SlideShare a Scribd company logo
1 of 41
Download to read offline
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ QUỐC DÂN
VIỆN DÂN SỐ VÀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI
207, đường Giải phóng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Tổng đài (04) 36-280-280. Máy lẻ Văn phòng: 5433,
Viện trưởng: 5982; Viện phó: 5981; Fax : 8696-411.
Email: viendanso@neu.edu.vn
BÁO CÁO
ĐÁNH GIÁ CHIẾN LƯỢC DÂN SỐ
VIỆT NAM, 2001-2010
Hà Nội, 11/2009
2
MỤC LỤC
NỘI DUNG TRANG
LỜI CẢM ƠN .............................................................................................. 5
LỜI NÓI ĐẦU.............................................................................................. 6
CHƯƠNG I: GIỚI THIỆU NGHIÊN CỨU ĐÁNH GIÁ........................... 9
1 Lý do đánh giá.................................................................................... 9
2 Mục tiêu đánh giá................................................................................ 10
3 Nội dung đánh giá .............................................................................. 11
4 Phương pháp đánh giá....................................................................... 16
4.1 Địa bàn điều tra ...................................................................... 16
4.2 Đối tượng và phương pháp thu thập thông tin, số liệu.......... 17
4.3 Xử lý, phân tích thông tin và viết báo cáo.............................. 19
4.4 Giám sát quá trình đánh giá................................................... 20
5 Tổ chức đánh giá và nhân lực............................................................ 21
6 Kế hoạch, tiến độ thực hiện ............................................................... 24
CHƯƠNG II: ĐÁNH GIÁ VĂN BẢN CHIẾN LƯỢC DÂN SỐ VIỆT
NAM, 2001-2010 VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU.............. 25
1 Đánh giá văn bản “Chiến lược Dân số Việt Nam, 2001-2010” ......... 25
1.1 Chiến lược Dân số Việt Nam, 2001-2010 cơ bản đã đánh giá
đúng kết quả thực hiện “Chiến lược DS-KHHGĐ đến năm
2000” nhưng vẫn còn những điểm chưa được đề cập hoặc
thiếu chính xác ........................................................................
25
1.2 Chiến lược Dân số Việt Nam, 2001-2010 nhận định bối cảnh
kinh tế-xã hội cho giai đoạn 2001-2010, những thách thức về
dân số chuẩn xác nhưng chưa đầy đủ......................................
27
1.3 Định hướng lớn và các quan điểm của Chiến lược Dân số Việt
Nam, 2001-2010 cụ thể, rõ ràng, bao trùm hầu hết các vấn đề
dân số quan trọng và trở thành nền tảng của Chiến lược..............
28
1.4 Mục tiêu và các chỉ báo kiểm định mục tiêu đảm bảo tính
SMART nhưng còn nhiều trùng lắp........................................ 29
1.5 Hệ thống giải pháp đầy đủ đồng bộ nhưng quá nhiều hoạt
động..........................................................................................
31
2 Kết quả thực hiện mục tiêu................................................................. 33
2.1 Về mục tiêu giảm sinh ............................................................ 33
2.1.1 Mục tiêu giảm sinh của chiến lược đã đạt được nếu xét
chung trên phạm vi cả nước..................................................... 33
2.1.2 Nhiều tỉnh đã đạt được mức sinh thay thế một cách bền vững
nhưng cũng còn 26 tỉnh không đạt hoặc có thể không đạt
được mục tiêu này....................................................................
39
2.2 Về mục tiêu nâng cao chất lượng dân số................................. 42
2.2.1 Mục tiêu nâng cao chất lượng dân số của chiến lược đã đạt
được vững chắc trên phạm vi cả nước...................................... 42
2.2.2 Các tỉnh ở Việt Nam phát triển không đồng đều: Nhiều tỉnh
đạt HDI ở mức rất cao nhưng cũng còn nhiều tỉnh HDI ở
mức thấp và không đạt mục tiêu của Chiến lược .....................
44
3 Kết quả thực hiện các mục tiêu khác.................................................. 47
3
CHƯƠNG III: ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN 8 NHÓM GIẢI PHÁP
CHIẾN LƯỢC ............................................................................................. 64
1 Hệ thống tổ chức làm công tác DS-KHHGĐ qua hai lần cải cách
vẫn còn nhiều bất cập..........................................................................
64
2 Thúc đẩy truyền thông - giáo dục thay đổi hành vi............................ 73
3 Nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ..................... 82
4 Nâng cao chất lượng thông tin dữ liệu dân cư.................................... 99
5 Nâng cao dân trí, tăng cường vai trò của gia đình và bình đẳng giới 107
6 Đẩy mạnh xã hội hóa, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách
dân số và phát triển.............................................................................
119
7 Bảo đảm kinh phí và điều kiện hoạt động cho công tác dân số ......... 128
8 Nâng cao chất lượng Đào tạo và sử dụng hiệu quả các nghiên cứu
hiện có và các nghiên cứu mới ............................................................
137
CHƯƠNG IV: BÀI HỌC, KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ................... 164
PHỤ LỤC 176
Phụ lục 1 Danh sách các địa phương, cơ quan và cán bộ được phỏng
vấn
177
Phụ lục 2 Kết quả thực hiện mục tiêu và chỉ báo kiểm định mục tiêu 179
Phụ lục 3 Hướng dẫn phỏng vấn sâu 196
Phụ lục 4 Danh sách chuyên gia 218
Phụ lục 5 Tiến độ thực hiện 220
Phụ lục 6 Giáo dục 224
Phụ lục 7 Số trường học giai đoạn 1999-2008 225
Phụ lục 8 Số lượng học sinh, sinh viên giai đoạn 1999-2008 226
Phụ lục 9 Tỷ lệ học sinh, sinh viên nữ theo bậc học giai đoạn 1999-2008 227
4
DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT
BPTT Biện pháp tránh thai
CBCT Cán bộ chuyên trách
CLDS Chiến lược dân số
CMKT Chuyên môn kỹ thuật
CSSKSS Chăm sóc sức khỏe sinh sản
CTV Cộng tác viên
DS-GĐ-TE Dân số, gia đình và trẻ em
DS-KHHGĐ Dân số - Kế hoạch hóa gia đình
DS-PT Dân số - phát triển
GDI Chỉ số bình đẳng giới
HDI Chỉ số phát triển con người
IMR Tỷ suất chết trẻ em
KHKT Khoa học kỹ thuật
KT-XH Kinh tế - xã hội
KTQD Kinh tế quốc dân
LHQ Liên hợp quốc
PTTT Phương tiện tránh thai
QLNN Quản lý nhà nước
SMART Đặc trưng, đo được, phù hợp, khả thi - xác định thời gian
SKSS Sức khỏe sinh sản
TCTK Tổng cục thống kê
TĐTDS Tổng điều tra dân số
TFR Tổng tỷ suất sinh
TTHTCÐ Trung tâm học tập cộng đồng
UB Ủy ban
UNFPA Quỹ Dân số Liên hợp quốc
UNDP Chương trình phát triển Liên hợp quốc
5
LỜI CẢM ƠN
Trong suốt quá trình triển khai thực hiện đề tài, Nhóm nghiên cứu thuộc
Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, Trường đại học KTQD nhận được sự giúp đỡ,
tạo điều kiện thuận lợi, sự chia sẻ thông tin và những ý kiến tư vấn rất quý báu của
các cán bộ thuộc nhiều cơ quan, tổ chức. Nhân dịp hoàn thành báo cáo, chúng tôi
xin trân trọng cảm ơn:
- Lãnh đạo Tổng cục Dân số-KHHGĐ và Ban giám đốc Chương trình mục tiêu
quốc gia về DS-KHHGĐ.
- Ông Đinh Công Thoan - Vụ trưởng, Bà Tạ Thanh Hằng - Phó Vụ trưởng và các
chuyên viên Vụ Kế hoạch - Tài vụ thuộc Tổng cục Dân số-KHHGĐ đã theo dõi,
giúp đỡ và tư vấn từ khi xây dựng đề cương nghiên cứu cho đến khi báo cáo
hoàn thành.
- Ông Bùi Đại Thụ - Cán bộ Chương trình và TS. Adrian Hayes - Chuyên gia tư
vấn của UNFPA.
- TS. Bùi Thị Hà và các thành viên nhóm đánh giá Chiến lược quốc gia về chăm
sóc SKSS của Trường đại học Y tế công cộng.
- Cán bộ các Ban, ngành, các cơ quan Trung ương và cán bộ Dân số - Y tế các
tỉnh Lào Cai, Nam Định, Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Gia Lai, Tp.
Hồ Chí Minh, Bến Tre đã sẵn lòng trả lời phỏng vấn của nhóm nghiên cứu.
Viện Dân số và Các vấn đề xã hội - Đại học KTQD
Trưởng nhóm nghiên cứu
GS. TS. Nguyễn Đình Cử
6
LỜI NÓI ĐẦU
Chiến lược Dân số Việt Nam, 2001-2010 sắp kết thúc và Chiến lược Dân số-
SKSS cho giai đoạn 2011-2020 đang được khởi động xây dựng. Vì vậy, đây là thời
điểm có thể và cần phải đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược cũ, góp phần xác
định trạng thái đầu vào cho Chiến lược mới thông qua việc trả lời hàng loạt câu
hỏi, như: Mục tiêu và các chỉ báo kiểm định đã đạt được ở mức độ nào? Liệu đến
năm 2010 có đạt được như Chiến lược đề ra hay không? Vì sao đạt được, vì sao
không? Hệ thống giải pháp có được thực hiện thế nào? Thực hiện có đúng tiến độ
không? Những thuận lợi, khó khăn khi triển khai từng hoạt động là gì? Từ việc xây
dựng đến thực hiện Chiến lược có thể rút ra các bài học kinh nghiệm gì và đề xuất
những khuyến nghị nào cho việc xây dựng và thực hiện Chiến lược mới?....
Báo cáo “Nghiên cứu đánh giá Chiến lược Dân số Việt Nam, 2001-2010” là một
nỗ lực của Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Trường đại học KTQD nhằm đáp ứng yêu
cầu nói trên. Báo cáo là kết quả nghiên cứu văn bản Chiến lược, thu thập, phân tích hầu
hết các tài liệu liên quan và khảo sát quá trình triển khai thực hiện Chiến lược tại 22 bộ,
ngành, đoàn thể và 8 tỉnh, 16 huyện đại diện cho các vùng trong cả nước. Cuộc nghiên
cứu đánh giá này được tiến hành từ tháng 7 đến tháng 11 năm 2009, trong khuôn khổ
Chương trình mục tiêu quốc gia về DS-KHHGĐ.
Ngoài mở đầu và phụ lục, Báo cáo chia làm 4 chương:
Chương 1: Giới thiệu nghiên cứu, giúp bạn đọc hiểu rõ về bối cảnh, mục tiêu nội
dung, phương pháp và địa bàn nghiên cứu. Bạn đọc có thể thấy rằng, điểm đặc biệt
của cuộc nghiên cứu này là nội dung rộng và phức tạp, bởi nó phân tích, đánh giá một
Chiến lược lớn, được thực hiện trong một giai đoạn dài, trên phạm vi cả nước với
hàng trăm hoạt động. Phương pháp nghiên cứu được sử dụng ở đây cũng rất đa dạng,
vừa tại bàn, vừa điền dã, vừa định tính, vừa định lượng.
Chương 2 và chương 3, có thể coi là trung tâm cốt lõi của báo cáo này. Đây là
chương đánh giá việc xây dựng Chiến lược và có thể xem như kết quả của một
cuộc nghiên cứu độc lập “tại bàn”. Nhóm nghiên cứu đã sưu tầm, mổ xẻ, phân tích
việc thiết kế chiến lược, kết quả thực hiện mục tiêu và các giải pháp của Chiến
7
lược. Chương 3 phản ánh kết quả nghiên cứu “điền dã” tại 8 tỉnh nói trên và thông
tin thu được từ các bộ ngành, tổ chức xã hội.
Chương 4 trình bày những kết luận chủ yếu rút ra từ cuộc nghiên cứu này và
các khuyến nghị cho việc xây dựng, bổ sung, hoàn thiện và thực hiện chính sách.
Chúng tôi hy vọng và tin tưởng rằng, những nội dung trong Chương 4 sẽ hữu ích
cho các nhà hoạch định chính sách, quản lý DS-KHHGĐ nói chung và Chiến lược
Dân số-SKSS, giai đoạn 2011-2020 nói riêng.
Trong quá trình nghiên cứu đánh giá, nhóm nghiên cứu triệt để tuân theo 3
nguyên tắc: Khách quan, lịch sử và gợi mở. Bạn đọc có thể thấy rằng công trình
này đề cập nhiều nội dung, nhiều khía cạnh, nhiều cấp độ của quá trình xây dựng
và thực hiện Chiến lược trên cơ sở thu thập, xử lý một khối lượng đồ sộ các tài
liệu, thông tin số liệu được mô tả trong phần phụ lục. Báo cáo đã cố gắng bám sát
mục tiêu và nội dung nghiên cứu. Những câu hỏi đặt ra cho cuộc đánh giá đã được
trả lời. Báo cáo này đã trải qua 4 lần Dự thảo. Hai hội thảo khoa học, nhiều buổi
làm việc trực tiếp về các Bản thảo giữa chuyên gia tư vấn, các nhà quản lý hàng
đầu của Tổng cục Dân số-KHHGĐ, Bộ Y tế và nhóm nghiên cứu. Vì vậy, theo một
ý nghĩa nào đó, có thể coi Báo cáo này không phải là sản phẩm chỉ của riêng
nhóm nghiên cứu. Tuy nhiên, với vai trò là cơ quan đánh giá độc lập, Viện Dân số
và Các vấn đề xã hội đã tiếp thu tất cả những ý kiến tư vấn có cơ sở khoa học và
thực tiễn, đồng thời tôn trọng các phân tích, kết luận dựa trên bằng chứng khách
quan. Mọi kết luận trong báo cáo này không phụ thuộc vào bất cứ cá nhân hay cơ
quan nào và Nhóm nghiên cứu chịu trách nhiệm hoàn toàn với bản báo cáo.
Chiến lược Dân số Việt Nam 2001-2010 đã được xây dựng và thực hiện gần
10 năm nay. Trong thời khoảng nói trên, bối cảnh kinh tế - xã hội nói chung và
tình trạng dân số của nước ta nói riêng đã thay đổi rất căn bản. Ngay bộ máy quản
lý cũng đã chuyển từ Ủy ban quốc gia DS-KHHGĐ đến Ủy ban DS-GĐ-TE và nay
là Tổng cục DS-KHHGĐ thuộc Bộ Y tế. Rõ ràng, để đánh giá chính xác, khách
quan thì quan điểm lịch sử là cần thiết trong quá trình đánh giá Chiến lược, nghĩa
là đánh giá sự kiện nào thì phải gắn với bối cảnh KT-XH-DS tại thời điểm sự kiện
đó xảy ra chứ không phải nhìn nhận tại thời điểm này (2009).
8
Do tính rộng lớn và phức tạp của cả nội dung và địa bàn nghiên cứu, sự hạn
chế về thời gian, nhân lực và trình độ, những câu trả lời tìm thấy trong báo cáo này
chưa thể coi là đầy đủ, hoàn thiện. Hơn nữa, cuộc sống không ngừng biến đổi. Một
mục tiêu, một giải pháp, một định mức,… thời điểm này được đánh giá là hợp lý,
hữu hiệu thì thời điểm sau đã có thể không còn phù hợp.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, cuộc nghiên cứu chỉ có thể coi là thành công và
thực sự có ý nghĩa, nếu một số điểm chưa hợp lý trong Chiến lược Dân số Việt
Nam 2001-2010 được chỉ ra trong Báo cáo này sẽ được chỉnh sửa, những khoảng
trống sẽ được “san lấp”, một số khó khăn trong quá trình thực thi chính sách sẽ
được tháo gỡ trong Chiến lược mới, hoặc chí ít báo cáo cũng tạo ra cuộc tranh
luận, thu hút sự chú ý của những người có trách nhiệm, các nhà khoa học về vấn
đề này.
Nhóm nghiên cứu trân trọng cảm ơn tất cả những ai có ý kiến nhận xét, bình
luận về báo cáo và xin gửi tới Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, Trường đại học
KTQD, 207 đường Giải phóng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Trưởng nhóm đánh giá
GS. TS. Nguyễn Đình Cử
Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội
Đại học Kinh tế quốc dân
9
ĐÁNH GIÁ CHIẾN LƯỢC DÂN SỐ
VIỆT NAM 2001-2010
*
* *
CHƯƠNG I
GIỚI THIỆU NGHIÊN CỨU ĐÁNH GIÁ
1. LÝ DO ĐÁNH GIÁ
Công tác DS-KHHGĐ ở Việt Nam đã được bắt đầu từ năm 1961 với Quyết
định số 216/CP của Chính phủ về việc sinh đẻ có hướng dẫn và trở thành một lĩnh
vực được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Năm 1993, Hội nghị lần thứ tư
Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) đã ra Nghị quyết về Chính sách DS-
KHHGĐ. Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, ngay trong năm này Chính
phủ ban hành Chiến lược DS-KHHGĐ đến năm 2000. Đây là Chiến lược Dân số
đầu tiên của Việt Nam.
Tiếp theo Chiến lược DS-KHHGĐ lần thứ nhất, ngày 22 tháng 12 năm 2000,
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 147/2000/QĐ-TTg phê duyệt
“Chiến lược Dân số Việt Nam 2001-2010”. Chiến lược này đã đánh giá tình hình
thực hiện Chiến lược DS-KHHGĐ đến năm 2000, phân tích những vấn đề đặt ra
cho giai đoạn 2001-2010, chỉ rõ định hướng, quan điểm, mục tiêu, chỉ báo kiểm
định, giải pháp và tổ chức thực hiện. Các bộ, ngành, đoàn thể được được giao
nhiệm vụ thực hiện Chiến lược phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan. Sau
5 năm triển khai, Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em đã có báo cáo đánh giá giữa
kỳ, kết quả giai đoạn (2001-2005).
Đến nay, “Chiến lược Dân số Việt nam 2001-2010” sắp kết thúc và Việt Nam
đang khởi động xây dựng Chiến lược Dân số mới cho giai đoạn 2011-2020. Ngày
1/4/2009, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 44-KL/TW về kết quả thực hiện Nghị
quyết số 47-NQ/TW ngày 22/3/2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Tiếp tục đẩy
mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ”. Bản Kết luận nêu rõ: “Ban cán sự Đảng,
Chính phủ chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Chiến lược dân số, Chiến lược sức khỏe
10
sinh sản giai đoạn 2001-2010, xây dựng Chiến lược DS-SKSS giai đoạn 2010- 2020,
làm cơ sở cho việc hoạch định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”.
Vì vậy, đây là thời điểm có thể và cần phải phân tích sâu sắc, đánh giá toàn
diện kết quả thực hiện “Chiến lược Dân số Việt nam 2001-2010”.
2. MỤC TIÊU ĐÁNH GIÁ
Mục tiêu tổng quát
Đánh giá mức độ đạt được các mục tiêu, kết quả thực hiện các giải pháp, hoạt
động và cơ chế, chính sách đã đặt ra trong Chiến lược Dân số Việt Nam giai đoạn
2001-2010; đúc rút các bài học kinh nghiệm về thiết kế chiến lược, hoạch định chính
sách, xây dựng các giải pháp can thiệp và tổ chức thực hiện Chiến lược Dân số giai
đoạn 2001-2010; kiến nghị nội dung, mục tiêu, giải pháp chung cũng như nội dung,
mục tiêu, giải pháp đặc thù cần triển khai phù hợp với trình độ phát triển và tình trạng
dân số của các vùng trong Chiến lược Dân số giai đoạn 2011-2020.
Mục tiêu cụ thể
Đánh giá “Chiến lược Dân số 2001-2010” theo các nội dung sau đây:
(1) Đánh giá Văn bản Chiến lược: Căn cứ vào tình hình kinh tế, dân số, xã hội
cho tới năm 2000, thông qua nội dung và hình thức của Chiến lược, cần
đánh giá tính khoa học và tính thực tiễn của Chiến lược.
(2) Đánh giá các thành tựu đạt được: Đánh giá chính xác, cụ thể và khách quan
mức độ đã đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong Chiến lược và ước
thực hiện đến hết năm 2010.
(3) Đánh giá các hoạt động can thiệp: Mức độ thực hiện và lý giải tại sao
những hoạt động can thiệp cụ thể trong 8 nhóm giải pháp được thực hiện
thành công hoặc không đạt được như đã đặt ra trong Chiến lược.
(4) Đánh giá tính thích hợp: Trên cơ sở dự báo, đánh giá mức độ thích hợp của
các mục tiêu, giải pháp của Chiến lược trong khuôn khổ Chiến lược phát
triển kinh tế - xã hội của Chính phủ.
(5) Rút ra các bài học kinh nghiệm: Rút ra những bài học từ kinh nghiệm thực hiện
chiến lược từ việc xây dựng đến thực hiện bao gồm cả giám sát và đánh giá kết
11
thúc Chiến lược; xác định các yếu tố thuận lợi và những trở ngại, rào cản trong
quá trình thực hiện, cách thức phát huy thuận lợi và vượt qua trở ngại.
(6) Đề xuất các khuyến nghị: Từ kết quả đánh giá và các bài học kinh nghiệm,
đề xuất những khuyến nghị cho việc xây dựng và thực hiện Chiến lược Dân
số giai đoạn 2011-2020.
3. NỘI DUNG ĐÁNH GIÁ
3.1. Đánh giá văn bản “Chiến lược Dân số Việt Nam 2001-2010”
3.1.1 Về nội dung
Trên cơ sở thu thập thông tin kinh tế - xã hội và dân số để trả lời các câu hỏi
đối với “Chiến lược Dân số Việt Nam 2001-2010”, như:
(1) Việc đánh giá tình hình thực hiện “Chiến lược DS-KHHGĐ đến năm 2000”
đã đầy đủ và chính xác hay chưa?
(2) Việc nhận định bối cảnh kinh tế - xã hội cho giai đoạn 2001-2010, những
thách thức về dân số có chuẩn xác hay chưa? Thực tế 10 năm qua có minh
chứng cho nhận định không?
(3) Định hướng lớn và các quan điểm của Chiến lược có cụ thể, rõ ràng và đã
bao trùm hết các vấn đề dân số quan trọng của nước ta hay không? Sự biến
đổi dân số trong 10 năm qua có khẳng định cho Định hướng và quan điểm
không?
(4) Mục tiêu và các chỉ báo kiểm định mục tiêu có đảm bảo tính SMART
(Đặc trưng, đo được, phù hợp, khả thi và xác định về thời gian) hay không?
Chẳng hạn, để cụ thể hóa về tính phù hợp của mục tiêu cần trả lời các câu
hỏi, như: Mục tiêu đề ra có hỗ trợ thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát
triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001-2010 không? Bộ chỉ báo kiểm định mục
tiêu có liên hệ chặt chẽ với mục tiêu không? Thừa hay thiếu? hay vừa đủ?
Có tương thích với các Chiến lược khác không? Có phù hợp với các văn bản
quốc tế mà Việt Nam đã ký kết?
(5) Hệ thống giải pháp
(6) Đối với mỗi nhóm giải pháp của Chiến lược dân số 2001-2010, báo cáo
đánh giá cần luận giải được những câu hỏi sau:
12
- Kết quả (đầu ra) mong muốn cụ thể là gì? Cơ sở luận chứng, lý giải cho việc
tập trung vào những kết quả đầu ra đó?
- Hệ thống giải pháp mà Chiến lược nêu lên liệu đã đầy đủ, khả thi và đảm
bảo hướng đến thực hiện được mục tiêu hay chưa?
3.1.2. Về hình thức
(1) Cấu trúc của Chiến lược có hợp lý và chặt chẽ? Phần/mục nào là không cần
thiết nhưng có trong Chiến lược và ngược lại phần/mục nào cần thiết nhưng
không có trong Chiến lược?
(2) Cách trình bày, nhất là các phụ lục có sáng sủa, dễ hiểu. Ngôn ngữ và câu
văn trong Chiến lược thế nào?
(3) So sánh sự tương đồng với các Chiến lược trong và ngoài nước khác.
3.2. Đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu và tất cả chỉ báo kiểm định mục tiêu
của Chiến lược cho đến nay. Từ đó ước lượng mức độ hoàn thành mục tiêu và
các chỉ báo này vào năm 2010
Thông tin, số liệu đã được thu thập, phân tích để trả lời các câu hỏi đánh giá sau:
(1) Mục tiêu và các chỉ báo kiểm định mục tiêu hiện đã đạt được bao nhiêu
phần trăm so với Chiến lược đề ra?
(2) Căn cứ trên các thông tin, số liệu sử dụng các phương pháp phân tích, ngoại
suy để ước lượng xem: Liệu đến năm 2010 có đạt (hoặc vượt) mục tiêu và
các chỉ báo kiểm định mục tiêu do Chiến lược đề ra hay không?
Hai mục tiêu cụ thể của Chiến lược (về TFR và HDI) không chỉ được phân
tích trên phạm vi cả nước mà còn được phân tích quá trình đạt đến mục tiêu theo
thời gian và chi tiết đến từng vùng miến/tỉnh.
3.3. Phân tích và đánh giá việc thực hiện các giải pháp
Để đạt được các mục tiêu, Chiến lược đề ra hệ thống 8 giải pháp. Mỗi giải pháp
lại bao gồm một số nhóm hoạt động. Tổng cộng có 30 nhóm hoạt động. Có thể mô
hình hóa mối quan hệ giữa hoạt động (X), đầu ra Y và mục tiêu như sau:
Giải pháp 1:
1X1  1Y1 }
1X2  1Y2 }
1X3  1Y3 v….v } = = =  Mục tiêu 1
13
Giải pháp 2: }
2X1  2Y1 } = = =  Mục tiêu 2
2X2  2Y2 }
}
Giải pháp 3: }
3X1  3Y1 } = = =  Mục tiêu 3
3X1  3Y1 v….v }
v….v }
trong đó : iXj là nhóm hoạt động (nhóm can thiệp) thứ j của giải pháp i.
iYj là đầu ra của nhóm hoạt động thứ j của giải pháp i.
Cần cố gắng lượng hóa cả biến X và biến Y.
Do có tới nhóm 30 hoạt động, vì vậy với mỗi giải pháp chỉ chọn một số nhóm hoạt
động tiêu biểu để đánh giá. Trong mỗi nhóm lại có thể chỉ chọn một số hoạt động
cụ thể.
Tiêu chí để lựa chọn hoạt động đánh giá như sau:
(1) Ngân sách dành cho hoạt động này (lớn/nhỏ)
(2) Phạm vi tác động của hoạt động
(3) Cấp nào điều hành hoạt động này
Các thông tin định tính và định lượng đã được thu thập để phân tích và trả lời
các câu hỏi đối với hoạt động được lựa chọn đánh giá, như sau:
(1) Hoạt động thuộc giải pháp đề ra trong Chiến lược có được thực hiện không?
Thực hiện có đúng tiến độ không?
(2) Những thuận lợi, khó khăn khi triển khai từng hoạt động là gì? Đặc biệt là
vấn đề nguồn lực để triển khai chiến lược, cho từng cấp và từng địa phương?
Có huy động được sự hỗ trợ có hiệu quả của các cơ quan đối tác không? Các
khó khăn, cản trở đã được xử lý ra sao?
(3) Thực tế, (hoạt động) can thiệp đó có đem lại kết quả gì không? Có đạt được
kết quả đầu ra như mong muốn và đã được thiết kế không?
(4) Vấn đề điều hành, phối hợp, giám sát việc thực hiện Chiến lược (thực chất là
thực hiện các giải pháp) diễn ra như thế nào?
14
(5) Để có được những kết quả đầu ra đó cần phải có những thay đổi, điều chỉnh
gì về mặt thể chế/tổ chức bộ máy?
(6) Trong giải pháp này rút ra được những bài học kinh nghiệm chủ chốt gì?
Vận dụng như thế nào trong Chiến lược mới?
3.4. Tính thích hợp
Chiến lược Dân số là một bộ phận quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh tế
xã hội. Vì vậy, nó phải phù hợp và thúc đẩy việc thực hiện Chiến lược phát triển
kinh tế xã hội. Dựa trên kết quả thực hiện Chiến lược Dân số và Chiến lược phát
triển kinh tế xã hội, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội và Dự báo kết quả năm tới,
đã trả lời những câu hỏi, như:
(1) Các mục tiêu, giải pháp của Chiến lược Dân số đã được thực hiện có thích
hợp với Chiến lược phát triển kinh tế xã hội hay không? Có cản trở việc
thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội hay không?
(2) Chiến lược Dân số đóng góp như thế nào vào việc thực hiện Chiến lược
phát triển kinh tế xã hội?
3.5. Rút ra các bài học kinh nghiệm
Các bài học kinh nghiệm rút ra từ việc xây dựng và thực hiện “Chiến lược Dân
số Việt Nam, 2001-2010” đã được tổng kết thành 2 nhóm:
Nhóm 1: Các bài học về xây dựng Chiến lược:
(1) Tổ chức xây dựng Chiến lược như thế nào? Sự hợp tác giữa các nhà hoạch
định Chiến lược, các nhà quản lý và các nhà khoa học.
(2) Bài học về thu thập, xử lý, phân tích thông tin, số liệu đầu vào cho xây
dựng Chiến lược.
(3) Bài học về phân tích phát hiện các vấn đề dân số nổi bật mà Chiến lược cần
giải quyết
(4) Bài học về xây dựng các nội dung của Chiến lược, nhất là xây dựng mục
tiêu, chỉ tiêu kiểm định và giải pháp.
(5) Các bài học khác căn cứ vào kết quả đánh giá.
Nhóm 1 bao gồm cả bài học thành công và bài học chưa thành công
15
Nhóm 2: Các bài học về thực hiện Chiến lược:
(1) Bài học về cụ thể hóa Chiến lược thành các Chương trình/Dự án ở Trung
ương và địa phương?
(2) Bài học về điều phối thực hiện Chiến lược
(3) Bài học về giám sát, hỗ trợ thực hiện Chiến lược
(4) Các bài học khác căn cứ vào kết quả đánh giá
Nhóm 2 cũng bao gồm cả bài học thành công và bài học chưa thành công.
3.6. Đề xuất các khuyến nghị cho việc xây dựng Chiến lược Dân số mới giai
đoạn 2011-2020
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu đánh giá “Chiến lược Dân số Việt Nam, 2001-
2010” ba nhóm khuyến nghị cho việc xây dựng và thực hiện “Chiến lược Dân số
Việt Nam, 2011-2020” đã được đề xuất với các nội dung sau:
Nhóm khuyến nghị 1: Về tên gọi và kết cấu của Chiến lược:
(1) Nên đặt tên Chiến lược như thế nào?
(2) Chiến lược bao gồm mấy phần? Gồm những phần nào?
Nhóm khuyến nghị 2: Về xây dựng Chiến lược
(1) Điểm khác nhau căn bản giữa hoàn cảnh dân số, kinh tế, xã hội của Chiến
lược mới và Chiến lược cũ cần nhấn mạnh là gì?
(2) Những vần đề dân số nổi bật nào trên phạm vi cả nước hay đặc thù của các
vùng miền Chiến lược này cần ưu tiên giải quyết?
(3) Quan điểm cơ bản của Chiến lược này cần nhấn mạnh là gì?
(4) Mục tiêu cần đạt được là gì? Bằng cách nào?
(5) Trong hoàn cảnh mới nên tổ chức thực hiện Chiến lược như thế nào?
Nhóm khuyến nghị 3: Về thực hiện Chiến lược
(1) Làm thế nào để sớm cụ thể hóa Chiến lược thành các Chương trình/Dự án ở
Trung ương và địa phương?
(2) Làm thế nào để phổ biến, tuyên truyền Chiến lược một cách hiệu quả?
(3) Làm thế nào để điều phối tốt việc thực hiện Chiến lược?
(4) Làm thế nào để theo dõi, giám sát chặt chẽ hỗ trợ xử lý khó khăn thực thi
Chiến lược một cách hiệu quả?
16
(5) Các khuyến nghị khác căn cứ vào kết quả đánh giá.
Mặc dù đánh giá này đề cập một hệ thống các nội dung nói trên nhưng quan trọng
nhất là các nội dung 2 và 3. Các câu hỏi quan trọng nhất được trả lời là:
(1) Có đạt được mục tiêu hay không?
(2) Các giải pháp có được thực hiện hay không?
(3) Khi giải pháp nào đó được thực hiện thì có dẫn đến kết quả mô tả hay không?
4. PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ
Để thực hiện được nội dung đánh giá, một khối lượng lớn thông tin, số liệu định
tính và định lượng đã được thu thập, xử lý và phân tích.
Do yêu cầu chuyên môn, Viện Dân số và Các vấn đề xã hội thường xuyên có
những nghiên cứu về thực trạng dân số Việt Nam cũng chính là theo dõi kết quả thực
hiện Chiến lược Dân số giai đoạn 2001-2010 ( Xin xem các công trình nghiên cứu của
Viện và của các thành viên của Viện). Kết quả là Viện đã tích lũy được một phần
những thông tin, số liệu của cơ quan có thẩm quyền như Tổng cục Thống kê công bố
hoặc những công trình điều tra khảo sát do các cơ quan nghiên cứu có uy tín tiến hành
phục vụ đánh giá Chiến lược. Vì vậy, chiến lược thu thập thông tin là: Hệ thống hóa,
phân tích sâu sắc thông tin mà Viện đã có sẵn trước khi thu thập thông tin tại các cơ
quan trung ương và các địa phương.
4.1 Địa bàn điều tra
4.1.1. Tại các cơ quan Trung ương
Đã thu thập thông tin, số liệu ở:
Tất cả các Bộ, Ban ngành, tổ chức xã hội đã được Đảng và Nhà nước giao
trách nhiệm thực hiện, kiểm định và báo cáo kết quả thực hiện Chiến lược,
như: (1) Bộ Y tế/Tổng cục DS-KHHGĐ, (2) Bộ Kế hoạch và Đầu tư/Tổng
cục thống kê, (3) Bộ Tài chính, (4) Bộ Giáo dục và Đào tạo, (5) Bộ Lao
động - Thương binh và Xã hội, (6) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
(7) Bộ Tư pháp, (8) Bộ Công an, (9) Bộ Quốc phòng, (10) Bộ Khoa học và
Công nghệ, (11) Bộ Tài nguyên và Môi trường, (12) Bộ Văn hóa, Thể thao
và Du lịch, (13) Bộ Thông tin và Truyền thông, (14) Ủy ban Dân tộc, (15)
17
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, (16) Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt
Nam, (17) Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM, (18) Hội
KHHGĐ, (19) Ban Tuyên giáo Trung ương, (20) Ủy ban các vấn đề xã hội
của Quốc hội.
Những cán bộ quản lý Dự án Dân số - SKSS do các cơ quan quốc tế như:
UNFPA và GTZ,… tài trợ.
Các cơ quan khoa học có uy tín đã thực hiện các cuộc điều tra khảo sát thu
được số liệu đáng tin cậy, có ý nghĩa đánh giá.
4.1.2. Tại các địa phương
Việc lựa chọn địa bàn khảo sát cấp tỉnh, căn cứ vào tiêu chuẩn sau:
(1) Trình độ phát triển (Khá, Trung bình, Thấp) và mức sinh (Cao, Trung bình,
Thấp) tại thời điểm trước năm 2001.
(2) Đại diện cho các vùng lãnh thổ.
(3) Có thành phố lớn và tỉnh nông nghiệp.
(4) Những tỉnh có Dự án của Quỹ Dân số LHQ và có tỉnh không.
Dựa vào các tiêu chuẩn trên, nhóm nghiên cứu đã chọn các tỉnh/thành phố/
quận/huyện/thị xã như ở bảng sau: (xem bảng 1.1)
Bảng 1.1: Địa bàn khảo sát
STT Tỉnh/Thành phố Quận/Huyện/Thị xã
1 Lào Cai TP. Lào Cai, huyện Si Ma Cai
2 Hà Nội Quận Đống Đa, huyện Sóc Sơn
3 Nam Định TP Nam Định, huyện Nghĩa Hưng
4 Thừa Thiên - Huế TP.Huế, huyện Phú Lộc
5 Quảng Nam Huyện Phú Ninh, TP. Hội An
6 Gia Lai Huyện Đák Đoa, TP. Plây Cu
7 TP. Hồ Chí Minh Quận Bình Tân, quận Tân Phú
8 Bến Tre Huyện Thạnh Phú, huyện Châu Thành
Tổng 16
4.2. Đối tượng và phương pháp thu thập thông tin, số liệu
 Tại các địa bàn điều tra, các đối tượng sau đây (kể cả những người giữ vị trí
quản lý quan trọng, giai đoạn 2001-2010, nay đã về hưu hoặc chuyển công tác)
đã được phỏng vấn sâu:
18
(1) Người chịu trách nhiệm triển khai Chiến lược Dân số.
(2) Những người quản lý hệ thống Dân số-KHHGĐ cấp Trung ương, tỉnh và
huyện, giai đoạn 2001-2010.
(3) Các nhà khoa học, các chuyên gia có nghiên cứu và hiểu biết sâu về DS-
KHHGĐ ở Việt Nam.
(4) Những người thuộc tổ biên soạn Chiến lược Dân số Việt Nam 2001-2010.
(5) Những người quản lý các Chương trình/ Dự án tài trợ cho lĩnh vực DS-
KHHGĐ ở Việt Nam, như: UNFPA, GTZ,…
 Số người được phỏng vấn sâu như trong Bảng 1.2 (xem bảng 1.2)
Bảng 1.2: Số người được phỏng vấn sâu tại địa bàn điều tra
STT Địa bàn
Số người
được phỏng vấn
1 Tại 22 cơ quan Trung ương và quốc tế
1.1 Bộ Y tế / Tổng cục Dân số - KHHGĐ 10
1.2 21 cơ quan khác
1.3 Các nhà khoa học và chuyên gia
2 Tại các địa phương (8 tỉnh)
2.1 Cán bộ cấp tỉnh: 8 tỉnh x 3 người/tỉnh 27
2.2 Cán bộ cập huyện: 16 huyện x 2 người/huyện 29
Tổng số 66
Theo ý kiến chuyên gia tư vấn thì 90 PVS là quá nhiều và nên rút bớt. Nhóm
nghiên cứu đã đề nghị Ban quản lý Chương trình thay thế bằng tổ chức Hội thảo về Kết
quả thực hiện CLDS. Mời 21 bộ ngành, chuyên gia viết bài cho Hội thảo. Nhóm đánh
giá chỉ PVS 56 người ở địa phương và 10 cán bộ Tổng cục DS-KHHGĐ.
 Ngoài phương pháp phỏng vấn sâu cá nhân, các số liệu, thông tin, có sẵn tại
các địa bàn điều tra cũng được thu thập. Bộ công cụ thu thập thông tin đã
được thiết kế, bao gồm:
(1) Bảng hướng dẫn thu thập thông tin, số liệu có sẵn. Bảng này sẽ liệt kê: Số
thứ tự các chỉ tiêu; Mức đạt được các chỉ tiêu của Chiến lược Dân số; năm;
nguồn,…(Xem Phụ lục 2)
(2) Bảng hướng dẫn phỏng vấn sâu. Để tránh “lạc đề” và để tập trung vào
những vấn đề cần thiết, Bảng hướng dẫn phỏng vấn sâu được chuẩn bị sẵn
19
cho các điều tra viên, nhằm cung cấp cho điều tra viên những câu hỏi chủ yếu,
những nội dung cần “xoáy sâu”,…(Xem Phụ lục 3)
4.3. Xử lý, phân tích thông tin và viết báo cáo
4.3.1. Xử lý và phân tích số liệu định lượng
Các số liệu định lượng đã được tổng hợp, phân tích và trình bày theo các
phương pháp thống kê. Phương pháp phân tổ, so sánh, hồi quy tương quan. Các
biểu đồ cũng đã được sử dụng khi thích hợp. Việc xử lý số liệu được thực hiện trên
phần mềm SPSS.
4.3.2. Xử lý số liệu định tính
Trước hết đã tổ chức gỡ băng các cuộc phỏng vấn sâu. Các dữ liệu này được
chuyển thành các file văn bản dưới sự hỗ trợ của phần mềm Word. Sau khi làm
sạch, các dữ liệu này cũng được chuyển sang định dạng có thể sử dụng với phần
mềm NVIVO để xử lý và phân tích định tính. Các thông tin thu được từ các cuộc
phỏng vấn sâu cá nhân được phân tích bằng các kỹ thuật định tính nhằm làm rõ
nguyên nhân và hoàn thiện các kết quả của điều tra định lượng.
4.3.3. Viết và hoàn thiện báo cáo
Để phân tích sâu, nhiều chuyên đề đã được biên soạn. Báo cáo kết quả đánh giá
cuối cùng được tổng hợp, phân tích từ các Báo cáo chuyên đề và các kết quả nghiên
cứu khác.
Báo cáo chuyên đề và Báo cáo kết quả đánh giá cuối cùng do các chuyên gia
bậc cao thực hiện theo quy trình: Dự thảo - Hội thảo góp ý - Hoàn thiện.
Sản phẩm của nghiên cứu đánh giá:
 Chuyên đề 1: “Rà soát phân tích, đánh giá Văn bản Chiến lược Dân số Việt
Nam 2001-2010”
 Chuyên đề 2: “Đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu Chiến lược”
 Chuyên đề 3: “Kết quả thực hiện các Giải pháp của Chiến lược”
 Chuyên đề 4: “Các bài học rút ra từ việc xây dựng và thực hiện Chiến lược”
20
 Chuyên đề 5: “Các khuyến nghị cho việc xây dựng và thực hiện CLDS, giai
đoạn 2011-2020”
 Chuyên đề 6: “Quản lý và Điều hành thực hiện CLDS ở cấp trung ương”
 Chuyên đề 7: “Quản lý và Điều hành thực hiện CLDS ở cấp tỉnh”
 Báo cáo kết quả nghiên cứu đánh giá cuối cùng.
 Bản tóm tắt và Bản trình bày trên Powerpoint của Báo cáo kết quả nghiên
cứu đánh giá cuối cùng.
4.4. Giám sát quá trình đánh giá
Viện Dân số và Các vấn đề xã hội luôn đặt chất lượng nghiên cứu lên hàng
đầu. Về phương diện này, nguyên tắc “quản lý chất lượng toàn bộ” dựa trên việc
giám sát chặt chẽ chất lượng, thúc đẩy tiến độ trong từng bước của quá trình
nghiên cứu, từ thiết kế nghiên cứu, thu thập số liệu đến xử lý, phân tích số liệu. Cụ
thể, Ban chủ nhiệm đề tài có trách nhiệm thực hiện các biện pháp giám sát và bảo
đảm chất lượng sau:
- Lựa chọn chuyên gia, điều tra viên, cộng tác viên:
Dựa trên nguyên tắc số một là phải đảm bảo năng lực chuyên môn, có kinh nghiệm
điều tra, nghiên cứu, đặc biệt là điều tra tại cộng đồng, có khả năng giao tiếp, có
kinh nghiệm nghiên cứu ít nhất là 5 năm, và cam kết dành thời gian cho nghiên
cứu. (Xem Phụ lục 4)
- Tập huấn điều tra:
Các chuyên gia, điều tra viên đã được tập huấn kỹ trước khi điều tra. Họ cũng được
thực hành điều tra thử.
- Thử các bảng hướng dẫn:
Các Bảng hướng dẫn thu thập số liệu, thông tin, Bảng hướng dẫn phỏng vấn sâu cá
nhân đã được sử dụng thử để chỉnh sửa nội dung nếu cần thiết và rút kinh nghiệm về
kỹ năng điều tra. Việc này nhằm đảm bảo tính đúng đắn, thích hợp của các công cụ
thu thập số liệu và nâng cao kỹ năng của các chuyên gia và điều tra viên.
- Quy trình thu thập thông tin chặt chẽ:
21
Quy trình này bao gồm các bước, bước sau sử dụng kết quả của bước trước và cho
phép hiểu sâu vấn đề hơn.
- Giám sát công tác thu thập số liệu:
Các chuyên gia làm giám sát viên độc lập theo dõi việc thu thập số liệu để đảm bảo
chất lượng công tác này. So sánh số liệu về cùng một chỉ tiêu từ nhiều nguồn để
kiểm tra tính chính xác.
5. TỔ CHỨC VÀ NHÂN SỰ
5.1. Cơ quan thực hiện đánh giá: Viện Dân số và Các vấn đề xã hội
Viện Dân số và Các vấn đề xã hội tiền thân là Trung tâm Dân số thuộc Đại
học KTQD, được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký quyết định thành lập
thành lập ngày 22 tháng 1 năm 1992. Viện có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng
và tài khoản riêng. Viện được sở Khoa học và công nghệ Thành phố Hà Nội cấp
giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số 145/ĐK-KH&CN. Viện có chức năng
nghiên cứu khoa học, đào tạo và tư vấn khoa học trong lĩnh vực dân số và các vấn
đề xã hội. Viện có 12 cán bộ, trong đó 10 là PGS, TS, Thạc sỹ.
Trong giai đoạn 1991-2009 Viện đã nghiên cứu 20 đề tài liên quan đến Đánh
giá các Chính sách, Chương trình, Dự án.
5.2. Nhóm nghiên cứu đánh giá
Viện Dân số và Các vấn đề xã hội lập Nhóm nghiên cứu đánh giá 15 người,
bao gồm: Cán bộ của Viện, các chuyên gia trong và ngoài Trường đại học KTQD.
Đó là các nhà khoa học về Dân số, Kinh tế, Xã hội học có trình độ cao về lý thuyết
và nhiều kinh nghiệm điều tra nghiên cứu. điền dã. (Xem Phụ lục 4)
Chủ nhiệm Đề tài: GS. TS. Nguyễn Đình Cử
GS. TS. Nguyễn Đình Cử - Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội có
bằng Tiến sỹ về Dân số học và Kinh tế học Dân số năm 1987, tại Đại học Tổng
hợp Matxcơva, được phong PGS năm 1996 và GS năm 2009.
Ông Cử nghiên cứu về dân số từ năm 1978 và đã viết gần 100 cuốn sách, công
trình nghiên cứu khoa học, bài báo thuộc lĩnh vực DS-SKSS, DS&PT, trong đó có
hàng chục đề tài liên quan đến Chính sách Dân số, Pháp lệnh Dân số, đánh giá các
Chương trình, Dự án dân số có quy mô điều tra khảo sát trên phạm vi toàn quốc.
22
Các thành viên khác trong nhóm đánh giá được phân công nhiệm vụ cụ thể,
chi tiết (Xem Phụ lục 4).
5.3. Nhân lực điều tra
Nhân lực nghiên cứu đánh giá này chia thành ba nhóm như sau:
- Nhóm nghiên cứu viên chính (chuyên gia bậc cao)
Nhóm nghiên cứu viên chính được tuyển chọn tại Viện Dân số và Các vấn đề
xã hội, Trường Đại học có trình độ Tiến sỹ và có kinh nghiệm nghiên cứu. Họ đã
trực tiếp thực hiện các đề tài về dân số. Họ phải sử dụng thành thạo các phần mềm
chuyên dụng để xử lý thông tin, thành thạo phân tích định lượng và định tính. Họ
đã từng tổ chức toàn bộ quá trình nghiên cứu, trong đó có phỏng vấn sâu cá nhân,
xử lý số liệu và viết báo cáo nghiên cứu đánh giá.
Nghiên cứu viên chính thực hiện những công việc sau:
- Tham gia thiết kế nghiên cứu
- Hướng dẫn những yêu cầu đối với cơ quan địa phương
- Giám sát và kiểm tra các điều tra viên về quy trình thu thập số liệu xem có
đúng với các yêu cầu đặt ra hay không
- Phỏng vấn sâu
- Nghiệm thu các băng ghi âm phỏng vấn sâu từ các điều tra viên, đảm bảo
rằng các băng đã được ghi đầy đủ
- Phúc tra số liệu điều tra
- Viết các Báo cáo và Chuyên đề được phân công
- Nhóm điều tra viên:
Điều tra viên đã được tuyển chọn và tập huấn về nội dung nghiên cứu và kỹ năng
điều tra, phỏng vấn sâu cá nhân. Điều tra viên đã được chọn từ các giảng viên, cán bộ
nghiên cứu khoa học dân số, khoa học xã hội trong các trường Đại học.
Các điều tra viên có trách nhiệm hoàn thành các công việc sau:
- Thu thập thông tin, số liệu có sẵn.
- Hỗ trợ nghiên cứu viên chính thực hiện phỏng vấn sâu
- Bàn giao đầy đủ sản phẩm điều tra cho chuyên gia
- Gỡ băng, nhập liệu, xử lý thông tin trên máy.
23
5.4. Cơ quan cộng tác nghiên cứu đánh giá
Viện Dân số và Các vấn đề xã hội trong 20 năm nay là Trung tâm Đào tạo và
Nghiên cứu về Dân số nên Viện có quan hệ công việc và đối tác truyền thống ở tất
cả các cơ quan thực hiện Chiến lược Dân số cấp Trung ương cũng như Bộ máy
DS-KHHGĐ cấp tỉnh/huyện.
5.5. Tập huấn điều tra
+ Xây dựng tài liệu hướng dẫn điều tra thực địa
Cơ quan đánh giá xây dựng “Tài liệu hướng dẫn điều tra thực địa” và Đề xuất
kỹ thuật và các tài liệu liên quan khác để làm tài liệu tập huấn.Tài liệu này có tác
dụng tích cực đối với các nghiên cứu viên trong quá trình điều tra.
+ Tập huấn cho các thành viên nhóm đánh giá:
Trước khi tiến hành điều tra, các thành viên nhóm đánh giá được tập huấn, hội
thảo tại Hà Nội để:
- Nghiên cứu lại Văn bản Chiến lược Dân số 2001-2010
- Nắm được toàn bộ Đề xuất kỹ thuật đánh giá
- Thống nhất phương án xử lý các tình huống bất trắc trong quá trình điều tra
- Xác định và thống nhất kế hoạch phối hợp triển khai điều tra tại các địa bàn.
- Xác định rõ ràng nhiệm vụ của từng thành viên
- Tiến hành thử nghiệm các bảng hướng dẫn thu thập thông tin
5.6. Tổ chức điều tra thực địa
5.6.1. Biên chế:
Mỗi địa bàn điều tra đã lập một nhóm gồm 1 Nghiên cứu viên chính và 1 điều tra
viên. Nghiên cứu viên chính làm Trưởng nhóm, chịu toàn bộ trách nhiệm triển khai
nghiên cứu trên địa bàn.
5.6.2. Trình tự
Thông tin, số liệu có sẵn đã được thu thập trước. Sau đó đến phỏng vấn sâu cá
nhân. Trong quá trình thu thập thông tin, số liệu có sẵn, chuyên gia bậc cao và điều tra
viên sẽ phát hiện những câu hỏi bổ sung cho Hướng dẫn phỏng vấn sâu cá nhân.
5.6.3. Báo cáo
24
Trưởng nhóm Điều tra thực địa trên các địa bàn (Bộ, Ban, Tỉnh) đã có Báo cáo
về nghiên cứu đánh giá trên địa bàn sau khi hoàn thành khảo sát.
5.6.4. Hậu cần cho điều tra
Cơ quan nghiên cứu đã chịu trách nhiệm chuẩn bị đầy đủ mọi cơ sở vật chất,
kỹ thuật và các điều kiện hậu cần cho quá trình điều tra, như: Trang thiết bị kỹ thuật
phục vụ điều tra (Máy ghi âm, băng, vở ghi, bút viết....); Bộ công cụ điều tra và các
văn bản liên quan; Phương tiện đi lại, liên lạc; Kinh phí, thuốc men…
6. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN ( Xem Phụ lục 5)
25
CHƯƠNG II
CHIẾN LƯỢC DÂN SỐ VIỆT NAM 2001-2010
VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN MỤC TIÊU
1. Đánh giá văn bản “Chiến lược Dân số Việt Nam, 2001-2010”
1.1. Chiến lược Dân số Việt Nam, 2001-2010 cơ bản đã đánh giá đúng kết quả
thực hiện “Chiến lược DS-KHHGĐ đến năm 2000” nhưng vẫn còn những điểm
chưa được đề cập hoặc thiếu chính xác
Chiến lược Dân số Việt Nam 2001-2010 đã đánh giá khá toàn diện tình hình thực
hiện “Chiến lược DS-KHHGĐ đến năm 2000”, bao gồm kết quả thực hiện mục tiêu và
giải pháp, đúc kết các hạn chế, tồn tại và rút ra các bài học kinh nghiệm.
Về mục tiêu, thành công nổi bật của Chiến lược DS-KHHGĐ đến năm 2000
được đánh giá là: “Kết quả giảm sinh đã đạt được sớm hơn so với mục tiêu đề ra”.
Đánh giá như vậy không sai nhưng chưa hết tầm thành công của Chiến lược này,
nếu so sánh mục tiêu đến năm 2000 tổng tỷ suất sinh đạt 2,9 con, quy mô dân số
82 triệu người và kết quả tương ứng là 2,28 con và 77,63 triệu người. Cũng cần để
ý rằng, chưa có giai đoạn nào mức sinh giảm nhanh và có tính chất bước ngoặt, đột
phá như vậy. Chẳng hạn, giai đoạn (1974-1979), TFR trung bình là 4,8 con nhưng
hơn 10 năm sau, TFR vẫn còn cao ở mức 3,8 con, nghĩa là chỉ giảm được 1 con. Còn
trong giai đoạn thực hiện Chiến lược (1993 -2000), chỉ trong 7 năm, TFR đã giảm tới
1,2 con! Việc giảm hơn 4 triệu người so với mục tiêu đề ra, đã tiết kiệm được một
khối lượng lớn các nguồn lực mà lẽ ra phải chi cho ăn, mặc, ở, đi lại, giáo dục, chữa
bệnh và phát triển việc làm.
Tuy nhiên, sự phân tích mức sinh chưa thực sự chi tiết và sâu sắc, mới chỉ chú ý
đến cấp vùng chung chung chứ chưa nói đến vùng lãnh thổ cụ thể, như: Tây Bắc, Tây
Nguyên… và càng chưa nói đến sự khác nhau về mức sinh của các tỉnh để có cách
tiếp cận thích hợp.
Theo kết quả Tổng điều tra Dân số 1999, tức là ngay trước khi bắt đầu thực hiện
Chiến lược Dân số (2001-2010) vẫn còn một số tỉnh có mức sinh rất cao (TFR > 3.5),
như: Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai, Gia Lai. Đặc biệt, Lai Châu và Kon Tum
có TFR > 5! Mặc dù Chiến lược đã chú ý đến các tỉnh “vùng sâu, vùng xa và vùng
26
nghèo” và lùi thời hạn đạt được mức sinh thay thế cho các tỉnh này vào năm 2010
nhưng cũng khó thực hiện, nếu không có những giải pháp đặc biệt. Bởi giai đoạn
(1989-1999), mức sinh giảm mạnh và Việt Nam được LHQ tặng Giải thưởng Dân số
nhưng TFR cũng chỉ giảm được 1,5 con. Vì thế, các tỉnh “vùng sâu, vùng xa và vùng
nghèo” như: Lai Châu và Kon Tum khó có thể giảm tới hơn 2 con cũng chỉ trong 10
năm (2001-2010).
Ngược lại, theo Tổng điều tra Dân số, ngay từ năm 1999, đã có tới 17 tỉnh đạt
mức sinh thay thế. Đó là các tỉnh: Hà Nội - Hải Phòng - Hải Dương - Thái Nguyên -
Quảng Ninh - Phú Thọ - Vĩnh Phúc - Thái Bình - Đà Nẵng - Tp. HCM - Tây Ninh -
Bình Dương - Long An - Tiền Giang - Vĩnh Long - Bến Tre - Cần Thơ nhưng Chiến
lược không có những chú ý đặc biệt cho các tỉnh đã có mức sinh thấp ngay từ năm
đầu thực hiện Chiến lược. Câu hỏi được đặt ra là: Các tỉnh đã đạt mức sinh thay thế
sẽ phải làm gì trong 10 năm (2001-2010) thay vì phấn đấu giảm sinh? Câu hỏi này,
đáng tiếc đã không được đặt ra trong Chiến lược Dân số (2001). “Chiến lược DS-
KHHGĐ đến năm 2000” đề ra 7 giải pháp nhưng đánh giá chỉ tập trung vào Hệ
thống tổ chức làm công tác DS-KHHGĐ, công tác thông tin - giáo dục - truyền
thông, cung cấp dịch vụ KHHGĐ và việc ban hành chính sách chế độ. Đáng tiếc là
các giải pháp điều kiện mang tính tạo nguồn lực thực hiện Chiến lược, như huy động
kinh phí, đào tạo cán bộ đã không được đề cập. Cần nhấn mạnh là, nếu năm 1991
kinh phí cho DS-KHHGĐ chỉ là 15 tỷ thì đến năm 1994, con số này là đã là 300 tỷ,
đào tạo cán bộ đã được đẩy mạnh và khá thành công. Nếu không có những nguồn
lực này thật khó thực thi Chiến lược.
Chiến lược (2001) đã nêu chính xác các hạn chế của Chiến lược (1993), như:
(1) Các giải pháp của chương trình DS-KHHGĐ còn có một số nội dung chưa
thích hợp với vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo, (2) Chương trình dân số trong những
năm qua còn có sự mất cân đối (mới chỉ tập trung vào giảm mức sinh thông qua
KHHGĐ), (3) Bộ máy tổ chức chưa ổn định và (4) chưa lồng ghép các yếu tố dân
số vào lập kế hoạch và xây dựng chính sách kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, nếu nhận
định rằng: “Trong những năm qua, chương trình DS-KHHGĐ và chăm sóc SKSS
thực tế mới chỉ thành công ở vùng thành thị và vùng nông thôn phát triển” là chưa
27
chính xác. Giai đoạn (1989-1999), mức sinh ở Tây Nguyên đương nhiên cao hơn
nhưng cũng giảm mạnh hơn ở Đồng bằng sông Hồng, (xem Bảng 2.1)
Bảng 2.1: Biến đổi mức sinh ở ĐBSH và Tây Nguyên (1989-1999)
Tổng điều tra dân số 1989 Tổng điều tra dân số 1989
Vùng CBR TFR CBR TFR
ĐB sông Hồng 26,5 3,1 16,2 2,0
Tây Nguyên 46 6,1 29,8 3,9
Nguồn: Ban chỉ đạo Tổng điều tra Dân số , năm 1999. Kết quả mẫu. NXB Thế giới, 2000. Trang 47.
Kết quả được mô tả trong Bảng 2.1 và mức sinh giảm mạnh ở miền núi phía Bắc
chứng tỏ một cách thuyết phục rằng Chiến lược Dân số (1993) đã được triển khai tốt
cả ở vùng sâu, vùng xa, miền núi chứ không phải chỉ ở khu vực phát triển.
Chiến lược (2001) đánh giá nguyên nhân số 1 tạo nên thành công là Nghị quyết
Ban chấp hành Trung ương lần thứ 4 (khóa VII), tuy nhiên lại chưa nhấn mạnh bài
học về tổ chức thực hiện Chiến lược: Chia thực hiện Chiến lược thành 2 giai đoạn,
thiết kế 3 Chương trình (VDS1, VDS2, VDS3) và phân công nhiệm vụ cho các
Ban ngành, đoàn thể.
Chiến lược (2001) đã sớm nhận thấy, một trong những nguyên nhân hạn chế kết
quả của Chiến lược (1993) là “Chưa có cơ chế chính sách toàn diện về dân số và
phát triển. Việc chuyển hướng mở rộng nội dung của chương trình và việc xây
dựng hệ thống chính sách thích hợp chưa được tiến hành kịp thời. Trong khi mức
sinh giảm gần đến mức thay thế, lại chưa có các chính sách và giải pháp thích hợp
để giải quyết các hài hoà các nội dung về quy mô dân số, chất lượng dân số và
phân bổ dân cư”. Nhận định này còn thích hợp đến tận ngày nay, khi chúng ta vẫn
nhấn mạnh DS-KHHGĐ.
1.2. Chiến lược Dân số Việt Nam, 2001-2010 nhận định bối cảnh kinh tế - xã hội
cho giai đoạn 2001-2010, những thách thức về dân số chuẩn xác nhưng chưa
đầy đủ
Về bối cảnh KT-XH, Chiến lược (2001) dự báo một cách đúng đắn về sự phát
triển kinh tế mạnh mẽ trong giai đoạn (2001-2010). Tuy nhiên, yếu tố xã hội - môi
trường, sự bùng nổ của viễn thông, giáo dục, di dân, biến đổi khí hậu…có ảnh
hưởng sâu sắc đến các quá trình dân số hầu như lại không được phân tích. Những
cơ hội và thách thức cho phát triển do dân số đem lại đã được phát hiện khá đầy đủ
28
trên các khía cạnh quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng và có chứng minh chặt
chẽ. Tuy nhiên, nhận định về kết quả giảm sinh chưa thực sự vững chắc dường như
là không có cơ sở, khi chúng ta liệt kê các chỉ báo về mức sinh (CBR và TFR)
trong suốt 30 năm 1969-1999, (xem Bảng 2.2).
Bảng 2.2: Số con trung bình của một phụ nữ (TFR) thời kỳ 1969 - 1999
Giai đoạn TFR Giai đoạn TFR
1969-1974 6,1 1991-1992 3,9
1974-1979 4,8 1992-1993 3,5
1986-1987 4,2 1993-1994 3,1
1987-1988 4,0 1992-1996 2,7
1988-1989 3,8 1999 2,3
Rõ ràng, bảng 2.2 cho thấy xu hướng giảm sinh là một chiều và vững chắc, đặc
biệt trong thời kỳ thực hiện Chiến lược (1993-2000), mức sinh giảm nhanh nhất so
với bất cứ giai đoạn nào. Hơn nữa, Chiến lược (2001) đã không cảnh báo được
hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh - Điều đã được phát hiện từ Tổng điều
tra dân số, 1999.
1.3. Định hướng lớn và các quan điểm của Chiến lược Dân số Việt Nam, 2001-2010 cụ
thể, rõ ràng, bao trùm hầu hết các vấn đề dân số quan trọng và trở thành nền tảng
của Chiến lược
Chiến lược dân số 2001-2010 đã nêu định hướng tập trung giải quyết tất cả các
vấn đề của dân số, như sớm ổn định quy mô dân số ở mức hợp lý, giải quyết đồng
bộ, từng bước và có trọng điểm từng yếu tố của chất lượng, cơ cấu dân số và phân
bố dân cư đồng thời xây dựng và kiện toàn hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tuy nhiên, có thể thấy rằng, định hướng này là quá rộng và một số nội dung không
được cụ thể hóa trong mục tiêu, cũng như chưa có hoạt động nhằm thực hiện định
hướng, thí dụ về cơ cấu và phân bố dân cư.
Hệ quan điểm của Chiến lược đã đề cập: (1) Vị trí của công tác Dân số, (2) Nội
dung hay nhiệm vụ của công tác dân số, (3) Kinh phí cho công tác Dân số, (4) Giải
pháp của công tác Dân số, (5) Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và chính quyền các
cấp. Những nội dung mà Hệ quan điểm này đề cập tương tự như Hệ quan điểm của
Chiến lược (1993) nhưng nội dung chi tiết có một số điểm khác nhau. Trước hết có
29
thể thấy rằng, nội dung quan điểm 2 là quá rộng “Thực hiện đồng bộ, từng bước và
có trọng điểm việc điều hoà quan hệ giữa số lượng với chất lượng dân số, giữa phát
triển dân số với phát triển nguồn nhân lực, giữa phân bố và di chuyển dân cư với
phát triển kinh tế- xã hội”. Tuy nhiên, đây vẫn được coi là “là nhiệm vụ trọng tâm
của công tác dân số”. Có thể thấy quan điểm này khó khả thi trong thực tế. Quan
điểm 3 về hiệu quả công tác dân số, đã nêu thêm hiệu quả xã hội. Đây là điểm mới
so với Chiến lược (1993) nhưng có điểm “lùi” là chỉ đánh hiệu quả “rõ rệt” chứ
không phải “rất cao” như Chiến lược (1993). Mặt khác cần nêu thêm hiệu quả về
môi trường hay nói chung là hiệu quả đối với sự phát triển của Việt Nam (cả kinh tế,
xã hội và môi trường). Nguồn kinh phí cũng mang nặng tính bao cấp, vì “Nhà nước
cần đảm bảo đủ nguồn lực cho công tác dân số, đồng thời huy động sự đóng góp của
cộng đồng và tranh thủ sự viện trợ của quốc tế”. Như vậy, ở đây không thấy vai trò
của cá nhân.
Hệ quan điểm cũng mới nhìn nhận sự tác động của dân số đến phát triển mà
không đề cập vai trò ngược lại của phát triển đối với dân số. Vấn đề quyền sinh sản
cũng chưa được xem xét, trong khi đây là một nền tảng rất căn bản để giải quyết
vấn đề DS-KHHGĐ và khi mức sinh thấp, đã có thể đề cập vấn đề này. Nếu có
quan điểm về quyền sinh sản thì đã có thể không cần thiết sửa Pháp lệnh Dân số và
thực tế hiện nay cũng cho thấy như vậy.
1.4. Mục tiêu và các chỉ báo kiểm định mục tiêu đảm bảo tính SMART nhưng còn
nhiều trùng lắp
Hệ thống mục tiêu có cấu trúc chặt chẽ, bao gồm: Mục tiêu tổng quát, các mục
tiêu cụ thể được phát biểu một cách định tính và được định lượng bởi các chỉ báo
mục tiêu. Tuy nhiên, để lựa chọn chính xác các mục tiêu này, cần xác định rõ ràng vị
trí, vai trò của Chiến lược DS-KHHGĐ. Định hướng của Chiến lược đã xác định:
“Chiến lược dân số 2001-2010 là một bộ phận của chiến lược phát triển kinh tế - xã
hội 2001-2010. …. góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-
2010 và các chiến lược khác”. Như vậy cần phân biệt mục tiêu của “Chiến lược bộ
phận” và mục tiêu của Chiến lược phát triển KT-XH nói chung. Từ đó có thể thấy
rằng, mục tiêu tổng quát: “Thực hiện gia đình ít con, khoẻ mạnh, tiến tới ổn định
30
quy mô dân số ở mức hợp lý để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nâng cao chất
lượng dân số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu công
nghiệp hoá, hiện đại hoá, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất
nước” chỉ hợp lý một nửa là “Thực hiện gia đình ít con, khoẻ mạnh, tiến tới ổn định
quy mô dân số ở mức hợp lý”. Nội dung “Nâng cao chất lượng dân số, phát triển
nguồn nhân lực chất lượng cao” không thể giải quyết bằng riêng Chiến lược Dân số
(2001) và do đó không thể là mục tiêu trực tiếp của Chiến lược này. Như vậy, cũng
có thể thấy rằng, trong các mục tiêu cụ thể, chỉ có mục tiêu 1 là hợp lý và mục tiêu 2
phải là mục tiêu của Chiến lược phát triển KT-XH và Chiến lược Dân số chỉ tham
gia, góp phần thực hiện mục tiêu này.
Mục tiêu cụ thể 1 và Mục tiêu cụ thể 2 hoàn toàn đảm bảo tính SMART.
Chẳng hạn:
S – Specific (Riêng biệt: Mục tiêu cụ thể 1 giải quyết vấn đề số lượng dân số. Mục
tiêu cụ thể 2 giải quyết vấn đề chất lượng dân số.
M – Measurable (Đo được): Mục tiêu cụ thể 1 đo bằng TFR, Mục tiêu cụ thể 2 đo
bằng HDI….Tuy nhiên, các chỉ báo kiểm định mục tiêu khác lại chứa đựng nhiều
vấn đề chưa hợp lý, như:
• Chiến lược ít hoặc không tác động trực tiếp để đạt được muc tiêu:
Chẳng hạn, các chỉ báo mục tiêu: “Tỷ lệ lao động qua đào tạo”, “Tỷ lệ dân đô
thị”, “ Số năm đi học trung bình”.
• Thiếu tính độc lập: Hệ thống bao gồm các chỉ tiêu không độc lập với nhau,
theo nghĩa từ chỉ tiêu này có thể suy ra chỉ tiêu kia. Chẳng hạn, chỉ tiêu số
dân và chỉ tiêu “Tỷ lệ tăng dân số”; Chỉ tiêu HDI cũng có thể suy ra được từ
GDP, tuổi thọ, số năm đi học trung bình.
• Khó thu thập số liệu chính xác: Lao động được đào tạo; Số nhiễm mới HIV,
Di dân tự do có đăng ký…hoặc không rõ nghĩa, hoặc không khách quan nên
khó thu thập số liệu chính xác. Có tới 4/24 chỉ báo giám sát không có số
liệu, dẫn đến khó đánh giá kết quả thực hiện.
31
• Trùng lắp: Có tới 17/24 chỉ báo kiểm định mục tiêu của Chiến lược Dân số
trùng với mục tiêu của các Chiến lược khác. Riêng với Chiến lược phát triển
KT-XH, đã có tới 9 chỉ tiêu bị trùng (xem bảng 2.3)
Bảng 2.3: Các chỉ báo kiểm định mục tiêu bị trùng lắp giữa CLDS (2001) và Chiến lược
phát triển KT-XH (2001)
1. GDP 6. Giảm tỷ lệ nghèo
2. HDI 7. Tỷ lệ thất nghiệp
3. Tuổi thọ 8. Tỷ lệ lao động đào tạo
4. Số năm học trung bình 9. Tỷ lệ tăng dân số
5. SDD trẻ em
Ngoài ra, các chỉ báo kiểm định mục tiêu của Chiến lược Dân số cũng trùng với
Chiến lược quốc gia về chăm sóc SKSS, Chiến lược phòng chống HIV/AIDS,
Chiến lược tổng thể về xóa đói giảm nghèo (xem bảng 2.4)
Bảng 2.4: Các chỉ tiêu trùng với các Chiến lược khác
Chỉ báo Chiến lược
10. Tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng BPTT Chiến lược quốc gia về chăm sóc SKSS
11. Tổng tỷ suất sinh -
12. Tỷ lệ nạo hút thai -
13. Tỷ lệ chết mẹ -
14. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng -
15. Tỷ lệ chết sơ sinh -
16. Số ca mới nhiễm HIV Chiến lược phòng chống HIV/AIDS
17. Giảm tỷ lệ hộ nghèo Chiến lược tổng thể về xóa đói giảm nghèo
Điều đáng chú ý là 4 trong 6 chỉ báo kiểm định mục tiêu của Chiến lược Dân số
không trùng với Chiến lược khác lại không có số liệu để đánh giá.
Việc trùng lắp giữa các chỉ tiêu của các Chiến lược đặt ra hàng loạt câu hỏi: Rốt
cuộc, các mục tiêu bị trùng lắp do Chiến lược nào thực hiện? Nếu mục tiêu đó
được thực hiện thì do “công” của Chiến lược nào? Và nếu mục tiêu đó không được
thực hiện thì do “lỗi” của Chiến lược nào? Để tránh trùng lắp thì nên để mục tiêu
đó ở Chiến lược nào?... Trùng lắp chỉ tiêu của các Chiến lược sẽ gây khó khăn
32
trong việc tổ chức thực hiện, phân bố kinh phí, nguồn lực để thực hiện mục tiêu
Chiến lược, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược.
1.5. Hệ thống giải pháp đầy đủ đồng bộ nhưng quá nhiều hoạt động
Các giải pháp thực hiện mục tiêu chiến lược được chia thành 3 nhóm. Nhóm giải
pháp tiên quyết bao gồm giải pháp Lãnh đạo, Tổ chức và Quản lý. Nhóm giải pháp
cơ bản gồm các giải pháp Truyền thông - Giáo dục thay đổi hành vi; Chăm sóc
SKSS & KHHGĐ; Tăng cường vai trò gia đình và bình đẳng giới, và Xã hội hóa và
cơ chế chính sách. Nhóm giải pháp điều kiện gồm các giải pháp Nâng cao chất
lượng thông tin dữ liệu dân cư; Tài chính và hậu cần; Đào tạo và nghiên cứu.
Mỗi giải pháp được trình bày trong Chiến lược lại là một nhóm các hoạt động.
Chẳng hạn, giải pháp “Lãnh đạo, tổ chức và quản lý” bao gồm các nhóm các hoạt
động sau:
(1) Kiện toàn, củng cố và ổn định hệ thống tổ chức làm công tác dân số từ trung
ương đến địa phương
(2) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chính quyền đối với công tác
dân số.
(3) Thực hiện đầy đủ cơ chế quản lý theo ngành, lãnh thổ, xây dựng kế hoạch từ
dưới lên theo chương trình mục tiêu
(4) Phân bổ công khai toàn bộ nguồn lực, tập trung cho cơ sở, tăng hiệu quả sử
dụng
(5) Đảm bảo việc kiểm tra, giám sát và đánh giá định kỳ trên cơ sở hệ thống các
chỉ báo đánh giá được xây dựng thống nhất
Mỗi nhóm các hoạt động nói trên lại có nhiều hoạt động, chẳng hạn nhóm các
hoạt động “Kiện toàn, củng cố và ổn định hệ thống tổ chức làm công tác dân số từ
trung ương đến địa phương” có 4 hoạt động sau:
- Kiện toàn hệ thống tổ chức từ Trung ương đến cơ sở phù hợp với sự chuyển
hướng toàn diện về nội dung của chương trình và yêu cầu cải cách hành chính.
- Thực hiện tốt cả hai chức năng quản lý nhà nước và điều phối các hoạt động
thuộc lĩnh vực dân số và SKSS/KHHGĐ.
33
- Bổ sung và hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của hệ thống Uỷ
ban quốc gia dân số và kế hoạch hóa gia đình nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm
vụ mới.
- Nâng cao chất lượng cán bộ, quy hoạch và đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên
trách theo hướng chuyên nghiệp hoá, có năng lực quản lý và điều hành
chương trình dân số và SKSS-KHHGĐ.
Như vậy, Hệ thống giải pháp của Chiến lược có 8 nhóm giải pháp. Tám nhóm giải
pháp này lại bao gồm 30 nhóm các hoạt động với 151 hoạt động được thiết kế (Xem
Phụ lục 3). Có thể nói rằng, Chiến lược đã thiết kế quá nhiều hoạt động. Ngay một
hoạt động cũng có rất nhiều việc phải làm, chẳng hạn chúng ta có thể hình dung hoạt
động: “Nâng cao chất lượng cán bộ, quy hoạch và đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên
trách theo hướng chuyên nghiệp hoá, có năng lực quản lý và điều hành chương
trình dân số và SKSS/KHHGĐ” sẽ có rất nhiều việc phải làm! Nhiều hoạt động lớn
nhưng không rõ ai làm và không được bố trí nguồn kinh phí nên dường như có
thiết kế hoạt động nhưng không được triển khai, chẳng hạn, hoạt động 4.1 “Thiết
lập hệ cơ sở dữ liệu dân cư dùng chung, là hệ thống động, được tin học hóa, đảm
nhận vai trò nòng cốt trong trao đổi thông tin dữ liệu với các hệ cơ sở dữ liệu
chuyên ngành liên quan đến dân cư” thuộc giải pháp 4 “Nâng cao chất lượng
thông tin dữ liệu dân cư”.
2. Kết quả thực hiện mục tiêu
2.1. Về mục tiêu giảm sinh
2.1.1. Mục tiêu giảm sinh của chiến lược đã đạt được nếu xét chung trên phạm vi
cả nước.
Mục tiêu cụ thể thứ nhất của Chiến lược có thể coi là mục tiêu quan trọng nhất, cụ
thể nhất mà Chiến lược hướng đến là: “Duy trì vững chắc xu thế giảm sinh để đạt
mức sinh thay thế bình quân trong toàn quốc chậm nhất vào năm 2005, ở vùng sâu,
vùng xa và vùng nghèo chậm nhất vào năm 2010 để quy mô, cơ cấu dân số và phân
bổ dân cư phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội vào năm 2010”.
34
Mục tiêu này được lượng hóa bằng chỉ báo Tổng tỷ suất sinh (TFR) đạt 2.1 vào
năm 2005 trên phạm vi toàn quốc còn tại các vùng vùng sâu, vùng xa và vùng
nghèo chậm nhất vào năm 2010.
Tuy cách diễn đạt khác nhau nhưng thật ra, mục đích “đạt mức sinh thay thế”
đã có từ rất lâu trong Chính sách Dân số của Việt Nam. Ngay trong Chỉ thị 99/TTg
ngày 16 tháng 10 năm 1963 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu mục tiêu “Mỗi gia
đình có 2-3 con” (Ủy ban DS-KHHGĐ. Kỷ yếu Chính sách DS-KHHGĐ Việt Nam.
NXB Thống kê.1996, tr. 65). Đến năm 1978, mục tiêu “2 con” đã thể hiện rõ trong
Thông tư 4200/ BYT-CB ngày 20 tháng 11 năm 1978 của Bộ Y tế: “Phải vận động
tích cực những cặp vợ chồng đã có 2 con rồi, giải quyết thuyết phục không nên đẻ
con thứ 3, thứ tư nữa” (Ủy ban DS-KHHGĐ. Kỷ yếu Chính sách DS-KHHGĐ Việt
Nam. NXB Thống kê.1996, tr.71). Rõ ràng, mục tiêu “Dừng ở 2 con” đã được thể
hiện và ngày càng rõ trong các văn bản Chính sách dân số sau này. Tuy nhiên, gần
30 năm sau, mục tiêu của Chiến lược Dân số, 2001-2010 và mục đích Chính sách
giảm sinh mới được thực hiện. Bảng 2.5 cho thấy quá trình đạt được mục tiêu nói
trên. (xem bảng 2.5)
Bảng 2.5: Quá trình thực hiện mục tiêu 1: Giảm mức sinh (TFR)
Năm 2000 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007 2008
TFR 2.28 2.25 2.28 2.12 2.23 2.11 2.1 2.07 2,08
Nguồn: Tổng cục Thống kê: Điều tra biến động DS-KHHGĐ 1- 4 hàng năm.
Mặc dù có một vài thời điểm mức sinh “lên xuống” với biên độ dao động nhỏ
(dưới 6%) nhưng nhìn chung, xu thế giảm sinh đã được duy trì vững chắc và không
thể đảo ngược, nhất là 5 năm gần đây nhất, từ 2004 đến 2008 (xem Bảng 2.5)
Số liệu trong Bảng 2.5 được dẫn từ Kết quả điều tra biến động DS-KHHGĐ do
Tổng cục Thống kê tiến hành vào thời điểm 1- 4 hàng năm. Như vậy, cuộc Điều tra
1-4-2006 sẽ phản ảnh mức sinh 9 tháng của năm 2005 và chỉ có 3 tháng thuộc năm
2006. Do vậy, có thể coi đây là mức sinh của năm 2005. Nếu yêu cầu tuyệt đối,
mức sinh thay thế là TFR = 2,1 thì đúng như Chiến lược đề ra, tính chung trên
phạm vi toàn quốc, Việt Nam đã đạt được mức sinh thay thế từ năm 2005. Một
cách tương đối, nếu coi TFR = 2,1 là đã đạt mức sinh thay thế thì theo kết quả
35
điều tra 1-4-2005, Việt Nam thực hiện được mục tiêu từ năm 2004, tức là sớm 01
năm so với mục tiêu của Chiến lược.
Hơn nữa, theo Điều tra Dân số Sức khỏe (2002) được thực hiện trên 7.048 hộ
gia đình, thì Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế ngay từ năm 2002 với TFR = 1.87
(Ủy ban DS-GĐ và TE. Dự án DS - Sức khỏe gia đình: Điều tra Nhân khẩu học và
Sức khỏe.2002. Hà Nội 9-2003).
Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc thì Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế trong
giai đoạn 2005-2010, (xem bảng 2.6)
Bảng 2.6: Xu hướng giảm sinh ở Việt Nam
Giai đoạn Tổng tỷ suất sinh (TFR)
1965-1970 7.25
1975-1980 5.89
1985-1990 4.02
1995-2000 2.50
2000-2005 2.25
2005-2010 2.08
2010-2015 1.95
2015-2020 1.85
Nguồn: Population Division of the Department of Economic and Social Affairs of the
United Nations Secretariat, World Population Prospects: The 2008 Revision,
http://esa.un.org/unpp, Monday, September 28, 2009.
Văn phòng thông tin Dân số (The Population Reference Bureau - PRB), có trụ sở
đặt tại Washington DC (Mỹ) còn đánh giá, ngay từ năm 2004, mức sinh của Việt
Nam đã thấp hơn 2.1, (xem bảng 2.7)
Bảng 2.7: Mức sinh theo đánh giá của PRB
Năm TFR Xếp hạng Tỷ lệ thay đổi (%) Thời điểm đánh giá
2003 2.24 130 2003 est.
2004 1.94 140 -13.39 2004 est.
2005 1.94 141 0.00 2005 est.
2006 1.91 143 -1.55 2006 est.
2007 1.89 145 -1.05 2007 est.
2008 1.86 149 -1.59 2008 est.
Nguồn: http://www.prb.org/
36
Mức sinh của Việt Nam trong suốt giai đoạn (2000-2008) thậm chí đã thấp hơn
mức sinh năm 2008 của 10 nước ASEAN tính chung (2,3) và chỉ cao hơn hai nước
có mức sinh rất thấp là Thái Lan và Singapore (xem bảng 2.8).
Bảng 2.8: Mức sinh (TFR) của các nước ASEAN năm 2008
Nước TFR Nước TFR Nước TFR
Campuchia 3,4 Malaysia 2,6 Mianma 2,1
Lào 3,2 Brunei 2,3 Thái Lan 1,5
Philippin 3,2 Indonesia 2,2 Singapore 1,3
Nguồn: 2008 ESCAP Population Data Sheet
Như vậy, có thể khẳng định rằng: Việt Nam đã duy trì được xu thế giảm sinh và
đạt được mức sinh thay thế một cách vững chắc, mục tiêu cụ thể thứ nhất của
Chiến lược Dân số, 2001-2010, xét trên phạm vi cả nước đã đạt được. Đây không
chỉ là đạt được mục tiêu của Chiến lược Dân số, 2001-2010 mà còn là đạt được
mục đích lâu dài về giảm sinh của Chính sách Dân số Việt Nam, được đặt ra từ
năm 1961. Như vậy, sau 45 năm kiên trì và đẩy mạnh KHHGĐ, mục đích của
Chính sách giảm sinh đã được thực hiện. Điều đặc biệt cần chú ý là, chúng ta đạt
được thành tựu này trong điều kiện có những thay đổi căn bản về quản lý và nhiều
tác động không thuận lợi cho công tác KHHGĐ, như:
- Hai lần “xáo trộn” lớn về bộ máy tổ chức làm công tác DS-KHHGĐ. Đó là
hợp nhất Ủy ban DS-KHHGĐ và Ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em (2002)
và giải thể Ủy ban DS- GĐ-TE, thành lập Tổng cục DS-KHHGĐ thuộc Bộ Y
tế (2007).
- Ban hành Pháp lệnh Dân số (2003) và Điều 10 của Pháp lện này quy định:
“Các cặp vợ chồng có quyền quyết định số con và khoảng cách giữa các lần
sinh” đã từng gây lo ngại về việc bùng nổ mức sinh.
Phân cấp mạnh về quản lý kinh phí dành cho Chương trình mục tiêu quốc gia
về DS-KHHGĐ. Nguồn kinh phí chuyển về cho các tỉnh do UBND tỉnh quản lý
chứ không còn được quản lý theo ngành dọc.
Thành tựu nói trên chứng tỏ xu hướng giảm sinh trên phạm vi quốc gia là vững
chắc và có thể vượt qua được thách thức của những biến động mạnh về quản lý ở
tầm vĩ mô. Kết quả này do chính sách giảm sinh của Việt Nam vẫn được duy trì
37
trong khung cảnh những tiến bộ nhanh về KT-XH đồng thuận và hỗ trợ mạnh mẽ
xu hướng giảm sinh. Chẳng hạn:
(1) Kinh tế Việt Nam phát triển tốt. GDP bình quân đầu người đã gấp đôi trong
thời gian qua.
Có thể thấy rằng ở nước ta hiện nay có sự tỉ lệ nghịch giữa mức sống và mức
sinh, khi mà mức sống càng cao thì số con càng ít, cụ thể là thu nhập càng cao thì
quy mô hộ gia đình càng nhỏ, (xem bảng 2.9).
Bảng 2.9: Mức sống và mức sinh
Năm Nhóm 1 Nhóm 2 Nhóm 3 Nhóm 4 Nhóm 5
2002 4,92 4,69 4,46 4,25 4,0
2004 4,76 4,57 4,34 4,23 4,0
2006 4,63 4,43 4,26 4,11 3,9
Ghi chú: Nhóm 1 là nhóm có thu nhập thấp nhất. Nhóm 5 là nhóm có thu nhập cao
nhất.
Nguồn: TCTK. Điều tra mức sống dân cư 2002; 2004; 2006
(2) Mức sinh phụ thuộc mạnh vào trình độ giáo dục và trình độ giáo dục cũng
ngày càng nâng cao.
Bảng 2.10: TFR chia theo trình độ học vấn người mẹ
Trình độ giáo dục 2002 2008
1. Chưa đi học 2.82 2.33
2. Chưa tốt nghiệp tiểu học 1.98 2.18
3. Tiểu học 2.13 1.67
4. Trung học cơ sở 1.71 1.33
5. Trung học phổ thông trở lên 1.39 1.03
Nguồn: TCTK. Điều tra mức sống dân cư 2002; 2004; 2006
Số liệu bảng 2.10 cho thấy: Ngày nay, phụ nữ có trình độ học vấn càng cao thì
mức sinh càng thấp, thậm chí, chỉ cần tốt nghiệp Tiểu học đã có thể đạt mức sinh
thay thế. Trong khi đó, trình độ học vấn của phụ nữ Việt Nam ngày càng cao và
bình đẳng giới trong giáo dục ngày càng thể hiện rõ: Số học sinh nam và nữ ở tất
cả các cấp học, bậc học gần như tương đương, thậm chí càng ở cấp và bậc học cao,
tỷ lệ nữ còn cao hơn nam. (Xem Phụ lục 6).
38
(3) Mức sinh cũng phụ thuộc mạnh vào nơi cư trú: Thành thị hay nông thôn,
(xem bảng 2.11) trong khi đó tỷ lệ dân đô thị của Việt Nam đã tăng mạnh
trong 20 năm qua, từ 20 % năm 1989 đã tăng lên 30% vào năm 2009.
Bảng 2.11: Sự khác biệt về Mức sinh (TFR) giữa thành thị và Nông thôn
Nguồn 1997 (DHS) 2002 (DHS) Điều tra 1-4-2005
Thành thị 1.59 1.40 1.73
Nông thôn 2.54 1.99 2.28
TT so với NT (%) 63 70 76
(4) Hệ thống truyền thông đại chúng của Việt Nam phát triển rất mạnh.
Tính đến tháng 7/2009, cả nước đã có trên 21 triệu người sử dụng internet, số
thuê bao điện thoại ước đạt 96,7 triệu, trong đó có 81 triệu thuê bao di động.
Truyền hình cáp, truyền hình số, truyền hình internet, truyền hình trên điện thoại di
động… ra đời, hệ thống kênh chương trình đa dạng (VTV6, VTV9, VTV7,
InforTV, O2, VCTV, VTC…). Tỷ lệ phủ sóng khu dân cư của Đài TNVN
đạt gần 99%. Sự phát triển mang tính bùng phát của hệ thống truyền thông, góp
phần hữu hiệu cho việc phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách DS-KHHGĐ
và lợi ích của mô hình gia đình nhỏ… tới người dân.
Bên cạnh các điều kiện thuận lợi về kinh tế - xã hội, mức sinh thay thế có thể
được duy trì bền vững nhờ nâng cao khả năng nhận thức của người dân để họ tiếp
cận tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và kế hoạch hóa gia đình bằng việc đa dạng
hóa phương tiện, đa dạng hóa kênh và chế độ cung cấp phương tiện và dịch vụ
KHHGĐ. Chính vì vậy, tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng BPTT, từ năm 2002 đến
nay luôn ở mức cao, trên 75%. Theo phương trình Norman, với tỷ lệ này hoàn toàn
có thể đảm bảo mức sinh thay thế. Và đặc biệt là hiện nay xu hướng các cặp vợ-
chồng sử dụng BPTT hiện đại không ngừng nâng lên, (Bảng 2.12) thể hiện rất rõ
nhận định này.
Bảng 2.12: Tỷ lệ sử dụng BPTT hiện đại (MCPR) - Đơn vị : %
Năm 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007 2008
MCPR 61,1 64,7 63,5 64,6 65,8 67,1 68,2 68,8
Sự suy giảm mức sinh đã tác động trực tiếp, mạnh tiếp cận mẽ đến tình trạng
dân số Việt Nam: Quy mô dân số được giới hạn ở mức gần 86 triệu năm 2009 và
39
chắc chắn sẽ không lên tới 88 triệu như Chiến lược đề ra. Sức ép của dân số lên
kinh tế - xã hội và môi trường rõ ràng đã giảm đáng kể. Mặt khác, cơ cấu dân số
thay đổi nhanh chóng, theo hướng: Giảm nhanh tỷ lệ trẻ em, tăng nhanh dân số già
và dân số trong độ tuổi lao động. Cơ cấu “dân số vàng” đã xuất hiện vào năm 2008
và sẽ kéo dài khoảng 32 năm, (Xem Phụ lục 6).
2.1.2. Nhiều tỉnh đã đạt được mức sinh thay thế một cách bền vững nhưng cũng
còn 26 tỉnh không đạt hoặc có thể không đạt được mục tiêu này
Trình độ phát triển giữa các tỉnh của Việt Nam không đồng đều, (Xem Phụ lục
2). Nhiều tỉnh/thành phố có trình độ phát triển khá cao, như: Hà Nội, Tp Hồ Chí
Minh, Đà Nẵng, Hải phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu,… nhưng cũng có nhiều tỉnh, đặc
biệt là các tỉnh miền núi có trình độ phát triển còn thấp. Điều này dẫn tới mức sinh
rất khác nhau giữa các tỉnh, mặc dù cùng chung một chính sách dân số và một
chiến lược dân số.
Căn cứ vào quy ước mức sinh thay thế với TFR = 2,1 và theo Kết quả điều tra
Dân số-KHHGĐ 1-4- năm 2007, sai số chuẩn của TFR là 0,2, mức sinh ở các tỉnh
của nước ta có thể phân thành 3 nhóm, như ở Bảng 2.13 sau:
Bảng 2.13: Phân nhóm mức sinh
Mức sinh Chỉ báo TFR Diễn giải
Thấp TFR ≤ 2.1 Mức sinh không vượt quá mức sinh thay thế
Trung bình 2.1 < TFR ≤ 2.5 Mức sinh không vượt quá mức sinh thay thế
cộng với 02 lần sai số chuẩn
Cao TFR > 2.5 Mức sinh vượt quá mức sinh thay thế cộng với
02 lần sai số chuẩn
Căn cứ vào Kết quả điều tra Dân số - KHHGĐ 1- 4- năm 2006, có thể thấy, tuy
cả nước đã đạt được mức sinh thay thế vào năm 2005 nhưng xét ở cấp độ vùng/khu
vực thì việc thực hiện mục tiêu Chiến lược có những đặc điểm còn tồn tại sau đây:
(1) Mới chỉ có 3 vùng với khoảng 60% dân số cả nước đạt được mức sinh thay
thế một cách vững chắc là: (1) Đồng bằng Sông Hồng, từ 2004 đến nay, (2)
Đồng Bằng sông Cửu Long và (3) Đông Nam Bộ đều đạt mục tiêu từ 1998
đến nay. Hiện dân số đang tích tụ mạnh vào các vùng này. Do vậy, lối sống
ít con sẽ có sức ảnh hưởng, lan tỏa mạnh.
40
(2) Chỉ còn vùng Tây Nguyên cho đến Điều tra DS-KHHGĐ năm 2007 vẫn có
mức sinh cao (Tổng tỷ suất sinh gần 2,8) và xu hướng giảm sinh từ 2004
đến nay chậm. Do vậy, cả vùng khó đạt mục tiêu giảm sinh vào năm 2010
như Chiến lược đề ra.
(3) Khu vực thành thị đã đạt mức sinh thay thế từ năm 1989 và hiện đã đạt mức
rất thấp, TFR= 1,7 vào năm 2005, dưới mức sinh thay thế. Trong khi đó
nông thôn khoảng 2.3, tức là cao gấp rưỡi đô thị và vẫn chưa đạt mức sinh
thay thế.
Chi tiết hơn nữa, có thể xét tình trạng đạt mục mục của Chiến lược ở cấp độ
tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương để hiểu sâu hơn việc đạt mục tiêu của cả
nước. Việc phân tích này sẽ cho thấy mức độ đồng đều hay không đồng đều của
việc đạt được mục tiêu đề ra. Xét ở cấp độ tỉnh/thành phố thì việc thực hiện mục
tiêu Chiến lược có những đặc điểm sau đây:
(1) Năm 2005 mới có 32 tỉnh đạt được mục tiêu Chiến lược, trong đó 17 tỉnh
đã đạt được từ trước khi thực hiện Chiến lược, từ năm 1999. Nghĩa là trong thời
gian thực hiện Chiến lược chỉ có thêm 15 tỉnh đạt được mục tiêu. Như vậy, tổng
cộng mới có một nửa số tỉnh đạt được mục tiêu Chiến lược và số dân của 32 tỉnh
nói trên khoảng 53 triệu, tức là chiếm 62% dân số cả nước.
(2) Ở cấp độ tỉnh thì khả năng duy trì được mức sinh thay thế không cao. Ở
cấp độ toàn quốc thì khi đạt được mức sinh thay thế, mức sinh này được giữ vững
liên tục cho đến nay. Ở cấp độ tỉnh, ta thấy trong số 32 tỉnh đạt được mức sinh thay
thế năm 2005, có 28 tỉnh, giữ được mức sinh này 2 năm liên tục. Như vậy, 87,5% số
tỉnh (28/32), chiếm 55,8% dân số cả nước có thể đạt mức sinh thay thế một cách bền
vững. (Xem bảng 2.14: Số tỉnh đạt mức sinh thay thế)
Bảng 2.14: Số tỉnh đạt mức sinh thay thế
Thời gian đạt mức sinh thay thế 2 năm (2006-2007) 2007
Số tỉnh đạt TFR ≤ 2.1 28 29
Số dân (người) 47.875.436 48.662.400
Tỉ lệ (%) 55,80 56,72
http://bit.ly/KhoTaiLieuAZ

More Related Content

What's hot

THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH SẮP XẾP, BỐ TRÍ DÂN CƯ VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ TỪ THỰC TIỄ...
THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH SẮP XẾP, BỐ TRÍ DÂN CƯ VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ TỪ THỰC TIỄ...THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH SẮP XẾP, BỐ TRÍ DÂN CƯ VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ TỪ THỰC TIỄ...
THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH SẮP XẾP, BỐ TRÍ DÂN CƯ VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ TỪ THỰC TIỄ...nataliej4
 
Tìm hiểu hoạt động chăm sóc, hỗ trợ cho người cao tuổi tại các trung tâm chăm...
Tìm hiểu hoạt động chăm sóc, hỗ trợ cho người cao tuổi tại các trung tâm chăm...Tìm hiểu hoạt động chăm sóc, hỗ trợ cho người cao tuổi tại các trung tâm chăm...
Tìm hiểu hoạt động chăm sóc, hỗ trợ cho người cao tuổi tại các trung tâm chăm...nataliej4
 
Đề tài: An sinh xã hội Chính sách đối với người có công - Thực trạng và giải ...
Đề tài: An sinh xã hội Chính sách đối với người có công - Thực trạng và giải ...Đề tài: An sinh xã hội Chính sách đối với người có công - Thực trạng và giải ...
Đề tài: An sinh xã hội Chính sách đối với người có công - Thực trạng và giải ...Dịch vụ viết thuê Khóa Luận - ZALO 0932091562
 
LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHÍNH SÁCH CÔNG CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI CAO TUỔI Ở VIỆT NAM ...
LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHÍNH SÁCH CÔNG CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI CAO TUỔI Ở VIỆT NAM ...LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHÍNH SÁCH CÔNG CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI CAO TUỔI Ở VIỆT NAM ...
LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHÍNH SÁCH CÔNG CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI CAO TUỔI Ở VIỆT NAM ...nataliej4
 
Luận án: Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lãnh đạo thực hiện đại đoàn kết dân tộc từ ...
Luận án: Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lãnh đạo thực hiện đại đoàn kết dân tộc từ ...Luận án: Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lãnh đạo thực hiện đại đoàn kết dân tộc từ ...
Luận án: Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lãnh đạo thực hiện đại đoàn kết dân tộc từ ...Dịch vụ viết thuê Khóa Luận - ZALO 0932091562
 
Báo cáo Hộ sinh Việt Nam 2016_10462112092019
Báo cáo Hộ sinh Việt Nam 2016_10462112092019Báo cáo Hộ sinh Việt Nam 2016_10462112092019
Báo cáo Hộ sinh Việt Nam 2016_10462112092019hieupham236
 

What's hot (20)

Công tác trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật ở Đà Nẵng, 9đ
Công tác trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật ở Đà Nẵng, 9đCông tác trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật ở Đà Nẵng, 9đ
Công tác trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật ở Đà Nẵng, 9đ
 
THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH SẮP XẾP, BỐ TRÍ DÂN CƯ VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ TỪ THỰC TIỄ...
THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH SẮP XẾP, BỐ TRÍ DÂN CƯ VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ TỪ THỰC TIỄ...THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH SẮP XẾP, BỐ TRÍ DÂN CƯ VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ TỪ THỰC TIỄ...
THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH SẮP XẾP, BỐ TRÍ DÂN CƯ VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ TỪ THỰC TIỄ...
 
Sắp xếp, bố trí dân cư vùng dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam, 9đ
Sắp xếp, bố trí dân cư vùng dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam, 9đSắp xếp, bố trí dân cư vùng dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam, 9đ
Sắp xếp, bố trí dân cư vùng dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam, 9đ
 
Luận văn: Thực hiện chính sách Dân số và phát triển huyện Phú Ninh
Luận văn: Thực hiện chính sách Dân số và phát triển huyện Phú NinhLuận văn: Thực hiện chính sách Dân số và phát triển huyện Phú Ninh
Luận văn: Thực hiện chính sách Dân số và phát triển huyện Phú Ninh
 
Luận văn: Bảo vệ thúc đẩy quyền của người cao tuổi, HOT
Luận văn: Bảo vệ thúc đẩy quyền của người cao tuổi, HOTLuận văn: Bảo vệ thúc đẩy quyền của người cao tuổi, HOT
Luận văn: Bảo vệ thúc đẩy quyền của người cao tuổi, HOT
 
Luận văn: Chính sách phát triển thể dục thể thao tỉnh Quảng Ngãi
Luận văn: Chính sách phát triển thể dục thể thao tỉnh Quảng NgãiLuận văn: Chính sách phát triển thể dục thể thao tỉnh Quảng Ngãi
Luận văn: Chính sách phát triển thể dục thể thao tỉnh Quảng Ngãi
 
Luận văn: Chính sách đối với người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay
Luận văn: Chính sách đối với người cao tuổi ở Việt Nam hiện nayLuận văn: Chính sách đối với người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay
Luận văn: Chính sách đối với người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay
 
Tìm hiểu hoạt động chăm sóc, hỗ trợ cho người cao tuổi tại các trung tâm chăm...
Tìm hiểu hoạt động chăm sóc, hỗ trợ cho người cao tuổi tại các trung tâm chăm...Tìm hiểu hoạt động chăm sóc, hỗ trợ cho người cao tuổi tại các trung tâm chăm...
Tìm hiểu hoạt động chăm sóc, hỗ trợ cho người cao tuổi tại các trung tâm chăm...
 
Luận văn: Pháp luật về trợ giúp xã hội cho người cao tuổi, HAY
Luận văn: Pháp luật về trợ giúp xã hội cho người cao tuổi, HAYLuận văn: Pháp luật về trợ giúp xã hội cho người cao tuổi, HAY
Luận văn: Pháp luật về trợ giúp xã hội cho người cao tuổi, HAY
 
Đề tài: An sinh xã hội Chính sách đối với người có công - Thực trạng và giải ...
Đề tài: An sinh xã hội Chính sách đối với người có công - Thực trạng và giải ...Đề tài: An sinh xã hội Chính sách đối với người có công - Thực trạng và giải ...
Đề tài: An sinh xã hội Chính sách đối với người có công - Thực trạng và giải ...
 
Luận văn: Chính sách Dân số và phát triển tại thị xã Điện Bàn, HAY
Luận văn: Chính sách Dân số và phát triển tại thị xã Điện Bàn, HAYLuận văn: Chính sách Dân số và phát triển tại thị xã Điện Bàn, HAY
Luận văn: Chính sách Dân số và phát triển tại thị xã Điện Bàn, HAY
 
LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHÍNH SÁCH CÔNG CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI CAO TUỔI Ở VIỆT NAM ...
LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHÍNH SÁCH CÔNG CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI CAO TUỔI Ở VIỆT NAM ...LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHÍNH SÁCH CÔNG CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI CAO TUỔI Ở VIỆT NAM ...
LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHÍNH SÁCH CÔNG CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI CAO TUỔI Ở VIỆT NAM ...
 
Phát triển kinh tế ở vùng đồng bào công giáo tỉnh Đồng Nai
Phát triển kinh tế ở vùng đồng bào công giáo tỉnh Đồng NaiPhát triển kinh tế ở vùng đồng bào công giáo tỉnh Đồng Nai
Phát triển kinh tế ở vùng đồng bào công giáo tỉnh Đồng Nai
 
Luận văn: Giảm nghèo bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số
Luận văn: Giảm nghèo bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu sốLuận văn: Giảm nghèo bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số
Luận văn: Giảm nghèo bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số
 
Luận án: Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lãnh đạo thực hiện đại đoàn kết dân tộc từ ...
Luận án: Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lãnh đạo thực hiện đại đoàn kết dân tộc từ ...Luận án: Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lãnh đạo thực hiện đại đoàn kết dân tộc từ ...
Luận án: Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lãnh đạo thực hiện đại đoàn kết dân tộc từ ...
 
Báo cáo Hộ sinh Việt Nam 2016_10462112092019
Báo cáo Hộ sinh Việt Nam 2016_10462112092019Báo cáo Hộ sinh Việt Nam 2016_10462112092019
Báo cáo Hộ sinh Việt Nam 2016_10462112092019
 
Luận văn: Thực hiện chính sách giảm nghèo tại tỉnh Đắk Lắk
Luận văn: Thực hiện chính sách giảm nghèo tại tỉnh Đắk LắkLuận văn: Thực hiện chính sách giảm nghèo tại tỉnh Đắk Lắk
Luận văn: Thực hiện chính sách giảm nghèo tại tỉnh Đắk Lắk
 
Luận văn: Nghiên cứu giảm nghèo của các hộ nông dân, 9 ĐIỂM, HOT!
Luận văn: Nghiên cứu giảm  nghèo của các hộ nông dân, 9 ĐIỂM, HOT!Luận văn: Nghiên cứu giảm  nghèo của các hộ nông dân, 9 ĐIỂM, HOT!
Luận văn: Nghiên cứu giảm nghèo của các hộ nông dân, 9 ĐIỂM, HOT!
 
THỰC THI CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP Xà - TẢI FREE Z...
THỰC THI CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP Xà - TẢI FREE Z...THỰC THI CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP Xà - TẢI FREE Z...
THỰC THI CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP Xà - TẢI FREE Z...
 
Luận án: Quản lý của UBND các cấp về xây dựng nông thôn mới
Luận án: Quản lý của UBND các cấp về xây dựng nông thôn mớiLuận án: Quản lý của UBND các cấp về xây dựng nông thôn mới
Luận án: Quản lý của UBND các cấp về xây dựng nông thôn mới
 

Similar to BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ CHIẾN LƯỢC DÂN SỐ VIỆT NAM, 2001-2010_10454312092019

Luận văn: Chính sách an sinh xã hội đối với người dân tộc thiểu số, 9 ĐIỂM
Luận văn: Chính sách an sinh xã hội đối với người dân tộc thiểu số, 9 ĐIỂMLuận văn: Chính sách an sinh xã hội đối với người dân tộc thiểu số, 9 ĐIỂM
Luận văn: Chính sách an sinh xã hội đối với người dân tộc thiểu số, 9 ĐIỂMViết Thuê Khóa Luận _ ZALO 0917.193.864 default
 
Luận văn: Hoạt động phát triển cộng đồng đôi với người nghèo từ thực tiễn huy...
Luận văn: Hoạt động phát triển cộng đồng đôi với người nghèo từ thực tiễn huy...Luận văn: Hoạt động phát triển cộng đồng đôi với người nghèo từ thực tiễn huy...
Luận văn: Hoạt động phát triển cộng đồng đôi với người nghèo từ thực tiễn huy...Viết thuê trọn gói ZALO 0934573149
 
Luận văn: Công tác xã hội trong bệnh viện tâm thần Hải Dương, HAY
Luận văn: Công tác xã hội trong bệnh viện tâm thần Hải Dương, HAYLuận văn: Công tác xã hội trong bệnh viện tâm thần Hải Dương, HAY
Luận văn: Công tác xã hội trong bệnh viện tâm thần Hải Dương, HAYViết thuê trọn gói ZALO 0934573149
 
đáNh giá mô hình can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ tại trung tâm nắng mai 6795947
đáNh giá mô hình can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ tại trung tâm nắng mai 6795947đáNh giá mô hình can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ tại trung tâm nắng mai 6795947
đáNh giá mô hình can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ tại trung tâm nắng mai 6795947jackjohn45
 
Kết quả chủ yếu điều tra biến động dân số và KHHGĐ 2016
Kết quả chủ yếu điều tra biến động dân số và KHHGĐ 2016Kết quả chủ yếu điều tra biến động dân số và KHHGĐ 2016
Kết quả chủ yếu điều tra biến động dân số và KHHGĐ 2016Yen Luong-Thanh
 
Đề tài: Hỗ trợ Bộ Y tế thực hiện chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản
Đề tài: Hỗ trợ Bộ Y tế thực hiện chiến lược dân số và sức khỏe sinh sảnĐề tài: Hỗ trợ Bộ Y tế thực hiện chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản
Đề tài: Hỗ trợ Bộ Y tế thực hiện chiến lược dân số và sức khỏe sinh sảnDịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Luận án: Thông tin về giáo dục và đào tạo trên báo in ở Việt Nam - Gửi miễn p...
Luận án: Thông tin về giáo dục và đào tạo trên báo in ở Việt Nam - Gửi miễn p...Luận án: Thông tin về giáo dục và đào tạo trên báo in ở Việt Nam - Gửi miễn p...
Luận án: Thông tin về giáo dục và đào tạo trên báo in ở Việt Nam - Gửi miễn p...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Luận án: Thông tin về giáo dục và đào tạo trên báo in ở Việt Nam - Gửi miễn p...
Luận án: Thông tin về giáo dục và đào tạo trên báo in ở Việt Nam - Gửi miễn p...Luận án: Thông tin về giáo dục và đào tạo trên báo in ở Việt Nam - Gửi miễn p...
Luận án: Thông tin về giáo dục và đào tạo trên báo in ở Việt Nam - Gửi miễn p...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Hướng dẫn thực tập cộng đồng - TKYT
Hướng dẫn thực tập cộng đồng - TKYT Hướng dẫn thực tập cộng đồng - TKYT
Hướng dẫn thực tập cộng đồng - TKYT Yen Luong-Thanh
 

Similar to BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ CHIẾN LƯỢC DÂN SỐ VIỆT NAM, 2001-2010_10454312092019 (20)

Luận văn: Chính sách an sinh xã hội đối với người dân tộc thiểu số, 9 ĐIỂM
Luận văn: Chính sách an sinh xã hội đối với người dân tộc thiểu số, 9 ĐIỂMLuận văn: Chính sách an sinh xã hội đối với người dân tộc thiểu số, 9 ĐIỂM
Luận văn: Chính sách an sinh xã hội đối với người dân tộc thiểu số, 9 ĐIỂM
 
Luận văn: Hoạt động phát triển cộng đồng đôi với người nghèo từ thực tiễn huy...
Luận văn: Hoạt động phát triển cộng đồng đôi với người nghèo từ thực tiễn huy...Luận văn: Hoạt động phát triển cộng đồng đôi với người nghèo từ thực tiễn huy...
Luận văn: Hoạt động phát triển cộng đồng đôi với người nghèo từ thực tiễn huy...
 
Luận án: Vai trò của hệ thống chính trị cấp tỉnh ở Sơn La, HAY
Luận án: Vai trò của hệ thống chính trị cấp tỉnh ở Sơn La, HAYLuận án: Vai trò của hệ thống chính trị cấp tỉnh ở Sơn La, HAY
Luận án: Vai trò của hệ thống chính trị cấp tỉnh ở Sơn La, HAY
 
Luan van thac si kinh te (22)
Luan van thac si kinh te (22)Luan van thac si kinh te (22)
Luan van thac si kinh te (22)
 
Luận văn: Công tác xã hội trong bệnh viện tâm thần Hải Dương, HAY
Luận văn: Công tác xã hội trong bệnh viện tâm thần Hải Dương, HAYLuận văn: Công tác xã hội trong bệnh viện tâm thần Hải Dương, HAY
Luận văn: Công tác xã hội trong bệnh viện tâm thần Hải Dương, HAY
 
CÔNG TÁC XÃ HỘI TRONG BỆNH VIỆN TÂM THẦN  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
CÔNG TÁC XÃ HỘI TRONG BỆNH VIỆN TÂM THẦN  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149CÔNG TÁC XÃ HỘI TRONG BỆNH VIỆN TÂM THẦN  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
CÔNG TÁC XÃ HỘI TRONG BỆNH VIỆN TÂM THẦN  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
 
Luận văn: Công tác xã hội trong bệnh viện tâm thần Hải Dương, HAY
Luận văn: Công tác xã hội trong bệnh viện tâm thần Hải Dương, HAYLuận văn: Công tác xã hội trong bệnh viện tâm thần Hải Dương, HAY
Luận văn: Công tác xã hội trong bệnh viện tâm thần Hải Dương, HAY
 
Tổng quan thực trạng kinh tế -xã hội của 53 dân tộc thiểu số.doc
Tổng quan thực trạng kinh tế -xã hội của 53 dân tộc thiểu số.docTổng quan thực trạng kinh tế -xã hội của 53 dân tộc thiểu số.doc
Tổng quan thực trạng kinh tế -xã hội của 53 dân tộc thiểu số.doc
 
Đề tài nghiên cứu khoa học Giảm nghèo ở Việt Nam: Thành tựu và thách thức
Đề tài nghiên cứu khoa học Giảm nghèo ở Việt Nam: Thành tựu và thách thứcĐề tài nghiên cứu khoa học Giảm nghèo ở Việt Nam: Thành tựu và thách thức
Đề tài nghiên cứu khoa học Giảm nghèo ở Việt Nam: Thành tựu và thách thức
 
đáNh giá mô hình can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ tại trung tâm nắng mai 6795947
đáNh giá mô hình can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ tại trung tâm nắng mai 6795947đáNh giá mô hình can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ tại trung tâm nắng mai 6795947
đáNh giá mô hình can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ tại trung tâm nắng mai 6795947
 
Công tác đối với trẻ em khuyết tật vận động tai Thanh Hóa, HAY
Công tác đối với trẻ em khuyết tật vận động tai Thanh Hóa, HAYCông tác đối với trẻ em khuyết tật vận động tai Thanh Hóa, HAY
Công tác đối với trẻ em khuyết tật vận động tai Thanh Hóa, HAY
 
Kết quả chủ yếu điều tra biến động dân số và KHHGĐ 2016
Kết quả chủ yếu điều tra biến động dân số và KHHGĐ 2016Kết quả chủ yếu điều tra biến động dân số và KHHGĐ 2016
Kết quả chủ yếu điều tra biến động dân số và KHHGĐ 2016
 
La01.021 thông tin chính trị xã hội với việc ra quyết định của đội ngũ cán ...
La01.021 thông tin chính trị   xã hội với việc ra quyết định của đội ngũ cán ...La01.021 thông tin chính trị   xã hội với việc ra quyết định của đội ngũ cán ...
La01.021 thông tin chính trị xã hội với việc ra quyết định của đội ngũ cán ...
 
Luận văn: Quản lý hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thông tin, 9 ĐIỂM
Luận văn: Quản lý hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thông tin, 9 ĐIỂMLuận văn: Quản lý hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thông tin, 9 ĐIỂM
Luận văn: Quản lý hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thông tin, 9 ĐIỂM
 
Luận văn: Xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam, 9 ĐIỂM
Luận văn: Xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam, 9 ĐIỂMLuận văn: Xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam, 9 ĐIỂM
Luận văn: Xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam, 9 ĐIỂM
 
Hoạt động công tác xã hội với trẻ em khuyết tật vận động tại thanh hóa
Hoạt động công tác xã hội với trẻ em khuyết tật vận động tại thanh hóaHoạt động công tác xã hội với trẻ em khuyết tật vận động tại thanh hóa
Hoạt động công tác xã hội với trẻ em khuyết tật vận động tại thanh hóa
 
Đề tài: Hỗ trợ Bộ Y tế thực hiện chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản
Đề tài: Hỗ trợ Bộ Y tế thực hiện chiến lược dân số và sức khỏe sinh sảnĐề tài: Hỗ trợ Bộ Y tế thực hiện chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản
Đề tài: Hỗ trợ Bộ Y tế thực hiện chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản
 
Luận án: Thông tin về giáo dục và đào tạo trên báo in ở Việt Nam - Gửi miễn p...
Luận án: Thông tin về giáo dục và đào tạo trên báo in ở Việt Nam - Gửi miễn p...Luận án: Thông tin về giáo dục và đào tạo trên báo in ở Việt Nam - Gửi miễn p...
Luận án: Thông tin về giáo dục và đào tạo trên báo in ở Việt Nam - Gửi miễn p...
 
Luận án: Thông tin về giáo dục và đào tạo trên báo in ở Việt Nam - Gửi miễn p...
Luận án: Thông tin về giáo dục và đào tạo trên báo in ở Việt Nam - Gửi miễn p...Luận án: Thông tin về giáo dục và đào tạo trên báo in ở Việt Nam - Gửi miễn p...
Luận án: Thông tin về giáo dục và đào tạo trên báo in ở Việt Nam - Gửi miễn p...
 
Hướng dẫn thực tập cộng đồng - TKYT
Hướng dẫn thực tập cộng đồng - TKYT Hướng dẫn thực tập cộng đồng - TKYT
Hướng dẫn thực tập cộng đồng - TKYT
 

More from hieupham236

Cung cấp dịch vụ của Hợp Tác Xã_10573112092019
Cung cấp dịch vụ của Hợp Tác Xã_10573112092019Cung cấp dịch vụ của Hợp Tác Xã_10573112092019
Cung cấp dịch vụ của Hợp Tác Xã_10573112092019hieupham236
 
Của cải của các quốc gia ở đâu_10572612092019
Của cải của các quốc gia ở đâu_10572612092019Của cải của các quốc gia ở đâu_10572612092019
Của cải của các quốc gia ở đâu_10572612092019hieupham236
 
CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA THIỀN CHÁNH NIỆM_10572012092019
CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA THIỀN CHÁNH NIỆM_10572012092019CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA THIỀN CHÁNH NIỆM_10572012092019
CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA THIỀN CHÁNH NIỆM_10572012092019hieupham236
 
CƠ SỞ ĐỊA LÝ CHO QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC LƯU VỰC SÔNG THẠCH HÃN, TỈNH QUẢNG T...
CƠ SỞ ĐỊA LÝ CHO QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC LƯU VỰC SÔNG THẠCH HÃN, TỈNH QUẢNG T...CƠ SỞ ĐỊA LÝ CHO QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC LƯU VỰC SÔNG THẠCH HÃN, TỈNH QUẢNG T...
CƠ SỞ ĐỊA LÝ CHO QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC LƯU VỰC SÔNG THẠCH HÃN, TỈNH QUẢNG T...hieupham236
 
CÔNG VIỆC CHĂM SÓC KHÔNG LƯƠNG TÁI PHÂN BỔ ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG_10570712092019
CÔNG VIỆC CHĂM SÓC KHÔNG LƯƠNG TÁI PHÂN BỔ ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG_10570712092019CÔNG VIỆC CHĂM SÓC KHÔNG LƯƠNG TÁI PHÂN BỔ ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG_10570712092019
CÔNG VIỆC CHĂM SÓC KHÔNG LƯƠNG TÁI PHÂN BỔ ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG_10570712092019hieupham236
 
CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ CÁC QUYỀN DÂN SỰ VÀ CHÍNH TRỊ_10570512092019
CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ CÁC QUYỀN DÂN SỰ VÀ CHÍNH TRỊ_10570512092019CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ CÁC QUYỀN DÂN SỰ VÀ CHÍNH TRỊ_10570512092019
CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ CÁC QUYỀN DÂN SỰ VÀ CHÍNH TRỊ_10570512092019hieupham236
 
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƢ BẤT ĐỘNG SẢN TRƢỜNG THÀNH TTR_10565412092019
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƢ BẤT ĐỘNG SẢN TRƢỜNG THÀNH TTR_10565412092019CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƢ BẤT ĐỘNG SẢN TRƢỜNG THÀNH TTR_10565412092019
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƢ BẤT ĐỘNG SẢN TRƢỜNG THÀNH TTR_10565412092019hieupham236
 
CÔNG TÁC XÃ HỘI TRONG HỖ TRỢ VỀ GIÁO DỤC VÀ Y TẾ ĐỐI VỚI TRẺ EM DÂN TỘC KƠ HO...
CÔNG TÁC XÃ HỘI TRONG HỖ TRỢ VỀ GIÁO DỤC VÀ Y TẾ ĐỐI VỚI TRẺ EM DÂN TỘC KƠ HO...CÔNG TÁC XÃ HỘI TRONG HỖ TRỢ VỀ GIÁO DỤC VÀ Y TẾ ĐỐI VỚI TRẺ EM DÂN TỘC KƠ HO...
CÔNG TÁC XÃ HỘI TRONG HỖ TRỢ VỀ GIÁO DỤC VÀ Y TẾ ĐỐI VỚI TRẺ EM DÂN TỘC KƠ HO...hieupham236
 
CÂY CA CAO Ở ĐẮK LẮK VÀ LÂM ĐỒNG Những thách thức trong phát triển bền vững ở...
CÂY CA CAO Ở ĐẮK LẮK VÀ LÂM ĐỒNG Những thách thức trong phát triển bền vững ở...CÂY CA CAO Ở ĐẮK LẮK VÀ LÂM ĐỒNG Những thách thức trong phát triển bền vững ở...
CÂY CA CAO Ở ĐẮK LẮK VÀ LÂM ĐỒNG Những thách thức trong phát triển bền vững ở...hieupham236
 
Chuyên đề Địa chí Đông Anh_11000412092019
Chuyên đề Địa chí Đông Anh_11000412092019Chuyên đề Địa chí Đông Anh_11000412092019
Chuyên đề Địa chí Đông Anh_11000412092019hieupham236
 
Chuyên đề ĐẦU TƯ CÔNG VÀ CHÍNH SÁCH ĐẦU TƯ CÔNG TRONG LĨNH VỰC THỂ DỤC THỂ TH...
Chuyên đề ĐẦU TƯ CÔNG VÀ CHÍNH SÁCH ĐẦU TƯ CÔNG TRONG LĨNH VỰC THỂ DỤC THỂ TH...Chuyên đề ĐẦU TƯ CÔNG VÀ CHÍNH SÁCH ĐẦU TƯ CÔNG TRONG LĨNH VỰC THỂ DỤC THỂ TH...
Chuyên đề ĐẦU TƯ CÔNG VÀ CHÍNH SÁCH ĐẦU TƯ CÔNG TRONG LĨNH VỰC THỂ DỤC THỂ TH...hieupham236
 
Chuyên đề Đà Nẵng xây dựng thương hiệu du lịch bền vững_10595812092019
Chuyên đề Đà Nẵng xây dựng thương hiệu du lịch bền vững_10595812092019Chuyên đề Đà Nẵng xây dựng thương hiệu du lịch bền vững_10595812092019
Chuyên đề Đà Nẵng xây dựng thương hiệu du lịch bền vững_10595812092019hieupham236
 
chuyên đề Di tích quốc gia đặc biệt của Hà Nội_10595412092019
chuyên đề Di tích quốc gia đặc biệt của Hà Nội_10595412092019chuyên đề Di tích quốc gia đặc biệt của Hà Nội_10595412092019
chuyên đề Di tích quốc gia đặc biệt của Hà Nội_10595412092019hieupham236
 
Chuyên đề DAO ĐỘNG CƠ_10595212092019
Chuyên đề DAO ĐỘNG CƠ_10595212092019Chuyên đề DAO ĐỘNG CƠ_10595212092019
Chuyên đề DAO ĐỘNG CƠ_10595212092019hieupham236
 
CHUYÊN ĐỀ CÔNG VỤ, CÔNG CHỨC Hệ bồi dưỡng Chuyên viên_10594312092019
CHUYÊN ĐỀ CÔNG VỤ, CÔNG CHỨC Hệ bồi dưỡng Chuyên viên_10594312092019CHUYÊN ĐỀ CÔNG VỤ, CÔNG CHỨC Hệ bồi dưỡng Chuyên viên_10594312092019
CHUYÊN ĐỀ CÔNG VỤ, CÔNG CHỨC Hệ bồi dưỡng Chuyên viên_10594312092019hieupham236
 
Chuyên đề CÂY TRỒNG BIẾN ĐỔI GEN – XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN TẠI VIỆT NAM VÀ TRÊN T...
Chuyên đề CÂY TRỒNG BIẾN ĐỔI GEN – XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN TẠI VIỆT NAM VÀ TRÊN T...Chuyên đề CÂY TRỒNG BIẾN ĐỔI GEN – XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN TẠI VIỆT NAM VÀ TRÊN T...
Chuyên đề CÂY TRỒNG BIẾN ĐỔI GEN – XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN TẠI VIỆT NAM VÀ TRÊN T...hieupham236
 
Chuyên đề CÁC CHƯƠNG TRÌNH, CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN THỂ THAO CỦA MỘT SỐ QUỐC GI...
Chuyên đề CÁC CHƯƠNG TRÌNH, CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN THỂ THAO CỦA MỘT SỐ QUỐC GI...Chuyên đề CÁC CHƯƠNG TRÌNH, CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN THỂ THAO CỦA MỘT SỐ QUỐC GI...
Chuyên đề CÁC CHƯƠNG TRÌNH, CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN THỂ THAO CỦA MỘT SỐ QUỐC GI...hieupham236
 
CHUYÊN ĐỀ BIỂN ĐÔNG VIỆT NAM QUÁ TRÌNH NHẬN THỨC VÀ KHAI CHIẾM_10592612092019
CHUYÊN ĐỀ BIỂN ĐÔNG VIỆT NAM QUÁ TRÌNH NHẬN THỨC VÀ KHAI CHIẾM_10592612092019CHUYÊN ĐỀ BIỂN ĐÔNG VIỆT NAM QUÁ TRÌNH NHẬN THỨC VÀ KHAI CHIẾM_10592612092019
CHUYÊN ĐỀ BIỂN ĐÔNG VIỆT NAM QUÁ TRÌNH NHẬN THỨC VÀ KHAI CHIẾM_10592612092019hieupham236
 
CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ NGÀNH CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2030 THEO HƢỚNG...
CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ NGÀNH CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2030 THEO HƢỚNG...CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ NGÀNH CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2030 THEO HƢỚNG...
CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ NGÀNH CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2030 THEO HƢỚNG...hieupham236
 
CHUYỆN ANH MÃ - Sách được dịch bởi Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông_105...
CHUYỆN ANH MÃ - Sách được dịch bởi Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông_105...CHUYỆN ANH MÃ - Sách được dịch bởi Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông_105...
CHUYỆN ANH MÃ - Sách được dịch bởi Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông_105...hieupham236
 

More from hieupham236 (20)

Cung cấp dịch vụ của Hợp Tác Xã_10573112092019
Cung cấp dịch vụ của Hợp Tác Xã_10573112092019Cung cấp dịch vụ của Hợp Tác Xã_10573112092019
Cung cấp dịch vụ của Hợp Tác Xã_10573112092019
 
Của cải của các quốc gia ở đâu_10572612092019
Của cải của các quốc gia ở đâu_10572612092019Của cải của các quốc gia ở đâu_10572612092019
Của cải của các quốc gia ở đâu_10572612092019
 
CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA THIỀN CHÁNH NIỆM_10572012092019
CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA THIỀN CHÁNH NIỆM_10572012092019CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA THIỀN CHÁNH NIỆM_10572012092019
CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA THIỀN CHÁNH NIỆM_10572012092019
 
CƠ SỞ ĐỊA LÝ CHO QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC LƯU VỰC SÔNG THẠCH HÃN, TỈNH QUẢNG T...
CƠ SỞ ĐỊA LÝ CHO QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC LƯU VỰC SÔNG THẠCH HÃN, TỈNH QUẢNG T...CƠ SỞ ĐỊA LÝ CHO QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC LƯU VỰC SÔNG THẠCH HÃN, TỈNH QUẢNG T...
CƠ SỞ ĐỊA LÝ CHO QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC LƯU VỰC SÔNG THẠCH HÃN, TỈNH QUẢNG T...
 
CÔNG VIỆC CHĂM SÓC KHÔNG LƯƠNG TÁI PHÂN BỔ ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG_10570712092019
CÔNG VIỆC CHĂM SÓC KHÔNG LƯƠNG TÁI PHÂN BỔ ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG_10570712092019CÔNG VIỆC CHĂM SÓC KHÔNG LƯƠNG TÁI PHÂN BỔ ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG_10570712092019
CÔNG VIỆC CHĂM SÓC KHÔNG LƯƠNG TÁI PHÂN BỔ ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG_10570712092019
 
CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ CÁC QUYỀN DÂN SỰ VÀ CHÍNH TRỊ_10570512092019
CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ CÁC QUYỀN DÂN SỰ VÀ CHÍNH TRỊ_10570512092019CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ CÁC QUYỀN DÂN SỰ VÀ CHÍNH TRỊ_10570512092019
CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ CÁC QUYỀN DÂN SỰ VÀ CHÍNH TRỊ_10570512092019
 
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƢ BẤT ĐỘNG SẢN TRƢỜNG THÀNH TTR_10565412092019
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƢ BẤT ĐỘNG SẢN TRƢỜNG THÀNH TTR_10565412092019CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƢ BẤT ĐỘNG SẢN TRƢỜNG THÀNH TTR_10565412092019
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƢ BẤT ĐỘNG SẢN TRƢỜNG THÀNH TTR_10565412092019
 
CÔNG TÁC XÃ HỘI TRONG HỖ TRỢ VỀ GIÁO DỤC VÀ Y TẾ ĐỐI VỚI TRẺ EM DÂN TỘC KƠ HO...
CÔNG TÁC XÃ HỘI TRONG HỖ TRỢ VỀ GIÁO DỤC VÀ Y TẾ ĐỐI VỚI TRẺ EM DÂN TỘC KƠ HO...CÔNG TÁC XÃ HỘI TRONG HỖ TRỢ VỀ GIÁO DỤC VÀ Y TẾ ĐỐI VỚI TRẺ EM DÂN TỘC KƠ HO...
CÔNG TÁC XÃ HỘI TRONG HỖ TRỢ VỀ GIÁO DỤC VÀ Y TẾ ĐỐI VỚI TRẺ EM DÂN TỘC KƠ HO...
 
CÂY CA CAO Ở ĐẮK LẮK VÀ LÂM ĐỒNG Những thách thức trong phát triển bền vững ở...
CÂY CA CAO Ở ĐẮK LẮK VÀ LÂM ĐỒNG Những thách thức trong phát triển bền vững ở...CÂY CA CAO Ở ĐẮK LẮK VÀ LÂM ĐỒNG Những thách thức trong phát triển bền vững ở...
CÂY CA CAO Ở ĐẮK LẮK VÀ LÂM ĐỒNG Những thách thức trong phát triển bền vững ở...
 
Chuyên đề Địa chí Đông Anh_11000412092019
Chuyên đề Địa chí Đông Anh_11000412092019Chuyên đề Địa chí Đông Anh_11000412092019
Chuyên đề Địa chí Đông Anh_11000412092019
 
Chuyên đề ĐẦU TƯ CÔNG VÀ CHÍNH SÁCH ĐẦU TƯ CÔNG TRONG LĨNH VỰC THỂ DỤC THỂ TH...
Chuyên đề ĐẦU TƯ CÔNG VÀ CHÍNH SÁCH ĐẦU TƯ CÔNG TRONG LĨNH VỰC THỂ DỤC THỂ TH...Chuyên đề ĐẦU TƯ CÔNG VÀ CHÍNH SÁCH ĐẦU TƯ CÔNG TRONG LĨNH VỰC THỂ DỤC THỂ TH...
Chuyên đề ĐẦU TƯ CÔNG VÀ CHÍNH SÁCH ĐẦU TƯ CÔNG TRONG LĨNH VỰC THỂ DỤC THỂ TH...
 
Chuyên đề Đà Nẵng xây dựng thương hiệu du lịch bền vững_10595812092019
Chuyên đề Đà Nẵng xây dựng thương hiệu du lịch bền vững_10595812092019Chuyên đề Đà Nẵng xây dựng thương hiệu du lịch bền vững_10595812092019
Chuyên đề Đà Nẵng xây dựng thương hiệu du lịch bền vững_10595812092019
 
chuyên đề Di tích quốc gia đặc biệt của Hà Nội_10595412092019
chuyên đề Di tích quốc gia đặc biệt của Hà Nội_10595412092019chuyên đề Di tích quốc gia đặc biệt của Hà Nội_10595412092019
chuyên đề Di tích quốc gia đặc biệt của Hà Nội_10595412092019
 
Chuyên đề DAO ĐỘNG CƠ_10595212092019
Chuyên đề DAO ĐỘNG CƠ_10595212092019Chuyên đề DAO ĐỘNG CƠ_10595212092019
Chuyên đề DAO ĐỘNG CƠ_10595212092019
 
CHUYÊN ĐỀ CÔNG VỤ, CÔNG CHỨC Hệ bồi dưỡng Chuyên viên_10594312092019
CHUYÊN ĐỀ CÔNG VỤ, CÔNG CHỨC Hệ bồi dưỡng Chuyên viên_10594312092019CHUYÊN ĐỀ CÔNG VỤ, CÔNG CHỨC Hệ bồi dưỡng Chuyên viên_10594312092019
CHUYÊN ĐỀ CÔNG VỤ, CÔNG CHỨC Hệ bồi dưỡng Chuyên viên_10594312092019
 
Chuyên đề CÂY TRỒNG BIẾN ĐỔI GEN – XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN TẠI VIỆT NAM VÀ TRÊN T...
Chuyên đề CÂY TRỒNG BIẾN ĐỔI GEN – XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN TẠI VIỆT NAM VÀ TRÊN T...Chuyên đề CÂY TRỒNG BIẾN ĐỔI GEN – XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN TẠI VIỆT NAM VÀ TRÊN T...
Chuyên đề CÂY TRỒNG BIẾN ĐỔI GEN – XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN TẠI VIỆT NAM VÀ TRÊN T...
 
Chuyên đề CÁC CHƯƠNG TRÌNH, CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN THỂ THAO CỦA MỘT SỐ QUỐC GI...
Chuyên đề CÁC CHƯƠNG TRÌNH, CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN THỂ THAO CỦA MỘT SỐ QUỐC GI...Chuyên đề CÁC CHƯƠNG TRÌNH, CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN THỂ THAO CỦA MỘT SỐ QUỐC GI...
Chuyên đề CÁC CHƯƠNG TRÌNH, CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN THỂ THAO CỦA MỘT SỐ QUỐC GI...
 
CHUYÊN ĐỀ BIỂN ĐÔNG VIỆT NAM QUÁ TRÌNH NHẬN THỨC VÀ KHAI CHIẾM_10592612092019
CHUYÊN ĐỀ BIỂN ĐÔNG VIỆT NAM QUÁ TRÌNH NHẬN THỨC VÀ KHAI CHIẾM_10592612092019CHUYÊN ĐỀ BIỂN ĐÔNG VIỆT NAM QUÁ TRÌNH NHẬN THỨC VÀ KHAI CHIẾM_10592612092019
CHUYÊN ĐỀ BIỂN ĐÔNG VIỆT NAM QUÁ TRÌNH NHẬN THỨC VÀ KHAI CHIẾM_10592612092019
 
CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ NGÀNH CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2030 THEO HƢỚNG...
CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ NGÀNH CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2030 THEO HƢỚNG...CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ NGÀNH CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2030 THEO HƢỚNG...
CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ NGÀNH CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2030 THEO HƢỚNG...
 
CHUYỆN ANH MÃ - Sách được dịch bởi Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông_105...
CHUYỆN ANH MÃ - Sách được dịch bởi Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông_105...CHUYỆN ANH MÃ - Sách được dịch bởi Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông_105...
CHUYỆN ANH MÃ - Sách được dịch bởi Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông_105...
 

Recently uploaded

powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxpowerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxAnAn97022
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfchuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfVyTng986513
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhvanhathvc
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfhoangtuansinh1
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................TrnHoa46
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoámyvh40253
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIĐiện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líDr K-OGN
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...hoangtuansinh1
 

Recently uploaded (20)

powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxpowerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfchuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
 

BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ CHIẾN LƯỢC DÂN SỐ VIỆT NAM, 2001-2010_10454312092019

  • 1. TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ QUỐC DÂN VIỆN DÂN SỐ VÀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI 207, đường Giải phóng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội Tổng đài (04) 36-280-280. Máy lẻ Văn phòng: 5433, Viện trưởng: 5982; Viện phó: 5981; Fax : 8696-411. Email: viendanso@neu.edu.vn BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ CHIẾN LƯỢC DÂN SỐ VIỆT NAM, 2001-2010 Hà Nội, 11/2009
  • 2. 2 MỤC LỤC NỘI DUNG TRANG LỜI CẢM ƠN .............................................................................................. 5 LỜI NÓI ĐẦU.............................................................................................. 6 CHƯƠNG I: GIỚI THIỆU NGHIÊN CỨU ĐÁNH GIÁ........................... 9 1 Lý do đánh giá.................................................................................... 9 2 Mục tiêu đánh giá................................................................................ 10 3 Nội dung đánh giá .............................................................................. 11 4 Phương pháp đánh giá....................................................................... 16 4.1 Địa bàn điều tra ...................................................................... 16 4.2 Đối tượng và phương pháp thu thập thông tin, số liệu.......... 17 4.3 Xử lý, phân tích thông tin và viết báo cáo.............................. 19 4.4 Giám sát quá trình đánh giá................................................... 20 5 Tổ chức đánh giá và nhân lực............................................................ 21 6 Kế hoạch, tiến độ thực hiện ............................................................... 24 CHƯƠNG II: ĐÁNH GIÁ VĂN BẢN CHIẾN LƯỢC DÂN SỐ VIỆT NAM, 2001-2010 VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU.............. 25 1 Đánh giá văn bản “Chiến lược Dân số Việt Nam, 2001-2010” ......... 25 1.1 Chiến lược Dân số Việt Nam, 2001-2010 cơ bản đã đánh giá đúng kết quả thực hiện “Chiến lược DS-KHHGĐ đến năm 2000” nhưng vẫn còn những điểm chưa được đề cập hoặc thiếu chính xác ........................................................................ 25 1.2 Chiến lược Dân số Việt Nam, 2001-2010 nhận định bối cảnh kinh tế-xã hội cho giai đoạn 2001-2010, những thách thức về dân số chuẩn xác nhưng chưa đầy đủ...................................... 27 1.3 Định hướng lớn và các quan điểm của Chiến lược Dân số Việt Nam, 2001-2010 cụ thể, rõ ràng, bao trùm hầu hết các vấn đề dân số quan trọng và trở thành nền tảng của Chiến lược.............. 28 1.4 Mục tiêu và các chỉ báo kiểm định mục tiêu đảm bảo tính SMART nhưng còn nhiều trùng lắp........................................ 29 1.5 Hệ thống giải pháp đầy đủ đồng bộ nhưng quá nhiều hoạt động.......................................................................................... 31 2 Kết quả thực hiện mục tiêu................................................................. 33 2.1 Về mục tiêu giảm sinh ............................................................ 33 2.1.1 Mục tiêu giảm sinh của chiến lược đã đạt được nếu xét chung trên phạm vi cả nước..................................................... 33 2.1.2 Nhiều tỉnh đã đạt được mức sinh thay thế một cách bền vững nhưng cũng còn 26 tỉnh không đạt hoặc có thể không đạt được mục tiêu này.................................................................... 39 2.2 Về mục tiêu nâng cao chất lượng dân số................................. 42 2.2.1 Mục tiêu nâng cao chất lượng dân số của chiến lược đã đạt được vững chắc trên phạm vi cả nước...................................... 42 2.2.2 Các tỉnh ở Việt Nam phát triển không đồng đều: Nhiều tỉnh đạt HDI ở mức rất cao nhưng cũng còn nhiều tỉnh HDI ở mức thấp và không đạt mục tiêu của Chiến lược ..................... 44 3 Kết quả thực hiện các mục tiêu khác.................................................. 47
  • 3. 3 CHƯƠNG III: ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN 8 NHÓM GIẢI PHÁP CHIẾN LƯỢC ............................................................................................. 64 1 Hệ thống tổ chức làm công tác DS-KHHGĐ qua hai lần cải cách vẫn còn nhiều bất cập.......................................................................... 64 2 Thúc đẩy truyền thông - giáo dục thay đổi hành vi............................ 73 3 Nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ..................... 82 4 Nâng cao chất lượng thông tin dữ liệu dân cư.................................... 99 5 Nâng cao dân trí, tăng cường vai trò của gia đình và bình đẳng giới 107 6 Đẩy mạnh xã hội hóa, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách dân số và phát triển............................................................................. 119 7 Bảo đảm kinh phí và điều kiện hoạt động cho công tác dân số ......... 128 8 Nâng cao chất lượng Đào tạo và sử dụng hiệu quả các nghiên cứu hiện có và các nghiên cứu mới ............................................................ 137 CHƯƠNG IV: BÀI HỌC, KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ................... 164 PHỤ LỤC 176 Phụ lục 1 Danh sách các địa phương, cơ quan và cán bộ được phỏng vấn 177 Phụ lục 2 Kết quả thực hiện mục tiêu và chỉ báo kiểm định mục tiêu 179 Phụ lục 3 Hướng dẫn phỏng vấn sâu 196 Phụ lục 4 Danh sách chuyên gia 218 Phụ lục 5 Tiến độ thực hiện 220 Phụ lục 6 Giáo dục 224 Phụ lục 7 Số trường học giai đoạn 1999-2008 225 Phụ lục 8 Số lượng học sinh, sinh viên giai đoạn 1999-2008 226 Phụ lục 9 Tỷ lệ học sinh, sinh viên nữ theo bậc học giai đoạn 1999-2008 227
  • 4. 4 DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT BPTT Biện pháp tránh thai CBCT Cán bộ chuyên trách CLDS Chiến lược dân số CMKT Chuyên môn kỹ thuật CSSKSS Chăm sóc sức khỏe sinh sản CTV Cộng tác viên DS-GĐ-TE Dân số, gia đình và trẻ em DS-KHHGĐ Dân số - Kế hoạch hóa gia đình DS-PT Dân số - phát triển GDI Chỉ số bình đẳng giới HDI Chỉ số phát triển con người IMR Tỷ suất chết trẻ em KHKT Khoa học kỹ thuật KT-XH Kinh tế - xã hội KTQD Kinh tế quốc dân LHQ Liên hợp quốc PTTT Phương tiện tránh thai QLNN Quản lý nhà nước SMART Đặc trưng, đo được, phù hợp, khả thi - xác định thời gian SKSS Sức khỏe sinh sản TCTK Tổng cục thống kê TĐTDS Tổng điều tra dân số TFR Tổng tỷ suất sinh TTHTCÐ Trung tâm học tập cộng đồng UB Ủy ban UNFPA Quỹ Dân số Liên hợp quốc UNDP Chương trình phát triển Liên hợp quốc
  • 5. 5 LỜI CẢM ƠN Trong suốt quá trình triển khai thực hiện đề tài, Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, Trường đại học KTQD nhận được sự giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi, sự chia sẻ thông tin và những ý kiến tư vấn rất quý báu của các cán bộ thuộc nhiều cơ quan, tổ chức. Nhân dịp hoàn thành báo cáo, chúng tôi xin trân trọng cảm ơn: - Lãnh đạo Tổng cục Dân số-KHHGĐ và Ban giám đốc Chương trình mục tiêu quốc gia về DS-KHHGĐ. - Ông Đinh Công Thoan - Vụ trưởng, Bà Tạ Thanh Hằng - Phó Vụ trưởng và các chuyên viên Vụ Kế hoạch - Tài vụ thuộc Tổng cục Dân số-KHHGĐ đã theo dõi, giúp đỡ và tư vấn từ khi xây dựng đề cương nghiên cứu cho đến khi báo cáo hoàn thành. - Ông Bùi Đại Thụ - Cán bộ Chương trình và TS. Adrian Hayes - Chuyên gia tư vấn của UNFPA. - TS. Bùi Thị Hà và các thành viên nhóm đánh giá Chiến lược quốc gia về chăm sóc SKSS của Trường đại học Y tế công cộng. - Cán bộ các Ban, ngành, các cơ quan Trung ương và cán bộ Dân số - Y tế các tỉnh Lào Cai, Nam Định, Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Gia Lai, Tp. Hồ Chí Minh, Bến Tre đã sẵn lòng trả lời phỏng vấn của nhóm nghiên cứu. Viện Dân số và Các vấn đề xã hội - Đại học KTQD Trưởng nhóm nghiên cứu GS. TS. Nguyễn Đình Cử
  • 6. 6 LỜI NÓI ĐẦU Chiến lược Dân số Việt Nam, 2001-2010 sắp kết thúc và Chiến lược Dân số- SKSS cho giai đoạn 2011-2020 đang được khởi động xây dựng. Vì vậy, đây là thời điểm có thể và cần phải đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược cũ, góp phần xác định trạng thái đầu vào cho Chiến lược mới thông qua việc trả lời hàng loạt câu hỏi, như: Mục tiêu và các chỉ báo kiểm định đã đạt được ở mức độ nào? Liệu đến năm 2010 có đạt được như Chiến lược đề ra hay không? Vì sao đạt được, vì sao không? Hệ thống giải pháp có được thực hiện thế nào? Thực hiện có đúng tiến độ không? Những thuận lợi, khó khăn khi triển khai từng hoạt động là gì? Từ việc xây dựng đến thực hiện Chiến lược có thể rút ra các bài học kinh nghiệm gì và đề xuất những khuyến nghị nào cho việc xây dựng và thực hiện Chiến lược mới?.... Báo cáo “Nghiên cứu đánh giá Chiến lược Dân số Việt Nam, 2001-2010” là một nỗ lực của Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Trường đại học KTQD nhằm đáp ứng yêu cầu nói trên. Báo cáo là kết quả nghiên cứu văn bản Chiến lược, thu thập, phân tích hầu hết các tài liệu liên quan và khảo sát quá trình triển khai thực hiện Chiến lược tại 22 bộ, ngành, đoàn thể và 8 tỉnh, 16 huyện đại diện cho các vùng trong cả nước. Cuộc nghiên cứu đánh giá này được tiến hành từ tháng 7 đến tháng 11 năm 2009, trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia về DS-KHHGĐ. Ngoài mở đầu và phụ lục, Báo cáo chia làm 4 chương: Chương 1: Giới thiệu nghiên cứu, giúp bạn đọc hiểu rõ về bối cảnh, mục tiêu nội dung, phương pháp và địa bàn nghiên cứu. Bạn đọc có thể thấy rằng, điểm đặc biệt của cuộc nghiên cứu này là nội dung rộng và phức tạp, bởi nó phân tích, đánh giá một Chiến lược lớn, được thực hiện trong một giai đoạn dài, trên phạm vi cả nước với hàng trăm hoạt động. Phương pháp nghiên cứu được sử dụng ở đây cũng rất đa dạng, vừa tại bàn, vừa điền dã, vừa định tính, vừa định lượng. Chương 2 và chương 3, có thể coi là trung tâm cốt lõi của báo cáo này. Đây là chương đánh giá việc xây dựng Chiến lược và có thể xem như kết quả của một cuộc nghiên cứu độc lập “tại bàn”. Nhóm nghiên cứu đã sưu tầm, mổ xẻ, phân tích việc thiết kế chiến lược, kết quả thực hiện mục tiêu và các giải pháp của Chiến
  • 7. 7 lược. Chương 3 phản ánh kết quả nghiên cứu “điền dã” tại 8 tỉnh nói trên và thông tin thu được từ các bộ ngành, tổ chức xã hội. Chương 4 trình bày những kết luận chủ yếu rút ra từ cuộc nghiên cứu này và các khuyến nghị cho việc xây dựng, bổ sung, hoàn thiện và thực hiện chính sách. Chúng tôi hy vọng và tin tưởng rằng, những nội dung trong Chương 4 sẽ hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách, quản lý DS-KHHGĐ nói chung và Chiến lược Dân số-SKSS, giai đoạn 2011-2020 nói riêng. Trong quá trình nghiên cứu đánh giá, nhóm nghiên cứu triệt để tuân theo 3 nguyên tắc: Khách quan, lịch sử và gợi mở. Bạn đọc có thể thấy rằng công trình này đề cập nhiều nội dung, nhiều khía cạnh, nhiều cấp độ của quá trình xây dựng và thực hiện Chiến lược trên cơ sở thu thập, xử lý một khối lượng đồ sộ các tài liệu, thông tin số liệu được mô tả trong phần phụ lục. Báo cáo đã cố gắng bám sát mục tiêu và nội dung nghiên cứu. Những câu hỏi đặt ra cho cuộc đánh giá đã được trả lời. Báo cáo này đã trải qua 4 lần Dự thảo. Hai hội thảo khoa học, nhiều buổi làm việc trực tiếp về các Bản thảo giữa chuyên gia tư vấn, các nhà quản lý hàng đầu của Tổng cục Dân số-KHHGĐ, Bộ Y tế và nhóm nghiên cứu. Vì vậy, theo một ý nghĩa nào đó, có thể coi Báo cáo này không phải là sản phẩm chỉ của riêng nhóm nghiên cứu. Tuy nhiên, với vai trò là cơ quan đánh giá độc lập, Viện Dân số và Các vấn đề xã hội đã tiếp thu tất cả những ý kiến tư vấn có cơ sở khoa học và thực tiễn, đồng thời tôn trọng các phân tích, kết luận dựa trên bằng chứng khách quan. Mọi kết luận trong báo cáo này không phụ thuộc vào bất cứ cá nhân hay cơ quan nào và Nhóm nghiên cứu chịu trách nhiệm hoàn toàn với bản báo cáo. Chiến lược Dân số Việt Nam 2001-2010 đã được xây dựng và thực hiện gần 10 năm nay. Trong thời khoảng nói trên, bối cảnh kinh tế - xã hội nói chung và tình trạng dân số của nước ta nói riêng đã thay đổi rất căn bản. Ngay bộ máy quản lý cũng đã chuyển từ Ủy ban quốc gia DS-KHHGĐ đến Ủy ban DS-GĐ-TE và nay là Tổng cục DS-KHHGĐ thuộc Bộ Y tế. Rõ ràng, để đánh giá chính xác, khách quan thì quan điểm lịch sử là cần thiết trong quá trình đánh giá Chiến lược, nghĩa là đánh giá sự kiện nào thì phải gắn với bối cảnh KT-XH-DS tại thời điểm sự kiện đó xảy ra chứ không phải nhìn nhận tại thời điểm này (2009).
  • 8. 8 Do tính rộng lớn và phức tạp của cả nội dung và địa bàn nghiên cứu, sự hạn chế về thời gian, nhân lực và trình độ, những câu trả lời tìm thấy trong báo cáo này chưa thể coi là đầy đủ, hoàn thiện. Hơn nữa, cuộc sống không ngừng biến đổi. Một mục tiêu, một giải pháp, một định mức,… thời điểm này được đánh giá là hợp lý, hữu hiệu thì thời điểm sau đã có thể không còn phù hợp. Nhóm nghiên cứu cho rằng, cuộc nghiên cứu chỉ có thể coi là thành công và thực sự có ý nghĩa, nếu một số điểm chưa hợp lý trong Chiến lược Dân số Việt Nam 2001-2010 được chỉ ra trong Báo cáo này sẽ được chỉnh sửa, những khoảng trống sẽ được “san lấp”, một số khó khăn trong quá trình thực thi chính sách sẽ được tháo gỡ trong Chiến lược mới, hoặc chí ít báo cáo cũng tạo ra cuộc tranh luận, thu hút sự chú ý của những người có trách nhiệm, các nhà khoa học về vấn đề này. Nhóm nghiên cứu trân trọng cảm ơn tất cả những ai có ý kiến nhận xét, bình luận về báo cáo và xin gửi tới Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, Trường đại học KTQD, 207 đường Giải phóng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Trưởng nhóm đánh giá GS. TS. Nguyễn Đình Cử Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội Đại học Kinh tế quốc dân
  • 9. 9 ĐÁNH GIÁ CHIẾN LƯỢC DÂN SỐ VIỆT NAM 2001-2010 * * * CHƯƠNG I GIỚI THIỆU NGHIÊN CỨU ĐÁNH GIÁ 1. LÝ DO ĐÁNH GIÁ Công tác DS-KHHGĐ ở Việt Nam đã được bắt đầu từ năm 1961 với Quyết định số 216/CP của Chính phủ về việc sinh đẻ có hướng dẫn và trở thành một lĩnh vực được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Năm 1993, Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) đã ra Nghị quyết về Chính sách DS- KHHGĐ. Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, ngay trong năm này Chính phủ ban hành Chiến lược DS-KHHGĐ đến năm 2000. Đây là Chiến lược Dân số đầu tiên của Việt Nam. Tiếp theo Chiến lược DS-KHHGĐ lần thứ nhất, ngày 22 tháng 12 năm 2000, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 147/2000/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược Dân số Việt Nam 2001-2010”. Chiến lược này đã đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược DS-KHHGĐ đến năm 2000, phân tích những vấn đề đặt ra cho giai đoạn 2001-2010, chỉ rõ định hướng, quan điểm, mục tiêu, chỉ báo kiểm định, giải pháp và tổ chức thực hiện. Các bộ, ngành, đoàn thể được được giao nhiệm vụ thực hiện Chiến lược phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan. Sau 5 năm triển khai, Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em đã có báo cáo đánh giá giữa kỳ, kết quả giai đoạn (2001-2005). Đến nay, “Chiến lược Dân số Việt nam 2001-2010” sắp kết thúc và Việt Nam đang khởi động xây dựng Chiến lược Dân số mới cho giai đoạn 2011-2020. Ngày 1/4/2009, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 44-KL/TW về kết quả thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW ngày 22/3/2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ”. Bản Kết luận nêu rõ: “Ban cán sự Đảng, Chính phủ chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Chiến lược dân số, Chiến lược sức khỏe
  • 10. 10 sinh sản giai đoạn 2001-2010, xây dựng Chiến lược DS-SKSS giai đoạn 2010- 2020, làm cơ sở cho việc hoạch định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”. Vì vậy, đây là thời điểm có thể và cần phải phân tích sâu sắc, đánh giá toàn diện kết quả thực hiện “Chiến lược Dân số Việt nam 2001-2010”. 2. MỤC TIÊU ĐÁNH GIÁ Mục tiêu tổng quát Đánh giá mức độ đạt được các mục tiêu, kết quả thực hiện các giải pháp, hoạt động và cơ chế, chính sách đã đặt ra trong Chiến lược Dân số Việt Nam giai đoạn 2001-2010; đúc rút các bài học kinh nghiệm về thiết kế chiến lược, hoạch định chính sách, xây dựng các giải pháp can thiệp và tổ chức thực hiện Chiến lược Dân số giai đoạn 2001-2010; kiến nghị nội dung, mục tiêu, giải pháp chung cũng như nội dung, mục tiêu, giải pháp đặc thù cần triển khai phù hợp với trình độ phát triển và tình trạng dân số của các vùng trong Chiến lược Dân số giai đoạn 2011-2020. Mục tiêu cụ thể Đánh giá “Chiến lược Dân số 2001-2010” theo các nội dung sau đây: (1) Đánh giá Văn bản Chiến lược: Căn cứ vào tình hình kinh tế, dân số, xã hội cho tới năm 2000, thông qua nội dung và hình thức của Chiến lược, cần đánh giá tính khoa học và tính thực tiễn của Chiến lược. (2) Đánh giá các thành tựu đạt được: Đánh giá chính xác, cụ thể và khách quan mức độ đã đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong Chiến lược và ước thực hiện đến hết năm 2010. (3) Đánh giá các hoạt động can thiệp: Mức độ thực hiện và lý giải tại sao những hoạt động can thiệp cụ thể trong 8 nhóm giải pháp được thực hiện thành công hoặc không đạt được như đã đặt ra trong Chiến lược. (4) Đánh giá tính thích hợp: Trên cơ sở dự báo, đánh giá mức độ thích hợp của các mục tiêu, giải pháp của Chiến lược trong khuôn khổ Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ. (5) Rút ra các bài học kinh nghiệm: Rút ra những bài học từ kinh nghiệm thực hiện chiến lược từ việc xây dựng đến thực hiện bao gồm cả giám sát và đánh giá kết
  • 11. 11 thúc Chiến lược; xác định các yếu tố thuận lợi và những trở ngại, rào cản trong quá trình thực hiện, cách thức phát huy thuận lợi và vượt qua trở ngại. (6) Đề xuất các khuyến nghị: Từ kết quả đánh giá và các bài học kinh nghiệm, đề xuất những khuyến nghị cho việc xây dựng và thực hiện Chiến lược Dân số giai đoạn 2011-2020. 3. NỘI DUNG ĐÁNH GIÁ 3.1. Đánh giá văn bản “Chiến lược Dân số Việt Nam 2001-2010” 3.1.1 Về nội dung Trên cơ sở thu thập thông tin kinh tế - xã hội và dân số để trả lời các câu hỏi đối với “Chiến lược Dân số Việt Nam 2001-2010”, như: (1) Việc đánh giá tình hình thực hiện “Chiến lược DS-KHHGĐ đến năm 2000” đã đầy đủ và chính xác hay chưa? (2) Việc nhận định bối cảnh kinh tế - xã hội cho giai đoạn 2001-2010, những thách thức về dân số có chuẩn xác hay chưa? Thực tế 10 năm qua có minh chứng cho nhận định không? (3) Định hướng lớn và các quan điểm của Chiến lược có cụ thể, rõ ràng và đã bao trùm hết các vấn đề dân số quan trọng của nước ta hay không? Sự biến đổi dân số trong 10 năm qua có khẳng định cho Định hướng và quan điểm không? (4) Mục tiêu và các chỉ báo kiểm định mục tiêu có đảm bảo tính SMART (Đặc trưng, đo được, phù hợp, khả thi và xác định về thời gian) hay không? Chẳng hạn, để cụ thể hóa về tính phù hợp của mục tiêu cần trả lời các câu hỏi, như: Mục tiêu đề ra có hỗ trợ thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001-2010 không? Bộ chỉ báo kiểm định mục tiêu có liên hệ chặt chẽ với mục tiêu không? Thừa hay thiếu? hay vừa đủ? Có tương thích với các Chiến lược khác không? Có phù hợp với các văn bản quốc tế mà Việt Nam đã ký kết? (5) Hệ thống giải pháp (6) Đối với mỗi nhóm giải pháp của Chiến lược dân số 2001-2010, báo cáo đánh giá cần luận giải được những câu hỏi sau:
  • 12. 12 - Kết quả (đầu ra) mong muốn cụ thể là gì? Cơ sở luận chứng, lý giải cho việc tập trung vào những kết quả đầu ra đó? - Hệ thống giải pháp mà Chiến lược nêu lên liệu đã đầy đủ, khả thi và đảm bảo hướng đến thực hiện được mục tiêu hay chưa? 3.1.2. Về hình thức (1) Cấu trúc của Chiến lược có hợp lý và chặt chẽ? Phần/mục nào là không cần thiết nhưng có trong Chiến lược và ngược lại phần/mục nào cần thiết nhưng không có trong Chiến lược? (2) Cách trình bày, nhất là các phụ lục có sáng sủa, dễ hiểu. Ngôn ngữ và câu văn trong Chiến lược thế nào? (3) So sánh sự tương đồng với các Chiến lược trong và ngoài nước khác. 3.2. Đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu và tất cả chỉ báo kiểm định mục tiêu của Chiến lược cho đến nay. Từ đó ước lượng mức độ hoàn thành mục tiêu và các chỉ báo này vào năm 2010 Thông tin, số liệu đã được thu thập, phân tích để trả lời các câu hỏi đánh giá sau: (1) Mục tiêu và các chỉ báo kiểm định mục tiêu hiện đã đạt được bao nhiêu phần trăm so với Chiến lược đề ra? (2) Căn cứ trên các thông tin, số liệu sử dụng các phương pháp phân tích, ngoại suy để ước lượng xem: Liệu đến năm 2010 có đạt (hoặc vượt) mục tiêu và các chỉ báo kiểm định mục tiêu do Chiến lược đề ra hay không? Hai mục tiêu cụ thể của Chiến lược (về TFR và HDI) không chỉ được phân tích trên phạm vi cả nước mà còn được phân tích quá trình đạt đến mục tiêu theo thời gian và chi tiết đến từng vùng miến/tỉnh. 3.3. Phân tích và đánh giá việc thực hiện các giải pháp Để đạt được các mục tiêu, Chiến lược đề ra hệ thống 8 giải pháp. Mỗi giải pháp lại bao gồm một số nhóm hoạt động. Tổng cộng có 30 nhóm hoạt động. Có thể mô hình hóa mối quan hệ giữa hoạt động (X), đầu ra Y và mục tiêu như sau: Giải pháp 1: 1X1  1Y1 } 1X2  1Y2 } 1X3  1Y3 v….v } = = =  Mục tiêu 1
  • 13. 13 Giải pháp 2: } 2X1  2Y1 } = = =  Mục tiêu 2 2X2  2Y2 } } Giải pháp 3: } 3X1  3Y1 } = = =  Mục tiêu 3 3X1  3Y1 v….v } v….v } trong đó : iXj là nhóm hoạt động (nhóm can thiệp) thứ j của giải pháp i. iYj là đầu ra của nhóm hoạt động thứ j của giải pháp i. Cần cố gắng lượng hóa cả biến X và biến Y. Do có tới nhóm 30 hoạt động, vì vậy với mỗi giải pháp chỉ chọn một số nhóm hoạt động tiêu biểu để đánh giá. Trong mỗi nhóm lại có thể chỉ chọn một số hoạt động cụ thể. Tiêu chí để lựa chọn hoạt động đánh giá như sau: (1) Ngân sách dành cho hoạt động này (lớn/nhỏ) (2) Phạm vi tác động của hoạt động (3) Cấp nào điều hành hoạt động này Các thông tin định tính và định lượng đã được thu thập để phân tích và trả lời các câu hỏi đối với hoạt động được lựa chọn đánh giá, như sau: (1) Hoạt động thuộc giải pháp đề ra trong Chiến lược có được thực hiện không? Thực hiện có đúng tiến độ không? (2) Những thuận lợi, khó khăn khi triển khai từng hoạt động là gì? Đặc biệt là vấn đề nguồn lực để triển khai chiến lược, cho từng cấp và từng địa phương? Có huy động được sự hỗ trợ có hiệu quả của các cơ quan đối tác không? Các khó khăn, cản trở đã được xử lý ra sao? (3) Thực tế, (hoạt động) can thiệp đó có đem lại kết quả gì không? Có đạt được kết quả đầu ra như mong muốn và đã được thiết kế không? (4) Vấn đề điều hành, phối hợp, giám sát việc thực hiện Chiến lược (thực chất là thực hiện các giải pháp) diễn ra như thế nào?
  • 14. 14 (5) Để có được những kết quả đầu ra đó cần phải có những thay đổi, điều chỉnh gì về mặt thể chế/tổ chức bộ máy? (6) Trong giải pháp này rút ra được những bài học kinh nghiệm chủ chốt gì? Vận dụng như thế nào trong Chiến lược mới? 3.4. Tính thích hợp Chiến lược Dân số là một bộ phận quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, nó phải phù hợp và thúc đẩy việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Dựa trên kết quả thực hiện Chiến lược Dân số và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội và Dự báo kết quả năm tới, đã trả lời những câu hỏi, như: (1) Các mục tiêu, giải pháp của Chiến lược Dân số đã được thực hiện có thích hợp với Chiến lược phát triển kinh tế xã hội hay không? Có cản trở việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội hay không? (2) Chiến lược Dân số đóng góp như thế nào vào việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội? 3.5. Rút ra các bài học kinh nghiệm Các bài học kinh nghiệm rút ra từ việc xây dựng và thực hiện “Chiến lược Dân số Việt Nam, 2001-2010” đã được tổng kết thành 2 nhóm: Nhóm 1: Các bài học về xây dựng Chiến lược: (1) Tổ chức xây dựng Chiến lược như thế nào? Sự hợp tác giữa các nhà hoạch định Chiến lược, các nhà quản lý và các nhà khoa học. (2) Bài học về thu thập, xử lý, phân tích thông tin, số liệu đầu vào cho xây dựng Chiến lược. (3) Bài học về phân tích phát hiện các vấn đề dân số nổi bật mà Chiến lược cần giải quyết (4) Bài học về xây dựng các nội dung của Chiến lược, nhất là xây dựng mục tiêu, chỉ tiêu kiểm định và giải pháp. (5) Các bài học khác căn cứ vào kết quả đánh giá. Nhóm 1 bao gồm cả bài học thành công và bài học chưa thành công
  • 15. 15 Nhóm 2: Các bài học về thực hiện Chiến lược: (1) Bài học về cụ thể hóa Chiến lược thành các Chương trình/Dự án ở Trung ương và địa phương? (2) Bài học về điều phối thực hiện Chiến lược (3) Bài học về giám sát, hỗ trợ thực hiện Chiến lược (4) Các bài học khác căn cứ vào kết quả đánh giá Nhóm 2 cũng bao gồm cả bài học thành công và bài học chưa thành công. 3.6. Đề xuất các khuyến nghị cho việc xây dựng Chiến lược Dân số mới giai đoạn 2011-2020 Trên cơ sở kết quả nghiên cứu đánh giá “Chiến lược Dân số Việt Nam, 2001- 2010” ba nhóm khuyến nghị cho việc xây dựng và thực hiện “Chiến lược Dân số Việt Nam, 2011-2020” đã được đề xuất với các nội dung sau: Nhóm khuyến nghị 1: Về tên gọi và kết cấu của Chiến lược: (1) Nên đặt tên Chiến lược như thế nào? (2) Chiến lược bao gồm mấy phần? Gồm những phần nào? Nhóm khuyến nghị 2: Về xây dựng Chiến lược (1) Điểm khác nhau căn bản giữa hoàn cảnh dân số, kinh tế, xã hội của Chiến lược mới và Chiến lược cũ cần nhấn mạnh là gì? (2) Những vần đề dân số nổi bật nào trên phạm vi cả nước hay đặc thù của các vùng miền Chiến lược này cần ưu tiên giải quyết? (3) Quan điểm cơ bản của Chiến lược này cần nhấn mạnh là gì? (4) Mục tiêu cần đạt được là gì? Bằng cách nào? (5) Trong hoàn cảnh mới nên tổ chức thực hiện Chiến lược như thế nào? Nhóm khuyến nghị 3: Về thực hiện Chiến lược (1) Làm thế nào để sớm cụ thể hóa Chiến lược thành các Chương trình/Dự án ở Trung ương và địa phương? (2) Làm thế nào để phổ biến, tuyên truyền Chiến lược một cách hiệu quả? (3) Làm thế nào để điều phối tốt việc thực hiện Chiến lược? (4) Làm thế nào để theo dõi, giám sát chặt chẽ hỗ trợ xử lý khó khăn thực thi Chiến lược một cách hiệu quả?
  • 16. 16 (5) Các khuyến nghị khác căn cứ vào kết quả đánh giá. Mặc dù đánh giá này đề cập một hệ thống các nội dung nói trên nhưng quan trọng nhất là các nội dung 2 và 3. Các câu hỏi quan trọng nhất được trả lời là: (1) Có đạt được mục tiêu hay không? (2) Các giải pháp có được thực hiện hay không? (3) Khi giải pháp nào đó được thực hiện thì có dẫn đến kết quả mô tả hay không? 4. PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ Để thực hiện được nội dung đánh giá, một khối lượng lớn thông tin, số liệu định tính và định lượng đã được thu thập, xử lý và phân tích. Do yêu cầu chuyên môn, Viện Dân số và Các vấn đề xã hội thường xuyên có những nghiên cứu về thực trạng dân số Việt Nam cũng chính là theo dõi kết quả thực hiện Chiến lược Dân số giai đoạn 2001-2010 ( Xin xem các công trình nghiên cứu của Viện và của các thành viên của Viện). Kết quả là Viện đã tích lũy được một phần những thông tin, số liệu của cơ quan có thẩm quyền như Tổng cục Thống kê công bố hoặc những công trình điều tra khảo sát do các cơ quan nghiên cứu có uy tín tiến hành phục vụ đánh giá Chiến lược. Vì vậy, chiến lược thu thập thông tin là: Hệ thống hóa, phân tích sâu sắc thông tin mà Viện đã có sẵn trước khi thu thập thông tin tại các cơ quan trung ương và các địa phương. 4.1 Địa bàn điều tra 4.1.1. Tại các cơ quan Trung ương Đã thu thập thông tin, số liệu ở: Tất cả các Bộ, Ban ngành, tổ chức xã hội đã được Đảng và Nhà nước giao trách nhiệm thực hiện, kiểm định và báo cáo kết quả thực hiện Chiến lược, như: (1) Bộ Y tế/Tổng cục DS-KHHGĐ, (2) Bộ Kế hoạch và Đầu tư/Tổng cục thống kê, (3) Bộ Tài chính, (4) Bộ Giáo dục và Đào tạo, (5) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, (6) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, (7) Bộ Tư pháp, (8) Bộ Công an, (9) Bộ Quốc phòng, (10) Bộ Khoa học và Công nghệ, (11) Bộ Tài nguyên và Môi trường, (12) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, (13) Bộ Thông tin và Truyền thông, (14) Ủy ban Dân tộc, (15)
  • 17. 17 Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, (16) Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, (17) Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM, (18) Hội KHHGĐ, (19) Ban Tuyên giáo Trung ương, (20) Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội. Những cán bộ quản lý Dự án Dân số - SKSS do các cơ quan quốc tế như: UNFPA và GTZ,… tài trợ. Các cơ quan khoa học có uy tín đã thực hiện các cuộc điều tra khảo sát thu được số liệu đáng tin cậy, có ý nghĩa đánh giá. 4.1.2. Tại các địa phương Việc lựa chọn địa bàn khảo sát cấp tỉnh, căn cứ vào tiêu chuẩn sau: (1) Trình độ phát triển (Khá, Trung bình, Thấp) và mức sinh (Cao, Trung bình, Thấp) tại thời điểm trước năm 2001. (2) Đại diện cho các vùng lãnh thổ. (3) Có thành phố lớn và tỉnh nông nghiệp. (4) Những tỉnh có Dự án của Quỹ Dân số LHQ và có tỉnh không. Dựa vào các tiêu chuẩn trên, nhóm nghiên cứu đã chọn các tỉnh/thành phố/ quận/huyện/thị xã như ở bảng sau: (xem bảng 1.1) Bảng 1.1: Địa bàn khảo sát STT Tỉnh/Thành phố Quận/Huyện/Thị xã 1 Lào Cai TP. Lào Cai, huyện Si Ma Cai 2 Hà Nội Quận Đống Đa, huyện Sóc Sơn 3 Nam Định TP Nam Định, huyện Nghĩa Hưng 4 Thừa Thiên - Huế TP.Huế, huyện Phú Lộc 5 Quảng Nam Huyện Phú Ninh, TP. Hội An 6 Gia Lai Huyện Đák Đoa, TP. Plây Cu 7 TP. Hồ Chí Minh Quận Bình Tân, quận Tân Phú 8 Bến Tre Huyện Thạnh Phú, huyện Châu Thành Tổng 16 4.2. Đối tượng và phương pháp thu thập thông tin, số liệu  Tại các địa bàn điều tra, các đối tượng sau đây (kể cả những người giữ vị trí quản lý quan trọng, giai đoạn 2001-2010, nay đã về hưu hoặc chuyển công tác) đã được phỏng vấn sâu:
  • 18. 18 (1) Người chịu trách nhiệm triển khai Chiến lược Dân số. (2) Những người quản lý hệ thống Dân số-KHHGĐ cấp Trung ương, tỉnh và huyện, giai đoạn 2001-2010. (3) Các nhà khoa học, các chuyên gia có nghiên cứu và hiểu biết sâu về DS- KHHGĐ ở Việt Nam. (4) Những người thuộc tổ biên soạn Chiến lược Dân số Việt Nam 2001-2010. (5) Những người quản lý các Chương trình/ Dự án tài trợ cho lĩnh vực DS- KHHGĐ ở Việt Nam, như: UNFPA, GTZ,…  Số người được phỏng vấn sâu như trong Bảng 1.2 (xem bảng 1.2) Bảng 1.2: Số người được phỏng vấn sâu tại địa bàn điều tra STT Địa bàn Số người được phỏng vấn 1 Tại 22 cơ quan Trung ương và quốc tế 1.1 Bộ Y tế / Tổng cục Dân số - KHHGĐ 10 1.2 21 cơ quan khác 1.3 Các nhà khoa học và chuyên gia 2 Tại các địa phương (8 tỉnh) 2.1 Cán bộ cấp tỉnh: 8 tỉnh x 3 người/tỉnh 27 2.2 Cán bộ cập huyện: 16 huyện x 2 người/huyện 29 Tổng số 66 Theo ý kiến chuyên gia tư vấn thì 90 PVS là quá nhiều và nên rút bớt. Nhóm nghiên cứu đã đề nghị Ban quản lý Chương trình thay thế bằng tổ chức Hội thảo về Kết quả thực hiện CLDS. Mời 21 bộ ngành, chuyên gia viết bài cho Hội thảo. Nhóm đánh giá chỉ PVS 56 người ở địa phương và 10 cán bộ Tổng cục DS-KHHGĐ.  Ngoài phương pháp phỏng vấn sâu cá nhân, các số liệu, thông tin, có sẵn tại các địa bàn điều tra cũng được thu thập. Bộ công cụ thu thập thông tin đã được thiết kế, bao gồm: (1) Bảng hướng dẫn thu thập thông tin, số liệu có sẵn. Bảng này sẽ liệt kê: Số thứ tự các chỉ tiêu; Mức đạt được các chỉ tiêu của Chiến lược Dân số; năm; nguồn,…(Xem Phụ lục 2) (2) Bảng hướng dẫn phỏng vấn sâu. Để tránh “lạc đề” và để tập trung vào những vấn đề cần thiết, Bảng hướng dẫn phỏng vấn sâu được chuẩn bị sẵn
  • 19. 19 cho các điều tra viên, nhằm cung cấp cho điều tra viên những câu hỏi chủ yếu, những nội dung cần “xoáy sâu”,…(Xem Phụ lục 3) 4.3. Xử lý, phân tích thông tin và viết báo cáo 4.3.1. Xử lý và phân tích số liệu định lượng Các số liệu định lượng đã được tổng hợp, phân tích và trình bày theo các phương pháp thống kê. Phương pháp phân tổ, so sánh, hồi quy tương quan. Các biểu đồ cũng đã được sử dụng khi thích hợp. Việc xử lý số liệu được thực hiện trên phần mềm SPSS. 4.3.2. Xử lý số liệu định tính Trước hết đã tổ chức gỡ băng các cuộc phỏng vấn sâu. Các dữ liệu này được chuyển thành các file văn bản dưới sự hỗ trợ của phần mềm Word. Sau khi làm sạch, các dữ liệu này cũng được chuyển sang định dạng có thể sử dụng với phần mềm NVIVO để xử lý và phân tích định tính. Các thông tin thu được từ các cuộc phỏng vấn sâu cá nhân được phân tích bằng các kỹ thuật định tính nhằm làm rõ nguyên nhân và hoàn thiện các kết quả của điều tra định lượng. 4.3.3. Viết và hoàn thiện báo cáo Để phân tích sâu, nhiều chuyên đề đã được biên soạn. Báo cáo kết quả đánh giá cuối cùng được tổng hợp, phân tích từ các Báo cáo chuyên đề và các kết quả nghiên cứu khác. Báo cáo chuyên đề và Báo cáo kết quả đánh giá cuối cùng do các chuyên gia bậc cao thực hiện theo quy trình: Dự thảo - Hội thảo góp ý - Hoàn thiện. Sản phẩm của nghiên cứu đánh giá:  Chuyên đề 1: “Rà soát phân tích, đánh giá Văn bản Chiến lược Dân số Việt Nam 2001-2010”  Chuyên đề 2: “Đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu Chiến lược”  Chuyên đề 3: “Kết quả thực hiện các Giải pháp của Chiến lược”  Chuyên đề 4: “Các bài học rút ra từ việc xây dựng và thực hiện Chiến lược”
  • 20. 20  Chuyên đề 5: “Các khuyến nghị cho việc xây dựng và thực hiện CLDS, giai đoạn 2011-2020”  Chuyên đề 6: “Quản lý và Điều hành thực hiện CLDS ở cấp trung ương”  Chuyên đề 7: “Quản lý và Điều hành thực hiện CLDS ở cấp tỉnh”  Báo cáo kết quả nghiên cứu đánh giá cuối cùng.  Bản tóm tắt và Bản trình bày trên Powerpoint của Báo cáo kết quả nghiên cứu đánh giá cuối cùng. 4.4. Giám sát quá trình đánh giá Viện Dân số và Các vấn đề xã hội luôn đặt chất lượng nghiên cứu lên hàng đầu. Về phương diện này, nguyên tắc “quản lý chất lượng toàn bộ” dựa trên việc giám sát chặt chẽ chất lượng, thúc đẩy tiến độ trong từng bước của quá trình nghiên cứu, từ thiết kế nghiên cứu, thu thập số liệu đến xử lý, phân tích số liệu. Cụ thể, Ban chủ nhiệm đề tài có trách nhiệm thực hiện các biện pháp giám sát và bảo đảm chất lượng sau: - Lựa chọn chuyên gia, điều tra viên, cộng tác viên: Dựa trên nguyên tắc số một là phải đảm bảo năng lực chuyên môn, có kinh nghiệm điều tra, nghiên cứu, đặc biệt là điều tra tại cộng đồng, có khả năng giao tiếp, có kinh nghiệm nghiên cứu ít nhất là 5 năm, và cam kết dành thời gian cho nghiên cứu. (Xem Phụ lục 4) - Tập huấn điều tra: Các chuyên gia, điều tra viên đã được tập huấn kỹ trước khi điều tra. Họ cũng được thực hành điều tra thử. - Thử các bảng hướng dẫn: Các Bảng hướng dẫn thu thập số liệu, thông tin, Bảng hướng dẫn phỏng vấn sâu cá nhân đã được sử dụng thử để chỉnh sửa nội dung nếu cần thiết và rút kinh nghiệm về kỹ năng điều tra. Việc này nhằm đảm bảo tính đúng đắn, thích hợp của các công cụ thu thập số liệu và nâng cao kỹ năng của các chuyên gia và điều tra viên. - Quy trình thu thập thông tin chặt chẽ:
  • 21. 21 Quy trình này bao gồm các bước, bước sau sử dụng kết quả của bước trước và cho phép hiểu sâu vấn đề hơn. - Giám sát công tác thu thập số liệu: Các chuyên gia làm giám sát viên độc lập theo dõi việc thu thập số liệu để đảm bảo chất lượng công tác này. So sánh số liệu về cùng một chỉ tiêu từ nhiều nguồn để kiểm tra tính chính xác. 5. TỔ CHỨC VÀ NHÂN SỰ 5.1. Cơ quan thực hiện đánh giá: Viện Dân số và Các vấn đề xã hội Viện Dân số và Các vấn đề xã hội tiền thân là Trung tâm Dân số thuộc Đại học KTQD, được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký quyết định thành lập thành lập ngày 22 tháng 1 năm 1992. Viện có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và tài khoản riêng. Viện được sở Khoa học và công nghệ Thành phố Hà Nội cấp giấy phép hoạt động khoa học công nghệ số 145/ĐK-KH&CN. Viện có chức năng nghiên cứu khoa học, đào tạo và tư vấn khoa học trong lĩnh vực dân số và các vấn đề xã hội. Viện có 12 cán bộ, trong đó 10 là PGS, TS, Thạc sỹ. Trong giai đoạn 1991-2009 Viện đã nghiên cứu 20 đề tài liên quan đến Đánh giá các Chính sách, Chương trình, Dự án. 5.2. Nhóm nghiên cứu đánh giá Viện Dân số và Các vấn đề xã hội lập Nhóm nghiên cứu đánh giá 15 người, bao gồm: Cán bộ của Viện, các chuyên gia trong và ngoài Trường đại học KTQD. Đó là các nhà khoa học về Dân số, Kinh tế, Xã hội học có trình độ cao về lý thuyết và nhiều kinh nghiệm điều tra nghiên cứu. điền dã. (Xem Phụ lục 4) Chủ nhiệm Đề tài: GS. TS. Nguyễn Đình Cử GS. TS. Nguyễn Đình Cử - Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội có bằng Tiến sỹ về Dân số học và Kinh tế học Dân số năm 1987, tại Đại học Tổng hợp Matxcơva, được phong PGS năm 1996 và GS năm 2009. Ông Cử nghiên cứu về dân số từ năm 1978 và đã viết gần 100 cuốn sách, công trình nghiên cứu khoa học, bài báo thuộc lĩnh vực DS-SKSS, DS&PT, trong đó có hàng chục đề tài liên quan đến Chính sách Dân số, Pháp lệnh Dân số, đánh giá các Chương trình, Dự án dân số có quy mô điều tra khảo sát trên phạm vi toàn quốc.
  • 22. 22 Các thành viên khác trong nhóm đánh giá được phân công nhiệm vụ cụ thể, chi tiết (Xem Phụ lục 4). 5.3. Nhân lực điều tra Nhân lực nghiên cứu đánh giá này chia thành ba nhóm như sau: - Nhóm nghiên cứu viên chính (chuyên gia bậc cao) Nhóm nghiên cứu viên chính được tuyển chọn tại Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, Trường Đại học có trình độ Tiến sỹ và có kinh nghiệm nghiên cứu. Họ đã trực tiếp thực hiện các đề tài về dân số. Họ phải sử dụng thành thạo các phần mềm chuyên dụng để xử lý thông tin, thành thạo phân tích định lượng và định tính. Họ đã từng tổ chức toàn bộ quá trình nghiên cứu, trong đó có phỏng vấn sâu cá nhân, xử lý số liệu và viết báo cáo nghiên cứu đánh giá. Nghiên cứu viên chính thực hiện những công việc sau: - Tham gia thiết kế nghiên cứu - Hướng dẫn những yêu cầu đối với cơ quan địa phương - Giám sát và kiểm tra các điều tra viên về quy trình thu thập số liệu xem có đúng với các yêu cầu đặt ra hay không - Phỏng vấn sâu - Nghiệm thu các băng ghi âm phỏng vấn sâu từ các điều tra viên, đảm bảo rằng các băng đã được ghi đầy đủ - Phúc tra số liệu điều tra - Viết các Báo cáo và Chuyên đề được phân công - Nhóm điều tra viên: Điều tra viên đã được tuyển chọn và tập huấn về nội dung nghiên cứu và kỹ năng điều tra, phỏng vấn sâu cá nhân. Điều tra viên đã được chọn từ các giảng viên, cán bộ nghiên cứu khoa học dân số, khoa học xã hội trong các trường Đại học. Các điều tra viên có trách nhiệm hoàn thành các công việc sau: - Thu thập thông tin, số liệu có sẵn. - Hỗ trợ nghiên cứu viên chính thực hiện phỏng vấn sâu - Bàn giao đầy đủ sản phẩm điều tra cho chuyên gia - Gỡ băng, nhập liệu, xử lý thông tin trên máy.
  • 23. 23 5.4. Cơ quan cộng tác nghiên cứu đánh giá Viện Dân số và Các vấn đề xã hội trong 20 năm nay là Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu về Dân số nên Viện có quan hệ công việc và đối tác truyền thống ở tất cả các cơ quan thực hiện Chiến lược Dân số cấp Trung ương cũng như Bộ máy DS-KHHGĐ cấp tỉnh/huyện. 5.5. Tập huấn điều tra + Xây dựng tài liệu hướng dẫn điều tra thực địa Cơ quan đánh giá xây dựng “Tài liệu hướng dẫn điều tra thực địa” và Đề xuất kỹ thuật và các tài liệu liên quan khác để làm tài liệu tập huấn.Tài liệu này có tác dụng tích cực đối với các nghiên cứu viên trong quá trình điều tra. + Tập huấn cho các thành viên nhóm đánh giá: Trước khi tiến hành điều tra, các thành viên nhóm đánh giá được tập huấn, hội thảo tại Hà Nội để: - Nghiên cứu lại Văn bản Chiến lược Dân số 2001-2010 - Nắm được toàn bộ Đề xuất kỹ thuật đánh giá - Thống nhất phương án xử lý các tình huống bất trắc trong quá trình điều tra - Xác định và thống nhất kế hoạch phối hợp triển khai điều tra tại các địa bàn. - Xác định rõ ràng nhiệm vụ của từng thành viên - Tiến hành thử nghiệm các bảng hướng dẫn thu thập thông tin 5.6. Tổ chức điều tra thực địa 5.6.1. Biên chế: Mỗi địa bàn điều tra đã lập một nhóm gồm 1 Nghiên cứu viên chính và 1 điều tra viên. Nghiên cứu viên chính làm Trưởng nhóm, chịu toàn bộ trách nhiệm triển khai nghiên cứu trên địa bàn. 5.6.2. Trình tự Thông tin, số liệu có sẵn đã được thu thập trước. Sau đó đến phỏng vấn sâu cá nhân. Trong quá trình thu thập thông tin, số liệu có sẵn, chuyên gia bậc cao và điều tra viên sẽ phát hiện những câu hỏi bổ sung cho Hướng dẫn phỏng vấn sâu cá nhân. 5.6.3. Báo cáo
  • 24. 24 Trưởng nhóm Điều tra thực địa trên các địa bàn (Bộ, Ban, Tỉnh) đã có Báo cáo về nghiên cứu đánh giá trên địa bàn sau khi hoàn thành khảo sát. 5.6.4. Hậu cần cho điều tra Cơ quan nghiên cứu đã chịu trách nhiệm chuẩn bị đầy đủ mọi cơ sở vật chất, kỹ thuật và các điều kiện hậu cần cho quá trình điều tra, như: Trang thiết bị kỹ thuật phục vụ điều tra (Máy ghi âm, băng, vở ghi, bút viết....); Bộ công cụ điều tra và các văn bản liên quan; Phương tiện đi lại, liên lạc; Kinh phí, thuốc men… 6. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN ( Xem Phụ lục 5)
  • 25. 25 CHƯƠNG II CHIẾN LƯỢC DÂN SỐ VIỆT NAM 2001-2010 VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN MỤC TIÊU 1. Đánh giá văn bản “Chiến lược Dân số Việt Nam, 2001-2010” 1.1. Chiến lược Dân số Việt Nam, 2001-2010 cơ bản đã đánh giá đúng kết quả thực hiện “Chiến lược DS-KHHGĐ đến năm 2000” nhưng vẫn còn những điểm chưa được đề cập hoặc thiếu chính xác Chiến lược Dân số Việt Nam 2001-2010 đã đánh giá khá toàn diện tình hình thực hiện “Chiến lược DS-KHHGĐ đến năm 2000”, bao gồm kết quả thực hiện mục tiêu và giải pháp, đúc kết các hạn chế, tồn tại và rút ra các bài học kinh nghiệm. Về mục tiêu, thành công nổi bật của Chiến lược DS-KHHGĐ đến năm 2000 được đánh giá là: “Kết quả giảm sinh đã đạt được sớm hơn so với mục tiêu đề ra”. Đánh giá như vậy không sai nhưng chưa hết tầm thành công của Chiến lược này, nếu so sánh mục tiêu đến năm 2000 tổng tỷ suất sinh đạt 2,9 con, quy mô dân số 82 triệu người và kết quả tương ứng là 2,28 con và 77,63 triệu người. Cũng cần để ý rằng, chưa có giai đoạn nào mức sinh giảm nhanh và có tính chất bước ngoặt, đột phá như vậy. Chẳng hạn, giai đoạn (1974-1979), TFR trung bình là 4,8 con nhưng hơn 10 năm sau, TFR vẫn còn cao ở mức 3,8 con, nghĩa là chỉ giảm được 1 con. Còn trong giai đoạn thực hiện Chiến lược (1993 -2000), chỉ trong 7 năm, TFR đã giảm tới 1,2 con! Việc giảm hơn 4 triệu người so với mục tiêu đề ra, đã tiết kiệm được một khối lượng lớn các nguồn lực mà lẽ ra phải chi cho ăn, mặc, ở, đi lại, giáo dục, chữa bệnh và phát triển việc làm. Tuy nhiên, sự phân tích mức sinh chưa thực sự chi tiết và sâu sắc, mới chỉ chú ý đến cấp vùng chung chung chứ chưa nói đến vùng lãnh thổ cụ thể, như: Tây Bắc, Tây Nguyên… và càng chưa nói đến sự khác nhau về mức sinh của các tỉnh để có cách tiếp cận thích hợp. Theo kết quả Tổng điều tra Dân số 1999, tức là ngay trước khi bắt đầu thực hiện Chiến lược Dân số (2001-2010) vẫn còn một số tỉnh có mức sinh rất cao (TFR > 3.5), như: Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai, Gia Lai. Đặc biệt, Lai Châu và Kon Tum có TFR > 5! Mặc dù Chiến lược đã chú ý đến các tỉnh “vùng sâu, vùng xa và vùng
  • 26. 26 nghèo” và lùi thời hạn đạt được mức sinh thay thế cho các tỉnh này vào năm 2010 nhưng cũng khó thực hiện, nếu không có những giải pháp đặc biệt. Bởi giai đoạn (1989-1999), mức sinh giảm mạnh và Việt Nam được LHQ tặng Giải thưởng Dân số nhưng TFR cũng chỉ giảm được 1,5 con. Vì thế, các tỉnh “vùng sâu, vùng xa và vùng nghèo” như: Lai Châu và Kon Tum khó có thể giảm tới hơn 2 con cũng chỉ trong 10 năm (2001-2010). Ngược lại, theo Tổng điều tra Dân số, ngay từ năm 1999, đã có tới 17 tỉnh đạt mức sinh thay thế. Đó là các tỉnh: Hà Nội - Hải Phòng - Hải Dương - Thái Nguyên - Quảng Ninh - Phú Thọ - Vĩnh Phúc - Thái Bình - Đà Nẵng - Tp. HCM - Tây Ninh - Bình Dương - Long An - Tiền Giang - Vĩnh Long - Bến Tre - Cần Thơ nhưng Chiến lược không có những chú ý đặc biệt cho các tỉnh đã có mức sinh thấp ngay từ năm đầu thực hiện Chiến lược. Câu hỏi được đặt ra là: Các tỉnh đã đạt mức sinh thay thế sẽ phải làm gì trong 10 năm (2001-2010) thay vì phấn đấu giảm sinh? Câu hỏi này, đáng tiếc đã không được đặt ra trong Chiến lược Dân số (2001). “Chiến lược DS- KHHGĐ đến năm 2000” đề ra 7 giải pháp nhưng đánh giá chỉ tập trung vào Hệ thống tổ chức làm công tác DS-KHHGĐ, công tác thông tin - giáo dục - truyền thông, cung cấp dịch vụ KHHGĐ và việc ban hành chính sách chế độ. Đáng tiếc là các giải pháp điều kiện mang tính tạo nguồn lực thực hiện Chiến lược, như huy động kinh phí, đào tạo cán bộ đã không được đề cập. Cần nhấn mạnh là, nếu năm 1991 kinh phí cho DS-KHHGĐ chỉ là 15 tỷ thì đến năm 1994, con số này là đã là 300 tỷ, đào tạo cán bộ đã được đẩy mạnh và khá thành công. Nếu không có những nguồn lực này thật khó thực thi Chiến lược. Chiến lược (2001) đã nêu chính xác các hạn chế của Chiến lược (1993), như: (1) Các giải pháp của chương trình DS-KHHGĐ còn có một số nội dung chưa thích hợp với vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo, (2) Chương trình dân số trong những năm qua còn có sự mất cân đối (mới chỉ tập trung vào giảm mức sinh thông qua KHHGĐ), (3) Bộ máy tổ chức chưa ổn định và (4) chưa lồng ghép các yếu tố dân số vào lập kế hoạch và xây dựng chính sách kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, nếu nhận định rằng: “Trong những năm qua, chương trình DS-KHHGĐ và chăm sóc SKSS thực tế mới chỉ thành công ở vùng thành thị và vùng nông thôn phát triển” là chưa
  • 27. 27 chính xác. Giai đoạn (1989-1999), mức sinh ở Tây Nguyên đương nhiên cao hơn nhưng cũng giảm mạnh hơn ở Đồng bằng sông Hồng, (xem Bảng 2.1) Bảng 2.1: Biến đổi mức sinh ở ĐBSH và Tây Nguyên (1989-1999) Tổng điều tra dân số 1989 Tổng điều tra dân số 1989 Vùng CBR TFR CBR TFR ĐB sông Hồng 26,5 3,1 16,2 2,0 Tây Nguyên 46 6,1 29,8 3,9 Nguồn: Ban chỉ đạo Tổng điều tra Dân số , năm 1999. Kết quả mẫu. NXB Thế giới, 2000. Trang 47. Kết quả được mô tả trong Bảng 2.1 và mức sinh giảm mạnh ở miền núi phía Bắc chứng tỏ một cách thuyết phục rằng Chiến lược Dân số (1993) đã được triển khai tốt cả ở vùng sâu, vùng xa, miền núi chứ không phải chỉ ở khu vực phát triển. Chiến lược (2001) đánh giá nguyên nhân số 1 tạo nên thành công là Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương lần thứ 4 (khóa VII), tuy nhiên lại chưa nhấn mạnh bài học về tổ chức thực hiện Chiến lược: Chia thực hiện Chiến lược thành 2 giai đoạn, thiết kế 3 Chương trình (VDS1, VDS2, VDS3) và phân công nhiệm vụ cho các Ban ngành, đoàn thể. Chiến lược (2001) đã sớm nhận thấy, một trong những nguyên nhân hạn chế kết quả của Chiến lược (1993) là “Chưa có cơ chế chính sách toàn diện về dân số và phát triển. Việc chuyển hướng mở rộng nội dung của chương trình và việc xây dựng hệ thống chính sách thích hợp chưa được tiến hành kịp thời. Trong khi mức sinh giảm gần đến mức thay thế, lại chưa có các chính sách và giải pháp thích hợp để giải quyết các hài hoà các nội dung về quy mô dân số, chất lượng dân số và phân bổ dân cư”. Nhận định này còn thích hợp đến tận ngày nay, khi chúng ta vẫn nhấn mạnh DS-KHHGĐ. 1.2. Chiến lược Dân số Việt Nam, 2001-2010 nhận định bối cảnh kinh tế - xã hội cho giai đoạn 2001-2010, những thách thức về dân số chuẩn xác nhưng chưa đầy đủ Về bối cảnh KT-XH, Chiến lược (2001) dự báo một cách đúng đắn về sự phát triển kinh tế mạnh mẽ trong giai đoạn (2001-2010). Tuy nhiên, yếu tố xã hội - môi trường, sự bùng nổ của viễn thông, giáo dục, di dân, biến đổi khí hậu…có ảnh hưởng sâu sắc đến các quá trình dân số hầu như lại không được phân tích. Những cơ hội và thách thức cho phát triển do dân số đem lại đã được phát hiện khá đầy đủ
  • 28. 28 trên các khía cạnh quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng và có chứng minh chặt chẽ. Tuy nhiên, nhận định về kết quả giảm sinh chưa thực sự vững chắc dường như là không có cơ sở, khi chúng ta liệt kê các chỉ báo về mức sinh (CBR và TFR) trong suốt 30 năm 1969-1999, (xem Bảng 2.2). Bảng 2.2: Số con trung bình của một phụ nữ (TFR) thời kỳ 1969 - 1999 Giai đoạn TFR Giai đoạn TFR 1969-1974 6,1 1991-1992 3,9 1974-1979 4,8 1992-1993 3,5 1986-1987 4,2 1993-1994 3,1 1987-1988 4,0 1992-1996 2,7 1988-1989 3,8 1999 2,3 Rõ ràng, bảng 2.2 cho thấy xu hướng giảm sinh là một chiều và vững chắc, đặc biệt trong thời kỳ thực hiện Chiến lược (1993-2000), mức sinh giảm nhanh nhất so với bất cứ giai đoạn nào. Hơn nữa, Chiến lược (2001) đã không cảnh báo được hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh - Điều đã được phát hiện từ Tổng điều tra dân số, 1999. 1.3. Định hướng lớn và các quan điểm của Chiến lược Dân số Việt Nam, 2001-2010 cụ thể, rõ ràng, bao trùm hầu hết các vấn đề dân số quan trọng và trở thành nền tảng của Chiến lược Chiến lược dân số 2001-2010 đã nêu định hướng tập trung giải quyết tất cả các vấn đề của dân số, như sớm ổn định quy mô dân số ở mức hợp lý, giải quyết đồng bộ, từng bước và có trọng điểm từng yếu tố của chất lượng, cơ cấu dân số và phân bố dân cư đồng thời xây dựng và kiện toàn hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, định hướng này là quá rộng và một số nội dung không được cụ thể hóa trong mục tiêu, cũng như chưa có hoạt động nhằm thực hiện định hướng, thí dụ về cơ cấu và phân bố dân cư. Hệ quan điểm của Chiến lược đã đề cập: (1) Vị trí của công tác Dân số, (2) Nội dung hay nhiệm vụ của công tác dân số, (3) Kinh phí cho công tác Dân số, (4) Giải pháp của công tác Dân số, (5) Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và chính quyền các cấp. Những nội dung mà Hệ quan điểm này đề cập tương tự như Hệ quan điểm của Chiến lược (1993) nhưng nội dung chi tiết có một số điểm khác nhau. Trước hết có
  • 29. 29 thể thấy rằng, nội dung quan điểm 2 là quá rộng “Thực hiện đồng bộ, từng bước và có trọng điểm việc điều hoà quan hệ giữa số lượng với chất lượng dân số, giữa phát triển dân số với phát triển nguồn nhân lực, giữa phân bố và di chuyển dân cư với phát triển kinh tế- xã hội”. Tuy nhiên, đây vẫn được coi là “là nhiệm vụ trọng tâm của công tác dân số”. Có thể thấy quan điểm này khó khả thi trong thực tế. Quan điểm 3 về hiệu quả công tác dân số, đã nêu thêm hiệu quả xã hội. Đây là điểm mới so với Chiến lược (1993) nhưng có điểm “lùi” là chỉ đánh hiệu quả “rõ rệt” chứ không phải “rất cao” như Chiến lược (1993). Mặt khác cần nêu thêm hiệu quả về môi trường hay nói chung là hiệu quả đối với sự phát triển của Việt Nam (cả kinh tế, xã hội và môi trường). Nguồn kinh phí cũng mang nặng tính bao cấp, vì “Nhà nước cần đảm bảo đủ nguồn lực cho công tác dân số, đồng thời huy động sự đóng góp của cộng đồng và tranh thủ sự viện trợ của quốc tế”. Như vậy, ở đây không thấy vai trò của cá nhân. Hệ quan điểm cũng mới nhìn nhận sự tác động của dân số đến phát triển mà không đề cập vai trò ngược lại của phát triển đối với dân số. Vấn đề quyền sinh sản cũng chưa được xem xét, trong khi đây là một nền tảng rất căn bản để giải quyết vấn đề DS-KHHGĐ và khi mức sinh thấp, đã có thể đề cập vấn đề này. Nếu có quan điểm về quyền sinh sản thì đã có thể không cần thiết sửa Pháp lệnh Dân số và thực tế hiện nay cũng cho thấy như vậy. 1.4. Mục tiêu và các chỉ báo kiểm định mục tiêu đảm bảo tính SMART nhưng còn nhiều trùng lắp Hệ thống mục tiêu có cấu trúc chặt chẽ, bao gồm: Mục tiêu tổng quát, các mục tiêu cụ thể được phát biểu một cách định tính và được định lượng bởi các chỉ báo mục tiêu. Tuy nhiên, để lựa chọn chính xác các mục tiêu này, cần xác định rõ ràng vị trí, vai trò của Chiến lược DS-KHHGĐ. Định hướng của Chiến lược đã xác định: “Chiến lược dân số 2001-2010 là một bộ phận của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010. …. góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001- 2010 và các chiến lược khác”. Như vậy cần phân biệt mục tiêu của “Chiến lược bộ phận” và mục tiêu của Chiến lược phát triển KT-XH nói chung. Từ đó có thể thấy rằng, mục tiêu tổng quát: “Thực hiện gia đình ít con, khoẻ mạnh, tiến tới ổn định
  • 30. 30 quy mô dân số ở mức hợp lý để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nâng cao chất lượng dân số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước” chỉ hợp lý một nửa là “Thực hiện gia đình ít con, khoẻ mạnh, tiến tới ổn định quy mô dân số ở mức hợp lý”. Nội dung “Nâng cao chất lượng dân số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao” không thể giải quyết bằng riêng Chiến lược Dân số (2001) và do đó không thể là mục tiêu trực tiếp của Chiến lược này. Như vậy, cũng có thể thấy rằng, trong các mục tiêu cụ thể, chỉ có mục tiêu 1 là hợp lý và mục tiêu 2 phải là mục tiêu của Chiến lược phát triển KT-XH và Chiến lược Dân số chỉ tham gia, góp phần thực hiện mục tiêu này. Mục tiêu cụ thể 1 và Mục tiêu cụ thể 2 hoàn toàn đảm bảo tính SMART. Chẳng hạn: S – Specific (Riêng biệt: Mục tiêu cụ thể 1 giải quyết vấn đề số lượng dân số. Mục tiêu cụ thể 2 giải quyết vấn đề chất lượng dân số. M – Measurable (Đo được): Mục tiêu cụ thể 1 đo bằng TFR, Mục tiêu cụ thể 2 đo bằng HDI….Tuy nhiên, các chỉ báo kiểm định mục tiêu khác lại chứa đựng nhiều vấn đề chưa hợp lý, như: • Chiến lược ít hoặc không tác động trực tiếp để đạt được muc tiêu: Chẳng hạn, các chỉ báo mục tiêu: “Tỷ lệ lao động qua đào tạo”, “Tỷ lệ dân đô thị”, “ Số năm đi học trung bình”. • Thiếu tính độc lập: Hệ thống bao gồm các chỉ tiêu không độc lập với nhau, theo nghĩa từ chỉ tiêu này có thể suy ra chỉ tiêu kia. Chẳng hạn, chỉ tiêu số dân và chỉ tiêu “Tỷ lệ tăng dân số”; Chỉ tiêu HDI cũng có thể suy ra được từ GDP, tuổi thọ, số năm đi học trung bình. • Khó thu thập số liệu chính xác: Lao động được đào tạo; Số nhiễm mới HIV, Di dân tự do có đăng ký…hoặc không rõ nghĩa, hoặc không khách quan nên khó thu thập số liệu chính xác. Có tới 4/24 chỉ báo giám sát không có số liệu, dẫn đến khó đánh giá kết quả thực hiện.
  • 31. 31 • Trùng lắp: Có tới 17/24 chỉ báo kiểm định mục tiêu của Chiến lược Dân số trùng với mục tiêu của các Chiến lược khác. Riêng với Chiến lược phát triển KT-XH, đã có tới 9 chỉ tiêu bị trùng (xem bảng 2.3) Bảng 2.3: Các chỉ báo kiểm định mục tiêu bị trùng lắp giữa CLDS (2001) và Chiến lược phát triển KT-XH (2001) 1. GDP 6. Giảm tỷ lệ nghèo 2. HDI 7. Tỷ lệ thất nghiệp 3. Tuổi thọ 8. Tỷ lệ lao động đào tạo 4. Số năm học trung bình 9. Tỷ lệ tăng dân số 5. SDD trẻ em Ngoài ra, các chỉ báo kiểm định mục tiêu của Chiến lược Dân số cũng trùng với Chiến lược quốc gia về chăm sóc SKSS, Chiến lược phòng chống HIV/AIDS, Chiến lược tổng thể về xóa đói giảm nghèo (xem bảng 2.4) Bảng 2.4: Các chỉ tiêu trùng với các Chiến lược khác Chỉ báo Chiến lược 10. Tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng BPTT Chiến lược quốc gia về chăm sóc SKSS 11. Tổng tỷ suất sinh - 12. Tỷ lệ nạo hút thai - 13. Tỷ lệ chết mẹ - 14. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng - 15. Tỷ lệ chết sơ sinh - 16. Số ca mới nhiễm HIV Chiến lược phòng chống HIV/AIDS 17. Giảm tỷ lệ hộ nghèo Chiến lược tổng thể về xóa đói giảm nghèo Điều đáng chú ý là 4 trong 6 chỉ báo kiểm định mục tiêu của Chiến lược Dân số không trùng với Chiến lược khác lại không có số liệu để đánh giá. Việc trùng lắp giữa các chỉ tiêu của các Chiến lược đặt ra hàng loạt câu hỏi: Rốt cuộc, các mục tiêu bị trùng lắp do Chiến lược nào thực hiện? Nếu mục tiêu đó được thực hiện thì do “công” của Chiến lược nào? Và nếu mục tiêu đó không được thực hiện thì do “lỗi” của Chiến lược nào? Để tránh trùng lắp thì nên để mục tiêu đó ở Chiến lược nào?... Trùng lắp chỉ tiêu của các Chiến lược sẽ gây khó khăn
  • 32. 32 trong việc tổ chức thực hiện, phân bố kinh phí, nguồn lực để thực hiện mục tiêu Chiến lược, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược. 1.5. Hệ thống giải pháp đầy đủ đồng bộ nhưng quá nhiều hoạt động Các giải pháp thực hiện mục tiêu chiến lược được chia thành 3 nhóm. Nhóm giải pháp tiên quyết bao gồm giải pháp Lãnh đạo, Tổ chức và Quản lý. Nhóm giải pháp cơ bản gồm các giải pháp Truyền thông - Giáo dục thay đổi hành vi; Chăm sóc SKSS & KHHGĐ; Tăng cường vai trò gia đình và bình đẳng giới, và Xã hội hóa và cơ chế chính sách. Nhóm giải pháp điều kiện gồm các giải pháp Nâng cao chất lượng thông tin dữ liệu dân cư; Tài chính và hậu cần; Đào tạo và nghiên cứu. Mỗi giải pháp được trình bày trong Chiến lược lại là một nhóm các hoạt động. Chẳng hạn, giải pháp “Lãnh đạo, tổ chức và quản lý” bao gồm các nhóm các hoạt động sau: (1) Kiện toàn, củng cố và ổn định hệ thống tổ chức làm công tác dân số từ trung ương đến địa phương (2) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chính quyền đối với công tác dân số. (3) Thực hiện đầy đủ cơ chế quản lý theo ngành, lãnh thổ, xây dựng kế hoạch từ dưới lên theo chương trình mục tiêu (4) Phân bổ công khai toàn bộ nguồn lực, tập trung cho cơ sở, tăng hiệu quả sử dụng (5) Đảm bảo việc kiểm tra, giám sát và đánh giá định kỳ trên cơ sở hệ thống các chỉ báo đánh giá được xây dựng thống nhất Mỗi nhóm các hoạt động nói trên lại có nhiều hoạt động, chẳng hạn nhóm các hoạt động “Kiện toàn, củng cố và ổn định hệ thống tổ chức làm công tác dân số từ trung ương đến địa phương” có 4 hoạt động sau: - Kiện toàn hệ thống tổ chức từ Trung ương đến cơ sở phù hợp với sự chuyển hướng toàn diện về nội dung của chương trình và yêu cầu cải cách hành chính. - Thực hiện tốt cả hai chức năng quản lý nhà nước và điều phối các hoạt động thuộc lĩnh vực dân số và SKSS/KHHGĐ.
  • 33. 33 - Bổ sung và hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của hệ thống Uỷ ban quốc gia dân số và kế hoạch hóa gia đình nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. - Nâng cao chất lượng cán bộ, quy hoạch và đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách theo hướng chuyên nghiệp hoá, có năng lực quản lý và điều hành chương trình dân số và SKSS-KHHGĐ. Như vậy, Hệ thống giải pháp của Chiến lược có 8 nhóm giải pháp. Tám nhóm giải pháp này lại bao gồm 30 nhóm các hoạt động với 151 hoạt động được thiết kế (Xem Phụ lục 3). Có thể nói rằng, Chiến lược đã thiết kế quá nhiều hoạt động. Ngay một hoạt động cũng có rất nhiều việc phải làm, chẳng hạn chúng ta có thể hình dung hoạt động: “Nâng cao chất lượng cán bộ, quy hoạch và đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách theo hướng chuyên nghiệp hoá, có năng lực quản lý và điều hành chương trình dân số và SKSS/KHHGĐ” sẽ có rất nhiều việc phải làm! Nhiều hoạt động lớn nhưng không rõ ai làm và không được bố trí nguồn kinh phí nên dường như có thiết kế hoạt động nhưng không được triển khai, chẳng hạn, hoạt động 4.1 “Thiết lập hệ cơ sở dữ liệu dân cư dùng chung, là hệ thống động, được tin học hóa, đảm nhận vai trò nòng cốt trong trao đổi thông tin dữ liệu với các hệ cơ sở dữ liệu chuyên ngành liên quan đến dân cư” thuộc giải pháp 4 “Nâng cao chất lượng thông tin dữ liệu dân cư”. 2. Kết quả thực hiện mục tiêu 2.1. Về mục tiêu giảm sinh 2.1.1. Mục tiêu giảm sinh của chiến lược đã đạt được nếu xét chung trên phạm vi cả nước. Mục tiêu cụ thể thứ nhất của Chiến lược có thể coi là mục tiêu quan trọng nhất, cụ thể nhất mà Chiến lược hướng đến là: “Duy trì vững chắc xu thế giảm sinh để đạt mức sinh thay thế bình quân trong toàn quốc chậm nhất vào năm 2005, ở vùng sâu, vùng xa và vùng nghèo chậm nhất vào năm 2010 để quy mô, cơ cấu dân số và phân bổ dân cư phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội vào năm 2010”.
  • 34. 34 Mục tiêu này được lượng hóa bằng chỉ báo Tổng tỷ suất sinh (TFR) đạt 2.1 vào năm 2005 trên phạm vi toàn quốc còn tại các vùng vùng sâu, vùng xa và vùng nghèo chậm nhất vào năm 2010. Tuy cách diễn đạt khác nhau nhưng thật ra, mục đích “đạt mức sinh thay thế” đã có từ rất lâu trong Chính sách Dân số của Việt Nam. Ngay trong Chỉ thị 99/TTg ngày 16 tháng 10 năm 1963 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu mục tiêu “Mỗi gia đình có 2-3 con” (Ủy ban DS-KHHGĐ. Kỷ yếu Chính sách DS-KHHGĐ Việt Nam. NXB Thống kê.1996, tr. 65). Đến năm 1978, mục tiêu “2 con” đã thể hiện rõ trong Thông tư 4200/ BYT-CB ngày 20 tháng 11 năm 1978 của Bộ Y tế: “Phải vận động tích cực những cặp vợ chồng đã có 2 con rồi, giải quyết thuyết phục không nên đẻ con thứ 3, thứ tư nữa” (Ủy ban DS-KHHGĐ. Kỷ yếu Chính sách DS-KHHGĐ Việt Nam. NXB Thống kê.1996, tr.71). Rõ ràng, mục tiêu “Dừng ở 2 con” đã được thể hiện và ngày càng rõ trong các văn bản Chính sách dân số sau này. Tuy nhiên, gần 30 năm sau, mục tiêu của Chiến lược Dân số, 2001-2010 và mục đích Chính sách giảm sinh mới được thực hiện. Bảng 2.5 cho thấy quá trình đạt được mục tiêu nói trên. (xem bảng 2.5) Bảng 2.5: Quá trình thực hiện mục tiêu 1: Giảm mức sinh (TFR) Năm 2000 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007 2008 TFR 2.28 2.25 2.28 2.12 2.23 2.11 2.1 2.07 2,08 Nguồn: Tổng cục Thống kê: Điều tra biến động DS-KHHGĐ 1- 4 hàng năm. Mặc dù có một vài thời điểm mức sinh “lên xuống” với biên độ dao động nhỏ (dưới 6%) nhưng nhìn chung, xu thế giảm sinh đã được duy trì vững chắc và không thể đảo ngược, nhất là 5 năm gần đây nhất, từ 2004 đến 2008 (xem Bảng 2.5) Số liệu trong Bảng 2.5 được dẫn từ Kết quả điều tra biến động DS-KHHGĐ do Tổng cục Thống kê tiến hành vào thời điểm 1- 4 hàng năm. Như vậy, cuộc Điều tra 1-4-2006 sẽ phản ảnh mức sinh 9 tháng của năm 2005 và chỉ có 3 tháng thuộc năm 2006. Do vậy, có thể coi đây là mức sinh của năm 2005. Nếu yêu cầu tuyệt đối, mức sinh thay thế là TFR = 2,1 thì đúng như Chiến lược đề ra, tính chung trên phạm vi toàn quốc, Việt Nam đã đạt được mức sinh thay thế từ năm 2005. Một cách tương đối, nếu coi TFR = 2,1 là đã đạt mức sinh thay thế thì theo kết quả
  • 35. 35 điều tra 1-4-2005, Việt Nam thực hiện được mục tiêu từ năm 2004, tức là sớm 01 năm so với mục tiêu của Chiến lược. Hơn nữa, theo Điều tra Dân số Sức khỏe (2002) được thực hiện trên 7.048 hộ gia đình, thì Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế ngay từ năm 2002 với TFR = 1.87 (Ủy ban DS-GĐ và TE. Dự án DS - Sức khỏe gia đình: Điều tra Nhân khẩu học và Sức khỏe.2002. Hà Nội 9-2003). Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc thì Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế trong giai đoạn 2005-2010, (xem bảng 2.6) Bảng 2.6: Xu hướng giảm sinh ở Việt Nam Giai đoạn Tổng tỷ suất sinh (TFR) 1965-1970 7.25 1975-1980 5.89 1985-1990 4.02 1995-2000 2.50 2000-2005 2.25 2005-2010 2.08 2010-2015 1.95 2015-2020 1.85 Nguồn: Population Division of the Department of Economic and Social Affairs of the United Nations Secretariat, World Population Prospects: The 2008 Revision, http://esa.un.org/unpp, Monday, September 28, 2009. Văn phòng thông tin Dân số (The Population Reference Bureau - PRB), có trụ sở đặt tại Washington DC (Mỹ) còn đánh giá, ngay từ năm 2004, mức sinh của Việt Nam đã thấp hơn 2.1, (xem bảng 2.7) Bảng 2.7: Mức sinh theo đánh giá của PRB Năm TFR Xếp hạng Tỷ lệ thay đổi (%) Thời điểm đánh giá 2003 2.24 130 2003 est. 2004 1.94 140 -13.39 2004 est. 2005 1.94 141 0.00 2005 est. 2006 1.91 143 -1.55 2006 est. 2007 1.89 145 -1.05 2007 est. 2008 1.86 149 -1.59 2008 est. Nguồn: http://www.prb.org/
  • 36. 36 Mức sinh của Việt Nam trong suốt giai đoạn (2000-2008) thậm chí đã thấp hơn mức sinh năm 2008 của 10 nước ASEAN tính chung (2,3) và chỉ cao hơn hai nước có mức sinh rất thấp là Thái Lan và Singapore (xem bảng 2.8). Bảng 2.8: Mức sinh (TFR) của các nước ASEAN năm 2008 Nước TFR Nước TFR Nước TFR Campuchia 3,4 Malaysia 2,6 Mianma 2,1 Lào 3,2 Brunei 2,3 Thái Lan 1,5 Philippin 3,2 Indonesia 2,2 Singapore 1,3 Nguồn: 2008 ESCAP Population Data Sheet Như vậy, có thể khẳng định rằng: Việt Nam đã duy trì được xu thế giảm sinh và đạt được mức sinh thay thế một cách vững chắc, mục tiêu cụ thể thứ nhất của Chiến lược Dân số, 2001-2010, xét trên phạm vi cả nước đã đạt được. Đây không chỉ là đạt được mục tiêu của Chiến lược Dân số, 2001-2010 mà còn là đạt được mục đích lâu dài về giảm sinh của Chính sách Dân số Việt Nam, được đặt ra từ năm 1961. Như vậy, sau 45 năm kiên trì và đẩy mạnh KHHGĐ, mục đích của Chính sách giảm sinh đã được thực hiện. Điều đặc biệt cần chú ý là, chúng ta đạt được thành tựu này trong điều kiện có những thay đổi căn bản về quản lý và nhiều tác động không thuận lợi cho công tác KHHGĐ, như: - Hai lần “xáo trộn” lớn về bộ máy tổ chức làm công tác DS-KHHGĐ. Đó là hợp nhất Ủy ban DS-KHHGĐ và Ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em (2002) và giải thể Ủy ban DS- GĐ-TE, thành lập Tổng cục DS-KHHGĐ thuộc Bộ Y tế (2007). - Ban hành Pháp lệnh Dân số (2003) và Điều 10 của Pháp lện này quy định: “Các cặp vợ chồng có quyền quyết định số con và khoảng cách giữa các lần sinh” đã từng gây lo ngại về việc bùng nổ mức sinh. Phân cấp mạnh về quản lý kinh phí dành cho Chương trình mục tiêu quốc gia về DS-KHHGĐ. Nguồn kinh phí chuyển về cho các tỉnh do UBND tỉnh quản lý chứ không còn được quản lý theo ngành dọc. Thành tựu nói trên chứng tỏ xu hướng giảm sinh trên phạm vi quốc gia là vững chắc và có thể vượt qua được thách thức của những biến động mạnh về quản lý ở tầm vĩ mô. Kết quả này do chính sách giảm sinh của Việt Nam vẫn được duy trì
  • 37. 37 trong khung cảnh những tiến bộ nhanh về KT-XH đồng thuận và hỗ trợ mạnh mẽ xu hướng giảm sinh. Chẳng hạn: (1) Kinh tế Việt Nam phát triển tốt. GDP bình quân đầu người đã gấp đôi trong thời gian qua. Có thể thấy rằng ở nước ta hiện nay có sự tỉ lệ nghịch giữa mức sống và mức sinh, khi mà mức sống càng cao thì số con càng ít, cụ thể là thu nhập càng cao thì quy mô hộ gia đình càng nhỏ, (xem bảng 2.9). Bảng 2.9: Mức sống và mức sinh Năm Nhóm 1 Nhóm 2 Nhóm 3 Nhóm 4 Nhóm 5 2002 4,92 4,69 4,46 4,25 4,0 2004 4,76 4,57 4,34 4,23 4,0 2006 4,63 4,43 4,26 4,11 3,9 Ghi chú: Nhóm 1 là nhóm có thu nhập thấp nhất. Nhóm 5 là nhóm có thu nhập cao nhất. Nguồn: TCTK. Điều tra mức sống dân cư 2002; 2004; 2006 (2) Mức sinh phụ thuộc mạnh vào trình độ giáo dục và trình độ giáo dục cũng ngày càng nâng cao. Bảng 2.10: TFR chia theo trình độ học vấn người mẹ Trình độ giáo dục 2002 2008 1. Chưa đi học 2.82 2.33 2. Chưa tốt nghiệp tiểu học 1.98 2.18 3. Tiểu học 2.13 1.67 4. Trung học cơ sở 1.71 1.33 5. Trung học phổ thông trở lên 1.39 1.03 Nguồn: TCTK. Điều tra mức sống dân cư 2002; 2004; 2006 Số liệu bảng 2.10 cho thấy: Ngày nay, phụ nữ có trình độ học vấn càng cao thì mức sinh càng thấp, thậm chí, chỉ cần tốt nghiệp Tiểu học đã có thể đạt mức sinh thay thế. Trong khi đó, trình độ học vấn của phụ nữ Việt Nam ngày càng cao và bình đẳng giới trong giáo dục ngày càng thể hiện rõ: Số học sinh nam và nữ ở tất cả các cấp học, bậc học gần như tương đương, thậm chí càng ở cấp và bậc học cao, tỷ lệ nữ còn cao hơn nam. (Xem Phụ lục 6).
  • 38. 38 (3) Mức sinh cũng phụ thuộc mạnh vào nơi cư trú: Thành thị hay nông thôn, (xem bảng 2.11) trong khi đó tỷ lệ dân đô thị của Việt Nam đã tăng mạnh trong 20 năm qua, từ 20 % năm 1989 đã tăng lên 30% vào năm 2009. Bảng 2.11: Sự khác biệt về Mức sinh (TFR) giữa thành thị và Nông thôn Nguồn 1997 (DHS) 2002 (DHS) Điều tra 1-4-2005 Thành thị 1.59 1.40 1.73 Nông thôn 2.54 1.99 2.28 TT so với NT (%) 63 70 76 (4) Hệ thống truyền thông đại chúng của Việt Nam phát triển rất mạnh. Tính đến tháng 7/2009, cả nước đã có trên 21 triệu người sử dụng internet, số thuê bao điện thoại ước đạt 96,7 triệu, trong đó có 81 triệu thuê bao di động. Truyền hình cáp, truyền hình số, truyền hình internet, truyền hình trên điện thoại di động… ra đời, hệ thống kênh chương trình đa dạng (VTV6, VTV9, VTV7, InforTV, O2, VCTV, VTC…). Tỷ lệ phủ sóng khu dân cư của Đài TNVN đạt gần 99%. Sự phát triển mang tính bùng phát của hệ thống truyền thông, góp phần hữu hiệu cho việc phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách DS-KHHGĐ và lợi ích của mô hình gia đình nhỏ… tới người dân. Bên cạnh các điều kiện thuận lợi về kinh tế - xã hội, mức sinh thay thế có thể được duy trì bền vững nhờ nâng cao khả năng nhận thức của người dân để họ tiếp cận tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và kế hoạch hóa gia đình bằng việc đa dạng hóa phương tiện, đa dạng hóa kênh và chế độ cung cấp phương tiện và dịch vụ KHHGĐ. Chính vì vậy, tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng BPTT, từ năm 2002 đến nay luôn ở mức cao, trên 75%. Theo phương trình Norman, với tỷ lệ này hoàn toàn có thể đảm bảo mức sinh thay thế. Và đặc biệt là hiện nay xu hướng các cặp vợ- chồng sử dụng BPTT hiện đại không ngừng nâng lên, (Bảng 2.12) thể hiện rất rõ nhận định này. Bảng 2.12: Tỷ lệ sử dụng BPTT hiện đại (MCPR) - Đơn vị : % Năm 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007 2008 MCPR 61,1 64,7 63,5 64,6 65,8 67,1 68,2 68,8 Sự suy giảm mức sinh đã tác động trực tiếp, mạnh tiếp cận mẽ đến tình trạng dân số Việt Nam: Quy mô dân số được giới hạn ở mức gần 86 triệu năm 2009 và
  • 39. 39 chắc chắn sẽ không lên tới 88 triệu như Chiến lược đề ra. Sức ép của dân số lên kinh tế - xã hội và môi trường rõ ràng đã giảm đáng kể. Mặt khác, cơ cấu dân số thay đổi nhanh chóng, theo hướng: Giảm nhanh tỷ lệ trẻ em, tăng nhanh dân số già và dân số trong độ tuổi lao động. Cơ cấu “dân số vàng” đã xuất hiện vào năm 2008 và sẽ kéo dài khoảng 32 năm, (Xem Phụ lục 6). 2.1.2. Nhiều tỉnh đã đạt được mức sinh thay thế một cách bền vững nhưng cũng còn 26 tỉnh không đạt hoặc có thể không đạt được mục tiêu này Trình độ phát triển giữa các tỉnh của Việt Nam không đồng đều, (Xem Phụ lục 2). Nhiều tỉnh/thành phố có trình độ phát triển khá cao, như: Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu,… nhưng cũng có nhiều tỉnh, đặc biệt là các tỉnh miền núi có trình độ phát triển còn thấp. Điều này dẫn tới mức sinh rất khác nhau giữa các tỉnh, mặc dù cùng chung một chính sách dân số và một chiến lược dân số. Căn cứ vào quy ước mức sinh thay thế với TFR = 2,1 và theo Kết quả điều tra Dân số-KHHGĐ 1-4- năm 2007, sai số chuẩn của TFR là 0,2, mức sinh ở các tỉnh của nước ta có thể phân thành 3 nhóm, như ở Bảng 2.13 sau: Bảng 2.13: Phân nhóm mức sinh Mức sinh Chỉ báo TFR Diễn giải Thấp TFR ≤ 2.1 Mức sinh không vượt quá mức sinh thay thế Trung bình 2.1 < TFR ≤ 2.5 Mức sinh không vượt quá mức sinh thay thế cộng với 02 lần sai số chuẩn Cao TFR > 2.5 Mức sinh vượt quá mức sinh thay thế cộng với 02 lần sai số chuẩn Căn cứ vào Kết quả điều tra Dân số - KHHGĐ 1- 4- năm 2006, có thể thấy, tuy cả nước đã đạt được mức sinh thay thế vào năm 2005 nhưng xét ở cấp độ vùng/khu vực thì việc thực hiện mục tiêu Chiến lược có những đặc điểm còn tồn tại sau đây: (1) Mới chỉ có 3 vùng với khoảng 60% dân số cả nước đạt được mức sinh thay thế một cách vững chắc là: (1) Đồng bằng Sông Hồng, từ 2004 đến nay, (2) Đồng Bằng sông Cửu Long và (3) Đông Nam Bộ đều đạt mục tiêu từ 1998 đến nay. Hiện dân số đang tích tụ mạnh vào các vùng này. Do vậy, lối sống ít con sẽ có sức ảnh hưởng, lan tỏa mạnh.
  • 40. 40 (2) Chỉ còn vùng Tây Nguyên cho đến Điều tra DS-KHHGĐ năm 2007 vẫn có mức sinh cao (Tổng tỷ suất sinh gần 2,8) và xu hướng giảm sinh từ 2004 đến nay chậm. Do vậy, cả vùng khó đạt mục tiêu giảm sinh vào năm 2010 như Chiến lược đề ra. (3) Khu vực thành thị đã đạt mức sinh thay thế từ năm 1989 và hiện đã đạt mức rất thấp, TFR= 1,7 vào năm 2005, dưới mức sinh thay thế. Trong khi đó nông thôn khoảng 2.3, tức là cao gấp rưỡi đô thị và vẫn chưa đạt mức sinh thay thế. Chi tiết hơn nữa, có thể xét tình trạng đạt mục mục của Chiến lược ở cấp độ tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương để hiểu sâu hơn việc đạt mục tiêu của cả nước. Việc phân tích này sẽ cho thấy mức độ đồng đều hay không đồng đều của việc đạt được mục tiêu đề ra. Xét ở cấp độ tỉnh/thành phố thì việc thực hiện mục tiêu Chiến lược có những đặc điểm sau đây: (1) Năm 2005 mới có 32 tỉnh đạt được mục tiêu Chiến lược, trong đó 17 tỉnh đã đạt được từ trước khi thực hiện Chiến lược, từ năm 1999. Nghĩa là trong thời gian thực hiện Chiến lược chỉ có thêm 15 tỉnh đạt được mục tiêu. Như vậy, tổng cộng mới có một nửa số tỉnh đạt được mục tiêu Chiến lược và số dân của 32 tỉnh nói trên khoảng 53 triệu, tức là chiếm 62% dân số cả nước. (2) Ở cấp độ tỉnh thì khả năng duy trì được mức sinh thay thế không cao. Ở cấp độ toàn quốc thì khi đạt được mức sinh thay thế, mức sinh này được giữ vững liên tục cho đến nay. Ở cấp độ tỉnh, ta thấy trong số 32 tỉnh đạt được mức sinh thay thế năm 2005, có 28 tỉnh, giữ được mức sinh này 2 năm liên tục. Như vậy, 87,5% số tỉnh (28/32), chiếm 55,8% dân số cả nước có thể đạt mức sinh thay thế một cách bền vững. (Xem bảng 2.14: Số tỉnh đạt mức sinh thay thế) Bảng 2.14: Số tỉnh đạt mức sinh thay thế Thời gian đạt mức sinh thay thế 2 năm (2006-2007) 2007 Số tỉnh đạt TFR ≤ 2.1 28 29 Số dân (người) 47.875.436 48.662.400 Tỉ lệ (%) 55,80 56,72