SlideShare a Scribd company logo
1 of 88
VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
KIỀU NGỌC DUNG
DIỆN MẠO VÀ ĐẶC ĐIỂM DU KÝ BIỂN ĐẢO
NAM BỘ NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX
Chuyên ngành : Văn học Việt Nam
Mã số: 8220121
LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC
PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn
Hà Nội, 2019
LỜI CAM ĐOAN
Đề tài luận văn “Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ nửa đầu
thế kỷ XX” là kết quả nghiên cứu độc lập của tôi. Các thông tin có nguồn gốc
rõ ràng, tuân thủ đúng nguyên tắc trích dẫn tài liệu.
Nghiên cứu hoàn toàn trung thực và chưa hề được công bố ở công trình
đề tài nào.
Tác giả luận văn
Kiều Ngọc Dung
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU.....................................................................................................................1
CHƯƠNG 1. THỂ LOẠI DU KÝ VÀ CƠ SỞ HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN......10
CỦA DU KÝ BIỂN ĐẢO NAM BỘ NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX..............................10
1.1. Diện mạo của du ký............................................................................................10
1.2. Sự hình thành và phát triển của du ký về biển đảo Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX.19
CHƯƠNG 2. ĐẶC ĐIỂM NỘI DUNG CỦA DU KÝ BIỂN ĐẢO NAM BỘ NỬA
ĐẦU THẾ KỶ XX....................................................................................................31
2.1. Biển đảo Nam Bộ với tư cách là một đối tượng của du ký nửa đầu thế kỷ XX 31
2.2. Thiên nhiên vùng biển đảo Nam Bộ ..................................................................33
2.3. Lịch sử, văn hoá và hiện thực đời sống vùng biển đảo Nam Bộ .......................38
CHƯƠNG 3. ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT CỦA DU KÝ BIỂN ĐẢO NAM BỘ
NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX..........................................................................................53
3.1. Điểm nhìn trần thuật...........................................................................................53
3.2.Thời gian và không gian nghệ thuật....................................................................59
3.3. Ngôn ngữ............................................................................................................71
KẾT LUẬN...............................................................................................................76
TÀI LIỆU THAM KHẢO.........................................................................................80
1
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trong những năm đầu thế kỷ XX nền văn học Việt Nam chuyển mình theo
hướng hiện đại hoá. Cùng với sự ra đời của các trào lưu văn học mới, du ký hiện
diện góp phần làm nên diện mạo và thành tựu văn học thời kỳ này.Tuy nhiên dựa
vào số lượng hạn chế các công trình chọn du ký làm đối tượng nghiên cứu có thể
thấy du ký chưa được quan tâm nhiều.Tìm hiểu về du ký đặc biệt là du ký đầu thế
kỷ XX nhằm xác định lại chỗ đứng của thể loại này trong tiến trình văn học đồng
thời phác hoạ chân thực chặng đường đổi mới của văn học Việt Nam.
Du ký nửa đầu thế kỷ XX có một đề tài rất mới mẻ đó là đề tài biển đảo.Viết
về đề tài này, du ký tạo nên một vùng văn học và được tiếp nối đến tận bây giờ. Đặc
biệt, những trang du ký viết trong chuyến “chu du” đến vùng biển đảo Nam Bộ như
những bức tranh sinh động, nhiều màu sắc về địa lý, văn hoá, con người vùng biển
đảo Nam Bộ Việt Nam. Bên cạnh đó, hội nhập và giao lưu kinh tế đã tạo nên những
thách thức cho ngành du lịch Việt Nam. Mỗi trang du ký về biển đảo Nam Bộ luôn
là một sự sáng tạo có ý nghĩa thiết thực giúp độc giả hiểu sâu sắc về giá trị thẩm mĩ,
văn hoá của các danh lam, thắng cảnh vùng biển đảo tựa như “ngồi một chỗ mà thấy
ngoài muôn dặm”.
Du ký Việt Nam vùng Nam Bộ góp phần cho chúng ta một cái nhìn đầy đủ
hơn về vùng biển đảo Nam Bộ trong nhận thức và thực tiễn hoạt động của người
Việt. Trong một không gian sinh tồn và phát triển, nơi mà nhiều thế hệ người Việt
đã trải qua nhiều gian nan, vất vả để chế ngự các thế lực tự nhiên và phát triển kinh
tế, xã hội, thấy được không gian thử thách trí tuệ, bản lĩnh, sự sống kiên cường và
khát vọng về bảo vệ chủ quyền của đất nước đầy gian nan, thử thách. Trên cơ sở
của hoạt động khai thác biển, bảo vệ vùng biển của Tổ quốc mà “Tư duy hướng
biển” của người Việt được phát triển và hoàn thiện.
Từ một số đề tài nghiên cứu về các vùng trên đất nước như du ký vùng Đông
Bắc, Tây Bắc, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ… qua đó cho thấy mỗi một vùng miền
có một giá trị về địa lý, lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán và trên cơ sở đó đã
2
hình thành nên một nền văn học mang đặc trưng riêng cả về nội dung và nghệ thuật.
Đối với du ký biển đảo phía Nam mà cụ thể là vùng Nam Bộ đã có một số tác giả
tìm hiểu và nghiên cứu ở những góc độ về lịch sử, phong tục tập quán và văn hóa.
Tuy nhiên, chưa có một công trình nghiên cứu nào đi sâu và phân tích để làm rõ
những đóng góp cả về giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của du ký vùng biển đảo
phía Nam của Tổ quốc để đem đến cho độc giả một cái nhìn toàn diện về thiên
nhiên và con người cùng với chiều sâu văn hóa nơi đây.
Hiện nay, vùng biển Nam Bộ là một bộ phận nằm trong vịnh Thái lan thuộc về
vùng biển của 7 tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên
Giang, Cà Mau. Gồm quần đảo “Hòn Khoai, Thổ Chu, An Thới, Hải tặc, bà Lụa, Củ
Tron, và hòn đảo Hòn Chuối, Hòn Bông, cụm hòn Đá Bạc…với vị trí thuận lợi cho các
hoạt động hải thương và sở hữu các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, vùng
biển Nam Bộ từ rất sớm đã giữ những vị trí quan trọng của nhiều quốc gia phong kiến.
Người viết chọn đề tài: "Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ nửa đầu thế kỷ
XX". Hy vọng sẽ có thêm những đóng góp cho quá trình tìm hiểu về dấu ấn văn hóa
vùng biển đảo Nam Bộ cũng như thiên nhiên và con người nơi đây.
2. Tình hình nghiên cứu
Trong dòng chảy của văn học Việt Nam, du ký là một thể loại ra đời từ rất
sớm, Trong lịch sử nghiên cứu về du ký chưa có một công trình lí luận và lịch sử
nào dành riêng cho thể loại này và tương xứng với giá trị của nó trong nền văn học
nước nhà.
Khi bàn về vị trí của thể loại du ký trong quá trình hiện đại hóa văn học, năm
1942, trong cuốn sách nghiên cứu nổi tiếng - nhà văn hiện đại, khi nói tới nhóm nhà
văn trong Nam Phong tạp chí Vũ Ngọc Phan đã nói sơ lược về thể tài du ký đồng
thời điểm danh một số tác phẩm tác giả, trong đó có Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi
của Trương Vĩnh Ký. [43]
Trong chương IV - “truyện ký” của cuốn Việt Nam văn học sử giản ước tân
biên tập 1, Phạm Thế Ngũ gọi Thượng kinh ký sự là “Một truyện dài du ký” - là loại
văn nhằm ghi chép những điều tai nghe mắt thấy sau những bước chân từng trải trong
3
những dịp đi xa. Trong tập 3 của cuốn sách này, Phạm Thế Ngũ bàn tới thể tài du ký
dựa trên những sáng tác của Phạm Quỳnh - chủ bút Nam phong tạp chí. Tác giả ghi
nhận Phạm Quỳnh chính là người mở đầu cho lối văn du hành trên Nam phong. [38]
Năm 2006, hai tác giả Bích Thu và Vũ Tuấn Anh trong Từ điển tác phẩm
văn xuôi Việt Nam (từ cuối thế kỷ XIX đến 1945) khẳng định du ký Chuyến đi Bắc
Kỳ năm Ất Hợi của P.J.P Trương Vĩnh Ký là tác phẩm văn xuôi ra đời sớm nhất.
Ở những công trình này, du ký hầu như được “điểm danh” và được gợi ra từ
các trường hợp tác phẩm, tác giả cụ thể. Các tác giả không quên khẳng định vị trí
của du ký trên hàng ghế danh dự của những thể tài, thể loại văn học đi đầu trong
công cuộc hiện đại hóa văn học, nói như Vũ Tuấn Anh trong bài viết Đọc du ký Việt
Nam trên Nam Phong tạp chí và cuộc du ngoạn ngược thời gian: Trong rất nhiều
công trình nghiên cứu lí luận văn học của các tác giả Việt Nam, du ký được xem là
một tiểu loại nằm trong thể loại ký. Bởi vậy, nghiên cứu về du ký xuất hiện tản mác,
nhỏ lẻ trong những công trình viết khái quát về thể ký. [38]
Năm 1967, Tạp chí Văn học, số 02 cho đăng bài Về thể ký của tác giả Tầm
Dương. Ở bài viết này, du ký được quan niệm là một phần của ký sự: “Du ký là
“ký” lại các sự (những điều mắt thấy tai nghe) trong lúc “du”. Du ký đứng song
song với các tiểu loại khác như: Hồi ký, truyện ký…
Cùng năm, trên Tạp chí Văn học số 06, Nam Mộc có bài Thể ký và vấn đề
viết về người thật việc thật phân chia ký thành các tiểu loại: Phóng sự, ký sự, tùy
bút, bút ký. Du ký được nhà nghiên cứu xếp và một tiểu loại của bút ký, cùng với
nhật ký, hồi ký, tạp văn và tiểu phẩm… Tác giả cuốn: Văn học Việt Nam thế kỉ XX,
khi nêu ra quan niệm về thể ký cũng cho rằng: “Ký là loại hình trung gian giữa báo
chí và văn học. Ký bao gồm nhiều thể dưới dạng văn xuôi tự sự như bút ký, hồi ký,
du ký, nhật ký, phóng sự, tùy bút và cả hồi ký tự truyện”
Đây đồng thời cũng là hướng đi của tác giả cuốn 150 thuật ngữ văn học - Lại
Nguyên Ân (2004) [3] hay Giáo trình lí luận văn học do Trần Đình Sử chủ biên
(2009), Năm bài giảng về thể loại của Hoàng Ngọc Hiến (1992), Giáo trình Lí luận
văn học(Hà Minh Đức chủ biên-1995 cũng xem du ký là một trong các hình thức
4
của thể loại ký, luận văn Ký - những vấn đề đặc trưng thể loại của Nguyễn Thị
Ngọc Minh (2005)… Các công trình này nhìn chung đã bước đầu đưa ra những định
nghĩa cho thể tài du ký cùng với một số đặc điểm chính. Du ký, giống như thể loại
bao trùm nó - ký được nhấn mạnh ở khả năng ghi chép sự thật. [2].
Trong nền văn học Việt Nam cũng như các tạp chí cùng thời đã xuất hiện các
thành tựu đáng trân trọng, lưu giữ của du ký các vùng miền trên đất nước Việt Nam,
tiêu biểu như Nguyễn Đăng Hai tìm hiểu về Thiên nhiên và con người đồng bằng
sông Cửu Long qua một số tác phẩm du ký tiêu biểu giai đoạn 1900 - 1945 (Tạp chí
Khoa học Xã hội và Nhân văn, số 6, 2012) qua các tác phẩm Cảnh vật Hà Tiên,
Thăm đảo Phú Quốc, Tôi ăn tết ở Côn Lôn. Nguyễn Hữu Sơn tìm hiểu về các cùng
địa lý - văn hóa với các địa danh, các vùng của đất nước như Thể tài du ký về Hà
Nội nửa đầu thế kỷ XX (Văn nghệ quân đội, số 10, 2000), Phác thảo du ký Hà Nội
trước Cách mạng Tháng Tám (Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, số 6, 2000), Du
ký Ninh Bình nửa đầu thế kỷ XX (Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình, số 6, 2004)… Qua
các bài viết, Nguyễn Hữu Sơn giúp người đọc thấy rõ hơn bức tranh đa dạng về du
ký Việt Nam từ các tác phẩm trung đại cho tới các du ký nửa đầu thế kỷ XX trên
Nam phong tạp chí và tìm thấy ở mỗi du ký là một phác thảo độc đáo, tạo thành bức
tranh đa màu sắc về các vùng ở Việt Nam.
Cho đến nay xem du ký là một thể tài không phải là duy nhất nhưng vẫn là
quan điểm đóng vai trò chủ chốt, chiếm đa số và tỏ rõ được nhiều thành tựu hơn cả
trong các nghiên cứu về du ký của văn giới.
Một số khác đi theo hướng coi du ký là một thể loại văn học. Cuốn Quá trình
hiện đại hóa văn học (2000), do nhà nghiên cứu Mã Giang Lân chủ biên đã khẳng
định vị trí tiên phong của thể tài du ký: “Thể loại văn học đầu tiên viết bằng chữ
quốc ngữ phải kể đến du ký” đồng thời cũng đưa ra một số đặc điểm để nhận dạng.
Võ Thị Thanh Tùng trên tạp chí Khoa học xã hội, số 4 năm 2013 có bài viết điểm
qua “Một vài đặc điểm của thể loại du ký Việt Nam” trong đó đặc biệt nhấn mạnh
đến tính chất phức hợp, giao thoa thể loại có trong du ký. Cho rằng du ký là trung
gian giữa báo chí và văn học, du ký có sự giao thoa với chính luận, tác giả đánh giá:
5
“Từ khi ra đời đến nay, du ký cùng với phóng sự, tùy bút… đã gia nhập vào đời
sống văn học sôi động trên cả nước, làm nên một khởi đầu ngoạn mục cho việc đưa
văn xuôi tiến dần vào vị trí trung tâm, đóng góp tích cực vào tiến trình phát triển
chung của nền văn học hiện đại Việt Nam. Nếu các thể loại như kịch, tiểu thuyết,
được học tập và mô phỏng theo mô hình thể loại của phương Tây, thì du ký là thể
loại được tiếp nối từ truyền thống, nhưng có những cách tân mới mẻ về chữ viết,
cách hành văn, cách phản ánh những vấn đề thẩm mỹ do thời đại đặt ra… nên càng
hấp dẫn hơn ” [71].
Luận án Đặc điểm du ký Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX của Nguyễn Hữu Lễ
(2015) là công trình mới nhất đã có nhiều cố gắng trong việc khảo cứu thực tiễn
sáng tác hướng tới góp phần định danh thể loại du ký, làm rõ đặc điểm của thể loại
này. Với quan điểm: “Đã đến lúc du ký cần được làm sáng tỏ về mặt thể loại” tác
giả cho rằng đây là xu hướng nghiên cứu phù hợp trong tình hình hiện nay, một khi
du ký được định danh rõ ràng thì những “vấn đề về đặc điểm và cách tiếp cận
nghiên cứu du ký không còn bị cản trở bởi sự giao thoa và các lằn ranh thể loại
cùng với quan niệm mơ hồ về du ký” [29]
Du ký từ điểm nhìn địa - văn hóa cũng là một hướng để tiếp cận các sáng tác
du ký. Nguyễn Hữu Sơn là người đã khơi gợi hướng nghiên cứu du ký về các cùng
địa lý - văn hóa: Vùng cao phía Bắc, vùng Quảng Ninh, Thanh Hóa, xứ Huế, Hà Nội,
Sài Gòn - Gia Định... Ông là tác giả của hàng loạt bài viết: Thể tài du ký về Hà Nội
nửa đầu thế kỷ XX (Báo Văn nghệ quân đội số 10, 2000), Phác thảo du ký Hà Nội
trước Cách mạng tháng Tám (báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, số 6, 2000), Du
ký Ninh Bình nửa đầu thể kỷ XX (Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình, số 6, 2004, Du ký viết
về Sài Gòn - Gia Định nửa đầu thế kỷ XX từ điểm nhìn những năm đầu thế kỷ XXI
(tạp chí Khoa học xã hội, số 11, 2008), Du ký xứ Thanh nửa đầu thế kỷ XX (báo Tổ
Quốc, 2010), Diện mạo và đặc điểm của du ký xứ Huế nửa đầu thế kỷ XX (báo Du
lịch Sài Gòn, số 6, 2015), Nhận diện du ký biển Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX theo các
vùng văn hóa (Tạp chí Biển, số 6, 2016)… Bằng việc tập hợp các tác phẩm tiêu biểu
viết về từng vùng riêng biệt, Nguyễn Hữu Sơn tìm thấy ở mỗi du ký là một phác thảo
6
độc đáo, tạo thành bức tranh đa màu sắc về các vùng, miền ở Việt Nam. Võ Thị
Thanh Tùng khai thác Tính cách con người Nam Bộ - dấu ấn đặc sắc trong du ký
Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX (Tạp chí Khoa học, Đại học Sư phạm thành phố Hồ chí
Minh, số 44, 2013) hay Nguyễn Đăng Hai tìm hiểu về Thiên nhiên và con người đồng
bằng sông Cửu Long qua một số tác phẩm du ký tiêu biểu giai đoạn 1900 - 1945 (Tạp
chí Khoa học xã hội và nhân văn, số 6, 2012). Chu Thị Yến khai thác Du ký về biển
đảo Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX (Luận văn Thạc sĩ Khoa học Ngữ văn, Hà Nội,
2016)...Khai thác các sáng tác du ký từ khía cạnh văn hóa cũng là hướng tiếp cận của
bài viết Giá trị văn hóa và văn học của du ký (khảo sát qua sách Du ký Việt Nam của
tác giả Nguyễn Thúy Hằng (2009), khóa luận tốt nghiệp của Phạm Thị Hoài Phương
với đề tài khá mới lạ - Vùng tiếp xúc trong du ký Phương Đông lướt ngoài cửa sổ
(2013), luận văn Thể du ký trong tiến trình hiện đại hóa văn hóa Việt Nam 30 năm
đầu thế kỷ 20 của Nguyễn Thị Thúy Hồng (2008) [56].
Những nghiên cứu về du ký nói chung, du ký nửa đầu thế kỷ XX nói riêng
như vậy chưa thể coi là phong phú và tương xứng với số lượng và chất lượng của
các tác phẩm.
Là một bộ phận không nhỏ trong hệ thống du ký nửa đầu thế kỷ XX, những
sáng tác viết về biển đảo Nam Bộ cũng đã xuất hiện trong một số nghiên cứu như đã
nêu ở trên. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ dừng lại ở những bài viết tản mác về những
địa danh cụ thể ở Nam Bộ chứ chưa khảo sát cả một vùng văn hóa rộng lớn.
Nguyễn Hữu Sơn là người kỳ công sưu tầm những tác phẩm du ký viết về các địa
danh khác nhau dọc miền Nam Bộ … Hứng thú sưu tầm và những bài viết của tác
giả đã thôi thúc tôi tiếp tục khảo sát và đi sâu vào nghiên cứu: Du ký viết về biển
đảo Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Với đề tài Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX.
Công việc của luận văn cần đạt được các mục tiêu cụ thể sau đây:
7
- Nhấn mạnh đặc điểm của du ký viết biển đảo Nam Bộ ở các vấn đề: Nội
dung cảm hứng, điểm nhìn trần thuật, ngôn từ nghệ thuật, sự giao thoa thể loại.
Không gian và thời gian nghệ thuật để tạo nên nét đặc trưng riêng của du ký biển
đảo phía Nam của Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.
- Đề tài khẳng định vai trò của du ký trong giai đoạn hiện đại hóa nền văn
học dân tộc. là một nguồn tư liệu hữu ích đóng góp cho quá trình tìm hiểu về đời
sống tự nhiên, văn hóa, xã hội vùng biển đảo Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX dưới góc
nhìn của một thể lại văn học.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Khảo sát các văn bản du ký viết về vùng biển đảo Nam Bộ, khai thác các
tác phẩm du ký từ điểm nhìn văn hóa.
- Xác định đặc điểm của du ký biển đảo Nam Bộ trên phương diện nội dung.
- Xác định đặc điểm của du ký viết về biển đảo Nam Bộ trên phương diện
hình thức.
- Đánh giá đóng góp của du ký về biển đảo Nam Bộ trong sự phát triển của
du ký Việt Nam đầu thế kỉ XX và trong lịch sử văn học dân tộc.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là các tác phẩm du ký viết về biển đảo
Nam bộ Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX, bao gồm khu vực biển đảo thuộc 7 tỉnh: Trà
Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau, Hà Tiên. Các văn bản
này được đăng trên các báo và tạp chí đầu thế kỉ XX như: Nam kì tuần báo, Nam
phong tạp chí, Công luận báo, Tràng An báo, Phong hóa, Tri tân tạp chí…
Phạm vi nghiên cứu tư liệu của luận văn bao gồm các tác giả tác phẩm viết
về vùng biển đảo Nam Bộ Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX. Đến thời điểm hiện tại, tôi
sưu tầm và giới thiệu trong luận văn 15 du ký của các tác giả có phụ lục kèm theo.
Du ký biển đảo Nam bộ nửa đầu thế kỉ XX có sự phong phú về nội dung, đa dạng
về hình thức, đặc biệt là sự đa dạng của những cây bút viết du ký.
8
5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
- Từ đối tượng và phạm vi nghiên cứu đã được xác định, để đáp ứng yêu cầu
và đạt được mục tiêu của đề tài đặt ra, trong quá trình triển khai, tôi vận dụng một
số phương pháp nghiên cứu sau đây:
- Phương pháp sưu tầm, thống kê: Tìm kiếm và tập hợp các tác phẩm thuộc
thể tài du ký viết về vùng biển đảo phía Nam Bộ đăng tải trên một số báo, tạp chí
nửa đầu thế kỷ XX.
- Phương pháp cấu trúc hệ thống : Nghiên cứu đặc điểm du ký biển đảo Nam
Bộ nửa đầu thế kỷ XX như một chỉnh thể hoàn chỉnh, như một cấu trúc chặt chẽ,
hợp logic trong mối quan hệ biện chứng giữa các yếu tố, giữa lý thuyết và thực tiễn
sáng tác.
- Phương pháp phân tích - tổng hợp: Dựa trên các phương diện, quan điểm
liên quan đến lý thuyết về thể tài du ký; tiến hành phân tích các tác phẩm cụ thể để
tổng hợp, khái quát những đặc điểm của du ký viết về vùng biển đảo Nam Bộ nửa
đầu thế kỷ XX.
- Phương pháp so sánh đối chiếu: Để làm rõ các giá trị văn hóa, xã hội, lịch
sử , phong tục, tập quán của con người nơi đây. Đồng thời làm nổi bật về thời gian
và không gian nghệ thuật để tạo nên nét đặc trưng riêng có của vùng biển đảo Nam
Bộ nửa đầu thế kỷ XX.
- Phương pháp liên ngành: Phong cách học, Văn bản học, Thi pháp học… để
làm sáng tỏ các đặc trưng nội dung và nghệ thu các tác phẩm du ký về biển đảo
Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn
6.1. Về lý luận
- Xác lập các quan điểm về du ký và đặc điểm về du ký Việt Nam giai đoạn
nửa đầu thế kỷ XX. Xác lập được điểm nhìn trần thuật, thời gian và không gian
nghệ thuật cũng như những đặc trưng ngôn ngữ của vùng miền là cơ sở tạo nên đặc
trưng du ký biển đảo Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX.
9
6.2. Về thực tiễn
- Luận văn tập trung nghiên cứu về các tác phẩm du ký viết về biển đảo Nam
Bộ để thấy được những đóng góp của thể tài du ký trong quá trình hiện đại hoá văn
học và làm phong phú diện mạo văn xuôi Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.
- Phân tích các tác phẩm văn du ký vùng biển đảo Nam Bộ giai đoạn đầu thế
kỷ XX với các điểm nhìn lý luân như trên để có những đánh giá đầy đủ và toàn vẹn
trong đời sống văn hóa, xã hội và sự đổi thay, tiếp nối giữa các giá trị truyền thống
và quá trình hiện đại hóa văn học trong thời kỳ lịch sử nửa đầu thế kỷ XX gắn liền
với khát vọng giải phóng dân tộc và quá trình chuyển giao thời đại và tư duy văn
học Việt Nam diễn ra trên một quy mô lớn và toàn diện.
- Nhấn mạnh giá trị và bài học của các tác phẩm du ký viết về biển đảo Nam
Bộ đối với việc nêu cao ý thức bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc và sự phát triển
ngành du lịch Việt Nam trong những năm đầu thế kỉ XX và hiện nay.
7. Cơ cấu của luận văn
Chương 1.Thể loại du ký và cơ sở hình thành, phát triển của du ký biển đảo
Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX.
Chương 2. Đặc điểm nội dung của du ký biển đảo Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX.
Chương 3.Đặc điểm nghệ thuật của du ký biển đảoNam Bộ nửa đầu thế kỷ XX.
10
Chương 1
THỂ LOẠI DU KÝ VÀ CƠ SỞ HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN
CỦA DU KÝ BIỂN ĐẢO NAM BỘ NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX
1.1. Diện mạo của du ký
1.1.1. Quan niệm về du ký
Những năm đầu thế kỉ XX, xã hội Việt Nam, dưới sự thống trị của thực dân
Pháp đã thay đổi mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…trong đó,
văn học Việt Nam đã xuất hiện những luồng tư tưởng mới, nhiều thể loại văn học
mới đã được du nhập và ra đời, dần thay thế cho các dòng chảy của văn học Trung
đại trước đó từng bị chi phối trực tiếp bởi hệ tư tưởng Nho giáo làm cho nền văn
học vốn già cỗi của nước ta như được thay da đổi thịt. Luồng gió văn học phương
Tây, mà nhất là văn học Pháp, thổi mạnh vào Việt Nam.Trong đó, sự thay đổi dễ
nhận thấy nhất là sự thay đổi về mặt thể loại. Hàng loạt thể loại văn học mới được
du nhập từ Tây như thơ mới, kịch, tiểu thuyết, truyện ngắn… Đã làm cho diện mạo
văn học dân tộc như mang xu hướng của thời đại mới.
Du ký là một thể loại đặc biệt của văn học, hay nói cách khác du ký là một
hình thức bút ký văn học thường được ghi lại bằng văn xuôi, thuật lại những chuyến
đi, ghi lại những cảm xúc, tình cảm và suy ngẫm của tác giả khi đến những vùng đất
khác nhau. Du ký có nguồn gốc từ ký, theo quan điểm của Vũ Phương Đề, thì “khi
việc quan rảnh rỗi thường ghi chép lại những điều bấy lâu mình nghe được, cùng
những chuyện biết được từ các bậc học rộng đương thời, tất cả đều theo đúng sự
thực mà viết lại thành bài”. Sự việc ấy bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau như lịch
sử, địa lí, xã hội, nông nghiệp, thậm chí là những ghi chép linh tinh… Nghĩa là tất
cả “Những việc gì lạ mà mắt thấy tai nghe đều ghi lại tất…”. Sau đó, động từ ký
được chuyển thành danh từ và có nhiều biến thể cũng có nghĩa là ghi chép sự việc.
Thời trung đại thì có chí, lục, ngữ lục, tạp văn, tạp lục, mạn lục, thực lục, tiểu lục,
khảo… Sang thời hiện đại thì có phóng sự, du ký, nhật ký, hồi ký, tản văn, ký chính
luận… Vì là ghi chép sự việc, nên đối tượng mà ký hướng tới nhất thiết phải là
người thật việc thật.Sự việc và con người phải được phản ánh một cách khách quan,
11
“có địa chỉ chính xác của nó” . Ký không cho phép người viết thêm thắt hay bịa đặt
vì điều đó khiến cho người đọc thiếu tin cậy vào những nội dung mà người viết đưa
ra.Với các thể loại văn học khác thì hư cấu chính là nét đặc trưng tạo nên dấu ấn
riêng của tác phẩm và cá nhân người viết.Nhưng với thể loại ký tuyệt đối không hư
cấu là đặc trưng thể loại cơ bản của ký, “vi phạm đặc trưng này, nhà văn nhất định
sẽ phá hoại tính chân thực lịch sử và cả tính chân thực nghệ thuật của tác phẩm”.
Chính đặc điểm không hư cấu, không tưởng tượng sẽ tạo nên niềm tin cậy cả độc
giả với tác giả và tác phẩm. Thể loại chỉ có thể tồn tại được khi đặc trưng cơ bản
được tôn trọng, nếu không ranh giới của thể loại sẽ dễ bị xóa mờ sẽ dẫn tới tình
trạng thiếu sự tôn trọng, trân trọng và niềm tin của người đọc trước tác phẩm.
Là thể loại văn học nằm trong nhóm thể loại ký, du ký cũng không thoát ly
khỏi những đặc trưng chung của hệ thống thể loại. Sách các thể văn chữ Hán Việt
Nam do Trần Thị Kim Anh và Hoàng Hồng Cẩm biên soạn, định nghĩa khá đầy đủ:
“Văn du ký là loại văn được viết ra trong những chuyến đi, vừa để ghi lại hành
trình, vừa để bày tỏ cảm xúc về những điều mắt thấy tai nghe. Đặc điểm của du ký
là chuyên lấy việc mô tả thắng cảnh núi sông, phong vật làm đề tài, cách viết đa
dạng, có thể miêu tả, có thể trữ tình, có thể nghị luận và phải là chính tác giả ghi
chép về chính chuyến đi của mình, miêu tả lại cảm thụ của bản thân trước non sông
phong vật”. Sách Lí luận Văn học, tập 2: Tác phẩm và thể loại văn học, do Trần
Đình Sử chủ biên đưa ra cách hiểu: “Có thể hiểu du ký là thể loại ghi chép về vẻ kì
thú của cảnh vật thiên nhiên và cuộc đời, những cảm nhận, suy tưởng của con
người trong những chuyến du ngoạn, du lịch. Du ký phản ánh, truyền đạt những
nhận biết, những cảm tưởng, suy nghĩ mới mẻ của bản thân người đi du lịch về
những điều mắt thấy tai nghe ở những xứ sở xa lạ, những nơi mọi người ít có dịp đi
đến, chứng kiến” [14] . Vũ Ngọc Phan nhân bàn về tác phẩm Chuyến đi Bắc Kỳ
năm Ất Hợi (1876) của Trương Vĩnh Kỳ, ông đã nhắc đến du ký: “Tập du ký này
viết không có văn chương gì cả, nhưng tỏ ra ông là một người có mắt quan sát rất
sành, vì cuộc du lịch của ông là cuộc du lịch lần đầu, ông lại đi rất chóng. Tuy
không có văn chương nhưng công nhận ngòi bút của ông rất linh hoạt” Như vậy,
12
Vũ Ngọc Phan có chỉ ra được đặc điểm cơ bản là “bài ghi chép cuộc hành trình”
Tuy chưa nêu quan điểm về thể loại của du ký.
Chỉ đến khi nhà Nghiên cứu Nguyễn Hữu Sơn - người có bề dày về nghiên
cứu du ký vào bậc nhất ở Việt Nam hiện thì vấn đề du ký đã được “duy danh” và
nhấn mạnh hơn ở phía đề tài, phía nội dung và cảm hứng nghệ thuật nơi người viết.
Ông nhận định “Một tác phẩm du ký hay không đơn thuần chỉ là một tác phẩm văn
chương mà còn có dung chứa trong đó nhiều yếu tố lịch sử, địa lý, giáo dục và đôi
khi còn phản ánh cả phương diện chính trị xã hội nữa. Nói cách khác, du ký cùng
với bút ký, hồi ký, nhật ký, ký sự, phóng sự, tùy bút… nằm ở phần giao nhau giữa
văn học và ngoài văn học”. Giống như tùy bút, phóng sự, hồi ký… du ký cũng là
một thể tài thuộc thể loại ký. Hiển nhiên nó hội tụ đầy đủ những phẩm chất chung
của thể loại này [55].
Như vậy, du ký là thể loại ký có cốt truyện ghi chép về vẻ kỳ thú của cảnh
vật thiên nhiên và cuộc đời những cảm nhận, suy tưởng của con người trong những
chuyến du ngoạn.Trong đó yếu tố cốt lõi là đi, xem và ghi chép. Nhưng tất nhiên
ghi chép sự thật không có nghĩa là ghi chép một cách cơ học, máy móc, mà sự thật
ấy phải được sàng lọc hay sáng tạo để tạo nên những giá trị thẩm mỹ mới mang tính
tiêu biểu, điển hình, giúp ký đạt đến chỗ có giá trị văn học. Đã là một thể loại văn
học thì trong du ký phản ánh, truyền đạt những nhận biết, những cảm tưởng, suy
nghĩ mới mẻ của bản thân người khám phá về những điều mắt thấy tai nghe bằng
cái nhìn, cảm nhận chủ quan của người viết. Thông qua các thể loại sáng tác bằng
thơ, phú, tụng hay những bài văn xuôi theo các phong cách ký như: ghi chép, hồi
ký, phóng sự, khảo cứu, hồi ức. Tuy nhiên, bao trùm toàn bộ tinh thần của du ký là
niềm say mê khát khao tìm kiếm, khám phá những điều mới lạ là cảm hứng phiêu
lưu. Những khám phá đầy bất ngờ, thú vị về phong cảnh thiên nhiên, văn hóa,
phong tục tập quán, tôn giáo luôn là những điều mới lạ, những nét đặc trưng riêng
của mỗi vùng miền. từ nhiều lĩnh vực của đời sống hết sức phong phú và đa dạng.
Mỗi cuộc hành trình ấy, mỗi chuyến đi ấy luôn là những dư âm hết sức ấn tượng đối
với cá nhân người khám phá, bởi những cái mới lạ luôn kích thích sự tưởng tượng,
13
sáng tạo và đam mê, để rồi suy ngẫm về cuộc sống với cái nhìn toàn vẹn hơn, thực
tiễn hơn và cũng triết lý hơn về không gian và thời gian của văn hóa, về thế giới
nhân sinh quan và giá trị của chính bản thân mình cũng như sự cống hiến của cá
nhân mình cho xã hội. Chính vì thế làm nên cái hồn cho tác phẩm vẫn là tư duy,
cách nhìn và cách tiếp cận của bản thân với những gì mình nhìn thấy, nghe thấy,
những gì mình khám phá, trải nghiệm.Tất cả những giá trị đó sẽ là một định vị về
cảm xúc, hình thành một nhu cầu tự thân đối với người đọc về mong muốn cũng
được đi, được khám phá và trải nghiệm như người viết.
Trên thực tế, có những tác phẩm du ký không thấy định danh thể loại. Có
những tác phẩm không được gọi đích danh là du ký nhưng bản chất vẫn là tác phẩm
du ký như Chuyến đi Bắc Kì năm Ất Hợi của Trương Vĩnh Ký, Ngày và đêm ở Đà
Lạt của Du Tử, Hương Cảng nhơn vật của Trần Chánh Chiếu,… Bản chất du ký là
ghi chép về sự đi, sự xê dịch, thưởng ngoạn cảnh quan xứ lạ, thế nhưng nội hàm của
khái niệm này lại khá phức tạp.Bằng chứng là các nhà nghiên cứu không phải lúc
nào cũng thống nhất với nhau về điểm nhìn nghiên cứu cách định danh. Khi nhìn
nhận và xác định một nội dung có phải là du ký cần dựa trên một số đặc điểm cơ
bản sau:
Thứ nhất,Tác phẩm du ký được thực hiện gắn với ghi chép tư liệu. Một tác
phẩm du ký không đơn giản là một tác phẩm văn học mà còn chứa đựng trong nó cả
một kho kiến thức lịch sử địa lí, giáo dục, chính trị, văn hóa, phong tục tập quán
mỗi vùng miền, rồi cả những cảm nhận, suy tưởng của nhà văn trong quá trình tiếp
xúc với người thật việc thật. Du ký thường là miêu tả những sự việc mắt thấy tai
nghe của người đi trên hành trình, nó gần như một dạng nhật ký hành trình. Điều
này không chỉ kích thích sự tò mò, nhu cầu muốn được khám phá thế giới mà còn là
sự tìm kiếm cơ hội khẳng định bản thân, tìm sự khác biệt cả về cách đi và cách
tường thuật trong văn bản du ký để tạo sự độc đáo cá nhân.
Lối tường thuật cũng có sự biến chuyển dạng thức, từ việc kể chuyện người
sang kể chuyện mình, từ các câu chuyện mang màu sắc huyền thoại sang những câu
chuyện có thực xuất phát từ những điều mắt thấy tai nghe, từ lối kể chuyện khách
14
quan chuyển sang sự lồng ghép những cảm nhận, cảm xúc cá nhân. Về tính chất
thông tin của lộ trình cũng có sự thay đổi, từ những thông tin mang tính ước đoán,
phỏng đoán sang những thông tin được tái hiện một cách cẩn trọng và chính xác
như những khảo cứu khoa học.
Để viết được tác phẩm du ký xuất sắc thì nhà viết ký cũng phải hội tụ đầy đủ
những phẩm chất như bất kì nhà văn, nhà thơ nào. Vốn sống, tài năng cũng như tư
tưởng tình cảm của người viết sẽ được bộc lộ trực tiếp qua lời văn, “Cho nên đối với
người viết ghi chép cũng như người viết văn nói chung, phải có tư tưởng sâu sắc và
vốn sống phong phú thì mới sáng tác thành công được”.
Để có thể ghi chép tư liệu tốt, chuyển hóa những chất liệu của hiện thực trở
thành một tác phẩm du ký có chất lượng, có những giá trị tươi mới, tư chất mà nhà
văn cần có như: Năng lực trí tuệ sắc bén, trí tưởng tượng sáng tạo, phông văn hóa,
kĩ thuật nghề nghiệp, thông qua kỹ năng thu thập, xử lý thông tin, nghiên cứu, khả
năng tư duy logic, sáng tạo.khả năng quan sát tinh tế, thì sự cần thiết của vốn sống
nổi lên như một điều kiện quan trọng hàng đầu. Năng động, tự tin, có trách nhiệm,
nghiêm túc trong công việc, hoà đồng, cầu tiến.Biết học hỏi, tìm tòi để xây dựng
cho mình một vốn văn hóa, vốn sống phong phú và phong cách viết riêng.
Thứ hai,Tác phẩm du ký thể hiện rõ nhận định và vốn kiến thức của tác giả.
Trong những tác phẩm du ký, ngoài việc kể truyện thì tác phẩm đậm tính
chất tư liệu, hướng vào việc tái hiện chính xác thực tại với những sự kiện có thực,
thường kèm theo sự lý giải, đánh giá tùy theo sự nhạy cảm và cách hiểu của tác giả.
Vì du ký là thể loại được lấy cảm hứng từ những chuyến đi. Do đó trên hành trình
lãng du, khám phá của mình, được tiếp xúc với những điều mới lạ. Trong cuộc hành
trình du ký có một sức hấp dẫn lạ kì, kích thích trí tò mò và bản năng khám phá của
con người với những điều chưa từng được biết đến, chưa từng được tiếp xúc hoặc
đã nghe từ lâu giờ mới được thấy, được thưởng ngoạn. Cộng thêm khối kiến thức vô
cùng phong phú được góp nhặt trên từng dặm đường khiến du ký vừa giàu giá trị
nghệ thuật vừa giàu giá trị thông tin.
15
Những câu chuyện được nghe, được chứng kiến trong cuộc hành trình luôn
làm cho du ký có một sức hấp dẫn lạ kì, kích thích trí tò mò cũng như bản năng
khám phá của con người, cộng thêm khối kiến thức vô cùng phong phú được góp
nhặt trên từng dặm đường khiến du ký vừa giàu giá trị nghệ thuật vừa giàu giá trị
thông tin. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tư duy khoa học với tư duy nghệ thuật mà
Gorki gọi là “sự hợp nhất giữa truyện và nghiên cứu” là nét rất riêng, làm nên đặc
trưng cơ bản cho thể loại này. Tư duy nghệ thuật cho phép du ký được tự do “bay
bổng”, thỏa sức bày tỏ những cung bậc cảm xúc trước hiện thực muôn màu. Còn tư
duy khoa học lại góp phần làm giàu cho nhận thức của người đọc.
1.1.2. Vài nét sơ lược về du ký Việt Nam
Trước khi du ký xuất hiện, trong văn học Việt Nam thời kỳ trung đại, đã tồn
tại một số tác phẩm có phương thức sáng tác là nghi chép về những điều mắt thấy,
tai nghe, những điều mới lại về thiên nhiên, cuộc sống và con người, qua những
chuyến đi xa. Những chuyến đi thời trung đại hầu hết không phải là những chuyến
du lịch theo đúng nghĩa mà đều là những chuyến công cán, đi sứ, đi thi, hoặc có
mục đích khác. Trong nước những lúc nhàn rỗi và khi về ngồi hồi tưởng lại, ghi
những cảm tưởng, suy nghĩ, những quan sát thu nhận được trên đường du lữ, để lại
các áng văn thơ du ký. Văn du ký trung đại cũng khá phong phú về hình thức: Thơ,
văn xuôi…
Số lượng sáng tác du ký còn giữ được không nhiều, chủ yếu tập trong trong
khoảng gian từ thế kỷ XVIII đến hết thế kỷ XIX. Xét mục đích chuyến đi, địa điểm
di chuyển đến và hình thức chữ viết, có thể tạm thời chia văn du ký trung đại thành
ba loại: Loại văn du ký của các sứ thần Việt Nam đi Trung Quốc và đến giữa thế kỷ
XIX có văn du ký của sứ thần nhà Nguyễn sang Đông Nam Á và Pháp; văn du ký
của các nhà nho đi lại giữa các vùng trong nước; một loại thứ ba là văn du ký viết
bằng chữ cái la tinh mà ngày nay ta gọi là chữ quốc ngữ của Philiphê Bỉnh và
Trương Vĩnh Ký, những tác phẩm này đã có những nét của du ký hiện đại.
- Du ký của các Nhà nho trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam; các chuyến đi
trong phạm vi không gian của nước Việt được ghi chép lại cũng khá đa dạng. Về
16
thời gian, du ký ở các thế kỷ trước đã lác đác xuất hiện ví dụ Bài ký tháp Linh tế núi
Dục Thúy của Trương Hán Siêu (chưa kể thơ, phú có nội dung du ký như thơ của
Nguyễn Trãi về Côn Sơn, phú của Nguyễn Hoàng Đại đồng phong cảnh phú.Nhưng
phải đợi đến thế kỷ XVIII-nửa đầu thế kỷ XIX, thể loại du ký văn xuôi này mới
thực sự nở rộ. Đó là bài ký động Nhị Thanh của Ngô Thì Sỹ. Thượng kinh ký sự của
Lê Hữu Trác từ Hà Tĩnh ra Thăng Long chữa bệnh cho Trịnh Cán với những cuộc
du ngoạn trong lúc rảnh rỗi được chép lại . Tác phẩm được hoàn thành vào cuối
năm Quý Mão, Cảnh Hưng 44 (1783) là một tác phẩm ký sự bằng chữ Hán rất có
giá trị trong văn học Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ
XIX, một tập bút ký ghi lại hành trình lên kinh đô, vào phủ khám chữa bệnh chữa
bệnh cho chúa. Trước thời thế và nhân tình, không ngăn được nỗi ưu sầu, Lãn Ông
đã mượn thơ giãi bày tâm sự.Chất thơ ca, du ký, nhật ký, ký sự… hòa quyện với
nhau khó mà tách bạch. Điều này cho thấy tính chất giao thoa, đan xen giữa tư duy
nghệ thuật tự sự và trữ tình, văn xuôi và thi ca, kể sự và ngụ tình, kể chuyện và đối
thoại, tự thuật và ngoại đề, ghi chép thực tại và hồi cố trong tác phẩm. Để cho phù
hợp với sự tiếp nhận của đời sau, người dịch tác phẩm này đã tổ chức lại: “Tập
Thượng kinh ký sự viết theo lối du ký, theo thời gian chép việc trước, việc sau.Tuy
nhiên, tự sự cũng có đoạn mạch. Ông Nguyễn Trọng Thuật đem dịch ra Việt văn có
ý dựa theo ý mà chia thành mười lăm chương”. Cùng với những kiến giải trong quá
trình phân tích sự kiện của Phạm Thế Ngũ cho thấy tính không đồng nhất trong
quan niệm về thể loại du ký mang tính lịch sử như trường hợp của tác phẩm Thượng
kinh ký sự trong cách tiếp nhận của thế hệ sau này. Vì thế, tác phẩm không chỉ được
gọi là tập du ký mà còn được định danh bởi các thể loại khác như: ký sự, truyện ký
lịch sử, bút ký…[38]
Chuyến du ngoạn từ Thăng Long lên núi Sài Sơn vãn cảnh chùa Phật Tích,
đền Trấn Vũ, tháp Bảo Thiên, chùa Tiên Tích của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án
còn ghi lại trong Tang thương ngẫu lục, với rất nhiều cảm xúc khác nhau. Nhưng
xem truyện đủ biết Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án hòa mình vào thiên nhiên, tôn
17
giáo để quên đi cuộc đời. Tuy nhiên, Tang thương ngẫu lục là những tài liệu quý về
lịch sử, địa lý, điển lễ, phong tục, lễ nghi ở cuối đời Lê [21].
Tác phẩm Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ cùng với Nguyễn Án là một tác
phẩm rất tiêu biểu. Với những nội dung ghi chép lại những việc xảy ra trong xã hội
lúc bấy giờ từ việc trong phủ chúa đến ngoài xã hội [21].
Ngoài ra, thế kỷ XVIII-XIX còn để lại nhiều bài ký đi thăm chùa chiền, danh
lam thắng cảnh khác trong lãnh thổ Việt Nam. Tinh thần chung của du ký thời trung
đại là ghi chép về phong cảnh và các di tích văn hóa lịch sử.
Văn du ký của xứ thần Việt Nam có các áng văn du ký tiêu biểu thuộc loại
này có Bắc sứ thông lục của Lê Quý Đôn (1726 -1784), Bắc hành tùng ký của Lê
Quỳnh. Trong bài tựa cho Bắc sứ thông lục cho biết thơ viết đi sứ của sứ thần Việt
Nam trong lịch sử thì rất nhiều, song văn xuôi thì mãi đến Lê Hữu Kiều mới viết Sứ
Bắc kỷ sự (chuyến đi sứ năm 1737) (theo tập 88,1) - tập này hiện không còn. Và tập
Bắc sứ thông lục là tập văn du ký thứ hai của sứ thần Việt Nam, viết bằng văn xuôi
chữ Hán trong chuyến đi sứ năm 1760 -1761. Lê Quý Đôn ghi chép tỉ mỉ, chi tiết
trước hết các nội dung liên quan đến chuyến đi sứ, từ thành phần sứ đoàn, các cống
vật, lễ vật; hành trình qua các ngày tháng, các địa điểm được ghi chép theo hình
thức nhật ký…Trong giai đoạn đầu của nền quốc văn, du ký quốc ngữ phát triển sôi
nổi như một thể tài tiên phong mang nhiệm vụ tiếp biến nền văn học. Từ những tác
phẩm khởi đầu với quy mô, tầm vóc lớn như “Sách sổ sang chép các việc” của
Philipphê Bỉnh, “Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi” của Trương Vĩnh Ký đến hai du ký
bằng thơ trường thiên của Trương Minh Ký, “Như Tây nhựt trình”, ‘Chư quấc thại
hội”, du ký đã chứng minh được sự tiếp nối vững chắc của nền văn chương mới.
Hoàng Xuân Việt đã ghi dấu sự phát triển chữ quốc ngữ trong du ký của Trương
Minh Ký thể hiện qua đoạn trích Như Tây nhựt trình như sau: “Chữ quốc ngữ ở đây
thật điêu luyện đến mức đáng ngạc nhiên. Đây có thể xem là bước đầu khai mở một
khả năng diễn đạt mới của chữ quốc ngữ”.
Du ký quốc ngữ phát triển phong phú ở cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX là
yêu cầu tất yếu của cuộc chuyển giao nhiệm vụ giữa nền văn học mang tính khu vực
18
và nền văn học mang tính toàn cầu. Trên phương diện nội dung, du ký quốc ngữ đã
phá bỏ sự hạn hẹp trong không gian phản ánh của văn chương nhà Nho để hướng cái
nhìn mở rộng ra toàn thế giới. Du ký thực hiện sứ mệnh trung gian của hai phạm trù
văn học, kết lại phạm trù văn học cũ và mở ra phạm trù văn học mới.Cùng với dịch
thuật, phóng tác, tiểu thuyết, biên khảo, phê bình văn học, du ký quốc ngữ góp phần
khẳng định sự lớn mạnh của một nền văn học mới phù hợp với tư duy thẩm mỹ của
một tầng lớp công chúng văn học mới. Những giá trị của thời thuộc địa gắn liền với
nền văn minh Phương Tây đã tạo ra những thay đổi vô cùng quan trọng trong việc
tiếp nhận những thành tựu của phương Tây và thế giới hiện đại.
Hầu hết các báo, tạp chí giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX đều đăng văn du ký.
Các báo địa phương như Nam Kỳ tuần báo, Thanh Nghệ Tĩnh tân văn, Thần
chung… các báo có vận mệnh khá ngắn ngủi như An Nam tạp chí, các báo chuyên
về văn học như Phong hóa ở các mức khác đều đăng văn du ký. Có ba tờ tạp chí và
báo công bố nhiều du ký, là tạp chí Nam phong, báo Phụ nữ tân văn, tạp chí Tri tân.
Du ký là một thể loại có nhiều đóng góp cho quá trình hiện đại hóa của nền
văn học Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX. Từ khi ra đời đến nay, du ký cùng
với phóng sự, tùy bút… đã gia nhập vào đời sống văn học sôi động trên cả nước,
làm nên một khởi đầu ngoạn mục cho việc đưa văn xuôi tiến dần vào vị trí trung
tâm,đóng góp tích cực vào tiến trình phát triển chung của nền văn học hiện đại Việt
Nam. Du ký không khác gì một pho tư liệu quý giá, hấp dẫn, góp phần truyền lại
niềm cảm hứng sâu đậm cho những sáng tác văn học về sau.
Kể từ khi con người thực hiện khát vọng chinh phục thế giới bằng hành trình
vượt không gian và thuật lại hành động đó bằng cảm nhận của chính mình thì cũng
là thời điểm du ký ra đời. Lịch sử của du ký chính là lịch sử của những giá trị mà
con người đạt được qua sự chinh phục không gian và chính mình. Vì thế, làm sáng
tỏ vấn đề lịch sử của du ký không chỉ là sự bổ sung những khiếm khuyết trong
nghiên cứu văn học, mà còn phản ánh sự tồn tại khách quan của thể loại này. Trên
bước đường tìm đến với văn học thế giới của văn học dân tộc, chúng ta không thể
19
phủ nhận vai trò của du ký vì nó đã mở đường cho văn chương, giao thoa giữa văn
hóa phương Đông và phương Tây.
1.2. Sự hình thành và phát triển của du ký về biển đảo Nam Bộ nửa đầu
thế kỷ XX
1.2.1.Cơ sở văn hoá, xã hội, con người của vùng biển đảo Nam Bộ
Nếu lấy biển đảo làm điểm quy chiếu, vùng ven biển Việt Nam được chia làm
4 khu vực. Mỗi khu vực đều có dấu ấn, có những sắc thái riêng về biển đảo trong
tổng thể văn hóa dân tộc nói chung. Khi bàn về văn hóa biển đảo, vùng biển đảo
Nam Bộ nó đã thỏa mãn bốn điều kiện sau đây.
- Về không gian sinh tồn, Vùng biển Tây Nam có các quần đảo và đảo nổi
tiếng như: Côn Đảo, An Thới, Thổ Chu, Nam Du, Hải Tặc, Bà Lụa... Trong đó, đảo
Phú Quốc cùng với Thổ Chu và tuyến đảo Nam Du, Hòn Chuối, Hòn Khoai tạo thành
thế khép kín bao bọc lấy phần đất liền phía Tây Nam của Tổ quốc. Địa hình các đảo
với bờ biển bao quanh hình dáng uốn lượn, nhiều bãi biển rất đẹp, nước trong xanh,
nhiều đảo còn giữ được vẻ hoang sơ, rừng nguyên sinh rất hấp dẫn và các di tích lịch
sử, văn hóa... Nằm cạnh các luồng hải thương quan trọng của thế giới, biển đảo Nam
Bộ không chỉ là môi trường sống mà còn là mạch nguồn giao lưu chính trị, kinh tế,
văn hóa với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
- Về chủ thể, về chủ thể văn hóa, có bốn tộc người chính là Việt chiếm tới hơn
90% dân số và người Việt cũng là trung tâm để gắn kết các dân tộc Khmer, Hoa, Chăm
để cùng sinh tồn và phát triển trên mảnh đất này. Có ba nguồn gốc xuất hiện chính.
Thứ nhất là những người từ miền Trung, miền Bắc do bần cùng phải bỏ quê hương vào
Nam Bộ hoặc do lưu tán để tránh cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn. Thứ hai là những
người giàu có muốn mở mang canh tác đã chiêu mộ dân nghèo đi vào Nam Bộ khai
khẩn đất đai. Thứ ba là những người bị tù tội lưu đầy và những lính tráng được triều
đình diều vào Nam Bộ để lập đồn điền và bảo vệ biên cương. Họ đều mong muốn và
mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp hơn, đây quả thực là một miền đất chứa đầy niềm hy
vọng mới cho những con người quyết định đặt chân đến nơi đây.
20
- Về thời gian tồn tại, cách nay khoảng 4000 năm, sự hiện diện đầu tiên của
con người trên mảnh đất Nam bộ đã được thừa nhận qua các di chỉ khảo cổ như hài
cốt, đồ gốm, đồ đá, đồng và sắt…Như vậy, Nam bộ là vùng đất đã có nền văn hóa
từ lâu đời. Khoảng 2000 năm TCN đến đầu công nguyên; người Indonesian đã đến
Nam Bộ và khai phá, kiến lập nên nền văn hóa Đồng Nai thời tiền sử với các du tích
như di tích Cầu Sắt, Hàng Gòn và những hiện vật và các công cụ sản xuất nông
nghiệp. Sau đó, Nam Bộ đã có trung tâm thương mại khá phồn vinh là Óc Eo. Thời
điểm người Việt tới khai phá chỉ mới hơn ba trăm năm trở lại đây, khi đó vùng biển
đảo Nam Bộ vẫn là một vùng đất vừa hoang dã vừa hào phóng.thiên nhiên ưu đãi
nhiều sản vật. Với hai đặc điểm này của thiên nhiên, đã góp phần tạo nên tính cách
đặc thù của cư dân vùng Tây Nam Bộ. Theo thời gian đã góp phần làm thành một
nền văn hóa Nam Bộ. Đây là vùng văn hóa mang tính tổng hợp, không thuần Việt,
vùng đất mới, tươi trẻ và năng động. Biển cả làm nguồn sống chính cho cộng đồng
dân cư ở nơi đây.
Về cách thức hoạt động sản xuất, ta thấy, hoạt động sản xuất ở Nam Bộ
mang đặc trưng của vùng đồng bằng châu thổ với tính sông nước rõ nét.Nhờ hệ
thống kênh, rạch, mương, rãnh… vô cùng chằng chịt và thuận lợi nên Người Nam
Bộ thường kết hợp canh tác giữa ruộng và vườn. Hoạt động ngư nghiệp qua việc kết
hợp nuôi cá, tôm trên ruộng lúa hoặc nuôi trồng theo kiểu vuông cá, vuông tôm
được phát triển mạnh. Nơi đây việc khai thác đánh bắt cá ở các ngư trường trên biển
còn bà nguồn sống chính của nhiều ngư dân làng chài ven biển và trên đảo.Người
Nam Bộ còn nuôi chim, cò, ong mật trong vườn trái cây, rừng tram (tạo thành
những rừng tràm, sân chim)… Nổi tiếng là Sân chim Vàm Hồ nằm trên Cù lao Lá.
Được hình thành nên những dãy rừng ngập mặn rộng hàng chục hecta xuôi theo
dòng Ba Lai. Đây là nơi sinh sống của rất nhiều loài chim, nhất là cò trắng, cò
ngang nhỏ, vạc, diệc xám.Vườn Quốc gia Tràm Chim Đồng Tháp nổi tiếng nhất cả
nước. Nơi đây được xem là khu dự trữ sinh quyển Ramsar thứ 2.000 của thế
giới.Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp với sông nước mênh mang, những
rừng tràm ngút ngàn và thảm thực vật vô cùng phong phú và đa dạng.
21
Sông nước nơi đây còn là tiền đề phát triển các nghề buôn bán trên sông, vận
tải đường sông.Phương tiện đi lại và vận chuyển chủ yếu là đường thủy, phương tiện
là ghe xuồng các loại.Cư ngụ giữa vùng sông nước, dù nhà nghèo ít nhất cũng có một
chiếc xuồng ba lá. Xuồng ba lá với đặc điểm nhỏ gọn, dễ luồng lách và cách rạch nhỏ
đã trở thành biểu tượng của văn hóa sông nước, xứ ruộng sình kinh ngập, mùa mưa lũ
kéo dài tới 6 tháng mỗi năm.Nhiều người vẫn nhớ câu ca được cải biên từ một điệu lý
để thấy chiếc xuồng ba lá gắn bó trong sinh hoạt với người dân nơi đây.
Nhà anh cách nhà em hai kinh một rạch
Anh ngó thấy em tóc dài buông hờ bà ba tím
Anh nghèo chưa sắm xuồng ba lá
Chẳng đành lội kinh dính sình sang bển gặp em
Thì mai anh sang nhà Năm Cua mượn xuồng ba lá.
Việc giao thương của vùng cũng mang đặc thù sông nước.Từ xưa, các trung
tâm giao thương lớn của vùng đều được hình thành ven bờ sông rạch, thuận lợi cho
việc vận chuyển hàng hoá nhất là ở những ngã ba sông.Đặc biệt ở miền Tây còn
có các chợ nổi mà toàn bộ hoạt động đều diễn ra trên sông nước.Bên cạnh đó, tại
đây nhiều ngành nghề thủ công nghiệp, thương nghiệp cũng đã hình thành để đáp
ứng cho nhu cầu hoạt động nông nghiệp.
Về hình thức tổ chức gia đình, làng xóm và nơi cư trú; Đến Nam Bộ để khai
hoang lập ấp, người Việt cũng theo truyền thống để tổ chức quần cư thành làng ấp.
Tuy nhiên, về nội dung và hình thức, làng ấp của người Việt Nam Bộ có nhiều điểm
khác biệt với làng quê ở đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ. Các thành phần trong cư
dân cũng thường biến động, do đó xét về mối quan hệ thì dù có sự gắn bó nhưng
vẫn lỏng lẻo hơn ở Bắc Bộ và Trung Bộ. Những người từ nhiều vùng đất khác nhau
đến sinh sống tại một ngôi làng và nhanh chóng hòa nhập, gắn bó nhưng cũng có
thể nhanh chóng dời chỗ ở, đi tìm làng khác để sinh sống.Kẻ đến người đi đổi chỗ
cho nhau, nên không có sự phân biệt đáng kể giữa dân chính cư với dân ngụ cư.
Tiện việc đi lại, làng ấp ở Nam Bộ thường hình thành dọc theo kinh rạch hoặc trục
22
lộ, không có luỹ tre làng đóng kín. Do đó, tính cố kết cộng đồng của làng ấp nơi đây
lỏng lẻo hơn làng quê ở đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ.
Đối với nơi cư trú, người Nam Bộ thường cất nhà dọc theo các tuyến sông thì
có cọc cắm xuống lòng kênh rạch. Thành phần vật liệu của nhà cửa ở Nam Bộ
thường được lấy từ thiên nhiên và chủ yếu là các vật liệu tự nhiên của vùng sông
nước như tràm, đước, chà là, bần, tre, mít, sú, vẹt, dừa nước…Đặc trưng nơi đây
chính là nhà lá, được làm bằng lá dừa. Nhà thậm chí là không có cửa, thể hiện một
lối tư duy khoáng đạt, rộng mở, đầy lòng mến khách. Với nhà của người Khmer
thường là nền đất, lợp lá và nhiều nhà làm thành một “phum”, nhiều “phum” họp
thành một “sóc”. Thêm vào đó, vì mỗi năm lại có một mùa nước nổi và vì địa hình
thấp mà ở Nam Bộ trước đây cũng có nhiều nhà sàn. Đặc biệt, xuồng ghe ở Nam Bộ
không chỉ là phương tiện di chuyển, mưu sinh mà còn là nhà, là nơi cư trú của nhiêu
cư dân làm nghề đò dọc, nuôi cá và bán buôn bán trên sông.
Về ẩm thực, bữa ăn của người Nam Bộ thiên về dư dật, phong phú về với
món ăn từ rau và cá. Trong đó, người Nam Bộ rất thích hải sản nên đã tạo ra những
món ăn rất đặc trưng như canh chua cá kèo, lươn um lá nhàu, ốc bươu luộc hèm,
mắm sống, mắm chưng, lẩu mắm…Khẩu vị của người Nam Bộ nói chung và miền
Tây nói riêng cũng rất khác biệt: Gì ra nấy! Mặn thì phải mặn quéo lưỡi, ăn cay thì
phải gừng già, cũng không thể thiếu ớt, mà ớt thì chọn loại ớt cay xé, hít hà, ngọt thì
ngọt như chè….Nói đến cay mà không đề cập và nghiên cứu khẩu vị của người
Nam khi ăn tiêu hột hoặc tiêu xay là cả một sự thiếu sót, bởi tiêu đâu chỉ là cay mà
còn ngọt. Họ chế biến rất nhiều món ăn khác nhau từ một loại thực phẩm, điển hình
như với cá lóc, người Nam có thể chế biến ra hơn 20 món khác nhau như canh chua
cá lóc, cá lóc nướng trui, mắm cá lóc, khô cá lóc, cá lóc kho hột vịt, cháo cá lóc, cá
lóc chiên cháy… Kế đến, từ một món ăn người ta có thể chế biến bằng nhiều loại
thực phẩm khác nhau ví dụ như chỉ với món kho đã có cá lóc kho, cá trê kho, cá hủn
hỉn kho tiêu, cá sặc kho, cá chạch kho, cá rô kho, cá lòng ròng kho… còn có cả gà
kho và dừa kho nữa. Sự độc đáo trong chế biến còn ở chỗ cũng là kho nhưng người
Nam Bộ có nhiều cách kho khác nhau, như: kho tiêu, kho tộ, kho quẹt, kho khô, kho
23
mặn, kho riệu… Người Nam Bộ cũng không quá cầu kỳ trong việc bày biện trang
trí món ăn, có thể bày trên lá, trên mẹt.
Về trang phục, cư dân miền Nam Bộ do điều kiện tiếp xúc với nhiều luồng văn
hoá khác nhau nên trang phục cũng chịu ảnh hưởng đáng kể. Ngoài ra, với đặc tính
thích cái mới, người Nam Bộ luôn tỏ ra nhanh nhạy theo các xu hướng của thời trang.
Yếu tố giao thoa văn hóa thể hiện trong trang phục phụ nữ của cả bốn dân tộc ở miền
Nam Bộ, rõ nét nhất phải kể đến là chiếc áo bà ba đen. Đây có lẽ là loại áo phù hợp
với các điều kiện môi sinh, thời tiết, lao động ở miền đất này…Qua con đường giao
tiếp văn hóa, áo bà ba trở thành chiếc áo tiêu biểu, đặc trưng của vùng biển đảo Nam
Bộ, cùng với đó không thể thiếu chiếc khăn rằn và đôi guốc mộc.Người Khmer mặc
áo bà ba phổ biến như người Việt. Tùy vào khung cảnh: Ở nhà, lên chùa lễ Phật
Khmer cũng khác nhau. Màu vàng và màu đỏ được ưa dùng, vì nó không chỉ tôn
thêm không khí hội hè mà còn rất phù hợp với màu sắc trang trí kiến trúc tôn giáo
truyền thống, đặc biệt là trang trí ngôi chùa Phật giáo theo phái Tiểu thừa.Với người
Chăm, trang phục truyền thống được chú trọng đặc biệt là phụ nữ. Khi ở nhà với
người thân, họ có thể mặc áo tay ngắn, nhưng váy phải dài tới gót chân. Lúc có người
lạ đến nhà hoặc đi ra đường, phụ nữ Chăm ở Nam Bộ phải mặc váy với áo dài tay và
nhất là phải choàng khăn lên đầu. Bên cạnh chức năng đối phó với môi trường tự
nhiên, việc may mặc luôn hướng tới mục đích làm đẹp cho con người, hài hòa với
đặc điểm của tính cách người miền Tây luôn ưa làm đẹp một cách tế nhị, kín đáo.
Về tính cách, Người Nam Bộ nổi tiếng phóng khoáng, rộng rãi, hiếu khách,
bộc trực, nhiệt tình, dễ tin người, hài hước, lạc quan, thích mạo hiểm, phiêu lưu,
trọng nghĩa và giàu tinh thần hiệp nghĩa bụng dạ thật lòng, muốn nói điều gì là nói
ra điều ấy ngay chứ không nói vòng vo tam quốc như phong cách của người Bắc.
Người miền Tây có những tính cách trái ngược nhau với biên độ khá rộng: Đã làm
thì làm chết thôi, còn chơi thì chơi xả láng, khi yêu quý ai thì thiết đãi thật thịnh
tình. Văn hoá Nam Bộ đánh giá cao những con người bản lĩnh, dám chấp nhận di
chuyển.Có lẽ điều này là sự thừa hưởng tính cách của ông cha ngày trước, đến vùng
đất này thời khai hoang, lập đất. Người miền Tây có tính trọng nghĩa tình, xởi lởi,
24
chữ “nghĩa” đối với họ đôi khi còn quan trọng hơn cả chữ “tình”, "hết tình còn
nghĩa". Họ đề cao sự thẳng thắn trong cách thể hiện tình cảm xúc, nhiệt tình đối với
bạn bè, người thân và cả những người xa lạ, đề cao đức tính thật thà đối với mọi
người nên dễ tin người. Bởi lẽ, trong một môi trường mới đầy hiểm nguy mà cũng
đầy trù phú, thuận lợi thì sự thẳng thắn, thật thà và niềm tin lẫn nhau là những phẩm
chất vô cùng quan trọng để những con người xa lạ gắn kết với nhau, cùng vượt qua
khó khăn, hoạn nạn. Người Nam Bộ hài hước để tự tạo niềm vui cho cuộc sống
chốn hoang vu của mình, lạc quan bởi mỗi bước chân khai phá của họ vừa ẩn chứa
hiểm nguy nhưng cũng là mở ra một dải đất xanh tươi, trù phú. Do vậy, trong mối
quan hệ ứng xử với thiên nhiên, cư dân Nam Bộ thấy gắn bó, yêu mến thiên nhiên,
vừa sợ hãi lại vừa muốn chinh phục nó.
Về tín ngưỡng, tôn giáo Nam Bộ là vùng đất có tín ngưỡng - tôn giáo rất
phong phú và theo hướng đa thần. Bên cạnh, việc tôn thờ các Thần, Thánh, Tiên,
Phật trong các tôn giáo; người Nam Bộ còn tin vào sự linh thiêng và tôn thờ các lực
lượng tự nhiên, siêu nhiên như ma, quỷ, các vong hồn… và tổ tiên của mình. Ở Nam
Bộ, người dân thường thờ các Thiên thần như thờ Ông Thiên, Bà Chúa Ngọc, Bà
Chúa Xứ,… các Nhiên Thần như Thổ địa, Thần Hổ, Thần Cá Voi, Hà Bá… và các
Nhân Thần như Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Văn Thoại, Trương Định, Nguyễn Trung
Trực, Quan Thánh Đế Quân… hay thờ gia tiên, cửu huyền trăm họ. Đặc biệt, ở miền
Nam không có thục thờ các tà thần như ở miền Bắc. Về tôn giáo, có thể thấy, ngoài
các tôn giáo du nhập vào Nam Bộ như Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Tin lành, Hồi
giáo…; Nam Bộ còn là nơi hình thành những tôn giáo mới như Cao Đài, Bửu Sơn Kỳ
Hương, Hòa Hảo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Đạo Dừa, đạo Ông Trần… nhưng ở không có
tôn giáo nào đóng vai trò chủ đọa mà hòa hợp, cùng tồn tại bên nhau.
Về lễ hội, ta thấy người Nam Bộ rất quan tâm đến những lễ hội mang màu sắc
tâm linh. Nhìn chung, các lễ hội ở Nam bộ thường được tổ chức để tưởng nhớ công ơn
của những danh nhân mở đất và anh hùng dân tộc, nhân vật tôn giáo, để tạ ơn tự nhiên
và những lực lượng siêu nhiêu đã giúp cho đời sống con người được phồn vình, ấm no
và bình an, thuận lợi; để cầu xin bình an, tài lộc. Các lễ hội phổ biến như lễ Kỳ Yên ở
25
các đình làng, lễ hội Nghinh Ông ở vùng ven biển, hội Đền Linh Sơn Thánh Mẫu núi
Bà Đen, lễ hội vía Bà Chúa Xứ ở An Giang, lễ vía Thiên Hậu Thánh Mẫu của ngư dân
thị trấn Sông Đốc ở Cà Mau, hội đua bò Bẩy Núi ở An Giang và các lễ hội thường niên
của đạo Phật, đạo Cao Đài, đạo Hòa Hảo (như Hội Yến Diêu Trì Cung ở Tây
Ninh)…Ngoài ra, ở Nam Bộ còn có các lễ tưởng niệm các danh nhân mở đất, các anh
hùng dân tộc như Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Văn Thoại, Nguyễn Trung Trực, Võ
Duy Dương… Riêng người Khmer Nam Bộ còn có các ngày lễ lớn như Chol CHà
Nộiam Thmay (năm mới), lễ Dolta (xá tội vông nhân), Ooc Om Bok (cúng trăng) và
những lễ hội khác như lễ hội xuống đồng của người Khmer ở Bình Phước, lễ hội Neak
Tà của người Khmer ở Trà Vinh, lễ hội Phước biển của người Khmer ở Sóc Trăng,
Vĩnh Châu… với các hoạt động như đua ghe ngo, múa hát. Ngoài ra, người Chơ-ro ở
Đồng Nam còn có lễ cúng Thần Lúa… Trong đó, các nghi thức múa hát như múa đèn,
múa bông, múa mâm vàng, múa lân, múa bòng… là những điệu múa phổ biến ở Nam
Bộ và được nhiều người ưa thích.
Nhìn lại tiến trình lịch sử phát triển của dân tộc từ xưa đến nay, cộng đồng dân
tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam luôn coi biển đảo như một phần không thể tách
rời, cả trong đời sống và tâm thức của mình. Từ xưa, văn hóa biển cũng đã gắn với
những câu chuyện truyền thuyết trong công cuộc dựng nước và giữ nước.gắn với quá
trình mở đất vào phương Nam của vua chúa nhà Nguyễn, tất cả dẫn đến ý thức của thế
hệ ngày nay về giá trị văn hóa biển đảo. Đối với vùng biển đảo Nam Bộ, ý thức về sự
chinh phục biển luôn gắn với giá trị kinh tế biển với giá trị văn hóa biển.Điều này,
minh chứng rất rõ về văn hóa biển gắn với lễ hội dân gian như lễ hội thờ cúng Thành
hoàng làng, lễ hội Nghinh Ông, thờ cúng cá Ông… của cư dân sống ở vùng ven biển.
Các lễ hội này chứa đựng những giá trị văn hóa – lịch sử độc đáo, góp phần bảo lưu các
giá trị văn hóa truyền thống và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện phương cách
ứng xử văn hóa của ngư dân trước biển cả. Các giá trị lịch sử văn hóa cả về truyền
thống và hiện đại góp phần làm phong phú cho các giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam.
1.2.2. Đội ngũ sáng tác và độc giả tiếp nhận
26
Các tác giả du ký viết về biển đảo Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX chủ yếu là các
nhà trí thức chịu ảnh hưởng của hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây. Ban
đầu là xuất thân trong môi trường Nho học, sau đó được tiếp cận với những luồng
văn hóa, tri thức mới của phương Tây. Họ đều là những cây bút ưa tìm tòi phiêu
lưu, khám phá, với những cơ hội được đi du lịch, đi công tác chính là điều kiện để
tìm ra chất liệu viết các tác phẩm du ký. Đội ngũ sáng tác các tác phẩm du ký đều là
những trí thức, tầng lớp tiên tiến trong xã hội đương thời, có thể là nhà báo, nhà
văn, là học sinh, thầy giáo… họ có những điều kiện và cơ hội đến với vùng biển
đảo, thực hiện được những chuyến đi xa, khó khăn. Như chúng ta biết lúc đó,
phương tiện giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn, dân cư một số nơi còn thưa
thớt, nhiều vùng biển đản còn hoang dã… Lý do đến nơi đây có thể là một chuyến
đi chơi, thăm thú cùng bạn bè hay đi du lịch, đi công tác. Như việc Đông Hồ đi
chấm thi sư phạm ở Phú Quốc, thầy trò Nguyễn Đức Tánh đi du lịch kết hợp học
tập ở Nghệ Tĩnh, Trần Trọng Kim đi khám trường ở Hải Ninh. Hay như: Phạm
Manh Phan, Mộng Tuyết, Trần Cư là những người bạn cùng sở thích, rủ nhau đi
thăm thú vui khám phá những miền biển đảo mà mình chưa từng đến, những nơi có
cảnh đẹp non nước hữu tình.
Các tác giả viết về đề tài du ký đều là những phóng viên, cộng tác viên với
nhiều tờ báo và tạp chí, trong đó tiêu biểu là tờ Nam Phong, Công Luận. Các tác giả
như: Biến Ngũ Nhy, Phạm Quỳnh, Đông Hồ, Nguyễn Thiên Kim, Trần Đình Khiêm,
Nguyễn Thành Châu, Mộng Tuyết, Trúc Phong, Phan Thị Nga, Huỳnh Văn Chính,
Biểu Chánh, Khuông Việt… Trong đó, có các nhà văn tiêu biểu như: Biểu Chánh,
Đông Hồ, Mộng Tuyết. Như vậy, họ cùng tồn tại với hai tư cách là nhà văn và nhà
báo.Đặc trưng của tác phẩm du ký là những điều mới lạ được khám phá, những điều ít
ai biết đến mà nó làm cho con người ta khi tiếp xúc có những ấn tượng tốt đẹp, thậm
chí là ngưỡng mộ, đam mê. Điều này thật phù hợp với nội dung của báo chí, mà báo
chí luôn đưa thông tin nhanh nhất đến với người đọc, tiếp cận người đọc với một số
lượng lớn, không đơn thuần chỉ là những người đam mê văn chương.
27
Du ký cùng lúc thỏa mãn cho người viết được rất nhiều giá trị. Trước hết là
các tác giả được thỏa mãn những khát vọng, những mong muốn của bản thân khi
được đến những vùng biển đảo của đất nước, được ngắm thiên nhiên, quang cảnh
hùng vĩ, nên thơ và tràn đầy sức sống. Một tinh thần viết mới đầy tự do phóng
khoáng đúng với chất của con người Nam Bộ, đúng chất của tư duy phương Tây,
khác hẳn với lối viết nguyên tắc, lối mòn của tư duy Nho giáo. Tiêu biểu như:
Mộng Tuyết (Chơi Phú Quốc), Phan Thị Nga (Ra Cù lao Yến), Bạch Liên (Chơi
xuân ở Hà Tiên)…
Về độc giả tiếp nhận, đa phần các tác phẩm du ký đều đạt những tiêu chí của
báo chí, chính vì thế, các tác phẩm vừa được hoàn thành đều có cơ hội đến ngay với
bạn đọc.tại thời điểm đó, xu thế của văn học nói chung, đều hướng cả tới độc giả
bình dân được thể hiện thông qua ngôn ngữ viết dễ hiểu, phù hợp thị hiếu chung.
Một bộ phận công chúng cởi mở và có trình độ, không ngừng tiếp cận cái mới và
am hiểu văn chương, đã kiên trì ủng hộ những tìm tòi, khai phá. Việc dạy và học để
biết chữ; việc in ấn, mua bán và đọc báo; việc truyền bá và thưởng thức tác phẩm
văn học … đã trở thành một nhu cầu thực sự của đông đảo của người dân và là
một hoạt động phổ biến toàn xã hội. Vào nửa đầu thế kỷ, phần lớn người đọc sách
báo văn học là tầng lớp công chúng thị dân và viên chức nhỏ có thị hiếu thẩm mỹ
bình dân. Đến với báo chí họ chú ý những thông tin và những sự kiện giật gân, ý
thức về ngôn ngữ và nghệ thuật văn chương gần như rất ít. Với đặc trưng của báo
chí là phản ánh thông tin mang tính thời sự, nên các tác phẩm du ký ngay sau khi
hoàn thành sẽ được đưa đến với bạn đọc một cách nhanh chóng nhất.
1.2.1. Định lượng tác phẩm du ký biển đảo Nam Bộ đầu thế kỷ XX
Vào nửa đầu thế kỷ XX các tác phẩm du ký thiên về ký sự, ghi chép về các vấn
đề kinh tế, chính trị, xã hội, phong tục, tập quán, với các hình thức ký sự, ghi chép,
những bình luận, nhận xét, đánh giá vừa mang tính khách quan của thời cuộc, tính chủ
quan, cái tôi nhận định của các tác giả. Do điều kiện địa lý, lịch sử, đặc trưng văn hóa
vùng miền luôn có những dấu ấn riêng, đồng thời các tác giả viết về du ký thường là
những người từ nơi khác đến chính vì thế họ luôn có góc nhìn, góc quan sát mới lại, đa
28
chiều, luôn luôn có những ấn tượng mạnh về những giá trị đặc trưng riêng có của biển
đảo Nam Bộ. Được thể hiện thông qua các tác phẩm tiêu biểu sau : Tây Ninh - Vũng Tàu
du ký – Biến Ngũ Nhy (in trên Nam Kỳ địa phận, số 470, năm 1918), Một tháng ở Nam
Kỳ- Phạm Quỳnh (Nam Phong tạp chí, in trên 3 số 17, 19, 20, năm 1918, 1918), Thăm
đảo Phú Quốc, Đông Hồ (Nam Phong tạp chí, số 124, năm 1927), Du ký hòn Tre -
Nguyễn Thiên Kim (Công luận, số 758, năm 1927), Đi ra Côn Lôn - Trần Đình Khiêm (
Công luận, in trên các số 1280, 1281, 1282, 1284, năm 1929), Cảnh vật Hà Tiên – Đông
Hồ, Nguyễn Văn Kiêm (Nam Phong tạp chí, in trên 2 số 150, 154, năm 1930), Côn Lôn
ký sự - Thiết Hãn Tử (Công luận, in trên 2 số 2328, 2329, năm 1932), Trên đường Thiên
Lý - Nhật ký của anh kép hát -Nguyễn Thành Châu (Công luận, in trên 2 số 6413, 6425,
năm 1933, Tết chơi biển -Trúc Phong (Nam Phong tạp chí, số 207, năm 1934), Sài Gòn -
Quảng Nam trên xe lửa hạng tư - N.Q.T (Công luận, in trên số 7223, 7226, năm 1936),
Một cuộc hành hương ở Hà Tiên - (Nam kỳ tuần báo, số 17, năm 1942), Kỷ niệm Phan
Thiết – Đinh Gia Trinh (Thanh Nghị, in trên 2 số 12, 17, năm 1942), Hà Tiên du ngoạn -
Biểu Chánh (Nam Kỳ tuần báo, số 37, năm 1943), Đêm cuối ở Hà Tiên - Trường Sơn
Chí (Nam Kỳ tuần báo, số 44, năm 1943), Tôi ăn tết ở Côn Lôn - Khuông Việt (Nam Kỳ
tuần báo, số 74, năm 1944), Con đường Thiên Lý - Khuông Việt (Tri Tân tạp báo, số
171, năm 1944). Trong đó có các tác phẩm du ký là những tác giả nữ, với cách nhìn nhạy
cảm và tinh tế, cũng đã mang đến cho người đọc những tác phẩm mang đầy dấu ấn cá
nhân về những cảm nhận nơi mình đến và những giá trị nghệ thuật có chất lượng như :
Chơi Phú Quốc - Mộng Tuyết (Nam Phong tạp chí, in trên 2 số 198, 199, năm 1934),
Chơi xuân ở Hà Tiên - Bạch Liên (Công luận, in trên số 6506, 6512, năm 1934), Ra cù
lao Yến - Phan Thị Nga (Ngày nay, in trên 2 số 11, 12, năm 1935). Trong các tác phẩm
du ký tiêu biểu trên thì những điểm đến như Phú Quốc, Hà Tiên, Côn Lôn được nhiều tác
giả khai thác, dù ở bất kỳ góc độ nào cũng đều mang đến cho người đọc niềm say mê
khám phá, những ấn tượng cả về thiên nhiên tươi đẹp và con người nơi đây.
Các tác phẩm du ký đều viết bằng chữ quốc ngữ, nó đã đóng vai trò là nhịp cầu
kết nối các giá trị văn hóa truyền thống và liên kết với những giá trị mới của thời đại.Bởi
công chúng văn chương bắt nguồn từ công chúng báo chí.Trong thời kỳ này các nhà
29
văn, nhà báo đều làm việc và sống bằng nghề viết lách của chính mình. Đó là sự
phân công lao động xã hội hết sức nghiêm túc. Vì thế thái độ làm việc chuyên
nghiệp mà xã hội lúc bấy giờ yêu cầu đã xuất hiện, nó vừa bao hàm khả năng tự ý
thức về văn chương, vừa thể hiện qua trình độ xử lý chất liệu, góc nhìn khám phá
những giá trị riêng có mỗi vùng miền và cách thể hiện cũng phải tạo nên phong
cách riêng của mỗi ngòi bút. Đây là chặng đường đầu tiên xuất hiện những nhà văn
chuyên nghiệp, chuyên nghiệp hóa là yếu tố có thực trong đời sống văn học Việt
Nam, nhà văn sống bằng nghề, tuân theo quy luật thị trường. Hầu hết các tác giả du
ký đi lên từ tài năng bẩm sinh và con đường tự học, luôn phải đối diện với nỗi lo
cơm áo, việc được đào tạo chuyên môn một cách bài bản cũng không nhiều. Nhưng
với đạo đức nghề nghiệp cùng với tài năng và niềm đam mê, họ cũng đã để lại
những trang viết có nhiều giá trị lúc bấy giờ và với chúng ta hiện nay thì đó quả là
những trang tư liệu quý giá.
Các báo đăng văn du ký đều thuộc báo chí công khai, được phép xuất bản và
quản lý về nội dung đều là do người Pháp. Tuy nhiên, qua những trang du ký, người
đọc vẫn cảm nhận rõ về vẻ đẹp của quê hương, của đất nước, hiểu hơn về phong tục
tập quán, con người của mỗi vùng miền. Đó chính là cách truyền bá kín đáo nhất về
tư tưởng yêu nước, nâng cao trình độ quốc văn, mở mang dân trí. Bản thân người
đọc không còn đơn thuần là những độc giả thụ động trước những trang văn mang
chứa đầy tính chất tải đạo, rập khuân, khuân mẫu theo những quy tắc của văn thơ
trong đại. Trong luồng tư tưởng của thời đại mới với những trang văn sinh động,
vừa có tính giải trí, thưởng thức và phản ánh nhiều mặt của đời sống thực tiễn đã
đáp ứng được thị hiếu của người đọc lúc bấy giờ.
Tiểu kết chương 1
Du ký là một thể loại văn học đã được hình thành ở Việt Nam từ thời kỳ
trung đại. Tuy nhiên phải tới nửa đầu thế kỷ XX các tác phẩm văn học du ký không
chỉ nở rộ về số lượng và chất lượng mà những đặc trưng mới được định hình cụ thể
và bộc lộ đầy đủ, để từ đó làm nên một mảng văn học hiện đại rất năng động. Mang
đến những thông tin vừa mang tính khoa học, văn hóa, nghệ thuật, lịch sử… vừa là
30
cảm nhận của bản thân người viết trong quá trình khám phá và tiếp nhận bằng
những cảm xúc sâu lắng nhất của tâm hồn.
Trong bất kỳ thời đại nào thì biển đảo luôn là một phần lãnh thổ thiêng liêng của
Tổ quốc, trong đó có khu vực biển đảo Nam Bộ luôn là một đề tài được các nhà văn khai
thác dưới nhiều góc nhìn khác nhau, thể loại khác nhau. Văn học du ký biển đảo Nam Bộ
cũng đã mang đến những khám phá về tự nhiên, văn hóa cuộc sống con người của tác giả
trong một không gian đặc thù chứa đựng những trầm tích văn hóa và lịch sử. Qua những
tác phẩm này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về vùng đất và con người biển đảo Nam Bộ
trong nhiều lĩnh vực như : hệ tư tưởng, văn hóa, lối sống, phong tục tập quán, lịch sử, địa
lý…Đồng thời là những nét đặc sắc về phương diện nội dung và phương thức thể hiện
của du ký về biển đảo Nam Bộ. Hai phương diện trên sẽ được làm rõ trong hai chương
tiếp theo của luận văn.
31
Chương 2
ĐẶC ĐIỂM NỘI DUNG CỦA DU KÝ
BIỂN ĐẢO NAM BỘ NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX
2.1. Biển đảo Nam Bộ với tư cách là một đối tượng của du ký nửa đầu
thế kỷ XX
Nền văn hóa của mỗi dân tộc, đều được hình thành và phát triển trong một
môi trương nhất định. Với tư cách là một quốc gia nằm trong khu vực Đông Nam
Á, văn hóa Việt Nam đồng thời chứa đựng cả hai yếu tố văn hóa lục địa và văn hóa
biển. Nam bộ là vùng đất phía Nam thuộc lãnh thổ của Việt Nam có diện tích
khoảng 64,1 nghìn km2
, chiếm 19,4% diện tích cả nước. Vùng biển Nam Bộ nằm ở
vị trí trung tâm của khu vực Đông Nam Á với ba mặt giáp biển.Đã mở cánh cửa ra
biển Đông đón nhận trào lưu của văn minh phương Tây một cách mạnh mẽ trong
giai đọan nửa đầu thế kỷ XX. Từ vị trí không gian này đã sớm hình thành cho con
người miền Nam Bộ một tâm thức hòa hợp giữa đất liền và biển cả. Cho dù các đảo
và hải đảo nằm tách rời vùng lãnh thổ đất liền, nhưng những người dân sống trên
đảo và đát liền vẫn có những điểm chung bên cạnh những nét văn hóa đặc trưng
riêng của mỗi khu vực địa lý.
Trước đó, thời kỳ trung đại các ghi chép về biển đảo phía nam của Tổ quốc
đã xuất hiện.Đặc biệt là thời kỳ nhà Nguyễn vào thế kỷ XIX đã ghi chép được rất
nhiều thông tin. Vùng biển đảo Nam Bộ gắn liền với vai trò của Nguyễn Ánh, một
vị vua đầu tiên của triều Nguyễn luôn có ý thức sâu sắc về nhu cầu xác lập và thực
thi chủ quyền biển đảo trong giai đoạn từ đầu thế kỷ XIX. Đối với người phương
Tây thì biển đảo Nam Bộ đã để lại những dấu ấn hết sức sâu sắc và được ghi chép
lại trong hành trình và hồi ký của mình. Như việc ghi chép của nhà du hành William
Dampier vào thế kỷ XVII trong tác phẩm Một chuyến du hành đến đàng ngoài đã
có miêu tả cuộc hành trình đến Việt Nam bằng đường thủy trong đó đã có sự quan
sát và miêu tả biển đảo nước ta, trong đó có Côn Đảo. Hay JoHà Nội Barrow đã có
tác phẩm Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà vào năm 1972- 1973, khi đoàn thám
hiểm dừng chân ở Côn Đảo đã ghi chép lại như sau “ Những chiếc tàu lớn của tôi
32
xuất hiện và đã làm náo động dữ dội đám thổ dân nghèo nàn ít ỏi ở đây. Họ đã kéo
lên núi bỏ lại đằng sau mình một ít đồ dự trữ lương thực để ở cửa ra vào những túp
lều của họ.và trong một tờ giấy viết bằng chữ Hán, họ cầu xin tôi bằng lòng lấy đi
tất cả và hãy để lại cho họ căn nhà tồi tàn kia…” Như vậy, vùng biển Nam Bộ đã
được một số nhà thám hiểm phương Tây ghi chép lại những điều mắt thấy tai nghe.
Đối với các nhà văn, nhà báo Việt Nam thì khu vực này nó cũng tồn tại với tư cách
là đối tượng đề tài của du ký gắn liền với giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX. Với những
cây bút nổi tiếng viết về vùng biển đảo Nam Bộ như Mộng Tuyết, Trần Trọng Kim,
Đông Hồ, Biểu Chánh, Khuông Việt… Người có công đầu tiên thúc đẩy thể ký
phát triển chính là Tản Đà, tiếp đến là Phạm Quỳnh đã tạo ra Mục Du ký trên Nam
Phong tạp chí với nhiều phong cách ký sự như: ghi chép, hồi ký, phóng sự, khảo
cứu, hồi ức…[80]
Bên cạnh những đặc trưng riêng thì vùng biển đảo Nam Bộ. Du ký biển đảo
Bắc Bộ đã cho người đọc thấy nó cũng giống như vùng biển đảo Nam Bộ, rất giàu
tài nguyên và tươi đẹp. Qua chuyến về Quảng Yên, Nhàn Vân Đình đã cho chúng ta
thấy vùng biển nơi đây thật giàu và đẹp, dồi dào khoáng sản than, được mệnh danh
là “vàng đen của Tổ quốc”.cách ghi chép rất thực tế, với những gì mắt thấy tai nghe.
Hay, ở Thụy Anh, Thái Bình cũng được Đặng Xuân Viện ghi chép lại cả về kinh tế,
văn hóa và chính trị.Ở đảo Cát Bà, Vân Đài cũng đã thay những người dân nơi đây
nói lên những nỗi cơ cực, khó khăn và bất lực trước kẻ thù.Qua những tác phẩm du
ký trên, chúng ta thấy con người nơi đây cũng giống như bao con người ở những
miền đất Nam Bộ rất yêu lao động, gắn bó với biển.
Cũng giống như Đông Hồ, Mộng Tuyết, Trúc phong các nhà du ký xuất hiện
trong tác phẩm với nhiều tư cách khác nhau.Nguyễn Đức Tánh về miền đất nghệ
với tư cách là một người thầy. Để giới thiệu cho học trò của mình những di vật văn
hóa, danh nhân văn hóa, địa danh văn hóa…
Qua những trang du ký đi từ miền biển Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam
Bộ…Cho chúng ta thấy ngay từ đầu thế kỷ XX biển đảo là một chủ đề được quan
tâm.Ý thức biển đảo được nêu cao. Đặc biệt là biển đảo Nam Bộ, một vùng đất mới
33
với nhiều điều chưa được khám phá, thiên nhiên tươi đẹp, nhiều sản vật, con người
nơi đây cũng có những nét văn hóa đặc trưng quả thực làm mê đắm lòn người. Đặc
biệt là các tác giả du ký.
2.2. Thiên nhiên vùng biển đảo Nam Bộ
Vùng biển Nam Bộ là một bộ phận nằm trong vịnh Thái Lan thuộc vùng biển
của 7 tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau.
Gồm các quần đảo: Hòn Khoai, Thổ Chu, An Thới, Hải Tặc, Bà Lụa, củ Tron, và các
đảo như: Hòn Chuối, Hòn Bông, cụm Hòn Đá Bạc… Phía Đông giáp biển Đông, riêng
Cà Mau và Kiên Giang giáp với biển Tây qua vịnh Thái Lan. Sông Tiền và sông Hậu
chảy qua địa bàn, đổ ra biển Đông với chín cửa: Cửa Tiểu, cửa Đại, cửa Ba Lai, cửa
Hàm Luông, cửa Cổ Chiên, cửa Cung Hầu, cửa Định An, cửa Bát Xắc và cửa Tranh Đề.
Địa hình các đảo với bờ biển bao quanh hình dáng uốn lượn, nhiều bãi biển rất đẹp,
nước trong xanh, nhiều đảo còn giữ được vẻ hoang sơ, rừng nguyên sinh rất hấp dẫn
và các di tích lịch sử, văn hóa. Vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ và mênh mông sóng nước là
đề tài mà dy ký khai thác thông qua những sáng tác được ra đời từ những cuộc hành
trình khám phá những vùng đất, những trang viết về hương sắc thiên nhiên của biển
đảo đã tạo ra một niềm say mê kỳ thú, yêu quê hương, tự hào về quê hương đất
nước mình biết bao. Đến với biển đảo là phải vượt qua muôn trùng sóng gió, khi
điều kiện đi lại được thuận tiện hơn, càng khích lệ người ta cùng đi, cùng khám
phá.Một sự trải nghiệm mới, một dấu ấn mới khiến lòng người người mở rộng hơn,
vượt lên những nhu cầu nhỏ nhặt tầm thường của cuộc sống để mưu cầu những giá
trị vượt ra ngoài giá trị của bản thân.
Cái cảm giác đầu tiên của Đinh Gia Trinh trước biển hoang sơ mới tươi mới
và trong lành làm sao “Sáng nay kèn gọi dậy lúc mặt giời còn e thẹn lấp ló ở
phương Đông. Gió trinh tiết từ bể đưa vào làm nở rộng lồng ngực, mơn trớn các
giác quan của ta, khiến ta cảm thấy trong thân thể một bồng bột yêu đời”[74; tr.16].
Biển ngàn năm vẫn vậy, nhưng cảm giác lần đầu được đến nơi đây, được khám phá,
tác giả thấy biển thật trữ tình như một cô gái mới lớn, trong trắng, ngọt ngào, tràn
đầy sức sống, làm sao không thể say mê, tràn ngập đến một niềm khát khao hoàn
34
toàn phù hợp với quy luật tâm lý, bản tính của người đàn ông. Đặc biệt là đối với
một cây bút thời kỳ này, khám phá là ngọn nguồn của sáng tạo, là chất liệu để viết
để liên tưởng. Tâm hồn tác giả cũng hồn nhiên trong trẻo như một chàng trai mới
lớn, sẵn lòng bộc lộ tất cả những gì mình yêu thích, mình cảm nhận.các cụ ta nói
quả không sai “Con gái yêu bằng tai, con trai yêu bằng mắt”. Hiện ra trước mắt ta
“Ánh nắng sớm ban mai tan dần sương lam che bóng dặng núi xa về phía Tây -
Bắc. Nền giời xanh mát, các màu sắc đều sán lạn sạch sẽ như được tắm gội trong
ban đêm.”. Như để người đọc tin khung cảnh hừng đông đẹp đẽ ấy là có thật, tác giả
không ảo tưởng mơ hồ, ấy chính là cái cảm nhận của những chàng thanh niên đang
chạy trên bờ biển, luyện tập môn điền kinh, vẻ mặt của họ không hề toát nên sự mệt
nhọc mà trong nỗi vất vả ấy cũng vẫn hừng hực một sức sống trong khung cảnh
ngày mới tươi đẹp trên biển Phan Thiết này “Da họ đỏ hồng hoặc đen sạm, người
họ bẩn những đất cát, đầu họ rối bù, nhưng họ là những lực sĩ vui vẻ, không biết
những sầu não lãng mạn yếu mềm. Với không khí trong sạch của biển cả, họ hít
lòng yêu cuộc sống và cả tình vui” . [74]
“Yên lặng trên đồi Phan Thiết, giời trong không chút gợn. Bể xanh một màu
ấm áp, tiếng sóng êm đềm tựa như ở một cõi xa xôi đưa lại, điệu đàn không bao
giờ ngừng ở cõi cảnh trí tĩnh mịch này… Thuyền đánh cá buồm trắng đỏm dáng bơi
trên mặt biển lặng. cây cỏ yên tĩnh như trầm ngâm trong suy nghĩ vô đề…mây yên
lặng không chuyển động” , “Một vệt thẳng, ở cuối tầm con mắt chia màu lam của
trời mây với màu xanh dịu của nước.” Cảnh đẹp của biển Phan Thiết làm trong
không gian của buổi chiều, không hề thấy cái bi lụy của hoàng hôn thường gặp
trong nhiều tác phẩm văn học thời bấy giờ. Mà ta thấy một sự trầm tĩnh yên lành, và
rồi nhận ra, trong lòng tác giả biển Phan Thiết giống như một cuộc đời của con
người, buổi sáng là một cô gái phơi phới sức xuân thì, buổi chiều lại là một con
người từng trải, ngồi suy ngẫm, chiêm nghiệm lại cuộc đời. Để rồi, “Lòng tôi lúc
này không nhớ thương ai, không lo sợ, không băn khoăn, không hoài vọng”. Đây
chính là cảm giác của sự thanh thản bình yên. Như triết lý nhà Phật ấy là lúc con
người trút được cái tham, sân, si… để đến với cội nguồn của hạnh phúc, tinh thần
35
thăng hoa tới cõi mộng hư hư, thực thực “Xa xôi, xa xôi huyền bí, ta đợi người hoài
ở một nơi gặp gỡ hoang đường” . Đến buổi đêm trên biển Phan Thiết tác giả đã gặp
được người bạn tri kỷ của mình đồng thời cũng là linh hồn của đêm, bởi “Mọi vật
dưới giăng trở nên thơm mát như mộng, yên tĩnh khiêm tốn như một thiếu nữ đẹp ít
nói cười” Đã gặp bạn tri kỷ sao có thể rời xa “ Ta thức đêm nay sống với giăng.
Linh hồn của giăng và linh hồn của ta giàng buộc với nhau khăng khít”. Biển Phan
Thiết là nơi lần đầu tiên tác giả đặt chân tới, những khám phá và cảm nhận về thiên
nhiên tuyệt vời nơi đây, để rồi bắt gặp “ Một tâm hồn ta đã đợi từ lâu”. [74]
Đối với Trúc Phong không được gặp người bạn tri kỷ là trăng, nhưng cảm
nhận về Hòn Tre trong không gian mờ ảo lấp lánh bởi những ánh sao thưa trong
không gian mùa xuân cũng thật êm ái “cảnh hòn Tre một dải cao cao đen đen, nằm
hình bán nguyệt, trên mặt nước lờ đờ. Đàng xa, xunh quanh tôi , còn có những dải
cao cao như thế, nhưng mờ hơn”. Mọi chuyển động của đất trời, vạn vật đều khẽ
khàng, ý tứ: “Mặt nước lặng sóng, chỉ thỉnh thoảng cách khoảng rất lâu, một ít
sóng ngoài khơi lượn vào nhè nhẹ động chiếc thuyền một cách êm ái. Tiếng gió hiu
hắt trên ngàn cây, cùng với tiếng sóng biển dạt dào”. vừa mới vài tiếng trước đó là
cảnh say sóng choáng váng cả đầu óc, 7 tiếng đồng hồ mới tới được Hòn Tre nhưng
trước nơi đây trong buổi đêm lại là cái cảm giác yên bình, an lành đến kỳ lại, mọi
thứ thật êm ái, khẽ khàng như đang nằm trong một giấc mơ, mơ đến một thiên
đường “cái cảm giác thiêng liêng huyền bí”. [43]
Vùng biển, đảo Nam Bộ là nơi có biết bao loài động vật quý như đồi mồi,
rắn biển, chim biển và thú biển, các loại cá, rong, san hô.Nam Bộ còn là vùng biển
rộng tới mức độ đa dạng sinh học cao, tạo ra một thiên nhiên vô cùng phong phú và
đa dạng và rất khác biệt. Ngay cả với những nhà khoa học bấy giờ nó còn đầy mới
mẻ, hấp dẫn, tiêu biểu là đảo Phú Quốc với diện tích lớn, không gian rộng, ai tới nơi
này đều có những trải nghiệm thật khó quên. Đông Hồ gắn bó với quê hương Hà
Tiên, những ngày tháng long đong của số phận cũng tìm về Hà Tiên để nghỉ ngơi,
chiêm nghiệm về cuộc sống.Thế nên lời nhận định này là hoàn toàn hợp lý, có cơ
sở. Rất chân thực, bởi những trang bút ký trước hết là viết cho mình, viết về chính
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY
Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY

More Related Content

What's hot

Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...
Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...
Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...nataliej4
 
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh tháiLuận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh tháinataliej4
 
Những vấn đề lý luận thường gặp trong đề thi học sinh giỏi ngữ văn
Những vấn đề lý luận thường gặp trong đề thi học sinh giỏi ngữ vănNhững vấn đề lý luận thường gặp trong đề thi học sinh giỏi ngữ văn
Những vấn đề lý luận thường gặp trong đề thi học sinh giỏi ngữ vănnataliej4
 
Khái quát văn học việt nam từ đầu thế kỷ xx đến cmt8 1945truonghocso.com
Khái quát văn học việt nam từ đầu thế kỷ xx đến cmt8 1945truonghocso.comKhái quát văn học việt nam từ đầu thế kỷ xx đến cmt8 1945truonghocso.com
Khái quát văn học việt nam từ đầu thế kỷ xx đến cmt8 1945truonghocso.comThế Giới Tinh Hoa
 
Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách
Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách
Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách nataliej4
 
HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI QUA TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN ...
HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI QUA TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN ...HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI QUA TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN ...
HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI QUA TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN ...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
đặC điểm tiểu thuyết hồ biểu chánh
đặC điểm tiểu thuyết hồ biểu chánhđặC điểm tiểu thuyết hồ biểu chánh
đặC điểm tiểu thuyết hồ biểu chánhKelsi Luist
 

What's hot (18)

Luận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAY
Luận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAYLuận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAY
Luận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAY
 
Luận văn: Nghệ thuật tự sự tiểu thuyết Murakami Haruki, HAY
Luận văn: Nghệ thuật tự sự tiểu thuyết Murakami Haruki, HAYLuận văn: Nghệ thuật tự sự tiểu thuyết Murakami Haruki, HAY
Luận văn: Nghệ thuật tự sự tiểu thuyết Murakami Haruki, HAY
 
Luận văn: Sự chuyển biến trong văn học nửa cuối thế kỉ XIX, HAY
Luận văn: Sự chuyển biến trong văn học nửa cuối thế kỉ XIX, HAYLuận văn: Sự chuyển biến trong văn học nửa cuối thế kỉ XIX, HAY
Luận văn: Sự chuyển biến trong văn học nửa cuối thế kỉ XIX, HAY
 
Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975
Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975
Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975
 
Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...
Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...
Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...
 
Luận văn: Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, HAY
Luận văn: Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, HAYLuận văn: Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, HAY
Luận văn: Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, HAY
 
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
 
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh tháiLuận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
 
Luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu
Luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh ChâuLuận văn: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu
Luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu
 
Những vấn đề lý luận thường gặp trong đề thi học sinh giỏi ngữ văn
Những vấn đề lý luận thường gặp trong đề thi học sinh giỏi ngữ vănNhững vấn đề lý luận thường gặp trong đề thi học sinh giỏi ngữ văn
Những vấn đề lý luận thường gặp trong đề thi học sinh giỏi ngữ văn
 
Luận văn: Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt nam
Luận văn: Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt namLuận văn: Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt nam
Luận văn: Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt nam
 
Khái quát văn học việt nam từ đầu thế kỷ xx đến cmt8 1945truonghocso.com
Khái quát văn học việt nam từ đầu thế kỷ xx đến cmt8 1945truonghocso.comKhái quát văn học việt nam từ đầu thế kỷ xx đến cmt8 1945truonghocso.com
Khái quát văn học việt nam từ đầu thế kỷ xx đến cmt8 1945truonghocso.com
 
Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách
Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách
Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách
 
Tiểu thuyết của các nhà văn dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc
Tiểu thuyết của các nhà văn dân tộc thiểu số miền núi phía BắcTiểu thuyết của các nhà văn dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc
Tiểu thuyết của các nhà văn dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc
 
HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI QUA TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN ...
HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI QUA TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN ...HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI QUA TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN ...
HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI QUA TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN ...
 
Luận văn: Hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình Việt Nam
Luận văn: Hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình Việt NamLuận văn: Hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình Việt Nam
Luận văn: Hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình Việt Nam
 
Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lê Minh Khuê sau 1975, 9đ
Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lê Minh Khuê sau 1975, 9đThế giới nhân vật trong truyện ngắn Lê Minh Khuê sau 1975, 9đ
Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lê Minh Khuê sau 1975, 9đ
 
đặC điểm tiểu thuyết hồ biểu chánh
đặC điểm tiểu thuyết hồ biểu chánhđặC điểm tiểu thuyết hồ biểu chánh
đặC điểm tiểu thuyết hồ biểu chánh
 

Similar to Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY

NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdf
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdfNGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdf
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdfHanaTiti
 
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM nataliej4
 
Xuân diệu về tác gia và tác phẩm
Xuân diệu về tác gia và tác phẩmXuân diệu về tác gia và tác phẩm
Xuân diệu về tác gia và tác phẩmjackjohn45
 
NGUYỄN DU VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdf
NGUYỄN DU VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdfNGUYỄN DU VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdf
NGUYỄN DU VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdfNuioKila
 
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy Tự
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy TựTìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy Tự
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy TựDịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
Truyen thuyet va_giai_thoai_ve_cac_nhan_vat_lich_su_nam_bo_tu_cuoi_the_ky_xix...
Truyen thuyet va_giai_thoai_ve_cac_nhan_vat_lich_su_nam_bo_tu_cuoi_the_ky_xix...Truyen thuyet va_giai_thoai_ve_cac_nhan_vat_lich_su_nam_bo_tu_cuoi_the_ky_xix...
Truyen thuyet va_giai_thoai_ve_cac_nhan_vat_lich_su_nam_bo_tu_cuoi_the_ky_xix...Garment Space Blog0
 
Luận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki Murakami
Luận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki MurakamiLuận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki Murakami
Luận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki MurakamiDịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
Th s33.006 thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của vi hồng
Th s33.006 thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của vi hồngTh s33.006 thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của vi hồng
Th s33.006 thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của vi hồnghttps://www.facebook.com/garmentspace
 
Trước tác của Phan Mạnh danh trong bối cảnh hiện đại hóa văn học Việt Nam
Trước tác của Phan Mạnh danh trong bối cảnh hiện đại hóa văn học Việt NamTrước tác của Phan Mạnh danh trong bối cảnh hiện đại hóa văn học Việt Nam
Trước tác của Phan Mạnh danh trong bối cảnh hiện đại hóa văn học Việt NamDịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam Man_Ebook
 
Tailieu.vncty.com the gioi-nhan_vat_trong_truyen_ngan_nguyen_cong_hoan_va_t...
Tailieu.vncty.com   the gioi-nhan_vat_trong_truyen_ngan_nguyen_cong_hoan_va_t...Tailieu.vncty.com   the gioi-nhan_vat_trong_truyen_ngan_nguyen_cong_hoan_va_t...
Tailieu.vncty.com the gioi-nhan_vat_trong_truyen_ngan_nguyen_cong_hoan_va_t...Trần Đức Anh
 
Skkn dạy tác phẩm văn học dân gian trong mối quan hệ với văn hóa dân gian
Skkn dạy tác phẩm văn học dân gian trong mối quan hệ với văn hóa dân gianSkkn dạy tác phẩm văn học dân gian trong mối quan hệ với văn hóa dân gian
Skkn dạy tác phẩm văn học dân gian trong mối quan hệ với văn hóa dân giannataliej4
 
Ngôn ngữ phê bình văn học trong Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan - Gửi miễn ...
Ngôn ngữ phê bình văn học trong Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan - Gửi miễn ...Ngôn ngữ phê bình văn học trong Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan - Gửi miễn ...
Ngôn ngữ phê bình văn học trong Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan - Gửi miễn ...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
VĂN HỌC NHẬT BẢN TỪ KHỞI THỦY ĐẾN 1868
VĂN HỌC NHẬT BẢN TỪ KHỞI THỦY ĐẾN 1868 VĂN HỌC NHẬT BẢN TỪ KHỞI THỦY ĐẾN 1868
VĂN HỌC NHẬT BẢN TỪ KHỞI THỦY ĐẾN 1868 nataliej4
 

Similar to Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY (20)

NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdf
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdfNGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdf
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdf
 
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM
 
Luận án: Văn xuôi Ngọc Giao trong tiến trình văn học hiện đại
Luận án: Văn xuôi Ngọc Giao trong tiến trình văn học hiện đạiLuận án: Văn xuôi Ngọc Giao trong tiến trình văn học hiện đại
Luận án: Văn xuôi Ngọc Giao trong tiến trình văn học hiện đại
 
Xuân diệu về tác gia và tác phẩm
Xuân diệu về tác gia và tác phẩmXuân diệu về tác gia và tác phẩm
Xuân diệu về tác gia và tác phẩm
 
NGUYỄN DU VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdf
NGUYỄN DU VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdfNGUYỄN DU VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdf
NGUYỄN DU VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdf
 
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy Tự
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy TựTìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy Tự
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy Tự
 
Truyen thuyet va_giai_thoai_ve_cac_nhan_vat_lich_su_nam_bo_tu_cuoi_the_ky_xix...
Truyen thuyet va_giai_thoai_ve_cac_nhan_vat_lich_su_nam_bo_tu_cuoi_the_ky_xix...Truyen thuyet va_giai_thoai_ve_cac_nhan_vat_lich_su_nam_bo_tu_cuoi_the_ky_xix...
Truyen thuyet va_giai_thoai_ve_cac_nhan_vat_lich_su_nam_bo_tu_cuoi_the_ky_xix...
 
Luận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki Murakami
Luận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki MurakamiLuận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki Murakami
Luận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki Murakami
 
Th s33.006 thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của vi hồng
Th s33.006 thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của vi hồngTh s33.006 thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của vi hồng
Th s33.006 thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của vi hồng
 
Luận văn: Đặc trưng cơ bản của Văn học dân gian Bến Tre, HOT
Luận văn: Đặc trưng cơ bản của Văn học dân gian Bến Tre, HOTLuận văn: Đặc trưng cơ bản của Văn học dân gian Bến Tre, HOT
Luận văn: Đặc trưng cơ bản của Văn học dân gian Bến Tre, HOT
 
Đề tài: Yếu tố văn hóa dân gian trong sáng tác của một số nhà thơ thuộc phong...
Đề tài: Yếu tố văn hóa dân gian trong sáng tác của một số nhà thơ thuộc phong...Đề tài: Yếu tố văn hóa dân gian trong sáng tác của một số nhà thơ thuộc phong...
Đề tài: Yếu tố văn hóa dân gian trong sáng tác của một số nhà thơ thuộc phong...
 
Trước tác của Phan Mạnh danh trong bối cảnh hiện đại hóa văn học Việt Nam
Trước tác của Phan Mạnh danh trong bối cảnh hiện đại hóa văn học Việt NamTrước tác của Phan Mạnh danh trong bối cảnh hiện đại hóa văn học Việt Nam
Trước tác của Phan Mạnh danh trong bối cảnh hiện đại hóa văn học Việt Nam
 
Luận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOT
Luận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOTLuận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOT
Luận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOT
 
Đặc điểm thể chân dung và văn học của Hồ Anh Thái
Đặc điểm thể chân dung và văn học của Hồ Anh TháiĐặc điểm thể chân dung và văn học của Hồ Anh Thái
Đặc điểm thể chân dung và văn học của Hồ Anh Thái
 
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
Dấu ấn văn hoá Nam Bộ trong truyện ngắn Sơn Nam
 
Luận văn: Song tính trữ tình, tự sự trong thơ Nôm Đường luật, HAY
Luận văn: Song tính trữ tình, tự sự trong thơ Nôm Đường luật, HAYLuận văn: Song tính trữ tình, tự sự trong thơ Nôm Đường luật, HAY
Luận văn: Song tính trữ tình, tự sự trong thơ Nôm Đường luật, HAY
 
Tailieu.vncty.com the gioi-nhan_vat_trong_truyen_ngan_nguyen_cong_hoan_va_t...
Tailieu.vncty.com   the gioi-nhan_vat_trong_truyen_ngan_nguyen_cong_hoan_va_t...Tailieu.vncty.com   the gioi-nhan_vat_trong_truyen_ngan_nguyen_cong_hoan_va_t...
Tailieu.vncty.com the gioi-nhan_vat_trong_truyen_ngan_nguyen_cong_hoan_va_t...
 
Skkn dạy tác phẩm văn học dân gian trong mối quan hệ với văn hóa dân gian
Skkn dạy tác phẩm văn học dân gian trong mối quan hệ với văn hóa dân gianSkkn dạy tác phẩm văn học dân gian trong mối quan hệ với văn hóa dân gian
Skkn dạy tác phẩm văn học dân gian trong mối quan hệ với văn hóa dân gian
 
Ngôn ngữ phê bình văn học trong Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan - Gửi miễn ...
Ngôn ngữ phê bình văn học trong Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan - Gửi miễn ...Ngôn ngữ phê bình văn học trong Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan - Gửi miễn ...
Ngôn ngữ phê bình văn học trong Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan - Gửi miễn ...
 
VĂN HỌC NHẬT BẢN TỪ KHỞI THỦY ĐẾN 1868
VĂN HỌC NHẬT BẢN TỪ KHỞI THỦY ĐẾN 1868 VĂN HỌC NHẬT BẢN TỪ KHỞI THỦY ĐẾN 1868
VĂN HỌC NHẬT BẢN TỪ KHỞI THỦY ĐẾN 1868
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877

Hoàn Thiện Tổ Chức Kế Toán Quản Trị Tại Công Ty Tnhh Thương Mại Đầu Tư Và Phá...
Hoàn Thiện Tổ Chức Kế Toán Quản Trị Tại Công Ty Tnhh Thương Mại Đầu Tư Và Phá...Hoàn Thiện Tổ Chức Kế Toán Quản Trị Tại Công Ty Tnhh Thương Mại Đầu Tư Và Phá...
Hoàn Thiện Tổ Chức Kế Toán Quản Trị Tại Công Ty Tnhh Thương Mại Đầu Tư Và Phá...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Tiểu Luận Nâng Cao Hiệu Quả Công Tác Quản Lý Các Điểm Di Tích Lịch Sử Văn H...
Tiểu Luận Nâng Cao Hiệu Quả Công Tác Quản Lý Các Điểm Di Tích Lịch Sử Văn H...Tiểu Luận Nâng Cao Hiệu Quả Công Tác Quản Lý Các Điểm Di Tích Lịch Sử Văn H...
Tiểu Luận Nâng Cao Hiệu Quả Công Tác Quản Lý Các Điểm Di Tích Lịch Sử Văn H...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Một Số Kiến Nghị Để Nâng Cao Hiệu Quảng Đối Với Dịch Vụ Quảng Cáo Và Tổ Chức ...
Một Số Kiến Nghị Để Nâng Cao Hiệu Quảng Đối Với Dịch Vụ Quảng Cáo Và Tổ Chức ...Một Số Kiến Nghị Để Nâng Cao Hiệu Quảng Đối Với Dịch Vụ Quảng Cáo Và Tổ Chức ...
Một Số Kiến Nghị Để Nâng Cao Hiệu Quảng Đối Với Dịch Vụ Quảng Cáo Và Tổ Chức ...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877 (20)

Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Bệnh Viện Chỉnh Hình Và Phục Hồi...
Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Bệnh Viện Chỉnh Hình Và Phục Hồi...Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Bệnh Viện Chỉnh Hình Và Phục Hồi...
Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Bệnh Viện Chỉnh Hình Và Phục Hồi...
 
Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Sự Nghiệp Thuộc Sở Xây...
Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Sự Nghiệp Thuộc Sở Xây...Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Sự Nghiệp Thuộc Sở Xây...
Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Sự Nghiệp Thuộc Sở Xây...
 
Hoàn Thiện Công Tác Hạch Toán Kế Toán Tại Các Đơn Vị Dự Toán Cấp...
Hoàn Thiện Công Tác Hạch Toán Kế Toán Tại Các Đơn Vị Dự Toán Cấp...Hoàn Thiện Công Tác Hạch Toán Kế Toán Tại Các Đơn Vị Dự Toán Cấp...
Hoàn Thiện Công Tác Hạch Toán Kế Toán Tại Các Đơn Vị Dự Toán Cấp...
 
Hoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Sở Giáo Dục Và Đào Tạo ...
Hoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Sở Giáo Dục Và Đào Tạo ...Hoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Sở Giáo Dục Và Đào Tạo ...
Hoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Sở Giáo Dục Và Đào Tạo ...
 
Hoàn Thiện Tổ Chức Kế Toán Quản Trị Tại Công Ty Tnhh Thương Mại Đầu Tư Và Phá...
Hoàn Thiện Tổ Chức Kế Toán Quản Trị Tại Công Ty Tnhh Thương Mại Đầu Tư Và Phá...Hoàn Thiện Tổ Chức Kế Toán Quản Trị Tại Công Ty Tnhh Thương Mại Đầu Tư Và Phá...
Hoàn Thiện Tổ Chức Kế Toán Quản Trị Tại Công Ty Tnhh Thương Mại Đầu Tư Và Phá...
 
Hoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Thuộc Trung Tâm Y Tế
Hoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Thuộc Trung Tâm Y TếHoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Thuộc Trung Tâm Y Tế
Hoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Thuộc Trung Tâm Y Tế
 
Tiểu Luận Thực Trạng Đời Sống Văn Hóa Của Công Nhân Khu Công Nghiệp - Hay T...
Tiểu Luận Thực Trạng Đời Sống Văn Hóa Của Công Nhân Khu Công Nghiệp - Hay T...Tiểu Luận Thực Trạng Đời Sống Văn Hóa Của Công Nhân Khu Công Nghiệp - Hay T...
Tiểu Luận Thực Trạng Đời Sống Văn Hóa Của Công Nhân Khu Công Nghiệp - Hay T...
 
Tiểu Luận Quản Lý Hoạt Động Nhà Văn Hóa - Đỉnh Của Chóp!
Tiểu Luận Quản Lý Hoạt Động Nhà Văn Hóa - Đỉnh Của Chóp!Tiểu Luận Quản Lý Hoạt Động Nhà Văn Hóa - Đỉnh Của Chóp!
Tiểu Luận Quản Lý Hoạt Động Nhà Văn Hóa - Đỉnh Của Chóp!
 
Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Văn Hóa - Hay Bá Cháy!
Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Văn Hóa - Hay Bá Cháy!Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Văn Hóa - Hay Bá Cháy!
Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Văn Hóa - Hay Bá Cháy!
 
Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Thiết Chế Văn Hóa - Hay Quên Lối Ra!.
Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Thiết Chế Văn Hóa - Hay Quên Lối Ra!.Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Thiết Chế Văn Hóa - Hay Quên Lối Ra!.
Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Thiết Chế Văn Hóa - Hay Quên Lối Ra!.
 
Tiểu Luận Quản Lý Di Tích Kiến Trúc Nghệ Thuật Chùa Tứ Kỳ - Hay Bá Đạo!
Tiểu Luận Quản Lý Di Tích Kiến Trúc Nghệ Thuật Chùa Tứ Kỳ - Hay Bá Đạo!Tiểu Luận Quản Lý Di Tích Kiến Trúc Nghệ Thuật Chùa Tứ Kỳ - Hay Bá Đạo!
Tiểu Luận Quản Lý Di Tích Kiến Trúc Nghệ Thuật Chùa Tứ Kỳ - Hay Bá Đạo!
 
Tiểu Luận Quản Lý Các Dịch Vụ Văn Hóa Tại Khu Du Lịch - Hay Xĩu Ngang!
Tiểu Luận Quản Lý Các Dịch Vụ Văn Hóa Tại Khu Du Lịch - Hay Xĩu Ngang!Tiểu Luận Quản Lý Các Dịch Vụ Văn Hóa Tại Khu Du Lịch - Hay Xĩu Ngang!
Tiểu Luận Quản Lý Các Dịch Vụ Văn Hóa Tại Khu Du Lịch - Hay Xĩu Ngang!
 
Tiểu Luận Nâng Cao Hiệu Quả Công Tác Quản Lý Các Điểm Di Tích Lịch Sử Văn H...
Tiểu Luận Nâng Cao Hiệu Quả Công Tác Quản Lý Các Điểm Di Tích Lịch Sử Văn H...Tiểu Luận Nâng Cao Hiệu Quả Công Tác Quản Lý Các Điểm Di Tích Lịch Sử Văn H...
Tiểu Luận Nâng Cao Hiệu Quả Công Tác Quản Lý Các Điểm Di Tích Lịch Sử Văn H...
 
Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Lễ Hội Tịch - Xuất Sắc Nhất!
Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Lễ Hội Tịch - Xuất Sắc Nhất!Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Lễ Hội Tịch - Xuất Sắc Nhất!
Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Lễ Hội Tịch - Xuất Sắc Nhất!
 
Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Di Tích Và Phát Triển Du Lịch - Hay Nhứ...
Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Di Tích Và Phát Triển Du Lịch - Hay Nhứ...Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Di Tích Và Phát Triển Du Lịch - Hay Nhứ...
Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Di Tích Và Phát Triển Du Lịch - Hay Nhứ...
 
Tiểu Luận Bảo Vệ Và Phát Huy Di Sản Văn Hóa Dân Tộc - Hay Chảy Ke!
Tiểu Luận Bảo Vệ Và Phát Huy Di Sản Văn Hóa Dân Tộc - Hay Chảy Ke!Tiểu Luận Bảo Vệ Và Phát Huy Di Sản Văn Hóa Dân Tộc - Hay Chảy Ke!
Tiểu Luận Bảo Vệ Và Phát Huy Di Sản Văn Hóa Dân Tộc - Hay Chảy Ke!
 
Quy Trình Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Cổ Phần Truyền Thông Và Sự Kiện Taf
Quy Trình Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Cổ Phần Truyền Thông Và Sự Kiện TafQuy Trình Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Cổ Phần Truyền Thông Và Sự Kiện Taf
Quy Trình Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Cổ Phần Truyền Thông Và Sự Kiện Taf
 
Thực Trạng Hoạt Động Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Quảng Cáo
Thực Trạng Hoạt Động Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Quảng CáoThực Trạng Hoạt Động Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Quảng Cáo
Thực Trạng Hoạt Động Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Quảng Cáo
 
Một Số Kiến Nghị Để Nâng Cao Hiệu Quảng Đối Với Dịch Vụ Quảng Cáo Và Tổ Chức ...
Một Số Kiến Nghị Để Nâng Cao Hiệu Quảng Đối Với Dịch Vụ Quảng Cáo Và Tổ Chức ...Một Số Kiến Nghị Để Nâng Cao Hiệu Quảng Đối Với Dịch Vụ Quảng Cáo Và Tổ Chức ...
Một Số Kiến Nghị Để Nâng Cao Hiệu Quảng Đối Với Dịch Vụ Quảng Cáo Và Tổ Chức ...
 
Hoàn Thiện Quy Trình Dịch Vụ Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Đầu Tư
Hoàn Thiện Quy Trình Dịch Vụ Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Đầu TưHoàn Thiện Quy Trình Dịch Vụ Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Đầu Tư
Hoàn Thiện Quy Trình Dịch Vụ Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Đầu Tư
 

Recently uploaded

SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxTrích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxnhungdt08102004
 
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...Nguyen Thanh Tu Collection
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...ThunTrn734461
 
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhvanhathvc
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdfNQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdfNguyễn Đăng Quang
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líDr K-OGN
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...hoangtuansinh1
 
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxChàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxendkay31
 
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoabài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa2353020138
 
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdfSơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdftohoanggiabao81
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfhoangtuansinh1
 

Recently uploaded (19)

SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
 
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxTrích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
 
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
 
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdfNQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
 
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
 
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxChàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
 
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoabài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
 
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdfSơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
 

Luận văn: Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ, HAY

  • 1. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI KIỀU NGỌC DUNG DIỆN MẠO VÀ ĐẶC ĐIỂM DU KÝ BIỂN ĐẢO NAM BỘ NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX Chuyên ngành : Văn học Việt Nam Mã số: 8220121 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn Hà Nội, 2019
  • 2. LỜI CAM ĐOAN Đề tài luận văn “Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX” là kết quả nghiên cứu độc lập của tôi. Các thông tin có nguồn gốc rõ ràng, tuân thủ đúng nguyên tắc trích dẫn tài liệu. Nghiên cứu hoàn toàn trung thực và chưa hề được công bố ở công trình đề tài nào. Tác giả luận văn Kiều Ngọc Dung
  • 3. MỤC LỤC MỞ ĐẦU.....................................................................................................................1 CHƯƠNG 1. THỂ LOẠI DU KÝ VÀ CƠ SỞ HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN......10 CỦA DU KÝ BIỂN ĐẢO NAM BỘ NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX..............................10 1.1. Diện mạo của du ký............................................................................................10 1.2. Sự hình thành và phát triển của du ký về biển đảo Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX.19 CHƯƠNG 2. ĐẶC ĐIỂM NỘI DUNG CỦA DU KÝ BIỂN ĐẢO NAM BỘ NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX....................................................................................................31 2.1. Biển đảo Nam Bộ với tư cách là một đối tượng của du ký nửa đầu thế kỷ XX 31 2.2. Thiên nhiên vùng biển đảo Nam Bộ ..................................................................33 2.3. Lịch sử, văn hoá và hiện thực đời sống vùng biển đảo Nam Bộ .......................38 CHƯƠNG 3. ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT CỦA DU KÝ BIỂN ĐẢO NAM BỘ NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX..........................................................................................53 3.1. Điểm nhìn trần thuật...........................................................................................53 3.2.Thời gian và không gian nghệ thuật....................................................................59 3.3. Ngôn ngữ............................................................................................................71 KẾT LUẬN...............................................................................................................76 TÀI LIỆU THAM KHẢO.........................................................................................80
  • 4. 1 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Trong những năm đầu thế kỷ XX nền văn học Việt Nam chuyển mình theo hướng hiện đại hoá. Cùng với sự ra đời của các trào lưu văn học mới, du ký hiện diện góp phần làm nên diện mạo và thành tựu văn học thời kỳ này.Tuy nhiên dựa vào số lượng hạn chế các công trình chọn du ký làm đối tượng nghiên cứu có thể thấy du ký chưa được quan tâm nhiều.Tìm hiểu về du ký đặc biệt là du ký đầu thế kỷ XX nhằm xác định lại chỗ đứng của thể loại này trong tiến trình văn học đồng thời phác hoạ chân thực chặng đường đổi mới của văn học Việt Nam. Du ký nửa đầu thế kỷ XX có một đề tài rất mới mẻ đó là đề tài biển đảo.Viết về đề tài này, du ký tạo nên một vùng văn học và được tiếp nối đến tận bây giờ. Đặc biệt, những trang du ký viết trong chuyến “chu du” đến vùng biển đảo Nam Bộ như những bức tranh sinh động, nhiều màu sắc về địa lý, văn hoá, con người vùng biển đảo Nam Bộ Việt Nam. Bên cạnh đó, hội nhập và giao lưu kinh tế đã tạo nên những thách thức cho ngành du lịch Việt Nam. Mỗi trang du ký về biển đảo Nam Bộ luôn là một sự sáng tạo có ý nghĩa thiết thực giúp độc giả hiểu sâu sắc về giá trị thẩm mĩ, văn hoá của các danh lam, thắng cảnh vùng biển đảo tựa như “ngồi một chỗ mà thấy ngoài muôn dặm”. Du ký Việt Nam vùng Nam Bộ góp phần cho chúng ta một cái nhìn đầy đủ hơn về vùng biển đảo Nam Bộ trong nhận thức và thực tiễn hoạt động của người Việt. Trong một không gian sinh tồn và phát triển, nơi mà nhiều thế hệ người Việt đã trải qua nhiều gian nan, vất vả để chế ngự các thế lực tự nhiên và phát triển kinh tế, xã hội, thấy được không gian thử thách trí tuệ, bản lĩnh, sự sống kiên cường và khát vọng về bảo vệ chủ quyền của đất nước đầy gian nan, thử thách. Trên cơ sở của hoạt động khai thác biển, bảo vệ vùng biển của Tổ quốc mà “Tư duy hướng biển” của người Việt được phát triển và hoàn thiện. Từ một số đề tài nghiên cứu về các vùng trên đất nước như du ký vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ… qua đó cho thấy mỗi một vùng miền có một giá trị về địa lý, lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán và trên cơ sở đó đã
  • 5. 2 hình thành nên một nền văn học mang đặc trưng riêng cả về nội dung và nghệ thuật. Đối với du ký biển đảo phía Nam mà cụ thể là vùng Nam Bộ đã có một số tác giả tìm hiểu và nghiên cứu ở những góc độ về lịch sử, phong tục tập quán và văn hóa. Tuy nhiên, chưa có một công trình nghiên cứu nào đi sâu và phân tích để làm rõ những đóng góp cả về giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của du ký vùng biển đảo phía Nam của Tổ quốc để đem đến cho độc giả một cái nhìn toàn diện về thiên nhiên và con người cùng với chiều sâu văn hóa nơi đây. Hiện nay, vùng biển Nam Bộ là một bộ phận nằm trong vịnh Thái lan thuộc về vùng biển của 7 tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau. Gồm quần đảo “Hòn Khoai, Thổ Chu, An Thới, Hải tặc, bà Lụa, Củ Tron, và hòn đảo Hòn Chuối, Hòn Bông, cụm hòn Đá Bạc…với vị trí thuận lợi cho các hoạt động hải thương và sở hữu các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, vùng biển Nam Bộ từ rất sớm đã giữ những vị trí quan trọng của nhiều quốc gia phong kiến. Người viết chọn đề tài: "Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX". Hy vọng sẽ có thêm những đóng góp cho quá trình tìm hiểu về dấu ấn văn hóa vùng biển đảo Nam Bộ cũng như thiên nhiên và con người nơi đây. 2. Tình hình nghiên cứu Trong dòng chảy của văn học Việt Nam, du ký là một thể loại ra đời từ rất sớm, Trong lịch sử nghiên cứu về du ký chưa có một công trình lí luận và lịch sử nào dành riêng cho thể loại này và tương xứng với giá trị của nó trong nền văn học nước nhà. Khi bàn về vị trí của thể loại du ký trong quá trình hiện đại hóa văn học, năm 1942, trong cuốn sách nghiên cứu nổi tiếng - nhà văn hiện đại, khi nói tới nhóm nhà văn trong Nam Phong tạp chí Vũ Ngọc Phan đã nói sơ lược về thể tài du ký đồng thời điểm danh một số tác phẩm tác giả, trong đó có Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi của Trương Vĩnh Ký. [43] Trong chương IV - “truyện ký” của cuốn Việt Nam văn học sử giản ước tân biên tập 1, Phạm Thế Ngũ gọi Thượng kinh ký sự là “Một truyện dài du ký” - là loại văn nhằm ghi chép những điều tai nghe mắt thấy sau những bước chân từng trải trong
  • 6. 3 những dịp đi xa. Trong tập 3 của cuốn sách này, Phạm Thế Ngũ bàn tới thể tài du ký dựa trên những sáng tác của Phạm Quỳnh - chủ bút Nam phong tạp chí. Tác giả ghi nhận Phạm Quỳnh chính là người mở đầu cho lối văn du hành trên Nam phong. [38] Năm 2006, hai tác giả Bích Thu và Vũ Tuấn Anh trong Từ điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam (từ cuối thế kỷ XIX đến 1945) khẳng định du ký Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi của P.J.P Trương Vĩnh Ký là tác phẩm văn xuôi ra đời sớm nhất. Ở những công trình này, du ký hầu như được “điểm danh” và được gợi ra từ các trường hợp tác phẩm, tác giả cụ thể. Các tác giả không quên khẳng định vị trí của du ký trên hàng ghế danh dự của những thể tài, thể loại văn học đi đầu trong công cuộc hiện đại hóa văn học, nói như Vũ Tuấn Anh trong bài viết Đọc du ký Việt Nam trên Nam Phong tạp chí và cuộc du ngoạn ngược thời gian: Trong rất nhiều công trình nghiên cứu lí luận văn học của các tác giả Việt Nam, du ký được xem là một tiểu loại nằm trong thể loại ký. Bởi vậy, nghiên cứu về du ký xuất hiện tản mác, nhỏ lẻ trong những công trình viết khái quát về thể ký. [38] Năm 1967, Tạp chí Văn học, số 02 cho đăng bài Về thể ký của tác giả Tầm Dương. Ở bài viết này, du ký được quan niệm là một phần của ký sự: “Du ký là “ký” lại các sự (những điều mắt thấy tai nghe) trong lúc “du”. Du ký đứng song song với các tiểu loại khác như: Hồi ký, truyện ký… Cùng năm, trên Tạp chí Văn học số 06, Nam Mộc có bài Thể ký và vấn đề viết về người thật việc thật phân chia ký thành các tiểu loại: Phóng sự, ký sự, tùy bút, bút ký. Du ký được nhà nghiên cứu xếp và một tiểu loại của bút ký, cùng với nhật ký, hồi ký, tạp văn và tiểu phẩm… Tác giả cuốn: Văn học Việt Nam thế kỉ XX, khi nêu ra quan niệm về thể ký cũng cho rằng: “Ký là loại hình trung gian giữa báo chí và văn học. Ký bao gồm nhiều thể dưới dạng văn xuôi tự sự như bút ký, hồi ký, du ký, nhật ký, phóng sự, tùy bút và cả hồi ký tự truyện” Đây đồng thời cũng là hướng đi của tác giả cuốn 150 thuật ngữ văn học - Lại Nguyên Ân (2004) [3] hay Giáo trình lí luận văn học do Trần Đình Sử chủ biên (2009), Năm bài giảng về thể loại của Hoàng Ngọc Hiến (1992), Giáo trình Lí luận văn học(Hà Minh Đức chủ biên-1995 cũng xem du ký là một trong các hình thức
  • 7. 4 của thể loại ký, luận văn Ký - những vấn đề đặc trưng thể loại của Nguyễn Thị Ngọc Minh (2005)… Các công trình này nhìn chung đã bước đầu đưa ra những định nghĩa cho thể tài du ký cùng với một số đặc điểm chính. Du ký, giống như thể loại bao trùm nó - ký được nhấn mạnh ở khả năng ghi chép sự thật. [2]. Trong nền văn học Việt Nam cũng như các tạp chí cùng thời đã xuất hiện các thành tựu đáng trân trọng, lưu giữ của du ký các vùng miền trên đất nước Việt Nam, tiêu biểu như Nguyễn Đăng Hai tìm hiểu về Thiên nhiên và con người đồng bằng sông Cửu Long qua một số tác phẩm du ký tiêu biểu giai đoạn 1900 - 1945 (Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn, số 6, 2012) qua các tác phẩm Cảnh vật Hà Tiên, Thăm đảo Phú Quốc, Tôi ăn tết ở Côn Lôn. Nguyễn Hữu Sơn tìm hiểu về các cùng địa lý - văn hóa với các địa danh, các vùng của đất nước như Thể tài du ký về Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX (Văn nghệ quân đội, số 10, 2000), Phác thảo du ký Hà Nội trước Cách mạng Tháng Tám (Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, số 6, 2000), Du ký Ninh Bình nửa đầu thế kỷ XX (Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình, số 6, 2004)… Qua các bài viết, Nguyễn Hữu Sơn giúp người đọc thấy rõ hơn bức tranh đa dạng về du ký Việt Nam từ các tác phẩm trung đại cho tới các du ký nửa đầu thế kỷ XX trên Nam phong tạp chí và tìm thấy ở mỗi du ký là một phác thảo độc đáo, tạo thành bức tranh đa màu sắc về các vùng ở Việt Nam. Cho đến nay xem du ký là một thể tài không phải là duy nhất nhưng vẫn là quan điểm đóng vai trò chủ chốt, chiếm đa số và tỏ rõ được nhiều thành tựu hơn cả trong các nghiên cứu về du ký của văn giới. Một số khác đi theo hướng coi du ký là một thể loại văn học. Cuốn Quá trình hiện đại hóa văn học (2000), do nhà nghiên cứu Mã Giang Lân chủ biên đã khẳng định vị trí tiên phong của thể tài du ký: “Thể loại văn học đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ phải kể đến du ký” đồng thời cũng đưa ra một số đặc điểm để nhận dạng. Võ Thị Thanh Tùng trên tạp chí Khoa học xã hội, số 4 năm 2013 có bài viết điểm qua “Một vài đặc điểm của thể loại du ký Việt Nam” trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến tính chất phức hợp, giao thoa thể loại có trong du ký. Cho rằng du ký là trung gian giữa báo chí và văn học, du ký có sự giao thoa với chính luận, tác giả đánh giá:
  • 8. 5 “Từ khi ra đời đến nay, du ký cùng với phóng sự, tùy bút… đã gia nhập vào đời sống văn học sôi động trên cả nước, làm nên một khởi đầu ngoạn mục cho việc đưa văn xuôi tiến dần vào vị trí trung tâm, đóng góp tích cực vào tiến trình phát triển chung của nền văn học hiện đại Việt Nam. Nếu các thể loại như kịch, tiểu thuyết, được học tập và mô phỏng theo mô hình thể loại của phương Tây, thì du ký là thể loại được tiếp nối từ truyền thống, nhưng có những cách tân mới mẻ về chữ viết, cách hành văn, cách phản ánh những vấn đề thẩm mỹ do thời đại đặt ra… nên càng hấp dẫn hơn ” [71]. Luận án Đặc điểm du ký Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX của Nguyễn Hữu Lễ (2015) là công trình mới nhất đã có nhiều cố gắng trong việc khảo cứu thực tiễn sáng tác hướng tới góp phần định danh thể loại du ký, làm rõ đặc điểm của thể loại này. Với quan điểm: “Đã đến lúc du ký cần được làm sáng tỏ về mặt thể loại” tác giả cho rằng đây là xu hướng nghiên cứu phù hợp trong tình hình hiện nay, một khi du ký được định danh rõ ràng thì những “vấn đề về đặc điểm và cách tiếp cận nghiên cứu du ký không còn bị cản trở bởi sự giao thoa và các lằn ranh thể loại cùng với quan niệm mơ hồ về du ký” [29] Du ký từ điểm nhìn địa - văn hóa cũng là một hướng để tiếp cận các sáng tác du ký. Nguyễn Hữu Sơn là người đã khơi gợi hướng nghiên cứu du ký về các cùng địa lý - văn hóa: Vùng cao phía Bắc, vùng Quảng Ninh, Thanh Hóa, xứ Huế, Hà Nội, Sài Gòn - Gia Định... Ông là tác giả của hàng loạt bài viết: Thể tài du ký về Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX (Báo Văn nghệ quân đội số 10, 2000), Phác thảo du ký Hà Nội trước Cách mạng tháng Tám (báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, số 6, 2000), Du ký Ninh Bình nửa đầu thể kỷ XX (Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình, số 6, 2004, Du ký viết về Sài Gòn - Gia Định nửa đầu thế kỷ XX từ điểm nhìn những năm đầu thế kỷ XXI (tạp chí Khoa học xã hội, số 11, 2008), Du ký xứ Thanh nửa đầu thế kỷ XX (báo Tổ Quốc, 2010), Diện mạo và đặc điểm của du ký xứ Huế nửa đầu thế kỷ XX (báo Du lịch Sài Gòn, số 6, 2015), Nhận diện du ký biển Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX theo các vùng văn hóa (Tạp chí Biển, số 6, 2016)… Bằng việc tập hợp các tác phẩm tiêu biểu viết về từng vùng riêng biệt, Nguyễn Hữu Sơn tìm thấy ở mỗi du ký là một phác thảo
  • 9. 6 độc đáo, tạo thành bức tranh đa màu sắc về các vùng, miền ở Việt Nam. Võ Thị Thanh Tùng khai thác Tính cách con người Nam Bộ - dấu ấn đặc sắc trong du ký Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX (Tạp chí Khoa học, Đại học Sư phạm thành phố Hồ chí Minh, số 44, 2013) hay Nguyễn Đăng Hai tìm hiểu về Thiên nhiên và con người đồng bằng sông Cửu Long qua một số tác phẩm du ký tiêu biểu giai đoạn 1900 - 1945 (Tạp chí Khoa học xã hội và nhân văn, số 6, 2012). Chu Thị Yến khai thác Du ký về biển đảo Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX (Luận văn Thạc sĩ Khoa học Ngữ văn, Hà Nội, 2016)...Khai thác các sáng tác du ký từ khía cạnh văn hóa cũng là hướng tiếp cận của bài viết Giá trị văn hóa và văn học của du ký (khảo sát qua sách Du ký Việt Nam của tác giả Nguyễn Thúy Hằng (2009), khóa luận tốt nghiệp của Phạm Thị Hoài Phương với đề tài khá mới lạ - Vùng tiếp xúc trong du ký Phương Đông lướt ngoài cửa sổ (2013), luận văn Thể du ký trong tiến trình hiện đại hóa văn hóa Việt Nam 30 năm đầu thế kỷ 20 của Nguyễn Thị Thúy Hồng (2008) [56]. Những nghiên cứu về du ký nói chung, du ký nửa đầu thế kỷ XX nói riêng như vậy chưa thể coi là phong phú và tương xứng với số lượng và chất lượng của các tác phẩm. Là một bộ phận không nhỏ trong hệ thống du ký nửa đầu thế kỷ XX, những sáng tác viết về biển đảo Nam Bộ cũng đã xuất hiện trong một số nghiên cứu như đã nêu ở trên. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ dừng lại ở những bài viết tản mác về những địa danh cụ thể ở Nam Bộ chứ chưa khảo sát cả một vùng văn hóa rộng lớn. Nguyễn Hữu Sơn là người kỳ công sưu tầm những tác phẩm du ký viết về các địa danh khác nhau dọc miền Nam Bộ … Hứng thú sưu tầm và những bài viết của tác giả đã thôi thúc tôi tiếp tục khảo sát và đi sâu vào nghiên cứu: Du ký viết về biển đảo Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 3.1. Mục đích nghiên cứu Với đề tài Diện mạo và đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX. Công việc của luận văn cần đạt được các mục tiêu cụ thể sau đây:
  • 10. 7 - Nhấn mạnh đặc điểm của du ký viết biển đảo Nam Bộ ở các vấn đề: Nội dung cảm hứng, điểm nhìn trần thuật, ngôn từ nghệ thuật, sự giao thoa thể loại. Không gian và thời gian nghệ thuật để tạo nên nét đặc trưng riêng của du ký biển đảo phía Nam của Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. - Đề tài khẳng định vai trò của du ký trong giai đoạn hiện đại hóa nền văn học dân tộc. là một nguồn tư liệu hữu ích đóng góp cho quá trình tìm hiểu về đời sống tự nhiên, văn hóa, xã hội vùng biển đảo Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX dưới góc nhìn của một thể lại văn học. 3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu - Khảo sát các văn bản du ký viết về vùng biển đảo Nam Bộ, khai thác các tác phẩm du ký từ điểm nhìn văn hóa. - Xác định đặc điểm của du ký biển đảo Nam Bộ trên phương diện nội dung. - Xác định đặc điểm của du ký viết về biển đảo Nam Bộ trên phương diện hình thức. - Đánh giá đóng góp của du ký về biển đảo Nam Bộ trong sự phát triển của du ký Việt Nam đầu thế kỉ XX và trong lịch sử văn học dân tộc. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận văn là các tác phẩm du ký viết về biển đảo Nam bộ Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX, bao gồm khu vực biển đảo thuộc 7 tỉnh: Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau, Hà Tiên. Các văn bản này được đăng trên các báo và tạp chí đầu thế kỉ XX như: Nam kì tuần báo, Nam phong tạp chí, Công luận báo, Tràng An báo, Phong hóa, Tri tân tạp chí… Phạm vi nghiên cứu tư liệu của luận văn bao gồm các tác giả tác phẩm viết về vùng biển đảo Nam Bộ Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX. Đến thời điểm hiện tại, tôi sưu tầm và giới thiệu trong luận văn 15 du ký của các tác giả có phụ lục kèm theo. Du ký biển đảo Nam bộ nửa đầu thế kỉ XX có sự phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, đặc biệt là sự đa dạng của những cây bút viết du ký.
  • 11. 8 5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu - Từ đối tượng và phạm vi nghiên cứu đã được xác định, để đáp ứng yêu cầu và đạt được mục tiêu của đề tài đặt ra, trong quá trình triển khai, tôi vận dụng một số phương pháp nghiên cứu sau đây: - Phương pháp sưu tầm, thống kê: Tìm kiếm và tập hợp các tác phẩm thuộc thể tài du ký viết về vùng biển đảo phía Nam Bộ đăng tải trên một số báo, tạp chí nửa đầu thế kỷ XX. - Phương pháp cấu trúc hệ thống : Nghiên cứu đặc điểm du ký biển đảo Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX như một chỉnh thể hoàn chỉnh, như một cấu trúc chặt chẽ, hợp logic trong mối quan hệ biện chứng giữa các yếu tố, giữa lý thuyết và thực tiễn sáng tác. - Phương pháp phân tích - tổng hợp: Dựa trên các phương diện, quan điểm liên quan đến lý thuyết về thể tài du ký; tiến hành phân tích các tác phẩm cụ thể để tổng hợp, khái quát những đặc điểm của du ký viết về vùng biển đảo Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX. - Phương pháp so sánh đối chiếu: Để làm rõ các giá trị văn hóa, xã hội, lịch sử , phong tục, tập quán của con người nơi đây. Đồng thời làm nổi bật về thời gian và không gian nghệ thuật để tạo nên nét đặc trưng riêng có của vùng biển đảo Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX. - Phương pháp liên ngành: Phong cách học, Văn bản học, Thi pháp học… để làm sáng tỏ các đặc trưng nội dung và nghệ thu các tác phẩm du ký về biển đảo Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn 6.1. Về lý luận - Xác lập các quan điểm về du ký và đặc điểm về du ký Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX. Xác lập được điểm nhìn trần thuật, thời gian và không gian nghệ thuật cũng như những đặc trưng ngôn ngữ của vùng miền là cơ sở tạo nên đặc trưng du ký biển đảo Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX.
  • 12. 9 6.2. Về thực tiễn - Luận văn tập trung nghiên cứu về các tác phẩm du ký viết về biển đảo Nam Bộ để thấy được những đóng góp của thể tài du ký trong quá trình hiện đại hoá văn học và làm phong phú diện mạo văn xuôi Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. - Phân tích các tác phẩm văn du ký vùng biển đảo Nam Bộ giai đoạn đầu thế kỷ XX với các điểm nhìn lý luân như trên để có những đánh giá đầy đủ và toàn vẹn trong đời sống văn hóa, xã hội và sự đổi thay, tiếp nối giữa các giá trị truyền thống và quá trình hiện đại hóa văn học trong thời kỳ lịch sử nửa đầu thế kỷ XX gắn liền với khát vọng giải phóng dân tộc và quá trình chuyển giao thời đại và tư duy văn học Việt Nam diễn ra trên một quy mô lớn và toàn diện. - Nhấn mạnh giá trị và bài học của các tác phẩm du ký viết về biển đảo Nam Bộ đối với việc nêu cao ý thức bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc và sự phát triển ngành du lịch Việt Nam trong những năm đầu thế kỉ XX và hiện nay. 7. Cơ cấu của luận văn Chương 1.Thể loại du ký và cơ sở hình thành, phát triển của du ký biển đảo Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX. Chương 2. Đặc điểm nội dung của du ký biển đảo Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX. Chương 3.Đặc điểm nghệ thuật của du ký biển đảoNam Bộ nửa đầu thế kỷ XX.
  • 13. 10 Chương 1 THỂ LOẠI DU KÝ VÀ CƠ SỞ HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN CỦA DU KÝ BIỂN ĐẢO NAM BỘ NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX 1.1. Diện mạo của du ký 1.1.1. Quan niệm về du ký Những năm đầu thế kỉ XX, xã hội Việt Nam, dưới sự thống trị của thực dân Pháp đã thay đổi mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…trong đó, văn học Việt Nam đã xuất hiện những luồng tư tưởng mới, nhiều thể loại văn học mới đã được du nhập và ra đời, dần thay thế cho các dòng chảy của văn học Trung đại trước đó từng bị chi phối trực tiếp bởi hệ tư tưởng Nho giáo làm cho nền văn học vốn già cỗi của nước ta như được thay da đổi thịt. Luồng gió văn học phương Tây, mà nhất là văn học Pháp, thổi mạnh vào Việt Nam.Trong đó, sự thay đổi dễ nhận thấy nhất là sự thay đổi về mặt thể loại. Hàng loạt thể loại văn học mới được du nhập từ Tây như thơ mới, kịch, tiểu thuyết, truyện ngắn… Đã làm cho diện mạo văn học dân tộc như mang xu hướng của thời đại mới. Du ký là một thể loại đặc biệt của văn học, hay nói cách khác du ký là một hình thức bút ký văn học thường được ghi lại bằng văn xuôi, thuật lại những chuyến đi, ghi lại những cảm xúc, tình cảm và suy ngẫm của tác giả khi đến những vùng đất khác nhau. Du ký có nguồn gốc từ ký, theo quan điểm của Vũ Phương Đề, thì “khi việc quan rảnh rỗi thường ghi chép lại những điều bấy lâu mình nghe được, cùng những chuyện biết được từ các bậc học rộng đương thời, tất cả đều theo đúng sự thực mà viết lại thành bài”. Sự việc ấy bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau như lịch sử, địa lí, xã hội, nông nghiệp, thậm chí là những ghi chép linh tinh… Nghĩa là tất cả “Những việc gì lạ mà mắt thấy tai nghe đều ghi lại tất…”. Sau đó, động từ ký được chuyển thành danh từ và có nhiều biến thể cũng có nghĩa là ghi chép sự việc. Thời trung đại thì có chí, lục, ngữ lục, tạp văn, tạp lục, mạn lục, thực lục, tiểu lục, khảo… Sang thời hiện đại thì có phóng sự, du ký, nhật ký, hồi ký, tản văn, ký chính luận… Vì là ghi chép sự việc, nên đối tượng mà ký hướng tới nhất thiết phải là người thật việc thật.Sự việc và con người phải được phản ánh một cách khách quan,
  • 14. 11 “có địa chỉ chính xác của nó” . Ký không cho phép người viết thêm thắt hay bịa đặt vì điều đó khiến cho người đọc thiếu tin cậy vào những nội dung mà người viết đưa ra.Với các thể loại văn học khác thì hư cấu chính là nét đặc trưng tạo nên dấu ấn riêng của tác phẩm và cá nhân người viết.Nhưng với thể loại ký tuyệt đối không hư cấu là đặc trưng thể loại cơ bản của ký, “vi phạm đặc trưng này, nhà văn nhất định sẽ phá hoại tính chân thực lịch sử và cả tính chân thực nghệ thuật của tác phẩm”. Chính đặc điểm không hư cấu, không tưởng tượng sẽ tạo nên niềm tin cậy cả độc giả với tác giả và tác phẩm. Thể loại chỉ có thể tồn tại được khi đặc trưng cơ bản được tôn trọng, nếu không ranh giới của thể loại sẽ dễ bị xóa mờ sẽ dẫn tới tình trạng thiếu sự tôn trọng, trân trọng và niềm tin của người đọc trước tác phẩm. Là thể loại văn học nằm trong nhóm thể loại ký, du ký cũng không thoát ly khỏi những đặc trưng chung của hệ thống thể loại. Sách các thể văn chữ Hán Việt Nam do Trần Thị Kim Anh và Hoàng Hồng Cẩm biên soạn, định nghĩa khá đầy đủ: “Văn du ký là loại văn được viết ra trong những chuyến đi, vừa để ghi lại hành trình, vừa để bày tỏ cảm xúc về những điều mắt thấy tai nghe. Đặc điểm của du ký là chuyên lấy việc mô tả thắng cảnh núi sông, phong vật làm đề tài, cách viết đa dạng, có thể miêu tả, có thể trữ tình, có thể nghị luận và phải là chính tác giả ghi chép về chính chuyến đi của mình, miêu tả lại cảm thụ của bản thân trước non sông phong vật”. Sách Lí luận Văn học, tập 2: Tác phẩm và thể loại văn học, do Trần Đình Sử chủ biên đưa ra cách hiểu: “Có thể hiểu du ký là thể loại ghi chép về vẻ kì thú của cảnh vật thiên nhiên và cuộc đời, những cảm nhận, suy tưởng của con người trong những chuyến du ngoạn, du lịch. Du ký phản ánh, truyền đạt những nhận biết, những cảm tưởng, suy nghĩ mới mẻ của bản thân người đi du lịch về những điều mắt thấy tai nghe ở những xứ sở xa lạ, những nơi mọi người ít có dịp đi đến, chứng kiến” [14] . Vũ Ngọc Phan nhân bàn về tác phẩm Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi (1876) của Trương Vĩnh Kỳ, ông đã nhắc đến du ký: “Tập du ký này viết không có văn chương gì cả, nhưng tỏ ra ông là một người có mắt quan sát rất sành, vì cuộc du lịch của ông là cuộc du lịch lần đầu, ông lại đi rất chóng. Tuy không có văn chương nhưng công nhận ngòi bút của ông rất linh hoạt” Như vậy,
  • 15. 12 Vũ Ngọc Phan có chỉ ra được đặc điểm cơ bản là “bài ghi chép cuộc hành trình” Tuy chưa nêu quan điểm về thể loại của du ký. Chỉ đến khi nhà Nghiên cứu Nguyễn Hữu Sơn - người có bề dày về nghiên cứu du ký vào bậc nhất ở Việt Nam hiện thì vấn đề du ký đã được “duy danh” và nhấn mạnh hơn ở phía đề tài, phía nội dung và cảm hứng nghệ thuật nơi người viết. Ông nhận định “Một tác phẩm du ký hay không đơn thuần chỉ là một tác phẩm văn chương mà còn có dung chứa trong đó nhiều yếu tố lịch sử, địa lý, giáo dục và đôi khi còn phản ánh cả phương diện chính trị xã hội nữa. Nói cách khác, du ký cùng với bút ký, hồi ký, nhật ký, ký sự, phóng sự, tùy bút… nằm ở phần giao nhau giữa văn học và ngoài văn học”. Giống như tùy bút, phóng sự, hồi ký… du ký cũng là một thể tài thuộc thể loại ký. Hiển nhiên nó hội tụ đầy đủ những phẩm chất chung của thể loại này [55]. Như vậy, du ký là thể loại ký có cốt truyện ghi chép về vẻ kỳ thú của cảnh vật thiên nhiên và cuộc đời những cảm nhận, suy tưởng của con người trong những chuyến du ngoạn.Trong đó yếu tố cốt lõi là đi, xem và ghi chép. Nhưng tất nhiên ghi chép sự thật không có nghĩa là ghi chép một cách cơ học, máy móc, mà sự thật ấy phải được sàng lọc hay sáng tạo để tạo nên những giá trị thẩm mỹ mới mang tính tiêu biểu, điển hình, giúp ký đạt đến chỗ có giá trị văn học. Đã là một thể loại văn học thì trong du ký phản ánh, truyền đạt những nhận biết, những cảm tưởng, suy nghĩ mới mẻ của bản thân người khám phá về những điều mắt thấy tai nghe bằng cái nhìn, cảm nhận chủ quan của người viết. Thông qua các thể loại sáng tác bằng thơ, phú, tụng hay những bài văn xuôi theo các phong cách ký như: ghi chép, hồi ký, phóng sự, khảo cứu, hồi ức. Tuy nhiên, bao trùm toàn bộ tinh thần của du ký là niềm say mê khát khao tìm kiếm, khám phá những điều mới lạ là cảm hứng phiêu lưu. Những khám phá đầy bất ngờ, thú vị về phong cảnh thiên nhiên, văn hóa, phong tục tập quán, tôn giáo luôn là những điều mới lạ, những nét đặc trưng riêng của mỗi vùng miền. từ nhiều lĩnh vực của đời sống hết sức phong phú và đa dạng. Mỗi cuộc hành trình ấy, mỗi chuyến đi ấy luôn là những dư âm hết sức ấn tượng đối với cá nhân người khám phá, bởi những cái mới lạ luôn kích thích sự tưởng tượng,
  • 16. 13 sáng tạo và đam mê, để rồi suy ngẫm về cuộc sống với cái nhìn toàn vẹn hơn, thực tiễn hơn và cũng triết lý hơn về không gian và thời gian của văn hóa, về thế giới nhân sinh quan và giá trị của chính bản thân mình cũng như sự cống hiến của cá nhân mình cho xã hội. Chính vì thế làm nên cái hồn cho tác phẩm vẫn là tư duy, cách nhìn và cách tiếp cận của bản thân với những gì mình nhìn thấy, nghe thấy, những gì mình khám phá, trải nghiệm.Tất cả những giá trị đó sẽ là một định vị về cảm xúc, hình thành một nhu cầu tự thân đối với người đọc về mong muốn cũng được đi, được khám phá và trải nghiệm như người viết. Trên thực tế, có những tác phẩm du ký không thấy định danh thể loại. Có những tác phẩm không được gọi đích danh là du ký nhưng bản chất vẫn là tác phẩm du ký như Chuyến đi Bắc Kì năm Ất Hợi của Trương Vĩnh Ký, Ngày và đêm ở Đà Lạt của Du Tử, Hương Cảng nhơn vật của Trần Chánh Chiếu,… Bản chất du ký là ghi chép về sự đi, sự xê dịch, thưởng ngoạn cảnh quan xứ lạ, thế nhưng nội hàm của khái niệm này lại khá phức tạp.Bằng chứng là các nhà nghiên cứu không phải lúc nào cũng thống nhất với nhau về điểm nhìn nghiên cứu cách định danh. Khi nhìn nhận và xác định một nội dung có phải là du ký cần dựa trên một số đặc điểm cơ bản sau: Thứ nhất,Tác phẩm du ký được thực hiện gắn với ghi chép tư liệu. Một tác phẩm du ký không đơn giản là một tác phẩm văn học mà còn chứa đựng trong nó cả một kho kiến thức lịch sử địa lí, giáo dục, chính trị, văn hóa, phong tục tập quán mỗi vùng miền, rồi cả những cảm nhận, suy tưởng của nhà văn trong quá trình tiếp xúc với người thật việc thật. Du ký thường là miêu tả những sự việc mắt thấy tai nghe của người đi trên hành trình, nó gần như một dạng nhật ký hành trình. Điều này không chỉ kích thích sự tò mò, nhu cầu muốn được khám phá thế giới mà còn là sự tìm kiếm cơ hội khẳng định bản thân, tìm sự khác biệt cả về cách đi và cách tường thuật trong văn bản du ký để tạo sự độc đáo cá nhân. Lối tường thuật cũng có sự biến chuyển dạng thức, từ việc kể chuyện người sang kể chuyện mình, từ các câu chuyện mang màu sắc huyền thoại sang những câu chuyện có thực xuất phát từ những điều mắt thấy tai nghe, từ lối kể chuyện khách
  • 17. 14 quan chuyển sang sự lồng ghép những cảm nhận, cảm xúc cá nhân. Về tính chất thông tin của lộ trình cũng có sự thay đổi, từ những thông tin mang tính ước đoán, phỏng đoán sang những thông tin được tái hiện một cách cẩn trọng và chính xác như những khảo cứu khoa học. Để viết được tác phẩm du ký xuất sắc thì nhà viết ký cũng phải hội tụ đầy đủ những phẩm chất như bất kì nhà văn, nhà thơ nào. Vốn sống, tài năng cũng như tư tưởng tình cảm của người viết sẽ được bộc lộ trực tiếp qua lời văn, “Cho nên đối với người viết ghi chép cũng như người viết văn nói chung, phải có tư tưởng sâu sắc và vốn sống phong phú thì mới sáng tác thành công được”. Để có thể ghi chép tư liệu tốt, chuyển hóa những chất liệu của hiện thực trở thành một tác phẩm du ký có chất lượng, có những giá trị tươi mới, tư chất mà nhà văn cần có như: Năng lực trí tuệ sắc bén, trí tưởng tượng sáng tạo, phông văn hóa, kĩ thuật nghề nghiệp, thông qua kỹ năng thu thập, xử lý thông tin, nghiên cứu, khả năng tư duy logic, sáng tạo.khả năng quan sát tinh tế, thì sự cần thiết của vốn sống nổi lên như một điều kiện quan trọng hàng đầu. Năng động, tự tin, có trách nhiệm, nghiêm túc trong công việc, hoà đồng, cầu tiến.Biết học hỏi, tìm tòi để xây dựng cho mình một vốn văn hóa, vốn sống phong phú và phong cách viết riêng. Thứ hai,Tác phẩm du ký thể hiện rõ nhận định và vốn kiến thức của tác giả. Trong những tác phẩm du ký, ngoài việc kể truyện thì tác phẩm đậm tính chất tư liệu, hướng vào việc tái hiện chính xác thực tại với những sự kiện có thực, thường kèm theo sự lý giải, đánh giá tùy theo sự nhạy cảm và cách hiểu của tác giả. Vì du ký là thể loại được lấy cảm hứng từ những chuyến đi. Do đó trên hành trình lãng du, khám phá của mình, được tiếp xúc với những điều mới lạ. Trong cuộc hành trình du ký có một sức hấp dẫn lạ kì, kích thích trí tò mò và bản năng khám phá của con người với những điều chưa từng được biết đến, chưa từng được tiếp xúc hoặc đã nghe từ lâu giờ mới được thấy, được thưởng ngoạn. Cộng thêm khối kiến thức vô cùng phong phú được góp nhặt trên từng dặm đường khiến du ký vừa giàu giá trị nghệ thuật vừa giàu giá trị thông tin.
  • 18. 15 Những câu chuyện được nghe, được chứng kiến trong cuộc hành trình luôn làm cho du ký có một sức hấp dẫn lạ kì, kích thích trí tò mò cũng như bản năng khám phá của con người, cộng thêm khối kiến thức vô cùng phong phú được góp nhặt trên từng dặm đường khiến du ký vừa giàu giá trị nghệ thuật vừa giàu giá trị thông tin. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tư duy khoa học với tư duy nghệ thuật mà Gorki gọi là “sự hợp nhất giữa truyện và nghiên cứu” là nét rất riêng, làm nên đặc trưng cơ bản cho thể loại này. Tư duy nghệ thuật cho phép du ký được tự do “bay bổng”, thỏa sức bày tỏ những cung bậc cảm xúc trước hiện thực muôn màu. Còn tư duy khoa học lại góp phần làm giàu cho nhận thức của người đọc. 1.1.2. Vài nét sơ lược về du ký Việt Nam Trước khi du ký xuất hiện, trong văn học Việt Nam thời kỳ trung đại, đã tồn tại một số tác phẩm có phương thức sáng tác là nghi chép về những điều mắt thấy, tai nghe, những điều mới lại về thiên nhiên, cuộc sống và con người, qua những chuyến đi xa. Những chuyến đi thời trung đại hầu hết không phải là những chuyến du lịch theo đúng nghĩa mà đều là những chuyến công cán, đi sứ, đi thi, hoặc có mục đích khác. Trong nước những lúc nhàn rỗi và khi về ngồi hồi tưởng lại, ghi những cảm tưởng, suy nghĩ, những quan sát thu nhận được trên đường du lữ, để lại các áng văn thơ du ký. Văn du ký trung đại cũng khá phong phú về hình thức: Thơ, văn xuôi… Số lượng sáng tác du ký còn giữ được không nhiều, chủ yếu tập trong trong khoảng gian từ thế kỷ XVIII đến hết thế kỷ XIX. Xét mục đích chuyến đi, địa điểm di chuyển đến và hình thức chữ viết, có thể tạm thời chia văn du ký trung đại thành ba loại: Loại văn du ký của các sứ thần Việt Nam đi Trung Quốc và đến giữa thế kỷ XIX có văn du ký của sứ thần nhà Nguyễn sang Đông Nam Á và Pháp; văn du ký của các nhà nho đi lại giữa các vùng trong nước; một loại thứ ba là văn du ký viết bằng chữ cái la tinh mà ngày nay ta gọi là chữ quốc ngữ của Philiphê Bỉnh và Trương Vĩnh Ký, những tác phẩm này đã có những nét của du ký hiện đại. - Du ký của các Nhà nho trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam; các chuyến đi trong phạm vi không gian của nước Việt được ghi chép lại cũng khá đa dạng. Về
  • 19. 16 thời gian, du ký ở các thế kỷ trước đã lác đác xuất hiện ví dụ Bài ký tháp Linh tế núi Dục Thúy của Trương Hán Siêu (chưa kể thơ, phú có nội dung du ký như thơ của Nguyễn Trãi về Côn Sơn, phú của Nguyễn Hoàng Đại đồng phong cảnh phú.Nhưng phải đợi đến thế kỷ XVIII-nửa đầu thế kỷ XIX, thể loại du ký văn xuôi này mới thực sự nở rộ. Đó là bài ký động Nhị Thanh của Ngô Thì Sỹ. Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác từ Hà Tĩnh ra Thăng Long chữa bệnh cho Trịnh Cán với những cuộc du ngoạn trong lúc rảnh rỗi được chép lại . Tác phẩm được hoàn thành vào cuối năm Quý Mão, Cảnh Hưng 44 (1783) là một tác phẩm ký sự bằng chữ Hán rất có giá trị trong văn học Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX, một tập bút ký ghi lại hành trình lên kinh đô, vào phủ khám chữa bệnh chữa bệnh cho chúa. Trước thời thế và nhân tình, không ngăn được nỗi ưu sầu, Lãn Ông đã mượn thơ giãi bày tâm sự.Chất thơ ca, du ký, nhật ký, ký sự… hòa quyện với nhau khó mà tách bạch. Điều này cho thấy tính chất giao thoa, đan xen giữa tư duy nghệ thuật tự sự và trữ tình, văn xuôi và thi ca, kể sự và ngụ tình, kể chuyện và đối thoại, tự thuật và ngoại đề, ghi chép thực tại và hồi cố trong tác phẩm. Để cho phù hợp với sự tiếp nhận của đời sau, người dịch tác phẩm này đã tổ chức lại: “Tập Thượng kinh ký sự viết theo lối du ký, theo thời gian chép việc trước, việc sau.Tuy nhiên, tự sự cũng có đoạn mạch. Ông Nguyễn Trọng Thuật đem dịch ra Việt văn có ý dựa theo ý mà chia thành mười lăm chương”. Cùng với những kiến giải trong quá trình phân tích sự kiện của Phạm Thế Ngũ cho thấy tính không đồng nhất trong quan niệm về thể loại du ký mang tính lịch sử như trường hợp của tác phẩm Thượng kinh ký sự trong cách tiếp nhận của thế hệ sau này. Vì thế, tác phẩm không chỉ được gọi là tập du ký mà còn được định danh bởi các thể loại khác như: ký sự, truyện ký lịch sử, bút ký…[38] Chuyến du ngoạn từ Thăng Long lên núi Sài Sơn vãn cảnh chùa Phật Tích, đền Trấn Vũ, tháp Bảo Thiên, chùa Tiên Tích của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án còn ghi lại trong Tang thương ngẫu lục, với rất nhiều cảm xúc khác nhau. Nhưng xem truyện đủ biết Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án hòa mình vào thiên nhiên, tôn
  • 20. 17 giáo để quên đi cuộc đời. Tuy nhiên, Tang thương ngẫu lục là những tài liệu quý về lịch sử, địa lý, điển lễ, phong tục, lễ nghi ở cuối đời Lê [21]. Tác phẩm Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ cùng với Nguyễn Án là một tác phẩm rất tiêu biểu. Với những nội dung ghi chép lại những việc xảy ra trong xã hội lúc bấy giờ từ việc trong phủ chúa đến ngoài xã hội [21]. Ngoài ra, thế kỷ XVIII-XIX còn để lại nhiều bài ký đi thăm chùa chiền, danh lam thắng cảnh khác trong lãnh thổ Việt Nam. Tinh thần chung của du ký thời trung đại là ghi chép về phong cảnh và các di tích văn hóa lịch sử. Văn du ký của xứ thần Việt Nam có các áng văn du ký tiêu biểu thuộc loại này có Bắc sứ thông lục của Lê Quý Đôn (1726 -1784), Bắc hành tùng ký của Lê Quỳnh. Trong bài tựa cho Bắc sứ thông lục cho biết thơ viết đi sứ của sứ thần Việt Nam trong lịch sử thì rất nhiều, song văn xuôi thì mãi đến Lê Hữu Kiều mới viết Sứ Bắc kỷ sự (chuyến đi sứ năm 1737) (theo tập 88,1) - tập này hiện không còn. Và tập Bắc sứ thông lục là tập văn du ký thứ hai của sứ thần Việt Nam, viết bằng văn xuôi chữ Hán trong chuyến đi sứ năm 1760 -1761. Lê Quý Đôn ghi chép tỉ mỉ, chi tiết trước hết các nội dung liên quan đến chuyến đi sứ, từ thành phần sứ đoàn, các cống vật, lễ vật; hành trình qua các ngày tháng, các địa điểm được ghi chép theo hình thức nhật ký…Trong giai đoạn đầu của nền quốc văn, du ký quốc ngữ phát triển sôi nổi như một thể tài tiên phong mang nhiệm vụ tiếp biến nền văn học. Từ những tác phẩm khởi đầu với quy mô, tầm vóc lớn như “Sách sổ sang chép các việc” của Philipphê Bỉnh, “Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi” của Trương Vĩnh Ký đến hai du ký bằng thơ trường thiên của Trương Minh Ký, “Như Tây nhựt trình”, ‘Chư quấc thại hội”, du ký đã chứng minh được sự tiếp nối vững chắc của nền văn chương mới. Hoàng Xuân Việt đã ghi dấu sự phát triển chữ quốc ngữ trong du ký của Trương Minh Ký thể hiện qua đoạn trích Như Tây nhựt trình như sau: “Chữ quốc ngữ ở đây thật điêu luyện đến mức đáng ngạc nhiên. Đây có thể xem là bước đầu khai mở một khả năng diễn đạt mới của chữ quốc ngữ”. Du ký quốc ngữ phát triển phong phú ở cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX là yêu cầu tất yếu của cuộc chuyển giao nhiệm vụ giữa nền văn học mang tính khu vực
  • 21. 18 và nền văn học mang tính toàn cầu. Trên phương diện nội dung, du ký quốc ngữ đã phá bỏ sự hạn hẹp trong không gian phản ánh của văn chương nhà Nho để hướng cái nhìn mở rộng ra toàn thế giới. Du ký thực hiện sứ mệnh trung gian của hai phạm trù văn học, kết lại phạm trù văn học cũ và mở ra phạm trù văn học mới.Cùng với dịch thuật, phóng tác, tiểu thuyết, biên khảo, phê bình văn học, du ký quốc ngữ góp phần khẳng định sự lớn mạnh của một nền văn học mới phù hợp với tư duy thẩm mỹ của một tầng lớp công chúng văn học mới. Những giá trị của thời thuộc địa gắn liền với nền văn minh Phương Tây đã tạo ra những thay đổi vô cùng quan trọng trong việc tiếp nhận những thành tựu của phương Tây và thế giới hiện đại. Hầu hết các báo, tạp chí giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX đều đăng văn du ký. Các báo địa phương như Nam Kỳ tuần báo, Thanh Nghệ Tĩnh tân văn, Thần chung… các báo có vận mệnh khá ngắn ngủi như An Nam tạp chí, các báo chuyên về văn học như Phong hóa ở các mức khác đều đăng văn du ký. Có ba tờ tạp chí và báo công bố nhiều du ký, là tạp chí Nam phong, báo Phụ nữ tân văn, tạp chí Tri tân. Du ký là một thể loại có nhiều đóng góp cho quá trình hiện đại hóa của nền văn học Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX. Từ khi ra đời đến nay, du ký cùng với phóng sự, tùy bút… đã gia nhập vào đời sống văn học sôi động trên cả nước, làm nên một khởi đầu ngoạn mục cho việc đưa văn xuôi tiến dần vào vị trí trung tâm,đóng góp tích cực vào tiến trình phát triển chung của nền văn học hiện đại Việt Nam. Du ký không khác gì một pho tư liệu quý giá, hấp dẫn, góp phần truyền lại niềm cảm hứng sâu đậm cho những sáng tác văn học về sau. Kể từ khi con người thực hiện khát vọng chinh phục thế giới bằng hành trình vượt không gian và thuật lại hành động đó bằng cảm nhận của chính mình thì cũng là thời điểm du ký ra đời. Lịch sử của du ký chính là lịch sử của những giá trị mà con người đạt được qua sự chinh phục không gian và chính mình. Vì thế, làm sáng tỏ vấn đề lịch sử của du ký không chỉ là sự bổ sung những khiếm khuyết trong nghiên cứu văn học, mà còn phản ánh sự tồn tại khách quan của thể loại này. Trên bước đường tìm đến với văn học thế giới của văn học dân tộc, chúng ta không thể
  • 22. 19 phủ nhận vai trò của du ký vì nó đã mở đường cho văn chương, giao thoa giữa văn hóa phương Đông và phương Tây. 1.2. Sự hình thành và phát triển của du ký về biển đảo Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX 1.2.1.Cơ sở văn hoá, xã hội, con người của vùng biển đảo Nam Bộ Nếu lấy biển đảo làm điểm quy chiếu, vùng ven biển Việt Nam được chia làm 4 khu vực. Mỗi khu vực đều có dấu ấn, có những sắc thái riêng về biển đảo trong tổng thể văn hóa dân tộc nói chung. Khi bàn về văn hóa biển đảo, vùng biển đảo Nam Bộ nó đã thỏa mãn bốn điều kiện sau đây. - Về không gian sinh tồn, Vùng biển Tây Nam có các quần đảo và đảo nổi tiếng như: Côn Đảo, An Thới, Thổ Chu, Nam Du, Hải Tặc, Bà Lụa... Trong đó, đảo Phú Quốc cùng với Thổ Chu và tuyến đảo Nam Du, Hòn Chuối, Hòn Khoai tạo thành thế khép kín bao bọc lấy phần đất liền phía Tây Nam của Tổ quốc. Địa hình các đảo với bờ biển bao quanh hình dáng uốn lượn, nhiều bãi biển rất đẹp, nước trong xanh, nhiều đảo còn giữ được vẻ hoang sơ, rừng nguyên sinh rất hấp dẫn và các di tích lịch sử, văn hóa... Nằm cạnh các luồng hải thương quan trọng của thế giới, biển đảo Nam Bộ không chỉ là môi trường sống mà còn là mạch nguồn giao lưu chính trị, kinh tế, văn hóa với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. - Về chủ thể, về chủ thể văn hóa, có bốn tộc người chính là Việt chiếm tới hơn 90% dân số và người Việt cũng là trung tâm để gắn kết các dân tộc Khmer, Hoa, Chăm để cùng sinh tồn và phát triển trên mảnh đất này. Có ba nguồn gốc xuất hiện chính. Thứ nhất là những người từ miền Trung, miền Bắc do bần cùng phải bỏ quê hương vào Nam Bộ hoặc do lưu tán để tránh cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn. Thứ hai là những người giàu có muốn mở mang canh tác đã chiêu mộ dân nghèo đi vào Nam Bộ khai khẩn đất đai. Thứ ba là những người bị tù tội lưu đầy và những lính tráng được triều đình diều vào Nam Bộ để lập đồn điền và bảo vệ biên cương. Họ đều mong muốn và mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp hơn, đây quả thực là một miền đất chứa đầy niềm hy vọng mới cho những con người quyết định đặt chân đến nơi đây.
  • 23. 20 - Về thời gian tồn tại, cách nay khoảng 4000 năm, sự hiện diện đầu tiên của con người trên mảnh đất Nam bộ đã được thừa nhận qua các di chỉ khảo cổ như hài cốt, đồ gốm, đồ đá, đồng và sắt…Như vậy, Nam bộ là vùng đất đã có nền văn hóa từ lâu đời. Khoảng 2000 năm TCN đến đầu công nguyên; người Indonesian đã đến Nam Bộ và khai phá, kiến lập nên nền văn hóa Đồng Nai thời tiền sử với các du tích như di tích Cầu Sắt, Hàng Gòn và những hiện vật và các công cụ sản xuất nông nghiệp. Sau đó, Nam Bộ đã có trung tâm thương mại khá phồn vinh là Óc Eo. Thời điểm người Việt tới khai phá chỉ mới hơn ba trăm năm trở lại đây, khi đó vùng biển đảo Nam Bộ vẫn là một vùng đất vừa hoang dã vừa hào phóng.thiên nhiên ưu đãi nhiều sản vật. Với hai đặc điểm này của thiên nhiên, đã góp phần tạo nên tính cách đặc thù của cư dân vùng Tây Nam Bộ. Theo thời gian đã góp phần làm thành một nền văn hóa Nam Bộ. Đây là vùng văn hóa mang tính tổng hợp, không thuần Việt, vùng đất mới, tươi trẻ và năng động. Biển cả làm nguồn sống chính cho cộng đồng dân cư ở nơi đây. Về cách thức hoạt động sản xuất, ta thấy, hoạt động sản xuất ở Nam Bộ mang đặc trưng của vùng đồng bằng châu thổ với tính sông nước rõ nét.Nhờ hệ thống kênh, rạch, mương, rãnh… vô cùng chằng chịt và thuận lợi nên Người Nam Bộ thường kết hợp canh tác giữa ruộng và vườn. Hoạt động ngư nghiệp qua việc kết hợp nuôi cá, tôm trên ruộng lúa hoặc nuôi trồng theo kiểu vuông cá, vuông tôm được phát triển mạnh. Nơi đây việc khai thác đánh bắt cá ở các ngư trường trên biển còn bà nguồn sống chính của nhiều ngư dân làng chài ven biển và trên đảo.Người Nam Bộ còn nuôi chim, cò, ong mật trong vườn trái cây, rừng tram (tạo thành những rừng tràm, sân chim)… Nổi tiếng là Sân chim Vàm Hồ nằm trên Cù lao Lá. Được hình thành nên những dãy rừng ngập mặn rộng hàng chục hecta xuôi theo dòng Ba Lai. Đây là nơi sinh sống của rất nhiều loài chim, nhất là cò trắng, cò ngang nhỏ, vạc, diệc xám.Vườn Quốc gia Tràm Chim Đồng Tháp nổi tiếng nhất cả nước. Nơi đây được xem là khu dự trữ sinh quyển Ramsar thứ 2.000 của thế giới.Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp với sông nước mênh mang, những rừng tràm ngút ngàn và thảm thực vật vô cùng phong phú và đa dạng.
  • 24. 21 Sông nước nơi đây còn là tiền đề phát triển các nghề buôn bán trên sông, vận tải đường sông.Phương tiện đi lại và vận chuyển chủ yếu là đường thủy, phương tiện là ghe xuồng các loại.Cư ngụ giữa vùng sông nước, dù nhà nghèo ít nhất cũng có một chiếc xuồng ba lá. Xuồng ba lá với đặc điểm nhỏ gọn, dễ luồng lách và cách rạch nhỏ đã trở thành biểu tượng của văn hóa sông nước, xứ ruộng sình kinh ngập, mùa mưa lũ kéo dài tới 6 tháng mỗi năm.Nhiều người vẫn nhớ câu ca được cải biên từ một điệu lý để thấy chiếc xuồng ba lá gắn bó trong sinh hoạt với người dân nơi đây. Nhà anh cách nhà em hai kinh một rạch Anh ngó thấy em tóc dài buông hờ bà ba tím Anh nghèo chưa sắm xuồng ba lá Chẳng đành lội kinh dính sình sang bển gặp em Thì mai anh sang nhà Năm Cua mượn xuồng ba lá. Việc giao thương của vùng cũng mang đặc thù sông nước.Từ xưa, các trung tâm giao thương lớn của vùng đều được hình thành ven bờ sông rạch, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hoá nhất là ở những ngã ba sông.Đặc biệt ở miền Tây còn có các chợ nổi mà toàn bộ hoạt động đều diễn ra trên sông nước.Bên cạnh đó, tại đây nhiều ngành nghề thủ công nghiệp, thương nghiệp cũng đã hình thành để đáp ứng cho nhu cầu hoạt động nông nghiệp. Về hình thức tổ chức gia đình, làng xóm và nơi cư trú; Đến Nam Bộ để khai hoang lập ấp, người Việt cũng theo truyền thống để tổ chức quần cư thành làng ấp. Tuy nhiên, về nội dung và hình thức, làng ấp của người Việt Nam Bộ có nhiều điểm khác biệt với làng quê ở đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ. Các thành phần trong cư dân cũng thường biến động, do đó xét về mối quan hệ thì dù có sự gắn bó nhưng vẫn lỏng lẻo hơn ở Bắc Bộ và Trung Bộ. Những người từ nhiều vùng đất khác nhau đến sinh sống tại một ngôi làng và nhanh chóng hòa nhập, gắn bó nhưng cũng có thể nhanh chóng dời chỗ ở, đi tìm làng khác để sinh sống.Kẻ đến người đi đổi chỗ cho nhau, nên không có sự phân biệt đáng kể giữa dân chính cư với dân ngụ cư. Tiện việc đi lại, làng ấp ở Nam Bộ thường hình thành dọc theo kinh rạch hoặc trục
  • 25. 22 lộ, không có luỹ tre làng đóng kín. Do đó, tính cố kết cộng đồng của làng ấp nơi đây lỏng lẻo hơn làng quê ở đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ. Đối với nơi cư trú, người Nam Bộ thường cất nhà dọc theo các tuyến sông thì có cọc cắm xuống lòng kênh rạch. Thành phần vật liệu của nhà cửa ở Nam Bộ thường được lấy từ thiên nhiên và chủ yếu là các vật liệu tự nhiên của vùng sông nước như tràm, đước, chà là, bần, tre, mít, sú, vẹt, dừa nước…Đặc trưng nơi đây chính là nhà lá, được làm bằng lá dừa. Nhà thậm chí là không có cửa, thể hiện một lối tư duy khoáng đạt, rộng mở, đầy lòng mến khách. Với nhà của người Khmer thường là nền đất, lợp lá và nhiều nhà làm thành một “phum”, nhiều “phum” họp thành một “sóc”. Thêm vào đó, vì mỗi năm lại có một mùa nước nổi và vì địa hình thấp mà ở Nam Bộ trước đây cũng có nhiều nhà sàn. Đặc biệt, xuồng ghe ở Nam Bộ không chỉ là phương tiện di chuyển, mưu sinh mà còn là nhà, là nơi cư trú của nhiêu cư dân làm nghề đò dọc, nuôi cá và bán buôn bán trên sông. Về ẩm thực, bữa ăn của người Nam Bộ thiên về dư dật, phong phú về với món ăn từ rau và cá. Trong đó, người Nam Bộ rất thích hải sản nên đã tạo ra những món ăn rất đặc trưng như canh chua cá kèo, lươn um lá nhàu, ốc bươu luộc hèm, mắm sống, mắm chưng, lẩu mắm…Khẩu vị của người Nam Bộ nói chung và miền Tây nói riêng cũng rất khác biệt: Gì ra nấy! Mặn thì phải mặn quéo lưỡi, ăn cay thì phải gừng già, cũng không thể thiếu ớt, mà ớt thì chọn loại ớt cay xé, hít hà, ngọt thì ngọt như chè….Nói đến cay mà không đề cập và nghiên cứu khẩu vị của người Nam khi ăn tiêu hột hoặc tiêu xay là cả một sự thiếu sót, bởi tiêu đâu chỉ là cay mà còn ngọt. Họ chế biến rất nhiều món ăn khác nhau từ một loại thực phẩm, điển hình như với cá lóc, người Nam có thể chế biến ra hơn 20 món khác nhau như canh chua cá lóc, cá lóc nướng trui, mắm cá lóc, khô cá lóc, cá lóc kho hột vịt, cháo cá lóc, cá lóc chiên cháy… Kế đến, từ một món ăn người ta có thể chế biến bằng nhiều loại thực phẩm khác nhau ví dụ như chỉ với món kho đã có cá lóc kho, cá trê kho, cá hủn hỉn kho tiêu, cá sặc kho, cá chạch kho, cá rô kho, cá lòng ròng kho… còn có cả gà kho và dừa kho nữa. Sự độc đáo trong chế biến còn ở chỗ cũng là kho nhưng người Nam Bộ có nhiều cách kho khác nhau, như: kho tiêu, kho tộ, kho quẹt, kho khô, kho
  • 26. 23 mặn, kho riệu… Người Nam Bộ cũng không quá cầu kỳ trong việc bày biện trang trí món ăn, có thể bày trên lá, trên mẹt. Về trang phục, cư dân miền Nam Bộ do điều kiện tiếp xúc với nhiều luồng văn hoá khác nhau nên trang phục cũng chịu ảnh hưởng đáng kể. Ngoài ra, với đặc tính thích cái mới, người Nam Bộ luôn tỏ ra nhanh nhạy theo các xu hướng của thời trang. Yếu tố giao thoa văn hóa thể hiện trong trang phục phụ nữ của cả bốn dân tộc ở miền Nam Bộ, rõ nét nhất phải kể đến là chiếc áo bà ba đen. Đây có lẽ là loại áo phù hợp với các điều kiện môi sinh, thời tiết, lao động ở miền đất này…Qua con đường giao tiếp văn hóa, áo bà ba trở thành chiếc áo tiêu biểu, đặc trưng của vùng biển đảo Nam Bộ, cùng với đó không thể thiếu chiếc khăn rằn và đôi guốc mộc.Người Khmer mặc áo bà ba phổ biến như người Việt. Tùy vào khung cảnh: Ở nhà, lên chùa lễ Phật Khmer cũng khác nhau. Màu vàng và màu đỏ được ưa dùng, vì nó không chỉ tôn thêm không khí hội hè mà còn rất phù hợp với màu sắc trang trí kiến trúc tôn giáo truyền thống, đặc biệt là trang trí ngôi chùa Phật giáo theo phái Tiểu thừa.Với người Chăm, trang phục truyền thống được chú trọng đặc biệt là phụ nữ. Khi ở nhà với người thân, họ có thể mặc áo tay ngắn, nhưng váy phải dài tới gót chân. Lúc có người lạ đến nhà hoặc đi ra đường, phụ nữ Chăm ở Nam Bộ phải mặc váy với áo dài tay và nhất là phải choàng khăn lên đầu. Bên cạnh chức năng đối phó với môi trường tự nhiên, việc may mặc luôn hướng tới mục đích làm đẹp cho con người, hài hòa với đặc điểm của tính cách người miền Tây luôn ưa làm đẹp một cách tế nhị, kín đáo. Về tính cách, Người Nam Bộ nổi tiếng phóng khoáng, rộng rãi, hiếu khách, bộc trực, nhiệt tình, dễ tin người, hài hước, lạc quan, thích mạo hiểm, phiêu lưu, trọng nghĩa và giàu tinh thần hiệp nghĩa bụng dạ thật lòng, muốn nói điều gì là nói ra điều ấy ngay chứ không nói vòng vo tam quốc như phong cách của người Bắc. Người miền Tây có những tính cách trái ngược nhau với biên độ khá rộng: Đã làm thì làm chết thôi, còn chơi thì chơi xả láng, khi yêu quý ai thì thiết đãi thật thịnh tình. Văn hoá Nam Bộ đánh giá cao những con người bản lĩnh, dám chấp nhận di chuyển.Có lẽ điều này là sự thừa hưởng tính cách của ông cha ngày trước, đến vùng đất này thời khai hoang, lập đất. Người miền Tây có tính trọng nghĩa tình, xởi lởi,
  • 27. 24 chữ “nghĩa” đối với họ đôi khi còn quan trọng hơn cả chữ “tình”, "hết tình còn nghĩa". Họ đề cao sự thẳng thắn trong cách thể hiện tình cảm xúc, nhiệt tình đối với bạn bè, người thân và cả những người xa lạ, đề cao đức tính thật thà đối với mọi người nên dễ tin người. Bởi lẽ, trong một môi trường mới đầy hiểm nguy mà cũng đầy trù phú, thuận lợi thì sự thẳng thắn, thật thà và niềm tin lẫn nhau là những phẩm chất vô cùng quan trọng để những con người xa lạ gắn kết với nhau, cùng vượt qua khó khăn, hoạn nạn. Người Nam Bộ hài hước để tự tạo niềm vui cho cuộc sống chốn hoang vu của mình, lạc quan bởi mỗi bước chân khai phá của họ vừa ẩn chứa hiểm nguy nhưng cũng là mở ra một dải đất xanh tươi, trù phú. Do vậy, trong mối quan hệ ứng xử với thiên nhiên, cư dân Nam Bộ thấy gắn bó, yêu mến thiên nhiên, vừa sợ hãi lại vừa muốn chinh phục nó. Về tín ngưỡng, tôn giáo Nam Bộ là vùng đất có tín ngưỡng - tôn giáo rất phong phú và theo hướng đa thần. Bên cạnh, việc tôn thờ các Thần, Thánh, Tiên, Phật trong các tôn giáo; người Nam Bộ còn tin vào sự linh thiêng và tôn thờ các lực lượng tự nhiên, siêu nhiên như ma, quỷ, các vong hồn… và tổ tiên của mình. Ở Nam Bộ, người dân thường thờ các Thiên thần như thờ Ông Thiên, Bà Chúa Ngọc, Bà Chúa Xứ,… các Nhiên Thần như Thổ địa, Thần Hổ, Thần Cá Voi, Hà Bá… và các Nhân Thần như Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Văn Thoại, Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Quan Thánh Đế Quân… hay thờ gia tiên, cửu huyền trăm họ. Đặc biệt, ở miền Nam không có thục thờ các tà thần như ở miền Bắc. Về tôn giáo, có thể thấy, ngoài các tôn giáo du nhập vào Nam Bộ như Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Tin lành, Hồi giáo…; Nam Bộ còn là nơi hình thành những tôn giáo mới như Cao Đài, Bửu Sơn Kỳ Hương, Hòa Hảo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Đạo Dừa, đạo Ông Trần… nhưng ở không có tôn giáo nào đóng vai trò chủ đọa mà hòa hợp, cùng tồn tại bên nhau. Về lễ hội, ta thấy người Nam Bộ rất quan tâm đến những lễ hội mang màu sắc tâm linh. Nhìn chung, các lễ hội ở Nam bộ thường được tổ chức để tưởng nhớ công ơn của những danh nhân mở đất và anh hùng dân tộc, nhân vật tôn giáo, để tạ ơn tự nhiên và những lực lượng siêu nhiêu đã giúp cho đời sống con người được phồn vình, ấm no và bình an, thuận lợi; để cầu xin bình an, tài lộc. Các lễ hội phổ biến như lễ Kỳ Yên ở
  • 28. 25 các đình làng, lễ hội Nghinh Ông ở vùng ven biển, hội Đền Linh Sơn Thánh Mẫu núi Bà Đen, lễ hội vía Bà Chúa Xứ ở An Giang, lễ vía Thiên Hậu Thánh Mẫu của ngư dân thị trấn Sông Đốc ở Cà Mau, hội đua bò Bẩy Núi ở An Giang và các lễ hội thường niên của đạo Phật, đạo Cao Đài, đạo Hòa Hảo (như Hội Yến Diêu Trì Cung ở Tây Ninh)…Ngoài ra, ở Nam Bộ còn có các lễ tưởng niệm các danh nhân mở đất, các anh hùng dân tộc như Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Văn Thoại, Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương… Riêng người Khmer Nam Bộ còn có các ngày lễ lớn như Chol CHà Nộiam Thmay (năm mới), lễ Dolta (xá tội vông nhân), Ooc Om Bok (cúng trăng) và những lễ hội khác như lễ hội xuống đồng của người Khmer ở Bình Phước, lễ hội Neak Tà của người Khmer ở Trà Vinh, lễ hội Phước biển của người Khmer ở Sóc Trăng, Vĩnh Châu… với các hoạt động như đua ghe ngo, múa hát. Ngoài ra, người Chơ-ro ở Đồng Nam còn có lễ cúng Thần Lúa… Trong đó, các nghi thức múa hát như múa đèn, múa bông, múa mâm vàng, múa lân, múa bòng… là những điệu múa phổ biến ở Nam Bộ và được nhiều người ưa thích. Nhìn lại tiến trình lịch sử phát triển của dân tộc từ xưa đến nay, cộng đồng dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam luôn coi biển đảo như một phần không thể tách rời, cả trong đời sống và tâm thức của mình. Từ xưa, văn hóa biển cũng đã gắn với những câu chuyện truyền thuyết trong công cuộc dựng nước và giữ nước.gắn với quá trình mở đất vào phương Nam của vua chúa nhà Nguyễn, tất cả dẫn đến ý thức của thế hệ ngày nay về giá trị văn hóa biển đảo. Đối với vùng biển đảo Nam Bộ, ý thức về sự chinh phục biển luôn gắn với giá trị kinh tế biển với giá trị văn hóa biển.Điều này, minh chứng rất rõ về văn hóa biển gắn với lễ hội dân gian như lễ hội thờ cúng Thành hoàng làng, lễ hội Nghinh Ông, thờ cúng cá Ông… của cư dân sống ở vùng ven biển. Các lễ hội này chứa đựng những giá trị văn hóa – lịch sử độc đáo, góp phần bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện phương cách ứng xử văn hóa của ngư dân trước biển cả. Các giá trị lịch sử văn hóa cả về truyền thống và hiện đại góp phần làm phong phú cho các giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam. 1.2.2. Đội ngũ sáng tác và độc giả tiếp nhận
  • 29. 26 Các tác giả du ký viết về biển đảo Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX chủ yếu là các nhà trí thức chịu ảnh hưởng của hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây. Ban đầu là xuất thân trong môi trường Nho học, sau đó được tiếp cận với những luồng văn hóa, tri thức mới của phương Tây. Họ đều là những cây bút ưa tìm tòi phiêu lưu, khám phá, với những cơ hội được đi du lịch, đi công tác chính là điều kiện để tìm ra chất liệu viết các tác phẩm du ký. Đội ngũ sáng tác các tác phẩm du ký đều là những trí thức, tầng lớp tiên tiến trong xã hội đương thời, có thể là nhà báo, nhà văn, là học sinh, thầy giáo… họ có những điều kiện và cơ hội đến với vùng biển đảo, thực hiện được những chuyến đi xa, khó khăn. Như chúng ta biết lúc đó, phương tiện giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn, dân cư một số nơi còn thưa thớt, nhiều vùng biển đản còn hoang dã… Lý do đến nơi đây có thể là một chuyến đi chơi, thăm thú cùng bạn bè hay đi du lịch, đi công tác. Như việc Đông Hồ đi chấm thi sư phạm ở Phú Quốc, thầy trò Nguyễn Đức Tánh đi du lịch kết hợp học tập ở Nghệ Tĩnh, Trần Trọng Kim đi khám trường ở Hải Ninh. Hay như: Phạm Manh Phan, Mộng Tuyết, Trần Cư là những người bạn cùng sở thích, rủ nhau đi thăm thú vui khám phá những miền biển đảo mà mình chưa từng đến, những nơi có cảnh đẹp non nước hữu tình. Các tác giả viết về đề tài du ký đều là những phóng viên, cộng tác viên với nhiều tờ báo và tạp chí, trong đó tiêu biểu là tờ Nam Phong, Công Luận. Các tác giả như: Biến Ngũ Nhy, Phạm Quỳnh, Đông Hồ, Nguyễn Thiên Kim, Trần Đình Khiêm, Nguyễn Thành Châu, Mộng Tuyết, Trúc Phong, Phan Thị Nga, Huỳnh Văn Chính, Biểu Chánh, Khuông Việt… Trong đó, có các nhà văn tiêu biểu như: Biểu Chánh, Đông Hồ, Mộng Tuyết. Như vậy, họ cùng tồn tại với hai tư cách là nhà văn và nhà báo.Đặc trưng của tác phẩm du ký là những điều mới lạ được khám phá, những điều ít ai biết đến mà nó làm cho con người ta khi tiếp xúc có những ấn tượng tốt đẹp, thậm chí là ngưỡng mộ, đam mê. Điều này thật phù hợp với nội dung của báo chí, mà báo chí luôn đưa thông tin nhanh nhất đến với người đọc, tiếp cận người đọc với một số lượng lớn, không đơn thuần chỉ là những người đam mê văn chương.
  • 30. 27 Du ký cùng lúc thỏa mãn cho người viết được rất nhiều giá trị. Trước hết là các tác giả được thỏa mãn những khát vọng, những mong muốn của bản thân khi được đến những vùng biển đảo của đất nước, được ngắm thiên nhiên, quang cảnh hùng vĩ, nên thơ và tràn đầy sức sống. Một tinh thần viết mới đầy tự do phóng khoáng đúng với chất của con người Nam Bộ, đúng chất của tư duy phương Tây, khác hẳn với lối viết nguyên tắc, lối mòn của tư duy Nho giáo. Tiêu biểu như: Mộng Tuyết (Chơi Phú Quốc), Phan Thị Nga (Ra Cù lao Yến), Bạch Liên (Chơi xuân ở Hà Tiên)… Về độc giả tiếp nhận, đa phần các tác phẩm du ký đều đạt những tiêu chí của báo chí, chính vì thế, các tác phẩm vừa được hoàn thành đều có cơ hội đến ngay với bạn đọc.tại thời điểm đó, xu thế của văn học nói chung, đều hướng cả tới độc giả bình dân được thể hiện thông qua ngôn ngữ viết dễ hiểu, phù hợp thị hiếu chung. Một bộ phận công chúng cởi mở và có trình độ, không ngừng tiếp cận cái mới và am hiểu văn chương, đã kiên trì ủng hộ những tìm tòi, khai phá. Việc dạy và học để biết chữ; việc in ấn, mua bán và đọc báo; việc truyền bá và thưởng thức tác phẩm văn học … đã trở thành một nhu cầu thực sự của đông đảo của người dân và là một hoạt động phổ biến toàn xã hội. Vào nửa đầu thế kỷ, phần lớn người đọc sách báo văn học là tầng lớp công chúng thị dân và viên chức nhỏ có thị hiếu thẩm mỹ bình dân. Đến với báo chí họ chú ý những thông tin và những sự kiện giật gân, ý thức về ngôn ngữ và nghệ thuật văn chương gần như rất ít. Với đặc trưng của báo chí là phản ánh thông tin mang tính thời sự, nên các tác phẩm du ký ngay sau khi hoàn thành sẽ được đưa đến với bạn đọc một cách nhanh chóng nhất. 1.2.1. Định lượng tác phẩm du ký biển đảo Nam Bộ đầu thế kỷ XX Vào nửa đầu thế kỷ XX các tác phẩm du ký thiên về ký sự, ghi chép về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, phong tục, tập quán, với các hình thức ký sự, ghi chép, những bình luận, nhận xét, đánh giá vừa mang tính khách quan của thời cuộc, tính chủ quan, cái tôi nhận định của các tác giả. Do điều kiện địa lý, lịch sử, đặc trưng văn hóa vùng miền luôn có những dấu ấn riêng, đồng thời các tác giả viết về du ký thường là những người từ nơi khác đến chính vì thế họ luôn có góc nhìn, góc quan sát mới lại, đa
  • 31. 28 chiều, luôn luôn có những ấn tượng mạnh về những giá trị đặc trưng riêng có của biển đảo Nam Bộ. Được thể hiện thông qua các tác phẩm tiêu biểu sau : Tây Ninh - Vũng Tàu du ký – Biến Ngũ Nhy (in trên Nam Kỳ địa phận, số 470, năm 1918), Một tháng ở Nam Kỳ- Phạm Quỳnh (Nam Phong tạp chí, in trên 3 số 17, 19, 20, năm 1918, 1918), Thăm đảo Phú Quốc, Đông Hồ (Nam Phong tạp chí, số 124, năm 1927), Du ký hòn Tre - Nguyễn Thiên Kim (Công luận, số 758, năm 1927), Đi ra Côn Lôn - Trần Đình Khiêm ( Công luận, in trên các số 1280, 1281, 1282, 1284, năm 1929), Cảnh vật Hà Tiên – Đông Hồ, Nguyễn Văn Kiêm (Nam Phong tạp chí, in trên 2 số 150, 154, năm 1930), Côn Lôn ký sự - Thiết Hãn Tử (Công luận, in trên 2 số 2328, 2329, năm 1932), Trên đường Thiên Lý - Nhật ký của anh kép hát -Nguyễn Thành Châu (Công luận, in trên 2 số 6413, 6425, năm 1933, Tết chơi biển -Trúc Phong (Nam Phong tạp chí, số 207, năm 1934), Sài Gòn - Quảng Nam trên xe lửa hạng tư - N.Q.T (Công luận, in trên số 7223, 7226, năm 1936), Một cuộc hành hương ở Hà Tiên - (Nam kỳ tuần báo, số 17, năm 1942), Kỷ niệm Phan Thiết – Đinh Gia Trinh (Thanh Nghị, in trên 2 số 12, 17, năm 1942), Hà Tiên du ngoạn - Biểu Chánh (Nam Kỳ tuần báo, số 37, năm 1943), Đêm cuối ở Hà Tiên - Trường Sơn Chí (Nam Kỳ tuần báo, số 44, năm 1943), Tôi ăn tết ở Côn Lôn - Khuông Việt (Nam Kỳ tuần báo, số 74, năm 1944), Con đường Thiên Lý - Khuông Việt (Tri Tân tạp báo, số 171, năm 1944). Trong đó có các tác phẩm du ký là những tác giả nữ, với cách nhìn nhạy cảm và tinh tế, cũng đã mang đến cho người đọc những tác phẩm mang đầy dấu ấn cá nhân về những cảm nhận nơi mình đến và những giá trị nghệ thuật có chất lượng như : Chơi Phú Quốc - Mộng Tuyết (Nam Phong tạp chí, in trên 2 số 198, 199, năm 1934), Chơi xuân ở Hà Tiên - Bạch Liên (Công luận, in trên số 6506, 6512, năm 1934), Ra cù lao Yến - Phan Thị Nga (Ngày nay, in trên 2 số 11, 12, năm 1935). Trong các tác phẩm du ký tiêu biểu trên thì những điểm đến như Phú Quốc, Hà Tiên, Côn Lôn được nhiều tác giả khai thác, dù ở bất kỳ góc độ nào cũng đều mang đến cho người đọc niềm say mê khám phá, những ấn tượng cả về thiên nhiên tươi đẹp và con người nơi đây. Các tác phẩm du ký đều viết bằng chữ quốc ngữ, nó đã đóng vai trò là nhịp cầu kết nối các giá trị văn hóa truyền thống và liên kết với những giá trị mới của thời đại.Bởi công chúng văn chương bắt nguồn từ công chúng báo chí.Trong thời kỳ này các nhà
  • 32. 29 văn, nhà báo đều làm việc và sống bằng nghề viết lách của chính mình. Đó là sự phân công lao động xã hội hết sức nghiêm túc. Vì thế thái độ làm việc chuyên nghiệp mà xã hội lúc bấy giờ yêu cầu đã xuất hiện, nó vừa bao hàm khả năng tự ý thức về văn chương, vừa thể hiện qua trình độ xử lý chất liệu, góc nhìn khám phá những giá trị riêng có mỗi vùng miền và cách thể hiện cũng phải tạo nên phong cách riêng của mỗi ngòi bút. Đây là chặng đường đầu tiên xuất hiện những nhà văn chuyên nghiệp, chuyên nghiệp hóa là yếu tố có thực trong đời sống văn học Việt Nam, nhà văn sống bằng nghề, tuân theo quy luật thị trường. Hầu hết các tác giả du ký đi lên từ tài năng bẩm sinh và con đường tự học, luôn phải đối diện với nỗi lo cơm áo, việc được đào tạo chuyên môn một cách bài bản cũng không nhiều. Nhưng với đạo đức nghề nghiệp cùng với tài năng và niềm đam mê, họ cũng đã để lại những trang viết có nhiều giá trị lúc bấy giờ và với chúng ta hiện nay thì đó quả là những trang tư liệu quý giá. Các báo đăng văn du ký đều thuộc báo chí công khai, được phép xuất bản và quản lý về nội dung đều là do người Pháp. Tuy nhiên, qua những trang du ký, người đọc vẫn cảm nhận rõ về vẻ đẹp của quê hương, của đất nước, hiểu hơn về phong tục tập quán, con người của mỗi vùng miền. Đó chính là cách truyền bá kín đáo nhất về tư tưởng yêu nước, nâng cao trình độ quốc văn, mở mang dân trí. Bản thân người đọc không còn đơn thuần là những độc giả thụ động trước những trang văn mang chứa đầy tính chất tải đạo, rập khuân, khuân mẫu theo những quy tắc của văn thơ trong đại. Trong luồng tư tưởng của thời đại mới với những trang văn sinh động, vừa có tính giải trí, thưởng thức và phản ánh nhiều mặt của đời sống thực tiễn đã đáp ứng được thị hiếu của người đọc lúc bấy giờ. Tiểu kết chương 1 Du ký là một thể loại văn học đã được hình thành ở Việt Nam từ thời kỳ trung đại. Tuy nhiên phải tới nửa đầu thế kỷ XX các tác phẩm văn học du ký không chỉ nở rộ về số lượng và chất lượng mà những đặc trưng mới được định hình cụ thể và bộc lộ đầy đủ, để từ đó làm nên một mảng văn học hiện đại rất năng động. Mang đến những thông tin vừa mang tính khoa học, văn hóa, nghệ thuật, lịch sử… vừa là
  • 33. 30 cảm nhận của bản thân người viết trong quá trình khám phá và tiếp nhận bằng những cảm xúc sâu lắng nhất của tâm hồn. Trong bất kỳ thời đại nào thì biển đảo luôn là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, trong đó có khu vực biển đảo Nam Bộ luôn là một đề tài được các nhà văn khai thác dưới nhiều góc nhìn khác nhau, thể loại khác nhau. Văn học du ký biển đảo Nam Bộ cũng đã mang đến những khám phá về tự nhiên, văn hóa cuộc sống con người của tác giả trong một không gian đặc thù chứa đựng những trầm tích văn hóa và lịch sử. Qua những tác phẩm này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về vùng đất và con người biển đảo Nam Bộ trong nhiều lĩnh vực như : hệ tư tưởng, văn hóa, lối sống, phong tục tập quán, lịch sử, địa lý…Đồng thời là những nét đặc sắc về phương diện nội dung và phương thức thể hiện của du ký về biển đảo Nam Bộ. Hai phương diện trên sẽ được làm rõ trong hai chương tiếp theo của luận văn.
  • 34. 31 Chương 2 ĐẶC ĐIỂM NỘI DUNG CỦA DU KÝ BIỂN ĐẢO NAM BỘ NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX 2.1. Biển đảo Nam Bộ với tư cách là một đối tượng của du ký nửa đầu thế kỷ XX Nền văn hóa của mỗi dân tộc, đều được hình thành và phát triển trong một môi trương nhất định. Với tư cách là một quốc gia nằm trong khu vực Đông Nam Á, văn hóa Việt Nam đồng thời chứa đựng cả hai yếu tố văn hóa lục địa và văn hóa biển. Nam bộ là vùng đất phía Nam thuộc lãnh thổ của Việt Nam có diện tích khoảng 64,1 nghìn km2 , chiếm 19,4% diện tích cả nước. Vùng biển Nam Bộ nằm ở vị trí trung tâm của khu vực Đông Nam Á với ba mặt giáp biển.Đã mở cánh cửa ra biển Đông đón nhận trào lưu của văn minh phương Tây một cách mạnh mẽ trong giai đọan nửa đầu thế kỷ XX. Từ vị trí không gian này đã sớm hình thành cho con người miền Nam Bộ một tâm thức hòa hợp giữa đất liền và biển cả. Cho dù các đảo và hải đảo nằm tách rời vùng lãnh thổ đất liền, nhưng những người dân sống trên đảo và đát liền vẫn có những điểm chung bên cạnh những nét văn hóa đặc trưng riêng của mỗi khu vực địa lý. Trước đó, thời kỳ trung đại các ghi chép về biển đảo phía nam của Tổ quốc đã xuất hiện.Đặc biệt là thời kỳ nhà Nguyễn vào thế kỷ XIX đã ghi chép được rất nhiều thông tin. Vùng biển đảo Nam Bộ gắn liền với vai trò của Nguyễn Ánh, một vị vua đầu tiên của triều Nguyễn luôn có ý thức sâu sắc về nhu cầu xác lập và thực thi chủ quyền biển đảo trong giai đoạn từ đầu thế kỷ XIX. Đối với người phương Tây thì biển đảo Nam Bộ đã để lại những dấu ấn hết sức sâu sắc và được ghi chép lại trong hành trình và hồi ký của mình. Như việc ghi chép của nhà du hành William Dampier vào thế kỷ XVII trong tác phẩm Một chuyến du hành đến đàng ngoài đã có miêu tả cuộc hành trình đến Việt Nam bằng đường thủy trong đó đã có sự quan sát và miêu tả biển đảo nước ta, trong đó có Côn Đảo. Hay JoHà Nội Barrow đã có tác phẩm Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà vào năm 1972- 1973, khi đoàn thám hiểm dừng chân ở Côn Đảo đã ghi chép lại như sau “ Những chiếc tàu lớn của tôi
  • 35. 32 xuất hiện và đã làm náo động dữ dội đám thổ dân nghèo nàn ít ỏi ở đây. Họ đã kéo lên núi bỏ lại đằng sau mình một ít đồ dự trữ lương thực để ở cửa ra vào những túp lều của họ.và trong một tờ giấy viết bằng chữ Hán, họ cầu xin tôi bằng lòng lấy đi tất cả và hãy để lại cho họ căn nhà tồi tàn kia…” Như vậy, vùng biển Nam Bộ đã được một số nhà thám hiểm phương Tây ghi chép lại những điều mắt thấy tai nghe. Đối với các nhà văn, nhà báo Việt Nam thì khu vực này nó cũng tồn tại với tư cách là đối tượng đề tài của du ký gắn liền với giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX. Với những cây bút nổi tiếng viết về vùng biển đảo Nam Bộ như Mộng Tuyết, Trần Trọng Kim, Đông Hồ, Biểu Chánh, Khuông Việt… Người có công đầu tiên thúc đẩy thể ký phát triển chính là Tản Đà, tiếp đến là Phạm Quỳnh đã tạo ra Mục Du ký trên Nam Phong tạp chí với nhiều phong cách ký sự như: ghi chép, hồi ký, phóng sự, khảo cứu, hồi ức…[80] Bên cạnh những đặc trưng riêng thì vùng biển đảo Nam Bộ. Du ký biển đảo Bắc Bộ đã cho người đọc thấy nó cũng giống như vùng biển đảo Nam Bộ, rất giàu tài nguyên và tươi đẹp. Qua chuyến về Quảng Yên, Nhàn Vân Đình đã cho chúng ta thấy vùng biển nơi đây thật giàu và đẹp, dồi dào khoáng sản than, được mệnh danh là “vàng đen của Tổ quốc”.cách ghi chép rất thực tế, với những gì mắt thấy tai nghe. Hay, ở Thụy Anh, Thái Bình cũng được Đặng Xuân Viện ghi chép lại cả về kinh tế, văn hóa và chính trị.Ở đảo Cát Bà, Vân Đài cũng đã thay những người dân nơi đây nói lên những nỗi cơ cực, khó khăn và bất lực trước kẻ thù.Qua những tác phẩm du ký trên, chúng ta thấy con người nơi đây cũng giống như bao con người ở những miền đất Nam Bộ rất yêu lao động, gắn bó với biển. Cũng giống như Đông Hồ, Mộng Tuyết, Trúc phong các nhà du ký xuất hiện trong tác phẩm với nhiều tư cách khác nhau.Nguyễn Đức Tánh về miền đất nghệ với tư cách là một người thầy. Để giới thiệu cho học trò của mình những di vật văn hóa, danh nhân văn hóa, địa danh văn hóa… Qua những trang du ký đi từ miền biển Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Bộ…Cho chúng ta thấy ngay từ đầu thế kỷ XX biển đảo là một chủ đề được quan tâm.Ý thức biển đảo được nêu cao. Đặc biệt là biển đảo Nam Bộ, một vùng đất mới
  • 36. 33 với nhiều điều chưa được khám phá, thiên nhiên tươi đẹp, nhiều sản vật, con người nơi đây cũng có những nét văn hóa đặc trưng quả thực làm mê đắm lòn người. Đặc biệt là các tác giả du ký. 2.2. Thiên nhiên vùng biển đảo Nam Bộ Vùng biển Nam Bộ là một bộ phận nằm trong vịnh Thái Lan thuộc vùng biển của 7 tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau. Gồm các quần đảo: Hòn Khoai, Thổ Chu, An Thới, Hải Tặc, Bà Lụa, củ Tron, và các đảo như: Hòn Chuối, Hòn Bông, cụm Hòn Đá Bạc… Phía Đông giáp biển Đông, riêng Cà Mau và Kiên Giang giáp với biển Tây qua vịnh Thái Lan. Sông Tiền và sông Hậu chảy qua địa bàn, đổ ra biển Đông với chín cửa: Cửa Tiểu, cửa Đại, cửa Ba Lai, cửa Hàm Luông, cửa Cổ Chiên, cửa Cung Hầu, cửa Định An, cửa Bát Xắc và cửa Tranh Đề. Địa hình các đảo với bờ biển bao quanh hình dáng uốn lượn, nhiều bãi biển rất đẹp, nước trong xanh, nhiều đảo còn giữ được vẻ hoang sơ, rừng nguyên sinh rất hấp dẫn và các di tích lịch sử, văn hóa. Vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ và mênh mông sóng nước là đề tài mà dy ký khai thác thông qua những sáng tác được ra đời từ những cuộc hành trình khám phá những vùng đất, những trang viết về hương sắc thiên nhiên của biển đảo đã tạo ra một niềm say mê kỳ thú, yêu quê hương, tự hào về quê hương đất nước mình biết bao. Đến với biển đảo là phải vượt qua muôn trùng sóng gió, khi điều kiện đi lại được thuận tiện hơn, càng khích lệ người ta cùng đi, cùng khám phá.Một sự trải nghiệm mới, một dấu ấn mới khiến lòng người người mở rộng hơn, vượt lên những nhu cầu nhỏ nhặt tầm thường của cuộc sống để mưu cầu những giá trị vượt ra ngoài giá trị của bản thân. Cái cảm giác đầu tiên của Đinh Gia Trinh trước biển hoang sơ mới tươi mới và trong lành làm sao “Sáng nay kèn gọi dậy lúc mặt giời còn e thẹn lấp ló ở phương Đông. Gió trinh tiết từ bể đưa vào làm nở rộng lồng ngực, mơn trớn các giác quan của ta, khiến ta cảm thấy trong thân thể một bồng bột yêu đời”[74; tr.16]. Biển ngàn năm vẫn vậy, nhưng cảm giác lần đầu được đến nơi đây, được khám phá, tác giả thấy biển thật trữ tình như một cô gái mới lớn, trong trắng, ngọt ngào, tràn đầy sức sống, làm sao không thể say mê, tràn ngập đến một niềm khát khao hoàn
  • 37. 34 toàn phù hợp với quy luật tâm lý, bản tính của người đàn ông. Đặc biệt là đối với một cây bút thời kỳ này, khám phá là ngọn nguồn của sáng tạo, là chất liệu để viết để liên tưởng. Tâm hồn tác giả cũng hồn nhiên trong trẻo như một chàng trai mới lớn, sẵn lòng bộc lộ tất cả những gì mình yêu thích, mình cảm nhận.các cụ ta nói quả không sai “Con gái yêu bằng tai, con trai yêu bằng mắt”. Hiện ra trước mắt ta “Ánh nắng sớm ban mai tan dần sương lam che bóng dặng núi xa về phía Tây - Bắc. Nền giời xanh mát, các màu sắc đều sán lạn sạch sẽ như được tắm gội trong ban đêm.”. Như để người đọc tin khung cảnh hừng đông đẹp đẽ ấy là có thật, tác giả không ảo tưởng mơ hồ, ấy chính là cái cảm nhận của những chàng thanh niên đang chạy trên bờ biển, luyện tập môn điền kinh, vẻ mặt của họ không hề toát nên sự mệt nhọc mà trong nỗi vất vả ấy cũng vẫn hừng hực một sức sống trong khung cảnh ngày mới tươi đẹp trên biển Phan Thiết này “Da họ đỏ hồng hoặc đen sạm, người họ bẩn những đất cát, đầu họ rối bù, nhưng họ là những lực sĩ vui vẻ, không biết những sầu não lãng mạn yếu mềm. Với không khí trong sạch của biển cả, họ hít lòng yêu cuộc sống và cả tình vui” . [74] “Yên lặng trên đồi Phan Thiết, giời trong không chút gợn. Bể xanh một màu ấm áp, tiếng sóng êm đềm tựa như ở một cõi xa xôi đưa lại, điệu đàn không bao giờ ngừng ở cõi cảnh trí tĩnh mịch này… Thuyền đánh cá buồm trắng đỏm dáng bơi trên mặt biển lặng. cây cỏ yên tĩnh như trầm ngâm trong suy nghĩ vô đề…mây yên lặng không chuyển động” , “Một vệt thẳng, ở cuối tầm con mắt chia màu lam của trời mây với màu xanh dịu của nước.” Cảnh đẹp của biển Phan Thiết làm trong không gian của buổi chiều, không hề thấy cái bi lụy của hoàng hôn thường gặp trong nhiều tác phẩm văn học thời bấy giờ. Mà ta thấy một sự trầm tĩnh yên lành, và rồi nhận ra, trong lòng tác giả biển Phan Thiết giống như một cuộc đời của con người, buổi sáng là một cô gái phơi phới sức xuân thì, buổi chiều lại là một con người từng trải, ngồi suy ngẫm, chiêm nghiệm lại cuộc đời. Để rồi, “Lòng tôi lúc này không nhớ thương ai, không lo sợ, không băn khoăn, không hoài vọng”. Đây chính là cảm giác của sự thanh thản bình yên. Như triết lý nhà Phật ấy là lúc con người trút được cái tham, sân, si… để đến với cội nguồn của hạnh phúc, tinh thần
  • 38. 35 thăng hoa tới cõi mộng hư hư, thực thực “Xa xôi, xa xôi huyền bí, ta đợi người hoài ở một nơi gặp gỡ hoang đường” . Đến buổi đêm trên biển Phan Thiết tác giả đã gặp được người bạn tri kỷ của mình đồng thời cũng là linh hồn của đêm, bởi “Mọi vật dưới giăng trở nên thơm mát như mộng, yên tĩnh khiêm tốn như một thiếu nữ đẹp ít nói cười” Đã gặp bạn tri kỷ sao có thể rời xa “ Ta thức đêm nay sống với giăng. Linh hồn của giăng và linh hồn của ta giàng buộc với nhau khăng khít”. Biển Phan Thiết là nơi lần đầu tiên tác giả đặt chân tới, những khám phá và cảm nhận về thiên nhiên tuyệt vời nơi đây, để rồi bắt gặp “ Một tâm hồn ta đã đợi từ lâu”. [74] Đối với Trúc Phong không được gặp người bạn tri kỷ là trăng, nhưng cảm nhận về Hòn Tre trong không gian mờ ảo lấp lánh bởi những ánh sao thưa trong không gian mùa xuân cũng thật êm ái “cảnh hòn Tre một dải cao cao đen đen, nằm hình bán nguyệt, trên mặt nước lờ đờ. Đàng xa, xunh quanh tôi , còn có những dải cao cao như thế, nhưng mờ hơn”. Mọi chuyển động của đất trời, vạn vật đều khẽ khàng, ý tứ: “Mặt nước lặng sóng, chỉ thỉnh thoảng cách khoảng rất lâu, một ít sóng ngoài khơi lượn vào nhè nhẹ động chiếc thuyền một cách êm ái. Tiếng gió hiu hắt trên ngàn cây, cùng với tiếng sóng biển dạt dào”. vừa mới vài tiếng trước đó là cảnh say sóng choáng váng cả đầu óc, 7 tiếng đồng hồ mới tới được Hòn Tre nhưng trước nơi đây trong buổi đêm lại là cái cảm giác yên bình, an lành đến kỳ lại, mọi thứ thật êm ái, khẽ khàng như đang nằm trong một giấc mơ, mơ đến một thiên đường “cái cảm giác thiêng liêng huyền bí”. [43] Vùng biển, đảo Nam Bộ là nơi có biết bao loài động vật quý như đồi mồi, rắn biển, chim biển và thú biển, các loại cá, rong, san hô.Nam Bộ còn là vùng biển rộng tới mức độ đa dạng sinh học cao, tạo ra một thiên nhiên vô cùng phong phú và đa dạng và rất khác biệt. Ngay cả với những nhà khoa học bấy giờ nó còn đầy mới mẻ, hấp dẫn, tiêu biểu là đảo Phú Quốc với diện tích lớn, không gian rộng, ai tới nơi này đều có những trải nghiệm thật khó quên. Đông Hồ gắn bó với quê hương Hà Tiên, những ngày tháng long đong của số phận cũng tìm về Hà Tiên để nghỉ ngơi, chiêm nghiệm về cuộc sống.Thế nên lời nhận định này là hoàn toàn hợp lý, có cơ sở. Rất chân thực, bởi những trang bút ký trước hết là viết cho mình, viết về chính