SlideShare a Scribd company logo
1 of 168
VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
TRẦN MINH NGUYỆT
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BIÊN GIỚI QUỐC GIA
TRÊN BIỂN CỦA BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG VIỆT NAM
LUẬN ÁN TIẾN SĨ LUẬT HỌC
HÀ NỘI - 2018
VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
TRẦN MINH NGUYỆT
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BIÊN GIỚI QUỐC GIA
TRÊN BIỂN CỦA BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG VIỆT NAM
Ngành: Luật Hiến pháp và Luật Hành chính
Mã số: 9380102
LUẬN ÁN TIẾN SĨ LUẬT HỌC
Người hướng dẫn khoa học: GS.TS. Võ Khánh Vinh
HÀ NỘI - 2018
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số
liệu, kết quả nêu trong Luận án là trung thực và chưa từng được công bố trong
bất kỳ công trình khoa học nào.
TÁC GIẢ LUẬN ÁN
Trần Minh Nguyệt
MỤC LỤC
Trang
MỞ ĐẦU 1
Chương 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU 7
1.1. Tình hình nghiên cứu 7
1.2. Đánh giá tình hình nghiên cứu và những vấn đề đặt ra nghiên
cứu trong luận án 17
1.3. Cơ sở lý thuyết nghiên cứu của đề tài luận án 20
Chương 2. LÝ LUẬN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BIÊN GIỚI QUỐC GIA
TRÊN BIỂN CỦA BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG 23
2.1. Khái niệm, đặc điểm, vai trò của quản lý nhà nước về biên giới
quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng 23
2.2. Chủ thể quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ
đội Biên phòng 42
2.3. Nội dung quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của
Bộ đội Biên phòng 49
Chương 3. THỰC TRẠNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BIÊN GIỚI
QUỐC GIA TRÊN BIỂN CỦA BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG 57
3.1. Những yếu tố cơ bản tác động đến quản lý nhà nước về biên giới
quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng 57
3.2. Thực trạng chủ thể, nội dung quản lý nhà nước về biên giới quốc
gia trên biển 68
3.3. Đánh giá thực trạng quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên
biển của Bộ đội Biên phòng 99
Chương 4. PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG QUẢN
LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BIÊN GIỚI QUỐC GIA TRÊN BIỂN CỦA BỘ ĐỘI
BIÊN PHÒNG 110
4.1. Phương hướng tăng cường quản lý nhà nước về biên giới quốc
gia trên biển của Bộ đội Biên phòng 110
4.2. Giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về biên giới quốc gia
trên biển của Bộ đội Biên phòng 113
KẾT LUẬN 143
DANH MỤC CÔNG TRÌNH CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ 145
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 146
PHỤ LỤC 161
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT
ATXH An toàn xã hội
CHXHCN Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
CKCB Cửa khẩu cảng biển
BĐBP Bộ đội Biên phòng
BGQG Biên giới quốc gia
BGQGTB Biên giới quốc gia trên biển
ĐBP Đồn Biên phòng
KVBG Khu vực biên giới
KVBGB Khu vực biên giới biển
PBGDPL Phổ biến, giáo dục pháp luật
QLNN Quản lý nhà nước
VPHC Vi phạm hành chính
VPPL Vi phạm pháp luật
VBQPPL Văn bản quy phạm pháp luật
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển là một bộ phận của
quản lý nhà nước về biên giới quốc gia, một lĩnh vực trọng yếu của quản lý
nhà nước về quốc phòng, an ninh của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam. Luật Biên giới quốc gia năm 2003 quy định: Chính phủ thống nhất
quản lý nhà nước về biên giới quốc gia; Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với
Bộ Ngoại giao, Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản
lý nhà nước về biên giới quốc gia.
Bộ đội Biên phòng thuộc Bộ Quốc phòng là "lực lượng nòng cốt, chuyên
trách phối hợp với lực lượng Công an, các ngành hữu quan và chính quyền
địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an
ninh, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới theo quy định của pháp luật"
[94]. Kể từ năm 2004 đến nay, Chính phủ chính thức giao cho Bộ đội Biên
phòng trách nhiệm quản lý nhà nước về biên giới quốc gia. Trong đó, trách
nhiệm quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên
phòng được ghi nhận tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp
lý khác nhau, do nhiều chủ thể có thẩm quyền ban hành. Các quy định của
pháp luật đã tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu cho việc thực thi chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn của Bộ đội Biên phòng trên địa bàn khu vực biên giới biển.
Những năm qua, việc thực hiện trách nhiệm của Bộ đội Biên phòng trong
quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển đã góp phần quan trọng vào
việc giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; an ninh, trật tự, an toàn xã hội
khu vực biên giới biển cơ bản ổn định; các mặt công tác khác (tham mưu, đối
ngoại, quân sự, xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn
dân, xây dựng khu vực biên giới biển vững mạnh về mọi mặt, phòng, chống
thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn…) ngày càng được tăng cường. Tuy nhiên,
do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, đặc biệt là nguy cơ chủ
2
quyền biển, đảo bị xâm phạm và sự thiếu hoàn thiện của pháp luật về quản lý,
bảo vệ biên giới quốc gia đã khiến cho việc thực hiện trách nhiệm của Bộ đội
Biên phòng trong quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển còn có
những khó khăn, vướng mắc và hạn chế nhất định, như: hoạt động tuyên
truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về biên giới quốc gia chưa được tiến hành
thường xuyên; công tác nắm, dự báo tình hình, tham mưu và xử lý các tình
huống vi phạm chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trên biển có lúc, có nơi,
có vụ việc chưa kịp thời, chủ động và chưa sát với thực tế; việc thực hiện thẩm
quyền của Bộ đội Biên phòng trong tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử
lý vi phạm pháp luật trong khu vực biên giới biển có việc còn lúng túng, hiệu
quả chưa cao; công tác phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng với các cơ quan, lực
lượng chức năng trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trên biển, giữ gìn an
ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới biển chưa thực sự
thường xuyên, thông suốt và hiệu quả… Những hạn chế trên có ảnh hưởng trực
tiếp đến việc thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và
công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới. Tuy
nhiên, thời gian qua, chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu một cách có
hệ thống và toàn diện vấn đề này. Bởi vậy, việc nghiên cứu sinh lựa chọn đề tài
Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng Việt
Nam làm luận án tiến sĩ có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, góp phần nâng
cao hiệu quả xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật về biển, đảo, biên giới
quốc gia trên biển của Việt Nam nói chung, của Bộ đội Biên phòng nói riêng
trong tình hình mới.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án
2.1. Mục đích nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu của luận án là làm sáng tỏ những vấn đề lý luận
quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng; phân
tích, đánh giá thực trạng quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của
3
Bộ đội Biên phòng ở nước ta hiện nay; trên cơ sở đó, đề xuất phương hướng,
giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ
đội Biên phòng.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để thực hiện mục tiêu nghiên cứu trên, luận án có các nhiệm vụ sau:
- Nghiên cứu, đánh giá kết quả các công trình khoa học trong và ngoài
nước liên quan đến đề tài luận án để từ đó xác định những vấn đề lý luận, thực
tiễn và giải pháp cần nghiên cứu trong luận án.
- Phân tích, làm rõ những vấn đề lý luận cơ bản của quản lý nhà nước về
biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng, như: khái niệm, đặc
điểm, vai trò, chủ thể, nội dung quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên
biển của Bộ đội Biên phòng.
- Khảo sát thực tế, nghiên cứu báo cáo tổng kết công tác của Bộ đội Biên
phòng, phân tích, đánh giá kết quả, rút ra những ưu điểm, hạn chế, nguyên
nhân của những ưu điểm và hạn chế trong quản lý nhà nước về biên giới quốc
gia trên biển của Bộ đội Biên phòng.
- Đề xuất phương hướng và giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về
biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là hoạt động quản lý nhà nước về biên
giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng theo quy định của pháp luật
Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt
Nam là thành viên.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu của luận án là hoạt động thực thi trách nhiệm của Bộ
đội Biên phòng trong quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển từ năm
2008 (thời điểm Chính phủ Việt Nam trình Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa
4
báo cáo quốc gia xác định ranh giới thềm lục địa nằm ngoài phạm vi 200 hải
lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam) đến năm 2018 trong khuôn khổ khoa
học Luật Hành chính Việt Nam, các quy định của pháp luật hiện hành về chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ đội Biên phòng.
4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án
4.1. Phương pháp luận nghiên cứu
Phương pháp luận nghiên cứu của luận án là phương pháp luận duy vật
biện chứng, duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin, quan điểm của Đảng
và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật; về quản lý,
bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp nghiên cứu của luận án bao gồm: phân tích và tổng hợp, hệ
thống, so sánh, lịch sử cụ thể, chuyên gia, thống kê, lựa chọn điển hình. Ngoài
ra, luận án còn sử dụng cách tiếp cận đa ngành và liên ngành luật học trong
các nghiên cứu lý luận và thực trạng quản lý nhà nước về biên giới quốc gia
trên biển của Bộ đội Biên phòng.
Bằng phương pháp thống kê, hệ thống, phân tích và tổng hợp, luận án
nghiên cứu, phân tích, đánh giá kết quả các công trình khoa học liên quan đến
đề tài luận án để rút ra những vấn đề cần nghiên cứu, giải quyết trong luận án.
Để nghiên cứu, làm rõ lý luận quản lý nhà nước về biên giới quốc gia
trên biển của Bộ đội Biên phòng, luận án sử dụng phương pháp phân tích và
tổng hợp với cách tiếp cận liên ngành, đa ngành luật học. Bằng phương pháp
thống kê, lựa chọn điển hình, luận án nghiên cứu, đánh giá thực trạng quản lý
nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng trong khoảng
thời gian từ năm 2008 đến năm 2018. Các phương pháp hệ thống, phân tích
và tổng hợp được luận án sử dụng để xác định phương hướng và đề ra giải
pháp tăng cường trách nhiệm của Bộ đội Biên phòng trong quản lý nhà nước
về biên giới quốc gia trên biển.
5
5. Đóng góp mới về khoa học của luận án
- Bổ sung, hoàn thiện lý luận quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên
biển trong lực lượng Bộ đội Biên phòng.
- Bổ sung luận cứ khoa học cho lực lượng Bộ đội Biên phòng nâng cao
hiệu quả quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển.
- Góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc thực thi quản lý nhà nước
về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
6.1. Ý nghĩa lý luận
Kết quả nghiên cứu của luận án góp phần bổ sung, phát triển và hoàn
thiện lý luận quản lý nhà nước về biên giới quốc gia nói chung, quản lý nhà
nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng nói riêng.
6.2. Ý nghĩa thực tiễn
Luận án có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo phục vụ công tác
nghiên cứu, giảng dạy về quản lý nhà nước; biên giới lãnh thổ; quản lý nhà
nước về biên giới quốc gia và quản lý nhà nước về biển, đảo. Đồng thời, góp
phần nâng cao nhận thức và hiệu quả thực hiện quản lý nhà nước về biên giới
quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng.
7. Cơ cấu của luận án
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo và Phụ lục,
Luận án được kết cấu thành 4 chương sau:
Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu
Chương 2. Lý luận quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của
Bộ đội Biên phòng
Chương 3. Thực trạng quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển
của Bộ đội Biên phòng
Chương 4. Phương hướng và giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về
biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng
6
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
1.1. Tình hình nghiên cứu
1.1.1. Các nghiên cứu ngoài nước và ở Việt Nam liên quan đến lý luận
quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng
Trong xã hội hiện đại, QLNN được thực hiện trên cơ sở pháp luật, đặc
biệt là pháp luật hành chính. Sự đan xen giữa lĩnh vực pháp luật này với các
lĩnh vực pháp luật khác đã được chứng minh. Bởi vậy, nghiên cứu về QLNN
trong các lĩnh vực cụ thể dưới góc độ khoa học luật hành chính diễn ra khá
phổ biến. Vấn đề này đã được thể hiện trong nhiều nghiên cứu của các học giả
ngoài nước, tiêu biểu là Prosper Weil, Martine Lombard, Gilles Dumont…
Tác giả Prosper Weil trong cuốn sách Luật hành chính đã đề cập đến việc
chính quyền có thể đơn phương ấn định ranh giới, không cần sử dụng đến thủ
tục cắm mốc phân giới hai bên đối với tài sản công cộng tự nhiên (sông ngòi,
bờ biển…); có quyền cảnh sát để bảo toàn tài sản công cộng, trấn áp những sự
vi phạm bằng cách xử phạt (bắt sửa chữa và chịu hình phạt) [136, tr.68]. Về
quyền cảnh sát, tác giả Martine Lombard và Gilles Dumont trong cuốn sách
Pháp luật hành chính của Cộng hòa Pháp [88], tác giả Phrăngxoa Galúđiên
Ghiniús và các tác giả trong cuốn sách Bàn về hành chính Pháp [45] cho rằng,
cảnh sát hành chính là hoạt động phòng ngừa những hành vi gây rối trật tự
công và giữ gìn, bảo vệ trật tự công. Tuy không trực tiếp có những bàn luận
sâu sắc về QLNN đối với BGQGTB nhưng kết quả nghiên cứu của các tác giả
đã xác định cách tiếp cận QLNN đối với các ngành, lĩnh vực của đời sống xã
hội nói chung, BGQGTB nói riêng dưới góc độ khoa học Luật hành chính là
hoàn toàn chính xác.
Biên giới nói chung, BGQGTB nói riêng là giới hạn không gian chủ
quyền lãnh thổ của một quốc gia, cần được hoạch định phù hợp với pháp luật
quốc tế và phải được quản lý, bảo vệ để chống lại mọi nguy cơ xâm phạm chủ
7
quyền. Những vấn đề này đã được nghiên cứu, bàn thảo trong nhiều công
trình khoa học, tiêu biểu là công trình Việc giải quyết những tranh chấp về
đường biên giới trong luật pháp quốc tế của tác giả A.O.Cukwurah, Các
đường biên giới của nước Campuchia cận đại của tác giả Raoul Marc Jennar,
tài liệu Vấn đề hoạch định ranh giới trên biển ở Đông Nam Á của tác giả
Prasit Aekaputra. Các nghiên cứu đã chỉ ra khái niệm về biên giới, BGQG,
đường biên giới quốc tế, biên giới quốc tế; hình thức và đặc điểm của các
đường biên giới quốc tế, trong đó có đường biên giới nước; sự phân định ranh
giới và phân giới những đường biên giới quốc tế [35]; định nghĩa biên giới,
tầm quan trọng và các nét đặc thù của biên giới [74]; khái niệm pháp lý và
việc vạch các đường cơ sở; cách làm và vấn đề hoạch định ranh giới trên biển
ở Đông Nam Á [1].
Hoạch định biên giới gắn liền với xây dựng và tổ chức lực lượng quản
lý, bảo vệ biên giới. Tuỳ thuộc đặc thù của từng quốc gia, việc tổ chức lực
lượng quản lý, bảo vệ biên giới biển có tên gọi khác nhau, phạm vi thẩm
quyền khác nhau. Tiêu biểu cho các nghiên cứu về vấn đề này phải kể đến tài
liệu Bàn về Biên phòng (Biên phòng luận) của tác giả Mao Chấn Phát. Trong
nghiên cứu của mình, tác giả đã đề cập khái quát công tác biên phòng của một
số quốc gia trên thế giới; luận giải về công năng, nhiệm vụ của biên phòng;
việc tăng cường xây dựng biên phòng; tư tưởng phòng vệ biển kết hợp với
quản lý biển của Trung Quốc. Theo tác giả, công tác biên phòng, hải phòng có
ý nghĩa sống còn đối với đất nước Trung Quốc. Biên phòng là lực lượng có
nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền lợi biển của quốc gia;
thúc đẩy xây dựng kinh tế, xã hội, tiến bộ ở khu vực ven biển; đấu tranh với kẻ
thù xâm lược, xâm phạm và khiêu khích ở biên giới; phòng, chống xuất, nhập
cảnh, phá hoại, lật đổ, buôn lậu, buôn bán ma tuý; chống thâm nhập, lật đổ,
kích động chia rẽ, phá hoại đoàn kết dân tộc; tăng cường quản lý biên giới, hải
đảo, kết hợp giữa bảo vệ và quản lý [91, tr.14, 25, 142, 143]. Tác giả khẳng
8
định: Không có quốc phòng, biên phòng mất cơ sở và trung tâm; không có biên
phòng, quốc phòng mất đi chân, tay và tấm lá chắn. Bảo vệ quyền lợi biển là
nhiệm vụ quan trọng của biên phòng thời kỳ mới [91, tr.142, 143, 257].
Ở Việt Nam, các công trình khoa học liên quan đến lý luận QLNN về
BGQGTB của BĐBP rất phong phú, thường được tiếp cận dưới góc độ khoa
học pháp lý và khoa học QLNN. Trong đó, những vấn đề lý luận của QLNN
đã được luận giải về cơ bản. Tiêu biểu là nghiên cứu của các tác giả như Mai
Hữu Khuê, Phạm Hồng Thái, Đinh Văn Mậu, Từ Điển, Tô Tử Hạ…
Tác giả Mai Hữu Khuê với cuốn sách Lý luận QLNN đề cập một cách toàn
diện những vấn đề lý luận về QLNN, nhất là các yếu tố cấu thành của nó (chủ
thể, khách thể, hình thức, phương pháp), các nguyên tắc quản lý, thủ tục và
quyết định hành chính, vi phạm và trách nhiệm hành chính, thẩm quyền hành
chính nhà nước, thanh tra, kiểm tra, giám sát trong QLNN, cải cách hành chính,
giải quyết khiếu nại, tố cáo… [78]. Những nội dung nghiên cứu này được bổ
sung, làm rõ dưới góc độ khoa học pháp lý hành chính bởi nghiên cứu của các
tác giả Phạm Hồng Thái, Đinh Văn Mậu trong cuốn sách Luật Hành chính Việt
Nam [105] và được thể hiện trong giáo trình của các cơ sở đào tạo như: Giáo
trình Luật Hành chính Việt Nam của Học viện Hành chính Quốc gia, Trường
Đại học Luật Hà Nội [63], [126]; Giáo trình thanh tra và giải quyết khiếu nại,
tố cáo của Trường Đại học Luật Hà Nội [123]. Lý luận QLNN trên một số lĩnh
vực cụ thể cũng đã được đề cập, nghiên cứu bởi nhiều công trình khoa học, tiêu
biểu như: Giáo trình Luật Hành chính Việt Nam của Trường Đại học Luật Hà
Nội [126]; Giáo trình QLNN về dân tộc, tôn giáo và Giáo trình QLNN về an
ninh, quốc phòng của Học viện Hành chính Quốc gia [61], [65].
Trong các lĩnh vực của QLNN, quản lý nhà nước đối với vùng bờ, biển và
hải đảo ngày càng thu hút sự quan tâm nghiên cứu của các nhà khoa học, tiêu
biểu phải kể đến cuốn sách Quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển,
hải đảo của tác giả Đặng Xuân Phương và Nguyễn Lê Tuấn [93], tài liệu Quản
9
lý vùng bờ của tác giả Nguyễn Bá Quỳ [100]; tài liệu Quản lý tổng hợp vùng ven
biển của Đại học Nha Trang và Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển
Cộng đồng [41], tài liệu Một số vấn đề về tổ chức bộ máy QLNN về biển của Ban
Biên giới của Chính phủ [3]. Các nghiên cứu đã làm rõ một số vấn đề lý luận về
quản lý vùng bờ, vùng ven biển; quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo;
về mô hình quản lý biển ở Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới; về kinh
nghiệm xây dựng lực lượng Phòng vệ bờ biển (Coast Guard) của một số quốc
gia, cường quốc biển trên thế giới; về BĐBP với tư cách là lực lượng nòng cốt,
đa nhiệm, hoạt động rộng khắp từ bờ ra đến vùng biển ngoài khơi.
Quản lý biển, đảo bằng pháp luật là hướng nghiên cứu được đặc biệt chú
trọng kể từ sau khi Việt Nam trở thành thành viên Công ước của Liên hợp quốc
về Luật biển năm 1982. Các tác giả Nguyễn Ngọc Minh với cuốn sách Luật
biển [81], Trần Công Trục với luận án tiến sĩ Hoàn thiện pháp luật về QLNN
đối với các vùng biển của nước CHXHCN Việt Nam [119], Nguyễn Hồng Thao
với cuốn sách Những điều cần biết về Luật biển [106], Nguyễn Bá Diến với
bài viết Địa vị pháp lý của các đảo trong phân định các vùng biển [36] đã đi
sâu phân tích chế độ pháp lý các vùng biển, đảo; phân định biển và giải quyết
tranh chấp trên biển. Cùng với hướng nghiên cứu này còn có nhiều công trình
khác như cuốn sách Giới thiệu một số vấn đề cơ bản của luật biển ở Việt Nam
và tài liệu Khái quát về luật biển quốc tế và việc áp dụng luật biển tại Việt Nam
do Ban Biên giới của Chính phủ biên soạn [2], [4], Giáo trình Luật quốc tế và
sách Luật biển quốc tế hiện đại của Trường Đại học Luật Hà Nội [124], [125].
Kết quả nghiên cứu của các tác giả đã góp phần quan trọng làm sáng tỏ chế độ
pháp lý các vùng biển, đảo của Việt Nam. Trong khi đó, tác giả Lê Minh Nghĩa
với đề tài nghiên cứu cấp Bộ Cơ sở khoa học của việc hoạch định và quản lý
các vùng biển, thềm lục địa Việt Nam [84], Huỳnh Minh Chính với bài viết
Pháp luật quốc tế và việc vạch biên giới biển giữa Việt Nam với các quốc gia
láng giềng [18] đi sâu nghiên cứu, chỉ ra các căn cứ cho việc thực hiện hoạch
10
định và quản lý các vùng biển, thềm lục địa của nước CHXHCN Việt Nam;
nguyên tắc và các yếu tố có liên quan đến việc vạch đường biên giới trên
biển; quan điểm và chủ trương của Nhà nước Việt Nam trong việc hợp tác
hoạch định biên giới biển với các quốc gia có liên quan.
Biên giới quốc gia trên biển là bằng chứng tiên quyết cho việc khẳng định
chủ quyền của quốc gia trên biển. Bởi vậy, các nghiên cứu về BGQGTB và
quản lý, bảo vệ BGQGTB đã được hình thành và thể hiện qua một số công
trình nghiên cứu, tiêu biểu như: Giáo trình Lý luận chung về BGQG và quản
lý, bảo vệ BGQG; Giáo trình QLNN về BGQG; Giáo trình Luật Hành chính
và QLNN về BGQG; Giáo trình Quy chế pháp lý BGQG của Học viện Biên
phòng [49], [50], [56], [57]; Giáo trình Luật quốc tế của Trường Đại học Luật
Hà Nội [124]. Các giáo trình đã đề cập đến khái niệm BGQGTB, lịch sử hình
thành BGQGTB của nước CHXHCN Việt Nam; quy chế pháp lý KVBGB,
các vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; quy
trình xử lý các sự kiện pháp lý BGQGTB của BĐBP.
1.1.2. Các nghiên cứu ngoài nước và ở Việt Nam liên quan đến thực
trạng quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng
Kể từ thế kỷ XV, biển và đại dương đã trở thành đối tượng chinh phục
của các quốc gia. Xu thế mở rộng quyền lực ra phía biển đã đặt biển và đại
dương trở thành đối tượng điều chỉnh của luật pháp. Đối với các quốc gia có
biển, quản lý biển bằng pháp luật là con đường để khẳng định chủ quyền,
quyền chủ quyền của mình đối với các vùng biển ở phía ngoài lãnh thổ đất
liền, các đảo, quần đảo. Bởi vậy, song hành với quá trình mở rộng chủ quyền
quốc gia về phía biển là thực tiễn xây dựng luật biển quốc tế. Việc so sánh,
đối chiếu giữa pháp luật quốc tế về biển, nhất là Công ước của Liên hợp quốc
về Luật biển năm 1982 vào thực tiễn phân định biển, giải quyết tranh chấp
chủ quyền, quyền chủ quyền trên biển giữa các quốc gia trên thế giới, trong
đó có các quốc gia ven bờ Biển Đông đã trở thành một trong những hướng
11
nghiên cứu nhận được nhiều sự quan tâm của các học giả trong và ngoài
nước. Tiêu biểu phải kể đến cuốn sách Biển Đông: cuộc tìm kiếm đồng thuận
nan giải của tác giả G.M. Lokshin [87], bài viết đăng trong Niêm giám về
biển Các đảo và việc hoạch định không gian biển ở Biển Đông của tác giả
Jon M.Vandyke, Dale L.Bennett [134]… Kết quả nghiên cứu của các tác giả
đã đề cập, phân tích cụ thể, có hệ thống Công ước của Liên hợp quốc về Luật
biển năm 1982 cùng các phán quyết phân định biển của Toà án quốc tế về luật
biển và khuyến nghị khả năng áp dụng cho việc giải quyết các tranh chấp chủ
quyền ở Biển Đông, trong đó có tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và các
quốc gia có liên quan. Song song với việc phân tích hoạt động hiện thực hoá
yêu sách chủ quyền của các quốc gia ven Biển Đông, đặc biệt là Trung Quốc,
các nghiên cứu cũng đề cập đến hoạt động ban hành Luật Biển Việt Nam năm
2012 của Quốc hội để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và
quần đảo Trường Sa; những nỗ lực quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của
Nhà nước Việt Nam. Hoạt động của các lực lượng quản lý, bảo vệ chủ quyền
biển, đảo, trong đó có BĐBP cũng được đề cập nhưng còn mờ nhạt.
Liên quan đến hoạt động của các lực lượng quản lý biển, tác giả Alan
Dupont và Christopher G.Baker trong bài viết Tranh chấp biển ở Đông Á:
đánh cá trên vùng biển động đã đề cập đến hệ thống cơ quan đảm trách việc
chấp pháp và an ninh trên biển (kiểm ngư, hải quan, hải giám, chấp pháp, biên
phòng) của Trung Quốc và sự hỗ trợ của hệ thống này cho hoạt động khai
thác hải sản của đội tàu cá có quy mô lớn nhất trên thế giới nhằm từng bước
thực hiện mưu đồ "độc chiếm Biển Đông". Ngoài ra, các tác giả cũng đề cập
đến việc Trung Quốc đơn phương áp đặt một lệnh cấm đánh bắt cá từ tháng 5
đến tháng 8 hàng năm ở Biển Đông và áp dụng các “biện pháp thi hành lệnh
cấm bao gồm phạt tiền, tống giam, tịch thu phương tiện, đâm va tàu, cố ý
đánh chìm, nổ súng và giam giữ tàu thuyền” [38, tr.8]. Những nghiên cứu trên
của các tác giả đã khẳng định một thực tế là tàu cá của Trung Quốc khai thác
12
hải sản trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của nhiều
quốc gia, trong đó có Việt Nam và đây là một trong những khó khăn mà các
lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam nói chung, lực lượng
BĐBP nói riêng phải đối mặt.
Đấu tranh chống tội phạm và VPPL trên biển là trách nhiệm của các cơ
quan và lực lượng thực thi pháp luật của quốc gia ven biển. Giáo sư Geoffrey
Till trong bài viết "Thời khắc biển" Châu Á và vấn đề Biển Đông cho rằng:
các loại tội phạm (khủng bố và cướp biển, buôn lậu thuốc phiện, ma túy, gỗ, vũ
khí, buôn người) thường sử dụng Biển Đông như một phương tiện vận chuyển
bất hợp pháp, điều này ảnh hưởng “đến tự do hàng hải, cả trực tiếp lẫn gián
tiếp”, “gây ra rối loạn xã hội và bất ổn chính trị”, “đe dọa gián tiếp đến thương
mại đường biển” [101, tr.22, 23]. Nguyên nhân cơ bản của tình trạng này được
tác giả Ian Storey trong bài viết Lợi ích an ninh hàng hải của Nhật ở Đông
Nam Á và tranh chấp Biển Đông xác định là do sự “kiểm soát chính trị yếu
kém, điều kiện chính phủ và kinh tế xã hội nghèo nàn, và thiếu năng lực
QLNN”, cũng như “sự thiếu hợp tác giữa các nước Đông Nam Á do những sự
nhạy cảm về chủ quyền” [131, tr.7, 8]. Kết quả của những nghiên cứu này đã
khẳng định đấu tranh chống tội phạm và VPPL trên biển là một trong những
nhiệm vụ của lực lượng quản lý biển nói chung, của BĐBP nói riêng.
Ở Việt Nam, thực tiễn QLNN đối với biển và hải đảo đã được nhiều nhà
khoa học nghiên cứu, đánh giá với những chiều cạnh khác nhau. Tiêu biểu là
cuốn sách Quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo của tác
giả Đặng Xuân Phương, Nguyễn Lê Tuấn. Các tác giả cho rằng: Việt Nam là
quốc gia có nhiều lợi thế về biển nhưng đang phải đối mặt với nhiều thách
thức trong quản lý biển, đảo, nhất là nguy cơ mất chủ quyền kinh tế trong
khai thác, sử dụng biển bên cạnh nguy cơ bị chèn ép về chủ quyền lãnh thổ.
Hệ thống quản lý nhà nước về biển với các chức năng QLNN đối với ngành,
nghề khai thác, sử dụng biển, hải đảo cũng đã được đề cập cụ thể cho thấy sự
13
phân tán, thiếu hiệu quả và yêu cầu đổi mới tư duy, phương pháp và củng cố
hệ thống QLNN về biển, đảo… [93].
Thực trạng pháp luật và việc thi hành pháp luật trong QLNN đối với các
vùng biển Việt Nam đã được đề cập trong các nghiên cứu của nhiều nhà khoa
học, tiêu biểu là Luận án tiến sĩ Hoàn thiện pháp luật về QLNN đối với các
vùng biển của nước CHXHCN Việt Nam của tác giả Trần Công Trục. Mặc dù
tính thời sự của kết quả nghiên cứu không cao, nhưng một số hạn chế trong
QLNN đối với các vùng biển được tác giả chỉ ra đến nay vẫn chưa được khắc
phục, nhất là tình trạng an ninh, trật tự, tranh chấp chủ quyền trên các vùng
biển còn diễn biến phức tạp; sự phân công, phân nhiệm, phạm vi trách nhiệm
của các lực lượng, các ngành, các cấp trong công tác quản lý, kiểm tra, kiểm
soát biển chưa thật rõ ràng, cụ thể, còn chồng chéo và thiếu sự phối hợp; khả
năng, lực lượng, trang bị của các ngành quá yếu chưa đáp ứng với sự phát
triển của tình hình trên biển [119].
Với vai trò là một trong các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, thực
trạng hoạt động của BĐBP cũng được bàn thảo trong nhiều công trình khoa
học, tiêu biểu là sách chuyên khảo QLNN về an ninh, trật tự KVBGB của tác
giả Hoàng Hữu Chiến [16], sách chuyên khảo Nâng cao chất lượng tuyên
truyền, PBGDPL của BĐBP cho đồng bào dân tộc thiểu số ở KVBG hiện nay
và sách chuyên khảo Phát huy vai trò BĐBP trong PBGDPL cho nhân dân
vùng biển, đảo hiện nay của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam
[116], [117], Luận án Tiến sĩ BĐBP vận động ngư dân tham gia quản lý, bảo
vệ chủ quyền, an ninh BGQGTB khu vực miền Trung của tác giả Vũ Hồng
Khanh [76], bài viết BĐBP xử lý tàu thuyền nước ngoài VPHC trong KVBGB
và bài viết BĐBP ngăn chặn tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển
nước ngoài khai thác thuỷ sản của tác giả Hoàng Hữu Chiến [15], [17]… Các
nghiên cứu trên đã góp phần làm rõ kết quả thực hiện một số nhiệm vụ, quyền
hạn của BĐBP trong quá trình thực hiện trách nhiệm QLNN về BGQGTB;
14
đồng thời, thể hiện tính chất toàn diện và phức tạp của công tác Biên phòng
trên địa bàn KVBGB thời kỳ mới. Qua đó, thực trạng tổ chức thực hiện một số
nội dung QLNN về BGQGTB của BĐBP đã được đề cập, phân tích, nhất là
thực trạng hoạt động PBGDPL, giữ gìn an ninh, trật tự, ATXH của BĐBP ở
KVBGB - địa bàn chủ yếu cho việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP.
1.1.3. Các nghiên cứu ngoài nước và ở Việt Nam liên quan đến giải
pháp tăng cường quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ
đội Biên phòng
Quản lý nhà nước về BGQGTB thực chất là quản lý, bảo vệ chủ quyền
lãnh thổ của quốc gia trên biển. Trước những căng thẳng trong việc đưa ra
yêu sách chủ quyền của các quốc gia ven bờ Biển Đông, nghiên cứu của các
học giả nước ngoài tập trung khuyến nghị một số giải pháp giải quyết căng
thẳng, như: xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa, ngoại giao bình tĩnh;
giải quyết tranh chấp bằng đối thoại trực tiếp và biện pháp hoà bình; gác tranh
chấp cho tương lai và cùng phát triển chung [87]; giải quyết tranh chấp lãnh
thổ và quyền tài phán bằng các biện pháp hoà bình, không sử dụng vũ lực
hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; không tiến hành những hoạt động có thể làm
phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, các hoạt động đưa người đến sinh sống
trên các đảo, bãi đá ngầm, bãi cát ngầm, dải đá ngầm và những cấu trúc khác
hiện chưa có người sinh sống; xử lý các bất đồng một cách xây dựng [82].
Những giải pháp này hoàn toàn phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng và
Nhà nước Việt Nam đối với hoạt động quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo
của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, trong đó có BĐBP.
Quản lý nhà nước về BGQGTB của BĐBP có mối quan hệ mật thiết với
các lĩnh vực khác của QLNN tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo.
Trước những hạn chế trong QLNN về biển, đảo thời gian qua, các nhà khoa
học đã đi sâu nghiên cứu và đề xuất giải pháp cho nhiều vấn đề tồn tại trong
thực tiễn. Điển hình trong các nghiên cứu đó phải kể đến cuốn sách QLNN
15
tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo của tác giả Đặng Xuân Phương,
Nguyễn Lê Tuấn. Trong nghiên cứu của mình các tác giả đã đề cập đến
phương hướng và giải pháp hoàn thiện một số nội dung QLNN tổng hợp và
thống nhất về biển, hải đảo, như: hoàn thiện và vận hành thông suốt thể chế
QLNN tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo dựa trên đổi mới tư duy hoạch
định chiến lược, chính sách biển; hoàn thiện tổ chức bộ máy và phát triển
nguồn nhân lực phục vụ QLNN tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo; đẩy
mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển,
hải đảo Việt Nam; hoàn thiện các luận cứ khoa học cho việc hoạch định ranh
giới quản lý biển, hải đảo [93].
Pháp luật có vai trò quan trọng trong QLNN đối với biển, hải đảo Việt
Nam. Trên cơ sở đánh giá những tồn tại, hạn chế của pháp luật về QLNN đối
với các vùng biển Việt Nam, tác giả Trần Công Trục với luận án tiến sĩ Hoàn
thiện pháp luật về QLNN đối với các vùng biển của nước CHXHCN Việt Nam
đã có những đề xuất về phương hướng, giải pháp hoàn thiện pháp luật về
QLNN đối với các vùng biển của nước CHXHCN Việt Nam; trong đó, bổ
sung, hoàn thiện pháp luật nhằm củng cố, tăng cường hệ thống tổ chức QLNN
đối với các vùng biển được coi là một giải pháp cơ bản. Trong giải pháp này,
tác giả đã kiến nghị phạm vi thẩm quyền của BĐBP và cơ chế phối hợp giữa
BĐBP với các lực lượng khác trong quản lý, bảo vệ BGQGTB, bảo đảm an
ninh, trật tự, xử lý vi phạm pháp luật trên biển [119].
Các nghiên cứu chuyên sâu về một số hoạt động cụ thể của BĐBP cũng
đã đề cập đến những giải pháp cho việc nâng cao hiệu quả thực thi một số
nhiệm vụ cụ thể của BĐBP tuyến biên giới biển, như: giải pháp phát huy vai
trò của BĐBP trong PBGDPL cho nhân dân vùng biển, đảo [117], giải pháp
nâng cao hiệu quả công tác vận động ngư dân tham gia quản lý, bảo vệ chủ
quyền, an ninh BGQGTB [76], giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động QLNN
về an ninh, trật tự KVBGB, xử lý tàu thuyền nước ngoài VPHC trong
16
KVBGB, ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác
thuỷ sản [16], [15], [17]; giải pháp nâng cao hiệu quả phối hợp giữa BĐBP
với Cảnh sát biển trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển [43].
1.2. Đánh giá tình hình nghiên cứu và những vấn đề đặt ra nghiên
cứu trong luận án
1.2.1. Đánh giá tình hình nghiên cứu
Qua nghiên cứu các công trình khoa học tiêu biểu liên quan đến đề tài
luận án từ trước tới nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam, có thể nhận thấy
những kết quả đã đạt được như sau:
Thứ nhất, về lý luận
Các công trình nghiên cứu đã làm rõ những vấn đề lý luận cơ bản của
QLNN về BGQG (khái niệm, đặc điểm, chủ thể, khách thể, nội dung, hình
thức, phương pháp); khái niệm, lịch sử hình thành BGQGTB của Việt Nam;
hoạt động PBGDPL, vận động quần chúng, giữ gìn an ninh, trật tự của BĐBP
ở KVBGB. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu chưa làm sáng tỏ một cách có hệ
thống lý luận QLNN về BGQGTB của BĐBP.
Thứ hai, về thực trạng
Các công trình được nghiên cứu đã có những đánh giá xác thực về kết
quả thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP trong QLNN về
BGQGTB, như: PBGDPL cho nhân dân vùng biển, đảo; giữ gìn an ninh, trật
tự KVBGB; quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo... Do đó, chưa
đủ để làm sáng tỏ thực trạng QLNN về BGQGTB của BĐBP một cách toàn
diện dưới góc độ khoa học Luật Hiến pháp và Luật hành chính.
Thứ ba, về giải pháp
Kết quả của các công trình được nghiên cứu đã đưa ra một số giải pháp
để nâng cao hiệu quả QLNN về biển, hải đảo; trong đó có những nhóm giải
pháp quan trọng như hoàn thiện tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực
cho QLNN về biển, hải đảo; hoàn thiện pháp luật về BGQGTB của nước
17
CHXHCN Việt Nam. Tại một số công trình nghiên cứu chuyên sâu về hoạt
động của BĐBP, các tác giả đã có những khuyến nghị về quan điểm, giải
pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của BĐBP trên các mặt công tác cụ thể,
như: giữ gìn an ninh, trật tự KVBGB; vận động ngư dân tham gia quản lý,
bảo vệ chủ quyền, an ninh BGQGTB; PBGDPL cho nhân dân vùng biển, đảo;
xử lý VPHC của tàu thuyền nước ngoài… Tuy nhiên, chưa có bất kỳ công
trình khoa học nào đề cập nghiên cứu có hệ thống phương hướng và giải pháp
tăng cường QLNN về BGQGTB của BĐBP.
Như vậy, những công trình khoa học được nghiên cứu chưa luận giải một
cách toàn diện, có hệ thống lý luận, thực trạng QLNN về BGQGTB của
BĐBP, cũng như chưa có những phương hướng, giải pháp phù hợp nhằm tăng
cường QLNN về BGQGTB của BĐBP trong tình hình mới. Vì vậy, đề tài
luận án có trách nhiệm tiếp tục nghiên cứu và làm sáng tỏ những vấn đề trên.
1.2.2. Những vấn đề đặt ra nghiên cứu trong luận án
Từ việc phân tích kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học có liên
quan, luận án xác định những vấn đề sau cần được tiếp tục nghiên cứu:
Thứ nhất, những vấn đề lý luận cần nghiên cứu trong luận án
- Luận án có nhiệm vụ phân tích một cách khoa học các quan niệm về
QLNN, về biên giới và BGQGTB để đưa ra quan niệm QLNN về BGQGTB
của BĐBP.
- Quản lý nhà nước về BGQGTB là một lĩnh vực cụ thể và đặc thù của
QLNN nhưng lý luận về nó chưa được nghiên cứu một cách chuyên biệt và có
hệ thống. Vì vậy, luận án có trách nhiệm làm rõ đặc điểm, vai trò, chủ thể, nội
dung QLNN về BGQGTB trên cơ sở kế thừa hợp lý kết quả của các công
trình khoa học liên quan.
- Quản lý nhà nước về BGQGTB đa dạng về chủ thể quản lý nên luận án
có trách nhiệm làm rõ tổ chức, thẩm quyền của BĐBP trong QLNN về
BGQGTB. Nội dung QLNN về BGQGTB rất đa dạng, do nhiều chủ thể thực
18
hiện trong phạm vi thẩm quyền do pháp luật quy định nên luận án cần đi sâu
làm rõ nội dung QLNN về BGQGTB của BĐBP.
Thứ hai, những vấn đề thực tiễn cần nghiên cứu trong luận án
Các công trình khoa học liên quan đến đề tài luận án chủ yếu nghiên cứu,
đánh giá thực trạng một số hoạt động của BĐBP trên địa bàn KVBGB nhưng
chưa có những nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện thực trạng QLNN về
BGQGTB của BĐBP, trong khi BĐBP là chủ thể chủ trì, phối hợp với các
đơn vị quân đội đóng quân trong KVBGB, Công an nhân dân, chính quyền
địa phương và các cơ quan có liên quan thực hiện quản lý, bảo vệ BGQGTB;
bảo vệ an ninh chính trị và giữ gìn trật tự, ATXH trong KVBGB theo quy
định của pháp luật. Do đó, luận án cần nghiên cứu, làm sáng tỏ thực trạng
BĐBP tham mưu cho cấp có thẩm quyền thực hiện QLNN về BGQGTB và tổ
chức thực hiện trách nhiệm của mình trong QLNN về BGQGTB.
Thứ ba, phương hướng và giải pháp cần nghiên cứu trong luận án
Việc nghiên cứu, xác định phương hướng, kiến nghị giải pháp nâng cao
hiệu lực, hiệu quả QLNN về biển, hải đảo, cũng như giải pháp nâng cao hiệu
quả một số hoạt động cụ thể của BĐBP (PGGDPL, vận động quần chúng,
QLNN về an ninh, trật tự KVBGB; quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc
gia trên biển…) đã được đề cập đến trong các công trình khoa học với đối
tượng và phạm vi nghiên cứu cụ thể, nhưng chưa có công trình nào nghiên
cứu về phương hướng và giải pháp tăng cường QLNN về BGQGTB của
BĐBP. Vì vậy, trên cơ sở lý luận, đánh giá thực trạng QLNN về BGQGTB
của BĐBP, luận án có trách nhiệm xác định phương hướng và kiến nghị các
giải pháp phù hợp nhằm tăng cường QLNN về BGQGTB của BĐBP.
Đánh giá tổng quát tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án cho
thấy, đến nay, ở nước ta, chưa có công trình chuyên khảo nào nghiên cứu một
cách toàn diện, có hệ thống đề tài QLNN về BGQGTB của BĐBP. Bởi vậy,
việc nghiên cứu đề tài luận án dưới góc độ khoa học pháp lý với cách tiếp cận
19
đa ngành và liên ngành luật học là cần thiết trong bối cảnh việc tổ chức thực
thi pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế trong quản lý, bảo vệ chủ quyền
biển, đảo là xu thế chung của các quốc gia có biển.
1.3. Cơ sở lý thuyết nghiên cứu của đề tài luận án
1.3.1. Lý thuyết nghiên cứu đề tài luận án
Quản lý nhà nước về BGQGTB là lĩnh vực nghiên cứu mới, phức tạp,
mang tính đa ngành, liên ngành nên để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, luận
án dựa trên các lý thuyết sau:
- Lý thuyết về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam: nội
dung của lý thuyết thừa nhận nguyên tắc tính tối cao của pháp luật và tổ chức,
quản lý xã hội bằng pháp luật. Những nội dung này là cơ sở cho các nghiên
cứu lý luận, thực trạng và kiến nghị giải pháp tăng cường QLNN về
BGQGTB của BĐBP.
- Lý thuyết về Luật hành chính Việt Nam với tư cách là một ngành luật
trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Nội dung của lý thuyết cung cấp cho đề
tài luận án khung lý thuyết về quản lý nhà nước trên các lĩnh vực cụ thể, bao
gồm các vấn đề về tổ chức, thẩm quyền, nội dung của quản lý nhà nước, đồng
thời, là cơ sở cho việc xác định các đặc điểm của quản lý nhà nước về biên
giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng.
- Lý thuyết về bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa: nội dung của lý thuyết đề
cập đến vai trò của Đảng Cộng sản, của nhà nước, của lực lượng vũ trang và
quần chúng nhân dân trong tổ chức, quản lý, xây dựng và bảo vệ xã hội mới,
tăng cường khả năng quốc phòng, hiện đại hoá lực lượng vũ trang, xây dựng
quân đội kiểu mới để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Những nội dung này
được vận dụng trong nghiên cứu về phương hướng, giải pháp tăng cường
QLNN về BGQGTB của BĐBP.
- Lý thuyết về công tác Biên phòng Việt Nam: nội dung của lý thuyết đề
cập đến các chủ trương, biện pháp, hình thức hoạt động do các cơ quan Nhà
20
nước, các lực lượng vũ trang nhân dân tiến hành trong quản lý, bảo vệ
BGQG, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự
xã hội; phòng, chống các hoạt động xâm nhập biên giới, buôn lậu, bảo vệ tài
nguyên của đất nước, ngăn chặn vũ trang xâm lược; xây dựng thế trận biên
phòng toàn dân và xây dựng KVBG vững mạnh toàn diện tạo thế và lực bảo
vệ an toàn lãnh thổ quốc gia, BGQG trong thời bình, đánh bại kẻ thù trong
thời chiến. Những nội dung này được vận dụng xuyên suốt và phù hợp với
từng phần cụ thể theo góc độ nghiên cứu đề tài luận án nhằm làm rõ trách
nhiệm của BĐBP trong QLNN về BGQGTB.
Ngoài ra, việc nghiên cứu đề tài luận án còn dựa trên cơ sở các quan
điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế gắn với tăng cường, củng cố
quốc phòng, an ninh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
1.3.2. Giả thuyết nghiên cứu của đề tài
Trên cơ sở các lý thuyết nghiên cứu, luận án xây dựng giả thuyết nghiên
cứu của đề tài như sau: Bộ đội Biên phòng có trách nhiệm QLNN về
BGQGTB theo quy định của pháp luật nhưng lý luận QLNN về BGQGTB
của BĐBP chưa được nghiên cứu một cách có hệ thống, sâu sắc và toàn diện
dưới góc độ khoa học pháp lý nói chung, khoa học Luật Hành chính nói riêng.
Thực trạng QLNN về BGQGTB của BĐBP cũng chưa được phản ánh một
cách đầy đủ. Do đó, chưa có những giải pháp thực sự phù hợp, mang tính tổng
thể để tăng cường QLNN về BGQGTB của BĐBP trong tình hình mới.
1.3.3. Câu hỏi nghiên cứu của đề tài
Từ những giả thuyết trên, luận án cần trả lời các câu hỏi sau đây:
- Quản lý nhà nước về BGQGTB của BĐBP là gì, có những đặc điểm và
vai trò như thế nào?
- Theo quy định của pháp luật, những chủ thể nào có trách nhiệm thực
hiện QLNN về BGQGTB và trách nhiệm của BĐBP trong QLNN về
BGQGTB?
21
- Quản lý nhà nước về BGQGTB bao gồm những nội dung nào và trong
phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định, BĐBP có
trách nhiệm thực hiện những nội dung nào?
- Các yếu tố chính trị, pháp luật, năng lực chủ thể, bối cảnh quốc tế, điều
kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và dân cư KVBGB… tác động như thế nào đến
hoạt động QLNN về BGQGTB của BĐBP?
- Các nội dung của QLNN về BGQGTB của BĐBP từ năm 2008 đến
năm 2018 được thể hiện như thế nào trên thực tế?
- Quản lý nhà nước về BGQGTB của BĐBP có những ưu điểm, hạn chế
gì và nguyên nhân của những ưu điểm, hạn chế đó là gì?
- Cần có những phương hướng và giải pháp gì để tăng cường QLNN về
BGQGTB của BĐBP trong thời gian tới?
22
Kết luận Chương 1
Đánh giá tổng quát tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án có
thể nhận thấy rằng, QLNN về BGQGTB của BĐBP chưa được quan tâm
nghiên cứu một cách toàn diện và có hệ thống. Các công trình khoa học ngoài
nước chủ yếu đi sâu nghiên cứu chế độ pháp lý các vùng biển và địa vị pháp
lý của các cấu tạo biển trong việc xác lập chủ quyền, quyền chủ quyền và
quyền tài phán quốc gia; về hoạch định ranh giới biển; về hợp tác khai thác tài
nguyên biển; về tổ chức bộ máy và hoạt động thực thi pháp luật trên biển; về
vai trò và công năng của Biên phòng, về các tranh chấp chủ quyền biển, đảo.
Các nghiên cứu về BGQGTB và các hoạt động để thực hiện trách nhiệm của
BĐBP trong QLNN về BGQGTB còn rất hạn chế.
Ở Việt Nam, các công trình khoa học nghiên cứu những vấn đề có liên
quan đến QLNN về BGQGTB của BĐBP rất phong phú, trong đó chủ yếu là
các nghiên cứu về quản lý, khai thác tài nguyên biển; chế độ pháp lý các vùng
biển Việt Nam; hoạt động PBGDPL cho nhân dân vùng biển, đảo của BĐBP;
hoạt động giữ gìn an ninh, trật tự, ATXH trong KVBGB của BĐBP; hoạt
động quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của BĐBP… Do đó, kết quả
của các nghiên cứu mới chỉ làm rõ một số nhiệm vụ, quyền hạn mà BĐBP
thực hiện trong QLNN về BGQGTB chứ chưa mang tính toàn diện. Trong bối
cảnh nguy cơ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam bị xâm phạm, việc nghiên
cứu, luận giải, làm rõ trách nhiệm của BĐBP trong QLNN về BGQGTB là
cần thiết nhằm đề ra những giải pháp mang tính khoa học và khả thi, vừa góp
phần bổ sung, làm phong phú thêm lý luận QLNN về BGQG, vừa góp phần
nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ BGQGTB của BĐBP và giải quyết những
vấn đề thực tiễn nảy sinh trong quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Nhà
nước ta hiện nay.
23
Chương 2
LÝ LUẬN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BIÊN GIỚI QUỐC GIA
TRÊN BIỂN CỦA BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG
2.1. Khái niệm, đặc điểm, vai trò của quản lý nhà nước về biên giới
quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng
2.1.1. Khái niệm biên giới quốc gia trên biển và quản lý nhà nước về
biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng
2.1.1.1. Khái niệm biên giới quốc gia trên biển
“Biên giới” là thuật ngữ gắn liền với lãnh thổ và chủ quyền quốc gia.
Trong tiếng Việt, thuật ngữ này tương đương với từ “boundary” trong tiếng
Anh để thể hiện "tính chất đường", phân biệt với "tính chất vùng" của biên
giới (frontier); theo đó, biên giới thường được coi là đường phân cách không
gian lãnh thổ của một quốc gia này với lãnh thổ của một quốc gia khác, hay với
không gian quốc tế hoặc là đường phân định lãnh thổ của quốc gia với các
vùng thuộc quyền chủ quyền của quốc gia trên biển [74, tr.15].
Một “biên giới” hay “đường biên giới” trước hết được xác định bởi pháp
luật của một quốc gia và được gọi là BGQG. Biên giới quốc gia xác định giới
hạn vùng biển thuộc chủ quyền của quốc gia là BGQGTB. Pháp luật quốc tế
về biển xác định quốc gia ven biển có chủ quyền đối với nội thuỷ, lãnh hải và
ranh giới ngoài của lãnh hải được thừa nhận là đường BGQGTB - "đường
vạch ra để phân định vùng lãnh hải của quốc gia với vùng biển tiếp liền mà
quốc gia ven biển có quyền chủ quyền hoặc với nội thủy, lãnh hải của quốc
gia khác có bờ biển đối diện hay kề bên bờ biển của quốc gia này" [124,
tr.172, 173].
Vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam bao gồm nội thuỷ, lãnh hải
của đất liền, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo
khác. Nội thủy là vùng nước tiếp giáp với bờ biển, ở phía trong đường cơ sở
và là bộ phận của lãnh thổ Việt Nam, nơi Nhà nước thực hiện chủ quyền
24
hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ như trên lãnh thổ đất liền. Lãnh hải là vùng
biển có chiều rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở ra phía biển. Nhà nước thực
hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với vùng trời, mặt nước, đáy biển và
lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải. Ranh giới ngoài của lãnh hải là
BGQGTB của Việt Nam. Bởi vậy, BGQGTB của nước CHXHCN Việt Nam
là ranh giới phía ngoài lãnh hải của đất liền, lãnh hải của đảo, lãnh hải của
quần đảo của Việt Nam, được hoạch định và đánh dấu bằng các tọa độ trên
hải đồ theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt
Nam ký kết hoặc gia nhập .
Pháp luật Việt Nam với các quy định về đường cơ sở dùng để tính chiều
rộng lãnh hải; về nội thuỷ, lãnh hải và Công ước của Liên hợp quốc về Luật
biển năm 1982, các điều ước quốc tế giữa CHXHCN Việt Nam và các quốc
gia láng giềng (Cộng hoà nhân dân Trung Hoa và Vương quốc Campuchia) là
cơ sở pháp lý cho việc hoạch định BGQGTB (biên giới đường) của nước
CHXHCN Việt Nam. Việc hoạch định BGQGTB của Việt Nam được thực
hiện trên các vùng biển của lãnh thổ đất liền, các đảo và quần đảo của Việt
Nam, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Tại những
vùng biển tiếp giáp với các quốc gia láng giềng, việc hoạch định BGQGTB
được tiến hành thông qua quá trình đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế
song phương giữa Việt Nam và các quốc gia đó.
Biên giới quốc gia trên biển là ranh giới ngoài của lãnh hải nên trước hết
là một loại ranh giới biển, nhưng không đồng nhất với ranh giới biển. Theo
quan niệm phổ biến hiện nay, ranh giới biển được hiểu là đường phân định
giữa các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của quốc gia hay là
đường phân định giữa vùng biển của quốc gia này với vùng biển của quốc gia
khác và nó có thể là biên giới biển giữa các quốc gia hay là đường phân định
vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của quốc gia
này với vùng biển tương ứng của quốc gia láng giềng.
25
2.1.1.2. Khái niệm quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của
Bộ đội Biên phòng
Quản lý nhà nước là thuật ngữ có thể được diễn đạt theo nhiều cách khác
nhau với phạm vi rộng, hẹp khác nhau. Dưới góc độ nghiên cứu của khoa học
Luật Hành chính, theo nghĩa rộng nhất, QLNN hoạt động của nhà nước trên
các lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp nhằm thực hiện các chức năng
đối nội và đối ngoại của nhà nước; còn theo nghĩa hẹp, đó là hoạt động của
nhà nước trong lĩnh vực hành pháp, hay còn gọi là quản lý hành chính nhà
nước - một hình thức hoạt động của nhà nước, được thực hiện trước hết và
chủ yếu bởi các cơ quan hành chính nhà nước, có nội dung là bảo đảm sự
chấp hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của các cơ quan quyền lực nhà nước
nhằm tổ chức và chỉ đạo một cách trực tiếp và thường xuyên công cuộc xây
dựng kinh tế, văn hoá, xã hội và hành chính - chính trị [126, tr.12]. Như vậy,
QLNN theo nghĩa hẹp là quản lý hành chính nhà nước, tức hoạt động chấp
hành - điều hành của Nhà nước, do hệ thống cơ quan hành chính nhà nước,
đứng đầu là Chính phủ thực hiện. Các bộ, cơ quan ngang bộ có chức năng
tham mưu cho Chính phủ và thực hiện quản lý theo ngành, lĩnh vực được giao
trên phạm vi cả nước. Uỷ ban nhân dân các cấp (có bộ máy cơ quan chuyên
môn giúp việc) thực hiện quản lý theo thẩm quyền chung đối với các lĩnh vực
trên phạm vi địa phương. Điều đó có nghĩa, khi đề cập đến vai trò của Chính
phủ thực hiện quản lý thống nhất các lĩnh vực của đời sống xã hội, như: hải
quan, y tế, văn hoá, khoa học và công nghệ, đối ngoại, quốc phòng, an ninh,
biên giới quốc gia… là nói đến QLNN theo nghĩa hẹp đối với các lĩnh vực đó.
Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia là lĩnh vực có vai trò đặc biệt
quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển và đổi mới đất nước. Để
Việt Nam thực sự trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, cần tăng
cường QLNN về BGQGTB nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ
quyền và lợi ích của quốc gia trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
26
Quản lý nhà nước về BGQG nói chung, BGQGTB nói riêng đặt dưới sự
quản lý thống nhất của Chính phủ. Chính phủ có quyền quy định nhiệm vụ,
quyền hạn và quan hệ phối hợp thực hiện QLNN về BGQGTB giữa các bộ,
cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương nơi có BGQGTB và các lực lượng vũ trang nhân dân. Các bộ, cơ quan
ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực
hiện QLNN về BGQGTB; trong đó, Bộ Quốc phòng là cơ quan chủ trì, phối
hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực
hiện QLNN về BGQGTB. Uỷ ban nhân dân các cấp nơi có BGQGTB thực
hiện QLNN về BGQGTB theo quy định của pháp luật [22].
Quản lý nhà nước về BGQGTB diễn ra theo trình tự từ xây dựng, chỉ đạo
cho đến tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, pháp luật về BGQGTB.
Pháp luật về BGQGTB là phương tiện quan trọng nhất để thực hiện QLNN về
BGQGTB. Việc xây dựng pháp luật về BGQGTB là trách nhiệm của các chủ
thể có thẩm quyền lập pháp, lập quy với sự tham gia của các cơ quan, tổ chức,
cá nhân có liên quan. Lực lượng BĐBP thuộc Bộ Quốc phòng không chỉ có
trách nhiệm tham gia xây dựng mà còn tổ chức thực hiện chiến lược, chính
sách, pháp luật về BGQGTB.
Biên giới là thuật ngữ có thể được hiểu theo nghĩa là đường hoặc là vùng
[74, tr.26]. Trong công tác hoạch định, BGQGTB là đường BGQGTB, nhưng
trong quản lý, bảo vệ biên giới, BGQGTB có cả thuộc tính đường và thuộc
tính vùng - gọi là KVBGB, bởi mọi hoạt động của con người và tổ chức của
con người đều phải diễn ra trên một không gian lãnh thổ nhất định. Từ đó,
QLNN về BGQGTB luôn bao hàm hai phương diện cơ bản là quản lý, bảo vệ
BGQGTB và xây dựng, quản lý, bảo vệ KVBGB - địa bàn trọng yếu về quốc
phòng, an ninh vùng biển, đảo, nhằm bảo đảm tính bất khả xâm phạm của
BGQGTB, tạo môi trường thuận lợi cho công cuộc bảo vệ chủ quyền, quyền
chủ quyền và lợi ích của quốc gia trên biển.
27
Từ những phân tích trên, có thể hiểu, QLNN về BGQGTB là hoạt động
chấp hành - điều hành của Chính phủ và các chủ thể có thẩm quyền trong xây
dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, pháp luật về BGQGTB,
quản lý, bảo vệ BGQGTB và xây dựng, quản lý, bảo vệ KVBGB nhằm bảo vệ
chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích của quốc gia, của nhân
dân trên các vùng biển Việt Nam.
Chiến lược, chính sách, pháp luật về BGQGTB là phương tiện của QLNN
về BGQGTB mà Chính phủ là cơ quan có vai trò quan trọng trong việc xây
dựng, tổ chức thực hiện chúng bằng chính bộ máy của mình. Bộ Quốc phòng là
cơ quan của Chính phủ, được Chính phủ trao trách nhiệm chủ trì, phối hợp với
các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ven biển thực hiện QLNN về
BGQGTB; xây dựng BĐBP vững mạnh, đảm bảo chỉ huy tập trung, thống nhất
và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, quân sự, pháp luật, đối
ngoại cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP để thực hiện vai trò nòng cốt, chuyên trách
quản lý, bảo vệ BGQG, giữ gìn an ninh, trật tự, ATXH ở KVBG [22].
Quản lý, bảo vệ BGQGTB là sự tác động của chủ thể có thẩm quyền tới
các đối tượng quản lý thông qua việc sử dụng các phương tiện, biện pháp do
pháp luật quy định nhằm bảo đảm tính bất khả xâm phạm của BGQGTB, giữ
vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Xây dựng, quản lý, bảo vệ KVBGB là
sự tác động có tổ chức và điều chỉnh bằng quyền lực nhà nước đối với các quá
trình kinh tế - xã hội, hoạt động của các tổ chức, cá nhân nhằm duy trì các
mối quan hệ chính trị, kinh tế - xã hội, trật tự pháp luật nhằm bảo vệ chủ
quyền quốc gia, an ninh, trật tự, ATXH ở KVBGB. Các cơ quan nhà nước,
các lực lượng vũ trang nhân dân, chính quyền các cấp, các tổ chức xã hội và
công dân có trách nhiệm quản lý, bảo vệ BGQGTB và KVBGB. Dưới sự chỉ
đạo của Bộ Quốc phòng, BĐBP là lực lượng "chủ trì, phối hợp với các đơn vị
quân đội đóng quân trong KVBGB, Công an nhân dân, chính quyền địa
phương và các cơ quan liên quan trong quản lý, bảo vệ BGQGTB; bảo vệ an
28
ninh chính trị, giữ gìn trật tự, ATXH trong KVBGB theo quy định của pháp
luật" [28]. Đây là những nhiệm vụ cơ bản mà BĐBP có trách nhiệm thực hiện
nhằm "quản lý, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh, trật tự BGQG trên… các
hải đảo, vùng biển và tại các cửa khẩu theo quy định của pháp luật" [132].
Trách nhiệm đó là trách nhiệm QLNN về BGQG đã được Chính phủ xác định
cụ thể tại Điều 30 của Nghị định số 140/2004/NĐ-CP ngày 25/6/2004 quy định
chi tiết một số điều của Luật BGQG với các nhiệm vụ chung được áp dụng cho
cả tuyến biên giới đất liền và biên giới biển. Quan hệ phối hợp giữa BĐBP với
lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Phòng không - không quân trong
quản lý, bảo vệ BGQGTB cũng được xác định.
Việc thực hiện trách nhiệm QLNN về BGQG của BĐBP trên tuyến biên
giới biển do Chính phủ quy định tại Nghị định số 71/2015/NĐ-CP ngày
03/9/2015 về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong KVBGB nước
CHXHCN Việt Nam. Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 162/2016/TT-
BQP ngày 21/10/2016 quy định thực hiện một số điều Nghị định số
71/2015/NĐ-CP ngày 03/9/2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động của
người, phương tiện trong KVBGB nước CHXHCN Việt Nam. Các VBQPPL
này đã cho thấy sự ủy nhiệm một phần quan trọng trách nhiệm thực thi QLNN
về BGQGTB từ Bộ Quốc phòng sang cho BĐBP. Theo đó, BĐBP có trách
nhiệm tham mưu cho Bộ Quốc phòng thực hiện QLNN về BGQGTB và trực
tiếp thực thi pháp luật về BGQGTB dưới sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng.
Từ những phân tích trên, có thể hiểu QLNN về BGQGTB của BĐBP là
hoạt động chấp hành - điều hành của các cơ quan, đơn vị và cán bộ, chiến sĩ
BĐBP dưới sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng thực thi quản lý, bảo vệ BGQGTB,
bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, ATXH trong KVBGB theo quy định
của pháp luật và góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài
phán, lợi ích của quốc gia, của nhân dân trên các vùng biển của nước
CHXHCN Việt Nam.
29
Khái niệm trên đã chỉ rõ chủ thể thực thi QLNN về BGQGTB của BĐBP
là các cơ quan, đơn vị và cán bộ, chiến sĩ BĐBP - những chủ thể được uỷ
nhiệm thực thi các nhiệm vụ cụ thể. Hoạt động chấp hành - điều hành của
BĐBP được biểu hiện thông qua việc triển khai các hoạt động tổ chức, chỉ
huy, chỉ đạo từ trên xuống dưới của các cấp trong BĐBP nhằm bảo đảm cho
pháp luật được triển khai thực hiện trên thực tế. Việc thực thi quản lý, bảo vệ
BGQGTB, bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, ATXH trong KVBGB là
các nhiệm vụ cơ bản, thường xuyên, lâu dài, phản ánh chức năng của BĐBP
và đó là trung tâm của các nhiệm vụ cụ thể.
2.1.2. Đặc điểm của quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển
của Bộ đội Biên phòng
Quản lý nhà nước về BGQGTB của BĐBP mang đầy đủ những đặc điểm
của QLNN nói chung và còn có những đặc điểm riêng biệt, như:
2.1.2.1. Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội
Biên phòng được thực hiện trên cơ sở pháp luật về biên giới quốc gia và các
quy định pháp luật khác có liên quan
Pháp luật về BGQG (pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế) điều chỉnh
hoạt động QLNN về BGQG trên đất liền và trên biển. Trong đó, các quy định
của pháp luật điều chỉnh hoạt động QLNN về BGQGTB của BĐBP, bao gồm:
Quy định về xác định BGQGTB, ranh giới, phạm vi các vùng biển thuộc
chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia trên biển; hoạch
định ranh giới biển giữa Việt Nam với các quốc gia có vùng biển đối diện
hoặc liền kề.
Quy định về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong KVBGB.
Quy định về quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự tại cửa khẩu cảng.
Quy định về PBGDPL về BGQG.
Quy định về đối ngoại biên phòng, hợp tác quốc tế trong quản lý, bảo vệ
BGQGTB; giữ gìn an ninh, trật tự, ATXH ở KVBGB.
30
Quy định về thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý
VPPL trong quản lý, bảo vệ BGQGTB, các VPPL trên các vùng biển và thềm
lục địa Việt Nam.
Quy định về trách nhiệm đấu tranh phòng, chống tội phạm, chống buôn
lậu, gian lận thương mại ở KVBGB và trên các vùng biển Việt Nam.
Quy định về quan hệ phối hợp giữa BĐBP với các cơ quan nhà nước, các
lực lượng vũ trang nhân dân khác, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức
kinh tế trong thực hiện QLNN về BGQGTB.
Các điều ước quốc tế là cơ sở pháp lý cho hoạt động QLNN về
BGQGTB của BĐBP bao gồm: Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển
năm 1982; Hiệp định về vùng nước lịch sử của nước Cộng hoà xã hội chủ
nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà nhân dân Campuchia ngày 07/7/1982;
Hiệp định giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước Cộng hoà nhân dân Trung
Hoa về phân định lãnh hải vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai
nước trong vịnh Bắc Bộ; Hiệp định hợp tác nghề cá vịnh Bắc Bộ giữa Chính
phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Cộng hoà nhân dân Trung Hoa.
Ngoài ra, còn có các hiệp định về phân định biển giữa Việt Nam và Thái Lan,
Inđônêxia, các công ước quốc tế, thoả thuận, hiệp định liên quan đến hoạt
động hàng hải mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.
Pháp luật về BGQG vừa là cơ sở pháp lý, vừa là phương tiện chủ yếu để
BĐBP thực hiện QLNN về BGQGTB. Do sự giao thoa giữa các hệ thống
pháp luật, sự đan xen trong điều chỉnh bằng pháp luật đối với các lĩnh vực của
đời sống xã hội, nên pháp luật về BGQG nói chung, nhóm các quy định pháp
luật về BGQGTB nói riêng có liên quan mật thiết với hầu hết các lĩnh vực
pháp luật khác để điều chỉnh các quan hệ xã hội có liên quan đến chủ quyền,
toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, trật tự BGQGTB, như: các quy định của pháp luật
về dân tộc, tôn giáo, thương mại, thuỷ sản, lâm nghiệp, môi trường, hàng hải,
hải quan, y tế, giao thông đường thuỷ, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu
31
hộ, cứu nạn… Khi được “hòa vào nhau”, các quy định pháp luật này hợp
thành một “tấm lưới pháp lý khổng lồ”, “đan kết” các chủ thể pháp luật lại với
nhau trong cơ chế phối hợp, hiệp đồng tổ chức thực thi pháp luật; đồng thời,
hình thành một loại trật tự pháp luật về QLNN về BGQGTB hay còn gọi là
trật tự QLNN về BGQGTB - khách thể của QLNN về BGQGTB mà BĐBP
có trách nhiệm tôn trọng và bảo vệ.
2.1.2.2. Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội
Biên phòng được thực hiện chủ yếu tại địa bàn khu vực biên giới biển với mục
tiêu, đối tượng và cơ chế lãnh đạo, quản lý, chỉ huy đặc thù
Bộ đội Biên phòng là lực lượng vũ trang nhân dân được trao trách nhiệm
QLNN về BGQG nói chung, BGQGTB nói riêng. Với chức năng quản lý, bảo
vệ chủ quyền lãnh thổ, phạm vi hoạt động chủ yếu của BĐBP trong QLNN về
BGQGTB là KVBGB, tức từ đường BGQGTB trở vào đến hết địa giới hành
chính của xã, phường, thị trấn giáp biển và đảo, quần đảo; trong đó, bao gồm
cả các CKCB. Trên địa bàn này, BĐBP là lực lượng chủ trì, phối hợp với các
đơn vị quân đội đóng quân trong KVBGB, Công an nhân dân, chính quyền địa
phương và các cơ quan liên quan trong quản lý, bảo vệ BGQGTB (đặc biệt là
Bộ đội Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Phòng không - không quân), bảo vệ an
ninh chính trị, giữ gìn trật tự, ATXH và quản lý an ninh, trật tự tại CKCB.
Khu vực biên giới biển của nước CHXHCN Việt Nam là vùng lãnh thổ
bao gồm phần đất liền tiếp giáp với biển (tương ứng với đơn vị hành chính
cấp xã giáp biển), các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển
Đông và các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam (nội thuỷ, lãnh hải của
đất liền và nội thuỷ, lãnh hải của các đảo, quần đảo). Bởi vậy, chế độ pháp lý
KVBGB là sự tổng hợp của nhiều loại chế độ pháp lý, như: chế độ pháp lý
của phần đất liền tiếp giáp với biển; chế độ pháp lý của các đảo, quần đảo;
chế độ pháp lý của nội thuỷ và chế độ pháp lý của lãnh hải. Việc thực thi pháp
luật trong KVBGB của BĐBP phải tuân thủ các chế độ pháp lý đó ở các khu
32
vực tương ứng để bảo đảm phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều ước quốc
tế có liên quan.
Trong trường hợp thực hiện quyền truy đuổi một cách liên tục, BĐBP có
thể phối hợp với các lực lượng khác bắt giữ, xử lý các vi phạm pháp luật trên
các vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia hoặc tại
các đơn vị hành chính lãnh thổ trong nội địa. Bộ đội Biên phòng cũng có thể
phối hợp với các cơ quan nhà nước, các lực lượng vũ trang nhân dân khác
hoạt động ngoài phạm vi KVBGB vì lý do tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.
Mục tiêu chung của QLNN về BGQGTB là bảo đảm tính bất khả xâm
phạm của BGQGTB, giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích của
quốc gia trên các vùng biển của Tổ quốc. Bộ đội Biên phòng là lực lượng vũ
trang nhân dân của Đảng, Nhà nước, có chức năng quản lý, bảo vệ chủ quyền,
toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, trật tự BGQG nên mục tiêu QLNN về BGQGTB
của BĐBP trước hết là mục tiêu chung của QLNN về BGQGTB. Ngoài ra,
hoạt động QLNN về BGQGTB của BĐBP còn hướng đến duy trì an ninh
chính trị, trật tự, ATXH ở KVBGB và tại các CKCB.
Đối tượng của QLNN về BGQGTB của BĐBP là hoạt động của các cơ
quan, tổ chức, cá nhân diễn ra trong phạm vi KVBGB mà theo quy định của
pháp luật chịu sự tác động quản lý từ phía các cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến
sĩ BĐBP có thẩm quyền. Cụ thể gồm:
- Hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và các loại phương tiện
trong KVBGB.
Hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và các loại phương tiện
trong KVBGB của Việt Nam và nước ngoài bao gồm các hoạt động ra, vào,
cư trú, trú đậu, đi lại, sản xuất, kinh doanh, xây dựng các dự án, công trình;
thăm dò, khảo sát về địa chất, khoáng sản, tài nguyên, nguồn lợi thuỷ, hải sản;
thực hiện các dự án khai thác tài nguyên; nghiên cứu khoa học biển; nuôi
trồng, thu mua, khai thác và chế biến thuỷ, hải sản; giao thông vận tải; môi
33
trường; diễn tập quân sự, tìm kiếm, cứu nạn, an ninh hàng hải; tổ chức bắn
đạn thật, sử dụng vật liệu nổ, cứu hộ, cứu nạn và các hoạt động khác liên quan
đến quản lý, bảo vệ BGQGTB và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, ATXH
trong KVBGB. Những hoạt động này phải tuân thủ các quy định của pháp
luật về BGQG nói chung, về quản lý, bảo vệ BGQGTB và KVBGB nói riêng
và chịu sự quản lý của các cơ quan nhà nước, đơn vị BĐBP có thẩm quyền.
- Hoạt động của người, phương tiện Việt Nam và nước ngoài tại các CKCB.
Cửa khẩu cảng biẻn là phạm vi cảng biển, bến cảng, cầu cảng; cảng dầu
khí ngoài khơi do Bộ Giao thông vận tải hoặc Cục Hàng hải Việt Nam công
bố mở theo thẩm quyền được pháp luật quy định cho tàu thuyền Việt Nam,
tàu thuyền nước ngoài đến, rời để bốc dỡ hàng hoá, đón trả khách và thực
hiện hoạt động khác [29]. Để quản lý, bảo vệ BGQGTB, bảo vệ an ninh chính
trị, giữ gìn trật tự, ATXH trong KVBGB, BĐBP có trách nhiệm quản lý, bảo
vệ an ninh, trật tự tại CKCB, thực hiện kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt
động của người, phương tiện tại CKCB; tiến hành kiểm tra, giám sát biên
phòng, cấp thị thực và các loại giấy phép; thực hiện thủ tục biên phòng tại cửa
khẩu cảng (thủ tục nhập cảnh, thủ tục xuất cảnh, thủ tục quá cảnh, thủ tục
chuyển cảng đi và thủ tục chuyển cảng đến) để giải quyết cho người, tàu
thuyền Việt Nam xuất cảnh, nhập cảnh, người, tàu thuyền nước ngoài nhập
cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, chuyển cảng.
Bộ đội Biên phòng là lực lượng vũ trang nhân dân của Đảng, của Nhà
nước CHXHCN Việt Nam và là một thành phần của Quân đội nhân dân Việt
Nam nên từ tổ chức cho đến hoạt động của BĐBP đặt dưới sự lãnh đạo của
Đảng, trực tiếp là Quân uỷ Trung ương, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự
thống nhất QLNN của Chính phủ và sự quản lý, chỉ huy của Bộ Quốc phòng.
Cơ chế lãnh đạo, quản lý, chỉ huy này bảo đảm cho mọi hoạt động của BĐBP
bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước,
các quy định có tính chất đặc thù của Quân đội do Bộ Quốc phòng đề ra.
34
2.1.2.3. Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội
Biên phòng được tiến hành trong sự kết hợp hài hoà giữa các hình thức,
phương pháp quản lý nhà nước với các biện pháp công tác biên phòng
Hình thức quản lý thường được hiểu là hoạt động biểu hiện ra bên ngoài
của chủ thể quản lý nhằm thực hiện tác động quản lý [126, tr.111]. Hình thức
QLNN là hoạt động biểu hiện ra bên ngoài của chủ thể QLNN nhằm thực
hiện các nội dung của QLNN. Căn cứ vào tính chất tổ chức - pháp lý của
những hoạt động cụ thể cùng loại, với phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn do pháp
luật quy định, BĐBP thực hiện QLNN về BGQGTB thông qua 4 hình thức là
ban hành văn bản hành chính, thực hiện những hoạt động khác mang tính chất
pháp lý, áp dụng những biện pháp tổ chức trực tiếp và thực hiện những tác
động về nghiệp vụ - kỹ thuật.
Phương pháp quản lý thường được hiểu là cách thức tác động của chủ thể
quản lý lên đối tượng quản lý nhằm đạt được hành vi xử sự cần thiết [126,
tr.125]. Do đó, phương pháp QLNN là cách thức tác động của chủ thể QLNN
tới các đối tượng quản lý nhằm đạt được hành vi xử sự cần thiết theo quy định
của pháp luật. Trên cơ sở bảo đảm sự tác động đến hành vi và nhận thức của
đối tượng quản lý, phương pháp QLNN mà BĐBP sử dụng bao gồm: thuyết
phục, cưỡng chế, hành chính và kinh tế.
Các hình thức QLNN và phương pháp QLNN được tiến hành trong sự
kết hợp chặt chẽ và hài hoà với việc thực hiện các biện pháp công tác biên
phòng (vận động quần chúng, vũ trang biên phòng, trinh sát biên phòng, kiểm
soát hành chính, công trình kỹ thuật bảo vệ biên giới và đối ngoại biên
phòng). Những biện pháp này xác định cách thức tiến hành quản lý, bảo vệ
biên giới bằng những việc làm cụ thể của BĐBP để giải quyết những vụ việc,
sự việc, hiện tượng cụ thể xảy ra trên KVBG [13, tr.50], nhưng luôn phải bảo
đảm tính pháp lý nên sự kết hợp giữa chúng với các phương pháp QLNN
mang tính khách quan, như: biện pháp vận động quần chúng kết hợp với các
35
phương pháp QLNN để tuyên truyền, PBGDPL, xây dựng, củng cố phong
trào quần chúng bảo vệ an ninh, biên giới, vùng biển. Biện pháp vũ trang biên
phòng, kiểm soát hành chính, trinh sát biên phòng hỗ trợ cho việc thực hiện
phương pháp cưỡng chế, phương pháp hành chính. Biện pháp công trình kỹ
thuật bảo vệ biên giới bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật cho việc
thực hiện các hình thức, phương pháp QLNN. Biện pháp đối ngoại biên
phòng kết hợp với các hình thức và phương pháp QLNN trong quá trình giải
quyết các công việc liên quan đến lực lượng bảo vệ biên giới nước láng giềng.
2.1.2.4. Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội
Biên phòng là hoạt động mang tính chính trị, pháp lý, hành chính, quân sự,
an ninh, kinh tế, văn hoá - xã hội, đối ngoại
Với vai trò là lực lượng vũ trang nhân dân của Đảng, Nhà nước, tổ chức
và hoạt động của BĐBP đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Quân uỷ
Trung ương, sự quản lý thống nhất của Chính phủ nhằm tổ chức thực hiện chủ
trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên địa bàn
biên giới. Việc xử lý mọi vấn đề liên quan đến QLNN về BGQGTB của
BĐBP luôn gắn liền với trách nhiệm xây dựng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân
dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Bởi vậy, tính chính trị trong QLNN về
BGQGTB của BĐBP được thể hiện rõ nét và xuyên suốt, nhưng hơn hết là
tính pháp lý. Mọi hoạt động của BĐBP đều dựa trên cơ sở pháp luật và để
thực hiện pháp luật, nhất là pháp luật về BGQG.
Chiến đấu là chức năng cơ bản của Quân đội nói chung, của BĐBP nói
riêng. Do đó, một trong những biện pháp để quản lý, bảo vệ BGQGTB của
BĐBP là sử dụng sức mạnh quân sự, các biện pháp đấu tranh vũ trang để
chống lại mọi hành động xâm lược lãnh thổ từ hướng biển. Trong thời bình,
hoạt động thường xuyên của BĐBP là tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp
luật về BGQG; kiểm soát hoạt động của người, phương tiện trong KVBGB,
tại các CKCB; tiến hành các thủ tục hành chính theo thẩm quyền (xuất, nhập
36
cảnh; xử phạt VPHC). Tính chất quân sự, hành chính trong QLNN về
BGQGTB của BĐBP luôn gắn bó mật thiết với nhau, là nhiệm vụ cơ bản,
thường xuyên và lâu dài của lực lượng BĐBP.
An ninh quốc gia là sự ổn định, bình yên của đất nước, của chế độ; là
trạng thái yên ổn, thanh bình trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội [92,
tr.14]. Việc giữ gìn an ninh quốc gia trên địa bàn KVBGB có ý nghĩa quan
trọng đối với việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Trên địa bàn
chiến lược này, BĐBP là một trong những chủ thể chuyên trách QLNN về an
ninh quốc gia. Do đó, tính chất an ninh luôn tồn tại trong mọi hoạt động của
BĐBP, nhất là giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở KVBGB.
Để xây dựng tiềm lực và thế trận biên phòng toàn dân trong sự nghiệp
đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, BĐBP vừa quản lý, bảo vệ BGQGTB,
giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, ATXH ở KVBGB, vừa tham gia vào các hoạt
động kinh tế (đóng, sửa chữa tàu thuyền; xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông
nông thôn…), văn hoá - xã hội (PBGDPL; vận động nhân dân chấp hành
đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các điều ước quốc
tế; xoá mù chữ; khám, chữa bệnh cho nhân dân, gia đình chính sách; xây
dựng nhà ở cho người nghèo, gia đình chính sách; phòng, chống và khắc phục
hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn …) tại địa bàn đóng quân. Tính chất kinh tế
- xã hội thể hiện rõ nét trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng KVBGB
của BĐBP, đó là sự khẳng định, BĐBP không chỉ là đội quân chiến đấu mà
còn có nhiệm vụ lao động sản xuất và tổ chức xây dựng xã hội mới.
Để QLNN về BGQGTB một cách trật tự, bền vững, ngăn ngừa nguy cơ
xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới trên biển, BĐBP còn thực
hiện hoạt động đối ngoại quân sự, đối ngoại biên phòng theo nguyên tắc, nội
dung, hình thức, biện pháp do pháp luật quy định. Việc cho phép BĐBP được
thiết lập quan hệ với lực lượng bảo vệ biên giới, chính quyền nước tiếp giáp là
để giải quyết các nhiệm vụ của BĐBP trong quản lý, bảo vệ BGQGTB, giữ
37
gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở KVBGB, CKCB; phòng, chống
ma tuý, tội phạm và các vi phạm pháp luật khác; đào tạo, bồi dưỡng về
chuyên môn, nghiệp vụ, pháp luật; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn…
2.1.2.5. Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội
Biên phòng được bảo đảm bởi hệ thống cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật,
phương tiện quân sự, dân sự
Hoạt động QLNN về BGQGTB của BĐBP cần đến nhiều loại cơ sở vật
chất, trang bị kỹ thuật, phương tiện, vũ khí, khí tài quân sự như hệ thống công
sự, trận địa phòng thủ KVBGB; hệ thống công trình bảo vệ BGQGTB; các
cầu cảng cho tàu Biên phòng neo đậu; các loại vũ khí, đạn; các thiết bị quan
sát biển; các loại công cụ hỗ trợ khác. Trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo
vệ BGQGTB, BĐBP được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ
thuật, phương tiện chuyên dùng theo quy định của pháp luật.
Với vai trò là cơ quan chuyên trách quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự tại
CKCB, để thực hiện các thủ tục biên phòng, kiểm tra, kiểm soát giấy tờ của
người, phương tiện trong KVBGB, BĐBP còn sử dụng các loại máy móc,
thiết bị kiểm tra, kiểm soát xuất, nhập cảnh tại CKCB; các thiết bị công nghệ
thông tin; camera, các loại máy soi, máy quét… để kiểm tra hộ chiếu, hành lý
của hành khách, thuyền viên tàu nước ngoài khi xuất, nhập cảnh tại CKCB và
thực hiện các hoạt động quản lý hành chính tại đơn vị.
2.1.2.6. Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội
Biên phòng được tiến hành trong cơ chế phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các
cơ quan nhà nước, các lực lượng vũ trang nhân dân khác
Quản lý, bảo vệ BGQGTB, bảo vệ an ninh chính trị giữ gìn trật tự,
ATXH ở KVBGB và tại CKCB là những nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm của
QLNN về BGQGTB. Với chức năng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản
lý, bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, trật tự BGQG, Bộ đội Biên
phòng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị quân đội đóng quân
38
trong KVBGB, Công an nhân dân, chính quyền địa phương và các cơ quan
liên quan trong việc thực hiện những nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm này.
Các cơ quan nhà nước, các lực lượng vũ trang nhân dân khác có trách
nhiệm phối hợp với BĐBP bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên biển, bảo
vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, ATXH trong KVBGB. Trong đó, Bộ đội
Hải quân, lực lượng Cảnh sát biển chịu trách nhiệm phối hợp với BĐBP quản
lý, bảo vệ BGQGTB, Bộ đội Phòng không - không quân có trách nhiệm phối
hợp với BĐBP bảo vệ BGQGTB.
2.1.2.7. Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội
Biên phòng chịu sự tác động của các yếu tố tự nhiên và xã hội diễn ra trong
khu vực biên giới biển, trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc
Các yếu tố tự nhiên KVBGB bao gồm: độ dài, cấu tạo, địa hình bờ biển;
số lượng, vị trí, độ lớn, tính chất pháp lý của các đảo gần bờ và xa bờ, các cấu
tạo địa lý khác như bãi ngầm, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, vịnh, vũng, mũi, mỏm
nhô ra biển, cửa sông, cửa lạch; diện tích vùng nước nội thủy, lãnh hải, vùng
đất ven biển, diện tích các đảo và các yếu tố thời tiết, khí hậu, thủy văn… có
ảnh hưởng đến việc tổ chức, bố trí, sử dụng lực lượng; xây dựng hệ thống cơ
sở vật chất, công trình bảo vệ biên giới; đến việc thực thi nhiệm vụ của các cơ
quan, đơn vị BĐBP tuyến biển và đặt ra yêu cầu đối với công tác huấn luyện,
đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP.
Cảnh quan thiên nhiên, môi trường KVBGB và nguồn tài nguyên sinh
vật, phi sinh vật thuộc khối nước biển, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển và
trên các đảo, quần đảo, bãi cạn lúc nổi lúc chìm, bãi ngầm thuộc chủ quyền
của Việt Nam… là những yếu tố vật chất thuộc về tiềm năng và nguồn lực
cho sự phát triển kinh tế của đất nước, là nguồn sinh kế cho cộng đồng cư dân
KVBGB, tạo công ăn việc làm cho nhân dân nhưng kéo theo đó là những biến
động về dân cư và phức tạp về an ninh trật tự ở KVBGB.
39
Các yếu tố xã hội có liên quan đến QLNN về BGQGTB của BĐBP rất
phong phú, nhưng yếu tố cơ bản nhất ảnh hưởng đến QLNN về BGQGTB của
BĐBP bao gồm yếu tố kinh tế, văn hoá, xã hội, dân cư, chính quyền KVBGB;
pháp luật về BGQGTB; chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động của các lực
lượng phối hợp, hiệp đồng với BĐBP; tình hình vi phạm chủ quyền, quyền chủ
quyền, quyền tài phán và lợi ích của quốc gia trên các vùng biển Việt Nam.
Các yếu tố tự nhiên, xã hội diễn ra trong KVBGB có ảnh hưởng tích cực
hoặc tiêu cực đến việc thực thi trách nhiệm QLNN về BGQGTB của BĐBP.
Từ việc tham mưu cho đến tổ chức, bố trí lực lượng, triển khai thực hiện
nhiệm vụ, công vụ, tiến hành phối hợp, hiệp đồng, xây dựng cơ sở hạ tầng, sử
dụng và bảo quản trang thiết bị, phương tiện, vũ khí, khí tài… của BĐBP đều
phải căn cứ vào yếu tố địa hình, thời tiết, khí hậu, thuỷ văn; tình hình dân cư,
chính quyền, lực lượng hiệp đồng và tình hình VPPL diễn ra trên địa bàn
KVBGB. Các VPPL xảy ra trên địa bàn KVBGB là các sự kiện pháp lý đòi
hỏi BĐBP phải tham mưu cho cấp có thẩm quyền giải quyết hoặc chủ trì, phối
hợp giải quyết theo thẩm quyền; đồng thời, tiến hành các biện pháp cần thiết
để đấu tranh, phòng ngừa VPPL.
2.1.3. Vai trò của quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của
Bộ đội Biên phòng
Quản lý nhà nước về BGQGTB là bộ phận của QLNN về BGQG - một
lĩnh vực của QLNN về quốc phòng, an ninh. Đối với sự nghiệp xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc, QLNN về BGQGTB có vai trò đặc biệt quan trọng. Cụ thể:
2.1.3.1. Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội
Biên phòng là hoạt động thể hiện và khẳng định chủ quyền biển, đảo của
nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Trong Luật Biển quốc tế, “hành vi bảo đảm thực thi pháp luật trên biển
thông qua hoạt động ban hành văn bản pháp luật và QLNN đối với hoạt động
trên các vùng biển” [125, tr.61] là những hành vi pháp lý đơn phương của các
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT

More Related Content

What's hot

What's hot (20)

Luận văn: Tình hình tội trộm cắp tài sản tại TP Đà Nẵng, HAY
Luận văn: Tình hình tội trộm cắp tài sản tại TP Đà Nẵng, HAYLuận văn: Tình hình tội trộm cắp tài sản tại TP Đà Nẵng, HAY
Luận văn: Tình hình tội trộm cắp tài sản tại TP Đà Nẵng, HAY
 
Luận văn: Tội giết người theo pháp luật hình sự tại tỉnh Nam Định
Luận văn: Tội giết người theo pháp luật hình sự tại tỉnh Nam ĐịnhLuận văn: Tội giết người theo pháp luật hình sự tại tỉnh Nam Định
Luận văn: Tội giết người theo pháp luật hình sự tại tỉnh Nam Định
 
Đề tài: Pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai, HOT
Đề tài: Pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai, HOTĐề tài: Pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai, HOT
Đề tài: Pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai, HOT
 
Đề tài: Hình thức chính thể Việt Nam qua các bản Hiến pháp, HOT
Đề tài: Hình thức chính thể Việt Nam qua các bản Hiến pháp, HOTĐề tài: Hình thức chính thể Việt Nam qua các bản Hiến pháp, HOT
Đề tài: Hình thức chính thể Việt Nam qua các bản Hiến pháp, HOT
 
Luận văn: Quyền con người và giáo dục quyền con người, HOT
Luận văn: Quyền con người và giáo dục quyền con người, HOTLuận văn: Quyền con người và giáo dục quyền con người, HOT
Luận văn: Quyền con người và giáo dục quyền con người, HOT
 
Đề tài: Trách nhiệm của công chức trong hoạt động công vụ, HOT
Đề tài: Trách nhiệm của công chức trong hoạt động công vụ, HOTĐề tài: Trách nhiệm của công chức trong hoạt động công vụ, HOT
Đề tài: Trách nhiệm của công chức trong hoạt động công vụ, HOT
 
Luận văn: Các tội phạm về ma túy trên địa bàn tỉnh Điện Biên
Luận văn: Các tội phạm về ma túy trên địa bàn tỉnh Điện BiênLuận văn: Các tội phạm về ma túy trên địa bàn tỉnh Điện Biên
Luận văn: Các tội phạm về ma túy trên địa bàn tỉnh Điện Biên
 
Đề tài: Thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở Hà Nội
Đề tài: Thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở Hà NộiĐề tài: Thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở Hà Nội
Đề tài: Thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở Hà Nội
 
Luận văn: Hỏi cung bị can trong Luật tố tụng hình sự, HAY
Luận văn: Hỏi cung bị can trong Luật tố tụng hình sự, HAYLuận văn: Hỏi cung bị can trong Luật tố tụng hình sự, HAY
Luận văn: Hỏi cung bị can trong Luật tố tụng hình sự, HAY
 
Luận văn: Hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo, HOT
Luận văn: Hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo, HOTLuận văn: Hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo, HOT
Luận văn: Hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo, HOT
 
Luận văn: Tội trộm cắp theo pháp luật hình sự Việt Nam, HOT
Luận văn: Tội trộm cắp theo pháp luật hình sự Việt Nam, HOTLuận văn: Tội trộm cắp theo pháp luật hình sự Việt Nam, HOT
Luận văn: Tội trộm cắp theo pháp luật hình sự Việt Nam, HOT
 
Luận văn: Bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất tại tp Hà Nội, 9d
Luận văn: Bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất tại tp Hà Nội, 9dLuận văn: Bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất tại tp Hà Nội, 9d
Luận văn: Bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất tại tp Hà Nội, 9d
 
Luận văn: Văn bản quy phạm pháp luật - Vấn đề lý luận và thực tiễn
Luận văn: Văn bản quy phạm pháp luật - Vấn đề lý luận và thực tiễnLuận văn: Văn bản quy phạm pháp luật - Vấn đề lý luận và thực tiễn
Luận văn: Văn bản quy phạm pháp luật - Vấn đề lý luận và thực tiễn
 
Phòng ngừa tình hình tội phạm tại huyện Gia Lâm, Hà Nội, HAY
Phòng ngừa tình hình tội phạm tại huyện Gia Lâm, Hà Nội, HAYPhòng ngừa tình hình tội phạm tại huyện Gia Lâm, Hà Nội, HAY
Phòng ngừa tình hình tội phạm tại huyện Gia Lâm, Hà Nội, HAY
 
Luận văn: Phòng ngừa tội phạm quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng
Luận văn: Phòng ngừa tội phạm quận Cẩm Lệ, TP Đà NẵngLuận văn: Phòng ngừa tội phạm quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng
Luận văn: Phòng ngừa tội phạm quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng
 
Luận văn: Phòng vệ chính đáng theo pháp luật hình sự, HAY
Luận văn: Phòng vệ chính đáng theo pháp luật hình sự, HAYLuận văn: Phòng vệ chính đáng theo pháp luật hình sự, HAY
Luận văn: Phòng vệ chính đáng theo pháp luật hình sự, HAY
 
Đề tài: Pháp luật về bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản
Đề tài: Pháp luật về bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sảnĐề tài: Pháp luật về bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản
Đề tài: Pháp luật về bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản
 
Luận văn: Biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trong pháp luật, HAY
Luận văn: Biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trong pháp luật, HAYLuận văn: Biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trong pháp luật, HAY
Luận văn: Biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trong pháp luật, HAY
 
Luận văn: Văn hóa pháp luật trong các cơ quan hành chính Việt Nam
Luận văn: Văn hóa pháp luật trong các cơ quan hành chính Việt Nam Luận văn: Văn hóa pháp luật trong các cơ quan hành chính Việt Nam
Luận văn: Văn hóa pháp luật trong các cơ quan hành chính Việt Nam
 
Luận văn: Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo pháp luật Việt Nam
Luận văn: Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo pháp luật Việt NamLuận văn: Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo pháp luật Việt Nam
Luận văn: Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo pháp luật Việt Nam
 

Similar to Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT

Kiểm tra, kiểm soát theo thẩm quyền cảnh sát biển Việt Nam.pdf
Kiểm tra, kiểm soát theo thẩm quyền cảnh sát biển Việt Nam.pdfKiểm tra, kiểm soát theo thẩm quyền cảnh sát biển Việt Nam.pdf
Kiểm tra, kiểm soát theo thẩm quyền cảnh sát biển Việt Nam.pdfHanaTiti
 
Luân Văn Quản lý nhà nước về hoạt động khai thác hải sản xa bờ tại Thành phố ...
Luân Văn Quản lý nhà nước về hoạt động khai thác hải sản xa bờ tại Thành phố ...Luân Văn Quản lý nhà nước về hoạt động khai thác hải sản xa bờ tại Thành phố ...
Luân Văn Quản lý nhà nước về hoạt động khai thác hải sản xa bờ tại Thành phố ...Dịch vụ viết đề tài trọn gói 0934.573.149
 
Luận Văn Quản Lý Nhà Nƣớc Về Hoạt Động Khai Thác Thủy Sản Trên Địa Bàn Quận S...
Luận Văn Quản Lý Nhà Nƣớc Về Hoạt Động Khai Thác Thủy Sản Trên Địa Bàn Quận S...Luận Văn Quản Lý Nhà Nƣớc Về Hoạt Động Khai Thác Thủy Sản Trên Địa Bàn Quận S...
Luận Văn Quản Lý Nhà Nƣớc Về Hoạt Động Khai Thác Thủy Sản Trên Địa Bàn Quận S...sividocz
 
Luận văn, đề tài: Quản lý Nhà nước về Trật tự an toàn xã hội trên địa bàn phư...
Luận văn, đề tài: Quản lý Nhà nước về Trật tự an toàn xã hội trên địa bàn phư...Luận văn, đề tài: Quản lý Nhà nước về Trật tự an toàn xã hội trên địa bàn phư...
Luận văn, đề tài: Quản lý Nhà nước về Trật tự an toàn xã hội trên địa bàn phư...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 

Similar to Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT (20)

Luận văn: Pháp luật về quản lý biên giới quốc gia trên đất liền
Luận văn: Pháp luật về quản lý biên giới quốc gia trên đất liềnLuận văn: Pháp luật về quản lý biên giới quốc gia trên đất liền
Luận văn: Pháp luật về quản lý biên giới quốc gia trên đất liền
 
Kiểm tra, kiểm soát theo thẩm quyền cảnh sát biển Việt Nam.pdf
Kiểm tra, kiểm soát theo thẩm quyền cảnh sát biển Việt Nam.pdfKiểm tra, kiểm soát theo thẩm quyền cảnh sát biển Việt Nam.pdf
Kiểm tra, kiểm soát theo thẩm quyền cảnh sát biển Việt Nam.pdf
 
QUÁ TRÌNH PHÂN ĐỊNH BIỂN GIỮA VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC Ở VỊNH BẮC BỘ (1993 - 20...
QUÁ TRÌNH PHÂN ĐỊNH BIỂN GIỮA VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC Ở VỊNH BẮC BỘ (1993 - 20...QUÁ TRÌNH PHÂN ĐỊNH BIỂN GIỮA VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC Ở VỊNH BẮC BỘ (1993 - 20...
QUÁ TRÌNH PHÂN ĐỊNH BIỂN GIỮA VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC Ở VỊNH BẮC BỘ (1993 - 20...
 
Luân Văn Quản lý nhà nước về hoạt động khai thác hải sản xa bờ tại Thành phố ...
Luân Văn Quản lý nhà nước về hoạt động khai thác hải sản xa bờ tại Thành phố ...Luân Văn Quản lý nhà nước về hoạt động khai thác hải sản xa bờ tại Thành phố ...
Luân Văn Quản lý nhà nước về hoạt động khai thác hải sản xa bờ tại Thành phố ...
 
Luận văn: Tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng, 9đ
Luận văn: Tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng, 9đLuận văn: Tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng, 9đ
Luận văn: Tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng, 9đ
 
Luận văn: Quản lý hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay
Luận văn: Quản lý hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bayLuận văn: Quản lý hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay
Luận văn: Quản lý hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay
 
Luận văn: Địa vị pháp lý của Cục điều tra chống buôn lậu, HAY
Luận văn: Địa vị pháp lý của Cục điều tra chống buôn lậu, HAYLuận văn: Địa vị pháp lý của Cục điều tra chống buôn lậu, HAY
Luận văn: Địa vị pháp lý của Cục điều tra chống buôn lậu, HAY
 
Vai trò của Quân đội nhân dân trong xây dựng hệ thống chính trị
Vai trò của Quân đội nhân dân trong xây dựng hệ thống chính trịVai trò của Quân đội nhân dân trong xây dựng hệ thống chính trị
Vai trò của Quân đội nhân dân trong xây dựng hệ thống chính trị
 
Vai trò của Quân đội nhân dân trong xây dựng hệ thống chính trị
Vai trò của Quân đội nhân dân trong xây dựng hệ thống chính trịVai trò của Quân đội nhân dân trong xây dựng hệ thống chính trị
Vai trò của Quân đội nhân dân trong xây dựng hệ thống chính trị
 
Luận văn: Pháp luật về quốc phòng của UBND cấp xã Tp Đà Nẵng
Luận văn: Pháp luật về quốc phòng của UBND cấp xã Tp Đà NẵngLuận văn: Pháp luật về quốc phòng của UBND cấp xã Tp Đà Nẵng
Luận văn: Pháp luật về quốc phòng của UBND cấp xã Tp Đà Nẵng
 
Luận Văn Quản Lý Nhà Nƣớc Về Hoạt Động Khai Thác Thủy Sản Trên Địa Bàn Quận S...
Luận Văn Quản Lý Nhà Nƣớc Về Hoạt Động Khai Thác Thủy Sản Trên Địa Bàn Quận S...Luận Văn Quản Lý Nhà Nƣớc Về Hoạt Động Khai Thác Thủy Sản Trên Địa Bàn Quận S...
Luận Văn Quản Lý Nhà Nƣớc Về Hoạt Động Khai Thác Thủy Sản Trên Địa Bàn Quận S...
 
Tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng theo pháp luật hình sự v...
Tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng theo pháp luật hình sự v...Tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng theo pháp luật hình sự v...
Tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng theo pháp luật hình sự v...
 
Luận văn: Bảo vệ và phát triển rừng theo pháp luật tỉnh Quảng Nam
Luận văn: Bảo vệ và phát triển rừng theo pháp luật tỉnh Quảng NamLuận văn: Bảo vệ và phát triển rừng theo pháp luật tỉnh Quảng Nam
Luận văn: Bảo vệ và phát triển rừng theo pháp luật tỉnh Quảng Nam
 
uận văn: Bảo vệ và phát triển rừng theo pháp luật Việt Nam, HOT
uận văn: Bảo vệ và phát triển rừng theo pháp luật Việt Nam, HOTuận văn: Bảo vệ và phát triển rừng theo pháp luật Việt Nam, HOT
uận văn: Bảo vệ và phát triển rừng theo pháp luật Việt Nam, HOT
 
Quản lý nhà nước về lãnh sự và bảo hộ công dân tỉnh Quảng Nam
Quản lý nhà nước về lãnh sự và bảo hộ công dân tỉnh Quảng NamQuản lý nhà nước về lãnh sự và bảo hộ công dân tỉnh Quảng Nam
Quản lý nhà nước về lãnh sự và bảo hộ công dân tỉnh Quảng Nam
 
Luận văn: Quản lý về lãnh sự và bảo hộ công dân tại Quảng Nam
Luận văn: Quản lý về lãnh sự và bảo hộ công dân tại Quảng NamLuận văn: Quản lý về lãnh sự và bảo hộ công dân tại Quảng Nam
Luận văn: Quản lý về lãnh sự và bảo hộ công dân tại Quảng Nam
 
Luận văn: Quản lý nhà nước về lãnh sự và bảo hộ công dân, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về lãnh sự và bảo hộ công dân, HOTLuận văn: Quản lý nhà nước về lãnh sự và bảo hộ công dân, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về lãnh sự và bảo hộ công dân, HOT
 
Áp Dụng Pháp Luật Trong Cấp Và Quản Lý Chứng Minh Nhân Dân Ở Việt Nam Hiện Na...
Áp Dụng Pháp Luật Trong Cấp Và Quản Lý Chứng Minh Nhân Dân Ở Việt Nam Hiện Na...Áp Dụng Pháp Luật Trong Cấp Và Quản Lý Chứng Minh Nhân Dân Ở Việt Nam Hiện Na...
Áp Dụng Pháp Luật Trong Cấp Và Quản Lý Chứng Minh Nhân Dân Ở Việt Nam Hiện Na...
 
Kinh nghiệm của ASEAN về giải quyết tranh chấp lãnh thổ biển
Kinh nghiệm của ASEAN về giải quyết tranh chấp lãnh thổ biểnKinh nghiệm của ASEAN về giải quyết tranh chấp lãnh thổ biển
Kinh nghiệm của ASEAN về giải quyết tranh chấp lãnh thổ biển
 
Luận văn, đề tài: Quản lý Nhà nước về Trật tự an toàn xã hội trên địa bàn phư...
Luận văn, đề tài: Quản lý Nhà nước về Trật tự an toàn xã hội trên địa bàn phư...Luận văn, đề tài: Quản lý Nhà nước về Trật tự an toàn xã hội trên địa bàn phư...
Luận văn, đề tài: Quản lý Nhà nước về Trật tự an toàn xã hội trên địa bàn phư...
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620

Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620 (20)

Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 ĐiểmDanh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
 
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý TưởngDanh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
 

Recently uploaded

30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Báo cáo thực tập tốt nghiệp Kế toán tiền mặt tại Công ty trách nhiệm hữu hạn ...
Báo cáo thực tập tốt nghiệp Kế toán tiền mặt tại Công ty trách nhiệm hữu hạn ...Báo cáo thực tập tốt nghiệp Kế toán tiền mặt tại Công ty trách nhiệm hữu hạn ...
Báo cáo thực tập tốt nghiệp Kế toán tiền mặt tại Công ty trách nhiệm hữu hạn ...lamluanvan.net Viết thuê luận văn
 
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 21-30)...
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 21-30)...40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 21-30)...
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 21-30)...Nguyen Thanh Tu Collection
 
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 31-39)...
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 31-39)...40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 31-39)...
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 31-39)...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Báo cáo bài tập Quản trị Marketing Kế hoạch marketing cho ống hút cỏ của Gree...
Báo cáo bài tập Quản trị Marketing Kế hoạch marketing cho ống hút cỏ của Gree...Báo cáo bài tập Quản trị Marketing Kế hoạch marketing cho ống hút cỏ của Gree...
Báo cáo bài tập Quản trị Marketing Kế hoạch marketing cho ống hút cỏ của Gree...lamluanvan.net Viết thuê luận văn
 
CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN...
CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN...CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN...
CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN...lamluanvan.net Viết thuê luận văn
 
4.NGÂN HÀNG KĨ THUẬT SỐ-slide CHƯƠNG 3.pptx
4.NGÂN HÀNG KĨ THUẬT SỐ-slide CHƯƠNG 3.pptx4.NGÂN HÀNG KĨ THUẬT SỐ-slide CHƯƠNG 3.pptx
4.NGÂN HÀNG KĨ THUẬT SỐ-slide CHƯƠNG 3.pptxsongtoan982017
 
NHKTS SLIDE B2 KHAI NIEM FINTECH VA YEU TO CUNG CAU DOI MOI TRONG CN_GV HANG ...
NHKTS SLIDE B2 KHAI NIEM FINTECH VA YEU TO CUNG CAU DOI MOI TRONG CN_GV HANG ...NHKTS SLIDE B2 KHAI NIEM FINTECH VA YEU TO CUNG CAU DOI MOI TRONG CN_GV HANG ...
NHKTS SLIDE B2 KHAI NIEM FINTECH VA YEU TO CUNG CAU DOI MOI TRONG CN_GV HANG ...songtoan982017
 
TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT TIẾNG ANH 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, ...
TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT TIẾNG ANH 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, ...TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT TIẾNG ANH 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, ...
TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT TIẾNG ANH 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Nhân vật người mang lốt cóc trong truyện cổ tích thần kỳ Việt Nam
Nhân vật người mang lốt cóc trong truyện cổ tích thần kỳ Việt NamNhân vật người mang lốt cóc trong truyện cổ tích thần kỳ Việt Nam
Nhân vật người mang lốt cóc trong truyện cổ tích thần kỳ Việt Namlamluanvan.net Viết thuê luận văn
 
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 11 - CÁN...
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 11 - CÁN...ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 11 - CÁN...
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 11 - CÁN...Nguyen Thanh Tu Collection
 
TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT HÓA HỌC 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, TRƯ...
TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT HÓA HỌC 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, TRƯ...TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT HÓA HỌC 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, TRƯ...
TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT HÓA HỌC 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, TRƯ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Vận dụng thi pháp học vào phân tích truyện ngắn Chiếc thuyền ...
Vận dụng thi pháp học vào phân tích truyện ngắn Chiếc thuyền ...Vận dụng thi pháp học vào phân tích truyện ngắn Chiếc thuyền ...
Vận dụng thi pháp học vào phân tích truyện ngắn Chiếc thuyền ...lamluanvan.net Viết thuê luận văn
 
CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN...
CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN...CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN...
CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN...lamluanvan.net Viết thuê luận văn
 
Phân tích báo cáo tài chính tại công ty TNHH xây dựng và thương mại Thịnh An
Phân tích báo cáo tài chính tại công ty TNHH xây dựng và thương mại Thịnh AnPhân tích báo cáo tài chính tại công ty TNHH xây dựng và thương mại Thịnh An
Phân tích báo cáo tài chính tại công ty TNHH xây dựng và thương mại Thịnh Anlamluanvan.net Viết thuê luận văn
 
NGÂN HÀNG KĨ THUẬT SỐ-slide CHƯƠNG 1 B 1 2024.pptx
NGÂN HÀNG KĨ THUẬT SỐ-slide CHƯƠNG 1 B 1 2024.pptxNGÂN HÀNG KĨ THUẬT SỐ-slide CHƯƠNG 1 B 1 2024.pptx
NGÂN HÀNG KĨ THUẬT SỐ-slide CHƯƠNG 1 B 1 2024.pptxsongtoan982017
 
Bài tập lớn môn Văn hóa kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp Trình bày về triế...
Bài tập lớn môn Văn hóa kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp Trình bày về triế...Bài tập lớn môn Văn hóa kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp Trình bày về triế...
Bài tập lớn môn Văn hóa kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp Trình bày về triế...lamluanvan.net Viết thuê luận văn
 
Mở rộng hoạt động cho vay tiêu dùng tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Mar...
Mở rộng hoạt động cho vay tiêu dùng tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Mar...Mở rộng hoạt động cho vay tiêu dùng tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Mar...
Mở rộng hoạt động cho vay tiêu dùng tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Mar...lamluanvan.net Viết thuê luận văn
 

Recently uploaded (20)

30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Báo cáo thực tập tốt nghiệp Kế toán tiền mặt tại Công ty trách nhiệm hữu hạn ...
Báo cáo thực tập tốt nghiệp Kế toán tiền mặt tại Công ty trách nhiệm hữu hạn ...Báo cáo thực tập tốt nghiệp Kế toán tiền mặt tại Công ty trách nhiệm hữu hạn ...
Báo cáo thực tập tốt nghiệp Kế toán tiền mặt tại Công ty trách nhiệm hữu hạn ...
 
TIỂU LUẬN MÔN PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
TIỂU LUẬN MÔN PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU KHOA HỌCTIỂU LUẬN MÔN PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
TIỂU LUẬN MÔN PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
 
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 21-30)...
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 21-30)...40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 21-30)...
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 21-30)...
 
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 31-39)...
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 31-39)...40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 31-39)...
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 31-39)...
 
Báo cáo bài tập Quản trị Marketing Kế hoạch marketing cho ống hút cỏ của Gree...
Báo cáo bài tập Quản trị Marketing Kế hoạch marketing cho ống hút cỏ của Gree...Báo cáo bài tập Quản trị Marketing Kế hoạch marketing cho ống hút cỏ của Gree...
Báo cáo bài tập Quản trị Marketing Kế hoạch marketing cho ống hút cỏ của Gree...
 
CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN...
CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN...CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN...
CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN...
 
4.NGÂN HÀNG KĨ THUẬT SỐ-slide CHƯƠNG 3.pptx
4.NGÂN HÀNG KĨ THUẬT SỐ-slide CHƯƠNG 3.pptx4.NGÂN HÀNG KĨ THUẬT SỐ-slide CHƯƠNG 3.pptx
4.NGÂN HÀNG KĨ THUẬT SỐ-slide CHƯƠNG 3.pptx
 
Trích dẫn theo Harvard với Microsoft Word
Trích dẫn theo Harvard với Microsoft WordTrích dẫn theo Harvard với Microsoft Word
Trích dẫn theo Harvard với Microsoft Word
 
NHKTS SLIDE B2 KHAI NIEM FINTECH VA YEU TO CUNG CAU DOI MOI TRONG CN_GV HANG ...
NHKTS SLIDE B2 KHAI NIEM FINTECH VA YEU TO CUNG CAU DOI MOI TRONG CN_GV HANG ...NHKTS SLIDE B2 KHAI NIEM FINTECH VA YEU TO CUNG CAU DOI MOI TRONG CN_GV HANG ...
NHKTS SLIDE B2 KHAI NIEM FINTECH VA YEU TO CUNG CAU DOI MOI TRONG CN_GV HANG ...
 
TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT TIẾNG ANH 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, ...
TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT TIẾNG ANH 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, ...TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT TIẾNG ANH 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, ...
TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT TIẾNG ANH 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, ...
 
Nhân vật người mang lốt cóc trong truyện cổ tích thần kỳ Việt Nam
Nhân vật người mang lốt cóc trong truyện cổ tích thần kỳ Việt NamNhân vật người mang lốt cóc trong truyện cổ tích thần kỳ Việt Nam
Nhân vật người mang lốt cóc trong truyện cổ tích thần kỳ Việt Nam
 
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 11 - CÁN...
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 11 - CÁN...ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 11 - CÁN...
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 11 - CÁN...
 
TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT HÓA HỌC 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, TRƯ...
TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT HÓA HỌC 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, TRƯ...TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT HÓA HỌC 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, TRƯ...
TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT HÓA HỌC 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, TRƯ...
 
Vận dụng thi pháp học vào phân tích truyện ngắn Chiếc thuyền ...
Vận dụng thi pháp học vào phân tích truyện ngắn Chiếc thuyền ...Vận dụng thi pháp học vào phân tích truyện ngắn Chiếc thuyền ...
Vận dụng thi pháp học vào phân tích truyện ngắn Chiếc thuyền ...
 
CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN...
CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN...CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN...
CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN...
 
Phân tích báo cáo tài chính tại công ty TNHH xây dựng và thương mại Thịnh An
Phân tích báo cáo tài chính tại công ty TNHH xây dựng và thương mại Thịnh AnPhân tích báo cáo tài chính tại công ty TNHH xây dựng và thương mại Thịnh An
Phân tích báo cáo tài chính tại công ty TNHH xây dựng và thương mại Thịnh An
 
NGÂN HÀNG KĨ THUẬT SỐ-slide CHƯƠNG 1 B 1 2024.pptx
NGÂN HÀNG KĨ THUẬT SỐ-slide CHƯƠNG 1 B 1 2024.pptxNGÂN HÀNG KĨ THUẬT SỐ-slide CHƯƠNG 1 B 1 2024.pptx
NGÂN HÀNG KĨ THUẬT SỐ-slide CHƯƠNG 1 B 1 2024.pptx
 
Bài tập lớn môn Văn hóa kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp Trình bày về triế...
Bài tập lớn môn Văn hóa kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp Trình bày về triế...Bài tập lớn môn Văn hóa kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp Trình bày về triế...
Bài tập lớn môn Văn hóa kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp Trình bày về triế...
 
Mở rộng hoạt động cho vay tiêu dùng tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Mar...
Mở rộng hoạt động cho vay tiêu dùng tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Mar...Mở rộng hoạt động cho vay tiêu dùng tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Mar...
Mở rộng hoạt động cho vay tiêu dùng tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Mar...
 

Luận văn: Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển, HOT

  • 1. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI TRẦN MINH NGUYỆT QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BIÊN GIỚI QUỐC GIA TRÊN BIỂN CỦA BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG VIỆT NAM LUẬN ÁN TIẾN SĨ LUẬT HỌC HÀ NỘI - 2018
  • 2. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI TRẦN MINH NGUYỆT QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BIÊN GIỚI QUỐC GIA TRÊN BIỂN CỦA BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG VIỆT NAM Ngành: Luật Hiến pháp và Luật Hành chính Mã số: 9380102 LUẬN ÁN TIẾN SĨ LUẬT HỌC Người hướng dẫn khoa học: GS.TS. Võ Khánh Vinh HÀ NỘI - 2018
  • 3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong Luận án là trung thực và chưa từng được công bố trong bất kỳ công trình khoa học nào. TÁC GIẢ LUẬN ÁN Trần Minh Nguyệt
  • 4. MỤC LỤC Trang MỞ ĐẦU 1 Chương 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU 7 1.1. Tình hình nghiên cứu 7 1.2. Đánh giá tình hình nghiên cứu và những vấn đề đặt ra nghiên cứu trong luận án 17 1.3. Cơ sở lý thuyết nghiên cứu của đề tài luận án 20 Chương 2. LÝ LUẬN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BIÊN GIỚI QUỐC GIA TRÊN BIỂN CỦA BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG 23 2.1. Khái niệm, đặc điểm, vai trò của quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng 23 2.2. Chủ thể quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng 42 2.3. Nội dung quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng 49 Chương 3. THỰC TRẠNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BIÊN GIỚI QUỐC GIA TRÊN BIỂN CỦA BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG 57 3.1. Những yếu tố cơ bản tác động đến quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng 57 3.2. Thực trạng chủ thể, nội dung quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển 68 3.3. Đánh giá thực trạng quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng 99 Chương 4. PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BIÊN GIỚI QUỐC GIA TRÊN BIỂN CỦA BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG 110 4.1. Phương hướng tăng cường quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng 110 4.2. Giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng 113 KẾT LUẬN 143 DANH MỤC CÔNG TRÌNH CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ 145 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 146 PHỤ LỤC 161
  • 5. DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT ATXH An toàn xã hội CHXHCN Cộng hòa xã hội chủ nghĩa CKCB Cửa khẩu cảng biển BĐBP Bộ đội Biên phòng BGQG Biên giới quốc gia BGQGTB Biên giới quốc gia trên biển ĐBP Đồn Biên phòng KVBG Khu vực biên giới KVBGB Khu vực biên giới biển PBGDPL Phổ biến, giáo dục pháp luật QLNN Quản lý nhà nước VPHC Vi phạm hành chính VPPL Vi phạm pháp luật VBQPPL Văn bản quy phạm pháp luật
  • 6. 1 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển là một bộ phận của quản lý nhà nước về biên giới quốc gia, một lĩnh vực trọng yếu của quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Luật Biên giới quốc gia năm 2003 quy định: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về biên giới quốc gia; Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về biên giới quốc gia. Bộ đội Biên phòng thuộc Bộ Quốc phòng là "lực lượng nòng cốt, chuyên trách phối hợp với lực lượng Công an, các ngành hữu quan và chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới theo quy định của pháp luật" [94]. Kể từ năm 2004 đến nay, Chính phủ chính thức giao cho Bộ đội Biên phòng trách nhiệm quản lý nhà nước về biên giới quốc gia. Trong đó, trách nhiệm quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng được ghi nhận tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý khác nhau, do nhiều chủ thể có thẩm quyền ban hành. Các quy định của pháp luật đã tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu cho việc thực thi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ đội Biên phòng trên địa bàn khu vực biên giới biển. Những năm qua, việc thực hiện trách nhiệm của Bộ đội Biên phòng trong quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; an ninh, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới biển cơ bản ổn định; các mặt công tác khác (tham mưu, đối ngoại, quân sự, xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân, xây dựng khu vực biên giới biển vững mạnh về mọi mặt, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn…) ngày càng được tăng cường. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, đặc biệt là nguy cơ chủ
  • 7. 2 quyền biển, đảo bị xâm phạm và sự thiếu hoàn thiện của pháp luật về quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia đã khiến cho việc thực hiện trách nhiệm của Bộ đội Biên phòng trong quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển còn có những khó khăn, vướng mắc và hạn chế nhất định, như: hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về biên giới quốc gia chưa được tiến hành thường xuyên; công tác nắm, dự báo tình hình, tham mưu và xử lý các tình huống vi phạm chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trên biển có lúc, có nơi, có vụ việc chưa kịp thời, chủ động và chưa sát với thực tế; việc thực hiện thẩm quyền của Bộ đội Biên phòng trong tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật trong khu vực biên giới biển có việc còn lúng túng, hiệu quả chưa cao; công tác phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng với các cơ quan, lực lượng chức năng trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trên biển, giữ gìn an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới biển chưa thực sự thường xuyên, thông suốt và hiệu quả… Những hạn chế trên có ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới. Tuy nhiên, thời gian qua, chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu một cách có hệ thống và toàn diện vấn đề này. Bởi vậy, việc nghiên cứu sinh lựa chọn đề tài Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng Việt Nam làm luận án tiến sĩ có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật về biển, đảo, biên giới quốc gia trên biển của Việt Nam nói chung, của Bộ đội Biên phòng nói riêng trong tình hình mới. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án 2.1. Mục đích nghiên cứu Mục đích nghiên cứu của luận án là làm sáng tỏ những vấn đề lý luận quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng; phân tích, đánh giá thực trạng quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của
  • 8. 3 Bộ đội Biên phòng ở nước ta hiện nay; trên cơ sở đó, đề xuất phương hướng, giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Để thực hiện mục tiêu nghiên cứu trên, luận án có các nhiệm vụ sau: - Nghiên cứu, đánh giá kết quả các công trình khoa học trong và ngoài nước liên quan đến đề tài luận án để từ đó xác định những vấn đề lý luận, thực tiễn và giải pháp cần nghiên cứu trong luận án. - Phân tích, làm rõ những vấn đề lý luận cơ bản của quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng, như: khái niệm, đặc điểm, vai trò, chủ thể, nội dung quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng. - Khảo sát thực tế, nghiên cứu báo cáo tổng kết công tác của Bộ đội Biên phòng, phân tích, đánh giá kết quả, rút ra những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân của những ưu điểm và hạn chế trong quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng. - Đề xuất phương hướng và giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận án là hoạt động quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. 3.2. Phạm vi nghiên cứu Phạm vi nghiên cứu của luận án là hoạt động thực thi trách nhiệm của Bộ đội Biên phòng trong quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển từ năm 2008 (thời điểm Chính phủ Việt Nam trình Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa
  • 9. 4 báo cáo quốc gia xác định ranh giới thềm lục địa nằm ngoài phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam) đến năm 2018 trong khuôn khổ khoa học Luật Hành chính Việt Nam, các quy định của pháp luật hiện hành về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ đội Biên phòng. 4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án 4.1. Phương pháp luận nghiên cứu Phương pháp luận nghiên cứu của luận án là phương pháp luận duy vật biện chứng, duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin, quan điểm của Đảng và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật; về quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. 4.2. Phương pháp nghiên cứu Phương pháp nghiên cứu của luận án bao gồm: phân tích và tổng hợp, hệ thống, so sánh, lịch sử cụ thể, chuyên gia, thống kê, lựa chọn điển hình. Ngoài ra, luận án còn sử dụng cách tiếp cận đa ngành và liên ngành luật học trong các nghiên cứu lý luận và thực trạng quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng. Bằng phương pháp thống kê, hệ thống, phân tích và tổng hợp, luận án nghiên cứu, phân tích, đánh giá kết quả các công trình khoa học liên quan đến đề tài luận án để rút ra những vấn đề cần nghiên cứu, giải quyết trong luận án. Để nghiên cứu, làm rõ lý luận quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng, luận án sử dụng phương pháp phân tích và tổng hợp với cách tiếp cận liên ngành, đa ngành luật học. Bằng phương pháp thống kê, lựa chọn điển hình, luận án nghiên cứu, đánh giá thực trạng quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến năm 2018. Các phương pháp hệ thống, phân tích và tổng hợp được luận án sử dụng để xác định phương hướng và đề ra giải pháp tăng cường trách nhiệm của Bộ đội Biên phòng trong quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển.
  • 10. 5 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án - Bổ sung, hoàn thiện lý luận quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển trong lực lượng Bộ đội Biên phòng. - Bổ sung luận cứ khoa học cho lực lượng Bộ đội Biên phòng nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển. - Góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc thực thi quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án 6.1. Ý nghĩa lý luận Kết quả nghiên cứu của luận án góp phần bổ sung, phát triển và hoàn thiện lý luận quản lý nhà nước về biên giới quốc gia nói chung, quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng nói riêng. 6.2. Ý nghĩa thực tiễn Luận án có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy về quản lý nhà nước; biên giới lãnh thổ; quản lý nhà nước về biên giới quốc gia và quản lý nhà nước về biển, đảo. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức và hiệu quả thực hiện quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng. 7. Cơ cấu của luận án Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo và Phụ lục, Luận án được kết cấu thành 4 chương sau: Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu Chương 2. Lý luận quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng Chương 3. Thực trạng quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng Chương 4. Phương hướng và giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng
  • 11. 6 Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU 1.1. Tình hình nghiên cứu 1.1.1. Các nghiên cứu ngoài nước và ở Việt Nam liên quan đến lý luận quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng Trong xã hội hiện đại, QLNN được thực hiện trên cơ sở pháp luật, đặc biệt là pháp luật hành chính. Sự đan xen giữa lĩnh vực pháp luật này với các lĩnh vực pháp luật khác đã được chứng minh. Bởi vậy, nghiên cứu về QLNN trong các lĩnh vực cụ thể dưới góc độ khoa học luật hành chính diễn ra khá phổ biến. Vấn đề này đã được thể hiện trong nhiều nghiên cứu của các học giả ngoài nước, tiêu biểu là Prosper Weil, Martine Lombard, Gilles Dumont… Tác giả Prosper Weil trong cuốn sách Luật hành chính đã đề cập đến việc chính quyền có thể đơn phương ấn định ranh giới, không cần sử dụng đến thủ tục cắm mốc phân giới hai bên đối với tài sản công cộng tự nhiên (sông ngòi, bờ biển…); có quyền cảnh sát để bảo toàn tài sản công cộng, trấn áp những sự vi phạm bằng cách xử phạt (bắt sửa chữa và chịu hình phạt) [136, tr.68]. Về quyền cảnh sát, tác giả Martine Lombard và Gilles Dumont trong cuốn sách Pháp luật hành chính của Cộng hòa Pháp [88], tác giả Phrăngxoa Galúđiên Ghiniús và các tác giả trong cuốn sách Bàn về hành chính Pháp [45] cho rằng, cảnh sát hành chính là hoạt động phòng ngừa những hành vi gây rối trật tự công và giữ gìn, bảo vệ trật tự công. Tuy không trực tiếp có những bàn luận sâu sắc về QLNN đối với BGQGTB nhưng kết quả nghiên cứu của các tác giả đã xác định cách tiếp cận QLNN đối với các ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung, BGQGTB nói riêng dưới góc độ khoa học Luật hành chính là hoàn toàn chính xác. Biên giới nói chung, BGQGTB nói riêng là giới hạn không gian chủ quyền lãnh thổ của một quốc gia, cần được hoạch định phù hợp với pháp luật quốc tế và phải được quản lý, bảo vệ để chống lại mọi nguy cơ xâm phạm chủ
  • 12. 7 quyền. Những vấn đề này đã được nghiên cứu, bàn thảo trong nhiều công trình khoa học, tiêu biểu là công trình Việc giải quyết những tranh chấp về đường biên giới trong luật pháp quốc tế của tác giả A.O.Cukwurah, Các đường biên giới của nước Campuchia cận đại của tác giả Raoul Marc Jennar, tài liệu Vấn đề hoạch định ranh giới trên biển ở Đông Nam Á của tác giả Prasit Aekaputra. Các nghiên cứu đã chỉ ra khái niệm về biên giới, BGQG, đường biên giới quốc tế, biên giới quốc tế; hình thức và đặc điểm của các đường biên giới quốc tế, trong đó có đường biên giới nước; sự phân định ranh giới và phân giới những đường biên giới quốc tế [35]; định nghĩa biên giới, tầm quan trọng và các nét đặc thù của biên giới [74]; khái niệm pháp lý và việc vạch các đường cơ sở; cách làm và vấn đề hoạch định ranh giới trên biển ở Đông Nam Á [1]. Hoạch định biên giới gắn liền với xây dựng và tổ chức lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới. Tuỳ thuộc đặc thù của từng quốc gia, việc tổ chức lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới biển có tên gọi khác nhau, phạm vi thẩm quyền khác nhau. Tiêu biểu cho các nghiên cứu về vấn đề này phải kể đến tài liệu Bàn về Biên phòng (Biên phòng luận) của tác giả Mao Chấn Phát. Trong nghiên cứu của mình, tác giả đã đề cập khái quát công tác biên phòng của một số quốc gia trên thế giới; luận giải về công năng, nhiệm vụ của biên phòng; việc tăng cường xây dựng biên phòng; tư tưởng phòng vệ biển kết hợp với quản lý biển của Trung Quốc. Theo tác giả, công tác biên phòng, hải phòng có ý nghĩa sống còn đối với đất nước Trung Quốc. Biên phòng là lực lượng có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền lợi biển của quốc gia; thúc đẩy xây dựng kinh tế, xã hội, tiến bộ ở khu vực ven biển; đấu tranh với kẻ thù xâm lược, xâm phạm và khiêu khích ở biên giới; phòng, chống xuất, nhập cảnh, phá hoại, lật đổ, buôn lậu, buôn bán ma tuý; chống thâm nhập, lật đổ, kích động chia rẽ, phá hoại đoàn kết dân tộc; tăng cường quản lý biên giới, hải đảo, kết hợp giữa bảo vệ và quản lý [91, tr.14, 25, 142, 143]. Tác giả khẳng
  • 13. 8 định: Không có quốc phòng, biên phòng mất cơ sở và trung tâm; không có biên phòng, quốc phòng mất đi chân, tay và tấm lá chắn. Bảo vệ quyền lợi biển là nhiệm vụ quan trọng của biên phòng thời kỳ mới [91, tr.142, 143, 257]. Ở Việt Nam, các công trình khoa học liên quan đến lý luận QLNN về BGQGTB của BĐBP rất phong phú, thường được tiếp cận dưới góc độ khoa học pháp lý và khoa học QLNN. Trong đó, những vấn đề lý luận của QLNN đã được luận giải về cơ bản. Tiêu biểu là nghiên cứu của các tác giả như Mai Hữu Khuê, Phạm Hồng Thái, Đinh Văn Mậu, Từ Điển, Tô Tử Hạ… Tác giả Mai Hữu Khuê với cuốn sách Lý luận QLNN đề cập một cách toàn diện những vấn đề lý luận về QLNN, nhất là các yếu tố cấu thành của nó (chủ thể, khách thể, hình thức, phương pháp), các nguyên tắc quản lý, thủ tục và quyết định hành chính, vi phạm và trách nhiệm hành chính, thẩm quyền hành chính nhà nước, thanh tra, kiểm tra, giám sát trong QLNN, cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo… [78]. Những nội dung nghiên cứu này được bổ sung, làm rõ dưới góc độ khoa học pháp lý hành chính bởi nghiên cứu của các tác giả Phạm Hồng Thái, Đinh Văn Mậu trong cuốn sách Luật Hành chính Việt Nam [105] và được thể hiện trong giáo trình của các cơ sở đào tạo như: Giáo trình Luật Hành chính Việt Nam của Học viện Hành chính Quốc gia, Trường Đại học Luật Hà Nội [63], [126]; Giáo trình thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo của Trường Đại học Luật Hà Nội [123]. Lý luận QLNN trên một số lĩnh vực cụ thể cũng đã được đề cập, nghiên cứu bởi nhiều công trình khoa học, tiêu biểu như: Giáo trình Luật Hành chính Việt Nam của Trường Đại học Luật Hà Nội [126]; Giáo trình QLNN về dân tộc, tôn giáo và Giáo trình QLNN về an ninh, quốc phòng của Học viện Hành chính Quốc gia [61], [65]. Trong các lĩnh vực của QLNN, quản lý nhà nước đối với vùng bờ, biển và hải đảo ngày càng thu hút sự quan tâm nghiên cứu của các nhà khoa học, tiêu biểu phải kể đến cuốn sách Quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo của tác giả Đặng Xuân Phương và Nguyễn Lê Tuấn [93], tài liệu Quản
  • 14. 9 lý vùng bờ của tác giả Nguyễn Bá Quỳ [100]; tài liệu Quản lý tổng hợp vùng ven biển của Đại học Nha Trang và Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng [41], tài liệu Một số vấn đề về tổ chức bộ máy QLNN về biển của Ban Biên giới của Chính phủ [3]. Các nghiên cứu đã làm rõ một số vấn đề lý luận về quản lý vùng bờ, vùng ven biển; quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo; về mô hình quản lý biển ở Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới; về kinh nghiệm xây dựng lực lượng Phòng vệ bờ biển (Coast Guard) của một số quốc gia, cường quốc biển trên thế giới; về BĐBP với tư cách là lực lượng nòng cốt, đa nhiệm, hoạt động rộng khắp từ bờ ra đến vùng biển ngoài khơi. Quản lý biển, đảo bằng pháp luật là hướng nghiên cứu được đặc biệt chú trọng kể từ sau khi Việt Nam trở thành thành viên Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Các tác giả Nguyễn Ngọc Minh với cuốn sách Luật biển [81], Trần Công Trục với luận án tiến sĩ Hoàn thiện pháp luật về QLNN đối với các vùng biển của nước CHXHCN Việt Nam [119], Nguyễn Hồng Thao với cuốn sách Những điều cần biết về Luật biển [106], Nguyễn Bá Diến với bài viết Địa vị pháp lý của các đảo trong phân định các vùng biển [36] đã đi sâu phân tích chế độ pháp lý các vùng biển, đảo; phân định biển và giải quyết tranh chấp trên biển. Cùng với hướng nghiên cứu này còn có nhiều công trình khác như cuốn sách Giới thiệu một số vấn đề cơ bản của luật biển ở Việt Nam và tài liệu Khái quát về luật biển quốc tế và việc áp dụng luật biển tại Việt Nam do Ban Biên giới của Chính phủ biên soạn [2], [4], Giáo trình Luật quốc tế và sách Luật biển quốc tế hiện đại của Trường Đại học Luật Hà Nội [124], [125]. Kết quả nghiên cứu của các tác giả đã góp phần quan trọng làm sáng tỏ chế độ pháp lý các vùng biển, đảo của Việt Nam. Trong khi đó, tác giả Lê Minh Nghĩa với đề tài nghiên cứu cấp Bộ Cơ sở khoa học của việc hoạch định và quản lý các vùng biển, thềm lục địa Việt Nam [84], Huỳnh Minh Chính với bài viết Pháp luật quốc tế và việc vạch biên giới biển giữa Việt Nam với các quốc gia láng giềng [18] đi sâu nghiên cứu, chỉ ra các căn cứ cho việc thực hiện hoạch
  • 15. 10 định và quản lý các vùng biển, thềm lục địa của nước CHXHCN Việt Nam; nguyên tắc và các yếu tố có liên quan đến việc vạch đường biên giới trên biển; quan điểm và chủ trương của Nhà nước Việt Nam trong việc hợp tác hoạch định biên giới biển với các quốc gia có liên quan. Biên giới quốc gia trên biển là bằng chứng tiên quyết cho việc khẳng định chủ quyền của quốc gia trên biển. Bởi vậy, các nghiên cứu về BGQGTB và quản lý, bảo vệ BGQGTB đã được hình thành và thể hiện qua một số công trình nghiên cứu, tiêu biểu như: Giáo trình Lý luận chung về BGQG và quản lý, bảo vệ BGQG; Giáo trình QLNN về BGQG; Giáo trình Luật Hành chính và QLNN về BGQG; Giáo trình Quy chế pháp lý BGQG của Học viện Biên phòng [49], [50], [56], [57]; Giáo trình Luật quốc tế của Trường Đại học Luật Hà Nội [124]. Các giáo trình đã đề cập đến khái niệm BGQGTB, lịch sử hình thành BGQGTB của nước CHXHCN Việt Nam; quy chế pháp lý KVBGB, các vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; quy trình xử lý các sự kiện pháp lý BGQGTB của BĐBP. 1.1.2. Các nghiên cứu ngoài nước và ở Việt Nam liên quan đến thực trạng quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng Kể từ thế kỷ XV, biển và đại dương đã trở thành đối tượng chinh phục của các quốc gia. Xu thế mở rộng quyền lực ra phía biển đã đặt biển và đại dương trở thành đối tượng điều chỉnh của luật pháp. Đối với các quốc gia có biển, quản lý biển bằng pháp luật là con đường để khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền của mình đối với các vùng biển ở phía ngoài lãnh thổ đất liền, các đảo, quần đảo. Bởi vậy, song hành với quá trình mở rộng chủ quyền quốc gia về phía biển là thực tiễn xây dựng luật biển quốc tế. Việc so sánh, đối chiếu giữa pháp luật quốc tế về biển, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 vào thực tiễn phân định biển, giải quyết tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền trên biển giữa các quốc gia trên thế giới, trong đó có các quốc gia ven bờ Biển Đông đã trở thành một trong những hướng
  • 16. 11 nghiên cứu nhận được nhiều sự quan tâm của các học giả trong và ngoài nước. Tiêu biểu phải kể đến cuốn sách Biển Đông: cuộc tìm kiếm đồng thuận nan giải của tác giả G.M. Lokshin [87], bài viết đăng trong Niêm giám về biển Các đảo và việc hoạch định không gian biển ở Biển Đông của tác giả Jon M.Vandyke, Dale L.Bennett [134]… Kết quả nghiên cứu của các tác giả đã đề cập, phân tích cụ thể, có hệ thống Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 cùng các phán quyết phân định biển của Toà án quốc tế về luật biển và khuyến nghị khả năng áp dụng cho việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, trong đó có tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và các quốc gia có liên quan. Song song với việc phân tích hoạt động hiện thực hoá yêu sách chủ quyền của các quốc gia ven Biển Đông, đặc biệt là Trung Quốc, các nghiên cứu cũng đề cập đến hoạt động ban hành Luật Biển Việt Nam năm 2012 của Quốc hội để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa; những nỗ lực quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Nhà nước Việt Nam. Hoạt động của các lực lượng quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, trong đó có BĐBP cũng được đề cập nhưng còn mờ nhạt. Liên quan đến hoạt động của các lực lượng quản lý biển, tác giả Alan Dupont và Christopher G.Baker trong bài viết Tranh chấp biển ở Đông Á: đánh cá trên vùng biển động đã đề cập đến hệ thống cơ quan đảm trách việc chấp pháp và an ninh trên biển (kiểm ngư, hải quan, hải giám, chấp pháp, biên phòng) của Trung Quốc và sự hỗ trợ của hệ thống này cho hoạt động khai thác hải sản của đội tàu cá có quy mô lớn nhất trên thế giới nhằm từng bước thực hiện mưu đồ "độc chiếm Biển Đông". Ngoài ra, các tác giả cũng đề cập đến việc Trung Quốc đơn phương áp đặt một lệnh cấm đánh bắt cá từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm ở Biển Đông và áp dụng các “biện pháp thi hành lệnh cấm bao gồm phạt tiền, tống giam, tịch thu phương tiện, đâm va tàu, cố ý đánh chìm, nổ súng và giam giữ tàu thuyền” [38, tr.8]. Những nghiên cứu trên của các tác giả đã khẳng định một thực tế là tàu cá của Trung Quốc khai thác
  • 17. 12 hải sản trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam và đây là một trong những khó khăn mà các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam nói chung, lực lượng BĐBP nói riêng phải đối mặt. Đấu tranh chống tội phạm và VPPL trên biển là trách nhiệm của các cơ quan và lực lượng thực thi pháp luật của quốc gia ven biển. Giáo sư Geoffrey Till trong bài viết "Thời khắc biển" Châu Á và vấn đề Biển Đông cho rằng: các loại tội phạm (khủng bố và cướp biển, buôn lậu thuốc phiện, ma túy, gỗ, vũ khí, buôn người) thường sử dụng Biển Đông như một phương tiện vận chuyển bất hợp pháp, điều này ảnh hưởng “đến tự do hàng hải, cả trực tiếp lẫn gián tiếp”, “gây ra rối loạn xã hội và bất ổn chính trị”, “đe dọa gián tiếp đến thương mại đường biển” [101, tr.22, 23]. Nguyên nhân cơ bản của tình trạng này được tác giả Ian Storey trong bài viết Lợi ích an ninh hàng hải của Nhật ở Đông Nam Á và tranh chấp Biển Đông xác định là do sự “kiểm soát chính trị yếu kém, điều kiện chính phủ và kinh tế xã hội nghèo nàn, và thiếu năng lực QLNN”, cũng như “sự thiếu hợp tác giữa các nước Đông Nam Á do những sự nhạy cảm về chủ quyền” [131, tr.7, 8]. Kết quả của những nghiên cứu này đã khẳng định đấu tranh chống tội phạm và VPPL trên biển là một trong những nhiệm vụ của lực lượng quản lý biển nói chung, của BĐBP nói riêng. Ở Việt Nam, thực tiễn QLNN đối với biển và hải đảo đã được nhiều nhà khoa học nghiên cứu, đánh giá với những chiều cạnh khác nhau. Tiêu biểu là cuốn sách Quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo của tác giả Đặng Xuân Phương, Nguyễn Lê Tuấn. Các tác giả cho rằng: Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế về biển nhưng đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quản lý biển, đảo, nhất là nguy cơ mất chủ quyền kinh tế trong khai thác, sử dụng biển bên cạnh nguy cơ bị chèn ép về chủ quyền lãnh thổ. Hệ thống quản lý nhà nước về biển với các chức năng QLNN đối với ngành, nghề khai thác, sử dụng biển, hải đảo cũng đã được đề cập cụ thể cho thấy sự
  • 18. 13 phân tán, thiếu hiệu quả và yêu cầu đổi mới tư duy, phương pháp và củng cố hệ thống QLNN về biển, đảo… [93]. Thực trạng pháp luật và việc thi hành pháp luật trong QLNN đối với các vùng biển Việt Nam đã được đề cập trong các nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, tiêu biểu là Luận án tiến sĩ Hoàn thiện pháp luật về QLNN đối với các vùng biển của nước CHXHCN Việt Nam của tác giả Trần Công Trục. Mặc dù tính thời sự của kết quả nghiên cứu không cao, nhưng một số hạn chế trong QLNN đối với các vùng biển được tác giả chỉ ra đến nay vẫn chưa được khắc phục, nhất là tình trạng an ninh, trật tự, tranh chấp chủ quyền trên các vùng biển còn diễn biến phức tạp; sự phân công, phân nhiệm, phạm vi trách nhiệm của các lực lượng, các ngành, các cấp trong công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát biển chưa thật rõ ràng, cụ thể, còn chồng chéo và thiếu sự phối hợp; khả năng, lực lượng, trang bị của các ngành quá yếu chưa đáp ứng với sự phát triển của tình hình trên biển [119]. Với vai trò là một trong các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, thực trạng hoạt động của BĐBP cũng được bàn thảo trong nhiều công trình khoa học, tiêu biểu là sách chuyên khảo QLNN về an ninh, trật tự KVBGB của tác giả Hoàng Hữu Chiến [16], sách chuyên khảo Nâng cao chất lượng tuyên truyền, PBGDPL của BĐBP cho đồng bào dân tộc thiểu số ở KVBG hiện nay và sách chuyên khảo Phát huy vai trò BĐBP trong PBGDPL cho nhân dân vùng biển, đảo hiện nay của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam [116], [117], Luận án Tiến sĩ BĐBP vận động ngư dân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh BGQGTB khu vực miền Trung của tác giả Vũ Hồng Khanh [76], bài viết BĐBP xử lý tàu thuyền nước ngoài VPHC trong KVBGB và bài viết BĐBP ngăn chặn tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác thuỷ sản của tác giả Hoàng Hữu Chiến [15], [17]… Các nghiên cứu trên đã góp phần làm rõ kết quả thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP trong quá trình thực hiện trách nhiệm QLNN về BGQGTB;
  • 19. 14 đồng thời, thể hiện tính chất toàn diện và phức tạp của công tác Biên phòng trên địa bàn KVBGB thời kỳ mới. Qua đó, thực trạng tổ chức thực hiện một số nội dung QLNN về BGQGTB của BĐBP đã được đề cập, phân tích, nhất là thực trạng hoạt động PBGDPL, giữ gìn an ninh, trật tự, ATXH của BĐBP ở KVBGB - địa bàn chủ yếu cho việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP. 1.1.3. Các nghiên cứu ngoài nước và ở Việt Nam liên quan đến giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng Quản lý nhà nước về BGQGTB thực chất là quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của quốc gia trên biển. Trước những căng thẳng trong việc đưa ra yêu sách chủ quyền của các quốc gia ven bờ Biển Đông, nghiên cứu của các học giả nước ngoài tập trung khuyến nghị một số giải pháp giải quyết căng thẳng, như: xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa, ngoại giao bình tĩnh; giải quyết tranh chấp bằng đối thoại trực tiếp và biện pháp hoà bình; gác tranh chấp cho tương lai và cùng phát triển chung [87]; giải quyết tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán bằng các biện pháp hoà bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; không tiến hành những hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, các hoạt động đưa người đến sinh sống trên các đảo, bãi đá ngầm, bãi cát ngầm, dải đá ngầm và những cấu trúc khác hiện chưa có người sinh sống; xử lý các bất đồng một cách xây dựng [82]. Những giải pháp này hoàn toàn phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với hoạt động quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, trong đó có BĐBP. Quản lý nhà nước về BGQGTB của BĐBP có mối quan hệ mật thiết với các lĩnh vực khác của QLNN tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo. Trước những hạn chế trong QLNN về biển, đảo thời gian qua, các nhà khoa học đã đi sâu nghiên cứu và đề xuất giải pháp cho nhiều vấn đề tồn tại trong thực tiễn. Điển hình trong các nghiên cứu đó phải kể đến cuốn sách QLNN
  • 20. 15 tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo của tác giả Đặng Xuân Phương, Nguyễn Lê Tuấn. Trong nghiên cứu của mình các tác giả đã đề cập đến phương hướng và giải pháp hoàn thiện một số nội dung QLNN tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo, như: hoàn thiện và vận hành thông suốt thể chế QLNN tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo dựa trên đổi mới tư duy hoạch định chiến lược, chính sách biển; hoàn thiện tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực phục vụ QLNN tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, hải đảo Việt Nam; hoàn thiện các luận cứ khoa học cho việc hoạch định ranh giới quản lý biển, hải đảo [93]. Pháp luật có vai trò quan trọng trong QLNN đối với biển, hải đảo Việt Nam. Trên cơ sở đánh giá những tồn tại, hạn chế của pháp luật về QLNN đối với các vùng biển Việt Nam, tác giả Trần Công Trục với luận án tiến sĩ Hoàn thiện pháp luật về QLNN đối với các vùng biển của nước CHXHCN Việt Nam đã có những đề xuất về phương hướng, giải pháp hoàn thiện pháp luật về QLNN đối với các vùng biển của nước CHXHCN Việt Nam; trong đó, bổ sung, hoàn thiện pháp luật nhằm củng cố, tăng cường hệ thống tổ chức QLNN đối với các vùng biển được coi là một giải pháp cơ bản. Trong giải pháp này, tác giả đã kiến nghị phạm vi thẩm quyền của BĐBP và cơ chế phối hợp giữa BĐBP với các lực lượng khác trong quản lý, bảo vệ BGQGTB, bảo đảm an ninh, trật tự, xử lý vi phạm pháp luật trên biển [119]. Các nghiên cứu chuyên sâu về một số hoạt động cụ thể của BĐBP cũng đã đề cập đến những giải pháp cho việc nâng cao hiệu quả thực thi một số nhiệm vụ cụ thể của BĐBP tuyến biên giới biển, như: giải pháp phát huy vai trò của BĐBP trong PBGDPL cho nhân dân vùng biển, đảo [117], giải pháp nâng cao hiệu quả công tác vận động ngư dân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh BGQGTB [76], giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động QLNN về an ninh, trật tự KVBGB, xử lý tàu thuyền nước ngoài VPHC trong
  • 21. 16 KVBGB, ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác thuỷ sản [16], [15], [17]; giải pháp nâng cao hiệu quả phối hợp giữa BĐBP với Cảnh sát biển trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển [43]. 1.2. Đánh giá tình hình nghiên cứu và những vấn đề đặt ra nghiên cứu trong luận án 1.2.1. Đánh giá tình hình nghiên cứu Qua nghiên cứu các công trình khoa học tiêu biểu liên quan đến đề tài luận án từ trước tới nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam, có thể nhận thấy những kết quả đã đạt được như sau: Thứ nhất, về lý luận Các công trình nghiên cứu đã làm rõ những vấn đề lý luận cơ bản của QLNN về BGQG (khái niệm, đặc điểm, chủ thể, khách thể, nội dung, hình thức, phương pháp); khái niệm, lịch sử hình thành BGQGTB của Việt Nam; hoạt động PBGDPL, vận động quần chúng, giữ gìn an ninh, trật tự của BĐBP ở KVBGB. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu chưa làm sáng tỏ một cách có hệ thống lý luận QLNN về BGQGTB của BĐBP. Thứ hai, về thực trạng Các công trình được nghiên cứu đã có những đánh giá xác thực về kết quả thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP trong QLNN về BGQGTB, như: PBGDPL cho nhân dân vùng biển, đảo; giữ gìn an ninh, trật tự KVBGB; quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo... Do đó, chưa đủ để làm sáng tỏ thực trạng QLNN về BGQGTB của BĐBP một cách toàn diện dưới góc độ khoa học Luật Hiến pháp và Luật hành chính. Thứ ba, về giải pháp Kết quả của các công trình được nghiên cứu đã đưa ra một số giải pháp để nâng cao hiệu quả QLNN về biển, hải đảo; trong đó có những nhóm giải pháp quan trọng như hoàn thiện tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực cho QLNN về biển, hải đảo; hoàn thiện pháp luật về BGQGTB của nước
  • 22. 17 CHXHCN Việt Nam. Tại một số công trình nghiên cứu chuyên sâu về hoạt động của BĐBP, các tác giả đã có những khuyến nghị về quan điểm, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của BĐBP trên các mặt công tác cụ thể, như: giữ gìn an ninh, trật tự KVBGB; vận động ngư dân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh BGQGTB; PBGDPL cho nhân dân vùng biển, đảo; xử lý VPHC của tàu thuyền nước ngoài… Tuy nhiên, chưa có bất kỳ công trình khoa học nào đề cập nghiên cứu có hệ thống phương hướng và giải pháp tăng cường QLNN về BGQGTB của BĐBP. Như vậy, những công trình khoa học được nghiên cứu chưa luận giải một cách toàn diện, có hệ thống lý luận, thực trạng QLNN về BGQGTB của BĐBP, cũng như chưa có những phương hướng, giải pháp phù hợp nhằm tăng cường QLNN về BGQGTB của BĐBP trong tình hình mới. Vì vậy, đề tài luận án có trách nhiệm tiếp tục nghiên cứu và làm sáng tỏ những vấn đề trên. 1.2.2. Những vấn đề đặt ra nghiên cứu trong luận án Từ việc phân tích kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học có liên quan, luận án xác định những vấn đề sau cần được tiếp tục nghiên cứu: Thứ nhất, những vấn đề lý luận cần nghiên cứu trong luận án - Luận án có nhiệm vụ phân tích một cách khoa học các quan niệm về QLNN, về biên giới và BGQGTB để đưa ra quan niệm QLNN về BGQGTB của BĐBP. - Quản lý nhà nước về BGQGTB là một lĩnh vực cụ thể và đặc thù của QLNN nhưng lý luận về nó chưa được nghiên cứu một cách chuyên biệt và có hệ thống. Vì vậy, luận án có trách nhiệm làm rõ đặc điểm, vai trò, chủ thể, nội dung QLNN về BGQGTB trên cơ sở kế thừa hợp lý kết quả của các công trình khoa học liên quan. - Quản lý nhà nước về BGQGTB đa dạng về chủ thể quản lý nên luận án có trách nhiệm làm rõ tổ chức, thẩm quyền của BĐBP trong QLNN về BGQGTB. Nội dung QLNN về BGQGTB rất đa dạng, do nhiều chủ thể thực
  • 23. 18 hiện trong phạm vi thẩm quyền do pháp luật quy định nên luận án cần đi sâu làm rõ nội dung QLNN về BGQGTB của BĐBP. Thứ hai, những vấn đề thực tiễn cần nghiên cứu trong luận án Các công trình khoa học liên quan đến đề tài luận án chủ yếu nghiên cứu, đánh giá thực trạng một số hoạt động của BĐBP trên địa bàn KVBGB nhưng chưa có những nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện thực trạng QLNN về BGQGTB của BĐBP, trong khi BĐBP là chủ thể chủ trì, phối hợp với các đơn vị quân đội đóng quân trong KVBGB, Công an nhân dân, chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan thực hiện quản lý, bảo vệ BGQGTB; bảo vệ an ninh chính trị và giữ gìn trật tự, ATXH trong KVBGB theo quy định của pháp luật. Do đó, luận án cần nghiên cứu, làm sáng tỏ thực trạng BĐBP tham mưu cho cấp có thẩm quyền thực hiện QLNN về BGQGTB và tổ chức thực hiện trách nhiệm của mình trong QLNN về BGQGTB. Thứ ba, phương hướng và giải pháp cần nghiên cứu trong luận án Việc nghiên cứu, xác định phương hướng, kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN về biển, hải đảo, cũng như giải pháp nâng cao hiệu quả một số hoạt động cụ thể của BĐBP (PGGDPL, vận động quần chúng, QLNN về an ninh, trật tự KVBGB; quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia trên biển…) đã được đề cập đến trong các công trình khoa học với đối tượng và phạm vi nghiên cứu cụ thể, nhưng chưa có công trình nào nghiên cứu về phương hướng và giải pháp tăng cường QLNN về BGQGTB của BĐBP. Vì vậy, trên cơ sở lý luận, đánh giá thực trạng QLNN về BGQGTB của BĐBP, luận án có trách nhiệm xác định phương hướng và kiến nghị các giải pháp phù hợp nhằm tăng cường QLNN về BGQGTB của BĐBP. Đánh giá tổng quát tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án cho thấy, đến nay, ở nước ta, chưa có công trình chuyên khảo nào nghiên cứu một cách toàn diện, có hệ thống đề tài QLNN về BGQGTB của BĐBP. Bởi vậy, việc nghiên cứu đề tài luận án dưới góc độ khoa học pháp lý với cách tiếp cận
  • 24. 19 đa ngành và liên ngành luật học là cần thiết trong bối cảnh việc tổ chức thực thi pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế trong quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo là xu thế chung của các quốc gia có biển. 1.3. Cơ sở lý thuyết nghiên cứu của đề tài luận án 1.3.1. Lý thuyết nghiên cứu đề tài luận án Quản lý nhà nước về BGQGTB là lĩnh vực nghiên cứu mới, phức tạp, mang tính đa ngành, liên ngành nên để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, luận án dựa trên các lý thuyết sau: - Lý thuyết về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam: nội dung của lý thuyết thừa nhận nguyên tắc tính tối cao của pháp luật và tổ chức, quản lý xã hội bằng pháp luật. Những nội dung này là cơ sở cho các nghiên cứu lý luận, thực trạng và kiến nghị giải pháp tăng cường QLNN về BGQGTB của BĐBP. - Lý thuyết về Luật hành chính Việt Nam với tư cách là một ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Nội dung của lý thuyết cung cấp cho đề tài luận án khung lý thuyết về quản lý nhà nước trên các lĩnh vực cụ thể, bao gồm các vấn đề về tổ chức, thẩm quyền, nội dung của quản lý nhà nước, đồng thời, là cơ sở cho việc xác định các đặc điểm của quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng. - Lý thuyết về bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa: nội dung của lý thuyết đề cập đến vai trò của Đảng Cộng sản, của nhà nước, của lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân trong tổ chức, quản lý, xây dựng và bảo vệ xã hội mới, tăng cường khả năng quốc phòng, hiện đại hoá lực lượng vũ trang, xây dựng quân đội kiểu mới để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Những nội dung này được vận dụng trong nghiên cứu về phương hướng, giải pháp tăng cường QLNN về BGQGTB của BĐBP. - Lý thuyết về công tác Biên phòng Việt Nam: nội dung của lý thuyết đề cập đến các chủ trương, biện pháp, hình thức hoạt động do các cơ quan Nhà
  • 25. 20 nước, các lực lượng vũ trang nhân dân tiến hành trong quản lý, bảo vệ BGQG, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự xã hội; phòng, chống các hoạt động xâm nhập biên giới, buôn lậu, bảo vệ tài nguyên của đất nước, ngăn chặn vũ trang xâm lược; xây dựng thế trận biên phòng toàn dân và xây dựng KVBG vững mạnh toàn diện tạo thế và lực bảo vệ an toàn lãnh thổ quốc gia, BGQG trong thời bình, đánh bại kẻ thù trong thời chiến. Những nội dung này được vận dụng xuyên suốt và phù hợp với từng phần cụ thể theo góc độ nghiên cứu đề tài luận án nhằm làm rõ trách nhiệm của BĐBP trong QLNN về BGQGTB. Ngoài ra, việc nghiên cứu đề tài luận án còn dựa trên cơ sở các quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. 1.3.2. Giả thuyết nghiên cứu của đề tài Trên cơ sở các lý thuyết nghiên cứu, luận án xây dựng giả thuyết nghiên cứu của đề tài như sau: Bộ đội Biên phòng có trách nhiệm QLNN về BGQGTB theo quy định của pháp luật nhưng lý luận QLNN về BGQGTB của BĐBP chưa được nghiên cứu một cách có hệ thống, sâu sắc và toàn diện dưới góc độ khoa học pháp lý nói chung, khoa học Luật Hành chính nói riêng. Thực trạng QLNN về BGQGTB của BĐBP cũng chưa được phản ánh một cách đầy đủ. Do đó, chưa có những giải pháp thực sự phù hợp, mang tính tổng thể để tăng cường QLNN về BGQGTB của BĐBP trong tình hình mới. 1.3.3. Câu hỏi nghiên cứu của đề tài Từ những giả thuyết trên, luận án cần trả lời các câu hỏi sau đây: - Quản lý nhà nước về BGQGTB của BĐBP là gì, có những đặc điểm và vai trò như thế nào? - Theo quy định của pháp luật, những chủ thể nào có trách nhiệm thực hiện QLNN về BGQGTB và trách nhiệm của BĐBP trong QLNN về BGQGTB?
  • 26. 21 - Quản lý nhà nước về BGQGTB bao gồm những nội dung nào và trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định, BĐBP có trách nhiệm thực hiện những nội dung nào? - Các yếu tố chính trị, pháp luật, năng lực chủ thể, bối cảnh quốc tế, điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và dân cư KVBGB… tác động như thế nào đến hoạt động QLNN về BGQGTB của BĐBP? - Các nội dung của QLNN về BGQGTB của BĐBP từ năm 2008 đến năm 2018 được thể hiện như thế nào trên thực tế? - Quản lý nhà nước về BGQGTB của BĐBP có những ưu điểm, hạn chế gì và nguyên nhân của những ưu điểm, hạn chế đó là gì? - Cần có những phương hướng và giải pháp gì để tăng cường QLNN về BGQGTB của BĐBP trong thời gian tới?
  • 27. 22 Kết luận Chương 1 Đánh giá tổng quát tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án có thể nhận thấy rằng, QLNN về BGQGTB của BĐBP chưa được quan tâm nghiên cứu một cách toàn diện và có hệ thống. Các công trình khoa học ngoài nước chủ yếu đi sâu nghiên cứu chế độ pháp lý các vùng biển và địa vị pháp lý của các cấu tạo biển trong việc xác lập chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia; về hoạch định ranh giới biển; về hợp tác khai thác tài nguyên biển; về tổ chức bộ máy và hoạt động thực thi pháp luật trên biển; về vai trò và công năng của Biên phòng, về các tranh chấp chủ quyền biển, đảo. Các nghiên cứu về BGQGTB và các hoạt động để thực hiện trách nhiệm của BĐBP trong QLNN về BGQGTB còn rất hạn chế. Ở Việt Nam, các công trình khoa học nghiên cứu những vấn đề có liên quan đến QLNN về BGQGTB của BĐBP rất phong phú, trong đó chủ yếu là các nghiên cứu về quản lý, khai thác tài nguyên biển; chế độ pháp lý các vùng biển Việt Nam; hoạt động PBGDPL cho nhân dân vùng biển, đảo của BĐBP; hoạt động giữ gìn an ninh, trật tự, ATXH trong KVBGB của BĐBP; hoạt động quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của BĐBP… Do đó, kết quả của các nghiên cứu mới chỉ làm rõ một số nhiệm vụ, quyền hạn mà BĐBP thực hiện trong QLNN về BGQGTB chứ chưa mang tính toàn diện. Trong bối cảnh nguy cơ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam bị xâm phạm, việc nghiên cứu, luận giải, làm rõ trách nhiệm của BĐBP trong QLNN về BGQGTB là cần thiết nhằm đề ra những giải pháp mang tính khoa học và khả thi, vừa góp phần bổ sung, làm phong phú thêm lý luận QLNN về BGQG, vừa góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ BGQGTB của BĐBP và giải quyết những vấn đề thực tiễn nảy sinh trong quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Nhà nước ta hiện nay.
  • 28. 23 Chương 2 LÝ LUẬN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BIÊN GIỚI QUỐC GIA TRÊN BIỂN CỦA BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG 2.1. Khái niệm, đặc điểm, vai trò của quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng 2.1.1. Khái niệm biên giới quốc gia trên biển và quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng 2.1.1.1. Khái niệm biên giới quốc gia trên biển “Biên giới” là thuật ngữ gắn liền với lãnh thổ và chủ quyền quốc gia. Trong tiếng Việt, thuật ngữ này tương đương với từ “boundary” trong tiếng Anh để thể hiện "tính chất đường", phân biệt với "tính chất vùng" của biên giới (frontier); theo đó, biên giới thường được coi là đường phân cách không gian lãnh thổ của một quốc gia này với lãnh thổ của một quốc gia khác, hay với không gian quốc tế hoặc là đường phân định lãnh thổ của quốc gia với các vùng thuộc quyền chủ quyền của quốc gia trên biển [74, tr.15]. Một “biên giới” hay “đường biên giới” trước hết được xác định bởi pháp luật của một quốc gia và được gọi là BGQG. Biên giới quốc gia xác định giới hạn vùng biển thuộc chủ quyền của quốc gia là BGQGTB. Pháp luật quốc tế về biển xác định quốc gia ven biển có chủ quyền đối với nội thuỷ, lãnh hải và ranh giới ngoài của lãnh hải được thừa nhận là đường BGQGTB - "đường vạch ra để phân định vùng lãnh hải của quốc gia với vùng biển tiếp liền mà quốc gia ven biển có quyền chủ quyền hoặc với nội thủy, lãnh hải của quốc gia khác có bờ biển đối diện hay kề bên bờ biển của quốc gia này" [124, tr.172, 173]. Vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam bao gồm nội thuỷ, lãnh hải của đất liền, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác. Nội thủy là vùng nước tiếp giáp với bờ biển, ở phía trong đường cơ sở và là bộ phận của lãnh thổ Việt Nam, nơi Nhà nước thực hiện chủ quyền
  • 29. 24 hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ như trên lãnh thổ đất liền. Lãnh hải là vùng biển có chiều rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở ra phía biển. Nhà nước thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với vùng trời, mặt nước, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải. Ranh giới ngoài của lãnh hải là BGQGTB của Việt Nam. Bởi vậy, BGQGTB của nước CHXHCN Việt Nam là ranh giới phía ngoài lãnh hải của đất liền, lãnh hải của đảo, lãnh hải của quần đảo của Việt Nam, được hoạch định và đánh dấu bằng các tọa độ trên hải đồ theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập . Pháp luật Việt Nam với các quy định về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải; về nội thuỷ, lãnh hải và Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, các điều ước quốc tế giữa CHXHCN Việt Nam và các quốc gia láng giềng (Cộng hoà nhân dân Trung Hoa và Vương quốc Campuchia) là cơ sở pháp lý cho việc hoạch định BGQGTB (biên giới đường) của nước CHXHCN Việt Nam. Việc hoạch định BGQGTB của Việt Nam được thực hiện trên các vùng biển của lãnh thổ đất liền, các đảo và quần đảo của Việt Nam, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Tại những vùng biển tiếp giáp với các quốc gia láng giềng, việc hoạch định BGQGTB được tiến hành thông qua quá trình đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế song phương giữa Việt Nam và các quốc gia đó. Biên giới quốc gia trên biển là ranh giới ngoài của lãnh hải nên trước hết là một loại ranh giới biển, nhưng không đồng nhất với ranh giới biển. Theo quan niệm phổ biến hiện nay, ranh giới biển được hiểu là đường phân định giữa các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của quốc gia hay là đường phân định giữa vùng biển của quốc gia này với vùng biển của quốc gia khác và nó có thể là biên giới biển giữa các quốc gia hay là đường phân định vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của quốc gia này với vùng biển tương ứng của quốc gia láng giềng.
  • 30. 25 2.1.1.2. Khái niệm quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng Quản lý nhà nước là thuật ngữ có thể được diễn đạt theo nhiều cách khác nhau với phạm vi rộng, hẹp khác nhau. Dưới góc độ nghiên cứu của khoa học Luật Hành chính, theo nghĩa rộng nhất, QLNN hoạt động của nhà nước trên các lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp nhằm thực hiện các chức năng đối nội và đối ngoại của nhà nước; còn theo nghĩa hẹp, đó là hoạt động của nhà nước trong lĩnh vực hành pháp, hay còn gọi là quản lý hành chính nhà nước - một hình thức hoạt động của nhà nước, được thực hiện trước hết và chủ yếu bởi các cơ quan hành chính nhà nước, có nội dung là bảo đảm sự chấp hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của các cơ quan quyền lực nhà nước nhằm tổ chức và chỉ đạo một cách trực tiếp và thường xuyên công cuộc xây dựng kinh tế, văn hoá, xã hội và hành chính - chính trị [126, tr.12]. Như vậy, QLNN theo nghĩa hẹp là quản lý hành chính nhà nước, tức hoạt động chấp hành - điều hành của Nhà nước, do hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, đứng đầu là Chính phủ thực hiện. Các bộ, cơ quan ngang bộ có chức năng tham mưu cho Chính phủ và thực hiện quản lý theo ngành, lĩnh vực được giao trên phạm vi cả nước. Uỷ ban nhân dân các cấp (có bộ máy cơ quan chuyên môn giúp việc) thực hiện quản lý theo thẩm quyền chung đối với các lĩnh vực trên phạm vi địa phương. Điều đó có nghĩa, khi đề cập đến vai trò của Chính phủ thực hiện quản lý thống nhất các lĩnh vực của đời sống xã hội, như: hải quan, y tế, văn hoá, khoa học và công nghệ, đối ngoại, quốc phòng, an ninh, biên giới quốc gia… là nói đến QLNN theo nghĩa hẹp đối với các lĩnh vực đó. Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia là lĩnh vực có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển và đổi mới đất nước. Để Việt Nam thực sự trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, cần tăng cường QLNN về BGQGTB nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích của quốc gia trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
  • 31. 26 Quản lý nhà nước về BGQG nói chung, BGQGTB nói riêng đặt dưới sự quản lý thống nhất của Chính phủ. Chính phủ có quyền quy định nhiệm vụ, quyền hạn và quan hệ phối hợp thực hiện QLNN về BGQGTB giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có BGQGTB và các lực lượng vũ trang nhân dân. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện QLNN về BGQGTB; trong đó, Bộ Quốc phòng là cơ quan chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện QLNN về BGQGTB. Uỷ ban nhân dân các cấp nơi có BGQGTB thực hiện QLNN về BGQGTB theo quy định của pháp luật [22]. Quản lý nhà nước về BGQGTB diễn ra theo trình tự từ xây dựng, chỉ đạo cho đến tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, pháp luật về BGQGTB. Pháp luật về BGQGTB là phương tiện quan trọng nhất để thực hiện QLNN về BGQGTB. Việc xây dựng pháp luật về BGQGTB là trách nhiệm của các chủ thể có thẩm quyền lập pháp, lập quy với sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Lực lượng BĐBP thuộc Bộ Quốc phòng không chỉ có trách nhiệm tham gia xây dựng mà còn tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, pháp luật về BGQGTB. Biên giới là thuật ngữ có thể được hiểu theo nghĩa là đường hoặc là vùng [74, tr.26]. Trong công tác hoạch định, BGQGTB là đường BGQGTB, nhưng trong quản lý, bảo vệ biên giới, BGQGTB có cả thuộc tính đường và thuộc tính vùng - gọi là KVBGB, bởi mọi hoạt động của con người và tổ chức của con người đều phải diễn ra trên một không gian lãnh thổ nhất định. Từ đó, QLNN về BGQGTB luôn bao hàm hai phương diện cơ bản là quản lý, bảo vệ BGQGTB và xây dựng, quản lý, bảo vệ KVBGB - địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh vùng biển, đảo, nhằm bảo đảm tính bất khả xâm phạm của BGQGTB, tạo môi trường thuận lợi cho công cuộc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích của quốc gia trên biển.
  • 32. 27 Từ những phân tích trên, có thể hiểu, QLNN về BGQGTB là hoạt động chấp hành - điều hành của Chính phủ và các chủ thể có thẩm quyền trong xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, pháp luật về BGQGTB, quản lý, bảo vệ BGQGTB và xây dựng, quản lý, bảo vệ KVBGB nhằm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích của quốc gia, của nhân dân trên các vùng biển Việt Nam. Chiến lược, chính sách, pháp luật về BGQGTB là phương tiện của QLNN về BGQGTB mà Chính phủ là cơ quan có vai trò quan trọng trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện chúng bằng chính bộ máy của mình. Bộ Quốc phòng là cơ quan của Chính phủ, được Chính phủ trao trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ven biển thực hiện QLNN về BGQGTB; xây dựng BĐBP vững mạnh, đảm bảo chỉ huy tập trung, thống nhất và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, quân sự, pháp luật, đối ngoại cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP để thực hiện vai trò nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ BGQG, giữ gìn an ninh, trật tự, ATXH ở KVBG [22]. Quản lý, bảo vệ BGQGTB là sự tác động của chủ thể có thẩm quyền tới các đối tượng quản lý thông qua việc sử dụng các phương tiện, biện pháp do pháp luật quy định nhằm bảo đảm tính bất khả xâm phạm của BGQGTB, giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Xây dựng, quản lý, bảo vệ KVBGB là sự tác động có tổ chức và điều chỉnh bằng quyền lực nhà nước đối với các quá trình kinh tế - xã hội, hoạt động của các tổ chức, cá nhân nhằm duy trì các mối quan hệ chính trị, kinh tế - xã hội, trật tự pháp luật nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh, trật tự, ATXH ở KVBGB. Các cơ quan nhà nước, các lực lượng vũ trang nhân dân, chính quyền các cấp, các tổ chức xã hội và công dân có trách nhiệm quản lý, bảo vệ BGQGTB và KVBGB. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, BĐBP là lực lượng "chủ trì, phối hợp với các đơn vị quân đội đóng quân trong KVBGB, Công an nhân dân, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan trong quản lý, bảo vệ BGQGTB; bảo vệ an
  • 33. 28 ninh chính trị, giữ gìn trật tự, ATXH trong KVBGB theo quy định của pháp luật" [28]. Đây là những nhiệm vụ cơ bản mà BĐBP có trách nhiệm thực hiện nhằm "quản lý, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh, trật tự BGQG trên… các hải đảo, vùng biển và tại các cửa khẩu theo quy định của pháp luật" [132]. Trách nhiệm đó là trách nhiệm QLNN về BGQG đã được Chính phủ xác định cụ thể tại Điều 30 của Nghị định số 140/2004/NĐ-CP ngày 25/6/2004 quy định chi tiết một số điều của Luật BGQG với các nhiệm vụ chung được áp dụng cho cả tuyến biên giới đất liền và biên giới biển. Quan hệ phối hợp giữa BĐBP với lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Phòng không - không quân trong quản lý, bảo vệ BGQGTB cũng được xác định. Việc thực hiện trách nhiệm QLNN về BGQG của BĐBP trên tuyến biên giới biển do Chính phủ quy định tại Nghị định số 71/2015/NĐ-CP ngày 03/9/2015 về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong KVBGB nước CHXHCN Việt Nam. Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 162/2016/TT- BQP ngày 21/10/2016 quy định thực hiện một số điều Nghị định số 71/2015/NĐ-CP ngày 03/9/2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong KVBGB nước CHXHCN Việt Nam. Các VBQPPL này đã cho thấy sự ủy nhiệm một phần quan trọng trách nhiệm thực thi QLNN về BGQGTB từ Bộ Quốc phòng sang cho BĐBP. Theo đó, BĐBP có trách nhiệm tham mưu cho Bộ Quốc phòng thực hiện QLNN về BGQGTB và trực tiếp thực thi pháp luật về BGQGTB dưới sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng. Từ những phân tích trên, có thể hiểu QLNN về BGQGTB của BĐBP là hoạt động chấp hành - điều hành của các cơ quan, đơn vị và cán bộ, chiến sĩ BĐBP dưới sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng thực thi quản lý, bảo vệ BGQGTB, bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, ATXH trong KVBGB theo quy định của pháp luật và góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích của quốc gia, của nhân dân trên các vùng biển của nước CHXHCN Việt Nam.
  • 34. 29 Khái niệm trên đã chỉ rõ chủ thể thực thi QLNN về BGQGTB của BĐBP là các cơ quan, đơn vị và cán bộ, chiến sĩ BĐBP - những chủ thể được uỷ nhiệm thực thi các nhiệm vụ cụ thể. Hoạt động chấp hành - điều hành của BĐBP được biểu hiện thông qua việc triển khai các hoạt động tổ chức, chỉ huy, chỉ đạo từ trên xuống dưới của các cấp trong BĐBP nhằm bảo đảm cho pháp luật được triển khai thực hiện trên thực tế. Việc thực thi quản lý, bảo vệ BGQGTB, bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, ATXH trong KVBGB là các nhiệm vụ cơ bản, thường xuyên, lâu dài, phản ánh chức năng của BĐBP và đó là trung tâm của các nhiệm vụ cụ thể. 2.1.2. Đặc điểm của quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng Quản lý nhà nước về BGQGTB của BĐBP mang đầy đủ những đặc điểm của QLNN nói chung và còn có những đặc điểm riêng biệt, như: 2.1.2.1. Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng được thực hiện trên cơ sở pháp luật về biên giới quốc gia và các quy định pháp luật khác có liên quan Pháp luật về BGQG (pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế) điều chỉnh hoạt động QLNN về BGQG trên đất liền và trên biển. Trong đó, các quy định của pháp luật điều chỉnh hoạt động QLNN về BGQGTB của BĐBP, bao gồm: Quy định về xác định BGQGTB, ranh giới, phạm vi các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia trên biển; hoạch định ranh giới biển giữa Việt Nam với các quốc gia có vùng biển đối diện hoặc liền kề. Quy định về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong KVBGB. Quy định về quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự tại cửa khẩu cảng. Quy định về PBGDPL về BGQG. Quy định về đối ngoại biên phòng, hợp tác quốc tế trong quản lý, bảo vệ BGQGTB; giữ gìn an ninh, trật tự, ATXH ở KVBGB.
  • 35. 30 Quy định về thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý VPPL trong quản lý, bảo vệ BGQGTB, các VPPL trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam. Quy định về trách nhiệm đấu tranh phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại ở KVBGB và trên các vùng biển Việt Nam. Quy định về quan hệ phối hợp giữa BĐBP với các cơ quan nhà nước, các lực lượng vũ trang nhân dân khác, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức kinh tế trong thực hiện QLNN về BGQGTB. Các điều ước quốc tế là cơ sở pháp lý cho hoạt động QLNN về BGQGTB của BĐBP bao gồm: Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982; Hiệp định về vùng nước lịch sử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà nhân dân Campuchia ngày 07/7/1982; Hiệp định giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa về phân định lãnh hải vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước trong vịnh Bắc Bộ; Hiệp định hợp tác nghề cá vịnh Bắc Bộ giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Ngoài ra, còn có các hiệp định về phân định biển giữa Việt Nam và Thái Lan, Inđônêxia, các công ước quốc tế, thoả thuận, hiệp định liên quan đến hoạt động hàng hải mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Pháp luật về BGQG vừa là cơ sở pháp lý, vừa là phương tiện chủ yếu để BĐBP thực hiện QLNN về BGQGTB. Do sự giao thoa giữa các hệ thống pháp luật, sự đan xen trong điều chỉnh bằng pháp luật đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội, nên pháp luật về BGQG nói chung, nhóm các quy định pháp luật về BGQGTB nói riêng có liên quan mật thiết với hầu hết các lĩnh vực pháp luật khác để điều chỉnh các quan hệ xã hội có liên quan đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, trật tự BGQGTB, như: các quy định của pháp luật về dân tộc, tôn giáo, thương mại, thuỷ sản, lâm nghiệp, môi trường, hàng hải, hải quan, y tế, giao thông đường thuỷ, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu
  • 36. 31 hộ, cứu nạn… Khi được “hòa vào nhau”, các quy định pháp luật này hợp thành một “tấm lưới pháp lý khổng lồ”, “đan kết” các chủ thể pháp luật lại với nhau trong cơ chế phối hợp, hiệp đồng tổ chức thực thi pháp luật; đồng thời, hình thành một loại trật tự pháp luật về QLNN về BGQGTB hay còn gọi là trật tự QLNN về BGQGTB - khách thể của QLNN về BGQGTB mà BĐBP có trách nhiệm tôn trọng và bảo vệ. 2.1.2.2. Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng được thực hiện chủ yếu tại địa bàn khu vực biên giới biển với mục tiêu, đối tượng và cơ chế lãnh đạo, quản lý, chỉ huy đặc thù Bộ đội Biên phòng là lực lượng vũ trang nhân dân được trao trách nhiệm QLNN về BGQG nói chung, BGQGTB nói riêng. Với chức năng quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, phạm vi hoạt động chủ yếu của BĐBP trong QLNN về BGQGTB là KVBGB, tức từ đường BGQGTB trở vào đến hết địa giới hành chính của xã, phường, thị trấn giáp biển và đảo, quần đảo; trong đó, bao gồm cả các CKCB. Trên địa bàn này, BĐBP là lực lượng chủ trì, phối hợp với các đơn vị quân đội đóng quân trong KVBGB, Công an nhân dân, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan trong quản lý, bảo vệ BGQGTB (đặc biệt là Bộ đội Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Phòng không - không quân), bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, ATXH và quản lý an ninh, trật tự tại CKCB. Khu vực biên giới biển của nước CHXHCN Việt Nam là vùng lãnh thổ bao gồm phần đất liền tiếp giáp với biển (tương ứng với đơn vị hành chính cấp xã giáp biển), các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông và các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam (nội thuỷ, lãnh hải của đất liền và nội thuỷ, lãnh hải của các đảo, quần đảo). Bởi vậy, chế độ pháp lý KVBGB là sự tổng hợp của nhiều loại chế độ pháp lý, như: chế độ pháp lý của phần đất liền tiếp giáp với biển; chế độ pháp lý của các đảo, quần đảo; chế độ pháp lý của nội thuỷ và chế độ pháp lý của lãnh hải. Việc thực thi pháp luật trong KVBGB của BĐBP phải tuân thủ các chế độ pháp lý đó ở các khu
  • 37. 32 vực tương ứng để bảo đảm phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan. Trong trường hợp thực hiện quyền truy đuổi một cách liên tục, BĐBP có thể phối hợp với các lực lượng khác bắt giữ, xử lý các vi phạm pháp luật trên các vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia hoặc tại các đơn vị hành chính lãnh thổ trong nội địa. Bộ đội Biên phòng cũng có thể phối hợp với các cơ quan nhà nước, các lực lượng vũ trang nhân dân khác hoạt động ngoài phạm vi KVBGB vì lý do tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Mục tiêu chung của QLNN về BGQGTB là bảo đảm tính bất khả xâm phạm của BGQGTB, giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích của quốc gia trên các vùng biển của Tổ quốc. Bộ đội Biên phòng là lực lượng vũ trang nhân dân của Đảng, Nhà nước, có chức năng quản lý, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, trật tự BGQG nên mục tiêu QLNN về BGQGTB của BĐBP trước hết là mục tiêu chung của QLNN về BGQGTB. Ngoài ra, hoạt động QLNN về BGQGTB của BĐBP còn hướng đến duy trì an ninh chính trị, trật tự, ATXH ở KVBGB và tại các CKCB. Đối tượng của QLNN về BGQGTB của BĐBP là hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân diễn ra trong phạm vi KVBGB mà theo quy định của pháp luật chịu sự tác động quản lý từ phía các cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ BĐBP có thẩm quyền. Cụ thể gồm: - Hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và các loại phương tiện trong KVBGB. Hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và các loại phương tiện trong KVBGB của Việt Nam và nước ngoài bao gồm các hoạt động ra, vào, cư trú, trú đậu, đi lại, sản xuất, kinh doanh, xây dựng các dự án, công trình; thăm dò, khảo sát về địa chất, khoáng sản, tài nguyên, nguồn lợi thuỷ, hải sản; thực hiện các dự án khai thác tài nguyên; nghiên cứu khoa học biển; nuôi trồng, thu mua, khai thác và chế biến thuỷ, hải sản; giao thông vận tải; môi
  • 38. 33 trường; diễn tập quân sự, tìm kiếm, cứu nạn, an ninh hàng hải; tổ chức bắn đạn thật, sử dụng vật liệu nổ, cứu hộ, cứu nạn và các hoạt động khác liên quan đến quản lý, bảo vệ BGQGTB và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, ATXH trong KVBGB. Những hoạt động này phải tuân thủ các quy định của pháp luật về BGQG nói chung, về quản lý, bảo vệ BGQGTB và KVBGB nói riêng và chịu sự quản lý của các cơ quan nhà nước, đơn vị BĐBP có thẩm quyền. - Hoạt động của người, phương tiện Việt Nam và nước ngoài tại các CKCB. Cửa khẩu cảng biẻn là phạm vi cảng biển, bến cảng, cầu cảng; cảng dầu khí ngoài khơi do Bộ Giao thông vận tải hoặc Cục Hàng hải Việt Nam công bố mở theo thẩm quyền được pháp luật quy định cho tàu thuyền Việt Nam, tàu thuyền nước ngoài đến, rời để bốc dỡ hàng hoá, đón trả khách và thực hiện hoạt động khác [29]. Để quản lý, bảo vệ BGQGTB, bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, ATXH trong KVBGB, BĐBP có trách nhiệm quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự tại CKCB, thực hiện kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động của người, phương tiện tại CKCB; tiến hành kiểm tra, giám sát biên phòng, cấp thị thực và các loại giấy phép; thực hiện thủ tục biên phòng tại cửa khẩu cảng (thủ tục nhập cảnh, thủ tục xuất cảnh, thủ tục quá cảnh, thủ tục chuyển cảng đi và thủ tục chuyển cảng đến) để giải quyết cho người, tàu thuyền Việt Nam xuất cảnh, nhập cảnh, người, tàu thuyền nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, chuyển cảng. Bộ đội Biên phòng là lực lượng vũ trang nhân dân của Đảng, của Nhà nước CHXHCN Việt Nam và là một thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam nên từ tổ chức cho đến hoạt động của BĐBP đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Quân uỷ Trung ương, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất QLNN của Chính phủ và sự quản lý, chỉ huy của Bộ Quốc phòng. Cơ chế lãnh đạo, quản lý, chỉ huy này bảo đảm cho mọi hoạt động của BĐBP bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định có tính chất đặc thù của Quân đội do Bộ Quốc phòng đề ra.
  • 39. 34 2.1.2.3. Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng được tiến hành trong sự kết hợp hài hoà giữa các hình thức, phương pháp quản lý nhà nước với các biện pháp công tác biên phòng Hình thức quản lý thường được hiểu là hoạt động biểu hiện ra bên ngoài của chủ thể quản lý nhằm thực hiện tác động quản lý [126, tr.111]. Hình thức QLNN là hoạt động biểu hiện ra bên ngoài của chủ thể QLNN nhằm thực hiện các nội dung của QLNN. Căn cứ vào tính chất tổ chức - pháp lý của những hoạt động cụ thể cùng loại, với phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định, BĐBP thực hiện QLNN về BGQGTB thông qua 4 hình thức là ban hành văn bản hành chính, thực hiện những hoạt động khác mang tính chất pháp lý, áp dụng những biện pháp tổ chức trực tiếp và thực hiện những tác động về nghiệp vụ - kỹ thuật. Phương pháp quản lý thường được hiểu là cách thức tác động của chủ thể quản lý lên đối tượng quản lý nhằm đạt được hành vi xử sự cần thiết [126, tr.125]. Do đó, phương pháp QLNN là cách thức tác động của chủ thể QLNN tới các đối tượng quản lý nhằm đạt được hành vi xử sự cần thiết theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở bảo đảm sự tác động đến hành vi và nhận thức của đối tượng quản lý, phương pháp QLNN mà BĐBP sử dụng bao gồm: thuyết phục, cưỡng chế, hành chính và kinh tế. Các hình thức QLNN và phương pháp QLNN được tiến hành trong sự kết hợp chặt chẽ và hài hoà với việc thực hiện các biện pháp công tác biên phòng (vận động quần chúng, vũ trang biên phòng, trinh sát biên phòng, kiểm soát hành chính, công trình kỹ thuật bảo vệ biên giới và đối ngoại biên phòng). Những biện pháp này xác định cách thức tiến hành quản lý, bảo vệ biên giới bằng những việc làm cụ thể của BĐBP để giải quyết những vụ việc, sự việc, hiện tượng cụ thể xảy ra trên KVBG [13, tr.50], nhưng luôn phải bảo đảm tính pháp lý nên sự kết hợp giữa chúng với các phương pháp QLNN mang tính khách quan, như: biện pháp vận động quần chúng kết hợp với các
  • 40. 35 phương pháp QLNN để tuyên truyền, PBGDPL, xây dựng, củng cố phong trào quần chúng bảo vệ an ninh, biên giới, vùng biển. Biện pháp vũ trang biên phòng, kiểm soát hành chính, trinh sát biên phòng hỗ trợ cho việc thực hiện phương pháp cưỡng chế, phương pháp hành chính. Biện pháp công trình kỹ thuật bảo vệ biên giới bảo đảm cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật cho việc thực hiện các hình thức, phương pháp QLNN. Biện pháp đối ngoại biên phòng kết hợp với các hình thức và phương pháp QLNN trong quá trình giải quyết các công việc liên quan đến lực lượng bảo vệ biên giới nước láng giềng. 2.1.2.4. Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng là hoạt động mang tính chính trị, pháp lý, hành chính, quân sự, an ninh, kinh tế, văn hoá - xã hội, đối ngoại Với vai trò là lực lượng vũ trang nhân dân của Đảng, Nhà nước, tổ chức và hoạt động của BĐBP đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Quân uỷ Trung ương, sự quản lý thống nhất của Chính phủ nhằm tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên địa bàn biên giới. Việc xử lý mọi vấn đề liên quan đến QLNN về BGQGTB của BĐBP luôn gắn liền với trách nhiệm xây dựng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Bởi vậy, tính chính trị trong QLNN về BGQGTB của BĐBP được thể hiện rõ nét và xuyên suốt, nhưng hơn hết là tính pháp lý. Mọi hoạt động của BĐBP đều dựa trên cơ sở pháp luật và để thực hiện pháp luật, nhất là pháp luật về BGQG. Chiến đấu là chức năng cơ bản của Quân đội nói chung, của BĐBP nói riêng. Do đó, một trong những biện pháp để quản lý, bảo vệ BGQGTB của BĐBP là sử dụng sức mạnh quân sự, các biện pháp đấu tranh vũ trang để chống lại mọi hành động xâm lược lãnh thổ từ hướng biển. Trong thời bình, hoạt động thường xuyên của BĐBP là tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật về BGQG; kiểm soát hoạt động của người, phương tiện trong KVBGB, tại các CKCB; tiến hành các thủ tục hành chính theo thẩm quyền (xuất, nhập
  • 41. 36 cảnh; xử phạt VPHC). Tính chất quân sự, hành chính trong QLNN về BGQGTB của BĐBP luôn gắn bó mật thiết với nhau, là nhiệm vụ cơ bản, thường xuyên và lâu dài của lực lượng BĐBP. An ninh quốc gia là sự ổn định, bình yên của đất nước, của chế độ; là trạng thái yên ổn, thanh bình trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội [92, tr.14]. Việc giữ gìn an ninh quốc gia trên địa bàn KVBGB có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Trên địa bàn chiến lược này, BĐBP là một trong những chủ thể chuyên trách QLNN về an ninh quốc gia. Do đó, tính chất an ninh luôn tồn tại trong mọi hoạt động của BĐBP, nhất là giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở KVBGB. Để xây dựng tiềm lực và thế trận biên phòng toàn dân trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, BĐBP vừa quản lý, bảo vệ BGQGTB, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, ATXH ở KVBGB, vừa tham gia vào các hoạt động kinh tế (đóng, sửa chữa tàu thuyền; xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn…), văn hoá - xã hội (PBGDPL; vận động nhân dân chấp hành đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các điều ước quốc tế; xoá mù chữ; khám, chữa bệnh cho nhân dân, gia đình chính sách; xây dựng nhà ở cho người nghèo, gia đình chính sách; phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn …) tại địa bàn đóng quân. Tính chất kinh tế - xã hội thể hiện rõ nét trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng KVBGB của BĐBP, đó là sự khẳng định, BĐBP không chỉ là đội quân chiến đấu mà còn có nhiệm vụ lao động sản xuất và tổ chức xây dựng xã hội mới. Để QLNN về BGQGTB một cách trật tự, bền vững, ngăn ngừa nguy cơ xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới trên biển, BĐBP còn thực hiện hoạt động đối ngoại quân sự, đối ngoại biên phòng theo nguyên tắc, nội dung, hình thức, biện pháp do pháp luật quy định. Việc cho phép BĐBP được thiết lập quan hệ với lực lượng bảo vệ biên giới, chính quyền nước tiếp giáp là để giải quyết các nhiệm vụ của BĐBP trong quản lý, bảo vệ BGQGTB, giữ
  • 42. 37 gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở KVBGB, CKCB; phòng, chống ma tuý, tội phạm và các vi phạm pháp luật khác; đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, pháp luật; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn… 2.1.2.5. Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng được bảo đảm bởi hệ thống cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật, phương tiện quân sự, dân sự Hoạt động QLNN về BGQGTB của BĐBP cần đến nhiều loại cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật, phương tiện, vũ khí, khí tài quân sự như hệ thống công sự, trận địa phòng thủ KVBGB; hệ thống công trình bảo vệ BGQGTB; các cầu cảng cho tàu Biên phòng neo đậu; các loại vũ khí, đạn; các thiết bị quan sát biển; các loại công cụ hỗ trợ khác. Trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ BGQGTB, BĐBP được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật, phương tiện chuyên dùng theo quy định của pháp luật. Với vai trò là cơ quan chuyên trách quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự tại CKCB, để thực hiện các thủ tục biên phòng, kiểm tra, kiểm soát giấy tờ của người, phương tiện trong KVBGB, BĐBP còn sử dụng các loại máy móc, thiết bị kiểm tra, kiểm soát xuất, nhập cảnh tại CKCB; các thiết bị công nghệ thông tin; camera, các loại máy soi, máy quét… để kiểm tra hộ chiếu, hành lý của hành khách, thuyền viên tàu nước ngoài khi xuất, nhập cảnh tại CKCB và thực hiện các hoạt động quản lý hành chính tại đơn vị. 2.1.2.6. Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng được tiến hành trong cơ chế phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các cơ quan nhà nước, các lực lượng vũ trang nhân dân khác Quản lý, bảo vệ BGQGTB, bảo vệ an ninh chính trị giữ gìn trật tự, ATXH ở KVBGB và tại CKCB là những nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm của QLNN về BGQGTB. Với chức năng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, trật tự BGQG, Bộ đội Biên phòng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị quân đội đóng quân
  • 43. 38 trong KVBGB, Công an nhân dân, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện những nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm này. Các cơ quan nhà nước, các lực lượng vũ trang nhân dân khác có trách nhiệm phối hợp với BĐBP bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên biển, bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự, ATXH trong KVBGB. Trong đó, Bộ đội Hải quân, lực lượng Cảnh sát biển chịu trách nhiệm phối hợp với BĐBP quản lý, bảo vệ BGQGTB, Bộ đội Phòng không - không quân có trách nhiệm phối hợp với BĐBP bảo vệ BGQGTB. 2.1.2.7. Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng chịu sự tác động của các yếu tố tự nhiên và xã hội diễn ra trong khu vực biên giới biển, trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc Các yếu tố tự nhiên KVBGB bao gồm: độ dài, cấu tạo, địa hình bờ biển; số lượng, vị trí, độ lớn, tính chất pháp lý của các đảo gần bờ và xa bờ, các cấu tạo địa lý khác như bãi ngầm, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, vịnh, vũng, mũi, mỏm nhô ra biển, cửa sông, cửa lạch; diện tích vùng nước nội thủy, lãnh hải, vùng đất ven biển, diện tích các đảo và các yếu tố thời tiết, khí hậu, thủy văn… có ảnh hưởng đến việc tổ chức, bố trí, sử dụng lực lượng; xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, công trình bảo vệ biên giới; đến việc thực thi nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị BĐBP tuyến biển và đặt ra yêu cầu đối với công tác huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP. Cảnh quan thiên nhiên, môi trường KVBGB và nguồn tài nguyên sinh vật, phi sinh vật thuộc khối nước biển, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển và trên các đảo, quần đảo, bãi cạn lúc nổi lúc chìm, bãi ngầm thuộc chủ quyền của Việt Nam… là những yếu tố vật chất thuộc về tiềm năng và nguồn lực cho sự phát triển kinh tế của đất nước, là nguồn sinh kế cho cộng đồng cư dân KVBGB, tạo công ăn việc làm cho nhân dân nhưng kéo theo đó là những biến động về dân cư và phức tạp về an ninh trật tự ở KVBGB.
  • 44. 39 Các yếu tố xã hội có liên quan đến QLNN về BGQGTB của BĐBP rất phong phú, nhưng yếu tố cơ bản nhất ảnh hưởng đến QLNN về BGQGTB của BĐBP bao gồm yếu tố kinh tế, văn hoá, xã hội, dân cư, chính quyền KVBGB; pháp luật về BGQGTB; chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động của các lực lượng phối hợp, hiệp đồng với BĐBP; tình hình vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích của quốc gia trên các vùng biển Việt Nam. Các yếu tố tự nhiên, xã hội diễn ra trong KVBGB có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến việc thực thi trách nhiệm QLNN về BGQGTB của BĐBP. Từ việc tham mưu cho đến tổ chức, bố trí lực lượng, triển khai thực hiện nhiệm vụ, công vụ, tiến hành phối hợp, hiệp đồng, xây dựng cơ sở hạ tầng, sử dụng và bảo quản trang thiết bị, phương tiện, vũ khí, khí tài… của BĐBP đều phải căn cứ vào yếu tố địa hình, thời tiết, khí hậu, thuỷ văn; tình hình dân cư, chính quyền, lực lượng hiệp đồng và tình hình VPPL diễn ra trên địa bàn KVBGB. Các VPPL xảy ra trên địa bàn KVBGB là các sự kiện pháp lý đòi hỏi BĐBP phải tham mưu cho cấp có thẩm quyền giải quyết hoặc chủ trì, phối hợp giải quyết theo thẩm quyền; đồng thời, tiến hành các biện pháp cần thiết để đấu tranh, phòng ngừa VPPL. 2.1.3. Vai trò của quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng Quản lý nhà nước về BGQGTB là bộ phận của QLNN về BGQG - một lĩnh vực của QLNN về quốc phòng, an ninh. Đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, QLNN về BGQGTB có vai trò đặc biệt quan trọng. Cụ thể: 2.1.3.1. Quản lý nhà nước về biên giới quốc gia trên biển của Bộ đội Biên phòng là hoạt động thể hiện và khẳng định chủ quyền biển, đảo của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trong Luật Biển quốc tế, “hành vi bảo đảm thực thi pháp luật trên biển thông qua hoạt động ban hành văn bản pháp luật và QLNN đối với hoạt động trên các vùng biển” [125, tr.61] là những hành vi pháp lý đơn phương của các