SlideShare a Scribd company logo
1 of 145
Download to read offline
1
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
NGUYỄN THỊ ĐIỆP
DẤU ẤN VĂN HÓA NAM BỘ
TRONG TRUYỆN NGẮN SƠN NAM
LUẬN VĂN THẠC SĨ
CHUYÊN NGÀNH: VĂN HỌC VIỆT NAM
MÃ SỐ : 60 22 34
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
Phó Giáo sư - Tiến sĩ TRẦN HỮU TÁ
CẦN THƠ 2009
2
Lời cảm ơn
Sau ba năm học, đến thời điểm hiện tại tôi đã hoàn thành chương
trình Cao học ngành Văn học Việt Nam dưới mái trường Đại học Cần Thơ
nhờ sự giúp đỡ, động viên chân thành của rất nhiều thầy cô, gia đình và
bạn bè; sự tạo điều kiện thuận lợi của trường THPT Nguyễn Hùng Sơn,
Rạch Giá, Kiên Giang - nơi tôi đang công tác. Tôi xin bày tỏ lời cảm ơn
chân thành đến tất cả.
Đồng thời tôi xin đặc biệt gửi lời tri ân đến cố nhà văn Sơn Nam,
người đã tạo ra những tác phẩm và mang đến cho tôi một tình yêu, một sự
say mê đối với mảnh đất, con người và văn học Nam Bộ.
Luận văn “Dấu ấn văn hóa Nam Bộ trong truyện ngắn của Sơn
Nam” là ý tưởng mà tiến sĩ Huỳnh Công Tín đã bồi đắp cho tôi ngay từ
những ngày học đầu tiên. Tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến thầy Huỳnh
Công Tín.
Cuối cùng, thật may mắn cho cá nhân tôi đã được sự giúp đỡ nhiệt
tình, nghiêm túc, nghiêm khắc và rất khoa học của Phó Giáo sư, Tiến Sĩ
Trần Hữu Tá. Nhờ đó, tôi đã học được cách thức làm việc cẩn trọng, khoa
học và có trách nhiệm. Tôi xin gửi đến thầy Trần Hữu Tá lời cám ơn chân
thành và lời chúc sức khỏe.
Cần Thơ, tháng 10 năm 2009
Nguyễn Thị Điệp
3
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài -------------------------------------------------------------1
2. Mục đích nghiên cứu ---------------------------------------------------------------3
3. Lịch sử vấn đề ……………………………………………………...…...…3
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu …………………………………………7
5. Phương pháp nghiên cứu …………………………………………………..8
6. Đóng góp của luận văn …………………………………………………….9
7. Cấu trúc của luận văn ………………………………………………...……9
Chương 1:
NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ VĂN HÓA VÀ VĂN HÓA NAM BỘ
1.1 Một số vấn đề về văn hóa ……………………………………………………11
1.1.1 Khái niệm văn hóa……………………………………………….……11
1.1.2 Mối quan hệ giữa văn hóa và văn học………………………………...13
1.2 Đặc điểm về văn hóa Nam Bộ ……………………………………..……….16
1.2.1 Nền tảng địa - văn hóa Nam Bộ ……………………………………...16
1.2.2 Một số nét đặc trưng về văn hóa Nam Bộ ……………………………17
1.3 Nhà văn Sơn Nam với vùng đất Nam Bộ ……………………………………23
1.3.1 Cuộc đời và sự nghiệp ……………………………………………...…23
1.3.2 Ảnh hưởng và tác động của hoàn cảnh sống ở Nam Bộ đến Sơn Nam
………………………………………………………………………………..27
Chương 2:
DẤU ẤN VĂN HÓA NAM BỘ QUA CẢNH VÀ NGƯỜI
TRONG TRUYỆN NGẮN SƠN NAM
2.1 Cảnh Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam …………………………………31
2.1.1 Cảnh thiên nhiên trong truyện ngắn Sơn Nam ……………………..….32
2.1.1.1 Thiên nhiên đậm chất hoang sơ, dữ dội .….…….…………………....32
2.1.1.2 Thiên nhiên gần gũi, hiền hòa, gắn bó với cuộc sống của con người
………………………………………………………………………………..37
2.1.2 Cảnh xã hội trong truyện ngắn Sơn Nam …………………………...…41
2.2 Con người Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam ………………………...…49
2.2.1 Hoàn cảnh sống của con người Nam Bộ …………………………...…49
2.2.2 Đặc điểm về con người Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam ….…..…51
2.2.2.1 Mối quan hệ giữa con người với thế giới tự nhiên ……………….…51
2.2.2.2 Mối quan hệ giữa con người với xã hội ………………………….…61
4
a. Trong mối quan hệ giữa con người với cộng đồng ……………...…62
b. Trong mối quan hệ giữa con người với con người ……...……….....66
Chương 3:
DẤU ẤN VĂN HÓA NAM BỘ QUA NGHỆ THUẬT
CỦA TRUYỆN NGẮN SƠN NAM
3.1 Nghệ thuật xây dựng kết cấu……………………….…………….……...……73
3.1.1 Nghệ thuật xây dựng cốt truyện …………………………….…………74
3.1.2 Nghệ thuật xây dựng kết cấu …………………...……………..………84
3.2 Nghệ thuật xây dựng nhân vật ……………………………………………….90
3.2.1 Thế giới nhân vật phong phú và đa dạng …………………...…………90
3.2.2 Nghệ thuật xây dựng nhân vật qua yếu tố ngôn ngữ……………..……96
3.2.3 Nghệ thuật xây dựng nhân vật qua yếu tố ngoại hình …………..……101
3.2.4 Nghệ thuật khắc họa tính cách nhân vật ………………………...……104
3.3 Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ …………………………...…………………111
3.3.1 Phương ngữ Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam ……………...…...111
3.3.2 Vài nét về cách sử dụng thành ngữ …………………………………..119
3.3.4 Hiện tượng giọng kể chuyện mang đậm sắc thái dân gian Nam Bộ …122
KẾT LUẬN …………………………………………………………………….…127
TÀI LIỆU THAM KHẢO ……………………………………………………...…131
PHỤ LỤC
MỞ ĐẦU
8. Lý do chọn đề tài
“Lịch sử văn học Việt Nam là lịch sử tâm hồn con người Việt Nam”. Lịch sử tâm
hồn ấy được những người nghiên cứu, giảng dạy văn học khám phá. Tương ứng với lịch
sử của các vùng miền khác nhau trên đất nước Việt Nam, văn học ở miền ngoài cùng
với lịch sử của nó đã được chú ý từ rất sớm. Sự hình thành và phát triển của văn học,
văn hóa Nam Bộ ở một góc độ nào đó lại là một vấn đề khác. Với khoảng thời gian 300
năm, văn học, văn hóa Nam Bộ đã có những đặc trưng và dáng dấp riêng biệt, không thể
lầm lẫn. Văn học Nam Bộ là một phần của văn học cả nước. Đóng góp của văn học
5
Nam Bộ là đóng góp của mảng văn học ở một vùng miền với những nét đặc sắc riêng
biệt. Đến với văn học Nam Bộ, chúng tôi đánh giá cao những sáng tác của các nhà văn
như Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc,… Với tình cảm đặc biệt dành cho
văn học và con người vùng đất mới khai phá, chúng tôi tìm đến sự nghiệp của nhà văn,
nhà biên khảo Sơn Nam Nam trong đó chú ý đến mảng truyện ngắn của ông trong giai
đọan 1954 - 1975.
Theo chiều thời gian cái gì đọng lại cùng với con người, cuộc sống của con người
mang tính ổn định bền vững, thể hiện được đặc điểm về cách sống, cách nghĩ, cách cư
xử của con người trong tự nhiên và xã hội đều có thể quy về văn hóa. Khi chọn cho
mình đề tài này, chúng tôi có cơ hội tìm hiểu về văn hóa Nam Bộ qua sáng tác của một
trong những nhà văn Nam bộ điển hình: Sơn Nam. Là người viết nhiều và thể hiện trên
nhiều khía cạnh cộng với số lượng sáng tác và biên khảo khá đồ sộ, Sơn Nam được
đánh giá là pho từ điển sống của văn hóa Nam Bộ. Tìm hiểu đề tài này là điều kiện
thuận lợi để chúng tôi mở rộng cho mình vốn kiến thức về vùng đất và con người phía
nam tổ quốc.
Mảnh đất Nam Bộ với lịch sử hình thành 300 năm, là nơi màu mỡ cả về đất đai và
tình người. Ở nơi ấy, văn chương cũng chưa được đào sâu, cày xới để thấy được những
giá trị đích thực của nó. Trong một vài thập niên gần đây, ngày càng có nhiều người đi
vào tìm hiểu mảng văn học ở vùng đất này. Đã có nhiều công trình nghiên cứu, luận án
thạc sĩ, luận án tiến sĩ đã có những đóng góp đáng kể. Đó là một hiện tượng đáng mừng
và đáng được ghi nhận.
Tuy không sinh ra ở mảnh đất này, nhưng lớn lên, đã và đang gắn bó trực tiếp với
nơi đây vì vậy được tìm hiểu về văn hóa Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam là điều
thực sự có giá trị đối với riêng cá nhân tôi. Với ý thức xác định như vậy và với một sự
yêu mến kính trọng sự nghiệp và con người nhà văn Sơn Nam - nhà Nam bộ học, chúng
tôi lấy làm thích thú khi được tìm hiểu, nghiên cứu ở góc độ văn hóa về một mảng nhỏ
trong sự nghiệp sáng tác của ông. Đó là truyện ngắn của Sơn Nam trên phương diện in
đậm những nét đặc trưng về văn hóa Nam Bộ. Trong sự nghiệp của nhà văn, nhà biên
khảo Sơn Nam, nhiều nhà nghiên cứu đã ghi nhận những sáng tác trong khoảng thời
gian 20 năm từ 1954 - 1975. Mảng truyện ngắn là những sáng tác thể hiện được đầy đủ
nhất về mảnh đất và con người Nam Bộ, đồng thời cũng nêu bật lên được giá trị ngòi
bút Sơn Nam với tư cách là một nhà văn.
6
Ngòi bút Sơn Nam, cuộc đời nhà văn Sơn Nam là sự kết nối những am hiểu sâu rộng
từ những chuyến đi du khảo trong thực tế, những nghiên cứu dưới dạng “điền dã” rồi trở
thành triết lý về văn hóa con người, vùng đất Nam Bộ. Có thể nói những trang viết của
Sơn Nam chứa một dung lượng ngồn ngộn về cuộc sống, về cảnh vật về con người Nam
Bộ. Từ những trang viết ấy, người đọc cảm nhận được tấm chân tình của một nhà văn,
của một người con Nam Bộ như ông đã tâm sự trong một lần trò truyện với phóng viên
báo điện tử Vietnamnet: “Lịch sử Nam Bộ là lịch sử của công cuộc khẩn hoang trường
kỳ và tự lực. Ý thức khẩn hoang mở đất ăn sâu vào máu thịt tôi. Đời ông nội rồi đời cha
tôi lo khẩn hoang mở đất, nên những trang viết của tôi dành cho việc khẩn hoang mở
đất và là sở trường của tôi”. Nhiều sáng tác của Sơn Nam đã để lại những giá trị về mặt
lịch sử, điạ lý, văn hóa, xã hội của vùng đất Nam Bộ. Vì vậy nhà văn Sơn Nam được gọi
là nhà văn hóa, nhà Nam Bộ học, hay dân dã hơn là “ông già Nam Bộ” với tất cả lòng
kính trọng và yêu quý của nhiều độc giả, nhà nghiên cứu hay các đồng nghiệp. Từ sự
nghiệp của Sơn Nam, người đọc nhận ra vẻ đẹp của con người Nam Bộ trong cuộc
sống, thấy được tấm lòng của một con người, một nhà văn luôn yêu mến và có ý thức
giữ gìn những giá trị tốt đẹp ấy.
Tìm về với mảnh đất Nam Bộ, những sáng tác của nhà văn, nhà biên khảo Sơn Nam
giúp ta có một cái nhìn toàn cảnh ở cả bề rộng lẫn bề sâu. Chúng ta có thể tìm hiểu vấn
đề qua lăng kính của một nhà văn, qua cách nhìn nhận ghi chép của một nhà biên khảo.
Vào những năm giữa thế kỷ XX, “ông già đi bộ” đã đi qua rất nhiều vùng đất khác
nhau, gặp gỡ nhiều con người, chứng kiến nhiều cảnh sinh hoạt khác nhau. Tất cả
những điều đó cộng với tư chất của một người cầm bút sáng tác, Sơn Nam đã đưa đất và
người Nam Bộ vào văn học một cách tự nhiên như chính cuộc sống vốn có và vốn đã
diễn ra. Còn chúng ta là thế hệ đi sau sẽ tìm thấy trong chính những sáng tác của ông
nhiều khía cạnh về văn hóa - xã hội miền Nam một cách đáng tin cậy.
2. Mục đích nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu chính của luận văn được xác định như sau:
Thứ nhất, tìm hiểu những đặc trưng cơ bản về văn hóa Nam Bộ. Bên cạnh đó là
những nội dung liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Sơn Nam. Đặc biệt, lý giải về
sự ảnh hưởng và tác động của văn hóa Nam Bộ đến tư tưởng nghệ thuật của nhà văn
này.
7
Thứ hai, khảo sát dấu ấn văn hóa Nam Bộ ở phương diện nội dung trên hai khía cạnh
cảnh sắc và con người Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam.
Thứ ba, đánh giá dấu ấn văn hóa Nam Bộ qua nghệ thuật của truyện ngắn Sơn Nam
trên một số phương diện đặc sắc như: nghệ thuật kết cấu truyện ngắn, nghệ thuật xây
dựng nhân vật và nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ.
Như vậy, mục đích chính luận văn không phải khảo sát tất cả các khía cạnh của văn
hóa Nam Bộ được biểu hiện qua truyện ngắn của Sơn Nam mà chỉ đi vào những bình
diện người viết nhận thấy đó là những nét đặc trưng cơ bản về văn hóa Nam Bộ.
3. Lịch sử vấn đề
Tác giả Sơn Nam và sự nghiệp của ông được đánh giá là một hiện tượng của văn học
Nam Bộ. Vì vậy, trong một vài mươi năm trở lại đây đã có khá nhiều nhà nghiên cứu,
phê bình và độc giả yêu mến quan tâm đến những sáng tác của ông. Tuy vậy, có thể nói
đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có nhiều công trình nghiên cứu, đánh giá đầy đủ và có
hệ thống toàn bộ sự nghiệp của nhà văn Nam Bộ này. Phần nhiều đó là các bài phỏng
vấn, lời giới thiệu, đề tựa cho các tập sách của Sơn Nam trên các báo, tạp chí hoặc
những bài viết ngắn đề cập đến một vài phương diện đặc sắc. Ngoài ra, có thể kể đến
một số luận văn, luận án nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Sơn Nam.
Ngay từ năm 1986, đã có những nhà nghiên cứu chú ý đến truyện ngắn của Sơn
Nam. Khi Nhà xuất bản Trẻ cho ra đời tập sách Hương rừng Cà Mau tập 1, Viễn
Phương, người đầu tiên viết lời tựa cho quyển sách này, nhận định đây là một cây bút
viết truyện ngắn tiêu biểu của văn xuôi Nam Bộ thế kỷ XX và tin tưởng vào sức sống và
giá trị của tập truyện ngắn này. Hơn 20 năm qua, niềm tin của nhà văn Viễn Phương vẫn
còn nguyên giá trị. Cùng năm này, trên tạp chí Văn nghệ Quân đội, tác giả Hồ Sĩ Hiệp
với bài viết “Vài nét về văn xuôi kháng chiến Nam Bộ” cũng quan tâm và đánh giá cao
những tác phẩm đầu tay của Sơn Nam như Bên rừng cù lao Dung, Tây đầu đỏ, Cây đàn
miền Bắc.
Các tác giả Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Đình Chú, Nguyên An trong công trình
Tác gia văn học Việt Nam (NXB Giáo dục, 1992, tập 3) đã dành một vị trí cho nhà văn
Sơn Nam với nhận định Hương rừng Cà Mau là tác phẩm tiêu biểu nhất, đặc sắc nhất
của Sơn Nam và ông xứng đáng là một nhà văn, nhà khảo cứu về mảnh đất cực Nam tổ
quốc của chúng ta.
8
Năm 1994, xuất hiện tập tiểu luận Phê bình, bình luận văn học, NXB Văn nghệ
Tp.HCM do tác giả Vũ Tiến Quỳnh tuyển chọn và giới thiệu. Công trình nhỏ này xoay
quanh các tác phẩm tiêu biểu của ba tác giả Nam Bộ: Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng và
Sơn Nam. Trong đó, phần về Sơn Nam có hai bài một của Viễn Phương như đã giới
thiệu ở trên, một của tác giả Ngân Hà với nhan đề “Gợi ý phân tích giảng văn Bắt sấu
rừng U Minh Hạ”. Năm 1995, khi Bộ giáo dục chủ trương tiến hành phân ban ở cấp phổ
thông trung học, Bắt sấu rừng U Minh Hạ đã được chính thức đưa vào giảng dạy trong
sách giáo khoa 12 ban Khoa học Xã hội, ở ban Tự nhiên được giới thiệu dưới dạng bài
đọc thêm trong sách lớp 11. Qua những tư liệu này, chúng ta thấy được vào đầu những
năm 90, truyện ngắn của Sơn Nam đã được các nhà nghiên cứu, người làm sách giới
thiệu đến bạn đọc như một món ăn tinh thần đặc sản của vùng sông nước Nam Bộ.
Vào thời điểm cuối những năm 1990, cụ thể từ 1997 - 1999 xuất hiện rất nhiều bài
viết, bài nghiên cứu về đất và người Nam Bộ nhân dịp kỷ niệm 300 năm Sài Gòn –
Thành phố Hồ Chí Minh. Với tư cách là nhà Nam Bộ học, những sáng tác, biên khảo
của Sơn Nam đã được nhiều người chú ý đến. Trong tập sách Bình văn của nhóm tác
giả Trần Hòa Bình, Lê Duy, Văn Giá do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 1997, Văn
Giá đã nhận định Sơn Nam là nhà văn có vốn kiến thức sâu rộng về lịch sử, con người,
về đặc điểm tự nhiên và xã hội của vùng Đất Mũi. Văn Giá còn trân trọng gọi ông là
chủ nhân của rừng tràm trong một bài giới thiệu cùng tên. Sau đó, hàng loạt những
danh xưng khác nhau được gắn cho nhà văn Sơn Nam trên các bài báo, tạp chí như Sơn
Nam - người đánh đàn độc huyền kể chuyện Nam Bộ, Ông từ giữ đền của đất Gia Định
xưa, Nhà văn Sơn Nam - hãy học tập những trang đời,… Đến lúc này, trên văn đàn Sơn
Nam đã trở thành một hiện tượng văn học thực sự.
Năm 1998, Nhà xuất bản Trẻ một lần nữa chú ý đến giá trị những sáng tác của Sơn
Nam khi cho tái bản nhiều tác phẩm ông. Trong đó, Hương rừng Cà Mau được in dưới
dạng nhiều tập, được Hoàng Phủ Ngọc Phan giới thiệu và đánh giá như một quyển “cảo
thơm” có giá trị ngang với “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân và là bức tranh đất
nước trong khoảng thời gian đầu XX.
Khi văn học đô thị miền Nam được chú ý tập hợp và biên soạn, nhiều công trình có
giá trị đã ra đời. Trong đó: năm 1998, có công trình Địa chí văn hóa Thành phố Hồ
Chí Minh, Nhà xuất bản Tp.HCM do giáo sư Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng chủ biên.
Phần văn học - báo chí - giáo dục (tập 2), chương viết về “Văn học yêu nước công khai
ở Sài Gòn trong 30 năm cách mạng và kháng chiến” do nhóm tác giả Tầm Vu, Nguyên
9
Thanh, Viễn Phương, Hồ Sĩ Hiệp, Trần Hữu Tá biên soạn, đã nhắc đến Sơn Nam với
vai trò là một nhà văn tiêu biểu của Nam Bộ và ghi nhận vai trò của ông trong những
đóng góp vào mảng văn học yêu nước tiến bộ cách mạng giai đọan 1954 - 1975. “Đất
nước, lịch sử và con người Nam Bộ đã được Sơn Nam say sưa phản ánh” trong tập
truyện ngắn này. Đồng thời, tác giả bài viết còn khẳng định “Hương rừng Cà Mau đáng
quý vì đem lại cho người đọc bình thường những xúc cảm thẩm mỹ bổ ích, những gợi ý
tích cực về đất nước và tình người” [17, 457].
Năm 2000, khi cho ra đời công trình Nhìn lại một chặng đường văn học, NXB
Tp.HCM, nhà nghiên cứu văn học Trần Hữu Tá đã có những đóng góp đáng kể trong
việc nhìn lại và đánh giá một chặng đường văn học, giới thiệu những tác phẩm tác giả
tiêu biểu của văn học Nam Bộ. Trong đó tác giả khẳng định vị trí của Sơn Nam trên văn
đàn công khai Sài Gòn và còn trân trọng đánh giá nhà văn như “một người cầm bút có
dáng vẻ và hương sắc riêng” [72, 72]
Trong một vài năm trở lại đây, một số trường đại học ở khu vực phía Nam cũng đã
chú ý đến Sơn Nam và sáng tác của ông. Trong đó có: “Thiên nhiên và con người Nam
Bộ trong truyện ngắn của Sơn Nam”- luận văn cử nhân Khoa học Xã hội và Nhân văn
Thành phố Hồ Chí Minh năm 1996, tác giả Đoàn Trần Ái Thy khảo sát những đặc điểm
về thiên nhiên và con người trong truyện ngắn Sơn Nam và dừng lại ở góc độ phân tích,
nhận định và tổng hợp vấn đề trên nội dung văn bản. “Từ ngữ trong tập truyện ngắn
Hương rừng Cà Mau của Sơn Nam”- luận văn cử nhân Ngữ văn Đại học Cần Thơ
năm 2005, tác giả Đinh Ngọc Quyên khảo sát các phương diện khác nhau về mặt từ ngữ
trong tập truyện ngắn này và liệt kê, phân tích một vài nét đặc sắc.
Năm 2003, Lê Thị Thùy Trang trong luận văn cao học đã tìm hiểu “Đặc điểm truyện
ngắn Sơn Nam giai đoạn 1954 – 1975”. Công trình này đã có những đóng góp đáng kể
trong việc khảo sát những cảm hứng chính và những đặc điểm truyện ngắn Sơn Nam giai
đoạn 1954 - 1975. Năm 2004, có luận văn cao học “Văn hóa và con người Nam Bộ
trong truyện của Sơn Nam” của Đinh Thị Thanh Thủy, ĐHSP Tp.HCM. Tác giả luận
văn đã có công trong việc sưu tầm những truyện ngắn của Sơn Nam được đăng rải rác
trên các tạp chí và những truyện đã được tập hợp lại thành sách. Đinh Thị Thanh Thủy
khai thác hai mảng văn hóa và con người Nam Bộ trên nền truyện của nhà văn Sơn Nam
bao gồm truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài và cả tiểu thuyết. Luận văn trên ở một góc
độ nào đó đã giúp cho chúng ta thấy được cái nhìn toàn cảnh về sáng tác văn học của Sơn
Nam. Cùng năm 2004, còn có luận văn cao học Đặc trưng truyện ngắn Sơn Nam của
10
Trần Phỏng Diều, Đại học KHXH và NV TP.HCM. Công trình này đã góp phần làm sáng
tỏ đặc trưng truyện ngắn Sơn Nam trên cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật. Qua
đây, chúng tôi nhận thấy trong các sáng tác của nhà văn Sơn Nam, truyện ngắn được xem
là thế mạnh vì thế khi tìm hiểu đương nhiên người ta không thể bỏ qua thể loại tiêu biểu
này.
Năm 2007, trong công trình Truyện ngắn Việt Nam lịch sử - thi pháp – thể loại,
NXB Giáo dục, Đà Nẵng, nhà nghiên cứu văn học Phan Cự Đệ đã khảo sát những đặc
trưng và thi pháp truyện ngắn Việt Nam hiện đại trong đó có truyện ngắn của Sơn Nam.
Tác giả nhận định Sơn Nam “là nhà văn, nhà biên khảo tâm huyết về vùng đất và con
người Nam Bộ” [14, 697]. Đồng thời ông còn đánh giá Sơn Nam là một trong số ít
những nhà văn mà khi nhắc đến tên gọi của họ, người đọc sẽ nghĩ ngay đến những vùng
đất, những con người của một miền Tổ quốc.
Gần đây nhất năm 2008, luận văn thạc sĩ của tác giả Nguyễn Thị Hồng, Đại học
Vinh tìm hiểu vấn đề Nghệ thuật kể chuyện của Sơn Nam trong Hương rừng Cà
Mau. Trong công trình này, người viết chỉ tập trung khai thác những nội dung liên quan
đến nghệ thuật kể chuyện cụ thể là chủ thể kể chuyện, cấu trúc trần thuật và giọng điệu
trần thuật. Với cách khai thác như vậy, luận văn này đã góp phần nêu bật lên những đặc
điểm riêng biệt của nghệ thuật kể chuyện của nhà văn Sơn Nam thông qua tập truyện
tiêu biểu này.
Cũng trong năm 2008, nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng cho ra đời công trình Văn
học Việt Nam nơi miền đất mới do NXB Văn học ấn hành. Đây là một công trình có
giá trị tổng hợp trên nhiều mặt và là sự giới thiệu khá đầy đủ về diện mạo văn học ở khu
vực phía Nam. Trong đó, Sơn Nam được giới thiệu với danh xưng khá quen thuộc – nhà
văn của miệt vườn Nam Bộ. Tác giả Nguyễn Q. Thắng đánh giá “Hương rừng Cà Mau
thuộc loại truyện xưa tích cũ …và có thể xem đây là tác phẩm đáng chú ý và sáng giá
nhất của Sơn Nam về sông nước, kinh rạch Miền Tây đất mẹ”. Đồng thời tác giả còn
nhấn mạnh “đây chính là cuốn sách thành công nhất của nhà văn sông nước miệt
vườn”[76, 1216].
Trước những tài liệu vừa điểm ở trên, chúng tôi nhận thấy việc đi vào tìm hiểu sự
nghiệp của Sơn Nam ở mảng sáng tác một việc làm cần thiết. Thêm vào đó, bản thân
vốn là người yêu thích văn học Nam Bộ và có một tình cảm đặc biệt dành cho nhà văn
Sơn Nam cùng những sáng tác của ông. Chúng tôi tin tưởng rằng qua đây sẽ thu nhận
được những giá trị của cuộc sống văn hóa và con người Nam Bộ từ những góc độ nhìn
11
nhận khác nhau. Cuộc đời của nhà văn Sơn Nam gói trọn trong thế kỷ XX và bước sang
những năm đầu của thế kỷ XXI. Những sáng tác của ông nằm gọn trong vùng không
gian và thời gian của con người Nam Bộ với những đặc điểm mang đậm sắc thái của
vùng đồng bằng sông nước, ruộng vườn, kênh rạch chằng chịt. Tìm về với truyện ngắn
của Sơn Nam cũng là tìm về với cuộc sống và con người nơi ấy với những nét đẹp riêng
khó có thể nhầm lẫn.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Người đọc biết đến Sơn Nam ở cả hai mảng sáng tác và biên khảo, với hơn 60 đầu
sách đã được xuất bản, ông xứng đáng là một hiện tượng của văn học Nam Bộ, một nhà
văn điển hình của văn phong Nam Bộ. Riêng ở mảng sáng tác, Sơn Nam là một cây bút
khá đa dạng với nhiều thể loại như tiểu thuyết, truyện dài, truyện vừa, truyện ngắn, hồi
ký. Toàn bộ sáng tác của Sơn Nam đều viết về đất và người Nam Bộ ở nhiều phương
diện khác nhau. Trong đó truyện ngắn được nhiều nhà nghiên cứu, nhà phê bình, độc
giả trong và ngoài nước chú ý khen ngợi. Và thực sự đây là thế mạnh của nhà văn miệt
vườn này.
Đối tượng khảo sát trực tiếp của luận văn là những sáng tác thuộc thể loại truyện
ngắn bao gồm 85 truyện, trong đó 66 truyện nằm trong tuyển tập Hương rừng Cà Mau
và 19 truyện ngắn nằm trong tập Biền cỏ Miền Tây. Đây là hai tập truyện có sự gần gũi
nhau về đề tài sáng tác, hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung cũng như nghệ thuật. Theo
sự khẳng định của Sơn Nam trong tập hồi ký Từ U Minh đến Cần Thơ, ông đã sáng tác
khoảng 300 truyện ngắn. Trong phạm vi đề tài luận văn, chúng tôi chỉ khảo sát trên
những tác phẩm đã in trong hai tập sách trên. Bên cạnh đó, toàn bộ những sáng tác của
Sơn Nam đều có giá trị hỗ trợ, bổ sung, làm rõ vấn đề đang nghiên cứu. Điều này xét
cho cùng là vì dù biên khảo hay sáng tác và dù sáng tác với thể loại nào thì nội dung bao
trùm lên toàn bộ sự nghiệp của Sơn Nam cũng thống nhất với những tên gọi mà người
ta đặt ra hoặc tôn vinh tên tuổi tác giả - một nhà văn, nhà văn hóa Nam Bộ tiêu biểu.
Trên cơ sở phạm vi giới hạn của tư liệu như trên, chúng tôi tìm hiểu vấn đề trên
phương diện dấu ấn văn hóa Nam Bộ trong truyện ngắn của Sơn Nam. Đây chỉ là một
phần trong những đóng góp của Sơn Nam trong việc dựng lên bức tranh toàn cảnh Nam
Bộ, nhưng có thể nói đây chính là phần trọng yếu và là tâm điểm của bức tranh ấy. Qua
đó nhằm khẳng định giá trị truyện ngắn Sơn Nam từ góc độ văn hóa, khẳng định tên
12
tuổi của nhà văn Nam Bộ tiêu biểu này. Đó là mong muốn cũng là mục tiêu mà người
viết đặt ra cho luận văn.
5. Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình thực hiện đề tài, luận văn có sự kết hợp của nhiều phương pháp:
Phương pháp nghiên cứu liên ngành: Phạm vi và đối tượng nghiên cứu của đề tài
có sự liên quan chặt chẽ đến vấn đề văn hóa và lịch sử của vùng đất Nam Bộ vì vậy sự
kết hợp phương pháp nghiên cứu liên ngành giữa các lĩnh vực lịch sử, văn hóa và văn
học là một việc làm khoa học và cần thiết. Luận văn chỉ dừng lại ở việc áp dụng những
tư liệu khoa học về lịch sử và địa lý của vùng đất Nam Bộ làm kiến thức nền cho việc
khảo sát hai chương chính. Bên cạnh đó, một số phương pháp đặc trưng của các ngành
xã hội cũng được ứng dụng như phương pháp thống kê - phân loại, sử dụng số liệu,
phân tích,…
Phương pháp phân tích - tổng hợp: là phương pháp chính để tiến hành khảo sát,
tìm hiểu vấn đề. Dựa trên những truyện ngắn đã được khu biệt ngay từ đầu, luận văn
phân tích truyện ngắn Sơn Nam trên cơ sở kiến thức lý luận về văn hóa nói chung và
đặc trưng văn hóa Nam Bộ nói riêng. Đó là mấu chốt làm sáng tỏ vấn đề, sau đó tiếp tục
công việc tổng hợp lại thành những nội dung mang tính chất tổng quát. Từ hai công
đoạn này, chúng tôi đi vào khẳng định dấu ấn văn hóa Nam Bộ trong truyện ngắn của
nhà văn Sơn Nam trong đặc trưng văn hóa Nam Bộ nói riêng và bản sắc văn hóa dân tộc
Việt Nam nói chung.
Phương pháp thống kê - phân loại: Người viết vận dụng phương pháp này để sắp
xếp các truyện ngắn có cùng biểu hiện về văn hóa qua việc thể hiện thiên nhiên và con
người Nam Bộ; phân loại và tập hợp các truyện ngắn có cùng kiểu cốt truyện, kết cấu,
đặc điểm nhân vật, đặc trưng ngôn ngữ. Ngoài ra, phương pháp này còn được sử dụng
để lập các biểu bảng trong phần phụ lục của đề tài và là công cụ để đi vào phân tích
tổng hợp những vấn đề liên quan.
Bên cạnh đó các thao tác cơ bản khi nghiên cứu văn học cũng được người viết vận
dụng như quy nạp, diễn dịch, so sánh, đối chiếu, bình luận,... và đặt vấn đề trong tính hệ
thống để tiện theo dõi.
6. Đóng góp của luận văn
13
Với sự say mê và nhiệt tình học hỏi, chúng tôi hy vọng công trình nhỏ của mình sẽ
góp phần thể hiện bức tranh về văn hóa Nam Bộ nhìn từ góc độ truyện ngắn của Sơn
Nam. Chúng tôi luôn đồng tình và tin tưởng rằng truyện ngắn chính là thế mạnh của
“nhà văn miệt vườn sông nước” Cửu Long này. Qua đó, dấu ấn văn hóa Nam Bộ được
tác giả thể hiện trên nhiều góc độ với tư cách là người sinh ra, lớn lên, sống trên mảnh
đất này, là người luôn mang bên mình ý thức tìm về với lịch sử khai khẩn Nam Bộ như
có lần nhà văn Sơn Nam đã tâm sự. Và nhiệm vụ của luận văn này là làm rõ được điều
đó.
7. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, thư mục tài liệu tham khảo và các bảng phụ lục, luận
văn gồm ba chương chính:
Chương 1:
NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ VĂN HÓA VÀ VĂN HÓA NAM BỘ
1.1 Một số vấn đề về văn hóa
1.1.1 Khái niệm văn hóa
1.1.2 Mối quan hệ giữa văn hóa và văn học
1.2 Đặc điểm về văn hóa Nam Bộ
1.2.1 Nền tảng địa - văn hóa Nam Bộ
1.2.2 Một số nét đặc trưng về văn hóa Nam Bộ
1.3 Nhà văn Sơn Nam với vùng đất Nam Bộ
1.3.1 Cuộc đời và sự nghiệp
1.3.2 Ảnh hưởng và tác động của hoàn cảnh sống ở Nam Bộ đến Sơn Nam
Chương 2:
DẤU ẤN VĂN HÓA NAM BỘ QUA CẢNH VÀ NGƯỜI
TRONG TRUYỆN NGẮN SƠN NAM
2.1 Cảnh Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
2.1.1 Cảnh thiên nhiên trong truyện ngắn Sơn Nam
2.1.1.1 Thiên nhiên đậm chất hoang sơ, dữ dội
2.1.1.2 Thiên nhiên gần gũi, hiền hòa, gắn bó với cuộc sống của con người
14
2.1.2 Cảnh xã hội trong truyện ngắn Sơn Nam
2.2 Con người Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
2.2.1 Hoàn cảnh sống của con người Nam Bộ
2.2.2 Đặc điểm về con người Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
2.2.2.1 Mối quan hệ giữa con người với thế giới tự nhiên
2.2.2.2 Mối quan hệ giữa con người với xã hội
a. Trong mối quan hệ giữa con người với cộng đồng.
b. Trong mối quan hệ giữa con người với con người
Chương 3:
DẤU ẤN VĂN HÓA NAM BỘ QUA NGHỆ THUẬT
CỦA TRUYỆN NGẮN SƠN NAM
3.1 Nghệ thuật xây dựng kết cấu
3.1.1 Nghệ thuật xây dựng cốt truyện
3.1.2 Nghệ thuật xây dựng kết cấu
3.2 Nghệ thuật xây dựng nhân vật
3.2.1 Thế giới nhân vật phong phú và đa dạng
3.2.2 Nghệ thuật xây dựng nhân vật qua yếu tố ngôn ngữ
3.2.3 Nghệ thuật xây dựng nhân vật qua yếu tố ngoại hình
3.2.4 Nghệ thuật khắc họa tính cách nhân vật
3.3 Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ
3.3.1 Phương ngữ Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
3.3.2 Vài nét về cách sử dụng thành ngữ
3.3.2 Hiện tượng giọng kể chuyện mang đậm sắc thái dân gian Nam Bộ
Chương 1:
NHỮNG VẤN CHUNG ĐỀ VỀ VĂN HÓA
VÀ VĂN HÓA NAM BỘ
1.1 Một số vấn đề về văn hóa
1.1.1 Khái niệm văn hóa
15
Văn hóa vốn là một khái niệm rộng lớn và có nhiều cách định nghĩa khác nhau. Nhà
xã hội học người Pháp Mercier đã ví thuật ngữ văn hóa như một tòa lâu đài đa diện mà mỗi
nhà nghiên cứu lại chỉ tiếp nhận có một mặt, đã làm cho thuật ngữ này trở nên phức tạp.
Với tính chất như vậy khó có định nghĩa nào bao quát đầy đủ nội hàm của nó. Theo số liệu
thống kê chưa đầy đủ, đến thời điểm hiện nay có khoảng 500 định nghĩa về thuật ngữ văn
hóa. Vì vậy để tìm ra một khái niệm duy nhất đúng là điều không tưởng, tuy nhiên chúng ta
vẫn có thể tìm ra những định nghĩa chứa đựng những hạt nhân hợp lý, phù hợp với mục
đích nghiên cứu của mình. Điều đó tùy thuộc vào góc độ tiếp cận của đối tượng khi tìm
hiểu vấn đề.
Văn hóa là một lĩnh vực rất rộng lớn, vô cùng phong phú và đa dạng, có mặt thấm
sâu trong toàn bộ đời sống xã hội và đời sống con người, vì thế có rất nhiều định nghĩa,
cách hiểu cũng như cách khai thác khác nhau về văn hóa. Trong quá trình đi tìm định nghĩa
và nội hàm của văn hóa, đã có những tìm tòi khoa học có giá trị sâu sắc, tiếp sức nhau đạt
tới những nhận thức ngày càng hoàn chỉnh hơn của con người về một lĩnh vực rất độc đáo
do chính con người và chỉ có con người sáng tạo nên.
Sau nhiều năm tìm tòi theo các hướng, các cách tiếp cận khác nhau, đến những năm
70 của thế kỷ XX, cách hiểu phổ biến và gặp nhau nhiều nhất là ở quan niệm coi văn hóa
bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi
hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lối sống và lao động. Tiếp đó vào
năm 1982, tại Hội nghị thế giới về các chính sách văn hóa đã thông qua tuyên bố: “Theo
nghĩa rộng, ngày nay văn hóa có thể được coi là toàn bộ các đặc tính đặc biệt về tâm hồn,
vật chất, trí tuệ và tình cảm đặc trưng cho một xã hội hay một nhóm xã hội. Nó không chỉ
bao gồm nghệ thuật và văn học, mà cả lối sống, các quyền cơ bản của nhân loại, các hệ
thống giá trị, truyền thống và tín ngưỡng [10, 264]. Như vậy, theo nghĩa vừa rộng lớn vừa
bản chất, văn hóa là toàn bộ hoạt động tinh thần - sáng tạo, tác động vào tự nhiên, xã hội và
con người nhằm tạo ra các giá trị vật chất và tinh thần ngày càng cao hơn để vươn tới sự
hoàn thiện theo khát vọng chân, thiện, mỹ và góp phần thúc đẩy sự tiến bộ, phát triển
không ngừng của đời sống xã hội. Đó cũng chính là quan điểm của các nhà văn hóa lớn
Việt Nam như Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Trần Văn Giàu.
Khi đặt văn hóa trong một giai đoạn cụ thể của đời sống xã hội và nhìn đời sống ấy
trên nhiều lĩnh vực khác nhau, có quan hệ chặt chẽ với nhau thì văn hóa, hiểu theo nghĩa cụ
thể và các quan hệ cụ thể, là một trong các lĩnh vực chính, giữ vị trí rất quan trọng, cùng
với chính trị, kinh tế và xã hội tạo nên diện mạo, trình độ, chất lượng và đặc điểm xã hội
trong một giai đoạn phát triển nhất định.
16
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định “trong công cuộc kiến thiết nước nhà có
bốn lĩnh vực đóng vai trò đặc biệt quan trọng ngang nhau đó là chính trị, kinh tế, văn hóa
và xã hội” [10, 269]. Nghị quyết Trung ương V của Đại hội Đảng khóa VIII nhấn mạnh
thêm văn hóa còn bao hàm cả giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, văn học, nghệ thuật
và cả công tác tư tưởng cũng được xem là một bộ phận quan trọng của toàn bộ hoạt động
văn hóa.
Theo cách hiểu hạn hẹp hơn và được sử dụng thông thường và khá phổ biến, khi
tách giáo dục, khoa học ra thành các lĩnh vực, các ngành có đặc trưng riêng, văn hóa còn
được coi chủ yếu là các loại hình hoạt động cụ thể của ngành văn hóa như bảo tồn, bảo
tàng, thư viện, xuất bản, báo chí, đời sống văn hóa cơ sở, lễ hội, phong tục, tập quán, tín
ngưỡng,… “và các loại hình sáng tạo văn học, nghệ thuật – một lĩnh vực được coi là nhạy
cảm nhất, mang tính sáng tạo đậm đặc và là bước phát triển cao của văn hóa” [10, 268].
Khi quan tâm vấn đề văn hóa nằm trong mối quan hệ với văn học nghệ thuật và
những vấn đề về đạo đức, lịch sử, địa lý của dân tộc ta, có hai cách tiếp cận về văn hóa vừa
có ý nghĩa lý luận vừa có tính thực tiễn lâu dài. Thứ nhất, “văn hóa là kết tinh những cố
gắng nhiều mặt và liên tục của con người trong trường kỳ lịch sử để khẳng định bản chất và
năng lực của mình, để nâng cao chất lượng sống và trình độ sống” [22, 300]. Thứ hai, “văn
hóa là một lĩnh vực hoạt động cụ thể của con người trong xã hội bên cạnh các lĩnh vực khác
như chính trị, kinh tế” [22, 301]. Với ý nghĩa này, văn hóa lại chia ra thành các ngành, các
bộ phận như giáo dục, khoa học kỹ thuật, văn học nghệ thuật, tư tưởng, tín ngưỡng, phong
tục tập quán, ngôn ngữ,… Và điều liên quan trực tiếp ở đây chính là văn học nghệ thuật -
một bộ phận quan trọng nhất của văn hóa.
Như vậy, xem xét văn hóa từ góc độ tiếp cận liên quan đến văn học nghệ thuật ta có
thể nhận thấy vai trò lưu giữ và chuyển tải các giá trị văn hóa của dân tộc. Chính các sáng
tác văn học đã thể hiện được điều đó và chính các nhà văn, nhà thơ là người giúp cho người
đọc thấy được điều này qua cảm quan nghệ sĩ của chính mình. Một tác phẩm văn học có giá
trị luôn chứa đựng bên trong những giá trị đích thực về chính nền văn hóa của quê hương
đất nước mình ở một phương diện cụ thể nào đó.
1.1.2 Mối quan hệ giữa văn hóa và văn học
Có những quan niệm khác nhau về bản chất, chức năng của văn học, và có những
cách thức khác nhau trong sáng tạo và khám phá văn học, tùy theo hoàn cảnh, mục đích,
trình độ, khuynh hướng nhận thức và hoạt động của con người trong lĩnh vực này. Văn học
có lúc được coi là tiếng nói của con người, có lúc được xác định là một hình thái ý thức,
17
một công cụ nhận thức, phản ánh, miêu tả thực tại, là hình ảnh, bức tranh của đời sống; rồi
có lúc văn học lại được định danh là một loại hình nghệ thuật đặc biệt dùng ngôn từ làm
phương tiện biểu đạt, là nghệ thuật ngôn từ,… Do đó mà các tác phẩm, cũng như các công
trình nghiên cứu văn chương, được thực hiện theo những hướng và những phương pháp
khác nhau kéo theo ý nghĩa và giá trị cũng có nhiều mức độ. Sự khác biệt này do hàng loạt
yếu tố khách quan và chủ quan quy định nhưng có thể nói một cách khái quát rằng do tác
động của môi trường sống, của thời đại khúc xạ qua lăng kính của từng cá nhân người sáng
tác hay nghiên cứu. Xác định mối quan hệ giữa văn hóa với văn học là một việc làm cần
thiết để đánh giá được sự tác động, bổ sung lẫn nhau giữa hai lĩnh vực vốn có mối liên quan
mật thiết này.
Nói đến vị trí của văn học trong văn hóa là nói đến hai mặt của một vấn đề. Thứ
nhất, bản thân văn học là một bộ phận của văn hóa, nó chịu sự chi phối mang tính quyết
định của văn hóa. Thứ hai, là nói đến tính đại diện cho văn hóa của văn học; sự tác động trở
lại của văn học đối với văn hóa [83, 100].
Về mối quan hệ của văn hóa và văn học, cần nhận thấy rằng đối với nước ta văn học
là yếu tố trội của văn hóa. Trong đời sống dân tộc, văn học vốn đã có một vị trí rất quan
trọng và ngược lại trên bình diện phát triển của một nền văn học, tác động của văn hóa đến
văn học là tất yếu. Có thể nói, những nền văn học phong phú chỉ có thể phát triển thuận lợi
trên nền tảng của những nền văn hóa tiêu biểu. Và ở Việt Nam, văn học cũng phát triển trên
cơ sở của văn hóa Việt Nam. Chính các vùng văn hóa có truyền thống lâu đời như Kinh
Bắc, Thăng Long, Huế…, và folklore của các dân tộc Việt Nam là cái nôi sản sinh, nuôi
dưỡng và phát triển tài năng của các nhà văn lớn ở nước ta. Như vậy, nhìn nhận mối quan
hệ giữa văn học và văn hóa là đi vào vấn đề thể hiện những đặc trưng, giá trị của văn học
trong sự tác động và ảnh hưởng trực tiếp của văn hóa. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã
hội và sáng tạo văn học nghệ thuật là bộ phận quan trọng, nòng cốt của văn hóa, có khả
năng truyền cảm mạnh mẽ và có sức sống lâu bền khi biết đi sâu vào tư tưởng đạo đức, đời
sống bên trong của con người.
Bàn về mối quan hệ giữa văn hóa và văn học, có ý kiến cho rằng văn hóa là không
gian, là bầu không khí để trên đó cái cây văn học nảy nở. Một nền văn học bắt rễ sâu vào
đời sống văn hóa dân tộc, sẽ có điều kiện tốt để phát triển, đơm hoa kết trái. Nhà văn am
hiểu sâu sắc cội rễ của văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, ắt hẳn sáng tác của
anh ta sẽ đạt đến chiều sâu của sự khái quát hóa và cá thể hóa. Trong văn hóa phải thấy
được đỉnh cao của nó là văn học. Vì vậy khi ta nói mối quan hệ giữa văn hóa và văn học
cũng tức là nói về “mối quan hệ giữa cái tổng thể với cái bộ phận”. Vũ Khiêu nhấn mạnh
18
trong mối quan hệ này thì “văn học mặc dù là cái bộ phận nhưng lại có vai trò rất quan
trọng” [58, 09].
Trần Đình Sử quan tâm việc “nêu cao vai trò sáng tạo văn hóa của văn học” và điều
đó được thể hiện qua bốn điểm cơ bản sau: văn học có vai trò sáng tạo những mô hình văn
hóa đặc biệt là mô hình nhân cách con người; vai trò phê phán có tính văn hóa của văn học;
văn học phát huy vai trò lựa chọn của văn hóa; văn học trong vai trò sáng tạo văn hóa bằng
những tìm tòi mới về nội dung và nghệ thuật thể hiện mang tính đặc trưng của văn học -
nghệ thuật ngôn từ [71,179]. Cùng với quan điểm này, nhà nghiên cứu văn học Nguyễn
Văn Hạnh xem văn hóa như là “nguồn mạch sáng tạo và khám phá văn chương, văn học là
một hình thái đặc biệt của văn hóa, thuộc về ý thức” [23, 26]. “Văn học không chỉ lưu giữ
văn hóa, mà còn là một bộ phận - nếu không nói là nòng cốt - của văn hóa, sáng tạo ra văn
hóa” [58, 12].
Văn học là một hình thái ý thức thuộc nghệ thuật ngôn ngữ, tức là văn học ở trong
văn hóa nghệ thuật. “Nếu vấn đề cốt lõi của văn hóa thể hiện ở các lực lượng bản chất
người mang tính nhân văn thì văn học chính là hình thái bộc lộ bản chất người rõ nhất, là
nội dung mang tính nhân văn rõ nhất” [58, 11]. Như vậy, có thể khẳng định một nền văn
hóa được xem là tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trước hết phải có nền văn học nghệ thuật
phản ánh được hiện thực của dân tộc ấy, biểu hiện được truyền thống lịch sử của dân tộc ấy
và nhất là sáng tạo được những tác phẩm văn học giàu tính nhân văn. Và chính văn học sẽ
phát huy sức mạnh, sở trường của nó vào việc tô thắm các giá trị văn hóa.
Việc xác định mối quan hệ giữa văn hóa và văn học đã được các nhà nghiên cứu
văn hóa và văn học ở nước ta quan tâm từ rất sớm. Tuy nhiên, để nhìn nhận vấn đề một
cách có hệ thống và quy mô rộng lớn phải đề cập đến hội thảo khoa học “Văn hóa - mối
quan hệ giữa văn hóa và văn học” đã được Viện văn học đứng ra tổ chức tại Hà Nội vào
ngày 04/06/1998. Hội thảo đã đạt được những kết quả tốt đẹp trong việc xác định vai trò, vị
trí của văn học trong văn hóa, về mối quan hệ giữa văn học và văn hóa qua đó nhấn mạnh
vào mục tiêu xây dựng một nền văn hóa mới đậm đà bản sắc dân tộc.
Phương diện văn hóa của văn học ngày càng được quan tâm bởi giữa văn hóa và văn
học có mối liên hệ hết sức mật thiết. Văn học phản ánh đời sống, thực chất là phản ánh
phương diện văn hóa của đời sống. Văn học phán đoán về hiện thực, thực chất cũng là một
phán đoán văn hóa. Văn hóa là phương diện còn lại lâu dài của tác phẩm, tác giả và cả giai
đoạn văn học. Văn hóa là một phương diện bên trong qui định hành vi, suy nghĩ, cảm nhận
của con người trong từng thời kỳ. Nó bao gồm mọi phương diện văn hóa cụ thể như chính
trị, kinh tế, pháp luật, tôn giáo, thị hiếu, ẩm thực, trang phục, tập quán, cử chỉ,… Đọc bất
19
cứ tác phẩm văn học nào ta đều thấy vô vàn biểu hiện của văn hóa trong đó. Vì thế, có thể
nói trong tổng thể văn hóa, văn học chỉ là nhánh nhưng lại có giá trị rất quan trọng.
Nói tới văn hóa của một dân tộc không ai không nghĩ đến văn học, bởi văn học có
một vị trí không thể thiếu trong mỗi nền văn hóa. Tuy nhiên ở văn học Việt Nam ta, trong
một thời gian dài do như cầu bức thiết của thực tế, vai trò của văn học được hiểu chủ yếu
như là phương tiện để truyền bá giáo dục văn hóa, một công cụ như là “văn dĩ tải đạo”.
Chính cách hiểu và cách nghĩ như thế làm giảm sút vai trò sáng tạo văn hóa sâu sắc, nhiều
mặt của văn học. Ngày nay trong viễn cảnh xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản
sắc dân tộc, vai trò sáng tạo văn hóa của văn học cần được nhìn nhận lại một cách thấu đáo.
Văn học đi vào chiều sâu văn hóa phát triển không gì khác hơn là khái niệm phát triển phải
trở thành tư tưởng chủ đạo trong văn chương hiện đại, với trí tuệ dân tộc được khơi sâu
trong dòng chảy của bản chất một nền văn hóa đậm đà tính nhân văn. Vì vậy các tác giả khi
sáng tác ngoài tài năng, tính chuyên nghiệp thì yếu tố tầm nhìn văn hóa và cốt cách văn hóa
cần được nhìn nhận một cách hợp lý [23, 28]. Đó chính là cơ sở để khẳng định sự tồn tại
lâu dài của văn học với thời gian.
Khi quan tâm đến những vấn đề của cuộc sống, của xã hội và con người, của lịch sử
dân tộc và đất nước, dưới góc độ văn hóa, người sáng tác có thể làm nổi rõ lên những chủ
đề, những nhân vật, sắc màu, giọng điệu, cách diễn đạt tiêu biểu, đặc sắc của một cộng
đồng, một vùng đất, một thời kỳ. Nhờ đó mà tạo ra một tiếng nói mới, có đóng góp mới
thực sự cho sự phát triển của văn chương dân tộc và nhân loại. Đồng thời trên phương diện
tiếp cận và nghiên cứu văn chương hiện nay, việc xem xét từ góc độ văn hóa tạo điều kiện
đi sâu đi sát vào những vấn đề trọng đại, sống còn, bức xúc của đời sống, của xã hội, của
lịch sử và của con người. Qua đó góp phần làm nổi bật lên sức mạnh cảm hóa, thanh lọc
lớn lao của văn học nghệ thuật. Đồng thời còn có thể khắc phục được khuynh hướng đề cao
một chiều, tuyệt đối hóa mặt hình thức kỹ thuật của văn chương, đôi lúc biến văn chương
thành một trò chơi chữ cầu kỳ, trống rỗng.
1.2 Đặc điểm về văn hóa Nam Bộ
1.2.1 Nền tảng địa - văn hóa Nam Bộ
Nền tảng địa - văn hóa của một vùng là khái niệm liên quan trực tiếp đến những vấn
đề về văn hóa và địa lý. “Theo nghĩa hẹp, địa - văn hóa là sự nhìn nhận văn hóa trong mối
quan hệ biện chứng với các yếu tố địa lý, nghĩa là căn cứ trực tiếp vào ý nghĩa của chính
cụm từ này. Theo nghĩa rộng, đó là cách xem xét văn hóa như là một sản phẩm do ý thức
chủ quan của con người sáng tạo ra nhưng đồng thời, đó cũng vừa là những kết quả của
20
nhân tố khách quan do các quy luật của tự nhiên tương tác vào” [98, 197]. Như vậy, khi
nghiên cứu nền tảng địa - văn hóa, cần đặt sinh thái tự nhiên và xã hội tại chỗ trong quan hệ
tổng hợp với toàn vùng, tìm ra cái riêng trong cái chung, từ đó có thể nhận ra những quy
luật đã, đang và sẽ chi phối sự phát triển của văn hóa địa phương ấy.
Nam Bộ vốn bao gồm hai vùng đất có nét riêng rõ rệt. Đông Nam bộ là vùng đồi núi
thấp với những thềm phù sa cổ. Nơi đây được nhìn nhận như diềm phía nam của đai khối
cao Tây Nguyên, từ đó các dòng Đa Nhim, Đa Dung hợp lưu lại thành sông lớn Đồng Nai,
tiếp nước của La Ngà rồi vượt qua Trị An tới gặp Sông Bé, sông Sài Gòn để đổ ra cửa Lòng
Tàu. Và Tây Nam bộ tức đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất tiếp nối địa hình bán sơn
địa ấy với một đồng bằng châu thổ phẳng và thấp. Đây là sản phẩm bồi tụ của sông Mê
Kông, con sông dài nhất, nhiều nước và nhiều phù sa nhất Đông Nam Á trên một khuôn
vịnh nông kéo dài từ bồn địa Tông-lê-sáp của Campuchia tới khu vực đồng bằng Sông Tiền
và sông Hậu [06, 12]. Những cứ liệu về mặt địa lý trên giúp chúng ta xác định vấn đề cụ thể
về địa - văn hóa Nam Bộ ở đây chính là nói về khu vực Tây Nam bộ (chúng tôi gọi tắt là
Nam Bộ).
Khi nghiên cứu về nền tảng địa - văn hóa Nam Bộ, việc đặt trong mối tương quan
với các đặc điểm về sinh thái và xã hội của vùng văn hóa này là điều kiện cần thiết. Lịch sử
Nam tiến nói riêng và lịch sử Nam Bộ nói chung là lịch sử của vùng đất mới với độ dài thời
gian hơn ba thế kỷ hình thành và phát triển. Đặc tính “mới” là nét bao trùm lên cả hai
phương diện địa lý và lịch sử của vùng đồng bằng sông Cửu Long. So với cả nước, đây là
khu vực có lịch sử khai phá trẻ nhất. Vì vậy văn hóa vùng miền của khu vực này cũng
chính là văn hóa của vùng đất mới với những nét tiếp thu và bảo tồn truyền thống dân tộc
và những nét đặc sắc riêng biệt phù hợp với những điều kiện tự nhiên và xã hội trên địa
bàn.
Quá trình Nam tiến được phản ánh rất rõ trong văn học từ những sáng tác dân gian
cho đến văn chương bác học. Trong kho tàng văn học dân gian đồng bằng Sông Cửu Long,
ca dao, thành ngữ, truyền thuyết, giai thoại về đất và người trong quá trình khai phá mở đất
chiếm số lượng khá lớn và được xem là đặc sắc, hấp dẫn nhất. Đa số truyện kể, truyền
thuyết dân gian Nam Bộ đều thể hiện những đặc tính mới của vùng miền trên nhiều biểu
hiện khác nhau của văn hóa. Ngay cả truyện cười Bác Ba Phi cũng tiếp nối truyền thống ấy
bằng cách tái hiện lại thiên nhiên hoang dã nơi cực nam tổ quốc với một trí tưởng tượng
phong phú. Văn chương bác học cũng đã có không ít những tác phẩm tập trung khai thác
mảng đề tài này một cách thành công. Qua đây càng chứng tỏ được đặc trưng của các sáng
21
tác văn học trong việc tái hiện cuộc sống và vai trò của nó trong việc lưu giữ và truyền tải
những giá trị văn hóa dân tộc.
Xem xét nguồn gốc của những người đầu tiên đặt chân đến Nam Bộ đã chứng tỏ cho
chúng ta thấy nền văn hóa của khu vực này một mặt phát sinh từ những điều kiện địa lý
nhân văn mới, mặt khác lại liên quan mật thiết đến các yếu tố gốc gác, cội nguồn xuất thân.
Có thể tìm thấy vô số biến thể ca dao, dân ca từ miền Bắc được cải sửa trong kho tàng văn
học dân gian đồng bằng sông Cửu Long.
Ngày nay, khu vực này bao gồm mười hai tỉnh và một thành phố. Đồng bằng sông
Cửu Long có đặc điểm địa hình là một châu thổ thấp, bằng phẳng, là sản phẩm bồi tụ của
sông Mê Kông, và là nơi có cửa sông giáp biển nên việc bồi tụ này vẫn diễn ra hàng năm.
Đây là nơi sở hữu một hệ thống kinh rạch chằng chịt với hơn “2500 km sông rạch tự nhiên
và 2500 km sông rạch đào” [06, 14] vì thế đặc điểm nổi bật của văn hóa đồng bằng sông
Cửu Long là văn hóa sông nước, kênh rạch. Điều này được thể hiện qua nền nông nghiệp
lúa nước, tập quán khai thác đánh bắt thủy sản, việc giao thông đi lại đến các lễ hội về nước
và đặc biệt là ngôn ngữ giao tiếp có liên quan đến sông nước.
Là một vùng văn hóa có tuổi đời trẻ nhất cả nước, văn hóa đồng bằng sông Cửu
Long dù đã được hình thành trong một thời gian dài nhưng vẫn đang ngày được định hình
rõ nét hơn. Nó góp phần tô thắm bức tranh văn hóa đa sắc của đất nước ta nhưng vẫn giữ
được những nét đặc sắc cho riêng mình.
1.2.2 Một số nét đặc trưng về văn hóa Nam Bộ
Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Đức Thịnh chia đất nước ta thành 7 vùng văn hóa,
trong đó văn hóa Nam Bộ là vùng thứ bảy và có những đặc điểm của một vùng đất mới.
Việc phân vùng văn hóa được xác định trên cơ sở mối quan hệ giữa văn hóa lịch sử và địa
lý của một vùng và gọi tắt là vùng văn hóa. “Vùng văn hóa là một vùng lãnh thổ, có những
tương đồng về hoàn cảnh tự nhiên, dân cư sinh sống ở đó từ lâu có mối quan hệ nguồn gốc
và lịch sử, có những tương đồng về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, giữa họ đã trải qua
các mối quan hệ giao lưu, ảnh hưởng văn hóa qua lại mật thiết, nên từ lâu đã hình thành
những sắc thái văn hóa chung, thể hiện trong sinh hoạt văn hóa vật chất và văn hóa tinh
thần, có thể phân biệt với những vùng văn hóa khác” [79, 64].
Văn hóa vùng hay văn hóa vùng lãnh thổ được xác định có tính chất liên văn hóa.
Nó cũng chính là văn hóa địa phương, vốn là một thực thể văn hóa, hình thành và tồn tại
trong một không gian lãnh thổ nhất định, thể hiện qua một tập hợp các đặc trưng văn hóa về
cách thức hoạt động sản xuất; về ăn, mặc, ở, đi lại, vận chuyển; về cách tổ chức xã hội cổ
22
truyền và giao tiếp cộng đồng; về vui chơi giải trí; về các sắc thái tâm lý của cư dân,… từ
đó có thể phân biệt với các đặc trưng văn hóa của vùng khác. Những đặc trưng văn hóa đó
hình thành và định hình trong quá trình lịch sử lâu dài, do cư dân các dân tộc trong vùng
thích ứng với một điều kiện môi trường, có sự tương đồng về trình độ phát triển xã hội, đặc
biệt là giữa họ có mối quan hệ giao lưu văn hóa mật thiết. Trong mỗi vùng như vậy lại có
những tiểu vùng có những đặc trưng riêng lẻ. “Vùng văn hóa Nam Bộ, xét trên cả phương
diện địa lý và lịch sử, đều là vùng thứ bảy và nó có ba tiểu vùng Đông Nam bộ, Tây Nam
bộ và tiểu vùng Sài Gòn - Gia Định” [80, 17].
Những đặc trưng của vùng văn hóa Nam Bộ được xác định trên các phương diện cơ
bản: Nam Bộ là một vùng đất mới; vùng đất giao hòa chủng tộc và văn hóa; là vùng văn
hóa với nhiều sắc thái đặc trưng.
Sở dĩ gọi Nam Bộ là vùng đất mới bởi những lý do liên quan trực tiếp đến những
vấn đề về lịch sử của vùng miền. Với tính chất “mới” như vậy, Nam Bộ vừa là nơi lạ lẫm,
xa vời, lại vừa thu hút, vẫy gọi con người đến đây. Tuy vậy, đây không phải là mảnh đất vô
chủ vì tính chất “mới’ ở đây có nghĩa đối với những người Khmer, Việt, Chăm,… hiện
cùng đang sinh sống, tiếp tục khai thác vùng đất này. Đất mới với những con người cũng
mới, trên vai họ không còn nặng trĩu những lề thói, cổ tục của hàng ngàn năm nên con
người nơi đây cũng năng động, mạnh bạo và cởi mở hơn. Người Việt, người Chăm, người
Hoa và sau đó là những người tứ xứ khác đặt chân đến vùng đất Nam Bộ sớm nhất cũng chỉ
từ thế kỷ thứ XVI lại đây, còn người Khmer thì có thể sớm hơn, khoảng thế kỷ XIII .
Trong công trình biên khảo “Đồng bằng sông Cửu Long nét sinh hoạt xưa”, Sơn
Nam đã viết, đây là “…một vùng bị bỏ rơi, dân cư thưa thớt, phần lớn là bùn lầy ẩm thấp,
khí hậu khắc nghiệt. Đất úng tạo phèn. Muỗi mòng nhiều, tôm cá sinh sôi, cá lớn nuốt cá
bé, chim chóc và rắn ăn cá. Rắn bắt chim non và trứng chim, chim ăn rắn. Cỏ dại, lau sậy
làm thức ăn cho heo rừng nai, voi… Nai làm mồi cho cọp. Khỉ tha hồ ăn trái cây giữa rừng,
ven sông. Rừng lâm vồ, sộp, gừa rễ lòng thòng tạo hang động cho cọp sinh sản. Tán lá là
môi trường của nhiều loại chim. Xác thú trôi sông nuôi dưỡng cá tôm. Diều quạ và cá sấu
sinh sản mau trên bãi bùn,… Khó phân biệt đâu là đất bưng, đâu là ao vũng. Bờ biển mơ hồ
thay đổi hình dạng, cây mắm, cây đước, cây vẹt từ dưới nhô lên. Sông Cửu Long đổ ra biển
bồi đắp mũi Tây Nam. Mùa mưa nước chảy mạnh, thêm cơn lụt thường niên, cây mé sông
trốc gốc, phù sa tuôn tràn, doi bồi, vịnh lở, có cù lao sụp xuống mất dạng nhưng ở nơi khác
cồn nhỏ lại nhô lên”[46, 16]. Ngày nay, đến với vùng đồng bằng sông Cửu Long trù phú,
màu mỡ ta khó hình dung được thiên nhiên còn đầy vẻ hoang sơ trong buổi đầu khai phá.
Để làm được điều đó phải tìm đến những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết, các giai thoại,
23
ca dao dân ca Nam Bộ từ xa xưa truyền lại. Đến với Nam Bộ, những nét vừa quyến rũ vừa
de dọa của thiên nhiên là những mẫu đề chính của truyện cổ và thơ ca dân gian. Sau này,
trong truyện Bác Ba Phi - một loại truyện trạng của văn học Nam Bộ, một món đặc sản tinh
thần của vùng sông nước thì khung cảnh thiên nhiên giàu có mà hoang sơ vẫn chính là cái
nền, vẫn là dòng chảy chính mang những nỗi niềm tâm sự, những quan hệ giữa con người
với nhau. Và ở thế kỷ XX, Sơn Nam đã tiếp bước truyền thống ấy một cách thành công
bằng những tác phẩm văn học mang đậm những sắc thái dân gian và hơn hai mươi công
trình khảo cứu có giá trị về đất và người, phong tục tập quán, lịch sử và văn hóa Nam Bộ.
Nam Bộ còn được biết đến là một vùng đất giao hòa của nhiều chủng tộc và văn
hóa.
Những yếu tố văn hóa từ ngoài du nhập vào đồng bằng sông Cửu Long rất rõ nét: văn
hóa Ấn Độ qua người Khmer, văn hóa Trung Quốc qua người Hoa, văn hóa Hồi giáo qua
người Chăm. Sự hỗn hợp dân cư thuộc nhiều nguồn gốc địa phương, nhiều tôn giáo tín
ngưỡng khác biệt, nhiều trình độ phát triển về mặt xã hội cũng là điều hiển nhiên. Song tất
cả sự đa dạng, khác biệt đó đều được liên kết lại trong một nền văn hóa Việt Nam phong
phú và đa dạng trên vùng đất mới. Động lực của sự liên kết đó là các tộc người, sau khi đã
di chuyển vào đồng bằng sông Cửu Long, họ phải nương tựa vào nhau để thích nghi, khai
thác, chinh phục một thiên nhiên nhiên mới, thường xuyên biến đổi và rất đa dạng, mang
tính chất bán đảo, nhiệt đới, gió mùa, ẩm. Động lực của sự liên kết là dân tộc Việt đã đem
cốt cách của nền văn hóa Việt vào vùng đất mới dưới những biểu hiện độc đáo. Đó là việc
khai hoang, trồng cấy rất sáng tạo phù hợp với cơ chế vận động của sông và biển, của mùa
mưa và mùa khô, của lũ và hạn, phát huy được nghề trồng lúa nước cổ truyền. Đó là việc
lập làng mới với hình thù, thiết chế ít nhiều thay đổi mà vẫn giữ làng gắn với nước. Đó là
những làn điệu dân ca, là phương ngữ đậm chất Nam Bộ, nhưng vẫn là ngôn ngữ Việt Nam,
tâm lý tính cách Việt Nam đặc sắc. Đó là sự hỗn hợp của nhiều tộc người thiểu số với
người Việt trên cùng một đồng bằng mà vẫn phát huy truyền thống cộng đồng dân tộc. Đó
là sự xen kẽ nhiều thứ tôn giáo khác nhau, nhưng vẫn giữ được sự dung hòa. Sơn Nam
được đánh giá là nhà văn điển hình của miền đất Nam Bộ. Sự nghiệp của Sơn Nam nói
chung và truyện ngắn của ông nói riêng đã thể hiện được văn hóa Việt Nam với sức lôi
cuốn, tập hợp và rộng mở nơi vùng đất mới.
Cùng với sự đa dạng về tộc người và được đánh giá như hệ quả tất yếu của quá trình
giao thoa và hỗn dung về văn hóa, Nam Bộ nói chung và miền Tây Nam bộ nói riêng là
một khu vực hết sức đặc biệt về tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán. Ở vùng này có
đầy đủ 6 tôn giáo lớn là Phật giáo, Thiên chúa giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo, Hồi giáo
24
và là khu vực đứng đầu trong cả nước về tín đồ tôn giáo. Ngoài các tôn giáo kể trên cư dân
trong vùng còn theo một số tín ngưỡng khác như Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bửu Sơn Kỳ Hương,
Tịnh Độ Cư Sĩ,… Nam Bộ nói chung và đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng có một diện
mạo văn hóa hết sức đa dạng. Nếu như người Việt có những làn điệu cải lương hay những
câu hò, điệu lý thì người Khmer lại thể hiện bản sắc của mình trong điệu múa Răm-vông,
hát đối đáp Ađay hay điệu nhảy theo nhịp trống Chay-dăm. Nếu như người Chăm có những
hoạt động nghệ thuật sôi động trong những ngày kết thúc tháng Ramadan, sinh nhật
Muhammed hoặc trong dịp cưới hỏi thì người Hoa lại góp phần vào đời sống văn hóa Nam
Bộ những câu hát Tiều, hát Quảng,… Những điểm riêng đặc sắc đó của mỗi tộc người ngày
một phát triển và hội nhập vào nhau, tạo nên nét đặc trưng riêng không thể trộn lẫn của văn
hóa Nam Bộ, tạo nên tính cách chung của người Nam Bộ trọng nghĩa, khinh tài, phóng
khoáng và hiếu khách,…
Và vượt lên trên tất cả, từ rất sớm các cộng đồng dân cư Nam Bộ đã có truyền thống
đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, không phân biệt người đến trước, người đến sau, không kỳ thị
dân tộc. Truyền thống quý báu này được hình thành và phát triển trong nhiều thế kỷ chung
lưng đấu cật cùng nhau khai phá, phát triển vùng đất Nam Bộ trước đây và trong quá trình
đấu tranh chống áp bức của phong kiến và thực dân sau này. Cũng cần nói thêm rằng, nếu
như nhu cầu khai khẩn vùng đất mới đã tạo điều kiện hình thành sự đoàn kết của cộng đồng
thì yếu tố làm cho sự đoàn kết đó trở thành một giá trị lâu bền chính là ý thức dân tộc, là tư
tưởng, tình cảm, tâm hồn gắn bó với mảnh đất yêu quý của họ, là yêu cầu của sự sống còn
trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung của cả dân tộc.
Nam Bộ là một khu vực bao gồm nhiều dân tộc, cư dân trong vùng theo nhiều tôn giáo,
tín ngưỡng khác nhau, nhưng các cộng đồng ở đây không tồn tại biệt lập theo nhiều không
gian văn hóa tộc người riêng rẽ mà sống xen kẽ nhau trong một đơn vị hành chính. Chính
điều kiện cộng cư này làm cho các dân tộc có điều kiện tiếp xúc với nhau nhiều hơn. Trong
quá trình đó các dân tộc vừa giao lưu vừa tiếp nhận những giá trị văn hóa của nhau để làm
giàu thêm bản sắc văn hóa vốn có của mình.
Nam Bộ là vùng đất với những sắc thái văn hóa đặc trưng dựa trên những nét cơ
bản:
Thứ nhất, người dân Nam Bộ cơ bản vẫn là những người nông dân, những người
làm ruộng vườn, những việc lao động đồng áng. Như vậy, văn hóa truyền thống của vùng
đất này vẫn là văn hóa, văn minh nông nghiệp. Tuy vậy, nông nghiệp và người dân Nam Bộ
vẫn có những sắc thái riêng biệt. Đó là kiểu canh tác giữa ruộng và vườn được kết hợp chặt
chẽ. Ở Nam Bộ, hệ thống kênh rạch chằng chịt vừa tự nhiên vừa nhân tạo không những
25
đóng vai trò tưới tiêu mà còn là huyết mạch giao thông đi lại. Nhiều ý kiến còn gọi nơi đây
chính là khu vực của “văn minh kinh rạch”, “văn minh miệt vườn” hay “văn minh sông
nước”,… Chính đặc trưng này đã chi phối toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần của người
nông dân Nam bộ. Mặc dù vậy, nông thôn Nam Bộ không gắn chặt trong mối quan hệ kiểu
tự cấp tự túc như Bắc bộ trước đây mà phần nhiều cũng gắn với nền kinh tế thị trường của
các khu vực lân cận như Sài Gòn và các đô thị khác trong vùng.
Thứ hai, mô hình tụ cư của cư dân Nam Bộ vẫn theo phương thức chung của cư dân
nông nghiệp nước ta, tuy nhiên, do môi trường và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của
vùng nên cách tổ chức dân cư và xã hội nông thôn ở đây cũng có những sắc thái riêng. Kiểu
tụ cư phân tán theo kênh rạch, theo địa hình canh tác được người dân Nam Bộ ưa thích nhất
vẫn là “tiền viên hậu điền”, nhiều khuôn viên tụ lại thành ấp, xóm với phương tiện đi lại
phổ biến vẫn là những chiếc ghe xuồng quen thuộc. Vốn là nơi đất mới, dân cư tứ xứ đến
khai phá vì vậy không có sự ràng buộc chặt chẽ giữa con người với địa bàn mới, nếu thích
hợp sinh sống họ sẽ ở lại, bằng không họ lại ra đi tìm nơi phù hợp hơn. Chính vì lẽ đó quan
hệ cộng đồng làng xã ở đây cũng không gắn bó quá chặt chẽ.
Thứ ba, những sắc thái riêng trong nếp sinh hoạt ăn, mặc, ở, đi lại của người dân
Nam Bộ: Nếp sống và cách ăn uống thường không đi vào cầu kỳ, tỉ mỉ, thưởng thức cái tinh
tế của lối sống, cách ăn mà thiên về sự dư dật, phong phú. Nếu người Hà Nội, người Huế
thích ăn uống trong khung cảnh gia đình, thì ở một chừng mực nào đó, nhất là trong quan
hệ bạn bè, người Nam Bộ lại ưa ăn uống nơi hàng quán. Về nơi ở, cư dân trong vùng
thường chọn nhà kiểu ba gian hai chái, làm bằng tre nứa, lợp bằng lá dừa, phân vách, khá
đơn giản nhằm tiện di chuyển khi cần thiết. Nét đặc sắc trong trang phục của người Nam
Bộ rất dễ nhận thấy, đó chính là bộ bà ba đen và tấm khăn rằn, hình ảnh đặc trưng của nông
dân Nam Bộ qua nhiều thăng trầm của thời gian đến nay vẫn còn được duy trì, phát huy và
đã có những cách tân đáng kể. Môi trường sinh thái ở đây là sông nước vì vậy kênh rạch,
sông ngòi cũng chính là đường giao thông, là đầu mối giao lưu và thuyền bè chính là
phương tiện đi lại, chuyên chở chính yếu, bởi thế từ lâu dân gian Nam Bộ đã có câu “sắm
xuồng để làm chân”.
Ngoài ra, nói tới sắc thái văn hóa Nam Bộ, chúng ta không thể không nói tới ngôn
ngữ - tiếng Nam Bộ. Đó chính là phương ngữ Việt, được hình thành trong quá trình người
Việt đến khai thác đồng bằng Nam Bộ. Nó thu hút vào mình ngôn ngữ của những con
người từ muôn nơi lưu lạc đến, nhưng đồng thời cũng sản sinh và phản ánh thế giới tự
nhiên và con người nơi vùng đất mới với bao màu sắc mới mẻ và đa dạng. Người Nam Bộ
cũng để lại sắc thái rất riêng biệt trong cách diễn xướng dân gian theo kiểu nói như nói vè,
26
nói thơ, nói tuồng,… Người ta dễ dàng nhận ra “dấu vết của ngôn ngữ nói trong ngôn ngữ
văn học và ngược lại, ngôn ngữ văn học cũng dường như dễ dàng hơn hòa nhập cuộc đời
thường”[06, 22]. Họ còn được biết đến là những con người yêu thích âm nhạc và ca hát.
Âm nhạc Nam Bộ thể hiện rõ trong dân ca Nam Bộ với các làn điệu lý, hát ru, hò,…và đặc
biệt là sân khấu cải lương, hát bội, đờn ca tài tử. Những sáng tác và biên khảo của Sơn Nam
đạt được điều này như một đặc điểm truyền thống vốn có của văn học Nam Bộ.
Nói tới sắc thái văn hóa Nam Bộ người ta thường không quên nhắc tới một đặc điểm
đó là tính cách Nam Bộ. Tính cách là một khía cạnh văn hóa ứng xử và để lại dấu ấn rõ rệt
trong mọi mặt đời sống văn hóa. Tính cách Nam Bộ đã từng được người xưa lưu ý tới,
Trịnh Hoài Đức cho rằng người Nam Bộ là người “trọng nghĩa khinh tài”, Lê Quý Đôn thì
xem dân Nam Bộ là dân “dám làm ăn lớn”,… Những người đầu tiên đặt chân đến vùng đất
này có gốc gác từ dân tội đồ, lưu tán, dám bỏ quê hương tới khai thác vùng đất mới với bao
thách thức và hiểm nghèo, đã tôi luyện cho họ “tính mạo hiểm”, một cuộc đời phiêu bạt nay
đây mai đó, nhưng mặt khác trong tâm thức họ vẫn có nỗi khát khao hướng về nguồn cội,
giữ gìn đạo đức cổ truyền. Vì vậy, ở những nơi họ đặt chân đến đã mọc lên các đền miếu
thờ vọng về cố hương. “Những người khai phá vùng đất mới là những người coi nghĩa khí
làm đầu, kết bạn bè huynh đệ giữa những người có nghĩa khí đáng tin cậy. Họ cư xử hào
hiệp, trọng nghĩa khí, coi khinh tiền tài, có thể vì nghĩa khí mà xả thân mình không nuối
tiếc. Họ còn là những người mến khách, thông cảm, quý trọng nhau có thể nhường cơm xẻ
áo. Trong ứng xử, họ cởi mở chan hòa, dễ kết thân, dễ hòa vào với cộng đồng mới lạ,
không sĩ diện kiểu kẻ sĩ, không quá coi trọng môn đăng hộ đối. Người Nam Bộ xưa là
những người ít học, và cũng không coi việc học hành là con đường tiến thân, đổi đời như
người miền Bắc. Bởi vậy họ không phải là những người sống nội tâm, chuộng suy tư, mà là
những người ưa hành động. Trong ứng xử, họ bộc trực, thẳng thắn, ít chữ nghĩa, văn
chương rào đón” [98, 436]. Tính cách con người và văn hóa vùng đất Nam Bộ được hình
thành trong sự tác động qua lại giữa thiên nhiên, xã hội, con người trên nền tảng tính cách
dân tộc Việt Nam.
Trong một cội chung, phẩm chất chung của dân tộc Việt Nam, người Việt trên vùng
đất mới đã hun đúc nên tính cách riêng của mình. Trong khung cảnh thiên nhiên chung của
Việt Nam, thiên nhiên Nam Bộ hiện ra với diện mạo đặc sắc thậm chí có những điểm tương
phản. Trong cộng đồng chung của các dân tộc Việt Nam không nơi nào như ở châu thổ Cửu
Long, người Việt cùng các dân tộc ít người sống chung hòa hợp với nhau trên mảnh đất
đồng bằng phù sa và màu mỡ. Trong nền nông nghiệp cổ truyền Việt Nam, phong cách của
nông dân Nam Bộ làm ăn, kinh doanh khai thác trên các vùng đất mặn, đất phèn, đất giồng,
27
đất phù sa đều có những điểm khác nhau. Trong ngôn ngữ Việt Nam, phương ngữ Nam Bộ
có nét đặc thù. Cư dân vùng này yêu nước, đoàn kết, kiên cường nhân hậu, giàu lòng nhân
ái.
1.3 Nhà văn Sơn Nam với vùng đất Nam Bộ
1.3.1 Cuộc đời và sự nghiệp
Nhà văn Sơn Nam tên thật là Phạm Minh Tài sinh năm 1926 tại làng Đông Thái, huyện
An Biên tỉnh Rạch Giá nay là Kiên Giang, mất năm 2008 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Cuộc đời và sự nghiệp của Sơn Nam gắn liền với vùng đất và con người Nam Bộ.
Quê gốc của Sơn Nam vốn ở Long Xuyên, An Giang, sau đó ông nội nhà văn đưa cả
gia đình đến lập nghiệp tại ven rừng U Minh với bạt ngàn cỏ cây chim muông, phong cảnh
hoang sơ, con người thưa thớt. Đây chính là nơi sinh ra và nuôi ông lớn lên. Đây cũng
chính là bối cảnh không gian được nhà văn thể hiện trong nhiều sáng tác của mình sau này,
đặc biệt là trong các tập truyện Hương rừng Cà Mau và Biển cỏ Miền Tây.
Sơn Nam vốn xuất thân trong một gia đình nông dân, thủa nhỏ ông học tiểu học ở quê
nhà, lớn lên theo học trường Collège tại Cần Thơ. Đây là thời gian đầu tiên Sơn Nam tiếp
xúc với cuộc sống thị thành và biết đến những vấn đề chính trị xã hội. Sau khi tốt nghiệp
Thành chung năm 1945, Sơn Nam dự định quay về Rạch Giá làm việc thì Cách mạng tháng
Tám bùng nổ. Ông gia nhập Thanh niên Tiền phong, tham gia cướp chính quyền ở địa
phương, rồi tiếp tục tham gia kháng chiến Nam Bộ. Tại mặt trận Rạch Giá, Sơn Nam giữ
trọng trách Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Rạch Giá, phó bí thư Tỉnh Đoàn Thanh niên cứu quốc,
tiếp đó tham gia công tác tại Hội Văn hóa Cứu quốc Tỉnh và về phòng chính trị quân khu 9.
Đến năm 1950, Sơn Nam chuyển qua làm cán bộ văn nghệ thuộc Ban tuyên huấn Xứ ủy
Nam kỳ. Sau Hiệp định Genève, Sơn Nam được phân công trở lại Rạch Giá, tiếp tục hoạt
động văn nghệ và báo chí trong lòng địch. Trong suốt chín năm kháng chiến chống Pháp
gian khổ, ông hoạt động cách mạng ở địa bàn chiến khu IX. Và cũng chính trong thời gian
này, Sơn Nam đã bắt đầu sự nghiệp sáng tác của mình. Tiêu biểu là sự ra đời của các tập ký
sự Tây đầu đỏ và truyện vừa Bên rừng cù lao Dung. Đây chính là hai tác phẩm đạt giải nhất
và giải nhì Văn nghệ Cửu Long của Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ. Sơn Nam
bắt đầu sự nghiệp của mình từ đây
Năm 1955, Sơn Nam hoạt động trên lĩnh vực báo chí ở Sài Gòn cùng Viễn Phương,
Trang Thế Hy, Lê Vĩnh Hòa,… Ông cộng tác với nhiều tờ báo công khai như: Nhân loại,
Tiếng chuông, Lẽ sống, Tin văn,... Bút hiệu Sơn Nam cũng chính thức được sử dụng trong
khoảng thời gian này với ý nghĩa: Sơn là họ của người Khmer được ông lấy để lưu giữ một
kỷ niệm riêng và cũng để nhắc nhở mình về nơi chôn nhau cắt rốn, và vùng đất phương
28
Nam đã nuôi dưỡng ông nên người. Đây chính là giai đoạn sáng tác sung sức nhất của Sơn
Nam. Các tác phẩm của ông thể hiện tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm của nhân
dân Nam Bộ ở nhiều dạng thức khác nhau. Những công trình biên khảo đầu tiên cũng ra đời
trong khoảng thời gian này như: Chuyện xưa tích cũ, tập truyện Tục lệ ăn trộm, các biên
khảo Tìm hiểu đất Hậu Giang và Nguyễn Trung Trực - người anh hùng dân chài. Khi chính
quyền Diệm ban bố luật 10/1959, Sơn Nam bị kết tội có vấn đề về tư tưởng, bị giam ở nhà
tù Phú Lợi trong hai năm 1960-1961.
Sau khi ra tù, Sơn Nam vẫn tiếp tục công việc sáng tác và biên khảo. Bấy giờ trên báo
Nhân Loại, những câu chuyện về đất nước tình người của quê hương Nam Bộ của Sơn Nam
đã liên tiếp được đăng tải trong mục xuất hiện thường kỳ “Hương rừng Cà Mau”. Năm
1962, nhà xuất bản Phù Sa đã tập hợp và cho in chung lại thành tập truyện Hương rừng Cà
Mau (tập 1). Hương rừng Cà Mau phần nào dựng lại được phong tục, lối sống, suy nghĩ và
tình cảm của người dân miền Nam ở buổi đầu đi khẩn hoang. Một giai đoạn đầy gian truân,
khổ ải của cha ông, nhưng cũng rất vinh quang, rất đẹp và dạt dào tình cảm. Để tránh sự
kiểm duyệt gắt gao của kẻ thù, Sơn Nam đã tập trung vào mốc thời gian những người dân
từ khắp nơi đến đây khai phá lập nghiệp và qua đó dần hình thành nên nếp sống, phong tục
tập quán, văn hóa nơi vùng đất mới. Tập truyện ngắn này ngay từ khi mới ra đời đã được
đánh giá cao và được xem như là mốc định hình phong cách khảo cứu về văn hóa Nam Bộ -
rất Sơn Nam. Trên đà sáng tác ấy, Sơn Nam cho ra đời những tác phẩm như: Chim quyên
xuống đất (1963), Hình bóng cũ (1964), Hai cõi U Minh và Vọc nước giỡn trăng (1965).
Những tác phẩm này tiếp tục men theo con đường đã định hình của Sơn Nam ngay lúc đầu
– viết về đất và người Nam bộ.
Tên tuổi và uy tín của Sơn Nam ngày càng lan rộng, lôi cuốn nhiều độc giả trong khu
vực. Tuy vậy, chính quyền ngụy bấy giờ cũng tập trung khai thác ông trên danh nghĩa xem
trọng tài năng của những người kháng chiến cũ. Trước tình hình đó, Sơn Nam được Trung
ương Cục đề nghị trở vào vùng kháng chiến nhưng ông đã từ chối và tiếp tục ở lại Sài Gòn.
Với quan điểm “sáng tác văn học là để yêu nước”, Sơn Nam cho rằng dù ở đâu cũng có thể
đánh giặc bằng ngòi bút. Trong thời gian này, ông cho ra đời tập truyện vừa Truyện ngắn
của truyện ngắn, lấy bối cảnh về đất và người Sài Gòn nơi ông đang sống trước sự du nhập
ào ạt của văn minh Mỹ.
Với định hướng ngay từ đầu, Sơn Nam đã tiếp tục sự nghiệp sáng tác và biên khảo của
một con người thật sự có lòng yêu quê hương đất nước. Tập truyện ngắn Biển cỏ miền tây
ra đời như sự tiếp nối vững chắc cho tư tưởng của chính nhà văn trong Hương rừng Cà
29
Mau. Tiểu thuyết Xóm Bàu Láng (1968), Bà Chúa Hòn (1969), Vạch một chân trời (1969)
và các tập khảo cứu Nói về miền Nam (1967), Người Việt Nam có dân tộc tính không
(1970), Văn minh miệt vườn (1970) đã được ra đời trong khoảng thời gian này. Cây bút Sơn
Nam đã tự tin vững bước đi vào vùng đất Nam Bộ và để lại những giá trị lâu bền cùng thời
gian. Xuất phát từ cơ sở đó, với vốn kiến thức tích lũy rộng qua nhiều nguồn khác nhau từ
thực tế tìm hiểu trên đường đi chiến khu qua những vùng miền khác nhau và từ những kiến
thức đọc được từ sách vở đầu những năm 70, Sơn Nam đã liên tiếp cho ra đời hàng loạt
những công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa xã hội có giá trị của Nam Bộ như: Miền
Nam đầu thế kỷ XX - Thiên Địa Hội và cuộc Minh Tân (1971), Gốc cây, cục đá và ngôi sao
(1973), đặc biệt là hai tập khảo cứu rất có giá trị Lịch sử khẩn hoang miền Nam (1973), Cá
tính miền Nam (1974). Cũng chính vì hoạt động trên lĩnh vực văn nghệ và báo chí của trí
thức ở nội thành Sài Gòn mà một lần nữa Sơn Nam lại bị địch bắt trong vụ “ký giả ăn
mày”.
Khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, ông được trả tự do và tiếp tục sự
nghiệp văn chương của mình tại Hội văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh cho đến khi nghỉ
hưu năm 1990. Trước đó, năm 1977, Sơn Nam đã gia nhập hội nhà văn Việt Nam. Mặc dù
nhà văn từng khẳng định mình cầm bút trước tiên là vì sinh kế nhưng với niềm đam mê văn
nghệ và tấm lòng đối với quê hương xứ sở, Sơn Nam vẫn tiếp tục sự nghiệp một cách đều
đặn, bền bỉ cho đến cuối đời. Trong thời gian này, ông tập trung khảo cứu về lịch sử, văn
hóa, con người khu vực Nam Bộ với những công trình như: Đất Gia Định xưa (1984),
Đồng bằng sông Cửu Long: nét sinh hoạt xưa, Lịch sử đất An Giang (1988), Lăng Ông Bà
Chiểu và lễ hội văn hóa dân gian (1990), Bến Nghé xưa (1992), Văn minh miệt vườn
(1992), Đình miếu và lễ hội dân gian (1992), Lịch sử Đồng Tháp Mười (1993), Nghi thức lễ
bái của người Việt Nam (1997), Dạo chơi – Tuổi già (1997), Ấn tượng 300 năm và Sài
Gòn lục tỉnh xưa (1998),… Nhân dịp kỷ niệm 300 năm (1698 - 1998) Sài Gòn - Thành phố
Hồ Chí Minh, nhà xuất bản Trẻ đã ấn hành Hương rừng Cà Mau tập 2 và tập 3 vào năm
1999. Những công trình trên là kết quả của quá trình lao động nghiêm túc sau nhiều chuyến
đi thực tế học hỏi và tìm kiếm tư liệu. Qua đó, đã khẳng định Sơn Nam là một trong những
nhà biên khảo hàng đầu về văn hóa và con người Nam Bộ. Những kiến thức mà ông mang
đến chứa đựng đầy ắp những giá trị về đất nước, con người, lịch sử, văn hóa, xã hội của
vùng đất Nam Bộ.
Cuộc đời và sự nghiệp của Sơn Nam thực sự là một tấm gương lao động cần cù và
nghiêm túc. Dù tuổi đã cao, ông vẫn tiếp tục theo đuổi ý nguyện ban đầu của mình như lời
nhà văn từng tâm sự rất chân tình: “ Là một người thật sự muốn đến và luôn đi lữ hành mọi
30
vùng đất Nam Bộ, đi từ ngọn nguồn của đường nét văn hóa Nam Bộ bao la để hiểu, để suy
nghĩ cho đúng; từ khi cầm bút đến nay ngoài 80, tôi vẫn không từ bỏ ý định đó, dù hiện giờ
sức khỏe không cho phép”. Đầu những năm 2000, Sơn Nam cho ra đời bộ hồi ký Từ U
Minh đến Cần Thơ, Ở chiến khu 9, 20 năm giữa lòng đô thị, Bình An. Tác phẩm không chỉ
giúp chúng ta nhìn nhận cuộc đời và sự nghiệp của cá nhân nhà văn từ lúc sinh ra, lớn lên,
rời khỏi đất U Minh cho đến khi đặt chân và định cư tại đất Sài Gòn mà còn thể hiện được
bức tranh lịch sử xã hội Nam Bộ đương thời. Người đọc thấy qua các trang hồi ký ấy một
con người lặng lẽ đi, lặng lẽ ngắm nhìn, quan sát và kể lại. Kiên Giang, Cần Thơ, Sài Gòn...
những vùng đất hiện lên trên từng trang viết qua tâm tưởng và tình cảm của một người tha
thiết muốn tìm hiểu và khám phá, muốn truyền lại cho thế hệ sau tình yêu đất đai, bờ cõi
của chính quê hương mình. Bên cạnh đó, hồi ký Sơn Nam cũng chính là nguồn tư liệu giúp
chúng ta xác định hoàn cảnh ra đời của nhiều sáng tác quan trọng của ông từ những truyện
ngắn đầu tay cho đến những ghi chép cuối cùng khi đã hơn tám mươi tuổi tại đất Sài Gòn
ồn ào náo nhiệt.
Sự nghiệp của Sơn Nam trải rộng trên nhiều thể loại nhưng có thể nói phong cách Sơn
Nam là phong cách đặc sắc rừng U Minh, nhà văn đã giữ gìn và hoàn thiện trong hơn 60
năm, với hàng loạt sáng tác mà bạn đọc cả nước nhớ, yêu. Trong đó nổi bật lên trên nhiều
mặt vẫn là truyện ngắn Sơn Nam. Ở độ tuổi ngoài 80, Sơn Nam vẫn là cây bút cộng tác
đáng tin cậy của nhiều tờ báo tại Sài Gòn, đồng thời ông còn được mời đi nhiều nơi để nói
chuyện về phong tục tập quán địa phương của đất và người miền Tây Nam bộ. Hình dáng
một ông già ốm yếu, người gầy gò, trên tay luôn cầm điếu thuốc lá với một vốn kiến thức
sâu rộng về văn hóa và con người Nam Bộ đã để lại nhiều ấn tượng rốt đẹp cho người tiếp
xúc. Vì thế, nhiều đoàn làm phim đã mời ông tham gia làm cố vấn về văn hóa và phong tục.
Một số truyện ngắn của Sơn Nam cũng đã được chuyển thể thành phim như: Cây huê xà,
Mùa len trâu.
Không chỉ là nhà văn, nhà khảo cứu, Sơn Nam còn là một kho tư liệu sống về con
người, văn hóa, địa lý, lịch sử… của vùng đất phương Nam. Với những tác phẩm của mình,
ông đã làm sống lại quá khứ miền Nam, không chỉ hiện nay mà cả hàng trăm năm về trước,
từ chuyện khẩn hoang lập ấp, chuyện thời Đàng Cựu, đến lai lịch của từng vùng đất cụ thể:
Sài Gòn, Gia Định, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Long Hồ…; những chuyện tranh chấp
thế lực từ thời Trịnh - Nguyễn, chuyện Tây Sơn vào Nam dẹp giặc Xiêm; chuyện đấu tranh
thời thực dân giữa ta và Tây; chuyện sinh cơ lập nghiệp của vài dòng họ; chuyện tranh chấp
đặc quyền hơn thua giữa những gia đình, cá nhân; đan xen những chuyện xưa là những
chuyện trong những năm gần đây, trước và sau những năm thống nhất đất nước....
31
Sơn Nam là nhà văn với những tính cách đặc biệt Nam Bộ, ông đã chọn cho mình con
đường sáng tác ngay từ khởi đầu sự nghiệp cầm bút của mình, đó là tìm về cội nguồn văn
hóa dân tộc, mà chính xác là văn hóa Nam Bộ, bằng lối văn mộc mạc nhưng chắt lọc, chữ
nghĩa giản dị mà đậm tính nghệ thuật, gần gũi với đời sống thực tế người dân nơi đây.
Trong hồi ký Sơn Nam ông tâm sự: “Tôi bắt đầu viết từ những năm đầu của thập niên 50,
viết trong khu kháng chiến. Tác phẩm của tôi chỉ được công chúng biết đến nhiều khi được
in và phát hành ở Sài Gòn. Tôi định hướng ngay từ buổi đầu đến với nghề viết: viết về cuộc
khẩn hoang miền Nam. Cả đời tôi đã đi theo định hướng đó và bây giờ vẫn tiếp tục định
hướng như vậy vì tôi đã sinh ra, lớn lên và sống ở vùng đất U Minh”[51, 68].
Tháng 08/2008 do tuổi cao sức yếu, Sơn Nam đã ra đi trong sự tiếc thương của biết bao
độc giả, đặc biệt của bà con Nam Bộ.
1.3.2 Ảnh hưởng và tác động của hoàn cảnh sống ở Nam Bộ đến Sơn Nam
Trong văn học Việt Nam hiện đại, một số những cây bút văn xuôi truyện ngắn, tiểu
thuyết, theo những cách thức và mức độ khác nhau, đã bộc lộ khuynh hướng tiếp cận văn
hóa trong sáng tác nghệ thuật như Nguyễn Tuân, Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu,
Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng, Trang Thế Hy, Lê Lựu, Dương Hướng, Nguyễn Khắc
Trường… Nhà văn, nhà biên khảo Sơn Nam của “văn học miền đất mới” là người rất có ý
thức về cách nhìn nhận dân tộc hiện đại trong sự kết hợp với văn hóa trong việc sáng tạo
nghệ thuật. Ngay từ những sáng tác đầu tay, Sơn Nam đã sớm biết khơi nguồn và bồi đắp
tài năng, phong cách từ hồn cốt văn hóa dân tộc. Có lẽ vì vậy danh xưng nhà văn hóa Nam
Bộ đối với Sơn Nam quả thật rất xứng đáng.
Dù nói về quá khứ hay hiện tại, viết về con người hay cảnh sắc thiên nhiên, về nông
thôn hay đô thị, hồi ký hay là những ghi chép cá nhân, Sơn Nam cũng chú ý đi sâu vào tâm
hồn tính cách con người Việt Nam, quê hương Việt Nam và điểm chú ý của ông chính là
vùng đất và con người Nam Bộ nơi ông sinh ra và lớn lên. Người đọc trong và ngoài nước
rồi đây còn chú ý đến Sơn Nam và sự nghiệp của ông cũng chính vì Sơn Nam không chỉ là
một nhà văn miệt vườn mà còn là nhà Nam Bộ học, nhà văn hóa Nam Bộ. Sự nghiệp của
Sơn Nam mở ra một hướng đi lớn đầy hứa hẹn trong sự vận động và phát triển của văn học
hiện đại Việt Nam ở khu vực phía Nam. Đến khi tuổi đã ngoài 80 lang thang trên đường
phố Sài Gòn nóng bức chật chội, Sơn Nam vẫn đặt bên lòng mối quan tâm xem xét người
Việt Nam có dân tộc tính không và đi tìm sự lý giải một cách thuyết phục và đầy tình
người.
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam

More Related Content

What's hot

Truyện trinh thám Việt Nam từ góc nhìn thi pháp thể loại 6793117.pdf
Truyện trinh thám Việt Nam từ góc nhìn thi pháp thể loại 6793117.pdfTruyện trinh thám Việt Nam từ góc nhìn thi pháp thể loại 6793117.pdf
Truyện trinh thám Việt Nam từ góc nhìn thi pháp thể loại 6793117.pdfNuioKila
 
ĐỀ TÀI HÌNH TƯỢNG MA NỮ TRONG TRUYỀN KỲ MẠN LỤC.pdf
ĐỀ TÀI HÌNH TƯỢNG MA NỮ TRONG TRUYỀN KỲ MẠN LỤC.pdfĐỀ TÀI HÌNH TƯỢNG MA NỮ TRONG TRUYỀN KỲ MẠN LỤC.pdf
ĐỀ TÀI HÌNH TƯỢNG MA NỮ TRONG TRUYỀN KỲ MẠN LỤC.pdfNuioKila
 
Cái bi và nghệ thuật bi kịch của shakespear qua các vở bi kịch rômeo juliet...
Cái bi và nghệ thuật bi kịch của shakespear qua các vở bi kịch rômeo   juliet...Cái bi và nghệ thuật bi kịch của shakespear qua các vở bi kịch rômeo   juliet...
Cái bi và nghệ thuật bi kịch của shakespear qua các vở bi kịch rômeo juliet...NOT
 
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX nataliej4
 
Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Tô Hoài.pdf
Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Tô Hoài.pdfNghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Tô Hoài.pdf
Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Tô Hoài.pdfHanaTiti
 
Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa
Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi IssaPhong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa
Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi IssaNguyễn Duy Bình
 

What's hot (20)

Luận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đ
Luận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đLuận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đ
Luận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đ
 
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAYLuận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
 
Quan niệm về con người trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, 9đ
Quan niệm về con người trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, 9đQuan niệm về con người trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, 9đ
Quan niệm về con người trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, 9đ
 
Truyện trinh thám Việt Nam từ góc nhìn thi pháp thể loại 6793117.pdf
Truyện trinh thám Việt Nam từ góc nhìn thi pháp thể loại 6793117.pdfTruyện trinh thám Việt Nam từ góc nhìn thi pháp thể loại 6793117.pdf
Truyện trinh thám Việt Nam từ góc nhìn thi pháp thể loại 6793117.pdf
 
Vấn đề con người trong các sáng tác thời kì đầu của Natsume Soseki
Vấn đề con người trong các sáng tác thời kì đầu của Natsume SosekiVấn đề con người trong các sáng tác thời kì đầu của Natsume Soseki
Vấn đề con người trong các sáng tác thời kì đầu của Natsume Soseki
 
Luận án: Đặc điểm tùy bút ở đô thị miền Nam (1954 – 1975), HAY
Luận án: Đặc điểm tùy bút ở đô thị miền Nam (1954 – 1975), HAYLuận án: Đặc điểm tùy bút ở đô thị miền Nam (1954 – 1975), HAY
Luận án: Đặc điểm tùy bút ở đô thị miền Nam (1954 – 1975), HAY
 
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật ÁnhĐề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
 
ĐỀ TÀI HÌNH TƯỢNG MA NỮ TRONG TRUYỀN KỲ MẠN LỤC.pdf
ĐỀ TÀI HÌNH TƯỢNG MA NỮ TRONG TRUYỀN KỲ MẠN LỤC.pdfĐỀ TÀI HÌNH TƯỢNG MA NỮ TRONG TRUYỀN KỲ MẠN LỤC.pdf
ĐỀ TÀI HÌNH TƯỢNG MA NỮ TRONG TRUYỀN KỲ MẠN LỤC.pdf
 
Luận văn: Từ ngữ địa phương trong tác phẩm của Bình Nguyên Lộc
Luận văn: Từ ngữ địa phương trong tác phẩm của Bình Nguyên LộcLuận văn: Từ ngữ địa phương trong tác phẩm của Bình Nguyên Lộc
Luận văn: Từ ngữ địa phương trong tác phẩm của Bình Nguyên Lộc
 
Luận văn: Văn xuôi Hồ Anh Thái từ góc nhìn Liên văn hóa, HAY
Luận văn: Văn xuôi Hồ Anh Thái từ góc nhìn Liên văn hóa, HAYLuận văn: Văn xuôi Hồ Anh Thái từ góc nhìn Liên văn hóa, HAY
Luận văn: Văn xuôi Hồ Anh Thái từ góc nhìn Liên văn hóa, HAY
 
Luận văn: Quá trình tiếp nhận tác phẩm của Tô Hoài, 9đ
Luận văn: Quá trình tiếp nhận tác phẩm của Tô Hoài, 9đLuận văn: Quá trình tiếp nhận tác phẩm của Tô Hoài, 9đ
Luận văn: Quá trình tiếp nhận tác phẩm của Tô Hoài, 9đ
 
Luận văn: Yếu tố phong tục trong truyện cổ tích người Việt từ góc nhìn văn hoá
Luận văn: Yếu tố phong tục trong truyện cổ tích người Việt từ góc nhìn văn hoáLuận văn: Yếu tố phong tục trong truyện cổ tích người Việt từ góc nhìn văn hoá
Luận văn: Yếu tố phong tục trong truyện cổ tích người Việt từ góc nhìn văn hoá
 
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAYLuận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
 
Luận án: Nhân vật trong truyện kỳ ảo trung đại Việt Nam và Hàn Quốc
Luận án: Nhân vật trong truyện kỳ ảo trung đại Việt Nam và Hàn QuốcLuận án: Nhân vật trong truyện kỳ ảo trung đại Việt Nam và Hàn Quốc
Luận án: Nhân vật trong truyện kỳ ảo trung đại Việt Nam và Hàn Quốc
 
Luận văn: Hàm ngôn trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, HAY
Luận văn: Hàm ngôn trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, HAYLuận văn: Hàm ngôn trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, HAY
Luận văn: Hàm ngôn trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, HAY
 
Cái bi và nghệ thuật bi kịch của shakespear qua các vở bi kịch rômeo juliet...
Cái bi và nghệ thuật bi kịch của shakespear qua các vở bi kịch rômeo   juliet...Cái bi và nghệ thuật bi kịch của shakespear qua các vở bi kịch rômeo   juliet...
Cái bi và nghệ thuật bi kịch của shakespear qua các vở bi kịch rômeo juliet...
 
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
 
Luận văn: Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt nam
Luận văn: Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt namLuận văn: Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt nam
Luận văn: Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt nam
 
Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Tô Hoài.pdf
Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Tô Hoài.pdfNghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Tô Hoài.pdf
Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Tô Hoài.pdf
 
Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa
Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi IssaPhong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa
Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa
 

Similar to Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam

Truyen thuyet va_giai_thoai_ve_cac_nhan_vat_lich_su_nam_bo_tu_cuoi_the_ky_xix...
Truyen thuyet va_giai_thoai_ve_cac_nhan_vat_lich_su_nam_bo_tu_cuoi_the_ky_xix...Truyen thuyet va_giai_thoai_ve_cac_nhan_vat_lich_su_nam_bo_tu_cuoi_the_ky_xix...
Truyen thuyet va_giai_thoai_ve_cac_nhan_vat_lich_su_nam_bo_tu_cuoi_the_ky_xix...Garment Space Blog0
 
SO SÁNH THI PHÁP TRUYỆN THƠ TUM TIÊU CỦA DÂN TỘC KHƠME CAMPUCHIA VỚI VƯỢT BIỂ...
SO SÁNH THI PHÁP TRUYỆN THƠ TUM TIÊU CỦA DÂN TỘC KHƠME CAMPUCHIA VỚI VƯỢT BIỂ...SO SÁNH THI PHÁP TRUYỆN THƠ TUM TIÊU CỦA DÂN TỘC KHƠME CAMPUCHIA VỚI VƯỢT BIỂ...
SO SÁNH THI PHÁP TRUYỆN THƠ TUM TIÊU CỦA DÂN TỘC KHƠME CAMPUCHIA VỚI VƯỢT BIỂ...phamhieu56
 
Th s33.006 thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của vi hồng
Th s33.006 thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của vi hồngTh s33.006 thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của vi hồng
Th s33.006 thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của vi hồnghttps://www.facebook.com/garmentspace
 

Similar to Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam (20)

Luận văn: Những Đặc Trưng Cơ Bản Của Văn Học Dân Gian Bến Tre, 9 ĐIỂM
Luận văn: Những Đặc Trưng Cơ Bản Của Văn Học Dân Gian Bến Tre, 9 ĐIỂMLuận văn: Những Đặc Trưng Cơ Bản Của Văn Học Dân Gian Bến Tre, 9 ĐIỂM
Luận văn: Những Đặc Trưng Cơ Bản Của Văn Học Dân Gian Bến Tre, 9 ĐIỂM
 
Truyen thuyet va_giai_thoai_ve_cac_nhan_vat_lich_su_nam_bo_tu_cuoi_the_ky_xix...
Truyen thuyet va_giai_thoai_ve_cac_nhan_vat_lich_su_nam_bo_tu_cuoi_the_ky_xix...Truyen thuyet va_giai_thoai_ve_cac_nhan_vat_lich_su_nam_bo_tu_cuoi_the_ky_xix...
Truyen thuyet va_giai_thoai_ve_cac_nhan_vat_lich_su_nam_bo_tu_cuoi_the_ky_xix...
 
Luận văn: Đặc trưng cơ bản của Văn học dân gian Bến Tre, HOT
Luận văn: Đặc trưng cơ bản của Văn học dân gian Bến Tre, HOTLuận văn: Đặc trưng cơ bản của Văn học dân gian Bến Tre, HOT
Luận văn: Đặc trưng cơ bản của Văn học dân gian Bến Tre, HOT
 
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người TàyThi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
 
SO SÁNH THI PHÁP TRUYỆN THƠ TUM TIÊU CỦA DÂN TỘC KHƠME CAMPUCHIA VỚI VƯỢT BIỂ...
SO SÁNH THI PHÁP TRUYỆN THƠ TUM TIÊU CỦA DÂN TỘC KHƠME CAMPUCHIA VỚI VƯỢT BIỂ...SO SÁNH THI PHÁP TRUYỆN THƠ TUM TIÊU CỦA DÂN TỘC KHƠME CAMPUCHIA VỚI VƯỢT BIỂ...
SO SÁNH THI PHÁP TRUYỆN THƠ TUM TIÊU CỦA DÂN TỘC KHƠME CAMPUCHIA VỚI VƯỢT BIỂ...
 
Truyện thơ Tum Tiêu của dân tộc Khơme với Vượt biển của dân tộc Tày
Truyện thơ Tum Tiêu của dân tộc Khơme với Vượt biển của dân tộc TàyTruyện thơ Tum Tiêu của dân tộc Khơme với Vượt biển của dân tộc Tày
Truyện thơ Tum Tiêu của dân tộc Khơme với Vượt biển của dân tộc Tày
 
Tiểu thuyết của các nhà văn dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, 9đ
Tiểu thuyết của các nhà văn dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, 9đTiểu thuyết của các nhà văn dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, 9đ
Tiểu thuyết của các nhà văn dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, 9đ
 
Tiểu thuyết của các nhà văn dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc
Tiểu thuyết của các nhà văn dân tộc thiểu số miền núi phía BắcTiểu thuyết của các nhà văn dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc
Tiểu thuyết của các nhà văn dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc
 
Luận văn: Đặc điểm từ ngữ Nam Bộ trong truyện ngắn của Sơn Nam, 9 ĐIỂM
Luận văn: Đặc điểm từ ngữ Nam Bộ trong truyện ngắn của Sơn Nam, 9 ĐIỂMLuận văn: Đặc điểm từ ngữ Nam Bộ trong truyện ngắn của Sơn Nam, 9 ĐIỂM
Luận văn: Đặc điểm từ ngữ Nam Bộ trong truyện ngắn của Sơn Nam, 9 ĐIỂM
 
Luận văn thạc sĩ: Khảo sát văn học dân gian Stiêng, HOT, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Khảo sát văn học dân gian Stiêng, HOT, 9đLuận văn thạc sĩ: Khảo sát văn học dân gian Stiêng, HOT, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Khảo sát văn học dân gian Stiêng, HOT, 9đ
 
Luận văn: Bản sắc văn hóa Tây Nguyên trong văn xuôi H’Linh Niê
Luận văn: Bản sắc văn hóa Tây Nguyên trong văn xuôi H’Linh NiêLuận văn: Bản sắc văn hóa Tây Nguyên trong văn xuôi H’Linh Niê
Luận văn: Bản sắc văn hóa Tây Nguyên trong văn xuôi H’Linh Niê
 
Luận văn: Bản sắc văn hóa Tây Nguyên trong văn xuôi H’Linh Niê và Niê Thanh Mai
Luận văn: Bản sắc văn hóa Tây Nguyên trong văn xuôi H’Linh Niê và Niê Thanh MaiLuận văn: Bản sắc văn hóa Tây Nguyên trong văn xuôi H’Linh Niê và Niê Thanh Mai
Luận văn: Bản sắc văn hóa Tây Nguyên trong văn xuôi H’Linh Niê và Niê Thanh Mai
 
Thế Giới Nhân Vật Trong Truyện Ngắn Trang Thế Hy.doc
Thế Giới Nhân Vật Trong Truyện Ngắn Trang Thế Hy.docThế Giới Nhân Vật Trong Truyện Ngắn Trang Thế Hy.doc
Thế Giới Nhân Vật Trong Truyện Ngắn Trang Thế Hy.doc
 
Luận văn: Đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX
Luận văn: Đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XXLuận văn: Đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX
Luận văn: Đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX
 
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAYLuận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
 
Ảnh hưởng của văn học dân gian trong văn xuôi và thơ ca Tày
Ảnh hưởng của văn học dân gian trong văn xuôi và thơ ca TàyẢnh hưởng của văn học dân gian trong văn xuôi và thơ ca Tày
Ảnh hưởng của văn học dân gian trong văn xuôi và thơ ca Tày
 
Tiểu thuyết “hoa hậu xứ mường” và “vương quốc ảo ảnh” của Phượng Vũ
Tiểu thuyết “hoa hậu xứ mường” và “vương quốc ảo ảnh” của Phượng VũTiểu thuyết “hoa hậu xứ mường” và “vương quốc ảo ảnh” của Phượng Vũ
Tiểu thuyết “hoa hậu xứ mường” và “vương quốc ảo ảnh” của Phượng Vũ
 
Th s33.027 văn học bắc kạn từ năm 1945 đến nay
Th s33.027 văn học bắc kạn từ năm 1945 đến nayTh s33.027 văn học bắc kạn từ năm 1945 đến nay
Th s33.027 văn học bắc kạn từ năm 1945 đến nay
 
Luận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAY
Luận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAYLuận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAY
Luận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAY
 
Th s33.006 thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của vi hồng
Th s33.006 thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của vi hồngTh s33.006 thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của vi hồng
Th s33.006 thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của vi hồng
 

More from Man_Ebook

BÀI GIẢNG MÔN HỌC CƠ SỞ NGÔN NGỮ, Dùng cho hệ Cao đẳng chuyên nghiệp.pdf
BÀI GIẢNG MÔN HỌC CƠ SỞ NGÔN NGỮ, Dùng cho hệ Cao đẳng chuyên nghiệp.pdfBÀI GIẢNG MÔN HỌC CƠ SỞ NGÔN NGỮ, Dùng cho hệ Cao đẳng chuyên nghiệp.pdf
BÀI GIẢNG MÔN HỌC CƠ SỞ NGÔN NGỮ, Dùng cho hệ Cao đẳng chuyên nghiệp.pdfMan_Ebook
 
TL Báo cáo Thực tập tại Nissan Đà Nẵng.doc
TL Báo cáo Thực tập tại Nissan Đà Nẵng.docTL Báo cáo Thực tập tại Nissan Đà Nẵng.doc
TL Báo cáo Thực tập tại Nissan Đà Nẵng.docMan_Ebook
 
Giáo trình thực vật học 2 - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình thực vật học 2 - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình thực vật học 2 - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình thực vật học 2 - Trường ĐH Cần Thơ.pdfMan_Ebook
 
Giáo trình mô động vật - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình mô động vật - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình mô động vật - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình mô động vật - Trường ĐH Cần Thơ.pdfMan_Ebook
 
Giáo trình ngôn ngữ hệ thống A - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình ngôn ngữ hệ thống A - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình ngôn ngữ hệ thống A - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình ngôn ngữ hệ thống A - Trường ĐH Cần Thơ.pdfMan_Ebook
 
Giáo trình ngôn ngữ mô hình hóa UML - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình ngôn ngữ mô hình hóa UML - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình ngôn ngữ mô hình hóa UML - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình ngôn ngữ mô hình hóa UML - Trường ĐH Cần Thơ.pdfMan_Ebook
 
Giáo trình nguyên lý máy học - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình nguyên lý máy học - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình nguyên lý máy học - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình nguyên lý máy học - Trường ĐH Cần Thơ.pdfMan_Ebook
 
Giáo trình mô hình hóa quyết định - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình mô hình hóa quyết định - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình mô hình hóa quyết định - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình mô hình hóa quyết định - Trường ĐH Cần Thơ.pdfMan_Ebook
 
Giáo trình Linux và phần mềm nguồn mở.pdf
Giáo trình Linux và phần mềm nguồn mở.pdfGiáo trình Linux và phần mềm nguồn mở.pdf
Giáo trình Linux và phần mềm nguồn mở.pdfMan_Ebook
 
Giáo trình logic học đại cương - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình logic học đại cương - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình logic học đại cương - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình logic học đại cương - Trường ĐH Cần Thơ.pdfMan_Ebook
 
Giáo trình lý thuyết điều khiển tự động.pdf
Giáo trình lý thuyết điều khiển tự động.pdfGiáo trình lý thuyết điều khiển tự động.pdf
Giáo trình lý thuyết điều khiển tự động.pdfMan_Ebook
 
Giáo trình mạng máy tính - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình mạng máy tính - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình mạng máy tính - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình mạng máy tính - Trường ĐH Cần Thơ.pdfMan_Ebook
 
Giáo trình lý thuyết xếp hàng và ứng dụng đánh giá hệ thống.pdf
Giáo trình lý thuyết xếp hàng và ứng dụng đánh giá hệ thống.pdfGiáo trình lý thuyết xếp hàng và ứng dụng đánh giá hệ thống.pdf
Giáo trình lý thuyết xếp hàng và ứng dụng đánh giá hệ thống.pdfMan_Ebook
 
Giáo trình lập trình cho thiết bị di động.pdf
Giáo trình lập trình cho thiết bị di động.pdfGiáo trình lập trình cho thiết bị di động.pdf
Giáo trình lập trình cho thiết bị di động.pdfMan_Ebook
 
Giáo trình lập trình web - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình lập trình web  - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình lập trình web  - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình lập trình web - Trường ĐH Cần Thơ.pdfMan_Ebook
 
Giáo trình lập trình .Net - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình lập trình .Net  - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình lập trình .Net  - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình lập trình .Net - Trường ĐH Cần Thơ.pdfMan_Ebook
 
Giáo trình lập trình song song - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình lập trình song song  - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình lập trình song song  - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình lập trình song song - Trường ĐH Cần Thơ.pdfMan_Ebook
 
Giáo trình lập trình hướng đối tượng.pdf
Giáo trình lập trình hướng đối tượng.pdfGiáo trình lập trình hướng đối tượng.pdf
Giáo trình lập trình hướng đối tượng.pdfMan_Ebook
 
Giáo trình lập trình hướng đối tượng Java.pdf
Giáo trình lập trình hướng đối tượng Java.pdfGiáo trình lập trình hướng đối tượng Java.pdf
Giáo trình lập trình hướng đối tượng Java.pdfMan_Ebook
 
Giáo trình kỹ thuật phản ứng - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình kỹ thuật phản ứng  - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình kỹ thuật phản ứng  - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình kỹ thuật phản ứng - Trường ĐH Cần Thơ.pdfMan_Ebook
 

More from Man_Ebook (20)

BÀI GIẢNG MÔN HỌC CƠ SỞ NGÔN NGỮ, Dùng cho hệ Cao đẳng chuyên nghiệp.pdf
BÀI GIẢNG MÔN HỌC CƠ SỞ NGÔN NGỮ, Dùng cho hệ Cao đẳng chuyên nghiệp.pdfBÀI GIẢNG MÔN HỌC CƠ SỞ NGÔN NGỮ, Dùng cho hệ Cao đẳng chuyên nghiệp.pdf
BÀI GIẢNG MÔN HỌC CƠ SỞ NGÔN NGỮ, Dùng cho hệ Cao đẳng chuyên nghiệp.pdf
 
TL Báo cáo Thực tập tại Nissan Đà Nẵng.doc
TL Báo cáo Thực tập tại Nissan Đà Nẵng.docTL Báo cáo Thực tập tại Nissan Đà Nẵng.doc
TL Báo cáo Thực tập tại Nissan Đà Nẵng.doc
 
Giáo trình thực vật học 2 - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình thực vật học 2 - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình thực vật học 2 - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình thực vật học 2 - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
 
Giáo trình mô động vật - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình mô động vật - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình mô động vật - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình mô động vật - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
 
Giáo trình ngôn ngữ hệ thống A - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình ngôn ngữ hệ thống A - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình ngôn ngữ hệ thống A - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình ngôn ngữ hệ thống A - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
 
Giáo trình ngôn ngữ mô hình hóa UML - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình ngôn ngữ mô hình hóa UML - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình ngôn ngữ mô hình hóa UML - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình ngôn ngữ mô hình hóa UML - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
 
Giáo trình nguyên lý máy học - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình nguyên lý máy học - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình nguyên lý máy học - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình nguyên lý máy học - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
 
Giáo trình mô hình hóa quyết định - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình mô hình hóa quyết định - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình mô hình hóa quyết định - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình mô hình hóa quyết định - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
 
Giáo trình Linux và phần mềm nguồn mở.pdf
Giáo trình Linux và phần mềm nguồn mở.pdfGiáo trình Linux và phần mềm nguồn mở.pdf
Giáo trình Linux và phần mềm nguồn mở.pdf
 
Giáo trình logic học đại cương - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình logic học đại cương - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình logic học đại cương - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình logic học đại cương - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
 
Giáo trình lý thuyết điều khiển tự động.pdf
Giáo trình lý thuyết điều khiển tự động.pdfGiáo trình lý thuyết điều khiển tự động.pdf
Giáo trình lý thuyết điều khiển tự động.pdf
 
Giáo trình mạng máy tính - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình mạng máy tính - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình mạng máy tính - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình mạng máy tính - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
 
Giáo trình lý thuyết xếp hàng và ứng dụng đánh giá hệ thống.pdf
Giáo trình lý thuyết xếp hàng và ứng dụng đánh giá hệ thống.pdfGiáo trình lý thuyết xếp hàng và ứng dụng đánh giá hệ thống.pdf
Giáo trình lý thuyết xếp hàng và ứng dụng đánh giá hệ thống.pdf
 
Giáo trình lập trình cho thiết bị di động.pdf
Giáo trình lập trình cho thiết bị di động.pdfGiáo trình lập trình cho thiết bị di động.pdf
Giáo trình lập trình cho thiết bị di động.pdf
 
Giáo trình lập trình web - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình lập trình web  - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình lập trình web  - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình lập trình web - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
 
Giáo trình lập trình .Net - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình lập trình .Net  - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình lập trình .Net  - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình lập trình .Net - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
 
Giáo trình lập trình song song - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình lập trình song song  - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình lập trình song song  - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình lập trình song song - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
 
Giáo trình lập trình hướng đối tượng.pdf
Giáo trình lập trình hướng đối tượng.pdfGiáo trình lập trình hướng đối tượng.pdf
Giáo trình lập trình hướng đối tượng.pdf
 
Giáo trình lập trình hướng đối tượng Java.pdf
Giáo trình lập trình hướng đối tượng Java.pdfGiáo trình lập trình hướng đối tượng Java.pdf
Giáo trình lập trình hướng đối tượng Java.pdf
 
Giáo trình kỹ thuật phản ứng - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình kỹ thuật phản ứng  - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình kỹ thuật phản ứng  - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình kỹ thuật phản ứng - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
 

Recently uploaded

Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảoKiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảohoanhv296
 
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdfTrnHoa46
 
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quanGNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quanmyvh40253
 
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgspowerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgsNmmeomeo
 
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docxTHAO316680
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfBỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfNguyen Thanh Tu Collection
 
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...hoangtuansinh1
 
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdfSLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdfhoangtuansinh1
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................TrnHoa46
 
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfCampbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfTrnHoa46
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoámyvh40253
 
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhhkinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhhdtlnnm
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-
cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-
cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-KhnhHuyn546843
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIĐiện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 

Recently uploaded (20)

1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
 
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảoKiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
 
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
 
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quanGNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
 
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgspowerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
 
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfBỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
 
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
 
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdfSLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................
 
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfCampbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
 
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhhkinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
 
cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-
cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-
cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
 

Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam

  • 1. 1 BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ NGUYỄN THỊ ĐIỆP DẤU ẤN VĂN HÓA NAM BỘ TRONG TRUYỆN NGẮN SƠN NAM LUẬN VĂN THẠC SĨ CHUYÊN NGÀNH: VĂN HỌC VIỆT NAM MÃ SỐ : 60 22 34 NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: Phó Giáo sư - Tiến sĩ TRẦN HỮU TÁ CẦN THƠ 2009
  • 2. 2 Lời cảm ơn Sau ba năm học, đến thời điểm hiện tại tôi đã hoàn thành chương trình Cao học ngành Văn học Việt Nam dưới mái trường Đại học Cần Thơ nhờ sự giúp đỡ, động viên chân thành của rất nhiều thầy cô, gia đình và bạn bè; sự tạo điều kiện thuận lợi của trường THPT Nguyễn Hùng Sơn, Rạch Giá, Kiên Giang - nơi tôi đang công tác. Tôi xin bày tỏ lời cảm ơn chân thành đến tất cả. Đồng thời tôi xin đặc biệt gửi lời tri ân đến cố nhà văn Sơn Nam, người đã tạo ra những tác phẩm và mang đến cho tôi một tình yêu, một sự say mê đối với mảnh đất, con người và văn học Nam Bộ. Luận văn “Dấu ấn văn hóa Nam Bộ trong truyện ngắn của Sơn Nam” là ý tưởng mà tiến sĩ Huỳnh Công Tín đã bồi đắp cho tôi ngay từ những ngày học đầu tiên. Tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến thầy Huỳnh Công Tín. Cuối cùng, thật may mắn cho cá nhân tôi đã được sự giúp đỡ nhiệt tình, nghiêm túc, nghiêm khắc và rất khoa học của Phó Giáo sư, Tiến Sĩ Trần Hữu Tá. Nhờ đó, tôi đã học được cách thức làm việc cẩn trọng, khoa học và có trách nhiệm. Tôi xin gửi đến thầy Trần Hữu Tá lời cám ơn chân thành và lời chúc sức khỏe. Cần Thơ, tháng 10 năm 2009 Nguyễn Thị Điệp
  • 3. 3 MỤC LỤC MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài -------------------------------------------------------------1 2. Mục đích nghiên cứu ---------------------------------------------------------------3 3. Lịch sử vấn đề ……………………………………………………...…...…3 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu …………………………………………7 5. Phương pháp nghiên cứu …………………………………………………..8 6. Đóng góp của luận văn …………………………………………………….9 7. Cấu trúc của luận văn ………………………………………………...……9 Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ VĂN HÓA VÀ VĂN HÓA NAM BỘ 1.1 Một số vấn đề về văn hóa ……………………………………………………11 1.1.1 Khái niệm văn hóa……………………………………………….……11 1.1.2 Mối quan hệ giữa văn hóa và văn học………………………………...13 1.2 Đặc điểm về văn hóa Nam Bộ ……………………………………..……….16 1.2.1 Nền tảng địa - văn hóa Nam Bộ ……………………………………...16 1.2.2 Một số nét đặc trưng về văn hóa Nam Bộ ……………………………17 1.3 Nhà văn Sơn Nam với vùng đất Nam Bộ ……………………………………23 1.3.1 Cuộc đời và sự nghiệp ……………………………………………...…23 1.3.2 Ảnh hưởng và tác động của hoàn cảnh sống ở Nam Bộ đến Sơn Nam ………………………………………………………………………………..27 Chương 2: DẤU ẤN VĂN HÓA NAM BỘ QUA CẢNH VÀ NGƯỜI TRONG TRUYỆN NGẮN SƠN NAM 2.1 Cảnh Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam …………………………………31 2.1.1 Cảnh thiên nhiên trong truyện ngắn Sơn Nam ……………………..….32 2.1.1.1 Thiên nhiên đậm chất hoang sơ, dữ dội .….…….…………………....32 2.1.1.2 Thiên nhiên gần gũi, hiền hòa, gắn bó với cuộc sống của con người ………………………………………………………………………………..37 2.1.2 Cảnh xã hội trong truyện ngắn Sơn Nam …………………………...…41 2.2 Con người Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam ………………………...…49 2.2.1 Hoàn cảnh sống của con người Nam Bộ …………………………...…49 2.2.2 Đặc điểm về con người Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam ….…..…51 2.2.2.1 Mối quan hệ giữa con người với thế giới tự nhiên ……………….…51 2.2.2.2 Mối quan hệ giữa con người với xã hội ………………………….…61
  • 4. 4 a. Trong mối quan hệ giữa con người với cộng đồng ……………...…62 b. Trong mối quan hệ giữa con người với con người ……...……….....66 Chương 3: DẤU ẤN VĂN HÓA NAM BỘ QUA NGHỆ THUẬT CỦA TRUYỆN NGẮN SƠN NAM 3.1 Nghệ thuật xây dựng kết cấu……………………….…………….……...……73 3.1.1 Nghệ thuật xây dựng cốt truyện …………………………….…………74 3.1.2 Nghệ thuật xây dựng kết cấu …………………...……………..………84 3.2 Nghệ thuật xây dựng nhân vật ……………………………………………….90 3.2.1 Thế giới nhân vật phong phú và đa dạng …………………...…………90 3.2.2 Nghệ thuật xây dựng nhân vật qua yếu tố ngôn ngữ……………..……96 3.2.3 Nghệ thuật xây dựng nhân vật qua yếu tố ngoại hình …………..……101 3.2.4 Nghệ thuật khắc họa tính cách nhân vật ………………………...……104 3.3 Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ …………………………...…………………111 3.3.1 Phương ngữ Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam ……………...…...111 3.3.2 Vài nét về cách sử dụng thành ngữ …………………………………..119 3.3.4 Hiện tượng giọng kể chuyện mang đậm sắc thái dân gian Nam Bộ …122 KẾT LUẬN …………………………………………………………………….…127 TÀI LIỆU THAM KHẢO ……………………………………………………...…131 PHỤ LỤC MỞ ĐẦU 8. Lý do chọn đề tài “Lịch sử văn học Việt Nam là lịch sử tâm hồn con người Việt Nam”. Lịch sử tâm hồn ấy được những người nghiên cứu, giảng dạy văn học khám phá. Tương ứng với lịch sử của các vùng miền khác nhau trên đất nước Việt Nam, văn học ở miền ngoài cùng với lịch sử của nó đã được chú ý từ rất sớm. Sự hình thành và phát triển của văn học, văn hóa Nam Bộ ở một góc độ nào đó lại là một vấn đề khác. Với khoảng thời gian 300 năm, văn học, văn hóa Nam Bộ đã có những đặc trưng và dáng dấp riêng biệt, không thể lầm lẫn. Văn học Nam Bộ là một phần của văn học cả nước. Đóng góp của văn học
  • 5. 5 Nam Bộ là đóng góp của mảng văn học ở một vùng miền với những nét đặc sắc riêng biệt. Đến với văn học Nam Bộ, chúng tôi đánh giá cao những sáng tác của các nhà văn như Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc,… Với tình cảm đặc biệt dành cho văn học và con người vùng đất mới khai phá, chúng tôi tìm đến sự nghiệp của nhà văn, nhà biên khảo Sơn Nam Nam trong đó chú ý đến mảng truyện ngắn của ông trong giai đọan 1954 - 1975. Theo chiều thời gian cái gì đọng lại cùng với con người, cuộc sống của con người mang tính ổn định bền vững, thể hiện được đặc điểm về cách sống, cách nghĩ, cách cư xử của con người trong tự nhiên và xã hội đều có thể quy về văn hóa. Khi chọn cho mình đề tài này, chúng tôi có cơ hội tìm hiểu về văn hóa Nam Bộ qua sáng tác của một trong những nhà văn Nam bộ điển hình: Sơn Nam. Là người viết nhiều và thể hiện trên nhiều khía cạnh cộng với số lượng sáng tác và biên khảo khá đồ sộ, Sơn Nam được đánh giá là pho từ điển sống của văn hóa Nam Bộ. Tìm hiểu đề tài này là điều kiện thuận lợi để chúng tôi mở rộng cho mình vốn kiến thức về vùng đất và con người phía nam tổ quốc. Mảnh đất Nam Bộ với lịch sử hình thành 300 năm, là nơi màu mỡ cả về đất đai và tình người. Ở nơi ấy, văn chương cũng chưa được đào sâu, cày xới để thấy được những giá trị đích thực của nó. Trong một vài thập niên gần đây, ngày càng có nhiều người đi vào tìm hiểu mảng văn học ở vùng đất này. Đã có nhiều công trình nghiên cứu, luận án thạc sĩ, luận án tiến sĩ đã có những đóng góp đáng kể. Đó là một hiện tượng đáng mừng và đáng được ghi nhận. Tuy không sinh ra ở mảnh đất này, nhưng lớn lên, đã và đang gắn bó trực tiếp với nơi đây vì vậy được tìm hiểu về văn hóa Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam là điều thực sự có giá trị đối với riêng cá nhân tôi. Với ý thức xác định như vậy và với một sự yêu mến kính trọng sự nghiệp và con người nhà văn Sơn Nam - nhà Nam bộ học, chúng tôi lấy làm thích thú khi được tìm hiểu, nghiên cứu ở góc độ văn hóa về một mảng nhỏ trong sự nghiệp sáng tác của ông. Đó là truyện ngắn của Sơn Nam trên phương diện in đậm những nét đặc trưng về văn hóa Nam Bộ. Trong sự nghiệp của nhà văn, nhà biên khảo Sơn Nam, nhiều nhà nghiên cứu đã ghi nhận những sáng tác trong khoảng thời gian 20 năm từ 1954 - 1975. Mảng truyện ngắn là những sáng tác thể hiện được đầy đủ nhất về mảnh đất và con người Nam Bộ, đồng thời cũng nêu bật lên được giá trị ngòi bút Sơn Nam với tư cách là một nhà văn.
  • 6. 6 Ngòi bút Sơn Nam, cuộc đời nhà văn Sơn Nam là sự kết nối những am hiểu sâu rộng từ những chuyến đi du khảo trong thực tế, những nghiên cứu dưới dạng “điền dã” rồi trở thành triết lý về văn hóa con người, vùng đất Nam Bộ. Có thể nói những trang viết của Sơn Nam chứa một dung lượng ngồn ngộn về cuộc sống, về cảnh vật về con người Nam Bộ. Từ những trang viết ấy, người đọc cảm nhận được tấm chân tình của một nhà văn, của một người con Nam Bộ như ông đã tâm sự trong một lần trò truyện với phóng viên báo điện tử Vietnamnet: “Lịch sử Nam Bộ là lịch sử của công cuộc khẩn hoang trường kỳ và tự lực. Ý thức khẩn hoang mở đất ăn sâu vào máu thịt tôi. Đời ông nội rồi đời cha tôi lo khẩn hoang mở đất, nên những trang viết của tôi dành cho việc khẩn hoang mở đất và là sở trường của tôi”. Nhiều sáng tác của Sơn Nam đã để lại những giá trị về mặt lịch sử, điạ lý, văn hóa, xã hội của vùng đất Nam Bộ. Vì vậy nhà văn Sơn Nam được gọi là nhà văn hóa, nhà Nam Bộ học, hay dân dã hơn là “ông già Nam Bộ” với tất cả lòng kính trọng và yêu quý của nhiều độc giả, nhà nghiên cứu hay các đồng nghiệp. Từ sự nghiệp của Sơn Nam, người đọc nhận ra vẻ đẹp của con người Nam Bộ trong cuộc sống, thấy được tấm lòng của một con người, một nhà văn luôn yêu mến và có ý thức giữ gìn những giá trị tốt đẹp ấy. Tìm về với mảnh đất Nam Bộ, những sáng tác của nhà văn, nhà biên khảo Sơn Nam giúp ta có một cái nhìn toàn cảnh ở cả bề rộng lẫn bề sâu. Chúng ta có thể tìm hiểu vấn đề qua lăng kính của một nhà văn, qua cách nhìn nhận ghi chép của một nhà biên khảo. Vào những năm giữa thế kỷ XX, “ông già đi bộ” đã đi qua rất nhiều vùng đất khác nhau, gặp gỡ nhiều con người, chứng kiến nhiều cảnh sinh hoạt khác nhau. Tất cả những điều đó cộng với tư chất của một người cầm bút sáng tác, Sơn Nam đã đưa đất và người Nam Bộ vào văn học một cách tự nhiên như chính cuộc sống vốn có và vốn đã diễn ra. Còn chúng ta là thế hệ đi sau sẽ tìm thấy trong chính những sáng tác của ông nhiều khía cạnh về văn hóa - xã hội miền Nam một cách đáng tin cậy. 2. Mục đích nghiên cứu Mục đích nghiên cứu chính của luận văn được xác định như sau: Thứ nhất, tìm hiểu những đặc trưng cơ bản về văn hóa Nam Bộ. Bên cạnh đó là những nội dung liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Sơn Nam. Đặc biệt, lý giải về sự ảnh hưởng và tác động của văn hóa Nam Bộ đến tư tưởng nghệ thuật của nhà văn này.
  • 7. 7 Thứ hai, khảo sát dấu ấn văn hóa Nam Bộ ở phương diện nội dung trên hai khía cạnh cảnh sắc và con người Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam. Thứ ba, đánh giá dấu ấn văn hóa Nam Bộ qua nghệ thuật của truyện ngắn Sơn Nam trên một số phương diện đặc sắc như: nghệ thuật kết cấu truyện ngắn, nghệ thuật xây dựng nhân vật và nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ. Như vậy, mục đích chính luận văn không phải khảo sát tất cả các khía cạnh của văn hóa Nam Bộ được biểu hiện qua truyện ngắn của Sơn Nam mà chỉ đi vào những bình diện người viết nhận thấy đó là những nét đặc trưng cơ bản về văn hóa Nam Bộ. 3. Lịch sử vấn đề Tác giả Sơn Nam và sự nghiệp của ông được đánh giá là một hiện tượng của văn học Nam Bộ. Vì vậy, trong một vài mươi năm trở lại đây đã có khá nhiều nhà nghiên cứu, phê bình và độc giả yêu mến quan tâm đến những sáng tác của ông. Tuy vậy, có thể nói đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có nhiều công trình nghiên cứu, đánh giá đầy đủ và có hệ thống toàn bộ sự nghiệp của nhà văn Nam Bộ này. Phần nhiều đó là các bài phỏng vấn, lời giới thiệu, đề tựa cho các tập sách của Sơn Nam trên các báo, tạp chí hoặc những bài viết ngắn đề cập đến một vài phương diện đặc sắc. Ngoài ra, có thể kể đến một số luận văn, luận án nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Sơn Nam. Ngay từ năm 1986, đã có những nhà nghiên cứu chú ý đến truyện ngắn của Sơn Nam. Khi Nhà xuất bản Trẻ cho ra đời tập sách Hương rừng Cà Mau tập 1, Viễn Phương, người đầu tiên viết lời tựa cho quyển sách này, nhận định đây là một cây bút viết truyện ngắn tiêu biểu của văn xuôi Nam Bộ thế kỷ XX và tin tưởng vào sức sống và giá trị của tập truyện ngắn này. Hơn 20 năm qua, niềm tin của nhà văn Viễn Phương vẫn còn nguyên giá trị. Cùng năm này, trên tạp chí Văn nghệ Quân đội, tác giả Hồ Sĩ Hiệp với bài viết “Vài nét về văn xuôi kháng chiến Nam Bộ” cũng quan tâm và đánh giá cao những tác phẩm đầu tay của Sơn Nam như Bên rừng cù lao Dung, Tây đầu đỏ, Cây đàn miền Bắc. Các tác giả Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Đình Chú, Nguyên An trong công trình Tác gia văn học Việt Nam (NXB Giáo dục, 1992, tập 3) đã dành một vị trí cho nhà văn Sơn Nam với nhận định Hương rừng Cà Mau là tác phẩm tiêu biểu nhất, đặc sắc nhất của Sơn Nam và ông xứng đáng là một nhà văn, nhà khảo cứu về mảnh đất cực Nam tổ quốc của chúng ta.
  • 8. 8 Năm 1994, xuất hiện tập tiểu luận Phê bình, bình luận văn học, NXB Văn nghệ Tp.HCM do tác giả Vũ Tiến Quỳnh tuyển chọn và giới thiệu. Công trình nhỏ này xoay quanh các tác phẩm tiêu biểu của ba tác giả Nam Bộ: Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng và Sơn Nam. Trong đó, phần về Sơn Nam có hai bài một của Viễn Phương như đã giới thiệu ở trên, một của tác giả Ngân Hà với nhan đề “Gợi ý phân tích giảng văn Bắt sấu rừng U Minh Hạ”. Năm 1995, khi Bộ giáo dục chủ trương tiến hành phân ban ở cấp phổ thông trung học, Bắt sấu rừng U Minh Hạ đã được chính thức đưa vào giảng dạy trong sách giáo khoa 12 ban Khoa học Xã hội, ở ban Tự nhiên được giới thiệu dưới dạng bài đọc thêm trong sách lớp 11. Qua những tư liệu này, chúng ta thấy được vào đầu những năm 90, truyện ngắn của Sơn Nam đã được các nhà nghiên cứu, người làm sách giới thiệu đến bạn đọc như một món ăn tinh thần đặc sản của vùng sông nước Nam Bộ. Vào thời điểm cuối những năm 1990, cụ thể từ 1997 - 1999 xuất hiện rất nhiều bài viết, bài nghiên cứu về đất và người Nam Bộ nhân dịp kỷ niệm 300 năm Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh. Với tư cách là nhà Nam Bộ học, những sáng tác, biên khảo của Sơn Nam đã được nhiều người chú ý đến. Trong tập sách Bình văn của nhóm tác giả Trần Hòa Bình, Lê Duy, Văn Giá do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 1997, Văn Giá đã nhận định Sơn Nam là nhà văn có vốn kiến thức sâu rộng về lịch sử, con người, về đặc điểm tự nhiên và xã hội của vùng Đất Mũi. Văn Giá còn trân trọng gọi ông là chủ nhân của rừng tràm trong một bài giới thiệu cùng tên. Sau đó, hàng loạt những danh xưng khác nhau được gắn cho nhà văn Sơn Nam trên các bài báo, tạp chí như Sơn Nam - người đánh đàn độc huyền kể chuyện Nam Bộ, Ông từ giữ đền của đất Gia Định xưa, Nhà văn Sơn Nam - hãy học tập những trang đời,… Đến lúc này, trên văn đàn Sơn Nam đã trở thành một hiện tượng văn học thực sự. Năm 1998, Nhà xuất bản Trẻ một lần nữa chú ý đến giá trị những sáng tác của Sơn Nam khi cho tái bản nhiều tác phẩm ông. Trong đó, Hương rừng Cà Mau được in dưới dạng nhiều tập, được Hoàng Phủ Ngọc Phan giới thiệu và đánh giá như một quyển “cảo thơm” có giá trị ngang với “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân và là bức tranh đất nước trong khoảng thời gian đầu XX. Khi văn học đô thị miền Nam được chú ý tập hợp và biên soạn, nhiều công trình có giá trị đã ra đời. Trong đó: năm 1998, có công trình Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Tp.HCM do giáo sư Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng chủ biên. Phần văn học - báo chí - giáo dục (tập 2), chương viết về “Văn học yêu nước công khai ở Sài Gòn trong 30 năm cách mạng và kháng chiến” do nhóm tác giả Tầm Vu, Nguyên
  • 9. 9 Thanh, Viễn Phương, Hồ Sĩ Hiệp, Trần Hữu Tá biên soạn, đã nhắc đến Sơn Nam với vai trò là một nhà văn tiêu biểu của Nam Bộ và ghi nhận vai trò của ông trong những đóng góp vào mảng văn học yêu nước tiến bộ cách mạng giai đọan 1954 - 1975. “Đất nước, lịch sử và con người Nam Bộ đã được Sơn Nam say sưa phản ánh” trong tập truyện ngắn này. Đồng thời, tác giả bài viết còn khẳng định “Hương rừng Cà Mau đáng quý vì đem lại cho người đọc bình thường những xúc cảm thẩm mỹ bổ ích, những gợi ý tích cực về đất nước và tình người” [17, 457]. Năm 2000, khi cho ra đời công trình Nhìn lại một chặng đường văn học, NXB Tp.HCM, nhà nghiên cứu văn học Trần Hữu Tá đã có những đóng góp đáng kể trong việc nhìn lại và đánh giá một chặng đường văn học, giới thiệu những tác phẩm tác giả tiêu biểu của văn học Nam Bộ. Trong đó tác giả khẳng định vị trí của Sơn Nam trên văn đàn công khai Sài Gòn và còn trân trọng đánh giá nhà văn như “một người cầm bút có dáng vẻ và hương sắc riêng” [72, 72] Trong một vài năm trở lại đây, một số trường đại học ở khu vực phía Nam cũng đã chú ý đến Sơn Nam và sáng tác của ông. Trong đó có: “Thiên nhiên và con người Nam Bộ trong truyện ngắn của Sơn Nam”- luận văn cử nhân Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh năm 1996, tác giả Đoàn Trần Ái Thy khảo sát những đặc điểm về thiên nhiên và con người trong truyện ngắn Sơn Nam và dừng lại ở góc độ phân tích, nhận định và tổng hợp vấn đề trên nội dung văn bản. “Từ ngữ trong tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau của Sơn Nam”- luận văn cử nhân Ngữ văn Đại học Cần Thơ năm 2005, tác giả Đinh Ngọc Quyên khảo sát các phương diện khác nhau về mặt từ ngữ trong tập truyện ngắn này và liệt kê, phân tích một vài nét đặc sắc. Năm 2003, Lê Thị Thùy Trang trong luận văn cao học đã tìm hiểu “Đặc điểm truyện ngắn Sơn Nam giai đoạn 1954 – 1975”. Công trình này đã có những đóng góp đáng kể trong việc khảo sát những cảm hứng chính và những đặc điểm truyện ngắn Sơn Nam giai đoạn 1954 - 1975. Năm 2004, có luận văn cao học “Văn hóa và con người Nam Bộ trong truyện của Sơn Nam” của Đinh Thị Thanh Thủy, ĐHSP Tp.HCM. Tác giả luận văn đã có công trong việc sưu tầm những truyện ngắn của Sơn Nam được đăng rải rác trên các tạp chí và những truyện đã được tập hợp lại thành sách. Đinh Thị Thanh Thủy khai thác hai mảng văn hóa và con người Nam Bộ trên nền truyện của nhà văn Sơn Nam bao gồm truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài và cả tiểu thuyết. Luận văn trên ở một góc độ nào đó đã giúp cho chúng ta thấy được cái nhìn toàn cảnh về sáng tác văn học của Sơn Nam. Cùng năm 2004, còn có luận văn cao học Đặc trưng truyện ngắn Sơn Nam của
  • 10. 10 Trần Phỏng Diều, Đại học KHXH và NV TP.HCM. Công trình này đã góp phần làm sáng tỏ đặc trưng truyện ngắn Sơn Nam trên cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật. Qua đây, chúng tôi nhận thấy trong các sáng tác của nhà văn Sơn Nam, truyện ngắn được xem là thế mạnh vì thế khi tìm hiểu đương nhiên người ta không thể bỏ qua thể loại tiêu biểu này. Năm 2007, trong công trình Truyện ngắn Việt Nam lịch sử - thi pháp – thể loại, NXB Giáo dục, Đà Nẵng, nhà nghiên cứu văn học Phan Cự Đệ đã khảo sát những đặc trưng và thi pháp truyện ngắn Việt Nam hiện đại trong đó có truyện ngắn của Sơn Nam. Tác giả nhận định Sơn Nam “là nhà văn, nhà biên khảo tâm huyết về vùng đất và con người Nam Bộ” [14, 697]. Đồng thời ông còn đánh giá Sơn Nam là một trong số ít những nhà văn mà khi nhắc đến tên gọi của họ, người đọc sẽ nghĩ ngay đến những vùng đất, những con người của một miền Tổ quốc. Gần đây nhất năm 2008, luận văn thạc sĩ của tác giả Nguyễn Thị Hồng, Đại học Vinh tìm hiểu vấn đề Nghệ thuật kể chuyện của Sơn Nam trong Hương rừng Cà Mau. Trong công trình này, người viết chỉ tập trung khai thác những nội dung liên quan đến nghệ thuật kể chuyện cụ thể là chủ thể kể chuyện, cấu trúc trần thuật và giọng điệu trần thuật. Với cách khai thác như vậy, luận văn này đã góp phần nêu bật lên những đặc điểm riêng biệt của nghệ thuật kể chuyện của nhà văn Sơn Nam thông qua tập truyện tiêu biểu này. Cũng trong năm 2008, nhà nghiên cứu Nguyễn Q. Thắng cho ra đời công trình Văn học Việt Nam nơi miền đất mới do NXB Văn học ấn hành. Đây là một công trình có giá trị tổng hợp trên nhiều mặt và là sự giới thiệu khá đầy đủ về diện mạo văn học ở khu vực phía Nam. Trong đó, Sơn Nam được giới thiệu với danh xưng khá quen thuộc – nhà văn của miệt vườn Nam Bộ. Tác giả Nguyễn Q. Thắng đánh giá “Hương rừng Cà Mau thuộc loại truyện xưa tích cũ …và có thể xem đây là tác phẩm đáng chú ý và sáng giá nhất của Sơn Nam về sông nước, kinh rạch Miền Tây đất mẹ”. Đồng thời tác giả còn nhấn mạnh “đây chính là cuốn sách thành công nhất của nhà văn sông nước miệt vườn”[76, 1216]. Trước những tài liệu vừa điểm ở trên, chúng tôi nhận thấy việc đi vào tìm hiểu sự nghiệp của Sơn Nam ở mảng sáng tác một việc làm cần thiết. Thêm vào đó, bản thân vốn là người yêu thích văn học Nam Bộ và có một tình cảm đặc biệt dành cho nhà văn Sơn Nam cùng những sáng tác của ông. Chúng tôi tin tưởng rằng qua đây sẽ thu nhận được những giá trị của cuộc sống văn hóa và con người Nam Bộ từ những góc độ nhìn
  • 11. 11 nhận khác nhau. Cuộc đời của nhà văn Sơn Nam gói trọn trong thế kỷ XX và bước sang những năm đầu của thế kỷ XXI. Những sáng tác của ông nằm gọn trong vùng không gian và thời gian của con người Nam Bộ với những đặc điểm mang đậm sắc thái của vùng đồng bằng sông nước, ruộng vườn, kênh rạch chằng chịt. Tìm về với truyện ngắn của Sơn Nam cũng là tìm về với cuộc sống và con người nơi ấy với những nét đẹp riêng khó có thể nhầm lẫn. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Người đọc biết đến Sơn Nam ở cả hai mảng sáng tác và biên khảo, với hơn 60 đầu sách đã được xuất bản, ông xứng đáng là một hiện tượng của văn học Nam Bộ, một nhà văn điển hình của văn phong Nam Bộ. Riêng ở mảng sáng tác, Sơn Nam là một cây bút khá đa dạng với nhiều thể loại như tiểu thuyết, truyện dài, truyện vừa, truyện ngắn, hồi ký. Toàn bộ sáng tác của Sơn Nam đều viết về đất và người Nam Bộ ở nhiều phương diện khác nhau. Trong đó truyện ngắn được nhiều nhà nghiên cứu, nhà phê bình, độc giả trong và ngoài nước chú ý khen ngợi. Và thực sự đây là thế mạnh của nhà văn miệt vườn này. Đối tượng khảo sát trực tiếp của luận văn là những sáng tác thuộc thể loại truyện ngắn bao gồm 85 truyện, trong đó 66 truyện nằm trong tuyển tập Hương rừng Cà Mau và 19 truyện ngắn nằm trong tập Biền cỏ Miền Tây. Đây là hai tập truyện có sự gần gũi nhau về đề tài sáng tác, hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung cũng như nghệ thuật. Theo sự khẳng định của Sơn Nam trong tập hồi ký Từ U Minh đến Cần Thơ, ông đã sáng tác khoảng 300 truyện ngắn. Trong phạm vi đề tài luận văn, chúng tôi chỉ khảo sát trên những tác phẩm đã in trong hai tập sách trên. Bên cạnh đó, toàn bộ những sáng tác của Sơn Nam đều có giá trị hỗ trợ, bổ sung, làm rõ vấn đề đang nghiên cứu. Điều này xét cho cùng là vì dù biên khảo hay sáng tác và dù sáng tác với thể loại nào thì nội dung bao trùm lên toàn bộ sự nghiệp của Sơn Nam cũng thống nhất với những tên gọi mà người ta đặt ra hoặc tôn vinh tên tuổi tác giả - một nhà văn, nhà văn hóa Nam Bộ tiêu biểu. Trên cơ sở phạm vi giới hạn của tư liệu như trên, chúng tôi tìm hiểu vấn đề trên phương diện dấu ấn văn hóa Nam Bộ trong truyện ngắn của Sơn Nam. Đây chỉ là một phần trong những đóng góp của Sơn Nam trong việc dựng lên bức tranh toàn cảnh Nam Bộ, nhưng có thể nói đây chính là phần trọng yếu và là tâm điểm của bức tranh ấy. Qua đó nhằm khẳng định giá trị truyện ngắn Sơn Nam từ góc độ văn hóa, khẳng định tên
  • 12. 12 tuổi của nhà văn Nam Bộ tiêu biểu này. Đó là mong muốn cũng là mục tiêu mà người viết đặt ra cho luận văn. 5. Phương pháp nghiên cứu Trong quá trình thực hiện đề tài, luận văn có sự kết hợp của nhiều phương pháp: Phương pháp nghiên cứu liên ngành: Phạm vi và đối tượng nghiên cứu của đề tài có sự liên quan chặt chẽ đến vấn đề văn hóa và lịch sử của vùng đất Nam Bộ vì vậy sự kết hợp phương pháp nghiên cứu liên ngành giữa các lĩnh vực lịch sử, văn hóa và văn học là một việc làm khoa học và cần thiết. Luận văn chỉ dừng lại ở việc áp dụng những tư liệu khoa học về lịch sử và địa lý của vùng đất Nam Bộ làm kiến thức nền cho việc khảo sát hai chương chính. Bên cạnh đó, một số phương pháp đặc trưng của các ngành xã hội cũng được ứng dụng như phương pháp thống kê - phân loại, sử dụng số liệu, phân tích,… Phương pháp phân tích - tổng hợp: là phương pháp chính để tiến hành khảo sát, tìm hiểu vấn đề. Dựa trên những truyện ngắn đã được khu biệt ngay từ đầu, luận văn phân tích truyện ngắn Sơn Nam trên cơ sở kiến thức lý luận về văn hóa nói chung và đặc trưng văn hóa Nam Bộ nói riêng. Đó là mấu chốt làm sáng tỏ vấn đề, sau đó tiếp tục công việc tổng hợp lại thành những nội dung mang tính chất tổng quát. Từ hai công đoạn này, chúng tôi đi vào khẳng định dấu ấn văn hóa Nam Bộ trong truyện ngắn của nhà văn Sơn Nam trong đặc trưng văn hóa Nam Bộ nói riêng và bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung. Phương pháp thống kê - phân loại: Người viết vận dụng phương pháp này để sắp xếp các truyện ngắn có cùng biểu hiện về văn hóa qua việc thể hiện thiên nhiên và con người Nam Bộ; phân loại và tập hợp các truyện ngắn có cùng kiểu cốt truyện, kết cấu, đặc điểm nhân vật, đặc trưng ngôn ngữ. Ngoài ra, phương pháp này còn được sử dụng để lập các biểu bảng trong phần phụ lục của đề tài và là công cụ để đi vào phân tích tổng hợp những vấn đề liên quan. Bên cạnh đó các thao tác cơ bản khi nghiên cứu văn học cũng được người viết vận dụng như quy nạp, diễn dịch, so sánh, đối chiếu, bình luận,... và đặt vấn đề trong tính hệ thống để tiện theo dõi. 6. Đóng góp của luận văn
  • 13. 13 Với sự say mê và nhiệt tình học hỏi, chúng tôi hy vọng công trình nhỏ của mình sẽ góp phần thể hiện bức tranh về văn hóa Nam Bộ nhìn từ góc độ truyện ngắn của Sơn Nam. Chúng tôi luôn đồng tình và tin tưởng rằng truyện ngắn chính là thế mạnh của “nhà văn miệt vườn sông nước” Cửu Long này. Qua đó, dấu ấn văn hóa Nam Bộ được tác giả thể hiện trên nhiều góc độ với tư cách là người sinh ra, lớn lên, sống trên mảnh đất này, là người luôn mang bên mình ý thức tìm về với lịch sử khai khẩn Nam Bộ như có lần nhà văn Sơn Nam đã tâm sự. Và nhiệm vụ của luận văn này là làm rõ được điều đó. 7. Cấu trúc của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận, thư mục tài liệu tham khảo và các bảng phụ lục, luận văn gồm ba chương chính: Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ VĂN HÓA VÀ VĂN HÓA NAM BỘ 1.1 Một số vấn đề về văn hóa 1.1.1 Khái niệm văn hóa 1.1.2 Mối quan hệ giữa văn hóa và văn học 1.2 Đặc điểm về văn hóa Nam Bộ 1.2.1 Nền tảng địa - văn hóa Nam Bộ 1.2.2 Một số nét đặc trưng về văn hóa Nam Bộ 1.3 Nhà văn Sơn Nam với vùng đất Nam Bộ 1.3.1 Cuộc đời và sự nghiệp 1.3.2 Ảnh hưởng và tác động của hoàn cảnh sống ở Nam Bộ đến Sơn Nam Chương 2: DẤU ẤN VĂN HÓA NAM BỘ QUA CẢNH VÀ NGƯỜI TRONG TRUYỆN NGẮN SƠN NAM 2.1 Cảnh Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam 2.1.1 Cảnh thiên nhiên trong truyện ngắn Sơn Nam 2.1.1.1 Thiên nhiên đậm chất hoang sơ, dữ dội 2.1.1.2 Thiên nhiên gần gũi, hiền hòa, gắn bó với cuộc sống của con người
  • 14. 14 2.1.2 Cảnh xã hội trong truyện ngắn Sơn Nam 2.2 Con người Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam 2.2.1 Hoàn cảnh sống của con người Nam Bộ 2.2.2 Đặc điểm về con người Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam 2.2.2.1 Mối quan hệ giữa con người với thế giới tự nhiên 2.2.2.2 Mối quan hệ giữa con người với xã hội a. Trong mối quan hệ giữa con người với cộng đồng. b. Trong mối quan hệ giữa con người với con người Chương 3: DẤU ẤN VĂN HÓA NAM BỘ QUA NGHỆ THUẬT CỦA TRUYỆN NGẮN SƠN NAM 3.1 Nghệ thuật xây dựng kết cấu 3.1.1 Nghệ thuật xây dựng cốt truyện 3.1.2 Nghệ thuật xây dựng kết cấu 3.2 Nghệ thuật xây dựng nhân vật 3.2.1 Thế giới nhân vật phong phú và đa dạng 3.2.2 Nghệ thuật xây dựng nhân vật qua yếu tố ngôn ngữ 3.2.3 Nghệ thuật xây dựng nhân vật qua yếu tố ngoại hình 3.2.4 Nghệ thuật khắc họa tính cách nhân vật 3.3 Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ 3.3.1 Phương ngữ Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam 3.3.2 Vài nét về cách sử dụng thành ngữ 3.3.2 Hiện tượng giọng kể chuyện mang đậm sắc thái dân gian Nam Bộ Chương 1: NHỮNG VẤN CHUNG ĐỀ VỀ VĂN HÓA VÀ VĂN HÓA NAM BỘ 1.1 Một số vấn đề về văn hóa 1.1.1 Khái niệm văn hóa
  • 15. 15 Văn hóa vốn là một khái niệm rộng lớn và có nhiều cách định nghĩa khác nhau. Nhà xã hội học người Pháp Mercier đã ví thuật ngữ văn hóa như một tòa lâu đài đa diện mà mỗi nhà nghiên cứu lại chỉ tiếp nhận có một mặt, đã làm cho thuật ngữ này trở nên phức tạp. Với tính chất như vậy khó có định nghĩa nào bao quát đầy đủ nội hàm của nó. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, đến thời điểm hiện nay có khoảng 500 định nghĩa về thuật ngữ văn hóa. Vì vậy để tìm ra một khái niệm duy nhất đúng là điều không tưởng, tuy nhiên chúng ta vẫn có thể tìm ra những định nghĩa chứa đựng những hạt nhân hợp lý, phù hợp với mục đích nghiên cứu của mình. Điều đó tùy thuộc vào góc độ tiếp cận của đối tượng khi tìm hiểu vấn đề. Văn hóa là một lĩnh vực rất rộng lớn, vô cùng phong phú và đa dạng, có mặt thấm sâu trong toàn bộ đời sống xã hội và đời sống con người, vì thế có rất nhiều định nghĩa, cách hiểu cũng như cách khai thác khác nhau về văn hóa. Trong quá trình đi tìm định nghĩa và nội hàm của văn hóa, đã có những tìm tòi khoa học có giá trị sâu sắc, tiếp sức nhau đạt tới những nhận thức ngày càng hoàn chỉnh hơn của con người về một lĩnh vực rất độc đáo do chính con người và chỉ có con người sáng tạo nên. Sau nhiều năm tìm tòi theo các hướng, các cách tiếp cận khác nhau, đến những năm 70 của thế kỷ XX, cách hiểu phổ biến và gặp nhau nhiều nhất là ở quan niệm coi văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lối sống và lao động. Tiếp đó vào năm 1982, tại Hội nghị thế giới về các chính sách văn hóa đã thông qua tuyên bố: “Theo nghĩa rộng, ngày nay văn hóa có thể được coi là toàn bộ các đặc tính đặc biệt về tâm hồn, vật chất, trí tuệ và tình cảm đặc trưng cho một xã hội hay một nhóm xã hội. Nó không chỉ bao gồm nghệ thuật và văn học, mà cả lối sống, các quyền cơ bản của nhân loại, các hệ thống giá trị, truyền thống và tín ngưỡng [10, 264]. Như vậy, theo nghĩa vừa rộng lớn vừa bản chất, văn hóa là toàn bộ hoạt động tinh thần - sáng tạo, tác động vào tự nhiên, xã hội và con người nhằm tạo ra các giá trị vật chất và tinh thần ngày càng cao hơn để vươn tới sự hoàn thiện theo khát vọng chân, thiện, mỹ và góp phần thúc đẩy sự tiến bộ, phát triển không ngừng của đời sống xã hội. Đó cũng chính là quan điểm của các nhà văn hóa lớn Việt Nam như Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Trần Văn Giàu. Khi đặt văn hóa trong một giai đoạn cụ thể của đời sống xã hội và nhìn đời sống ấy trên nhiều lĩnh vực khác nhau, có quan hệ chặt chẽ với nhau thì văn hóa, hiểu theo nghĩa cụ thể và các quan hệ cụ thể, là một trong các lĩnh vực chính, giữ vị trí rất quan trọng, cùng với chính trị, kinh tế và xã hội tạo nên diện mạo, trình độ, chất lượng và đặc điểm xã hội trong một giai đoạn phát triển nhất định.
  • 16. 16 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định “trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn lĩnh vực đóng vai trò đặc biệt quan trọng ngang nhau đó là chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội” [10, 269]. Nghị quyết Trung ương V của Đại hội Đảng khóa VIII nhấn mạnh thêm văn hóa còn bao hàm cả giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, văn học, nghệ thuật và cả công tác tư tưởng cũng được xem là một bộ phận quan trọng của toàn bộ hoạt động văn hóa. Theo cách hiểu hạn hẹp hơn và được sử dụng thông thường và khá phổ biến, khi tách giáo dục, khoa học ra thành các lĩnh vực, các ngành có đặc trưng riêng, văn hóa còn được coi chủ yếu là các loại hình hoạt động cụ thể của ngành văn hóa như bảo tồn, bảo tàng, thư viện, xuất bản, báo chí, đời sống văn hóa cơ sở, lễ hội, phong tục, tập quán, tín ngưỡng,… “và các loại hình sáng tạo văn học, nghệ thuật – một lĩnh vực được coi là nhạy cảm nhất, mang tính sáng tạo đậm đặc và là bước phát triển cao của văn hóa” [10, 268]. Khi quan tâm vấn đề văn hóa nằm trong mối quan hệ với văn học nghệ thuật và những vấn đề về đạo đức, lịch sử, địa lý của dân tộc ta, có hai cách tiếp cận về văn hóa vừa có ý nghĩa lý luận vừa có tính thực tiễn lâu dài. Thứ nhất, “văn hóa là kết tinh những cố gắng nhiều mặt và liên tục của con người trong trường kỳ lịch sử để khẳng định bản chất và năng lực của mình, để nâng cao chất lượng sống và trình độ sống” [22, 300]. Thứ hai, “văn hóa là một lĩnh vực hoạt động cụ thể của con người trong xã hội bên cạnh các lĩnh vực khác như chính trị, kinh tế” [22, 301]. Với ý nghĩa này, văn hóa lại chia ra thành các ngành, các bộ phận như giáo dục, khoa học kỹ thuật, văn học nghệ thuật, tư tưởng, tín ngưỡng, phong tục tập quán, ngôn ngữ,… Và điều liên quan trực tiếp ở đây chính là văn học nghệ thuật - một bộ phận quan trọng nhất của văn hóa. Như vậy, xem xét văn hóa từ góc độ tiếp cận liên quan đến văn học nghệ thuật ta có thể nhận thấy vai trò lưu giữ và chuyển tải các giá trị văn hóa của dân tộc. Chính các sáng tác văn học đã thể hiện được điều đó và chính các nhà văn, nhà thơ là người giúp cho người đọc thấy được điều này qua cảm quan nghệ sĩ của chính mình. Một tác phẩm văn học có giá trị luôn chứa đựng bên trong những giá trị đích thực về chính nền văn hóa của quê hương đất nước mình ở một phương diện cụ thể nào đó. 1.1.2 Mối quan hệ giữa văn hóa và văn học Có những quan niệm khác nhau về bản chất, chức năng của văn học, và có những cách thức khác nhau trong sáng tạo và khám phá văn học, tùy theo hoàn cảnh, mục đích, trình độ, khuynh hướng nhận thức và hoạt động của con người trong lĩnh vực này. Văn học có lúc được coi là tiếng nói của con người, có lúc được xác định là một hình thái ý thức,
  • 17. 17 một công cụ nhận thức, phản ánh, miêu tả thực tại, là hình ảnh, bức tranh của đời sống; rồi có lúc văn học lại được định danh là một loại hình nghệ thuật đặc biệt dùng ngôn từ làm phương tiện biểu đạt, là nghệ thuật ngôn từ,… Do đó mà các tác phẩm, cũng như các công trình nghiên cứu văn chương, được thực hiện theo những hướng và những phương pháp khác nhau kéo theo ý nghĩa và giá trị cũng có nhiều mức độ. Sự khác biệt này do hàng loạt yếu tố khách quan và chủ quan quy định nhưng có thể nói một cách khái quát rằng do tác động của môi trường sống, của thời đại khúc xạ qua lăng kính của từng cá nhân người sáng tác hay nghiên cứu. Xác định mối quan hệ giữa văn hóa với văn học là một việc làm cần thiết để đánh giá được sự tác động, bổ sung lẫn nhau giữa hai lĩnh vực vốn có mối liên quan mật thiết này. Nói đến vị trí của văn học trong văn hóa là nói đến hai mặt của một vấn đề. Thứ nhất, bản thân văn học là một bộ phận của văn hóa, nó chịu sự chi phối mang tính quyết định của văn hóa. Thứ hai, là nói đến tính đại diện cho văn hóa của văn học; sự tác động trở lại của văn học đối với văn hóa [83, 100]. Về mối quan hệ của văn hóa và văn học, cần nhận thấy rằng đối với nước ta văn học là yếu tố trội của văn hóa. Trong đời sống dân tộc, văn học vốn đã có một vị trí rất quan trọng và ngược lại trên bình diện phát triển của một nền văn học, tác động của văn hóa đến văn học là tất yếu. Có thể nói, những nền văn học phong phú chỉ có thể phát triển thuận lợi trên nền tảng của những nền văn hóa tiêu biểu. Và ở Việt Nam, văn học cũng phát triển trên cơ sở của văn hóa Việt Nam. Chính các vùng văn hóa có truyền thống lâu đời như Kinh Bắc, Thăng Long, Huế…, và folklore của các dân tộc Việt Nam là cái nôi sản sinh, nuôi dưỡng và phát triển tài năng của các nhà văn lớn ở nước ta. Như vậy, nhìn nhận mối quan hệ giữa văn học và văn hóa là đi vào vấn đề thể hiện những đặc trưng, giá trị của văn học trong sự tác động và ảnh hưởng trực tiếp của văn hóa. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội và sáng tạo văn học nghệ thuật là bộ phận quan trọng, nòng cốt của văn hóa, có khả năng truyền cảm mạnh mẽ và có sức sống lâu bền khi biết đi sâu vào tư tưởng đạo đức, đời sống bên trong của con người. Bàn về mối quan hệ giữa văn hóa và văn học, có ý kiến cho rằng văn hóa là không gian, là bầu không khí để trên đó cái cây văn học nảy nở. Một nền văn học bắt rễ sâu vào đời sống văn hóa dân tộc, sẽ có điều kiện tốt để phát triển, đơm hoa kết trái. Nhà văn am hiểu sâu sắc cội rễ của văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, ắt hẳn sáng tác của anh ta sẽ đạt đến chiều sâu của sự khái quát hóa và cá thể hóa. Trong văn hóa phải thấy được đỉnh cao của nó là văn học. Vì vậy khi ta nói mối quan hệ giữa văn hóa và văn học cũng tức là nói về “mối quan hệ giữa cái tổng thể với cái bộ phận”. Vũ Khiêu nhấn mạnh
  • 18. 18 trong mối quan hệ này thì “văn học mặc dù là cái bộ phận nhưng lại có vai trò rất quan trọng” [58, 09]. Trần Đình Sử quan tâm việc “nêu cao vai trò sáng tạo văn hóa của văn học” và điều đó được thể hiện qua bốn điểm cơ bản sau: văn học có vai trò sáng tạo những mô hình văn hóa đặc biệt là mô hình nhân cách con người; vai trò phê phán có tính văn hóa của văn học; văn học phát huy vai trò lựa chọn của văn hóa; văn học trong vai trò sáng tạo văn hóa bằng những tìm tòi mới về nội dung và nghệ thuật thể hiện mang tính đặc trưng của văn học - nghệ thuật ngôn từ [71,179]. Cùng với quan điểm này, nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Văn Hạnh xem văn hóa như là “nguồn mạch sáng tạo và khám phá văn chương, văn học là một hình thái đặc biệt của văn hóa, thuộc về ý thức” [23, 26]. “Văn học không chỉ lưu giữ văn hóa, mà còn là một bộ phận - nếu không nói là nòng cốt - của văn hóa, sáng tạo ra văn hóa” [58, 12]. Văn học là một hình thái ý thức thuộc nghệ thuật ngôn ngữ, tức là văn học ở trong văn hóa nghệ thuật. “Nếu vấn đề cốt lõi của văn hóa thể hiện ở các lực lượng bản chất người mang tính nhân văn thì văn học chính là hình thái bộc lộ bản chất người rõ nhất, là nội dung mang tính nhân văn rõ nhất” [58, 11]. Như vậy, có thể khẳng định một nền văn hóa được xem là tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trước hết phải có nền văn học nghệ thuật phản ánh được hiện thực của dân tộc ấy, biểu hiện được truyền thống lịch sử của dân tộc ấy và nhất là sáng tạo được những tác phẩm văn học giàu tính nhân văn. Và chính văn học sẽ phát huy sức mạnh, sở trường của nó vào việc tô thắm các giá trị văn hóa. Việc xác định mối quan hệ giữa văn hóa và văn học đã được các nhà nghiên cứu văn hóa và văn học ở nước ta quan tâm từ rất sớm. Tuy nhiên, để nhìn nhận vấn đề một cách có hệ thống và quy mô rộng lớn phải đề cập đến hội thảo khoa học “Văn hóa - mối quan hệ giữa văn hóa và văn học” đã được Viện văn học đứng ra tổ chức tại Hà Nội vào ngày 04/06/1998. Hội thảo đã đạt được những kết quả tốt đẹp trong việc xác định vai trò, vị trí của văn học trong văn hóa, về mối quan hệ giữa văn học và văn hóa qua đó nhấn mạnh vào mục tiêu xây dựng một nền văn hóa mới đậm đà bản sắc dân tộc. Phương diện văn hóa của văn học ngày càng được quan tâm bởi giữa văn hóa và văn học có mối liên hệ hết sức mật thiết. Văn học phản ánh đời sống, thực chất là phản ánh phương diện văn hóa của đời sống. Văn học phán đoán về hiện thực, thực chất cũng là một phán đoán văn hóa. Văn hóa là phương diện còn lại lâu dài của tác phẩm, tác giả và cả giai đoạn văn học. Văn hóa là một phương diện bên trong qui định hành vi, suy nghĩ, cảm nhận của con người trong từng thời kỳ. Nó bao gồm mọi phương diện văn hóa cụ thể như chính trị, kinh tế, pháp luật, tôn giáo, thị hiếu, ẩm thực, trang phục, tập quán, cử chỉ,… Đọc bất
  • 19. 19 cứ tác phẩm văn học nào ta đều thấy vô vàn biểu hiện của văn hóa trong đó. Vì thế, có thể nói trong tổng thể văn hóa, văn học chỉ là nhánh nhưng lại có giá trị rất quan trọng. Nói tới văn hóa của một dân tộc không ai không nghĩ đến văn học, bởi văn học có một vị trí không thể thiếu trong mỗi nền văn hóa. Tuy nhiên ở văn học Việt Nam ta, trong một thời gian dài do như cầu bức thiết của thực tế, vai trò của văn học được hiểu chủ yếu như là phương tiện để truyền bá giáo dục văn hóa, một công cụ như là “văn dĩ tải đạo”. Chính cách hiểu và cách nghĩ như thế làm giảm sút vai trò sáng tạo văn hóa sâu sắc, nhiều mặt của văn học. Ngày nay trong viễn cảnh xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, vai trò sáng tạo văn hóa của văn học cần được nhìn nhận lại một cách thấu đáo. Văn học đi vào chiều sâu văn hóa phát triển không gì khác hơn là khái niệm phát triển phải trở thành tư tưởng chủ đạo trong văn chương hiện đại, với trí tuệ dân tộc được khơi sâu trong dòng chảy của bản chất một nền văn hóa đậm đà tính nhân văn. Vì vậy các tác giả khi sáng tác ngoài tài năng, tính chuyên nghiệp thì yếu tố tầm nhìn văn hóa và cốt cách văn hóa cần được nhìn nhận một cách hợp lý [23, 28]. Đó chính là cơ sở để khẳng định sự tồn tại lâu dài của văn học với thời gian. Khi quan tâm đến những vấn đề của cuộc sống, của xã hội và con người, của lịch sử dân tộc và đất nước, dưới góc độ văn hóa, người sáng tác có thể làm nổi rõ lên những chủ đề, những nhân vật, sắc màu, giọng điệu, cách diễn đạt tiêu biểu, đặc sắc của một cộng đồng, một vùng đất, một thời kỳ. Nhờ đó mà tạo ra một tiếng nói mới, có đóng góp mới thực sự cho sự phát triển của văn chương dân tộc và nhân loại. Đồng thời trên phương diện tiếp cận và nghiên cứu văn chương hiện nay, việc xem xét từ góc độ văn hóa tạo điều kiện đi sâu đi sát vào những vấn đề trọng đại, sống còn, bức xúc của đời sống, của xã hội, của lịch sử và của con người. Qua đó góp phần làm nổi bật lên sức mạnh cảm hóa, thanh lọc lớn lao của văn học nghệ thuật. Đồng thời còn có thể khắc phục được khuynh hướng đề cao một chiều, tuyệt đối hóa mặt hình thức kỹ thuật của văn chương, đôi lúc biến văn chương thành một trò chơi chữ cầu kỳ, trống rỗng. 1.2 Đặc điểm về văn hóa Nam Bộ 1.2.1 Nền tảng địa - văn hóa Nam Bộ Nền tảng địa - văn hóa của một vùng là khái niệm liên quan trực tiếp đến những vấn đề về văn hóa và địa lý. “Theo nghĩa hẹp, địa - văn hóa là sự nhìn nhận văn hóa trong mối quan hệ biện chứng với các yếu tố địa lý, nghĩa là căn cứ trực tiếp vào ý nghĩa của chính cụm từ này. Theo nghĩa rộng, đó là cách xem xét văn hóa như là một sản phẩm do ý thức chủ quan của con người sáng tạo ra nhưng đồng thời, đó cũng vừa là những kết quả của
  • 20. 20 nhân tố khách quan do các quy luật của tự nhiên tương tác vào” [98, 197]. Như vậy, khi nghiên cứu nền tảng địa - văn hóa, cần đặt sinh thái tự nhiên và xã hội tại chỗ trong quan hệ tổng hợp với toàn vùng, tìm ra cái riêng trong cái chung, từ đó có thể nhận ra những quy luật đã, đang và sẽ chi phối sự phát triển của văn hóa địa phương ấy. Nam Bộ vốn bao gồm hai vùng đất có nét riêng rõ rệt. Đông Nam bộ là vùng đồi núi thấp với những thềm phù sa cổ. Nơi đây được nhìn nhận như diềm phía nam của đai khối cao Tây Nguyên, từ đó các dòng Đa Nhim, Đa Dung hợp lưu lại thành sông lớn Đồng Nai, tiếp nước của La Ngà rồi vượt qua Trị An tới gặp Sông Bé, sông Sài Gòn để đổ ra cửa Lòng Tàu. Và Tây Nam bộ tức đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất tiếp nối địa hình bán sơn địa ấy với một đồng bằng châu thổ phẳng và thấp. Đây là sản phẩm bồi tụ của sông Mê Kông, con sông dài nhất, nhiều nước và nhiều phù sa nhất Đông Nam Á trên một khuôn vịnh nông kéo dài từ bồn địa Tông-lê-sáp của Campuchia tới khu vực đồng bằng Sông Tiền và sông Hậu [06, 12]. Những cứ liệu về mặt địa lý trên giúp chúng ta xác định vấn đề cụ thể về địa - văn hóa Nam Bộ ở đây chính là nói về khu vực Tây Nam bộ (chúng tôi gọi tắt là Nam Bộ). Khi nghiên cứu về nền tảng địa - văn hóa Nam Bộ, việc đặt trong mối tương quan với các đặc điểm về sinh thái và xã hội của vùng văn hóa này là điều kiện cần thiết. Lịch sử Nam tiến nói riêng và lịch sử Nam Bộ nói chung là lịch sử của vùng đất mới với độ dài thời gian hơn ba thế kỷ hình thành và phát triển. Đặc tính “mới” là nét bao trùm lên cả hai phương diện địa lý và lịch sử của vùng đồng bằng sông Cửu Long. So với cả nước, đây là khu vực có lịch sử khai phá trẻ nhất. Vì vậy văn hóa vùng miền của khu vực này cũng chính là văn hóa của vùng đất mới với những nét tiếp thu và bảo tồn truyền thống dân tộc và những nét đặc sắc riêng biệt phù hợp với những điều kiện tự nhiên và xã hội trên địa bàn. Quá trình Nam tiến được phản ánh rất rõ trong văn học từ những sáng tác dân gian cho đến văn chương bác học. Trong kho tàng văn học dân gian đồng bằng Sông Cửu Long, ca dao, thành ngữ, truyền thuyết, giai thoại về đất và người trong quá trình khai phá mở đất chiếm số lượng khá lớn và được xem là đặc sắc, hấp dẫn nhất. Đa số truyện kể, truyền thuyết dân gian Nam Bộ đều thể hiện những đặc tính mới của vùng miền trên nhiều biểu hiện khác nhau của văn hóa. Ngay cả truyện cười Bác Ba Phi cũng tiếp nối truyền thống ấy bằng cách tái hiện lại thiên nhiên hoang dã nơi cực nam tổ quốc với một trí tưởng tượng phong phú. Văn chương bác học cũng đã có không ít những tác phẩm tập trung khai thác mảng đề tài này một cách thành công. Qua đây càng chứng tỏ được đặc trưng của các sáng
  • 21. 21 tác văn học trong việc tái hiện cuộc sống và vai trò của nó trong việc lưu giữ và truyền tải những giá trị văn hóa dân tộc. Xem xét nguồn gốc của những người đầu tiên đặt chân đến Nam Bộ đã chứng tỏ cho chúng ta thấy nền văn hóa của khu vực này một mặt phát sinh từ những điều kiện địa lý nhân văn mới, mặt khác lại liên quan mật thiết đến các yếu tố gốc gác, cội nguồn xuất thân. Có thể tìm thấy vô số biến thể ca dao, dân ca từ miền Bắc được cải sửa trong kho tàng văn học dân gian đồng bằng sông Cửu Long. Ngày nay, khu vực này bao gồm mười hai tỉnh và một thành phố. Đồng bằng sông Cửu Long có đặc điểm địa hình là một châu thổ thấp, bằng phẳng, là sản phẩm bồi tụ của sông Mê Kông, và là nơi có cửa sông giáp biển nên việc bồi tụ này vẫn diễn ra hàng năm. Đây là nơi sở hữu một hệ thống kinh rạch chằng chịt với hơn “2500 km sông rạch tự nhiên và 2500 km sông rạch đào” [06, 14] vì thế đặc điểm nổi bật của văn hóa đồng bằng sông Cửu Long là văn hóa sông nước, kênh rạch. Điều này được thể hiện qua nền nông nghiệp lúa nước, tập quán khai thác đánh bắt thủy sản, việc giao thông đi lại đến các lễ hội về nước và đặc biệt là ngôn ngữ giao tiếp có liên quan đến sông nước. Là một vùng văn hóa có tuổi đời trẻ nhất cả nước, văn hóa đồng bằng sông Cửu Long dù đã được hình thành trong một thời gian dài nhưng vẫn đang ngày được định hình rõ nét hơn. Nó góp phần tô thắm bức tranh văn hóa đa sắc của đất nước ta nhưng vẫn giữ được những nét đặc sắc cho riêng mình. 1.2.2 Một số nét đặc trưng về văn hóa Nam Bộ Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Đức Thịnh chia đất nước ta thành 7 vùng văn hóa, trong đó văn hóa Nam Bộ là vùng thứ bảy và có những đặc điểm của một vùng đất mới. Việc phân vùng văn hóa được xác định trên cơ sở mối quan hệ giữa văn hóa lịch sử và địa lý của một vùng và gọi tắt là vùng văn hóa. “Vùng văn hóa là một vùng lãnh thổ, có những tương đồng về hoàn cảnh tự nhiên, dân cư sinh sống ở đó từ lâu có mối quan hệ nguồn gốc và lịch sử, có những tương đồng về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, giữa họ đã trải qua các mối quan hệ giao lưu, ảnh hưởng văn hóa qua lại mật thiết, nên từ lâu đã hình thành những sắc thái văn hóa chung, thể hiện trong sinh hoạt văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, có thể phân biệt với những vùng văn hóa khác” [79, 64]. Văn hóa vùng hay văn hóa vùng lãnh thổ được xác định có tính chất liên văn hóa. Nó cũng chính là văn hóa địa phương, vốn là một thực thể văn hóa, hình thành và tồn tại trong một không gian lãnh thổ nhất định, thể hiện qua một tập hợp các đặc trưng văn hóa về cách thức hoạt động sản xuất; về ăn, mặc, ở, đi lại, vận chuyển; về cách tổ chức xã hội cổ
  • 22. 22 truyền và giao tiếp cộng đồng; về vui chơi giải trí; về các sắc thái tâm lý của cư dân,… từ đó có thể phân biệt với các đặc trưng văn hóa của vùng khác. Những đặc trưng văn hóa đó hình thành và định hình trong quá trình lịch sử lâu dài, do cư dân các dân tộc trong vùng thích ứng với một điều kiện môi trường, có sự tương đồng về trình độ phát triển xã hội, đặc biệt là giữa họ có mối quan hệ giao lưu văn hóa mật thiết. Trong mỗi vùng như vậy lại có những tiểu vùng có những đặc trưng riêng lẻ. “Vùng văn hóa Nam Bộ, xét trên cả phương diện địa lý và lịch sử, đều là vùng thứ bảy và nó có ba tiểu vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ và tiểu vùng Sài Gòn - Gia Định” [80, 17]. Những đặc trưng của vùng văn hóa Nam Bộ được xác định trên các phương diện cơ bản: Nam Bộ là một vùng đất mới; vùng đất giao hòa chủng tộc và văn hóa; là vùng văn hóa với nhiều sắc thái đặc trưng. Sở dĩ gọi Nam Bộ là vùng đất mới bởi những lý do liên quan trực tiếp đến những vấn đề về lịch sử của vùng miền. Với tính chất “mới” như vậy, Nam Bộ vừa là nơi lạ lẫm, xa vời, lại vừa thu hút, vẫy gọi con người đến đây. Tuy vậy, đây không phải là mảnh đất vô chủ vì tính chất “mới’ ở đây có nghĩa đối với những người Khmer, Việt, Chăm,… hiện cùng đang sinh sống, tiếp tục khai thác vùng đất này. Đất mới với những con người cũng mới, trên vai họ không còn nặng trĩu những lề thói, cổ tục của hàng ngàn năm nên con người nơi đây cũng năng động, mạnh bạo và cởi mở hơn. Người Việt, người Chăm, người Hoa và sau đó là những người tứ xứ khác đặt chân đến vùng đất Nam Bộ sớm nhất cũng chỉ từ thế kỷ thứ XVI lại đây, còn người Khmer thì có thể sớm hơn, khoảng thế kỷ XIII . Trong công trình biên khảo “Đồng bằng sông Cửu Long nét sinh hoạt xưa”, Sơn Nam đã viết, đây là “…một vùng bị bỏ rơi, dân cư thưa thớt, phần lớn là bùn lầy ẩm thấp, khí hậu khắc nghiệt. Đất úng tạo phèn. Muỗi mòng nhiều, tôm cá sinh sôi, cá lớn nuốt cá bé, chim chóc và rắn ăn cá. Rắn bắt chim non và trứng chim, chim ăn rắn. Cỏ dại, lau sậy làm thức ăn cho heo rừng nai, voi… Nai làm mồi cho cọp. Khỉ tha hồ ăn trái cây giữa rừng, ven sông. Rừng lâm vồ, sộp, gừa rễ lòng thòng tạo hang động cho cọp sinh sản. Tán lá là môi trường của nhiều loại chim. Xác thú trôi sông nuôi dưỡng cá tôm. Diều quạ và cá sấu sinh sản mau trên bãi bùn,… Khó phân biệt đâu là đất bưng, đâu là ao vũng. Bờ biển mơ hồ thay đổi hình dạng, cây mắm, cây đước, cây vẹt từ dưới nhô lên. Sông Cửu Long đổ ra biển bồi đắp mũi Tây Nam. Mùa mưa nước chảy mạnh, thêm cơn lụt thường niên, cây mé sông trốc gốc, phù sa tuôn tràn, doi bồi, vịnh lở, có cù lao sụp xuống mất dạng nhưng ở nơi khác cồn nhỏ lại nhô lên”[46, 16]. Ngày nay, đến với vùng đồng bằng sông Cửu Long trù phú, màu mỡ ta khó hình dung được thiên nhiên còn đầy vẻ hoang sơ trong buổi đầu khai phá. Để làm được điều đó phải tìm đến những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết, các giai thoại,
  • 23. 23 ca dao dân ca Nam Bộ từ xa xưa truyền lại. Đến với Nam Bộ, những nét vừa quyến rũ vừa de dọa của thiên nhiên là những mẫu đề chính của truyện cổ và thơ ca dân gian. Sau này, trong truyện Bác Ba Phi - một loại truyện trạng của văn học Nam Bộ, một món đặc sản tinh thần của vùng sông nước thì khung cảnh thiên nhiên giàu có mà hoang sơ vẫn chính là cái nền, vẫn là dòng chảy chính mang những nỗi niềm tâm sự, những quan hệ giữa con người với nhau. Và ở thế kỷ XX, Sơn Nam đã tiếp bước truyền thống ấy một cách thành công bằng những tác phẩm văn học mang đậm những sắc thái dân gian và hơn hai mươi công trình khảo cứu có giá trị về đất và người, phong tục tập quán, lịch sử và văn hóa Nam Bộ. Nam Bộ còn được biết đến là một vùng đất giao hòa của nhiều chủng tộc và văn hóa. Những yếu tố văn hóa từ ngoài du nhập vào đồng bằng sông Cửu Long rất rõ nét: văn hóa Ấn Độ qua người Khmer, văn hóa Trung Quốc qua người Hoa, văn hóa Hồi giáo qua người Chăm. Sự hỗn hợp dân cư thuộc nhiều nguồn gốc địa phương, nhiều tôn giáo tín ngưỡng khác biệt, nhiều trình độ phát triển về mặt xã hội cũng là điều hiển nhiên. Song tất cả sự đa dạng, khác biệt đó đều được liên kết lại trong một nền văn hóa Việt Nam phong phú và đa dạng trên vùng đất mới. Động lực của sự liên kết đó là các tộc người, sau khi đã di chuyển vào đồng bằng sông Cửu Long, họ phải nương tựa vào nhau để thích nghi, khai thác, chinh phục một thiên nhiên nhiên mới, thường xuyên biến đổi và rất đa dạng, mang tính chất bán đảo, nhiệt đới, gió mùa, ẩm. Động lực của sự liên kết là dân tộc Việt đã đem cốt cách của nền văn hóa Việt vào vùng đất mới dưới những biểu hiện độc đáo. Đó là việc khai hoang, trồng cấy rất sáng tạo phù hợp với cơ chế vận động của sông và biển, của mùa mưa và mùa khô, của lũ và hạn, phát huy được nghề trồng lúa nước cổ truyền. Đó là việc lập làng mới với hình thù, thiết chế ít nhiều thay đổi mà vẫn giữ làng gắn với nước. Đó là những làn điệu dân ca, là phương ngữ đậm chất Nam Bộ, nhưng vẫn là ngôn ngữ Việt Nam, tâm lý tính cách Việt Nam đặc sắc. Đó là sự hỗn hợp của nhiều tộc người thiểu số với người Việt trên cùng một đồng bằng mà vẫn phát huy truyền thống cộng đồng dân tộc. Đó là sự xen kẽ nhiều thứ tôn giáo khác nhau, nhưng vẫn giữ được sự dung hòa. Sơn Nam được đánh giá là nhà văn điển hình của miền đất Nam Bộ. Sự nghiệp của Sơn Nam nói chung và truyện ngắn của ông nói riêng đã thể hiện được văn hóa Việt Nam với sức lôi cuốn, tập hợp và rộng mở nơi vùng đất mới. Cùng với sự đa dạng về tộc người và được đánh giá như hệ quả tất yếu của quá trình giao thoa và hỗn dung về văn hóa, Nam Bộ nói chung và miền Tây Nam bộ nói riêng là một khu vực hết sức đặc biệt về tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán. Ở vùng này có đầy đủ 6 tôn giáo lớn là Phật giáo, Thiên chúa giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo, Hồi giáo
  • 24. 24 và là khu vực đứng đầu trong cả nước về tín đồ tôn giáo. Ngoài các tôn giáo kể trên cư dân trong vùng còn theo một số tín ngưỡng khác như Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tịnh Độ Cư Sĩ,… Nam Bộ nói chung và đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng có một diện mạo văn hóa hết sức đa dạng. Nếu như người Việt có những làn điệu cải lương hay những câu hò, điệu lý thì người Khmer lại thể hiện bản sắc của mình trong điệu múa Răm-vông, hát đối đáp Ađay hay điệu nhảy theo nhịp trống Chay-dăm. Nếu như người Chăm có những hoạt động nghệ thuật sôi động trong những ngày kết thúc tháng Ramadan, sinh nhật Muhammed hoặc trong dịp cưới hỏi thì người Hoa lại góp phần vào đời sống văn hóa Nam Bộ những câu hát Tiều, hát Quảng,… Những điểm riêng đặc sắc đó của mỗi tộc người ngày một phát triển và hội nhập vào nhau, tạo nên nét đặc trưng riêng không thể trộn lẫn của văn hóa Nam Bộ, tạo nên tính cách chung của người Nam Bộ trọng nghĩa, khinh tài, phóng khoáng và hiếu khách,… Và vượt lên trên tất cả, từ rất sớm các cộng đồng dân cư Nam Bộ đã có truyền thống đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, không phân biệt người đến trước, người đến sau, không kỳ thị dân tộc. Truyền thống quý báu này được hình thành và phát triển trong nhiều thế kỷ chung lưng đấu cật cùng nhau khai phá, phát triển vùng đất Nam Bộ trước đây và trong quá trình đấu tranh chống áp bức của phong kiến và thực dân sau này. Cũng cần nói thêm rằng, nếu như nhu cầu khai khẩn vùng đất mới đã tạo điều kiện hình thành sự đoàn kết của cộng đồng thì yếu tố làm cho sự đoàn kết đó trở thành một giá trị lâu bền chính là ý thức dân tộc, là tư tưởng, tình cảm, tâm hồn gắn bó với mảnh đất yêu quý của họ, là yêu cầu của sự sống còn trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung của cả dân tộc. Nam Bộ là một khu vực bao gồm nhiều dân tộc, cư dân trong vùng theo nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau, nhưng các cộng đồng ở đây không tồn tại biệt lập theo nhiều không gian văn hóa tộc người riêng rẽ mà sống xen kẽ nhau trong một đơn vị hành chính. Chính điều kiện cộng cư này làm cho các dân tộc có điều kiện tiếp xúc với nhau nhiều hơn. Trong quá trình đó các dân tộc vừa giao lưu vừa tiếp nhận những giá trị văn hóa của nhau để làm giàu thêm bản sắc văn hóa vốn có của mình. Nam Bộ là vùng đất với những sắc thái văn hóa đặc trưng dựa trên những nét cơ bản: Thứ nhất, người dân Nam Bộ cơ bản vẫn là những người nông dân, những người làm ruộng vườn, những việc lao động đồng áng. Như vậy, văn hóa truyền thống của vùng đất này vẫn là văn hóa, văn minh nông nghiệp. Tuy vậy, nông nghiệp và người dân Nam Bộ vẫn có những sắc thái riêng biệt. Đó là kiểu canh tác giữa ruộng và vườn được kết hợp chặt chẽ. Ở Nam Bộ, hệ thống kênh rạch chằng chịt vừa tự nhiên vừa nhân tạo không những
  • 25. 25 đóng vai trò tưới tiêu mà còn là huyết mạch giao thông đi lại. Nhiều ý kiến còn gọi nơi đây chính là khu vực của “văn minh kinh rạch”, “văn minh miệt vườn” hay “văn minh sông nước”,… Chính đặc trưng này đã chi phối toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân Nam bộ. Mặc dù vậy, nông thôn Nam Bộ không gắn chặt trong mối quan hệ kiểu tự cấp tự túc như Bắc bộ trước đây mà phần nhiều cũng gắn với nền kinh tế thị trường của các khu vực lân cận như Sài Gòn và các đô thị khác trong vùng. Thứ hai, mô hình tụ cư của cư dân Nam Bộ vẫn theo phương thức chung của cư dân nông nghiệp nước ta, tuy nhiên, do môi trường và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của vùng nên cách tổ chức dân cư và xã hội nông thôn ở đây cũng có những sắc thái riêng. Kiểu tụ cư phân tán theo kênh rạch, theo địa hình canh tác được người dân Nam Bộ ưa thích nhất vẫn là “tiền viên hậu điền”, nhiều khuôn viên tụ lại thành ấp, xóm với phương tiện đi lại phổ biến vẫn là những chiếc ghe xuồng quen thuộc. Vốn là nơi đất mới, dân cư tứ xứ đến khai phá vì vậy không có sự ràng buộc chặt chẽ giữa con người với địa bàn mới, nếu thích hợp sinh sống họ sẽ ở lại, bằng không họ lại ra đi tìm nơi phù hợp hơn. Chính vì lẽ đó quan hệ cộng đồng làng xã ở đây cũng không gắn bó quá chặt chẽ. Thứ ba, những sắc thái riêng trong nếp sinh hoạt ăn, mặc, ở, đi lại của người dân Nam Bộ: Nếp sống và cách ăn uống thường không đi vào cầu kỳ, tỉ mỉ, thưởng thức cái tinh tế của lối sống, cách ăn mà thiên về sự dư dật, phong phú. Nếu người Hà Nội, người Huế thích ăn uống trong khung cảnh gia đình, thì ở một chừng mực nào đó, nhất là trong quan hệ bạn bè, người Nam Bộ lại ưa ăn uống nơi hàng quán. Về nơi ở, cư dân trong vùng thường chọn nhà kiểu ba gian hai chái, làm bằng tre nứa, lợp bằng lá dừa, phân vách, khá đơn giản nhằm tiện di chuyển khi cần thiết. Nét đặc sắc trong trang phục của người Nam Bộ rất dễ nhận thấy, đó chính là bộ bà ba đen và tấm khăn rằn, hình ảnh đặc trưng của nông dân Nam Bộ qua nhiều thăng trầm của thời gian đến nay vẫn còn được duy trì, phát huy và đã có những cách tân đáng kể. Môi trường sinh thái ở đây là sông nước vì vậy kênh rạch, sông ngòi cũng chính là đường giao thông, là đầu mối giao lưu và thuyền bè chính là phương tiện đi lại, chuyên chở chính yếu, bởi thế từ lâu dân gian Nam Bộ đã có câu “sắm xuồng để làm chân”. Ngoài ra, nói tới sắc thái văn hóa Nam Bộ, chúng ta không thể không nói tới ngôn ngữ - tiếng Nam Bộ. Đó chính là phương ngữ Việt, được hình thành trong quá trình người Việt đến khai thác đồng bằng Nam Bộ. Nó thu hút vào mình ngôn ngữ của những con người từ muôn nơi lưu lạc đến, nhưng đồng thời cũng sản sinh và phản ánh thế giới tự nhiên và con người nơi vùng đất mới với bao màu sắc mới mẻ và đa dạng. Người Nam Bộ cũng để lại sắc thái rất riêng biệt trong cách diễn xướng dân gian theo kiểu nói như nói vè,
  • 26. 26 nói thơ, nói tuồng,… Người ta dễ dàng nhận ra “dấu vết của ngôn ngữ nói trong ngôn ngữ văn học và ngược lại, ngôn ngữ văn học cũng dường như dễ dàng hơn hòa nhập cuộc đời thường”[06, 22]. Họ còn được biết đến là những con người yêu thích âm nhạc và ca hát. Âm nhạc Nam Bộ thể hiện rõ trong dân ca Nam Bộ với các làn điệu lý, hát ru, hò,…và đặc biệt là sân khấu cải lương, hát bội, đờn ca tài tử. Những sáng tác và biên khảo của Sơn Nam đạt được điều này như một đặc điểm truyền thống vốn có của văn học Nam Bộ. Nói tới sắc thái văn hóa Nam Bộ người ta thường không quên nhắc tới một đặc điểm đó là tính cách Nam Bộ. Tính cách là một khía cạnh văn hóa ứng xử và để lại dấu ấn rõ rệt trong mọi mặt đời sống văn hóa. Tính cách Nam Bộ đã từng được người xưa lưu ý tới, Trịnh Hoài Đức cho rằng người Nam Bộ là người “trọng nghĩa khinh tài”, Lê Quý Đôn thì xem dân Nam Bộ là dân “dám làm ăn lớn”,… Những người đầu tiên đặt chân đến vùng đất này có gốc gác từ dân tội đồ, lưu tán, dám bỏ quê hương tới khai thác vùng đất mới với bao thách thức và hiểm nghèo, đã tôi luyện cho họ “tính mạo hiểm”, một cuộc đời phiêu bạt nay đây mai đó, nhưng mặt khác trong tâm thức họ vẫn có nỗi khát khao hướng về nguồn cội, giữ gìn đạo đức cổ truyền. Vì vậy, ở những nơi họ đặt chân đến đã mọc lên các đền miếu thờ vọng về cố hương. “Những người khai phá vùng đất mới là những người coi nghĩa khí làm đầu, kết bạn bè huynh đệ giữa những người có nghĩa khí đáng tin cậy. Họ cư xử hào hiệp, trọng nghĩa khí, coi khinh tiền tài, có thể vì nghĩa khí mà xả thân mình không nuối tiếc. Họ còn là những người mến khách, thông cảm, quý trọng nhau có thể nhường cơm xẻ áo. Trong ứng xử, họ cởi mở chan hòa, dễ kết thân, dễ hòa vào với cộng đồng mới lạ, không sĩ diện kiểu kẻ sĩ, không quá coi trọng môn đăng hộ đối. Người Nam Bộ xưa là những người ít học, và cũng không coi việc học hành là con đường tiến thân, đổi đời như người miền Bắc. Bởi vậy họ không phải là những người sống nội tâm, chuộng suy tư, mà là những người ưa hành động. Trong ứng xử, họ bộc trực, thẳng thắn, ít chữ nghĩa, văn chương rào đón” [98, 436]. Tính cách con người và văn hóa vùng đất Nam Bộ được hình thành trong sự tác động qua lại giữa thiên nhiên, xã hội, con người trên nền tảng tính cách dân tộc Việt Nam. Trong một cội chung, phẩm chất chung của dân tộc Việt Nam, người Việt trên vùng đất mới đã hun đúc nên tính cách riêng của mình. Trong khung cảnh thiên nhiên chung của Việt Nam, thiên nhiên Nam Bộ hiện ra với diện mạo đặc sắc thậm chí có những điểm tương phản. Trong cộng đồng chung của các dân tộc Việt Nam không nơi nào như ở châu thổ Cửu Long, người Việt cùng các dân tộc ít người sống chung hòa hợp với nhau trên mảnh đất đồng bằng phù sa và màu mỡ. Trong nền nông nghiệp cổ truyền Việt Nam, phong cách của nông dân Nam Bộ làm ăn, kinh doanh khai thác trên các vùng đất mặn, đất phèn, đất giồng,
  • 27. 27 đất phù sa đều có những điểm khác nhau. Trong ngôn ngữ Việt Nam, phương ngữ Nam Bộ có nét đặc thù. Cư dân vùng này yêu nước, đoàn kết, kiên cường nhân hậu, giàu lòng nhân ái. 1.3 Nhà văn Sơn Nam với vùng đất Nam Bộ 1.3.1 Cuộc đời và sự nghiệp Nhà văn Sơn Nam tên thật là Phạm Minh Tài sinh năm 1926 tại làng Đông Thái, huyện An Biên tỉnh Rạch Giá nay là Kiên Giang, mất năm 2008 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cuộc đời và sự nghiệp của Sơn Nam gắn liền với vùng đất và con người Nam Bộ. Quê gốc của Sơn Nam vốn ở Long Xuyên, An Giang, sau đó ông nội nhà văn đưa cả gia đình đến lập nghiệp tại ven rừng U Minh với bạt ngàn cỏ cây chim muông, phong cảnh hoang sơ, con người thưa thớt. Đây chính là nơi sinh ra và nuôi ông lớn lên. Đây cũng chính là bối cảnh không gian được nhà văn thể hiện trong nhiều sáng tác của mình sau này, đặc biệt là trong các tập truyện Hương rừng Cà Mau và Biển cỏ Miền Tây. Sơn Nam vốn xuất thân trong một gia đình nông dân, thủa nhỏ ông học tiểu học ở quê nhà, lớn lên theo học trường Collège tại Cần Thơ. Đây là thời gian đầu tiên Sơn Nam tiếp xúc với cuộc sống thị thành và biết đến những vấn đề chính trị xã hội. Sau khi tốt nghiệp Thành chung năm 1945, Sơn Nam dự định quay về Rạch Giá làm việc thì Cách mạng tháng Tám bùng nổ. Ông gia nhập Thanh niên Tiền phong, tham gia cướp chính quyền ở địa phương, rồi tiếp tục tham gia kháng chiến Nam Bộ. Tại mặt trận Rạch Giá, Sơn Nam giữ trọng trách Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Rạch Giá, phó bí thư Tỉnh Đoàn Thanh niên cứu quốc, tiếp đó tham gia công tác tại Hội Văn hóa Cứu quốc Tỉnh và về phòng chính trị quân khu 9. Đến năm 1950, Sơn Nam chuyển qua làm cán bộ văn nghệ thuộc Ban tuyên huấn Xứ ủy Nam kỳ. Sau Hiệp định Genève, Sơn Nam được phân công trở lại Rạch Giá, tiếp tục hoạt động văn nghệ và báo chí trong lòng địch. Trong suốt chín năm kháng chiến chống Pháp gian khổ, ông hoạt động cách mạng ở địa bàn chiến khu IX. Và cũng chính trong thời gian này, Sơn Nam đã bắt đầu sự nghiệp sáng tác của mình. Tiêu biểu là sự ra đời của các tập ký sự Tây đầu đỏ và truyện vừa Bên rừng cù lao Dung. Đây chính là hai tác phẩm đạt giải nhất và giải nhì Văn nghệ Cửu Long của Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ. Sơn Nam bắt đầu sự nghiệp của mình từ đây Năm 1955, Sơn Nam hoạt động trên lĩnh vực báo chí ở Sài Gòn cùng Viễn Phương, Trang Thế Hy, Lê Vĩnh Hòa,… Ông cộng tác với nhiều tờ báo công khai như: Nhân loại, Tiếng chuông, Lẽ sống, Tin văn,... Bút hiệu Sơn Nam cũng chính thức được sử dụng trong khoảng thời gian này với ý nghĩa: Sơn là họ của người Khmer được ông lấy để lưu giữ một kỷ niệm riêng và cũng để nhắc nhở mình về nơi chôn nhau cắt rốn, và vùng đất phương
  • 28. 28 Nam đã nuôi dưỡng ông nên người. Đây chính là giai đoạn sáng tác sung sức nhất của Sơn Nam. Các tác phẩm của ông thể hiện tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm của nhân dân Nam Bộ ở nhiều dạng thức khác nhau. Những công trình biên khảo đầu tiên cũng ra đời trong khoảng thời gian này như: Chuyện xưa tích cũ, tập truyện Tục lệ ăn trộm, các biên khảo Tìm hiểu đất Hậu Giang và Nguyễn Trung Trực - người anh hùng dân chài. Khi chính quyền Diệm ban bố luật 10/1959, Sơn Nam bị kết tội có vấn đề về tư tưởng, bị giam ở nhà tù Phú Lợi trong hai năm 1960-1961. Sau khi ra tù, Sơn Nam vẫn tiếp tục công việc sáng tác và biên khảo. Bấy giờ trên báo Nhân Loại, những câu chuyện về đất nước tình người của quê hương Nam Bộ của Sơn Nam đã liên tiếp được đăng tải trong mục xuất hiện thường kỳ “Hương rừng Cà Mau”. Năm 1962, nhà xuất bản Phù Sa đã tập hợp và cho in chung lại thành tập truyện Hương rừng Cà Mau (tập 1). Hương rừng Cà Mau phần nào dựng lại được phong tục, lối sống, suy nghĩ và tình cảm của người dân miền Nam ở buổi đầu đi khẩn hoang. Một giai đoạn đầy gian truân, khổ ải của cha ông, nhưng cũng rất vinh quang, rất đẹp và dạt dào tình cảm. Để tránh sự kiểm duyệt gắt gao của kẻ thù, Sơn Nam đã tập trung vào mốc thời gian những người dân từ khắp nơi đến đây khai phá lập nghiệp và qua đó dần hình thành nên nếp sống, phong tục tập quán, văn hóa nơi vùng đất mới. Tập truyện ngắn này ngay từ khi mới ra đời đã được đánh giá cao và được xem như là mốc định hình phong cách khảo cứu về văn hóa Nam Bộ - rất Sơn Nam. Trên đà sáng tác ấy, Sơn Nam cho ra đời những tác phẩm như: Chim quyên xuống đất (1963), Hình bóng cũ (1964), Hai cõi U Minh và Vọc nước giỡn trăng (1965). Những tác phẩm này tiếp tục men theo con đường đã định hình của Sơn Nam ngay lúc đầu – viết về đất và người Nam bộ. Tên tuổi và uy tín của Sơn Nam ngày càng lan rộng, lôi cuốn nhiều độc giả trong khu vực. Tuy vậy, chính quyền ngụy bấy giờ cũng tập trung khai thác ông trên danh nghĩa xem trọng tài năng của những người kháng chiến cũ. Trước tình hình đó, Sơn Nam được Trung ương Cục đề nghị trở vào vùng kháng chiến nhưng ông đã từ chối và tiếp tục ở lại Sài Gòn. Với quan điểm “sáng tác văn học là để yêu nước”, Sơn Nam cho rằng dù ở đâu cũng có thể đánh giặc bằng ngòi bút. Trong thời gian này, ông cho ra đời tập truyện vừa Truyện ngắn của truyện ngắn, lấy bối cảnh về đất và người Sài Gòn nơi ông đang sống trước sự du nhập ào ạt của văn minh Mỹ. Với định hướng ngay từ đầu, Sơn Nam đã tiếp tục sự nghiệp sáng tác và biên khảo của một con người thật sự có lòng yêu quê hương đất nước. Tập truyện ngắn Biển cỏ miền tây ra đời như sự tiếp nối vững chắc cho tư tưởng của chính nhà văn trong Hương rừng Cà
  • 29. 29 Mau. Tiểu thuyết Xóm Bàu Láng (1968), Bà Chúa Hòn (1969), Vạch một chân trời (1969) và các tập khảo cứu Nói về miền Nam (1967), Người Việt Nam có dân tộc tính không (1970), Văn minh miệt vườn (1970) đã được ra đời trong khoảng thời gian này. Cây bút Sơn Nam đã tự tin vững bước đi vào vùng đất Nam Bộ và để lại những giá trị lâu bền cùng thời gian. Xuất phát từ cơ sở đó, với vốn kiến thức tích lũy rộng qua nhiều nguồn khác nhau từ thực tế tìm hiểu trên đường đi chiến khu qua những vùng miền khác nhau và từ những kiến thức đọc được từ sách vở đầu những năm 70, Sơn Nam đã liên tiếp cho ra đời hàng loạt những công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa xã hội có giá trị của Nam Bộ như: Miền Nam đầu thế kỷ XX - Thiên Địa Hội và cuộc Minh Tân (1971), Gốc cây, cục đá và ngôi sao (1973), đặc biệt là hai tập khảo cứu rất có giá trị Lịch sử khẩn hoang miền Nam (1973), Cá tính miền Nam (1974). Cũng chính vì hoạt động trên lĩnh vực văn nghệ và báo chí của trí thức ở nội thành Sài Gòn mà một lần nữa Sơn Nam lại bị địch bắt trong vụ “ký giả ăn mày”. Khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, ông được trả tự do và tiếp tục sự nghiệp văn chương của mình tại Hội văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh cho đến khi nghỉ hưu năm 1990. Trước đó, năm 1977, Sơn Nam đã gia nhập hội nhà văn Việt Nam. Mặc dù nhà văn từng khẳng định mình cầm bút trước tiên là vì sinh kế nhưng với niềm đam mê văn nghệ và tấm lòng đối với quê hương xứ sở, Sơn Nam vẫn tiếp tục sự nghiệp một cách đều đặn, bền bỉ cho đến cuối đời. Trong thời gian này, ông tập trung khảo cứu về lịch sử, văn hóa, con người khu vực Nam Bộ với những công trình như: Đất Gia Định xưa (1984), Đồng bằng sông Cửu Long: nét sinh hoạt xưa, Lịch sử đất An Giang (1988), Lăng Ông Bà Chiểu và lễ hội văn hóa dân gian (1990), Bến Nghé xưa (1992), Văn minh miệt vườn (1992), Đình miếu và lễ hội dân gian (1992), Lịch sử Đồng Tháp Mười (1993), Nghi thức lễ bái của người Việt Nam (1997), Dạo chơi – Tuổi già (1997), Ấn tượng 300 năm và Sài Gòn lục tỉnh xưa (1998),… Nhân dịp kỷ niệm 300 năm (1698 - 1998) Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, nhà xuất bản Trẻ đã ấn hành Hương rừng Cà Mau tập 2 và tập 3 vào năm 1999. Những công trình trên là kết quả của quá trình lao động nghiêm túc sau nhiều chuyến đi thực tế học hỏi và tìm kiếm tư liệu. Qua đó, đã khẳng định Sơn Nam là một trong những nhà biên khảo hàng đầu về văn hóa và con người Nam Bộ. Những kiến thức mà ông mang đến chứa đựng đầy ắp những giá trị về đất nước, con người, lịch sử, văn hóa, xã hội của vùng đất Nam Bộ. Cuộc đời và sự nghiệp của Sơn Nam thực sự là một tấm gương lao động cần cù và nghiêm túc. Dù tuổi đã cao, ông vẫn tiếp tục theo đuổi ý nguyện ban đầu của mình như lời nhà văn từng tâm sự rất chân tình: “ Là một người thật sự muốn đến và luôn đi lữ hành mọi
  • 30. 30 vùng đất Nam Bộ, đi từ ngọn nguồn của đường nét văn hóa Nam Bộ bao la để hiểu, để suy nghĩ cho đúng; từ khi cầm bút đến nay ngoài 80, tôi vẫn không từ bỏ ý định đó, dù hiện giờ sức khỏe không cho phép”. Đầu những năm 2000, Sơn Nam cho ra đời bộ hồi ký Từ U Minh đến Cần Thơ, Ở chiến khu 9, 20 năm giữa lòng đô thị, Bình An. Tác phẩm không chỉ giúp chúng ta nhìn nhận cuộc đời và sự nghiệp của cá nhân nhà văn từ lúc sinh ra, lớn lên, rời khỏi đất U Minh cho đến khi đặt chân và định cư tại đất Sài Gòn mà còn thể hiện được bức tranh lịch sử xã hội Nam Bộ đương thời. Người đọc thấy qua các trang hồi ký ấy một con người lặng lẽ đi, lặng lẽ ngắm nhìn, quan sát và kể lại. Kiên Giang, Cần Thơ, Sài Gòn... những vùng đất hiện lên trên từng trang viết qua tâm tưởng và tình cảm của một người tha thiết muốn tìm hiểu và khám phá, muốn truyền lại cho thế hệ sau tình yêu đất đai, bờ cõi của chính quê hương mình. Bên cạnh đó, hồi ký Sơn Nam cũng chính là nguồn tư liệu giúp chúng ta xác định hoàn cảnh ra đời của nhiều sáng tác quan trọng của ông từ những truyện ngắn đầu tay cho đến những ghi chép cuối cùng khi đã hơn tám mươi tuổi tại đất Sài Gòn ồn ào náo nhiệt. Sự nghiệp của Sơn Nam trải rộng trên nhiều thể loại nhưng có thể nói phong cách Sơn Nam là phong cách đặc sắc rừng U Minh, nhà văn đã giữ gìn và hoàn thiện trong hơn 60 năm, với hàng loạt sáng tác mà bạn đọc cả nước nhớ, yêu. Trong đó nổi bật lên trên nhiều mặt vẫn là truyện ngắn Sơn Nam. Ở độ tuổi ngoài 80, Sơn Nam vẫn là cây bút cộng tác đáng tin cậy của nhiều tờ báo tại Sài Gòn, đồng thời ông còn được mời đi nhiều nơi để nói chuyện về phong tục tập quán địa phương của đất và người miền Tây Nam bộ. Hình dáng một ông già ốm yếu, người gầy gò, trên tay luôn cầm điếu thuốc lá với một vốn kiến thức sâu rộng về văn hóa và con người Nam Bộ đã để lại nhiều ấn tượng rốt đẹp cho người tiếp xúc. Vì thế, nhiều đoàn làm phim đã mời ông tham gia làm cố vấn về văn hóa và phong tục. Một số truyện ngắn của Sơn Nam cũng đã được chuyển thể thành phim như: Cây huê xà, Mùa len trâu. Không chỉ là nhà văn, nhà khảo cứu, Sơn Nam còn là một kho tư liệu sống về con người, văn hóa, địa lý, lịch sử… của vùng đất phương Nam. Với những tác phẩm của mình, ông đã làm sống lại quá khứ miền Nam, không chỉ hiện nay mà cả hàng trăm năm về trước, từ chuyện khẩn hoang lập ấp, chuyện thời Đàng Cựu, đến lai lịch của từng vùng đất cụ thể: Sài Gòn, Gia Định, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Long Hồ…; những chuyện tranh chấp thế lực từ thời Trịnh - Nguyễn, chuyện Tây Sơn vào Nam dẹp giặc Xiêm; chuyện đấu tranh thời thực dân giữa ta và Tây; chuyện sinh cơ lập nghiệp của vài dòng họ; chuyện tranh chấp đặc quyền hơn thua giữa những gia đình, cá nhân; đan xen những chuyện xưa là những chuyện trong những năm gần đây, trước và sau những năm thống nhất đất nước....
  • 31. 31 Sơn Nam là nhà văn với những tính cách đặc biệt Nam Bộ, ông đã chọn cho mình con đường sáng tác ngay từ khởi đầu sự nghiệp cầm bút của mình, đó là tìm về cội nguồn văn hóa dân tộc, mà chính xác là văn hóa Nam Bộ, bằng lối văn mộc mạc nhưng chắt lọc, chữ nghĩa giản dị mà đậm tính nghệ thuật, gần gũi với đời sống thực tế người dân nơi đây. Trong hồi ký Sơn Nam ông tâm sự: “Tôi bắt đầu viết từ những năm đầu của thập niên 50, viết trong khu kháng chiến. Tác phẩm của tôi chỉ được công chúng biết đến nhiều khi được in và phát hành ở Sài Gòn. Tôi định hướng ngay từ buổi đầu đến với nghề viết: viết về cuộc khẩn hoang miền Nam. Cả đời tôi đã đi theo định hướng đó và bây giờ vẫn tiếp tục định hướng như vậy vì tôi đã sinh ra, lớn lên và sống ở vùng đất U Minh”[51, 68]. Tháng 08/2008 do tuổi cao sức yếu, Sơn Nam đã ra đi trong sự tiếc thương của biết bao độc giả, đặc biệt của bà con Nam Bộ. 1.3.2 Ảnh hưởng và tác động của hoàn cảnh sống ở Nam Bộ đến Sơn Nam Trong văn học Việt Nam hiện đại, một số những cây bút văn xuôi truyện ngắn, tiểu thuyết, theo những cách thức và mức độ khác nhau, đã bộc lộ khuynh hướng tiếp cận văn hóa trong sáng tác nghệ thuật như Nguyễn Tuân, Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng, Trang Thế Hy, Lê Lựu, Dương Hướng, Nguyễn Khắc Trường… Nhà văn, nhà biên khảo Sơn Nam của “văn học miền đất mới” là người rất có ý thức về cách nhìn nhận dân tộc hiện đại trong sự kết hợp với văn hóa trong việc sáng tạo nghệ thuật. Ngay từ những sáng tác đầu tay, Sơn Nam đã sớm biết khơi nguồn và bồi đắp tài năng, phong cách từ hồn cốt văn hóa dân tộc. Có lẽ vì vậy danh xưng nhà văn hóa Nam Bộ đối với Sơn Nam quả thật rất xứng đáng. Dù nói về quá khứ hay hiện tại, viết về con người hay cảnh sắc thiên nhiên, về nông thôn hay đô thị, hồi ký hay là những ghi chép cá nhân, Sơn Nam cũng chú ý đi sâu vào tâm hồn tính cách con người Việt Nam, quê hương Việt Nam và điểm chú ý của ông chính là vùng đất và con người Nam Bộ nơi ông sinh ra và lớn lên. Người đọc trong và ngoài nước rồi đây còn chú ý đến Sơn Nam và sự nghiệp của ông cũng chính vì Sơn Nam không chỉ là một nhà văn miệt vườn mà còn là nhà Nam Bộ học, nhà văn hóa Nam Bộ. Sự nghiệp của Sơn Nam mở ra một hướng đi lớn đầy hứa hẹn trong sự vận động và phát triển của văn học hiện đại Việt Nam ở khu vực phía Nam. Đến khi tuổi đã ngoài 80 lang thang trên đường phố Sài Gòn nóng bức chật chội, Sơn Nam vẫn đặt bên lòng mối quan tâm xem xét người Việt Nam có dân tộc tính không và đi tìm sự lý giải một cách thuyết phục và đầy tình người.