SlideShare a Scribd company logo
1 of 235
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
Dương Tô Quốc Thái
SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG
NGÂN HÀNG TẠI NAM KỲ (1875 – 1945)
LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ
Thành phố Hồ Chí Minh – 2012
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
Dương Tô Quốc Thái
SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG
NGÂN HÀNG TẠI NAM KỲ (1875 – 1945)
Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam
Mã số: 60 22 54
LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS.TS HÀ MINH HỒNG
Thành phố Hồ Chí Minh – 2012
LỜI CÁM ƠN
Để hoàn thành được luận văn này, chúng tôi nhận sự giúp đỡ hết sức
nhiệt tình của quý thầy cô và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nhà trường.
Vì vậy chúng tôi xin gửi lời cám ơn sâu sắc đến:
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Minh Hồng, Trưởng Khoa Lịch sử, Trường
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chính Minh đã tận tình
hướng dẫn, giúp đỡ chúng tôi trong suốt thời gian qua để đề tài được hoàn
thành đúng tiến độ, theo quy định của nhà Trường.
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Minh, Trưởng bộ môn Thẩm định - Khoa Tín
dụng, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh đã giúp đỡ chúng
tôi rất nhiều về tư liệu lịch sử để chúng tôi viết thành luận văn này.
Quý thầy, cô Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ
Chí Minh đã truyền đạt cho chúng tôi những kiến thức khoa học hết sức cần
thiết để chúng tôi dùng làm cơ sở lý luận vận dụng vào nghiên cứu viết luận
văn này.
Phòng Sau Đại học, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh
đã tổ chức chương trình đào tạo Cao học để chúng tôi có điều kiện học tập,
nghiên cứu khoa học đóng góp công sức của mình vào sự phát triển chung của
bộ môn khoa học xã hội và nhân văn.
Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành
phố Hồ Chí Minh, các tác giả, nhà nghiên cứu của những công trình nghiên
cứu khoa học mà chúng tôi đã sử dụng trong nghiên cứu luận văn này.
Chúng tôi xin chân thành cám ơn.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 09 năm 2012
Dương Tô Quốc Thái
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan những gì ghi chép trong luận văn này, là hoàn toàn
do chúng tôi thực hiện. Các số liệu, hình ảnh, trích dẫn trong luận văn là trung
thực. Nếu có gian dối, chúng tôi xin chịu trách nhiệm hoàn toàn trước Hội
đồng Khoa học nhà Trường và trước pháp luật.
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 09 năm 2012
Học viên thực hiện
Dương Tô Quốc Thái
MỤC LỤC
LỜI CÁM ƠN .................................................................................. 3
LỜI CAM ĐOAN ............................................................................ 4
MỤC LỤC ........................................................................................ 5
DANH MỤC BẢNG SỐ LIỆU TRONG LUẬN VĂN................. 7
MỞ ĐẦU........................................................................................... 1
1. Lý do chọn đề tài và mục đích nghiên cứu ...................................................1
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề ............................................................................3
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu.................................................................8
4. Phương pháp nghiên cứu và nguồn tư liệu ...................................................8
5. Nguồn tài liệu nghiên cứu.............................................................................9
6. Đóng góp khoa học của luận văn................................................................10
7. Bố cục luận văn...........................................................................................11
CHƯƠNG 1: NHU CẦU THÚC ĐẨY SỰ RA ĐỜI CÁC NGÂN
HÀNG TẠI NAM KỲ (1875 - 1945) ............................................ 13
1.1. Những vấn đề chung về Ngân hàng.........................................................13
1.1.1. Khái niệm Ngân hàng .................................................................................13
1.1.2. Một số thuật ngữ về Ngân hàng..................................................................16
1.1.3. Điều kiện thành lập Ngân hàng ..................................................................18
1.2. Bối cảnh Nam kỳ cuối thế kỷ XIX...........................................................19
1.3. Những điều kiện thúc đẩy sự ra đời các tổ chức Ngân hàng ...................22
1.3.1. Về kinh tế....................................................................................................22
1.3.2. Về chính trị .................................................................................................30
1.3.3. Về an ninh - quốc phòng.............................................................................34
1.3.4. Về xã hội.....................................................................................................41
CHƯƠNG 2: SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN HỆ HỐNG
NGÂN HÀNG TẠI NAM KỲ (1875 -1945) ................................ 51
2.1. Sự thành lập Ngân hàng Đông Dương (Banque de l’Indochine).............51
6
2.1.1. Hoàn cảnh và sự ra đời của Ngân hàng Đông Dương tại Sài Gòn 1875....51
2.1.2. Cơ cấu tổ chức Ngân hàng Đông Dương....................................................68
2.2. Hoạt động của Ngân hàng Đông Dương ở Nam kỳ từ 1875-1945..........78
2.2.1. Sơ lược hoạt động nghiệp vụ Ngân hàng Đông Dương .............................78
2.2.2. Những nghiệp vụ của Ngân hàng Đông Dương .........................................83
2.3. Sự hình thành các Ngân hàng khác tại Nam Kỳ từ 1875-1945 .............115
2.3.1. The Hongkong and Shanghai Banking Corporation (HSBC) ..................116
2.3.2. The Chartered Bank..................................................................................118
2.3.3. Ngân hàng Pháp - Hoa (Banque Franco-Chinoise) ..................................119
2.3.4. Việt Nam Ngân hàng (Banque de Cochinchine) ......................................121
2.3.5. Chinh nhánh Ngân hàng Thương mại và Công nghiệp Pháp-Trung (Banque
Franco-Chinoise pour le Commerce et l'Industrie).............................................123
2.3.6. Chi nhánh ngân hàng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Pháp (Banque
Nationale pour Commerce et l'Industrie.............................................................124
2.3.7. Ngân hàng Truyền thông Trung Quốc (Communications banques
chinoises) ............................................................................................................126
CHƯƠNG 3: VAI TRÒ VÀ TÁC DỤNG CỦA HỆ THỐNG
NGÂN HÀNG TẠI NAM KỲ..................................................... 131
3.1. Vai trò của các ngân hàng đối với Nam Kỳ...........................................131
3.1.1. Đối với tài chính, tín dụng........................................................................131
3.1.2. Đối với khai thác kinh tế...........................................................................135
3.1.3. Đối với bộ máy chính quyền.....................................................................137
3.2. Tác dụng của hệ thống ngân hàng..........................................................145
3.2.1. Thúc đẩy phát triển tư bản chính quốc .....................................................145
3.2.2. Thúc đẩy khai thác thuộc địa....................................................................148
3.2.3. Thúc đẩy kinh tế, tài chính bản xứ ...........................................................151
KẾT LUẬN .................................................................................. 154
PHỤ LỤC ..................................................................................... 165
TÀI LIỆU THAM KHẢO .......................................................... 215
DANH MỤC BẢNG SỐ LIỆU TRONG LUẬN VĂN
Trang
Bảng 2.1: Số lượng tiền tệ phát hành và tồn quỹ kim khí đảm bảo
dùng trong lưu thông tiền tệ tại Đông Dương từ năm (1913-1920) 86
Bảng 2.2: Tỷ giá hối đối của đồng bạc Đông Dương so với các ngoại
tệ khác tại Sài Gòn (1939-1941) 87
Bảng 2.3: Chỉ số giá sinh hoạt của người Âu và người Việt tại hai
thành phố Sài Gòn và Hà Nội (1940-1945) 88
Bảng 2.4: Chỉ số bán lẽ các thực phẩm cơ bản tại hai thành phố Sài
Gòn và Hà Nội (1940-1945): 89
Bảng 2.5: Chỉ số bán sỉ các sản phẩm của Đông Dương (giá: 100 kg) 90
Bảng 2.6: Chỉ số giá bán sỉ tại thành phố Sài Gòn (1925-1941) 90
Bảng 2.7: Số lượng tiền giấy lưu hành trên lãnh thổ Đông Dương từ
(1876-1945): 93
Bảng 2.8: Các dịch vụ tài chính của ngân hàng Đông Dương (1919) 112
Bảng 2.9 : Danh sách các công ty tại Đông Dương có mặt trên thị
trường chứng khoán Paris (năm 1931) 129
Bảng 3.1: Các loại công thải (còn gọi là: công trái, trái phiếu chính
phủ) phát hành tại Đông Dương từ (1896-1939) 144
Bảng 3.2: Chỉ số giá sinh hoạt các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tại
Sài Gòn và Hà Nội (1940-1945) 147
Bảng 3.3: Cán cân ngoại thương Đông Dương thời kỳ (1929-1938) 152
1
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài và mục đích nghiên cứu
Cho đến ngày nay, vấn đề “tài chính”, “tín dụng” và “ngân hàng”
trong thời kỳ Pháp thuộc vẫn còn là một “khoảng trống” ít được các nhà
nghiên cứu quan tâm, tìm hiểu. Cũng vì lý do đó khi tiếp cận vấn đề trên,
không ít các nhà nghiên cứu đã không hiểu được cơ chế hoạt động của hệ
thống tài chính, tín dụng và ngân hàng nên việc các nhà nghiên cứu đưa ra
những nhận định, đánh giá thiếu khách quan và tương đối lệch lạc về hệ thống
này là điều khó tránh khỏi! Chính vì vậy vô hình đã làm cho mọi người không
mấy thiện cảm đối với tổ chức này của Pháp dựng lên trên đất nước ta.
Thêm vào đó các tài liệu có liên quan đến hệ thống tổ chức này đến nay
còn lại rất ít, lại viết không đầy đủ và hết sức rời rạc. Một số nằm ở trung tâm
lưu trữ của Pháp, số ít nằm ở các trung tâm lưu trữ của Việt Nam, Lào và
Campuchia. Số còn lại đã thất thoát ra bên ngoài hoặc bị đốt cháy do chiến
tranh, hỏa hoạn,… nên việc sưu tầm các tài liệu này là điều không hề dễ dàng.
Các tài liệu này đến nay phần lớn đã cũ và rách nát, một số đã được Nhà nước
ra lệnh thiêu hủy, số ít còn lại đang được chờ xử lý. Song song đó là sách, báo
các loại được bài bán trên thị trường hầu như rất ít đề cập đến hệ thống tài
chính, tín dụng và ngân hàng trong thời kỳ Pháp đô hộ nước ta.
Bên cạnh đó một số trường đại học của nước ta hiện nay như: Đại học
Ngân hàng, Đại học Kinh tế, Đại học Tài chính, Đại học Kế toán,… và kể cả
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng chưa có được tài liệu nào hoàn chỉnh đề
cập đến hệ thống tài chính, tín dụng và ngân hàng trong thời kỳ Pháp thuộc và
nếu có chăng thì cũng chỉ nói khái quát và vắn tắt mà thôi! Các trường Đại
học hiện nay chỉ chú trọng đến công tác đào tạo “nghiệp vụ” cho sinh viên,
2
chứ không quan tâm lắm tới việc nghiên cứu hệ thống tài chính, tín dụng và
ngân hàng trong thời quá khứ. Đây là một thiếu sót hết sức nghiêm trọng và
ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Trong khi đó ở một số nước phát triển,
việc nghiên cứu và giảng dạy hệ thống tài chính, tín dụng và ngân hàng trong
thời quá khứ rất được Chính phủ và các trường đại học quan tâm. Ở những
quốc gia này, họ xem đây là việc làm rất cần thiết và quan trọng, sẽ giúp ít rất
nhiều cho việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế của quốc gia, nên việc
tìm hiểu và nghiên cứu hệ thống này được dễ dàng và thuận lợi. Vì vậy những
sinh viên được đào tạo ở các trường đó có phần “nhỉn” hơn so với sinh viên
được đào tạo trong nước.
Đứng trước những khó khăn đó, trong những năm gần đây việc nghiên
cứu hệ thống tài chính, tín dụng và ngân hàng trong thời kỳ Pháp thuộc cũng
có được một số thuận lợi nhất định. Trước hết là Đảng và Nhà nước tạo nhiều
điều kiện thuận lợi cho các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước được dễ dàng
tiếp cận với các tài liệu lưu trữ ở các trung tâm lưu trữ quốc gia. Từ đó giúp
cho việc nghiên cứu được thuận lợi và dễ dàng, nhiều vấn đề chưa được khai
thác đã được các nhà nghiên cứu nói tới. Một số nhà trí thức, học giả thời
Chính quyền Sài Gòn (cũ) đã có không ít những công trình nghiên cứu về hệ
thống tài chính, tín dụng và ngân hàng trong thời kỳ Pháp thuộc mặc dù còn
rất “tản mạn” nhưng phần nào cũng giúp ít rất nhiều cho việc dựng lại toàn bộ
hệ thống tài chính, tín dụng và ngân hàng trong thời kỳ Pháp thống trị nước
ta. Đặc biệt trong thời gian gần đây, khi yếu tố kinh tế ngày càng giữ vai trò
chủ đạo và chi phối các hoạt động khác của quốc gia, thì các nhà nghiên cứu
trong nước cũng đã bắt đầu quan tâm, tìm hiểu tới lĩnh vực kinh tế. Nhờ vậy
đã có một số công trình nghiên cứu viết về hệ thống tài chính, tín dụng và
ngân hàng, trong đó có thời kỳ Pháp cai trị nước ta.
3
Trước những khó khăn và thuận lợi đó đã thúc đẩy tôi lựa chọn một
vấn đề nhỏ trong hệ thống tài chính, tín dụng và ngân hàng thời kỳ Pháp cai
trị nước ta, đó là “Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng tại Nam
Kỳ từ (1875 - 1945)” để làm đề tài nghiên cứu. Hy vọng qua đề tài này, sẽ
làm sáng tỏ toàn bộ hoạt động của hệ thống ngân hàng tại nước ta, cụ thể là ở
Nam Kỳ trong thời kỳ Pháp cai trị. Đồng thời còn cung cấp thêm tư liệu cho
lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
Với việc lựa chọn đề tài “Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân
hàng tại Nam Kỳ từ (1875-1945)” để làm công trình nghiên cứu nhằm mục
đích:
- Làm sáng tỏ thêm những nhận định, đánh giá của các nhà nghiên cứu
trong và ngoài nước khi nói hoạt động của toàn bộ hệ thống ngân hàng này tại
Nam Kỳ. Từ đó giúp cho chúng ta thấy được vai trò của các ngân hàng đối
với sự ổn định và phát triển kinh tế tại Nam Kỳ.
- Cung cấp thêm tư liệu cho các nhà nghiên cứu khi muốn tìm hiểu về
hệ thống các ngân hàng tại Việt Nam, cũng như muốn tìm hiểu, nghiên cứu
các lĩnh vực khác có liên quan.
- Việc nghiên cứu về lĩnh vực mới này sẽ là cơ sở giúp cho việc nghiên
cứu về tổ chức ngân hàng ở các giai đoạn sau dần được hoàn chỉnh và quy mô
hơn. Thông qua đó sẽ đóng góp ít nhiều cho việc xây dựng hệ thống ngân
hàng ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. Đó là mục đích nghiên cứu của đề
tài.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Trước khi lựa chọn đề tài này để làm công trình nghiên cứu, trong
những năm gần đây đề tài nghiên cứu của chúng tôi đã được nhiều nhà nghiên
cứu, học giả trong và ngoài nước đề cập tới với những mức độ và phạm vi
nghiên cứu khác nhau, như sau:
4
Trước tiên là công trình của Giáo sư Đinh Xuân Lâm với quyển sách
Đại cương lịch sử Việt Nam, tập 2, do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành vào
năm 2005. Trong công trình nghiên cứu này tác giả chủ yếu trình bày về tình
hình Việt Nam từ khi nước ta rơi vào ách đô hộ của thực dân Pháp đến khi
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam đấu tranh
giành độc lập bằng cuộc cách mạng tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
Trong giai đoạn Pháp đặt ách thống trị lên đất nước ta, tác giả trình bày kĩ về
chương trình khai thác thuộc địa của Pháp trong hai lần, chính sách đầu tư của
tư bản Pháp vào Việt Nam, chính sách thâm độc chia để trị của thực dân Pháp
đối với đất nước ta,… Qua đó cũng có ít nhiều nhắc đến sự ra đời của các
ngân hàng tại Việt Nam và hoạt động chi phối kinh tế của ngân hàng này đặc
biệt là ở Nam Kỳ.
Trong quyển Việt Nam thời Pháp đô hộ, của Nguyễn Thế Anh (chủ
biên) được Nhà xuất bản Văn học, Tp. Hồ Chí Minh phát hành năm 2008.
Trong quyển này tác giả trình bày về toàn bộ chính sách của Pháp đối với
Việt Nam, từ việc soạn thảo quy chế cai trị cho ba xứ đến các hoạt động đầu
tư khai thác của tư bản Pháp vào Việt Nam, đời sống của nhân dân Việt Nam
dưới ách cai trị của thực dân Pháp đến khi cách mạng tháng Tám diễn ra,…
Trong đó khi nói về hoạt động đầu tư tác giả đã trình bày về sự ra đời của các
ngân hàng tại Việt Nam, những hoạt động kinh doanh của các ngân hàng đặc
biệt là ở Nam Kỳ.
Còn trong quyển Lịch sử Tín dụng nông nghiệp Việt Nam (1875-1945)
của tác Phạm Quang Trung viết và được nhà xuất bản Khoa học Xã hội phát
hành năm 1997 thì trình bày về các hình thức cho vay trong hoạt động nông
nghiệp của các tổ chức tín dụng, việc cho vay mang tính chất theo mùa và lãi
suất mà các tổ chức tín dụng này giành cho lĩnh vực nông nghiệp tại Việt
Nam đặt biệt là tại Nam Kỳ tương đối cao. Thông qua công trình này, ít nhiều
5
tác giả cũng đã đề cập đến mục đích ra đời của các ngân hàng tại Việt Nam và
những hoạt động cho vay của các ngân hàng này giành cho Việt Nam.
Một công trình khác của nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Huy là quyển
Lịch sử Tiền tệ Việt Nam sơ truy và lược khảo, xuất bản năm 2010, tại Thành
phố Hồ Chí Minh, do nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn bảo trợ. Trong công
trình này tác giả trình bày về những kết quả nghiên cứu của tác giả về lĩnh
vực tiền cổ của Việt Nam mà tác giả đã sưu tầm được. Bên cạnh đó tác giả
cũng trình bày về tiền tệ Việt Nam qua các thời kì lịch sử, trong đó cũng có đề
cập đến sự xuất hiện của ngân hàng Đông Dương và các ngân hàng khác tại
Việt Nam.
Gần đây trong Hội thảo Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức tại Cần
Thơ vào năm 2008 với chủ đề Một số vấn đề lịch sử vùng đất Nam Bộ thời kỳ
cận đại được nhà xuất bản Thế giới phát hành vào năm 2009. Trong hội thảo
này các nhà nghiên cứu trình bày về vùng đất Nam Bộ dưới thời Pháp thuộc,
chính sách cai trị của thực dân Pháp đối với vùng đất Nam Bộ, chương trình
khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đối với vùng đất Nam Bộ,… Nhờ đó,
giúp cho chúng ta thấy được tiềm năng của vùng đất này và sự ra đời của các
ngân hàng tại đây là một nhu cầu tất yếu.
Còn tác giả Phạm Thăng với biên khảo về Tiền tệ Việt Nam theo dòng
lịch sử, Tập 1: Từ thời Đinh Tiên Hoàng (968) cho đến 1975, được xuất bản
tại Toronto, Canada vào năm 1995. Ở tác phẩm này tác giả trình bày về các
loại tiền được lưu hành tại Việt Nam qua các triều đại phong kiến; các loại
tiền được lưu hành trong thời kì Pháp thuộc và các loại tiền khác được lưu
thông cho đến năm 1975. Với công trình này, tác giả cũng ít nhiều đề cập đến
sự ra đời của Ngân hàng Đông Dương, cách thức phát hành tiền tệ của Ngân
hàng Đông Dương, màu sắc trang trí trên tiền giấy và các đồng tiền,...
6
Một tác phẩm khác của tiến sĩ Jean Pierre Aumiphin là công trình Sự
hiện diện tài chính và kinh tế của Pháp ở Đông Dương (1859-1939), được
một nhóm tác giả: Đinh Xuân Lâm, Ngô Thị Chính, Hồ Song, Phạm Quang
Trung dịch và được nhà xuất bản Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phát hành
năm 1994. Trong tác phẩm này, tác giả trình bày về những hoạt động đầu tư
của tư bản Pháp ở ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Nhịp độ đầu tư này
bao gồm hai lĩnh vực: đầu tư nhà nước và đầu tư của các công ty vô danh vào
Đông Dương. Nhờ có hoạt động đầu tư này mà nền kinh tế Nam Kỳ có sự
chuyển biến nhanh chóng.
Còn tác giả Philippe Devillers trong tác phẩm Người Pháp và người
Annam Bạn hay Thù? được nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh
dịch và phát hành vào năm 2006 thì trình bày những nguyên cớ khiến Pháp
xâm lược Việt Nam, hoạt động ngoại giao chuột lại ba các tỉnh Nam Kỳ của
Vương triều, chính sách cai trị của các Thống đốc quân sự và dân sự đối với
vùng đất Nam Kỳ. Những hoạt động khai thác kinh doanh thương mại, quá
trình cải tạo, xây dựng vùng đất Nam Kỳ của Pháp,… Thông qua đó cho
chúng ta thấy được sự phát triển của kinh tế Nam Kỳ trong thời kỳ Pháp thuộc
và sự ra đời của các ngân hàng ở giai đoạn sau là điều có thể hiểu được.
Trong khi đó thì học giả Lê Đình Chân phụ trách diễn giảng về Tiền tệ
và Ngân hàng tại Học viện Quốc gia Hành chánh của chính quyền Việt Nam
Cộng hòa với công trình Lược sử Tiền tệ, xuất bản tại Sài Gòn, trình bày sơ
lược sự phát triển của tiền tệ Việt Nam qua các thời kỳ từ chế độ phong kiến,
đến thời Pháp thuộc cho đến khi đất nước bị chia cắt làm hai miền với hai chế
độ khác nhau. Trong công trình này tác giả còn đề cập đến các cổ phiếu, chi
phiếu, hoa chi ở các sòng bạc, các trái, trái phiếu,… Bên cạnh đó, tác giả cũng
nói đến vai trò của hệ thống các ngân hàng đối với nền kinh tế miền Nam.
7
Hoặc ở Viện nghiên cứu Kinh tế Tiền tệ, Tính dụng và Ngân hàng
thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tác giả Phan Hạ Uyên sưu tầm được
một số tư liệu viết về Lịch sử Tiền tệ Đông Dương và Ngân hàng Đông
Dương từ cuối thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX, với những tư liệu này tác giả
trình bày về sự ra đời của đồng tiền Đông Dương, tiền Đông Dương được bảo
đảm bởi chế độ ngân bản vị, sau đó là kim bản vị, rồi đến tiền giấy, Tiền
Đông Dương gắn với đồng phrăng của Pháp, tiền Đông Dương bị lạm phát,…
Còn Ngân hàng Đông Dương thì tác giả nói về sự ra đời của ngân hàng Đông
Dương, cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Đông Dương, nhiệm vụ và chức năng
của ngân hàng Đông Dương, các giám đốc của ngân hàng Đông Dương qua
các thời kỳ, hoạt động kinh doanh của ngân hàng, mối quan hệ giữa ngân
hàng Đông Dương với các ngân hàng khác và các công ty, các tổ chức tín
dụng, những hoạt động phi pháp của ngân hàng Đông Dương,…
Bên cạnh một số công trình vừa được liệt kê trên, còn có rất nhiều công
trình khác cũng nói ít nhiều về hệ thống các ngân hàng tại Nam Kỳ, hoặc nói
về các lĩnh vực có mối liên hệ với các ngân hàng như: kinh tế, chính trị, xã
hội, an ninh-quốc phòng. Song song đó còn có rất nhiều bài báo, tạp chí, các
trang website, tài liệu lưu trữ ở các trung tâm lưu trữ quốc gia Việt Nam,… đề
cập rất nhiều đến lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam trong đó có Nam Kỳ.
Nhìn chung những công trình nghiên cứu trên của các tác giả trong và
ngoài nước tuy nói đến các vấn đề khác nhau nhưng ở những công trình
nghiên cứu đó, có một vài điểm chung là đều đề cập đến sự ra đời và phát
triển của các ngân hàng tại Việt Nam, vai trò của các ngân hàng này đối với
nền kinh tế của Việt Nam trong đó có Nam Kỳ. Chính những điểm chung này
là cơ sở để tôi đi đến lựa chọn đề tài “Sự hình thành và phát triển hệ thống
ngân hàng tại Nam Kỳ từ (1875-1945)”. Đồng thời các tài liệu trên còn là
8
nguồn tư liệu vô cùng quý giá và hết sức phong phú, tạo điều kiện thuận lợi
cho việc hoàn thành đề tài nghiên cứu của tôi.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối với đề tài “Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng tại
Nam Kỳ từ (1875-1945)” thì đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu là:
- Về đối tượng nghiên cứu: Sự ra đời và phát triển của hệ thống ngân
hàng tại Nam Kỳ, cụ thể là:
+ Sự ra đời và phát triển ngân hàng Đông Dương và các chi nhánh của
nó tại Nam Kỳ.
+ Sự hình thành và phát triển các ngân hàng khác ở Nam Kỳ.
+ Quá trình hợp thành hệ thống ngân hàng ở Nam Kỳ và tác dụng của
hệ thống hệ thống này đối với sự phát triển kinh tế Nam Kỳ.
- Về phạm vi nghiên cứu:
+ Không gian nghiên cứu: tại vùng đất Nam Kỳ nay được gọi là vùng
đất Nam Bộ của Việt Nam bao gồm phần đất liền, vùng biển, vùng trời và các
hải đảo được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xác định rõ vị
trí địa lý và được công nhận về mặt pháp lý.
+ Thời gian nghiên cứu: Từ năm 1875 đánh dấu bằng sự kiện chi nhánh
Ngân hàng Đông Dương mở tại Sài Gòn cho đến năm 1945 khi nước ta giành
được độc lập, kết thúc thời kỳ đô hộ của thực dân Pháp.
4. Phương pháp nghiên cứu và nguồn tư liệu
Đối với đề tài này, phương pháp nghiên cứu chủ yếu là;
- Phương pháp lịch sử.
- Phương pháp logic.
Song song với hai phương pháp trên, chúng tôi còn kết hợp một số
phương pháp khác như: phương pháp so sánh, đối chiếu, sưu tầm, thống kê,
9
phân tích các tài liệu,… nhằm giúp cho đề tài mang tính khách quan và thể
hiện được chiều sâu của công trình nghiên cứu.
5. Nguồn tài liệu nghiên cứu
Đối với đề tài “Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng tại Nam
Kỳ từ (1875-1945)” nguồn tư liệu phục vụ cho quá trình nghiên cứu chủ yếu
bao gồm các nguồn sau:
- Tài liệu sách báo: bao gồm các công trình nghiên cứu của các học giả
trong và ngoài nước đã được Nhà nước thẩm định và cho xuất bản như: Đại
cương lịch sử Việt Nam tập 2 của Giáo sư Đinh Xuân Lâm; Nguyễn Thế Anh
với tác phẩm Việt Nam thời Pháp đô hộ; Phạm Quang Trung với Lịch sử tín
dụng nông nghiệp Việt Nam; Phạm Thăng với Tiền tệ Việt Nam theo dòng lịch
sử, Philippe Devillers, với tác phẩm Người Pháp và người Annam Bạn hay
Thù?; Jean Pierre Aumiphin, với luận án tiến sĩ Sự hiện diện tài chính và kinh
tế của Pháp ở Đông Dương (1859-1939), Lê Quốc Sử với công trình Một số
vấn đề về lịch sử kinh tế Việt Nam,…
- Tài liệu lưu trữ: bao gồm các tài liệu được sưu tầm tại các Trung tâm
lưu trữ sau:
+ Tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia II: tài liệu để nghiên cứu đề tài này
bao gồm các Phông tiếng Pháp của Thống đốc Nam Kỳ, một số công báo,…
+ Tại Thư viên Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh: tài liệu
của phòng hạn chế đọc bao gồm một số công trình nghiên của các học giả
miền Nam thời chính quyền Sài Gòn (cũ) như: Lược sử tiền tệ của Lê Đình
Chân; Đồng bạc Việt Nam và các vấn đề liên hệ của Nguyễn Bích Huệ; Tư
liệu lịch sử Tiền tệ Đông Dương và Ngân hàng Đông Dương từ cuối thế kỷ
XIX đến giữa thế kỷ XX của Phan Hạ Uyên,...
+ Tài liệu tạp chí, báo chí: bao gồm các bài viết, bài nhận định, đánh
giá, phê bình,… của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước được đăng tải
10
như: Linh Quang với bài viết Lịch sử tiền tệ ở Đông Dương, Tạp chí Tri Tân,
số 6/1941; Nguyễn Thế Anh với bài Vấn đề lúa gạo ở Việt Nam trong tiền
bán thế kỉ XIX, Tập san Sử - Địa, số 6/1967; Nguyễn Công Bình (bài viết),
Hoạt động kinh doanh của tư sản dân tộc Việt Nam dưới thời Pháp thuộc,
Tập san nghiên cứu Văn Sử Địa, số 04/1955; Văn Tạo bài nghiên cứu Hoạt
động của tư bản Pháp ở Việt Nam từ 1918 đến 1930, Tập san nghiên cứu Văn
Sử Địa, số 13/1956; Trần Văn Giàu (bài viết) Thái độ của các tầng lớp phong
kiến đối với Thực dân Pháp, Tập san Đại học Sư phạm, số 04/1955,…
- Tài liệu tiểu sử, hồi ký, phỏng vấn: bao gồm một số tiểu sử sưu tầm
được của các cá nhân, những hồi ký có liên quan đến lĩnh vực ngân hàng tại
Nam Kỳ. Song song đó còn sử dụng thêm tài liệu phỏng vấn trực tiếp của một
số nhân vật lãnh đạo ngân hàng.
- Tài liệu trên các website: bao gồm những bài viết, bài nghiên cứu, các
tranh, ảnh, bản đồ, sơ đồ,… của các trang web có liên quan đến lĩnh vực ngân
hàng.
6. Đóng góp khoa học của luận văn
Việc nghiên cứu đề tài “Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân
hàng tại Nam Kỳ (1875-1945)” có ý nghĩa khoa học hết sức to lớn:
- Thứ nhất, cho đến nay việc nghiên cứu lĩnh vực “tài chính - tín dụng
và ngân hàng” vẫn chưa nhận được sự quan tâm, tìm hiểu của các nhà nghiên
cứu thuộc phân ngành khoa học xã hội và nhân văn. Do đó, khi nói về lĩnh
vực “tài chính - tín dụng và ngân hàng”, không ít các nhà nghiên cứu đã có
những nhận định, đánh giá thiếu khách quan về lĩnh vực này là điều khó tránh
khỏi. Vì vậy đã làm cho việc nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn còn gặp
nhiều hạn chế. Trước thực tế đó, chúng tôi nghiên cứu đề tài này nhằm xóa
lấp khoản trống giúp cho việc nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn được
hoàn thiện hơn.
11
- Thứ hai, giúp khôi phục lại một phần nào đó về sự hình thành và phát
triển ngân hàng trong suốt thời kỳ Pháp cai trị nước ta.
- Thứ ba, cung cấp thêm tư liệu lịch sử phục vụ cho công tác nghiên
cứu, giảng dạy bộ môn lịch sử và các chuyên ngành khoa học xã hội có liên
quan.
- Thứ tư, thông qua việc nghiên cứu đề tài này, chúng ta rút ra một số
nhận định để làm cơ sở, định hướng cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống
ngân hàng trong tương lai.
7. Bố cục luận văn
Luận văn ngoài phần mở đầu, phần kết luận, tài liệu tham khảo, phụ
lục, luận văn còn có ba chương với nội dung chính như sau:
Chương 1: Nhu cầu thúc đẩy sự ra đời của các ngân hàng tại Nam Kỳ
(1875-1945). Trong chương này chủ yếu nói về một số khái niệm về ngân
hàng, các thuật ngữ về ngân hàng mà chúng ta thường nghe nói hằng ngày để
phân biệt được các loại ngân hàng có mặt trên đất nước ta trong thời Pháp
thuộc cũng như giúp nhận diện các loại hình ngân hàng ngày này; những điều
kiện để thành lập ngân hàng. Bối cảnh vùng đất Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX;
những điều kiện thúc đẩy sự ra đời của các tổ chức ngân hàng bao gồm: kinh
tế, chính trị, an ninh - quốc phòng và xã hội. Chính những yêu cầu này đã
thúc đẩy các ngân hàng lần lược ra đời tại Nam Kỳ.
Chương 2: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng tại Nam Kỳ
(1875-1945). Trong chương này, chúng tôi sẽ tập trung làm rõ: sự ra đời và
phát triển của Ngân hàng Đông Dương bao gồm: hoàn cảnh ra đời; cơ cấu tổ
chức; những nghiệp vụ của Ngân hàng Đông Dương diễn ra tại Nam Kỳ trong
khoảng thời gian (1875-1945). Trình bày thêm sự ra đời của một số ngân
hàng khác có mặt tại Nam Kỳ: The Hongkong and Shanghai Banking
Corporation (HSBC); The Chartered Bank; Pháp - Hoa ngân hàng; Việt Nam
12
ngân hàng; Chi nhánh ngân hàng Thương mại và Công nghiệp Pháp - Trung;
Chi nhánh ngân hàng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Pháp; Truyền
thông ngân hàng Trung Quốc. Qua đó, giúp cho chúng ta thấy được sự ra đời
và phát triển của các ngân hàng trong thời gian này là phù hợp với những nhu
cầu đặt ra tại Nam Kỳ.
Chương 3: Vai trò và tác dụng của hệ thống ngân hàng tại Nam Kỳ. Ở
chương cuối cùng này, chúng tôi cung cấp đến các bạn đọc giả, nhà nghiên
cứu,... những cách tiếp cận về hệ thống các ngân hàng. Thông qua đó, chúng
ta sẽ thấy được vai trò và tác dụng của hệ thống ngân hàng đối với sự phát
triển chung của xứ Nam Kỳ trong thời kỳ thực dân Pháp cai trị đất nước ta.
13
CHƯƠNG 1: NHU CẦU THÚC ĐẨY SỰ RA ĐỜI CÁC NGÂN
HÀNG TẠI NAM KỲ (1875 - 1945)
1.1. Những vấn đề chung về Ngân hàng
1.1.1. Khái niệm Ngân hàng
Cho đến nay khi nghiên cứu về lĩnh vực ngân hàng các nhà nghiên cứu
đưa ra rất nhiều khái niệm. Thiết nghĩ cần dẫn ra đây một vài khái niệm để
làm cơ sở cho việc nghiên cứu đề tài được dễ dàng hơn.
Theo khái niệm ngân hàng của Luật các Tổ chức Tín dụng Việt Nam
được Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành tại văn
bản Luật số: 47/2010/QH12 ghi như sau: “Ngân hàng là loại hình tổ chức tín
dụng có thể được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng theo quy định của
Luật này. Theo tính chất và mục tiêu hoạt động, các loại hình ngân hàng bao
gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng hợp tác
xã” [48; tr.9]. Ở văn bản luật này, Quốc hội nước ta chỉ rõ chức năng của
ngân hàng là cung cấp tín dụng cho người dân và được thực hiện tất cả các
hoạt động của ngân hàng. Các hoạt động của ngân hàng theo quy định của
Luật Tín dụng bao gồm: huy động vốn, nhận tiền gửi, cho vay thế chấp, chiết
khấu chứng từ, đầu tư,… Để thực hiện được chức năng này, đòi hỏi ngân
hàng phải được chia ra làm ba loại: ngân hàng thương mại, ngân hàng chính
sách xã hội và ngân hàng hợp tác xã. Như vậy, với khái niệm trên, Quốc hội
nước ta đã phân biệt rõ chức năng của ngân hàng ở đất nước ta là kinh doanh
thương mại chứ không phải là phát hành tiền tệ.
Khái niệm này chỉ đúng một phần nào đó, nhưng chúng ta không thể
dùng nó để làm khái niệm cho nghiên cứu đề tài này. Vì hệ thống ngân hàng
nước ta dưới thời Pháp thuộc, đặc biệt là ngân hàng Đông Dương có nhiều
14
chức năng và nhiệm vụ hơn, so với khái niệm mà Quốc hội nước ta đã nói. Vì
vậy chúng ta đi tìm hiểu thêm một số khái niệm ngân hàng khác có liên quan.
Theo trang mạng Wikipedia thì đưa ra khái niệm “Ngân hàng hay nhà
băng là tổ chức tín dụng thực hiện các hoạt động tín dụng như nhận tiền gửi,
cho vay và đầu tư tài chính, các hoạt động thanh toán, phát hành các loại kỳ
phiếu, hối phiếu, v.v... và một số hoạt động khác. Một số ngân hàng còn có
chức năng phát hành tiền”[147]. Khái niệm ngân hàng của Wikipedia có
phần sát với đề tài hơn, nhưng ở khái niệm này nói lên tính chất hiện đại của
các ngân hàng trong giai đoạn hiện nay. Trong khi đó khái niệm ngân hàng
mà đề tài chúng tôi cần là trong giai đoạn Pháp thuộc. Vì vậy chúng ta chưa
thể sử dụng khái niệm này được.
Một khái niệm khác cho rằng “ngân hàng là tổ chức hoạt động kinh
doanh, cung cấp các dịch vụ ngân hàng để tìm kiếm lợi nhuận”[149]. Khái
niệm này cũng gần giống với khái niệm mà Quốc hội nước ta đã nêu ở trên.
Nhà kinh tế học Peter S. Rose trong công trình nghiên cứu Commercial
Bank Management năm 2001 đã đưa ra các khái niệm về ngân hàng như sau:
“Ngân hàng là loại hình tổ chức tài chính cung cấp một danh mục và dịch vụ
tài chính đa dạng nhất – đặc biệt là tín dụng, tiết kiệm và dịch vụ thanh toán
– và thực hiện nhiều chức năng tài chính nhất so với bất kỳ một tổ chức kinh
doanh nào trong nền kinh tế”.
“Ngân hàng là loại hình tổ chức chuyên nghiệp trong lĩnh vực tạo lập
và cung cấp các dịch vụ quản lý cho công chúng, đồng thời nó cũng thực hiện
nhiều vai trò khác trong nền kinh tế”[149]. Các khái niệm về ngân hàng của
nhà kinh tế học Peter S. Rose đưa ra ám chỉ những ngân hàng thời hiện đại.
Chỉ có những ngân hàng này, mới có thể cung cấp đầy đủ các dịch vụ theo
yêu cầu của khách hàng. Khái niệm này cũng không thể sử dụng cho khái
niệm nghiên cứu đề tài.
15
Từ điển của Đại học Oxford lại đưa ra một khái niệm về ngân hàng như
sau: “ngân hàng là một cơ sở tạm giữ hộ tiền và sẽ hoàn trả theo yêu cầu của
khách hàng”. Khái niệm ngân hàng của quyển từ điển Đại học Oxford quá
đơn giản nó chưa thể hiện hết chức năng của ngân hàng. Đặc biệt là trong thời
kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 - 1933, chính phủ các nước đã cho phép
các ngân hàng ngưng việc chuyển đổi tiền giấy sang tiền kim loại. Ở Việt
Nam trong thời kỳ Pháp thuộc cũng diễn ra tương tự. Ngân hàng Đông Dương
được Chính phủ Pháp và Phủ Toàn quyền Đông Dương ký quyết định cho
tạm hoãn việc chuyển đổi tiền giấy sang tiền kim loại. Đến khi cuộc khủng
hoảng kinh tế qua đi, ngân hàng Đông Dương nhân cơ hội đó áp đặt luôn
quyết định này đối với nhân dân Đông Dương. Như vậy khái niệm trên còn
rất hạn chế và chưa chặt chẽ. Khó có thể sử dụng được cho đề tài.
Một khái niệm khác trích từ trang wed tuitien.vn nói về ngân hàng như
sau: “Ngân hàng là một tổ chức tài chính nhận tiền gửi, cho vay và thực hiện
các dịch vụ liên quan khác. Nó nhận tiền từ những người muốn tiết kiệm dưới
dạng tiền gửi và cho vay tiền cho những ai cần”[145]. Khái niệm này nêu lên
được chức năng của ngân hàng là nhận tiền gửi của các khách hàng muốn tiết
kiệm. Sử dụng tiền này cho những ai có nhu cầu vay vốn. Khái niệm này, tuy
sát với chức năng, nhiệm vụ của ngân hàng nhưng nó chưa phù hợp với thời
kỳ Pháp thuộc.
Trang library.thinkquest.org đưa ra khái niệm ngân hàng “là một tổ
chức tài chính, là nơi để mọi người gửi tiền và giữ nó một cách an toàn - A
bank is a financial organization where people deposit their money to keep it
safe”[139]. Khái niệm này cũng đơn giản như khái niệm của quyển từ điển
Đại học Oxford nên cũng không thể sử dụng nó làm khái niệm cho nghiên
cứu đề tài của chúng tôi.
16
Tiếp thu những khái niệm ngân hàng mà các chuyên gia, học giả, nhà
nghiên cứu đã đưa ra, chúng tôi đề ra một khái niệm mới về ngân hàng để làm
cơ sở cho việc nghiên cứu đề tài như sau:
Ngân hàng là một tổ chức tài chính có tư cách pháp nhân được chính
phủ công nhận, chuyên hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, bao gồm:
nhận gửi tiền từ phía nhân dân, cho vay tín dụng và cung cấp các dịch vụ tài
chính cần thiết cho các khách hàng. Ngoài ra ngân hàng còn được chính phủ
giao nhiệm vụ phát hành tiền tệ để điều tiết nền kinh tế đất nước khi có yêu
cầu.
1.1.2. Một số thuật ngữ về Ngân hàng
Bên cạnh khái niệm ngân hàng còn có một số thuật ngữ khác cũng nói
về lĩnh vực này. Xin trích dẫn ra đây một vài thuật ngữ có liên quan.
- Thuật ngữ “ngân hàng thương mại”, theo Luật các Tổ chức Tín dụng
Việt Nam được Quốc hội nước ta ban hành tại điểm 3, điều 4, Luật số:
47/2010/QH12 giải thích thuật ngữ này như sau: Ngân hàng thương mại là
loại hình ngân hàng được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng và các
hoạt động kinh doanh khác theo quy định của Luật này nhằm mục tiêu lợi
nhuận [48; tr.9].
Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Cúc trong công trình nghiên cứu
của mình với đề tài Tín dụng ngân hàng thì đưa ra khái niệm về thuật ngữ
ngân hàng thương mại như sau: “Ngân hàng thương mại là một doanh nghiệp
kinh doanh tiền tệ, là một tổ chức tín dụng thực hiện huy động vốn nhàn rỗi từ
các chủ thể trong nền kinh tế để tạo lập nguồn vốn tín dụng và cho vay phát
triển kinh tế, tiêu dùng cho xã hội”[19; tr.11].
Đạo Luật ngân hàng của Pháp (1941) cũng đã định nghĩa: “Ngân hàng
thương mại là những xí nghiệp hay cơ sở mà nghề nghiệp thường xuyên là
17
nhận tiền bạc của công chúng dưới hình thức ký thác, hoặc dưới các hình
thức khác và sử dụng tài nguyên đó cho chính họ trong các nghiệp vụ về chiết
khấu, tín dụng và tài chính”[30; tr.74].
- Thuật ngữ “ngân hàng trung ương”, theo nghiên cứu của Tiến sĩ Lê
Thị Tuyết Hoa giải thích rằng: “ngân hàng trung ương là cơ quan độc quyền
phát hành tiền và thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt
động ngân hàng nhằm ổn định giá trị tiền tệ góp phần đảm bảo an toàn hoạt
động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế
xã hội”[30; tr.88].
Trang wed Wikipedia giải thích Ngân hàng trung ương “là cơ quan đặc
trách quản lý hệ thống tiền tệ của quốc gia và chịu trách nhiệm thi
hành chính sách tiền tệ. Mục đích hoạt động của ngân hàng trung ương là ổn
định giá trị của tiền tệ, ổn định cung tiền, kiểm soát lãi suất, cứu các ngân
hàng thương mại có nguy cơ đổ vỡ. Hầu hết các ngân hàng trung ương thuộc
sở hữu của Nhà nước, nhưng vẫn có một mức độ độc lập nhất định đối
với Chính phủ”[147].
- Ngân hàng thương mại quốc doanh: là ngân hàng do Nhà nước thành
lập, toàn bộ vốn hoạt động do Nhà nước đầu tư nhằm góp phần thực hiện các
mục tiêu kinh tế Nhà nước.
- Ngân hàng thương mại cổ phần: là ngân hàng được thành lập dưới
hình thức công ty cổ phần, vốn hoạt động do các cổ đông là các doanh nghiệp,
các thành phần kinh tế, các tổ chức tín dụng, các tổ chức khác và các cá nhân
cùng đóng góp theo quy định của pháp luật.
- Ngân hàng liên doanh: là ngân hàng được thành lập bằng vốn góp của
hai quốc gia khác nhau trên cơ sở hợp đồng liên doanh. Ngân hàng này là một
pháp nhân của nước sở tại, có trụ sở, có tư cách pháp nhân, có đầy đủ điều
kiện theo quy định của luật pháp nước sở tại.
18
- Chi nhánh ngân hàng nước ngoài: là tổ chức đại diện phụ thuộc của
ngân hàng nước ngoài mở tại nước sở tại được ngân hàng nước ngoài đầu tư
vốn, bảo đảm chịu trách nhiệm đối với mọi nghĩa vụ mà pháp luật của nước
sở tại quy định được hoạt động theo sự cho phép của pháp luật nước sở tại.
- Ngân hàng 100% vốn nước ngoài: là ngân hàng được thành lập bằng
100% vốn của nước ngoài và hoạt động theo luật tại nước sở tại, có trụ sở, có
tư cách pháp nhân, có đầy đủ điều kiện theo quy định của luật pháp nước sở
tại [19; tr.14-15].
- Ngân hàng Đầu tư và Phát triển: là ngân hàng chuyên cho vay để đầu
tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn do phát hành trái phiếu hoặc nguồn ngân
sách.
- Ngân hàng đặc biệt: là ngân hàng được thành lập để phục vụ cho mục
đích xã hội là chính [30; tr.65-66].
Trên đây là một số thuật ngữ về ngân hàng mà chúng ta thường nghe
nói. Những thuật ngữ này có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình nghiên cứu
của đề tài. Nhờ có những thuật ngữ này, giúp cho công trình nghiên cứu của
chúng tôi phân biệt được các loại hình ngân hàng có mặt ở Nam Kỳ trong thời
kỳ Pháp thống trị nước ta. Song song đó còn biết được cách thức hoạt động
của các ngân hàng này. Đồng thời còn giúp cho chúng ta giải thích được một
số ngân hàng đang hoạt động trên đất nước ta hiện nay.
1.1.3. Điều kiện thành lập Ngân hàng
Một ngân hàng muốn hình thành và phát triển phải hội đủ các điều kiện
như sau:
- Thứ nhất, phải có một số tiền cơ bản để đảm bảo việc cho vay.
- Thứ hai, phải có một tầng lớp trung gian chuyên lấy nghề kinh doanh
tiền bạc làm phương tiện sống.
19
- Và thứ ba, phải được sự cho phép của Nhà nước (có nghĩa là được
nhà nước cấp phép cho hoạt động).
Chỉ có hội đủ ba điều kiện cơ bản này, ngân hàng mới có thể đi vào
hoạt động được. Dưới thời Pháp thuộc (1862-1945), xứ Nam Kỳ đã có đủ ba
điều kiện cơ bản trên và đó là lý do cho sự ra đời hệ thống các ngân hàng tại
đây.
1.2. Bối cảnh Nam kỳ cuối thế kỷ XIX
Ngày 31 tháng 08 năm 1858, thực dân Pháp nổ sung xâm lược nước ta
mở màng bằng chiến dịch đánh vào Đà Nẵng. Sau gần 05 tháng chiến đấu
(01-1859), không mang lại kết quả như mong muốn. Pháp chuyển hướng
chiến lược đem quân vào đánh chiếm Gia Định. Âm mưu của Pháp là “chiếm
một địa bàn thuận lợi vừa lập nghiệp và phòng thủ, vừa hành binh và lưu
thông thương mại dễ dàng, đồng thời gây sức ép với triều đình Huế bằng
cách phong tỏ kinh tế, cắt đường vận chuyển lương thực. Nhìn xa hơn, chiếm
được Gia Định thực dân Pháp sẽ có điều kiện bành trướng nhanh chóng sang
Cao Miên và xa hơn nữa lên phía Bắc”[67; tr.09].
Thực hiện âm mưu này, ngày 02 tháng 02 năm 1859, Pháp đem 2000
quân với 8 tàu chiến tiến đánh Gia Định. Ngày 17 tháng 02 năm 1859, Pháp
chiếm được thành. Đại bộ phận quân đội triều đình Huế, rút về các vùng nông
thôn xung quanh Sài Gòn để cố thủ và cô lập quân đội Pháp.
Trước sự cô lập về mọi mặt từ phía quân đội triều đình và nhân dân
vùng Gia Định đã đẩy quân đội viễn chinh Pháp lâm vào tình thế hết sức khó
khăn và thiếu thốn. Nhà sử học Philippe Devillers đã ghi chép về tình cảnh
hết sức hiểm nghèo của quân đội Pháp như sau: “Họ (chỉ quân đội Pháp) phải
đóng giữ ở đây suốt tám tháng từ tháng 04 cho đến tháng 12 năm 1859, ở
giữa các đầm lầy, mặc dù bị sốt rét, kiết lỵ, bệnh thiếu sinh tố, thổ tả, bị bao
20
vây và nóng bức, không kể bị thương vong vẫn chiến đấu chống lại các cuộc
tấn công không ngừng của quân Annam”[65; tr.96].
Đứng trước khó khăn đó, ngày 22 tháng 02 năm 1860, đô đốc Page
tuyên bố mở cửa cảng Sài Gòn, cho phép thương nhân được tự do ra vào buôn
bán. Hành động này của Page nhằm mục đích thoát khỏi sự cô lập từ phía
quân đội triều đình. Tìm kiếm các “khoản thuế” để trang trải khó khăn cho
quân đội Pháp. Đồng thời còn nhằm thăm dò tiềm năng thương mại của xứ
Nam Kỳ để xây dựng xứ này trở thành trung tâm thương mại hàng đầu ở vùng
Viễn Đông trong tương lai. Sau cùng là cắt đứt sự tiếp tế lương thực từ Nam
Kỳ về triều đình Huế, các tỉnh miền Trung và miền Bắc đang xảy ra nạn đói.
Đô đốc Page đã thành công trong ý đồ của mình. Giá lúa, gạo nhanh
chóng tăng vọt từ 1frs ăn 40 lít lúa nay tăng lên tới 3frs [65; tr.112]. Giá lúa,
gạo tăng đã kích thích lòng tham của bọn thương lái Huê kiều len lỏi về các
miền nông thôn, xa xôi, hẻo lánh mà quân đội triều đình khó kiểm soát để thu
mua lúa, gạo chở về Sài Gòn phục vụ xuất khẩu. Hậu quả là làm cho lúa, gạo
không thể chuyên chở ra các tỉnh miền Bắc và miền Trung được. Dẫn đến giá
lúa gạo tại các tỉnh miền Trung và miền Bắc tăng cao. Đẩy nơi đây lâm vào
nạn đói nghiêm trọng, làm cho triều đình Huế phải gặp nhiều khó khăn, khốn
đốn.
Mặt khác, việc mở cửa thương cảng Sài Gòn còn mang về cho Pháp
một nguồn thu nhập to lớn. Nhờ có nguồn thu này, quân đội viễn chinh Pháp
mới có thể cầm cự lâu dài, trước sự chống trả quyết liệt của quân đội triều
đình và thoát khỏi tình thế bị bao vây, cô lập. Theo số liệu thống kê của
Phòng Thương mại, việc mở cửa thương cảng Sài Gòn cho hoạt động mua,
bán quốc tế đã mang cho Pháp tổng số tiền thuế là 20.000.000frs [88; tr.154].
Với nguồn thu nhập tài chính to lớn này, trong phút chốt hình ảnh Nam
Kỳ bỗng hiện ra trước mắt các đô đốc Pháp. Đó là một nền thương mại sầm
21
uất vào loại bậc nhất ở Viễn Đông. Một căn cứ chiến lược quan trong mà
nước Pháp cần phải chiếm lấy nó. Từ nó (chỉ Nam Kỳ) nước Pháp sẽ mở rộng
phạm vi ảnh hưởng của quốc gia mình ra khu vực và trên thế giới. Do đó đã
thúc đẩy các đô đốc Pháp cũng cố hơn nữa giã tâm xâm chiếm vùng đất này.
Điều này đã được các đô đốc Pháp thú nhận: “sự quan trọng của Sài Gòn đối
với nền thương mại Pháp ở Viễn Đông bỗng hiện ra rõ nét và đồng thời tính
cách của cuộc xung đột cũng biến đổi”[65; tr.99].
Về phía triều đình Huế, từ sau thất trận ở Kỳ Hòa (02-1861) và hành
động phong tỏ lúa, gạo của các đô đốc Pháp ra các tỉnh miền Trung và miền
Bắc đã gây cho triều đình nhiều tai hại. Lúa, gạo không thể chuyên chở ra các
tỉnh này được. Kết quả là làm cho giá lúa, gạo tại đây tăng cao. Kéo theo đó là
nạn hạn hán, mất mùa, đói kém,… xảy ra ở khắp mọi nơi. Sử quán triều
Nguyễn đã chép rằng “tháng 07 năm 1861, một đoàn bốn mươi nhân vật cao
cấp đến trình bày với nhà vua về thảm họa mà dân chúng phải chịu đựng vì bị
phong tỏa gạo nếu không thương lượng với người Pháp”[65; tr.112]. Trầm
trọng thêm của cuộc khủng hoảng lương thực là cuộc nổi loạn của Lê Duy
Phụng ở ngoài Bắc. Cuộc nổi loạn này lớn đến mức đã đánh bại nhiều đạo
quân tinh nhuệ của triều đình phái ra. Duy Phụng còn âm mưu lôi kéo cả Pháp
và Tây Ban Nha đang chiếm đóng Sài Gòn giúp ông ta lật đổ triều đình Huế
và hứa rằng nếu thành công ông sẽ đặt “nước Annam dưới sự bảo hộ của
Pháp - một thứ vương quốc thần quyền”[65; tr.125].
Đứng trước những khó khăn đó đã buộc triều đình Huế ký kết hòa ước
ngày 05 tháng 06 năm 1862 với các đô đốc Pháp, cắt nhường ba tỉnh miền
Đông Nam Kỳ cho Pháp chiếm đóng, nhằm tranh thủ thời gian hòa hoãn để
giải quyết những khó khăn trước mắt. Đồng thời còn để củng cố lực lượng
đánh Pháp sau này. Như vậy ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ chính thức đã lọt
vào tay người Pháp. Từ ba tỉnh này người Pháp bắt đầu xây dựng cơ sở để
22
phục vụ cho sự nghiệp chinh phục Việt Nam ở những giai đoạn sau mà trước
hết là ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ.
Để làm được điều này, Pháp cho xây dựng và cải tạo lại nền hành chính
của vùng đất này. Mặt khác, tăng cường lực lượng để chiếm nối ba tỉnh còn
lại. Sau thất bại của phái đoàn Phan Thanh Giản trong việc chuộc lại ba tỉnh
miền Đông Nam Kỳ tại Paris, càng củng cố hơn nữa quyết tâm đánh chiếm ba
tỉnh còn lại của các đô đốc Pháp. Sau một thời gian chuẩn bị lực lượng ngày
20 tháng 06 năm 1867, Pháp đem quân đến bao vây thành Vĩnh Long. Trước
sức mạnh quân sự và khí giới vượt trội của quân đội Pháp đã buộc đại diện
của triều đình Huế - Kinh Lược sứ Phan Thanh Giản phải đầu hàng. Cắt
nhường ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ cho Pháp. Đến đây công cuộc chinh phục
Nam Kỳ của thực dân Pháp xem như đã hoàn thành. Nam Kỳ từ vùng đất
“độc lập”, “có chủ quyền” dưới sự trị vì của Vương triều Nguyễn. Bây giờ đã
trở thành vùng đất “thuộc địa” dưới ách thống trị của thực dân Pháp.
Dưới sự cai trị của Pháp, bộ mặt Nam Kỳ đã có nhiều chuyển biến quan
trọng. Từ vùng đất hoang vu, sình lầy, thưa thớt dân cư,… chỉ trong mấy chục
năm ngắn ngủi Nam Kỳ đã trở thành một trung tâm thương mại hàng đầu của
cả xứ Đông Dương. Tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế Nam Kỳ phát triển theo
hướng sản xuất tư bản chủ nghĩa. Đặt nền móng để Nam Kỳ xây dựng hệ
thống tài chính, tín dụng ở những giai đoạn sau.
1.3. Những điều kiện thúc đẩy sự ra đời các tổ chức Ngân hàng
1.3.1. Về kinh tế
Sau khi chiếm được Nam Kỳ từ tay triều đình Huế, không đợi đến lúc
thực dân Pháp đánh chiếm toàn bộ Việt Nam thì Pháp mới xây dựng nền kinh
tế Nam Kỳ, trái lại, ngay từ buổi đầu lúc đánh chiếm Nam Kỳ Pháp đã tiến
hành quy hoạch nền kinh tế Nam Kỳ theo hướng sản xuất tư bản chủ nghĩa để
23
phục vụ cho xuất khẩu. Trước lúc đem quân xuống đánh Nam Kỳ các đô đốc
Pháp đã được “Ủy ban đặc biệt về xứ Cochinchine”[65; tr.22] cung cấp thông
tin về những nguồn lợi mà xứ Nam Kỳ hiện có. Những nguồn lợi này sẽ giúp
ít rất nhiều cho nền thương mại Pháp ở Viễn Đông. Theo Ủy ban thì xứ Nam
Kỳ có hai mặt hàng chính để xuất khẩu là gạo và cá khô. Chính vì vậy khi vừa
chiếm được Gia Định các đô đốc Pháp đã vội vàng cho mở cửa thương cảng
Sài Gòn để cho thuyền bè các nước được tự do ra vào buôn bán. Kết quả là
chỉ trong thời gian ngắn từ 1860 - 1867, Pháp đã thu được một lượng tiền thuế
khổng lồ. Theo báo cáo của đô đốc De la Grandière tổng thu nhập bằng thuế
của xứ Nam Kỳ vào năm 1864 như sau:
- Thuế trự thu: 1.475.000 frs;
- Thuế gián thu: 1.290.709 frs;
- Thu nhập địa ốc: 206.000 frs;
- các thu nhập khác: 10.000 frs;
Tổng cộng: 2.981.709 frs [9; tr.149]
Trong khi đó, Luro lại cho rằng toàn bộ thu nhập của thuộc địa vào
năm 1864 là 6.291.000 frs [65; tr.279]. Chênh lệch rất lớn so với báo cáo của
đô đốc Pháp. Còn tờ La Patrie dự đoán rằng toàn bộ thu nhập Nam Kỳ sẽ
vượt con số 5.000.000 frs vào năm 1865 và đạt tới 7.000.000 frs vào năm
1866 [9; tr.149].
Những con số thống kê trên tuy khác nhau nhưng nó chứng tỏ tiềm
năng thương mại của xứ Nam Kỳ là rất lớn. Nhờ có tiềm năng thương mại
này nước Pháp sẽ phô diễn được kỹ - nghệ của quốc gia mình ở vùng Viễn
Đông. Qua đó, sẽ mang về nhiều nguồn lợi cho chính quốc. Vì vậy đã thôi
thúc các đô đốc Pháp tiến hành nghiên cứu cải tạo lại nền kinh tế Nam Kỳ để
phục vụ cho ý đồ trên.
24
Trước hết các đô đốc Pháp cho tiến hành quy hoạch lại thành phố Sài
Gòn nhằm để thu hút dân cư đến sinh sống và thu hút các nhà sản xuất đến
làm ăn, mua bán nơi đây. Ngày 11 tháng 04 năm 1861, đô đốc Charner ban
hành Nghị định quy hoạch và thành lập thành phố Sài Gòn “thành phố mới
này sẽ rộng rãi với 2500 hecta và được thiết kế để một ngày nào đó sẽ có
500.000 ngàn người sinh sống ở đây”[65; tr.272]. Trung tá Coffyn được giao
nhiệm vụ phát họa quy hoạch thành phố mới. Sau kế hoạch này, nhiều đường
phố, bệnh viện, nhà cửa của người dân đã bắt đầu mọc lên. Các bến cảng
không ngừng được cải tạo và nâng cấp phục vụ cho việc chuyên chở hàng hóa
để xuất khẩu. Hệ thống trường học để đào tạo đội ngũ công chức, viên chức
phục vụ cho chế độ mới cũng đã hình thành và đi vào hoạt động. Nhiều
xưởng kỹ nghệ đã xuất hiện. Mật độ dân cư sinh sống ở Sài Gòn bắt đầu tăng
nhanh đáng kể. Theo số liệu thống kê tính tới thời điểm năm 1906 dân số toàn
Nam Kỳ là hơn 3.000.000 triệu người [67; tr.42]. Nhờ vậy đã làm cho bộ mặt
thành phố Sài Gòn có sự văn minh hiện đại của một đô thị mang dáng dấp
phương Tây.
Tiếp sau việc quy hoạch thành phố Sài Gòn là việc khuyến khích các
nhà sản xuất, những kỹ nghệ gia từ các nước đến làm ăn sinh sống tại Nam
Kỳ. Phần lớn trong số họ chủ yếu đến từ các nước Singapore, Hồng Kông,
Thượng Hải, Mã Lai,… Một số khác chiếm tỷ lệ nhỏ hơn là các thương gia
người Đức, người Anh và người Hoa Kỳ. Thương gia người Pháp chiếm tỷ lệ
rất ít.
Chính quyền Thuộc địa còn bán những mảnh ruộng với giá rẽ cho các
nhà sản xuất để họ xây dựng các cơ sở phục vụ cho sản xuất, kinh doanh.
Ngày 20 tháng 02 năm 1863, đô đốc Bonard ban hành Nghị định cho bán
những khoảnh ruộng trong thành phố Sài Gòn [65; tr.273]. Kết quả là chỉ
25
trong thời gian ngắn toàn bộ đất đai quanh Sài Gòn đã được các nhà sản xuất,
kinh doanh hầu như mua hết.
Bên cạnh đó, Chính quyền Thuộc địa còn cấp đất cho các công ty để họ
tiến hành sản xuất được dễ dàng và thuận lợi. Năm 1870, Nhà nước Thuộc địa
đã cấp 150 mẫu đất cho nhà máy sản xuất đường ở Biên Hòa do Kresser làm
giám đốc để công ty này trồng mía nguyên liệu [9; tr.427]. Công ty Taillefer
được Nhà nước Thuộc địa bán 36 mẫu với giá 70 đến 80 frs đất canh tác ở Cù
lao Năm thôn, 300 mẫu đất còn lại được Nhà nước nhường quyền cho quản lý
[9; tr.429].
Nhờ có các chính sách này nên chỉ trong thời gian ngắn, Nam Kỳ đã
thu hút được một số lượng lớn các nhà sản xuất, kinh doanh từ khắp các nước
trên thế giới tụ họp về đây. Theo ghi chép của Phòng Thương mại Pháp tại
Nam Kỳ tính tới thời điểm năm 1874, toàn Nam Kỳ có được các cơ sở sản
xuất phục vụ cho xuất khẩu sau:
- Hai nhà máy xay xát lúa, một thuộc hãng Renard và Spooner và nhà
máy khác thuộc hãng Cahezac de Bordeaux do Lheman làm đại diện.
- .Một nhà máy sản xuất nước đá của Cazaux và Salvain.
- Một nhà máy làm nước uống có gaz của Gueldre.
- Một xưởng kéo sợi ở Chợ Lớn của Francfort và Samuel.
- Một nhà máy đường ở Biên Hòa do Kresser điều hành [9; tr.427].
Bên cạnh các cơ sở sản xuất trên, còn có các nhà buôn lớn có chi nhánh
tại Sài Gòn như:
- Nehr et Cie: Hiệp hội nhập khẩu-xuất khẩu và ngân hàng.
- Kaltenbach, Engler et Cie: Hiệp hội nhập khẩu và xuất khẩu.
- Pohl, Openheimer: Mặt hàng mới - hàng hóa Paris.
- Anh em nhà Cahuzac: Hiệp hội xuất khẩu [9; tr.238].
26
Cùng với các hãng sản xuất này còn có hoạt động thương mại của
người Hoa và người Ấn cũng góp phần quan trọng vào sự năng động của nền
kinh tế Nam Kỳ. Người Hoa chủ yếu kinh doanh trong lĩnh vực buôn bán, ẩm
thực, đông dược, á phiện, sòng bạc,… và đặc biệt là cho vay nặng lãi đã làm
cho người dân Nam Kỳ gặp nhiều điêu đứng. Người Ấn Độ chuyên mua bán
trong mặt hàng vải sợi và cho vay. Một số địa chủ người Việt cũng tham gia
vào hoạt động buôn bán.
Nhìn chung, tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh, mua bán trên đã góp
phần quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế Nam Kỳ trong thời gian
đầu. Nhờ vậy đã giúp cho Nhà nước Thuộc địa Pháp tại Nam Kỳ thu về
những khoản lợi nhuận kết sù. Theo Luro, thu nhập của Nam Kỳ vào năm
1874 là 14 triệu frs [65; tr.279]. Trong khi đó, học giả Trương Bá Cần thì cho
rằng thu nhập của Nam Kỳ là 14.492.000frs [9; tr.444]. Số tiền to lớn này
chứng tỏ tiềm năng thương mại của Nam Kỳ là đáng kể. Nếu biết quy hoạch
và đầu tư khai thác hợp lý, trong tương lai Nam Kỳ sẽ trở thành trung tâm
thương mại của toàn xứ Đông Dương và vùng Viễn Đông.
Bên cạnh những thành công bước đầu thì nền thương mại Nam Kỳ
cũng bọc lộ nhiều yếu kém và sự trì truệ. Biểu hiện của tình trạng này là sự
thiếu nguồn vốn trong sản xuất kinh doanh. Phần lớn các doanh nghiệp, các
nhà sản xuất đang làm ăn sinh sống tại Nam Kỳ có số vốn không lớn lắm nên
khó lòng mở rộng quy mô sản xuất. Hậu quả là chỉ trong thời gian ngắn đã có
hàng lọt các công ty, xí nghiệp tại Nam Kỳ phải đóng của. Nhà máy sợi của
Francfort và Samuel hoạt động vào tháng 07 năm 1869 với 130 công nhân
buộc phải ngưng hoạt động vào năm 1874 vì thiếu vốn. Cũng trong năm 1874
đánh dấu sự sụp đổ của nhà máy đường Biên Hòa do Kresser làm giám đốc
[9; tr.427]. Tiếp sau đó là đến lược công ty Taillefer. Công ty này ra đời và
hoạt động vào tháng 10 năm 1866, tại Cù lao Năm thôn. Sau một thời gian
27
hoạt động không mấy hiệu quả, công ty buộc phải bán lại cho Trần Bá Lộc [9;
tr.429-430].
Trước sự sụp đổ của hàng loạt các công ty vì thiếu nguồn vốn để sản
xuất đã khiến cho Nhà nước Thuộc địa Pháp tại Nam Kỳ phải quan ngại. Nhà
nước thuộc địa Pháp đã phải thừa nhận rằng “nhìn chung sau 10 năm khai
thác thuộc địa, nỗ lực kỹ nghệ hóa Nam Kỳ vẫn không đáng kể: kết quả là số
không” [9; tr.428]. Trong khi đó, đại diện Ủy ban Nông nghiệp và Kỹ nghệ
Nam Kỳ - Linh mục Legrand de La Lyraie đã phải cay đắng khi nói lên
những lời lẽ như thế này: “Một nhà máy đường lớn tại Biên Hòa, một khu vực
trồng mía bao la bát ngát; một cơ sở nông nghiệp ở Long Thành và xung
quanh Sài Gòn; thật tốn công vô ích khi thiết lập cơ sở nông nghiệp ở Long
Thành và xung quanh Sài Gòn; thật phí công vô ích khi nói tới nghề nhuộm
chàm thủ công ở vùng cao Vĩnh Long, tới trại nuôi tằm, kéo sợi, hong kén”
[9; tr.428].
Để cứu nguy cho tình trạng đó, Nhà nước Thuộc địa Pháp tại Nam Kỳ
đã đề ra nhiều biện pháp nhằm tìm kiếm nguồn vốn để hỗ trợ cho các doanh
nghiệp, xí nghiệp đang gặp khó khăn nơi đây. Biện pháp trước mắt mà Nhà
nước Thuộc địa Pháp tại Nam Kỳ thường làm là giảm thuế cho các xí nghiệp,
doanh nghiệp đang gặp khó khăn tại Nam Kỳ. Quyết định ngày 03/03/1868,
giảm 33% thuế đất trồng mía cho các xí nghiệp. Quyết định ngày 03/11/1871,
giảm từ 10frs xuống còn 4frs/1hecta đất trồng cây dâu tằm phục vụ cho xuất
khẩu [9; tr.439].
Sau các biện pháp giảm thuế là các cuộc triển lãm, tổ chức các kỳ Đấu
xảo tại Sài Gòn về giống cây trồng, về các mặt hàng lợi thế của Nam Kỳ, về
cơ hội đầu tư và làm ăn nơi đây để thu hút thương nhân các nước. Theo
nghiên cứu của học giả Trương Bá Cần, Nhà nước Thuộc địa Pháp tại Sài
28
Gòn đã tổ chức được ba kỳ Đấu xảo vào các năm 1866, 1867 và 1874 [9;
tr.439].
Song song với các biện pháp trên Nhà nước Thuộc địa Pháp tại Nam
Kỳ còn dùng hình thức khen thưởng để động viên các xí nghiệp đang gặp khó
khăn. Ngày 06 tháng 01 năm 1873, Nhà nước Thuộc địa tại Nam Kỳ đã khen
thưởng cho nhà máy sợi tại Chợ Lớn do Francfort và Samuel làm chủ với số
tiền là 6.000frs và 4.000frs vì đã cố gấn để cứu nhà máy khỏi ngưng hoạt
động. Tiếp sau đó đến ngày 13 tháng 01 năm 1873, khen thưởng cho Blanchy
và Agaisse với số tiền là 10.000frs và 5.000frs với lý do: họ là những người
đầu tiên thí nghiệm trồng café tại Nam Kỳ, nay khích lệ họ vì những nổ lực đã
thực hiện [9; tr.439].
Mặt khác Nhà nước Thuộc địa còn dùng tới chiến dịch truyền thông,
báo chí để đánh bóng về sự hấp dẫn của nền thương mại Nam Kỳ nhằm lôi
kéo, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến mua bán. Tờ La Gazette de
France số ra ngày 05/11/1864 đã có bài bình luận như sau về tiềm năng
thương mại của xứ Nam Kỳ: “Nam Kỳ và cảng Sài Gòn, nó không những là
một vị trí quân sự và chính trị rất quan trọng mà còn có thể trở thành kho
chứa hàng ở vùng Viễn Đông, tâm điểm giao thương các khu vực xa xôi đổ
vào và từ đó tỏa ra khắp nơi. Vả lại nhờ có nó, nhờ có nguồn lợi nó đem lại,
nhờ ở sự màu mỡ đặc biệt của đất đai, nhờ ở sự đa dạng của sản phẩm, Nam
Kỳ sẽ là phần đất sở hữu quý giá nhất. Hiện nay với nền nông nghiệp chưa
hoàn thiện, nó vẫn xuất khẩu được một lượng gạo lớn và theo một cách nào
đó, các nước đặc biệt là Nhật Bản sẽ lệ thuộc vào nguồn cung cấp này. Nam
Kỳ còn sản xuất hương liệu, mía đường; nó có gỗ quý để xây dựng và nó trù
phú tới mức đã có thể đủ cung cấp cho chính mình”[9; tr.150]. Trong khi đó
tờ Le Constitutionnel ngày 03 tháng 12 năm 1863 viết rằng: “Cảng Sài Gòn
là điểm hẹn của tàu bè từ Ấn Độ tới Trung Hoa, nó nằm giữa Singapore và
29
Hồng Kông, nó cung cấp những nông sản dồi dào và đa dạng, từ mảnh đất
màu mỡ, thuộc vùng khí hậu nhiệt đới thuận lợi, việc vận chuyển hàng hóa dễ
dàng, nhờ những kênh, gạch thiên nhiên chằng chịt khắp xứ”[9; tr.145]. Tất
cả những việc làm trên của Nhà nước Thuộc địa Pháp không thu được kết quả
khả quan lắm. Nền kinh tế Nam Kỳ nhìn chung vẫn bị trì truệ và lạc hậu. Đô
đốc Dupré đã phải thừa nhận rằng “tình trạng đình đốn về mặt kinh tế tại
Nam Kỳ những khó khăn ấy là tình trạng thiếu vốn”[9; tr.439].
Trước thực trạng đó để cứu vãn kinh tế Nam Kỳ khỏi lâm vào tình cảnh
trên, Nhà nước Thuộc địa Pháp đã vận động Chính phủ Pháp cho thành lập
một ngân hàng tín dụng giành cho xứ thuộc địa Nam Kỳ (thường được gọi là
Ngân hàng Đông Dương (Banque de l’Indochine)). Ngân hàng Đông Dương
ra đời vào ngày 21 tháng 01 năm 1875 là nhằm đáp ứng nguyện vọng đó. Sau
khi Ngân hàng Đông Dương ra đời, ngân hàng đã không phụ lòng của Nhà
nước Thuộc địa Pháp, ngân hàng đã không ngừng cung cấp tín dụng cho các
công ty, xí nghiệp đang gặp khó khăn về nguồn vốn để mở rộng hoạt động sản
xuất. Sau sự ra đời của ngân hàng Đông Dương là hàng lọt các ngân hàng
khác cũng bắt đầu xuất hiện. Những ngân hàng này, cũng góp phần không
nhỏ vào việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế Nam Kỳ. Nhờ vậy, Nhà nước
Thuộc địa Pháp đã rất dễ dàng tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa ở đất
nước ta trên quy mô lớn trong các lần 1897-1918 và 1918-1945, nhằm vơ vét
tài nguyên, thiên nhiên làm giàu cho chính quốc.
Như vậy, từ việc thiếu nguồn tín dụng trong sản xuất, kinh doanh đã
làm cho nền kinh tế Nam Kỳ lâm vào khủng hoảng trì truệ trong thời gian dài.
Cuộc khủng khoảng này đã đẩy các công ty, xí nghiệp tại Nam Kỳ ngấp nghé
bên bờ vực phá sản. Giữa lúc đó, Ngân hàng Đông Dương ra đời và kéo theo
đó là sự xuất hiện của hàng loạt các ngân hàng thương mại khác đã mang đến
30
niềm hy vọng mới cho kinh tế Nam Kỳ. Thúc đẩy quá trình khai thác thuộc
địa của Pháp tại Việt Nam diễn ra một cách nhanh chóng.
1.3.2. Về chính trị
Sau khi chiếm được Nam Kỳ từ tay triều đình Huế, Chính quyền Thuộc
địa Pháp ráo riết cho tổ chức lại bộ máy hành chính để phục vụ cho việc cai
trị lâu dài. Công việc trước tiên của Nhà nước Thuộc địa là đào tạo một đội
ngũ công chức, viên chức làm việc cho chế độ mới. Để thực hiện được điều
này, đô đốc Charner cho thành lập “một trường thông ngôn để dạy tiếng Việt
cho người Pháp và một trường khác để dạy tiếng Pháp cho người Việt; Ông
tặng 30 suất học bổng cho những người trúng tuyển tại các làng khác nhau
theo học”[9; tr.411]. Đến thời của đô đốc Bonard, số học bổng được tăng lên
con số 100. Và đến ngày 30 tháng 01 năm 1862 ông cũng thêm học bổng cho
các thiếu nữ trường Thánh Nhi, trường Mồ côi [9; tr.411].
Bên cạnh đó, nhiều nghị định được ban hành để thành lập các trường
trong toàn cõi Nam Kỳ nhằm tăng việc đào tạo đội ngũ công chức, viên chức
cho Nhà nước. Nghị định ngày 31 tháng 03 năm 1863 quy định “tại mỗi tỉnh
có Đốc học, phủ có Giáo thụ, huyện có Huấn đạo, chế độ thi cử cũ cũng được
hồi phục”[9; tr.412]. Nghị định ngày 16 tháng 07 năm 1864, cho phép thành
lập các Trường Tiểu học tại các Trung tâm hành chính quan trọng nhất để dạy
chữ Quốc ngữ cho trẻ em trong vùng. Đến cuối năm 1864 đã có 20 trường
học đi vào hoạt động [9; tr.412].
Theo sau việc đào tạo đội ngũ công chức, viên chức cho Nhà nước
Thuộc địa là việc soạn lại hệ thống văn bản hành chính và chia lại địa giới các
tỉnh tại Nam Kỳ cho dễ bề cai trị. Khi Pháp vừa chiếm được Nam Kỳ, các đô
đốc Pháp đã rất lúng túng khi nhận thấy rằng hầu hết người dân sống tại Nam
Kỳ không hề biết đến các thủ tục văn bản hành chính của Nhà nước nên việc
31
điều hành công việc của Chính quyền gặp rất nhiều khó khăn. Đứng trước
thực tế đó Pháp đã “đồng hóa về mặt hành chính, sửa đổi lề lối làm việc cùng
là cách soạn thảo văn bản,…”[57; tr.153].
Riêng về địa giới hành chính các tỉnh, thành phố, trước lúc Pháp đánh
chiếm Nam Kỳ, toàn Nam Kỳ dưới thời vua Minh Mạng được chia làm 6 tỉnh
trên một diện tích hơn 600.000 km2
, với tổng số dân khoản 1.678.000 người,
mật độ dân cư trung bình là 28 người/km2
[9; tr.440]. Chứng tỏ dân số Nam
Kỳ lúc bấy giờ chiếm tỷ lệ rất thấp. Đến khi Pháp xâm chiếm Nam Kỳ và đưa
Nam Kỳ vào ghuồng máy khai thác, bóc lột. Nhà nước Thuộc địa Pháp tại
Nam Kỳ đã nhận thấy cần gia tăng hơn nữa dân số tại Nam Kỳ. Nhà nước
Thuộc địa đã đề ra những biện pháp nhằm gia tăng dân số như: di dân từ các
tỉnh miền Bắc và miền Trung vào Nam Kỳ, kêu gọi người Pháp và người
Châu Âu đến sinh sống và làm việc tại Nam Kỳ, cấp giấy phép cư trú cho
người Hoa và người nước ngoài (chủ yếu là Đông Nam Á) đến định cư và làm
việc tại đây,… Những biện pháp này, một phần nào đó đã thể hiện được tính
tích cực là gia tăng dân số Nam Kỳ trong thời gian ngắn. Theo số liệu của
Tổng cục Điều tra Dân số Nam Kỳ, tính tới thời điểm năm 1926, toàn Nam
Kỳ có 3.935.000 người [67; tr.44]. Sự gia tăng dân số này, đòi hỏi việc quản
lý hành chính về mặt Nhà nước cũng gặp nhiều khó khăn hơn trước, khi địa
giới hành chính cũ vẫn còn giữ nguyên như thời nhà Nguyễn. Trước thực
trạng đó, Nhà nước Thuộc địa đã chia lại địa giới hành chính Nam Kỳ để dễ
dàng quản lý. Theo đó, Nam Kỳ được chia làm 20 tỉnh gồm: “Bạc Liêu, Bà
Rịa, Bến Tre, Biên Hòa, Cần Thơ, Châu Đốc, Chợ Lớn, Gia Định, Gò Công,
Hà Tiên, Long Xuyên, Mỹ Tho, Rạch Giá, Sa Đéc, Sóc Trăng, Tân An, Tây
Ninh, Thủ Dầu Một, Trà Vinh, và Vĩnh Long. Có 2 thành phố: Sài Gòn là
thành phố cấp I và Chợ Lớn là thành phố cấp II”[43; tr.100].
32
Việc phân chia lại địa giới hành chính các tỉnh, thành phố của Nam Kỳ
đã làm gia tăng số lượng đội ngũ công chức, viên chức điều hành công việc
của Nhà nước Thuộc địa lên. Kéo theo đó, là vấn đề lương, bổng trả cho đội
ngũ này cũng không ngừng gia tăng. Theo sắc lệnh ngày 27-01-1886, tiền
lương mà Nhà nước Thuộc địa chi trả cho các công chức, viên chức người
Pháp như sau: “Công sứ hạn nhất 25.000frs/năm; hạng nhì 20.000frs/năm
cộng với kinh phí công vụ. Phó công sứ hạng nhất 15.000frs/năm; Chưởng ấn
9.000frs/năm. Nhân viên ở Tòa công sứ tùy theo hạng: 6.000; 5.000 và
4.500frs/năm. Lương của Thống sứ là 150.000frs/năm, cộng với 50.000frs
kinh phí giao tế. Lương tháng trung bình của một công nhân Pháp thời đó là
150frs, tức là 1.800frs/năm”[65; tr.442]. Còn tiền lương và phụ cấp lương của
một viên Tổng đốc người Việt được Nhà nước Thuộc địa trả là 300 đồng
Đông Dương tương ứng với 750frs [43; tr.103]. Ngoài tiền lương chi trả cho
các công chức, viên chức trên, thành phần này còn có những khoản “phụ cấp”
và “trợ cấp” khác khá lớn. Phần lớn những khoản phụ cấp này đều trích từ
kinh phí của ngân sách Đông Dương, chủ yếu là ngân sách của Nam Kỳ. Đây
là những khoản tiền bẩn thiểu mà Nhà nước Thuộc địa Nam Kỳ bóc lột nhân
dân Nam Kỳ để đáp ứng cho sự chi tiêu xa xỉ của bộ máy. Sự chi tiêu này
nhiều đến mức, một nghị sĩ Pháp sau khi đã về hưu phải thốt lên rằng “so với
bọn viên chức thuộc địa thì những tên cướp đường còn là những người lương
thiện”[43; tr.104]. Tất cả những khoản chi tiêu khổng lồ này, nằm ngoài khả
năng kết toán của ngân sách thuộc địa. Do đó. đòi hỏi phải có sự ra đời của
các ngân hàng để đảm bảo các hoạt động tín dụng cho Nhà nước Thuộc địa.
Ngoài việc đào tạo đội ngũ công chức, viên chức và phân chia lại địa
giới hành chính các tỉnh, thành,… giờ đây bộ máy Nhà nước Thuộc địa cũng
bắt đầu phình to ra. Đẩy việc chi tiêu công của Nhà nước Thuộc địa tại Nam
Kỳ tăng nhanh chóng. Theo sắc lệnh ngày 08 tháng 02 năm 1880 của Tổng
33
thống Pháp, “xứ Nam Kỳ là đất thuộc địa không có quan hệ phụ thuộc vào
Nam triều”[43; tr.100]. Chính sắc lệnh này đã đưa đến việc tổ chức lại bộ
máy hành chính Nhà nước Nam Kỳ hoàn toàn tách biệt và khắc hẳn so với bộ
máy nhà nước của triều Nguyễn. Theo đó, Nam Kỳ thành lập Hội đồng Thuộc
địa có nhiệm vụ tư vấn về các vấn đề thuế má, thu, chi ngân sách tại Nam
Kỳ,… gồm 16 thành viên 10 người Pháp; 4 người Việt mang quốc tịch Pháp
và 2 đại biểu một của Phòng Thương mại và một của Hội đồng tư vấn [43;
tr.100].
Đứng đầu xứ Nam Kỳ là Thống đốc, giúp việc cho Thống đốc là: Hội
đồng Tư vấn; Hội đồng Hình sự; Phòng Thương mại thành lập năm 1868;
Phòng Canh nông năm 1897; các công sứ người Pháp đứng đầu các tỉnh,
thành,… Riêng đối với các tỉnh, thành phố có thêm Sở Tham biện, Hội đồng
hàng tỉnh, Sở Địa lý; các Tri phủ; Tri huyện. Bộ máy chính quyền ở các làng,
xã vẫn giữ nguyên không có gì thay đổi. Với hệ thống các cơ quan hành chính
mới mà Nhà nước Thuộc địa tại Nam Kỳ xây dựng lên đã đẩy nền tài chính
Nam Kỳ luôn luôn thiếu hụt, buộc Nhà nước Thuộc địa phải phát hành “trái
phiếu Chính phủ” để huy động vốn từ khu vực tư nhân. Vì vậy, thúc đẩy các
ngân hàng nhanh chóng ra đời đảm nhận việc chi tiêu công cho Chính phủ
Nam Kỳ.
Như vậy với hệ thống bộ máy hành chính mới tại Nam Kỳ, chúng ta
thấy rằng, thực dân Pháp đã hoàn thiện bước đầu bộ máy cai trị tại Nam Kỳ.
Hệ thống hành chính mới phức tạp và cồng kềnh hơn bộ máy hành chính cũ
dưới thời nhà Nguyễn. Nhờ vậy đảm bảo cho thực dân Pháp dễ dàng kiểm
soát được tình hình của các tỉnh. Xử lý công việc cũng trơn tru và nhanh
chóng hơn. Tuy nhiên, kéo theo ưu điểm đó, là việc chi tiêu công cũng không
ngừng phì to ra theo tiến độ. Đây là một cơ hội tốt để các ngân hàng ra đời,
34
giúp cho việc chi tiêu của Chính phủ Thuộc địa được nhanh chóng dễ dàng và
thuận lợi.
1.3.3. Về an ninh - quốc phòng
Bên cạnh việc chi tiêu cho bộ máy hành chính, việc chi tiêu cho an ninh
- quốc phòng tại Nam Kỳ cũng không ngừng gia tăng, có khi còn nhiều hơn
việc chi tiêu của bộ máy công vụ. Ngay từ buổi đầu xâm chiếm Nam Kỳ,
Pháp đã nhận được một đạo quân tình nguyện của Huỳnh Công Tấn, Đỗ Hữu
Phương và Trần Bá Lộc cùng một số quân đội tay sai khác, giúp Pháp đánh
lại quân đội triều đình và phong trào chống Pháp của nhân dân Nam Kỳ. Đổi
lại, Pháp phong tặng quân hàm, cấp bậc và trả lương bổng cho đạo quân này.
Số tiền mà Pháp chi trả cho đạo quân này còn lớn hơn là lương, bổng mà triều
đình Huế chi trả cho các tướng lãnh của mình. Theo ghi nhận của nhà nghiên
cứu Luro tiền lương mà triều đình Huế trả cho đội ngũ quan lại của
mình:“một vị tổng đốc được lĩnh mỗi tháng 25 quan tiền (25 frs) và chừng
200kg gạo. Một quan phủ được 4 tiền và quan huyện 3 tiền và khoảng 100kg
gạo”[65; tr.278]. Trong khi đó tiền mà Pháp trả cho một quân nhân theo Nghị
định ngày 21-11-1868 của đô đốc Ohier ký ban hành là:
- Đại úy chỉ huy 8.000frs/năm;
- Trung úy 6.000frs/năm;
- Thiếu úy 5.000frs/năm;
- Trung úy bản xứ 3.600frs/năm;
- Thúy úy bản xứ 3.000frs/năm [94; tr.32].
Nhìn vào bảng lương trên ta thấy số tiền lương mà Pháp trả cho quân
nhân là rất lớn so với số tiền lương mà triều đình Huế trả cho các tướng lãnh
của mình. Nó lớn đến mức nào?
35
Theo các tài liệu mà chúng tôi thu thập được và qua tìm hiểu của chúng
tôi. Dưới triều Nguyễn, phần lớn tiền tệ dùng trong hoạt động buôn bán trên
đất nước ta là đồng bạc Mexique cân nặng 24,44421 gram, với hàm lượng bạc
nguyên chất hơn 90% [88; tr.152]. Đồng bạc này được triều Nguyễn cho ấn
định tỷ giá so với tiền tệ của nước ta là “7 tiền 2 phân theo hệ thống đo lường
của Đại Nam”[88; tr.223]. Vào thời đó, mệnh giá tiền tệ của nước ta là: quan,
tiền, đồng. Theo mệnh giá này thì: 1 quan = 10 tiền; 1 tiền = 60 đồng. Suy ra
1 quan = 600 đồng. Mệnh giá này có từ đời vua Lê Thái Tông và được giữ
nguyên cho đến triều Nguyễn [88; tr.67]. Cách quy đổi một đồng bạc
Mexique nặng hơn 24 gram, sang tiền tệ của nước ta được triều Nguyễn quy
đổi như sau: 7 x 60 đồng = 420 đồng. Cộng thêm 2 phân = 12 đồng (vì 1 tiền
= 10 phân; cho nên 2 phân = 0,2 tiền; suy ra 0,2 x 60 đồng = 12 đồng). Như
vậy, một đồng bạc Mexique sẽ được triều Nguyễn định giá là: 432 đồng (420
đồng + 12 đồng).
Còn theo bảng lương mà chúng ta thấy ở trên, Nhà nước Thuộc địa trả
lương cho quân đội tính bằng đơn vị đồng phrăng (kí hiệu: frs) chứ không
phải là đồng bạc Mexique. Đồng frs của Pháp vào thời điểm này (1861-1870)
có trọng lượng 25 gram [88; tr.260]. Nếu chuyển đổi giữa đồng bạc Mexique
sang đồng frs Pháp, ta thấy tỷ giá quy đổi xê xích nhau không bao nhiêu.
Đồng nghĩa với việc đồng frs Pháp cũng được định giá là: 432 đồng.
Vào thời điểm bấy giờ, nền kinh tế Nam Kỳ nhìn chung vẫn còn rất lạc
hậu, tiền tệ đưa vào lưu thông chiếm tỷ lệ rất ít. Do bị khang hiếm về tiền tệ
cho nên giá cả sinh hoạt ở vào mức rất thấp. Vì vậy, tiền tệ rất có giá trị đối
với Nam Kỳ. Theo nghiên cứu của tác giả Phạm Thăng trong Tiền tệ Việt
Nam theo dòng lịch sử vào thời năm 1910, “chỉ với 1 xu mua được một gói
xôi to tướng 2 người ăn. Giá gạo lúc đó là 2 cắc (20 xu) một giạ 40 lít
gạo”[83; tr.328]. Tác giả còn cho biết thêm giá trị của tiền qua lời kể mà tác
36
giả ghi lại từ chú ruột của mình như sau: “khi còn nhỏ chú của tác giả phải
leo cau mướn cho chủ điền để lấy tiền công. Hãy hình dung một đứa bé trai
12 tuổi, nhỏ thó, leo thoăn thoắt lên cây cau khẳng khiu cao vòi vọi gần 10
thước, một tay cắt lấy buồng cao trên 100 trái, nặng độ 4 kg và khéo léo luồn
vào sợ dây để thòng xuống đất rồi mới tuột xuống sau. Muốn cho mau để còn
leo cây khác, có khi đứa bé ước lượng khoảng cách giữa hai cây cau gần
nhau, có thể túm tàu lá của cây kia để… đu qua. Trên cây cau gần 10 thước,
đứa trẻ phải phóng mình qua cây kia cho chính xác (nấu xẩy tay là rồi đời)
người đứng dưới đất yếu tim không dám nhìn cảnh tượng cây cao nghiên qua
nghiên lại và đứa bé ôm chặt cây cau như con nhái bén ôm cành sậy. Nếu đứa
trẻ không có gan như vậy, cứ tuột xuống gốc cậy để rồi lại leo lên cây bên
cạnh thì mất thì giờ. Leo cao nguy hiểm như thế, mấy bà nhà giàu trả công có
1 xu cho 5 buồng cau (phải leo 5 cây cao mới được 1 xu) vậy mà đám trẻ
nghèo ở quê cứ xin… leo. Chú tôi cũng như mấy đứa bé khác, mỗi buổi chiều
vuốt vuốt cái bụng trầy da vì tuột lên tuột xuống cây cau mốc trắng để chỉ
được 2, 3 xu là nhiều lắm, rồi nâng niu xỏ xâu đồng xu đồng nhỏ bé, tiền tạo
ra bằng mồ hôi, sức lực của mình”[83; tr.329].
Như vậy, qua số liệu được phân tích trên, ta thấy rằng mỗi tháng quan
lại triều đình Huế chỉ nhận được vào khoản 2,5 quan tiền (đối với quan Tổng
đốc). Vị chi một năm họ lãnh khoản 30 quan tiền, tương đương khoảng
42frs/năm. Với số tiền này, các quan Tổng đốc của ta làm sao đủ sống khi mà
nhu cầu chi tiêu của họ luôn ở mức cao? Trong khi đó, Nhà nước Thuộc địa
Nam Kỳ trả lương cho quân đội 667frs/tháng (giành cho Đại úy chỉ huy). Chỉ
một tháng lương của một quân nhân Pháp cũng đã gấp mấy “năm lương” của
quan Tổng đốc triều đình. Bên cạnh tiền lương trả cho quân đội hàng tháng,
Nhà nước Thuộc địa còn tài trợ thêm các khoản phụ cấp khác cho quân đội
được quy định như sau:
37
- 1 Đại úy 600$/người;
- 2 Hạ sĩ quan 200$/người;
- 4 Hạ sĩ 100$/người;
- 2 Lính kèn 100/người [94; tr.77].
Với số tiền lương và các khoản phụ cấp to lớn này, lý giải vì sao có
nhiều quân lính triều đình Huế sẵn sàng đào ngũ sang “phò tá” quân Pháp sau
khi Pháp hạ xong thành Gia Định. Tiêu biểu trong số đó là đạo quân tình
nguyện của Huỳnh Công Tấn, Đỗ Hữu Phương và Trần Bá Lộc. Đến năm
1879, Thống đốc Nam Kỳ Le Myre de Vilers được sự chấp thuận của Tổng
thống Pháp đã ký sắc lệnh cho phép Nam Kỳ thành lập Trung đoàn Lính tập
Annam (Régiment des Tirailleurs Annamites - RTA) gồm 2 tiểu đoàn với 9
đại đội, sau đó tăng lên 3 tiểu đoàn với 12 đại đội, mỗi đại đội từ 200 đến 250
người [94; tr.80]. Tổng cộng quân số của Trung đoàn Lính tập này là 2137
người [94; tr.96].
Sự ra đời của Trung đoàn Lính tập Nam Kỳ, đánh dấu một bước tiến
lớn trong việc hoàn thành mục tiêu phòng thủ Nam Kỳ của Nhà nước Thuộc
địa Pháp. Ngăn ngừa được sức mạnh quân sự của triều đình Huế muốn tái
chiếm lại vùng đất này. Đồng thời đẩy nhanh quá trình xâm chiếm Bắc Kỳ và
đất nước ta trong thời gian tới. Tuy nhiên sự ra đời của Trung đoàn Lính tập
Nam Kỳ cũng đặt nhiều thách thức đối với ngân sách Nam Kỳ. Do đó, thúc
đẩy các khoản vay tín dụng của Nhà nước Thuộc địa không ngừng gia tăng.
Ngoài tiền lương chi trả hàng tháng, Nhà nước Thuộc địa còn tài trợ
thêm “quân trang” và “quân dụng” cho quân nhân để lực lượng này nâng cao
khả năng tác chiến chống lại sự uy hiếp từ phía quân đội triều đình. Sau khi
chiếm được Nam Kỳ, mối bận tâm lớn nhất của các đô đốc Pháp, là sự hiện
diện quân sự của quân đội triều đình ở tỉnh Bình Thuận. Điều đó đã đe dọa
đến nền an ninh thuộc địa mà Pháp đã cố gắn xây dựng được trong mấy năm
38
nay. Sự hiện diện quân sự này đã khiến cho các đô đốc Pháp không thể nào
yên tâm được. Xuất phát từ thực tế đó đã buộc Nhà nước Thuộc địa phải xây
dựng lại lực lượng quân đội bản xứ theo hướng chính quy và hiện đại để tăng
cường khả năng chiến đấu chống lại quân đội triều đình. Muốn làm được điều
đó, bên cạnh việc trả lương cao, Nhà nước Thuộc địa còn phải bao cấp luôn
quân trang và quân dụng cho quân nhân. Chính vì vậy đã có một loạt quyết
định được các đô đốc Pháp ký ban hành quy định về vấn đề này. Quyết định
ngày 20 tháng 01 năm 1864, của đô đốc De La Grandière cấp 20frs cho mỗi
quân nhân may quân phục [94; tr.36]. Đến ngày 22 tháng 01 năm 1877, Nhà
nước Thuộc địa lại ban hành quyết định quy định đồng phục của quân đội
thuộc địa và giao cho nhà thầu Morice & Bailly ở Sài Gòn may trang phục
cho quân đội. Theo đó, trang phục của quân nhân là “1 áo dạ xanh đậm, 2 áo
cụt vải trắng, 1 khăn đóng đen, 1 quai nón đỏ. Riêng dây lưng đỏ và nón có
chop đồng lồi cao 5 cm thì do làng cung cấp”[94; tr.37]. Về vũ khí trang bị
cho quân nhân thì theo Jauréguiberry vào tháng 8 năm 1880, vũ khí trang bị
cho quân đội là 2.412 khẩu carabine kiểu năm 1874, cùng với phụ tùng, bao
đạn, dây đeo,… 100 viên đạn cho mỗi khẩu. Ngoài ra còn có 70 súng lục với
2500 đạn [94; tr.96].
Như vậy với các quyết định được ban hành, chúng ta thấy Nhà nước
Thuộc địa đã tiêu tốn rất nhiều tiền từ ngân sách thuộc địa để chi cho nền
quốc phòng của Nam Kỳ. Sự chi tiêu này nằm ngoài khả năng của Nhà nước
Thuộc địa. Do đó kích thích các khoản vay tín dụng Chính phủ Thuộc địa
không ngừng gia tăng.
Song song với việc tài trợ cho quân đội, Chính quyền Thuộc địa còn
cho thành lập lực lượng cảnh sát người Việt để bảo vệ an ninh, trật tự trong
xứ. Lực lượng cảnh sát này có những đặc điểm sau:
39
- Binh lính người Việt không nằm trong lực lượng quân đội chính quy
đều thuộc quyền tối cao của Thống đốc Nam Kỳ.
- Số binh lính này được tuyển lựa như binh lính chính quy. Thống đốc
Nam Kỳ ấn định số lượng cảnh sát cho từng tỉnh.
- Chức năng của lực lượng này là đảm bảo an ninh trật tự cho từng tỉnh,
canh giữ các công sở, các tuyến đường giao thông,… Khi có chiến tranh có
thể chuyển từng phần hay toàn bộ lực lượng sang chính quyền quân sự [43;
tr.106].
Tiếp đó, sau khi thành lập Liên bang Đông Dương ngày 28 tháng 06
năm 1917, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định cho thành lập Sở Tình báo
và An ninh Trung ương (Service central de Renseignement et de Sûreté
Générale) còn gọi là Sở Mật thám Đông Dương. Theo đó, phân bổ cho Nam
Kỳ một cơ quan mang tên Cảnh sát An ninh (Police de Sûreté) . Cơ quan này
có nhiệm vụ “theo dõi ngăn ngừa tất cả các hành động có tính chất chống
đối, điều tra, truy lùng thủ phạm và cùng giới cầm quyền đàn áp các vụ nổi
loạn”[43; tr.107]. Sự ra đời của lực lượng cảnh sát này đã mang lại hiệu quả
cao trong việc gìn giữ an ninh - trật tự của Nam Kỳ. Tuy nhiên kéo theo đó là
gánh nặng ngân sách cho Nam Kỳ ngày một tăng lên.
Theo các tài liệu mà chúng tôi thu thập được, hiện vẫn chưa có số liệu
chính xác nói về các khoản chi tiêu lương, bổng, phụ cấp,… mà Chính phủ
Thuộc địa trả cho lực lượng này. Tuy nhiên theo Nghị định ngày 24 tháng 04
năm 1863 của đô đốc Bonard quy định rằng: “trao cho quan phủ hoặc huyện
50 lính Lê, hoặc Mã tà để làm cảnh sát”[9; tr.409]. Nếu căn cứ vào Nghị định
ngày 24 tháng 04, chúng ta thấy rằng một bộ phận lính Lê dương và lính Mã
tà nằm trong quân đội thuộc địa được chuyển thành lực lượng cảnh sát. Xét
bảng lương của lính Lê dương và lính Mã tà trong biên chế của quân đội thì
40
tiền lương của lực lượng cảnh sát (chỉ lính Lê dương và Mã tà) được Chính
phủ Thuộc địa trả như sau:
- Đội I tính tròn mỗi năm lãnh 480frs;
- Đội II tính tròn mỗi năm lãnh 420frs;
- Cai và Thư lại mỗi năm lãnh 360frs;
- Cai II mỗi năm lãnh 300frs;
- Lính mỗi năm lãnh 240frs [94; tr.37].
Còn phụ cấp của lực lượng cảnh sát được Nghị định tháng 08 năm
1879, quy định như sau:
- Sĩ quan:
+ Quản I 38$/tháng ($: ký hiệu của đồng bạc Đông
Dương);
+ Quản II 33$/tháng;
+ Phó Quản I 25$/tháng;
+ Phó Quản II 22$/tháng;
- Hạ sĩ quan và Binh sĩ:
+ Đội I 10$/tháng;
+ Đội II 9$/tháng;
+ Thư lại I 7$/tháng;
+ Thư lại II 6,5$/tháng;
+ Cai I 6,2$/tháng;
+ Lính I 5,5$/tháng;
+ Lính II 5$/tháng;
+ Lính kèn 5,8/tháng [94; tr.38].
Như vậy, với tiền lương và các khoản phụ cấp chi, trả cho quân đội và
lực lượng cảnh sát tại Nam Kỳ để bảo vệ an ninh - trật tự tại đây, quả là một
chi phí đắc đỏ. Nó ngốn gần hết ngân sách Nam Kỳ làm cho Chính phủ Thuộc
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ

More Related Content

What's hot

Tóm tắt các điều kiện niêm yết trên hnx và hose trong nđ59
Tóm tắt các điều kiện niêm yết trên hnx và hose trong nđ59Tóm tắt các điều kiện niêm yết trên hnx và hose trong nđ59
Tóm tắt các điều kiện niêm yết trên hnx và hose trong nđ59Trang Toét
 
TIỂU LUẬN: CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA VIỆT NAM
TIỂU LUẬN: CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA VIỆT NAMTIỂU LUẬN: CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA VIỆT NAM
TIỂU LUẬN: CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA VIỆT NAMOnTimeVitThu
 
Quản lý tài chính tại Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội : Luận văn ThS. ...
Quản lý tài chính tại Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội : Luận văn ThS. ...Quản lý tài chính tại Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội : Luận văn ThS. ...
Quản lý tài chính tại Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội : Luận văn ThS. ...nataliej4
 
Các công cụ chính sách tiền tệ hiện nay ở Việt Nam
Các công cụ chính sách tiền tệ hiện nay ở Việt NamCác công cụ chính sách tiền tệ hiện nay ở Việt Nam
Các công cụ chính sách tiền tệ hiện nay ở Việt NamSương Tuyết
 
Đề tài: Mở rộng hoạt động cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ tại ngân hà...
Đề tài: Mở rộng hoạt động cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ tại ngân hà...Đề tài: Mở rộng hoạt động cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ tại ngân hà...
Đề tài: Mở rộng hoạt động cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ tại ngân hà...Viết thuê trọn gói ZALO 0934573149
 
Phân tích hiệu quả sử dụng vốn tại công ty tnhh công nghiệp hóa chất inchemco
Phân tích hiệu quả sử dụng vốn tại công ty tnhh công nghiệp hóa chất inchemcoPhân tích hiệu quả sử dụng vốn tại công ty tnhh công nghiệp hóa chất inchemco
Phân tích hiệu quả sử dụng vốn tại công ty tnhh công nghiệp hóa chất inchemcohttps://www.facebook.com/garmentspace
 
Luận án: Tác động của người nhập cư đến phát triển kinh tế - xã hội ở thành p...
Luận án: Tác động của người nhập cư đến phát triển kinh tế - xã hội ở thành p...Luận án: Tác động của người nhập cư đến phát triển kinh tế - xã hội ở thành p...
Luận án: Tác động của người nhập cư đến phát triển kinh tế - xã hội ở thành p...Viết thuê trọn gói ZALO 0934573149
 
Giáo trình Quản trị Ngân hàng Thương mại (download tai tailieutuoi.com).pdf
Giáo trình Quản trị Ngân hàng Thương mại (download tai tailieutuoi.com).pdfGiáo trình Quản trị Ngân hàng Thương mại (download tai tailieutuoi.com).pdf
Giáo trình Quản trị Ngân hàng Thương mại (download tai tailieutuoi.com).pdfTrịnh Minh Tâm
 
LUẬN VĂN TỐT NGHIỆP NHÂN TỐ ĐẾN CÁN CÂN THANH TOÁN QUỐC TẾ Ở VIỆT NAM CỰC HAY
LUẬN VĂN TỐT NGHIỆP NHÂN TỐ ĐẾN CÁN CÂN THANH TOÁN QUỐC TẾ Ở VIỆT NAM CỰC HAYLUẬN VĂN TỐT NGHIỆP NHÂN TỐ ĐẾN CÁN CÂN THANH TOÁN QUỐC TẾ Ở VIỆT NAM CỰC HAY
LUẬN VĂN TỐT NGHIỆP NHÂN TỐ ĐẾN CÁN CÂN THANH TOÁN QUỐC TẾ Ở VIỆT NAM CỰC HAYNguyenQuang195
 
Phân tích Dupont 5 nhân tố liên hoàn
Phân tích Dupont 5 nhân tố liên hoànPhân tích Dupont 5 nhân tố liên hoàn
Phân tích Dupont 5 nhân tố liên hoànLavender Keith
 
Phan tich tinh_hinh_tai_chinh_cua_cong_ty_co_phan_kinh_do_i_mwy_unbct6_201307...
Phan tich tinh_hinh_tai_chinh_cua_cong_ty_co_phan_kinh_do_i_mwy_unbct6_201307...Phan tich tinh_hinh_tai_chinh_cua_cong_ty_co_phan_kinh_do_i_mwy_unbct6_201307...
Phan tich tinh_hinh_tai_chinh_cua_cong_ty_co_phan_kinh_do_i_mwy_unbct6_201307...Nguyễn Ngọc Phan Văn
 
Cẩm nang hướng dẫn làm bài thi vstep
Cẩm nang hướng dẫn làm bài thi vstepCẩm nang hướng dẫn làm bài thi vstep
Cẩm nang hướng dẫn làm bài thi vstepDương Hoàng Nhơn
 

What's hot (20)

Tóm tắt các điều kiện niêm yết trên hnx và hose trong nđ59
Tóm tắt các điều kiện niêm yết trên hnx và hose trong nđ59Tóm tắt các điều kiện niêm yết trên hnx và hose trong nđ59
Tóm tắt các điều kiện niêm yết trên hnx và hose trong nđ59
 
Luận văn: Phát hành trái phiếu của công ty cổ phần đại chúng, HAY
Luận văn: Phát hành trái phiếu của công ty cổ phần đại chúng, HAYLuận văn: Phát hành trái phiếu của công ty cổ phần đại chúng, HAY
Luận văn: Phát hành trái phiếu của công ty cổ phần đại chúng, HAY
 
TIỂU LUẬN: CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA VIỆT NAM
TIỂU LUẬN: CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA VIỆT NAMTIỂU LUẬN: CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA VIỆT NAM
TIỂU LUẬN: CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA VIỆT NAM
 
Đề tài: Quản lý tài sản công trong doanh nghiệp nhà nước, HOT
Đề tài: Quản lý tài sản công trong doanh nghiệp nhà nước, HOTĐề tài: Quản lý tài sản công trong doanh nghiệp nhà nước, HOT
Đề tài: Quản lý tài sản công trong doanh nghiệp nhà nước, HOT
 
Quản lý tài chính tại Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội : Luận văn ThS. ...
Quản lý tài chính tại Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội : Luận văn ThS. ...Quản lý tài chính tại Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội : Luận văn ThS. ...
Quản lý tài chính tại Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội : Luận văn ThS. ...
 
Các công cụ chính sách tiền tệ hiện nay ở Việt Nam
Các công cụ chính sách tiền tệ hiện nay ở Việt NamCác công cụ chính sách tiền tệ hiện nay ở Việt Nam
Các công cụ chính sách tiền tệ hiện nay ở Việt Nam
 
Đề tài: Quản trị vốn cố định tại công ty TNHH May Lan Lan, HAY
Đề tài: Quản trị vốn cố định tại công ty TNHH May Lan Lan, HAYĐề tài: Quản trị vốn cố định tại công ty TNHH May Lan Lan, HAY
Đề tài: Quản trị vốn cố định tại công ty TNHH May Lan Lan, HAY
 
Đề tài: Mở rộng hoạt động cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ tại ngân hà...
Đề tài: Mở rộng hoạt động cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ tại ngân hà...Đề tài: Mở rộng hoạt động cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ tại ngân hà...
Đề tài: Mở rộng hoạt động cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ tại ngân hà...
 
Sơ đồ tổ chức quản lý chi nhánh ngân hàng Quân Đội
Sơ đồ tổ chức quản lý chi nhánh ngân hàng Quân ĐộiSơ đồ tổ chức quản lý chi nhánh ngân hàng Quân Đội
Sơ đồ tổ chức quản lý chi nhánh ngân hàng Quân Đội
 
Khoá Luận Dạy Học Đọc Hiểu Văn Bản Nghị Luận Ở Trường Trung Học Phổ Thông
Khoá Luận Dạy Học Đọc Hiểu Văn Bản Nghị Luận Ở Trường Trung Học Phổ ThôngKhoá Luận Dạy Học Đọc Hiểu Văn Bản Nghị Luận Ở Trường Trung Học Phổ Thông
Khoá Luận Dạy Học Đọc Hiểu Văn Bản Nghị Luận Ở Trường Trung Học Phổ Thông
 
Phân tích hiệu quả sử dụng vốn tại công ty tnhh công nghiệp hóa chất inchemco
Phân tích hiệu quả sử dụng vốn tại công ty tnhh công nghiệp hóa chất inchemcoPhân tích hiệu quả sử dụng vốn tại công ty tnhh công nghiệp hóa chất inchemco
Phân tích hiệu quả sử dụng vốn tại công ty tnhh công nghiệp hóa chất inchemco
 
Luận án: Tác động của người nhập cư đến phát triển kinh tế - xã hội ở thành p...
Luận án: Tác động của người nhập cư đến phát triển kinh tế - xã hội ở thành p...Luận án: Tác động của người nhập cư đến phát triển kinh tế - xã hội ở thành p...
Luận án: Tác động của người nhập cư đến phát triển kinh tế - xã hội ở thành p...
 
Ngân hàng trung gian
Ngân hàng trung gianNgân hàng trung gian
Ngân hàng trung gian
 
Giáo trình Quản trị Ngân hàng Thương mại (download tai tailieutuoi.com).pdf
Giáo trình Quản trị Ngân hàng Thương mại (download tai tailieutuoi.com).pdfGiáo trình Quản trị Ngân hàng Thương mại (download tai tailieutuoi.com).pdf
Giáo trình Quản trị Ngân hàng Thương mại (download tai tailieutuoi.com).pdf
 
LUẬN VĂN TỐT NGHIỆP NHÂN TỐ ĐẾN CÁN CÂN THANH TOÁN QUỐC TẾ Ở VIỆT NAM CỰC HAY
LUẬN VĂN TỐT NGHIỆP NHÂN TỐ ĐẾN CÁN CÂN THANH TOÁN QUỐC TẾ Ở VIỆT NAM CỰC HAYLUẬN VĂN TỐT NGHIỆP NHÂN TỐ ĐẾN CÁN CÂN THANH TOÁN QUỐC TẾ Ở VIỆT NAM CỰC HAY
LUẬN VĂN TỐT NGHIỆP NHÂN TỐ ĐẾN CÁN CÂN THANH TOÁN QUỐC TẾ Ở VIỆT NAM CỰC HAY
 
PHÂN TÍCH TÌNH HÌNH HUY ĐỘNG VỐN VÀ SỬ DỤNG VỐN TẠI NGÂN HÀNG - TẢI FREE ZALO...
PHÂN TÍCH TÌNH HÌNH HUY ĐỘNG VỐN VÀ SỬ DỤNG VỐN TẠI NGÂN HÀNG - TẢI FREE ZALO...PHÂN TÍCH TÌNH HÌNH HUY ĐỘNG VỐN VÀ SỬ DỤNG VỐN TẠI NGÂN HÀNG - TẢI FREE ZALO...
PHÂN TÍCH TÌNH HÌNH HUY ĐỘNG VỐN VÀ SỬ DỤNG VỐN TẠI NGÂN HÀNG - TẢI FREE ZALO...
 
Từ ngữ chỉ bộ phận cơ thể người trong tục ngữ cao dao tiếng Việt
Từ ngữ chỉ bộ phận cơ thể người trong tục ngữ cao dao tiếng ViệtTừ ngữ chỉ bộ phận cơ thể người trong tục ngữ cao dao tiếng Việt
Từ ngữ chỉ bộ phận cơ thể người trong tục ngữ cao dao tiếng Việt
 
Phân tích Dupont 5 nhân tố liên hoàn
Phân tích Dupont 5 nhân tố liên hoànPhân tích Dupont 5 nhân tố liên hoàn
Phân tích Dupont 5 nhân tố liên hoàn
 
Phan tich tinh_hinh_tai_chinh_cua_cong_ty_co_phan_kinh_do_i_mwy_unbct6_201307...
Phan tich tinh_hinh_tai_chinh_cua_cong_ty_co_phan_kinh_do_i_mwy_unbct6_201307...Phan tich tinh_hinh_tai_chinh_cua_cong_ty_co_phan_kinh_do_i_mwy_unbct6_201307...
Phan tich tinh_hinh_tai_chinh_cua_cong_ty_co_phan_kinh_do_i_mwy_unbct6_201307...
 
Cẩm nang hướng dẫn làm bài thi vstep
Cẩm nang hướng dẫn làm bài thi vstepCẩm nang hướng dẫn làm bài thi vstep
Cẩm nang hướng dẫn làm bài thi vstep
 

Similar to Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ

đảNg cộng sản việt nam lãnh đạo điều chỉnh địa giới hành chính thành phố hà n...
đảNg cộng sản việt nam lãnh đạo điều chỉnh địa giới hành chính thành phố hà n...đảNg cộng sản việt nam lãnh đạo điều chỉnh địa giới hành chính thành phố hà n...
đảNg cộng sản việt nam lãnh đạo điều chỉnh địa giới hành chính thành phố hà n...jackjohn45
 
Luận văn: Quản lý nhà nước đối với khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân ...
Luận văn: Quản lý nhà nước đối với khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân ...Luận văn: Quản lý nhà nước đối với khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân ...
Luận văn: Quản lý nhà nước đối với khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân ...Viết thuê trọn gói ZALO 0934573149
 
Khóa luận sư phạm lịch sử.
Khóa luận sư phạm lịch sử.Khóa luận sư phạm lịch sử.
Khóa luận sư phạm lịch sử.ssuser499fca
 
Khóa luận sư phạm lịch sử.
Khóa luận sư phạm lịch sử.Khóa luận sư phạm lịch sử.
Khóa luận sư phạm lịch sử.ssuser499fca
 
Phát triển làng nghề ở huyện Thạch Thất thành phố Hà Nội.pdf
Phát triển làng nghề ở huyện Thạch Thất thành phố Hà Nội.pdfPhát triển làng nghề ở huyện Thạch Thất thành phố Hà Nội.pdf
Phát triển làng nghề ở huyện Thạch Thất thành phố Hà Nội.pdfHanaTiti
 
Báo Cáo Thực Tập Ảnh Hưởng Của Phim Truyền Hình Hàn Quốc Đối Với Lối Sống Của...
Báo Cáo Thực Tập Ảnh Hưởng Của Phim Truyền Hình Hàn Quốc Đối Với Lối Sống Của...Báo Cáo Thực Tập Ảnh Hưởng Của Phim Truyền Hình Hàn Quốc Đối Với Lối Sống Của...
Báo Cáo Thực Tập Ảnh Hưởng Của Phim Truyền Hình Hàn Quốc Đối Với Lối Sống Của...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Khoá Luận Tốt Nghiệp Tổ Chức Bản Của Người Nùng Phàn Slình Ở Huyện Đồng Hỷ, T...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Tổ Chức Bản Của Người Nùng Phàn Slình Ở Huyện Đồng Hỷ, T...Khoá Luận Tốt Nghiệp Tổ Chức Bản Của Người Nùng Phàn Slình Ở Huyện Đồng Hỷ, T...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Tổ Chức Bản Của Người Nùng Phàn Slình Ở Huyện Đồng Hỷ, T...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Chuyển biến kinh tế Nhật Bản thời kỳ Tokugawa (1600-1868)
 Chuyển biến kinh tế Nhật Bản thời kỳ Tokugawa (1600-1868) Chuyển biến kinh tế Nhật Bản thời kỳ Tokugawa (1600-1868)
Chuyển biến kinh tế Nhật Bản thời kỳ Tokugawa (1600-1868)hieu anh
 

Similar to Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ (20)

đảNg cộng sản việt nam lãnh đạo điều chỉnh địa giới hành chính thành phố hà n...
đảNg cộng sản việt nam lãnh đạo điều chỉnh địa giới hành chính thành phố hà n...đảNg cộng sản việt nam lãnh đạo điều chỉnh địa giới hành chính thành phố hà n...
đảNg cộng sản việt nam lãnh đạo điều chỉnh địa giới hành chính thành phố hà n...
 
Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản 1992 – 2002
Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản 1992 – 2002Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản 1992 – 2002
Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản 1992 – 2002
 
Luận văn: Quá trình chuyển biến kinh tế - xã hội tỉnh Trà Vinh, 9đ
Luận văn: Quá trình chuyển biến kinh tế - xã hội tỉnh Trà Vinh, 9đLuận văn: Quá trình chuyển biến kinh tế - xã hội tỉnh Trà Vinh, 9đ
Luận văn: Quá trình chuyển biến kinh tế - xã hội tỉnh Trà Vinh, 9đ
 
Luận văn: Quản lý nhà nước đối với khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân ...
Luận văn: Quản lý nhà nước đối với khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân ...Luận văn: Quản lý nhà nước đối với khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân ...
Luận văn: Quản lý nhà nước đối với khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân ...
 
Đề tài: Xây dựng tổ dân phố văn hoá ở quận Hồng Bàng, HAY, 9đ
Đề tài: Xây dựng tổ dân phố văn hoá ở quận Hồng Bàng, HAY, 9đĐề tài: Xây dựng tổ dân phố văn hoá ở quận Hồng Bàng, HAY, 9đ
Đề tài: Xây dựng tổ dân phố văn hoá ở quận Hồng Bàng, HAY, 9đ
 
Luận văn thạc sĩ: Quản lý Nhà hát Chèo Quân đội, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Quản lý Nhà hát Chèo Quân đội, HAY, 9đLuận văn thạc sĩ: Quản lý Nhà hát Chèo Quân đội, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Quản lý Nhà hát Chèo Quân đội, HAY, 9đ
 
Khóa luận sư phạm lịch sử.
Khóa luận sư phạm lịch sử.Khóa luận sư phạm lịch sử.
Khóa luận sư phạm lịch sử.
 
Khóa luận sư phạm lịch sử.
Khóa luận sư phạm lịch sử.Khóa luận sư phạm lịch sử.
Khóa luận sư phạm lịch sử.
 
HỢP TÁC VĂN HÓA, GIÁO DỤC VIỆT NAM - NHẬT BẢN (TỪ NĂM 1992 -> 2017) - TẢI FRE...
HỢP TÁC VĂN HÓA, GIÁO DỤC VIỆT NAM - NHẬT BẢN (TỪ NĂM 1992 -> 2017) - TẢI FRE...HỢP TÁC VĂN HÓA, GIÁO DỤC VIỆT NAM - NHẬT BẢN (TỪ NĂM 1992 -> 2017) - TẢI FRE...
HỢP TÁC VĂN HÓA, GIÁO DỤC VIỆT NAM - NHẬT BẢN (TỪ NĂM 1992 -> 2017) - TẢI FRE...
 
Đề tài: Quản lý hoạt động biểu diễn của Đoàn Chèo Hải Phòng, 9đ
Đề tài: Quản lý hoạt động biểu diễn của Đoàn Chèo Hải Phòng, 9đĐề tài: Quản lý hoạt động biểu diễn của Đoàn Chèo Hải Phòng, 9đ
Đề tài: Quản lý hoạt động biểu diễn của Đoàn Chèo Hải Phòng, 9đ
 
Phát triển làng nghề ở huyện Thạch Thất thành phố Hà Nội.pdf
Phát triển làng nghề ở huyện Thạch Thất thành phố Hà Nội.pdfPhát triển làng nghề ở huyện Thạch Thất thành phố Hà Nội.pdf
Phát triển làng nghề ở huyện Thạch Thất thành phố Hà Nội.pdf
 
Báo Cáo Thực Tập Ảnh Hưởng Của Phim Truyền Hình Hàn Quốc Đối Với Lối Sống Của...
Báo Cáo Thực Tập Ảnh Hưởng Của Phim Truyền Hình Hàn Quốc Đối Với Lối Sống Của...Báo Cáo Thực Tập Ảnh Hưởng Của Phim Truyền Hình Hàn Quốc Đối Với Lối Sống Của...
Báo Cáo Thực Tập Ảnh Hưởng Của Phim Truyền Hình Hàn Quốc Đối Với Lối Sống Của...
 
Luận văn: Quá trình đô thị hóa ở quận Gò Vấp từ 1986 đến 2010
Luận văn: Quá trình đô thị hóa ở quận Gò Vấp từ 1986 đến 2010Luận văn: Quá trình đô thị hóa ở quận Gò Vấp từ 1986 đến 2010
Luận văn: Quá trình đô thị hóa ở quận Gò Vấp từ 1986 đến 2010
 
Khoá Luận Tốt Nghiệp Tổ Chức Bản Của Người Nùng Phàn Slình Ở Huyện Đồng Hỷ, T...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Tổ Chức Bản Của Người Nùng Phàn Slình Ở Huyện Đồng Hỷ, T...Khoá Luận Tốt Nghiệp Tổ Chức Bản Của Người Nùng Phàn Slình Ở Huyện Đồng Hỷ, T...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Tổ Chức Bản Của Người Nùng Phàn Slình Ở Huyện Đồng Hỷ, T...
 
Luận văn: Quá trình đô thị hóa ở quận 7 (1986 – 2010), HAY, 9đ
Luận văn: Quá trình đô thị hóa ở quận 7 (1986 – 2010), HAY, 9đLuận văn: Quá trình đô thị hóa ở quận 7 (1986 – 2010), HAY, 9đ
Luận văn: Quá trình đô thị hóa ở quận 7 (1986 – 2010), HAY, 9đ
 
Luận văn thạc sĩ văn hóa học về chợ quê truyền thống
Luận văn thạc sĩ văn hóa học về chợ quê truyền thốngLuận văn thạc sĩ văn hóa học về chợ quê truyền thống
Luận văn thạc sĩ văn hóa học về chợ quê truyền thống
 
Luận văn: Quản lý hoạt động biểu diễn của Đoàn Chèo Hải Phòng, 9 ĐIỂM
Luận văn: Quản lý hoạt động biểu diễn của Đoàn Chèo Hải Phòng, 9 ĐIỂMLuận văn: Quản lý hoạt động biểu diễn của Đoàn Chèo Hải Phòng, 9 ĐIỂM
Luận văn: Quản lý hoạt động biểu diễn của Đoàn Chèo Hải Phòng, 9 ĐIỂM
 
Luận văn: Bảo tồn tài nguyên du lịch nhân văn tỉnh Bình Dương
Luận văn: Bảo tồn tài nguyên du lịch nhân văn tỉnh Bình DươngLuận văn: Bảo tồn tài nguyên du lịch nhân văn tỉnh Bình Dương
Luận văn: Bảo tồn tài nguyên du lịch nhân văn tỉnh Bình Dương
 
Chuyển biến kinh tế Nhật Bản thời kỳ Tokugawa (1600-1868)
Chuyển biến kinh tế Nhật Bản thời kỳ Tokugawa (1600-1868)Chuyển biến kinh tế Nhật Bản thời kỳ Tokugawa (1600-1868)
Chuyển biến kinh tế Nhật Bản thời kỳ Tokugawa (1600-1868)
 
Chuyển biến kinh tế Nhật Bản thời kỳ Tokugawa (1600-1868)
 Chuyển biến kinh tế Nhật Bản thời kỳ Tokugawa (1600-1868) Chuyển biến kinh tế Nhật Bản thời kỳ Tokugawa (1600-1868)
Chuyển biến kinh tế Nhật Bản thời kỳ Tokugawa (1600-1868)
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620

Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620 (20)

Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 ĐiểmDanh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
 
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý TưởngDanh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
 

Recently uploaded

Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...hoangtuansinh1
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...ThunTrn734461
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líDr K-OGN
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...Nguyen Thanh Tu Collection
 
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxTrích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxnhungdt08102004
 
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hoc
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hocBai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hoc
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hocVnPhan58
 
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxChàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxendkay31
 
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdfSơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdftohoanggiabao81
 
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoabài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa2353020138
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfhoangtuansinh1
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXH
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXHTư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXH
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXHThaoPhuong154017
 
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...Học viện Kstudy
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Ma trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tế
Ma trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tếMa trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tế
Ma trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tếngTonH1
 
Hệ phương trình tuyến tính và các ứng dụng trong kinh tế
Hệ phương trình tuyến tính và các ứng dụng trong kinh tếHệ phương trình tuyến tính và các ứng dụng trong kinh tế
Hệ phương trình tuyến tính và các ứng dụng trong kinh tếngTonH1
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 

Recently uploaded (20)

Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
 
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
 
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxTrích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
 
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hoc
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hocBai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hoc
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hoc
 
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
 
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxChàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
 
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdfSơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
 
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoabài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXH
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXHTư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXH
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXH
 
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
 
Ma trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tế
Ma trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tếMa trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tế
Ma trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tế
 
Hệ phương trình tuyến tính và các ứng dụng trong kinh tế
Hệ phương trình tuyến tính và các ứng dụng trong kinh tếHệ phương trình tuyến tính và các ứng dụng trong kinh tế
Hệ phương trình tuyến tính và các ứng dụng trong kinh tế
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 

Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ

  • 1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH Dương Tô Quốc Thái SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG NGÂN HÀNG TẠI NAM KỲ (1875 – 1945) LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ Thành phố Hồ Chí Minh – 2012
  • 2. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH Dương Tô Quốc Thái SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG NGÂN HÀNG TẠI NAM KỲ (1875 – 1945) Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam Mã số: 60 22 54 LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS HÀ MINH HỒNG Thành phố Hồ Chí Minh – 2012
  • 3. LỜI CÁM ƠN Để hoàn thành được luận văn này, chúng tôi nhận sự giúp đỡ hết sức nhiệt tình của quý thầy cô và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nhà trường. Vì vậy chúng tôi xin gửi lời cám ơn sâu sắc đến: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Minh Hồng, Trưởng Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chính Minh đã tận tình hướng dẫn, giúp đỡ chúng tôi trong suốt thời gian qua để đề tài được hoàn thành đúng tiến độ, theo quy định của nhà Trường. Thạc sĩ Nguyễn Thanh Minh, Trưởng bộ môn Thẩm định - Khoa Tín dụng, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều về tư liệu lịch sử để chúng tôi viết thành luận văn này. Quý thầy, cô Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã truyền đạt cho chúng tôi những kiến thức khoa học hết sức cần thiết để chúng tôi dùng làm cơ sở lý luận vận dụng vào nghiên cứu viết luận văn này. Phòng Sau Đại học, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức chương trình đào tạo Cao học để chúng tôi có điều kiện học tập, nghiên cứu khoa học đóng góp công sức của mình vào sự phát triển chung của bộ môn khoa học xã hội và nhân văn. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, các tác giả, nhà nghiên cứu của những công trình nghiên cứu khoa học mà chúng tôi đã sử dụng trong nghiên cứu luận văn này. Chúng tôi xin chân thành cám ơn. Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 09 năm 2012 Dương Tô Quốc Thái
  • 4. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan những gì ghi chép trong luận văn này, là hoàn toàn do chúng tôi thực hiện. Các số liệu, hình ảnh, trích dẫn trong luận văn là trung thực. Nếu có gian dối, chúng tôi xin chịu trách nhiệm hoàn toàn trước Hội đồng Khoa học nhà Trường và trước pháp luật. Tp. Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 09 năm 2012 Học viên thực hiện Dương Tô Quốc Thái
  • 5. MỤC LỤC LỜI CÁM ƠN .................................................................................. 3 LỜI CAM ĐOAN ............................................................................ 4 MỤC LỤC ........................................................................................ 5 DANH MỤC BẢNG SỐ LIỆU TRONG LUẬN VĂN................. 7 MỞ ĐẦU........................................................................................... 1 1. Lý do chọn đề tài và mục đích nghiên cứu ...................................................1 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề ............................................................................3 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu.................................................................8 4. Phương pháp nghiên cứu và nguồn tư liệu ...................................................8 5. Nguồn tài liệu nghiên cứu.............................................................................9 6. Đóng góp khoa học của luận văn................................................................10 7. Bố cục luận văn...........................................................................................11 CHƯƠNG 1: NHU CẦU THÚC ĐẨY SỰ RA ĐỜI CÁC NGÂN HÀNG TẠI NAM KỲ (1875 - 1945) ............................................ 13 1.1. Những vấn đề chung về Ngân hàng.........................................................13 1.1.1. Khái niệm Ngân hàng .................................................................................13 1.1.2. Một số thuật ngữ về Ngân hàng..................................................................16 1.1.3. Điều kiện thành lập Ngân hàng ..................................................................18 1.2. Bối cảnh Nam kỳ cuối thế kỷ XIX...........................................................19 1.3. Những điều kiện thúc đẩy sự ra đời các tổ chức Ngân hàng ...................22 1.3.1. Về kinh tế....................................................................................................22 1.3.2. Về chính trị .................................................................................................30 1.3.3. Về an ninh - quốc phòng.............................................................................34 1.3.4. Về xã hội.....................................................................................................41 CHƯƠNG 2: SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN HỆ HỐNG NGÂN HÀNG TẠI NAM KỲ (1875 -1945) ................................ 51 2.1. Sự thành lập Ngân hàng Đông Dương (Banque de l’Indochine).............51
  • 6. 6 2.1.1. Hoàn cảnh và sự ra đời của Ngân hàng Đông Dương tại Sài Gòn 1875....51 2.1.2. Cơ cấu tổ chức Ngân hàng Đông Dương....................................................68 2.2. Hoạt động của Ngân hàng Đông Dương ở Nam kỳ từ 1875-1945..........78 2.2.1. Sơ lược hoạt động nghiệp vụ Ngân hàng Đông Dương .............................78 2.2.2. Những nghiệp vụ của Ngân hàng Đông Dương .........................................83 2.3. Sự hình thành các Ngân hàng khác tại Nam Kỳ từ 1875-1945 .............115 2.3.1. The Hongkong and Shanghai Banking Corporation (HSBC) ..................116 2.3.2. The Chartered Bank..................................................................................118 2.3.3. Ngân hàng Pháp - Hoa (Banque Franco-Chinoise) ..................................119 2.3.4. Việt Nam Ngân hàng (Banque de Cochinchine) ......................................121 2.3.5. Chinh nhánh Ngân hàng Thương mại và Công nghiệp Pháp-Trung (Banque Franco-Chinoise pour le Commerce et l'Industrie).............................................123 2.3.6. Chi nhánh ngân hàng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Pháp (Banque Nationale pour Commerce et l'Industrie.............................................................124 2.3.7. Ngân hàng Truyền thông Trung Quốc (Communications banques chinoises) ............................................................................................................126 CHƯƠNG 3: VAI TRÒ VÀ TÁC DỤNG CỦA HỆ THỐNG NGÂN HÀNG TẠI NAM KỲ..................................................... 131 3.1. Vai trò của các ngân hàng đối với Nam Kỳ...........................................131 3.1.1. Đối với tài chính, tín dụng........................................................................131 3.1.2. Đối với khai thác kinh tế...........................................................................135 3.1.3. Đối với bộ máy chính quyền.....................................................................137 3.2. Tác dụng của hệ thống ngân hàng..........................................................145 3.2.1. Thúc đẩy phát triển tư bản chính quốc .....................................................145 3.2.2. Thúc đẩy khai thác thuộc địa....................................................................148 3.2.3. Thúc đẩy kinh tế, tài chính bản xứ ...........................................................151 KẾT LUẬN .................................................................................. 154 PHỤ LỤC ..................................................................................... 165 TÀI LIỆU THAM KHẢO .......................................................... 215
  • 7. DANH MỤC BẢNG SỐ LIỆU TRONG LUẬN VĂN Trang Bảng 2.1: Số lượng tiền tệ phát hành và tồn quỹ kim khí đảm bảo dùng trong lưu thông tiền tệ tại Đông Dương từ năm (1913-1920) 86 Bảng 2.2: Tỷ giá hối đối của đồng bạc Đông Dương so với các ngoại tệ khác tại Sài Gòn (1939-1941) 87 Bảng 2.3: Chỉ số giá sinh hoạt của người Âu và người Việt tại hai thành phố Sài Gòn và Hà Nội (1940-1945) 88 Bảng 2.4: Chỉ số bán lẽ các thực phẩm cơ bản tại hai thành phố Sài Gòn và Hà Nội (1940-1945): 89 Bảng 2.5: Chỉ số bán sỉ các sản phẩm của Đông Dương (giá: 100 kg) 90 Bảng 2.6: Chỉ số giá bán sỉ tại thành phố Sài Gòn (1925-1941) 90 Bảng 2.7: Số lượng tiền giấy lưu hành trên lãnh thổ Đông Dương từ (1876-1945): 93 Bảng 2.8: Các dịch vụ tài chính của ngân hàng Đông Dương (1919) 112 Bảng 2.9 : Danh sách các công ty tại Đông Dương có mặt trên thị trường chứng khoán Paris (năm 1931) 129 Bảng 3.1: Các loại công thải (còn gọi là: công trái, trái phiếu chính phủ) phát hành tại Đông Dương từ (1896-1939) 144 Bảng 3.2: Chỉ số giá sinh hoạt các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tại Sài Gòn và Hà Nội (1940-1945) 147 Bảng 3.3: Cán cân ngoại thương Đông Dương thời kỳ (1929-1938) 152
  • 8. 1 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài và mục đích nghiên cứu Cho đến ngày nay, vấn đề “tài chính”, “tín dụng” và “ngân hàng” trong thời kỳ Pháp thuộc vẫn còn là một “khoảng trống” ít được các nhà nghiên cứu quan tâm, tìm hiểu. Cũng vì lý do đó khi tiếp cận vấn đề trên, không ít các nhà nghiên cứu đã không hiểu được cơ chế hoạt động của hệ thống tài chính, tín dụng và ngân hàng nên việc các nhà nghiên cứu đưa ra những nhận định, đánh giá thiếu khách quan và tương đối lệch lạc về hệ thống này là điều khó tránh khỏi! Chính vì vậy vô hình đã làm cho mọi người không mấy thiện cảm đối với tổ chức này của Pháp dựng lên trên đất nước ta. Thêm vào đó các tài liệu có liên quan đến hệ thống tổ chức này đến nay còn lại rất ít, lại viết không đầy đủ và hết sức rời rạc. Một số nằm ở trung tâm lưu trữ của Pháp, số ít nằm ở các trung tâm lưu trữ của Việt Nam, Lào và Campuchia. Số còn lại đã thất thoát ra bên ngoài hoặc bị đốt cháy do chiến tranh, hỏa hoạn,… nên việc sưu tầm các tài liệu này là điều không hề dễ dàng. Các tài liệu này đến nay phần lớn đã cũ và rách nát, một số đã được Nhà nước ra lệnh thiêu hủy, số ít còn lại đang được chờ xử lý. Song song đó là sách, báo các loại được bài bán trên thị trường hầu như rất ít đề cập đến hệ thống tài chính, tín dụng và ngân hàng trong thời kỳ Pháp đô hộ nước ta. Bên cạnh đó một số trường đại học của nước ta hiện nay như: Đại học Ngân hàng, Đại học Kinh tế, Đại học Tài chính, Đại học Kế toán,… và kể cả Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng chưa có được tài liệu nào hoàn chỉnh đề cập đến hệ thống tài chính, tín dụng và ngân hàng trong thời kỳ Pháp thuộc và nếu có chăng thì cũng chỉ nói khái quát và vắn tắt mà thôi! Các trường Đại học hiện nay chỉ chú trọng đến công tác đào tạo “nghiệp vụ” cho sinh viên,
  • 9. 2 chứ không quan tâm lắm tới việc nghiên cứu hệ thống tài chính, tín dụng và ngân hàng trong thời quá khứ. Đây là một thiếu sót hết sức nghiêm trọng và ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Trong khi đó ở một số nước phát triển, việc nghiên cứu và giảng dạy hệ thống tài chính, tín dụng và ngân hàng trong thời quá khứ rất được Chính phủ và các trường đại học quan tâm. Ở những quốc gia này, họ xem đây là việc làm rất cần thiết và quan trọng, sẽ giúp ít rất nhiều cho việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế của quốc gia, nên việc tìm hiểu và nghiên cứu hệ thống này được dễ dàng và thuận lợi. Vì vậy những sinh viên được đào tạo ở các trường đó có phần “nhỉn” hơn so với sinh viên được đào tạo trong nước. Đứng trước những khó khăn đó, trong những năm gần đây việc nghiên cứu hệ thống tài chính, tín dụng và ngân hàng trong thời kỳ Pháp thuộc cũng có được một số thuận lợi nhất định. Trước hết là Đảng và Nhà nước tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước được dễ dàng tiếp cận với các tài liệu lưu trữ ở các trung tâm lưu trữ quốc gia. Từ đó giúp cho việc nghiên cứu được thuận lợi và dễ dàng, nhiều vấn đề chưa được khai thác đã được các nhà nghiên cứu nói tới. Một số nhà trí thức, học giả thời Chính quyền Sài Gòn (cũ) đã có không ít những công trình nghiên cứu về hệ thống tài chính, tín dụng và ngân hàng trong thời kỳ Pháp thuộc mặc dù còn rất “tản mạn” nhưng phần nào cũng giúp ít rất nhiều cho việc dựng lại toàn bộ hệ thống tài chính, tín dụng và ngân hàng trong thời kỳ Pháp thống trị nước ta. Đặc biệt trong thời gian gần đây, khi yếu tố kinh tế ngày càng giữ vai trò chủ đạo và chi phối các hoạt động khác của quốc gia, thì các nhà nghiên cứu trong nước cũng đã bắt đầu quan tâm, tìm hiểu tới lĩnh vực kinh tế. Nhờ vậy đã có một số công trình nghiên cứu viết về hệ thống tài chính, tín dụng và ngân hàng, trong đó có thời kỳ Pháp cai trị nước ta.
  • 10. 3 Trước những khó khăn và thuận lợi đó đã thúc đẩy tôi lựa chọn một vấn đề nhỏ trong hệ thống tài chính, tín dụng và ngân hàng thời kỳ Pháp cai trị nước ta, đó là “Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng tại Nam Kỳ từ (1875 - 1945)” để làm đề tài nghiên cứu. Hy vọng qua đề tài này, sẽ làm sáng tỏ toàn bộ hoạt động của hệ thống ngân hàng tại nước ta, cụ thể là ở Nam Kỳ trong thời kỳ Pháp cai trị. Đồng thời còn cung cấp thêm tư liệu cho lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Với việc lựa chọn đề tài “Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng tại Nam Kỳ từ (1875-1945)” để làm công trình nghiên cứu nhằm mục đích: - Làm sáng tỏ thêm những nhận định, đánh giá của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước khi nói hoạt động của toàn bộ hệ thống ngân hàng này tại Nam Kỳ. Từ đó giúp cho chúng ta thấy được vai trò của các ngân hàng đối với sự ổn định và phát triển kinh tế tại Nam Kỳ. - Cung cấp thêm tư liệu cho các nhà nghiên cứu khi muốn tìm hiểu về hệ thống các ngân hàng tại Việt Nam, cũng như muốn tìm hiểu, nghiên cứu các lĩnh vực khác có liên quan. - Việc nghiên cứu về lĩnh vực mới này sẽ là cơ sở giúp cho việc nghiên cứu về tổ chức ngân hàng ở các giai đoạn sau dần được hoàn chỉnh và quy mô hơn. Thông qua đó sẽ đóng góp ít nhiều cho việc xây dựng hệ thống ngân hàng ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. Đó là mục đích nghiên cứu của đề tài. 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề Trước khi lựa chọn đề tài này để làm công trình nghiên cứu, trong những năm gần đây đề tài nghiên cứu của chúng tôi đã được nhiều nhà nghiên cứu, học giả trong và ngoài nước đề cập tới với những mức độ và phạm vi nghiên cứu khác nhau, như sau:
  • 11. 4 Trước tiên là công trình của Giáo sư Đinh Xuân Lâm với quyển sách Đại cương lịch sử Việt Nam, tập 2, do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành vào năm 2005. Trong công trình nghiên cứu này tác giả chủ yếu trình bày về tình hình Việt Nam từ khi nước ta rơi vào ách đô hộ của thực dân Pháp đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam đấu tranh giành độc lập bằng cuộc cách mạng tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Trong giai đoạn Pháp đặt ách thống trị lên đất nước ta, tác giả trình bày kĩ về chương trình khai thác thuộc địa của Pháp trong hai lần, chính sách đầu tư của tư bản Pháp vào Việt Nam, chính sách thâm độc chia để trị của thực dân Pháp đối với đất nước ta,… Qua đó cũng có ít nhiều nhắc đến sự ra đời của các ngân hàng tại Việt Nam và hoạt động chi phối kinh tế của ngân hàng này đặc biệt là ở Nam Kỳ. Trong quyển Việt Nam thời Pháp đô hộ, của Nguyễn Thế Anh (chủ biên) được Nhà xuất bản Văn học, Tp. Hồ Chí Minh phát hành năm 2008. Trong quyển này tác giả trình bày về toàn bộ chính sách của Pháp đối với Việt Nam, từ việc soạn thảo quy chế cai trị cho ba xứ đến các hoạt động đầu tư khai thác của tư bản Pháp vào Việt Nam, đời sống của nhân dân Việt Nam dưới ách cai trị của thực dân Pháp đến khi cách mạng tháng Tám diễn ra,… Trong đó khi nói về hoạt động đầu tư tác giả đã trình bày về sự ra đời của các ngân hàng tại Việt Nam, những hoạt động kinh doanh của các ngân hàng đặc biệt là ở Nam Kỳ. Còn trong quyển Lịch sử Tín dụng nông nghiệp Việt Nam (1875-1945) của tác Phạm Quang Trung viết và được nhà xuất bản Khoa học Xã hội phát hành năm 1997 thì trình bày về các hình thức cho vay trong hoạt động nông nghiệp của các tổ chức tín dụng, việc cho vay mang tính chất theo mùa và lãi suất mà các tổ chức tín dụng này giành cho lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam đặt biệt là tại Nam Kỳ tương đối cao. Thông qua công trình này, ít nhiều
  • 12. 5 tác giả cũng đã đề cập đến mục đích ra đời của các ngân hàng tại Việt Nam và những hoạt động cho vay của các ngân hàng này giành cho Việt Nam. Một công trình khác của nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Huy là quyển Lịch sử Tiền tệ Việt Nam sơ truy và lược khảo, xuất bản năm 2010, tại Thành phố Hồ Chí Minh, do nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn bảo trợ. Trong công trình này tác giả trình bày về những kết quả nghiên cứu của tác giả về lĩnh vực tiền cổ của Việt Nam mà tác giả đã sưu tầm được. Bên cạnh đó tác giả cũng trình bày về tiền tệ Việt Nam qua các thời kì lịch sử, trong đó cũng có đề cập đến sự xuất hiện của ngân hàng Đông Dương và các ngân hàng khác tại Việt Nam. Gần đây trong Hội thảo Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức tại Cần Thơ vào năm 2008 với chủ đề Một số vấn đề lịch sử vùng đất Nam Bộ thời kỳ cận đại được nhà xuất bản Thế giới phát hành vào năm 2009. Trong hội thảo này các nhà nghiên cứu trình bày về vùng đất Nam Bộ dưới thời Pháp thuộc, chính sách cai trị của thực dân Pháp đối với vùng đất Nam Bộ, chương trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đối với vùng đất Nam Bộ,… Nhờ đó, giúp cho chúng ta thấy được tiềm năng của vùng đất này và sự ra đời của các ngân hàng tại đây là một nhu cầu tất yếu. Còn tác giả Phạm Thăng với biên khảo về Tiền tệ Việt Nam theo dòng lịch sử, Tập 1: Từ thời Đinh Tiên Hoàng (968) cho đến 1975, được xuất bản tại Toronto, Canada vào năm 1995. Ở tác phẩm này tác giả trình bày về các loại tiền được lưu hành tại Việt Nam qua các triều đại phong kiến; các loại tiền được lưu hành trong thời kì Pháp thuộc và các loại tiền khác được lưu thông cho đến năm 1975. Với công trình này, tác giả cũng ít nhiều đề cập đến sự ra đời của Ngân hàng Đông Dương, cách thức phát hành tiền tệ của Ngân hàng Đông Dương, màu sắc trang trí trên tiền giấy và các đồng tiền,...
  • 13. 6 Một tác phẩm khác của tiến sĩ Jean Pierre Aumiphin là công trình Sự hiện diện tài chính và kinh tế của Pháp ở Đông Dương (1859-1939), được một nhóm tác giả: Đinh Xuân Lâm, Ngô Thị Chính, Hồ Song, Phạm Quang Trung dịch và được nhà xuất bản Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phát hành năm 1994. Trong tác phẩm này, tác giả trình bày về những hoạt động đầu tư của tư bản Pháp ở ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Nhịp độ đầu tư này bao gồm hai lĩnh vực: đầu tư nhà nước và đầu tư của các công ty vô danh vào Đông Dương. Nhờ có hoạt động đầu tư này mà nền kinh tế Nam Kỳ có sự chuyển biến nhanh chóng. Còn tác giả Philippe Devillers trong tác phẩm Người Pháp và người Annam Bạn hay Thù? được nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh dịch và phát hành vào năm 2006 thì trình bày những nguyên cớ khiến Pháp xâm lược Việt Nam, hoạt động ngoại giao chuột lại ba các tỉnh Nam Kỳ của Vương triều, chính sách cai trị của các Thống đốc quân sự và dân sự đối với vùng đất Nam Kỳ. Những hoạt động khai thác kinh doanh thương mại, quá trình cải tạo, xây dựng vùng đất Nam Kỳ của Pháp,… Thông qua đó cho chúng ta thấy được sự phát triển của kinh tế Nam Kỳ trong thời kỳ Pháp thuộc và sự ra đời của các ngân hàng ở giai đoạn sau là điều có thể hiểu được. Trong khi đó thì học giả Lê Đình Chân phụ trách diễn giảng về Tiền tệ và Ngân hàng tại Học viện Quốc gia Hành chánh của chính quyền Việt Nam Cộng hòa với công trình Lược sử Tiền tệ, xuất bản tại Sài Gòn, trình bày sơ lược sự phát triển của tiền tệ Việt Nam qua các thời kỳ từ chế độ phong kiến, đến thời Pháp thuộc cho đến khi đất nước bị chia cắt làm hai miền với hai chế độ khác nhau. Trong công trình này tác giả còn đề cập đến các cổ phiếu, chi phiếu, hoa chi ở các sòng bạc, các trái, trái phiếu,… Bên cạnh đó, tác giả cũng nói đến vai trò của hệ thống các ngân hàng đối với nền kinh tế miền Nam.
  • 14. 7 Hoặc ở Viện nghiên cứu Kinh tế Tiền tệ, Tính dụng và Ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tác giả Phan Hạ Uyên sưu tầm được một số tư liệu viết về Lịch sử Tiền tệ Đông Dương và Ngân hàng Đông Dương từ cuối thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX, với những tư liệu này tác giả trình bày về sự ra đời của đồng tiền Đông Dương, tiền Đông Dương được bảo đảm bởi chế độ ngân bản vị, sau đó là kim bản vị, rồi đến tiền giấy, Tiền Đông Dương gắn với đồng phrăng của Pháp, tiền Đông Dương bị lạm phát,… Còn Ngân hàng Đông Dương thì tác giả nói về sự ra đời của ngân hàng Đông Dương, cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Đông Dương, nhiệm vụ và chức năng của ngân hàng Đông Dương, các giám đốc của ngân hàng Đông Dương qua các thời kỳ, hoạt động kinh doanh của ngân hàng, mối quan hệ giữa ngân hàng Đông Dương với các ngân hàng khác và các công ty, các tổ chức tín dụng, những hoạt động phi pháp của ngân hàng Đông Dương,… Bên cạnh một số công trình vừa được liệt kê trên, còn có rất nhiều công trình khác cũng nói ít nhiều về hệ thống các ngân hàng tại Nam Kỳ, hoặc nói về các lĩnh vực có mối liên hệ với các ngân hàng như: kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh-quốc phòng. Song song đó còn có rất nhiều bài báo, tạp chí, các trang website, tài liệu lưu trữ ở các trung tâm lưu trữ quốc gia Việt Nam,… đề cập rất nhiều đến lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam trong đó có Nam Kỳ. Nhìn chung những công trình nghiên cứu trên của các tác giả trong và ngoài nước tuy nói đến các vấn đề khác nhau nhưng ở những công trình nghiên cứu đó, có một vài điểm chung là đều đề cập đến sự ra đời và phát triển của các ngân hàng tại Việt Nam, vai trò của các ngân hàng này đối với nền kinh tế của Việt Nam trong đó có Nam Kỳ. Chính những điểm chung này là cơ sở để tôi đi đến lựa chọn đề tài “Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng tại Nam Kỳ từ (1875-1945)”. Đồng thời các tài liệu trên còn là
  • 15. 8 nguồn tư liệu vô cùng quý giá và hết sức phong phú, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thành đề tài nghiên cứu của tôi. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đối với đề tài “Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng tại Nam Kỳ từ (1875-1945)” thì đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu là: - Về đối tượng nghiên cứu: Sự ra đời và phát triển của hệ thống ngân hàng tại Nam Kỳ, cụ thể là: + Sự ra đời và phát triển ngân hàng Đông Dương và các chi nhánh của nó tại Nam Kỳ. + Sự hình thành và phát triển các ngân hàng khác ở Nam Kỳ. + Quá trình hợp thành hệ thống ngân hàng ở Nam Kỳ và tác dụng của hệ thống hệ thống này đối với sự phát triển kinh tế Nam Kỳ. - Về phạm vi nghiên cứu: + Không gian nghiên cứu: tại vùng đất Nam Kỳ nay được gọi là vùng đất Nam Bộ của Việt Nam bao gồm phần đất liền, vùng biển, vùng trời và các hải đảo được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xác định rõ vị trí địa lý và được công nhận về mặt pháp lý. + Thời gian nghiên cứu: Từ năm 1875 đánh dấu bằng sự kiện chi nhánh Ngân hàng Đông Dương mở tại Sài Gòn cho đến năm 1945 khi nước ta giành được độc lập, kết thúc thời kỳ đô hộ của thực dân Pháp. 4. Phương pháp nghiên cứu và nguồn tư liệu Đối với đề tài này, phương pháp nghiên cứu chủ yếu là; - Phương pháp lịch sử. - Phương pháp logic. Song song với hai phương pháp trên, chúng tôi còn kết hợp một số phương pháp khác như: phương pháp so sánh, đối chiếu, sưu tầm, thống kê,
  • 16. 9 phân tích các tài liệu,… nhằm giúp cho đề tài mang tính khách quan và thể hiện được chiều sâu của công trình nghiên cứu. 5. Nguồn tài liệu nghiên cứu Đối với đề tài “Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng tại Nam Kỳ từ (1875-1945)” nguồn tư liệu phục vụ cho quá trình nghiên cứu chủ yếu bao gồm các nguồn sau: - Tài liệu sách báo: bao gồm các công trình nghiên cứu của các học giả trong và ngoài nước đã được Nhà nước thẩm định và cho xuất bản như: Đại cương lịch sử Việt Nam tập 2 của Giáo sư Đinh Xuân Lâm; Nguyễn Thế Anh với tác phẩm Việt Nam thời Pháp đô hộ; Phạm Quang Trung với Lịch sử tín dụng nông nghiệp Việt Nam; Phạm Thăng với Tiền tệ Việt Nam theo dòng lịch sử, Philippe Devillers, với tác phẩm Người Pháp và người Annam Bạn hay Thù?; Jean Pierre Aumiphin, với luận án tiến sĩ Sự hiện diện tài chính và kinh tế của Pháp ở Đông Dương (1859-1939), Lê Quốc Sử với công trình Một số vấn đề về lịch sử kinh tế Việt Nam,… - Tài liệu lưu trữ: bao gồm các tài liệu được sưu tầm tại các Trung tâm lưu trữ sau: + Tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia II: tài liệu để nghiên cứu đề tài này bao gồm các Phông tiếng Pháp của Thống đốc Nam Kỳ, một số công báo,… + Tại Thư viên Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh: tài liệu của phòng hạn chế đọc bao gồm một số công trình nghiên của các học giả miền Nam thời chính quyền Sài Gòn (cũ) như: Lược sử tiền tệ của Lê Đình Chân; Đồng bạc Việt Nam và các vấn đề liên hệ của Nguyễn Bích Huệ; Tư liệu lịch sử Tiền tệ Đông Dương và Ngân hàng Đông Dương từ cuối thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX của Phan Hạ Uyên,... + Tài liệu tạp chí, báo chí: bao gồm các bài viết, bài nhận định, đánh giá, phê bình,… của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước được đăng tải
  • 17. 10 như: Linh Quang với bài viết Lịch sử tiền tệ ở Đông Dương, Tạp chí Tri Tân, số 6/1941; Nguyễn Thế Anh với bài Vấn đề lúa gạo ở Việt Nam trong tiền bán thế kỉ XIX, Tập san Sử - Địa, số 6/1967; Nguyễn Công Bình (bài viết), Hoạt động kinh doanh của tư sản dân tộc Việt Nam dưới thời Pháp thuộc, Tập san nghiên cứu Văn Sử Địa, số 04/1955; Văn Tạo bài nghiên cứu Hoạt động của tư bản Pháp ở Việt Nam từ 1918 đến 1930, Tập san nghiên cứu Văn Sử Địa, số 13/1956; Trần Văn Giàu (bài viết) Thái độ của các tầng lớp phong kiến đối với Thực dân Pháp, Tập san Đại học Sư phạm, số 04/1955,… - Tài liệu tiểu sử, hồi ký, phỏng vấn: bao gồm một số tiểu sử sưu tầm được của các cá nhân, những hồi ký có liên quan đến lĩnh vực ngân hàng tại Nam Kỳ. Song song đó còn sử dụng thêm tài liệu phỏng vấn trực tiếp của một số nhân vật lãnh đạo ngân hàng. - Tài liệu trên các website: bao gồm những bài viết, bài nghiên cứu, các tranh, ảnh, bản đồ, sơ đồ,… của các trang web có liên quan đến lĩnh vực ngân hàng. 6. Đóng góp khoa học của luận văn Việc nghiên cứu đề tài “Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng tại Nam Kỳ (1875-1945)” có ý nghĩa khoa học hết sức to lớn: - Thứ nhất, cho đến nay việc nghiên cứu lĩnh vực “tài chính - tín dụng và ngân hàng” vẫn chưa nhận được sự quan tâm, tìm hiểu của các nhà nghiên cứu thuộc phân ngành khoa học xã hội và nhân văn. Do đó, khi nói về lĩnh vực “tài chính - tín dụng và ngân hàng”, không ít các nhà nghiên cứu đã có những nhận định, đánh giá thiếu khách quan về lĩnh vực này là điều khó tránh khỏi. Vì vậy đã làm cho việc nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn còn gặp nhiều hạn chế. Trước thực tế đó, chúng tôi nghiên cứu đề tài này nhằm xóa lấp khoản trống giúp cho việc nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn được hoàn thiện hơn.
  • 18. 11 - Thứ hai, giúp khôi phục lại một phần nào đó về sự hình thành và phát triển ngân hàng trong suốt thời kỳ Pháp cai trị nước ta. - Thứ ba, cung cấp thêm tư liệu lịch sử phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy bộ môn lịch sử và các chuyên ngành khoa học xã hội có liên quan. - Thứ tư, thông qua việc nghiên cứu đề tài này, chúng ta rút ra một số nhận định để làm cơ sở, định hướng cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống ngân hàng trong tương lai. 7. Bố cục luận văn Luận văn ngoài phần mở đầu, phần kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục, luận văn còn có ba chương với nội dung chính như sau: Chương 1: Nhu cầu thúc đẩy sự ra đời của các ngân hàng tại Nam Kỳ (1875-1945). Trong chương này chủ yếu nói về một số khái niệm về ngân hàng, các thuật ngữ về ngân hàng mà chúng ta thường nghe nói hằng ngày để phân biệt được các loại ngân hàng có mặt trên đất nước ta trong thời Pháp thuộc cũng như giúp nhận diện các loại hình ngân hàng ngày này; những điều kiện để thành lập ngân hàng. Bối cảnh vùng đất Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX; những điều kiện thúc đẩy sự ra đời của các tổ chức ngân hàng bao gồm: kinh tế, chính trị, an ninh - quốc phòng và xã hội. Chính những yêu cầu này đã thúc đẩy các ngân hàng lần lược ra đời tại Nam Kỳ. Chương 2: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng tại Nam Kỳ (1875-1945). Trong chương này, chúng tôi sẽ tập trung làm rõ: sự ra đời và phát triển của Ngân hàng Đông Dương bao gồm: hoàn cảnh ra đời; cơ cấu tổ chức; những nghiệp vụ của Ngân hàng Đông Dương diễn ra tại Nam Kỳ trong khoảng thời gian (1875-1945). Trình bày thêm sự ra đời của một số ngân hàng khác có mặt tại Nam Kỳ: The Hongkong and Shanghai Banking Corporation (HSBC); The Chartered Bank; Pháp - Hoa ngân hàng; Việt Nam
  • 19. 12 ngân hàng; Chi nhánh ngân hàng Thương mại và Công nghiệp Pháp - Trung; Chi nhánh ngân hàng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Pháp; Truyền thông ngân hàng Trung Quốc. Qua đó, giúp cho chúng ta thấy được sự ra đời và phát triển của các ngân hàng trong thời gian này là phù hợp với những nhu cầu đặt ra tại Nam Kỳ. Chương 3: Vai trò và tác dụng của hệ thống ngân hàng tại Nam Kỳ. Ở chương cuối cùng này, chúng tôi cung cấp đến các bạn đọc giả, nhà nghiên cứu,... những cách tiếp cận về hệ thống các ngân hàng. Thông qua đó, chúng ta sẽ thấy được vai trò và tác dụng của hệ thống ngân hàng đối với sự phát triển chung của xứ Nam Kỳ trong thời kỳ thực dân Pháp cai trị đất nước ta.
  • 20. 13 CHƯƠNG 1: NHU CẦU THÚC ĐẨY SỰ RA ĐỜI CÁC NGÂN HÀNG TẠI NAM KỲ (1875 - 1945) 1.1. Những vấn đề chung về Ngân hàng 1.1.1. Khái niệm Ngân hàng Cho đến nay khi nghiên cứu về lĩnh vực ngân hàng các nhà nghiên cứu đưa ra rất nhiều khái niệm. Thiết nghĩ cần dẫn ra đây một vài khái niệm để làm cơ sở cho việc nghiên cứu đề tài được dễ dàng hơn. Theo khái niệm ngân hàng của Luật các Tổ chức Tín dụng Việt Nam được Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành tại văn bản Luật số: 47/2010/QH12 ghi như sau: “Ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng có thể được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này. Theo tính chất và mục tiêu hoạt động, các loại hình ngân hàng bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng hợp tác xã” [48; tr.9]. Ở văn bản luật này, Quốc hội nước ta chỉ rõ chức năng của ngân hàng là cung cấp tín dụng cho người dân và được thực hiện tất cả các hoạt động của ngân hàng. Các hoạt động của ngân hàng theo quy định của Luật Tín dụng bao gồm: huy động vốn, nhận tiền gửi, cho vay thế chấp, chiết khấu chứng từ, đầu tư,… Để thực hiện được chức năng này, đòi hỏi ngân hàng phải được chia ra làm ba loại: ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội và ngân hàng hợp tác xã. Như vậy, với khái niệm trên, Quốc hội nước ta đã phân biệt rõ chức năng của ngân hàng ở đất nước ta là kinh doanh thương mại chứ không phải là phát hành tiền tệ. Khái niệm này chỉ đúng một phần nào đó, nhưng chúng ta không thể dùng nó để làm khái niệm cho nghiên cứu đề tài này. Vì hệ thống ngân hàng nước ta dưới thời Pháp thuộc, đặc biệt là ngân hàng Đông Dương có nhiều
  • 21. 14 chức năng và nhiệm vụ hơn, so với khái niệm mà Quốc hội nước ta đã nói. Vì vậy chúng ta đi tìm hiểu thêm một số khái niệm ngân hàng khác có liên quan. Theo trang mạng Wikipedia thì đưa ra khái niệm “Ngân hàng hay nhà băng là tổ chức tín dụng thực hiện các hoạt động tín dụng như nhận tiền gửi, cho vay và đầu tư tài chính, các hoạt động thanh toán, phát hành các loại kỳ phiếu, hối phiếu, v.v... và một số hoạt động khác. Một số ngân hàng còn có chức năng phát hành tiền”[147]. Khái niệm ngân hàng của Wikipedia có phần sát với đề tài hơn, nhưng ở khái niệm này nói lên tính chất hiện đại của các ngân hàng trong giai đoạn hiện nay. Trong khi đó khái niệm ngân hàng mà đề tài chúng tôi cần là trong giai đoạn Pháp thuộc. Vì vậy chúng ta chưa thể sử dụng khái niệm này được. Một khái niệm khác cho rằng “ngân hàng là tổ chức hoạt động kinh doanh, cung cấp các dịch vụ ngân hàng để tìm kiếm lợi nhuận”[149]. Khái niệm này cũng gần giống với khái niệm mà Quốc hội nước ta đã nêu ở trên. Nhà kinh tế học Peter S. Rose trong công trình nghiên cứu Commercial Bank Management năm 2001 đã đưa ra các khái niệm về ngân hàng như sau: “Ngân hàng là loại hình tổ chức tài chính cung cấp một danh mục và dịch vụ tài chính đa dạng nhất – đặc biệt là tín dụng, tiết kiệm và dịch vụ thanh toán – và thực hiện nhiều chức năng tài chính nhất so với bất kỳ một tổ chức kinh doanh nào trong nền kinh tế”. “Ngân hàng là loại hình tổ chức chuyên nghiệp trong lĩnh vực tạo lập và cung cấp các dịch vụ quản lý cho công chúng, đồng thời nó cũng thực hiện nhiều vai trò khác trong nền kinh tế”[149]. Các khái niệm về ngân hàng của nhà kinh tế học Peter S. Rose đưa ra ám chỉ những ngân hàng thời hiện đại. Chỉ có những ngân hàng này, mới có thể cung cấp đầy đủ các dịch vụ theo yêu cầu của khách hàng. Khái niệm này cũng không thể sử dụng cho khái niệm nghiên cứu đề tài.
  • 22. 15 Từ điển của Đại học Oxford lại đưa ra một khái niệm về ngân hàng như sau: “ngân hàng là một cơ sở tạm giữ hộ tiền và sẽ hoàn trả theo yêu cầu của khách hàng”. Khái niệm ngân hàng của quyển từ điển Đại học Oxford quá đơn giản nó chưa thể hiện hết chức năng của ngân hàng. Đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 - 1933, chính phủ các nước đã cho phép các ngân hàng ngưng việc chuyển đổi tiền giấy sang tiền kim loại. Ở Việt Nam trong thời kỳ Pháp thuộc cũng diễn ra tương tự. Ngân hàng Đông Dương được Chính phủ Pháp và Phủ Toàn quyền Đông Dương ký quyết định cho tạm hoãn việc chuyển đổi tiền giấy sang tiền kim loại. Đến khi cuộc khủng hoảng kinh tế qua đi, ngân hàng Đông Dương nhân cơ hội đó áp đặt luôn quyết định này đối với nhân dân Đông Dương. Như vậy khái niệm trên còn rất hạn chế và chưa chặt chẽ. Khó có thể sử dụng được cho đề tài. Một khái niệm khác trích từ trang wed tuitien.vn nói về ngân hàng như sau: “Ngân hàng là một tổ chức tài chính nhận tiền gửi, cho vay và thực hiện các dịch vụ liên quan khác. Nó nhận tiền từ những người muốn tiết kiệm dưới dạng tiền gửi và cho vay tiền cho những ai cần”[145]. Khái niệm này nêu lên được chức năng của ngân hàng là nhận tiền gửi của các khách hàng muốn tiết kiệm. Sử dụng tiền này cho những ai có nhu cầu vay vốn. Khái niệm này, tuy sát với chức năng, nhiệm vụ của ngân hàng nhưng nó chưa phù hợp với thời kỳ Pháp thuộc. Trang library.thinkquest.org đưa ra khái niệm ngân hàng “là một tổ chức tài chính, là nơi để mọi người gửi tiền và giữ nó một cách an toàn - A bank is a financial organization where people deposit their money to keep it safe”[139]. Khái niệm này cũng đơn giản như khái niệm của quyển từ điển Đại học Oxford nên cũng không thể sử dụng nó làm khái niệm cho nghiên cứu đề tài của chúng tôi.
  • 23. 16 Tiếp thu những khái niệm ngân hàng mà các chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu đã đưa ra, chúng tôi đề ra một khái niệm mới về ngân hàng để làm cơ sở cho việc nghiên cứu đề tài như sau: Ngân hàng là một tổ chức tài chính có tư cách pháp nhân được chính phủ công nhận, chuyên hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, bao gồm: nhận gửi tiền từ phía nhân dân, cho vay tín dụng và cung cấp các dịch vụ tài chính cần thiết cho các khách hàng. Ngoài ra ngân hàng còn được chính phủ giao nhiệm vụ phát hành tiền tệ để điều tiết nền kinh tế đất nước khi có yêu cầu. 1.1.2. Một số thuật ngữ về Ngân hàng Bên cạnh khái niệm ngân hàng còn có một số thuật ngữ khác cũng nói về lĩnh vực này. Xin trích dẫn ra đây một vài thuật ngữ có liên quan. - Thuật ngữ “ngân hàng thương mại”, theo Luật các Tổ chức Tín dụng Việt Nam được Quốc hội nước ta ban hành tại điểm 3, điều 4, Luật số: 47/2010/QH12 giải thích thuật ngữ này như sau: Ngân hàng thương mại là loại hình ngân hàng được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của Luật này nhằm mục tiêu lợi nhuận [48; tr.9]. Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Cúc trong công trình nghiên cứu của mình với đề tài Tín dụng ngân hàng thì đưa ra khái niệm về thuật ngữ ngân hàng thương mại như sau: “Ngân hàng thương mại là một doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ, là một tổ chức tín dụng thực hiện huy động vốn nhàn rỗi từ các chủ thể trong nền kinh tế để tạo lập nguồn vốn tín dụng và cho vay phát triển kinh tế, tiêu dùng cho xã hội”[19; tr.11]. Đạo Luật ngân hàng của Pháp (1941) cũng đã định nghĩa: “Ngân hàng thương mại là những xí nghiệp hay cơ sở mà nghề nghiệp thường xuyên là
  • 24. 17 nhận tiền bạc của công chúng dưới hình thức ký thác, hoặc dưới các hình thức khác và sử dụng tài nguyên đó cho chính họ trong các nghiệp vụ về chiết khấu, tín dụng và tài chính”[30; tr.74]. - Thuật ngữ “ngân hàng trung ương”, theo nghiên cứu của Tiến sĩ Lê Thị Tuyết Hoa giải thích rằng: “ngân hàng trung ương là cơ quan độc quyền phát hành tiền và thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm ổn định giá trị tiền tệ góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội”[30; tr.88]. Trang wed Wikipedia giải thích Ngân hàng trung ương “là cơ quan đặc trách quản lý hệ thống tiền tệ của quốc gia và chịu trách nhiệm thi hành chính sách tiền tệ. Mục đích hoạt động của ngân hàng trung ương là ổn định giá trị của tiền tệ, ổn định cung tiền, kiểm soát lãi suất, cứu các ngân hàng thương mại có nguy cơ đổ vỡ. Hầu hết các ngân hàng trung ương thuộc sở hữu của Nhà nước, nhưng vẫn có một mức độ độc lập nhất định đối với Chính phủ”[147]. - Ngân hàng thương mại quốc doanh: là ngân hàng do Nhà nước thành lập, toàn bộ vốn hoạt động do Nhà nước đầu tư nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế Nhà nước. - Ngân hàng thương mại cổ phần: là ngân hàng được thành lập dưới hình thức công ty cổ phần, vốn hoạt động do các cổ đông là các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, các tổ chức tín dụng, các tổ chức khác và các cá nhân cùng đóng góp theo quy định của pháp luật. - Ngân hàng liên doanh: là ngân hàng được thành lập bằng vốn góp của hai quốc gia khác nhau trên cơ sở hợp đồng liên doanh. Ngân hàng này là một pháp nhân của nước sở tại, có trụ sở, có tư cách pháp nhân, có đầy đủ điều kiện theo quy định của luật pháp nước sở tại.
  • 25. 18 - Chi nhánh ngân hàng nước ngoài: là tổ chức đại diện phụ thuộc của ngân hàng nước ngoài mở tại nước sở tại được ngân hàng nước ngoài đầu tư vốn, bảo đảm chịu trách nhiệm đối với mọi nghĩa vụ mà pháp luật của nước sở tại quy định được hoạt động theo sự cho phép của pháp luật nước sở tại. - Ngân hàng 100% vốn nước ngoài: là ngân hàng được thành lập bằng 100% vốn của nước ngoài và hoạt động theo luật tại nước sở tại, có trụ sở, có tư cách pháp nhân, có đầy đủ điều kiện theo quy định của luật pháp nước sở tại [19; tr.14-15]. - Ngân hàng Đầu tư và Phát triển: là ngân hàng chuyên cho vay để đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn do phát hành trái phiếu hoặc nguồn ngân sách. - Ngân hàng đặc biệt: là ngân hàng được thành lập để phục vụ cho mục đích xã hội là chính [30; tr.65-66]. Trên đây là một số thuật ngữ về ngân hàng mà chúng ta thường nghe nói. Những thuật ngữ này có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình nghiên cứu của đề tài. Nhờ có những thuật ngữ này, giúp cho công trình nghiên cứu của chúng tôi phân biệt được các loại hình ngân hàng có mặt ở Nam Kỳ trong thời kỳ Pháp thống trị nước ta. Song song đó còn biết được cách thức hoạt động của các ngân hàng này. Đồng thời còn giúp cho chúng ta giải thích được một số ngân hàng đang hoạt động trên đất nước ta hiện nay. 1.1.3. Điều kiện thành lập Ngân hàng Một ngân hàng muốn hình thành và phát triển phải hội đủ các điều kiện như sau: - Thứ nhất, phải có một số tiền cơ bản để đảm bảo việc cho vay. - Thứ hai, phải có một tầng lớp trung gian chuyên lấy nghề kinh doanh tiền bạc làm phương tiện sống.
  • 26. 19 - Và thứ ba, phải được sự cho phép của Nhà nước (có nghĩa là được nhà nước cấp phép cho hoạt động). Chỉ có hội đủ ba điều kiện cơ bản này, ngân hàng mới có thể đi vào hoạt động được. Dưới thời Pháp thuộc (1862-1945), xứ Nam Kỳ đã có đủ ba điều kiện cơ bản trên và đó là lý do cho sự ra đời hệ thống các ngân hàng tại đây. 1.2. Bối cảnh Nam kỳ cuối thế kỷ XIX Ngày 31 tháng 08 năm 1858, thực dân Pháp nổ sung xâm lược nước ta mở màng bằng chiến dịch đánh vào Đà Nẵng. Sau gần 05 tháng chiến đấu (01-1859), không mang lại kết quả như mong muốn. Pháp chuyển hướng chiến lược đem quân vào đánh chiếm Gia Định. Âm mưu của Pháp là “chiếm một địa bàn thuận lợi vừa lập nghiệp và phòng thủ, vừa hành binh và lưu thông thương mại dễ dàng, đồng thời gây sức ép với triều đình Huế bằng cách phong tỏ kinh tế, cắt đường vận chuyển lương thực. Nhìn xa hơn, chiếm được Gia Định thực dân Pháp sẽ có điều kiện bành trướng nhanh chóng sang Cao Miên và xa hơn nữa lên phía Bắc”[67; tr.09]. Thực hiện âm mưu này, ngày 02 tháng 02 năm 1859, Pháp đem 2000 quân với 8 tàu chiến tiến đánh Gia Định. Ngày 17 tháng 02 năm 1859, Pháp chiếm được thành. Đại bộ phận quân đội triều đình Huế, rút về các vùng nông thôn xung quanh Sài Gòn để cố thủ và cô lập quân đội Pháp. Trước sự cô lập về mọi mặt từ phía quân đội triều đình và nhân dân vùng Gia Định đã đẩy quân đội viễn chinh Pháp lâm vào tình thế hết sức khó khăn và thiếu thốn. Nhà sử học Philippe Devillers đã ghi chép về tình cảnh hết sức hiểm nghèo của quân đội Pháp như sau: “Họ (chỉ quân đội Pháp) phải đóng giữ ở đây suốt tám tháng từ tháng 04 cho đến tháng 12 năm 1859, ở giữa các đầm lầy, mặc dù bị sốt rét, kiết lỵ, bệnh thiếu sinh tố, thổ tả, bị bao
  • 27. 20 vây và nóng bức, không kể bị thương vong vẫn chiến đấu chống lại các cuộc tấn công không ngừng của quân Annam”[65; tr.96]. Đứng trước khó khăn đó, ngày 22 tháng 02 năm 1860, đô đốc Page tuyên bố mở cửa cảng Sài Gòn, cho phép thương nhân được tự do ra vào buôn bán. Hành động này của Page nhằm mục đích thoát khỏi sự cô lập từ phía quân đội triều đình. Tìm kiếm các “khoản thuế” để trang trải khó khăn cho quân đội Pháp. Đồng thời còn nhằm thăm dò tiềm năng thương mại của xứ Nam Kỳ để xây dựng xứ này trở thành trung tâm thương mại hàng đầu ở vùng Viễn Đông trong tương lai. Sau cùng là cắt đứt sự tiếp tế lương thực từ Nam Kỳ về triều đình Huế, các tỉnh miền Trung và miền Bắc đang xảy ra nạn đói. Đô đốc Page đã thành công trong ý đồ của mình. Giá lúa, gạo nhanh chóng tăng vọt từ 1frs ăn 40 lít lúa nay tăng lên tới 3frs [65; tr.112]. Giá lúa, gạo tăng đã kích thích lòng tham của bọn thương lái Huê kiều len lỏi về các miền nông thôn, xa xôi, hẻo lánh mà quân đội triều đình khó kiểm soát để thu mua lúa, gạo chở về Sài Gòn phục vụ xuất khẩu. Hậu quả là làm cho lúa, gạo không thể chuyên chở ra các tỉnh miền Bắc và miền Trung được. Dẫn đến giá lúa gạo tại các tỉnh miền Trung và miền Bắc tăng cao. Đẩy nơi đây lâm vào nạn đói nghiêm trọng, làm cho triều đình Huế phải gặp nhiều khó khăn, khốn đốn. Mặt khác, việc mở cửa thương cảng Sài Gòn còn mang về cho Pháp một nguồn thu nhập to lớn. Nhờ có nguồn thu này, quân đội viễn chinh Pháp mới có thể cầm cự lâu dài, trước sự chống trả quyết liệt của quân đội triều đình và thoát khỏi tình thế bị bao vây, cô lập. Theo số liệu thống kê của Phòng Thương mại, việc mở cửa thương cảng Sài Gòn cho hoạt động mua, bán quốc tế đã mang cho Pháp tổng số tiền thuế là 20.000.000frs [88; tr.154]. Với nguồn thu nhập tài chính to lớn này, trong phút chốt hình ảnh Nam Kỳ bỗng hiện ra trước mắt các đô đốc Pháp. Đó là một nền thương mại sầm
  • 28. 21 uất vào loại bậc nhất ở Viễn Đông. Một căn cứ chiến lược quan trong mà nước Pháp cần phải chiếm lấy nó. Từ nó (chỉ Nam Kỳ) nước Pháp sẽ mở rộng phạm vi ảnh hưởng của quốc gia mình ra khu vực và trên thế giới. Do đó đã thúc đẩy các đô đốc Pháp cũng cố hơn nữa giã tâm xâm chiếm vùng đất này. Điều này đã được các đô đốc Pháp thú nhận: “sự quan trọng của Sài Gòn đối với nền thương mại Pháp ở Viễn Đông bỗng hiện ra rõ nét và đồng thời tính cách của cuộc xung đột cũng biến đổi”[65; tr.99]. Về phía triều đình Huế, từ sau thất trận ở Kỳ Hòa (02-1861) và hành động phong tỏ lúa, gạo của các đô đốc Pháp ra các tỉnh miền Trung và miền Bắc đã gây cho triều đình nhiều tai hại. Lúa, gạo không thể chuyên chở ra các tỉnh này được. Kết quả là làm cho giá lúa, gạo tại đây tăng cao. Kéo theo đó là nạn hạn hán, mất mùa, đói kém,… xảy ra ở khắp mọi nơi. Sử quán triều Nguyễn đã chép rằng “tháng 07 năm 1861, một đoàn bốn mươi nhân vật cao cấp đến trình bày với nhà vua về thảm họa mà dân chúng phải chịu đựng vì bị phong tỏa gạo nếu không thương lượng với người Pháp”[65; tr.112]. Trầm trọng thêm của cuộc khủng hoảng lương thực là cuộc nổi loạn của Lê Duy Phụng ở ngoài Bắc. Cuộc nổi loạn này lớn đến mức đã đánh bại nhiều đạo quân tinh nhuệ của triều đình phái ra. Duy Phụng còn âm mưu lôi kéo cả Pháp và Tây Ban Nha đang chiếm đóng Sài Gòn giúp ông ta lật đổ triều đình Huế và hứa rằng nếu thành công ông sẽ đặt “nước Annam dưới sự bảo hộ của Pháp - một thứ vương quốc thần quyền”[65; tr.125]. Đứng trước những khó khăn đó đã buộc triều đình Huế ký kết hòa ước ngày 05 tháng 06 năm 1862 với các đô đốc Pháp, cắt nhường ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho Pháp chiếm đóng, nhằm tranh thủ thời gian hòa hoãn để giải quyết những khó khăn trước mắt. Đồng thời còn để củng cố lực lượng đánh Pháp sau này. Như vậy ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ chính thức đã lọt vào tay người Pháp. Từ ba tỉnh này người Pháp bắt đầu xây dựng cơ sở để
  • 29. 22 phục vụ cho sự nghiệp chinh phục Việt Nam ở những giai đoạn sau mà trước hết là ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ. Để làm được điều này, Pháp cho xây dựng và cải tạo lại nền hành chính của vùng đất này. Mặt khác, tăng cường lực lượng để chiếm nối ba tỉnh còn lại. Sau thất bại của phái đoàn Phan Thanh Giản trong việc chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ tại Paris, càng củng cố hơn nữa quyết tâm đánh chiếm ba tỉnh còn lại của các đô đốc Pháp. Sau một thời gian chuẩn bị lực lượng ngày 20 tháng 06 năm 1867, Pháp đem quân đến bao vây thành Vĩnh Long. Trước sức mạnh quân sự và khí giới vượt trội của quân đội Pháp đã buộc đại diện của triều đình Huế - Kinh Lược sứ Phan Thanh Giản phải đầu hàng. Cắt nhường ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ cho Pháp. Đến đây công cuộc chinh phục Nam Kỳ của thực dân Pháp xem như đã hoàn thành. Nam Kỳ từ vùng đất “độc lập”, “có chủ quyền” dưới sự trị vì của Vương triều Nguyễn. Bây giờ đã trở thành vùng đất “thuộc địa” dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Dưới sự cai trị của Pháp, bộ mặt Nam Kỳ đã có nhiều chuyển biến quan trọng. Từ vùng đất hoang vu, sình lầy, thưa thớt dân cư,… chỉ trong mấy chục năm ngắn ngủi Nam Kỳ đã trở thành một trung tâm thương mại hàng đầu của cả xứ Đông Dương. Tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế Nam Kỳ phát triển theo hướng sản xuất tư bản chủ nghĩa. Đặt nền móng để Nam Kỳ xây dựng hệ thống tài chính, tín dụng ở những giai đoạn sau. 1.3. Những điều kiện thúc đẩy sự ra đời các tổ chức Ngân hàng 1.3.1. Về kinh tế Sau khi chiếm được Nam Kỳ từ tay triều đình Huế, không đợi đến lúc thực dân Pháp đánh chiếm toàn bộ Việt Nam thì Pháp mới xây dựng nền kinh tế Nam Kỳ, trái lại, ngay từ buổi đầu lúc đánh chiếm Nam Kỳ Pháp đã tiến hành quy hoạch nền kinh tế Nam Kỳ theo hướng sản xuất tư bản chủ nghĩa để
  • 30. 23 phục vụ cho xuất khẩu. Trước lúc đem quân xuống đánh Nam Kỳ các đô đốc Pháp đã được “Ủy ban đặc biệt về xứ Cochinchine”[65; tr.22] cung cấp thông tin về những nguồn lợi mà xứ Nam Kỳ hiện có. Những nguồn lợi này sẽ giúp ít rất nhiều cho nền thương mại Pháp ở Viễn Đông. Theo Ủy ban thì xứ Nam Kỳ có hai mặt hàng chính để xuất khẩu là gạo và cá khô. Chính vì vậy khi vừa chiếm được Gia Định các đô đốc Pháp đã vội vàng cho mở cửa thương cảng Sài Gòn để cho thuyền bè các nước được tự do ra vào buôn bán. Kết quả là chỉ trong thời gian ngắn từ 1860 - 1867, Pháp đã thu được một lượng tiền thuế khổng lồ. Theo báo cáo của đô đốc De la Grandière tổng thu nhập bằng thuế của xứ Nam Kỳ vào năm 1864 như sau: - Thuế trự thu: 1.475.000 frs; - Thuế gián thu: 1.290.709 frs; - Thu nhập địa ốc: 206.000 frs; - các thu nhập khác: 10.000 frs; Tổng cộng: 2.981.709 frs [9; tr.149] Trong khi đó, Luro lại cho rằng toàn bộ thu nhập của thuộc địa vào năm 1864 là 6.291.000 frs [65; tr.279]. Chênh lệch rất lớn so với báo cáo của đô đốc Pháp. Còn tờ La Patrie dự đoán rằng toàn bộ thu nhập Nam Kỳ sẽ vượt con số 5.000.000 frs vào năm 1865 và đạt tới 7.000.000 frs vào năm 1866 [9; tr.149]. Những con số thống kê trên tuy khác nhau nhưng nó chứng tỏ tiềm năng thương mại của xứ Nam Kỳ là rất lớn. Nhờ có tiềm năng thương mại này nước Pháp sẽ phô diễn được kỹ - nghệ của quốc gia mình ở vùng Viễn Đông. Qua đó, sẽ mang về nhiều nguồn lợi cho chính quốc. Vì vậy đã thôi thúc các đô đốc Pháp tiến hành nghiên cứu cải tạo lại nền kinh tế Nam Kỳ để phục vụ cho ý đồ trên.
  • 31. 24 Trước hết các đô đốc Pháp cho tiến hành quy hoạch lại thành phố Sài Gòn nhằm để thu hút dân cư đến sinh sống và thu hút các nhà sản xuất đến làm ăn, mua bán nơi đây. Ngày 11 tháng 04 năm 1861, đô đốc Charner ban hành Nghị định quy hoạch và thành lập thành phố Sài Gòn “thành phố mới này sẽ rộng rãi với 2500 hecta và được thiết kế để một ngày nào đó sẽ có 500.000 ngàn người sinh sống ở đây”[65; tr.272]. Trung tá Coffyn được giao nhiệm vụ phát họa quy hoạch thành phố mới. Sau kế hoạch này, nhiều đường phố, bệnh viện, nhà cửa của người dân đã bắt đầu mọc lên. Các bến cảng không ngừng được cải tạo và nâng cấp phục vụ cho việc chuyên chở hàng hóa để xuất khẩu. Hệ thống trường học để đào tạo đội ngũ công chức, viên chức phục vụ cho chế độ mới cũng đã hình thành và đi vào hoạt động. Nhiều xưởng kỹ nghệ đã xuất hiện. Mật độ dân cư sinh sống ở Sài Gòn bắt đầu tăng nhanh đáng kể. Theo số liệu thống kê tính tới thời điểm năm 1906 dân số toàn Nam Kỳ là hơn 3.000.000 triệu người [67; tr.42]. Nhờ vậy đã làm cho bộ mặt thành phố Sài Gòn có sự văn minh hiện đại của một đô thị mang dáng dấp phương Tây. Tiếp sau việc quy hoạch thành phố Sài Gòn là việc khuyến khích các nhà sản xuất, những kỹ nghệ gia từ các nước đến làm ăn sinh sống tại Nam Kỳ. Phần lớn trong số họ chủ yếu đến từ các nước Singapore, Hồng Kông, Thượng Hải, Mã Lai,… Một số khác chiếm tỷ lệ nhỏ hơn là các thương gia người Đức, người Anh và người Hoa Kỳ. Thương gia người Pháp chiếm tỷ lệ rất ít. Chính quyền Thuộc địa còn bán những mảnh ruộng với giá rẽ cho các nhà sản xuất để họ xây dựng các cơ sở phục vụ cho sản xuất, kinh doanh. Ngày 20 tháng 02 năm 1863, đô đốc Bonard ban hành Nghị định cho bán những khoảnh ruộng trong thành phố Sài Gòn [65; tr.273]. Kết quả là chỉ
  • 32. 25 trong thời gian ngắn toàn bộ đất đai quanh Sài Gòn đã được các nhà sản xuất, kinh doanh hầu như mua hết. Bên cạnh đó, Chính quyền Thuộc địa còn cấp đất cho các công ty để họ tiến hành sản xuất được dễ dàng và thuận lợi. Năm 1870, Nhà nước Thuộc địa đã cấp 150 mẫu đất cho nhà máy sản xuất đường ở Biên Hòa do Kresser làm giám đốc để công ty này trồng mía nguyên liệu [9; tr.427]. Công ty Taillefer được Nhà nước Thuộc địa bán 36 mẫu với giá 70 đến 80 frs đất canh tác ở Cù lao Năm thôn, 300 mẫu đất còn lại được Nhà nước nhường quyền cho quản lý [9; tr.429]. Nhờ có các chính sách này nên chỉ trong thời gian ngắn, Nam Kỳ đã thu hút được một số lượng lớn các nhà sản xuất, kinh doanh từ khắp các nước trên thế giới tụ họp về đây. Theo ghi chép của Phòng Thương mại Pháp tại Nam Kỳ tính tới thời điểm năm 1874, toàn Nam Kỳ có được các cơ sở sản xuất phục vụ cho xuất khẩu sau: - Hai nhà máy xay xát lúa, một thuộc hãng Renard và Spooner và nhà máy khác thuộc hãng Cahezac de Bordeaux do Lheman làm đại diện. - .Một nhà máy sản xuất nước đá của Cazaux và Salvain. - Một nhà máy làm nước uống có gaz của Gueldre. - Một xưởng kéo sợi ở Chợ Lớn của Francfort và Samuel. - Một nhà máy đường ở Biên Hòa do Kresser điều hành [9; tr.427]. Bên cạnh các cơ sở sản xuất trên, còn có các nhà buôn lớn có chi nhánh tại Sài Gòn như: - Nehr et Cie: Hiệp hội nhập khẩu-xuất khẩu và ngân hàng. - Kaltenbach, Engler et Cie: Hiệp hội nhập khẩu và xuất khẩu. - Pohl, Openheimer: Mặt hàng mới - hàng hóa Paris. - Anh em nhà Cahuzac: Hiệp hội xuất khẩu [9; tr.238].
  • 33. 26 Cùng với các hãng sản xuất này còn có hoạt động thương mại của người Hoa và người Ấn cũng góp phần quan trọng vào sự năng động của nền kinh tế Nam Kỳ. Người Hoa chủ yếu kinh doanh trong lĩnh vực buôn bán, ẩm thực, đông dược, á phiện, sòng bạc,… và đặc biệt là cho vay nặng lãi đã làm cho người dân Nam Kỳ gặp nhiều điêu đứng. Người Ấn Độ chuyên mua bán trong mặt hàng vải sợi và cho vay. Một số địa chủ người Việt cũng tham gia vào hoạt động buôn bán. Nhìn chung, tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh, mua bán trên đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế Nam Kỳ trong thời gian đầu. Nhờ vậy đã giúp cho Nhà nước Thuộc địa Pháp tại Nam Kỳ thu về những khoản lợi nhuận kết sù. Theo Luro, thu nhập của Nam Kỳ vào năm 1874 là 14 triệu frs [65; tr.279]. Trong khi đó, học giả Trương Bá Cần thì cho rằng thu nhập của Nam Kỳ là 14.492.000frs [9; tr.444]. Số tiền to lớn này chứng tỏ tiềm năng thương mại của Nam Kỳ là đáng kể. Nếu biết quy hoạch và đầu tư khai thác hợp lý, trong tương lai Nam Kỳ sẽ trở thành trung tâm thương mại của toàn xứ Đông Dương và vùng Viễn Đông. Bên cạnh những thành công bước đầu thì nền thương mại Nam Kỳ cũng bọc lộ nhiều yếu kém và sự trì truệ. Biểu hiện của tình trạng này là sự thiếu nguồn vốn trong sản xuất kinh doanh. Phần lớn các doanh nghiệp, các nhà sản xuất đang làm ăn sinh sống tại Nam Kỳ có số vốn không lớn lắm nên khó lòng mở rộng quy mô sản xuất. Hậu quả là chỉ trong thời gian ngắn đã có hàng lọt các công ty, xí nghiệp tại Nam Kỳ phải đóng của. Nhà máy sợi của Francfort và Samuel hoạt động vào tháng 07 năm 1869 với 130 công nhân buộc phải ngưng hoạt động vào năm 1874 vì thiếu vốn. Cũng trong năm 1874 đánh dấu sự sụp đổ của nhà máy đường Biên Hòa do Kresser làm giám đốc [9; tr.427]. Tiếp sau đó là đến lược công ty Taillefer. Công ty này ra đời và hoạt động vào tháng 10 năm 1866, tại Cù lao Năm thôn. Sau một thời gian
  • 34. 27 hoạt động không mấy hiệu quả, công ty buộc phải bán lại cho Trần Bá Lộc [9; tr.429-430]. Trước sự sụp đổ của hàng loạt các công ty vì thiếu nguồn vốn để sản xuất đã khiến cho Nhà nước Thuộc địa Pháp tại Nam Kỳ phải quan ngại. Nhà nước thuộc địa Pháp đã phải thừa nhận rằng “nhìn chung sau 10 năm khai thác thuộc địa, nỗ lực kỹ nghệ hóa Nam Kỳ vẫn không đáng kể: kết quả là số không” [9; tr.428]. Trong khi đó, đại diện Ủy ban Nông nghiệp và Kỹ nghệ Nam Kỳ - Linh mục Legrand de La Lyraie đã phải cay đắng khi nói lên những lời lẽ như thế này: “Một nhà máy đường lớn tại Biên Hòa, một khu vực trồng mía bao la bát ngát; một cơ sở nông nghiệp ở Long Thành và xung quanh Sài Gòn; thật tốn công vô ích khi thiết lập cơ sở nông nghiệp ở Long Thành và xung quanh Sài Gòn; thật phí công vô ích khi nói tới nghề nhuộm chàm thủ công ở vùng cao Vĩnh Long, tới trại nuôi tằm, kéo sợi, hong kén” [9; tr.428]. Để cứu nguy cho tình trạng đó, Nhà nước Thuộc địa Pháp tại Nam Kỳ đã đề ra nhiều biện pháp nhằm tìm kiếm nguồn vốn để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, xí nghiệp đang gặp khó khăn nơi đây. Biện pháp trước mắt mà Nhà nước Thuộc địa Pháp tại Nam Kỳ thường làm là giảm thuế cho các xí nghiệp, doanh nghiệp đang gặp khó khăn tại Nam Kỳ. Quyết định ngày 03/03/1868, giảm 33% thuế đất trồng mía cho các xí nghiệp. Quyết định ngày 03/11/1871, giảm từ 10frs xuống còn 4frs/1hecta đất trồng cây dâu tằm phục vụ cho xuất khẩu [9; tr.439]. Sau các biện pháp giảm thuế là các cuộc triển lãm, tổ chức các kỳ Đấu xảo tại Sài Gòn về giống cây trồng, về các mặt hàng lợi thế của Nam Kỳ, về cơ hội đầu tư và làm ăn nơi đây để thu hút thương nhân các nước. Theo nghiên cứu của học giả Trương Bá Cần, Nhà nước Thuộc địa Pháp tại Sài
  • 35. 28 Gòn đã tổ chức được ba kỳ Đấu xảo vào các năm 1866, 1867 và 1874 [9; tr.439]. Song song với các biện pháp trên Nhà nước Thuộc địa Pháp tại Nam Kỳ còn dùng hình thức khen thưởng để động viên các xí nghiệp đang gặp khó khăn. Ngày 06 tháng 01 năm 1873, Nhà nước Thuộc địa tại Nam Kỳ đã khen thưởng cho nhà máy sợi tại Chợ Lớn do Francfort và Samuel làm chủ với số tiền là 6.000frs và 4.000frs vì đã cố gấn để cứu nhà máy khỏi ngưng hoạt động. Tiếp sau đó đến ngày 13 tháng 01 năm 1873, khen thưởng cho Blanchy và Agaisse với số tiền là 10.000frs và 5.000frs với lý do: họ là những người đầu tiên thí nghiệm trồng café tại Nam Kỳ, nay khích lệ họ vì những nổ lực đã thực hiện [9; tr.439]. Mặt khác Nhà nước Thuộc địa còn dùng tới chiến dịch truyền thông, báo chí để đánh bóng về sự hấp dẫn của nền thương mại Nam Kỳ nhằm lôi kéo, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến mua bán. Tờ La Gazette de France số ra ngày 05/11/1864 đã có bài bình luận như sau về tiềm năng thương mại của xứ Nam Kỳ: “Nam Kỳ và cảng Sài Gòn, nó không những là một vị trí quân sự và chính trị rất quan trọng mà còn có thể trở thành kho chứa hàng ở vùng Viễn Đông, tâm điểm giao thương các khu vực xa xôi đổ vào và từ đó tỏa ra khắp nơi. Vả lại nhờ có nó, nhờ có nguồn lợi nó đem lại, nhờ ở sự màu mỡ đặc biệt của đất đai, nhờ ở sự đa dạng của sản phẩm, Nam Kỳ sẽ là phần đất sở hữu quý giá nhất. Hiện nay với nền nông nghiệp chưa hoàn thiện, nó vẫn xuất khẩu được một lượng gạo lớn và theo một cách nào đó, các nước đặc biệt là Nhật Bản sẽ lệ thuộc vào nguồn cung cấp này. Nam Kỳ còn sản xuất hương liệu, mía đường; nó có gỗ quý để xây dựng và nó trù phú tới mức đã có thể đủ cung cấp cho chính mình”[9; tr.150]. Trong khi đó tờ Le Constitutionnel ngày 03 tháng 12 năm 1863 viết rằng: “Cảng Sài Gòn là điểm hẹn của tàu bè từ Ấn Độ tới Trung Hoa, nó nằm giữa Singapore và
  • 36. 29 Hồng Kông, nó cung cấp những nông sản dồi dào và đa dạng, từ mảnh đất màu mỡ, thuộc vùng khí hậu nhiệt đới thuận lợi, việc vận chuyển hàng hóa dễ dàng, nhờ những kênh, gạch thiên nhiên chằng chịt khắp xứ”[9; tr.145]. Tất cả những việc làm trên của Nhà nước Thuộc địa Pháp không thu được kết quả khả quan lắm. Nền kinh tế Nam Kỳ nhìn chung vẫn bị trì truệ và lạc hậu. Đô đốc Dupré đã phải thừa nhận rằng “tình trạng đình đốn về mặt kinh tế tại Nam Kỳ những khó khăn ấy là tình trạng thiếu vốn”[9; tr.439]. Trước thực trạng đó để cứu vãn kinh tế Nam Kỳ khỏi lâm vào tình cảnh trên, Nhà nước Thuộc địa Pháp đã vận động Chính phủ Pháp cho thành lập một ngân hàng tín dụng giành cho xứ thuộc địa Nam Kỳ (thường được gọi là Ngân hàng Đông Dương (Banque de l’Indochine)). Ngân hàng Đông Dương ra đời vào ngày 21 tháng 01 năm 1875 là nhằm đáp ứng nguyện vọng đó. Sau khi Ngân hàng Đông Dương ra đời, ngân hàng đã không phụ lòng của Nhà nước Thuộc địa Pháp, ngân hàng đã không ngừng cung cấp tín dụng cho các công ty, xí nghiệp đang gặp khó khăn về nguồn vốn để mở rộng hoạt động sản xuất. Sau sự ra đời của ngân hàng Đông Dương là hàng lọt các ngân hàng khác cũng bắt đầu xuất hiện. Những ngân hàng này, cũng góp phần không nhỏ vào việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế Nam Kỳ. Nhờ vậy, Nhà nước Thuộc địa Pháp đã rất dễ dàng tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa ở đất nước ta trên quy mô lớn trong các lần 1897-1918 và 1918-1945, nhằm vơ vét tài nguyên, thiên nhiên làm giàu cho chính quốc. Như vậy, từ việc thiếu nguồn tín dụng trong sản xuất, kinh doanh đã làm cho nền kinh tế Nam Kỳ lâm vào khủng hoảng trì truệ trong thời gian dài. Cuộc khủng khoảng này đã đẩy các công ty, xí nghiệp tại Nam Kỳ ngấp nghé bên bờ vực phá sản. Giữa lúc đó, Ngân hàng Đông Dương ra đời và kéo theo đó là sự xuất hiện của hàng loạt các ngân hàng thương mại khác đã mang đến
  • 37. 30 niềm hy vọng mới cho kinh tế Nam Kỳ. Thúc đẩy quá trình khai thác thuộc địa của Pháp tại Việt Nam diễn ra một cách nhanh chóng. 1.3.2. Về chính trị Sau khi chiếm được Nam Kỳ từ tay triều đình Huế, Chính quyền Thuộc địa Pháp ráo riết cho tổ chức lại bộ máy hành chính để phục vụ cho việc cai trị lâu dài. Công việc trước tiên của Nhà nước Thuộc địa là đào tạo một đội ngũ công chức, viên chức làm việc cho chế độ mới. Để thực hiện được điều này, đô đốc Charner cho thành lập “một trường thông ngôn để dạy tiếng Việt cho người Pháp và một trường khác để dạy tiếng Pháp cho người Việt; Ông tặng 30 suất học bổng cho những người trúng tuyển tại các làng khác nhau theo học”[9; tr.411]. Đến thời của đô đốc Bonard, số học bổng được tăng lên con số 100. Và đến ngày 30 tháng 01 năm 1862 ông cũng thêm học bổng cho các thiếu nữ trường Thánh Nhi, trường Mồ côi [9; tr.411]. Bên cạnh đó, nhiều nghị định được ban hành để thành lập các trường trong toàn cõi Nam Kỳ nhằm tăng việc đào tạo đội ngũ công chức, viên chức cho Nhà nước. Nghị định ngày 31 tháng 03 năm 1863 quy định “tại mỗi tỉnh có Đốc học, phủ có Giáo thụ, huyện có Huấn đạo, chế độ thi cử cũ cũng được hồi phục”[9; tr.412]. Nghị định ngày 16 tháng 07 năm 1864, cho phép thành lập các Trường Tiểu học tại các Trung tâm hành chính quan trọng nhất để dạy chữ Quốc ngữ cho trẻ em trong vùng. Đến cuối năm 1864 đã có 20 trường học đi vào hoạt động [9; tr.412]. Theo sau việc đào tạo đội ngũ công chức, viên chức cho Nhà nước Thuộc địa là việc soạn lại hệ thống văn bản hành chính và chia lại địa giới các tỉnh tại Nam Kỳ cho dễ bề cai trị. Khi Pháp vừa chiếm được Nam Kỳ, các đô đốc Pháp đã rất lúng túng khi nhận thấy rằng hầu hết người dân sống tại Nam Kỳ không hề biết đến các thủ tục văn bản hành chính của Nhà nước nên việc
  • 38. 31 điều hành công việc của Chính quyền gặp rất nhiều khó khăn. Đứng trước thực tế đó Pháp đã “đồng hóa về mặt hành chính, sửa đổi lề lối làm việc cùng là cách soạn thảo văn bản,…”[57; tr.153]. Riêng về địa giới hành chính các tỉnh, thành phố, trước lúc Pháp đánh chiếm Nam Kỳ, toàn Nam Kỳ dưới thời vua Minh Mạng được chia làm 6 tỉnh trên một diện tích hơn 600.000 km2 , với tổng số dân khoản 1.678.000 người, mật độ dân cư trung bình là 28 người/km2 [9; tr.440]. Chứng tỏ dân số Nam Kỳ lúc bấy giờ chiếm tỷ lệ rất thấp. Đến khi Pháp xâm chiếm Nam Kỳ và đưa Nam Kỳ vào ghuồng máy khai thác, bóc lột. Nhà nước Thuộc địa Pháp tại Nam Kỳ đã nhận thấy cần gia tăng hơn nữa dân số tại Nam Kỳ. Nhà nước Thuộc địa đã đề ra những biện pháp nhằm gia tăng dân số như: di dân từ các tỉnh miền Bắc và miền Trung vào Nam Kỳ, kêu gọi người Pháp và người Châu Âu đến sinh sống và làm việc tại Nam Kỳ, cấp giấy phép cư trú cho người Hoa và người nước ngoài (chủ yếu là Đông Nam Á) đến định cư và làm việc tại đây,… Những biện pháp này, một phần nào đó đã thể hiện được tính tích cực là gia tăng dân số Nam Kỳ trong thời gian ngắn. Theo số liệu của Tổng cục Điều tra Dân số Nam Kỳ, tính tới thời điểm năm 1926, toàn Nam Kỳ có 3.935.000 người [67; tr.44]. Sự gia tăng dân số này, đòi hỏi việc quản lý hành chính về mặt Nhà nước cũng gặp nhiều khó khăn hơn trước, khi địa giới hành chính cũ vẫn còn giữ nguyên như thời nhà Nguyễn. Trước thực trạng đó, Nhà nước Thuộc địa đã chia lại địa giới hành chính Nam Kỳ để dễ dàng quản lý. Theo đó, Nam Kỳ được chia làm 20 tỉnh gồm: “Bạc Liêu, Bà Rịa, Bến Tre, Biên Hòa, Cần Thơ, Châu Đốc, Chợ Lớn, Gia Định, Gò Công, Hà Tiên, Long Xuyên, Mỹ Tho, Rạch Giá, Sa Đéc, Sóc Trăng, Tân An, Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Trà Vinh, và Vĩnh Long. Có 2 thành phố: Sài Gòn là thành phố cấp I và Chợ Lớn là thành phố cấp II”[43; tr.100].
  • 39. 32 Việc phân chia lại địa giới hành chính các tỉnh, thành phố của Nam Kỳ đã làm gia tăng số lượng đội ngũ công chức, viên chức điều hành công việc của Nhà nước Thuộc địa lên. Kéo theo đó, là vấn đề lương, bổng trả cho đội ngũ này cũng không ngừng gia tăng. Theo sắc lệnh ngày 27-01-1886, tiền lương mà Nhà nước Thuộc địa chi trả cho các công chức, viên chức người Pháp như sau: “Công sứ hạn nhất 25.000frs/năm; hạng nhì 20.000frs/năm cộng với kinh phí công vụ. Phó công sứ hạng nhất 15.000frs/năm; Chưởng ấn 9.000frs/năm. Nhân viên ở Tòa công sứ tùy theo hạng: 6.000; 5.000 và 4.500frs/năm. Lương của Thống sứ là 150.000frs/năm, cộng với 50.000frs kinh phí giao tế. Lương tháng trung bình của một công nhân Pháp thời đó là 150frs, tức là 1.800frs/năm”[65; tr.442]. Còn tiền lương và phụ cấp lương của một viên Tổng đốc người Việt được Nhà nước Thuộc địa trả là 300 đồng Đông Dương tương ứng với 750frs [43; tr.103]. Ngoài tiền lương chi trả cho các công chức, viên chức trên, thành phần này còn có những khoản “phụ cấp” và “trợ cấp” khác khá lớn. Phần lớn những khoản phụ cấp này đều trích từ kinh phí của ngân sách Đông Dương, chủ yếu là ngân sách của Nam Kỳ. Đây là những khoản tiền bẩn thiểu mà Nhà nước Thuộc địa Nam Kỳ bóc lột nhân dân Nam Kỳ để đáp ứng cho sự chi tiêu xa xỉ của bộ máy. Sự chi tiêu này nhiều đến mức, một nghị sĩ Pháp sau khi đã về hưu phải thốt lên rằng “so với bọn viên chức thuộc địa thì những tên cướp đường còn là những người lương thiện”[43; tr.104]. Tất cả những khoản chi tiêu khổng lồ này, nằm ngoài khả năng kết toán của ngân sách thuộc địa. Do đó. đòi hỏi phải có sự ra đời của các ngân hàng để đảm bảo các hoạt động tín dụng cho Nhà nước Thuộc địa. Ngoài việc đào tạo đội ngũ công chức, viên chức và phân chia lại địa giới hành chính các tỉnh, thành,… giờ đây bộ máy Nhà nước Thuộc địa cũng bắt đầu phình to ra. Đẩy việc chi tiêu công của Nhà nước Thuộc địa tại Nam Kỳ tăng nhanh chóng. Theo sắc lệnh ngày 08 tháng 02 năm 1880 của Tổng
  • 40. 33 thống Pháp, “xứ Nam Kỳ là đất thuộc địa không có quan hệ phụ thuộc vào Nam triều”[43; tr.100]. Chính sắc lệnh này đã đưa đến việc tổ chức lại bộ máy hành chính Nhà nước Nam Kỳ hoàn toàn tách biệt và khắc hẳn so với bộ máy nhà nước của triều Nguyễn. Theo đó, Nam Kỳ thành lập Hội đồng Thuộc địa có nhiệm vụ tư vấn về các vấn đề thuế má, thu, chi ngân sách tại Nam Kỳ,… gồm 16 thành viên 10 người Pháp; 4 người Việt mang quốc tịch Pháp và 2 đại biểu một của Phòng Thương mại và một của Hội đồng tư vấn [43; tr.100]. Đứng đầu xứ Nam Kỳ là Thống đốc, giúp việc cho Thống đốc là: Hội đồng Tư vấn; Hội đồng Hình sự; Phòng Thương mại thành lập năm 1868; Phòng Canh nông năm 1897; các công sứ người Pháp đứng đầu các tỉnh, thành,… Riêng đối với các tỉnh, thành phố có thêm Sở Tham biện, Hội đồng hàng tỉnh, Sở Địa lý; các Tri phủ; Tri huyện. Bộ máy chính quyền ở các làng, xã vẫn giữ nguyên không có gì thay đổi. Với hệ thống các cơ quan hành chính mới mà Nhà nước Thuộc địa tại Nam Kỳ xây dựng lên đã đẩy nền tài chính Nam Kỳ luôn luôn thiếu hụt, buộc Nhà nước Thuộc địa phải phát hành “trái phiếu Chính phủ” để huy động vốn từ khu vực tư nhân. Vì vậy, thúc đẩy các ngân hàng nhanh chóng ra đời đảm nhận việc chi tiêu công cho Chính phủ Nam Kỳ. Như vậy với hệ thống bộ máy hành chính mới tại Nam Kỳ, chúng ta thấy rằng, thực dân Pháp đã hoàn thiện bước đầu bộ máy cai trị tại Nam Kỳ. Hệ thống hành chính mới phức tạp và cồng kềnh hơn bộ máy hành chính cũ dưới thời nhà Nguyễn. Nhờ vậy đảm bảo cho thực dân Pháp dễ dàng kiểm soát được tình hình của các tỉnh. Xử lý công việc cũng trơn tru và nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, kéo theo ưu điểm đó, là việc chi tiêu công cũng không ngừng phì to ra theo tiến độ. Đây là một cơ hội tốt để các ngân hàng ra đời,
  • 41. 34 giúp cho việc chi tiêu của Chính phủ Thuộc địa được nhanh chóng dễ dàng và thuận lợi. 1.3.3. Về an ninh - quốc phòng Bên cạnh việc chi tiêu cho bộ máy hành chính, việc chi tiêu cho an ninh - quốc phòng tại Nam Kỳ cũng không ngừng gia tăng, có khi còn nhiều hơn việc chi tiêu của bộ máy công vụ. Ngay từ buổi đầu xâm chiếm Nam Kỳ, Pháp đã nhận được một đạo quân tình nguyện của Huỳnh Công Tấn, Đỗ Hữu Phương và Trần Bá Lộc cùng một số quân đội tay sai khác, giúp Pháp đánh lại quân đội triều đình và phong trào chống Pháp của nhân dân Nam Kỳ. Đổi lại, Pháp phong tặng quân hàm, cấp bậc và trả lương bổng cho đạo quân này. Số tiền mà Pháp chi trả cho đạo quân này còn lớn hơn là lương, bổng mà triều đình Huế chi trả cho các tướng lãnh của mình. Theo ghi nhận của nhà nghiên cứu Luro tiền lương mà triều đình Huế trả cho đội ngũ quan lại của mình:“một vị tổng đốc được lĩnh mỗi tháng 25 quan tiền (25 frs) và chừng 200kg gạo. Một quan phủ được 4 tiền và quan huyện 3 tiền và khoảng 100kg gạo”[65; tr.278]. Trong khi đó tiền mà Pháp trả cho một quân nhân theo Nghị định ngày 21-11-1868 của đô đốc Ohier ký ban hành là: - Đại úy chỉ huy 8.000frs/năm; - Trung úy 6.000frs/năm; - Thiếu úy 5.000frs/năm; - Trung úy bản xứ 3.600frs/năm; - Thúy úy bản xứ 3.000frs/năm [94; tr.32]. Nhìn vào bảng lương trên ta thấy số tiền lương mà Pháp trả cho quân nhân là rất lớn so với số tiền lương mà triều đình Huế trả cho các tướng lãnh của mình. Nó lớn đến mức nào?
  • 42. 35 Theo các tài liệu mà chúng tôi thu thập được và qua tìm hiểu của chúng tôi. Dưới triều Nguyễn, phần lớn tiền tệ dùng trong hoạt động buôn bán trên đất nước ta là đồng bạc Mexique cân nặng 24,44421 gram, với hàm lượng bạc nguyên chất hơn 90% [88; tr.152]. Đồng bạc này được triều Nguyễn cho ấn định tỷ giá so với tiền tệ của nước ta là “7 tiền 2 phân theo hệ thống đo lường của Đại Nam”[88; tr.223]. Vào thời đó, mệnh giá tiền tệ của nước ta là: quan, tiền, đồng. Theo mệnh giá này thì: 1 quan = 10 tiền; 1 tiền = 60 đồng. Suy ra 1 quan = 600 đồng. Mệnh giá này có từ đời vua Lê Thái Tông và được giữ nguyên cho đến triều Nguyễn [88; tr.67]. Cách quy đổi một đồng bạc Mexique nặng hơn 24 gram, sang tiền tệ của nước ta được triều Nguyễn quy đổi như sau: 7 x 60 đồng = 420 đồng. Cộng thêm 2 phân = 12 đồng (vì 1 tiền = 10 phân; cho nên 2 phân = 0,2 tiền; suy ra 0,2 x 60 đồng = 12 đồng). Như vậy, một đồng bạc Mexique sẽ được triều Nguyễn định giá là: 432 đồng (420 đồng + 12 đồng). Còn theo bảng lương mà chúng ta thấy ở trên, Nhà nước Thuộc địa trả lương cho quân đội tính bằng đơn vị đồng phrăng (kí hiệu: frs) chứ không phải là đồng bạc Mexique. Đồng frs của Pháp vào thời điểm này (1861-1870) có trọng lượng 25 gram [88; tr.260]. Nếu chuyển đổi giữa đồng bạc Mexique sang đồng frs Pháp, ta thấy tỷ giá quy đổi xê xích nhau không bao nhiêu. Đồng nghĩa với việc đồng frs Pháp cũng được định giá là: 432 đồng. Vào thời điểm bấy giờ, nền kinh tế Nam Kỳ nhìn chung vẫn còn rất lạc hậu, tiền tệ đưa vào lưu thông chiếm tỷ lệ rất ít. Do bị khang hiếm về tiền tệ cho nên giá cả sinh hoạt ở vào mức rất thấp. Vì vậy, tiền tệ rất có giá trị đối với Nam Kỳ. Theo nghiên cứu của tác giả Phạm Thăng trong Tiền tệ Việt Nam theo dòng lịch sử vào thời năm 1910, “chỉ với 1 xu mua được một gói xôi to tướng 2 người ăn. Giá gạo lúc đó là 2 cắc (20 xu) một giạ 40 lít gạo”[83; tr.328]. Tác giả còn cho biết thêm giá trị của tiền qua lời kể mà tác
  • 43. 36 giả ghi lại từ chú ruột của mình như sau: “khi còn nhỏ chú của tác giả phải leo cau mướn cho chủ điền để lấy tiền công. Hãy hình dung một đứa bé trai 12 tuổi, nhỏ thó, leo thoăn thoắt lên cây cau khẳng khiu cao vòi vọi gần 10 thước, một tay cắt lấy buồng cao trên 100 trái, nặng độ 4 kg và khéo léo luồn vào sợ dây để thòng xuống đất rồi mới tuột xuống sau. Muốn cho mau để còn leo cây khác, có khi đứa bé ước lượng khoảng cách giữa hai cây cau gần nhau, có thể túm tàu lá của cây kia để… đu qua. Trên cây cau gần 10 thước, đứa trẻ phải phóng mình qua cây kia cho chính xác (nấu xẩy tay là rồi đời) người đứng dưới đất yếu tim không dám nhìn cảnh tượng cây cao nghiên qua nghiên lại và đứa bé ôm chặt cây cau như con nhái bén ôm cành sậy. Nếu đứa trẻ không có gan như vậy, cứ tuột xuống gốc cậy để rồi lại leo lên cây bên cạnh thì mất thì giờ. Leo cao nguy hiểm như thế, mấy bà nhà giàu trả công có 1 xu cho 5 buồng cau (phải leo 5 cây cao mới được 1 xu) vậy mà đám trẻ nghèo ở quê cứ xin… leo. Chú tôi cũng như mấy đứa bé khác, mỗi buổi chiều vuốt vuốt cái bụng trầy da vì tuột lên tuột xuống cây cau mốc trắng để chỉ được 2, 3 xu là nhiều lắm, rồi nâng niu xỏ xâu đồng xu đồng nhỏ bé, tiền tạo ra bằng mồ hôi, sức lực của mình”[83; tr.329]. Như vậy, qua số liệu được phân tích trên, ta thấy rằng mỗi tháng quan lại triều đình Huế chỉ nhận được vào khoản 2,5 quan tiền (đối với quan Tổng đốc). Vị chi một năm họ lãnh khoản 30 quan tiền, tương đương khoảng 42frs/năm. Với số tiền này, các quan Tổng đốc của ta làm sao đủ sống khi mà nhu cầu chi tiêu của họ luôn ở mức cao? Trong khi đó, Nhà nước Thuộc địa Nam Kỳ trả lương cho quân đội 667frs/tháng (giành cho Đại úy chỉ huy). Chỉ một tháng lương của một quân nhân Pháp cũng đã gấp mấy “năm lương” của quan Tổng đốc triều đình. Bên cạnh tiền lương trả cho quân đội hàng tháng, Nhà nước Thuộc địa còn tài trợ thêm các khoản phụ cấp khác cho quân đội được quy định như sau:
  • 44. 37 - 1 Đại úy 600$/người; - 2 Hạ sĩ quan 200$/người; - 4 Hạ sĩ 100$/người; - 2 Lính kèn 100/người [94; tr.77]. Với số tiền lương và các khoản phụ cấp to lớn này, lý giải vì sao có nhiều quân lính triều đình Huế sẵn sàng đào ngũ sang “phò tá” quân Pháp sau khi Pháp hạ xong thành Gia Định. Tiêu biểu trong số đó là đạo quân tình nguyện của Huỳnh Công Tấn, Đỗ Hữu Phương và Trần Bá Lộc. Đến năm 1879, Thống đốc Nam Kỳ Le Myre de Vilers được sự chấp thuận của Tổng thống Pháp đã ký sắc lệnh cho phép Nam Kỳ thành lập Trung đoàn Lính tập Annam (Régiment des Tirailleurs Annamites - RTA) gồm 2 tiểu đoàn với 9 đại đội, sau đó tăng lên 3 tiểu đoàn với 12 đại đội, mỗi đại đội từ 200 đến 250 người [94; tr.80]. Tổng cộng quân số của Trung đoàn Lính tập này là 2137 người [94; tr.96]. Sự ra đời của Trung đoàn Lính tập Nam Kỳ, đánh dấu một bước tiến lớn trong việc hoàn thành mục tiêu phòng thủ Nam Kỳ của Nhà nước Thuộc địa Pháp. Ngăn ngừa được sức mạnh quân sự của triều đình Huế muốn tái chiếm lại vùng đất này. Đồng thời đẩy nhanh quá trình xâm chiếm Bắc Kỳ và đất nước ta trong thời gian tới. Tuy nhiên sự ra đời của Trung đoàn Lính tập Nam Kỳ cũng đặt nhiều thách thức đối với ngân sách Nam Kỳ. Do đó, thúc đẩy các khoản vay tín dụng của Nhà nước Thuộc địa không ngừng gia tăng. Ngoài tiền lương chi trả hàng tháng, Nhà nước Thuộc địa còn tài trợ thêm “quân trang” và “quân dụng” cho quân nhân để lực lượng này nâng cao khả năng tác chiến chống lại sự uy hiếp từ phía quân đội triều đình. Sau khi chiếm được Nam Kỳ, mối bận tâm lớn nhất của các đô đốc Pháp, là sự hiện diện quân sự của quân đội triều đình ở tỉnh Bình Thuận. Điều đó đã đe dọa đến nền an ninh thuộc địa mà Pháp đã cố gắn xây dựng được trong mấy năm
  • 45. 38 nay. Sự hiện diện quân sự này đã khiến cho các đô đốc Pháp không thể nào yên tâm được. Xuất phát từ thực tế đó đã buộc Nhà nước Thuộc địa phải xây dựng lại lực lượng quân đội bản xứ theo hướng chính quy và hiện đại để tăng cường khả năng chiến đấu chống lại quân đội triều đình. Muốn làm được điều đó, bên cạnh việc trả lương cao, Nhà nước Thuộc địa còn phải bao cấp luôn quân trang và quân dụng cho quân nhân. Chính vì vậy đã có một loạt quyết định được các đô đốc Pháp ký ban hành quy định về vấn đề này. Quyết định ngày 20 tháng 01 năm 1864, của đô đốc De La Grandière cấp 20frs cho mỗi quân nhân may quân phục [94; tr.36]. Đến ngày 22 tháng 01 năm 1877, Nhà nước Thuộc địa lại ban hành quyết định quy định đồng phục của quân đội thuộc địa và giao cho nhà thầu Morice & Bailly ở Sài Gòn may trang phục cho quân đội. Theo đó, trang phục của quân nhân là “1 áo dạ xanh đậm, 2 áo cụt vải trắng, 1 khăn đóng đen, 1 quai nón đỏ. Riêng dây lưng đỏ và nón có chop đồng lồi cao 5 cm thì do làng cung cấp”[94; tr.37]. Về vũ khí trang bị cho quân nhân thì theo Jauréguiberry vào tháng 8 năm 1880, vũ khí trang bị cho quân đội là 2.412 khẩu carabine kiểu năm 1874, cùng với phụ tùng, bao đạn, dây đeo,… 100 viên đạn cho mỗi khẩu. Ngoài ra còn có 70 súng lục với 2500 đạn [94; tr.96]. Như vậy với các quyết định được ban hành, chúng ta thấy Nhà nước Thuộc địa đã tiêu tốn rất nhiều tiền từ ngân sách thuộc địa để chi cho nền quốc phòng của Nam Kỳ. Sự chi tiêu này nằm ngoài khả năng của Nhà nước Thuộc địa. Do đó kích thích các khoản vay tín dụng Chính phủ Thuộc địa không ngừng gia tăng. Song song với việc tài trợ cho quân đội, Chính quyền Thuộc địa còn cho thành lập lực lượng cảnh sát người Việt để bảo vệ an ninh, trật tự trong xứ. Lực lượng cảnh sát này có những đặc điểm sau:
  • 46. 39 - Binh lính người Việt không nằm trong lực lượng quân đội chính quy đều thuộc quyền tối cao của Thống đốc Nam Kỳ. - Số binh lính này được tuyển lựa như binh lính chính quy. Thống đốc Nam Kỳ ấn định số lượng cảnh sát cho từng tỉnh. - Chức năng của lực lượng này là đảm bảo an ninh trật tự cho từng tỉnh, canh giữ các công sở, các tuyến đường giao thông,… Khi có chiến tranh có thể chuyển từng phần hay toàn bộ lực lượng sang chính quyền quân sự [43; tr.106]. Tiếp đó, sau khi thành lập Liên bang Đông Dương ngày 28 tháng 06 năm 1917, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định cho thành lập Sở Tình báo và An ninh Trung ương (Service central de Renseignement et de Sûreté Générale) còn gọi là Sở Mật thám Đông Dương. Theo đó, phân bổ cho Nam Kỳ một cơ quan mang tên Cảnh sát An ninh (Police de Sûreté) . Cơ quan này có nhiệm vụ “theo dõi ngăn ngừa tất cả các hành động có tính chất chống đối, điều tra, truy lùng thủ phạm và cùng giới cầm quyền đàn áp các vụ nổi loạn”[43; tr.107]. Sự ra đời của lực lượng cảnh sát này đã mang lại hiệu quả cao trong việc gìn giữ an ninh - trật tự của Nam Kỳ. Tuy nhiên kéo theo đó là gánh nặng ngân sách cho Nam Kỳ ngày một tăng lên. Theo các tài liệu mà chúng tôi thu thập được, hiện vẫn chưa có số liệu chính xác nói về các khoản chi tiêu lương, bổng, phụ cấp,… mà Chính phủ Thuộc địa trả cho lực lượng này. Tuy nhiên theo Nghị định ngày 24 tháng 04 năm 1863 của đô đốc Bonard quy định rằng: “trao cho quan phủ hoặc huyện 50 lính Lê, hoặc Mã tà để làm cảnh sát”[9; tr.409]. Nếu căn cứ vào Nghị định ngày 24 tháng 04, chúng ta thấy rằng một bộ phận lính Lê dương và lính Mã tà nằm trong quân đội thuộc địa được chuyển thành lực lượng cảnh sát. Xét bảng lương của lính Lê dương và lính Mã tà trong biên chế của quân đội thì
  • 47. 40 tiền lương của lực lượng cảnh sát (chỉ lính Lê dương và Mã tà) được Chính phủ Thuộc địa trả như sau: - Đội I tính tròn mỗi năm lãnh 480frs; - Đội II tính tròn mỗi năm lãnh 420frs; - Cai và Thư lại mỗi năm lãnh 360frs; - Cai II mỗi năm lãnh 300frs; - Lính mỗi năm lãnh 240frs [94; tr.37]. Còn phụ cấp của lực lượng cảnh sát được Nghị định tháng 08 năm 1879, quy định như sau: - Sĩ quan: + Quản I 38$/tháng ($: ký hiệu của đồng bạc Đông Dương); + Quản II 33$/tháng; + Phó Quản I 25$/tháng; + Phó Quản II 22$/tháng; - Hạ sĩ quan và Binh sĩ: + Đội I 10$/tháng; + Đội II 9$/tháng; + Thư lại I 7$/tháng; + Thư lại II 6,5$/tháng; + Cai I 6,2$/tháng; + Lính I 5,5$/tháng; + Lính II 5$/tháng; + Lính kèn 5,8/tháng [94; tr.38]. Như vậy, với tiền lương và các khoản phụ cấp chi, trả cho quân đội và lực lượng cảnh sát tại Nam Kỳ để bảo vệ an ninh - trật tự tại đây, quả là một chi phí đắc đỏ. Nó ngốn gần hết ngân sách Nam Kỳ làm cho Chính phủ Thuộc