SlideShare a Scribd company logo
1 of 235
F
ĐẠI HỌC HUẾ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
NGUYỄN TRUNG TRIỀU
ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ Ở KHÁNH HÒA
TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ
(1954 - 1975)
LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ
HUẾ, NĂM 2018
i
LỜI CAM ĐOAN
ĐẠI HỌC HUẾ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
NGUYỄN TRUNG TRIỀU
ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ Ở KHÁNH HÒA
TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ
(1954 - 1975)
Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam
Mã số: 62 22 03 13
LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ
Người hướng dẫn khoa học
PGS. TS. LÊ CUNG
TS. CHU ĐÌNH LỘC
HUẾ, NĂM 2018
ii
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi, tư liệu và kết quả
nghiên cứu trong luận án là trung thực, chưa từng được công bố trong bất kỳ công
trình nào khác.
Tác giả luận án
Nguyễn Trung Triều
iii
LỜI CẢM ƠN
Chân thành cảm ơn Lãnh đạo Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha
Trang đã quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt để tôi được tham gia và hoàn thành
khóa đào tạo Tiến sĩ (2014-2017).
Trân trọng cảm ơn quý thầy cô giáo Khoa Lịch sử, Phòng Đào tạo Sau Đại học
Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế và Ban Đào tạo Sau Đại học - Đại học
Huế đã giúp đỡ tôi trong quá trình học tập và thực hiện luận án.
Trân trọng cảm ơn Văn phòng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa, Chi cục
Văn thư Lưu trữ tỉnh Khánh Hòa, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Trung tâm Lưu
trữ Quốc gia IV và các nhân chứng đã hỗ trợ về mặt tư liệu để tôi hoàn thành
luận án.
Đặc biệt, tôi xin bày tỏ sự kính trọng, lòng biết ơn sâu sắc đối với PGS. TS. Lê
Cung và TS. Chu Đình Lộc - những người thầy đã tận tình hướng dẫn tôi trong suốt
quá trình học tập và nghiên cứu.
Cảm ơn gia đình, bạn bè và đồng nghiệp luôn động viên, giúp đỡ để tôi hoàn
thành khóa học.
Huế, tháng 5 năm 2018
Tác giả
Nguyễn Trung Triều
iv
MỤC LỤC
Trang
Trang phụ bìa ...............................................................................................................i
Lời cam đoan.............................................................................................................. ii
Lời cảm ơn ................................................................................................................ iii
Mục lục.......................................................................................................................iv
Danh mục cụm từ viết tắt..........................................................................................vii
MỞ ĐẦU ...................................................................................................................1
1. Lý do chọn đề tài .........................................................................................................1
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ..............................................................................3
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu .............................................................................3
4. Nguồn tư liệu và phương pháp nghiên cứu ...............................................................4
5. Đóng góp của luận án ..................................................................................................5
6. Bố cục của luận án .......................................................................................................5
Chương 1. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU .............................................................6
1.1. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài ..............................................................6
1.1.1. Nhóm các công trình nghiên cứu về đấu tranh chính trị ở miền Nam
trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) ........................................................................6
1.1.2. Nhóm các công trình nghiên cứu về đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa
trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) ......................................................................15
1.2. Những vấn đề luận án kế thừa ...............................................................................21
1.3. Những vấn đề luận án cần tập trung nghiên cứu ..................................................22
Chương 2. ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ Ở KHÁNH HÒA TỪ NĂM 1954
ĐẾN NĂM 1965 ......................................................................................................24
2.1. Khái quát điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, truyền thống yêu nước
và cách mạng của nhân dân Khánh Hòa trước năm 1954 ..............................................24
2.1.1. Điều kiện tự nhiên .........................................................................................24
2.1.2. Điều kiện kinh tế - xã hội ..............................................................................25
2.1.3. Truyền thống yêu nước và cách mạng của nhân dân Khánh Hòa trước 1954 29
2.2. Chính sách của Mỹ, chính quyền Sài Gòn ở Khánh Hòa
và chủ trương đấu tranh chính trị của Đảng từ năm 1954 đến năm 1965 ......................32
v
2.2.1. Chính sách của Mỹ, chính quyền Sài Gòn ở Khánh Hòa từ năm 1954
đến năm 1965 ....................................................................................................................32
2.2.2. Chủ trương của Đảng về đấu tranh chính trị từ năm 1954 đến năm 1965 .42
2.3. Nội dung đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa từ năm 1954 đến năm 1965 ...........48
2.3.1. Đòi thi hành Hiệp định Genève .................................................................... 48
2.3.2. Chống chính sách “tố Cộng” .........................................................................53
2.3.3. Phối hợp với lực lượng vũ trang tiến hành đồng khởi ở vùng rừng núi .....56
2.3.4. Chống phá ấp chiến lược ...............................................................................59
2.3.5. Đòi tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo ....................................................62
2.3.6. Chống độc tài, quân phiệt, đòi tự do và dân chủ .........................................70
2.3.7. Phối hợp với lực lượng vũ trang tiến hành đồng khởi ở vùng nông thôn
đồng bằng ..........................................................................................................................78
Chương 3. ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ Ở KHÁNH HÒA TỪ NĂM 1965
ĐẾN NĂM 1975 ..................................................................................................... 82
3.1. Chính sách của Mỹ, chính quyền Sài Gòn ở Khánh Hòa
và chủ trương đấu tranh chính trị của Đảng từ năm 1965 đến năm 1975 ......................82
3.1.1. Chính sách của Mỹ, chính quyền Sài Gòn ở Khánh Hòa từ năm 1965
đến năm 1975 ....................................................................................................................82
3.1.2. Chủ trương của Đảng về đấu tranh chính trị từ năm 1965 đến năm 1975 .94
3.2. Nội dung đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa từ năm 1965 đến năm 1975 ...........99
3.2.1. Đòi thành lập chính phủ dân sự ....................................................................99
3.2.2. Phối hợp với lực lượng vũ trang tham gia Tổng tiến công và nổi dậy
Tết Mậu Thân 1968 ........................................................................................................108
3.2.3. Đòi dân chủ, dân sinh ..................................................................................112
3.2.4. Đòi thi hành Hiệp định Paris .......................................................................117
3.2.5. Phối hợp với lực lượng vũ trang tham gia Tổng tiến công và nổi dậy
Xuân 1975 .......................................................................................................................121
Chương 4. TÍNH CHẤT, ĐẶC ĐIỂM VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ ....................125
4.1. Tính chất ...............................................................................................................125
4.1.1. Tính chất dân tộc ..........................................................................................125
4.1.2. Tính chất dân chủ, dân sinh .........................................................................128
vi
4.2. Đặc điểm ...............................................................................................................130
4.2.1. Thu hút hầu hết các thành phần xã hội tham gia .......................................130
4.2.2. Hình thức, biện pháp đấu tranh phong phú, linh hoạt và quyết liệt ..........133
4.2.3. Tích cực hưởng ứng và phối hợp với các địa phương khác
trong đấu tranh ................................................................................................................137
4.3. Ý nghĩa lịch sử ......................................................................................................138
4.3.1. Góp phần nâng cao giác ngộ chính trị đối với các tầng lớp nhân dân ......138
4.3.2. Làm rối loạn hậu phương và suy giảm thế lực của chính quyền Sài Gòn,
tạo điều kiện cho phong trào cách mạng phát triển .......................................................143
4.3.3. Góp phần làm phong phú thêm những bài học kinh nghiệm
đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc .............................................................................146
KẾT LUẬN ...........................................................................................................155
DANH MỤC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN
NỘI DUNG LUẬN ÁN ĐÃ CÔNG BỐ ..............................................................159
TÀI LIỆU THAM KHẢO ...................................................................................160
vii
NHỮNG CỤM TỪ VIẾT TẮT
ACL Ấp chiến lược
CQSG Chính quyền Sài Gòn
CSQG Cảnh sát Quốc gia
ĐTCT Đấu tranh chính trị
ĐTQS Đấu tranh quân sự
LLCT Lực lượng chính trị
LLVT Lực lượng vũ trang
LTQG Lưu trữ Quốc gia
THPG Tỉnh hội Phật giáo
TNSVHS Thanh niên, sinh viên, học sinh
TNTP Trung Nguyên Trung Phần
VNCH Việt Nam Cộng hòa
VTLT Văn thư lưu trữ
1
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), cùng với tấn công
về quân sự, Đảng Cộng sản Việt Nam1
chủ trương tấn công Mỹ và chính quyền Sài
Gòn (CQSG) cả về chính trị, coi đấu tranh chính trị (ĐTCT) là một hình thức đấu
tranh cơ bản, có vai trò quyết định trong tất cả các giai đoạn phát triển của cách
mạng miền Nam, là “ưu thế tuyệt đối và vũ khí lớn của ta, có tác dụng như đấu
tranh vũ trang (ĐTVT)” [33, tr. 824]. Thực hiện chủ trương đó, từ năm 1954 đến
năm 1975, ĐTCT đã diễn ra liên tục và rộng khắp ở miền Nam, trở thành nét độc
đáo của nghệ thuật chiến tranh cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, vấn
đề ĐTCT vẫn chưa được quan tâm đầu tư nghiên cứu đúng mức, chưa tương xứng
với vị trí của nó trong thế “hai chân, ba mũi” đã được thực tiễn khẳng định. Do đó,
việc nghiên cứu, tìm hiểu về ĐTCT giúp chúng ta có cái nhìn đầy đủ hơn về cuộc
kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) với tính chất là một cuộc chiến tranh
nhân dân, toàn dân, toàn diện.
Khánh Hòa là tỉnh có lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên. Thời kỳ 1954-
1975, Mỹ và CQSG đã xây dựng tại đây nhiều căn cứ quân sự quy mô, hiện đại, nổi bật
là khu liên hợp hải - lục - không quân Cam Ranh. Bên cạnh đó, Khánh Hòa còn là địa
bàn được Mỹ và CQSG lựa chọn để đặt các cơ quan chỉ huy, trung tâm huấn luyện
quân đội, trường đào tạo sĩ quan2
. Để vận hành cũng như bảo vệ hệ thống cơ sở phục
vụ chiến tranh này, Mỹ và CQSG đã sử dụng một lực lượng quân đội, cảnh sát hùng
hậu; đồng thời, công tác an ninh, bộ máy kìm kẹp được đặc biệt coi trọng.
Trong điều kiện như vậy, nhưng từ năm 1954 đến năm 1975, nhân dân Khánh
Hòa vẫn liên tục ĐTCT bằng nhiều hình thức, thu hút hầu hết các thành phần xã
hội tham gia và đạt được những kết quả đáng được lịch sử ghi nhận, nổi bật là
phong trào đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève; chống chính sách “tố
1
. Từ năm 1951 đến năm 1976, tên gọi là Đảng Lao động Việt Nam.
2
. Các cơ quan chỉ huy: Bộ Tư lệnh Vùng II Chiến thuật, Bộ Tư lệnh Vùng II Duyên hải, Bộ Tư
lệnh Sư đoàn 2 Không quân, Bộ Chỉ huy Tiếp vận 5...; các Trung tâm huấn luyện: Trung tâm Huấn
luyện Biệt động quân Dục Mỹ - Ninh Hòa, Trung tâm Huấn luyện Hải quân Cam Ranh, Trung tâm
Huấn luyện Không quân Nha Trang...; các trường đào tạo sĩ quan: Trường Hạ sĩ quan Quân lực
VNCH (Quân trường Đồng Đế), Trường Sĩ quan Hải quân Nha Trang;...
2
Cộng”; chống phá ấp chiến lược (ACL); đòi tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn
giáo; chống độc tài, quân phiệt, đòi tự do và dân chủ; đòi thành lập chính phủ
dân sự; đòi thi hành Hiệp định Paris; phối hợp với LLVT tham gia Tổng tiến
công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 và Xuân 1975;... ĐTCT của nhân dân
Khánh Hòa đã góp phần làm thất bại các chiến lược chiến tranh thực dân mới
của Mỹ tiến hành ở địa phương cũng như ở miền Nam.
Qua tìm hiểu cho thấy, ĐTCT trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
(1954-1975) ở các địa bàn như Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Tây
Nguyên, Sài Gòn,... đã được triển khai nghiên cứu ở những mức độ khác nhau; trong
khi đó, đối với Khánh Hòa, cho đến nay chủ đề ĐTCT chỉ được đề cập vắn tắt và rải
rác trong các công trình lịch sử Đảng bộ, lịch sử các tổ chức chính trị - xã hội của địa
phương. Vì vậy, nghiên cứu ĐTCT ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ,
cứu nước (1954-1975) vừa có ý nghĩa khoa học vừa có ý nghĩa thực tiễn:
Về ý nghĩa khoa học, luận án làm rõ các nhân tố ảnh hưởng đến ĐTCT và diễn
biến, tính chất, đặc điểm, ý nghĩa lịch sử của ĐTCT ở Khánh Hòa trong cuộc kháng
chiến chống Mỹ (1954-1975). Qua đó, giúp nhận thức rõ hơn về truyền thống yêu
nước, cách mạng của nhân dân Khánh Hòa; bản chất thực dân mới của các chính
sách, biện pháp do Mỹ và CQSG triển khai tại Khánh Hòa; sự nhạy bén trong chủ
trương lãnh đạo ĐTCT của Đảng; sự đa dạng, linh hoạt, quyết liệt về hình thức của
ĐTCT ở Khánh Hòa; sự hưởng ứng, phối hợp của Khánh Hòa với địa phương khác
trong ĐTCT; kết quả của ĐTCT ở Khánh Hòa thời kỳ 1954-1975;... Không những
thế, luận án còn cung cấp những cứ liệu để nhận thức đầy đủ hơn về phương châm
“hai chân, ba mũi” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở Khánh Hòa nói
riêng và miền Nam nói chung.
Về ý nghĩa thực tiễn, luận án cung cấp thêm nguồn tư liệu về cuộc kháng
chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Khánh Hòa phục vụ công tác nghiên cứu,
giảng dạy lịch sử địa phương, góp phần nâng cao niềm tự hào về truyền thống của
quê hương và giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ Khánh Hòa. Hơn nữa,
những bài học kinh nghiệm được rút ra trong luận án góp phần phát huy sức mạnh
của quần chúng nhân dân trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn
Khánh Hòa hiện nay.
3
Xuất phát từ những lý do trên, chúng tôi chọn vấn đề “Đấu tranh chính trị ở
Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975)” làm đề tài luận án Tiến
sĩ chuyên ngành Lịch sử Việt Nam.
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là ĐTCT ở Khánh Hòa trong cuộc kháng
chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975); trong đó, tập trung nghiên cứu nguyên
nhân, diễn biến, mục tiêu, lực lượng, hình thức, biện pháp, kết quả các phong trào
tiêu biểu cũng như tính chất, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử của ĐTCT trên địa bàn
Khánh Hòa từ năm 1954 đến năm 1975.
Phạm vi nghiên cứu
Về nội dung, ĐTCT được đề cập trong luận án được hiểu theo nghĩa để phân
biệt với ĐTVT, tức là đấu tranh của quần chúng nhân dân không sử dụng vũ khí
quân dụng nhằm đòi các mục tiêu về dân tộc, dân chủ, dân sinh.
Về không gian, luận án nghiên cứu ĐTCT trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, gồm
các đơn vị hành chính cấp huyện: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang, Diên Khánh,
Cam Lâm, Cam Ranh, Khánh Vĩnh và Khánh Sơn; trong đó, tập trung nghiên cứu
địa bàn Nha Trang - nơi được coi là trung tâm của ĐTCT ở Khánh Hòa trong cuộc
kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975).
Về thời gian, luận án giới hạn thời gian nghiên cứu từ năm 1954 đến năm
1975, cụ thể là từ khi Hiệp định Genève được ký kết (21-7-1954) đến ngày Khánh
Hòa được giải phóng (2-4-1975). Tuy nhiên, để làm rõ hơn nhân tố ảnh hưởng đến
ĐTCT, khung thời gian của luận án được lùi về trước năm 1954 khi trình bày nội
dung truyền thống yêu nước và cách mạng của nhân dân Khánh Hòa.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu
Tái hiện có hệ thống quá trình ĐTCT, góp phần nhận thức đầy đủ hơn về cuộc
kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) của quân và dân Khánh Hòa. Qua đó, bổ sung tư
liệu cho công tác nghiên cứu, giảng dạy lịch sử địa phương; cung cấp luận cứ khoa học
nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống cách mạng, vận động quần chúng và
phát huy sức mạnh nhân dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa trong giai đoạn hiện nay.
4
Nhiệm vụ nghiên cứu
Làm rõ điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của Khánh Hòa, nhất là chính
sách của Mỹ và CQSG đối với Khánh Hòa từ năm 1954 đến năm 1975 có ảnh
hưởng đến ĐTCT.
Trình bày đường lối, chủ trương của Trung ương Đảng, Liên Khu ủy V và
Tỉnh ủy Khánh Hòa chỉ đạo ĐTCT trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975).
Trình bày diễn biến ĐTCT ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ
(1954-1975) qua các phong trào tiêu biểu dựa theo mục tiêu và đối tượng đấu tranh.
Làm rõ tính chất, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử của ĐTCT ở Khánh Hòa trong
cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975).
4. Nguồn tư liệu và phương pháp nghiên cứu
Nguồn tư liệu
Nguồn tư liệu đã công bố như văn kiện, công trình tổng kết của Đảng, Nhà
nước, tác phẩm của các vị lãnh đạo viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975)
có đề cập đến ĐTCT; công trình, bài viết của các nhà nghiên cứu về ĐTCT trong
cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975); lịch sử Đảng bộ, lịch sử Hội Nông dân,
lịch sử Hội Liên hiệp Phụ nữ, lịch sử Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh
Khánh Hòa và các huyện, thị, thành phố trực thuộc; một số công trình nước ngoài viết
về “chiến tranh Việt Nam” liên quan tới đề tài.
Nguồn tư liệu tại kho lưu trữ thuộc Văn phòng và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Khánh Hòa; Trung tâm Lưu trữ Lịch sử thuộc Chi cục Văn thư Lưu trữ - Sở Nội vụ
tỉnh Khánh Hòa; Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II (Thành phố Hồ Chí Minh); Trung
tâm Lưu trữ Quốc gia IV (Đà Lạt).
Ngoài ra, một nguồn tư liệu hết sức quan trọng trong nghiên cứu lịch sử địa
phương được tác giả chú ý khai thác là di tích lịch sử, bảo tàng, đặc biệt là trao đổi,
phỏng vấn các nhân chứng lịch sử.
Phương pháp nghiên cứu
Trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, quan điểm của
Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh, để thực hiện luận án, tác giả
chủ yếu sử dụng phương pháp lịch sử kết hợp với phương pháp logic. Ngoài ra,
tác giả còn sử dụng các phương pháp nghiên cứu cụ thể khác như sưu tầm và xử
5
lý tư liệu (thành văn, điền dã, phỏng vấn nhân chứng), phân tích, tổng hợp, thống
kê, so sánh,...
5. Đóng góp của luận án
Một là, trên cơ sở trình bày, phân tích điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội;
chính sách của Mỹ, CQSG đối với Khánh Hòa; đường lối chỉ đạo ĐTCT của Trung
ương Đảng, Liên Khu ủy V và Tỉnh ủy Khánh Hòa, luận án làm rõ sự ảnh hưởng
của những nhân tố trên đối với ĐTCT ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống
Mỹ, cứu nước (1954-1975).
Hai là, luận án tái hiện khách quan và có hệ thống diễn biến ĐTCT ở Khánh
Hòa từ năm 1954 đến năm 1975, trong đó thể hiện rõ mục tiêu, lực lượng, thành
phần, hình thức, kết quả,... của từng phong trào.
Ba là, luận án phân tích, chứng minh làm nổi bật tính chất, đặc điểm của ĐTCT ở
Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975); đồng thời, làm
rõ ý nghĩa, rút ra những bài học kinh nghiệm phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã
hội, bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa trong giai đoạn hiện nay.
Bốn là, trên cơ sở xử lý khối lượng lớn tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau,
trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên được công bố, luận án góp phần giúp nhận
thức đầy đủ hơn về ĐTCT ở Khánh Hòa nói riêng và miền Nam nói chung; cung
cấp nguồn tư liệu tham khảo phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy lịch sử địa
phương cũng như giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương Khánh Hòa.
6. Bố cục của luận án
Ngoài phần mở đầu (5 trang), kết luận (4 trang), tài liệu tham khảo (27 trang)
và phụ lục (41 trang), nội dung luận án (150 trang) gồm 4 chương:
Chương 1. Tổng quan nghiên cứu (19 trang)
Chương 2. Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa từ năm 1954 đến năm 1965 (58 trang)
Chương 3. Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa từ năm 1965 đến năm 1975 (43 trang)
Chương 4. Tính chất, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử (30 trang)
6
Chương 1
TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU
1.1. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài
ĐTCT trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) ở miền Nam
nói chung, Khánh Hòa nói riêng tuy chưa được nghiên cứu đầy đủ, toàn diện như
ĐTQS nhưng cũng đã được đề cập ở nhiều công trình. Tựu trung, các công trình
liên quan đến đề tài luận án có thể phân thành hai nhóm chính:
1.1.1. Nhóm các công trình nghiên cứu về đấu tranh chính trị ở miền Nam
trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975)
Lê Duẩn (1976), Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do, vì chủ
nghĩa xã hội, tiến lên giành thắng lợi mới, Nhà xuất bản (NXB) Sự thật, Hà Nội.
Công trình phân tích những vấn đề lý luận cơ bản về chiến tranh nhân dân và
tổng kết kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lãnh đạo cách mạng
dân tộc dân chủ nhân dân, trong đó có kinh nghiệm chỉ đạo ĐTCT. Về phương
pháp cách mạng, Tổng Bí thư Lê Duẩn khẳng định: “Khái quát chung lại, có thể
nói bạo lực cách mạng phải dựa vào hai lực lượng: Lực lượng quân sự, lực
lượng chính trị, và bao gồm hai hình thức đấu tranh: ĐTQS, ĐTCT và sự kết
hợp giữa hai hình thức ấy” [28, tr. 51].
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Khoa Lịch sử Đảng (1993),
Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (2 tập), NXB CTQG, Hà Nội. Cùng với trình
bày đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ
(1954-1975), công trình phân tích âm mưu, biện pháp của Mỹ và CQSG đối với
miền Nam; điểm một số phong trào ĐTCT tiêu biểu như phong trào đòi thi hành
Hiệp định Genève (1954-1956); Đồng khởi (1959-1960); phá ACL (1961-1963);
đòi tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo (1963); chống “Hiến chương Vũng Tàu”
(1964); chống chính quyền quân phiệt Nguyễn Văn Thiệu - Nguyễn Cao Kỳ
(1966);... Trong phần bài học kinh nghiệm, công trình đánh giá cao vai trò của
ĐTCT đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: “Phong trào
ĐTCT của đông đảo quần chúng có sức tiến công và tạo ra thế uy hiếp địch rất to
lớn; các đoàn thể quần chúng cách mạng thực sự là những đội quân ĐTCT chống
7
địch ở khắp nông thôn và thành thị”; coi “thường xuyên chú trọng việc xây dựng
LLCT” là bài học lớn trong công tác chỉ đạo cách mạng của Đảng ở miền Nam thời
kỳ 1954-1975 [58, tr. 145].
Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị (1995), Tổng kết
cuộc kháng chiến chống Mỹ - Thắng lợi và bài học, NXB CTQG, Hà Nội. Công
trình đề cập những vấn đề lý luận về ĐTCT trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu
nước (1954-1975) như cơ sở, vai trò, hình thức, nghệ thuật tiến hành và mối quan
hệ với ĐTQS,... Trong đó, về vai trò của ĐTCT, công trình khẳng định: “ĐTCT của
quần chúng cũng là một hình thức đấu tranh cơ bản có tác dụng quyết định trong
tất cả các giai đoạn phát triển của cách mạng miền Nam và đối với thắng lợi của
cuộc chống Mỹ, cứu nước” [4, tr. 153]; về sự kết hợp giữa ĐTCT với ĐTQS, công
trình tổng kết: “Kết hợp hai mặt ĐTQS và ĐTCT là vấn đề cơ bản có tính quy luật
trong phương pháp cách mạng miền Nam, đồng thời là đặc điểm nổi bật tạo nên
sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân Việt Nam chống chiến tranh xâm lược
thực dân mới của đế quốc Mỹ” [4, tr. 154].
Bộ Tư lệnh Quân Khu V - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (1999), Một số
kinh nghiệm chỉ đạo chiến tranh nhân dân địa phương ở Khu V trong kháng chiến
chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), NXB Quân đội Nhân dân (QĐND), Hà Nội.
Công trình đề cập điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội có ảnh hưởng đến ĐTCT cùng
một số phong trào ĐTCT nổi bật như phong trào đòi tự do tín ngưỡng, bình đẳng
tôn giáo năm 1963, phong trào chống độc tài, quân phiệt Nguyễn Khánh - Trần Văn
Hương những năm 1964-1965, phong trào chống chính quyền quân phiệt Nguyễn
Văn Thiệu - Nguyễn Cao Kỳ năm 1966 ở địa bàn Đà Nẵng, Tam Kỳ, Đà Lạt;...
cùng với đó, chủ trương chỉ đạo ĐTCT của Liên Khu ủy V và kinh nghiệm ĐTCT
của nhân dân Khu V cũng được tổng kết khá rõ.
Viện Lịch sử Đảng (2002), Khu VI kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975),
NXB CTQG, Hà Nội. Công trình phân tích vị trí chiến lược của Khu VI và trình bày
quá trình đấu tranh chống Mỹ của quân dân các tỉnh trên địa bàn như Khánh Hòa3
,
Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Lâm Đồng. Với vai trò là một trong “ba mũi giáp
công”, ĐTCT được công trình đề cập qua các phong trào tiêu biểu như đòi thi hành
3
. Khánh Hòa được đề cập trong giai đoạn 1954-1963, từ cuối năm 1963 trở về sau, Khánh Hòa
thuộc Liên Khu V.
8
Hiệp định Genève 1954, đồng khởi ở vùng miền núi 1959-1960, phá ACL 1963, chống
độc tài Mỹ - Khánh, đòi dân chủ thực sự 1964, chống Mỹ, Thiệu - Kỳ 1966... Ở phần
kết luận, công trình khẳng định, trong quá trình kháng chiến, các cấp ủy Đảng của Khu
VI rất coi trọng mũi ĐTCT, nhất là khâu “xây dựng nòng cốt, phát động quần chúng,
đối với vùng yếu, vùng trắng, dùng phương thức đội vũ trang công tác để mở phong
trào, kết hợp với vận dụng các khả năng công khai hợp pháp” [304, tr. 302].
Võ Nguyên Giáp (2006), Tổng tập luận văn, NXB QĐND, Hà Nội. Công
trình tập hợp các bài viết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về quân sự, chính trị,
chiến tranh nhân dân,... Qua đó, nhiều vấn đề lý luận về ĐTCT, mối quan hệ
giữa ĐTCT với ĐTQS đã được phân tích làm rõ. Cũng trong công trình này, Đại
tướng Võ Nguyễn Giáp đưa ra định nghĩa về ĐTCT: “ĐTCT ở đây nói theo
nghĩa hẹp để phân biệt với ĐTVT, nghĩa là các hình thức đấu tranh của đông
đảo quần chúng nhân dân không cầm vũ khí như bãi công, bãi chợ, bãi khóa, mít
tinh, biểu tình, thị uy,... Dựa vào sức mạnh của chính nghĩa và lực lượng đoàn
kết, có tổ chức của đông đảo quần chúng, các cuộc đấu tranh này thông thường
được tiến hành trong điều kiện hợp pháp, nửa hợp pháp hoặc biến thế bất hợp
pháp thành thế hợp pháp cách mạng, nhằm đạt mục đích nhất định về chính trị,
kinh tế, văn hóa hoặc có khi cả về quân sự” [48, tr. 1060].
Trần Văn Giàu (2006), Tổng tập, NXB QĐND, Hà Nội. Bộ sách gồm hai
phần: Phần thứ nhất - “Chống xâm lăng” phản ánh cuộc kháng chiến chống
Pháp đầy bi hùng của dân tộc; phần thứ hai - “Miền Nam giữ vững thành đồng” là
bức tranh toàn cảnh về cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta (1954-1975).
Trong phần thứ hai, tác giả đề cập đến các phong trào ĐTCT tiêu biểu của nhân dân
miền Nam như phong trào chống độc tài, chống khủng bố, đòi hiệp thương tổng
tuyển cử thống nhất nước nhà những năm 1954-1956; phong trào Đồng khởi những
năm 1959-1960; phong trào đòi tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo năm 1963;
phong trào chống Mỹ, chống Nguyễn Văn Thiệu - Nguyễn Cao Kỳ những năm
1965-1968;... Bên cạnh đó, tác giả phân tích đặc điểm đời sống kinh tế, xã hội ở
đô thị miền Nam từ khi Mỹ thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ” (1965);
coi chính sách thực dân mới của Mỹ là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bùng phát
các phong trào ĐTCT, bởi “sự có mặt quân viễn chinh Mỹ ở miền Nam là một sự
9
xâm phạm thô bạo chủ quyền độc lập của nhân dân ta, nó kích động mạnh mẽ
tinh thần dân tộc của mọi tầng lớp nhân dân, kể cả binh sĩ và nhân viên ngụy
quyền” [49, tr. 1733].
Lê Cung (2008), Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963, in
lần thứ tư, NXB Thuận Hóa, Huế. Có thể nói, “đây là tác phẩm đầu tiên nghiên
cứu có hệ thống và hoàn chỉnh về phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm
1963” [21, tr. 3], trong đó thể hiện nguyên nhân, diễn biến và ý nghĩa của phong
trào đối với Phật giáo miền Nam cũng như đối với cách mạng miền Nam. Không
những thế, những sử liệu và kiến giải của tác giả là cơ sở quan trọng giúp việc
tìm hiểu, nghiên cứu về phong trào Phật giáo năm 1963 trên từng địa bàn cụ thể
ở miền Nam thuận lợi hơn.
Trần Bá Đệ (Chủ biên) - Lê Cung (2010), Lịch sử Việt Nam tập VII, từ 1954
đến 1975, in lần thứ hai, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội. Đây là một trong số ít
giáo trình đã dành dung lượng khá lớn để trình bày về những vấn đề liên quan đến
ĐTCT trong thời kỳ 1954-1975 như chính sách của Mỹ và CQSG ở miền Nam; diễn
biến các phong trào ĐTCT nổi bật ở Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Sài Gòn...; vai trò, ý
nghĩa của ĐTCT đối với cách mạng miền Nam. Đặc biệt, trong công trình này, phong
trào chống Mỹ, Ngô Đình Diệm cưỡng ép đồng bào di cư những năm 1954-1955,
phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963, phong trào đấu tranh ở vùng đối phương
tạm chiếm những năm 1965-1966 được nghiên cứu khá đầy đủ, đồng thời được bố cục
lại cho phù hợp với logic và đúng với vị trí của nó trong lịch sử.
Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (2013), Lịch sử kháng
chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) (9 tập), NXB CTQG, Hà Nội. Công trình
phản ánh một cách toàn diện và sinh động về nguyên nhân, diễn biến cuộc kháng
chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) qua từng giai đoạn và các bước ngoặt quan
trọng. Về ĐTCT, công trình đề cập đến các phong trào tiêu biểu của nhân dân miền
Nam, từ phong trào đòi thi hành Hiệp định Genève, bảo vệ hòa bình (1954-1956),
chống “tố Cộng” (1955-1959),... đến những phong trào bùng phát vào giai đoạn
cuối của cuộc kháng chiến như đòi thi hành Hiệp định Paris 1973, hoạt động của
Lực lượng thứ ba,... Ngoài ra, ở tập 9 - “Tính chất, đặc điểm, tầm vóc và bài học
lịch sử”, công trình khẳng định vai trò to lớn của ĐTCT: “ĐTCT đã được nâng lên
10
thành một nghệ thuật trong việc chống chính sách xâm lược thực dân mới của đế
quốc Mỹ. Khi khởi nghĩa từng phần phát triển thành chiến tranh cách mạng, chiến
tranh và khởi nghĩa gắn quyện vào nhau thì ĐTCT mà hình thức cao là sự nổi dậy
của quần chúng luôn luôn kết hợp chặt chẽ và nhịp nhàng với ĐTQS, tạo thế và trợ
giúp đắc lực cho ĐTQS” [15, tr. 242].
Lê Cung (2013), 50 năm nhìn lại phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam
(1963-2013), NXB Đại học Huế. Cùng với các bài viết về sức mạnh truyền thống
của Phật giáo, công trình tập hợp những bài nghiên cứu chuyên sâu về chủ đề
“phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963” nhìn từ truyền thống đến
hiện đại. Hơn thế nữa, qua một số bài viết như “Mặt trận Dân tộc giải phóng miền
Nam Việt Nam với phong trào Phật giáo năm 1963”, “Sự hậu thuẫn của miền Bắc
đối với phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963”, “Vai trò của quần chúng nhân
dân trong phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963”,... công trình còn cung cấp cái
nhìn toàn diện về phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 với tư cách là một cuộc
vận động mang tính dân tộc.
Lê Cung (2014), Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam (1964-1968),
NXB Thuận Hóa. Đây được xem như là một sự tiếp nối công trình “Phong trào
Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963”. Trong công trình này, tác giả trình bày
phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam những năm 1964-1968 qua ba giai đoạn:
Giai đoạn từ sau cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm (1-11-1963) đến
trước ngày chế độ quân phiệt Nguyễn Văn Thiệu - Nguyễn Cao Kỳ được thành lập
(19-6-1965); giai đoạn từ khi chế độ quân phiệt Nguyễn Văn Thiệu - Nguyễn Cao
Kỳ được thành lập (19-6-1965) đến sự kiện “Bàn Phật xuống đường” kết thúc
(21-6-1966); giai đoạn từ sự kiện “Bàn Phật xuống đường” kết thúc (21-6-1966)
đến sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân (1968). Ngoài ra, công trình
cũng làm rõ tính chất, đặc điểm và ý nghĩa của phong trào Phật giáo miền Nam
Việt Nam giai đoạn 1964-1968.
Lê Cung (Chủ biên), (2015), Về phong trào đô thị miền Nam trong kháng
chiến chống Mỹ (1954-1975), NXB Tổng hợp TP HCM. Khai thác nguồn tư liệu có
giá trị từ hai phía, tiếp cận ở nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau, công trình phản
ánh khá chi tiết về nguyên nhân, mục tiêu, lực lượng, diễn biến, tính chất, đặc
11
điểm,... phong trào đô thị miền Nam, nhất là ở Huế, Đà Nẵng và Sài Gòn - Gia
Định trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ. Trong số đó, bài “Phong trào đô thị
miền Nam trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước (1954-1975)” của tác giả Lê
Cung đã làm rõ vai trò phong trào đô thị miền Nam trong từng giai đoạn của cuộc
kháng chiến chống Mỹ được thể hiện qua các phong trào tiêu biểu như phong trào
hòa bình những năm 1954-1956, phong trào Phật giáo năm 1963, phong trào đô thị
năm 1966, phong trào sinh viên, học sinh năm 1970, phong trào đòi thi hành Hiệp
định Paris 1973,... Trên cơ sở đó, tác giả có những nhận xét xác đáng về phong trào
đô thị miền Nam: “Mục tiêu xuyên suốt là độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; đã
tập hợp hầu hết các giai tầng xã hội ở các đô thị” - tác giả khẳng định đây là một
“sự hội tụ dân tộc”; “là cuộc đụng đầu trực tiếp của nhân dân đô thị miền Nam với
Mỹ và CQSG bằng trí thông minh và lòng dũng cảm, trong tay không có vũ khí;
chiến thắng trên chiến trường không thể tách rời với ĐTCT” [24, tr. 74-75].
Trần Hoài, Lê Cung, Lê Văn Thuyên, Nguyễn Duy Hiền, Nguyễn Xuân Hoa
(2015), Lịch sử phong trào đô thị Huế 1954-1975, NXB Trẻ, TP HCM. Sử dụng
nguồn tư liệu từ nhiều phía, đặc biệt là tư liệu lưu trữ của cả chính quyền cách
mạng và CQSG, có thể nói, đây là cuốn sách mới nhất trình bày tương đối đầy đủ,
trọn vẹn phong trào ĐTCT theo dòng lịch sử từ năm 1954 đến năm 1975 của Huế -
một đô thị lớn với nhiều phong trào ĐTCT mạnh mẽ và có ảnh hưởng đối với
phong trào đô thị miền Nam, trong đó có Nha Trang - Khánh Hòa.
Viện Sử học (2017), Lịch sử Việt Nam, (tái bản lần thứ nhất) NXB Khoa học
Xã hội, Hà Nội. Bộ sách gồm 15 tập, trình bày lịch sử Việt Nam từ khởi thủy đến
năm 2000, trong đó, phần lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được trình bày
khá toàn diện ở Tập 12 (từ năm 1954 đến năm 1965) và Tập 13 (từ năm 1965 đến
năm 1975). Về ĐTCT thời kỳ 1954-1975, tập thể tác giả đã khái quát chủ trương
chỉ đạo của Đảng qua các giai đoạn trên cơ sơ phân tích âm mưu, chính sách của
CQSG đối với miền Nam; đồng thời, điểm một số phong trào ĐTCT tiêu biểu của
nhân dân miền Nam như đòi thi hành Hiệp định Genève (1954-1956), chống “tố
Cộng” (1957-1958), Đồng khởi ở miền Trung và Nam Bộ (1959-1960), chống phá
ACL (1962-1964), chống Hiến chương Vũng Tàu (1964), chống Mỹ và chế độ
quân phiệt Sài Gòn (1966), chống bình định ở nông thôn, đòi dân chủ, hòa bình ở
12
đô thị (1970), chống Nguyễn Văn Thiệu độc tài, tham nhũng (1974),...
Ngoài các công trình trên, nghiên cứu về ĐTCT ở miền Nam trong cuộc
kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) còn được thể hiện trong một số luận
án Tiến sĩ:
Trần Thị Lan (2014), Đấu tranh chính trị ở Tây Nguyên trong kháng chiến
chống Mỹ từ năm 1961 đến năm 1968, Luận án Tiến sĩ, Trường ĐHSP - Đại học
Huế. Luận án tập trung phân tích những yếu tố tác động đến ĐTCT; tái hiện quá
trình ĐTCT ở đô thị, nông thôn các tỉnh Tây Nguyên từ 1961 đến 1968, trên cơ sở
đó, làm rõ vai trò, đặc điểm và rút ra một số bài học kinh nghiệm phục vụ công cuộc
phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn Tây Nguyên hiện nay.
Nguyễn Thị Thanh Huyền (2016), Phong trào công nhân ở các đô thị miền
Nam Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ từ năm 1954 đến năm 1965, Luận án
Tiến sĩ, Trường ĐHSP - Đại học Huế. Luận án nghiên cứu phong trào công nhân
các đô thị lớn ở miền Nam như Sài Gòn, Biên Hòa, Đà Nẵng, Huế. Trên cơ sở tái
hiện diễn biến phong trào, luận án làm rõ tính chất, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử của
phong trào công nhân miền Nam những năm 1954-1965.
Về bài nghiên cứu được công bố trên các tạp chí và kỷ yếu hội thảo khoa học,
có thể kể đến Quỳnh Cư (1980), “Tìm hiểu về ‘đội quân chính trị’ của quần chúng
trong cách mạng miền Nam (1954-1975)”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 3. Sau khi
sơ lược quá trình phát triển qua 21 năm đấu tranh chống Mỹ (1954-1975), tác giả chỉ
rõ đặc điểm và vai trò của “đội quân chính trị”. Về đặc điểm, “là một đội quân dũng
cảm và mưu trí; một tổ chức chặt chẽ như những đội quân vũ trang; vừa chống địch
tại chỗ vừa tràn vào thành thị tấn công trực diện với địch”. Về vai trò, “là lực lượng
nòng cốt trong phong trào ĐTCT; đóng vai trò quan trọng trong phong trào nổi dậy
của quần chúng; hỗ trợ và tạo điều kiện cho LLVT đánh địch” [26].
Nguyễn Thị Định (1985), “Đấu tranh chính trị - Một hình thức đấu tranh cơ
bản, một mũi tiến công sắc bén của cách mạng và chiến tranh cách mạng miền
Nam”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Nghiên cứu một số văn kiện của Đảng về
chống Mỹ, cứu nước” của Viện Mác - Lênin. Tham luận khẳng định “ĐTCT của
nhân dân miền Nam, đặc biệt là của ‘đội quân tóc dài’ là vấn đề thuộc về phương
pháp cách mạng đã được nâng lên thành nghệ thuật; ĐTCT không chỉ là cơ sở
13
của ĐTVT, hỗ trợ cho ĐTVT, mà còn là hình thức đấu tranh cơ bản, sắc bén tấn
công trực diện kẻ thù” [45].
Vũ Thị Thúy Hiền (2000), “Phụ nữ miền Nam tham gia đấu tranh chính trị
chống chiến lược ‘Chiến tranh đặc biệt’ của đế quốc Mỹ (1961-1965)”, Tạp chí
Lịch sử Đảng, số 7. Cùng với phân tích âm mưu, biện pháp của Mỹ và CQSG đối
với miền Nam trong “Chiến tranh đặc biệt”, coi đây là nguyên nhân cơ bản dẫn
đến bùng nổ các phong trào ĐTCT, bài viết làm rõ vai trò chính trị của phụ nữ
miền Nam trong phong trào đấu tranh chống phá ACL; phong trào đòi dân sinh,
dân chủ, cải thiện đời sống; phong trào tố cáo tội ác của Mỹ và CQSG những năm
1961-1965 [52].
Trần Bạch Đằng (2005), “Chung một bóng cờ”, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 12.
Bài viết khẳng định, kết hợp bốn hình thức đấu tranh: Chính trị, vũ trang, binh vận,
ngoại giao tạo nên sức mạnh tổng hợp là vấn đề thuộc về phương châm chiến lược
và phương pháp cách mạng; có lúc hình thức này giữ vai trò chủ yếu, hình thức
khác hỗ trợ, song về cơ bản, phong trào cách mạng miền Nam là phong trào chính
trị theo nghĩa rộng, là cuộc đấu tranh của đông đảo quần chúng. Đặc biệt, bài viết
chỉ ra những hệ quả ngoài ý muốn của Mỹ và CQSG khi chủ trương lùa dân vào
các khu tập trung, thị trấn, ven trục lộ, quanh đồn bốt để dễ kiểm soát, bóc lột và
bắt lính. Hệ quả đó là: “Tập trung đông người nảy sinh những vấn đề xã hội, kinh
tế, tạo ra mâu thuẫn từng giờ, từng phút giữa bộ máy cầm quyền với nhân dân từ
cái ăn, cái mặc, cái ở, học hành, sản xuất…; tạo điều kiện cho một số người trước
đây chỉ hiểu Mỹ và CQSG từ xa, còn mơ hồ, nay hằng ngày tận mắt nhận rõ các tồi
tệ; tạo cơ hội cho dân tiếp xúc với nhau dễ dàng hơn, thông tin nhanh hơn, liên kết
đấu tranh thuận tiện hơn” [43]. Theo tác giả, “điều này có nghĩa là Mỹ và CQSG
đã ‘mời’ cách mạng đến sát mình. Đây chính là điều kiện quan trọng để ĐTCT
bùng nổ” [43].
Trịnh Thị Hồng Hạnh (2010), “Đấu tranh chính trị trong cuộc kháng chiến
chống Mỹ, cứu nước”, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 6. Trên cơ sở nghiên cứu các
phong trào ĐTCT tiêu biểu ở miền Nam, bài viết kết luận: “ĐTCT đã thu hút,
lôi cuốn đông đảo người dân Việt Nam, nhân dân Mỹ yêu chuộng hòa bình và
nhân loại tiến bộ trên thế giới. Vì lẽ đó, ĐTCT không những giác ngộ quần
14
chúng trong nước trở thành lực lượng cách mạng, mà còn giúp nhân dân Mỹ và
thế giới hiểu hơn về cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân ta, qua đó mở
rộng mặt trận đoàn kết, đẩy mạnh đấu tranh góp phần đưa cuộc kháng chiến
đến thắng lợi cuối cùng” [50].
Nhìn chung, các công trình nêu trên dù được trình bày dưới dạng tổng kết,
lịch sử, luận án, tham luận hội thảo hay bài báo khoa học,... ở những mức độ, khía
cạnh khác nhau đã làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến lý luận và thực tiễn của
ĐTCT ở miền Nam, nhất là ở đô thị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
(1954-1975).
Không chỉ trong nước, ở ngoài nước cũng xuất bản các công trình phản ánh về
“chiến tranh Việt Nam” - theo cách gọi của họ, có đề cập đến ĐTCT, tiêu biểu như:
Gabrien Kolko (1991), Giải phẫu một cuộc chiến tranh, NXB QĐND, Hà Nội;
Robert S. McNamara (1995), Nhìn lại quá khứ - tấn thảm kịch và những bài học về
Việt Nam, NXB CTQG, Hà Nội; Douglas Ramit (2004), Làn gió mát từ thành phố
Hồ Chí Minh, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội,... Ở các công trình này, ĐTCT chủ
yếu được đề cập như một nhân tố quan trọng để giải thích cho sự thất bại của Mỹ
trong cuộc “chiến tranh Việt Nam”. Chẳng hạn, Gabrien Kolko khẳng định: “Họ
tiến hành một cuộc chiến bằng chính trị”, và “sự thật là không phải quân đội mà
chính nhân dân đã thắng trong cuộc chiến tranh, nhưng làm sao có thể tách đôi?
Nhân dân là quân đội, tất cả đều là chiến sĩ” [46, tr. 179]; Robert S. McNamara
thừa nhận: “Chúng ta đã không nhận ra được những hạn chế của các thiết bị quân
sự kỹ thuật cao và hiện đại, lực lượng quân sự và học thuyết quân sự trong khi đối
đầu với những phong trào nhân dân được thúc đẩy cao và không bình thường”
[137, tr. 322]; Douglas Ramit cũng cho rằng: “Việt Nam chiến thắng vì họ mạnh về
chính trị” [27, tr. 71];...
Mặc dù được viết với vị thế, động cơ, quan điểm khác nhau, đôi khi đối lập
với quan điểm, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam, song các công trình này
có những nhìn nhận khách quan về ĐTCT của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến
chống Mỹ (1954-1975). Vì vậy, cùng với khối tư liệu phong phú, những nhận định,
đánh giá liên quan đến ĐTCT được thể hiện trong đó giúp tác giả có cơ sở củng cố
thêm các luận điểm của mình.
15
1.1.2. Nhóm các công trình nghiên cứu về đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa
trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975)
Tuệ Giác (1964), Việt Nam Phật giáo đấu tranh sử, NXB Hoa Nghiêm, Sài
Gòn. Ngoài việc phản ánh phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 nói chung, công
trình còn trình bày phong trào này theo địa bàn từng tỉnh. Đối với Khánh Hòa, tác giả
tường thuật khá cụ thể diễn biến cuộc vận động của Phật giáo năm 1963 từ lúc mở
đầu (7-5-1963) đến khi kết thúc (1-11-1963). Tuệ Giác khẳng định phong trào đấu
tranh của Phật giáo ở Khánh Hòa năm 1963 diễn ra quyết liệt ngay từ đầu nhờ các
yếu tố: “THPG Khánh Hòa có một ban lãnh đạo cương quyết, không thối lui trước
mọi trở ngại và khó khăn; Phật học viện Trung phần Nha Trang ở gần chùa THPG
Khánh Hòa đã cung cấp nhiều ý kiến hay và nhân lực để thúc đẩy đấu tranh; toàn thể
Phật giáo đồ Khánh Hòa đoàn kết chặt chẽ, không sợ sệt, chán nản; được sự hưởng
ứng của toàn dân dù ở tôn giáo nào, thành phần nào” [47, tr. 299].
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa (1992), Truyền thống cách mạng của
phụ nữ Khánh Hòa 1930-1975, Cơ sở in chi nhánh NXB CTQG, Nha Trang. Công
trình phản ánh quá trình xây dựng tổ chức, lực lượng và tham gia đấu tranh giải
phóng dân tộc của phụ nữ Khánh Hòa từ năm 1930 đến năm 1975. Về lực lượng
phụ nữ Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), công trình khẳng
định: “Phụ nữ Khánh Hòa ở nông thôn cũng như thành thị, không phân biệt tầng
lớp xã hội đã hòa nhau trong cuộc đấu tranh chung. Trong cuộc sống đời thường
thì hiền hòa, đôn hậu nhưng trước sự áp bức, bất công thì quyết liệt chống trả
chẳng sợ gian nguy, tù đày, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn” [60, tr. 210]. Ở công
trình này, sự tham gia ĐTCT của lực lượng phụ nữ trong phong trào giải phóng
nông thôn đồng bằng cuối năm 1964, đầu năm 1965, trong cuộc Tổng tiến công
và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, nhất là trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy
Xuân 1975 đã được trình bày khá chi tiết.
Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Ranh (1994), Lịch sử Đảng bộ huyện Cam
Ranh 1930-1975, Cơ sở in chi nhánh NXB CTQG, Nha Trang. Bên cạnh phản ánh
sự lãnh đạo toàn diện của Huyện ủy Cam Ranh; tái hiện quá trình đấu tranh giành
chính quyền, tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của quân dân ở địa
phương (1930-1975), công trình phân tích vị trí đặc biệt của Cam Ranh trong
16
chiến lược quân sự của Mỹ ở miền Nam: “Một căn cứ quân sự liên hợp hải - lục -
không quân và khu hậu cần lớn cho cả chiến trường Nam Trung Bộ và Tây
Nguyên” [5, tr. 140]. Ngoài ra, công trình cũng đề cập đến tình hình công nhân và
một số cuộc ĐTCT tiêu biểu của công nhân Cam Ranh thời kỳ 1954-1975.
Ban Thường vụ Huyện ủy Ninh Hòa (1995), Lịch sử Đảng bộ huyện Ninh
Hòa thời kỳ 1954-1975, Cơ sở in chi nhánh NXB CTQG, Nha Trang. Cùng với
phản ánh quá trình lãnh đạo của Huyện ủy Ninh Hòa trên tất cả các mặt; diễn
biến ĐTQS ở Ninh Hòa thời kỳ 1954-1975;... công trình đề cập một số cuộc
ĐTCT nổi bật trên địa bàn huyện Ninh Hòa, nhất là các xã có truyền thống cách
mạng như Ninh Thọ, Ninh An, Ninh Phước, Ninh Diêm,... trong phong trào
chống phá ACL (1961-1963), giải phóng nông thôn đồng bằng (1964-1965),
Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Về vai trò của quần chúng nhân
dân Ninh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), công
trình khẳng định: “Dù ác liệt, hy sinh nhưng nhân dân vẫn một lòng trung thành
đi theo cách mạng, bất hợp tác với địch, chống địch dồn dân, tiến hành đồng
khởi, xuống đường biểu tình, đấu tranh trước mũi súng địch, đóng góp sức
người, sức của to lớn cho kháng chiến” [6, tr. 502].
Hoành Linh Đỗ Mậu (1991), Tâm sự tướng lưu vong (Việt Nam máu lửa quê
hương tôi), NXB Công an Nhân dân, Hà Nội. Như lời giới thiệu sách viết: Công
trình đã “vạch ra được những sự thật sinh động về các sự kiện, các lực lượng chính
trị, các tôn giáo đảng phái, những bộ mặt chính khách, tướng tá tiêu biểu trong
chính trường miền Nam suốt cả một thời gian dài; lý giải nguyên nhân thất bại (của
Ngô Đình Diệm và Mỹ - TG) tuy chưa đầy đủ nhưng có thể nói là đã gần được sự
thật” [90, tr. 6]. Cũng trong công trình này, tác giả đề cập đến tình hình Khánh Hòa
và mô tả khá chi tiết những biện pháp chính trị do chính Đỗ Mậu trực tiếp chỉ đạo
triển khai tại đây những năm 1954-19564
, nhằm “xây dựng cho quần chúng một ý
thức chính trị vững mạnh mà nội dung là chống Cộng và ủng hộ chế độ Cộng hòa,
để biến Khánh Hòa trở thành thành trì cách mạng”, qua đó thể hiện sự “trung
thành triệt để với lãnh tụ Ngô Đình Diệm” [90, tr. 107]. Bên cạnh đó, trong chương
V - “Góp phần xây dựng nền móng chế độ mới”, một số chính sách của CQSG
4
. Thời gian này ông là Chủ tịch Phong trào cách mạng quốc gia Phân khu Duyên hải gồm 4 tỉnh:
Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận, đóng trụ sở tại Nha Trang.
17
triển khai tại địa bàn Khánh Hòa như kỳ thị Phật giáo, ưu ái Thiên Chúa giáo, độc
tài và gia đình trị,... cũng được tác giả đề cập [90, tr. 107-110].
Ban Thường vụ Thành ủy Nha Trang (1996), Lịch sử Đảng bộ Nha Trang
1925-1975, Cơ sở in chi nhánh NXB CTQG, Nha Trang. Công trình phản ánh quá
trình vận động thành lập tổ chức Đảng ở Nha Trang và sự lãnh đạo của Đảng bộ
Nha Trang đối với phong trào cách mạng tại địa phương từ năm 1925 đến năm
1975. Liên quan đến ĐTCT thời kỳ 1954-1975, công trình khái quát chính sách,
biện pháp do Mỹ và CQSG triển khai nhằm ngăn chặn, chống phá phong trào cách
mạng của quần chúng, đồng thời xây dựng Nha Trang thành hậu cứ an toàn của đối
phương. Song song với đó, công trình chú ý khai thác đặc điểm “Nha Trang là nơi
quy tụ biết bao người con từ mọi miền Tổ quốc về đây gây cơ sở trong quần chúng,
xây dựng tổ chức Đảng” [7, tr. 231] để trình bày quá trình xây dựng LLCT phục vụ
phong trào đô thị Nha Trang thời kỳ 1954-1975. Ngoài ra, công trình cũng đề cập
đến một số phong trào ĐTCT sôi nổi ở Nha Trang như đấu tranh chống Ngô Đình
Diệm đàn áp Phật giáo năm 1963, chống chính phủ Trần Văn Hương năm 1965,
chống chính quyền quân phiệt Nguyễn Văn Thiệu - Nguyễn Cao Kỳ năm 1966. Đặc
biệt, công trình thể hiện khá chi tiết các hoạt động của Sao Việt - một tổ chức cách
mạng hoạt động công khai, hợp pháp tại Nha Trang những năm 1971-1975.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (2001), Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng
sản Việt Nam tỉnh Khánh Hòa (1930-1975), Cơ sở in chi nhánh NXB CTQG, Nha
Trang. Công trình tái hiện quá trình lãnh đạo toàn diện cách mạng dân tộc dân chủ
nhân dân của Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa từ năm 1930 đến năm 1975. Trong công trình
này, nhiều khía cạnh liên quan đến ĐTCT ở Khánh Hòa thời kỳ 1954-1975 như chính
sách của Mỹ và CQSG, quá trình xây dựng LLCT, sự phối hợp giữa ĐTCT với
ĐTQS,... được đề cập khá chi tiết. Ngoài ra, các phong trào ĐTCT do Đảng trực tiếp
lãnh đạo như đòi thi hành Hiệp định Genève (1954-1956), chống “tố Cộng”
(1955-1958), giải phóng miền núi (1959-1960), chống phá ACL (1961-1963), giải
phóng nông thôn đồng bằng (1964-1965), tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Tết
Mậu Thân 1968 và Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 cũng được công trình
thể hiện một cách khái quát.
Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa (2002), Lịch sử phong trào nông dân và Hội
18
Nông dân tỉnh Khánh Hòa 1930-2000, Cơ sở in chi nhánh NXB CTQG, Nha
Trang. Công trình phản ánh quá trình tham gia của nông dân Khánh Hòa - bộ phận
chiếm 80% dân cư toàn tỉnh, trong cuộc đấu tranh giành chính quyền, giải phóng
dân tộc và xây dựng đất nước từ năm 1930 đến năm 2000. Trong đó, liên quan đến
ĐTCT thời kỳ 1954-1975, công trình tái hiện sơ lược quá trình tham gia của nông
dân Khánh Hòa trong phong trào giải phóng miền núi (1959-1960), chống phá
ACL (1961-1963), giải phóng nông thôn đồng bằng (1964-1965), Tổng tiến công
và nổi dậy năm 1968, năm 1975. Về vai trò của lực lượng nông dân đối với cách
mạng ở Khánh Hòa thời kỳ 1954-1975, công trình khẳng định: “Nông dân là chỗ
dựa quan trọng của cách mạng, nhiều gia đình tiếp tế lương thực cho kháng
chiến, nuôi quân, nuôi cán bộ trong nhà bất chấp sự lùng sục, khủng bố của địch
và trực tiếp đấu tranh với địch khi được Đảng phát động, tổ chức [3, tr. 194].
Hoài Phong (Quyển 1-2008, Quyển 2-2014), Hồi ức một thời, NXB Hội Nhà
văn, Hà Nội. Dù được viết theo thể hồi ký nhưng qua đối chiếu với tư liệu lưu trữ từ
nhiều nguồn cho thấy các sự kiện được tác giả phản ánh trung thực, khách quan. Có
thể nói, cho đến nay, đây là cuốn hồi ký duy nhất viết về phong trào đô thị Nha
Trang những năm 1965-1968. Trong sách, tác giả đề cập khá cụ thể quá trình xây
dựng LLCT và diễn biến một số cuộc ĐTCT tiêu biểu ở thị xã Nha Trang những
năm 1965-1968. Đặc biệt, với tư cách là người trong cuộc, tác giả có những kiến
giải về việc tại sao trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968,
ĐTCT ở Nha Trang không thực sự mạnh mẽ và thiếu sự phối hợp với mũi ĐTQS.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa (2015), 80 năm ngành Tuyên giáo
Khánh Hòa (1930-2010), Cơ sở in chi nhánh NXB CTQG, Nha Trang. Công trình
đề cập đến công tác tuyên truyền, giáo dục đảng viên và vận động quần chúng
của ngành Tuyên giáo ở Khánh Hòa từ năm 1930 đến năm 2010. Riêng thời kỳ
1954-1975, ngoài trình bày công tác tuyên giáo nói chung, công trình đề cập đến
công tác tuyên giáo phục vụ ĐTCT, binh vận chống Mỹ và CQSG. Công trình
khẳng định, công tác tuyên giáo ở Khánh Hòa thời kỳ 1954-1975 đã “góp phần
giúp quần chúng nhận thức đầy đủ hơn bản chất xâm lược của Mỹ, bộ mặt tay
sai của CQSG, củng cố quyết tâm đánh Mỹ của quân dân tỉnh nhà và cổ vũ quần
chúng đấu tranh chống Mỹ và CQSG” [13, tr. 405].
19
Ban Thường vụ Huyện ủy Khánh Vĩnh (2015), Lịch sử Đảng bộ huyện
Khánh Vĩnh (1945-1975), Cơ sở in chi nhánh NXB CTQG, Nha Trang. Công trình
phản ánh quá trình Huyện ủy Khánh Vĩnh lãnh đạo quần chúng nhân dân kháng
chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ từ năm 1945 đến năm 1975. Trong đó, ở
thời kỳ 1954-1975, công trình đề cập chính sách dồn dân, lập khu tập trung của
CQSG tại vùng miền núi và các cuộc nổi dậy của đồng bào phối hợp với ĐTVT phá
khu tập trung, giải phóng miền núi Khánh Hòa những năm 1959-1960. Ngoài ra,
công trình cũng tái hiện quá trình đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia xây dựng
vùng miền núi Khánh Hòa thành “căn cứ địa vững chắc cho cách mạng trong tỉnh
và hậu phương trực tiếp của phong trào đồng bằng; nơi huy động sức người, sức
của phục vụ cho tiền tuyến đánh thắng quân xâm lược” [2, tr. 3].
Lê Cung (Chủ biên) (2016), 60 năm Phật học viện Hải Đức Nha Trang
(1956-2016), NXB Tổng hợp TP HCM. Công trình phản ánh quá trình thành lập,
mục đích, tôn chỉ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Phật học viện Hải Đức Nha Trang
(1956-2016). Công trình cho thấy “hầu hết các đấng thạch trụ của Phật giáo Việt
Nam thời cận hiện đại đều hội tụ về Phật học viện Hải Đức Nha Trang từ trước
phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963” [24, tr. 12]. Đặc biệt, nói về
đóng góp của Phật học viện Hải Đức Nha Trang đối với sự nghiệp độc lập dân tộc,
thống nhất đất nước, công trình đã trình bày khá cụ thể sự tham gia của lãnh đạo và
Học tăng Phật học viện trong phong trào ĐTCT vì mục tiêu tự do tín ngưỡng, bình
đẳng tôn giáo năm 1963; vì dân chủ và hòa bình từ năm 1964 đến năm 1975.
Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Khánh Hòa (2017), Lịch sử Đoàn Thanh niên
Cộng sản Hồ Chí Minh và phong trào thanh thiếu nhi tỉnh Khánh Hòa 1925-
1975, NXB Thanh Niên, Hà Nội. Công trình khái quát quá trình ra đời, xây dựng
và phát triển của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh từ năm 1925
đến năm 1975. Ở thời kỳ 1954-1975, công trình đề cập sơ lược sự tham gia
ĐTCT của lực lượng đoàn viên, thanh niên trong phong trào đô thị Nha Trang
chống chế độ Ngô Đình Diệm năm 1963, chống chính phủ Trần Văn Hương năm
1965, chống Mỹ và chính quyền Nguyễn Văn Thiệu - Nguyễn Cao Kỳ năm 1966.
Ngoài các công trình nêu trên, ĐTCT ở Khánh Hòa thời kỳ 1954-1975 cũng
được nghiên cứu, đề cập qua một số bài báo, kỷ yếu hội thảo khoa học sau đây:
20
Chu Đình Lộc (2009), “Bàn thêm về một số cuộc đồng khởi ở cực Nam Trung
Bộ 1959-1960”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 8. Bài viết phản ánh diễn biến
phong trào đồng khởi giải phóng miền núi ở các tỉnh cực Nam Trung Bộ5
, trong đó
có đề cập đến ĐTCT của nhân dân 2 huyện Khánh Vĩnh và Khánh Sơn (Khánh
Hòa) trong những năm 1959-1960. Tác giả nhận định: “Phong trào đồng khởi ở cực
Nam Trung Bộ thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo của các cấp ủy địa phương,
góp phần làm sáng tỏ phương châm ĐTVT hỗ trợ ĐTCT; đồng thời, phản ánh nhu
cầu của nhân dân về con đường đấu tranh giải phóng dân tộc” [76].
Chu Đình Lộc (2014), “Đấu tranh chính trị đòi thi hành Hiệp định Genève ở các
tỉnh cực Nam Trung Bộ 1954-1955”, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 7. Bài viết trình bày diễn
biến, kết quả một số cuộc ĐTCT tiêu biểu ở Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận đòi
thi hành Hiệp định Genève những năm 1954-1955. Đánh giá về ĐTCT đòi thi hành Hiệp
định Genève ở các tỉnh cực Nam Trung Bộ 1954-1955, tác giả khẳng định: “Qua gần
hai năm, đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève ở các tỉnh cực Nam Trung Bộ, phong
trào đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia, nâng cao khí thế yêu nước trong nhân dân,
làm cho ngụy quyền cơ sở nhiều nơi hoang mang, dao động” [77].
Sở Giáo dục Đào tạo Khánh Hòa (2015), “Lịch sử giáo dục cách mạng ở
Khánh Hòa giai đoạn 1945-1975”, Kỷ yếu hội thảo khoa học. Kỷ yếu có một số
chuyên đề như “Đảng bộ Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975)”,
“Quá trình thực hiện những nguyên lý giáo dục cách mạng ở Khánh Hòa trong thời
kỳ chiến tranh (1954-1975)”, “Vai trò, tác dụng của giáo dục cách mạng ở Khánh
Hòa trong 30 năm chiến tranh”, “Phong trào học sinh - sinh viên vùng tạm chiếm ở
Khánh Hòa giai đoạn 1954-1975”,... Qua các chuyên đề này, vai trò của giáo dục
cách mạng Khánh Hòa trong việc giáo dục học sinh, sinh viên đấu tranh chống Mỹ
đã được trình bày. Trong số đó, chuyên đề “Phong trào học sinh - sinh viên vùng
tạm chiếm ở Khánh Hòa giai đoạn 1954-1975” đã cung cấp cái nhìn tổng quan về
phong trào học sinh, sinh viên ở Khánh Hòa chống Mỹ, nhất là chống văn hóa thực
dân của Mỹ, rằng “phong trào diễn ra sôi nổi, liên tục với nhiều loại hình phong
phú, từ thấp đến cao, từ các hoạt động văn hóa đến ĐTCT, đã hạn chế phần nào tác
hại của giáo dục thực dân mới” [138, tr. 166].
5
. Gồm các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.
21
Lê Cung, Nguyễn Trung Triều (2016), “Phật học viện Hải Đức Nha Trang với
cuộc vận động của Phật giáo miền Nam năm 1963”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo,
số 07&08 (157). Bằng nguồn tư liệu phong phú và những kiến giải có tính thuyết
phục, bài viết đã làm rõ vị trí cũng như đóng góp của Phật học viện Hải Đức Nha
Trang đối với phong trào đấu tranh đòi tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo ở
Khánh Hòa năm 1963. Bài viết kết luận: “Trong cuộc vận động đòi tự do tín
ngưỡng, bình đẳng tôn giáo năm 1963, chư tôn đức, Học tăng Phật học viện Hải
Đức Nha Trang đã có những đóng góp xứng đáng trong sự nghiệp phụng sự dân tộc
và Đạo pháp” [25].
Nhìn chung, trong nhóm công trình nghiên cứu về ĐTCT ở Khánh Hòa thời
kỳ 1954-1975, chiếm số lượng nhiều nhất là các công trình lịch sử Đảng và lịch sử
các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, do giới hạn nghiên cứu,
những công trình này chủ yếu trình bày các phong trào ĐTCT do Đảng trực tiếp
lãnh đạo, điểm một số sự kiện ĐTCT nổi bật hoặc chỉ đề cập đến ĐTCT của từng
lực lượng riêng rẽ (nông dân, phụ nữ, đoàn viên, thanh niên). Ngoài ra, hạn chế
chung của các công trình này là ít sử dụng nguồn tư liệu của đối phương để tham
khảo và đối chứng. Trong khi các công trình còn lại, xuất phát từ mục tiêu và phạm
vi nghiên cứu, chỉ trình bày từng mảng vấn đề cụ thể, không đi sâu nghiên cứu toàn
diện ĐTCT ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975).
1.2. Những vấn đề luận án kế thừa
Nhìn một cách tổng thể, các công trình nghiên cứu liên quan đã giải quyết
được những nội dung cơ bản sau và những nội dung này được tác giả kế thừa trong
luận án, cụ thể:
Một là, phân tích làm rõ những vấn đề lý luận liên quan đến ĐTCT như quan
điểm, tổ chức, lực lượng, hình thức, vai trò, nghệ thuật, mối quan hệ với ĐTQS,...
Điều này giúp tác giả có cơ sở để nhìn nhận đầy đủ hơn về ĐTCT ở Khánh Hòa
trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975).
Hai là, đi sâu nghiên cứu diễn biến, tính chất, đặc điểm, vai trò, bài học kinh
nghiệm của ĐTCT tại các đô thị lớn ở miền Nam như Huế, Sài Gòn, Đà Nẵng, Đà
Lạt,... Nhờ vậy, tác giả luận án có tư liệu tham khảo để từ đó đặt ĐTCT ở Khánh
Hòa trong cái nhìn toàn cục của ĐTCT ở miền Nam.
22
Ba là, trình bày một số vấn đề liên quan đến điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã
hội, truyền thống yêu nước và cách mạng, cùng với đó, khái quát chính sách của
Mỹ và CQSG ở Khánh Hòa. Đây là cơ sở quan trọng góp phần giúp tác giả luận
giải các đặc điểm và ý nghĩa của ĐTCT ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến
chống Mỹ (1954-1975).
Bốn là, điểm một số phong trào ĐTCT nổi bật của nhân dân Khánh Hòa
chống Mỹ và CQSG từ năm 1954 đến năm 1975 như đòi thi hành Hiệp định Genève
những năm 1954-1956, đồng khởi ở vùng rừng núi những năm 1959-1960, đòi tự do
tín ngưỡng và bình đẳng tôn giáo năm 1963, đồng khởi ở vùng nông thôn đồng
bằng những năm 1964-1965, đòi Quốc hội lập hiến năm 1966, tham gia Tổng tiến
công và nổi dậy năm 1968 và năm 1975; đồng thời, bước đầu có những đánh giá về
các phong trào đó. Nguồn tư liệu về diễn biến đấu tranh cũng như những nhận định,
đánh giá này được tác giả kế thừa để bổ sung thêm chất liệu lịch sử và củng cố cho
những nhận định riêng trong luận án.
1.3. Những vấn đề luận án cần tập trung nghiên cứu
Trên cơ sở kế thừa thành quả của các công trình nghiên cứu có liên quan, để
giải quyết một cách toàn diện vấn đề ĐTCT ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến
chống Mỹ (1954-1975), luận án tập trung làm rõ những nội dung cơ bản sau:
Một là, làm rõ các nhân tố ảnh hưởng đến ĐTCT ở Khánh Hòa trong cuộc
kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) như điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã
hội; truyền thống yêu nước và cách mạng của nhân dân Khánh Hòa trước năm
1954; đặc biệt là bản chất thực dân mới của các chính sách, biện pháp về chính trị -
quân sự, kinh tế - xã hội, văn hóa - giáo dục do Mỹ và CQSG triển khai tại Khánh
Hòa, trên cơ sở đó, làm rõ nguyên nhân chủ yếu bùng phát các phong trào ĐTCT ở
Khánh Hòa thời kỳ 1954-1975.
Hai là, làm rõ đường lối, chủ trương chỉ đạo ĐTCT của Trung ương Đảng,
Liên Khu ủy V, nhất là của Tỉnh ủy Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ
(1954-1975). Việc phân tích, làm rõ đường lối, chủ trương của Đảng phải bám sát
âm mưu, hành động của đối phương, đồng thời đối chiếu với kết quả của ĐTCT, để
từ đó thấy được sự nhạy bén trong chỉ đạo phong trào ĐTCT của Đảng.
Ba là, tái hiện diễn biến ĐTCT ở Khánh Hòa từ năm 1954 đến năm 1975.
23
Việc tái hiện diễn biến các phong trào ĐTCT được dựa trên nhiều nguồn tư liệu
khác nhau, nhất là tư liệu lưu trữ của cả chính quyền cách mạng và CQSG, đảm bảo
tính khách quan, toàn diện.
Bốn là, làm rõ tính chất, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử của ĐTCT ở Khánh Hòa
trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975). Các tính chất, đặc điểm,
ý nghĩa lịch sử trong đó bao hàm cả bài học kinh nghiệm được chứng minh bằng
chất liệu lịch sử từ phong trào ĐTCT của quần chúng nhân dân địa phương.
24
Chương 2
ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ Ở KHÁNH HÒA
TỪ NĂM 1954 ĐẾN NĂM 1965
2.1. Khái quát điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, truyền thống yêu nước và
cách mạng của nhân dân Khánh Hòa trước năm 1954
2.1.1. Điều kiện tự nhiên
Khánh Hòa là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, diện tích 5.197km2
kể cả hải đảo, phần đất liền kéo dài từ 11°42’50" đến 12°52’15" vĩ độ Bắc và từ
108°40’33" đến 109°27’55" kinh độ Đông, cách Hà Nội 1.280km về phía Bắc,
cách thành phố Hồ Chí Minh 443km về phía Nam, phía Ðông giáp Biển Ðông, phía
Tây giáp Ðắk Lắk, phía Bắc giáp Phú Yên, phía Nam giáp Ninh Thuận.
Địa hình Khánh Hòa khá đa dạng, có cả rừng núi, đồng bằng và biển đảo.
Vùng rừng núi chiếm đến 70% diện tích. Vùng đồng bằng nhỏ, khoảng 400km2
, bị
chia cắt bởi các dãy núi; hai đồng bằng lớn nhất là đồng bằng Nha Trang - Diên
Khánh (diện tích 135km2
) và đồng bằng Ninh Hòa (diện tích 100km2
). Biển Khánh
Hòa rộng gấp nhiều lần đất liền với gần 200 đảo lớn nhỏ gần bờ và quần đảo
Trường Sa6
cách bờ khoảng 243 hải lý; bờ biển dài 385km với nhiều vịnh, trong đó
vịnh Cam Ranh được bao bọc, che chắn bởi hệ thống núi, đảo, rất gần đường hàng
hải quốc tế, thông với Biển Đông qua eo biển rộng 1,6km, giữ vị trí quan trọng về
địa chiến lược và được coi là vịnh tốt nhất Đông Nam Á.
Sông ngòi ở Khánh Hòa mật độ khá dày, toàn tỉnh có khoảng 40 con sông độ
dài trung bình từ 10km trở lên. Sông Cái Nha Trang là con sông dài nhất tỉnh
(79km), đoạn cuối chia thành 2 nhánh bao quanh cồn Ngọc Thảo chia cắt Nha
Trang thành hai khu vực trước khi đổ ra biển.
Khí hậu ở Khánh Hòa rất ôn hòa với 2 mùa mưa nắng rõ rệt và gần như không
có bão. Mùa mưa ngắn, từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 12, nhiệt độ trung bình hằng
năm khoảng 26o
C. So với một số vùng miền trong nước, “Khánh Hòa mưa nắng rất
điều độ. Mùa nắng không có nắng sém da như ở Quy Nhơn, Phan Rang; mùa mưa
6
. Quần đảo Trường Sa giai đoạn 1956-1973 thuộc tỉnh Phước Tuy (nay là tỉnh Bà Rịa - Vũng
Tàu); những năm 1973-1975 thuộc tỉnh Bình Tuy (nay là tỉnh Bình Thuận).
25
không lạnh cắt ruột như ở Huế, ở Cao Nguyên. Trong mưa có khí ấm, trong nắng
có khí mát” [139, tr. 135].
Giao thông của Khánh Hòa thuận tiện: Đường sắt Bắc - Nam, Quốc lộ 1
xuyên suốt chiều dài tỉnh, Quốc lộ 217
nối liền với Tây Nguyên, các cảng biển (Cầu
Đá, Cam Ranh, Ba Ngòi), sân bay (Nha Trang, Cam Ranh) cho phép lưu thông cả
về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường không với các địa phương khác.
Tài nguyên thiên nhiên ở Khánh Hòa đa dạng, phong phú, nhất là tài nguyên
biển với nhiều loại hải sản quý hiếm không chỉ đáp ứng nhu cầu tại chỗ mà còn có
thể xuất đi các địa phương khác. Yến sào là mặt hàng được mệnh danh là “vàng
trắng” của Khánh Hòa, dưới thời VNCH, mỗi năm thu hoạch trung bình 600kg
[307, tr. 61]. Cát trắng ở Khánh Hòa ít tạp chất, có hàm lượng silicate cao, là nguồn
nguyên liệu quý để sản xuất thủy tinh cao cấp, từ năm 1935 đã được người Pháp
khai thác xuất khẩu sang Nhật Bản. Đặc biệt, Khánh Hòa còn được gọi là “Xứ Trầm
hương” - một loại hương liệu, dược liệu có giá trị kinh tế cao.
Nhìn tổng quát, Khánh Hòa với những lợi thế về điều kiện tự nhiên “xứng đáng
được liệt vào hàng những tỉnh quan trọng bậc nhất tại Trung Nguyên Trung Phần”8
[308, tr. 36], là địa bàn chiến lược đối với cả cách mạng và CQSG. Điều kiện tự
nhiên của Khánh Hòa có tác động hai mặt đến ĐTCT: Một mặt, vị trí địa lý thuận tiện
cho việc nắm bắt thông tin, tiếp nhận ảnh hưởng, phối hợp với các địa phương khác
để đấu tranh; địa hình thuận lợi trong việc thiết lập các căn cứ chỉ đạo phong trào,
ngay cả vùng đô thị; nông thôn đồng bằng sát nách đô thị thuận lợi trong việc hỗ trợ
đấu tranh, phát huy ảnh hưởng của ĐTCT. Nhưng ở mặt khác, vùng đô thị nhỏ gần
như được bao bọc bởi núi và biển; vùng nông thôn đồng bằng hẹp nằm sát quốc lộ,
lại bị chia cắt nên đối phương dễ kiểm soát, ngăn chặn và cô lập các cuộc đấu tranh.
2.1.2. Điều kiện kinh tế - xã hội
Thời kỳ 1954-1975, dân số Khánh Hòa khá đông, số lượng cụ thể qua các
thời điểm như sau: Năm 1955 - 203.948 người, năm 1960 - 270.000 người, năm
1968 - 367.975 người, năm 1973 - 623.900 người, năm 1975 - 630.948 người.
Dân số tuy đông nhưng phân bố không đều giữa miền núi và đồng bằng, giữa
7
. Nay là Quốc lộ 26.
8
. Dưới thời Việt Nam Cộng hòa, Trung Nguyên Trung Phần gồm các tỉnh duyên hải miền Trung,
từ Quảng Trị đến Bình Thuận.
26
nông thôn và đô thị. Vùng miền núi rộng lớn nhưng dân cư thưa thớt, ngược lại,
vùng đồng bằng hẹp lại khá đông đúc [306, tr. 12], [308, tr. 14].
Ở Khánh Hòa, người Kinh chiếm đa số, sống chủ yếu tại đồng bằng, các dân
tộc thiểu số như Raglai, Êđê, T’ring, K’ho, Nùng, Chăm,... sống tập trung ở vùng
núi và giáp ranh. Thời điểm năm 1969, đồng bào thiểu số chiếm khoảng 5,5% dân
số toàn tỉnh [308, tr. 15].
Dân cư Khánh Hòa khá đa dạng, phức tạp về thành phần. Ngoài những người
định cư lâu năm còn có một bộ phận từ miền Bắc di cư vào sau Hiệp định Genève
(1954); một bộ phận vì nhiều lý do khác nhau đến từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng
Ngãi, Bình Định, Phú Yên...; cùng với đó, một lực lượng đông đảo quân đội Sài Gòn,
quân đội Mỹ và Đồng minh đồn trú đã làm cho Khánh Hòa, nhất là thị xã Nha Trang,
Cam Ranh “dân chúng rất phức tạp về thành phần (quân nhân, dân sự, ngoại kiều,
công chức, tư chức) và luôn cả về nguồn gốc (Nam, Trung, Bắc)” [242, tr. 3]. Sự
phức tạp về thành phần dân cư dẫn đến phức tạp về thái độ chính trị. Do đó, vấn đề
đánh giá khả năng cách mạng, tuyên truyền lôi kéo các thành phần xã hội tham gia
ĐTCT chống Mỹ và CQSG gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, sự đa dạng về thành
phần dân cư cũng có mặt thuận lợi. Chẳng hạn, một số cơ sở cách mạng được hình
thành ngay trong “dân Bắc 1954” - bộ phận vốn được CQSG coi là có “tinh thần
Quốc gia”, trung thành với chế độ9
; hay dưới vỏ bọc “hội đồng hương”, “hội tương
tế”, một số cơ sở cách mạng cũng được hình thành trong đồng bào gốc Quảng Ngãi,
Bình Định, Phú Yên,... Điều này được một số nhân chứng khẳng định: “Ở Nha
Trang, có khu vực toàn dân Hòa Hiệp (Phú Yên), có xóm toàn người làng Vinh
Quang (Bình Định), có xóm toàn người Đức Phổ (Quảng Ngãi). Nói chung, dân ở
đây rất tốt, phần đông có con em tham gia cách mạng” [117, tr. 41].
Khánh Hòa thời kỳ 1945-1954 là tỉnh bị thực dân Pháp tạm chiếm, thời kỳ
1954-1975 là hậu cứ của Mỹ và CQSG, nhân dân sống lâu trong vùng bị đối
phương kiểm soát; mặt khác, chính sách thực dân mới làm cho “đặc điểm của đồng
bào tỉnh ta (chỉ Khánh Hòa - TG) là đại bộ phận đều có con em đi lính hoặc làm
việc cho địch. Phần đông họ là dân lao động, tâm tư tình cảm nhiều gia đình binh sĩ
9
. Như Lê Quang Phú - Chủ tịch Lực lượng nhân dân tranh thủ cách mạng Khánh Hòa (1966),
Nguyễn Ngọc Lương - cơ sở cách mạng, trong nhà của ông ở Nha Trang có hầm bí mật để nuôi
giấu cán bộ, cả hai đều là dân miền Bắc di cư [315].
27
day dứt, cực nhục, vừa lo sợ con em gây tội ác, vừa sợ chồng con chết, sợ gian
khổ” [224, tr. 4]. Đây là đặc điểm ít nhiều có ảnh hưởng tiêu cực đến phong trào
cách mạng, trong đó có ĐTCT, bởi vì “ở một xã hội như vậy, đấu tranh giữa cái
sướng và cái khổ, cái tốt và cái xấu, giữa địch và ta làm cho sự đoàn kết ở nông
thôn bị sứt mẻ nghiêm trọng. Sự ngờ vực, thiếu tin nhau tác động đến tư tưởng, khả
năng cách mạng của quần chúng rất nhiều” [223, tr. 5].
Nhân dân Khánh Hòa đa số chuyên về nghề nông (khoảng 80%). Những
người ở ven biển hay cạnh đầm, vịnh sống bằng nghề đánh cá. Một số người định
cư tại thị xã, thị trấn như Nha Trang, Cam Ranh, Diên Khánh, Ninh Hòa, Vạn Giã
sống bằng dịch vụ, buôn bán. Người dân tộc thiểu số ở vùng núi sống bằng nghề
làm rẫy, làm rừng hoặc săn bắn.
Dưới thời VNCH, nhất là những năm 1954-1964, nông nghiệp ở Khánh Hòa
được quan tâm đầu tư, cải cách điền địa được đẩy mạnh; mặt khác, việc sử dụng
phân bón, giống mới, ứng dụng máy móc,... làm tăng năng suất lao động, cải thiện
đời sống dân cư nông thôn. Đối với dân cư thành thị, phần vì ít thiệt hại do chiến
tranh, phần khác các dự án viện trợ của Mỹ làm cho mức sống được nâng lên, nhiều
người sắm được radio, truyền hình, tủ lạnh và cả xe hơi. Tất cả những điều này làm
cho “một bộ phận quần chúng lầm mưu địch, ảo tưởng, thiếu tin tưởng ở cách
mạng” [7, tr. 247]. Do đó, ở Khánh Hòa, việc tuyên truyền để nhân dân thấy được
bản chất xâm lược, bộ mặt thật của Mỹ và CQSG, sự phồn vinh giả tạo của xã hội,
qua đó thúc đẩy ĐTCT là việc làm không hề dễ.
Phật giáo có số lượng tín đồ đông nhất (chiếm gần 80% dân cư) và ảnh hưởng
lớn trong đời sống tín ngưỡng của nhân dân Khánh Hòa, đến thời điểm năm 1969 có
khoảng 300.000 tín đồ [308, tr. 15]. Năm 1956, Phật học viện Trung Phần Nha
Trang10
được thành lập11
và đã đào tạo hàng trăm vị giảng sư, hiệu trưởng trung
học, trú trì,... đi hoằng pháp khắp các tỉnh miền Nam, trong đó “nhiều người biết xả
thân thể để giáo hóa chúng sanh, biết dùng tấm hình hài làm công cụ để đạt đến
quả Phật” [139, tr. 389]. Thời kỳ 1954-1975, Phật học viện Trung Phần Nha Trang
10
. Sau năm 1975, danh xưng là Phật học viện Hải Đức Nha Trang.
11
. Ban lãnh đạo gồm Viện trưởng: Hoà thượng Thích Giác Nhiên; Phó Viện trưởng: Thượng toạ
Thích Trí Quang; Giám viện: Thượng toạ Thích Trí Thủ; Giáo thọ trưởng: Thượng toạ Thích Thiện
Siêu; Tổng Thư ký: Thượng toạ Thích Huyền Quang. Đây là những “đấng thạch trụ của Phật giáo
Việt Nam thời cận hiện đại” [24, tr. 12].
28
là một trong những nơi khởi phát, lãnh đạo và che chở cho phong trào ĐTCT của
quần chúng. Thêm vào đó, Phật học viện Trung Phần Nha Trang sát cạnh chùa
Long Sơn - trụ sở THPG Khánh Hòa, nên “đã cung cấp cho nhiều ý kiến hay nhân
lực để thúc đẩy sự tranh đấu” [47, tr. 299]. Nói chung, trong cuộc kháng chiến
chống Mỹ (1954-1975), Phật giáo ở Khánh Hòa là lực lượng quan trọng đảm nhận
vai trò “ngọn cờ tập hợp quần chúng” tham gia ĐTCT.
Ở Khánh Hòa, các trường trung học công lập có số lượng học sinh khá đông
và tập trung tại thị xã Nha Trang, trung tâm quận lỵ nên việc nắm thông tin, tạo mối
liên kết trong đội ngũ học sinh có phần thuận lợi; đồng thời, có liên hệ với học sinh,
sinh viên ở Sài Gòn, Đà Lạt, Huế [138, tr. 158]. Bên cạnh đó, hệ thống trường Bồ
Đề của Phật giáo12
, trường của Thiên Chúa giáo13
cũng thu hút đông đảo học sinh
theo học. Trong những năm 1954-1970, tuy chưa có trường đại học nhưng ở Khánh
Hòa vẫn có một bộ phận sinh viên là con em địa phương học tại Học viện Quốc gia
Hành chánh, Viện Đại học Sài Gòn, Viện Đại học Huế và một số sinh viên của các
cơ sở giáo dục này tới Khánh Hòa thực tập hoặc để tổ chức đấu tranh14
. Đến năm
1971, Viện Đại học Cộng đồng Duyên hải được thành lập tại Nha Trang, quy tụ khá
nhiều sinh viên từ các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận. Học sinh, sinh viên
là lực lượng quan trọng “châm ngòi” trong các cuộc ĐTCT ở Khánh Hòa thời kỳ
1954-1975.
Công nghiệp ở Khánh Hòa thời kỳ 1954-1975 kém phát triển, đa phần là cơ sở
sản xuất truyền thống, quy mô nhỏ như lò gạch, lò đường, nhà máy nước đá, đóng
ghe thuyền,... trong khi đồn điền không nhiều (chỉ có 3 đồn điền trồng cây cao su,
diện tích 650ha), số lượng công nhân trực tiếp sản xuất tại các nhà máy, xí nghiệp,
đồn điền vừa ít ỏi lại vừa phân tán nên điều kiện tham gia ĐTCT hạn chế. Riêng
công nhân tại các cảng Cầu Đá, Chụt, Ba Ngòi, Cam Ranh và một số hãng thầu của
Mỹ như RMK, USARMY, PACIFIC ở Bình Tân (Vĩnh Xương), Mỹ Ca (Cam
Ranh) tương đối tập trung, nhờ vậy khả năng tham gia ĐTCT cao hơn.
12
. Tại miền Nam, Khánh Hòa đứng thứ hai về số lượng trường Bồ Đề - 6 trường, sau Bình Định - 7
trường [121].
13
. Như các trường trung học Kim Yến, Bá Ninh, Đăng Khoa,...
14
. Trường hợp Nguyễn Đắc Xuân là một dẫn chứng. Năm 1964, khi đang là sinh viên Đại học Sư
phạm Huế, Nguyễn Đắc Xuân đã được bác sĩ Lê Khắc Quyến - Chủ tịch Hội đồng Nhân dân cứu
quốc, cử vào Nha Trang để thành lập Hội đồng Nhân dân cứu quốc tại đây [317].
29
Về tổ chức hành chính, dưới CQSG, tổ chức hành chính của Khánh Hòa có
một số thay đổi chủ yếu sau: Tháng 1-1958, thị xã Nha Trang được chia thành 2 xã
là Nha Trang Đông và Nha Trang Tây thuộc quận Vĩnh Xương; tháng 5-1959, hai
tổng Krang Ying và Krang Hinh của tỉnh Đắk Lắk lập thành quận Khánh Dương
được sáp nhập vào Khánh Hòa; tháng 4-1960, 12 thôn vùng miền núi quận Cam
Lâm được tách khỏi tỉnh Khánh Hòa nhập vào quận Du Long của tỉnh Ninh Thuận;
tháng 10-1965, tách một phần đất phía Nam của Cam Lâm thành lập thị xã Cam
Ranh hưởng quy chế thị xã trực thuộc trung ương; tháng 12-1968, phần đất trước
đây nhập vào quận Du Long của Ninh Thuận được cắt trở lại thuộc thị xã Cam
Ranh; cuối năm 1970, CQSG tái lập thị xã Nha Trang. Đến trước ngày giải phóng
(1975), tỉnh Khánh Hòa có 6 quận: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Vĩnh Xương, Diên Khánh,
Cam Lâm, Khánh Dương và thị xã Nha Trang, với 59 xã, 251 ấp.
Đối với chính quyền cách mạng, để phù hợp với yêu cầu chỉ đạo kháng chiến,
trong thời kỳ 1954-1975, ở Khánh Hoà các đơn vị hành chính có những điều chỉnh
như: Tháng 3-1960, hai huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh sáp nhập với Bác Ái
(Ninh Thuận) thành Khu Ái - Vĩnh - Sơn; tháng 8-1961, Khu Ái - Vĩnh - Sơn giải
thể, các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh trở lại trực thuộc tỉnh Khánh Hòa. Cũng
trong năm 1961, huyện Khánh Vĩnh tách thành 2 huyện: Vĩnh Khánh và Vĩnh Sơn;
tháng 10-1961, huyện Ninh Hòa được tách thành 2 huyện: Nam Ninh Hòa và Bắc
Ninh Hòa; tháng 8-1968, hợp nhất thị xã Nha Trang với huyện Vĩnh Xương thành
huyện Vĩnh Trang. Như vậy, đến năm 1968, Khánh Hòa gồm các đơn vị cấp huyện:
Vạn Ninh, Bắc Ninh Hòa, Nam Ninh Hòa, Vĩnh Trang, Diên Khánh, Cam Ranh,
Vĩnh Khánh, Vĩnh Sơn và Khánh Sơn. Tổ chức địa lý hành chính như thế được duy
trì đến ngày giải phóng (1975).
Tóm lại, Khánh Hòa là tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khá đặc thù. Những
điều kiện đó ảnh hưởng theo những chiều hướng khác nhau và ở những mức độ
khác nhau đối với ĐTCT trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975).
2.1.3. Truyền thống yêu nước và cách mạng của nhân dân Khánh Hòa trước 1954
Sau khi “Vụ biến kinh thành Huế” (đêm mồng 4, rạng mồng 5-7-1885) thất
bại, vua Hàm Nghi xuất bôn và ban Dụ Cần Vương kêu gọi nhân dân đứng lên
đánh Pháp. Tại Khánh Hòa, hưởng ứng Dụ Cần Vương, các sĩ phu yêu nước như
30
Trịnh Phong, Trần Đường, Nguyễn Khanh, Nguyễn Lương, Lê Nghị, Nguyễn
Dị,... thành lập Bình Tây cứu quốc đoàn tiến hành kháng chiến, gây cho Pháp
nhiều thiệt hại. Đến giữa năm 1886, thực dân Pháp tăng viện, vừa tổ chức càn quét
căn cứ vừa khủng bố gia đình, quê hương các thủ lĩnh phong trào; Trần Đường,
Nguyễn Khanh, Trịnh Phong lần lượt hy sinh, các thủ lĩnh khác và nhiều nghĩa
quân bị an trí tại nhà tù Cam Ranh. Phong trào Bình Tây cứu quốc đoàn ở Khánh
Hòa bị dập tắt song tấm gương anh dũng, bất khuất của các lãnh tụ mãi mãi được
nhân dân kính trọng và tự hào [1, tr. 31].
Khánh Hòa là nơi dừng chân và hoạt động của các chí sĩ yêu nước khởi xướng
phong trào Duy Tân như Trần Quý Cáp, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng. Năm
1908, nhận thấy Trần Quý Cáp lúc này đang làm Giáo thụ ở huyện Tân Định15
, có vai
trò quan trọng trong phong trào chống thuế ở Trung Kỳ, thực dân Pháp đã xử chém ông
vào ngày 15-6-1908. Sự hy sinh của Trần Quý Cáp đã gieo vào lòng người dân Khánh
Hòa hình ảnh một con người chí khí anh hùng, tinh thần yêu nước bất khuất.
Tiếp nhận luồng tư tưởng mới từ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, trong những năm
1925-1926, Ngô Đức Diễn (quê Nghệ An) và Hà Huy Tập (quê Hà Tĩnh) vào dạy
học tại Khánh Hòa đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, giác ngộ học sinh,
giáo chức về công cuộc chống Pháp. Những hoạt động của Ngô Đức Diễn và Hà
Huy Tập đã đặt cơ sở cho sự ra đời của tổ chức Tân Việt cách mạng đảng tại đây,
sau này trở thành một bộ phận của Đông Dương Cộng sản liên đoàn (1-1930). Ngày
3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập. Đến ngày 24-2-1930, Đông Dương
Cộng sản liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là mốc đánh dấu sự ra
đời của Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa.
Ngay sau khi thành lập, hưởng ứng phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, tháng
7-1930, Tỉnh ủy lâm thời Khánh Hòa tổ chức biểu tình ở huyện Tân Định. Cuộc
biểu tình bắt đầu từ 5 giờ ngày 16-7 với sự tham gia của khoảng 1.000 công
nhân, ngư dân, nông dân,... Từ xã Ninh Đa đoàn biểu tình thẳng tiến đến huyện
lỵ Tân Định, hô khẩu hiệu: “Đả đảo đế quốc Pháp và Nam triều phong kiến”,
“Chống khủng bố trắng”, “Ủng hộ phong trào công - nông Nghệ Tĩnh”, “Chống
sưu cao thuế nặng”. Đến 14 giờ cùng ngày, quân Pháp mở cuộc khủng bố, bắt nhiều
15
. Nay là thị xã Ninh Hòa.
31
đảng viên cộng sản và quần chúng đưa về nhà lao Nha Trang giam giữ, tra tấn. Cuộc
biểu tình ngày 16-7-1930 có thể coi là cuộc đấu tranh tiêu biểu do Đảng Cộng sản
Việt Nam lãnh đạo ở cực Nam Trung Bộ trong phong trào 1930-1931 [1, tr. 64].
Từ năm 1932 đến năm 1945, Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa từng bước khôi
phục phong trào cách mạng, tích cực đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ và chuẩn bị
LLCT, LLVT cho tổng khởi nghĩa. Ngày 13-8-1945, thực hiện chủ trương của
Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã phát động nhân dân giành chính quyền.
Ngày 19-8-1945, cùng thời điểm giành chính quyền ở Hà Nội, tại sân vận động thị
xã Nha Trang, trước cuộc mít tinh của đông đảo quần chúng, Ủy ban Nhân dân cách
mạng lâm thời tỉnh Khánh Hòa ra mắt đồng bào, công bố 10 chính sách lớn của Mặt
trận Việt Minh16
và kêu gọi nhân dân đoàn kết, đấu tranh giữ vững chính quyền
cách mạng. Đến ngày 22-8-1945, tất cả huyện, thị của tỉnh Khánh Hòa khởi nghĩa
thắng lợi.
Đúng một tháng sau khi tái chiếm Nam Bộ (23-9-1945), ngày 23-10-1945,
quân Pháp triển khai tái chiếm Khánh Hòa. Cuộc xâm lược lần thứ hai của thực dân
Pháp lập tức bị quân dân Khánh Hòa chống trả quyết liệt. Ngay trong đêm 23-10-
1945, quân dân Khánh Hòa nổ súng tấn công và bao vây quân Pháp, mở đầu Mặt
trận Nha Trang - Khánh Hòa kéo dài 101 ngày đêm (từ ngày 23-10-1945 đến ngày
2-2-1946), đồng thời cũng mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp trở lại xâm lược ở
khu vực cực Nam Trung Bộ. Ngày 27-1-1946, khi thị sát chiến trường Khánh Hòa,
Võ Nguyên Giáp đánh giá: “Với biết bao khó khăn của ngày đầu kháng chiến, quân
và dân Nha Trang - Khánh Hòa đã trụ bám vững chãi một thời gian dài trên tuyến
lửa, tiêu diệt và tiêu hao giữ chân quân Pháp, thật sự làm thất bại một bước âm
mưu đánh nhanh thắng nhanh của địch” [11, tr. 22].
Trong những năm 1946-1952, Khánh Hòa đẩy mạnh chiến tranh du kích,
thực hiện nhiệm vụ phá hoại tiềm lực, nhất là cơ sở hạ tầng và kìm chân, tiêu hao,
tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch. Đến giai đoạn cuối chiến cuộc Đông Xuân
1953-1954, quân và dân Khánh Hòa đã giải phóng hầu hết vùng nông thôn phía
Nam các huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa; đồng thời, một số cuộc đấu tranh của quần
chúng nổ ra ở Nha Trang, Diên Khánh chống thực dân Pháp bắt lính, ủng hộ Hội
16
. Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh) ra đời ngày 19-5-1941.
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY

More Related Content

What's hot

Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gử...
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gử...Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gử...
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gử...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
BÀI GIẢNG NHÂN HỌC Y HỌC VÀ CÁC TÌNH HUỐNG LÂM SÀNG
BÀI GIẢNG NHÂN HỌC Y HỌC VÀ CÁC TÌNH HUỐNG LÂM SÀNGBÀI GIẢNG NHÂN HỌC Y HỌC VÀ CÁC TÌNH HUỐNG LÂM SÀNG
BÀI GIẢNG NHÂN HỌC Y HỌC VÀ CÁC TÌNH HUỐNG LÂM SÀNGGreat Doctor
 
Thời trong tiếng Nhật và các biểu hiện tương đương trong tiếng Việt - Gửi miễ...
Thời trong tiếng Nhật và các biểu hiện tương đương trong tiếng Việt - Gửi miễ...Thời trong tiếng Nhật và các biểu hiện tương đương trong tiếng Việt - Gửi miễ...
Thời trong tiếng Nhật và các biểu hiện tương đương trong tiếng Việt - Gửi miễ...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Luận án: Đánh giá thực trạng và đề xuất hướng sử dụng đất nông nghiệp bền vữn...
Luận án: Đánh giá thực trạng và đề xuất hướng sử dụng đất nông nghiệp bền vữn...Luận án: Đánh giá thực trạng và đề xuất hướng sử dụng đất nông nghiệp bền vữn...
Luận án: Đánh giá thực trạng và đề xuất hướng sử dụng đất nông nghiệp bền vữn...Viết thuê trọn gói ZALO 0934573149
 
Đề tài: Tìm hiểu công nghệ Android - Xây dựng ứng dụng Lịch Vạn Sự Vạn Niên t...
Đề tài: Tìm hiểu công nghệ Android - Xây dựng ứng dụng Lịch Vạn Sự Vạn Niên t...Đề tài: Tìm hiểu công nghệ Android - Xây dựng ứng dụng Lịch Vạn Sự Vạn Niên t...
Đề tài: Tìm hiểu công nghệ Android - Xây dựng ứng dụng Lịch Vạn Sự Vạn Niên t...Dịch vụ viết thuê Khóa Luận - ZALO 0932091562
 

What's hot (19)

Luận văn: Phát triển giáo dục của Bộ giáo dục Malaysia, HAY
Luận văn: Phát triển giáo dục của Bộ giáo dục Malaysia, HAYLuận văn: Phát triển giáo dục của Bộ giáo dục Malaysia, HAY
Luận văn: Phát triển giáo dục của Bộ giáo dục Malaysia, HAY
 
Chuyển biến kinh tế Nhật Bản thời kỳ Tokugawa (1600-1868)
Chuyển biến kinh tế Nhật Bản thời kỳ Tokugawa (1600-1868)Chuyển biến kinh tế Nhật Bản thời kỳ Tokugawa (1600-1868)
Chuyển biến kinh tế Nhật Bản thời kỳ Tokugawa (1600-1868)
 
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gử...
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gử...Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gử...
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gử...
 
BÀI GIẢNG NHÂN HỌC Y HỌC VÀ CÁC TÌNH HUỐNG LÂM SÀNG
BÀI GIẢNG NHÂN HỌC Y HỌC VÀ CÁC TÌNH HUỐNG LÂM SÀNGBÀI GIẢNG NHÂN HỌC Y HỌC VÀ CÁC TÌNH HUỐNG LÂM SÀNG
BÀI GIẢNG NHÂN HỌC Y HỌC VÀ CÁC TÌNH HUỐNG LÂM SÀNG
 
Bồi dưỡng năng lực dạy cho giáo viên các trường dạy nghề, HAY
Bồi dưỡng năng lực dạy cho giáo viên các trường dạy nghề, HAYBồi dưỡng năng lực dạy cho giáo viên các trường dạy nghề, HAY
Bồi dưỡng năng lực dạy cho giáo viên các trường dạy nghề, HAY
 
Căn cứ địa cách mạng ở Trung Trung Bộ trong kháng chiến chống Mỹ
Căn cứ địa cách mạng ở Trung Trung Bộ trong kháng chiến chống MỹCăn cứ địa cách mạng ở Trung Trung Bộ trong kháng chiến chống Mỹ
Căn cứ địa cách mạng ở Trung Trung Bộ trong kháng chiến chống Mỹ
 
Luan van bau cu dai bieu hoi dong nhan dan thanh pho ha noi, hay
Luan van bau cu dai bieu hoi dong nhan dan thanh pho ha noi, hayLuan van bau cu dai bieu hoi dong nhan dan thanh pho ha noi, hay
Luan van bau cu dai bieu hoi dong nhan dan thanh pho ha noi, hay
 
Luận án: Sinh kế của người Mường ở xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy
Luận án: Sinh kế của người Mường ở xã Cẩm Lương, huyện Cẩm ThủyLuận án: Sinh kế của người Mường ở xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy
Luận án: Sinh kế của người Mường ở xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy
 
Khoahocgiaotiep
KhoahocgiaotiepKhoahocgiaotiep
Khoahocgiaotiep
 
Luận văn: Sinh kế người Khmer tại huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng
Luận văn: Sinh kế người Khmer tại huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc TrăngLuận văn: Sinh kế người Khmer tại huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng
Luận văn: Sinh kế người Khmer tại huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng
 
GIÁO TRÌNH TÂM LÝ Y HỌC
GIÁO TRÌNH TÂM LÝ Y HỌC GIÁO TRÌNH TÂM LÝ Y HỌC
GIÁO TRÌNH TÂM LÝ Y HỌC
 
Nckh
NckhNckh
Nckh
 
Luận án: Di cư mùa vụ nông thôn - đô thị và vai trò, HAY
Luận án: Di cư mùa vụ nông thôn - đô thị và vai trò, HAYLuận án: Di cư mùa vụ nông thôn - đô thị và vai trò, HAY
Luận án: Di cư mùa vụ nông thôn - đô thị và vai trò, HAY
 
Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản 1992 – 2002
Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản 1992 – 2002Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản 1992 – 2002
Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản 1992 – 2002
 
Luận án: Đặc điểm du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX, HAY
Luận án: Đặc điểm du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX, HAYLuận án: Đặc điểm du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX, HAY
Luận án: Đặc điểm du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX, HAY
 
Thời trong tiếng Nhật và các biểu hiện tương đương trong tiếng Việt - Gửi miễ...
Thời trong tiếng Nhật và các biểu hiện tương đương trong tiếng Việt - Gửi miễ...Thời trong tiếng Nhật và các biểu hiện tương đương trong tiếng Việt - Gửi miễ...
Thời trong tiếng Nhật và các biểu hiện tương đương trong tiếng Việt - Gửi miễ...
 
Luận án: Đánh giá thực trạng và đề xuất hướng sử dụng đất nông nghiệp bền vữn...
Luận án: Đánh giá thực trạng và đề xuất hướng sử dụng đất nông nghiệp bền vữn...Luận án: Đánh giá thực trạng và đề xuất hướng sử dụng đất nông nghiệp bền vữn...
Luận án: Đánh giá thực trạng và đề xuất hướng sử dụng đất nông nghiệp bền vữn...
 
Đề tài: Tìm hiểu công nghệ Android - Xây dựng ứng dụng Lịch Vạn Sự Vạn Niên t...
Đề tài: Tìm hiểu công nghệ Android - Xây dựng ứng dụng Lịch Vạn Sự Vạn Niên t...Đề tài: Tìm hiểu công nghệ Android - Xây dựng ứng dụng Lịch Vạn Sự Vạn Niên t...
Đề tài: Tìm hiểu công nghệ Android - Xây dựng ứng dụng Lịch Vạn Sự Vạn Niên t...
 
Luận án: Nghệ thuật tiểu thuyết Diêm Liên Khoa, HAY
Luận án: Nghệ thuật tiểu thuyết Diêm Liên Khoa, HAYLuận án: Nghệ thuật tiểu thuyết Diêm Liên Khoa, HAY
Luận án: Nghệ thuật tiểu thuyết Diêm Liên Khoa, HAY
 

Similar to Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY

Giáo trình giới và phát triển ts. thái thị ngọc dư 1193852
Giáo trình giới và phát triển ts. thái thị ngọc dư 1193852Giáo trình giới và phát triển ts. thái thị ngọc dư 1193852
Giáo trình giới và phát triển ts. thái thị ngọc dư 1193852KimBumt1
 
Phát triển năng lực trình bày của học sinh trong dạy học lịch sử việt nam ở T...
Phát triển năng lực trình bày của học sinh trong dạy học lịch sử việt nam ở T...Phát triển năng lực trình bày của học sinh trong dạy học lịch sử việt nam ở T...
Phát triển năng lực trình bày của học sinh trong dạy học lịch sử việt nam ở T...Dịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
TƢ TƢỞNG NỮ QUYỀN VÀ BẢN SẮC DÂN TỘC TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA TÁC GIA AI CẬP YOU...
TƢ TƢỞNG NỮ QUYỀN VÀ BẢN SẮC DÂN TỘC TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA TÁC GIA AI CẬP YOU...TƢ TƢỞNG NỮ QUYỀN VÀ BẢN SẮC DÂN TỘC TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA TÁC GIA AI CẬP YOU...
TƢ TƢỞNG NỮ QUYỀN VÀ BẢN SẮC DÂN TỘC TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA TÁC GIA AI CẬP YOU...HanaTiti
 
Giao trinh van hoc trung dai Viet Nam. Tap 1.pdf
Giao trinh van hoc trung dai Viet Nam. Tap 1.pdfGiao trinh van hoc trung dai Viet Nam. Tap 1.pdf
Giao trinh van hoc trung dai Viet Nam. Tap 1.pdfMan_Ebook
 
Một số hình thức tổ chức các hoạt động nhằm đưa dân ca Đến với trẻ mẫu giáo t...
Một số hình thức tổ chức các hoạt động nhằm đưa dân ca Đến với trẻ mẫu giáo t...Một số hình thức tổ chức các hoạt động nhằm đưa dân ca Đến với trẻ mẫu giáo t...
Một số hình thức tổ chức các hoạt động nhằm đưa dân ca Đến với trẻ mẫu giáo t...Dịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
Luận văn: Quyền tự do tôn giáo của cá nhân tại Việt Nam hiện nay
Luận văn: Quyền tự do tôn giáo của cá nhân tại Việt Nam hiện nayLuận văn: Quyền tự do tôn giáo của cá nhân tại Việt Nam hiện nay
Luận văn: Quyền tự do tôn giáo của cá nhân tại Việt Nam hiện nayDịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
Luận văn: Nghiên cứu hiện trạng và định hướng khai thác lễ hội truyền thống ...
Luận văn:  Nghiên cứu hiện trạng và định hướng khai thác lễ hội truyền thống ...Luận văn:  Nghiên cứu hiện trạng và định hướng khai thác lễ hội truyền thống ...
Luận văn: Nghiên cứu hiện trạng và định hướng khai thác lễ hội truyền thống ...Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 

Similar to Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY (20)

Chiến tranh nhân dân ở Quảng Bình trong chống Mỹ 1965-1973
Chiến tranh nhân dân ở Quảng Bình trong chống Mỹ 1965-1973Chiến tranh nhân dân ở Quảng Bình trong chống Mỹ 1965-1973
Chiến tranh nhân dân ở Quảng Bình trong chống Mỹ 1965-1973
 
Tiểu thuyết về đề tài xây dựng CNXH trong văn xuôi miền Bắc, HAY
Tiểu thuyết về đề tài xây dựng CNXH trong văn xuôi miền Bắc, HAYTiểu thuyết về đề tài xây dựng CNXH trong văn xuôi miền Bắc, HAY
Tiểu thuyết về đề tài xây dựng CNXH trong văn xuôi miền Bắc, HAY
 
Phong trào chống phá ấp chiến lược ở miền Tây Nam Bộ (1961-1965)
Phong trào chống phá ấp chiến lược ở miền Tây Nam Bộ (1961-1965)Phong trào chống phá ấp chiến lược ở miền Tây Nam Bộ (1961-1965)
Phong trào chống phá ấp chiến lược ở miền Tây Nam Bộ (1961-1965)
 
Quá trình phát triển của xã hội tiêu dùng Mỹ sau chiến tranh thế giới thứ hai
Quá trình phát triển của xã hội tiêu dùng Mỹ sau chiến tranh thế giới thứ haiQuá trình phát triển của xã hội tiêu dùng Mỹ sau chiến tranh thế giới thứ hai
Quá trình phát triển của xã hội tiêu dùng Mỹ sau chiến tranh thế giới thứ hai
 
Giáo trình giới và phát triển ts. thái thị ngọc dư 1193852
Giáo trình giới và phát triển ts. thái thị ngọc dư 1193852Giáo trình giới và phát triển ts. thái thị ngọc dư 1193852
Giáo trình giới và phát triển ts. thái thị ngọc dư 1193852
 
Luận văn: Giáo dục malaya từ năm 1816 đến năm 1957
Luận văn: Giáo dục malaya từ năm 1816 đến năm 1957Luận văn: Giáo dục malaya từ năm 1816 đến năm 1957
Luận văn: Giáo dục malaya từ năm 1816 đến năm 1957
 
Luận án: Các đàn miếu đại tự triều Nguyễn ở Huế (1802-1945)
Luận án: Các đàn miếu đại tự triều Nguyễn ở Huế (1802-1945)Luận án: Các đàn miếu đại tự triều Nguyễn ở Huế (1802-1945)
Luận án: Các đàn miếu đại tự triều Nguyễn ở Huế (1802-1945)
 
Phát triển năng lực trình bày của học sinh trong dạy học lịch sử việt nam ở T...
Phát triển năng lực trình bày của học sinh trong dạy học lịch sử việt nam ở T...Phát triển năng lực trình bày của học sinh trong dạy học lịch sử việt nam ở T...
Phát triển năng lực trình bày của học sinh trong dạy học lịch sử việt nam ở T...
 
Luận án: Phật giáo Quảng Nam thế kỉ XVII – XIX, HAY
Luận án: Phật giáo Quảng Nam thế kỉ XVII – XIX, HAYLuận án: Phật giáo Quảng Nam thế kỉ XVII – XIX, HAY
Luận án: Phật giáo Quảng Nam thế kỉ XVII – XIX, HAY
 
TƢ TƢỞNG NỮ QUYỀN VÀ BẢN SẮC DÂN TỘC TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA TÁC GIA AI CẬP YOU...
TƢ TƢỞNG NỮ QUYỀN VÀ BẢN SẮC DÂN TỘC TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA TÁC GIA AI CẬP YOU...TƢ TƢỞNG NỮ QUYỀN VÀ BẢN SẮC DÂN TỘC TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA TÁC GIA AI CẬP YOU...
TƢ TƢỞNG NỮ QUYỀN VÀ BẢN SẮC DÂN TỘC TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA TÁC GIA AI CẬP YOU...
 
Giao trinh van hoc trung dai Viet Nam. Tap 1.pdf
Giao trinh van hoc trung dai Viet Nam. Tap 1.pdfGiao trinh van hoc trung dai Viet Nam. Tap 1.pdf
Giao trinh van hoc trung dai Viet Nam. Tap 1.pdf
 
Luận án: Những yếu tố triết học trong tín ngưỡng dân gian, HAY
Luận án: Những yếu tố triết học trong tín ngưỡng dân gian, HAYLuận án: Những yếu tố triết học trong tín ngưỡng dân gian, HAY
Luận án: Những yếu tố triết học trong tín ngưỡng dân gian, HAY
 
Một số hình thức tổ chức các hoạt động nhằm đưa dân ca Đến với trẻ mẫu giáo t...
Một số hình thức tổ chức các hoạt động nhằm đưa dân ca Đến với trẻ mẫu giáo t...Một số hình thức tổ chức các hoạt động nhằm đưa dân ca Đến với trẻ mẫu giáo t...
Một số hình thức tổ chức các hoạt động nhằm đưa dân ca Đến với trẻ mẫu giáo t...
 
Hoạt động thương mại - truyền giáo của Bồ Đào Nha và Pháp ở Việt Nam
Hoạt động thương mại - truyền giáo của Bồ Đào Nha và Pháp ở Việt NamHoạt động thương mại - truyền giáo của Bồ Đào Nha và Pháp ở Việt Nam
Hoạt động thương mại - truyền giáo của Bồ Đào Nha và Pháp ở Việt Nam
 
Luận án: Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Bắc Trung Bộ, HAY
Luận án: Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Bắc Trung Bộ, HAYLuận án: Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Bắc Trung Bộ, HAY
Luận án: Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Bắc Trung Bộ, HAY
 
Luận văn: Quyền tự do tôn giáo của cá nhân tại Việt Nam hiện nay
Luận văn: Quyền tự do tôn giáo của cá nhân tại Việt Nam hiện nayLuận văn: Quyền tự do tôn giáo của cá nhân tại Việt Nam hiện nay
Luận văn: Quyền tự do tôn giáo của cá nhân tại Việt Nam hiện nay
 
Luận văn: Phong trào sinh viên, học sinh ở các đô thị miền Nam trong kháng ch...
Luận văn: Phong trào sinh viên, học sinh ở các đô thị miền Nam trong kháng ch...Luận văn: Phong trào sinh viên, học sinh ở các đô thị miền Nam trong kháng ch...
Luận văn: Phong trào sinh viên, học sinh ở các đô thị miền Nam trong kháng ch...
 
Phong trào sinh viên, học sinh ở các đô thị miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ
Phong trào sinh viên, học sinh ở các đô thị miền Nam trong kháng chiến chống MỹPhong trào sinh viên, học sinh ở các đô thị miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ
Phong trào sinh viên, học sinh ở các đô thị miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ
 
Luận án: Ảnh hưởng văn học dân gian trong truyện thiếu nhi, HAY
Luận án: Ảnh hưởng văn học dân gian trong truyện thiếu nhi, HAYLuận án: Ảnh hưởng văn học dân gian trong truyện thiếu nhi, HAY
Luận án: Ảnh hưởng văn học dân gian trong truyện thiếu nhi, HAY
 
Luận văn: Nghiên cứu hiện trạng và định hướng khai thác lễ hội truyền thống ...
Luận văn:  Nghiên cứu hiện trạng và định hướng khai thác lễ hội truyền thống ...Luận văn:  Nghiên cứu hiện trạng và định hướng khai thác lễ hội truyền thống ...
Luận văn: Nghiên cứu hiện trạng và định hướng khai thác lễ hội truyền thống ...
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620

Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620 (20)

Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 ĐiểmDanh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
 
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý TưởngDanh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
 

Recently uploaded

ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...Nguyen Thanh Tu Collection
 
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiệnBài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiệnpmtiendhti14a5hn
 
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfBỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfNguyen Thanh Tu Collection
 
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdfxemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdfXem Số Mệnh
 
Bài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhà
Bài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhàBài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhà
Bài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhàNguyen Thi Trang Nhung
 
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdfxemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdfXem Số Mệnh
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...Nguyen Thanh Tu Collection
 
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
các nội dung phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em
các nội dung phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ emcác nội dung phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em
các nội dung phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ emTrangNhung96
 
Kiến thức cơ bản về tư duy số - VTC Net Viet
Kiến thức cơ bản về tư duy số - VTC Net VietKiến thức cơ bản về tư duy số - VTC Net Viet
Kiến thức cơ bản về tư duy số - VTC Net VietNguyễn Quang Huy
 
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phương
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình PhươngGiáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phương
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phươnghazzthuan
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...ChuThNgnFEFPLHN
 
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIĐiện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 
Access: Chuong III Thiet ke truy van Query.ppt
Access: Chuong III Thiet ke truy van Query.pptAccess: Chuong III Thiet ke truy van Query.ppt
Access: Chuong III Thiet ke truy van Query.pptPhamThiThuThuy1
 
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...hoangtuansinh1
 
26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf
26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf
26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdfltbdieu
 
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoi
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoiC6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoi
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoidnghia2002
 

Recently uploaded (20)

ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
 
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
 
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiệnBài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
 
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfBỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
 
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdfxemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
 
Bài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhà
Bài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhàBài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhà
Bài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhà
 
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdfxemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
 
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
 
các nội dung phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em
các nội dung phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ emcác nội dung phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em
các nội dung phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em
 
Kiến thức cơ bản về tư duy số - VTC Net Viet
Kiến thức cơ bản về tư duy số - VTC Net VietKiến thức cơ bản về tư duy số - VTC Net Viet
Kiến thức cơ bản về tư duy số - VTC Net Viet
 
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phương
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình PhươngGiáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phương
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phương
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
 
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
 
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
 
Access: Chuong III Thiet ke truy van Query.ppt
Access: Chuong III Thiet ke truy van Query.pptAccess: Chuong III Thiet ke truy van Query.ppt
Access: Chuong III Thiet ke truy van Query.ppt
 
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
 
26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf
26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf
26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf
 
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoi
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoiC6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoi
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoi
 

Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY

  • 1. F ĐẠI HỌC HUẾ TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM NGUYỄN TRUNG TRIỀU ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ Ở KHÁNH HÒA TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ (1954 - 1975) LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ HUẾ, NĂM 2018
  • 2. i LỜI CAM ĐOAN ĐẠI HỌC HUẾ TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM NGUYỄN TRUNG TRIỀU ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ Ở KHÁNH HÒA TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ (1954 - 1975) Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam Mã số: 62 22 03 13 LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ Người hướng dẫn khoa học PGS. TS. LÊ CUNG TS. CHU ĐÌNH LỘC HUẾ, NĂM 2018
  • 3. ii LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi, tư liệu và kết quả nghiên cứu trong luận án là trung thực, chưa từng được công bố trong bất kỳ công trình nào khác. Tác giả luận án Nguyễn Trung Triều
  • 4. iii LỜI CẢM ƠN Chân thành cảm ơn Lãnh đạo Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang đã quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt để tôi được tham gia và hoàn thành khóa đào tạo Tiến sĩ (2014-2017). Trân trọng cảm ơn quý thầy cô giáo Khoa Lịch sử, Phòng Đào tạo Sau Đại học Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế và Ban Đào tạo Sau Đại học - Đại học Huế đã giúp đỡ tôi trong quá trình học tập và thực hiện luận án. Trân trọng cảm ơn Văn phòng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa, Chi cục Văn thư Lưu trữ tỉnh Khánh Hòa, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV và các nhân chứng đã hỗ trợ về mặt tư liệu để tôi hoàn thành luận án. Đặc biệt, tôi xin bày tỏ sự kính trọng, lòng biết ơn sâu sắc đối với PGS. TS. Lê Cung và TS. Chu Đình Lộc - những người thầy đã tận tình hướng dẫn tôi trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu. Cảm ơn gia đình, bạn bè và đồng nghiệp luôn động viên, giúp đỡ để tôi hoàn thành khóa học. Huế, tháng 5 năm 2018 Tác giả Nguyễn Trung Triều
  • 5. iv MỤC LỤC Trang Trang phụ bìa ...............................................................................................................i Lời cam đoan.............................................................................................................. ii Lời cảm ơn ................................................................................................................ iii Mục lục.......................................................................................................................iv Danh mục cụm từ viết tắt..........................................................................................vii MỞ ĐẦU ...................................................................................................................1 1. Lý do chọn đề tài .........................................................................................................1 2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ..............................................................................3 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu .............................................................................3 4. Nguồn tư liệu và phương pháp nghiên cứu ...............................................................4 5. Đóng góp của luận án ..................................................................................................5 6. Bố cục của luận án .......................................................................................................5 Chương 1. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU .............................................................6 1.1. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài ..............................................................6 1.1.1. Nhóm các công trình nghiên cứu về đấu tranh chính trị ở miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) ........................................................................6 1.1.2. Nhóm các công trình nghiên cứu về đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) ......................................................................15 1.2. Những vấn đề luận án kế thừa ...............................................................................21 1.3. Những vấn đề luận án cần tập trung nghiên cứu ..................................................22 Chương 2. ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ Ở KHÁNH HÒA TỪ NĂM 1954 ĐẾN NĂM 1965 ......................................................................................................24 2.1. Khái quát điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, truyền thống yêu nước và cách mạng của nhân dân Khánh Hòa trước năm 1954 ..............................................24 2.1.1. Điều kiện tự nhiên .........................................................................................24 2.1.2. Điều kiện kinh tế - xã hội ..............................................................................25 2.1.3. Truyền thống yêu nước và cách mạng của nhân dân Khánh Hòa trước 1954 29 2.2. Chính sách của Mỹ, chính quyền Sài Gòn ở Khánh Hòa và chủ trương đấu tranh chính trị của Đảng từ năm 1954 đến năm 1965 ......................32
  • 6. v 2.2.1. Chính sách của Mỹ, chính quyền Sài Gòn ở Khánh Hòa từ năm 1954 đến năm 1965 ....................................................................................................................32 2.2.2. Chủ trương của Đảng về đấu tranh chính trị từ năm 1954 đến năm 1965 .42 2.3. Nội dung đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa từ năm 1954 đến năm 1965 ...........48 2.3.1. Đòi thi hành Hiệp định Genève .................................................................... 48 2.3.2. Chống chính sách “tố Cộng” .........................................................................53 2.3.3. Phối hợp với lực lượng vũ trang tiến hành đồng khởi ở vùng rừng núi .....56 2.3.4. Chống phá ấp chiến lược ...............................................................................59 2.3.5. Đòi tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo ....................................................62 2.3.6. Chống độc tài, quân phiệt, đòi tự do và dân chủ .........................................70 2.3.7. Phối hợp với lực lượng vũ trang tiến hành đồng khởi ở vùng nông thôn đồng bằng ..........................................................................................................................78 Chương 3. ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ Ở KHÁNH HÒA TỪ NĂM 1965 ĐẾN NĂM 1975 ..................................................................................................... 82 3.1. Chính sách của Mỹ, chính quyền Sài Gòn ở Khánh Hòa và chủ trương đấu tranh chính trị của Đảng từ năm 1965 đến năm 1975 ......................82 3.1.1. Chính sách của Mỹ, chính quyền Sài Gòn ở Khánh Hòa từ năm 1965 đến năm 1975 ....................................................................................................................82 3.1.2. Chủ trương của Đảng về đấu tranh chính trị từ năm 1965 đến năm 1975 .94 3.2. Nội dung đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa từ năm 1965 đến năm 1975 ...........99 3.2.1. Đòi thành lập chính phủ dân sự ....................................................................99 3.2.2. Phối hợp với lực lượng vũ trang tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 ........................................................................................................108 3.2.3. Đòi dân chủ, dân sinh ..................................................................................112 3.2.4. Đòi thi hành Hiệp định Paris .......................................................................117 3.2.5. Phối hợp với lực lượng vũ trang tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 .......................................................................................................................121 Chương 4. TÍNH CHẤT, ĐẶC ĐIỂM VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ ....................125 4.1. Tính chất ...............................................................................................................125 4.1.1. Tính chất dân tộc ..........................................................................................125 4.1.2. Tính chất dân chủ, dân sinh .........................................................................128
  • 7. vi 4.2. Đặc điểm ...............................................................................................................130 4.2.1. Thu hút hầu hết các thành phần xã hội tham gia .......................................130 4.2.2. Hình thức, biện pháp đấu tranh phong phú, linh hoạt và quyết liệt ..........133 4.2.3. Tích cực hưởng ứng và phối hợp với các địa phương khác trong đấu tranh ................................................................................................................137 4.3. Ý nghĩa lịch sử ......................................................................................................138 4.3.1. Góp phần nâng cao giác ngộ chính trị đối với các tầng lớp nhân dân ......138 4.3.2. Làm rối loạn hậu phương và suy giảm thế lực của chính quyền Sài Gòn, tạo điều kiện cho phong trào cách mạng phát triển .......................................................143 4.3.3. Góp phần làm phong phú thêm những bài học kinh nghiệm đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc .............................................................................146 KẾT LUẬN ...........................................................................................................155 DANH MỤC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN NỘI DUNG LUẬN ÁN ĐÃ CÔNG BỐ ..............................................................159 TÀI LIỆU THAM KHẢO ...................................................................................160
  • 8. vii NHỮNG CỤM TỪ VIẾT TẮT ACL Ấp chiến lược CQSG Chính quyền Sài Gòn CSQG Cảnh sát Quốc gia ĐTCT Đấu tranh chính trị ĐTQS Đấu tranh quân sự LLCT Lực lượng chính trị LLVT Lực lượng vũ trang LTQG Lưu trữ Quốc gia THPG Tỉnh hội Phật giáo TNSVHS Thanh niên, sinh viên, học sinh TNTP Trung Nguyên Trung Phần VNCH Việt Nam Cộng hòa VTLT Văn thư lưu trữ
  • 9. 1 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), cùng với tấn công về quân sự, Đảng Cộng sản Việt Nam1 chủ trương tấn công Mỹ và chính quyền Sài Gòn (CQSG) cả về chính trị, coi đấu tranh chính trị (ĐTCT) là một hình thức đấu tranh cơ bản, có vai trò quyết định trong tất cả các giai đoạn phát triển của cách mạng miền Nam, là “ưu thế tuyệt đối và vũ khí lớn của ta, có tác dụng như đấu tranh vũ trang (ĐTVT)” [33, tr. 824]. Thực hiện chủ trương đó, từ năm 1954 đến năm 1975, ĐTCT đã diễn ra liên tục và rộng khắp ở miền Nam, trở thành nét độc đáo của nghệ thuật chiến tranh cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, vấn đề ĐTCT vẫn chưa được quan tâm đầu tư nghiên cứu đúng mức, chưa tương xứng với vị trí của nó trong thế “hai chân, ba mũi” đã được thực tiễn khẳng định. Do đó, việc nghiên cứu, tìm hiểu về ĐTCT giúp chúng ta có cái nhìn đầy đủ hơn về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) với tính chất là một cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện. Khánh Hòa là tỉnh có lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên. Thời kỳ 1954- 1975, Mỹ và CQSG đã xây dựng tại đây nhiều căn cứ quân sự quy mô, hiện đại, nổi bật là khu liên hợp hải - lục - không quân Cam Ranh. Bên cạnh đó, Khánh Hòa còn là địa bàn được Mỹ và CQSG lựa chọn để đặt các cơ quan chỉ huy, trung tâm huấn luyện quân đội, trường đào tạo sĩ quan2 . Để vận hành cũng như bảo vệ hệ thống cơ sở phục vụ chiến tranh này, Mỹ và CQSG đã sử dụng một lực lượng quân đội, cảnh sát hùng hậu; đồng thời, công tác an ninh, bộ máy kìm kẹp được đặc biệt coi trọng. Trong điều kiện như vậy, nhưng từ năm 1954 đến năm 1975, nhân dân Khánh Hòa vẫn liên tục ĐTCT bằng nhiều hình thức, thu hút hầu hết các thành phần xã hội tham gia và đạt được những kết quả đáng được lịch sử ghi nhận, nổi bật là phong trào đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève; chống chính sách “tố 1 . Từ năm 1951 đến năm 1976, tên gọi là Đảng Lao động Việt Nam. 2 . Các cơ quan chỉ huy: Bộ Tư lệnh Vùng II Chiến thuật, Bộ Tư lệnh Vùng II Duyên hải, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 2 Không quân, Bộ Chỉ huy Tiếp vận 5...; các Trung tâm huấn luyện: Trung tâm Huấn luyện Biệt động quân Dục Mỹ - Ninh Hòa, Trung tâm Huấn luyện Hải quân Cam Ranh, Trung tâm Huấn luyện Không quân Nha Trang...; các trường đào tạo sĩ quan: Trường Hạ sĩ quan Quân lực VNCH (Quân trường Đồng Đế), Trường Sĩ quan Hải quân Nha Trang;...
  • 10. 2 Cộng”; chống phá ấp chiến lược (ACL); đòi tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo; chống độc tài, quân phiệt, đòi tự do và dân chủ; đòi thành lập chính phủ dân sự; đòi thi hành Hiệp định Paris; phối hợp với LLVT tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 và Xuân 1975;... ĐTCT của nhân dân Khánh Hòa đã góp phần làm thất bại các chiến lược chiến tranh thực dân mới của Mỹ tiến hành ở địa phương cũng như ở miền Nam. Qua tìm hiểu cho thấy, ĐTCT trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) ở các địa bàn như Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Tây Nguyên, Sài Gòn,... đã được triển khai nghiên cứu ở những mức độ khác nhau; trong khi đó, đối với Khánh Hòa, cho đến nay chủ đề ĐTCT chỉ được đề cập vắn tắt và rải rác trong các công trình lịch sử Đảng bộ, lịch sử các tổ chức chính trị - xã hội của địa phương. Vì vậy, nghiên cứu ĐTCT ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) vừa có ý nghĩa khoa học vừa có ý nghĩa thực tiễn: Về ý nghĩa khoa học, luận án làm rõ các nhân tố ảnh hưởng đến ĐTCT và diễn biến, tính chất, đặc điểm, ý nghĩa lịch sử của ĐTCT ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975). Qua đó, giúp nhận thức rõ hơn về truyền thống yêu nước, cách mạng của nhân dân Khánh Hòa; bản chất thực dân mới của các chính sách, biện pháp do Mỹ và CQSG triển khai tại Khánh Hòa; sự nhạy bén trong chủ trương lãnh đạo ĐTCT của Đảng; sự đa dạng, linh hoạt, quyết liệt về hình thức của ĐTCT ở Khánh Hòa; sự hưởng ứng, phối hợp của Khánh Hòa với địa phương khác trong ĐTCT; kết quả của ĐTCT ở Khánh Hòa thời kỳ 1954-1975;... Không những thế, luận án còn cung cấp những cứ liệu để nhận thức đầy đủ hơn về phương châm “hai chân, ba mũi” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở Khánh Hòa nói riêng và miền Nam nói chung. Về ý nghĩa thực tiễn, luận án cung cấp thêm nguồn tư liệu về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Khánh Hòa phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy lịch sử địa phương, góp phần nâng cao niềm tự hào về truyền thống của quê hương và giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ Khánh Hòa. Hơn nữa, những bài học kinh nghiệm được rút ra trong luận án góp phần phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn Khánh Hòa hiện nay.
  • 11. 3 Xuất phát từ những lý do trên, chúng tôi chọn vấn đề “Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975)” làm đề tài luận án Tiến sĩ chuyên ngành Lịch sử Việt Nam. 2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận án là ĐTCT ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975); trong đó, tập trung nghiên cứu nguyên nhân, diễn biến, mục tiêu, lực lượng, hình thức, biện pháp, kết quả các phong trào tiêu biểu cũng như tính chất, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử của ĐTCT trên địa bàn Khánh Hòa từ năm 1954 đến năm 1975. Phạm vi nghiên cứu Về nội dung, ĐTCT được đề cập trong luận án được hiểu theo nghĩa để phân biệt với ĐTVT, tức là đấu tranh của quần chúng nhân dân không sử dụng vũ khí quân dụng nhằm đòi các mục tiêu về dân tộc, dân chủ, dân sinh. Về không gian, luận án nghiên cứu ĐTCT trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, gồm các đơn vị hành chính cấp huyện: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang, Diên Khánh, Cam Lâm, Cam Ranh, Khánh Vĩnh và Khánh Sơn; trong đó, tập trung nghiên cứu địa bàn Nha Trang - nơi được coi là trung tâm của ĐTCT ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975). Về thời gian, luận án giới hạn thời gian nghiên cứu từ năm 1954 đến năm 1975, cụ thể là từ khi Hiệp định Genève được ký kết (21-7-1954) đến ngày Khánh Hòa được giải phóng (2-4-1975). Tuy nhiên, để làm rõ hơn nhân tố ảnh hưởng đến ĐTCT, khung thời gian của luận án được lùi về trước năm 1954 khi trình bày nội dung truyền thống yêu nước và cách mạng của nhân dân Khánh Hòa. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu Mục đích nghiên cứu Tái hiện có hệ thống quá trình ĐTCT, góp phần nhận thức đầy đủ hơn về cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) của quân và dân Khánh Hòa. Qua đó, bổ sung tư liệu cho công tác nghiên cứu, giảng dạy lịch sử địa phương; cung cấp luận cứ khoa học nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống cách mạng, vận động quần chúng và phát huy sức mạnh nhân dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa trong giai đoạn hiện nay.
  • 12. 4 Nhiệm vụ nghiên cứu Làm rõ điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của Khánh Hòa, nhất là chính sách của Mỹ và CQSG đối với Khánh Hòa từ năm 1954 đến năm 1975 có ảnh hưởng đến ĐTCT. Trình bày đường lối, chủ trương của Trung ương Đảng, Liên Khu ủy V và Tỉnh ủy Khánh Hòa chỉ đạo ĐTCT trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975). Trình bày diễn biến ĐTCT ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) qua các phong trào tiêu biểu dựa theo mục tiêu và đối tượng đấu tranh. Làm rõ tính chất, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử của ĐTCT ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975). 4. Nguồn tư liệu và phương pháp nghiên cứu Nguồn tư liệu Nguồn tư liệu đã công bố như văn kiện, công trình tổng kết của Đảng, Nhà nước, tác phẩm của các vị lãnh đạo viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) có đề cập đến ĐTCT; công trình, bài viết của các nhà nghiên cứu về ĐTCT trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975); lịch sử Đảng bộ, lịch sử Hội Nông dân, lịch sử Hội Liên hiệp Phụ nữ, lịch sử Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Khánh Hòa và các huyện, thị, thành phố trực thuộc; một số công trình nước ngoài viết về “chiến tranh Việt Nam” liên quan tới đề tài. Nguồn tư liệu tại kho lưu trữ thuộc Văn phòng và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa; Trung tâm Lưu trữ Lịch sử thuộc Chi cục Văn thư Lưu trữ - Sở Nội vụ tỉnh Khánh Hòa; Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II (Thành phố Hồ Chí Minh); Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (Đà Lạt). Ngoài ra, một nguồn tư liệu hết sức quan trọng trong nghiên cứu lịch sử địa phương được tác giả chú ý khai thác là di tích lịch sử, bảo tàng, đặc biệt là trao đổi, phỏng vấn các nhân chứng lịch sử. Phương pháp nghiên cứu Trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh, để thực hiện luận án, tác giả chủ yếu sử dụng phương pháp lịch sử kết hợp với phương pháp logic. Ngoài ra, tác giả còn sử dụng các phương pháp nghiên cứu cụ thể khác như sưu tầm và xử
  • 13. 5 lý tư liệu (thành văn, điền dã, phỏng vấn nhân chứng), phân tích, tổng hợp, thống kê, so sánh,... 5. Đóng góp của luận án Một là, trên cơ sở trình bày, phân tích điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; chính sách của Mỹ, CQSG đối với Khánh Hòa; đường lối chỉ đạo ĐTCT của Trung ương Đảng, Liên Khu ủy V và Tỉnh ủy Khánh Hòa, luận án làm rõ sự ảnh hưởng của những nhân tố trên đối với ĐTCT ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975). Hai là, luận án tái hiện khách quan và có hệ thống diễn biến ĐTCT ở Khánh Hòa từ năm 1954 đến năm 1975, trong đó thể hiện rõ mục tiêu, lực lượng, thành phần, hình thức, kết quả,... của từng phong trào. Ba là, luận án phân tích, chứng minh làm nổi bật tính chất, đặc điểm của ĐTCT ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975); đồng thời, làm rõ ý nghĩa, rút ra những bài học kinh nghiệm phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa trong giai đoạn hiện nay. Bốn là, trên cơ sở xử lý khối lượng lớn tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên được công bố, luận án góp phần giúp nhận thức đầy đủ hơn về ĐTCT ở Khánh Hòa nói riêng và miền Nam nói chung; cung cấp nguồn tư liệu tham khảo phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy lịch sử địa phương cũng như giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương Khánh Hòa. 6. Bố cục của luận án Ngoài phần mở đầu (5 trang), kết luận (4 trang), tài liệu tham khảo (27 trang) và phụ lục (41 trang), nội dung luận án (150 trang) gồm 4 chương: Chương 1. Tổng quan nghiên cứu (19 trang) Chương 2. Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa từ năm 1954 đến năm 1965 (58 trang) Chương 3. Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa từ năm 1965 đến năm 1975 (43 trang) Chương 4. Tính chất, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử (30 trang)
  • 14. 6 Chương 1 TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU 1.1. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài ĐTCT trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) ở miền Nam nói chung, Khánh Hòa nói riêng tuy chưa được nghiên cứu đầy đủ, toàn diện như ĐTQS nhưng cũng đã được đề cập ở nhiều công trình. Tựu trung, các công trình liên quan đến đề tài luận án có thể phân thành hai nhóm chính: 1.1.1. Nhóm các công trình nghiên cứu về đấu tranh chính trị ở miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) Lê Duẩn (1976), Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành thắng lợi mới, Nhà xuất bản (NXB) Sự thật, Hà Nội. Công trình phân tích những vấn đề lý luận cơ bản về chiến tranh nhân dân và tổng kết kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lãnh đạo cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, trong đó có kinh nghiệm chỉ đạo ĐTCT. Về phương pháp cách mạng, Tổng Bí thư Lê Duẩn khẳng định: “Khái quát chung lại, có thể nói bạo lực cách mạng phải dựa vào hai lực lượng: Lực lượng quân sự, lực lượng chính trị, và bao gồm hai hình thức đấu tranh: ĐTQS, ĐTCT và sự kết hợp giữa hai hình thức ấy” [28, tr. 51]. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Khoa Lịch sử Đảng (1993), Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (2 tập), NXB CTQG, Hà Nội. Cùng với trình bày đường lối lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), công trình phân tích âm mưu, biện pháp của Mỹ và CQSG đối với miền Nam; điểm một số phong trào ĐTCT tiêu biểu như phong trào đòi thi hành Hiệp định Genève (1954-1956); Đồng khởi (1959-1960); phá ACL (1961-1963); đòi tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo (1963); chống “Hiến chương Vũng Tàu” (1964); chống chính quyền quân phiệt Nguyễn Văn Thiệu - Nguyễn Cao Kỳ (1966);... Trong phần bài học kinh nghiệm, công trình đánh giá cao vai trò của ĐTCT đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: “Phong trào ĐTCT của đông đảo quần chúng có sức tiến công và tạo ra thế uy hiếp địch rất to lớn; các đoàn thể quần chúng cách mạng thực sự là những đội quân ĐTCT chống
  • 15. 7 địch ở khắp nông thôn và thành thị”; coi “thường xuyên chú trọng việc xây dựng LLCT” là bài học lớn trong công tác chỉ đạo cách mạng của Đảng ở miền Nam thời kỳ 1954-1975 [58, tr. 145]. Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị (1995), Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ - Thắng lợi và bài học, NXB CTQG, Hà Nội. Công trình đề cập những vấn đề lý luận về ĐTCT trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) như cơ sở, vai trò, hình thức, nghệ thuật tiến hành và mối quan hệ với ĐTQS,... Trong đó, về vai trò của ĐTCT, công trình khẳng định: “ĐTCT của quần chúng cũng là một hình thức đấu tranh cơ bản có tác dụng quyết định trong tất cả các giai đoạn phát triển của cách mạng miền Nam và đối với thắng lợi của cuộc chống Mỹ, cứu nước” [4, tr. 153]; về sự kết hợp giữa ĐTCT với ĐTQS, công trình tổng kết: “Kết hợp hai mặt ĐTQS và ĐTCT là vấn đề cơ bản có tính quy luật trong phương pháp cách mạng miền Nam, đồng thời là đặc điểm nổi bật tạo nên sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân Việt Nam chống chiến tranh xâm lược thực dân mới của đế quốc Mỹ” [4, tr. 154]. Bộ Tư lệnh Quân Khu V - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (1999), Một số kinh nghiệm chỉ đạo chiến tranh nhân dân địa phương ở Khu V trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), NXB Quân đội Nhân dân (QĐND), Hà Nội. Công trình đề cập điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội có ảnh hưởng đến ĐTCT cùng một số phong trào ĐTCT nổi bật như phong trào đòi tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo năm 1963, phong trào chống độc tài, quân phiệt Nguyễn Khánh - Trần Văn Hương những năm 1964-1965, phong trào chống chính quyền quân phiệt Nguyễn Văn Thiệu - Nguyễn Cao Kỳ năm 1966 ở địa bàn Đà Nẵng, Tam Kỳ, Đà Lạt;... cùng với đó, chủ trương chỉ đạo ĐTCT của Liên Khu ủy V và kinh nghiệm ĐTCT của nhân dân Khu V cũng được tổng kết khá rõ. Viện Lịch sử Đảng (2002), Khu VI kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), NXB CTQG, Hà Nội. Công trình phân tích vị trí chiến lược của Khu VI và trình bày quá trình đấu tranh chống Mỹ của quân dân các tỉnh trên địa bàn như Khánh Hòa3 , Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Lâm Đồng. Với vai trò là một trong “ba mũi giáp công”, ĐTCT được công trình đề cập qua các phong trào tiêu biểu như đòi thi hành 3 . Khánh Hòa được đề cập trong giai đoạn 1954-1963, từ cuối năm 1963 trở về sau, Khánh Hòa thuộc Liên Khu V.
  • 16. 8 Hiệp định Genève 1954, đồng khởi ở vùng miền núi 1959-1960, phá ACL 1963, chống độc tài Mỹ - Khánh, đòi dân chủ thực sự 1964, chống Mỹ, Thiệu - Kỳ 1966... Ở phần kết luận, công trình khẳng định, trong quá trình kháng chiến, các cấp ủy Đảng của Khu VI rất coi trọng mũi ĐTCT, nhất là khâu “xây dựng nòng cốt, phát động quần chúng, đối với vùng yếu, vùng trắng, dùng phương thức đội vũ trang công tác để mở phong trào, kết hợp với vận dụng các khả năng công khai hợp pháp” [304, tr. 302]. Võ Nguyên Giáp (2006), Tổng tập luận văn, NXB QĐND, Hà Nội. Công trình tập hợp các bài viết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về quân sự, chính trị, chiến tranh nhân dân,... Qua đó, nhiều vấn đề lý luận về ĐTCT, mối quan hệ giữa ĐTCT với ĐTQS đã được phân tích làm rõ. Cũng trong công trình này, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp đưa ra định nghĩa về ĐTCT: “ĐTCT ở đây nói theo nghĩa hẹp để phân biệt với ĐTVT, nghĩa là các hình thức đấu tranh của đông đảo quần chúng nhân dân không cầm vũ khí như bãi công, bãi chợ, bãi khóa, mít tinh, biểu tình, thị uy,... Dựa vào sức mạnh của chính nghĩa và lực lượng đoàn kết, có tổ chức của đông đảo quần chúng, các cuộc đấu tranh này thông thường được tiến hành trong điều kiện hợp pháp, nửa hợp pháp hoặc biến thế bất hợp pháp thành thế hợp pháp cách mạng, nhằm đạt mục đích nhất định về chính trị, kinh tế, văn hóa hoặc có khi cả về quân sự” [48, tr. 1060]. Trần Văn Giàu (2006), Tổng tập, NXB QĐND, Hà Nội. Bộ sách gồm hai phần: Phần thứ nhất - “Chống xâm lăng” phản ánh cuộc kháng chiến chống Pháp đầy bi hùng của dân tộc; phần thứ hai - “Miền Nam giữ vững thành đồng” là bức tranh toàn cảnh về cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta (1954-1975). Trong phần thứ hai, tác giả đề cập đến các phong trào ĐTCT tiêu biểu của nhân dân miền Nam như phong trào chống độc tài, chống khủng bố, đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất nước nhà những năm 1954-1956; phong trào Đồng khởi những năm 1959-1960; phong trào đòi tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo năm 1963; phong trào chống Mỹ, chống Nguyễn Văn Thiệu - Nguyễn Cao Kỳ những năm 1965-1968;... Bên cạnh đó, tác giả phân tích đặc điểm đời sống kinh tế, xã hội ở đô thị miền Nam từ khi Mỹ thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ” (1965); coi chính sách thực dân mới của Mỹ là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bùng phát các phong trào ĐTCT, bởi “sự có mặt quân viễn chinh Mỹ ở miền Nam là một sự
  • 17. 9 xâm phạm thô bạo chủ quyền độc lập của nhân dân ta, nó kích động mạnh mẽ tinh thần dân tộc của mọi tầng lớp nhân dân, kể cả binh sĩ và nhân viên ngụy quyền” [49, tr. 1733]. Lê Cung (2008), Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963, in lần thứ tư, NXB Thuận Hóa, Huế. Có thể nói, “đây là tác phẩm đầu tiên nghiên cứu có hệ thống và hoàn chỉnh về phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963” [21, tr. 3], trong đó thể hiện nguyên nhân, diễn biến và ý nghĩa của phong trào đối với Phật giáo miền Nam cũng như đối với cách mạng miền Nam. Không những thế, những sử liệu và kiến giải của tác giả là cơ sở quan trọng giúp việc tìm hiểu, nghiên cứu về phong trào Phật giáo năm 1963 trên từng địa bàn cụ thể ở miền Nam thuận lợi hơn. Trần Bá Đệ (Chủ biên) - Lê Cung (2010), Lịch sử Việt Nam tập VII, từ 1954 đến 1975, in lần thứ hai, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội. Đây là một trong số ít giáo trình đã dành dung lượng khá lớn để trình bày về những vấn đề liên quan đến ĐTCT trong thời kỳ 1954-1975 như chính sách của Mỹ và CQSG ở miền Nam; diễn biến các phong trào ĐTCT nổi bật ở Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Sài Gòn...; vai trò, ý nghĩa của ĐTCT đối với cách mạng miền Nam. Đặc biệt, trong công trình này, phong trào chống Mỹ, Ngô Đình Diệm cưỡng ép đồng bào di cư những năm 1954-1955, phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963, phong trào đấu tranh ở vùng đối phương tạm chiếm những năm 1965-1966 được nghiên cứu khá đầy đủ, đồng thời được bố cục lại cho phù hợp với logic và đúng với vị trí của nó trong lịch sử. Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (2013), Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) (9 tập), NXB CTQG, Hà Nội. Công trình phản ánh một cách toàn diện và sinh động về nguyên nhân, diễn biến cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) qua từng giai đoạn và các bước ngoặt quan trọng. Về ĐTCT, công trình đề cập đến các phong trào tiêu biểu của nhân dân miền Nam, từ phong trào đòi thi hành Hiệp định Genève, bảo vệ hòa bình (1954-1956), chống “tố Cộng” (1955-1959),... đến những phong trào bùng phát vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến như đòi thi hành Hiệp định Paris 1973, hoạt động của Lực lượng thứ ba,... Ngoài ra, ở tập 9 - “Tính chất, đặc điểm, tầm vóc và bài học lịch sử”, công trình khẳng định vai trò to lớn của ĐTCT: “ĐTCT đã được nâng lên
  • 18. 10 thành một nghệ thuật trong việc chống chính sách xâm lược thực dân mới của đế quốc Mỹ. Khi khởi nghĩa từng phần phát triển thành chiến tranh cách mạng, chiến tranh và khởi nghĩa gắn quyện vào nhau thì ĐTCT mà hình thức cao là sự nổi dậy của quần chúng luôn luôn kết hợp chặt chẽ và nhịp nhàng với ĐTQS, tạo thế và trợ giúp đắc lực cho ĐTQS” [15, tr. 242]. Lê Cung (2013), 50 năm nhìn lại phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam (1963-2013), NXB Đại học Huế. Cùng với các bài viết về sức mạnh truyền thống của Phật giáo, công trình tập hợp những bài nghiên cứu chuyên sâu về chủ đề “phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963” nhìn từ truyền thống đến hiện đại. Hơn thế nữa, qua một số bài viết như “Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam với phong trào Phật giáo năm 1963”, “Sự hậu thuẫn của miền Bắc đối với phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963”, “Vai trò của quần chúng nhân dân trong phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963”,... công trình còn cung cấp cái nhìn toàn diện về phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 với tư cách là một cuộc vận động mang tính dân tộc. Lê Cung (2014), Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam (1964-1968), NXB Thuận Hóa. Đây được xem như là một sự tiếp nối công trình “Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963”. Trong công trình này, tác giả trình bày phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam những năm 1964-1968 qua ba giai đoạn: Giai đoạn từ sau cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm (1-11-1963) đến trước ngày chế độ quân phiệt Nguyễn Văn Thiệu - Nguyễn Cao Kỳ được thành lập (19-6-1965); giai đoạn từ khi chế độ quân phiệt Nguyễn Văn Thiệu - Nguyễn Cao Kỳ được thành lập (19-6-1965) đến sự kiện “Bàn Phật xuống đường” kết thúc (21-6-1966); giai đoạn từ sự kiện “Bàn Phật xuống đường” kết thúc (21-6-1966) đến sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân (1968). Ngoài ra, công trình cũng làm rõ tính chất, đặc điểm và ý nghĩa của phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam giai đoạn 1964-1968. Lê Cung (Chủ biên), (2015), Về phong trào đô thị miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), NXB Tổng hợp TP HCM. Khai thác nguồn tư liệu có giá trị từ hai phía, tiếp cận ở nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau, công trình phản ánh khá chi tiết về nguyên nhân, mục tiêu, lực lượng, diễn biến, tính chất, đặc
  • 19. 11 điểm,... phong trào đô thị miền Nam, nhất là ở Huế, Đà Nẵng và Sài Gòn - Gia Định trong suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ. Trong số đó, bài “Phong trào đô thị miền Nam trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước (1954-1975)” của tác giả Lê Cung đã làm rõ vai trò phong trào đô thị miền Nam trong từng giai đoạn của cuộc kháng chiến chống Mỹ được thể hiện qua các phong trào tiêu biểu như phong trào hòa bình những năm 1954-1956, phong trào Phật giáo năm 1963, phong trào đô thị năm 1966, phong trào sinh viên, học sinh năm 1970, phong trào đòi thi hành Hiệp định Paris 1973,... Trên cơ sở đó, tác giả có những nhận xét xác đáng về phong trào đô thị miền Nam: “Mục tiêu xuyên suốt là độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; đã tập hợp hầu hết các giai tầng xã hội ở các đô thị” - tác giả khẳng định đây là một “sự hội tụ dân tộc”; “là cuộc đụng đầu trực tiếp của nhân dân đô thị miền Nam với Mỹ và CQSG bằng trí thông minh và lòng dũng cảm, trong tay không có vũ khí; chiến thắng trên chiến trường không thể tách rời với ĐTCT” [24, tr. 74-75]. Trần Hoài, Lê Cung, Lê Văn Thuyên, Nguyễn Duy Hiền, Nguyễn Xuân Hoa (2015), Lịch sử phong trào đô thị Huế 1954-1975, NXB Trẻ, TP HCM. Sử dụng nguồn tư liệu từ nhiều phía, đặc biệt là tư liệu lưu trữ của cả chính quyền cách mạng và CQSG, có thể nói, đây là cuốn sách mới nhất trình bày tương đối đầy đủ, trọn vẹn phong trào ĐTCT theo dòng lịch sử từ năm 1954 đến năm 1975 của Huế - một đô thị lớn với nhiều phong trào ĐTCT mạnh mẽ và có ảnh hưởng đối với phong trào đô thị miền Nam, trong đó có Nha Trang - Khánh Hòa. Viện Sử học (2017), Lịch sử Việt Nam, (tái bản lần thứ nhất) NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội. Bộ sách gồm 15 tập, trình bày lịch sử Việt Nam từ khởi thủy đến năm 2000, trong đó, phần lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được trình bày khá toàn diện ở Tập 12 (từ năm 1954 đến năm 1965) và Tập 13 (từ năm 1965 đến năm 1975). Về ĐTCT thời kỳ 1954-1975, tập thể tác giả đã khái quát chủ trương chỉ đạo của Đảng qua các giai đoạn trên cơ sơ phân tích âm mưu, chính sách của CQSG đối với miền Nam; đồng thời, điểm một số phong trào ĐTCT tiêu biểu của nhân dân miền Nam như đòi thi hành Hiệp định Genève (1954-1956), chống “tố Cộng” (1957-1958), Đồng khởi ở miền Trung và Nam Bộ (1959-1960), chống phá ACL (1962-1964), chống Hiến chương Vũng Tàu (1964), chống Mỹ và chế độ quân phiệt Sài Gòn (1966), chống bình định ở nông thôn, đòi dân chủ, hòa bình ở
  • 20. 12 đô thị (1970), chống Nguyễn Văn Thiệu độc tài, tham nhũng (1974),... Ngoài các công trình trên, nghiên cứu về ĐTCT ở miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) còn được thể hiện trong một số luận án Tiến sĩ: Trần Thị Lan (2014), Đấu tranh chính trị ở Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ từ năm 1961 đến năm 1968, Luận án Tiến sĩ, Trường ĐHSP - Đại học Huế. Luận án tập trung phân tích những yếu tố tác động đến ĐTCT; tái hiện quá trình ĐTCT ở đô thị, nông thôn các tỉnh Tây Nguyên từ 1961 đến 1968, trên cơ sở đó, làm rõ vai trò, đặc điểm và rút ra một số bài học kinh nghiệm phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn Tây Nguyên hiện nay. Nguyễn Thị Thanh Huyền (2016), Phong trào công nhân ở các đô thị miền Nam Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ từ năm 1954 đến năm 1965, Luận án Tiến sĩ, Trường ĐHSP - Đại học Huế. Luận án nghiên cứu phong trào công nhân các đô thị lớn ở miền Nam như Sài Gòn, Biên Hòa, Đà Nẵng, Huế. Trên cơ sở tái hiện diễn biến phong trào, luận án làm rõ tính chất, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử của phong trào công nhân miền Nam những năm 1954-1965. Về bài nghiên cứu được công bố trên các tạp chí và kỷ yếu hội thảo khoa học, có thể kể đến Quỳnh Cư (1980), “Tìm hiểu về ‘đội quân chính trị’ của quần chúng trong cách mạng miền Nam (1954-1975)”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 3. Sau khi sơ lược quá trình phát triển qua 21 năm đấu tranh chống Mỹ (1954-1975), tác giả chỉ rõ đặc điểm và vai trò của “đội quân chính trị”. Về đặc điểm, “là một đội quân dũng cảm và mưu trí; một tổ chức chặt chẽ như những đội quân vũ trang; vừa chống địch tại chỗ vừa tràn vào thành thị tấn công trực diện với địch”. Về vai trò, “là lực lượng nòng cốt trong phong trào ĐTCT; đóng vai trò quan trọng trong phong trào nổi dậy của quần chúng; hỗ trợ và tạo điều kiện cho LLVT đánh địch” [26]. Nguyễn Thị Định (1985), “Đấu tranh chính trị - Một hình thức đấu tranh cơ bản, một mũi tiến công sắc bén của cách mạng và chiến tranh cách mạng miền Nam”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Nghiên cứu một số văn kiện của Đảng về chống Mỹ, cứu nước” của Viện Mác - Lênin. Tham luận khẳng định “ĐTCT của nhân dân miền Nam, đặc biệt là của ‘đội quân tóc dài’ là vấn đề thuộc về phương pháp cách mạng đã được nâng lên thành nghệ thuật; ĐTCT không chỉ là cơ sở
  • 21. 13 của ĐTVT, hỗ trợ cho ĐTVT, mà còn là hình thức đấu tranh cơ bản, sắc bén tấn công trực diện kẻ thù” [45]. Vũ Thị Thúy Hiền (2000), “Phụ nữ miền Nam tham gia đấu tranh chính trị chống chiến lược ‘Chiến tranh đặc biệt’ của đế quốc Mỹ (1961-1965)”, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 7. Cùng với phân tích âm mưu, biện pháp của Mỹ và CQSG đối với miền Nam trong “Chiến tranh đặc biệt”, coi đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến bùng nổ các phong trào ĐTCT, bài viết làm rõ vai trò chính trị của phụ nữ miền Nam trong phong trào đấu tranh chống phá ACL; phong trào đòi dân sinh, dân chủ, cải thiện đời sống; phong trào tố cáo tội ác của Mỹ và CQSG những năm 1961-1965 [52]. Trần Bạch Đằng (2005), “Chung một bóng cờ”, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 12. Bài viết khẳng định, kết hợp bốn hình thức đấu tranh: Chính trị, vũ trang, binh vận, ngoại giao tạo nên sức mạnh tổng hợp là vấn đề thuộc về phương châm chiến lược và phương pháp cách mạng; có lúc hình thức này giữ vai trò chủ yếu, hình thức khác hỗ trợ, song về cơ bản, phong trào cách mạng miền Nam là phong trào chính trị theo nghĩa rộng, là cuộc đấu tranh của đông đảo quần chúng. Đặc biệt, bài viết chỉ ra những hệ quả ngoài ý muốn của Mỹ và CQSG khi chủ trương lùa dân vào các khu tập trung, thị trấn, ven trục lộ, quanh đồn bốt để dễ kiểm soát, bóc lột và bắt lính. Hệ quả đó là: “Tập trung đông người nảy sinh những vấn đề xã hội, kinh tế, tạo ra mâu thuẫn từng giờ, từng phút giữa bộ máy cầm quyền với nhân dân từ cái ăn, cái mặc, cái ở, học hành, sản xuất…; tạo điều kiện cho một số người trước đây chỉ hiểu Mỹ và CQSG từ xa, còn mơ hồ, nay hằng ngày tận mắt nhận rõ các tồi tệ; tạo cơ hội cho dân tiếp xúc với nhau dễ dàng hơn, thông tin nhanh hơn, liên kết đấu tranh thuận tiện hơn” [43]. Theo tác giả, “điều này có nghĩa là Mỹ và CQSG đã ‘mời’ cách mạng đến sát mình. Đây chính là điều kiện quan trọng để ĐTCT bùng nổ” [43]. Trịnh Thị Hồng Hạnh (2010), “Đấu tranh chính trị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 6. Trên cơ sở nghiên cứu các phong trào ĐTCT tiêu biểu ở miền Nam, bài viết kết luận: “ĐTCT đã thu hút, lôi cuốn đông đảo người dân Việt Nam, nhân dân Mỹ yêu chuộng hòa bình và nhân loại tiến bộ trên thế giới. Vì lẽ đó, ĐTCT không những giác ngộ quần
  • 22. 14 chúng trong nước trở thành lực lượng cách mạng, mà còn giúp nhân dân Mỹ và thế giới hiểu hơn về cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân ta, qua đó mở rộng mặt trận đoàn kết, đẩy mạnh đấu tranh góp phần đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng” [50]. Nhìn chung, các công trình nêu trên dù được trình bày dưới dạng tổng kết, lịch sử, luận án, tham luận hội thảo hay bài báo khoa học,... ở những mức độ, khía cạnh khác nhau đã làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến lý luận và thực tiễn của ĐTCT ở miền Nam, nhất là ở đô thị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975). Không chỉ trong nước, ở ngoài nước cũng xuất bản các công trình phản ánh về “chiến tranh Việt Nam” - theo cách gọi của họ, có đề cập đến ĐTCT, tiêu biểu như: Gabrien Kolko (1991), Giải phẫu một cuộc chiến tranh, NXB QĐND, Hà Nội; Robert S. McNamara (1995), Nhìn lại quá khứ - tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam, NXB CTQG, Hà Nội; Douglas Ramit (2004), Làn gió mát từ thành phố Hồ Chí Minh, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội,... Ở các công trình này, ĐTCT chủ yếu được đề cập như một nhân tố quan trọng để giải thích cho sự thất bại của Mỹ trong cuộc “chiến tranh Việt Nam”. Chẳng hạn, Gabrien Kolko khẳng định: “Họ tiến hành một cuộc chiến bằng chính trị”, và “sự thật là không phải quân đội mà chính nhân dân đã thắng trong cuộc chiến tranh, nhưng làm sao có thể tách đôi? Nhân dân là quân đội, tất cả đều là chiến sĩ” [46, tr. 179]; Robert S. McNamara thừa nhận: “Chúng ta đã không nhận ra được những hạn chế của các thiết bị quân sự kỹ thuật cao và hiện đại, lực lượng quân sự và học thuyết quân sự trong khi đối đầu với những phong trào nhân dân được thúc đẩy cao và không bình thường” [137, tr. 322]; Douglas Ramit cũng cho rằng: “Việt Nam chiến thắng vì họ mạnh về chính trị” [27, tr. 71];... Mặc dù được viết với vị thế, động cơ, quan điểm khác nhau, đôi khi đối lập với quan điểm, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam, song các công trình này có những nhìn nhận khách quan về ĐTCT của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975). Vì vậy, cùng với khối tư liệu phong phú, những nhận định, đánh giá liên quan đến ĐTCT được thể hiện trong đó giúp tác giả có cơ sở củng cố thêm các luận điểm của mình.
  • 23. 15 1.1.2. Nhóm các công trình nghiên cứu về đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) Tuệ Giác (1964), Việt Nam Phật giáo đấu tranh sử, NXB Hoa Nghiêm, Sài Gòn. Ngoài việc phản ánh phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963 nói chung, công trình còn trình bày phong trào này theo địa bàn từng tỉnh. Đối với Khánh Hòa, tác giả tường thuật khá cụ thể diễn biến cuộc vận động của Phật giáo năm 1963 từ lúc mở đầu (7-5-1963) đến khi kết thúc (1-11-1963). Tuệ Giác khẳng định phong trào đấu tranh của Phật giáo ở Khánh Hòa năm 1963 diễn ra quyết liệt ngay từ đầu nhờ các yếu tố: “THPG Khánh Hòa có một ban lãnh đạo cương quyết, không thối lui trước mọi trở ngại và khó khăn; Phật học viện Trung phần Nha Trang ở gần chùa THPG Khánh Hòa đã cung cấp nhiều ý kiến hay và nhân lực để thúc đẩy đấu tranh; toàn thể Phật giáo đồ Khánh Hòa đoàn kết chặt chẽ, không sợ sệt, chán nản; được sự hưởng ứng của toàn dân dù ở tôn giáo nào, thành phần nào” [47, tr. 299]. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa (1992), Truyền thống cách mạng của phụ nữ Khánh Hòa 1930-1975, Cơ sở in chi nhánh NXB CTQG, Nha Trang. Công trình phản ánh quá trình xây dựng tổ chức, lực lượng và tham gia đấu tranh giải phóng dân tộc của phụ nữ Khánh Hòa từ năm 1930 đến năm 1975. Về lực lượng phụ nữ Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), công trình khẳng định: “Phụ nữ Khánh Hòa ở nông thôn cũng như thành thị, không phân biệt tầng lớp xã hội đã hòa nhau trong cuộc đấu tranh chung. Trong cuộc sống đời thường thì hiền hòa, đôn hậu nhưng trước sự áp bức, bất công thì quyết liệt chống trả chẳng sợ gian nguy, tù đày, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn” [60, tr. 210]. Ở công trình này, sự tham gia ĐTCT của lực lượng phụ nữ trong phong trào giải phóng nông thôn đồng bằng cuối năm 1964, đầu năm 1965, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, nhất là trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 đã được trình bày khá chi tiết. Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Ranh (1994), Lịch sử Đảng bộ huyện Cam Ranh 1930-1975, Cơ sở in chi nhánh NXB CTQG, Nha Trang. Bên cạnh phản ánh sự lãnh đạo toàn diện của Huyện ủy Cam Ranh; tái hiện quá trình đấu tranh giành chính quyền, tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của quân dân ở địa phương (1930-1975), công trình phân tích vị trí đặc biệt của Cam Ranh trong
  • 24. 16 chiến lược quân sự của Mỹ ở miền Nam: “Một căn cứ quân sự liên hợp hải - lục - không quân và khu hậu cần lớn cho cả chiến trường Nam Trung Bộ và Tây Nguyên” [5, tr. 140]. Ngoài ra, công trình cũng đề cập đến tình hình công nhân và một số cuộc ĐTCT tiêu biểu của công nhân Cam Ranh thời kỳ 1954-1975. Ban Thường vụ Huyện ủy Ninh Hòa (1995), Lịch sử Đảng bộ huyện Ninh Hòa thời kỳ 1954-1975, Cơ sở in chi nhánh NXB CTQG, Nha Trang. Cùng với phản ánh quá trình lãnh đạo của Huyện ủy Ninh Hòa trên tất cả các mặt; diễn biến ĐTQS ở Ninh Hòa thời kỳ 1954-1975;... công trình đề cập một số cuộc ĐTCT nổi bật trên địa bàn huyện Ninh Hòa, nhất là các xã có truyền thống cách mạng như Ninh Thọ, Ninh An, Ninh Phước, Ninh Diêm,... trong phong trào chống phá ACL (1961-1963), giải phóng nông thôn đồng bằng (1964-1965), Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Về vai trò của quần chúng nhân dân Ninh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), công trình khẳng định: “Dù ác liệt, hy sinh nhưng nhân dân vẫn một lòng trung thành đi theo cách mạng, bất hợp tác với địch, chống địch dồn dân, tiến hành đồng khởi, xuống đường biểu tình, đấu tranh trước mũi súng địch, đóng góp sức người, sức của to lớn cho kháng chiến” [6, tr. 502]. Hoành Linh Đỗ Mậu (1991), Tâm sự tướng lưu vong (Việt Nam máu lửa quê hương tôi), NXB Công an Nhân dân, Hà Nội. Như lời giới thiệu sách viết: Công trình đã “vạch ra được những sự thật sinh động về các sự kiện, các lực lượng chính trị, các tôn giáo đảng phái, những bộ mặt chính khách, tướng tá tiêu biểu trong chính trường miền Nam suốt cả một thời gian dài; lý giải nguyên nhân thất bại (của Ngô Đình Diệm và Mỹ - TG) tuy chưa đầy đủ nhưng có thể nói là đã gần được sự thật” [90, tr. 6]. Cũng trong công trình này, tác giả đề cập đến tình hình Khánh Hòa và mô tả khá chi tiết những biện pháp chính trị do chính Đỗ Mậu trực tiếp chỉ đạo triển khai tại đây những năm 1954-19564 , nhằm “xây dựng cho quần chúng một ý thức chính trị vững mạnh mà nội dung là chống Cộng và ủng hộ chế độ Cộng hòa, để biến Khánh Hòa trở thành thành trì cách mạng”, qua đó thể hiện sự “trung thành triệt để với lãnh tụ Ngô Đình Diệm” [90, tr. 107]. Bên cạnh đó, trong chương V - “Góp phần xây dựng nền móng chế độ mới”, một số chính sách của CQSG 4 . Thời gian này ông là Chủ tịch Phong trào cách mạng quốc gia Phân khu Duyên hải gồm 4 tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận, đóng trụ sở tại Nha Trang.
  • 25. 17 triển khai tại địa bàn Khánh Hòa như kỳ thị Phật giáo, ưu ái Thiên Chúa giáo, độc tài và gia đình trị,... cũng được tác giả đề cập [90, tr. 107-110]. Ban Thường vụ Thành ủy Nha Trang (1996), Lịch sử Đảng bộ Nha Trang 1925-1975, Cơ sở in chi nhánh NXB CTQG, Nha Trang. Công trình phản ánh quá trình vận động thành lập tổ chức Đảng ở Nha Trang và sự lãnh đạo của Đảng bộ Nha Trang đối với phong trào cách mạng tại địa phương từ năm 1925 đến năm 1975. Liên quan đến ĐTCT thời kỳ 1954-1975, công trình khái quát chính sách, biện pháp do Mỹ và CQSG triển khai nhằm ngăn chặn, chống phá phong trào cách mạng của quần chúng, đồng thời xây dựng Nha Trang thành hậu cứ an toàn của đối phương. Song song với đó, công trình chú ý khai thác đặc điểm “Nha Trang là nơi quy tụ biết bao người con từ mọi miền Tổ quốc về đây gây cơ sở trong quần chúng, xây dựng tổ chức Đảng” [7, tr. 231] để trình bày quá trình xây dựng LLCT phục vụ phong trào đô thị Nha Trang thời kỳ 1954-1975. Ngoài ra, công trình cũng đề cập đến một số phong trào ĐTCT sôi nổi ở Nha Trang như đấu tranh chống Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo năm 1963, chống chính phủ Trần Văn Hương năm 1965, chống chính quyền quân phiệt Nguyễn Văn Thiệu - Nguyễn Cao Kỳ năm 1966. Đặc biệt, công trình thể hiện khá chi tiết các hoạt động của Sao Việt - một tổ chức cách mạng hoạt động công khai, hợp pháp tại Nha Trang những năm 1971-1975. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (2001), Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Khánh Hòa (1930-1975), Cơ sở in chi nhánh NXB CTQG, Nha Trang. Công trình tái hiện quá trình lãnh đạo toàn diện cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân của Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa từ năm 1930 đến năm 1975. Trong công trình này, nhiều khía cạnh liên quan đến ĐTCT ở Khánh Hòa thời kỳ 1954-1975 như chính sách của Mỹ và CQSG, quá trình xây dựng LLCT, sự phối hợp giữa ĐTCT với ĐTQS,... được đề cập khá chi tiết. Ngoài ra, các phong trào ĐTCT do Đảng trực tiếp lãnh đạo như đòi thi hành Hiệp định Genève (1954-1956), chống “tố Cộng” (1955-1958), giải phóng miền núi (1959-1960), chống phá ACL (1961-1963), giải phóng nông thôn đồng bằng (1964-1965), tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 và Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 cũng được công trình thể hiện một cách khái quát. Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa (2002), Lịch sử phong trào nông dân và Hội
  • 26. 18 Nông dân tỉnh Khánh Hòa 1930-2000, Cơ sở in chi nhánh NXB CTQG, Nha Trang. Công trình phản ánh quá trình tham gia của nông dân Khánh Hòa - bộ phận chiếm 80% dân cư toàn tỉnh, trong cuộc đấu tranh giành chính quyền, giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước từ năm 1930 đến năm 2000. Trong đó, liên quan đến ĐTCT thời kỳ 1954-1975, công trình tái hiện sơ lược quá trình tham gia của nông dân Khánh Hòa trong phong trào giải phóng miền núi (1959-1960), chống phá ACL (1961-1963), giải phóng nông thôn đồng bằng (1964-1965), Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968, năm 1975. Về vai trò của lực lượng nông dân đối với cách mạng ở Khánh Hòa thời kỳ 1954-1975, công trình khẳng định: “Nông dân là chỗ dựa quan trọng của cách mạng, nhiều gia đình tiếp tế lương thực cho kháng chiến, nuôi quân, nuôi cán bộ trong nhà bất chấp sự lùng sục, khủng bố của địch và trực tiếp đấu tranh với địch khi được Đảng phát động, tổ chức [3, tr. 194]. Hoài Phong (Quyển 1-2008, Quyển 2-2014), Hồi ức một thời, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội. Dù được viết theo thể hồi ký nhưng qua đối chiếu với tư liệu lưu trữ từ nhiều nguồn cho thấy các sự kiện được tác giả phản ánh trung thực, khách quan. Có thể nói, cho đến nay, đây là cuốn hồi ký duy nhất viết về phong trào đô thị Nha Trang những năm 1965-1968. Trong sách, tác giả đề cập khá cụ thể quá trình xây dựng LLCT và diễn biến một số cuộc ĐTCT tiêu biểu ở thị xã Nha Trang những năm 1965-1968. Đặc biệt, với tư cách là người trong cuộc, tác giả có những kiến giải về việc tại sao trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, ĐTCT ở Nha Trang không thực sự mạnh mẽ và thiếu sự phối hợp với mũi ĐTQS. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa (2015), 80 năm ngành Tuyên giáo Khánh Hòa (1930-2010), Cơ sở in chi nhánh NXB CTQG, Nha Trang. Công trình đề cập đến công tác tuyên truyền, giáo dục đảng viên và vận động quần chúng của ngành Tuyên giáo ở Khánh Hòa từ năm 1930 đến năm 2010. Riêng thời kỳ 1954-1975, ngoài trình bày công tác tuyên giáo nói chung, công trình đề cập đến công tác tuyên giáo phục vụ ĐTCT, binh vận chống Mỹ và CQSG. Công trình khẳng định, công tác tuyên giáo ở Khánh Hòa thời kỳ 1954-1975 đã “góp phần giúp quần chúng nhận thức đầy đủ hơn bản chất xâm lược của Mỹ, bộ mặt tay sai của CQSG, củng cố quyết tâm đánh Mỹ của quân dân tỉnh nhà và cổ vũ quần chúng đấu tranh chống Mỹ và CQSG” [13, tr. 405].
  • 27. 19 Ban Thường vụ Huyện ủy Khánh Vĩnh (2015), Lịch sử Đảng bộ huyện Khánh Vĩnh (1945-1975), Cơ sở in chi nhánh NXB CTQG, Nha Trang. Công trình phản ánh quá trình Huyện ủy Khánh Vĩnh lãnh đạo quần chúng nhân dân kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ từ năm 1945 đến năm 1975. Trong đó, ở thời kỳ 1954-1975, công trình đề cập chính sách dồn dân, lập khu tập trung của CQSG tại vùng miền núi và các cuộc nổi dậy của đồng bào phối hợp với ĐTVT phá khu tập trung, giải phóng miền núi Khánh Hòa những năm 1959-1960. Ngoài ra, công trình cũng tái hiện quá trình đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia xây dựng vùng miền núi Khánh Hòa thành “căn cứ địa vững chắc cho cách mạng trong tỉnh và hậu phương trực tiếp của phong trào đồng bằng; nơi huy động sức người, sức của phục vụ cho tiền tuyến đánh thắng quân xâm lược” [2, tr. 3]. Lê Cung (Chủ biên) (2016), 60 năm Phật học viện Hải Đức Nha Trang (1956-2016), NXB Tổng hợp TP HCM. Công trình phản ánh quá trình thành lập, mục đích, tôn chỉ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Phật học viện Hải Đức Nha Trang (1956-2016). Công trình cho thấy “hầu hết các đấng thạch trụ của Phật giáo Việt Nam thời cận hiện đại đều hội tụ về Phật học viện Hải Đức Nha Trang từ trước phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963” [24, tr. 12]. Đặc biệt, nói về đóng góp của Phật học viện Hải Đức Nha Trang đối với sự nghiệp độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, công trình đã trình bày khá cụ thể sự tham gia của lãnh đạo và Học tăng Phật học viện trong phong trào ĐTCT vì mục tiêu tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo năm 1963; vì dân chủ và hòa bình từ năm 1964 đến năm 1975. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Khánh Hòa (2017), Lịch sử Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và phong trào thanh thiếu nhi tỉnh Khánh Hòa 1925- 1975, NXB Thanh Niên, Hà Nội. Công trình khái quát quá trình ra đời, xây dựng và phát triển của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh từ năm 1925 đến năm 1975. Ở thời kỳ 1954-1975, công trình đề cập sơ lược sự tham gia ĐTCT của lực lượng đoàn viên, thanh niên trong phong trào đô thị Nha Trang chống chế độ Ngô Đình Diệm năm 1963, chống chính phủ Trần Văn Hương năm 1965, chống Mỹ và chính quyền Nguyễn Văn Thiệu - Nguyễn Cao Kỳ năm 1966. Ngoài các công trình nêu trên, ĐTCT ở Khánh Hòa thời kỳ 1954-1975 cũng được nghiên cứu, đề cập qua một số bài báo, kỷ yếu hội thảo khoa học sau đây:
  • 28. 20 Chu Đình Lộc (2009), “Bàn thêm về một số cuộc đồng khởi ở cực Nam Trung Bộ 1959-1960”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 8. Bài viết phản ánh diễn biến phong trào đồng khởi giải phóng miền núi ở các tỉnh cực Nam Trung Bộ5 , trong đó có đề cập đến ĐTCT của nhân dân 2 huyện Khánh Vĩnh và Khánh Sơn (Khánh Hòa) trong những năm 1959-1960. Tác giả nhận định: “Phong trào đồng khởi ở cực Nam Trung Bộ thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo của các cấp ủy địa phương, góp phần làm sáng tỏ phương châm ĐTVT hỗ trợ ĐTCT; đồng thời, phản ánh nhu cầu của nhân dân về con đường đấu tranh giải phóng dân tộc” [76]. Chu Đình Lộc (2014), “Đấu tranh chính trị đòi thi hành Hiệp định Genève ở các tỉnh cực Nam Trung Bộ 1954-1955”, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 7. Bài viết trình bày diễn biến, kết quả một số cuộc ĐTCT tiêu biểu ở Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận đòi thi hành Hiệp định Genève những năm 1954-1955. Đánh giá về ĐTCT đòi thi hành Hiệp định Genève ở các tỉnh cực Nam Trung Bộ 1954-1955, tác giả khẳng định: “Qua gần hai năm, đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève ở các tỉnh cực Nam Trung Bộ, phong trào đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia, nâng cao khí thế yêu nước trong nhân dân, làm cho ngụy quyền cơ sở nhiều nơi hoang mang, dao động” [77]. Sở Giáo dục Đào tạo Khánh Hòa (2015), “Lịch sử giáo dục cách mạng ở Khánh Hòa giai đoạn 1945-1975”, Kỷ yếu hội thảo khoa học. Kỷ yếu có một số chuyên đề như “Đảng bộ Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975)”, “Quá trình thực hiện những nguyên lý giáo dục cách mạng ở Khánh Hòa trong thời kỳ chiến tranh (1954-1975)”, “Vai trò, tác dụng của giáo dục cách mạng ở Khánh Hòa trong 30 năm chiến tranh”, “Phong trào học sinh - sinh viên vùng tạm chiếm ở Khánh Hòa giai đoạn 1954-1975”,... Qua các chuyên đề này, vai trò của giáo dục cách mạng Khánh Hòa trong việc giáo dục học sinh, sinh viên đấu tranh chống Mỹ đã được trình bày. Trong số đó, chuyên đề “Phong trào học sinh - sinh viên vùng tạm chiếm ở Khánh Hòa giai đoạn 1954-1975” đã cung cấp cái nhìn tổng quan về phong trào học sinh, sinh viên ở Khánh Hòa chống Mỹ, nhất là chống văn hóa thực dân của Mỹ, rằng “phong trào diễn ra sôi nổi, liên tục với nhiều loại hình phong phú, từ thấp đến cao, từ các hoạt động văn hóa đến ĐTCT, đã hạn chế phần nào tác hại của giáo dục thực dân mới” [138, tr. 166]. 5 . Gồm các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.
  • 29. 21 Lê Cung, Nguyễn Trung Triều (2016), “Phật học viện Hải Đức Nha Trang với cuộc vận động của Phật giáo miền Nam năm 1963”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 07&08 (157). Bằng nguồn tư liệu phong phú và những kiến giải có tính thuyết phục, bài viết đã làm rõ vị trí cũng như đóng góp của Phật học viện Hải Đức Nha Trang đối với phong trào đấu tranh đòi tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo ở Khánh Hòa năm 1963. Bài viết kết luận: “Trong cuộc vận động đòi tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo năm 1963, chư tôn đức, Học tăng Phật học viện Hải Đức Nha Trang đã có những đóng góp xứng đáng trong sự nghiệp phụng sự dân tộc và Đạo pháp” [25]. Nhìn chung, trong nhóm công trình nghiên cứu về ĐTCT ở Khánh Hòa thời kỳ 1954-1975, chiếm số lượng nhiều nhất là các công trình lịch sử Đảng và lịch sử các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, do giới hạn nghiên cứu, những công trình này chủ yếu trình bày các phong trào ĐTCT do Đảng trực tiếp lãnh đạo, điểm một số sự kiện ĐTCT nổi bật hoặc chỉ đề cập đến ĐTCT của từng lực lượng riêng rẽ (nông dân, phụ nữ, đoàn viên, thanh niên). Ngoài ra, hạn chế chung của các công trình này là ít sử dụng nguồn tư liệu của đối phương để tham khảo và đối chứng. Trong khi các công trình còn lại, xuất phát từ mục tiêu và phạm vi nghiên cứu, chỉ trình bày từng mảng vấn đề cụ thể, không đi sâu nghiên cứu toàn diện ĐTCT ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975). 1.2. Những vấn đề luận án kế thừa Nhìn một cách tổng thể, các công trình nghiên cứu liên quan đã giải quyết được những nội dung cơ bản sau và những nội dung này được tác giả kế thừa trong luận án, cụ thể: Một là, phân tích làm rõ những vấn đề lý luận liên quan đến ĐTCT như quan điểm, tổ chức, lực lượng, hình thức, vai trò, nghệ thuật, mối quan hệ với ĐTQS,... Điều này giúp tác giả có cơ sở để nhìn nhận đầy đủ hơn về ĐTCT ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975). Hai là, đi sâu nghiên cứu diễn biến, tính chất, đặc điểm, vai trò, bài học kinh nghiệm của ĐTCT tại các đô thị lớn ở miền Nam như Huế, Sài Gòn, Đà Nẵng, Đà Lạt,... Nhờ vậy, tác giả luận án có tư liệu tham khảo để từ đó đặt ĐTCT ở Khánh Hòa trong cái nhìn toàn cục của ĐTCT ở miền Nam.
  • 30. 22 Ba là, trình bày một số vấn đề liên quan đến điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, truyền thống yêu nước và cách mạng, cùng với đó, khái quát chính sách của Mỹ và CQSG ở Khánh Hòa. Đây là cơ sở quan trọng góp phần giúp tác giả luận giải các đặc điểm và ý nghĩa của ĐTCT ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975). Bốn là, điểm một số phong trào ĐTCT nổi bật của nhân dân Khánh Hòa chống Mỹ và CQSG từ năm 1954 đến năm 1975 như đòi thi hành Hiệp định Genève những năm 1954-1956, đồng khởi ở vùng rừng núi những năm 1959-1960, đòi tự do tín ngưỡng và bình đẳng tôn giáo năm 1963, đồng khởi ở vùng nông thôn đồng bằng những năm 1964-1965, đòi Quốc hội lập hiến năm 1966, tham gia Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968 và năm 1975; đồng thời, bước đầu có những đánh giá về các phong trào đó. Nguồn tư liệu về diễn biến đấu tranh cũng như những nhận định, đánh giá này được tác giả kế thừa để bổ sung thêm chất liệu lịch sử và củng cố cho những nhận định riêng trong luận án. 1.3. Những vấn đề luận án cần tập trung nghiên cứu Trên cơ sở kế thừa thành quả của các công trình nghiên cứu có liên quan, để giải quyết một cách toàn diện vấn đề ĐTCT ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), luận án tập trung làm rõ những nội dung cơ bản sau: Một là, làm rõ các nhân tố ảnh hưởng đến ĐTCT ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) như điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; truyền thống yêu nước và cách mạng của nhân dân Khánh Hòa trước năm 1954; đặc biệt là bản chất thực dân mới của các chính sách, biện pháp về chính trị - quân sự, kinh tế - xã hội, văn hóa - giáo dục do Mỹ và CQSG triển khai tại Khánh Hòa, trên cơ sở đó, làm rõ nguyên nhân chủ yếu bùng phát các phong trào ĐTCT ở Khánh Hòa thời kỳ 1954-1975. Hai là, làm rõ đường lối, chủ trương chỉ đạo ĐTCT của Trung ương Đảng, Liên Khu ủy V, nhất là của Tỉnh ủy Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975). Việc phân tích, làm rõ đường lối, chủ trương của Đảng phải bám sát âm mưu, hành động của đối phương, đồng thời đối chiếu với kết quả của ĐTCT, để từ đó thấy được sự nhạy bén trong chỉ đạo phong trào ĐTCT của Đảng. Ba là, tái hiện diễn biến ĐTCT ở Khánh Hòa từ năm 1954 đến năm 1975.
  • 31. 23 Việc tái hiện diễn biến các phong trào ĐTCT được dựa trên nhiều nguồn tư liệu khác nhau, nhất là tư liệu lưu trữ của cả chính quyền cách mạng và CQSG, đảm bảo tính khách quan, toàn diện. Bốn là, làm rõ tính chất, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử của ĐTCT ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975). Các tính chất, đặc điểm, ý nghĩa lịch sử trong đó bao hàm cả bài học kinh nghiệm được chứng minh bằng chất liệu lịch sử từ phong trào ĐTCT của quần chúng nhân dân địa phương.
  • 32. 24 Chương 2 ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ Ở KHÁNH HÒA TỪ NĂM 1954 ĐẾN NĂM 1965 2.1. Khái quát điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, truyền thống yêu nước và cách mạng của nhân dân Khánh Hòa trước năm 1954 2.1.1. Điều kiện tự nhiên Khánh Hòa là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, diện tích 5.197km2 kể cả hải đảo, phần đất liền kéo dài từ 11°42’50" đến 12°52’15" vĩ độ Bắc và từ 108°40’33" đến 109°27’55" kinh độ Đông, cách Hà Nội 1.280km về phía Bắc, cách thành phố Hồ Chí Minh 443km về phía Nam, phía Ðông giáp Biển Ðông, phía Tây giáp Ðắk Lắk, phía Bắc giáp Phú Yên, phía Nam giáp Ninh Thuận. Địa hình Khánh Hòa khá đa dạng, có cả rừng núi, đồng bằng và biển đảo. Vùng rừng núi chiếm đến 70% diện tích. Vùng đồng bằng nhỏ, khoảng 400km2 , bị chia cắt bởi các dãy núi; hai đồng bằng lớn nhất là đồng bằng Nha Trang - Diên Khánh (diện tích 135km2 ) và đồng bằng Ninh Hòa (diện tích 100km2 ). Biển Khánh Hòa rộng gấp nhiều lần đất liền với gần 200 đảo lớn nhỏ gần bờ và quần đảo Trường Sa6 cách bờ khoảng 243 hải lý; bờ biển dài 385km với nhiều vịnh, trong đó vịnh Cam Ranh được bao bọc, che chắn bởi hệ thống núi, đảo, rất gần đường hàng hải quốc tế, thông với Biển Đông qua eo biển rộng 1,6km, giữ vị trí quan trọng về địa chiến lược và được coi là vịnh tốt nhất Đông Nam Á. Sông ngòi ở Khánh Hòa mật độ khá dày, toàn tỉnh có khoảng 40 con sông độ dài trung bình từ 10km trở lên. Sông Cái Nha Trang là con sông dài nhất tỉnh (79km), đoạn cuối chia thành 2 nhánh bao quanh cồn Ngọc Thảo chia cắt Nha Trang thành hai khu vực trước khi đổ ra biển. Khí hậu ở Khánh Hòa rất ôn hòa với 2 mùa mưa nắng rõ rệt và gần như không có bão. Mùa mưa ngắn, từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 12, nhiệt độ trung bình hằng năm khoảng 26o C. So với một số vùng miền trong nước, “Khánh Hòa mưa nắng rất điều độ. Mùa nắng không có nắng sém da như ở Quy Nhơn, Phan Rang; mùa mưa 6 . Quần đảo Trường Sa giai đoạn 1956-1973 thuộc tỉnh Phước Tuy (nay là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); những năm 1973-1975 thuộc tỉnh Bình Tuy (nay là tỉnh Bình Thuận).
  • 33. 25 không lạnh cắt ruột như ở Huế, ở Cao Nguyên. Trong mưa có khí ấm, trong nắng có khí mát” [139, tr. 135]. Giao thông của Khánh Hòa thuận tiện: Đường sắt Bắc - Nam, Quốc lộ 1 xuyên suốt chiều dài tỉnh, Quốc lộ 217 nối liền với Tây Nguyên, các cảng biển (Cầu Đá, Cam Ranh, Ba Ngòi), sân bay (Nha Trang, Cam Ranh) cho phép lưu thông cả về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường không với các địa phương khác. Tài nguyên thiên nhiên ở Khánh Hòa đa dạng, phong phú, nhất là tài nguyên biển với nhiều loại hải sản quý hiếm không chỉ đáp ứng nhu cầu tại chỗ mà còn có thể xuất đi các địa phương khác. Yến sào là mặt hàng được mệnh danh là “vàng trắng” của Khánh Hòa, dưới thời VNCH, mỗi năm thu hoạch trung bình 600kg [307, tr. 61]. Cát trắng ở Khánh Hòa ít tạp chất, có hàm lượng silicate cao, là nguồn nguyên liệu quý để sản xuất thủy tinh cao cấp, từ năm 1935 đã được người Pháp khai thác xuất khẩu sang Nhật Bản. Đặc biệt, Khánh Hòa còn được gọi là “Xứ Trầm hương” - một loại hương liệu, dược liệu có giá trị kinh tế cao. Nhìn tổng quát, Khánh Hòa với những lợi thế về điều kiện tự nhiên “xứng đáng được liệt vào hàng những tỉnh quan trọng bậc nhất tại Trung Nguyên Trung Phần”8 [308, tr. 36], là địa bàn chiến lược đối với cả cách mạng và CQSG. Điều kiện tự nhiên của Khánh Hòa có tác động hai mặt đến ĐTCT: Một mặt, vị trí địa lý thuận tiện cho việc nắm bắt thông tin, tiếp nhận ảnh hưởng, phối hợp với các địa phương khác để đấu tranh; địa hình thuận lợi trong việc thiết lập các căn cứ chỉ đạo phong trào, ngay cả vùng đô thị; nông thôn đồng bằng sát nách đô thị thuận lợi trong việc hỗ trợ đấu tranh, phát huy ảnh hưởng của ĐTCT. Nhưng ở mặt khác, vùng đô thị nhỏ gần như được bao bọc bởi núi và biển; vùng nông thôn đồng bằng hẹp nằm sát quốc lộ, lại bị chia cắt nên đối phương dễ kiểm soát, ngăn chặn và cô lập các cuộc đấu tranh. 2.1.2. Điều kiện kinh tế - xã hội Thời kỳ 1954-1975, dân số Khánh Hòa khá đông, số lượng cụ thể qua các thời điểm như sau: Năm 1955 - 203.948 người, năm 1960 - 270.000 người, năm 1968 - 367.975 người, năm 1973 - 623.900 người, năm 1975 - 630.948 người. Dân số tuy đông nhưng phân bố không đều giữa miền núi và đồng bằng, giữa 7 . Nay là Quốc lộ 26. 8 . Dưới thời Việt Nam Cộng hòa, Trung Nguyên Trung Phần gồm các tỉnh duyên hải miền Trung, từ Quảng Trị đến Bình Thuận.
  • 34. 26 nông thôn và đô thị. Vùng miền núi rộng lớn nhưng dân cư thưa thớt, ngược lại, vùng đồng bằng hẹp lại khá đông đúc [306, tr. 12], [308, tr. 14]. Ở Khánh Hòa, người Kinh chiếm đa số, sống chủ yếu tại đồng bằng, các dân tộc thiểu số như Raglai, Êđê, T’ring, K’ho, Nùng, Chăm,... sống tập trung ở vùng núi và giáp ranh. Thời điểm năm 1969, đồng bào thiểu số chiếm khoảng 5,5% dân số toàn tỉnh [308, tr. 15]. Dân cư Khánh Hòa khá đa dạng, phức tạp về thành phần. Ngoài những người định cư lâu năm còn có một bộ phận từ miền Bắc di cư vào sau Hiệp định Genève (1954); một bộ phận vì nhiều lý do khác nhau đến từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên...; cùng với đó, một lực lượng đông đảo quân đội Sài Gòn, quân đội Mỹ và Đồng minh đồn trú đã làm cho Khánh Hòa, nhất là thị xã Nha Trang, Cam Ranh “dân chúng rất phức tạp về thành phần (quân nhân, dân sự, ngoại kiều, công chức, tư chức) và luôn cả về nguồn gốc (Nam, Trung, Bắc)” [242, tr. 3]. Sự phức tạp về thành phần dân cư dẫn đến phức tạp về thái độ chính trị. Do đó, vấn đề đánh giá khả năng cách mạng, tuyên truyền lôi kéo các thành phần xã hội tham gia ĐTCT chống Mỹ và CQSG gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, sự đa dạng về thành phần dân cư cũng có mặt thuận lợi. Chẳng hạn, một số cơ sở cách mạng được hình thành ngay trong “dân Bắc 1954” - bộ phận vốn được CQSG coi là có “tinh thần Quốc gia”, trung thành với chế độ9 ; hay dưới vỏ bọc “hội đồng hương”, “hội tương tế”, một số cơ sở cách mạng cũng được hình thành trong đồng bào gốc Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên,... Điều này được một số nhân chứng khẳng định: “Ở Nha Trang, có khu vực toàn dân Hòa Hiệp (Phú Yên), có xóm toàn người làng Vinh Quang (Bình Định), có xóm toàn người Đức Phổ (Quảng Ngãi). Nói chung, dân ở đây rất tốt, phần đông có con em tham gia cách mạng” [117, tr. 41]. Khánh Hòa thời kỳ 1945-1954 là tỉnh bị thực dân Pháp tạm chiếm, thời kỳ 1954-1975 là hậu cứ của Mỹ và CQSG, nhân dân sống lâu trong vùng bị đối phương kiểm soát; mặt khác, chính sách thực dân mới làm cho “đặc điểm của đồng bào tỉnh ta (chỉ Khánh Hòa - TG) là đại bộ phận đều có con em đi lính hoặc làm việc cho địch. Phần đông họ là dân lao động, tâm tư tình cảm nhiều gia đình binh sĩ 9 . Như Lê Quang Phú - Chủ tịch Lực lượng nhân dân tranh thủ cách mạng Khánh Hòa (1966), Nguyễn Ngọc Lương - cơ sở cách mạng, trong nhà của ông ở Nha Trang có hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ, cả hai đều là dân miền Bắc di cư [315].
  • 35. 27 day dứt, cực nhục, vừa lo sợ con em gây tội ác, vừa sợ chồng con chết, sợ gian khổ” [224, tr. 4]. Đây là đặc điểm ít nhiều có ảnh hưởng tiêu cực đến phong trào cách mạng, trong đó có ĐTCT, bởi vì “ở một xã hội như vậy, đấu tranh giữa cái sướng và cái khổ, cái tốt và cái xấu, giữa địch và ta làm cho sự đoàn kết ở nông thôn bị sứt mẻ nghiêm trọng. Sự ngờ vực, thiếu tin nhau tác động đến tư tưởng, khả năng cách mạng của quần chúng rất nhiều” [223, tr. 5]. Nhân dân Khánh Hòa đa số chuyên về nghề nông (khoảng 80%). Những người ở ven biển hay cạnh đầm, vịnh sống bằng nghề đánh cá. Một số người định cư tại thị xã, thị trấn như Nha Trang, Cam Ranh, Diên Khánh, Ninh Hòa, Vạn Giã sống bằng dịch vụ, buôn bán. Người dân tộc thiểu số ở vùng núi sống bằng nghề làm rẫy, làm rừng hoặc săn bắn. Dưới thời VNCH, nhất là những năm 1954-1964, nông nghiệp ở Khánh Hòa được quan tâm đầu tư, cải cách điền địa được đẩy mạnh; mặt khác, việc sử dụng phân bón, giống mới, ứng dụng máy móc,... làm tăng năng suất lao động, cải thiện đời sống dân cư nông thôn. Đối với dân cư thành thị, phần vì ít thiệt hại do chiến tranh, phần khác các dự án viện trợ của Mỹ làm cho mức sống được nâng lên, nhiều người sắm được radio, truyền hình, tủ lạnh và cả xe hơi. Tất cả những điều này làm cho “một bộ phận quần chúng lầm mưu địch, ảo tưởng, thiếu tin tưởng ở cách mạng” [7, tr. 247]. Do đó, ở Khánh Hòa, việc tuyên truyền để nhân dân thấy được bản chất xâm lược, bộ mặt thật của Mỹ và CQSG, sự phồn vinh giả tạo của xã hội, qua đó thúc đẩy ĐTCT là việc làm không hề dễ. Phật giáo có số lượng tín đồ đông nhất (chiếm gần 80% dân cư) và ảnh hưởng lớn trong đời sống tín ngưỡng của nhân dân Khánh Hòa, đến thời điểm năm 1969 có khoảng 300.000 tín đồ [308, tr. 15]. Năm 1956, Phật học viện Trung Phần Nha Trang10 được thành lập11 và đã đào tạo hàng trăm vị giảng sư, hiệu trưởng trung học, trú trì,... đi hoằng pháp khắp các tỉnh miền Nam, trong đó “nhiều người biết xả thân thể để giáo hóa chúng sanh, biết dùng tấm hình hài làm công cụ để đạt đến quả Phật” [139, tr. 389]. Thời kỳ 1954-1975, Phật học viện Trung Phần Nha Trang 10 . Sau năm 1975, danh xưng là Phật học viện Hải Đức Nha Trang. 11 . Ban lãnh đạo gồm Viện trưởng: Hoà thượng Thích Giác Nhiên; Phó Viện trưởng: Thượng toạ Thích Trí Quang; Giám viện: Thượng toạ Thích Trí Thủ; Giáo thọ trưởng: Thượng toạ Thích Thiện Siêu; Tổng Thư ký: Thượng toạ Thích Huyền Quang. Đây là những “đấng thạch trụ của Phật giáo Việt Nam thời cận hiện đại” [24, tr. 12].
  • 36. 28 là một trong những nơi khởi phát, lãnh đạo và che chở cho phong trào ĐTCT của quần chúng. Thêm vào đó, Phật học viện Trung Phần Nha Trang sát cạnh chùa Long Sơn - trụ sở THPG Khánh Hòa, nên “đã cung cấp cho nhiều ý kiến hay nhân lực để thúc đẩy sự tranh đấu” [47, tr. 299]. Nói chung, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), Phật giáo ở Khánh Hòa là lực lượng quan trọng đảm nhận vai trò “ngọn cờ tập hợp quần chúng” tham gia ĐTCT. Ở Khánh Hòa, các trường trung học công lập có số lượng học sinh khá đông và tập trung tại thị xã Nha Trang, trung tâm quận lỵ nên việc nắm thông tin, tạo mối liên kết trong đội ngũ học sinh có phần thuận lợi; đồng thời, có liên hệ với học sinh, sinh viên ở Sài Gòn, Đà Lạt, Huế [138, tr. 158]. Bên cạnh đó, hệ thống trường Bồ Đề của Phật giáo12 , trường của Thiên Chúa giáo13 cũng thu hút đông đảo học sinh theo học. Trong những năm 1954-1970, tuy chưa có trường đại học nhưng ở Khánh Hòa vẫn có một bộ phận sinh viên là con em địa phương học tại Học viện Quốc gia Hành chánh, Viện Đại học Sài Gòn, Viện Đại học Huế và một số sinh viên của các cơ sở giáo dục này tới Khánh Hòa thực tập hoặc để tổ chức đấu tranh14 . Đến năm 1971, Viện Đại học Cộng đồng Duyên hải được thành lập tại Nha Trang, quy tụ khá nhiều sinh viên từ các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận. Học sinh, sinh viên là lực lượng quan trọng “châm ngòi” trong các cuộc ĐTCT ở Khánh Hòa thời kỳ 1954-1975. Công nghiệp ở Khánh Hòa thời kỳ 1954-1975 kém phát triển, đa phần là cơ sở sản xuất truyền thống, quy mô nhỏ như lò gạch, lò đường, nhà máy nước đá, đóng ghe thuyền,... trong khi đồn điền không nhiều (chỉ có 3 đồn điền trồng cây cao su, diện tích 650ha), số lượng công nhân trực tiếp sản xuất tại các nhà máy, xí nghiệp, đồn điền vừa ít ỏi lại vừa phân tán nên điều kiện tham gia ĐTCT hạn chế. Riêng công nhân tại các cảng Cầu Đá, Chụt, Ba Ngòi, Cam Ranh và một số hãng thầu của Mỹ như RMK, USARMY, PACIFIC ở Bình Tân (Vĩnh Xương), Mỹ Ca (Cam Ranh) tương đối tập trung, nhờ vậy khả năng tham gia ĐTCT cao hơn. 12 . Tại miền Nam, Khánh Hòa đứng thứ hai về số lượng trường Bồ Đề - 6 trường, sau Bình Định - 7 trường [121]. 13 . Như các trường trung học Kim Yến, Bá Ninh, Đăng Khoa,... 14 . Trường hợp Nguyễn Đắc Xuân là một dẫn chứng. Năm 1964, khi đang là sinh viên Đại học Sư phạm Huế, Nguyễn Đắc Xuân đã được bác sĩ Lê Khắc Quyến - Chủ tịch Hội đồng Nhân dân cứu quốc, cử vào Nha Trang để thành lập Hội đồng Nhân dân cứu quốc tại đây [317].
  • 37. 29 Về tổ chức hành chính, dưới CQSG, tổ chức hành chính của Khánh Hòa có một số thay đổi chủ yếu sau: Tháng 1-1958, thị xã Nha Trang được chia thành 2 xã là Nha Trang Đông và Nha Trang Tây thuộc quận Vĩnh Xương; tháng 5-1959, hai tổng Krang Ying và Krang Hinh của tỉnh Đắk Lắk lập thành quận Khánh Dương được sáp nhập vào Khánh Hòa; tháng 4-1960, 12 thôn vùng miền núi quận Cam Lâm được tách khỏi tỉnh Khánh Hòa nhập vào quận Du Long của tỉnh Ninh Thuận; tháng 10-1965, tách một phần đất phía Nam của Cam Lâm thành lập thị xã Cam Ranh hưởng quy chế thị xã trực thuộc trung ương; tháng 12-1968, phần đất trước đây nhập vào quận Du Long của Ninh Thuận được cắt trở lại thuộc thị xã Cam Ranh; cuối năm 1970, CQSG tái lập thị xã Nha Trang. Đến trước ngày giải phóng (1975), tỉnh Khánh Hòa có 6 quận: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Vĩnh Xương, Diên Khánh, Cam Lâm, Khánh Dương và thị xã Nha Trang, với 59 xã, 251 ấp. Đối với chính quyền cách mạng, để phù hợp với yêu cầu chỉ đạo kháng chiến, trong thời kỳ 1954-1975, ở Khánh Hoà các đơn vị hành chính có những điều chỉnh như: Tháng 3-1960, hai huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh sáp nhập với Bác Ái (Ninh Thuận) thành Khu Ái - Vĩnh - Sơn; tháng 8-1961, Khu Ái - Vĩnh - Sơn giải thể, các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh trở lại trực thuộc tỉnh Khánh Hòa. Cũng trong năm 1961, huyện Khánh Vĩnh tách thành 2 huyện: Vĩnh Khánh và Vĩnh Sơn; tháng 10-1961, huyện Ninh Hòa được tách thành 2 huyện: Nam Ninh Hòa và Bắc Ninh Hòa; tháng 8-1968, hợp nhất thị xã Nha Trang với huyện Vĩnh Xương thành huyện Vĩnh Trang. Như vậy, đến năm 1968, Khánh Hòa gồm các đơn vị cấp huyện: Vạn Ninh, Bắc Ninh Hòa, Nam Ninh Hòa, Vĩnh Trang, Diên Khánh, Cam Ranh, Vĩnh Khánh, Vĩnh Sơn và Khánh Sơn. Tổ chức địa lý hành chính như thế được duy trì đến ngày giải phóng (1975). Tóm lại, Khánh Hòa là tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khá đặc thù. Những điều kiện đó ảnh hưởng theo những chiều hướng khác nhau và ở những mức độ khác nhau đối với ĐTCT trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975). 2.1.3. Truyền thống yêu nước và cách mạng của nhân dân Khánh Hòa trước 1954 Sau khi “Vụ biến kinh thành Huế” (đêm mồng 4, rạng mồng 5-7-1885) thất bại, vua Hàm Nghi xuất bôn và ban Dụ Cần Vương kêu gọi nhân dân đứng lên đánh Pháp. Tại Khánh Hòa, hưởng ứng Dụ Cần Vương, các sĩ phu yêu nước như
  • 38. 30 Trịnh Phong, Trần Đường, Nguyễn Khanh, Nguyễn Lương, Lê Nghị, Nguyễn Dị,... thành lập Bình Tây cứu quốc đoàn tiến hành kháng chiến, gây cho Pháp nhiều thiệt hại. Đến giữa năm 1886, thực dân Pháp tăng viện, vừa tổ chức càn quét căn cứ vừa khủng bố gia đình, quê hương các thủ lĩnh phong trào; Trần Đường, Nguyễn Khanh, Trịnh Phong lần lượt hy sinh, các thủ lĩnh khác và nhiều nghĩa quân bị an trí tại nhà tù Cam Ranh. Phong trào Bình Tây cứu quốc đoàn ở Khánh Hòa bị dập tắt song tấm gương anh dũng, bất khuất của các lãnh tụ mãi mãi được nhân dân kính trọng và tự hào [1, tr. 31]. Khánh Hòa là nơi dừng chân và hoạt động của các chí sĩ yêu nước khởi xướng phong trào Duy Tân như Trần Quý Cáp, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng. Năm 1908, nhận thấy Trần Quý Cáp lúc này đang làm Giáo thụ ở huyện Tân Định15 , có vai trò quan trọng trong phong trào chống thuế ở Trung Kỳ, thực dân Pháp đã xử chém ông vào ngày 15-6-1908. Sự hy sinh của Trần Quý Cáp đã gieo vào lòng người dân Khánh Hòa hình ảnh một con người chí khí anh hùng, tinh thần yêu nước bất khuất. Tiếp nhận luồng tư tưởng mới từ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, trong những năm 1925-1926, Ngô Đức Diễn (quê Nghệ An) và Hà Huy Tập (quê Hà Tĩnh) vào dạy học tại Khánh Hòa đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, giác ngộ học sinh, giáo chức về công cuộc chống Pháp. Những hoạt động của Ngô Đức Diễn và Hà Huy Tập đã đặt cơ sở cho sự ra đời của tổ chức Tân Việt cách mạng đảng tại đây, sau này trở thành một bộ phận của Đông Dương Cộng sản liên đoàn (1-1930). Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập. Đến ngày 24-2-1930, Đông Dương Cộng sản liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là mốc đánh dấu sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa. Ngay sau khi thành lập, hưởng ứng phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, tháng 7-1930, Tỉnh ủy lâm thời Khánh Hòa tổ chức biểu tình ở huyện Tân Định. Cuộc biểu tình bắt đầu từ 5 giờ ngày 16-7 với sự tham gia của khoảng 1.000 công nhân, ngư dân, nông dân,... Từ xã Ninh Đa đoàn biểu tình thẳng tiến đến huyện lỵ Tân Định, hô khẩu hiệu: “Đả đảo đế quốc Pháp và Nam triều phong kiến”, “Chống khủng bố trắng”, “Ủng hộ phong trào công - nông Nghệ Tĩnh”, “Chống sưu cao thuế nặng”. Đến 14 giờ cùng ngày, quân Pháp mở cuộc khủng bố, bắt nhiều 15 . Nay là thị xã Ninh Hòa.
  • 39. 31 đảng viên cộng sản và quần chúng đưa về nhà lao Nha Trang giam giữ, tra tấn. Cuộc biểu tình ngày 16-7-1930 có thể coi là cuộc đấu tranh tiêu biểu do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo ở cực Nam Trung Bộ trong phong trào 1930-1931 [1, tr. 64]. Từ năm 1932 đến năm 1945, Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa từng bước khôi phục phong trào cách mạng, tích cực đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ và chuẩn bị LLCT, LLVT cho tổng khởi nghĩa. Ngày 13-8-1945, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã phát động nhân dân giành chính quyền. Ngày 19-8-1945, cùng thời điểm giành chính quyền ở Hà Nội, tại sân vận động thị xã Nha Trang, trước cuộc mít tinh của đông đảo quần chúng, Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Khánh Hòa ra mắt đồng bào, công bố 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh16 và kêu gọi nhân dân đoàn kết, đấu tranh giữ vững chính quyền cách mạng. Đến ngày 22-8-1945, tất cả huyện, thị của tỉnh Khánh Hòa khởi nghĩa thắng lợi. Đúng một tháng sau khi tái chiếm Nam Bộ (23-9-1945), ngày 23-10-1945, quân Pháp triển khai tái chiếm Khánh Hòa. Cuộc xâm lược lần thứ hai của thực dân Pháp lập tức bị quân dân Khánh Hòa chống trả quyết liệt. Ngay trong đêm 23-10- 1945, quân dân Khánh Hòa nổ súng tấn công và bao vây quân Pháp, mở đầu Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa kéo dài 101 ngày đêm (từ ngày 23-10-1945 đến ngày 2-2-1946), đồng thời cũng mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp trở lại xâm lược ở khu vực cực Nam Trung Bộ. Ngày 27-1-1946, khi thị sát chiến trường Khánh Hòa, Võ Nguyên Giáp đánh giá: “Với biết bao khó khăn của ngày đầu kháng chiến, quân và dân Nha Trang - Khánh Hòa đã trụ bám vững chãi một thời gian dài trên tuyến lửa, tiêu diệt và tiêu hao giữ chân quân Pháp, thật sự làm thất bại một bước âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của địch” [11, tr. 22]. Trong những năm 1946-1952, Khánh Hòa đẩy mạnh chiến tranh du kích, thực hiện nhiệm vụ phá hoại tiềm lực, nhất là cơ sở hạ tầng và kìm chân, tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch. Đến giai đoạn cuối chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, quân và dân Khánh Hòa đã giải phóng hầu hết vùng nông thôn phía Nam các huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa; đồng thời, một số cuộc đấu tranh của quần chúng nổ ra ở Nha Trang, Diên Khánh chống thực dân Pháp bắt lính, ủng hộ Hội 16 . Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh) ra đời ngày 19-5-1941.