật ngoại lai. Từ đó, luận án tiến hành
đối chiếu các dấu hiệu ngữ nghĩa có trong tên gọi các loài thực vật ngoại lai
trong hai ngôn ngữ để làm sáng rõ những nguyên tắc định danh mang tính phổ
quát và dân tộc.
Luận án Phó tiến sĩ về đề tài Tên gọi các loài dược thảo trong các ngôn ngữ có
cấu trúc khác nhau (dựa trên ngữ liệu tiếng Nga, tiếng Maria, tiếng Đức và tiếng
Latinh [150] của O.G. Rubxôva bảo vệ năm 2015 tại Trường Đại học Tổng hợp
Quốc gia Maria. Đối tượng nghiên cứu là tên gọi các loài dược thảo trong tiếng
Nga, tiếng Maria, tiếng Đức và tiếng Latin, gồm 4.000 tên gọi các loài dược thảo,
phân tích 3003 tên gọi, trong đó có 70 tên gọi Latinh, 1953 tên dược thảo tiếng
10
Nga, 383 tên dược thảo tiếng Maria và 597 tên dược thảo tiếng Đức. Luận án đã
nghiên cứu những nguyên tắc cơ bản được dùng để định danh các loài dược thảo
trong các ngôn ngữ này; xác định những đặc trưng làm cơ sở định danh và những
nguyên tắc định danh các loài dược thảo. Trên cơ sở đó, luận án đã phân loại và so
sánh tên gọi các loài dược thảo được thể hiện trong bốn ngôn ngữ này.
1.1.2. Tình hình nghiên cứu tên gọi thực vật ở Việt Nam
Trong vốn từ vựng tiếng Việt, tên gọi các loài thực vật nói chung, tên gọi các
loại cây nông nghiệp nói riêng được coi là một nhóm từ vựng - ngữ nghĩa. Đặc
điểm sinh học của các loài thực vật ở nước ta đã được nghiên cứu chuyên sâu từ
phương diện thực vật học, sinh học, nông học. Còn về phương diện ngôn ngữ
học, chưa có nhiều công trình nghiên cứu về tên gọi thực vật nói chung, tên gọi
cây nông nghiệp nói riêng. Vân đài loại ngữ [29] của Lê Quý Đôn và Lịch triều
hiến chương loại chí [19] của Phan Huy Chú có thể xem là những sách có tính
bách khoa toàn thư đầu tiên của Việt Nam đề cập đến nghề nông và sử dụng
nước. Gần đây một số chuyên khảo về nghề trồng lúa, một số quyển từ điển bách
khoa chuyên ngành về nông nghiệp, về cây thuốc Việt Nam đã được biên soạn:
Từ điển Bách khoa nông nghiệp [115], Từ điển Bách khoa nông nghiệp Việt Nam
[23], Từ điển cây thuốc Việt Nam (bộ mới), 2 tập [17], Văn minh lúa nước và
nghề trồng lúa Việt Nam [27].
Trong Việt ngữ học hiện đại, với tư cách là một nhóm từ vựng - ngữ nghĩa,
tên gọi các loài thực vật nói chung, tên gọi cây nông nghiệp nói riêng trong tiếng
Việt được nghiên cứu theo ba hướng: nghiên cứu từ cách tiếp cận từ vựng học
truyền thống; nghiên cứu theo hướng phong cách học và nghiên cứu theo hướng
của ngôn ngữ học tri nhận.
a. Nghiên cứu nhóm từ tên gọi thực vật theo truyền thống
Theo hướng nghiên cứu này có thể nêu ra một số bài viết, luận văn sau:
Luận văn tốt nghiệp đại học của Cao Thị Thu Đặc điểm định danh và ngữ
nghĩa trường từ vựng tên gọi thực vật trong tiếng Việt [106] bảo vệ năm 1995 tại
11
Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Dựa vào lời giải thích trong định nghĩa từ
điển giải thích tiếng Việt của 657 từ ngữ chỉ thực vật, tác giả luận văn sử dụng
phương pháp phân tích thành tố nghĩa để phân giải lời giải thích thành các nghĩa
vị khu biệt phản ánh những đặc trưng cơ bản của thực vật được biểu thị. Tác giả
đã xác định được 14 nghĩa vị khu biệt xuất hiện trong lời giải thích tên gọi thực
vật: tên chỉ loại; đặc điểm hình thức/cấu tạo; đặc điểm kích cỡ; vai trò trong đời
sống; đặc điểm màu sắc; đặc điểm vị trí, quan hệ trong phân loại sinh vật học;
vai trò trong y học; môi trường sống; đặc điểm vị; đặc điểm mùi; đặc điểm
thuần dưỡng; đặc điểm thời gian; đặc điểm tập tính sinh sống. Trên cơ sở đó tác
giả tìm hiểu quá trình chuyển nghĩa và những ý nghĩa biểu trưng của các từ ngữ
chỉ thực vật trong tiếng Việt.
Luận văn thạc sĩ của Trần Hạnh Nguyên Trường trường từ vựng - ngữ nghĩa
thực vật trong kho tàng ca dao người Việt [76] bảo vệ năm 2014 tại Trường Đại
học Sư phạm Hà Nội, tìm hiểu đặc điểm cấu tạo, đặc trưng ngữ nghĩa và giá trị
biểu trưng của tên các loài thực vật cùng những bộ phận cơ bản của chúng (hoa,
quả) xuất hiện trong kho tàng ca dao Việt Nam. Khảo sát 11825 lời ca trong Kho
tàng ca dao người Việt, tác giả luận văn xác định được có 2875 lời ca về trường
nghĩa thực vật, chiếm 24% và thống kê được 325 loại thực vật chỉ cây (tùng, cúc,
trúc, mai, tre, lúa, cây đa, rau cải, rau muống, rau răm,…). Có 2226 từ nói về
cây và rau (chiếm 49%): cây đào, cây liễu, cây trúc, cây tre, cây đa, cây lúa, cây
bèo, cỏ, rau muống, rau cải, rau răm, rau má, rau húng, gừng,...Dựa vào kết quả
thống kê, phân loại nêu trên tác giả tiến hành khảo sát, phân tích đặc điểm ngữ
nghĩa, sự chuyển trường của các từ ngữ chỉ tên thực vật trong ca dao, tìm hiểu ý
nghĩa biểu trưng của các từ thuộc trường nghĩa thực vật trong kho tàng ca dao
người Việt.
Luận án Từ ngữ chỉ động thực vật trong tiếng Việt và tiếng Anh [118] của
Nguyễn Thanh Tùng đã so sánh từ chỉ thực vật tiếng Việt và tiếng Anh trong từ
điển giải thích, trong thành ngữ và tục ngữ dựa trên cơ sở phân loại từ chỉ thực
12
vật dùng theo nghĩa đen và nghĩa bóng. Trong công trình này, tác giả đã chỉ ra
những đặc trưng ngôn ngữ - văn hóa của hai dân tộc Việt và Anh với hai loại
hình ngôn ngữ và văn hóa khác biệt nhau.
Hồ Văn Tuyên (2005) trong Đặc điểm định danh từ vựng trong phương ngữ
Nam Bộ [119], tác giả có đề cập đến cách định danh thực vật ở Nam Bộ xét về
mặt cấu tạo, phương thức biểu thị và ngữ nghĩa. Qua cách định danh này, tác giả
cho ta thấy rõ nét văn hóa rất đặc trưng trong tư duy của người Việt nói chung và
người Nam Bộ nói riêng.
Luận văn thạc sĩ của Lê Hồng Nhiên Từ chỉ thực vật trong tiếng Việt (đối
chiếu giữa các phương ngữ) [77], bảo vệ năm 2012 tại Trường Đại học Sư phạm
TP. Hồ Chí Minh đã thu thập được 391 từ chỉ thực vật có tên gọi khác nhau
trong các phương ngữ của tiếng Việt qua khảo sát các từ điển thường dùng và
điền dã. Tác giả công trình này đã phân loại và miêu tả đặc điểm cấu tạo từ (từ
đơn, từ ghép, từ láy), các mô hình cấu tạo từ ghép là các loài thực vật có tên gọi
khác nhau trong các phương ngữ tiếng Việt. Luận văn đã đối chiếu từ chỉ thực
vật giữa các phương ngữ xét về mặt cấu tạo, ngữ âm - ngữ nghĩa để làm rõ cách
tri nhận, tìm hiểu các yếu tố văn hóa, địa lí có ảnh hưởng đến quy luật định danh
tên gọi thực vật trong từng phương ngữ nói riêng và trong tiếng Việt nói chung.
Thông qua đối chiếu nhóm từ chỉ thực vật giữa các phương ngữ, luận văn đã nêu
lên những đặc trưng, những nét khác biệt chủ yếu về mặt cấu tạo, ngữ âm - ngữ
nghĩa giữa các phương ngữ, có sự so sánh với ngôn ngữ toàn dân.
Luận án của Trần Thị Hường Đặc điểm định danh tên cây thuốc Việt Nam (có
liên hệ tiếng Latinh) [50] bảo vệ năm 2020 tại Trường Đại học Khoa học xã hội
và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Luận án nghiên cứu định danh tên gọi
cây thuốc Việt Nam nhằm xác định nguồn gốc, đặc điểm cấu tạo và cơ sở đặt tên
cho cây thuốc, đồng thời khám phá đặc trưng văn hóa dân tộc của người Việt đối
với việc định danh cây thuốc, có sự liên hệ với tên gọi Latinh. Khảo sát 1966 tên
cây thuốc, luận án xác định được 1538 tên gọi thuần Việt, 414 tên gọi vay mượn
13
tiếng Hán và 14 tên gọi vay mượn các ngôn ngữ Ấn - Âu. Luận án đã xác định
được tên gọi cây thuốc Việt Nam có cấu tạo là từ gồm 678 đơn vị (chiếm
34,49%) và 1288 đơn vị (chiếm 65,51%) có cấu tạo là cụm từ (ngữ), miêu tả tên
gọi cây thuốc có cấu tạo là cụm từ theo các mô hình cấu tạo gồm từ 2 đến 5
thành tố. Những thành tố thu được đều là những yếu tố có nghĩa từ vựng biểu thị
một khái niệm hoặc đặc trưng của khái niệm có liên quan đến tên cây thuốc Việt
Nam. Tên gọi cây thuốc bằng tiếng Latinh gồm tên chi và tên loài cũng được
miêu tả cụ thể. Về phương diện định danh tên gọi cây thuốc Việt Nam, luận án
đã xác định được 151 tên gọi không có lí do (chiếm 7,68%) vì không giải thích
nổi vì sao gọi thế. Những tên gọi này thuộc loại định danh đơn (định danh cơ sở)
chủ yếu là những tên gọi có cấu tạo là từ đơn thuần Việt và từ vay mượn ngôn
ngữ Ấn - Âu. Còn lại1186 tên gọi cây thuốc là có lí do thuộc loại định danh phức
(chiếm 60,32%). Những tên gọi này có đặc trưng: dùng thành tố chỉ loài kết hợp
với các dấu hiệu chỉ đặc điểm để định danh. Với cây thuốc có tên khoa học tiếng
Latinh, các nhà khoa học đã dựa vào một số cơ sở sau để định danh cây thuốc: địa
danh nơi loài phát triển, hoặc nơi đầu tiên phát hiện; tên người đã khám phá, mô
tả loài đó; tên thể hiện tính chất đặc thù nào đó của loài (màu sắc, hình dạng, mùi
thơm, vùng sinh thái,…).
b. Nghiên cứu tên gọi thực vật theo hướng phong cách học
Theo hướng này, tên gọi thực vật và cây nông nghiệp trong tiếng Việt là ngữ
liệu để tìm hiểu các tín hiệu thẩm mĩ và nghĩa biểu trưng. Chỉ có một vài luận án,
luận văn, bài viết khảo sát bước đầu về trường tên gọi thực vật, chủ yếu tập trung
tìm hiểu tên loài thực vật và đặc điểm biểu trưng các loài thực vật trong thơ ca,
ca dao.
Luận án Tín hiệu thẩm mĩ thuộc trường nghĩa cây trong thơ Việt Nam [1] của
Phạm Thị Kim Anh đã tìm hiểu các từ thuộc trường nghĩa "cây" có chức năng
kiến tạo nghĩa thẩm mĩ được dùng để biểu thị các hình tượng nghệ thuật thơ. Luận
án đã miêu tả các đơn vị ngôn ngữ thuộc trường nghĩa "cây" trong thơ ca (cây tre,
14
trúc, thông, tùng, liễu, cỏ, lúa, lau, bèo, rêu). Từ đó, tìm hiểu sự biến đổi và
chuyển hóa cả về hình thức biểu đạt lẫn nội dung ý nghĩa của các từ chỉ các cây
trong thơ ca Việt Nam để chúng trở thành một hệ thống tín hiệu thẩm mĩ.
Một số tác giả nghiên cứu nghĩa biểu trưng của hoa, một bộ phận của cây trong
kho tàng ca dao của người Việt như: Hàm ý biểu trưng của từ chỉ hoa và tên hoa
trong ca dao của tác giả Hà Thị Quế Hương đã chỉ ra biểu trưng của các từ chỉ hoa
trong ca dao [49]. Bài viết Đôi nét về nhóm biểu tượng hoa trong ca dao của tác
giả Nguyễn Thị Ngọc Điệp đã đề cập tới biểu tượng hoa chỉ vẻ đẹp của người
thiếu nữ, biểu tượng về tình yêu,...[28]. Trần Văn Sáng đã xác định những giá
trị biểu trưng của hoa đào qua bài viết Hoa đào, từ biểu tượng văn hóa đến
biểu trưng văn học. Theo tác giả, "Nếu trong văn chương bác học, các nhà
thơ thường liên tưởng tới cả cây đào, thân đào, hoa đào với những biểu
trưng khác nhau thì trong ca dao, các thi sĩ dân gian lại chủ yếu sử dụng thi
liệu hoa đào để nói về người con gái, tình yêu đôi lứa và mối nhân duyên”
[89, tr. 44].
c. Nghiên cứu tên gọi thực vật theo hướng ngôn ngữ học tri nhận
Ở Việt Nam trong vài thập niên gần đây, những vấn đề về ngôn ngữ học tri
nhận nói chung và lí thuyết ẩn dụ ý niệm nói riêng đã thu hút sự chú ý của giới
nghiên cứu Việt ngữ học. Trong công trình Ngôn ngữ học tri nhận: Từ lí thuyết
đại cương đến thực tiễn tiếng Việt [100], Lý Toàn Thắng đi sâu vào việc nghiên
cứu ngữ nghĩa của từ “cây” và sự phân loại dân dã thực vật ở người Việt. Ông
xác định từ "cây" được sử dụng với 11 ý nghĩa khác nhau. Theo ông, cách dùng
của từ "cây" trong các ngữ cảnh khác nhau và sự phân loại dân dã thực vật của
người Việt, về cơ bản, không phải là nguyên lí “phân loại sinh học” mà quan
trọng là đặc tính về tri giác và về văn hóa, trong đó chủ yếu là nguyên lí “lấy con
người làm trung tâm” (dĩ nhân vi trung).
Luận án Ẩn dụ ý niệm của phạm trù thực vật trong tiếng Việt và tiếng Anh
của Trần Thị Phương Lý [68] đã nghiên cứu các ẩn dụ ý niệm trên nguồn ngữ
15
liệu cụ thể liên quan đến ý niệm thực vật trong tiếng Việt (có liên hệ với tiếng
Anh) nhằm tìm ra chứng cứ củng cố cho quan điểm tri nhận về ẩn dụ, giúp làm
phong phú thêm những nghiên cứu về ẩn dụ tiếng Việt. Dựa trên ngữ liệu chỉ
thực vật trong phạm vi nguồn cứ liệu chính là Từ điển tiếng Việt, luận án đã khảo
sát ẩn dụ ý niệm, tìm hiểu phương thức thiết lập và các thành tố của mô hình
chuyển di ý niệm (từ ý niệm thực vật để nhận thức các phạm trù ý niệm khác)
trên ngữ liệu biểu thức ngôn ngữ liên quan đến thực vật trong tiếng Việt (có liên
hệ với tiếng Anh), cũng như tìm hiểu các nền tảng kinh nghiệm phổ quát cho
phép thực hiện sự nhận thức thông qua con đường chuyển di này, từ đó, phân
loại và lí giải chức năng các loại ẩn dụ ý niệm THỰC VẬT.
Cũng từ góc độ ngôn ngữ học tri nhận, trong bài viết Chiếu xạ miền ý niệm
thực vật và con người trong ca từ Trịnh Công Sơn [43], Nguyễn Thị Bích Hạnh đã
nghiên cứu mô hình ẩn dụ ý niệm CON NGƯỜI LÀ THỰC VẬT trong ca từ
Trịnh Công Sơn, lí giải quy luật chiếu xạ từ ý niệm thực vật (miền NGUỒN) lên ý
niệm con người (miền ĐÍCH), tìm hiểu cách tri nhận của nhạc sĩ về con người và
các chu kì vòng đời người dựa trên ý niệm chu kì sinh trưởng của thực vật hiện
thân trong ngôn ngữ, từ đó giải mã con người văn hóa, vô thức cá nhân và thế giới
tinh thần của nhạc sĩ. Trong một bài viết khác với nhan đề Ẩn dụ ý niệm "CON
NGƯỜI LÀ CÂY" trong thành ngữ, tục nhữ tiếng Việt [44], Nguyễn Thị Bích
Hạnh đã tìm hiểu cách tri nhận của người Việt về con người và các chu kì vòng
đời người dựa trên ý niệm về chu kì sinh trưởng của thực vật được thể hiện trong
ngôn ngữ. Căn cứ vào những liên tưởng kinh nghiệm thể hiện trong tục ngữ tiếng
Việt và những miền tri thức được chiếu từ miền nguồn sang miền đích thể hiện
qua các thành ngữ tiếng Việt, tác giả đã chỉ ra cơ chế sao phỏng giữa hai miền
không gian trong tư duy ngôn ngữ của người Việt.
Tóm lại, các tác giả đi trước đề cập đến các từ chỉ thực vật như là một nhóm
từ vựng - ngữ nghĩa và nghiên cứu chúng từ nhiều góc độ: tìm hiểu đặc trưng từ
vựng - ngữ nghĩa (đặc điểm cấu tạo, đặc điểm ngữ nghĩa và định danh), nghiên
16
cứu các ẩn dụ ý niệm trên nguồn ngữ liệu liên quan đến ý niệm thực vật trong
tiếng Việt, nghiên cứu nghĩa biểu trưng của các từ ngữ chỉ thực vật và nghiên
cứu đối chiếu các từ ngữ chỉ thực vật trong các ngôn ngữ khác nhau. Từ đó, có
thể khẳng định rằng chưa có công trình nào nghiên cứu tên gọi cây nông nghiệp
tiếng Việt về phương diện cấu tạo, ngữ nghĩa, định danh và định nghĩa chúng
trong từ điển giải thích.
1.1.3. Tình hình nghiên cứu, biên soạn từ điển tiếng Việt
Về từ điển, có thể xem xét từ hai góc độ: nghiên cứu về từ điển - từ điển
học lí thuyết và biên soạn từ điển - từ điển học thực hành. Từ góc độ từ điển
học lí thuyết có thể xem xét sự phát triển của từ điển học qua những công
trình lí luận; từ góc độ từ điển học thực hành có thể xem xét sự phát triển
của ngành từ điển học qua những cuốn từ điển đã được biên soạn. Trong
thực tế hai mặt này gắn bó chặt chẽ với nhau, vì một cuốn từ điển được biên
soạn thường mang đậm dấu ấn của tác giả, cả về tri thức bách khoa lẫn tri
thức ngôn ngữ học. Theo thống kê của Vũ Quang Hào, "Chỉ tính riêng
những từ điển về tiếng Việt, liên quan đến tiếng Việt, được biên soạn bằng
tiếng Việt và được dịch ra tiếng Việt được xuất bản ở Việt Nam và nước
ngoài, từ 1651 đến 1998, đã là gần 1.000 đầu từ điển" [45, tr.21]. Đó là một
con số lớn. Trong khuôn khổ đề tài, luận án chỉ trình bày khái quát một số
vấn đề lí thuyết từ đó liên hệ với tình hình biên soạn thực tế và giới thiệu
một số quyển từ điển giải thích tiếng Việt mà luận án có khảo sát định nghĩa
một số mục từ cây nông nghiệp trong tiếng Việt.
1.1.3.1. Tình hình nghiên cứu lí thuyết từ điển học ở Việt Nam
Về phương diện nghiên cứu lí thuyết từ điển học, cho đến những thập
niên 90 của thế kỉ XX, Hoàng Phê và Nguyễn Ngọc Trâm khẳng định: "Từ
điển học Việt Nam ra đời rất muộn, thậm chí có thể nói rằng nó còn chưa
thật sự hình thành, mặc dù chúng ta cũng đã có nghiên cứu và kinh nghiệm
thực tiễn nhất định" [83,tr.9]. Hai tác giả này cũng cho rằng: "Từ những năm
17
1968 - 1969, chúng ta đã bắt đầu tìm hiểu lí luận từ điển học trong điều kiện
rất thiếu tài liệu tham khảo và tìm hiểu những bài học kinh nghiệm trong
công tác từ điển học của các nước cũng như kinh nghiệm của nước ta" [83,
tr.10]. Chu Bích Thu nhận thấy rằng ý kiến trên đây "vẫn không gây phản
ứng nào trong giới ngôn ngữ học" và khẳng định: "Quả thực, cho đến nay
cũng vẫn chưa có một công trình nghiên cứu nào về từ điển một cách toàn
diện và có hệ thống" [108,tr.12]. Tuy nhiên, tác giả cũng thừa nhận "những ý
kiến về từ điển và từ điển học đã có từ rất lâu". Thực tế đã có hàng loạt bài
viết đã trình bày những vấn đề lí thuyết từ điển học [5, 70, 78, 116, 124];
hoặc trình bày một vài vấn đề cụ thể của từ điển học [21, 60, 80, 83, 85,
124]; hoặc thông qua việc nhận xét, giới thiệu các quyển từ điển để phát
biểu về quan điểm và phương pháp biên soạn từ điển [7, 62]. Các bài viết
này "đã đặt nền móng cho một cách làm từ điển giải thích hiện đại, chấm dứt
giai đoạn làm từ điển chỉ bằng kinh nghiệm và sự cần mẫn" [108,tr.14]. Loạt
bài này đã đặt cơ sở cho việc biên soạn cuốn Từ điển tiếng Việt phổ thông
(tập 1) 1975 và sau đó là cuốn Từ điển tiếng Việt (Hoàng phê chủ biên) năm
1988, đồng thời cũng hình thành một hệ thống những quan niệm đầu tiên
cho một nền từ điển học lí thuyết ở Việt Nam" [108,tr.12]. Đến năm 1997,
công trình Một số vấn đề từ điển học ra đời mà các tác giả của nó chính là
những người tham gia biên soạn Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên,
xuất bản năm 1988 và đã tái bản nhiều lần) đã bắt tay tổng kết một số vấn đề
lí thuyết về từ điển. Ở đó, "những vấn đề muôn thuở của từ điển" như: cấu
trúc vĩ mô và cấu trúc vi mô của từ điển giải thích; vấn đề thu thập và giải
thích thuật ngữ trong từ điển; hệ thống các kiểu chú giải trong từ điển; cách
chú từ loại cho mục từ; thiết kế mẫu định nghĩa các mục từ ngữ văn
chương,... đã được các tác giả "nhìn nhận dưới ánh sáng của lí thuyết từ điển
học hiện đại và ngôn ngữ học hiện đại" [108,tr.13]. Đánh giá công trình này,
Chu Bích Thu viết: "Không thể nói những gì các tác giả của tập Một số vấn
18
đề từ điển học đã đề cập là hoàn toàn mới, nhưng có thể nói đây là sự kết
hợp khá nhuần nhuyễn giữa lí thuyết và thực hành khi biên soạn cũng như
đúc kết những vấn đề có tính lí thuyết của công tác từ điển trên thế giới vào
thực tế tiếng Việt. (...) Các tác giả đã cố gắng vận dụng những vấn đề tương
đối mới của ngôn ngữ học hiện đại vào việc biên soạn từ điển giải thích. (...)
Loạt bài này đồng thời đã và đang đặt nền móng cho việc tiếp tục biên soạn
một cuốn từ điển lớn hơn và tốt hơn" [108,tr.27].
Sau 1997, đáng chú ý nhất là cuốn sách Kiểm kê từ điển học Việt Nam
của Vũ Quang Hào. Với cấu trúc gồm 4 chương, cuốn sách giới thiệu đầy đủ
một số vấn đề chung về từ điển học, giới thiệu toàn cảnh về từ điển học lí
thuyết Việt Nam (1923 - 2005), toàn cảnh về từ điển học thực hành Việt
Nam (1651 - 2005) và một số vấn đề về từ điển học nước ngoài. Trong giai
đoạn này đã có khá nhiều bài viết chuyên về từ điển học của Nguyễn Văn
Thạc [94], Chu Bích Thu [105], Hồ Hải Thụy [107], Nguyễn Ngọc Trâm
[83], Lý Toàn Thắng [99], Nguyễn Tuyết Minh [70],...
Chương trình khoa học cấp Bộ Một số vấn đề cơ bản về lí luận và
phương pháp luận của thế giới và Việt Nam về biên soạn các loại từ điển
[126] do Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam triển khai trong hai
năm 2009 và 2010. Mục tiêu của chương trình là xác định các loại hình từ
điển và bách khoa thư cơ bản; xây dựng cơ sở lí luận và phương pháp biên
soạn đối với các loại hình từ điển và bách khoa thư để trên cơ sở đó, triển
khai biên soạn các loại từ điển và bách khoa thư Việt Nam. Chương trình
gồm bảy đề tài, trong đó đề tài thứ sáu: Một số vấn đề cơ bản về cơ sở lí
luận và phương pháp luận của thế giới và Việt Nam về việc biên sọan các
loại từ điển ngữ văn do Nguyễn Thanh Nga làm chủ nhiệm đã tập trung
nghiên cứu những vấn đề lí thuyết cơ bản của từ điển học: cấu trúc vĩ mô,
cấu trúc vi mô của từ điển ngữ văn; vấn đề nghĩa của từ và áp dụng phương
pháp phân tích thành tố nghĩa vào định nghĩa các mục từ của từ điển giải
19
thích; xây dựng các mẫu định nghĩa cho từ điển giải thích; các kiểu chú
trong từ điển giải thích; vai trò của ví dụ trong cấu trúc mục từ; các thông tin
bách khoa và thông tin ngôn ngữ trong định nghĩa các mục từ; nguyên tắc
chuyển chú giữa các mục từ,...
1.1.3.2. Tình hình biên soạn từ điển giải thích ở Việt Nam
Trong sự phát triển thực tiễn, từ điển học thực hành ở Việt Nam, trong đó
điển hình là từ điển giải thích ngữ văn, theo Chu Bích Thu [109,tr.194-195],
có thể chia thành ba giai đoạn phát triển. Giai đoạn trước thế kỉ XIX còn lại
chủ yếu là các tập từ vựng đối chiếu Hán - Việt và bộ Từ điển An Nam -
Lusitan - Latin xuất bản ở Rome năm 1651 (thường gọi là Từ điển Việt - Bồ
- La) của tác giả A. de Rhodes, giúp các giáo sĩ Tây Ban Nha truyền giáo là
những cuốn từ điển đối dịch tiếng Việt cổ nhất. Giai đoạn cuối thế kỉ XIX -
nửa đầu thế kỉ XX, về từ điển giải thích tiếng Việt, có cuốn Đại Nam quấc
âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của xuất bản cuối thế kỉ XIX (1895). Trong
giai đoạn này còn có ba cuốn từ điển giải thích được biên soạn có khối lượng
tương đối lớn và được coi là có giá trị. Đó là các cuốn:
- Việt Nam tự điển của Hội Khai trí Tiến Đức (khởi thảo), xuất bản năm
1931 ở Hà Nội, tái bản 1954 ở Pháp và Sài Gòn, chủ yếu lấy tự làm đơn vị
giải thích, tổng cộng có khoảng 24.500 mục từ.
- Việt Nam tân từ điển của Thanh Nghị, được phát hành lần đầu tiên năm
1951, gồm hai tập dày 1.774 trang với 35.000 từ (có cả tên riêng) (nhà xuất
bản Thời thế, Sài Gòn), năm 1958 tái bản và đổi tên thành Từ điển Việt Nam
cũng ở Sài Gòn, nhà xuất bản Thời thế.
- Tự điển Việt Nam phổ thông của Đào Văn Tập, Nhà sách Vĩnh Bảo xuất
bản năm 1952 ở Sài Gòn. Đây là một bộ từ điển (mặc dù tên gọi là tự điển)
dày 728 trang khổ lớn (19 x 27cm) thu thập và giải thích khoảng 37.500 mục
từ, có kèm ví dụ ca dao, tục ngữ, những câu nói thường ngày để minh họa.
20
Giai đoạn nửa sau thế kỉ XX đánh dấu sự phát triển vượt bậc về chất
lượng từ điển và đặc biệt là về số lượng từ điển. Về từ điển giải thích có thể
nêu ra những cuốn cơ bản sau đây:
- Từ điển tiếng Việt do tập thể biên soạn, Văn Tân chủ biên (thường gọi
tắt là Từ điển Văn Tân), xuất bản lần đầu năm 1967 ở Hà Nội, in lại ở Hà
Nội năm 1974, có chỉnh lí và bổ sung của Văn Tân, Nguyễn Văn Đạm, nhà
xuất bản Khoa học xã hội tái bản năm 1994.
- Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức (thường gọi tắt là Từ điển Lê Văn
Đức), nhà xuất bản Khai Trí, Sài Gòn, năm 1970. Tự điển gồm hai tập dày
tổng cộng 2.516 trang với gần 76.000 mục từ.
- Từ điển tiếng Việt do tập thể biên soạn, Hoàng Phê chủ biên, nhà xuất
bản Khoa học xã hội in lần đầu 1988, được chỉnh lí hai lần. Lần thứ nhất
năm 1992 đã sửa chữa 2.770 định nghĩa, bổ sung 2.090 mục từ, sửa chữa,
thay thế 3.510 ví dụ. Lần thứ hai năm 2000, sửa 2.903 định nghĩa, bổ sung
1.670 mục từ hoặc nghĩa mới, bỏ 41 mục từ hoặc nghĩa cũ, thay hoặc sửa
chữa 387 ví dụ. Từ điển tiếng Việt gồm 39.924 mục từ được biên soạn trên
cơ sở gần ba triệu phiếu tư liệu của Viện Ngôn ngữ học.
- Đại từ điển tiếng Việt do tập thể biên soạn, Nguyễn Như Ý chủ biên,
nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin in lần đầu năm 1998, tái bản năm 2000,
nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh. Đây là cuốn từ điển cỡ lớn dày
1.892 trang khổ lớn (19 x 27cm) với hơn 74.600 mục từ. Đây là cuốn từ điển
được biên soạn công phu, có số lượng từ ngữ phong phú, có chú thêm một số
từ nguyên thông thường. Từ ngữ được giải thích rõ ràng, dễ hiểu, có nhiều
thí dụ minh họa; có chú ý đến những từ ngữ địa phương của cả ba miền Bắc,
Trung, Nam; cập nhật và bổ sung nhiều mục từ phù hợp với quá trình phát
triển kinh tế - xã hội của đất nước.
- Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân, Nhà xuất bản Tổng hợp Tp.
Hồ Chí Minh xuất bản năm 2000. Cuốn từ điển này thu thập và giải thích
21
khoảng 54.000 từ ngữ tiếng Việt, có chú giải từ nguyên và trích dẫn nhiều văn
thơ minh họa.
- Từ điển tiếng Việt do tập thể biên soạn (Hoàng Phê, Hoàng Thị Tuyền Linh,
Vũ Xuân Lương, Phạm Thị Thủy, Đào Thị Minh Thu, Đặng Thanh Hà), nhà
xuất bản Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học VIETLEX xuất bản năm 2008, tái
bản có bổ sung sửa chữa nhiều lần.
Các cuốn từ điển này được biên soạn khá công phu, mỗi cuốn đều mang hơi
thở của thời đại mình, đồng thời mang đậm dấu ấn của tác giả cũng như vùng
phương ngữ mà các tác giả của nó sống và hoạt động. Ví dụ, xuất bản gần như
đồng thời, Từ điển Văn Tân (1967) và Từ điển Lê Văn Đức (1970) lại khác rất xa
nhau về phạm vi thu thập các từ ngữ của phương ngữ Nam Bộ. Theo số liệu
thống kê của Phòng Từ điển học, Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Lê Văn Đức thu
thập khá nhiều từ ngữ của phương ngữ Nam Bộ. Nếu lấy Từ điển tiếng Việt của
Viện Ngôn ngữ học (Hoàng Phê chủ biên) làm chuẩn để so sánh thì "Từ điển
Văn Tân hơn Từ điển tiếng Việt 9.144 đơn vị; còn Từ điển Lê Văn Đức hơn Từ
điển tiếng Việt đến 47.387 đơn vị" [109,tr.195].
Mỗi cuốn từ điển giải thích tiếng Việt nêu trên đều phản ánh trình độ khoa
học kĩ thuật của từng giai đoạn. Trong đó, "sự xuất hiện của cuốn Từ điển tiếng
Việt (gồm một tập thể 17 tác giả do Hoàng Phê chủ biên) vào cuối những năm 80
của thế kỉ XX, được nhận Giải thưởng Nhà nước về Khoa học công nghệ năm
2005 đã đánh dấu một bước tiến mới của công việc biên soạn từ điển tiếng Việt
ngữ văn ở Việt Nam dưới ánh sáng của lí thuyết ngôn ngữ học hiện đại. (...) Đây
là kết quả vận dụng thành quả nghiên cứu của Việt ngữ vào trong biên soạn từ
điển tiếng Việt" [51,tr.1]. Công trình từ điển này là một thành tựu to lớn của
ngành ngôn ngữ học Việt Nam. Nhiều vấn đề lí thuyết chung như vấn đề chuẩn
ngôn ngữ, chuẩn chính tả, quan niệm về đơn vị từ vựng và những thao tác mô tả
chúng, những phương pháp phân tích ngữ nghĩa,... đã được áp dụng trong quyển
từ điển này. Theo Nguyễn Văn Khang, điểm nổi bật trong việc vận dụng thành
22
quả nghiên cứu của Việt ngữ học vào biên soạn cuốn từ điển này là: "1. Xây
dựng bảng từ trên cơ sở quan niệm về từ trong Việt ngữ học; 2. Giải thích nghĩa
của các đơn vị từ thu thập trong từ điển theo lí thuyết phân tích ngữ nghĩa hiện
đại; 3. Chú sắc thái dùng cho các đơn vị vị từ vựng dựa vào thành quả nghiên
cứu của phong cách học tiếng Việt; 4. Chú từ loại dựa vào kết quả nghiên cứu
của ngữ pháp tiếng Việt" [51,tr.1]. Quyển từ điển này "đã vừa tiếp thu kinh
nghiệm của từ điển học Việt Nam trước đây, vừa cố gắng xây dựng một cấu trúc
vĩ mô và cấu trúc vi mô phong phú và khoa học hơn" [109,tr.197].
Từ điển là công cụ tra cứu hữu hiệu cho người sử dụng ngôn ngữ. Vì thế,
người sử dụng cần từ điển thì từ điển sẽ được biên soạn và ấn hành. Đó chính là
mối quan hệ cung cầu của thị trường từ điển. Từ điển tiếng Việt nói chung, từ
điển giải thích tiếng Việt nói riêng, cũng nằm trong quy luật đó. Số lượng từ điển
tiếng Việt tăng vọt vào thời gian mấy năm trở lại đây. Có thể nói, từ điển tiếng
Việt đang trong thời kì "trăm hoa đua nở" theo cả nghĩa tích cực lẫn tiêu cực. Sự
xuất hiện nhiều cuốn từ điển tiếng Việt phản ánh sự phát triển và vị thế của tiếng
Việt với tư cách là ngôn ngữ quốc gia và theo đó là nhu cầu của người sử dụng
tiếng Việt ở trong nước và trên thế giới đang tăng mạnh. Tuy nhiên, sự xuất hiện
nhiều cuốn từ điển tiếng Việt lại gây không ít khó khăn cho người sử dụng vì
chất lượng biên soạn từ điển quá chênh lệch hiện nay. Với việc xuất hiện không
ít cuốn từ điển tiếng Việt "biên soạn theo kinh nghiệm chủ nghĩa và công nghệ
tin học như hiện nay chỉ thuần túy chạy theo "cung" không chỉ làm ảnh hưởng
không tốt đến người sử dụng mà còn phương hại đến sự chuẩn hóa tiếng Việt, có
nguy cơ kéo lùi việc ứng dụng lí luận ngôn ngữ học, lí luận từ điển học vào việc
biên soạn từ điển tiếng Việt" [52,tr.84].
1.2. Cơ sở lí luận của việc nghiên cứu tên gọi cây nông nghiệp trong
tiếng Việt
1.2.1. Vấn đề định danh
1.2.1.1. Tên gọi
23
Hiểu một cách đơn giản thì tên gọi là "từ hoặc nhóm từ dùng để chỉ một cá
nhân, cá thể, phân biệt với những cá nhân, cá thể khác cùng loại" [125,tr.1160].
K. Mác, Ph. Ăng ghen, V.I. Lê nin khi bàn về mối quan hệ giữa khách thể và tên
gọi đã cho rằng: "Tên gọi là một cái ngẫu nhiên, chứ không biểu hiện được chính
ngay bản chất của sự vật" [69,tr.28]. Các nhà kinh điển cũng cho rằng: "Tri giác
cảm tính cho ta sự vật, tri giác lí tính cho ta tên gọi. (...) Nhưng tên gọi là cái gì?
Một phù hiệu dùng để phân biệt, một dấu hiệu đập vào mắt mà tôi đem làm
thành đặc trưng của đối tượng để hình dung đối tượng trong tính chỉnh thể của
nó" [69,tr.88]. Như vậy, chính nhu cầu nhận thức thế giới đã buộc con người
phải vượt qua giai đoạn tri giác cảm tính và tiến hành tư duy trừu tượng. Con
người không thể tư duy bằng các sự vật, hiện tượng cụ thể như chúng vốn có
trong hiện thực. Tên gọi đã tách các sự vật, hiện tượng cụ thể đó ra khỏi thế giới
hiện thực của chúng, đưa chúng vào trong lí trí của con người dưới dạng các tên
gọi như những đơn vị cơ bản của tư duy trừu tượng. Nhờ đó sự vật, hiện tượng
được hình dung một cách rõ ràng "trong tính chỉnh thể của nó". Vì vậy, trong Bút
kí triết học, V.I. Lênin cho rằng: "Tên gọi là cái gì đó phổ biến, thuộc về tư duy,
làm cho cái đa dạng trở nên đơn giản" [59,tr.264]. Nhờ đó, "tên gọi đã làm cho
các sự vật, hiện tượng trở nên có "cá tính" trong tư duy" [8,tr.95]. Để tạo ra tên
gọi người ta phải sử dụng các tín hiệu ngôn ngữ, đó là từ và tổ hợp từ. UI.V.
Rozdextvenxki đã chỉ ra cách tạo ra tên gọi: "thứ nhất, một dãy âm tố có liên hệ
với nhau tạo thành từ với mặt bên ngoài của nó, tức là vỏ âm thanh, vỏ ngữ âm
của từ, hoặc là từ ngữ âm; thứ hai, sự vật được gọi bằng từ đó; thứ ba, ý nghĩa
mà từ gây ra trong ý thức chúng ta. Tất cả ba yếu tố này gắn với nhau" [88,tr.34].
Tên gọi là sản phẩm của tư duy trừu tượng nên nhìn chung nó phải đảm bảo
các yêu cầu như có tính khái quát, tính trừu tượng và mất khả năng gợi đến
những đặc điểm, những thuộc tính riêng rẽ tạo thành đối tượng. Về mặt ngữ
nghĩa, tên gọi phải tách hẳn với những dấu vết của giai đoạn cảm tính và có tác
dụng phân biệt đối tượng này với đối tượng khác trong cùng một loại hay phân
24
biệt các loại nhỏ trong cùng một loại lớn. Mặc dù lí tưởng phải lựa chọn được
đặc trưng bản chất, tức là là đặc trưng tiêu biểu để gọi tên, nhưng với điều kiện
đặc trưng đó phải bảo đảm giá trị khu biệt tên gọi. "Ý nghĩa phản ánh đặc tính
mà ta lấy để gọi tên toàn bộ sự vật chính là ý nghĩa làm căn cứ trong tên gọi.
Trong ngôn ngữ học, người ta gọi ý nghĩa ấy là ý nghĩa gốc hay hình thái bên
trong của tên gọi" [38,tr.463]. Nhờ các tên gọi mà sự vật, hiện tượng thực tế
khách quan tồn tại trong lí trí của chúng ta, phân biệt được với các sự vật, hiện
tượng khác cùng loại và khác loại. Vì các tên gọi làm cho tư duy trở nên rành
mạch sáng sủa, cho nên một sự vật, hiện tượng trong thực tế khách quan chỉ thực
sự trở thành một sự vật được nhận thức, một sự vật của tư duy khi nó đã có một
tên gọi trong ngôn ngữ.
1.2.1.2. Khái niệm định danh
Định danh (nomination) là thuật ngữ có nguồn gốc từ tiếng Latin với nghĩa là
tên gọi. Thuật ngữ này biểu thị kết quả của quá trình gọi tên của các đơn vị ngôn
ngữ. Thuật ngữ định danh được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Theo Từ điển
Bách khoa ngôn ngữ học thì định danh là: "việc tổ chức các đơn vị ngôn ngữ
mang chức năng gọi tên, nghĩa là phục vụ cho việc gọi tên và phân chia các khúc
đoạn hiện thực và sự hình thành của những khái niệm tương ứng về chúng dưới
hình thức của các từ, các tổ hợp từ, các thành ngữ và các câu" [148,tr.336]. Do
đó, đơn vị định danh không chỉ là từ mà còn có cụm từ (ngữ), câu, tuy nhiên đối
tượng định danh của các đơn vị này là khác nhau. Nếu chức năng cơ bản của từ
là định danh và từ dùng để gọi tên sự vật, hiện tượng, trạng thái, quá trình, tính
chất, thì chức năng định danh của câu lại luôn luôn tồn tại ở dạng tiềm ẩn và câu
dùng để định danh cảnh huống. Kolshansky cho rằng: "Định danh (nomination)
là gắn cho một kí hiệu ngôn ngữ một khái niệm - biểu niệm (significat) phản ánh
những đặc trưng nhất định của một biểu vật (denotat) - các thuộc tính, phẩm chất
và quan hệ của các đối tượng và quá trình thuộc phạm vi vật chất và tinh thần,
nhờ đó, các đơn vị ngôn ngữ tạo thành những yếu tố nội dung của giao tiếp ngôn
từ". [dẫn theo 113,tr.161-162].
25
Như vậy, định danh là một trong những chức năng của các đơn vị từ ngữ của
ngôn ngữ. Hiểu một cách đơn giản nhất thì đây chính là chức năng gọi tên: gọi
tên những đối tượng, thuộc tính hoặc những hành động… Yêu cầu của một tên
gọi là: 1. Phải khái quát, trừu tượng, phải mất khả năng gợi đến những đặc điểm,
những thuộc tính riêng rẽ tạo thành đối tượng vì nó là sản phẩm của tư duy trừu
tượng. Về mặt ngữ nghĩa, nó phải tách hẳn với những dấu vết của giai đoạn cảm
tính. 2. Các tên gọi có tác dụng phân biệt đối tượng này với đối tượng khác trong
cùng một loại hay phân biệt các loại nhỏ trong cùng một loại lớn. Sự phân biệt
này phải dứt khoát, có nghĩa là khi đã có tên gọi thì sự vật này, loại nhỏ này
cũng trở thành độc lập với nhau, riêng rẽ với nhau. Nhờ có tên gọi mà sự vật có
đời sống độc lập trong tư duy. [34, tr.190].
Tất cả các đơn vị có nghĩa của ngôn ngữ đều có chức năng biểu nghĩa nhưng
phải là một đơn vị cấp độ từ mới có thể định danh. Nhưng cũng chỉ có các thực
từ mới có chức năng định danh, còn các thán từ, liên từ, giới từ… không có chức
năng này. [8, tr.59]. Các tác giả công trình Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ
học cho rằng: Định danh là sự cấu tạo các đơn vị ngôn ngữ có chức năng dùng
để gọi tên, chia tách các đoạn của hiện thực khách quan trên cơ sở đó hình
thành những khái niệm tương ứng về chúng dưới dạng các từ, cụm từ, ngữ cú và
câu. [136, tr.65].
Như vậy, đối tượng của lí thuyết định danh là nghiên cứu, miêu tả những quy
luật về cách cấu tạo các đơn vị có nghĩa của ngôn ngữ, về sự tác động qua lại
giữa tư duy - ngôn ngữ - hiện thực khách quan. Cơ sở của sự định danh xuất phát
từ mối quan hệ giữa hiện thực - khái niệm - tên gọi. Lí thuyết định danh phải
nghiên cứu và miêu tả cấu trúc của đơn vị định danh, từ đó xác định những tiêu
chí hoặc những đặc trưng cần và đủ để phân biệt đơn vị định danh này với đơn vị
định danh khác. Hiện thực khách quan được hình dung như là cái biểu vật của
tên gọi, nghĩa là như toàn bộ các thuộc tính được chia tách ra trong các hành vi
định danh ở tất cả các lớp sự vật do tên gọi đó biểu thị. Còn tên gọi được nhận
26
thức như là một dãy âm thanh được phân đoạn ứng với một cấu trúc cụ thể của
ngôn ngữ đó. Chính mối tương quan giữa cái biểu vật và cái biểu nghĩa và xu
hướng của mối quan hệ này trong những hành vi định danh cụ thể sẽ tạo nên cấu
trúc cơ sở của sự định danh.
1.2.1.3. Đơn vị định danh
Khi xem xét các đơn vị của ngôn ngữ, lí thuyết định danh phân biệt các loại
đơn vị định danh khác nhau. Nhìn từ số lượng đơn vị có nghĩa tham gia đơn vị
định danh thì có sự phân biệt:
- Định danh đơn giản (định danh tổng hợp, định danh cơ sở, định danh bậc 1,
định danh trực tiếp): được tạo bởi một đơn vị có nghĩa.
- Định danh phức hợp (định danh phân tích, định danh miêu tả, định danh bậc
2, định danh gián tiếp): được tạo bởi từ hai đơn vị có nghĩa trở lên.
Nhìn từ góc độ ngữ nghĩa thì có sự phân biệt:
- Định danh gốc (định danh bậc một): được tạo bởi những đơn vị tối giản về
mặt hình thái cấu trúc, mang nghĩa đen, được dùng làm cơ sở để tạo ra các đơn
vị định danh khác. Hồ Lê gọi đây là định danh phi liên kết hiện thực: “gọi tên
những mẩu nhỏ nhất trong hiện thực mà một cộng đồng ngôn ngữ quan niệm đã
chia cắt ra được và nắm bắt được từ hiện thực” [58, tr.102]. Ví dụ như: lúa, ngô,
khoai, bưởi, cam, nhãn, vải, xoài, chuối, chè,… Ở loại định danh này, mối quan
hệ giữa cái biểu hiện (vỏ âm thanh của từ) và cái được biểu hiện (ý nghĩa của từ)
là võ đoán. Từ là cái tên gọi sinh ra như một quy ước mà mọi người đều phải
tuân theo. Quả vậy, "chúng ta gọi (...) cây lúa là lúa mà không thể giải thích nổi
lí do vì sao gọi thế; có đi ngược lên tới cội nguồn xa của ngôn ngữ thì nói chung
cũng chẳng phát hiện được mối quan hệ một mặt là âm thanh được phát ra, mặt
khác là ý niệm được gợi ra, trong những từ như thế của tiếng Việt, những từ đơn,
thành một tiếng gọn, của tổ tiên chúng ta để lại thế và bây giờ chúng ta cứ thế
dùng" [117, tr.1089].
27
- Định danh phái sinh (định danh bậc hai): là những đơn vị định danh có hình
thái cấu trúc phức tạp hơn đơn vị gốc, mang nghĩa biểu trưng hóa (dưới hình
thức ẩn dụ hay hoán dụ) [43, tr.8]. Hồ Lê gọi là đây là định danh liên kết hiện
thực: “Để phản ánh hiện thực khách quan một cách đầy đủ, không chỉ gọi tên
từng mẩu hiện thực nhỏ nhất mà còn phải gọi tên những tập hợp gồm nhiều mẩu
hiện thực liên kết lại” [58, tr.102]. Ví dụ: lúa nếp, lúa tẻ, lúa nương, ngô lai, ngô
đông, nhãn lồng, cam sành, bưởi đường,...
1.2.1.4. Các nguyên tắc định danh và cơ chế định danh phức hợp
a. Nguyên tắc định danh
Một trong những nguyên tắc cơ bản trong định danh là lựa chọn những đặc
trưng (thuộc tính tiêu biểu) mà người ta thường nói là "đập ngay vào mắt" để gọi
tên. Với nguyên tắc này, những đặc trưng được tri nhận để gọi tên sẽ là dấu hiệu
khu biệt, giúp người nói liên tưởng và hình dung đầu tiên đến sự vật, hiện tượng.
Tuy nhiên, Serebrenikov (1977) cho rằng: "Việc tạo ra từ theo đặc trưng nào đó
chỉ là biện pháp thuần túy kĩ thuật ngôn ngữ. Đặc trưng được chọn chỉ để tạo ra
vỏ ngữ âm của từ. Đặc trưng được chọn để gọi tên hoàn toàn không nói hết bản
chất của đối tượng, không bộc lộ hết tất cả các đặc trưng của nó. Ngoài ra, đặc
trưng được lựa chọn để gọi tên thậm chí có thể là không căn bản, không quan
trọng về mặt thực tiễn” [dẫn theo 114, tr.32 - 33].
V.G. Gak đã đưa ra nguyên tắc định danh đó là gắn quá trình gọi tên với hành
vi phân loại. "Nếu như cần phải biểu thị một đối tượng X nào đó mà trong ngôn
ngữ chưa có tên gọi, thì trên cơ sở các đặc trưng đã được tách ra trong đối tượng
này, nó được quy vào khái niệm "A" hoặc "B" mà trong ngôn ngữ đã có cách
biểu thị riêng cho chúng và nhận tên gọi tương ứng. Nhưng đồng thời cũng diễn
ra sự lắp ráp bản thân các từ vào hiện thực: khi thì người ta bỏ đi một cái gì đó
khỏi sự hiểu biết ban đầu của mình, khi thì, ngược lại, bổ sung thêm một cái gì
đó vào sự hiểu biết đầu tiên ấy" [dẫn theo 114, tr.165]. Như vậy, quá trình định
danh một sự vật, tính chất hay quá trình gồm hai bước là quy loại khái niệm của
28
đối tượng được định danh và chọn đặc trưng nào để định danh [dẫn theo 114,
tr.166 - 167]. Việc chọn đặc trưng bản chất hay không bản chất để định danh một
khách thể cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Như vậy, định danh là cách đặt tên
cho một sự vật, hiện tượng. Hành vi định danh bao giờ cũng gắn với hành vi
phân loại. Quá trình định danh một sự vật, một tính chất hay một quá trình đều
gồm hai bước, đó là quy loại khái niệm và chọn đặc trưng khu biệt. Nếu một
trong hai bước này có biến thể thì một vật hay quá trình được định danh sẽ mang
những tên gọi khác nhau. Khi định danh, trong số rất nhiều đặc trưng của một sự
vật, hiện tượng, tính chất hay quá trình, người ta chỉ chọn những đặc trưng tiêu
biểu, phản ánh những đặc trưng nhất định của một biểu vật. Bên cạnh đó, việc
chọn các đặc trưng để làm cơ sở định danh cho những đối tượng hay khái niệm
thuộc phạm vi đời sống thường nhật có thể có những trường hợp không cần chọn
đặc trưng bản chất, miễn là đặc trưng ấy có khả năng khu biệt giúp cho việc nhận
diện đối tượng hay khái niệm cần định danh.
Hiện thực thường được gọi tên theo cách tri nhận của con người. Sự gọi tên
này tạo ra các từ, các ngữ cố định, thành một hệ thống từ vựng. Định danh ở cấp
độ từ vựng rất quan trọng với con người: “Với khả năng đặt tên sự vật, con
người hoàn toàn chiếm lĩnh được thế giới tự nhiên cả trong tồn tại cảm tính và cả
trong tồn tại lí tính của nó” [8, tr.194]. Đỗ Hữu Châu khẳng định: “Nguyên tắc
tạo thành các tên gọi là nguyên tắc lí do nhưng nguyên tắc chi phối các tên gọi
trong hoạt động bình thường của nó là nguyên tắc không có lí do” [8, tr.166].
Cách định danh còn cho chúng ta thấy được đặc điểm của loại hình ngôn ngữ
đó: “Cấu tạo từ như thế nào, tức định danh hiện thực như thế nào, là một tiêu chí
quan trọng để phân chia các loại hình ngôn ngữ” [8,tr.125]. Thông qua định danh
thấy được dấu ấn về hiện thực khách quan. Ngôn ngữ phản ánh thế giới hiện
thực khách quan và là chiếc cầu nối với hiện thực. Hệ thống từ vựng trong ngôn
ngữ càng phong phú chứng tỏ con người nhận thức về thế giới càng sâu sắc.
29
Như vậy, dựa trên nguyên tắc định danh, khi có một đối tượng cần định danh,
người ta sẽ tiến hành các thao tác sau:
- Quy loại đối tượng mới vào nhóm đối tượng nào đó đã có tên trong ngôn ngữ;
- Vạch ra những đặc trưng vốn có của đối tượng mới rồi chọn một đặc trưng
được coi là tiêu biểu mang tính khu biệt của đối tượng mới với đối tượng khác;
- Sử dụng biện pháp cấu tạo từ theo loại hình ngôn ngữ làm phương tiện
định danh.
Định danh có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống con người. Định danh
thể hiện rõ quá trình nhận thức của con người về thế giới, vì "chỉ có con người
mới đặt tên được cho sự vật. Với khả năng đặt tên cho sự vật, con người mới
hoàn toàn chiếm lĩnh được thế giới tự nhiên cả trong tồn tại cảm tính, cả trong
tồn tại lí tính của nó" [8, tr.169].
b. Cơ chế định danh phức hợp
Quá trình cấu tạo nên các đơn vị định danh phức hợp có cơ chế nhất định.
Theo Hoàng Văn Hành, muốn xác định rõ cơ chế định danh cần phải làm rõ hai
vấn đề cốt yếu là: a) Có những yếu tố nào tham gia vào cơ chế này và tư cách
của mỗi yếu tố ra sao? b) Mối quan hệ tương tác giữa các yếu tố đó như thế nào
mà khiến ta có thể coi đó là một cơ chế? [40, tr.26].
Sự phân tích cứ liệu trong các ngôn ngữ đơn lập (tiếng Việt là tiêu biểu) cho phép
nhận định rằng để có một cơ chế cấu tạo các đơn vị định danh phức hợp có thể vận
hành được một cách có hiệu quả thì cần có một số điều kiện. Một là, có một hệ những
đơn vị làm yếu tố gốc (nguyên tố). Hai là, có một hệ những yếu tố có giá trị hình thái
nghĩa là có thể dùng làm phương tiện để tạo lập những đơn vị định danh phức hợp.
Ba là, để có đơn vị định danh phức hợp, điều cốt yếu là có một hệ quy tắc vận hành
để sử dụng các hình tố làm phương tiện mà tác động vào nguyên tố theo một cách
nhất định. Cơ chế vừa nêu thuộc về hệ thống của ngôn ngữ. Nó có tính chất tiềm
năng, xét về mặt lí thuyết. Những sản phẩm của cơ chế này trở thành đơn vị định
danh được ghi nhận vào vốn từ vựng của ngôn ngữ hay không còn phụ thuộc vào
30
nhân tố thứ tư nữa, một nhân tố không kém phần quan trọng, nhân tố xã hội. Đó
chính là tính đắc dụng hay không đắc dụng của các đơn vị định danh mới được sản
sinh đối với cộng đồng bản ngữ. [40, tr.26 - 28].
Theo cách hiểu như trên, để tạo ra một đơn vị định danh phức hợp, chúng ta
có hai con đường: ngữ nghĩa và hình thái cú pháp.
Bằng con đường ngữ nghĩa, ta có thể nhân khả năng định danh của đơn vị
tổng hợp lên nhiều lần. Một từ cùng với một vỏ ngữ âm phát triển ra bao nhiêu
nghĩa sẽ có bấy nhiêu đơn vị định danh. Mỗi một biến thể từ vựng - ngữ nghĩa sẽ
tương ứng với một đơn vị định danh. Ví dụ: chân trong chân tay là đơn vị định
danh gốc (bậc một) nhưng chân trong "có chân trong ban chủ nhiệm hợp tác xã"
lại là đơn vị định danh phức hợp được tạo ra bằng con đường ngữ nghĩa.
Theo con đường hình thái cú pháp, người ta có thể tạo ra hàng loạt các đơn vị
định danh phức hợp với các đặc trưng khác nhau về cấu trúc và ngữ nghĩa. Theo
cách này thường có hai quá trình:
- Thứ nhất là quá trình tạo từ với các phương thức thường gặp là: Phương
thức suy phỏng: kiểu như bóp - móp, dìm - chìm…; Phương thức láy: kiểu như
bé - be bé, nhỏ - nho nhỏ, mảnh - mảnh mai…; Phương thức ghép: trong phương
thức này có hai cách: ghép đẳng lập (hội nghĩa, hợp nghĩa) (như: khoai sắn, ngô
lúa, gieo trồng, thu hái…) và ghép chính phụ (phân nghĩa, phụ nghĩa) (như: đậu
đen, cam đường, nhãn nước, mít dai,…).
- Quá trình thứ hai để tạo các đơn vị định danh phức hợp bằng con đường cú
pháp là quá trình từ vựng hóa những tổ hợp. Đó là quá trình chuyển hóa những
tổ hợp thành những đơn vị mang thành ngữ tính. Tính thành ngữ của các đơn vị
này biểu hiện ở tính bền vững về mặt hình thái cấu trúc và tính bóng bẩy về mặt
ngữ nghĩa với những mức độ khác nhau. Có hai loại tổ hợp thường được từ vựng
hóa: tổ hợp tự do và tổ hợp cố định. [40, tr.28- 29].
Định danh phức hợp theo con đường hình thái cú pháp bằng phương thức ghép
chính phụ (phụ nghĩa) (dù là tạo từ hay từ vựng hóa tổ hợp tự do) cũng chính là
31
gắn việc khu biệt tên gọi với việc phân loại. Quá trình này gồm hai bước: quy loại
khái niệm của đối tượng được định danh và lựa chọn đặc trưng để định danh. [40,
tr.30-43].
1.2.2. Một số cơ sở lí thuyết về từ và ngữ
1.2.2.1. Quan niệm về từ
Từ là đơn vị tồn tại hiển nhiên, sẵn có của ngôn ngữ. Trong ngôn ngữ, từ luôn
được hiểu như một loại đơn vị cơ bản và chủ yếu trong hệ thống từ vựng nói
riêng và trong hệ thống tín hiệu ngôn ngữ nói chung. Tuy thế, từ vẫn không phải
là một đơn vị cụ thể mà nó là một loại đơn vị trừu tượng thuộc bình diện hệ
thống của ngôn ngữ. Trong lịch sử ngôn ngữ học đã có nhiều quan niệm khác
nhau về từ, xét cả ở bình diện lí luận đại cương lẫn miêu tả cụ thể. Tuy nhiên, do
chỗ mỗi nhà nghiên cứu xuất phát từ góc độ và mục đích nghiên cứu riêng của
mình, cho nên, đến nay các nhà nghiên cứu vẫn không thể đi đến một quan niệm,
một cách hiểu chung về từ. Nói chung, không có định nghĩa nào về từ làm mọi
người thoả mãn. Hiện nay có tới trên 300 định nghĩa khác nhau về từ. Tuy cùng là
một loại thực thể ở trong một ngôn ngữ xác định, song người nghiên cứu lại có thể
xem xét từ từ nhiều góc độ khác nhau: từ góc độ ngữ âm, chính tả; từ góc độ ngữ
pháp; từ góc độ ngữ nghĩa; từ góc độ lô gich; từ góc độ từ điển học. Mỗi góc độ như
vậy từ được xem xét khác nhau. Song, nếu nhìn nhận một cách tổng quát có thể
thấy rằng phần lớn các nhà Việt ngữ học [11, 41, 56, 58, 96] đều cho rằng để nhận
diện từ, nhất thiết phải dựa vào ba tiêu chí: "a. Tính nhất thể về ngữ âm; b. Tính
hoàn chỉnh về ngữ nghĩa; c. Tính độc lập về cú pháp (khi hoạt động trong lời nói"
[41, tr.22]. Đỗ Hữu Châu đã xác định: "Từ của tiếng Việt là một hoặc một số âm
tiết cố định, bất biến, có một ý nghĩa nhất định, nằm trong một phương thức (hoặc
kiểu cấu tạo) cấu tạo nhất định, tuân theo những kiểu đặc điểm ngữ pháp nhất định,
lớn nhất trong từ vựng và nhỏ nhất để tạo câu" [11, tr.139].
1.2.2.2. Phương thức cấu tạo từ trong tiếng Việt
32
Muốn tạo ra các từ phải có các yếu tố cấu tạo từ và các phương thức cấu tạo từ.
Phương thức cấu tạo từ là những cơ chế, những quá trình xử lí các nguyên liệu hình
vị để cho ra các từ của ngôn ngữ. Mỗi cơ chế hay mỗi phương thức cấu tạo đòi hỏi
những nguyên liệu - hình vị thích hợp để tạo thành từ. "Mỗi phương thức cấu tạo có
cách xử lí riêng các hình vị nguyên liệu, cho nên các từ được cấu tạo nên do mỗi
phương thức nào đấy sẽ có những đặc trưng đồng nhất, phân biệt với những từ sản
sinh theo phương thức khác" [11, tr.84]. Để tìm hiểu cấu trúc của từ và các phương
thức cấu tạo từ tiếng Việt, luận án sử dụng "cách tiếp cận động được diễn đạt theo
mô thức "yếu tố - cơ chế" [tr.11] mà các tác giả công trình [41] đã lựa chọn.
a. Đơn vị cấu tạo từ
Luận án chấp nhận quan niệm của Đỗ Hữu Châu về đơn vị cấu tạo từ trong
tiếng Việt: "các yếu tố cấu tạo từ tiếng Việt hay hình vị là những hình thức ngữ
âm cố định, bất biến, nhỏ nhất (hay tối giản) với dạng chuẩn tối thiểu là một âm
tiết, tự thân có nghĩa (nghĩa miêu tả hay nghĩa tương liên) có thể chịu tác động
của các phương thức tạo từ để tạo ra từ" [11, tr.154]. Tác giả đã lấy chức năng
ngữ nghĩa làm nguyên tắc để phân loại hình vị tiếng Việt. Theo đó, bước đầu
tiên hình vị được phân thành hình vị "sơ cấp" và hình vị "thứ cấp". "Hình vị sơ
cấp là những hình vị bình thường, tồn tại riêng rẽ, độc lập đối với nhau và là
những "nguyên liệu" đi vào các phương thức cấu tạo từ. Hình vị thứ cấp là
những hình vị được tạo ra từ các hình vị sơ cấp, là hình vị sơ cấp đã biến đổi
nhiều hay ít cả hình thức ngữ âm và ý nghĩa" [11, tr.155]. "Hình vị sơ cấp có thể
một âm tiết mà cũng có thể nhiều âm tiết lại có thể phân chia thành hình vị tự do
và hình vị hạn chế, hay phân loại thành hình vị thực và hình vị hư" [tr.155].
Đồng quan điểm với Đỗ Hữu Châu, các tác giả công trình Từ tiếng Việt: Hình
thái - Cấu trúc - Từ láy - Từ ghép - Chuyển loại [41] khẳng định rằng: "Khi lấy
ngữ nghĩa làm tiêu chí phân loại hình vị, các nhà nghiên cứu chú ý đến tính chất
nghĩa của hình vị. Dựa vào đó, hầu hết các nghà nghiên cứu Việt ngữ học đều
33
cho rằng tiếng Việt có ba loại hình vị. Đó là hình vị thực, hình vị hư và hình vị
hệ thống" [41, tr.34].
b. Phân loại từ tiếng Việt về mặt cấu tạo
Xem xét vấn đề cấu tạo từ trên quan điểm đồng đại, các tác giả công trình Từ
tiếng Việt: Hình thái - Cấu trúc - Từ láy - Từ ghép - Chuyển loại đã khẳng định
"cấu tạo từ là một cơ chế" hoạt động trong điều kiện: "Cần có một hệ những đơn
vị làm thành tố của từ là các hình vị. (...) Cần có một hệ những yếu tố có giá trị
hình thái (gọi là hình tố) là những yếu tố thuần túy hình thức dùng làm phương
tiện để kết nối các thành tố trong quá trình tạo lập từ. (...) Cần có một hệ quy tắc
cấu tạo từ chính là sự vận dụng các hình tố tác động vào các hình vị theo những
cách khác nhau để tạo nên những kiểu từ khác nhau" [41, tr.54 - 55]. Hệ quả cuối
cùng của cơ trình cấu tạo từ là các từ được hình thành theo những mô thức nhất
định, ứng với những kiểu nghĩa nhất định.
Luận án chấp nhận quan niệm của các tác giả này, coi cấu tạo từ là một cơ chế
và nguyên tắc phân loại từ về mặt cấu tạo mà Đỗ Hữu Châu sử dụng là nguyên
tắc ngữ nghĩa. Theo đó, "sự phân loại các từ tiếng Việt, xét về mặt cấu tạo, phải
tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hiện ra cơ chế ngữ nghĩa thống nhất trong
những từ cùng thuộc một kiểu loại" [11, tr.169]. Việc phân loại từ, theo Đỗ Hữu
Châu, được thực hiện theo ba bước.
- Bước thứ nhất, các từ sẽ được phân chia theo số lượng các hình vị tạo nên
chúng. Kết quả ở bước này sẽ cho các từ đơn và các từ phức. "Từ đơn là những
từ được cấu tạo theo phương thức từ hóa, là những từ chỉ có một hình vị" [11,
tr.169]. Ví dụ: bưởi, cam, quýt, vải, nhãn, chuối, ngô, khoai, sắn, lúa... (từ đơn
được cấu tạo từ một hình vị). "Từ đơn có thể là một âm tiết, cũng có thể nhiều
âm tiết" [11, tr.170]. Những từ đơn nhiều âm tiết có thể gốc Việt, như chôm
chôm, đu đủ,... gốc các ngôn ngữ ít người sống trên đất Việt Nam như mắc
cọoc, séng cù, blẩu sang bua, ble blu, blin xa, khẩu buộp,... gốc vay mượn các
thứ tiếng nước ngoài như cà phê, cao su, ca cao, mắc ca, ki uy, măng cụt,... Về
34
ngữ nghĩa, các từ đơn không lập thành hệ thống ngữ nghĩa của những kiểu cấu
tạo từ. Phần lớn chúng đều có khả năng trở thành hình vị để tạo ra hàng loạt
những từ phức dước tác động của các phương thức ghép và láy. "Từ phức là
những từ do hơn một hình vị tạo nên theo các phương thức phức hóa trong
tiếng Việt" [11, tr.169].
- Bước thứ hai, các từ phức sẽ được phân chia theo phương thức đã tạo nên
chúng. Ở bước này sẽ có các từ láy và các từ ghép.
- Bước thứ ba, lần lượt các từ láy và từ ghép được phân chia thành những kiểu
nhỏ hơn tùy theo sự đồng nhất về kiểu loại hình thức và cơ chế nghĩa chung cho
những từ trong cùng kiểu nhỏ đó.
Để phân loại từ ghép, theo Đỗ Hữu Châu, "cần sử dụng đồng thời các tiêu
chuẩn: ý nghĩa chung của đơn vị đang xét trong tương quan với ý nghĩa của cả
một kiểu nhỏ hoặc lớn; tính chất ngữ nghĩa và quan hệ (chủ yếu là quan hệ ngữ
nghĩa) của các hình vị trong từ và trong một kiểu" [11, tr.198]. Ông phân chia từ
ghép tiếng Việt thành hai loại:
a. Từ ghép phân nghĩa: Đó là "những từ ghép có một ý nghĩa chung (...) là
một loại hay nhiều loại sự vật, hiện tượng, hành động, tính chất" [11, tr.198].
Các từ trong một hệ thống có chung một hình vị chỉ loại lớn. Nếu tách khỏi các
từ ghép, dùng độc lập thì hình vị loại lớn chính là tên gọi của loại đang xét; quan
hệ giữa các hình vị thường là quan hệ chính phụ. Các hình vị thứ hai có tác dụng
phân nghĩa, biệt loại hóa loại lớn thành những loại nhỏ. Một từ ghép phân nghĩa
lại có thể trở thành một hình vị (đơn vị) chỉ loại lớn để tạo ra hàng loạt các từ
ghép phân nghĩa mới. Cơ chế phân nghĩa có thể liên tục tác động vào một từ
ghép phân nghĩa cơ sở cho ra những từ ghép phân nghĩa ở các thế hệ thứ hai, thứ
ba... với hình thức mỗi lúc một dài. Khi hình thức ngữ âm quá dài, quy tắc rút
gọn phát huy tác dụng để cho những từ có hình thức tiện dùng hơn. Hình vị chỉ
loại lớn trong từ ghép phân nghĩa (gọi là thành tố thứ nhất) bao giờ cũng "biểu
thị ý nghĩa phạm trù và giữ vai trò chính, vai trò trung tâm. Còn thành tố thứ hai
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149

More Related Content

What's hot

LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU THUẬT NGỮ DẦU KHÍ ANH – VIỆT_102416120...
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU THUẬT NGỮ DẦU KHÍ ANH – VIỆT_102416120...LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU THUẬT NGỮ DẦU KHÍ ANH – VIỆT_102416120...
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU THUẬT NGỮ DẦU KHÍ ANH – VIỆT_102416120...PinkHandmade
 
Luận án: Đối chiếu các đơn vị từ vựng thuộc trường thị giác, HAY - Gửi miễn p...
Luận án: Đối chiếu các đơn vị từ vựng thuộc trường thị giác, HAY - Gửi miễn p...Luận án: Đối chiếu các đơn vị từ vựng thuộc trường thị giác, HAY - Gửi miễn p...
Luận án: Đối chiếu các đơn vị từ vựng thuộc trường thị giác, HAY - Gửi miễn p...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Xây dựng hệ thống câu hỏi nêu vấn đề trong dạy học hai tác phẩm "Tràng Giang"...
Xây dựng hệ thống câu hỏi nêu vấn đề trong dạy học hai tác phẩm "Tràng Giang"...Xây dựng hệ thống câu hỏi nêu vấn đề trong dạy học hai tác phẩm "Tràng Giang"...
Xây dựng hệ thống câu hỏi nêu vấn đề trong dạy học hai tác phẩm "Tràng Giang"...nataliej4
 
Đối chiếu hành vi cầu khiến trong tiếng Việt và Tiếng Quảng Đông : Luận văn T...
Đối chiếu hành vi cầu khiến trong tiếng Việt và Tiếng Quảng Đông : Luận văn T...Đối chiếu hành vi cầu khiến trong tiếng Việt và Tiếng Quảng Đông : Luận văn T...
Đối chiếu hành vi cầu khiến trong tiếng Việt và Tiếng Quảng Đông : Luận văn T...nataliej4
 

What's hot (16)

LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU THUẬT NGỮ DẦU KHÍ ANH – VIỆT_102416120...
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU THUẬT NGỮ DẦU KHÍ ANH – VIỆT_102416120...LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU THUẬT NGỮ DẦU KHÍ ANH – VIỆT_102416120...
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU THUẬT NGỮ DẦU KHÍ ANH – VIỆT_102416120...
 
Luận án: Đối chiếu thuật ngữ thời trang Anh Việt, HAY
Luận án: Đối chiếu thuật ngữ thời trang Anh Việt, HAYLuận án: Đối chiếu thuật ngữ thời trang Anh Việt, HAY
Luận án: Đối chiếu thuật ngữ thời trang Anh Việt, HAY
 
Luận án: Từ ngữ nghề nghiệp nghề biển ở Thanh Hóa (Từ bình diện ngôn ngữ - vă...
Luận án: Từ ngữ nghề nghiệp nghề biển ở Thanh Hóa (Từ bình diện ngôn ngữ - vă...Luận án: Từ ngữ nghề nghiệp nghề biển ở Thanh Hóa (Từ bình diện ngôn ngữ - vă...
Luận án: Từ ngữ nghề nghiệp nghề biển ở Thanh Hóa (Từ bình diện ngôn ngữ - vă...
 
Luận án: Đối chiếu các đơn vị từ vựng thuộc trường thị giác, HAY - Gửi miễn p...
Luận án: Đối chiếu các đơn vị từ vựng thuộc trường thị giác, HAY - Gửi miễn p...Luận án: Đối chiếu các đơn vị từ vựng thuộc trường thị giác, HAY - Gửi miễn p...
Luận án: Đối chiếu các đơn vị từ vựng thuộc trường thị giác, HAY - Gửi miễn p...
 
Luận văn: Dạy học tác phẩm tự sự dân gian trong SGK Ngữ văn lớp 10
Luận văn: Dạy học tác phẩm tự sự dân gian trong SGK Ngữ văn lớp 10Luận văn: Dạy học tác phẩm tự sự dân gian trong SGK Ngữ văn lớp 10
Luận văn: Dạy học tác phẩm tự sự dân gian trong SGK Ngữ văn lớp 10
 
Luận án: Đối chiếu thuật ngữ báo chí Anh - Việt và chuyển dịch thuật ngữ
Luận án: Đối chiếu thuật ngữ báo chí Anh - Việt và chuyển dịch thuật ngữLuận án: Đối chiếu thuật ngữ báo chí Anh - Việt và chuyển dịch thuật ngữ
Luận án: Đối chiếu thuật ngữ báo chí Anh - Việt và chuyển dịch thuật ngữ
 
Tổ chức các hoạt động học tập theo định hướng phát triển năng lực tự học
Tổ chức các hoạt động học tập theo định hướng phát triển năng lực tự họcTổ chức các hoạt động học tập theo định hướng phát triển năng lực tự học
Tổ chức các hoạt động học tập theo định hướng phát triển năng lực tự học
 
Xây dựng hệ thống câu hỏi nêu vấn đề trong dạy học hai tác phẩm "Tràng Giang"...
Xây dựng hệ thống câu hỏi nêu vấn đề trong dạy học hai tác phẩm "Tràng Giang"...Xây dựng hệ thống câu hỏi nêu vấn đề trong dạy học hai tác phẩm "Tràng Giang"...
Xây dựng hệ thống câu hỏi nêu vấn đề trong dạy học hai tác phẩm "Tràng Giang"...
 
Luận văn: Phát triển năng lực tạo lập văn bản miêu tả cho học sinh lớp 4
Luận văn: Phát triển năng lực tạo lập văn bản miêu tả cho học sinh lớp 4Luận văn: Phát triển năng lực tạo lập văn bản miêu tả cho học sinh lớp 4
Luận văn: Phát triển năng lực tạo lập văn bản miêu tả cho học sinh lớp 4
 
Luận văn: Tổ chức hoạt động trải nghiệm trong môn Toán lớp 4, 5, 9đ
Luận văn: Tổ chức hoạt động trải nghiệm trong môn Toán lớp 4, 5, 9đLuận văn: Tổ chức hoạt động trải nghiệm trong môn Toán lớp 4, 5, 9đ
Luận văn: Tổ chức hoạt động trải nghiệm trong môn Toán lớp 4, 5, 9đ
 
Bồi dưỡng năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh trong Vật lí 11 THPT
Bồi dưỡng năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh trong Vật lí 11 THPTBồi dưỡng năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh trong Vật lí 11 THPT
Bồi dưỡng năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh trong Vật lí 11 THPT
 
Luận văn: Quản lý hoạt động dạy học môn tiếng Anh tại các trường THCS
Luận văn: Quản lý hoạt động dạy học môn tiếng Anh tại các trường THCSLuận văn: Quản lý hoạt động dạy học môn tiếng Anh tại các trường THCS
Luận văn: Quản lý hoạt động dạy học môn tiếng Anh tại các trường THCS
 
Thiết kế các chủ đề dẫn xuất hiđrocacbon nâng cao năng lực tự học
Thiết kế các chủ đề dẫn xuất hiđrocacbon nâng cao năng lực tự họcThiết kế các chủ đề dẫn xuất hiđrocacbon nâng cao năng lực tự học
Thiết kế các chủ đề dẫn xuất hiđrocacbon nâng cao năng lực tự học
 
Dạy học tích hợp liên môn chủ đề “Mắt” trong lĩnh vực khoa học tự nhiên
Dạy học tích hợp liên môn chủ đề “Mắt” trong lĩnh vực khoa học tự nhiênDạy học tích hợp liên môn chủ đề “Mắt” trong lĩnh vực khoa học tự nhiên
Dạy học tích hợp liên môn chủ đề “Mắt” trong lĩnh vực khoa học tự nhiên
 
Luận văn: Phát triển năng lực nói cho học sinh lớp Năm, HAY
Luận văn: Phát triển năng lực nói cho học sinh lớp Năm, HAYLuận văn: Phát triển năng lực nói cho học sinh lớp Năm, HAY
Luận văn: Phát triển năng lực nói cho học sinh lớp Năm, HAY
 
Đối chiếu hành vi cầu khiến trong tiếng Việt và Tiếng Quảng Đông : Luận văn T...
Đối chiếu hành vi cầu khiến trong tiếng Việt và Tiếng Quảng Đông : Luận văn T...Đối chiếu hành vi cầu khiến trong tiếng Việt và Tiếng Quảng Đông : Luận văn T...
Đối chiếu hành vi cầu khiến trong tiếng Việt và Tiếng Quảng Đông : Luận văn T...
 

Similar to TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149

Luận văn tiếng lóng trên các diễn đàn trực tuyến tiếng việt thức trạng, đặc...
Luận văn tiếng lóng trên các diễn đàn trực tuyến tiếng việt   thức trạng, đặc...Luận văn tiếng lóng trên các diễn đàn trực tuyến tiếng việt   thức trạng, đặc...
Luận văn tiếng lóng trên các diễn đàn trực tuyến tiếng việt thức trạng, đặc...nataliej4
 
Đặc điểm định danh tên cây thuốc Việt Nam (có liên hệ tiếng Latinh)
Đặc điểm định danh tên cây thuốc Việt Nam (có liên hệ tiếng Latinh) Đặc điểm định danh tên cây thuốc Việt Nam (có liên hệ tiếng Latinh)
Đặc điểm định danh tên cây thuốc Việt Nam (có liên hệ tiếng Latinh) nataliej4
 
Khảo sát lỗi ngữ pháp trong sử dụng tiếng việt của sinh viên trung quốc tại m...
Khảo sát lỗi ngữ pháp trong sử dụng tiếng việt của sinh viên trung quốc tại m...Khảo sát lỗi ngữ pháp trong sử dụng tiếng việt của sinh viên trung quốc tại m...
Khảo sát lỗi ngữ pháp trong sử dụng tiếng việt của sinh viên trung quốc tại m...nataliej4
 
Ngôn ngữ học đối chiếu
Ngôn ngữ học đối chiếuNgôn ngữ học đối chiếu
Ngôn ngữ học đối chiếuminhhdthvn
 
Luận văn:Dạy đọc hiểu văn bản văn học trung đại Việt Nam ở Ngữ văn 10 THPT th...
Luận văn:Dạy đọc hiểu văn bản văn học trung đại Việt Nam ở Ngữ văn 10 THPT th...Luận văn:Dạy đọc hiểu văn bản văn học trung đại Việt Nam ở Ngữ văn 10 THPT th...
Luận văn:Dạy đọc hiểu văn bản văn học trung đại Việt Nam ở Ngữ văn 10 THPT th...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Đối chiếu thành ngữ và tục ngữ liên quan đến nước giữa tiếng Hán và tiếng Việ...
Đối chiếu thành ngữ và tục ngữ liên quan đến nước giữa tiếng Hán và tiếng Việ...Đối chiếu thành ngữ và tục ngữ liên quan đến nước giữa tiếng Hán và tiếng Việ...
Đối chiếu thành ngữ và tục ngữ liên quan đến nước giữa tiếng Hán và tiếng Việ...HanaTiti
 
[123doc] - doi-chieu-thanh-ngu-va-tuc-ngu-lien-quan-den-quot-nuoc-quot-giua-t...
[123doc] - doi-chieu-thanh-ngu-va-tuc-ngu-lien-quan-den-quot-nuoc-quot-giua-t...[123doc] - doi-chieu-thanh-ngu-va-tuc-ngu-lien-quan-den-quot-nuoc-quot-giua-t...
[123doc] - doi-chieu-thanh-ngu-va-tuc-ngu-lien-quan-den-quot-nuoc-quot-giua-t...HanaTiti
 
Luận văn thạc sĩ Đặc điểm du nhập của từ vay mượn gốc ấn âu trong tiếng Việt ...
Luận văn thạc sĩ Đặc điểm du nhập của từ vay mượn gốc ấn âu trong tiếng Việt ...Luận văn thạc sĩ Đặc điểm du nhập của từ vay mượn gốc ấn âu trong tiếng Việt ...
Luận văn thạc sĩ Đặc điểm du nhập của từ vay mượn gốc ấn âu trong tiếng Việt ...nataliej4
 
[123doc] - nghien-cuu-dac-diem-cau-tao-va-phuong-thuc-dinh-danh-cua-he-thong-...
[123doc] - nghien-cuu-dac-diem-cau-tao-va-phuong-thuc-dinh-danh-cua-he-thong-...[123doc] - nghien-cuu-dac-diem-cau-tao-va-phuong-thuc-dinh-danh-cua-he-thong-...
[123doc] - nghien-cuu-dac-diem-cau-tao-va-phuong-thuc-dinh-danh-cua-he-thong-...NuioKila
 
Luận văn: Dạy học đọc hiểu văn bản tự sự trường THPT theo định hướng phát tri...
Luận văn: Dạy học đọc hiểu văn bản tự sự trường THPT theo định hướng phát tri...Luận văn: Dạy học đọc hiểu văn bản tự sự trường THPT theo định hướng phát tri...
Luận văn: Dạy học đọc hiểu văn bản tự sự trường THPT theo định hướng phát tri...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 

Similar to TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149 (20)

Luận văn tiếng lóng trên các diễn đàn trực tuyến tiếng việt thức trạng, đặc...
Luận văn tiếng lóng trên các diễn đàn trực tuyến tiếng việt   thức trạng, đặc...Luận văn tiếng lóng trên các diễn đàn trực tuyến tiếng việt   thức trạng, đặc...
Luận văn tiếng lóng trên các diễn đàn trực tuyến tiếng việt thức trạng, đặc...
 
THÀNH NGỮ CÓ TỪ NGỮ THUỘC TRƯỜNG NGHĨA THỜI TIẾT TRONG TIẾNG VIỆT - TẢI FREE...
THÀNH NGỮ CÓ TỪ NGỮ THUỘC TRƯỜNG NGHĨA THỜI TIẾT TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE...THÀNH NGỮ CÓ TỪ NGỮ THUỘC TRƯỜNG NGHĨA THỜI TIẾT TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE...
THÀNH NGỮ CÓ TỪ NGỮ THUỘC TRƯỜNG NGHĨA THỜI TIẾT TRONG TIẾNG VIỆT - TẢI FREE...
 
Đặc điểm định danh tên cây thuốc Việt Nam (có liên hệ tiếng Latinh)
Đặc điểm định danh tên cây thuốc Việt Nam (có liên hệ tiếng Latinh) Đặc điểm định danh tên cây thuốc Việt Nam (có liên hệ tiếng Latinh)
Đặc điểm định danh tên cây thuốc Việt Nam (có liên hệ tiếng Latinh)
 
Khảo sát lỗi ngữ pháp trong sử dụng tiếng việt của sinh viên trung quốc tại m...
Khảo sát lỗi ngữ pháp trong sử dụng tiếng việt của sinh viên trung quốc tại m...Khảo sát lỗi ngữ pháp trong sử dụng tiếng việt của sinh viên trung quốc tại m...
Khảo sát lỗi ngữ pháp trong sử dụng tiếng việt của sinh viên trung quốc tại m...
 
Luận văn: Dạy học các bài về phong cách ngôn ngữ sinh hoạt và phong cách ngôn...
Luận văn: Dạy học các bài về phong cách ngôn ngữ sinh hoạt và phong cách ngôn...Luận văn: Dạy học các bài về phong cách ngôn ngữ sinh hoạt và phong cách ngôn...
Luận văn: Dạy học các bài về phong cách ngôn ngữ sinh hoạt và phong cách ngôn...
 
Luận văn: Dạy học các bài về phong cách ngôn ngữ sinh hoạt và nghệ thuật
Luận văn: Dạy học các bài về phong cách ngôn ngữ sinh hoạt và nghệ thuậtLuận văn: Dạy học các bài về phong cách ngôn ngữ sinh hoạt và nghệ thuật
Luận văn: Dạy học các bài về phong cách ngôn ngữ sinh hoạt và nghệ thuật
 
Th s17.008 câu hỏi trong tiếng tày
Th s17.008 câu hỏi trong tiếng tàyTh s17.008 câu hỏi trong tiếng tày
Th s17.008 câu hỏi trong tiếng tày
 
Ngôn ngữ học đối chiếu
Ngôn ngữ học đối chiếuNgôn ngữ học đối chiếu
Ngôn ngữ học đối chiếu
 
Luận văn: Dạy học tác phẩm tự sự dân gian trong SGK Ngữ văn lớp 10 theo mô hì...
Luận văn: Dạy học tác phẩm tự sự dân gian trong SGK Ngữ văn lớp 10 theo mô hì...Luận văn: Dạy học tác phẩm tự sự dân gian trong SGK Ngữ văn lớp 10 theo mô hì...
Luận văn: Dạy học tác phẩm tự sự dân gian trong SGK Ngữ văn lớp 10 theo mô hì...
 
Luận văn:Dạy đọc hiểu văn bản văn học trung đại Việt Nam ở Ngữ văn 10 THPT th...
Luận văn:Dạy đọc hiểu văn bản văn học trung đại Việt Nam ở Ngữ văn 10 THPT th...Luận văn:Dạy đọc hiểu văn bản văn học trung đại Việt Nam ở Ngữ văn 10 THPT th...
Luận văn:Dạy đọc hiểu văn bản văn học trung đại Việt Nam ở Ngữ văn 10 THPT th...
 
Đối chiếu thành ngữ và tục ngữ liên quan đến nước giữa tiếng Hán và tiếng Việ...
Đối chiếu thành ngữ và tục ngữ liên quan đến nước giữa tiếng Hán và tiếng Việ...Đối chiếu thành ngữ và tục ngữ liên quan đến nước giữa tiếng Hán và tiếng Việ...
Đối chiếu thành ngữ và tục ngữ liên quan đến nước giữa tiếng Hán và tiếng Việ...
 
[123doc] - doi-chieu-thanh-ngu-va-tuc-ngu-lien-quan-den-quot-nuoc-quot-giua-t...
[123doc] - doi-chieu-thanh-ngu-va-tuc-ngu-lien-quan-den-quot-nuoc-quot-giua-t...[123doc] - doi-chieu-thanh-ngu-va-tuc-ngu-lien-quan-den-quot-nuoc-quot-giua-t...
[123doc] - doi-chieu-thanh-ngu-va-tuc-ngu-lien-quan-den-quot-nuoc-quot-giua-t...
 
ĐỐI CHIẾU TỪ NGỮ CHỈ HOA TRONG TIẾNG ANH VÀ TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 4...
ĐỐI CHIẾU TỪ NGỮ CHỈ HOA TRONG TIẾNG ANH VÀ TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 4...ĐỐI CHIẾU TỪ NGỮ CHỈ HOA TRONG TIẾNG ANH VÀ TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 4...
ĐỐI CHIẾU TỪ NGỮ CHỈ HOA TRONG TIẾNG ANH VÀ TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 4...
 
Luận văn thạc sĩ Đặc điểm du nhập của từ vay mượn gốc ấn âu trong tiếng Việt ...
Luận văn thạc sĩ Đặc điểm du nhập của từ vay mượn gốc ấn âu trong tiếng Việt ...Luận văn thạc sĩ Đặc điểm du nhập của từ vay mượn gốc ấn âu trong tiếng Việt ...
Luận văn thạc sĩ Đặc điểm du nhập của từ vay mượn gốc ấn âu trong tiếng Việt ...
 
Luận án: Thành ngữ có yếu tố chỉ loài vật trong tiếng Hán, HAY
Luận án: Thành ngữ có yếu tố chỉ loài vật trong tiếng Hán, HAYLuận án: Thành ngữ có yếu tố chỉ loài vật trong tiếng Hán, HAY
Luận án: Thành ngữ có yếu tố chỉ loài vật trong tiếng Hán, HAY
 
[123doc] - nghien-cuu-dac-diem-cau-tao-va-phuong-thuc-dinh-danh-cua-he-thong-...
[123doc] - nghien-cuu-dac-diem-cau-tao-va-phuong-thuc-dinh-danh-cua-he-thong-...[123doc] - nghien-cuu-dac-diem-cau-tao-va-phuong-thuc-dinh-danh-cua-he-thong-...
[123doc] - nghien-cuu-dac-diem-cau-tao-va-phuong-thuc-dinh-danh-cua-he-thong-...
 
Luận án: Từ ngữ tiếng Anh trên các phương tiện truyền thông tiếng Việt
Luận án: Từ ngữ tiếng Anh trên các phương tiện truyền thông tiếng ViệtLuận án: Từ ngữ tiếng Anh trên các phương tiện truyền thông tiếng Việt
Luận án: Từ ngữ tiếng Anh trên các phương tiện truyền thông tiếng Việt
 
Luận án: Đối chiếu nhóm động từ chuyển động đa hướng Anh - Việt
Luận án: Đối chiếu nhóm động từ chuyển động đa hướng Anh - ViệtLuận án: Đối chiếu nhóm động từ chuyển động đa hướng Anh - Việt
Luận án: Đối chiếu nhóm động từ chuyển động đa hướng Anh - Việt
 
Luận văn: Dạy học đọc hiểu văn bản tự sự trường THPT theo định hướng phát tri...
Luận văn: Dạy học đọc hiểu văn bản tự sự trường THPT theo định hướng phát tri...Luận văn: Dạy học đọc hiểu văn bản tự sự trường THPT theo định hướng phát tri...
Luận văn: Dạy học đọc hiểu văn bản tự sự trường THPT theo định hướng phát tri...
 
Luận văn: Đọc hiểu văn bản tự sự ở trường THPT phát triển năng lực HS
Luận văn: Đọc hiểu văn bản tự sự ở trường THPT phát triển năng lực HSLuận văn: Đọc hiểu văn bản tự sự ở trường THPT phát triển năng lực HS
Luận văn: Đọc hiểu văn bản tự sự ở trường THPT phát triển năng lực HS
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877

Hoàn Thiện Tổ Chức Kế Toán Quản Trị Tại Công Ty Tnhh Thương Mại Đầu Tư Và Phá...
Hoàn Thiện Tổ Chức Kế Toán Quản Trị Tại Công Ty Tnhh Thương Mại Đầu Tư Và Phá...Hoàn Thiện Tổ Chức Kế Toán Quản Trị Tại Công Ty Tnhh Thương Mại Đầu Tư Và Phá...
Hoàn Thiện Tổ Chức Kế Toán Quản Trị Tại Công Ty Tnhh Thương Mại Đầu Tư Và Phá...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Tiểu Luận Nâng Cao Hiệu Quả Công Tác Quản Lý Các Điểm Di Tích Lịch Sử Văn H...
Tiểu Luận Nâng Cao Hiệu Quả Công Tác Quản Lý Các Điểm Di Tích Lịch Sử Văn H...Tiểu Luận Nâng Cao Hiệu Quả Công Tác Quản Lý Các Điểm Di Tích Lịch Sử Văn H...
Tiểu Luận Nâng Cao Hiệu Quả Công Tác Quản Lý Các Điểm Di Tích Lịch Sử Văn H...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Một Số Kiến Nghị Để Nâng Cao Hiệu Quảng Đối Với Dịch Vụ Quảng Cáo Và Tổ Chức ...
Một Số Kiến Nghị Để Nâng Cao Hiệu Quảng Đối Với Dịch Vụ Quảng Cáo Và Tổ Chức ...Một Số Kiến Nghị Để Nâng Cao Hiệu Quảng Đối Với Dịch Vụ Quảng Cáo Và Tổ Chức ...
Một Số Kiến Nghị Để Nâng Cao Hiệu Quảng Đối Với Dịch Vụ Quảng Cáo Và Tổ Chức ...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877 (20)

Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Bệnh Viện Chỉnh Hình Và Phục Hồi...
Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Bệnh Viện Chỉnh Hình Và Phục Hồi...Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Bệnh Viện Chỉnh Hình Và Phục Hồi...
Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Bệnh Viện Chỉnh Hình Và Phục Hồi...
 
Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Sự Nghiệp Thuộc Sở Xây...
Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Sự Nghiệp Thuộc Sở Xây...Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Sự Nghiệp Thuộc Sở Xây...
Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Sự Nghiệp Thuộc Sở Xây...
 
Hoàn Thiện Công Tác Hạch Toán Kế Toán Tại Các Đơn Vị Dự Toán Cấp...
Hoàn Thiện Công Tác Hạch Toán Kế Toán Tại Các Đơn Vị Dự Toán Cấp...Hoàn Thiện Công Tác Hạch Toán Kế Toán Tại Các Đơn Vị Dự Toán Cấp...
Hoàn Thiện Công Tác Hạch Toán Kế Toán Tại Các Đơn Vị Dự Toán Cấp...
 
Hoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Sở Giáo Dục Và Đào Tạo ...
Hoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Sở Giáo Dục Và Đào Tạo ...Hoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Sở Giáo Dục Và Đào Tạo ...
Hoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Sở Giáo Dục Và Đào Tạo ...
 
Hoàn Thiện Tổ Chức Kế Toán Quản Trị Tại Công Ty Tnhh Thương Mại Đầu Tư Và Phá...
Hoàn Thiện Tổ Chức Kế Toán Quản Trị Tại Công Ty Tnhh Thương Mại Đầu Tư Và Phá...Hoàn Thiện Tổ Chức Kế Toán Quản Trị Tại Công Ty Tnhh Thương Mại Đầu Tư Và Phá...
Hoàn Thiện Tổ Chức Kế Toán Quản Trị Tại Công Ty Tnhh Thương Mại Đầu Tư Và Phá...
 
Hoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Thuộc Trung Tâm Y Tế
Hoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Thuộc Trung Tâm Y TếHoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Thuộc Trung Tâm Y Tế
Hoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Thuộc Trung Tâm Y Tế
 
Tiểu Luận Thực Trạng Đời Sống Văn Hóa Của Công Nhân Khu Công Nghiệp - Hay T...
Tiểu Luận Thực Trạng Đời Sống Văn Hóa Của Công Nhân Khu Công Nghiệp - Hay T...Tiểu Luận Thực Trạng Đời Sống Văn Hóa Của Công Nhân Khu Công Nghiệp - Hay T...
Tiểu Luận Thực Trạng Đời Sống Văn Hóa Của Công Nhân Khu Công Nghiệp - Hay T...
 
Tiểu Luận Quản Lý Hoạt Động Nhà Văn Hóa - Đỉnh Của Chóp!
Tiểu Luận Quản Lý Hoạt Động Nhà Văn Hóa - Đỉnh Của Chóp!Tiểu Luận Quản Lý Hoạt Động Nhà Văn Hóa - Đỉnh Của Chóp!
Tiểu Luận Quản Lý Hoạt Động Nhà Văn Hóa - Đỉnh Của Chóp!
 
Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Văn Hóa - Hay Bá Cháy!
Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Văn Hóa - Hay Bá Cháy!Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Văn Hóa - Hay Bá Cháy!
Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Văn Hóa - Hay Bá Cháy!
 
Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Thiết Chế Văn Hóa - Hay Quên Lối Ra!.
Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Thiết Chế Văn Hóa - Hay Quên Lối Ra!.Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Thiết Chế Văn Hóa - Hay Quên Lối Ra!.
Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Thiết Chế Văn Hóa - Hay Quên Lối Ra!.
 
Tiểu Luận Quản Lý Di Tích Kiến Trúc Nghệ Thuật Chùa Tứ Kỳ - Hay Bá Đạo!
Tiểu Luận Quản Lý Di Tích Kiến Trúc Nghệ Thuật Chùa Tứ Kỳ - Hay Bá Đạo!Tiểu Luận Quản Lý Di Tích Kiến Trúc Nghệ Thuật Chùa Tứ Kỳ - Hay Bá Đạo!
Tiểu Luận Quản Lý Di Tích Kiến Trúc Nghệ Thuật Chùa Tứ Kỳ - Hay Bá Đạo!
 
Tiểu Luận Quản Lý Các Dịch Vụ Văn Hóa Tại Khu Du Lịch - Hay Xĩu Ngang!
Tiểu Luận Quản Lý Các Dịch Vụ Văn Hóa Tại Khu Du Lịch - Hay Xĩu Ngang!Tiểu Luận Quản Lý Các Dịch Vụ Văn Hóa Tại Khu Du Lịch - Hay Xĩu Ngang!
Tiểu Luận Quản Lý Các Dịch Vụ Văn Hóa Tại Khu Du Lịch - Hay Xĩu Ngang!
 
Tiểu Luận Nâng Cao Hiệu Quả Công Tác Quản Lý Các Điểm Di Tích Lịch Sử Văn H...
Tiểu Luận Nâng Cao Hiệu Quả Công Tác Quản Lý Các Điểm Di Tích Lịch Sử Văn H...Tiểu Luận Nâng Cao Hiệu Quả Công Tác Quản Lý Các Điểm Di Tích Lịch Sử Văn H...
Tiểu Luận Nâng Cao Hiệu Quả Công Tác Quản Lý Các Điểm Di Tích Lịch Sử Văn H...
 
Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Lễ Hội Tịch - Xuất Sắc Nhất!
Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Lễ Hội Tịch - Xuất Sắc Nhất!Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Lễ Hội Tịch - Xuất Sắc Nhất!
Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Lễ Hội Tịch - Xuất Sắc Nhất!
 
Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Di Tích Và Phát Triển Du Lịch - Hay Nhứ...
Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Di Tích Và Phát Triển Du Lịch - Hay Nhứ...Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Di Tích Và Phát Triển Du Lịch - Hay Nhứ...
Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Di Tích Và Phát Triển Du Lịch - Hay Nhứ...
 
Tiểu Luận Bảo Vệ Và Phát Huy Di Sản Văn Hóa Dân Tộc - Hay Chảy Ke!
Tiểu Luận Bảo Vệ Và Phát Huy Di Sản Văn Hóa Dân Tộc - Hay Chảy Ke!Tiểu Luận Bảo Vệ Và Phát Huy Di Sản Văn Hóa Dân Tộc - Hay Chảy Ke!
Tiểu Luận Bảo Vệ Và Phát Huy Di Sản Văn Hóa Dân Tộc - Hay Chảy Ke!
 
Quy Trình Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Cổ Phần Truyền Thông Và Sự Kiện Taf
Quy Trình Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Cổ Phần Truyền Thông Và Sự Kiện TafQuy Trình Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Cổ Phần Truyền Thông Và Sự Kiện Taf
Quy Trình Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Cổ Phần Truyền Thông Và Sự Kiện Taf
 
Thực Trạng Hoạt Động Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Quảng Cáo
Thực Trạng Hoạt Động Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Quảng CáoThực Trạng Hoạt Động Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Quảng Cáo
Thực Trạng Hoạt Động Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Quảng Cáo
 
Một Số Kiến Nghị Để Nâng Cao Hiệu Quảng Đối Với Dịch Vụ Quảng Cáo Và Tổ Chức ...
Một Số Kiến Nghị Để Nâng Cao Hiệu Quảng Đối Với Dịch Vụ Quảng Cáo Và Tổ Chức ...Một Số Kiến Nghị Để Nâng Cao Hiệu Quảng Đối Với Dịch Vụ Quảng Cáo Và Tổ Chức ...
Một Số Kiến Nghị Để Nâng Cao Hiệu Quảng Đối Với Dịch Vụ Quảng Cáo Và Tổ Chức ...
 
Hoàn Thiện Quy Trình Dịch Vụ Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Đầu Tư
Hoàn Thiện Quy Trình Dịch Vụ Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Đầu TưHoàn Thiện Quy Trình Dịch Vụ Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Đầu Tư
Hoàn Thiện Quy Trình Dịch Vụ Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Đầu Tư
 

Recently uploaded

30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...ThunTrn734461
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................TrnHoa46
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfhoangtuansinh1
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIĐiện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líDr K-OGN
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdfTrnHoa46
 
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...hoangtuansinh1
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhvanhathvc
 
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxpowerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxAnAn97022
 
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfchuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfVyTng986513
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 

Recently uploaded (20)

30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
 
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
 
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
 
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
 
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxpowerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
 
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfchuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 

TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149

  • 1. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ THÙY DƯƠNG TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ HỌC HÀ NỘI – 2020
  • 2. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ THÙY DƯƠNG TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT Chuyên ngành : Ngôn ngữ học Mã số : 9229020 NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS PHẠM VIỆT HÙNG HÀ NỘI – 2020
  • 3. i LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình do tôi nghiên cứu và thực hiện dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Phạm Hùng Việt. Các tư liệu được sử dụng trong luận án có xuất xứ rõ ràng. Để hoàn thành luận án này, ngoài các tài liệu tham khảo đã liệt kê, tôi cam đoan không sao chép các công trình hoặc nghiên cứu của người khác. Những kết quả nghiên cứu được nêu trong luận án là trung thực và chưa từng được ai công bố trong bất kì công trình nào khác. Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2020 TÁC GIẢ LUẬN ÁN Hà Thùy Dương
  • 4. ii LỜI CẢM ƠN Trước hết, tôi vô cùng biết ơn PGS.TS. Phạm Hùng Việt – người đã trực tiếp dành nhiều thời gian tận tình hướng dẫn, cung cấp những thông tin và tài liệu tham khảo quý báu giúp tôi hoàn thành Luận án này. Tôi xin chân thành cảm ơn Ban Lãnh đạo Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, nơi tôi đang công tác; các thầy cô giáo Khoa Ngôn ngữ học – Học viện Khoa học Xã hội đã tạo điều kiện giúp đỡ tôi trong quá trình thực hiện Luận án này. Sau cùng, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đến những người thân cùng bạn bè đồng nghiệp, những người luôn cổ vũ, động viên tôi hoàn thiện Luận án này. Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2020 TÁC GIẢ LUẬN ÁN Hà Thùy Dương
  • 5. iii MỤC LỤC MỞ ĐẦU .......................................................................................................... 1 1. Tính cấp thiết của đề tài ................................................................1 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án.............................1 2.1. Mục đích nghiên cứu........................................................................ 2 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu........................................................................ 2 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án..............................3 3.1. Đối tượng nghiên cứu....................................................................... 3 3.2. Phạm vi nghiên cứu.......................................................................... 3 4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án .......3 4.1. Phương pháp nghiên cứu................................................................. 3 4.2. Nguồn ngữ liệu nghiên cứu.............................................................. 5 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án .........................................6 5.1. Đóng góp về mặt lí luận.................................................................... 6 5.2. Đóng góp về mặt thực tiễn................................................................ 6 6. Ý nghĩa lí luận và thực tiễn của luận án........................................6 6.1. Về mặt lí luận .................................................................................... 7 6.2. Về mặt thực tiễn ................................................................................ 7 7. Cơ cấu của luận án.........................................................................7 CHƯƠNG 1: .................................................................................................... 8 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÍ LUẬN.......... 8 1.1. Tổng quan tình hình hình nghiên cứu ........................................8 1.1.1. Tình hình nghiên cứu tên gọi thực vật trên thế giới.................... 8 1.1.2. Tình hình nghiên cứu tên gọi thực vật ở Việt Nam ...................10 1.1.3. Tình hình nghiên cứu, biên soạn từ điển tiếng Việt .............16 1.2. Cơ sở lí luận của việc nghiên cứu tên gọi cây nông nghiệp trong tiếng Việt ..........................................................................................22 1.2.1. Vấn đề định danh.........................................................................22
  • 6. iv 1.2.2. Một số cơ sở lí thuyết về từ và ngữ..............................................31 1.2.3. Một số vấn đề về nghĩa của từ .....................................................36 1.2.4. Một số vấn đề từ điển học............................................................42 1.3. Khái quát về cây nông nghiệp...................................................48 Tiểu kết.............................................................................................49 CHƯƠNG 2: ..................................................................................................50 ĐẶC ĐIỂM TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT..50 2.1. Dẫn nhập ...................................................................................50 2.2. Tên gọi cây nông nghiệp trong tiếng Việt xét về nguồn gốc ngôn ngữ....................................................................................................51 2.3. Tên gọi cây nông nghiệp trong tiếng Việt xét về cấu tạo..........53 2.3.1. Cách thức biểu thị tên gọi cây nông nghiệp trong tiếng Việt ....53 2.3.2. Mô hình cấu tạo tên gọi cây nông nghiệp trong tiếng Việt........60 2.4. Tên gọi cây nông nghiệp trong tiếng Việt xét về đặc điểm định danh..................................................................................................70 2.4.1. Những dấu hiệu được lựa chọn để định danh cây nông nghiệp70 2.4.2. Các mô hình định danh cây nông nghiệp trong tiếng Việt........73 2.4.3. Tên gọi cây nông nghiệp trong tiếng Việt xét về các bậc định danh.80 Tiểu kết.............................................................................................87 CHƯƠNG 3: ..................................................................................................89 ĐỊNH NGHĨA TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TIẾNG VIỆT TRONG CÁC TỪ ĐIỂN GIẢI THÍCH......................................................................89 3.1. Dẫn nhập ...................................................................................89 3.2. Phân tích cấu trúc ngữ nghĩa của tên gọi cây nông nghiệp trong tiếng Việt................................................................................89 3.2.1. Miêu tả và phân tích định nghĩa tên gọi cây nông nghiệp trong tiếng Việt...........................................................................................................90 3.2.2. Mô hình cấu trúc ngữ nghĩa tên gọi cây nông nghiệp trong tiếng Việt ...............................................................................................................104
  • 7. v 3.2.3. Nhận xét về định nghĩa từ ngữ chỉ tên gọi cây nông nghiệp trong "Từ điển tiếng Việt" ..............................................................................107 3.3. So sánh định nghĩa tên gọi cây nông nghiệp trong các từ điển giải thích tiếng Việt........................................................................115 3.3.1. So sánh định nghĩa tên gọi cây lương thực trong các từ điển giải thích tiếng Việt ......................................................................................116 3.3.2. So sánh định nghĩa tên gọi cây ăn quả trong các từ điển giải thích tiếng Việt .....................................................................................123 3.3.3. So sánh định nghĩa tên gọi cây nguyên liệu trong các từ điển giải thích tiếng Việt ......................................................................................134 3.3.4. Đề xuất mô hình định nghĩa mục từ cây nông nghiệp trong từ điển giải thích tiếng Việt......................................................................142 Tiểu kết...........................................................................................143 KẾT LUẬN..................................................................................................146 DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ............151 TÀI LIỆU THAM KHẢO ..........................................................................152 PHỤ LỤC.....................................................................................................165
  • 8. vi DANH MỤC CÁC BẢNG TT Tên gọi Trang Bảng 2.1 Nguồn gốc ngôn ngữ của tên gọi cây nông nghiệp trong tiếng Việt 53 Bảng 2.2 Tổng hợp cấu tạo tên gọi cây nông nghiệp trong tiếng Việt 59 Bảng 2.3 Mô hình cấu tạo tên gọi cây nông nghiệp là ngữ định danh 69 Bảng 2.4 Tổng hợp các đặc điểm dùng để định danh cây nông nghiệp 79 Bảng 2.5 Các bậc định danh tên gọi cây nông nghiệp trong tiếng Việt 85 Bảng 3.1 Các nét nghĩa đặc trưng của tên gọi cây nông nghiệp tiếng Việt 103 Bảng 3.2 Nét nghĩa "cây trồng/được gieo trồng" được bổ sung vào lời định nghĩa 111 Bảng 3.3 Nét nghĩa "thời điểm" được bổ sung vào lời định nghĩa 114
  • 9. 1 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài 1.1. Việt Nam là nước thuộc vào nền văn minh nông nghiệp nên cây nông nghiệp tự nhiên và thuần dưỡng rất phong phú và đa dạng. Tương ứng với đặc điểm tồn tại khách quan đó, việc định danh, đặt tên cho cây nông nghiệp cũng trở nên phong phú và đa dạng tương ứng. Ở nước ta trong số các công trình nghiên cứu ở cấp trên và sau đại học đã có nhiều luận văn, luận án nghiên cứu về thuật ngữ, về từ nghề nghiệp, còn tên gọi cây nông nghiệp là những từ, ngữ thông thường chưa có công trình nghiên cứu tương xứng. Chưa có một công khoa học nào nghiên cứu chuyên sâu về hệ thống các từ ngữ là tên gọi các loại cây nông nghiệp trong tiếng Việt về phương diện cấu tạo, ngữ nghĩa, đặc điểm định danh. 1.2. Từ điển là công cụ tra cứu hữu hiệu cho người sử dụng ngôn ngữ. Trong sự phát triển thực tiễn, từ điển học thực hành ở Việt Nam, trong đó điển hình là từ điển giải thích ngữ văn, đã phát triển mạnh mẽ. Số lượng từ điển tiếng Việt tăng vọt vào thời gian mấy năm trở lại đây. Đến nay, chưa có những nghiên cứu sâu sắc và có giá trị ứng dụng về các mô hình định nghĩa, cách giải thích ý nghĩa của các kiểu loại mục từ trong các từ điển giải thích tiếng Việt. Việc tìm hiểu định nghĩa các mục từ là tên gọi cây nông nghiệp trong các từ điển giải thích sẽ bước đầu góp phần nâng cao chất lượng định nghĩa của từ điển. 1.3. Từ hai lí do trên, chúng tôi chọn đề tài Tên gọi cây nông nghiệp trong tiếng Việt và cách giải thích trong từ điển tiếng Việt cho luận án của mình. Luận án của chúng tôi sẽ tập trung khảo sát, nghiên cứu những đặc điểm về cấu tạo, định danh và ngữ nghĩa của các từ ngữ là tên gọi các cây nông nghiệp trong tiếng Việt. Trên cơ sở đó tìm hiểu định nghĩa các từ ngữ này trong từ điển giải thích và đề xuất mô hình ngữ nghĩa để định nghĩa chính xác và thống nhất các mục từ cây nông nghiệp trong từ điển giải thích tiếng Việt. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án
  • 10. 2 2.1. Mục đích nghiên cứu - Làm sáng rõ các đặc điểm về cấu tạo, về định danh các từ ngữ là tên gọi các loại cây nông nghiệp trong tiếng Việt; - Phân tích, nhận xét định nghĩa các mục từ tên gọi các loại cây nông nghiệp trong từ điển giải thích tiếng Việt để xác định mô hình cấu trúc nghĩa tên gọi cây nông nghiệp; - Đề xuất bổ sung các thông tin cần thiết vào định nghĩa và đưa ra một mô hình định nghĩa phù hợp cho các mục từ là tên gọi cây nông nghiệp trong từ điển giải thích tiếng Việt. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Để đạt được mục đích trên, luận án tập trung giải quyết các nhiệm vụ sau: a. Tổng quan tình hình nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam về tên gọi về thực vật nói chung, cây nông nghiệp nói riêng. Từ đó xác định được các nội dung nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án. b. Xác lập được một khung lí thuyết liên quan đến đối tượng nghiên cứu, nội dung nghiên cứu của luận án. Khung lí thuyết này gồm các vấn đề: lí thuyết về định danh ngôn ngữ, lí thuyết về từ, cấu tạo từ, cụm từ; lí thuyết về nghĩa từ; lí thuyết về từ điển học. c. Khảo sát, thống kê, phân loại từ ngữ là tên gọi các loại cây nông nghiệp trong tiếng Việt từ các nguồn ngữ liệu khác nhau; tìm hiểu đặc điểm cấu tạo của chúng; xác định các đặc trưng được sử dụng để gọi tên (định danh) các loại cây nông nghiệp, miêu tả cụ thể các phương thức định danh, mô hình định danh các loại cây nông nghiệp trong tiếng Việt. d. Khảo sát nội dung ngữ nghĩa tên gọi các loại cây nông nghiệp qua các định nghĩa trong Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên), xác định các nét nghĩa được sử dụng để định nghĩa tên gọi cây nông nghiệp và mô hình cấu trúc ngữ nghĩa tổng quát của các định nghĩa tên gọi cây nông nghiệp. e. So sánh định nghĩa một số mục từ tên gọi cây nông nghiệp trong 8 cuốn từ điển giải thích tiếng Việt. Từ đó nêu nhận xét về cách định nghĩa, bổ sung các
  • 11. 3 thông tin cần thiết vào định nghĩa về cây nông nghiệp và đề xuất mô hình định nghĩa các mục từ tên gọi cây nông nghiệp trong từ điển giải thích tiếng Việt. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận án là đặc điểm tên gọi cây nông nghiệp trong tiếng Việt và định nghĩa cây nông nghiệp trong các từ điển giải thích trên cơ sở 2609 các từ ngữ là tên gọi cây nông nghiệp trong tiếng Việt được thu thập từ các nguồn ngữ liệu đáng tin cậy khác nhau và các mục từ tên gọi cây nông nghiệp trong các từ điển tiếng Việt. Đó là những từ thường dùng gọi tên các loại cây được con người trồng, chăm sóc và thu hoạch phục vụ các nhu cầu khác nhau của con người. Một số tên gọi cây nông nghiệp đã được định nghĩa trong từ điển tiếng Việt cho trình độ phổ thông, đại học, phân biệt với nghĩa thuật ngữ và phân biệt với từ nghề nghiệp về phạm vi sử dụng. Như vậy, những loại cây hoang dã không phải là đối tượng nghiên cứu của luận án. 3.2. Phạm vi nghiên cứu Phạm vi nghiên cứu của luận án gồm hai phương diện sau đây: - Đặc điểm cấu tạo, đặc điểm định danh của tên gọi cây nông nghiệp trong tiếng Việt. - Ngữ nghĩa của các từ tên gọi cây nông nghiệp được thể hiện trong định nghĩa các mục từ trong Từ điển tiếng Việt. 4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án 4.1. Phương pháp nghiên cứu Luận án này sử dụng một số phương pháp và thủ pháp nghiên cứu của ngôn ngữ học sau đây: 4.1.1. Phương pháp miêu tả Phương pháp miêu tả được dùng để miêu tả đặc điểm cấu tạo tên gọi các loại cây nông nghiệp, các phương thức định danh trong tên gọi các loại cây nông
  • 12. 4 nghiệp trong tiếng Việt. Từ đó nêu lên những nhận xét về những đặc trưng về cấu tạo và định danh của tên gọi cây nông nghiệp trong tiếng Việt. 4.1.2. Phương pháp phân tích thành tố trực tiếp Phương pháp này được áp dụng để phân tích cấu tạo tên gọi các cây nông nghiệp theo thành tố trực tiếp nhằm xác định các yếu tố cấu tạo tên gọi các loại cây nông nghiệp. Từ đó, tìm ra được các nguyên tắc cấu tạo tên gọi cây nông nghiệp tiếng Việt, các mô hình cấu tạo của chúng. 4.1.3. Phương pháp phân tích thành tố nghĩa Phương pháp này được áp dụng để phân tích cấu trúc ngữ nghĩa của từ là tên các loại cây nông nghiệp được định nghĩa bằng cách dùng từ bao trong từ điển tiếng Việt thành các nét nghĩa, từ đó xác lập các đặc trưng định danh làm cơ sở xây dựng các mô hình định danh tên cây nông nghiệp, đồng thời xác định các đặc trưng ngữ nghĩa (được thể hiện bằng các nét nghĩa trong lời định nghĩa) được sử dụng để định nghĩa cây nông nghiệp tiếng Việt. 4.1.4. Phương pháp lịch sử so sánh Luận án sử dụng phương pháp lich sử so sánh để so sánh một số định nghĩa cây nông nghiệp trong 7 quyển từ điển tiếng Việt xuất bản trong khoảng thời gian 80 năm (Việt Nam tự điển (Hội Khai trí - Tiến Đức, Sài Gòn, 1931 đến Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên, Hà Nội, tái bản năm 2012) để phân tích trúc ngữ nghĩa của mục từ tên gọi cây nông nghiệp.Từ đó xác định các đặc trưng ngữ nghĩa (được thể hiện bằng các nét nghĩa trong lời định nghĩa) được sử dụng để định nghĩa các loại cây nông nghiệp trong tiếng Việt. 4.1.5. Thủ pháp thống kê, phân loại Thủ pháp thống kê được sử dụng để xác định số lượng từ ngữ là tên gọi các loại cây nông nghiệp trong tiếng Việt, tỉ lệ phần trăm của các phương thức cấu tạo, các mô hình định danh tên cây nông nghiệp trong tiếng Việt. Các kết quả thống kê sẽ được tổng hợp lại dưới hình thức của bảng biểu giúp hình dung rõ
  • 13. 5 hơn các đặc điểm cấu tạo, phương thức định danh trong tên gọi cây nông nghiệp trong tiếng Việt. 4.2. Nguồn ngữ liệu nghiên cứu Ngữ liệu nghiên cứu của luận án là các từ ngữ gọi tên các cây nông nghiệp trong tiếng Việt, tức là những loài cây có ích cho đời sống, được con người gieo trồng trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp. - Các mục từ là tên gọi các loại cây nông nghiệp xuất hiện trong các cuốn từ điển: Việt Nam tự điển (Hội Khai trí - Tiến Đức, Sài Gòn, 1931) [46], Tự điển Việt Nam phổ thông (Đào Văn Tập biên soạn, Sài Gòn, 1951) [93], Việt Nam tân từ điển (Thanh Nghị biên soạn, Sài Gòn, 1952) [75], Tự điển Việt Nam (Lê Văn Đức biên soạn, Sài Gòn, 1970) [32], Từ điển tiếng Việt (Văn Tân chủ biên, Hà Nội, 1977) [92], Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên, Hà Nội, 1999) [136], Từ điển từ và ngữ Việt Nam (Nguyễn Lân biên soạn, Tp. Hồ Chí Minh, 2000) [57], Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên, Hà Nội, 2012) [125]. - Các Thông tư Ban hành Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh ở Việt Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. - Tổng hợp danh sách các giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam đến 20/10/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. - Tổng hợp danh sách các giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam đến 28/7/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. - Danh mục bổ sung giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam (Ban hành kèm theo Thông tư số: 01/2019/TT-BNNPTNT ngày 18 tháng 01 năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). - Danh sách giống lúa tại Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 80/2005/QĐ - BNN ngày 05 tháng 12 năm 2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
  • 14. 6 - Danh sách giống khoai tại Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 80/2005/QĐ - BNN ngày 05 tháng 12 năm 2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thực tế khảo sát các nguồn ngữ liệu, chúng tôi chỉ có ngữ liệu về một số loại cây nông nghiệp là: lúa, ngô, khoai lang, sắn, đậu, lạc, vừng,...; cây ăn quả: cam, bưởi, nhãn, vải, chuối, xoài, thanh long, mận, táo, dứa, dừa, nho, ổi,...; cây trồng phục vụ công nghiệp, lâm nghiệp: cà phê, cao su, chè, mía, bông, đay, thuốc lá, sơn, sở, trẩu, hồ tiêu, ca cao, hồi,... Số lượng tên cây thuốc rất lớn và cũng đã có những công trình nghiên cứu chúng. Còn các cây thực phẩm như các loại rau, cây gia vị không có tư liệu đầy đủ. Vì vậy, luận án này chỉ khảo sát tên gọi cây nông nghiệp chỉ giới hạn là tên gọi cây lương thực, cây trồng phục vụ công nghiệp, lâm nghiệp và cây ăn quả. Từ các nguồn ngữ liệu khác nhau, chúng tôi đã thu thập được 2609 tên gọi cây nông nghiệp được biểu thị bằng từ và cụm từ của tiếng Việt. 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án 5.1. Đóng góp về mặt lí luận Kết quả nghiên cứu của luận án góp thêm vào việc vận dụng lí thuyết ngôn ngữ học (định danh ngôn ngữ, ngữ nghĩa học, từ điển học thực hành) để nghiên cứu, xử lí từ ngữ tên gọi cây nông nghiệp trong tiếng Việt, chỉ rõ tính khoa học, hiệu quả của các lí thuyết ngôn ngữ học vào nghiên cứu thực tế nguồn ngữ liệu tiếng Việt. 5.2. Đóng góp về mặt thực tiễn Các kết quả nghiên cứu của luận án có thể được sử dụng trong việc làm cơ sở đặt tên bằng tiếng Việt cho các loại cây trồng mới ở Việt Nam, cũng như vào việc định nghĩa các mục từ này trong từ điển được chính xác, khoa học hơn. 6. Ý nghĩa lí luận và thực tiễn của luận án Có thể nói, đây là luận án đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu một cách hệ thống và toàn diện những đặc điểm cơ bản về phương diện cấu tạo, định danh và cấu
  • 15. 7 trúc nghĩa tên gọi cây nông nghiệp trong định nghĩa của từ điển giải thích tiếng Việt. Vì vậy, luận án sẽ có ý nghĩa như sau: 6.1. Về mặt lí luận - Luận án sẽ làm rõ các đặc điểm được sử dụng để gọi tên (định danh) các loại cây nông nghiệp trong tiếng Việt. Qua đó thấy được đặc điểm trong tư duy của người Việt trong quá trình nhận thức thế giới khách quan thường chú ý tri giác như thế nào, lựa chọn những đặc trưng nào của sự vật, đối tượng để làm cơ sở đặt tên (định danh) cho chúng. - Kết quả nghiên cứu của luận án là minh chứng về mối quan hệ giữa nghiên cứu lí thuyết với nghiên cứu ứng dụng trong địa hạt ngôn ngữ học, sẽ góp phần vào việc nâng cao chất lượng, độ chính xác của các định nghĩa về tên gọi các loại cây nông nghiệp nói riêng trong các loại từ điển tiếng Việt. 6.2. Về mặt thực tiễn Kết quả nghiên cứu của luận án sẽ: - Cho phép xác định, đề xuất được các biện pháp, cách thức gọi tên (định danh) các loại sự vật, hiện tượng mới xuất hiện dựa vào các đặc điểm riêng, nổi bật (các đặc điểm định danh) của chúng. - Có thể sử dụng cho việc giảng dạy từ vựng tiếng Việt và định nghĩa hệ thống tên gọi các loài thực vật nói chung, tên gọi các loại cây nông nghiệp nói riêng trong tiếng Việt trong từ điển giải thích tiếng Việt. - Sử dụng thống nhất mô hình định nghĩa mà luận án đã đề xuất vào việc định nghĩa các mục từ cây nông nghiệp trong từ điển giải thích tiếng Việt. 7. Cơ cấu của luận án Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Phụ lục, luận án gồm 3 chương được bố cục như sau: Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu và cơ sở lí luận Chương 2: Đặc điểm tên gọi cây nông nghiệp trong tiếng Việt
  • 16. 8 Chương 3: Định nghĩa tên gọi cây nông nghiệp tiếng Việt trong các từ điển giải thích CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÍ LUẬN 1.1. Tổng quan tình hình hình nghiên cứu Vì tên gọi cây nông nghiệp nói riêng thường được coi như một phần của tên gọi thực vật nói chung, nên để thấy được tình hình nghiên cứu về tên gọi cây nông nghiệp, luận án trình bày tổng quan về tình hình nghiên cứu tên gọi thực vật trên thế giới và tình hình nghiên cứu tên gọi thực vật và tên gọi cây nông nghiệp ở Việt Nam. 1.1.1. Tình hình nghiên cứu tên gọi thực vật trên thế giới Trong ngôn ngữ học hiện đại, việc nghiên cứu đặc điểm cấu tạo và định danh tên gọi thực vật trong các ngôn ngữ trên thế giới còn ít được nghiên cứu. Với sự hiểu biết hạn chế của mình, chúng tôi trình bày khái quát một số công trình nghiên cứu trên thế giới có liên quan đến đề tài luận án. Luận án Phó tiến sĩ về đề tài Tên gọi dân tộc các loài thực vật (dựa trên ngữ liệu tiếng Anh, tiếng Nga và tiếng Cadắc) [152] của G.I. Uiukbôva bảo vệ năm 1983 tại Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô thuộc loại công trình nghiên cứu đầu tiên. Lựa chọn 523 tên gọi thực vật tiếng Anh, 290 tên gọi thực vật tiếng Nga và 302 tên gọi thực vật tiếng Cadắc làm đối tượng nghiên cứu, luận án đã miêu tả tên gọi thực vật trong ba ngôn ngữ này, xác định được 10 thuộc tính được sử dụng (tác giả gọi là "bộ lí do") để định danh thực vật trong các ngôn ngữ Anh, Nga và Cadắc. Luận án Phó tiến sĩ về đề tài Trường nghĩa "thực vật" trong tiếng Nga [151] của Said Aliafar bảo vệ năm 1999 tại Trường Đại học Tổng hợp Xanh Pêtecbua đã dựa vào 800 từ là tên gọi thực vật trong tiếng Nga được định nghĩa trong Từ điển
  • 17. 9 tiếng Nga của S.I. Ojegov và N. Ju. Svedova để nghiên cứu đặc điểm ngữ nghĩa của các từ tên gọi thực vật trong tiếng Nga và cách giải thích nghĩa từ vựng của chúng trong từ điển. Luận án cũng tìm hiểu đặc điểm định danh tên gọi các loại cây và hoa trong tiếng Nga. Luận án Phó tiến sĩ về đề tài Các phương thức định danh thực vật trong tiếng Nanai [147] của L.J. Zacsor bảo vệ năm 2005 tại Xanh Pêtecbua đã dựa vào 1171 tên gọi thực vật trong tiếng Nanai để miêu tả nguồn gốc hình thành và đặc điểm phát triển lịch sử tên gọi thực vật trong tiếng Nanai. Luận án cũng đã nghiên cứu phương thức phụ tố trong định danh thực vật, tìm hiểu đặc điểm cấu tạo tên gọi thực vật và đặc điểm định danh thực vật bằng các phương tiện hình thái, từ vựng - ngữ nghĩa và cú pháp trong trong ngôn ngữ Nanai. Luận án Phó tiến sĩ về đề tài Tên gọi các loài thực vật ngoại lai trong tiếng Anh và tiếng Nga: Các bình diện cấu trúc - cấu tạo từ và mô típ định danh [146] của A.V. Berestneva, bảo vệ năm 2008 tại Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Gomen (Bêlarus). Dựa vào 2.000 tên gọi tiếng Nga và hơn 2.500 tên gọi tiếng Anh các loài thực vật ngoại lai, luận án đã phân tích cấu trúc - cấu tạo từ tên gọi các loài thực vật ngoại lai tiếng Anh và tiếng Nga, xác định các nguyên tắc, dấu hiệu định danh thực vật ngoại lai trong hai ngôn ngữ và xác định các loại dấu hiệu được dùng để định danh các loài thực vật ngoại lai. Từ đó, luận án tiến hành đối chiếu các dấu hiệu ngữ nghĩa có trong tên gọi các loài thực vật ngoại lai trong hai ngôn ngữ để làm sáng rõ những nguyên tắc định danh mang tính phổ quát và dân tộc. Luận án Phó tiến sĩ về đề tài Tên gọi các loài dược thảo trong các ngôn ngữ có cấu trúc khác nhau (dựa trên ngữ liệu tiếng Nga, tiếng Maria, tiếng Đức và tiếng Latinh [150] của O.G. Rubxôva bảo vệ năm 2015 tại Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Maria. Đối tượng nghiên cứu là tên gọi các loài dược thảo trong tiếng Nga, tiếng Maria, tiếng Đức và tiếng Latin, gồm 4.000 tên gọi các loài dược thảo, phân tích 3003 tên gọi, trong đó có 70 tên gọi Latinh, 1953 tên dược thảo tiếng
  • 18. 10 Nga, 383 tên dược thảo tiếng Maria và 597 tên dược thảo tiếng Đức. Luận án đã nghiên cứu những nguyên tắc cơ bản được dùng để định danh các loài dược thảo trong các ngôn ngữ này; xác định những đặc trưng làm cơ sở định danh và những nguyên tắc định danh các loài dược thảo. Trên cơ sở đó, luận án đã phân loại và so sánh tên gọi các loài dược thảo được thể hiện trong bốn ngôn ngữ này. 1.1.2. Tình hình nghiên cứu tên gọi thực vật ở Việt Nam Trong vốn từ vựng tiếng Việt, tên gọi các loài thực vật nói chung, tên gọi các loại cây nông nghiệp nói riêng được coi là một nhóm từ vựng - ngữ nghĩa. Đặc điểm sinh học của các loài thực vật ở nước ta đã được nghiên cứu chuyên sâu từ phương diện thực vật học, sinh học, nông học. Còn về phương diện ngôn ngữ học, chưa có nhiều công trình nghiên cứu về tên gọi thực vật nói chung, tên gọi cây nông nghiệp nói riêng. Vân đài loại ngữ [29] của Lê Quý Đôn và Lịch triều hiến chương loại chí [19] của Phan Huy Chú có thể xem là những sách có tính bách khoa toàn thư đầu tiên của Việt Nam đề cập đến nghề nông và sử dụng nước. Gần đây một số chuyên khảo về nghề trồng lúa, một số quyển từ điển bách khoa chuyên ngành về nông nghiệp, về cây thuốc Việt Nam đã được biên soạn: Từ điển Bách khoa nông nghiệp [115], Từ điển Bách khoa nông nghiệp Việt Nam [23], Từ điển cây thuốc Việt Nam (bộ mới), 2 tập [17], Văn minh lúa nước và nghề trồng lúa Việt Nam [27]. Trong Việt ngữ học hiện đại, với tư cách là một nhóm từ vựng - ngữ nghĩa, tên gọi các loài thực vật nói chung, tên gọi cây nông nghiệp nói riêng trong tiếng Việt được nghiên cứu theo ba hướng: nghiên cứu từ cách tiếp cận từ vựng học truyền thống; nghiên cứu theo hướng phong cách học và nghiên cứu theo hướng của ngôn ngữ học tri nhận. a. Nghiên cứu nhóm từ tên gọi thực vật theo truyền thống Theo hướng nghiên cứu này có thể nêu ra một số bài viết, luận văn sau: Luận văn tốt nghiệp đại học của Cao Thị Thu Đặc điểm định danh và ngữ nghĩa trường từ vựng tên gọi thực vật trong tiếng Việt [106] bảo vệ năm 1995 tại
  • 19. 11 Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Dựa vào lời giải thích trong định nghĩa từ điển giải thích tiếng Việt của 657 từ ngữ chỉ thực vật, tác giả luận văn sử dụng phương pháp phân tích thành tố nghĩa để phân giải lời giải thích thành các nghĩa vị khu biệt phản ánh những đặc trưng cơ bản của thực vật được biểu thị. Tác giả đã xác định được 14 nghĩa vị khu biệt xuất hiện trong lời giải thích tên gọi thực vật: tên chỉ loại; đặc điểm hình thức/cấu tạo; đặc điểm kích cỡ; vai trò trong đời sống; đặc điểm màu sắc; đặc điểm vị trí, quan hệ trong phân loại sinh vật học; vai trò trong y học; môi trường sống; đặc điểm vị; đặc điểm mùi; đặc điểm thuần dưỡng; đặc điểm thời gian; đặc điểm tập tính sinh sống. Trên cơ sở đó tác giả tìm hiểu quá trình chuyển nghĩa và những ý nghĩa biểu trưng của các từ ngữ chỉ thực vật trong tiếng Việt. Luận văn thạc sĩ của Trần Hạnh Nguyên Trường trường từ vựng - ngữ nghĩa thực vật trong kho tàng ca dao người Việt [76] bảo vệ năm 2014 tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tìm hiểu đặc điểm cấu tạo, đặc trưng ngữ nghĩa và giá trị biểu trưng của tên các loài thực vật cùng những bộ phận cơ bản của chúng (hoa, quả) xuất hiện trong kho tàng ca dao Việt Nam. Khảo sát 11825 lời ca trong Kho tàng ca dao người Việt, tác giả luận văn xác định được có 2875 lời ca về trường nghĩa thực vật, chiếm 24% và thống kê được 325 loại thực vật chỉ cây (tùng, cúc, trúc, mai, tre, lúa, cây đa, rau cải, rau muống, rau răm,…). Có 2226 từ nói về cây và rau (chiếm 49%): cây đào, cây liễu, cây trúc, cây tre, cây đa, cây lúa, cây bèo, cỏ, rau muống, rau cải, rau răm, rau má, rau húng, gừng,...Dựa vào kết quả thống kê, phân loại nêu trên tác giả tiến hành khảo sát, phân tích đặc điểm ngữ nghĩa, sự chuyển trường của các từ ngữ chỉ tên thực vật trong ca dao, tìm hiểu ý nghĩa biểu trưng của các từ thuộc trường nghĩa thực vật trong kho tàng ca dao người Việt. Luận án Từ ngữ chỉ động thực vật trong tiếng Việt và tiếng Anh [118] của Nguyễn Thanh Tùng đã so sánh từ chỉ thực vật tiếng Việt và tiếng Anh trong từ điển giải thích, trong thành ngữ và tục ngữ dựa trên cơ sở phân loại từ chỉ thực
  • 20. 12 vật dùng theo nghĩa đen và nghĩa bóng. Trong công trình này, tác giả đã chỉ ra những đặc trưng ngôn ngữ - văn hóa của hai dân tộc Việt và Anh với hai loại hình ngôn ngữ và văn hóa khác biệt nhau. Hồ Văn Tuyên (2005) trong Đặc điểm định danh từ vựng trong phương ngữ Nam Bộ [119], tác giả có đề cập đến cách định danh thực vật ở Nam Bộ xét về mặt cấu tạo, phương thức biểu thị và ngữ nghĩa. Qua cách định danh này, tác giả cho ta thấy rõ nét văn hóa rất đặc trưng trong tư duy của người Việt nói chung và người Nam Bộ nói riêng. Luận văn thạc sĩ của Lê Hồng Nhiên Từ chỉ thực vật trong tiếng Việt (đối chiếu giữa các phương ngữ) [77], bảo vệ năm 2012 tại Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh đã thu thập được 391 từ chỉ thực vật có tên gọi khác nhau trong các phương ngữ của tiếng Việt qua khảo sát các từ điển thường dùng và điền dã. Tác giả công trình này đã phân loại và miêu tả đặc điểm cấu tạo từ (từ đơn, từ ghép, từ láy), các mô hình cấu tạo từ ghép là các loài thực vật có tên gọi khác nhau trong các phương ngữ tiếng Việt. Luận văn đã đối chiếu từ chỉ thực vật giữa các phương ngữ xét về mặt cấu tạo, ngữ âm - ngữ nghĩa để làm rõ cách tri nhận, tìm hiểu các yếu tố văn hóa, địa lí có ảnh hưởng đến quy luật định danh tên gọi thực vật trong từng phương ngữ nói riêng và trong tiếng Việt nói chung. Thông qua đối chiếu nhóm từ chỉ thực vật giữa các phương ngữ, luận văn đã nêu lên những đặc trưng, những nét khác biệt chủ yếu về mặt cấu tạo, ngữ âm - ngữ nghĩa giữa các phương ngữ, có sự so sánh với ngôn ngữ toàn dân. Luận án của Trần Thị Hường Đặc điểm định danh tên cây thuốc Việt Nam (có liên hệ tiếng Latinh) [50] bảo vệ năm 2020 tại Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Luận án nghiên cứu định danh tên gọi cây thuốc Việt Nam nhằm xác định nguồn gốc, đặc điểm cấu tạo và cơ sở đặt tên cho cây thuốc, đồng thời khám phá đặc trưng văn hóa dân tộc của người Việt đối với việc định danh cây thuốc, có sự liên hệ với tên gọi Latinh. Khảo sát 1966 tên cây thuốc, luận án xác định được 1538 tên gọi thuần Việt, 414 tên gọi vay mượn
  • 21. 13 tiếng Hán và 14 tên gọi vay mượn các ngôn ngữ Ấn - Âu. Luận án đã xác định được tên gọi cây thuốc Việt Nam có cấu tạo là từ gồm 678 đơn vị (chiếm 34,49%) và 1288 đơn vị (chiếm 65,51%) có cấu tạo là cụm từ (ngữ), miêu tả tên gọi cây thuốc có cấu tạo là cụm từ theo các mô hình cấu tạo gồm từ 2 đến 5 thành tố. Những thành tố thu được đều là những yếu tố có nghĩa từ vựng biểu thị một khái niệm hoặc đặc trưng của khái niệm có liên quan đến tên cây thuốc Việt Nam. Tên gọi cây thuốc bằng tiếng Latinh gồm tên chi và tên loài cũng được miêu tả cụ thể. Về phương diện định danh tên gọi cây thuốc Việt Nam, luận án đã xác định được 151 tên gọi không có lí do (chiếm 7,68%) vì không giải thích nổi vì sao gọi thế. Những tên gọi này thuộc loại định danh đơn (định danh cơ sở) chủ yếu là những tên gọi có cấu tạo là từ đơn thuần Việt và từ vay mượn ngôn ngữ Ấn - Âu. Còn lại1186 tên gọi cây thuốc là có lí do thuộc loại định danh phức (chiếm 60,32%). Những tên gọi này có đặc trưng: dùng thành tố chỉ loài kết hợp với các dấu hiệu chỉ đặc điểm để định danh. Với cây thuốc có tên khoa học tiếng Latinh, các nhà khoa học đã dựa vào một số cơ sở sau để định danh cây thuốc: địa danh nơi loài phát triển, hoặc nơi đầu tiên phát hiện; tên người đã khám phá, mô tả loài đó; tên thể hiện tính chất đặc thù nào đó của loài (màu sắc, hình dạng, mùi thơm, vùng sinh thái,…). b. Nghiên cứu tên gọi thực vật theo hướng phong cách học Theo hướng này, tên gọi thực vật và cây nông nghiệp trong tiếng Việt là ngữ liệu để tìm hiểu các tín hiệu thẩm mĩ và nghĩa biểu trưng. Chỉ có một vài luận án, luận văn, bài viết khảo sát bước đầu về trường tên gọi thực vật, chủ yếu tập trung tìm hiểu tên loài thực vật và đặc điểm biểu trưng các loài thực vật trong thơ ca, ca dao. Luận án Tín hiệu thẩm mĩ thuộc trường nghĩa cây trong thơ Việt Nam [1] của Phạm Thị Kim Anh đã tìm hiểu các từ thuộc trường nghĩa "cây" có chức năng kiến tạo nghĩa thẩm mĩ được dùng để biểu thị các hình tượng nghệ thuật thơ. Luận án đã miêu tả các đơn vị ngôn ngữ thuộc trường nghĩa "cây" trong thơ ca (cây tre,
  • 22. 14 trúc, thông, tùng, liễu, cỏ, lúa, lau, bèo, rêu). Từ đó, tìm hiểu sự biến đổi và chuyển hóa cả về hình thức biểu đạt lẫn nội dung ý nghĩa của các từ chỉ các cây trong thơ ca Việt Nam để chúng trở thành một hệ thống tín hiệu thẩm mĩ. Một số tác giả nghiên cứu nghĩa biểu trưng của hoa, một bộ phận của cây trong kho tàng ca dao của người Việt như: Hàm ý biểu trưng của từ chỉ hoa và tên hoa trong ca dao của tác giả Hà Thị Quế Hương đã chỉ ra biểu trưng của các từ chỉ hoa trong ca dao [49]. Bài viết Đôi nét về nhóm biểu tượng hoa trong ca dao của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Điệp đã đề cập tới biểu tượng hoa chỉ vẻ đẹp của người thiếu nữ, biểu tượng về tình yêu,...[28]. Trần Văn Sáng đã xác định những giá trị biểu trưng của hoa đào qua bài viết Hoa đào, từ biểu tượng văn hóa đến biểu trưng văn học. Theo tác giả, "Nếu trong văn chương bác học, các nhà thơ thường liên tưởng tới cả cây đào, thân đào, hoa đào với những biểu trưng khác nhau thì trong ca dao, các thi sĩ dân gian lại chủ yếu sử dụng thi liệu hoa đào để nói về người con gái, tình yêu đôi lứa và mối nhân duyên” [89, tr. 44]. c. Nghiên cứu tên gọi thực vật theo hướng ngôn ngữ học tri nhận Ở Việt Nam trong vài thập niên gần đây, những vấn đề về ngôn ngữ học tri nhận nói chung và lí thuyết ẩn dụ ý niệm nói riêng đã thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu Việt ngữ học. Trong công trình Ngôn ngữ học tri nhận: Từ lí thuyết đại cương đến thực tiễn tiếng Việt [100], Lý Toàn Thắng đi sâu vào việc nghiên cứu ngữ nghĩa của từ “cây” và sự phân loại dân dã thực vật ở người Việt. Ông xác định từ "cây" được sử dụng với 11 ý nghĩa khác nhau. Theo ông, cách dùng của từ "cây" trong các ngữ cảnh khác nhau và sự phân loại dân dã thực vật của người Việt, về cơ bản, không phải là nguyên lí “phân loại sinh học” mà quan trọng là đặc tính về tri giác và về văn hóa, trong đó chủ yếu là nguyên lí “lấy con người làm trung tâm” (dĩ nhân vi trung). Luận án Ẩn dụ ý niệm của phạm trù thực vật trong tiếng Việt và tiếng Anh của Trần Thị Phương Lý [68] đã nghiên cứu các ẩn dụ ý niệm trên nguồn ngữ
  • 23. 15 liệu cụ thể liên quan đến ý niệm thực vật trong tiếng Việt (có liên hệ với tiếng Anh) nhằm tìm ra chứng cứ củng cố cho quan điểm tri nhận về ẩn dụ, giúp làm phong phú thêm những nghiên cứu về ẩn dụ tiếng Việt. Dựa trên ngữ liệu chỉ thực vật trong phạm vi nguồn cứ liệu chính là Từ điển tiếng Việt, luận án đã khảo sát ẩn dụ ý niệm, tìm hiểu phương thức thiết lập và các thành tố của mô hình chuyển di ý niệm (từ ý niệm thực vật để nhận thức các phạm trù ý niệm khác) trên ngữ liệu biểu thức ngôn ngữ liên quan đến thực vật trong tiếng Việt (có liên hệ với tiếng Anh), cũng như tìm hiểu các nền tảng kinh nghiệm phổ quát cho phép thực hiện sự nhận thức thông qua con đường chuyển di này, từ đó, phân loại và lí giải chức năng các loại ẩn dụ ý niệm THỰC VẬT. Cũng từ góc độ ngôn ngữ học tri nhận, trong bài viết Chiếu xạ miền ý niệm thực vật và con người trong ca từ Trịnh Công Sơn [43], Nguyễn Thị Bích Hạnh đã nghiên cứu mô hình ẩn dụ ý niệm CON NGƯỜI LÀ THỰC VẬT trong ca từ Trịnh Công Sơn, lí giải quy luật chiếu xạ từ ý niệm thực vật (miền NGUỒN) lên ý niệm con người (miền ĐÍCH), tìm hiểu cách tri nhận của nhạc sĩ về con người và các chu kì vòng đời người dựa trên ý niệm chu kì sinh trưởng của thực vật hiện thân trong ngôn ngữ, từ đó giải mã con người văn hóa, vô thức cá nhân và thế giới tinh thần của nhạc sĩ. Trong một bài viết khác với nhan đề Ẩn dụ ý niệm "CON NGƯỜI LÀ CÂY" trong thành ngữ, tục nhữ tiếng Việt [44], Nguyễn Thị Bích Hạnh đã tìm hiểu cách tri nhận của người Việt về con người và các chu kì vòng đời người dựa trên ý niệm về chu kì sinh trưởng của thực vật được thể hiện trong ngôn ngữ. Căn cứ vào những liên tưởng kinh nghiệm thể hiện trong tục ngữ tiếng Việt và những miền tri thức được chiếu từ miền nguồn sang miền đích thể hiện qua các thành ngữ tiếng Việt, tác giả đã chỉ ra cơ chế sao phỏng giữa hai miền không gian trong tư duy ngôn ngữ của người Việt. Tóm lại, các tác giả đi trước đề cập đến các từ chỉ thực vật như là một nhóm từ vựng - ngữ nghĩa và nghiên cứu chúng từ nhiều góc độ: tìm hiểu đặc trưng từ vựng - ngữ nghĩa (đặc điểm cấu tạo, đặc điểm ngữ nghĩa và định danh), nghiên
  • 24. 16 cứu các ẩn dụ ý niệm trên nguồn ngữ liệu liên quan đến ý niệm thực vật trong tiếng Việt, nghiên cứu nghĩa biểu trưng của các từ ngữ chỉ thực vật và nghiên cứu đối chiếu các từ ngữ chỉ thực vật trong các ngôn ngữ khác nhau. Từ đó, có thể khẳng định rằng chưa có công trình nào nghiên cứu tên gọi cây nông nghiệp tiếng Việt về phương diện cấu tạo, ngữ nghĩa, định danh và định nghĩa chúng trong từ điển giải thích. 1.1.3. Tình hình nghiên cứu, biên soạn từ điển tiếng Việt Về từ điển, có thể xem xét từ hai góc độ: nghiên cứu về từ điển - từ điển học lí thuyết và biên soạn từ điển - từ điển học thực hành. Từ góc độ từ điển học lí thuyết có thể xem xét sự phát triển của từ điển học qua những công trình lí luận; từ góc độ từ điển học thực hành có thể xem xét sự phát triển của ngành từ điển học qua những cuốn từ điển đã được biên soạn. Trong thực tế hai mặt này gắn bó chặt chẽ với nhau, vì một cuốn từ điển được biên soạn thường mang đậm dấu ấn của tác giả, cả về tri thức bách khoa lẫn tri thức ngôn ngữ học. Theo thống kê của Vũ Quang Hào, "Chỉ tính riêng những từ điển về tiếng Việt, liên quan đến tiếng Việt, được biên soạn bằng tiếng Việt và được dịch ra tiếng Việt được xuất bản ở Việt Nam và nước ngoài, từ 1651 đến 1998, đã là gần 1.000 đầu từ điển" [45, tr.21]. Đó là một con số lớn. Trong khuôn khổ đề tài, luận án chỉ trình bày khái quát một số vấn đề lí thuyết từ đó liên hệ với tình hình biên soạn thực tế và giới thiệu một số quyển từ điển giải thích tiếng Việt mà luận án có khảo sát định nghĩa một số mục từ cây nông nghiệp trong tiếng Việt. 1.1.3.1. Tình hình nghiên cứu lí thuyết từ điển học ở Việt Nam Về phương diện nghiên cứu lí thuyết từ điển học, cho đến những thập niên 90 của thế kỉ XX, Hoàng Phê và Nguyễn Ngọc Trâm khẳng định: "Từ điển học Việt Nam ra đời rất muộn, thậm chí có thể nói rằng nó còn chưa thật sự hình thành, mặc dù chúng ta cũng đã có nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn nhất định" [83,tr.9]. Hai tác giả này cũng cho rằng: "Từ những năm
  • 25. 17 1968 - 1969, chúng ta đã bắt đầu tìm hiểu lí luận từ điển học trong điều kiện rất thiếu tài liệu tham khảo và tìm hiểu những bài học kinh nghiệm trong công tác từ điển học của các nước cũng như kinh nghiệm của nước ta" [83, tr.10]. Chu Bích Thu nhận thấy rằng ý kiến trên đây "vẫn không gây phản ứng nào trong giới ngôn ngữ học" và khẳng định: "Quả thực, cho đến nay cũng vẫn chưa có một công trình nghiên cứu nào về từ điển một cách toàn diện và có hệ thống" [108,tr.12]. Tuy nhiên, tác giả cũng thừa nhận "những ý kiến về từ điển và từ điển học đã có từ rất lâu". Thực tế đã có hàng loạt bài viết đã trình bày những vấn đề lí thuyết từ điển học [5, 70, 78, 116, 124]; hoặc trình bày một vài vấn đề cụ thể của từ điển học [21, 60, 80, 83, 85, 124]; hoặc thông qua việc nhận xét, giới thiệu các quyển từ điển để phát biểu về quan điểm và phương pháp biên soạn từ điển [7, 62]. Các bài viết này "đã đặt nền móng cho một cách làm từ điển giải thích hiện đại, chấm dứt giai đoạn làm từ điển chỉ bằng kinh nghiệm và sự cần mẫn" [108,tr.14]. Loạt bài này đã đặt cơ sở cho việc biên soạn cuốn Từ điển tiếng Việt phổ thông (tập 1) 1975 và sau đó là cuốn Từ điển tiếng Việt (Hoàng phê chủ biên) năm 1988, đồng thời cũng hình thành một hệ thống những quan niệm đầu tiên cho một nền từ điển học lí thuyết ở Việt Nam" [108,tr.12]. Đến năm 1997, công trình Một số vấn đề từ điển học ra đời mà các tác giả của nó chính là những người tham gia biên soạn Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, xuất bản năm 1988 và đã tái bản nhiều lần) đã bắt tay tổng kết một số vấn đề lí thuyết về từ điển. Ở đó, "những vấn đề muôn thuở của từ điển" như: cấu trúc vĩ mô và cấu trúc vi mô của từ điển giải thích; vấn đề thu thập và giải thích thuật ngữ trong từ điển; hệ thống các kiểu chú giải trong từ điển; cách chú từ loại cho mục từ; thiết kế mẫu định nghĩa các mục từ ngữ văn chương,... đã được các tác giả "nhìn nhận dưới ánh sáng của lí thuyết từ điển học hiện đại và ngôn ngữ học hiện đại" [108,tr.13]. Đánh giá công trình này, Chu Bích Thu viết: "Không thể nói những gì các tác giả của tập Một số vấn
  • 26. 18 đề từ điển học đã đề cập là hoàn toàn mới, nhưng có thể nói đây là sự kết hợp khá nhuần nhuyễn giữa lí thuyết và thực hành khi biên soạn cũng như đúc kết những vấn đề có tính lí thuyết của công tác từ điển trên thế giới vào thực tế tiếng Việt. (...) Các tác giả đã cố gắng vận dụng những vấn đề tương đối mới của ngôn ngữ học hiện đại vào việc biên soạn từ điển giải thích. (...) Loạt bài này đồng thời đã và đang đặt nền móng cho việc tiếp tục biên soạn một cuốn từ điển lớn hơn và tốt hơn" [108,tr.27]. Sau 1997, đáng chú ý nhất là cuốn sách Kiểm kê từ điển học Việt Nam của Vũ Quang Hào. Với cấu trúc gồm 4 chương, cuốn sách giới thiệu đầy đủ một số vấn đề chung về từ điển học, giới thiệu toàn cảnh về từ điển học lí thuyết Việt Nam (1923 - 2005), toàn cảnh về từ điển học thực hành Việt Nam (1651 - 2005) và một số vấn đề về từ điển học nước ngoài. Trong giai đoạn này đã có khá nhiều bài viết chuyên về từ điển học của Nguyễn Văn Thạc [94], Chu Bích Thu [105], Hồ Hải Thụy [107], Nguyễn Ngọc Trâm [83], Lý Toàn Thắng [99], Nguyễn Tuyết Minh [70],... Chương trình khoa học cấp Bộ Một số vấn đề cơ bản về lí luận và phương pháp luận của thế giới và Việt Nam về biên soạn các loại từ điển [126] do Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam triển khai trong hai năm 2009 và 2010. Mục tiêu của chương trình là xác định các loại hình từ điển và bách khoa thư cơ bản; xây dựng cơ sở lí luận và phương pháp biên soạn đối với các loại hình từ điển và bách khoa thư để trên cơ sở đó, triển khai biên soạn các loại từ điển và bách khoa thư Việt Nam. Chương trình gồm bảy đề tài, trong đó đề tài thứ sáu: Một số vấn đề cơ bản về cơ sở lí luận và phương pháp luận của thế giới và Việt Nam về việc biên sọan các loại từ điển ngữ văn do Nguyễn Thanh Nga làm chủ nhiệm đã tập trung nghiên cứu những vấn đề lí thuyết cơ bản của từ điển học: cấu trúc vĩ mô, cấu trúc vi mô của từ điển ngữ văn; vấn đề nghĩa của từ và áp dụng phương pháp phân tích thành tố nghĩa vào định nghĩa các mục từ của từ điển giải
  • 27. 19 thích; xây dựng các mẫu định nghĩa cho từ điển giải thích; các kiểu chú trong từ điển giải thích; vai trò của ví dụ trong cấu trúc mục từ; các thông tin bách khoa và thông tin ngôn ngữ trong định nghĩa các mục từ; nguyên tắc chuyển chú giữa các mục từ,... 1.1.3.2. Tình hình biên soạn từ điển giải thích ở Việt Nam Trong sự phát triển thực tiễn, từ điển học thực hành ở Việt Nam, trong đó điển hình là từ điển giải thích ngữ văn, theo Chu Bích Thu [109,tr.194-195], có thể chia thành ba giai đoạn phát triển. Giai đoạn trước thế kỉ XIX còn lại chủ yếu là các tập từ vựng đối chiếu Hán - Việt và bộ Từ điển An Nam - Lusitan - Latin xuất bản ở Rome năm 1651 (thường gọi là Từ điển Việt - Bồ - La) của tác giả A. de Rhodes, giúp các giáo sĩ Tây Ban Nha truyền giáo là những cuốn từ điển đối dịch tiếng Việt cổ nhất. Giai đoạn cuối thế kỉ XIX - nửa đầu thế kỉ XX, về từ điển giải thích tiếng Việt, có cuốn Đại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của xuất bản cuối thế kỉ XIX (1895). Trong giai đoạn này còn có ba cuốn từ điển giải thích được biên soạn có khối lượng tương đối lớn và được coi là có giá trị. Đó là các cuốn: - Việt Nam tự điển của Hội Khai trí Tiến Đức (khởi thảo), xuất bản năm 1931 ở Hà Nội, tái bản 1954 ở Pháp và Sài Gòn, chủ yếu lấy tự làm đơn vị giải thích, tổng cộng có khoảng 24.500 mục từ. - Việt Nam tân từ điển của Thanh Nghị, được phát hành lần đầu tiên năm 1951, gồm hai tập dày 1.774 trang với 35.000 từ (có cả tên riêng) (nhà xuất bản Thời thế, Sài Gòn), năm 1958 tái bản và đổi tên thành Từ điển Việt Nam cũng ở Sài Gòn, nhà xuất bản Thời thế. - Tự điển Việt Nam phổ thông của Đào Văn Tập, Nhà sách Vĩnh Bảo xuất bản năm 1952 ở Sài Gòn. Đây là một bộ từ điển (mặc dù tên gọi là tự điển) dày 728 trang khổ lớn (19 x 27cm) thu thập và giải thích khoảng 37.500 mục từ, có kèm ví dụ ca dao, tục ngữ, những câu nói thường ngày để minh họa.
  • 28. 20 Giai đoạn nửa sau thế kỉ XX đánh dấu sự phát triển vượt bậc về chất lượng từ điển và đặc biệt là về số lượng từ điển. Về từ điển giải thích có thể nêu ra những cuốn cơ bản sau đây: - Từ điển tiếng Việt do tập thể biên soạn, Văn Tân chủ biên (thường gọi tắt là Từ điển Văn Tân), xuất bản lần đầu năm 1967 ở Hà Nội, in lại ở Hà Nội năm 1974, có chỉnh lí và bổ sung của Văn Tân, Nguyễn Văn Đạm, nhà xuất bản Khoa học xã hội tái bản năm 1994. - Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức (thường gọi tắt là Từ điển Lê Văn Đức), nhà xuất bản Khai Trí, Sài Gòn, năm 1970. Tự điển gồm hai tập dày tổng cộng 2.516 trang với gần 76.000 mục từ. - Từ điển tiếng Việt do tập thể biên soạn, Hoàng Phê chủ biên, nhà xuất bản Khoa học xã hội in lần đầu 1988, được chỉnh lí hai lần. Lần thứ nhất năm 1992 đã sửa chữa 2.770 định nghĩa, bổ sung 2.090 mục từ, sửa chữa, thay thế 3.510 ví dụ. Lần thứ hai năm 2000, sửa 2.903 định nghĩa, bổ sung 1.670 mục từ hoặc nghĩa mới, bỏ 41 mục từ hoặc nghĩa cũ, thay hoặc sửa chữa 387 ví dụ. Từ điển tiếng Việt gồm 39.924 mục từ được biên soạn trên cơ sở gần ba triệu phiếu tư liệu của Viện Ngôn ngữ học. - Đại từ điển tiếng Việt do tập thể biên soạn, Nguyễn Như Ý chủ biên, nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin in lần đầu năm 1998, tái bản năm 2000, nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh. Đây là cuốn từ điển cỡ lớn dày 1.892 trang khổ lớn (19 x 27cm) với hơn 74.600 mục từ. Đây là cuốn từ điển được biên soạn công phu, có số lượng từ ngữ phong phú, có chú thêm một số từ nguyên thông thường. Từ ngữ được giải thích rõ ràng, dễ hiểu, có nhiều thí dụ minh họa; có chú ý đến những từ ngữ địa phương của cả ba miền Bắc, Trung, Nam; cập nhật và bổ sung nhiều mục từ phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. - Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân, Nhà xuất bản Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh xuất bản năm 2000. Cuốn từ điển này thu thập và giải thích
  • 29. 21 khoảng 54.000 từ ngữ tiếng Việt, có chú giải từ nguyên và trích dẫn nhiều văn thơ minh họa. - Từ điển tiếng Việt do tập thể biên soạn (Hoàng Phê, Hoàng Thị Tuyền Linh, Vũ Xuân Lương, Phạm Thị Thủy, Đào Thị Minh Thu, Đặng Thanh Hà), nhà xuất bản Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học VIETLEX xuất bản năm 2008, tái bản có bổ sung sửa chữa nhiều lần. Các cuốn từ điển này được biên soạn khá công phu, mỗi cuốn đều mang hơi thở của thời đại mình, đồng thời mang đậm dấu ấn của tác giả cũng như vùng phương ngữ mà các tác giả của nó sống và hoạt động. Ví dụ, xuất bản gần như đồng thời, Từ điển Văn Tân (1967) và Từ điển Lê Văn Đức (1970) lại khác rất xa nhau về phạm vi thu thập các từ ngữ của phương ngữ Nam Bộ. Theo số liệu thống kê của Phòng Từ điển học, Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Lê Văn Đức thu thập khá nhiều từ ngữ của phương ngữ Nam Bộ. Nếu lấy Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (Hoàng Phê chủ biên) làm chuẩn để so sánh thì "Từ điển Văn Tân hơn Từ điển tiếng Việt 9.144 đơn vị; còn Từ điển Lê Văn Đức hơn Từ điển tiếng Việt đến 47.387 đơn vị" [109,tr.195]. Mỗi cuốn từ điển giải thích tiếng Việt nêu trên đều phản ánh trình độ khoa học kĩ thuật của từng giai đoạn. Trong đó, "sự xuất hiện của cuốn Từ điển tiếng Việt (gồm một tập thể 17 tác giả do Hoàng Phê chủ biên) vào cuối những năm 80 của thế kỉ XX, được nhận Giải thưởng Nhà nước về Khoa học công nghệ năm 2005 đã đánh dấu một bước tiến mới của công việc biên soạn từ điển tiếng Việt ngữ văn ở Việt Nam dưới ánh sáng của lí thuyết ngôn ngữ học hiện đại. (...) Đây là kết quả vận dụng thành quả nghiên cứu của Việt ngữ vào trong biên soạn từ điển tiếng Việt" [51,tr.1]. Công trình từ điển này là một thành tựu to lớn của ngành ngôn ngữ học Việt Nam. Nhiều vấn đề lí thuyết chung như vấn đề chuẩn ngôn ngữ, chuẩn chính tả, quan niệm về đơn vị từ vựng và những thao tác mô tả chúng, những phương pháp phân tích ngữ nghĩa,... đã được áp dụng trong quyển từ điển này. Theo Nguyễn Văn Khang, điểm nổi bật trong việc vận dụng thành
  • 30. 22 quả nghiên cứu của Việt ngữ học vào biên soạn cuốn từ điển này là: "1. Xây dựng bảng từ trên cơ sở quan niệm về từ trong Việt ngữ học; 2. Giải thích nghĩa của các đơn vị từ thu thập trong từ điển theo lí thuyết phân tích ngữ nghĩa hiện đại; 3. Chú sắc thái dùng cho các đơn vị vị từ vựng dựa vào thành quả nghiên cứu của phong cách học tiếng Việt; 4. Chú từ loại dựa vào kết quả nghiên cứu của ngữ pháp tiếng Việt" [51,tr.1]. Quyển từ điển này "đã vừa tiếp thu kinh nghiệm của từ điển học Việt Nam trước đây, vừa cố gắng xây dựng một cấu trúc vĩ mô và cấu trúc vi mô phong phú và khoa học hơn" [109,tr.197]. Từ điển là công cụ tra cứu hữu hiệu cho người sử dụng ngôn ngữ. Vì thế, người sử dụng cần từ điển thì từ điển sẽ được biên soạn và ấn hành. Đó chính là mối quan hệ cung cầu của thị trường từ điển. Từ điển tiếng Việt nói chung, từ điển giải thích tiếng Việt nói riêng, cũng nằm trong quy luật đó. Số lượng từ điển tiếng Việt tăng vọt vào thời gian mấy năm trở lại đây. Có thể nói, từ điển tiếng Việt đang trong thời kì "trăm hoa đua nở" theo cả nghĩa tích cực lẫn tiêu cực. Sự xuất hiện nhiều cuốn từ điển tiếng Việt phản ánh sự phát triển và vị thế của tiếng Việt với tư cách là ngôn ngữ quốc gia và theo đó là nhu cầu của người sử dụng tiếng Việt ở trong nước và trên thế giới đang tăng mạnh. Tuy nhiên, sự xuất hiện nhiều cuốn từ điển tiếng Việt lại gây không ít khó khăn cho người sử dụng vì chất lượng biên soạn từ điển quá chênh lệch hiện nay. Với việc xuất hiện không ít cuốn từ điển tiếng Việt "biên soạn theo kinh nghiệm chủ nghĩa và công nghệ tin học như hiện nay chỉ thuần túy chạy theo "cung" không chỉ làm ảnh hưởng không tốt đến người sử dụng mà còn phương hại đến sự chuẩn hóa tiếng Việt, có nguy cơ kéo lùi việc ứng dụng lí luận ngôn ngữ học, lí luận từ điển học vào việc biên soạn từ điển tiếng Việt" [52,tr.84]. 1.2. Cơ sở lí luận của việc nghiên cứu tên gọi cây nông nghiệp trong tiếng Việt 1.2.1. Vấn đề định danh 1.2.1.1. Tên gọi
  • 31. 23 Hiểu một cách đơn giản thì tên gọi là "từ hoặc nhóm từ dùng để chỉ một cá nhân, cá thể, phân biệt với những cá nhân, cá thể khác cùng loại" [125,tr.1160]. K. Mác, Ph. Ăng ghen, V.I. Lê nin khi bàn về mối quan hệ giữa khách thể và tên gọi đã cho rằng: "Tên gọi là một cái ngẫu nhiên, chứ không biểu hiện được chính ngay bản chất của sự vật" [69,tr.28]. Các nhà kinh điển cũng cho rằng: "Tri giác cảm tính cho ta sự vật, tri giác lí tính cho ta tên gọi. (...) Nhưng tên gọi là cái gì? Một phù hiệu dùng để phân biệt, một dấu hiệu đập vào mắt mà tôi đem làm thành đặc trưng của đối tượng để hình dung đối tượng trong tính chỉnh thể của nó" [69,tr.88]. Như vậy, chính nhu cầu nhận thức thế giới đã buộc con người phải vượt qua giai đoạn tri giác cảm tính và tiến hành tư duy trừu tượng. Con người không thể tư duy bằng các sự vật, hiện tượng cụ thể như chúng vốn có trong hiện thực. Tên gọi đã tách các sự vật, hiện tượng cụ thể đó ra khỏi thế giới hiện thực của chúng, đưa chúng vào trong lí trí của con người dưới dạng các tên gọi như những đơn vị cơ bản của tư duy trừu tượng. Nhờ đó sự vật, hiện tượng được hình dung một cách rõ ràng "trong tính chỉnh thể của nó". Vì vậy, trong Bút kí triết học, V.I. Lênin cho rằng: "Tên gọi là cái gì đó phổ biến, thuộc về tư duy, làm cho cái đa dạng trở nên đơn giản" [59,tr.264]. Nhờ đó, "tên gọi đã làm cho các sự vật, hiện tượng trở nên có "cá tính" trong tư duy" [8,tr.95]. Để tạo ra tên gọi người ta phải sử dụng các tín hiệu ngôn ngữ, đó là từ và tổ hợp từ. UI.V. Rozdextvenxki đã chỉ ra cách tạo ra tên gọi: "thứ nhất, một dãy âm tố có liên hệ với nhau tạo thành từ với mặt bên ngoài của nó, tức là vỏ âm thanh, vỏ ngữ âm của từ, hoặc là từ ngữ âm; thứ hai, sự vật được gọi bằng từ đó; thứ ba, ý nghĩa mà từ gây ra trong ý thức chúng ta. Tất cả ba yếu tố này gắn với nhau" [88,tr.34]. Tên gọi là sản phẩm của tư duy trừu tượng nên nhìn chung nó phải đảm bảo các yêu cầu như có tính khái quát, tính trừu tượng và mất khả năng gợi đến những đặc điểm, những thuộc tính riêng rẽ tạo thành đối tượng. Về mặt ngữ nghĩa, tên gọi phải tách hẳn với những dấu vết của giai đoạn cảm tính và có tác dụng phân biệt đối tượng này với đối tượng khác trong cùng một loại hay phân
  • 32. 24 biệt các loại nhỏ trong cùng một loại lớn. Mặc dù lí tưởng phải lựa chọn được đặc trưng bản chất, tức là là đặc trưng tiêu biểu để gọi tên, nhưng với điều kiện đặc trưng đó phải bảo đảm giá trị khu biệt tên gọi. "Ý nghĩa phản ánh đặc tính mà ta lấy để gọi tên toàn bộ sự vật chính là ý nghĩa làm căn cứ trong tên gọi. Trong ngôn ngữ học, người ta gọi ý nghĩa ấy là ý nghĩa gốc hay hình thái bên trong của tên gọi" [38,tr.463]. Nhờ các tên gọi mà sự vật, hiện tượng thực tế khách quan tồn tại trong lí trí của chúng ta, phân biệt được với các sự vật, hiện tượng khác cùng loại và khác loại. Vì các tên gọi làm cho tư duy trở nên rành mạch sáng sủa, cho nên một sự vật, hiện tượng trong thực tế khách quan chỉ thực sự trở thành một sự vật được nhận thức, một sự vật của tư duy khi nó đã có một tên gọi trong ngôn ngữ. 1.2.1.2. Khái niệm định danh Định danh (nomination) là thuật ngữ có nguồn gốc từ tiếng Latin với nghĩa là tên gọi. Thuật ngữ này biểu thị kết quả của quá trình gọi tên của các đơn vị ngôn ngữ. Thuật ngữ định danh được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Theo Từ điển Bách khoa ngôn ngữ học thì định danh là: "việc tổ chức các đơn vị ngôn ngữ mang chức năng gọi tên, nghĩa là phục vụ cho việc gọi tên và phân chia các khúc đoạn hiện thực và sự hình thành của những khái niệm tương ứng về chúng dưới hình thức của các từ, các tổ hợp từ, các thành ngữ và các câu" [148,tr.336]. Do đó, đơn vị định danh không chỉ là từ mà còn có cụm từ (ngữ), câu, tuy nhiên đối tượng định danh của các đơn vị này là khác nhau. Nếu chức năng cơ bản của từ là định danh và từ dùng để gọi tên sự vật, hiện tượng, trạng thái, quá trình, tính chất, thì chức năng định danh của câu lại luôn luôn tồn tại ở dạng tiềm ẩn và câu dùng để định danh cảnh huống. Kolshansky cho rằng: "Định danh (nomination) là gắn cho một kí hiệu ngôn ngữ một khái niệm - biểu niệm (significat) phản ánh những đặc trưng nhất định của một biểu vật (denotat) - các thuộc tính, phẩm chất và quan hệ của các đối tượng và quá trình thuộc phạm vi vật chất và tinh thần, nhờ đó, các đơn vị ngôn ngữ tạo thành những yếu tố nội dung của giao tiếp ngôn từ". [dẫn theo 113,tr.161-162].
  • 33. 25 Như vậy, định danh là một trong những chức năng của các đơn vị từ ngữ của ngôn ngữ. Hiểu một cách đơn giản nhất thì đây chính là chức năng gọi tên: gọi tên những đối tượng, thuộc tính hoặc những hành động… Yêu cầu của một tên gọi là: 1. Phải khái quát, trừu tượng, phải mất khả năng gợi đến những đặc điểm, những thuộc tính riêng rẽ tạo thành đối tượng vì nó là sản phẩm của tư duy trừu tượng. Về mặt ngữ nghĩa, nó phải tách hẳn với những dấu vết của giai đoạn cảm tính. 2. Các tên gọi có tác dụng phân biệt đối tượng này với đối tượng khác trong cùng một loại hay phân biệt các loại nhỏ trong cùng một loại lớn. Sự phân biệt này phải dứt khoát, có nghĩa là khi đã có tên gọi thì sự vật này, loại nhỏ này cũng trở thành độc lập với nhau, riêng rẽ với nhau. Nhờ có tên gọi mà sự vật có đời sống độc lập trong tư duy. [34, tr.190]. Tất cả các đơn vị có nghĩa của ngôn ngữ đều có chức năng biểu nghĩa nhưng phải là một đơn vị cấp độ từ mới có thể định danh. Nhưng cũng chỉ có các thực từ mới có chức năng định danh, còn các thán từ, liên từ, giới từ… không có chức năng này. [8, tr.59]. Các tác giả công trình Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học cho rằng: Định danh là sự cấu tạo các đơn vị ngôn ngữ có chức năng dùng để gọi tên, chia tách các đoạn của hiện thực khách quan trên cơ sở đó hình thành những khái niệm tương ứng về chúng dưới dạng các từ, cụm từ, ngữ cú và câu. [136, tr.65]. Như vậy, đối tượng của lí thuyết định danh là nghiên cứu, miêu tả những quy luật về cách cấu tạo các đơn vị có nghĩa của ngôn ngữ, về sự tác động qua lại giữa tư duy - ngôn ngữ - hiện thực khách quan. Cơ sở của sự định danh xuất phát từ mối quan hệ giữa hiện thực - khái niệm - tên gọi. Lí thuyết định danh phải nghiên cứu và miêu tả cấu trúc của đơn vị định danh, từ đó xác định những tiêu chí hoặc những đặc trưng cần và đủ để phân biệt đơn vị định danh này với đơn vị định danh khác. Hiện thực khách quan được hình dung như là cái biểu vật của tên gọi, nghĩa là như toàn bộ các thuộc tính được chia tách ra trong các hành vi định danh ở tất cả các lớp sự vật do tên gọi đó biểu thị. Còn tên gọi được nhận
  • 34. 26 thức như là một dãy âm thanh được phân đoạn ứng với một cấu trúc cụ thể của ngôn ngữ đó. Chính mối tương quan giữa cái biểu vật và cái biểu nghĩa và xu hướng của mối quan hệ này trong những hành vi định danh cụ thể sẽ tạo nên cấu trúc cơ sở của sự định danh. 1.2.1.3. Đơn vị định danh Khi xem xét các đơn vị của ngôn ngữ, lí thuyết định danh phân biệt các loại đơn vị định danh khác nhau. Nhìn từ số lượng đơn vị có nghĩa tham gia đơn vị định danh thì có sự phân biệt: - Định danh đơn giản (định danh tổng hợp, định danh cơ sở, định danh bậc 1, định danh trực tiếp): được tạo bởi một đơn vị có nghĩa. - Định danh phức hợp (định danh phân tích, định danh miêu tả, định danh bậc 2, định danh gián tiếp): được tạo bởi từ hai đơn vị có nghĩa trở lên. Nhìn từ góc độ ngữ nghĩa thì có sự phân biệt: - Định danh gốc (định danh bậc một): được tạo bởi những đơn vị tối giản về mặt hình thái cấu trúc, mang nghĩa đen, được dùng làm cơ sở để tạo ra các đơn vị định danh khác. Hồ Lê gọi đây là định danh phi liên kết hiện thực: “gọi tên những mẩu nhỏ nhất trong hiện thực mà một cộng đồng ngôn ngữ quan niệm đã chia cắt ra được và nắm bắt được từ hiện thực” [58, tr.102]. Ví dụ như: lúa, ngô, khoai, bưởi, cam, nhãn, vải, xoài, chuối, chè,… Ở loại định danh này, mối quan hệ giữa cái biểu hiện (vỏ âm thanh của từ) và cái được biểu hiện (ý nghĩa của từ) là võ đoán. Từ là cái tên gọi sinh ra như một quy ước mà mọi người đều phải tuân theo. Quả vậy, "chúng ta gọi (...) cây lúa là lúa mà không thể giải thích nổi lí do vì sao gọi thế; có đi ngược lên tới cội nguồn xa của ngôn ngữ thì nói chung cũng chẳng phát hiện được mối quan hệ một mặt là âm thanh được phát ra, mặt khác là ý niệm được gợi ra, trong những từ như thế của tiếng Việt, những từ đơn, thành một tiếng gọn, của tổ tiên chúng ta để lại thế và bây giờ chúng ta cứ thế dùng" [117, tr.1089].
  • 35. 27 - Định danh phái sinh (định danh bậc hai): là những đơn vị định danh có hình thái cấu trúc phức tạp hơn đơn vị gốc, mang nghĩa biểu trưng hóa (dưới hình thức ẩn dụ hay hoán dụ) [43, tr.8]. Hồ Lê gọi là đây là định danh liên kết hiện thực: “Để phản ánh hiện thực khách quan một cách đầy đủ, không chỉ gọi tên từng mẩu hiện thực nhỏ nhất mà còn phải gọi tên những tập hợp gồm nhiều mẩu hiện thực liên kết lại” [58, tr.102]. Ví dụ: lúa nếp, lúa tẻ, lúa nương, ngô lai, ngô đông, nhãn lồng, cam sành, bưởi đường,... 1.2.1.4. Các nguyên tắc định danh và cơ chế định danh phức hợp a. Nguyên tắc định danh Một trong những nguyên tắc cơ bản trong định danh là lựa chọn những đặc trưng (thuộc tính tiêu biểu) mà người ta thường nói là "đập ngay vào mắt" để gọi tên. Với nguyên tắc này, những đặc trưng được tri nhận để gọi tên sẽ là dấu hiệu khu biệt, giúp người nói liên tưởng và hình dung đầu tiên đến sự vật, hiện tượng. Tuy nhiên, Serebrenikov (1977) cho rằng: "Việc tạo ra từ theo đặc trưng nào đó chỉ là biện pháp thuần túy kĩ thuật ngôn ngữ. Đặc trưng được chọn chỉ để tạo ra vỏ ngữ âm của từ. Đặc trưng được chọn để gọi tên hoàn toàn không nói hết bản chất của đối tượng, không bộc lộ hết tất cả các đặc trưng của nó. Ngoài ra, đặc trưng được lựa chọn để gọi tên thậm chí có thể là không căn bản, không quan trọng về mặt thực tiễn” [dẫn theo 114, tr.32 - 33]. V.G. Gak đã đưa ra nguyên tắc định danh đó là gắn quá trình gọi tên với hành vi phân loại. "Nếu như cần phải biểu thị một đối tượng X nào đó mà trong ngôn ngữ chưa có tên gọi, thì trên cơ sở các đặc trưng đã được tách ra trong đối tượng này, nó được quy vào khái niệm "A" hoặc "B" mà trong ngôn ngữ đã có cách biểu thị riêng cho chúng và nhận tên gọi tương ứng. Nhưng đồng thời cũng diễn ra sự lắp ráp bản thân các từ vào hiện thực: khi thì người ta bỏ đi một cái gì đó khỏi sự hiểu biết ban đầu của mình, khi thì, ngược lại, bổ sung thêm một cái gì đó vào sự hiểu biết đầu tiên ấy" [dẫn theo 114, tr.165]. Như vậy, quá trình định danh một sự vật, tính chất hay quá trình gồm hai bước là quy loại khái niệm của
  • 36. 28 đối tượng được định danh và chọn đặc trưng nào để định danh [dẫn theo 114, tr.166 - 167]. Việc chọn đặc trưng bản chất hay không bản chất để định danh một khách thể cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Như vậy, định danh là cách đặt tên cho một sự vật, hiện tượng. Hành vi định danh bao giờ cũng gắn với hành vi phân loại. Quá trình định danh một sự vật, một tính chất hay một quá trình đều gồm hai bước, đó là quy loại khái niệm và chọn đặc trưng khu biệt. Nếu một trong hai bước này có biến thể thì một vật hay quá trình được định danh sẽ mang những tên gọi khác nhau. Khi định danh, trong số rất nhiều đặc trưng của một sự vật, hiện tượng, tính chất hay quá trình, người ta chỉ chọn những đặc trưng tiêu biểu, phản ánh những đặc trưng nhất định của một biểu vật. Bên cạnh đó, việc chọn các đặc trưng để làm cơ sở định danh cho những đối tượng hay khái niệm thuộc phạm vi đời sống thường nhật có thể có những trường hợp không cần chọn đặc trưng bản chất, miễn là đặc trưng ấy có khả năng khu biệt giúp cho việc nhận diện đối tượng hay khái niệm cần định danh. Hiện thực thường được gọi tên theo cách tri nhận của con người. Sự gọi tên này tạo ra các từ, các ngữ cố định, thành một hệ thống từ vựng. Định danh ở cấp độ từ vựng rất quan trọng với con người: “Với khả năng đặt tên sự vật, con người hoàn toàn chiếm lĩnh được thế giới tự nhiên cả trong tồn tại cảm tính và cả trong tồn tại lí tính của nó” [8, tr.194]. Đỗ Hữu Châu khẳng định: “Nguyên tắc tạo thành các tên gọi là nguyên tắc lí do nhưng nguyên tắc chi phối các tên gọi trong hoạt động bình thường của nó là nguyên tắc không có lí do” [8, tr.166]. Cách định danh còn cho chúng ta thấy được đặc điểm của loại hình ngôn ngữ đó: “Cấu tạo từ như thế nào, tức định danh hiện thực như thế nào, là một tiêu chí quan trọng để phân chia các loại hình ngôn ngữ” [8,tr.125]. Thông qua định danh thấy được dấu ấn về hiện thực khách quan. Ngôn ngữ phản ánh thế giới hiện thực khách quan và là chiếc cầu nối với hiện thực. Hệ thống từ vựng trong ngôn ngữ càng phong phú chứng tỏ con người nhận thức về thế giới càng sâu sắc.
  • 37. 29 Như vậy, dựa trên nguyên tắc định danh, khi có một đối tượng cần định danh, người ta sẽ tiến hành các thao tác sau: - Quy loại đối tượng mới vào nhóm đối tượng nào đó đã có tên trong ngôn ngữ; - Vạch ra những đặc trưng vốn có của đối tượng mới rồi chọn một đặc trưng được coi là tiêu biểu mang tính khu biệt của đối tượng mới với đối tượng khác; - Sử dụng biện pháp cấu tạo từ theo loại hình ngôn ngữ làm phương tiện định danh. Định danh có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống con người. Định danh thể hiện rõ quá trình nhận thức của con người về thế giới, vì "chỉ có con người mới đặt tên được cho sự vật. Với khả năng đặt tên cho sự vật, con người mới hoàn toàn chiếm lĩnh được thế giới tự nhiên cả trong tồn tại cảm tính, cả trong tồn tại lí tính của nó" [8, tr.169]. b. Cơ chế định danh phức hợp Quá trình cấu tạo nên các đơn vị định danh phức hợp có cơ chế nhất định. Theo Hoàng Văn Hành, muốn xác định rõ cơ chế định danh cần phải làm rõ hai vấn đề cốt yếu là: a) Có những yếu tố nào tham gia vào cơ chế này và tư cách của mỗi yếu tố ra sao? b) Mối quan hệ tương tác giữa các yếu tố đó như thế nào mà khiến ta có thể coi đó là một cơ chế? [40, tr.26]. Sự phân tích cứ liệu trong các ngôn ngữ đơn lập (tiếng Việt là tiêu biểu) cho phép nhận định rằng để có một cơ chế cấu tạo các đơn vị định danh phức hợp có thể vận hành được một cách có hiệu quả thì cần có một số điều kiện. Một là, có một hệ những đơn vị làm yếu tố gốc (nguyên tố). Hai là, có một hệ những yếu tố có giá trị hình thái nghĩa là có thể dùng làm phương tiện để tạo lập những đơn vị định danh phức hợp. Ba là, để có đơn vị định danh phức hợp, điều cốt yếu là có một hệ quy tắc vận hành để sử dụng các hình tố làm phương tiện mà tác động vào nguyên tố theo một cách nhất định. Cơ chế vừa nêu thuộc về hệ thống của ngôn ngữ. Nó có tính chất tiềm năng, xét về mặt lí thuyết. Những sản phẩm của cơ chế này trở thành đơn vị định danh được ghi nhận vào vốn từ vựng của ngôn ngữ hay không còn phụ thuộc vào
  • 38. 30 nhân tố thứ tư nữa, một nhân tố không kém phần quan trọng, nhân tố xã hội. Đó chính là tính đắc dụng hay không đắc dụng của các đơn vị định danh mới được sản sinh đối với cộng đồng bản ngữ. [40, tr.26 - 28]. Theo cách hiểu như trên, để tạo ra một đơn vị định danh phức hợp, chúng ta có hai con đường: ngữ nghĩa và hình thái cú pháp. Bằng con đường ngữ nghĩa, ta có thể nhân khả năng định danh của đơn vị tổng hợp lên nhiều lần. Một từ cùng với một vỏ ngữ âm phát triển ra bao nhiêu nghĩa sẽ có bấy nhiêu đơn vị định danh. Mỗi một biến thể từ vựng - ngữ nghĩa sẽ tương ứng với một đơn vị định danh. Ví dụ: chân trong chân tay là đơn vị định danh gốc (bậc một) nhưng chân trong "có chân trong ban chủ nhiệm hợp tác xã" lại là đơn vị định danh phức hợp được tạo ra bằng con đường ngữ nghĩa. Theo con đường hình thái cú pháp, người ta có thể tạo ra hàng loạt các đơn vị định danh phức hợp với các đặc trưng khác nhau về cấu trúc và ngữ nghĩa. Theo cách này thường có hai quá trình: - Thứ nhất là quá trình tạo từ với các phương thức thường gặp là: Phương thức suy phỏng: kiểu như bóp - móp, dìm - chìm…; Phương thức láy: kiểu như bé - be bé, nhỏ - nho nhỏ, mảnh - mảnh mai…; Phương thức ghép: trong phương thức này có hai cách: ghép đẳng lập (hội nghĩa, hợp nghĩa) (như: khoai sắn, ngô lúa, gieo trồng, thu hái…) và ghép chính phụ (phân nghĩa, phụ nghĩa) (như: đậu đen, cam đường, nhãn nước, mít dai,…). - Quá trình thứ hai để tạo các đơn vị định danh phức hợp bằng con đường cú pháp là quá trình từ vựng hóa những tổ hợp. Đó là quá trình chuyển hóa những tổ hợp thành những đơn vị mang thành ngữ tính. Tính thành ngữ của các đơn vị này biểu hiện ở tính bền vững về mặt hình thái cấu trúc và tính bóng bẩy về mặt ngữ nghĩa với những mức độ khác nhau. Có hai loại tổ hợp thường được từ vựng hóa: tổ hợp tự do và tổ hợp cố định. [40, tr.28- 29]. Định danh phức hợp theo con đường hình thái cú pháp bằng phương thức ghép chính phụ (phụ nghĩa) (dù là tạo từ hay từ vựng hóa tổ hợp tự do) cũng chính là
  • 39. 31 gắn việc khu biệt tên gọi với việc phân loại. Quá trình này gồm hai bước: quy loại khái niệm của đối tượng được định danh và lựa chọn đặc trưng để định danh. [40, tr.30-43]. 1.2.2. Một số cơ sở lí thuyết về từ và ngữ 1.2.2.1. Quan niệm về từ Từ là đơn vị tồn tại hiển nhiên, sẵn có của ngôn ngữ. Trong ngôn ngữ, từ luôn được hiểu như một loại đơn vị cơ bản và chủ yếu trong hệ thống từ vựng nói riêng và trong hệ thống tín hiệu ngôn ngữ nói chung. Tuy thế, từ vẫn không phải là một đơn vị cụ thể mà nó là một loại đơn vị trừu tượng thuộc bình diện hệ thống của ngôn ngữ. Trong lịch sử ngôn ngữ học đã có nhiều quan niệm khác nhau về từ, xét cả ở bình diện lí luận đại cương lẫn miêu tả cụ thể. Tuy nhiên, do chỗ mỗi nhà nghiên cứu xuất phát từ góc độ và mục đích nghiên cứu riêng của mình, cho nên, đến nay các nhà nghiên cứu vẫn không thể đi đến một quan niệm, một cách hiểu chung về từ. Nói chung, không có định nghĩa nào về từ làm mọi người thoả mãn. Hiện nay có tới trên 300 định nghĩa khác nhau về từ. Tuy cùng là một loại thực thể ở trong một ngôn ngữ xác định, song người nghiên cứu lại có thể xem xét từ từ nhiều góc độ khác nhau: từ góc độ ngữ âm, chính tả; từ góc độ ngữ pháp; từ góc độ ngữ nghĩa; từ góc độ lô gich; từ góc độ từ điển học. Mỗi góc độ như vậy từ được xem xét khác nhau. Song, nếu nhìn nhận một cách tổng quát có thể thấy rằng phần lớn các nhà Việt ngữ học [11, 41, 56, 58, 96] đều cho rằng để nhận diện từ, nhất thiết phải dựa vào ba tiêu chí: "a. Tính nhất thể về ngữ âm; b. Tính hoàn chỉnh về ngữ nghĩa; c. Tính độc lập về cú pháp (khi hoạt động trong lời nói" [41, tr.22]. Đỗ Hữu Châu đã xác định: "Từ của tiếng Việt là một hoặc một số âm tiết cố định, bất biến, có một ý nghĩa nhất định, nằm trong một phương thức (hoặc kiểu cấu tạo) cấu tạo nhất định, tuân theo những kiểu đặc điểm ngữ pháp nhất định, lớn nhất trong từ vựng và nhỏ nhất để tạo câu" [11, tr.139]. 1.2.2.2. Phương thức cấu tạo từ trong tiếng Việt
  • 40. 32 Muốn tạo ra các từ phải có các yếu tố cấu tạo từ và các phương thức cấu tạo từ. Phương thức cấu tạo từ là những cơ chế, những quá trình xử lí các nguyên liệu hình vị để cho ra các từ của ngôn ngữ. Mỗi cơ chế hay mỗi phương thức cấu tạo đòi hỏi những nguyên liệu - hình vị thích hợp để tạo thành từ. "Mỗi phương thức cấu tạo có cách xử lí riêng các hình vị nguyên liệu, cho nên các từ được cấu tạo nên do mỗi phương thức nào đấy sẽ có những đặc trưng đồng nhất, phân biệt với những từ sản sinh theo phương thức khác" [11, tr.84]. Để tìm hiểu cấu trúc của từ và các phương thức cấu tạo từ tiếng Việt, luận án sử dụng "cách tiếp cận động được diễn đạt theo mô thức "yếu tố - cơ chế" [tr.11] mà các tác giả công trình [41] đã lựa chọn. a. Đơn vị cấu tạo từ Luận án chấp nhận quan niệm của Đỗ Hữu Châu về đơn vị cấu tạo từ trong tiếng Việt: "các yếu tố cấu tạo từ tiếng Việt hay hình vị là những hình thức ngữ âm cố định, bất biến, nhỏ nhất (hay tối giản) với dạng chuẩn tối thiểu là một âm tiết, tự thân có nghĩa (nghĩa miêu tả hay nghĩa tương liên) có thể chịu tác động của các phương thức tạo từ để tạo ra từ" [11, tr.154]. Tác giả đã lấy chức năng ngữ nghĩa làm nguyên tắc để phân loại hình vị tiếng Việt. Theo đó, bước đầu tiên hình vị được phân thành hình vị "sơ cấp" và hình vị "thứ cấp". "Hình vị sơ cấp là những hình vị bình thường, tồn tại riêng rẽ, độc lập đối với nhau và là những "nguyên liệu" đi vào các phương thức cấu tạo từ. Hình vị thứ cấp là những hình vị được tạo ra từ các hình vị sơ cấp, là hình vị sơ cấp đã biến đổi nhiều hay ít cả hình thức ngữ âm và ý nghĩa" [11, tr.155]. "Hình vị sơ cấp có thể một âm tiết mà cũng có thể nhiều âm tiết lại có thể phân chia thành hình vị tự do và hình vị hạn chế, hay phân loại thành hình vị thực và hình vị hư" [tr.155]. Đồng quan điểm với Đỗ Hữu Châu, các tác giả công trình Từ tiếng Việt: Hình thái - Cấu trúc - Từ láy - Từ ghép - Chuyển loại [41] khẳng định rằng: "Khi lấy ngữ nghĩa làm tiêu chí phân loại hình vị, các nhà nghiên cứu chú ý đến tính chất nghĩa của hình vị. Dựa vào đó, hầu hết các nghà nghiên cứu Việt ngữ học đều
  • 41. 33 cho rằng tiếng Việt có ba loại hình vị. Đó là hình vị thực, hình vị hư và hình vị hệ thống" [41, tr.34]. b. Phân loại từ tiếng Việt về mặt cấu tạo Xem xét vấn đề cấu tạo từ trên quan điểm đồng đại, các tác giả công trình Từ tiếng Việt: Hình thái - Cấu trúc - Từ láy - Từ ghép - Chuyển loại đã khẳng định "cấu tạo từ là một cơ chế" hoạt động trong điều kiện: "Cần có một hệ những đơn vị làm thành tố của từ là các hình vị. (...) Cần có một hệ những yếu tố có giá trị hình thái (gọi là hình tố) là những yếu tố thuần túy hình thức dùng làm phương tiện để kết nối các thành tố trong quá trình tạo lập từ. (...) Cần có một hệ quy tắc cấu tạo từ chính là sự vận dụng các hình tố tác động vào các hình vị theo những cách khác nhau để tạo nên những kiểu từ khác nhau" [41, tr.54 - 55]. Hệ quả cuối cùng của cơ trình cấu tạo từ là các từ được hình thành theo những mô thức nhất định, ứng với những kiểu nghĩa nhất định. Luận án chấp nhận quan niệm của các tác giả này, coi cấu tạo từ là một cơ chế và nguyên tắc phân loại từ về mặt cấu tạo mà Đỗ Hữu Châu sử dụng là nguyên tắc ngữ nghĩa. Theo đó, "sự phân loại các từ tiếng Việt, xét về mặt cấu tạo, phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hiện ra cơ chế ngữ nghĩa thống nhất trong những từ cùng thuộc một kiểu loại" [11, tr.169]. Việc phân loại từ, theo Đỗ Hữu Châu, được thực hiện theo ba bước. - Bước thứ nhất, các từ sẽ được phân chia theo số lượng các hình vị tạo nên chúng. Kết quả ở bước này sẽ cho các từ đơn và các từ phức. "Từ đơn là những từ được cấu tạo theo phương thức từ hóa, là những từ chỉ có một hình vị" [11, tr.169]. Ví dụ: bưởi, cam, quýt, vải, nhãn, chuối, ngô, khoai, sắn, lúa... (từ đơn được cấu tạo từ một hình vị). "Từ đơn có thể là một âm tiết, cũng có thể nhiều âm tiết" [11, tr.170]. Những từ đơn nhiều âm tiết có thể gốc Việt, như chôm chôm, đu đủ,... gốc các ngôn ngữ ít người sống trên đất Việt Nam như mắc cọoc, séng cù, blẩu sang bua, ble blu, blin xa, khẩu buộp,... gốc vay mượn các thứ tiếng nước ngoài như cà phê, cao su, ca cao, mắc ca, ki uy, măng cụt,... Về
  • 42. 34 ngữ nghĩa, các từ đơn không lập thành hệ thống ngữ nghĩa của những kiểu cấu tạo từ. Phần lớn chúng đều có khả năng trở thành hình vị để tạo ra hàng loạt những từ phức dước tác động của các phương thức ghép và láy. "Từ phức là những từ do hơn một hình vị tạo nên theo các phương thức phức hóa trong tiếng Việt" [11, tr.169]. - Bước thứ hai, các từ phức sẽ được phân chia theo phương thức đã tạo nên chúng. Ở bước này sẽ có các từ láy và các từ ghép. - Bước thứ ba, lần lượt các từ láy và từ ghép được phân chia thành những kiểu nhỏ hơn tùy theo sự đồng nhất về kiểu loại hình thức và cơ chế nghĩa chung cho những từ trong cùng kiểu nhỏ đó. Để phân loại từ ghép, theo Đỗ Hữu Châu, "cần sử dụng đồng thời các tiêu chuẩn: ý nghĩa chung của đơn vị đang xét trong tương quan với ý nghĩa của cả một kiểu nhỏ hoặc lớn; tính chất ngữ nghĩa và quan hệ (chủ yếu là quan hệ ngữ nghĩa) của các hình vị trong từ và trong một kiểu" [11, tr.198]. Ông phân chia từ ghép tiếng Việt thành hai loại: a. Từ ghép phân nghĩa: Đó là "những từ ghép có một ý nghĩa chung (...) là một loại hay nhiều loại sự vật, hiện tượng, hành động, tính chất" [11, tr.198]. Các từ trong một hệ thống có chung một hình vị chỉ loại lớn. Nếu tách khỏi các từ ghép, dùng độc lập thì hình vị loại lớn chính là tên gọi của loại đang xét; quan hệ giữa các hình vị thường là quan hệ chính phụ. Các hình vị thứ hai có tác dụng phân nghĩa, biệt loại hóa loại lớn thành những loại nhỏ. Một từ ghép phân nghĩa lại có thể trở thành một hình vị (đơn vị) chỉ loại lớn để tạo ra hàng loạt các từ ghép phân nghĩa mới. Cơ chế phân nghĩa có thể liên tục tác động vào một từ ghép phân nghĩa cơ sở cho ra những từ ghép phân nghĩa ở các thế hệ thứ hai, thứ ba... với hình thức mỗi lúc một dài. Khi hình thức ngữ âm quá dài, quy tắc rút gọn phát huy tác dụng để cho những từ có hình thức tiện dùng hơn. Hình vị chỉ loại lớn trong từ ghép phân nghĩa (gọi là thành tố thứ nhất) bao giờ cũng "biểu thị ý nghĩa phạm trù và giữ vai trò chính, vai trò trung tâm. Còn thành tố thứ hai