SlideShare a Scribd company logo
1 of 71
Download to read offline
VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
NGHIÊM THỊ HỒ THU
VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH
VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM
Ngành: Văn học Việt Nam
Mã số: 9 22 01 21
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
1.GS Phong Lê
2. PGS.TS Lưu Khánh Thơ
HÀ NỘI, 2018
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các kết
quả nghiên cứu của luận án là trung thực và chưa được công bố trong bất kì
công trình nào khác.
Tác giả luận án
Nghiêm Thị Hồ Thu
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ....................................................................................................................... 1
CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU ............................................ 6
1.1. Tổng quan về văn học hiện đại Việt Nam và sự xuất hiện của nhà văn Ngọc Giao ... 6
1.2 Tổng quan tình hình nghiên cứu về tác giả Ngọc Giao .......................................... 20
CHƯƠNG 2. VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG BỐI CẢNH XÃ HỘI THẾ
KỈ XX ........................................................................................................................... 32
2.1. Cơ sở hình thành văn xuôi Ngọc Giao .................................................................. 32
2.2. Quá trình sáng tác của nhà văn Ngọc Giao ........................................................... 40
2.3. Quan niệm nghệ thuật Ngọc Giao.......................................................................... 55
CHƯƠNG 3. ĐỀ TÀI VÀ NHÂN VẬT VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG
TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM ................................................. 61
3.1 Những đề tài chính trong văn xuôi Ngọc Giao....................................................... 61
3.2. Thế giới nhân vật và nghệ thuật xây dựng nhân vật trong văn xuôi Ngọc Giao ....... 77
CHƯƠNG 4. NGƯỜI KỂ CHUYỆN, NGÔN NGỮ VÀ GIỌNG ĐIỆU VĂN XUÔI
NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM ........... 107
4.1 Người kể chuyện trong văn xuôi Ngọc Giao .................................................. 107
4.2. Đặc điểm ngôn ngữ nghệ thuật trong văn xuôi Ngọc Giao ................................ 121
4.3. Giọng điệu trong văn xuôi Ngọc Giao................................................................. 131
KẾT LUẬN................................................................................................................ 148
DANH MỤC CÔNG TRÌNH CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ ................................... 151
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ................................................................ 152
PHỤ LỤC .................................................................................................................. 163
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
1.1. Văn học Việt Nam thế kỷ XX đã trải qua một thời kỳ vận động và phát
triển gắn liền với những thăng trầm của lịch sử dân tộc và đạt được nhiều thành tựu
rực rỡ. Đó là giai đoạn văn học dân tộc đứng trước hai yêu cầu là cách mạng hóa và
hiện đại hóa. Thực hiện được những yêu cầu đó, văn học thế kỷ XX đã tiếp tục đưa
nền văn học nước nhà vươn đến những tầm cao mới với một quy mô ngày càng
phong phú, đa dạng trong những năm cuối thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI.
Sự phát triển của các trào lưu, xu hướng văn học, nhất là trong giai đoạn 1930-1945
đã đem đến những “mùa gặt” và tạc vào lịch sử văn chương Việt Nam “một thế hệ
vàng”. Làm nên diện mạo và khẳng định vị thế của văn học, yếu tố quan trọng và
tiên quyết đó chính là đội ngũ tác giả - lực lượng sáng tác. Vì vậy, nghiên cứu, tìm
hiểu, phát hiện những giá trị văn chương trong từng tác giả với hệ thống các tác
phẩm của họ luôn là việc làm cần thiết và hữu ích trong quá trình tiếp cận một nền
văn học.Việc đánh giá lại một số tác giả tiêu biểu của văn học hiện đại có đóng góp
cho tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam là điều cần thiết
1.2. Là một tác giả có vị trí quan trọng trong tòa soạn Tiểu thuyết thứ Bảy - tờ
báo phổ thông ra hàng tuần trong đời sống văn học trước 1945, Ngọc Giao là một
cây bút sung sức và quen thuộc với độc giả đương thời. Với một khối lượng tác
phẩm tương đối lớn và phong cách văn chương giàu mỹ cảm, hướng tới lý tưởng
nhân văn đậm chất trữ tình mà cũng giàu chất hiện thực, Ngọc Giao xứng đáng là
nhà văn hiện đại góp phần tạo dựng diện mạo văn học nước nhà thế kỷ XX, nhất là
giai đoạn 1930-1945 cũng như bộ phận văn học khu vực đô thị Hà Nội tạm chiếm
1947-1954. Do đó, sự nghiệp văn chương của nhà văn Ngọc Giao cần được tìm hiểu
và nghiên cứu nhằm làm sáng rõ hơn về một phong cách tác giả đã góp phần làm cho
văn học hiện đại Việt Nam thêm phong phú. Đó cũng là cơ sở để rút ra những nhận
định mang tính chất lý luận về một thời kỳ văn học, một giai đoạn văn học.
1.3. Mặc dù Ngọc Giao là một cây bút đã đem đến cho độc giả những giá trị
văn học không thể phủ nhận nhưng do cách nhìn nhận, sự đánh giá đôi khi còn chủ
quan, phiến diện, số phận văn chương Ngọc Giao đã phải trải qua nhiều thăng trầm,
sóng gió. Có một quá trình sáng tác xuyên suốt thế kỷ nhưng giai đoạn 1945 -1985
những đóng góp của ông hoàn toàn bị khuất lấp bởi những quy kết và phê phán khắc
2
nghiệt. Đó cũng là lý do Ngọc Giao gác bút trong một khoảng thời gian khá dài và
người đọc dần quên lãng, xa lạ với nhà văn. Đặc biệt là nhà văn có đời văn trải dài
dọc thế kỷ XX, Ngọc Giao là một trong số ít các tác giả nổi danh từ trước 1945 và
vẫn tiếp tục cống hiến chút sinh lực cuối đời cho nghiệp viết như một sự hồi sinh
mãnh liệt. Đứng trong hàng ngũ những nhà văn cùng thời như Thạch Lam, Thanh
Tịnh, Hồ Dzếnh, Nguyên Hồng, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng...có thể nói Ngọc Giao
là nhà văn có sức sống và sức viết tiềm tàng đáng ngưỡng mộ. Nếu như trước 1945,
bạn đọc từng xúc động, ám ảnh với những trang truyện ngắn đầy tính nhân văn của
Ngọc Giao thì vì những lý do riêng của hoàn cảnh lịch sử mà những đóng góp đáng
quý của Ngọc Giao trong giai đoạn sáng tác 1947 - 1954 với nhiều tác phẩm có giá
trị của văn học ở Hà Nội bị tạm chiếm đã bị lãng quên, kéo theo đó là sự thờ ơ, phủ
nhận, quy chụp về nội dung, tư tưởng của tác phẩm khiến cho tên tuổi Ngọc Giao bị
khuất lấp và cũng là hệ lụy cho quãng đời trầm lặng của Ngọc Giao cho đến những
năm 90 của thế kỷ XX. Cũng chính bởi "sự quên" đó, điểm lại lịch sử nghiên cứu về
tác giả Ngọc Giao, chúng tôi thấy số lượng các bài viết chưa nhiều, một số công trình
nghiên cứu chưa được chỉnh thể, hệ thống, đầy đủ về văn xuôi Ngọc Giao. Vì vậy,
việc nghiên cứu và đánh giá để phục dựng một chân dung văn học đã có những đóng
tích cực cho dòng văn xuôi hiện đại Việt Nam trong bối cảnh hiện trạng nghiên cứu
hiện nay về Ngọc Giao là một việc cần thiết để bù lấp khoảng trống văn học sử giúp
chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về tác giả và diện mạo nền văn học nước nhà.
Luận án hoàn thành hy vọng sẽ góp phần phục dựng một chân dung văn học
không thể không nói đến trong nền văn học Việt Nam hiện đại và góp thêm một tài
liệu tham khảo hữu ích cho việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập văn học nói chung và
tìm hiểu tác giả Ngọc Giao nói riêng.
Vì những cơ sở lý luận và thực tế trên, theo chúng tôi, việc thực hiện đề tài
Văn xuôi Ngọc Giao trong tiến trình văn học hiện đại Việt Nam là cần thiết và
mang tính khả thi.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án
2.1 Mục đích nghiên cứu
Thực hiện đề tài này chúng tôi hướng đến mục đích:
- Đặt văn xuôi Ngọc Giao trong tiến trình phát triển văn học Việt Nam hiện đại để
thấy được văn nghiệp của tác giả với những thành công và giới hạn cũng như bước
3
đầu có những đánh giá, nhận xét có hệ thống về đặc điểm văn chương, thế giới nghệ
thuật, vị trí, vai trò và đóng góp của nhà văn trong nền văn học Việt Nam hiện đại.
- Nghiên cứu những phương diện cơ bản trong sự nghiệp sáng tác của Ngọc Giao
như: Hệ thống các tác phẩm và tìm hiểu các giai đoạn sáng tác, quan niệm văn
chương của nhà văn, đặc điểm các thể loại sáng tác chính là truyện ngắn, tiểu thuyết
và ký từ đó rút ra những đặc điểm cơ bản của văn xuôi Ngọc Giao trên các phương
diện cơ bản như: đề tài, thế giới nhân vật, người kể chuyện, ngôn ngữ, giọng điệu...
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Thứ nhất: Tập hợp, thống kê, phân loại các tác phẩm của Ngọc Giao theo giai
đoạn sáng tác và thể loại.
Thứ hai: Tìm hiểu tình hình chính trị, xã hội, những giao lưu, tiếp biến và tác
động của các yếu tố chủ quan và khách quan đến quá trình sáng tác và đặc trưng bút
pháp của nhà văn.
Thứ ba: Đi sâu phân tích lý giải các khía cạnh giá trị nội dung và nghệ thuật
của các tác phẩm văn học cụ thể để rút ra những nhận xét khái quát về từng thể loại
chính yếu trong từng giai đoạn sáng tác của tác giả nói riêng và đặc điểm văn xuôi
Ngọc Giao nói chung.
Thứ tư: Khẳng định những nét đặc trưng trong nội dung và nghệ thuật tác
phẩm Ngọc Giao. Đánh giá về phong cách và vị trí, đóng góp của nhà văn trong tiến
trình vận động của lịch sử văn học Việt Nam hiện đại thế kỷ XX.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án
3.1. Đối tượng nghiên cứu
- Tác phẩm văn xuôi của Ngọc Giao trong tiến trình văn học Việt Nam hiện đại.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
- Phạm vi nghiên cứu là tất cả các tác phẩm văn xuôi của Ngọc Giao, đặc biệt tập
trung vào các tác phẩm thuộc thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết và ký tiêu biểu đã được
xuất bản, tái bản. Trong quá trình thực hiện luận án, nghiên cứu sinh có sử dụng các
tác phẩm của các nhà văn hiện đại Việt Nam để làm tài liệu tham khảo, đối sánh.
4. Phương pháp nghiên cứu của luận án
Trong quá trình thực hiện luận án, chúng tôi sử dụng một số phương pháp nghiên
cứu cơ bản sau:
- Phương pháp nghiên cứu văn học sử: Sử dụng phương pháp nghiên cứu này,
người viết đặt tác phẩm của Ngọc Giao trong bối cảnh lịch sử của sự vận động và
4
phát triển của văn xuôi Ngọc Giao nói riêng và của văn xuôi Việt Nam hiện đại nói
chung để tìm ra những nét khu biệt và giống nhau trong đặc điểm sáng tác của ông
với các tác giả khác cũng như những đóng góp của Ngọc Giao với văn học sử..
- Phương pháp tiếp cận thi pháp: Vận dụng những hiểu biết về thi pháp học để
phân tích tác phẩm cụ thể qua đó rút ra những đặc trưng thể loại và tư tưởng nghệ
thuật của nhà văn.
- Phương pháp nghiên cứu liên ngành: Phương pháp nhằm phân tích, lý giải rõ
hơn mối quan hệ và sự tác động qua lại giữa văn hóa, lịch sử, xã hội đến quá trình
sáng tác và hình thành đặc điểm văn xuôi của Ngọc Giao.
- Phương pháp so sánh: Nhằm rút ra những điểm tương đồng và khác biệt giữa
các tác phẩm, các giai đoạn sáng tác của nhà văn, sự độc đáo và tương hợp trong
phong cách sáng tác với các tác giả cùng thời.
- Phương pháp nghiên cứu hệ thống: Giúp người nghiên cứu có cái nhìn hệ
thống, toàn diện, thống nhất để thực hiện quá trình đánh giá, định vị tác giả trong tiến
trình vận động và phát triển của văn học.
Ngoài ra, chúng tôi kết hợp vận dụng các phương pháp, thao tác khác khi cần
thiết như phương pháp loại hình, thao tác thống kê – phân loại... và các lý thuyết có
liên quan như: lí thuyết tự sự học, thuyết hiện sinh, văn hóa học, phê bình sinh thái,
nữ quyền luận, hậu thực dân...
5. Đóng góp mới về khoa học của luận án
- Luận án là công trình khoa học nghiên cứu một cách hệ thống đặc điểm văn
xuôi Ngọc Giao trong tiến trình văn học Việt Nam hiện đại.
- Kế thừa kết quả nghiên cứu của những nhà nghiên cứu đi trước, luận án tiếp tục
chỉ ra và làm rõ quan niệm nghệ thuật của nhà văn, những giá trị nổi bật, những
dấu ấn sáng tạo và đóng góp, vị trí của văn xuôi Ngọc Giao trong nền văn học
Việt Nam hiện đại.
6. Ý nghĩa lí luận và thực tiễn của luận án
6.1. Ý nghĩa lí luận
- Luận án góp phần đánh giá đầy đủ và toàn diện hơn về đặc điểm, thành tựu văn xuôi
Ngọc Giao nói chung và phong cách Ngọc Giao nói riêng trong dòng chảy văn học
Việt Nam hiện đại.
5
- Luận án là minh chứng cho những đóng góp của nhà văn Ngọc Giao với nền văn
xuôi Việt Nam hiện đại và cũng là những bổ khuyết cho việc nghiên cứu về một tác
giả trong một giai đoạn văn học còn chưa được quan tâm nghiên cứu nhiều.
6.2. Ý nghĩa thực tiễn
- Luận án góp phần phục dựng chân dung văn học tác giả Ngọc Giao và có thêm cơ sở
cho những ghi nhận về đóng góp của Ngọc Giao với nền văn học Việt Nam hiện đại.
- Luận án cũng là tài liệu tham khảo phục vụ công tác học tập, giảng dạy, nghiên cứu
cho sinh viên, giáo viên và các nhà nghiên cứu về văn học Việt Nam hiện đại.
7. Cấu trúc của luận án
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, luận án được triển khai
trong 4 chương:
Chương 1: Tổng quan vấn đề nghiên cứu
Chương 2: Văn xuôi Ngọc Giao trong bối cảnh xã hội thế kỷ XX
Chương 3: Đề tài và nhân vật văn xuôi Ngọc Giao trong tiến trình văn học
hiện đại Việt Nam
Chương 4: Người kể truyện, ngôn ngữ và giọng điệu văn xuôi Ngọc Giao
trong tiến trình văn học hiện đại Việt Nam
6
CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU.
1.1. Tổng quan về văn học hiện đại Việt Nam và sự xuất hiện của nhà văn
Ngọc Giao
1.1.1. Giới thuyết về hiện đại và văn học hiện đại Việt Nam
*Một số khái niệm
Tìm hiểu và nghiên cứu về văn học Việt Nam hiện đại, trước hết cần xác định
rõ khái niệm "hiện đại", "hiện đại hóa", "văn học hiện đại" và "hiện đại hóa văn học".
Theo Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, Nhà xuất bản Đà Nẵng xuất bản
năm 2000," hiện đại" là thuộc về thời đại ngày nay, có áp dụng những phát minh,
những thành tựu mới nhất của khoa học và kỹ thuật ngày nay. "Hiện đại hóa" là làm
cho mang tính chất của thời đại ngày nay, làm cho trở thành có đầy đủ mọi trang
thiết bị của nền công nghiệp hiện đại. "Văn học hiện đại" hiểu một cách chung nhất
đó là "nền văn học tương thích với thời hiện đại, mới mẻ, khác biệt so với các thời
đại văn học trước đó"[42; 1]. "Hiện đại hóa văn học" có thể hiểu là quá trình biến đổi
làm cho văn học mang tính chất hiện đại, mới mẻ khác với văn học cũ.
Khái niệm hiện đại được sử dụng rộng rãi và phổ biến trong nhiều lĩnh vực kinh
tế, văn hóa, chính trị và cả trong đời sống thường nhật ngày nay. Khái niệm này
nhằm thể hiện trình độ, đặc điểm hoặc ngầm ý nói đến những giá trị và cái mới trong
tương quan so sánh với cái trước đó. Để xác định một phạm trù nào đó là hiện đại
hay không, thông thường "hiện đại" được xác định qua hai tiêu chí thời gian và trình
độ phát triển. Đối với khoa học nhân văn nói chung và văn học nói riêng, tính hiện
đại có thể xuất hiện ngay từ trong những giá trị truyền thống. Mặt khác, theo Trần
Đình Sử, "tính hiện đại là sự thay đổi hệ hình tư duy, hệ thống giá trị, sự hình thành
một giai đoạn văn hóa mới trong đời sống dân tộc và nhân loại, tùy theo bối cảnh của
mỗi nền văn hóa mà tính hiện đại có nội dung khác nhau" [154; 255- 256]. Đi liền
với khái niệm hiện đại là tính hiện đại. Tính hiện đại gắn với độ mở của tư duy và có
thể là những dự phóng của thời đại. Và theo đó, nói đến hiện đại cũng là nói đến cái
mới, cái khác với cái cũ. Đó cũng là những nhân tố cách mạng, kết tinh, thúc đẩy sự
phát triển của lịch sử.
*Vấn đề phân kì văn học hiện đại Việt Nam
Vấn đề phân kì văn học Việt Nam thế kỷ XX là vấn đề khá phức tạp bởi có nhiều
ý kiến khác nhau dựa trên những tiêu chí khác nhau. Đó vẫn là vấn đề còn có những
điểm chưa được các nhà nghiên cứu đồng thuận và vẫn tiếp tục nghiên cứu. Song
nhìn tổng thể, các nhà nghiên cứu đều cho rằng tiến trình văn học Việt Nam là sự
tiếp nối từ văn học cổ trung đại đến hiện đại và hậu hiện đại.
7
Nhìn tiến trình văn học theo trục thời gian, về mốc thời gian bắt đầu của văn học
cận đại và văn học hiện đại có nhiều ý kiến khác nhau. Nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ
Chi cho rằng: văn học cận đại từ 1907 đến 1945, văn học hiện đại tính từ sau 1945.
Theo nhà nghiên cứu Phong Lê, giai đoạn văn học cận đại rất mờ nhạt và có tính
trung chuyển giữa văn học trung đại và hiện đại. Nhà nghiên cứu Phạm Thế Ngũ lại
cho rằng văn học hiện đại bắt đầu từ 1862 đến 1945. Các tác giả Trần Đình Hượu và
Lê Trí Dũng lại cho giai đoạn 1900 - 1930 là giai đoạn giao thời, sau 1930 là văn học
hiện đại. Các tác giả của một số giáo trình văn học ở miền Bắc cũng phần lớn cho
rằng văn học hiện đại Việt Nam bắt đầu sau những năm ba mươi của thế kỷ XX với
mốc 1930 hoặc 1932. Có một số nhà nghiên cứu như Trần Nho Thìn, Phan Cự Đệ có
cách hình dung gián tiếp chia tiến trình văn học theo thế kỷ. Theo đó, văn học trung
đại từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX, văn học hiện đại bắt đầu từ thế kỉ XX. Các nhà
nghiên cứu này cũng lưu tâm năm 1900 không phải là dấu mốc rạch ròi giữa văn học
trung đại và văn học hiện đại.
Nhìn sự vận động của văn học từ những bước chuyển hệ hình, đi sâu khai thác
khái niệm văn học hiện đại, các nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Đình
Chú, Phong Lê, Trần Đình Sử, Đỗ Đức Hiểu, Vương Trí Nhàn, Đỗ Lai Thúy, Trần
Nho Thìn, Nguyễn Đăng Điệp... đều cho rằng văn học hiện đại là nền văn học đã
thoát khỏi hệ thống thi pháp văn học trung đại để xác lập nên hệ thống thi pháp mới,
thi pháp văn học hiện đại. Văn học hiện đại thoát khỏi hệ thống ước lệ, sùng cổ, quan
niệm phi ngã và tình trạng văn, sử, triết bất phân để đề cao cá tính sáng tạo trong
sáng tác văn học.
Từ những góc nhìn khác nhau, mỗi nhà nghiên cứu đều có những kiến giải riêng
về văn học hiện đại. Tuy nhiên, để xác định nội hàm khái niệm này các nhà khoa học
đều quan tâm đến sự khác nhau giữa mô hình văn học trung đại và hiện đại. Các nhà
nghiên cứu cũng chú ý đến việc nhìn văn học hiện đại trong sự dịch chuyển và tiếp
xúc với văn học khu vực và thế giới để tìm ra tính quy luật và đặc thù của quá trình
hiện đại hóa văn học. Điểm khác biệt giữa văn học hiện đại và văn học trung đại biểu
hiện rõ nét ở quan niệm và thi pháp nghệ thuật.
* Những tiền đề, điều kiện xuất hiện văn học hiện đại Việt Nam
Văn học hiện đại Việt Nam là sản phẩm của quá trình giao lưu văn hóa từ khu
vực đến thế giới. Sự dịch chuyển trong tiếp xúc với văn hóa, văn học Tây Âu trong
đó có văn hóa, văn học Pháp vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã khiến cho văn
học Việt Nam hòa nhập dần vào quỹ đạo chung của văn học thế giới. Trong bối cảnh
lịch sử bấy giờ, ban đầu đó là sự tiếp xúc mang tính bắt buộc nhưng với sự tiếp nhận
nhạy bén của những nghệ sĩ, trí thức đương thời, nó đã trở thành quy luật tự nhiên để
8
góp phần hiện đại hóa văn học. Nhiều nhà văn, nhà thơ đã nhận thấy những gò bó và
bế tắc bởi những quy phạm của văn học trung đại và họ đã tiếp nhận những yếu tố
hiện đại từ phương Tây nhưng không hoàn toàn đánh mất bản sắc văn hóa Việt.
Nhưng do đặc điểm văn hóa và tâm lý mỗi dân tộc khác nhau, quá trình hiện đại hóa,
phương Tây hóa cũng tạo nên những đứt gãy văn hóa, đứt gãy quan niệm, tư duy và
văn tự. Theo nhiều nhà nghiên cứu, đến năm 1945 văn học Việt Nam đã cơ bản hoàn
tất quá trình hiện đại hóa. Quá trình hiện đại hóa theo đó diễn ra trong ba chặng: Từ
đầu thế kỷ XX đến 1920, những năm 20, từ 1930-1945. Theo nhà nghiên cứu
Nguyễn Đăng Điệp và một số ý kiến khác, "đến năm 1945, đúng là văn học Việt
Nam đã nằm trong quỹ đạo nghệ thuật hiện đại, nhưng quá trình hiện đại hóa văn học
dân tộc vẫn tiếp tục diễn ra trong suốt thế kỷ XX" [42; 21]. Vì vậy, quá trình hiện đại
hóa diễn ra theo ba chặng. Chặng 1: Từ đầu thế kỷ XX đến 1945 gắn liền với sự giao
lưu văn hóa Pháp và phương Tây. Chặng 2 từ 1945 đến 1985 gắn với sự giao lưu văn
hóa Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa diễn ra chủ yếu ở miền Bắc
và giao lưu, tiếp nhận văn hóa phương Tây, lối sống Mỹ ở miền Nam. Chặng 3 từ
1986 đến nay gắn với quá trình dịch chuyển, giao lưu toàn diện, quy mô, sâu sắc hơn
với văn học thế giới. Như vậy, "đầu thế kỷ XX, hiện đại hóa chủ yếu đồng nghĩa với
phương Tây hóa, Pháp hóa. Từ sau 1945, hiện đại hóa đã trở nên đa dạng hơn và sự
đa dạng ấy càng trở nên rõ nét từ sau 1986 khi Việt Nam xác lập nền kinh tế thị
trường và tham gia hội nhập thế giới đa phương"[42; 24]. Từ nội hàm khái niệm
"hiện đại hóa", hiện đại hóa văn học là quá trình tiến đến tính hiện đại của văn học
với những gì mới mẻ, hợp thời, có tính chất tinh xảo và mang tính thời đại mới. Bản
chất của hiện đại hóa chính là sự đổi mới văn học. Và vì vậy, bắt đầu đổi mới theo
hướng hiện đại từ đầu thế kỷ XX cho đến nay văn học Việt Nam đã và đang được
hiện đại hóa trong suốt tiến trình văn học qua những chặng khác nhau và mang
những đặc trưng khác nhau đưa nền văn học Việt Nam hòa nhập vào dòng chảy
chung của văn học thế giới. Mỗi chặng đường hiện đại hóa gắn liền với đặc điểm lịch
sử, xã hội và những mối giao lưu văn hóa khác nhau tạo nên những khu biệt và đặc
sắc của quá trình hiện đại hóa văn học.
* Các bình diện của văn học hiện đại Việt Nam
Chủ thể sáng tạo là nhân tố khác biệt đầu tiên và là tiền đề cho sự thay đổi diện
mạo văn học hiện đại. Nếu như chủ thể sáng tạo của văn học trung đại là trí thức
phong kiến và tầng lớp nhà sư có học thì chủ thể sáng tác của văn học hiện đại không
còn là những nhà Nho mà là những trí thức Tây học với tinh thần thời đại mới. Đội
ngũ sáng tác của văn học hiện đại không ngừng phát triển về số lượng và có sự tiếp
nhận nhanh nhạy với tư duy, mỹ cảm phương Tây hiện đại. Không chỉ có những cây
9
bút nam mà những cây bút nữ cũng sáng tác mạnh dạn với số lượng ngày càng nhiều
và bản lĩnh thể hiện cá tính sáng tạo.
Công chúng văn học mới của văn học hiện đại được mở rộng đến nhiều tầng lớp
chứ không còn bó hẹp như văn học trung đại. Bước sang thời kì hiện đại, chữ Quốc
ngữ được sử dụng phổ biến, trình độ dân trí được dần nâng cao, hoạt động xuất bản
và báo chí nở rộ, môi trường hưởng thụ văn hóa được mở rộng cả về lượng và chất,
quan niệm, thị hiếu thẩm mĩ của các tầng lớp nhân dân được thay đổi theo hướng
hiện đại ngày càng phong phú. Do đó, công chúng văn học ngày càng đa dạng và
phong phú. Sự nhạy bén của người thưởng thức cùng sự sáng tạo với quan niệm nhân
sinh, quan niệm nghệ thuật mới đã khiến cho công chúng văn học sôi nổi, háo hức
đón nhận những món ăn tinh thần văn chương mới phù hợp với thời đại. Đặc biệt, sự
xuất hiện của cái Tôi cá nhân trong văn học đã tạo nên những cấu trúc nghệ thuật
mới đa dạng, phong phú trong sáng tác và hấp dẫn, thu hút thêm nhiều độc giả. Công
chúng văn học như tìm thấy mình trong văn chương bởi những cái tôi được gửi gắm
trong mỗi tác phẩm. Trường tri thức mới và những quan niệm mới mẻ về cái tôi cá
nhân đã được các trí thức Tây học, những nhà Nho thức thời giới thiệu nhằm mở
mang hiểu biết và nâng cao dân trí góp phần chuyển đổi ý thức hệ trung đại sang
hiện đại.
Nền kinh tế thị trường bắt đầu hình thành từ đầu thế kỉ XX đã kích thích văn học
phát triển theo hướng hiện đại. Văn chương viết ra không chỉ để giải trí, tiêu sầu mà
trở thành hàng hóa, nhà văn là nhà sản xuất, viết văn trở thành một nghề, người đọc
văn chương là người tiêu thụ sản phẩm. Theo đó giá trị tác phẩm văn chương gắn
liền với tiền tệ. Đó là điểm khác biệt với văn học trung đại. Cũng từ đó một thị
trường văn hóa và văn học được hình thành.Và xuất bản, báo chí vừa là nguồn cung
vừa kích thích tiêu thụ. Đó cũng là cơ sở để mở rộng thị trường văn học và thúc đẩy
sự phát triển của văn học. Gắn với sự phát triển của thị trường, cảm quan đô thị trong
văn học cũng trở thành tiêu chí giúp ta phân biệt văn học trung đại và văn học hiện
đại. Ý thức về đô thị và kinh tế thị trường trong văn học hiện đại đã trở thành thường
trực trong xã hội hiện đại chứ không chỉ dừng ở mức độ cá biệt như trong văn học
trung đại. Trong thời kì kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, miền Bắc không tồn
tại kinh tế thị trường. Những năm 1954 - 1975, miền Nam tuy có thị trường nhưng
báo chí và xuất bản tư nhân chưa thực sự là lực lượng vật chất thực sự như tính chất
vốn có của nó. Sau khoảng giữa những năm 80 của thế kỷ XX, do hệ quả của công
cuộc Đổi mới sau đó một thời gian nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ
nghĩa được xác lập. Theo đó, hoạt động xuất bản được mở rộng và các công ty
truyền thông phát triển. Thị trường văn học sôi động, cởi mở, đa dạng hơn với nhiều
10
loại hình và có sự phân hóa mạnh mẽ. Đó cũng là cơ hội và thách thức cho người
sáng tác cùng sự tồn tại của tác phẩm văn học.
Biểu hiện cơ bản phân biệt văn học hiện đại và văn học trung đại là sự hiện đại về
thi pháp nghệ thuật. Thi pháp văn học hiện đại hoàn toàn thoát khỏi những nét quy
phạm của văn học trung đại. Về quan niệm nghệ thuật, văn học hiện đại gắn liền với
cảm quan cá nhân, khuyến khích sự sáng tạo chứ không còn hướng đến mục đích cao
nhất là giáo huấn, tải đạo, nói chí, phi ngã. Tư duy nghệ thuật trung đại tuân theo
những quy phạm nghệ thuật có sẵn, nghiêm ngặt, nguyên tắc. Tư duy nghệ thuật hiện
đại đã giải phóng tính quy phạm và đề cao cá nhân trong một môi trường xã hội dân
chủ. Nhà văn có cơ hội thể hiện những sáng tạo trên cơ sở trí tưởng tượng của cá
nhân để tạo nên tính đối thoại, cởi mở, phong phú trong tác phẩm nghệ thuật. Nếu
như văn học trung đại thường chủ yếu giấu kín những gì thuộc về con người cá nhân,
cái nhìn về thế giới và con người chịu sự chi phối của quan niệm thiên nhân hợp nhất
thì văn học hiện đại hướng đến phơi bày thể hiện tự nhiên tất cả những gì thuộc về cá
tính, cá nhân trong mỗi con người. Ngôn ngữ văn học trung đại dựa trên những quy
tắc định sẵn, ước lệ, tượng trưng, dùng nhiều điển cố điển tích. Văn học hiện đại sử
dụng hệ thống ngôn ngữ phong phú, đa dạng, gần với đời sống và giàu cá tính. Quá
trình hiện đại hóa gắn với sự thay thế chuyển đổi từ việc sáng tác bằng chữ Hán sang
chữ Nôm và từ chữ Nôm tiến đến dùng chữ Quốc ngữ. Ngôn ngữ báo chí đã có nhiều
tác động tích cực đến ngôn ngữ văn học. Vì vậy, nhiều nhà văn cũng là những nhà
báo cự phách. Giọng điệu văn học trung đại thiên về trữ tình của điệu ngâm và mang
tính độc thoại còn giọng điệu văn học hiện đại thuộc phạm trù điệu nói mang tính đối
thoại. Văn học trung đại mang tính chức năng với tư duy văn - sử - triết bất phân. Thơ
phú được đề cao hơn tiểu thuyết và kịch. Đến thời kì hiện đại, văn xuôi phát triển tạo
nên sự thay đổi quan trọng trong tư duy nghệ thuật hiện đại khiến cho văn học dần thoát
khỏi tính ước lệ để hướng đến thực tại. Vì vậy, văn học hướng đến việc phản ánh cuộc
sống đời thường thay vì chỉ miêu tả đời sống cao quý như trong văn học truyền thống.
Văn chương coi trọng sự thực ở đời với cái nhìn chân xác về thực tế chứ không chỉ đề
cao những vấn đề lý tưởng, cao xa. Văn học hiện đại coi trọng truyền thống văn hóa dân
tộc nhưng không phụ thuộc và noi gương thi học Trung Hoa. Tác phẩm văn học hiện đại
được sáng tác giản dị, tự nhiên nhưng dễ đi vào lòng người không cần đến lời văn hoa
mĩ hay giàu điển cố điển tích. Thể loại văn học hiện đại đã phát triển nhanh chóng và
phong phú. Các thể loại văn học trung đại như hịch, cáo, chiếu, biểu...đã dần mất đi,
xuất hiện nhiều thể loại văn học mới như thơ tự do, thơ văn xuôi, kịch, tiểu thuyết, kí...,
một số thể loại truyền thống được cải biến, đổi mới.
11
Hoạt động dịch thuật là phương thức phổ biến và lưu truyền văn hóa hữu hiệu.
Các tác phẩm văn học Trung Hoa, Pháp, phương Tây được dịch ra Quốc ngữ đã cung
cấp những hiểu biết mới cho người đọc và góp phần hoàn chỉnh thể loại, đổi mới
ngôn ngữ, mở rộng kiến thức văn chương cho đội ngũ sáng tác và độc giả. Sự tiếp
nhận các văn bản dịch thuật góp phần tích cực cho quá trình hiện đại hóa văn học.
Lý luận và phê bình văn học là hoạt động góp phần hoàn thiện diện mạo hiện đại
cho văn học dân tộc. Sự tự ý thức về văn học bắt đầu từ những năm đầu thế kỷ XX
thông qua tiếp xúc với những yếu tố văn hóa, văn học phương Tây đã giúp cho mầm
mống của lý luận, phê bình văn học mới xuất hiện. Từ những công trình có tính chất
mở đầu như Khảo cứu về tiểu thuyết (1919) của Phạm Quỳnh, các bài báo tranh luận
về Truyện Kiều, về thơ Mới, tranh luận giữa hai phái nghệ thuật vị nghệ thuật và
nghệ thuật vị nhân sinh... đưa đến sự xuất hiện một đội ngũ lý luận, phê bình tài
năng. Bộ môn lý luận, phê bình văn học hiện đại đã được xác lập khiến cho đời sống
văn chương ngày càng sôi động với các tác giả tiêu biểu như: Dương Quảng Hàm,
Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan, Trương Tửu, Trần Thanh Mại, Đinh Gia Trinh, Đặng
Thai Mai... Từ sau 1945, lý luận, phê bình văn học ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Do đó, các lý thuyết phê bình mới cùng thực tiễn sáng tác được cập nhật và có sự tác
động hai chiều góp phần thúc đẩy sự phát triển của văn học. Giai đoạn 1945 - 1954,
lý luận, phê bình ở miền Bắc tập trung nghiên cứu lý luận Mác - Lenin về văn học
nghệ thuật, đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng, coi trọng mối quan hệ giữa văn
học nghệ thuật và chính trị. Hoạt động lý luận, phê bình một mặt nỗ lực hướng đến
chuyên môn mặt khác phải gắn với yêu cầu phục vụ cách mạng. Giai đoạn 1954 -
1975, lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam sôi nổi và phong phú, chịu ảnh
hưởng và giao lưu với văn hóa Mỹ và phương Tây. Một số tư tưởng lý thuyết mới đã
được du nhập như thuyết hiện sinh, phân tâm học, cấu trúc luận... Sau 1975, đặc biệt
là sau 1986, lý luận phê bình văn học phát triển ngày càng phong phú trong xu thế
hội nhập toàn cầu. Nhiều trường phái, lý thuyết mới được giới thiệu như: thi pháp
học, kí hiệu học, cấu trúc luận, phân tâm học, văn hóa học, nữ quyền luận, phê bình
sinh thái, lý thuyết diễn ngôn, hậu thực dân...Đó là cơ sở cho nhiều hướng nghiên
cứu, tiếp cận văn học và cũng là động lực cho các xu hướng sáng tác văn học.
Bước sang phạm trù văn học hiện đại, văn học Việt Nam đã vượt thoát ra khỏi hệ
thống thi pháp văn học trung đại chịu sự chi phối và ảnh hưởng của văn hóa, văn học
Trung quốc và dần bước vào quỹ đạo hòa nhập với nền văn học hiện đại thế giới. Từ
nửa đầu thế kỷ XX, văn học đã bước vào quỹ đạo hiện đại và tiếp tục phát triển mạnh
mẽ hơn, hiện đại hơn, cởi mở hơn trong mối giao lưu và đối thoại văn hóa dân chủ
12
với toàn cầu ở nửa sau thế kỷ XX. Văn học ngày càng có điều kiện tiếp cận và biến
đổi theo hướng hiện đại và có nhiều cơ hội để hội nhập quốc tế
1.1.2. Tiến trình văn học hiện đại Việt Nam và sự xuất hiện của nhà văn Ngọc Giao
Nhìn tiến trình văn học hiện đại Việt Nam trong sự thay đổi và bước chuyển hệ hình
văn học gắn với các cuộc giao lưu, ảnh hưởng văn hóa, văn học Việt Nam hiện đại có
thể hình dung qua ba chặng: 1900 - 1945; 1945 - 1985;1986 - nay. Đồng thời, đặt nhà
văn Ngọc Giao trong tiến trình vận động của văn học hiện đại Việt Nam, luận án bước
đầu xác định môi trường văn học của tác giả làm cơ sở cho hệ quy chiếu nhằm tiếp tục
tìm hiểu văn xuôi của ông trong những chương tiếp theo của luận án.
1.1.2.1. Văn học hiện đại Việt Nam giai đoạn 1900-1945
Trước sự thay đổi của lịch sử, văn hóa, xã hội, tiếp thu, ảnh hưởng tư tưởng
học thuật và văn hóa, văn học phương Tây, văn học Việt Nam đã có sự vận động
biến đổi từ mô hình văn học trung đại chịu ảnh hưởng văn học Trung Quốc sang mô
hình văn học hiện đại chịu ảnh hưởng văn học phương Tây. Dựa trên những nền tảng
của văn học truyền thống, kết hợp với luồng gió mới của văn học phương Tây và tâm
thế sáng tạo, chủ động của lực lượng sáng tác là những trí thức mới được đào tạo và
tiếp thu có bài bản văn hóa, văn học phương Tây, văn học đã chuyển mình hiện đại
hóa. Ba mươi năm đầu thế kỷ XX, văn học tồn tại đan xen cái cũ và mới, Đông và
Tây, truyền thống và hiện đại. Các nhà văn đã bước đầu có những rung động thẩm
mỹ mới nhưng chưa được chuẩn bị đầy đủ về nhận thức, lý luận và học thuật. Từ
những bước đi tiên phong của các nhà Nho chí sĩ yêu nước tiến bộ đến những trí thức
trẻ mới được đào tạo ở trường Tây đã tạo cho văn học 1900-1930 một dấu ấn giao
thời giữa hình thức cũ và nội dung mới, nội dung cũ và hình thức mới, nội dung và
hình thức vừa cũ vừa mới. Trong giai đoạn chuyển đổi hệ hình văn học này, cái cũ có
xu hướng ngày càng ít đi và dần được thay thế bằng cái mới.
Sang thời kì 1930-1945, văn học đã phát triển khẩn trương mau lẹ theo hướng
hiện đại hóa trên các lĩnh vực của đời sống văn học: Quan niệm nghệ thuật thay đổi,
văn học trở thành lĩnh vực chuyên biệt, không còn quá chú trọng tính đạo lý giáo
huấn mà trở thành phương tiện tự biểu hiện của nhà văn, để nhận thức và khám phá
thế giới, đáp ứng nhu cầu thẩm mĩ và nhận thức của công chúng. Lực lượng sáng tác
ngày càng đông đảo và tiến bộ nhất là tác giả trí thức Tây học. Phương tiện sáng tác
được thay đổi từ chữ Hán, Nôm sang chữ Quốc ngữ. Ngôn từ văn học bớt hẳn tính
ước lệ tượng trưng, gần hơn với đời sống có khả năng diễn đạt tinh tế mọi phương
diện đời sống và con người. Câu văn xuôi mới hình thành nhưng phát triển nhanh
chóng và đạt đến trình độ hiện đại với những phong cách độc đáo. Thơ chuyển mạnh
từ điệu ngâm sang điệu nói, diễn đạt tinh tế sáng tạo cái tôi trữ tình. Phương thức lưu
13
hành ngày càng nhanh chóng, tiện lợi với sự ra đời của nhiều nhà xuất bản, nhà in.
Công chúng văn học ngày càng đông đảo mở rộng tới các tầng lớp thị dân. Và đặc
biệt là sự biến đổi về thi pháp sáng tác để thoát ra khỏi phạm trù văn học trung đại
phá vỡ tính quy phạm, sùng cổ, ước lệ, tượng trưng, phi ngã. Văn học mở ra nhiều
khả năng mới trong khám phá nghệ thuật. Quá trình hiện đại hóa diễn ra trên mọi thể
loại và phát triển mau lẹ trên các thể loại văn xuôi như tiểu thuyết, truyện ngắn,
phóng sự, ký... Thơ hiện đại hóa sâu sắc với phong trào Thơ Mới, xuất hiện những
thể loại mới như kịch nói, phê bình văn học... Trong một thời gian ngắn, văn học đã
đạt được nhiều thành tựu rực rỡ với nhiều khuynh hướng, trào lưu sáng tác, nhiều cá
tính sáng tạo nở rộ. Tiêu biểu là khuynh hướng văn học lãng mạn với phong trào văn
xuôi Tự lực văn đoàn và phong trào thơ Mới; khuynh hướng văn học hiện thực với
trào lưu văn học hiên thực phê phán 1930-1945 và khuynh hướng văn học yêu nước
và cách mạng.
Trong quá trình hiện đại hóa nền văn học 1900-1945, văn học phương Tây có
ảnh hưởng và chi phối văn học Việt Nam ở phương diện tư tưởng và hình thức.
Nhiều tác phẩm của các tác giả Pháp và phương Tây được dạy trong trường Pháp -
Việt, được dịch và lưu truyền trong giới trí thức. Sự tiếp nhận ấy đã làm bừng tỉnh ý
thức cá nhân, thay đổi quan niệm thẩm mĩ ngày càng mở rộng, phong phú mang tính
hiện đại. Quan niệm về cái đẹp gắn với quan niệm cá nhân, cái đẹp hiện diện mọi
nơi, mọi lúc, trong mọi người, nó vừa quen vừa lạ, có sự hài hòa giữa cái đẹp bên
trong và cái đẹp bên ngoài. Tư tưởng khoa học và tinh thần dân chủ của văn hóa
phương Tây đã chi phối nhiều mặt của đời sống tinh thần trong đó có văn học. Đó là
biểu hiện của thái độ tôn trọng hiện thực khách quan hướng tới khám phá và miêu tả
hiện thực. Con người trở thành trung tâm được các nhà văn chú ý khám phá tìm hiểu
trong nhiều góc cạnh và tư thế trên nền hiện thực phong phú, đa dạng và chân thực.
Đó là cơ sở kết tinh nhiều phong cách sáng tác lớn trong thời kỳ này. Trước sự thay
đổi nhiều mặt của xã hội, văn hóa truyền thống không còn phù hợp để đáp ứng nhu
cầu của kết cấu xã hội mới với những tình cảm mới, thị hiếu mới, tư tưởng mới. Sự
tác động của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, đấu tranh giai cấp trong đó có
phong trào Mặt trận dân chủ (1936-1939) đã hối thúc nhà văn dùng văn học để đấu
tranh cho quyền lợi của các giai cấp tầng lớp trong xã hội. Vì thế, bên cạnh nội dung
phản ánh là cái tôi cá nhân với những tình cảm mới, nội tâm phong phú, văn học tăng
cường chất hiện thực cả ở chiều sâu và chiều rộng. Cũng từ đó những đề tài mới, chủ
đề mới và những sắc thái mới trong nghệ thuật sáng tác xuất hiện dưới ảnh hưởng
của tư tưởng dân chủ và lãng mạn của văn hóa tư tưởng phương Tây.
14
Quá trình hiện đại hóa văn học giai đoạn 1900-1945 đã diễn ra khẩn trương,
mau lẹ để rồi bắt đầu từ 1930 trở đi, văn học Việt Nam đã vượt qua hệ hình văn học
trung đại để bước vào quỹ đạo văn học hiện đại. Sự gặp gỡ và tiếp xúc văn hóa
phương Tây và văn hóa Pháp đã tạo nên một sự chuyển đổi toàn diện trong đời sống
văn học từ đội ngũ sáng tác đến tư duy nghệ thuật, thi pháp văn học... Và đặc biệt
những người làm nên diện mạo mới của văn học hiện đại là đội ngũ các nhà văn, nhà
thơ mới với phong cách đa dạng, số lượng không ngừng phát triển. Trên cơ sở đó, sự
xuất hiện của các nhóm phái văn học với những tôn chỉ, hướng đi, hoạt động khác
nhau đã góp phần làm nên bức tranh sinh động của nền văn học Việt Nam giai đoạn
1930-1945. Đó là các nhóm văn học bao gồm tập hợp một số nhà văn, nhà thơ, phê
bình khảo cứu... hoạt động trong lĩnh vực văn học cùng làm việc với nhau với một
mục đích, tư tưởng chung nhằm đưa ra những hướng đi mới cho hoạt động văn học.
Với những đặc thù riêng khác với nhóm văn học đã có ở văn học trung đại, sau năm
1932, có nhiều nhóm văn học được thành lập như: Tự lực văn đoàn (1933), Xuân
Thu nhã tập (1939), Hàn Thuyên (1941), Thanh Nghị ( 1941), Tri Tân (1941)...và
nhóm Tân Dân (1934). Các nhóm văn học này đều có những đặc điểm riêng mang
dấu ấn của nhóm và thời đại với những đóng góp tích cực tới tư tưởng, văn hóa, xã
hội. Các nhóm phái cũng đều có nhà xuất bản và các sách, tạp chí được phát hành
với những đặc trưng riêng của từng nhóm. Trong khuôn khổ luận án, chúng tôi chỉ
giới thiệu về nhóm Tân Dân bởi đây là nhóm văn học gắn liền với quá trình hiện đại
hóa văn học giai đoạn này và có liên quan trực tiếp đến đối tượng nghiên cứu là nhà
văn Ngọc Giao - thành viên của Tiểu thuyết thứ Bảy và cũng là cây bút quen thuộc
trên các ấn phẩm của Tân Dân.
Nhóm Tân Dân còn được gọi dưới các tên khác như nhóm Tiểu thuyết thứ Bảy
và Tạp chí Tao Đàn, nhóm Ích Hữu, nhóm Phổ thông bán nguyệt san. Đó là nhóm gồm
các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình hoạt động văn hóa nghệ thuật tập hợp xung quanh
Nhà xuất bản Tân Dân với các ấn phẩm báo và tạp chí: Tiểu thuyết thứ Bảy, Phổ thông
bán nguyệt san, Ích Hữu, Tao Đàn, Truyền bá và các tủ sách Tao Đàn, tủ sách Những
tác phẩm hay. Trong đối trọng với nhóm Tự lực văn đoàn, Tân Dân có sự mở rộng và
phát triển với rất nhiều cơ quan ngôn luận và quy tụ được nhiều cây bút nổi tiếng với
nhiều dấu ấn sáng tạo khác nhau. Dưới sự chỉ đạo, dẫn dắt của ông chủ báo Vũ Đình
Long tài năng và tâm huyết, năm 1934, xuất bản phẩm đầu tiên của Tân Dân ra đời là
Tiểu thuyết thứ Bảy và dần mở rộng, phát triển với 5 tờ báo và tạp chí nổi tiếng cùng hai
tủ sách. Sự phong phú, hấp dẫn trong các ấn phẩm của Tân Dân đã tạo ra môi trường
hoạt động văn học lành mạnh, hấp dẫn cho giới văn nghệ sĩ và giới nghiên cứu đương
thời. Nhóm Tân Dân đã phát triển mạnh mẽ nhờ sự dung nạp rộng rãi những cách tiếp
15
cận hiện thực theo hướng cả mới và cũ, cả khuynh hướng lãng mạn và khuynh hướng
hiện thực với một tình yêu nước kín đáo và mạnh mẽ. Với những hoạt động phong phú,
nhóm Tân Dân đã trở thành một nhóm văn học lớn tạo nên một môi trường văn học
chuyên nghiệp sôi động và cũng là nơi đào tạo nên nhiều nhà văn nổi tiếng, kích thích
tạo động lực cho văn học phát triển theo hướng hiện đại.
Trong số các cây bút nổi tiếng của nhóm Tân Dân, Ngọc Giao là tác giả tiêu
biểu trong vai trò là một trong những người tham gia hoạt động điều hành tổ chức
hoạt động của Tiểu thuyết thứ Bảy với vị trí thư kí tòa soạn và cũng là cây bút sáng
tác sung sức nhiều tác phẩm in trên các ấn phẩm của Tân Dân. Giai đoạn đầu làm thư
kí tòa soạn Tiểu thuyết thứ Bảy, với một tờ báo bán chạy được xuất bản số lượng rất
lớn trong đối chọi với Phong hóa của Tự lực văn đoàn, vai trò thư kí của Ngọc Giao
giữ vị trí khá quan trọng trong việc sắp xếp, đăng duyệt, chỉnh sửa để tạo nên sức hấp
dẫn của tờ báo. Theo đuổi đam mê sáng tác, tác phẩm của Ngọc Giao thời kì này đã
tạo được hiệu ứng tốt với bạn đọc qua số lượng lớn đăng trên ấn phẩm của Tân Dân
như là một cây bút truyện ngắn và kí tài năng, có dấu ấn đặc sắc. Lịch sử truyện ngắn
Việt Nam giai đoạn 1930-1945 không thể không nhắc đến sự xuất hiện của những
cây bút tiêu biểu của Tân Dân như Nguyễn Công Hoan và Ngọc Giao.
1.1.2.2. Văn học hiện đại Việt Nam giai đoạn 1945 - 1985
Văn học 1945-1975 gắn liền với những sự kiện quan trọng của bước đường
lịch sử dân tộc. Thời kỳ 1945-1954, văn học đã tìm nguồn cảm hứng mới gắn liền
với công cuộc xây dựng xã hội ở miền Bắc, quá trình nhân dân cùng Đảng thực hiện
các chính sách cách mạng và ổn định cuộc sống. Tình yêu quê hương, tình đồng bào,
đồng chí, được thể hiện phong phú, giản dị mà xúc động. Mặc dù chưa có kết tinh
nghệ thuật nhưng các tác phẩm thời kỳ này đã phản ánh diện mạo của nền văn học
trong buổi đầu độc lập và tiếp tục đối diện với những cam go thử thách mới của
chiến tranh. Thời kì 1945 - 1954, gắn với cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc,
tình thế cài răng lược của cuộc chiến đấu dẫn đến hình thành hai bộ phận văn học.
Bộ phận chủ đạo với một đội ngũ lớn viết ở vùng tự do và chiến khu Việt Bắc. Một
bộ phận nhỏ sáng tác ở vùng địch hậu trong đó có Hà Nội và Sài Gòn là hai địa bàn
quan trọng. Bộ phận văn học công khai và không công khai ở Hà Nội tạm chiếm vẫn
tồn tại trong bối cảnh lịch sử mới đầy cam go, khốc liệt nhưng phong phú với nhiều
giá trị nhân văn. Các tác giả tiêu biểu của bộ phận này là Vũ Hoàng Chương, Lê Văn
Trương, Nguyễn Cao Củng, Sơn Nam, Nguyễn Tường Phượng, Lê Văn Hòe, Lê
Đình Chân, Sao Mai, Hoàng Công Khanh, Nguyễn Bắc, Vũ Bằng, Ngọc Giao, Giang
Quân, Băng Hồ, Thế Phong, Băng Sơn, Nam Xương, Tuyết Lan, Mộng Sơn... Trong
điều kiện kinh tế khó khăn, chế độ kiểm duyệt gắt gao, các văn nghệ sĩ đã phải cố
16
gắng hết sức để đời sống đỡ chật vật, bắt kịp với cuộc sống mới, chịu nhiều cực nhục để
tồn tại chứng minh cho tấm lòng thanh sạch và cho ra đời những tác phẩm có ý nghĩa.
Sự đấu tranh làm thế nào để trong bối cảnh đầy bất trắc vẫn có thể sống và viết không
trái với lương tâm, hướng về kháng chiến và nhân dân nhưng vẫn giữ được mình không
bị nhà cầm quyền gây khó dễ là nỗi ưu tư lớn của mỗi nhà văn giai đoạn này. Không ít
văn nghệ sĩ Hà Nội thời tạm chiếm đã bị bắt giam vào Hỏa Lò nhưng các tác giả vẫn
vượt lên chính mình kiên cường, nhân hậu, tài hoa với những tác phẩm mang đậm tinh
thần dân tộc, đạo đức và nhân văn để lại một gia tài đáng kể cho văn chương Hà Nội
những năm 1947-1954. Trong số đó, Ngọc Giao cũng là cây bút tiêu biểu can đảm và
nhẫn nại, nhân hậu và dũng cảm đương đầu với bối cảnh xã hội mới để sống và sáng tác
nhiều tác phẩm mang tính thời sự, hiện đại và xúc động. Ông trở thành nhà văn có
phong cách và lối viết táo bạo đem đến cho độc giả những suy tư mới về con người và
lịch sử xã hội với những chuyển biến thi pháp trong sự thống nhất quan niệm nghệ thuật
vì những tác phẩm văn chương cứu rỗi và nâng đỡ con người.
Thời kỳ 1955 đến 1964, nền văn học có sự phát triển mạnh mẽ, khá toàn diện.
Các nhà văn gắn kết với chủ đề xây dựng cuộc sống mới theo định hướng xã hội chủ
nghĩa. Các thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ trữ tình phát triển bước đầu có tác
phẩm xuất sắc. Các tác phẩm đã mở rộng đề tài và khả năng khái quát hiện thực.
Tiêu biểu là ba hướng đề tài chính: Tái hiện cuộc kháng chiến chống Pháp, cuộc đấu
tranh cách mạng thời kì trước 1945, cuộc sống mới cùng cách mạng xã hội chủ nghĩa
ở miền Bắc và cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Một số tác phẩm đã phản ánh
được những vấn đề của đời sống tư tưởng tình cảm của con người bên cạnh những
tác phẩm có tính thời sự. Thể loại văn học phát triển khá phong phú. Một số nhà Thơ
Mới hồi sinh, nhiều nhà thơ kháng chiến và nhà thơ trẻ xuất hiện với nhiều tập thơ có
giá trị. Truyện ngắn với đề tài và bút pháp khá đa dạng, tiểu thuyết phong phú có
nhiều vượt trội so với thời kỳ trước. Các thể loại kí, tùy bút, kịch bản sân khấu có số
lượng nhiều hơn nhưng chưa có nhiều kết tinh. Phê bình và nghiên cứu văn học có sự
phát triển cả về đội ngũ và chất lượng tác phẩm.
Từ 1964-1975, cuộc kháng chiến chống Mĩ mở rộng trên phạm vi cả nước. Cuộc
kháng chiến đặt ra cho dân tộc ta nhiều cam go thử thách. Văn học có bước chuyển
mình mạnh mẽ và thống nhất cao từ đề tài, chủ đề, cảm hứng, giọng điệu để hướng về
Tổ quốc, nhân dân, người anh hùng, cổ động niềm tin, tinh thần chiến đấu, khơi dậy
lòng yêu nước. Văn học cả hai miền có sự phát triển toàn diện ở các thể loại. Thơ ca có
nhiều thành tựu sáng tạo, văn xuôi phát triển khá đều, kịch gây được tiếng vang, phê
bình văn học hướng vào biểu dương tác phẩm đáp ứng được nhu cầu cuộc kháng chiến
chống Mĩ. Văn học đã làm tốt nhiệm vụ cổ vũ chiến đấu, nêu cao chủ nghĩa yêu nước,
17
động viên tích cực cho công cuộc giải phóng đất nước. Bộ phận văn học đô thị miền
Nam trước 1975 là một thực thể phức tạp nhưng cũng có những cây bút hoạt động trong
vùng địch kiểm soát, bộ phận văn học cách mạng gắn với phong trào đấu tranh của dân
tộc thể hiện sự dấn thân, dũng cảm để sáng tác những tác phẩm giàu chất hiện thực, giá
trị nhân văn và hiện thực với những cách tân, sáng tạo.
Với sứ mạng lịch sử của mình, văn học 1945-1975 mang đặc điểm của một nền
văn học đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản nhằm phục vụ chính trị, cổ vũ chiến
đấu. Đó là nền văn học hướng về đại chúng, đại chúng vừa là đối tượng phản ánh vừa là
công chúng văn học và là nguồn bổ sung cho lực lượng sáng tác. Nền văn học mang
cảm hứng sử thi và khuynh hướng lãng mạn, trữ tình là liều thuốc tinh thần định hướng
toàn dân tộc đoàn kết quyết tâm đánh thắng kẻ thù, tin tưởng ở tương lai tốt đẹp.
Sự nghiệp cách mạng dân tộc và xây dựng xã hội chủ nghĩa ở nước ta giai
đoạn này đòi hỏi nền văn học nước ta lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư
tưởng và vì vậy việc giao lưu, học tập kinh nghiệm sáng tác với văn học Xô Viết và
các nước xã hội chủ nghĩa được ưu tiên. Các sáng tác và công trình lí luận văn học
Nga Xô Viết và các nước xã hội chủ nghĩa được dịch sang tiếng Việt và trở thành
hình mẫu cho các nhà văn Việt Nam. Văn học Nga Xô Viết với ở mức độ nhất định
được tiếp nhận gắn liền với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Phương pháp sáng tác
hiện thực xã hội chủ nghĩa được nhiều nhà văn hưởng ứng.
Ở miền Nam, văn học đô thị chịu ảnh hưởng của tư tưởng triết học, mỹ học và
văn học hiện sinh của phương Tây. Những lí thuyết mới này đã chi phối đến văn học
với một cách nhìn khác văn học ở miền Bắc. Mặc dù thời gian tiếp cận chưa nhiều và
sâu sắc nhưng nó cũng đã ít nhiều tác động đến thực tiễn sáng tác và lí luận, phê bình
văn học với những dấu ấn manh nha, khác lạ và trở lại trong văn học sau 1986.
Với nhà văn Ngọc Giao, đây là giai đoạn cầm bút đầy sóng gió nhưng cũng là
giai đoạn nhà văn có những bứt phá và vận động trong tư tưởng và bút pháp sáng tác.
Không hoàn toàn đi theo tiếng gọi của cách mạng như các nhà văn Nam Cao, Nguyễn
Tuân, Tô Hoài... nhưng văn chương Ngọc Giao giai đoạn này vẫn là tiếng nói yêu nước
thầm kín với những khám phá trong quá trình tự vận động hiện đại hóa văn học. Từ thể
loại đến ngôn ngữ, giọng điệu, nội dung hiện thực được nói đến trong tác phẩm của ông
đều chứng minh cho những đóng góp tích cực của Ngọc Giao với vị trí của một nhà văn
sống ở vùng tạm chiếm giai đoạn 1947-1954. Với cái nhìn ít nhiều có tính chất hiện
sinh, tác phẩm của Ngọc Giao giai đoạn này đã dũng cảm tái hiện lại những góc khuất
trong tâm hồn con người với bao uẩn khúc mang vấn đề nhân loại, nhân văn.
18
1.1.2.3. Văn học hiện đại Việt Nam giai đoạn 1986 đến nay
Văn học Việt Nam 1945-1975 đã làm tròn sứ mệnh lịch sử của một nền văn
học phục vụ cách mạng, tuyên truyền và vận động cách mạng, cổ vũ chiến đấu vì sự
nghiệp chung của dân tộc. Đặc điểm này còn chi phối đến văn học nửa đầu những
năm 1980. Sau 1986, trước những chuyển biến của xã hội, tư tưởng, văn hóa, văn
học cũng có thay đổi trong nhu cầu và quan điểm thẩm mĩ để từng bước được đổi
mới. Nhu cầu nhìn lại nền văn học chiến tranh để đánh giá đúng những thành công
và hạn chế đã được quan tâm. Nhiều vấn đề cốt lõi của văn học được đưa ra xem xét
lại, bàn thảo sôi nổi như vấn đề: Văn học và hiện thực, văn nghệ và chính trị, chủ
nghĩa hiện thực và hiện thực xã hội chủ nghĩa... Nhờ chính sách mở cửa, nhiều trào
lưu, khuynh hướng và lí luận văn học hiện đại trên thế giới đã được giới thiệu rộng
rãi chi phối sự sáng tạo của nhà văn và văn hóa tiếp nhận của độc giả.
Văn học giai đoạn này đã vận động và biến đổi trong một sự tiếp nối có tính
liên tục, kế thừa và phát triển. Từ 1975 đến 1985, văn học chuyển tiếp từ văn học
chiến tranh sang nền văn học thời kì hậu chiến trên các phương diện đề tài, cảm hứng
và phương thức nghệ thuật. Từ 1986 đến đầu thập kỉ 90 là thời kì văn học đổi mới
mạnh mẽ, gắn liền với công cuộc đổi mới đất nước. Văn học đổi mới theo hướng đổi
mới tư duy, nhìn thẳng vào sự thật. Khuynh hướng nhận thức lại hiện thực với cảm
hứng phê phán mạnh mẽ trên tinh thần nhân bản, tiếp cận đời sống trên bình diện thế
sự đời tư được các nhà văn tập trung hứng thú khám phá và khai thác. Đội ngũ sáng
tác phong phú với nhiều thế hệ như: lớp nhà văn tiền chiến, những cây bút mới thuộc
thế hệ nhà văn trẻ và đặc biệt là sự xuất hiện của những cây bút nữ. Các thể loại văn
học đều có những biến đổi và phát triển đa dạng, sôi nổi nhất là văn xuôi. Tư duy văn
học mới đã hình thành làm thay đổi các thành tố của văn học đặc biệt là phát huy
chiều sâu khám phá hiện thực xã hội và con người, khả năng sáng tạo và cá tính,
phong cách của mỗi nhà văn. Từ sau những năm 1990, văn học trở về với đời sống
thường nhật và ngày càng ý thức hơn về đổi mới nghệ thuật. Thơ thời kì này đi sâu
khai thác bản thể con người. Văn xuôi nổi lên hai mảng đáng chú ý với nhiều ấn
tượng là hồi kí- tự truyện và tiểu thuyết lịch sử. Tiểu thuyết được viết với những cách
tân thể nghiệm sáng tạo mới.
Như vậy, tồn tại và phát triển trong điều kiện lịch sử khác trước, văn học Việt
Nam sau 1985 mang những đặc điểm phù hợp với nhu cầu thẩm mĩ và bối cảnh xã
hội mới phù hợp quy luật khách quan. Nền văn học đang vận động theo hướng dân
chủ hóa. Văn học không chỉ là tiếng nói chung mà còn là tiếng nói của mỗi cá nhân.
Văn học không những là vũ khí tinh thần để đấu tranh xã hội mà còn được nhấn
mạnh ở sức khám phá thực tại, thức tỉnh ý thức về sự thực, vai trò dự báo và dự cảm.
19
Đó cũng là một phương tiện cần thiết để tự biểu hiện tư tưởng, quan niệm, chính kiến
của người nghệ sĩ về xã hội và con người. Nhà văn vừa là nhà tư tưởng, nhà hoạt
động xã hội có tác dụng định hướng tư tưởng, khơi gợi cho người đọc những vấn đề
để cùng đọc, suy ngẫm và đồng sáng tạo. Hiện thực phản ánh ngày càng mở rộng và
toàn diện. Hiện thực ấy không chỉ là hiện thực cách mạng với những biến cố của lịch
sử và cộng đồng mà còn là hiện thực đời thường với những mối quan hệ phức tạp,
cuộc đời đa sự, đa đoan, thế giới nội tâm, số phận các nhân vật với muôn mặt phong
phú và bí ẩn. Hiện thực đa dạng ấy đã mở ra chiều kích vô tận để văn học chiếm lĩnh
và khám phá. Các phong cách sáng tác nở rộ, nhà văn được bộc lộ hết mình cá tính
sáng tạo và vận dụng những yếu tố trường phái nghệ thuật hiện đại phương Tây.
Theo đó, tinh thần nhân bản và sự thức tỉnh ý thức cá nhân là nền tảng tư tưởng và
cảm hứng chủ đạo của văn học giai đoạn này. Con người trở thành đối tượng khám
phá chủ yếu, vừa là đích đến của văn học vừa là hệ quy chiếu, thước đo giá trị cho
mọi vấn đề xã hội. Con người được nhìn nhận trong mối quan hệ đa chiều, với nhiều
bình diện và tầng bậc với những giá trị đa diện, lưỡng phân, phức tạp. Văn học
hướng đến sự cảm thông, thấu hiểu, nâng đỡ con người và đánh thức sự tự ý thức
thanh lọc tâm hồn con người để vươn đến những điều chân, thiện, mĩ. Hai đặc điểm
trên cũng dẫn đến đặc điểm văn học phát triển phong phú đa dạng và hiện đại. Đó là
sự phong phú về đề tài, thể loại, nhiều thể nghiệm về thủ pháp nghệ thuật, đa dạng về
phong cách và khuynh hướng thẩm mĩ. Sự đa dạng trong xu hướng dân chủ hóa cũng
gắn liền với tính phức tạp và không ổn định. Hơn nữa, trong bối cảnh giao lưu hội
nhập ngày càng mở rộng, văn học luôn biến đổi theo hướng tiếp thu cái mới sao cho
phù hợp với hoàn cảnh mới. Do đó, các yếu tố nghệ thuật như nghệ thuật tự sự với
những yếu tố điểm nhìn, xây dựng nhân vật, độc thoại nội tâm và dòng ý thức, kết
cấu, tính đa thanh của giọng điệu.. luôn có những điểm mới. Thơ được thể nghiệm
theo hướng hiện đại chủ nghĩa với những cách tân về nghệ thuật vượt ra khỏi khuôn
khổ và thói quen thơ cũ để mở ra con đường mới.
Như vậy, sau 1986, tiến trình hội nhập quốc tế diễn ra sâu rộng với sự kết nối
chặt chẽ hơn so với hai giai đoạn trước. Sự toàn cầu hóa và thâm nhập của Internet
cùng với tiếng Anh trở thành ngôn ngữ quan trọng đã góp phần hình thành một thế
giới đương đại với văn hóa hiện đại và hậu hiện đại xuất hiện ở Việt Nam. Văn học
Việt Nam mở ra một chân trời mới với nhiều cơ hội và thách thức. Đội ngũ sáng tác
ngày càng đông đảo, gồm nhiều thế hệ với sự đa dạng về phương pháp sáng tác và
phong cách sáng tác với nhiều thể nghiệm mới. Văn học phát triển phong phú nhưng
cũng rất phức tạp với nhiều trào lưu tư tưởng và lý thuyết mới được giới thiệu. Văn
học có nhiều cách tân đổi mới sôi nổi nhất kể từ 1986-1990 và âm thầm diễn ra mạnh
20
mẽ ở những năm sau đó. Bộ phận văn học hải ngoại trừ một số cây bút cực đoan,
chống cộng, phần lớn các nhà văn Việt sống ở nước ngoài vẫn mong muốn hòa hợp
dân tộc và đóng góp cho nền văn học Việt thêm phong phú, hiện đại.
Những cách tân, đổi mới trong tư tưởng văn học giai đoạn này đã tạo điều
kiện thuận lợi cho cảm hứng sáng tác của Ngọc Giao giai đoạn 1986-1997 được hồi
sinh. Mặc dù chỉ còn hòa nhập và tiếp tục sáng tác trong khoảng 10 năm khi tuổi đã
cao sức đã yếu nhưng sự xuất hiện của nhà văn cùng các tác phẩm của ông vẫn cho
thấy một sự nhanh nhạy, cập nhật của một lối viết không quá xa lạ, thậm chí còn
cung cấp cho người đọc những tiếp nhận xúc động bất ngờ về những gì nhà văn
chiêm nghiệm, lưu giữ và truyền đạt trong mỗi tác phẩm.
Như vậy, trong khoảng thời gian từ đầu thế kỉ XX đến nay, văn học Việt Nam đã
không ngừng vận động và biến chuyển trên đường hội nhập với nền văn học thế giới.
Giai đoạn đầu thế kỉ XX văn học bắt đầu bước vào quỹ đạo của văn học hiện đại và tiếp
tục mở rộng, phát triển mạnh mẽ hơn trong các cuộc giao lưu văn hóa ở cuối thế kỉ.
Trong tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam sự xuất hiện và đóng góp của mỗi tác
giả ở mỗi chặng đường là điều kiện cần thiết và cũng là minh chứng cho sự vận động và
thay đổi của công cuộc hiện đại hóa văn học. Với Ngọc Giao, nhà văn có hành trình
sáng tác trong gần như trọn vẹn thế kỉ XX, những dấu ấn trong sáng tác của ông trong
hai chặng đầu hiện đại hóa văn học và sự trở lại trong thời gian ngắn ở giai đoạn ba cũng
đủ cho thấy đời văn của ông gắn với diễn trình hiện đại hóa văn học Việt Nam.
1.2 Tổng quan tình hình nghiên cứu về tác giả Ngọc Giao
Tổng hợp tình hình nghiên cứu trong nước về sự nghiệp văn chương của nhà văn
Ngọc Giao, theo tài liệu đến nay chúng tôi thu thập được, hiện chưa có một công trình
nào nghiên cứu đầy đủ, hệ thống, cụ thể và dày dặn về sự nghiệp văn chương của ông.
Thậm chí, số người biết và viết về Ngọc Giao còn ít. Phần lớn đó là những bài nhận định
mang tính chất phác thảo khái quát về cuộc đời và sự nghiệp hoặc những lời giới thiệu
ngắn gọn về nhà văn hoặc giới thiệu tác phẩm của Ngọc Giao trong các lần xuất bản.
Chúng tôi chia việc nghiên cứu tác giả Ngọc Giao ra các giai đoạn sau:
1.2.1 Giai đoạn trước 1945
Sau khi xuất hiện trên văn đàn với nhiều tác phẩm được đăng trên Tiểu thuyết
thứ Bảy và các tờ báo, tạp chí khác cùng thời như: Tao đàn, Ngọ báo, Ích Hữu,
Truyền bá, Cậu ấm cô chiêu..., độc giả đã dần quen thuộc và dành một sự ưu ái nhất
định với tác giả Ngọc Giao. Đặc biệt, sau khi ba tập truyện ngắn Một đêm vui (1936),
Phấn hương (1939) và Cô gái làng Sơn Hạ (1942) được xuất bản, Ngọc Giao đã trở
thành một trong những nhà văn hiện đại góp phần phong phú thêm cho dòng văn
xuôi hiện đại đầu thế kỉ XX và nhận được sự chú ý của độc giả cũng như các nhà
21
nghiên cứu nhiều hơn. Trong đó có thể kể đến một số bài viết sau đã thấy được giá
trị hấp dẫn và độc đáo của văn xuôi Ngọc Giao.
Một đêm vui là tập truyện quan trọng cho thấy những nét cơ bản về văn phong
Ngọc Giao trong thời kì đầu sáng tác. Tập Một đêm vui có ghi lời nhận xét đầu sách của
Phùng Tất Đắc trong lần đầu xuất bản năm 1936: “Giới thiệu tập này của ông Ngọc
Giao, tôi chỉ muốn chú ý đến một đặc tính của hầu hết các truyện ông Ngọc Giao
viết: đặc tính về luân lý” [90, 26]. Bên cạnh đó, lời bạt này cũng cho rằng Ngọc Giao là
một nhà viết truyện muốn chuyên về tình cảm và ưa tìm tòi trong khám phá tâm lí.
Khi tập Phấn hương được xuất bản lần đầu năm 1939, Trúc Đường đã có
những cảm nhận đánh giá cao về đặc điểm nghệ thuật độc đáo và giá trị nội dung của
văn xuôi Ngọc Giao. Ông cho rằng văn xuôi Ngọc Giao có những lời văn dịu dàng,
được gọt giũa nhưng cũng rất đơn sơ, giản dị và cảm động, giàu chất lãng mạn và
hiện thực. Đọc Phấn hương, người ta sẽ thấy "những ý tình rất cao thượng, rất tha
thiết, những hi sinh rất thiêng liêng, những bài học luân lí rất thiết thực, nó khiến tác
giả Phấn hương có thể bắt chước thi hào Victo Hugo mà trả lời mọi câu hỏi chất vấn:
"Tôi là một lương tâm" "[90, 30]. Từ đó, Trúc Đường cũng cho rằng: "Ngọc Giao là
văn sĩ của Đau khổ, của Tình thương"[90, 31].
Bài nhận xét, giới thiệu của nhà văn Vũ Ngọc Phan trong bộ sách Nhà văn
hiện đại (tập 2) xuất bản năm 1942 đã có đánh giá những nét đặc trưng của văn
chương Ngọc Giao nhưng còn chưa thực sự đầy đủ. Bài viết chủ yếu đưa ra những
nhận xét khái quát về đặc điểm nội dung và nghệ thuật truyện ngắn Ngọc Giao giai
đoạn trước 1945. Với các tác phẩm truyện ngắn đương thời của Ngọc Giao, Vũ Ngọc
Phan đã đánh giá “Trong hầu hết truyện ngắn của ông, thứ tình cảm ông diễn đạt đều
là thứ tình sầu, tình uất... nhưng hay hơn cả đều là những truyện gợi mối thương tâm
người đọc. Ngọc Giao là một nhà văn sở trường về lối văn đạo tình...”[150,1129].
Tuy nhiên trong bài viết này, Vũ Ngọc Phan cũng chỉ ra những sự chưa đồng tình về
tư tưởng hoài niệm, bi quan khi viết về những cái chết và cách diễn đạt đôi khi quá
gọt giũa làm mất tự nhiên trong truyện ngắn Ngọc Giao. Trong công trình nghiên
cứu sớm này, có lẽ cũng do diện bao quát rộng rãi đời sống văn học hiện đại mới
hình thành,Vũ Ngọc Phan mới phác qua mà chưa đánh giá hết những giá trị nghệ
thuật và giá trị tư tưởng sự nghiệp văn chương của Ngọc Giao.
Như vậy, nhìn một cách khái quát, các bài viết đánh giá, nhận xét trước 1945
đã có những ghi nhận về tính nhân văn, giàu chất trữ tình và hiện thực trong tác
phẩm của Ngọc Giao ở chặng đường đầu sáng tác.
22
1.2.2 Giai đoạn 1945 - 1985
Trong bối cảnh đất nước phải đối diện với hai cuộc kháng chiến trường kỳ
cứu nước, văn học trước 1945 - 1975 hướng đến mục tiêu cao cả là phục vụ cách
mạng. Quan niệm tư tưởng và nghệ thuật cũng như cách nhìn nhận đánh giá tác
phẩm văn học và vị trí, đóng góp của nhà văn chịu sự chi phối, ảnh hưởng của lập
trường tư tưởng cách mạng hướng đến mục đích văn học trực tiếp phục vụ cho sự
nghiệp đấu tranh cách mạng. Với thực tế sống và viết của Ngọc Giao giai đoạn này,
dù luôn hướng về lẽ phải với tình thương người sâu sắc, lòng yêu nước thầm kín
nhưng do quan điểm, lập trường của thời kì lịch sử bấy giờ, nhà văn Ngọc Giao cùng
tác phẩm của ông không dễ gì được chấp nhận và phải chịu nhiều dư luận trái chiều.
Số ít ý kiến ghi nhận những giá trị tác phẩm Ngọc Giao giai đoạn này là lời
giới thiệu tiểu thuyết Đất. Bài giới thiệu của nhà văn Tam Lang về tiểu thuyết Đất
khi tác phẩm được in năm 1950 tại nhà xuất bản Cây thông, Hà Nội có viết:“ Đất, ở
đây, trong những dòng chữ bỏng cháy này sẽ tiết ra, sẽ dựng lên cả một cuộc đời gai
lửa, nghẹn uất của những con người mong được sống, thiết tha sống, thấy lẽ sống chỉ
khi nào họ được bám vào đất, ghì chặt lấy đất. Bạn đọc đi, để được gửi lòng mình
vào lòng Đất Việt muôn thuở mạnh”[58,2]. Bài viết này chủ yếu đánh giá ngắn gọn
về nội dung của tác phẩm Đất với những ý hướng tích cực của một tác giả dũng cảm
nói lên hiện thực cuộc sống khổ cực của người dân vùng tề với biết bao tâm trạng.
Bên cạnh đó cũng có ý kiến đi ngược lại, trong đó phải kể đến bài viết về văn
học Hà Nội tạm chiếm của ông Nguyễn Bắc, Giám đốc Sở văn hóa Hà Nội năm 1963
dưới nhan đề Mấy nét về tình hình văn học trong lòng Hà Nội thời kỳ kháng chiến.
Bài viết có những nhận xét còn mang tính quy chụp, phiến diện về các tiểu thuyết
Ngọc Giao giai đoạn 1947- 1954. Tác giả chủ yếu bàn đến mục đích và tư tưởng của
tác giả Ngọc Giao với kháng chiến và cách mạng thông qua các tác phẩm của ông
chứ không bàn nhiều đến giá trị văn chương với những đóng góp tích cực cho văn
học nghệ thuật. Đó là cách nhìn nhận của nhà phê bình nhìn tác phẩm văn học như
một công cụ phục vụ chính trị đơn thuần. Cách nhìn nhận đó chưa thực sự toàn diện
và đúng đắn, khách quan về giá trị văn chương của Ngọc Giao và chịu sự chi phối
của hoàn cảnh lịch sử xã hội. Cũng kể từ sau bài viết này, sự mặc cảm cùng những
quan điểm riêng rất cá tính trong sáng tạo nghệ thuật đã khiến nhà văn ngậm ngùi xa
dần nghiệp viết và bạn đọc.
Như vậy, giai đoạn 1945 -1985, mặt tích cực trong tác phẩm Ngọc Giao chưa
được quan tâm và đánh giá cao, số lượng bài viết ít, góc nhìn để đánh giá tác giả và
tác phẩm còn phiến diện, một chiều. Do những giới hạn của hoàn cảnh lịch sử xã hội,
23
các tác phẩm Ngọc Giao không được phổ biến, kéo theo đó là sự ngưng bút của nhà
văn, sự lãng quên của độc giả và các nhà nghiên cứu.
1.2.3. Giai đoạn sau 1986
Dưới ánh sáng của công cuộc Đổi mới, những giá trị đích thực của tác phẩm
văn học nghệ thuật trong đó có tác phẩm Ngọc Giao đã dần được soi tỏ. Giá trị tác
phẩm và đóng góp của Ngọc Giao với văn học đã được nhìn nhận khách quan, đúng
mực hơn. Mặc dù số lượng bài viết chưa nhiều nhưng đã phần nào cho thấy những
phác thảo tích cực về chân dung một nhà văn, một nghệ sĩ nhân hậu. Những bài viết
giới thiệu về tác giả, tác phẩm Ngọc Giao trong những lần xuất bản, tái bản và một
số công trình nghiên cứu chuyên biệt dưới đây phần nào thể hiện điều đó.
Khi tái bản tập truyện ngắn Cô gái làng Sơn Hạ của Ngọc Giao năm 1989,
Nhà xuất bản Văn học đã đánh giá: “Tác giả có sức sáng tạo phong phú và đa dạng,
góp vào nền văn học hiện đại của chúng ta những trang viết hấp dẫn”[59,6]. Bài viết
cũng đã có những nhận định khái quát về đặc trưng bút pháp văn xuôi Ngọc Giao nói
chung và giá trị của tập truyện ngắn Cô gái làng Sơn Hạ nói riêng.
Ngoài ra phải kể đến sự cảm nhận về tác phẩm của nhà văn Ngọc Giao trong
tập Phấn hương qua bài viết Ngọc Giao - Phấn hương còn đó của tác giả Hoài Anh
đăng trên Tạp chí Văn số 15(6-2001) với lời khẳng định: “Không thể nói Ngọc Giao
là hay mua não trác sầu, vì chỉ trừ những người tầng lớp trên, sống dư dật, phong lưu
trong xã hội cũ ra, không ai không nhận thấy xã hội cũ là buồn thảm, những người
tầng lớp dưới luôn chết một cách vô lý và vô nghĩa. Ngọc Giao là một cây bút giàu
lòng thương người. Ông thường đứng về phía những người nghèo khổ, bị đàn áp, bóc
lột, đối xử bất công”[2,80]. Đó là sự khẳng định về giá trị nhân đạo và tâm hồn cao
đẹp của ngòi bút Ngọc Giao.
Sau một thời gian bị quên lãng, những năm cuối của thế kỷ XX, tên tuổi nhà
văn được nói đến và đánh giá công bằng, khách quan hơn. Đặc biệt là qua các bài
viết của nhà nghiên cứu Phong Lê:
Mở đầu cho loạt bài viết về nhà văn Ngọc Giao của nhà nghiên cứu Phong Lê
là bài Ngọc Giao, người khỏi bị lãng quên vào cuối thế kỷ viết năm 1999. Sau đó
được chỉnh sửa và bổ sung thay cho lời giới thiệu cuốn Hà Nội cũ nằm đây của Ngọc
Giao xuất bản năm 2010 và in lại trong cuốn Trăm năm trong cõi ...Về một thế hệ
vàng văn chương Việt hiện đại (2014). Theo ông, "ngòi bút Ngọc Giao cơ bản vẫn là
ngòi bút nghiêng về phía hoài cảm, trữ tình. Tránh né, hoặc làm nhòa mờ những nét
thô tục, trần trụi của hiện thực trong một hơi văn êm ái, suôn sẻ"[63,10]. Đó là những
nhận định đánh giá khơi nguồn, thức tỉnh và cho phép bạn đọc thoát khỏi sự lãng
quên một văn nhân đáng kính cùng những giá trị văn chương trân quý.
24
Bài viết giới thiệu tập truyện ngắn Phấn hương tái bản năm 2010 với những đánh
giá có tính chất khẳng định về giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Qua
tập truyện, nhà nghiên cứu Phong Lê nhận xét: “Đứng ở chỗ giao nhau hoặc nơi giáp
ranh giữa lãng mạn và hiện thực, thế giới truyện của Ngọc Giao dường như có phần nới
rộng ra về hai phía trong một cảm quan có màu sắc u buồn về hiện thực mà ông không
muốn tìm đến nguyên nhân; thế nhưng đâu đó vẫn ẩn chứa khát vọng về một cuộc sống
trong sạch và lương thiện cho con người, cho loài người”[61,12]
Trong bài viết giới thiệu tập Quan báo xuất bản năm 2010, tác giả cũng đã
khẳng định “Ngọc Giao như một chân dung tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại,
với các giá trị có ý nghĩa bổ sung và khẳng định bên cạnh các tên tuổi quen thuộc
trong hai dòng trữ tình và hiện thực thời kỳ 1930-1945, và cũng là giá trị chung cho
cả thế kỷ”[62,11].
Cùng với những nhận xét đã bàn đến trong các bài viết trên, bài viết giới thiệu
cuốn Hà Nội cũ nằm đây xuất bản năm 2010, nhà nghiên cứu Phong Lê đã khẳng
định thêm về giá trị đạo lý và đề tài Hà Nội trong sáng tác của Ngọc Giao, nhất là các
tác phẩm ký viết những năm cuối đời.
Với bài giới thiệu tác phẩm Xóm Rá xuất bản năm 2011, nhà nghiên cứu Phong
Lê đã có những đánh giá ghi nhận về sự đổi mới và đóng góp của Ngọc Giao thể hiện
qua tác phẩm. Đó là “những bổ sung về một bút pháp mới, bút pháp phóng sự, khảo tả
chi tiết những điều tai nghe mắt thấy... Một tiểu thuyết - phóng sự trong kết hợp và bổ
sung giữa hai thể viết, trong tương ứng với chất liệu và chủ định của tác giả, ghi nhận
cái mới, cái lạ trong văn Ngọc Giao...”[64,14]. Cũng viết về tác phẩm này, trong lần tái
bản năm 2015, trang 217, Trần Ngọc Hiếu đã đánh giá: "Xóm Rá đáng được coi là tác
phẩm khốc liệt nhất trong di sản văn chương Ngọc Giao". Đó cũng là tác phẩm có sự kết
hợp ăn ý giữa chất tiểu thuyết và phóng sự. Tác giả đã thành công khi mô tả thực trạng
xã hội phức tạp, gai góc và đặc biệt hơn bởi nó chứa những "vấn đề nhân loại". Với
những gì đã viết, nhà nghiên cứu cho rằng cuốn sách có thể kích thích sự phiêu lưu của
nhiều cách đọc và không chỉ có giá trị của một tư liệu.
Bên cạnh đó là những bài viết giới thiệu 2 cuốn tiểu thuyết Nhà quê và Cầu
Sương được tái bản năm 2011 với những giá trị của thế giới văn thơ tiền chiến và văn
học ở vùng tạm chiếm. Phong Lê cũng khẳng định trong bài viết này:“Tiểu thuyết
của Ngọc Giao cần được nhận thức và đánh giá lại. Để qua đó, cho ta một cách tiếp
cận khác, bao dung hơn trước các định kiến khắc nghiệt của một thời; cũng đồng thời
cho ta một nhận thức bao quát hơn về cuộc sống và con người trong mọi góc khuất
của nó”[65,10].
25
Bài viết Ngọc Giao, nhà văn giàu lòng thương người, thương đời của tác giả
Anh Chi đăng trên báo điện tử Nhân dân cuối tuần ngày 04/5/2011 đã giới thiệu khái
quát văn nghiệp của Ngọc Giao và khẳng định:“Đó là một sự nghiệp lớn!... có sức
sáng tạo dồi dào. Và đáng nói hơn Ngọc Giao đã nhanh chóng trở thành một nhà văn
được bạn đọc yêu mến, bởi một giọng văn trữ tình, tinh tế và bởi văn ông chứa đựng
những xúc cảm nhân bản sâu lắng”[19].
Trong bài Tác phẩm về Sài Gòn của nhà văn Ngọc Giao đăng trên diễn Tuổi
trẻ online ngày 6/5/2011, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã giới thiệu ngắn gọn
về việc tác phẩm Xóm Rá được xuất bản và giá trị hiện thực của tác phẩm. Từ đó một
lần nữa khẳng định:“Ngọc Giao là một tác gia văn học cần được nghiên cứu, tìm
hiểu, sau một thời gian dài im lặng, chìm khuất” [148].
Bàn về con người và văn chương Ngọc Giao, trong bài viết Khoảng im lặng
của bác Ngọc Giao, tác giả Trịnh Lữ trên trang blog cá nhân đã nhận xét: "Những
khắc họa của bác Ngọc Giao, dù là bằng ngôn từ, đều như những nét vẽ cụ thể,
thường thoáng đạt như ký họa, mà lúc nào cũng có những điểm nhấn, có sáng tối,
đậm nhạt, khi cần thì làm kĩ một hai chi tiết, khiến cho bức tranh có chính có phụ rõ
ràng, ai xem cũng phải có cảm xúc. Đó là nhờ tố chất hội họa sẵn có trong con người
của nhà văn"[118]. Đó là cá tính sáng tạo cần được quan tâm để khai thác thêm
những giá trị nghệ thuật trong văn xuôi Ngọc Giao.
Trong bài giới thiệu về tác phẩm Ngọc Giao nhân dịp xuất bản tuyển chọn 3
tập sách Bến đò rừng, Đốt lò hương cũ và Mưa thu với nhan đề Di cảo sau hơn nửa
thế kỷ nhà văn Ngọc Giao đăng trên báo điện tử Hà Nội mới ngày 12/4/2012, tác giả
T.Minh đã tiếp tục giới thiệu những nét chính trong văn nghiệp Ngọc Giao và khẳng
định vị trí của nhà văn:“Đọc Ngọc Giao, dẫu chỉ với bốn tập truyện mới in lại gần
đây, cùng với tiểu thuyết Nhà quê, Xóm Rá, Cầu sương vừa được xuất bản, ta vẫn có
thể yên tâm khi xếp ông vào đội ngũ những tác gia quen thuộc về Hà Nội, có vị trí
xứng đáng bên cạnh Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Vũ
Bằng...”[132]. Đó là sự khẳng định cho những đóng góp và vị trí không thể không
nhắc đến của Ngọc Giao trong dòng văn học lãng mạn Việt Nam.
Đặc biệt trong bài giới thiệu bộ sách Bến đò rừng, Đốt lò hương ấy và Mưa
thu xuất bản năm 2012, nhà nghiên cứu Phong Lê đánh giá khái quát toàn diện về
những gì Ngọc Giao để lại cho đời mà theo giáo sư “phải đến bây giờ tôi mới có thể
yên tâm đặt tên bài viết của mình về ông là Sự nghiệp viết của Ngọc Giao”. Bài viết
này một lần nữa khẳng định tên tuổi và sự nghiệp của Ngọc Giao trong nền văn học
nước nhà sau một thời gian dài các tác phẩm của Ngọc Giao được tái bản và độc giả
đương thời cũng đã ít nhiều biết đến nhà văn. Đó là một sự khẳng định chắc chắn,
26
khách quan của một nhà nghiên cứu về những đóng góp của Ngọc Giao sau một
hành trình dài chiêm nghiệm, nhận thức, rung cảm và ghi nhận.
Cùng với sự tái bản liên tiếp các tác phẩm của Ngọc Giao, bước đầu chúng tôi
thấy cũng đã có những công trình nghiên cứu chuyên biệt về truyện ngắn trước 1945
của Ngọc Giao. Trong đó phải kể đến luận văn thạc sĩ Truyện ngắn Ngọc Giao trong
bối cảnh truyện ngắn Việt Nam trước 1945 của tác giả Nguyễn Thị Ngân hoàn thành
năm 2012 tại Đại học Vinh. Luận văn đã đặt truyện ngắn Ngọc Giao trong bối cảnh
truyện ngắn Việt Nam trước 1945 để chỉ ra một số đặc điểm nổi bật trên các phương
diện đề tài, nhân vật, cảm hứng. Đồng thời tác giả đã chỉ ra đặc điểm giọng điệu,
ngôn ngữ, kết cấu truyện ngắn Ngọc Giao. Tiếp đó, năm 2015, tại Đại học Đà Nẵng,
luận văn thạc sĩ Đặc điểm truyện ngắn Ngọc Giao của Huỳnh Thị Hai với những
khám phá tiếp tục về hình tượng nhân vật, người kể chuyện, không gian và thời gian
nghệ thuật, cốt truyện, kết cấu, ngôn ngữ và giọng điệu. Cả hai tác giả luận văn đều
đặt Ngọc Giao trong tiến trình vận động của văn học Việt Nam hiện đại trước 1945,
đặc biệt là trong dòng truyện ngắn trữ tình trước 1945 để khẳng định sự có mặt của
Ngọc Giao góp phần làm phong phú cho đời sống văn học 1930-1945. Đọc truyện
ngắn Ngọc Giao, chúng ta bắt gặp một thế giới nhân vật phong phú đa dạng với hiện
thực được soi chiếu dưới nhiều góc độ trên những trang văn sâu lắng, tha thiết, nhiều
giọng điệu, giàu chất thơ. Tuy nhiên các công trình trên còn có nhiều điểm trùng lặp,
luận văn có những đặc điểm mới chỉ mang tính chất lược thuật cốt truyện chưa đi sâu
giải quyết vấn đề đặt ra. Nhưng đó cũng chính là những tiền đề đáng quý để chúng
tôi tiếp tục tìm hiểu trong luận án của mình.
Trong bài Nhà văn Ngọc Giao: Như hoa mai nở hai lần đăng trên báo điện tử
Tạp chí Sông Hương ngày 10/11/2014, tác giả Anh Chi tiếp tục ghi nhận những đóng
góp của Ngọc Giao với nền văn học nước nhà. Với những trang văn giàu mỹ cảm,
tràn đầy tình thương đời và thương người, Ngọc Giao là một nhà văn thành danh đã
viết thêm những giá trị nhân vãn sâu sắc cho lịch sử văn học hiện đại Việt Nam. Đặc
biệt với tuyển tập các tác phẩm hoàn thành trong những năm cuối đời “Hà Nội cũ
nằm đây”, tác giả Anh Chi nhận xét: “Trong lần nở hoa thứ hai, cây lão mai Ngọc
Giao dường như dâng cả cho Hà Nội, mảnh đất thân yêu đã nuôi dưỡng ông suốt
đời...Tác phẩm văn chương này đẹp lạ thường, nó như đợt hoa cuối cùng cây lão mai
Ngọc Giao đem trút hết cả cho Hà Nội”[20].
Quý I năm 2016, nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh
cho ra mắt bạn đọc tuyển tập truyện thiếu nhi của Ngọc Giao với tiêu đề Úm ba la
hang thuồng luồng. Trong lời giới thiệu sách, Phương Nam book đã khẳng định:
"Phong phú về thể loại, đa dạng về đề tài, cùng cách viết mới mẻ, linh hoạt, truyện
27
của Ngọc Giao đã góp phần làm giàu kho tàng truyện thiếu nhi nước nhà. Và dù chọn
đề tài nào, đưa các em vào không gian sống hiện thực hay huyền ảo, xưa hay nay,
truyện Ngọc Giao vẫn luôn hàm chứa những món quà đẹp cho các em nhỏ trên hành
trình hướng thiện."[70,6]. Bình luận về tập truyện này tác giả Lê Nhật Ký trên báo
Bình Định online cũng viết: "Với tuổi thơ, đó thực là một thế giới nghệ thuật đầy thú
vị, mở ra nhiều cơ hội trải nghiệm và thâu nhận bài học làm người... Sức hấp dẫn của
những truyện này chính là niềm đau khổ của con người và sự chiến thắng của cái
đẹp, cái thiện. Chính cái đẹp, cái thiện ấy đã cảm hóa Trời, Phật, đã thức tỉnh lương
tâm, khiến người ngay không bị xô ngã trên đường dây mong manh của số
phận"[95]. Đó là những đánh giá thích đáng về giá trị nhân văn giản dị, cao đẹp mà
nhà văn Ngọc Giao dành cho trẻ em.
Năm 2016, trong hai bài viết Một di sản văn chương cần được nghiên cứu thêm
của Việt Phong đăng trên Quân đội nhân dân online và bài Viết trong Hà Nội thời 1947-
1954 của Vũ Quần Phương đăng trên Văn nghệ số 42, các tác giả cũng đều khẳng định
trong thời kì 1947-1954, Ngọc Giao là nhà văn vẫn duy trì được lối viết nhịp nhàng,
giàu bút lực với nhiều tác phẩm có giá trị cả ở truyện ngắn và tiểu thuyết. Đồng thời,
trong cuốn Văn nghệ Hà Nội những năm 1947-1954 xuất bản năm 2017, tác giả Lê Văn
Ba đã phục dựng diện mạo và những chân dung văn nghệ sĩ thời kì 1947-1954 sáng tác
trong lòng Hà Nội với những đóng góp và thành tựu văn học đáng kể. Đặc biệt, tác giả
cũng cho rằng: Ngọc Giao là "cây bút giàu nghị lực, có trách nhiệm với xã hội, thời đại
mình đang sống"[8;155]. Đó là nhà văn yêu nghề với sức đi, sức viết đáng bái phục.
Trong thời gian này, Đất và Xóm Rá được coi như những tác phẩm đặc sắc nhất mà nói
như Nguyễn Đình Thi "Ngọc Giao đã đưa được vào văn học những thân phận rơm rác
nhất của con người khi ấy"[8;155].Với sự ghi nhận này, Ngọc Giao xứng đáng là cây
bút tiêu biểu cần được nghiên cứu cùng rất nhiều các tác giả khác viết trong lòng Hà Nội
những năm 1947-1954, một giai đoạn văn chương, nghệ thuật có nhiều thành tựu nhưng
chưa được quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu.
Tác giả Lê Tú Anh trong bài Phê bình văn học nhìn từ đầu thế kỉ XX đăng trên
Tạp chí Nghiên cứu văn học tháng 8/2017 cũng đã nhận thấy tình yêu Ngọc Giao
dành cho văn chương thật mãnh liệt vô cùng với một sự nỗ lực không ngừng nghỉ và
vận động tích cực trong tiến trình lao động nghệ thuật. Tác giả cũng cho rằng tiểu
thuyết là bộ phận quan trọng trong sáng tác của Ngọc Giao. Với cách tiếp cận hiện
thực từ góc nhìn đời tư mang tinh thần khách quan, dân tộc và nhân bản sâu sắc, tiểu
thuyết Ngọc Giao tuy dung lượng không nhiều nhưng đậm chất tiểu thuyết, đem lại
sức hấp dẫn bền lâu và đặc biệt thành công với nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật.
VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM_10325712052019
VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM_10325712052019
VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM_10325712052019
VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM_10325712052019
VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM_10325712052019
VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM_10325712052019
VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM_10325712052019
VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM_10325712052019
VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM_10325712052019
VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM_10325712052019
VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM_10325712052019
VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM_10325712052019
VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM_10325712052019
VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM_10325712052019
VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM_10325712052019
VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM_10325712052019
VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM_10325712052019
VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM_10325712052019
VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM_10325712052019
VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM_10325712052019
VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM_10325712052019
VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM_10325712052019
VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM_10325712052019
VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM_10325712052019
VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM_10325712052019
VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM_10325712052019
VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM_10325712052019
VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM_10325712052019
VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM_10325712052019
VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM_10325712052019
VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM_10325712052019
VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM_10325712052019
VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM_10325712052019
VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM_10325712052019
VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM_10325712052019
VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM_10325712052019
VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM_10325712052019
VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM_10325712052019
VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM_10325712052019
VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM_10325712052019
VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM_10325712052019

More Related Content

What's hot

Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh tháiLuận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh tháinataliej4
 
Giao thoa thể loại trong Hồi ký Tô Hoài (Qua Cát bụi chân ai, Chiều chiều, ch...
Giao thoa thể loại trong Hồi ký Tô Hoài (Qua Cát bụi chân ai, Chiều chiều, ch...Giao thoa thể loại trong Hồi ký Tô Hoài (Qua Cát bụi chân ai, Chiều chiều, ch...
Giao thoa thể loại trong Hồi ký Tô Hoài (Qua Cát bụi chân ai, Chiều chiều, ch...nataliej4
 
PHONG CÁCH HỌC TIẾNG VIỆT
PHONG CÁCH HỌC TIẾNG VIỆT PHONG CÁCH HỌC TIẾNG VIỆT
PHONG CÁCH HỌC TIẾNG VIỆT nataliej4
 
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260nataliej4
 
PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC
PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC
PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC nataliej4
 
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 

What's hot (20)

Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOTLuận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
 
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh tháiLuận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
 
Giao thoa thể loại trong Hồi ký Tô Hoài (Qua Cát bụi chân ai, Chiều chiều, ch...
Giao thoa thể loại trong Hồi ký Tô Hoài (Qua Cát bụi chân ai, Chiều chiều, ch...Giao thoa thể loại trong Hồi ký Tô Hoài (Qua Cát bụi chân ai, Chiều chiều, ch...
Giao thoa thể loại trong Hồi ký Tô Hoài (Qua Cát bụi chân ai, Chiều chiều, ch...
 
Luận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đ
Luận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đLuận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đ
Luận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đ
 
Luận văn: Diễn ngôn về giới nữ của các nhà văn nữ đương đại, HOT
Luận văn: Diễn ngôn về giới nữ của các nhà văn nữ đương đại, HOTLuận văn: Diễn ngôn về giới nữ của các nhà văn nữ đương đại, HOT
Luận văn: Diễn ngôn về giới nữ của các nhà văn nữ đương đại, HOT
 
Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ trẻ Việt Nam 1965 - 1975, HAY
Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ trẻ Việt Nam 1965 - 1975, HAYLuận án: Cái tôi trữ tình trong thơ trẻ Việt Nam 1965 - 1975, HAY
Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ trẻ Việt Nam 1965 - 1975, HAY
 
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt NamLuận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
Luận văn: Kiểu truyện người lấy vật trong truyện cổ tích Việt Nam
 
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyếtLuận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
 
PHONG CÁCH HỌC TIẾNG VIỆT
PHONG CÁCH HỌC TIẾNG VIỆT PHONG CÁCH HỌC TIẾNG VIỆT
PHONG CÁCH HỌC TIẾNG VIỆT
 
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật ÁnhĐề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
 
Luận văn: Đặc điểm nghệ thuật truyện của Kawabata Yasunari, 9đ
Luận văn: Đặc điểm nghệ thuật truyện của Kawabata Yasunari, 9đLuận văn: Đặc điểm nghệ thuật truyện của Kawabata Yasunari, 9đ
Luận văn: Đặc điểm nghệ thuật truyện của Kawabata Yasunari, 9đ
 
Luận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIX
Luận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIXLuận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIX
Luận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIX
 
Luận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOT
Luận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOTLuận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOT
Luận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOT
 
Đề tài: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu
Đề tài: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Minh ChâuĐề tài: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu
Đề tài: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu
 
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260
 
Luận văn: Cái Tôi cô đơn trong thơ mới và thơ đương đại, HAY
Luận văn: Cái Tôi cô đơn trong thơ mới và thơ đương đại, HAYLuận văn: Cái Tôi cô đơn trong thơ mới và thơ đương đại, HAY
Luận văn: Cái Tôi cô đơn trong thơ mới và thơ đương đại, HAY
 
Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam từ 1965 đến 1975, 9đ
Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam từ 1965 đến 1975, 9đLuận án: Cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam từ 1965 đến 1975, 9đ
Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam từ 1965 đến 1975, 9đ
 
Luận án: Thế giới nghệ thuật của Nguyên Hồng trước năm 1945
Luận án: Thế giới nghệ thuật của Nguyên Hồng trước năm 1945Luận án: Thế giới nghệ thuật của Nguyên Hồng trước năm 1945
Luận án: Thế giới nghệ thuật của Nguyên Hồng trước năm 1945
 
PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC
PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC
PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC
 
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
 

Similar to VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM_10325712052019

Ngôn ngữ phê bình văn học trong Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan - Gửi miễn ...
Ngôn ngữ phê bình văn học trong Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan - Gửi miễn ...Ngôn ngữ phê bình văn học trong Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan - Gửi miễn ...
Ngôn ngữ phê bình văn học trong Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan - Gửi miễn ...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Trước tác của Phan Mạnh danh trong bối cảnh hiện đại hóa văn học Việt Nam
Trước tác của Phan Mạnh danh trong bối cảnh hiện đại hóa văn học Việt NamTrước tác của Phan Mạnh danh trong bối cảnh hiện đại hóa văn học Việt Nam
Trước tác của Phan Mạnh danh trong bối cảnh hiện đại hóa văn học Việt NamDịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
Tailieu.vncty.com the loai-tuy_but_trong_van_hoc_viet_nam_tu_1930_den_1975
Tailieu.vncty.com   the loai-tuy_but_trong_van_hoc_viet_nam_tu_1930_den_1975Tailieu.vncty.com   the loai-tuy_but_trong_van_hoc_viet_nam_tu_1930_den_1975
Tailieu.vncty.com the loai-tuy_but_trong_van_hoc_viet_nam_tu_1930_den_1975Trần Đức Anh
 
Tim hieu dac_trung_ngon_ngu_trong_truyen_ki_cua_nguyen_tuan_4705
Tim hieu dac_trung_ngon_ngu_trong_truyen_ki_cua_nguyen_tuan_4705Tim hieu dac_trung_ngon_ngu_trong_truyen_ki_cua_nguyen_tuan_4705
Tim hieu dac_trung_ngon_ngu_trong_truyen_ki_cua_nguyen_tuan_4705Garment Space Blog0
 
Luận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki Murakami
Luận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki MurakamiLuận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki Murakami
Luận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki MurakamiDịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM TRUYỆN NGẮN NỮ VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN NAY_1024...
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM TRUYỆN NGẮN NỮ VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN NAY_1024...LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM TRUYỆN NGẮN NỮ VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN NAY_1024...
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM TRUYỆN NGẮN NỮ VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN NAY_1024...PinkHandmade
 
TRUYỆN NGẮN NỮ VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN NAY.pdf
TRUYỆN NGẮN NỮ VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN NAY.pdfTRUYỆN NGẮN NỮ VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN NAY.pdf
TRUYỆN NGẮN NỮ VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN NAY.pdfNuioKila
 
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy Tự
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy TựTìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy Tự
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy TựDịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
đặC điểm tiểu thuyết hồ biểu chánh
đặC điểm tiểu thuyết hồ biểu chánhđặC điểm tiểu thuyết hồ biểu chánh
đặC điểm tiểu thuyết hồ biểu chánhKelsi Luist
 

Similar to VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM_10325712052019 (20)

Luận án: Đặc điểm du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX, HOT
Luận án: Đặc điểm du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX, HOTLuận án: Đặc điểm du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX, HOT
Luận án: Đặc điểm du kí Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX, HOT
 
Ngôn ngữ phê bình văn học trong Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan - Gửi miễn ...
Ngôn ngữ phê bình văn học trong Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan - Gửi miễn ...Ngôn ngữ phê bình văn học trong Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan - Gửi miễn ...
Ngôn ngữ phê bình văn học trong Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan - Gửi miễn ...
 
Trước tác của Phan Mạnh danh trong bối cảnh hiện đại hóa văn học Việt Nam
Trước tác của Phan Mạnh danh trong bối cảnh hiện đại hóa văn học Việt NamTrước tác của Phan Mạnh danh trong bối cảnh hiện đại hóa văn học Việt Nam
Trước tác của Phan Mạnh danh trong bối cảnh hiện đại hóa văn học Việt Nam
 
Luận án: Đặc điểm tùy bút ở đô thị miền Nam (1954 – 1975)
Luận án: Đặc điểm tùy bút ở đô thị miền Nam (1954 – 1975)Luận án: Đặc điểm tùy bút ở đô thị miền Nam (1954 – 1975)
Luận án: Đặc điểm tùy bút ở đô thị miền Nam (1954 – 1975)
 
Tailieu.vncty.com the loai-tuy_but_trong_van_hoc_viet_nam_tu_1930_den_1975
Tailieu.vncty.com   the loai-tuy_but_trong_van_hoc_viet_nam_tu_1930_den_1975Tailieu.vncty.com   the loai-tuy_but_trong_van_hoc_viet_nam_tu_1930_den_1975
Tailieu.vncty.com the loai-tuy_but_trong_van_hoc_viet_nam_tu_1930_den_1975
 
Luận án: Đặc điểm hồi ký văn học Việt Nam từ 1975 đến 2010
Luận án: Đặc điểm hồi ký văn học Việt Nam từ 1975 đến 2010Luận án: Đặc điểm hồi ký văn học Việt Nam từ 1975 đến 2010
Luận án: Đặc điểm hồi ký văn học Việt Nam từ 1975 đến 2010
 
Luận văn: Đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX
Luận văn: Đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XXLuận văn: Đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX
Luận văn: Đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX
 
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAYLuận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
 
Tim hieu dac_trung_ngon_ngu_trong_truyen_ki_cua_nguyen_tuan_4705
Tim hieu dac_trung_ngon_ngu_trong_truyen_ki_cua_nguyen_tuan_4705Tim hieu dac_trung_ngon_ngu_trong_truyen_ki_cua_nguyen_tuan_4705
Tim hieu dac_trung_ngon_ngu_trong_truyen_ki_cua_nguyen_tuan_4705
 
Luận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki Murakami
Luận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki MurakamiLuận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki Murakami
Luận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki Murakami
 
Luận án: Truyện ngắn nữ Việt Nam từ 1986 đến nay, HAY
Luận án: Truyện ngắn nữ Việt Nam từ 1986 đến nay, HAYLuận án: Truyện ngắn nữ Việt Nam từ 1986 đến nay, HAY
Luận án: Truyện ngắn nữ Việt Nam từ 1986 đến nay, HAY
 
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM TRUYỆN NGẮN NỮ VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN NAY_1024...
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM TRUYỆN NGẮN NỮ VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN NAY_1024...LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM TRUYỆN NGẮN NỮ VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN NAY_1024...
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM TRUYỆN NGẮN NỮ VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN NAY_1024...
 
TRUYỆN NGẮN NỮ VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN NAY.pdf
TRUYỆN NGẮN NỮ VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN NAY.pdfTRUYỆN NGẮN NỮ VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN NAY.pdf
TRUYỆN NGẮN NỮ VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN NAY.pdf
 
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy Tự
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy TựTìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy Tự
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy Tự
 
Đặc điểm thể chân dung và văn học của Hồ Anh Thái
Đặc điểm thể chân dung và văn học của Hồ Anh TháiĐặc điểm thể chân dung và văn học của Hồ Anh Thái
Đặc điểm thể chân dung và văn học của Hồ Anh Thái
 
Đặc Điểm Tiểu Thuyết Lịch Sử Nguyễn Triệu Luật.doc
Đặc Điểm Tiểu Thuyết Lịch Sử Nguyễn Triệu Luật.docĐặc Điểm Tiểu Thuyết Lịch Sử Nguyễn Triệu Luật.doc
Đặc Điểm Tiểu Thuyết Lịch Sử Nguyễn Triệu Luật.doc
 
Luận văn: Hình tượng tác giả trong tiểu thuyết thời kỳ đổi mới của Nguyễn Khải
Luận văn: Hình tượng tác giả trong tiểu thuyết thời kỳ đổi mới của Nguyễn KhảiLuận văn: Hình tượng tác giả trong tiểu thuyết thời kỳ đổi mới của Nguyễn Khải
Luận văn: Hình tượng tác giả trong tiểu thuyết thời kỳ đổi mới của Nguyễn Khải
 
Thời đại, cuộc đời, con người, quan niệm, sự nghiệp sáng tác, thơ của Xuân Di...
Thời đại, cuộc đời, con người, quan niệm, sự nghiệp sáng tác, thơ của Xuân Di...Thời đại, cuộc đời, con người, quan niệm, sự nghiệp sáng tác, thơ của Xuân Di...
Thời đại, cuộc đời, con người, quan niệm, sự nghiệp sáng tác, thơ của Xuân Di...
 
đặC điểm tiểu thuyết hồ biểu chánh
đặC điểm tiểu thuyết hồ biểu chánhđặC điểm tiểu thuyết hồ biểu chánh
đặC điểm tiểu thuyết hồ biểu chánh
 
Luận án: Phát triển văn xuôi các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc
Luận án: Phát triển văn xuôi các dân tộc thiểu số miền núi phía BắcLuận án: Phát triển văn xuôi các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc
Luận án: Phát triển văn xuôi các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc
 

More from hanhha12

Báo cáo tình hình thực hiện Quyết định 322010QĐ-TTg về Pháttriển nghề Công Tá...
Báo cáo tình hình thực hiện Quyết định 322010QĐ-TTg về Pháttriển nghề Công Tá...Báo cáo tình hình thực hiện Quyết định 322010QĐ-TTg về Pháttriển nghề Công Tá...
Báo cáo tình hình thực hiện Quyết định 322010QĐ-TTg về Pháttriển nghề Công Tá...hanhha12
 
BÁO CÁO TÌNH HÌNH D TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH CHỒI CỎ HẠI MÍA VÀ KẾT QUẢ PHÒNG CH P...
BÁO CÁO TÌNH HÌNH D TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH CHỒI CỎ HẠI MÍA VÀ KẾT QUẢ PHÒNG CH P...BÁO CÁO TÌNH HÌNH D TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH CHỒI CỎ HẠI MÍA VÀ KẾT QUẢ PHÒNG CH P...
BÁO CÁO TÌNH HÌNH D TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH CHỒI CỎ HẠI MÍA VÀ KẾT QUẢ PHÒNG CH P...hanhha12
 
Báo cáo rà soát thể chế chuỗi giá trị lúa gạo_10490912092019
Báo cáo rà soát thể chế chuỗi giá trị lúa gạo_10490912092019Báo cáo rà soát thể chế chuỗi giá trị lúa gạo_10490912092019
Báo cáo rà soát thể chế chuỗi giá trị lúa gạo_10490912092019hanhha12
 
BÁO CÁO QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TỈNH KHÁNH HOÀ ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌ...
BÁO CÁO QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TỈNH KHÁNH HOÀ ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌ...BÁO CÁO QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TỈNH KHÁNH HOÀ ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌ...
BÁO CÁO QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TỈNH KHÁNH HOÀ ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌ...hanhha12
 
BÁO CÁO QUY HOẠCH CHI TIẾT NHÓM CẢNG BIỂN SỐ 5 (NHÓM CẢNG BIỂN ĐÔNG NAM BỘ)_1...
BÁO CÁO QUY HOẠCH CHI TIẾT NHÓM CẢNG BIỂN SỐ 5 (NHÓM CẢNG BIỂN ĐÔNG NAM BỘ)_1...BÁO CÁO QUY HOẠCH CHI TIẾT NHÓM CẢNG BIỂN SỐ 5 (NHÓM CẢNG BIỂN ĐÔNG NAM BỘ)_1...
BÁO CÁO QUY HOẠCH CHI TIẾT NHÓM CẢNG BIỂN SỐ 5 (NHÓM CẢNG BIỂN ĐÔNG NAM BỘ)_1...hanhha12
 
BÁO CÁO QUY HOẠCH CHI TIẾT NHÓM CẢNG BIỂN SỐ 5 (NHÓM CẢNG BIỂN ĐÔNG NAM BỘ) B...
BÁO CÁO QUY HOẠCH CHI TIẾT NHÓM CẢNG BIỂN SỐ 5 (NHÓM CẢNG BIỂN ĐÔNG NAM BỘ) B...BÁO CÁO QUY HOẠCH CHI TIẾT NHÓM CẢNG BIỂN SỐ 5 (NHÓM CẢNG BIỂN ĐÔNG NAM BỘ) B...
BÁO CÁO QUY HOẠCH CHI TIẾT NHÓM CẢNG BIỂN SỐ 5 (NHÓM CẢNG BIỂN ĐÔNG NAM BỘ) B...hanhha12
 
BÁO CÁO QUỐC GIA Về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn bức xạ v...
BÁO CÁO QUỐC GIA Về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn bức xạ v...BÁO CÁO QUỐC GIA Về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn bức xạ v...
BÁO CÁO QUỐC GIA Về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn bức xạ v...hanhha12
 
BÁO CÁO PHÂN TÍCH XU HƯỚNG CÔNG NGHỆ Chuyên đề CÔNG NGHỆ IN 3D – HƯỚNG ỨNG DỤ...
BÁO CÁO PHÂN TÍCH XU HƯỚNG CÔNG NGHỆ Chuyên đề CÔNG NGHỆ IN 3D – HƯỚNG ỨNG DỤ...BÁO CÁO PHÂN TÍCH XU HƯỚNG CÔNG NGHỆ Chuyên đề CÔNG NGHỆ IN 3D – HƯỚNG ỨNG DỤ...
BÁO CÁO PHÂN TÍCH XU HƯỚNG CÔNG NGHỆ Chuyên đề CÔNG NGHỆ IN 3D – HƯỚNG ỨNG DỤ...hanhha12
 
Báo cáo phát triển bền vững 2014 Vì Một Thế Giới Tốt Đẹp Hơn_10484412092019
Báo cáo phát triển bền vững 2014 Vì Một Thế Giới Tốt Đẹp Hơn_10484412092019Báo cáo phát triển bền vững 2014 Vì Một Thế Giới Tốt Đẹp Hơn_10484412092019
Báo cáo phát triển bền vững 2014 Vì Một Thế Giới Tốt Đẹp Hơn_10484412092019hanhha12
 
BÁO CÁO Nghiên cứu về khả năng tham gia Sáng kiến Đối tác Chính phủ mở (OGP) ...
BÁO CÁO Nghiên cứu về khả năng tham gia Sáng kiến Đối tác Chính phủ mở (OGP) ...BÁO CÁO Nghiên cứu về khả năng tham gia Sáng kiến Đối tác Chính phủ mở (OGP) ...
BÁO CÁO Nghiên cứu về khả năng tham gia Sáng kiến Đối tác Chính phủ mở (OGP) ...hanhha12
 
Báo cáo nghiên cứu trị trường Du lịch và Bất động sản du lịch biển Việt Nam_1...
Báo cáo nghiên cứu trị trường Du lịch và Bất động sản du lịch biển Việt Nam_1...Báo cáo nghiên cứu trị trường Du lịch và Bất động sản du lịch biển Việt Nam_1...
Báo cáo nghiên cứu trị trường Du lịch và Bất động sản du lịch biển Việt Nam_1...hanhha12
 
BÁO CÁO NGHIÊN CỨU PHÂN VÙNG PHỤC VỤ QUY HOẠCH GIAI ĐOẠN 2021-2030_1048221209...
BÁO CÁO NGHIÊN CỨU PHÂN VÙNG PHỤC VỤ QUY HOẠCH GIAI ĐOẠN 2021-2030_1048221209...BÁO CÁO NGHIÊN CỨU PHÂN VÙNG PHỤC VỤ QUY HOẠCH GIAI ĐOẠN 2021-2030_1048221209...
BÁO CÁO NGHIÊN CỨU PHÂN VÙNG PHỤC VỤ QUY HOẠCH GIAI ĐOẠN 2021-2030_1048221209...hanhha12
 
BÁO CÁO NGHIÊN CỨU Hiện trạng trải nghiệm y tế và nhu cầu chuyển đổi giới tín...
BÁO CÁO NGHIÊN CỨU Hiện trạng trải nghiệm y tế và nhu cầu chuyển đổi giới tín...BÁO CÁO NGHIÊN CỨU Hiện trạng trải nghiệm y tế và nhu cầu chuyển đổi giới tín...
BÁO CÁO NGHIÊN CỨU Hiện trạng trải nghiệm y tế và nhu cầu chuyển đổi giới tín...hanhha12
 
BÁO CÁO NGÀNH PHÂN BÓN VÔ CƠ_10481212092019
BÁO CÁO NGÀNH PHÂN BÓN VÔ CƠ_10481212092019BÁO CÁO NGÀNH PHÂN BÓN VÔ CƠ_10481212092019
BÁO CÁO NGÀNH PHÂN BÓN VÔ CƠ_10481212092019hanhha12
 
BÁO CÁO NGÀNH KHÍ -TĂNG TRƯỞNG BỀN VỮNG TIẾN ĐẾN CẠNH TRANH LÀNH MẠNH_1048101...
BÁO CÁO NGÀNH KHÍ -TĂNG TRƯỞNG BỀN VỮNG TIẾN ĐẾN CẠNH TRANH LÀNH MẠNH_1048101...BÁO CÁO NGÀNH KHÍ -TĂNG TRƯỞNG BỀN VỮNG TIẾN ĐẾN CẠNH TRANH LÀNH MẠNH_1048101...
BÁO CÁO NGÀNH KHÍ -TĂNG TRƯỞNG BỀN VỮNG TIẾN ĐẾN CẠNH TRANH LÀNH MẠNH_1048101...hanhha12
 
BÁO CÁO NGÀNH ĐƯỜNG _10480712092019
BÁO CÁO NGÀNH ĐƯỜNG _10480712092019BÁO CÁO NGÀNH ĐƯỜNG _10480712092019
BÁO CÁO NGÀNH ĐƯỜNG _10480712092019hanhha12
 
BÁO CÁO NGÀNH CÔNG NGHỆ THÔNG TIN_10480312092019
BÁO CÁO NGÀNH CÔNG NGHỆ THÔNG TIN_10480312092019BÁO CÁO NGÀNH CÔNG NGHỆ THÔNG TIN_10480312092019
BÁO CÁO NGÀNH CÔNG NGHỆ THÔNG TIN_10480312092019hanhha12
 
BÁO CÁO NGÀNH CẢNG BIỂN_10475912092019
BÁO CÁO NGÀNH CẢNG BIỂN_10475912092019BÁO CÁO NGÀNH CẢNG BIỂN_10475912092019
BÁO CÁO NGÀNH CẢNG BIỂN_10475912092019hanhha12
 
BÁO CÁO NGÀNH BIA_10475712092019
BÁO CÁO NGÀNH BIA_10475712092019BÁO CÁO NGÀNH BIA_10475712092019
BÁO CÁO NGÀNH BIA_10475712092019hanhha12
 
BÁO CÁO NGÀNH BIA - CÂU CHUYỆN THOÁI VỐN NHÀ NƯỚC VÀ DIỆN MẠO MỚI CHO NGÀNH B...
BÁO CÁO NGÀNH BIA - CÂU CHUYỆN THOÁI VỐN NHÀ NƯỚC VÀ DIỆN MẠO MỚI CHO NGÀNH B...BÁO CÁO NGÀNH BIA - CÂU CHUYỆN THOÁI VỐN NHÀ NƯỚC VÀ DIỆN MẠO MỚI CHO NGÀNH B...
BÁO CÁO NGÀNH BIA - CÂU CHUYỆN THOÁI VỐN NHÀ NƯỚC VÀ DIỆN MẠO MỚI CHO NGÀNH B...hanhha12
 

More from hanhha12 (20)

Báo cáo tình hình thực hiện Quyết định 322010QĐ-TTg về Pháttriển nghề Công Tá...
Báo cáo tình hình thực hiện Quyết định 322010QĐ-TTg về Pháttriển nghề Công Tá...Báo cáo tình hình thực hiện Quyết định 322010QĐ-TTg về Pháttriển nghề Công Tá...
Báo cáo tình hình thực hiện Quyết định 322010QĐ-TTg về Pháttriển nghề Công Tá...
 
BÁO CÁO TÌNH HÌNH D TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH CHỒI CỎ HẠI MÍA VÀ KẾT QUẢ PHÒNG CH P...
BÁO CÁO TÌNH HÌNH D TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH CHỒI CỎ HẠI MÍA VÀ KẾT QUẢ PHÒNG CH P...BÁO CÁO TÌNH HÌNH D TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH CHỒI CỎ HẠI MÍA VÀ KẾT QUẢ PHÒNG CH P...
BÁO CÁO TÌNH HÌNH D TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH CHỒI CỎ HẠI MÍA VÀ KẾT QUẢ PHÒNG CH P...
 
Báo cáo rà soát thể chế chuỗi giá trị lúa gạo_10490912092019
Báo cáo rà soát thể chế chuỗi giá trị lúa gạo_10490912092019Báo cáo rà soát thể chế chuỗi giá trị lúa gạo_10490912092019
Báo cáo rà soát thể chế chuỗi giá trị lúa gạo_10490912092019
 
BÁO CÁO QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TỈNH KHÁNH HOÀ ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌ...
BÁO CÁO QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TỈNH KHÁNH HOÀ ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌ...BÁO CÁO QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TỈNH KHÁNH HOÀ ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌ...
BÁO CÁO QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TỈNH KHÁNH HOÀ ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌ...
 
BÁO CÁO QUY HOẠCH CHI TIẾT NHÓM CẢNG BIỂN SỐ 5 (NHÓM CẢNG BIỂN ĐÔNG NAM BỘ)_1...
BÁO CÁO QUY HOẠCH CHI TIẾT NHÓM CẢNG BIỂN SỐ 5 (NHÓM CẢNG BIỂN ĐÔNG NAM BỘ)_1...BÁO CÁO QUY HOẠCH CHI TIẾT NHÓM CẢNG BIỂN SỐ 5 (NHÓM CẢNG BIỂN ĐÔNG NAM BỘ)_1...
BÁO CÁO QUY HOẠCH CHI TIẾT NHÓM CẢNG BIỂN SỐ 5 (NHÓM CẢNG BIỂN ĐÔNG NAM BỘ)_1...
 
BÁO CÁO QUY HOẠCH CHI TIẾT NHÓM CẢNG BIỂN SỐ 5 (NHÓM CẢNG BIỂN ĐÔNG NAM BỘ) B...
BÁO CÁO QUY HOẠCH CHI TIẾT NHÓM CẢNG BIỂN SỐ 5 (NHÓM CẢNG BIỂN ĐÔNG NAM BỘ) B...BÁO CÁO QUY HOẠCH CHI TIẾT NHÓM CẢNG BIỂN SỐ 5 (NHÓM CẢNG BIỂN ĐÔNG NAM BỘ) B...
BÁO CÁO QUY HOẠCH CHI TIẾT NHÓM CẢNG BIỂN SỐ 5 (NHÓM CẢNG BIỂN ĐÔNG NAM BỘ) B...
 
BÁO CÁO QUỐC GIA Về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn bức xạ v...
BÁO CÁO QUỐC GIA Về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn bức xạ v...BÁO CÁO QUỐC GIA Về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn bức xạ v...
BÁO CÁO QUỐC GIA Về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn bức xạ v...
 
BÁO CÁO PHÂN TÍCH XU HƯỚNG CÔNG NGHỆ Chuyên đề CÔNG NGHỆ IN 3D – HƯỚNG ỨNG DỤ...
BÁO CÁO PHÂN TÍCH XU HƯỚNG CÔNG NGHỆ Chuyên đề CÔNG NGHỆ IN 3D – HƯỚNG ỨNG DỤ...BÁO CÁO PHÂN TÍCH XU HƯỚNG CÔNG NGHỆ Chuyên đề CÔNG NGHỆ IN 3D – HƯỚNG ỨNG DỤ...
BÁO CÁO PHÂN TÍCH XU HƯỚNG CÔNG NGHỆ Chuyên đề CÔNG NGHỆ IN 3D – HƯỚNG ỨNG DỤ...
 
Báo cáo phát triển bền vững 2014 Vì Một Thế Giới Tốt Đẹp Hơn_10484412092019
Báo cáo phát triển bền vững 2014 Vì Một Thế Giới Tốt Đẹp Hơn_10484412092019Báo cáo phát triển bền vững 2014 Vì Một Thế Giới Tốt Đẹp Hơn_10484412092019
Báo cáo phát triển bền vững 2014 Vì Một Thế Giới Tốt Đẹp Hơn_10484412092019
 
BÁO CÁO Nghiên cứu về khả năng tham gia Sáng kiến Đối tác Chính phủ mở (OGP) ...
BÁO CÁO Nghiên cứu về khả năng tham gia Sáng kiến Đối tác Chính phủ mở (OGP) ...BÁO CÁO Nghiên cứu về khả năng tham gia Sáng kiến Đối tác Chính phủ mở (OGP) ...
BÁO CÁO Nghiên cứu về khả năng tham gia Sáng kiến Đối tác Chính phủ mở (OGP) ...
 
Báo cáo nghiên cứu trị trường Du lịch và Bất động sản du lịch biển Việt Nam_1...
Báo cáo nghiên cứu trị trường Du lịch và Bất động sản du lịch biển Việt Nam_1...Báo cáo nghiên cứu trị trường Du lịch và Bất động sản du lịch biển Việt Nam_1...
Báo cáo nghiên cứu trị trường Du lịch và Bất động sản du lịch biển Việt Nam_1...
 
BÁO CÁO NGHIÊN CỨU PHÂN VÙNG PHỤC VỤ QUY HOẠCH GIAI ĐOẠN 2021-2030_1048221209...
BÁO CÁO NGHIÊN CỨU PHÂN VÙNG PHỤC VỤ QUY HOẠCH GIAI ĐOẠN 2021-2030_1048221209...BÁO CÁO NGHIÊN CỨU PHÂN VÙNG PHỤC VỤ QUY HOẠCH GIAI ĐOẠN 2021-2030_1048221209...
BÁO CÁO NGHIÊN CỨU PHÂN VÙNG PHỤC VỤ QUY HOẠCH GIAI ĐOẠN 2021-2030_1048221209...
 
BÁO CÁO NGHIÊN CỨU Hiện trạng trải nghiệm y tế và nhu cầu chuyển đổi giới tín...
BÁO CÁO NGHIÊN CỨU Hiện trạng trải nghiệm y tế và nhu cầu chuyển đổi giới tín...BÁO CÁO NGHIÊN CỨU Hiện trạng trải nghiệm y tế và nhu cầu chuyển đổi giới tín...
BÁO CÁO NGHIÊN CỨU Hiện trạng trải nghiệm y tế và nhu cầu chuyển đổi giới tín...
 
BÁO CÁO NGÀNH PHÂN BÓN VÔ CƠ_10481212092019
BÁO CÁO NGÀNH PHÂN BÓN VÔ CƠ_10481212092019BÁO CÁO NGÀNH PHÂN BÓN VÔ CƠ_10481212092019
BÁO CÁO NGÀNH PHÂN BÓN VÔ CƠ_10481212092019
 
BÁO CÁO NGÀNH KHÍ -TĂNG TRƯỞNG BỀN VỮNG TIẾN ĐẾN CẠNH TRANH LÀNH MẠNH_1048101...
BÁO CÁO NGÀNH KHÍ -TĂNG TRƯỞNG BỀN VỮNG TIẾN ĐẾN CẠNH TRANH LÀNH MẠNH_1048101...BÁO CÁO NGÀNH KHÍ -TĂNG TRƯỞNG BỀN VỮNG TIẾN ĐẾN CẠNH TRANH LÀNH MẠNH_1048101...
BÁO CÁO NGÀNH KHÍ -TĂNG TRƯỞNG BỀN VỮNG TIẾN ĐẾN CẠNH TRANH LÀNH MẠNH_1048101...
 
BÁO CÁO NGÀNH ĐƯỜNG _10480712092019
BÁO CÁO NGÀNH ĐƯỜNG _10480712092019BÁO CÁO NGÀNH ĐƯỜNG _10480712092019
BÁO CÁO NGÀNH ĐƯỜNG _10480712092019
 
BÁO CÁO NGÀNH CÔNG NGHỆ THÔNG TIN_10480312092019
BÁO CÁO NGÀNH CÔNG NGHỆ THÔNG TIN_10480312092019BÁO CÁO NGÀNH CÔNG NGHỆ THÔNG TIN_10480312092019
BÁO CÁO NGÀNH CÔNG NGHỆ THÔNG TIN_10480312092019
 
BÁO CÁO NGÀNH CẢNG BIỂN_10475912092019
BÁO CÁO NGÀNH CẢNG BIỂN_10475912092019BÁO CÁO NGÀNH CẢNG BIỂN_10475912092019
BÁO CÁO NGÀNH CẢNG BIỂN_10475912092019
 
BÁO CÁO NGÀNH BIA_10475712092019
BÁO CÁO NGÀNH BIA_10475712092019BÁO CÁO NGÀNH BIA_10475712092019
BÁO CÁO NGÀNH BIA_10475712092019
 
BÁO CÁO NGÀNH BIA - CÂU CHUYỆN THOÁI VỐN NHÀ NƯỚC VÀ DIỆN MẠO MỚI CHO NGÀNH B...
BÁO CÁO NGÀNH BIA - CÂU CHUYỆN THOÁI VỐN NHÀ NƯỚC VÀ DIỆN MẠO MỚI CHO NGÀNH B...BÁO CÁO NGÀNH BIA - CÂU CHUYỆN THOÁI VỐN NHÀ NƯỚC VÀ DIỆN MẠO MỚI CHO NGÀNH B...
BÁO CÁO NGÀNH BIA - CÂU CHUYỆN THOÁI VỐN NHÀ NƯỚC VÀ DIỆN MẠO MỚI CHO NGÀNH B...
 

Recently uploaded

Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...Học viện Kstudy
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...ThunTrn734461
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Ma trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tế
Ma trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tếMa trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tế
Ma trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tếngTonH1
 
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoabài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa2353020138
 
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hoc
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hocBai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hoc
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hocVnPhan58
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...hoangtuansinh1
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líDr K-OGN
 
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...Nguyen Thanh Tu Collection
 
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...Nguyen Thanh Tu Collection
 
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhvanhathvc
 
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdfSơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdftohoanggiabao81
 
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxChàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxendkay31
 
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXH
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXHTư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXH
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXHThaoPhuong154017
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxTrích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxnhungdt08102004
 

Recently uploaded (20)

Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
 
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Ma trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tế
Ma trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tếMa trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tế
Ma trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tế
 
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoabài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
 
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hoc
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hocBai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hoc
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hoc
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
 
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
 
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
 
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
 
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdfSơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
 
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxChàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
 
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXH
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXHTư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXH
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXH
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
 
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxTrích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
 

VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM_10325712052019

  • 1. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI NGHIÊM THỊ HỒ THU VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM Ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 9 22 01 21 LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: 1.GS Phong Lê 2. PGS.TS Lưu Khánh Thơ HÀ NỘI, 2018
  • 2. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các kết quả nghiên cứu của luận án là trung thực và chưa được công bố trong bất kì công trình nào khác. Tác giả luận án Nghiêm Thị Hồ Thu
  • 3. MỤC LỤC MỞ ĐẦU ....................................................................................................................... 1 CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU ............................................ 6 1.1. Tổng quan về văn học hiện đại Việt Nam và sự xuất hiện của nhà văn Ngọc Giao ... 6 1.2 Tổng quan tình hình nghiên cứu về tác giả Ngọc Giao .......................................... 20 CHƯƠNG 2. VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG BỐI CẢNH XÃ HỘI THẾ KỈ XX ........................................................................................................................... 32 2.1. Cơ sở hình thành văn xuôi Ngọc Giao .................................................................. 32 2.2. Quá trình sáng tác của nhà văn Ngọc Giao ........................................................... 40 2.3. Quan niệm nghệ thuật Ngọc Giao.......................................................................... 55 CHƯƠNG 3. ĐỀ TÀI VÀ NHÂN VẬT VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM ................................................. 61 3.1 Những đề tài chính trong văn xuôi Ngọc Giao....................................................... 61 3.2. Thế giới nhân vật và nghệ thuật xây dựng nhân vật trong văn xuôi Ngọc Giao ....... 77 CHƯƠNG 4. NGƯỜI KỂ CHUYỆN, NGÔN NGỮ VÀ GIỌNG ĐIỆU VĂN XUÔI NGỌC GIAO TRONG TIẾN TRÌNH VĂN HỌC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM ........... 107 4.1 Người kể chuyện trong văn xuôi Ngọc Giao .................................................. 107 4.2. Đặc điểm ngôn ngữ nghệ thuật trong văn xuôi Ngọc Giao ................................ 121 4.3. Giọng điệu trong văn xuôi Ngọc Giao................................................................. 131 KẾT LUẬN................................................................................................................ 148 DANH MỤC CÔNG TRÌNH CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ ................................... 151 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO ................................................................ 152 PHỤ LỤC .................................................................................................................. 163
  • 4. 1 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài 1.1. Văn học Việt Nam thế kỷ XX đã trải qua một thời kỳ vận động và phát triển gắn liền với những thăng trầm của lịch sử dân tộc và đạt được nhiều thành tựu rực rỡ. Đó là giai đoạn văn học dân tộc đứng trước hai yêu cầu là cách mạng hóa và hiện đại hóa. Thực hiện được những yêu cầu đó, văn học thế kỷ XX đã tiếp tục đưa nền văn học nước nhà vươn đến những tầm cao mới với một quy mô ngày càng phong phú, đa dạng trong những năm cuối thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI. Sự phát triển của các trào lưu, xu hướng văn học, nhất là trong giai đoạn 1930-1945 đã đem đến những “mùa gặt” và tạc vào lịch sử văn chương Việt Nam “một thế hệ vàng”. Làm nên diện mạo và khẳng định vị thế của văn học, yếu tố quan trọng và tiên quyết đó chính là đội ngũ tác giả - lực lượng sáng tác. Vì vậy, nghiên cứu, tìm hiểu, phát hiện những giá trị văn chương trong từng tác giả với hệ thống các tác phẩm của họ luôn là việc làm cần thiết và hữu ích trong quá trình tiếp cận một nền văn học.Việc đánh giá lại một số tác giả tiêu biểu của văn học hiện đại có đóng góp cho tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam là điều cần thiết 1.2. Là một tác giả có vị trí quan trọng trong tòa soạn Tiểu thuyết thứ Bảy - tờ báo phổ thông ra hàng tuần trong đời sống văn học trước 1945, Ngọc Giao là một cây bút sung sức và quen thuộc với độc giả đương thời. Với một khối lượng tác phẩm tương đối lớn và phong cách văn chương giàu mỹ cảm, hướng tới lý tưởng nhân văn đậm chất trữ tình mà cũng giàu chất hiện thực, Ngọc Giao xứng đáng là nhà văn hiện đại góp phần tạo dựng diện mạo văn học nước nhà thế kỷ XX, nhất là giai đoạn 1930-1945 cũng như bộ phận văn học khu vực đô thị Hà Nội tạm chiếm 1947-1954. Do đó, sự nghiệp văn chương của nhà văn Ngọc Giao cần được tìm hiểu và nghiên cứu nhằm làm sáng rõ hơn về một phong cách tác giả đã góp phần làm cho văn học hiện đại Việt Nam thêm phong phú. Đó cũng là cơ sở để rút ra những nhận định mang tính chất lý luận về một thời kỳ văn học, một giai đoạn văn học. 1.3. Mặc dù Ngọc Giao là một cây bút đã đem đến cho độc giả những giá trị văn học không thể phủ nhận nhưng do cách nhìn nhận, sự đánh giá đôi khi còn chủ quan, phiến diện, số phận văn chương Ngọc Giao đã phải trải qua nhiều thăng trầm, sóng gió. Có một quá trình sáng tác xuyên suốt thế kỷ nhưng giai đoạn 1945 -1985 những đóng góp của ông hoàn toàn bị khuất lấp bởi những quy kết và phê phán khắc
  • 5. 2 nghiệt. Đó cũng là lý do Ngọc Giao gác bút trong một khoảng thời gian khá dài và người đọc dần quên lãng, xa lạ với nhà văn. Đặc biệt là nhà văn có đời văn trải dài dọc thế kỷ XX, Ngọc Giao là một trong số ít các tác giả nổi danh từ trước 1945 và vẫn tiếp tục cống hiến chút sinh lực cuối đời cho nghiệp viết như một sự hồi sinh mãnh liệt. Đứng trong hàng ngũ những nhà văn cùng thời như Thạch Lam, Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh, Nguyên Hồng, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng...có thể nói Ngọc Giao là nhà văn có sức sống và sức viết tiềm tàng đáng ngưỡng mộ. Nếu như trước 1945, bạn đọc từng xúc động, ám ảnh với những trang truyện ngắn đầy tính nhân văn của Ngọc Giao thì vì những lý do riêng của hoàn cảnh lịch sử mà những đóng góp đáng quý của Ngọc Giao trong giai đoạn sáng tác 1947 - 1954 với nhiều tác phẩm có giá trị của văn học ở Hà Nội bị tạm chiếm đã bị lãng quên, kéo theo đó là sự thờ ơ, phủ nhận, quy chụp về nội dung, tư tưởng của tác phẩm khiến cho tên tuổi Ngọc Giao bị khuất lấp và cũng là hệ lụy cho quãng đời trầm lặng của Ngọc Giao cho đến những năm 90 của thế kỷ XX. Cũng chính bởi "sự quên" đó, điểm lại lịch sử nghiên cứu về tác giả Ngọc Giao, chúng tôi thấy số lượng các bài viết chưa nhiều, một số công trình nghiên cứu chưa được chỉnh thể, hệ thống, đầy đủ về văn xuôi Ngọc Giao. Vì vậy, việc nghiên cứu và đánh giá để phục dựng một chân dung văn học đã có những đóng tích cực cho dòng văn xuôi hiện đại Việt Nam trong bối cảnh hiện trạng nghiên cứu hiện nay về Ngọc Giao là một việc cần thiết để bù lấp khoảng trống văn học sử giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về tác giả và diện mạo nền văn học nước nhà. Luận án hoàn thành hy vọng sẽ góp phần phục dựng một chân dung văn học không thể không nói đến trong nền văn học Việt Nam hiện đại và góp thêm một tài liệu tham khảo hữu ích cho việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập văn học nói chung và tìm hiểu tác giả Ngọc Giao nói riêng. Vì những cơ sở lý luận và thực tế trên, theo chúng tôi, việc thực hiện đề tài Văn xuôi Ngọc Giao trong tiến trình văn học hiện đại Việt Nam là cần thiết và mang tính khả thi. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án 2.1 Mục đích nghiên cứu Thực hiện đề tài này chúng tôi hướng đến mục đích: - Đặt văn xuôi Ngọc Giao trong tiến trình phát triển văn học Việt Nam hiện đại để thấy được văn nghiệp của tác giả với những thành công và giới hạn cũng như bước
  • 6. 3 đầu có những đánh giá, nhận xét có hệ thống về đặc điểm văn chương, thế giới nghệ thuật, vị trí, vai trò và đóng góp của nhà văn trong nền văn học Việt Nam hiện đại. - Nghiên cứu những phương diện cơ bản trong sự nghiệp sáng tác của Ngọc Giao như: Hệ thống các tác phẩm và tìm hiểu các giai đoạn sáng tác, quan niệm văn chương của nhà văn, đặc điểm các thể loại sáng tác chính là truyện ngắn, tiểu thuyết và ký từ đó rút ra những đặc điểm cơ bản của văn xuôi Ngọc Giao trên các phương diện cơ bản như: đề tài, thế giới nhân vật, người kể chuyện, ngôn ngữ, giọng điệu... 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Thứ nhất: Tập hợp, thống kê, phân loại các tác phẩm của Ngọc Giao theo giai đoạn sáng tác và thể loại. Thứ hai: Tìm hiểu tình hình chính trị, xã hội, những giao lưu, tiếp biến và tác động của các yếu tố chủ quan và khách quan đến quá trình sáng tác và đặc trưng bút pháp của nhà văn. Thứ ba: Đi sâu phân tích lý giải các khía cạnh giá trị nội dung và nghệ thuật của các tác phẩm văn học cụ thể để rút ra những nhận xét khái quát về từng thể loại chính yếu trong từng giai đoạn sáng tác của tác giả nói riêng và đặc điểm văn xuôi Ngọc Giao nói chung. Thứ tư: Khẳng định những nét đặc trưng trong nội dung và nghệ thuật tác phẩm Ngọc Giao. Đánh giá về phong cách và vị trí, đóng góp của nhà văn trong tiến trình vận động của lịch sử văn học Việt Nam hiện đại thế kỷ XX. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án 3.1. Đối tượng nghiên cứu - Tác phẩm văn xuôi của Ngọc Giao trong tiến trình văn học Việt Nam hiện đại. 3.2. Phạm vi nghiên cứu - Phạm vi nghiên cứu là tất cả các tác phẩm văn xuôi của Ngọc Giao, đặc biệt tập trung vào các tác phẩm thuộc thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết và ký tiêu biểu đã được xuất bản, tái bản. Trong quá trình thực hiện luận án, nghiên cứu sinh có sử dụng các tác phẩm của các nhà văn hiện đại Việt Nam để làm tài liệu tham khảo, đối sánh. 4. Phương pháp nghiên cứu của luận án Trong quá trình thực hiện luận án, chúng tôi sử dụng một số phương pháp nghiên cứu cơ bản sau: - Phương pháp nghiên cứu văn học sử: Sử dụng phương pháp nghiên cứu này, người viết đặt tác phẩm của Ngọc Giao trong bối cảnh lịch sử của sự vận động và
  • 7. 4 phát triển của văn xuôi Ngọc Giao nói riêng và của văn xuôi Việt Nam hiện đại nói chung để tìm ra những nét khu biệt và giống nhau trong đặc điểm sáng tác của ông với các tác giả khác cũng như những đóng góp của Ngọc Giao với văn học sử.. - Phương pháp tiếp cận thi pháp: Vận dụng những hiểu biết về thi pháp học để phân tích tác phẩm cụ thể qua đó rút ra những đặc trưng thể loại và tư tưởng nghệ thuật của nhà văn. - Phương pháp nghiên cứu liên ngành: Phương pháp nhằm phân tích, lý giải rõ hơn mối quan hệ và sự tác động qua lại giữa văn hóa, lịch sử, xã hội đến quá trình sáng tác và hình thành đặc điểm văn xuôi của Ngọc Giao. - Phương pháp so sánh: Nhằm rút ra những điểm tương đồng và khác biệt giữa các tác phẩm, các giai đoạn sáng tác của nhà văn, sự độc đáo và tương hợp trong phong cách sáng tác với các tác giả cùng thời. - Phương pháp nghiên cứu hệ thống: Giúp người nghiên cứu có cái nhìn hệ thống, toàn diện, thống nhất để thực hiện quá trình đánh giá, định vị tác giả trong tiến trình vận động và phát triển của văn học. Ngoài ra, chúng tôi kết hợp vận dụng các phương pháp, thao tác khác khi cần thiết như phương pháp loại hình, thao tác thống kê – phân loại... và các lý thuyết có liên quan như: lí thuyết tự sự học, thuyết hiện sinh, văn hóa học, phê bình sinh thái, nữ quyền luận, hậu thực dân... 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án - Luận án là công trình khoa học nghiên cứu một cách hệ thống đặc điểm văn xuôi Ngọc Giao trong tiến trình văn học Việt Nam hiện đại. - Kế thừa kết quả nghiên cứu của những nhà nghiên cứu đi trước, luận án tiếp tục chỉ ra và làm rõ quan niệm nghệ thuật của nhà văn, những giá trị nổi bật, những dấu ấn sáng tạo và đóng góp, vị trí của văn xuôi Ngọc Giao trong nền văn học Việt Nam hiện đại. 6. Ý nghĩa lí luận và thực tiễn của luận án 6.1. Ý nghĩa lí luận - Luận án góp phần đánh giá đầy đủ và toàn diện hơn về đặc điểm, thành tựu văn xuôi Ngọc Giao nói chung và phong cách Ngọc Giao nói riêng trong dòng chảy văn học Việt Nam hiện đại.
  • 8. 5 - Luận án là minh chứng cho những đóng góp của nhà văn Ngọc Giao với nền văn xuôi Việt Nam hiện đại và cũng là những bổ khuyết cho việc nghiên cứu về một tác giả trong một giai đoạn văn học còn chưa được quan tâm nghiên cứu nhiều. 6.2. Ý nghĩa thực tiễn - Luận án góp phần phục dựng chân dung văn học tác giả Ngọc Giao và có thêm cơ sở cho những ghi nhận về đóng góp của Ngọc Giao với nền văn học Việt Nam hiện đại. - Luận án cũng là tài liệu tham khảo phục vụ công tác học tập, giảng dạy, nghiên cứu cho sinh viên, giáo viên và các nhà nghiên cứu về văn học Việt Nam hiện đại. 7. Cấu trúc của luận án Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, luận án được triển khai trong 4 chương: Chương 1: Tổng quan vấn đề nghiên cứu Chương 2: Văn xuôi Ngọc Giao trong bối cảnh xã hội thế kỷ XX Chương 3: Đề tài và nhân vật văn xuôi Ngọc Giao trong tiến trình văn học hiện đại Việt Nam Chương 4: Người kể truyện, ngôn ngữ và giọng điệu văn xuôi Ngọc Giao trong tiến trình văn học hiện đại Việt Nam
  • 9. 6 CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU. 1.1. Tổng quan về văn học hiện đại Việt Nam và sự xuất hiện của nhà văn Ngọc Giao 1.1.1. Giới thuyết về hiện đại và văn học hiện đại Việt Nam *Một số khái niệm Tìm hiểu và nghiên cứu về văn học Việt Nam hiện đại, trước hết cần xác định rõ khái niệm "hiện đại", "hiện đại hóa", "văn học hiện đại" và "hiện đại hóa văn học". Theo Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, Nhà xuất bản Đà Nẵng xuất bản năm 2000," hiện đại" là thuộc về thời đại ngày nay, có áp dụng những phát minh, những thành tựu mới nhất của khoa học và kỹ thuật ngày nay. "Hiện đại hóa" là làm cho mang tính chất của thời đại ngày nay, làm cho trở thành có đầy đủ mọi trang thiết bị của nền công nghiệp hiện đại. "Văn học hiện đại" hiểu một cách chung nhất đó là "nền văn học tương thích với thời hiện đại, mới mẻ, khác biệt so với các thời đại văn học trước đó"[42; 1]. "Hiện đại hóa văn học" có thể hiểu là quá trình biến đổi làm cho văn học mang tính chất hiện đại, mới mẻ khác với văn học cũ. Khái niệm hiện đại được sử dụng rộng rãi và phổ biến trong nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị và cả trong đời sống thường nhật ngày nay. Khái niệm này nhằm thể hiện trình độ, đặc điểm hoặc ngầm ý nói đến những giá trị và cái mới trong tương quan so sánh với cái trước đó. Để xác định một phạm trù nào đó là hiện đại hay không, thông thường "hiện đại" được xác định qua hai tiêu chí thời gian và trình độ phát triển. Đối với khoa học nhân văn nói chung và văn học nói riêng, tính hiện đại có thể xuất hiện ngay từ trong những giá trị truyền thống. Mặt khác, theo Trần Đình Sử, "tính hiện đại là sự thay đổi hệ hình tư duy, hệ thống giá trị, sự hình thành một giai đoạn văn hóa mới trong đời sống dân tộc và nhân loại, tùy theo bối cảnh của mỗi nền văn hóa mà tính hiện đại có nội dung khác nhau" [154; 255- 256]. Đi liền với khái niệm hiện đại là tính hiện đại. Tính hiện đại gắn với độ mở của tư duy và có thể là những dự phóng của thời đại. Và theo đó, nói đến hiện đại cũng là nói đến cái mới, cái khác với cái cũ. Đó cũng là những nhân tố cách mạng, kết tinh, thúc đẩy sự phát triển của lịch sử. *Vấn đề phân kì văn học hiện đại Việt Nam Vấn đề phân kì văn học Việt Nam thế kỷ XX là vấn đề khá phức tạp bởi có nhiều ý kiến khác nhau dựa trên những tiêu chí khác nhau. Đó vẫn là vấn đề còn có những điểm chưa được các nhà nghiên cứu đồng thuận và vẫn tiếp tục nghiên cứu. Song nhìn tổng thể, các nhà nghiên cứu đều cho rằng tiến trình văn học Việt Nam là sự tiếp nối từ văn học cổ trung đại đến hiện đại và hậu hiện đại.
  • 10. 7 Nhìn tiến trình văn học theo trục thời gian, về mốc thời gian bắt đầu của văn học cận đại và văn học hiện đại có nhiều ý kiến khác nhau. Nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chi cho rằng: văn học cận đại từ 1907 đến 1945, văn học hiện đại tính từ sau 1945. Theo nhà nghiên cứu Phong Lê, giai đoạn văn học cận đại rất mờ nhạt và có tính trung chuyển giữa văn học trung đại và hiện đại. Nhà nghiên cứu Phạm Thế Ngũ lại cho rằng văn học hiện đại bắt đầu từ 1862 đến 1945. Các tác giả Trần Đình Hượu và Lê Trí Dũng lại cho giai đoạn 1900 - 1930 là giai đoạn giao thời, sau 1930 là văn học hiện đại. Các tác giả của một số giáo trình văn học ở miền Bắc cũng phần lớn cho rằng văn học hiện đại Việt Nam bắt đầu sau những năm ba mươi của thế kỷ XX với mốc 1930 hoặc 1932. Có một số nhà nghiên cứu như Trần Nho Thìn, Phan Cự Đệ có cách hình dung gián tiếp chia tiến trình văn học theo thế kỷ. Theo đó, văn học trung đại từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX, văn học hiện đại bắt đầu từ thế kỉ XX. Các nhà nghiên cứu này cũng lưu tâm năm 1900 không phải là dấu mốc rạch ròi giữa văn học trung đại và văn học hiện đại. Nhìn sự vận động của văn học từ những bước chuyển hệ hình, đi sâu khai thác khái niệm văn học hiện đại, các nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Đình Chú, Phong Lê, Trần Đình Sử, Đỗ Đức Hiểu, Vương Trí Nhàn, Đỗ Lai Thúy, Trần Nho Thìn, Nguyễn Đăng Điệp... đều cho rằng văn học hiện đại là nền văn học đã thoát khỏi hệ thống thi pháp văn học trung đại để xác lập nên hệ thống thi pháp mới, thi pháp văn học hiện đại. Văn học hiện đại thoát khỏi hệ thống ước lệ, sùng cổ, quan niệm phi ngã và tình trạng văn, sử, triết bất phân để đề cao cá tính sáng tạo trong sáng tác văn học. Từ những góc nhìn khác nhau, mỗi nhà nghiên cứu đều có những kiến giải riêng về văn học hiện đại. Tuy nhiên, để xác định nội hàm khái niệm này các nhà khoa học đều quan tâm đến sự khác nhau giữa mô hình văn học trung đại và hiện đại. Các nhà nghiên cứu cũng chú ý đến việc nhìn văn học hiện đại trong sự dịch chuyển và tiếp xúc với văn học khu vực và thế giới để tìm ra tính quy luật và đặc thù của quá trình hiện đại hóa văn học. Điểm khác biệt giữa văn học hiện đại và văn học trung đại biểu hiện rõ nét ở quan niệm và thi pháp nghệ thuật. * Những tiền đề, điều kiện xuất hiện văn học hiện đại Việt Nam Văn học hiện đại Việt Nam là sản phẩm của quá trình giao lưu văn hóa từ khu vực đến thế giới. Sự dịch chuyển trong tiếp xúc với văn hóa, văn học Tây Âu trong đó có văn hóa, văn học Pháp vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX đã khiến cho văn học Việt Nam hòa nhập dần vào quỹ đạo chung của văn học thế giới. Trong bối cảnh lịch sử bấy giờ, ban đầu đó là sự tiếp xúc mang tính bắt buộc nhưng với sự tiếp nhận nhạy bén của những nghệ sĩ, trí thức đương thời, nó đã trở thành quy luật tự nhiên để
  • 11. 8 góp phần hiện đại hóa văn học. Nhiều nhà văn, nhà thơ đã nhận thấy những gò bó và bế tắc bởi những quy phạm của văn học trung đại và họ đã tiếp nhận những yếu tố hiện đại từ phương Tây nhưng không hoàn toàn đánh mất bản sắc văn hóa Việt. Nhưng do đặc điểm văn hóa và tâm lý mỗi dân tộc khác nhau, quá trình hiện đại hóa, phương Tây hóa cũng tạo nên những đứt gãy văn hóa, đứt gãy quan niệm, tư duy và văn tự. Theo nhiều nhà nghiên cứu, đến năm 1945 văn học Việt Nam đã cơ bản hoàn tất quá trình hiện đại hóa. Quá trình hiện đại hóa theo đó diễn ra trong ba chặng: Từ đầu thế kỷ XX đến 1920, những năm 20, từ 1930-1945. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Điệp và một số ý kiến khác, "đến năm 1945, đúng là văn học Việt Nam đã nằm trong quỹ đạo nghệ thuật hiện đại, nhưng quá trình hiện đại hóa văn học dân tộc vẫn tiếp tục diễn ra trong suốt thế kỷ XX" [42; 21]. Vì vậy, quá trình hiện đại hóa diễn ra theo ba chặng. Chặng 1: Từ đầu thế kỷ XX đến 1945 gắn liền với sự giao lưu văn hóa Pháp và phương Tây. Chặng 2 từ 1945 đến 1985 gắn với sự giao lưu văn hóa Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa diễn ra chủ yếu ở miền Bắc và giao lưu, tiếp nhận văn hóa phương Tây, lối sống Mỹ ở miền Nam. Chặng 3 từ 1986 đến nay gắn với quá trình dịch chuyển, giao lưu toàn diện, quy mô, sâu sắc hơn với văn học thế giới. Như vậy, "đầu thế kỷ XX, hiện đại hóa chủ yếu đồng nghĩa với phương Tây hóa, Pháp hóa. Từ sau 1945, hiện đại hóa đã trở nên đa dạng hơn và sự đa dạng ấy càng trở nên rõ nét từ sau 1986 khi Việt Nam xác lập nền kinh tế thị trường và tham gia hội nhập thế giới đa phương"[42; 24]. Từ nội hàm khái niệm "hiện đại hóa", hiện đại hóa văn học là quá trình tiến đến tính hiện đại của văn học với những gì mới mẻ, hợp thời, có tính chất tinh xảo và mang tính thời đại mới. Bản chất của hiện đại hóa chính là sự đổi mới văn học. Và vì vậy, bắt đầu đổi mới theo hướng hiện đại từ đầu thế kỷ XX cho đến nay văn học Việt Nam đã và đang được hiện đại hóa trong suốt tiến trình văn học qua những chặng khác nhau và mang những đặc trưng khác nhau đưa nền văn học Việt Nam hòa nhập vào dòng chảy chung của văn học thế giới. Mỗi chặng đường hiện đại hóa gắn liền với đặc điểm lịch sử, xã hội và những mối giao lưu văn hóa khác nhau tạo nên những khu biệt và đặc sắc của quá trình hiện đại hóa văn học. * Các bình diện của văn học hiện đại Việt Nam Chủ thể sáng tạo là nhân tố khác biệt đầu tiên và là tiền đề cho sự thay đổi diện mạo văn học hiện đại. Nếu như chủ thể sáng tạo của văn học trung đại là trí thức phong kiến và tầng lớp nhà sư có học thì chủ thể sáng tác của văn học hiện đại không còn là những nhà Nho mà là những trí thức Tây học với tinh thần thời đại mới. Đội ngũ sáng tác của văn học hiện đại không ngừng phát triển về số lượng và có sự tiếp nhận nhanh nhạy với tư duy, mỹ cảm phương Tây hiện đại. Không chỉ có những cây
  • 12. 9 bút nam mà những cây bút nữ cũng sáng tác mạnh dạn với số lượng ngày càng nhiều và bản lĩnh thể hiện cá tính sáng tạo. Công chúng văn học mới của văn học hiện đại được mở rộng đến nhiều tầng lớp chứ không còn bó hẹp như văn học trung đại. Bước sang thời kì hiện đại, chữ Quốc ngữ được sử dụng phổ biến, trình độ dân trí được dần nâng cao, hoạt động xuất bản và báo chí nở rộ, môi trường hưởng thụ văn hóa được mở rộng cả về lượng và chất, quan niệm, thị hiếu thẩm mĩ của các tầng lớp nhân dân được thay đổi theo hướng hiện đại ngày càng phong phú. Do đó, công chúng văn học ngày càng đa dạng và phong phú. Sự nhạy bén của người thưởng thức cùng sự sáng tạo với quan niệm nhân sinh, quan niệm nghệ thuật mới đã khiến cho công chúng văn học sôi nổi, háo hức đón nhận những món ăn tinh thần văn chương mới phù hợp với thời đại. Đặc biệt, sự xuất hiện của cái Tôi cá nhân trong văn học đã tạo nên những cấu trúc nghệ thuật mới đa dạng, phong phú trong sáng tác và hấp dẫn, thu hút thêm nhiều độc giả. Công chúng văn học như tìm thấy mình trong văn chương bởi những cái tôi được gửi gắm trong mỗi tác phẩm. Trường tri thức mới và những quan niệm mới mẻ về cái tôi cá nhân đã được các trí thức Tây học, những nhà Nho thức thời giới thiệu nhằm mở mang hiểu biết và nâng cao dân trí góp phần chuyển đổi ý thức hệ trung đại sang hiện đại. Nền kinh tế thị trường bắt đầu hình thành từ đầu thế kỉ XX đã kích thích văn học phát triển theo hướng hiện đại. Văn chương viết ra không chỉ để giải trí, tiêu sầu mà trở thành hàng hóa, nhà văn là nhà sản xuất, viết văn trở thành một nghề, người đọc văn chương là người tiêu thụ sản phẩm. Theo đó giá trị tác phẩm văn chương gắn liền với tiền tệ. Đó là điểm khác biệt với văn học trung đại. Cũng từ đó một thị trường văn hóa và văn học được hình thành.Và xuất bản, báo chí vừa là nguồn cung vừa kích thích tiêu thụ. Đó cũng là cơ sở để mở rộng thị trường văn học và thúc đẩy sự phát triển của văn học. Gắn với sự phát triển của thị trường, cảm quan đô thị trong văn học cũng trở thành tiêu chí giúp ta phân biệt văn học trung đại và văn học hiện đại. Ý thức về đô thị và kinh tế thị trường trong văn học hiện đại đã trở thành thường trực trong xã hội hiện đại chứ không chỉ dừng ở mức độ cá biệt như trong văn học trung đại. Trong thời kì kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, miền Bắc không tồn tại kinh tế thị trường. Những năm 1954 - 1975, miền Nam tuy có thị trường nhưng báo chí và xuất bản tư nhân chưa thực sự là lực lượng vật chất thực sự như tính chất vốn có của nó. Sau khoảng giữa những năm 80 của thế kỷ XX, do hệ quả của công cuộc Đổi mới sau đó một thời gian nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa được xác lập. Theo đó, hoạt động xuất bản được mở rộng và các công ty truyền thông phát triển. Thị trường văn học sôi động, cởi mở, đa dạng hơn với nhiều
  • 13. 10 loại hình và có sự phân hóa mạnh mẽ. Đó cũng là cơ hội và thách thức cho người sáng tác cùng sự tồn tại của tác phẩm văn học. Biểu hiện cơ bản phân biệt văn học hiện đại và văn học trung đại là sự hiện đại về thi pháp nghệ thuật. Thi pháp văn học hiện đại hoàn toàn thoát khỏi những nét quy phạm của văn học trung đại. Về quan niệm nghệ thuật, văn học hiện đại gắn liền với cảm quan cá nhân, khuyến khích sự sáng tạo chứ không còn hướng đến mục đích cao nhất là giáo huấn, tải đạo, nói chí, phi ngã. Tư duy nghệ thuật trung đại tuân theo những quy phạm nghệ thuật có sẵn, nghiêm ngặt, nguyên tắc. Tư duy nghệ thuật hiện đại đã giải phóng tính quy phạm và đề cao cá nhân trong một môi trường xã hội dân chủ. Nhà văn có cơ hội thể hiện những sáng tạo trên cơ sở trí tưởng tượng của cá nhân để tạo nên tính đối thoại, cởi mở, phong phú trong tác phẩm nghệ thuật. Nếu như văn học trung đại thường chủ yếu giấu kín những gì thuộc về con người cá nhân, cái nhìn về thế giới và con người chịu sự chi phối của quan niệm thiên nhân hợp nhất thì văn học hiện đại hướng đến phơi bày thể hiện tự nhiên tất cả những gì thuộc về cá tính, cá nhân trong mỗi con người. Ngôn ngữ văn học trung đại dựa trên những quy tắc định sẵn, ước lệ, tượng trưng, dùng nhiều điển cố điển tích. Văn học hiện đại sử dụng hệ thống ngôn ngữ phong phú, đa dạng, gần với đời sống và giàu cá tính. Quá trình hiện đại hóa gắn với sự thay thế chuyển đổi từ việc sáng tác bằng chữ Hán sang chữ Nôm và từ chữ Nôm tiến đến dùng chữ Quốc ngữ. Ngôn ngữ báo chí đã có nhiều tác động tích cực đến ngôn ngữ văn học. Vì vậy, nhiều nhà văn cũng là những nhà báo cự phách. Giọng điệu văn học trung đại thiên về trữ tình của điệu ngâm và mang tính độc thoại còn giọng điệu văn học hiện đại thuộc phạm trù điệu nói mang tính đối thoại. Văn học trung đại mang tính chức năng với tư duy văn - sử - triết bất phân. Thơ phú được đề cao hơn tiểu thuyết và kịch. Đến thời kì hiện đại, văn xuôi phát triển tạo nên sự thay đổi quan trọng trong tư duy nghệ thuật hiện đại khiến cho văn học dần thoát khỏi tính ước lệ để hướng đến thực tại. Vì vậy, văn học hướng đến việc phản ánh cuộc sống đời thường thay vì chỉ miêu tả đời sống cao quý như trong văn học truyền thống. Văn chương coi trọng sự thực ở đời với cái nhìn chân xác về thực tế chứ không chỉ đề cao những vấn đề lý tưởng, cao xa. Văn học hiện đại coi trọng truyền thống văn hóa dân tộc nhưng không phụ thuộc và noi gương thi học Trung Hoa. Tác phẩm văn học hiện đại được sáng tác giản dị, tự nhiên nhưng dễ đi vào lòng người không cần đến lời văn hoa mĩ hay giàu điển cố điển tích. Thể loại văn học hiện đại đã phát triển nhanh chóng và phong phú. Các thể loại văn học trung đại như hịch, cáo, chiếu, biểu...đã dần mất đi, xuất hiện nhiều thể loại văn học mới như thơ tự do, thơ văn xuôi, kịch, tiểu thuyết, kí..., một số thể loại truyền thống được cải biến, đổi mới.
  • 14. 11 Hoạt động dịch thuật là phương thức phổ biến và lưu truyền văn hóa hữu hiệu. Các tác phẩm văn học Trung Hoa, Pháp, phương Tây được dịch ra Quốc ngữ đã cung cấp những hiểu biết mới cho người đọc và góp phần hoàn chỉnh thể loại, đổi mới ngôn ngữ, mở rộng kiến thức văn chương cho đội ngũ sáng tác và độc giả. Sự tiếp nhận các văn bản dịch thuật góp phần tích cực cho quá trình hiện đại hóa văn học. Lý luận và phê bình văn học là hoạt động góp phần hoàn thiện diện mạo hiện đại cho văn học dân tộc. Sự tự ý thức về văn học bắt đầu từ những năm đầu thế kỷ XX thông qua tiếp xúc với những yếu tố văn hóa, văn học phương Tây đã giúp cho mầm mống của lý luận, phê bình văn học mới xuất hiện. Từ những công trình có tính chất mở đầu như Khảo cứu về tiểu thuyết (1919) của Phạm Quỳnh, các bài báo tranh luận về Truyện Kiều, về thơ Mới, tranh luận giữa hai phái nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh... đưa đến sự xuất hiện một đội ngũ lý luận, phê bình tài năng. Bộ môn lý luận, phê bình văn học hiện đại đã được xác lập khiến cho đời sống văn chương ngày càng sôi động với các tác giả tiêu biểu như: Dương Quảng Hàm, Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan, Trương Tửu, Trần Thanh Mại, Đinh Gia Trinh, Đặng Thai Mai... Từ sau 1945, lý luận, phê bình văn học ngày càng phát triển mạnh mẽ. Do đó, các lý thuyết phê bình mới cùng thực tiễn sáng tác được cập nhật và có sự tác động hai chiều góp phần thúc đẩy sự phát triển của văn học. Giai đoạn 1945 - 1954, lý luận, phê bình ở miền Bắc tập trung nghiên cứu lý luận Mác - Lenin về văn học nghệ thuật, đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng, coi trọng mối quan hệ giữa văn học nghệ thuật và chính trị. Hoạt động lý luận, phê bình một mặt nỗ lực hướng đến chuyên môn mặt khác phải gắn với yêu cầu phục vụ cách mạng. Giai đoạn 1954 - 1975, lý luận phê bình văn học ở đô thị miền Nam sôi nổi và phong phú, chịu ảnh hưởng và giao lưu với văn hóa Mỹ và phương Tây. Một số tư tưởng lý thuyết mới đã được du nhập như thuyết hiện sinh, phân tâm học, cấu trúc luận... Sau 1975, đặc biệt là sau 1986, lý luận phê bình văn học phát triển ngày càng phong phú trong xu thế hội nhập toàn cầu. Nhiều trường phái, lý thuyết mới được giới thiệu như: thi pháp học, kí hiệu học, cấu trúc luận, phân tâm học, văn hóa học, nữ quyền luận, phê bình sinh thái, lý thuyết diễn ngôn, hậu thực dân...Đó là cơ sở cho nhiều hướng nghiên cứu, tiếp cận văn học và cũng là động lực cho các xu hướng sáng tác văn học. Bước sang phạm trù văn học hiện đại, văn học Việt Nam đã vượt thoát ra khỏi hệ thống thi pháp văn học trung đại chịu sự chi phối và ảnh hưởng của văn hóa, văn học Trung quốc và dần bước vào quỹ đạo hòa nhập với nền văn học hiện đại thế giới. Từ nửa đầu thế kỷ XX, văn học đã bước vào quỹ đạo hiện đại và tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn, hiện đại hơn, cởi mở hơn trong mối giao lưu và đối thoại văn hóa dân chủ
  • 15. 12 với toàn cầu ở nửa sau thế kỷ XX. Văn học ngày càng có điều kiện tiếp cận và biến đổi theo hướng hiện đại và có nhiều cơ hội để hội nhập quốc tế 1.1.2. Tiến trình văn học hiện đại Việt Nam và sự xuất hiện của nhà văn Ngọc Giao Nhìn tiến trình văn học hiện đại Việt Nam trong sự thay đổi và bước chuyển hệ hình văn học gắn với các cuộc giao lưu, ảnh hưởng văn hóa, văn học Việt Nam hiện đại có thể hình dung qua ba chặng: 1900 - 1945; 1945 - 1985;1986 - nay. Đồng thời, đặt nhà văn Ngọc Giao trong tiến trình vận động của văn học hiện đại Việt Nam, luận án bước đầu xác định môi trường văn học của tác giả làm cơ sở cho hệ quy chiếu nhằm tiếp tục tìm hiểu văn xuôi của ông trong những chương tiếp theo của luận án. 1.1.2.1. Văn học hiện đại Việt Nam giai đoạn 1900-1945 Trước sự thay đổi của lịch sử, văn hóa, xã hội, tiếp thu, ảnh hưởng tư tưởng học thuật và văn hóa, văn học phương Tây, văn học Việt Nam đã có sự vận động biến đổi từ mô hình văn học trung đại chịu ảnh hưởng văn học Trung Quốc sang mô hình văn học hiện đại chịu ảnh hưởng văn học phương Tây. Dựa trên những nền tảng của văn học truyền thống, kết hợp với luồng gió mới của văn học phương Tây và tâm thế sáng tạo, chủ động của lực lượng sáng tác là những trí thức mới được đào tạo và tiếp thu có bài bản văn hóa, văn học phương Tây, văn học đã chuyển mình hiện đại hóa. Ba mươi năm đầu thế kỷ XX, văn học tồn tại đan xen cái cũ và mới, Đông và Tây, truyền thống và hiện đại. Các nhà văn đã bước đầu có những rung động thẩm mỹ mới nhưng chưa được chuẩn bị đầy đủ về nhận thức, lý luận và học thuật. Từ những bước đi tiên phong của các nhà Nho chí sĩ yêu nước tiến bộ đến những trí thức trẻ mới được đào tạo ở trường Tây đã tạo cho văn học 1900-1930 một dấu ấn giao thời giữa hình thức cũ và nội dung mới, nội dung cũ và hình thức mới, nội dung và hình thức vừa cũ vừa mới. Trong giai đoạn chuyển đổi hệ hình văn học này, cái cũ có xu hướng ngày càng ít đi và dần được thay thế bằng cái mới. Sang thời kì 1930-1945, văn học đã phát triển khẩn trương mau lẹ theo hướng hiện đại hóa trên các lĩnh vực của đời sống văn học: Quan niệm nghệ thuật thay đổi, văn học trở thành lĩnh vực chuyên biệt, không còn quá chú trọng tính đạo lý giáo huấn mà trở thành phương tiện tự biểu hiện của nhà văn, để nhận thức và khám phá thế giới, đáp ứng nhu cầu thẩm mĩ và nhận thức của công chúng. Lực lượng sáng tác ngày càng đông đảo và tiến bộ nhất là tác giả trí thức Tây học. Phương tiện sáng tác được thay đổi từ chữ Hán, Nôm sang chữ Quốc ngữ. Ngôn từ văn học bớt hẳn tính ước lệ tượng trưng, gần hơn với đời sống có khả năng diễn đạt tinh tế mọi phương diện đời sống và con người. Câu văn xuôi mới hình thành nhưng phát triển nhanh chóng và đạt đến trình độ hiện đại với những phong cách độc đáo. Thơ chuyển mạnh từ điệu ngâm sang điệu nói, diễn đạt tinh tế sáng tạo cái tôi trữ tình. Phương thức lưu
  • 16. 13 hành ngày càng nhanh chóng, tiện lợi với sự ra đời của nhiều nhà xuất bản, nhà in. Công chúng văn học ngày càng đông đảo mở rộng tới các tầng lớp thị dân. Và đặc biệt là sự biến đổi về thi pháp sáng tác để thoát ra khỏi phạm trù văn học trung đại phá vỡ tính quy phạm, sùng cổ, ước lệ, tượng trưng, phi ngã. Văn học mở ra nhiều khả năng mới trong khám phá nghệ thuật. Quá trình hiện đại hóa diễn ra trên mọi thể loại và phát triển mau lẹ trên các thể loại văn xuôi như tiểu thuyết, truyện ngắn, phóng sự, ký... Thơ hiện đại hóa sâu sắc với phong trào Thơ Mới, xuất hiện những thể loại mới như kịch nói, phê bình văn học... Trong một thời gian ngắn, văn học đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ với nhiều khuynh hướng, trào lưu sáng tác, nhiều cá tính sáng tạo nở rộ. Tiêu biểu là khuynh hướng văn học lãng mạn với phong trào văn xuôi Tự lực văn đoàn và phong trào thơ Mới; khuynh hướng văn học hiện thực với trào lưu văn học hiên thực phê phán 1930-1945 và khuynh hướng văn học yêu nước và cách mạng. Trong quá trình hiện đại hóa nền văn học 1900-1945, văn học phương Tây có ảnh hưởng và chi phối văn học Việt Nam ở phương diện tư tưởng và hình thức. Nhiều tác phẩm của các tác giả Pháp và phương Tây được dạy trong trường Pháp - Việt, được dịch và lưu truyền trong giới trí thức. Sự tiếp nhận ấy đã làm bừng tỉnh ý thức cá nhân, thay đổi quan niệm thẩm mĩ ngày càng mở rộng, phong phú mang tính hiện đại. Quan niệm về cái đẹp gắn với quan niệm cá nhân, cái đẹp hiện diện mọi nơi, mọi lúc, trong mọi người, nó vừa quen vừa lạ, có sự hài hòa giữa cái đẹp bên trong và cái đẹp bên ngoài. Tư tưởng khoa học và tinh thần dân chủ của văn hóa phương Tây đã chi phối nhiều mặt của đời sống tinh thần trong đó có văn học. Đó là biểu hiện của thái độ tôn trọng hiện thực khách quan hướng tới khám phá và miêu tả hiện thực. Con người trở thành trung tâm được các nhà văn chú ý khám phá tìm hiểu trong nhiều góc cạnh và tư thế trên nền hiện thực phong phú, đa dạng và chân thực. Đó là cơ sở kết tinh nhiều phong cách sáng tác lớn trong thời kỳ này. Trước sự thay đổi nhiều mặt của xã hội, văn hóa truyền thống không còn phù hợp để đáp ứng nhu cầu của kết cấu xã hội mới với những tình cảm mới, thị hiếu mới, tư tưởng mới. Sự tác động của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, đấu tranh giai cấp trong đó có phong trào Mặt trận dân chủ (1936-1939) đã hối thúc nhà văn dùng văn học để đấu tranh cho quyền lợi của các giai cấp tầng lớp trong xã hội. Vì thế, bên cạnh nội dung phản ánh là cái tôi cá nhân với những tình cảm mới, nội tâm phong phú, văn học tăng cường chất hiện thực cả ở chiều sâu và chiều rộng. Cũng từ đó những đề tài mới, chủ đề mới và những sắc thái mới trong nghệ thuật sáng tác xuất hiện dưới ảnh hưởng của tư tưởng dân chủ và lãng mạn của văn hóa tư tưởng phương Tây.
  • 17. 14 Quá trình hiện đại hóa văn học giai đoạn 1900-1945 đã diễn ra khẩn trương, mau lẹ để rồi bắt đầu từ 1930 trở đi, văn học Việt Nam đã vượt qua hệ hình văn học trung đại để bước vào quỹ đạo văn học hiện đại. Sự gặp gỡ và tiếp xúc văn hóa phương Tây và văn hóa Pháp đã tạo nên một sự chuyển đổi toàn diện trong đời sống văn học từ đội ngũ sáng tác đến tư duy nghệ thuật, thi pháp văn học... Và đặc biệt những người làm nên diện mạo mới của văn học hiện đại là đội ngũ các nhà văn, nhà thơ mới với phong cách đa dạng, số lượng không ngừng phát triển. Trên cơ sở đó, sự xuất hiện của các nhóm phái văn học với những tôn chỉ, hướng đi, hoạt động khác nhau đã góp phần làm nên bức tranh sinh động của nền văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945. Đó là các nhóm văn học bao gồm tập hợp một số nhà văn, nhà thơ, phê bình khảo cứu... hoạt động trong lĩnh vực văn học cùng làm việc với nhau với một mục đích, tư tưởng chung nhằm đưa ra những hướng đi mới cho hoạt động văn học. Với những đặc thù riêng khác với nhóm văn học đã có ở văn học trung đại, sau năm 1932, có nhiều nhóm văn học được thành lập như: Tự lực văn đoàn (1933), Xuân Thu nhã tập (1939), Hàn Thuyên (1941), Thanh Nghị ( 1941), Tri Tân (1941)...và nhóm Tân Dân (1934). Các nhóm văn học này đều có những đặc điểm riêng mang dấu ấn của nhóm và thời đại với những đóng góp tích cực tới tư tưởng, văn hóa, xã hội. Các nhóm phái cũng đều có nhà xuất bản và các sách, tạp chí được phát hành với những đặc trưng riêng của từng nhóm. Trong khuôn khổ luận án, chúng tôi chỉ giới thiệu về nhóm Tân Dân bởi đây là nhóm văn học gắn liền với quá trình hiện đại hóa văn học giai đoạn này và có liên quan trực tiếp đến đối tượng nghiên cứu là nhà văn Ngọc Giao - thành viên của Tiểu thuyết thứ Bảy và cũng là cây bút quen thuộc trên các ấn phẩm của Tân Dân. Nhóm Tân Dân còn được gọi dưới các tên khác như nhóm Tiểu thuyết thứ Bảy và Tạp chí Tao Đàn, nhóm Ích Hữu, nhóm Phổ thông bán nguyệt san. Đó là nhóm gồm các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình hoạt động văn hóa nghệ thuật tập hợp xung quanh Nhà xuất bản Tân Dân với các ấn phẩm báo và tạp chí: Tiểu thuyết thứ Bảy, Phổ thông bán nguyệt san, Ích Hữu, Tao Đàn, Truyền bá và các tủ sách Tao Đàn, tủ sách Những tác phẩm hay. Trong đối trọng với nhóm Tự lực văn đoàn, Tân Dân có sự mở rộng và phát triển với rất nhiều cơ quan ngôn luận và quy tụ được nhiều cây bút nổi tiếng với nhiều dấu ấn sáng tạo khác nhau. Dưới sự chỉ đạo, dẫn dắt của ông chủ báo Vũ Đình Long tài năng và tâm huyết, năm 1934, xuất bản phẩm đầu tiên của Tân Dân ra đời là Tiểu thuyết thứ Bảy và dần mở rộng, phát triển với 5 tờ báo và tạp chí nổi tiếng cùng hai tủ sách. Sự phong phú, hấp dẫn trong các ấn phẩm của Tân Dân đã tạo ra môi trường hoạt động văn học lành mạnh, hấp dẫn cho giới văn nghệ sĩ và giới nghiên cứu đương thời. Nhóm Tân Dân đã phát triển mạnh mẽ nhờ sự dung nạp rộng rãi những cách tiếp
  • 18. 15 cận hiện thực theo hướng cả mới và cũ, cả khuynh hướng lãng mạn và khuynh hướng hiện thực với một tình yêu nước kín đáo và mạnh mẽ. Với những hoạt động phong phú, nhóm Tân Dân đã trở thành một nhóm văn học lớn tạo nên một môi trường văn học chuyên nghiệp sôi động và cũng là nơi đào tạo nên nhiều nhà văn nổi tiếng, kích thích tạo động lực cho văn học phát triển theo hướng hiện đại. Trong số các cây bút nổi tiếng của nhóm Tân Dân, Ngọc Giao là tác giả tiêu biểu trong vai trò là một trong những người tham gia hoạt động điều hành tổ chức hoạt động của Tiểu thuyết thứ Bảy với vị trí thư kí tòa soạn và cũng là cây bút sáng tác sung sức nhiều tác phẩm in trên các ấn phẩm của Tân Dân. Giai đoạn đầu làm thư kí tòa soạn Tiểu thuyết thứ Bảy, với một tờ báo bán chạy được xuất bản số lượng rất lớn trong đối chọi với Phong hóa của Tự lực văn đoàn, vai trò thư kí của Ngọc Giao giữ vị trí khá quan trọng trong việc sắp xếp, đăng duyệt, chỉnh sửa để tạo nên sức hấp dẫn của tờ báo. Theo đuổi đam mê sáng tác, tác phẩm của Ngọc Giao thời kì này đã tạo được hiệu ứng tốt với bạn đọc qua số lượng lớn đăng trên ấn phẩm của Tân Dân như là một cây bút truyện ngắn và kí tài năng, có dấu ấn đặc sắc. Lịch sử truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1930-1945 không thể không nhắc đến sự xuất hiện của những cây bút tiêu biểu của Tân Dân như Nguyễn Công Hoan và Ngọc Giao. 1.1.2.2. Văn học hiện đại Việt Nam giai đoạn 1945 - 1985 Văn học 1945-1975 gắn liền với những sự kiện quan trọng của bước đường lịch sử dân tộc. Thời kỳ 1945-1954, văn học đã tìm nguồn cảm hứng mới gắn liền với công cuộc xây dựng xã hội ở miền Bắc, quá trình nhân dân cùng Đảng thực hiện các chính sách cách mạng và ổn định cuộc sống. Tình yêu quê hương, tình đồng bào, đồng chí, được thể hiện phong phú, giản dị mà xúc động. Mặc dù chưa có kết tinh nghệ thuật nhưng các tác phẩm thời kỳ này đã phản ánh diện mạo của nền văn học trong buổi đầu độc lập và tiếp tục đối diện với những cam go thử thách mới của chiến tranh. Thời kì 1945 - 1954, gắn với cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc, tình thế cài răng lược của cuộc chiến đấu dẫn đến hình thành hai bộ phận văn học. Bộ phận chủ đạo với một đội ngũ lớn viết ở vùng tự do và chiến khu Việt Bắc. Một bộ phận nhỏ sáng tác ở vùng địch hậu trong đó có Hà Nội và Sài Gòn là hai địa bàn quan trọng. Bộ phận văn học công khai và không công khai ở Hà Nội tạm chiếm vẫn tồn tại trong bối cảnh lịch sử mới đầy cam go, khốc liệt nhưng phong phú với nhiều giá trị nhân văn. Các tác giả tiêu biểu của bộ phận này là Vũ Hoàng Chương, Lê Văn Trương, Nguyễn Cao Củng, Sơn Nam, Nguyễn Tường Phượng, Lê Văn Hòe, Lê Đình Chân, Sao Mai, Hoàng Công Khanh, Nguyễn Bắc, Vũ Bằng, Ngọc Giao, Giang Quân, Băng Hồ, Thế Phong, Băng Sơn, Nam Xương, Tuyết Lan, Mộng Sơn... Trong điều kiện kinh tế khó khăn, chế độ kiểm duyệt gắt gao, các văn nghệ sĩ đã phải cố
  • 19. 16 gắng hết sức để đời sống đỡ chật vật, bắt kịp với cuộc sống mới, chịu nhiều cực nhục để tồn tại chứng minh cho tấm lòng thanh sạch và cho ra đời những tác phẩm có ý nghĩa. Sự đấu tranh làm thế nào để trong bối cảnh đầy bất trắc vẫn có thể sống và viết không trái với lương tâm, hướng về kháng chiến và nhân dân nhưng vẫn giữ được mình không bị nhà cầm quyền gây khó dễ là nỗi ưu tư lớn của mỗi nhà văn giai đoạn này. Không ít văn nghệ sĩ Hà Nội thời tạm chiếm đã bị bắt giam vào Hỏa Lò nhưng các tác giả vẫn vượt lên chính mình kiên cường, nhân hậu, tài hoa với những tác phẩm mang đậm tinh thần dân tộc, đạo đức và nhân văn để lại một gia tài đáng kể cho văn chương Hà Nội những năm 1947-1954. Trong số đó, Ngọc Giao cũng là cây bút tiêu biểu can đảm và nhẫn nại, nhân hậu và dũng cảm đương đầu với bối cảnh xã hội mới để sống và sáng tác nhiều tác phẩm mang tính thời sự, hiện đại và xúc động. Ông trở thành nhà văn có phong cách và lối viết táo bạo đem đến cho độc giả những suy tư mới về con người và lịch sử xã hội với những chuyển biến thi pháp trong sự thống nhất quan niệm nghệ thuật vì những tác phẩm văn chương cứu rỗi và nâng đỡ con người. Thời kỳ 1955 đến 1964, nền văn học có sự phát triển mạnh mẽ, khá toàn diện. Các nhà văn gắn kết với chủ đề xây dựng cuộc sống mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Các thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ trữ tình phát triển bước đầu có tác phẩm xuất sắc. Các tác phẩm đã mở rộng đề tài và khả năng khái quát hiện thực. Tiêu biểu là ba hướng đề tài chính: Tái hiện cuộc kháng chiến chống Pháp, cuộc đấu tranh cách mạng thời kì trước 1945, cuộc sống mới cùng cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Một số tác phẩm đã phản ánh được những vấn đề của đời sống tư tưởng tình cảm của con người bên cạnh những tác phẩm có tính thời sự. Thể loại văn học phát triển khá phong phú. Một số nhà Thơ Mới hồi sinh, nhiều nhà thơ kháng chiến và nhà thơ trẻ xuất hiện với nhiều tập thơ có giá trị. Truyện ngắn với đề tài và bút pháp khá đa dạng, tiểu thuyết phong phú có nhiều vượt trội so với thời kỳ trước. Các thể loại kí, tùy bút, kịch bản sân khấu có số lượng nhiều hơn nhưng chưa có nhiều kết tinh. Phê bình và nghiên cứu văn học có sự phát triển cả về đội ngũ và chất lượng tác phẩm. Từ 1964-1975, cuộc kháng chiến chống Mĩ mở rộng trên phạm vi cả nước. Cuộc kháng chiến đặt ra cho dân tộc ta nhiều cam go thử thách. Văn học có bước chuyển mình mạnh mẽ và thống nhất cao từ đề tài, chủ đề, cảm hứng, giọng điệu để hướng về Tổ quốc, nhân dân, người anh hùng, cổ động niềm tin, tinh thần chiến đấu, khơi dậy lòng yêu nước. Văn học cả hai miền có sự phát triển toàn diện ở các thể loại. Thơ ca có nhiều thành tựu sáng tạo, văn xuôi phát triển khá đều, kịch gây được tiếng vang, phê bình văn học hướng vào biểu dương tác phẩm đáp ứng được nhu cầu cuộc kháng chiến chống Mĩ. Văn học đã làm tốt nhiệm vụ cổ vũ chiến đấu, nêu cao chủ nghĩa yêu nước,
  • 20. 17 động viên tích cực cho công cuộc giải phóng đất nước. Bộ phận văn học đô thị miền Nam trước 1975 là một thực thể phức tạp nhưng cũng có những cây bút hoạt động trong vùng địch kiểm soát, bộ phận văn học cách mạng gắn với phong trào đấu tranh của dân tộc thể hiện sự dấn thân, dũng cảm để sáng tác những tác phẩm giàu chất hiện thực, giá trị nhân văn và hiện thực với những cách tân, sáng tạo. Với sứ mạng lịch sử của mình, văn học 1945-1975 mang đặc điểm của một nền văn học đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản nhằm phục vụ chính trị, cổ vũ chiến đấu. Đó là nền văn học hướng về đại chúng, đại chúng vừa là đối tượng phản ánh vừa là công chúng văn học và là nguồn bổ sung cho lực lượng sáng tác. Nền văn học mang cảm hứng sử thi và khuynh hướng lãng mạn, trữ tình là liều thuốc tinh thần định hướng toàn dân tộc đoàn kết quyết tâm đánh thắng kẻ thù, tin tưởng ở tương lai tốt đẹp. Sự nghiệp cách mạng dân tộc và xây dựng xã hội chủ nghĩa ở nước ta giai đoạn này đòi hỏi nền văn học nước ta lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng và vì vậy việc giao lưu, học tập kinh nghiệm sáng tác với văn học Xô Viết và các nước xã hội chủ nghĩa được ưu tiên. Các sáng tác và công trình lí luận văn học Nga Xô Viết và các nước xã hội chủ nghĩa được dịch sang tiếng Việt và trở thành hình mẫu cho các nhà văn Việt Nam. Văn học Nga Xô Viết với ở mức độ nhất định được tiếp nhận gắn liền với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa được nhiều nhà văn hưởng ứng. Ở miền Nam, văn học đô thị chịu ảnh hưởng của tư tưởng triết học, mỹ học và văn học hiện sinh của phương Tây. Những lí thuyết mới này đã chi phối đến văn học với một cách nhìn khác văn học ở miền Bắc. Mặc dù thời gian tiếp cận chưa nhiều và sâu sắc nhưng nó cũng đã ít nhiều tác động đến thực tiễn sáng tác và lí luận, phê bình văn học với những dấu ấn manh nha, khác lạ và trở lại trong văn học sau 1986. Với nhà văn Ngọc Giao, đây là giai đoạn cầm bút đầy sóng gió nhưng cũng là giai đoạn nhà văn có những bứt phá và vận động trong tư tưởng và bút pháp sáng tác. Không hoàn toàn đi theo tiếng gọi của cách mạng như các nhà văn Nam Cao, Nguyễn Tuân, Tô Hoài... nhưng văn chương Ngọc Giao giai đoạn này vẫn là tiếng nói yêu nước thầm kín với những khám phá trong quá trình tự vận động hiện đại hóa văn học. Từ thể loại đến ngôn ngữ, giọng điệu, nội dung hiện thực được nói đến trong tác phẩm của ông đều chứng minh cho những đóng góp tích cực của Ngọc Giao với vị trí của một nhà văn sống ở vùng tạm chiếm giai đoạn 1947-1954. Với cái nhìn ít nhiều có tính chất hiện sinh, tác phẩm của Ngọc Giao giai đoạn này đã dũng cảm tái hiện lại những góc khuất trong tâm hồn con người với bao uẩn khúc mang vấn đề nhân loại, nhân văn.
  • 21. 18 1.1.2.3. Văn học hiện đại Việt Nam giai đoạn 1986 đến nay Văn học Việt Nam 1945-1975 đã làm tròn sứ mệnh lịch sử của một nền văn học phục vụ cách mạng, tuyên truyền và vận động cách mạng, cổ vũ chiến đấu vì sự nghiệp chung của dân tộc. Đặc điểm này còn chi phối đến văn học nửa đầu những năm 1980. Sau 1986, trước những chuyển biến của xã hội, tư tưởng, văn hóa, văn học cũng có thay đổi trong nhu cầu và quan điểm thẩm mĩ để từng bước được đổi mới. Nhu cầu nhìn lại nền văn học chiến tranh để đánh giá đúng những thành công và hạn chế đã được quan tâm. Nhiều vấn đề cốt lõi của văn học được đưa ra xem xét lại, bàn thảo sôi nổi như vấn đề: Văn học và hiện thực, văn nghệ và chính trị, chủ nghĩa hiện thực và hiện thực xã hội chủ nghĩa... Nhờ chính sách mở cửa, nhiều trào lưu, khuynh hướng và lí luận văn học hiện đại trên thế giới đã được giới thiệu rộng rãi chi phối sự sáng tạo của nhà văn và văn hóa tiếp nhận của độc giả. Văn học giai đoạn này đã vận động và biến đổi trong một sự tiếp nối có tính liên tục, kế thừa và phát triển. Từ 1975 đến 1985, văn học chuyển tiếp từ văn học chiến tranh sang nền văn học thời kì hậu chiến trên các phương diện đề tài, cảm hứng và phương thức nghệ thuật. Từ 1986 đến đầu thập kỉ 90 là thời kì văn học đổi mới mạnh mẽ, gắn liền với công cuộc đổi mới đất nước. Văn học đổi mới theo hướng đổi mới tư duy, nhìn thẳng vào sự thật. Khuynh hướng nhận thức lại hiện thực với cảm hứng phê phán mạnh mẽ trên tinh thần nhân bản, tiếp cận đời sống trên bình diện thế sự đời tư được các nhà văn tập trung hứng thú khám phá và khai thác. Đội ngũ sáng tác phong phú với nhiều thế hệ như: lớp nhà văn tiền chiến, những cây bút mới thuộc thế hệ nhà văn trẻ và đặc biệt là sự xuất hiện của những cây bút nữ. Các thể loại văn học đều có những biến đổi và phát triển đa dạng, sôi nổi nhất là văn xuôi. Tư duy văn học mới đã hình thành làm thay đổi các thành tố của văn học đặc biệt là phát huy chiều sâu khám phá hiện thực xã hội và con người, khả năng sáng tạo và cá tính, phong cách của mỗi nhà văn. Từ sau những năm 1990, văn học trở về với đời sống thường nhật và ngày càng ý thức hơn về đổi mới nghệ thuật. Thơ thời kì này đi sâu khai thác bản thể con người. Văn xuôi nổi lên hai mảng đáng chú ý với nhiều ấn tượng là hồi kí- tự truyện và tiểu thuyết lịch sử. Tiểu thuyết được viết với những cách tân thể nghiệm sáng tạo mới. Như vậy, tồn tại và phát triển trong điều kiện lịch sử khác trước, văn học Việt Nam sau 1985 mang những đặc điểm phù hợp với nhu cầu thẩm mĩ và bối cảnh xã hội mới phù hợp quy luật khách quan. Nền văn học đang vận động theo hướng dân chủ hóa. Văn học không chỉ là tiếng nói chung mà còn là tiếng nói của mỗi cá nhân. Văn học không những là vũ khí tinh thần để đấu tranh xã hội mà còn được nhấn mạnh ở sức khám phá thực tại, thức tỉnh ý thức về sự thực, vai trò dự báo và dự cảm.
  • 22. 19 Đó cũng là một phương tiện cần thiết để tự biểu hiện tư tưởng, quan niệm, chính kiến của người nghệ sĩ về xã hội và con người. Nhà văn vừa là nhà tư tưởng, nhà hoạt động xã hội có tác dụng định hướng tư tưởng, khơi gợi cho người đọc những vấn đề để cùng đọc, suy ngẫm và đồng sáng tạo. Hiện thực phản ánh ngày càng mở rộng và toàn diện. Hiện thực ấy không chỉ là hiện thực cách mạng với những biến cố của lịch sử và cộng đồng mà còn là hiện thực đời thường với những mối quan hệ phức tạp, cuộc đời đa sự, đa đoan, thế giới nội tâm, số phận các nhân vật với muôn mặt phong phú và bí ẩn. Hiện thực đa dạng ấy đã mở ra chiều kích vô tận để văn học chiếm lĩnh và khám phá. Các phong cách sáng tác nở rộ, nhà văn được bộc lộ hết mình cá tính sáng tạo và vận dụng những yếu tố trường phái nghệ thuật hiện đại phương Tây. Theo đó, tinh thần nhân bản và sự thức tỉnh ý thức cá nhân là nền tảng tư tưởng và cảm hứng chủ đạo của văn học giai đoạn này. Con người trở thành đối tượng khám phá chủ yếu, vừa là đích đến của văn học vừa là hệ quy chiếu, thước đo giá trị cho mọi vấn đề xã hội. Con người được nhìn nhận trong mối quan hệ đa chiều, với nhiều bình diện và tầng bậc với những giá trị đa diện, lưỡng phân, phức tạp. Văn học hướng đến sự cảm thông, thấu hiểu, nâng đỡ con người và đánh thức sự tự ý thức thanh lọc tâm hồn con người để vươn đến những điều chân, thiện, mĩ. Hai đặc điểm trên cũng dẫn đến đặc điểm văn học phát triển phong phú đa dạng và hiện đại. Đó là sự phong phú về đề tài, thể loại, nhiều thể nghiệm về thủ pháp nghệ thuật, đa dạng về phong cách và khuynh hướng thẩm mĩ. Sự đa dạng trong xu hướng dân chủ hóa cũng gắn liền với tính phức tạp và không ổn định. Hơn nữa, trong bối cảnh giao lưu hội nhập ngày càng mở rộng, văn học luôn biến đổi theo hướng tiếp thu cái mới sao cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Do đó, các yếu tố nghệ thuật như nghệ thuật tự sự với những yếu tố điểm nhìn, xây dựng nhân vật, độc thoại nội tâm và dòng ý thức, kết cấu, tính đa thanh của giọng điệu.. luôn có những điểm mới. Thơ được thể nghiệm theo hướng hiện đại chủ nghĩa với những cách tân về nghệ thuật vượt ra khỏi khuôn khổ và thói quen thơ cũ để mở ra con đường mới. Như vậy, sau 1986, tiến trình hội nhập quốc tế diễn ra sâu rộng với sự kết nối chặt chẽ hơn so với hai giai đoạn trước. Sự toàn cầu hóa và thâm nhập của Internet cùng với tiếng Anh trở thành ngôn ngữ quan trọng đã góp phần hình thành một thế giới đương đại với văn hóa hiện đại và hậu hiện đại xuất hiện ở Việt Nam. Văn học Việt Nam mở ra một chân trời mới với nhiều cơ hội và thách thức. Đội ngũ sáng tác ngày càng đông đảo, gồm nhiều thế hệ với sự đa dạng về phương pháp sáng tác và phong cách sáng tác với nhiều thể nghiệm mới. Văn học phát triển phong phú nhưng cũng rất phức tạp với nhiều trào lưu tư tưởng và lý thuyết mới được giới thiệu. Văn học có nhiều cách tân đổi mới sôi nổi nhất kể từ 1986-1990 và âm thầm diễn ra mạnh
  • 23. 20 mẽ ở những năm sau đó. Bộ phận văn học hải ngoại trừ một số cây bút cực đoan, chống cộng, phần lớn các nhà văn Việt sống ở nước ngoài vẫn mong muốn hòa hợp dân tộc và đóng góp cho nền văn học Việt thêm phong phú, hiện đại. Những cách tân, đổi mới trong tư tưởng văn học giai đoạn này đã tạo điều kiện thuận lợi cho cảm hứng sáng tác của Ngọc Giao giai đoạn 1986-1997 được hồi sinh. Mặc dù chỉ còn hòa nhập và tiếp tục sáng tác trong khoảng 10 năm khi tuổi đã cao sức đã yếu nhưng sự xuất hiện của nhà văn cùng các tác phẩm của ông vẫn cho thấy một sự nhanh nhạy, cập nhật của một lối viết không quá xa lạ, thậm chí còn cung cấp cho người đọc những tiếp nhận xúc động bất ngờ về những gì nhà văn chiêm nghiệm, lưu giữ và truyền đạt trong mỗi tác phẩm. Như vậy, trong khoảng thời gian từ đầu thế kỉ XX đến nay, văn học Việt Nam đã không ngừng vận động và biến chuyển trên đường hội nhập với nền văn học thế giới. Giai đoạn đầu thế kỉ XX văn học bắt đầu bước vào quỹ đạo của văn học hiện đại và tiếp tục mở rộng, phát triển mạnh mẽ hơn trong các cuộc giao lưu văn hóa ở cuối thế kỉ. Trong tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam sự xuất hiện và đóng góp của mỗi tác giả ở mỗi chặng đường là điều kiện cần thiết và cũng là minh chứng cho sự vận động và thay đổi của công cuộc hiện đại hóa văn học. Với Ngọc Giao, nhà văn có hành trình sáng tác trong gần như trọn vẹn thế kỉ XX, những dấu ấn trong sáng tác của ông trong hai chặng đầu hiện đại hóa văn học và sự trở lại trong thời gian ngắn ở giai đoạn ba cũng đủ cho thấy đời văn của ông gắn với diễn trình hiện đại hóa văn học Việt Nam. 1.2 Tổng quan tình hình nghiên cứu về tác giả Ngọc Giao Tổng hợp tình hình nghiên cứu trong nước về sự nghiệp văn chương của nhà văn Ngọc Giao, theo tài liệu đến nay chúng tôi thu thập được, hiện chưa có một công trình nào nghiên cứu đầy đủ, hệ thống, cụ thể và dày dặn về sự nghiệp văn chương của ông. Thậm chí, số người biết và viết về Ngọc Giao còn ít. Phần lớn đó là những bài nhận định mang tính chất phác thảo khái quát về cuộc đời và sự nghiệp hoặc những lời giới thiệu ngắn gọn về nhà văn hoặc giới thiệu tác phẩm của Ngọc Giao trong các lần xuất bản. Chúng tôi chia việc nghiên cứu tác giả Ngọc Giao ra các giai đoạn sau: 1.2.1 Giai đoạn trước 1945 Sau khi xuất hiện trên văn đàn với nhiều tác phẩm được đăng trên Tiểu thuyết thứ Bảy và các tờ báo, tạp chí khác cùng thời như: Tao đàn, Ngọ báo, Ích Hữu, Truyền bá, Cậu ấm cô chiêu..., độc giả đã dần quen thuộc và dành một sự ưu ái nhất định với tác giả Ngọc Giao. Đặc biệt, sau khi ba tập truyện ngắn Một đêm vui (1936), Phấn hương (1939) và Cô gái làng Sơn Hạ (1942) được xuất bản, Ngọc Giao đã trở thành một trong những nhà văn hiện đại góp phần phong phú thêm cho dòng văn xuôi hiện đại đầu thế kỉ XX và nhận được sự chú ý của độc giả cũng như các nhà
  • 24. 21 nghiên cứu nhiều hơn. Trong đó có thể kể đến một số bài viết sau đã thấy được giá trị hấp dẫn và độc đáo của văn xuôi Ngọc Giao. Một đêm vui là tập truyện quan trọng cho thấy những nét cơ bản về văn phong Ngọc Giao trong thời kì đầu sáng tác. Tập Một đêm vui có ghi lời nhận xét đầu sách của Phùng Tất Đắc trong lần đầu xuất bản năm 1936: “Giới thiệu tập này của ông Ngọc Giao, tôi chỉ muốn chú ý đến một đặc tính của hầu hết các truyện ông Ngọc Giao viết: đặc tính về luân lý” [90, 26]. Bên cạnh đó, lời bạt này cũng cho rằng Ngọc Giao là một nhà viết truyện muốn chuyên về tình cảm và ưa tìm tòi trong khám phá tâm lí. Khi tập Phấn hương được xuất bản lần đầu năm 1939, Trúc Đường đã có những cảm nhận đánh giá cao về đặc điểm nghệ thuật độc đáo và giá trị nội dung của văn xuôi Ngọc Giao. Ông cho rằng văn xuôi Ngọc Giao có những lời văn dịu dàng, được gọt giũa nhưng cũng rất đơn sơ, giản dị và cảm động, giàu chất lãng mạn và hiện thực. Đọc Phấn hương, người ta sẽ thấy "những ý tình rất cao thượng, rất tha thiết, những hi sinh rất thiêng liêng, những bài học luân lí rất thiết thực, nó khiến tác giả Phấn hương có thể bắt chước thi hào Victo Hugo mà trả lời mọi câu hỏi chất vấn: "Tôi là một lương tâm" "[90, 30]. Từ đó, Trúc Đường cũng cho rằng: "Ngọc Giao là văn sĩ của Đau khổ, của Tình thương"[90, 31]. Bài nhận xét, giới thiệu của nhà văn Vũ Ngọc Phan trong bộ sách Nhà văn hiện đại (tập 2) xuất bản năm 1942 đã có đánh giá những nét đặc trưng của văn chương Ngọc Giao nhưng còn chưa thực sự đầy đủ. Bài viết chủ yếu đưa ra những nhận xét khái quát về đặc điểm nội dung và nghệ thuật truyện ngắn Ngọc Giao giai đoạn trước 1945. Với các tác phẩm truyện ngắn đương thời của Ngọc Giao, Vũ Ngọc Phan đã đánh giá “Trong hầu hết truyện ngắn của ông, thứ tình cảm ông diễn đạt đều là thứ tình sầu, tình uất... nhưng hay hơn cả đều là những truyện gợi mối thương tâm người đọc. Ngọc Giao là một nhà văn sở trường về lối văn đạo tình...”[150,1129]. Tuy nhiên trong bài viết này, Vũ Ngọc Phan cũng chỉ ra những sự chưa đồng tình về tư tưởng hoài niệm, bi quan khi viết về những cái chết và cách diễn đạt đôi khi quá gọt giũa làm mất tự nhiên trong truyện ngắn Ngọc Giao. Trong công trình nghiên cứu sớm này, có lẽ cũng do diện bao quát rộng rãi đời sống văn học hiện đại mới hình thành,Vũ Ngọc Phan mới phác qua mà chưa đánh giá hết những giá trị nghệ thuật và giá trị tư tưởng sự nghiệp văn chương của Ngọc Giao. Như vậy, nhìn một cách khái quát, các bài viết đánh giá, nhận xét trước 1945 đã có những ghi nhận về tính nhân văn, giàu chất trữ tình và hiện thực trong tác phẩm của Ngọc Giao ở chặng đường đầu sáng tác.
  • 25. 22 1.2.2 Giai đoạn 1945 - 1985 Trong bối cảnh đất nước phải đối diện với hai cuộc kháng chiến trường kỳ cứu nước, văn học trước 1945 - 1975 hướng đến mục tiêu cao cả là phục vụ cách mạng. Quan niệm tư tưởng và nghệ thuật cũng như cách nhìn nhận đánh giá tác phẩm văn học và vị trí, đóng góp của nhà văn chịu sự chi phối, ảnh hưởng của lập trường tư tưởng cách mạng hướng đến mục đích văn học trực tiếp phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng. Với thực tế sống và viết của Ngọc Giao giai đoạn này, dù luôn hướng về lẽ phải với tình thương người sâu sắc, lòng yêu nước thầm kín nhưng do quan điểm, lập trường của thời kì lịch sử bấy giờ, nhà văn Ngọc Giao cùng tác phẩm của ông không dễ gì được chấp nhận và phải chịu nhiều dư luận trái chiều. Số ít ý kiến ghi nhận những giá trị tác phẩm Ngọc Giao giai đoạn này là lời giới thiệu tiểu thuyết Đất. Bài giới thiệu của nhà văn Tam Lang về tiểu thuyết Đất khi tác phẩm được in năm 1950 tại nhà xuất bản Cây thông, Hà Nội có viết:“ Đất, ở đây, trong những dòng chữ bỏng cháy này sẽ tiết ra, sẽ dựng lên cả một cuộc đời gai lửa, nghẹn uất của những con người mong được sống, thiết tha sống, thấy lẽ sống chỉ khi nào họ được bám vào đất, ghì chặt lấy đất. Bạn đọc đi, để được gửi lòng mình vào lòng Đất Việt muôn thuở mạnh”[58,2]. Bài viết này chủ yếu đánh giá ngắn gọn về nội dung của tác phẩm Đất với những ý hướng tích cực của một tác giả dũng cảm nói lên hiện thực cuộc sống khổ cực của người dân vùng tề với biết bao tâm trạng. Bên cạnh đó cũng có ý kiến đi ngược lại, trong đó phải kể đến bài viết về văn học Hà Nội tạm chiếm của ông Nguyễn Bắc, Giám đốc Sở văn hóa Hà Nội năm 1963 dưới nhan đề Mấy nét về tình hình văn học trong lòng Hà Nội thời kỳ kháng chiến. Bài viết có những nhận xét còn mang tính quy chụp, phiến diện về các tiểu thuyết Ngọc Giao giai đoạn 1947- 1954. Tác giả chủ yếu bàn đến mục đích và tư tưởng của tác giả Ngọc Giao với kháng chiến và cách mạng thông qua các tác phẩm của ông chứ không bàn nhiều đến giá trị văn chương với những đóng góp tích cực cho văn học nghệ thuật. Đó là cách nhìn nhận của nhà phê bình nhìn tác phẩm văn học như một công cụ phục vụ chính trị đơn thuần. Cách nhìn nhận đó chưa thực sự toàn diện và đúng đắn, khách quan về giá trị văn chương của Ngọc Giao và chịu sự chi phối của hoàn cảnh lịch sử xã hội. Cũng kể từ sau bài viết này, sự mặc cảm cùng những quan điểm riêng rất cá tính trong sáng tạo nghệ thuật đã khiến nhà văn ngậm ngùi xa dần nghiệp viết và bạn đọc. Như vậy, giai đoạn 1945 -1985, mặt tích cực trong tác phẩm Ngọc Giao chưa được quan tâm và đánh giá cao, số lượng bài viết ít, góc nhìn để đánh giá tác giả và tác phẩm còn phiến diện, một chiều. Do những giới hạn của hoàn cảnh lịch sử xã hội,
  • 26. 23 các tác phẩm Ngọc Giao không được phổ biến, kéo theo đó là sự ngưng bút của nhà văn, sự lãng quên của độc giả và các nhà nghiên cứu. 1.2.3. Giai đoạn sau 1986 Dưới ánh sáng của công cuộc Đổi mới, những giá trị đích thực của tác phẩm văn học nghệ thuật trong đó có tác phẩm Ngọc Giao đã dần được soi tỏ. Giá trị tác phẩm và đóng góp của Ngọc Giao với văn học đã được nhìn nhận khách quan, đúng mực hơn. Mặc dù số lượng bài viết chưa nhiều nhưng đã phần nào cho thấy những phác thảo tích cực về chân dung một nhà văn, một nghệ sĩ nhân hậu. Những bài viết giới thiệu về tác giả, tác phẩm Ngọc Giao trong những lần xuất bản, tái bản và một số công trình nghiên cứu chuyên biệt dưới đây phần nào thể hiện điều đó. Khi tái bản tập truyện ngắn Cô gái làng Sơn Hạ của Ngọc Giao năm 1989, Nhà xuất bản Văn học đã đánh giá: “Tác giả có sức sáng tạo phong phú và đa dạng, góp vào nền văn học hiện đại của chúng ta những trang viết hấp dẫn”[59,6]. Bài viết cũng đã có những nhận định khái quát về đặc trưng bút pháp văn xuôi Ngọc Giao nói chung và giá trị của tập truyện ngắn Cô gái làng Sơn Hạ nói riêng. Ngoài ra phải kể đến sự cảm nhận về tác phẩm của nhà văn Ngọc Giao trong tập Phấn hương qua bài viết Ngọc Giao - Phấn hương còn đó của tác giả Hoài Anh đăng trên Tạp chí Văn số 15(6-2001) với lời khẳng định: “Không thể nói Ngọc Giao là hay mua não trác sầu, vì chỉ trừ những người tầng lớp trên, sống dư dật, phong lưu trong xã hội cũ ra, không ai không nhận thấy xã hội cũ là buồn thảm, những người tầng lớp dưới luôn chết một cách vô lý và vô nghĩa. Ngọc Giao là một cây bút giàu lòng thương người. Ông thường đứng về phía những người nghèo khổ, bị đàn áp, bóc lột, đối xử bất công”[2,80]. Đó là sự khẳng định về giá trị nhân đạo và tâm hồn cao đẹp của ngòi bút Ngọc Giao. Sau một thời gian bị quên lãng, những năm cuối của thế kỷ XX, tên tuổi nhà văn được nói đến và đánh giá công bằng, khách quan hơn. Đặc biệt là qua các bài viết của nhà nghiên cứu Phong Lê: Mở đầu cho loạt bài viết về nhà văn Ngọc Giao của nhà nghiên cứu Phong Lê là bài Ngọc Giao, người khỏi bị lãng quên vào cuối thế kỷ viết năm 1999. Sau đó được chỉnh sửa và bổ sung thay cho lời giới thiệu cuốn Hà Nội cũ nằm đây của Ngọc Giao xuất bản năm 2010 và in lại trong cuốn Trăm năm trong cõi ...Về một thế hệ vàng văn chương Việt hiện đại (2014). Theo ông, "ngòi bút Ngọc Giao cơ bản vẫn là ngòi bút nghiêng về phía hoài cảm, trữ tình. Tránh né, hoặc làm nhòa mờ những nét thô tục, trần trụi của hiện thực trong một hơi văn êm ái, suôn sẻ"[63,10]. Đó là những nhận định đánh giá khơi nguồn, thức tỉnh và cho phép bạn đọc thoát khỏi sự lãng quên một văn nhân đáng kính cùng những giá trị văn chương trân quý.
  • 27. 24 Bài viết giới thiệu tập truyện ngắn Phấn hương tái bản năm 2010 với những đánh giá có tính chất khẳng định về giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Qua tập truyện, nhà nghiên cứu Phong Lê nhận xét: “Đứng ở chỗ giao nhau hoặc nơi giáp ranh giữa lãng mạn và hiện thực, thế giới truyện của Ngọc Giao dường như có phần nới rộng ra về hai phía trong một cảm quan có màu sắc u buồn về hiện thực mà ông không muốn tìm đến nguyên nhân; thế nhưng đâu đó vẫn ẩn chứa khát vọng về một cuộc sống trong sạch và lương thiện cho con người, cho loài người”[61,12] Trong bài viết giới thiệu tập Quan báo xuất bản năm 2010, tác giả cũng đã khẳng định “Ngọc Giao như một chân dung tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại, với các giá trị có ý nghĩa bổ sung và khẳng định bên cạnh các tên tuổi quen thuộc trong hai dòng trữ tình và hiện thực thời kỳ 1930-1945, và cũng là giá trị chung cho cả thế kỷ”[62,11]. Cùng với những nhận xét đã bàn đến trong các bài viết trên, bài viết giới thiệu cuốn Hà Nội cũ nằm đây xuất bản năm 2010, nhà nghiên cứu Phong Lê đã khẳng định thêm về giá trị đạo lý và đề tài Hà Nội trong sáng tác của Ngọc Giao, nhất là các tác phẩm ký viết những năm cuối đời. Với bài giới thiệu tác phẩm Xóm Rá xuất bản năm 2011, nhà nghiên cứu Phong Lê đã có những đánh giá ghi nhận về sự đổi mới và đóng góp của Ngọc Giao thể hiện qua tác phẩm. Đó là “những bổ sung về một bút pháp mới, bút pháp phóng sự, khảo tả chi tiết những điều tai nghe mắt thấy... Một tiểu thuyết - phóng sự trong kết hợp và bổ sung giữa hai thể viết, trong tương ứng với chất liệu và chủ định của tác giả, ghi nhận cái mới, cái lạ trong văn Ngọc Giao...”[64,14]. Cũng viết về tác phẩm này, trong lần tái bản năm 2015, trang 217, Trần Ngọc Hiếu đã đánh giá: "Xóm Rá đáng được coi là tác phẩm khốc liệt nhất trong di sản văn chương Ngọc Giao". Đó cũng là tác phẩm có sự kết hợp ăn ý giữa chất tiểu thuyết và phóng sự. Tác giả đã thành công khi mô tả thực trạng xã hội phức tạp, gai góc và đặc biệt hơn bởi nó chứa những "vấn đề nhân loại". Với những gì đã viết, nhà nghiên cứu cho rằng cuốn sách có thể kích thích sự phiêu lưu của nhiều cách đọc và không chỉ có giá trị của một tư liệu. Bên cạnh đó là những bài viết giới thiệu 2 cuốn tiểu thuyết Nhà quê và Cầu Sương được tái bản năm 2011 với những giá trị của thế giới văn thơ tiền chiến và văn học ở vùng tạm chiếm. Phong Lê cũng khẳng định trong bài viết này:“Tiểu thuyết của Ngọc Giao cần được nhận thức và đánh giá lại. Để qua đó, cho ta một cách tiếp cận khác, bao dung hơn trước các định kiến khắc nghiệt của một thời; cũng đồng thời cho ta một nhận thức bao quát hơn về cuộc sống và con người trong mọi góc khuất của nó”[65,10].
  • 28. 25 Bài viết Ngọc Giao, nhà văn giàu lòng thương người, thương đời của tác giả Anh Chi đăng trên báo điện tử Nhân dân cuối tuần ngày 04/5/2011 đã giới thiệu khái quát văn nghiệp của Ngọc Giao và khẳng định:“Đó là một sự nghiệp lớn!... có sức sáng tạo dồi dào. Và đáng nói hơn Ngọc Giao đã nhanh chóng trở thành một nhà văn được bạn đọc yêu mến, bởi một giọng văn trữ tình, tinh tế và bởi văn ông chứa đựng những xúc cảm nhân bản sâu lắng”[19]. Trong bài Tác phẩm về Sài Gòn của nhà văn Ngọc Giao đăng trên diễn Tuổi trẻ online ngày 6/5/2011, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã giới thiệu ngắn gọn về việc tác phẩm Xóm Rá được xuất bản và giá trị hiện thực của tác phẩm. Từ đó một lần nữa khẳng định:“Ngọc Giao là một tác gia văn học cần được nghiên cứu, tìm hiểu, sau một thời gian dài im lặng, chìm khuất” [148]. Bàn về con người và văn chương Ngọc Giao, trong bài viết Khoảng im lặng của bác Ngọc Giao, tác giả Trịnh Lữ trên trang blog cá nhân đã nhận xét: "Những khắc họa của bác Ngọc Giao, dù là bằng ngôn từ, đều như những nét vẽ cụ thể, thường thoáng đạt như ký họa, mà lúc nào cũng có những điểm nhấn, có sáng tối, đậm nhạt, khi cần thì làm kĩ một hai chi tiết, khiến cho bức tranh có chính có phụ rõ ràng, ai xem cũng phải có cảm xúc. Đó là nhờ tố chất hội họa sẵn có trong con người của nhà văn"[118]. Đó là cá tính sáng tạo cần được quan tâm để khai thác thêm những giá trị nghệ thuật trong văn xuôi Ngọc Giao. Trong bài giới thiệu về tác phẩm Ngọc Giao nhân dịp xuất bản tuyển chọn 3 tập sách Bến đò rừng, Đốt lò hương cũ và Mưa thu với nhan đề Di cảo sau hơn nửa thế kỷ nhà văn Ngọc Giao đăng trên báo điện tử Hà Nội mới ngày 12/4/2012, tác giả T.Minh đã tiếp tục giới thiệu những nét chính trong văn nghiệp Ngọc Giao và khẳng định vị trí của nhà văn:“Đọc Ngọc Giao, dẫu chỉ với bốn tập truyện mới in lại gần đây, cùng với tiểu thuyết Nhà quê, Xóm Rá, Cầu sương vừa được xuất bản, ta vẫn có thể yên tâm khi xếp ông vào đội ngũ những tác gia quen thuộc về Hà Nội, có vị trí xứng đáng bên cạnh Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Bằng...”[132]. Đó là sự khẳng định cho những đóng góp và vị trí không thể không nhắc đến của Ngọc Giao trong dòng văn học lãng mạn Việt Nam. Đặc biệt trong bài giới thiệu bộ sách Bến đò rừng, Đốt lò hương ấy và Mưa thu xuất bản năm 2012, nhà nghiên cứu Phong Lê đánh giá khái quát toàn diện về những gì Ngọc Giao để lại cho đời mà theo giáo sư “phải đến bây giờ tôi mới có thể yên tâm đặt tên bài viết của mình về ông là Sự nghiệp viết của Ngọc Giao”. Bài viết này một lần nữa khẳng định tên tuổi và sự nghiệp của Ngọc Giao trong nền văn học nước nhà sau một thời gian dài các tác phẩm của Ngọc Giao được tái bản và độc giả đương thời cũng đã ít nhiều biết đến nhà văn. Đó là một sự khẳng định chắc chắn,
  • 29. 26 khách quan của một nhà nghiên cứu về những đóng góp của Ngọc Giao sau một hành trình dài chiêm nghiệm, nhận thức, rung cảm và ghi nhận. Cùng với sự tái bản liên tiếp các tác phẩm của Ngọc Giao, bước đầu chúng tôi thấy cũng đã có những công trình nghiên cứu chuyên biệt về truyện ngắn trước 1945 của Ngọc Giao. Trong đó phải kể đến luận văn thạc sĩ Truyện ngắn Ngọc Giao trong bối cảnh truyện ngắn Việt Nam trước 1945 của tác giả Nguyễn Thị Ngân hoàn thành năm 2012 tại Đại học Vinh. Luận văn đã đặt truyện ngắn Ngọc Giao trong bối cảnh truyện ngắn Việt Nam trước 1945 để chỉ ra một số đặc điểm nổi bật trên các phương diện đề tài, nhân vật, cảm hứng. Đồng thời tác giả đã chỉ ra đặc điểm giọng điệu, ngôn ngữ, kết cấu truyện ngắn Ngọc Giao. Tiếp đó, năm 2015, tại Đại học Đà Nẵng, luận văn thạc sĩ Đặc điểm truyện ngắn Ngọc Giao của Huỳnh Thị Hai với những khám phá tiếp tục về hình tượng nhân vật, người kể chuyện, không gian và thời gian nghệ thuật, cốt truyện, kết cấu, ngôn ngữ và giọng điệu. Cả hai tác giả luận văn đều đặt Ngọc Giao trong tiến trình vận động của văn học Việt Nam hiện đại trước 1945, đặc biệt là trong dòng truyện ngắn trữ tình trước 1945 để khẳng định sự có mặt của Ngọc Giao góp phần làm phong phú cho đời sống văn học 1930-1945. Đọc truyện ngắn Ngọc Giao, chúng ta bắt gặp một thế giới nhân vật phong phú đa dạng với hiện thực được soi chiếu dưới nhiều góc độ trên những trang văn sâu lắng, tha thiết, nhiều giọng điệu, giàu chất thơ. Tuy nhiên các công trình trên còn có nhiều điểm trùng lặp, luận văn có những đặc điểm mới chỉ mang tính chất lược thuật cốt truyện chưa đi sâu giải quyết vấn đề đặt ra. Nhưng đó cũng chính là những tiền đề đáng quý để chúng tôi tiếp tục tìm hiểu trong luận án của mình. Trong bài Nhà văn Ngọc Giao: Như hoa mai nở hai lần đăng trên báo điện tử Tạp chí Sông Hương ngày 10/11/2014, tác giả Anh Chi tiếp tục ghi nhận những đóng góp của Ngọc Giao với nền văn học nước nhà. Với những trang văn giàu mỹ cảm, tràn đầy tình thương đời và thương người, Ngọc Giao là một nhà văn thành danh đã viết thêm những giá trị nhân vãn sâu sắc cho lịch sử văn học hiện đại Việt Nam. Đặc biệt với tuyển tập các tác phẩm hoàn thành trong những năm cuối đời “Hà Nội cũ nằm đây”, tác giả Anh Chi nhận xét: “Trong lần nở hoa thứ hai, cây lão mai Ngọc Giao dường như dâng cả cho Hà Nội, mảnh đất thân yêu đã nuôi dưỡng ông suốt đời...Tác phẩm văn chương này đẹp lạ thường, nó như đợt hoa cuối cùng cây lão mai Ngọc Giao đem trút hết cả cho Hà Nội”[20]. Quý I năm 2016, nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh cho ra mắt bạn đọc tuyển tập truyện thiếu nhi của Ngọc Giao với tiêu đề Úm ba la hang thuồng luồng. Trong lời giới thiệu sách, Phương Nam book đã khẳng định: "Phong phú về thể loại, đa dạng về đề tài, cùng cách viết mới mẻ, linh hoạt, truyện
  • 30. 27 của Ngọc Giao đã góp phần làm giàu kho tàng truyện thiếu nhi nước nhà. Và dù chọn đề tài nào, đưa các em vào không gian sống hiện thực hay huyền ảo, xưa hay nay, truyện Ngọc Giao vẫn luôn hàm chứa những món quà đẹp cho các em nhỏ trên hành trình hướng thiện."[70,6]. Bình luận về tập truyện này tác giả Lê Nhật Ký trên báo Bình Định online cũng viết: "Với tuổi thơ, đó thực là một thế giới nghệ thuật đầy thú vị, mở ra nhiều cơ hội trải nghiệm và thâu nhận bài học làm người... Sức hấp dẫn của những truyện này chính là niềm đau khổ của con người và sự chiến thắng của cái đẹp, cái thiện. Chính cái đẹp, cái thiện ấy đã cảm hóa Trời, Phật, đã thức tỉnh lương tâm, khiến người ngay không bị xô ngã trên đường dây mong manh của số phận"[95]. Đó là những đánh giá thích đáng về giá trị nhân văn giản dị, cao đẹp mà nhà văn Ngọc Giao dành cho trẻ em. Năm 2016, trong hai bài viết Một di sản văn chương cần được nghiên cứu thêm của Việt Phong đăng trên Quân đội nhân dân online và bài Viết trong Hà Nội thời 1947- 1954 của Vũ Quần Phương đăng trên Văn nghệ số 42, các tác giả cũng đều khẳng định trong thời kì 1947-1954, Ngọc Giao là nhà văn vẫn duy trì được lối viết nhịp nhàng, giàu bút lực với nhiều tác phẩm có giá trị cả ở truyện ngắn và tiểu thuyết. Đồng thời, trong cuốn Văn nghệ Hà Nội những năm 1947-1954 xuất bản năm 2017, tác giả Lê Văn Ba đã phục dựng diện mạo và những chân dung văn nghệ sĩ thời kì 1947-1954 sáng tác trong lòng Hà Nội với những đóng góp và thành tựu văn học đáng kể. Đặc biệt, tác giả cũng cho rằng: Ngọc Giao là "cây bút giàu nghị lực, có trách nhiệm với xã hội, thời đại mình đang sống"[8;155]. Đó là nhà văn yêu nghề với sức đi, sức viết đáng bái phục. Trong thời gian này, Đất và Xóm Rá được coi như những tác phẩm đặc sắc nhất mà nói như Nguyễn Đình Thi "Ngọc Giao đã đưa được vào văn học những thân phận rơm rác nhất của con người khi ấy"[8;155].Với sự ghi nhận này, Ngọc Giao xứng đáng là cây bút tiêu biểu cần được nghiên cứu cùng rất nhiều các tác giả khác viết trong lòng Hà Nội những năm 1947-1954, một giai đoạn văn chương, nghệ thuật có nhiều thành tựu nhưng chưa được quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu. Tác giả Lê Tú Anh trong bài Phê bình văn học nhìn từ đầu thế kỉ XX đăng trên Tạp chí Nghiên cứu văn học tháng 8/2017 cũng đã nhận thấy tình yêu Ngọc Giao dành cho văn chương thật mãnh liệt vô cùng với một sự nỗ lực không ngừng nghỉ và vận động tích cực trong tiến trình lao động nghệ thuật. Tác giả cũng cho rằng tiểu thuyết là bộ phận quan trọng trong sáng tác của Ngọc Giao. Với cách tiếp cận hiện thực từ góc nhìn đời tư mang tinh thần khách quan, dân tộc và nhân bản sâu sắc, tiểu thuyết Ngọc Giao tuy dung lượng không nhiều nhưng đậm chất tiểu thuyết, đem lại sức hấp dẫn bền lâu và đặc biệt thành công với nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật.