SlideShare a Scribd company logo
1 of 182
Download to read offline
Phương Pháp Học Kinh Thánh
Tác giả: Robert A. Traina
LỜI NÓI ĐẦU
Người ta có thể đặt câu hỏi “Quyển Kinh Thánh của bạn đang bị đóng bụi
đến mức nào?” với nhiều người vốn không cảm thấy xấu hổ vì mình có một
quyển Kinh Thánh riêng, nhưng vì nó là một quyển sách mà mình mù tịt -
ngoài tên một vài nhân vật, vài chương, vài câu rải rác hiếm hoi mà mình
được nghe người khác đề cập.
Trong quyển sách ông viết, Giáo sư Robert A.Traina đã tạo cảm hứng cho
độc giả phủi bụi, mở Kinh Điển ra để từng trải cuộc phiêu lưu đầy niềm vui
mình tìm được trong việc nghiên cứu nhiều loại văn chương hết sức đa dạng
trong Cựu và Tân ước bằng cách bám sát một kế hoạch nghiên cứu nhất định
nào đó. Sự kích thích trí thức, phần cảm hứng thuộc linh và sức thúc giục
muốn chia xẻ từng trải với người khác mà người nghiên cứu Kinh Thánh
được hưởng khi theo sát những lời chỉ giáo sau đây trong quyển sách này sẽ
báo đáp xứng đáng cho những giờ nỗ lực nghiên cứu. Tác giả không đề nghị
một phương pháp dễ dãi như “Hãy nếm thử món nước xốt trái táo này xem
sao” nhưng là một phương pháp kích thích được người ta rất nhiều, là “hãy
trồng cây” để tự mình khám phá ra nhiều kho báu quan trọng và giấu kín của
một nền văn chương trải qua nhiều thế kỷ như được tìm thấy trong Kinh
Thánh.
Tác giả có đầy đủ tư cách của một học giả hàng đầu về phương pháp, vì bản
thân ông vốn là một sinh viên ưu tú tại Chủng viện Thánh kinh New York.
Ông cũng là một giáo sư từng tạo được cảm hứng cho các sinh viên của
mình trong việc dạy bảo người khác. Trong số đó, nhiều vị cả nam lẫn nữ
hiện đang được nhiều trường đại học tại nhiều quốc gia và cả tại Hoa Kỳ đòi
hỏi, và nhiều sinh viên khác nữa đang muốn được hướng dẫn vào việc tiếp
cận Kinh Thánh một cách đầy phấn khởi và thỏa đáng.
Độc giả cần ghi khắc luôn vào tâm trí phần nguyên tắc căn bản của chủ đích
mà quyển sách này nhằm vào, tức là phương pháp nghiên cứu vốn không
phải là cứu cánh của chính nó, mà chỉ là một phương tiện nhằm vào một cứu
cánh. Thật vậy, cần phải nhớ rằng bản thân bộ Kinh điển cũng chỉ là “một
tấm bảng chỉ đường đến ngôi nhà tạm trú”, dẫn người ta đến chỗ có được
mối liên hệ mật thiết hơn với Chúa Cứu Thế hằng sống, Đấng vốn là An-pha
và Ô-mê-ga, là Đầu tiên và Cuối cùng.
Giáo sư William Lyon Phelps có lần đưa tờ Nữu ước Thời báo ấn hành vào
lúc sáng sớm và bảo với đám cử tọa của mình “Kinh Thánh còn cập nhật hóa
hơn cả tờ nhật báo này nữa”. Nếu bạn chịu khó theo đuổi những điều gợi ý
trong quyển sách này, bạn sẽ có thể dễ dàng chứng minh được cho một lời
phát biểu như thế.
Caroline L.Palmer
New York, New York tháng Năm, 1952
LỜI TRI ÂN CỦA TÁC GIẢ
Tác giả xin tri ân sâu sắc rất nhiều người về nhiều sáng kiến trong quyển
sách này. Một trong số những nhân vật chủ yếu đó là Tiến sĩ Caroline
L.Palmer, vị giáo sư và là người chịu trách nhiệm về phần lớn những gì tác
giả được biết và đã vui lòng viết Lời Nói Đầu cho quyển sách này.
Nếu phần vay mượn của từng cá nhân đều có thể được trả lại thật phải lẽ và
đúng lúc thì thật là lý tưởng, nhưng vì nhiều lý do hết sức rõ ràng, điều đó đã
không thể nào thực hiện được. Tuy nhiên, tác giả hi vọng rằng quyển sách
nghiên cứu này sẽ góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu của những
người có các sáng kiến đã đươc mình sử dụng, do đó cũng biện minh được
cho cách mình đã tự do sử dụng các phát kiến ấy.
NỘI DUNG
Dẫn Nhập
Chương 1: QUAN SÁT
Chương 2: GIẢI NGHĨA
Chương 3: ỨNG DỤNG
Tóm tắt
Phụ lục
Sách Tham khảo
DẪN NHẬP
A. Tại sao ta lại làm như thế? - Nhu cầu và phương thuốc
B. Nó là gì? - Định nghĩa việc Nghiên cứu Kinh Thánh theo đúng phương
pháp
C. Phía sau đó có gì? - Các tiền đề căn bản
1. Kinh Thánh xứng đáng được nghiên cứu
2. Vài yếu tố đặc sắc của việc nghiên cứu Kinh Thánh đúng phương pháp
a. Nghiên cứu Kinh Thánh theo phương pháp Quy nạp
b. Nghiên cứu Kinh Thánh trực tiếp, độc lập
c. Nghiên cứu Kinh Thánh về mặt văn chương
d. Nghiên cứu Kinh Thánh về phương diện tâm lý
e. Nghiên cứu Kinh Thánh nhằm mục đích xây dựng
f. Nghiên cứu Kinh Thánh một cách toàn diện
g. Nghiên cứu Kinh Thánh bằng tấm lòng chân thành
h. Nghiên cứu Kinh Thánh để đồng hóa
i. Nghiên cứu Kinh Thánh với thái độ tôn kính
D. Tôi sẽ sử dụng nó như thế nào? - Một bảng liệt kê các gợi ý
Các chú thích.
A. TẠI SAO TA LẠI LÀM NHƯ THẾ? - Nhu cầu và phương thuốc.
Có một số điểm giống nhau gây kinh ngạc giữa một thám tử tài ba và một
nhà nghiên cứu Kinh Thánh có hiệu năng.
Một thám tử giỏi phải có tài trong một số kỹ thuật, như biết phải tìm các đầu
mối ở đâu và phải có những biện pháp nào để tìm ra chúng. Thí dụ anh ta
phải biết rõ tầm quan trọng của những yếu tố như dấu tay hay các xét
nghiệm về trọng lượng liên hệ với việc truy tìm tội phạm. Rồi một khi đã tìm
được chứng cứ, anh ta phải có khả năng giải thích nó thật phải lẽ, phải biết
kết hợp chúng lại với nhau hầu khám phá ra cái khuôn mẫu theo đó mọi việc
đã xảy ra, phải đánh giá nó và rút từ đó ra những kết luận có giá trị. Và tất cả
công việc đó của nhà thám tử đều có hệ thống. Anh ta theo đuổi trong phạm
vi mình có thể làm được một tiến trình có trật tự mà mình nhận thấy là phù
hợp nhất để tìm ra thủ phạm. Bằng mọi cách, anh ta phải tránh chuyện ngẫu
nhiên, tình cờ vì biết rằng chuyện cầu may không dẫn tới việc phát giác hữu
hiệu được.
Thế nhưng có một sự thật là quá nhiều người nghiên cứu Kinh Thánh lại tiếp
cận nhiệm vụ của họ theo cách mà một thám tử tài ba chẳng bao giờ làm,
nghĩa là bằng phương pháp cầu may, bằng cách mò mẫm được chăng hay
chớ. Họ không có một kế hoạch hành động có thứ tự, được suy đi tính lại,
cân nhắc hết sức kỹ càng. Họ có khuynh hướng noi theo các ngẫu hứng thất
thường có thể xảy ra rồi chỉ một khoảnh khắc sau đó, lại thay đổi ngay.
Nhược điểm này không phải chỉ có ở các tín đồ thường, là nơi người ta có
thể trông đợi sẽ gặp nó, mà cả nơi nhiều người từng được đào tạo đặc biệt
trong lãnh vực nghiên cứu Kinh Thánh nữa. Một trong những lý do chủ yếu
của sự kiện này, là nhu cầu về phương pháp thường không được nhận thấy,
mà hậu quả là người sinh viên không được chỉ dạy để biết phân tích tiến
trình lý giải, nhằm khai triển một phương pháp thấu đáo, hợp lý, theo từng
bước một mà người ấy có thể dùng để giải nghĩa bất luận một khúc Kinh
điển nào. Một trong những hậu quả của một sơ sót như thế là bị mất thì giờ,
thiếu chính xác và nông cạn.
Những niềm tin vừa kể trên cùng với những niềm tin có liên hệ khác nữa đã
đưa tới phần chuẩn bị cho cuộc thảo luận sắp được nêu ra đây, trong đó tác
giả trình bày một bảng phân tích chi tiết tiến trình nghiên cứu Kinh Thánh
từng làm cơ sở cho nỗ lực cá nhân nhằm khai triển một phương pháp tiếp
cận các khúc Kinh Thánh một cách có hệ thống. Tác giả không hề có ảo
tưởng rằng quyển sách này hàm chứa một phương thuốc trị bá bệnh, bảo
đảm chữa trị được cho mọi khuyết điểm, mọi thói xấu trong việc nghiên cứu
Kinh Thánh. Tác giả cũng không dám mơ ước rằng những gì mình nhận thấy
là có ích lợi trong tư tưởng và công tác riêng tư, cũng sẽ được độc giả nhắm
mắt áp dụng ngay, vì nói cho cùng, thì tinh thần làm việc theo đúng phương
pháp là một vấn đề cá nhân. Tuy nhiên, tác giả hi vọng tập tài liệu này có thể
góp một phần nhỏ mọn nào đó để gợi ý cho độc giả về quan niệm nghiên
cứu Kinh Thánh một cách có phương pháp, có hệ thống, đồng thời với việc
ý thức được tầm quan trọng của nó. Nếu được như thế, số thì giờ chúng tôi
đã dành ra để soạn thảo quyển sách đã không phải là bị phung phí đi vậy.
B. NÓ LÀ GÌ? - Định nghĩa việc nghiên cứu Kinh Thánh theo đúng phương
pháp.
Tuy mấy lời phát biểu trên đây đã nói lên được đôi điều về ý nghĩa của việc
nghiên cứu Kinh Thánh theo đúng phương pháp, chúng tôi xin định nghĩa
rốt ráo hơn nữa để biết chắc là sự việc đã trở thành thật rõ ràng.
Muốn tìm hiểu thấu đáo ý nghĩa của từ ngữ “có phương pháp” -
(methodical) chúng ta cần khảo xét trước hết ý nghĩa của danh từ “phương
pháp” - (method). Danh từ “phương pháp” được căn cứ trên từ ngữ Hi văn
methodos, nghĩa đen là “một con đường, một nẻo đường để chuyển vận”.
Theo nghĩa đó, xin lưu ý thật cẩn thật các định nghĩa sau đây cho chữ
“phương pháp”.
Phương pháp có thể nói lên một phương thức hoặc trừu tượng hoặc cụ thể,
nhưng trong cả hai trường hợp nó đều hàm ý là một sự sắp xếp có thứ tự,
hợp lý và hữu hiệu, như các ý niệm của một người nhằm đưa ra một phần
trình bày giải thích hay một luận cứ, hoặc các bước phải noi theo trong việc
dạy bảo, một cuộc điều tra nghiên cứu... hay trong bất kỳ một loại hay một
công việc nào (1).
Về cơ bản, phương pháp chỉ là cách làm việc cần noi theo trong một trường
hợp nhất định nào đó... Các bước chủ yếu cần phải noi theo... và những điểm
tối quan trọng trong đó các điều kiện phát triển phải được cẩn thận duy trì và
nuôi dưỡng (2). Vậy, nghiên cứu Kinh Thánh một cách có phương pháp liên
hệ với nẻo đường thích hợp cần phải noi theo hầu đạt tới chân lý của Kinh
điển. Nói rõ hơn nữa, nó bao gồm việc phát giác ra những bước nào là cần
thiết nhằm đạt được mục tiêu của mình, và cách sắp xếp chúng sao cho thật
hợp lý và kiến hiệu.
Để minh họa, ta có thể rút ra những điểm giống nhau giữa công tác nghiên
cứu Kinh Thánh một cách có phương pháp với việc làm bánh. Dưới đây là
phương pháp làm loại bánh nướng vàng. Xin lưu ý những điểm giống nhau
giữa nó với việc nghiên cứu Kinh Thánh một cách có phương pháp theo hai
câu định nghĩa vừa được nêu ra ở phần trên.
1. Thoa dầu và bột vào một khuôn 8x8
2. Rây vào trong tô trộn:
- 13/8 tách bột rây
- 2 muỗng trà bột nổi
- 1/2 muỗng trà muối
3. Thêm 1/3 tách shortening
4. Đổ vào 2/3 tách sữa
- 1 muỗng trà va-ni
5. Đánh lên 2 phút
6. Thêm 1 quả trứng to
7. Đánh lên thêm 2 phút
8. Đổ tất cả vào khuôn đã chuẩn bị sẵn và nướng 30 phút ở nhiệt độ 350độ
Chắc bạn đã nhận thấy thế nào phương pháp làm bánh chỉ cho người ta phải
noi theo một số các bước, như sử dụng những thành phần chất liệu nào, hoà
trộn chúng, và đặt khuôn bột bánh vào lò ở một nhiệt độ nào đó và bao lâu.
Nếu muốn làm được loại bánh đặc biệt đó, người ta phải theo đúng các bước
thiết yếu ấy. Tuy nhiên, không phải chỉ có những bước đặc thù ấy là cần
thiết mà thôi, nhưng điều cũng vô cùng quan trọng là phải thực hiện theo
đúng thứ tự đã được gợi ý. Vì nếu các thứ tự đều bị đảo ngược trong việc
pha trộn bột bánh trước khi nó được đem nướng, thì hậu quả sẽ vô cùng tai
hại. Cũng vậy, nghiên cứu Kinh Thánh một cách có phương pháp bao gồm
hai yếu tố cần thiết: thứ nhất, một số các bước phải noi theo (nội dung), và
thứ hai, một cách sắp xếp nào đó (thứ tự). Không thể bỏ đi một yếu tố nào
trong số đó, nếu ta muốn cho việc tiếp cận của mình là đúng phương pháp.
Do đó, câu hỏi mà chúng ta phải tự đặt ra cho mình gồm hai phương diện
“Đâu là các bước cần phải noi theo, và theo trật tự hay cách sắp xếp nào,
chúng ta sẽ đạt được mục tiêu là nghiên cứu Kinh Thánh cho có kết quả?”
(3)
C. PHÍA SAU ĐÓ CÓ GÌ? - Các tiền đề căn bản.
Ẩn bên dưới việc nghiên cứu Kinh Thánh đúng phương pháp là một số các
định đề (postulates). Người ta sẽ không tìm cách chứng minh các định đề
này một cách dứt khoát, vì cả khi có thể làm được công việc ấy, thì chỉ riêng
cái công việc ấy mà thôi cũng phải viết ra cả một quyển sách hoặc nhiều
quyển sách rồi. Mục đích chủ yếu ở đây là chỉ nêu chúng ra càng rõ ràng,
ngắn gọn được chừng nào càng tốt chừng nấy (4).
1. Kinh Thánh đáng được học hỏi nghiên cứu.
2. Việc nghiên cứu Kinh điển đúng phương pháp đòi hỏi một số các yếu tố.
Các yếu tố này sẽ được thảo luận như là những đặc điểm của việc nghiên
cứu Kinh Thánh một cách có phương pháp.
a. Nghiên cứu Kinh Thánh theo phương pháp Quy nạp.
Có một điều kiện cho việc tiếp cận một cách có phương pháp, ấy là về bản
tính, nó phải phù hợp với đối tượng, với mục tiêu nhằm vào, vì đó chính là
phương tiện để đạt mục tiêu. Thí dụ phương pháp đúng để ném quả bóng dã
cầu - ngoài nhiều cử động khác ra - là phải cầm quả bóng thật chắc đưa cánh
tay ra phía sau rồi ném quả bóng về phía trước bằng cách vung cánh tay lên
thật mạnh. Điều này nhất thiết phải được làm cho đúng, vì nó chính là tính
chất của việc ném một quả bóng dã cầu. Vậy, muốn cho một phương pháp
tiếp cận Kinh điển nào đó có giá trị, nó phải có bản chất giống như bản chất
của chính Kinh điển.
Kinh điển, vốn phân biệt với người giải kinh, và không phải là một thành
phần chính thức của người ấy. Nếu các chân lý của Kinh Thánh đã nắm sẵn
trong người ta rồi, thì chẳng cần gì phải có Kinh Thánh và bộ sách ấy sẽ là
dư thừa. Nhưng sự kiện là Kinh Thánh là một bộ phận văn học khách quan,
sở dĩ có là vì con người cần phải biết một số chân lý mà con người không
thể tự biết được, và phải đến với nó từ bên ngoài. Hệ quả là, nếu phải khám
phá cho ra các chân lý nằm trong bộ phận văn học khách quan kia, con
người phải sử dụng một phương pháp tiếp cận phù hợp với nó về bản tính,
nghĩa là một phương pháp tiếp cận khách quan.
Có hai cách tiếp cận chính được mở ra cho người nghiên cứu Kinh Thánh.
Một là diễn dịch pháp (deduction), bắt đầu bằng việc tổng quát hóa rồi
truyền sức hậu thuẫn của mình cho những trường hợp riêng biệt. Tự bản tính
của nó, diễn dịch pháp có khuynh hướng chủ quan và có định kiến. Nó tạo ra
những người nắm quyền độc tài đối với Kinh điển chớ không phải là những
người biết lắng nghe Kinh điển. Do đặc tính khách quan của văn chương
trong Kinh điển, một phương pháp tiếp cận như thế là không phù hợp với
Kinh Thánh, và do đó, là không đúng phương pháp. Mặt khác, phương pháp
đối lập với nó, quy nạp pháp (induction) thì khách quan và vô tư, vì nó chỉ
đòi hỏi ta trước hết là khảo xét các điểm riêng biệt của Kinh điển, rồi các kết
luận của ta đều được căn cứ trên các điểm cá biệt đó. Một phương pháp như
thế là đứng đắn vì vốn có tính cách khách quan, phù hợp với bản tính khách
quan của Kinh điển. Nó tạo ra những con người chịu lắng nghe chớ không
phải là những người chỉ biết nói ra mà thôi, và bản tính của Kinh điển đòi
hỏi những con người biết lắng nghe. Vậy, nghiên cứu Kinh Thánh một cách
có phương pháp, là nghiên cứu theo quy nạp pháp, vì trong trường hợp này,
theo quy nạp pháp là đúng phương pháp.
Trong phương trình phương pháp thích hợp và quy nạp pháp này, phải có
hai phẩm cách (qualifications = phẩm tính, phẩm chất, đặc tính). Một là
chẳng hề có quy nạp pháp nào là thuần túy cả. Khi ta nói về một cách tiếp
cận bằng quy nạp pháp, thì điều đó chỉ có nghĩa là nó tương đối theo quy
nạp pháp mà thôi. Cùng một nguyên tắc ấy cũng áp dụng cho diễn dịch pháp
nữa. Điểm thứ hai là hệ quả của điểm trước. Vì chẳng hề có quy nạp pháp
thuần tuý, nên cũng không có khách quan tính tuyệt đối. Gamaliel Dradford
từng nhận xét thật sáng suốt rằng “Chỉ có những người tưởng rằng họ vô tư,
và những người biết rằng họ không vô tư mà thôi”. Tuy nhiên, một phương
pháp nhấn mạnh trên quy nạp pháp đến mức tối đa, sẽ dễ tạo ra những nhà
giải kinh vô tư và chính xác hơn bất kỳ một phương pháp tiếp cận nào khác.
b. Nghiên cứu Kinh Thánh trực tiếp, độc lập.
Hãy tạm cho rằng quy nạp pháp là cách tiếp cận Kinh điển một cách có
phương pháp, vấn đề từ đó nảy sinh sẽ là đâu là các phương tiện nhằm khám
phá ra các sự kiện cá biệt để ta có thể dùng làm cơ sở cho các kết luận của
mình.
Dường như điều hợp lý để cho rằng phương pháp hay nhất để bảo đảm cho
việc khám phá ra các điểm cá biệt, là nghiên cứu một cách trực tiếp và độc
lập chính các điểm cá biệt ấy. Như thế, chính bộ Kinh Thánh chớ không phải
là những quyển sách viết về Kinh Thánh, mới là bộ sách giáo khoa căn bản
cho người nghiên cứu Kinh Thánh. Việc nhấn mạnh như thế vào quyền ưu
tiên của việc nhận xét trực tiếp giúp nhà giải kinh trở thành quen biết với
tinh thần của các trước giả viết Kinh điển (5), khiến ông ta có thể có được
cách suy tư độc sáng (orginal) và cung cấp cho ông ta một cơ sở để phán
đoán giá trị của nhiều nguồn tài liệu rất khác nhau và thường thường lại trái
ngược, xung đột nhau.
Việc nhấn mạnh trên quyền ưu tiên của phương pháp nghiên cứu trực tiếp
này không hề hàm ý rằng không nên khảo cứu thật kỹ các bộ sách chú giải.
Trái lại, khi được thực hiện đúng cách, nó vốn được thừa nhận là một bước
tiến cần thiết trong cách tiếp cận một cách có phương pháp. Spurgeon đã
vạch ra rất đúng rằng “có hai sai lầm trái ngược nhau bám sát người nghiên
cứu Kinh điển: khuynh hướng chỉ lợi dụng các tài liệu hoặc ý kiến của
những người khác, và không chịu lợi dụng bất cứ một điều gì của người
khác cả” (6).
Vì Kinh Thánh vốn có nhiều hình thức, nhiều phương diện, cho nên cần phải
quyết định xem nên lợi dụng phương diện, hình thức nào. Việc lựa chọn tùy
thuộc các đòi hỏi của cá nhân nhà giải kinh; vì nếu chính ông ta phải tìm
kiếm các điểm cá biệt, thì ông ta phải có trong tay một công cụ để sử dụng.
Cho nên trong phần lớn các trường hợp, một quyển Kinh Thánh bằng tiếng
mẹ đẻ là thích hợp nhất cho giai đoạn đầu tiên của việc nghiên cứutheo quy
nạp pháp. Điều này sở dĩ đúng, vì người học hỏi nghiên cứu trung bình
thường không đủ chuyên môn trong các nguyên văn để có thể sử dụng chúng
thật thông thạo. Và vì các bản dịch vốn là công tác của các nhà chuyên môn
thuộc lãnh vực ấy, nên chắc chắn là phần đông những người học hỏi nghiên
cứu Kinh điển sẽ không có khả năng để cải thiện chúng hay ít ra cũng chẳng
cải thiện được nhiều lắm. Hơn nữa, con người ta vẫn suy nghĩ bằng tiếng mẹ
đẻ của mình, do đó, cũng sẽ học hỏi được dễ dàng hơn khi sử dụng loại ngôn
ngữ thông dụng. Cũng còn sự kiện là tiếng mẹ đẻ giúp người ta nhìn thấy
các mối liên hệ rộng rãi hơn, điều rõ ràng là không thể nào có được khi sử
dụng các nguyên văn. Vì các lý do vừa kể và nhiều lý do khác nữa, phần
thảo luận đưa ra tiếp theo đây sẽ đặt trên cơ sở là niềm tin rằng bước đầu
tiên để tiếp cận Kinh điển một cách có phương pháp phải là việc nghiên cứu
trực tiếp và độc lập bằng ngôn ngữ thông dụng. Điều này không hề hàm ý
việc phủ nhận sự hỗ trợ vô giá mà việc sử dụng nguyên văn có thể cung cấp
cho. Mặt khác, người ta nhận thấy rằng việc sử dụng trực tiếp và độc lập
ngôn ngữ thông dụng thường khiến mình quan tâm tìm hiểu nguyên văn (7)
c. Nghiên cứu Kinh Thánh về phương diện văn chương.
Nghiên cứu văn chương trong Kinh Thánh cho thấy Kinh điển bao hàm một
nền văn học lỗi lạc và do đó, cũng được cai trị bởi các định luật vẫn cầm
quyền kiểm soát tất cả các nền văn học lớn. Các sự kiện này là quyết lệnh
dạy người học hỏi nghiên cứu Kinh điển phải kết thân và chịu sự hướng dẫn
của các quy luật của văn học. V.Ferm vạch rõ:
Kinh Thánh nói chung là văn học cao cấp và việc nghiên cứu tính cách cao
siêu vĩ đại trong các quyển sách, nghiên cứu về bản tính của thiên tài về thi
ca và các quá trình sáng tạo ra nó, ít ra cũng cần thiết cho việc thật sự thông
suốt sách ấy ngang hàng với việc đào tạo nhà phê bình lịch sử (8).
Thiết tưởng cần lưu ý rằng tiền đề này vốn được đặt trên cơ sở là niềm tin
quyết tuy Kinh điển có nội dung và một bức thông điệp độc nhất vô nhị, bộ
sách ấy vốn cũng giống như các sách văn học khác về hình thức, vì nó cũng
gồm có phần giao lưu ngôn ngữ bằng chữ viết. Nếu điều đó là đúng, thì phần
hình thức của văn chương cũng thực hiện các chức năng đối với các tư
tưởng, các ý niệm của Kinh Thánh, y như nó vẫn thực hiện đối với các ý
niệm, các tư tưởng không phải là Kinh Thánh, nghĩa là nó là một phương
tiện truyền thông, giao lưu mà hệ quả thì nó cũng chính là một phương tiện
để lý giải nữa. Do đó, việc một người cần phải quan tâm đến các phẩm chất
văn chương của Kinh điển nếu muốn tiếp cận bộ sách ấy một cách có
phương pháp, là rất cần thiết vậy.
d. Nghiên cứu Kinh Thánh về phương diện tâm lý.
Kinh Thánh không phải là một văn bản trừu tượng về tôn giáo, cũng không
phải là một bộ lịch sách ghi ra các sự kiện và tín ngưỡng tôn giáo. Về bản
tính, nó có tính cách tâm lý. Do đó, phương pháp tiếp cận của nhà giải kinh
phải luôn luôn lưu ý đến phương diện thực nghiệm của Kinh điển. V.Ferm
đã viết đoạn sau đây trước câu phát biểu đã được trích dẫn ở phần trên:
Phần lớn Kinh Thánh, cả Cựu lẫn Tân ước đều có đặc tính của thi ca, và
phần lớn những gì không hoàn toàn có hình thức thi ca cũng đều được linh
cảm (inspired = cảm hứng) do cảm xúc sâu sắc và có phẩm chất vĩ đại của
văn chương. Tôi nhận thấy mình đã được tưởng thưởng xứng đáng khi tiếp
cận Kinh Thánh với niềm tin quyết rằng đó là một loại văn học vĩ đại, rằng
người ta phải hưởng thụ thưởng thức, chớ không phải chỉ tìm hiểu nó mà
thôi, hay nói cho đúng hơn là người ta sẽ không thể nào thật sự hiểu được nó
nếu không thêm vào đó sự hiểu biết về nhiều sự kiện từ bên ngoài, có thể
giúp chúng ta nhìn thấy từng quyển sách một tại vị trí nguyên thủy với chủ
đích trực tiếp của nó (thêm vào đó) một cái nhìn thông tuệ đầy ưu ái vào tâm
hồn của trước giả, một sự thông cảm có ít kiến thức về các sự việc sự vật
hơn là sự hiểu biết của một con người về những con người (9).
e. Nghiên cứu Kinh Thánh nhằm mục đích xây dựng.
Có người đã nhận xét rất đúng rằng “Hiện nay là thời mà những chiều kích
vô hạn trong Thánh điển đã vượt khỏi tầm nhìn của chúng ta, trong khi đôi
mắt mang kính của chúng ta lại chăm chú vào các tiểu tiết”. Vì có sự hiện
diện của khuynh hướng này và các nguy cơ gắn liền với nó, những người
nghiên cứu Kinh Thánh chúng ta đã được lệnh nghiêm ngặt là phải tập trung
chú ý vào những gì tích cực, rõ rệt và hiển nhiên là có tích cách căn bản.
Công tác giải kinh tất nhiên là có nhiều vấn đề, nhưng chúng ta không cần
và không nên để cho nó chiếm mất phần lớn thì giờ của chúng ta. Vì như có
người đã nhận định, điều khiến chúng ta bận tâm không phải là những thành
phần trong Kinh Thánh mà chúng ta không hiểu, nhưng là những thành phần
mà chúng ta hiểu được.
f. Nghiên cứu Kinh Thánh một cách toàn diện.
Về mặt lý tưởng mà nói, nghiên cứu Kinh Thánh một cách có phương pháp
phải là làm công tác nghiên cứu theo hai phương diện, một là bằng mọi
phương tiện, nghĩa là bằng bất cứ cách nào hữu ích mà chúng ta có thể sử
dụng để nghiên cứu chân lý của Kinh điển, và hai là về phạm vi, tầm hạn -
nghĩa là phải nắm vững toàn bộ Kinh điển, thấu triệt chủ đích của từng
quyển sách một của toàn bộ Kinh điển (10).
g. Nghiên cứu Kinh Thánh bằng tấm lòng chân thành
Đặc điểm này đã được đề cập trong phần thảo luận về quy nạp pháp, nhưng
nó rất quan trọng đến độ chúng ta có thể nhắc lại. Khi tiếp cận Kinh điển,
người ta “không nên thêm bất cứ điều gì vào đó, mà trái lại, phải rút mọi
điều từ đó ra, và không chịu để cho bất cứ điều gì thật sự có trong đó còn bị
giấu kín” (11). Trong tác phẩm Giới thiệu Shakespeare, Hardin Craig nhận
xét:
Dường như chỉ có một phương pháp làm việc duy nhất là do lòng chân thành
mà thôi. Tôi đã phải phát quang môi trường khi cần phải khai quang, và tôi
đã làm việc đó với đức tin rằng nếu chúng ta chỉ cần nhờ vào phương tiện ấy
đề nghe được tiếng nói của Shakespeare mà thôi, thì sẽ chẳng còn gì nhiều
hơn, xa hơn để bận tâm nữa. Là những người học hỏi nghiên cứu Kinh
Thánh cũng thế, chúng ta phải tiếp cận Kinh đển với mục đích để cho chính
Kinh điển phán dạy và với đức tin rằng nếu chúng ta chỉ có thể nghe được
tiếng phán của Kinh điển mà thôi, thì chúng ta chẳng còn cần phải bận tâm
gì hơn nữa. L.Gilman từng nói về Toscanini”
Toscanini đã vô tình nhắc nhở chúng ta rằng chỉ có những nghệ sĩ đó mới
chạm tới được những nguồn suối sâu xa nhất để tự biểu hiện tâm trí đơn sơ
thuần phác, ý thức thuần khiết và lòng thành thật không vấy chút băng hoại
nào của họ (12).
Chỉ có những người chứng tỏ được mình có các đức tính ấy mới nhận thức
được các chức năng đích thực của mình với tư cách những người nghiên cứu
Lời Chúa.
h. Nghiên cứu Kinh Thánh để đồng hóa.
Chủ đích trực tiếp của việc nghiên cứu Kinh Thánh liên hệ với những người
tham gia, là để chính họ lặp lại từng trải đã xảy ra trước nhất trong Kinh
điển. Nhà học giả Trung hoa từng viết “Tôi hiện đang đọc Kinh Thánh và
đang theo đó để ăn ở ứng xử” vốn đã lãnh hội được tầm quan trọng của
nguyên tắc căn bản này. Điều thiết yếu là chân lý khám phá được trong Kinh
Thánh phải được đưa vào, phải được thể hiện trong đời sống. Điều này rất
đúng vì nhiều lý do, mà chúng tôi chỉ xin ghi ra đây hai trong số đó mà thôi:
Thứ nhất, việc thâu hóa chân lý Kinh điển là điều khiến cho việc nghiên cứu
học hỏi Kinh Thánh xứng đáng với công sức đã bỏ ra. Trong quyển sách
nhan đề Vấn đề đọc sách của mình, Holbrook Jackson viết:
Tác động đầu tiên của việc đọc sách là thức tỉnh, chớ không phải là thông
tin... Nếu không bằng một cách thế nào đó hay vào một lúc nào đó, những
chữ, những câu hay các quyển sách của chúng ta không nổ tung ra như vậy
một cách có lợi và sáng tạo, không những chỉ tiết lộ cho chúng ta về cuộc
đời mà còn chỉ cho chúng ta cách thức phải sống nữa, thì việc đọc sách chỉ
là phung phí thì giờ mà thôi.
Một lời phát biểu như thế đặc biệt nghiệm đúng cho việc nghiên cứu học hỏi
Kinh Thánh.
Thứ hai, việc tiếp thu chân lý Kinh điển dẫn tới việc tăng thêm cái nhìn
thông tuệ (insight) trong khi nếu không đạt được điều đó sẽ đưa đến các hậu
quả là bị suy nhược thuộc linh. Chúa Giê-xu từng làm sáng tỏ vấn đề này khi
nói về các ẩn dụ của Ngài:
Ai có tai, nên lắng nghe! Phải để ý đến những lời các con nghe. Các con
lường cho người ta mức nào, người ta sẽ lường lại cho các con mức đó, mà
còn gắt gao hơn nữa. Vì ai có sẽ được cho thêm, nhưng ai không có, dù còn
gì cũng bị mất luôn (Mac Mc 4:23-25).
i. Nghiên cứu Kinh Thánh với thái độ tôn kính .
Thái độ kính cẩn cần thiết vì hai lý do chính yếu:
Thứ nhất, nó khiến người ta có thể tiếp thu, mà tiếp thu rất thiết yếu để thông
hiểu chân lý thuộc linh. Chính Chúa Giê-xu từng dạy về sự kiện này trong ẩn
dụ các loại đất (Mac Mc 4:1-20). Horace Bushnell cũng có lần nhận định:
Tôi có từng trải là Kinh Thánh cứng khô khi nào tôi cứng khô. Khi tôi thật
sự sinh động và đọc văn bản bằng ái lực sống động của một cơn thủy triều
đang lên và đang gây áp lực, thì nó được mở rộng, nhân bội những gì có thể
được khám phá ra, và tiết lộ những chiều sâu còn nhanh hơn cả khả năng ghi
chép lại của tôi nữa.
Cảm thấy Kinh Thánh khô hạn, cứng rắn là do thái độ bất thích hợp đối với
Kinh điển và chỉ có thể thắng vượt bằng cách làm phát triển lòng tôn kính
thật sự đối với Lời Cúa.
Thứ hai, nó bao hàm một thái độ vừa cầu nguyện vừa chịu lệ thuộc vào
Thánh Linh của Thượng Đế, vì nếu không có Ngài, chúng ta sẽ không tài
nào hiểu nổi Lời Thượng Đế; vì Ngài chính là Đấng đã linh cảm Lời Chúa
mà cũng là nhà giải kinh tối thượng nữa. Bushnell có thêm vào lời phát biểu
đã được trích dẫn ở phần trên “Tinh thần của thế gian này đóng chặt Kinh
Thánh lại; Thánh Linh của Thượng Đế biến nó thành một ngọn lửa bừng
cháy, làm bộc lộ các chân lý có đầy đủ ý nghĩa và quang vinh” (13).
D. TÔI SẼ SỬ DỤNG NÓ NHƯ THẾ NÀO? - Một bảng liệt kê các gợi ý.
Vì phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh, có một nỗ lực tại điểm ráp nối này nhằm
báo trước một số vấn đề vẫn thường nảy sinh và nhằm giúp quý độc giả
chuẩn bị để hiểu rõ và sử dụng phần tài liệu sắp được đưa ra. Việc này sẽ
được thực hiện dưới hình thức một bảng liệt kê các gợi ý khác nhau.
1. Hãy cố nhìn toàn diện vào tiến trình nghiên cứu một cách có phương pháp
trước khi thử áp dụng một thành phần nào trong đó. Một cái nhìn như thế rất
cần thiết vì tính cách liên hệ hỗ tương giữa các bước khác nhau cần phải noi
theo. Chúng vốn lệ thuộc lẫn nhau đến mức người ta sẽ không thể hiểu được
chức năng của bất cứ một thành phần nào trong đó, nếu không biết mối liên
hệ giữa nó với thành phần đi trước và theo sau nó. Hệ quả là, độc giả được
khuyến cáo hãy nghiên cứu toàn thể quyển sách chỉ nam này trước khi thử
sử dụng những điều gợi ý trong đó, hoặc thậm chí là trước khi muốn nghiêm
túc cố gắng tìm hiểu trọn vẹn một thành phần nào trong đó. Hơn nữa nên lợi
dụng các mục lục trước nhiều đoạn sách để ghi nhận cẩn thận nội dung và
cách tổ chức của chúng. Theo các phương pháp ấy, quý độc giả sẽ thấy đựơc
các mối liên hệ hỗ tương giữa các bước, để nhờ đó sẽ sẵn sàng ứng dụng
từng bước một cho chính mình một cách thông minh hơn.
2. Nên sử dụng các bài tập đã cho hoặc các bài tập tương đương khi bạn sẵn
sàng ứng dụng phần tài liệu ấy. Việc đưa các bài tập vào đây nhằm gợi ý là
có một số điểm giống nhau giữa việc khai triển một phương pháp tiếp cận
các khúc Kinh Thánh theo đúng phương pháp, với việc làm phát triển phần
thân thể được khỏe mạnh. Cả hai đều được thực hiện trước hết là nhờ có
thực tập, và cả hai đều từ từ, tiệm tiến mà hệ quả là đòi hỏi phải kiên trì nhẫn
nhục. Cho nên, như một thân thể khỏe mạnh không thể thực hiện được chỉ
bằng cách đọc một công trình thảo luận về chủ đề ấy hay chỉ học một vài bài
dễ, xin đừng trông mong rằng chỉ cần liếc sơ qua quyển sách này là người ta
sẽ có được ngay tinh thần nghiên cứu theo đúng phương pháp. Nếu phần
thảo luận này được chứng minh là thật sự có giá trị, ấy là vì nó chỉ ra một số
biện pháp hành động mà quý độc giả có thể noi theo, và nhờ noi theo đó mà
tự dạy mình trở thành người biết nghiên cứu Kinh Thánh một cách có hệ
thống. Một tiến trình như thế sẽ cần rất nhiều năm, nếu không nói là cả một
cuộc đời. Vì chẳng hề có một phương pháp nghiên cứu Kinh Thánh nào để
chúng ta có thể tùy tiện đi tắt, cũng như không hề có lối đi tắt nào để có
được sức lực thuộc thể cả. Tuy nhiên, tuy sự tăng trưởng của một người
không thể nào xảy ra nhanh chóng được, nếu người ta biết áp dụng các gợi ý
sắp được đưa ra sau đây và thật sự dấn thân vào môn thể dục thẩm mỹ tinh
thần và thuộc linh đã được đề ra, thì người ta có thể được bảo đảm rằng dưới
quyền cai trị của Thượng Đế, các nỗ lực của mình sẽ đạt được kết quả ngày
càng tăng.
3. Hãy nhìn vào các thí dụ minh họa trong quyển Kinh Thánh của bạn (14)
và nghiêm chỉnh cố gắng khám phá trong đó những ý niệm soi sáng liên hệ
được tìm thấy. Thật vậy, việc làm ấy sẽ giúp bạn tìm ra những thì dụ minh
họa cho chính bạn tại rất nhiều điểm.
4. Trong phần đầu tiên có hơi rắc rối của quyển sách chỉ nam này, xin chớ
quá bận tâm đến việc tìm đọc các chú thích vốn được đặt vào phần cuối của
nhiều đoạn sách. Lý do của gợi ý này là nhằm tránh việc phải thường xuyên
làm gián đoạn giòng tư tưởng của độc giả khi quý vị muốn có được một cái
nhìn bao quát toàn diện. Các chú thích sẽ được chứng minh là hữu ích ở
những lần đọc lại quyển sách chỉ nam này về sau, lúc quý độc giả đang ở
trong tiến trình áp dụng các gợi ý của nó.
Các chủ đích của phần chú thích gồm ba phương diện: thứ nhất để chỉ ra các
sách tham khảo; thứ hai để cung cấp tài liệu giải thích mà kinh nghiệm đã
chứng minh là hữu ích, nhưng sẽ làm gián đoạn diễn tiến và cơ cấu tổ chức
của vấn đề chủ yếu đang được thảo luận; và thứ ba, để dùng như một hệ
thống tham khảo những phần khác nhau trong cùng quyển sách này. Chức
năng của phương diện sau cùng này được xem là thiết yếu vì nhiều lý do.
Một là làm như thế thì các chú thích sẽ thay thế được phần nào cho bản mục
lục, vốn không có trong quyển sách này. Hơn nữa, chúng được dùng làm
phương tiện liên kết nhiều phần khác nhau trong quyển chỉ nam này, do đó,
giúp quý độc giả thấy được tính cách trung thực, đứng đắn của việc nghiên
cứu một cách có phương pháp; và chúng cũng góp phần làm sáng tỏ cuộc
thảo luận, vì những phần khác nhau của quyển chỉ nam này sẽ giúp soi sáng
lẫn cho nhau.
5. Sử dụng ít nhất vài gợi ý về các sách tham khảo. Điều này sở dĩ cần thiết
vì phần trình bày tiếp theo đây không hề khai thác rốt ráo, vắt kiệt được lãnh
vực nghiên cứu Kinh Thánh hết sức bao la, rộng rãi. Thật vậy, chúng tôi
không có đủ cả đến khoảng trống cần thiết để chứng minh cho rốt ráo việc
nghiên cứu một cách có phương pháp liên hệ với một khúc sách nhất định
nào đó được đưa ra, vốn chắc chắn là sẽ có rất nhiều lợi ích. Phần thảo luận
nhất thiết phải theo đúng phần hình thức và bố cục hướng dẫn, phải được sử
dụng trong mối liên hệ cộng tác với nhiều quyển sách khác trong cùng một
lãnh vực. Một số sách ấy sẽ được chỉ ra trong tiến trình thảo luận và một số
khác nữa trong thư mục tham khảo.
6. Hãy tự trắc nghiệm lấy những câu phát biểu được đưa ra. Chính vì chúng
là những câu kết luận của công trình nghiên cứu theo quy nạp pháp của tác
giả, hay ít ra là vì tác giả hy vọng như vậy, và chính vì chúng là niềm tin
quyết không chuyển lay của tác giả, cho nên quý độc giả không vì thế mà
được trông đợi phải chấp nhận chúng không chút thắc mắc. Trái lại, quý độc
giả được khuyến giục phải tự mình thực hiện lấy việc nghiên cứu theo quy
nạp pháp cho riêng mình. Và nếu khi làm như vậy, quý độc giả đi đến những
câu kết luận mâu thuẫn với các câu kết luận của sách này, thì quý vị không
những chỉ có đặc quyền, mà còn bị bắt buộc phải tin vào điều chính mình đã
tìm ra. Các sự kiện này phải được ghi khắc vào tâm trí xuyên suốt cuộc thảo
luận, thậm chí liên hệ cả với những câu phát biểu có vẻ như độc đoán nữa.
Vì quý độc giả sẽ gặp những cơ hội có những cảm tưởng như thế, mà lý do
chính là vì trong phạm vi hạn hẹp của một quyển sách, không ai có thể vạch
ra được tất cả những điểm cá biệt mà người ta đã căn cứ vào đó để thực hiện
việc tổng quát hóa.
7. Thực hành sẽ đánh tan việc chỉ phán đoán, phê bình suông. Bạn được
khuyến cáo không nên chấp nhận hoặc phủ nhận những câu phát biểu ngay
sau khi đọc chúng. Nhiều khi bày tỏ ý kiến sẽ có tác dụng. Chẳng hạn nếu
bạn không thấy chủ đích của một số gợi ý, và nếu chúng có vẻ như dư thừa
hay thậm chí là lố bịch nữa, hãy dành một ít chỗ cho việc rất có thể rằng
chúng vốn có một chức năng cần thiết nào đó, và rằng nếu được phú mặc
cho thời gian, chức năng ấy sẽ trở thành tỏ rõ. Cũng phải có những lý do đặc
thù để chấp nhận hay phủ nhận một số ý niệm. Và thậm chí sau khi bạn đã
có được các kết luận rồi, bạn cũng phải sẵn sàng thay đổi đi, nếu và khi có
những dữ kiện mới mẻ khác xuất hiện khiến cho việc thay đổi như thế trở
nên cần thiết. Những gợi ý này được nghiệm đúng với cách tiếp cận bằng
quy nạo pháp.
8. Nên nhớ là quyển sách này cố gắng giới thiệu một quan điểm giải kinh
toàn diện và trước nhất nhằm dành cho những người đang được đào tạo để
phục vụ chuyên nghiệp trong Cơ-đốc giáo. Nói như thế không có nghĩa là
trong đó không có những đoạn được rút ngắn, được viết vắn tắt. Chẳng hạn
một tín đồ thường trung bình cần phải có một bản sách đơn giản hơn nếu
muốn tự nghiên cứu, học hỏi Kinh Thánh lấy một mình. Nhưng điều tối
quan trọng là phải biết rằng người ta không thể bắt đầu bằng những đoạn
sách rút ngắn; vì người ta không thể tóm tắt được điều gì chưa có, chưa hiện
hữu. Hay nói cách khác, một ý niệm đã có hoặc ít hoặc nhiều trong tư tưởng
là điều kiện tiên quyết, cho việc rút ngắn, viết tóm tắt có giá trị.
9. Nên nhớ rằng sự kiện lặp đi lặp lại đã được sử dụng có chủ đích trong
quyển sách này, như một ý đồ sư phạm cần thiết và nhằm bảo đảm cho việc
nó phải được trình bày thật rốt ráo. Tác giả đã cố gắng tự quan niệm mình là
người hướng dẫn riêng cho từng độc giả một đang đọc tập tài liệu này. Do
đó, mối quan tâm đầu tiên của tác giả không phải là sử dụng càng ít lời càng
hay nhằm mô tả việc nghiên cứu một cách có phương pháp, mà trái lại, là
phải suy tư theo những điều kiện nào có thể đưa tới việc truyền thông cho có
kết quả. Và nhắc đi nhắc lại là một trong những phương tiện kiến hiệu nhất
để chia xẻ, phân phối các ý niệm (16).
10. Xin đừng chán nản ngã lòng bởi cách sử dụng danh từ và phần tổ chức
có vẻ phức tạp trong tập tài liệu này. Bạn sẽ nhận ra rằng nhiều danh từ được
dùng đều giản dị tuy có vẻ rắc rối, mắc mỏ. Bạn cũng sẽ khám phá ra rằng
nhiều chữ trong số đó đều đã được định nghĩa trong tiến trình thảo luận; bộ
tự điển của bạn sẽ giúp bạn với các danh từ khác. Bạn sẽ từng trải được ý
thức là mình đã thành công trong một việc gì đó khi phát triển được khả
năng biết sử dụng nhiều danh từ khác nhau. Còn về phần tổ chức, điều thoạt
nhìn có vẻ rắc rối, phức tạp, thì rốt cuộc sẽ trở thành rõ ràng dễ hiểu. Vì điều
có vẻ như phức tạp chẳng những là do nỗ lực muốn giới thiệu một phương
pháp giải kinh rốt ráo, mà còn do ước muốn báo trước các vấn đề không thể
tránh né vào đâu được liên hệ với ý niệm này hay cách làm nọ trong việc
nghiên cứu Kinh Thánh bằng quy nạp pháp. Cho nên quý độc giả được yêu
cầu là không nên chán nản, thất vọng, mà trái lại, hãy tự tạo cho mình niềm
tin quyết rằng bầu trời đầy mây hôm nay sẽ trong sáng ngày mai. Vì chủ
đích của cuộc thảo luận này không phải là ngay lần đọc đầu tiên mọi sự đều
sẽ trong sáng như pha lê cả, nhưng là một điều gì đó được đưa đến cho quý
độc giả sẽ cứ ngày càng rõ ràng hơn khi chúng ta đem ra áp dụng, và nhờ đó,
chúng ta sẽ có thể tăng trưởng trong phần còn lại của đời sống mình. Một
sách nghiên cứu Kinh Thánh cấp tốc có thể sẽ rõ ràng hơn trong hiện tại gần,
nhưng người ta sẽ có nihều nghi ngờ nghiêm trọng về phẩm chất lâu dài của
nó. Giá trị của cuộc thảo luận sắp được đưa ra sau đây là do các hậu quả dài
hạn, chớ không do các kết quả tức thì của nó.
11. Nên nhớ cơ học là một thành phần cần thiết cho bất kỳ một hoạt động
xứng đáng với công sức bỏ ra nào. Einstein sở dĩ trở thành một nhà vật lý
học vĩ đại vì trước hết, ông đã học các định luật vật lý học. Paderewski từng
dành nhiều thì giờ để luyện tập các ngón tay trước khi phát triển khả năng lý
giải tinh thần của những nhà soạn nhạc lừng danh. Chẳng có ai trong số các
nhân vật ấy, có thể đạt được địa vị như đã có nếu không nắm vững được các
định luật cơ học trong phạm vi hoạt động của mình để chúng có thể trở
thành một bản tính thứ hai của họ, và nhờ đó, đã biến thành phương tiện cho
họ khai quật các huyền nhiệm của vũ trụ hay nắm bắt được phẩm chất của
cảm xúc trong âm nhạc đại hòa tấu. Nếu bạn loại bỏ phần cơ học trong Vật
lý học và cách chơi dương cầm, tức là bạn khai trừ Einstein và Paderewski
vậy.
Cùng một nguyên tắc ấy cũng được ứng dụng cho việc nghiên cứu Kinh
Thánh. Một người càng muốn tránh đi phần cơ học trong việc nghiên cứu
Kinh Thánh bao nhiêu, sẽ càng nhận thức ra rằng mình không tài nào loại bỏ
được nó. Vì chẳng hề có một phương tiện thần bí hay thuần tuý do trực giác
nào giúp người ta đạt tới chân lý của Kinh điển được. Người ta không thể bỏ
qua các kỹ thuật giải kinh mà lại trông mong trở thành một nhà giải nghĩa
Kinh Thánh sâu nhiệm, cũng chẳng khác gì người muốn trở thành nghệ sĩ
đánh dương cầm tài danh mà lại không nắm vững được phần cơ học về cách
vận chuyển của các ngón tay trên mặt cây đàn ấy. Đây là sự thật, cả khi đối
với một số sinh viên, cơ học và tinh thần có vẻ như chẳng ăn nhập gì với
nhau, vì cơ học đòi hỏi tinh thần tự chủ và nhiều khi có vẻ như tẻ nhạt. Tuy
nhiên, phải thận trọng là chớ nên đánh đồng sự tẻ nhạt với điều chẳng có gì
quan trọng, vì một nhầm lẫn như thế sẽ vô vùng tai hại cho người học hỏi
nghiên cứu Kinh Thánh, cũng chẳng khác chi cho người chơi dương cầm.
Hay nói cho rõ hơn, chúng ta phải vui vẻ tự khép mình vào kỷ luật để nắm
vững cơ học, vì biết rằng con đường phải đi tuy có gian khổ, nhưng niềm vui
khi thấy mình đi đến đích sẽ rất xứng đáng với những khó khăn trong hành
trình.
12. Tinh thần làm việc có phương pháp không thể tự đặt mình làm cứu cánh
cho chính mình. Đây là một nguy cơ thật sự, vì cơ học có thể mê hoặc người
ta đến mức che kín chủ đích của nó. Việc phát triển một phương pháp tiếp
cận theo đúng phương pháp chỉ là phương tiện đào luyện tâm trí để nó trở
thành một công cụ phù hợp cho tác động của Thánh Linh của Thượng Đế.
Vì từ khi công tác chú giải Kinh Thánh, về cơ bản, đã trở thành một tiến
trình thuần lý, thì tâm trí phải vận hành thật đúng đắn, thật thích hợp, mới có
thể có giá trị được. Nhưng tâm trí không thể tự nhiên, tự động vận hành
đứng đắn, thích hợp. Đây là gánh nặng của lời phát biểu sau đây, đã được
A.E.Mander đưa ra liên hệ với vấn đề này trong quyển Logic for the
Millions:
Suy nghĩ là công việc của xảo thuật. Bảo rằng chúng ta tự nhiên được phú
bẩm khả năng tư duy minh bạch và hợp lý - nghĩa là chúng ta chẳng cần gì
phải học hỏi phương pháp, chẳng cần phải thực hành chi cả - là không
đúng... Người có tâm trí không được huấn luyện, đào tạo không thể trông
mong mình có thể suy tư minh bạch và hợp lý, cũng chẳng khác chi người
chẳng bao giờ học tập, hành nghề mà lại trông mong mình tự nhiên trở thành
thợ mộc, tuyển thủ đánh cù (golfers)... hay nhạc sĩ dương cầm tài giỏi...
Vậy, chúng ta phải đi đến kết luận rằng tâm trí cần phải được đào luyện, nếu
không, nó có thể trở thành phương tiện để phủ nhận Thánh Linh của Thượng
Đế. Tinh thần làm việc có phương pháp bao gồm một phần mô tả việc Thánh
Linh đang vận hành qua trung gian tâm trí như thế nào, và một người có thể
cộng tác với Đức Thánh Linh như thế nào, để Ngài có thể hành động thật tự
do.
Do đó, xin đừng bao giờ quên rằng chủ đích tối hậu của cơ học và của tập
sách chỉ nam này, là quý độc giả có thể nhờ sử dụng nó để nghiên cứu Kinh
điển, để sẽ đạt đến chỗ nhận biết tác giả đích thực của bộ sách ấy, là Thượng
Đế duy nhất, và Chúa Cứu Thế Giê-xu là Đấng đã được Ngài sai đến thế
gian này. Sở dĩ sách này ghi ra những gợi ý tìm thấy trong mấy trang này,
chỉ vì trong từng trải cá nhân, việc áp dụng chúng đã giúp tác giả nhận ra
được một mối thông công càng mật thiết hơn với Thượng Đế trong Chúa
Cứu Thế Giê-xu.
13. Xin đừng quan niệm sách này là một cố gắng áp đặt cho việc nghiên cứu
Kinh Thánh (17). Gợi ý này được đưa ra vì nhiều lý do.
Thứ nhất, chính bản tính của tiến trình tư duy không cho phép nó cưỡng ép
tâm trí, để đặt nó vào một thứ khuôn đúc cứng nhắc hay một chiếc áo khoác
trí thức bó rọ. Chẳng hạn người ta có thể chỉ vào một số các bước cần noi
theo trước giai đoạn bắt đầu việc nghiên cứu học tập cách lý giải.
Nhưng nhiều khi, các tư tưởng của người ta sẽ tự nhiên hướng đến việc giải
thích, nhất là khi ý nghĩa của điều đáng chú ý đã rõ ràng rồi, Tính cách uyển
chuyển đó vốn nằm ngay trong tâm trí, và không thể bị xúc phạm.
Thứ hai, những điểm dị biệt cá nhân cũng khiến chẳng ai có thể ép buộc
được người khác phải theo một công thức nghiêm ngặt trong việc nghiên
cứu Kinh Thánh. Nhưng quả thật là có một số nguyên tắc cơ bản có thể quy
định là thiết yếu và không thể bị vi phạm, nếu muốn cho cách tiếp cận của
mình là đứng đắn, phải lẽ. Nhưng khi đến phần ứng dụng chính xác các
nguyên tắc ấy, mỗi cá nhân phải được để tự do, hầu tự làm lấy sự cứu rỗi
cho mình.
Thứ ba, ngay với phần khuôn mẫu tổng quát và các bước cụ thể gợi ý, phải
dành chỗ cho “thì giờ giải lao”. Vì các giai đoạn nghiên cứu khác nhau, đều
có liên hệ hỗ tương; bước thứ nhất góp phần vào bước thứ hai, và ngược lại,
bước thứ hai cũng có phần đóng góp của nó cho bước thứ nhất. Chúng tôi sẽ
có cơ hội kêu gọi phải chú ý đến nguyên tắc này thường xuyên trong phần
thảo luận sẽ trình bày tiếp theo đây. Hơn nữa sẽ chẳng hề có phương diện cá
nhân nào được hoàn tất trong tiến trình nghiên cứu; cho nên nếu cần kết thúc
bước thứ nhất trước khi chuyển sang bước thứ hai, thì bước thứ hai cũng sẽ
chẳng bao giờ đạt được.
Vì các lý do vừa kể và nhiều lý do khác nữa, nội dung của những trang tiếp
theo đây sẽ không được kết cấu thành một công thức chính xác phải noi theo
từ trang này sang trang khác mỗi lần chúng ta nghiên cứu một khúc sách
được đề ra nào đó. Trái lại, trứơc hết, chúng sẽ gồm có một phần nghiên cứu
Kinh Thánh có thể được dùng làm cơ sở để hình thành một cách tiếp cận các
khúc Kinh Thánh một cách có phương pháp. Điều tối quan trọng là sự kiện
này phải được hiểu rõ, nếu muốn sử dụng phần tài liệu sau đây thật đúng
cách, phải lẽ. Sách chỉ nam này cố gắng mổ xẻ tiến trình học hỏi nghiên cứu
để phát giác ra các thành phần cấu tạo ra nó. Do đó, có thể vì sánh nó với
các bài tập dùng dạy đánh máy chữ, trình bày việc phân tích tiến trình đánh
máy chữ. Chẳng hề có ai trông mong một ai đó sẽ đồng thời dấn thân vào
việc thực tập tất cả các bài tập đánh máy chữ mỗi lần người ấy đánh máy
một bức thư. Cho nên cũng chẳng hề có ai trông mong rằng cứ mỗi lần
nghiên cứu Kinh Thánh, thì một ai đó sẽ phải dùng lại đúng quyển sách này.
Trái lại, quý độc giả được khuyên nên dùng các ý niệm theo đây để làm nền
móng hầu xây dựng một phương pháp tiếp cận đúng phương pháp, phù hợp
với các tài năng và các nhu cầu cá nhân.
14. Xin đừng lý giải phần khuôn mẫu tổng quát này là một phương pháp tiếp
cận duy nhất, có tính cách tối hậu có thể đem ra dùng một lần là dứt khoát và
chẳng bao giờ còn lặp lại nữa. Gợi ý này được đặt cơ sở trên nhiều sự kiện.
Thứ nhất, bản tính của Kinh điển khiến việc làm này là cần thiết. Có thể ví
sánh Kinh Thánh với một giếng nước có mạch không bao giờ cạn, cho dầu
chúng ta có uống được đến đâu đi nữa. Hệ quả là cho dầu một công trình
nghiên cứu có giá trị đến đâu, người ta vẫn không thể trông mong là nó đã
đạt được điềm tận cùng của chân lý trong phần Kinh điển mà người ta đem
ra áp dụng.
Thứ hai, sự tăng trưởng cá nhân giúp chúng ta đến ngày mai, sẽ tìm được
trong Kinh điển nhiều điều hơn là những gì chúng ta tìm được hôm nay.
Thứ ba, nhiều khi các dữ kiện tìm được vẫn chưa có thể đưa đến kết luận dứt
khoát, và người ta cảm thấy cần phải dùng phương pháp giả thiết mà các nhà
khoa học vẫn dùng. Gặp những trường hợp như vậy, ta cần phải thử nghiệm
các kết luận để khám phá xem chúng có phù hợp với tất cả các dữ kiện đã có
hay không. Thật vậy, trong một số trường hợp, cách lý giải của ta có thể vẫn
cần phải được thử nghiệm luôn vì kết luận đưa ra chẳng bao giờ là hiển
nhiên để có thể kết luận dứt khoát cả.
Do các sự kiện trên, thật là sai lầm nếu có ai cho rằng có một phương pháp
tiếp cận nào đó có thể đựơc đem ra dùng chỉ một lần là có ngay kết luận dứt
khoát. Trái lại, khuôn mẫu nghiên cứu bằng quy nạp pháp phải được lặp lại
toàn phần hoặc từng phần, và mỗi lần áp dụng sẽ nâng cao điều đã gặp bế
tắc lần trước được nhiều bao nhiêu càng hay bấy nhiên (18).
15. Đừng để các thắc mắc khiến cho bạn bị sa lầy. Bạn sẽ thấy rằng rất nhiều
điều trong số đó sẽ được giải đáp khi bạn cứ tiếp tục tháo gỡ, còn những thắc
mắc không giải đáp được thì lần lần cũng sẽ giảm bớt ý nghĩa đi.
16. Đừng cầu toàn. Bất luận một công trình phân tích nào cũng đều có
khuyết điểm; điều này đặc biệt nghiệm đúng trong các quá trình phân tích
tâm lý. Tuy nhiên, một vài bảng phân loại sẽ được sử dụng, bất chấp các giới
hạn rõ rệt của chúng, bởi vì chúng được xét thấy là có góp phần vào việc
làm phát triển một công trình nghiên cứu sáng suốt và kiến hiệu. Cần có một
nỗ lực nhằm thảo luận một số vấn đề nảy sinh nhân dịp này (19).
CHÚ THÍCH
1. Webster, Dictionary of Synonyms, p.545
2. Dewey, J., “Method”, Cyclopedia of Education, edited ba Monroe,
Volume IV, pp.204-205.
3. Điểm giống nhau giữa việc nghiên cứu Kinh Thánh một cách có phương
pháp với cách làm một loại bánh ngọt không nên được đẩy đi quá xa. Có
nhiều điểm khác nhau quan trọng giữa hai phương pháp ấy, sẽ được lưu ý về
sau (Mục 13, 14 sau đây).
4. Tác giả vốn biết rằng các tiền đề này đụng chạm đến nhiều vấn đề triết
học căn bản, và không nên căn cứ vào việc thảo luận quá vắn tắt này để suy
diễn rằng tác giả không nhận thấy tầm quan trọng của chúng. Cũng không
nên suy diễn rằng lập trường đã nêu là thiếu hậu thuẫn. Khuôn khổ eo hẹp
của quyển sách không cho phép chúng tôi phát biểu dài giòng. Nếu quý độc
giả muốn khai thác các vấn đề này đầy đủ hơn, xin tham khảo các tác phẩm
sau đây: Eberhardt, C.R., The Bible in the Making of Principles of
Education; và Kuist, H.T., These Words Upon Thy Heart.
5. Xem Adler, M.J., How to Read a Book, pp.8-9
6. Sđd. pp.3-32. Cũng xem phần sau sách này (CHƯƠNG HAI, Mục III,
phần B, tiểu mục 1, điểm b, số 14). Cần lưu ý là việc nghiên cứu trực tiếp
Kinh điển bao gồm việc sử dụng trợ cụ bên ngoài như các sách từ vựng, văn
phạm, phù dẫn, các trợ cụ có tính cách lịch sử, v.v...(Xem phần sau sách
này: CHƯƠNG HAI, Mục III, phần B, tiểu mục 1, điểm b, số 1).
7. Phải thừa nhận rằng điểm này bị hiểu lầm với điều vốn có tính cách lý
tưởng, nhưng sở dĩ như thế là vì thực tế đòi hỏi như vậy. Về một bộ sách đầy
đủ hơn khảo luận về các lý do phải lấy ngôn ngữ thông dụng làm cơ sở đầu
tiên cho việc nghiên cứu, xin tham khảo bài tiểu luận ngắn nhan đề The Use
of the Bible in the Forming of Men, trong đó có bài diễn văn khai mạc của
H.T. Kuist cũng như của Charles T.Haley, Giáo sư Thánh Kinh Thần học tại
Chủng viện Thần học Princeton. Cũng xem quyển The Study of the English
Bible của L.M. Sweet pp.46-70. Vai trò của nguyên văn trong việc nghiên
cứu Kinh Thánh có phương pháp sẽ được thảo luận về sau trong quyển chỉ
nam này (xem phần sau sách này tt.128-129)
8. Ferm, V., Contemporary American Theology, p.216. Sự kiện có nhiều
trường đại học chỉ nghiên cứu Kinh Thánh hoàn toàn vì các giá trị văn
chương của bộ sách ấy cho thấy dư luận chung thừa nhận Kinh điển là một
áng văn tuyệt tác.
9. Sđd. tr.214
10. Lời phát biểu này hàm ý rằng đơn vị căn bản để nghiên cứu là chính
quyển sách ấy, vì toàn bộ Kinh Thánh là cả một thư viện có nhiều quyển
sách. Có một vài ngoại lệ đáng lưu ý, như bốn sách Các Vua và Sử ký. Tuy
nhiên cả trong các đơn vị lớn hơn này cũng có một ý thức thật sự về một
thực thể có cùng cơ cấu (a structural entity).
11. Theo Bengel và được trích từ một bài báo nhan đề “The Kind of Study
the Bible Teachers Training School Stands for” trong The Biblical Review
Jannary 1916. Tác giả chịu ơn bài báo này về nhiều ý niệm đã được dùng
trong phần thảo luận về các tiền đề căn bản.
12. Gilman, L., Toscanini and Great Music. p.13.
13. Mấy câu này không hề hàm ý rằng chúng ta phải tiếp cận Kinh điển với
niềm tin vào sự linh cảm và uy quyền của bộ sách ấy để nhận được từ đó
một điều gì. Vì nếu chúng ta cần phải tin rằng Kinh Thánh là Lời Thượng
Đế trước khi nhờ đó mà được lợi ích, thì nguyên tắc quy nạp sẽ hoàn toàn bị
triệt tiêu. Thật vậy, chính giá trị của lý trí sẽ bị phủ nhận và sẽ nảy sinh cái
hàm ý rằng chúng ta đã phải lựa chọn một cách mù quáng. Đức tin sẽ bị biến
thành nhẹ dạ. Thí dụ, hãy tưởng tượng một người sống trên một hoang đảo,
nơi anh ta không hề có cơ hội được nghe nói về Kinh điển. Có hai giáo sĩ,
một của Cơ-đốc giáo và một của Hồi giáo đến đảo ấy, và cả hai điều khăng
khăng bảo rằng các quyển sách của riêng họ mới là sự mặc khải của Thượng
Đế cho loài người. Nếu người sống trên hoang đảo kia bị bắt buộc phải chấp
nhận lời tuyên bố của các giáo sĩ trước khi đọc kỹ các quyển sách, anh ta sẽ
chẳng hề có cơ sở nào để chọn giữa quyển Kinh Thánh với quyển Kinh
Koran. Sự kiện là anh ta có thể cứ chọn bừa, vì cơ sở để chọn quyển này
hoặc quyển kia đều như nhau mà thôi. Vị giáo sĩ Cơ-đốc giáo sẽ chẳng có gì
để hấp dẫn anh ta hơn vị giáo sĩ Hồi giáo. Mặt khác, nếu anh cư dân sống
trên hoang đảo kia được bảo “Hãy lấy hai quyển sách, hãy đích thân đọc
chúng cho thật kỹ; hãy tra xét, suy gẫm về chúng; hãy thử nghiệm từng câu
trong đó, và tin nhận quyển nào mặc khải Thượng Đế rõ ràng nhất”, thì anh
ta sẽ có một cơ sở hợp lý để đưa ra một quyết định. Hơn nữa, chúng ta có thể
tin chắc rằng nếu Kinh điển được tiếp cận bằng một tâm trí và một tấm lòng
mở rộng, vì bộ sách ấy chứa chất sự mặc khải của Thượng Đế cho loài người
thông qua Chúa Cứu Thế Giê-xu, chính bộ sách ấy sẽ tự làm chứng cho
mình qua sự vận hành, tác động của Thánh Linh. Người kêu gọi người ta căn
cứ trên cơ sở sau này có nhiều đức tin vào Kinh điển là Lời Thượng Đế hơn
người yêu cầu thiên hạ nhìn thấy sự linh cảm và uy quyền của bộ sách trước
khi tra xét nó thật kỹ. Vậy điều càng thiết yếu hơn khi người ta tiếp cận Kinh
điển, là thái độ sẵn sàng tin nhận chân lý một khi nó được tìm thấy. Do đó,
mấy câu đưa ra dưới phạm trù là lòng tôn kính và những câu tương tự như
vậy đều được áp dụng vào một hoàn cảnh ít nhiều có tính cách lý tưởng, là
hoàn cảnh trong đó những người tham gia ít ra cũng đã có một phần nào
kiến thưc về Kinh điển. Bộ sách ấy diễn tả điều thiết yếu tối hậu để (một
người) có được sự hiểu biết đầy đủ hơn về Kinh điển; chớ không phải điều
cần thiết đầu tiên để khám phá một chân lý bất kỳ nào trong đó. Điều này
phù hợp với tinh thần của quy nạp pháp.
14. Có người đã gợi ý rằng cả bản American Revised Version, lẫn bản
Revised Standard Version - trường hợp của bộ Tân ước - đều có thể được
dùng làm cơ sở cho công tác nghiên cứu. Hai bản dịch này, tích lũy được
nhiều phát kiến mới nhất của các học giả khảo cứu Kinh điển, phù hợp hơn
với ngôn ngữ thông dụng của thời đại chúng ta, được phân đoạn và là những
bản dịch (đích thực), chớ không phải là những bản dịch diễn ý. Các yếu tố
trên đây và còn nhiều yếu tố khác nữa, khiến chúng xứng đáng được dùng
làm sách giáo khoa. Có thể mua bộ American Revised Version có phần chừa
lề rất rộng để ghi chú khi nghiên cứu.
15. Tác giả đang trù hoạch một bản sách đơn giản hóa để các tín đồ thường
có thể sử dụng. Bản sách ấy, sẽ sẵn sàng trong vòng vài năm tới.
16. Xem quy luật lặp đi lặp lại (ở phần sau sách này, tr. 50) Sở dĩ tác giả
sách này thành công phần nào trong công tác giảng dạy, là nhờ sự kiện tác
giả đã không sợ việc cứ nhắc đi nhắc lại các ý niệm.
17. Đây là một trong nhiều điểm khác nhau giữa việc làm bánh ngọt với việc
nghiên cứu có phương pháp vì điều trước có khe khắt hơn việc sau.
18. Về vấn đề này, xin tham khảo quyển The Study of the English Bible,
p.20, của L.M.Sweet. Cũng cần lưu ý là thỉnh thoảng, nên nghiên cứu lại
cùng một số khúc sách cá biệt nào đó để có thể lợi dụng những gì tiếp thu
được trong quá khứ; làm như thế sẽ được giúp ích rất nhiều, vì điều thường
được nghiệm đúng, là một số phát kiến trước đó, sẽ không được nhìn thấy
trong những lần tiếp cận về sau với một khúc sách. Tuy nhiên, nên tiếp cận
một khúc sách mà trước hết ta không xem lại những lần nghiên cứu về trước
lại tốt hơn, nhằm tránh việc chúng ta có thể giới hạn tầm rộng của việc tin
nhận do đã có sẵn thiên kiến trong tâm trí. Sau đó, khi đã nghiên cứu lần sau
thật đầy đủ rồi, hãy đem nó ra đối chiếu với những lần nghiên cứu trước để
những lần tiếp cận cả trong quá khứ lẫn hiện tại bổ túc cho nhau, là điều rất
hay.
19. Tác giả sách này đã học biết được rằng nêu ra các ý kiến và truyền thông
chúng cho người khác có chỗ rất khác nhau. Chúng tôi vốn ý thức được rằng
tuy những lời phát biểu nhập đề này chúng tôi đã chỉ ra một số nguyên tắc sẽ
quyết định cho diễn tiến của phần thảo luận sau này, điều đó vốn không có
nghĩa rằng tầm quan trọng và các hàm ý của chúng đã được nhìn thấy ngay
rồi. Do đó, sẽ có nhiều cơ hội các ý kiến ấy lại được nhắc lại hoặc đề cập,
tuy việc ấy vốn không thể thực hiện được tại tất cả những nơi mà việc làm
ấy là phù hợp. Quý độc giả được khuyến cáo nên nghiêm chỉnh nỗ lực đặt
ngay dưới tầm mắt mình những nguyên tắc đã được nhấn mạnh trong phần
dẫn nhập này, vì nếu làm được như vậy, bạn sẽ thấy rằng nhiều câu hỏi có
thể nảy sinh sau này đều đã được giải đáp rồi.
Thiết tưởng cũng cần lưu ý rằng một số ý kiến tìm thấy trong phần dẫn nhập
này vốn không nằm đúng chỗ của chúng, theo quan điểm của trật tự quy nạp
pháp, vì chúng đã là những câu kết luận ngay lúc mới bắt đầu công việc
nghiên cứu. Tuy nhiên, điều có vẻ như vi phạm quy nạp pháp đó có thể được
biện minh căn cứ vào các cơ sở sau đây: một là, các kết luận ấy, vốn là hậu
quả của công lao khảo cứu của chính tác giả; hai là, chúng có thể được quý
độc giả thử nghiệm và bác bỏ nếu thấy là không đúng với quy nạp pháp; và
ba là sở dĩ chúng được đưa ngay vào phần dẫn nhập là nhằm các chủ đích sư
phạm.
KHẢO SÁT
I. Định nghĩa và Chủ đích của công tác Quan sát
II. Các đòi hỏi của công tác quan sát - Vài trích dẫn thích hợp
A. Ý chí muốn quan sát
B. Phải quan sát thật chính xác
C. Phải quan sát kiên trì
III. Phân tích công tác quan sát
A. Khảo sát các từ ngữ
1. Định nghĩa một từ
2. Các loại từ ngữ
a. Các từ ngữ thông thường và không thông thường
b. Các từ ngữ có nghĩa đen và nghĩa bóng
3. Lai lịch và biến cách của các từ ngữ
B. Khảo sát các mối liên hệ và liên hệ hỗ tương giữa các từ ngữ - Cấu trúc
1. Định nghĩa cấu trúc và Các đơn vị cấu trúc khác nhau
2. Tầm quan trọng của cấu trúc
3. Các loại cấu trúc
a. Cấu trúc bề mặt và ẩn dưới bề mặt
b. Cấu trúc chủ yếu và thứ yếu
4. Các định luật đặc thù về cấu trúc
a. Các mối liên hệ cấu trúc trong các mệnh đề và các vế, giữa các vế với
nhau, và giữa các cấu trúc với nhau - Trong các phân đoạn
1. Các mối liên hệ trong một phân đoạn
a- Liên hệ Chủ từ - động từ
b- Liên hệ Chủ từ - vị ngữ
c- Liên hệ giữa từ ngữ bổ nghĩa và từ ngữ được bổ nghĩa (Modifier to
Modified)
d- Liên hệ giữa giới từ và túc từ
e- Liên hệ giữa đại danh từ với tiền ngữ
f- Liên hệ giữa các vế độc lập với nhau, và với các vế lệ thuộc
2. Các thí dụ minh họa các mối liên hệ trong một phân đoạn.
b. Các mối liên hệ về cấu trúc giữa các phân đoạn, các phần của phân đoạn,
các phần cấu thành đoạn, các đoạn, các phần lớn, và các quyển sách
1/ So sánh
2/ Đặt tương phản
3/ Lắp lại
4/ Tính cách liên tục
5/ Nối tiếp
6/ Tuyệt đỉnh
7/ Tính cách trọng yếu
8/ Hoán chuyển
9/ Cá biệt hóa và tổng quát hóa
10/ Nguyên nhân và phần cốt lõi
11/ Sữ dụng công cụ
12/ Giải nghĩa hay phân tích
13/ Chuẩn bị hay dẫn nhập
14/ Tóm tắt
15/ Chất vấn
16/ Tính cách hài hòa
5. Các tài liệu cho việc cấu trúc
a. Tài liệu dùng mô tả
1) Tài liệu về tiểu sử
2) Tài liệu lịch sử
3) Tài liệu biên niên sử
4) Tài liệu địa lý
5) Tài liệu ý tưởng hay luân lý
b. Tài liệu để minh họa
6. Sự chọn lọc và cấu trúc
a. Ý nghĩa và tầm quan trọng của việc chọn lọc
b. Mối liên hệ giữa chọn lọc và cách cấu trúc
c. Các loại chọn lọc
1- Chọn lọc định lượng hay cân đối
2- Chọn lọc phi định lượng
7. Các gợi ý linh tinh để khảo sát cách cấu trúc
C. Khảo sát các hình thức văn chương tổng quát
1. Văn khảo luận và nghị luận
2. Tản văn thuật sự
3. Thi ca
4. Kịch và kịch nói (tản văn)
5. Văn ẩn dụ
6. Văn chương khải thị
D. Khảo sát bầu không khí
IV. Các trợ cụ cho việc khảo sát nói chung
V. Tóm tắt công tác khảo sát
VI. Bài tập khảo sát
Chú thích
Vì khởi điểm của một tiến trình quy nạp pháp đòi hỏi phải lưu ý các đặc
điểm cá biệt, cho nên điều rất hợp lý là bước đầu tiên của việc nghiên cứu
Kinh Thánh một cách có phương pháp phải là sự khảo sát.
I. ĐỊNH NGHĨA VÀ CHỦ ĐÍCH CỦA CÔNG TÁC QUAN SÁT
Quan sát là “hành động hay khả năng ... chú ý; hành động hay kết quả của
việc tra xét hay chăm chú lưu ý” (1). Tiến sĩ H.T.Kuist định nghĩa nó là
“nghệ thuật nhìn thấy các sự vật y như chúng vốn có”. Ông cũng gợi ý rằng
nó gắn liền với việc nhìn thấy “vô tư, cao độ và bất khuất” (2).
Thiết tưởng cũng phải nhấn mạnh rằng quan sát đích thực là có tinh thần ý
thức, biết rõ điều mình thấy. Quan sát vượt hẳn cái nhìn thấy thuần túy có
tính cách vật lý, thuộc thể, nó bao hàm việc tri giác, tri nhận (perception).
Chẳng hạn có lẽ quý độc giả thấy trong câu trước có dùng một từ cá biệt, tức
là từ “tri giác, tri nhận”. Nhưng nếu một người không ý thức rằng từ này vốn
muốn nói lên một ý nghĩa cá biệt nào đó, và phải cố gắng phát giác, khám
phá cho ra cái ý nghĩa ấy, thì người ấy đã không thật sự nhận thấy,quan sát
kỹ để ý thức là đã có sự hiện diện của nó. Vậy quan sát, khảo sát cốt yếu là ý
thức.
Do ý nghĩa đó của nó, chức năng tổng quát của quan sát là giúp người ta hòa
mình (saturated) vào với các đặc điểm cá biệt của một khúc sach để mình ý
thức trọn vẹn sự hiện hữu của nó và nhu cầu phải giải thích các đặc điểm ấy.
Khảo sát là phương tiện bởi đó các dữ kiện của một khúc sách trở thành một
thành phần trong tinh thần của người sinh viên, của người nghiên cứu. Nó
cung cấp các nguyên liệu thô để tâm trí căn cứ vào đó mà thực hiện tiến
trình giải nghĩa.
II. CÁC ĐÒI HỎI CỦA CÔNG TÁC QUAN SÁT - VÀI TRÍCH DẪN
THÍCH HỢP
A. Ý chí muốn quan sát
Đây là bản lược đồ hãy còn bỏ trống cho chuyến đi sắp tới của chúng ta;
nhưng mọi sự đều tuỳ thuộc vào chính đôi mắt, vào tâm trạng và phương
tiện của người du khách, nghĩa là vào tất cả những gì mà chính người ấy sẽ
đưa vào để thực hiện công tác thám hiểm, khai phá của mình. “Hãy tìm sẽ
gặp” là một chân lý đã được nghiệm thấy là đúng trong lịch sử cũng như
trong tôn giáo (3)
Người không muốn quan sát thì chẳng bao lâu sẽ chán nản và buồn ngủ.
Người thích quan sát, có một lực ẩn đàng sau thúc đẩy mình đi tìm khải
tượng, sẽ có đầy đầu óc biện biệt, và liên tục thực hiện những khám phá,
những phát kiến khiến cho tâm trí luôn luôn linh hoạt và quan tâm chú ý.
Hãy đặt ý chí đàng sau con mắt, thì con mắt sẽ trở thành một ánh đèn pha
muốn xuyên thấu tất cả. Sự việc cũng giống như vậy nếu người ta muốn phát
giác ra kho báu mà mình chưa hề dám mơ tưởng tới (4).
B. Phải quan sát thật chính xác.
Sir William Osler, nhà vật lý học lừng danh luôn luôn tìm cách gây ấn tượng
trên các sinh viên y khoa về tầm quan trọng của việc quan sát chi tiết. Nhân
một lần nhấn mạnh điểm này trong một bài giảng của mình cho một nhóm
sinh viên, ông chỉ vào một cái lọ trên bàn viết của mình, và nói “Chiếc lọ
này chứa một mẫu nước để phân tích. Ta có thể xét nghiệm nó để xác định
chứng bệnh mà người có nó đang mắc phải”. Để có hành động đi kèm theo
lời giảng, ông nhúng một ngón tay vào trong lọ nước rồi đưa lên miệng. Ông
nói tiếp “Đây, tôi sẽ đưa chuyền cái lọ cho tất cả mọi người. Mỗi người
trong các bạn hãy nếm thử chất chứa trong đó như tôi đã làm, thử xem các
bạn có chẩn đoán ra chứng bệnh gì không”. Khi cái lọ đã được chuyền từ
bàn này sang bàn kia, mỗi sinh viên đều hăng hái nhúng vào đó một ngón
tay và mạnh dạn nếm thử chất nước chứa trong đó. Xong đâu đấy giáo sư
Osler thu hồi chiếc lọ. Ông nói “Thưa quý vị, bây giờ các vị đã hiểu rõ điều
tôi ngụ ý muốn nói khi đề cập việc phải quan sát thật tỉ mỉ, chi tiết. Nếu các
vị đã quan sát kỹ, chắc các vị phải thấy là tôi đã nhúng ngón trỏ của mình
vào trong lọ, còn ngón tay mà tôi cho vào miệng là ngón giữa” (5).
C. Phải quan sát kiên trì.
Đi xuyên qua đám sương mù xám
Liệm kín mặt vịnh,
Tôi chẳng nhìn thấy gì khác hơn một bức màn
Sa mù bao quanh từng cánh buồm
Thình lình sừng sững sát mũi đất
Một khối đồ sộ và im lặng hiện ra
Một chiếc tàu to nằm sát bờ biển
Là nơi chẳng thấy có vật gì trước đó.
Ai muốn thấy được một chân lý thường phải nhìn chăm
Vào đám sa mù luôn nhiều ngày
Có thể điều dường như chắc chắn đối với người ấy
Là tại đó đã chẳng có gì khác hơn là một đám mây mờ suông
Rồi bỗng nhiên đôi mắt người ấy sẽ thấy
Một hình dáng tại nơi mà trước đó chẳng có chi cả
Hằng ngày, có những điều mà nhiều người chẳng bao giờ khám phá ra được
Chỉ vì đã quay đi quá sớm
Clarence Edward Flynn (6)
III. PHÂN TÍCH CÔNG TÁC QUAN SÁT
Bốn nội dung chính trong bất kỳmột khúc Kinh Thánh nào, là : các từ ngữ,
các mối liên hệ và liên hệ hỗ tương giữa chúng hay phần cấu trúc; hình thức
hoặc các hình thức (thể loại) văn chương tổng quát; và bầu không khí. Cho
nên những điều trên là mối bận tâm đối với con mắt biết khảo sát (7).
A. Khảo sát các từ ngữ
1. Định nghĩa một từ.
Một từ là một chữ được dùng trong một bản văn. Do đó, nó chỉ có một ý
nghĩa trong khi cùng một chữ ấy có thể có rất nhiều nghĩa. Thí dụ chữ cây có
thể có nghĩa là cả một cây nhỏ (cỏ) hay to (cổ thụ) với cả gốc, thân, cành, lá,
hoa, quả v.v... hoặc cũng có thể có nghĩa là chất gỗ, là một đơn vị đồ vật có
chất gỗ hay không (cây súng), hoặc một người có một biệt tài, một đặc điểm
nào đó (cây cười, một cây triết lý xanh dờn...)v.v... Tuy trong tất cả các
trường hợp trên cùng một chữ đã được sử dụng, chữ “cây” là một từ khi nó
chỉ một cội cây, nhưng lại là một từ khác khi nó nói lên một vật khác như
chất gỗ, cây súng...
2. Các loại từ ngữ
a. Các từ ngữ thông thường và không thông thường .
Từ ngữ là thành phần cơ bản, cấu thành việc truyền thông bằng văn chương
chữ nghĩa, và người biết quan sát kỹ lưỡng phải chú ý đến từng tự ngữ một
với tư cách ấy. Tuy nhiên, muốn cho tiến trình khảo sát có hiệu quả, nhất là
từ quan điểm ghi nhận điều mình thấy, thiết tưởng cần phân biệt giữa các từ
thông thường và những từ không thông thường.
Trong loại đầu, người ta có thể kể các từ ngữ tầm thường mà ý nghĩa đã rõ
ràng ngay và chẳng có ý nghĩa bao nhiêu để giúp hiểu rõ một khúc sách. Thí
dụ tuy thỉnh thoảng một quán từ cũng có thể có ý nghĩa bất thường, nhưng
phần lớn các quán từ đều được dùng trong loại này. Do đó, thật là uổng phí
thì giờ để thận trọng ghi nhận sự hiện diện của từng quán từ một trong từng
câu một. Mặt khác, có những từ ngữ cần phải được đặc biệt chú ý và phải
được ghi nhận vì chúng sẽ cần được khảo xét đặc biệt hơn. Đó là những từ
không thông thường và chúng được chia làm ba hạng: một là hạng các từ
ngữ khó hiểu; hai là hạng các từ ngự tối quan trọng của một khúc sách và
các từ tuy không quan trọng lắm, nhưng vẫn có ý nghĩa để hiểu các điều
muốn nói trong một khúc sách; và ba là hạng các từ ngữ diễn tả những ý
niệm sâu sắc, nếu chúng không thuộc vào hai hạng vừa kể trên. các từ “hóa
hình” và “hiện ra” trong Mac Mc 9:2, 4 có thể xem là không do thói quen (8)
Thiết tưởng cần nhấn mạnh rằng việc phân biệt giữa các từ ngữ thông
thường và không thông thường không nhằm gây nản lòng cho việc khảo sát
thận trọng và rốt ráo. Trái lại nó có dụng ý làm phát triển đức tính thận trọng
khi xét đoán; và một người càng có nhiều năng lực biết thận trọng để phán
đoán sáng suốt, thì sẽ càng thấy được nhiều từ ngữ cần khảo xét đặc biệt.
Như vậy, nó sẽ dẫn đến kết cuộc là công tác khảo sát sẽ sắc bén và rốt ráo
hơn.
b. Các từ ngữ có nghĩa đen và nghĩa bóng .
Các từ ngữ có nghĩa đen cần phải được giải sát nghĩa đen và chúng hàm ý gì
hầu nói lên nghĩa đầu tiên hay thông thường của nó. Từ “cây” trong SaSt
1:12 có nghĩa đen. Các từ có nghĩa bóng là những từ có nghĩa biểu tượng và
diễn tả một ý niệm thứ hai, khác với nghĩa nguyên thủy. Từ ngữ “cây” trong
RoRm 11:24 thuộc loại có nghĩa bóng (9).
Một người thường xác định ngay được một từ ngữ có nghĩa đen hay nghĩa
bóng khi nhìn thấy nó. Tuy nhiên, nhiều khi việc này chỉ thực hiện được ở
bước thứ hai, hoặc khi việc giải nghĩa ít nhất cũng được hoàn tất một phần
rồi. Dầu sao, điều rất quan trọng là người ta phải ý thức là có sự phân biệt,
và biết sử dụng nó thật thích hợp nếu muốn cho lời giải có có giá trị (10).
3. Lai lịch và biến cách (inflection) của các từ ngữ.
Nhiều từ ngữ khác nhau trong một khúc sách có thể được nhận diện lai lịch
bằng cách dùng cách phân loại về văn phạm sau đây: danh từ, đại danh từ
(11), động từ, tĩnh từ, trạng từ, tiền trì từ, liên từ, thán từ, và quán từ. Người
khảo sát phải sử dụng các cách phân loại ấy và phải biết rõ các chức năng
của chúng.
Thêm vào việc nhận diện lý lịch các từ ngữ, còn có khả năng ghi nhận
những biến cách của chúng nữa. Một sự biến cách là một thay đổi hình thức
mà các từ ngữ phải chịu để chỉ ra trường hợp, giống số, thì, ngôi thứ, tâm
trạng, giọng nói, v.v... Những biến lệch đặc biệt có ý nghĩa đối với các danh
từ, đại danh từ, động từ và tĩnh từ (12).
Bài tập .
Khảo sát từng từ một của Mac Mc 10:13-52 và RoRm 6:1-23. Cố gắng xác
định xem mỗi từ là thông thường hay không thông thường, nghĩa đen hay
nghĩa bóng. Ghi nhận nếu có trường hợp biến cách có ý nghĩa nào. Cố gắng
chỉ ra xem tại sao các từ ngữ không thông thường lại cần được chú ý khảo
xét đặc biệt.
B. Khảo sát các mối liên hệ và liên hệ hỗ tương giữa các từ ngữ - Cấu trúc.
1. Định nghĩa cấu trúc và các đơn vị cấu trúc khác nhau .
Như chúng ta đã ghi nhận, thành phần căn bản cấu tạo nên cách diễn đạt văn
chương là từ ngữ. Nhưng muốn truyền thông các ý niệm, các từ phải có liên
hệ và liên hệ hai chiều với nhau phù hợp với một số khuôn mẫu tinh thần,
ngữ học và văn chương nào đó. Các mối liên hệ này cấu thành điều được gọi
là “cấu trúc”. Vậy theo nghĩa rộng, cách cấu trúc bao gồm mọi mối liên hệ
và liên hệ hỗ tương ràng buộc các từ thành ra một đơn vị văn chương từ đơn
vị nhỏ bé nhất đến đơn vị nhiều ý nghĩa nhất. Theo một nghĩa hẹp hơn, “cấu
trúc” có thể dùng chỉ phần dàn bài hay khung sườn của một khúc sách, nghĩa
là các mối liên hệ chủ yếu hơn của nó. “Cấu trúc” sẽ được dùng theo cả hai
nghĩa rộng và hẹp trong phần thảo luan tiếp thep đây (13).
Các đơn vị cấu trúc khác nhau có thể được định nghĩa như sau:
Mệnh đề (phrase) - là một nhóm hai hoặc nhiều từ hơn họp thành một đơn vị
tư tưởng hay thành ngữ (nhóm từ) riêng biệt.
Vế (clause) - một nhóm từ gồm một chủ từ, một động từ, và có khi là một
hoặc nhiều câu, họp thành một đơn vị tư tưởng hay một phần diễn tả riêng
biệt (hoặc toàn diện)
Câu (sentence) - một hoặc nhiều vế họp thành một đơn vị tư tưởng hay một
phần diễn tả.
Phân đoạn (paragraph) - một nhóm câu họp thành một đơn vị tư tưởng hay
một phân đoạn diễn tả (14)
Đoạn ngắn (tiết) (Segment) - một nhóm phân đoạn họp thành một đơn vị tư
tưởng hay một phần diễn tả
Đoạn trung bình (subsection) - một nhóm đoạn ngắn họp thành một đơn vị
tư tưởng hay phần diễn tả (15)
Đoạn (Section) - một nhóm đoạn ngắn (hay đoạn trung bình) họp thành một
đơn vị tư tưởng hay một phần diễn tả.
Phần (division) - một nhóm đoạn họp thành một đơn vị tư tưởng hay phần
diễn tả.
Sách (book) - một nhóm các phần họp thành một đơn vị tư tưởng hay phần
diễn tả.
2. Tầm quan trọng của cấu trúc
Trong một quyển sách của mình, Henry O.Taylor vạch rõ ”...Nghệ thuật
không phải là ngẫu hứng, nhưng vốn được dự tính cách cẩn thận không phải
là tiếng bí ba bí bô của trẻ con, nhưng là một sự lắp ráp đồng thời phần hình
thức với nội dung, trong đó trí tuệ của người nghệ sĩ đã cùng một lúc vận
hành một cách nhịp nhàng và có hiệu quả” (16). Một trong số các phương
diện chủ yếu về “hình thức” mà Taylor đề cập, là cấu trúc văn chương. Như
vậy, bằng lời phát biểu trên đây, Taylor nhấn mạnh tầm quan trọng lớn lao
của cách cấu trúc nhằm hoàn tất chủ đích của người nghệ sĩ, cũng như tầm
quan trọng của việc phải hiểu rõ cách cấu trúc từ phía người khảo sát nếu
muốn lãnh hội được chủ đích ấy. Vậy, chẳng có gì để nghi ngờ, là việc khám
phá cách cấu trúc là “một trong những điểm tối quan trọng khi các điều kiện
tăng trưởng cần phải được cẩn thận duy trì và nuôi dưỡng” (17). Do đó, quý
độc giả được khuyến cáo ngay từ đầu là phải biết rõ cách cấu trúc, vì khi đã
làm như vậy, quý độc giả sẽ nhận thấy nhiều khúc sách sẽ tự mở ra dưới mắt
mình, bằng không, mình sẽ không thể nào hiểu nổi.
3. Các loại cấu trúc .
Một khúc sách bất kỳ nào trong văn chương Kinh Thánh cũng có thể hàm
chứa nhiều thứ yếu tố về cấu trúc. Các yếu tố ấy có thể phân ra thành hai
loại chính: một là việc tương đối dễ dàng phát giác ra chúng, và hai là tầm
quan trọng tương đối của chúng.
a. Cấu trúc bề mặt và ẩn dưới bề mặt .
Có một số yếu tố cấu trúc bộc lộ rất rõ ràng, do đó, biểu hiện tức khắc cho
người quan sát đã sành sõi. Chúng tôi sẽ gọi chúng là “cấu trúc bề mặt”, vì
như tên gọi đó đã nói ra, chúng biểu hiện ngay ở mặt ngoài của một khúc
sách. RoRm 1:18-32 cung cấp một thí dụ tuyệt diệu về cơ cấu bề mặt, vì hai
chữ “vì thế” của 1:24 cho thấy ngay rằng khúc sách ấy được cấu trúc theo
điều kiện nhân quả.
Mặt khác, một vài yếu tố về cấu trúc vốn ẩn tàng hơn, và do đó, có thể khó
nhận thấy ngay được như các yếu tố đã hiện ra thật rõ rệt. Có thể gọi các yếu
tố ấy là “cấu trúc ẩn dưới bề mặt”. Cách nét tương phản ẩn tàng giữa Đa-vít
và Am-môn trong IISa 2Sm 11:1-13:39 và gữa Giu-đa với Giô-sép trong
SaSt 38:1-39:23 là những thí dụ minh họa rất hay cho loại cấu trúc này.
Cần ghi nhận một số sự kiện liên hệ đến việc phân biệt giữa các cách cấu
trúc bề mặt với cách cấu trúc ẩn dưới bề mặt.
Thứ nhất, nó không nhất thiết bao hàm điểm khác nhau giữa điều kém sâu
sắc với điều sâu sắc nhiều hơn, mà đúng hơn là liên hệ trước nhất đến điều
rõ ràng hiển nhiên hơn, với điều kém rõ rệt hơn.
Thứ hai, không phải tất cả các khúc sách đều có cả hai cách cấu trúc minh
nhiên và mặc nhiên đó. Khi nghiên cứu một số đơn vị, nếu ta nhận thấy phần
cơ cấu bề mặt của chúng và đi thật sâu vào phần ý nghĩa rốt ráo của chúng,
chúng ta sẽ thấu đạt được bức thông điệp của tác giả. Tuy nhiên, người khảo
sát phải luôn luôn coi chừng các yếu tố cơ cấu nằm bên trong một khúc sách.
Người ấy đừng bao giờ nên kết luận rằng vì mình đã ghi nhận được một vài
mối liên hệ mặt ngoài rồi, là mình đã ghi nhận trọn vẹn điều cốt yếu của cả
khúc sách ấy.
Thứ ba, việc khám phá ra cấu trúc ẩn dưới bề mặt thường phải chờ ít nhất
cho đến khi đã hoàn tất được một phần của bước giải nghĩa. Do đó, việc ghi
nhận cơ cấu bề mặt là điều phải thực hiện trước nhất trong công tác khảo sát
(18).
Cuối cùng, cả cấu trúc bề mặt lẫn cấu trúc ẩn dướu bề mặt đều được thực
hiện do cùng những quy luật hành văn giống nhau.
b. Cấu trúc chủ yếu và thứ yếu
Cần phân biệt thêm một điểm khác nữa căn cứ trên tính cách tương đối quan
trọng của các yếu tố cấu trúc trong một khúc sách nào đó. Phải nhận thấy là
có một số các mối liên hệ là chủ yếu, và một số khác là thứ yếu hay phụ
thuộc mà thôi. Trong nhiều trường hợp, ta có thể chờ ít nhất cho đến khi đã
hoàn tất được một phần việc giải nghĩa, thì mới có thể phân biệt như thế
được, nhưng ít nhất người khảo sát cũng phải ý thức được điều đó để cố
gắng sử dụng những gì có thể lợi dụng được cho đến lúc ấy trong bước
nghiên cứu sơ khởi. Vì điều quan trọng là điểm quan trọng chủ yếu phải
dành cho các mối liên hệ chủ yếu, còn các yếu tố cấu trúc thứ yếu thì phải
được quan niệm là phụ thuộc cho các mối liên hệ hàng đầu kia, nếu muốn
biết chắc điểm nhấn mạnh của tác giả.
4. Các định luật đặc thù về cấu trúc
Các định luật về cấu trúc sắp được nêu ra đây cho thấy phương tiện cụ thể
mà một số nghệ sĩ đã sử dụng để sắp xếp tác phẩm của mình, dầu người ấy
là nhạc sĩ, họa sĩ hay nhà văn. Trong tất cả các trường hợp, phương tiện chủ
yếu chỉ là một. Vì cái gì là nghệ thuật đều là phần biểu hiện tâm trí của
người nghệ sĩ; và vì tâm trí chỉ có một, cho nên, mọi nghệ thuật cũng chỉ là
một. Do đó, tất cả những gì mà một người phải làm, chỉ là khảo sát cách kết
cấu của các sáng tác phẩm nghệ thuật khác nhau, mà làm như vậy là nhằm
phát giác các phương tiện mà các nghệ sĩ đã sử dụng để thực hiện sự thống
nhất về cơ cấu của các tác phẩm của họ. Hệ quả của một phương pháp tiếp
cận bằng quy nạp pháp như vậy, là người ta sẽ có được những cơ sở có giá
trị để đi tìm các định luật trong văn chương của Kinh điển, vốn là một nghệ
thuật vĩ đại, rồi lợi dụng chúng để lý giải bộ sách ấy.
Các mối liên hệ về cấu trúc sắp được đưa ra dưới đây thường được quan
niệm là những phát kiến thích hợp được áp đặt trên nền văn học của Kinh
Thánh nhằm chứng nghiệm một điểm. Do đó, ngay từ đầu, thiết tưởng phải
nói rõ ràng, minh bạch rằng các định luật phải nêu ra là các định luật của
luận lý học; chúng phản ảnh các tiến trình tinh thần của con người khi họ
suy tư và tự diễn tả bằng bất kỳ ngành trung gian nào mà mình chọn sử
dụng. Do đó, người khảo sát không áp dụng chúng cho một tác phẩm nghệ
thuật; người ấy chỉ phát giác ra chúng, và do đó, khẳng định bức thông điệp
của nhà nghệ sĩ. Vì cùng những mối liện hệ cung cấp phương tiện truyền
thông phổ quát, cũng cung cấp những đường lối phổ quát cho công tác lý
giải (19)
a. Các mối liên hệ cấu trúc trong các mệnh đề và các vế, giữa các vế với
nhau, và giữa các câu với nhau - Trong các phân đoạn.
Xem câu như một đơn vị cấu trúc căn bản, và do đó, giới hạn phần thảo luận
của chúng ta tại điểm này để khảo xét các mối liên hệ trong các câu có vẻ là
điều hợp lý. Tuy nhiên, vì các câu thường được xác định căn cứ vào những
phương tiện đúng ra là rất độc đoán nhất là trong một văn bản mà Kinh điển
được phiên dịch ra, và vì các mối liên hệ giữa các vế (clauses) trong một câu
thường giống hệt các mối liên hệ giữa các câu với nhau, cho nên phân đoạn
sẽ được dùng làm đơn vị cấu trúc căn bản thay cho câu. Do đó các mối liên
hệ giữa các câu với nhau sẽ được khảo xét cùng với các mối liên hệ bên
trong các câu (20).
Cấu trúc liên hệ với các vế và các câu được gọi là “cú pháp” (syntax).
Webster định nghĩa “cú pháp” là ”... sự sắp xếp phải lẽ các hình thức của từ
ngữ để chỉ ra mối liên hệ hỗ tương giữa chúng trong một câu” (21). Giờ đây,
chúng ta sẽ kể ra các mối liên hệ về cú pháp đó, cùng với các mối liên hệ
tương tự vốn có giữa các câu với nhau. Chúng sẽ được gọi chung là “Các
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh
Phuong phap hoc kinh thanh

More Related Content

What's hot

What's hot (11)

Ynghiahoangphaphophap
YnghiahoangphaphophapYnghiahoangphaphophap
Ynghiahoangphaphophap
 
Batnhabalamatda httuthong
Batnhabalamatda httuthongBatnhabalamatda httuthong
Batnhabalamatda httuthong
 
Tho phuong dct
Tho phuong dctTho phuong dct
Tho phuong dct
 
Phuc am giang
Phuc am giangPhuc am giang
Phuc am giang
 
Sách những chủ đề trong thần học cựu ước
Sách những chủ đề trong thần học cựu ướcSách những chủ đề trong thần học cựu ước
Sách những chủ đề trong thần học cựu ước
 
Sách sự lãnh đạo trong tinh thần tôi tớ
Sách sự lãnh đạo trong tinh thần tôi tớSách sự lãnh đạo trong tinh thần tôi tớ
Sách sự lãnh đạo trong tinh thần tôi tớ
 
Nep song cua nguoi lanh dao
Nep song cua nguoi lanh daoNep song cua nguoi lanh dao
Nep song cua nguoi lanh dao
 
Lời phật dạy trong kinh tạng nikaya tập 1
Lời phật dạy trong kinh tạng nikaya tập 1Lời phật dạy trong kinh tạng nikaya tập 1
Lời phật dạy trong kinh tạng nikaya tập 1
 
La tho-tinh-do
La tho-tinh-doLa tho-tinh-do
La tho-tinh-do
 
đạI thừa kim cang
đạI thừa kim cangđạI thừa kim cang
đạI thừa kim cang
 
đức đạt lai lạt ma
đức đạt lai lạt mađức đạt lai lạt ma
đức đạt lai lạt ma
 

Similar to Phuong phap hoc kinh thanh

Toi muon la co doc nhan
Toi muon la co doc nhanToi muon la co doc nhan
Toi muon la co doc nhanco_doc_nhan
 
Toi muon la co doc nhan
Toi muon la co doc nhanToi muon la co doc nhan
Toi muon la co doc nhanLong Do Hoang
 
TÂM LÝ VÀ HUẤN LUYỆN CƠ CẤU VÀ NĂNG ĐỘNG
TÂM LÝ VÀ HUẤN LUYỆN CƠ CẤU VÀ NĂNG ĐỘNG TÂM LÝ VÀ HUẤN LUYỆN CƠ CẤU VÀ NĂNG ĐỘNG
TÂM LÝ VÀ HUẤN LUYỆN CƠ CẤU VÀ NĂNG ĐỘNG nataliej4
 
Dao duc co doc giao voi cac van de can dai
Dao duc co doc giao voi cac van de can daiDao duc co doc giao voi cac van de can dai
Dao duc co doc giao voi cac van de can daiLong Do Hoang
 
Dao duc co doc giao voi cac van de can dai
Dao duc co doc giao voi cac van de can daiDao duc co doc giao voi cac van de can dai
Dao duc co doc giao voi cac van de can daico_doc_nhan
 
Hieu biet kinh thanh
Hieu biet kinh thanhHieu biet kinh thanh
Hieu biet kinh thanhco_doc_nhan
 
Tuyen giang su diep kinh thanh
Tuyen giang su diep kinh thanhTuyen giang su diep kinh thanh
Tuyen giang su diep kinh thanhco_doc_nhan
 
Kinh thanh va dao duc hoc
Kinh thanh va dao duc hocKinh thanh va dao duc hoc
Kinh thanh va dao duc hocco_doc_nhan
 
thuvienpdf.comchu-nghia-khac-ky--phong-cach-song-ban-linh-va-binh-than.pdf
thuvienpdf.comchu-nghia-khac-ky--phong-cach-song-ban-linh-va-binh-than.pdfthuvienpdf.comchu-nghia-khac-ky--phong-cach-song-ban-linh-va-binh-than.pdf
thuvienpdf.comchu-nghia-khac-ky--phong-cach-song-ban-linh-va-binh-than.pdfNoprroT
 
nhasachmienphi-kinh-dich-ung-dung-trong-kinh-doanh.pdf
nhasachmienphi-kinh-dich-ung-dung-trong-kinh-doanh.pdfnhasachmienphi-kinh-dich-ung-dung-trong-kinh-doanh.pdf
nhasachmienphi-kinh-dich-ung-dung-trong-kinh-doanh.pdfthomlt
 
Cẩm nang của người Phật Tử - Tập 3 (Khải Thiên)
Cẩm nang của người Phật Tử - Tập 3 (Khải Thiên)Cẩm nang của người Phật Tử - Tập 3 (Khải Thiên)
Cẩm nang của người Phật Tử - Tập 3 (Khải Thiên)Phật Ngôn
 
Tan uoc ( luot khao)
Tan uoc ( luot khao)Tan uoc ( luot khao)
Tan uoc ( luot khao)co_doc_nhan
 
Giang dao va day dao
Giang dao va day daoGiang dao va day dao
Giang dao va day daoco_doc_nhan
 

Similar to Phuong phap hoc kinh thanh (20)

Toi muon la co doc nhan
Toi muon la co doc nhanToi muon la co doc nhan
Toi muon la co doc nhan
 
Toi muon la co doc nhan
Toi muon la co doc nhanToi muon la co doc nhan
Toi muon la co doc nhan
 
Tho phuong dct
Tho phuong dctTho phuong dct
Tho phuong dct
 
Tho phuong dct
Tho phuong dctTho phuong dct
Tho phuong dct
 
TÂM LÝ VÀ HUẤN LUYỆN CƠ CẤU VÀ NĂNG ĐỘNG
TÂM LÝ VÀ HUẤN LUYỆN CƠ CẤU VÀ NĂNG ĐỘNG TÂM LÝ VÀ HUẤN LUYỆN CƠ CẤU VÀ NĂNG ĐỘNG
TÂM LÝ VÀ HUẤN LUYỆN CƠ CẤU VÀ NĂNG ĐỘNG
 
Dao duc co doc giao voi cac van de can dai
Dao duc co doc giao voi cac van de can daiDao duc co doc giao voi cac van de can dai
Dao duc co doc giao voi cac van de can dai
 
Dao duc co doc giao voi cac van de can dai
Dao duc co doc giao voi cac van de can daiDao duc co doc giao voi cac van de can dai
Dao duc co doc giao voi cac van de can dai
 
Hieu biet kinh thanh
Hieu biet kinh thanhHieu biet kinh thanh
Hieu biet kinh thanh
 
Tuyen giang su diep kinh thanh
Tuyen giang su diep kinh thanhTuyen giang su diep kinh thanh
Tuyen giang su diep kinh thanh
 
Kinh thanh va dao duc hoc
Kinh thanh va dao duc hocKinh thanh va dao duc hoc
Kinh thanh va dao duc hoc
 
thuvienpdf.comchu-nghia-khac-ky--phong-cach-song-ban-linh-va-binh-than.pdf
thuvienpdf.comchu-nghia-khac-ky--phong-cach-song-ban-linh-va-binh-than.pdfthuvienpdf.comchu-nghia-khac-ky--phong-cach-song-ban-linh-va-binh-than.pdf
thuvienpdf.comchu-nghia-khac-ky--phong-cach-song-ban-linh-va-binh-than.pdf
 
Su diep cuu uoc
Su diep cuu uocSu diep cuu uoc
Su diep cuu uoc
 
nhasachmienphi-kinh-dich-ung-dung-trong-kinh-doanh.pdf
nhasachmienphi-kinh-dich-ung-dung-trong-kinh-doanh.pdfnhasachmienphi-kinh-dich-ung-dung-trong-kinh-doanh.pdf
nhasachmienphi-kinh-dich-ung-dung-trong-kinh-doanh.pdf
 
Su song du dat
Su song du datSu song du dat
Su song du dat
 
Su song du dat
Su song du datSu song du dat
Su song du dat
 
Cẩm nang của người Phật Tử - Tập 3 (Khải Thiên)
Cẩm nang của người Phật Tử - Tập 3 (Khải Thiên)Cẩm nang của người Phật Tử - Tập 3 (Khải Thiên)
Cẩm nang của người Phật Tử - Tập 3 (Khải Thiên)
 
Tan uoc ( luot khao)
Tan uoc ( luot khao)Tan uoc ( luot khao)
Tan uoc ( luot khao)
 
Giang dao va day dao
Giang dao va day daoGiang dao va day dao
Giang dao va day dao
 
Da goc nha
Da goc nhaDa goc nha
Da goc nha
 
Da goc nha
Da goc nhaDa goc nha
Da goc nha
 

More from co_doc_nhan

Vai net ve hoi thanh dau tien
Vai net ve hoi thanh dau tienVai net ve hoi thanh dau tien
Vai net ve hoi thanh dau tienco_doc_nhan
 
Truong dang christ
Truong dang christTruong dang christ
Truong dang christco_doc_nhan
 
Su phuc hung hau den
Su phuc hung hau denSu phuc hung hau den
Su phuc hung hau denco_doc_nhan
 
Su phat trien tu nhien cua hoi thanh
Su phat trien tu nhien cua hoi thanhSu phat trien tu nhien cua hoi thanh
Su phat trien tu nhien cua hoi thanhco_doc_nhan
 
Phuong phap day dao
Phuong phap day daoPhuong phap day dao
Phuong phap day daoco_doc_nhan
 
Phuong cach rao giang loi chua
Phuong cach rao giang loi chuaPhuong cach rao giang loi chua
Phuong cach rao giang loi chuaco_doc_nhan
 
Nhung dieu tot lanh den voi cac nhom nho
Nhung dieu tot lanh den voi cac nhom nhoNhung dieu tot lanh den voi cac nhom nho
Nhung dieu tot lanh den voi cac nhom nhoco_doc_nhan
 
Nhiem vu giao duc
Nhiem vu giao ducNhiem vu giao duc
Nhiem vu giao ducco_doc_nhan
 
Nhan lanh va gin giu su chua lanh
Nhan lanh va gin giu su chua lanhNhan lanh va gin giu su chua lanh
Nhan lanh va gin giu su chua lanhco_doc_nhan
 
Nguyen tac tho phuong
Nguyen tac tho phuongNguyen tac tho phuong
Nguyen tac tho phuongco_doc_nhan
 
Nguyen tac giang day
Nguyen tac giang dayNguyen tac giang day
Nguyen tac giang dayco_doc_nhan
 
Nguyen tac day do
Nguyen tac day doNguyen tac day do
Nguyen tac day doco_doc_nhan
 
Nguyen tac cua cai
Nguyen tac cua caiNguyen tac cua cai
Nguyen tac cua caico_doc_nhan
 
Nghe thuat chan bay
Nghe thuat chan bayNghe thuat chan bay
Nghe thuat chan bayco_doc_nhan
 
Lanh dao thuot linh va goi chung
Lanh dao thuot linh va goi chungLanh dao thuot linh va goi chung
Lanh dao thuot linh va goi chungco_doc_nhan
 

More from co_doc_nhan (20)

Vai net ve hoi thanh dau tien
Vai net ve hoi thanh dau tienVai net ve hoi thanh dau tien
Vai net ve hoi thanh dau tien
 
Truong dang christ
Truong dang christTruong dang christ
Truong dang christ
 
Su phuc hung hau den
Su phuc hung hau denSu phuc hung hau den
Su phuc hung hau den
 
Su phat trien tu nhien cua hoi thanh
Su phat trien tu nhien cua hoi thanhSu phat trien tu nhien cua hoi thanh
Su phat trien tu nhien cua hoi thanh
 
Phuong phap day dao
Phuong phap day daoPhuong phap day dao
Phuong phap day dao
 
Phuong cach rao giang loi chua
Phuong cach rao giang loi chuaPhuong cach rao giang loi chua
Phuong cach rao giang loi chua
 
Phuc vu chua
Phuc vu chuaPhuc vu chua
Phuc vu chua
 
Phuc vu chua
Phuc vu chuaPhuc vu chua
Phuc vu chua
 
Nhung dieu tot lanh den voi cac nhom nho
Nhung dieu tot lanh den voi cac nhom nhoNhung dieu tot lanh den voi cac nhom nho
Nhung dieu tot lanh den voi cac nhom nho
 
Nhom thanh cong
Nhom thanh congNhom thanh cong
Nhom thanh cong
 
Nhiem vu giao duc
Nhiem vu giao ducNhiem vu giao duc
Nhiem vu giao duc
 
Nhan lanh va gin giu su chua lanh
Nhan lanh va gin giu su chua lanhNhan lanh va gin giu su chua lanh
Nhan lanh va gin giu su chua lanh
 
Nguyen tac tho phuong
Nguyen tac tho phuongNguyen tac tho phuong
Nguyen tac tho phuong
 
Nguyen tac giang day
Nguyen tac giang dayNguyen tac giang day
Nguyen tac giang day
 
Nguyen tac day do
Nguyen tac day doNguyen tac day do
Nguyen tac day do
 
Nguyen tac cua cai
Nguyen tac cua caiNguyen tac cua cai
Nguyen tac cua cai
 
Nghe thuat chan bay
Nghe thuat chan bayNghe thuat chan bay
Nghe thuat chan bay
 
Lanh dao
Lanh daoLanh dao
Lanh dao
 
Lanh dao thuot linh va goi chung
Lanh dao thuot linh va goi chungLanh dao thuot linh va goi chung
Lanh dao thuot linh va goi chung
 
Lanh dao co doc
Lanh dao co docLanh dao co doc
Lanh dao co doc
 

Phuong phap hoc kinh thanh

  • 1. Phương Pháp Học Kinh Thánh Tác giả: Robert A. Traina LỜI NÓI ĐẦU Người ta có thể đặt câu hỏi “Quyển Kinh Thánh của bạn đang bị đóng bụi đến mức nào?” với nhiều người vốn không cảm thấy xấu hổ vì mình có một quyển Kinh Thánh riêng, nhưng vì nó là một quyển sách mà mình mù tịt - ngoài tên một vài nhân vật, vài chương, vài câu rải rác hiếm hoi mà mình được nghe người khác đề cập. Trong quyển sách ông viết, Giáo sư Robert A.Traina đã tạo cảm hứng cho độc giả phủi bụi, mở Kinh Điển ra để từng trải cuộc phiêu lưu đầy niềm vui mình tìm được trong việc nghiên cứu nhiều loại văn chương hết sức đa dạng trong Cựu và Tân ước bằng cách bám sát một kế hoạch nghiên cứu nhất định nào đó. Sự kích thích trí thức, phần cảm hứng thuộc linh và sức thúc giục muốn chia xẻ từng trải với người khác mà người nghiên cứu Kinh Thánh được hưởng khi theo sát những lời chỉ giáo sau đây trong quyển sách này sẽ báo đáp xứng đáng cho những giờ nỗ lực nghiên cứu. Tác giả không đề nghị một phương pháp dễ dãi như “Hãy nếm thử món nước xốt trái táo này xem sao” nhưng là một phương pháp kích thích được người ta rất nhiều, là “hãy trồng cây” để tự mình khám phá ra nhiều kho báu quan trọng và giấu kín của một nền văn chương trải qua nhiều thế kỷ như được tìm thấy trong Kinh Thánh. Tác giả có đầy đủ tư cách của một học giả hàng đầu về phương pháp, vì bản thân ông vốn là một sinh viên ưu tú tại Chủng viện Thánh kinh New York. Ông cũng là một giáo sư từng tạo được cảm hứng cho các sinh viên của mình trong việc dạy bảo người khác. Trong số đó, nhiều vị cả nam lẫn nữ hiện đang được nhiều trường đại học tại nhiều quốc gia và cả tại Hoa Kỳ đòi hỏi, và nhiều sinh viên khác nữa đang muốn được hướng dẫn vào việc tiếp cận Kinh Thánh một cách đầy phấn khởi và thỏa đáng. Độc giả cần ghi khắc luôn vào tâm trí phần nguyên tắc căn bản của chủ đích mà quyển sách này nhằm vào, tức là phương pháp nghiên cứu vốn không phải là cứu cánh của chính nó, mà chỉ là một phương tiện nhằm vào một cứu cánh. Thật vậy, cần phải nhớ rằng bản thân bộ Kinh điển cũng chỉ là “một tấm bảng chỉ đường đến ngôi nhà tạm trú”, dẫn người ta đến chỗ có được mối liên hệ mật thiết hơn với Chúa Cứu Thế hằng sống, Đấng vốn là An-pha và Ô-mê-ga, là Đầu tiên và Cuối cùng. Giáo sư William Lyon Phelps có lần đưa tờ Nữu ước Thời báo ấn hành vào lúc sáng sớm và bảo với đám cử tọa của mình “Kinh Thánh còn cập nhật hóa
  • 2. hơn cả tờ nhật báo này nữa”. Nếu bạn chịu khó theo đuổi những điều gợi ý trong quyển sách này, bạn sẽ có thể dễ dàng chứng minh được cho một lời phát biểu như thế. Caroline L.Palmer New York, New York tháng Năm, 1952 LỜI TRI ÂN CỦA TÁC GIẢ Tác giả xin tri ân sâu sắc rất nhiều người về nhiều sáng kiến trong quyển sách này. Một trong số những nhân vật chủ yếu đó là Tiến sĩ Caroline L.Palmer, vị giáo sư và là người chịu trách nhiệm về phần lớn những gì tác giả được biết và đã vui lòng viết Lời Nói Đầu cho quyển sách này. Nếu phần vay mượn của từng cá nhân đều có thể được trả lại thật phải lẽ và đúng lúc thì thật là lý tưởng, nhưng vì nhiều lý do hết sức rõ ràng, điều đó đã không thể nào thực hiện được. Tuy nhiên, tác giả hi vọng rằng quyển sách nghiên cứu này sẽ góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu của những người có các sáng kiến đã đươc mình sử dụng, do đó cũng biện minh được cho cách mình đã tự do sử dụng các phát kiến ấy. NỘI DUNG Dẫn Nhập Chương 1: QUAN SÁT Chương 2: GIẢI NGHĨA Chương 3: ỨNG DỤNG Tóm tắt Phụ lục Sách Tham khảo DẪN NHẬP A. Tại sao ta lại làm như thế? - Nhu cầu và phương thuốc B. Nó là gì? - Định nghĩa việc Nghiên cứu Kinh Thánh theo đúng phương pháp C. Phía sau đó có gì? - Các tiền đề căn bản 1. Kinh Thánh xứng đáng được nghiên cứu
  • 3. 2. Vài yếu tố đặc sắc của việc nghiên cứu Kinh Thánh đúng phương pháp a. Nghiên cứu Kinh Thánh theo phương pháp Quy nạp b. Nghiên cứu Kinh Thánh trực tiếp, độc lập c. Nghiên cứu Kinh Thánh về mặt văn chương d. Nghiên cứu Kinh Thánh về phương diện tâm lý e. Nghiên cứu Kinh Thánh nhằm mục đích xây dựng f. Nghiên cứu Kinh Thánh một cách toàn diện g. Nghiên cứu Kinh Thánh bằng tấm lòng chân thành h. Nghiên cứu Kinh Thánh để đồng hóa i. Nghiên cứu Kinh Thánh với thái độ tôn kính D. Tôi sẽ sử dụng nó như thế nào? - Một bảng liệt kê các gợi ý Các chú thích. A. TẠI SAO TA LẠI LÀM NHƯ THẾ? - Nhu cầu và phương thuốc. Có một số điểm giống nhau gây kinh ngạc giữa một thám tử tài ba và một nhà nghiên cứu Kinh Thánh có hiệu năng. Một thám tử giỏi phải có tài trong một số kỹ thuật, như biết phải tìm các đầu mối ở đâu và phải có những biện pháp nào để tìm ra chúng. Thí dụ anh ta phải biết rõ tầm quan trọng của những yếu tố như dấu tay hay các xét nghiệm về trọng lượng liên hệ với việc truy tìm tội phạm. Rồi một khi đã tìm được chứng cứ, anh ta phải có khả năng giải thích nó thật phải lẽ, phải biết kết hợp chúng lại với nhau hầu khám phá ra cái khuôn mẫu theo đó mọi việc đã xảy ra, phải đánh giá nó và rút từ đó ra những kết luận có giá trị. Và tất cả công việc đó của nhà thám tử đều có hệ thống. Anh ta theo đuổi trong phạm vi mình có thể làm được một tiến trình có trật tự mà mình nhận thấy là phù hợp nhất để tìm ra thủ phạm. Bằng mọi cách, anh ta phải tránh chuyện ngẫu nhiên, tình cờ vì biết rằng chuyện cầu may không dẫn tới việc phát giác hữu hiệu được. Thế nhưng có một sự thật là quá nhiều người nghiên cứu Kinh Thánh lại tiếp cận nhiệm vụ của họ theo cách mà một thám tử tài ba chẳng bao giờ làm, nghĩa là bằng phương pháp cầu may, bằng cách mò mẫm được chăng hay chớ. Họ không có một kế hoạch hành động có thứ tự, được suy đi tính lại, cân nhắc hết sức kỹ càng. Họ có khuynh hướng noi theo các ngẫu hứng thất thường có thể xảy ra rồi chỉ một khoảnh khắc sau đó, lại thay đổi ngay. Nhược điểm này không phải chỉ có ở các tín đồ thường, là nơi người ta có thể trông đợi sẽ gặp nó, mà cả nơi nhiều người từng được đào tạo đặc biệt trong lãnh vực nghiên cứu Kinh Thánh nữa. Một trong những lý do chủ yếu của sự kiện này, là nhu cầu về phương pháp thường không được nhận thấy, mà hậu quả là người sinh viên không được chỉ dạy để biết phân tích tiến
  • 4. trình lý giải, nhằm khai triển một phương pháp thấu đáo, hợp lý, theo từng bước một mà người ấy có thể dùng để giải nghĩa bất luận một khúc Kinh điển nào. Một trong những hậu quả của một sơ sót như thế là bị mất thì giờ, thiếu chính xác và nông cạn. Những niềm tin vừa kể trên cùng với những niềm tin có liên hệ khác nữa đã đưa tới phần chuẩn bị cho cuộc thảo luận sắp được nêu ra đây, trong đó tác giả trình bày một bảng phân tích chi tiết tiến trình nghiên cứu Kinh Thánh từng làm cơ sở cho nỗ lực cá nhân nhằm khai triển một phương pháp tiếp cận các khúc Kinh Thánh một cách có hệ thống. Tác giả không hề có ảo tưởng rằng quyển sách này hàm chứa một phương thuốc trị bá bệnh, bảo đảm chữa trị được cho mọi khuyết điểm, mọi thói xấu trong việc nghiên cứu Kinh Thánh. Tác giả cũng không dám mơ ước rằng những gì mình nhận thấy là có ích lợi trong tư tưởng và công tác riêng tư, cũng sẽ được độc giả nhắm mắt áp dụng ngay, vì nói cho cùng, thì tinh thần làm việc theo đúng phương pháp là một vấn đề cá nhân. Tuy nhiên, tác giả hi vọng tập tài liệu này có thể góp một phần nhỏ mọn nào đó để gợi ý cho độc giả về quan niệm nghiên cứu Kinh Thánh một cách có phương pháp, có hệ thống, đồng thời với việc ý thức được tầm quan trọng của nó. Nếu được như thế, số thì giờ chúng tôi đã dành ra để soạn thảo quyển sách đã không phải là bị phung phí đi vậy. B. NÓ LÀ GÌ? - Định nghĩa việc nghiên cứu Kinh Thánh theo đúng phương pháp. Tuy mấy lời phát biểu trên đây đã nói lên được đôi điều về ý nghĩa của việc nghiên cứu Kinh Thánh theo đúng phương pháp, chúng tôi xin định nghĩa rốt ráo hơn nữa để biết chắc là sự việc đã trở thành thật rõ ràng. Muốn tìm hiểu thấu đáo ý nghĩa của từ ngữ “có phương pháp” - (methodical) chúng ta cần khảo xét trước hết ý nghĩa của danh từ “phương pháp” - (method). Danh từ “phương pháp” được căn cứ trên từ ngữ Hi văn methodos, nghĩa đen là “một con đường, một nẻo đường để chuyển vận”. Theo nghĩa đó, xin lưu ý thật cẩn thật các định nghĩa sau đây cho chữ “phương pháp”. Phương pháp có thể nói lên một phương thức hoặc trừu tượng hoặc cụ thể, nhưng trong cả hai trường hợp nó đều hàm ý là một sự sắp xếp có thứ tự, hợp lý và hữu hiệu, như các ý niệm của một người nhằm đưa ra một phần trình bày giải thích hay một luận cứ, hoặc các bước phải noi theo trong việc dạy bảo, một cuộc điều tra nghiên cứu... hay trong bất kỳ một loại hay một công việc nào (1). Về cơ bản, phương pháp chỉ là cách làm việc cần noi theo trong một trường hợp nhất định nào đó... Các bước chủ yếu cần phải noi theo... và những điểm tối quan trọng trong đó các điều kiện phát triển phải được cẩn thận duy trì và nuôi dưỡng (2). Vậy, nghiên cứu Kinh Thánh một cách có phương pháp liên
  • 5. hệ với nẻo đường thích hợp cần phải noi theo hầu đạt tới chân lý của Kinh điển. Nói rõ hơn nữa, nó bao gồm việc phát giác ra những bước nào là cần thiết nhằm đạt được mục tiêu của mình, và cách sắp xếp chúng sao cho thật hợp lý và kiến hiệu. Để minh họa, ta có thể rút ra những điểm giống nhau giữa công tác nghiên cứu Kinh Thánh một cách có phương pháp với việc làm bánh. Dưới đây là phương pháp làm loại bánh nướng vàng. Xin lưu ý những điểm giống nhau giữa nó với việc nghiên cứu Kinh Thánh một cách có phương pháp theo hai câu định nghĩa vừa được nêu ra ở phần trên. 1. Thoa dầu và bột vào một khuôn 8x8 2. Rây vào trong tô trộn: - 13/8 tách bột rây - 2 muỗng trà bột nổi - 1/2 muỗng trà muối 3. Thêm 1/3 tách shortening 4. Đổ vào 2/3 tách sữa - 1 muỗng trà va-ni 5. Đánh lên 2 phút 6. Thêm 1 quả trứng to 7. Đánh lên thêm 2 phút 8. Đổ tất cả vào khuôn đã chuẩn bị sẵn và nướng 30 phút ở nhiệt độ 350độ Chắc bạn đã nhận thấy thế nào phương pháp làm bánh chỉ cho người ta phải noi theo một số các bước, như sử dụng những thành phần chất liệu nào, hoà trộn chúng, và đặt khuôn bột bánh vào lò ở một nhiệt độ nào đó và bao lâu. Nếu muốn làm được loại bánh đặc biệt đó, người ta phải theo đúng các bước thiết yếu ấy. Tuy nhiên, không phải chỉ có những bước đặc thù ấy là cần thiết mà thôi, nhưng điều cũng vô cùng quan trọng là phải thực hiện theo đúng thứ tự đã được gợi ý. Vì nếu các thứ tự đều bị đảo ngược trong việc pha trộn bột bánh trước khi nó được đem nướng, thì hậu quả sẽ vô cùng tai hại. Cũng vậy, nghiên cứu Kinh Thánh một cách có phương pháp bao gồm hai yếu tố cần thiết: thứ nhất, một số các bước phải noi theo (nội dung), và thứ hai, một cách sắp xếp nào đó (thứ tự). Không thể bỏ đi một yếu tố nào trong số đó, nếu ta muốn cho việc tiếp cận của mình là đúng phương pháp. Do đó, câu hỏi mà chúng ta phải tự đặt ra cho mình gồm hai phương diện “Đâu là các bước cần phải noi theo, và theo trật tự hay cách sắp xếp nào, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu là nghiên cứu Kinh Thánh cho có kết quả?” (3) C. PHÍA SAU ĐÓ CÓ GÌ? - Các tiền đề căn bản. Ẩn bên dưới việc nghiên cứu Kinh Thánh đúng phương pháp là một số các định đề (postulates). Người ta sẽ không tìm cách chứng minh các định đề
  • 6. này một cách dứt khoát, vì cả khi có thể làm được công việc ấy, thì chỉ riêng cái công việc ấy mà thôi cũng phải viết ra cả một quyển sách hoặc nhiều quyển sách rồi. Mục đích chủ yếu ở đây là chỉ nêu chúng ra càng rõ ràng, ngắn gọn được chừng nào càng tốt chừng nấy (4). 1. Kinh Thánh đáng được học hỏi nghiên cứu. 2. Việc nghiên cứu Kinh điển đúng phương pháp đòi hỏi một số các yếu tố. Các yếu tố này sẽ được thảo luận như là những đặc điểm của việc nghiên cứu Kinh Thánh một cách có phương pháp. a. Nghiên cứu Kinh Thánh theo phương pháp Quy nạp. Có một điều kiện cho việc tiếp cận một cách có phương pháp, ấy là về bản tính, nó phải phù hợp với đối tượng, với mục tiêu nhằm vào, vì đó chính là phương tiện để đạt mục tiêu. Thí dụ phương pháp đúng để ném quả bóng dã cầu - ngoài nhiều cử động khác ra - là phải cầm quả bóng thật chắc đưa cánh tay ra phía sau rồi ném quả bóng về phía trước bằng cách vung cánh tay lên thật mạnh. Điều này nhất thiết phải được làm cho đúng, vì nó chính là tính chất của việc ném một quả bóng dã cầu. Vậy, muốn cho một phương pháp tiếp cận Kinh điển nào đó có giá trị, nó phải có bản chất giống như bản chất của chính Kinh điển. Kinh điển, vốn phân biệt với người giải kinh, và không phải là một thành phần chính thức của người ấy. Nếu các chân lý của Kinh Thánh đã nắm sẵn trong người ta rồi, thì chẳng cần gì phải có Kinh Thánh và bộ sách ấy sẽ là dư thừa. Nhưng sự kiện là Kinh Thánh là một bộ phận văn học khách quan, sở dĩ có là vì con người cần phải biết một số chân lý mà con người không thể tự biết được, và phải đến với nó từ bên ngoài. Hệ quả là, nếu phải khám phá cho ra các chân lý nằm trong bộ phận văn học khách quan kia, con người phải sử dụng một phương pháp tiếp cận phù hợp với nó về bản tính, nghĩa là một phương pháp tiếp cận khách quan. Có hai cách tiếp cận chính được mở ra cho người nghiên cứu Kinh Thánh. Một là diễn dịch pháp (deduction), bắt đầu bằng việc tổng quát hóa rồi truyền sức hậu thuẫn của mình cho những trường hợp riêng biệt. Tự bản tính của nó, diễn dịch pháp có khuynh hướng chủ quan và có định kiến. Nó tạo ra những người nắm quyền độc tài đối với Kinh điển chớ không phải là những người biết lắng nghe Kinh điển. Do đặc tính khách quan của văn chương trong Kinh điển, một phương pháp tiếp cận như thế là không phù hợp với Kinh Thánh, và do đó, là không đúng phương pháp. Mặt khác, phương pháp đối lập với nó, quy nạp pháp (induction) thì khách quan và vô tư, vì nó chỉ đòi hỏi ta trước hết là khảo xét các điểm riêng biệt của Kinh điển, rồi các kết luận của ta đều được căn cứ trên các điểm cá biệt đó. Một phương pháp như thế là đứng đắn vì vốn có tính cách khách quan, phù hợp với bản tính khách quan của Kinh điển. Nó tạo ra những con người chịu lắng nghe chớ không
  • 7. phải là những người chỉ biết nói ra mà thôi, và bản tính của Kinh điển đòi hỏi những con người biết lắng nghe. Vậy, nghiên cứu Kinh Thánh một cách có phương pháp, là nghiên cứu theo quy nạp pháp, vì trong trường hợp này, theo quy nạp pháp là đúng phương pháp. Trong phương trình phương pháp thích hợp và quy nạp pháp này, phải có hai phẩm cách (qualifications = phẩm tính, phẩm chất, đặc tính). Một là chẳng hề có quy nạp pháp nào là thuần túy cả. Khi ta nói về một cách tiếp cận bằng quy nạp pháp, thì điều đó chỉ có nghĩa là nó tương đối theo quy nạp pháp mà thôi. Cùng một nguyên tắc ấy cũng áp dụng cho diễn dịch pháp nữa. Điểm thứ hai là hệ quả của điểm trước. Vì chẳng hề có quy nạp pháp thuần tuý, nên cũng không có khách quan tính tuyệt đối. Gamaliel Dradford từng nhận xét thật sáng suốt rằng “Chỉ có những người tưởng rằng họ vô tư, và những người biết rằng họ không vô tư mà thôi”. Tuy nhiên, một phương pháp nhấn mạnh trên quy nạp pháp đến mức tối đa, sẽ dễ tạo ra những nhà giải kinh vô tư và chính xác hơn bất kỳ một phương pháp tiếp cận nào khác. b. Nghiên cứu Kinh Thánh trực tiếp, độc lập. Hãy tạm cho rằng quy nạp pháp là cách tiếp cận Kinh điển một cách có phương pháp, vấn đề từ đó nảy sinh sẽ là đâu là các phương tiện nhằm khám phá ra các sự kiện cá biệt để ta có thể dùng làm cơ sở cho các kết luận của mình. Dường như điều hợp lý để cho rằng phương pháp hay nhất để bảo đảm cho việc khám phá ra các điểm cá biệt, là nghiên cứu một cách trực tiếp và độc lập chính các điểm cá biệt ấy. Như thế, chính bộ Kinh Thánh chớ không phải là những quyển sách viết về Kinh Thánh, mới là bộ sách giáo khoa căn bản cho người nghiên cứu Kinh Thánh. Việc nhấn mạnh như thế vào quyền ưu tiên của việc nhận xét trực tiếp giúp nhà giải kinh trở thành quen biết với tinh thần của các trước giả viết Kinh điển (5), khiến ông ta có thể có được cách suy tư độc sáng (orginal) và cung cấp cho ông ta một cơ sở để phán đoán giá trị của nhiều nguồn tài liệu rất khác nhau và thường thường lại trái ngược, xung đột nhau. Việc nhấn mạnh trên quyền ưu tiên của phương pháp nghiên cứu trực tiếp này không hề hàm ý rằng không nên khảo cứu thật kỹ các bộ sách chú giải. Trái lại, khi được thực hiện đúng cách, nó vốn được thừa nhận là một bước tiến cần thiết trong cách tiếp cận một cách có phương pháp. Spurgeon đã vạch ra rất đúng rằng “có hai sai lầm trái ngược nhau bám sát người nghiên cứu Kinh điển: khuynh hướng chỉ lợi dụng các tài liệu hoặc ý kiến của những người khác, và không chịu lợi dụng bất cứ một điều gì của người khác cả” (6). Vì Kinh Thánh vốn có nhiều hình thức, nhiều phương diện, cho nên cần phải quyết định xem nên lợi dụng phương diện, hình thức nào. Việc lựa chọn tùy
  • 8. thuộc các đòi hỏi của cá nhân nhà giải kinh; vì nếu chính ông ta phải tìm kiếm các điểm cá biệt, thì ông ta phải có trong tay một công cụ để sử dụng. Cho nên trong phần lớn các trường hợp, một quyển Kinh Thánh bằng tiếng mẹ đẻ là thích hợp nhất cho giai đoạn đầu tiên của việc nghiên cứutheo quy nạp pháp. Điều này sở dĩ đúng, vì người học hỏi nghiên cứu trung bình thường không đủ chuyên môn trong các nguyên văn để có thể sử dụng chúng thật thông thạo. Và vì các bản dịch vốn là công tác của các nhà chuyên môn thuộc lãnh vực ấy, nên chắc chắn là phần đông những người học hỏi nghiên cứu Kinh điển sẽ không có khả năng để cải thiện chúng hay ít ra cũng chẳng cải thiện được nhiều lắm. Hơn nữa, con người ta vẫn suy nghĩ bằng tiếng mẹ đẻ của mình, do đó, cũng sẽ học hỏi được dễ dàng hơn khi sử dụng loại ngôn ngữ thông dụng. Cũng còn sự kiện là tiếng mẹ đẻ giúp người ta nhìn thấy các mối liên hệ rộng rãi hơn, điều rõ ràng là không thể nào có được khi sử dụng các nguyên văn. Vì các lý do vừa kể và nhiều lý do khác nữa, phần thảo luận đưa ra tiếp theo đây sẽ đặt trên cơ sở là niềm tin rằng bước đầu tiên để tiếp cận Kinh điển một cách có phương pháp phải là việc nghiên cứu trực tiếp và độc lập bằng ngôn ngữ thông dụng. Điều này không hề hàm ý việc phủ nhận sự hỗ trợ vô giá mà việc sử dụng nguyên văn có thể cung cấp cho. Mặt khác, người ta nhận thấy rằng việc sử dụng trực tiếp và độc lập ngôn ngữ thông dụng thường khiến mình quan tâm tìm hiểu nguyên văn (7) c. Nghiên cứu Kinh Thánh về phương diện văn chương. Nghiên cứu văn chương trong Kinh Thánh cho thấy Kinh điển bao hàm một nền văn học lỗi lạc và do đó, cũng được cai trị bởi các định luật vẫn cầm quyền kiểm soát tất cả các nền văn học lớn. Các sự kiện này là quyết lệnh dạy người học hỏi nghiên cứu Kinh điển phải kết thân và chịu sự hướng dẫn của các quy luật của văn học. V.Ferm vạch rõ: Kinh Thánh nói chung là văn học cao cấp và việc nghiên cứu tính cách cao siêu vĩ đại trong các quyển sách, nghiên cứu về bản tính của thiên tài về thi ca và các quá trình sáng tạo ra nó, ít ra cũng cần thiết cho việc thật sự thông suốt sách ấy ngang hàng với việc đào tạo nhà phê bình lịch sử (8). Thiết tưởng cần lưu ý rằng tiền đề này vốn được đặt trên cơ sở là niềm tin quyết tuy Kinh điển có nội dung và một bức thông điệp độc nhất vô nhị, bộ sách ấy vốn cũng giống như các sách văn học khác về hình thức, vì nó cũng gồm có phần giao lưu ngôn ngữ bằng chữ viết. Nếu điều đó là đúng, thì phần hình thức của văn chương cũng thực hiện các chức năng đối với các tư tưởng, các ý niệm của Kinh Thánh, y như nó vẫn thực hiện đối với các ý niệm, các tư tưởng không phải là Kinh Thánh, nghĩa là nó là một phương tiện truyền thông, giao lưu mà hệ quả thì nó cũng chính là một phương tiện để lý giải nữa. Do đó, việc một người cần phải quan tâm đến các phẩm chất văn chương của Kinh điển nếu muốn tiếp cận bộ sách ấy một cách có
  • 9. phương pháp, là rất cần thiết vậy. d. Nghiên cứu Kinh Thánh về phương diện tâm lý. Kinh Thánh không phải là một văn bản trừu tượng về tôn giáo, cũng không phải là một bộ lịch sách ghi ra các sự kiện và tín ngưỡng tôn giáo. Về bản tính, nó có tính cách tâm lý. Do đó, phương pháp tiếp cận của nhà giải kinh phải luôn luôn lưu ý đến phương diện thực nghiệm của Kinh điển. V.Ferm đã viết đoạn sau đây trước câu phát biểu đã được trích dẫn ở phần trên: Phần lớn Kinh Thánh, cả Cựu lẫn Tân ước đều có đặc tính của thi ca, và phần lớn những gì không hoàn toàn có hình thức thi ca cũng đều được linh cảm (inspired = cảm hứng) do cảm xúc sâu sắc và có phẩm chất vĩ đại của văn chương. Tôi nhận thấy mình đã được tưởng thưởng xứng đáng khi tiếp cận Kinh Thánh với niềm tin quyết rằng đó là một loại văn học vĩ đại, rằng người ta phải hưởng thụ thưởng thức, chớ không phải chỉ tìm hiểu nó mà thôi, hay nói cho đúng hơn là người ta sẽ không thể nào thật sự hiểu được nó nếu không thêm vào đó sự hiểu biết về nhiều sự kiện từ bên ngoài, có thể giúp chúng ta nhìn thấy từng quyển sách một tại vị trí nguyên thủy với chủ đích trực tiếp của nó (thêm vào đó) một cái nhìn thông tuệ đầy ưu ái vào tâm hồn của trước giả, một sự thông cảm có ít kiến thức về các sự việc sự vật hơn là sự hiểu biết của một con người về những con người (9). e. Nghiên cứu Kinh Thánh nhằm mục đích xây dựng. Có người đã nhận xét rất đúng rằng “Hiện nay là thời mà những chiều kích vô hạn trong Thánh điển đã vượt khỏi tầm nhìn của chúng ta, trong khi đôi mắt mang kính của chúng ta lại chăm chú vào các tiểu tiết”. Vì có sự hiện diện của khuynh hướng này và các nguy cơ gắn liền với nó, những người nghiên cứu Kinh Thánh chúng ta đã được lệnh nghiêm ngặt là phải tập trung chú ý vào những gì tích cực, rõ rệt và hiển nhiên là có tích cách căn bản. Công tác giải kinh tất nhiên là có nhiều vấn đề, nhưng chúng ta không cần và không nên để cho nó chiếm mất phần lớn thì giờ của chúng ta. Vì như có người đã nhận định, điều khiến chúng ta bận tâm không phải là những thành phần trong Kinh Thánh mà chúng ta không hiểu, nhưng là những thành phần mà chúng ta hiểu được. f. Nghiên cứu Kinh Thánh một cách toàn diện. Về mặt lý tưởng mà nói, nghiên cứu Kinh Thánh một cách có phương pháp phải là làm công tác nghiên cứu theo hai phương diện, một là bằng mọi phương tiện, nghĩa là bằng bất cứ cách nào hữu ích mà chúng ta có thể sử dụng để nghiên cứu chân lý của Kinh điển, và hai là về phạm vi, tầm hạn - nghĩa là phải nắm vững toàn bộ Kinh điển, thấu triệt chủ đích của từng quyển sách một của toàn bộ Kinh điển (10). g. Nghiên cứu Kinh Thánh bằng tấm lòng chân thành Đặc điểm này đã được đề cập trong phần thảo luận về quy nạp pháp, nhưng
  • 10. nó rất quan trọng đến độ chúng ta có thể nhắc lại. Khi tiếp cận Kinh điển, người ta “không nên thêm bất cứ điều gì vào đó, mà trái lại, phải rút mọi điều từ đó ra, và không chịu để cho bất cứ điều gì thật sự có trong đó còn bị giấu kín” (11). Trong tác phẩm Giới thiệu Shakespeare, Hardin Craig nhận xét: Dường như chỉ có một phương pháp làm việc duy nhất là do lòng chân thành mà thôi. Tôi đã phải phát quang môi trường khi cần phải khai quang, và tôi đã làm việc đó với đức tin rằng nếu chúng ta chỉ cần nhờ vào phương tiện ấy đề nghe được tiếng nói của Shakespeare mà thôi, thì sẽ chẳng còn gì nhiều hơn, xa hơn để bận tâm nữa. Là những người học hỏi nghiên cứu Kinh Thánh cũng thế, chúng ta phải tiếp cận Kinh đển với mục đích để cho chính Kinh điển phán dạy và với đức tin rằng nếu chúng ta chỉ có thể nghe được tiếng phán của Kinh điển mà thôi, thì chúng ta chẳng còn cần phải bận tâm gì hơn nữa. L.Gilman từng nói về Toscanini” Toscanini đã vô tình nhắc nhở chúng ta rằng chỉ có những nghệ sĩ đó mới chạm tới được những nguồn suối sâu xa nhất để tự biểu hiện tâm trí đơn sơ thuần phác, ý thức thuần khiết và lòng thành thật không vấy chút băng hoại nào của họ (12). Chỉ có những người chứng tỏ được mình có các đức tính ấy mới nhận thức được các chức năng đích thực của mình với tư cách những người nghiên cứu Lời Chúa. h. Nghiên cứu Kinh Thánh để đồng hóa. Chủ đích trực tiếp của việc nghiên cứu Kinh Thánh liên hệ với những người tham gia, là để chính họ lặp lại từng trải đã xảy ra trước nhất trong Kinh điển. Nhà học giả Trung hoa từng viết “Tôi hiện đang đọc Kinh Thánh và đang theo đó để ăn ở ứng xử” vốn đã lãnh hội được tầm quan trọng của nguyên tắc căn bản này. Điều thiết yếu là chân lý khám phá được trong Kinh Thánh phải được đưa vào, phải được thể hiện trong đời sống. Điều này rất đúng vì nhiều lý do, mà chúng tôi chỉ xin ghi ra đây hai trong số đó mà thôi: Thứ nhất, việc thâu hóa chân lý Kinh điển là điều khiến cho việc nghiên cứu học hỏi Kinh Thánh xứng đáng với công sức đã bỏ ra. Trong quyển sách nhan đề Vấn đề đọc sách của mình, Holbrook Jackson viết: Tác động đầu tiên của việc đọc sách là thức tỉnh, chớ không phải là thông tin... Nếu không bằng một cách thế nào đó hay vào một lúc nào đó, những chữ, những câu hay các quyển sách của chúng ta không nổ tung ra như vậy một cách có lợi và sáng tạo, không những chỉ tiết lộ cho chúng ta về cuộc đời mà còn chỉ cho chúng ta cách thức phải sống nữa, thì việc đọc sách chỉ là phung phí thì giờ mà thôi. Một lời phát biểu như thế đặc biệt nghiệm đúng cho việc nghiên cứu học hỏi Kinh Thánh.
  • 11. Thứ hai, việc tiếp thu chân lý Kinh điển dẫn tới việc tăng thêm cái nhìn thông tuệ (insight) trong khi nếu không đạt được điều đó sẽ đưa đến các hậu quả là bị suy nhược thuộc linh. Chúa Giê-xu từng làm sáng tỏ vấn đề này khi nói về các ẩn dụ của Ngài: Ai có tai, nên lắng nghe! Phải để ý đến những lời các con nghe. Các con lường cho người ta mức nào, người ta sẽ lường lại cho các con mức đó, mà còn gắt gao hơn nữa. Vì ai có sẽ được cho thêm, nhưng ai không có, dù còn gì cũng bị mất luôn (Mac Mc 4:23-25). i. Nghiên cứu Kinh Thánh với thái độ tôn kính . Thái độ kính cẩn cần thiết vì hai lý do chính yếu: Thứ nhất, nó khiến người ta có thể tiếp thu, mà tiếp thu rất thiết yếu để thông hiểu chân lý thuộc linh. Chính Chúa Giê-xu từng dạy về sự kiện này trong ẩn dụ các loại đất (Mac Mc 4:1-20). Horace Bushnell cũng có lần nhận định: Tôi có từng trải là Kinh Thánh cứng khô khi nào tôi cứng khô. Khi tôi thật sự sinh động và đọc văn bản bằng ái lực sống động của một cơn thủy triều đang lên và đang gây áp lực, thì nó được mở rộng, nhân bội những gì có thể được khám phá ra, và tiết lộ những chiều sâu còn nhanh hơn cả khả năng ghi chép lại của tôi nữa. Cảm thấy Kinh Thánh khô hạn, cứng rắn là do thái độ bất thích hợp đối với Kinh điển và chỉ có thể thắng vượt bằng cách làm phát triển lòng tôn kính thật sự đối với Lời Cúa. Thứ hai, nó bao hàm một thái độ vừa cầu nguyện vừa chịu lệ thuộc vào Thánh Linh của Thượng Đế, vì nếu không có Ngài, chúng ta sẽ không tài nào hiểu nổi Lời Thượng Đế; vì Ngài chính là Đấng đã linh cảm Lời Chúa mà cũng là nhà giải kinh tối thượng nữa. Bushnell có thêm vào lời phát biểu đã được trích dẫn ở phần trên “Tinh thần của thế gian này đóng chặt Kinh Thánh lại; Thánh Linh của Thượng Đế biến nó thành một ngọn lửa bừng cháy, làm bộc lộ các chân lý có đầy đủ ý nghĩa và quang vinh” (13). D. TÔI SẼ SỬ DỤNG NÓ NHƯ THẾ NÀO? - Một bảng liệt kê các gợi ý. Vì phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh, có một nỗ lực tại điểm ráp nối này nhằm báo trước một số vấn đề vẫn thường nảy sinh và nhằm giúp quý độc giả chuẩn bị để hiểu rõ và sử dụng phần tài liệu sắp được đưa ra. Việc này sẽ được thực hiện dưới hình thức một bảng liệt kê các gợi ý khác nhau. 1. Hãy cố nhìn toàn diện vào tiến trình nghiên cứu một cách có phương pháp trước khi thử áp dụng một thành phần nào trong đó. Một cái nhìn như thế rất cần thiết vì tính cách liên hệ hỗ tương giữa các bước khác nhau cần phải noi theo. Chúng vốn lệ thuộc lẫn nhau đến mức người ta sẽ không thể hiểu được chức năng của bất cứ một thành phần nào trong đó, nếu không biết mối liên hệ giữa nó với thành phần đi trước và theo sau nó. Hệ quả là, độc giả được khuyến cáo hãy nghiên cứu toàn thể quyển sách chỉ nam này trước khi thử
  • 12. sử dụng những điều gợi ý trong đó, hoặc thậm chí là trước khi muốn nghiêm túc cố gắng tìm hiểu trọn vẹn một thành phần nào trong đó. Hơn nữa nên lợi dụng các mục lục trước nhiều đoạn sách để ghi nhận cẩn thận nội dung và cách tổ chức của chúng. Theo các phương pháp ấy, quý độc giả sẽ thấy đựơc các mối liên hệ hỗ tương giữa các bước, để nhờ đó sẽ sẵn sàng ứng dụng từng bước một cho chính mình một cách thông minh hơn. 2. Nên sử dụng các bài tập đã cho hoặc các bài tập tương đương khi bạn sẵn sàng ứng dụng phần tài liệu ấy. Việc đưa các bài tập vào đây nhằm gợi ý là có một số điểm giống nhau giữa việc khai triển một phương pháp tiếp cận các khúc Kinh Thánh theo đúng phương pháp, với việc làm phát triển phần thân thể được khỏe mạnh. Cả hai đều được thực hiện trước hết là nhờ có thực tập, và cả hai đều từ từ, tiệm tiến mà hệ quả là đòi hỏi phải kiên trì nhẫn nhục. Cho nên, như một thân thể khỏe mạnh không thể thực hiện được chỉ bằng cách đọc một công trình thảo luận về chủ đề ấy hay chỉ học một vài bài dễ, xin đừng trông mong rằng chỉ cần liếc sơ qua quyển sách này là người ta sẽ có được ngay tinh thần nghiên cứu theo đúng phương pháp. Nếu phần thảo luận này được chứng minh là thật sự có giá trị, ấy là vì nó chỉ ra một số biện pháp hành động mà quý độc giả có thể noi theo, và nhờ noi theo đó mà tự dạy mình trở thành người biết nghiên cứu Kinh Thánh một cách có hệ thống. Một tiến trình như thế sẽ cần rất nhiều năm, nếu không nói là cả một cuộc đời. Vì chẳng hề có một phương pháp nghiên cứu Kinh Thánh nào để chúng ta có thể tùy tiện đi tắt, cũng như không hề có lối đi tắt nào để có được sức lực thuộc thể cả. Tuy nhiên, tuy sự tăng trưởng của một người không thể nào xảy ra nhanh chóng được, nếu người ta biết áp dụng các gợi ý sắp được đưa ra sau đây và thật sự dấn thân vào môn thể dục thẩm mỹ tinh thần và thuộc linh đã được đề ra, thì người ta có thể được bảo đảm rằng dưới quyền cai trị của Thượng Đế, các nỗ lực của mình sẽ đạt được kết quả ngày càng tăng. 3. Hãy nhìn vào các thí dụ minh họa trong quyển Kinh Thánh của bạn (14) và nghiêm chỉnh cố gắng khám phá trong đó những ý niệm soi sáng liên hệ được tìm thấy. Thật vậy, việc làm ấy sẽ giúp bạn tìm ra những thì dụ minh họa cho chính bạn tại rất nhiều điểm. 4. Trong phần đầu tiên có hơi rắc rối của quyển sách chỉ nam này, xin chớ quá bận tâm đến việc tìm đọc các chú thích vốn được đặt vào phần cuối của nhiều đoạn sách. Lý do của gợi ý này là nhằm tránh việc phải thường xuyên làm gián đoạn giòng tư tưởng của độc giả khi quý vị muốn có được một cái nhìn bao quát toàn diện. Các chú thích sẽ được chứng minh là hữu ích ở những lần đọc lại quyển sách chỉ nam này về sau, lúc quý độc giả đang ở trong tiến trình áp dụng các gợi ý của nó. Các chủ đích của phần chú thích gồm ba phương diện: thứ nhất để chỉ ra các
  • 13. sách tham khảo; thứ hai để cung cấp tài liệu giải thích mà kinh nghiệm đã chứng minh là hữu ích, nhưng sẽ làm gián đoạn diễn tiến và cơ cấu tổ chức của vấn đề chủ yếu đang được thảo luận; và thứ ba, để dùng như một hệ thống tham khảo những phần khác nhau trong cùng quyển sách này. Chức năng của phương diện sau cùng này được xem là thiết yếu vì nhiều lý do. Một là làm như thế thì các chú thích sẽ thay thế được phần nào cho bản mục lục, vốn không có trong quyển sách này. Hơn nữa, chúng được dùng làm phương tiện liên kết nhiều phần khác nhau trong quyển chỉ nam này, do đó, giúp quý độc giả thấy được tính cách trung thực, đứng đắn của việc nghiên cứu một cách có phương pháp; và chúng cũng góp phần làm sáng tỏ cuộc thảo luận, vì những phần khác nhau của quyển chỉ nam này sẽ giúp soi sáng lẫn cho nhau. 5. Sử dụng ít nhất vài gợi ý về các sách tham khảo. Điều này sở dĩ cần thiết vì phần trình bày tiếp theo đây không hề khai thác rốt ráo, vắt kiệt được lãnh vực nghiên cứu Kinh Thánh hết sức bao la, rộng rãi. Thật vậy, chúng tôi không có đủ cả đến khoảng trống cần thiết để chứng minh cho rốt ráo việc nghiên cứu một cách có phương pháp liên hệ với một khúc sách nhất định nào đó được đưa ra, vốn chắc chắn là sẽ có rất nhiều lợi ích. Phần thảo luận nhất thiết phải theo đúng phần hình thức và bố cục hướng dẫn, phải được sử dụng trong mối liên hệ cộng tác với nhiều quyển sách khác trong cùng một lãnh vực. Một số sách ấy sẽ được chỉ ra trong tiến trình thảo luận và một số khác nữa trong thư mục tham khảo. 6. Hãy tự trắc nghiệm lấy những câu phát biểu được đưa ra. Chính vì chúng là những câu kết luận của công trình nghiên cứu theo quy nạp pháp của tác giả, hay ít ra là vì tác giả hy vọng như vậy, và chính vì chúng là niềm tin quyết không chuyển lay của tác giả, cho nên quý độc giả không vì thế mà được trông đợi phải chấp nhận chúng không chút thắc mắc. Trái lại, quý độc giả được khuyến giục phải tự mình thực hiện lấy việc nghiên cứu theo quy nạp pháp cho riêng mình. Và nếu khi làm như vậy, quý độc giả đi đến những câu kết luận mâu thuẫn với các câu kết luận của sách này, thì quý vị không những chỉ có đặc quyền, mà còn bị bắt buộc phải tin vào điều chính mình đã tìm ra. Các sự kiện này phải được ghi khắc vào tâm trí xuyên suốt cuộc thảo luận, thậm chí liên hệ cả với những câu phát biểu có vẻ như độc đoán nữa. Vì quý độc giả sẽ gặp những cơ hội có những cảm tưởng như thế, mà lý do chính là vì trong phạm vi hạn hẹp của một quyển sách, không ai có thể vạch ra được tất cả những điểm cá biệt mà người ta đã căn cứ vào đó để thực hiện việc tổng quát hóa. 7. Thực hành sẽ đánh tan việc chỉ phán đoán, phê bình suông. Bạn được khuyến cáo không nên chấp nhận hoặc phủ nhận những câu phát biểu ngay sau khi đọc chúng. Nhiều khi bày tỏ ý kiến sẽ có tác dụng. Chẳng hạn nếu
  • 14. bạn không thấy chủ đích của một số gợi ý, và nếu chúng có vẻ như dư thừa hay thậm chí là lố bịch nữa, hãy dành một ít chỗ cho việc rất có thể rằng chúng vốn có một chức năng cần thiết nào đó, và rằng nếu được phú mặc cho thời gian, chức năng ấy sẽ trở thành tỏ rõ. Cũng phải có những lý do đặc thù để chấp nhận hay phủ nhận một số ý niệm. Và thậm chí sau khi bạn đã có được các kết luận rồi, bạn cũng phải sẵn sàng thay đổi đi, nếu và khi có những dữ kiện mới mẻ khác xuất hiện khiến cho việc thay đổi như thế trở nên cần thiết. Những gợi ý này được nghiệm đúng với cách tiếp cận bằng quy nạo pháp. 8. Nên nhớ là quyển sách này cố gắng giới thiệu một quan điểm giải kinh toàn diện và trước nhất nhằm dành cho những người đang được đào tạo để phục vụ chuyên nghiệp trong Cơ-đốc giáo. Nói như thế không có nghĩa là trong đó không có những đoạn được rút ngắn, được viết vắn tắt. Chẳng hạn một tín đồ thường trung bình cần phải có một bản sách đơn giản hơn nếu muốn tự nghiên cứu, học hỏi Kinh Thánh lấy một mình. Nhưng điều tối quan trọng là phải biết rằng người ta không thể bắt đầu bằng những đoạn sách rút ngắn; vì người ta không thể tóm tắt được điều gì chưa có, chưa hiện hữu. Hay nói cách khác, một ý niệm đã có hoặc ít hoặc nhiều trong tư tưởng là điều kiện tiên quyết, cho việc rút ngắn, viết tóm tắt có giá trị. 9. Nên nhớ rằng sự kiện lặp đi lặp lại đã được sử dụng có chủ đích trong quyển sách này, như một ý đồ sư phạm cần thiết và nhằm bảo đảm cho việc nó phải được trình bày thật rốt ráo. Tác giả đã cố gắng tự quan niệm mình là người hướng dẫn riêng cho từng độc giả một đang đọc tập tài liệu này. Do đó, mối quan tâm đầu tiên của tác giả không phải là sử dụng càng ít lời càng hay nhằm mô tả việc nghiên cứu một cách có phương pháp, mà trái lại, là phải suy tư theo những điều kiện nào có thể đưa tới việc truyền thông cho có kết quả. Và nhắc đi nhắc lại là một trong những phương tiện kiến hiệu nhất để chia xẻ, phân phối các ý niệm (16). 10. Xin đừng chán nản ngã lòng bởi cách sử dụng danh từ và phần tổ chức có vẻ phức tạp trong tập tài liệu này. Bạn sẽ nhận ra rằng nhiều danh từ được dùng đều giản dị tuy có vẻ rắc rối, mắc mỏ. Bạn cũng sẽ khám phá ra rằng nhiều chữ trong số đó đều đã được định nghĩa trong tiến trình thảo luận; bộ tự điển của bạn sẽ giúp bạn với các danh từ khác. Bạn sẽ từng trải được ý thức là mình đã thành công trong một việc gì đó khi phát triển được khả năng biết sử dụng nhiều danh từ khác nhau. Còn về phần tổ chức, điều thoạt nhìn có vẻ rắc rối, phức tạp, thì rốt cuộc sẽ trở thành rõ ràng dễ hiểu. Vì điều có vẻ như phức tạp chẳng những là do nỗ lực muốn giới thiệu một phương pháp giải kinh rốt ráo, mà còn do ước muốn báo trước các vấn đề không thể tránh né vào đâu được liên hệ với ý niệm này hay cách làm nọ trong việc nghiên cứu Kinh Thánh bằng quy nạp pháp. Cho nên quý độc giả được yêu
  • 15. cầu là không nên chán nản, thất vọng, mà trái lại, hãy tự tạo cho mình niềm tin quyết rằng bầu trời đầy mây hôm nay sẽ trong sáng ngày mai. Vì chủ đích của cuộc thảo luận này không phải là ngay lần đọc đầu tiên mọi sự đều sẽ trong sáng như pha lê cả, nhưng là một điều gì đó được đưa đến cho quý độc giả sẽ cứ ngày càng rõ ràng hơn khi chúng ta đem ra áp dụng, và nhờ đó, chúng ta sẽ có thể tăng trưởng trong phần còn lại của đời sống mình. Một sách nghiên cứu Kinh Thánh cấp tốc có thể sẽ rõ ràng hơn trong hiện tại gần, nhưng người ta sẽ có nihều nghi ngờ nghiêm trọng về phẩm chất lâu dài của nó. Giá trị của cuộc thảo luận sắp được đưa ra sau đây là do các hậu quả dài hạn, chớ không do các kết quả tức thì của nó. 11. Nên nhớ cơ học là một thành phần cần thiết cho bất kỳ một hoạt động xứng đáng với công sức bỏ ra nào. Einstein sở dĩ trở thành một nhà vật lý học vĩ đại vì trước hết, ông đã học các định luật vật lý học. Paderewski từng dành nhiều thì giờ để luyện tập các ngón tay trước khi phát triển khả năng lý giải tinh thần của những nhà soạn nhạc lừng danh. Chẳng có ai trong số các nhân vật ấy, có thể đạt được địa vị như đã có nếu không nắm vững được các định luật cơ học trong phạm vi hoạt động của mình để chúng có thể trở thành một bản tính thứ hai của họ, và nhờ đó, đã biến thành phương tiện cho họ khai quật các huyền nhiệm của vũ trụ hay nắm bắt được phẩm chất của cảm xúc trong âm nhạc đại hòa tấu. Nếu bạn loại bỏ phần cơ học trong Vật lý học và cách chơi dương cầm, tức là bạn khai trừ Einstein và Paderewski vậy. Cùng một nguyên tắc ấy cũng được ứng dụng cho việc nghiên cứu Kinh Thánh. Một người càng muốn tránh đi phần cơ học trong việc nghiên cứu Kinh Thánh bao nhiêu, sẽ càng nhận thức ra rằng mình không tài nào loại bỏ được nó. Vì chẳng hề có một phương tiện thần bí hay thuần tuý do trực giác nào giúp người ta đạt tới chân lý của Kinh điển được. Người ta không thể bỏ qua các kỹ thuật giải kinh mà lại trông mong trở thành một nhà giải nghĩa Kinh Thánh sâu nhiệm, cũng chẳng khác gì người muốn trở thành nghệ sĩ đánh dương cầm tài danh mà lại không nắm vững được phần cơ học về cách vận chuyển của các ngón tay trên mặt cây đàn ấy. Đây là sự thật, cả khi đối với một số sinh viên, cơ học và tinh thần có vẻ như chẳng ăn nhập gì với nhau, vì cơ học đòi hỏi tinh thần tự chủ và nhiều khi có vẻ như tẻ nhạt. Tuy nhiên, phải thận trọng là chớ nên đánh đồng sự tẻ nhạt với điều chẳng có gì quan trọng, vì một nhầm lẫn như thế sẽ vô vùng tai hại cho người học hỏi nghiên cứu Kinh Thánh, cũng chẳng khác chi cho người chơi dương cầm. Hay nói cho rõ hơn, chúng ta phải vui vẻ tự khép mình vào kỷ luật để nắm vững cơ học, vì biết rằng con đường phải đi tuy có gian khổ, nhưng niềm vui khi thấy mình đi đến đích sẽ rất xứng đáng với những khó khăn trong hành trình.
  • 16. 12. Tinh thần làm việc có phương pháp không thể tự đặt mình làm cứu cánh cho chính mình. Đây là một nguy cơ thật sự, vì cơ học có thể mê hoặc người ta đến mức che kín chủ đích của nó. Việc phát triển một phương pháp tiếp cận theo đúng phương pháp chỉ là phương tiện đào luyện tâm trí để nó trở thành một công cụ phù hợp cho tác động của Thánh Linh của Thượng Đế. Vì từ khi công tác chú giải Kinh Thánh, về cơ bản, đã trở thành một tiến trình thuần lý, thì tâm trí phải vận hành thật đúng đắn, thật thích hợp, mới có thể có giá trị được. Nhưng tâm trí không thể tự nhiên, tự động vận hành đứng đắn, thích hợp. Đây là gánh nặng của lời phát biểu sau đây, đã được A.E.Mander đưa ra liên hệ với vấn đề này trong quyển Logic for the Millions: Suy nghĩ là công việc của xảo thuật. Bảo rằng chúng ta tự nhiên được phú bẩm khả năng tư duy minh bạch và hợp lý - nghĩa là chúng ta chẳng cần gì phải học hỏi phương pháp, chẳng cần phải thực hành chi cả - là không đúng... Người có tâm trí không được huấn luyện, đào tạo không thể trông mong mình có thể suy tư minh bạch và hợp lý, cũng chẳng khác chi người chẳng bao giờ học tập, hành nghề mà lại trông mong mình tự nhiên trở thành thợ mộc, tuyển thủ đánh cù (golfers)... hay nhạc sĩ dương cầm tài giỏi... Vậy, chúng ta phải đi đến kết luận rằng tâm trí cần phải được đào luyện, nếu không, nó có thể trở thành phương tiện để phủ nhận Thánh Linh của Thượng Đế. Tinh thần làm việc có phương pháp bao gồm một phần mô tả việc Thánh Linh đang vận hành qua trung gian tâm trí như thế nào, và một người có thể cộng tác với Đức Thánh Linh như thế nào, để Ngài có thể hành động thật tự do. Do đó, xin đừng bao giờ quên rằng chủ đích tối hậu của cơ học và của tập sách chỉ nam này, là quý độc giả có thể nhờ sử dụng nó để nghiên cứu Kinh điển, để sẽ đạt đến chỗ nhận biết tác giả đích thực của bộ sách ấy, là Thượng Đế duy nhất, và Chúa Cứu Thế Giê-xu là Đấng đã được Ngài sai đến thế gian này. Sở dĩ sách này ghi ra những gợi ý tìm thấy trong mấy trang này, chỉ vì trong từng trải cá nhân, việc áp dụng chúng đã giúp tác giả nhận ra được một mối thông công càng mật thiết hơn với Thượng Đế trong Chúa Cứu Thế Giê-xu. 13. Xin đừng quan niệm sách này là một cố gắng áp đặt cho việc nghiên cứu Kinh Thánh (17). Gợi ý này được đưa ra vì nhiều lý do. Thứ nhất, chính bản tính của tiến trình tư duy không cho phép nó cưỡng ép tâm trí, để đặt nó vào một thứ khuôn đúc cứng nhắc hay một chiếc áo khoác trí thức bó rọ. Chẳng hạn người ta có thể chỉ vào một số các bước cần noi theo trước giai đoạn bắt đầu việc nghiên cứu học tập cách lý giải. Nhưng nhiều khi, các tư tưởng của người ta sẽ tự nhiên hướng đến việc giải thích, nhất là khi ý nghĩa của điều đáng chú ý đã rõ ràng rồi, Tính cách uyển
  • 17. chuyển đó vốn nằm ngay trong tâm trí, và không thể bị xúc phạm. Thứ hai, những điểm dị biệt cá nhân cũng khiến chẳng ai có thể ép buộc được người khác phải theo một công thức nghiêm ngặt trong việc nghiên cứu Kinh Thánh. Nhưng quả thật là có một số nguyên tắc cơ bản có thể quy định là thiết yếu và không thể bị vi phạm, nếu muốn cho cách tiếp cận của mình là đứng đắn, phải lẽ. Nhưng khi đến phần ứng dụng chính xác các nguyên tắc ấy, mỗi cá nhân phải được để tự do, hầu tự làm lấy sự cứu rỗi cho mình. Thứ ba, ngay với phần khuôn mẫu tổng quát và các bước cụ thể gợi ý, phải dành chỗ cho “thì giờ giải lao”. Vì các giai đoạn nghiên cứu khác nhau, đều có liên hệ hỗ tương; bước thứ nhất góp phần vào bước thứ hai, và ngược lại, bước thứ hai cũng có phần đóng góp của nó cho bước thứ nhất. Chúng tôi sẽ có cơ hội kêu gọi phải chú ý đến nguyên tắc này thường xuyên trong phần thảo luận sẽ trình bày tiếp theo đây. Hơn nữa sẽ chẳng hề có phương diện cá nhân nào được hoàn tất trong tiến trình nghiên cứu; cho nên nếu cần kết thúc bước thứ nhất trước khi chuyển sang bước thứ hai, thì bước thứ hai cũng sẽ chẳng bao giờ đạt được. Vì các lý do vừa kể và nhiều lý do khác nữa, nội dung của những trang tiếp theo đây sẽ không được kết cấu thành một công thức chính xác phải noi theo từ trang này sang trang khác mỗi lần chúng ta nghiên cứu một khúc sách được đề ra nào đó. Trái lại, trứơc hết, chúng sẽ gồm có một phần nghiên cứu Kinh Thánh có thể được dùng làm cơ sở để hình thành một cách tiếp cận các khúc Kinh Thánh một cách có phương pháp. Điều tối quan trọng là sự kiện này phải được hiểu rõ, nếu muốn sử dụng phần tài liệu sau đây thật đúng cách, phải lẽ. Sách chỉ nam này cố gắng mổ xẻ tiến trình học hỏi nghiên cứu để phát giác ra các thành phần cấu tạo ra nó. Do đó, có thể vì sánh nó với các bài tập dùng dạy đánh máy chữ, trình bày việc phân tích tiến trình đánh máy chữ. Chẳng hề có ai trông mong một ai đó sẽ đồng thời dấn thân vào việc thực tập tất cả các bài tập đánh máy chữ mỗi lần người ấy đánh máy một bức thư. Cho nên cũng chẳng hề có ai trông mong rằng cứ mỗi lần nghiên cứu Kinh Thánh, thì một ai đó sẽ phải dùng lại đúng quyển sách này. Trái lại, quý độc giả được khuyên nên dùng các ý niệm theo đây để làm nền móng hầu xây dựng một phương pháp tiếp cận đúng phương pháp, phù hợp với các tài năng và các nhu cầu cá nhân. 14. Xin đừng lý giải phần khuôn mẫu tổng quát này là một phương pháp tiếp cận duy nhất, có tính cách tối hậu có thể đem ra dùng một lần là dứt khoát và chẳng bao giờ còn lặp lại nữa. Gợi ý này được đặt cơ sở trên nhiều sự kiện. Thứ nhất, bản tính của Kinh điển khiến việc làm này là cần thiết. Có thể ví sánh Kinh Thánh với một giếng nước có mạch không bao giờ cạn, cho dầu chúng ta có uống được đến đâu đi nữa. Hệ quả là cho dầu một công trình
  • 18. nghiên cứu có giá trị đến đâu, người ta vẫn không thể trông mong là nó đã đạt được điềm tận cùng của chân lý trong phần Kinh điển mà người ta đem ra áp dụng. Thứ hai, sự tăng trưởng cá nhân giúp chúng ta đến ngày mai, sẽ tìm được trong Kinh điển nhiều điều hơn là những gì chúng ta tìm được hôm nay. Thứ ba, nhiều khi các dữ kiện tìm được vẫn chưa có thể đưa đến kết luận dứt khoát, và người ta cảm thấy cần phải dùng phương pháp giả thiết mà các nhà khoa học vẫn dùng. Gặp những trường hợp như vậy, ta cần phải thử nghiệm các kết luận để khám phá xem chúng có phù hợp với tất cả các dữ kiện đã có hay không. Thật vậy, trong một số trường hợp, cách lý giải của ta có thể vẫn cần phải được thử nghiệm luôn vì kết luận đưa ra chẳng bao giờ là hiển nhiên để có thể kết luận dứt khoát cả. Do các sự kiện trên, thật là sai lầm nếu có ai cho rằng có một phương pháp tiếp cận nào đó có thể đựơc đem ra dùng chỉ một lần là có ngay kết luận dứt khoát. Trái lại, khuôn mẫu nghiên cứu bằng quy nạp pháp phải được lặp lại toàn phần hoặc từng phần, và mỗi lần áp dụng sẽ nâng cao điều đã gặp bế tắc lần trước được nhiều bao nhiêu càng hay bấy nhiên (18). 15. Đừng để các thắc mắc khiến cho bạn bị sa lầy. Bạn sẽ thấy rằng rất nhiều điều trong số đó sẽ được giải đáp khi bạn cứ tiếp tục tháo gỡ, còn những thắc mắc không giải đáp được thì lần lần cũng sẽ giảm bớt ý nghĩa đi. 16. Đừng cầu toàn. Bất luận một công trình phân tích nào cũng đều có khuyết điểm; điều này đặc biệt nghiệm đúng trong các quá trình phân tích tâm lý. Tuy nhiên, một vài bảng phân loại sẽ được sử dụng, bất chấp các giới hạn rõ rệt của chúng, bởi vì chúng được xét thấy là có góp phần vào việc làm phát triển một công trình nghiên cứu sáng suốt và kiến hiệu. Cần có một nỗ lực nhằm thảo luận một số vấn đề nảy sinh nhân dịp này (19). CHÚ THÍCH 1. Webster, Dictionary of Synonyms, p.545 2. Dewey, J., “Method”, Cyclopedia of Education, edited ba Monroe, Volume IV, pp.204-205. 3. Điểm giống nhau giữa việc nghiên cứu Kinh Thánh một cách có phương pháp với cách làm một loại bánh ngọt không nên được đẩy đi quá xa. Có nhiều điểm khác nhau quan trọng giữa hai phương pháp ấy, sẽ được lưu ý về sau (Mục 13, 14 sau đây). 4. Tác giả vốn biết rằng các tiền đề này đụng chạm đến nhiều vấn đề triết học căn bản, và không nên căn cứ vào việc thảo luận quá vắn tắt này để suy diễn rằng tác giả không nhận thấy tầm quan trọng của chúng. Cũng không nên suy diễn rằng lập trường đã nêu là thiếu hậu thuẫn. Khuôn khổ eo hẹp của quyển sách không cho phép chúng tôi phát biểu dài giòng. Nếu quý độc giả muốn khai thác các vấn đề này đầy đủ hơn, xin tham khảo các tác phẩm
  • 19. sau đây: Eberhardt, C.R., The Bible in the Making of Principles of Education; và Kuist, H.T., These Words Upon Thy Heart. 5. Xem Adler, M.J., How to Read a Book, pp.8-9 6. Sđd. pp.3-32. Cũng xem phần sau sách này (CHƯƠNG HAI, Mục III, phần B, tiểu mục 1, điểm b, số 14). Cần lưu ý là việc nghiên cứu trực tiếp Kinh điển bao gồm việc sử dụng trợ cụ bên ngoài như các sách từ vựng, văn phạm, phù dẫn, các trợ cụ có tính cách lịch sử, v.v...(Xem phần sau sách này: CHƯƠNG HAI, Mục III, phần B, tiểu mục 1, điểm b, số 1). 7. Phải thừa nhận rằng điểm này bị hiểu lầm với điều vốn có tính cách lý tưởng, nhưng sở dĩ như thế là vì thực tế đòi hỏi như vậy. Về một bộ sách đầy đủ hơn khảo luận về các lý do phải lấy ngôn ngữ thông dụng làm cơ sở đầu tiên cho việc nghiên cứu, xin tham khảo bài tiểu luận ngắn nhan đề The Use of the Bible in the Forming of Men, trong đó có bài diễn văn khai mạc của H.T. Kuist cũng như của Charles T.Haley, Giáo sư Thánh Kinh Thần học tại Chủng viện Thần học Princeton. Cũng xem quyển The Study of the English Bible của L.M. Sweet pp.46-70. Vai trò của nguyên văn trong việc nghiên cứu Kinh Thánh có phương pháp sẽ được thảo luận về sau trong quyển chỉ nam này (xem phần sau sách này tt.128-129) 8. Ferm, V., Contemporary American Theology, p.216. Sự kiện có nhiều trường đại học chỉ nghiên cứu Kinh Thánh hoàn toàn vì các giá trị văn chương của bộ sách ấy cho thấy dư luận chung thừa nhận Kinh điển là một áng văn tuyệt tác. 9. Sđd. tr.214 10. Lời phát biểu này hàm ý rằng đơn vị căn bản để nghiên cứu là chính quyển sách ấy, vì toàn bộ Kinh Thánh là cả một thư viện có nhiều quyển sách. Có một vài ngoại lệ đáng lưu ý, như bốn sách Các Vua và Sử ký. Tuy nhiên cả trong các đơn vị lớn hơn này cũng có một ý thức thật sự về một thực thể có cùng cơ cấu (a structural entity). 11. Theo Bengel và được trích từ một bài báo nhan đề “The Kind of Study the Bible Teachers Training School Stands for” trong The Biblical Review Jannary 1916. Tác giả chịu ơn bài báo này về nhiều ý niệm đã được dùng trong phần thảo luận về các tiền đề căn bản. 12. Gilman, L., Toscanini and Great Music. p.13. 13. Mấy câu này không hề hàm ý rằng chúng ta phải tiếp cận Kinh điển với niềm tin vào sự linh cảm và uy quyền của bộ sách ấy để nhận được từ đó một điều gì. Vì nếu chúng ta cần phải tin rằng Kinh Thánh là Lời Thượng Đế trước khi nhờ đó mà được lợi ích, thì nguyên tắc quy nạp sẽ hoàn toàn bị triệt tiêu. Thật vậy, chính giá trị của lý trí sẽ bị phủ nhận và sẽ nảy sinh cái hàm ý rằng chúng ta đã phải lựa chọn một cách mù quáng. Đức tin sẽ bị biến thành nhẹ dạ. Thí dụ, hãy tưởng tượng một người sống trên một hoang đảo,
  • 20. nơi anh ta không hề có cơ hội được nghe nói về Kinh điển. Có hai giáo sĩ, một của Cơ-đốc giáo và một của Hồi giáo đến đảo ấy, và cả hai điều khăng khăng bảo rằng các quyển sách của riêng họ mới là sự mặc khải của Thượng Đế cho loài người. Nếu người sống trên hoang đảo kia bị bắt buộc phải chấp nhận lời tuyên bố của các giáo sĩ trước khi đọc kỹ các quyển sách, anh ta sẽ chẳng hề có cơ sở nào để chọn giữa quyển Kinh Thánh với quyển Kinh Koran. Sự kiện là anh ta có thể cứ chọn bừa, vì cơ sở để chọn quyển này hoặc quyển kia đều như nhau mà thôi. Vị giáo sĩ Cơ-đốc giáo sẽ chẳng có gì để hấp dẫn anh ta hơn vị giáo sĩ Hồi giáo. Mặt khác, nếu anh cư dân sống trên hoang đảo kia được bảo “Hãy lấy hai quyển sách, hãy đích thân đọc chúng cho thật kỹ; hãy tra xét, suy gẫm về chúng; hãy thử nghiệm từng câu trong đó, và tin nhận quyển nào mặc khải Thượng Đế rõ ràng nhất”, thì anh ta sẽ có một cơ sở hợp lý để đưa ra một quyết định. Hơn nữa, chúng ta có thể tin chắc rằng nếu Kinh điển được tiếp cận bằng một tâm trí và một tấm lòng mở rộng, vì bộ sách ấy chứa chất sự mặc khải của Thượng Đế cho loài người thông qua Chúa Cứu Thế Giê-xu, chính bộ sách ấy sẽ tự làm chứng cho mình qua sự vận hành, tác động của Thánh Linh. Người kêu gọi người ta căn cứ trên cơ sở sau này có nhiều đức tin vào Kinh điển là Lời Thượng Đế hơn người yêu cầu thiên hạ nhìn thấy sự linh cảm và uy quyền của bộ sách trước khi tra xét nó thật kỹ. Vậy điều càng thiết yếu hơn khi người ta tiếp cận Kinh điển, là thái độ sẵn sàng tin nhận chân lý một khi nó được tìm thấy. Do đó, mấy câu đưa ra dưới phạm trù là lòng tôn kính và những câu tương tự như vậy đều được áp dụng vào một hoàn cảnh ít nhiều có tính cách lý tưởng, là hoàn cảnh trong đó những người tham gia ít ra cũng đã có một phần nào kiến thưc về Kinh điển. Bộ sách ấy diễn tả điều thiết yếu tối hậu để (một người) có được sự hiểu biết đầy đủ hơn về Kinh điển; chớ không phải điều cần thiết đầu tiên để khám phá một chân lý bất kỳ nào trong đó. Điều này phù hợp với tinh thần của quy nạp pháp. 14. Có người đã gợi ý rằng cả bản American Revised Version, lẫn bản Revised Standard Version - trường hợp của bộ Tân ước - đều có thể được dùng làm cơ sở cho công tác nghiên cứu. Hai bản dịch này, tích lũy được nhiều phát kiến mới nhất của các học giả khảo cứu Kinh điển, phù hợp hơn với ngôn ngữ thông dụng của thời đại chúng ta, được phân đoạn và là những bản dịch (đích thực), chớ không phải là những bản dịch diễn ý. Các yếu tố trên đây và còn nhiều yếu tố khác nữa, khiến chúng xứng đáng được dùng làm sách giáo khoa. Có thể mua bộ American Revised Version có phần chừa lề rất rộng để ghi chú khi nghiên cứu. 15. Tác giả đang trù hoạch một bản sách đơn giản hóa để các tín đồ thường có thể sử dụng. Bản sách ấy, sẽ sẵn sàng trong vòng vài năm tới. 16. Xem quy luật lặp đi lặp lại (ở phần sau sách này, tr. 50) Sở dĩ tác giả
  • 21. sách này thành công phần nào trong công tác giảng dạy, là nhờ sự kiện tác giả đã không sợ việc cứ nhắc đi nhắc lại các ý niệm. 17. Đây là một trong nhiều điểm khác nhau giữa việc làm bánh ngọt với việc nghiên cứu có phương pháp vì điều trước có khe khắt hơn việc sau. 18. Về vấn đề này, xin tham khảo quyển The Study of the English Bible, p.20, của L.M.Sweet. Cũng cần lưu ý là thỉnh thoảng, nên nghiên cứu lại cùng một số khúc sách cá biệt nào đó để có thể lợi dụng những gì tiếp thu được trong quá khứ; làm như thế sẽ được giúp ích rất nhiều, vì điều thường được nghiệm đúng, là một số phát kiến trước đó, sẽ không được nhìn thấy trong những lần tiếp cận về sau với một khúc sách. Tuy nhiên, nên tiếp cận một khúc sách mà trước hết ta không xem lại những lần nghiên cứu về trước lại tốt hơn, nhằm tránh việc chúng ta có thể giới hạn tầm rộng của việc tin nhận do đã có sẵn thiên kiến trong tâm trí. Sau đó, khi đã nghiên cứu lần sau thật đầy đủ rồi, hãy đem nó ra đối chiếu với những lần nghiên cứu trước để những lần tiếp cận cả trong quá khứ lẫn hiện tại bổ túc cho nhau, là điều rất hay. 19. Tác giả sách này đã học biết được rằng nêu ra các ý kiến và truyền thông chúng cho người khác có chỗ rất khác nhau. Chúng tôi vốn ý thức được rằng tuy những lời phát biểu nhập đề này chúng tôi đã chỉ ra một số nguyên tắc sẽ quyết định cho diễn tiến của phần thảo luận sau này, điều đó vốn không có nghĩa rằng tầm quan trọng và các hàm ý của chúng đã được nhìn thấy ngay rồi. Do đó, sẽ có nhiều cơ hội các ý kiến ấy lại được nhắc lại hoặc đề cập, tuy việc ấy vốn không thể thực hiện được tại tất cả những nơi mà việc làm ấy là phù hợp. Quý độc giả được khuyến cáo nên nghiêm chỉnh nỗ lực đặt ngay dưới tầm mắt mình những nguyên tắc đã được nhấn mạnh trong phần dẫn nhập này, vì nếu làm được như vậy, bạn sẽ thấy rằng nhiều câu hỏi có thể nảy sinh sau này đều đã được giải đáp rồi. Thiết tưởng cũng cần lưu ý rằng một số ý kiến tìm thấy trong phần dẫn nhập này vốn không nằm đúng chỗ của chúng, theo quan điểm của trật tự quy nạp pháp, vì chúng đã là những câu kết luận ngay lúc mới bắt đầu công việc nghiên cứu. Tuy nhiên, điều có vẻ như vi phạm quy nạp pháp đó có thể được biện minh căn cứ vào các cơ sở sau đây: một là, các kết luận ấy, vốn là hậu quả của công lao khảo cứu của chính tác giả; hai là, chúng có thể được quý độc giả thử nghiệm và bác bỏ nếu thấy là không đúng với quy nạp pháp; và ba là sở dĩ chúng được đưa ngay vào phần dẫn nhập là nhằm các chủ đích sư phạm. KHẢO SÁT
  • 22. I. Định nghĩa và Chủ đích của công tác Quan sát II. Các đòi hỏi của công tác quan sát - Vài trích dẫn thích hợp A. Ý chí muốn quan sát B. Phải quan sát thật chính xác C. Phải quan sát kiên trì III. Phân tích công tác quan sát A. Khảo sát các từ ngữ 1. Định nghĩa một từ 2. Các loại từ ngữ a. Các từ ngữ thông thường và không thông thường b. Các từ ngữ có nghĩa đen và nghĩa bóng 3. Lai lịch và biến cách của các từ ngữ B. Khảo sát các mối liên hệ và liên hệ hỗ tương giữa các từ ngữ - Cấu trúc 1. Định nghĩa cấu trúc và Các đơn vị cấu trúc khác nhau 2. Tầm quan trọng của cấu trúc 3. Các loại cấu trúc a. Cấu trúc bề mặt và ẩn dưới bề mặt b. Cấu trúc chủ yếu và thứ yếu 4. Các định luật đặc thù về cấu trúc a. Các mối liên hệ cấu trúc trong các mệnh đề và các vế, giữa các vế với nhau, và giữa các cấu trúc với nhau - Trong các phân đoạn 1. Các mối liên hệ trong một phân đoạn a- Liên hệ Chủ từ - động từ b- Liên hệ Chủ từ - vị ngữ c- Liên hệ giữa từ ngữ bổ nghĩa và từ ngữ được bổ nghĩa (Modifier to Modified) d- Liên hệ giữa giới từ và túc từ e- Liên hệ giữa đại danh từ với tiền ngữ f- Liên hệ giữa các vế độc lập với nhau, và với các vế lệ thuộc 2. Các thí dụ minh họa các mối liên hệ trong một phân đoạn. b. Các mối liên hệ về cấu trúc giữa các phân đoạn, các phần của phân đoạn, các phần cấu thành đoạn, các đoạn, các phần lớn, và các quyển sách 1/ So sánh 2/ Đặt tương phản 3/ Lắp lại 4/ Tính cách liên tục 5/ Nối tiếp 6/ Tuyệt đỉnh 7/ Tính cách trọng yếu
  • 23. 8/ Hoán chuyển 9/ Cá biệt hóa và tổng quát hóa 10/ Nguyên nhân và phần cốt lõi 11/ Sữ dụng công cụ 12/ Giải nghĩa hay phân tích 13/ Chuẩn bị hay dẫn nhập 14/ Tóm tắt 15/ Chất vấn 16/ Tính cách hài hòa 5. Các tài liệu cho việc cấu trúc a. Tài liệu dùng mô tả 1) Tài liệu về tiểu sử 2) Tài liệu lịch sử 3) Tài liệu biên niên sử 4) Tài liệu địa lý 5) Tài liệu ý tưởng hay luân lý b. Tài liệu để minh họa 6. Sự chọn lọc và cấu trúc a. Ý nghĩa và tầm quan trọng của việc chọn lọc b. Mối liên hệ giữa chọn lọc và cách cấu trúc c. Các loại chọn lọc 1- Chọn lọc định lượng hay cân đối 2- Chọn lọc phi định lượng 7. Các gợi ý linh tinh để khảo sát cách cấu trúc C. Khảo sát các hình thức văn chương tổng quát 1. Văn khảo luận và nghị luận 2. Tản văn thuật sự 3. Thi ca 4. Kịch và kịch nói (tản văn) 5. Văn ẩn dụ 6. Văn chương khải thị D. Khảo sát bầu không khí IV. Các trợ cụ cho việc khảo sát nói chung V. Tóm tắt công tác khảo sát VI. Bài tập khảo sát Chú thích Vì khởi điểm của một tiến trình quy nạp pháp đòi hỏi phải lưu ý các đặc điểm cá biệt, cho nên điều rất hợp lý là bước đầu tiên của việc nghiên cứu
  • 24. Kinh Thánh một cách có phương pháp phải là sự khảo sát. I. ĐỊNH NGHĨA VÀ CHỦ ĐÍCH CỦA CÔNG TÁC QUAN SÁT Quan sát là “hành động hay khả năng ... chú ý; hành động hay kết quả của việc tra xét hay chăm chú lưu ý” (1). Tiến sĩ H.T.Kuist định nghĩa nó là “nghệ thuật nhìn thấy các sự vật y như chúng vốn có”. Ông cũng gợi ý rằng nó gắn liền với việc nhìn thấy “vô tư, cao độ và bất khuất” (2). Thiết tưởng cũng phải nhấn mạnh rằng quan sát đích thực là có tinh thần ý thức, biết rõ điều mình thấy. Quan sát vượt hẳn cái nhìn thấy thuần túy có tính cách vật lý, thuộc thể, nó bao hàm việc tri giác, tri nhận (perception). Chẳng hạn có lẽ quý độc giả thấy trong câu trước có dùng một từ cá biệt, tức là từ “tri giác, tri nhận”. Nhưng nếu một người không ý thức rằng từ này vốn muốn nói lên một ý nghĩa cá biệt nào đó, và phải cố gắng phát giác, khám phá cho ra cái ý nghĩa ấy, thì người ấy đã không thật sự nhận thấy,quan sát kỹ để ý thức là đã có sự hiện diện của nó. Vậy quan sát, khảo sát cốt yếu là ý thức. Do ý nghĩa đó của nó, chức năng tổng quát của quan sát là giúp người ta hòa mình (saturated) vào với các đặc điểm cá biệt của một khúc sach để mình ý thức trọn vẹn sự hiện hữu của nó và nhu cầu phải giải thích các đặc điểm ấy. Khảo sát là phương tiện bởi đó các dữ kiện của một khúc sách trở thành một thành phần trong tinh thần của người sinh viên, của người nghiên cứu. Nó cung cấp các nguyên liệu thô để tâm trí căn cứ vào đó mà thực hiện tiến trình giải nghĩa. II. CÁC ĐÒI HỎI CỦA CÔNG TÁC QUAN SÁT - VÀI TRÍCH DẪN THÍCH HỢP A. Ý chí muốn quan sát Đây là bản lược đồ hãy còn bỏ trống cho chuyến đi sắp tới của chúng ta; nhưng mọi sự đều tuỳ thuộc vào chính đôi mắt, vào tâm trạng và phương tiện của người du khách, nghĩa là vào tất cả những gì mà chính người ấy sẽ đưa vào để thực hiện công tác thám hiểm, khai phá của mình. “Hãy tìm sẽ gặp” là một chân lý đã được nghiệm thấy là đúng trong lịch sử cũng như trong tôn giáo (3) Người không muốn quan sát thì chẳng bao lâu sẽ chán nản và buồn ngủ. Người thích quan sát, có một lực ẩn đàng sau thúc đẩy mình đi tìm khải tượng, sẽ có đầy đầu óc biện biệt, và liên tục thực hiện những khám phá, những phát kiến khiến cho tâm trí luôn luôn linh hoạt và quan tâm chú ý. Hãy đặt ý chí đàng sau con mắt, thì con mắt sẽ trở thành một ánh đèn pha muốn xuyên thấu tất cả. Sự việc cũng giống như vậy nếu người ta muốn phát giác ra kho báu mà mình chưa hề dám mơ tưởng tới (4). B. Phải quan sát thật chính xác. Sir William Osler, nhà vật lý học lừng danh luôn luôn tìm cách gây ấn tượng
  • 25. trên các sinh viên y khoa về tầm quan trọng của việc quan sát chi tiết. Nhân một lần nhấn mạnh điểm này trong một bài giảng của mình cho một nhóm sinh viên, ông chỉ vào một cái lọ trên bàn viết của mình, và nói “Chiếc lọ này chứa một mẫu nước để phân tích. Ta có thể xét nghiệm nó để xác định chứng bệnh mà người có nó đang mắc phải”. Để có hành động đi kèm theo lời giảng, ông nhúng một ngón tay vào trong lọ nước rồi đưa lên miệng. Ông nói tiếp “Đây, tôi sẽ đưa chuyền cái lọ cho tất cả mọi người. Mỗi người trong các bạn hãy nếm thử chất chứa trong đó như tôi đã làm, thử xem các bạn có chẩn đoán ra chứng bệnh gì không”. Khi cái lọ đã được chuyền từ bàn này sang bàn kia, mỗi sinh viên đều hăng hái nhúng vào đó một ngón tay và mạnh dạn nếm thử chất nước chứa trong đó. Xong đâu đấy giáo sư Osler thu hồi chiếc lọ. Ông nói “Thưa quý vị, bây giờ các vị đã hiểu rõ điều tôi ngụ ý muốn nói khi đề cập việc phải quan sát thật tỉ mỉ, chi tiết. Nếu các vị đã quan sát kỹ, chắc các vị phải thấy là tôi đã nhúng ngón trỏ của mình vào trong lọ, còn ngón tay mà tôi cho vào miệng là ngón giữa” (5). C. Phải quan sát kiên trì. Đi xuyên qua đám sương mù xám Liệm kín mặt vịnh, Tôi chẳng nhìn thấy gì khác hơn một bức màn Sa mù bao quanh từng cánh buồm Thình lình sừng sững sát mũi đất Một khối đồ sộ và im lặng hiện ra Một chiếc tàu to nằm sát bờ biển Là nơi chẳng thấy có vật gì trước đó. Ai muốn thấy được một chân lý thường phải nhìn chăm Vào đám sa mù luôn nhiều ngày Có thể điều dường như chắc chắn đối với người ấy Là tại đó đã chẳng có gì khác hơn là một đám mây mờ suông Rồi bỗng nhiên đôi mắt người ấy sẽ thấy Một hình dáng tại nơi mà trước đó chẳng có chi cả Hằng ngày, có những điều mà nhiều người chẳng bao giờ khám phá ra được Chỉ vì đã quay đi quá sớm Clarence Edward Flynn (6) III. PHÂN TÍCH CÔNG TÁC QUAN SÁT Bốn nội dung chính trong bất kỳmột khúc Kinh Thánh nào, là : các từ ngữ, các mối liên hệ và liên hệ hỗ tương giữa chúng hay phần cấu trúc; hình thức hoặc các hình thức (thể loại) văn chương tổng quát; và bầu không khí. Cho nên những điều trên là mối bận tâm đối với con mắt biết khảo sát (7). A. Khảo sát các từ ngữ 1. Định nghĩa một từ.
  • 26. Một từ là một chữ được dùng trong một bản văn. Do đó, nó chỉ có một ý nghĩa trong khi cùng một chữ ấy có thể có rất nhiều nghĩa. Thí dụ chữ cây có thể có nghĩa là cả một cây nhỏ (cỏ) hay to (cổ thụ) với cả gốc, thân, cành, lá, hoa, quả v.v... hoặc cũng có thể có nghĩa là chất gỗ, là một đơn vị đồ vật có chất gỗ hay không (cây súng), hoặc một người có một biệt tài, một đặc điểm nào đó (cây cười, một cây triết lý xanh dờn...)v.v... Tuy trong tất cả các trường hợp trên cùng một chữ đã được sử dụng, chữ “cây” là một từ khi nó chỉ một cội cây, nhưng lại là một từ khác khi nó nói lên một vật khác như chất gỗ, cây súng... 2. Các loại từ ngữ a. Các từ ngữ thông thường và không thông thường . Từ ngữ là thành phần cơ bản, cấu thành việc truyền thông bằng văn chương chữ nghĩa, và người biết quan sát kỹ lưỡng phải chú ý đến từng tự ngữ một với tư cách ấy. Tuy nhiên, muốn cho tiến trình khảo sát có hiệu quả, nhất là từ quan điểm ghi nhận điều mình thấy, thiết tưởng cần phân biệt giữa các từ thông thường và những từ không thông thường. Trong loại đầu, người ta có thể kể các từ ngữ tầm thường mà ý nghĩa đã rõ ràng ngay và chẳng có ý nghĩa bao nhiêu để giúp hiểu rõ một khúc sách. Thí dụ tuy thỉnh thoảng một quán từ cũng có thể có ý nghĩa bất thường, nhưng phần lớn các quán từ đều được dùng trong loại này. Do đó, thật là uổng phí thì giờ để thận trọng ghi nhận sự hiện diện của từng quán từ một trong từng câu một. Mặt khác, có những từ ngữ cần phải được đặc biệt chú ý và phải được ghi nhận vì chúng sẽ cần được khảo xét đặc biệt hơn. Đó là những từ không thông thường và chúng được chia làm ba hạng: một là hạng các từ ngữ khó hiểu; hai là hạng các từ ngự tối quan trọng của một khúc sách và các từ tuy không quan trọng lắm, nhưng vẫn có ý nghĩa để hiểu các điều muốn nói trong một khúc sách; và ba là hạng các từ ngữ diễn tả những ý niệm sâu sắc, nếu chúng không thuộc vào hai hạng vừa kể trên. các từ “hóa hình” và “hiện ra” trong Mac Mc 9:2, 4 có thể xem là không do thói quen (8) Thiết tưởng cần nhấn mạnh rằng việc phân biệt giữa các từ ngữ thông thường và không thông thường không nhằm gây nản lòng cho việc khảo sát thận trọng và rốt ráo. Trái lại nó có dụng ý làm phát triển đức tính thận trọng khi xét đoán; và một người càng có nhiều năng lực biết thận trọng để phán đoán sáng suốt, thì sẽ càng thấy được nhiều từ ngữ cần khảo xét đặc biệt. Như vậy, nó sẽ dẫn đến kết cuộc là công tác khảo sát sẽ sắc bén và rốt ráo hơn. b. Các từ ngữ có nghĩa đen và nghĩa bóng . Các từ ngữ có nghĩa đen cần phải được giải sát nghĩa đen và chúng hàm ý gì hầu nói lên nghĩa đầu tiên hay thông thường của nó. Từ “cây” trong SaSt 1:12 có nghĩa đen. Các từ có nghĩa bóng là những từ có nghĩa biểu tượng và
  • 27. diễn tả một ý niệm thứ hai, khác với nghĩa nguyên thủy. Từ ngữ “cây” trong RoRm 11:24 thuộc loại có nghĩa bóng (9). Một người thường xác định ngay được một từ ngữ có nghĩa đen hay nghĩa bóng khi nhìn thấy nó. Tuy nhiên, nhiều khi việc này chỉ thực hiện được ở bước thứ hai, hoặc khi việc giải nghĩa ít nhất cũng được hoàn tất một phần rồi. Dầu sao, điều rất quan trọng là người ta phải ý thức là có sự phân biệt, và biết sử dụng nó thật thích hợp nếu muốn cho lời giải có có giá trị (10). 3. Lai lịch và biến cách (inflection) của các từ ngữ. Nhiều từ ngữ khác nhau trong một khúc sách có thể được nhận diện lai lịch bằng cách dùng cách phân loại về văn phạm sau đây: danh từ, đại danh từ (11), động từ, tĩnh từ, trạng từ, tiền trì từ, liên từ, thán từ, và quán từ. Người khảo sát phải sử dụng các cách phân loại ấy và phải biết rõ các chức năng của chúng. Thêm vào việc nhận diện lý lịch các từ ngữ, còn có khả năng ghi nhận những biến cách của chúng nữa. Một sự biến cách là một thay đổi hình thức mà các từ ngữ phải chịu để chỉ ra trường hợp, giống số, thì, ngôi thứ, tâm trạng, giọng nói, v.v... Những biến lệch đặc biệt có ý nghĩa đối với các danh từ, đại danh từ, động từ và tĩnh từ (12). Bài tập . Khảo sát từng từ một của Mac Mc 10:13-52 và RoRm 6:1-23. Cố gắng xác định xem mỗi từ là thông thường hay không thông thường, nghĩa đen hay nghĩa bóng. Ghi nhận nếu có trường hợp biến cách có ý nghĩa nào. Cố gắng chỉ ra xem tại sao các từ ngữ không thông thường lại cần được chú ý khảo xét đặc biệt. B. Khảo sát các mối liên hệ và liên hệ hỗ tương giữa các từ ngữ - Cấu trúc. 1. Định nghĩa cấu trúc và các đơn vị cấu trúc khác nhau . Như chúng ta đã ghi nhận, thành phần căn bản cấu tạo nên cách diễn đạt văn chương là từ ngữ. Nhưng muốn truyền thông các ý niệm, các từ phải có liên hệ và liên hệ hai chiều với nhau phù hợp với một số khuôn mẫu tinh thần, ngữ học và văn chương nào đó. Các mối liên hệ này cấu thành điều được gọi là “cấu trúc”. Vậy theo nghĩa rộng, cách cấu trúc bao gồm mọi mối liên hệ và liên hệ hỗ tương ràng buộc các từ thành ra một đơn vị văn chương từ đơn vị nhỏ bé nhất đến đơn vị nhiều ý nghĩa nhất. Theo một nghĩa hẹp hơn, “cấu trúc” có thể dùng chỉ phần dàn bài hay khung sườn của một khúc sách, nghĩa là các mối liên hệ chủ yếu hơn của nó. “Cấu trúc” sẽ được dùng theo cả hai nghĩa rộng và hẹp trong phần thảo luan tiếp thep đây (13). Các đơn vị cấu trúc khác nhau có thể được định nghĩa như sau: Mệnh đề (phrase) - là một nhóm hai hoặc nhiều từ hơn họp thành một đơn vị tư tưởng hay thành ngữ (nhóm từ) riêng biệt. Vế (clause) - một nhóm từ gồm một chủ từ, một động từ, và có khi là một
  • 28. hoặc nhiều câu, họp thành một đơn vị tư tưởng hay một phần diễn tả riêng biệt (hoặc toàn diện) Câu (sentence) - một hoặc nhiều vế họp thành một đơn vị tư tưởng hay một phần diễn tả. Phân đoạn (paragraph) - một nhóm câu họp thành một đơn vị tư tưởng hay một phân đoạn diễn tả (14) Đoạn ngắn (tiết) (Segment) - một nhóm phân đoạn họp thành một đơn vị tư tưởng hay một phần diễn tả Đoạn trung bình (subsection) - một nhóm đoạn ngắn họp thành một đơn vị tư tưởng hay phần diễn tả (15) Đoạn (Section) - một nhóm đoạn ngắn (hay đoạn trung bình) họp thành một đơn vị tư tưởng hay một phần diễn tả. Phần (division) - một nhóm đoạn họp thành một đơn vị tư tưởng hay phần diễn tả. Sách (book) - một nhóm các phần họp thành một đơn vị tư tưởng hay phần diễn tả. 2. Tầm quan trọng của cấu trúc Trong một quyển sách của mình, Henry O.Taylor vạch rõ ”...Nghệ thuật không phải là ngẫu hứng, nhưng vốn được dự tính cách cẩn thận không phải là tiếng bí ba bí bô của trẻ con, nhưng là một sự lắp ráp đồng thời phần hình thức với nội dung, trong đó trí tuệ của người nghệ sĩ đã cùng một lúc vận hành một cách nhịp nhàng và có hiệu quả” (16). Một trong số các phương diện chủ yếu về “hình thức” mà Taylor đề cập, là cấu trúc văn chương. Như vậy, bằng lời phát biểu trên đây, Taylor nhấn mạnh tầm quan trọng lớn lao của cách cấu trúc nhằm hoàn tất chủ đích của người nghệ sĩ, cũng như tầm quan trọng của việc phải hiểu rõ cách cấu trúc từ phía người khảo sát nếu muốn lãnh hội được chủ đích ấy. Vậy, chẳng có gì để nghi ngờ, là việc khám phá cách cấu trúc là “một trong những điểm tối quan trọng khi các điều kiện tăng trưởng cần phải được cẩn thận duy trì và nuôi dưỡng” (17). Do đó, quý độc giả được khuyến cáo ngay từ đầu là phải biết rõ cách cấu trúc, vì khi đã làm như vậy, quý độc giả sẽ nhận thấy nhiều khúc sách sẽ tự mở ra dưới mắt mình, bằng không, mình sẽ không thể nào hiểu nổi. 3. Các loại cấu trúc . Một khúc sách bất kỳ nào trong văn chương Kinh Thánh cũng có thể hàm chứa nhiều thứ yếu tố về cấu trúc. Các yếu tố ấy có thể phân ra thành hai loại chính: một là việc tương đối dễ dàng phát giác ra chúng, và hai là tầm quan trọng tương đối của chúng. a. Cấu trúc bề mặt và ẩn dưới bề mặt . Có một số yếu tố cấu trúc bộc lộ rất rõ ràng, do đó, biểu hiện tức khắc cho người quan sát đã sành sõi. Chúng tôi sẽ gọi chúng là “cấu trúc bề mặt”, vì
  • 29. như tên gọi đó đã nói ra, chúng biểu hiện ngay ở mặt ngoài của một khúc sách. RoRm 1:18-32 cung cấp một thí dụ tuyệt diệu về cơ cấu bề mặt, vì hai chữ “vì thế” của 1:24 cho thấy ngay rằng khúc sách ấy được cấu trúc theo điều kiện nhân quả. Mặt khác, một vài yếu tố về cấu trúc vốn ẩn tàng hơn, và do đó, có thể khó nhận thấy ngay được như các yếu tố đã hiện ra thật rõ rệt. Có thể gọi các yếu tố ấy là “cấu trúc ẩn dưới bề mặt”. Cách nét tương phản ẩn tàng giữa Đa-vít và Am-môn trong IISa 2Sm 11:1-13:39 và gữa Giu-đa với Giô-sép trong SaSt 38:1-39:23 là những thí dụ minh họa rất hay cho loại cấu trúc này. Cần ghi nhận một số sự kiện liên hệ đến việc phân biệt giữa các cách cấu trúc bề mặt với cách cấu trúc ẩn dưới bề mặt. Thứ nhất, nó không nhất thiết bao hàm điểm khác nhau giữa điều kém sâu sắc với điều sâu sắc nhiều hơn, mà đúng hơn là liên hệ trước nhất đến điều rõ ràng hiển nhiên hơn, với điều kém rõ rệt hơn. Thứ hai, không phải tất cả các khúc sách đều có cả hai cách cấu trúc minh nhiên và mặc nhiên đó. Khi nghiên cứu một số đơn vị, nếu ta nhận thấy phần cơ cấu bề mặt của chúng và đi thật sâu vào phần ý nghĩa rốt ráo của chúng, chúng ta sẽ thấu đạt được bức thông điệp của tác giả. Tuy nhiên, người khảo sát phải luôn luôn coi chừng các yếu tố cơ cấu nằm bên trong một khúc sách. Người ấy đừng bao giờ nên kết luận rằng vì mình đã ghi nhận được một vài mối liên hệ mặt ngoài rồi, là mình đã ghi nhận trọn vẹn điều cốt yếu của cả khúc sách ấy. Thứ ba, việc khám phá ra cấu trúc ẩn dưới bề mặt thường phải chờ ít nhất cho đến khi đã hoàn tất được một phần của bước giải nghĩa. Do đó, việc ghi nhận cơ cấu bề mặt là điều phải thực hiện trước nhất trong công tác khảo sát (18). Cuối cùng, cả cấu trúc bề mặt lẫn cấu trúc ẩn dướu bề mặt đều được thực hiện do cùng những quy luật hành văn giống nhau. b. Cấu trúc chủ yếu và thứ yếu Cần phân biệt thêm một điểm khác nữa căn cứ trên tính cách tương đối quan trọng của các yếu tố cấu trúc trong một khúc sách nào đó. Phải nhận thấy là có một số các mối liên hệ là chủ yếu, và một số khác là thứ yếu hay phụ thuộc mà thôi. Trong nhiều trường hợp, ta có thể chờ ít nhất cho đến khi đã hoàn tất được một phần việc giải nghĩa, thì mới có thể phân biệt như thế được, nhưng ít nhất người khảo sát cũng phải ý thức được điều đó để cố gắng sử dụng những gì có thể lợi dụng được cho đến lúc ấy trong bước nghiên cứu sơ khởi. Vì điều quan trọng là điểm quan trọng chủ yếu phải dành cho các mối liên hệ chủ yếu, còn các yếu tố cấu trúc thứ yếu thì phải được quan niệm là phụ thuộc cho các mối liên hệ hàng đầu kia, nếu muốn biết chắc điểm nhấn mạnh của tác giả.
  • 30. 4. Các định luật đặc thù về cấu trúc Các định luật về cấu trúc sắp được nêu ra đây cho thấy phương tiện cụ thể mà một số nghệ sĩ đã sử dụng để sắp xếp tác phẩm của mình, dầu người ấy là nhạc sĩ, họa sĩ hay nhà văn. Trong tất cả các trường hợp, phương tiện chủ yếu chỉ là một. Vì cái gì là nghệ thuật đều là phần biểu hiện tâm trí của người nghệ sĩ; và vì tâm trí chỉ có một, cho nên, mọi nghệ thuật cũng chỉ là một. Do đó, tất cả những gì mà một người phải làm, chỉ là khảo sát cách kết cấu của các sáng tác phẩm nghệ thuật khác nhau, mà làm như vậy là nhằm phát giác các phương tiện mà các nghệ sĩ đã sử dụng để thực hiện sự thống nhất về cơ cấu của các tác phẩm của họ. Hệ quả của một phương pháp tiếp cận bằng quy nạp pháp như vậy, là người ta sẽ có được những cơ sở có giá trị để đi tìm các định luật trong văn chương của Kinh điển, vốn là một nghệ thuật vĩ đại, rồi lợi dụng chúng để lý giải bộ sách ấy. Các mối liên hệ về cấu trúc sắp được đưa ra dưới đây thường được quan niệm là những phát kiến thích hợp được áp đặt trên nền văn học của Kinh Thánh nhằm chứng nghiệm một điểm. Do đó, ngay từ đầu, thiết tưởng phải nói rõ ràng, minh bạch rằng các định luật phải nêu ra là các định luật của luận lý học; chúng phản ảnh các tiến trình tinh thần của con người khi họ suy tư và tự diễn tả bằng bất kỳ ngành trung gian nào mà mình chọn sử dụng. Do đó, người khảo sát không áp dụng chúng cho một tác phẩm nghệ thuật; người ấy chỉ phát giác ra chúng, và do đó, khẳng định bức thông điệp của nhà nghệ sĩ. Vì cùng những mối liện hệ cung cấp phương tiện truyền thông phổ quát, cũng cung cấp những đường lối phổ quát cho công tác lý giải (19) a. Các mối liên hệ cấu trúc trong các mệnh đề và các vế, giữa các vế với nhau, và giữa các câu với nhau - Trong các phân đoạn. Xem câu như một đơn vị cấu trúc căn bản, và do đó, giới hạn phần thảo luận của chúng ta tại điểm này để khảo xét các mối liên hệ trong các câu có vẻ là điều hợp lý. Tuy nhiên, vì các câu thường được xác định căn cứ vào những phương tiện đúng ra là rất độc đoán nhất là trong một văn bản mà Kinh điển được phiên dịch ra, và vì các mối liên hệ giữa các vế (clauses) trong một câu thường giống hệt các mối liên hệ giữa các câu với nhau, cho nên phân đoạn sẽ được dùng làm đơn vị cấu trúc căn bản thay cho câu. Do đó các mối liên hệ giữa các câu với nhau sẽ được khảo xét cùng với các mối liên hệ bên trong các câu (20). Cấu trúc liên hệ với các vế và các câu được gọi là “cú pháp” (syntax). Webster định nghĩa “cú pháp” là ”... sự sắp xếp phải lẽ các hình thức của từ ngữ để chỉ ra mối liên hệ hỗ tương giữa chúng trong một câu” (21). Giờ đây, chúng ta sẽ kể ra các mối liên hệ về cú pháp đó, cùng với các mối liên hệ tương tự vốn có giữa các câu với nhau. Chúng sẽ được gọi chung là “Các