SlideShare a Scribd company logo
1 of 93
VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
MAI QUÂN
ĐỀ TÀI VIẾT VỀ THIẾU NIÊN QUA BA TÁC PHẨM
CHO TÔI XIN MỘT VÉ ĐI TUỔI THƠ, TÔI THẤY
HOA VÀNG TRÊN CỎ XANH, CÂY CHUỐI NON
ĐI GIÀY XANH CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH
LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM
HÀ NỘI - 2019
VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
MAI QUÂN
ĐỀ TÀI VIẾT VỀ THIẾU NIÊN QUA BA TÁC PHẨM
CHO TÔI XIN MỘT VÉ ĐI TUỔI THƠ, TÔI THẤY
HOA VÀNG TRÊN CỎ XANH, CÂY CHUỐI NON
ĐI GIÀY XANH CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH
Ngành : Văn học Việt Nam
Mã số : 8 22 01 21
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC :
TS. ĐẶNG THỊ THU HÀ
HÀ NỘI - 2019
LỜI CAM ĐOAN
Với sự hướng dẫn chỉ bảo nhiệt tình của cô giáo - Tiến sĩ Đặng Thị Thu
Hà (Viện Văn học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), tôi thực hiện
thành công đề cương và đề tài luận văn của mình: Đề tài viết về thiếu niên
qua ba tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ
xanh và Cây chuối non đi giày xanh của Nguyễn Nhật Ánh. Tôi xin cam
đoan đây là công trình nghiên cứu của cô trò chúng tôi. Luận văn của tôi hoàn
toàn trung thực và không trùng lặp với kết quả nghiên cứu của các tác giả
khác đã công bố.
Nếu sai, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Hà Nội, tháng 3 năm 2019
Học viên
Mai Quân
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU .......................................................................................................... 1
Chương 1: KHÁI QUÁT VỀ VĂN HỌC VIẾT CHO THIẾU NHI VÀ
NHÀ VĂN NGUYỄN NHẬT ÁNH .............................................................12
1.1. Khái quát về văn học thiếu nhi ở Việt Nam.............................................12
1.1.1. Khái niệm về văn học thiếu nhi ............................................................12
1.1.2. Khái quát về hành trình của văn học thiếu nhi ở Việt Nam..................13
1.2. Khái quát về nhà văn Nguyễn Nhật Ánh .................................................15
1.2.1. Nguyễn Nhật Ánh - nhà văn của thời đại nhiều biến động...................15
1.2.2. Khái quát hành trình sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh...........................18
1.3. Vị trí Nguyễn Nhật Ánh trong dòng văn học viết về thiếu nhi................21
Chương 2: MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM NỔI BẬT TRONG SÁNG TÁC VỀ ĐỀ
TÀI VIẾT CHO THIẾU NIÊN CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH.................24
2.1. Chủ đề nổi bật ..........................................................................................25
2.1.1. Những kỉ niệm tuổi thơ.........................................................................25
2.1.2. Tình bạn và tình yêu tuổi mới lớn.........................................................31
2.2. Cốt truyện và nhân vật .............................................................................43
2.3. Nghệ thuật kể chuyện...............................................................................48
2.3.1. Người kể chuyện nhập vai ....................................................................48
2.3.2. Ngôn ngữ kể chuyện .............................................................................53
2.3.3. Giọng điệu kể chuyện............................................................................55
2.3.4. Điểm nhìn song chiếu............................................................................57
Chương 3: DẤU ẤN VĂN HÓA DÂN GIAN TRONG SÁNG TÁC VỀ
ĐỀ TÀI THIẾU NIÊN CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH ...............................61
3.1. Không gian làng quê Việt ........................................................................61
3.2. Những sinh hoạt văn hóa dân gian...........................................................64
3.2.1. Những trò chơi dân gian........................................................................64
3.2.3. Quan niệm và sự thực hành tín ngưỡng dân gian .................................72
3.2.4. Truyện mang yếu tố nghệ thuật tự sự dân gian.....................................73
KẾT LUẬN....................................................................................................77
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO.....................................................81
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Văn học Việt Nam hiện đại, đặc biệt là văn học Việt Nam đầu thế kỉ XXI được
đánh giá là vẫn đang tiếp tục hành trình hiện đại hóa và hội nhập với sự bộn bề giữa các
yếu tố truyền thống, hiện đại và hậu hiện đại. Trong giai đoạn này, mặc dù không xuất
hiện nhiều cây bút nổi bật như mấy thập kỉ cuối thế kỉ XX nhưng vẫn có một số nhà văn
ghi được và tiếp tục ghi được dấu ấn bằng những sáng tác có ảnh hưởng tới đời sống và
công chúng văn học mà Nguyễn Nhật Ánh là một trong những ví dụ tiêu biểu. Là một
nhà văn chuyên nghiệp chuyên viết về đề tài thiếu niên, Nguyễn Nhật Ánh là một tên
tuổi quen thuộc với nhiều lứa tuổi độc giả Việt Nam, đặc biệt là độc giả nhí. Trong mấy
chục năm cầm bút, đến nay nhà văn đã có trên 100 tác phẩm thuộc nhiều thể loại, trong
đó mảng "truyện dài" viết cho thiếu niên có số lượng phong phú và đồng thời cũng là
mảng sáng tác tiêu biểu hơn cả của Nguyễn Nhật Ánh.
Đặc biệt, trong bối cảnh truyền thông hiện đại với sự bùng nổ thông tin diễn ra
hàng ngày, hàng giờ, văn chương nói chung và các nhà văn nói riêng phải chật vật
cạnh tranh với nhiều loại hình nghệ thuật đương đại khác thì Nguyễn Nhật Ánh là
nhà văn nổi lên như một hiện tượng độc đáo - có lượng sách phát hành mới và số
lần tái bản liên tục với số lượng ngày càng tăng. Nhiều tác phẩm của ông đã vượt
qua ranh giới của thể loại (được chuyển thể thành các bộ phim) cũng như vượt qua
biên giới quốc gia (ví dụ truyện dài Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ được dịch ra
nhiều thứ tiếng như tiếng Hàn, Thái, Anh; Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được
chuyển thể thành phim năm 2015) đã cho thấy sức cuốn hút của tác phẩm Nguyễn
Nhật Ánh đối với công chúng đương đại.
Chính sự bền bỉ trong sáng tác và những thành công của Nguyễn Nhật Ánh
đồng thời cũng khiến cho nhà văn trở thành một "hiện tượng" thu hút được sự quan
tâm của giới nghiên cứu.
Lựa chọn đề tài: Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm Cho tôi xin một
vé đi tuổi thơ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh và Cây chuối non đi giày xanh của
Nguyễn Nhật Ánh chúng tôi tập trung vào tìm hiểu những dấu ấn văn hóa dân gian,
một trong những yếu tố góp phần làm nên sức cuốn hút của tác phẩm Nguyễn Nhật
Ánh. Ba tác phẩm được chúng tôi lựa chọn khảo sát là ba truyện dài tiêu biểu trong
sáng tác của ông. Các tác phẩm này đều có số lượng phát hành ấn tượng hoặc được
tái bản nhiều lần. Ngoài tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (được giải thưởng
2
văn học ASEAN năm 2010) và Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (được chuyển thể
thành phim năm 2015) đã xuất hiện trong một số công trình nghiên cứu về Nguyễn
Nhật Ánh trước đây, chúng tôi tập trung vào tác phẩm Cây chuối non đi giày xanh
là ấn phẩm mới nhất của ông (phát hành năm 2018 với số lượng lên tới 170.000
bản) với mong muốn trả lời câu hỏi điều gì đã làm nên thành công của ngòi bút
Nguyễn Nhật Ánh khi ông trường kì thâm canh trên mảnh ruộng đề tài thiếu niên.
2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài
Là nhà văn gắn bó với đề tài viết về thiếu niên, Nguyễn Nhật Ánh đã sớm tạo
nên một vương quốc riêng cho mình và sớm khẳng định vị trí của mình trong dòng
văn học viết cho thiếu nhi ở Việt Nam bên cạnh những tên tuổi như Nguyễn Huy
Tưởng, Tô Hoài, Phạm Hổ, Võ Quảng, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Ngọc Thuần, …
Trở thành một “hiện tượng” trong văn học Việt Nam hiện đại, Nguyễn Nhật Ánh
không chỉ dành được sự quan tâm đông đảo công chúng bạn đọc mà còn thu hút được sự
chú ý của báo giới cũng như sớm trở thành đối tượng của giới nghiên cứu. Có khá nhiều
công trình, bài viết tìm hiểu về Nguyễn Nhật Ánh ở nhiều khía cạnh, nhiều chiều kích
với phạm vi rộng hẹp, mức độ nông sâu khác nhau. Tựu chung lại, có thể tạm phân
những tư liệu viết về Nguyễn Nhật Ánh thành hai mảng chính, gồm:
2.1. Các bài báo có tính chất giới thiệu, quảng bá về nhà văn và tác phẩm
Tính đến nay, đã có khá nhiều bài báo viết về Nguyễn Nhật Ánh và một số tác
phẩm của ông. Có thể kể đến các bài viết đăng trên nhiều tờ báo, tạp chí khác nhau
như Mực tím, Sài Gòn, Thanh niên, Văn nghệ, Phụ nữ đánh giá về cuộc đời, tính
cách, sự nghiệp cầm bút của ông - một “hiện tượng” văn học đương đại, một best
seller truyện viết cho thiếu nhi từ những góc nhìn khác nhau: có thể là của một
người bạn, người đọc bình thường, nhà báo, nhà nghiên cứu. Có những bài được
viết nhân kỉ niệm ngày sinh của ông, hoặc những bài phỏng vấn nhân dịp những tác
phẩm của ông xuất bản hoặc tái bản. Nhà văn Lê Minh Quốc (bạn thân của ông)
cũng có nhiều bài báo in trên báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh, số 31, 29/4/1992
nhận thấy những tác phẩm của Nhà văn xuất phát từ bộn bề cuộc sống đời thường,
nhưng rất “hồn nhiên, trong sáng của những nhân vật nhỏ tuổi không hề gợn lên
chút thù hằn, cay độc nào” [52, tr19]. Mặc dù cuộc đời nhà văn không suôn sẻ, êm ả
nhưng “trang viết cuộc đời này rất trong sáng và ngập tràn hi vọng” bởi thế ông
được bạn đọc yêu mến đồng thời cũng chứng minh cho sự “lao động nghiêm túc
trong công việc viết văn”. Lê Minh Quốc gọi ông bằng cái tên gần gũi “người
3
không có ngày chủ nhật” [53, tr35] và ông cũng là người bạn luôn trăn trở “giải mã
hiện tượng Nguyễn Nhật Ánh” cho bạn đọc vì sao Nguyễn Nhật Ánh lại có thể
“nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ lâu bền đến thế” [54, tr158].
Còn người bạn khác của ông - nhà thơ Đỗ Trung Quân lại nhận thấy ông là
“nhà văn lương thiện chân chính” [50, tr101]. Hay nhà thơ Trần Đăng Khoa rất gần
gũi và hóm hỉnh gọi ông là “tay phù thủy đại bợm, nhà ảo thuật” tìm xem bùa phép
của ông là ở đâu? Và đã tìm thấy ông có bùa phép ở bút pháp cơ bản giống bút pháp
kiểu Nguyễn Công Hoan: “lập ý, thắt nút, cởi nút” và bí quyết tạo nên thành công kì
lạ là ở “khả năng nắm bắt tâm lí lứa tuổi học trò” [33, tr138-142]. Hay trong bài
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh:“Tôi viết như cậu học trò”, nhà thơ Vũ Ân Thy thấy
ông “sống và nghĩ trong sáng hướng thiện” do ông là “sự kết hợp giữa cái Tâm, cái
Tình, cái Tài” viết vì niềm vui sáng tạo và niềm vui đáp lại tình cảm yêu quý của
mọi người đặc biệt là của trẻ em. ” [63, tr111-114].
Một người bạn văn thân quý khác của Nguyễn Nhật Ánh - nhà văn Nguyễn
Quang Lập lại cho rằng văn chương của ông có “tính gây nghiện” [35, tr189] qua
giọng điệu kể chuyện hóm hỉnh, triết lí mà mỗi trang viết của ông như “mỗi chuyến
tàu về tuổi thơ, ở đó có nhiều toa” khiến ta bất ngờ, say mê thậm chí bật cười, hoặc
rưng rưng, suy ngẫm. Nguyễn Nhật Ánh cũng chính là người “bán vé về tuổi thơ”
[36, tr212] và ông còn khẳng định rằng “trẻ con đứa nào không biết truyện Nguyễn
Nhật Ánh chắc chắn đứa đó cực dốt văn”.
Nhà văn Nhã Thuyên lại ví giá trị của truyện Nguyễn Nhật Ánh như “là loại
vitamin ngon lành sống động” [61, tr209].
Trong khi đó nhà văn Văn Hồng (nguyên Tổng biên tập NXB Kim Đồng) gọi
ông là “cây bút được mến mộ nhất của tuổi học trò” [27, tr40]. Và cũng chính ông
đến năm 2002 trên báo Tiền phong chủ nhật, số 38, 22/9/2002 khẳng định: ông
“một mình một chợ” vì “Nguyễn Nhật Ánh đã dày công phản ánh những sinh hoạt
muôn mặt của lứa tuổi học trò.” Qua nghệ thuật dẫn truyện hấp dẫn, tự nhiên, lối
viết theo kết cấu chương hồi, xây dựng nhân vật qua hành động và cảm xúc… thậm
chí nhiều tác phẩm ông viết theo lối viết văn trinh thám khơi gợi được trí tò mò,
ham tìm hiểu của tuổi học trò. Cũng chính Văn Hồng đã nhận xét “trong các nhà
văn đương đại Nguyễn Nhật Ánh giữ nhiều kỉ lục: là người viết có đông bạn đọc, là
nhà văn có nhiều cuộc giao lưu với bạn đọc, xuất hiện nhiều trên thông tin đại
chúng, sống đường hoàng bằng tiền nhuận bút”. Và khi viết cho thiếu nhi, Nguyễn
4
Nhật Ánh có “bút lực dồi dào như gặp vỉa quặng lộ thiên” bởi ông có bản lĩnh sáng
tạo được trẻ em thích, bởi “tạng hợp trẻ con”, bởi “cấu trúc đặc sắc” và cũng bởi
ông đã kết hợp yếu tố truyền thống và hiện đại, giữa tinh hoa dân tộc với đặc sắc
của thế giới, và bởi vốn văn học tay nghề cao nên ông trở thành “hiện tượng độc
đáo trong văn học thiếu nhi” [29, tr89].
Với các nhà báo lại nhìn nhận và đánh giá về ông và tác phẩm của ông giàu
tính ngợi ca. Như nhà báo Hiền Hòa trên báo Sài Gòn tiếp thị, 5/4/2010, cho rằng
Nguyễn Nhật Ánh là “người bắc cầu mộng cho lứa tuổi đang cần sự mơ mộng”.
Mộng mà ông viết không gắn với phép thuật kì ảo, những cuộc phiêu lưu kì thú mà
nó ở ngay cuộc sống thường nhật đã được lãng mạn hóa [26, tr167]. Bên cạnh đó,
nhà báo Mai Quỳnh Nga trên Báo Văn nghệ Công an, 10/7/2013 lại khẳng định
“thương hiệu nhà văn best seller của Nguyễn Nhật Ánh đến nay vẫn khó có ai soán
ngôi” [42, tr228]. Điều đó thành công bởi dường như ông không bao giờ “lớn” và
luôn “mang thế giới trong trẻo hồn nhiên đến với tuổi thơ và dẫn người lớn tìm về
sân ga tuổi nhỏ trong hỗn độn bể đời”.
Tác giả Tiểu Quyên trên báo Người Lao động, 11/12/2010 đã coi Nguyễn
Nhật Ánh như “giải cơn khát” cho độc giả Việt Nam và “cái tên Nguyễn Nhật Ánh
đã đủ bảo chứng để tạo nên sức hút cho tác phẩm bởi câu chuyện nào của anh cũng
khiến người ta phải đọc, phải nhớ, phải yêu thích”. Bởi “tác phẩm của Nguyễn Nhật
Ánh có nhiều thông điệp, nhiều tầng ý nghĩa khiến ta phải suy nghĩ” [62].
Trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 13/3/2014, nhà văn Nguyễn Vĩnh Nghiêm đã
tổng kết: “Nguyễn Nhật Ánh làm được điều mà nhiều nhà văn khác không đủ tài để
làm: biến trang sách của mình thành cái cớ để những đứa trẻ và người lớn gặp
nhau”. Nhưng ông “không phải là người dệt mộng đơn thuần” mà còn “là tay nhà
văn ý thức rất rõ sức mạnh của dụ ngôn” [43, tr277].
Ngoài ra, Nguyễn Nhật Ánh cũng trở thành tên tuổi nổi tiếng tốn nhiều giấy
mực của các nhà nghiên cứu. Ví như nhà phê bình văn học Nguyễn Thị Thanh Xuân
nhận thấy tác phẩm của ông có “tính hướng thiện và tính thơ trong trẻo”, “ngôn ngữ
chuẩn mực”, “chạm đúng vào khát vọng được tương giao, đối thoại của trẻ nhỏ” vì
thế ông đã “thổi vào cuộc sống của chúng ta một ánh sáng mới” [66, tr44-51]. Khi
đánh giá về sức cuốn hút của truyện thiếu nhi của Nguyễn Nhật Ánh, GS Phong Lê
nhận xét: “truyện viết cho thiếu nhi đạt được giá trị đích thực cũng sẽ là một tác
phẩm hay với người lớn” [40]. Còn theo tác giả Thái Phan Vàng Anh thì nhà văn là
5
“hiện tượng văn học đặc biệt” do ông đã “lạ hóa thế giới hàng ngày quen thuộc” và
vì vậy “Nguyễn Nhật Ánh là người kể chuyện thiếu nhi” [4, tr241].
Nhà nghiên cứu phê bình văn học Văn Giá thì khẳng định ông là “trường hợp
không thể tính đến của lịch sử văn học đương đại”, là đối tượng “nặng kí của giới
nghiên cứu phê bình văn học”, và “nhà văn thiếu nhi là danh xưng chật chội”, là
“hiệp sĩ tuổi thơ” [20, tr49]. GS.TS Lê Huy Bắc phải thừa nhận viết cho trẻ em đến
thời điểm này “chưa có ai sánh bằng Nguyễn Nhật Ánh” bởi ông “viết khỏe và viết
đều tay” [11, tr39]. Khi tìm hiểu văn chương Nguyễn Nhật Ánh, PGS.TS Lã Thị
Bắc Lý cũng đi tới kết luận rằng: “ông có bút lực dồi dào vào bậc nhất ở Việt Nam
những năm cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI” [39, tr20].
Từ một góc độ khác PGS.TS Vân Thanh đã tiến hành so sánh văn học thiếu
nhi với lịch sử từ Tô Hoài đến Nguyễn Nhật Ánh. Theo đó, tác phẩm của Nguyễn
Nhật Ánh đã khám phá thế giới tinh thần của trẻ thơ là sức tưởng tượng, thế giới
ước mơ, là do nhà văn “biết thời”, “yêu và tin cậy trẻ”, và hơn hết do văn phong rất
riêng biệt của ông. Do đó, ông là “nhà văn thân quý của tuổi thơ”.
Để tổng kết cho những nhận xét, đánh giá, lời khen tặng, bài viết tìm hiểu về
nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, chúng tôi mượn lời của William Naythons (dịch giả
người Mỹ) cho rằng: “tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh vừa rất toàn cầu, mà vừa rất
gần gũi tương đồng làm sao với tính Việt của đời thường: là sự thông thái mộc mạc
và sự hài hước cởi mở có từ trong máu.” [70, tr364].
Đông đảo nhà nghiên cứu phê bình, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhạc sĩ, bạn bè,
độc giả, dịch giả trong và ngoài nước đã dành nhiều tình cảm viết về cuộc đời và
hành trình sáng tác của ông vì thế, NXB Kim Đồng (năm 2012) biên soạn cuốn
“Nguyễn Nhật Ánh - hoàng tử bé trong thế giới tuổi thơ”. Đây là cuốn sách đầu tiên
viết về nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với những thông tin đầy đủ, mới mẻ và thú vị
nhất về tác giả được thiếu nhi Việt Nam yêu thích nhất bấy giờ. Những câu chuyện
tâm tình của người đọc gần xa về ông được thể hiện trong cuốn “Nguyễn Nhật Ánh
và tôi” (Nhà xuất bản Trẻ 2013). Đặc biệt, nhân kỉ niệm sinh nhật tuổi 60 của nhà
văn, Trung tâm ngôn ngữ và văn học - nghệ thuật trẻ em của trường Đại học Sư
phạm Hà Nội đã tổ chức hội thảo Nguyễn Nhật Ánh - hành trình chinh phục tuổi
thơ. Hội thảo đã thu hút sự có mặt của hơn 40 diễn, nhà văn, nhà nghiên cứu cùng
rất nhiều học sinh, sinh viên của trường cũng như các độc giả yêu thích nhà văn
Nguyễn Nhật Ánh. Cuốn sách Nguyễn Nhật Ánh hiệp sĩ tuổi thơ (NXB Đại học
6
Quốc gia Hà Nội, 2015) ra đời đã chứng minh được giá trị thơ văn và sức lan tỏa
rộng lớn của ông trong cộng đồng.
Ngoài ra gần đây nhất, Nhà xuất bản Trẻ (năm 2017) đã xuất bản cuốn sách
“Nguyễn Nhật Ánh trong mắt đồng nghiệp” tổng hợp 75 bài tiểu luận, tùy bút của
bạn bè, đồng nghiệp trong và ngoài nước về con người và sáng tác của ông với những
nhìn nhận, bình giá, ngợi ca bằng tình cảm nồng hậu, trân trọng, kính phục nhất.
Như vậy có thể thấy những bài viết về Nguyễn Nhật Ánh của báo giới chủ yếu là
những bài viết có tính chất quảng bá, giới thiệu; còn những bài viết bạn đọc, bạn
văn, nhà nghiên cứu lại tập trung vào những kỉ niệm, nhận thức, tình cảm, đánh giá
về nhà văn và tác phẩm của ông… Nói cách khác, Nguyễn Nhật Ánh được nhìn
nhận ở nhiều chiều kích, trên các phương diện con người (con người văn chương và
con người đời thường), tác phẩm (với nhiều thái độ tiếp nhận, đánh giá: của cả bạn
đọc có chuyên môn và cảm nhận của bạn đọc thông thường).
2.2. Các bài viết, công trình có tính chất nghiên cứu về Nguyễn Nhật Ánh
2.2.1. Các công trình nghiên cứu về đề tài thiếu niên trong sáng tác của
Nguyễn Nhật Ánh
Là một nhà văn thành công trong dòng văn học viết cho thiếu nhi nhưng
những người yêu thích văn chương Nguyễn Nhật Ánh không chỉ giới hạn trong lứa
tuổi thiếu nhi. Tác phẩm của ông được nhiều thế hệ độc giả thuộc nhiều lứa tuổi
khác nhau tìm đọc. Nguyên nhân có lẽ một phần do nhà văn thường xuyên tâm
niệm rằng viết cho thiếu nhi nhưng cũng đồng thời tặng cho những ai từng là thiếu
nhi”. Trong hành trình sáng tạo của mình, ông dành cho lứa tuổi thiếu niên - tuổi
mới lớn sự ưu ái đặc biệt thể hiện qua hàng loạt những truyện dài “đình đám” đã
được bạn đọc nhiệt tình đón đọc như: Kính vạn hoa, Chuyện phù thủy xứ Lang
Biang, Ngồi khóc trên cây, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Bảy bước tới mùa hè,
Hạ đỏ, Mắt biếc, … và gần đây nhất là truyện Cây chuối non đi giày xanh (tháng
01/2018). Đây cũng là mảng đề tài ghi dấu nhiều thành công của nhà văn, đồng thời
thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu.
Có thể kể tới những bài viết của các giảng viên ở trường Đại học Sư phạm Hà
Nội như: PGS.TS Lã Thị Bắc Lý “Bê tô không chỉ là chuyện về cún; Không gian
giả tưởng trong Chúc một ngày tốt lành” của Nguyễn Nhật Ánh), PGS Nguyễn Văn
Long (Tuổi thơ và những rung động đầu đời qua ngòi bút Nguyễn Nhật Ánh trong
Bảy bước tới mùa hè), Nguyễn Thị Hải Phương (Nghệ thuật tự sự trong tác phẩm Tôi
7
thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Nguyễn Nhật Ánh), Nguyễn Thanh Tâm (Chúc một
ngày tốt lành - diễn ngôn của nhà văn “mãi mãi tuổi 15”); những bài viết của các nhà
nghiên cứu tại Viện Văn học Việt Nam như: PGS.TS Lưu Khánh Thơ (Nước mắt hồi
sinh thế giới), PGS.TS Vân Thanh (Văn học thiếu nhi Việt Nam với một lịch sử: từ Tô
Hoài đến Nguyễn Nhật Ánh), PGS.TS Nguyễn Bích Thu (Muốn hiểu tâm lí trẻ em nên
đọc Nguyễn Nhật Ánh), và rất nhiều nhà nghiên cứu phê bình văn học khác nữa.
Ngoài ra, đề tài viết về thiếu niên của Nguyễn Nhật Ánh cũng là đối tượng thu
hút nhiều thế hệ sinh viên, học sinh, học viên sau đại học thể hiện qua một số đề tài
khóa luận, luận văn, luận án được thực hiện ở nhiều cơ sở đào tạo khác nhau.
Vào năm 2005, tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Phạm Thị Bền đã chọn đề
tài Thế giới trẻ thơ qua cách nhìn của Nguyễn Nhật Ánh trong bộ Kính vạn hoa để bảo
vệ luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam. Chị là một trong những người
tiên phong cho việc tìm hiểu thế giới nhân vật và văn phong của Nguyễn Nhật Ánh một
cách hệ thống trong một công trình nghiên cứu khoa học có tính chuyên sâu.
Tiếp đó, Vũ Thị Hương đã bảo vệ thành công đề tài Thạc sĩ về Thế giới nghệ
thuật truyện Nguyễn Nhật Ánh vào năm 2009 cũng tại trường Đại học Sư phạm này.
Ngoài ra, có thể kể tới một số đề tài nghiên cứu về Nguyễn Nhật Ánh được bảo vệ
thành công như: Hoàng Hương Giang với đề tài Cảm hứng hướng về tuổi thơ trong
truyện Nguyễn Nhật Ánh (năm 2011); Hồi ức trong truyện thiếu nhi của Nguyễn
Nhật Ánh là đề tài luận văn Thạc sĩ của Nguyễn Minh Phượng bảo vệ năm 2014 tại
Đại học Sư phạm Hà Nội; Nguyễn Thị Thương với đề tài Nghệ thuật tự sự trong
truyện Nguyễn Nhật Ánh (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn năm 2014); Bùi Thị
Thu Thủy với đề tài Nhân vật tuổi mới lớn trong truyện Nguyễn Nhật Ánh (tại
trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 năm 2015); Nguyễn Thị Thu Trang với đề tài
Thời gian và không gian nghệ thuật trong truyện Nguyễn Nhật Ánh bảo vệ năm
2016 tại trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn; hay Nguyễn Thái Sơn bảo vệ
thành công đề tài Đặc sắc trong truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh (qua Tôi thấy hoa
vàng trên cỏ xanh, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Con chó nhỏ đeo giỏ hoa hồng)
vào năm 2017 tại Học viện Khoa học xã hội… Bên cạnh đó còn có nhiều luận văn
và khóa luận tốt nghiệp hướng mối quan tâm tới thế giới nhân vật trong truyện của
ông như: Đặc điểm truyện Nguyễn Nhật Ánh (Phạm Thị Vân), Nhân vật trẻ em
trong truyện Nguyễn Nhật Ánh (Nguyễn Thị Đài Trang), Nhân vật dị biệt trong văn
xuôi Nguyễn Nhật Ánh và Nguyễn Ngọc Thuần (Phạm Thị Hằng), Nhóm nhân vật
bất toàn về nhân dạng trong sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh (Phạm Thị Tuyết).
8
Nghệ thuật xây dựng nhân vật loài vật trong Chúc một ngày tốt lành của Nguyễn
Nhật Ánh (Võ Thị Tuyết Nhung)…
Có thể nhận thấy, đề tài viết về thiếu niên trong sáng tác của Nguyễn Nhật
Ánh đã được quan tâm nghiên cứu và đã đạt được một số thành tựu nhất định. Tuy
nhiên những nghiên cứu này chủ yếu tập trung vào một số phương diện như thế giới
tuổi thơ, nghệ thuật kể chuyện, ngôn ngữ và nhân vật trong tác phẩm của Nguyễn
Nhật Ánh mà chưa có công trình nào đi sâu tìm hiểu những giá trị văn hóa truyền
thống trong sáng tác về đề tài thiếu niên của ông. Chính điều này đã gợi mở cho
chúng tôi một khoảng trống khoa học khi lựa chọn thực hiện đề tài: Đề tài viết về
thiếu niên qua ba tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Tôi thấy hoa vàng
trên cỏ xanh, Cây chuối non đi giày xanh của Nguyễn Nhật Ánh.
2.2.2. Các công trình nghiên cứu về 3 tác phẩm: Cho tôi xin một vé đi tuổi
thơ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cây chuối non đi giày xanh
Ba tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cây
chuối non đi giày xanh nằm trong những tác phẩm xuất sắc và vô cùng nổi tiếng của
Nguyễn Nhật Ánh trong 10 năm trở lại đây. Trong đó, hai tác phẩm Cho tôi xin một
vé đi tuổi thơ (2008) và Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2010) đã tiêu tốn nhiều
giấy mực và tâm huyết của nhiều nhà nghiên cứu, nhiều học viên. Nói Cho tôi xin
một vé đi tuổi thơ là truyện viết cho thiếu nhi hay cho mọi lứa tuổi đều đúng. Bởi
tính phổ quát của tác phẩm. Bởi nhà văn Nguyễn Nhật Ánh - “cha đẻ” của tác phẩm
này từng nói: “Tôi viết cuốn sách này không dành tặng cho trẻ em. Tôi viết cho
những ai từng là trẻ em”. Với số lượng trang sách không nhiều, truyện dường như
không có chuyện nhưng lại truyền tải cảm xúc nhân văn cho nhiều người mà “ông
bán vé cho tuổi thơ” (Nguyễn Quang Lập) đã gửi gắm, để cấp cho mọi người chiếc
vé lên “chuyến tàu lộng lẫy về tuổi thơ” (Nguyễn Trương Quý), để khi trẻ thơ níu
kéo người già mà nhà báo Lạc Long đã viết. Tuổi thơ là một thế giới đặc biệt mà
đời người đều trải qua và luôn đọng lại trong tâm trí. Khi có tuổi có thể người ta
lãng quên quá khứ, nhưng khi đọc truyện này thế giới nội tâm người lớn luôn hiện
hữu bên cạnh thế giới tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo, bình dị. Với tác giả Nguyễn
Thụy Anh trong bài viết Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ đã khẳng định ý nghĩa, sức
lan tỏa của truyện mang lại cho mọi người: “người lớn vô tâm mải miết với cuộc
sống cơm áo gạo tiền có thể dừng bước đôi chút mà ngoái về phía sau, nhớ lại thời
thơ ấu” và để hiểu trẻ con, có cách giáo dục, quan tâm, thương yêu các em hơn chứ
không áp đặt vô lối nữa. Ngoài ra với lứa tuổi thiếu niên, cuốn sách cũng đem lại
9
niềm vui thích vì các em thấy mình được đặt ngang hàng, trở thành người đối thoại
bày tỏ suy nghĩ của mình và mong người lớn coi trọng. Với tác giả Mai Sơn trong
Cuộc chiến của cu Mùi và sự thành công của Nguyễn Nhật Ánh đã chỉ ra sự độc đáo
của tác phẩm bởi sự đan xen liên tục giữa tiểu thuyết hư cấu và văn bản triết luận,
người kể chuyện sáng suốt và nhân vật miêu tả đang đắm chìm chính mình; sự kiện
quá khứ và hiện tại, nghệ thuật làm say mê và cách thức lay thức độc giả” [48,
tr326]. Và ông cũng cho rằng những tác phẩm của nhà văn là một “thành tố trong
cấu trúc giáo dục thẩm mĩ cho thiếu nhi bên cạnh những nền tảng giáo dục khác từ
gia đình, nhà trường, xã hội”.
Cũng bài viết lấy tên tác phẩm này, Anjali Vaidya cũng khẳng định “đây không
phải là cuốn sách hoàn toàn dành cho trẻ em” [69, tr297]. Nhà văn cũng thấy sự ảnh
hưởng của tuổi thơ đối với mỗi người. Nhà văn cũng chỉ ra rằng “Nguyễn Nhật Ánh
làm rất tốt - kể sự thật thế giới người lớn bằng cách nhìn nghiêng. Tuy nhiên, di
chuyển qua lại giữa góc nhìn của một đứa trẻ và triết lí của một người lớn có thể
thay đổi đột ngột, và cuốn sách thỉnh thoảng không đều hơi.”
Riêng với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh lại được nhiều người viết khá nhiều và
khá chi tiết. Ví như bài viết của Vũ Hạnh Nhi bàn về Tình anh em tuyệt diệu trong
truyện này. Người viết đã khai thác sâu về khía cạnh tình cảm thương yêu của hai
anh em dành cho nhau đặc biệt là Tường (em) bao dung, hi sinh, yêu anh vô điều
kiện và tình cảm của Thiều với em có lúc hờn ghen, đánh đập, lừa em nhưng sâu
hơn cả vẫn là sự ăn năn hối hận khi làm em đau, khi nhận ra lỗi lầm của mình làm
mất đi niềm vui của người khác… Hay với bài viết của Phạm Thị Bền, Phạm Thị
Hằng (Từ Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Nguyễn Nhật Ánh nghĩ về sự khác
biệt) đã trình bày về sự khác biệt, về cái riêng trong vô số cái chung cái tương đồng
mà con người thường dễ dàng tìm thấy ở nhau: hoa tay, tính cách hai anh em, cái
hoàn hảo ở chính những con người có số phận éo le, dị thường. Có thể là bài Sự
tương đồng trong lối viết từ Quê người, Giăng thề của Tô Hoài đến Tôi thấy hoa
vàng trên cỏ xanh của Nguyễn Nhật Ánh của tác giả Phạm Minh Hoa đã so sánh
điểm giống nhau giữa hai tác giả viết cho thiếu nhi, viết nhiều, viết khỏe, đều lấy đề
tài từ “cuộc sống con người chốn làng quê; trò chơi của trẻ nhỏ, phong tục ma chay,
cưới hỏi”, bởi cách xây dựng nhân vật thật giản dị, chân thành, bởi yếu tố khai thác
tâm lí tuổi mới lớn trước ngưỡng cửa rung động đầu đời đó chính là tình yêu. Còn
điểm khác nhau giữa hai nhà văn ở tình huống, dòng mạch tâm lí nhân vật, cái kết
của truyện. Nếu truyện của Tô Hoài dang dở, u buồn, cùng quẫn và bế tắc thì truyện
10
của Nguyễn Nhật Ánh lại yêu đời, lạc quan, hóm hỉnh. Dù biết chịu ảnh hưởng của
yếu tố xã hội đến tác phẩm nhưng để chúng ta biết được văn học gắn liền với đời
sống con người “văn học vị nhân sinh”.
Trong cách bàn về nghệ thuật tự sự trong truyện này, Nguyễn Thị Hải Phương
cũng đã trình bày thành công của nhà văn từ nghệ thuật xây dựng nhân vật người kể
chuyện mang cái nhìn trẻ thơ, tâm hồn trẻ thơ; nghệ thuật xây dựng không gian và
thời gian nghệ thuật; nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ giọng điệu. Nguyễn Nhật Ánh
chính là một “nhà văn có sức sáng tạo dồi dào”, “tác phẩm thu hút bạn đọc” bởi
những trang truyện “nhẹ nhàng mà đầy ý nghĩa”.
Điểm qua một số công trình viết về Nguyễn Nhật Ánh có thể thấy những
nghiên cứu về Nguyễn Nhật Ánh khá phong phú song chưa có công trình nào đi sâu
tìm hiểu thế giới tuổi thiếu niên như là một nhân tố tạo nên sức hút của hiện tượng
Nguyễn Nhật Ánh, đặc biệt là chưa có bài viết nào bàn về truyện dài mới nhất của
ông: Cây chuối non đi giày xanh. Đây là nguồn tư liệu mới mẻ mà chúng tôi muốn
tập trung khai thác như một điểm nhấn ở đề tài này. Lựa chọn đề tài Đề tài viết về
thiếu niên qua ba tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Tôi thấy hoa vàng
trên cỏ xanh, và Cây chuối non đi giày xanh của Nguyễn Nhật Ánh, những kết
quả nghiên cứu của các công trình đi trước là nguồn tham khảo quý trong quá trình
chúng tôi triển khai đề tài của mình.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Tìm hiểu một số đặc điểm nổi bật trong sáng tác về đề tài thiếu niên của Nguyễn
Nhật Ánh. Trên cơ sở đó, luận văn đi sâu tìm hiểu khía cạnh dấu ấn văn hóa dân
gian trong sáng tác của ông nhằm góp phần lí giải "hiện tượng" một nhà văn viết
"chuyên" về một đề tài trong thời gian dài (mấy chục năm) mà vẫn được độc giả
đón nhận nồng nhiệt.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu là thế giới tuổi thiếu niên được tái hiện trong sáng tác
của Nguyễn Nhật Ánh
- Phạm vi nghiên cứu: là 3 tác phẩm truyện dài (Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ,
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cây chuối non đi giày xanh), các tác phẩm khác
của Nguyễn Nhật Ánh sẽ chỉ được chúng tôi sử dụng với mục đích so sánh hoặc
làm rõ hơn những nhận định trong luận văn.
5. Cơ sở lí luận và phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp phân tích, tổng hợp
11
- Phương pháp thống kê, phân loại
- Phương pháp so sánh, đối chiếu
- Phương pháp nghiên cứu loại hình
- Phương pháp nghiên cứu tiểu sử
- Phương pháp hệ thống và phương pháp liên ngành.
6. Ý nghĩa lí luận và thực tiễn
- Luận văn có những đóng góp nhất định về mặt tư liệu, cụ thể: Ngoài tác
phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (được giải thưởng văn học ASEAN năm 2010)
và Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (được chuyển thể thành phim năm 2015) đã xuất
hiện trong một số công trình nghiên cứu về Nguyễn Nhật Ánh trước đây, chúng tôi
còn tập trung vào tác phẩm Cây chuối non đi giày xanh là ấn phẩm mới nhất của
ông (phát hành năm 2018 với số lượng lên tới 170.000 bản) với mong muốn trả lời
câu hỏi điều gì làm nên thành công của ngòi bút Nguyễn Nhật Ánh khi ông trường
kì thâm canh trên mảnh ruộng đề tài thiếu niên.
- Thông qua ba tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Tôi thấy hoa vàng trên
cỏ xanh, Cây chuối non đi giày xanh, luận văn đã tiến hành phác thảo diện mạo
truyện viết về đề tài thiếu niên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh dựa trên một số đặc
điểm nổi bật về nội dung và nghệ thuật.
- Luận văn lần đầu đã đi sâu tìm hiểu khía cạnh dấu ấn văn hóa dân gian trong
sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh nhằm góp phần lí giải “hiện tượng” một nhà văn
“chuyên” về một đề tài trong thời gian dài (mấy chục năm) mà vẫn được độc giả
đón nhận nồng nhiệt.
Kết quả nghiên cứu của đề tài có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho các nhà
nghiên cứu, nhà giáo hoặc sinh viên, học sinh cũng như các bậc phụ huynh quan
tâm tới sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, phần nội dung của đề tài
gồm 03 chương:
- Chương 1: Khái quát về văn học viết cho thiếu nhi và nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
- Chương 2: Một số đặc điểm nổi bật trong sáng tác về đề tài thiếu niên của
Nguyễn Nhật Ánh.
- Chương 3: Dấu ấn văn hóa dân gian trong sáng tác về đề tài thiếu niên của
Nguyễn Nhật Ánh.
12
Chương 1
KHÁI QUÁT VỀ VĂN HỌC VIẾT CHO THIẾU NHI VÀ NHÀ VĂN
NGUYỄN NHẬT ÁNH
1.1. Khái quát về văn học thiếu nhi ở Việt Nam
1.1.1. Khái niệm về văn học thiếu nhi
Văn học phản ánh hiện thực cuộc sống ở nhiều khía cạnh, nhiều cung bậc. Nếu
hình dung cuộc sống là một bức tranh thì các nhà văn, thông qua lăng kính chủ quan
của mình, là người tái hiện những mảnh ghép của bức tranh ấy. Ngoài việc phản
ánh những xúc cảm riêng tư của cá nhân, ngòi bút của các nhà văn thường có xu
hướng hướng ngòi bút của mình tới những vấn đề có tính thời đại, chẳng hạn các
nhà văn hiện đại quan tâm tới vấn đề nhìn nhận, đánh giá lại chiến tranh, lịch sử,
nông thôn đổi mới, các vấn đề đô thị,… Trong đó, viết về/cho thiếu nhi cũng trở
thành một trong số những vấn đề được văn học Việt Nam hiện đại quan tâm. Nhiều
cây bút thuộc nhiều lứa tuổi, với nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau như Tô
Hoài, Bùi Hiển, Phạm Hổ, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư...
đã lựa chọn nâng niu, yêu thương, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ qua các vần thơ, các
trang văn trong sáng, phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi, tạo nên một dòng văn học viết
cho thiếu nhi với những thành tựu đáng được ghi nhận.
Vậy văn học viết cho thiếu nhi là gì? phát triển như thế nào? có dòng văn viết
cho thiếu niên ra sao?
Có rất nhiều quan điểm khác nhau định nghĩa về văn học thiếu nhi. Theo Từ
điển thuật ngữ văn học của Lê Bá Hán, văn học thiếu nhi theo nghĩa hẹp “gồm những
tác phẩm văn học hoặc phổ cập khoa học dành riêng cho thiếu nhi”. Nhưng có những
tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi lại được người lớn đón nhận, người lớn sáng tác
cho thiếu nhi bên cạnh lực lượng thiếu nhi tự sáng tác cho lứa tuổi mình. Nhiều vấn đề
được đề cập đến trong dòng văn học này. Nhà văn Lê Phương Liên định nghĩa văn học
thiếu nhi là một thể loại văn học đặc thù nhằm phục vụ một đối tượng văn học rộng lớn
bao gồm: lứa tuổi mầm non (dưới 6 tuổi), lứa tuổi nhi đồng (từ 6 -10 tuổi), lứa tuổi
thiếu niên (từ 11 - 13 tuổi), tuổi mới lớn (từ 13, 14 tuổi - 18, 19 tuổi).
Vì thế, nhiều nhà nghiên cứu thống nhất cho rằng: “Văn học thiếu nhi là
những tác phẩm viết về thiếu nhi và viết cho thiếu nhi do người lớn hoặc trẻ em
sáng tác, được nhìn qua lăng kính trẻ thơ, có nội dung hướng đến giáo dục, bồi
dưỡng tâm hồn, nhân cách trẻ em ở mọi lứa tuổi khác nhau. Có thể coi những sáng
13
tác viết cho thiếu nhi bao gồm: những tác phẩm viết cho trẻ em tuổi mầm non;
những tác phẩm viết cho thiếu niên, nhi đồng; những tác phẩm viết cho tuổi mới
lớn.” [27]. Khái niệm này đã bàn đến kiểu loại, người sáng tác, nội dung và phân
loại các tác phẩm văn học thiếu nhi. Trong các định nghĩa trên, chúng tôi nhận thấy
định nghĩa về văn học thiếu nhi được tác giả Nguyễn Thị Thanh Hương đề cập là
hợp lí và có sức thuyết phục. Vì thế trong luận văn, chúng tôi hiểu văn học thiếu nhi
theo định nghĩa này và như vậy thì văn học viết về/cho thiếu niên cũng được xác
định là một bộ phận của văn học thiếu nhi.
1.1.2. Khái quát về hành trình của văn học thiếu nhi ở Việt Nam
Văn học thiếu nhi là một bộ phận của văn học dân tộc, nó là nhành hoa nhỏ
nở riêng nhưng đầy cuốn hút và ngày càng chứng minh được vị thế của mình.
Khởi nguồn của sự lớn lên về tinh thần của trẻ Việt Nam là một bầu trời đầy
trăng sao, hoàng tử, công chúa, bà tiên, ông Bụt, những cánh rừng xa xanh với bao
con thú biết nói, bao loài hoa cỏ đẹp tươi … có trong những lời kể thắm tình của bà,
lời ru ngọt ngào của mẹ êm đềm bên vành nôi. Trí tuệ non nớt được nuôi dưỡng
tưới đẫm bởi những bài ca dao, đồng dao, truyện thần thoại, cổ tích, ngụ ngôn…
nâng đỡ các em vào cuộc sống. Mạch nguồn dân gian này sẽ trở thành một kỉ niệm
đẹp không dễ phai nhòa trong kí ức tuổi thơ của mỗi người.
Văn học thiếu nhi không được quan tâm trong thời kì phong kiến trung đại.
Giai đoạn này lực lượng vua, quan, nho sĩ tiến bộ luôn tâm niệm bởi lễ giáo đạo đức
phong kiến hà khắc, bởi văn dĩ tải đạo thi dĩ ngôn chí. Họ chưa quan tâm đến độc
giả là trẻ em.
Đến những năm đầu thế kỉ XX, khi văn học viết bằng chữ Quốc ngữ ra đời,
các nhà văn đã có viết đến chuyện gia đình, những đứa trẻ như trong Cha con nghĩa
nặng của Hồ Biểu Chánh. Nhưng đề cập sâu đến đời sống nội tâm của trẻ là chưa
có. Giai đoạn từ 1930-1945, nhiều tác giả trong Tự lực văn đoàn đề cập đến những
đứa trẻ thành thị nhưng chưa khái quát được số phận, cuộc đời chúng. Còn những
nhà văn hiện thực phê phán như Nam Cao với một loạt các truyện ngắn viết về trẻ
nghèo ở nông thôn với nhiều bất hạnh, vất vả, đắng cay như: Từ ngày mẹ chết, Bài
học quét nhà, Trẻ con không được ăn thịt chó, Một đám cưới, Một bữa no… Còn
với Nguyễn Công Hoan là truyện Hai cái bụng, Bữa no đòn…. Nguyên Hồng với
Những ngày thơ ấu thực sự đã đem đến cho người đọc thấu hiểu những cơ cực
thường ngày, những lầm lũi, khó nhọc, những bươn chải mưu sinh, những nỗi đau
14
thể xác và tinh thần mà trẻ em xưa từng trải qua. Dẫu những đắng cay ấy có dày lên
thì chúng ta cũng hiểu giữa hoàn cảnh đất nước còn lầm than nô lệ thì trẻ em chịu
khổ, gánh nặng tâm hồn hoặc chưa được quan tâm đúng mực cũng là điều dễ hiểu.
Bên cạnh đó, một số cây bút hiện thực khác lại viết theo lối đồng dao, mượn chuyện
loài vật để giáo dục con người, đặc biệt đối tượng hướng đến của họ là trẻ em. Đó là
Tô Hoài với Đám cưới chuột, Võ sĩ Bọ Ngựa, Dế Mèn phiêu lưu kí khiến ta lạc vào
thế giới dễ thương, ngọt ngào của trẻ thơ. Qua giọng văn hóm hỉnh, giàu chất trữ
tình những con vật ngộ nghĩnh ấy chuyển tải được nội tâm đáng yêu, hồn nhiên
trong trẻo nhưng đầy tinh nghịch, thích phiêu lưu khám phá, thỏa trí tò mò, ham hỏi
của trẻ thơ.
Trong thời kì “vất vả đau thương” nhưng “tươi thắm vô ngần” của đất nước
Việt Nam, dù chịu nhiều đớn đau trong cuộc chiến gay go, quyết liệt chống thực
dân Pháp và đế quốc Mĩ thì ta vẫn nhận thấy một dấu hiệu đáng mừng là nhiều nhà
văn nhà thơ quan tâm đến trẻ em hơn, viết nhiều hơn và còn xuất hiện những tác giả
là trẻ em nữa. Báo Thiếu sinh - tiền thân của báo Thiếu niên tiền phong ra đời năm
1946 thể hiện được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với thế hệ măng non. Các tờ
báo khác là diễn đàn của các em như Tuổi trẻ, Măng non … hay Nhà xuất bản Kim
Đồng cũng ra mắt đã đánh dấu sự chuyển mình của văn học hướng đến đối tượng
nhỏ tuổi này. Dù các nhân vật chính đều là những tấm gương thiếu nhi dũng cảm
trong cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước cũng đã thổi nguồn sinh khí cho các tác giả
khác niềm hào hứng viết nhiều, viết khỏe. Các cây bút đã có chỗ dựa là nhà xuất
bản Kim Đồng thì hiện thực xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chống Mĩ ở
miền Nam đã trở thành đề tài khơi nguồn cảm hứng cho các tác giả cả về số lượng
và về chất lượng. Ở mảng thơ trữ tình, Tố Hữu đóng góp những bài thơ ca ngợi
những em bé liên lạc gan dạ, dũng cảm, nhiệt tình với cách mạng như: Lượm,
Phước ơi… Một số cái tên gây ấn tượng với thiếu nhi qua những bài thơ như đồng
dao của Võ Quảng, Phạm Hổ đã gần gũi với thế giới nội tâm các em. Riêng Trần
Đăng Khoa - nhà thơ thiếu nhi đã cho ra đời tập Góc sân khoảng trời hồn nhiên
đáng yêu, lí lắc. Xuất hiện nhiều tác phẩm văn xuôi viết về thiếu nhi vừa có giá trị
văn học vừa có giá trị lịch sử, địa lí như Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi), Em bé
bên bờ sông Lai Vu (Vũ Cao), Cái Thăng (Võ Quảng)… Các tác giả không chỉ
hướng đến những sự kiện lịch sử như tiểu thuyết Lá cờ thêu sáu chữ vàng (Nguyễn
Huy Tưởng), An Cương với Sóng gió Bạch Đằng mà họ còn tập trung phản ánh góc
15
nhìn trẻ thơ về cuộc sống hàng ngày các em đang làm quen như: Bùi Hiển với
truyện ngắn Ngày công đầu tiên của cu Tí, Tô Hoài với Đàn chim gáy, Nguyễn
Kiên với Kể chuyện nông thôn…. Đề tài viết về mái trường cũng được chú ý. Sau
này khi miền Bắc vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa là hậu phương vững chắc cho
tiền tuyến lớn miền Nam thì văn học viết cho thiếu nhi càng dày thêm như: Quê nội
của Võ Quảng, Kim Đồng của Tô Hoài… Còn ở miền Nam lại là những em bé
chăm ngoan, yêu thương ba mẹ, thay ba mẹ chăm sóc các em khi họ sẵn sàng tham
gia kháng chiến. Phải kể đến chị em Chiến, Việt trong Những đứa con trong gia
đình (Nguyễn Thi), em bé trong Mẹ vắng nhà (Nguyễn Thi), bé Thu trong Chiếc
lược ngà (Nguyễn Quang Sáng) và còn có những em bé nơi núi rừng Xô Man, Tây
Nguyên thật thà, chân chất nhưng kiên định, trung thành với cách mạng như Tnú,
Mai khi nhỏ, là Dít, bé Heng trong Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành).
Sau khi đất nước hòa bình thống nhất, văn học đi tìm nguồn đề tài mới nhưng
chưa tạo được tiếng vang. Hơn nữa, văn học viết cho thiếu nhi không được đề cao
khi mà cuộc sống còn đang đối diện với cái đói, cái nghèo sau cuộc chiến. Chỉ từ
sau khi đổi mới căn bản đất nước, từ sau năm 1986, văn học nói chung và văn học
thiếu nhi nói riêng đã chạm sâu đến mọi mặt biến chuyển của đời sống xã hội,
những thay đổi của nền kinh tế thị trường, những gấp gáp trong lối sống chạy, sống
vội vàng tác động sâu sắc tới các gia đình và ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ em. Đó là
các tác phẩm Búp sen xanh của Sơn Tùng, những cuốn tự truyện Tuổi thơ dữ dội
của Phùng Quán, Tuổi thơ im lặng của Duy Khán hướng về quá khứ; những tác
phẩm như Bàn có năm chỗ ngồi, Bồ câu không đưa thư, Buổi chiều Window, Cô gái
đến từ hôm qua của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Và những truyện ngắn của Nguyễn
Ngọc Thuần, Cao Xuân Sơn… Đề tài về thiếu nhi miền núi cũng được chú ý đến
như Đồi sói hú của Nguyễn Quỳnh. Những khai thác nội tâm tâm lí trẻ thơ dành
riêng cho lứa tuổi “teen” như Kính vạn hoa, Chuyện xứ Lang Biang của Nguyễn
Nhật Ánh, Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư… Lực lượng sáng tác đông đảo
hơn, trẻ trung hơn, đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Vì thế, văn học viết cho thiếu
nhi sau năm 1986 đặc biệt là từ những năm 1995 trở lại đây có nhiều khởi sắc.
1.2. Khái quát về nhà văn Nguyễn Nhật Ánh
1.2.1. Nguyễn Nhật Ánh - nhà văn của thời đại nhiều biến động
Nguyễn Nhật Ánh sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt hai
miền: sau năm 1954, miền Bắc hòa bình xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu
16
phương vững chắc cho tiền tuyến lớn miền Nam; miền Nam đương đầu chống đế
quốc Mĩ. Sau đại chiến mùa xuân 30/4/1975, nước nhà thống nhất cùng đoàn kết
tiến lên chủ nghĩa xã hội. Nhưng bước ra khỏi cuộc chiến kéo dài, nền kinh tế đất
nước còn yếu kém, lạc hậu, một thời gian dài chúng ta sống tự cung tự cấp và phải
dựa vào sự viện trợ của nước ngoài. Vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa cố
gắng bảo vệ hòa bình đất nước, vừa nỗ lực vươn mình ra thế giới, từ sau Đại hội
Đảng VI năm 1986, chúng ta đã đổi mới kinh tế, xã hội, văn hóa nghệ thuật mọi mặt
đời sống chính trị. Vì thế, sau hơn 30 năm đổi mới, chúng ta hiện nay đã có nhiều
bước chuyển mình. Đặc biệt về văn học nghệ thuật được đổi mới căn bản, các nhà
văn đã tạo ra một diện mạo mới đầy sức sống khi nhìn vấn đề đời sống xã hội hiện
thực hơn. Người dân và thị hiếu đọc cũng được nâng cao. Đối tượng trẻ em vừa là
đối tượng phản ánh vừa là đối tượng tiếp nhận được các nhà văn chú ý hơn. Thêm
vào đó là sự phát triển không ngừng của khoa học kĩ thuật hiện đại, người đọc có
nhiều kênh giao tiếp hơn. Đó là thách thức lớn với các nhà văn giữa những biến
động không ngừng của hiện thực để tạo dựng dấu ấn riêng cho mình. Nguyễn Nhật
Ánh đã tạo được vương quốc cho mình với những trang văn dành cho tuổi thiếu nhi,
thiếu niên và gần đây là thanh niên trẻ.
Nguyễn Nhật Ánh sinh ngày 07 tháng 5 năm 1955 tại làng Đo Đo, xã Bình
Quế, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Đó là một miền quê nghèo lam lũ, đất
cằn sỏi đá nhưng cũng có những phong cảnh hữu tình dễ khơi gợi cảm xúc cho tâm
hồn yêu văn chương của tác giả. Lời bài hát về xứ Quảng vẫn luôn da diết “Đất
Quảng Nam chưa mưa đã thấm, rượu hồng đào chưa nhấp đã say” đưa ta về với
mảnh đất miền Trung thời tiết khắc nghiệt, ngập đầy nắng nóng, gió cát hoặc những
trận lũ lụt lớn. Nhà văn từng đặc tả về quê mình trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ
xanh (tr238): “Mưa như người giận dai, gầm gừ xối xả và miên man, có cảm giác
mây đen đã kéo cả đại dương lên trời để bây giờ hả hê trút xuống. Nửa khuya, lũ từ
thượng nguồn tràn về, mực nước từ từ dâng lên mấp mé mặt giường. Cảnh vật sau
khi lũ đi qua trông hoang tàn như một phim trường vừa quay xong cảnh chiến
tranh”. Nhưng cũng từ mảnh đất nghèo nàn, luôn hứng chịu thiên tai ấy đã gieo
trồng nguồn đề tài không vơi cạn cho ông, tạo nên khối lượng tác phẩm lớn cho nền
văn học dân tộc. Vùng đất quê ông “nổi tiếng với những đụn cát trắng chạy dài đến
tận chân trời, mùa hè nhìn ra ngoài nắng đã thấy xây xẩm mặt mày” [54, tr155].
Hơn nữa vùng này còn nổi tiếng với khoai lang Trà Đõa “Quảng Nam có lụa Phú
17
Bông/ Có khoai Trà Đõa có sông Thu Bồn”. Ông yêu miền quê nắng gió, lam lũ của
mình, về làng Đo Đo, Trà Long “làng quê mình sỏi đá nhiều hơn thóc gạo, nghèo
khó muôn đời” (Mắt biếc) thương về dải đất miền Trung dãi dầu mưa bão, ông tri
ân bằng cách quảng bá ra thế giới với trang web: www.quandodo.com và bằng cả
những lời văn chân thực giàu hình ảnh và cảm xúc gửi gắm qua tác phẩm của mình.
Thuở nhỏ, ông học tại quê nhà (trường Tiểu La, Trần Cao Vân, Phan Chu
Trinh) tĩnh lặng, êm đềm bên gia đình. Từ năm 1973, ông vào Sài Gòn và học Sư
phạm. Ông từng tham gia chiến tranh chống Mĩ, dạy học, làm công tác Đoàn Thanh
niên. Đây cũng được coi là thời gian vất vả, bươn chải nhất trong cuộc đời ông. Ông
chịu nhiều thử thách gian nan của cuộc sống nhiều lúc tưởng chừng bế tắc. Nhưng
“Anh đã hứng lấy những đổi thay quanh mình để làm nên một gia tài quý báu” (Lê
Minh Quốc). Sau 1986, ông là phóng viên của Nhật báo Sài Gòn giải phóng. Ông viết
nhiều thể loại, thể tài khác nhau: sân khấu, thiếu nhi, bình luận thể thao. Ông có nhiều
bút danh như Chu Đình Ngạn, Anh Bồ Câu, Lê Duy Cật, Đông Phương Sóc, Sóc
Phương Đông … Nhưng có lẽ gần gũi thân quen nhất với độc giả là cái tên Nguyễn
Nhật Ánh - nhà văn thân quý của tuổi thơ, hoàng tử bé của thế giới tuổi thơ…
Thời đại nhiều biến động, cuộc sống bươn chải, lận đận nhiều thăng trầm đã
tạo dựng cho ông vốn sống phong phú. Ông thấu hiểu đời sống cơ cực, lam lũ của
những đứa trẻ và người dân xứ Quảng nói riêng và miền Trung nói chung. “Tôi có
thể nhìn thấy sự đói kém hiển hiện từng ngày trong mâm cơm. Nồi cơm lưng hơn.
Thức ăn ít đi. Cá thịt thưa dần, có hôm mất tích hẳn. Thỉnh thoảng có bữa tôm rang
thì con nào con nấy mặn chát muối bám quanh con tôm trắng xóa như tuyết. Chỉ với
một “con tôm tuyết” đó, tôi có thể ăn ba chén cơm.” [10, tr260]. Đó là lũ lụt, là cái
nghèo, cái đói, cái khổ quẩn quanh, đeo bám. Hơn nữa, ông lại ham mê tìm tòi, làm
việc có trách nhiệm, khiến tác phẩm của ông đậm chất hiện thực. Những trang văn
của ông ngồn ngộn chất tự nhiên như bước ra từ trong đời sống thường ngày của
người dân xứ Quảng nhưng cũng thấm đượm trữ tình. Hiện nay, ông đang sống tại
thành phố Hồ Chí Minh và là nhà văn nổi tiếng nhất ở Việt Nam với dòng văn viết
cho thiếu nhi và nói theo lời của PGS.TS Lã Thị Bắc Lý thì “Nguyễn Nhật Ánh
thuộc số người có bút lực dồi dào vào bậc nhất Việt Nam và là người gánh sứ mệnh
lịch sử - Người giữ lửa cho văn học thiếu nhi Việt Nam suốt thời kì Đổi mới và hội
nhập” [39, tr20] hay “Nguyễn Nhật Ánh đã đến lúc trở thành một trường hợp không
thể không tính đến của lịch sử văn học đương đại” [20, tr49].
18
1.2.2. Khái quát hành trình sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh
Nguyễn Nhật Ánh trở thành cái tên quen thuộc và “thương hiệu riêng” với độc
giả nhỏ tuổi và cả các bậc phụ huynh Việt Nam suốt hơn 30 năm qua. Sáng tác của
ông đã đánh thức bao kí ức tuổi thơ dần quên lãng, gọi lại kỉ niệm hồn nhiên, vui
tươi qua trang văn gần gũi, nhẹ nhàng, trong sáng. Đọc văn của ông ta như được trở
lại với tuổi thơ quen thuộc của mình ngày nào. Tác phẩm của ông không kén độc
giả mà phù hợp với mọi lứa tuổi. Mỗi khi ông cho ra đời tác phẩm mới, công chúng
nồng nhiệt chờ mong đón đợi. Vì thế, ông đã trở thành nhà văn nổi tiếng nhất trong giai
đoạn đương đại, nhà văn có số lượng sách xuất bản nhiều nhất, tái bản nhiều nhất và
bán chạy nhất, một “best seller”. Nhiều tác phẩm của ông được dịch ra tiếng nước
ngoài. Và mọi người quen gọi ông là nhà văn của thế hệ thiếu nhi Việt Nam mà như
PGS.TS Văn Giá thì “e chừng cái danh xưng ấy vẫn chật chội” [15, tr49] bởi giọng
văn và nội dung truyện của Nguyễn Nhật Ánh chinh phục tất cả mọi đối tượng độc giả.
Nguyễn Nhật Ánh đã đóng góp công sức rất lớn cho đổi mới nền văn học đương
đại nước nhà đặc biệt là dòng văn học thiếu nhi - một mảnh đất màu mỡ nhưng ít người
thành công khi khai vỡ. Trẻ em được hòa mình vào những câu chuyện thân quen hàng
ngày, những xúc cảm bí mật tuổi thiếu niên mới lớn e ấp xinh tươi, những trò đùa nghịch
hồn nhiên trong trẻo. Người lớn có thể gọi lại tuổi thơ đã từng bị lãng quên nơi sâu thẳm
tâm hồn sau bao tháng ngày trăn trở với cuộc sống hiện thực bộn bề. Vì thế, truyện của
ông tự nhiên đi vào lòng người đọc, tạo một sức hút lớn.
Nguyễn Nhật Ánh là người viết văn giỏi ngay từ nhỏ. Ông yêu thích việc viết
văn. Ông ham mê đọc sách, truy tìm tài liệu, tạo nên những trang văn gần gụi, thân
thiết đặc biệt với thiếu nhi. Ông thử sức và đã thành công trên nhiều thể loại. Cụ thể:
1.2.2.1. Thơ
Năm 13 tuổi, ông đăng báo bài thơ đầu tiên. Tác phẩm đầu tiên in thành sách
là một tập thơ: Thành phố tháng tư (in chung với Lê Thị Kim, 1984, Nhà xuất bản
Tác phẩm mới). Ông còn có bài thơ được phổ nhạc Thành phố tình yêu và nỗi nhớ
rất nổi tiếng. Các tập thơ khác: Đầu xuân ra sông giặt áo (1986), Tứ tuyệt cho nàng
(1994), Lễ hội của đêm đen (1994). Thơ của ông vừa nhẹ nhàng, tươi vui nhưng có
nhiều bài thơ tình yêu chân thành, giàu xúc cảm.
1.2.2.2. Truyện dài
Truyện dài đầu tiên của ông là tác phẩm Trước vòng chung kết (1985, NXB
Măng Non). Hai mươi năm trở lại đây, ông tập trung viết văn xuôi, chuyên sáng tác
19
về đề tài thanh thiếu niên với sức viết bền bỉ, trong đó có năm ông cho ra mắt liên
tục 04 truyện dài. Những tác phẩm truyện dài hay tập truyện của ông “như một thỏi
nam châm lớn có sức hút kì diệu” với công chúng bạn đọc như: Cô gái đến từ hôm
qua (1989), Mắt biếc (1990), Bong bóng lên trời, Hạ đỏ (1991), Út Quyên và tôi, Đi
qua hoa cúc, Buổi chiều windows (1995), Chuyện xứ Lang Biang (2004-2006), Tôi
là Bêtô (2007), Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (2008), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ
xanh (2010), Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng, Ngày xưa có một chuyện tình
(2016), và mới đây 07/01/2018 là cuốn truyện Cây chuối non đi giày xanh được
xuất bản. Đây là mảnh đất mà ông gieo hạt mầm nhiều nhất và thu được vụ mùa bội
thu. Thế giới nhân vật trong sáng tác truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh chủ yếu là
trẻ thơ, những bạn tuổi mới lớn. Có thể là bạn học trò nơi nông thôn xa xôi, cũng có
thể là một bạn nơi thành thị, đôi khi có cả loài động vật mà trẻ em yêu thích như Xin
lỗi mày Tai To, Tôi là Bê tô, Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ, Chúc một ngày tốt
lành hay Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng. Phông nền truyện của ông thường diễn
ra ở miền quê nghèo lam lũ nhưng yên bình tại Quảng Nam quê ông cũng có khi
diễn ra giữa thành phố Hồ Chí Minh ồn ào, náo nhiệt. Ông gắn bó với trẻ nên bằng
giọng văn hài hước, đậm chất nghịch ngợm ông đưa người đọc trở về với những kỉ
niệm ấu thơ, nhặt nhạnh những niềm vui nỗi buồn thời học trò xa vắng, gọi dậy
những trái tim khô cằn đập thổn thức tình yêu học trò ngây thơ vụng dại. Ở thể loại
truyện dài này “Nguyễn Nhật Ánh thuộc số người có bút lực dồi dào vào bậc nhất ở
Việt Nam những năm cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI” [39, tr20].
1.2.2.3. Tạp văn
Bên cạnh đó, ông còn viết tạp văn với Sương khói quê nhà, Người Quảng đi ăn
mì Quảng (2012), Thương nhớ Trà Long (2014). Tạp văn là thể loại để ông tự do, thoải
mái viết, bàn về tất cả những vấn đề hơi thở cuộc sống bộn bề. Đồng thời, những tạp
văn ấy đã minh chứng được tình yêu cháy bỏng, nồng nàn của ông với quê hương. Dù
xa quê, lâu không trở về quê nhưng đọc những tạp văn này lại thấy quê hương với
những nét riêng thân thương đến vậy. Ông suy ngẫm về nhiều thứ quanh mình và đã
viết tri ân và quảng bá về quê hương mình - mảnh đất Quảng Nam.
Thành công của ông không chỉ dừng lại ở việc làm thơ, viết văn, viết báo mà
những tác phẩm của ông cũng đã được các đạo diễn phim yêu thích. Một số tác
phẩm của Nguyễn Nhật Ánh đã được chuyển thể vào điện ảnh: Áo trắng sân trường
(phim 1990) dựa trên truyện dài Nữ sinh (1989); Thằng quỷ nhỏ (phim 1997) dựa
20
trên truyện dài cùng tên; Chú bé rắc rối (phim 1998) dựa trên Chú bé rắc rối; Bong
bóng lên trời (phim) - chuyển thể cùng tên năm 1997, phim do Hãng phim truyện
Việt Nam (VFC) sản xuất cũng là bộ phim miền Bắc duy nhất; Nữ sinh (phim 2008
dài 10 tập) dựa trên truyện dài Nữ sinh, Bồ câu không đưa thư và Buổi chiều
Windows; Kính vạn hoa (phim 2004); Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (phim 2015);
Cô gái đến từ hôm qua (phim 2017); Ngồi khóc trên cây, Thiên thần nhỏ của tôi
(phim sẽ bấm máy vào tháng 09/2018 và phát sóng vào dịp hè 2019). Bởi những tác
phẩm này đều dễ chạm đến lòng trắc ẩn, những vui tươi, tinh nghịch, hồn nhiên
đáng nhớ tuổi học trò hay những “lần đầu rung động nỗi thương yêu”…
Năm 1990, truyện dài Chú bé rắc rối được Trung ương Đoàn Thanh niên
Cộng Sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng Văn học Trẻ hạng A. Năm 1995, ông được
bầu chọn là nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm (1975-1995) qua cuộc trưng
cầu ý kiến bạn đọc về các gương mặt trẻ tiêu biểu trên mọi lĩnh vực của Thành
Đoàn thành phố Hồ Chí Minh và báo Tuổi trẻ, đồng thời được Hội nhà văn thành
phố Hồ Chí Minh chọn là một trong 20 nhà văn trẻ tiêu biểu trong 20 năm (1975-
1995) và 30 năm (1975-2005). Năm 1998, ông được Nhà xuất bản Kim Đồng trao
giải cho nhà văn có sách bán chạy nhất. Năm 2003, bộ truyện nhiều tập Kính vạn
hoa được Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trao huy chương “Vì
thế hệ trẻ” và được Hội nhà văn Việt Nam trao tặng thưởng. Năm 2009, ông nhận
giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam. Năm 2010, Nguyễn Nhật Ánh nhận giải
thưởng văn học ASEAN cho cuốn Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, giải thưởng
FAHASA năm 2012. Đến nay, ông đã xuất bản gần 100 tác phẩm và từ lâu đã trở
thành nhà văn thân thiết của các bạn đọc nhỏ tuổi ở Việt Nam. Nhà báo Nguyễn
Hoàng Sơn đã coi Nguyễn Nhật Ánh là “một hiện tượng” và cất công đi tìm bí
quyết văn chương của ông.
Nghe lời tâm sự của ông, đọc tác phẩm của ông, ngay cả phụ huynh cũng chìm
vào kí ức một thời tuổi nhỏ. Ai cũng có kí ức riêng mình nhưng cũng gắn bó với
bạn bè, thầy cô, mái trường, hàng xóm, người thân, quê hương... Những trò chơi
hồn nhiên khi bé thơ hay cả rung động đầu đời ngây thơ tuổi mới lớn chập chững
yêu thương hờn giận, hoặc lớn hơn nữa là tình yêu thật lòng, thật dạ đều được ông
viết ra với tâm hồn hồn hậu, nhẹ nhàng, nhiều đoạn còn gây cười hóm hỉnh. Nhưng
hơn hết cả, đề tài viết cho thiếu nhi được ông viết nhiều nhất và thành công nhất bởi
lòng yêu trẻ, gắn bó với trẻ, yêu quê, nhớ bạn và bởi kỉ niệm thời thơ ấu luôn ùa về.
21
“Ông dành cả cuộc đời của mình viết cho tuổi nhỏ vì ông phát hiện ra mình có khả
năng sống trong một tuổi thơ kéo dài bất tận, có trí nhớ dai đến từng chi tiết trong
thời hoa niên của mình, biết kể lại chúng khéo đến mức mỗi đứa trẻ đều có thể thấy
mình trong đó” [2, tr30]. Và như lời của GS.TS Lê Huy Bắc thì “viết truyện thiếu
nhi vốn đã khó nhưng để thành công như Nguyễn Nhật Ánh thì tiềm lực văn hóa có
lẽ cần gấp bội phần khi viết các loại truyện cho những đối tượng khác. Nhà văn
chứng tỏ được điều, thế giới con người dù già hay trẻ cũng đều cần chút “gia vị”
tuổi thơ. Những ai đánh mất tuổi thơ thì không thể tìm thấy được hạnh phúc ở thực
tại và tội ác thường có nguồn gốc từ những sai lạc từ tuổi thơ mà không kịp thời
điều chỉnh. Đến đây ta thấy, Nguyễn Nhật Ánh còn là môn đồ xuất sắc của Sigmund
Freud, và những ai trót lỡ đánh mất tuổi thơ thì có thể quay tìm lại, dẫu đã muộn
trên những trang viết ma mị nhưng thấm đẫm tình người của ông.”
1.3. Vị trí Nguyễn Nhật Ánh trong dòng văn học viết về thiếu nhi
Đề tài, chủ đề của văn học thiếu nhi Việt Nam rất đa dạng: phản ánh về cuộc
chiến đấu chống giặc giữ nước, phong trào xây dựng chủ nghĩa xã hội, lối sống mới,
việc học hành, miền núi, tình bạn, tình yêu học trò… mọi mặt phức tạp của đời
sống. Từ hệ thống thể loại tự sự đến trữ tình trong văn học dân gian như thần thoại,
cổ tích, truyện ngụ ngôn, ca dao, vè, câu đố… đến văn học viết như truyện ngắn,
truyện dài, tự truyện, thơ. Lực lượng sáng tác có sự gia tăng mạnh mẽ, mỗi người
lại có một phong cách riêng tạo nên sự đa sắc, đa thanh. Họ đã sáng tác nhiều hơn
để kịp thời giáo dục trẻ, kịp thời giải trí tránh khỏi những trò chơi vô bổ mà thế giới
công nghệ mang lại. Những nỗi đau bi kịch cuộc đời được nhìn qua mắt trẻ thơ
cũng nhẹ nhàng hơn, đậm chất nhân văn hơn. Cách viết, cách tiếp cận cũng có nhiều
đổi mới. Tuy nhiên, nhà văn gắn bó sâu nặng nhất với văn học thiếu nhi là Nguyễn
Nhật Ánh. Với số lượng tác phẩm ra mắt hàng năm trước sự ngóng chờ của độc giả
đã cho thấy sức hút trong văn phong và nội dung đề tài mà ông thể hiện. Một loạt
các tác phẩm vừa ra mắt đã gây tiếng vang lớn, vừa in xong lại tái bản luôn như: Cô
gái đến từ hôm qua, Mắt biếc, Hạ đỏ, Còn chút gì để nhớ, Cho tôi xin một vé đi tuổi
thơ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Tôi là Bê tô, Con chó nhỏ mang giỏ hoa
hồng… Văn học thiếu nhi thực hiện chức năng giáo dục trẻ nhỏ của mình nên
những tác phẩm viết cho thiếu nhi đều thể hiện thế giới trẻ thơ ngộ nghĩnh, đáng
yêu, những cảm xúc rung động… Tô Hoài khẳng định: “Nội dung một tác phẩm
văn học viết cho thiếu nhi bao giờ cũng quán triệt vấn đề xây dựng đức tính con
22
người. Nói thì thừa, cần nhắc lại và thật giản dị, một tác phẩm chân chính có giá trị
đối với tuổi thơ là một tác phẩm tham dự mạnh mẽ vào sự nghiệp nên người của
bạn đọc ấy”. Còn nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng hơn một lần nói rằng: “Nhà văn
viết cho thiếu nhi bao giờ cũng đồng thời là một nhà giáo dục; cùng với bố mẹ và
thầy cô, họ là một trụ đỡ tinh thần quan trọng của các em” [5, tr18]. Hay “Phải viết
sao cho hay, cho hấp dẫn mà vẫn đảm bảo tính lô gic, đặc biệt khi tình tiết quá
nhiều, quá rắc rối. Mặt khác, truyện phải vui vẻ, nhẹ nhàng, không nhiều yếu tố gây
sốc và không đi chệch khỏi yêu cầu giáo dục” [5, tr19]. Và cũng để thực hiện chức
năng này mà các tác phẩm dành cho thiếu nhi bao giờ cũng ngắn gọn, không gò ép
khiên cưỡng theo suy nghĩ của người lớn. Mỗi truyện thường có kết thúc vui vẻ, có
hậu hoặc nếu không là buồn cũng nhẹ nhàng mơ hồ chứ không nặng nề. Tất cả nhà
văn viết cho thiếu nhi đều "nhìn con người, nhìn cuộc đời bụi bặm của chúng ta
bằng con mắt trong veo và ngơ ngác của con trẻ...". Những tác phẩm đều có dung
lượng ngắn gọn, kết cấu đơn giản, ngôn từ giản dị giàu tính nhạc và sự hài hước.
Bởi thế, nó gần gũi với các em và thu hút các em hơn. Đặc biệt, tính giáo dục trong
tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh “rất tự nhiên, không khiên cưỡng, bởi vì được viết
với thái độ người trong cuộc giản dị, đầy trách nhiệm… đã nuôi dưỡng nhiều giá trị
tinh thần trong thế giới trẻ thơ, giúp chúng thoát khỏi nguy cơ bị mai một và ngày
càng trở nên cằn cỗi trong thế giới hiện đại. Một thế giới đầy ắp tiếng cười và tình
yêu thương tỏa ra từ các tác phẩm của anh sẽ sưởi ấm tâm hồn các em, đưa các em
hòa nhập cuộc sống, thoát khỏi nỗi cô đơn mà các em không phải chịu” [18, tr64].
Ngoài ra cũng cần chân thực nhìn nhận vấn đề tâm lí trẻ hiện nay: đó là sự tò
mò tìm hiểu, là chút vụng dại e ấp tình đầu, là gần gũi với cuộc sống thường ngày
của các em. Ví như chủ các gia đình đều là phụ nữ nên chăng bởi phụ nữ luôn là
người gần gũi với trẻ thơ hơn? Nguyễn Nhật Ánh rất tin yêu trẻ em nên tạo ra sự
gần gụi đáng yêu nhất. “Ông mượn những mô tip nhân vật từ truyện kể dân gian,
nhà văn còn sử dụng lối kể khách quan xen bình luận chủ quan từ cái nhìn của một
đứa trẻ khiến khung thẩm mĩ truyền thống thay đổi đột ngột” [11, tr43] với những
so sánh ví von hóm hỉnh đôi khi ngỗ ngược. Cách kể chuyện lắng đọng, đôi khi tạo
ra khoảng trống văn bản để người đọc đồng sáng tạo.
Như vậy, từ sau năm 1986 trong bối cảnh đổi mới toàn diện cả nền văn học thì
văn học thiếu nhi nói chung, văn học thiếu niên nói riêng cũng có sự vận động thay
đổi. Các nhà văn đem trẻ thơ gần gũi với trẻ thơ hơn. Chúng không còn là những
23
nhân vật được lí tưởng hóa như Lượm, Tnú, Mai, Dít, Chiến, Việt… nữa mà đã có
những nhân vật trẻ em đầy tội lỗi mắc phải hàng ngày khiến trẻ em đều thấy có
bóng dáng mình trong đó. Một cảm giác thoải mái không còn nặng nề ngợi ca nữa,
trẻ em được hồn nhiên vui chơi, nghịch ngợm như tuổi thơ phải thế.
Tiểu kết chương
Khi nhắc đến dòng văn học Việt Nam viết cho trẻ em giữa bao tên tuổi cây bút
nổi tiếng thành công “xưa nay hiếm” như: Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Phạm Hổ,
Võ Quảng… còn có những tác giả tạo được tiếng vang cho mình qua nhiều tác
phẩm tiêu biểu, thu hút sự chú ý của độc giả nhí: Phùng Quán, Nguyễn Duy Khán,
Sơn Tùng, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Thuần, Cao Xuân Sơn… Mỗi người
đều tạo nên cho mình một phong cách riêng, một dấu ấn riêng, một vương quốc
riêng. Trong số đó, Nguyễn Nhật Ánh qua thời gian đã chứng minh được sức hút
của mình, một “hiện tượng độc đáo”, một “best seller” của văn học thiếu nhi đặc
biệt là văn học viết cho lứa tuổi thiếu niên. Những tác phẩm nổi tiếng ngay khi xuất
bản và liên tục được tái bản, được chuyển thể hoặc dịch ra tiếng nước ngoài cùng
với những giải thưởng trong nước và quốc tế là sự ghi nhận vinh danh đối với nhà
văn đồng thời cũng là sự khẳng định thuyết phục về vị trí của ông trong dòng chảy
văn học thiếu nhi nói riêng, văn học đương đại nói chung. Những truyện dài của
ông mang đặc trưng của những câu chuyện hàng ngày trong thế giới tuổi thơ được
kể lại một cách ấn tượng. Từ nhân vật chính đến những bài học giá trị đạo đức được
tác giả gửi gắm qua câu nói hoặc cách nhìn nhận rất nhẹ nhàng, dung dị phù hợp với
tâm lí trẻ em. Ông kế thừa những yếu tố của văn học truyền thống, vừa sáng tạo
mang nét riêng của văn học hiện đại tạo sự gần gũi, tinh tế mà vẫn hấp dẫn lạ
thường. Nguyễn Nhật Ánh đã được gọi bằng những cái tên ý nghĩa ông già bán vé
tuổi thơ, là tay phù thủy, nhà ảo thuật, là người cung cấp vitamin ngọt ngào, hiệp sĩ
tuổi thơ, nhà văn thân quý của tuổi thơ, hoàng tử bé của thế giới tuổi thơ.
24
Chương 2
MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM NỔI BẬT TRONG SÁNG TÁC VỀ ĐỀ TÀI VIẾT
CHO THIẾU NIÊN CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong lần trả lời phỏng vấn báo Người lao động
28/8/2007 có nói: “Sách đối với trẻ em giống như một người bạn. Nếu đã tin cậy,
trẻ em sẽ sẵn lòng nghe nhà văn kể bất cứ câu chuyện gì.” Và không chỉ chúng tôi
mà rất nhiều người khi đọc xong truyện của ông đều sẵn lòng nghe ông kể bất cứ
câu chuyện gì. Những câu chuyện ấy như một liều thuốc bổ tưới tắm vun trồng cho
kí ức tuổi thơ tôi thêm ngọt ngào, sâu sắc. Còn nhà văn Nguyễn Quang Lập (báo
Tuổi trẻ, 8/12/2010) đã thấy được “tính gây nghiện” bởi triết lí sống vì nhau trong
sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh. Đó có thể là bài học luân lí, là sự khám phá về tình
người; là biết bao nỗi ăn năn. Những tác phẩm của ông đã “dựng lên một lĩnh vực
mới mẻ mà văn học thiếu nhi Việt Nam chưa từng có” khiến cho tác phẩm của
Nguyễn Nhật Ánh “vừa rất toàn cầu mà vẫn gần gũi” phổ quát chân lí được “diễn
đạt bằng một thứ ngôn ngữ mà tuổi nào, quốc tịch nào cũng hiểu được.” [70, tr366].
Hơn nữa, như đã trình bày ở trên, do yếu tố chiến tranh, thời đại, văn hóa xã hội nên
trước đây, văn học chưa chú ý đến độ tuổi thiếu nhi. Các nhà văn chỉ chú trọng xây
dựng hình tượng trẻ em anh hùng để phục vụ cho lợi ích của cộng đồng. Sau đổi
mới, văn học quan tâm tới trẻ thơ hơn nhưng nhu cầu của trẻ em dậy thì hầu như bị
lãng quên và ít khi được chú ý đến. “Tuổi dậy thì lại là thế hệ chưa chín chắn như
người lớn nhưng không còn trẻ nhỏ nữa, đây là thế hệ phức tạp và khó bảo đối với
các bậc cha mẹ. Trẻ em thuộc thế hệ này có quan tâm và sở thích riêng, có vấn đề
riêng không chia sẻ với cha mẹ.” [70, tr366]. Chúng ta cũng biết đây là tuổi mới
lớn, tuổi thiếu niên nổi loạn, tuổi của học sinh trung học cơ sở (THCS) luôn muốn
chứng minh mình là người lớn và được mọi người công nhận. Trẻ em thường muốn
được kể chuyện của mình và mong muốn mọi người thấu hiểu, trân trọng. Nguyễn
Nhật Ánh trong các tác phẩm của mình đã thể hiện được nhiều nội dung mang tính
giáo dục cao, phù hợp với tâm lí con trẻ đặc biệt là đối tượng thiếu niên.
Theo các nhà tâm lí học giáo dục thì lứa tuổi thiếu niên là một trong những
giai đoạn phát triển của đời người, giai đoạn giữa tuổi nhi đồng (học sinh Tiểu học)
và tuổi thanh niên (học sinh Trung học phổ thông). Tuy quan niệm về tuổi thiếu
niên, tuổi vị thành niên, và tuổi học sinh THCS không đồng nhất với nhau, nhưng
nhìn ở góc độ giáo dục cũng không có sự khác biệt lớn. Lứa tuổi học sinh THCS có
25
vị trí đặc biệt trong quá trình phát triển của trẻ em. Vị trí đặc biệt này được phản
ánh bằng những tên gọi như: “thời kỳ quá độ”, “thời kỳ chuyển tiếp”, “thời kỳ trung
gian”, “lứa tuổi bắc cầu” từ trẻ sang người lớn, hoặc “tuổi khó bảo, “tuổi khủng
hoảng”… Những tên gọi này nói lên tính phức tạp và tầm quan trọng của lứa tuổi
THCS trong quá trình phát triển của trẻ em. Theo Từ điển tiếng Việt, Hồ Ngọc Đức
đã định nghĩa: “Thiếu niên là trẻ em ít tuổi hơn thanh niên, vào khoảng từ mười tuổi
đến mười lăm, mười sáu tuổi”. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng đã tập trung bút lực
của mình rất nhiều để viết về lứa tuổi này. Trong phạm vi nghiên cứu chúng tôi thấy
hai tác phẩm Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh và Cây chuối non đi giày xanh đều có
nhân vật chính ở độ tuổi thiếu niên, chỉ có Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ là viết cho
mọi lứa tuổi ai đã từng có tuổi thơ nhưng nhân vật chính qua hồi tưởng của những
người đã trưởng thành kể về lúc/thời điểm họ 8 tuổi.
Qua ba tác phẩm trên, có thể nhận thấy sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh mang
một số đặc điểm nổi trội như: cốt truyện đơn giản, tập trung vào một số chủ đề quen
thuộc; bên cạnh những bài học có giá trị đạo đức và thẩm mĩ, nghệ thuật kể chuyện tài
tình là một trong những nhân tố quan trọng góp phần làm nên thành công của ông.
2.1. Chủ đề nổi bật
Với những nhà văn lựa chọn gắn bó lâu dài với một mảng đề tài nào đó, việc
tập trung ngòi bút vào một số chủ đề quen thuộc là điều không thể tránh khỏi. Vấn
đề nằm ở chỗ nhà văn phải tự làm mới mình như thế nào để có được những tác
phẩm cùng viết về một chủ đề mà không bị lặp lại một cách nhàm chán. Thực tế cho
thấy, những sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh, một nhà văn trường kì thâm canh trên
mảnh ruộng văn chương viết cho thiếu nhi, cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Từ
những trang viết trong Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ
xanh và Cây chuối non đi giày xanh, một thế giới tuổi thơ hiện lên chứa chan những
kỉ niệm và ngập tràn tình bạn trong sáng cùng với những rung động ban sơ của tình
yêu tuổi học trò.
2.1.1. Những kỉ niệm tuổi thơ
Đề tài viết cho thiếu niên chỉ là một mảng trong sáng tác viết cho thiếu nhi
của Nguyễn Nhật Ánh nhưng lại là mảng viết ghi dấu nhiều thành công hơn cả. Có
lẽ một phần là do lứa tuổi này, như trên đã nói, nằm ở giai đoạn chuyển giao giữa
người lớn và trẻ nhỏ với những sự thay đổi lớn lao về tâm sinh lí, khó nắm bắt - là
một lứa tuổi “có vấn đề”, có nhiều điều thú vị để khám phá. Những kỉ niệm của
26
“tuổi dở hơi” là một phần không thể thiếu trong bức tranh toàn cảnh của tuổi thơ
mỗi người. Nó bao gồm những sự kiện, những trải nghiệm còn lưu lại được dấu ấn
sâu đậm trong tâm trí con người khi nhớ lại về quãng thời gian ấu thơ. Khoa học
từng chứng minh rằng, trí nhớ trong não bộ của con người là hữu hạn trong khi
những gì con người cần/muốn nhớ lại là vô hạn. Để thiết lập một sự cân bằng, não
bộ của con người có cơ chế lựa chọn bỏ qua/quên có lựa chọn một số thông tin và
chỉ giữ lại những thông tin “ấn tượng” nhất, có tác động mạnh nhất tới não bộ hoặc
được cho là “hữu ích” nhất. Khi khảo sát thế giới tuổi thơ trong sáng tác của
Nguyễn Nhật Ánh, chúng tôi nhận thấy những kỉ niệm tuổi thơ gắn bó chặt chẽ với
những con người và môi trường sống quen thuộc của nhân vật.
Trước hết, đó là những ấn tượng và tình cảm của các nhân vật đối với quê
hương, làng xóm. Những kỉ niệm ăm ắp trong ba tác phẩm đang khảo sát đều mang
dấu ấn về miền quê Hà Lam. Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ không có nhiều dòng
đặc tả về quê hương như trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh và Cây chuối non đi
giày xanh nhưng quê hương vẫn được tái hiện qua nỗi nhớ về quê hương và bạn bè
thơ ấu được lồng ghép vào nhau.
Từ mảnh ghép của các sự kiện, từ những dòng suy tư, hồi tưởng của các nhân
vật, bức tranh miền quê Hà Lam được hiện lên với nhiều mảng màu đậm nhạt khác
nhau, chất chứa nhiều cung bậc cảm xúc.
Cần phải nói, ấn tượng chung về quê hương của các nhân vật là một vùng
quê nghèo nàn, lam lũ, luôn phải đối diện với những sự khắc nghiệt của thiên tai.
Hiện thực ấy được cụ thể hóa qua những khung cảnh hoang vu, trơ trụi đất Quảng
mà xóm Miễu trên đồi Cỏ úa gần nghĩa trang nơi nhà Thiều ở [10] là một ví dụ.
Xóm Miễu hoang vu với những “trảng ngập cỏ may” ngút mắt với “những bụi mắc
cỡ đầy gai nằm cạnh những đóa mười giờ say ngủ” (Hạ đỏ) còn được xuất hiện
trong nhiều truyện khác của Nguyễn Nhật Ánh. Đó là miền quê luôn phải chống
chọi với những trận mưa lũ kéo dài, gồng mình để cuộc sống của người dân bớt
khổ, là cảnh giông gió khủng khiếp [8], cảnh tan hoang khi trận lũ qua đi được ví là
“không khác gì cảnh phim trường sau chiến tranh” [10].
Bên cạnh diện mạo lam lũ, nghèo khó, trong 4 chương truyện Cây chuối non
đi giày xanh (với 45 hồi nhỏ và 302 trang viết), có nhiều đoạn văn liên tiếp tả miền
quê, tả mùa rất nhẹ nhàng, thanh bình, đẹp đẽ, chạm khắc vào tâm hồn đang vụng
về yêu thương của Đăng, Thắm những nốt nhạc du dương. Đó là thị trấn Hà Lam
27
tuy nghèo nhưng thơ mộng với con suối xóm Trong nên thơ, nước trong suốt, là
những bụi dong riềng nở hoa đỏ ối, là cây phượng nở đỏ trong chùa Giác Nguyên,
những dấu hiệu chuyển mùa cũng được nhắc đến rất ấn tượng. Có đoạn văn tả cảnh
giông gió miền Trung nhưng không tàn hại như trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ
xanh mà chỉ qua loa, nhanh gọn rồi mau chóng chuyển đến cảm nhận tốt lành, vui
tươi. “Giông gió ngoài trời khủng khiếp thật, nhưng chỉ nổi lên một ngày rồi thôi…
Sau mưa, bầu trời xanh ngắt và mây chuyển sang màu lông ngỗng. Gió bắt đầu dịu
đi, nhún nhảy nhẹ nhàng trên cành phượng trước sân chùa Giác Nguyên và kéo đi
xào xạc trong vườn nhà bà nội tôi từ sáng tới chiều” [8, tr116-117]. Đọc những
đoạn văn miêu tả thiên nhiên quê hương xứ Quảng như thế, ta bắt gặp nỗi nhớ
mong, sự gắn bó và tình cảm chân thành, tha thiết đối với quê hương của tác giả
được gửi gắm qua lăng kính của các nhân vật.
Cùng với những khung cảnh thiên nhiên vừa dữ dội, vừa lãng mạn của xứ
Quảng là hình ảnh những con người quen thuộc trong xóm, trong làng. Đó là những
mảnh đời với số phận và tính cách được khắc họa khá rõ nét. Trong Cho tôi xin một
vé đi tuổi thơ không có nhiều lời kể, tả về nhiều người thân quen trong làng mà chỉ
là ba mẹ của cu Mùi, ba con Tí sún, mẹ con Tủn, ba mẹ thằng Hải cò, … được nhắc
đến quê một cách ngắn gọn, lồng ghép vào trong các kỉ niệm tuổi thơ của bộ tứ mà
thôi. Nhưng với truyện Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh lại khác, ở 81 chương trong
tổng số 378 trang sách lại bắt đầu với một miền quê nghèo khó gắn liền với những
người thân thuộc xóm làng có số phận bất hạnh, dị thường. Những câu chuyện về
họ từ cuộc sống, tính cách đều rất riêng biệt nhưng mặn mà tình yêu nồng hậu. Ông
Tám Tàng mổ lợn sẵn sàng giả điên để con gái là cái Nhi sống vui vẻ. Lúc Thiều bất
ngờ phát hiện ra ông Tám Tàng mổ lợn trên xóm Miễu được miêu tả rất độc đáo:
“Khi tôi quay mặt lại thì ông Tám Tàng đã không giống một đức vua nữa. Cái
vương miện rơi mất tự lúc nào. Tấm khăn choàng cũng không còn trên cổ. Tóc ông
xổ tung, rối bời đỏ và vàng như rơm khô. Chiếc áo dài trắng nhìn gần đã ngả sang
một màu khó gọi tên, nó nằm giữa màu mỡ tra bánh xe và màu khói thuốc, và có vẻ
được may từ một tấm drap giường cũ kĩ, càng tang thương hơn khi nó bị các cành
cây đâm thủng và móc rách vô số chỗ trên đường ông đuổi theo tôi. Trước mặt tôi
lúc này, ông Tám Tàng không giống một đức vua đã đành, ông cũng không giống
ông Tám Tàng mổ lợn hoạt bát thỉnh thoảng tôi vẫn nhìn thấy trên đường làng... đó
là người đàn ông nhếch nhác, tiều tụy như vừa thoát ra từ một đám cháy, nếu là vua
28
thì giống một ông vua vừa bị quân phiến loạn cướp ngôi và truy sát đã nhiều ngày.”
[10, tr335-336]. Có ông Tư Cang quyết cưỡi trâu hò hét dọc làng đuổi đánh thằng
Sơn để bảo vệ con gái, ba con Mận bị bệnh lạ, mẹ Mận vì muốn bảo vệ chồng và
gia đình đành chấp nhận nhốt chồng trên gác, thầy Nhãn nghiêm khắc quyết ngăn
cản chị Vinh yêu chú Đàn, chú Đàn bị cụt tay do lao động nhưng lại có nhiều tài lẻ,
biết thổi kèn acmonica, kể chuyện ma cho cháu, xem hoa tay cho cháu, dạy cháu
những điều nhân văn, là cái Mận, con Xin, thằng Dưa ốm yếu ăn cóc quanh năm …
Họ đã trở thành một bộ phận không thể thiếu được ở làng và gắn với những câu
chuyện của Thiều. Hoặc họ là chú Lãm cụt chân cho thuê truyện, anh Thắng khùng,
ông Cứ hớt tóc dạo… Dù họ không như người bình thường nhưng họ lại giàu nghị
lực, tình cảm, trái tim nhân hậu, ấm áp. Cũng có khi là một anh Thắng “cao học”
giả điên luôn hát và trả lời mọi người bằng một tràng tiếng Pháp. Đám đông trong
làng xã thì luôn tò mò, buôn chuyện của người khác. Như mọi người tập trung lại
nhà con Mận trước sự việc nhà nó bị đốt, ba nó lộ ra chưa đi chữa bệnh mà bị nhốt
ở lầu hai rồi bị chết cháy đầy tò mò, xét nét. “Người lớn tha hồ đàm tiếu, đám con
nít bu đen bu đỏ chung quanh vểnh tai hóng chuyện. Chỉ có tôi là lảng đi chỗ khác.
Nghe người ta xì xầm về chuyện nhà con Mận mà tôi khổ sở bần thần như thể chính
mình bị đem ra làm mồi cho đám đông” [10, tr180]. Hay mọi người cũng tập trung
bàn chuyện chị Hòe, chuyện anh Thắng khùng, chuyện cô Sa đầy hứng khởi: “chị
Hòe - người mà anh Thắng từng ngoảnh mặt, bằng cuộc hôn nhân muộn màng của
mình đã thay anh bơm vào đời sống lặng lờ của quê tôi luồng không khí náo nhiệt
và mọi người lại vớ được đề tài hấp dẫn để bàn tán suốt ngày. Bọn trẻ con cũng bị
kéo vào vòng xoáy này” [8, tr203-204] để rồi “Chị Hòe lấy chồng đột ngột. Và ra đi
vội vã. Chị đi như chạy trốn làm tôi thấy có điều gì bất nhẫn. Tôi đoán chị chạy trốn
miệng lưỡi người đời. Người đời thực ra không độc ác gì nhưng cứ thích bình phẩm
chuyện thiên hạ, tự xem mình có quyền phán xét mọi thứ, bất chấp những phát ngôn
của mình có làm người khác tổn thương hay không. Vì vậy không ác mà thành ác”
[8, tr210]. Không chỉ có chị Hòe bỏ đi lấy chồng mà một tuần sau đó ông Cứ hớt
tóc dạo thình lình qua đời. Ông chết đi đã chia đôi thị trấn bởi phụ huynh rầu rĩ lo
lắng với chuyện cắt tóc cho con cái, còn bọn trẻ vui sướng vì ông không còn dọa
chúng được nữa.
Quê hương và người thân thuộc, hàng xóm láng giềng đã luôn nuôi dưỡng cho
tuổi thơ những kí ức khó phai nhòa, bởi như nhà thơ Đỗ Trung Quân đã kết luận:
29
“Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người”
(Đỗ Trung Quân, Quê hương)
Đối với truyện của Nguyễn Nhật Ánh, quê hương luôn gần gũi, thân quen và
qua góc nhìn trẻ thơ những sắc màu khung cảnh giản đơn đã trở nên đầy thi vị, ấn
tượng. Dù mảnh đất còn chịu nhiều thiên tai, còn nghèo nàn cơ cực nhưng các em
rất tự hào về mảnh đất đó, cống hiến cho quê hương mình. Biểu - con trai của cô Sa
đã trở thành Bí thư thị trấn Hà Lam - mảnh đất mà cô Sa đã từng gắn bó giảng dạy
và Biểu đã từng suýt nhận trận đòn đau ngày bé và bọn thằng Định, Trí đã giả vờ
Biểu bị câm để tránh trận đòn “ghen”. Nguyễn Nhật Ánh đã đưa không gian nhà
quê ra với trẻ em thành thị. Nhà văn đã từng chia sẻ: “Tôi vốn là một đứa bé nhà
quê, vì vậy tôi luôn yêu thôn quê hơn thành phố” [18, tr67]. Vì thế những cô cậu bé
trong truyện của ông cũng yêu tha thiết mảnh đất quê hương mình dù nó nghèo nàn,
cằn cỗi, mưa nắng, gió bão quanh năm.
Bên cạnh những người thân quen gần gũi xóm làng thân thuộc ấy là những kỉ
niệm gắn bó với gia đình và những người ruột thịt. Ba mẹ với bọn trẻ chỉ là những
người máy móc, nghiêm khắc. Với cu Mùi, ba sẵn sàng đợi con học bài bằng việc
đọc hết bài báo này đến bài báo khác. Ba có “cách nói rất gần với rồng phun lửa và
khi ba tôi tiến về phía tôi với dáng điệu của một cơn bão cấp mười tiến vào đất liền
thì mẹ tôi đã kéo tôi ra xa: Ông ơi, con nó đã nát nhừ ra rồi! Mẹ tôi có cách nói
cường điệu rất giống tôi, tôi vừa chạy theo bà vừa cười thầm vì điều đó.” [9, tr17].
Hay trong lời kể đầy tính tố cáo của các bạn ba Tí sún với ba Hải cò uống rượu ở
quán hàng thịt chó, ba mẹ Hải cò vừa giận vừa quát “lũ giết người” với bọn trẻ khi
cả khu vườn bị chết rụi. Với Thiều lại khác, ba rất “hoạt khẩu”, “nói chuyện rất hoạt
bát hấp dẫn. Mỗi khi ông kể chuyện Tiết Đinh San hay Chung Vô Diệm, cả mấy
chục người xúm xít nghe, mặt đờ ra như bị hút hồn. Ông lại có tài đặt thơ” [10,
tr35] xếp chữ thành vè rất nhanh, rất vui vẻ cho trẻ con nghêu ngao chuyện của ông
Tư Cang và ông Cả Hớn. Tuy nhiên ông về nhà lại hay nổi cộc, cho các con ăn đòn
khá thường xuyên với roi mây giắt trên vách: “Mỗi lần anh em tôi làm điều gì tội
lỗi, ông bặm môi rút cây roi một cái “sột”, quất cái “vút”. Tôi ăn roi mây, đau vãi ra
quần, lằn ngang lằn dọc khắp người. Mẹ tôi hãi quá, len lét rút cây roi trên vách
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh

More Related Content

What's hot

NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM nataliej4
 
Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ
Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ
Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ nataliej4
 
VĂN HỌC NHẬT BẢN TỪ KHỞI THỦY ĐẾN 1868
VĂN HỌC NHẬT BẢN TỪ KHỞI THỦY ĐẾN 1868 VĂN HỌC NHẬT BẢN TỪ KHỞI THỦY ĐẾN 1868
VĂN HỌC NHẬT BẢN TỪ KHỞI THỦY ĐẾN 1868 nataliej4
 
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260nataliej4
 
Ngôn ngữ văn chương
Ngôn ngữ văn chươngNgôn ngữ văn chương
Ngôn ngữ văn chươngChamcham239
 
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh tháiLuận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh tháinataliej4
 
Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...
Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...
Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...nataliej4
 
Thơ nữ việt nam sau 1975, những tìm tòi và cách tân 7774424
Thơ nữ việt nam sau 1975, những tìm tòi và cách tân 7774424Thơ nữ việt nam sau 1975, những tìm tòi và cách tân 7774424
Thơ nữ việt nam sau 1975, những tìm tòi và cách tân 7774424nataliej4
 
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...nataliej4
 
Vấn đề tình yêu của các dân tộc thiểu số thể hiện qua truyện thơ
Vấn đề tình yêu của các dân tộc thiểu số thể hiện qua truyện thơVấn đề tình yêu của các dân tộc thiểu số thể hiện qua truyện thơ
Vấn đề tình yêu của các dân tộc thiểu số thể hiện qua truyện thơlongvanhien
 
Đề tài: Hệ thống biểu tượng trong thơ Hồ Xuân Hương, HAY
Đề tài: Hệ thống biểu tượng trong thơ Hồ Xuân Hương, HAYĐề tài: Hệ thống biểu tượng trong thơ Hồ Xuân Hương, HAY
Đề tài: Hệ thống biểu tượng trong thơ Hồ Xuân Hương, HAYViết thuê trọn gói ZALO 0934573149
 

What's hot (20)

NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM
 
Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ
Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ
Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ
 
Cảm thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam (1986 - 2010), HOT
Cảm thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam (1986 - 2010), HOTCảm thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam (1986 - 2010), HOT
Cảm thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam (1986 - 2010), HOT
 
VĂN HỌC NHẬT BẢN TỪ KHỞI THỦY ĐẾN 1868
VĂN HỌC NHẬT BẢN TỪ KHỞI THỦY ĐẾN 1868 VĂN HỌC NHẬT BẢN TỪ KHỞI THỦY ĐẾN 1868
VĂN HỌC NHẬT BẢN TỪ KHỞI THỦY ĐẾN 1868
 
Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975
Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975
Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975
 
Luận văn: Số đỏ và kỹ nghệ lấy tây của Vũ Trọng Phụng, HAY, 9đ
Luận văn: Số đỏ và kỹ nghệ lấy tây của Vũ Trọng Phụng, HAY, 9đLuận văn: Số đỏ và kỹ nghệ lấy tây của Vũ Trọng Phụng, HAY, 9đ
Luận văn: Số đỏ và kỹ nghệ lấy tây của Vũ Trọng Phụng, HAY, 9đ
 
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260
 
Ngôn ngữ văn chương
Ngôn ngữ văn chươngNgôn ngữ văn chương
Ngôn ngữ văn chương
 
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh tháiLuận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
 
Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...
Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...
Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...
 
Thơ nữ việt nam sau 1975, những tìm tòi và cách tân 7774424
Thơ nữ việt nam sau 1975, những tìm tòi và cách tân 7774424Thơ nữ việt nam sau 1975, những tìm tòi và cách tân 7774424
Thơ nữ việt nam sau 1975, những tìm tòi và cách tân 7774424
 
Luận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đ
Luận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đLuận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đ
Luận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đ
 
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
 
Luận văn: Nhân vật trong truyện Vũ Trọng Phụng và Ngọc Giao
Luận văn: Nhân vật trong truyện Vũ Trọng Phụng và Ngọc GiaoLuận văn: Nhân vật trong truyện Vũ Trọng Phụng và Ngọc Giao
Luận văn: Nhân vật trong truyện Vũ Trọng Phụng và Ngọc Giao
 
Đặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAY
Đặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAYĐặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAY
Đặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAY
 
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAYLuận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
 
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAYLuận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
 
Vấn đề tình yêu của các dân tộc thiểu số thể hiện qua truyện thơ
Vấn đề tình yêu của các dân tộc thiểu số thể hiện qua truyện thơVấn đề tình yêu của các dân tộc thiểu số thể hiện qua truyện thơ
Vấn đề tình yêu của các dân tộc thiểu số thể hiện qua truyện thơ
 
Luận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAY
Luận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAYLuận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAY
Luận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAY
 
Đề tài: Hệ thống biểu tượng trong thơ Hồ Xuân Hương, HAY
Đề tài: Hệ thống biểu tượng trong thơ Hồ Xuân Hương, HAYĐề tài: Hệ thống biểu tượng trong thơ Hồ Xuân Hương, HAY
Đề tài: Hệ thống biểu tượng trong thơ Hồ Xuân Hương, HAY
 

Similar to Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh

Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy Tự
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy TựTìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy Tự
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy TựDịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC
PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC
PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC nataliej4
 
Bài Giảng Văn Học Thiếu Nhi Việt Nam
Bài Giảng Văn Học Thiếu Nhi Việt Nam Bài Giảng Văn Học Thiếu Nhi Việt Nam
Bài Giảng Văn Học Thiếu Nhi Việt Nam nataliej4
 
Th s33.012 tìm hiểu chú giải văn học trung đại việt nam trong sách giáo khoa ...
Th s33.012 tìm hiểu chú giải văn học trung đại việt nam trong sách giáo khoa ...Th s33.012 tìm hiểu chú giải văn học trung đại việt nam trong sách giáo khoa ...
Th s33.012 tìm hiểu chú giải văn học trung đại việt nam trong sách giáo khoa ...https://www.facebook.com/garmentspace
 

Similar to Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh (20)

Đặc điểm thể chân dung và văn học của Hồ Anh Thái
Đặc điểm thể chân dung và văn học của Hồ Anh TháiĐặc điểm thể chân dung và văn học của Hồ Anh Thái
Đặc điểm thể chân dung và văn học của Hồ Anh Thái
 
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy Tự
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy TựTìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy Tự
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy Tự
 
Luận văn: Thơ Nguyễn Bình Phương từ góc nhìn của lí thuyết hậu hiện đại
Luận văn: Thơ Nguyễn Bình Phương từ góc nhìn của lí thuyết hậu hiện đạiLuận văn: Thơ Nguyễn Bình Phương từ góc nhìn của lí thuyết hậu hiện đại
Luận văn: Thơ Nguyễn Bình Phương từ góc nhìn của lí thuyết hậu hiện đại
 
Thơ Nguyễn Bình Phương từ góc nhìn của lí thuyết hậu hiện đại
Thơ Nguyễn Bình Phương từ góc nhìn của lí thuyết hậu hiện đạiThơ Nguyễn Bình Phương từ góc nhìn của lí thuyết hậu hiện đại
Thơ Nguyễn Bình Phương từ góc nhìn của lí thuyết hậu hiện đại
 
Nghệ thuật tự sự trong tác phẩm Mắt bão, Ngựa thép, Luật chơi
Nghệ thuật tự sự trong tác phẩm Mắt bão, Ngựa thép, Luật chơiNghệ thuật tự sự trong tác phẩm Mắt bão, Ngựa thép, Luật chơi
Nghệ thuật tự sự trong tác phẩm Mắt bão, Ngựa thép, Luật chơi
 
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và Inrasara
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và InrasaraLuận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và Inrasara
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và Inrasara
 
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và Inrasara, HAY
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và Inrasara, HAYLuận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và Inrasara, HAY
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và Inrasara, HAY
 
PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC
PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC
PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC
 
Luận văn: Hình tượng người phụ nữ trong văn học hiện đại hàn quốc
Luận văn: Hình tượng người phụ nữ trong văn học hiện đại hàn quốcLuận văn: Hình tượng người phụ nữ trong văn học hiện đại hàn quốc
Luận văn: Hình tượng người phụ nữ trong văn học hiện đại hàn quốc
 
Luận Văn Thạc Sĩ Chủ Đề Tình Yêu Lứa Đôi Trong Thơ Của Xuân Diệu Và Thơ R.Tag...
Luận Văn Thạc Sĩ Chủ Đề Tình Yêu Lứa Đôi Trong Thơ Của Xuân Diệu Và Thơ R.Tag...Luận Văn Thạc Sĩ Chủ Đề Tình Yêu Lứa Đôi Trong Thơ Của Xuân Diệu Và Thơ R.Tag...
Luận Văn Thạc Sĩ Chủ Đề Tình Yêu Lứa Đôi Trong Thơ Của Xuân Diệu Và Thơ R.Tag...
 
Luận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAY
Luận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAYLuận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAY
Luận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAY
 
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đLuận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
 
Tiểu thuyết “hoa hậu xứ mường” và “vương quốc ảo ảnh” của Phượng Vũ
Tiểu thuyết “hoa hậu xứ mường” và “vương quốc ảo ảnh” của Phượng VũTiểu thuyết “hoa hậu xứ mường” và “vương quốc ảo ảnh” của Phượng Vũ
Tiểu thuyết “hoa hậu xứ mường” và “vương quốc ảo ảnh” của Phượng Vũ
 
Luận văn: Cái Tôi cô đơn trong thơ mới và thơ đương đại, HAY
Luận văn: Cái Tôi cô đơn trong thơ mới và thơ đương đại, HAYLuận văn: Cái Tôi cô đơn trong thơ mới và thơ đương đại, HAY
Luận văn: Cái Tôi cô đơn trong thơ mới và thơ đương đại, HAY
 
Bài Giảng Văn Học Thiếu Nhi Việt Nam
Bài Giảng Văn Học Thiếu Nhi Việt Nam Bài Giảng Văn Học Thiếu Nhi Việt Nam
Bài Giảng Văn Học Thiếu Nhi Việt Nam
 
Các Nhân Vật Nam Trong Lục Vân Tiên Đọc Theo Lý Thuyết Giới.
Các Nhân Vật Nam Trong Lục Vân Tiên Đọc Theo Lý Thuyết Giới.Các Nhân Vật Nam Trong Lục Vân Tiên Đọc Theo Lý Thuyết Giới.
Các Nhân Vật Nam Trong Lục Vân Tiên Đọc Theo Lý Thuyết Giới.
 
Luận văn thạc sĩ - Vấn Đề Lao Động Nhà Văn Trong Các Trước Tác Của Nguyễn Hiế...
Luận văn thạc sĩ - Vấn Đề Lao Động Nhà Văn Trong Các Trước Tác Của Nguyễn Hiế...Luận văn thạc sĩ - Vấn Đề Lao Động Nhà Văn Trong Các Trước Tác Của Nguyễn Hiế...
Luận văn thạc sĩ - Vấn Đề Lao Động Nhà Văn Trong Các Trước Tác Của Nguyễn Hiế...
 
Th s33.012 tìm hiểu chú giải văn học trung đại việt nam trong sách giáo khoa ...
Th s33.012 tìm hiểu chú giải văn học trung đại việt nam trong sách giáo khoa ...Th s33.012 tìm hiểu chú giải văn học trung đại việt nam trong sách giáo khoa ...
Th s33.012 tìm hiểu chú giải văn học trung đại việt nam trong sách giáo khoa ...
 
Luận văn: Nghệ thuật tự sự trong truyện thiếu nhi về loài vật của Tô Hoài
Luận văn: Nghệ thuật tự sự trong truyện thiếu nhi về loài vật của Tô HoàiLuận văn: Nghệ thuật tự sự trong truyện thiếu nhi về loài vật của Tô Hoài
Luận văn: Nghệ thuật tự sự trong truyện thiếu nhi về loài vật của Tô Hoài
 
Luận văn: Phong cách truyện ngắn của nhà văn Phạm Duy Nghĩa
Luận văn: Phong cách truyện ngắn của nhà văn Phạm Duy NghĩaLuận văn: Phong cách truyện ngắn của nhà văn Phạm Duy Nghĩa
Luận văn: Phong cách truyện ngắn của nhà văn Phạm Duy Nghĩa
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877

Hoàn Thiện Tổ Chức Kế Toán Quản Trị Tại Công Ty Tnhh Thương Mại Đầu Tư Và Phá...
Hoàn Thiện Tổ Chức Kế Toán Quản Trị Tại Công Ty Tnhh Thương Mại Đầu Tư Và Phá...Hoàn Thiện Tổ Chức Kế Toán Quản Trị Tại Công Ty Tnhh Thương Mại Đầu Tư Và Phá...
Hoàn Thiện Tổ Chức Kế Toán Quản Trị Tại Công Ty Tnhh Thương Mại Đầu Tư Và Phá...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Tiểu Luận Nâng Cao Hiệu Quả Công Tác Quản Lý Các Điểm Di Tích Lịch Sử Văn H...
Tiểu Luận Nâng Cao Hiệu Quả Công Tác Quản Lý Các Điểm Di Tích Lịch Sử Văn H...Tiểu Luận Nâng Cao Hiệu Quả Công Tác Quản Lý Các Điểm Di Tích Lịch Sử Văn H...
Tiểu Luận Nâng Cao Hiệu Quả Công Tác Quản Lý Các Điểm Di Tích Lịch Sử Văn H...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Một Số Kiến Nghị Để Nâng Cao Hiệu Quảng Đối Với Dịch Vụ Quảng Cáo Và Tổ Chức ...
Một Số Kiến Nghị Để Nâng Cao Hiệu Quảng Đối Với Dịch Vụ Quảng Cáo Và Tổ Chức ...Một Số Kiến Nghị Để Nâng Cao Hiệu Quảng Đối Với Dịch Vụ Quảng Cáo Và Tổ Chức ...
Một Số Kiến Nghị Để Nâng Cao Hiệu Quảng Đối Với Dịch Vụ Quảng Cáo Và Tổ Chức ...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877 (20)

Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Bệnh Viện Chỉnh Hình Và Phục Hồi...
Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Bệnh Viện Chỉnh Hình Và Phục Hồi...Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Bệnh Viện Chỉnh Hình Và Phục Hồi...
Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Bệnh Viện Chỉnh Hình Và Phục Hồi...
 
Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Sự Nghiệp Thuộc Sở Xây...
Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Sự Nghiệp Thuộc Sở Xây...Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Sự Nghiệp Thuộc Sở Xây...
Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Sự Nghiệp Thuộc Sở Xây...
 
Hoàn Thiện Công Tác Hạch Toán Kế Toán Tại Các Đơn Vị Dự Toán Cấp...
Hoàn Thiện Công Tác Hạch Toán Kế Toán Tại Các Đơn Vị Dự Toán Cấp...Hoàn Thiện Công Tác Hạch Toán Kế Toán Tại Các Đơn Vị Dự Toán Cấp...
Hoàn Thiện Công Tác Hạch Toán Kế Toán Tại Các Đơn Vị Dự Toán Cấp...
 
Hoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Sở Giáo Dục Và Đào Tạo ...
Hoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Sở Giáo Dục Và Đào Tạo ...Hoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Sở Giáo Dục Và Đào Tạo ...
Hoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Sở Giáo Dục Và Đào Tạo ...
 
Hoàn Thiện Tổ Chức Kế Toán Quản Trị Tại Công Ty Tnhh Thương Mại Đầu Tư Và Phá...
Hoàn Thiện Tổ Chức Kế Toán Quản Trị Tại Công Ty Tnhh Thương Mại Đầu Tư Và Phá...Hoàn Thiện Tổ Chức Kế Toán Quản Trị Tại Công Ty Tnhh Thương Mại Đầu Tư Và Phá...
Hoàn Thiện Tổ Chức Kế Toán Quản Trị Tại Công Ty Tnhh Thương Mại Đầu Tư Và Phá...
 
Hoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Thuộc Trung Tâm Y Tế
Hoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Thuộc Trung Tâm Y TếHoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Thuộc Trung Tâm Y Tế
Hoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Thuộc Trung Tâm Y Tế
 
Tiểu Luận Thực Trạng Đời Sống Văn Hóa Của Công Nhân Khu Công Nghiệp - Hay T...
Tiểu Luận Thực Trạng Đời Sống Văn Hóa Của Công Nhân Khu Công Nghiệp - Hay T...Tiểu Luận Thực Trạng Đời Sống Văn Hóa Của Công Nhân Khu Công Nghiệp - Hay T...
Tiểu Luận Thực Trạng Đời Sống Văn Hóa Của Công Nhân Khu Công Nghiệp - Hay T...
 
Tiểu Luận Quản Lý Hoạt Động Nhà Văn Hóa - Đỉnh Của Chóp!
Tiểu Luận Quản Lý Hoạt Động Nhà Văn Hóa - Đỉnh Của Chóp!Tiểu Luận Quản Lý Hoạt Động Nhà Văn Hóa - Đỉnh Của Chóp!
Tiểu Luận Quản Lý Hoạt Động Nhà Văn Hóa - Đỉnh Của Chóp!
 
Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Văn Hóa - Hay Bá Cháy!
Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Văn Hóa - Hay Bá Cháy!Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Văn Hóa - Hay Bá Cháy!
Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Văn Hóa - Hay Bá Cháy!
 
Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Thiết Chế Văn Hóa - Hay Quên Lối Ra!.
Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Thiết Chế Văn Hóa - Hay Quên Lối Ra!.Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Thiết Chế Văn Hóa - Hay Quên Lối Ra!.
Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Thiết Chế Văn Hóa - Hay Quên Lối Ra!.
 
Tiểu Luận Quản Lý Di Tích Kiến Trúc Nghệ Thuật Chùa Tứ Kỳ - Hay Bá Đạo!
Tiểu Luận Quản Lý Di Tích Kiến Trúc Nghệ Thuật Chùa Tứ Kỳ - Hay Bá Đạo!Tiểu Luận Quản Lý Di Tích Kiến Trúc Nghệ Thuật Chùa Tứ Kỳ - Hay Bá Đạo!
Tiểu Luận Quản Lý Di Tích Kiến Trúc Nghệ Thuật Chùa Tứ Kỳ - Hay Bá Đạo!
 
Tiểu Luận Quản Lý Các Dịch Vụ Văn Hóa Tại Khu Du Lịch - Hay Xĩu Ngang!
Tiểu Luận Quản Lý Các Dịch Vụ Văn Hóa Tại Khu Du Lịch - Hay Xĩu Ngang!Tiểu Luận Quản Lý Các Dịch Vụ Văn Hóa Tại Khu Du Lịch - Hay Xĩu Ngang!
Tiểu Luận Quản Lý Các Dịch Vụ Văn Hóa Tại Khu Du Lịch - Hay Xĩu Ngang!
 
Tiểu Luận Nâng Cao Hiệu Quả Công Tác Quản Lý Các Điểm Di Tích Lịch Sử Văn H...
Tiểu Luận Nâng Cao Hiệu Quả Công Tác Quản Lý Các Điểm Di Tích Lịch Sử Văn H...Tiểu Luận Nâng Cao Hiệu Quả Công Tác Quản Lý Các Điểm Di Tích Lịch Sử Văn H...
Tiểu Luận Nâng Cao Hiệu Quả Công Tác Quản Lý Các Điểm Di Tích Lịch Sử Văn H...
 
Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Lễ Hội Tịch - Xuất Sắc Nhất!
Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Lễ Hội Tịch - Xuất Sắc Nhất!Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Lễ Hội Tịch - Xuất Sắc Nhất!
Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Lễ Hội Tịch - Xuất Sắc Nhất!
 
Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Di Tích Và Phát Triển Du Lịch - Hay Nhứ...
Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Di Tích Và Phát Triển Du Lịch - Hay Nhứ...Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Di Tích Và Phát Triển Du Lịch - Hay Nhứ...
Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Di Tích Và Phát Triển Du Lịch - Hay Nhứ...
 
Tiểu Luận Bảo Vệ Và Phát Huy Di Sản Văn Hóa Dân Tộc - Hay Chảy Ke!
Tiểu Luận Bảo Vệ Và Phát Huy Di Sản Văn Hóa Dân Tộc - Hay Chảy Ke!Tiểu Luận Bảo Vệ Và Phát Huy Di Sản Văn Hóa Dân Tộc - Hay Chảy Ke!
Tiểu Luận Bảo Vệ Và Phát Huy Di Sản Văn Hóa Dân Tộc - Hay Chảy Ke!
 
Quy Trình Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Cổ Phần Truyền Thông Và Sự Kiện Taf
Quy Trình Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Cổ Phần Truyền Thông Và Sự Kiện TafQuy Trình Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Cổ Phần Truyền Thông Và Sự Kiện Taf
Quy Trình Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Cổ Phần Truyền Thông Và Sự Kiện Taf
 
Thực Trạng Hoạt Động Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Quảng Cáo
Thực Trạng Hoạt Động Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Quảng CáoThực Trạng Hoạt Động Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Quảng Cáo
Thực Trạng Hoạt Động Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Quảng Cáo
 
Một Số Kiến Nghị Để Nâng Cao Hiệu Quảng Đối Với Dịch Vụ Quảng Cáo Và Tổ Chức ...
Một Số Kiến Nghị Để Nâng Cao Hiệu Quảng Đối Với Dịch Vụ Quảng Cáo Và Tổ Chức ...Một Số Kiến Nghị Để Nâng Cao Hiệu Quảng Đối Với Dịch Vụ Quảng Cáo Và Tổ Chức ...
Một Số Kiến Nghị Để Nâng Cao Hiệu Quảng Đối Với Dịch Vụ Quảng Cáo Và Tổ Chức ...
 
Hoàn Thiện Quy Trình Dịch Vụ Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Đầu Tư
Hoàn Thiện Quy Trình Dịch Vụ Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Đầu TưHoàn Thiện Quy Trình Dịch Vụ Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Đầu Tư
Hoàn Thiện Quy Trình Dịch Vụ Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Đầu Tư
 

Recently uploaded

Nhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptx
Nhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptxNhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptx
Nhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptxhoangvubaongoc112011
 
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quanGNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quanmyvh40253
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIĐiện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...Nguyen Thanh Tu Collection
 
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfBỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfNguyen Thanh Tu Collection
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoámyvh40253
 
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfCampbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfTrnHoa46
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIĐiện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...Nguyen Thanh Tu Collection
 
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdfTrnHoa46
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................TrnHoa46
 
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảoKiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảohoanhv296
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfhoangtuansinh1
 

Recently uploaded (20)

Nhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptx
Nhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptxNhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptx
Nhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptx
 
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quanGNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
 
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfBỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
 
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
 
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
 
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfCampbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
 
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
 
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................
 
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảoKiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
 

Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh

  • 1. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI MAI QUÂN ĐỀ TÀI VIẾT VỀ THIẾU NIÊN QUA BA TÁC PHẨM CHO TÔI XIN MỘT VÉ ĐI TUỔI THƠ, TÔI THẤY HOA VÀNG TRÊN CỎ XANH, CÂY CHUỐI NON ĐI GIÀY XANH CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM HÀ NỘI - 2019
  • 2. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI MAI QUÂN ĐỀ TÀI VIẾT VỀ THIẾU NIÊN QUA BA TÁC PHẨM CHO TÔI XIN MỘT VÉ ĐI TUỔI THƠ, TÔI THẤY HOA VÀNG TRÊN CỎ XANH, CÂY CHUỐI NON ĐI GIÀY XANH CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH Ngành : Văn học Việt Nam Mã số : 8 22 01 21 NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC : TS. ĐẶNG THỊ THU HÀ HÀ NỘI - 2019
  • 3. LỜI CAM ĐOAN Với sự hướng dẫn chỉ bảo nhiệt tình của cô giáo - Tiến sĩ Đặng Thị Thu Hà (Viện Văn học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), tôi thực hiện thành công đề cương và đề tài luận văn của mình: Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh và Cây chuối non đi giày xanh của Nguyễn Nhật Ánh. Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của cô trò chúng tôi. Luận văn của tôi hoàn toàn trung thực và không trùng lặp với kết quả nghiên cứu của các tác giả khác đã công bố. Nếu sai, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm. Hà Nội, tháng 3 năm 2019 Học viên Mai Quân
  • 4. MỤC LỤC MỞ ĐẦU .......................................................................................................... 1 Chương 1: KHÁI QUÁT VỀ VĂN HỌC VIẾT CHO THIẾU NHI VÀ NHÀ VĂN NGUYỄN NHẬT ÁNH .............................................................12 1.1. Khái quát về văn học thiếu nhi ở Việt Nam.............................................12 1.1.1. Khái niệm về văn học thiếu nhi ............................................................12 1.1.2. Khái quát về hành trình của văn học thiếu nhi ở Việt Nam..................13 1.2. Khái quát về nhà văn Nguyễn Nhật Ánh .................................................15 1.2.1. Nguyễn Nhật Ánh - nhà văn của thời đại nhiều biến động...................15 1.2.2. Khái quát hành trình sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh...........................18 1.3. Vị trí Nguyễn Nhật Ánh trong dòng văn học viết về thiếu nhi................21 Chương 2: MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM NỔI BẬT TRONG SÁNG TÁC VỀ ĐỀ TÀI VIẾT CHO THIẾU NIÊN CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH.................24 2.1. Chủ đề nổi bật ..........................................................................................25 2.1.1. Những kỉ niệm tuổi thơ.........................................................................25 2.1.2. Tình bạn và tình yêu tuổi mới lớn.........................................................31 2.2. Cốt truyện và nhân vật .............................................................................43 2.3. Nghệ thuật kể chuyện...............................................................................48 2.3.1. Người kể chuyện nhập vai ....................................................................48 2.3.2. Ngôn ngữ kể chuyện .............................................................................53 2.3.3. Giọng điệu kể chuyện............................................................................55 2.3.4. Điểm nhìn song chiếu............................................................................57 Chương 3: DẤU ẤN VĂN HÓA DÂN GIAN TRONG SÁNG TÁC VỀ ĐỀ TÀI THIẾU NIÊN CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH ...............................61 3.1. Không gian làng quê Việt ........................................................................61 3.2. Những sinh hoạt văn hóa dân gian...........................................................64 3.2.1. Những trò chơi dân gian........................................................................64 3.2.3. Quan niệm và sự thực hành tín ngưỡng dân gian .................................72 3.2.4. Truyện mang yếu tố nghệ thuật tự sự dân gian.....................................73 KẾT LUẬN....................................................................................................77 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO.....................................................81
  • 5. 1 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Văn học Việt Nam hiện đại, đặc biệt là văn học Việt Nam đầu thế kỉ XXI được đánh giá là vẫn đang tiếp tục hành trình hiện đại hóa và hội nhập với sự bộn bề giữa các yếu tố truyền thống, hiện đại và hậu hiện đại. Trong giai đoạn này, mặc dù không xuất hiện nhiều cây bút nổi bật như mấy thập kỉ cuối thế kỉ XX nhưng vẫn có một số nhà văn ghi được và tiếp tục ghi được dấu ấn bằng những sáng tác có ảnh hưởng tới đời sống và công chúng văn học mà Nguyễn Nhật Ánh là một trong những ví dụ tiêu biểu. Là một nhà văn chuyên nghiệp chuyên viết về đề tài thiếu niên, Nguyễn Nhật Ánh là một tên tuổi quen thuộc với nhiều lứa tuổi độc giả Việt Nam, đặc biệt là độc giả nhí. Trong mấy chục năm cầm bút, đến nay nhà văn đã có trên 100 tác phẩm thuộc nhiều thể loại, trong đó mảng "truyện dài" viết cho thiếu niên có số lượng phong phú và đồng thời cũng là mảng sáng tác tiêu biểu hơn cả của Nguyễn Nhật Ánh. Đặc biệt, trong bối cảnh truyền thông hiện đại với sự bùng nổ thông tin diễn ra hàng ngày, hàng giờ, văn chương nói chung và các nhà văn nói riêng phải chật vật cạnh tranh với nhiều loại hình nghệ thuật đương đại khác thì Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn nổi lên như một hiện tượng độc đáo - có lượng sách phát hành mới và số lần tái bản liên tục với số lượng ngày càng tăng. Nhiều tác phẩm của ông đã vượt qua ranh giới của thể loại (được chuyển thể thành các bộ phim) cũng như vượt qua biên giới quốc gia (ví dụ truyện dài Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ được dịch ra nhiều thứ tiếng như tiếng Hàn, Thái, Anh; Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được chuyển thể thành phim năm 2015) đã cho thấy sức cuốn hút của tác phẩm Nguyễn Nhật Ánh đối với công chúng đương đại. Chính sự bền bỉ trong sáng tác và những thành công của Nguyễn Nhật Ánh đồng thời cũng khiến cho nhà văn trở thành một "hiện tượng" thu hút được sự quan tâm của giới nghiên cứu. Lựa chọn đề tài: Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh và Cây chuối non đi giày xanh của Nguyễn Nhật Ánh chúng tôi tập trung vào tìm hiểu những dấu ấn văn hóa dân gian, một trong những yếu tố góp phần làm nên sức cuốn hút của tác phẩm Nguyễn Nhật Ánh. Ba tác phẩm được chúng tôi lựa chọn khảo sát là ba truyện dài tiêu biểu trong sáng tác của ông. Các tác phẩm này đều có số lượng phát hành ấn tượng hoặc được tái bản nhiều lần. Ngoài tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (được giải thưởng
  • 6. 2 văn học ASEAN năm 2010) và Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (được chuyển thể thành phim năm 2015) đã xuất hiện trong một số công trình nghiên cứu về Nguyễn Nhật Ánh trước đây, chúng tôi tập trung vào tác phẩm Cây chuối non đi giày xanh là ấn phẩm mới nhất của ông (phát hành năm 2018 với số lượng lên tới 170.000 bản) với mong muốn trả lời câu hỏi điều gì đã làm nên thành công của ngòi bút Nguyễn Nhật Ánh khi ông trường kì thâm canh trên mảnh ruộng đề tài thiếu niên. 2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài Là nhà văn gắn bó với đề tài viết về thiếu niên, Nguyễn Nhật Ánh đã sớm tạo nên một vương quốc riêng cho mình và sớm khẳng định vị trí của mình trong dòng văn học viết cho thiếu nhi ở Việt Nam bên cạnh những tên tuổi như Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Phạm Hổ, Võ Quảng, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Ngọc Thuần, … Trở thành một “hiện tượng” trong văn học Việt Nam hiện đại, Nguyễn Nhật Ánh không chỉ dành được sự quan tâm đông đảo công chúng bạn đọc mà còn thu hút được sự chú ý của báo giới cũng như sớm trở thành đối tượng của giới nghiên cứu. Có khá nhiều công trình, bài viết tìm hiểu về Nguyễn Nhật Ánh ở nhiều khía cạnh, nhiều chiều kích với phạm vi rộng hẹp, mức độ nông sâu khác nhau. Tựu chung lại, có thể tạm phân những tư liệu viết về Nguyễn Nhật Ánh thành hai mảng chính, gồm: 2.1. Các bài báo có tính chất giới thiệu, quảng bá về nhà văn và tác phẩm Tính đến nay, đã có khá nhiều bài báo viết về Nguyễn Nhật Ánh và một số tác phẩm của ông. Có thể kể đến các bài viết đăng trên nhiều tờ báo, tạp chí khác nhau như Mực tím, Sài Gòn, Thanh niên, Văn nghệ, Phụ nữ đánh giá về cuộc đời, tính cách, sự nghiệp cầm bút của ông - một “hiện tượng” văn học đương đại, một best seller truyện viết cho thiếu nhi từ những góc nhìn khác nhau: có thể là của một người bạn, người đọc bình thường, nhà báo, nhà nghiên cứu. Có những bài được viết nhân kỉ niệm ngày sinh của ông, hoặc những bài phỏng vấn nhân dịp những tác phẩm của ông xuất bản hoặc tái bản. Nhà văn Lê Minh Quốc (bạn thân của ông) cũng có nhiều bài báo in trên báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh, số 31, 29/4/1992 nhận thấy những tác phẩm của Nhà văn xuất phát từ bộn bề cuộc sống đời thường, nhưng rất “hồn nhiên, trong sáng của những nhân vật nhỏ tuổi không hề gợn lên chút thù hằn, cay độc nào” [52, tr19]. Mặc dù cuộc đời nhà văn không suôn sẻ, êm ả nhưng “trang viết cuộc đời này rất trong sáng và ngập tràn hi vọng” bởi thế ông được bạn đọc yêu mến đồng thời cũng chứng minh cho sự “lao động nghiêm túc trong công việc viết văn”. Lê Minh Quốc gọi ông bằng cái tên gần gũi “người
  • 7. 3 không có ngày chủ nhật” [53, tr35] và ông cũng là người bạn luôn trăn trở “giải mã hiện tượng Nguyễn Nhật Ánh” cho bạn đọc vì sao Nguyễn Nhật Ánh lại có thể “nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ lâu bền đến thế” [54, tr158]. Còn người bạn khác của ông - nhà thơ Đỗ Trung Quân lại nhận thấy ông là “nhà văn lương thiện chân chính” [50, tr101]. Hay nhà thơ Trần Đăng Khoa rất gần gũi và hóm hỉnh gọi ông là “tay phù thủy đại bợm, nhà ảo thuật” tìm xem bùa phép của ông là ở đâu? Và đã tìm thấy ông có bùa phép ở bút pháp cơ bản giống bút pháp kiểu Nguyễn Công Hoan: “lập ý, thắt nút, cởi nút” và bí quyết tạo nên thành công kì lạ là ở “khả năng nắm bắt tâm lí lứa tuổi học trò” [33, tr138-142]. Hay trong bài Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh:“Tôi viết như cậu học trò”, nhà thơ Vũ Ân Thy thấy ông “sống và nghĩ trong sáng hướng thiện” do ông là “sự kết hợp giữa cái Tâm, cái Tình, cái Tài” viết vì niềm vui sáng tạo và niềm vui đáp lại tình cảm yêu quý của mọi người đặc biệt là của trẻ em. ” [63, tr111-114]. Một người bạn văn thân quý khác của Nguyễn Nhật Ánh - nhà văn Nguyễn Quang Lập lại cho rằng văn chương của ông có “tính gây nghiện” [35, tr189] qua giọng điệu kể chuyện hóm hỉnh, triết lí mà mỗi trang viết của ông như “mỗi chuyến tàu về tuổi thơ, ở đó có nhiều toa” khiến ta bất ngờ, say mê thậm chí bật cười, hoặc rưng rưng, suy ngẫm. Nguyễn Nhật Ánh cũng chính là người “bán vé về tuổi thơ” [36, tr212] và ông còn khẳng định rằng “trẻ con đứa nào không biết truyện Nguyễn Nhật Ánh chắc chắn đứa đó cực dốt văn”. Nhà văn Nhã Thuyên lại ví giá trị của truyện Nguyễn Nhật Ánh như “là loại vitamin ngon lành sống động” [61, tr209]. Trong khi đó nhà văn Văn Hồng (nguyên Tổng biên tập NXB Kim Đồng) gọi ông là “cây bút được mến mộ nhất của tuổi học trò” [27, tr40]. Và cũng chính ông đến năm 2002 trên báo Tiền phong chủ nhật, số 38, 22/9/2002 khẳng định: ông “một mình một chợ” vì “Nguyễn Nhật Ánh đã dày công phản ánh những sinh hoạt muôn mặt của lứa tuổi học trò.” Qua nghệ thuật dẫn truyện hấp dẫn, tự nhiên, lối viết theo kết cấu chương hồi, xây dựng nhân vật qua hành động và cảm xúc… thậm chí nhiều tác phẩm ông viết theo lối viết văn trinh thám khơi gợi được trí tò mò, ham tìm hiểu của tuổi học trò. Cũng chính Văn Hồng đã nhận xét “trong các nhà văn đương đại Nguyễn Nhật Ánh giữ nhiều kỉ lục: là người viết có đông bạn đọc, là nhà văn có nhiều cuộc giao lưu với bạn đọc, xuất hiện nhiều trên thông tin đại chúng, sống đường hoàng bằng tiền nhuận bút”. Và khi viết cho thiếu nhi, Nguyễn
  • 8. 4 Nhật Ánh có “bút lực dồi dào như gặp vỉa quặng lộ thiên” bởi ông có bản lĩnh sáng tạo được trẻ em thích, bởi “tạng hợp trẻ con”, bởi “cấu trúc đặc sắc” và cũng bởi ông đã kết hợp yếu tố truyền thống và hiện đại, giữa tinh hoa dân tộc với đặc sắc của thế giới, và bởi vốn văn học tay nghề cao nên ông trở thành “hiện tượng độc đáo trong văn học thiếu nhi” [29, tr89]. Với các nhà báo lại nhìn nhận và đánh giá về ông và tác phẩm của ông giàu tính ngợi ca. Như nhà báo Hiền Hòa trên báo Sài Gòn tiếp thị, 5/4/2010, cho rằng Nguyễn Nhật Ánh là “người bắc cầu mộng cho lứa tuổi đang cần sự mơ mộng”. Mộng mà ông viết không gắn với phép thuật kì ảo, những cuộc phiêu lưu kì thú mà nó ở ngay cuộc sống thường nhật đã được lãng mạn hóa [26, tr167]. Bên cạnh đó, nhà báo Mai Quỳnh Nga trên Báo Văn nghệ Công an, 10/7/2013 lại khẳng định “thương hiệu nhà văn best seller của Nguyễn Nhật Ánh đến nay vẫn khó có ai soán ngôi” [42, tr228]. Điều đó thành công bởi dường như ông không bao giờ “lớn” và luôn “mang thế giới trong trẻo hồn nhiên đến với tuổi thơ và dẫn người lớn tìm về sân ga tuổi nhỏ trong hỗn độn bể đời”. Tác giả Tiểu Quyên trên báo Người Lao động, 11/12/2010 đã coi Nguyễn Nhật Ánh như “giải cơn khát” cho độc giả Việt Nam và “cái tên Nguyễn Nhật Ánh đã đủ bảo chứng để tạo nên sức hút cho tác phẩm bởi câu chuyện nào của anh cũng khiến người ta phải đọc, phải nhớ, phải yêu thích”. Bởi “tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh có nhiều thông điệp, nhiều tầng ý nghĩa khiến ta phải suy nghĩ” [62]. Trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 13/3/2014, nhà văn Nguyễn Vĩnh Nghiêm đã tổng kết: “Nguyễn Nhật Ánh làm được điều mà nhiều nhà văn khác không đủ tài để làm: biến trang sách của mình thành cái cớ để những đứa trẻ và người lớn gặp nhau”. Nhưng ông “không phải là người dệt mộng đơn thuần” mà còn “là tay nhà văn ý thức rất rõ sức mạnh của dụ ngôn” [43, tr277]. Ngoài ra, Nguyễn Nhật Ánh cũng trở thành tên tuổi nổi tiếng tốn nhiều giấy mực của các nhà nghiên cứu. Ví như nhà phê bình văn học Nguyễn Thị Thanh Xuân nhận thấy tác phẩm của ông có “tính hướng thiện và tính thơ trong trẻo”, “ngôn ngữ chuẩn mực”, “chạm đúng vào khát vọng được tương giao, đối thoại của trẻ nhỏ” vì thế ông đã “thổi vào cuộc sống của chúng ta một ánh sáng mới” [66, tr44-51]. Khi đánh giá về sức cuốn hút của truyện thiếu nhi của Nguyễn Nhật Ánh, GS Phong Lê nhận xét: “truyện viết cho thiếu nhi đạt được giá trị đích thực cũng sẽ là một tác phẩm hay với người lớn” [40]. Còn theo tác giả Thái Phan Vàng Anh thì nhà văn là
  • 9. 5 “hiện tượng văn học đặc biệt” do ông đã “lạ hóa thế giới hàng ngày quen thuộc” và vì vậy “Nguyễn Nhật Ánh là người kể chuyện thiếu nhi” [4, tr241]. Nhà nghiên cứu phê bình văn học Văn Giá thì khẳng định ông là “trường hợp không thể tính đến của lịch sử văn học đương đại”, là đối tượng “nặng kí của giới nghiên cứu phê bình văn học”, và “nhà văn thiếu nhi là danh xưng chật chội”, là “hiệp sĩ tuổi thơ” [20, tr49]. GS.TS Lê Huy Bắc phải thừa nhận viết cho trẻ em đến thời điểm này “chưa có ai sánh bằng Nguyễn Nhật Ánh” bởi ông “viết khỏe và viết đều tay” [11, tr39]. Khi tìm hiểu văn chương Nguyễn Nhật Ánh, PGS.TS Lã Thị Bắc Lý cũng đi tới kết luận rằng: “ông có bút lực dồi dào vào bậc nhất ở Việt Nam những năm cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI” [39, tr20]. Từ một góc độ khác PGS.TS Vân Thanh đã tiến hành so sánh văn học thiếu nhi với lịch sử từ Tô Hoài đến Nguyễn Nhật Ánh. Theo đó, tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh đã khám phá thế giới tinh thần của trẻ thơ là sức tưởng tượng, thế giới ước mơ, là do nhà văn “biết thời”, “yêu và tin cậy trẻ”, và hơn hết do văn phong rất riêng biệt của ông. Do đó, ông là “nhà văn thân quý của tuổi thơ”. Để tổng kết cho những nhận xét, đánh giá, lời khen tặng, bài viết tìm hiểu về nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, chúng tôi mượn lời của William Naythons (dịch giả người Mỹ) cho rằng: “tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh vừa rất toàn cầu, mà vừa rất gần gũi tương đồng làm sao với tính Việt của đời thường: là sự thông thái mộc mạc và sự hài hước cởi mở có từ trong máu.” [70, tr364]. Đông đảo nhà nghiên cứu phê bình, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhạc sĩ, bạn bè, độc giả, dịch giả trong và ngoài nước đã dành nhiều tình cảm viết về cuộc đời và hành trình sáng tác của ông vì thế, NXB Kim Đồng (năm 2012) biên soạn cuốn “Nguyễn Nhật Ánh - hoàng tử bé trong thế giới tuổi thơ”. Đây là cuốn sách đầu tiên viết về nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với những thông tin đầy đủ, mới mẻ và thú vị nhất về tác giả được thiếu nhi Việt Nam yêu thích nhất bấy giờ. Những câu chuyện tâm tình của người đọc gần xa về ông được thể hiện trong cuốn “Nguyễn Nhật Ánh và tôi” (Nhà xuất bản Trẻ 2013). Đặc biệt, nhân kỉ niệm sinh nhật tuổi 60 của nhà văn, Trung tâm ngôn ngữ và văn học - nghệ thuật trẻ em của trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức hội thảo Nguyễn Nhật Ánh - hành trình chinh phục tuổi thơ. Hội thảo đã thu hút sự có mặt của hơn 40 diễn, nhà văn, nhà nghiên cứu cùng rất nhiều học sinh, sinh viên của trường cũng như các độc giả yêu thích nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Cuốn sách Nguyễn Nhật Ánh hiệp sĩ tuổi thơ (NXB Đại học
  • 10. 6 Quốc gia Hà Nội, 2015) ra đời đã chứng minh được giá trị thơ văn và sức lan tỏa rộng lớn của ông trong cộng đồng. Ngoài ra gần đây nhất, Nhà xuất bản Trẻ (năm 2017) đã xuất bản cuốn sách “Nguyễn Nhật Ánh trong mắt đồng nghiệp” tổng hợp 75 bài tiểu luận, tùy bút của bạn bè, đồng nghiệp trong và ngoài nước về con người và sáng tác của ông với những nhìn nhận, bình giá, ngợi ca bằng tình cảm nồng hậu, trân trọng, kính phục nhất. Như vậy có thể thấy những bài viết về Nguyễn Nhật Ánh của báo giới chủ yếu là những bài viết có tính chất quảng bá, giới thiệu; còn những bài viết bạn đọc, bạn văn, nhà nghiên cứu lại tập trung vào những kỉ niệm, nhận thức, tình cảm, đánh giá về nhà văn và tác phẩm của ông… Nói cách khác, Nguyễn Nhật Ánh được nhìn nhận ở nhiều chiều kích, trên các phương diện con người (con người văn chương và con người đời thường), tác phẩm (với nhiều thái độ tiếp nhận, đánh giá: của cả bạn đọc có chuyên môn và cảm nhận của bạn đọc thông thường). 2.2. Các bài viết, công trình có tính chất nghiên cứu về Nguyễn Nhật Ánh 2.2.1. Các công trình nghiên cứu về đề tài thiếu niên trong sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh Là một nhà văn thành công trong dòng văn học viết cho thiếu nhi nhưng những người yêu thích văn chương Nguyễn Nhật Ánh không chỉ giới hạn trong lứa tuổi thiếu nhi. Tác phẩm của ông được nhiều thế hệ độc giả thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau tìm đọc. Nguyên nhân có lẽ một phần do nhà văn thường xuyên tâm niệm rằng viết cho thiếu nhi nhưng cũng đồng thời tặng cho những ai từng là thiếu nhi”. Trong hành trình sáng tạo của mình, ông dành cho lứa tuổi thiếu niên - tuổi mới lớn sự ưu ái đặc biệt thể hiện qua hàng loạt những truyện dài “đình đám” đã được bạn đọc nhiệt tình đón đọc như: Kính vạn hoa, Chuyện phù thủy xứ Lang Biang, Ngồi khóc trên cây, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Bảy bước tới mùa hè, Hạ đỏ, Mắt biếc, … và gần đây nhất là truyện Cây chuối non đi giày xanh (tháng 01/2018). Đây cũng là mảng đề tài ghi dấu nhiều thành công của nhà văn, đồng thời thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Có thể kể tới những bài viết của các giảng viên ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội như: PGS.TS Lã Thị Bắc Lý “Bê tô không chỉ là chuyện về cún; Không gian giả tưởng trong Chúc một ngày tốt lành” của Nguyễn Nhật Ánh), PGS Nguyễn Văn Long (Tuổi thơ và những rung động đầu đời qua ngòi bút Nguyễn Nhật Ánh trong Bảy bước tới mùa hè), Nguyễn Thị Hải Phương (Nghệ thuật tự sự trong tác phẩm Tôi
  • 11. 7 thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Nguyễn Nhật Ánh), Nguyễn Thanh Tâm (Chúc một ngày tốt lành - diễn ngôn của nhà văn “mãi mãi tuổi 15”); những bài viết của các nhà nghiên cứu tại Viện Văn học Việt Nam như: PGS.TS Lưu Khánh Thơ (Nước mắt hồi sinh thế giới), PGS.TS Vân Thanh (Văn học thiếu nhi Việt Nam với một lịch sử: từ Tô Hoài đến Nguyễn Nhật Ánh), PGS.TS Nguyễn Bích Thu (Muốn hiểu tâm lí trẻ em nên đọc Nguyễn Nhật Ánh), và rất nhiều nhà nghiên cứu phê bình văn học khác nữa. Ngoài ra, đề tài viết về thiếu niên của Nguyễn Nhật Ánh cũng là đối tượng thu hút nhiều thế hệ sinh viên, học sinh, học viên sau đại học thể hiện qua một số đề tài khóa luận, luận văn, luận án được thực hiện ở nhiều cơ sở đào tạo khác nhau. Vào năm 2005, tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Phạm Thị Bền đã chọn đề tài Thế giới trẻ thơ qua cách nhìn của Nguyễn Nhật Ánh trong bộ Kính vạn hoa để bảo vệ luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam. Chị là một trong những người tiên phong cho việc tìm hiểu thế giới nhân vật và văn phong của Nguyễn Nhật Ánh một cách hệ thống trong một công trình nghiên cứu khoa học có tính chuyên sâu. Tiếp đó, Vũ Thị Hương đã bảo vệ thành công đề tài Thạc sĩ về Thế giới nghệ thuật truyện Nguyễn Nhật Ánh vào năm 2009 cũng tại trường Đại học Sư phạm này. Ngoài ra, có thể kể tới một số đề tài nghiên cứu về Nguyễn Nhật Ánh được bảo vệ thành công như: Hoàng Hương Giang với đề tài Cảm hứng hướng về tuổi thơ trong truyện Nguyễn Nhật Ánh (năm 2011); Hồi ức trong truyện thiếu nhi của Nguyễn Nhật Ánh là đề tài luận văn Thạc sĩ của Nguyễn Minh Phượng bảo vệ năm 2014 tại Đại học Sư phạm Hà Nội; Nguyễn Thị Thương với đề tài Nghệ thuật tự sự trong truyện Nguyễn Nhật Ánh (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn năm 2014); Bùi Thị Thu Thủy với đề tài Nhân vật tuổi mới lớn trong truyện Nguyễn Nhật Ánh (tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 năm 2015); Nguyễn Thị Thu Trang với đề tài Thời gian và không gian nghệ thuật trong truyện Nguyễn Nhật Ánh bảo vệ năm 2016 tại trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn; hay Nguyễn Thái Sơn bảo vệ thành công đề tài Đặc sắc trong truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh (qua Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Con chó nhỏ đeo giỏ hoa hồng) vào năm 2017 tại Học viện Khoa học xã hội… Bên cạnh đó còn có nhiều luận văn và khóa luận tốt nghiệp hướng mối quan tâm tới thế giới nhân vật trong truyện của ông như: Đặc điểm truyện Nguyễn Nhật Ánh (Phạm Thị Vân), Nhân vật trẻ em trong truyện Nguyễn Nhật Ánh (Nguyễn Thị Đài Trang), Nhân vật dị biệt trong văn xuôi Nguyễn Nhật Ánh và Nguyễn Ngọc Thuần (Phạm Thị Hằng), Nhóm nhân vật bất toàn về nhân dạng trong sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh (Phạm Thị Tuyết).
  • 12. 8 Nghệ thuật xây dựng nhân vật loài vật trong Chúc một ngày tốt lành của Nguyễn Nhật Ánh (Võ Thị Tuyết Nhung)… Có thể nhận thấy, đề tài viết về thiếu niên trong sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh đã được quan tâm nghiên cứu và đã đạt được một số thành tựu nhất định. Tuy nhiên những nghiên cứu này chủ yếu tập trung vào một số phương diện như thế giới tuổi thơ, nghệ thuật kể chuyện, ngôn ngữ và nhân vật trong tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh mà chưa có công trình nào đi sâu tìm hiểu những giá trị văn hóa truyền thống trong sáng tác về đề tài thiếu niên của ông. Chính điều này đã gợi mở cho chúng tôi một khoảng trống khoa học khi lựa chọn thực hiện đề tài: Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cây chuối non đi giày xanh của Nguyễn Nhật Ánh. 2.2.2. Các công trình nghiên cứu về 3 tác phẩm: Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cây chuối non đi giày xanh Ba tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cây chuối non đi giày xanh nằm trong những tác phẩm xuất sắc và vô cùng nổi tiếng của Nguyễn Nhật Ánh trong 10 năm trở lại đây. Trong đó, hai tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (2008) và Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2010) đã tiêu tốn nhiều giấy mực và tâm huyết của nhiều nhà nghiên cứu, nhiều học viên. Nói Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ là truyện viết cho thiếu nhi hay cho mọi lứa tuổi đều đúng. Bởi tính phổ quát của tác phẩm. Bởi nhà văn Nguyễn Nhật Ánh - “cha đẻ” của tác phẩm này từng nói: “Tôi viết cuốn sách này không dành tặng cho trẻ em. Tôi viết cho những ai từng là trẻ em”. Với số lượng trang sách không nhiều, truyện dường như không có chuyện nhưng lại truyền tải cảm xúc nhân văn cho nhiều người mà “ông bán vé cho tuổi thơ” (Nguyễn Quang Lập) đã gửi gắm, để cấp cho mọi người chiếc vé lên “chuyến tàu lộng lẫy về tuổi thơ” (Nguyễn Trương Quý), để khi trẻ thơ níu kéo người già mà nhà báo Lạc Long đã viết. Tuổi thơ là một thế giới đặc biệt mà đời người đều trải qua và luôn đọng lại trong tâm trí. Khi có tuổi có thể người ta lãng quên quá khứ, nhưng khi đọc truyện này thế giới nội tâm người lớn luôn hiện hữu bên cạnh thế giới tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo, bình dị. Với tác giả Nguyễn Thụy Anh trong bài viết Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ đã khẳng định ý nghĩa, sức lan tỏa của truyện mang lại cho mọi người: “người lớn vô tâm mải miết với cuộc sống cơm áo gạo tiền có thể dừng bước đôi chút mà ngoái về phía sau, nhớ lại thời thơ ấu” và để hiểu trẻ con, có cách giáo dục, quan tâm, thương yêu các em hơn chứ không áp đặt vô lối nữa. Ngoài ra với lứa tuổi thiếu niên, cuốn sách cũng đem lại
  • 13. 9 niềm vui thích vì các em thấy mình được đặt ngang hàng, trở thành người đối thoại bày tỏ suy nghĩ của mình và mong người lớn coi trọng. Với tác giả Mai Sơn trong Cuộc chiến của cu Mùi và sự thành công của Nguyễn Nhật Ánh đã chỉ ra sự độc đáo của tác phẩm bởi sự đan xen liên tục giữa tiểu thuyết hư cấu và văn bản triết luận, người kể chuyện sáng suốt và nhân vật miêu tả đang đắm chìm chính mình; sự kiện quá khứ và hiện tại, nghệ thuật làm say mê và cách thức lay thức độc giả” [48, tr326]. Và ông cũng cho rằng những tác phẩm của nhà văn là một “thành tố trong cấu trúc giáo dục thẩm mĩ cho thiếu nhi bên cạnh những nền tảng giáo dục khác từ gia đình, nhà trường, xã hội”. Cũng bài viết lấy tên tác phẩm này, Anjali Vaidya cũng khẳng định “đây không phải là cuốn sách hoàn toàn dành cho trẻ em” [69, tr297]. Nhà văn cũng thấy sự ảnh hưởng của tuổi thơ đối với mỗi người. Nhà văn cũng chỉ ra rằng “Nguyễn Nhật Ánh làm rất tốt - kể sự thật thế giới người lớn bằng cách nhìn nghiêng. Tuy nhiên, di chuyển qua lại giữa góc nhìn của một đứa trẻ và triết lí của một người lớn có thể thay đổi đột ngột, và cuốn sách thỉnh thoảng không đều hơi.” Riêng với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh lại được nhiều người viết khá nhiều và khá chi tiết. Ví như bài viết của Vũ Hạnh Nhi bàn về Tình anh em tuyệt diệu trong truyện này. Người viết đã khai thác sâu về khía cạnh tình cảm thương yêu của hai anh em dành cho nhau đặc biệt là Tường (em) bao dung, hi sinh, yêu anh vô điều kiện và tình cảm của Thiều với em có lúc hờn ghen, đánh đập, lừa em nhưng sâu hơn cả vẫn là sự ăn năn hối hận khi làm em đau, khi nhận ra lỗi lầm của mình làm mất đi niềm vui của người khác… Hay với bài viết của Phạm Thị Bền, Phạm Thị Hằng (Từ Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Nguyễn Nhật Ánh nghĩ về sự khác biệt) đã trình bày về sự khác biệt, về cái riêng trong vô số cái chung cái tương đồng mà con người thường dễ dàng tìm thấy ở nhau: hoa tay, tính cách hai anh em, cái hoàn hảo ở chính những con người có số phận éo le, dị thường. Có thể là bài Sự tương đồng trong lối viết từ Quê người, Giăng thề của Tô Hoài đến Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Nguyễn Nhật Ánh của tác giả Phạm Minh Hoa đã so sánh điểm giống nhau giữa hai tác giả viết cho thiếu nhi, viết nhiều, viết khỏe, đều lấy đề tài từ “cuộc sống con người chốn làng quê; trò chơi của trẻ nhỏ, phong tục ma chay, cưới hỏi”, bởi cách xây dựng nhân vật thật giản dị, chân thành, bởi yếu tố khai thác tâm lí tuổi mới lớn trước ngưỡng cửa rung động đầu đời đó chính là tình yêu. Còn điểm khác nhau giữa hai nhà văn ở tình huống, dòng mạch tâm lí nhân vật, cái kết của truyện. Nếu truyện của Tô Hoài dang dở, u buồn, cùng quẫn và bế tắc thì truyện
  • 14. 10 của Nguyễn Nhật Ánh lại yêu đời, lạc quan, hóm hỉnh. Dù biết chịu ảnh hưởng của yếu tố xã hội đến tác phẩm nhưng để chúng ta biết được văn học gắn liền với đời sống con người “văn học vị nhân sinh”. Trong cách bàn về nghệ thuật tự sự trong truyện này, Nguyễn Thị Hải Phương cũng đã trình bày thành công của nhà văn từ nghệ thuật xây dựng nhân vật người kể chuyện mang cái nhìn trẻ thơ, tâm hồn trẻ thơ; nghệ thuật xây dựng không gian và thời gian nghệ thuật; nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ giọng điệu. Nguyễn Nhật Ánh chính là một “nhà văn có sức sáng tạo dồi dào”, “tác phẩm thu hút bạn đọc” bởi những trang truyện “nhẹ nhàng mà đầy ý nghĩa”. Điểm qua một số công trình viết về Nguyễn Nhật Ánh có thể thấy những nghiên cứu về Nguyễn Nhật Ánh khá phong phú song chưa có công trình nào đi sâu tìm hiểu thế giới tuổi thiếu niên như là một nhân tố tạo nên sức hút của hiện tượng Nguyễn Nhật Ánh, đặc biệt là chưa có bài viết nào bàn về truyện dài mới nhất của ông: Cây chuối non đi giày xanh. Đây là nguồn tư liệu mới mẻ mà chúng tôi muốn tập trung khai thác như một điểm nhấn ở đề tài này. Lựa chọn đề tài Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, và Cây chuối non đi giày xanh của Nguyễn Nhật Ánh, những kết quả nghiên cứu của các công trình đi trước là nguồn tham khảo quý trong quá trình chúng tôi triển khai đề tài của mình. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu Tìm hiểu một số đặc điểm nổi bật trong sáng tác về đề tài thiếu niên của Nguyễn Nhật Ánh. Trên cơ sở đó, luận văn đi sâu tìm hiểu khía cạnh dấu ấn văn hóa dân gian trong sáng tác của ông nhằm góp phần lí giải "hiện tượng" một nhà văn viết "chuyên" về một đề tài trong thời gian dài (mấy chục năm) mà vẫn được độc giả đón nhận nồng nhiệt. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu - Đối tượng nghiên cứu là thế giới tuổi thiếu niên được tái hiện trong sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh - Phạm vi nghiên cứu: là 3 tác phẩm truyện dài (Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cây chuối non đi giày xanh), các tác phẩm khác của Nguyễn Nhật Ánh sẽ chỉ được chúng tôi sử dụng với mục đích so sánh hoặc làm rõ hơn những nhận định trong luận văn. 5. Cơ sở lí luận và phương pháp nghiên cứu - Phương pháp phân tích, tổng hợp
  • 15. 11 - Phương pháp thống kê, phân loại - Phương pháp so sánh, đối chiếu - Phương pháp nghiên cứu loại hình - Phương pháp nghiên cứu tiểu sử - Phương pháp hệ thống và phương pháp liên ngành. 6. Ý nghĩa lí luận và thực tiễn - Luận văn có những đóng góp nhất định về mặt tư liệu, cụ thể: Ngoài tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (được giải thưởng văn học ASEAN năm 2010) và Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (được chuyển thể thành phim năm 2015) đã xuất hiện trong một số công trình nghiên cứu về Nguyễn Nhật Ánh trước đây, chúng tôi còn tập trung vào tác phẩm Cây chuối non đi giày xanh là ấn phẩm mới nhất của ông (phát hành năm 2018 với số lượng lên tới 170.000 bản) với mong muốn trả lời câu hỏi điều gì làm nên thành công của ngòi bút Nguyễn Nhật Ánh khi ông trường kì thâm canh trên mảnh ruộng đề tài thiếu niên. - Thông qua ba tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cây chuối non đi giày xanh, luận văn đã tiến hành phác thảo diện mạo truyện viết về đề tài thiếu niên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh dựa trên một số đặc điểm nổi bật về nội dung và nghệ thuật. - Luận văn lần đầu đã đi sâu tìm hiểu khía cạnh dấu ấn văn hóa dân gian trong sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh nhằm góp phần lí giải “hiện tượng” một nhà văn “chuyên” về một đề tài trong thời gian dài (mấy chục năm) mà vẫn được độc giả đón nhận nồng nhiệt. Kết quả nghiên cứu của đề tài có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho các nhà nghiên cứu, nhà giáo hoặc sinh viên, học sinh cũng như các bậc phụ huynh quan tâm tới sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh. 7. Kết cấu của luận văn Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, phần nội dung của đề tài gồm 03 chương: - Chương 1: Khái quát về văn học viết cho thiếu nhi và nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. - Chương 2: Một số đặc điểm nổi bật trong sáng tác về đề tài thiếu niên của Nguyễn Nhật Ánh. - Chương 3: Dấu ấn văn hóa dân gian trong sáng tác về đề tài thiếu niên của Nguyễn Nhật Ánh.
  • 16. 12 Chương 1 KHÁI QUÁT VỀ VĂN HỌC VIẾT CHO THIẾU NHI VÀ NHÀ VĂN NGUYỄN NHẬT ÁNH 1.1. Khái quát về văn học thiếu nhi ở Việt Nam 1.1.1. Khái niệm về văn học thiếu nhi Văn học phản ánh hiện thực cuộc sống ở nhiều khía cạnh, nhiều cung bậc. Nếu hình dung cuộc sống là một bức tranh thì các nhà văn, thông qua lăng kính chủ quan của mình, là người tái hiện những mảnh ghép của bức tranh ấy. Ngoài việc phản ánh những xúc cảm riêng tư của cá nhân, ngòi bút của các nhà văn thường có xu hướng hướng ngòi bút của mình tới những vấn đề có tính thời đại, chẳng hạn các nhà văn hiện đại quan tâm tới vấn đề nhìn nhận, đánh giá lại chiến tranh, lịch sử, nông thôn đổi mới, các vấn đề đô thị,… Trong đó, viết về/cho thiếu nhi cũng trở thành một trong số những vấn đề được văn học Việt Nam hiện đại quan tâm. Nhiều cây bút thuộc nhiều lứa tuổi, với nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau như Tô Hoài, Bùi Hiển, Phạm Hổ, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư... đã lựa chọn nâng niu, yêu thương, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ qua các vần thơ, các trang văn trong sáng, phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi, tạo nên một dòng văn học viết cho thiếu nhi với những thành tựu đáng được ghi nhận. Vậy văn học viết cho thiếu nhi là gì? phát triển như thế nào? có dòng văn viết cho thiếu niên ra sao? Có rất nhiều quan điểm khác nhau định nghĩa về văn học thiếu nhi. Theo Từ điển thuật ngữ văn học của Lê Bá Hán, văn học thiếu nhi theo nghĩa hẹp “gồm những tác phẩm văn học hoặc phổ cập khoa học dành riêng cho thiếu nhi”. Nhưng có những tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi lại được người lớn đón nhận, người lớn sáng tác cho thiếu nhi bên cạnh lực lượng thiếu nhi tự sáng tác cho lứa tuổi mình. Nhiều vấn đề được đề cập đến trong dòng văn học này. Nhà văn Lê Phương Liên định nghĩa văn học thiếu nhi là một thể loại văn học đặc thù nhằm phục vụ một đối tượng văn học rộng lớn bao gồm: lứa tuổi mầm non (dưới 6 tuổi), lứa tuổi nhi đồng (từ 6 -10 tuổi), lứa tuổi thiếu niên (từ 11 - 13 tuổi), tuổi mới lớn (từ 13, 14 tuổi - 18, 19 tuổi). Vì thế, nhiều nhà nghiên cứu thống nhất cho rằng: “Văn học thiếu nhi là những tác phẩm viết về thiếu nhi và viết cho thiếu nhi do người lớn hoặc trẻ em sáng tác, được nhìn qua lăng kính trẻ thơ, có nội dung hướng đến giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách trẻ em ở mọi lứa tuổi khác nhau. Có thể coi những sáng
  • 17. 13 tác viết cho thiếu nhi bao gồm: những tác phẩm viết cho trẻ em tuổi mầm non; những tác phẩm viết cho thiếu niên, nhi đồng; những tác phẩm viết cho tuổi mới lớn.” [27]. Khái niệm này đã bàn đến kiểu loại, người sáng tác, nội dung và phân loại các tác phẩm văn học thiếu nhi. Trong các định nghĩa trên, chúng tôi nhận thấy định nghĩa về văn học thiếu nhi được tác giả Nguyễn Thị Thanh Hương đề cập là hợp lí và có sức thuyết phục. Vì thế trong luận văn, chúng tôi hiểu văn học thiếu nhi theo định nghĩa này và như vậy thì văn học viết về/cho thiếu niên cũng được xác định là một bộ phận của văn học thiếu nhi. 1.1.2. Khái quát về hành trình của văn học thiếu nhi ở Việt Nam Văn học thiếu nhi là một bộ phận của văn học dân tộc, nó là nhành hoa nhỏ nở riêng nhưng đầy cuốn hút và ngày càng chứng minh được vị thế của mình. Khởi nguồn của sự lớn lên về tinh thần của trẻ Việt Nam là một bầu trời đầy trăng sao, hoàng tử, công chúa, bà tiên, ông Bụt, những cánh rừng xa xanh với bao con thú biết nói, bao loài hoa cỏ đẹp tươi … có trong những lời kể thắm tình của bà, lời ru ngọt ngào của mẹ êm đềm bên vành nôi. Trí tuệ non nớt được nuôi dưỡng tưới đẫm bởi những bài ca dao, đồng dao, truyện thần thoại, cổ tích, ngụ ngôn… nâng đỡ các em vào cuộc sống. Mạch nguồn dân gian này sẽ trở thành một kỉ niệm đẹp không dễ phai nhòa trong kí ức tuổi thơ của mỗi người. Văn học thiếu nhi không được quan tâm trong thời kì phong kiến trung đại. Giai đoạn này lực lượng vua, quan, nho sĩ tiến bộ luôn tâm niệm bởi lễ giáo đạo đức phong kiến hà khắc, bởi văn dĩ tải đạo thi dĩ ngôn chí. Họ chưa quan tâm đến độc giả là trẻ em. Đến những năm đầu thế kỉ XX, khi văn học viết bằng chữ Quốc ngữ ra đời, các nhà văn đã có viết đến chuyện gia đình, những đứa trẻ như trong Cha con nghĩa nặng của Hồ Biểu Chánh. Nhưng đề cập sâu đến đời sống nội tâm của trẻ là chưa có. Giai đoạn từ 1930-1945, nhiều tác giả trong Tự lực văn đoàn đề cập đến những đứa trẻ thành thị nhưng chưa khái quát được số phận, cuộc đời chúng. Còn những nhà văn hiện thực phê phán như Nam Cao với một loạt các truyện ngắn viết về trẻ nghèo ở nông thôn với nhiều bất hạnh, vất vả, đắng cay như: Từ ngày mẹ chết, Bài học quét nhà, Trẻ con không được ăn thịt chó, Một đám cưới, Một bữa no… Còn với Nguyễn Công Hoan là truyện Hai cái bụng, Bữa no đòn…. Nguyên Hồng với Những ngày thơ ấu thực sự đã đem đến cho người đọc thấu hiểu những cơ cực thường ngày, những lầm lũi, khó nhọc, những bươn chải mưu sinh, những nỗi đau
  • 18. 14 thể xác và tinh thần mà trẻ em xưa từng trải qua. Dẫu những đắng cay ấy có dày lên thì chúng ta cũng hiểu giữa hoàn cảnh đất nước còn lầm than nô lệ thì trẻ em chịu khổ, gánh nặng tâm hồn hoặc chưa được quan tâm đúng mực cũng là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, một số cây bút hiện thực khác lại viết theo lối đồng dao, mượn chuyện loài vật để giáo dục con người, đặc biệt đối tượng hướng đến của họ là trẻ em. Đó là Tô Hoài với Đám cưới chuột, Võ sĩ Bọ Ngựa, Dế Mèn phiêu lưu kí khiến ta lạc vào thế giới dễ thương, ngọt ngào của trẻ thơ. Qua giọng văn hóm hỉnh, giàu chất trữ tình những con vật ngộ nghĩnh ấy chuyển tải được nội tâm đáng yêu, hồn nhiên trong trẻo nhưng đầy tinh nghịch, thích phiêu lưu khám phá, thỏa trí tò mò, ham hỏi của trẻ thơ. Trong thời kì “vất vả đau thương” nhưng “tươi thắm vô ngần” của đất nước Việt Nam, dù chịu nhiều đớn đau trong cuộc chiến gay go, quyết liệt chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ thì ta vẫn nhận thấy một dấu hiệu đáng mừng là nhiều nhà văn nhà thơ quan tâm đến trẻ em hơn, viết nhiều hơn và còn xuất hiện những tác giả là trẻ em nữa. Báo Thiếu sinh - tiền thân của báo Thiếu niên tiền phong ra đời năm 1946 thể hiện được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với thế hệ măng non. Các tờ báo khác là diễn đàn của các em như Tuổi trẻ, Măng non … hay Nhà xuất bản Kim Đồng cũng ra mắt đã đánh dấu sự chuyển mình của văn học hướng đến đối tượng nhỏ tuổi này. Dù các nhân vật chính đều là những tấm gương thiếu nhi dũng cảm trong cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước cũng đã thổi nguồn sinh khí cho các tác giả khác niềm hào hứng viết nhiều, viết khỏe. Các cây bút đã có chỗ dựa là nhà xuất bản Kim Đồng thì hiện thực xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chống Mĩ ở miền Nam đã trở thành đề tài khơi nguồn cảm hứng cho các tác giả cả về số lượng và về chất lượng. Ở mảng thơ trữ tình, Tố Hữu đóng góp những bài thơ ca ngợi những em bé liên lạc gan dạ, dũng cảm, nhiệt tình với cách mạng như: Lượm, Phước ơi… Một số cái tên gây ấn tượng với thiếu nhi qua những bài thơ như đồng dao của Võ Quảng, Phạm Hổ đã gần gũi với thế giới nội tâm các em. Riêng Trần Đăng Khoa - nhà thơ thiếu nhi đã cho ra đời tập Góc sân khoảng trời hồn nhiên đáng yêu, lí lắc. Xuất hiện nhiều tác phẩm văn xuôi viết về thiếu nhi vừa có giá trị văn học vừa có giá trị lịch sử, địa lí như Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi), Em bé bên bờ sông Lai Vu (Vũ Cao), Cái Thăng (Võ Quảng)… Các tác giả không chỉ hướng đến những sự kiện lịch sử như tiểu thuyết Lá cờ thêu sáu chữ vàng (Nguyễn Huy Tưởng), An Cương với Sóng gió Bạch Đằng mà họ còn tập trung phản ánh góc
  • 19. 15 nhìn trẻ thơ về cuộc sống hàng ngày các em đang làm quen như: Bùi Hiển với truyện ngắn Ngày công đầu tiên của cu Tí, Tô Hoài với Đàn chim gáy, Nguyễn Kiên với Kể chuyện nông thôn…. Đề tài viết về mái trường cũng được chú ý. Sau này khi miền Bắc vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn miền Nam thì văn học viết cho thiếu nhi càng dày thêm như: Quê nội của Võ Quảng, Kim Đồng của Tô Hoài… Còn ở miền Nam lại là những em bé chăm ngoan, yêu thương ba mẹ, thay ba mẹ chăm sóc các em khi họ sẵn sàng tham gia kháng chiến. Phải kể đến chị em Chiến, Việt trong Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi), em bé trong Mẹ vắng nhà (Nguyễn Thi), bé Thu trong Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng) và còn có những em bé nơi núi rừng Xô Man, Tây Nguyên thật thà, chân chất nhưng kiên định, trung thành với cách mạng như Tnú, Mai khi nhỏ, là Dít, bé Heng trong Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành). Sau khi đất nước hòa bình thống nhất, văn học đi tìm nguồn đề tài mới nhưng chưa tạo được tiếng vang. Hơn nữa, văn học viết cho thiếu nhi không được đề cao khi mà cuộc sống còn đang đối diện với cái đói, cái nghèo sau cuộc chiến. Chỉ từ sau khi đổi mới căn bản đất nước, từ sau năm 1986, văn học nói chung và văn học thiếu nhi nói riêng đã chạm sâu đến mọi mặt biến chuyển của đời sống xã hội, những thay đổi của nền kinh tế thị trường, những gấp gáp trong lối sống chạy, sống vội vàng tác động sâu sắc tới các gia đình và ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ em. Đó là các tác phẩm Búp sen xanh của Sơn Tùng, những cuốn tự truyện Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán, Tuổi thơ im lặng của Duy Khán hướng về quá khứ; những tác phẩm như Bàn có năm chỗ ngồi, Bồ câu không đưa thư, Buổi chiều Window, Cô gái đến từ hôm qua của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Và những truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Thuần, Cao Xuân Sơn… Đề tài về thiếu nhi miền núi cũng được chú ý đến như Đồi sói hú của Nguyễn Quỳnh. Những khai thác nội tâm tâm lí trẻ thơ dành riêng cho lứa tuổi “teen” như Kính vạn hoa, Chuyện xứ Lang Biang của Nguyễn Nhật Ánh, Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư… Lực lượng sáng tác đông đảo hơn, trẻ trung hơn, đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Vì thế, văn học viết cho thiếu nhi sau năm 1986 đặc biệt là từ những năm 1995 trở lại đây có nhiều khởi sắc. 1.2. Khái quát về nhà văn Nguyễn Nhật Ánh 1.2.1. Nguyễn Nhật Ánh - nhà văn của thời đại nhiều biến động Nguyễn Nhật Ánh sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt hai miền: sau năm 1954, miền Bắc hòa bình xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu
  • 20. 16 phương vững chắc cho tiền tuyến lớn miền Nam; miền Nam đương đầu chống đế quốc Mĩ. Sau đại chiến mùa xuân 30/4/1975, nước nhà thống nhất cùng đoàn kết tiến lên chủ nghĩa xã hội. Nhưng bước ra khỏi cuộc chiến kéo dài, nền kinh tế đất nước còn yếu kém, lạc hậu, một thời gian dài chúng ta sống tự cung tự cấp và phải dựa vào sự viện trợ của nước ngoài. Vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa cố gắng bảo vệ hòa bình đất nước, vừa nỗ lực vươn mình ra thế giới, từ sau Đại hội Đảng VI năm 1986, chúng ta đã đổi mới kinh tế, xã hội, văn hóa nghệ thuật mọi mặt đời sống chính trị. Vì thế, sau hơn 30 năm đổi mới, chúng ta hiện nay đã có nhiều bước chuyển mình. Đặc biệt về văn học nghệ thuật được đổi mới căn bản, các nhà văn đã tạo ra một diện mạo mới đầy sức sống khi nhìn vấn đề đời sống xã hội hiện thực hơn. Người dân và thị hiếu đọc cũng được nâng cao. Đối tượng trẻ em vừa là đối tượng phản ánh vừa là đối tượng tiếp nhận được các nhà văn chú ý hơn. Thêm vào đó là sự phát triển không ngừng của khoa học kĩ thuật hiện đại, người đọc có nhiều kênh giao tiếp hơn. Đó là thách thức lớn với các nhà văn giữa những biến động không ngừng của hiện thực để tạo dựng dấu ấn riêng cho mình. Nguyễn Nhật Ánh đã tạo được vương quốc cho mình với những trang văn dành cho tuổi thiếu nhi, thiếu niên và gần đây là thanh niên trẻ. Nguyễn Nhật Ánh sinh ngày 07 tháng 5 năm 1955 tại làng Đo Đo, xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Đó là một miền quê nghèo lam lũ, đất cằn sỏi đá nhưng cũng có những phong cảnh hữu tình dễ khơi gợi cảm xúc cho tâm hồn yêu văn chương của tác giả. Lời bài hát về xứ Quảng vẫn luôn da diết “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm, rượu hồng đào chưa nhấp đã say” đưa ta về với mảnh đất miền Trung thời tiết khắc nghiệt, ngập đầy nắng nóng, gió cát hoặc những trận lũ lụt lớn. Nhà văn từng đặc tả về quê mình trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (tr238): “Mưa như người giận dai, gầm gừ xối xả và miên man, có cảm giác mây đen đã kéo cả đại dương lên trời để bây giờ hả hê trút xuống. Nửa khuya, lũ từ thượng nguồn tràn về, mực nước từ từ dâng lên mấp mé mặt giường. Cảnh vật sau khi lũ đi qua trông hoang tàn như một phim trường vừa quay xong cảnh chiến tranh”. Nhưng cũng từ mảnh đất nghèo nàn, luôn hứng chịu thiên tai ấy đã gieo trồng nguồn đề tài không vơi cạn cho ông, tạo nên khối lượng tác phẩm lớn cho nền văn học dân tộc. Vùng đất quê ông “nổi tiếng với những đụn cát trắng chạy dài đến tận chân trời, mùa hè nhìn ra ngoài nắng đã thấy xây xẩm mặt mày” [54, tr155]. Hơn nữa vùng này còn nổi tiếng với khoai lang Trà Đõa “Quảng Nam có lụa Phú
  • 21. 17 Bông/ Có khoai Trà Đõa có sông Thu Bồn”. Ông yêu miền quê nắng gió, lam lũ của mình, về làng Đo Đo, Trà Long “làng quê mình sỏi đá nhiều hơn thóc gạo, nghèo khó muôn đời” (Mắt biếc) thương về dải đất miền Trung dãi dầu mưa bão, ông tri ân bằng cách quảng bá ra thế giới với trang web: www.quandodo.com và bằng cả những lời văn chân thực giàu hình ảnh và cảm xúc gửi gắm qua tác phẩm của mình. Thuở nhỏ, ông học tại quê nhà (trường Tiểu La, Trần Cao Vân, Phan Chu Trinh) tĩnh lặng, êm đềm bên gia đình. Từ năm 1973, ông vào Sài Gòn và học Sư phạm. Ông từng tham gia chiến tranh chống Mĩ, dạy học, làm công tác Đoàn Thanh niên. Đây cũng được coi là thời gian vất vả, bươn chải nhất trong cuộc đời ông. Ông chịu nhiều thử thách gian nan của cuộc sống nhiều lúc tưởng chừng bế tắc. Nhưng “Anh đã hứng lấy những đổi thay quanh mình để làm nên một gia tài quý báu” (Lê Minh Quốc). Sau 1986, ông là phóng viên của Nhật báo Sài Gòn giải phóng. Ông viết nhiều thể loại, thể tài khác nhau: sân khấu, thiếu nhi, bình luận thể thao. Ông có nhiều bút danh như Chu Đình Ngạn, Anh Bồ Câu, Lê Duy Cật, Đông Phương Sóc, Sóc Phương Đông … Nhưng có lẽ gần gũi thân quen nhất với độc giả là cái tên Nguyễn Nhật Ánh - nhà văn thân quý của tuổi thơ, hoàng tử bé của thế giới tuổi thơ… Thời đại nhiều biến động, cuộc sống bươn chải, lận đận nhiều thăng trầm đã tạo dựng cho ông vốn sống phong phú. Ông thấu hiểu đời sống cơ cực, lam lũ của những đứa trẻ và người dân xứ Quảng nói riêng và miền Trung nói chung. “Tôi có thể nhìn thấy sự đói kém hiển hiện từng ngày trong mâm cơm. Nồi cơm lưng hơn. Thức ăn ít đi. Cá thịt thưa dần, có hôm mất tích hẳn. Thỉnh thoảng có bữa tôm rang thì con nào con nấy mặn chát muối bám quanh con tôm trắng xóa như tuyết. Chỉ với một “con tôm tuyết” đó, tôi có thể ăn ba chén cơm.” [10, tr260]. Đó là lũ lụt, là cái nghèo, cái đói, cái khổ quẩn quanh, đeo bám. Hơn nữa, ông lại ham mê tìm tòi, làm việc có trách nhiệm, khiến tác phẩm của ông đậm chất hiện thực. Những trang văn của ông ngồn ngộn chất tự nhiên như bước ra từ trong đời sống thường ngày của người dân xứ Quảng nhưng cũng thấm đượm trữ tình. Hiện nay, ông đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh và là nhà văn nổi tiếng nhất ở Việt Nam với dòng văn viết cho thiếu nhi và nói theo lời của PGS.TS Lã Thị Bắc Lý thì “Nguyễn Nhật Ánh thuộc số người có bút lực dồi dào vào bậc nhất Việt Nam và là người gánh sứ mệnh lịch sử - Người giữ lửa cho văn học thiếu nhi Việt Nam suốt thời kì Đổi mới và hội nhập” [39, tr20] hay “Nguyễn Nhật Ánh đã đến lúc trở thành một trường hợp không thể không tính đến của lịch sử văn học đương đại” [20, tr49].
  • 22. 18 1.2.2. Khái quát hành trình sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh Nguyễn Nhật Ánh trở thành cái tên quen thuộc và “thương hiệu riêng” với độc giả nhỏ tuổi và cả các bậc phụ huynh Việt Nam suốt hơn 30 năm qua. Sáng tác của ông đã đánh thức bao kí ức tuổi thơ dần quên lãng, gọi lại kỉ niệm hồn nhiên, vui tươi qua trang văn gần gũi, nhẹ nhàng, trong sáng. Đọc văn của ông ta như được trở lại với tuổi thơ quen thuộc của mình ngày nào. Tác phẩm của ông không kén độc giả mà phù hợp với mọi lứa tuổi. Mỗi khi ông cho ra đời tác phẩm mới, công chúng nồng nhiệt chờ mong đón đợi. Vì thế, ông đã trở thành nhà văn nổi tiếng nhất trong giai đoạn đương đại, nhà văn có số lượng sách xuất bản nhiều nhất, tái bản nhiều nhất và bán chạy nhất, một “best seller”. Nhiều tác phẩm của ông được dịch ra tiếng nước ngoài. Và mọi người quen gọi ông là nhà văn của thế hệ thiếu nhi Việt Nam mà như PGS.TS Văn Giá thì “e chừng cái danh xưng ấy vẫn chật chội” [15, tr49] bởi giọng văn và nội dung truyện của Nguyễn Nhật Ánh chinh phục tất cả mọi đối tượng độc giả. Nguyễn Nhật Ánh đã đóng góp công sức rất lớn cho đổi mới nền văn học đương đại nước nhà đặc biệt là dòng văn học thiếu nhi - một mảnh đất màu mỡ nhưng ít người thành công khi khai vỡ. Trẻ em được hòa mình vào những câu chuyện thân quen hàng ngày, những xúc cảm bí mật tuổi thiếu niên mới lớn e ấp xinh tươi, những trò đùa nghịch hồn nhiên trong trẻo. Người lớn có thể gọi lại tuổi thơ đã từng bị lãng quên nơi sâu thẳm tâm hồn sau bao tháng ngày trăn trở với cuộc sống hiện thực bộn bề. Vì thế, truyện của ông tự nhiên đi vào lòng người đọc, tạo một sức hút lớn. Nguyễn Nhật Ánh là người viết văn giỏi ngay từ nhỏ. Ông yêu thích việc viết văn. Ông ham mê đọc sách, truy tìm tài liệu, tạo nên những trang văn gần gụi, thân thiết đặc biệt với thiếu nhi. Ông thử sức và đã thành công trên nhiều thể loại. Cụ thể: 1.2.2.1. Thơ Năm 13 tuổi, ông đăng báo bài thơ đầu tiên. Tác phẩm đầu tiên in thành sách là một tập thơ: Thành phố tháng tư (in chung với Lê Thị Kim, 1984, Nhà xuất bản Tác phẩm mới). Ông còn có bài thơ được phổ nhạc Thành phố tình yêu và nỗi nhớ rất nổi tiếng. Các tập thơ khác: Đầu xuân ra sông giặt áo (1986), Tứ tuyệt cho nàng (1994), Lễ hội của đêm đen (1994). Thơ của ông vừa nhẹ nhàng, tươi vui nhưng có nhiều bài thơ tình yêu chân thành, giàu xúc cảm. 1.2.2.2. Truyện dài Truyện dài đầu tiên của ông là tác phẩm Trước vòng chung kết (1985, NXB Măng Non). Hai mươi năm trở lại đây, ông tập trung viết văn xuôi, chuyên sáng tác
  • 23. 19 về đề tài thanh thiếu niên với sức viết bền bỉ, trong đó có năm ông cho ra mắt liên tục 04 truyện dài. Những tác phẩm truyện dài hay tập truyện của ông “như một thỏi nam châm lớn có sức hút kì diệu” với công chúng bạn đọc như: Cô gái đến từ hôm qua (1989), Mắt biếc (1990), Bong bóng lên trời, Hạ đỏ (1991), Út Quyên và tôi, Đi qua hoa cúc, Buổi chiều windows (1995), Chuyện xứ Lang Biang (2004-2006), Tôi là Bêtô (2007), Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (2008), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2010), Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng, Ngày xưa có một chuyện tình (2016), và mới đây 07/01/2018 là cuốn truyện Cây chuối non đi giày xanh được xuất bản. Đây là mảnh đất mà ông gieo hạt mầm nhiều nhất và thu được vụ mùa bội thu. Thế giới nhân vật trong sáng tác truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh chủ yếu là trẻ thơ, những bạn tuổi mới lớn. Có thể là bạn học trò nơi nông thôn xa xôi, cũng có thể là một bạn nơi thành thị, đôi khi có cả loài động vật mà trẻ em yêu thích như Xin lỗi mày Tai To, Tôi là Bê tô, Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ, Chúc một ngày tốt lành hay Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng. Phông nền truyện của ông thường diễn ra ở miền quê nghèo lam lũ nhưng yên bình tại Quảng Nam quê ông cũng có khi diễn ra giữa thành phố Hồ Chí Minh ồn ào, náo nhiệt. Ông gắn bó với trẻ nên bằng giọng văn hài hước, đậm chất nghịch ngợm ông đưa người đọc trở về với những kỉ niệm ấu thơ, nhặt nhạnh những niềm vui nỗi buồn thời học trò xa vắng, gọi dậy những trái tim khô cằn đập thổn thức tình yêu học trò ngây thơ vụng dại. Ở thể loại truyện dài này “Nguyễn Nhật Ánh thuộc số người có bút lực dồi dào vào bậc nhất ở Việt Nam những năm cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI” [39, tr20]. 1.2.2.3. Tạp văn Bên cạnh đó, ông còn viết tạp văn với Sương khói quê nhà, Người Quảng đi ăn mì Quảng (2012), Thương nhớ Trà Long (2014). Tạp văn là thể loại để ông tự do, thoải mái viết, bàn về tất cả những vấn đề hơi thở cuộc sống bộn bề. Đồng thời, những tạp văn ấy đã minh chứng được tình yêu cháy bỏng, nồng nàn của ông với quê hương. Dù xa quê, lâu không trở về quê nhưng đọc những tạp văn này lại thấy quê hương với những nét riêng thân thương đến vậy. Ông suy ngẫm về nhiều thứ quanh mình và đã viết tri ân và quảng bá về quê hương mình - mảnh đất Quảng Nam. Thành công của ông không chỉ dừng lại ở việc làm thơ, viết văn, viết báo mà những tác phẩm của ông cũng đã được các đạo diễn phim yêu thích. Một số tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh đã được chuyển thể vào điện ảnh: Áo trắng sân trường (phim 1990) dựa trên truyện dài Nữ sinh (1989); Thằng quỷ nhỏ (phim 1997) dựa
  • 24. 20 trên truyện dài cùng tên; Chú bé rắc rối (phim 1998) dựa trên Chú bé rắc rối; Bong bóng lên trời (phim) - chuyển thể cùng tên năm 1997, phim do Hãng phim truyện Việt Nam (VFC) sản xuất cũng là bộ phim miền Bắc duy nhất; Nữ sinh (phim 2008 dài 10 tập) dựa trên truyện dài Nữ sinh, Bồ câu không đưa thư và Buổi chiều Windows; Kính vạn hoa (phim 2004); Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (phim 2015); Cô gái đến từ hôm qua (phim 2017); Ngồi khóc trên cây, Thiên thần nhỏ của tôi (phim sẽ bấm máy vào tháng 09/2018 và phát sóng vào dịp hè 2019). Bởi những tác phẩm này đều dễ chạm đến lòng trắc ẩn, những vui tươi, tinh nghịch, hồn nhiên đáng nhớ tuổi học trò hay những “lần đầu rung động nỗi thương yêu”… Năm 1990, truyện dài Chú bé rắc rối được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng Văn học Trẻ hạng A. Năm 1995, ông được bầu chọn là nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm (1975-1995) qua cuộc trưng cầu ý kiến bạn đọc về các gương mặt trẻ tiêu biểu trên mọi lĩnh vực của Thành Đoàn thành phố Hồ Chí Minh và báo Tuổi trẻ, đồng thời được Hội nhà văn thành phố Hồ Chí Minh chọn là một trong 20 nhà văn trẻ tiêu biểu trong 20 năm (1975- 1995) và 30 năm (1975-2005). Năm 1998, ông được Nhà xuất bản Kim Đồng trao giải cho nhà văn có sách bán chạy nhất. Năm 2003, bộ truyện nhiều tập Kính vạn hoa được Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trao huy chương “Vì thế hệ trẻ” và được Hội nhà văn Việt Nam trao tặng thưởng. Năm 2009, ông nhận giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam. Năm 2010, Nguyễn Nhật Ánh nhận giải thưởng văn học ASEAN cho cuốn Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, giải thưởng FAHASA năm 2012. Đến nay, ông đã xuất bản gần 100 tác phẩm và từ lâu đã trở thành nhà văn thân thiết của các bạn đọc nhỏ tuổi ở Việt Nam. Nhà báo Nguyễn Hoàng Sơn đã coi Nguyễn Nhật Ánh là “một hiện tượng” và cất công đi tìm bí quyết văn chương của ông. Nghe lời tâm sự của ông, đọc tác phẩm của ông, ngay cả phụ huynh cũng chìm vào kí ức một thời tuổi nhỏ. Ai cũng có kí ức riêng mình nhưng cũng gắn bó với bạn bè, thầy cô, mái trường, hàng xóm, người thân, quê hương... Những trò chơi hồn nhiên khi bé thơ hay cả rung động đầu đời ngây thơ tuổi mới lớn chập chững yêu thương hờn giận, hoặc lớn hơn nữa là tình yêu thật lòng, thật dạ đều được ông viết ra với tâm hồn hồn hậu, nhẹ nhàng, nhiều đoạn còn gây cười hóm hỉnh. Nhưng hơn hết cả, đề tài viết cho thiếu nhi được ông viết nhiều nhất và thành công nhất bởi lòng yêu trẻ, gắn bó với trẻ, yêu quê, nhớ bạn và bởi kỉ niệm thời thơ ấu luôn ùa về.
  • 25. 21 “Ông dành cả cuộc đời của mình viết cho tuổi nhỏ vì ông phát hiện ra mình có khả năng sống trong một tuổi thơ kéo dài bất tận, có trí nhớ dai đến từng chi tiết trong thời hoa niên của mình, biết kể lại chúng khéo đến mức mỗi đứa trẻ đều có thể thấy mình trong đó” [2, tr30]. Và như lời của GS.TS Lê Huy Bắc thì “viết truyện thiếu nhi vốn đã khó nhưng để thành công như Nguyễn Nhật Ánh thì tiềm lực văn hóa có lẽ cần gấp bội phần khi viết các loại truyện cho những đối tượng khác. Nhà văn chứng tỏ được điều, thế giới con người dù già hay trẻ cũng đều cần chút “gia vị” tuổi thơ. Những ai đánh mất tuổi thơ thì không thể tìm thấy được hạnh phúc ở thực tại và tội ác thường có nguồn gốc từ những sai lạc từ tuổi thơ mà không kịp thời điều chỉnh. Đến đây ta thấy, Nguyễn Nhật Ánh còn là môn đồ xuất sắc của Sigmund Freud, và những ai trót lỡ đánh mất tuổi thơ thì có thể quay tìm lại, dẫu đã muộn trên những trang viết ma mị nhưng thấm đẫm tình người của ông.” 1.3. Vị trí Nguyễn Nhật Ánh trong dòng văn học viết về thiếu nhi Đề tài, chủ đề của văn học thiếu nhi Việt Nam rất đa dạng: phản ánh về cuộc chiến đấu chống giặc giữ nước, phong trào xây dựng chủ nghĩa xã hội, lối sống mới, việc học hành, miền núi, tình bạn, tình yêu học trò… mọi mặt phức tạp của đời sống. Từ hệ thống thể loại tự sự đến trữ tình trong văn học dân gian như thần thoại, cổ tích, truyện ngụ ngôn, ca dao, vè, câu đố… đến văn học viết như truyện ngắn, truyện dài, tự truyện, thơ. Lực lượng sáng tác có sự gia tăng mạnh mẽ, mỗi người lại có một phong cách riêng tạo nên sự đa sắc, đa thanh. Họ đã sáng tác nhiều hơn để kịp thời giáo dục trẻ, kịp thời giải trí tránh khỏi những trò chơi vô bổ mà thế giới công nghệ mang lại. Những nỗi đau bi kịch cuộc đời được nhìn qua mắt trẻ thơ cũng nhẹ nhàng hơn, đậm chất nhân văn hơn. Cách viết, cách tiếp cận cũng có nhiều đổi mới. Tuy nhiên, nhà văn gắn bó sâu nặng nhất với văn học thiếu nhi là Nguyễn Nhật Ánh. Với số lượng tác phẩm ra mắt hàng năm trước sự ngóng chờ của độc giả đã cho thấy sức hút trong văn phong và nội dung đề tài mà ông thể hiện. Một loạt các tác phẩm vừa ra mắt đã gây tiếng vang lớn, vừa in xong lại tái bản luôn như: Cô gái đến từ hôm qua, Mắt biếc, Hạ đỏ, Còn chút gì để nhớ, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Tôi là Bê tô, Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng… Văn học thiếu nhi thực hiện chức năng giáo dục trẻ nhỏ của mình nên những tác phẩm viết cho thiếu nhi đều thể hiện thế giới trẻ thơ ngộ nghĩnh, đáng yêu, những cảm xúc rung động… Tô Hoài khẳng định: “Nội dung một tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi bao giờ cũng quán triệt vấn đề xây dựng đức tính con
  • 26. 22 người. Nói thì thừa, cần nhắc lại và thật giản dị, một tác phẩm chân chính có giá trị đối với tuổi thơ là một tác phẩm tham dự mạnh mẽ vào sự nghiệp nên người của bạn đọc ấy”. Còn nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng hơn một lần nói rằng: “Nhà văn viết cho thiếu nhi bao giờ cũng đồng thời là một nhà giáo dục; cùng với bố mẹ và thầy cô, họ là một trụ đỡ tinh thần quan trọng của các em” [5, tr18]. Hay “Phải viết sao cho hay, cho hấp dẫn mà vẫn đảm bảo tính lô gic, đặc biệt khi tình tiết quá nhiều, quá rắc rối. Mặt khác, truyện phải vui vẻ, nhẹ nhàng, không nhiều yếu tố gây sốc và không đi chệch khỏi yêu cầu giáo dục” [5, tr19]. Và cũng để thực hiện chức năng này mà các tác phẩm dành cho thiếu nhi bao giờ cũng ngắn gọn, không gò ép khiên cưỡng theo suy nghĩ của người lớn. Mỗi truyện thường có kết thúc vui vẻ, có hậu hoặc nếu không là buồn cũng nhẹ nhàng mơ hồ chứ không nặng nề. Tất cả nhà văn viết cho thiếu nhi đều "nhìn con người, nhìn cuộc đời bụi bặm của chúng ta bằng con mắt trong veo và ngơ ngác của con trẻ...". Những tác phẩm đều có dung lượng ngắn gọn, kết cấu đơn giản, ngôn từ giản dị giàu tính nhạc và sự hài hước. Bởi thế, nó gần gũi với các em và thu hút các em hơn. Đặc biệt, tính giáo dục trong tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh “rất tự nhiên, không khiên cưỡng, bởi vì được viết với thái độ người trong cuộc giản dị, đầy trách nhiệm… đã nuôi dưỡng nhiều giá trị tinh thần trong thế giới trẻ thơ, giúp chúng thoát khỏi nguy cơ bị mai một và ngày càng trở nên cằn cỗi trong thế giới hiện đại. Một thế giới đầy ắp tiếng cười và tình yêu thương tỏa ra từ các tác phẩm của anh sẽ sưởi ấm tâm hồn các em, đưa các em hòa nhập cuộc sống, thoát khỏi nỗi cô đơn mà các em không phải chịu” [18, tr64]. Ngoài ra cũng cần chân thực nhìn nhận vấn đề tâm lí trẻ hiện nay: đó là sự tò mò tìm hiểu, là chút vụng dại e ấp tình đầu, là gần gũi với cuộc sống thường ngày của các em. Ví như chủ các gia đình đều là phụ nữ nên chăng bởi phụ nữ luôn là người gần gũi với trẻ thơ hơn? Nguyễn Nhật Ánh rất tin yêu trẻ em nên tạo ra sự gần gụi đáng yêu nhất. “Ông mượn những mô tip nhân vật từ truyện kể dân gian, nhà văn còn sử dụng lối kể khách quan xen bình luận chủ quan từ cái nhìn của một đứa trẻ khiến khung thẩm mĩ truyền thống thay đổi đột ngột” [11, tr43] với những so sánh ví von hóm hỉnh đôi khi ngỗ ngược. Cách kể chuyện lắng đọng, đôi khi tạo ra khoảng trống văn bản để người đọc đồng sáng tạo. Như vậy, từ sau năm 1986 trong bối cảnh đổi mới toàn diện cả nền văn học thì văn học thiếu nhi nói chung, văn học thiếu niên nói riêng cũng có sự vận động thay đổi. Các nhà văn đem trẻ thơ gần gũi với trẻ thơ hơn. Chúng không còn là những
  • 27. 23 nhân vật được lí tưởng hóa như Lượm, Tnú, Mai, Dít, Chiến, Việt… nữa mà đã có những nhân vật trẻ em đầy tội lỗi mắc phải hàng ngày khiến trẻ em đều thấy có bóng dáng mình trong đó. Một cảm giác thoải mái không còn nặng nề ngợi ca nữa, trẻ em được hồn nhiên vui chơi, nghịch ngợm như tuổi thơ phải thế. Tiểu kết chương Khi nhắc đến dòng văn học Việt Nam viết cho trẻ em giữa bao tên tuổi cây bút nổi tiếng thành công “xưa nay hiếm” như: Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Phạm Hổ, Võ Quảng… còn có những tác giả tạo được tiếng vang cho mình qua nhiều tác phẩm tiêu biểu, thu hút sự chú ý của độc giả nhí: Phùng Quán, Nguyễn Duy Khán, Sơn Tùng, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Thuần, Cao Xuân Sơn… Mỗi người đều tạo nên cho mình một phong cách riêng, một dấu ấn riêng, một vương quốc riêng. Trong số đó, Nguyễn Nhật Ánh qua thời gian đã chứng minh được sức hút của mình, một “hiện tượng độc đáo”, một “best seller” của văn học thiếu nhi đặc biệt là văn học viết cho lứa tuổi thiếu niên. Những tác phẩm nổi tiếng ngay khi xuất bản và liên tục được tái bản, được chuyển thể hoặc dịch ra tiếng nước ngoài cùng với những giải thưởng trong nước và quốc tế là sự ghi nhận vinh danh đối với nhà văn đồng thời cũng là sự khẳng định thuyết phục về vị trí của ông trong dòng chảy văn học thiếu nhi nói riêng, văn học đương đại nói chung. Những truyện dài của ông mang đặc trưng của những câu chuyện hàng ngày trong thế giới tuổi thơ được kể lại một cách ấn tượng. Từ nhân vật chính đến những bài học giá trị đạo đức được tác giả gửi gắm qua câu nói hoặc cách nhìn nhận rất nhẹ nhàng, dung dị phù hợp với tâm lí trẻ em. Ông kế thừa những yếu tố của văn học truyền thống, vừa sáng tạo mang nét riêng của văn học hiện đại tạo sự gần gũi, tinh tế mà vẫn hấp dẫn lạ thường. Nguyễn Nhật Ánh đã được gọi bằng những cái tên ý nghĩa ông già bán vé tuổi thơ, là tay phù thủy, nhà ảo thuật, là người cung cấp vitamin ngọt ngào, hiệp sĩ tuổi thơ, nhà văn thân quý của tuổi thơ, hoàng tử bé của thế giới tuổi thơ.
  • 28. 24 Chương 2 MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM NỔI BẬT TRONG SÁNG TÁC VỀ ĐỀ TÀI VIẾT CHO THIẾU NIÊN CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong lần trả lời phỏng vấn báo Người lao động 28/8/2007 có nói: “Sách đối với trẻ em giống như một người bạn. Nếu đã tin cậy, trẻ em sẽ sẵn lòng nghe nhà văn kể bất cứ câu chuyện gì.” Và không chỉ chúng tôi mà rất nhiều người khi đọc xong truyện của ông đều sẵn lòng nghe ông kể bất cứ câu chuyện gì. Những câu chuyện ấy như một liều thuốc bổ tưới tắm vun trồng cho kí ức tuổi thơ tôi thêm ngọt ngào, sâu sắc. Còn nhà văn Nguyễn Quang Lập (báo Tuổi trẻ, 8/12/2010) đã thấy được “tính gây nghiện” bởi triết lí sống vì nhau trong sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh. Đó có thể là bài học luân lí, là sự khám phá về tình người; là biết bao nỗi ăn năn. Những tác phẩm của ông đã “dựng lên một lĩnh vực mới mẻ mà văn học thiếu nhi Việt Nam chưa từng có” khiến cho tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh “vừa rất toàn cầu mà vẫn gần gũi” phổ quát chân lí được “diễn đạt bằng một thứ ngôn ngữ mà tuổi nào, quốc tịch nào cũng hiểu được.” [70, tr366]. Hơn nữa, như đã trình bày ở trên, do yếu tố chiến tranh, thời đại, văn hóa xã hội nên trước đây, văn học chưa chú ý đến độ tuổi thiếu nhi. Các nhà văn chỉ chú trọng xây dựng hình tượng trẻ em anh hùng để phục vụ cho lợi ích của cộng đồng. Sau đổi mới, văn học quan tâm tới trẻ thơ hơn nhưng nhu cầu của trẻ em dậy thì hầu như bị lãng quên và ít khi được chú ý đến. “Tuổi dậy thì lại là thế hệ chưa chín chắn như người lớn nhưng không còn trẻ nhỏ nữa, đây là thế hệ phức tạp và khó bảo đối với các bậc cha mẹ. Trẻ em thuộc thế hệ này có quan tâm và sở thích riêng, có vấn đề riêng không chia sẻ với cha mẹ.” [70, tr366]. Chúng ta cũng biết đây là tuổi mới lớn, tuổi thiếu niên nổi loạn, tuổi của học sinh trung học cơ sở (THCS) luôn muốn chứng minh mình là người lớn và được mọi người công nhận. Trẻ em thường muốn được kể chuyện của mình và mong muốn mọi người thấu hiểu, trân trọng. Nguyễn Nhật Ánh trong các tác phẩm của mình đã thể hiện được nhiều nội dung mang tính giáo dục cao, phù hợp với tâm lí con trẻ đặc biệt là đối tượng thiếu niên. Theo các nhà tâm lí học giáo dục thì lứa tuổi thiếu niên là một trong những giai đoạn phát triển của đời người, giai đoạn giữa tuổi nhi đồng (học sinh Tiểu học) và tuổi thanh niên (học sinh Trung học phổ thông). Tuy quan niệm về tuổi thiếu niên, tuổi vị thành niên, và tuổi học sinh THCS không đồng nhất với nhau, nhưng nhìn ở góc độ giáo dục cũng không có sự khác biệt lớn. Lứa tuổi học sinh THCS có
  • 29. 25 vị trí đặc biệt trong quá trình phát triển của trẻ em. Vị trí đặc biệt này được phản ánh bằng những tên gọi như: “thời kỳ quá độ”, “thời kỳ chuyển tiếp”, “thời kỳ trung gian”, “lứa tuổi bắc cầu” từ trẻ sang người lớn, hoặc “tuổi khó bảo, “tuổi khủng hoảng”… Những tên gọi này nói lên tính phức tạp và tầm quan trọng của lứa tuổi THCS trong quá trình phát triển của trẻ em. Theo Từ điển tiếng Việt, Hồ Ngọc Đức đã định nghĩa: “Thiếu niên là trẻ em ít tuổi hơn thanh niên, vào khoảng từ mười tuổi đến mười lăm, mười sáu tuổi”. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng đã tập trung bút lực của mình rất nhiều để viết về lứa tuổi này. Trong phạm vi nghiên cứu chúng tôi thấy hai tác phẩm Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh và Cây chuối non đi giày xanh đều có nhân vật chính ở độ tuổi thiếu niên, chỉ có Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ là viết cho mọi lứa tuổi ai đã từng có tuổi thơ nhưng nhân vật chính qua hồi tưởng của những người đã trưởng thành kể về lúc/thời điểm họ 8 tuổi. Qua ba tác phẩm trên, có thể nhận thấy sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh mang một số đặc điểm nổi trội như: cốt truyện đơn giản, tập trung vào một số chủ đề quen thuộc; bên cạnh những bài học có giá trị đạo đức và thẩm mĩ, nghệ thuật kể chuyện tài tình là một trong những nhân tố quan trọng góp phần làm nên thành công của ông. 2.1. Chủ đề nổi bật Với những nhà văn lựa chọn gắn bó lâu dài với một mảng đề tài nào đó, việc tập trung ngòi bút vào một số chủ đề quen thuộc là điều không thể tránh khỏi. Vấn đề nằm ở chỗ nhà văn phải tự làm mới mình như thế nào để có được những tác phẩm cùng viết về một chủ đề mà không bị lặp lại một cách nhàm chán. Thực tế cho thấy, những sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh, một nhà văn trường kì thâm canh trên mảnh ruộng văn chương viết cho thiếu nhi, cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Từ những trang viết trong Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh và Cây chuối non đi giày xanh, một thế giới tuổi thơ hiện lên chứa chan những kỉ niệm và ngập tràn tình bạn trong sáng cùng với những rung động ban sơ của tình yêu tuổi học trò. 2.1.1. Những kỉ niệm tuổi thơ Đề tài viết cho thiếu niên chỉ là một mảng trong sáng tác viết cho thiếu nhi của Nguyễn Nhật Ánh nhưng lại là mảng viết ghi dấu nhiều thành công hơn cả. Có lẽ một phần là do lứa tuổi này, như trên đã nói, nằm ở giai đoạn chuyển giao giữa người lớn và trẻ nhỏ với những sự thay đổi lớn lao về tâm sinh lí, khó nắm bắt - là một lứa tuổi “có vấn đề”, có nhiều điều thú vị để khám phá. Những kỉ niệm của
  • 30. 26 “tuổi dở hơi” là một phần không thể thiếu trong bức tranh toàn cảnh của tuổi thơ mỗi người. Nó bao gồm những sự kiện, những trải nghiệm còn lưu lại được dấu ấn sâu đậm trong tâm trí con người khi nhớ lại về quãng thời gian ấu thơ. Khoa học từng chứng minh rằng, trí nhớ trong não bộ của con người là hữu hạn trong khi những gì con người cần/muốn nhớ lại là vô hạn. Để thiết lập một sự cân bằng, não bộ của con người có cơ chế lựa chọn bỏ qua/quên có lựa chọn một số thông tin và chỉ giữ lại những thông tin “ấn tượng” nhất, có tác động mạnh nhất tới não bộ hoặc được cho là “hữu ích” nhất. Khi khảo sát thế giới tuổi thơ trong sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh, chúng tôi nhận thấy những kỉ niệm tuổi thơ gắn bó chặt chẽ với những con người và môi trường sống quen thuộc của nhân vật. Trước hết, đó là những ấn tượng và tình cảm của các nhân vật đối với quê hương, làng xóm. Những kỉ niệm ăm ắp trong ba tác phẩm đang khảo sát đều mang dấu ấn về miền quê Hà Lam. Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ không có nhiều dòng đặc tả về quê hương như trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh và Cây chuối non đi giày xanh nhưng quê hương vẫn được tái hiện qua nỗi nhớ về quê hương và bạn bè thơ ấu được lồng ghép vào nhau. Từ mảnh ghép của các sự kiện, từ những dòng suy tư, hồi tưởng của các nhân vật, bức tranh miền quê Hà Lam được hiện lên với nhiều mảng màu đậm nhạt khác nhau, chất chứa nhiều cung bậc cảm xúc. Cần phải nói, ấn tượng chung về quê hương của các nhân vật là một vùng quê nghèo nàn, lam lũ, luôn phải đối diện với những sự khắc nghiệt của thiên tai. Hiện thực ấy được cụ thể hóa qua những khung cảnh hoang vu, trơ trụi đất Quảng mà xóm Miễu trên đồi Cỏ úa gần nghĩa trang nơi nhà Thiều ở [10] là một ví dụ. Xóm Miễu hoang vu với những “trảng ngập cỏ may” ngút mắt với “những bụi mắc cỡ đầy gai nằm cạnh những đóa mười giờ say ngủ” (Hạ đỏ) còn được xuất hiện trong nhiều truyện khác của Nguyễn Nhật Ánh. Đó là miền quê luôn phải chống chọi với những trận mưa lũ kéo dài, gồng mình để cuộc sống của người dân bớt khổ, là cảnh giông gió khủng khiếp [8], cảnh tan hoang khi trận lũ qua đi được ví là “không khác gì cảnh phim trường sau chiến tranh” [10]. Bên cạnh diện mạo lam lũ, nghèo khó, trong 4 chương truyện Cây chuối non đi giày xanh (với 45 hồi nhỏ và 302 trang viết), có nhiều đoạn văn liên tiếp tả miền quê, tả mùa rất nhẹ nhàng, thanh bình, đẹp đẽ, chạm khắc vào tâm hồn đang vụng về yêu thương của Đăng, Thắm những nốt nhạc du dương. Đó là thị trấn Hà Lam
  • 31. 27 tuy nghèo nhưng thơ mộng với con suối xóm Trong nên thơ, nước trong suốt, là những bụi dong riềng nở hoa đỏ ối, là cây phượng nở đỏ trong chùa Giác Nguyên, những dấu hiệu chuyển mùa cũng được nhắc đến rất ấn tượng. Có đoạn văn tả cảnh giông gió miền Trung nhưng không tàn hại như trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh mà chỉ qua loa, nhanh gọn rồi mau chóng chuyển đến cảm nhận tốt lành, vui tươi. “Giông gió ngoài trời khủng khiếp thật, nhưng chỉ nổi lên một ngày rồi thôi… Sau mưa, bầu trời xanh ngắt và mây chuyển sang màu lông ngỗng. Gió bắt đầu dịu đi, nhún nhảy nhẹ nhàng trên cành phượng trước sân chùa Giác Nguyên và kéo đi xào xạc trong vườn nhà bà nội tôi từ sáng tới chiều” [8, tr116-117]. Đọc những đoạn văn miêu tả thiên nhiên quê hương xứ Quảng như thế, ta bắt gặp nỗi nhớ mong, sự gắn bó và tình cảm chân thành, tha thiết đối với quê hương của tác giả được gửi gắm qua lăng kính của các nhân vật. Cùng với những khung cảnh thiên nhiên vừa dữ dội, vừa lãng mạn của xứ Quảng là hình ảnh những con người quen thuộc trong xóm, trong làng. Đó là những mảnh đời với số phận và tính cách được khắc họa khá rõ nét. Trong Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ không có nhiều lời kể, tả về nhiều người thân quen trong làng mà chỉ là ba mẹ của cu Mùi, ba con Tí sún, mẹ con Tủn, ba mẹ thằng Hải cò, … được nhắc đến quê một cách ngắn gọn, lồng ghép vào trong các kỉ niệm tuổi thơ của bộ tứ mà thôi. Nhưng với truyện Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh lại khác, ở 81 chương trong tổng số 378 trang sách lại bắt đầu với một miền quê nghèo khó gắn liền với những người thân thuộc xóm làng có số phận bất hạnh, dị thường. Những câu chuyện về họ từ cuộc sống, tính cách đều rất riêng biệt nhưng mặn mà tình yêu nồng hậu. Ông Tám Tàng mổ lợn sẵn sàng giả điên để con gái là cái Nhi sống vui vẻ. Lúc Thiều bất ngờ phát hiện ra ông Tám Tàng mổ lợn trên xóm Miễu được miêu tả rất độc đáo: “Khi tôi quay mặt lại thì ông Tám Tàng đã không giống một đức vua nữa. Cái vương miện rơi mất tự lúc nào. Tấm khăn choàng cũng không còn trên cổ. Tóc ông xổ tung, rối bời đỏ và vàng như rơm khô. Chiếc áo dài trắng nhìn gần đã ngả sang một màu khó gọi tên, nó nằm giữa màu mỡ tra bánh xe và màu khói thuốc, và có vẻ được may từ một tấm drap giường cũ kĩ, càng tang thương hơn khi nó bị các cành cây đâm thủng và móc rách vô số chỗ trên đường ông đuổi theo tôi. Trước mặt tôi lúc này, ông Tám Tàng không giống một đức vua đã đành, ông cũng không giống ông Tám Tàng mổ lợn hoạt bát thỉnh thoảng tôi vẫn nhìn thấy trên đường làng... đó là người đàn ông nhếch nhác, tiều tụy như vừa thoát ra từ một đám cháy, nếu là vua
  • 32. 28 thì giống một ông vua vừa bị quân phiến loạn cướp ngôi và truy sát đã nhiều ngày.” [10, tr335-336]. Có ông Tư Cang quyết cưỡi trâu hò hét dọc làng đuổi đánh thằng Sơn để bảo vệ con gái, ba con Mận bị bệnh lạ, mẹ Mận vì muốn bảo vệ chồng và gia đình đành chấp nhận nhốt chồng trên gác, thầy Nhãn nghiêm khắc quyết ngăn cản chị Vinh yêu chú Đàn, chú Đàn bị cụt tay do lao động nhưng lại có nhiều tài lẻ, biết thổi kèn acmonica, kể chuyện ma cho cháu, xem hoa tay cho cháu, dạy cháu những điều nhân văn, là cái Mận, con Xin, thằng Dưa ốm yếu ăn cóc quanh năm … Họ đã trở thành một bộ phận không thể thiếu được ở làng và gắn với những câu chuyện của Thiều. Hoặc họ là chú Lãm cụt chân cho thuê truyện, anh Thắng khùng, ông Cứ hớt tóc dạo… Dù họ không như người bình thường nhưng họ lại giàu nghị lực, tình cảm, trái tim nhân hậu, ấm áp. Cũng có khi là một anh Thắng “cao học” giả điên luôn hát và trả lời mọi người bằng một tràng tiếng Pháp. Đám đông trong làng xã thì luôn tò mò, buôn chuyện của người khác. Như mọi người tập trung lại nhà con Mận trước sự việc nhà nó bị đốt, ba nó lộ ra chưa đi chữa bệnh mà bị nhốt ở lầu hai rồi bị chết cháy đầy tò mò, xét nét. “Người lớn tha hồ đàm tiếu, đám con nít bu đen bu đỏ chung quanh vểnh tai hóng chuyện. Chỉ có tôi là lảng đi chỗ khác. Nghe người ta xì xầm về chuyện nhà con Mận mà tôi khổ sở bần thần như thể chính mình bị đem ra làm mồi cho đám đông” [10, tr180]. Hay mọi người cũng tập trung bàn chuyện chị Hòe, chuyện anh Thắng khùng, chuyện cô Sa đầy hứng khởi: “chị Hòe - người mà anh Thắng từng ngoảnh mặt, bằng cuộc hôn nhân muộn màng của mình đã thay anh bơm vào đời sống lặng lờ của quê tôi luồng không khí náo nhiệt và mọi người lại vớ được đề tài hấp dẫn để bàn tán suốt ngày. Bọn trẻ con cũng bị kéo vào vòng xoáy này” [8, tr203-204] để rồi “Chị Hòe lấy chồng đột ngột. Và ra đi vội vã. Chị đi như chạy trốn làm tôi thấy có điều gì bất nhẫn. Tôi đoán chị chạy trốn miệng lưỡi người đời. Người đời thực ra không độc ác gì nhưng cứ thích bình phẩm chuyện thiên hạ, tự xem mình có quyền phán xét mọi thứ, bất chấp những phát ngôn của mình có làm người khác tổn thương hay không. Vì vậy không ác mà thành ác” [8, tr210]. Không chỉ có chị Hòe bỏ đi lấy chồng mà một tuần sau đó ông Cứ hớt tóc dạo thình lình qua đời. Ông chết đi đã chia đôi thị trấn bởi phụ huynh rầu rĩ lo lắng với chuyện cắt tóc cho con cái, còn bọn trẻ vui sướng vì ông không còn dọa chúng được nữa. Quê hương và người thân thuộc, hàng xóm láng giềng đã luôn nuôi dưỡng cho tuổi thơ những kí ức khó phai nhòa, bởi như nhà thơ Đỗ Trung Quân đã kết luận:
  • 33. 29 “Quê hương mỗi người chỉ một Như là chỉ một mẹ thôi Quê hương nếu ai không nhớ Sẽ không lớn nổi thành người” (Đỗ Trung Quân, Quê hương) Đối với truyện của Nguyễn Nhật Ánh, quê hương luôn gần gũi, thân quen và qua góc nhìn trẻ thơ những sắc màu khung cảnh giản đơn đã trở nên đầy thi vị, ấn tượng. Dù mảnh đất còn chịu nhiều thiên tai, còn nghèo nàn cơ cực nhưng các em rất tự hào về mảnh đất đó, cống hiến cho quê hương mình. Biểu - con trai của cô Sa đã trở thành Bí thư thị trấn Hà Lam - mảnh đất mà cô Sa đã từng gắn bó giảng dạy và Biểu đã từng suýt nhận trận đòn đau ngày bé và bọn thằng Định, Trí đã giả vờ Biểu bị câm để tránh trận đòn “ghen”. Nguyễn Nhật Ánh đã đưa không gian nhà quê ra với trẻ em thành thị. Nhà văn đã từng chia sẻ: “Tôi vốn là một đứa bé nhà quê, vì vậy tôi luôn yêu thôn quê hơn thành phố” [18, tr67]. Vì thế những cô cậu bé trong truyện của ông cũng yêu tha thiết mảnh đất quê hương mình dù nó nghèo nàn, cằn cỗi, mưa nắng, gió bão quanh năm. Bên cạnh những người thân quen gần gũi xóm làng thân thuộc ấy là những kỉ niệm gắn bó với gia đình và những người ruột thịt. Ba mẹ với bọn trẻ chỉ là những người máy móc, nghiêm khắc. Với cu Mùi, ba sẵn sàng đợi con học bài bằng việc đọc hết bài báo này đến bài báo khác. Ba có “cách nói rất gần với rồng phun lửa và khi ba tôi tiến về phía tôi với dáng điệu của một cơn bão cấp mười tiến vào đất liền thì mẹ tôi đã kéo tôi ra xa: Ông ơi, con nó đã nát nhừ ra rồi! Mẹ tôi có cách nói cường điệu rất giống tôi, tôi vừa chạy theo bà vừa cười thầm vì điều đó.” [9, tr17]. Hay trong lời kể đầy tính tố cáo của các bạn ba Tí sún với ba Hải cò uống rượu ở quán hàng thịt chó, ba mẹ Hải cò vừa giận vừa quát “lũ giết người” với bọn trẻ khi cả khu vườn bị chết rụi. Với Thiều lại khác, ba rất “hoạt khẩu”, “nói chuyện rất hoạt bát hấp dẫn. Mỗi khi ông kể chuyện Tiết Đinh San hay Chung Vô Diệm, cả mấy chục người xúm xít nghe, mặt đờ ra như bị hút hồn. Ông lại có tài đặt thơ” [10, tr35] xếp chữ thành vè rất nhanh, rất vui vẻ cho trẻ con nghêu ngao chuyện của ông Tư Cang và ông Cả Hớn. Tuy nhiên ông về nhà lại hay nổi cộc, cho các con ăn đòn khá thường xuyên với roi mây giắt trên vách: “Mỗi lần anh em tôi làm điều gì tội lỗi, ông bặm môi rút cây roi một cái “sột”, quất cái “vút”. Tôi ăn roi mây, đau vãi ra quần, lằn ngang lằn dọc khắp người. Mẹ tôi hãi quá, len lét rút cây roi trên vách