SlideShare a Scribd company logo
1 of 139
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
Trần Thị Mai Lan
YẾU TỐ KÌ ẢO TRONG TIỂU
THUYẾT, TRUYỆN NGẮN VIẾT VỀ
CHIẾN TRANH GIAI ĐOẠN SAU 1975
LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC
Thành phố Hồ Chí Minh - 2012
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TRẦN THỊ MAI LAN
YẾU TỐ KỲ ẢO TRONG TIỂU THUYẾT,
TRUYỆN NGẮN VIẾT VỀ CHIẾN TRANH GIAI
ĐOẠN SAU 1975
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Mã số: 60 22 34
LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC
Người hướng dẫn khoa học
TS. Hoàng Thị Văn
Thành phố Hồ Chí Minh - 2012
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi, các số liệu và
kết quả nghiên cứu nêu trong luận văn là trung thực, được các đồng tác giả cho
phép sử dụng và chưa từng được công bố trong bất kì một công trình nào khác.
Tác giả luận văn
TRẦN THỊ MAI LAN
LỜI CÁM ƠN
Tôi xin chân thành cám ơn TS. Hoàng Thị Văn – giảng viên khoa ngữ văn
trường đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã tận tình hướng dẫn, giúp đỡ,
và tạo điều kiện cho tôi hoàn thành luận văn.
Tôi xin chân thành cám ơn các thầy cô trong khoa ngữ văn đã tận tình giảng
dạy, giúp đỡ tôi trong suốt những năm tôi học tập tại nhà trường.
Tôi xin chân thành cám ơn các cán bộ, công nhân viên trong thư viện trường
đã tạo điều kiện thuận lợi để tôi có được những tài liệu phục vụ cho quá trình học
tập và tìm hiểu nghiên cứu để hoàn thành tốt luận văn này.
Cuối cùng tôi xin chân thành cám ơn các bạn bè trong lớp Cao học chuyên
ngành Văn học Việt Nam, khóa 19, đã cùng tôi học tập trong suốt những năm qua.
Với những năm tháng đó, tôi đã học được nhiều kinh nghiệm quí báu từ các bạn.
Tác giả luận văn
TRẦN THỊ MAI LAN
MỤC LỤC
Phần mở đầu.....................................................................................................................7
1. Lý do chọn đề tài ................................................................................................................. 7
2. Lịch sử vấn đề...................................................................................................................... 9
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ...................................................................................... 13
3.1. Đối tượng nghiên cứu............................................................................................................................ 13
3.2. Phạm vi nghiên cứu............................................................................................................................... 13
4. Phương pháp nghiên cứu................................................................................................... 14
4.1. Phương pháp khảo sát, thống kê............................................................................................................ 14
4.2. Phương pháp phân tích, tổng hợp.......................................................................................................... 14
4.3. Phương pháp so sánh, đối chiếu ............................................................................................................ 14
5. Mục đích của luận văn....................................................................................................... 14
6. Đóng góp của luận văn....................................................................................................... 15
7. Cấu trúc của luận văn........................................................................................................ 15
Phần nội dung.................................................................................................................17
Chương 1: Yếu tố kì ảo và các dạng thức xuất hiện của yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết,
truyện ngắn viết về chiến tranh giai đoạn sau 1975 ............................................................... 17
1.1. Khái niệm về yếu tố kì ảo...................................................................................................................... 17
1.2. Các dạng thức biểu hiện của yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh sau
1975.............................................................................................................................................................. 19
1.2.1. Mô-tip giấc mơ............................................................................................................................... 19
1.2.2. Hồn người chết trở về .................................................................................................................... 24
1.2.3. Những sự việc kinh dị, kì lạ ........................................................................................................... 28
1.2.4. Lời nói, hành động kì lạ của nhân vật ............................................................................................ 31
Chương 2: Vai trò và hiệu quả nghệ thuật của việc sử dụng yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết,
truyện ngắn viết về chiến tranh giai đoạn sau 1975 ............................................................... 34
2.1. Vai trò của yếu tố kì ảo trong kết cấu nghệ thuật tác phẩm................................................................... 34
2.1.1. Yếu tố kì ảo và tình huống truyện.................................................................................................. 34
2.1.2. Yếu tố kì ảo và cốt truyện .............................................................................................................. 42
2.2. Yếu tố kì ảo và thế giới hình tượng ....................................................................................................... 53
2.2.1. Yếu tố kì ảo và nhân vật................................................................................................................. 53
2.2.1.1. Nhân vật là những hồn ma...................................................................................................... 53
2.2.1.2. Loại nhân vật dị thường, kì lạ................................................................................................. 58
2.2.1.3. Loại nhân vật mang màu sắc huyền thoại, cổ tích .................................................................. 61
2.2.2. Yếu tố kì ảo và không gian - thời gian nghệ thuật ......................................................................... 63
2.2.2.1. Không gian nghệ thuật............................................................................................................ 63
2.2.2.2. Thời gian nghệ thuật............................................................................................................... 70
2.3. Yếu tố kì ảo và việc biểu đạt các lớp ý nghĩa trong tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh sau
1975.............................................................................................................................................................. 75
2.3.1. Chiến tranh – sự mất mát không gì bù đắp..................................................................................... 75
2.3.2. Chiến tranh – nỗi cô đơn và niềm khát khao hạnh phúc ................................................................ 80
2.3.3. Người lính và sự tha hóa, biến chất................................................................................................ 88
Chương 3: Yếu tố kì ảo từ góc nhìn thể tài, đời sống tâm linh và sắc thái thẩm mỹ............... 91
3.1. Yếu tố kì ảo từ góc nhìn thể tài tiểu thuyết, truyện ngắn....................................................................... 91
3.1.1. Đặc điểm thể tài tiểu thuyết, truyện ngắn....................................................................................... 91
3.1.2. Yếu tố kì ảo - Sự giống và khác nhau trong thể tài tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh
sau 1975. .................................................................................................................................................. 92
3.2. Yếu tố kì ảo từ góc nhìn văn hóa tâm linh........................................................................................... 104
3.2.1. Thuật ngữ tâm linh....................................................................................................................... 104
3.2.2. Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh sau 1975 từ góc nhìn văn hóa
tâm linh .................................................................................................................................................. 105
3.3. Yếu tố kì ảo từ sắc thái thẩm mỹ ......................................................................................................... 118
KẾT LUẬN ...................................................................................................................127
Phần mở đầu
1. Lý do chọn đề tài
Kể từ sau chiến thắng mùa xuân 1975, lịch sử dân tộc mở sang một trang mới,
dẫn đến nền văn học nước nhà cũng bước vào một chặng đường mới. Tuy vẫn tiếp
nối nền văn học Cách mạng trước đó với đề tài chủ yếu là chiến tranh và người
lính, song thông qua các trang viết, có thể thấy sự thay đổi rõ rệt trong cách thể
hiện của các tác giả về cuộc chiến đã qua. Mặc dù vẫn còn mang âm hưởng sử thi
và cảm hứng ngợi ca, tuy nhiên bức tranh đời sống lúc này không chỉ đơn điệu là
một màu hồng. Các tác phẩm giai đoạn này không còn là một dàn đồng ca ca ngợi
hùng hồn về sự vẻ vang của chiến thắng, sự anh dũng của người chiến sĩ trên mặt
trận nữa mà mỗi tác phẩm là một mảng khác nhau về chiến tranh với nhiều góc
khuất sáng tối, về cuộc sống của những người lính đã từng sống trong chiến tranh
ác liệt. Số phận của họ sẽ ra sao khi hòa bình lập lại? Họ sẽ vui mừng trong niềm
vui chiến thắng, sẽ hãnh diện với những chiến công mà mình lập được và hạnh
phúc khi được về với mái ấm gia đình mà một thời họ đã bị chia cắt bởi chiến
tranh,… Hay sẽ là một điều gì đó? Họ, những người chiến sĩ anh dũng một thời, trở
về thời bình làm thế nào để hòa nhập với cuộc sống khi mà một phần tuổi trẻ của
họ đã để lại nơi chiến trường ác liệt năm nào. Tất cả những điều này là những gì mà
các nhà văn giai đoạn sau chiến tranh quan tâm, trăn trở và tìm cách lý giải trong
các tác phẩm của mình.
Những đổi mới mạnh mẽ về mặt nội dung đã dẫn đến sự chuyển biến rõ rệt về
mặt nghệ thuật mà một trong những thay đổi đáng kể đó là yếu tố kì ảo được đưa
vào sử dụng một cách dày đặc trong các tác phẩm. Yếu tố kì ảo trở thành một công
cụ đắc dụng giúp nhà văn đi sâu khám phá thế giới tinh thần vốn đầy bí ẩn của con
người mà cụ thể là người lính với những ám ảnh về một quá khứ không thể lãng
quên và những ẩn ức bị kìm nén bên trong tâm hồn. Với vai trò là một thủ pháp
nghệ thuật, yếu tố kì ảo đã góp phần không nhỏ giúp nhà văn chuyển tải đến người
đọc những suy nghĩ, trăn trở của mình về cuộc chiến đã qua. Sự hiện diện của yếu
tố kì ảo trong tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh một mặt chi phối đến các
thành tố khác của tác phẩm như cốt truyện, tình huống, nhân vật, không gian, thời
gian,... mặt khác, sự xuất hiện của nó đã góp phần không nhỏ trong việc thể hiện
chủ đề, nội dung tư tưởng của các tác phẩm. Có thể thấy các tác phẩm văn xuôi viết
về chiến tranh mang yếu tố kì ảo đã giành được một vị trí riêng, tương đối vững
vàng trong lòng độc giả. Góp phần làm mới diện mạo văn xuôi Việt Nam sau 1975.
Trong khoảng thời gian vài năm trở lại đây, yếu tố kì ảo đã thu hút nhiều sự
quan tâm của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học nước ta. Nhiều hiện tượng văn
học kì ảo được giải mã trong các các bài nghiên cứu (Yếu tố kì ảo trong truyện
ngắn Việt Nam hiện đại giai đoạn từ sau 1975 đến nay – Phùng Hữu Hải, Vai trò
của yếu tố kì ảo trong truyện Việt Nam sau 1975 – Nguyễn Văn Kha, Cái kì ảo-
một phương tiện hữu hiệu trong việc thể hiện đời sống tâm linh, vô thức của con
người trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975 – Nguyễn Thị Hải Phương,… ) hoặc
các sách chuyên luận, luận văn, đề tài khoa học (Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết
Nguyễn Bình Phương– Nguyễn Thị Ngọc Anh, Yếu tố kì ảo trong sáng tác Võ Thị
Hảo qua tiểu thuyết Giàn Thiêu và tập truyện ngắn Những truyện không nên đọc
lúc nửa đêm – Cao Thị Thu Hoài, Yếu tố huyền ảo trong văn xuôi nghệ thuật Việt
Nam sau 1975 – Hoàng Thị Văn,….) đã đem đến cho người đọc nhiều điều thú vị
và bổ ích, giúp người đọc hiểu rõ hơn những đóng góp to lớn về mặt nghệ thuật của
yếu tố kì ảo khi có mặt trong tác phẩm văn học.
Trên hành trình khám phá sự bí ẩn của yếu tố kì ảo trong văn xuôi Việt Nam
hiện đại nói chung, việc tìm hiểu yếu tố kì ảo trong các tác phẩm viết về chiến tranh
là một việc làm cần thiết và có ý nghĩa trong nghiên cứu văn học. Vấn đề tìm nhận
vai trò của yếu tố kì ảo trong các tác phẩm viết về chiến tranh có xuất hiện trong
một số bài nghiên cứu tuy nhiên chưa đạt đến mức độ toàn diện, chuyên sâu. Vì
vậy, việc nghiên cứu một cách hệ thống và toàn diện hơn về yếu tố kì ảo trong văn
xuôi viết về chiến tranh sau 1975 là điều cần thiết. Việc nghiên cứu này nhằm đánh
giá đúng những giá trị đóng góp của các tác phẩm đề tài chiến tranh đối với nền
văn xuôi hiện đại Việt Nam, thấy được những điểm khác biệt giữa các sáng tác viết
về chiến tranh sau 1975 với các tác phẩm văn xuôi hiện đại có sử dụng yếu tố kì ảo
cũng như với những tác phẩm có cùng đề tài chiến tranh trước đây.
Khi tìm hiểu về vai trò của yếu tố kì ảo trong các tác phẩm viết về chiến tranh
giai đoạn sau 1975, chúng tôi tập trung vào mảng tiểu thuyết, truyện ngắn bởi đây
là hai thể loại tiêu biểu có khả năng giúp người đọc tìm hiểu thấu đáo vấn đề nhìn
thẳng vào sự thật và đánh giá đúng sự thật. Ngoài ra, các yếu tố kì ảo chủ yếu xuất
hiện nhiều trong các tác phẩm tiểu thuyết và truyện ngắn. Khi thực hiện đề tài,
chúng tôi sẽ đi vào trình bày những dạng thức kì ảo tiêu biểu trong tiểu thuyết,
truyện ngắn viết về chiến tranh. Xác nhận vai trò của yếu tố kì ảo trong cấu trúc
chỉnh thể tác phẩm, từ đó thấy được hiệu quả nghệ thuật mà yếu tố kì ảo đem lại
trong việc thể hiện nội dung tư tưởng tác phẩm. Bên cạnh đó chúng tôi sẽ tìm nhận
yếu tố kì ảo từ những góc nhìn khác nhau. Với những nghiên cứu này, chúng tôi
mong muốn góp phần nhận diện những nét đặc sắc của những tác phẩm viết về
chiến tranh sau 1975 có sử dụng yếu tố kì ảo. Từ đó góp phần khẳng định tác dụng
của thủ pháp nghệ thuật sử dụng yếu tố kì ảo trong việc thể hiện nội dung, tư tưởng
của tác phẩm.
2. Lịch sử vấn đề
Trong những năm gần đây, việc nghiên cứu yếu tố kì ảo trong văn học thu
hút rất nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học nước ta. Có rất
nhiều những bài viết, các công trình nghiên cứu có giá trị đã đi vào phân tích, xem
xét yếu tố kì ảo trong văn học Việt Nam hiện đại một cách công phu, tỉ mỉ. Các
công trình nghiên cứu ấy thật sự mang đến cho người đọc một cái nhìn khá toàn
diện về diện mạo của văn học Việt Nam sau 1975 với sự đổi mới mạnh mẽ, hiểu
thêm về những giá trị và ý nghĩa của yếu tố kì ảo trong văn học Việt Nam hiện đại
sau 1975. Mỗi nhà nghiên cứu khác nhau có sự lý giải khác nhau về vấn đề này. Có
thể kể đến những công trình nghiên cứu sau:
Ở bài viết Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Việt Nam hiện đại giai đoạn từ sau
1975 đến nay, tác giả Phùng Hữu Hải nhận định: sau khi chiến tranh kết thúc,
những tình cảm lớn một thời đã dần nhường chỗ cho những vấn đề số phận cá
nhân. Và do đó, đề tài văn học chuyển dần sang địa hạt tâm linh với những trăn trở,
uẩn khúc đang diễn ra quyết liệt trong tâm hồn con người, đặc biệt là những số
phận vừa đi qua cuộc chiến. Theo tác giả, những diễn biến tâm linh rất khó nắm
bắt, và đó là lý do khiến các nhà văn đến với địa hạt của yếu tố kì ảo bởi “yếu tố kỳ
ảo là một hình thức đắc dụng giúp nhà văn đi sâu khám phá thế giới tinh thần hết
sức trừu tượng khó nắm bắt của con người, để từ đó “thấu” con người ở phần
nhân tính, mơ hồ và huyền diệu ấy”[27]. Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Việt Nam
hiện đại thể hiện ở một số phương diện như: Quan niệm của con người về thế giới
đa chiều và con người tâm linh; quan niệm về sự hữu hình hóa cái ác và giấc mơ về
những giá trị chân thiện mỹ; cảm hứng nhận thức lại thực tại và chất triết lý.
Bài viết Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975 (Phạm Thị Thanh
Nga) tập trung trình bày mối quan hệ giữa yếu tố kì ảo với tình huống truyện. Tác
giả chỉ ra ba loại tình huống tiêu biểu trong các truyện có yếu tố kì ảo: Tình huống
kì lạ, ma quái; tình huống mang tính chất ngẫu nhiên, đột biến và tình huống căng
thẳng, kịch tính. Theo tác giả nhận định: trong các truyện ngắn, cái kì ảo đóng vai
trò như một tình huống quan trọng đối với sự chuyển biến của cốt truyện. Nó gắn
kết các nhân vật cùng tham gia một sự kiện, biến cố có ý nghĩa nào đó, góp phần
bộc lộ quan hệ và tính cách nhân vật hoặc thể hiện chủ đề tư tưởng của tác
phẩm.[10]
Đi tìm nguyên nhân Sự hồi sinh của yếu tố kì ảo trong văn xuôi đương đại
Việt Nam, tác giả Bùi Thanh Truyền cho rằng: từ những thay đổi trong đời sống xã
hội – văn học, những đổi thay trong giao lưu văn học, từ sự mở rộng quan niệm về
hiện thực và đối tượng phản ánh của văn học, từ sự mở rộng quan niệm về phương
pháp sáng tác tiếp cận hiện thực và xuất phát từ truyền thống văn hóa, văn học dân
tộc là những lý do khiến yếu tố kì ảo hồi sinh trở lại trong văn xuôi Việt Nam
đương đại.[12]
Trong bài nghiên cứu Cái kì ảo - một phương tiện hữu hiệu trong việc thể
hiện đời sống tâm linh, vô thức của con người trong truyện ngắn Việt Nam sau
1975. Tác giả Nguyễn Thị Hải Phương cho rằng “các cây bút truyện ngắn đã tìm
đến cái kì ảo, đã sử dụng nó như một phương tiện hữu hiệu để hữu hình hóa thế
giới tâm linh vô thức đầy bí ẩn, mù mờ và trừu tượng” bởi con người không chỉ có
phần đời sống ý thức rõ ràng mà còn có phần trượt ra ngoài ý thức, rất khó nắm bắt.
Con người không chỉ có những hành động tuân theo quy luật tất yếu mà còn có
những hành động tuân theo sự mách bảo của bản năng, tiềm thức, của linh cảm, của
điềm báo, mộng triệu,… Trong bài viết, tác giả đã chỉ ra các dạng thức biểu hiện
của yếu tố kì ảo trong tác phẩm văn học như: Yếu tố kì ảo thể hiện ở những lời nói,
hành động kì lạ của nhân vật, Yếu tố kì ảo thể hiện qua sự hiện hồn của người chết,
hay như yếu tố kì ảo thể hiện ở hình thức hóa thân của nhân vật.
Chuyên luận Yếu tố huyền ảo trong văn xuôi nghệ thuật Việt Nam sau năm
1975 (Hoàng Thị Văn) đã đi vào trình bày những dạng thức biểu hiện của yếu tố
huyền ảo trong các tác phẩm văn xuôi sau 1975 như: những lời nói, hành động kì lạ
của con người; sự hiện hồn của người chết; hình thức biến dạng, hóa thân của nhân
vật và những việc, những sự kiện lạ, phi lý, kinh dị. Bên cạnh đó, chuyên luận cũng
nêu lên vai trò của yếu tố huyền ảo trong cấu trúc chỉnh thể tác phẩm. Từ đó, tác
giả hướng đến tìm nhận hiệu quả nghệ thuật của yếu tố huyền ảo trong việc thể hiện
nội dung tư tưởng, chủ đề tác phẩm.
Ngoài những bài nghiên cứu nêu lên những nhận định mang tính khái quát
về yếu tố kì ảo trong truyện Việt Nam hiện đại, có nhiều bài nghiên cứu đi sâu tìm
hiểu yếu tố kì ảo trong những truyện, những chùm truyện của những tác giả cụ thể
như: Thế giới kì ảo trong Mảnh đất lắm người nhiều ma từ cái nhìn văn hóa (Lê
Nguyên Cẩn), Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương (Nguyễn Thị
Ngọc Anh), Yếu tố kì ảo trong sáng tác Võ Thị Hảo qua tiểu thuyết Giàn Thiêu và
tập truyện ngắn Những truyện không nên đọc lúc nửa đêm (Cao Thị Thu Hoài),…
Luận văn Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương của tác giả
Nguyễn Thị Ngọc Anh chủ yếu tập trung khảo sát, phân tích và miêu tả các dạng
thức biểu hiện của yếu tố kỳ ảo, tìm hiểu vai trò của yếu tố kì ảo trong cấu trúc
chỉnh thể tác phẩm như: không gian và thời gian kì ảo; nhân vật kì ảo và những
phương thức tạo dựng các yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương. Qua
đó khám phá giá trị nghệ thuật của yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Nguyễn Bình
Phương
Bài viết Thế giới nhân vật trong truyện ngắn kỳ ảo của Võ Thị Hảo, tác giả
Nguyễn Thị Xuân Quỳnh cho rằng: Thế giới nhân vật của truyện ngắn kỳ ảo hết
sức phong phú, đa dạng. Đó là thế giới của ma quỷ, thần tiên, con người khác
thường…cùng đan xen tạo thành bức tranh đa diện về hiện thực cuộc đời. Bên cạnh
các kiểu nhân vật truyền thống, trong truyện ngắn Việt Nam từ năm 1975 đến nay
với sự tham gia của yếu tố kỳ ảo vào cấu trúc tác phẩm đã tạo nên nhiều kiểu nhân
vật mới lạ. Từ đó tác giả đi đến khẳng định: với nhà văn Võ Thị Hảo, việc xây
dựng thế giới nhân vật kỳ ảo đa dạng không nằm ngoài mục đích phản ánh sự đa
chiều, sinh động của cuộc sống hiện tại. Theo tác giả thế giới nhân vật trong truyện
ngắn Võ Thị Hảo rất đa dạng, bao gồm: những ma quỷ với đủ hình dạng quái đản,
kì dị. Những nhân vật này tượng trưng cho cái ác, cái xấu, là sự huyền thoại hóa cái
ác trong bản chất cuộc sống. Bên cạnh thế giới ma quỷ hình dạng quái đản, kì dị là
thế giới đông đảo các hồn ma, linh hồn của người chết. Thế giới này sinh động,
giàu màu sắc và ẩn chứa mọi trạng thái cung bậc cảm xúc của con người. Ngoài
nhân vật hồn ma, truyện Võ Thị Hảo còn xuất hiện dạng nhân vật hóa thân và sự
hóa thân này giống như hành động giải tỏa những xót xa đau đớn mong tìm được
sự tĩnh tại trong tâm hồn.
Nhìn chung, hầu hết các nhà nghiên cứu đều dành khá nhiều thời gian và
tâm huyết để làm sáng tỏ sự biểu hiện và vai trò của yếu tố kì ảo trong các tác
phẩm văn xuôi sau 1975. Việc tìm hiểu yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết, truyện ngắn
viết về chiến tranh giai đoạn này chưa được đề cập nhiều trong các bài viết. Vì vậy
cần có một đề tài nghiên cứu mang tính hệ thống và toàn diện hơn về vấn đề này.
Trên cơ sở kế thừa những bài viết, khi thực hiện đề tài, chúng tôi sẽ đi sâu khảo sát
những biểu hiện của yếu tố kì ảo trong các tác phẩm để từ đó thấy được vị trí, vai
trò và hiệu quả nghệ thuật của yếu tố kì ảo trong cấu trúc chỉnh thể tiểu thuyết,
truyện ngắn viết về chiến tranh sau 1975.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là những tiểu thuyết, truyện ngắn viết về
chiến tranh giai đoạn sau 1975 có sử dụng yếu tố kì ảo. Gồm 5 tiểu thuyết: Nỗi
buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai), Tàn đen đốm đỏ (Phạm
Ngọc Tiến), Bến không chồng (Dương Hướng), Hồn trúc (Nguyễn Văn Thông) và
khoảng gần 50 truyện ngắn của nhiều tác giả khác nhau.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu của đề tài là những dạng thức biểu hiện của yếu tố kì
ảo, vai trò của yếu tố kì ảo trong cấu trúc chỉnh thể tác phẩm để từ đó làm rõ tác
dụng của nó trong việc biểu đạt nội dung tư tưởng tác phẩm. Bên cạnh đó luận văn
sẽ đi sâu tìm nhận biểu hiện của yếu tố từ nhiều góc nhìn, cụ thể là góc nhìn thể tài,
góc nhìn văn hóa tâm linh và góc nhìn thẩm mỹ.
4. Phương pháp nghiên cứu
4.1. Phương pháp khảo sát, thống kê
Để thực hiện đề tài này chúng tôi khảo sát toàn bộ các tác phẩm nằm trong
phạm vi đã giới hạn nhằm nhận biết những đặc điểm của yếu tố kì ảo trong các tác
phẩm từ đó hệ thống hóa thành những nhận xét, nhận định có tính khái quát, khoa
học.
4.2. Phương pháp phân tích, tổng hợp
Nhằm tìm nhận những dạng thức biểu hiện và hiệu quả nghệ thuật của yếu tố
kì ảo trong tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh sau 1975.
4.3. Phương pháp so sánh, đối chiếu
Sử dụng phương pháp so sánh, đối chiếu nhằm thấy được nét mới mẻ, khác
biệt riêng của các tác phẩm viết về chiến tranh có dùng yếu tố kì ảo với những tác
phẩm có cùng đề tài trước đây và những tác phẩm văn xuôi kì ảo sau 1975.
5. Mục đích của luận văn
- Khảo sát sự xuất hiện của yếu tố kì ảo, các dạng thức biểu hiện chủ yếu của
yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh giai đoạn sau
1975.
- Xác định vai trò của yếu tố kì ảo trong cấu trúc chỉnh thể tác phẩm, trên cơ
sở đó luận văn làm rõ hiệu quả nghệ thuật của việc sử dụng yếu tố kì ảo
trong thể hiện chủ đề tác phẩm.
- Khảo sát yếu tố kì ảo từ nhiều góc nhìn khác nhau, cụ thể trong đề tài này là
khảo sát yếu tố kì ảo từ góc nhìn thể tài, góc nhìn văn hóa tâm linh và góc
nhìn thẩm mỹ.
6. Đóng góp của luận văn
- Có được những kết luận khoa học về yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết, truyện
ngắn viết về chiến tranh.
- Thấy được những đóng góp về mặt nghệ thuật của yếu tố kì ảo trong các
tác phẩm văn xuôi viết về chiến tranh giai đoạn sau chiến tranh.
- Bên cạnh đó luận văn cũng sẽ đi sâu khảo sát yếu tố kì ảo từ nhiều góc
nhìn khác nhau, cụ thể là góc nhìn thể tài, góc nhìn đời sống tâm linh và sắc thái
thẩm mỹ, để thấy được sự khác biệt của yếu tố kì ảo khi tham dự vào thể tài tiểu
thuyết, truyện ngắn, sự hữu hiệu của yếu tố kì ảo trong việc biểu đạt đời sống tâm
linh và những sắc thái thẩm mỹ được tạo ra bởi yếu tố kì ảo. Qua đó thấy được
những nét đặc sắc riêng của tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh sau 1975.
- Phần nào bổ sung tư liệu tham khảo cho việc học tập và giảng dạy văn học
Việt Nam hiện đại, đặc biệt là giai đoạn sau 1975.
7. Cấu trúc của luận văn
Chương 1: Yếu tố kì ảo và các dạng thức xuất hiện của yếu tố kì ảo trong tiểu
thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh giai đoạn sau 1975
Trong chương này, bên cạnh việc giải thích rõ khái niệm yếu tố kì ảo, chúng
tôi sẽ tập trung khảo sát các dạng thức kì ảo xuất hiện trong tiểu thuyết, truyện ngắn
viết về chiến tranh sau 1975.
Chương 2: Vai trò và hiệu quả nghệ thuật của việc sử dụng yếu tố kì ảo trong
cấu trúc chỉnh thể của tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh giai đoạn
sau 1975
Ở chương hai, chúng tôi sẽ thực hiện những vấn đề sau:
- Tìm nhận vai trò của yếu tố kì ảo trong kết cấu nghệ thuật tác phẩm:
Trong phần này chúng tôi sẽ khảo sát những tình huống thường xuất hiện
trong các tác phẩm văn xuôi viết về chiến tranh sau 1975 có yếu tố kì ảo,
đồng thời tìm hiểu vai trò của yếu tố kì ảo khi tham dự vào cốt truyện.
- Tìm hiểu vai trò của yếu tố kì ảo với thế giới hình tượng:
Ở phần này, chúng tôi đi vào tìm hiểu thế giới nhân vật cũng như những
không gian, thời gian thường thấy trong các tiểu thuyết, truyện ngắn viết về
chiến tranh sau 1975.
Chương 3: Yếu tố kì ảo từ những góc nhìn thể tài, đời sống tâm linh, sắc thái
thẩm mỹ
Ở chương 3, nhiệm vụ của chúng tôi là sẽ đi vào tìm hiểu yếu tố kì ảo từ
những góc nhìn khác nhau, cụ thể là: góc nhìn thể tài, đời sống tâm linh và sắc thái
thẩm mỹ để thấy được sự khác biệt của yếu tố kì ảo khi tham dự vào mỗi thể tài; sự
hữu hiệu của yếu tố kì ảo trong việc biểu đạt đời sống tâm linh và những sắc thái
thẩm mỹ được tạo ra bởi yếu tố kì ảo.
Phần nội dung
Chương 1: Yếu tố kì ảo và các dạng thức xuất hiện của yếu tố kì
ảo trong tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh giai đoạn
sau 1975
1.1. Khái niệm về yếu tố kì ảo
Theo từ điển ngôn ngữ Pháp, “fantastique” có nghĩa là tưởng tượng, hư ảo,
quái dị, bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp “phantastikos” và tiếng Latinh “phantasticus” để
chỉ những cái thuộc về trí tưởng tượng chứ không tồn tại trong thực tế cuộc sống.
Trong tiếng Việt, kì ảo là từ Hán Việt. Trong đó kỳ có nghĩa là lạ lùng, ảo là không
có thực, kì ảo có nghĩa là chuyện lạ lùng, không có thực, chuyện không thể xảy ra
trong đời thực.
Trên thế giới, người đầu tiên đề cập đến thuật ngữ “cái kì ảo” là một học giả
người Anh tên là Joseph Addison (1672-1719). Theo ông, những sáng tác kì ảo
“tạo ra một khoái cảm về nỗi sợ hãi trong tâm trí độc giả và làm thỏa mãn trí
tưởng tượng của độc giả bởi những cái lạ lùng và tính chất khác thường của những
con người được miêu tả trong đó. Chúng nuôi dưỡng trong trí nhớ của chúng ta
những câu chuyện ma mà chúng ta nghe từ thuở ấu thơ và thích thú với những nỗi
khiếp sợ bí mật, những nỗi sợ hãi mà trí óc con người phải lệ thuộc vào nó một
cách tự nhiên” [8, 43]. Khi bàn về thuật ngữ kì ảo, H.Banec chủ yếu nhấn mạnh
đến tính xung đột, nửa tin nửa ngờ. Theo ông: tính chất tự nhiên và sự lạ thường
đan xen lẫn nhau sẽ gây ra cảm giác lo lắng, hồi hộp khiến người đọc do dự giữa
một sự giải thích hợp lý và một giải thích siêu nhiên về các sự kiện. Như vậy sự do
dự, hoài nghi chính là đặc trưng của yếu tố kì ảo. Trong “Từ vựng các thuật ngữ
văn chương”, M.Jarrety cho rằng: “Cái kỳ ảo đưa những sự kiện huyền bí vào
trong cuộc đời hoàn toàn hiện thực”.[14, 51]
Ở Việt Nam, bàn về thuật ngữ kì ảo trong văn học, Lê Nguyên Cẩn cho rằng
“Cái kì ảo là một phạm trù tư duy nghệ thuật, nó được tạo ra nhờ trí tưởng tượng
và được biểu hiện bằng các yếu tố siêu nhiên, khác lạ, phi thường, độc đáo… Nó có
mặt trong văn học dân gian, văn học viết qua các thời đại. Nó tồn tại trên trục thực
- ảo, và tồn tại độc lập, không hòa tan vào các dạng thức khác của trí tưởng tượng”
[43, 16]. Còn theo Phùng Văn Tửu trong bài nghiên cứu Những đổi mới trong văn
học kỳ ảo thế kỷ XX thì “kỳ ảo là cái lạ lùng, không có thật, không thể bắt gặp trên
thế gian này, nói chung là những yếu tố siêu nhiên, nếu ta hiểu siêu nhiên là những
cái gì không tồn tại trên đời” [14, 47]. Tác giả Phùng Hữu Hải nhận định: “yếu tố
kỳ ảo là sản phẩm của trí tưởng tượng, là phương thức tư duy nghệ thuật được biểu
hiện bằng những năng lực, yếu tố có tính siêu nhiên, nằm ngoài tư duy lý tính của
con người. Nó tham gia vào sự phát triển của cốt truyện và tạo nên những phản
ánh nhận thức của người tiếp nhận một cách mạnh mẽ, hay nói cách khác nó tạo
nên những cú “sốc” về tâm lý, nhận thức, làm xuất hiện những dấu hỏi về nguồn
gốc xuất hiện. Yếu tố kỳ ảo không hòa tan vào các dạng thức khác của trí tưởng
tượng, không bao gồm biện pháp nhân hóa”. [27]
Nhìn chung, những tài liệu nghiên cứu về yếu tố kì ảo đều hướng đến làm rõ
những quan niệm sau:
- Yếu tố kì ảo là sản phẩm của trí tưởng tượng, là cái không có thật, chỉ tồn tại
trong thế giới tinh thần của con người.
- Yếu tố kì ảo là những cái khác thường, phi lý, kì lạ, độc đáo.
- Trong văn học, yếu tố kì ảo là phương tiện nghệ thuật để nhà văn bộc lộ
quan niệm, tư tưởng của mình về đời sống, về con người.
- Hiệu quả nghệ thuật: yếu tố kì ảo đem đến cho người đọc sự hồi hộp, lo
lắng, dẫn đến sự phân vân, do dự giữa sự giải thích hợp lý và sự giải thích
siêu nhiên về các sự kiện. Chính điều này đã gây sự hưng phấn, thu hút, lôi
cuốn người đọc.
Hiệu quả đặc trưng của truyện kì ảo mang đến sự hồi hộp, lo lắng dẫn đến sự
phân vân, do dự giữa sự giải thích hợp lý và sự giải thích siêu nhiên chưa nổi bật
trong các truyện viết về chiến tranh sau 1975. Những yếu tố kì ảo trong các truyện
này vẫn còn mang đậm tính chất “hồn nhiên” phương Đông nói chung. Trạng thái
ám ảnh của con người trước một thế giới phi lý trong các truyện kì ảo phương Tây
hầu như không thấy xuất hiện. Ở những tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh,
người đọc phân biệt rạch ròi đâu là thế giới của sự hư huyễn, đâu là sự thật của
cuộc sống, tuy nhiên, cả người đọc lẫn người sáng tác đều mong muốn những điều
huyền bí sẽ phần nào xoa dịu được những vết thương mà chiến tranh để lại.
1.2. Các dạng thức biểu hiện của yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết, truyện ngắn
viết về chiến tranh sau 1975
Trong các tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh sau 1975, yếu tố kì ảo
được biểu hiện ở một số dạng thức tiêu biểu sau:
1.2.1. Mô-tip giấc mơ
Đây là dạng thức quen thuộc được sử dụng khá nhiều trong các tác phẩm viết
về chiến tranh với tần số xuất hiện 14 truyện (35 lần)/ 50 truyện. Giấc mơ là vấn đề
thuộc về thế giới tâm linh, nó nằm trong vùng sâu của vô thức con người, chất chứa
những khát khao thầm kín, những điều bí ẩn mà con người luôn vươn đến khám
phá “Giấc mơ là biểu tượng của cuộc phiêu lưu cá thể, được cất sâu trong tâm
khảm... Chiêm mộng hiện ra với chúng ta như một điều bí ẩn của chính mình”
[60;17]. Nếu phân loại dựa vào tiêu chí hoàn cảnh xuất hiện, có thể phân thành hai
dạng giấc mơ. Giấc mơ của người đang sống trong hoàn cảnh chiến tranh (10/ 35
lần), và giấc mơ của người sống trong hòa bình (25/35 lần). Nếu dựa vào tiêu chí
trạng thái cảm xúc khi mơ, có thể phân thành các dạng: giấc mơ chất chứa nỗi khát
khao hạnh phúc (9/35 lần), giấc mơ mang trạng thái bấn loạn, bất an (15/35 lần),
giấc mơ mang mặc cảm tội lỗi (3/35 lần), giấc mơ thanh thản, tươi vui (3/35 lần),
cảm xúc khác (5/35 lần).
Trước hết phải kể đến đó là tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh. Đây là cuốn tiểu
thuyết mà mô-tip giấc mơ xuất hiện nhiều nhất với tổng số 16/35 lần. Trong đó,
những giấc mơ của Kiên là nhiều hơn hẳn. Do đây là một tiểu thuyết tương đối dài,
để thuận tiện cho việc theo dõi, chúng tôi tạm thống kê tần số xuất hiện và nội dung
những giấc mơ chính trong truyện. Sự thống kê mang tính chất tương đối.
STT NỘI DUNG GIẤC MƠ HOÀN CẢNH XUẤT HIỆN TRANG
1 Kiên mơ về những con bài Sau chiến tranh 11
2 Kiên mơ về Hà Nội, và thấy
Phương đang cùng trên thuyền
Trong chiến tranh (khi trong trạng
thái mụ mị bởi khói hồng ma)
14
3 Can mộng thấy mình chết Trong chiến tranh (nói với Kiên
trước lúc đào ngũ)
22
4 Kiên mơ thấy toàn bộ quãng
đời chiến đấu của mình
Sau chiến tranh (trong chuyến thu
gom hài cốt)
Tr27
đến tr44
5 Kiên mơ về Phương Trong chiến tranh (trong những
giấc ngủ về đêm)
32
6 Mơ trở lại Truông Gọi Hồn Sau chiến tranh 48
7 Mơ thấy Truông Gọi Hồn và
cô giao liên Hòa
Sau chiến tranh 49
8 Mơ thấy đang đi qua đồi “Xáo
Thịt” la liệt người chết
Sau chiến tranh (khi đang đi trên
vỉa hè)
50
9 Giật mình vì nghe tiếng rú rít
của trực thăng
Sau chiến tranh (tỉnh dậy khi nghe
tiếng quạt trần)
50
10 Kiên mơ thấy Hà Nội Trong chiến tranh (khi nghe tiếng
mưa sa trên vòm lá ở chiến trường)
74
11 Choàng tỉnh sau cơn mơ và
thấy đang ở dưới sàn nhà
Sau chiến tranh 76
12 Nhìn thấy mùa mưa Cánh Bắc,
Ngọc Bơ Rẫy, truông Gọi Hồn
Sau chiến tranh (mơ trong lúc đang
đứng bên cửa sổ ngắm mưa)
92
13 Mơ thấy mình suýt chết Sau chiến tranh Tr135
và tr288
14 Kiên mơ thấy Phương Trong chiến tranh (khi những đồng
đội giấu anh bí mật đến với người
tình)
161
15 Kiên mơ thấy Phương Trong chiến tranh (khi đang mơ
màng vì bị thương)
162
16 Kiên mơ về Phương dù bên
cạnh có cô gái khác
Sau chiến tranh (khi Phương đã bỏ
đi)
190
Qua sự thống kê, có thể thấy rằng những giấc mơ sau chiến tranh chiếm số
lượng nhiều hơn cả với tổng số 10/16 lần. Trong những giấc mơ khi đang ở chiến
trường, ngoài giấc mơ duy nhất mà Can kể cho Kiên nghe, tất cả những giấc mơ
còn lại đều là của Kiên. Trong thế giới mộng mị, Kiên chỉ mơ về Phương và Hà
Nội thân yêu của anh. Những cơn mơ chỉ xuất hiện trong những trường hợp Kiên
chìm vào cõi vô thức như: đang trong trạng thái mụ mị bởi khói hồng ma, bị mê
man bởi vết thương, hoặc vào những giấc ngủ chập chờn khi ở trung đội trinh sát.
Khoảng thời gian sau chiến tranh, những giấc mơ đến với Kiên nhiều hơn. Đó
không phải là những giấc mơ ngọt ngào, êm đềm về Phương và về Hà Nội mà là
những cơn mơ mang đầy nỗi bấn loạn, bất an. Không chỉ trong giấc ngủ, cả lúc
đang tỉnh táo, Kiên vẫn có thể bị cuốn trôi vào trong giấc mơ một cách vô thức
không thể cưỡng lại. Những giấc mơ về chiến tranh, về cái chết, về đạn bom không
ngừng ám ảnh Kiên. Kiên thường mơ thấy mình trở lại truông Gọi Hồn, nơi ghi dấu
những kỉ niệm đau thương, khốc liệt của anh và những đồng đội trong chiến tranh.
Có khi, đang đi trên vỉa hè, Kiên lại thấy mình đi qua đồi “Xáo Thịt” la liệt người
chết, vỉa hè nồng nặc mùi tử khí. Như một người phát rồ, anh đưa tay lên bịt mũi
giữa phố xá đông người. Hoặc nhiều lúc, giữa đêm khuya, Kiên giật mình bởi
tưởng tiếng quạt trần là tiếng rú rít của trực thăng vũ trang. Sự khốc liệt của chiến
tranh đã ám ảnh, ăn sâu vào tiềm thức Kiên. Vì vậy mà không chỉ khi ngủ, cả lúc
đang tỉnh táo, giấc mơ về thời đại đã qua vẫn tồn tại và không ngừng chi phối cuộc
đời thực của anh sau ngày chiến thắng.
Đến với Những giấc mơ có thực - Vũ Thị Hồng, người đọc khó xác định
rạch ròi ranh giới giữa giấc mơ và đời thực. Sau khi mẩu tin nhắn “tìm những
người bạn cũ ở Trường Sơn” đăng trên báo, cuộc sống thực tại của Tuân bị xáo
trộn. Lần lượt những người năm xưa đã tìm đến chị. Tuy nhiên, những cuộc hội
ngộ ấy không phải diễn ra trong cuộc sống thực mà nó chỉ là những giấc mơ. Đến
với những giấc mơ, Tuân mới có dịp sống thực với bản thân, hiểu được những khát
khao, những mong muốn mà từ lâu chị đã chôn chặt nơi đáy lòng.
Giấc mơ cũng có mặt trong tác phẩm Hai người đàn bà xóm Trại (Nguyễn
Quang Thiều). Đến hơn ba lần, tác giả nhắc đến những giấc mơ giống nhau ở hai
nhân vật Ân và Mật. Ân cứ mơ đi mơ lại giấc mơ có vẻ kì lạ “con gà trống tía với
cái mào đỏ rực, cái ức rộng và đôi cựa bóng như ngà mổ mổ vào ngón tay của
mình”, còn Mật cô vẫn mơ những cơn mơ vừa hạnh phúc vừa lo sợ “Mật thấy
người lính trở về và ngay đêm đó Mật có mang. Và cứ tỉnh giấc, Mật mơ hồ lo lắng
khi cảm thấy bụng mình khang khác”. Những giấc mơ kì lạ của Ân và Mật chở đầy
những hi vọng về một ngày đoàn tụ với người chồng thân yêu.
Những cơn mơ cũng luôn thường trực trong giấc ngủ của Thảo (Người sót
lại của rừng cười - Võ Thị Hảo) mỗi khi đêm về. Trở về sau chiến tranh, Thảo chỉ
có hai giấc mơ duy nhất: Giấc mơ thời bé và giấc mơ tuổi thanh xuân. Nếu giấc mơ
thời bé là khoảng thời gian thanh thản, tươi vui của cô với những trò trẻ thơ nhặt
cặp ba lá, hoặc nhặt trứng vịt đẻ rơi thì trong giấc mơ tuổi thanh xuân, cô chỉ thấy
tóc rụng như trút, rụng đầy khuôn ngực đã bị đâm nát của người đồng đội. Từ đám
tóc ấy lấy ra hai giọt nước mắt trong veo, rắn như thủy tinh không gì đập vỡ.
Ông Tuyển (Trừng phạt – Đỗ Nhật Minh) đêm nào cũng nằm mơ thấy toàn
những chuyện hãi hùng. Trong giấc mơ, ông thấy Thung – người bạn thân trong
những năm kháng chiến trở về để tìm ông hỏi tội. Những ngày sau đó, Tuyển luôn
sống trong trạng thái bất an bởi giấc mơ đó vẫn không ngừng ám ảnh ông.
Khôi (Con đò và người khách lạ - Thái Sinh) đã mơ thấy Đông, người đồng
đội cùng chiến đấu với mình trong chiến tranh. Khôi đã biện hộ về hành động hèn
nhát của mình đã gây ra cái chết cho bạn trong giấc mơ “Ta có lỗi gì? Ừ lúc đó tao
đã sợ chết nên tao không dám nổ súng vào bọn lính đi tuần, nhưng sau đó tao đã
bò vào tìm mày, mày đã bị chúng nó kéo đi rồi. Mày có biết tao đã khóc bao nhiêu
ngày? Sự hi sinh của mày đã thức tỉnh tao, tao đã chiến đấu, đi suốt cuộc chiến
tranh cho tới ngày miền Nam được giải phóng”. Lời biện hộ đó cũng là sự dằn vặt,
ăn năn mà Khôi luôn giấu kín trong suốt nhiều năm.
Giấc mơ đến với hai cô gái trong Đốm lửa - Nguyễn Thị Minh Thúy thật kì
lạ. Cả hai cùng có một giấc mơ giống nhau. Ngọc thấy Thanh nheo mắt chọc cô, và
dành cho cô những cử chỉ âu yếm dịu dàng. Khi Thanh cương quyết nhấc bổng cô
lên bờ cũng là lúc cô bừng tỉnh dậy. Vừa khi đó Mỹ cũng choàng tỉnh. Cả hai cùng
kể cho nhau nghe về giấc mơ của mình. Cuối truyện, người đọc bất ngờ bởi Thanh
đã chết và xác anh nằm cạnh họ, cách nhau chỉ một tấm ván.
Người cha đáng thương (Mai-Thanh Quế) đã thấy con gái mình về báo
mộng nơi chôn cất thi hài của cô. Còn Biền (Đồng đội-Hồ Tĩnh Tâm) mơ thấy đồng
đội trở về nhắc lại lời hứa mà người còn sống chưa thực hiện. Bên cạnh đó, mô-tip
giấc mơ cũng xuất hiện trong các truyện như Truyền thuyết về quán tiên (Xuân
Thiều), Họ đã trở thành đàn ông (Phạm Ngọc Tiễn), Anh lính To-ny D (Lê Minh
Khuê), Giấc mộng cuối cùng (Triệu Huấn),… Thế giới bên trong của con người là
một thế giới mang đầy bí mật, những giấc mơ khác nhau đem đến cho người đọc
những khám phá khác nhau về thế giới ấy, giúp người đọc chạm sâu vào những góc
khuất ẩn kín trong tâm hồn người lính. Bên cạnh đó, giấc mơ còn là cầu nối giữa
người còn sống và người đã khuất, để người còn sống thực hiện những nguyện ước
mà người chết còn trăn trở.
1.2.2. Hồn người chết trở về
Hồn người chết trở về cũng là một dạng thức kì ảo tiêu biểu trong các tiểu
thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh sau 1975. Thế giới kì ảo về những hồn ma
bóng quế luôn mang đến nơi người đọc sự tò mò hưng phấn, chính vì vậy, những
truyền thuyết về các hồn ma đã xuất hiện từ lâu trong các tác phẩm văn học Cổ,
Trung đại. Tiếp nối những nhà văn đi trước, thế hệ các văn nghệ sĩ trẻ sau này vẫn
tiếp tục gây hứng thú cho người đọc khi đào sâu nguồn cảm hứng với loại mô-tip kì
ảo này. Trong các tiểu thuyết, truyện ngắn viết về đề tài chiến tranh tần số xuất hiện
của dạng thức này khá nhiều(17/50 truyện khảo sát). Các truyện tiêu biểu như Cặp
bồ với ma - Ngô Văn Phú, Bến trần gian- Lưu Sơn Minh, Bướm trắng - Thái Bá
Tân, Anh lính Tony D- Lê Minh Khuê, Hồn trinh nữ - Võ Thị Hảo, Đàn sẻ ri bay
ngang rừng -Võ Thị Xuân Hà, Mắt ma, Vùng sáng của kí ức - Y Ban, Vĩnh biệt
mười tám con gà trống - Nguyễn Quang Lập, Đồng đội - Hồ Tĩnh Tâm, Đốm lửa -
Nguyễn Thị Minh Thúy, Nỗi buồn chiến tranh - Bảo Ninh, Tàn đen đốm đỏ- Phạm
Ngọc Tiến, Ăn mày dĩ vãng - Chu Lai, Ám ảnh có thật – Trần Huy Quang…
Trong các truyện, thế giới hồn ma tồn tại song song với thế giới cõi dương,
linh hồn người chết vẫn thường hiện về, quanh quẩn bên cạnh người còn sống.
Trong Cặp bồ với ma, hồn ma của cô văn công Huệ đêm đêm thường hiện ra làm
bạn với anh chàng canh nghĩa trang. Giữa người và ma nảy sinh mối quan hệ gắn
bó sâu sắc với nhau. Nhờ Huệ mà chàng trai cảm thấy bớt cô độc giữa nghĩa trang
toàn mồ mả người chết. Và chàng trai chính là chỗ dựa để Huệ tâm sự, trút những
phiền muộn của cuộc sống trước kia.
Linh hồn người lính trong Bến trần gian dù hi sinh đã nhiều năm vẫn còn
quanh quẩn trong rừng. Được ông già cho chiếc lá, anh gài vào vành tai – chiếc lá
như bùa hộ mệnh giữ cho linh hồn anh không bị tan ra khi trở về. Ngay trong đêm
đó anh bắt đầu cuộc hành trình về lại quê nhà gặp lại những người thân yêu. Cuối
cùng anh đã đến được bến sông – nơi giao nhau giữa người còn sống và người đã
chết. Chỉ cần vượt qua trở ngại này, anh sẽ về được nhà. Nhưng ai sẽ là người đưa
anh qua sông? Chính Thùy- người yêu của anh ngày xưa. Hai người cùng ngồi
chung trên một con thuyền, cùng đối mặt nhau nhưng họ đã không nhận ra nhau.
Sau chiến thắng, Xuân Sinh (Bướm trắng) trở lại Cổng Trời thăm mộ Bạch
Điệp - người con gái anh yêu đã hi sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Tại đây, anh đã
gặp lại linh hồn của nàng. Do bị trúng rốc-két nên người Bạch Điệp bị xé thành
nhiều mảnh nhỏ. Bằng tình yêu của mình, Xuân Sinh đã dùng máu trong tim chàng
vá lại những mẩu thi thể bị chiến tranh xé nát. Mất đúng một năm, chàng đã truyền
đủ sự sống cho Bạch Điệp và vá hết những mẩu thi thể nàng. Hai người sống với
nhau hạnh phúc như những đôi vợ chồng bình thường khác. Nhưng có điều họ chỉ
sinh toàn bướm và bướm.
Đọc Đàn sẻ ri bay ngang rừng, người đọc không khỏi xúc động bởi sự thông
linh giữa người còn sống và người đã khuất. Sống giữa gia đình nhà chồng, Diễm
cảm thấy lạc lõng, bơ vơ. Diễm thù ghét tất cả những người ở nhà chồng duy chỉ có
một người cô yêu thương và ao ước được gặp, đó là Nẫm – người anh chồng đã hi
sinh trong chiến tranh. Diễm mơ hồ cảm nhận được sự có mặt của anh trong nhà
cũng mơ hồ cảm nhận được có một sợi dây tình cảm đặc biệt giữa hai người.
Những dự cảm của cô, lúc đầu Thản cho bậy bạ, tuy nhiên cuối cùng anh đã tin và
đã nhờ Diễm khấn tìm hài cốt của Nẫm bởi “con người khi chết thịt da trả cốt nhục
chỉ có tâm linh thuộc về tiền duyên”.
Trong Vùng sáng của kí ức, chị Bưởi và anh Tính sắp lấy nhau thì anh phải
đi bộ đội và đã hi sinh. Bao năm, chị vẫn luôn yêu anh và theo lời chị kể thì “đêm
nào anh ấy cũng về với chị. Chị vui anh ấy cũng biết, chị buồn anh ấy cũng biết…
Chị chẳng đi lấy chồng đâu. Chị trọn đời, trọn kiếp với anh ấy”.
Chết không có nghĩa là hoàn toàn biến mất. Đôi khi vì một lý do nào đó,
người chết vẫn có thể trở về đi lại, nói chuyện với những người còn sống. Khi đã là
hồn ma, họ có thể làm những việc mà người còn sống không thể thực hiện. Hồn ma
của anh bộ đội trong truyện ngắn Đốm lửa đã hóa thành “ma trơi” dẫn Ngọc và Mỹ
đi loanh quanh trong đầm lầy. Chính vì vậy mà hai cô du kích thoát khỏi sự mai
phục của bọn giặc. Anh cũng đã “đi” vào giấc mơ để đùa vui với hai cô và kịp thời
lay hai cô thức tỉnh đúng lúc bọn giặc đi đến.
Trong truyện Tiếng chuông chiều, hồn ma anh bộ đội cũng đã nhiều lần trở
về giúp đỡ cho người lính Sài Gòn thoát khỏi lưỡi hái thần chết để trả ơn việc anh
ta đã chôn cất bộ hai cốt của mình. Một lần, trong một trận giáp lá cà, gã lính ấy bị
thương ở chân, đôi chân bị nhiễm trùng và có thể bị cưa. Trong đêm ấy, lúc mê
man, anh ta thấy một anh bộ đội còn rất trẻ hiện ra dùng tay vuốt bắp chân cho
mình “anh ta cứ vuốt vuốt, nhẹ nhàng, bắp chân gã giảm đau nhức thấy rõ”. Một
lần khác, bị một quả bom nổ tung, hất văng xuống khe núi, thế mà gã vẫn không
chết. Tỉnh dậy, gã thấy “sởn gai ốc khi chợt nhìn thấy cái dáng người quen thuộc
trong cuộc biến chuyển hình thể xanh lét kia, phải, trước mắt gã là hình người lạnh
lẽo mà thân thiết đêm nào từng vuốt vuốt bắp chân gã cho đến khi không còn đau
nhức, chợt nhoà chợt hiện hình người thần hộ mạng”.
Trong truyện Mắt ma, Huấn được Đồng- người bạn đã hi sinh trong chiến
tranh cho mượn mắt. Có đôi mắt của Đồng, Huấn nhìn thấu hết mọi việc ở đời.
Nhưng từ đó, Huấn không giống như người bình thường. Khi Huấn nhìn mâm cơm
cúng bằng đôi mắt ma, cả anh và vợ con đều kinh ngạc bởi con gà mới luộc bỗng
vừa nhớt lại vừa mủn, tanh tanh nồng nồng không ăn được. Mâm tiếp theo cũng
vậy, cơm thiu, gà hỏng phải bỏ vì không thể ăn được. Tuy nhiên, nhờ có đôi mắt
ma, Huấn có thể nói đúng chuyện quá khứ, tương lai của những người đến coi bói.
Anh quát hai cha con ông lão nọ hãy về nhà nhanh lên, không thì ông lão “lại đắp
chiếu nằm đường”. Quả nhiên về tới nhà, đến trưa ông lão đột ngột qua đời. Anh
khuyên một người đàn ông về nhà ngay sẽ bắt được đôi gian phu, dâm phụ,…
Người ta phục anh sát đất. Nhưng đến ngày thứ 10, thứ 11 anh chán nản, ai đến coi
anh chỉ phán đúng một câu “cứ như thế mà sống chẳng phải thay đổi gì cả”. Hồn
Đồng hiện về trách, Huấn giãi bày “Có đôi mắt của mày tao đã nhìn quá rõ mọi sự
việc, thành ra phán câu nào là chết câu đấy. Vì thế tao hãi quá chẳng dám phán
nữa”. Anh bảo mình không thích nói sự thật về số phận của người khác nữa, như
ông lão kia, còn sống mà “phải đội cái chết trên đầu. Cái chết đã được báo trước
thì đó là một nỗi sợ hãi lớn lắm… thôi tao trả mắt cho mày đấy”.
Chàng trai trong Hồn trinh nữ ngỡ đã nắm được hạnh phúc trong tay khi
cưới người vợ hiền chung thủy đã đợi chờ chàng suốt bao năm dài. Nhưng hạnh
phúc mong manh đó chợt tan biến bởi bóng ma một người đàn bà trong veo, tóc
xõa – chỉ có bộ tóc là còn màu sắc, mặc quần áo đại tang, tay cầm một tấm áo đẫm
máu giơ lên đòi anh trả mạng sống lại cho chồng của chị ta.
Trong Vòm đa xanh, người cha đang say giấc bỗng nhiên thấy như có ai
đang gọi mình. Lão lò dò ra cửa, bàn tay vừa đụng then cài, cánh cửa đã bật tung
như có ai đẩy. Và rõ ràng trước mắt lão, người con trai của lão cùng đồng đội của
anh ta trở về. Các anh nhắc lại điều mà lão đã hứa năm xưa, khi họ vừa nhập ngũ.
Khi đó lão đã hứa sẽ giữ gìn cây đa, nơi ghi dấu kỉ niệm thơ ấu của các anh. Thế
nhưng giờ đây, cây đã bị chặt phá, vì thế họ quay về để nhắc lại lời hứa kia.
Trong Ám ảnh có thật, một chàng trai vừa chợp mắt đã thấy một người con
gái từ dưới ao sâu đi lên, đầu tóc, quần áo ướt đẫm, rũ rượi. Cô gái vừa đi vừa hát.
Tiếng hát như tiếng dế, rên rỉ, đứt quãng và nức nở. Cô có gương mặt trắng như
sáp, đôi mắt xanh biếc, không có tròng đen. Suốt đêm anh không thể chợp mắt.
Tỉnh dậy, khi hỏi lão chăn vịt, anh mới biết đây là cô gái trong làng, là văn công, có
mối tình với một người lính. Nhưng vì bị oan uất, cô đã trầm mình tự vẫn tại nơi
anh đang nằm.
Trong Tàn đen đốm đỏ, Phạm Ngọc Tiến đã tạo ra một thế giới cõi âm - một
thế giới riêng biệt của những người lính hi sinh nhưng chưa được siêu thoát. Họ đi
lại, trò chuyện với nhau như những con người thực sự. Do hài cốt còn bị nằm ở
hang núi trong rừng nên linh hồn họ chưa thể siêu thoát. Họ chỉ lẩn quẩn trong
hang và mong đợi một ngày nào đó, người thân sẽ tìm đến mang họ trở về với quê
hương. Trong Nỗi buồn chiến tranh, người đọc ám ảnh bởi những hồn ma rách nát
tả tơi với những vết thương đỏ lòm, toác hoác do đạn bom chiến tranh. Những linh
hồn đáng thương đó thường trở về thì thào trò chuyện với Kiên mỗi khi đêm về.
1.2.3. Những sự việc kinh dị, kì lạ
Trong các tác phẩm viết về chiến tranh sau 1975, ngoài mô-tip giấc mơ,
người chết trở về, trong các tác phẩm, cũng thường xuất hiện những sự việc kinh
dị, hoang đường, kì lạ (10/50 truyện khảo sát).
Đọc Nỗi buồn chiến tranh – Bảo Ninh, ta thấy có biết bao nhiêu lạ lùng, kì
bí gây cảm giác hoang mang, sợ hãi cho những ai tiếp xúc với tác phẩm. Đó là loại
“hoa hồng ma” thường mọc ở nơi có nhiều tử khí có thể khiến người sử dụng rơi
vào trạng thái mụ mị, có thể tự chế ra những ảo giác tùy sở thích. Hay như loài
chim có tiếng khóc than như người thường chỉ kêu vào ban đêm và tuyệt nhiên
không ai nhìn thấy chúng, những loại măng nhuốm màu đỏ au như những tảng thịt
ròng ròng máu. Còn biết bao điều kì lạ khác nữa. Chẳng hạn trong một lần, Thịnh
con bắn chết một con vượn rất to,nhưng khi ngã ra, cạo sạch lông, trước mắt họ
hiện nguyên hình là một mụ đàn bà béo xệ, da sùi lở nửa xám, nửa trắng hếu, cặp
mắt trợn ngược khiến cả bọn kinh hoàng quăng cả dao thớt mà bỏ chạy. Hoặc có
khi họ tận mắt chứng kiến những quái vật lông lá có cả cánh lẫn vú với cái đuôi kì
nhông kéo lết; chưa hết, nhiều người trong họ đã nghe được âm thanh của những
tiếng cười cuồng loạn nức nở vọng lại từ trong rừng,…
Trong Người sót lại của rừng cười – Võ Thị Hảo, ba người lính đến lãnh
quần trang ở kho quân nhu không khỏi kinh sợ bởi những tiếng cười man dại vọng
lại từ khu rừng. Lúc gần đến chòi canh kho, một con vượn trắng từ chòi canh nhảy
ra ôm ghì lấy cổ một anh lính và không ngừng cất tiếng cười. Nhưng khi một người
đồng đội chạy đến giúp đỡ thì hóa ra, trước mắt anh không phải là con vượn nào cả
mà là một người con gái lõa lồ. Khi các anh đến chòi canh kho, trước mắt họ là ba
cô gái đang vừa cười vừa khóc, tay đang dứt tóc và xé quần áo trên người mình.
Cô Mùi trong Truyền thuyết về quán tiên – Xuân Thiều, thì luôn rơi vào
trạng thái bất an bởi hình ảnh một chú khỉ. Bất cứ lúc nào, chỉ cần có một mình
Mùi ngoài suối thì chú khỉ đều xuất hiện với những hành động kì lạ giống hệt một
người đàn ông. Nó giương đôi mắt hau háu nhìn Mùi tắm. Khi Mùi bắt gặp, thì nó
lim dim đôi mắt, hai tay vòng trước ngực, mồm dẩu ra, môi chu chu như người ta
hôn gió.
Ở tác phẩm Người thắng trận của Tạ Duy Anh, điều kì lạ xảy ra khi chiếc
khăn đẫm máu mà vị tướng nhận được từ một cô gái dù dùng mọi cách vẫn không
thể rửa sạch vết máu, thế nhưng khi vô tình đánh rơi chiếc khăn xuống giếng nước,
nơi nàng Đoan Trang trẫm mình, vết máu bỗng nhiên biến mất.
Trong truyện Trái tim con rắn – Nguyễn Đông Thức, trong buổi tiệc, Thuật
là người được ưu tiên uống li rượu pha trộn với máu và trái tim của rắn. Khi nhấp
môi, Thuật có cảm giác dường như trái tim con rắn ấy quẫy nhẹ. Lúc cho nó vào
miệng, rõ ràng nó lăn lên lưỡi của ông, tuột vào yết hầu và dường như dừng lại ở
thực quản. Suốt đêm hôm đó, ông luôn nghe âm thanh Ịch ình, ịch ình, ịch ình từ
lồng ngực mình dội lên đỉnh đầu rồi cứ thế bục ra. Nhìn xuống, rõ ràng ông thấy
đầu con rắn oặc qua oặc lại giữa hai đùi mình. Khi đưa tay bật đèn, con rắn biến
mất. Suốt đêm hôm đó, Thuật không thể ngủ được bởi những âm thanh kì lạ cứ
vang lên trong lồng ngực. Bất chợt, giữa lồng ngực Thuật nổi lên một khối u nhỏ.
Thật nhanh, Thuật chộp lấy nó, nghiến răng bóp mạnh. Ông cảm thấy nó đang vỡ ra
bên trong lồng ngực của mình. Sáng hôm sau, khi giải phẩu tử thi, người ta thấy
ngực ông tím bầm, nổi hằn lên những vệt móng tay do ông tự cào cấu. Từ lồng
ngực Thuật, vị bác sĩ lấy ra một trái tim nhỏ xíu, chỉ bằng đầu ngón tay, đã bị vỡ
đôi.
Trong Đốm lửa – Nguyễn Thị Minh Thúy, hai cô gái suốt đêm đi lạc trong
vùng đầm lầy. Dù là người thông thuộc vùng này, nhưng không hiểu sao đêm nay,
Mỹ không thể nào xác định được phương hướng. Như bị ma dẫn đường, cả buổi
tối, họ chỉ loanh hoanh tại một địa điểm. Trong lúc đó, hai cô gái thấy một đốm lửa
nhỏ lúc rõ lúc mờ cứ chập chờn ẩn hiện. Dường như đốm lửa ma trơi ấy đến là để
dẫn đường cho hai cô. Họ quyết định chèo xuồng đi theo đốm lửa. Có lẽ đi theo
đốm lửa đó mà cuối cùng họ đã qua khỏi khúc eo lầy.
Người đàn bà đáng thương trong Vĩnh biệt mười tám con gà trống- Nguyễn
Quang Lập, suốt mười tám năm dằng dặc sống trong cô đơn bởi người chồng đã hi
sinh nơi chiến trường ngỡ là sẽ hạnh phúc vì đã tìm được một bờ vai để nương tựa
khi gặp người hàng xóm thấu hiểu tình cảnh của mình. Thế nhưng, trong lúc hai
người đang bên cạnh nhau, ngực bà che kín mặt ông thì sự việc kì lạ xảy ra. Trước
mắt bà là bộ mặt của một người đàn ông khác, người đó đang đứng nhìn bà chằm
chằm. Bà giật thót người và đẩy ông lăn xuống đất. Ông cũng thấy mặt người đàn
ông kia, tấm ảnh chồng bà vừa tuột dây chằng đang lủng lẳng phía vách trái. Vái
lấy vái để, ông chạy vội về nhà. Bước xuống bậc thang, bà đột nhiên thấy lạnh sau
gáy. Khi quay lại, bà thấy chồng bà đang nhìn bà, cái nhìn vừa dịu dàng, vừa hờn
dỗi.
Trong truyện Kim Hà – Lê Thành Chơn, chiếc nhẫn, kỉ vật mà người lính đã
hi sinh để lại cho người vợ của mình giống như có linh hồn. Khi người vợ cầm
chiếc nhẫn ấy lên, cô cảm thấy dường như bàn tay của người lính ấy đang nắm lấy
tay của mình. Chiếc nhẫn vốn lạnh với tất cả mọi người, nhưng kì lạ thay, với
những người thân yêu của anh, nó bỗng ấm lên một cách kì lạ.
Trong Tiếng vạc sành của Phạm Trung Khâu, người dân trong một ngôi làng
đồn rằng, dạo gần đây, làng họ xuất hiện một con rắn lạ. Vết nó bò in xuống mặt
ruộng to tày cột đình. Có người còn khẳng định họ thấy nó đầu quấn gốc cây bên
này, đuôi quấn gốc cây bên kia, mình ép dẹp lép cái gàu sành sạch tát một cái ao
lớn để bắt cá; có người khác lại kể, họ thấy đuôi nó cuốn trong làm gốc, mình dựng
đứng làm thân cổ thụ, lừa thú vật và người đi ngang qua bắt ăn thịt. Một người đàn
bà trong làng đêm nào cũng nghe tiếng “tọc, tọc, tọc” phát ra từ lùm cây hoang sau
nhà. Chị đem việc này kể với chồng mình. Anh này quyết rình bắn. Khoảng chín
giờ tối hôm đó, những tiếng “crọc crọc” bắt đầu vang lên, dưới ánh trăng mờ, một
con rắn thò đầu ra toan bò qua bụi chuối phía sau nhà. Người lính ngắm kĩ, miết cò
súng. Ba tiếng nổ vang lên, người dân trong làng kéo đến. Khi đến nơi, tất cả đều
sững sờ. Đó không phải là con rắn, đó là một con người – một người giống khuôn
mặt quỷ.
1.2.4. Lời nói, hành động kì lạ của nhân vật
+ Yếu tố kì ảo trong các tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh sau
1975 còn được biểu hiện ở những lời nói, hành động kì lạ của các nhân vật (5/50
truyện khảo sát).
Viên (Ăn mày dĩ vãng – Chu Lai) có một khả năng đặc biệt, có thể linh cảm
trước những việc sắp xảy ra. Khi đoán số phận Hai Hùng và Sương, Viên bảo “rồi
đây số phận anh và chị Sương ràng buộc với nhau nhiều lắm. Hai người đều gặp
vô số những hoạn nạn nhưng vẫn không thể xa rời nhau. Chị ấy sẽ chết trước anh”,
quả thật sau này, trãi qua nhiều thăng trầm, xa cách nhưng cuối cùng họ vẫn gặp lại
nhau, và Sương đã chết trong vòng tay của Hai Hùng. Trước một trận đấu, Viên
bảo “có đổ máu, có người chết”, quả nhiên sau đó khi đối đầu với giặc, một người
đã hi sinh – và người duy nhất đổ máu trong trận này chính là Viên.
Tương tự, trong Đồng đội – Hồ Tĩnh Tâm, Quân bảo “Em nguyện cầu cho
đất nước hòa bình để được ngủ thẳng cẳng một năm cho đã”. Đêm hôm sau, lời
nguyện cầu của Quân linh nghiệm. Đêm đầu tiên triển khai đội hình, Quân đã nằm
xuống mãi mãi. Một mảnh 155 ly mở toang lồng ngực anh. Buồng phổi nát bấy
nhưng trái tim vẫn còn nguyên vẹn.
“Con gái tao xinh và ngoan thế này, mày không muốn lấy. Vậy thì sau này
chỉ lấy ma! Chỉ lấy được ma thôi nhé”. Câu nói của lão hàng xóm (Bướm trắng –
Thái Bá Tân) đã ứng nghiệm. Chàng Xuân Sinh sau này đã cùng với hồn ma Bạch
Điệp sống hạnh phúc với nhau như những cặp vợ chồng bình thường.
Theo lời của bà đồng, vào ban đêm, nhổ tóc của chính mình, bện chín sợi
thành một bím. Bện đủ chín trăm chín mươi chín bím rồi nối lại với nhau, quấn
xung quanh tấm ảnh rồi đặt lên bàn thờ khấn sẽ lưu giữ người con trai ở lại trần
gian. Dù không tin mấy vào lời bói toán, người con gái trong Dây neo trần gian –
Võ Thị Hảo vẫn đều đặn từng đêm, tự tay nhổ tóc của mình bện thành từng bím. Cô
làm việc đó chỉ vì một mục đích duy nhất – lưu giữ người đàn ông mà cô yêu ở lại
trên cuộc đời này. Cuối cùng dường như những hành động kì lạ ấy của cô đã ứng
nghiệm, như một phép nhiệm màu, người đàn ông ấy là người duy nhất trong đội
quân năm ấy không bị nhiễm chất độc màu da cam.
Tuy xuất hiện rất ít (4/50 truyện khảo sát) nhưng không thể không nhắc tới
dạng thức kì ảo: sự biến dạng, hóa thân của nhân vật. Trong văn xuôi hiện đại sau
1975, dạng thức biểu hiện này xuất hiện nhiều trong các tác phẩm như Món tái dê –
Hồ Anh Thái, Lên ruồi – Đoàn Lê, Phiên chợ Giát – Nguyễn Minh Châu, Tim vỡ -
Võ Thị Hảo,… Trong truyện ngắn viết về chiến tranh chỉ thấy dạng thức này biểu
hiện qua một số tác phẩm: Bướm trắng – Thái Bá Tân, Hồn trinh nữ - Võ Thị
Hảo,...
Giống như truyện cổ tích, các nhân vật thường hóa thân sau khi chết. Ở
Bướm trắng, người đọc bắt gặp sự hóa thân kì lạ của Bạch Điệp. Lúc quay trở lại
Cổng Trời thăm mộ Bạch Điệp. Bất chợt Xuân Sinh thấy một con bướm rất lớn
màu trắng bay đến lởn vởn bên anh. Khi nhìn kỹ anh thấy trên đôi cánh màu trắng
của nó có nhiều vết rách. Khi theo con bướm vào một hang đá nhỏ, sâu và tối,
Xuân Sinh bỗng thấy có một cái gì trăng trắng đang tiến đến gần anh. Nhìn kĩ hóa
ra đó là Bạch Điệp. Nàng nói do nằm dưới ngôi mộ xi măng, cứng quá, nàng phải
biến thành bướm mới có thể chui qua nổi.
Người con gái trong Hồn trinh nữ sau khi chết đã hóa thành một loài hoa
hình tròn tròn tim tím. Mỗi khi có bước chân người qua hoặc bị va chạm mạnh,
những chiếc lá lăn tăn xếp lại, xuôi xuống như bàn tay che mặt. Và người ta gọi đó
là hoa trinh nữ.
 So với các tác phẩm văn xuôi sau 1975, các dạng thức kì ảo trong tiểu
thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh không đa dạng bằng. Chủ yếu biểu hiện ở
hai dạng thức tiêu biểu là mô-tip giấc mơ và hồn người chết trở về. Ngoài ra còn có
các dạng thức như: những sự việc kinh dị, hoang đường; những lời nói, hành động
kì lạ của nhân vật; sự hóa thân của nhân vật. Các dạng thức này xuất hiện với tần số
mỏng, không tạo được nét đặc trưng riêng.
Thế giới tinh thần của con người giống như là một chiếc hộp bí mật. Chỉ có
đi vào giấc mơ, người đọc mới có thể lý giải được những nỗi niềm riêng tư, ẩn kín
trong tâm hồn con người, đặc biệt là người lính. Đó có thể là nỗi ám ảnh về chiến
tranh, ám ảnh về lỗi lầm đã cố ý hoặc vô tình tạo ra, là niềm trăn trở, sự khát khao
hạnh phúc cá nhân. Đến với mô-tip ma hiện hồn, người đọc có thể hiểu thêm về sự
khốc liệt, nỗi đau, những mất mát mà chiến tranh gây ra cho con người. Những sự
việc kinh dị, hoang đường kì lạ cũng góp phần tô đậm mảng hiện thực cuộc sống
con người trong chiến tranh và trong cuộc sống đời thường. Mô-tip những lời nói,
hành động kì lạ của nhân vật thể hiện một điều gì đó khó giải thích bằng lý thuyết
khoa học. Dường như con người có một khả năng kì lạ, có thể nhận biết những
nguy hiểm sắp xảy ra bằng trực giác, cảm giác mà ta có thể gọi đó là linh cảm.
Trong chiến tranh, cái chết kề cận, do đó linh cảm về cái chết luôn đè nặng trong
tâm hồn người lính. Nói chung, các dạng thức kì ảo đã góp phần tạo nên nét mới lạ
cho các tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh sau 1975. Với yếu tố kì ảo, các
những mảng sáng tối của hiện thực chiến tranh, những vấn đề nhạy cảm thuộc về
thế giới tinh thần, tình cảm của con người hiện ra cụ thể rõ ràng qua từng trang
sách.
Chương 2: Vai trò và hiệu quả nghệ thuật của việc sử dụng yếu
tố kì ảo trong tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh giai
đoạn sau 1975
Yếu tố kì ảo là một trong những phương tiện nghệ thuật hữu hiệu tạo sự lôi
cuốn hấp dẫn cho tác phẩm. Bên cạnh đó, sự tham gia của yếu tố kì ảo vào tác
phẩm văn học đã chi phối nhiều đến cách thức tổ chức kết cấu của tác phẩm: tạo
nên những tình huống truyện mới lạ, độc đáo; cốt truyện hấp dẫn; góp phần dựng
nên một thế giới hình tượng đa dạng, đặc sắc.
2.1. Vai trò của yếu tố kì ảo trong kết cấu nghệ thuật tác phẩm
2.1.1. Yếu tố kì ảo và tình huống truyện
Trong truyện ngắn, tình huống đóng vai trò quan trọng, có thể xem đây là
khâu then chốt trong sáng tạo, đem đến sự thành công cho tác phẩm. Tình huống là
những thời khắc tiêu biểu (có người gọi là khoảnh khắc, chốc lát...) trong cuộc
sống của con người. Tại thời khắc đó, nó bộc lộ cái bản chất trong quan hệ giữa
các tính cách, giữa nhân vật với hoàn cảnh và thể hiện sâu sắc chủ đề của tác
phẩm. Trong một số truyện ngắn viết về chiến tranh sau 1975, sự xuất hiện của
yếu tố kì ảo đã góp phần tạo nên những tình huống đặc sắc, lôi cuốn. Qua khảo sát
các truyện ngắn này, ta thấy có sự xuất hiện các dạng tình huống tiêu biểu sau:
 Tình huống truyện nhuốm màu sắc hoang đường, kì lạ
Hoang đường, kì lạ là dạng tình huống quen thuộc, thường xuất hiện nhiều
trong các câu chuyện cổ tích thần kì, hoặc những truyện ngắn liêu trai, ma quái.
Trong các truyện ngắn viết về chiến tranh giai đoạn sau 1975, người đọc cũng dễ
dàng bắt gặp nhiều tình huống mà ở đó tính chất hoang đường, kì lạ thể hiện đậm
đặc, rõ nét. Có thể bắt gặp tình huống này ở một số truyện như: Bến trần gian –
Lưu Sơn Minh, Bướm trắng – Thái Bá Tân, Cặp bồ với ma – Ngô Văn Phú, Vĩnh
biệt mười tám con gà trống – Nguyễn Quang Lập, Đốm lửa – Nguyễn Thị Minh
Thúy, Trái tim con rắn – Nguyễn Đông Thức, Mai – Thanh Quế…
Bến trần gian (Bến trần gian) – một bến sông bãng lãng sương khói, hư ảo,
huyễn hoặc; là nơi giao nhau giữa cõi người và cõi ma. Chính tại nơi đây, linh hồn
của Lăng đã gặp lại người mẹ già sau bao nhiêu năm xa cách, để rồi chính anh phải
đau đớn khi nhận ra rằng mình không còn là người nữa, anh không thể trở về với
gia đình, với người thân được nữa bởi giữa người và ma vẫn là hai thế giới khác
biệt. Dù rất thương con nhưng người mẹ vẫn gạt nước mắt bảo anh đi “Người chết
thì phải đi thôi con ạ, đừng luẩn quẩn trần gian làm gì nữa. Bây giờ mày chỉ là nỗi
sợ hãi của mọi người thôi… u thương con lắm Lăng ạ, nhưng mà không thể để con
ở lại được”. Cuối cùng, Lăng đành phải ngậm ngùi lặng lẽ ra đi “Lăng dật dờ mấy
vòng, chẳng rõ anh có khóc không bởi sương đêm nay rơi nhiều quá…”. Anh phải
chấp nhận hiện thực dù đó là hiện thực đau đớn, phủ phàng. Có lẽ cuộc gặp gỡ cuối
cùng này sẽ giúp linh hồn anh được siêu thoát và có thể nằm lại nơi chiến trường
xưa.
Bướm trắng kể về mối tình giữa người lính lái xe Xuân Sinh và cô thanh
niên xung phong Bạch Điệp. Bạch Điệp đã hi sinh khi đang làm nhiệm vụ dẫn
đường cho đoàn xe vượt qua Cổng Trời. Tuy nhiên, cuối cùng cô đã sống lại và
cùng Xuân Sinh nên vợ nên chồng. Nhà văn đã dựng nên tình huống hư ảo, kì lạ.
Sau chiến tranh, Xuân Sinh đã trở lại Cổng Trời. Tại đây, nhờ sự dẫn đường của
một con bướm trắng mà Sinh đã gặp lại cô. Biết được người yêu đã hi sinh, và vì
bom đạn, nàng trở thành một hồn ma rách nát, đáng thương, Xuân Sinh đã lấy các
sợi máu của mình vá lại những vết thương trên cơ thể Bạch Điệp. Nhờ tình yêu và
sự kiên trì, cuối cùng Sinh đã thành công. Chàng đưa Bạch Điệp về quê mình ở
làng Đoài – Phú Xuyên, hai người sống với nhau như những cặp vợ chồng bình
thường khác…
Trong truyện ngắn Cặp bồ với ma, tác giả đã xây dựng một tình huống lãng
mạn nhưng đầy chất liêu trai, trong những ngày lang thang trông coi nghĩa trang,
chàng trai đã gặp một nấm mồ nhỏ đáng thương, động lòng thương cảm, chàng đã
“ngồi lại nhặt cỏ” với “lòng bùi ngùi, cảm khái”. Hành động đó đã được đáp lại
bằng tình yêu của hồn ma cô gái ma. Đêm đó, khi đang ngồi đọc sách, một làn gió
lạnh lùa qua, trước mặt chàng, một người phụ nữ mảnh mai, ăn mặc giản dị bước
vào. Cuộc gặp gỡ đó là khởi đầu tình yêu giữa người và ma. Hai người đã có những
ngày sống vui vẻ hạnh phúc bên nhau. Những ngày sống cạnh một người trần gian
xa lạ đã khiến cô gái thật sự thỏa lòng với một tình yêu thật sự mà trước đây trong
chiến tranh cô chưa một lần nếm trải.
Truyện Vĩnh biệt mười tám con gà trống, nhân vật rơi vào tình huống kì lạ.
Khi người đàn bà đang thổn thức trong lòng ông hàng xóm, tấm ảnh thờ của chồng
bà đột nhiên tuột dây chằng treo lủng lẳng trước mắt bà và người đàn ông ấy.
Người đàn ông hàng xóm hoảng sợ chạy về nhà. Riêng bà, lúc bấy giờ rơi vào tâm
trạng vừa day dứt, băn khoăn bởi cảm giác có lỗi với người chồng cũ; vừa trằn trọc,
bối rối bởi nỗi cô đơn, trống vắng suốt mười tám năm. Bà nhận ra rằng mình rất
cần được chăm sóc bởi đôi tay một người đàn ông.
Sự tham gia của yếu tố kì ảo vào tình huống truyện khiến người đọc liên
tưởng đến những câu chuyện cổ tích mà ở đó có ông bụt, bà tiên có thể dùng phép
màu giúp nhân vật thực hiện ước mơ của mình; có sự hóa thân thần kì của nhân vật
sau khi chết để họ có thể trở về sống một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc; có sự gặp
gỡ giữa người còn sống và người đã chết. Tuy mang dáng vẻ của những câu chuyện
cổ tích, song khi khép lại câu chuyện, bao nỗi băn khoăn đặt ra: liệu những phép
màu thần kì đó đã thật sự hàn gắn được vết thương mà chiến tranh đã để lại cho con
người.
Cũng như những buổi tiệc trước, Thuật (Trái tim con rắn) là người được ưu
tiên thưởng thức ly rượu đặc biệt. Một ly rượu thuốc đã trộn đều với máu rắn, bên
trong là một trái tim nhỏ xíu vẫn còn thoi thóp thở sẽ là ly rượu bắt đầu cho buổi
tiệc. Thường, để chứng tỏ bản lĩnh của mình, Thuật sẽ dùng tay nhón lấy trái tim
con rắn nhai chóp chép một cách ngon lành. Nhưng trong buổi tiệc hôm nay, khi
kẹp lấy trái tim ở đáy ly, Thuật có cảm giác nó quẫy nhẹ như muốn tuột khỏi tay
ông. Khi cho vào miệng, trái tim ấy tự lăn lên lưỡi, tuột vào yết hầu và trôi xuống
thực quản rồi dừng lại ở đó. Ngay lúc đó nó làm ông nghẹn thở mất mấy giây. Từ
sau giây phút kì lạ đó, suốt đêm Thuật không thể nào chợp mắt bởi những âm thanh
quái lạ cứ vang lên trong lồng ngực của ông. Cũng trong đêm đó, những hành động
sai trái trước đây lần lượt hiện ra trong đầu của ông. Sáng ra, người ta thấy ông đã
chết với một trái tim nhỏ xíu đã bị vỡ đôi.
Trong một chuyến về hậu phương nhận hàng, lúc dừng chân ở một chặng
đường, bỗng dưng Quỳ (Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành – Nguyễn Minh
Châu) cảm giác như có ai đó đang vẫy gọi chị từ đằng sau những cánh cửa gỗ mục
nát trong chùa. Đẩy cánh cửa bước vào, trước mắt Quỳ là một bức tượng ngàn mắt
ngàn tay ngồi chễm chệ trên tòa sen. Trong cái giây phút bàn tay chạm vào bức
tượng, chị thấy như đang chạm vào đôi bàn tay dấp dính mồ hôi của Hòa - người
yêu của chị. Chỉ đến giây phút này, chị mới chợt hiểu ra nụ cười bí ẩn luôn hiện ra
trên đôi môi của anh trước lúc vĩnh viễn ra đi. Chỉ có sự ra đi anh mới có thể mãi
mãi giữ lại hình ảnh đẹp của mình trong chị, bởi chỉ có niềm thương tiếc, người ta
mới có thể quên đi những khuyết điểm của một con người. Trong cuộc sống, không
phải điều gì cũng là hoàn hảo. Một khi đã yêu, nên biết chấp nhận những khuyết
điểm của đối phương.
Sự có mặt của yếu tố kì ảo trong tình huống truyện không chỉ gây sức hấp
dẫn mà còn góp phần bộc lộ tư tưởng tác phẩm. Tác giả đặt nhân vật vào tình
huống hoang đường, kì lạ để từ đó nhân vật bộc lộ nhận thức, suy nghĩ, tình cảm
của mình. Qua đó người đọc có thể lý giải tính cách của từng nhân vật để từ đó hiểu
thêm về số phận của những người lính.
 Trong những tác phẩm viết về chiến tranh, không hiếm để có thể tìm thấy
những tình huống hoang đường, kì lạ trong truyện. Tuy nhiên, nếu so sánh với
những tình huống hoang đường, kì lạ trong các tác phẩm trước đây, đặc biệt là
trong những truyện cổ tích thần kì, rõ ràng có một sự khác biệt rất lớn. Trong các
truyện cổ tích, sự góp mặt của yếu tố kì ảo trong tình huống truyện nhằm dẫn dắt
người nghe bước vào một thế giới hoang đường mà ở đó, nhờ sự kì ảo, con người
có thể dễ dàng thực hiện ước mơ của mình, làm thay đổi số phận của nhân vật. Cả
tác giả lẫn người đọc đều tin vào sự thần kì đó. Ở các tác phẩm văn học sau này,
yếu tố kì ảo tuy xuất hiện nhưng cái thực vẫn nổi trội, người đọc vẫn phân biệt rạch
ròi đâu là thế giới của sự hư huyễn, đâu là sự thật của cuộc sống. Sự có mặt của yếu
tố kì ảo góp phần giúp người đọc khám phá những bộ mặt khác nhau của chiến
tranh.
+ Tình huống truyện căng thẳng, kịch tính
Tình huống căng thẳng, kịch tính cũng thường được nhà văn sử dụng trong
các truyện viết về chiến tranh mang yếu tố kì ảo. Tình huống này tạo cho người
đọc cảm giác ngạt thở, xáo trộn, buộc phải đặt câu hỏi liệu nhân vật sẽ ra sao khi
đối mặt với tình huống đó.
Truyện ngắn Chuyến xe đêm – Ma Văn Kháng, kể về một người lính làm
nhiệm vụ đưa những người trên xe đến một trạm gác an toàn. Trong truyện, để
làm nổi bật lên hình ảnh người lính lái xe anh dũng, gan dạ, tác giả đã đặt nhân
vật vào một tình huống khá căng thẳng, nghẹt thở. Trong quãng hành trình, anh
bất ngờ bị trúng ba phát pháo của bọn tàn quân. Với một người bình thường, việc
có thể sống sót khi bị trúng ba phát pháo là điều không thể. Vì vậy, mọi người ai
cũng lo sợ và đinh ninh anh đã chết khi thấy máu ứa ra đen thẫm, và anh đã gục
xuống trên tay lái. Nhưng, chính trong tình huống căng thẳng, không còn hi vọng
này, chiếc xe vẫn lăn bánh tựa như có một lực đẩy vô hình, một phép màu kì lạ
trong khi anh đã rơi vào trạng thái bất tỉnh. Cuối cùng anh đã hoàn thành nhiệm
vụ, đưa những người trên xe đến được trạm gác. Ở truyện Kim Hà (Lê Thành
Chơn), tác giả cũng đã tạo nên một tình huống căng thẳng không kém. Một chiếc
xe đang trên đường trở về đơn vị, và Hà – người nhận trách nhiệm cầm tay lái đã
bị bốn trái bom dội liên tiếp vào người. Anh bị thương rất nặng và cánh tay cũng
đã đứt lìa, máu ra xối xả. Thế nhưng, vì tinh thần đồng đội, không hiểu bằng cách
nào, anh đã lái được chiếc xe về đến đơn vị. Với sự tham dự của dạng thức kì ảo:
sự việc kinh dị, kì lạ, tác giả đã tạo nên hình ảnh đẹp đẽ, phi thường của người
lính. Hơn bao giờ hết, nghĩa vụ, trách nhiệm cao hơn những lợi ích riêng tư, nguy
hiểm của cá nhân bản thân mình.
Tình huống trong Dây neo trần gian – Võ Thị Hảo, xuất hiện khi cô gái
dùng những sợi tóc của mình bện thành những bím tóc nhỏ quấn quanh bức ảnh
người đàn ông mà cô yêu. Đó là cách duy nhất mà theo lời bà đồng sẽ neo giữ
được người ấy ở lại trần gian. Dù biết đây là điều vô lý nhưng cô gái vẫn làm
theo. Kết quả kì diệu đã xảy ra. Người đàn ông cảm động và quyết định đối mặt
với sự thật – sẽ cùng nàng đến bệnh viện thử máu xem mình có bị nhiễm chất độc
da cam không. Thật kì diệu, kết quả cuối cùng anh là người duy nhất trong nhóm
không bị nhiễm chất độc chết người. Phải chăng chính tình yêu của cô đã làm nên
điều kì diệu – đã neo anh lại được với trần gian.
 Những tình huống căng thẳng, kịch tính đặt nhân vật vào những khoảnh
khắc khó khăn, gay go, quyết liệt tưởng như không thể vượt qua. Từ đó xuất hiện
những điều lạ giúp nhân vật thực hiện được những điều phi thường, khó thể xảy
ra trong đời sống thực. Để tạo nên điều lạ, các tác giả thường dùng đến dạng thức
kì ảo: Những sự việc kinh dị, kì lạ. Sự tham dự của yếu tố kì ảo vào tình huống
truyện tạo cho người đọc sự thú vị xen lẫn hồi hộp, lo lắng. Tuy số lượng tác
phẩm không nhiều, song các truyện vẫn tạo nên dấu ấn riêng. Đa số, những truyện
có tình huống này đưa người đọc quay trở lại khung cảnh chiến trường với những
trận bom ác liệt, kinh hoàng. Ở đó, người lính đối mặt với sự sinh tử trong gang
tấc từ đó người đọc thấy được sự anh hùng, quả cảm của nhân vật.
+ Tình huống truyện mang tính chất ngẫu nhiên
Tính chất ngẫu nhiên cũng thường được nhà văn sử dụng trong những
truyện ngắn viết về chiến tranh sau 1975. Để tạo sự li kì cho tác phẩm, đôi khi các
nhà văn tô đậm sự ngẫu nhiên đó đến mức lạ lùng, khó hiểu. Sự ngẫu nhiên này
đôi khi sẽ là tiền đề đưa nhân vật đến với những điều hư huyễn sau đó. Ở những
truyện ngắn này, yếu tố kì ảo được sử dụng nhằm tô đậm tính chất trùng hợp kì lạ
của tình huống
Một hôm, con chó tha về một khúc xương ống chân (Tiếng chuông chiều –
Lê Hoài Lương). Trong thoáng chốc, người chủ nhân nhận ra đó chính là xương
người, lập tức gã đã buộc chú chó dẫn đến nơi có xương đó. Sau một lúc hì hục
moi cát, trước mắt gã là một bộ xương người trong tư thế đang ngồi. Nhìn hộp
dầu cao sao vàng và đôi dép cao su, gã đoán là người lính Việt cộng chết vì sụp
hầm. Không nỡ để bộ xương bị chó tha đi từng mảnh, gã đem chôn cất bộ xương
cẩn thận. Từ tình huống ngẫu nhiên đó đã dẫn đến hàng loạt những điều lạ lùng
mà gã gặp sau này. Trong những lúc nguy hiểm, cận kề cái chết, linh hồn của
người lính xấu số đã về cứu gã thoát chết trong gang tấc. Chết không có nghĩa là
hoàn toàn biến mất. Người chết vẫn có thể trở về giúp đỡ cho người còn sống.
Trong thế giới của người chết, không có sự phân biệt ta và địch, chỉ cần đó là
người tốt, linh hồn người chết sẽ phù hộ, chở che cho họ.
Đến với Trừng phạt – Đỗ Nhật Minh, người đọc không khỏi ngạc nhiên
bởi sự trùng hợp lạ lùng giữa giấc mơ và cuộc đời thực của nhân vật. Trong mơ,
ông Tuyển thấy đang ngồi thì đứa cháu hớt hải chạy đến bảo về nhà có khách.
Đến nơi, ông thấy toàn bộ căn nhà ngói năm gian đột nhiên trống hoác, một người
đàn ông mặc quần kaki bộ đội ngồi xoay lưng lại với ông. Khi người khách ấy
quay lưng lại, ông kinh hoàng nhận ra đó là một người đồng đội đã hi sinh trong
chiến tranh. Và hôm sau, lúc đang ngồi bên bờ sông, cũng ngay vị trí cây ổi
(giống trong mơ), thằng cháu ông cũng hớt hải chạy đến bảo ông về nhà có khách.
Hoảng hốt, ông đã ngã xuống ngất xỉu trước sự ngỡ ngàng của đứa bé. Và sau đó,
tất cả những sự việc trước đây lần lượt hiện ra trong đầu ông như mới xảy ra ngày
hôm qua. Người đàn ông trong giấc mơ kia là ai? Giấc mơ ấy liên quan gì đến
cuộc đời ông Tuyển? Vì sao sự trùng hợp giữa giấc mơ với cuộc đời thực lại có
thể khiến ông Tuyển sợ hãi đến ngất xỉu. Chính những điều này đã lôi cuốn người
đọc tiếp tục theo dõi diễn biến tiếp theo của câu chuyện.
Nếu những con kiến đen không xuất hiện trên mâm ăn, có lẽ đây sẽ là buổi
cơm rất đầm ấm và vui vẻ đối với Nghĩa (Chiều vô danh – Hoàng Dân). Đang háo
hức nhận bát bún nóng từ tay vợ, bất chợt Nghĩa thấy nôn nao trong lòng, người
lảo đảo, quay cuồng khi nhìn thấy từng đàn kiến đang bò quanh mâm cơm. Trong
thoáng chốc, Nghĩa cảm thấy đám sinh vật li ti ấy đang nhe răng, gặm sồn sột
trong óc, khiến anh không còn bình tĩnh được nữa. Sự xuất hiện của những sinh
vật bé nhỏ nhưng đáng sợ ấy đưa anh trở về với quá khứ đạn bom ác liệt năm nào.
Trước mắt anh, khu rừng Trường Sơn hiện ra rõ ràng, rành mạch: Tiếng bom rơi,
tiếng đạn rít, những âm thanh ầm ầm náo động; và nơi đó, hàng triệu, hàng triệu
con kiến đen đang xâu xé những mẩu xương thịt của đồng đội anh. Tất cả cứ như
vừa mới hôm qua. Kiến đen vốn là những sinh vật bình thường, vô hại đối với con
người. Nhưng ở đây, sự xuất hiện tình cờ của chúng vô tình chạm vào vết thương
lòng của nhân vật. Quá khứ chiến tranh thật khốc liệt và hãi hùng, sự ám ảnh mà
nó để lại sẽ không bao giờ có thể phai mờ và chỉ cần vô tình chạm phải, nỗi ám
ảnh ấy lập tức kéo con người ra khỏi cuộc sống hiện tại, bởi giống như lời Kiên
(Nỗi buồn chiến tranh – Bảo Ninh) họ là những người “không thể nhấc chân ra
khỏi miệng hố chiến tranh”.
Trong truyện ngắn Họ đã trở thành đàn ông – Phạm Ngọc Tiến, tác giả đã
để cho nhân vật tình cờ nghe được cuộc chuyện trò giữa hai người lính. Cuộc
chuyện trò của họ vô tình đã làm thay đổi suy nghĩ của nhân vật ấy. Lúc đó, đang
giữa chiến trường ác liệt, chị - một người con gái thành phố tự nguyện tham gia
vào chiến trường. Ở sát kho chị có một con suối, chị có thói quen ra suối tắm vào
buổi sáng. Và buổi sáng hôm ấy, những lời tâm tình của hai người lính, chị đã
nghe hết không sót một lời. Đó là lời tâm sự của những chàng trai mà khi ra chiến
trường, họ chưa một lần được trở thành người đàn ông thật sự. Thậm chí đến lúc
hi sinh, họ vẫn chưa được nếm trải cái hạnh phúc mà ông trời ban cho loài người.
Đoạn đối thoại đã vô tình tác động mạnh mẽ đến người chị. Khi trở về, chị trải
qua một cơn sốt, chị mơ màng thấy lại thành phố thân yêu của mình, thấy lại anh,
thấy lại cuộc hẹn hò lần cuối của mình, và chị đã không để anh vượt quá giới hạn
trong buổi sáng ấy. Chị cảm thấy mình có lỗi với anh. Sau khi tỉnh lại, chị đưa ra
một quyết định vô cùng táo bạo, để những người con trai ấy một lần trong đời trở
thành người đàn ông, để họ khi đã vĩnh viễn nằm trong lòng đất lạnh cũng không
cảm thấy nuối tiếc cuộc đời. Chiến tranh, có những sự hi sinh mà ai cũng nhìn
thấy, nhưng cũng có những người lặng lẽ hi sinh, đem đến niềm vui cho người
khác mà không cần phải được nhớ đến.
 Bên cạnh tình huống mang tính chất hoang đường, tình huống căng thẳng,
kịch tính; tình huống mang tính chất ngẫu nhiên cũng thường có mặt trong các tác
phẩm văn xuôi viết về chiến tranh sau 1975. Sự tham dự của yếu tố kì ảo đã tạo
nên những tình huống ngẫu nhiên, trùng hợp đến mức kì lạ, khó hiểu. Những tình
huống này đóng vai trò quan trọng, gắn kết nhân vật với các sự kiện lạ lùng sau
đó, góp phần bộc lộ tính cách, tâm tư, tình cảm của nhân vật, cũng như thể hiện
chủ đề, tư tưởng của tác phẩm.
2.1.2. Yếu tố kì ảo và cốt truyện
+ Yếu tố kì ảo đóng vai trò biểu tượng, xuất hiện song hành cùng cốt truyện
Ở những truyện này yếu tố kì ảo được tác giả lồng ghép một cách có ý thức,
tạo nên một kiểu thêm thắt, gia giảm; đan lồng, xen kẽ cái kì ảo và cái thực. Đặc
trưng của những truyện này là yếu tố kì ảo không đóng vai trò cốt yếu, chi phối
mạch truyện. Các truyện như Tiếng vạc sành – Phạm Trung Khâu, Cỏ lau –
Nguyễn Minh Châu, Vĩnh biệt mười tám con gà trống- Nguyễn Quang Lập, Đồng
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY

More Related Content

What's hot

Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh tháiLuận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh tháinataliej4
 
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...nataliej4
 
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260nataliej4
 
Luận Văn Thế Giới Nhân Vật Trong Truyện Ngắn Lê Minh Khuê
Luận Văn Thế Giới Nhân Vật Trong Truyện Ngắn Lê Minh KhuêLuận Văn Thế Giới Nhân Vật Trong Truyện Ngắn Lê Minh Khuê
Luận Văn Thế Giới Nhân Vật Trong Truyện Ngắn Lê Minh KhuêDịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 

What's hot (20)

Thơ Nguyễn Bình Phương từ góc nhìn của lí thuyết hậu hiện đại
Thơ Nguyễn Bình Phương từ góc nhìn của lí thuyết hậu hiện đạiThơ Nguyễn Bình Phương từ góc nhìn của lí thuyết hậu hiện đại
Thơ Nguyễn Bình Phương từ góc nhìn của lí thuyết hậu hiện đại
 
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh tháiLuận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
 
Đặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAY
Đặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAYĐặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAY
Đặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAY
 
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
 
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260
 
Cảm thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam (1986 - 2010), HOT
Cảm thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam (1986 - 2010), HOTCảm thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam (1986 - 2010), HOT
Cảm thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam (1986 - 2010), HOT
 
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAYLuận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
 
Luận Văn Thế Giới Nhân Vật Trong Truyện Ngắn Lê Minh Khuê
Luận Văn Thế Giới Nhân Vật Trong Truyện Ngắn Lê Minh KhuêLuận Văn Thế Giới Nhân Vật Trong Truyện Ngắn Lê Minh Khuê
Luận Văn Thế Giới Nhân Vật Trong Truyện Ngắn Lê Minh Khuê
 
Luận văn: Truyện Nôm trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu, 9đ
Luận văn: Truyện Nôm trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu, 9đLuận văn: Truyện Nôm trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu, 9đ
Luận văn: Truyện Nôm trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu, 9đ
 
Luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết của Trần Dần
Luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết của Trần DầnLuận văn: Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết của Trần Dần
Luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết của Trần Dần
 
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ nữ Việt Nam đầu thế kỉ XXI
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ nữ Việt Nam đầu thế kỉ XXILuận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ nữ Việt Nam đầu thế kỉ XXI
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ nữ Việt Nam đầu thế kỉ XXI
 
Luận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAY
Luận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAYLuận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAY
Luận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAY
 
Luận văn: Diễn ngôn chấn thương trong tiểu thuyết nữ Việt Nam, HAY
Luận văn: Diễn ngôn chấn thương trong tiểu thuyết nữ Việt Nam, HAYLuận văn: Diễn ngôn chấn thương trong tiểu thuyết nữ Việt Nam, HAY
Luận văn: Diễn ngôn chấn thương trong tiểu thuyết nữ Việt Nam, HAY
 
Luận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAY
Luận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAYLuận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAY
Luận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAY
 
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và Inrasara, HAY
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và Inrasara, HAYLuận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và Inrasara, HAY
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và Inrasara, HAY
 
Luận văn: Motif li tán trong thần thoại các tộc người thiểu số, HAY
Luận văn: Motif li tán trong thần thoại các tộc người thiểu số, HAYLuận văn: Motif li tán trong thần thoại các tộc người thiểu số, HAY
Luận văn: Motif li tán trong thần thoại các tộc người thiểu số, HAY
 
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAYLuận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
 
Dấu ấn hiện sinh trong tiểu thuyết “Một thế giới không có đàn bà”, HAY
Dấu ấn hiện sinh trong tiểu thuyết “Một thế giới không có đàn bà”, HAYDấu ấn hiện sinh trong tiểu thuyết “Một thế giới không có đàn bà”, HAY
Dấu ấn hiện sinh trong tiểu thuyết “Một thế giới không có đàn bà”, HAY
 
Luận văn: Thơ cổ phong Nguyễn Trãi, Nguyễn Du từ góc nhìn thi pháp
Luận văn: Thơ cổ phong Nguyễn Trãi, Nguyễn Du từ góc nhìn thi phápLuận văn: Thơ cổ phong Nguyễn Trãi, Nguyễn Du từ góc nhìn thi pháp
Luận văn: Thơ cổ phong Nguyễn Trãi, Nguyễn Du từ góc nhìn thi pháp
 
Quan niệm về con người trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, 9đ
Quan niệm về con người trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, 9đQuan niệm về con người trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, 9đ
Quan niệm về con người trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, 9đ
 

Similar to Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY

Van hoa kinh_bac_vung_tham_my_trong_tho_hoang_cam_7931
Van hoa kinh_bac_vung_tham_my_trong_tho_hoang_cam_7931Van hoa kinh_bac_vung_tham_my_trong_tho_hoang_cam_7931
Van hoa kinh_bac_vung_tham_my_trong_tho_hoang_cam_7931Garment Space Blog0
 
LUẬN VĂN THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN LÊ MINH KHUÊ SAU NĂM 1975_102537...
LUẬN VĂN THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN LÊ MINH KHUÊ SAU NĂM 1975_102537...LUẬN VĂN THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN LÊ MINH KHUÊ SAU NĂM 1975_102537...
LUẬN VĂN THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN LÊ MINH KHUÊ SAU NĂM 1975_102537...KhoTi1
 

Similar to Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY (20)

Tiểu thuyết về đề tài xây dựng CNXH trong văn xuôi miền Bắc, HAY
Tiểu thuyết về đề tài xây dựng CNXH trong văn xuôi miền Bắc, HAYTiểu thuyết về đề tài xây dựng CNXH trong văn xuôi miền Bắc, HAY
Tiểu thuyết về đề tài xây dựng CNXH trong văn xuôi miền Bắc, HAY
 
Van hoa kinh_bac_vung_tham_my_trong_tho_hoang_cam_7931
Van hoa kinh_bac_vung_tham_my_trong_tho_hoang_cam_7931Van hoa kinh_bac_vung_tham_my_trong_tho_hoang_cam_7931
Van hoa kinh_bac_vung_tham_my_trong_tho_hoang_cam_7931
 
Luận văn: Truyện ngắn Việt Nam sau năm 1975 viết về chiến tranh Luận án TS. N...
Luận văn: Truyện ngắn Việt Nam sau năm 1975 viết về chiến tranh Luận án TS. N...Luận văn: Truyện ngắn Việt Nam sau năm 1975 viết về chiến tranh Luận án TS. N...
Luận văn: Truyện ngắn Việt Nam sau năm 1975 viết về chiến tranh Luận án TS. N...
 
Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lê Minh Khuê sau 1975, 9đ
Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lê Minh Khuê sau 1975, 9đThế giới nhân vật trong truyện ngắn Lê Minh Khuê sau 1975, 9đ
Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lê Minh Khuê sau 1975, 9đ
 
LUẬN VĂN THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN LÊ MINH KHUÊ SAU NĂM 1975_102537...
LUẬN VĂN THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN LÊ MINH KHUÊ SAU NĂM 1975_102537...LUẬN VĂN THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN LÊ MINH KHUÊ SAU NĂM 1975_102537...
LUẬN VĂN THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN LÊ MINH KHUÊ SAU NĂM 1975_102537...
 
Đề tài: Hình tượng người chiến sĩ trong tranh cổ động, HAY, 9đ
Đề tài: Hình tượng người chiến sĩ trong tranh cổ động, HAY, 9đĐề tài: Hình tượng người chiến sĩ trong tranh cổ động, HAY, 9đ
Đề tài: Hình tượng người chiến sĩ trong tranh cổ động, HAY, 9đ
 
Chiến tranh nhân dân ở Quảng Bình trong chống Mỹ 1965-1973
Chiến tranh nhân dân ở Quảng Bình trong chống Mỹ 1965-1973Chiến tranh nhân dân ở Quảng Bình trong chống Mỹ 1965-1973
Chiến tranh nhân dân ở Quảng Bình trong chống Mỹ 1965-1973
 
Luận văn: Đặc trưng nghệ thuật truyện ngắn Hồ Phương, 9đ
Luận văn: Đặc trưng nghệ thuật truyện ngắn Hồ Phương, 9đLuận văn: Đặc trưng nghệ thuật truyện ngắn Hồ Phương, 9đ
Luận văn: Đặc trưng nghệ thuật truyện ngắn Hồ Phương, 9đ
 
Đề tài: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu
Đề tài: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Minh ChâuĐề tài: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu
Đề tài: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu
 
Cảm hứng về người anh hùng trong văn xuôi Nguyên Ngọ, HAY
Cảm hứng về người anh hùng trong văn xuôi Nguyên Ngọ, HAYCảm hứng về người anh hùng trong văn xuôi Nguyên Ngọ, HAY
Cảm hứng về người anh hùng trong văn xuôi Nguyên Ngọ, HAY
 
Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam từ 1965 đến 1975, 9đ
Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam từ 1965 đến 1975, 9đLuận án: Cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam từ 1965 đến 1975, 9đ
Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam từ 1965 đến 1975, 9đ
 
Luận án: Tiểu thuyết có tính chất tự truyện trong văn học Việt Nam
Luận án: Tiểu thuyết có tính chất tự truyện trong văn học Việt NamLuận án: Tiểu thuyết có tính chất tự truyện trong văn học Việt Nam
Luận án: Tiểu thuyết có tính chất tự truyện trong văn học Việt Nam
 
Luận văn: Thể loại phóng sự Việt Nam từ 1975 đến nay, HAY, 9đ
Luận văn: Thể loại phóng sự Việt Nam từ 1975 đến nay, HAY, 9đLuận văn: Thể loại phóng sự Việt Nam từ 1975 đến nay, HAY, 9đ
Luận văn: Thể loại phóng sự Việt Nam từ 1975 đến nay, HAY, 9đ
 
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAYĐấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
 
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu ThỉnhHình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
Hình tượng biển trong trường ca Thu Bồn, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh
 
Luận án: Thế giới nghệ thuật của Nguyên Hồng trước năm 1945
Luận án: Thế giới nghệ thuật của Nguyên Hồng trước năm 1945Luận án: Thế giới nghệ thuật của Nguyên Hồng trước năm 1945
Luận án: Thế giới nghệ thuật của Nguyên Hồng trước năm 1945
 
Khóa Luận văn học về Mộng trong thơ của Tản Đà
Khóa Luận văn học về Mộng trong thơ của Tản ĐàKhóa Luận văn học về Mộng trong thơ của Tản Đà
Khóa Luận văn học về Mộng trong thơ của Tản Đà
 
Luận văn: Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt nam
Luận văn: Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt namLuận văn: Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt nam
Luận văn: Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt nam
 
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đLuận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
 
Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ trẻ Việt Nam 1965 - 1975, HAY
Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ trẻ Việt Nam 1965 - 1975, HAYLuận án: Cái tôi trữ tình trong thơ trẻ Việt Nam 1965 - 1975, HAY
Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ trẻ Việt Nam 1965 - 1975, HAY
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620

Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620 (20)

Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 ĐiểmDanh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
 
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý TưởngDanh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
 

Recently uploaded

SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líDr K-OGN
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...ThunTrn734461
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdfSơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdftohoanggiabao81
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfhoangtuansinh1
 
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...hoangtuansinh1
 
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhvanhathvc
 
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdfNQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdfNguyễn Đăng Quang
 
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxChàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxendkay31
 
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoabài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa2353020138
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxTrích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxnhungdt08102004
 
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 

Recently uploaded (19)

SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
 
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdfSơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
 
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
 
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
 
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdfNQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
 
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxChàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
 
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoabài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
 
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxTrích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
 
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 

Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY

  • 1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH Trần Thị Mai Lan YẾU TỐ KÌ ẢO TRONG TIỂU THUYẾT, TRUYỆN NGẮN VIẾT VỀ CHIẾN TRANH GIAI ĐOẠN SAU 1975 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC Thành phố Hồ Chí Minh - 2012
  • 2. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRẦN THỊ MAI LAN YẾU TỐ KỲ ẢO TRONG TIỂU THUYẾT, TRUYỆN NGẮN VIẾT VỀ CHIẾN TRANH GIAI ĐOẠN SAU 1975 Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 60 22 34 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC Người hướng dẫn khoa học TS. Hoàng Thị Văn Thành phố Hồ Chí Minh - 2012
  • 3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi, các số liệu và kết quả nghiên cứu nêu trong luận văn là trung thực, được các đồng tác giả cho phép sử dụng và chưa từng được công bố trong bất kì một công trình nào khác. Tác giả luận văn TRẦN THỊ MAI LAN
  • 4. LỜI CÁM ƠN Tôi xin chân thành cám ơn TS. Hoàng Thị Văn – giảng viên khoa ngữ văn trường đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã tận tình hướng dẫn, giúp đỡ, và tạo điều kiện cho tôi hoàn thành luận văn. Tôi xin chân thành cám ơn các thầy cô trong khoa ngữ văn đã tận tình giảng dạy, giúp đỡ tôi trong suốt những năm tôi học tập tại nhà trường. Tôi xin chân thành cám ơn các cán bộ, công nhân viên trong thư viện trường đã tạo điều kiện thuận lợi để tôi có được những tài liệu phục vụ cho quá trình học tập và tìm hiểu nghiên cứu để hoàn thành tốt luận văn này. Cuối cùng tôi xin chân thành cám ơn các bạn bè trong lớp Cao học chuyên ngành Văn học Việt Nam, khóa 19, đã cùng tôi học tập trong suốt những năm qua. Với những năm tháng đó, tôi đã học được nhiều kinh nghiệm quí báu từ các bạn. Tác giả luận văn TRẦN THỊ MAI LAN
  • 5. MỤC LỤC Phần mở đầu.....................................................................................................................7 1. Lý do chọn đề tài ................................................................................................................. 7 2. Lịch sử vấn đề...................................................................................................................... 9 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ...................................................................................... 13 3.1. Đối tượng nghiên cứu............................................................................................................................ 13 3.2. Phạm vi nghiên cứu............................................................................................................................... 13 4. Phương pháp nghiên cứu................................................................................................... 14 4.1. Phương pháp khảo sát, thống kê............................................................................................................ 14 4.2. Phương pháp phân tích, tổng hợp.......................................................................................................... 14 4.3. Phương pháp so sánh, đối chiếu ............................................................................................................ 14 5. Mục đích của luận văn....................................................................................................... 14 6. Đóng góp của luận văn....................................................................................................... 15 7. Cấu trúc của luận văn........................................................................................................ 15 Phần nội dung.................................................................................................................17 Chương 1: Yếu tố kì ảo và các dạng thức xuất hiện của yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh giai đoạn sau 1975 ............................................................... 17 1.1. Khái niệm về yếu tố kì ảo...................................................................................................................... 17 1.2. Các dạng thức biểu hiện của yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh sau 1975.............................................................................................................................................................. 19 1.2.1. Mô-tip giấc mơ............................................................................................................................... 19 1.2.2. Hồn người chết trở về .................................................................................................................... 24 1.2.3. Những sự việc kinh dị, kì lạ ........................................................................................................... 28 1.2.4. Lời nói, hành động kì lạ của nhân vật ............................................................................................ 31 Chương 2: Vai trò và hiệu quả nghệ thuật của việc sử dụng yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh giai đoạn sau 1975 ............................................................... 34 2.1. Vai trò của yếu tố kì ảo trong kết cấu nghệ thuật tác phẩm................................................................... 34 2.1.1. Yếu tố kì ảo và tình huống truyện.................................................................................................. 34 2.1.2. Yếu tố kì ảo và cốt truyện .............................................................................................................. 42 2.2. Yếu tố kì ảo và thế giới hình tượng ....................................................................................................... 53 2.2.1. Yếu tố kì ảo và nhân vật................................................................................................................. 53 2.2.1.1. Nhân vật là những hồn ma...................................................................................................... 53 2.2.1.2. Loại nhân vật dị thường, kì lạ................................................................................................. 58 2.2.1.3. Loại nhân vật mang màu sắc huyền thoại, cổ tích .................................................................. 61 2.2.2. Yếu tố kì ảo và không gian - thời gian nghệ thuật ......................................................................... 63 2.2.2.1. Không gian nghệ thuật............................................................................................................ 63 2.2.2.2. Thời gian nghệ thuật............................................................................................................... 70 2.3. Yếu tố kì ảo và việc biểu đạt các lớp ý nghĩa trong tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh sau 1975.............................................................................................................................................................. 75 2.3.1. Chiến tranh – sự mất mát không gì bù đắp..................................................................................... 75
  • 6. 2.3.2. Chiến tranh – nỗi cô đơn và niềm khát khao hạnh phúc ................................................................ 80 2.3.3. Người lính và sự tha hóa, biến chất................................................................................................ 88 Chương 3: Yếu tố kì ảo từ góc nhìn thể tài, đời sống tâm linh và sắc thái thẩm mỹ............... 91 3.1. Yếu tố kì ảo từ góc nhìn thể tài tiểu thuyết, truyện ngắn....................................................................... 91 3.1.1. Đặc điểm thể tài tiểu thuyết, truyện ngắn....................................................................................... 91 3.1.2. Yếu tố kì ảo - Sự giống và khác nhau trong thể tài tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh sau 1975. .................................................................................................................................................. 92 3.2. Yếu tố kì ảo từ góc nhìn văn hóa tâm linh........................................................................................... 104 3.2.1. Thuật ngữ tâm linh....................................................................................................................... 104 3.2.2. Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh sau 1975 từ góc nhìn văn hóa tâm linh .................................................................................................................................................. 105 3.3. Yếu tố kì ảo từ sắc thái thẩm mỹ ......................................................................................................... 118 KẾT LUẬN ...................................................................................................................127
  • 7. Phần mở đầu 1. Lý do chọn đề tài Kể từ sau chiến thắng mùa xuân 1975, lịch sử dân tộc mở sang một trang mới, dẫn đến nền văn học nước nhà cũng bước vào một chặng đường mới. Tuy vẫn tiếp nối nền văn học Cách mạng trước đó với đề tài chủ yếu là chiến tranh và người lính, song thông qua các trang viết, có thể thấy sự thay đổi rõ rệt trong cách thể hiện của các tác giả về cuộc chiến đã qua. Mặc dù vẫn còn mang âm hưởng sử thi và cảm hứng ngợi ca, tuy nhiên bức tranh đời sống lúc này không chỉ đơn điệu là một màu hồng. Các tác phẩm giai đoạn này không còn là một dàn đồng ca ca ngợi hùng hồn về sự vẻ vang của chiến thắng, sự anh dũng của người chiến sĩ trên mặt trận nữa mà mỗi tác phẩm là một mảng khác nhau về chiến tranh với nhiều góc khuất sáng tối, về cuộc sống của những người lính đã từng sống trong chiến tranh ác liệt. Số phận của họ sẽ ra sao khi hòa bình lập lại? Họ sẽ vui mừng trong niềm vui chiến thắng, sẽ hãnh diện với những chiến công mà mình lập được và hạnh phúc khi được về với mái ấm gia đình mà một thời họ đã bị chia cắt bởi chiến tranh,… Hay sẽ là một điều gì đó? Họ, những người chiến sĩ anh dũng một thời, trở về thời bình làm thế nào để hòa nhập với cuộc sống khi mà một phần tuổi trẻ của họ đã để lại nơi chiến trường ác liệt năm nào. Tất cả những điều này là những gì mà các nhà văn giai đoạn sau chiến tranh quan tâm, trăn trở và tìm cách lý giải trong các tác phẩm của mình. Những đổi mới mạnh mẽ về mặt nội dung đã dẫn đến sự chuyển biến rõ rệt về mặt nghệ thuật mà một trong những thay đổi đáng kể đó là yếu tố kì ảo được đưa vào sử dụng một cách dày đặc trong các tác phẩm. Yếu tố kì ảo trở thành một công cụ đắc dụng giúp nhà văn đi sâu khám phá thế giới tinh thần vốn đầy bí ẩn của con người mà cụ thể là người lính với những ám ảnh về một quá khứ không thể lãng quên và những ẩn ức bị kìm nén bên trong tâm hồn. Với vai trò là một thủ pháp nghệ thuật, yếu tố kì ảo đã góp phần không nhỏ giúp nhà văn chuyển tải đến người
  • 8. đọc những suy nghĩ, trăn trở của mình về cuộc chiến đã qua. Sự hiện diện của yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh một mặt chi phối đến các thành tố khác của tác phẩm như cốt truyện, tình huống, nhân vật, không gian, thời gian,... mặt khác, sự xuất hiện của nó đã góp phần không nhỏ trong việc thể hiện chủ đề, nội dung tư tưởng của các tác phẩm. Có thể thấy các tác phẩm văn xuôi viết về chiến tranh mang yếu tố kì ảo đã giành được một vị trí riêng, tương đối vững vàng trong lòng độc giả. Góp phần làm mới diện mạo văn xuôi Việt Nam sau 1975. Trong khoảng thời gian vài năm trở lại đây, yếu tố kì ảo đã thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học nước ta. Nhiều hiện tượng văn học kì ảo được giải mã trong các các bài nghiên cứu (Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Việt Nam hiện đại giai đoạn từ sau 1975 đến nay – Phùng Hữu Hải, Vai trò của yếu tố kì ảo trong truyện Việt Nam sau 1975 – Nguyễn Văn Kha, Cái kì ảo- một phương tiện hữu hiệu trong việc thể hiện đời sống tâm linh, vô thức của con người trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975 – Nguyễn Thị Hải Phương,… ) hoặc các sách chuyên luận, luận văn, đề tài khoa học (Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương– Nguyễn Thị Ngọc Anh, Yếu tố kì ảo trong sáng tác Võ Thị Hảo qua tiểu thuyết Giàn Thiêu và tập truyện ngắn Những truyện không nên đọc lúc nửa đêm – Cao Thị Thu Hoài, Yếu tố huyền ảo trong văn xuôi nghệ thuật Việt Nam sau 1975 – Hoàng Thị Văn,….) đã đem đến cho người đọc nhiều điều thú vị và bổ ích, giúp người đọc hiểu rõ hơn những đóng góp to lớn về mặt nghệ thuật của yếu tố kì ảo khi có mặt trong tác phẩm văn học. Trên hành trình khám phá sự bí ẩn của yếu tố kì ảo trong văn xuôi Việt Nam hiện đại nói chung, việc tìm hiểu yếu tố kì ảo trong các tác phẩm viết về chiến tranh là một việc làm cần thiết và có ý nghĩa trong nghiên cứu văn học. Vấn đề tìm nhận vai trò của yếu tố kì ảo trong các tác phẩm viết về chiến tranh có xuất hiện trong một số bài nghiên cứu tuy nhiên chưa đạt đến mức độ toàn diện, chuyên sâu. Vì vậy, việc nghiên cứu một cách hệ thống và toàn diện hơn về yếu tố kì ảo trong văn xuôi viết về chiến tranh sau 1975 là điều cần thiết. Việc nghiên cứu này nhằm đánh
  • 9. giá đúng những giá trị đóng góp của các tác phẩm đề tài chiến tranh đối với nền văn xuôi hiện đại Việt Nam, thấy được những điểm khác biệt giữa các sáng tác viết về chiến tranh sau 1975 với các tác phẩm văn xuôi hiện đại có sử dụng yếu tố kì ảo cũng như với những tác phẩm có cùng đề tài chiến tranh trước đây. Khi tìm hiểu về vai trò của yếu tố kì ảo trong các tác phẩm viết về chiến tranh giai đoạn sau 1975, chúng tôi tập trung vào mảng tiểu thuyết, truyện ngắn bởi đây là hai thể loại tiêu biểu có khả năng giúp người đọc tìm hiểu thấu đáo vấn đề nhìn thẳng vào sự thật và đánh giá đúng sự thật. Ngoài ra, các yếu tố kì ảo chủ yếu xuất hiện nhiều trong các tác phẩm tiểu thuyết và truyện ngắn. Khi thực hiện đề tài, chúng tôi sẽ đi vào trình bày những dạng thức kì ảo tiêu biểu trong tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh. Xác nhận vai trò của yếu tố kì ảo trong cấu trúc chỉnh thể tác phẩm, từ đó thấy được hiệu quả nghệ thuật mà yếu tố kì ảo đem lại trong việc thể hiện nội dung tư tưởng tác phẩm. Bên cạnh đó chúng tôi sẽ tìm nhận yếu tố kì ảo từ những góc nhìn khác nhau. Với những nghiên cứu này, chúng tôi mong muốn góp phần nhận diện những nét đặc sắc của những tác phẩm viết về chiến tranh sau 1975 có sử dụng yếu tố kì ảo. Từ đó góp phần khẳng định tác dụng của thủ pháp nghệ thuật sử dụng yếu tố kì ảo trong việc thể hiện nội dung, tư tưởng của tác phẩm. 2. Lịch sử vấn đề Trong những năm gần đây, việc nghiên cứu yếu tố kì ảo trong văn học thu hút rất nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học nước ta. Có rất nhiều những bài viết, các công trình nghiên cứu có giá trị đã đi vào phân tích, xem xét yếu tố kì ảo trong văn học Việt Nam hiện đại một cách công phu, tỉ mỉ. Các công trình nghiên cứu ấy thật sự mang đến cho người đọc một cái nhìn khá toàn diện về diện mạo của văn học Việt Nam sau 1975 với sự đổi mới mạnh mẽ, hiểu thêm về những giá trị và ý nghĩa của yếu tố kì ảo trong văn học Việt Nam hiện đại
  • 10. sau 1975. Mỗi nhà nghiên cứu khác nhau có sự lý giải khác nhau về vấn đề này. Có thể kể đến những công trình nghiên cứu sau: Ở bài viết Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Việt Nam hiện đại giai đoạn từ sau 1975 đến nay, tác giả Phùng Hữu Hải nhận định: sau khi chiến tranh kết thúc, những tình cảm lớn một thời đã dần nhường chỗ cho những vấn đề số phận cá nhân. Và do đó, đề tài văn học chuyển dần sang địa hạt tâm linh với những trăn trở, uẩn khúc đang diễn ra quyết liệt trong tâm hồn con người, đặc biệt là những số phận vừa đi qua cuộc chiến. Theo tác giả, những diễn biến tâm linh rất khó nắm bắt, và đó là lý do khiến các nhà văn đến với địa hạt của yếu tố kì ảo bởi “yếu tố kỳ ảo là một hình thức đắc dụng giúp nhà văn đi sâu khám phá thế giới tinh thần hết sức trừu tượng khó nắm bắt của con người, để từ đó “thấu” con người ở phần nhân tính, mơ hồ và huyền diệu ấy”[27]. Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Việt Nam hiện đại thể hiện ở một số phương diện như: Quan niệm của con người về thế giới đa chiều và con người tâm linh; quan niệm về sự hữu hình hóa cái ác và giấc mơ về những giá trị chân thiện mỹ; cảm hứng nhận thức lại thực tại và chất triết lý. Bài viết Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975 (Phạm Thị Thanh Nga) tập trung trình bày mối quan hệ giữa yếu tố kì ảo với tình huống truyện. Tác giả chỉ ra ba loại tình huống tiêu biểu trong các truyện có yếu tố kì ảo: Tình huống kì lạ, ma quái; tình huống mang tính chất ngẫu nhiên, đột biến và tình huống căng thẳng, kịch tính. Theo tác giả nhận định: trong các truyện ngắn, cái kì ảo đóng vai trò như một tình huống quan trọng đối với sự chuyển biến của cốt truyện. Nó gắn kết các nhân vật cùng tham gia một sự kiện, biến cố có ý nghĩa nào đó, góp phần bộc lộ quan hệ và tính cách nhân vật hoặc thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm.[10] Đi tìm nguyên nhân Sự hồi sinh của yếu tố kì ảo trong văn xuôi đương đại Việt Nam, tác giả Bùi Thanh Truyền cho rằng: từ những thay đổi trong đời sống xã hội – văn học, những đổi thay trong giao lưu văn học, từ sự mở rộng quan niệm về
  • 11. hiện thực và đối tượng phản ánh của văn học, từ sự mở rộng quan niệm về phương pháp sáng tác tiếp cận hiện thực và xuất phát từ truyền thống văn hóa, văn học dân tộc là những lý do khiến yếu tố kì ảo hồi sinh trở lại trong văn xuôi Việt Nam đương đại.[12] Trong bài nghiên cứu Cái kì ảo - một phương tiện hữu hiệu trong việc thể hiện đời sống tâm linh, vô thức của con người trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975. Tác giả Nguyễn Thị Hải Phương cho rằng “các cây bút truyện ngắn đã tìm đến cái kì ảo, đã sử dụng nó như một phương tiện hữu hiệu để hữu hình hóa thế giới tâm linh vô thức đầy bí ẩn, mù mờ và trừu tượng” bởi con người không chỉ có phần đời sống ý thức rõ ràng mà còn có phần trượt ra ngoài ý thức, rất khó nắm bắt. Con người không chỉ có những hành động tuân theo quy luật tất yếu mà còn có những hành động tuân theo sự mách bảo của bản năng, tiềm thức, của linh cảm, của điềm báo, mộng triệu,… Trong bài viết, tác giả đã chỉ ra các dạng thức biểu hiện của yếu tố kì ảo trong tác phẩm văn học như: Yếu tố kì ảo thể hiện ở những lời nói, hành động kì lạ của nhân vật, Yếu tố kì ảo thể hiện qua sự hiện hồn của người chết, hay như yếu tố kì ảo thể hiện ở hình thức hóa thân của nhân vật. Chuyên luận Yếu tố huyền ảo trong văn xuôi nghệ thuật Việt Nam sau năm 1975 (Hoàng Thị Văn) đã đi vào trình bày những dạng thức biểu hiện của yếu tố huyền ảo trong các tác phẩm văn xuôi sau 1975 như: những lời nói, hành động kì lạ của con người; sự hiện hồn của người chết; hình thức biến dạng, hóa thân của nhân vật và những việc, những sự kiện lạ, phi lý, kinh dị. Bên cạnh đó, chuyên luận cũng nêu lên vai trò của yếu tố huyền ảo trong cấu trúc chỉnh thể tác phẩm. Từ đó, tác giả hướng đến tìm nhận hiệu quả nghệ thuật của yếu tố huyền ảo trong việc thể hiện nội dung tư tưởng, chủ đề tác phẩm. Ngoài những bài nghiên cứu nêu lên những nhận định mang tính khái quát về yếu tố kì ảo trong truyện Việt Nam hiện đại, có nhiều bài nghiên cứu đi sâu tìm hiểu yếu tố kì ảo trong những truyện, những chùm truyện của những tác giả cụ thể
  • 12. như: Thế giới kì ảo trong Mảnh đất lắm người nhiều ma từ cái nhìn văn hóa (Lê Nguyên Cẩn), Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương (Nguyễn Thị Ngọc Anh), Yếu tố kì ảo trong sáng tác Võ Thị Hảo qua tiểu thuyết Giàn Thiêu và tập truyện ngắn Những truyện không nên đọc lúc nửa đêm (Cao Thị Thu Hoài),… Luận văn Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Anh chủ yếu tập trung khảo sát, phân tích và miêu tả các dạng thức biểu hiện của yếu tố kỳ ảo, tìm hiểu vai trò của yếu tố kì ảo trong cấu trúc chỉnh thể tác phẩm như: không gian và thời gian kì ảo; nhân vật kì ảo và những phương thức tạo dựng các yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương. Qua đó khám phá giá trị nghệ thuật của yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương Bài viết Thế giới nhân vật trong truyện ngắn kỳ ảo của Võ Thị Hảo, tác giả Nguyễn Thị Xuân Quỳnh cho rằng: Thế giới nhân vật của truyện ngắn kỳ ảo hết sức phong phú, đa dạng. Đó là thế giới của ma quỷ, thần tiên, con người khác thường…cùng đan xen tạo thành bức tranh đa diện về hiện thực cuộc đời. Bên cạnh các kiểu nhân vật truyền thống, trong truyện ngắn Việt Nam từ năm 1975 đến nay với sự tham gia của yếu tố kỳ ảo vào cấu trúc tác phẩm đã tạo nên nhiều kiểu nhân vật mới lạ. Từ đó tác giả đi đến khẳng định: với nhà văn Võ Thị Hảo, việc xây dựng thế giới nhân vật kỳ ảo đa dạng không nằm ngoài mục đích phản ánh sự đa chiều, sinh động của cuộc sống hiện tại. Theo tác giả thế giới nhân vật trong truyện ngắn Võ Thị Hảo rất đa dạng, bao gồm: những ma quỷ với đủ hình dạng quái đản, kì dị. Những nhân vật này tượng trưng cho cái ác, cái xấu, là sự huyền thoại hóa cái ác trong bản chất cuộc sống. Bên cạnh thế giới ma quỷ hình dạng quái đản, kì dị là thế giới đông đảo các hồn ma, linh hồn của người chết. Thế giới này sinh động, giàu màu sắc và ẩn chứa mọi trạng thái cung bậc cảm xúc của con người. Ngoài nhân vật hồn ma, truyện Võ Thị Hảo còn xuất hiện dạng nhân vật hóa thân và sự hóa thân này giống như hành động giải tỏa những xót xa đau đớn mong tìm được sự tĩnh tại trong tâm hồn.
  • 13. Nhìn chung, hầu hết các nhà nghiên cứu đều dành khá nhiều thời gian và tâm huyết để làm sáng tỏ sự biểu hiện và vai trò của yếu tố kì ảo trong các tác phẩm văn xuôi sau 1975. Việc tìm hiểu yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh giai đoạn này chưa được đề cập nhiều trong các bài viết. Vì vậy cần có một đề tài nghiên cứu mang tính hệ thống và toàn diện hơn về vấn đề này. Trên cơ sở kế thừa những bài viết, khi thực hiện đề tài, chúng tôi sẽ đi sâu khảo sát những biểu hiện của yếu tố kì ảo trong các tác phẩm để từ đó thấy được vị trí, vai trò và hiệu quả nghệ thuật của yếu tố kì ảo trong cấu trúc chỉnh thể tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh sau 1975. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận văn là những tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh giai đoạn sau 1975 có sử dụng yếu tố kì ảo. Gồm 5 tiểu thuyết: Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai), Tàn đen đốm đỏ (Phạm Ngọc Tiến), Bến không chồng (Dương Hướng), Hồn trúc (Nguyễn Văn Thông) và khoảng gần 50 truyện ngắn của nhiều tác giả khác nhau. 3.2. Phạm vi nghiên cứu Phạm vi nghiên cứu của đề tài là những dạng thức biểu hiện của yếu tố kì ảo, vai trò của yếu tố kì ảo trong cấu trúc chỉnh thể tác phẩm để từ đó làm rõ tác dụng của nó trong việc biểu đạt nội dung tư tưởng tác phẩm. Bên cạnh đó luận văn sẽ đi sâu tìm nhận biểu hiện của yếu tố từ nhiều góc nhìn, cụ thể là góc nhìn thể tài, góc nhìn văn hóa tâm linh và góc nhìn thẩm mỹ.
  • 14. 4. Phương pháp nghiên cứu 4.1. Phương pháp khảo sát, thống kê Để thực hiện đề tài này chúng tôi khảo sát toàn bộ các tác phẩm nằm trong phạm vi đã giới hạn nhằm nhận biết những đặc điểm của yếu tố kì ảo trong các tác phẩm từ đó hệ thống hóa thành những nhận xét, nhận định có tính khái quát, khoa học. 4.2. Phương pháp phân tích, tổng hợp Nhằm tìm nhận những dạng thức biểu hiện và hiệu quả nghệ thuật của yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh sau 1975. 4.3. Phương pháp so sánh, đối chiếu Sử dụng phương pháp so sánh, đối chiếu nhằm thấy được nét mới mẻ, khác biệt riêng của các tác phẩm viết về chiến tranh có dùng yếu tố kì ảo với những tác phẩm có cùng đề tài trước đây và những tác phẩm văn xuôi kì ảo sau 1975. 5. Mục đích của luận văn - Khảo sát sự xuất hiện của yếu tố kì ảo, các dạng thức biểu hiện chủ yếu của yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh giai đoạn sau 1975. - Xác định vai trò của yếu tố kì ảo trong cấu trúc chỉnh thể tác phẩm, trên cơ sở đó luận văn làm rõ hiệu quả nghệ thuật của việc sử dụng yếu tố kì ảo trong thể hiện chủ đề tác phẩm. - Khảo sát yếu tố kì ảo từ nhiều góc nhìn khác nhau, cụ thể trong đề tài này là khảo sát yếu tố kì ảo từ góc nhìn thể tài, góc nhìn văn hóa tâm linh và góc nhìn thẩm mỹ.
  • 15. 6. Đóng góp của luận văn - Có được những kết luận khoa học về yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh. - Thấy được những đóng góp về mặt nghệ thuật của yếu tố kì ảo trong các tác phẩm văn xuôi viết về chiến tranh giai đoạn sau chiến tranh. - Bên cạnh đó luận văn cũng sẽ đi sâu khảo sát yếu tố kì ảo từ nhiều góc nhìn khác nhau, cụ thể là góc nhìn thể tài, góc nhìn đời sống tâm linh và sắc thái thẩm mỹ, để thấy được sự khác biệt của yếu tố kì ảo khi tham dự vào thể tài tiểu thuyết, truyện ngắn, sự hữu hiệu của yếu tố kì ảo trong việc biểu đạt đời sống tâm linh và những sắc thái thẩm mỹ được tạo ra bởi yếu tố kì ảo. Qua đó thấy được những nét đặc sắc riêng của tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh sau 1975. - Phần nào bổ sung tư liệu tham khảo cho việc học tập và giảng dạy văn học Việt Nam hiện đại, đặc biệt là giai đoạn sau 1975. 7. Cấu trúc của luận văn Chương 1: Yếu tố kì ảo và các dạng thức xuất hiện của yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh giai đoạn sau 1975 Trong chương này, bên cạnh việc giải thích rõ khái niệm yếu tố kì ảo, chúng tôi sẽ tập trung khảo sát các dạng thức kì ảo xuất hiện trong tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh sau 1975. Chương 2: Vai trò và hiệu quả nghệ thuật của việc sử dụng yếu tố kì ảo trong cấu trúc chỉnh thể của tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh giai đoạn sau 1975 Ở chương hai, chúng tôi sẽ thực hiện những vấn đề sau:
  • 16. - Tìm nhận vai trò của yếu tố kì ảo trong kết cấu nghệ thuật tác phẩm: Trong phần này chúng tôi sẽ khảo sát những tình huống thường xuất hiện trong các tác phẩm văn xuôi viết về chiến tranh sau 1975 có yếu tố kì ảo, đồng thời tìm hiểu vai trò của yếu tố kì ảo khi tham dự vào cốt truyện. - Tìm hiểu vai trò của yếu tố kì ảo với thế giới hình tượng: Ở phần này, chúng tôi đi vào tìm hiểu thế giới nhân vật cũng như những không gian, thời gian thường thấy trong các tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh sau 1975. Chương 3: Yếu tố kì ảo từ những góc nhìn thể tài, đời sống tâm linh, sắc thái thẩm mỹ Ở chương 3, nhiệm vụ của chúng tôi là sẽ đi vào tìm hiểu yếu tố kì ảo từ những góc nhìn khác nhau, cụ thể là: góc nhìn thể tài, đời sống tâm linh và sắc thái thẩm mỹ để thấy được sự khác biệt của yếu tố kì ảo khi tham dự vào mỗi thể tài; sự hữu hiệu của yếu tố kì ảo trong việc biểu đạt đời sống tâm linh và những sắc thái thẩm mỹ được tạo ra bởi yếu tố kì ảo.
  • 17. Phần nội dung Chương 1: Yếu tố kì ảo và các dạng thức xuất hiện của yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh giai đoạn sau 1975 1.1. Khái niệm về yếu tố kì ảo Theo từ điển ngôn ngữ Pháp, “fantastique” có nghĩa là tưởng tượng, hư ảo, quái dị, bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp “phantastikos” và tiếng Latinh “phantasticus” để chỉ những cái thuộc về trí tưởng tượng chứ không tồn tại trong thực tế cuộc sống. Trong tiếng Việt, kì ảo là từ Hán Việt. Trong đó kỳ có nghĩa là lạ lùng, ảo là không có thực, kì ảo có nghĩa là chuyện lạ lùng, không có thực, chuyện không thể xảy ra trong đời thực. Trên thế giới, người đầu tiên đề cập đến thuật ngữ “cái kì ảo” là một học giả người Anh tên là Joseph Addison (1672-1719). Theo ông, những sáng tác kì ảo “tạo ra một khoái cảm về nỗi sợ hãi trong tâm trí độc giả và làm thỏa mãn trí tưởng tượng của độc giả bởi những cái lạ lùng và tính chất khác thường của những con người được miêu tả trong đó. Chúng nuôi dưỡng trong trí nhớ của chúng ta những câu chuyện ma mà chúng ta nghe từ thuở ấu thơ và thích thú với những nỗi khiếp sợ bí mật, những nỗi sợ hãi mà trí óc con người phải lệ thuộc vào nó một cách tự nhiên” [8, 43]. Khi bàn về thuật ngữ kì ảo, H.Banec chủ yếu nhấn mạnh đến tính xung đột, nửa tin nửa ngờ. Theo ông: tính chất tự nhiên và sự lạ thường đan xen lẫn nhau sẽ gây ra cảm giác lo lắng, hồi hộp khiến người đọc do dự giữa một sự giải thích hợp lý và một giải thích siêu nhiên về các sự kiện. Như vậy sự do dự, hoài nghi chính là đặc trưng của yếu tố kì ảo. Trong “Từ vựng các thuật ngữ văn chương”, M.Jarrety cho rằng: “Cái kỳ ảo đưa những sự kiện huyền bí vào trong cuộc đời hoàn toàn hiện thực”.[14, 51]
  • 18. Ở Việt Nam, bàn về thuật ngữ kì ảo trong văn học, Lê Nguyên Cẩn cho rằng “Cái kì ảo là một phạm trù tư duy nghệ thuật, nó được tạo ra nhờ trí tưởng tượng và được biểu hiện bằng các yếu tố siêu nhiên, khác lạ, phi thường, độc đáo… Nó có mặt trong văn học dân gian, văn học viết qua các thời đại. Nó tồn tại trên trục thực - ảo, và tồn tại độc lập, không hòa tan vào các dạng thức khác của trí tưởng tượng” [43, 16]. Còn theo Phùng Văn Tửu trong bài nghiên cứu Những đổi mới trong văn học kỳ ảo thế kỷ XX thì “kỳ ảo là cái lạ lùng, không có thật, không thể bắt gặp trên thế gian này, nói chung là những yếu tố siêu nhiên, nếu ta hiểu siêu nhiên là những cái gì không tồn tại trên đời” [14, 47]. Tác giả Phùng Hữu Hải nhận định: “yếu tố kỳ ảo là sản phẩm của trí tưởng tượng, là phương thức tư duy nghệ thuật được biểu hiện bằng những năng lực, yếu tố có tính siêu nhiên, nằm ngoài tư duy lý tính của con người. Nó tham gia vào sự phát triển của cốt truyện và tạo nên những phản ánh nhận thức của người tiếp nhận một cách mạnh mẽ, hay nói cách khác nó tạo nên những cú “sốc” về tâm lý, nhận thức, làm xuất hiện những dấu hỏi về nguồn gốc xuất hiện. Yếu tố kỳ ảo không hòa tan vào các dạng thức khác của trí tưởng tượng, không bao gồm biện pháp nhân hóa”. [27] Nhìn chung, những tài liệu nghiên cứu về yếu tố kì ảo đều hướng đến làm rõ những quan niệm sau: - Yếu tố kì ảo là sản phẩm của trí tưởng tượng, là cái không có thật, chỉ tồn tại trong thế giới tinh thần của con người. - Yếu tố kì ảo là những cái khác thường, phi lý, kì lạ, độc đáo. - Trong văn học, yếu tố kì ảo là phương tiện nghệ thuật để nhà văn bộc lộ quan niệm, tư tưởng của mình về đời sống, về con người. - Hiệu quả nghệ thuật: yếu tố kì ảo đem đến cho người đọc sự hồi hộp, lo lắng, dẫn đến sự phân vân, do dự giữa sự giải thích hợp lý và sự giải thích siêu nhiên về các sự kiện. Chính điều này đã gây sự hưng phấn, thu hút, lôi cuốn người đọc.
  • 19. Hiệu quả đặc trưng của truyện kì ảo mang đến sự hồi hộp, lo lắng dẫn đến sự phân vân, do dự giữa sự giải thích hợp lý và sự giải thích siêu nhiên chưa nổi bật trong các truyện viết về chiến tranh sau 1975. Những yếu tố kì ảo trong các truyện này vẫn còn mang đậm tính chất “hồn nhiên” phương Đông nói chung. Trạng thái ám ảnh của con người trước một thế giới phi lý trong các truyện kì ảo phương Tây hầu như không thấy xuất hiện. Ở những tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh, người đọc phân biệt rạch ròi đâu là thế giới của sự hư huyễn, đâu là sự thật của cuộc sống, tuy nhiên, cả người đọc lẫn người sáng tác đều mong muốn những điều huyền bí sẽ phần nào xoa dịu được những vết thương mà chiến tranh để lại. 1.2. Các dạng thức biểu hiện của yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh sau 1975 Trong các tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh sau 1975, yếu tố kì ảo được biểu hiện ở một số dạng thức tiêu biểu sau: 1.2.1. Mô-tip giấc mơ Đây là dạng thức quen thuộc được sử dụng khá nhiều trong các tác phẩm viết về chiến tranh với tần số xuất hiện 14 truyện (35 lần)/ 50 truyện. Giấc mơ là vấn đề thuộc về thế giới tâm linh, nó nằm trong vùng sâu của vô thức con người, chất chứa những khát khao thầm kín, những điều bí ẩn mà con người luôn vươn đến khám phá “Giấc mơ là biểu tượng của cuộc phiêu lưu cá thể, được cất sâu trong tâm khảm... Chiêm mộng hiện ra với chúng ta như một điều bí ẩn của chính mình” [60;17]. Nếu phân loại dựa vào tiêu chí hoàn cảnh xuất hiện, có thể phân thành hai dạng giấc mơ. Giấc mơ của người đang sống trong hoàn cảnh chiến tranh (10/ 35 lần), và giấc mơ của người sống trong hòa bình (25/35 lần). Nếu dựa vào tiêu chí trạng thái cảm xúc khi mơ, có thể phân thành các dạng: giấc mơ chất chứa nỗi khát khao hạnh phúc (9/35 lần), giấc mơ mang trạng thái bấn loạn, bất an (15/35 lần), giấc mơ mang mặc cảm tội lỗi (3/35 lần), giấc mơ thanh thản, tươi vui (3/35 lần), cảm xúc khác (5/35 lần).
  • 20. Trước hết phải kể đến đó là tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh. Đây là cuốn tiểu thuyết mà mô-tip giấc mơ xuất hiện nhiều nhất với tổng số 16/35 lần. Trong đó, những giấc mơ của Kiên là nhiều hơn hẳn. Do đây là một tiểu thuyết tương đối dài, để thuận tiện cho việc theo dõi, chúng tôi tạm thống kê tần số xuất hiện và nội dung những giấc mơ chính trong truyện. Sự thống kê mang tính chất tương đối. STT NỘI DUNG GIẤC MƠ HOÀN CẢNH XUẤT HIỆN TRANG 1 Kiên mơ về những con bài Sau chiến tranh 11 2 Kiên mơ về Hà Nội, và thấy Phương đang cùng trên thuyền Trong chiến tranh (khi trong trạng thái mụ mị bởi khói hồng ma) 14 3 Can mộng thấy mình chết Trong chiến tranh (nói với Kiên trước lúc đào ngũ) 22 4 Kiên mơ thấy toàn bộ quãng đời chiến đấu của mình Sau chiến tranh (trong chuyến thu gom hài cốt) Tr27 đến tr44 5 Kiên mơ về Phương Trong chiến tranh (trong những giấc ngủ về đêm) 32 6 Mơ trở lại Truông Gọi Hồn Sau chiến tranh 48 7 Mơ thấy Truông Gọi Hồn và cô giao liên Hòa Sau chiến tranh 49 8 Mơ thấy đang đi qua đồi “Xáo Thịt” la liệt người chết Sau chiến tranh (khi đang đi trên vỉa hè) 50 9 Giật mình vì nghe tiếng rú rít của trực thăng Sau chiến tranh (tỉnh dậy khi nghe tiếng quạt trần) 50 10 Kiên mơ thấy Hà Nội Trong chiến tranh (khi nghe tiếng mưa sa trên vòm lá ở chiến trường) 74 11 Choàng tỉnh sau cơn mơ và thấy đang ở dưới sàn nhà Sau chiến tranh 76 12 Nhìn thấy mùa mưa Cánh Bắc, Ngọc Bơ Rẫy, truông Gọi Hồn Sau chiến tranh (mơ trong lúc đang đứng bên cửa sổ ngắm mưa) 92
  • 21. 13 Mơ thấy mình suýt chết Sau chiến tranh Tr135 và tr288 14 Kiên mơ thấy Phương Trong chiến tranh (khi những đồng đội giấu anh bí mật đến với người tình) 161 15 Kiên mơ thấy Phương Trong chiến tranh (khi đang mơ màng vì bị thương) 162 16 Kiên mơ về Phương dù bên cạnh có cô gái khác Sau chiến tranh (khi Phương đã bỏ đi) 190 Qua sự thống kê, có thể thấy rằng những giấc mơ sau chiến tranh chiếm số lượng nhiều hơn cả với tổng số 10/16 lần. Trong những giấc mơ khi đang ở chiến trường, ngoài giấc mơ duy nhất mà Can kể cho Kiên nghe, tất cả những giấc mơ còn lại đều là của Kiên. Trong thế giới mộng mị, Kiên chỉ mơ về Phương và Hà Nội thân yêu của anh. Những cơn mơ chỉ xuất hiện trong những trường hợp Kiên chìm vào cõi vô thức như: đang trong trạng thái mụ mị bởi khói hồng ma, bị mê man bởi vết thương, hoặc vào những giấc ngủ chập chờn khi ở trung đội trinh sát. Khoảng thời gian sau chiến tranh, những giấc mơ đến với Kiên nhiều hơn. Đó không phải là những giấc mơ ngọt ngào, êm đềm về Phương và về Hà Nội mà là những cơn mơ mang đầy nỗi bấn loạn, bất an. Không chỉ trong giấc ngủ, cả lúc đang tỉnh táo, Kiên vẫn có thể bị cuốn trôi vào trong giấc mơ một cách vô thức không thể cưỡng lại. Những giấc mơ về chiến tranh, về cái chết, về đạn bom không ngừng ám ảnh Kiên. Kiên thường mơ thấy mình trở lại truông Gọi Hồn, nơi ghi dấu những kỉ niệm đau thương, khốc liệt của anh và những đồng đội trong chiến tranh. Có khi, đang đi trên vỉa hè, Kiên lại thấy mình đi qua đồi “Xáo Thịt” la liệt người chết, vỉa hè nồng nặc mùi tử khí. Như một người phát rồ, anh đưa tay lên bịt mũi giữa phố xá đông người. Hoặc nhiều lúc, giữa đêm khuya, Kiên giật mình bởi tưởng tiếng quạt trần là tiếng rú rít của trực thăng vũ trang. Sự khốc liệt của chiến tranh đã ám ảnh, ăn sâu vào tiềm thức Kiên. Vì vậy mà không chỉ khi ngủ, cả lúc
  • 22. đang tỉnh táo, giấc mơ về thời đại đã qua vẫn tồn tại và không ngừng chi phối cuộc đời thực của anh sau ngày chiến thắng. Đến với Những giấc mơ có thực - Vũ Thị Hồng, người đọc khó xác định rạch ròi ranh giới giữa giấc mơ và đời thực. Sau khi mẩu tin nhắn “tìm những người bạn cũ ở Trường Sơn” đăng trên báo, cuộc sống thực tại của Tuân bị xáo trộn. Lần lượt những người năm xưa đã tìm đến chị. Tuy nhiên, những cuộc hội ngộ ấy không phải diễn ra trong cuộc sống thực mà nó chỉ là những giấc mơ. Đến với những giấc mơ, Tuân mới có dịp sống thực với bản thân, hiểu được những khát khao, những mong muốn mà từ lâu chị đã chôn chặt nơi đáy lòng. Giấc mơ cũng có mặt trong tác phẩm Hai người đàn bà xóm Trại (Nguyễn Quang Thiều). Đến hơn ba lần, tác giả nhắc đến những giấc mơ giống nhau ở hai nhân vật Ân và Mật. Ân cứ mơ đi mơ lại giấc mơ có vẻ kì lạ “con gà trống tía với cái mào đỏ rực, cái ức rộng và đôi cựa bóng như ngà mổ mổ vào ngón tay của mình”, còn Mật cô vẫn mơ những cơn mơ vừa hạnh phúc vừa lo sợ “Mật thấy người lính trở về và ngay đêm đó Mật có mang. Và cứ tỉnh giấc, Mật mơ hồ lo lắng khi cảm thấy bụng mình khang khác”. Những giấc mơ kì lạ của Ân và Mật chở đầy những hi vọng về một ngày đoàn tụ với người chồng thân yêu. Những cơn mơ cũng luôn thường trực trong giấc ngủ của Thảo (Người sót lại của rừng cười - Võ Thị Hảo) mỗi khi đêm về. Trở về sau chiến tranh, Thảo chỉ có hai giấc mơ duy nhất: Giấc mơ thời bé và giấc mơ tuổi thanh xuân. Nếu giấc mơ thời bé là khoảng thời gian thanh thản, tươi vui của cô với những trò trẻ thơ nhặt cặp ba lá, hoặc nhặt trứng vịt đẻ rơi thì trong giấc mơ tuổi thanh xuân, cô chỉ thấy tóc rụng như trút, rụng đầy khuôn ngực đã bị đâm nát của người đồng đội. Từ đám tóc ấy lấy ra hai giọt nước mắt trong veo, rắn như thủy tinh không gì đập vỡ. Ông Tuyển (Trừng phạt – Đỗ Nhật Minh) đêm nào cũng nằm mơ thấy toàn những chuyện hãi hùng. Trong giấc mơ, ông thấy Thung – người bạn thân trong
  • 23. những năm kháng chiến trở về để tìm ông hỏi tội. Những ngày sau đó, Tuyển luôn sống trong trạng thái bất an bởi giấc mơ đó vẫn không ngừng ám ảnh ông. Khôi (Con đò và người khách lạ - Thái Sinh) đã mơ thấy Đông, người đồng đội cùng chiến đấu với mình trong chiến tranh. Khôi đã biện hộ về hành động hèn nhát của mình đã gây ra cái chết cho bạn trong giấc mơ “Ta có lỗi gì? Ừ lúc đó tao đã sợ chết nên tao không dám nổ súng vào bọn lính đi tuần, nhưng sau đó tao đã bò vào tìm mày, mày đã bị chúng nó kéo đi rồi. Mày có biết tao đã khóc bao nhiêu ngày? Sự hi sinh của mày đã thức tỉnh tao, tao đã chiến đấu, đi suốt cuộc chiến tranh cho tới ngày miền Nam được giải phóng”. Lời biện hộ đó cũng là sự dằn vặt, ăn năn mà Khôi luôn giấu kín trong suốt nhiều năm. Giấc mơ đến với hai cô gái trong Đốm lửa - Nguyễn Thị Minh Thúy thật kì lạ. Cả hai cùng có một giấc mơ giống nhau. Ngọc thấy Thanh nheo mắt chọc cô, và dành cho cô những cử chỉ âu yếm dịu dàng. Khi Thanh cương quyết nhấc bổng cô lên bờ cũng là lúc cô bừng tỉnh dậy. Vừa khi đó Mỹ cũng choàng tỉnh. Cả hai cùng kể cho nhau nghe về giấc mơ của mình. Cuối truyện, người đọc bất ngờ bởi Thanh đã chết và xác anh nằm cạnh họ, cách nhau chỉ một tấm ván. Người cha đáng thương (Mai-Thanh Quế) đã thấy con gái mình về báo mộng nơi chôn cất thi hài của cô. Còn Biền (Đồng đội-Hồ Tĩnh Tâm) mơ thấy đồng đội trở về nhắc lại lời hứa mà người còn sống chưa thực hiện. Bên cạnh đó, mô-tip giấc mơ cũng xuất hiện trong các truyện như Truyền thuyết về quán tiên (Xuân Thiều), Họ đã trở thành đàn ông (Phạm Ngọc Tiễn), Anh lính To-ny D (Lê Minh Khuê), Giấc mộng cuối cùng (Triệu Huấn),… Thế giới bên trong của con người là một thế giới mang đầy bí mật, những giấc mơ khác nhau đem đến cho người đọc những khám phá khác nhau về thế giới ấy, giúp người đọc chạm sâu vào những góc khuất ẩn kín trong tâm hồn người lính. Bên cạnh đó, giấc mơ còn là cầu nối giữa người còn sống và người đã khuất, để người còn sống thực hiện những nguyện ước mà người chết còn trăn trở.
  • 24. 1.2.2. Hồn người chết trở về Hồn người chết trở về cũng là một dạng thức kì ảo tiêu biểu trong các tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh sau 1975. Thế giới kì ảo về những hồn ma bóng quế luôn mang đến nơi người đọc sự tò mò hưng phấn, chính vì vậy, những truyền thuyết về các hồn ma đã xuất hiện từ lâu trong các tác phẩm văn học Cổ, Trung đại. Tiếp nối những nhà văn đi trước, thế hệ các văn nghệ sĩ trẻ sau này vẫn tiếp tục gây hứng thú cho người đọc khi đào sâu nguồn cảm hứng với loại mô-tip kì ảo này. Trong các tiểu thuyết, truyện ngắn viết về đề tài chiến tranh tần số xuất hiện của dạng thức này khá nhiều(17/50 truyện khảo sát). Các truyện tiêu biểu như Cặp bồ với ma - Ngô Văn Phú, Bến trần gian- Lưu Sơn Minh, Bướm trắng - Thái Bá Tân, Anh lính Tony D- Lê Minh Khuê, Hồn trinh nữ - Võ Thị Hảo, Đàn sẻ ri bay ngang rừng -Võ Thị Xuân Hà, Mắt ma, Vùng sáng của kí ức - Y Ban, Vĩnh biệt mười tám con gà trống - Nguyễn Quang Lập, Đồng đội - Hồ Tĩnh Tâm, Đốm lửa - Nguyễn Thị Minh Thúy, Nỗi buồn chiến tranh - Bảo Ninh, Tàn đen đốm đỏ- Phạm Ngọc Tiến, Ăn mày dĩ vãng - Chu Lai, Ám ảnh có thật – Trần Huy Quang… Trong các truyện, thế giới hồn ma tồn tại song song với thế giới cõi dương, linh hồn người chết vẫn thường hiện về, quanh quẩn bên cạnh người còn sống. Trong Cặp bồ với ma, hồn ma của cô văn công Huệ đêm đêm thường hiện ra làm bạn với anh chàng canh nghĩa trang. Giữa người và ma nảy sinh mối quan hệ gắn bó sâu sắc với nhau. Nhờ Huệ mà chàng trai cảm thấy bớt cô độc giữa nghĩa trang toàn mồ mả người chết. Và chàng trai chính là chỗ dựa để Huệ tâm sự, trút những phiền muộn của cuộc sống trước kia. Linh hồn người lính trong Bến trần gian dù hi sinh đã nhiều năm vẫn còn quanh quẩn trong rừng. Được ông già cho chiếc lá, anh gài vào vành tai – chiếc lá như bùa hộ mệnh giữ cho linh hồn anh không bị tan ra khi trở về. Ngay trong đêm đó anh bắt đầu cuộc hành trình về lại quê nhà gặp lại những người thân yêu. Cuối cùng anh đã đến được bến sông – nơi giao nhau giữa người còn sống và người đã
  • 25. chết. Chỉ cần vượt qua trở ngại này, anh sẽ về được nhà. Nhưng ai sẽ là người đưa anh qua sông? Chính Thùy- người yêu của anh ngày xưa. Hai người cùng ngồi chung trên một con thuyền, cùng đối mặt nhau nhưng họ đã không nhận ra nhau. Sau chiến thắng, Xuân Sinh (Bướm trắng) trở lại Cổng Trời thăm mộ Bạch Điệp - người con gái anh yêu đã hi sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Tại đây, anh đã gặp lại linh hồn của nàng. Do bị trúng rốc-két nên người Bạch Điệp bị xé thành nhiều mảnh nhỏ. Bằng tình yêu của mình, Xuân Sinh đã dùng máu trong tim chàng vá lại những mẩu thi thể bị chiến tranh xé nát. Mất đúng một năm, chàng đã truyền đủ sự sống cho Bạch Điệp và vá hết những mẩu thi thể nàng. Hai người sống với nhau hạnh phúc như những đôi vợ chồng bình thường khác. Nhưng có điều họ chỉ sinh toàn bướm và bướm. Đọc Đàn sẻ ri bay ngang rừng, người đọc không khỏi xúc động bởi sự thông linh giữa người còn sống và người đã khuất. Sống giữa gia đình nhà chồng, Diễm cảm thấy lạc lõng, bơ vơ. Diễm thù ghét tất cả những người ở nhà chồng duy chỉ có một người cô yêu thương và ao ước được gặp, đó là Nẫm – người anh chồng đã hi sinh trong chiến tranh. Diễm mơ hồ cảm nhận được sự có mặt của anh trong nhà cũng mơ hồ cảm nhận được có một sợi dây tình cảm đặc biệt giữa hai người. Những dự cảm của cô, lúc đầu Thản cho bậy bạ, tuy nhiên cuối cùng anh đã tin và đã nhờ Diễm khấn tìm hài cốt của Nẫm bởi “con người khi chết thịt da trả cốt nhục chỉ có tâm linh thuộc về tiền duyên”. Trong Vùng sáng của kí ức, chị Bưởi và anh Tính sắp lấy nhau thì anh phải đi bộ đội và đã hi sinh. Bao năm, chị vẫn luôn yêu anh và theo lời chị kể thì “đêm nào anh ấy cũng về với chị. Chị vui anh ấy cũng biết, chị buồn anh ấy cũng biết… Chị chẳng đi lấy chồng đâu. Chị trọn đời, trọn kiếp với anh ấy”. Chết không có nghĩa là hoàn toàn biến mất. Đôi khi vì một lý do nào đó, người chết vẫn có thể trở về đi lại, nói chuyện với những người còn sống. Khi đã là hồn ma, họ có thể làm những việc mà người còn sống không thể thực hiện. Hồn ma
  • 26. của anh bộ đội trong truyện ngắn Đốm lửa đã hóa thành “ma trơi” dẫn Ngọc và Mỹ đi loanh quanh trong đầm lầy. Chính vì vậy mà hai cô du kích thoát khỏi sự mai phục của bọn giặc. Anh cũng đã “đi” vào giấc mơ để đùa vui với hai cô và kịp thời lay hai cô thức tỉnh đúng lúc bọn giặc đi đến. Trong truyện Tiếng chuông chiều, hồn ma anh bộ đội cũng đã nhiều lần trở về giúp đỡ cho người lính Sài Gòn thoát khỏi lưỡi hái thần chết để trả ơn việc anh ta đã chôn cất bộ hai cốt của mình. Một lần, trong một trận giáp lá cà, gã lính ấy bị thương ở chân, đôi chân bị nhiễm trùng và có thể bị cưa. Trong đêm ấy, lúc mê man, anh ta thấy một anh bộ đội còn rất trẻ hiện ra dùng tay vuốt bắp chân cho mình “anh ta cứ vuốt vuốt, nhẹ nhàng, bắp chân gã giảm đau nhức thấy rõ”. Một lần khác, bị một quả bom nổ tung, hất văng xuống khe núi, thế mà gã vẫn không chết. Tỉnh dậy, gã thấy “sởn gai ốc khi chợt nhìn thấy cái dáng người quen thuộc trong cuộc biến chuyển hình thể xanh lét kia, phải, trước mắt gã là hình người lạnh lẽo mà thân thiết đêm nào từng vuốt vuốt bắp chân gã cho đến khi không còn đau nhức, chợt nhoà chợt hiện hình người thần hộ mạng”. Trong truyện Mắt ma, Huấn được Đồng- người bạn đã hi sinh trong chiến tranh cho mượn mắt. Có đôi mắt của Đồng, Huấn nhìn thấu hết mọi việc ở đời. Nhưng từ đó, Huấn không giống như người bình thường. Khi Huấn nhìn mâm cơm cúng bằng đôi mắt ma, cả anh và vợ con đều kinh ngạc bởi con gà mới luộc bỗng vừa nhớt lại vừa mủn, tanh tanh nồng nồng không ăn được. Mâm tiếp theo cũng vậy, cơm thiu, gà hỏng phải bỏ vì không thể ăn được. Tuy nhiên, nhờ có đôi mắt ma, Huấn có thể nói đúng chuyện quá khứ, tương lai của những người đến coi bói. Anh quát hai cha con ông lão nọ hãy về nhà nhanh lên, không thì ông lão “lại đắp chiếu nằm đường”. Quả nhiên về tới nhà, đến trưa ông lão đột ngột qua đời. Anh khuyên một người đàn ông về nhà ngay sẽ bắt được đôi gian phu, dâm phụ,… Người ta phục anh sát đất. Nhưng đến ngày thứ 10, thứ 11 anh chán nản, ai đến coi anh chỉ phán đúng một câu “cứ như thế mà sống chẳng phải thay đổi gì cả”. Hồn Đồng hiện về trách, Huấn giãi bày “Có đôi mắt của mày tao đã nhìn quá rõ mọi sự
  • 27. việc, thành ra phán câu nào là chết câu đấy. Vì thế tao hãi quá chẳng dám phán nữa”. Anh bảo mình không thích nói sự thật về số phận của người khác nữa, như ông lão kia, còn sống mà “phải đội cái chết trên đầu. Cái chết đã được báo trước thì đó là một nỗi sợ hãi lớn lắm… thôi tao trả mắt cho mày đấy”. Chàng trai trong Hồn trinh nữ ngỡ đã nắm được hạnh phúc trong tay khi cưới người vợ hiền chung thủy đã đợi chờ chàng suốt bao năm dài. Nhưng hạnh phúc mong manh đó chợt tan biến bởi bóng ma một người đàn bà trong veo, tóc xõa – chỉ có bộ tóc là còn màu sắc, mặc quần áo đại tang, tay cầm một tấm áo đẫm máu giơ lên đòi anh trả mạng sống lại cho chồng của chị ta. Trong Vòm đa xanh, người cha đang say giấc bỗng nhiên thấy như có ai đang gọi mình. Lão lò dò ra cửa, bàn tay vừa đụng then cài, cánh cửa đã bật tung như có ai đẩy. Và rõ ràng trước mắt lão, người con trai của lão cùng đồng đội của anh ta trở về. Các anh nhắc lại điều mà lão đã hứa năm xưa, khi họ vừa nhập ngũ. Khi đó lão đã hứa sẽ giữ gìn cây đa, nơi ghi dấu kỉ niệm thơ ấu của các anh. Thế nhưng giờ đây, cây đã bị chặt phá, vì thế họ quay về để nhắc lại lời hứa kia. Trong Ám ảnh có thật, một chàng trai vừa chợp mắt đã thấy một người con gái từ dưới ao sâu đi lên, đầu tóc, quần áo ướt đẫm, rũ rượi. Cô gái vừa đi vừa hát. Tiếng hát như tiếng dế, rên rỉ, đứt quãng và nức nở. Cô có gương mặt trắng như sáp, đôi mắt xanh biếc, không có tròng đen. Suốt đêm anh không thể chợp mắt. Tỉnh dậy, khi hỏi lão chăn vịt, anh mới biết đây là cô gái trong làng, là văn công, có mối tình với một người lính. Nhưng vì bị oan uất, cô đã trầm mình tự vẫn tại nơi anh đang nằm. Trong Tàn đen đốm đỏ, Phạm Ngọc Tiến đã tạo ra một thế giới cõi âm - một thế giới riêng biệt của những người lính hi sinh nhưng chưa được siêu thoát. Họ đi lại, trò chuyện với nhau như những con người thực sự. Do hài cốt còn bị nằm ở hang núi trong rừng nên linh hồn họ chưa thể siêu thoát. Họ chỉ lẩn quẩn trong hang và mong đợi một ngày nào đó, người thân sẽ tìm đến mang họ trở về với quê
  • 28. hương. Trong Nỗi buồn chiến tranh, người đọc ám ảnh bởi những hồn ma rách nát tả tơi với những vết thương đỏ lòm, toác hoác do đạn bom chiến tranh. Những linh hồn đáng thương đó thường trở về thì thào trò chuyện với Kiên mỗi khi đêm về. 1.2.3. Những sự việc kinh dị, kì lạ Trong các tác phẩm viết về chiến tranh sau 1975, ngoài mô-tip giấc mơ, người chết trở về, trong các tác phẩm, cũng thường xuất hiện những sự việc kinh dị, hoang đường, kì lạ (10/50 truyện khảo sát). Đọc Nỗi buồn chiến tranh – Bảo Ninh, ta thấy có biết bao nhiêu lạ lùng, kì bí gây cảm giác hoang mang, sợ hãi cho những ai tiếp xúc với tác phẩm. Đó là loại “hoa hồng ma” thường mọc ở nơi có nhiều tử khí có thể khiến người sử dụng rơi vào trạng thái mụ mị, có thể tự chế ra những ảo giác tùy sở thích. Hay như loài chim có tiếng khóc than như người thường chỉ kêu vào ban đêm và tuyệt nhiên không ai nhìn thấy chúng, những loại măng nhuốm màu đỏ au như những tảng thịt ròng ròng máu. Còn biết bao điều kì lạ khác nữa. Chẳng hạn trong một lần, Thịnh con bắn chết một con vượn rất to,nhưng khi ngã ra, cạo sạch lông, trước mắt họ hiện nguyên hình là một mụ đàn bà béo xệ, da sùi lở nửa xám, nửa trắng hếu, cặp mắt trợn ngược khiến cả bọn kinh hoàng quăng cả dao thớt mà bỏ chạy. Hoặc có khi họ tận mắt chứng kiến những quái vật lông lá có cả cánh lẫn vú với cái đuôi kì nhông kéo lết; chưa hết, nhiều người trong họ đã nghe được âm thanh của những tiếng cười cuồng loạn nức nở vọng lại từ trong rừng,… Trong Người sót lại của rừng cười – Võ Thị Hảo, ba người lính đến lãnh quần trang ở kho quân nhu không khỏi kinh sợ bởi những tiếng cười man dại vọng lại từ khu rừng. Lúc gần đến chòi canh kho, một con vượn trắng từ chòi canh nhảy ra ôm ghì lấy cổ một anh lính và không ngừng cất tiếng cười. Nhưng khi một người đồng đội chạy đến giúp đỡ thì hóa ra, trước mắt anh không phải là con vượn nào cả mà là một người con gái lõa lồ. Khi các anh đến chòi canh kho, trước mắt họ là ba cô gái đang vừa cười vừa khóc, tay đang dứt tóc và xé quần áo trên người mình.
  • 29. Cô Mùi trong Truyền thuyết về quán tiên – Xuân Thiều, thì luôn rơi vào trạng thái bất an bởi hình ảnh một chú khỉ. Bất cứ lúc nào, chỉ cần có một mình Mùi ngoài suối thì chú khỉ đều xuất hiện với những hành động kì lạ giống hệt một người đàn ông. Nó giương đôi mắt hau háu nhìn Mùi tắm. Khi Mùi bắt gặp, thì nó lim dim đôi mắt, hai tay vòng trước ngực, mồm dẩu ra, môi chu chu như người ta hôn gió. Ở tác phẩm Người thắng trận của Tạ Duy Anh, điều kì lạ xảy ra khi chiếc khăn đẫm máu mà vị tướng nhận được từ một cô gái dù dùng mọi cách vẫn không thể rửa sạch vết máu, thế nhưng khi vô tình đánh rơi chiếc khăn xuống giếng nước, nơi nàng Đoan Trang trẫm mình, vết máu bỗng nhiên biến mất. Trong truyện Trái tim con rắn – Nguyễn Đông Thức, trong buổi tiệc, Thuật là người được ưu tiên uống li rượu pha trộn với máu và trái tim của rắn. Khi nhấp môi, Thuật có cảm giác dường như trái tim con rắn ấy quẫy nhẹ. Lúc cho nó vào miệng, rõ ràng nó lăn lên lưỡi của ông, tuột vào yết hầu và dường như dừng lại ở thực quản. Suốt đêm hôm đó, ông luôn nghe âm thanh Ịch ình, ịch ình, ịch ình từ lồng ngực mình dội lên đỉnh đầu rồi cứ thế bục ra. Nhìn xuống, rõ ràng ông thấy đầu con rắn oặc qua oặc lại giữa hai đùi mình. Khi đưa tay bật đèn, con rắn biến mất. Suốt đêm hôm đó, Thuật không thể ngủ được bởi những âm thanh kì lạ cứ vang lên trong lồng ngực. Bất chợt, giữa lồng ngực Thuật nổi lên một khối u nhỏ. Thật nhanh, Thuật chộp lấy nó, nghiến răng bóp mạnh. Ông cảm thấy nó đang vỡ ra bên trong lồng ngực của mình. Sáng hôm sau, khi giải phẩu tử thi, người ta thấy ngực ông tím bầm, nổi hằn lên những vệt móng tay do ông tự cào cấu. Từ lồng ngực Thuật, vị bác sĩ lấy ra một trái tim nhỏ xíu, chỉ bằng đầu ngón tay, đã bị vỡ đôi. Trong Đốm lửa – Nguyễn Thị Minh Thúy, hai cô gái suốt đêm đi lạc trong vùng đầm lầy. Dù là người thông thuộc vùng này, nhưng không hiểu sao đêm nay, Mỹ không thể nào xác định được phương hướng. Như bị ma dẫn đường, cả buổi
  • 30. tối, họ chỉ loanh hoanh tại một địa điểm. Trong lúc đó, hai cô gái thấy một đốm lửa nhỏ lúc rõ lúc mờ cứ chập chờn ẩn hiện. Dường như đốm lửa ma trơi ấy đến là để dẫn đường cho hai cô. Họ quyết định chèo xuồng đi theo đốm lửa. Có lẽ đi theo đốm lửa đó mà cuối cùng họ đã qua khỏi khúc eo lầy. Người đàn bà đáng thương trong Vĩnh biệt mười tám con gà trống- Nguyễn Quang Lập, suốt mười tám năm dằng dặc sống trong cô đơn bởi người chồng đã hi sinh nơi chiến trường ngỡ là sẽ hạnh phúc vì đã tìm được một bờ vai để nương tựa khi gặp người hàng xóm thấu hiểu tình cảnh của mình. Thế nhưng, trong lúc hai người đang bên cạnh nhau, ngực bà che kín mặt ông thì sự việc kì lạ xảy ra. Trước mắt bà là bộ mặt của một người đàn ông khác, người đó đang đứng nhìn bà chằm chằm. Bà giật thót người và đẩy ông lăn xuống đất. Ông cũng thấy mặt người đàn ông kia, tấm ảnh chồng bà vừa tuột dây chằng đang lủng lẳng phía vách trái. Vái lấy vái để, ông chạy vội về nhà. Bước xuống bậc thang, bà đột nhiên thấy lạnh sau gáy. Khi quay lại, bà thấy chồng bà đang nhìn bà, cái nhìn vừa dịu dàng, vừa hờn dỗi. Trong truyện Kim Hà – Lê Thành Chơn, chiếc nhẫn, kỉ vật mà người lính đã hi sinh để lại cho người vợ của mình giống như có linh hồn. Khi người vợ cầm chiếc nhẫn ấy lên, cô cảm thấy dường như bàn tay của người lính ấy đang nắm lấy tay của mình. Chiếc nhẫn vốn lạnh với tất cả mọi người, nhưng kì lạ thay, với những người thân yêu của anh, nó bỗng ấm lên một cách kì lạ. Trong Tiếng vạc sành của Phạm Trung Khâu, người dân trong một ngôi làng đồn rằng, dạo gần đây, làng họ xuất hiện một con rắn lạ. Vết nó bò in xuống mặt ruộng to tày cột đình. Có người còn khẳng định họ thấy nó đầu quấn gốc cây bên này, đuôi quấn gốc cây bên kia, mình ép dẹp lép cái gàu sành sạch tát một cái ao lớn để bắt cá; có người khác lại kể, họ thấy đuôi nó cuốn trong làm gốc, mình dựng đứng làm thân cổ thụ, lừa thú vật và người đi ngang qua bắt ăn thịt. Một người đàn bà trong làng đêm nào cũng nghe tiếng “tọc, tọc, tọc” phát ra từ lùm cây hoang sau
  • 31. nhà. Chị đem việc này kể với chồng mình. Anh này quyết rình bắn. Khoảng chín giờ tối hôm đó, những tiếng “crọc crọc” bắt đầu vang lên, dưới ánh trăng mờ, một con rắn thò đầu ra toan bò qua bụi chuối phía sau nhà. Người lính ngắm kĩ, miết cò súng. Ba tiếng nổ vang lên, người dân trong làng kéo đến. Khi đến nơi, tất cả đều sững sờ. Đó không phải là con rắn, đó là một con người – một người giống khuôn mặt quỷ. 1.2.4. Lời nói, hành động kì lạ của nhân vật + Yếu tố kì ảo trong các tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh sau 1975 còn được biểu hiện ở những lời nói, hành động kì lạ của các nhân vật (5/50 truyện khảo sát). Viên (Ăn mày dĩ vãng – Chu Lai) có một khả năng đặc biệt, có thể linh cảm trước những việc sắp xảy ra. Khi đoán số phận Hai Hùng và Sương, Viên bảo “rồi đây số phận anh và chị Sương ràng buộc với nhau nhiều lắm. Hai người đều gặp vô số những hoạn nạn nhưng vẫn không thể xa rời nhau. Chị ấy sẽ chết trước anh”, quả thật sau này, trãi qua nhiều thăng trầm, xa cách nhưng cuối cùng họ vẫn gặp lại nhau, và Sương đã chết trong vòng tay của Hai Hùng. Trước một trận đấu, Viên bảo “có đổ máu, có người chết”, quả nhiên sau đó khi đối đầu với giặc, một người đã hi sinh – và người duy nhất đổ máu trong trận này chính là Viên. Tương tự, trong Đồng đội – Hồ Tĩnh Tâm, Quân bảo “Em nguyện cầu cho đất nước hòa bình để được ngủ thẳng cẳng một năm cho đã”. Đêm hôm sau, lời nguyện cầu của Quân linh nghiệm. Đêm đầu tiên triển khai đội hình, Quân đã nằm xuống mãi mãi. Một mảnh 155 ly mở toang lồng ngực anh. Buồng phổi nát bấy nhưng trái tim vẫn còn nguyên vẹn. “Con gái tao xinh và ngoan thế này, mày không muốn lấy. Vậy thì sau này chỉ lấy ma! Chỉ lấy được ma thôi nhé”. Câu nói của lão hàng xóm (Bướm trắng –
  • 32. Thái Bá Tân) đã ứng nghiệm. Chàng Xuân Sinh sau này đã cùng với hồn ma Bạch Điệp sống hạnh phúc với nhau như những cặp vợ chồng bình thường. Theo lời của bà đồng, vào ban đêm, nhổ tóc của chính mình, bện chín sợi thành một bím. Bện đủ chín trăm chín mươi chín bím rồi nối lại với nhau, quấn xung quanh tấm ảnh rồi đặt lên bàn thờ khấn sẽ lưu giữ người con trai ở lại trần gian. Dù không tin mấy vào lời bói toán, người con gái trong Dây neo trần gian – Võ Thị Hảo vẫn đều đặn từng đêm, tự tay nhổ tóc của mình bện thành từng bím. Cô làm việc đó chỉ vì một mục đích duy nhất – lưu giữ người đàn ông mà cô yêu ở lại trên cuộc đời này. Cuối cùng dường như những hành động kì lạ ấy của cô đã ứng nghiệm, như một phép nhiệm màu, người đàn ông ấy là người duy nhất trong đội quân năm ấy không bị nhiễm chất độc màu da cam. Tuy xuất hiện rất ít (4/50 truyện khảo sát) nhưng không thể không nhắc tới dạng thức kì ảo: sự biến dạng, hóa thân của nhân vật. Trong văn xuôi hiện đại sau 1975, dạng thức biểu hiện này xuất hiện nhiều trong các tác phẩm như Món tái dê – Hồ Anh Thái, Lên ruồi – Đoàn Lê, Phiên chợ Giát – Nguyễn Minh Châu, Tim vỡ - Võ Thị Hảo,… Trong truyện ngắn viết về chiến tranh chỉ thấy dạng thức này biểu hiện qua một số tác phẩm: Bướm trắng – Thái Bá Tân, Hồn trinh nữ - Võ Thị Hảo,... Giống như truyện cổ tích, các nhân vật thường hóa thân sau khi chết. Ở Bướm trắng, người đọc bắt gặp sự hóa thân kì lạ của Bạch Điệp. Lúc quay trở lại Cổng Trời thăm mộ Bạch Điệp. Bất chợt Xuân Sinh thấy một con bướm rất lớn màu trắng bay đến lởn vởn bên anh. Khi nhìn kỹ anh thấy trên đôi cánh màu trắng của nó có nhiều vết rách. Khi theo con bướm vào một hang đá nhỏ, sâu và tối, Xuân Sinh bỗng thấy có một cái gì trăng trắng đang tiến đến gần anh. Nhìn kĩ hóa ra đó là Bạch Điệp. Nàng nói do nằm dưới ngôi mộ xi măng, cứng quá, nàng phải biến thành bướm mới có thể chui qua nổi.
  • 33. Người con gái trong Hồn trinh nữ sau khi chết đã hóa thành một loài hoa hình tròn tròn tim tím. Mỗi khi có bước chân người qua hoặc bị va chạm mạnh, những chiếc lá lăn tăn xếp lại, xuôi xuống như bàn tay che mặt. Và người ta gọi đó là hoa trinh nữ.  So với các tác phẩm văn xuôi sau 1975, các dạng thức kì ảo trong tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh không đa dạng bằng. Chủ yếu biểu hiện ở hai dạng thức tiêu biểu là mô-tip giấc mơ và hồn người chết trở về. Ngoài ra còn có các dạng thức như: những sự việc kinh dị, hoang đường; những lời nói, hành động kì lạ của nhân vật; sự hóa thân của nhân vật. Các dạng thức này xuất hiện với tần số mỏng, không tạo được nét đặc trưng riêng. Thế giới tinh thần của con người giống như là một chiếc hộp bí mật. Chỉ có đi vào giấc mơ, người đọc mới có thể lý giải được những nỗi niềm riêng tư, ẩn kín trong tâm hồn con người, đặc biệt là người lính. Đó có thể là nỗi ám ảnh về chiến tranh, ám ảnh về lỗi lầm đã cố ý hoặc vô tình tạo ra, là niềm trăn trở, sự khát khao hạnh phúc cá nhân. Đến với mô-tip ma hiện hồn, người đọc có thể hiểu thêm về sự khốc liệt, nỗi đau, những mất mát mà chiến tranh gây ra cho con người. Những sự việc kinh dị, hoang đường kì lạ cũng góp phần tô đậm mảng hiện thực cuộc sống con người trong chiến tranh và trong cuộc sống đời thường. Mô-tip những lời nói, hành động kì lạ của nhân vật thể hiện một điều gì đó khó giải thích bằng lý thuyết khoa học. Dường như con người có một khả năng kì lạ, có thể nhận biết những nguy hiểm sắp xảy ra bằng trực giác, cảm giác mà ta có thể gọi đó là linh cảm. Trong chiến tranh, cái chết kề cận, do đó linh cảm về cái chết luôn đè nặng trong tâm hồn người lính. Nói chung, các dạng thức kì ảo đã góp phần tạo nên nét mới lạ cho các tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh sau 1975. Với yếu tố kì ảo, các những mảng sáng tối của hiện thực chiến tranh, những vấn đề nhạy cảm thuộc về thế giới tinh thần, tình cảm của con người hiện ra cụ thể rõ ràng qua từng trang sách.
  • 34. Chương 2: Vai trò và hiệu quả nghệ thuật của việc sử dụng yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết, truyện ngắn viết về chiến tranh giai đoạn sau 1975 Yếu tố kì ảo là một trong những phương tiện nghệ thuật hữu hiệu tạo sự lôi cuốn hấp dẫn cho tác phẩm. Bên cạnh đó, sự tham gia của yếu tố kì ảo vào tác phẩm văn học đã chi phối nhiều đến cách thức tổ chức kết cấu của tác phẩm: tạo nên những tình huống truyện mới lạ, độc đáo; cốt truyện hấp dẫn; góp phần dựng nên một thế giới hình tượng đa dạng, đặc sắc. 2.1. Vai trò của yếu tố kì ảo trong kết cấu nghệ thuật tác phẩm 2.1.1. Yếu tố kì ảo và tình huống truyện Trong truyện ngắn, tình huống đóng vai trò quan trọng, có thể xem đây là khâu then chốt trong sáng tạo, đem đến sự thành công cho tác phẩm. Tình huống là những thời khắc tiêu biểu (có người gọi là khoảnh khắc, chốc lát...) trong cuộc sống của con người. Tại thời khắc đó, nó bộc lộ cái bản chất trong quan hệ giữa các tính cách, giữa nhân vật với hoàn cảnh và thể hiện sâu sắc chủ đề của tác phẩm. Trong một số truyện ngắn viết về chiến tranh sau 1975, sự xuất hiện của yếu tố kì ảo đã góp phần tạo nên những tình huống đặc sắc, lôi cuốn. Qua khảo sát các truyện ngắn này, ta thấy có sự xuất hiện các dạng tình huống tiêu biểu sau:  Tình huống truyện nhuốm màu sắc hoang đường, kì lạ Hoang đường, kì lạ là dạng tình huống quen thuộc, thường xuất hiện nhiều trong các câu chuyện cổ tích thần kì, hoặc những truyện ngắn liêu trai, ma quái. Trong các truyện ngắn viết về chiến tranh giai đoạn sau 1975, người đọc cũng dễ dàng bắt gặp nhiều tình huống mà ở đó tính chất hoang đường, kì lạ thể hiện đậm đặc, rõ nét. Có thể bắt gặp tình huống này ở một số truyện như: Bến trần gian – Lưu Sơn Minh, Bướm trắng – Thái Bá Tân, Cặp bồ với ma – Ngô Văn Phú, Vĩnh
  • 35. biệt mười tám con gà trống – Nguyễn Quang Lập, Đốm lửa – Nguyễn Thị Minh Thúy, Trái tim con rắn – Nguyễn Đông Thức, Mai – Thanh Quế… Bến trần gian (Bến trần gian) – một bến sông bãng lãng sương khói, hư ảo, huyễn hoặc; là nơi giao nhau giữa cõi người và cõi ma. Chính tại nơi đây, linh hồn của Lăng đã gặp lại người mẹ già sau bao nhiêu năm xa cách, để rồi chính anh phải đau đớn khi nhận ra rằng mình không còn là người nữa, anh không thể trở về với gia đình, với người thân được nữa bởi giữa người và ma vẫn là hai thế giới khác biệt. Dù rất thương con nhưng người mẹ vẫn gạt nước mắt bảo anh đi “Người chết thì phải đi thôi con ạ, đừng luẩn quẩn trần gian làm gì nữa. Bây giờ mày chỉ là nỗi sợ hãi của mọi người thôi… u thương con lắm Lăng ạ, nhưng mà không thể để con ở lại được”. Cuối cùng, Lăng đành phải ngậm ngùi lặng lẽ ra đi “Lăng dật dờ mấy vòng, chẳng rõ anh có khóc không bởi sương đêm nay rơi nhiều quá…”. Anh phải chấp nhận hiện thực dù đó là hiện thực đau đớn, phủ phàng. Có lẽ cuộc gặp gỡ cuối cùng này sẽ giúp linh hồn anh được siêu thoát và có thể nằm lại nơi chiến trường xưa. Bướm trắng kể về mối tình giữa người lính lái xe Xuân Sinh và cô thanh niên xung phong Bạch Điệp. Bạch Điệp đã hi sinh khi đang làm nhiệm vụ dẫn đường cho đoàn xe vượt qua Cổng Trời. Tuy nhiên, cuối cùng cô đã sống lại và cùng Xuân Sinh nên vợ nên chồng. Nhà văn đã dựng nên tình huống hư ảo, kì lạ. Sau chiến tranh, Xuân Sinh đã trở lại Cổng Trời. Tại đây, nhờ sự dẫn đường của một con bướm trắng mà Sinh đã gặp lại cô. Biết được người yêu đã hi sinh, và vì bom đạn, nàng trở thành một hồn ma rách nát, đáng thương, Xuân Sinh đã lấy các sợi máu của mình vá lại những vết thương trên cơ thể Bạch Điệp. Nhờ tình yêu và sự kiên trì, cuối cùng Sinh đã thành công. Chàng đưa Bạch Điệp về quê mình ở làng Đoài – Phú Xuyên, hai người sống với nhau như những cặp vợ chồng bình thường khác…
  • 36. Trong truyện ngắn Cặp bồ với ma, tác giả đã xây dựng một tình huống lãng mạn nhưng đầy chất liêu trai, trong những ngày lang thang trông coi nghĩa trang, chàng trai đã gặp một nấm mồ nhỏ đáng thương, động lòng thương cảm, chàng đã “ngồi lại nhặt cỏ” với “lòng bùi ngùi, cảm khái”. Hành động đó đã được đáp lại bằng tình yêu của hồn ma cô gái ma. Đêm đó, khi đang ngồi đọc sách, một làn gió lạnh lùa qua, trước mặt chàng, một người phụ nữ mảnh mai, ăn mặc giản dị bước vào. Cuộc gặp gỡ đó là khởi đầu tình yêu giữa người và ma. Hai người đã có những ngày sống vui vẻ hạnh phúc bên nhau. Những ngày sống cạnh một người trần gian xa lạ đã khiến cô gái thật sự thỏa lòng với một tình yêu thật sự mà trước đây trong chiến tranh cô chưa một lần nếm trải. Truyện Vĩnh biệt mười tám con gà trống, nhân vật rơi vào tình huống kì lạ. Khi người đàn bà đang thổn thức trong lòng ông hàng xóm, tấm ảnh thờ của chồng bà đột nhiên tuột dây chằng treo lủng lẳng trước mắt bà và người đàn ông ấy. Người đàn ông hàng xóm hoảng sợ chạy về nhà. Riêng bà, lúc bấy giờ rơi vào tâm trạng vừa day dứt, băn khoăn bởi cảm giác có lỗi với người chồng cũ; vừa trằn trọc, bối rối bởi nỗi cô đơn, trống vắng suốt mười tám năm. Bà nhận ra rằng mình rất cần được chăm sóc bởi đôi tay một người đàn ông. Sự tham gia của yếu tố kì ảo vào tình huống truyện khiến người đọc liên tưởng đến những câu chuyện cổ tích mà ở đó có ông bụt, bà tiên có thể dùng phép màu giúp nhân vật thực hiện ước mơ của mình; có sự hóa thân thần kì của nhân vật sau khi chết để họ có thể trở về sống một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc; có sự gặp gỡ giữa người còn sống và người đã chết. Tuy mang dáng vẻ của những câu chuyện cổ tích, song khi khép lại câu chuyện, bao nỗi băn khoăn đặt ra: liệu những phép màu thần kì đó đã thật sự hàn gắn được vết thương mà chiến tranh đã để lại cho con người. Cũng như những buổi tiệc trước, Thuật (Trái tim con rắn) là người được ưu tiên thưởng thức ly rượu đặc biệt. Một ly rượu thuốc đã trộn đều với máu rắn, bên
  • 37. trong là một trái tim nhỏ xíu vẫn còn thoi thóp thở sẽ là ly rượu bắt đầu cho buổi tiệc. Thường, để chứng tỏ bản lĩnh của mình, Thuật sẽ dùng tay nhón lấy trái tim con rắn nhai chóp chép một cách ngon lành. Nhưng trong buổi tiệc hôm nay, khi kẹp lấy trái tim ở đáy ly, Thuật có cảm giác nó quẫy nhẹ như muốn tuột khỏi tay ông. Khi cho vào miệng, trái tim ấy tự lăn lên lưỡi, tuột vào yết hầu và trôi xuống thực quản rồi dừng lại ở đó. Ngay lúc đó nó làm ông nghẹn thở mất mấy giây. Từ sau giây phút kì lạ đó, suốt đêm Thuật không thể nào chợp mắt bởi những âm thanh quái lạ cứ vang lên trong lồng ngực của ông. Cũng trong đêm đó, những hành động sai trái trước đây lần lượt hiện ra trong đầu của ông. Sáng ra, người ta thấy ông đã chết với một trái tim nhỏ xíu đã bị vỡ đôi. Trong một chuyến về hậu phương nhận hàng, lúc dừng chân ở một chặng đường, bỗng dưng Quỳ (Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành – Nguyễn Minh Châu) cảm giác như có ai đó đang vẫy gọi chị từ đằng sau những cánh cửa gỗ mục nát trong chùa. Đẩy cánh cửa bước vào, trước mắt Quỳ là một bức tượng ngàn mắt ngàn tay ngồi chễm chệ trên tòa sen. Trong cái giây phút bàn tay chạm vào bức tượng, chị thấy như đang chạm vào đôi bàn tay dấp dính mồ hôi của Hòa - người yêu của chị. Chỉ đến giây phút này, chị mới chợt hiểu ra nụ cười bí ẩn luôn hiện ra trên đôi môi của anh trước lúc vĩnh viễn ra đi. Chỉ có sự ra đi anh mới có thể mãi mãi giữ lại hình ảnh đẹp của mình trong chị, bởi chỉ có niềm thương tiếc, người ta mới có thể quên đi những khuyết điểm của một con người. Trong cuộc sống, không phải điều gì cũng là hoàn hảo. Một khi đã yêu, nên biết chấp nhận những khuyết điểm của đối phương. Sự có mặt của yếu tố kì ảo trong tình huống truyện không chỉ gây sức hấp dẫn mà còn góp phần bộc lộ tư tưởng tác phẩm. Tác giả đặt nhân vật vào tình huống hoang đường, kì lạ để từ đó nhân vật bộc lộ nhận thức, suy nghĩ, tình cảm của mình. Qua đó người đọc có thể lý giải tính cách của từng nhân vật để từ đó hiểu thêm về số phận của những người lính.
  • 38.  Trong những tác phẩm viết về chiến tranh, không hiếm để có thể tìm thấy những tình huống hoang đường, kì lạ trong truyện. Tuy nhiên, nếu so sánh với những tình huống hoang đường, kì lạ trong các tác phẩm trước đây, đặc biệt là trong những truyện cổ tích thần kì, rõ ràng có một sự khác biệt rất lớn. Trong các truyện cổ tích, sự góp mặt của yếu tố kì ảo trong tình huống truyện nhằm dẫn dắt người nghe bước vào một thế giới hoang đường mà ở đó, nhờ sự kì ảo, con người có thể dễ dàng thực hiện ước mơ của mình, làm thay đổi số phận của nhân vật. Cả tác giả lẫn người đọc đều tin vào sự thần kì đó. Ở các tác phẩm văn học sau này, yếu tố kì ảo tuy xuất hiện nhưng cái thực vẫn nổi trội, người đọc vẫn phân biệt rạch ròi đâu là thế giới của sự hư huyễn, đâu là sự thật của cuộc sống. Sự có mặt của yếu tố kì ảo góp phần giúp người đọc khám phá những bộ mặt khác nhau của chiến tranh. + Tình huống truyện căng thẳng, kịch tính Tình huống căng thẳng, kịch tính cũng thường được nhà văn sử dụng trong các truyện viết về chiến tranh mang yếu tố kì ảo. Tình huống này tạo cho người đọc cảm giác ngạt thở, xáo trộn, buộc phải đặt câu hỏi liệu nhân vật sẽ ra sao khi đối mặt với tình huống đó. Truyện ngắn Chuyến xe đêm – Ma Văn Kháng, kể về một người lính làm nhiệm vụ đưa những người trên xe đến một trạm gác an toàn. Trong truyện, để làm nổi bật lên hình ảnh người lính lái xe anh dũng, gan dạ, tác giả đã đặt nhân vật vào một tình huống khá căng thẳng, nghẹt thở. Trong quãng hành trình, anh bất ngờ bị trúng ba phát pháo của bọn tàn quân. Với một người bình thường, việc có thể sống sót khi bị trúng ba phát pháo là điều không thể. Vì vậy, mọi người ai cũng lo sợ và đinh ninh anh đã chết khi thấy máu ứa ra đen thẫm, và anh đã gục xuống trên tay lái. Nhưng, chính trong tình huống căng thẳng, không còn hi vọng này, chiếc xe vẫn lăn bánh tựa như có một lực đẩy vô hình, một phép màu kì lạ trong khi anh đã rơi vào trạng thái bất tỉnh. Cuối cùng anh đã hoàn thành nhiệm
  • 39. vụ, đưa những người trên xe đến được trạm gác. Ở truyện Kim Hà (Lê Thành Chơn), tác giả cũng đã tạo nên một tình huống căng thẳng không kém. Một chiếc xe đang trên đường trở về đơn vị, và Hà – người nhận trách nhiệm cầm tay lái đã bị bốn trái bom dội liên tiếp vào người. Anh bị thương rất nặng và cánh tay cũng đã đứt lìa, máu ra xối xả. Thế nhưng, vì tinh thần đồng đội, không hiểu bằng cách nào, anh đã lái được chiếc xe về đến đơn vị. Với sự tham dự của dạng thức kì ảo: sự việc kinh dị, kì lạ, tác giả đã tạo nên hình ảnh đẹp đẽ, phi thường của người lính. Hơn bao giờ hết, nghĩa vụ, trách nhiệm cao hơn những lợi ích riêng tư, nguy hiểm của cá nhân bản thân mình. Tình huống trong Dây neo trần gian – Võ Thị Hảo, xuất hiện khi cô gái dùng những sợi tóc của mình bện thành những bím tóc nhỏ quấn quanh bức ảnh người đàn ông mà cô yêu. Đó là cách duy nhất mà theo lời bà đồng sẽ neo giữ được người ấy ở lại trần gian. Dù biết đây là điều vô lý nhưng cô gái vẫn làm theo. Kết quả kì diệu đã xảy ra. Người đàn ông cảm động và quyết định đối mặt với sự thật – sẽ cùng nàng đến bệnh viện thử máu xem mình có bị nhiễm chất độc da cam không. Thật kì diệu, kết quả cuối cùng anh là người duy nhất trong nhóm không bị nhiễm chất độc chết người. Phải chăng chính tình yêu của cô đã làm nên điều kì diệu – đã neo anh lại được với trần gian.  Những tình huống căng thẳng, kịch tính đặt nhân vật vào những khoảnh khắc khó khăn, gay go, quyết liệt tưởng như không thể vượt qua. Từ đó xuất hiện những điều lạ giúp nhân vật thực hiện được những điều phi thường, khó thể xảy ra trong đời sống thực. Để tạo nên điều lạ, các tác giả thường dùng đến dạng thức kì ảo: Những sự việc kinh dị, kì lạ. Sự tham dự của yếu tố kì ảo vào tình huống truyện tạo cho người đọc sự thú vị xen lẫn hồi hộp, lo lắng. Tuy số lượng tác phẩm không nhiều, song các truyện vẫn tạo nên dấu ấn riêng. Đa số, những truyện có tình huống này đưa người đọc quay trở lại khung cảnh chiến trường với những trận bom ác liệt, kinh hoàng. Ở đó, người lính đối mặt với sự sinh tử trong gang tấc từ đó người đọc thấy được sự anh hùng, quả cảm của nhân vật.
  • 40. + Tình huống truyện mang tính chất ngẫu nhiên Tính chất ngẫu nhiên cũng thường được nhà văn sử dụng trong những truyện ngắn viết về chiến tranh sau 1975. Để tạo sự li kì cho tác phẩm, đôi khi các nhà văn tô đậm sự ngẫu nhiên đó đến mức lạ lùng, khó hiểu. Sự ngẫu nhiên này đôi khi sẽ là tiền đề đưa nhân vật đến với những điều hư huyễn sau đó. Ở những truyện ngắn này, yếu tố kì ảo được sử dụng nhằm tô đậm tính chất trùng hợp kì lạ của tình huống Một hôm, con chó tha về một khúc xương ống chân (Tiếng chuông chiều – Lê Hoài Lương). Trong thoáng chốc, người chủ nhân nhận ra đó chính là xương người, lập tức gã đã buộc chú chó dẫn đến nơi có xương đó. Sau một lúc hì hục moi cát, trước mắt gã là một bộ xương người trong tư thế đang ngồi. Nhìn hộp dầu cao sao vàng và đôi dép cao su, gã đoán là người lính Việt cộng chết vì sụp hầm. Không nỡ để bộ xương bị chó tha đi từng mảnh, gã đem chôn cất bộ xương cẩn thận. Từ tình huống ngẫu nhiên đó đã dẫn đến hàng loạt những điều lạ lùng mà gã gặp sau này. Trong những lúc nguy hiểm, cận kề cái chết, linh hồn của người lính xấu số đã về cứu gã thoát chết trong gang tấc. Chết không có nghĩa là hoàn toàn biến mất. Người chết vẫn có thể trở về giúp đỡ cho người còn sống. Trong thế giới của người chết, không có sự phân biệt ta và địch, chỉ cần đó là người tốt, linh hồn người chết sẽ phù hộ, chở che cho họ. Đến với Trừng phạt – Đỗ Nhật Minh, người đọc không khỏi ngạc nhiên bởi sự trùng hợp lạ lùng giữa giấc mơ và cuộc đời thực của nhân vật. Trong mơ, ông Tuyển thấy đang ngồi thì đứa cháu hớt hải chạy đến bảo về nhà có khách. Đến nơi, ông thấy toàn bộ căn nhà ngói năm gian đột nhiên trống hoác, một người đàn ông mặc quần kaki bộ đội ngồi xoay lưng lại với ông. Khi người khách ấy quay lưng lại, ông kinh hoàng nhận ra đó là một người đồng đội đã hi sinh trong chiến tranh. Và hôm sau, lúc đang ngồi bên bờ sông, cũng ngay vị trí cây ổi (giống trong mơ), thằng cháu ông cũng hớt hải chạy đến bảo ông về nhà có khách.
  • 41. Hoảng hốt, ông đã ngã xuống ngất xỉu trước sự ngỡ ngàng của đứa bé. Và sau đó, tất cả những sự việc trước đây lần lượt hiện ra trong đầu ông như mới xảy ra ngày hôm qua. Người đàn ông trong giấc mơ kia là ai? Giấc mơ ấy liên quan gì đến cuộc đời ông Tuyển? Vì sao sự trùng hợp giữa giấc mơ với cuộc đời thực lại có thể khiến ông Tuyển sợ hãi đến ngất xỉu. Chính những điều này đã lôi cuốn người đọc tiếp tục theo dõi diễn biến tiếp theo của câu chuyện. Nếu những con kiến đen không xuất hiện trên mâm ăn, có lẽ đây sẽ là buổi cơm rất đầm ấm và vui vẻ đối với Nghĩa (Chiều vô danh – Hoàng Dân). Đang háo hức nhận bát bún nóng từ tay vợ, bất chợt Nghĩa thấy nôn nao trong lòng, người lảo đảo, quay cuồng khi nhìn thấy từng đàn kiến đang bò quanh mâm cơm. Trong thoáng chốc, Nghĩa cảm thấy đám sinh vật li ti ấy đang nhe răng, gặm sồn sột trong óc, khiến anh không còn bình tĩnh được nữa. Sự xuất hiện của những sinh vật bé nhỏ nhưng đáng sợ ấy đưa anh trở về với quá khứ đạn bom ác liệt năm nào. Trước mắt anh, khu rừng Trường Sơn hiện ra rõ ràng, rành mạch: Tiếng bom rơi, tiếng đạn rít, những âm thanh ầm ầm náo động; và nơi đó, hàng triệu, hàng triệu con kiến đen đang xâu xé những mẩu xương thịt của đồng đội anh. Tất cả cứ như vừa mới hôm qua. Kiến đen vốn là những sinh vật bình thường, vô hại đối với con người. Nhưng ở đây, sự xuất hiện tình cờ của chúng vô tình chạm vào vết thương lòng của nhân vật. Quá khứ chiến tranh thật khốc liệt và hãi hùng, sự ám ảnh mà nó để lại sẽ không bao giờ có thể phai mờ và chỉ cần vô tình chạm phải, nỗi ám ảnh ấy lập tức kéo con người ra khỏi cuộc sống hiện tại, bởi giống như lời Kiên (Nỗi buồn chiến tranh – Bảo Ninh) họ là những người “không thể nhấc chân ra khỏi miệng hố chiến tranh”. Trong truyện ngắn Họ đã trở thành đàn ông – Phạm Ngọc Tiến, tác giả đã để cho nhân vật tình cờ nghe được cuộc chuyện trò giữa hai người lính. Cuộc chuyện trò của họ vô tình đã làm thay đổi suy nghĩ của nhân vật ấy. Lúc đó, đang giữa chiến trường ác liệt, chị - một người con gái thành phố tự nguyện tham gia vào chiến trường. Ở sát kho chị có một con suối, chị có thói quen ra suối tắm vào
  • 42. buổi sáng. Và buổi sáng hôm ấy, những lời tâm tình của hai người lính, chị đã nghe hết không sót một lời. Đó là lời tâm sự của những chàng trai mà khi ra chiến trường, họ chưa một lần được trở thành người đàn ông thật sự. Thậm chí đến lúc hi sinh, họ vẫn chưa được nếm trải cái hạnh phúc mà ông trời ban cho loài người. Đoạn đối thoại đã vô tình tác động mạnh mẽ đến người chị. Khi trở về, chị trải qua một cơn sốt, chị mơ màng thấy lại thành phố thân yêu của mình, thấy lại anh, thấy lại cuộc hẹn hò lần cuối của mình, và chị đã không để anh vượt quá giới hạn trong buổi sáng ấy. Chị cảm thấy mình có lỗi với anh. Sau khi tỉnh lại, chị đưa ra một quyết định vô cùng táo bạo, để những người con trai ấy một lần trong đời trở thành người đàn ông, để họ khi đã vĩnh viễn nằm trong lòng đất lạnh cũng không cảm thấy nuối tiếc cuộc đời. Chiến tranh, có những sự hi sinh mà ai cũng nhìn thấy, nhưng cũng có những người lặng lẽ hi sinh, đem đến niềm vui cho người khác mà không cần phải được nhớ đến.  Bên cạnh tình huống mang tính chất hoang đường, tình huống căng thẳng, kịch tính; tình huống mang tính chất ngẫu nhiên cũng thường có mặt trong các tác phẩm văn xuôi viết về chiến tranh sau 1975. Sự tham dự của yếu tố kì ảo đã tạo nên những tình huống ngẫu nhiên, trùng hợp đến mức kì lạ, khó hiểu. Những tình huống này đóng vai trò quan trọng, gắn kết nhân vật với các sự kiện lạ lùng sau đó, góp phần bộc lộ tính cách, tâm tư, tình cảm của nhân vật, cũng như thể hiện chủ đề, tư tưởng của tác phẩm. 2.1.2. Yếu tố kì ảo và cốt truyện + Yếu tố kì ảo đóng vai trò biểu tượng, xuất hiện song hành cùng cốt truyện Ở những truyện này yếu tố kì ảo được tác giả lồng ghép một cách có ý thức, tạo nên một kiểu thêm thắt, gia giảm; đan lồng, xen kẽ cái kì ảo và cái thực. Đặc trưng của những truyện này là yếu tố kì ảo không đóng vai trò cốt yếu, chi phối mạch truyện. Các truyện như Tiếng vạc sành – Phạm Trung Khâu, Cỏ lau – Nguyễn Minh Châu, Vĩnh biệt mười tám con gà trống- Nguyễn Quang Lập, Đồng