SlideShare a Scribd company logo
1 of 80
Download to read offline
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
BÙI QUỐC HƯNG
ẢNH HƯỞNG CỦA TƯ TƯỞNG TRỊ QUỐC NHO GIÁO
ĐỐI VỚI VIỆC XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN
XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
LUẬN ÁN TIẾN SĨ
CHUYÊN NGÀNH: CHỦ NGHĨA DUY VẬT BIỆN CHỨNG
VÀ CHỦ NGHĨA DUY VẬT LỊCH SỬ
HÀ NỘI - 2019
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
BÙI QUỐC HƯNG
ẢNH HƯỞNG CỦA TƯ TƯỞNG TRỊ QUỐC NHO GIÁO
ĐỐI VỚI VIỆC XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN
XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
LUẬN ÁN TIẾN SĨ
CHUYÊN NGÀNH: CHỦ NGHĨA DUY VẬT BIỆN CHỨNG
VÀ CHỦ NGHĨA DUY VẬT LỊCH SỬ
Mã số: 62 22 03 02
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
1. PGS, TS Nguyễn Minh Hoàn
2. TS Phan Mạnh Toàn
HÀ NỘI - 2019
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của
riêng tôi. Các số liệu nêu trong luận án là trung thực, có
nguồn gốc rõ ràng và được trích dẫn đầy đủ theo quy định.
Tác giả
Bùi Quốc Hưng
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU 1
CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU 6
1.1. Những công trình nghiên cứu liên quan đến tư tưởng trị quốc Nho giáo 6
1.2. Những công trình nghiên cứu liên quan đến vấn đề ảnh hưởng của tư
tưởng trị quốc Nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã
hội chủ nghĩa ở Việt Nam 13
1.3. Những công trình nghiên cứu liên quan đến phương hướng, giải pháp
phát huy ảnh hưởng tích cực và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của tư
tưởng trị quốc Nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã
hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay 21
1.4. Khái quát kết quả các công trình đã tổng quan và những vấn đề luận án
cần tiếp tục nghiên cứu 24
CHƯƠNG 2: TƯ TƯỞNG TRỊ QUỐC NHO GIÁO 28
2.1. Cơ sở hình thành tư tưởng trị quốc Nho giáo 28
2.2. Tư tưởng trị quốc của Nho giáo Trung Quốc 34
2.3. Tư tưởng trị quốc của Nho giáo Việt Nam 57
CHƯƠNG 3: ẢNH HƯỞNG CỦA TƯ TƯỞNG TRỊ QUỐC NHO GIÁO ĐỐI
VỚI VIỆC XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
Ở VIỆT NAM HIỆN NAY - THỰC TRẠNG VÀ NGUYÊN NHÂN 78
3.1. Vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
hiện nay 78
3.2. Thực trạng ảnh hưởng của tư tưởng trị quốc Nho giáo đối với việc xây
dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay 82
3.3. Nguyên nhân ảnh hưởng của tư tưởng trị quốc Nho giao đối với việc xây
dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay 116
CHƯƠNG 4: PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT HUY ẢNH
HƯỞNG TÍCH CỰC, HẠN CHẾ ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC CỦA TƯ
TƯỞNG TRỊ QUỐC NHO GIÁO ĐỐI VỚI VIỆC XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC
PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM HIỆN NAY 124
4.1. Phương hướng cơ bản 124
4.2. Một số giải pháp chủ yếu 132
KẾT LUẬN 149
DANH MỤC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN 151
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 152
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Nho giáo là học thuyết chính trị - xã hội lớn của Trung Quốc, ra đời từ
rất sớm trong điều kiện nhà Chu đang bị suy yếu về địa vị kinh tế và vai trò
chính trị. Với chủ trương xây dựng đất nước thái bình thịnh trị theo khuôn
mẫu của vua Nghiêu, vua Thuấn, tư tưởng trị quốc là một trong những nội
dung chủ chốt của học thuyết chính trị - xã hội Nho giáo.
Nho giáo được truyền vào nước ta từ những năm đầu công nguyên
trong quá trình đô hộ của chính quyền phương Bắc. Khi mới truyền vào Việt
Nam, mặc dù lúc đầu sự thâm nhập và ảnh hưởng của nó có phần khó khăn
hơn so với các học thuyết khác như Phật giáo và Đạo giáo. Nhưng, trong quá
trình phát triển của lịch sử, nó đã từng bước chiếm ưu thế và có ảnh hưởng
sâu sắc đến nhiều mặt, nhiều lĩnh vực chủ yếu của đời sống xã hội và con
người Việt Nam, góp phần vào việc hình thành các giá trị truyền thống của
dân tộc. Từ thời Lê, “Nho giáo đã thành quốc giáo” [24, tr.21] và là hệ tư
tưởng chính thống chi phối toàn bộ đời sống tinh thần, tư tưởng ở nước ta.
Lúc ấy, nó đã trở thành công cụ phục vụ đắc lực để trị nước, tổ chức nhà nước
và quản lý xã hội của các triều đại phong kiến Việt Nam.
Nho giáo bàn nhiều về vấn đề trị quốc. Tư tưởng trị quốc được ghi lại
rõ ràng, khá nhiều trong các kinh điển Nho giáo. Các di sản tư tưởng ấy
không những không xa lạ, mà còn gần gũi với văn hóa và con người Việt
Nam trong lịch sử. Nó không chỉ ảnh hưởng đến xã hội và con người Việt
Nam trong quá khứ mà cả trong giai đoạn hiện nay, dù Nho giáo không còn
giữ địa vị của hệ tư tưởng thống trị. Trong nội dung tư tưởng trị quốc của Nho
giáo, bên cạnh những giá trị và những yếu tố có tính hợp lý nhất định thì
những hạn chế có tính lịch sử của nó là điều không tránh khỏi. Vì thế, ảnh
hưởng của nó đến đời sống xã hội nói chung, đến quá trình xây dựng, hoàn
2
thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay nói riêng là
sự ảnh hưởng mang tính hai mặt mà chúng ta phải tính đến.
Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta chủ trương xây dựng Nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tại Hội nghị
đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII, Đảng đã chính thức nêu vấn đề
“Tiếp tục xây dựng và từng bước hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam”
[14, tr.56] và khẳng định, đó là “Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì
nhân dân” [14, tr.56]. Quan điểm đó ngày càng được thể hiện rõ trong các kỳ
Đại hội tiếp theo. Nhất quán tinh thần ấy, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ XII xác định: “Tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, vững mạnh; hoàn
thiện hệ thống pháp luật” [19, tr.79]. Trước thực tế diễn biến phức tạp hiện
nay, như sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ
phận không nhỏ cán bộ công chức nhà nước; tình trạng tham nhũng, lãng phí,
quan liêu ở không ít cơ quan công quyền đang là vấn đề nhức nhối thì việc
hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hướng đến một “nhà nước
liêm chính”, một “chính phủ kiến tạo” theo yêu cầu của đất nước và xu thế
thời đại là một đòi hỏi bức thiết.
Để xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do
nhân dân, vì nhân dân, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng
văn minh”, đòi hỏi phải xem xét ảnh hưởng của những tư tưởng, lý thuyết
chính trị xã hội trong lịch sử, bởi chúng có ảnh hưởng cả tích cực lẫn tiêu cực
đến quá trình ấy. Trong số đó, tư tưởng trị quốc Nho giáo có ảnh hưởng sâu
đậm đến con người Việt Nam và đến xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội
chủ nghĩa Việt Nam hiện nay. Bên cạnh những điều có ý nghĩa tiến bộ như
quan niệm về xây dựng xã hội ổn định, có trật tự, mọi người sống có đạo đức,
có tinh thần trách nhiệm với gia đình, cộng đồng; tư tưởng lấy dân làm gốc,
chủ trương bảo đảm cho người dân có đời sống vật chất, tinh thần tương đối
3
đầy đủ; đào tạo cán bộ công chức nhà nước có phẩm chất, năng lực gắn với
nhu cầu của đất nước trong những giai đoạn lịch sử cụ thể..., nó cũng có
những ảnh hưởng tiêu cực như tư tưởng địa vị ngôi thứ, đầu óc gia trưởng
thiếu dân chủ, bệnh gia đình trị, cục bộ địa phương; tâm lý thiếu tôn trọng
pháp luật trong một bộ phận nhân dân...
Ảnh hưởng mang tính hai mặt của tư tưởng trị quốc Nho giáo đối với
xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay là do
nhiều nguyên nhân khác nhau. Chừng nào những nguyên nhân ấy còn thì tư
tưởng trị quốc Nho giáo sẽ còn ảnh hưởng ở những mức độ nhất định. Do đó,
việc nghiên cứu ảnh hưởng của tư tưởng trị quốc Nho giáo đối với việc xây
dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, từ đó tìm
ra nguyên nhân, có phương hướng và giải pháp phù hợp để phát huy ảnh
hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của nó là vấn đề mang ý nghĩa
thực tiễn rõ rệt.
Xuất phát từ những cơ sở lý luận và thực tiễn trên, nghiên cứu sinh
chọn vấn đề: “Ảnh hưởng của tư tưởng trị quốc Nho giáo đối với việc xây
dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay” làm đề
tài luận án tiến sĩ, chuyên ngành triết học của mình.
2. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu
Mục tiêu nghiên cứu của luận án:
Làm rõ nội dung chủ yếu của tư tưởng trị quốc Nho giáo; phân tích
thực trạng ảnh hưởng và nguyên nhân, đề xuất phương hướng và những giải
pháp chủ yếu nhằm phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực
của nó đối với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt
Nam hiện nay.
Để đạt được mục tiêu trên, luận án tập trung giải quyết các nhiệm vụ
chủ yếu sau:
4
- Làm rõ cơ sở hình thành, những nội dung cơ bản trong tư tưởng trị
quốc Nho giáo và sự biến đổi của nó ở Việt Nam.
- Phân tích thực trạng ảnh hưởng của tư tưởng trị quốc Nho giáo đối
với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện
nay và nguyên nhân của thực trạng đó.
- Đề xuất phương hướng và một số giải pháp chủ yếu nhằm phát huy
ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của tư tưởng trị quốc Nho
giáo đối với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta
hiện nay.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là ảnh hưởng của tư tưởng trị quốc
Nho giáo đối với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở
Việt Nam hiện nay.
Phạm vi nghiên cứu: Nho giáo và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa Việt Nam hiện nay là những vấn đề có nội dung rất rộng, vì thế, luận án
chỉ nghiên cứu về tư tưởng trị quốc của Nho giáo trong mối tương quan, ảnh
hưởng của nó đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở
Việt Nam hiện nay. Bàn về tư tưởng trị quốc Nho giáo, luận án chủ yếu phân
tích những nội dung của nó được thể hiện trong Nho giáo sơ kỳ.
4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
Cơ sở lý luận của luận án là những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa
Mác - Lênin; tư tưởng Hồ Chí Minh và các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt
Nam về nhà nước pháp quyền và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền
xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Phương pháp nghiên cứu: luận án sử dụng phương pháp luận của
CNDV biện chứng và CNDV lịch sử. Ngoài ra, luận án còn sử dụng một số
phương pháp cụ thể như: phân tích - tổng hợp; quy nạp và diễn dịch; lịch sử -
lôgíc; thống kê, đối chiếu, so sánh...
5
5. Đóng góp mới của luận án
- Khái quát và trình bày một cách có hệ thống những nội dung cơ bản
trong tư tưởng trị quốc Nho giáo và du nhập, biến đổi của nó trong tiến trình
lịch sử Việt Nam.
- Phân tích ảnh hưởng có tính hai mặt của tư tưởng trị quốc Nho giáo đối
với quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện
nay trên một số phương diện cơ bản cùng nguyên nhân của thực trạng đó.
- Đề xuất phương hướng và những giải pháp chủ yếu nhằm phát huy
ảnh hưởng tích cực và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của tư tưởng trị quốc Nho
giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta
hiện nay.
6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận án
- Hệ thống hóa và làm sáng tỏ thêm các nội dung cốt lõi trong tư tưởng
trị quốc Nho giáo thông qua các tác phẩm kinh điển của học thuyết ấy, vị thế
của nó trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc và trong lịch sử tư tưởng Việt Nam.
- Góp phần nhận diện rõ hơn thực trạng ảnh hưởng của tư tưởng trị
quốc Nho giáo và sự cần thiết phải phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh
hưởng tiêu cực của nó đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
- Luận án có thể làm tài liệu tham khảo cho việc học tập, nghiên cứu,
giảng dạy về lịch sử tư tưởng Việt Nam và cho những ai quan tâm đến các
vấn đề về Nho giáo, về nhà nước pháp quyền, nhà nước pháp quyền xã hội
chủ nghĩa Việt Nam nói riêng.
7. Kết cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục công trình của tác giả, danh
mục tài liệu tham khảo, luận án gồm 4 chương, 12 tiết.
6
CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
1.1. NHỮNG CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN TƯ TƯỞNG
TRỊ QUỐC NHO GIÁO
Nghiên cứu về Nho giáo có không ít công trình của các nhà khoa học
trong và ngoài nước. Trong số đó, có những công trình đã bàn về các khía
cạnh liên quan đến tư tưởng trị quốc Nho giáo.
Ngay ở Trung Quốc, nơi sản sinh ra học thuyết Nho giáo cũng đã có rất
nhiều công trình nghiên cứu khá công phu. Tuy nhiên, trong mỗi giai đoạn
lịch sử, do điều kiện, hoàn cảnh cụ thể nên những nhận định, đánh giá về Nho
giáo nói chung, tư tưởng trị quốc nói riêng cũng rất khác nhau. Có những lúc
người ta quá đề cao, nhưng có những khi người ta lại phủ định sạch trơn
những giá trị nhất định của nó. Một số công trình nghiên cứu của các nhà
khoa học Trung Quốc cũng đã được dịch ra tiếng Việt, tiêu biểu như:
Lịch sử tư tưởng chính trị Trung Quốc của Lã Trấn Vũ được ấn hành
lần đầu tiên vào năm 1936 tại Nam Kinh. Đây là công trình nghiên cứu khá
công phu, được trình bày qua 10 phần với những nguồn tư liệu khá phong
phú. Trong công trình nghiên cứu này, không chỉ đề cập đến những tư tưởng
chính trị của Nho giáo, tác giả còn phân tích tư tưởng chính trị của các học
thuyết khác, như Đạo gia, Mặc gia, Pháp gia... thông qua những đại biểu tiêu
biểu của nó qua các giai đoạn lịch sử, kể từ thời kỳ cổ đại cho đến thời kỳ
chiến tranh nha phiến. Mặc dù có những nhận định cần phải suy xét thêm,
nhưng nhìn chung đây là công tình có giá trị, cung cấp nguồn tư liệu quan
trọng cho việc nghiên cứu Nho giáo nói chung, tư tưởng trị quốc của Nho
giáo nói riêng.
Tổng quan tư tưởng pháp luật Nho gia của Du Vinh Căn được công bố
vào những năm 90 của thế kỷ XX. Tác phẩm này ra đời đã gây một tiếng
7
vang lớn trong giới nghiên cứu học thuật Trung Quốc lúc bấy giờ, được đánh
giá rất cao và nhận được nhiều giải thưởng lớn tầm cỡ quốc gia. Công trình
này có những phát hiện khá mới mẻ so với những quan niệm truyền thống
trước đó khi nghiên cứu, đánh giá về học thuyết Nho giáo nói chung, tư tưởng
chính trị - xã hội của Nho giáo nói riêng. Với 9 chương của công trình nghiên
cứu này, tác giả đã trình bày khá mạch lạc, từ tư tưởng pháp luật của Khổng
Tử đến tư tưởng pháp luật của Mạnh Tử, Tuân Tử cùng những diễn biến lịch
sử của tư tưởng pháp luật Nho gia, nhằm chứng minh quan điểm tư tưởng
pháp luật Nho gia là tư tưởng pháp luật luân lý. Đồng thời, tác giả cũng khẳng
định, tư tưởng pháp luật luân lý thực sự là dòng chính của văn hóa pháp luật
cổ đại Trung Quốc và cũng là nét đặc sắc của hệ thống pháp luật Trung Hoa.
Những tư liệu được dẫn chứng và những nhận định của tác giả là tài liệu tham
khảo có giá trị cho việc nghiên cứu các nội dung của luận án.
Bên cạnh đó còn phải kể đến một số công trình tiêu biểu khác, như Bàn
về Khổng Tử của Quan Phong - Lâm Duật Thời; Bàn về tư tưởng cổ đại
Trung Quốc của Hầu Ngoại Lư - Triệu Kỉ Bân - Đỗ Quốc Tường; Nho gia với
Trung Quốc ngày nay của Vi Chính Thông… Đó cũng là những tài liệu cần
thiết, cung cấp những tư liệu quan trọng, giúp tác giả luận án có thêm những
cứ liệu vững chắc để nghiên cứu về tư tưởng trị quốc Nho giáo.
Bên cạnh đó, có không ít nhà nghiên cứu phương Tây cũng quan tâm
nghiên cứu về Nho giáo, trong đó có đề cập ít nhiều đến tư tưởng trị quốc của
học thuyết ấy. Trong tác phẩm Bàn về Trung Quốc, công trình rất nổi tiếng
của Henry Kissinger [53] có mục bàn về “Khổng Tử”. Trong mục này, Henry
Kissinger coi trọng, đánh giá cao Khổng Tử. Ông cho rằng, các giá trị chiếm
ưu thế trong xã hội Trung Quốc phát sinh từ những quy định của một triết gia
cổ xưa được thế hệ sau biết tới với cái tên Khổng Phu Tử (hoặc Khổng Tử
theo phiên âm La tinh). Kissinger khẳng định, những lời dạy của Khổng Tử
được các môn sinh ghi lại thì vẫn còn mãi mãi. Theo tác giả, Nho giáo là một
8
học thuyết bao gồm những giá trị được ghi nhận, khẳng định, đồng thời phải
suy ngẫm, coi xét cả những tư tưởng, kỳ vọng của Khổng Tử không thể trở
thành hiện thực. Về tư tưởng trị quốc của Khổng Tử, Henry Kissinger nhận
xét khái quát: “Những quan điểm của ông là các nguyên tắc cai trị (trị quốc,
quản lý quốc gia) bằng tình thương” [53, tr.32]. Kissinger viết: “Khi sự đổ
máu kết thúc và Trung Quốc một lần nữa được thống nhất, nhà Hán (206
trước công nguyên - 220 sau công nguyên) đã áp dụng tư tưởng của Khổng
Tử làm triết lý trị nước chính thức của đất nước” [53, tr.32].
Ở Việt Nam, những công trình nghiên cứu về Nho giáo, trong đó có đề
cập những vấn đề liên quan đến tư tưởng trị quốc cũng không ít. Tiêu biểu như:
Nho giáo của Trần Trọng Kim, xuất bản lần đầu năm 1932 và đến nay
đã được tái bản nhiều lần. Qua 20 thiên của cuốn sách, với mong muốn “vẽ
lấy cái bản đồ” của một ngôi nhà cổ đã hoang tàn, đổ nát, tác giả đã tái hiện
lại khá hệ thống và tương đối chi tiết quá trình hình thành và phát triển của
Nho giáo qua các giai đoạn lịch sử với những đại biểu điển hình của nó ở mỗi
thời kỳ lịch sử và sự du nhập vào Việt Nam của học thuyết ấy. Mặc dù tư
tưởng trị quốc không phải là vấn đề được đặt làm trọng tâm của cuốn sách,
song nó cũng được thể hiện thông qua việc trình bày quan niệm của các nhà
nho tiêu biểu ở mỗi giai đoạn, từ Tần - Hán đến Minh - Thanh sau này. Có thể
nói, cuốn sách cung cấp nguồn tư liệu quan trọng và cần thiết, có thể kế thừa
để phục vụ mục đích của luận án.
Trong cuốn Khổng học đăng của Phan Bội Châu [5], một bộ sách biên
khảo có giá trị, được viết theo những sự tâm đắc của tác giả đã diễn giải một
số nội dung cơ bản trong sách Luận ngữ, Đại học, Trung dung, những quan
niệm của Mạnh Tử, Tuân Tử và một số đại biểu thuộc “Khổng học viễn phái”.
Một số chỗ được tác giả giải thích và có những nhận định trên một tinh thần
khá mới, song đây là một tác phẩm ra đời ở một giai đoạn khá đặc biệt trong
cuộc đời của tác giả nên có những điều lý giải và nhận định chúng ta cần phải
9
cân nhắc thêm. Tuy vậy, đó là tài liệu tham khảo hữu ích cho việc nghiên cứu,
giải quyết các nhiệm vụ của luận án.
Trong bộ sách Lịch sử triết học phương Đông của Nguyễn Đăng Thục
[127], ở chương 4, tập 1 của bộ sách này, tác giả bàn về 5 vấn đề lớn, trong đó
có những nội dung liên quan đến tư tưởng trị quốc của Nho giáo. Chẳng hạn,
khi bàn về thuyết chính danh của Khổng Tử, tác giả giải thích: mỗi danh có
một định nghĩa của nó, nó trỏ vào vật mà danh ấy đã áp dụng, chứ không vào
vật khác được. Nghĩa là, danh là cái bản chất của vật hay là khái niệm. Cái mà
định cho danh “quân”, “thần”, “phụ”, “tử” ở câu quân quân, thần thần, phụ
phụ, tử tử, là cái bản chất của “quân” do đấy mà là “quân”, v.v.. Hoặc khi
phân tích và so sánh quan niệm về “đạo nhân” của Nho, tác giả cho rằng: Phật
giáo và Cơ Đốc giáo chủ trương về chữ nhân có ý nghĩa bác ái bình đẳng, còn
Khổng Tử chủ trương về nhân có thứ bậc trình tự tiến hóa, và Nho giáo ngoài
chủ trương đạo nhân, thừa nhận sự thực về xã hội tiến hóa còn chú trọng vấn
đề tu sửa và dưỡng dục nhân cách con người. Mặc dù không bàn trực diện về
tư tưởng trị quốc Nho giáo, song những nội dung mà công trình này đề cập
cung cấp những tư liệu cần thiết, giúp tác giả luận án có thêm căn cứ để khái
quát về tư tưởng trị quốc Nho giáo Trung Quốc.
Trong cuốn Lịch sử triết học do Nguyễn Hữu Vui chủ biên [150], các
tác giả bàn về Khổng Tử cùng với học thuyết về chính trị và tư tưởng triết học
của Nho gia. Theo các tác giả, hoài bão chính trị trước sau của Khổng Tử là
kế thừa sự nghiệp của Văn Vương, Chu Công, lập lại kỷ cương của nhà Chu.
Để thực hiện lý tưởng chính trị của mình, Khổng Tử xây dựng nên học thuyết
Nhân - Lễ - Chính danh. Theo Khổng Tử, “Nhân” là hạt nhân, là nội dung,
“Lễ” là hình thức của “Nhân” và “Chính danh” là con đường để đạt đến điều
“Nhân”, “Chính danh” là vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con, v.v., và
là điều căn bản của việc làm chính trị, đưa xã hội từ “loạn” trở lại “trị” (an
bình). Về tư tưởng chính trị - xã hội của Mạnh Tử, các tác giả cho rằng: Mạnh
10
Tử đưa ra thuyết “Nhân chính” chống lại việc dùng vũ lực thôn tính lẫn nhau
giữa các nước, đòi hỏi bọn quý tộc phải để cho nhân dân có tài sản riêng thì
họ mới yên tâm làm ăn, phải quý trọng dân. Có thể nói, cuốn sách cung cấp
những kiến thức cơ bản về một số nội dung của học thuyết Nho giáo qua các
giai đoạn phát triển của nó, giúp tác giả luận án có cái nhìn tổng quan về
những nét chính trong tư tưởng trị quốc Nho giáo.
Trong cuốn Khổng Tử của Nguyễn Hiến Lê, khi nhận định về Khổng
Tử, tác giả cho rằng: “một phát kiến của ông là thuyết chính danh” [57,
tr.130]. Theo sự giải thích của tác giả, thuyết chính danh không mới mẻ gì.
Trước Khổng Tử các sử gia đã có truyền thống chép đúng sự thực những hành
vi xấu, tốt của vua chúa và các quan lớn nhỏ và phê bình một cách công tâm
những hành vi đó… Nhưng Khổng Tử đã có công tạo ra danh từ chính danh
và lý luận, giảng giải, đặt nó thành một quy tắc… Ông bảo danh với thực phải
hợp nhau, nếu không hợp nhau thì gọi tên ra, người ta sẽ không hiểu, lý luận
sẽ không xuôi, mọi việc sẽ không thành, lễ nhạc, hình pháp không định được
mà xã hội sẽ hỗn loạn [57, tr.131,132]. Bàn về tư tưởng trị quốc của Nho
giáo, tác giả nhận xét, chính danh là bước đầu đưa tới chính sách đức trị, là
điều kiện của đức trị… Khổng Tử là người đầu tiên nói nhiều nhất đến tư
cách người cầm quyền, đến bổn phận họ phải sửa mình, phải làm gương cho
dân, phải giáo hóa dân. Ông không tách rời đạo đức và chính trị. Ông đã đạo
đức hóa chính trị và tất cả triết lý chính trị của ông gồm trong danh từ đức trị,
mà danh từ này có nghĩa là người trị dân phải có đức, phải trị dân bằng đức,
chứ không bằng bạo lực [57, tr.140,141].
Đây là công trình nghiên cứu khá cơ bản về tư tưởng của Khổng Tử -
người sáng lập Nho giáo, cung cấp một cách nhìn tổng quan về những nội
dung trong tư tưởng Khổng Tử, trong đó có những vấn đề liên quan đến tư
tưởng trị quốc Nho giáo mà tác giả luận án có thể tham khảo.
11
Trong cuốn Mạnh Tử cũng của Nguyễn Hiến Lê, tác giả tập trung luận
bàn về đời sống, hoạt động chính trị, tư tưởng chính trị, học thuyết tính thiện,
v.v. của Mạnh Tử, với tư cách là người bổ túc, hoàn thiện Nho giáo. Bàn về tư
tưởng trị quốc của Mạnh Tử, tác giả cho rằng, Mạnh Tử chủ trương “dân vi
quý”. Thượng đế sinh ra vạn vật, làm chủ vạn vật, nhưng không thể săn sóc
riêng từng vật, đặc biệt là từng người một, cho nên mới giao quyền cho vua
thay mình để trị dân. Nhưng vua cũng không thể trông nom mọi việc được,
cần có các quan giúp đỡ. Vậy vua và quân, tức hạng “cai trị người” sở dĩ có là
vì có hạng “bị cai trị” và bổn phận của họ là phải làm lợi cho hạng này, tức là
cho dân chúng [60, tr.86].
Trong cuốn Đại cương lịch sử tư tưởng Trung Quốc của Lê Văn Quán,
với 22 chương, tác giả đã khảo sát lịch sử tư tưởng Trung Quốc từ thời kỳ tiên
Tần đến thời kỳ cận đại; từ tư tưởng kinh tế đến tư tưởng chính trị, tư tưởng
triết học, tư tưởng sử học, văn học, quân sự... Cuốn sách là tài liệu tham khảo
hữu ích, cung cấp những tư liệu quan trọng mà tác giả luận án có thể tiếp thu,
phục vụ cho quá trình nghiên cứu.
Trong cuốn Các bài giảng về tư tưởng phương Đông của Trần Đình
Hượu [39], tác giả đề cập đến quan điểm chính trị đạo đức của Khổng Tử trên
một số phương diện, như: chính danh, đức trị, thượng hiền trong khuôn khổ
thân thân, ba đạt đức của người quân tử: nhân, trí, dũng... Đây là những vấn đề
liên quan đến tư tưởng trị quốc Nho giáo mà tác giả luận án có thể tham khảo,
phục vụ cho việc nghiên cứu, giải quyết các nhiệm vụ của đề tài luận án.
Trong cuốn Đức trị và pháp trị trong Nho giáo của Vũ Khiêu [43], tác
giả đã dụng công trích dẫn những nội dung trong các kinh điển của Nho giáo
bàn về vai trò của việc dùng đức để cai trị, về phẩm chất của người quân tử
cầm quyền, về tư tưởng trọng dân, trọng hiền; quan niệm về pháp luật, về
binh lực...Mặc dù không bình luận nhiều, song cuốn sách cung cấp những tư
12
liệu từ các tác phẩm kinh điển của Nho giáo, giúp tác giả tiết kiệm rất nhiều
thời gian và công sức trong việc tra cứu.
Trong bộ sách Đại cương triết học Trung Quốc gồm 2 tập của Giản Chi
- Nguyễn Hiến Lê [6], khi phân tích vấn đề “Chính trị luận” ở phần thứ năm
của tập 2, các tác giả đã khảo sát một số quan điểm cơ bản của các trường
phái triết học Trung Quốc khi bàn về quốc gia lý tưởng, về chủ trương cai trị,
về vai trò của vua và dân... Đây là những tư liệu cần thiết và quan trọng, giúp
tác giả có những căn cứ đáng tin cậy để khái quát về những nội dung trong tư
tưởng trị quốc của Nho giáo.
Trong cuốn Học thuyết chính trị - xã hội của Nho giáo và ảnh hưởng
của nó ở Việt Nam (Từ thế kỷ XI đến nửa đầu thế kỷ XIX) của Nguyễn Thanh
Bình [3], ở chương 1, tác giả tập trung luận giải về Nho giáo với tính cách là
một học thuyết chính trị - xã hội ở Trung Quốc cổ đại. Đề cập đến một số tư
tưởng cơ bản của Nho giáo về chính trị - xã hội, tác giả phân tích 3 nội dung:
quan điểm về con người, về xã hội lý tưởng và về đường lối trị nước. Đây là
một cách tiếp cận mà tác giả luận án có thể tham khảo, lựa chọn những yếu tố
hợp lý của nó để từ đó tìm cách tiếp cận riêng của mình.
Trong bài “Tư tưởng Nho giáo về cơ sở của sự ổn định xã hội” đăng
trên tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc của Nguyễn Minh Hoàn, tác giả có đề
cập một số vấn đề thuộc nội dung tư tưởng trị quốc của Nho giáo. Theo tác
giả, mục tiêu trị quốc của Nho giáo là “một xã hội thực sự tốt đẹp - thái bình
thịnh trị chỉ có thể là quay về thời kỳ Nghiêu - Thuấn trước kia” [34, tr.54].
Về đường lối trị quốc, quản lý, lãnh đạo quốc gia, đưa đất nước từ “loạn” trở
lại “trị”: 1) Phải chính danh, 2) Khổng Tử đòi hỏi người cầm quyền phải luôn
chú ý đến việc thực hiện lẽ công bằng và sự yên ổn cho dân, 3) Phải giúp dân
“có đủ ăn, đủ mặc và làm giàu”, phải giáo dân “không phân biệt trên dưới,
thân sơ, quý tiện, sang hèn” như chủ trương của Khổng Tử”, 4) Để tránh
chiến tranh liên miên, Mạnh Tử khuyên vua “hà tất phải nói đến lợi, chỉ cần
13
nói tới nhân nghĩa mà thôi” [34, tr.57]. 5) Quan hệ giữa vua và bề tôi, theo
Khổng Tử, “vua dùng lễ sai khiến bề tôi, bề tôi lấy hết lòng trung thờ vua”, và
theo Mạnh Tử chỉ giáo thêm, “mặc dù người cai trị có được người dưới cung
phụng, nhưng ngược lại, người cai trị cũng phải thực hiện trách nhiệm, nghĩa
vụ với những người mà mình cai trị” [34, tr.60]. Đây là một số, chứ không
phải tất cả, nội dung của tư tưởng trị quốc trong Nho giáo, được tác giả bài
viết tiếp cận để làm sáng rõ cơ sở của sự ổn định xã hội theo quan niệm, chủ
trương của Nho giáo Khổng Mạnh.
Trên đây là một số công trình nghiên cứu tiêu biểu, trong đó có sự tìm
hiểu nhiều, ít khác nhau về tư tưởng trị quốc của Nho giáo. Chúng tôi coi đây
là những tài liệu quý, có giá trị khoa học cần được tham khảo và kế thừa có
chọn lọc để giải quyết những nhiệm vụ luận án đặt ra.
1.2. NHỮNG CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN VẤN ĐỀ
ẢNH HƯỞNG CỦA TƯ TƯỞNG TRỊ QUỐC NHO GIÁO ĐỐI VỚI VIỆC XÂY
DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM
Nghiên cứu về ảnh hưởng của Nho giáo đối với xã hội và con người
Việt Nam trong lịch sử cũng như trong giai đoạn hiện nay đã có không ít công
trình tiêu biểu, có giá trị. Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề ảnh hưởng của tư
tưởng trị quốc Nho giáo đến quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội
chủ nghĩa ở nước ta thì không nhiều.
Trong cuốn Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến
Cách mạng Tháng Tám của Trần Văn Giàu, ở chương ba, tác giả đề cập đến
vấn đề “Tư tưởng Nho giáo Việt Nam thế kỷ XIX”. Theo tác giả, tư tưởng
Nho giáo thế kỷ XIX ở Việt Nam bao gồm bốn vấn đề cơ bản là thiên đạo
quan, lịch sử quan, đạo đức và trị đạo. Về nội dung cơ bản của học thuyết
chính trị Nho giáo, tác giả nhận định: “Cái chính yếu nhất của Nho giáo là
đạo đức. Đạo đức Nho giáo cuối cùng là nhằm phục vụ sự trị nước: trị quốc,
bình thiên hạ là cái đích cao của sự thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia” [24,
14
tr.83]. Theo ông, vấn đề tư tưởng về đạo đức, một nội dung quan trọng trong
Nho giáo “là phương châm, phương hướng lớn của việc trị nước” [24, tr.152].
Nho giáo Trung Quốc nói chung, Nho giáo Khổng Mạnh nói riêng đã xâm
nhập Việt Nam. Nó được người Việt Nam tiếp thu và cải biến đi ít nhiều. Ở
nước ta, vì thế, đã hình thành Nho giáo Việt Nam. Tư tưởng đạo đức trong
Nho giáo đóng vai trò trị quốc, cũng như toàn bộ nội dung của Nho giáo Việt
Nam, theo tác giả còn có những ảnh hưởng tiêu cực: “Nho giáo Việt Nam rõ
ràng là lạc hậu, phức tạp, rối mù, xa lạ với khoa học, bên lề của lý trí lôgíc”
[24, tr.123]. Và tác giả cho rằng:
Nho giáo tuy không hẳn là một tôn giáo..., nhưng kỳ thực nó vẫn
phụ thuộc vào trời, vào thần, trói cột lý trí vào số, vào mệnh trời,
lúc nào cũng chực quay về xưa, càng xưa càng tốt đẹp. Một thiên
đạo quan như thế làm sao có thể giúp cho các chính khách, các nhà
đương cuộc, các bậc chí sĩ nhận định đúng thời thế, về sức địch, sức
ta và những nhiệm vụ quốc tế cần kíp? [24, tr.123-124].
Trong cuốn Nho giáo tại Việt Nam do Lê Sĩ Thắng chủ biên, tập hợp
gần 30 bài viết của các nhà nghiên cứu qua 2 cuộc hội thảo vào các năm 1973
và 1978 về đề tài “Nho giáo trong lịch sử và tàn dư của nó trong xã hội Việt
Nam”, có một số bài liên quan đến chủ đề luận án. Tiêu biểu như:
- Bài “Nhân dân Việt Nam dưới tác động của Khổng giáo” của Vũ
Khiêu. Trong công trình nghiên cứu đó, tác giả đề cập một số nội dung chính:
1) Khẳng định, ghi nhận giá trị, ảnh hưởng tích cực của Nho giáo Khổng
Mạnh; 2) Phê phán những tác động tiêu cực của Nho giáo bao hàm tư tưởng
trị quốc trong đó. Về giá trị, ảnh hưởng tích cực của Nho giáo Khổng Mạnh,
tác giả nhận xét: “Khổng giáo được du nhập vào Việt Nam và suốt hai nghìn
năm giữ địa vị của hệ tư tưởng thống trị trong thượng tầng kiến trúc phong
kiến. Khổng giáo thực tế đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong đời
sống tinh thần của nhân dân Việt Nam” [120, tr.236]. Ông cũng khẳng định
thêm về ảnh hưởng của nó trong lịch sử nước ta:
15
Từ đầu thế kỷ XV, nhất là khi Nhà nước phong kiến của Lê Lợi
thiết lập thì chế độ phong kiến Việt Nam đã đi vào giai đoạn phát
triển cao nhất. Khổng giáo đã bắt đầu chiếm địa vị độc tôn trong
thượng tầng kiến trúc phong kiến… Hệ tư tưởng Khổng giáo được
quán triệt vào nhiều chủ trương chính sách của nhà nước phong
kiến và có ảnh hưởng sâu sắc trong mọi lĩnh vực văn hóa đương
thời [120, tr.249].
Bên cạnh sự ghi nhận, đánh giá về ý nghĩa, vai trò, ảnh hưởng tích cực
của Khổng giáo ở một giai đoạn lịch sử nhất định, tác giả còn chỉ ra không ít
ảnh hưởng tiêu cực của tư tưởng trị quốc Nho giáo. Cụ thể là: 1) “Học
thuyết của Khổng Tử là một học thuyết bảo thủ” [120, tr.251]; 2) “Học
thuyết của Khổng Tử tập trung vào tinh thần trung quân. Thờ vua là điểm
cao nhất của đạo làm người, là yêu cầu đạo đức đầu tiên của những đại
trượng phu, của bậc đại dũng, của anh hùng” [120, tr.253]; 3) Tư tưởng
Khổng giáo là hệ tư tưởng chính thống của chế độ phong kiến phương Đông.
Đó là phương tiện tinh thần rất độc hại để nô dịch quần chúng… Khổng giáo
rõ ràng là đứng hẳn về phía giai cấp phong kiến nước ngoài, bào chữa cho sự
xâm lược của chúng, thuyết phục nhân dân ta quy thuận sự thống trị của
phương Bắc, thần phục vua chúa nước lớn, coi như vị thiên tử có uy quyền
tuyệt đối với cả thế gian này. Bọn thống trị thông qua Khổng giáo để đào tạo
những nho sĩ bản xứ, sử dụng họ làm tay sai trong bộ máy quan liêu [120,
tr.264,265]; 4) Tư tưởng khinh rẻ phụ nữ là tư tưởng nổi bật trong Khổng
giáo… Thật là một điều sỉ nhục đối với phụ nữ, khi ông (Khổng Tử) quy đạo
đức của phụ nữ vào bốn điểm Dung, Công, Ngôn, Hạnh. Đó là thứ đạo đức
biến người đàn bà thành một công cụ mua vui cho đàn ông [120, tr.269]; 5)
“Khổng giáo củng cố ở nhân dân tư tưởng về tính vĩnh cửu của chế độ
phong kiến” [120, tr.290]; 6) “Khổng giáo giam con người vào một trật tự
phong kiến chặt chẽ từ trên xuống dưới. Lễ giáo Khổng Tử quy định thứ bậc
cho các tầng lớp nhân dân” [120, tr.291].
16
- Bài “Ảnh hưởng Nho giáo trong lịch sử tư tưởng Việt Nam” [120,
tr.385-418] của Nguyễn Đức Quỳ. Trong bài viết này, tác giả bàn tương đối
nhiều về ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của Nho giáo, trong đó có những
yếu tố của tư tưởng trị quốc. Về ảnh hưởng tích cực, tác giả cho rằng: “Khi
gặp Nho giáo với toàn bộ kiến thức và quan niệm trình bày mạch lạc, có lập
luận, có dẫn chứng cụ thể về việc thời xưa được ghi lại bằng chữ, thì những
người trí thức bị bắt buộc làm quen với Nho giáo… đã từ chỗ bị ép học, tiến
dần đến chỗ tự nguyện học và vận dụng nó vào đời sống, lấy nó làm kim chỉ
nam cho suy nghĩ và hành động [120, tr.388], và “tư tưởng Nho giáo ảnh
hưởng sâu, mạnh tới toàn bộ tư tưởng Việt Nam” [120, tr.393]. Tác giả nhận
định: “Về trị nước, Khổng Tử chỉ nói có tám chữ nhưng tổng kết được
những yêu cầu cơ bản của một bộ máy cai trị, dù thời xưa hay thời nay: “Túc
thực, túc binh, dân tín chi hỹ” [120, tr.406]. Tác giả nhận xét, theo Khổng
Tử, trong ba nhân tố là kinh tế dồi dào (“túc thực”), quân đội mạnh mẽ (“túc
binh”) và dân tin tưởng nghe theo (“dân tín”) thì nhân tố thứ ba (“dân tín”)
là quan trọng nhất. Theo tác giả, trong vấn đề trị nước, Khổng Tử xác định
được lực lượng quyết định nhất trong mọi sự nghiệp, thành bại, thịnh suy,
hưng vong đều do dân có củng cố không, có tham gia tích cực hay không?
Khổng Tử nói khi được hỏi phép trị nước: “Dân là gốc nước, gốc bền thì
nước yên”… Khổng Tử đã nói dứt khoát… không có dân thì không làm
được gì, có dân ủng hộ mạnh thì sẽ có kinh tế và quân đội. Mọi chuyện đều
từ dân mà ra [120, tr.407].
Bên cạnh đó, tác giả cũng cho rằng, tư tưởng trị quốc của Nho giáo có
nhiều ảnh hưởng tiêu cực tại Việt Nam. Đó là tính chất bảo thủ, “tuyệt đối hóa
kinh nghiệm của người xưa” [120, tr.395] trong Nho giáo. Đó là việc “Nho
giáo thường hay cực đoan hóa những khuôn phép đã định ra” [120, tr.396].
Đó là việc trong xã hội còn có giai cấp, còn có bộ máy nhà nước, thì còn có
người thống trị, người bị trị, người lãnh đạo, người bị lãnh đạo, thì đẳng cấp,
17
tôn ty theo một lối nào đó là sự cần thiết khách quan, nhưng Nho giáo đã gây
“một tinh thần tôn ty, đẳng cấp quá khắt khe trong nhân dân” [120, tr.402].
Tác giả còn khẳng định: “Theo tôi nghĩ, ảnh hưởng tinh thần cấp bậc này (của
Nho giáo) còn theo sát chúng ta cho tới bây giờ. Nhiều đồng chí kịch liệt đả
kích đạo Nho, nhưng trong hội nghị, khi lên nói gì thì cũng kính thưa đến 5, 6
bậc, chưa có thể nói gọn một câu “Thưa các đồng chí”, có lẽ sợ như thế là “vô
lễ”, “ngạo thượng” chăng?” [120, tr.403-404]. Đây là bài viết có lập luận chặt
chẽ, dẫn chứng cụ thể, nhiều điểm xác đáng, do vậy có sức thuyết phục cao, là
công trình nghiên cứu có giá trị.
- Bài “Bàn về vai trò lịch sử của Nho giáo” [120, tr.529-534] của
Nguyễn Khắc Viện. Đây là bài viết ngắn gọn về giá trị, ảnh hưởng tích cực và
tiêu cực của Nho giáo. Theo tác giả, Nho giáo bao hàm tư tưởng trị quốc, bình
thiên hạ, song: “Nho giáo vừa là công cụ của phong kiến phương Bắc dùng để
lệ thuộc các dân tộc khác, nhưng vừa là công cụ giúp các dân tộc chống lại
Trung Quốc (xâm lược họ)” [120, tr.531]. Nghĩa là, ảnh hưởng tiêu cực của
Nho giáo là nó làm công cụ cho kẻ xâm lược, nhưng ảnh hưởng tích cực của
Nho giáo là học thuyết này làm công cụ chống xâm lược.
- Trong bài “Đạo đức Nho giáo và đạo đức truyền thống Việt Nam” của
Trần Văn Giàu, khi phân tích ảnh hưởng tiêu cực của Nho giáo và của tư
tưởng trị quốc trong học thuyết ấy, tác giả viết:
Nho giáo tự phụ là vũ khí vạn năng để trị quốc, bình thiên hạ,
nhưng nó không cứu vãn được nhà Trần khỏi sụp đổ. Nó không
phải là yếu tố chính của cuộc chiến thắng quân Minh. Trái lại, nó là
một nguyên nhân lớn của sự mất nước Việt Nam về tay Pháp. Triều
đình Nguyễn bại vong, phong trào Cần Vương tan rã đều biểu hiện
sự thất bại hoàn toàn của Nho giáo như là hệ ý thức phong kiến…
Nho giáo tàn lụi hết sức nhanh chóng [120, tr.143].
18
Về ảnh hưởng tiêu cực của tư tưởng trị quốc Nho giáo, tác giả nhấn
mạnh ba yếu tố: Thứ nhất: tư tưởng đức trị, nhân trị, điều này trở ngại cho
đường lối pháp trị xã hội chủ nghĩa. Thứ nhì: chủ nghĩa gia đình, chủ nghĩa
đồng tộc, phương châm trị đạo thân thân, điều này trở ngại cho việc thực hiện
dân chủ, động viên tài năng. Thứ ba: tư tưởng trọng quan khinh dân, nó làm
nền cho thứ chủ nghĩa quan liêu, thơ lại mới [120, tr.149].
Trong cuốn sách đó còn một số bài ít nhiều có liên quan đến chủ đề
luận án, như: “Vài ý kiến về ảnh hưởng của Nho giáo với xã hội Việt Nam”
của Đào Duy Anh; “Cha ông chúng ta đã tiếp thu những gì tích cực ở các ý
thức hệ phong kiến của Trung Quốc” của Trương Chính; “Nho giáo đối với
nước và thiên hạ” của Quang Đạm; “Vị trí và vai trò của Nho giáo ở thời kỳ
cực thịnh của chế độ phong kiến Việt Nam” của Nguyễn Đức Sự; “Nho giáo
Triều Nguyễn và sự thất bại hoàn toàn của nó trước thử thách của lịch sử” của
Nguyễn Tài Thư... Mặc dù không trực tiếp bàn về tư tưởng trị quốc Nho giáo
và ảnh hưởng của nó, song đó đều là những tài liệu hữu ích, cung cấp những
cứ liệu quan trọng cho việc nghiên cứu, khái quát ảnh hưởng của tư tưởng trị
quốc Nho giáo đến xã hội Việt Nam cũng như quá trình xây dựng nhà nước
pháp quyền hiện nay.
Trong cuốn Nho giáo xưa và nay do Vũ Khiêu chủ biên (gồm hơn 20
bài viết của các tác giả), có một số bài viết liên quan đến chủ đề luận án, như:
“Hiện đại đối thoại với Nho giáo” của Bùi Đăng Duy; “Giá trị của Nho giáo
trong xã hội ta ngày nay” của Hoàng Việt; “Tư tưởng thủ cựu của Nho giáo
trước sự tấn công của chủ nghĩa đế quốc” của Trần Văn Giàu... Mặc dù các
bài viết đó không trực tiếp đề cập đến ảnh hưởng của tư tưởng trị quốc Nho
giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam, bởi đó không
phải mục đích mà các tác giả hướng đến, song nó gợi mở những điều bổ ích
về mặt phương pháp luận cho tác giả luận án.
19
Trong cuốn Nho giáo xưa và nay của Quang Đạm, tác giả đã bàn đến
ảnh hưởng của Nho giáo đến xã hội Việt Nam trên nhiều phương diện. Thông
qua các chương bàn về “Đạo đức và chính trị” (Chương III), “Phạm trù: Nhà”
(Chương IV), “Nước” (Chương V), “Và thiên hạ” (Chương VI), “Ai trị ai và ai
nuôi ai?” (Chương VII), tác giả đã phân tích trên tinh thần phê phán những ảnh
hưởng, đặc biệt là ảnh hưởng tiêu cực của Nho giáo đến xã hội và con người
Việt Nam cũng như quá trình xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa. Từ đó, tác
giả nhận định: “Ra sức xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa, ngày càng thể
hiện rõ bản chất Nhà nước của dân, do dân, vì dân,... Triết lý “sử” và “do” của
Khổng Khâu cũng như những kiểu cách phát động, đạo diễn kể trên không hợp
với hệ tư tưởng và nếp sống của chúng ta” [13, tr.332], và “Xóa bỏ tận gốc
những biểu hiện và những hậu quả ấy là cần thiết để tiến lên” [13, tr.333].
Trong cuốn Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân,
do dân, vì dân - lý luận và thực tiễn, do Nguyễn Duy Quý và Nguyễn Tất
Viễn đồng chủ biên, các tác giả có bàn đến vấn đề “Nho giáo và sự ảnh hưởng
của nó đến quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt
Nam” [110, tr.258,262]. Các tác giả quan niệm, “Nho giáo là vấn đề của quá
khứ, nhưng cũng là vấn đề quan tâm trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam bởi tác động ý thức hệ của nó” [110,
tr.258]. Yếu tố tích cực của Nho giáo được trình bày tại đây là: Lịch sử cho
thấy, ngay sau khi được chính quyền phong kiến thừa nhận làm nền tảng tư
tưởng và đường lối trị nước, Nho giáo đã phát huy được tác dụng, đóng vai
trò tích cực nhất định trong xã hội. Nho giáo đã nêu lên được một số những
nguyên lý, những nguyên tắc, một số đường lối và phương pháp có thể bảo
đảm cho xã hội một sự ổn định nhất định để phát triển [110, tr.259].
Các tác giả cũng nhận xét, ngoài giá trị, ảnh hưởng tích cực, Nho giáo
còn có nhiều dấu hiệu, biểu hiện, ảnh hưởng tiêu cực trong đời sống xã hội, cụ
thể là: Nho giáo không coi trọng mối quan hệ xã hội - mối quan hệ giữa con
người với con người; Nho giáo thủ tiêu đấu tranh vì công lý; Nho giáo không
20
đề cao cá nhân con người. Nho giáo đã đồng nhất cá nhân với cộng đồng;
Nho giáo ít đề cao tài mà thường là đề cao đức [110, tr.260-261].
Trong cuốn Đạo đức và pháp luật trong triết lý phát triển ở Việt Nam
của Vũ Khiêu và Thành Duy, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000, các tác
giả đã phân tích những hạn chế và ảnh hưởng tiêu cực của cả tư tưởng đức
trị và pháp trị của xã hội phong kiến. Tuy Nho giáo và tư tưởng phong kiến
không đồng nhất với nhau, nhưng sự phân tích và luận giải những nội dung
của công trình này giúp tác giả hiểu thêm về ảnh hưởng của tư tưởng Nho
giáo nói chung, tư tưởng trị quốc Nho giáo nói riêng trong thời kỳ phong
kiến Việt Nam.
Trong cuốn Học thuyết chính trị - xã hội của Nho giáo và ảnh hưởng
của nó ở Việt Nam (Từ thế kỷ XI đến nửa đầu thế kỷ XIX) của Nguyễn Thanh
Bình [3], tác giả nhận định, Nho giáo trở thành cơ sở tư tưởng chủ yếu để
định ra và thực hiện đường lối đức trị, chế định pháp luật và hoạch định việc
giáo dục khoa cử, củng cố ngôi vua, ổn định trật tự xã hội, lựa chọn nhân tài
của các triều đại phong kiến Việt Nam. Mặc dù công trình này chỉ nghiên cứu
ảnh hưởng của Nho giáo ở Việt Nam giai đoạn thế kỷ XI đến nửa đầu thế kỷ
XIX, song nó cung cấp những tư liệu có ích, giúp tác giả hiểu thêm về ảnh
hưởng của học thuyết chính trị - xã hội của Nho giáo trong thời kỳ xây dựng
và củng cố chính quyền phong kiến nước ta, từ đó có căn cứ để nhận định
những ảnh hưởng của nó trong những giai đoạn sau này trên đất nước ta.
Trong bài “Ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo đến hoạt động quản lý
nhà nước ở Việt Nam hiện nay” [28, tr.28-31] của Dương Thị Thúy Hằng,
đăng trên tạp chí Giáo dục lý luận, số 8-2016, tác giả cho rằng, Nho giáo có
những ảnh hưởng tích cực đến hoạt động quản lý nhà nước, đó là: 1) “Ảnh
hưởng của tư tưởng Nho giáo trong việc xây dựng một số bộ luật ở Việt Nam
hiện nay”; 2) “Ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo trong việc xây dựng tổ chức
bộ máy hành chính”; 3) “Ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo trong việc xây
21
dựng đội ngũ cán bộ, công chức”; 4) “Ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo đến
tư duy quản lý kinh tế” [28, tr.28-30]. Bên cạnh đó, theo tác giả, những hạn
chế của tư tưởng Nho giáo ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động quản lý nhà
nước là: 1) Quá đề cao lễ và đạo đức nên hạn chế tính sáng tạo, tính tự chủ
của con người; 2) “Tư tưởng chính danh đã quá đề cao danh phận, trọng danh
hơn thực và là cơ sở hình thành nên bệnh hình thức chủ nghĩa”; 3) “Việc đề
cao tôn ti trật tự trong mối quan hệ tam cương của Nho giáo: cha - con, vợ -
chồng, vua - tôi là nguyên nhân tạo nên tính gia trưởng trong cơ quan nhà
nước hiện nay”; 4) “Tư tưởng duy tình, duy nghĩa của Nho giáo để tình cao
hơn lý tạo nên sự không công bằng trong cơ quan nhà nước” [28, tr.30-31].
Trong khuôn khổ có hạn của một bài báo nên có những vấn đề hầu như mới
chỉ dừng lại ở một số nhận định bước đầu và cần có sự phân tích, luận giải
thêm với những cứ liệu vững chắc hơn.
Đó là một số công trình mà ở đó bàn đến một số nội dung liên quan đến
vấn đề ảnh hưởng của tư tưởng trị quốc Nho giáo trong tiến trình lịch sử Việt
Nam, cung cấp thêm tài liệu để tác giả luận án có căn cứ nhận định về ảnh
hưởng của tư tưởng trị quốc Nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
1.3. NHỮNG CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN PHƯƠNG
HƯỚNG, GIẢI PHÁP PHÁT HUY ẢNH HƯỞNG TÍCH CỰC VÀ HẠN CHẾ ẢNH
HƯỞNG TIÊU CỰC CỦA TƯ TƯỞNG TRỊ QUỐC NHO GIÁO ĐỐI VỚI VIỆC
XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM
HIỆN NAY
Trong cuốn Nho học và Nho học ở Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và
thực tiễn” của Nguyễn Tài Thư [132], tác giả cho rằng, ngày nay một số yếu
tố của Nho giáo vẫn có mặt ở nước ta và ảnh hưởng của nó có phạm vi rộng
khắp, từ cá nhân đến gia đình, xã hội. Khi bàn đến vấn đề “Nho học và xã hội
Việt Nam ngày nay”, tác giả khẳng định, xã hội ta không thuộc về Nho học,
không có cơ sở để phục hồi chế độ xã hội mà Nho học là nền tảng tư tưởng
22
nhưng một số yếu tố nào đó của Nho học vẫn còn có mặt ở nước ta ngày nay
nên “nó phải được đối xử như là truyền thống lớn của dân tộc”. Cuốn sách
giúp tác giả luận án hiểu thêm về phương thức ảnh hưởng của Nho giáo nói
chung, tư tưởng trị quốc Nho giáo nói riêng đối với xã hội Việt Nam hiện nay.
Trong cuốn Đến hiện đại từ truyền thống (Chương trình khoa học công
nghệ cấp nhà nước KX-07, H.1994) của Trần Đình Hượu, tác giả khẳng định,
mặc dù xã hội đã đổi thay nhưng nhiều người vẫn sống, vẫn nghĩ rất Nho mặc
dù họ lên án Nho giáo kịch liệt. Tác giả cuốn sách nhận định, “trên con đường
hiện đại hóa không chỉ là phê phán hay cải tạo, kế thừa hay phát huy mà còn
là biết lợi dụng những cái có trong thực tế không nên bỏ, chưa thể bỏ”. Theo
ông, ở Việt Nam khi đi vào hiện đại hóa “Nho giáo đang phải được chú ý ở
mặt là sức cản của xu hướng phát triển. Đồng thời, tìm những khả năng để lợi
dụng những ảnh hưởng nó đang để lại trong thực tế”. Tác giả cho rằng, tình
hình ngày nay đã đổi khác, khi các nước đang mở cửa giao lưu, hội nhập vào
thế giới, các dân tộc vươn tới những giá trị toàn nhân loại thì những lý tưởng
làm người, tu thân để đạt đến nhân nghĩa, tề gia để đạt đến cuộc sống hòa
thuận an vui… có những ý nghĩa tích cực chứ không chỉ dẫn đến trì trệ, ảo
tưởng. Tuy nhiên, ông cũng thể hiện sự lo lắng trong việc tiếp thu, kế thừa
những giá trị của Nho giáo: “đối với Việt Nam, cái Nho giáo để lại trong thực
tế - ở tình trạng đã phân giải - còn là quá nhiều - kế thừa, phát huy rất dễ gây
ra tái sinh, quay lại cái cũ”.
Trong cuốn Nho giáo và phát triển ở Việt Nam của Vũ Khiêu, ở
chương III, tác giả nêu vấn đề: Có thể rút ra bài học gì từ tư tưởng trị nước
của Nho giáo? Tác giả cuốn sách cho rằng: “Tư tưởng Đức trị và Pháp trị thời
phong kiến đều chỉ có tính chất phiến diện. Những tư tưởng ấy đều là những
biện pháp khác nhau của giai cấp phong kiến sử dụng để lừa bịp và đàn áp
nhân dân mà thôi” và khẳng định: “Trên con đường tiến hóa của nhân loại và
của các dân tộc Đông Á, sự thống nhất của đạo đức và pháp luật chỉ có thể
23
thực hiện trong một xã hội dân chủ và nhân đạo trên cơ sở lợi ích của toàn thể
nhân dân” [45, tr.129].
Trong bài “Phong tục và nếp sống của xã thôn Việt Nam dưới sự tác
động của Nho giáo” của Nguyễn Đức Sự in trong cuốn Nông thôn Việt Nam
trong lịch sử [115], qua việc phân tích sự thâm nhập của Nho giáo vào xã
thôn Việt Nam cùng những nhân tố cản trở quá trình ấy, tác giả cho rằng, dù
Nho giáo không còn tồn tại với bộ mặt đích thực của nó, nhưng những tàn dư,
dấu vết Nho giáo trong phong tục tập quán và nếp sống ở xã thôn Việt Nam
vẫn tồn tại ngoan cố và dai dẳng. Theo tác giả, để khắc phục ảnh hưởng của
những tàn dư đó, cần có sự phấn đấu kiên trì của nhân dân trong quá trình
thực hiện ba cuộc cách mạng: cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa
học kỹ thuật và cách mạng tư tưởng văn hóa, trong đó cách mạng khoa học kỹ
thuật là then chốt.
Trong cuốn Học thuyết pháp trị Trung Hoa cổ đại - Giá trị tham khảo
trong quản lý xã hội ở Việt Nam hiện nay của Đỗ Đức Minh [87], tác giả mặc
dù không bàn nhiều về tư tưởng trị quốc Nho giáo, song cũng có sự so sánh
sự khác nhau giữa quan điểm trị quốc của Nho gia với quan điểm trị quốc của
các đại biểu thuộc trường phái Pháp gia trên một số điểm cơ bản. Trên cơ sở
đó, tác giả cuốn sách cũng chỉ ra những yêu cầu, một số nguyên tắc và những
điều gợi mở trong việc tiếp thu có chọn lọc những giá trị của học thuyết pháp
trị Trung hoa cổ đại. Đó là những nội dung mà tác giả luận án có thể tham
khảo để rút ra cách tiếp cận cho việc giải quyết mục tiêu, nhiệm vụ của mình.
Trong cuốn Ảnh hưởng của Nhân - Lễ trong Nho giáo đối với đời sống
đạo đức ở Việt Nam hiện nay của Phan Mạnh Toàn [136], tác giả có đề cập
đến phương hướng và một số giải pháp cơ bản nhằm phát huy ảnh hưởng tích
cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của Nhân - Lễ đối với đời sống đạo đức ở
Việt Nam hiện nay. Về phương hướng, tác giả cho rằng: Học tập phương
pháp biện chứng của Hồ Chí Minh trong việc sử dụng những phạm trù Nhân -
24
Lễ của Nho giáo; Bảo đảm sự thống nhất giữa kế thừa, lọc bỏ với đổi mới,
phát triển những giá trị của Nhân - Lễ trong quá trình giáo dục đạo đức. Về
giải pháp, tác giả đề xuất: Khắc phục những mặt trái của kinh tế thị trường,
giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa; Coi trọng việc kế thừa giá trị và khắc
phục ảnh hưởng tiêu cực của Nhân - Lễ trong quá trình xây dựng các mối
quan hệ trong gia đình ở nước ta hiện nay; Cải tạo các phong tục, tập quán lạc
hậu, xây dựng những tập quán mới, tạo môi trường văn hóa tinh thần lành
mạnh trong xã hội; Thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội, giáo dục ý thức
sống và làm theo pháp luật trong nhân dân. Đây là những nội dung mà tác giả
luận án có thể tham khảo để rút ra những quan điểm của mình khi đề xuất
phương hướng và giải pháp phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng
tiêu cực của tư tưởng trị quốc Nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.
Trong luận án tiến sĩ triết học “Ảnh hưởng tiêu cực của tư tưởng phong
kiến trong cán bộ lãnh đạo, quản lý và phương hướng khắc phục” của Nguyễn
Bình Yên, tác giả cho rằng phải tập trung giải quyết ba vấn đề quan trọng, đó
là: Đổi mới kinh tế gắn liền với cải biến phong tục tập quán lạc hậu; Dân chủ
hóa trong toàn xã hội đi đôi với dân chủ hóa trong sinh hoạt Đảng; Tiếp tục
đổi mới công tác cán bộ. Mặc dù tư tưởng trị quốc Nho giáo không đồng nhất
với tư tưởng phong kiến, song dấu ấn của Nho giáo nói chung, tư tưởng trị
quốc Nho giáo nói riêng trong tư tưởng phong kiến nước ta là không thể phủ
nhận. Vì vậy, những quan điểm và nhận định của tác giả, những phương
hướng mà tác giả đề xuất là những nội dung mà tác giả luận án có thể tham
khảo cho việc giải quyết nhiệm vụ của mình.
1.4. KHÁI QUÁT KẾT QUẢ CÁC CÔNG TRÌNH ĐÃ TỔNG QUAN VÀ
NHỮNG VẤN ĐỀ LUẬN ÁN CẦN TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU
Trên đây là những công trình nghiên cứu tiêu biểu liên quan một cách
trực tiếp hoặc gián tiếp đến đề tài luận án. Ngoài ra còn rất nhiều tài liệu khác
mà trong khuôn khổ có hạn, tác giả luận án không có điều kiện phân tích hết.
25
Về những công trình nghiên cứu liên quan đến tư tưởng trị quốc Nho
giáo, các tác giả trong và ngoài nước đã nghiên cứu ở nhiều phương diện với
những cách tiếp cận khá đa dạng. Có những công trình nghiên cứu các vấn đề
liên quan đến tư tưởng trị quốc thể hiện qua những đại biểu cụ thể, riêng biệt,
như: Khổng Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử...; hoặc theo các giai đoạn nhất định
trong tiến trình phát triển của Nho giáo, như: Nho giáo sơ kỳ, Hán Nho, Tống
Nho... Mỗi cách tiếp cận đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định của
nó. Trong luận án, tác giả lựa chọn cách tiếp cận của riêng mình, đó là theo
chiều dọc của vấn đề. Nội dung của tư tưởng trị quốc Nho giáo được tác giả
luận án xem xét trên ba lát cắt chủ đạo: Mục tiêu trị quốc, đường lối trị quốc
và chủ thể trị quốc.
Về những công trình nghiên cứu liên quan đến vấn đề ảnh hưởng của tư
tưởng trị quốc Nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội
chủ nghĩa ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu cũng có những quan niệm và đánh
giá khá đa chiều từ những góc độ khác nhau. Nhiều công trình xuất phát từ
việc nghiên cứu ảnh hưởng của Nho giáo trong lịch sử phong kiến Việt Nam
để nhận định về những ảnh hưởng của nó trong xã hội Việt Nam hiện nay trên
một số phương diện, trong đó có vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền. Nhìn
chung, các công trình đều khẳng định ảnh hưởng có tính hai mặt của Nho giáo
nói chung, tư tưởng trị quốc nói riêng đến xã hội và con người Việt Nam hiện
nay. Tuy nhiên, số lượng những công trình nghiên cứu liên quan trực tiếp đến
vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền chưa nhiều và chưa hệ thống. Kế thừa
những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đi trước, tác giả luận án tập
trung phân tích ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của tư tưởng trị quốc Nho giáo
đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện
nay trên một số phương diện chủ yếu, đồng thời luận giải những nguyên nhân
của hiện trạng đó.
26
Về những công trình nghiên cứu liên quan đến phương hướng, giải
pháp phát huy ảnh hưởng tích cực và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của tư tưởng
trị quốc Nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa ở Việt Nam hiện nay, có công trình xuất phát từ việc nhấn mạnh các giá
trị của Nho giáo nên đề cao việc kế thừa, phát huy những ảnh hưởng tích cực
của nó; có nhà nghiên cứu xuất phát từ việc chỉ ra những hạn chế, lạc hậu của
học thuyết này nên nhấn mạnh việc lọc bỏ hạn chế, khắc phục ảnh hưởng tiêu
cực của nó đối với tiến trình xây dựng đất nước và con người Việt Nam. Tác
giả luận án quan niệm, tư tưởng trị quốc Nho giáo vừa có giá trị nhất định
song cũng mang không ít hạn chế nên sẽ có ảnh hưởng cả tích cực lẫn tiêu
cực. Vì vậy, phải tính đến tác động hai mặt của nó trong việc đề xuất phương
hướng và giải pháp để có thể phát huy ảnh hưởng tích cực và hạn chế ảnh
hưởng tiêu cực của tư tưởng trị quốc Nho giáo đối với việc xây dựng nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
Tóm lại, với những tài liệu đã được tổng quan ở trên cho thấy, do
nhiệm vụ, mục tiêu và cách tiếp cận khác nhau, nên các nhà nghiên cứu đã có
sự quan tâm tìm hiểu những nội dung khác nhau trong học thuyết Nho giáo
nói chung, tư tưởng trị quốc trong học thuyết đó nói riêng, nhưng chưa có
công trình nào tập trung bàn luận có hệ thống và chuyên sâu về ảnh hưởng
của tư tưởng trị quốc Nho giáo đối với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền
xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, đó là những công trình
nghiên cứu có giá trị của các nhà khoa học đi trước, giúp tác giả luận án có
thêm những tư liệu, những cơ sở khoa học để tiếp tục đi sâu nghiên cứu
những nội dung thuộc chủ đề luận án của mình. Trên cơ sở kế thừa những yếu
tố hợp lý trong các công trình của những nhà khoa học đi trước, luận án tập
trung đi sâu nghiên cứu và giải quyết những vấn đề sau:
Một là, khái quát một cách có hệ thống về cơ sở hình thành, nội dung chủ
yếu trong tư tưởng trị quốc của Nho giáo Trung Quốc; sự du nhập và biến đổi
nội dung của nó trong Nho giáo Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử tiêu biểu.
27
Hai là, phân tích ảnh hưởng mang tính hai mặt của tư tưởng trị quốc
Nho giáo đến việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt
Nam hiện nay cùng những nguyên nhân của thực trạng đó.
Ba là, đề xuất phương hướng và những giải pháp chủ yếu nhằm phát
huy ảnh hưởng tích cực và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của tư tưởng trị quốc
Nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở
nước ta hiện nay.
Tác giả luận án hy vọng, với việc tiếp tục đi sâu nghiên cứu, luận giải
những vấn đề trên, luận án sẽ góp thêm một cách tiếp cận và có thêm những
đóng góp mới về một khoảng trống trong nghiên cứu về Nho giáo và ảnh
hưởng của nó trong xã hội Việt Nam hiện nay.
28
CHƯƠNG 2
TƯ TƯỞNG TRỊ QUỐC NHO GIÁO
2.1. CƠ SỞ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG TRỊ QUỐC NHO GIÁO
2.1.1. Điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội
Bất kể tư tưởng, học thuyết nào cũng được hình thành trong một hoàn
cảnh, điều kiện lịch sử nhất định. Hoàn cảnh, điều kiện lịch sử nào sẽ cho ra
đời tư tưởng học thuyết tương ứng. Nho giáo nói chung, tư tưởng trị quốc
Nho giáo nói riêng cũng là sản phẩm tất yếu của lịch sử Trung Hoa thời Xuân
Thu - Chiến quốc.
Về kinh tế, đồ sắt thời kỳ này được sử dụng phổ biến, nghề luyện sắt,
chế tạo công cụ lao động bằng sắt phát triển. Cùng với việc chế tạo và sử
dụng công cụ lao động bằng sắt, người Trung Quốc thời kỳ này còn biết sử
dụng sức kéo của súc vật, biết dùng súc vật làm công cụ lao động trong sản
xuất nông nghiệp. Mặt khác, họ còn chú trọng làm thủy lợi phục vụ cho cấy
trồng, sản xuất ra của cải vật chất.
Với sự xuất hiện và sử dụng phổ biến công cụ lao động bằng sắt đã góp
phần làm cho sản xuất nông nghiệp phát triển, đồng thời cũng thúc đẩy sự
phát triển của các ngành kinh tế khác, như thủ công nghiệp và thương nghiệp.
Nhiều thành thị buôn bán khá sầm uất đã lần lượt ra đời như Hàm Dương,
Hàm Đan, Lâm Tri... Hoạt động thương nghiệp, buôn bán trong thời Xuân
Thu - Chiến quốc phát triển đã dẫn đến sự ra đời đội ngũ nhà buôn lớn có
nhiều tiền. Tiền tệ đã làm xuất hiện nạn cho vay nặng lãi, trao đổi hàng hóa,
trả công lao động bằng tiền, nộp thuế bằng tiền.
Sản xuất phát triển đã dẫn đến những biến đổi to lớn trong các quan hệ
xã hội, giai cấp. Thời Tây Chu, đất đai dưới gầm trời Trung Quốc, đâu đâu
cũng là đất của thiên tử nhà Chu. Nhưng do sản xuất kinh tế phát triển, nhiều
thế lực xã hội giàu mạnh lên, không hoàn toàn chịu sự ban cấp đất đai của vua
thiên tử như trước nữa. Họ đã chiếm dụng đất đai của thiên tử cho riêng mình,
29
đồng thời thôn tính lẫn nhau để giành đất, giành dân. Không chỉ các chư hầu
thôn tính lẫn nhau mà có những vua chư hầu thế lực suy yếu dần, các đại phu
có thế lực nổi lên tranh giành, tiếm quyền, chiếm đất, biến thành đất đai riêng
của họ.
Chế độ đất đai trong xã hội cũng có sự thay đổi lớn do nền sản xuất,
kinh tế phát triển. Trước đây, toàn bộ ruộng đất là của vua, vua ban cho bề tôi
tùy theo công lao, chức tước. Nay, nhiều người trở nên giàu có do sản xuất,
buôn bán, cho vay lấy lãi nên có điều kiện mua đất đai làm tài sản sở hữu
riêng. Trước đây trong xã hội có chế độ tỉnh điền. Tức là ruộng đất được chia
cắt ra giống như chữ “tỉnh” gồm hai nét ngang, một nét phẩy và một nét sổ,
được chia ra thành 9 phần, thì 8 phần xấu xung quanh chia cấp cho thường
dân, phần thứ 9 ở giữa tốt đẹp nhất dân phải cấy trồng, thu hoạch rồi cống nộp
cho các quan chức trong xã hội, gọi là cho việc công. Chế độ tỉnh điền thời kỳ
này đang đi đến chỗ tan rã hoàn toàn. Lúc này ruộng đất ngày một vào tay
những địa chủ lớn, tiền của nhiều, nông dân càng lúc càng mất dần ruộng đất,
có người không còn thước đất cắm dùi.
Xã hội Trung Quốc cổ đại thời Xuân Thu, Chiến quốc đã có sự phân
hóa rõ và trở nên đối cực. Trước đây cùng là hạng người dân lao động, vai trò
vị trí ngang bằng nhau, thì bây giờ số đông dân chúng trở nên cùng đinh;
nhiều người có sự thay đổi cực lớn và nhanh, họ thành những đại địa chủ, do
thông thạo, khéo mua bán đất và trao đổi hàng hóa, họ còn là những thương
nhân thật sự, làm thành tầng lớp địa chủ kiêm thương nhân trong xã hội. Số
đông dân nghèo không có ruộng đất phải lĩnh canh đất của địa chủ để cấy
trồng, phải phụ thuộc vào giai cấp, tầng lớp địa chủ kiêm thương nhân ấy. Sản
xuất, kinh tế phát triển, hàng hóa nhiều lên là tiền đề dẫn đến lưu thông hàng
hóa phát triển, do đó, xuất hiện tầng lớp những nhà buôn lớn trong xã hội:
“Cuối thời Chiến quốc, nhà buôn kiêm địa chủ nổi tiếng nhất là Lã Bất Vi ở
nước Triệu, một người đã bỏ ra một nghìn cây vàng để buôn vua, và về sau
trở thành thừa tướng của nước Tần” [100, tr.144].
30
Thời kỳ Xuân Thu, Chiến quốc, giai cấp nô lệ ở Trung Quốc cũng ít
nhiều thay đổi. Nô lệ phạm tội hoặc phá sản phải bán vợ con, hoặc bản thân
mình làm nô lệ. Nô lệ vẫn bị áp bức, bóc lột, bị đánh đập tàn nhẫn như trước,
nhưng hiện tượng chôn sống nô lệ theo chủ chết vào thời này bị cho là phi lý
nên đã giảm đi nhiều, giá nô lệ cũng đắt hơn thời trước.
Về chính trị, xã hội, thời Xuân Thu - Chiến quốc trên đất nước Trung
Quốc cổ đại cũng có nhiều biến cố, sự kiện trọng đại. Nhà Chu trong khoảng
4 thế kỷ, từ thế kỷ XI trước công nguyên đến năm 771 trước công nguyên
đóng đô ở phía Tây là thời kỳ cường thịnh. Đến thời Đông Chu thì ngày càng
suy yếu. Ngược lại, một số nước chư hầu của nhà Chu trước đây vốn nhỏ yếu
buộc phải thần phục, triều cống nhà Chu, thì nay ngày một lớn mạnh, họ tiến
hành chiến tranh nhằm giành quyền làm bá chủ.
Lịch sử có sự diễn tiến theo quy luật của nó. Nước Tần trước đây đến
đầu thời Chiến quốc còn là nước tương đối lạc hậu. Nhưng vua Tần với chủ
trương tăng cường trật tự trị an, khuyến khích sản xuất nông nghiệp, làm cho
quốc gia ngày một cường thịnh, phát triển. Thêm nữa, ông khuyến khích
quân, tướng lập công. Bất cứ ai chém lấy được một đầu giặc thì đều được
thưởng tước một cấp, được cấp lương bổng. Ông cho quan, tướng được nô lệ,
được hưởng nhiều hay ít, cao hay thấp, mặc quần áo sang, đẹp như thế nào
đều dựa vào chức tước. Nhờ thưởng phạt rõ ràng mà pháp lệnh của vua được
thi hành nghiêm minh. Nước Chu ngày càng nhỏ bé và đến giữa thế kỷ III
trước công nguyên, cùng với nhiều nước nhược tiểu khác như Hàn, Triệu,
Ngụy, Sở, Yên, Tề đều bị nước Tần hùng mạnh tiêu diệt. Đến năm 221 trước
công nguyên, nước Tần hùng mạnh đã thống nhất Trung Quốc, kết thúc một
thời đại hỗn loạn.
Có thể nói, từ thế kỷ XI đến thế kỷ VIII trước công nguyên, xã hội Trung
Quốc cổ đại còn tương đối ổn định. Nhưng các nước chư hầu ngày một phát
triển mạnh vì thế, đến thời Xuân Thu, từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ V trước
31
công nguyên đã có biểu hiện, hành động chống lại nước lớn, quyền hành của vị
vua nước lớn được mệnh danh là thiên tử, trong xã hội có nhiều hoạt động
tranh giành, chém giết nhau để đoạt được ngôi vị, bổng lộc. Những hiện tượng
như bề tôi giết vua, con giết cha, em giết anh thường xuyên xảy ra. Đây là thời
kỳ trật tự xã hội có nhiều biến đổi, đảo lộn, đạo đức xuống cấp nghiêm trọng,
các quy chế của xã hội thời Tây Chu bị phá hoại. Đời sống của nhân dân trong
một đất nước bất ổn định về chính trị, xã hội và đạo đức như thế, đã trở nên vô
cùng cực khổ. Các nhà nghiên cứu sử học đã nhận định: “Chính hoàn cảnh lịch
sử xã hội ấy đã sản sinh ra những nhà tư tưởng muốn làm thay đổi tình hình,
trong đó tiêu biểu nhất là Lão Tử và Khổng Tử” [100, tr.147].
Tóm lại, những biến đổi sâu sắc về kinh tế, chính trị, xã hội thời kỳ này
cho thấy, trật tự xã hội được tổ chức theo mô hình thể chế nhà Chu đã lỗi thời,
mất sức sống, không thích ứng nổi trước những diễn biến phức tạp của lịch
sử. Trước thực tế đó, nhiều trào lưu tư tưởng đương thời hướng đến việc lý
giải nguyên nhân trật tự xã hội rối loạn, từ đó tìm kiếm mô hình xã hội lý
tưởng và con đường ổn định trật tự xã hội đương thời. Tư tưởng trị quốc Nho
giáo ra đời trong bối cảnh lịch sử đầy biến động đó.
2.1.2. Những tiền đề văn hóa, tư tưởng
Không một học thuyết nào ra đời từ hư vô mà bao giờ cũng mang tính
kế thừa trong sự hình thành, phát triển. Nho giáo nói chung, tư tưởng trị quốc
Nho giáo nói riêng cũng không ngoại lệ.
Trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc, thể loại văn học phát triển sớm
nhất thời cổ đại là thơ ca. Tác giả của nó là những người dân lao động. Lao
động làm nảy sinh văn học nghệ thuật. Tác giả của loại hình văn học này còn
là những người có học trong giai cấp thống trị. Vua chúa và vua các nước chư
hầu là người chú trọng hoạt động văn học nghệ thuật, thường sai các vị quan
phụ trách về âm nhạc của triều đình sưu tầm thơ ca từ các địa phương trong
nước về phổ nhạc, Vì thế, từ đầu thời Tây Chu đến giữa thời Xuân Thu, thơ
ca dân gian Trung Quốc cổ đại đã được sưu tập lại thành một tác phẩm gọi là
32
Thi. Người Trung Hoa rất tự hào về tác phẩm văn học dân gian ấy. Trên cơ sở
tác phẩm văn học dân gian đó, Khổng Tử đã chỉnh lý lại, san định làm thành
Kinh thi - một trong những bộ kinh điển quan trọng của Nho giáo. Về vấn đề
này, kết quả nghiên cứu của Bửu Cầm đã làm rõ. Theo ông, “những bài ca
dao trong Kinh thi đã được các nhà cầm quyền ở Trung Quốc sưu tầm trước
đời Khổng Tử. Nguyên nhan đề sách ấy là Thi chứ không phải là Kinh; người
sau thêm vào chữ Kinh là vì cho rằng sách đó đã được Khổng Tử san định”
[140, tr.18]. Bửu Cầm dẫn lời của Tư Mã Thiên trong Sử ký: “Khổng Tử đã
đem ba trăm lẻ năm thiên trong Kinh thi ra mà đàn ca”, và ông khẳng định:
“Thế là Khổng Tử đã từng nghiên cứu âm nhạc và đem thi ca phổ thành nhạc
khúc. Việc Khổng Tử san định Kinh thi cũng có thấy chép trong thiên “Khổng
Tử thế gia” sách Sử ký” [140, tr.18]. Kinh thi là tác phẩm văn học nghệ thuật
vĩ đại, thể hiện, chuyển tải nhiều nội dung tư tưởng lớn, quan trọng của Nho
giáo. Trong đó bao hàm không ít quan niệm, tư tưởng tích cực, tiến bộ phản
đối chủ trương, hành động trung quân một cách mù quáng như: chôn sống
người hiền tài theo vua lúc vua chết để hầu hạ vua tại cõi âm. Chẳng hạn, bài
ca dao được Khổng Tử san định, phổ nhạc nói về vua “Tần Mục công chết, ba
người con họ Tử Xa bị chôn sống theo đều là người hiền tài của nước Tần”
[140, tr.481]; phê phán kịch liệt một vị vua nước Tề lấy cớ đến thông dâm với
“phu nhân của Lỗ Hoàn công” [140, tr.379].
Bên cạnh đó, sự ra đời của Nho giáo nói chung, tư tưởng trị quốc Nho
giáo nói riêng còn trên cơ sở kế thừa những tư tưởng về chính trị, đạo đức, tôn
giáo trong lịch sử tư tưởng trước đó, nhất là những tư tưởng này ở thời Chu.
Dưới triều đại Ân Thương và Tây Chu, thế giới quan duy tâm, tôn giáo
chiếm địa vị chi phối trong đời sống tinh thần của xã hội. Cũng giống như
nhiều dân tộc khác thời cổ đại, họ xem trời như một lực lượng tối cao, có ý
chí, có quyền lực vô biên. Họ quan niệm sự sinh thành, biến hóa của mọi sự
vật hiện tượng trong đời sống cũng như cuộc đời con người đều do ý chí của
Thượng đế, do thiên mệnh, quỉ thần chi phối. Mọi hiện tượng tự nhiên như
33
mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt hay ngược lại, cho đến những hiện
tượng xã hội như triều đại thịnh suy, bệnh dịch tai ương, thọ yểu, giàu
nghèo... đều phụ thuộc vào Thượng đế anh minh, quỉ thần vi diệu. Họ còn tin
người ta có thể thông đạt cùng thượng đế và quỉ thần bằng những lễ nghi cúng
tế, bói toán. Sự mê tín tôn giáo có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội và giai
cấp quí tộc đương thời đã lợi dụng nó để phục vụ cho những mục tiêu chính
trị. Những tư liệu lịch sử cho thấy, ở thời Chu, quan niệm kính trời, thờ
thượng đế, thờ thần tổ tiên đã tồn tại. Bên cạnh đó, tư tưởng về “mệnh trời”,
hợp mệnh trời cũng đã xuất hiện và các nhà tư tưởng trong giới quí tộc nhà
Chu đã dùng nó để biện minh cho tính hợp lý trong sự thống trị của mình. Họ
khẳng định, vì nhà Chu được nhận mệnh trời mà được hưởng nước hưởng dân
từ nhà Ân. Do đó, kẻ nào dám chống mệnh trời ấy thì vua nhà Chu được
quyền thay trời mà chinh phạt. Đọc trong Kinh Thư chúng ta sẽ thấy những tư
tưởng về nhận dân, hưởng dân, trị dân đã được phủ lên những quan niệm duy
tâm tôn giáo thần bí.
Tuy nhiên, bên cạnh những tư tưởng duy tâm, thần bí cũng đã xuất hiện
những quan niệm thể hiện yếu tố tiến bộ, duy vật, vô thần. Trước những biến
đổi của thực tiễn, sự khủng hoảng trong đời sống xã hội đã làm nảy sinh sự
nghi ngờ về vai trò của Thượng đế, của mệnh trời. Từ chỗ tin vào Thượng đế
như một lực lượng tối cao, có nhân cách, được tin tưởng và sùng kính, người ta
hoài nghi, oán giận. Từ sự hoài nghi, oán giận Thượng đế, người ta đi đến kết
tội, lên án sự xấu xa, bạo ngược của những kẻ được nhận mệnh trời để trị nước
trị dân, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của dân trong đời sống chính
trị xã hội. Trong Kinh Thư có nhiều chỗ nói lên điều đó, như: “dân muốn gì
trời cũng phải theo”, “trời nhìn tự dân ta nhìn”, “trời nghe tự dân ta nghe”...
Nho giáo nói chung, tư tưởng trị quốc Nho giáo nói riêng ra đời trên cơ
sở tiếp thu những tư tưởng về đạo đức, chính trị, tôn giáo đã có trước nó để
giải đáp những vấn đề mà thực tiễn xã hội đang đặt ra. Mặt khác, sau khi ra
đời, Nho giáo có quá trình tồn tại và phát triển qua các giai đoạn lịch sử khác
34
nhau và gắn với chế độ xã hội phong kiến đang trong quá trình hình thành,
phát triển. Vì thế, nội dung của học thuyết ấy cũng có sự đổi thay, bổ sung,
thêm bớt trong mỗi thời kỳ lịch sử cụ thể.
2.2. TƯ TƯỞNG TRỊ QUỐC CỦA NHO GIÁO TRUNG QUỐC
2.2.1. Quan niệm của Nho giáo về “gia”, “quốc” và “trị quốc”
Trong các kinh điển Nho giáo, mặc dù nó bàn nhiều về việc trị quốc
nhưng không thấy một định nghĩa cụ thể nào về “quốc” (nước). Các nhà sáng
lập Nho giáo có bàn về qui mô lớn nhỏ của nước, như “nước có ngàn cỗ xe”,
“nước có sáu, bảy chục dặm”... nhưng ý niệm về nước chưa thực sự rõ ràng.
Đôi khi, khái niệm đó còn được dùng thay thế bằng những khái niệm khác
tương tự, như khái niệm “bang”... Tuy nhiên, qua sự so sánh về mối tương
quan giữa nước với nhà và thiên hạ trong các kinh truyện Nho giáo, có thể
hiểu trong quan niệm của các nhà nho, gia (nhà), quốc (nước) và thiên hạ là
những loại hình đồng dạng, giống nhau về bản thể và tính chất, chỉ khác về
phạm vi và qui mô lớn nhỏ. Nước là sự mở rộng qui mô của nhà, thiên hạ là
sự mở rộng về qui mô của nước. Điều đó đã được Mạnh Tử khái quát: Thiên
hạ gốc ở nước, nước gốc ở nhà (Thiên hạ chi bản tại quốc, quốc chi bản tại
gia) [trích theo Mạnh Tử, Ly lâu, thượng]. Do đó, muốn bình thiên hạ phải trị
được quốc, muốn trị được quốc trước hết phải yên được nhà. Điều này được
Phan Bội Châu phân tích và giải thích khá rõ trong Khổng học đăng: “Nhà tức
là cái nước nhỏ, nước tức là cái nhà to”, và “tề, trị chỉ có một lẽ, “gia”, “quốc”
chung nhau một gốc” [13, tr.171].
Nho giáo bàn về nước nhưng không bàn từ góc độ sản xuất vật chất
mà chủ yếu bàn từ góc độ chính trị, đứng trên phương diện đạo đức, chính
trị để nhìn nhận, phán xét. Vì thế, về thực chất, nó chủ yếu quan tâm đến vấn
đề trị quốc, cố gắng đi tìm con đường, cách thức cai trị đất nước và đào tạo
chủ thể làm nhiệm vụ đó nhằm hướng đến mục tiêu là xây dựng một mô
hình xã hội lý tưởng. Điều đó được thể hiện khá rõ trong ba cương lĩnh và
35
bát điều mục của sách Đại học, một tác phẩm quan trọng cấu thành bộ Tứ
thư của Nho giáo.
Ba cương lĩnh đó là, thứ nhất, “Minh minh đức”, tức là “phát huy đức
sáng, tính tốt, tính thiện của nhân dân, yêu cầu giai cấp thống trị phát huy
quan niệm đạo đức, luân lý truyền thống Nho gia để duy trì trật tự xã hội” [37,
tr.13]. Thứ hai là “Tân dân”, tức là “đổi mới lòng dân, đổi mới cách suy nghĩ
của dân, bỏ cũ thay mới, bỏ ác theo thiện, yêu cầu mọi người thực hiện đạo
đức của Nho gia” [37, tr.13]. Thứ ba, thực hiện “Chỉ ư chí thiện”, tức là “đạt
đến đạo đức hoàn thiện nhất”. Vì, theo Nho gia, “chỉ khi nào việc tu dưỡng
đạo đức của con người đạt đến mức độ hoàn thiện nhất, thì nước mới được
hưng thịnh, phát đạt, không còn tiềm ẩn nguy cơ bị diệt vong” [37, tr.13-14].
Bát điều mục là tám bước phải thực hiện, cụ thể: Một là “cách vật”,
nghĩa là phải nghiên cứu thấu đáo sự vật. Hai là “trí tri”, nghĩa là hiểu biết phải
sâu sắc, có kiến thức rõ ràng. Ba là “thành ý”, tức là ý nghĩ thành thật với chính
bản thân mình. Bốn là phải “chính tâm” giữ cho lòng dạ ngay thẳng. Năm là
phải “tu thân”, sửa chữa mình trở thành người tốt. Sáu là phải “tề gia”, tức là
chỉnh đốn, sắp xếp tốt việc nhà. Bảy là “trị quốc”, tức là làm cho đất nước yên
ổn. Tám là “bình thiên hạ”, tức là làm cho thiên hạ thái bình [37, tr.13-14].
Những chi tiết, quan niệm, chủ trương kể trên của Nho giáo, chứng tỏ
học thuyết này dùng khái niệm “gia” với nghĩa là nhà, khái niệm “quốc” với
nghĩa là một nước dưới gầm trời, tức là một nước trong “thiên hạ”; “thiên hạ”
là dưới gầm trời, gồm nhiều nước; “quốc”, chỉ là một phần trong “thiên hạ”,
chứ không phải là toàn bộ “thiên hạ”. Theo Nho giáo, muốn bình thiên hạ, tức
là làm cho thiên hạ thái bình thì trước hết phải trị được nước mình (trị quốc).
“Trị quốc”, theo Nho giáo, là làm cho đất nước yên ổn, an bình. Đấy là quan
niệm, đồng thời là chủ trương của Nho giáo. Muốn trị quốc được thì trước đó
phải tề gia, tức là sửa sang, chỉnh đốn việc nhà. Nho giáo lý giải tiếp: muốn tề
gia thì phải tu thân, tức là sửa mình thành người tốt.
36
Khổng Tử còn bàn kỹ về trị quốc. Theo ông, trị quốc là hoạt động tổng
hợp gồm nhiều hoạt động theo những khuôn mẫu của đạo Nho. Khi Nhan
Uyên hỏi thầy về đạo trị nước, Khổng Tử giảng giải: “Dùng lịch pháp của nhà
Hạ, ngồi xe nhà Ân, đôi mũ miện của nhà Chu, âm nhạc thì theo nhạc Thiều
Vũ. Cấm triệt để âm nhạc của nước Trịnh, xa lánh kẻ tiểu nhân nịnh hót; vì
âm nhạc của nước Trịnh dâm dật, kẻ tiểu nhân rất nguy hiểm” [37, tr.437].
Theo Khổng Tử năm vấn đề trên đây, đó là (về lịch pháp, về giao thông, về lễ
nhạc và phép trị nước, về văn hóa lối sống, về con người) có ý nghĩa rất lớn
đến sự hưng thịnh hoặc suy vong của một quốc gia. Và, một quốc gia có ổn
định hay không, chính quyền được củng cố hay không, mấu chốt là ở chỗ
dùng người. Nếu dùng người tài đức, ngay thẳng thì nước hưng thịnh, dùng kẻ
tiểu nhân mưu mô quỷ kế thì đất nước sẽ lâm nguy.
Về nhân tố, vai trò của con người trong việc trị quốc, Mạnh Tử đã
nhiều lần nhấn mạnh, phát triển quan điểm, chủ trương của Khổng Tử. Mạnh
Tử nói, trong công việc trị quốc, “người hiền tài được tôn trọng, người tài giỏi
được sử dụng, người kiệt xuất được ở vị trí xứng đáng thì mọi nhân sĩ trong
thiên hạ đều thỏa mãn, phục vụ triều đình hết lòng” [37, tr.599]. Trong việc trị
quốc, Mạnh Tử rất coi trọng vấn đề đạo đức. Ông nói “lấy nhân nghĩa mà đối
đãi với nhau”, làm được như vậy thì quốc gia sẽ hưng thịnh [37, tr.757].
Công việc trị quốc, theo Nho giáo, không chỉ chú trọng vấn đề đạo đức
và các công việc nói trên, mà còn phải quan tâm thực thi cả pháp luật. Thầy
trò Khổng Tử chủ trương làm theo lời chỉ giáo trong Kinh Thi và được dẫn lại
trong Đại học như sau: “nếu được lòng dân là được nước, mất lòng dân là mất
nước”, nếu “để sơ suất một phân ly, không noi theo khuôn phép, tất sẽ bị nhân
dân loại bỏ ngay” [37, tr.32]. Theo đây thì khuôn phép, tức là pháp luật cần
được thực hiện đúng để không mất lòng dân trong hoạt động trị quốc, không
chú trọng khuôn phép, luật pháp, sẽ mất lòng dân, vì thế, tất yếu sẽ mất nước.
37
2.2.2. Mục tiêu trị quốc trong quan niệm của Nho giáo
Xuất phát từ thực tiễn xã hội rối loạn “vua không ra vua, tôi không ra
tôi, cha không ra cha, con không ra con” của thời Xuân Thu - Chiến Quốc,
như Khổng Tử đã từng than: “Cô bất cô, cô tai! Cô tai!” (Cái bình cũng không
còn ra cái bình!). Vì vậy, cũng giống như nhiều học thuyết đương thời, mục
tiêu cao nhất của Nho giáo nói chung, tư tưởng trị quốc Nho giáo nói riêng là
nhằm tìm kiếm mô hình xã hội lý tưởng để thay thế cục diện đương thời.
Nghĩa là, mục tiêu trị quốc của Nho giáo thể hiện tập trung qua quan niệm về
mô hình xã hội lý tưởng. Trong quan niệm của các nhà sáng lập đạo Nho, mô
hình xã hội lý tưởng với tư cách là mục tiêu trị quốc của Nho giáo mang
những nét đặc trưng cơ bản sau:
Một là, xã hội ổn định, có trật tự tôn ti theo đúng chuẩn mực của từng
mối quan hệ.
Xuất phát từ quan niệm cuộc đời vô cùng hỗn độn, không “chênh bên
này” thì “lệch bên kia”, nên Nho giáo hướng đến việc lập lại kỷ cương, củng
cố trật tự xã hội, làm cho “vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con”. Mặt
khác, các nhà sáng lập Nho giáo muốn xây dựng nước giống mô hình của nhà,
tạo lập các mối quan hệ xã hội tương tự các mối quan hệ gia đình với những
tôn ti, trật tự, thứ bậc chặt chẽ.
Trong cách nhìn của các nhà sáng lập Nho giáo, mỗi người trong xã hội
đều ở một vị trí, một thứ bậc nhất định và mọi người đều phải tuân thủ
nghiêm ngặt trật tự đó. Tất cả các mối quan hệ xã hội đa dạng, phong phú,
được Nho giáo khái quát và nhấn mạnh năm mối chính (vua tôi, cha con,
chồng vợ, anh em, bè bạn) - tức “ngũ luân”. Trong từng mối quan hệ, Nho
giáo có những qui định khá chi tiết và chặt chẽ:
Đối với quan hệ vua tôi thì: Quân sử thần dĩ lễ, thần sự quân dĩ trung
(vua sai khiến bề tôi bằng lễ, bề tôi phụng sự vua phải trung) [trích theo Luận
ngữ, Bát dật]. Đến Mạnh Tử, ông nhấn mạnh mối quan hệ hai chiều vua - tôi
ảNh hưởng của tư tưởng trị quốc nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay
ảNh hưởng của tư tưởng trị quốc nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay
ảNh hưởng của tư tưởng trị quốc nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay
ảNh hưởng của tư tưởng trị quốc nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay
ảNh hưởng của tư tưởng trị quốc nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay
ảNh hưởng của tư tưởng trị quốc nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay
ảNh hưởng của tư tưởng trị quốc nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay
ảNh hưởng của tư tưởng trị quốc nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay
ảNh hưởng của tư tưởng trị quốc nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay
ảNh hưởng của tư tưởng trị quốc nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay
ảNh hưởng của tư tưởng trị quốc nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay
ảNh hưởng của tư tưởng trị quốc nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay
ảNh hưởng của tư tưởng trị quốc nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay
ảNh hưởng của tư tưởng trị quốc nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay
ảNh hưởng của tư tưởng trị quốc nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay
ảNh hưởng của tư tưởng trị quốc nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay
ảNh hưởng của tư tưởng trị quốc nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay
ảNh hưởng của tư tưởng trị quốc nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay
ảNh hưởng của tư tưởng trị quốc nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay
ảNh hưởng của tư tưởng trị quốc nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay
ảNh hưởng của tư tưởng trị quốc nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay
ảNh hưởng của tư tưởng trị quốc nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay
ảNh hưởng của tư tưởng trị quốc nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay
ảNh hưởng của tư tưởng trị quốc nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay
ảNh hưởng của tư tưởng trị quốc nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay
ảNh hưởng của tư tưởng trị quốc nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay
ảNh hưởng của tư tưởng trị quốc nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay
ảNh hưởng của tư tưởng trị quốc nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay
ảNh hưởng của tư tưởng trị quốc nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay
ảNh hưởng của tư tưởng trị quốc nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay
ảNh hưởng của tư tưởng trị quốc nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay
ảNh hưởng của tư tưởng trị quốc nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay
ảNh hưởng của tư tưởng trị quốc nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay
ảNh hưởng của tư tưởng trị quốc nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay
ảNh hưởng của tư tưởng trị quốc nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay
ảNh hưởng của tư tưởng trị quốc nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay
ảNh hưởng của tư tưởng trị quốc nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay
ảNh hưởng của tư tưởng trị quốc nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay
ảNh hưởng của tư tưởng trị quốc nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay

More Related Content

What's hot

Lược đồ văn học quốc ngữ việt nam nhìn từ quá trình hình thành và tương tác t...
Lược đồ văn học quốc ngữ việt nam nhìn từ quá trình hình thành và tương tác t...Lược đồ văn học quốc ngữ việt nam nhìn từ quá trình hình thành và tương tác t...
Lược đồ văn học quốc ngữ việt nam nhìn từ quá trình hình thành và tương tác t...
Thế Giới Tinh Hoa
 
Chuyên đề VĂN HỌC HIỆN THỰC 30-45.docx
Chuyên đề VĂN HỌC HIỆN THỰC 30-45.docxChuyên đề VĂN HỌC HIỆN THỰC 30-45.docx
Chuyên đề VĂN HỌC HIỆN THỰC 30-45.docx
hiutrn809713
 
Th s33.003 truyện ngắn việt nam giai đoạn 1975-1985
Th s33.003 truyện ngắn việt nam giai đoạn 1975-1985Th s33.003 truyện ngắn việt nam giai đoạn 1975-1985
Th s33.003 truyện ngắn việt nam giai đoạn 1975-1985
https://www.facebook.com/garmentspace
 

What's hot (20)

Lược đồ văn học quốc ngữ việt nam nhìn từ quá trình hình thành và tương tác t...
Lược đồ văn học quốc ngữ việt nam nhìn từ quá trình hình thành và tương tác t...Lược đồ văn học quốc ngữ việt nam nhìn từ quá trình hình thành và tương tác t...
Lược đồ văn học quốc ngữ việt nam nhìn từ quá trình hình thành và tương tác t...
 
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đLuận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
Luận văn: Từ ngữ Hán Việt trong ca dao Nam Bộ, HAY, 9đ
 
Luận văn: Tiểu thuyết của Đỗ Phấn từ góc nhìn sinh thái, HOT
Luận văn: Tiểu thuyết của Đỗ Phấn từ góc nhìn sinh thái, HOTLuận văn: Tiểu thuyết của Đỗ Phấn từ góc nhìn sinh thái, HOT
Luận văn: Tiểu thuyết của Đỗ Phấn từ góc nhìn sinh thái, HOT
 
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260
 
Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa
Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi IssaPhong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa
Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa
 
Luận văn: Biểu tượng nước và đá trong thơ Hồ Xuân Hương, 9đ
Luận văn: Biểu tượng nước và đá trong thơ Hồ Xuân Hương, 9đLuận văn: Biểu tượng nước và đá trong thơ Hồ Xuân Hương, 9đ
Luận văn: Biểu tượng nước và đá trong thơ Hồ Xuân Hương, 9đ
 
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
 
Luận văn: Diễn ngôn về giới nữ của các nhà văn nữ đương đại, HOT
Luận văn: Diễn ngôn về giới nữ của các nhà văn nữ đương đại, HOTLuận văn: Diễn ngôn về giới nữ của các nhà văn nữ đương đại, HOT
Luận văn: Diễn ngôn về giới nữ của các nhà văn nữ đương đại, HOT
 
Truyện trinh thám Việt Nam từ góc nhìn thi pháp thể loại 6793117.pdf
Truyện trinh thám Việt Nam từ góc nhìn thi pháp thể loại 6793117.pdfTruyện trinh thám Việt Nam từ góc nhìn thi pháp thể loại 6793117.pdf
Truyện trinh thám Việt Nam từ góc nhìn thi pháp thể loại 6793117.pdf
 
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
Diễn ngôn tính dục trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại (Qua một số tác giả v...
 
Chuyên đề VĂN HỌC HIỆN THỰC 30-45.docx
Chuyên đề VĂN HỌC HIỆN THỰC 30-45.docxChuyên đề VĂN HỌC HIỆN THỰC 30-45.docx
Chuyên đề VĂN HỌC HIỆN THỰC 30-45.docx
 
Th s33.003 truyện ngắn việt nam giai đoạn 1975-1985
Th s33.003 truyện ngắn việt nam giai đoạn 1975-1985Th s33.003 truyện ngắn việt nam giai đoạn 1975-1985
Th s33.003 truyện ngắn việt nam giai đoạn 1975-1985
 
Luận án: Ngôn ngữ thơ Nguyễn Bính (dựa trên cứ liệu trước 1945)
Luận án: Ngôn ngữ thơ Nguyễn Bính (dựa trên cứ liệu trước 1945)Luận án: Ngôn ngữ thơ Nguyễn Bính (dựa trên cứ liệu trước 1945)
Luận án: Ngôn ngữ thơ Nguyễn Bính (dựa trên cứ liệu trước 1945)
 
Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Nhà Nước Về Di Sản Văn Hóa Thế Giới
Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Nhà Nước Về Di Sản Văn Hóa Thế GiớiLuận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Nhà Nước Về Di Sản Văn Hóa Thế Giới
Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Nhà Nước Về Di Sản Văn Hóa Thế Giới
 
Công tác xã hội với phòng chống bạo lực gia đình
Công tác xã hội với phòng chống bạo lực gia đìnhCông tác xã hội với phòng chống bạo lực gia đình
Công tác xã hội với phòng chống bạo lực gia đình
 
Luận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đ
Luận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đLuận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đ
Luận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đ
 
Hình tượng người phụ nữ trong tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh
Hình tượng người phụ nữ trong tranh lụa của Nguyễn Phan ChánhHình tượng người phụ nữ trong tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh
Hình tượng người phụ nữ trong tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh
 
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAYLuận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
 
Luận án: Thế giới nghệ thuật của Nguyên Hồng trước năm 1945
Luận án: Thế giới nghệ thuật của Nguyên Hồng trước năm 1945Luận án: Thế giới nghệ thuật của Nguyên Hồng trước năm 1945
Luận án: Thế giới nghệ thuật của Nguyên Hồng trước năm 1945
 
Luận văn: Đặc điểm nghệ thuật truyện của Kawabata Yasunari, 9đ
Luận văn: Đặc điểm nghệ thuật truyện của Kawabata Yasunari, 9đLuận văn: Đặc điểm nghệ thuật truyện của Kawabata Yasunari, 9đ
Luận văn: Đặc điểm nghệ thuật truyện của Kawabata Yasunari, 9đ
 

Similar to ảNh hưởng của tư tưởng trị quốc nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay

Bài thu hoạch lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính, 9 điểm.doc
Bài thu hoạch lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính, 9 điểm.docBài thu hoạch lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính, 9 điểm.doc
Bài thu hoạch lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính, 9 điểm.doc
Nhận Làm Đề Tài Trọn Gói Zalo/Tele: 0917.193.864
 

Similar to ảNh hưởng của tư tưởng trị quốc nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay (20)

Luận án: Tư tưởng pháp quyền Hồ Chí Minh, HAY
Luận án: Tư tưởng pháp quyền Hồ Chí Minh, HAYLuận án: Tư tưởng pháp quyền Hồ Chí Minh, HAY
Luận án: Tư tưởng pháp quyền Hồ Chí Minh, HAY
 
Luận án: Tư tưởng pháp quyền Hồ Chí Minh, HOT, 9đ - Gửi miễn phí qua zalo=> ...
Luận án: Tư tưởng pháp quyền Hồ Chí Minh, HOT, 9đ  - Gửi miễn phí qua zalo=> ...Luận án: Tư tưởng pháp quyền Hồ Chí Minh, HOT, 9đ  - Gửi miễn phí qua zalo=> ...
Luận án: Tư tưởng pháp quyền Hồ Chí Minh, HOT, 9đ - Gửi miễn phí qua zalo=> ...
 
Nhà nước pháp quyền trong tư tưởng John Locke và ý nghĩa hiện thời - Gửi miễn...
Nhà nước pháp quyền trong tư tưởng John Locke và ý nghĩa hiện thời - Gửi miễn...Nhà nước pháp quyền trong tư tưởng John Locke và ý nghĩa hiện thời - Gửi miễn...
Nhà nước pháp quyền trong tư tưởng John Locke và ý nghĩa hiện thời - Gửi miễn...
 
Luận án: Vấn đề nhà nước pháp quyền trong tư tưởng John Locke và ý nghĩa hiện...
Luận án: Vấn đề nhà nước pháp quyền trong tư tưởng John Locke và ý nghĩa hiện...Luận án: Vấn đề nhà nước pháp quyền trong tư tưởng John Locke và ý nghĩa hiện...
Luận án: Vấn đề nhà nước pháp quyền trong tư tưởng John Locke và ý nghĩa hiện...
 
Công tác kiểm tra, giám sát của đảng trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp q...
Công tác kiểm tra, giám sát của đảng trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp q...Công tác kiểm tra, giám sát của đảng trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp q...
Công tác kiểm tra, giám sát của đảng trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp q...
 
Luận văn: Xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam, HAY
Luận văn: Xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam, HAYLuận văn: Xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam, HAY
Luận văn: Xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam, HAY
 
Luận văn: Một số vấn đề lý luận cơ bản về nhà nước pháp quyền
Luận văn: Một số vấn đề lý luận cơ bản về nhà nước pháp quyềnLuận văn: Một số vấn đề lý luận cơ bản về nhà nước pháp quyền
Luận văn: Một số vấn đề lý luận cơ bản về nhà nước pháp quyền
 
XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM TRONG VĂ...
XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM TRONG VĂ...XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM TRONG VĂ...
XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM TRONG VĂ...
 
Luận văn Tư tưởng pháp quyền phương tây cận đại với việc xây dựng nhà nước ph...
Luận văn Tư tưởng pháp quyền phương tây cận đại với việc xây dựng nhà nước ph...Luận văn Tư tưởng pháp quyền phương tây cận đại với việc xây dựng nhà nước ph...
Luận văn Tư tưởng pháp quyền phương tây cận đại với việc xây dựng nhà nước ph...
 
Luận văn: Quy chế dân chủ ở cơ sở các trường THPT tỉnh Bình Thuận
Luận văn: Quy chế dân chủ ở cơ sở các trường THPT tỉnh Bình ThuậnLuận văn: Quy chế dân chủ ở cơ sở các trường THPT tỉnh Bình Thuận
Luận văn: Quy chế dân chủ ở cơ sở các trường THPT tỉnh Bình Thuận
 
Bài thu hoạch lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính, 9 điểm.doc
Bài thu hoạch lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính, 9 điểm.docBài thu hoạch lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính, 9 điểm.doc
Bài thu hoạch lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính, 9 điểm.doc
 
NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT GIỮA DÂN CHỦ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VÀ DÂN CHỦ T...
NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT GIỮA DÂN CHỦ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VÀ DÂN CHỦ T...NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT GIỮA DÂN CHỦ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VÀ DÂN CHỦ T...
NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT GIỮA DÂN CHỦ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VÀ DÂN CHỦ T...
 
Luận án: So sánh dân chủ xã hội chủ nghĩa và dân chủ tư sản
Luận án: So sánh dân chủ xã hội chủ nghĩa và dân chủ tư sảnLuận án: So sánh dân chủ xã hội chủ nghĩa và dân chủ tư sản
Luận án: So sánh dân chủ xã hội chủ nghĩa và dân chủ tư sản
 
Luận văn Tư tưởng pháp quyền Hồ chí Minh với việc xây dựng nhà nước pháp quyề...
Luận văn Tư tưởng pháp quyền Hồ chí Minh với việc xây dựng nhà nước pháp quyề...Luận văn Tư tưởng pháp quyền Hồ chí Minh với việc xây dựng nhà nước pháp quyề...
Luận văn Tư tưởng pháp quyền Hồ chí Minh với việc xây dựng nhà nước pháp quyề...
 
Ý thức công dân với việc xây dựng xã hội chủ nghĩa Việt Nam, HAY - Gửi miễn p...
Ý thức công dân với việc xây dựng xã hội chủ nghĩa Việt Nam, HAY - Gửi miễn p...Ý thức công dân với việc xây dựng xã hội chủ nghĩa Việt Nam, HAY - Gửi miễn p...
Ý thức công dân với việc xây dựng xã hội chủ nghĩa Việt Nam, HAY - Gửi miễn p...
 
Tiểu luận về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.doc
Tiểu luận về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.docTiểu luận về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.doc
Tiểu luận về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.doc
 
Chế độ dân chủ đại diện trong xây dựng Nhà nước pháp quyền, HAY
Chế độ dân chủ đại diện trong xây dựng Nhà nước pháp quyền, HAYChế độ dân chủ đại diện trong xây dựng Nhà nước pháp quyền, HAY
Chế độ dân chủ đại diện trong xây dựng Nhà nước pháp quyền, HAY
 
Luận án: Đạo trị nước trong tư tưởng Khổng - Mạnh và ý nghĩa, HAY
Luận án: Đạo trị nước trong tư tưởng Khổng - Mạnh và ý nghĩa, HAYLuận án: Đạo trị nước trong tư tưởng Khổng - Mạnh và ý nghĩa, HAY
Luận án: Đạo trị nước trong tư tưởng Khổng - Mạnh và ý nghĩa, HAY
 
BÀI MẪU tiểu luận môn quản lý nhà nước, HAY, 9 ĐIỂM
BÀI MẪU tiểu luận môn quản lý nhà nước, HAY, 9 ĐIỂMBÀI MẪU tiểu luận môn quản lý nhà nước, HAY, 9 ĐIỂM
BÀI MẪU tiểu luận môn quản lý nhà nước, HAY, 9 ĐIỂM
 
NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT GIỮA DÂN CHỦ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VÀ DÂN CHỦ T...
NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT GIỮA DÂN CHỦ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VÀ DÂN CHỦ T...NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT GIỮA DÂN CHỦ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VÀ DÂN CHỦ T...
NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG VÀ KHÁC BIỆT GIỮA DÂN CHỦ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VÀ DÂN CHỦ T...
 

More from jackjohn45

More from jackjohn45 (20)

ĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdf
ĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdfĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdf
ĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdf
 
ĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdf
ĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdfĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdf
ĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdf
 
Sử dụng Bản đồ khái niệm trong dạy học chương Động học chất điểm.pdf
Sử dụng Bản đồ khái niệm trong dạy học chương Động học chất điểm.pdfSử dụng Bản đồ khái niệm trong dạy học chương Động học chất điểm.pdf
Sử dụng Bản đồ khái niệm trong dạy học chương Động học chất điểm.pdf
 
Sử dụng tài liệu về di sản văn hóa vật thể ở địa phương trong dạy học lịch sử...
Sử dụng tài liệu về di sản văn hóa vật thể ở địa phương trong dạy học lịch sử...Sử dụng tài liệu về di sản văn hóa vật thể ở địa phương trong dạy học lịch sử...
Sử dụng tài liệu về di sản văn hóa vật thể ở địa phương trong dạy học lịch sử...
 
NGHIÊN CỨU KHẢ NĂNG LAN TRUYỀN VI RÚTTỪ RỆP SÁP (Ferrisia virgata) ĐẾN CÂY TI...
NGHIÊN CỨU KHẢ NĂNG LAN TRUYỀN VI RÚTTỪ RỆP SÁP (Ferrisia virgata) ĐẾN CÂY TI...NGHIÊN CỨU KHẢ NĂNG LAN TRUYỀN VI RÚTTỪ RỆP SÁP (Ferrisia virgata) ĐẾN CÂY TI...
NGHIÊN CỨU KHẢ NĂNG LAN TRUYỀN VI RÚTTỪ RỆP SÁP (Ferrisia virgata) ĐẾN CÂY TI...
 
BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ NGOÀI Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Ninh Thuận (TP Ph...
BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ NGOÀI Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Ninh Thuận (TP Ph...BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ NGOÀI Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Ninh Thuận (TP Ph...
BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ NGOÀI Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Ninh Thuận (TP Ph...
 
BÌNH ĐẲNG GIỚI Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 8067022.pdf
BÌNH ĐẲNG GIỚI Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 8067022.pdfBÌNH ĐẲNG GIỚI Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 8067022.pdf
BÌNH ĐẲNG GIỚI Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 8067022.pdf
 
PHƯƠNG PHÁP DẠY DẠNG BÀI KẾT HỢP KỸ NĂNG TRONG TIẾT DẠY SKILLS 2.pdf
PHƯƠNG PHÁP DẠY DẠNG BÀI KẾT HỢP KỸ NĂNG TRONG TIẾT DẠY SKILLS 2.pdfPHƯƠNG PHÁP DẠY DẠNG BÀI KẾT HỢP KỸ NĂNG TRONG TIẾT DẠY SKILLS 2.pdf
PHƯƠNG PHÁP DẠY DẠNG BÀI KẾT HỢP KỸ NĂNG TRONG TIẾT DẠY SKILLS 2.pdf
 
Hiệu quả sử dụng tài sản tại công ty cổ phần công nghệ Hợp Long.pdf
Hiệu quả sử dụng tài sản tại công ty cổ phần công nghệ Hợp Long.pdfHiệu quả sử dụng tài sản tại công ty cổ phần công nghệ Hợp Long.pdf
Hiệu quả sử dụng tài sản tại công ty cổ phần công nghệ Hợp Long.pdf
 
TỔ CHỨC KHÔNG GIAN KIẾN TRÚC VÀ BẢO TỒN CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA KHU VĂN HÓA LỊCH ...
TỔ CHỨC KHÔNG GIAN KIẾN TRÚC VÀ BẢO TỒN CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA KHU VĂN HÓA LỊCH ...TỔ CHỨC KHÔNG GIAN KIẾN TRÚC VÀ BẢO TỒN CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA KHU VĂN HÓA LỊCH ...
TỔ CHỨC KHÔNG GIAN KIẾN TRÚC VÀ BẢO TỒN CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA KHU VĂN HÓA LỊCH ...
 
ĐÁNH GIÁ TÍNH THÍCH NGHI SINH THÁI CỦA MỘT SỐ LOÀI CÂY TRỒNG CHỦ LỰC VỚI ĐIỀU...
ĐÁNH GIÁ TÍNH THÍCH NGHI SINH THÁI CỦA MỘT SỐ LOÀI CÂY TRỒNG CHỦ LỰC VỚI ĐIỀU...ĐÁNH GIÁ TÍNH THÍCH NGHI SINH THÁI CỦA MỘT SỐ LOÀI CÂY TRỒNG CHỦ LỰC VỚI ĐIỀU...
ĐÁNH GIÁ TÍNH THÍCH NGHI SINH THÁI CỦA MỘT SỐ LOÀI CÂY TRỒNG CHỦ LỰC VỚI ĐIỀU...
 
Nỗ lực hướng đến việc tiếp nhận nguồn nhân lực nước ngoài mới và thực hiện ki...
Nỗ lực hướng đến việc tiếp nhận nguồn nhân lực nước ngoài mới và thực hiện ki...Nỗ lực hướng đến việc tiếp nhận nguồn nhân lực nước ngoài mới và thực hiện ki...
Nỗ lực hướng đến việc tiếp nhận nguồn nhân lực nước ngoài mới và thực hiện ki...
 
[123doc] - thu-nghiem-nuoi-trong-mot-so-nam-an-tren-co-chat-loi-ngo.pdf
[123doc] - thu-nghiem-nuoi-trong-mot-so-nam-an-tren-co-chat-loi-ngo.pdf[123doc] - thu-nghiem-nuoi-trong-mot-so-nam-an-tren-co-chat-loi-ngo.pdf
[123doc] - thu-nghiem-nuoi-trong-mot-so-nam-an-tren-co-chat-loi-ngo.pdf
 
THỬ NGHIỆM NUÔI TRỒNG MỘT SỐ NẤM ĂN TRÊN CƠ CHẤT LÕI NGÔ.pdf
THỬ NGHIỆM NUÔI TRỒNG MỘT SỐ NẤM ĂN TRÊN CƠ CHẤT LÕI NGÔ.pdfTHỬ NGHIỆM NUÔI TRỒNG MỘT SỐ NẤM ĂN TRÊN CƠ CHẤT LÕI NGÔ.pdf
THỬ NGHIỆM NUÔI TRỒNG MỘT SỐ NẤM ĂN TRÊN CƠ CHẤT LÕI NGÔ.pdf
 
Bài Giảng Thị Trường Chứng Khoán.pdf
Bài Giảng Thị Trường Chứng Khoán.pdfBài Giảng Thị Trường Chứng Khoán.pdf
Bài Giảng Thị Trường Chứng Khoán.pdf
 
CHUỖI THỜI GIAN - LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC.pdf
CHUỖI THỜI GIAN - LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC.pdfCHUỖI THỜI GIAN - LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC.pdf
CHUỖI THỜI GIAN - LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC.pdf
 
Experimental Research on the Effect of Self-monitoring Technique on Improving...
Experimental Research on the Effect of Self-monitoring Technique on Improving...Experimental Research on the Effect of Self-monitoring Technique on Improving...
Experimental Research on the Effect of Self-monitoring Technique on Improving...
 
Vietnamese translated variants of verbs of Giving Receiving in Harry Potter a...
Vietnamese translated variants of verbs of Giving Receiving in Harry Potter a...Vietnamese translated variants of verbs of Giving Receiving in Harry Potter a...
Vietnamese translated variants of verbs of Giving Receiving in Harry Potter a...
 
[123doc] - university-of-copenhagen-characteristics-of-the-vietnamese-rural-e...
[123doc] - university-of-copenhagen-characteristics-of-the-vietnamese-rural-e...[123doc] - university-of-copenhagen-characteristics-of-the-vietnamese-rural-e...
[123doc] - university-of-copenhagen-characteristics-of-the-vietnamese-rural-e...
 
university of copenhagen Characteristics of the Vietnamese Rural EconomyEvide...
university of copenhagen Characteristics of the Vietnamese Rural EconomyEvide...university of copenhagen Characteristics of the Vietnamese Rural EconomyEvide...
university of copenhagen Characteristics of the Vietnamese Rural EconomyEvide...
 

Recently uploaded

Recently uploaded (20)

Báo cáo thực tập tốt nghiệp Kế toán tiền mặt tại Công ty trách nhiệm hữu hạn ...
Báo cáo thực tập tốt nghiệp Kế toán tiền mặt tại Công ty trách nhiệm hữu hạn ...Báo cáo thực tập tốt nghiệp Kế toán tiền mặt tại Công ty trách nhiệm hữu hạn ...
Báo cáo thực tập tốt nghiệp Kế toán tiền mặt tại Công ty trách nhiệm hữu hạn ...
 
TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT TIẾNG ANH 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, ...
TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT TIẾNG ANH 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, ...TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT TIẾNG ANH 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, ...
TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT TIẾNG ANH 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, ...
 
Bài tập lớn môn Văn hóa kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp Xây dựng mô hình ...
Bài tập lớn môn Văn hóa kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp Xây dựng mô hình ...Bài tập lớn môn Văn hóa kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp Xây dựng mô hình ...
Bài tập lớn môn Văn hóa kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp Xây dựng mô hình ...
 
Báo cáo tốt nghiệp Hoàn thiện công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực c...
Báo cáo tốt nghiệp Hoàn thiện công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực c...Báo cáo tốt nghiệp Hoàn thiện công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực c...
Báo cáo tốt nghiệp Hoàn thiện công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực c...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Báo cáo bài tập lớn E - Marketing Xây dựng kế hoạch marketing điện tử cho nhã...
Báo cáo bài tập lớn E - Marketing Xây dựng kế hoạch marketing điện tử cho nhã...Báo cáo bài tập lớn E - Marketing Xây dựng kế hoạch marketing điện tử cho nhã...
Báo cáo bài tập lớn E - Marketing Xây dựng kế hoạch marketing điện tử cho nhã...
 
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá rủi ro quá trình xử lí nước cấp tại Chi nhánh Cấp...
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá rủi ro quá trình xử lí nước cấp tại Chi nhánh Cấp...Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá rủi ro quá trình xử lí nước cấp tại Chi nhánh Cấp...
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá rủi ro quá trình xử lí nước cấp tại Chi nhánh Cấp...
 
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá rủi ro môi trường từ ô nhiễm hữu cơ nước thải các...
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá rủi ro môi trường từ ô nhiễm hữu cơ nước thải các...Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá rủi ro môi trường từ ô nhiễm hữu cơ nước thải các...
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá rủi ro môi trường từ ô nhiễm hữu cơ nước thải các...
 
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại...
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại...Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại...
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại...
 
Báo cáo bài tập Quản trị Marketing Kế hoạch marketing cho ống hút cỏ của Gree...
Báo cáo bài tập Quản trị Marketing Kế hoạch marketing cho ống hút cỏ của Gree...Báo cáo bài tập Quản trị Marketing Kế hoạch marketing cho ống hút cỏ của Gree...
Báo cáo bài tập Quản trị Marketing Kế hoạch marketing cho ống hút cỏ của Gree...
 
Báo cáo thực tập tốt nghiệp Phân tích thực trạng hoạt động bán hàng tại Công ...
Báo cáo thực tập tốt nghiệp Phân tích thực trạng hoạt động bán hàng tại Công ...Báo cáo thực tập tốt nghiệp Phân tích thực trạng hoạt động bán hàng tại Công ...
Báo cáo thực tập tốt nghiệp Phân tích thực trạng hoạt động bán hàng tại Công ...
 
Thực trạng ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực giống cây trồng: Nghiên cứu điển...
Thực trạng ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực giống cây trồng: Nghiên cứu điển...Thực trạng ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực giống cây trồng: Nghiên cứu điển...
Thực trạng ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực giống cây trồng: Nghiên cứu điển...
 
TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT TOÁN 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, TRƯỜNG...
TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT TOÁN 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, TRƯỜNG...TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT TOÁN 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, TRƯỜNG...
TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT TOÁN 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, TRƯỜNG...
 
Vận dụng thi pháp học vào phân tích truyện ngắn Chiếc thuyền ...
Vận dụng thi pháp học vào phân tích truyện ngắn Chiếc thuyền ...Vận dụng thi pháp học vào phân tích truyện ngắn Chiếc thuyền ...
Vận dụng thi pháp học vào phân tích truyện ngắn Chiếc thuyền ...
 
PHONG TRÀO “XUNG KÍCH, TÌNH NGUYỆN VÌ CUỘC SỐNG CỘNG ĐỒNG” CỦA ĐOÀN TNCS HỒ...
PHONG TRÀO “XUNG KÍCH, TÌNH NGUYỆN VÌ CUỘC SỐNG   CỘNG ĐỒNG” CỦA ĐOÀN TNCS HỒ...PHONG TRÀO “XUNG KÍCH, TÌNH NGUYỆN VÌ CUỘC SỐNG   CỘNG ĐỒNG” CỦA ĐOÀN TNCS HỒ...
PHONG TRÀO “XUNG KÍCH, TÌNH NGUYỆN VÌ CUỘC SỐNG CỘNG ĐỒNG” CỦA ĐOÀN TNCS HỒ...
 
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá rủi ro môi trường ô nhiễm hữu cơ trong nước thải ...
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá rủi ro môi trường ô nhiễm hữu cơ trong nước thải ...Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá rủi ro môi trường ô nhiễm hữu cơ trong nước thải ...
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá rủi ro môi trường ô nhiễm hữu cơ trong nước thải ...
 
Báo cáo bài tập nhóm môn Văn hóa kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp Trình bà...
Báo cáo bài tập nhóm môn Văn hóa kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp Trình bà...Báo cáo bài tập nhóm môn Văn hóa kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp Trình bà...
Báo cáo bài tập nhóm môn Văn hóa kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp Trình bà...
 
Giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm ở Công ty TNHH Sơn Alex Việt Nam
Giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm ở Công ty TNHH Sơn Alex Việt NamGiải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm ở Công ty TNHH Sơn Alex Việt Nam
Giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm ở Công ty TNHH Sơn Alex Việt Nam
 
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá thực trạng an toàn vệ sinh lao động và rủi ro lao...
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá thực trạng an toàn vệ sinh lao động và rủi ro lao...Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá thực trạng an toàn vệ sinh lao động và rủi ro lao...
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá thực trạng an toàn vệ sinh lao động và rủi ro lao...
 
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 31-39)...
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 31-39)...40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 31-39)...
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 31-39)...
 

ảNh hưởng của tư tưởng trị quốc nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam hiện nay

  • 1. HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH BÙI QUỐC HƯNG ẢNH HƯỞNG CỦA TƯ TƯỞNG TRỊ QUỐC NHO GIÁO ĐỐI VỚI VIỆC XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM HIỆN NAY LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHUYÊN NGÀNH: CHỦ NGHĨA DUY VẬT BIỆN CHỨNG VÀ CHỦ NGHĨA DUY VẬT LỊCH SỬ HÀ NỘI - 2019
  • 2. HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH BÙI QUỐC HƯNG ẢNH HƯỞNG CỦA TƯ TƯỞNG TRỊ QUỐC NHO GIÁO ĐỐI VỚI VIỆC XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM HIỆN NAY LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHUYÊN NGÀNH: CHỦ NGHĨA DUY VẬT BIỆN CHỨNG VÀ CHỦ NGHĨA DUY VẬT LỊCH SỬ Mã số: 62 22 03 02 NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: 1. PGS, TS Nguyễn Minh Hoàn 2. TS Phan Mạnh Toàn HÀ NỘI - 2019
  • 3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu nêu trong luận án là trung thực, có nguồn gốc rõ ràng và được trích dẫn đầy đủ theo quy định. Tác giả Bùi Quốc Hưng
  • 4. MỤC LỤC MỞ ĐẦU 1 CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU 6 1.1. Những công trình nghiên cứu liên quan đến tư tưởng trị quốc Nho giáo 6 1.2. Những công trình nghiên cứu liên quan đến vấn đề ảnh hưởng của tư tưởng trị quốc Nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam 13 1.3. Những công trình nghiên cứu liên quan đến phương hướng, giải pháp phát huy ảnh hưởng tích cực và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của tư tưởng trị quốc Nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay 21 1.4. Khái quát kết quả các công trình đã tổng quan và những vấn đề luận án cần tiếp tục nghiên cứu 24 CHƯƠNG 2: TƯ TƯỞNG TRỊ QUỐC NHO GIÁO 28 2.1. Cơ sở hình thành tư tưởng trị quốc Nho giáo 28 2.2. Tư tưởng trị quốc của Nho giáo Trung Quốc 34 2.3. Tư tưởng trị quốc của Nho giáo Việt Nam 57 CHƯƠNG 3: ẢNH HƯỞNG CỦA TƯ TƯỞNG TRỊ QUỐC NHO GIÁO ĐỐI VỚI VIỆC XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM HIỆN NAY - THỰC TRẠNG VÀ NGUYÊN NHÂN 78 3.1. Vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay 78 3.2. Thực trạng ảnh hưởng của tư tưởng trị quốc Nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay 82 3.3. Nguyên nhân ảnh hưởng của tư tưởng trị quốc Nho giao đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay 116 CHƯƠNG 4: PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT HUY ẢNH HƯỞNG TÍCH CỰC, HẠN CHẾ ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC CỦA TƯ TƯỞNG TRỊ QUỐC NHO GIÁO ĐỐI VỚI VIỆC XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM HIỆN NAY 124 4.1. Phương hướng cơ bản 124 4.2. Một số giải pháp chủ yếu 132 KẾT LUẬN 149 DANH MỤC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN 151 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 152
  • 5. 1 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Nho giáo là học thuyết chính trị - xã hội lớn của Trung Quốc, ra đời từ rất sớm trong điều kiện nhà Chu đang bị suy yếu về địa vị kinh tế và vai trò chính trị. Với chủ trương xây dựng đất nước thái bình thịnh trị theo khuôn mẫu của vua Nghiêu, vua Thuấn, tư tưởng trị quốc là một trong những nội dung chủ chốt của học thuyết chính trị - xã hội Nho giáo. Nho giáo được truyền vào nước ta từ những năm đầu công nguyên trong quá trình đô hộ của chính quyền phương Bắc. Khi mới truyền vào Việt Nam, mặc dù lúc đầu sự thâm nhập và ảnh hưởng của nó có phần khó khăn hơn so với các học thuyết khác như Phật giáo và Đạo giáo. Nhưng, trong quá trình phát triển của lịch sử, nó đã từng bước chiếm ưu thế và có ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều mặt, nhiều lĩnh vực chủ yếu của đời sống xã hội và con người Việt Nam, góp phần vào việc hình thành các giá trị truyền thống của dân tộc. Từ thời Lê, “Nho giáo đã thành quốc giáo” [24, tr.21] và là hệ tư tưởng chính thống chi phối toàn bộ đời sống tinh thần, tư tưởng ở nước ta. Lúc ấy, nó đã trở thành công cụ phục vụ đắc lực để trị nước, tổ chức nhà nước và quản lý xã hội của các triều đại phong kiến Việt Nam. Nho giáo bàn nhiều về vấn đề trị quốc. Tư tưởng trị quốc được ghi lại rõ ràng, khá nhiều trong các kinh điển Nho giáo. Các di sản tư tưởng ấy không những không xa lạ, mà còn gần gũi với văn hóa và con người Việt Nam trong lịch sử. Nó không chỉ ảnh hưởng đến xã hội và con người Việt Nam trong quá khứ mà cả trong giai đoạn hiện nay, dù Nho giáo không còn giữ địa vị của hệ tư tưởng thống trị. Trong nội dung tư tưởng trị quốc của Nho giáo, bên cạnh những giá trị và những yếu tố có tính hợp lý nhất định thì những hạn chế có tính lịch sử của nó là điều không tránh khỏi. Vì thế, ảnh hưởng của nó đến đời sống xã hội nói chung, đến quá trình xây dựng, hoàn
  • 6. 2 thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay nói riêng là sự ảnh hưởng mang tính hai mặt mà chúng ta phải tính đến. Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII, Đảng đã chính thức nêu vấn đề “Tiếp tục xây dựng và từng bước hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam” [14, tr.56] và khẳng định, đó là “Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” [14, tr.56]. Quan điểm đó ngày càng được thể hiện rõ trong các kỳ Đại hội tiếp theo. Nhất quán tinh thần ấy, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII xác định: “Tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, vững mạnh; hoàn thiện hệ thống pháp luật” [19, tr.79]. Trước thực tế diễn biến phức tạp hiện nay, như sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức nhà nước; tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu ở không ít cơ quan công quyền đang là vấn đề nhức nhối thì việc hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hướng đến một “nhà nước liêm chính”, một “chính phủ kiến tạo” theo yêu cầu của đất nước và xu thế thời đại là một đòi hỏi bức thiết. Để xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh”, đòi hỏi phải xem xét ảnh hưởng của những tư tưởng, lý thuyết chính trị xã hội trong lịch sử, bởi chúng có ảnh hưởng cả tích cực lẫn tiêu cực đến quá trình ấy. Trong số đó, tư tưởng trị quốc Nho giáo có ảnh hưởng sâu đậm đến con người Việt Nam và đến xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay. Bên cạnh những điều có ý nghĩa tiến bộ như quan niệm về xây dựng xã hội ổn định, có trật tự, mọi người sống có đạo đức, có tinh thần trách nhiệm với gia đình, cộng đồng; tư tưởng lấy dân làm gốc, chủ trương bảo đảm cho người dân có đời sống vật chất, tinh thần tương đối
  • 7. 3 đầy đủ; đào tạo cán bộ công chức nhà nước có phẩm chất, năng lực gắn với nhu cầu của đất nước trong những giai đoạn lịch sử cụ thể..., nó cũng có những ảnh hưởng tiêu cực như tư tưởng địa vị ngôi thứ, đầu óc gia trưởng thiếu dân chủ, bệnh gia đình trị, cục bộ địa phương; tâm lý thiếu tôn trọng pháp luật trong một bộ phận nhân dân... Ảnh hưởng mang tính hai mặt của tư tưởng trị quốc Nho giáo đối với xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay là do nhiều nguyên nhân khác nhau. Chừng nào những nguyên nhân ấy còn thì tư tưởng trị quốc Nho giáo sẽ còn ảnh hưởng ở những mức độ nhất định. Do đó, việc nghiên cứu ảnh hưởng của tư tưởng trị quốc Nho giáo đối với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, từ đó tìm ra nguyên nhân, có phương hướng và giải pháp phù hợp để phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của nó là vấn đề mang ý nghĩa thực tiễn rõ rệt. Xuất phát từ những cơ sở lý luận và thực tiễn trên, nghiên cứu sinh chọn vấn đề: “Ảnh hưởng của tư tưởng trị quốc Nho giáo đối với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay” làm đề tài luận án tiến sĩ, chuyên ngành triết học của mình. 2. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu Mục tiêu nghiên cứu của luận án: Làm rõ nội dung chủ yếu của tư tưởng trị quốc Nho giáo; phân tích thực trạng ảnh hưởng và nguyên nhân, đề xuất phương hướng và những giải pháp chủ yếu nhằm phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. Để đạt được mục tiêu trên, luận án tập trung giải quyết các nhiệm vụ chủ yếu sau:
  • 8. 4 - Làm rõ cơ sở hình thành, những nội dung cơ bản trong tư tưởng trị quốc Nho giáo và sự biến đổi của nó ở Việt Nam. - Phân tích thực trạng ảnh hưởng của tư tưởng trị quốc Nho giáo đối với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay và nguyên nhân của thực trạng đó. - Đề xuất phương hướng và một số giải pháp chủ yếu nhằm phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của tư tưởng trị quốc Nho giáo đối với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận án là ảnh hưởng của tư tưởng trị quốc Nho giáo đối với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. Phạm vi nghiên cứu: Nho giáo và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay là những vấn đề có nội dung rất rộng, vì thế, luận án chỉ nghiên cứu về tư tưởng trị quốc của Nho giáo trong mối tương quan, ảnh hưởng của nó đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. Bàn về tư tưởng trị quốc Nho giáo, luận án chủ yếu phân tích những nội dung của nó được thể hiện trong Nho giáo sơ kỳ. 4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu Cơ sở lý luận của luận án là những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin; tư tưởng Hồ Chí Minh và các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam về nhà nước pháp quyền và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Phương pháp nghiên cứu: luận án sử dụng phương pháp luận của CNDV biện chứng và CNDV lịch sử. Ngoài ra, luận án còn sử dụng một số phương pháp cụ thể như: phân tích - tổng hợp; quy nạp và diễn dịch; lịch sử - lôgíc; thống kê, đối chiếu, so sánh...
  • 9. 5 5. Đóng góp mới của luận án - Khái quát và trình bày một cách có hệ thống những nội dung cơ bản trong tư tưởng trị quốc Nho giáo và du nhập, biến đổi của nó trong tiến trình lịch sử Việt Nam. - Phân tích ảnh hưởng có tính hai mặt của tư tưởng trị quốc Nho giáo đối với quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay trên một số phương diện cơ bản cùng nguyên nhân của thực trạng đó. - Đề xuất phương hướng và những giải pháp chủ yếu nhằm phát huy ảnh hưởng tích cực và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của tư tưởng trị quốc Nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. 6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận án - Hệ thống hóa và làm sáng tỏ thêm các nội dung cốt lõi trong tư tưởng trị quốc Nho giáo thông qua các tác phẩm kinh điển của học thuyết ấy, vị thế của nó trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc và trong lịch sử tư tưởng Việt Nam. - Góp phần nhận diện rõ hơn thực trạng ảnh hưởng của tư tưởng trị quốc Nho giáo và sự cần thiết phải phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. - Luận án có thể làm tài liệu tham khảo cho việc học tập, nghiên cứu, giảng dạy về lịch sử tư tưởng Việt Nam và cho những ai quan tâm đến các vấn đề về Nho giáo, về nhà nước pháp quyền, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam nói riêng. 7. Kết cấu của luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục công trình của tác giả, danh mục tài liệu tham khảo, luận án gồm 4 chương, 12 tiết.
  • 10. 6 CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU 1.1. NHỮNG CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN TƯ TƯỞNG TRỊ QUỐC NHO GIÁO Nghiên cứu về Nho giáo có không ít công trình của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Trong số đó, có những công trình đã bàn về các khía cạnh liên quan đến tư tưởng trị quốc Nho giáo. Ngay ở Trung Quốc, nơi sản sinh ra học thuyết Nho giáo cũng đã có rất nhiều công trình nghiên cứu khá công phu. Tuy nhiên, trong mỗi giai đoạn lịch sử, do điều kiện, hoàn cảnh cụ thể nên những nhận định, đánh giá về Nho giáo nói chung, tư tưởng trị quốc nói riêng cũng rất khác nhau. Có những lúc người ta quá đề cao, nhưng có những khi người ta lại phủ định sạch trơn những giá trị nhất định của nó. Một số công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc cũng đã được dịch ra tiếng Việt, tiêu biểu như: Lịch sử tư tưởng chính trị Trung Quốc của Lã Trấn Vũ được ấn hành lần đầu tiên vào năm 1936 tại Nam Kinh. Đây là công trình nghiên cứu khá công phu, được trình bày qua 10 phần với những nguồn tư liệu khá phong phú. Trong công trình nghiên cứu này, không chỉ đề cập đến những tư tưởng chính trị của Nho giáo, tác giả còn phân tích tư tưởng chính trị của các học thuyết khác, như Đạo gia, Mặc gia, Pháp gia... thông qua những đại biểu tiêu biểu của nó qua các giai đoạn lịch sử, kể từ thời kỳ cổ đại cho đến thời kỳ chiến tranh nha phiến. Mặc dù có những nhận định cần phải suy xét thêm, nhưng nhìn chung đây là công tình có giá trị, cung cấp nguồn tư liệu quan trọng cho việc nghiên cứu Nho giáo nói chung, tư tưởng trị quốc của Nho giáo nói riêng. Tổng quan tư tưởng pháp luật Nho gia của Du Vinh Căn được công bố vào những năm 90 của thế kỷ XX. Tác phẩm này ra đời đã gây một tiếng
  • 11. 7 vang lớn trong giới nghiên cứu học thuật Trung Quốc lúc bấy giờ, được đánh giá rất cao và nhận được nhiều giải thưởng lớn tầm cỡ quốc gia. Công trình này có những phát hiện khá mới mẻ so với những quan niệm truyền thống trước đó khi nghiên cứu, đánh giá về học thuyết Nho giáo nói chung, tư tưởng chính trị - xã hội của Nho giáo nói riêng. Với 9 chương của công trình nghiên cứu này, tác giả đã trình bày khá mạch lạc, từ tư tưởng pháp luật của Khổng Tử đến tư tưởng pháp luật của Mạnh Tử, Tuân Tử cùng những diễn biến lịch sử của tư tưởng pháp luật Nho gia, nhằm chứng minh quan điểm tư tưởng pháp luật Nho gia là tư tưởng pháp luật luân lý. Đồng thời, tác giả cũng khẳng định, tư tưởng pháp luật luân lý thực sự là dòng chính của văn hóa pháp luật cổ đại Trung Quốc và cũng là nét đặc sắc của hệ thống pháp luật Trung Hoa. Những tư liệu được dẫn chứng và những nhận định của tác giả là tài liệu tham khảo có giá trị cho việc nghiên cứu các nội dung của luận án. Bên cạnh đó còn phải kể đến một số công trình tiêu biểu khác, như Bàn về Khổng Tử của Quan Phong - Lâm Duật Thời; Bàn về tư tưởng cổ đại Trung Quốc của Hầu Ngoại Lư - Triệu Kỉ Bân - Đỗ Quốc Tường; Nho gia với Trung Quốc ngày nay của Vi Chính Thông… Đó cũng là những tài liệu cần thiết, cung cấp những tư liệu quan trọng, giúp tác giả luận án có thêm những cứ liệu vững chắc để nghiên cứu về tư tưởng trị quốc Nho giáo. Bên cạnh đó, có không ít nhà nghiên cứu phương Tây cũng quan tâm nghiên cứu về Nho giáo, trong đó có đề cập ít nhiều đến tư tưởng trị quốc của học thuyết ấy. Trong tác phẩm Bàn về Trung Quốc, công trình rất nổi tiếng của Henry Kissinger [53] có mục bàn về “Khổng Tử”. Trong mục này, Henry Kissinger coi trọng, đánh giá cao Khổng Tử. Ông cho rằng, các giá trị chiếm ưu thế trong xã hội Trung Quốc phát sinh từ những quy định của một triết gia cổ xưa được thế hệ sau biết tới với cái tên Khổng Phu Tử (hoặc Khổng Tử theo phiên âm La tinh). Kissinger khẳng định, những lời dạy của Khổng Tử được các môn sinh ghi lại thì vẫn còn mãi mãi. Theo tác giả, Nho giáo là một
  • 12. 8 học thuyết bao gồm những giá trị được ghi nhận, khẳng định, đồng thời phải suy ngẫm, coi xét cả những tư tưởng, kỳ vọng của Khổng Tử không thể trở thành hiện thực. Về tư tưởng trị quốc của Khổng Tử, Henry Kissinger nhận xét khái quát: “Những quan điểm của ông là các nguyên tắc cai trị (trị quốc, quản lý quốc gia) bằng tình thương” [53, tr.32]. Kissinger viết: “Khi sự đổ máu kết thúc và Trung Quốc một lần nữa được thống nhất, nhà Hán (206 trước công nguyên - 220 sau công nguyên) đã áp dụng tư tưởng của Khổng Tử làm triết lý trị nước chính thức của đất nước” [53, tr.32]. Ở Việt Nam, những công trình nghiên cứu về Nho giáo, trong đó có đề cập những vấn đề liên quan đến tư tưởng trị quốc cũng không ít. Tiêu biểu như: Nho giáo của Trần Trọng Kim, xuất bản lần đầu năm 1932 và đến nay đã được tái bản nhiều lần. Qua 20 thiên của cuốn sách, với mong muốn “vẽ lấy cái bản đồ” của một ngôi nhà cổ đã hoang tàn, đổ nát, tác giả đã tái hiện lại khá hệ thống và tương đối chi tiết quá trình hình thành và phát triển của Nho giáo qua các giai đoạn lịch sử với những đại biểu điển hình của nó ở mỗi thời kỳ lịch sử và sự du nhập vào Việt Nam của học thuyết ấy. Mặc dù tư tưởng trị quốc không phải là vấn đề được đặt làm trọng tâm của cuốn sách, song nó cũng được thể hiện thông qua việc trình bày quan niệm của các nhà nho tiêu biểu ở mỗi giai đoạn, từ Tần - Hán đến Minh - Thanh sau này. Có thể nói, cuốn sách cung cấp nguồn tư liệu quan trọng và cần thiết, có thể kế thừa để phục vụ mục đích của luận án. Trong cuốn Khổng học đăng của Phan Bội Châu [5], một bộ sách biên khảo có giá trị, được viết theo những sự tâm đắc của tác giả đã diễn giải một số nội dung cơ bản trong sách Luận ngữ, Đại học, Trung dung, những quan niệm của Mạnh Tử, Tuân Tử và một số đại biểu thuộc “Khổng học viễn phái”. Một số chỗ được tác giả giải thích và có những nhận định trên một tinh thần khá mới, song đây là một tác phẩm ra đời ở một giai đoạn khá đặc biệt trong cuộc đời của tác giả nên có những điều lý giải và nhận định chúng ta cần phải
  • 13. 9 cân nhắc thêm. Tuy vậy, đó là tài liệu tham khảo hữu ích cho việc nghiên cứu, giải quyết các nhiệm vụ của luận án. Trong bộ sách Lịch sử triết học phương Đông của Nguyễn Đăng Thục [127], ở chương 4, tập 1 của bộ sách này, tác giả bàn về 5 vấn đề lớn, trong đó có những nội dung liên quan đến tư tưởng trị quốc của Nho giáo. Chẳng hạn, khi bàn về thuyết chính danh của Khổng Tử, tác giả giải thích: mỗi danh có một định nghĩa của nó, nó trỏ vào vật mà danh ấy đã áp dụng, chứ không vào vật khác được. Nghĩa là, danh là cái bản chất của vật hay là khái niệm. Cái mà định cho danh “quân”, “thần”, “phụ”, “tử” ở câu quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử, là cái bản chất của “quân” do đấy mà là “quân”, v.v.. Hoặc khi phân tích và so sánh quan niệm về “đạo nhân” của Nho, tác giả cho rằng: Phật giáo và Cơ Đốc giáo chủ trương về chữ nhân có ý nghĩa bác ái bình đẳng, còn Khổng Tử chủ trương về nhân có thứ bậc trình tự tiến hóa, và Nho giáo ngoài chủ trương đạo nhân, thừa nhận sự thực về xã hội tiến hóa còn chú trọng vấn đề tu sửa và dưỡng dục nhân cách con người. Mặc dù không bàn trực diện về tư tưởng trị quốc Nho giáo, song những nội dung mà công trình này đề cập cung cấp những tư liệu cần thiết, giúp tác giả luận án có thêm căn cứ để khái quát về tư tưởng trị quốc Nho giáo Trung Quốc. Trong cuốn Lịch sử triết học do Nguyễn Hữu Vui chủ biên [150], các tác giả bàn về Khổng Tử cùng với học thuyết về chính trị và tư tưởng triết học của Nho gia. Theo các tác giả, hoài bão chính trị trước sau của Khổng Tử là kế thừa sự nghiệp của Văn Vương, Chu Công, lập lại kỷ cương của nhà Chu. Để thực hiện lý tưởng chính trị của mình, Khổng Tử xây dựng nên học thuyết Nhân - Lễ - Chính danh. Theo Khổng Tử, “Nhân” là hạt nhân, là nội dung, “Lễ” là hình thức của “Nhân” và “Chính danh” là con đường để đạt đến điều “Nhân”, “Chính danh” là vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con, v.v., và là điều căn bản của việc làm chính trị, đưa xã hội từ “loạn” trở lại “trị” (an bình). Về tư tưởng chính trị - xã hội của Mạnh Tử, các tác giả cho rằng: Mạnh
  • 14. 10 Tử đưa ra thuyết “Nhân chính” chống lại việc dùng vũ lực thôn tính lẫn nhau giữa các nước, đòi hỏi bọn quý tộc phải để cho nhân dân có tài sản riêng thì họ mới yên tâm làm ăn, phải quý trọng dân. Có thể nói, cuốn sách cung cấp những kiến thức cơ bản về một số nội dung của học thuyết Nho giáo qua các giai đoạn phát triển của nó, giúp tác giả luận án có cái nhìn tổng quan về những nét chính trong tư tưởng trị quốc Nho giáo. Trong cuốn Khổng Tử của Nguyễn Hiến Lê, khi nhận định về Khổng Tử, tác giả cho rằng: “một phát kiến của ông là thuyết chính danh” [57, tr.130]. Theo sự giải thích của tác giả, thuyết chính danh không mới mẻ gì. Trước Khổng Tử các sử gia đã có truyền thống chép đúng sự thực những hành vi xấu, tốt của vua chúa và các quan lớn nhỏ và phê bình một cách công tâm những hành vi đó… Nhưng Khổng Tử đã có công tạo ra danh từ chính danh và lý luận, giảng giải, đặt nó thành một quy tắc… Ông bảo danh với thực phải hợp nhau, nếu không hợp nhau thì gọi tên ra, người ta sẽ không hiểu, lý luận sẽ không xuôi, mọi việc sẽ không thành, lễ nhạc, hình pháp không định được mà xã hội sẽ hỗn loạn [57, tr.131,132]. Bàn về tư tưởng trị quốc của Nho giáo, tác giả nhận xét, chính danh là bước đầu đưa tới chính sách đức trị, là điều kiện của đức trị… Khổng Tử là người đầu tiên nói nhiều nhất đến tư cách người cầm quyền, đến bổn phận họ phải sửa mình, phải làm gương cho dân, phải giáo hóa dân. Ông không tách rời đạo đức và chính trị. Ông đã đạo đức hóa chính trị và tất cả triết lý chính trị của ông gồm trong danh từ đức trị, mà danh từ này có nghĩa là người trị dân phải có đức, phải trị dân bằng đức, chứ không bằng bạo lực [57, tr.140,141]. Đây là công trình nghiên cứu khá cơ bản về tư tưởng của Khổng Tử - người sáng lập Nho giáo, cung cấp một cách nhìn tổng quan về những nội dung trong tư tưởng Khổng Tử, trong đó có những vấn đề liên quan đến tư tưởng trị quốc Nho giáo mà tác giả luận án có thể tham khảo.
  • 15. 11 Trong cuốn Mạnh Tử cũng của Nguyễn Hiến Lê, tác giả tập trung luận bàn về đời sống, hoạt động chính trị, tư tưởng chính trị, học thuyết tính thiện, v.v. của Mạnh Tử, với tư cách là người bổ túc, hoàn thiện Nho giáo. Bàn về tư tưởng trị quốc của Mạnh Tử, tác giả cho rằng, Mạnh Tử chủ trương “dân vi quý”. Thượng đế sinh ra vạn vật, làm chủ vạn vật, nhưng không thể săn sóc riêng từng vật, đặc biệt là từng người một, cho nên mới giao quyền cho vua thay mình để trị dân. Nhưng vua cũng không thể trông nom mọi việc được, cần có các quan giúp đỡ. Vậy vua và quân, tức hạng “cai trị người” sở dĩ có là vì có hạng “bị cai trị” và bổn phận của họ là phải làm lợi cho hạng này, tức là cho dân chúng [60, tr.86]. Trong cuốn Đại cương lịch sử tư tưởng Trung Quốc của Lê Văn Quán, với 22 chương, tác giả đã khảo sát lịch sử tư tưởng Trung Quốc từ thời kỳ tiên Tần đến thời kỳ cận đại; từ tư tưởng kinh tế đến tư tưởng chính trị, tư tưởng triết học, tư tưởng sử học, văn học, quân sự... Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích, cung cấp những tư liệu quan trọng mà tác giả luận án có thể tiếp thu, phục vụ cho quá trình nghiên cứu. Trong cuốn Các bài giảng về tư tưởng phương Đông của Trần Đình Hượu [39], tác giả đề cập đến quan điểm chính trị đạo đức của Khổng Tử trên một số phương diện, như: chính danh, đức trị, thượng hiền trong khuôn khổ thân thân, ba đạt đức của người quân tử: nhân, trí, dũng... Đây là những vấn đề liên quan đến tư tưởng trị quốc Nho giáo mà tác giả luận án có thể tham khảo, phục vụ cho việc nghiên cứu, giải quyết các nhiệm vụ của đề tài luận án. Trong cuốn Đức trị và pháp trị trong Nho giáo của Vũ Khiêu [43], tác giả đã dụng công trích dẫn những nội dung trong các kinh điển của Nho giáo bàn về vai trò của việc dùng đức để cai trị, về phẩm chất của người quân tử cầm quyền, về tư tưởng trọng dân, trọng hiền; quan niệm về pháp luật, về binh lực...Mặc dù không bình luận nhiều, song cuốn sách cung cấp những tư
  • 16. 12 liệu từ các tác phẩm kinh điển của Nho giáo, giúp tác giả tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức trong việc tra cứu. Trong bộ sách Đại cương triết học Trung Quốc gồm 2 tập của Giản Chi - Nguyễn Hiến Lê [6], khi phân tích vấn đề “Chính trị luận” ở phần thứ năm của tập 2, các tác giả đã khảo sát một số quan điểm cơ bản của các trường phái triết học Trung Quốc khi bàn về quốc gia lý tưởng, về chủ trương cai trị, về vai trò của vua và dân... Đây là những tư liệu cần thiết và quan trọng, giúp tác giả có những căn cứ đáng tin cậy để khái quát về những nội dung trong tư tưởng trị quốc của Nho giáo. Trong cuốn Học thuyết chính trị - xã hội của Nho giáo và ảnh hưởng của nó ở Việt Nam (Từ thế kỷ XI đến nửa đầu thế kỷ XIX) của Nguyễn Thanh Bình [3], ở chương 1, tác giả tập trung luận giải về Nho giáo với tính cách là một học thuyết chính trị - xã hội ở Trung Quốc cổ đại. Đề cập đến một số tư tưởng cơ bản của Nho giáo về chính trị - xã hội, tác giả phân tích 3 nội dung: quan điểm về con người, về xã hội lý tưởng và về đường lối trị nước. Đây là một cách tiếp cận mà tác giả luận án có thể tham khảo, lựa chọn những yếu tố hợp lý của nó để từ đó tìm cách tiếp cận riêng của mình. Trong bài “Tư tưởng Nho giáo về cơ sở của sự ổn định xã hội” đăng trên tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc của Nguyễn Minh Hoàn, tác giả có đề cập một số vấn đề thuộc nội dung tư tưởng trị quốc của Nho giáo. Theo tác giả, mục tiêu trị quốc của Nho giáo là “một xã hội thực sự tốt đẹp - thái bình thịnh trị chỉ có thể là quay về thời kỳ Nghiêu - Thuấn trước kia” [34, tr.54]. Về đường lối trị quốc, quản lý, lãnh đạo quốc gia, đưa đất nước từ “loạn” trở lại “trị”: 1) Phải chính danh, 2) Khổng Tử đòi hỏi người cầm quyền phải luôn chú ý đến việc thực hiện lẽ công bằng và sự yên ổn cho dân, 3) Phải giúp dân “có đủ ăn, đủ mặc và làm giàu”, phải giáo dân “không phân biệt trên dưới, thân sơ, quý tiện, sang hèn” như chủ trương của Khổng Tử”, 4) Để tránh chiến tranh liên miên, Mạnh Tử khuyên vua “hà tất phải nói đến lợi, chỉ cần
  • 17. 13 nói tới nhân nghĩa mà thôi” [34, tr.57]. 5) Quan hệ giữa vua và bề tôi, theo Khổng Tử, “vua dùng lễ sai khiến bề tôi, bề tôi lấy hết lòng trung thờ vua”, và theo Mạnh Tử chỉ giáo thêm, “mặc dù người cai trị có được người dưới cung phụng, nhưng ngược lại, người cai trị cũng phải thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ với những người mà mình cai trị” [34, tr.60]. Đây là một số, chứ không phải tất cả, nội dung của tư tưởng trị quốc trong Nho giáo, được tác giả bài viết tiếp cận để làm sáng rõ cơ sở của sự ổn định xã hội theo quan niệm, chủ trương của Nho giáo Khổng Mạnh. Trên đây là một số công trình nghiên cứu tiêu biểu, trong đó có sự tìm hiểu nhiều, ít khác nhau về tư tưởng trị quốc của Nho giáo. Chúng tôi coi đây là những tài liệu quý, có giá trị khoa học cần được tham khảo và kế thừa có chọn lọc để giải quyết những nhiệm vụ luận án đặt ra. 1.2. NHỮNG CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN VẤN ĐỀ ẢNH HƯỞNG CỦA TƯ TƯỞNG TRỊ QUỐC NHO GIÁO ĐỐI VỚI VIỆC XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM Nghiên cứu về ảnh hưởng của Nho giáo đối với xã hội và con người Việt Nam trong lịch sử cũng như trong giai đoạn hiện nay đã có không ít công trình tiêu biểu, có giá trị. Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề ảnh hưởng của tư tưởng trị quốc Nho giáo đến quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta thì không nhiều. Trong cuốn Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng Tháng Tám của Trần Văn Giàu, ở chương ba, tác giả đề cập đến vấn đề “Tư tưởng Nho giáo Việt Nam thế kỷ XIX”. Theo tác giả, tư tưởng Nho giáo thế kỷ XIX ở Việt Nam bao gồm bốn vấn đề cơ bản là thiên đạo quan, lịch sử quan, đạo đức và trị đạo. Về nội dung cơ bản của học thuyết chính trị Nho giáo, tác giả nhận định: “Cái chính yếu nhất của Nho giáo là đạo đức. Đạo đức Nho giáo cuối cùng là nhằm phục vụ sự trị nước: trị quốc, bình thiên hạ là cái đích cao của sự thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia” [24,
  • 18. 14 tr.83]. Theo ông, vấn đề tư tưởng về đạo đức, một nội dung quan trọng trong Nho giáo “là phương châm, phương hướng lớn của việc trị nước” [24, tr.152]. Nho giáo Trung Quốc nói chung, Nho giáo Khổng Mạnh nói riêng đã xâm nhập Việt Nam. Nó được người Việt Nam tiếp thu và cải biến đi ít nhiều. Ở nước ta, vì thế, đã hình thành Nho giáo Việt Nam. Tư tưởng đạo đức trong Nho giáo đóng vai trò trị quốc, cũng như toàn bộ nội dung của Nho giáo Việt Nam, theo tác giả còn có những ảnh hưởng tiêu cực: “Nho giáo Việt Nam rõ ràng là lạc hậu, phức tạp, rối mù, xa lạ với khoa học, bên lề của lý trí lôgíc” [24, tr.123]. Và tác giả cho rằng: Nho giáo tuy không hẳn là một tôn giáo..., nhưng kỳ thực nó vẫn phụ thuộc vào trời, vào thần, trói cột lý trí vào số, vào mệnh trời, lúc nào cũng chực quay về xưa, càng xưa càng tốt đẹp. Một thiên đạo quan như thế làm sao có thể giúp cho các chính khách, các nhà đương cuộc, các bậc chí sĩ nhận định đúng thời thế, về sức địch, sức ta và những nhiệm vụ quốc tế cần kíp? [24, tr.123-124]. Trong cuốn Nho giáo tại Việt Nam do Lê Sĩ Thắng chủ biên, tập hợp gần 30 bài viết của các nhà nghiên cứu qua 2 cuộc hội thảo vào các năm 1973 và 1978 về đề tài “Nho giáo trong lịch sử và tàn dư của nó trong xã hội Việt Nam”, có một số bài liên quan đến chủ đề luận án. Tiêu biểu như: - Bài “Nhân dân Việt Nam dưới tác động của Khổng giáo” của Vũ Khiêu. Trong công trình nghiên cứu đó, tác giả đề cập một số nội dung chính: 1) Khẳng định, ghi nhận giá trị, ảnh hưởng tích cực của Nho giáo Khổng Mạnh; 2) Phê phán những tác động tiêu cực của Nho giáo bao hàm tư tưởng trị quốc trong đó. Về giá trị, ảnh hưởng tích cực của Nho giáo Khổng Mạnh, tác giả nhận xét: “Khổng giáo được du nhập vào Việt Nam và suốt hai nghìn năm giữ địa vị của hệ tư tưởng thống trị trong thượng tầng kiến trúc phong kiến. Khổng giáo thực tế đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân Việt Nam” [120, tr.236]. Ông cũng khẳng định thêm về ảnh hưởng của nó trong lịch sử nước ta:
  • 19. 15 Từ đầu thế kỷ XV, nhất là khi Nhà nước phong kiến của Lê Lợi thiết lập thì chế độ phong kiến Việt Nam đã đi vào giai đoạn phát triển cao nhất. Khổng giáo đã bắt đầu chiếm địa vị độc tôn trong thượng tầng kiến trúc phong kiến… Hệ tư tưởng Khổng giáo được quán triệt vào nhiều chủ trương chính sách của nhà nước phong kiến và có ảnh hưởng sâu sắc trong mọi lĩnh vực văn hóa đương thời [120, tr.249]. Bên cạnh sự ghi nhận, đánh giá về ý nghĩa, vai trò, ảnh hưởng tích cực của Khổng giáo ở một giai đoạn lịch sử nhất định, tác giả còn chỉ ra không ít ảnh hưởng tiêu cực của tư tưởng trị quốc Nho giáo. Cụ thể là: 1) “Học thuyết của Khổng Tử là một học thuyết bảo thủ” [120, tr.251]; 2) “Học thuyết của Khổng Tử tập trung vào tinh thần trung quân. Thờ vua là điểm cao nhất của đạo làm người, là yêu cầu đạo đức đầu tiên của những đại trượng phu, của bậc đại dũng, của anh hùng” [120, tr.253]; 3) Tư tưởng Khổng giáo là hệ tư tưởng chính thống của chế độ phong kiến phương Đông. Đó là phương tiện tinh thần rất độc hại để nô dịch quần chúng… Khổng giáo rõ ràng là đứng hẳn về phía giai cấp phong kiến nước ngoài, bào chữa cho sự xâm lược của chúng, thuyết phục nhân dân ta quy thuận sự thống trị của phương Bắc, thần phục vua chúa nước lớn, coi như vị thiên tử có uy quyền tuyệt đối với cả thế gian này. Bọn thống trị thông qua Khổng giáo để đào tạo những nho sĩ bản xứ, sử dụng họ làm tay sai trong bộ máy quan liêu [120, tr.264,265]; 4) Tư tưởng khinh rẻ phụ nữ là tư tưởng nổi bật trong Khổng giáo… Thật là một điều sỉ nhục đối với phụ nữ, khi ông (Khổng Tử) quy đạo đức của phụ nữ vào bốn điểm Dung, Công, Ngôn, Hạnh. Đó là thứ đạo đức biến người đàn bà thành một công cụ mua vui cho đàn ông [120, tr.269]; 5) “Khổng giáo củng cố ở nhân dân tư tưởng về tính vĩnh cửu của chế độ phong kiến” [120, tr.290]; 6) “Khổng giáo giam con người vào một trật tự phong kiến chặt chẽ từ trên xuống dưới. Lễ giáo Khổng Tử quy định thứ bậc cho các tầng lớp nhân dân” [120, tr.291].
  • 20. 16 - Bài “Ảnh hưởng Nho giáo trong lịch sử tư tưởng Việt Nam” [120, tr.385-418] của Nguyễn Đức Quỳ. Trong bài viết này, tác giả bàn tương đối nhiều về ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của Nho giáo, trong đó có những yếu tố của tư tưởng trị quốc. Về ảnh hưởng tích cực, tác giả cho rằng: “Khi gặp Nho giáo với toàn bộ kiến thức và quan niệm trình bày mạch lạc, có lập luận, có dẫn chứng cụ thể về việc thời xưa được ghi lại bằng chữ, thì những người trí thức bị bắt buộc làm quen với Nho giáo… đã từ chỗ bị ép học, tiến dần đến chỗ tự nguyện học và vận dụng nó vào đời sống, lấy nó làm kim chỉ nam cho suy nghĩ và hành động [120, tr.388], và “tư tưởng Nho giáo ảnh hưởng sâu, mạnh tới toàn bộ tư tưởng Việt Nam” [120, tr.393]. Tác giả nhận định: “Về trị nước, Khổng Tử chỉ nói có tám chữ nhưng tổng kết được những yêu cầu cơ bản của một bộ máy cai trị, dù thời xưa hay thời nay: “Túc thực, túc binh, dân tín chi hỹ” [120, tr.406]. Tác giả nhận xét, theo Khổng Tử, trong ba nhân tố là kinh tế dồi dào (“túc thực”), quân đội mạnh mẽ (“túc binh”) và dân tin tưởng nghe theo (“dân tín”) thì nhân tố thứ ba (“dân tín”) là quan trọng nhất. Theo tác giả, trong vấn đề trị nước, Khổng Tử xác định được lực lượng quyết định nhất trong mọi sự nghiệp, thành bại, thịnh suy, hưng vong đều do dân có củng cố không, có tham gia tích cực hay không? Khổng Tử nói khi được hỏi phép trị nước: “Dân là gốc nước, gốc bền thì nước yên”… Khổng Tử đã nói dứt khoát… không có dân thì không làm được gì, có dân ủng hộ mạnh thì sẽ có kinh tế và quân đội. Mọi chuyện đều từ dân mà ra [120, tr.407]. Bên cạnh đó, tác giả cũng cho rằng, tư tưởng trị quốc của Nho giáo có nhiều ảnh hưởng tiêu cực tại Việt Nam. Đó là tính chất bảo thủ, “tuyệt đối hóa kinh nghiệm của người xưa” [120, tr.395] trong Nho giáo. Đó là việc “Nho giáo thường hay cực đoan hóa những khuôn phép đã định ra” [120, tr.396]. Đó là việc trong xã hội còn có giai cấp, còn có bộ máy nhà nước, thì còn có người thống trị, người bị trị, người lãnh đạo, người bị lãnh đạo, thì đẳng cấp,
  • 21. 17 tôn ty theo một lối nào đó là sự cần thiết khách quan, nhưng Nho giáo đã gây “một tinh thần tôn ty, đẳng cấp quá khắt khe trong nhân dân” [120, tr.402]. Tác giả còn khẳng định: “Theo tôi nghĩ, ảnh hưởng tinh thần cấp bậc này (của Nho giáo) còn theo sát chúng ta cho tới bây giờ. Nhiều đồng chí kịch liệt đả kích đạo Nho, nhưng trong hội nghị, khi lên nói gì thì cũng kính thưa đến 5, 6 bậc, chưa có thể nói gọn một câu “Thưa các đồng chí”, có lẽ sợ như thế là “vô lễ”, “ngạo thượng” chăng?” [120, tr.403-404]. Đây là bài viết có lập luận chặt chẽ, dẫn chứng cụ thể, nhiều điểm xác đáng, do vậy có sức thuyết phục cao, là công trình nghiên cứu có giá trị. - Bài “Bàn về vai trò lịch sử của Nho giáo” [120, tr.529-534] của Nguyễn Khắc Viện. Đây là bài viết ngắn gọn về giá trị, ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của Nho giáo. Theo tác giả, Nho giáo bao hàm tư tưởng trị quốc, bình thiên hạ, song: “Nho giáo vừa là công cụ của phong kiến phương Bắc dùng để lệ thuộc các dân tộc khác, nhưng vừa là công cụ giúp các dân tộc chống lại Trung Quốc (xâm lược họ)” [120, tr.531]. Nghĩa là, ảnh hưởng tiêu cực của Nho giáo là nó làm công cụ cho kẻ xâm lược, nhưng ảnh hưởng tích cực của Nho giáo là học thuyết này làm công cụ chống xâm lược. - Trong bài “Đạo đức Nho giáo và đạo đức truyền thống Việt Nam” của Trần Văn Giàu, khi phân tích ảnh hưởng tiêu cực của Nho giáo và của tư tưởng trị quốc trong học thuyết ấy, tác giả viết: Nho giáo tự phụ là vũ khí vạn năng để trị quốc, bình thiên hạ, nhưng nó không cứu vãn được nhà Trần khỏi sụp đổ. Nó không phải là yếu tố chính của cuộc chiến thắng quân Minh. Trái lại, nó là một nguyên nhân lớn của sự mất nước Việt Nam về tay Pháp. Triều đình Nguyễn bại vong, phong trào Cần Vương tan rã đều biểu hiện sự thất bại hoàn toàn của Nho giáo như là hệ ý thức phong kiến… Nho giáo tàn lụi hết sức nhanh chóng [120, tr.143].
  • 22. 18 Về ảnh hưởng tiêu cực của tư tưởng trị quốc Nho giáo, tác giả nhấn mạnh ba yếu tố: Thứ nhất: tư tưởng đức trị, nhân trị, điều này trở ngại cho đường lối pháp trị xã hội chủ nghĩa. Thứ nhì: chủ nghĩa gia đình, chủ nghĩa đồng tộc, phương châm trị đạo thân thân, điều này trở ngại cho việc thực hiện dân chủ, động viên tài năng. Thứ ba: tư tưởng trọng quan khinh dân, nó làm nền cho thứ chủ nghĩa quan liêu, thơ lại mới [120, tr.149]. Trong cuốn sách đó còn một số bài ít nhiều có liên quan đến chủ đề luận án, như: “Vài ý kiến về ảnh hưởng của Nho giáo với xã hội Việt Nam” của Đào Duy Anh; “Cha ông chúng ta đã tiếp thu những gì tích cực ở các ý thức hệ phong kiến của Trung Quốc” của Trương Chính; “Nho giáo đối với nước và thiên hạ” của Quang Đạm; “Vị trí và vai trò của Nho giáo ở thời kỳ cực thịnh của chế độ phong kiến Việt Nam” của Nguyễn Đức Sự; “Nho giáo Triều Nguyễn và sự thất bại hoàn toàn của nó trước thử thách của lịch sử” của Nguyễn Tài Thư... Mặc dù không trực tiếp bàn về tư tưởng trị quốc Nho giáo và ảnh hưởng của nó, song đó đều là những tài liệu hữu ích, cung cấp những cứ liệu quan trọng cho việc nghiên cứu, khái quát ảnh hưởng của tư tưởng trị quốc Nho giáo đến xã hội Việt Nam cũng như quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền hiện nay. Trong cuốn Nho giáo xưa và nay do Vũ Khiêu chủ biên (gồm hơn 20 bài viết của các tác giả), có một số bài viết liên quan đến chủ đề luận án, như: “Hiện đại đối thoại với Nho giáo” của Bùi Đăng Duy; “Giá trị của Nho giáo trong xã hội ta ngày nay” của Hoàng Việt; “Tư tưởng thủ cựu của Nho giáo trước sự tấn công của chủ nghĩa đế quốc” của Trần Văn Giàu... Mặc dù các bài viết đó không trực tiếp đề cập đến ảnh hưởng của tư tưởng trị quốc Nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam, bởi đó không phải mục đích mà các tác giả hướng đến, song nó gợi mở những điều bổ ích về mặt phương pháp luận cho tác giả luận án.
  • 23. 19 Trong cuốn Nho giáo xưa và nay của Quang Đạm, tác giả đã bàn đến ảnh hưởng của Nho giáo đến xã hội Việt Nam trên nhiều phương diện. Thông qua các chương bàn về “Đạo đức và chính trị” (Chương III), “Phạm trù: Nhà” (Chương IV), “Nước” (Chương V), “Và thiên hạ” (Chương VI), “Ai trị ai và ai nuôi ai?” (Chương VII), tác giả đã phân tích trên tinh thần phê phán những ảnh hưởng, đặc biệt là ảnh hưởng tiêu cực của Nho giáo đến xã hội và con người Việt Nam cũng như quá trình xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa. Từ đó, tác giả nhận định: “Ra sức xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa, ngày càng thể hiện rõ bản chất Nhà nước của dân, do dân, vì dân,... Triết lý “sử” và “do” của Khổng Khâu cũng như những kiểu cách phát động, đạo diễn kể trên không hợp với hệ tư tưởng và nếp sống của chúng ta” [13, tr.332], và “Xóa bỏ tận gốc những biểu hiện và những hậu quả ấy là cần thiết để tiến lên” [13, tr.333]. Trong cuốn Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân - lý luận và thực tiễn, do Nguyễn Duy Quý và Nguyễn Tất Viễn đồng chủ biên, các tác giả có bàn đến vấn đề “Nho giáo và sự ảnh hưởng của nó đến quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” [110, tr.258,262]. Các tác giả quan niệm, “Nho giáo là vấn đề của quá khứ, nhưng cũng là vấn đề quan tâm trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam bởi tác động ý thức hệ của nó” [110, tr.258]. Yếu tố tích cực của Nho giáo được trình bày tại đây là: Lịch sử cho thấy, ngay sau khi được chính quyền phong kiến thừa nhận làm nền tảng tư tưởng và đường lối trị nước, Nho giáo đã phát huy được tác dụng, đóng vai trò tích cực nhất định trong xã hội. Nho giáo đã nêu lên được một số những nguyên lý, những nguyên tắc, một số đường lối và phương pháp có thể bảo đảm cho xã hội một sự ổn định nhất định để phát triển [110, tr.259]. Các tác giả cũng nhận xét, ngoài giá trị, ảnh hưởng tích cực, Nho giáo còn có nhiều dấu hiệu, biểu hiện, ảnh hưởng tiêu cực trong đời sống xã hội, cụ thể là: Nho giáo không coi trọng mối quan hệ xã hội - mối quan hệ giữa con người với con người; Nho giáo thủ tiêu đấu tranh vì công lý; Nho giáo không
  • 24. 20 đề cao cá nhân con người. Nho giáo đã đồng nhất cá nhân với cộng đồng; Nho giáo ít đề cao tài mà thường là đề cao đức [110, tr.260-261]. Trong cuốn Đạo đức và pháp luật trong triết lý phát triển ở Việt Nam của Vũ Khiêu và Thành Duy, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000, các tác giả đã phân tích những hạn chế và ảnh hưởng tiêu cực của cả tư tưởng đức trị và pháp trị của xã hội phong kiến. Tuy Nho giáo và tư tưởng phong kiến không đồng nhất với nhau, nhưng sự phân tích và luận giải những nội dung của công trình này giúp tác giả hiểu thêm về ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo nói chung, tư tưởng trị quốc Nho giáo nói riêng trong thời kỳ phong kiến Việt Nam. Trong cuốn Học thuyết chính trị - xã hội của Nho giáo và ảnh hưởng của nó ở Việt Nam (Từ thế kỷ XI đến nửa đầu thế kỷ XIX) của Nguyễn Thanh Bình [3], tác giả nhận định, Nho giáo trở thành cơ sở tư tưởng chủ yếu để định ra và thực hiện đường lối đức trị, chế định pháp luật và hoạch định việc giáo dục khoa cử, củng cố ngôi vua, ổn định trật tự xã hội, lựa chọn nhân tài của các triều đại phong kiến Việt Nam. Mặc dù công trình này chỉ nghiên cứu ảnh hưởng của Nho giáo ở Việt Nam giai đoạn thế kỷ XI đến nửa đầu thế kỷ XIX, song nó cung cấp những tư liệu có ích, giúp tác giả hiểu thêm về ảnh hưởng của học thuyết chính trị - xã hội của Nho giáo trong thời kỳ xây dựng và củng cố chính quyền phong kiến nước ta, từ đó có căn cứ để nhận định những ảnh hưởng của nó trong những giai đoạn sau này trên đất nước ta. Trong bài “Ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo đến hoạt động quản lý nhà nước ở Việt Nam hiện nay” [28, tr.28-31] của Dương Thị Thúy Hằng, đăng trên tạp chí Giáo dục lý luận, số 8-2016, tác giả cho rằng, Nho giáo có những ảnh hưởng tích cực đến hoạt động quản lý nhà nước, đó là: 1) “Ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo trong việc xây dựng một số bộ luật ở Việt Nam hiện nay”; 2) “Ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo trong việc xây dựng tổ chức bộ máy hành chính”; 3) “Ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo trong việc xây
  • 25. 21 dựng đội ngũ cán bộ, công chức”; 4) “Ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo đến tư duy quản lý kinh tế” [28, tr.28-30]. Bên cạnh đó, theo tác giả, những hạn chế của tư tưởng Nho giáo ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động quản lý nhà nước là: 1) Quá đề cao lễ và đạo đức nên hạn chế tính sáng tạo, tính tự chủ của con người; 2) “Tư tưởng chính danh đã quá đề cao danh phận, trọng danh hơn thực và là cơ sở hình thành nên bệnh hình thức chủ nghĩa”; 3) “Việc đề cao tôn ti trật tự trong mối quan hệ tam cương của Nho giáo: cha - con, vợ - chồng, vua - tôi là nguyên nhân tạo nên tính gia trưởng trong cơ quan nhà nước hiện nay”; 4) “Tư tưởng duy tình, duy nghĩa của Nho giáo để tình cao hơn lý tạo nên sự không công bằng trong cơ quan nhà nước” [28, tr.30-31]. Trong khuôn khổ có hạn của một bài báo nên có những vấn đề hầu như mới chỉ dừng lại ở một số nhận định bước đầu và cần có sự phân tích, luận giải thêm với những cứ liệu vững chắc hơn. Đó là một số công trình mà ở đó bàn đến một số nội dung liên quan đến vấn đề ảnh hưởng của tư tưởng trị quốc Nho giáo trong tiến trình lịch sử Việt Nam, cung cấp thêm tài liệu để tác giả luận án có căn cứ nhận định về ảnh hưởng của tư tưởng trị quốc Nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. 1.3. NHỮNG CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN PHƯƠNG HƯỚNG, GIẢI PHÁP PHÁT HUY ẢNH HƯỞNG TÍCH CỰC VÀ HẠN CHẾ ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC CỦA TƯ TƯỞNG TRỊ QUỐC NHO GIÁO ĐỐI VỚI VIỆC XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM HIỆN NAY Trong cuốn Nho học và Nho học ở Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” của Nguyễn Tài Thư [132], tác giả cho rằng, ngày nay một số yếu tố của Nho giáo vẫn có mặt ở nước ta và ảnh hưởng của nó có phạm vi rộng khắp, từ cá nhân đến gia đình, xã hội. Khi bàn đến vấn đề “Nho học và xã hội Việt Nam ngày nay”, tác giả khẳng định, xã hội ta không thuộc về Nho học, không có cơ sở để phục hồi chế độ xã hội mà Nho học là nền tảng tư tưởng
  • 26. 22 nhưng một số yếu tố nào đó của Nho học vẫn còn có mặt ở nước ta ngày nay nên “nó phải được đối xử như là truyền thống lớn của dân tộc”. Cuốn sách giúp tác giả luận án hiểu thêm về phương thức ảnh hưởng của Nho giáo nói chung, tư tưởng trị quốc Nho giáo nói riêng đối với xã hội Việt Nam hiện nay. Trong cuốn Đến hiện đại từ truyền thống (Chương trình khoa học công nghệ cấp nhà nước KX-07, H.1994) của Trần Đình Hượu, tác giả khẳng định, mặc dù xã hội đã đổi thay nhưng nhiều người vẫn sống, vẫn nghĩ rất Nho mặc dù họ lên án Nho giáo kịch liệt. Tác giả cuốn sách nhận định, “trên con đường hiện đại hóa không chỉ là phê phán hay cải tạo, kế thừa hay phát huy mà còn là biết lợi dụng những cái có trong thực tế không nên bỏ, chưa thể bỏ”. Theo ông, ở Việt Nam khi đi vào hiện đại hóa “Nho giáo đang phải được chú ý ở mặt là sức cản của xu hướng phát triển. Đồng thời, tìm những khả năng để lợi dụng những ảnh hưởng nó đang để lại trong thực tế”. Tác giả cho rằng, tình hình ngày nay đã đổi khác, khi các nước đang mở cửa giao lưu, hội nhập vào thế giới, các dân tộc vươn tới những giá trị toàn nhân loại thì những lý tưởng làm người, tu thân để đạt đến nhân nghĩa, tề gia để đạt đến cuộc sống hòa thuận an vui… có những ý nghĩa tích cực chứ không chỉ dẫn đến trì trệ, ảo tưởng. Tuy nhiên, ông cũng thể hiện sự lo lắng trong việc tiếp thu, kế thừa những giá trị của Nho giáo: “đối với Việt Nam, cái Nho giáo để lại trong thực tế - ở tình trạng đã phân giải - còn là quá nhiều - kế thừa, phát huy rất dễ gây ra tái sinh, quay lại cái cũ”. Trong cuốn Nho giáo và phát triển ở Việt Nam của Vũ Khiêu, ở chương III, tác giả nêu vấn đề: Có thể rút ra bài học gì từ tư tưởng trị nước của Nho giáo? Tác giả cuốn sách cho rằng: “Tư tưởng Đức trị và Pháp trị thời phong kiến đều chỉ có tính chất phiến diện. Những tư tưởng ấy đều là những biện pháp khác nhau của giai cấp phong kiến sử dụng để lừa bịp và đàn áp nhân dân mà thôi” và khẳng định: “Trên con đường tiến hóa của nhân loại và của các dân tộc Đông Á, sự thống nhất của đạo đức và pháp luật chỉ có thể
  • 27. 23 thực hiện trong một xã hội dân chủ và nhân đạo trên cơ sở lợi ích của toàn thể nhân dân” [45, tr.129]. Trong bài “Phong tục và nếp sống của xã thôn Việt Nam dưới sự tác động của Nho giáo” của Nguyễn Đức Sự in trong cuốn Nông thôn Việt Nam trong lịch sử [115], qua việc phân tích sự thâm nhập của Nho giáo vào xã thôn Việt Nam cùng những nhân tố cản trở quá trình ấy, tác giả cho rằng, dù Nho giáo không còn tồn tại với bộ mặt đích thực của nó, nhưng những tàn dư, dấu vết Nho giáo trong phong tục tập quán và nếp sống ở xã thôn Việt Nam vẫn tồn tại ngoan cố và dai dẳng. Theo tác giả, để khắc phục ảnh hưởng của những tàn dư đó, cần có sự phấn đấu kiên trì của nhân dân trong quá trình thực hiện ba cuộc cách mạng: cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học kỹ thuật và cách mạng tư tưởng văn hóa, trong đó cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt. Trong cuốn Học thuyết pháp trị Trung Hoa cổ đại - Giá trị tham khảo trong quản lý xã hội ở Việt Nam hiện nay của Đỗ Đức Minh [87], tác giả mặc dù không bàn nhiều về tư tưởng trị quốc Nho giáo, song cũng có sự so sánh sự khác nhau giữa quan điểm trị quốc của Nho gia với quan điểm trị quốc của các đại biểu thuộc trường phái Pháp gia trên một số điểm cơ bản. Trên cơ sở đó, tác giả cuốn sách cũng chỉ ra những yêu cầu, một số nguyên tắc và những điều gợi mở trong việc tiếp thu có chọn lọc những giá trị của học thuyết pháp trị Trung hoa cổ đại. Đó là những nội dung mà tác giả luận án có thể tham khảo để rút ra cách tiếp cận cho việc giải quyết mục tiêu, nhiệm vụ của mình. Trong cuốn Ảnh hưởng của Nhân - Lễ trong Nho giáo đối với đời sống đạo đức ở Việt Nam hiện nay của Phan Mạnh Toàn [136], tác giả có đề cập đến phương hướng và một số giải pháp cơ bản nhằm phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của Nhân - Lễ đối với đời sống đạo đức ở Việt Nam hiện nay. Về phương hướng, tác giả cho rằng: Học tập phương pháp biện chứng của Hồ Chí Minh trong việc sử dụng những phạm trù Nhân -
  • 28. 24 Lễ của Nho giáo; Bảo đảm sự thống nhất giữa kế thừa, lọc bỏ với đổi mới, phát triển những giá trị của Nhân - Lễ trong quá trình giáo dục đạo đức. Về giải pháp, tác giả đề xuất: Khắc phục những mặt trái của kinh tế thị trường, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa; Coi trọng việc kế thừa giá trị và khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của Nhân - Lễ trong quá trình xây dựng các mối quan hệ trong gia đình ở nước ta hiện nay; Cải tạo các phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng những tập quán mới, tạo môi trường văn hóa tinh thần lành mạnh trong xã hội; Thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội, giáo dục ý thức sống và làm theo pháp luật trong nhân dân. Đây là những nội dung mà tác giả luận án có thể tham khảo để rút ra những quan điểm của mình khi đề xuất phương hướng và giải pháp phát huy ảnh hưởng tích cực, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của tư tưởng trị quốc Nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay. Trong luận án tiến sĩ triết học “Ảnh hưởng tiêu cực của tư tưởng phong kiến trong cán bộ lãnh đạo, quản lý và phương hướng khắc phục” của Nguyễn Bình Yên, tác giả cho rằng phải tập trung giải quyết ba vấn đề quan trọng, đó là: Đổi mới kinh tế gắn liền với cải biến phong tục tập quán lạc hậu; Dân chủ hóa trong toàn xã hội đi đôi với dân chủ hóa trong sinh hoạt Đảng; Tiếp tục đổi mới công tác cán bộ. Mặc dù tư tưởng trị quốc Nho giáo không đồng nhất với tư tưởng phong kiến, song dấu ấn của Nho giáo nói chung, tư tưởng trị quốc Nho giáo nói riêng trong tư tưởng phong kiến nước ta là không thể phủ nhận. Vì vậy, những quan điểm và nhận định của tác giả, những phương hướng mà tác giả đề xuất là những nội dung mà tác giả luận án có thể tham khảo cho việc giải quyết nhiệm vụ của mình. 1.4. KHÁI QUÁT KẾT QUẢ CÁC CÔNG TRÌNH ĐÃ TỔNG QUAN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ LUẬN ÁN CẦN TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU Trên đây là những công trình nghiên cứu tiêu biểu liên quan một cách trực tiếp hoặc gián tiếp đến đề tài luận án. Ngoài ra còn rất nhiều tài liệu khác mà trong khuôn khổ có hạn, tác giả luận án không có điều kiện phân tích hết.
  • 29. 25 Về những công trình nghiên cứu liên quan đến tư tưởng trị quốc Nho giáo, các tác giả trong và ngoài nước đã nghiên cứu ở nhiều phương diện với những cách tiếp cận khá đa dạng. Có những công trình nghiên cứu các vấn đề liên quan đến tư tưởng trị quốc thể hiện qua những đại biểu cụ thể, riêng biệt, như: Khổng Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử...; hoặc theo các giai đoạn nhất định trong tiến trình phát triển của Nho giáo, như: Nho giáo sơ kỳ, Hán Nho, Tống Nho... Mỗi cách tiếp cận đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định của nó. Trong luận án, tác giả lựa chọn cách tiếp cận của riêng mình, đó là theo chiều dọc của vấn đề. Nội dung của tư tưởng trị quốc Nho giáo được tác giả luận án xem xét trên ba lát cắt chủ đạo: Mục tiêu trị quốc, đường lối trị quốc và chủ thể trị quốc. Về những công trình nghiên cứu liên quan đến vấn đề ảnh hưởng của tư tưởng trị quốc Nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu cũng có những quan niệm và đánh giá khá đa chiều từ những góc độ khác nhau. Nhiều công trình xuất phát từ việc nghiên cứu ảnh hưởng của Nho giáo trong lịch sử phong kiến Việt Nam để nhận định về những ảnh hưởng của nó trong xã hội Việt Nam hiện nay trên một số phương diện, trong đó có vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền. Nhìn chung, các công trình đều khẳng định ảnh hưởng có tính hai mặt của Nho giáo nói chung, tư tưởng trị quốc nói riêng đến xã hội và con người Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, số lượng những công trình nghiên cứu liên quan trực tiếp đến vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền chưa nhiều và chưa hệ thống. Kế thừa những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đi trước, tác giả luận án tập trung phân tích ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của tư tưởng trị quốc Nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay trên một số phương diện chủ yếu, đồng thời luận giải những nguyên nhân của hiện trạng đó.
  • 30. 26 Về những công trình nghiên cứu liên quan đến phương hướng, giải pháp phát huy ảnh hưởng tích cực và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của tư tưởng trị quốc Nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, có công trình xuất phát từ việc nhấn mạnh các giá trị của Nho giáo nên đề cao việc kế thừa, phát huy những ảnh hưởng tích cực của nó; có nhà nghiên cứu xuất phát từ việc chỉ ra những hạn chế, lạc hậu của học thuyết này nên nhấn mạnh việc lọc bỏ hạn chế, khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với tiến trình xây dựng đất nước và con người Việt Nam. Tác giả luận án quan niệm, tư tưởng trị quốc Nho giáo vừa có giá trị nhất định song cũng mang không ít hạn chế nên sẽ có ảnh hưởng cả tích cực lẫn tiêu cực. Vì vậy, phải tính đến tác động hai mặt của nó trong việc đề xuất phương hướng và giải pháp để có thể phát huy ảnh hưởng tích cực và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của tư tưởng trị quốc Nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. Tóm lại, với những tài liệu đã được tổng quan ở trên cho thấy, do nhiệm vụ, mục tiêu và cách tiếp cận khác nhau, nên các nhà nghiên cứu đã có sự quan tâm tìm hiểu những nội dung khác nhau trong học thuyết Nho giáo nói chung, tư tưởng trị quốc trong học thuyết đó nói riêng, nhưng chưa có công trình nào tập trung bàn luận có hệ thống và chuyên sâu về ảnh hưởng của tư tưởng trị quốc Nho giáo đối với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, đó là những công trình nghiên cứu có giá trị của các nhà khoa học đi trước, giúp tác giả luận án có thêm những tư liệu, những cơ sở khoa học để tiếp tục đi sâu nghiên cứu những nội dung thuộc chủ đề luận án của mình. Trên cơ sở kế thừa những yếu tố hợp lý trong các công trình của những nhà khoa học đi trước, luận án tập trung đi sâu nghiên cứu và giải quyết những vấn đề sau: Một là, khái quát một cách có hệ thống về cơ sở hình thành, nội dung chủ yếu trong tư tưởng trị quốc của Nho giáo Trung Quốc; sự du nhập và biến đổi nội dung của nó trong Nho giáo Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử tiêu biểu.
  • 31. 27 Hai là, phân tích ảnh hưởng mang tính hai mặt của tư tưởng trị quốc Nho giáo đến việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay cùng những nguyên nhân của thực trạng đó. Ba là, đề xuất phương hướng và những giải pháp chủ yếu nhằm phát huy ảnh hưởng tích cực và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của tư tưởng trị quốc Nho giáo đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Tác giả luận án hy vọng, với việc tiếp tục đi sâu nghiên cứu, luận giải những vấn đề trên, luận án sẽ góp thêm một cách tiếp cận và có thêm những đóng góp mới về một khoảng trống trong nghiên cứu về Nho giáo và ảnh hưởng của nó trong xã hội Việt Nam hiện nay.
  • 32. 28 CHƯƠNG 2 TƯ TƯỞNG TRỊ QUỐC NHO GIÁO 2.1. CƠ SỞ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG TRỊ QUỐC NHO GIÁO 2.1.1. Điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội Bất kể tư tưởng, học thuyết nào cũng được hình thành trong một hoàn cảnh, điều kiện lịch sử nhất định. Hoàn cảnh, điều kiện lịch sử nào sẽ cho ra đời tư tưởng học thuyết tương ứng. Nho giáo nói chung, tư tưởng trị quốc Nho giáo nói riêng cũng là sản phẩm tất yếu của lịch sử Trung Hoa thời Xuân Thu - Chiến quốc. Về kinh tế, đồ sắt thời kỳ này được sử dụng phổ biến, nghề luyện sắt, chế tạo công cụ lao động bằng sắt phát triển. Cùng với việc chế tạo và sử dụng công cụ lao động bằng sắt, người Trung Quốc thời kỳ này còn biết sử dụng sức kéo của súc vật, biết dùng súc vật làm công cụ lao động trong sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, họ còn chú trọng làm thủy lợi phục vụ cho cấy trồng, sản xuất ra của cải vật chất. Với sự xuất hiện và sử dụng phổ biến công cụ lao động bằng sắt đã góp phần làm cho sản xuất nông nghiệp phát triển, đồng thời cũng thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế khác, như thủ công nghiệp và thương nghiệp. Nhiều thành thị buôn bán khá sầm uất đã lần lượt ra đời như Hàm Dương, Hàm Đan, Lâm Tri... Hoạt động thương nghiệp, buôn bán trong thời Xuân Thu - Chiến quốc phát triển đã dẫn đến sự ra đời đội ngũ nhà buôn lớn có nhiều tiền. Tiền tệ đã làm xuất hiện nạn cho vay nặng lãi, trao đổi hàng hóa, trả công lao động bằng tiền, nộp thuế bằng tiền. Sản xuất phát triển đã dẫn đến những biến đổi to lớn trong các quan hệ xã hội, giai cấp. Thời Tây Chu, đất đai dưới gầm trời Trung Quốc, đâu đâu cũng là đất của thiên tử nhà Chu. Nhưng do sản xuất kinh tế phát triển, nhiều thế lực xã hội giàu mạnh lên, không hoàn toàn chịu sự ban cấp đất đai của vua thiên tử như trước nữa. Họ đã chiếm dụng đất đai của thiên tử cho riêng mình,
  • 33. 29 đồng thời thôn tính lẫn nhau để giành đất, giành dân. Không chỉ các chư hầu thôn tính lẫn nhau mà có những vua chư hầu thế lực suy yếu dần, các đại phu có thế lực nổi lên tranh giành, tiếm quyền, chiếm đất, biến thành đất đai riêng của họ. Chế độ đất đai trong xã hội cũng có sự thay đổi lớn do nền sản xuất, kinh tế phát triển. Trước đây, toàn bộ ruộng đất là của vua, vua ban cho bề tôi tùy theo công lao, chức tước. Nay, nhiều người trở nên giàu có do sản xuất, buôn bán, cho vay lấy lãi nên có điều kiện mua đất đai làm tài sản sở hữu riêng. Trước đây trong xã hội có chế độ tỉnh điền. Tức là ruộng đất được chia cắt ra giống như chữ “tỉnh” gồm hai nét ngang, một nét phẩy và một nét sổ, được chia ra thành 9 phần, thì 8 phần xấu xung quanh chia cấp cho thường dân, phần thứ 9 ở giữa tốt đẹp nhất dân phải cấy trồng, thu hoạch rồi cống nộp cho các quan chức trong xã hội, gọi là cho việc công. Chế độ tỉnh điền thời kỳ này đang đi đến chỗ tan rã hoàn toàn. Lúc này ruộng đất ngày một vào tay những địa chủ lớn, tiền của nhiều, nông dân càng lúc càng mất dần ruộng đất, có người không còn thước đất cắm dùi. Xã hội Trung Quốc cổ đại thời Xuân Thu, Chiến quốc đã có sự phân hóa rõ và trở nên đối cực. Trước đây cùng là hạng người dân lao động, vai trò vị trí ngang bằng nhau, thì bây giờ số đông dân chúng trở nên cùng đinh; nhiều người có sự thay đổi cực lớn và nhanh, họ thành những đại địa chủ, do thông thạo, khéo mua bán đất và trao đổi hàng hóa, họ còn là những thương nhân thật sự, làm thành tầng lớp địa chủ kiêm thương nhân trong xã hội. Số đông dân nghèo không có ruộng đất phải lĩnh canh đất của địa chủ để cấy trồng, phải phụ thuộc vào giai cấp, tầng lớp địa chủ kiêm thương nhân ấy. Sản xuất, kinh tế phát triển, hàng hóa nhiều lên là tiền đề dẫn đến lưu thông hàng hóa phát triển, do đó, xuất hiện tầng lớp những nhà buôn lớn trong xã hội: “Cuối thời Chiến quốc, nhà buôn kiêm địa chủ nổi tiếng nhất là Lã Bất Vi ở nước Triệu, một người đã bỏ ra một nghìn cây vàng để buôn vua, và về sau trở thành thừa tướng của nước Tần” [100, tr.144].
  • 34. 30 Thời kỳ Xuân Thu, Chiến quốc, giai cấp nô lệ ở Trung Quốc cũng ít nhiều thay đổi. Nô lệ phạm tội hoặc phá sản phải bán vợ con, hoặc bản thân mình làm nô lệ. Nô lệ vẫn bị áp bức, bóc lột, bị đánh đập tàn nhẫn như trước, nhưng hiện tượng chôn sống nô lệ theo chủ chết vào thời này bị cho là phi lý nên đã giảm đi nhiều, giá nô lệ cũng đắt hơn thời trước. Về chính trị, xã hội, thời Xuân Thu - Chiến quốc trên đất nước Trung Quốc cổ đại cũng có nhiều biến cố, sự kiện trọng đại. Nhà Chu trong khoảng 4 thế kỷ, từ thế kỷ XI trước công nguyên đến năm 771 trước công nguyên đóng đô ở phía Tây là thời kỳ cường thịnh. Đến thời Đông Chu thì ngày càng suy yếu. Ngược lại, một số nước chư hầu của nhà Chu trước đây vốn nhỏ yếu buộc phải thần phục, triều cống nhà Chu, thì nay ngày một lớn mạnh, họ tiến hành chiến tranh nhằm giành quyền làm bá chủ. Lịch sử có sự diễn tiến theo quy luật của nó. Nước Tần trước đây đến đầu thời Chiến quốc còn là nước tương đối lạc hậu. Nhưng vua Tần với chủ trương tăng cường trật tự trị an, khuyến khích sản xuất nông nghiệp, làm cho quốc gia ngày một cường thịnh, phát triển. Thêm nữa, ông khuyến khích quân, tướng lập công. Bất cứ ai chém lấy được một đầu giặc thì đều được thưởng tước một cấp, được cấp lương bổng. Ông cho quan, tướng được nô lệ, được hưởng nhiều hay ít, cao hay thấp, mặc quần áo sang, đẹp như thế nào đều dựa vào chức tước. Nhờ thưởng phạt rõ ràng mà pháp lệnh của vua được thi hành nghiêm minh. Nước Chu ngày càng nhỏ bé và đến giữa thế kỷ III trước công nguyên, cùng với nhiều nước nhược tiểu khác như Hàn, Triệu, Ngụy, Sở, Yên, Tề đều bị nước Tần hùng mạnh tiêu diệt. Đến năm 221 trước công nguyên, nước Tần hùng mạnh đã thống nhất Trung Quốc, kết thúc một thời đại hỗn loạn. Có thể nói, từ thế kỷ XI đến thế kỷ VIII trước công nguyên, xã hội Trung Quốc cổ đại còn tương đối ổn định. Nhưng các nước chư hầu ngày một phát triển mạnh vì thế, đến thời Xuân Thu, từ thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ V trước
  • 35. 31 công nguyên đã có biểu hiện, hành động chống lại nước lớn, quyền hành của vị vua nước lớn được mệnh danh là thiên tử, trong xã hội có nhiều hoạt động tranh giành, chém giết nhau để đoạt được ngôi vị, bổng lộc. Những hiện tượng như bề tôi giết vua, con giết cha, em giết anh thường xuyên xảy ra. Đây là thời kỳ trật tự xã hội có nhiều biến đổi, đảo lộn, đạo đức xuống cấp nghiêm trọng, các quy chế của xã hội thời Tây Chu bị phá hoại. Đời sống của nhân dân trong một đất nước bất ổn định về chính trị, xã hội và đạo đức như thế, đã trở nên vô cùng cực khổ. Các nhà nghiên cứu sử học đã nhận định: “Chính hoàn cảnh lịch sử xã hội ấy đã sản sinh ra những nhà tư tưởng muốn làm thay đổi tình hình, trong đó tiêu biểu nhất là Lão Tử và Khổng Tử” [100, tr.147]. Tóm lại, những biến đổi sâu sắc về kinh tế, chính trị, xã hội thời kỳ này cho thấy, trật tự xã hội được tổ chức theo mô hình thể chế nhà Chu đã lỗi thời, mất sức sống, không thích ứng nổi trước những diễn biến phức tạp của lịch sử. Trước thực tế đó, nhiều trào lưu tư tưởng đương thời hướng đến việc lý giải nguyên nhân trật tự xã hội rối loạn, từ đó tìm kiếm mô hình xã hội lý tưởng và con đường ổn định trật tự xã hội đương thời. Tư tưởng trị quốc Nho giáo ra đời trong bối cảnh lịch sử đầy biến động đó. 2.1.2. Những tiền đề văn hóa, tư tưởng Không một học thuyết nào ra đời từ hư vô mà bao giờ cũng mang tính kế thừa trong sự hình thành, phát triển. Nho giáo nói chung, tư tưởng trị quốc Nho giáo nói riêng cũng không ngoại lệ. Trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc, thể loại văn học phát triển sớm nhất thời cổ đại là thơ ca. Tác giả của nó là những người dân lao động. Lao động làm nảy sinh văn học nghệ thuật. Tác giả của loại hình văn học này còn là những người có học trong giai cấp thống trị. Vua chúa và vua các nước chư hầu là người chú trọng hoạt động văn học nghệ thuật, thường sai các vị quan phụ trách về âm nhạc của triều đình sưu tầm thơ ca từ các địa phương trong nước về phổ nhạc, Vì thế, từ đầu thời Tây Chu đến giữa thời Xuân Thu, thơ ca dân gian Trung Quốc cổ đại đã được sưu tập lại thành một tác phẩm gọi là
  • 36. 32 Thi. Người Trung Hoa rất tự hào về tác phẩm văn học dân gian ấy. Trên cơ sở tác phẩm văn học dân gian đó, Khổng Tử đã chỉnh lý lại, san định làm thành Kinh thi - một trong những bộ kinh điển quan trọng của Nho giáo. Về vấn đề này, kết quả nghiên cứu của Bửu Cầm đã làm rõ. Theo ông, “những bài ca dao trong Kinh thi đã được các nhà cầm quyền ở Trung Quốc sưu tầm trước đời Khổng Tử. Nguyên nhan đề sách ấy là Thi chứ không phải là Kinh; người sau thêm vào chữ Kinh là vì cho rằng sách đó đã được Khổng Tử san định” [140, tr.18]. Bửu Cầm dẫn lời của Tư Mã Thiên trong Sử ký: “Khổng Tử đã đem ba trăm lẻ năm thiên trong Kinh thi ra mà đàn ca”, và ông khẳng định: “Thế là Khổng Tử đã từng nghiên cứu âm nhạc và đem thi ca phổ thành nhạc khúc. Việc Khổng Tử san định Kinh thi cũng có thấy chép trong thiên “Khổng Tử thế gia” sách Sử ký” [140, tr.18]. Kinh thi là tác phẩm văn học nghệ thuật vĩ đại, thể hiện, chuyển tải nhiều nội dung tư tưởng lớn, quan trọng của Nho giáo. Trong đó bao hàm không ít quan niệm, tư tưởng tích cực, tiến bộ phản đối chủ trương, hành động trung quân một cách mù quáng như: chôn sống người hiền tài theo vua lúc vua chết để hầu hạ vua tại cõi âm. Chẳng hạn, bài ca dao được Khổng Tử san định, phổ nhạc nói về vua “Tần Mục công chết, ba người con họ Tử Xa bị chôn sống theo đều là người hiền tài của nước Tần” [140, tr.481]; phê phán kịch liệt một vị vua nước Tề lấy cớ đến thông dâm với “phu nhân của Lỗ Hoàn công” [140, tr.379]. Bên cạnh đó, sự ra đời của Nho giáo nói chung, tư tưởng trị quốc Nho giáo nói riêng còn trên cơ sở kế thừa những tư tưởng về chính trị, đạo đức, tôn giáo trong lịch sử tư tưởng trước đó, nhất là những tư tưởng này ở thời Chu. Dưới triều đại Ân Thương và Tây Chu, thế giới quan duy tâm, tôn giáo chiếm địa vị chi phối trong đời sống tinh thần của xã hội. Cũng giống như nhiều dân tộc khác thời cổ đại, họ xem trời như một lực lượng tối cao, có ý chí, có quyền lực vô biên. Họ quan niệm sự sinh thành, biến hóa của mọi sự vật hiện tượng trong đời sống cũng như cuộc đời con người đều do ý chí của Thượng đế, do thiên mệnh, quỉ thần chi phối. Mọi hiện tượng tự nhiên như
  • 37. 33 mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt hay ngược lại, cho đến những hiện tượng xã hội như triều đại thịnh suy, bệnh dịch tai ương, thọ yểu, giàu nghèo... đều phụ thuộc vào Thượng đế anh minh, quỉ thần vi diệu. Họ còn tin người ta có thể thông đạt cùng thượng đế và quỉ thần bằng những lễ nghi cúng tế, bói toán. Sự mê tín tôn giáo có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội và giai cấp quí tộc đương thời đã lợi dụng nó để phục vụ cho những mục tiêu chính trị. Những tư liệu lịch sử cho thấy, ở thời Chu, quan niệm kính trời, thờ thượng đế, thờ thần tổ tiên đã tồn tại. Bên cạnh đó, tư tưởng về “mệnh trời”, hợp mệnh trời cũng đã xuất hiện và các nhà tư tưởng trong giới quí tộc nhà Chu đã dùng nó để biện minh cho tính hợp lý trong sự thống trị của mình. Họ khẳng định, vì nhà Chu được nhận mệnh trời mà được hưởng nước hưởng dân từ nhà Ân. Do đó, kẻ nào dám chống mệnh trời ấy thì vua nhà Chu được quyền thay trời mà chinh phạt. Đọc trong Kinh Thư chúng ta sẽ thấy những tư tưởng về nhận dân, hưởng dân, trị dân đã được phủ lên những quan niệm duy tâm tôn giáo thần bí. Tuy nhiên, bên cạnh những tư tưởng duy tâm, thần bí cũng đã xuất hiện những quan niệm thể hiện yếu tố tiến bộ, duy vật, vô thần. Trước những biến đổi của thực tiễn, sự khủng hoảng trong đời sống xã hội đã làm nảy sinh sự nghi ngờ về vai trò của Thượng đế, của mệnh trời. Từ chỗ tin vào Thượng đế như một lực lượng tối cao, có nhân cách, được tin tưởng và sùng kính, người ta hoài nghi, oán giận. Từ sự hoài nghi, oán giận Thượng đế, người ta đi đến kết tội, lên án sự xấu xa, bạo ngược của những kẻ được nhận mệnh trời để trị nước trị dân, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của dân trong đời sống chính trị xã hội. Trong Kinh Thư có nhiều chỗ nói lên điều đó, như: “dân muốn gì trời cũng phải theo”, “trời nhìn tự dân ta nhìn”, “trời nghe tự dân ta nghe”... Nho giáo nói chung, tư tưởng trị quốc Nho giáo nói riêng ra đời trên cơ sở tiếp thu những tư tưởng về đạo đức, chính trị, tôn giáo đã có trước nó để giải đáp những vấn đề mà thực tiễn xã hội đang đặt ra. Mặt khác, sau khi ra đời, Nho giáo có quá trình tồn tại và phát triển qua các giai đoạn lịch sử khác
  • 38. 34 nhau và gắn với chế độ xã hội phong kiến đang trong quá trình hình thành, phát triển. Vì thế, nội dung của học thuyết ấy cũng có sự đổi thay, bổ sung, thêm bớt trong mỗi thời kỳ lịch sử cụ thể. 2.2. TƯ TƯỞNG TRỊ QUỐC CỦA NHO GIÁO TRUNG QUỐC 2.2.1. Quan niệm của Nho giáo về “gia”, “quốc” và “trị quốc” Trong các kinh điển Nho giáo, mặc dù nó bàn nhiều về việc trị quốc nhưng không thấy một định nghĩa cụ thể nào về “quốc” (nước). Các nhà sáng lập Nho giáo có bàn về qui mô lớn nhỏ của nước, như “nước có ngàn cỗ xe”, “nước có sáu, bảy chục dặm”... nhưng ý niệm về nước chưa thực sự rõ ràng. Đôi khi, khái niệm đó còn được dùng thay thế bằng những khái niệm khác tương tự, như khái niệm “bang”... Tuy nhiên, qua sự so sánh về mối tương quan giữa nước với nhà và thiên hạ trong các kinh truyện Nho giáo, có thể hiểu trong quan niệm của các nhà nho, gia (nhà), quốc (nước) và thiên hạ là những loại hình đồng dạng, giống nhau về bản thể và tính chất, chỉ khác về phạm vi và qui mô lớn nhỏ. Nước là sự mở rộng qui mô của nhà, thiên hạ là sự mở rộng về qui mô của nước. Điều đó đã được Mạnh Tử khái quát: Thiên hạ gốc ở nước, nước gốc ở nhà (Thiên hạ chi bản tại quốc, quốc chi bản tại gia) [trích theo Mạnh Tử, Ly lâu, thượng]. Do đó, muốn bình thiên hạ phải trị được quốc, muốn trị được quốc trước hết phải yên được nhà. Điều này được Phan Bội Châu phân tích và giải thích khá rõ trong Khổng học đăng: “Nhà tức là cái nước nhỏ, nước tức là cái nhà to”, và “tề, trị chỉ có một lẽ, “gia”, “quốc” chung nhau một gốc” [13, tr.171]. Nho giáo bàn về nước nhưng không bàn từ góc độ sản xuất vật chất mà chủ yếu bàn từ góc độ chính trị, đứng trên phương diện đạo đức, chính trị để nhìn nhận, phán xét. Vì thế, về thực chất, nó chủ yếu quan tâm đến vấn đề trị quốc, cố gắng đi tìm con đường, cách thức cai trị đất nước và đào tạo chủ thể làm nhiệm vụ đó nhằm hướng đến mục tiêu là xây dựng một mô hình xã hội lý tưởng. Điều đó được thể hiện khá rõ trong ba cương lĩnh và
  • 39. 35 bát điều mục của sách Đại học, một tác phẩm quan trọng cấu thành bộ Tứ thư của Nho giáo. Ba cương lĩnh đó là, thứ nhất, “Minh minh đức”, tức là “phát huy đức sáng, tính tốt, tính thiện của nhân dân, yêu cầu giai cấp thống trị phát huy quan niệm đạo đức, luân lý truyền thống Nho gia để duy trì trật tự xã hội” [37, tr.13]. Thứ hai là “Tân dân”, tức là “đổi mới lòng dân, đổi mới cách suy nghĩ của dân, bỏ cũ thay mới, bỏ ác theo thiện, yêu cầu mọi người thực hiện đạo đức của Nho gia” [37, tr.13]. Thứ ba, thực hiện “Chỉ ư chí thiện”, tức là “đạt đến đạo đức hoàn thiện nhất”. Vì, theo Nho gia, “chỉ khi nào việc tu dưỡng đạo đức của con người đạt đến mức độ hoàn thiện nhất, thì nước mới được hưng thịnh, phát đạt, không còn tiềm ẩn nguy cơ bị diệt vong” [37, tr.13-14]. Bát điều mục là tám bước phải thực hiện, cụ thể: Một là “cách vật”, nghĩa là phải nghiên cứu thấu đáo sự vật. Hai là “trí tri”, nghĩa là hiểu biết phải sâu sắc, có kiến thức rõ ràng. Ba là “thành ý”, tức là ý nghĩ thành thật với chính bản thân mình. Bốn là phải “chính tâm” giữ cho lòng dạ ngay thẳng. Năm là phải “tu thân”, sửa chữa mình trở thành người tốt. Sáu là phải “tề gia”, tức là chỉnh đốn, sắp xếp tốt việc nhà. Bảy là “trị quốc”, tức là làm cho đất nước yên ổn. Tám là “bình thiên hạ”, tức là làm cho thiên hạ thái bình [37, tr.13-14]. Những chi tiết, quan niệm, chủ trương kể trên của Nho giáo, chứng tỏ học thuyết này dùng khái niệm “gia” với nghĩa là nhà, khái niệm “quốc” với nghĩa là một nước dưới gầm trời, tức là một nước trong “thiên hạ”; “thiên hạ” là dưới gầm trời, gồm nhiều nước; “quốc”, chỉ là một phần trong “thiên hạ”, chứ không phải là toàn bộ “thiên hạ”. Theo Nho giáo, muốn bình thiên hạ, tức là làm cho thiên hạ thái bình thì trước hết phải trị được nước mình (trị quốc). “Trị quốc”, theo Nho giáo, là làm cho đất nước yên ổn, an bình. Đấy là quan niệm, đồng thời là chủ trương của Nho giáo. Muốn trị quốc được thì trước đó phải tề gia, tức là sửa sang, chỉnh đốn việc nhà. Nho giáo lý giải tiếp: muốn tề gia thì phải tu thân, tức là sửa mình thành người tốt.
  • 40. 36 Khổng Tử còn bàn kỹ về trị quốc. Theo ông, trị quốc là hoạt động tổng hợp gồm nhiều hoạt động theo những khuôn mẫu của đạo Nho. Khi Nhan Uyên hỏi thầy về đạo trị nước, Khổng Tử giảng giải: “Dùng lịch pháp của nhà Hạ, ngồi xe nhà Ân, đôi mũ miện của nhà Chu, âm nhạc thì theo nhạc Thiều Vũ. Cấm triệt để âm nhạc của nước Trịnh, xa lánh kẻ tiểu nhân nịnh hót; vì âm nhạc của nước Trịnh dâm dật, kẻ tiểu nhân rất nguy hiểm” [37, tr.437]. Theo Khổng Tử năm vấn đề trên đây, đó là (về lịch pháp, về giao thông, về lễ nhạc và phép trị nước, về văn hóa lối sống, về con người) có ý nghĩa rất lớn đến sự hưng thịnh hoặc suy vong của một quốc gia. Và, một quốc gia có ổn định hay không, chính quyền được củng cố hay không, mấu chốt là ở chỗ dùng người. Nếu dùng người tài đức, ngay thẳng thì nước hưng thịnh, dùng kẻ tiểu nhân mưu mô quỷ kế thì đất nước sẽ lâm nguy. Về nhân tố, vai trò của con người trong việc trị quốc, Mạnh Tử đã nhiều lần nhấn mạnh, phát triển quan điểm, chủ trương của Khổng Tử. Mạnh Tử nói, trong công việc trị quốc, “người hiền tài được tôn trọng, người tài giỏi được sử dụng, người kiệt xuất được ở vị trí xứng đáng thì mọi nhân sĩ trong thiên hạ đều thỏa mãn, phục vụ triều đình hết lòng” [37, tr.599]. Trong việc trị quốc, Mạnh Tử rất coi trọng vấn đề đạo đức. Ông nói “lấy nhân nghĩa mà đối đãi với nhau”, làm được như vậy thì quốc gia sẽ hưng thịnh [37, tr.757]. Công việc trị quốc, theo Nho giáo, không chỉ chú trọng vấn đề đạo đức và các công việc nói trên, mà còn phải quan tâm thực thi cả pháp luật. Thầy trò Khổng Tử chủ trương làm theo lời chỉ giáo trong Kinh Thi và được dẫn lại trong Đại học như sau: “nếu được lòng dân là được nước, mất lòng dân là mất nước”, nếu “để sơ suất một phân ly, không noi theo khuôn phép, tất sẽ bị nhân dân loại bỏ ngay” [37, tr.32]. Theo đây thì khuôn phép, tức là pháp luật cần được thực hiện đúng để không mất lòng dân trong hoạt động trị quốc, không chú trọng khuôn phép, luật pháp, sẽ mất lòng dân, vì thế, tất yếu sẽ mất nước.
  • 41. 37 2.2.2. Mục tiêu trị quốc trong quan niệm của Nho giáo Xuất phát từ thực tiễn xã hội rối loạn “vua không ra vua, tôi không ra tôi, cha không ra cha, con không ra con” của thời Xuân Thu - Chiến Quốc, như Khổng Tử đã từng than: “Cô bất cô, cô tai! Cô tai!” (Cái bình cũng không còn ra cái bình!). Vì vậy, cũng giống như nhiều học thuyết đương thời, mục tiêu cao nhất của Nho giáo nói chung, tư tưởng trị quốc Nho giáo nói riêng là nhằm tìm kiếm mô hình xã hội lý tưởng để thay thế cục diện đương thời. Nghĩa là, mục tiêu trị quốc của Nho giáo thể hiện tập trung qua quan niệm về mô hình xã hội lý tưởng. Trong quan niệm của các nhà sáng lập đạo Nho, mô hình xã hội lý tưởng với tư cách là mục tiêu trị quốc của Nho giáo mang những nét đặc trưng cơ bản sau: Một là, xã hội ổn định, có trật tự tôn ti theo đúng chuẩn mực của từng mối quan hệ. Xuất phát từ quan niệm cuộc đời vô cùng hỗn độn, không “chênh bên này” thì “lệch bên kia”, nên Nho giáo hướng đến việc lập lại kỷ cương, củng cố trật tự xã hội, làm cho “vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con”. Mặt khác, các nhà sáng lập Nho giáo muốn xây dựng nước giống mô hình của nhà, tạo lập các mối quan hệ xã hội tương tự các mối quan hệ gia đình với những tôn ti, trật tự, thứ bậc chặt chẽ. Trong cách nhìn của các nhà sáng lập Nho giáo, mỗi người trong xã hội đều ở một vị trí, một thứ bậc nhất định và mọi người đều phải tuân thủ nghiêm ngặt trật tự đó. Tất cả các mối quan hệ xã hội đa dạng, phong phú, được Nho giáo khái quát và nhấn mạnh năm mối chính (vua tôi, cha con, chồng vợ, anh em, bè bạn) - tức “ngũ luân”. Trong từng mối quan hệ, Nho giáo có những qui định khá chi tiết và chặt chẽ: Đối với quan hệ vua tôi thì: Quân sử thần dĩ lễ, thần sự quân dĩ trung (vua sai khiến bề tôi bằng lễ, bề tôi phụng sự vua phải trung) [trích theo Luận ngữ, Bát dật]. Đến Mạnh Tử, ông nhấn mạnh mối quan hệ hai chiều vua - tôi