SlideShare a Scribd company logo
1 of 182
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐẠI HỌC HUẾ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC
NGUYỄN HỒNG DŨNG
ẢNH HƯỞNG CỦA CHỦ NGHĨA HẬU HIỆN ĐẠI
ĐỐI VỚI TIỂU THUYẾT VIỆT NAM
TỪ 1986 ĐẾN 2010
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC
HUẾ - 2016
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐẠI HỌC HUẾ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC
NGUYỄN HỒNG DŨNG
ẢNH HƯỞNG CỦA CHỦ NGHĨA HẬU HIỆN ĐẠI
ĐỐI VỚI TIỂU THUYẾT VIỆT NAM
TỪ 1986 ĐẾN 2010
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Mã số: 62.22.01.21
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC
Người hướng dẫn khoa học:
1. PGS.TS. TRƯƠNG ĐĂNG DUNG
2. PGS.TS. NGUYỄN THÀNH
HUẾ, 2016
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi.
Các kết quả nêu trong luận án là trung thực, đảm bảo độ chuẩn xác
cao nhất có thể. Các tài liệu tham khảo, trích dẫn có xuất xứ rõ
ràng. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về công trình nghiên cứu của
mình.
Huế, tháng 3 năm 2016
Tác giả
Nguyễn Hồng Dũng
DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT TRONG LUẬN ÁN
Nhà xuất bản: Nxb
Tạp chí: T/c
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU....................................................................................................... 1
1. Lý do chọn đề tài........................................................................................ 1
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu............................................................... 2
3. Phương pháp nghiên cứu............................................................................ 2
4. Đóng góp khoa học của luận án.................................................................. 3
5. Cấu trúc luận án ......................................................................................... 3
NỘI DUNG ................................................................................................... 4
Chương 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU............................ 4
1.1. Các công trình dịch, biên soạn từ tài liệu nước ngoài............................... 4
1.2. Các công trình nghiên cứu, phê bình ở trong nước ................................ 15
Chương 2. TIẾP NHẬN CHỦ NGHĨA HẬU HIỆN ĐẠI TRONG VĂN
HỌC VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN 2010...................................................... 26
2.1. Giới thuyết về chủ nghĩa hậu hiện đại.................................................... 26
2.1.1. Những điều kiện hình thành của chủ nghĩa hậu hiện đại..................... 26
2.1.2. Các quan niệm về chủ nghĩa hậu hiện đại........................................... 42
2.2. Tiếp nhận chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam.................... 48
2.2.1. Tiếp nhận và ứng dụng trong nghiên cứu – phê bình .......................... 51
2.2.2. Tiếp nhận và ứng dụng trong sáng tác ................................................ 59
Chương 3. TƯ DUY NGHỆ THUẬT HẬU HIỆN ĐẠI TRONG TIỂU
THUYẾT VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN 2010 – NHÌN TỪ QUAN NIỆM
NGHỆ THUẬT, TÂM THỨC SÁNG TẠO VÀ THẾ GIỚI NHÂN VẬT . 64
3.1. Quan niệm về nghệ thuật tiểu thuyết...................................................... 64
3.1.1. Tiểu thuyết với quan niệm “trò chơi văn học” .................................... 64
3.1.2. Tiểu thuyết với quan niệm “giải thiêng nghệ thuật”............................ 69
3.2. Tâm thức sáng tạo của nhà văn.............................................................. 76
3.2.1. Tâm thức sáng tạo của nhà văn với bản thể dân tộc ............................ 77
3.2.2. Tâm thức sáng tạo của nhà văn trước thực tại..................................... 86
3.3. Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết........................................................ 91
3.3.1.Vấn đề kiểu loại nhân vật .................................................................... 91
3.3.2. Những biến đổi khái niệm nhân vật ................................................... 95
Chương 4. TƯ DUY NGHỆ THUẬT HẬU HIỆN ĐẠI TRONG TIỂU
THUYẾT VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN 2010 – NHÌN TỪ PHƯƠNG THỨC
THỂ HIỆN................................................................................................ 106
4.1. Đa dạng hóa hình thức truyện kể và tự sự đa điểm nhìn....................... 106
4.1.1. Đa dạng hóa hình thức truyện kể ...................................................... 106
4.1.2. Tự sự đa điểm nhìn........................................................................... 115
4.2. Kết cấu phân mảnh, lắp ghép và dung hợp, đan cài thể loại................. 120
4.2.1. Kết cấu phân mảnh, lắp ghép............................................................ 121
4.2.2. Sự dung hợp, đan cài thể loại............................................................ 128
4.3. Cách tân ngôn ngữ............................................................................... 133
4.3.1. Ngôn ngữ mảnh vỡ........................................................................... 133
4.3.2. Ngôn ngữ giễu nhại .......................................................................... 137
KẾT LUẬN............................................................................................... 147
DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ CÓ LIÊN
QUAN ĐẾN LUẬN ÁN............................................................................ 151
TÀI LIỆU THAM KHẢO........................................................................ 152
PHỤ LỤC
1
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trong những thập niên cuối thế kỷ XX, trên thế giới, trong giới khoa học nói
chung và giới văn học nói riêng, có một khái niệm, tuy chưa có được một cách hiểu
thống nhất, nhưng lại được sử dụng và bàn đến nhiều nhất, đó là khái niệm “chủ
nghĩa hậu hiện đại” (postmodernism). Chủ nghĩa hậu hiện đại gần như đã trở thành
tinh thần của thời đại mới, vượt qua thời hiện đại và được gọi là thời “hậu hiện đại”
hay “kỷ nguyên hậu hiện đại”. Chủ nghĩa hậu hiện đại vừa được xem là một chủ
thuyết triết học, cũng vừa là một phong trào xã hội được áp dụng vào hầu khắp các
lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hoá, nghệ thuật, giáo dục, tôn giáo... Trong văn học,
các nhà nghiên cứu đã xây dựng nên một hệ thống lý thuyết hậu hiện đại, một mặt,
được dùng để áp dụng vào việc nghiên cứu tác phẩm, được sử dụng làm tiêu chí
phân loại và định dạng tác phẩm; mặt khác, được sử dụng để cụ thể hoá quá trình
nhận thức luận về tinh thần văn học hậu hiện đại.
Như vậy, hậu hiện đại là một cách gọi để chỉ về một sự vận động, mà sự vận
động đó đang tạo nên một hệ hình tư duy mới, có nhiệm vụ thay thế cho hệ hình tư
duy hiện đại đã không còn phù hợp, kể cả trong kinh tế, chính trị và trong văn hóa
tinh thần. Trong lịch sử phát triển của xã hội loài người, chủ nghĩa hậu hiện đại
đang còn rất mới, chỉ được chính thức thừa nhận từ những thập niên 60 (thế kỷ XX)
đến nay. Không ai biết được tường tận những gì sẽ xảy ra trong tương lai để hình
dung cụ thể hơn về hiện tại, để xác lập lại các nguyên tắc, các điều kiện có tính định
hướng cho một con người, cho một xã hội và tổng thể xã hội mang tính toàn nhân
loại. Chủ nghĩa hậu hiện đại, trong những khả năng và giới hạn của nó, sẽ góp phần
giải quyết những vấn đề quá phức tạp này.
Ở Việt Nam, lý thuyết văn học hậu hiện đại ngày càng được quan tâm tìm
hiểu, nghiên cứu và ứng dụng vào đời sống văn học, từ hoạt động của nhà nghiên
cứu đến sáng tạo của người nghệ sĩ. Thực tiễn những năm qua mà khoa học văn
học cũng như lĩnh vực sáng tác đã đạt được, đã chứng minh tính khoa học, tính
khách quan và tính chân lý của chủ nghĩa hậu hiện đại. Dưới tác động của lý thuyết
văn học hậu hiện đại, chúng ta không chỉ phát hiện và thừa nhận những giá trị sáng
tạo của những nhà văn đương đại, mà còn có cơ sở lý luận để nhận thức lại, đánh
giá lại những kết quả đã qua, kể cả trong sáng tác và trong nghiên cứu.
2
Việc vận dụng lý thuyết văn học hậu hiện đại vào nghiên cứu những sáng tác
của các nhà tiểu thuyết Việt Nam đã có những chuyển động và những thay đổi thực
sự, cả nội dung và hình thức. Tinh thần hậu hiện đại đã soi chiếu vào tư duy tiểu
thuyết, có thể nói đã tạo nên một sự biến đổi lớn lao ở thể loại này. Qua thời gian,
những sáng tác của các nhà tiểu thuyết Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh,
Nguyễn Việt Hà, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Đình Tú, Đặng
Thân, Châu Diên, Thuận, Đoàn Minh Phượng, Phong Điệp, Nguyễn Ngọc Tư… đã
được xã hội thừa nhận. Có một sự thật hiển nhiên được nhận thức trong giới văn
học là không thể viết như trước được nữa, nếu như muốn có người đọc. Về cơ bản,
những thành tựu mà tiểu thuyết đạt được là nhờ sự tiếp thu, vận dụng một cách sáng
tạo quan niệm nhận thức, kinh nghiệm viết hậu hiện đại của các nhà văn Việt Nam.
Đây chính là lý do chính để chúng tôi lựa chọn đề tài luận án Ảnh hưởng của chủ
nghĩa hậu hiện đại đối với tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, nhằm góp phần
khẳng định những giá trị thực sự của bộ phận tiểu thuyết theo khuynh hướng hậu
hiện đại. Trên cơ sở nghiên cứu có tham khảo tư liệu của những người cùng thời,
chúng tôi muốn tạo dựng một cái nhìn toàn cảnh về sự hình thành và từng bước phát
triển của tiểu thuyết theo xu hướng này.
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu: Luận án tập trung nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam
từ 1986 đến 2010. Tuy nhiên, do yêu cầu của đề tài nên chỉ tập trung ở những tiểu
thuyết mang sắc thái, dấu ấn hậu hiện đại.
- Phạm vi nghiên cứu: Luận án giới hạn phạm vi nghiên cứu về những ảnh
hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại đối với tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010.
3. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện luận án, chúng tôi sử dụng phối hợp các phương pháp nghiên cứu
chính:
- Phương pháp lịch sử - loại hình: dùng để khảo sát sự hình thành và vận động
của lý thuyết hậu hiện đại, đặc trưng và các quan niệm riêng của các nhà lý luận
trong các lĩnh vực triết học, văn hóa, văn học, nghệ thuật.
- Phương pháp cấu trúc - hệ thống: dùng để tìm hiểu, nghiên cứu một cách hệ
thống các khuynh hướng triết học như Hiện tượng luận – Tường giải học; Cấu trúc
luận – Giải cấu trúc luận. Các tiểu thuyết có dấu ấn hậu hiện đại Việt Nam cũng
được nghiên cứu qua phương pháp này.
3
- Phương pháp liên ngành văn hóa – văn học: dùng để khảo sát quá trình hình
thành chủ nghĩa hậu hiện đại (điều kiện triết học, kinh tế – xã hội, văn hóa – nghệ
thuật) và nghiên cứu đặc thù lịch sử, văn hóa, văn học dân tộc trong tiểu thuyết theo
xu hướng hậu hiện đại Việt Nam.
- Phương pháp so sánh – đối chiếu: dùng để nghiên cứu những tương đồng và
riêng biệt trong tư duy nghệ thuật của các nhà tiểu thuyết theo xu hướng hậu hiện
đại Việt Nam.
4. Đóng góp khoa học của luận án
Luận án trình bày những vấn đề chính của tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến
2010, sự phát triển của khuynh hướng tiểu thuyết gắn với chủ nghĩa hậu hiện đại,
góp phần cung cấp một số kiến thức cơ bản để có một cái nhìn tổng thể về tiểu
thuyết Việt Nam những năm này.
Luận án có thể được xem là một trong những công trình đầu tiên, tương đối có
hệ thống nghiên cứu về ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại đối với tiểu thuyết
Việt Nam đương đại, những mặt tích cực và những hạn chế của chủ thuyết này đem
lại.
Luận án hoàn thành sẽ là một tài liệu tham khảo hữu ích cho việc tìm hiểu, học
tập, nghiên cứu về chủ nghĩa hậu hiện đại và văn học hậu hiện đại.
5. Cấu trúc luận án
Ngoài phần mở đầu, phần kết luận, tài liệu tham khảo, nội dung chính của luận
án được triển khai trong 4 chương:
Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu
Chương 2. Tiếp nhận chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam từ 1986
đến 2010
Chương 3. Tư duy nghệ thuật hậu hiện đại trong tiểu thuyết Việt Nam từ 1986
đến 2010 – nhìn từ quan niệm nghệ thuật, tâm thức sáng tạo và thế giới nhân vật
Chương 4. Tư duy nghệ thuật hậu hiện đại trong tiểu thuyết Việt Nam từ 1986
đến 2010 – nhìn từ phương thức biểu hiện
4
NỘI DUNG
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
Lịch sử hậu hiện đại (từ những luận thuyết đề xuất ban đầu cho đến những luận
điểm mở rộng, bổ sung và chuyên sâu về sau), gắn với các điểm nhận thức cơ bản:
- Chủ nghĩa hậu hiện đại là một lý thuyết phổ biến nhưng cũng hết sức phức
tạp của tư tưởng thế giới đương đại. Lý thuyết này không giới hạn trong phạm vi
triết học hay văn hóa, văn học nghệ thuật mà được áp dụng rộng rãi trong đời sống
xã hội. Vì vậy, phải có được cái nhìn toàn cảnh về hậu hiện đại mới có thể hiểu
được về văn học hậu hiện đại.
- Chủ nghĩa hậu hiện đại, được khởi phát từ phương Tây, trước hết cần xem
xét nó là một hình thái phát triển xã hội, sau đó mới được khai triển ở các lĩnh vực
cụ thể.
- Chủ nghĩa hậu hiện đại, theo quy luật, được hình thành trong lòng chủ nghĩa
hiện đại, là bước phát triển cao hơn chủ nghĩa hiện đại, là khái niệm chỉ mối tổng
hòa các hình thái xã hội. Cũng theo quy luật, chủ nghĩa hậu hiện đại xuất hiện sớm
nhất ở những quốc gia phát triển – đó là thế giới Phương Tây. Bởi vậy, hầu hết
những công trình nghiên cứu lý thuyết hậu hiện đại đều được xây dựng bởi các học
giả Phương Tây, như: J. Derrida, M. Foucault, J. Lyotard, M. Ponty, J. Lacan, D.
Lodge, F. Jameson, J. Baudrillard, D. Fokkema, I. Hassan, S. Jencks, R. Rorty…
1.1. Các công trình dịch, biên soạn từ tài liệu nước ngoài
Các công trình thuộc lĩnh vực văn học nghệ thuật
Trong những năm từ 1975 đến gần cuối thế kỷ XX, cánh cửa hướng về phía
nền lý luận phương Tây vẫn bị đóng kín, hoạt động dịch, giới thiệu, xuất bản các
công trình nghiên cứu khoa học xã hội – nhân văn của khu vực này ở Việt Nam là
hết sức hạn chế. Vì vậy, đa phần giới nghiên cứu Việt Nam vẫn không thể hình
dung được những điều gì đã và đang diễn ra trong các xã hội bên ngoài. Tính chất
trì trệ này có thể giải thích được, một phần là do thiếu sự giao lưu, nhưng chính
yếu là vẫn dựa vào và ỷ lại những tri thức từ phía Liên Xô, xem tri thức từ phía
phương Tây là xa lạ và không phù hợp. Quanh quẩn với những khái niệm, thuật
ngữ, nguyên lý truyền thống, hoạt động nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam
rơi vào ngõ cụt.
5
Cuộc tranh luận về truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là một minh chứng buồn
về thực tế này. Phe phản đối thì dùng “đôi mắt cũ” để soi vào một hiện tượng mới,
vẫn sử dụng phương pháp xã hội học dung tục để phê bình. Phe ủng hộ thì nhìn
chung vẫn phê bình cảm tính, ca ngợi cái tài, cái hay, cái mới của nhà văn nhưng
không biết rõ căn nguyên tư tưởng nghệ thuật của nhà văn từ đâu mà có. Tính chất
mâu thuẫn trong tranh luận đã bộc lộ sự lạc hậu của tư duy lý luận văn học lúc bấy
giờ.
Ở cuộc tranh luận về Nguyễn Huy Thiệp có một bài viết rất đáng chú ý: Tại
sao tôi dịch truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp ra tiếng Anh? của G. Lockhart (người
Úc), in trên Tạp chí Văn học, số 4,1989, được in lại trong sách Đi tìm Nguyễn Huy
Thiệp. Bài viết này rất kịp thời, tính gợi ý và tính ý hướng của nó rất cao, nhưng lại
không được quan tâm đúng mức, đặc biệt là về mặt thuật ngữ. Lockhart đã đặt vấn
đề: “Cái mới của Nguyễn Huy Thiệp là ở chỗ nào?” và đã lý giải: “ Cuối thế kỷ này
thế giới có nhiều thay đổi về chính trị, kinh tế, văn hóa rất phức tạp. Những thay
đổi, phủ nhận ký ức của quá khứ, và vì thế ta tìm thấy sự xuất hiện của nhiều xu
hướng văn học, sử học mới […] Và ở Việt Nam ta có truyện ngắn của Nguyễn Huy
Thiệp. Đây là những phương pháp biểu hiện cuộc sống trên thế giới cuối thế kỷ này.
Tức là, đây là hiện tượng văn học chúng ta gọi “hậu hiện đại chủ nghĩa”
(postmodernism)” [78, tr.113-114]. Thuật ngữ “hậu hiện đại chủ nghĩa” mà
Lockhart dùng lúc bấy giờ đã không được chú ý, nhưng giờ đây có thể xem là sự
khởi đầu cho một khuynh hướng văn học mới ở Việt Nam, cả trong sáng tác và
trong nghiên cứu, phê bình.
Sau bài viết của Lockhart, phải đến năm 1991, mới có một bản dịch về văn
học hậu hiện đại được công bố. Đó là tiểu luận Vài suy nghĩ về cái gọi là tiểu thuyết
hậu hiện đại của Antonio Blach (Nguyễn Trung Đức dịch), in trên Tạp chí Văn học,
số 5. Tiểu luận này bước đầu đã đem đến cho người đọc cách hiểu về một số đặc
trưng cơ bản của văn học hậu hiện đại và tiểu thuyết hậu hiện đại, như biểu hiện thế
giới trong “tính phức tạp và phiến diện”, “xóa nhòa ranh giới giữa không gian của
nghệ thuật và không gian của kỹ thuật, giữa ý thức và vô thức, giữa hiện thực và ma
quái”, “khuynh hướng hướng tới sự tự ngắm vuốt” (về sau được sử dụng phổ biến
hơn bởi các từ “tự chiêm nghiệm”, “sự tự mỹ”), “một ngôn ngữ tự ám thị”, “một
thái độ khôi hài” (sự giễu nhại)… Blach nhận xét văn học hậu hiện đại là “đầy sinh
lực và khát vọng”, nó trả lại cho văn chương tính bản nguyên không lệ thuộc vào
6
duy lý. Ông cho rằng văn học hậu hiện đại: “ là kết quả của sự đề kháng trước
những cơ chế chính trị vô cùng hùng hậu, trước sự đam mê của các nền văn hóa
được quy chuẩn hóa, trước các quy chuẩn hóa của ngôn ngữ” [9, tr.411].
Từ sau bài viết của A.Blach, lại kéo dài một khoảng trống đáng tiếc trong việc
dịch thuật, giới thiệu về chủ nghĩa hậu hiện đại. Phải 6 năm sau, năm 1997, trên Tạp
chí Nghiên cứu Văn học, số 5, mới có bài tiểu luận Về chủ nghĩa hậu hiện đại của
Jonh Verhaar (Lộc Phương Thủy dịch). Theo Verhaar, quan niệm về tồn tại của chủ
nghĩa hậu hiện đại gắn với “sự mỉa mai” và “xu hướng tự do” [9. tr.361]. Năm
1998, trên Tạp chí Văn học nước ngoài, số 6, có bài viết Những giới hạn của phạm
trù tác giả trong văn học hậu hiện đại của Viliam Marcok (Lại Nguyên Ân dịch).
Bài viết của V.Marcok đã lý giải phạm trù tác giả theo trục lịch đại với các quan
niệm về tác giả (người tạo ra văn bản). V.Marcok chỉ ra những vết rạn của nhận
thức truyền thống, khi những quan điểm về nhận thức, phản ánh của nghệ thuật bị
lung lay bởi “tính không tương hợp của trần thuật với thế giới thực”, tính liên văn
bản dẫn đến tình trạng “cái chết của tác giả” (R.Barthes) – một cách diễn tả về sự
biến mất “những ảo tưởng về sự hồn nhiên của tác giả”. Từ những tiền đề dẫn dắt
đó, ông đã chỉ ra những hệ quả về phạm trù tác giả ở chủ nghĩa hậu hiện đại với sáu
đặc trưng, và đi đến kết luận: “Tác giả hậu hiện đại trong không gian văn học mới
– liên văn bản – nay trở thành kẻ trung gian (moderator) đầy mỉa mai giữa những
văn bản của người khác và những văn bản của chính mình, hoặc trở thành phù thủy
– sáng tạo của quá trình sáng tác bất tận của chúng” [87, tr.221].
Chủ nghĩa hậu hiện đại chỉ thực sự được quan tâm, dịch, giới thiệu để phục vụ
cho việc tìm hiểu, nghiên cứu ở Việt Nam là từ năm 2000 trở đi. Vào năm 2000,
trên Tạp chí Thơ, số Mùa Xuân (xuất bản ở Mỹ bằng tiếng Việt) đã trích in công
trình Lý thuyết văn chương hậu hiện đại của Niall Lucy (Nguyễn Thị Ngọc Nhung
dịch), phần I Văn chương và ngưỡng cửa đầu, phần II Diễn dịch là sáng chế. Đây là
công trình có giá trị học thuật cao, tác giả đã lý giải sâu sắc một số vấn đề cơ bản
của văn học hậu hiện đại: định nghĩa văn học hậu hiện đại, sự phân biệt nghệ thuật
với khoa học (qua sự tranh biện với Lyotard), nghệ thuật với hiện thực (phân tích
quan niệm của Barthes và Hassan), văn học và lý thuyết trò chơi (phân tích công
trình Cấu trúc, Ký hiệu và Trò chơi của Derrida).
7
Năm 2003, công trình có tính kinh điển Các khái niệm và thuật ngữ của các
trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kỳ thế kỷ 20 do I.P.Ilin và
E.A.Tzurganova chủ biên (những người dịch: Đào Tuấn Ảnh, Trần Hồng Vân, Lại
Nguyên Ân) được Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội phát hành. Bộ sách được viết cô
đọng, đúc kết những nội dung chính của học thuật phương Tây thế kỷ XX, thông
qua việc hệ thống các khái niệm và thuật ngữ. Phần Chủ nghĩa hậu hiện đại, sau khi
trình bày những nội dung chính của lý thuyết (điều kiện lịch sử, sự ra đời, nội hàm
khái niệm…), người viết (I.P.Ilin) đã nêu và diễn giải khá tường tận các khái niệm
triết mỹ cơ bản và một số thủ pháp nghệ thuật chính của văn học hậu hiện đại.
Sự kiện đặc biệt trong năm 2003 là việc Nxb Hội Nhà văn và Trung tâm văn
hóa ngôn ngữ Đông Tây đã phát hành bộ sách về văn học hậu hiện đại thế giới, gồm
2 tập. Tập 1 Văn học hậu hiện đại thế giới – Những vấn đề lý thuyết (Lại Nguyên
Ân, Đoàn Tử Huyến biên soạn), tập 2 Truyện ngắn hậu hiện đại thế giới (Lê Huy
Bắc tuyển chọn, giới thiệu). Tính đến thời điểm bấy giờ, bộ sách này là công trình
công phu và có hệ thống nhất về văn học hậu hiện đại ở Việt Nam, cả về phương
diện lý thuyết và phương diện sáng tạo nghệ thuật. Tập 1 gồm 19 bài viết, trong đó
có 12 bài được dịch, 7 bài của các nhà nghiên cứu Việt Nam (4 bài của các nhà
nghiên cứu người Việt định cư ở nước ngoài). Phần này, với sự dồi dào tư liệu, đã
cung cấp những thông tin khá đầy đủ về văn học hậu hiện đại thế giới, với nhiều
quan niệm, cách đánh giá khác nhau, tạo cho người đọc những điều kiện rộng rãi
hơn trong việc tìm hiểu, suy ngẫm cũng như định hướng nhận thức. Tập 2, gồm 54
truyện ngắn được tuyển chọn của 42 tác giả đại diện cho các châu lục trên thế giới.
Đây là tuyển tập truyện ngắn hậu hiện đại đầu tiên được giới thiệu ở Việt Nam.
Năm 2004, Nxb Giáo dục phát hành công trình Phê bình – lý luận văn học
Anh Mỹ (3 tập) do Lê Huy Bắc biên soạn. Bộ sách bao gồm các bài tiểu luận, các
bài phỏng vấn của các nhà văn, nhà phê bình Anh – Mỹ, trong đó có một số tác giả
hậu hiện đại, là một tài liệu tham khảo hữu ích cho giới nghiên cứu trong nước.
Cũng trong năm này, tập tiểu luận nổi tiếng Đi tìm sự thật biết cười của Umberto
Eco (Vũ Ngọc Thăng dịch), Nxb Hội Nhà văn phát hành, được giới thiệu với độc
giả Việt. Tập sách được viết với giọng văn hóm hỉnh, pha chút giễu cợt, trong đó có
một số bài về văn học hậu hiện đại Lời tái bút cho Tên của đóa hồng, Tính đổi mới
và tính lặp lại: Giữa mỹ học hiện đại và hậu hiện đại, Tản mạn: Tiền phong, hiện
8
đại, hậu hiện đại. Umberto Eco đã tạo nên một cái nhìn nghiêng đối với đời sống
văn học thế giới đương đại. Ông đã rất hóm hỉnh khi nhận xét rằng hậu hiện đại là
sự xem xét lại một cách mỉa mai cái điều đã được phát biểu rồi, “trong một thời đại
của sự ngây thơ đã đánh mất”. Tuy có đôi chút phân vân, nhưng ông cũng khẳng
định rằng hậu hiện đại là một sự thật, là “một phạm trù tinh thần, hoặc tốt hơn, một
Kunstwollen – một phương thức thao tác” [45, tr.96]. Ngoài ra, cuốn sách ít nhiều
có liên quan đến hậu hiện đại được xuất bản trong năm này là Sự đỏng đảnh của
phương pháp (Đỗ Lai Thúy biên soạn và giới thiệu), với các mục Chủ nghĩa hậu
cấu trúc của Terry Eagleton (Thiệu Bích Hường dịch) và Lịch sử văn học như là sự
khiêu khích đối với khoa học văn học của Hans R.Jauss (Trương Đăng Dung dịch).
Năm 2005, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội giới thiệu với độc giả Việt Nam
chuyên luận Những tiểu thuyết của Robbe – Grillet của Bruce Morrissette (Từ Huy
dịch). Nghệ thuật tiểu thuyết của Robbe – Grillet là những cách tân mới mẻ, độc
đáo, với nhiều đặc trưng của kỹ thuật viết hậu hiện đại.
Năm 2006, Đỗ Lai Thúy biên soạn và giới thiệu cuốn Theo vết chân những
người khổng lồ - Tân Guylivơ phiêu lưu ký về các lý thuyết văn hóa, Nxb Văn hóa
Thông tin. Cuốn sách gồm 13 bài nghiên cứu của các nhà khoa học nước ngoài về
nhiều lĩnh vực, trong đó có 2 bài trực tiếp bàn về hậu hiện đại: Phân tích văn hóa
theo thuyết hậu hiện đại của Steven Seidman và Phê phán hậu hiện đại và hậu cấu
trúc của Buckminster Fuller (đều do Thiệu Bích Hường dịch). Bài nghiên cứu của
S.Seidman đã soi chiếu đời sống văn hóa đương đại trong tinh thần hậu hiện đại,
thông qua một cấu trúc có tính tổng thuật nhưng tập trung vào các luận điểm chính,
bắt đầu từ những định nghĩa cụ thể về hậu hiện đại từ các góc độ nghệ thuật, xã hội,
dân tộc đến việc xem xét “xã hội học theo thuyết hậu hiện đại”, lấy hậu hiện đại và
hậu hiện đại hóa làm đối tượng nghiên cứu, thông qua những đặc tính đã được hiển
thị của chúng trong đời sống [125, tr.448]. Bài nghiên cứu của B.Fuller, một mặt, là
sự phê phán hiện đại qua lập trường phê phán của hậu hiện đại kết hợp với phê phán
hậu cấu trúc, mà đối tượng phê phán chính là “học thuyết tổng thể” (bao gồm cơ
cấu xã hội, tư tưởng, tri thức, quyền lực, giới tính, dân tộc…); mặt khác, chỉ ra
những khả năng và giới hạn của chủ nghĩa hậu hiện đại. Để triển khai các vấn đề
trong tính khách quan, ông đã dựa vào ý kiến của nhiều nhà hậu hiện đại nổi tiếng.
B.Fuller vẫn đặt niềm tin vào chủ nghĩa hậu hiện đại, xem nó như một khả thể để
9
con người hướng tới tương lai và “ mở ra những hướng mới cho việc nghiên cứu
văn hóa” [125, tr.514]. Cũng trong năm này, Nxb Đại học Sư phạm giới thiệu cuốn
Bản mệnh của lý thuyết văn chương và cảm nghĩ thông thường của Antoine
Compagnon (Lê Hồng Sâm, Đặng Anh Đào dịch). Mục đích của lý thuyết văn
chương là gì? Câu hỏi này được đặt ra với người đọc, và nó cũng là vấn đề quán
xuyến toàn bộ cuốn sách, vì câu trả lời nằm chính trong các đề mục mà nhà nghiên
cứu đặt ra và diễn giải, rất rộng về sự khảo sát nhưng cũng rất tập trung ở từng chủ
đề. Một phần trong cuốn sách, tác giả bàn về lý thuyết hậu hiện đại, qua những đoạn
trích hay những phân tích các quan điểm của các nhà lý thuyết hậu hiện đại.
Năm 2007, Nxb Giáo dục phát hành công trình Lý luận – phê bình văn học thế
giới thế kỷ XX, 2 tập, Lộc Phương Thủy chủ biên và giới thiệu. Lý thuyết văn học
hậu hiện đại và trường phái hậu cấu trúc được đưa vào tập 2, cùng các phần trích in
từ nguyên tác của Derrida, Foucault, U.Eco, Bertens, Fields… Cũng trong năm này,
trên Tạp chí Nghiên cứu Văn học có ba bài đáng lưu ý về văn học hậu hiện đại:
Những sự kiện nóng trong phê bình văn học Trung Quốc 2006 của Cát Hồng Binh –
Tống Hồng Lĩnh (Nguyễn Văn Nguyên dịch, Phạm Tú Châu hiệu đính), số 7; Đi
tìm bản thể và nhận thức về ý nghĩa của văn học mạng của Âu Dương Hữu Quyền
(Trần Quỳnh Hương dịch), số 10; Liên văn bản – sự xuất hiện của khái niệm. Về
lịch sử và lý thuyết của vấn đề của L.P.Rjanskaya (Ngân Xuyên dịch), số 11. Trên
Tạp chí Văn học nước ngoài, số 3, có tiểu luận Sáu khuôn mặt của chủ nghĩa hiện
đại trong các nền văn học châu Mỹ của Earl E.Fitz (Trần Thanh Đạm dịch).
Năm 2008, cuốn Hoàn cảnh hậu hiện đại của Jean Francois Lyotard (Ngân
Xuyên dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính), được Nxb Tri thức phát hành. Công
trình nghiên cứu của Lyotard nổi tiếng khắp toàn thế giới, có ý nghĩa lập thuyết của
chủ nghĩa hậu hiện đại. Có thể nói, cuốn cẩm nang này được dịch ở ta là khá muộn,
30 năm kể từ khi nó ra đời, nhưng dẫu sao nó vẫn có ý nghĩa vô cùng quan trọng
đối với việc tìm hiểu, nghiên cứu và tiếp nhận chuyển hóa lý thuyết hậu hiện đại.
Tác phẩm gồm 14 chương, với phần giới thiệu như một tiểu luận nghiên cứu triết
học của Bùi Văn Nam Sơn. Bản dịch công trình của Lyotard tạo điều kiện để giới
nghiên cứu Việt Nam có thể hiểu trực tiếp những luận điểm của ông về các chủ
thuyết lớn (các đại tự sự), “thân phận tri thức”, sự áp chế của khoa học đối với tri
thức, tình cảnh nghệ thuật… trong điều kiện hậu hiện đại. Đối với văn học nghệ
10
thuật, lý thuyết của Lyotard khai mở những vấn đề nhận thức tư tưởng và mỹ học về
một thời đại mới dựa vào sự phản tư các tiêu chí mà triết học hiện đại đã dày công
xây dựng. Trên cơ sở đó, lý thuyết văn học xác lập một loạt các khái niệm triết mỹ
cơ bản, được xem như những đặc tính chỉ có trong văn học hậu hiện đại. Trong năm
này, còn có bài viết Tiểu thuyết chính trị hậu hiện đại của Stephen Baker, in trên
Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 5 (Phạm Phương Chi dịch). Qua việc phân tích tác
phẩm Những vần thơ của quỷ sa tăng (của S.Rushdie, nhà văn Anh gốc Ấn), nhà
nghiên cứu đã chỉ ra những giá trị nhân bản và nghệ thuật của tác phẩm và khẳng
định khuynh hướng tiểu thuyết chính trị hậu hiện đại trong văn học.
Từ những năm 2009 đến 2013, có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa, văn
học nghệ thuật hậu hiện đại được giới thiệu ở Việt Nam, tiếp tục bổ sung và mở
rộng những tri thức đa dạng của nó cho độc giả. Cuốn 2011 – Trào lưu trong thập
kỷ tới của Richard Laermer, Nxb Văn hóa Sài Gòn, đã đưa ra những dự đoán về các
xu hướng và trào lưu văn hóa nghệ thuật hậu hiện đại sắp tới. Cuốn Thế mà là nghệ
thuật ư? của Cynthia Freeland, Nxb Tri thức (Như Huy dịch) cung cấp cho độc giả
những kiến thức đa dạng nhưng cũng hết sức phức tạp về những hình thức nghệ
thuật mà con người đã sáng tạo ra. Chúng ta đang sống trong một không thời gian,
mà ở đó rất khó để đuổi kịp những sự thay đổi của nghệ thuật, chứ đừng nói là thâu
tóm và diễn giải về nó. Cuốn sách của C.Freeland, với một cái nhìn độc đáo và tổng
hợp về lịch sử nghệ thuật nhân loại, đem đến cho tất cả chúng ta những bài học,
những kinh nghiệm hữu ích để có thể sống tự tin hơn trong sự thay đổi nhanh chóng
không ngừng của thời hậu hiện đại. Cuốn Thi pháp chủ nghĩa hậu hiện đại của
Liviu Petrescu, Nxb Đại học Sư phạm (Lê Nguyên Cẩn dịch), diễn giải văn học hậu
hiện đại trong tính hệ thống, để hiểu đây là một tiến trình chứ không phải là sự đột
biến.
Như vậy, tính chất biệt lập quá lâu sẽ dẫn tới sự suy thoái và chỉ có qua sự
giao tiếp và đối thoại, vị thế của nền văn học dân tộc mới từng bước được nhìn
nhận, khẳng định. Nhưng muốn có được sự thừa nhận, bản thân nền văn học dân tộc
phải tự nâng địa vị của mình lên. Nói cách khác, nó phải tạo được một “tầm đón
đợi” tương ứng với thời đại toàn cầu hóa: “Văn học dịch giúp cho văn học dân tộc
nhận ra mình và đến lượt nó, nền văn học được dịch cũng hiểu rõ mình hơn trong tư
thế mới trước một nền văn hóa khác. Đây chính là sự bình đẳng về giá trị trong giao
11
tiếp và đối thoại giữa các nền văn học” [34, tr.10]. Tính dân chủ của văn học hậu
hiện đại sẽ đem đến cơ hội cho những nền văn học trước đây vẫn bị xem là “ngoại
biên”. Vấn đề còn lại là chủ thể tiếp nhận có thực sự muốn thay đổi hay không!
Những công trình nghiên cứu nước ngoài về chủ nghĩa hậu hiện đại đã trang bị
những tri thức nền tảng, để trên cơ sở đó, giới nghiên cứu Việt Nam xây dựng nên
mảng lý thuyết văn học hậu hiện đại và ứng dụng nó trong nghiên cứu, phê bình văn
học. Điều này, một mặt, nó góp phần hoàn thiện và phát triển khoa nghiên cứu văn
học, vốn tụt hậu so với nước ngoài hàng thập kỷ; mặt khác, nó hỗ trợ cho hoạt động
sáng tác, thông qua hệ hình lý thuyết của mình. Từ phía sáng tác, khi tiếp cận với sự
diễn giải của phê bình nghiên cứu, sẽ giúp họ định hướng được hình thức nghệ thuật
của mô hình sáng tác, khả năng và giới hạn của nhận thức, phản ánh và sự tiếp
nhận… Tri thức là tài sản chung của mọi người. Ở thời hậu hiện đại, ranh giới giữa
hoạt động phê bình và sáng tác bị xóa nhòa. Vì vậy, mối quan hệ tương hỗ hai
chiều: sáng tác – phê bình là có tính quyết định luận đối với thực tiễn văn học hậu
hiện đại. Thiếu nền tảng tri thức luận, giới sáng tác sẽ khó có thể tạo được những
tác phẩm có tầm cỡ khu vực và thế giới. Trong thời đại của mình, nhà văn Nguyễn
Huy Thiệp đã nhận thức về điều này một cách sâu sắc: “Một trong những thiếu sót
lớn của các nhà văn hiện đại ở ta là họ chỉ hiểu biết sâu sắc dân tộc Việt, hiểu biết
sâu sắc nước Việt theo lối một nghệ sĩ chứ không phải theo lối một nhà tư tưởng”
và “Có lẽ chưa bao giờ dân tộc Việt Nam lại cần đến những nhà văn có tư tưởng
sáng suốt như trong thời điểm hiện nay” [129, tr.32,33].
Các công trình thuộc các lĩnh vực khác
Việc dịch và công bố các bài báo, công trình nghiên cứu về chủ nghĩa hậu
hiện đại ở Việt Nam không chỉ bó hẹp trong địa hạt văn học, mà còn ở các lĩnh vực
triết học, xã hội, kinh tế, tôn giáo… Điều này thể hiện sự quan tâm thực sự đối với
vấn đề “hậu hiện đại” trên bình diện toàn xã hội.
Năm 2003, công trình Lịch sử chủ nghĩa tư bản – từ 1500 đến 2000 của
Michel Beaud được Nxb Thế giới phát hành. Công trình này đã dựng lại lịch sử chủ
nghĩa tư bản qua năm thế kỷ, từ thời kỳ đầu đến thời kỳ phát triển đỉnh cao. Nhưng
đây không thuần túy là cuốn sách lịch sử chỉ có niên đại và sự kiện, tác giả của nó,
với một tri thức bao quát và một trí tuệ uyên thâm, đã đi sâu phân tích những vấn đề
bản chất của chủ nghĩa tư bản, từ kinh tế đến chính trị, tư tưởng, văn hóa, giáo dục,
12
đưa đến một cách hiểu thực tế hơn về chủ nghĩa tư bản, và đặc biệt là những vấn đề
của chủ nghĩa tư bản giai đoạn hậu kỳ hiện đại.
Năm 2005, cuốn sách nổi tiếng thế giới Sự va chạm của các nền văn minh của
Samuel Hungtington được Nxb Lao động phát hành. Những vấn đề được tác giả đề
cập đến như xã hội, văn hóa, tôn giáo, chủng tộc, những vấn đề thuộc về sự tranh
chấp như tài nguyên, địa lý, vị thế quốc gia… đều được phân tích dưới nhãn quan
của thời hiện tại, đặt trong quá trình toàn cầu hóa, đều là những vấn đề luôn đặt
trong sự quan tâm của chủ nghĩa hậu hiện đại. Tác phẩm đã đem đến cho độc giả sự
hình dung về một thế giới đang biến đổi đa chiều, đa cực, trong sự va chạm của
những mâu thuẫn không bao giờ hóa giải được. Sau cuốn sách của S.Hungtington,
Nxb. Khoa học Xã hội phát hành cuốn sách gây nhiều chú ý là Chiếc Lexus và cây
Oliu của Thomas L.Friedman (Lê Minh dịch). Cuốn sách này giải đáp cho câu hỏi
được rất nhiều người quan tâm: Toàn cầu hóa là gì? Và nó quả thực đã đáp ứng
được nhu cầu tìm hiểu này, “một cuốn sách hướng dẫn tuyệt vời về thế giới ngày
nay” (New York Times). Một khi đã hiểu và có thể diễn giải lại điều đã hiểu thì
người đọc đã có thể hình dung về một hoàn cảnh hậu hiện đại mà loài người đang
trải qua, dĩ nhiên là ở những tình trạng khác nhau, thậm chí là trong sự đối cực.
Trong chương 2 của cuốn sách Kết nối vào hệ thống, tác giả đã tường trình và phân
tích về cái gọi là “thân phận của trí thức” trong thời đại hậu công nghiệp và thông
tin toàn cầu, điều mà Lyotard xem là trọng tâm của thời hậu hiện đại trong cuốn
Điều kiện hậu hiện đại.
Năm 2006, Nxb Văn hóa Thông tin giới thiệu công trình Tuyển tập danh tác
triết học – Từ Plato đến Derrida của Forrest E.Baird (Đỗ Văn Tuấn và Lưu Văn Hy
dịch). Nhà nghiên cứu đã chọn trích in những nguyên tác triết học chính yếu của
những nhà triết học hàng đầu Châu Âu, từ thời cổ đại với Plato, Aristote đến thời kỳ
hậu hiện đại của Derrida. Phần triết học của Derrida trong cuốn sách gắn với việc
nhấn mạnh vai trò nhà lập thuyết hậu hiện đại. Trong năm này, Nxb Trẻ phát hành
cuốn sách tham khảo rất kịp thời Nhập môn chủ nghĩa hậu hiện đại của các tác giả
Richard Appignanesi, Chis Gattat (Trần Tiễn Cao Đăng dịch, Bùi Văn Nam Sơn
hiệu đính). Cuốn sách được cấu trúc theo từng mục nhỏ, đã giới thuyết một cách cô
đọng nhưng cũng rất đầy đủ lịch sử ra đời của chủ nghĩa hậu hiện đại: sự manh nha
của nó từ trong lòng chủ nghĩa hiện đại, những biểu hiện đầu tiên từ nghệ thuật kiến
13
trúc, hội họa, điêu khắc đến khi được định dạng qua các quan điểm triết học, lịch sử
và được hệ thống thành một chủ nghĩa (học thuyết). Cuốn sách còn được trình bày
kèm theo nhiều hình ảnh, minh họa độc đáo và ấn tượng, tạo “một niềm vui và sự
hiền minh” (từ dùng của Nietzsche) cho người đọc. Có thể nói, đây là một sách
tham khảo vừa có tính phổ thông lại vừa có tính gợi ý chuyên sâu, đáp ứng cho việc
tìm hiểu chủ nghĩa hậu hiện đại với mọi tầng lớp người đọc. Ngoài các sách nêu
trên, cuốn Viễn cảnh nước Mỹ trong thiên niên kỷ mới của Marianne Williamson,
Nxb Văn hóa Thông tin (Nguyễn Kim Dân dịch), đã cung cấp nhiều thông tin có giá
trị về tình trạng hậu hiện đại ở một quốc gia giàu có và phát triển nhất thế giới.
Năm 2007, có cuốn Sụp đổ của Jared Diamond (Hà Trần dịch), Nxb Tri thức
phát hành. Cuốn sách của Diamond nêu ra và lý giải những sự kiện trọng yếu trong
lịch sử hiện đại, sự xuất hiện cũng như sự suy vong, các quy luật lịch sử - xã hội,
các quan niệm về giá trị mang tính toàn nhân loại hay chỉ mang tính dân tộc. Cũng
trong năm này, Nxb Khoa học Xã hội phát hành cuốn Đợt sóng thứ ba của Alvin
Toffler (Nguyễn Lộc và Phan Ngọc dịch). Đây là cuốn sách rất nổi tiếng của nhà
tương lai học hàng đầu thế giới. Mục đích cuốn sách là nhằm cắt nghĩa về xã hội
đương đại để định hướng cho tương lai, không phải trong sự giả tưởng lạc quan, mà
trong những phân tích thuyết phục xuất phát từ sự lý giải về bản chất và đặc điểm
của nền văn minh hậu công nghiệp. Tác phẩm đã chỉ ra những bước tiến mới về
nhiều lĩnh vực trong đời sống nhân loại, và cũng chỉ ra rất nhiều những khó khăn
phía trước đang đón đợi con người.
Năm 2008, là năm mà độc giả Việt Nam có điều kiện tiếp cận với nhiều cuốn
sách rất có giá trị trong việc tìm hiểu, nghiên cứu chủ nghĩa hậu hiện đại, thuộc các
lĩnh vực xã hội học, kinh tế học, tâm lý học. Có thể kể đến các cuốn Nguy cơ của
Dan Gardner, Nxb Lao động (Ngọc Trung và Kiều Vân dịch); Kỷ nguyên hỗn loạn
– Những cuộc khám phá trong lòng thế giới mới của Alan Greenspan, Nxb Trẻ
(nhóm dịch Nguyễn Hồng Quang); Thế giới phẳng – Tóm lược lịch sử thế giới thế
kỷ XXI của Thomas l.Friedman, Nxb Trẻ (nhóm dịch Thái Quang A); Hiện đại hóa
và Hậu hiện đại hóa của Ronald Inglehart, Nxb Chính trị Quốc gia (Nguyễn Thị
Phương Mai, Nguyễn Chí Tình, Nguyễn Mạnh Trường dịch, Vũ Thị Minh Chi hiệu
đính). Thế giới phẳng, đó là một cách nói ám dụ về thế giới đương đại. Cuốn sách
được viết với một văn phong giản dị, dễ đọc, đã đem đến cho độc giả những hiểu
14
biết khá sâu sắc và tường tận về một trật tự thế giới mới gắn với tiến trình toàn cầu
hóa, mà sự bắt đầu của nó là công nghệ thông tin và internet. Hiện đại hóa và Hậu
hiện đại hóa là công trình nghiên cứu xã hội học, dựa trên những cuộc điều tra giá
trị thế giới, được tiến hành tại 43 quốc gia ở khắp các châu lục, trong những điều
kiện và tình trạng xã hội khác nhau. Từ khảo sát, nghiên cứu thực tiễn, R.Inglehart
đã có những phân tích, đánh giá sâu sắc về những biến đổi toàn diện (kinh tế, chính
trị, xã hội, văn hóa, giáo dục, tôn giáo) đang diễn ra trên toàn thế giới. Theo ông,
quá trình vận động xã hội từ hiện đại sang hậu hiện đại là quá trình làm mới các giá
trị, không phải ở lý thuyết mà ở thực tiễn. Giá trị văn hóa là tiêu chuẩn cao nhất để
đánh giá về tính nhân văn và dân chủ ở thời hậu hiện đại, nó gắn với lối sống mới,
sự đa dạng dân tộc, lối sống cá nhân được thừa nhận…
Từ những năm 2009 đến 2013, các công trình nghiên cứu về hậu hiện đại từ
phương diện văn hóa, xã hội, triết học tiếp tục được các nhà xuất bản chú trọng.
Trong số sách được dịch, đáng chú ý nhất là các cuốn Nóng, Phẳng, Chật của
Thomas Friedman, Nxb Trẻ (Nguyễn Hằng dịch); Súng, Vi trùng và Thép – Định
mệnh của các xã hội loài người của Jared Diamond, Nxb Tri thức (Trần Tiễn Cao
Đăng dịch); Nhận diện quyền lực của Noam Chomsky, Nxb Tri thức (Hoàng Văn
Vân dịch, Đinh Hoàng Thắng hiệu đính); Nietzsche và triết học của Gilles Deleuze,
Nxb Tri thức (Nguyễn Thị Từ Huy dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu dính); Hướng đến
kỉ nguyên hậu nhà nước phúc lợi do Tom G. Palmer (Chủ biên), Nxb Tri thức…
Những công trình được dịch thuật này, một mặt, làm đầy dần lượng tri thức vốn hạn
chế của chúng ta, thu hẹp khoảng cách tri thức chung giữa chúng ta với thế giới và
làm phong phú tri thức của chúng ta về thế giới; mặt khác, chúng ta đã làm mới tư
duy của mình trong quá trình học tập và vận dụng tri thức nước ngoài vào hoạt động
thực tiễn. Không thể tưởng tượng được, xã hội Việt Nam sẽ như thế nào, nếu thời
gian qua không có được một lượng sách dịch về tất cả các lĩnh vực, để chúng ta tự
làm biến đổi mình trong một hình thể văn hóa hiện đại hơn. Đối với lợi ích chung,
việc quan tâm nghiên cứu chủ nghĩa hậu hiện đại ở các lĩnh vực xã hội của giới
nghiên cứu Việt Nam có thể xem là một động thái tích cực trong việc mở rộng đối
tượng nhận thức, tìm hiểu, từ đó tịnh tiến dịch chuyển để tiếp cận với xã hội phát
triển, tạo ra quá trình làm mới xã hội Việt Nam, đi từ tri thức tới thực tiễn, phù hợp
với điều kiện Việt Nam. Đây là tiền đề hết sức quan trọng đối với đất nước. Bởi vì,
15
không nắm bắt được sự vận động của lịch sử nhân loại thời kỳ hậu công nghiệp và
toàn cầu hóa, chắc chắn sẽ dẫn tới sự bế tắc, luẩn quẩn và rơi vào cuộc khủng hoảng
toàn diện.
Đối với giới văn nghệ, việc tìm hiểu, nghiên cứu những tri thức hậu hiện đại
nói chung, là một yêu cầu bức thiết để có được sự hiểu biết vừa tổng thể vừa chuyên
sâu. Nắm bắt tri thức, tri nhận và tiếp biến để tạo ra những giá trị mới cả trong sáng
tác và phê bình, đó là con đường duy nhất để đưa nền văn nghệ Việt Nam thoát khỏi
tình trạng “gà què ăn quẩn cối xay”.
1.2. Các công trình nghiên cứu, phê bình ở trong nước
Khái niệm “hậu hiện đại” và “chủ nghĩa hậu hiện đại”, bản thân chúng đã chứa
đựng những vấn đề hết sức phức tạp, tạo ra những cuộc tranh luận trong suốt gần
nửa thế kỷ qua giữa các nhà khoa học, các nhà văn hóa, các nghệ sĩ trên thế giới.
Khi được áp dụng vào Việt Nam, số phận của nó cũng không được “thuận buồm,
xuôi gió”. Tìm hiểu hoạt động nghiên cứu, phê bình hậu hiện đại trong lĩnh vực văn
học mới thấy hết được sự gian khó của cái mới để tồn tại, khi nó phải đối diện với
những thái độ ứng xử rất khác nhau, và không phải bao giờ cũng có sự công tâm và
sự khách quan khoa học. Thời gian là người thầy của các sự kiện, câu trả lời về hậu
hiện đại và tất cả những gì là nội hàm và ngoại diên, tất cả những gì bao bọc lấy
khái niệm này sẽ có câu trả lời ở tương lai, một tương lai gần. Nhưng tất cả chúng ta
đều buộc phải thừa nhận rằng, cả trên thế giới và ở Việt Nam, hậu hiện đại đã đem
đến một nhận thức mới, một luồng sinh khí mới cho đời sống, trong đó có cả cho
đời sống văn hóa, văn học.
Tìm hiểu lịch sử hiện diện của từ “hậu hiện đại” ở Việt Nam, dĩ nhiên là phải
tính đến sự xuất hiện của từ này cùng những nội dung của nó. Và chắc chắn, từ “hậu
hiện đại” chỉ có thể xuất hiện trong văn bản vào những năm cuối thế kỷ XX. Tuy
nhiên, chúng tôi muốn mở rộng sự tham khảo của mình đến những năm trước 1975,
ở Miền Nam Việt Nam, trong một điều kiện xã hội gần gũi hơn với Phương Tây, đã
có nhiều nhà nghiên cứu bước đầu tiếp cận với hậu hiện đại, mặc dù trong các công
trình của họ chưa gọi đầy đủ khái niệm này. Vào năm 1969, trên Tạp chí Tư tưởng,
số 6, Viện đại học Vạn Hạnh, đã có hai bài nghiên cứu của Phạm Công Thiện và
Tuệ Sĩ về triết học “cơ cấu luận” của Levi – Strauss, J. Derrida và M. Foucault. Đây
là những nhà khoa học nổi tiếng có vai trò trực tiếp, hoặc có sự kết nối với việc hình
16
thành lý thuyết hậu hiện đại thế giới. Phạm Công Thiện trong bài viết của mình Sự
thất bại của cơ cấu luận – Phê bình Levi – Strauss và Jacques Derrida, đã nhấn
mạnh đến điểm yếu của cơ cấu luận khi nó chấp nhận “sự đánh mất trung tâm: tư
tưởng về cơ cấu tính của cơ cấu (la structuralité de la structure) được phục hồi qua
sự thất bại của một trung tâm điểm” [107, tr.85]. Việc phân tích về sự hạn chế của
“cơ cấu luận” (hiện nay dịch là cấu trúc luận) mà Phạm Công Thiện đã thực hiện,
như chúng ta hiểu, là một trong những thao tác quan trọng đầu tiên của chủ nghĩa
hậu cấu trúc và hậu hiện đại tiến hành để cất lên tiếng nói của mình. Tuệ Sỹ trong
bài viết Cơ cấu ngôn ngữ của Michel Foucault đã nhận xét triết học của Foucault là:
“đoạn tuyệt với một thế giới ở đó con người thực sự đã biến mất, ở đó chỉ có gió,
đêm tối và ma quái nói chuyện” [107, tr.97]. Thông qua sự so sánh các quan niệm
của Foucault với triết học của Hume, Tuệ Sỹ đã từng bước chỉ rõ những đóng góp
của nhà triết học Pháp về những phát hiện mới của bản chất của ngôn ngữ, ý muốn
giải thoát ngôn ngữ khỏi sự áp đặt có tính chuyên chế, toàn trị. Nhìn chung, cả hai
bài viết đều chú tâm vào những vấn đề triết học hiện đại, do vào thời điểm này ở
Phương Tây, lý thuyết hậu hiện đại còn đang thời kỳ được tạo dựng và cũng chỉ bắt
đầu được phổ biến ở một số quốc gia. Tuy nhiên, tinh thần phê phán hiện đại là điều
khá rõ ở hai bài viết, vì vậy, chúng có tính gợi ý về một xu hướng thay thế, mà sau
này chúng ta được biết với tên gọi “hậu hiện đại”.
Ở Việt Nam, khái niệm “hậu hiện đại” lần đầu tiên được đề cập đến trong
nghiên cứu văn học là bài viết Từ văn bản đến tác phẩm văn học và giá trị thẩm mỹ
của Trương Đăng Dung, Tạp chí Văn học, số 11, 1995. Trong bài viết, Trương
Đăng Dung đã đưa ra những nhận thức mới trong thực thực tiễn lý luận Việt Nam.
Tác giả đã ứng dụng những tri thức lý luận phương Tây (triết học, mỹ học, văn
học…) vào quá trình diễn giải mối quan hệ giữa văn bản – người đọc và khẳng định
sự tạo nghĩa chỉ có thể có được thông qua hoạt động tiếp nhận (quá trình cụ thể hóa
văn bản) của người đọc. Phần cuối bài viết, tác giả nhận định, giá trị tác phẩm nghệ
thuật của các thời đại, trong đó có tác phẩm hậu hiện đại, được tồn tại “nhờ các giá
trị thẩm mỹ” [32, tr.41- 42]. Sau bài viết của Trương Đăng Dung, khái niệm “hậu
hiện đại” được đề cập đến là ở ấn phẩm Văn hóa nghệ thuật thế kỷ XX những hiện
tượng – trào lưu – nhân vật tiêu biểu trong 100 năm qua, Nguyễn Nam và Lê Huy
Khánh biên soạn Nxb Văn học, 1999. Theo các tác giả, trào lưu nghệ thuật hậu hiện
17
đại được xem là một trong số 100 hiện tượng văn hóa nghệ thuật đặc trưng của thế
kỷ XX, là trào lưu gắn liền với một thời kỳ lịch sử mới của nhân loại [90, tr.179].
Phải đến năm 2000 trở đi, từ “hậu hiện đại”, sau một thời gian dài vật vờ ngoài
lề của tri thức Việt, mới bắt đầu được dùng phổ biến trong đời sống văn hóa nước
nhà, được sự quan tâm hàng đầu của nhiều nhà nghiên cứu và diễn ra nhiều cuộc
tranh luận với những ý kiến, quan niệm, xu hướng khác nhau. Trong năm này,
Phương Lựu công bố bài viết Tìm hiểu chủ nghĩa hậu hiện đại trên Tạp chí Nhà
văn, số 8. Bài viết của Phương Lựu trực tiếp bàn về các vấn đề của chủ nghĩa hậu
hiện đại, được xem như bước khởi động cho hoạt động nghiên cứu, phê bình văn
hóa, văn học hậu hiện đại ở Việt Nam, là tiếng nói chính văn góp phần xua đi sự e
dè, ngần ngại của nhiều người trước “hậu hiện đại”.
Năm 2001, Phùng Văn Tửu công bố chuyên luận Tiểu thuyết Pháp bên thềm
thế kỷ XXI, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. Các tác giả được chọn đưa vào chuyên
luận đều là những nhà văn nổi tiếng trên văn đàn từ những năm 80 của thế kỷ XX.
Qua đó, người đọc có được những hình dung về diện mạo và thành tựu của một số
tác giả hậu hiện đại nổi tiếng của văn học Pháp như Robbe – Grillet, Le Clezio…
Vào tháng 9/2001, trên Tạp chí Văn học, Nguyễn Văn Dân có bài Chủ nghĩa hậu
hiện đại hay là hiện tượng chồng chéo khái niệm. Đây là một tiểu luận được viết
công phu, trích dẫn nhiều tư liệu, tranh luận nhiều về chủ nghĩa hậu hiện đại, tuy
nhiên, người viết lại cho rằng hậu hiện đại chỉ là một khái niệm “rỗng”!
Năm 2003, Nxb Hội Nhà văn và Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây phát
hành bộ Văn học hậu hiện đại thế giới. Tập 1 Văn học hậu hiện đại thế giới – những
vấn đề lý thuyết có 7 bài viết của các tác giả Việt Nam, gồm 3 bài của các nhà
nghiên cứu trong nước và 4 bài của các nhà nghiên cứu định cư ở nước ngoài.
Năm 2004, công trình Tác phẩm văn học như là quá trình của Trương Đăng
Dung được Nxb Khoa học Xã hội phát hành. Toàn bộ ba phần của cuốn sách đều
được tác giả đặt trong một quá trình để nghiên cứu và diễn giải: từ hiện đại đến hậu
hiện đại. Tác giả nhận định: “Có thể nói những thành tựu của lý luận văn học hiện
đại thể hiện những bước tiến quan trọng trong việc khám phá văn bản nghệ thuật
như là cấu trúc ngôn từ động. Nhưng đến lượt mình, tư duy lý luận văn học hậu
hiện đại đã có những khám phá mới hơn về đặc trưng bản thể của văn bản nghệ
thuật trong quan hệ với những yếu tố khác, với người tiếp nhận” [33, tr.15].
18
Cũng trong năm 2004, trong công trình Tự sự học – một số vấn đề lý thuyết,
phần 1, Trần Đình Sử chủ biên, Nxb Đại học Sư phạm, bài viết Các kiểu truyện
ngắn hậu hiện đại của Lê Huy Bắc đã hệ thống các phong cách truyện ngắn hậu
hiện đại, tính đa dạng cũng như kỹ thuật viết đặc trưng của thể loại này. Ngoài ra,
còn có các bài viết đáng chú ý khác, như Đổi mới ngôn ngữ và giọng điệu – một
thành công đáng chú ý của văn xuôi sau 1975 của Nguyễn Thị Bình; Kỹ thuật dòng
ý thức qua Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh của Nguyễn Đăng Điệp; Cấu tứ tự
sự của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp của Nguyễn Văn Tùng; Tự sự trong Cơ hội
của Chúa – cách tân và giới hạn của Trần Văn Toàn… đã lý giải về những cách tân
của tiểu thuyết theo tinh thần hậu hiện đại.
Năm 2005, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 8, in bài Quan niệm thực tại và
con người trong văn học hậu hiện đại của nhà nghiên cứu Đào Tuấn Ảnh. Bài viết
đã cung cấp những thông tin về sự phát sinh của lý thuyết hậu hiện đại trên thế giới,
quá trình du nhập vào Việt Nam, các đặc trưng thẩm mỹ của nó, những giới hạn và
những khả năng của lý thuyết hậu hiện đại đối với đời sống văn học nước nhà. Cũng
trong số này còn có bài Chủ nghĩa hậu hiện đại ở Ấn Độ của Phạm Phương Chi,
giới thiệu một số nét chính về văn học hậu hiện đại Ấn Độ, sự hình thành và những
thành tựu của nó trên đất nước của những tôn giáo lớn và có tính thoát tục. Trong
năm này, Lê Huy Bắc giới thiệu công trình nghiên cứu Truyện ngắn – Lý luận – Tác
gia và tác phẩm (2 tập), Nxb Giáo dục. Trong tập 2, phần một, có tựa đề Tổng luận,
tác giả đã lý giải về lịch sử thể loại, quan niệm, đặc trưng và sự vận động của truyện
ngắn trong tiến trình phát triển của nó. Trong quá trình diễn giải, đặc biệt là ở các
mục Truyện ngắn hậu hiện đại, Truyện ngắn nhại, Chủ nghĩa cực hạn và Raymond
Carver, người viết đã góp phần làm rõ nghĩa của lý thuyết văn học hậu hiện đại.
Năm 2006, có công trình triết học Chủ nghĩa hậu hiện đại của Trần Quang
Thái, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Tác giả đã phác thảo và hệ thống lại
lịch sử ra đời và phát triển của chủ nghĩa hậu hiện đại thế giới: những tiền đề về
triết học, kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, tôn giáo…, quan niệm hậu hiện đại như
một thực thể của đời sống đương đại, qua đó, bước đầu tổng kết tư tưởng cơ bản của
lý thuyết này.
Năm 2007, được xem là năm mà đời sống văn học Việt Nam xuất hiện nhiều
công trình nghiên cứu về hậu hiện đại nhất. Điều này đã công nhận việc lý thuyết
19
hậu hiện đại cùng những ứng dụng của nó đã có được chỗ đứng trong đời sống văn
học Việt Nam. Trên Tạp chí Văn học, số 12, có thể xem như số chuyên đề văn học
hậu hiện đại, khi có đến 5 bài nghiên cứu về lĩnh vực này. Bài viết của Phương Lựu
Chủ nghĩa lịch sử mới, một chuyển biến trong lòng chủ nghĩa hậu hiện đại, đã diễn
giải thái độ của chủ nghĩa hậu hiện đại đối với lịch sử, đó là “phải gắn văn học với
lịch sử xã hội mà xem xét”. Nhưng nó không giống với chủ nghĩa lịch sử cũ vốn
chủ yếu dựa trên quyết định luận khách quan, mà “nó được đặt cơ sở trên quan hệ
chủ thể - lịch sử”. Bài viết của Trần Quỳnh Hương Dấu ấn của chủ nghĩa hậu hiện
đại trong văn học đương đại Trung Quốc đã giới thuyết những nét chính của quá
trình chủ nghĩa hậu hiện đại du nhập vào Trung Quốc và một số thành tựu của văn
học theo khuynh hướng hậu hiện đại. Đặc biệt, ba bài viết Những dấu hiệu của chủ
nghĩa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam qua sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và
Phạm Thị Hoài của Lã Nguyên, Những yếu tố hậu hiện đại trong văn xuôi Việt Nam
qua so sánh với văn xuôi Nga của Đào Tuấn Ảnh, Lịch sử trong truyện ngắn
Nguyễn Huy Thiệp và dấu vết của hệ hình thi pháp hậu hiện đại của Cao Kim Lan,
đã mở ra hướng nghiên cứu ứng dụng lý thuyết hậu hiện đại vào thực tiễn sáng tác
văn xuôi Việt Nam. Các tác giả đã xem xét một cách khách quan khái niệm “hậu
hiện đại” và chỉ ra nó là một “định tính thẩm mỹ” cho một khuynh hướng văn học,
mà Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài thuộc thế hệ tiền phong. Cũng vào cuối năm
này, bộ Từ điển thuật ngữ văn học do Trần Đình Sử, Lê Bá Hán, Nguyễn Khắc Phi
chủ biên, Nxb Giáo dục phát hành, đã đưa vào mục “Hậu hiện đại”, xem đây là
thuật ngữ chính thức của văn học. Đây là một động thái rất có ý nghĩa, nó là sự thừa
nhận của giới nghiên cứu văn học Việt Nam đối với lý thuyết hậu hiện đại.
Năm 2008, trong bộ giáo trình Lý luận văn học (3 tập), Phương Lựu chủ biên,
Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội, đã đưa chủ nghĩa hậu hiện đại vào tập 3 (Tiến trình
văn học), xem đây là một khuynh hướng sáng tác của văn học thế giới đương đại.
Việc đưa văn học hậu hiện đại vào bộ giáo trình giảng dạy đại học là một bước tiến
lớn, là sự chính thức thừa nhận của nền giáo dục. Cùng thời điểm này, Phương Lựu
in bài viết Những bậc tiên phong của tư duy hậu hiện đại trên Tạp chí Văn học, số
5. Phân tích những đóng góp của J. Lacan từ phương diện phân tâm học cấu trúc và
M.Foucault từ phương diện vô thức lịch sử, qua đó, Phương Lựu đã chỉ ra những tư
tưởng của họ là những tiền đề quan trọng cho sự hình thành triết học hậu hiện đại.
20
Cũng trong năm này, Phương Lựu tiếp tục cho in cuốn Tư tưởng văn hóa văn nghệ
của chủ nghĩa Mác ở phương Tây, Nxb Thế giới. Ở chương 14, tác giả tập trung
phân tích học thuyết “Giải thích học văn hóa” của F.Jameson và chỉ ra những quan
điểm có tính phê phán văn hóa hậu hiện đại của nhà hậu hiện đại mác xít người Mỹ.
Tiếp theo, cuốn Tự sự học một số vấn đề lý luận và lịch sử, phần hai, Trần Đình Sử
chủ biên, Nxb Đại học Sư phạm, tiếp tục giới thiệu một số bài viết về văn học hậu
hiện đại, như Kiểu tự thuật “đánh tráo” chủ thể trần thuật trong tiểu thuyết hậu
hiện đại của Trần Huyền Sâm; Tư duy thơ trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại của
Nguyễn Thị Bình. Sự quan tâm đến chủ nghĩa hậu hiện đại và những sáng tác theo
khuynh hướng này không còn bó hẹp ở những tạp chí có tính học thuật, mà được đề
cập, bàn luận ở hầu khắp các tạp chí văn nghệ địa phương. Trên Sông Hương, số
tháng 7, 2008, đã đăng bài Tiếp nhận những cách tân của chủ nghĩa hiện đại và chủ
nghĩa hậu hiện đại của Hoàng Ngọc Hiến. Trong bài viết, tác giả đã chỉ ra những
dấu ấn của hậu hiện đại trong một số nhà văn Việt Nam như Nguyễn Huy Thiệp, Lê
Anh Hoài qua những xâm nhập của văn hóa đại chúng, cách sử dụng ngôn ngữ “bất
nhã”… Trong năm 2008, còn có cuốn Song thoại với cái mới của Inrasara, Nxb Hội
Nhà văn. Từ điểm nhìn của một nhà phê bình và là nhà thơ hậu hiện đại, tác giả đã
tranh luận trực tiếp và đưa ra những quan điểm mang tính khách quan để bảo vệ cho
khuynh hướng văn học hậu hiện đại. Ông nhìn nhận vấn đề không phải theo mốt,
theo phong trào, mà theo chân lý khách quan, với tâm nguyện mong muốn những sự
đổi thay hợp lý ở nền văn học nước nhà.
Năm 2009, Nxb Văn hóa Thông tin phát hành tập tiểu luận – phê bình Tiểu
thuyết đương đại của Bùi Việt Thắng. Các bài viết của tập sách đã bao quát khá
toàn diện về bề nổi tiểu thuyết Việt Nam từ sau 1975, qua những giai đoạn ngắn.
Trong cuốn sách, tác giả có đề cập đến một số nhà văn thuộc khuynh hướng hậu
hiện đại như Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, Đoàn Minh Phượng. Tuy nhiên, các
bài viết của nhà nghiên cứu vẫn còn sự quá đắn đo khi không dám dùng đến thuật
ngữ văn học hậu hiện đại, trong khi lại sử dụng các thủ pháp nghệ thuật của nó để
nói đến sự cách tân, đổi mới của tiểu thuyết Việt Nam.
Năm 2010, Phùng Văn Tửu công bố chuyên luận Tiểu thuyết trên đường đổi
mới nghệ thuật, Nxb Tri thức. Công trình này là bước tiếp nối của hai công trình
nghiên cứu về tiểu thuyết trước đó: Tiểu thuyết Pháp hiện đại – những tìm tòi đổi
21
mới và Tiểu thuyết Pháp bên thềm thế kỷ XXI, thể hiện mối quan tâm và sự chuyên
chú của ông cho thể loại này. Diện khảo sát và nghiên cứu của cuốn sách là khá
rộng. Qua việc phân tích những tiểu thuyết tiêu biểu của một số nhà văn nổi tiếng,
ông đã chỉ ra những biến đổi sâu sắc của tiểu thuyết đương đại, từ cấu trúc văn bản,
cách xây dựng nhân vật, tạo dựng cốt truyện, cách sử dụng ngôn ngữ cho đến quan
niệm về chức năng, vấn đề thẩm mỹ và chuẩn giá trị của nó.
Năm 2011, Phương Lựu công bố công trình Lý thuyết văn học hậu hiện đại,
Nxb Đại học Sư phạm. Đây là công trình lý thuyết hoàn chỉnh đầu tiên về văn học
hậu hiện đại của một học giả Việt Nam. Sau khi nhận định lại quá trình phát triển và
suy yếu cũng như những thành tựu của chủ nghĩa hiện đại, tác giả nhấn mạnh việc
chủ nghĩa hậu hiện đại xuất hiện thay thế chủ nghĩa hiện đại là một tất yếu của tiến
trình lịch sử văn học thế giới. Tiếp đó, ông khái quát lại những vấn đề bao bọc khái
niệm hậu hiện đại, từ lịch sử ra đời, tên gọi, các khái niệm và thuật ngữ, các cuộc
tranh luận về nó trong những năm đầu xuất hiện, những người xây dựng nên lý
thuyết này, từ đó đi sâu giải quyết những vấn đề thuộc về nội hàm khái niệm chủ
nghĩa hậu hiện đại. Nhìn chung, cuốn sách đã cung cấp những tri thức cơ bản và có
hệ thống cho quá trình tìm hiểu chủ nghĩa hậu hiện đại ở Việt Nam. Cũng trong năm
này, Đỗ Lai Thúy công bố công trình Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy, Nxb
Hội Nhà văn. Trong phần hai: Phê bình văn học Việt Nam, nhìn nghiêng từ phương
pháp, mục 12 Phê bình văn học từ tầm nhìn hậu hiện đại, ông đã phân tích một
cách công tâm về văn học Việt Nam đương đại, chỉ ra cách hiểu đúng về hậu hiện
đại, văn học hậu hiện đại (thế giới và Việt Nam), và đưa ra quan điểm: “Phê bình
văn học từ tầm nhìn hậu hiện đại chủ yếu xử lý mối quan hệ giữa văn bản và người
đọc” [127, tr.278].
Năm 2012, dấu ấn đậm nhất trong hoạt động nghiên cứu về hậu hiện đại ở
Việt Nam là công trình Văn học hậu hiện đại – lý thuyết và tiếp nhận của Lê Huy
Bắc, Nxb Đại học Sư phạm. Chuyên luận được cấu trúc thành 21 chương, 7 chương
diễn giải về lý thuyết, chương cuối với những suy nghĩ có tính định hướng về văn
học hậu hiện đại Việt Nam, 13 chương gắn lý thuyết với phân tích cấu trúc tác
phẩm hậu hiện đại, trong đó có 8 chương về văn học nước nhà. Đây là chủ ý của
người viết, tránh lý thuyết thuần túy, kết hợp việc hiểu lý thuyết với khả năng đọc
văn bản của người đọc, bởi vì văn chương hậu hiện đại thuộc một hệ hình tư duy
22
mới và khác lạ so với trước đó, nên phải biết cách đọc dựa trên cách hiểu lý thuyết
chứ không thể dựa vào kinh nghiệm đọc. Tuy vậy, lý thuyết văn học hậu hiện đại
không phải là thứ cứng nhắc, máy móc, mà là lý thuyết mở, nó đem lại cho người
đọc sự tự do về nhiều cách hiểu, trên cơ sở của tính đối thoại dân chủ.
Năm 2013, có thể xem là năm bùng nổ của các công trình nghiên cứu hậu hiện
đại ở nước ta. Trước hết là cuốn Văn học hậu hiện đại – Diễn giải và tiếp nhận do
Nguyễn Thành, Hồ Thế Hà, Nguyễn Hồng Dũng chủ biên, Nxb Văn học. Cuốn sách
là kết quả của cuộc Hội thảo khoa học Quốc gia được Khoa Ngữ Văn, Trường Đại
học Khoa học Huế đứng ra tổ chức vào tháng 3 năm 2011. Đây là hội thảo đầu tiên
về văn học hậu hiện đại được tổ chức ở Việt Nam, với mục đích: “đánh thức việc
nghiên cứu, tìm hiểu những vấn đề lý luận của chủ nghĩa hậu hiện đại, bước đầu
đánh giá thành tựu sáng tác dựa trên nền tảng tự sự hậu hiện đại trên thế giới và ở
Việt Nam” (Lời nói đầu). Cuốn sách tập hợp 37 bài viết, được phân thành ba nhóm:
những bài viết về lý thuyết hậu hiện đại; những bài nghiên cứu về các tác phẩm văn
học hậu hiện đại nước ngoài; những bài phê bình các tác phẩm mang dấu ấn hậu
hiện đại Việt Nam. Tiếp theo là cuốn Văn học hậu hiện đại – lý thuyết và thực tiễn
do Lê Huy Bắc, Lê Nguyên Cẩn, Đỗ Hải Phong tuyển chọn từ Hội thảo khoa học
Quốc gia, khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức, năm 2013,
Nxb Đại học Sư phạm. Cuốn sách gồm 30 bài viết của các nhà giáo, nhà khoa học.
Nhìn chung, các tác giả chủ yếu tập trung vào nghiên cứu các khái niệm triết mỹ
của lý thuyết hậu hiện đại và những ứng dụng chúng trong các sáng tác, góp phần
giải quyết “những vấn đề đang còn vướng mắc hay chỉ rõ hơn những đặc thù mà
những người đi trước đã đề ra”. Tinh thần cơ bản của tập sách này là dân chủ và tri
thức trong sáng tạo và tiếp nhận. Cũng trong năm này, Lê Huy Bắc tiếp tục chủ biên
cuốn Phê bình văn học hậu hiện đại Việt Nam, Nxb Tri thức. Cuốn sách gồm 18 bài
viết, tập trung nhiều hơn đến vấn đề lý thuyết (8 bài), những bài còn lại đi vào lý
giải những hiện tượng văn học cụ thể, trong đó có 4 bài về tiểu thuyết Việt Nam.
Đáng chú ý là bài của Lã Nguyên Văn xuôi hậu hiện đại Việt Nam: Quốc tế và bản
địa, cách tân và truyền thống, bài của Nguyễn Thị Bình Đổi mới tiểu thuyết Việt
Nam đương đại: Lối viết hậu hiện đại. Trong danh mục về việc xuất bản sách liên
quan đến vấn đề hậu hiện đại của năm này, cần phải kể thêm cuốn Lý thuyết phê
bình văn học hiện đại, Trường Đại học Hồng Đức, Nxb Đại học Vinh, với các bài
23
Lý thuyết phê bình hậu hiện đại như một siêu ngữ của Lê Huy Bắc; Phi trung tâm –
Khái niệm và tiếp nhận của Nguyễn Thi Hạnh; Liên văn bản và nghiên cứu văn học
ở Việt Nam của Đặng Lưu; Thực hành đọc thơ hậu hiện đại: Bài Bóng chữ của Lê
Đạt của Lê Như Bình.
Văn học hậu hiện đại những năm gần đây đã được đưa vào chương trình đào
tạo các hệ đại học và cao học, trở thành đề tài nghiên cứu của rất nhiều luận văn,
luận án văn học. Trong đó có những luận án trực tiếp nghiên cứu về văn xuôi hậu
hiện đại Việt Nam, như Những dấu hiệu của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn xuôi
Việt Nam sau 1975 của Phùng Gia Thế, Yếu tố hậu hiện đại trong truyện ngắn Việt
Nam của Lê Văn Trung.
Trong tiến trình tiếp nhận và ứng dụng lý thuyết hậu hiện đại vào văn học Việt
Nam, các công trình, ngoài việc được giới thiệu trên báo chí, được các nhà xuất bản
phát hành, còn được cập nhật rất nhiều trên mạng internet. Trong thời đại công nghệ
thông tin, tri thức mạng vừa có tính dân chủ cao, phi không gian, phi thời gian và
phi lợi nhuận, với khả năng tương tác cao, là cổng thông tin nhanh nhất để công bố
bài viết, để tranh luận hay biện hộ. Trên những trang web trong và ngoài nước, có
nhiều tài liệu để tham khảo, nhiều bài viết có giá trị gợi ý, định hướng, ứng dụng.
Các bài viết trên các trang web, các blog cá nhân chuyên về văn học của các
nhà nghiên cứu người Việt định cư ở nước ngoài như tienve.org, tanhinhthuc.org,
damau.org… đã mang đến những thông tin kịp thời cho người đọc. Có thể kể đến
một số bài viết mang tính thời sự, chứa đựng nhiều thông tin như: Các lý thuyết phê
bình văn học: Chủ nghĩa hậu hiện đại; Chủ nghĩa hậu hiện đại và văn học Việt
Nam; Chủ nghĩa hậu hiện đại và chủ nghĩa tiền vệ, Chủ nghĩa h(ậu h)iện đại và văn
học Việt Nam; Đổi mới như một số phận và một phiêu lưu; Một phiên bản h(ậu
h)iện đại cho văn học Việt Nam, Các lý thuyết phê bình văn học 9(11): chủ nghĩa
hậu hiện đại, Chủ nghĩa hậu hiện đại – những mảnh nghĩ rời, Chủ nghĩa hậu hiện
đại và những cái cần chết trong văn học Việt Nam… của Nguyễn Hưng Quốc
(tienve.org); Thử thưởng thức một tác phẩm văn chương hậu hiện đại; Viết: Từ hiện
đại đến hậu hiện đại… của Hoàng Ngọc Tuấn (tienve.org); Chủ nghĩa hậu hiện đại:
những khái niệm căn bản của Nguyễn Minh Quân (dactrung.net).
Việc phát triển nhanh chóng công nghệ thông tin những năm gần đây đã tạo
điều kiện thuận lợi cho các nhà phê bình, nghiên cứu văn học trong nước trao đổi tri
24
thức, công bố những bài viết, đàm luận, tranh luận. Các trang web trong nước như:
vienvanhoc.org; tapchisonghuong.com.vn; vannghesongcuulong.org; giacngo.vn;
phongdiep.net… đều có sự tham gia của nhiều nhà lý luận phê bình. Chính các
trang web này đã góp phần tích cực cho sự phổ biến lý thuyết hậu hiện đại ở trong
nước. Có thể nhận định, đã có một bộ phận phê bình mạng sôi động với nhiều bài
viết có giá trị thông tin, giá trị học thuật, như: Tiếp nhận những cách tân của chủ
nghĩa hiện đại & chủ nghĩa hậu hiện đại của Hoàng Ngọc Hiến
(tapchisonghuong.com.vn); Chủ nghĩa hậu hiện đại và ảnh hưởng ở nước ta của
Đông La (vietbao.vn); Một nhầm lẫn “hậu hiện đại” của Ngân Xuyên
(tiasang.com.vn); Chập chờn bóng ma hậu hiện đại của Đỗ Minh Tuấn
(dongtac.net); Nói chuyện “hậu hiện đại” và “toàn cầu hóa” của Vũ Lâm
(thethaovanhoa.vn); Nhà văn Lê Anh Hoài: Hậu hiện đại đã và đang được Việt hóa
(vanhoc.trongnghia.info); Đôi điều về truyền thống và hiện đại của Thái Kim Lan
(thuvienhoasen.org); Bàn về thuật ngữ văn học hậu hiện đại của Nguyễn Văn Tùng
(vanhocvatuoitre.com.vn); Tri thức dưới quan điểm hậu hiện đại (mtol.net); Đằng
sau hậu hiện đại của Thích Thanh Thắng (huongsenviet.blogspot.com); Dấu ấn hậu
hiện đại trong văn học Việt Nam sau 1986 của Phùng Gia Thế (evan.vnexpress.net);
Tùy bút nhỏ về hậu hiện đại của Văn Giá (www.chungta.com);Thiền và Hậu hiện
đại của Nhật Chiêu (www.giacngo.vn); Hậu hiện đại sống ngoài tác phẩm của
Nguyễn Hoàng Đức (www.chungta.com); Phải chăng nỗi sợ hãi hậu hiện đại là có
thật của Bùi Công Thuấn (www.phongdiep.net); Xu hướng tân hình thức, hậu hiện
đại trong thơ: chiếc áo rộng cho một cơ thể còm (www.cand.com.vn); “Người đàn
bà thép’ của văn chương hậu hiện đại của Khánh Phương (chungta.com); Chuyên
đề hậu hiện đại (mythuatvietnam.info); Chủ nghĩa hậu hiện đại? của Bùi Quang
Thắng (viettems.com); Tản mạn về hậu hiện đại của Vương Văn Quang
(www.nguoidaibieu.com.vn); Văn chương Việt trong bối cảnh hậu hiện đại của Hà
Văn Thủy (phongdiep.net); Tư duy hậu hiện đại và những cách thu nhận kiến thức
của Nguyễn Hào Hải (chungta.com); Nhận biết về chủ nghĩa hậu hiện đại trong
nghệ thuật của Hồ Sĩ Vịnh (chungta.com); Hiện đại hóa và hậu hiện đại hóa của
Phạm Ngọc Huệ (www.cpv.org.vn)... Đặc biệt trên trang mạng là các bài viết của
nhà thơ – nhà phê bình Inrasara với tập hợp các bài Nhập lưu hậu hiện đại (7 kỳ,
www.vanchuongviet.org); Nhập lưu hậu hiện đại cuối cùng hay giải [minh & giải
25
oan] cho một từ (inrasara.com); Hậu hiện đại & thơ hậu hiện đại: Một phác họa
(inrasara.com); Ma nét, quá trình chuyển giọng từ hiện đại đến hậu hiện đại
(inrasara.com)…
***
Đặc trưng của quá trình tiếp nhận lý thuyết hậu hiện đại, một lý thuyết không
chủ trương xây dựng hệ thống quan niệm, là dẫn tới sự tồn tại những cách hiểu khác
nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau. Điều này là một hiện tượng đương nhiên, bởi mỗi
người tiếp nhận có một “tầm đón đợi” khác nhau, mặt khác là khoảng cách và giới
hạn thẩm mỹ đặc thù của nền văn hóa bản địa không phải cái gì cũng tương thích
với “phông” văn hóa gốc nơi lý thuyết đó ra đời. Trong quá trình tiếp nhận lý thuyết
văn học hậu hiện đại ở Việt Nam, thì xu hướng xem hậu hiện đại như một trạng thái
tinh thần xã hội, biểu trưng cho một quy luật phát triển văn học là phổ biến. Nhìn
chung, theo quan niệm này, các nhà nghiên cứu trong nước đã có sự đồng thuận và
kế thừa từ những ý kiến của các học giả phương Tây, như nhận định tiêu biểu của
Weith: “Nếu kỷ nguyên hiện đại đã trôi qua thì chúng ta đang ở thời hậu hiện đại,
ngay dù cho chúng ta có vứt bỏ các nguyên lý của chủ nghĩa hậu hiện đại” [124,
tr.477]. Qua việc hệ thống các bài viết và các công trình nghiên hậu hiện đại trong
nước ở mục 1.2, có thể nhận thấy quan điểm đón nhận của đa số, và hầu hết những
nhà nghiên cứu có uy tín đều cùng có chung tiếng nói đồng thuận về chủ nghĩa hậu
hiện đại và văn học hậu hiện đại. Lê Huy Bắc đã quan niệm: “Đã đến lúc cần khẳng
định nền văn chương hậu hiện đại Việt, nếu không, chúng ta chỉ “vẫn là ta” của
nhiều thập kỷ trước” [18, tr.315].
Chúng ta không thổi phồng vai trò của chủ nghĩa hậu hiện đại đối với sự phát
triển văn hóa, văn học dân tộc trong điều kiện hiện nay, nhưng chúng ta cũng phải
thừa nhận những tác động khách quan của nó đối với sự vận động của văn học thời
gian vừa qua, mà đặc biệt là tiểu thuyết. Thành quả có được không phải tự nhiên mà
có. Sự nỗ lực của một đội ngũ đông đảo các nhà văn của đất nước trong việc tìm
hiểu, ứng dụng kỹ thuật hậu hiện đại suốt nhiều năm qua để tạo ra những giá trị mới
là điều phải được công nhận. Đã có rất nhiều trăn trở và công sức để tạo ra những
giá trị văn hóa mới, chúng chưa có thể nói là tốt hơn trước, nhưng chắc chắn là hợp
lý hơn.
26
Chương 2
TIẾP NHẬN CHỦ NGHĨA HẬU HIỆN ĐẠI TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM
TỪ 1986 ĐẾN 2010
2.1. Giới thuyết về chủ nghĩa hậu hiện đại
2.1.1. Những điều kiện hình thành của chủ nghĩa hậu hiện đại
Điều kiện triết học
Chủ nghĩa hậu hiện đại, khi được hiểu là một phong trào văn hóa xã hội có
tính tổng thể, thì có nghĩa nó được khởi nguồn từ nhiều điều kiện khác nhau. Tuy
vậy, cần phải hiểu rằng, nó được bắt đầu từ triết học. Đây là vấn đề phức tạp nhất,
nhưng cũng quan trọng nhất, và nếu không có được cái nhìn tổng thể về nó thì sẽ
không bao giờ hình dung và hiểu được về chủ nghĩa hậu hiện đại.
Xét về hoàn cảnh, chủ nghĩa hậu hiện đại được hình thành khi mà nền triết học
Phương Tây đang chịu tác động (chi phối) bởi chủ nghĩa cấu trúc, hiện tượng luận,
phân tâm học, chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa thực chứng. Xét về mặt tư tưởng, cơ
sở của chủ nghĩa hậu hiện đại đến từ nhiều lĩnh vực, từ triết học về ngôn ngữ cho
đến triết học về khoa học, từ triết học về nữ quyền cho đến phân tâm học. Theo cách
hiểu này, chúng ta có thể tạm phân chia một số khuynh hướng tư tưởng cơ bản sau.
Triết học ngôn ngữ: Dõi theo trục lịch đại của sự phát triển xã hội loài người
từ góc độ văn hóa (trong nghĩa phổ quát của từ này), chúng ta thấy mỗi thời đại đều
xác lập nên những đặc trưng riêng của nó. Cái văn cảnh đặc thù bao bọc đời sống
lịch sử cụ thể của văn hóa thời đại gồm nhiều thành tố, yếu tố đan cài, xếp lớp với
nhau rất đa dạng và cũng rất phức tạp. Trước đây, sự định dạng hệ hình văn hóa của
từng thời đại thường được xem xét từ các điều kiện: học thuyết chính trị, cơ cấu xã
hội, sự kiện lịch sử, phát minh khoa học – kỹ thuật, vấn đề tôn giáo, loại hình nghệ
thuật… Trong khi đó, ngôn ngữ – cái chứa đựng trong nó gần như toàn bộ đời sống
thời đại, vừa là văn cảnh vừa là nội dung của cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng
xã hội, mang tính liên kết duy nhất của mọi yếu tố tồn tại, thì chưa thật sự được
nhìn nhận đúng và đầy đủ. Phải đến chủ nghĩa hiện đại và tiếp theo là chủ nghĩa hậu
hiện đại, ngôn ngữ mới từng bước được đặt định đúng vị trí và tầm quan trọng của
nó, khi ngôn ngữ trở thành trung tâm nghiên cứu của triết học, phân tâm học và
khoa học văn học.
27
B. Russell và L. Wittgenstein là những người khởi xướng và tiếp theo đó là F.
de Saussure, M. Heidegger rồi đến C. Levi Strauss, J. Lancan, J. Derrida. M.
Foucault, G. Genette, G. Deleuze, F. Guattari, R. Jakobson, R. Barthes, J. Kristeva,
J. Lyotard, Paul de Man, T. Eagleton… đã xây dựng nên nền “triết học ngôn ngữ”.
Những học giả này đã đi theo tinh thần của Nietzsche và E. Husserl, “kéo” nội dung
nghiên cứu của triết học: siêu hình học tư biện trừu tượng và nhận thức luận lý tính
thuần túy, từ trên cao xuống thấp, sát thực với tồn tại hơn: “Nếu triết học cổ điển
chủ yếu bận tâm tới vấn đề nhận thức, tức là những quan hệ giữa tư duy và thế giới
sự vật thì trên thực tế toàn bộ triết học phương Tây từ cận đại trải nghiệm “Bước
ngoặt vào ngôn ngữ” (linguistic turn) độc đáo, đặt vấn đề ngôn ngữ vào trung tâm
chú ý, vì vậy các vấn đề nhận thức và hàm nghĩa của họ mang tính chất thuần ngôn
ngữ. Kết quả là sự phê phán siêu hình học có dạng thức phê phán diễn ngôn của nó,
hoặc phê phán thực tiễn diễn ngôn” [67, tr.163].
Với vai trò là người sáng lập triết học ngôn ngữ (cùng với B. Russell), L.
Wittgenstein (người Áo, 1889 – 1951) đã thực hiện một bước ngoặt lớn trong triết
học phương Tây thế kỷ XX. Không nhìn những vấn đề của triết học dưới hai phạm
trù cơ bản là vật chất và tinh thần, L. Wittgenstein đã nhìn nhận thế giới dưới các
quy tắc và đặc điểm của ngôn ngữ. Năm 1953, trong cuốn Truy tầm triết học (xuất
bản sau khi tác giả mất), nhà triết học thừa nhận tính đa chức năng của ngôn ngữ,
đồng thời đưa ra khái niệm về “trò chơi ngôn ngữ”. Khái niệm này đã biến mọi
nhận thức luận của con người, dù là khách quan nhất, đều chỉ là các diễn ngôn của
trò chơi ngôn ngữ. Thế giới mang diện mạo không phải như cách con người (khách
quan) nhìn thấy nó, mà là như cách mà con người (chủ quan) kể về nó. Trò chơi là
một loạt những ứng xử đề cao tính sáng tạo cụ thể của người chơi, hơn là truy tầm
những quy tắc, cũng như hoài niệm về người sáng tạo ra những quy tắc đó. Trong
Truy tầm triết học, L. Wittgenstein đã viết: “Vì mọi định nghĩa tổng quát cũng có
thể bị hiểu sai. Điểm chính ở đây là cách chúng ta chơi trò chơi. (Tôi muốn nói trò
chơi ngôn ngữ với từ “trò chơi”)” [15, tr.634]. Tầm quan trọng của lý thuyết
Wittgenstein đối với nhận thức hậu hiện đại là ở chỗ: “… bằng các nghiên cứu của
mình ông đã vạch ra cho trò chơi ngôn ngữ một viễn cảnh hợp thức hóa kiểu khác
hơn là kiểu “hiệu quả thực hiện” (performativité). Thế giới hậu hiện đại phải làm
28
việc với viễn tưởng mới này. Hoài niệm về truyện kể đã mất nay cũng đã mất đi nơi
bản thân đại bộ phận con người…” [85, tr.163].
Cùng thời với L. Wittgenstein là M. Heidegger (người Đức, 1872 – 1970), một
người chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi triết học Hiện tượng luận của E. Husserl (1859 –
1938). M. Heidegger đã có công lao lớn trong việc hình thành Tường giải học hiện
đại, bộ môn có nhiều ảnh hưởng sâu sắc đến các nhà hậu hiện đại tên tuổi như R.
Ingarden, P. Ricoeur, H. Gadamer. Mối quan tâm về tinh thần và bản chất ngôn ngữ
trong mối quan hệ với tồn tại đã được M. Heidegger xem là một trọng tâm trong
nghiên cứu triết học hiện đại. Trong công trình nổi tiếng Hữu thể và thời gian
(1923), ông đã nhìn thấy những giới hạn của khoa học ngôn ngữ đương thời, một là
dùng dằng ở việc “chỉ tiết hợp hiện vật nội thế được nhận biết nơi suy tư lý thuyết
và được diễn tả nơi mệnh đề”, hai là sa vào việc xem “kết quả của việc so sánh sâu
sắc nhiều ngôn ngữ xa lạ như có thể” [36, tr.8]. Theo M. Heidegger, không thể chỉ
xem xét ngôn ngữ trong những chức năng thuần ngôn ngữ, vì ẩn trong các hệ thống
hình thức có tính ổn định bên ngoài luôn tiềm chứa những thay đổi không thể tiên
liệu và sự dịch chuyển nằm sau những cấu trúc ngôn ngữ. Có thể thấy, vấn đề đâu là
căn nguyên của ngôn ngữ luôn thường trực trong suy tư triết học của M. Heidegger.
Gần bốn mươi năm sau của sự xuất hiện Hữu thể và thời gian, trong tác phẩm Trên
đường đến với ngôn ngữ (1959), M. Heidegger đã nhìn thấy ngôn ngữ chính là
“Ngôi nhà của Hữu thể”. Sử dụng thuật ngữ “hữu thể” của siêu hình học, ông đã
“nỗ lực đưa bản chất siêu hình lên bề mặt rồi qua đó chuyển về gắn với các giới
hạn của nó” [1, tr.57]. Đây là sự ám chỉ về sự giới hạn của nhận thức, giới hạn này
nằm trong chính mối quan hệ giữa ngôn ngữ với hữu thể được lý giải bởi chủ thể.
Không phải chỉ thuần tuý con người tạo ra ngôn ngữ, mà chính ngôn ngữ cũng đã
tạo ra con người. Bản chất của ngôn ngữ chính là ở nơi tạo lập đời sống con người,
là nơi sáng tạo ra thế giới. Tính liên kết giữa ngôn ngữ và tác phẩm văn học chính là
sự minh giải hữu thể toàn vẹn nhất, và trung tâm tạo nghĩa cho văn bản chính là
người đọc, trong một vòng tròn quyết định luận. Sau này, những nhà Tường giải
học đã xem tác phẩm văn học (được biểu hiện qua ngôn ngữ) là vật “hai lần có ý
hướng” (R. Ingarden), do đó, phương thức tồn tại của văn bản chính là hoạt động cụ
thể hóa của người đọc. Văn bản mới chỉ là ý hướng của tác giả, đóng vai trò tiền đề
cho sự ra đời của tác phẩm văn học.
29
Chủ nghĩa hậu hiện đại bác bỏ các loại diễn ngôn có tính phán quyết và toàn
trị, vì vậy nó không thừa nhận các “đại tự sự” mang tính chính thống và bất biến,
trong đó có chủ nghĩa cấu trúc. Trường phái ngôn ngữ học cấu trúc là một trong
những hướng phát triển lớn của triết học về ngôn ngữ, được xây dựng bởi nhà ngôn
ngữ học F. de Saussure (người Thụy Sĩ, 1857 – 1931), và được phát triển bởi những
người đi sau như C. Levi Strauss, T. Todorov, G. Genette, R. Jakobson. Chủ nghĩa
cấu trúc không truy tìm ý nghĩa của các hệ thống ngôn ngữ từ những hiện tượng
trong đời sống, mà “nghĩa của ngôn ngữ mang chức năng của một hệ thống” [2,
tr.57]. Với chủ nghĩa cấu trúc, quá trình tạo nghĩa của từ gắn với mối quan hệ giữa
“cái biểu đạt” và “cái được biểu đạt”. Bao giờ cũng vậy, bên cạnh một cái biểu đạt
phát ra, thường có một cái được biểu đạt đang tồn tại làm tương ứng. Quan hệ giữa
cái biểu đạt và vật được biểu đạt mới là võ đoán, chứ không phải giữa cái biểu đạt
với cái được biểu đạt. Cho nên, “Nghĩa là sản phẩm của một hệ thống biểu tượng
mà bản thân nó không có nghĩa” [2, tr.59]. Như vậy, “nghĩa” của ngôn ngữ là con
đẻ của một quá trình tạo nghĩa, chứ không phải được cấp từ hiện thực bên ngoài,
hay chủ ý từ bên trong. Chủ nghĩa cấu trúc vừa loại bỏ nguồn gốc vật chất, vừa giải
thể thuộc tính tinh thần của ngôn ngữ, vì vậy, chủ nghĩa hậu hiện đại xem nó là một
“chủ nghĩa phi lịch sử” trong triết học về ngôn ngữ.
Phê phán chủ nghĩa cấu trúc với những nhìn nhận mang tính hình thức, bất
biến và siêu hình về ngôn ngữ, đặc biệt là sự quan niệm máy móc về quá trình tạo
nghĩa, những nhà hậu cấu trúc như M. Foucault, J. Derrida, T. Eagleton… lại có
một cách nhìn khác về ngôn ngữ. Những nhà hậu cấu trúc đặc biệt không tin tưởng
vào sự tương ứng giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt trong quá trình tạo nghĩa:
“Cái biểu đạt không đưa ra cho chúng ta cái được biểu đạt một cách trực tiếp như
tấm gương phản ánh hình ảnh: ở đây không có cặp đối xứng nhau một cách hài hoà
giữa mức độ của cái biểu đạt và mức độ của cái được biểu đạt trong ngôn ngữ”
[124, tr.301]. Các nhà hậu cấu trúc tin rằng, nghĩa của ngôn ngữ không bao giờ
được xác định từ chính hệ thống của nó, có một cái gì đó luôn vận động và tuôn
chảy đằng sau ngôn ngữ. Đi từ cách hiểu trên, năm 1967, R. Barthes đã tuyên cáo
về “cái chết” của tác giả, nhằm nỗ lực trả lại tính tự do cho quá trình tạo nghĩa
trong hoạt động đọc của người tiếp nhận. Từ đó, R. Barthes cũng đề xuất bút pháp
“độ không của lối viết”, nhằm tạo ra những khoảng trống, buộc người đọc phải tự
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY

More Related Content

What's hot

Mô típ hóa thân trong truyện cổ tích của người việt
Mô típ hóa thân trong truyện cổ tích của người việtMô típ hóa thân trong truyện cổ tích của người việt
Mô típ hóa thân trong truyện cổ tích của người việtnataliej4
 
Thể loại văn học và sự phân loại tác phẩm văn học
Thể loại văn học và sự phân loại tác phẩm văn họcThể loại văn học và sự phân loại tác phẩm văn học
Thể loại văn học và sự phân loại tác phẩm văn họcJackson Linh
 
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260nataliej4
 
Liên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệp
Liên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệpLiên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệp
Liên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệpMan_Ebook
 

What's hot (20)

Mô típ hóa thân trong truyện cổ tích của người việt
Mô típ hóa thân trong truyện cổ tích của người việtMô típ hóa thân trong truyện cổ tích của người việt
Mô típ hóa thân trong truyện cổ tích của người việt
 
Luận văn: Văn xuôi Hồ Anh Thái từ góc nhìn Liên văn hóa, HAY
Luận văn: Văn xuôi Hồ Anh Thái từ góc nhìn Liên văn hóa, HAYLuận văn: Văn xuôi Hồ Anh Thái từ góc nhìn Liên văn hóa, HAY
Luận văn: Văn xuôi Hồ Anh Thái từ góc nhìn Liên văn hóa, HAY
 
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAYLuận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
 
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ nữ Việt Nam đầu thế kỉ XXI
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ nữ Việt Nam đầu thế kỉ XXILuận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ nữ Việt Nam đầu thế kỉ XXI
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ nữ Việt Nam đầu thế kỉ XXI
 
Luận văn: Tiểu thuyết di dân Việt Nam của các nhà văn nữ, HAY
Luận văn: Tiểu thuyết di dân Việt Nam của các nhà văn nữ, HAYLuận văn: Tiểu thuyết di dân Việt Nam của các nhà văn nữ, HAY
Luận văn: Tiểu thuyết di dân Việt Nam của các nhà văn nữ, HAY
 
Luận án: Thế giới nghệ thuật của Nguyên Hồng trước năm 1945
Luận án: Thế giới nghệ thuật của Nguyên Hồng trước năm 1945Luận án: Thế giới nghệ thuật của Nguyên Hồng trước năm 1945
Luận án: Thế giới nghệ thuật của Nguyên Hồng trước năm 1945
 
Luận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIX
Luận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIXLuận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIX
Luận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIX
 
Luận văn: Hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình Việt Nam
Luận văn: Hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình Việt NamLuận văn: Hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình Việt Nam
Luận văn: Hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình Việt Nam
 
Đặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAY
Đặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAYĐặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAY
Đặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAY
 
Thể loại văn học và sự phân loại tác phẩm văn học
Thể loại văn học và sự phân loại tác phẩm văn họcThể loại văn học và sự phân loại tác phẩm văn học
Thể loại văn học và sự phân loại tác phẩm văn học
 
Cảm thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam (1986 - 2010), HOT
Cảm thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam (1986 - 2010), HOTCảm thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam (1986 - 2010), HOT
Cảm thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam (1986 - 2010), HOT
 
Luận văn: Diễn ngôn về giới nữ của các nhà văn nữ đương đại, HOT
Luận văn: Diễn ngôn về giới nữ của các nhà văn nữ đương đại, HOTLuận văn: Diễn ngôn về giới nữ của các nhà văn nữ đương đại, HOT
Luận văn: Diễn ngôn về giới nữ của các nhà văn nữ đương đại, HOT
 
Luận văn: Diễn ngôn chấn thương trong tiểu thuyết nữ Việt Nam, HAY
Luận văn: Diễn ngôn chấn thương trong tiểu thuyết nữ Việt Nam, HAYLuận văn: Diễn ngôn chấn thương trong tiểu thuyết nữ Việt Nam, HAY
Luận văn: Diễn ngôn chấn thương trong tiểu thuyết nữ Việt Nam, HAY
 
Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lê Minh Khuê sau 1975, 9đ
Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lê Minh Khuê sau 1975, 9đThế giới nhân vật trong truyện ngắn Lê Minh Khuê sau 1975, 9đ
Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lê Minh Khuê sau 1975, 9đ
 
Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam từ 1965 đến 1975, 9đ
Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam từ 1965 đến 1975, 9đLuận án: Cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam từ 1965 đến 1975, 9đ
Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam từ 1965 đến 1975, 9đ
 
Luận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đ
Luận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đLuận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đ
Luận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đ
 
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đLuận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
 
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260
 
Luận án: Nghệ thuật tiểu thuyết Diêm Liên Khoa, HAY
Luận án: Nghệ thuật tiểu thuyết Diêm Liên Khoa, HAYLuận án: Nghệ thuật tiểu thuyết Diêm Liên Khoa, HAY
Luận án: Nghệ thuật tiểu thuyết Diêm Liên Khoa, HAY
 
Liên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệp
Liên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệpLiên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệp
Liên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệp
 

Similar to Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY

Khoá Luận Tốt Nghiệp Vấn Đề Chủ Nghĩa Hiện Thực Trong Lý Khoá Luận Học Ở Việt...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Vấn Đề Chủ Nghĩa Hiện Thực Trong Lý Khoá Luận Học Ở Việt...Khoá Luận Tốt Nghiệp Vấn Đề Chủ Nghĩa Hiện Thực Trong Lý Khoá Luận Học Ở Việt...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Vấn Đề Chủ Nghĩa Hiện Thực Trong Lý Khoá Luận Học Ở Việt...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
ĐỀ TÀI : TIỂU THUYẾT VIỆT NAM THỜI KÌ ĐỔI MỚI NHÌN TỪ ĐẶC TRƢNG PHẢN ÁNH NGHỆ...
ĐỀ TÀI : TIỂU THUYẾT VIỆT NAM THỜI KÌ ĐỔI MỚI NHÌN TỪ ĐẶC TRƢNG PHẢN ÁNH NGHỆ...ĐỀ TÀI : TIỂU THUYẾT VIỆT NAM THỜI KÌ ĐỔI MỚI NHÌN TỪ ĐẶC TRƢNG PHẢN ÁNH NGHỆ...
ĐỀ TÀI : TIỂU THUYẾT VIỆT NAM THỜI KÌ ĐỔI MỚI NHÌN TỪ ĐẶC TRƢNG PHẢN ÁNH NGHỆ...Luận Văn 1800
 
Tiểu thuyết Việt Nam thời kì Đổi mới đặc trưng phản ánh nghệ thuật - Gửi miễn...
Tiểu thuyết Việt Nam thời kì Đổi mới đặc trưng phản ánh nghệ thuật - Gửi miễn...Tiểu thuyết Việt Nam thời kì Đổi mới đặc trưng phản ánh nghệ thuật - Gửi miễn...
Tiểu thuyết Việt Nam thời kì Đổi mới đặc trưng phản ánh nghệ thuật - Gửi miễn...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Tiểu Luận Vai Trò Của Báo Chí Với Phản Ánh Tiêu Cực Của Xã Hội Hiện Nay 42728...
Tiểu Luận Vai Trò Của Báo Chí Với Phản Ánh Tiêu Cực Của Xã Hội Hiện Nay 42728...Tiểu Luận Vai Trò Của Báo Chí Với Phản Ánh Tiêu Cực Của Xã Hội Hiện Nay 42728...
Tiểu Luận Vai Trò Của Báo Chí Với Phản Ánh Tiêu Cực Của Xã Hội Hiện Nay 42728...NuioKila
 
Triết Học Ấn Độ Cổ Đại - Nội Dung, Đặc Điểm Và ý Nghĩa Lịch Sử
Triết Học Ấn Độ Cổ Đại - Nội Dung, Đặc Điểm Và ý Nghĩa Lịch SửTriết Học Ấn Độ Cổ Đại - Nội Dung, Đặc Điểm Và ý Nghĩa Lịch Sử
Triết Học Ấn Độ Cổ Đại - Nội Dung, Đặc Điểm Và ý Nghĩa Lịch SửMan_Ebook
 
ĐẶC TRƯNG HẬU HIỆN ĐẠI TRONG TIỂU THUYẾT CỦA JOHN MAXWELL COETZEE.pdf
ĐẶC TRƯNG HẬU HIỆN ĐẠI TRONG TIỂU THUYẾT CỦA JOHN MAXWELL COETZEE.pdfĐẶC TRƯNG HẬU HIỆN ĐẠI TRONG TIỂU THUYẾT CỦA JOHN MAXWELL COETZEE.pdf
ĐẶC TRƯNG HẬU HIỆN ĐẠI TRONG TIỂU THUYẾT CỦA JOHN MAXWELL COETZEE.pdfNuioKila
 

Similar to Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY (20)

Luận văn: Vấn đề bản chất và đặc trưng của văn học Việt Nam
Luận văn: Vấn đề bản chất và đặc trưng của văn học Việt NamLuận văn: Vấn đề bản chất và đặc trưng của văn học Việt Nam
Luận văn: Vấn đề bản chất và đặc trưng của văn học Việt Nam
 
Yếu tố văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Việt Nam (1986 - 2000)
Yếu tố văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Việt Nam (1986 - 2000)Yếu tố văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Việt Nam (1986 - 2000)
Yếu tố văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Việt Nam (1986 - 2000)
 
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và Inrasara
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và InrasaraLuận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và Inrasara
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và Inrasara
 
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOTLuận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
 
Ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại đối với tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến...
Ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại đối với tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến...Ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại đối với tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến...
Ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại đối với tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến...
 
Khoá Luận Tốt Nghiệp Vấn Đề Chủ Nghĩa Hiện Thực Trong Lý Khoá Luận Học Ở Việt...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Vấn Đề Chủ Nghĩa Hiện Thực Trong Lý Khoá Luận Học Ở Việt...Khoá Luận Tốt Nghiệp Vấn Đề Chủ Nghĩa Hiện Thực Trong Lý Khoá Luận Học Ở Việt...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Vấn Đề Chủ Nghĩa Hiện Thực Trong Lý Khoá Luận Học Ở Việt...
 
Luận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAY
Luận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAYLuận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAY
Luận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAY
 
Đề tài: Truyện ngắn Việt Nam từ 1986 đến nay (nhìn từ góc độ thể loại)
Đề tài: Truyện ngắn Việt Nam từ 1986 đến nay (nhìn từ góc độ thể loại)Đề tài: Truyện ngắn Việt Nam từ 1986 đến nay (nhìn từ góc độ thể loại)
Đề tài: Truyện ngắn Việt Nam từ 1986 đến nay (nhìn từ góc độ thể loại)
 
ĐỀ TÀI : TIỂU THUYẾT VIỆT NAM THỜI KÌ ĐỔI MỚI NHÌN TỪ ĐẶC TRƢNG PHẢN ÁNH NGHỆ...
ĐỀ TÀI : TIỂU THUYẾT VIỆT NAM THỜI KÌ ĐỔI MỚI NHÌN TỪ ĐẶC TRƢNG PHẢN ÁNH NGHỆ...ĐỀ TÀI : TIỂU THUYẾT VIỆT NAM THỜI KÌ ĐỔI MỚI NHÌN TỪ ĐẶC TRƢNG PHẢN ÁNH NGHỆ...
ĐỀ TÀI : TIỂU THUYẾT VIỆT NAM THỜI KÌ ĐỔI MỚI NHÌN TỪ ĐẶC TRƢNG PHẢN ÁNH NGHỆ...
 
Tiểu thuyết Việt Nam thời kì Đổi mới đặc trưng phản ánh nghệ thuật - Gửi miễn...
Tiểu thuyết Việt Nam thời kì Đổi mới đặc trưng phản ánh nghệ thuật - Gửi miễn...Tiểu thuyết Việt Nam thời kì Đổi mới đặc trưng phản ánh nghệ thuật - Gửi miễn...
Tiểu thuyết Việt Nam thời kì Đổi mới đặc trưng phản ánh nghệ thuật - Gửi miễn...
 
Luận văn: Vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong lý luận văn học, 9 ĐIỂM
Luận văn: Vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong lý luận văn học, 9 ĐIỂMLuận văn: Vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong lý luận văn học, 9 ĐIỂM
Luận văn: Vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong lý luận văn học, 9 ĐIỂM
 
Tiểu Luận Vai Trò Của Báo Chí Với Phản Ánh Tiêu Cực Của Xã Hội Hiện Nay 42728...
Tiểu Luận Vai Trò Của Báo Chí Với Phản Ánh Tiêu Cực Của Xã Hội Hiện Nay 42728...Tiểu Luận Vai Trò Của Báo Chí Với Phản Ánh Tiêu Cực Của Xã Hội Hiện Nay 42728...
Tiểu Luận Vai Trò Của Báo Chí Với Phản Ánh Tiêu Cực Của Xã Hội Hiện Nay 42728...
 
Luận án: Tính phổ biến và đặc thù của nhận thức mới về CNXH
Luận án: Tính phổ biến và đặc thù của nhận thức mới về CNXHLuận án: Tính phổ biến và đặc thù của nhận thức mới về CNXH
Luận án: Tính phổ biến và đặc thù của nhận thức mới về CNXH
 
Triết Học Ấn Độ Cổ Đại - Nội Dung, Đặc Điểm Và ý Nghĩa Lịch Sử
Triết Học Ấn Độ Cổ Đại - Nội Dung, Đặc Điểm Và ý Nghĩa Lịch SửTriết Học Ấn Độ Cổ Đại - Nội Dung, Đặc Điểm Và ý Nghĩa Lịch Sử
Triết Học Ấn Độ Cổ Đại - Nội Dung, Đặc Điểm Và ý Nghĩa Lịch Sử
 
Đặc điểm thể chân dung và văn học của Hồ Anh Thái
Đặc điểm thể chân dung và văn học của Hồ Anh TháiĐặc điểm thể chân dung và văn học của Hồ Anh Thái
Đặc điểm thể chân dung và văn học của Hồ Anh Thái
 
Luận văn: Cái Tôi cô đơn trong thơ mới và thơ đương đại, HAY
Luận văn: Cái Tôi cô đơn trong thơ mới và thơ đương đại, HAYLuận văn: Cái Tôi cô đơn trong thơ mới và thơ đương đại, HAY
Luận văn: Cái Tôi cô đơn trong thơ mới và thơ đương đại, HAY
 
Luận văn: Quyền sống của con người trong truyện kiều của nguyễn du
Luận văn: Quyền sống của con người trong truyện kiều của nguyễn duLuận văn: Quyền sống của con người trong truyện kiều của nguyễn du
Luận văn: Quyền sống của con người trong truyện kiều của nguyễn du
 
ĐẶC TRƯNG HẬU HIỆN ĐẠI TRONG TIỂU THUYẾT CỦA JOHN MAXWELL COETZEE.pdf
ĐẶC TRƯNG HẬU HIỆN ĐẠI TRONG TIỂU THUYẾT CỦA JOHN MAXWELL COETZEE.pdfĐẶC TRƯNG HẬU HIỆN ĐẠI TRONG TIỂU THUYẾT CỦA JOHN MAXWELL COETZEE.pdf
ĐẶC TRƯNG HẬU HIỆN ĐẠI TRONG TIỂU THUYẾT CỦA JOHN MAXWELL COETZEE.pdf
 
Luận án: Nguyên lí đối thoại trong tiểu thuyết Việt Nam (1986-2010)
Luận án: Nguyên lí đối thoại trong tiểu thuyết Việt Nam (1986-2010)Luận án: Nguyên lí đối thoại trong tiểu thuyết Việt Nam (1986-2010)
Luận án: Nguyên lí đối thoại trong tiểu thuyết Việt Nam (1986-2010)
 
Luận án: Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết Việt Nam 1986 - 2012
Luận án: Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết Việt Nam 1986 - 2012Luận án: Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết Việt Nam 1986 - 2012
Luận án: Nghệ thuật nghịch dị trong tiểu thuyết Việt Nam 1986 - 2012
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864

Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏiDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏiDịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864 (20)

200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc
200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc
200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc
 
Danh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểmDanh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểm
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểmDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểm
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏiDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểmDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểm
 
danh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhua
danh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhuadanh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhua
danh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhua
 
Kinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay Nhất
Kinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay NhấtKinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay Nhất
Kinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay Nhất
 
Kho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểm
Kho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểmKho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểm
Kho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểm
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại họcKho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại học
 
Kho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tử
Kho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tửKho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tử
Kho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tử
 
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểmKho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểm
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu HọcKho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu Học
 
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhất
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhấtKho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhất
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhất
 
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểmKho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểm
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin HọcKho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin Học
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập Khẩu
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập KhẩuKho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập Khẩu
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập Khẩu
 

Recently uploaded

QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...ThunTrn734461
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIĐiện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdfSơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdftohoanggiabao81
 
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdfNQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdfNguyễn Đăng Quang
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................TrnHoa46
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líDr K-OGN
 
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhvanhathvc
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxpowerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxAnAn97022
 
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxTrích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxnhungdt08102004
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxChàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxendkay31
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...hoangtuansinh1
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfchuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfVyTng986513
 
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdfTrnHoa46
 

Recently uploaded (20)

QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
 
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdfSơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
 
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdfNQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
 
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
 
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
 
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxpowerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
 
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxTrích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxChàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
 
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfchuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
 
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
 

Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY

  • 1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC HUẾ TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC NGUYỄN HỒNG DŨNG ẢNH HƯỞNG CỦA CHỦ NGHĨA HẬU HIỆN ĐẠI ĐỐI VỚI TIỂU THUYẾT VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN 2010 LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC HUẾ - 2016
  • 2. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC HUẾ TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC NGUYỄN HỒNG DŨNG ẢNH HƯỞNG CỦA CHỦ NGHĨA HẬU HIỆN ĐẠI ĐỐI VỚI TIỂU THUYẾT VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN 2010 Chuyên ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 62.22.01.21 LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS.TS. TRƯƠNG ĐĂNG DUNG 2. PGS.TS. NGUYỄN THÀNH HUẾ, 2016
  • 3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các kết quả nêu trong luận án là trung thực, đảm bảo độ chuẩn xác cao nhất có thể. Các tài liệu tham khảo, trích dẫn có xuất xứ rõ ràng. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về công trình nghiên cứu của mình. Huế, tháng 3 năm 2016 Tác giả Nguyễn Hồng Dũng
  • 4. DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT TRONG LUẬN ÁN Nhà xuất bản: Nxb Tạp chí: T/c
  • 5. MỤC LỤC MỞ ĐẦU....................................................................................................... 1 1. Lý do chọn đề tài........................................................................................ 1 2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu............................................................... 2 3. Phương pháp nghiên cứu............................................................................ 2 4. Đóng góp khoa học của luận án.................................................................. 3 5. Cấu trúc luận án ......................................................................................... 3 NỘI DUNG ................................................................................................... 4 Chương 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU............................ 4 1.1. Các công trình dịch, biên soạn từ tài liệu nước ngoài............................... 4 1.2. Các công trình nghiên cứu, phê bình ở trong nước ................................ 15 Chương 2. TIẾP NHẬN CHỦ NGHĨA HẬU HIỆN ĐẠI TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN 2010...................................................... 26 2.1. Giới thuyết về chủ nghĩa hậu hiện đại.................................................... 26 2.1.1. Những điều kiện hình thành của chủ nghĩa hậu hiện đại..................... 26 2.1.2. Các quan niệm về chủ nghĩa hậu hiện đại........................................... 42 2.2. Tiếp nhận chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam.................... 48 2.2.1. Tiếp nhận và ứng dụng trong nghiên cứu – phê bình .......................... 51 2.2.2. Tiếp nhận và ứng dụng trong sáng tác ................................................ 59 Chương 3. TƯ DUY NGHỆ THUẬT HẬU HIỆN ĐẠI TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN 2010 – NHÌN TỪ QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT, TÂM THỨC SÁNG TẠO VÀ THẾ GIỚI NHÂN VẬT . 64 3.1. Quan niệm về nghệ thuật tiểu thuyết...................................................... 64 3.1.1. Tiểu thuyết với quan niệm “trò chơi văn học” .................................... 64 3.1.2. Tiểu thuyết với quan niệm “giải thiêng nghệ thuật”............................ 69 3.2. Tâm thức sáng tạo của nhà văn.............................................................. 76 3.2.1. Tâm thức sáng tạo của nhà văn với bản thể dân tộc ............................ 77
  • 6. 3.2.2. Tâm thức sáng tạo của nhà văn trước thực tại..................................... 86 3.3. Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết........................................................ 91 3.3.1.Vấn đề kiểu loại nhân vật .................................................................... 91 3.3.2. Những biến đổi khái niệm nhân vật ................................................... 95 Chương 4. TƯ DUY NGHỆ THUẬT HẬU HIỆN ĐẠI TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN 2010 – NHÌN TỪ PHƯƠNG THỨC THỂ HIỆN................................................................................................ 106 4.1. Đa dạng hóa hình thức truyện kể và tự sự đa điểm nhìn....................... 106 4.1.1. Đa dạng hóa hình thức truyện kể ...................................................... 106 4.1.2. Tự sự đa điểm nhìn........................................................................... 115 4.2. Kết cấu phân mảnh, lắp ghép và dung hợp, đan cài thể loại................. 120 4.2.1. Kết cấu phân mảnh, lắp ghép............................................................ 121 4.2.2. Sự dung hợp, đan cài thể loại............................................................ 128 4.3. Cách tân ngôn ngữ............................................................................... 133 4.3.1. Ngôn ngữ mảnh vỡ........................................................................... 133 4.3.2. Ngôn ngữ giễu nhại .......................................................................... 137 KẾT LUẬN............................................................................................... 147 DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN............................................................................ 151 TÀI LIỆU THAM KHẢO........................................................................ 152 PHỤ LỤC
  • 7. 1 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Trong những thập niên cuối thế kỷ XX, trên thế giới, trong giới khoa học nói chung và giới văn học nói riêng, có một khái niệm, tuy chưa có được một cách hiểu thống nhất, nhưng lại được sử dụng và bàn đến nhiều nhất, đó là khái niệm “chủ nghĩa hậu hiện đại” (postmodernism). Chủ nghĩa hậu hiện đại gần như đã trở thành tinh thần của thời đại mới, vượt qua thời hiện đại và được gọi là thời “hậu hiện đại” hay “kỷ nguyên hậu hiện đại”. Chủ nghĩa hậu hiện đại vừa được xem là một chủ thuyết triết học, cũng vừa là một phong trào xã hội được áp dụng vào hầu khắp các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hoá, nghệ thuật, giáo dục, tôn giáo... Trong văn học, các nhà nghiên cứu đã xây dựng nên một hệ thống lý thuyết hậu hiện đại, một mặt, được dùng để áp dụng vào việc nghiên cứu tác phẩm, được sử dụng làm tiêu chí phân loại và định dạng tác phẩm; mặt khác, được sử dụng để cụ thể hoá quá trình nhận thức luận về tinh thần văn học hậu hiện đại. Như vậy, hậu hiện đại là một cách gọi để chỉ về một sự vận động, mà sự vận động đó đang tạo nên một hệ hình tư duy mới, có nhiệm vụ thay thế cho hệ hình tư duy hiện đại đã không còn phù hợp, kể cả trong kinh tế, chính trị và trong văn hóa tinh thần. Trong lịch sử phát triển của xã hội loài người, chủ nghĩa hậu hiện đại đang còn rất mới, chỉ được chính thức thừa nhận từ những thập niên 60 (thế kỷ XX) đến nay. Không ai biết được tường tận những gì sẽ xảy ra trong tương lai để hình dung cụ thể hơn về hiện tại, để xác lập lại các nguyên tắc, các điều kiện có tính định hướng cho một con người, cho một xã hội và tổng thể xã hội mang tính toàn nhân loại. Chủ nghĩa hậu hiện đại, trong những khả năng và giới hạn của nó, sẽ góp phần giải quyết những vấn đề quá phức tạp này. Ở Việt Nam, lý thuyết văn học hậu hiện đại ngày càng được quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu và ứng dụng vào đời sống văn học, từ hoạt động của nhà nghiên cứu đến sáng tạo của người nghệ sĩ. Thực tiễn những năm qua mà khoa học văn học cũng như lĩnh vực sáng tác đã đạt được, đã chứng minh tính khoa học, tính khách quan và tính chân lý của chủ nghĩa hậu hiện đại. Dưới tác động của lý thuyết văn học hậu hiện đại, chúng ta không chỉ phát hiện và thừa nhận những giá trị sáng tạo của những nhà văn đương đại, mà còn có cơ sở lý luận để nhận thức lại, đánh giá lại những kết quả đã qua, kể cả trong sáng tác và trong nghiên cứu.
  • 8. 2 Việc vận dụng lý thuyết văn học hậu hiện đại vào nghiên cứu những sáng tác của các nhà tiểu thuyết Việt Nam đã có những chuyển động và những thay đổi thực sự, cả nội dung và hình thức. Tinh thần hậu hiện đại đã soi chiếu vào tư duy tiểu thuyết, có thể nói đã tạo nên một sự biến đổi lớn lao ở thể loại này. Qua thời gian, những sáng tác của các nhà tiểu thuyết Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh, Nguyễn Việt Hà, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Đình Tú, Đặng Thân, Châu Diên, Thuận, Đoàn Minh Phượng, Phong Điệp, Nguyễn Ngọc Tư… đã được xã hội thừa nhận. Có một sự thật hiển nhiên được nhận thức trong giới văn học là không thể viết như trước được nữa, nếu như muốn có người đọc. Về cơ bản, những thành tựu mà tiểu thuyết đạt được là nhờ sự tiếp thu, vận dụng một cách sáng tạo quan niệm nhận thức, kinh nghiệm viết hậu hiện đại của các nhà văn Việt Nam. Đây chính là lý do chính để chúng tôi lựa chọn đề tài luận án Ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại đối với tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, nhằm góp phần khẳng định những giá trị thực sự của bộ phận tiểu thuyết theo khuynh hướng hậu hiện đại. Trên cơ sở nghiên cứu có tham khảo tư liệu của những người cùng thời, chúng tôi muốn tạo dựng một cái nhìn toàn cảnh về sự hình thành và từng bước phát triển của tiểu thuyết theo xu hướng này. 2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu - Đối tượng nghiên cứu: Luận án tập trung nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010. Tuy nhiên, do yêu cầu của đề tài nên chỉ tập trung ở những tiểu thuyết mang sắc thái, dấu ấn hậu hiện đại. - Phạm vi nghiên cứu: Luận án giới hạn phạm vi nghiên cứu về những ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại đối với tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010. 3. Phương pháp nghiên cứu Để thực hiện luận án, chúng tôi sử dụng phối hợp các phương pháp nghiên cứu chính: - Phương pháp lịch sử - loại hình: dùng để khảo sát sự hình thành và vận động của lý thuyết hậu hiện đại, đặc trưng và các quan niệm riêng của các nhà lý luận trong các lĩnh vực triết học, văn hóa, văn học, nghệ thuật. - Phương pháp cấu trúc - hệ thống: dùng để tìm hiểu, nghiên cứu một cách hệ thống các khuynh hướng triết học như Hiện tượng luận – Tường giải học; Cấu trúc luận – Giải cấu trúc luận. Các tiểu thuyết có dấu ấn hậu hiện đại Việt Nam cũng được nghiên cứu qua phương pháp này.
  • 9. 3 - Phương pháp liên ngành văn hóa – văn học: dùng để khảo sát quá trình hình thành chủ nghĩa hậu hiện đại (điều kiện triết học, kinh tế – xã hội, văn hóa – nghệ thuật) và nghiên cứu đặc thù lịch sử, văn hóa, văn học dân tộc trong tiểu thuyết theo xu hướng hậu hiện đại Việt Nam. - Phương pháp so sánh – đối chiếu: dùng để nghiên cứu những tương đồng và riêng biệt trong tư duy nghệ thuật của các nhà tiểu thuyết theo xu hướng hậu hiện đại Việt Nam. 4. Đóng góp khoa học của luận án Luận án trình bày những vấn đề chính của tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, sự phát triển của khuynh hướng tiểu thuyết gắn với chủ nghĩa hậu hiện đại, góp phần cung cấp một số kiến thức cơ bản để có một cái nhìn tổng thể về tiểu thuyết Việt Nam những năm này. Luận án có thể được xem là một trong những công trình đầu tiên, tương đối có hệ thống nghiên cứu về ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại đối với tiểu thuyết Việt Nam đương đại, những mặt tích cực và những hạn chế của chủ thuyết này đem lại. Luận án hoàn thành sẽ là một tài liệu tham khảo hữu ích cho việc tìm hiểu, học tập, nghiên cứu về chủ nghĩa hậu hiện đại và văn học hậu hiện đại. 5. Cấu trúc luận án Ngoài phần mở đầu, phần kết luận, tài liệu tham khảo, nội dung chính của luận án được triển khai trong 4 chương: Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu Chương 2. Tiếp nhận chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam từ 1986 đến 2010 Chương 3. Tư duy nghệ thuật hậu hiện đại trong tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010 – nhìn từ quan niệm nghệ thuật, tâm thức sáng tạo và thế giới nhân vật Chương 4. Tư duy nghệ thuật hậu hiện đại trong tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010 – nhìn từ phương thức biểu hiện
  • 10. 4 NỘI DUNG Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU Lịch sử hậu hiện đại (từ những luận thuyết đề xuất ban đầu cho đến những luận điểm mở rộng, bổ sung và chuyên sâu về sau), gắn với các điểm nhận thức cơ bản: - Chủ nghĩa hậu hiện đại là một lý thuyết phổ biến nhưng cũng hết sức phức tạp của tư tưởng thế giới đương đại. Lý thuyết này không giới hạn trong phạm vi triết học hay văn hóa, văn học nghệ thuật mà được áp dụng rộng rãi trong đời sống xã hội. Vì vậy, phải có được cái nhìn toàn cảnh về hậu hiện đại mới có thể hiểu được về văn học hậu hiện đại. - Chủ nghĩa hậu hiện đại, được khởi phát từ phương Tây, trước hết cần xem xét nó là một hình thái phát triển xã hội, sau đó mới được khai triển ở các lĩnh vực cụ thể. - Chủ nghĩa hậu hiện đại, theo quy luật, được hình thành trong lòng chủ nghĩa hiện đại, là bước phát triển cao hơn chủ nghĩa hiện đại, là khái niệm chỉ mối tổng hòa các hình thái xã hội. Cũng theo quy luật, chủ nghĩa hậu hiện đại xuất hiện sớm nhất ở những quốc gia phát triển – đó là thế giới Phương Tây. Bởi vậy, hầu hết những công trình nghiên cứu lý thuyết hậu hiện đại đều được xây dựng bởi các học giả Phương Tây, như: J. Derrida, M. Foucault, J. Lyotard, M. Ponty, J. Lacan, D. Lodge, F. Jameson, J. Baudrillard, D. Fokkema, I. Hassan, S. Jencks, R. Rorty… 1.1. Các công trình dịch, biên soạn từ tài liệu nước ngoài Các công trình thuộc lĩnh vực văn học nghệ thuật Trong những năm từ 1975 đến gần cuối thế kỷ XX, cánh cửa hướng về phía nền lý luận phương Tây vẫn bị đóng kín, hoạt động dịch, giới thiệu, xuất bản các công trình nghiên cứu khoa học xã hội – nhân văn của khu vực này ở Việt Nam là hết sức hạn chế. Vì vậy, đa phần giới nghiên cứu Việt Nam vẫn không thể hình dung được những điều gì đã và đang diễn ra trong các xã hội bên ngoài. Tính chất trì trệ này có thể giải thích được, một phần là do thiếu sự giao lưu, nhưng chính yếu là vẫn dựa vào và ỷ lại những tri thức từ phía Liên Xô, xem tri thức từ phía phương Tây là xa lạ và không phù hợp. Quanh quẩn với những khái niệm, thuật ngữ, nguyên lý truyền thống, hoạt động nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam rơi vào ngõ cụt.
  • 11. 5 Cuộc tranh luận về truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là một minh chứng buồn về thực tế này. Phe phản đối thì dùng “đôi mắt cũ” để soi vào một hiện tượng mới, vẫn sử dụng phương pháp xã hội học dung tục để phê bình. Phe ủng hộ thì nhìn chung vẫn phê bình cảm tính, ca ngợi cái tài, cái hay, cái mới của nhà văn nhưng không biết rõ căn nguyên tư tưởng nghệ thuật của nhà văn từ đâu mà có. Tính chất mâu thuẫn trong tranh luận đã bộc lộ sự lạc hậu của tư duy lý luận văn học lúc bấy giờ. Ở cuộc tranh luận về Nguyễn Huy Thiệp có một bài viết rất đáng chú ý: Tại sao tôi dịch truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp ra tiếng Anh? của G. Lockhart (người Úc), in trên Tạp chí Văn học, số 4,1989, được in lại trong sách Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp. Bài viết này rất kịp thời, tính gợi ý và tính ý hướng của nó rất cao, nhưng lại không được quan tâm đúng mức, đặc biệt là về mặt thuật ngữ. Lockhart đã đặt vấn đề: “Cái mới của Nguyễn Huy Thiệp là ở chỗ nào?” và đã lý giải: “ Cuối thế kỷ này thế giới có nhiều thay đổi về chính trị, kinh tế, văn hóa rất phức tạp. Những thay đổi, phủ nhận ký ức của quá khứ, và vì thế ta tìm thấy sự xuất hiện của nhiều xu hướng văn học, sử học mới […] Và ở Việt Nam ta có truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Đây là những phương pháp biểu hiện cuộc sống trên thế giới cuối thế kỷ này. Tức là, đây là hiện tượng văn học chúng ta gọi “hậu hiện đại chủ nghĩa” (postmodernism)” [78, tr.113-114]. Thuật ngữ “hậu hiện đại chủ nghĩa” mà Lockhart dùng lúc bấy giờ đã không được chú ý, nhưng giờ đây có thể xem là sự khởi đầu cho một khuynh hướng văn học mới ở Việt Nam, cả trong sáng tác và trong nghiên cứu, phê bình. Sau bài viết của Lockhart, phải đến năm 1991, mới có một bản dịch về văn học hậu hiện đại được công bố. Đó là tiểu luận Vài suy nghĩ về cái gọi là tiểu thuyết hậu hiện đại của Antonio Blach (Nguyễn Trung Đức dịch), in trên Tạp chí Văn học, số 5. Tiểu luận này bước đầu đã đem đến cho người đọc cách hiểu về một số đặc trưng cơ bản của văn học hậu hiện đại và tiểu thuyết hậu hiện đại, như biểu hiện thế giới trong “tính phức tạp và phiến diện”, “xóa nhòa ranh giới giữa không gian của nghệ thuật và không gian của kỹ thuật, giữa ý thức và vô thức, giữa hiện thực và ma quái”, “khuynh hướng hướng tới sự tự ngắm vuốt” (về sau được sử dụng phổ biến hơn bởi các từ “tự chiêm nghiệm”, “sự tự mỹ”), “một ngôn ngữ tự ám thị”, “một thái độ khôi hài” (sự giễu nhại)… Blach nhận xét văn học hậu hiện đại là “đầy sinh lực và khát vọng”, nó trả lại cho văn chương tính bản nguyên không lệ thuộc vào
  • 12. 6 duy lý. Ông cho rằng văn học hậu hiện đại: “ là kết quả của sự đề kháng trước những cơ chế chính trị vô cùng hùng hậu, trước sự đam mê của các nền văn hóa được quy chuẩn hóa, trước các quy chuẩn hóa của ngôn ngữ” [9, tr.411]. Từ sau bài viết của A.Blach, lại kéo dài một khoảng trống đáng tiếc trong việc dịch thuật, giới thiệu về chủ nghĩa hậu hiện đại. Phải 6 năm sau, năm 1997, trên Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 5, mới có bài tiểu luận Về chủ nghĩa hậu hiện đại của Jonh Verhaar (Lộc Phương Thủy dịch). Theo Verhaar, quan niệm về tồn tại của chủ nghĩa hậu hiện đại gắn với “sự mỉa mai” và “xu hướng tự do” [9. tr.361]. Năm 1998, trên Tạp chí Văn học nước ngoài, số 6, có bài viết Những giới hạn của phạm trù tác giả trong văn học hậu hiện đại của Viliam Marcok (Lại Nguyên Ân dịch). Bài viết của V.Marcok đã lý giải phạm trù tác giả theo trục lịch đại với các quan niệm về tác giả (người tạo ra văn bản). V.Marcok chỉ ra những vết rạn của nhận thức truyền thống, khi những quan điểm về nhận thức, phản ánh của nghệ thuật bị lung lay bởi “tính không tương hợp của trần thuật với thế giới thực”, tính liên văn bản dẫn đến tình trạng “cái chết của tác giả” (R.Barthes) – một cách diễn tả về sự biến mất “những ảo tưởng về sự hồn nhiên của tác giả”. Từ những tiền đề dẫn dắt đó, ông đã chỉ ra những hệ quả về phạm trù tác giả ở chủ nghĩa hậu hiện đại với sáu đặc trưng, và đi đến kết luận: “Tác giả hậu hiện đại trong không gian văn học mới – liên văn bản – nay trở thành kẻ trung gian (moderator) đầy mỉa mai giữa những văn bản của người khác và những văn bản của chính mình, hoặc trở thành phù thủy – sáng tạo của quá trình sáng tác bất tận của chúng” [87, tr.221]. Chủ nghĩa hậu hiện đại chỉ thực sự được quan tâm, dịch, giới thiệu để phục vụ cho việc tìm hiểu, nghiên cứu ở Việt Nam là từ năm 2000 trở đi. Vào năm 2000, trên Tạp chí Thơ, số Mùa Xuân (xuất bản ở Mỹ bằng tiếng Việt) đã trích in công trình Lý thuyết văn chương hậu hiện đại của Niall Lucy (Nguyễn Thị Ngọc Nhung dịch), phần I Văn chương và ngưỡng cửa đầu, phần II Diễn dịch là sáng chế. Đây là công trình có giá trị học thuật cao, tác giả đã lý giải sâu sắc một số vấn đề cơ bản của văn học hậu hiện đại: định nghĩa văn học hậu hiện đại, sự phân biệt nghệ thuật với khoa học (qua sự tranh biện với Lyotard), nghệ thuật với hiện thực (phân tích quan niệm của Barthes và Hassan), văn học và lý thuyết trò chơi (phân tích công trình Cấu trúc, Ký hiệu và Trò chơi của Derrida).
  • 13. 7 Năm 2003, công trình có tính kinh điển Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kỳ thế kỷ 20 do I.P.Ilin và E.A.Tzurganova chủ biên (những người dịch: Đào Tuấn Ảnh, Trần Hồng Vân, Lại Nguyên Ân) được Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội phát hành. Bộ sách được viết cô đọng, đúc kết những nội dung chính của học thuật phương Tây thế kỷ XX, thông qua việc hệ thống các khái niệm và thuật ngữ. Phần Chủ nghĩa hậu hiện đại, sau khi trình bày những nội dung chính của lý thuyết (điều kiện lịch sử, sự ra đời, nội hàm khái niệm…), người viết (I.P.Ilin) đã nêu và diễn giải khá tường tận các khái niệm triết mỹ cơ bản và một số thủ pháp nghệ thuật chính của văn học hậu hiện đại. Sự kiện đặc biệt trong năm 2003 là việc Nxb Hội Nhà văn và Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây đã phát hành bộ sách về văn học hậu hiện đại thế giới, gồm 2 tập. Tập 1 Văn học hậu hiện đại thế giới – Những vấn đề lý thuyết (Lại Nguyên Ân, Đoàn Tử Huyến biên soạn), tập 2 Truyện ngắn hậu hiện đại thế giới (Lê Huy Bắc tuyển chọn, giới thiệu). Tính đến thời điểm bấy giờ, bộ sách này là công trình công phu và có hệ thống nhất về văn học hậu hiện đại ở Việt Nam, cả về phương diện lý thuyết và phương diện sáng tạo nghệ thuật. Tập 1 gồm 19 bài viết, trong đó có 12 bài được dịch, 7 bài của các nhà nghiên cứu Việt Nam (4 bài của các nhà nghiên cứu người Việt định cư ở nước ngoài). Phần này, với sự dồi dào tư liệu, đã cung cấp những thông tin khá đầy đủ về văn học hậu hiện đại thế giới, với nhiều quan niệm, cách đánh giá khác nhau, tạo cho người đọc những điều kiện rộng rãi hơn trong việc tìm hiểu, suy ngẫm cũng như định hướng nhận thức. Tập 2, gồm 54 truyện ngắn được tuyển chọn của 42 tác giả đại diện cho các châu lục trên thế giới. Đây là tuyển tập truyện ngắn hậu hiện đại đầu tiên được giới thiệu ở Việt Nam. Năm 2004, Nxb Giáo dục phát hành công trình Phê bình – lý luận văn học Anh Mỹ (3 tập) do Lê Huy Bắc biên soạn. Bộ sách bao gồm các bài tiểu luận, các bài phỏng vấn của các nhà văn, nhà phê bình Anh – Mỹ, trong đó có một số tác giả hậu hiện đại, là một tài liệu tham khảo hữu ích cho giới nghiên cứu trong nước. Cũng trong năm này, tập tiểu luận nổi tiếng Đi tìm sự thật biết cười của Umberto Eco (Vũ Ngọc Thăng dịch), Nxb Hội Nhà văn phát hành, được giới thiệu với độc giả Việt. Tập sách được viết với giọng văn hóm hỉnh, pha chút giễu cợt, trong đó có một số bài về văn học hậu hiện đại Lời tái bút cho Tên của đóa hồng, Tính đổi mới và tính lặp lại: Giữa mỹ học hiện đại và hậu hiện đại, Tản mạn: Tiền phong, hiện
  • 14. 8 đại, hậu hiện đại. Umberto Eco đã tạo nên một cái nhìn nghiêng đối với đời sống văn học thế giới đương đại. Ông đã rất hóm hỉnh khi nhận xét rằng hậu hiện đại là sự xem xét lại một cách mỉa mai cái điều đã được phát biểu rồi, “trong một thời đại của sự ngây thơ đã đánh mất”. Tuy có đôi chút phân vân, nhưng ông cũng khẳng định rằng hậu hiện đại là một sự thật, là “một phạm trù tinh thần, hoặc tốt hơn, một Kunstwollen – một phương thức thao tác” [45, tr.96]. Ngoài ra, cuốn sách ít nhiều có liên quan đến hậu hiện đại được xuất bản trong năm này là Sự đỏng đảnh của phương pháp (Đỗ Lai Thúy biên soạn và giới thiệu), với các mục Chủ nghĩa hậu cấu trúc của Terry Eagleton (Thiệu Bích Hường dịch) và Lịch sử văn học như là sự khiêu khích đối với khoa học văn học của Hans R.Jauss (Trương Đăng Dung dịch). Năm 2005, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội giới thiệu với độc giả Việt Nam chuyên luận Những tiểu thuyết của Robbe – Grillet của Bruce Morrissette (Từ Huy dịch). Nghệ thuật tiểu thuyết của Robbe – Grillet là những cách tân mới mẻ, độc đáo, với nhiều đặc trưng của kỹ thuật viết hậu hiện đại. Năm 2006, Đỗ Lai Thúy biên soạn và giới thiệu cuốn Theo vết chân những người khổng lồ - Tân Guylivơ phiêu lưu ký về các lý thuyết văn hóa, Nxb Văn hóa Thông tin. Cuốn sách gồm 13 bài nghiên cứu của các nhà khoa học nước ngoài về nhiều lĩnh vực, trong đó có 2 bài trực tiếp bàn về hậu hiện đại: Phân tích văn hóa theo thuyết hậu hiện đại của Steven Seidman và Phê phán hậu hiện đại và hậu cấu trúc của Buckminster Fuller (đều do Thiệu Bích Hường dịch). Bài nghiên cứu của S.Seidman đã soi chiếu đời sống văn hóa đương đại trong tinh thần hậu hiện đại, thông qua một cấu trúc có tính tổng thuật nhưng tập trung vào các luận điểm chính, bắt đầu từ những định nghĩa cụ thể về hậu hiện đại từ các góc độ nghệ thuật, xã hội, dân tộc đến việc xem xét “xã hội học theo thuyết hậu hiện đại”, lấy hậu hiện đại và hậu hiện đại hóa làm đối tượng nghiên cứu, thông qua những đặc tính đã được hiển thị của chúng trong đời sống [125, tr.448]. Bài nghiên cứu của B.Fuller, một mặt, là sự phê phán hiện đại qua lập trường phê phán của hậu hiện đại kết hợp với phê phán hậu cấu trúc, mà đối tượng phê phán chính là “học thuyết tổng thể” (bao gồm cơ cấu xã hội, tư tưởng, tri thức, quyền lực, giới tính, dân tộc…); mặt khác, chỉ ra những khả năng và giới hạn của chủ nghĩa hậu hiện đại. Để triển khai các vấn đề trong tính khách quan, ông đã dựa vào ý kiến của nhiều nhà hậu hiện đại nổi tiếng. B.Fuller vẫn đặt niềm tin vào chủ nghĩa hậu hiện đại, xem nó như một khả thể để
  • 15. 9 con người hướng tới tương lai và “ mở ra những hướng mới cho việc nghiên cứu văn hóa” [125, tr.514]. Cũng trong năm này, Nxb Đại học Sư phạm giới thiệu cuốn Bản mệnh của lý thuyết văn chương và cảm nghĩ thông thường của Antoine Compagnon (Lê Hồng Sâm, Đặng Anh Đào dịch). Mục đích của lý thuyết văn chương là gì? Câu hỏi này được đặt ra với người đọc, và nó cũng là vấn đề quán xuyến toàn bộ cuốn sách, vì câu trả lời nằm chính trong các đề mục mà nhà nghiên cứu đặt ra và diễn giải, rất rộng về sự khảo sát nhưng cũng rất tập trung ở từng chủ đề. Một phần trong cuốn sách, tác giả bàn về lý thuyết hậu hiện đại, qua những đoạn trích hay những phân tích các quan điểm của các nhà lý thuyết hậu hiện đại. Năm 2007, Nxb Giáo dục phát hành công trình Lý luận – phê bình văn học thế giới thế kỷ XX, 2 tập, Lộc Phương Thủy chủ biên và giới thiệu. Lý thuyết văn học hậu hiện đại và trường phái hậu cấu trúc được đưa vào tập 2, cùng các phần trích in từ nguyên tác của Derrida, Foucault, U.Eco, Bertens, Fields… Cũng trong năm này, trên Tạp chí Nghiên cứu Văn học có ba bài đáng lưu ý về văn học hậu hiện đại: Những sự kiện nóng trong phê bình văn học Trung Quốc 2006 của Cát Hồng Binh – Tống Hồng Lĩnh (Nguyễn Văn Nguyên dịch, Phạm Tú Châu hiệu đính), số 7; Đi tìm bản thể và nhận thức về ý nghĩa của văn học mạng của Âu Dương Hữu Quyền (Trần Quỳnh Hương dịch), số 10; Liên văn bản – sự xuất hiện của khái niệm. Về lịch sử và lý thuyết của vấn đề của L.P.Rjanskaya (Ngân Xuyên dịch), số 11. Trên Tạp chí Văn học nước ngoài, số 3, có tiểu luận Sáu khuôn mặt của chủ nghĩa hiện đại trong các nền văn học châu Mỹ của Earl E.Fitz (Trần Thanh Đạm dịch). Năm 2008, cuốn Hoàn cảnh hậu hiện đại của Jean Francois Lyotard (Ngân Xuyên dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính), được Nxb Tri thức phát hành. Công trình nghiên cứu của Lyotard nổi tiếng khắp toàn thế giới, có ý nghĩa lập thuyết của chủ nghĩa hậu hiện đại. Có thể nói, cuốn cẩm nang này được dịch ở ta là khá muộn, 30 năm kể từ khi nó ra đời, nhưng dẫu sao nó vẫn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc tìm hiểu, nghiên cứu và tiếp nhận chuyển hóa lý thuyết hậu hiện đại. Tác phẩm gồm 14 chương, với phần giới thiệu như một tiểu luận nghiên cứu triết học của Bùi Văn Nam Sơn. Bản dịch công trình của Lyotard tạo điều kiện để giới nghiên cứu Việt Nam có thể hiểu trực tiếp những luận điểm của ông về các chủ thuyết lớn (các đại tự sự), “thân phận tri thức”, sự áp chế của khoa học đối với tri thức, tình cảnh nghệ thuật… trong điều kiện hậu hiện đại. Đối với văn học nghệ
  • 16. 10 thuật, lý thuyết của Lyotard khai mở những vấn đề nhận thức tư tưởng và mỹ học về một thời đại mới dựa vào sự phản tư các tiêu chí mà triết học hiện đại đã dày công xây dựng. Trên cơ sở đó, lý thuyết văn học xác lập một loạt các khái niệm triết mỹ cơ bản, được xem như những đặc tính chỉ có trong văn học hậu hiện đại. Trong năm này, còn có bài viết Tiểu thuyết chính trị hậu hiện đại của Stephen Baker, in trên Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 5 (Phạm Phương Chi dịch). Qua việc phân tích tác phẩm Những vần thơ của quỷ sa tăng (của S.Rushdie, nhà văn Anh gốc Ấn), nhà nghiên cứu đã chỉ ra những giá trị nhân bản và nghệ thuật của tác phẩm và khẳng định khuynh hướng tiểu thuyết chính trị hậu hiện đại trong văn học. Từ những năm 2009 đến 2013, có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa, văn học nghệ thuật hậu hiện đại được giới thiệu ở Việt Nam, tiếp tục bổ sung và mở rộng những tri thức đa dạng của nó cho độc giả. Cuốn 2011 – Trào lưu trong thập kỷ tới của Richard Laermer, Nxb Văn hóa Sài Gòn, đã đưa ra những dự đoán về các xu hướng và trào lưu văn hóa nghệ thuật hậu hiện đại sắp tới. Cuốn Thế mà là nghệ thuật ư? của Cynthia Freeland, Nxb Tri thức (Như Huy dịch) cung cấp cho độc giả những kiến thức đa dạng nhưng cũng hết sức phức tạp về những hình thức nghệ thuật mà con người đã sáng tạo ra. Chúng ta đang sống trong một không thời gian, mà ở đó rất khó để đuổi kịp những sự thay đổi của nghệ thuật, chứ đừng nói là thâu tóm và diễn giải về nó. Cuốn sách của C.Freeland, với một cái nhìn độc đáo và tổng hợp về lịch sử nghệ thuật nhân loại, đem đến cho tất cả chúng ta những bài học, những kinh nghiệm hữu ích để có thể sống tự tin hơn trong sự thay đổi nhanh chóng không ngừng của thời hậu hiện đại. Cuốn Thi pháp chủ nghĩa hậu hiện đại của Liviu Petrescu, Nxb Đại học Sư phạm (Lê Nguyên Cẩn dịch), diễn giải văn học hậu hiện đại trong tính hệ thống, để hiểu đây là một tiến trình chứ không phải là sự đột biến. Như vậy, tính chất biệt lập quá lâu sẽ dẫn tới sự suy thoái và chỉ có qua sự giao tiếp và đối thoại, vị thế của nền văn học dân tộc mới từng bước được nhìn nhận, khẳng định. Nhưng muốn có được sự thừa nhận, bản thân nền văn học dân tộc phải tự nâng địa vị của mình lên. Nói cách khác, nó phải tạo được một “tầm đón đợi” tương ứng với thời đại toàn cầu hóa: “Văn học dịch giúp cho văn học dân tộc nhận ra mình và đến lượt nó, nền văn học được dịch cũng hiểu rõ mình hơn trong tư thế mới trước một nền văn hóa khác. Đây chính là sự bình đẳng về giá trị trong giao
  • 17. 11 tiếp và đối thoại giữa các nền văn học” [34, tr.10]. Tính dân chủ của văn học hậu hiện đại sẽ đem đến cơ hội cho những nền văn học trước đây vẫn bị xem là “ngoại biên”. Vấn đề còn lại là chủ thể tiếp nhận có thực sự muốn thay đổi hay không! Những công trình nghiên cứu nước ngoài về chủ nghĩa hậu hiện đại đã trang bị những tri thức nền tảng, để trên cơ sở đó, giới nghiên cứu Việt Nam xây dựng nên mảng lý thuyết văn học hậu hiện đại và ứng dụng nó trong nghiên cứu, phê bình văn học. Điều này, một mặt, nó góp phần hoàn thiện và phát triển khoa nghiên cứu văn học, vốn tụt hậu so với nước ngoài hàng thập kỷ; mặt khác, nó hỗ trợ cho hoạt động sáng tác, thông qua hệ hình lý thuyết của mình. Từ phía sáng tác, khi tiếp cận với sự diễn giải của phê bình nghiên cứu, sẽ giúp họ định hướng được hình thức nghệ thuật của mô hình sáng tác, khả năng và giới hạn của nhận thức, phản ánh và sự tiếp nhận… Tri thức là tài sản chung của mọi người. Ở thời hậu hiện đại, ranh giới giữa hoạt động phê bình và sáng tác bị xóa nhòa. Vì vậy, mối quan hệ tương hỗ hai chiều: sáng tác – phê bình là có tính quyết định luận đối với thực tiễn văn học hậu hiện đại. Thiếu nền tảng tri thức luận, giới sáng tác sẽ khó có thể tạo được những tác phẩm có tầm cỡ khu vực và thế giới. Trong thời đại của mình, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã nhận thức về điều này một cách sâu sắc: “Một trong những thiếu sót lớn của các nhà văn hiện đại ở ta là họ chỉ hiểu biết sâu sắc dân tộc Việt, hiểu biết sâu sắc nước Việt theo lối một nghệ sĩ chứ không phải theo lối một nhà tư tưởng” và “Có lẽ chưa bao giờ dân tộc Việt Nam lại cần đến những nhà văn có tư tưởng sáng suốt như trong thời điểm hiện nay” [129, tr.32,33]. Các công trình thuộc các lĩnh vực khác Việc dịch và công bố các bài báo, công trình nghiên cứu về chủ nghĩa hậu hiện đại ở Việt Nam không chỉ bó hẹp trong địa hạt văn học, mà còn ở các lĩnh vực triết học, xã hội, kinh tế, tôn giáo… Điều này thể hiện sự quan tâm thực sự đối với vấn đề “hậu hiện đại” trên bình diện toàn xã hội. Năm 2003, công trình Lịch sử chủ nghĩa tư bản – từ 1500 đến 2000 của Michel Beaud được Nxb Thế giới phát hành. Công trình này đã dựng lại lịch sử chủ nghĩa tư bản qua năm thế kỷ, từ thời kỳ đầu đến thời kỳ phát triển đỉnh cao. Nhưng đây không thuần túy là cuốn sách lịch sử chỉ có niên đại và sự kiện, tác giả của nó, với một tri thức bao quát và một trí tuệ uyên thâm, đã đi sâu phân tích những vấn đề bản chất của chủ nghĩa tư bản, từ kinh tế đến chính trị, tư tưởng, văn hóa, giáo dục,
  • 18. 12 đưa đến một cách hiểu thực tế hơn về chủ nghĩa tư bản, và đặc biệt là những vấn đề của chủ nghĩa tư bản giai đoạn hậu kỳ hiện đại. Năm 2005, cuốn sách nổi tiếng thế giới Sự va chạm của các nền văn minh của Samuel Hungtington được Nxb Lao động phát hành. Những vấn đề được tác giả đề cập đến như xã hội, văn hóa, tôn giáo, chủng tộc, những vấn đề thuộc về sự tranh chấp như tài nguyên, địa lý, vị thế quốc gia… đều được phân tích dưới nhãn quan của thời hiện tại, đặt trong quá trình toàn cầu hóa, đều là những vấn đề luôn đặt trong sự quan tâm của chủ nghĩa hậu hiện đại. Tác phẩm đã đem đến cho độc giả sự hình dung về một thế giới đang biến đổi đa chiều, đa cực, trong sự va chạm của những mâu thuẫn không bao giờ hóa giải được. Sau cuốn sách của S.Hungtington, Nxb. Khoa học Xã hội phát hành cuốn sách gây nhiều chú ý là Chiếc Lexus và cây Oliu của Thomas L.Friedman (Lê Minh dịch). Cuốn sách này giải đáp cho câu hỏi được rất nhiều người quan tâm: Toàn cầu hóa là gì? Và nó quả thực đã đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu này, “một cuốn sách hướng dẫn tuyệt vời về thế giới ngày nay” (New York Times). Một khi đã hiểu và có thể diễn giải lại điều đã hiểu thì người đọc đã có thể hình dung về một hoàn cảnh hậu hiện đại mà loài người đang trải qua, dĩ nhiên là ở những tình trạng khác nhau, thậm chí là trong sự đối cực. Trong chương 2 của cuốn sách Kết nối vào hệ thống, tác giả đã tường trình và phân tích về cái gọi là “thân phận của trí thức” trong thời đại hậu công nghiệp và thông tin toàn cầu, điều mà Lyotard xem là trọng tâm của thời hậu hiện đại trong cuốn Điều kiện hậu hiện đại. Năm 2006, Nxb Văn hóa Thông tin giới thiệu công trình Tuyển tập danh tác triết học – Từ Plato đến Derrida của Forrest E.Baird (Đỗ Văn Tuấn và Lưu Văn Hy dịch). Nhà nghiên cứu đã chọn trích in những nguyên tác triết học chính yếu của những nhà triết học hàng đầu Châu Âu, từ thời cổ đại với Plato, Aristote đến thời kỳ hậu hiện đại của Derrida. Phần triết học của Derrida trong cuốn sách gắn với việc nhấn mạnh vai trò nhà lập thuyết hậu hiện đại. Trong năm này, Nxb Trẻ phát hành cuốn sách tham khảo rất kịp thời Nhập môn chủ nghĩa hậu hiện đại của các tác giả Richard Appignanesi, Chis Gattat (Trần Tiễn Cao Đăng dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính). Cuốn sách được cấu trúc theo từng mục nhỏ, đã giới thuyết một cách cô đọng nhưng cũng rất đầy đủ lịch sử ra đời của chủ nghĩa hậu hiện đại: sự manh nha của nó từ trong lòng chủ nghĩa hiện đại, những biểu hiện đầu tiên từ nghệ thuật kiến
  • 19. 13 trúc, hội họa, điêu khắc đến khi được định dạng qua các quan điểm triết học, lịch sử và được hệ thống thành một chủ nghĩa (học thuyết). Cuốn sách còn được trình bày kèm theo nhiều hình ảnh, minh họa độc đáo và ấn tượng, tạo “một niềm vui và sự hiền minh” (từ dùng của Nietzsche) cho người đọc. Có thể nói, đây là một sách tham khảo vừa có tính phổ thông lại vừa có tính gợi ý chuyên sâu, đáp ứng cho việc tìm hiểu chủ nghĩa hậu hiện đại với mọi tầng lớp người đọc. Ngoài các sách nêu trên, cuốn Viễn cảnh nước Mỹ trong thiên niên kỷ mới của Marianne Williamson, Nxb Văn hóa Thông tin (Nguyễn Kim Dân dịch), đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị về tình trạng hậu hiện đại ở một quốc gia giàu có và phát triển nhất thế giới. Năm 2007, có cuốn Sụp đổ của Jared Diamond (Hà Trần dịch), Nxb Tri thức phát hành. Cuốn sách của Diamond nêu ra và lý giải những sự kiện trọng yếu trong lịch sử hiện đại, sự xuất hiện cũng như sự suy vong, các quy luật lịch sử - xã hội, các quan niệm về giá trị mang tính toàn nhân loại hay chỉ mang tính dân tộc. Cũng trong năm này, Nxb Khoa học Xã hội phát hành cuốn Đợt sóng thứ ba của Alvin Toffler (Nguyễn Lộc và Phan Ngọc dịch). Đây là cuốn sách rất nổi tiếng của nhà tương lai học hàng đầu thế giới. Mục đích cuốn sách là nhằm cắt nghĩa về xã hội đương đại để định hướng cho tương lai, không phải trong sự giả tưởng lạc quan, mà trong những phân tích thuyết phục xuất phát từ sự lý giải về bản chất và đặc điểm của nền văn minh hậu công nghiệp. Tác phẩm đã chỉ ra những bước tiến mới về nhiều lĩnh vực trong đời sống nhân loại, và cũng chỉ ra rất nhiều những khó khăn phía trước đang đón đợi con người. Năm 2008, là năm mà độc giả Việt Nam có điều kiện tiếp cận với nhiều cuốn sách rất có giá trị trong việc tìm hiểu, nghiên cứu chủ nghĩa hậu hiện đại, thuộc các lĩnh vực xã hội học, kinh tế học, tâm lý học. Có thể kể đến các cuốn Nguy cơ của Dan Gardner, Nxb Lao động (Ngọc Trung và Kiều Vân dịch); Kỷ nguyên hỗn loạn – Những cuộc khám phá trong lòng thế giới mới của Alan Greenspan, Nxb Trẻ (nhóm dịch Nguyễn Hồng Quang); Thế giới phẳng – Tóm lược lịch sử thế giới thế kỷ XXI của Thomas l.Friedman, Nxb Trẻ (nhóm dịch Thái Quang A); Hiện đại hóa và Hậu hiện đại hóa của Ronald Inglehart, Nxb Chính trị Quốc gia (Nguyễn Thị Phương Mai, Nguyễn Chí Tình, Nguyễn Mạnh Trường dịch, Vũ Thị Minh Chi hiệu đính). Thế giới phẳng, đó là một cách nói ám dụ về thế giới đương đại. Cuốn sách được viết với một văn phong giản dị, dễ đọc, đã đem đến cho độc giả những hiểu
  • 20. 14 biết khá sâu sắc và tường tận về một trật tự thế giới mới gắn với tiến trình toàn cầu hóa, mà sự bắt đầu của nó là công nghệ thông tin và internet. Hiện đại hóa và Hậu hiện đại hóa là công trình nghiên cứu xã hội học, dựa trên những cuộc điều tra giá trị thế giới, được tiến hành tại 43 quốc gia ở khắp các châu lục, trong những điều kiện và tình trạng xã hội khác nhau. Từ khảo sát, nghiên cứu thực tiễn, R.Inglehart đã có những phân tích, đánh giá sâu sắc về những biến đổi toàn diện (kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục, tôn giáo) đang diễn ra trên toàn thế giới. Theo ông, quá trình vận động xã hội từ hiện đại sang hậu hiện đại là quá trình làm mới các giá trị, không phải ở lý thuyết mà ở thực tiễn. Giá trị văn hóa là tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá về tính nhân văn và dân chủ ở thời hậu hiện đại, nó gắn với lối sống mới, sự đa dạng dân tộc, lối sống cá nhân được thừa nhận… Từ những năm 2009 đến 2013, các công trình nghiên cứu về hậu hiện đại từ phương diện văn hóa, xã hội, triết học tiếp tục được các nhà xuất bản chú trọng. Trong số sách được dịch, đáng chú ý nhất là các cuốn Nóng, Phẳng, Chật của Thomas Friedman, Nxb Trẻ (Nguyễn Hằng dịch); Súng, Vi trùng và Thép – Định mệnh của các xã hội loài người của Jared Diamond, Nxb Tri thức (Trần Tiễn Cao Đăng dịch); Nhận diện quyền lực của Noam Chomsky, Nxb Tri thức (Hoàng Văn Vân dịch, Đinh Hoàng Thắng hiệu đính); Nietzsche và triết học của Gilles Deleuze, Nxb Tri thức (Nguyễn Thị Từ Huy dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu dính); Hướng đến kỉ nguyên hậu nhà nước phúc lợi do Tom G. Palmer (Chủ biên), Nxb Tri thức… Những công trình được dịch thuật này, một mặt, làm đầy dần lượng tri thức vốn hạn chế của chúng ta, thu hẹp khoảng cách tri thức chung giữa chúng ta với thế giới và làm phong phú tri thức của chúng ta về thế giới; mặt khác, chúng ta đã làm mới tư duy của mình trong quá trình học tập và vận dụng tri thức nước ngoài vào hoạt động thực tiễn. Không thể tưởng tượng được, xã hội Việt Nam sẽ như thế nào, nếu thời gian qua không có được một lượng sách dịch về tất cả các lĩnh vực, để chúng ta tự làm biến đổi mình trong một hình thể văn hóa hiện đại hơn. Đối với lợi ích chung, việc quan tâm nghiên cứu chủ nghĩa hậu hiện đại ở các lĩnh vực xã hội của giới nghiên cứu Việt Nam có thể xem là một động thái tích cực trong việc mở rộng đối tượng nhận thức, tìm hiểu, từ đó tịnh tiến dịch chuyển để tiếp cận với xã hội phát triển, tạo ra quá trình làm mới xã hội Việt Nam, đi từ tri thức tới thực tiễn, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Đây là tiền đề hết sức quan trọng đối với đất nước. Bởi vì,
  • 21. 15 không nắm bắt được sự vận động của lịch sử nhân loại thời kỳ hậu công nghiệp và toàn cầu hóa, chắc chắn sẽ dẫn tới sự bế tắc, luẩn quẩn và rơi vào cuộc khủng hoảng toàn diện. Đối với giới văn nghệ, việc tìm hiểu, nghiên cứu những tri thức hậu hiện đại nói chung, là một yêu cầu bức thiết để có được sự hiểu biết vừa tổng thể vừa chuyên sâu. Nắm bắt tri thức, tri nhận và tiếp biến để tạo ra những giá trị mới cả trong sáng tác và phê bình, đó là con đường duy nhất để đưa nền văn nghệ Việt Nam thoát khỏi tình trạng “gà què ăn quẩn cối xay”. 1.2. Các công trình nghiên cứu, phê bình ở trong nước Khái niệm “hậu hiện đại” và “chủ nghĩa hậu hiện đại”, bản thân chúng đã chứa đựng những vấn đề hết sức phức tạp, tạo ra những cuộc tranh luận trong suốt gần nửa thế kỷ qua giữa các nhà khoa học, các nhà văn hóa, các nghệ sĩ trên thế giới. Khi được áp dụng vào Việt Nam, số phận của nó cũng không được “thuận buồm, xuôi gió”. Tìm hiểu hoạt động nghiên cứu, phê bình hậu hiện đại trong lĩnh vực văn học mới thấy hết được sự gian khó của cái mới để tồn tại, khi nó phải đối diện với những thái độ ứng xử rất khác nhau, và không phải bao giờ cũng có sự công tâm và sự khách quan khoa học. Thời gian là người thầy của các sự kiện, câu trả lời về hậu hiện đại và tất cả những gì là nội hàm và ngoại diên, tất cả những gì bao bọc lấy khái niệm này sẽ có câu trả lời ở tương lai, một tương lai gần. Nhưng tất cả chúng ta đều buộc phải thừa nhận rằng, cả trên thế giới và ở Việt Nam, hậu hiện đại đã đem đến một nhận thức mới, một luồng sinh khí mới cho đời sống, trong đó có cả cho đời sống văn hóa, văn học. Tìm hiểu lịch sử hiện diện của từ “hậu hiện đại” ở Việt Nam, dĩ nhiên là phải tính đến sự xuất hiện của từ này cùng những nội dung của nó. Và chắc chắn, từ “hậu hiện đại” chỉ có thể xuất hiện trong văn bản vào những năm cuối thế kỷ XX. Tuy nhiên, chúng tôi muốn mở rộng sự tham khảo của mình đến những năm trước 1975, ở Miền Nam Việt Nam, trong một điều kiện xã hội gần gũi hơn với Phương Tây, đã có nhiều nhà nghiên cứu bước đầu tiếp cận với hậu hiện đại, mặc dù trong các công trình của họ chưa gọi đầy đủ khái niệm này. Vào năm 1969, trên Tạp chí Tư tưởng, số 6, Viện đại học Vạn Hạnh, đã có hai bài nghiên cứu của Phạm Công Thiện và Tuệ Sĩ về triết học “cơ cấu luận” của Levi – Strauss, J. Derrida và M. Foucault. Đây là những nhà khoa học nổi tiếng có vai trò trực tiếp, hoặc có sự kết nối với việc hình
  • 22. 16 thành lý thuyết hậu hiện đại thế giới. Phạm Công Thiện trong bài viết của mình Sự thất bại của cơ cấu luận – Phê bình Levi – Strauss và Jacques Derrida, đã nhấn mạnh đến điểm yếu của cơ cấu luận khi nó chấp nhận “sự đánh mất trung tâm: tư tưởng về cơ cấu tính của cơ cấu (la structuralité de la structure) được phục hồi qua sự thất bại của một trung tâm điểm” [107, tr.85]. Việc phân tích về sự hạn chế của “cơ cấu luận” (hiện nay dịch là cấu trúc luận) mà Phạm Công Thiện đã thực hiện, như chúng ta hiểu, là một trong những thao tác quan trọng đầu tiên của chủ nghĩa hậu cấu trúc và hậu hiện đại tiến hành để cất lên tiếng nói của mình. Tuệ Sỹ trong bài viết Cơ cấu ngôn ngữ của Michel Foucault đã nhận xét triết học của Foucault là: “đoạn tuyệt với một thế giới ở đó con người thực sự đã biến mất, ở đó chỉ có gió, đêm tối và ma quái nói chuyện” [107, tr.97]. Thông qua sự so sánh các quan niệm của Foucault với triết học của Hume, Tuệ Sỹ đã từng bước chỉ rõ những đóng góp của nhà triết học Pháp về những phát hiện mới của bản chất của ngôn ngữ, ý muốn giải thoát ngôn ngữ khỏi sự áp đặt có tính chuyên chế, toàn trị. Nhìn chung, cả hai bài viết đều chú tâm vào những vấn đề triết học hiện đại, do vào thời điểm này ở Phương Tây, lý thuyết hậu hiện đại còn đang thời kỳ được tạo dựng và cũng chỉ bắt đầu được phổ biến ở một số quốc gia. Tuy nhiên, tinh thần phê phán hiện đại là điều khá rõ ở hai bài viết, vì vậy, chúng có tính gợi ý về một xu hướng thay thế, mà sau này chúng ta được biết với tên gọi “hậu hiện đại”. Ở Việt Nam, khái niệm “hậu hiện đại” lần đầu tiên được đề cập đến trong nghiên cứu văn học là bài viết Từ văn bản đến tác phẩm văn học và giá trị thẩm mỹ của Trương Đăng Dung, Tạp chí Văn học, số 11, 1995. Trong bài viết, Trương Đăng Dung đã đưa ra những nhận thức mới trong thực thực tiễn lý luận Việt Nam. Tác giả đã ứng dụng những tri thức lý luận phương Tây (triết học, mỹ học, văn học…) vào quá trình diễn giải mối quan hệ giữa văn bản – người đọc và khẳng định sự tạo nghĩa chỉ có thể có được thông qua hoạt động tiếp nhận (quá trình cụ thể hóa văn bản) của người đọc. Phần cuối bài viết, tác giả nhận định, giá trị tác phẩm nghệ thuật của các thời đại, trong đó có tác phẩm hậu hiện đại, được tồn tại “nhờ các giá trị thẩm mỹ” [32, tr.41- 42]. Sau bài viết của Trương Đăng Dung, khái niệm “hậu hiện đại” được đề cập đến là ở ấn phẩm Văn hóa nghệ thuật thế kỷ XX những hiện tượng – trào lưu – nhân vật tiêu biểu trong 100 năm qua, Nguyễn Nam và Lê Huy Khánh biên soạn Nxb Văn học, 1999. Theo các tác giả, trào lưu nghệ thuật hậu hiện
  • 23. 17 đại được xem là một trong số 100 hiện tượng văn hóa nghệ thuật đặc trưng của thế kỷ XX, là trào lưu gắn liền với một thời kỳ lịch sử mới của nhân loại [90, tr.179]. Phải đến năm 2000 trở đi, từ “hậu hiện đại”, sau một thời gian dài vật vờ ngoài lề của tri thức Việt, mới bắt đầu được dùng phổ biến trong đời sống văn hóa nước nhà, được sự quan tâm hàng đầu của nhiều nhà nghiên cứu và diễn ra nhiều cuộc tranh luận với những ý kiến, quan niệm, xu hướng khác nhau. Trong năm này, Phương Lựu công bố bài viết Tìm hiểu chủ nghĩa hậu hiện đại trên Tạp chí Nhà văn, số 8. Bài viết của Phương Lựu trực tiếp bàn về các vấn đề của chủ nghĩa hậu hiện đại, được xem như bước khởi động cho hoạt động nghiên cứu, phê bình văn hóa, văn học hậu hiện đại ở Việt Nam, là tiếng nói chính văn góp phần xua đi sự e dè, ngần ngại của nhiều người trước “hậu hiện đại”. Năm 2001, Phùng Văn Tửu công bố chuyên luận Tiểu thuyết Pháp bên thềm thế kỷ XXI, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. Các tác giả được chọn đưa vào chuyên luận đều là những nhà văn nổi tiếng trên văn đàn từ những năm 80 của thế kỷ XX. Qua đó, người đọc có được những hình dung về diện mạo và thành tựu của một số tác giả hậu hiện đại nổi tiếng của văn học Pháp như Robbe – Grillet, Le Clezio… Vào tháng 9/2001, trên Tạp chí Văn học, Nguyễn Văn Dân có bài Chủ nghĩa hậu hiện đại hay là hiện tượng chồng chéo khái niệm. Đây là một tiểu luận được viết công phu, trích dẫn nhiều tư liệu, tranh luận nhiều về chủ nghĩa hậu hiện đại, tuy nhiên, người viết lại cho rằng hậu hiện đại chỉ là một khái niệm “rỗng”! Năm 2003, Nxb Hội Nhà văn và Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây phát hành bộ Văn học hậu hiện đại thế giới. Tập 1 Văn học hậu hiện đại thế giới – những vấn đề lý thuyết có 7 bài viết của các tác giả Việt Nam, gồm 3 bài của các nhà nghiên cứu trong nước và 4 bài của các nhà nghiên cứu định cư ở nước ngoài. Năm 2004, công trình Tác phẩm văn học như là quá trình của Trương Đăng Dung được Nxb Khoa học Xã hội phát hành. Toàn bộ ba phần của cuốn sách đều được tác giả đặt trong một quá trình để nghiên cứu và diễn giải: từ hiện đại đến hậu hiện đại. Tác giả nhận định: “Có thể nói những thành tựu của lý luận văn học hiện đại thể hiện những bước tiến quan trọng trong việc khám phá văn bản nghệ thuật như là cấu trúc ngôn từ động. Nhưng đến lượt mình, tư duy lý luận văn học hậu hiện đại đã có những khám phá mới hơn về đặc trưng bản thể của văn bản nghệ thuật trong quan hệ với những yếu tố khác, với người tiếp nhận” [33, tr.15].
  • 24. 18 Cũng trong năm 2004, trong công trình Tự sự học – một số vấn đề lý thuyết, phần 1, Trần Đình Sử chủ biên, Nxb Đại học Sư phạm, bài viết Các kiểu truyện ngắn hậu hiện đại của Lê Huy Bắc đã hệ thống các phong cách truyện ngắn hậu hiện đại, tính đa dạng cũng như kỹ thuật viết đặc trưng của thể loại này. Ngoài ra, còn có các bài viết đáng chú ý khác, như Đổi mới ngôn ngữ và giọng điệu – một thành công đáng chú ý của văn xuôi sau 1975 của Nguyễn Thị Bình; Kỹ thuật dòng ý thức qua Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh của Nguyễn Đăng Điệp; Cấu tứ tự sự của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp của Nguyễn Văn Tùng; Tự sự trong Cơ hội của Chúa – cách tân và giới hạn của Trần Văn Toàn… đã lý giải về những cách tân của tiểu thuyết theo tinh thần hậu hiện đại. Năm 2005, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 8, in bài Quan niệm thực tại và con người trong văn học hậu hiện đại của nhà nghiên cứu Đào Tuấn Ảnh. Bài viết đã cung cấp những thông tin về sự phát sinh của lý thuyết hậu hiện đại trên thế giới, quá trình du nhập vào Việt Nam, các đặc trưng thẩm mỹ của nó, những giới hạn và những khả năng của lý thuyết hậu hiện đại đối với đời sống văn học nước nhà. Cũng trong số này còn có bài Chủ nghĩa hậu hiện đại ở Ấn Độ của Phạm Phương Chi, giới thiệu một số nét chính về văn học hậu hiện đại Ấn Độ, sự hình thành và những thành tựu của nó trên đất nước của những tôn giáo lớn và có tính thoát tục. Trong năm này, Lê Huy Bắc giới thiệu công trình nghiên cứu Truyện ngắn – Lý luận – Tác gia và tác phẩm (2 tập), Nxb Giáo dục. Trong tập 2, phần một, có tựa đề Tổng luận, tác giả đã lý giải về lịch sử thể loại, quan niệm, đặc trưng và sự vận động của truyện ngắn trong tiến trình phát triển của nó. Trong quá trình diễn giải, đặc biệt là ở các mục Truyện ngắn hậu hiện đại, Truyện ngắn nhại, Chủ nghĩa cực hạn và Raymond Carver, người viết đã góp phần làm rõ nghĩa của lý thuyết văn học hậu hiện đại. Năm 2006, có công trình triết học Chủ nghĩa hậu hiện đại của Trần Quang Thái, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Tác giả đã phác thảo và hệ thống lại lịch sử ra đời và phát triển của chủ nghĩa hậu hiện đại thế giới: những tiền đề về triết học, kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, tôn giáo…, quan niệm hậu hiện đại như một thực thể của đời sống đương đại, qua đó, bước đầu tổng kết tư tưởng cơ bản của lý thuyết này. Năm 2007, được xem là năm mà đời sống văn học Việt Nam xuất hiện nhiều công trình nghiên cứu về hậu hiện đại nhất. Điều này đã công nhận việc lý thuyết
  • 25. 19 hậu hiện đại cùng những ứng dụng của nó đã có được chỗ đứng trong đời sống văn học Việt Nam. Trên Tạp chí Văn học, số 12, có thể xem như số chuyên đề văn học hậu hiện đại, khi có đến 5 bài nghiên cứu về lĩnh vực này. Bài viết của Phương Lựu Chủ nghĩa lịch sử mới, một chuyển biến trong lòng chủ nghĩa hậu hiện đại, đã diễn giải thái độ của chủ nghĩa hậu hiện đại đối với lịch sử, đó là “phải gắn văn học với lịch sử xã hội mà xem xét”. Nhưng nó không giống với chủ nghĩa lịch sử cũ vốn chủ yếu dựa trên quyết định luận khách quan, mà “nó được đặt cơ sở trên quan hệ chủ thể - lịch sử”. Bài viết của Trần Quỳnh Hương Dấu ấn của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học đương đại Trung Quốc đã giới thuyết những nét chính của quá trình chủ nghĩa hậu hiện đại du nhập vào Trung Quốc và một số thành tựu của văn học theo khuynh hướng hậu hiện đại. Đặc biệt, ba bài viết Những dấu hiệu của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam qua sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài của Lã Nguyên, Những yếu tố hậu hiện đại trong văn xuôi Việt Nam qua so sánh với văn xuôi Nga của Đào Tuấn Ảnh, Lịch sử trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp và dấu vết của hệ hình thi pháp hậu hiện đại của Cao Kim Lan, đã mở ra hướng nghiên cứu ứng dụng lý thuyết hậu hiện đại vào thực tiễn sáng tác văn xuôi Việt Nam. Các tác giả đã xem xét một cách khách quan khái niệm “hậu hiện đại” và chỉ ra nó là một “định tính thẩm mỹ” cho một khuynh hướng văn học, mà Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài thuộc thế hệ tiền phong. Cũng vào cuối năm này, bộ Từ điển thuật ngữ văn học do Trần Đình Sử, Lê Bá Hán, Nguyễn Khắc Phi chủ biên, Nxb Giáo dục phát hành, đã đưa vào mục “Hậu hiện đại”, xem đây là thuật ngữ chính thức của văn học. Đây là một động thái rất có ý nghĩa, nó là sự thừa nhận của giới nghiên cứu văn học Việt Nam đối với lý thuyết hậu hiện đại. Năm 2008, trong bộ giáo trình Lý luận văn học (3 tập), Phương Lựu chủ biên, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội, đã đưa chủ nghĩa hậu hiện đại vào tập 3 (Tiến trình văn học), xem đây là một khuynh hướng sáng tác của văn học thế giới đương đại. Việc đưa văn học hậu hiện đại vào bộ giáo trình giảng dạy đại học là một bước tiến lớn, là sự chính thức thừa nhận của nền giáo dục. Cùng thời điểm này, Phương Lựu in bài viết Những bậc tiên phong của tư duy hậu hiện đại trên Tạp chí Văn học, số 5. Phân tích những đóng góp của J. Lacan từ phương diện phân tâm học cấu trúc và M.Foucault từ phương diện vô thức lịch sử, qua đó, Phương Lựu đã chỉ ra những tư tưởng của họ là những tiền đề quan trọng cho sự hình thành triết học hậu hiện đại.
  • 26. 20 Cũng trong năm này, Phương Lựu tiếp tục cho in cuốn Tư tưởng văn hóa văn nghệ của chủ nghĩa Mác ở phương Tây, Nxb Thế giới. Ở chương 14, tác giả tập trung phân tích học thuyết “Giải thích học văn hóa” của F.Jameson và chỉ ra những quan điểm có tính phê phán văn hóa hậu hiện đại của nhà hậu hiện đại mác xít người Mỹ. Tiếp theo, cuốn Tự sự học một số vấn đề lý luận và lịch sử, phần hai, Trần Đình Sử chủ biên, Nxb Đại học Sư phạm, tiếp tục giới thiệu một số bài viết về văn học hậu hiện đại, như Kiểu tự thuật “đánh tráo” chủ thể trần thuật trong tiểu thuyết hậu hiện đại của Trần Huyền Sâm; Tư duy thơ trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại của Nguyễn Thị Bình. Sự quan tâm đến chủ nghĩa hậu hiện đại và những sáng tác theo khuynh hướng này không còn bó hẹp ở những tạp chí có tính học thuật, mà được đề cập, bàn luận ở hầu khắp các tạp chí văn nghệ địa phương. Trên Sông Hương, số tháng 7, 2008, đã đăng bài Tiếp nhận những cách tân của chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại của Hoàng Ngọc Hiến. Trong bài viết, tác giả đã chỉ ra những dấu ấn của hậu hiện đại trong một số nhà văn Việt Nam như Nguyễn Huy Thiệp, Lê Anh Hoài qua những xâm nhập của văn hóa đại chúng, cách sử dụng ngôn ngữ “bất nhã”… Trong năm 2008, còn có cuốn Song thoại với cái mới của Inrasara, Nxb Hội Nhà văn. Từ điểm nhìn của một nhà phê bình và là nhà thơ hậu hiện đại, tác giả đã tranh luận trực tiếp và đưa ra những quan điểm mang tính khách quan để bảo vệ cho khuynh hướng văn học hậu hiện đại. Ông nhìn nhận vấn đề không phải theo mốt, theo phong trào, mà theo chân lý khách quan, với tâm nguyện mong muốn những sự đổi thay hợp lý ở nền văn học nước nhà. Năm 2009, Nxb Văn hóa Thông tin phát hành tập tiểu luận – phê bình Tiểu thuyết đương đại của Bùi Việt Thắng. Các bài viết của tập sách đã bao quát khá toàn diện về bề nổi tiểu thuyết Việt Nam từ sau 1975, qua những giai đoạn ngắn. Trong cuốn sách, tác giả có đề cập đến một số nhà văn thuộc khuynh hướng hậu hiện đại như Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, Đoàn Minh Phượng. Tuy nhiên, các bài viết của nhà nghiên cứu vẫn còn sự quá đắn đo khi không dám dùng đến thuật ngữ văn học hậu hiện đại, trong khi lại sử dụng các thủ pháp nghệ thuật của nó để nói đến sự cách tân, đổi mới của tiểu thuyết Việt Nam. Năm 2010, Phùng Văn Tửu công bố chuyên luận Tiểu thuyết trên đường đổi mới nghệ thuật, Nxb Tri thức. Công trình này là bước tiếp nối của hai công trình nghiên cứu về tiểu thuyết trước đó: Tiểu thuyết Pháp hiện đại – những tìm tòi đổi
  • 27. 21 mới và Tiểu thuyết Pháp bên thềm thế kỷ XXI, thể hiện mối quan tâm và sự chuyên chú của ông cho thể loại này. Diện khảo sát và nghiên cứu của cuốn sách là khá rộng. Qua việc phân tích những tiểu thuyết tiêu biểu của một số nhà văn nổi tiếng, ông đã chỉ ra những biến đổi sâu sắc của tiểu thuyết đương đại, từ cấu trúc văn bản, cách xây dựng nhân vật, tạo dựng cốt truyện, cách sử dụng ngôn ngữ cho đến quan niệm về chức năng, vấn đề thẩm mỹ và chuẩn giá trị của nó. Năm 2011, Phương Lựu công bố công trình Lý thuyết văn học hậu hiện đại, Nxb Đại học Sư phạm. Đây là công trình lý thuyết hoàn chỉnh đầu tiên về văn học hậu hiện đại của một học giả Việt Nam. Sau khi nhận định lại quá trình phát triển và suy yếu cũng như những thành tựu của chủ nghĩa hiện đại, tác giả nhấn mạnh việc chủ nghĩa hậu hiện đại xuất hiện thay thế chủ nghĩa hiện đại là một tất yếu của tiến trình lịch sử văn học thế giới. Tiếp đó, ông khái quát lại những vấn đề bao bọc khái niệm hậu hiện đại, từ lịch sử ra đời, tên gọi, các khái niệm và thuật ngữ, các cuộc tranh luận về nó trong những năm đầu xuất hiện, những người xây dựng nên lý thuyết này, từ đó đi sâu giải quyết những vấn đề thuộc về nội hàm khái niệm chủ nghĩa hậu hiện đại. Nhìn chung, cuốn sách đã cung cấp những tri thức cơ bản và có hệ thống cho quá trình tìm hiểu chủ nghĩa hậu hiện đại ở Việt Nam. Cũng trong năm này, Đỗ Lai Thúy công bố công trình Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy, Nxb Hội Nhà văn. Trong phần hai: Phê bình văn học Việt Nam, nhìn nghiêng từ phương pháp, mục 12 Phê bình văn học từ tầm nhìn hậu hiện đại, ông đã phân tích một cách công tâm về văn học Việt Nam đương đại, chỉ ra cách hiểu đúng về hậu hiện đại, văn học hậu hiện đại (thế giới và Việt Nam), và đưa ra quan điểm: “Phê bình văn học từ tầm nhìn hậu hiện đại chủ yếu xử lý mối quan hệ giữa văn bản và người đọc” [127, tr.278]. Năm 2012, dấu ấn đậm nhất trong hoạt động nghiên cứu về hậu hiện đại ở Việt Nam là công trình Văn học hậu hiện đại – lý thuyết và tiếp nhận của Lê Huy Bắc, Nxb Đại học Sư phạm. Chuyên luận được cấu trúc thành 21 chương, 7 chương diễn giải về lý thuyết, chương cuối với những suy nghĩ có tính định hướng về văn học hậu hiện đại Việt Nam, 13 chương gắn lý thuyết với phân tích cấu trúc tác phẩm hậu hiện đại, trong đó có 8 chương về văn học nước nhà. Đây là chủ ý của người viết, tránh lý thuyết thuần túy, kết hợp việc hiểu lý thuyết với khả năng đọc văn bản của người đọc, bởi vì văn chương hậu hiện đại thuộc một hệ hình tư duy
  • 28. 22 mới và khác lạ so với trước đó, nên phải biết cách đọc dựa trên cách hiểu lý thuyết chứ không thể dựa vào kinh nghiệm đọc. Tuy vậy, lý thuyết văn học hậu hiện đại không phải là thứ cứng nhắc, máy móc, mà là lý thuyết mở, nó đem lại cho người đọc sự tự do về nhiều cách hiểu, trên cơ sở của tính đối thoại dân chủ. Năm 2013, có thể xem là năm bùng nổ của các công trình nghiên cứu hậu hiện đại ở nước ta. Trước hết là cuốn Văn học hậu hiện đại – Diễn giải và tiếp nhận do Nguyễn Thành, Hồ Thế Hà, Nguyễn Hồng Dũng chủ biên, Nxb Văn học. Cuốn sách là kết quả của cuộc Hội thảo khoa học Quốc gia được Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Khoa học Huế đứng ra tổ chức vào tháng 3 năm 2011. Đây là hội thảo đầu tiên về văn học hậu hiện đại được tổ chức ở Việt Nam, với mục đích: “đánh thức việc nghiên cứu, tìm hiểu những vấn đề lý luận của chủ nghĩa hậu hiện đại, bước đầu đánh giá thành tựu sáng tác dựa trên nền tảng tự sự hậu hiện đại trên thế giới và ở Việt Nam” (Lời nói đầu). Cuốn sách tập hợp 37 bài viết, được phân thành ba nhóm: những bài viết về lý thuyết hậu hiện đại; những bài nghiên cứu về các tác phẩm văn học hậu hiện đại nước ngoài; những bài phê bình các tác phẩm mang dấu ấn hậu hiện đại Việt Nam. Tiếp theo là cuốn Văn học hậu hiện đại – lý thuyết và thực tiễn do Lê Huy Bắc, Lê Nguyên Cẩn, Đỗ Hải Phong tuyển chọn từ Hội thảo khoa học Quốc gia, khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức, năm 2013, Nxb Đại học Sư phạm. Cuốn sách gồm 30 bài viết của các nhà giáo, nhà khoa học. Nhìn chung, các tác giả chủ yếu tập trung vào nghiên cứu các khái niệm triết mỹ của lý thuyết hậu hiện đại và những ứng dụng chúng trong các sáng tác, góp phần giải quyết “những vấn đề đang còn vướng mắc hay chỉ rõ hơn những đặc thù mà những người đi trước đã đề ra”. Tinh thần cơ bản của tập sách này là dân chủ và tri thức trong sáng tạo và tiếp nhận. Cũng trong năm này, Lê Huy Bắc tiếp tục chủ biên cuốn Phê bình văn học hậu hiện đại Việt Nam, Nxb Tri thức. Cuốn sách gồm 18 bài viết, tập trung nhiều hơn đến vấn đề lý thuyết (8 bài), những bài còn lại đi vào lý giải những hiện tượng văn học cụ thể, trong đó có 4 bài về tiểu thuyết Việt Nam. Đáng chú ý là bài của Lã Nguyên Văn xuôi hậu hiện đại Việt Nam: Quốc tế và bản địa, cách tân và truyền thống, bài của Nguyễn Thị Bình Đổi mới tiểu thuyết Việt Nam đương đại: Lối viết hậu hiện đại. Trong danh mục về việc xuất bản sách liên quan đến vấn đề hậu hiện đại của năm này, cần phải kể thêm cuốn Lý thuyết phê bình văn học hiện đại, Trường Đại học Hồng Đức, Nxb Đại học Vinh, với các bài
  • 29. 23 Lý thuyết phê bình hậu hiện đại như một siêu ngữ của Lê Huy Bắc; Phi trung tâm – Khái niệm và tiếp nhận của Nguyễn Thi Hạnh; Liên văn bản và nghiên cứu văn học ở Việt Nam của Đặng Lưu; Thực hành đọc thơ hậu hiện đại: Bài Bóng chữ của Lê Đạt của Lê Như Bình. Văn học hậu hiện đại những năm gần đây đã được đưa vào chương trình đào tạo các hệ đại học và cao học, trở thành đề tài nghiên cứu của rất nhiều luận văn, luận án văn học. Trong đó có những luận án trực tiếp nghiên cứu về văn xuôi hậu hiện đại Việt Nam, như Những dấu hiệu của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn xuôi Việt Nam sau 1975 của Phùng Gia Thế, Yếu tố hậu hiện đại trong truyện ngắn Việt Nam của Lê Văn Trung. Trong tiến trình tiếp nhận và ứng dụng lý thuyết hậu hiện đại vào văn học Việt Nam, các công trình, ngoài việc được giới thiệu trên báo chí, được các nhà xuất bản phát hành, còn được cập nhật rất nhiều trên mạng internet. Trong thời đại công nghệ thông tin, tri thức mạng vừa có tính dân chủ cao, phi không gian, phi thời gian và phi lợi nhuận, với khả năng tương tác cao, là cổng thông tin nhanh nhất để công bố bài viết, để tranh luận hay biện hộ. Trên những trang web trong và ngoài nước, có nhiều tài liệu để tham khảo, nhiều bài viết có giá trị gợi ý, định hướng, ứng dụng. Các bài viết trên các trang web, các blog cá nhân chuyên về văn học của các nhà nghiên cứu người Việt định cư ở nước ngoài như tienve.org, tanhinhthuc.org, damau.org… đã mang đến những thông tin kịp thời cho người đọc. Có thể kể đến một số bài viết mang tính thời sự, chứa đựng nhiều thông tin như: Các lý thuyết phê bình văn học: Chủ nghĩa hậu hiện đại; Chủ nghĩa hậu hiện đại và văn học Việt Nam; Chủ nghĩa hậu hiện đại và chủ nghĩa tiền vệ, Chủ nghĩa h(ậu h)iện đại và văn học Việt Nam; Đổi mới như một số phận và một phiêu lưu; Một phiên bản h(ậu h)iện đại cho văn học Việt Nam, Các lý thuyết phê bình văn học 9(11): chủ nghĩa hậu hiện đại, Chủ nghĩa hậu hiện đại – những mảnh nghĩ rời, Chủ nghĩa hậu hiện đại và những cái cần chết trong văn học Việt Nam… của Nguyễn Hưng Quốc (tienve.org); Thử thưởng thức một tác phẩm văn chương hậu hiện đại; Viết: Từ hiện đại đến hậu hiện đại… của Hoàng Ngọc Tuấn (tienve.org); Chủ nghĩa hậu hiện đại: những khái niệm căn bản của Nguyễn Minh Quân (dactrung.net). Việc phát triển nhanh chóng công nghệ thông tin những năm gần đây đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà phê bình, nghiên cứu văn học trong nước trao đổi tri
  • 30. 24 thức, công bố những bài viết, đàm luận, tranh luận. Các trang web trong nước như: vienvanhoc.org; tapchisonghuong.com.vn; vannghesongcuulong.org; giacngo.vn; phongdiep.net… đều có sự tham gia của nhiều nhà lý luận phê bình. Chính các trang web này đã góp phần tích cực cho sự phổ biến lý thuyết hậu hiện đại ở trong nước. Có thể nhận định, đã có một bộ phận phê bình mạng sôi động với nhiều bài viết có giá trị thông tin, giá trị học thuật, như: Tiếp nhận những cách tân của chủ nghĩa hiện đại & chủ nghĩa hậu hiện đại của Hoàng Ngọc Hiến (tapchisonghuong.com.vn); Chủ nghĩa hậu hiện đại và ảnh hưởng ở nước ta của Đông La (vietbao.vn); Một nhầm lẫn “hậu hiện đại” của Ngân Xuyên (tiasang.com.vn); Chập chờn bóng ma hậu hiện đại của Đỗ Minh Tuấn (dongtac.net); Nói chuyện “hậu hiện đại” và “toàn cầu hóa” của Vũ Lâm (thethaovanhoa.vn); Nhà văn Lê Anh Hoài: Hậu hiện đại đã và đang được Việt hóa (vanhoc.trongnghia.info); Đôi điều về truyền thống và hiện đại của Thái Kim Lan (thuvienhoasen.org); Bàn về thuật ngữ văn học hậu hiện đại của Nguyễn Văn Tùng (vanhocvatuoitre.com.vn); Tri thức dưới quan điểm hậu hiện đại (mtol.net); Đằng sau hậu hiện đại của Thích Thanh Thắng (huongsenviet.blogspot.com); Dấu ấn hậu hiện đại trong văn học Việt Nam sau 1986 của Phùng Gia Thế (evan.vnexpress.net); Tùy bút nhỏ về hậu hiện đại của Văn Giá (www.chungta.com);Thiền và Hậu hiện đại của Nhật Chiêu (www.giacngo.vn); Hậu hiện đại sống ngoài tác phẩm của Nguyễn Hoàng Đức (www.chungta.com); Phải chăng nỗi sợ hãi hậu hiện đại là có thật của Bùi Công Thuấn (www.phongdiep.net); Xu hướng tân hình thức, hậu hiện đại trong thơ: chiếc áo rộng cho một cơ thể còm (www.cand.com.vn); “Người đàn bà thép’ của văn chương hậu hiện đại của Khánh Phương (chungta.com); Chuyên đề hậu hiện đại (mythuatvietnam.info); Chủ nghĩa hậu hiện đại? của Bùi Quang Thắng (viettems.com); Tản mạn về hậu hiện đại của Vương Văn Quang (www.nguoidaibieu.com.vn); Văn chương Việt trong bối cảnh hậu hiện đại của Hà Văn Thủy (phongdiep.net); Tư duy hậu hiện đại và những cách thu nhận kiến thức của Nguyễn Hào Hải (chungta.com); Nhận biết về chủ nghĩa hậu hiện đại trong nghệ thuật của Hồ Sĩ Vịnh (chungta.com); Hiện đại hóa và hậu hiện đại hóa của Phạm Ngọc Huệ (www.cpv.org.vn)... Đặc biệt trên trang mạng là các bài viết của nhà thơ – nhà phê bình Inrasara với tập hợp các bài Nhập lưu hậu hiện đại (7 kỳ, www.vanchuongviet.org); Nhập lưu hậu hiện đại cuối cùng hay giải [minh & giải
  • 31. 25 oan] cho một từ (inrasara.com); Hậu hiện đại & thơ hậu hiện đại: Một phác họa (inrasara.com); Ma nét, quá trình chuyển giọng từ hiện đại đến hậu hiện đại (inrasara.com)… *** Đặc trưng của quá trình tiếp nhận lý thuyết hậu hiện đại, một lý thuyết không chủ trương xây dựng hệ thống quan niệm, là dẫn tới sự tồn tại những cách hiểu khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau. Điều này là một hiện tượng đương nhiên, bởi mỗi người tiếp nhận có một “tầm đón đợi” khác nhau, mặt khác là khoảng cách và giới hạn thẩm mỹ đặc thù của nền văn hóa bản địa không phải cái gì cũng tương thích với “phông” văn hóa gốc nơi lý thuyết đó ra đời. Trong quá trình tiếp nhận lý thuyết văn học hậu hiện đại ở Việt Nam, thì xu hướng xem hậu hiện đại như một trạng thái tinh thần xã hội, biểu trưng cho một quy luật phát triển văn học là phổ biến. Nhìn chung, theo quan niệm này, các nhà nghiên cứu trong nước đã có sự đồng thuận và kế thừa từ những ý kiến của các học giả phương Tây, như nhận định tiêu biểu của Weith: “Nếu kỷ nguyên hiện đại đã trôi qua thì chúng ta đang ở thời hậu hiện đại, ngay dù cho chúng ta có vứt bỏ các nguyên lý của chủ nghĩa hậu hiện đại” [124, tr.477]. Qua việc hệ thống các bài viết và các công trình nghiên hậu hiện đại trong nước ở mục 1.2, có thể nhận thấy quan điểm đón nhận của đa số, và hầu hết những nhà nghiên cứu có uy tín đều cùng có chung tiếng nói đồng thuận về chủ nghĩa hậu hiện đại và văn học hậu hiện đại. Lê Huy Bắc đã quan niệm: “Đã đến lúc cần khẳng định nền văn chương hậu hiện đại Việt, nếu không, chúng ta chỉ “vẫn là ta” của nhiều thập kỷ trước” [18, tr.315]. Chúng ta không thổi phồng vai trò của chủ nghĩa hậu hiện đại đối với sự phát triển văn hóa, văn học dân tộc trong điều kiện hiện nay, nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận những tác động khách quan của nó đối với sự vận động của văn học thời gian vừa qua, mà đặc biệt là tiểu thuyết. Thành quả có được không phải tự nhiên mà có. Sự nỗ lực của một đội ngũ đông đảo các nhà văn của đất nước trong việc tìm hiểu, ứng dụng kỹ thuật hậu hiện đại suốt nhiều năm qua để tạo ra những giá trị mới là điều phải được công nhận. Đã có rất nhiều trăn trở và công sức để tạo ra những giá trị văn hóa mới, chúng chưa có thể nói là tốt hơn trước, nhưng chắc chắn là hợp lý hơn.
  • 32. 26 Chương 2 TIẾP NHẬN CHỦ NGHĨA HẬU HIỆN ĐẠI TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM TỪ 1986 ĐẾN 2010 2.1. Giới thuyết về chủ nghĩa hậu hiện đại 2.1.1. Những điều kiện hình thành của chủ nghĩa hậu hiện đại Điều kiện triết học Chủ nghĩa hậu hiện đại, khi được hiểu là một phong trào văn hóa xã hội có tính tổng thể, thì có nghĩa nó được khởi nguồn từ nhiều điều kiện khác nhau. Tuy vậy, cần phải hiểu rằng, nó được bắt đầu từ triết học. Đây là vấn đề phức tạp nhất, nhưng cũng quan trọng nhất, và nếu không có được cái nhìn tổng thể về nó thì sẽ không bao giờ hình dung và hiểu được về chủ nghĩa hậu hiện đại. Xét về hoàn cảnh, chủ nghĩa hậu hiện đại được hình thành khi mà nền triết học Phương Tây đang chịu tác động (chi phối) bởi chủ nghĩa cấu trúc, hiện tượng luận, phân tâm học, chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa thực chứng. Xét về mặt tư tưởng, cơ sở của chủ nghĩa hậu hiện đại đến từ nhiều lĩnh vực, từ triết học về ngôn ngữ cho đến triết học về khoa học, từ triết học về nữ quyền cho đến phân tâm học. Theo cách hiểu này, chúng ta có thể tạm phân chia một số khuynh hướng tư tưởng cơ bản sau. Triết học ngôn ngữ: Dõi theo trục lịch đại của sự phát triển xã hội loài người từ góc độ văn hóa (trong nghĩa phổ quát của từ này), chúng ta thấy mỗi thời đại đều xác lập nên những đặc trưng riêng của nó. Cái văn cảnh đặc thù bao bọc đời sống lịch sử cụ thể của văn hóa thời đại gồm nhiều thành tố, yếu tố đan cài, xếp lớp với nhau rất đa dạng và cũng rất phức tạp. Trước đây, sự định dạng hệ hình văn hóa của từng thời đại thường được xem xét từ các điều kiện: học thuyết chính trị, cơ cấu xã hội, sự kiện lịch sử, phát minh khoa học – kỹ thuật, vấn đề tôn giáo, loại hình nghệ thuật… Trong khi đó, ngôn ngữ – cái chứa đựng trong nó gần như toàn bộ đời sống thời đại, vừa là văn cảnh vừa là nội dung của cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng xã hội, mang tính liên kết duy nhất của mọi yếu tố tồn tại, thì chưa thật sự được nhìn nhận đúng và đầy đủ. Phải đến chủ nghĩa hiện đại và tiếp theo là chủ nghĩa hậu hiện đại, ngôn ngữ mới từng bước được đặt định đúng vị trí và tầm quan trọng của nó, khi ngôn ngữ trở thành trung tâm nghiên cứu của triết học, phân tâm học và khoa học văn học.
  • 33. 27 B. Russell và L. Wittgenstein là những người khởi xướng và tiếp theo đó là F. de Saussure, M. Heidegger rồi đến C. Levi Strauss, J. Lancan, J. Derrida. M. Foucault, G. Genette, G. Deleuze, F. Guattari, R. Jakobson, R. Barthes, J. Kristeva, J. Lyotard, Paul de Man, T. Eagleton… đã xây dựng nên nền “triết học ngôn ngữ”. Những học giả này đã đi theo tinh thần của Nietzsche và E. Husserl, “kéo” nội dung nghiên cứu của triết học: siêu hình học tư biện trừu tượng và nhận thức luận lý tính thuần túy, từ trên cao xuống thấp, sát thực với tồn tại hơn: “Nếu triết học cổ điển chủ yếu bận tâm tới vấn đề nhận thức, tức là những quan hệ giữa tư duy và thế giới sự vật thì trên thực tế toàn bộ triết học phương Tây từ cận đại trải nghiệm “Bước ngoặt vào ngôn ngữ” (linguistic turn) độc đáo, đặt vấn đề ngôn ngữ vào trung tâm chú ý, vì vậy các vấn đề nhận thức và hàm nghĩa của họ mang tính chất thuần ngôn ngữ. Kết quả là sự phê phán siêu hình học có dạng thức phê phán diễn ngôn của nó, hoặc phê phán thực tiễn diễn ngôn” [67, tr.163]. Với vai trò là người sáng lập triết học ngôn ngữ (cùng với B. Russell), L. Wittgenstein (người Áo, 1889 – 1951) đã thực hiện một bước ngoặt lớn trong triết học phương Tây thế kỷ XX. Không nhìn những vấn đề của triết học dưới hai phạm trù cơ bản là vật chất và tinh thần, L. Wittgenstein đã nhìn nhận thế giới dưới các quy tắc và đặc điểm của ngôn ngữ. Năm 1953, trong cuốn Truy tầm triết học (xuất bản sau khi tác giả mất), nhà triết học thừa nhận tính đa chức năng của ngôn ngữ, đồng thời đưa ra khái niệm về “trò chơi ngôn ngữ”. Khái niệm này đã biến mọi nhận thức luận của con người, dù là khách quan nhất, đều chỉ là các diễn ngôn của trò chơi ngôn ngữ. Thế giới mang diện mạo không phải như cách con người (khách quan) nhìn thấy nó, mà là như cách mà con người (chủ quan) kể về nó. Trò chơi là một loạt những ứng xử đề cao tính sáng tạo cụ thể của người chơi, hơn là truy tầm những quy tắc, cũng như hoài niệm về người sáng tạo ra những quy tắc đó. Trong Truy tầm triết học, L. Wittgenstein đã viết: “Vì mọi định nghĩa tổng quát cũng có thể bị hiểu sai. Điểm chính ở đây là cách chúng ta chơi trò chơi. (Tôi muốn nói trò chơi ngôn ngữ với từ “trò chơi”)” [15, tr.634]. Tầm quan trọng của lý thuyết Wittgenstein đối với nhận thức hậu hiện đại là ở chỗ: “… bằng các nghiên cứu của mình ông đã vạch ra cho trò chơi ngôn ngữ một viễn cảnh hợp thức hóa kiểu khác hơn là kiểu “hiệu quả thực hiện” (performativité). Thế giới hậu hiện đại phải làm
  • 34. 28 việc với viễn tưởng mới này. Hoài niệm về truyện kể đã mất nay cũng đã mất đi nơi bản thân đại bộ phận con người…” [85, tr.163]. Cùng thời với L. Wittgenstein là M. Heidegger (người Đức, 1872 – 1970), một người chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi triết học Hiện tượng luận của E. Husserl (1859 – 1938). M. Heidegger đã có công lao lớn trong việc hình thành Tường giải học hiện đại, bộ môn có nhiều ảnh hưởng sâu sắc đến các nhà hậu hiện đại tên tuổi như R. Ingarden, P. Ricoeur, H. Gadamer. Mối quan tâm về tinh thần và bản chất ngôn ngữ trong mối quan hệ với tồn tại đã được M. Heidegger xem là một trọng tâm trong nghiên cứu triết học hiện đại. Trong công trình nổi tiếng Hữu thể và thời gian (1923), ông đã nhìn thấy những giới hạn của khoa học ngôn ngữ đương thời, một là dùng dằng ở việc “chỉ tiết hợp hiện vật nội thế được nhận biết nơi suy tư lý thuyết và được diễn tả nơi mệnh đề”, hai là sa vào việc xem “kết quả của việc so sánh sâu sắc nhiều ngôn ngữ xa lạ như có thể” [36, tr.8]. Theo M. Heidegger, không thể chỉ xem xét ngôn ngữ trong những chức năng thuần ngôn ngữ, vì ẩn trong các hệ thống hình thức có tính ổn định bên ngoài luôn tiềm chứa những thay đổi không thể tiên liệu và sự dịch chuyển nằm sau những cấu trúc ngôn ngữ. Có thể thấy, vấn đề đâu là căn nguyên của ngôn ngữ luôn thường trực trong suy tư triết học của M. Heidegger. Gần bốn mươi năm sau của sự xuất hiện Hữu thể và thời gian, trong tác phẩm Trên đường đến với ngôn ngữ (1959), M. Heidegger đã nhìn thấy ngôn ngữ chính là “Ngôi nhà của Hữu thể”. Sử dụng thuật ngữ “hữu thể” của siêu hình học, ông đã “nỗ lực đưa bản chất siêu hình lên bề mặt rồi qua đó chuyển về gắn với các giới hạn của nó” [1, tr.57]. Đây là sự ám chỉ về sự giới hạn của nhận thức, giới hạn này nằm trong chính mối quan hệ giữa ngôn ngữ với hữu thể được lý giải bởi chủ thể. Không phải chỉ thuần tuý con người tạo ra ngôn ngữ, mà chính ngôn ngữ cũng đã tạo ra con người. Bản chất của ngôn ngữ chính là ở nơi tạo lập đời sống con người, là nơi sáng tạo ra thế giới. Tính liên kết giữa ngôn ngữ và tác phẩm văn học chính là sự minh giải hữu thể toàn vẹn nhất, và trung tâm tạo nghĩa cho văn bản chính là người đọc, trong một vòng tròn quyết định luận. Sau này, những nhà Tường giải học đã xem tác phẩm văn học (được biểu hiện qua ngôn ngữ) là vật “hai lần có ý hướng” (R. Ingarden), do đó, phương thức tồn tại của văn bản chính là hoạt động cụ thể hóa của người đọc. Văn bản mới chỉ là ý hướng của tác giả, đóng vai trò tiền đề cho sự ra đời của tác phẩm văn học.
  • 35. 29 Chủ nghĩa hậu hiện đại bác bỏ các loại diễn ngôn có tính phán quyết và toàn trị, vì vậy nó không thừa nhận các “đại tự sự” mang tính chính thống và bất biến, trong đó có chủ nghĩa cấu trúc. Trường phái ngôn ngữ học cấu trúc là một trong những hướng phát triển lớn của triết học về ngôn ngữ, được xây dựng bởi nhà ngôn ngữ học F. de Saussure (người Thụy Sĩ, 1857 – 1931), và được phát triển bởi những người đi sau như C. Levi Strauss, T. Todorov, G. Genette, R. Jakobson. Chủ nghĩa cấu trúc không truy tìm ý nghĩa của các hệ thống ngôn ngữ từ những hiện tượng trong đời sống, mà “nghĩa của ngôn ngữ mang chức năng của một hệ thống” [2, tr.57]. Với chủ nghĩa cấu trúc, quá trình tạo nghĩa của từ gắn với mối quan hệ giữa “cái biểu đạt” và “cái được biểu đạt”. Bao giờ cũng vậy, bên cạnh một cái biểu đạt phát ra, thường có một cái được biểu đạt đang tồn tại làm tương ứng. Quan hệ giữa cái biểu đạt và vật được biểu đạt mới là võ đoán, chứ không phải giữa cái biểu đạt với cái được biểu đạt. Cho nên, “Nghĩa là sản phẩm của một hệ thống biểu tượng mà bản thân nó không có nghĩa” [2, tr.59]. Như vậy, “nghĩa” của ngôn ngữ là con đẻ của một quá trình tạo nghĩa, chứ không phải được cấp từ hiện thực bên ngoài, hay chủ ý từ bên trong. Chủ nghĩa cấu trúc vừa loại bỏ nguồn gốc vật chất, vừa giải thể thuộc tính tinh thần của ngôn ngữ, vì vậy, chủ nghĩa hậu hiện đại xem nó là một “chủ nghĩa phi lịch sử” trong triết học về ngôn ngữ. Phê phán chủ nghĩa cấu trúc với những nhìn nhận mang tính hình thức, bất biến và siêu hình về ngôn ngữ, đặc biệt là sự quan niệm máy móc về quá trình tạo nghĩa, những nhà hậu cấu trúc như M. Foucault, J. Derrida, T. Eagleton… lại có một cách nhìn khác về ngôn ngữ. Những nhà hậu cấu trúc đặc biệt không tin tưởng vào sự tương ứng giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt trong quá trình tạo nghĩa: “Cái biểu đạt không đưa ra cho chúng ta cái được biểu đạt một cách trực tiếp như tấm gương phản ánh hình ảnh: ở đây không có cặp đối xứng nhau một cách hài hoà giữa mức độ của cái biểu đạt và mức độ của cái được biểu đạt trong ngôn ngữ” [124, tr.301]. Các nhà hậu cấu trúc tin rằng, nghĩa của ngôn ngữ không bao giờ được xác định từ chính hệ thống của nó, có một cái gì đó luôn vận động và tuôn chảy đằng sau ngôn ngữ. Đi từ cách hiểu trên, năm 1967, R. Barthes đã tuyên cáo về “cái chết” của tác giả, nhằm nỗ lực trả lại tính tự do cho quá trình tạo nghĩa trong hoạt động đọc của người tiếp nhận. Từ đó, R. Barthes cũng đề xuất bút pháp “độ không của lối viết”, nhằm tạo ra những khoảng trống, buộc người đọc phải tự