SlideShare a Scribd company logo
1 of 60
Download to read offline
VĂN HỌC THIẾU NHI VIỆT NAM
BÀI GIẢNG
VĂN HỌC THIẾU NHI VIỆT NAM
Tác giả: Lê Thị Hoài Nam
Phần thứ nhất: DẪN LUẬN
I. VỀ KHÁI NIỆM VĂN HỌC THIẾU NHI
1. Ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới từ lâu đã có một bộ
phận sáng tác văn học dành riêng cho thiếu nhi. "Theo nghĩa hẹp, văn học
thiếu nhi gồm những tác phẩm văn học hoặc phổ cập khoa học dành riêng
cho thiếu nhi. Tuy vậy, khái niệm văn học thiếu nhi cũng thường bao gồm một
phạm vi rộng rãi những tác phẩm văn học thông thường (cho người lớn) đã đi
vào phạm vi đọc của thiếu nhi" (Từ điển Thuật ngữ Văn học - Nxb GD- 1992).
2. Nhìn chung, những cuốn sách đầu tiên nằm trong phạm trù văn học
thiếu nhi là những cuốn sách có nội dung giáo khoa và đạo lý: sách học vần,
sách bách khoa, sách về quy tắc ứng xử trong xã hội, xuất hiện tại châu Âu ở
thế kỉ XIV - XVI. Tính giáo huấn được coi là một trong đặc điểm quan trọng
của văn học thiếu nhi. Bởi vậy, cho đến giữa thế kỉ XIX, những tác phẩm viết
dành riêng cho thiếu nhi vẫn nằm ngoài phạm vi của văn học. Trong khi đó,
những tác phẩm văn học viết cho người lớn lại đi vào phạm vi đọc của trẻ em,
như: Đôn Kihôtê của M. Xecvantex. Robinxơn Cruxô của Dêphô, Gulivơ du ký
của Gi.Xuypt, Xpactac của R.Gôvahihôli. Túp lều bác Tôm của Bi chơ Xuân v
v. Ngoài ra, những loại truyện viết theo các mô típ Folklore (truyền thuyết, cổ
tích...) ; một số tiểu thuyết và truyện thuộc thể loại phiêu lưu cũng rất được
các em thích thú đón nhận.
Ở thế kỉ XX, văn học thiếu nhi phát triển khá đa dạng và pha tạp. Tại
nhiều nước phát triển, nó ít nhiều còn bị chi phối bởi xu hướng thương mại, bị
pha trộn bởi sự bành trướng của văn học đại chúng.
Ở việt Nam, đến đầu thế kỉ XX mới xuất hiện văn học thiếu nhi. Đến
nay đã có sự phát triển, phân nhánh của thơ thiếu nhi (bên cạnh thơ người
lớn), hoặc trong văn xuôi cho thiếu nhi đã hình thành các loại: Truyện sinh
hoạt, truyện cổ tích (sáng tác hiện đại theo lối cổ tích), truyện loài vật, truyện
lịch sử..v..v...
II. MỘT SỐ ĐẶC TRƯNG CƠ BẢN CỦA VĂN HỌC THIẾU NHI
Văn học thiếu nhi là một bộ phận của văn học, nên nó cũng phải thực
hiện các chức năng của văn học. Chức năng của văn học là một khái niệm
mở, có nội dung phong phú. Nó không tồn tại tách rời mà gắn bó chặt chẽ với
nhau trong mối quan hệ chuyển hóa lẫn nhau. Bên cạnh những chức năng
đó, văn học thiếu nhi còn có những chức năng riêng mang tính đặc thù mà
thiếu nó hẳn văn học thiếu nhi sẽ không tồn tại trong sự phân biệt rạch ròi với
văn học viết cho người lớn. Những chức năng này hình thành bởi nhu cầu
giáo dục và khơi gợi năng lực tưởng tượng, sáng tạo ở lứa tuổi thiếu nhi. Tài
liệu này chỉ trình bày một số đặc trưng cơ bản nhất của loại hình nghệ thuật
đặc thù này.
1. Tính giáo dục
Văn học thiếu nhi có một vai trò to lớn trong việc giáo dục toàn diện về
đạo đức, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ cho các em. Có thể nói, tính giáo dục là
một đặc điểm nổi bật mang tính sống còn của văn học thiếu nhi. Chính chức
năng này đã đem đến cho văn học thiếu nhi một sức mạnh có tác động cải
tạo cách nhìn, cách nghĩ và giáo dục đạo đức cho các em. Tô Hoài, một nhà
văn có nhiều kinh nghiệm viết cho thiếu nhi cũng đã khẳng định tầm quan
trọng của chức năng này: "Nội dung một tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi
bao giờ cũng quán triệt vấn đề xây dựng đức tính con người. Nói thì thừa,
cần nhắc lại và thật giản dị, một tác phẩm chân chính có giá trị đối với tuổi thơ
là một tác phẩm tham dự mạnh mẽ vào sự nghiệp nên người của bạn đọc ấy"
Để thực hiện chức năng giáo dục, tác phẩm văn học thiếu nhi không
phải hiện ra như một người thầy quen thuyết giáo mà là một người bạn đồng
hành, người đối thoại với các em. Bằng một ngôn ngữ giàu cảm xúc và hình
ảnh, bằng giọng văn dí dỏm, thấm đẫm chất thơ, tác phẩm văn học thiếu nhi
ngấm sâu vào thế giới cảm xúc của trẻ thơ, nhen lên trong trái tim non trẻ của
các em những tình cảm trong sáng, nhân hậu, làm cho các em biết tôn trọng,
yêu thương, biết điều hay lẽ phải, biết tin yêu vào cuộc đời, khao khát khám
phá hiểu biết, ước mơ đi xa hơn chứ không sớm lụi tàn vì hoài nghi sợ hãi.
Và bằng cách đó văn học thiếu nhi đã chuyển quá trình giáo dục thành tự giáo
dục.
Cũng cần lưu ý, để thực hiện chức năng này, văn học thiếu nhi cũng có
thể viết về cái xấu, cái đáng phê phán. Nhưng chỉ nên dừng lại ở phê phán
nhẹ nhàng, có pha lẫn sự dí dỏm, hài hước. Ở đây, dường như giữa chức
năng giáo dục và giải trí vui chơi được hòa làm một. Không nên viết về cái
xấu-cái ác một cách nặng nề đề tránh làm tổn thương về sự bình yên trong
sáng trong tâm hồn của các em,đặc biệt là làm tổn thương đến niềm tin đầu
đời của các em. Cái mà văn học thiếu nhi mang lại cho trẻ thơ là cái đẹp, cái
cao quý, cái chân, cái thiện. Ma-ka-ren-cô, nhà sư phạm Nga lỗi lạc cũng đã
từng lưu ý: "Chúng tạ cần lấy nhân loại hoàn chỉnh để bồi dưỡng cho con em
chúng ta. Không nên để cho các em có những nhận thức không trong sáng,
không ổn định. Sự đồng tình của độc giả cần phải nghiêng vê phía nhân vật
chính diện một cách không do dự".
Muốn làm được như vậy, thì sự trong sáng, nhân hậu ấy phải bắt đầu
từ người cầm bút vì "con đường ngắn nhất là con đường đi từ trái tim đến trái
tim".
2. Kích thích, khơi gợi trí tưởng tượng sáng tạo
Tâm lý lứa tuổi thiếu nhi đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo nên
sự khác biệt giữa văn học thiếu nhi và văn học người lớn. Ngây thơ, hồn
nhiên, trong sáng, tràn đầy cảm xúc và giàu trí tưởng tượng là những đặc
điểm nổi bật của lứa tuổi này. Đối với các em, thế giới được phản ánh trong
tác phẩm, dường như đều có tri giác. Các em đọc sách như là những cuộc trò
chuyện với cỏ cây hoa lá chim muông và hình dung thật hồn nhiên rằng, đó là
những cuộc đối thoại cảm thông thực sự. Chính sự hồn nhiên và khả năng
tưởng tượng vô cùng phong phú đã làm cho các em dễ hòa đồng với các
nhân vật. Các em hoàn toàn tin rằng, con ốc sên có thể trở thành nàng công
chúa nhan sắc tuyệt trần, con cóc xấu xí có thể biến thành vị hoàng tử khôi
ngô, tuấn tú; đứa trẻ ba năm không biết nói cười, không biết, đi đứng bỗng
vươn vai trở thành tráng sĩ, dẹp giặc cứu nước..y...v.... Khả năng tưởng
tượng của các em là vô tận cho nên sức hấp dẫn của các tác phẩm văn học
thiếu nhi đối với các em trước hết là ở cái chất huyền ảo, tưởng tượng của
nó. Điều đáng chú ý là, dẫu có huyền ảo, kỳ diệu đến đâu, văn học thiếu nhi
vẫn không tạo cho các em cảm giác xa lạ, mơ ước viễn vông, thoát lỵ thực tại
mà chỉ gợi lên những nét lãng mạn tích cực cần có, hướng các em tới một
tương lai, một cuộc sống tốt đẹp, nhen lên trong tâm hồn các em niềm hy
vọng vào những ước mơ, khám phá. Đó cũng là cách nhìn nhận biện chứng
mang lại sức hấp dẫn cho tác phẩm.
Chính vì vậy mà tưởng tượng là một yếu tố không thể thiếu, có vai trò
quan trọng trong quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ viết cho thiếu nhi
Trong cuốn "Thi pháp nói về cái ảo" bàn về nghệ thuật viết truyện cho thiếu
nhi của nhà văn Ý: Gian ni Rodari, ông viết "Tưởng tượng, trong hoạt động
bình thường đã tạo ra các thủ pháp mà đến lượt nó, những thủ pháp này làm
cho tưởng tượng hoạt động mạnh trong sự va chạm giữa các từ, trong sự đối
lập giữa các yếu tố thực và ảo và do đó tạo ra sự hứng thú cho các em".
Hiện nay, nhiều cây bút viết cho thiếu nhi còn thiên về cái thật, cái trông
thấy được, cái phải giải thích được bằng lý lẽ. Trong khi đó, sự cảm nhận của
các em không phải lúc nào cũng nghiêng về lý lẽ.
Để có một tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi vừa giản dị, trong sáng
lại vừa hấp dẫn,khơi gợi được trí tưởng tượng của các em là một thử thách
đối với người cầm bút. Nó đòi hỏi người nghệ sĩ phải biết hòa nhập vào đời
sống của các em trong tình bè bạn và được các em chấp nhận về mặt tình
cảm. Đó là một công việc khó khăn nhưng vô cùng hấp dẫn cho những ai
muốn kéo dài cuộc đối thoại với tuổi thơ.
HƯỚNG DẪN HỌC TẬP
I. Câu hỏi
1. Nêu khái niệm về Văn học Thiếu nhi
2. Những đặc trưng cơ bản của văn học thiếu nhi. Tai sao nói, tính giáo
dục là một đặc điểm quan trọng của văn học thiếu nhi?
II. Bài tập
1. Trí tưởng tượng kỳ diệu của Trần Đăng Khoa được thể hiện qua bài
ò ó o... (Sách Tiếng Việt 3 - Tập 1).
2. Tình yêu quê hương đất nước được thể hiện trong chương trình
truyện kể ở bậc Tiểu học.
III. Tu lịch tham khảo
1. Từ điển thuật ngữ văn học (Lê Bá Hán-Trần Đình Sử-Nguyễn Khắc
Phi) Nxb Giáo dục, 1992
2. Tạp chí Văn học, 5 -1993
3. Bộ sách Giáo khoa tiếng Việt Tiểu học, Nxb Giáo dục, 1994
Phần thứ hai: VĂN HỌC THIẾU NHI VIỆT NAM
Văn học thiếu nhi Việt Nam bao gồm ba bộ phận cấu thành: văn học
dân gian cho thiếu nhi, văn học viết cho thiếu nhi và văn học do thiếu nhi viết.
A - VĂN HỌC DÂN GIAN CHO THIẾU NHI
I. KHÁI NIỆM VỀ VĂN HỌC DÂN GIAN
Văn học dân gian còn gọi là văn chương (hay Văn học bình dân, văn
học truyền miệng, văn chương truyền miệng hay truyền khẩu). Theo Từ điển
thuật ngữ văn học - Nxb GD - 1992 thì "Văn học dân gian là toàn bộ những
sáng tác nghệ thuật ngôn từ của nhân dân". Ở nước ta cũng như nhiều nước
khác, thuật ngữ văn học dân gian được dùng với nhiều nghĩa rộng hẹp khác
nhau.
II. NHŨNG ĐẶC TRƯNG CƠ BẢN CỦA VĂN HỌC DÂN GIAN
Văn học dân gian có nhiều đặc điềm và thuộc tính quan trọng đáng chú
ý như: Tính truyền miệng, tính nguyên hợp, tính tập thể, tính vô danh, tính dị
bản, tính truyền thống, tính địa phương, tính quốc tế v v tài liệu này chỉ trình
bày một cách khái quát những đặc trưng cơ bản của văn học dân gian.
1. Văn học dân gian là một loại hình nghệ thuật mang tính tập thể
Bàn về tính tập thể trong quá trình sáng tạo văn học dân gian, nhà
Folklore học Nga V.E.Guxép quan niệm: "Sáng tác tập thể là một hành động
sáng tạo diễn ra nhiều lần, được thực hiện bởi một số đông hoặc nhiều, hoặc
ít những cá nhân có tài làm thành tập thể".
Theo quan niệm trên đây, tính tập thể trước hết cần được xem là một
đặc trưng của quá trình sáng tạo văn học dân gian. Điều này được thể hiện
một cách tự nhiên, liên tục trong một thời gian dài và không gian rộng lớn. Nó
nắm ngay trong cả quá trình sáng tác, lưu truyền và diễn xướng của văn học
dân gian. Đây là điểm phân biệt văn học dân gian như là sản phẩm của sáng
tác tập thể với văn học viết là sản phẩm của sáng tác cá nhân. Dĩ nhiên, nói
đến tính tập thể, không có nghĩa là phủ nhận vai trò sáng tạo của cá nhân các
nghệ sĩ dân gian. Mỗi tác phẩm văn học dân gian khi mới ra đời bao giờ cũng
là sản phẩm của một cá nhân. Nhưng khi tác phẩm được tập thể tiếp nhận thì
vai trò của cá nhân bị lu mờ, dần dần trở thành vô danh, thành tài sản chung
của tập thể. Và tập thể có thể trở thành người cùng sáng tác, bổ sung, sửa
chữa theo những chiều hướng khác nhau.
Tính tập thể còn được xem là một đặc trưng thẩm mỹ của văn học dân
gian. Đối tượng thẩm mỹ của sáng tác dân gian là toàn bộ những gì có liên
quan đến cộng đồng, đến tập thể. Nó tái tạo, phản ánh hiện thực và tâm tư
tình cảm của con người theo quan điểm lý tưởng, thị hiếu thẩm mỹ của tập
thể. Cái riêng, cái cá thể được thể hiện qua cái chung và tìm thấy sự đồng
cảm trong cái chung của tập thể
2. Văn học dân gian - một loại hình nghệ thuật mang tính tổng hợp
Văn học dân gian là một loại hình nghệ thuật ngôn từ của nhân dân.
Nhưng văn học dân gian được tạo thành không phải chỉ bởi yếu tố ngôn từ.
Ngay từ khi mới xuất hiện, văn học dân gian đã có sự hòa lẫn với những hình
thái khác nhau của ý thức xã hội. Về sau, dù đã có nhiều biến đổi, văn học
dân gian vẫn chứa đựng nhiều yếu tố của tính tổng hợp. Đó là sự kết hợp của
nghệ thuật ngôn từ với các loại hình nghệ thuật dân gian khác như âm nhạc,
ca hát, nhảy múa, nghệ thuật diễn xuất. Ở một vài thể loại nó còn gắn với trò
chơi và các nghi lễ.
Tính tổng hợp của văn học dân gian còn được biểu hiện ở sự kết hợp
và hòa lẫn với chức năng thực hành. Nó không chỉ làm thỏa mãn nhu cầu
sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật mà còn là một bộ "Bách khoa toàn thư
của mấy nghìn năm, bao gồm các mặt sinh hoạt, phong tục tập quán, lễ giáo,
kinh nghiệm sống về vật chất và tinh thần"
Sự kết hợp giữa nghệ thuật ngôn từ với nhiều loại hình nghệ thuật khác
ở văn học dân gian và sự hòa lẫn với chức năng thực hành và các chức năng
văn hóa khác của văn học dân gian đã làm cho tính tổng hợp trở thành một
trong những đặc trưng cơ bản của văn học dân gian.
3. Văn học dân gian - một loại hình nghệ thuật mang tính truyền miệng
Văn học dân gian luôn luôn có mối quan hệ mật thiết với mọi sinh hoạt
đời sống của nhân dân. Bằng các phương thức nói, kể, hát, diễn... nhân dân
ta đã tạo nên các tác phẩm ngôn từ để giải bày, trao đổi, giao lưu tư tưởng,
tình cảm với nhau. Vì thế, văn học dân gian có đời sống của một tác phẩm
biểu diễn.
Sống đời sống của một tác phẩm biểu diễn, cho nên truyền miệng là
phương thức chủ yếu để sáng tác, phổ biến và lưu giữ. Khi chưa có chữ viết,
truyền miệng là phương thức duy nhất để thỏa mãn nhu cầu sáng tạo và
hưởng thụ nghệ thuật của nhân dân. Song khi chữ viết đã hình thành, nhân
dân vẫn sử dụng phương thức truyền miệng là chủ yếu trong sáng tác, diễn
xướng và lưu truyền văn học dân gian.
Bên cạnh những yếu tố tương đối bền vững được kế thừa và phát huy, tính
truyền miệng và tính tập thể đã làm cho văn học dân gian biến đổi không
ngừng tạo nên hàng loạt dị bản. Đây là một trong những yếu tố quan trọng
làm cho văn học dân gian có thể phản ánh kịp thời, đầy đủ thực tiễn sinh
động của đời sống nhân dân các địa phương và giúp cho việc diễn đạt tư
tưởng, tình cảm của nhân dân có hiệu quả nhất.
Tính truyền miệng được nhiều người coi là thuộc tính quan trọng nhất
và có quan hệ nhiều nhất với các thuộc tính và đặc điểm khác của văn học
dân gian.
III. NHỮNG GIÁ TRỊ XÃ HỘI CỦA VĂN HỌC DÂN GIAN
Văn học dân gian có giá trị xã hội to lớn. Người ta thường phân giá trị
ấy thành ba mặt chính: giá trị nhận thức, giá trị giáo dục và giá trị thẩm mỹ.
1. Giá trị nhận thức
Là một loại hình nghệ thuật gắn bó với mọi mặt hoạt động của đời sống
nhân dân, văn học dân gian là sự kết hợp rực rỡ của trí tuệ, tài năng, tư
tưởng, tình cảm của nhân dân qua bao thế hệ. :Nó đem lại những hiểu biết
phong phú và xác thực về cuộc sống lao động, sinh hoạt gia đình và những
quan hệ xã hội của nhân dân, về phong tục tập quán, về thiên nhiên đất
nước... Nó còn đem lại những hiểu biết về đời sống tình cảm, đời sống tâm
linh, những quan niệm về nhân sinh, về thế giới quan cùng những phẩm chất
tinh thần của nhân dân...
Những hiểu biết này là vô giá, và có tác dụng to lớn trong việc "bổ
sung, đính chính, sàng lọc nghiên cứu kiến thức của chúng ta về lịch sử dân
tộc". (Nguyễn Khánh Toàn)
2. Giá trị giáo dục
Tác phẩm văn học, dân gian thuộc bất kỳ thể loại nào, bao giờ cũng
hàm chứa điều răn dạy, có tác dụng giáo dục.
Được đánh giá là "Bách khoa toàn thư của mấy nghìn năm" (Nguyên
Khánh Toàn). Văn học dân gian đã góp phần phát triển tư duy, bồi dưỡng cho
nhân dân những phẩm chất đáng quý của người lao động như: tính cần kiệm,
óc thực tiễn, sự khôn ngoan, tính nhân hậu... Nó còn khơi dậy lòng yêu quê
hương, đất nước, lòng tự hào về truyền thống- vẻ vang của dân tộc, đánh
thức niềm tin yêu con người, yêu cuộc sống, hướng họ vươn tới cái chân,
thiện, mỹ... Trong cuộc đấu tranh chống thiên tai, chống áp bức và giặc ngoại
xâm, văn học dân gian là bài ca cổ vũ, khích lệ nhân dân và là một vũ khí sắc
bén chống lại kẻ thù.
3. Giá trị thẩm mỹ
Văn học dân gian trải qua hàng nghìn năm lịch sử hình thành và phát
triển đã tạo nên các giá trị nghệ thuật đặc sắc về ngôn ngữ, hình tượng nhân
vật, kết cấu, biểu diễn... Vì vậy nó có tác dụng to lớn trong việc phát triển mỹ
cảm, tạo nguồn chất liệu ngôn từ giàu đẹp, trong sáng cho văn học viết.
Nhìn chung, trong các tác phẩm văn học dân gian, giá trị nhận thức, giá
trị giáo dục, giá trị thẩm mỹ luôn hòa quyện với nhau, nương tựa và tôn tạo
lẫn nhau.
IV. VĂN HỌC DÂN GIAN VỚI TRẺ EM
Văn học dân gian đóng vai trò quan trọng trong đời sống trẻ em, nhất là
đời sống trẻ em nông thôn xưa kia. Suốt thời thơ ấu, những khúc hát ru, vỗ về
dìu đắt đưa trẻ vào giấc ngủ, những câu nói vần vè ngộ nghĩnh được trẻ hát
lên trong lúc vui chơi; những câu chuyện cổ dân gian kỳ ảo đẹp đẽ đã làm trẻ
say mê... Những sáng tác nghệ thuật truyền miệng đó được gọi là văn học
dân gian trẻ em.
Văn học dân gian trẻ em bao gồm những sáng tác nghệ thuật miệng
của các em, những thơ ca và truyện dân gian được sáng tác với mục đích
dành cho trẻ em và một số tác phẩm văn học dân gian "dùng chung" tức là
tác phẩm văn học dân gian của người lớn nhưng đã đi vào phạm vi đọc của
trẻ em.
Văn học dân gian trẻ em khá đa dạng về thể loại. Hầu như ở thể loại
nào của văn học dân gian cũng được các em đón nhận, nhưng ở những mức
độ khác nhau, những phương diện khác nhau. Trong số đó, cổ tích là một
trong những thể loại được các em yêu thích nhất.
Trong số các tác phẩm do người lớn sáng tác cho trẻ em, hát ru là một
biệt loại có vị trí nổi bật và có sức sống lâu bền hơn cả. Chức năng sinh hoạt
của nó là ru trẻ ngủ bằng những âm điệu được ngân lên một cách tự nhiên
của tình mẫu tử. Nó là một thứ sữa nuôi dưỡng bé thơ ngay từ thuở trong nôi
không chỉ về mặt thể chất mà bao hàm cả ý nghĩa tinh thần.
Nhóm bài đồng dao cũng trở thành một thứ trò chơi quen thuộc của trẻ
suốt bao thế kỉ qua. Sức hấp dẫn của những bài đồng dao đối với trẻ không
phải là ở "Tính chất bí ẩn hầu như không thể giải thích nổi" ở nội dung của nó
mà chính là những bài ca "vô nghiệm đó đã làm thỏa mãn nhu cầu về tốc độ
và trí tưởng tượng cực kỳ phong phú của các em. Nó dẫn các em nhảy cóc từ
sự vật này sang sự vật khác thật nhanh làm cho trí tưởng tượng của các em
không dừng lại một lúc, một nơi mà có thể chuyển đổi, xê dịch, kéo dài tùy
thích.
Các em cũng rất thích câu đố, tục ngữ, những thể loại không được
sáng tác với mục đích dành cho các em. Từ thuở chưa cắp sách đến trường,
các em đã được làm quen với tục ngữ với câu đố, với ca dao qua những cuộc
chơi, những bài hát...Với câu đố, ai đoán nhanh, ai đoán trúng người đó đã
hoàn thành cuộc chơi. Đến trường, các em học tục ngữ, ca dao, câu đố với tư
cách là một hình tượng văn. Bằng liên tưởng và trí tưởng tượng, chúng làm
hiện lên trong tâm trí các em những cảnh đời người, những gì thân thuộc
trong cuộc sống xung quanh, gợi lên trong các em những tình cảm trong
sáng, đẹp đẽ.
Thần thoại, truyền thuyết là những thể loại mà người nghệ sĩ dân gian
sáng tạo nhằm thể hiện lòng thành kính, tưởng niệm của người xưa. Tuy
nhiên, có rất nhiều thần thoại, truyền thuyết gắn với thời thơ ấu hoặc kỷ niệm
về về thời thơ ấu của mỗi dân tộc. Vì vậy, nó cũng phù hợp với tâm lý tiếp
nhận của các em, được các em yêu thích. Cổ tích và ngụ ngôn luôn là những
món ăn tinh thần hợp khẩu vị của các em. Có thề nói, truyện cổ tích là loại
hình nghệ thuật dân gian phù hợp hơn cả với bản chất và tâm lý của trẻ em
với nhu cầu được giải trí, được giải tỏa những ẩn ức, được xúc động và sáng
tạo, được thấy cái tốt, lẽ công bằng cuối cùng đã chiến thắng tất cả. Xu khâm
lin xúi, nhà sư phạm lỗi lạc của Nga đã từng nói về cổ tích:"Không phải là một
chuỗi đơn giản các sự kiện kỳ ảo, đó là một thế giới trong đó trẻ em vận động,
chống chọi, đem cái thiện chí của mình ra đối kháng với cái ác".
Chính vì những lẽ đó mà văn học dân gian trẻ em đã trở thành một bộ
phận quan trọng trong nền văn học thiếu nhi chúng ta.
V. CÁC THỂ LOẠI VĂN HỌC DÂN GIAN VIỆT NAM
1. Thần thoại
2. Truyền thuyết
3. Cổ tích
4. Ngụ ngôn
5. Truyện cười
6. Câu đố
7. Ca dao
8. Đồng dao
Bài 1 - THẦN THOẠI
I. KHÁI NIỆM THẦN THOẠI
Thần thoại là một loại hình văn học dân gian ra đời và phát triển trong
thời kỳ công xã nguyên thủy. Nó là một hệ thống truyện kể hoang đường kỳ
ảo về các vị thần tạo lập vũ trụ, các nhân vật sáng tạo văn học, các anh hùng
dũng sĩ thời cổ đại. Chức năng chủ yếu của thần thoại là giải thích nguồn gốc
vũ trụ, các hiện tượng tự nhiên, sự ra đời cua muôn loài và sự hình thành các
tộc người.
Không phải ngay từ đầu, người nguyên thủy sáng tạo thần thoại với
mục đích làm nghệ thuật. Thần thoại nẩy sinh trước hết do nhu cầu giải thích
các hiện tượng tự nhiên và xã hội của con người nguyên thuỷ trong một năng
lực tư duy còn hạn chế với thế giới quan thần linh và những cảm nhận về sự
vật còn hết sức hồn nhiên, ngây thơ và chưa giải thích được một cách đầy
đủ, khoa học các hiện tượng tự nhiên. Họ giải thích các hiện tượng tự nhiên
bằng cách quy tất cả vào hoạt động của thế giới thần linh. Những hiện tượng
kỳ ảo hoang đường là kết quả của sự nhào nặn thế giới tự nhiên trong trí
tưởng tượng của người xưa.
Trong thần thoại, Thần là hình tượng nhân vật trung tâm. Hầu hết các vị
thần đều là hiện thân của lực lượng tự nhiên, Các vị thần tuy được các nghệ
sĩ dân gian xây dựng với vẻ khác thường nhưng vẫn mang dáng vẻ chất phát
ngây thơ của người nguyên thuỷ. Thần Trụ Trời, thần Biển, thần Sét đều ngự
trị trong thế giới tự nhiên bao quanh con người: Thần cai quản, tạo dựng và
điêu hành thế giới tự nhiên. Có một số vị thần là thủy tổ các nghề: Thần Thợ
Mộc, Thần Thợ Rèn, thần Nông...v..v...
II. NỘI DUNG - Ý NGHĨA CỦA THẦN THOẠI
1. Ý nghĩa hiện thực và khoa học của thần thoại
Thần thoại không trực tiếp phản ánh hiện thực. Thế giới trong thần
thoại không phải là thế giới trong tầm quan sát của chúng ta. Nhưng qua tấm
màn hoang đường, kỳ ảo của trí tưởng tượng, chúng ta vẫn nhận ra bóng
dáng của hiện thực.
Ý nghĩa hiện thực không tách rời khỏi ý nghĩa khoa học của thần thoại
Đó là những hạt nhân hợp lý trong sự mô tả phi lý. Người nguyên thủy trong
quá trình quan sát thực tế đã nhận thức được một cách mơ hồ và cảm tính..
Một số quy luật của tự nhiên: ngày và đêm, sống và chết, sự thay đổi của bốn
mùa, sự tồn tại của thế giới vật chất v v Người xưa giải thích rằng: sở dĩ có
trời, đất, núi, sông là do thần Trụ Trời tách đôi khối hỗn nang, dậy một nửa
lên cao; nửa còn lại thần ra sức đào bới để đắp cột chống trời, tạo nên địa
hình như ngày nay. Rõ ràng, thần Trụ Trời không hóa phép để tạo ra vũ trụ,
núi sông, mà ngược lại, khối hỗn mang không biết có từ bao giờ. Đó là yếu tố
duy vật trong cảm nhận của người xưa về thế giới.
Thần Sét hung hăng, dữ tợn nhưng vẫn phải chịu nằm yên trong những
ngày lạnh cóng. Nữ thần Mặt trời chỉ đi chậm vào mùa hè và đi nhanh vào
mùa đông, kết thúc của những câu chuyện về người lột xác, về cây đa cải tử
hoàn sinh vẫn là con người đến già thì phải chết, không ai có thể chống lại
được: Sự cảm nhận được quy luật của tự nhiên làm cho thần thoại trở thành
một "kho tàng trí khôn kinh nghiệm”. Thần thoại chính là triết học, là khoa học
của người xưa.
2. Ý nghĩa nhân văn qua thần thoại
Thần thoại được sáng tạo ra không chỉ nhằm mục đích giải thích tự
nhiên, cất giữ kinh nghiêm mà còn ca ngợi khả năng của con người trong
công cuộc lao động và đấu tranh chinh phục tự nhiên. Thần Thợ mộc, thần
Nông, thần Mưa đến thần Trụ trời v...và đều là hình ảnh của những con người
khai sơn phá thạch, chinh phục thiên nhiên. Thần dùng sức lao động của
mình tác động vào tự nhiên, cải biến tự nhiên. Điều đó đã phản ánh khả năng
người và được nhân dân ca ngợi đến mức thần thánh hóa.
Ý nghiã nhân văn trong thần thoại còn thể hiện ở những ước mơ giải
phóng con người ra khỏi sự đe dọa của thiên nhiên.
Người nguyên thủy ước mơ một cuộc sống no đủ và nhàn hạ (lúa ở
ngoài đồng tự nhiên chạy vào nhà), nhưng điều quan trọng hơn là ước mơ
chiến thắng thiên nhiên. Ở đây, con người đôi khi đã lộ hẳn ra chứ không dấu
mình sau hình tượng thần nữa. Cường Bạo Đại Vương đã chiến thắng thần
Sét, Cóc đã "đại náo thiên cung", bắt trời làm mưa; thần Sơn Tinh đã thắng
được giặc nước; chàng Quái đã bắn rơi mặt trời.v.v....Bằng những ước mơ
đó con người đã nâng tầm của mình lên để tạo thêm sức mạnh chiến thắng
trong hiền thực. Đó là những "khát vọng bức thiết của con người cải tạo thế
giới".
Ý nghĩa nhân văn của thần thoại, suy cho cùng là sự tự ý thức về mình
của người nguyên thủy. Sự tự ý thức đó là ngọn đuốc soi đường đưa nhân
loại tiến lên.
III. ĐỊNH HƯỚNG PHÂN TÍCH THẦN THOẠI
1. Những điều cần lưu ý
Thần thoại Việt thường được chia làm 2 nhóm: những thần thoại suy
nguyên (tức là những thần thoại giải thích nguồn gốc một số hiện tượng, sự
vật tự nhiên) và những thần thoại sáng tạo (tức là những thần thoại "anh hùng
hóa"). Trong hai nhóm đó, thì một số thần thoại trong nhóm thần thoại sáng
tạo, đã biến thành những truyền thuyết về thời dựng nước. Do đó, có những
truyện vừa có thể coi là truyền thuyết vừa có thể coi là thần thoại. Vì vậy, khi
phân tích cần phải có phương pháp thích hợp để lọc ra, phục nguyên lại cái
lõi thần thoại cổ đại đã bị nhào nặn, pha trộn với các yếu tố của các đời sau.
Biết bỏ qua những từ ngữ, những chi tiết mang dấu ấn rõ rệt của sự thêm
thắt, thêu dệt của đời sau.
2. Định hướng chung về nội dung
Thần thoại phản ánh nhận thức non nớt, sai lệch, đầy tính chất hư ảo
của người xưa về thế giới cũng như bản thân con người và thể hiện sự bất
lực của họ trước sự vật; hiện tượng mà họ không hiểu nổi. Cho nên không
cần thiết phải "chứng minh" những điều hoang đường, trong cách giải thích
các sự vật, hiện tượng tự nhiên của thần thoại. Nhưng không thể không chỉ ra
những chi tiết phản ánh sự bất lực của người xưa trước sức mạnh của thiên
nhiên.
Thần thoại tuy hoang đường nhưng đã có những yếu tố duy vật thô sơ
trong thế giới quan của người xưa. Việc chú ý đến mặt này có thể giúp các
em nhận ra ý nghĩa của nó đối với người đương thời.
3. Phân tích hình tượng "Thần"
"Thần" là một nhân vật trung tâm của thần thoại. Ở đây, các sự vật hiện
tượng tự nhiên được nhào nặn trong trí tưởng tượng của người xưa được họ
hình tượng hóa, thường là nhân hóa hoặc những "nhân vật anh hùng" được
thần thánh hóa. Thêm nữa, thần thoại văn chỉ là những biểu tượng và những
mẫu chuyện chưa thành cốt truyện, chưa có kết cấu, tình tiết. Vì vậy, việc
phân tích thần thoại chủ yếu là công việc phân tích hình tượng “thần". Cụ thể
là: phân tích các chi tiết về hình dạng "thần", chức năng của "thần" ; các chi
tiết về hành trạng, sự tích của "thần"; các chi tiết và quan hệ giữa các "thần",
giữa "thần" với xã hội loài người.
4. Dạy thần thoại cho học sinh tiểu học
Ngoài những yếu tố cần lưu ý trên, dạy thần thoại nói riêng và truyện kể
dân gian nói chung cho đối tượng là học sinh tiều học cần để học sinh dựng
lại toàn bộ hình tượng chứa đựng trong mỗi tác phẩm. Việc đơn giản nhất là
các em biết tự mình kể lại câu chuyện. Song trong các truyện kể dân gian,
những lời kể thưởng đơn giản và lướt qua rất nhanh. Nay, để đọng lại hình
tượng, giáo viên phải biết cách tổ chức hoạt động của các em, làm sao qua
các thao tác tưởng tượng và liên tưởng để các em huy động được sức nhìn,
sức nghe và cả những giác quan khác nữa nhằm tái tạo lại hình tượng đó một
cách sống động như đang hiển hiện trước mắt các em.
Một thủ pháp quan trọng thường được sử dụng trong quá trình dựng
hình tượng là cho các em kể lại câu chuyện trong lời kể và tâm trạng của
nhân vật trong truyện. Cách chuyển vai trò đó làm cho trẻ em suy nghĩ tinh tế
hơn, đặc biệt là cá tính từng em sẽ nổi lên rất rõ.
Bài 2 - TRUYỀN THUYẾT
I. KHÁI NIỆM VỀ TRUYỀN THUYẾT
Truyền thuyết là một loại truyện dần gian ra đời sau và tiếp nối thần
thoại, có chức năng chủ yếu là nhận thức, phản ánh các sự kiện, các nhân
vật lịch sử có vai trò và ảnh hưởng quan trọng đối với một thời kỳ, một cộng
đồng bộ tộc, cộng đông dân tộc hoặc đối với một địa phương, một quốc gia.
Đặc trưng tiêu biểu nhất của truyền thuyết là tính xác thực, cụ thể dựa
trên những sự kiện và nhân vật lịch sử có thật. Lịch sử là cảm hứng, là đề tài
chất liệu đề làm nên nội dung truyền thuyết. Xu hướng lịch sử hóa trong
truyền thuyết ngày càng mạnh. Người xưa luôn luôn muốn khẳng định rằng,
những điều được kể trong truyền thuyết đều là sự thật. Càng phát triển về
sau, sự thật trong truyền thuyết càng trở nên rõ ràng hơn. Song lịch sử qua tư
duy nghệ thuật của tác giả dân gian đã được "nhào nặn" lại: Sự kiện lịch sử đi
vào truyền thuyết theo sự kết hợp của hai xu hướng, xu hướng lịch sử hóa và
xu hướng kỳ ảo hóa. Và nó đã trở thành nguyên tắc trong quá trình sáng tác
truyền thuyết. Thiếu đi một trong hai xu hướng trên, truyền thuyết không thể
ra đời.
Tùy theo đặc điểm nội dung và nghệ thuật, truyền thuyết có thể được
chia thành nhiều tiểu loại hoặc bộ phận khác nhau, trong đó, tiêu biểu và giá
trị nhất là bộ phận truyền thuyết thời kỳ Văn Lang Âu Lạc.
II. NỘI DUNG - Ý NGHĨA CỦA TRUYỀN THUYẾT.
1. Truyền thuyết dân gian gắn liền với niềm tự hào dân tộc
Hơn bất cứ một thể loại văn học dân gian nào khác, truyền thuyết có
một quá trình phát triển rất dài. Có thể nói, truyền thuyết đã đi cùng với lịch sử
dân tộc. Nó làm nhiệm vụ và chức năng của sử thi trong việc phản ánh và tái
tạo lịch sử của cộng đồng người Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ
nước, âm điệu chủ yếu trong truyền thuyết là âm điệu ngợi ca
Từ thuở sinh cơ lập nghiệp, nhân dân ta đã ca ngợi công lao của các vị
anh hùng khai phá. Lạc Long Quân diệt Hổ Tinh, Ngư Tinh, Mộc Tinh, bà ấu
Cơ dạy dân trồng lúa, chăn tằm, dệt cửi... Sự ngợi ca gắn liền với niềm tự
hào lớn lao về đòng dõi con Lạc cháu Hồng. Câu chuyện trăm trứng Âu Cơ có
một ý nghĩa thiêng liêng đặc biệt không gì có thể so sánh được.
Niềm tự hào dân tộc được thể hiện qua sự ngợi ca người anh hùng
chống xâm lược. Nếu truyện về Lạc Long Quân là bài ca đựng nước thì
truyện về Thánh Gióng là bài ca giữ nước. Lạc Long Quân cũng là một vị anh
hùng trong cuộc giao tranh nhưng Thánh Gióng mới thật sự là người anh
hùng chiến trận.
Niềm tự hào dân tộc trong các thiên truyền thuyết đời sau tiếp tục gắn
liền với sự tích về các vị anh hùng cứu nước và giữ nước. Không phải ngẫu
nhiên các nhà sử học đã khẳng định: Lịch sử Việt Nạm vô cơ bản là lịch sử
của những cuộc đấu tranh chống xâm lược. Hàng loạt truyền thuyết ra đời đã
theo sát lịch sử dân tộc. Đó là các truyền thuyết về Bà Trưng, Bà Triệu,
Phùng Hưng, Trần Hứng Đạo, Lê Lợi.v.v... Hình tượng người anh hùng cứu
nước và giữ nước được thể hiện có chiều sâu hơn so với hình tượng người
anh hùng chiến trận trong truyền thuyết cổ đại. Nếu như ta chỉ biết người anh
hùng làng Gióng ra trận với thanh gươm và con ngựa sắt thì ta còn biết Bà
Trưng, Bà Triệu ra trận với chí căm thù giặc sâu sắc. Trần Hưng Đạo biết dẹp
mối thù riêng để làm việc lớn. Tấm lòng sắt son với nước, ý chí quyết tâm tiêu
diệt giặc đến cùng của mỗi người anh hùng trong sự nghiệp quang vinh đã
được nghìn đời sau khâm phục và ca ngợi..
Niềm tự hào dân tộc trong những thiên truyền thuyết đời sau gắn liền
với việc ngợi ca người anh hùng như những nhân vật đẹp một cách phi
thường và hoàn hảo. Mặc dù truyền thuyết đời sau không mô tả được người
anh hùng với kích thước khổng lồ như Thánh Gióng hoặc Sơn Tinh, nhưng
vẫn có nhiều yếu tố mang tính chất sử thi.
Truyền thuyết về các vị anh hùng cứu nước và giữ nước là nguồn tài
liệu vô cùng phong phú lấp chỗ trũng cho lịch sử hàng nghìn năm đô hộ của
phong kiến nước ngoài. Đời sau, khi viết lại lịch sử đấu tranh oanh liệt của
dân tộc, các sử gia không thể không dựa vào trí nhớ của nhân dân, những
người anh hùng đã được nhân dân nhận thức và định giá trên một quan điểm
hoàn toàn đúng đắn, khác hẳn với quan niệm của giai cấp phong kiến cho
người anh hùng như là đại điện cho một giai cấp, một dòng họ làm theo mệnh
trời, giữ yên ngôi báu hoặc tô vẽ người anh hùng như là những tấm gương
tận tụy với triều đình. Truyền thuyết đã góp phần khẳng định lại công lao của
người anh hùng trong sự nghiệp đấu tranh chung của toàn dân tộc.
2. Truyền thuyết dân gian phản ánh tinh thần dân chủ của nhân dân
trong lịch sử dân tộc
Tinh thần dân chủ dược phản ánh khá đậm nét trong những thiên
truyền thuyết về người anh hùng nông dân khởi nghĩa. Ở đây, truyền thuyết
dân gian theo sát lịch sử theo một phương diện khác không phải phương diện
bảo vệ đất nước mà là phương diện chống áp bức, bóc lột. Tinh thần dân chủ
không nằm trong phạm trù dân tộc mà nằm trong phạm trù giai cấp. Truyền
thuyết về người anh hùng nông dân khởi nghĩa xuất hiện khá muộn, đặc biệt
nở rộ vào thời kỳ chế độ phong kiến suy tàn.
Truyền thuyết về người anh hùng dân tộc chống xâm lăng đã ưu tiên
mô tả sự xuất thân từ cuộc đời bình thường của các nhân vật nhưng chưa
nhấn mạnh khía cạnh lam lũ, cơ cực của cuộc đời ấy.
Truyền thuyết về người anh hùng nông dân khởi nghĩa đã nhấn mạnh
được khía cạnh này. Có bao nhiêu cuộc đời anh hùng thì có bấy nhiêu cuộc
đời lao khổ: Nguyễn Hữu Cầu, Chàng Lìa lúc đầu là những đứa trẻ mồ côi, đi
ở. Hầu Tạo xuất thân từ một chàng trai lang thang nay đây mai đó; Nguyễn
Hữu Khôi làm nghề chở đò ngang. Họ là những con người tiêu biểu cho nỗi
thống khổ của người nông dân trong chế độ suy tàn. Đỉnh cao quyết liệt trong
hành động của người anh hùng là tuyên chiến với các thế lực phong kiến
thống trị, kể cả với triều đình trung ương tập quyền. Những người anh hùng
đã nhiều phen làm nghiêng ngã cả xã hội phong kiến, bè lũ vua quan phải run
sợ trước sức mạnh "đội trời, đạp đất" của họ. Truyền thuyết dân gian về
người anh hùng nông dân khởi nghiã đã để cho hậu thế những trang vô cùng
sảng khoái. Cuộc đời chiến đấu của người anh hùng nông dân tuy ngắn ngủi
nhưng đầy ý nghĩa: lý tưởng nghìn đời của người nông dân là tự do, bình
đẳng đã có dịp được thực hiện trong cuộc sống.
Tuy nhiên, đối với người anh hùng nông dân, truyền thuyết dân gian
không chỉ ca ngợi, mà còn phê phán. Đây là cách đánh giá khách quan, thể
hiện quan điểm đúng đắn của người lao động với tư cách là tác giả của văn
học dân gian. Truyền thuyết đã thể hiện khá rõ những nét hạn chế thuộc về
bản chất của người anh hùng nông dân khởi nghĩa.
Ngoài giá trị nghệ thuật, truyền thuyết vê người anh hùng nông dân
khởi nghĩa còn là nguồn tài liệu lịch sử vô cùng quý giá cho đời sau. Khi chính
sử của nhà nước phong kiến, thực dân cố tình bóp méo xuyên tạc, bôi nhọ
những cuộc khởi nghiã và những lãnh tụ của nghĩa quân thì truyền thuyết dân
gian đã đánh giá lại những nhân vật và sự kiện nảy với cách nhìn khách
quan, trung thực.
III. ĐỊNH HƯỚNG PHÂN TÍCH TRUYỀN THUYẾT
1. Tìm hiếu cốt truyện
Truyền thuyết lịch sử dân gian, nhìn chung không có một mô hình kết
cấu được trau chuốt như một phương tiện nghệ thuật đặc thù (như truyện cổ
tích thần kỳ). Do đó, nói chung chưa có vấn đề phân tích kết cấu đối với các
thể loại này.
Cốt truyện về đại thể có ba phần:
- Hoàn cảnh xuất hiện người anh hùng
- Sự nghiệp của người anh hùng
- Chung cục, thân thế người anh hùng.
Vì "nguyên liệu chính để xây dựng cốt truyện là hành động của nhân
vật trung tâm, mà nhân vật của truyện cổ dân gian công chính là hành động
của nó, cho nên phân tích truyện cũng là phân tích nhân vật
2. Phân tích nhân vật
Nhân vật chính của truyền thuyết là trung tâm của sự kiện được kể lại
Vì vậy khi phân tích truyền thuyết cần gắn nhân vật với sự kiện. Có thể tiến
hành phân tích theo trình tự sau:
+ Tìm nhân vật trung tâm
+ Tóm tắt cốt truyện
+ Phân tích nhân vật theo diễn biến của sự kiện.
Từ hành động của nhân vật trong hoàn cảnh cụ thể mà rút ra những
nhận xét làm cơ sở cho một sự tổng hợp, dẫn tới một cách hiểu chung về
nhân vật. Điều cần lưu ý trong quá trình phân tích, cần đối chiếu với chính sử
để tìm hiểu thái độ và cách đánh giá này của nhân dân so với thái độ cách
đánh giá "chính thống" của chính sử đối với cùng một sự kiện, cùng một nhân
vật lịch sử.
3. Đặt truyền thuyết vào môi sinh của nó
Truyền thuyết lịch sử dân gian không bao giờ tồn tại tách rời với sự thờ
cúng, nghi lễ, tín ngưỡng, tập tục. Cho nên phân tích lịch sử cần phải chú ý
viện dẫn cả những yếu tố tín ngưỡng, lễ tục gắn với chúng để làm rõ bản chất
và đặc trưng thể loại, đồng thời nêu bật được tâm tính tha thiết của nhân dân,
qua nhiều thế hệ, gửi gắm vào mảng văn hóa dân gian này.
Bài 3 - TRUYỆN CỔ TÍCH
I. KHÁI NIỆM VỀ TRUYỆN CỔ TÍCH
Cổ tích là một thể loại truyện dân gian. Khi thần thoại trên bước đường
tan rã thì cổ tích dân đần được hình thành. Cùng với sử thi, những truyện cổ
tích đầu tiên có mầm mống từ thần thoại, nảy sinh từ giai đoạn cuối của xã
hội nguyên thủy, nhưng chủ yếu phát triển trong xã hội phong kiến, xã hội có
sự phân chia giai cấp sâu sắc. Do đó, đối tượng thẩm mỹ của nó khác với
thần thoại. Truyện cổ tích hướng vào đời sống xã hội thời cổ, những xung đột
trong xã hội đã phát sinh áp bức giai cấp.
Với hình tượng nhân vật tích cực tiêu biểu cho đạo đức, trí khôn và sức
mạnh tinh thần của nhân dân, với cốt truyện xây dựng trên những hành động
có tính chất phiêu lưu của các nhân vật trung tâm, truyện cổ tích chứa đựng
cả một pho kinh nghiệm sống của nhân dân, thể hiện ước mơ và niềm tin của
nhân dân về chiến thắng cuối cùng của lẽ phải, sự công bằng và lòng nhân ái
đối với gian tham, bất công và tàn bạo. Tóm lại của cái thiện với cái ác.
Truyện cổ tích có chức năng bền vững, từ bao đời nay nó vẫn được coi
là “truyện kể trong nhà cho trẻ nhỏ" và do ông bà cha mẹ kể lại cho con cháu.
Còn đối với các em, truyện cổ tích là thế giới trong đó con người có dịp đem
toàn bộ "ý chí tốt đẹp của mình ra chống lại các lực lượng đen tối".
Căn cứ vào những nét khác biệt và kiểu nhân vật và tính chất câu
chuyện kể có liên quan, người ta chia thể loại truyện cổ tích ra làm 3 tiểu loại:
Truyện cổ tích thần kỳ, Truyện cổ tích sinh hoạt, Truyện cổ tích loài vật.
1. Truyện cổ tích thần kỳ
Truyện cổ tích thần kỳ là một bộ phận quan trọng và tiêu biểu nhất của
thể loại cổ tích. Truyện cổ tích thần kỳ là những truyện kể về chuyện tưởng
tượng xung quanh số phận cuộc đời của kiểu nhân vật bất hạnh. Nhân vật
chính trong truyện cổ tích thần kỳ vẫn là những con người trong thực tại
nhưng các lực lượng thần kỳ, siêu nhiên có một vai trò quan trọng. Hầu như
mọi xung đột trong thực tại giữa người và người đều bế tắc, không thể giải
quyết nổi nếu thiếu yếu tố thần kỳ (Ví dụ: Truyện Cây khế, Truyện Tấm Cám,
Truyện Thạch Sanh...)
Trong truyện cổ tích thần kỳ, các nhân vật thường gồm 3 loại chính:
nhân vật chính diện hay phe thiện (như Thạch Sanh, Tấm, Sọ Dừa...), nhân
vật phản diện hay phe ác (như Lý Thông, Cám. mẹ Cám...) và các nhân vật
thần kỳ hoặc báu vật có tác dụng kỳ diệu (như tiên, bụt, đàn thần, nồi cơm
thần...)
2. Truyện cổ tích sinh hoạt (hay cổ tích thế sự)
Đó là những truyện cổ tích không có hoặc rất ít yếu tố thần kỳ. Ở đây,
các mâu thuẫn xung đột xã hội giữa người với người được giải quyết một
cách hiện thực, không cần đến những yến tố siêu nhân. Những yếu tố thần kỳ
nếu có cũng không giữ vai trò quan trọng và nhiều khi chỉ là sự tô điểm cho
câu chuyện thêm vẻ ly kỳ, hấp dẫn mà thôi. Ví dụ truyện Vợ chàng Trương,
truyện Cây tre trăm đốt....
3. Truyện cổ tích loài vật
Là loại truyện cổ tích lấy loài vật làm đối tượng phản ánh, tường thuật
và lý giải là chủ yếu. Loại chuyện này ở thời cổ xưa hầu hết các dân tộc đều
có, ở đây, các loài vật được nhân hóa một cách hồn nhiên trong trí tưởng
tượng của nhân dân thời cổ. Truyện cổ tích loài vật được nẩy sinh từ nhu cầu
của người thời cổ muốn đúc kết những kinh nghiệm và hiểu biết về đời sống
và tập tính của một số con vật ít nhiều có liên quan đến cuộc sinh tồn của họ.
Truyện cổ tích loài vật do đó, cũng mang đấu vết quan niệm của người xưa
về tự nhiên.
Về sau, những kinh nghiệm và hiểu biết về loài vật, hòa lẫn với những
kinh nghiệm hiểu biết về con người và xã hội, và dần dần có sự đan xen giữa
đề tài "xã hội loài vật" với đề tài "xã hội loài người". Các con vật ở trong
truyện cũng mang những tính tình, tính cách rõ nét của các loại người (con
sói tham lam, con cáo xảo quyệt, con hổ hung bạo, con thỏ khôn ngoan
v...v...).
Một số truyện cổ tích loài vật gần với truyện ngụ ngôn. (Ví dụ: Truyện
Sự tích con công và con quạ, truyện Vì sao Trâu không có hàm răng trên...).
Tuy vậy, giữa hai thể loại này vẫn có nét khác biệt về mặt thi pháp: một bên là
cả một câu chuyện; một bên (truyện ngụ ngôn) chỉ có dáng dấp của một màn
kịch nhỏ.
II. NỘI DUNG, Ý NGHĨA TRUYỆN CỔ TÍCH
1. Truyện cổ tích phản ánh hiện thực cuộc sống của người xưa
Như trên đã nói, truyện cổ tích thiên về phản ánh thực tế đời sống xã
hội. Tư duy nghệ thuật của nhân dân trong thời đại phát sinh và phát triển của
truyện cổ tích không phải là thứ “tư duy hướng lên trời" như trong thời đại của
thần thoại mà là thứ tư duy "giàu thực tiễn".
Trước tiên là hiện thực về cuộc sống gia đình. Truyện cổ tích đã thể
hiện được những mâu thuẫn, những xung đột trong gia đình xưa như là cơ sở
của những chuyển biến xã hội.
Mâu thuẫn giữa gia đình nảy (sinh trong quá trình hình thành những
quan hệ mới giữa các thành viên. Mâu thuẫn này ngày càng trở nên sâu sắc
vì những lý đo kinh tế, làm cho các thành viên trong gia đình phân hóa thành
hai lực lượng đối lập một bên là các thành viên lớn tuổi, người anh, người chị,
người mẹ ghẻ...", còn một bên là các thành viên nhỏ tuổi (người em, người
mô côi, người con riêng… Những truyện cổ tích tiêu biểu nhất cho chủ đề này
là Tâm Cám, Cây Khế, Sự tích chim đa đa... ở đây, các lực lượng đối lập
trong gia đình đã tham gia vào những cuộc xung đột kéo dài, gay gắt, thậm
chí một mất một còn. Quá trình xung đột, bản chất của các lực lượng đối lập
được phơi bày, các thành viên lớn tuổi thường là những kẻ tham lam, xảo
quyệt, tàn ác và ngu ngốc, còn các thành viên nhỏ tuổi lại đôn hậu, trung
thực, thông minh.
Mâu thuẫn gia đình về bản chất cũng lả mâu thuẫn xã hội, trong những
giai đoạn lịch sử sau (đặc biệt là ở thời phong kiến) mâu thuẫn trong gia đình
trở thành mâu thuẫn xã hội. Màu sắc giai cấp đã bao trùm lên các lực lượng
đối lập trong gia đình. Vì vậy, xung đột gia đình đã chuyển thành xung đột xã
hội.
Trong truyện cổ tích, ta không chỉ thấy những xung đột mà còn thấy
những cảnh đời: Cuộc sống giàu sang của kẻ tàn ác, bóc lột và sự nghèo
khổ, bất hạnh, thua thiệt của người dân lành. Nó gợi lên trong lòng người đọc,
người nghe những tình cảm yêu ghét mãnh liệt: đồng cảm với những số phận
bé nhỏ, khổ đau và lòng căm thù đối với các thế lực hắc ám - nguyên nhân
của những nỗi bất hạnh trong thế giới con người.
Tuy nhiên, khi đánh giá về khả năng phản ánh hiện thực của truyện cổ
tích, ta nhận thấy truyện cổ tích luôn luôn thiên về những vấn đề đạo đức. Để
thực hiện chức năng giáo huấn của mình, truyện cổ tích không thể vượt ra
khỏi ranh giới của phạm trù đạo đức để bước sang lĩnh vực "chủ nghĩa hiện
thực" thuần tuý. Nói một cách khác, các tác giả của thuyền cổ tích dân gian
nhìn hiện thực từ góc độ đạo đức. Vì vậy xung đột trong truyện cổ tích thực
chất là xung đột của những phạm trù đạo đức đối lập: trung thực, xảo quyệt,
hiền lành, tàn ác, ích kỷ, vị tha v..v...
2. Truyện cổ tích "chiếu rọi ánh sáng vào một thế giới khác"
Trong mối quan hệ giữa tương lai và thực tại thì truyện cổ tích hướng
về tương lai nhiều hơn. Thế giới trong truyện cổ tích dưa như xa lạ và đối lập
với những gì đang có và đã có. Vì vậy, đây chính là thế giới của ước mơ. Thế
giới này hoàn toàn phù hợp với tâm lý thiếu nhi
a. Ước mơ về sự hoàn thiện cua con người
Nhân vật trung tâm của truyện cổ tích là những con người "nhỏ bé"
sống dưới đáy xã hội, bị khinh rẻ và bị áp bức bóc lột. Người đời sau gọi họ là
phe thiện, nhân vật chính diện. Các nhân vật này đều rất trung thực. Phẩm
chất trung thực của họ bị đẩy đến mức cực đoan nhằm đối lập với những
người xấu xa, gian trá đang tồn tại ngoài xã hội. Điều đó làm cho nhân vật có
phần xa lạ với cuộc đời, đứng cao hơn cuộc đời và trở thành một phẩm chất
lý tưởng để con người hướng tới
Đi liền với trung thực là tình thương. Hầu như các nhân vật chính diện
đều biết yêu thương và vị tha vô hạn. Đó là một thứ tình thương dành cho
những người cùng cảnh ngộ. Ta có thể hiểu được vì sao cô Tấm chỉ đến ở
với bà lão hàng nước cô đơn; vì sao Sọ Dừa lại đầu thai vào một nhà nghèo
khổ. Trong truyện cổ tích, một quá trình thường xẩy ra là: nhờ có tình thương
và lòng vị tha mà con người có thể đi tới những bước ngoặt quan trọng của
cuộc đời mình. Trong số những thử thách đối với nhân vật chính diện, sự thử
thách về tình thương và lòng vị tha chiếm một số lượng đáng kể. Cô gái nhỏ
dấu cơm đem cho ông lão qua đường mà được ban thưởng sắc đẹp. Chàng
nông dân cứu giúp con chó, con mèo mà được chứng giúp đỡ, trở nên giàu
có... Như vậy, tình thương không chỉ là bản chất của người lao động mà còn
là cơ sở, là nền tảng trong quá trình phát triển của chính cuộc sống. Thế giới
của truyện cổ tích chan hòa ánh sáng của lòng nhân ái, vị tha làm dịu đi
những nỗi gian truân của số phận trái ngang. Truyện cổ tích thắp lên niềm tin
cho trẻ thơ rằng: cái ác vẫn còn nhưng tình yêu thương mới là vô hạn.
Bên cạnh loại nhân vật mồ côi, truyện cổ tích còn có nhân vật "người
thông minh", "nhân vật dũng sĩ” đã góp phần thể hiện ước mơ con người về
sự hoàn thiện, hoàn mỹ của mình.
b. Uớc mơ về sự đổi đời
Sinh ra trong nghèo khó và bị áp bức bóc lột, địa vị thấp kép trong gia
đình và ngoài xã hội, các nhân vật "nhỏ bé" luôn luôn mơ ước về sự đổi đời.
Trước đây, trong thần thoại, con người luôn mơ về một cuộc sống no
đủ và nhàn hạ thì ở cổ tích con người lại muốn vươn lên trở thành giàu có. Vì
vậy, nhân vật trong truyện cổ tích thường nhận được rất nhiều vàng, bạc,
châu báu sau những tháng ngày gian truân vất vả. Từ một phương diện khác,
ta còn thấy truyện cổ tích hướng tới sự công bằng xã hội về công lý; chính
nghĩa phải thắng gian tà; người hiền gặp lành, người yếu đuối được bênh vực
và ngược lại cái xấu cái ác phải được trừng trị đích đáng. Tất nhiên, để đạt
được lý tường công bằng, nhiều khi nhân vật phải đấu tranh quyết liệt mới
giành được thắng lợi. Cô Tấm phải chết đi sống lại nhiều lần, Thạch Sanh
phải bao phen chìm nổi...
Ngoài chuyện ước mơ và khát vọng, toàn bộ thế giới trong cổ tích đậm
đà sắc ảo. Nó dường như là thế giới thật nhưng cũng đường như là một thế
giới khác. Người nông dân đáng thương là rất thực nhưng anh ta có thể bay
lượn trên không trung, phục sinh người chết bằng cách vẩy nước thần,...
Những yếu tố đó đã làm cho truyện cổ tích có sức hấp dẫn lạ kỳ đối với trẻ nít
Chính cái "thế giới khác" đã tại nên chất thơ cho truyện cổ tích. Nó làm cho
"gian nhà học nghề đáng thương của người học nghề thành thế giới của thơ
ca, thành một lâu đài mỹ lệ và làm cho cái đẹp khỏe, chắc của họ giống như
một nàng công chúa trẻ kiều diễm". Truyện cổ tích đã mang đến cho người
đọc, người nghe những rung động sâu sắc và mãnh liệt, trên cơ sở để giáo
dục con người một lý tưởng lành mạnh.
III. HƯỚNG DẪN PHÂN TÍCH TRUYỆN CỔ TÍCH
1. Định hướng chung
Thông thường, trong quá trình phân tích truyện cổ tích, chúng ta
thường khai thác tác dụng giáo dục đạo đức cho các em. Điều đó đúng
nhưng chưa đủ. M.Gorki từng viết: "Trong các truyện cổ tích, điều trước tiên
có khả năng giáo dục là sự "hư cấu”. Cái khả năng kỳ diệu của trí óc chúng ta
có thể nhìn xa về phía trước sự kiện". Ông coi "chính sự tưởng tượng, chính
sự hư cấu đã sáng tạo và tu dưỡng một trong những phẩm chất kỳ diệu của
con người là trực giác". Vì vậy, bên cạnh việc khai thác tác dụng giáo dục của
những bài học đạo đức cần chú ý phát huy năng lực tưởng tượng cho các em
thông qua việc hướng dẫn cho các em đi vào những “ảo giác êm đẹp" đầy
quyến rũ từ những trang cổ tích gợi lên.
2. Phân tích nhân vật và cốt truyện
Trong truyện cổ tích, nói chung, nhân vật - tính cách hành động là một
thể thống nhất. Tính cách của nhân vật cổ tích thường được biểu hiện qua
hành động và chưa có sự khác biệt giữa cái chung và cái riêng cá thể.
Còn cốt truyện cổ tích về cơ bản cũng là chuỗi hành động của nhân vật
chính: Khái niệm "hành động ở đây bao hàm cả "hoàn cảnh" trong đó diễn ra
các hành vi ứng xử tương ứng của nhân vật chính (hoàn cảnh thử thách đối
với nhân vật chính). Sự xuất hiện nhân vật phụ cũng được hiểu là hoàn cảnh.
Số phận của nhân vật chính trong truyện cổ tích thường là một cuộc
"đổi đời" nhưng rõ ràng là đầy chất mơ tưởng. Tuy vậy, việc đi sâu vào một
cuộc sống khác so với cuộc đời bất hạnh của những nhân vật "nhỏ bé" trong
xã hội cũ sẽ giúp ta hiểu thêm về khát vọng "đổi đời" của người xưa.
Bài 4 - TRUYỆN NGỤ NGÔN
I. KHÁI NIỆM VỀ TRUYỆN NGỤ NGÔN
Truyện ngụ ngôn là một hình thức kể bằng văn vần hay văn xuôi trong
đó, ta mượn câu chuyện thường là về loài vật để gửi gấm một bài học về đạo
đức, kinh nghiệm sống, hoặc một điều răn dạy có tính chất triết lý về nhân
sinh, thế sự.
Đặc trưng cơ bản nhất của truyện ngụ ngôn là mượn thế giới loài vật đồ
vật để nói về con người. Trong truyện ngụ ngôn, con người hầu như trực tiếp
hiện ra như trong truyện cổ tích. Vì vậy, mỗi truyện ngụ ngôn là một ẩn dụ
lớn.
Mục tiêu của truyện ngụ ngôn là bài học triết lý. Khi nào câu chuyện đạt
tới bài học triết lý thì khi đó truyện ngụ ngôn kết thúc. Vì vậy truyện ngụ ngôn
có 2 phần rõ rệt: Câu chuyện kể và bài học luân lý.
II. NỘI DUNG, Ý NGHĨA CỦA TRUYỆN NGỤ NGÔN
1. Truyện ngụ ngôn và triết lý ứng xử dân gian
Con đường đi tới triết lý của truyện ngụ ngôn là con đường thông qua
sự phê phán, phủ nhận để rút ra kết luận. Truyện ngụ ngôn thường phê phán
những sai lầm của người đời và chỉ ra rằng những hành động sai lầm ấy nhất
định sẽ dẫn đến thất bại. Răn dạy bằng mặt trái của cuộc sống, truyện ngụ
ngôn đã tạo cho mình một sức thuyết phục mạnh hơn là trực tiếp nêu sự thật
của lẽ phải
Bên cạnh việc nêu bài học về hành động sai lầm của người đời, truyện
ngụ ngôn còn nêu cả những tính xấu mà người đời thường mắc phải. Đó là
sự khoe khoang, khoác lác, tráo trở, thiển cận, xa rời thực tế, sự độc đoán
v.v...
Nhìn chung, triết lý trong truyện ngụ ngôn là một thứ triết lý mang tính
thực tiễn. Triết lý này nặng về cách đối nhân xử thế, khuyên người ta sống
sao cho hợp lý, hợp tình. Đó cũng chính là lối sống chân chính mà người lao
động luôn luôn phải đấu tranh để duy trì và bảo vệ. Truyện ngụ ngôn có khả
năng khái quát hoá và trừu tượng hoá cao, cho nên trong nhiều truyện, kinh
nghiệm thực tiễn này được nâng lên thành những mệnh đề triết học như
truyện ngụ ngôn: Kẻo cày lúa lên, Phù du và đom đóm...
2. Truyện ngụ ngôn và đấu tranh xã hội
Trong xã hội có giai cấp, xung đột xã hội ngày càng diễn ra gay gắt và
quyết liệt Truyện ngụ ngôn không thể không đề cập đến những vấn đề này
như là những vấn đề trung tâm của một nội dung thể loại.
Trước hết là kinh nghiệm của nhân dân về giai cấp thống trị, truyện ngụ
ngôn đã nêu lên những bài học sâu sắc về bản chất của giai cấp thống trị như
tham lam, tàn bạo, đạo đức giả, nịnh hót. Truyện Con hổ ăn chạy; Cọp, cò,
cáo và chuột; Chèo bẻo và ác là; Bồ câu và sáo..
Nhìn chung, đối với giai cấp thống trị, truyện ngụ ngôn khuyên người ta
nên đề cao cảnh giác và lánh xa
Bài học về đấu tranh xã hội trong truyện ngụ ngôn trước hết là bài học
dứt khoát, đoạn tuyệt với kẻ thù. Đó là thái độ của bồ câu (Bồ câu là sáo), của
muỗi (Muỗi nhà và muỗi đồng), của Chèo bẻo (Chèo béo là ác là) thái độ đó
đã bao hàm một sự phản kháng tích cực.
Nhìn chung, với tư cách là thể loại triết lý của văn học dân gian, truyện
ngụ ngôn đã làm tròn được chức năng giáo dục của mình với một hiệu quả
rất lớn.
III. ĐỊNH HUỚNG VỀ PHƯƠNG PHÁP PHÂN TÍCH TRUYỆN NGỤ NGÔN
Ngụ ngôn là một loại truyện đặt ra để cốt gìn gắm một ý răn đời, một kết
luận luân lý, một nhận xét về một thực tế xã hội... Ngụ ngôn thưởng lấy các
con vật, đồ vật trong giới tự nhiên rồi nhân cách hóa để nói chuyện con
người.
Truyện ngụ ngôn, về thực chất là một cách nói bóng gió. Với bản chất
ấy, nó gồm hai phần: phần xác là câu chuyện kể, còn phần hồn là bài học
luân lý.
Truyện ngu ngôn (cùng với tục ngữ) là phương tiện biểu đạt của triết lý
dân gian.
* Mục đích của một việc đặt ra ngụ ngôn là để tránh cách nói thẳng mà
nói một cách xa xôi, bóng gió, nói một cách dễ nghe, dễ lọt tai... Do vậy, phân
tích ngụ ngôn không chỉ nhằm rút ra bài học, lời khuyên mà còn nhằm bình
giải ỷ vị của cách nói bóng gió đó.
* Cách phân tích một truyện ngụ ngôn thường đi theo trình tự sau:
- Xác định các nhân vật trong truyện. Các nhân vật này là biểu tượng
của hạng người nào trong xã hội.
- Phân tích nhân vật:
+ Phân tích hoàn cảnh, tình huống cụ thể, trong đó diễn ra hành động
của nhân vật chính.
+ Phân tích hành động của nhân vật trong hoàn cảnh đó.
+ Đánh giá hành động của nhân vật.
- Đánh giá bài học được rút ra từ câu chuyện kể.
Lưu ý: Từ một truyện ngụ ngôn, đôi khi người ta có thể rút ra những bài
học khác nhau, thậm chí trái ngược nhau.
Ngụ ngôn là một loại vật liệu rất thuận tiện để các em tìm nghiã bóng.
Nghĩa bóng của truyện ngụ ngôn nằm trong lời khuyên được rút ra sau mỗi
truyện.
Bài 5 - TRUYỆN CƯỜI
I. KHÁI NIỆM TRUYỆN CƯỜI
Truyện cười là một thể loại truyện dân gian chứa đựng cái hài, dùng
tiếng cười làm phương tiện chủ yếu để thực hiện chức năng phê phán, châm
biếm, đả kích cái xấu và mua vui, giải trí:
Đặc điểm chung của truyện cười dân gian là ngắn gọn, nặng về lý trí có
kết cấu chặt chẽ và kết thúc đột ngột bất ngờ.
Có thể chia truyện cười dân gian Việt Nam thành hai loại truyện chính:
Truyện cười kết chuỗi và truyện cười không kết chuỗi. Truyện cười kết chuỗi
là những mẫu giai thoại hài hước, xoay quanh một nhân vật có thực hoặc
được coi là có thật, như Trạng Lợn, Trạng Quỳnh...
Truyện cười không kết chuỗi là những truyện cười có kết cấu hoàn
chỉnh, tồn tại độc lập, mang tính phiếm chỉ. Các nhân vật ở loại truyện này
thường chỉ được giới thiệu vê thành phần, địa vị xã hội, giới tính chứ không
có tên riêng như anh lính hầu, anh đầy tớ, thầy đồ, chàng rể... Có khi nhân
vật chỉ được gọi bằng tên một tính cách, như: anh mê ngủ, anh sợ vợ, anh
lười...
Truyện cười không kết chuỗi ở nước ta rất phong phú, đa dạng, gồm
nhiều tiểu loại khác nhau, như: Truyện khôi hài, Truyện trào phúng, Truyện
tiếu lâm.
II. NỘI DUNG Ý NGHĨA CỦA TRUYỆN CƯỜI
1. Truyện cười phê phán những thói hư tật xấu
Truyền thống đạo đức của người Việt Nam không thể chấp nhận những
thói hư tật xấu mà không ít người đời đã mắc phải, như: phàm ăn, tục uống,
lười biếng, khoe khoang,khoác lác... Lối sống đó làm phương hại đến thuần
phong mỹ tục, lối sống thanh sạch, trong sáng của cộng đồng. Vì vậy, cần
phải đấu tranh phê phán dù là hạng người nào trong xã hội. Song tuỳ thuộc
vào mức độ của từng tật xấu, thói hư mà truyện thể hiện những cách cười
khác nhau, từ châm biếm nhẹ nhàng (Lợn cưới áo mới, con rắn vuông...) đến
cảnh cáo nghiêm khắc (Sứ Tàu, Quan huyện thanh liêm, Trạng Quỳnh...)
Tuy nhiên, dù ở mức độ nào, dù là đối tượng nào, tiếng cười ở đây
cũng hướng vào mục đích là phê phán cái xấu.
2. Truyện cười, vũ khí đấu tranh
Trong truyện cười dân gian, có một mảng truyện miêu tả những biểu
hiện hài hước của những tính cách xấu gắn liền với bản chất của những tầng
lớp xã hội cụ thể, như: quan lại thì tham nhũng, ngu xuẩn (Trinh với Liêm,
Trung thần nghĩa sĩ cả, Quan huyện thanh liêm, Thần bia trả nghĩa, Kiện
trời...) Những kẻ làm thầy thiên hạ thì dốt nát, thiếu nhân cách đến mức thảm
hại (Tam dại con gà, Bốc thuốc theo sách. Bánh tao đâu, Tại thầy địa lý...)
Bọn phù thủy sợ ma (Phủ thuỷ sợ ma). Bọn nhà giàu dốt nát, trưởng giả (chốc
nữa tao sang)... Nhóm truyện này thể hiện rất rõ quan điểm chính trị: xã hội
của nhân dân, đồng thời bộc lộ tính chiến đấu của truyện cười dân gian với tư
cách là một vũ khí đấu tranh xã hội, đấu tranh giai cấp.
Khi dùng tiếng cười để phê phán những thói hư tật xấu và đả kích,
châm biếm vào thể chế xã hội, vào giai cấp thống trị, quần chúng nhân dân đã
đứng trên quan điểm đạo đức và lý tưởng của nhân dân lao động. Phủ định
cái xấu, tác giả dân gian đồng thời khẳng định và hướng mọi người vươn tới
một cuộc sống tốt đẹp.
Với những nội dung, ý nghiã đó, Truyện cười là một minh chứng cho
tinh thần lạc quan và trí thông minh sắc sảo của nhân dân ta trong cuộc đấu
tranh chống lại cái xấu, cái ác.
III. ĐỊNH HƯỚNG PHÂN TÍCH TRUYỆN CƯỜI
Tiếng cười là sản phẩm của nhận thức lý tính: nó nẩy sinh ra từ sự phát
hiện ra chỗ không phù hợp dưới bề ngoài có vẻ như phù hợp, giữa biểu hiện
bên ngoài và thực chất của một hành vi. Chính sự "phát hiện" đó làm nẩy sinh
ra tiếng cười.
Về hình thức nghệ thuật nói chung, truyện cười là thể loại truyện kể dân
gian ngắn, gọn nhất. Nó không mấy khi có câu chữ thừa, chi tiết thừa. Kết cấu
rất chặt chẽ. Câu chuyện bao giờ cũng đặt cái đáng cười vào một tình huống
sao cho cái đáng cười tự phơi bày ra dưới dạng sinh động nhất, ở cái thế
"nực cười nhất”.
* Khi phân tích truyện cười, cần lưu ý:
- Phân tích truyện cười, không đừng lại ở yếu tố gây cười mà phải làm
cho học sinh hiểu rõ cái gì đáng cười và suy nghĩ về cái đáng cười, về những
điều ẩn sau hiện tượng gây cười.
- Truyện cười thường mang kịch tính: Có "mâu thuẫn", đẩy "mâu thuẫn"
phát triển tới điểm nút và được giải quyết. Nhìn chung, phân tích truyện cười
có thể tiến hành theo cầu trục tự nhiên của màn kịch cười
+ Phân tích "tình thế xuất phát", tức là cái đáng cười được đặt vào một
tình thế nhất thiết bị dồn tới chỗ tự phơi bày một cách cụ thể, sinh động,
"buồn cười". Ví dụ: Sư cụ ăn vụng thịt chó bị chú tiểu biết và hỏi.
+ Phân tích "điểm nút” : Điểm nút của truyện cười là điểm, ở đó "mâu
thuẫn", cái đáng cười, đã được "chuẩn bị" đủ điều kiện để tự phơi bày ra,
hoặc bị vạch trần ra. Ví dụ: Sư cụ trả lời "Tao ăn đậu phụ thì đúng lúc đó có
tiếng chó sủa, lại còn hỏi chú tiểu "Cái gì ngoài cổng đấy?".
+ Phân tích yếu tố "mở nút": Với truyện cười, "mở nút” là kết thúc. Tức
là lúc hiện tượng đáng cười được phơi bày ra một cách cụ thể.
Tất nhiên, không nên máy móc vận dụng phân tích theo trình tự trên.
Điều quan trọng là phải nắm vững cái đích của công việc "phân tích" là phân
tích cái đáng cười trong quá trình của nó từ trạng thái ẩn đến trạng thái tự bộc
lộ một cách cụ thể, sinh động, khiến người ta phát hiện ra và thấy buồn cười.
Bài 6 - TỤC NGỮ
I. KHÁI NIỆM VỀ TỤC NGỮ
Tục ngữ là một thể loại văn học dân gian một loại câu nói hoàn chỉnh,
ngắn gọn, xuôi tai, có ý nghiã hàm súc, có cấu tạo tương đối bền vững và
thường có vần, có nhịp, có hình ảnh được dùng trực tiếp trong “lời ăn tiếng
nói” cũng như trong thực hành sinh hoạt xã hội của quần chúng nhân dân.
Tục ngữ có một khối lượng rất lớn nhưng lại mang một "hình thức nhỏ"
Hơn bất cứ thể loại nào khác của sáng tác dân gian, tục ngữ trong bản chất
cũng như trong phương thức "diễn xướng" của nó có tính chất thực hành triệt
để. Đó là sự ứng dụng trực tiếp trong nếp nghĩ, trong ứng xử, trong lời ăn
tiếng nói hàng ngày của nhân dân.
II. MỘT SỐ NỘI DUNG CHÍNH TRONG CÁC LOẠI TỤC NGỮ
Tục ngữ là một sản phẩm của hoạt động nhận thức, đồng thời cũng là
một công cụ để nhận thức. Đề tài của tục ngữ vô cùng phong phú, nó bao
quát một phạm vi hiện thực rộng lớn.
1. Tục ngữ về lao động sản xuất
Tục ngữ về lao động sản xuất nhằm biểu đạt những kinh nghiệm của
con người trong hoạt động lao động sản xuất, trong quá trình đấu tranh, cải
tạo và chinh phục thiên nhiên, trong sự xử thế của con người với môi trường
tự nhiên.
- Quá mù ra mưa
- Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân
- Trăng quầng đại hạn, trăng tán thì mưa.
Trong điều kiện khoa học chậm phát triển của một nước nông nghiệp
lạc hậu thời phong kiến, những kinh nghiệm ấy có giá trị thiết thực, như một
thứ cẩm nang đối với đời sống và sinh hoạt sản xuất, giúp cho con người chủ
động trong công việc làm ăn và trong sinh hoạt hàng ngày, đề phòng những
tai họa do thiên nhiên gây ra.
2. Tục ngữ về lịch sử - xã hội.
Bộ phận tục ngữ này đề cập đến nhiều phương diện của lịch sử và các
mối quan hệ giữa các giai cấp đối kháng: Tục ngữ nói về thời kỳ bình minh
lịch sử dân tộc; Tục ngữ về kinh nghiệm đánh giặc, về nhân vật lịch sử, tục
ngữ nói về cảnh quan, sản vật, phong tục tập quán của các miền đất nước.
Và đặc biệt nổi bật trong nội dung xã hội - lịch sử của tục ngữ Việt Nam là
những kinh nghiệm đời sống của nhân dân trong xã hội phong kiến, chủ yếu
là trong làng xã như:
- Cá lớn nuốt cá bé
- Kẻ ăn không hết, người lần không ra...
Qua những kinh nghiệm này, ta có thể thấy những nét phản ánh chân
thực cuộc sống khó khăn, khổ cực, đầy tai ách của nhân dân lao động trong
xã hội cũ.
3. Tục ngữ nói về con người
Chiếm phần quan trọng nhất trong bộ phận nói về con người là những
câu nói về đạo đức, về triết lý sống, và cách ứng xử của nhân dân:
- Người sống đống vàng
- Uống nước nhớ nguồn
- Chị ngã em nâng
- Tốt gỗ hơn tốt nước sơn
- Con hơn cha là nhà có phúc
Những nội dung trên của tục ngữ cho thấy: từ ngàn xưa, nhân dân đã
xây đắp nên một cách sống, một phương châm xử thế tốt đẹp trong quan hệ
giữa con người với con người. Đó là nền tảng đạo đức của nhân dân và đạo
đức ấy được diễn đạt một cách đầy đủ nhất trong tục ngữ. Qua những lời
khuyên nhủ, răn dạy, nhận xét của tục ngữ, ta có thể hình dung khá rõ những
tính cách đạo đức cổ truyền của dân tộc như: cần kiệm, thiết thực, quý trọng
tình nghĩa, yêu chuộng lẽ công bằng và thiết tha với những giá trị tinh thần.
III. ĐỊNH HUỚNG VỀ PHƯƠNG PHÁP PHÂN TÍCH TỤC NGỮ
Tục ngữ là những câu nói ngắn gọn: có nhịp điệu, có hình ảnh: có hình
thức bền vững, được dùng trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân. Nội
dung của tục ngữ là những nhận xét, phán đoán, kết luận về các hiện tượng
tự nhiên, xã hội và đời sống con người.
Xét trên bình diện ứng dụng, tục ngữ gồm hai loại: loại đơn nghĩa và
loại đa nghĩa
Những câu tục ngữ thuộc loại đơn nghĩa là những câu chỉ có thể hiểu
theo nghĩa đen. Vd:
- Dao thử trầu héo, kẻo thử lụa xô.
- Là lượt là vị thông lại, nhễ nhại là vợ học trò
Những câu tục ngữ thuộc loại đa nghĩa là những câu chỉ được dùng
theo lối nghĩa bóng. Vd:
- Chết trong hơn sống đục
- Lành với Bụt, chẳng lành với ma.
Ngoài ra, có những câu vừa có thể được đùng theo nghĩa đen, vừa có
thể được dùng theo nghĩa bóng. Vd:
- Cà thâm bỏ góc chạn, đến khi hoạn nạn lại hỏi cà thâm
- Bò chết chẳng khỏi rơm.
Tỷ lệ những câu tục ngữ đa nghĩa lớn hơn hẳn những câu đơn nghĩa
(hầu hết những câu thuộc bộ phận tục ngữ về tự nhiên và lao động sản xuất
đều chỉ có một nghĩa). Như vậy, trong đời sống hàng ngày, phần lớn tục ngữ
được dùng như những ẩn dụ.
Về hình thức diễn đạt, trừ một số câu có tính chất như lời khuyên răn
"Chớ thấy sóng cả mà ngả tay chèo" còn phần lớn tục ngữ dùng cách nhận
xét, kết luận. Vd:
- Không có lửa, làm sao có khói
- Lạt mềm buộc chặt
* Tục ngữ giàu hình ảnh, được xây dựng bằng nhiều biện pháp tu từ:
So sánh: - Người dẹp vì lụa, lúa tốt vì phân
Ẩn dụ: - Đục nước, béo cò.
Ngoa dụ: - lời nói đọi máu
Nhân hóa: - cái nết đánh chết cái đẹp
Cấu trúc tục ngữ thường có hai vế trở lên. Hai vế thường đối nhau và
tạo nên tính nhạc cho tục ngữ. Giữa hai vế còn thường có quan hệ liên kết về
vần. Vd:
- Hay thì khen, hèn thì chê (Vần ứng liền)
Con có cha như nhà có nóc (Vần lưng cách một)
- Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn (Vần lưng cách hai)
* Trong tục ngữ, ý nghiã của nó thường được biểu đạt bằng hình ảnh.
Do đó, muốn xác định nghĩa của câu tục ngữ, ngoài việc giải nghĩa các từ, tìm
hiểu mối quan hệ giữa các từ ngữ hình ảnh đó, chúng ta cần thực hiện thao
tác liên tưởng bằng cách thay thế vật liệu để tìm ra nghĩa bóng của câu tục
ngữ.
- Sau khi tìm ra nghĩa bóng, cần đi sâu để tiếp tục khám phá tư tưởng
của câu tục ngữ. Vì tục ngữ bao giờ cũng chứa đựng thái độ của nhân dân
đối với hiện tượng được nói tới. Đồng thời bình luận về giá trị nội dung kinh
nghiệm cũng như tư tưởng của câu tục ngữ.
- Đối với học sinh tiểu học, điều căn bản nhất khi phân tích tục ngữ là tổ
chức cho học sinh lần lượt thực hiện các thao tác để các em có thể tự mình
dựng lại trong tâm trí hình tượng làm sao để hình tượng đó như đang biểu
hiện trong tâm trí các em. ngay trước mặt các em. Trong quá trình dựng lại
hình tượng thì tự thân việc làm đó đã làm nẩy sinh tình cảm và tư tưởng trong
các em rồi. Vì vậy, giáo viên không cần giảng giải, giải thích gì thêm.
Bài 7 - CÂU ĐỐ
I. KHÁI NIỆM VỀ CÂU ĐỐ
Câu đố là một thể loại văn học dân gian ngắn gọn, phản ánh các sự vật
hiện tướng khách quan bằng một lối nói đặc biệt. Lối nói chệch, lối nói gần với
ẩn dụ, dấu tên, chuyển vật nọ thành vật kia. Được nhân dần dùng trong sinh
hoạt tập thể để thử tài suy đoán, kiểm tra sự hiểu biết và mua vui giải trí.
Đơn vị tác phẩm của thể loại này được gọi là câu, vì nó đều rất ngắn.
Vd:
- Trong nhà có bà ăn cơm trước.
(Đôi dũa cả)
- Anh lớn mặc áo đó, em nhỏ mặc áo xanh.
(Quả ớt)
Nhưng cũng không ít những câu đố dài như một bài ca dao. Vd:
Con ai hải đứa hai nơi.
Gặp nhau một chỗ, cùng chơi một phòng
Không may nhà sập đá chồng
Tan xương nát thịt máu hồng chứa chan.
(ăn trầu.)
hoặc như một bài thơ:
Giữa đám lá xanh mướt
Treo từng chùm chuông nho
Trong xanh và hồng đỏ
Bừng sáng cả vườn quê.
(Quả mận hoặc quả roi)
Câu đố có nhiều tác dụng khác nhau như: đức dục, trí dục, mỹ dục, giải
trí... nhưng với tư cách là một vật liệu của việc học vấn trong nhà trường tiểu
học, câu đố được xem là phương tiện luyện cho trẻ óc quan sát, phát triển óc
suy đoán và kích thích trí tưởng tượng, liên tưởng cũng như khả năng ứng
biến nhanh trí.
Lối ẩn dụ trong câu đố là một ẩn dụ riêng, khác với lôi ẩn dụ thông dụng
trong văn học nghệ thuật (cái ẩn trong câu đố hoàn toàn vô định, không nhất
thiết phải thuộc về con người).
Dựa vào những biểu hiện khác nhau về nội dung và hình thức, người ta
chia câu đố thành các loại, các nhóm khác nhau: đố chữ, đố giảng, đố tục
giảng thanh...
II. ĐỊNH HƯỚNG VỀ PHƯƠNG PHÁP PHÂN TÍCH CÂU ĐỐ
Phân tích câu đố với tư cách là một loại hình văn học dân gian được
giảng dạy trong trường học là tìm lời giải đố và phân tích lối miêu tả của câu
đố đó. Thực trạng dạy học hiện nay thường đi theo hai xu hướng:
1. Chỉ chú ý tìm lời giải đố mà không quan tâm đến lối miêu tả của câu
đố.
2. Với những vật liệu văn là câu đố thì lời giải đố luôn luôn cho trước và
giáo viên hướng dẫn sử dụng thao tác tưởng tượng để tái hiện lại trong tâm
trí các em hình tượng văn đã được gửi vào câu đố
Trong hai cách dạy đó thì xã hướng thứ hai xem ra phù hợp với bản
chất của việc học văn hơn nhưng thiết nghĩ việc tìm lời giải đố cũng cần thiết
vì bên cạnh tư duy luận lý, người ta cũng thường dùng cả tưởng tượng và
liên tưởng nữa để tìm ra lời giải đố và điều này cũng rất cần cho việc học văn
ở bậc tiểu học
a. Tìm lời giải đố
Có thể thực hiện những thao tác sau để tìm lời giải đố
- Khoanh vùng tìm kiếm những gì liên quan đến hình ảnh đố.
- Thu hẹp phạm vi tìm kiếm bằng cách kết hợp với các dữ kiện trong
câu đố.
- Lược bớt các nghiệm số đảm bảo đầy đủ các yêu cầu của câu đố (chỉ
đúng mặt này nhưng không đúng ở khía cạnh khác). Kết hợp liên tưởng và
suy luận để tìm ra lời giải đố.
- Biện luận (nếu cần); vì nhiều câu đố có nhiều nghiệm, việc thừa nhận
một nghiệm chẳng qua là quy ước.
b. Phân tích lối miêu tả câu đố
- Thông thường, vật đố không xa lạ nhưng ẩn dụ của vật đố lại hướng
người ta nghĩ đến những cái khác hẳn.
- Sức mô tả những "đặc điểm" ấy chủ yếu bằng phép so sánh nhằm tạo
ra một ẩn dụ (một số câu đố lại dựa vào phép chơi chữ để tạo ra ẩn dụ).
- Vì câu đố phải gọn và chặt nên những từ ngữ dừng tiếng câu đố phải
chính xác, cụ thể, gợi hình ảnh.
- Phân tích lối miêu tả câu đố cần hướng dẫn học sinh chú ý các đặc
điểm trên và thông qua thao tác tưởng tượng, để làm phục hiện trong tâm trí
các em các hình ảnh của vật đố được gửi vào văn bản câu đố ấy.
HƯỚNG DẪN HỌC TẬP
I. Câu hỏi
1. Nêu những đặc trưng cơ bản của Văn học dân gian.
2. Phân tích ảnh hưởng của Văn học dân gian đối với đời sống
3. Thần thoại và tuyền thuyết là những thể loại có dành riêng cho thiếu
nhi không? Vì sao?
4. Truyền thuyết thể hiện niêm tự hào dân tộc như thế nào (Phân tích
và lấy các truyền thuyết trong chương trình tiếng Việt tiểu học để dẫn chứng)
5. Trình bày những điểm chính vè nội dung và nghệ thuật của ba loại
truyện cổ tích.
6. Tại sao nói, truyện cổ tích "Chiếu rọi ánh sáng vào một thế giới khác”
7. Nêu những nét đặc trưng của truyện ngụ ngôn. Sự khác nhau giữa
ngụ ngôn và cổ tích?
8. Trình bày nội dung và đặc điểm nghệ thuật của truyện cười trong
chương trình tiếng Việt tiểu học.
9. Trình bày nội dung và đặc điểm nghệ thuật của câu đố và tục ngữ ở
chương trình tiếng Việt tiểu học?
II. Bài tập
1. Phân tích giá trị hiện thực và ý nghĩa nhân văn trong các thần thoại ở
chương trình Tiếng Việt Tiểu học.
2. Phân tích nội dung và nghệ thuật của truyền thuyết Thánh Gióng.
3. Phân tích một số truyện cổ tích trong chương trình truyện kể ở Tiểu
học để thấy được ý nghĩa của lối “kết thúc có hậu” của loại truyện này (đặc
biệt là truyện cổ tích thần kỳ).
III. Bài tập nghiên chừ
1. Đặc điểm hệ thống nhân vật của loại truyện kể dân gian trong
chương trình kể chuyện ở bậc tiểu học.
2. Hệ đề tài và chủ đề phổ biến trong các truyện cổ dân gian chương
trình Tiếng Việt ở Tiểu học.
IV. Tư liệu tham khảo
1. Văn học (Tập I) - Giáo trình dùng trong các trường sư phạm đào tạo
giáo viên Tiểu học - Bộ Giáo dục và Đào tạo - Vụ Giáo viên - Hà Nội, 1993.
2. Văn học dân gian Việt Nam - Trần Hoàng. Nxb. Giáo dục,
3.Văn học Thiếu nhi Việt Nam - Trần Đức Ngôn - Dương Thu Hương -
Trưởng ĐHSP Hà Nội I - Hà Nội - 1994
4. Từ điển, Thuật ngữ văn học - Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn
Khắc Phi - Nxb GD - 1992.
5. Lược khảo thần thoại Việt Nam - Nguyên Đồng Chi - Nxb Văn Sử Địa
- Hà Nội, 1965.
6. Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (5 tập) - Nxb KHXH Hà Nội, 1974 -
1982.
7. Bộ sách giáo khoa Tiếng Việt Tiểu học. Nxb Giáo đục - Hà Nội, 1994.
Bài 8 - CA DAO
I. KHÁI NIỆM CA DAO
Ca dao còn gọi là phong dao.
Theo nghĩa gốc thì ca là một bài hát có khúc điệu, dao là bài hát không
có khúc điệu.
Ca dao là thuật ngữ chỉ chung toàn bộ những bài hát lưu hành phổ biến
trong dân gian có hoặc không có khúc điệu. Trong trường hợp này ca dao
đồng nghĩa với dân ca.
Từ hơn một thế kỉ nay, do tác động của hoạt động sưu tầm, nghiên cứu
văn học dân gian, thuật ngữ ca dao đã dần dần chuyển nghĩa. Các nhà
nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam đã dùng ca dao để chỉ liêng thành
phân nghệ thuật ngôn từ phần lời thơ) của dân ca (không kể những tiếng
đệm, riêng láy, tiếng địa hơi).
Với nghĩa này, ca dao là thơ ca dân gian truyền thống Và được coi là
"một trong những dòng chính của thơ ca trữ tình"(Mỹ học - F.Hêghen).
II. HỆ ĐỀ TÀI VÀ CHỦ ĐỀ PHỔ BIẾN TRONG CA DAO
1. Ca dao về lịch sử - đất nước - con người
Cảm hứng chủ đạo trong bộ phận ca dao nói về lịch sử, đất nước và
con người Việt Nam là tình yêu sâu sắc, mãnh liệt, tràn dầy niềm tự hào của
nhân dân ta đối với quê hương, đất nước, nòi giống, tổ tiên:
Thương chi đồng nỗi thương con
Nhớ chi đồng nhớ nước non quê nhà.
Nhiều tên núi, tên sông, tên làng cùng các phong tục tập quán thân
thuộc của nhân dân đã đi vào ca dao với tất cả niềm tự hào trước vẻ đẹp giàu
có của nó:
Đất ta bể bạc non vàng
Bể bạc Nam Hải, non vàng Bồng Miêu.
Đó còn là cảm xúc dạt dào trước vẻ đẹp nên thơ của giang sơn gấm
vóc:
Đường vô xứ Nghệ quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ
Ai vô xứ Nghệ thì vô...
Nhưng thiên nhiên trong đa số các bài ca dao cổ truyền thường gắn
liền với cuộc sống của con người. Ở đây, hình ảnh con người với tất cả
những phẩm chất tốt đẹp của người dân lao động, của con người Việt Nam
đã trở thành nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ dân gian:
Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa nắng cày
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần.
Những bài ca dao trên là biểu hiện một khía cạnh đẹp đẽ trong truyền
thống đạo lý của người Việt Nam.
2. Tiếng nói đấu tranh chống áp bức cường quyền, đòi quyền sống của
con người
* Cuộc đấu tranh xã hội của nhân dân ta qua các thời kỳ lịch sử đã từng
là đề tài phong phú cho những sáng tác ca dao. Nó phản ánh những tâm
trạng đau khổ, uất ức, thái độ phản kháng của người dân lao động đối với giai
cấp thống trị:
- Gánh cực mà đổ lên non
Còng lưng mà chạy cực cỏn theo sau.
- Vua chi vua, quan chi mà quan
Lọng vàng thì có, lòng vàng thì không.
Nó còn dùng tiếng cười để châm biếm, đả kích sâu cay vào bản chất
thối nát, của cả vương quyền, thần quyền.
Ban ngày quan lớn như thần
Ban đêm quan lớn tần mần như ma.
Nó biến thành thứ vũ khí sắc bén chống lại các thể chế xã hội:
Bao giờ dân nói can qua,
Con vua thất thế lại ra quét chùa.
Lên án tố cáo xã hội bất công, ca dao đồng thời là lời than thân, giải
bày nỗi ai oán, xót xa của người dân lao động:
Bồng bồng mẹ bế con sang
Đò to nước lớn mẹ mang con về
Mang về đến gốc bồ đề
Xoay trở hết nghề, mẹ bán con đi.
Là nỗi đau đớn của người cố nông:
Ruộng người cày, vợ người nuôi
Con người mắng mỏ, vợ người yêu đương.
Trong xã hội cũ, phụ nữ là nạn nhân của nhiều tầng áp bức. Và nỗi khổ
của họ đã được phản ánh khá nhiều trong ca dao cổ, nhất là trong bộ phận ca
dao than thân:
- Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào dải các, hạt ra ruộng cày.
Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non.
3. Tiếng hát nghĩa tình, tiếng hát yêu thương
Ca dao là tiếng nói của tâm hồn là tình cảm thương yêu, là nghĩa tình
chung thủy, là lòng hiếu thuận với những người ruột thịt:
- Mẹ già ở túp lều tranh.
Sớm thăm tốt viếng mới đành dạ con.
- Tôm rằn bóc vỏ bỏ đuôi
Gạo de An Cựu mà nuôi mẹ già.
Từ tình cảm gia đình, mở rộng ra thành tình làng nghĩa xóm, tình cộng
đồng tạo nên những nét đẹp truyền thống của dân tộc: thương yêu đùm bọc,
nhân ái vị tha.
* Một trong những đề tài phong phú nhất của ca dao là tình yêu đôi lứa.
Ca dao trữ tình về tình yêu đôi lứa thường được nẩy sinh trong khung
cảnh lao động:
Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên cái áo trên cành hoa xinh.
Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà
Tâm tình và trạng thái tâm lý của tình yêu đôi lứa thường được diễn đạt
bằng một ngôn ngữ vừa giản dị vừa bóng bẩy; vừa ý nhị vừa đậm đà da diết:
Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai!
Nhưng cũng có khi "táo tợn" mà vẫn dễ thương:
Ước gì sông rộng một gang
Bắc cầu giải đếm cho chàng sang chơi.
Ca dao ca ngợi tình yêu chung thủy mà tiền tài, quyền lực không thể
lung lạc:
Chồng em áo rách em thương
Chồng người áo ấm xông hương mặc người.
Đọc những bài ca dao về tình yêu đôi lứa trong bối cảnh xã hội Việt
Nam thời phong kiến càng thấy rõ tính dân chủ và nhân đạo sâu sắc của nó.
III. ĐỊNH HƯỚNG PHÂN TÍCH CA DAO
Ca dao là một thể thơ dân gian cổ truyền của dân tộc. Gọi là cổ truyền
vì ca dao được phổ biến rộng rãi và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Đồng thời,
ca dao lại mang những đặc điểm nghệ thuật nhất định và bền vững về phong
cách.
Ca dao thường làm theo thể lục bát:
- Có vần (vần ở chân và lưng)
- Có nhịp (thường là nhịp đôi 2/2 nên dễ ngân nga, trầm bổng).
* Giá trị độc đáo của ca dao ở chỗ: Nó phản ánh chân thực tâm hồn,
khí sắc dân tộc. Sinh ra giữa thiên nhiên khắc nghiệt, sống triền miên trong xã
hội hà khắc, lại trải qua bao chiến tranh loạn lạc, dân tộc này không thể không
nói nhiều dấn khổ đau và căm giận. Nhưng cội nguồn sức mạnh tinh thần của
nó lại chủ yếu là chất tươi sáng, rắn rỏi của tâm hồn, là tình cảm thương yêu,
là nghĩa tình chung thủy, là lòng trung hậu với gia đình, bè bạn, họ mạc, đồng
bào, quê hương, đất nước.
- Ca dao là một lối thơ trữ tình trò chuyện (tức là kể chuyện hoặc giải
bày cảm nghĩ, tâm tình với người khác). Đặc điểm này lưu ý khi phân tích,
phải hình dung ra cuộc trò chuyện, người đang trò chuyện và người được trao
gởi tâm tình.
- Khi phân tích ca dao, yêu cầu cơ bản là phải xác định được chủ thể
trữ tình: bài ca dao là lời của ai? Điều cần lưu ý là chủ thể trữ tình ở ca dao
chưa phải là một cá nhân để có thể khai thác những suy nghĩ và tình cảm của
mình một cách riêng tư mà "còn gắn bó không tách rời với nhân dân, còn
hoàn toàn đắm mình trong môi trường tinh thần của nhân dân " (Hê ghen - Mỹ
học). Vì vậy, ta chỉ thấy ở ca dao một số nhân vật trữ tình nhất định, mà tất cả
nhưng người cùng cảnh, nếu cảm thấy đồng điệu, đều có thể dùng chung câu
hát như thể đó là tiếng hát cất lên tự chính trái tim mình.
- Mặc dầu giá trị về nội dung và nghệ thuật của ca dao rất phong phú,
đa dạng, nhưng cũng có những yếu tố bền vững, tạo ra các hệ thống về chủ
đề và hệ thống các yếu tố hình thức. Đặc điểm đó đòi hỏi khi phân tích, cần
đặt bài ca dao trong hệ thống của nó để đối chiếu, xem xét, từ đó, rút ra các
nét riêng, độc đáo của bài ca dao.
- Hướng dẫn học sinh phân tích ca dao là tìm cái tâm tình của con
người được bộc lộ trong bài ca dao đó. Nhưng đó không phải là sự trình bày
Bài Giảng Văn Học Thiếu Nhi Việt Nam
Bài Giảng Văn Học Thiếu Nhi Việt Nam
Bài Giảng Văn Học Thiếu Nhi Việt Nam
Bài Giảng Văn Học Thiếu Nhi Việt Nam
Bài Giảng Văn Học Thiếu Nhi Việt Nam
Bài Giảng Văn Học Thiếu Nhi Việt Nam
Bài Giảng Văn Học Thiếu Nhi Việt Nam
Bài Giảng Văn Học Thiếu Nhi Việt Nam
Bài Giảng Văn Học Thiếu Nhi Việt Nam
Bài Giảng Văn Học Thiếu Nhi Việt Nam
Bài Giảng Văn Học Thiếu Nhi Việt Nam
Bài Giảng Văn Học Thiếu Nhi Việt Nam
Bài Giảng Văn Học Thiếu Nhi Việt Nam
Bài Giảng Văn Học Thiếu Nhi Việt Nam

More Related Content

What's hot

Sử dụng phương pháp trực quan khi dạy học tiểu học
Sử dụng phương pháp trực quan khi dạy học tiểu họcSử dụng phương pháp trực quan khi dạy học tiểu học
Sử dụng phương pháp trực quan khi dạy học tiểu họcBình Hoàng
 
Ngôn ngữ văn chương
Ngôn ngữ văn chươngNgôn ngữ văn chương
Ngôn ngữ văn chươngChamcham239
 
Vấn đề tình yêu của các dân tộc thiểu số thể hiện qua truyện thơ
Vấn đề tình yêu của các dân tộc thiểu số thể hiện qua truyện thơVấn đề tình yêu của các dân tộc thiểu số thể hiện qua truyện thơ
Vấn đề tình yêu của các dân tộc thiểu số thể hiện qua truyện thơlongvanhien
 
[Tiểu luận] Giá trị hiện thực trong thơ Đỗ Phủ
[Tiểu luận] Giá trị hiện thực trong thơ Đỗ Phủ[Tiểu luận] Giá trị hiện thực trong thơ Đỗ Phủ
[Tiểu luận] Giá trị hiện thực trong thơ Đỗ PhủThanh Cong Ma
 
Phân tích bài mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu,
Phân tích bài mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu, Phân tích bài mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu,
Phân tích bài mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu, Jackson Linh
 
XÃ HỘI HỌC VĂN HOÁ
XÃ HỘI HỌC VĂN HOÁ XÃ HỘI HỌC VĂN HOÁ
XÃ HỘI HỌC VĂN HOÁ nataliej4
 
Hệ thống TỪ LOẠI trong chương trình Tiếng Việt - (danh từ,động từ,tính từ,đại...
Hệ thống TỪ LOẠI trong chương trình Tiếng Việt - (danh từ,động từ,tính từ,đại...Hệ thống TỪ LOẠI trong chương trình Tiếng Việt - (danh từ,động từ,tính từ,đại...
Hệ thống TỪ LOẠI trong chương trình Tiếng Việt - (danh từ,động từ,tính từ,đại...Nhận Viết Đề Tài Trọn Gói ZALO 0932091562
 
Mot so pp day hoc hien dai
Mot so pp day hoc hien daiMot so pp day hoc hien dai
Mot so pp day hoc hien daiLe Hang
 
Giáo Trình Giáo Dục Dân Số - Sức Khoẻ Sinh Sản
Giáo Trình Giáo Dục Dân Số - Sức Khoẻ Sinh Sản Giáo Trình Giáo Dục Dân Số - Sức Khoẻ Sinh Sản
Giáo Trình Giáo Dục Dân Số - Sức Khoẻ Sinh Sản nataliej4
 
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260nataliej4
 
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM nataliej4
 
Ung dung cac ly thuyet hoc tap
Ung dung cac ly thuyet hoc tapUng dung cac ly thuyet hoc tap
Ung dung cac ly thuyet hoc tapLe Hang
 
Tronj bộ câu hỏi tâm lý học chi tiết có đáp án - tincanban.com
Tronj bộ câu hỏi tâm lý học chi tiết có đáp án - tincanban.comTronj bộ câu hỏi tâm lý học chi tiết có đáp án - tincanban.com
Tronj bộ câu hỏi tâm lý học chi tiết có đáp án - tincanban.comThùy Linh
 

What's hot (20)

Luận văn: Quá trình tiếp nhận tác phẩm của Tô Hoài, 9đ
Luận văn: Quá trình tiếp nhận tác phẩm của Tô Hoài, 9đLuận văn: Quá trình tiếp nhận tác phẩm của Tô Hoài, 9đ
Luận văn: Quá trình tiếp nhận tác phẩm của Tô Hoài, 9đ
 
Sử dụng phương pháp trực quan khi dạy học tiểu học
Sử dụng phương pháp trực quan khi dạy học tiểu họcSử dụng phương pháp trực quan khi dạy học tiểu học
Sử dụng phương pháp trực quan khi dạy học tiểu học
 
Luận văn: Nghệ thuật tự sự trong truyện thiếu nhi về loài vật của Tô Hoài
Luận văn: Nghệ thuật tự sự trong truyện thiếu nhi về loài vật của Tô HoàiLuận văn: Nghệ thuật tự sự trong truyện thiếu nhi về loài vật của Tô Hoài
Luận văn: Nghệ thuật tự sự trong truyện thiếu nhi về loài vật của Tô Hoài
 
Luận văn: Cái Tôi cô đơn trong thơ mới và thơ đương đại, HAY
Luận văn: Cái Tôi cô đơn trong thơ mới và thơ đương đại, HAYLuận văn: Cái Tôi cô đơn trong thơ mới và thơ đương đại, HAY
Luận văn: Cái Tôi cô đơn trong thơ mới và thơ đương đại, HAY
 
Ngôn ngữ văn chương
Ngôn ngữ văn chươngNgôn ngữ văn chương
Ngôn ngữ văn chương
 
Vấn đề tình yêu của các dân tộc thiểu số thể hiện qua truyện thơ
Vấn đề tình yêu của các dân tộc thiểu số thể hiện qua truyện thơVấn đề tình yêu của các dân tộc thiểu số thể hiện qua truyện thơ
Vấn đề tình yêu của các dân tộc thiểu số thể hiện qua truyện thơ
 
[Tiểu luận] Giá trị hiện thực trong thơ Đỗ Phủ
[Tiểu luận] Giá trị hiện thực trong thơ Đỗ Phủ[Tiểu luận] Giá trị hiện thực trong thơ Đỗ Phủ
[Tiểu luận] Giá trị hiện thực trong thơ Đỗ Phủ
 
Luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu
Luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh ChâuLuận văn: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu
Luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu
 
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người TàyThi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
Thi pháp thơ Tum Tiêu của người Khơme với Vượt biển của người Tày
 
Phân tích bài mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu,
Phân tích bài mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu, Phân tích bài mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu,
Phân tích bài mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu,
 
XÃ HỘI HỌC VĂN HOÁ
XÃ HỘI HỌC VĂN HOÁ XÃ HỘI HỌC VĂN HOÁ
XÃ HỘI HỌC VĂN HOÁ
 
Hệ thống TỪ LOẠI trong chương trình Tiếng Việt - (danh từ,động từ,tính từ,đại...
Hệ thống TỪ LOẠI trong chương trình Tiếng Việt - (danh từ,động từ,tính từ,đại...Hệ thống TỪ LOẠI trong chương trình Tiếng Việt - (danh từ,động từ,tính từ,đại...
Hệ thống TỪ LOẠI trong chương trình Tiếng Việt - (danh từ,động từ,tính từ,đại...
 
Cảm thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam (1986 - 2010), HOT
Cảm thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam (1986 - 2010), HOTCảm thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam (1986 - 2010), HOT
Cảm thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam (1986 - 2010), HOT
 
Mot so pp day hoc hien dai
Mot so pp day hoc hien daiMot so pp day hoc hien dai
Mot so pp day hoc hien dai
 
Giáo Trình Giáo Dục Dân Số - Sức Khoẻ Sinh Sản
Giáo Trình Giáo Dục Dân Số - Sức Khoẻ Sinh Sản Giáo Trình Giáo Dục Dân Số - Sức Khoẻ Sinh Sản
Giáo Trình Giáo Dục Dân Số - Sức Khoẻ Sinh Sản
 
Luận văn: Diễn ngôn về giới nữ của các nhà văn nữ đương đại, HOT
Luận văn: Diễn ngôn về giới nữ của các nhà văn nữ đương đại, HOTLuận văn: Diễn ngôn về giới nữ của các nhà văn nữ đương đại, HOT
Luận văn: Diễn ngôn về giới nữ của các nhà văn nữ đương đại, HOT
 
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260
 
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM
 
Ung dung cac ly thuyet hoc tap
Ung dung cac ly thuyet hoc tapUng dung cac ly thuyet hoc tap
Ung dung cac ly thuyet hoc tap
 
Tronj bộ câu hỏi tâm lý học chi tiết có đáp án - tincanban.com
Tronj bộ câu hỏi tâm lý học chi tiết có đáp án - tincanban.comTronj bộ câu hỏi tâm lý học chi tiết có đáp án - tincanban.com
Tronj bộ câu hỏi tâm lý học chi tiết có đáp án - tincanban.com
 

Similar to Bài Giảng Văn Học Thiếu Nhi Việt Nam

Skkn dạy tác phẩm văn học dân gian trong mối quan hệ với văn hóa dân gian
Skkn dạy tác phẩm văn học dân gian trong mối quan hệ với văn hóa dân gianSkkn dạy tác phẩm văn học dân gian trong mối quan hệ với văn hóa dân gian
Skkn dạy tác phẩm văn học dân gian trong mối quan hệ với văn hóa dân giannataliej4
 
PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC
PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC
PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC nataliej4
 
De on thi thpt (sưu tầm)
De on thi thpt (sưu tầm)De on thi thpt (sưu tầm)
De on thi thpt (sưu tầm)Chu Choa
 
BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI CHUYÊN SÂU MÔN NGỮ VĂN 7 DÙNG CHUNG 3 BỘ SÁCH NĂM 202...
BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI CHUYÊN SÂU MÔN NGỮ VĂN 7 DÙNG CHUNG 3 BỘ SÁCH NĂM 202...BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI CHUYÊN SÂU MÔN NGỮ VĂN 7 DÙNG CHUNG 3 BỘ SÁCH NĂM 202...
BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI CHUYÊN SÂU MÔN NGỮ VĂN 7 DÙNG CHUNG 3 BỘ SÁCH NĂM 202...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Luận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki Murakami
Luận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki MurakamiLuận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki Murakami
Luận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki MurakamiDịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
Nghiên cứu về tác giả, tác phẩm bài thơ “ông đồ” của vũ đình liên
Nghiên cứu về tác giả, tác phẩm bài thơ “ông đồ” của vũ đình liênNghiên cứu về tác giả, tác phẩm bài thơ “ông đồ” của vũ đình liên
Nghiên cứu về tác giả, tác phẩm bài thơ “ông đồ” của vũ đình liênnataliej4
 
Niềm bi cảm (aware) trong Truyện Genji của Murasaki Shikibu
Niềm bi cảm (aware) trong Truyện Genji của Murasaki Shikibu Niềm bi cảm (aware) trong Truyện Genji của Murasaki Shikibu
Niềm bi cảm (aware) trong Truyện Genji của Murasaki Shikibu nataliej4
 
Th s33.006 thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của vi hồng
Th s33.006 thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của vi hồngTh s33.006 thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của vi hồng
Th s33.006 thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của vi hồnghttps://www.facebook.com/garmentspace
 
Các đề luyện thi môn Ngữ văn Lớp 9
Các đề luyện thi môn Ngữ văn Lớp 9Các đề luyện thi môn Ngữ văn Lớp 9
Các đề luyện thi môn Ngữ văn Lớp 9Lucienne Hagenes
 
TÀI-LIỆU-LLVH.dWGWgdgsWDerfwFwefrwefreawrfqa
TÀI-LIỆU-LLVH.dWGWgdgsWDerfwFwefrwefreawrfqaTÀI-LIỆU-LLVH.dWGWgdgsWDerfwFwefrwefreawrfqa
TÀI-LIỆU-LLVH.dWGWgdgsWDerfwFwefrwefreawrfqaMtChinGin
 
Luan van (van) chuẩn cuối cungx 2
Luan van (van) chuẩn cuối cungx 2Luan van (van) chuẩn cuối cungx 2
Luan van (van) chuẩn cuối cungx 2hach nguyen phan
 
Một số thủ thuật giúp trẻ 5 – 6 tuổi hứng thú trong hoạt động làm quen với tá...
Một số thủ thuật giúp trẻ 5 – 6 tuổi hứng thú trong hoạt động làm quen với tá...Một số thủ thuật giúp trẻ 5 – 6 tuổi hứng thú trong hoạt động làm quen với tá...
Một số thủ thuật giúp trẻ 5 – 6 tuổi hứng thú trong hoạt động làm quen với tá...Hilario Bechtelar
 
Tailieu.vncty.com the gioi-nhan_vat_trong_truyen_ngan_nguyen_cong_hoan_va_t...
Tailieu.vncty.com   the gioi-nhan_vat_trong_truyen_ngan_nguyen_cong_hoan_va_t...Tailieu.vncty.com   the gioi-nhan_vat_trong_truyen_ngan_nguyen_cong_hoan_va_t...
Tailieu.vncty.com the gioi-nhan_vat_trong_truyen_ngan_nguyen_cong_hoan_va_t...Trần Đức Anh
 
Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách
Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách
Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách nataliej4
 

Similar to Bài Giảng Văn Học Thiếu Nhi Việt Nam (20)

Skkn dạy tác phẩm văn học dân gian trong mối quan hệ với văn hóa dân gian
Skkn dạy tác phẩm văn học dân gian trong mối quan hệ với văn hóa dân gianSkkn dạy tác phẩm văn học dân gian trong mối quan hệ với văn hóa dân gian
Skkn dạy tác phẩm văn học dân gian trong mối quan hệ với văn hóa dân gian
 
PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC
PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC
PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC
 
De on thi thpt (sưu tầm)
De on thi thpt (sưu tầm)De on thi thpt (sưu tầm)
De on thi thpt (sưu tầm)
 
Kiem tra
Kiem traKiem tra
Kiem tra
 
Lele
LeleLele
Lele
 
BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI CHUYÊN SÂU MÔN NGỮ VĂN 7 DÙNG CHUNG 3 BỘ SÁCH NĂM 202...
BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI CHUYÊN SÂU MÔN NGỮ VĂN 7 DÙNG CHUNG 3 BỘ SÁCH NĂM 202...BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI CHUYÊN SÂU MÔN NGỮ VĂN 7 DÙNG CHUNG 3 BỘ SÁCH NĂM 202...
BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI CHUYÊN SÂU MÔN NGỮ VĂN 7 DÙNG CHUNG 3 BỘ SÁCH NĂM 202...
 
Luận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki Murakami
Luận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki MurakamiLuận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki Murakami
Luận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki Murakami
 
Nghiên cứu về tác giả, tác phẩm bài thơ “ông đồ” của vũ đình liên
Nghiên cứu về tác giả, tác phẩm bài thơ “ông đồ” của vũ đình liênNghiên cứu về tác giả, tác phẩm bài thơ “ông đồ” của vũ đình liên
Nghiên cứu về tác giả, tác phẩm bài thơ “ông đồ” của vũ đình liên
 
Niềm bi cảm (aware) trong Truyện Genji của Murasaki Shikibu
Niềm bi cảm (aware) trong Truyện Genji của Murasaki Shikibu Niềm bi cảm (aware) trong Truyện Genji của Murasaki Shikibu
Niềm bi cảm (aware) trong Truyện Genji của Murasaki Shikibu
 
Luận văn: Phong cách truyện ngắn của nhà văn Phạm Duy Nghĩa
Luận văn: Phong cách truyện ngắn của nhà văn Phạm Duy NghĩaLuận văn: Phong cách truyện ngắn của nhà văn Phạm Duy Nghĩa
Luận văn: Phong cách truyện ngắn của nhà văn Phạm Duy Nghĩa
 
Luận văn: Phong cách truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa, HAY
Luận văn: Phong cách truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa, HAYLuận văn: Phong cách truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa, HAY
Luận văn: Phong cách truyện ngắn của Phạm Duy Nghĩa, HAY
 
Th s33.006 thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của vi hồng
Th s33.006 thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của vi hồngTh s33.006 thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của vi hồng
Th s33.006 thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết của vi hồng
 
Các đề luyện thi môn Ngữ văn Lớp 9
Các đề luyện thi môn Ngữ văn Lớp 9Các đề luyện thi môn Ngữ văn Lớp 9
Các đề luyện thi môn Ngữ văn Lớp 9
 
TÀI-LIỆU-LLVH.dWGWgdgsWDerfwFwefrwefreawrfqa
TÀI-LIỆU-LLVH.dWGWgdgsWDerfwFwefrwefreawrfqaTÀI-LIỆU-LLVH.dWGWgdgsWDerfwFwefrwefreawrfqa
TÀI-LIỆU-LLVH.dWGWgdgsWDerfwFwefrwefreawrfqa
 
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật ÁnhĐề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
 
Luan van (van) chuẩn cuối cungx 2
Luan van (van) chuẩn cuối cungx 2Luan van (van) chuẩn cuối cungx 2
Luan van (van) chuẩn cuối cungx 2
 
Một số thủ thuật giúp trẻ 5 – 6 tuổi hứng thú trong hoạt động làm quen với tá...
Một số thủ thuật giúp trẻ 5 – 6 tuổi hứng thú trong hoạt động làm quen với tá...Một số thủ thuật giúp trẻ 5 – 6 tuổi hứng thú trong hoạt động làm quen với tá...
Một số thủ thuật giúp trẻ 5 – 6 tuổi hứng thú trong hoạt động làm quen với tá...
 
Tiểu thuyết “hoa hậu xứ mường” và “vương quốc ảo ảnh” của Phượng Vũ
Tiểu thuyết “hoa hậu xứ mường” và “vương quốc ảo ảnh” của Phượng VũTiểu thuyết “hoa hậu xứ mường” và “vương quốc ảo ảnh” của Phượng Vũ
Tiểu thuyết “hoa hậu xứ mường” và “vương quốc ảo ảnh” của Phượng Vũ
 
Tailieu.vncty.com the gioi-nhan_vat_trong_truyen_ngan_nguyen_cong_hoan_va_t...
Tailieu.vncty.com   the gioi-nhan_vat_trong_truyen_ngan_nguyen_cong_hoan_va_t...Tailieu.vncty.com   the gioi-nhan_vat_trong_truyen_ngan_nguyen_cong_hoan_va_t...
Tailieu.vncty.com the gioi-nhan_vat_trong_truyen_ngan_nguyen_cong_hoan_va_t...
 
Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách
Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách
Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách
 

More from nataliej4

đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155nataliej4
 
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...nataliej4
 
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279nataliej4
 
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc giaTừ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gianataliej4
 
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vươngCông tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vươngnataliej4
 
Bài giảng nghề giám đốc
Bài giảng nghề giám đốcBài giảng nghề giám đốc
Bài giảng nghề giám đốcnataliej4
 
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán tin học
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán   tin họcđề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán   tin học
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán tin họcnataliej4
 
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao độngGiáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao độngnataliej4
 
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắnLựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắnnataliej4
 
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877nataliej4
 
Sổ tay hướng dẫn khách thuê tòa nhà ree tower
Sổ tay hướng dẫn khách thuê   tòa nhà ree towerSổ tay hướng dẫn khách thuê   tòa nhà ree tower
Sổ tay hướng dẫn khách thuê tòa nhà ree towernataliej4
 
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...nataliej4
 
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tậtBài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tậtnataliej4
 
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864nataliej4
 
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...nataliej4
 
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùngBài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùngnataliej4
 
Bài giảng môn khởi sự kinh doanh
Bài giảng môn khởi sự kinh doanhBài giảng môn khởi sự kinh doanh
Bài giảng môn khởi sự kinh doanhnataliej4
 
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes learning intro
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes   learning introGiới thiệu học máy – mô hình naïve bayes   learning intro
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes learning intronataliej4
 
Lý thuyết thuế chuẩn tắc
Lý thuyết thuế chuẩn tắcLý thuyết thuế chuẩn tắc
Lý thuyết thuế chuẩn tắcnataliej4
 
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)nataliej4
 

More from nataliej4 (20)

đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
 
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
 
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
 
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc giaTừ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
 
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vươngCông tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
 
Bài giảng nghề giám đốc
Bài giảng nghề giám đốcBài giảng nghề giám đốc
Bài giảng nghề giám đốc
 
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán tin học
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán   tin họcđề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán   tin học
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán tin học
 
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao độngGiáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
 
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắnLựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
 
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
 
Sổ tay hướng dẫn khách thuê tòa nhà ree tower
Sổ tay hướng dẫn khách thuê   tòa nhà ree towerSổ tay hướng dẫn khách thuê   tòa nhà ree tower
Sổ tay hướng dẫn khách thuê tòa nhà ree tower
 
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
 
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tậtBài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
 
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
 
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
 
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùngBài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
 
Bài giảng môn khởi sự kinh doanh
Bài giảng môn khởi sự kinh doanhBài giảng môn khởi sự kinh doanh
Bài giảng môn khởi sự kinh doanh
 
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes learning intro
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes   learning introGiới thiệu học máy – mô hình naïve bayes   learning intro
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes learning intro
 
Lý thuyết thuế chuẩn tắc
Lý thuyết thuế chuẩn tắcLý thuyết thuế chuẩn tắc
Lý thuyết thuế chuẩn tắc
 
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
 

Recently uploaded

30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...ThunTrn734461
 
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...Nguyen Thanh Tu Collection
 
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxChàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxendkay31
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoabài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa2353020138
 
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdfSơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdftohoanggiabao81
 
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhvanhathvc
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líDr K-OGN
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...hoangtuansinh1
 
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxTrích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxnhungdt08102004
 
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdfNQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdfNguyễn Đăng Quang
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfhoangtuansinh1
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 

Recently uploaded (19)

30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
 
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
 
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
 
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxChàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
 
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoabài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
 
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdfSơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
 
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
 
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
 
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxTrích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
 
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdfNQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 

Bài Giảng Văn Học Thiếu Nhi Việt Nam

  • 1. VĂN HỌC THIẾU NHI VIỆT NAM BÀI GIẢNG VĂN HỌC THIẾU NHI VIỆT NAM Tác giả: Lê Thị Hoài Nam Phần thứ nhất: DẪN LUẬN I. VỀ KHÁI NIỆM VĂN HỌC THIẾU NHI 1. Ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới từ lâu đã có một bộ phận sáng tác văn học dành riêng cho thiếu nhi. "Theo nghĩa hẹp, văn học thiếu nhi gồm những tác phẩm văn học hoặc phổ cập khoa học dành riêng cho thiếu nhi. Tuy vậy, khái niệm văn học thiếu nhi cũng thường bao gồm một phạm vi rộng rãi những tác phẩm văn học thông thường (cho người lớn) đã đi vào phạm vi đọc của thiếu nhi" (Từ điển Thuật ngữ Văn học - Nxb GD- 1992). 2. Nhìn chung, những cuốn sách đầu tiên nằm trong phạm trù văn học thiếu nhi là những cuốn sách có nội dung giáo khoa và đạo lý: sách học vần, sách bách khoa, sách về quy tắc ứng xử trong xã hội, xuất hiện tại châu Âu ở thế kỉ XIV - XVI. Tính giáo huấn được coi là một trong đặc điểm quan trọng của văn học thiếu nhi. Bởi vậy, cho đến giữa thế kỉ XIX, những tác phẩm viết dành riêng cho thiếu nhi vẫn nằm ngoài phạm vi của văn học. Trong khi đó, những tác phẩm văn học viết cho người lớn lại đi vào phạm vi đọc của trẻ em, như: Đôn Kihôtê của M. Xecvantex. Robinxơn Cruxô của Dêphô, Gulivơ du ký của Gi.Xuypt, Xpactac của R.Gôvahihôli. Túp lều bác Tôm của Bi chơ Xuân v v. Ngoài ra, những loại truyện viết theo các mô típ Folklore (truyền thuyết, cổ tích...) ; một số tiểu thuyết và truyện thuộc thể loại phiêu lưu cũng rất được các em thích thú đón nhận. Ở thế kỉ XX, văn học thiếu nhi phát triển khá đa dạng và pha tạp. Tại nhiều nước phát triển, nó ít nhiều còn bị chi phối bởi xu hướng thương mại, bị pha trộn bởi sự bành trướng của văn học đại chúng.
  • 2. Ở việt Nam, đến đầu thế kỉ XX mới xuất hiện văn học thiếu nhi. Đến nay đã có sự phát triển, phân nhánh của thơ thiếu nhi (bên cạnh thơ người lớn), hoặc trong văn xuôi cho thiếu nhi đã hình thành các loại: Truyện sinh hoạt, truyện cổ tích (sáng tác hiện đại theo lối cổ tích), truyện loài vật, truyện lịch sử..v..v... II. MỘT SỐ ĐẶC TRƯNG CƠ BẢN CỦA VĂN HỌC THIẾU NHI Văn học thiếu nhi là một bộ phận của văn học, nên nó cũng phải thực hiện các chức năng của văn học. Chức năng của văn học là một khái niệm mở, có nội dung phong phú. Nó không tồn tại tách rời mà gắn bó chặt chẽ với nhau trong mối quan hệ chuyển hóa lẫn nhau. Bên cạnh những chức năng đó, văn học thiếu nhi còn có những chức năng riêng mang tính đặc thù mà thiếu nó hẳn văn học thiếu nhi sẽ không tồn tại trong sự phân biệt rạch ròi với văn học viết cho người lớn. Những chức năng này hình thành bởi nhu cầu giáo dục và khơi gợi năng lực tưởng tượng, sáng tạo ở lứa tuổi thiếu nhi. Tài liệu này chỉ trình bày một số đặc trưng cơ bản nhất của loại hình nghệ thuật đặc thù này. 1. Tính giáo dục Văn học thiếu nhi có một vai trò to lớn trong việc giáo dục toàn diện về đạo đức, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ cho các em. Có thể nói, tính giáo dục là một đặc điểm nổi bật mang tính sống còn của văn học thiếu nhi. Chính chức năng này đã đem đến cho văn học thiếu nhi một sức mạnh có tác động cải tạo cách nhìn, cách nghĩ và giáo dục đạo đức cho các em. Tô Hoài, một nhà văn có nhiều kinh nghiệm viết cho thiếu nhi cũng đã khẳng định tầm quan trọng của chức năng này: "Nội dung một tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi bao giờ cũng quán triệt vấn đề xây dựng đức tính con người. Nói thì thừa, cần nhắc lại và thật giản dị, một tác phẩm chân chính có giá trị đối với tuổi thơ là một tác phẩm tham dự mạnh mẽ vào sự nghiệp nên người của bạn đọc ấy"
  • 3. Để thực hiện chức năng giáo dục, tác phẩm văn học thiếu nhi không phải hiện ra như một người thầy quen thuyết giáo mà là một người bạn đồng hành, người đối thoại với các em. Bằng một ngôn ngữ giàu cảm xúc và hình ảnh, bằng giọng văn dí dỏm, thấm đẫm chất thơ, tác phẩm văn học thiếu nhi ngấm sâu vào thế giới cảm xúc của trẻ thơ, nhen lên trong trái tim non trẻ của các em những tình cảm trong sáng, nhân hậu, làm cho các em biết tôn trọng, yêu thương, biết điều hay lẽ phải, biết tin yêu vào cuộc đời, khao khát khám phá hiểu biết, ước mơ đi xa hơn chứ không sớm lụi tàn vì hoài nghi sợ hãi. Và bằng cách đó văn học thiếu nhi đã chuyển quá trình giáo dục thành tự giáo dục. Cũng cần lưu ý, để thực hiện chức năng này, văn học thiếu nhi cũng có thể viết về cái xấu, cái đáng phê phán. Nhưng chỉ nên dừng lại ở phê phán nhẹ nhàng, có pha lẫn sự dí dỏm, hài hước. Ở đây, dường như giữa chức năng giáo dục và giải trí vui chơi được hòa làm một. Không nên viết về cái xấu-cái ác một cách nặng nề đề tránh làm tổn thương về sự bình yên trong sáng trong tâm hồn của các em,đặc biệt là làm tổn thương đến niềm tin đầu đời của các em. Cái mà văn học thiếu nhi mang lại cho trẻ thơ là cái đẹp, cái cao quý, cái chân, cái thiện. Ma-ka-ren-cô, nhà sư phạm Nga lỗi lạc cũng đã từng lưu ý: "Chúng tạ cần lấy nhân loại hoàn chỉnh để bồi dưỡng cho con em chúng ta. Không nên để cho các em có những nhận thức không trong sáng, không ổn định. Sự đồng tình của độc giả cần phải nghiêng vê phía nhân vật chính diện một cách không do dự". Muốn làm được như vậy, thì sự trong sáng, nhân hậu ấy phải bắt đầu từ người cầm bút vì "con đường ngắn nhất là con đường đi từ trái tim đến trái tim". 2. Kích thích, khơi gợi trí tưởng tượng sáng tạo Tâm lý lứa tuổi thiếu nhi đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo nên sự khác biệt giữa văn học thiếu nhi và văn học người lớn. Ngây thơ, hồn nhiên, trong sáng, tràn đầy cảm xúc và giàu trí tưởng tượng là những đặc điểm nổi bật của lứa tuổi này. Đối với các em, thế giới được phản ánh trong
  • 4. tác phẩm, dường như đều có tri giác. Các em đọc sách như là những cuộc trò chuyện với cỏ cây hoa lá chim muông và hình dung thật hồn nhiên rằng, đó là những cuộc đối thoại cảm thông thực sự. Chính sự hồn nhiên và khả năng tưởng tượng vô cùng phong phú đã làm cho các em dễ hòa đồng với các nhân vật. Các em hoàn toàn tin rằng, con ốc sên có thể trở thành nàng công chúa nhan sắc tuyệt trần, con cóc xấu xí có thể biến thành vị hoàng tử khôi ngô, tuấn tú; đứa trẻ ba năm không biết nói cười, không biết, đi đứng bỗng vươn vai trở thành tráng sĩ, dẹp giặc cứu nước..y...v.... Khả năng tưởng tượng của các em là vô tận cho nên sức hấp dẫn của các tác phẩm văn học thiếu nhi đối với các em trước hết là ở cái chất huyền ảo, tưởng tượng của nó. Điều đáng chú ý là, dẫu có huyền ảo, kỳ diệu đến đâu, văn học thiếu nhi vẫn không tạo cho các em cảm giác xa lạ, mơ ước viễn vông, thoát lỵ thực tại mà chỉ gợi lên những nét lãng mạn tích cực cần có, hướng các em tới một tương lai, một cuộc sống tốt đẹp, nhen lên trong tâm hồn các em niềm hy vọng vào những ước mơ, khám phá. Đó cũng là cách nhìn nhận biện chứng mang lại sức hấp dẫn cho tác phẩm. Chính vì vậy mà tưởng tượng là một yếu tố không thể thiếu, có vai trò quan trọng trong quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ viết cho thiếu nhi Trong cuốn "Thi pháp nói về cái ảo" bàn về nghệ thuật viết truyện cho thiếu nhi của nhà văn Ý: Gian ni Rodari, ông viết "Tưởng tượng, trong hoạt động bình thường đã tạo ra các thủ pháp mà đến lượt nó, những thủ pháp này làm cho tưởng tượng hoạt động mạnh trong sự va chạm giữa các từ, trong sự đối lập giữa các yếu tố thực và ảo và do đó tạo ra sự hứng thú cho các em". Hiện nay, nhiều cây bút viết cho thiếu nhi còn thiên về cái thật, cái trông thấy được, cái phải giải thích được bằng lý lẽ. Trong khi đó, sự cảm nhận của các em không phải lúc nào cũng nghiêng về lý lẽ. Để có một tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi vừa giản dị, trong sáng lại vừa hấp dẫn,khơi gợi được trí tưởng tượng của các em là một thử thách đối với người cầm bút. Nó đòi hỏi người nghệ sĩ phải biết hòa nhập vào đời sống của các em trong tình bè bạn và được các em chấp nhận về mặt tình
  • 5. cảm. Đó là một công việc khó khăn nhưng vô cùng hấp dẫn cho những ai muốn kéo dài cuộc đối thoại với tuổi thơ. HƯỚNG DẪN HỌC TẬP I. Câu hỏi 1. Nêu khái niệm về Văn học Thiếu nhi 2. Những đặc trưng cơ bản của văn học thiếu nhi. Tai sao nói, tính giáo dục là một đặc điểm quan trọng của văn học thiếu nhi? II. Bài tập 1. Trí tưởng tượng kỳ diệu của Trần Đăng Khoa được thể hiện qua bài ò ó o... (Sách Tiếng Việt 3 - Tập 1). 2. Tình yêu quê hương đất nước được thể hiện trong chương trình truyện kể ở bậc Tiểu học. III. Tu lịch tham khảo 1. Từ điển thuật ngữ văn học (Lê Bá Hán-Trần Đình Sử-Nguyễn Khắc Phi) Nxb Giáo dục, 1992 2. Tạp chí Văn học, 5 -1993 3. Bộ sách Giáo khoa tiếng Việt Tiểu học, Nxb Giáo dục, 1994 Phần thứ hai: VĂN HỌC THIẾU NHI VIỆT NAM Văn học thiếu nhi Việt Nam bao gồm ba bộ phận cấu thành: văn học dân gian cho thiếu nhi, văn học viết cho thiếu nhi và văn học do thiếu nhi viết. A - VĂN HỌC DÂN GIAN CHO THIẾU NHI I. KHÁI NIỆM VỀ VĂN HỌC DÂN GIAN
  • 6. Văn học dân gian còn gọi là văn chương (hay Văn học bình dân, văn học truyền miệng, văn chương truyền miệng hay truyền khẩu). Theo Từ điển thuật ngữ văn học - Nxb GD - 1992 thì "Văn học dân gian là toàn bộ những sáng tác nghệ thuật ngôn từ của nhân dân". Ở nước ta cũng như nhiều nước khác, thuật ngữ văn học dân gian được dùng với nhiều nghĩa rộng hẹp khác nhau. II. NHŨNG ĐẶC TRƯNG CƠ BẢN CỦA VĂN HỌC DÂN GIAN Văn học dân gian có nhiều đặc điềm và thuộc tính quan trọng đáng chú ý như: Tính truyền miệng, tính nguyên hợp, tính tập thể, tính vô danh, tính dị bản, tính truyền thống, tính địa phương, tính quốc tế v v tài liệu này chỉ trình bày một cách khái quát những đặc trưng cơ bản của văn học dân gian. 1. Văn học dân gian là một loại hình nghệ thuật mang tính tập thể Bàn về tính tập thể trong quá trình sáng tạo văn học dân gian, nhà Folklore học Nga V.E.Guxép quan niệm: "Sáng tác tập thể là một hành động sáng tạo diễn ra nhiều lần, được thực hiện bởi một số đông hoặc nhiều, hoặc ít những cá nhân có tài làm thành tập thể". Theo quan niệm trên đây, tính tập thể trước hết cần được xem là một đặc trưng của quá trình sáng tạo văn học dân gian. Điều này được thể hiện một cách tự nhiên, liên tục trong một thời gian dài và không gian rộng lớn. Nó nắm ngay trong cả quá trình sáng tác, lưu truyền và diễn xướng của văn học dân gian. Đây là điểm phân biệt văn học dân gian như là sản phẩm của sáng tác tập thể với văn học viết là sản phẩm của sáng tác cá nhân. Dĩ nhiên, nói đến tính tập thể, không có nghĩa là phủ nhận vai trò sáng tạo của cá nhân các nghệ sĩ dân gian. Mỗi tác phẩm văn học dân gian khi mới ra đời bao giờ cũng là sản phẩm của một cá nhân. Nhưng khi tác phẩm được tập thể tiếp nhận thì vai trò của cá nhân bị lu mờ, dần dần trở thành vô danh, thành tài sản chung của tập thể. Và tập thể có thể trở thành người cùng sáng tác, bổ sung, sửa chữa theo những chiều hướng khác nhau.
  • 7. Tính tập thể còn được xem là một đặc trưng thẩm mỹ của văn học dân gian. Đối tượng thẩm mỹ của sáng tác dân gian là toàn bộ những gì có liên quan đến cộng đồng, đến tập thể. Nó tái tạo, phản ánh hiện thực và tâm tư tình cảm của con người theo quan điểm lý tưởng, thị hiếu thẩm mỹ của tập thể. Cái riêng, cái cá thể được thể hiện qua cái chung và tìm thấy sự đồng cảm trong cái chung của tập thể 2. Văn học dân gian - một loại hình nghệ thuật mang tính tổng hợp Văn học dân gian là một loại hình nghệ thuật ngôn từ của nhân dân. Nhưng văn học dân gian được tạo thành không phải chỉ bởi yếu tố ngôn từ. Ngay từ khi mới xuất hiện, văn học dân gian đã có sự hòa lẫn với những hình thái khác nhau của ý thức xã hội. Về sau, dù đã có nhiều biến đổi, văn học dân gian vẫn chứa đựng nhiều yếu tố của tính tổng hợp. Đó là sự kết hợp của nghệ thuật ngôn từ với các loại hình nghệ thuật dân gian khác như âm nhạc, ca hát, nhảy múa, nghệ thuật diễn xuất. Ở một vài thể loại nó còn gắn với trò chơi và các nghi lễ. Tính tổng hợp của văn học dân gian còn được biểu hiện ở sự kết hợp và hòa lẫn với chức năng thực hành. Nó không chỉ làm thỏa mãn nhu cầu sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật mà còn là một bộ "Bách khoa toàn thư của mấy nghìn năm, bao gồm các mặt sinh hoạt, phong tục tập quán, lễ giáo, kinh nghiệm sống về vật chất và tinh thần" Sự kết hợp giữa nghệ thuật ngôn từ với nhiều loại hình nghệ thuật khác ở văn học dân gian và sự hòa lẫn với chức năng thực hành và các chức năng văn hóa khác của văn học dân gian đã làm cho tính tổng hợp trở thành một trong những đặc trưng cơ bản của văn học dân gian. 3. Văn học dân gian - một loại hình nghệ thuật mang tính truyền miệng Văn học dân gian luôn luôn có mối quan hệ mật thiết với mọi sinh hoạt đời sống của nhân dân. Bằng các phương thức nói, kể, hát, diễn... nhân dân ta đã tạo nên các tác phẩm ngôn từ để giải bày, trao đổi, giao lưu tư tưởng,
  • 8. tình cảm với nhau. Vì thế, văn học dân gian có đời sống của một tác phẩm biểu diễn. Sống đời sống của một tác phẩm biểu diễn, cho nên truyền miệng là phương thức chủ yếu để sáng tác, phổ biến và lưu giữ. Khi chưa có chữ viết, truyền miệng là phương thức duy nhất để thỏa mãn nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ nghệ thuật của nhân dân. Song khi chữ viết đã hình thành, nhân dân vẫn sử dụng phương thức truyền miệng là chủ yếu trong sáng tác, diễn xướng và lưu truyền văn học dân gian. Bên cạnh những yếu tố tương đối bền vững được kế thừa và phát huy, tính truyền miệng và tính tập thể đã làm cho văn học dân gian biến đổi không ngừng tạo nên hàng loạt dị bản. Đây là một trong những yếu tố quan trọng làm cho văn học dân gian có thể phản ánh kịp thời, đầy đủ thực tiễn sinh động của đời sống nhân dân các địa phương và giúp cho việc diễn đạt tư tưởng, tình cảm của nhân dân có hiệu quả nhất. Tính truyền miệng được nhiều người coi là thuộc tính quan trọng nhất và có quan hệ nhiều nhất với các thuộc tính và đặc điểm khác của văn học dân gian. III. NHỮNG GIÁ TRỊ XÃ HỘI CỦA VĂN HỌC DÂN GIAN Văn học dân gian có giá trị xã hội to lớn. Người ta thường phân giá trị ấy thành ba mặt chính: giá trị nhận thức, giá trị giáo dục và giá trị thẩm mỹ. 1. Giá trị nhận thức Là một loại hình nghệ thuật gắn bó với mọi mặt hoạt động của đời sống nhân dân, văn học dân gian là sự kết hợp rực rỡ của trí tuệ, tài năng, tư tưởng, tình cảm của nhân dân qua bao thế hệ. :Nó đem lại những hiểu biết phong phú và xác thực về cuộc sống lao động, sinh hoạt gia đình và những quan hệ xã hội của nhân dân, về phong tục tập quán, về thiên nhiên đất nước... Nó còn đem lại những hiểu biết về đời sống tình cảm, đời sống tâm
  • 9. linh, những quan niệm về nhân sinh, về thế giới quan cùng những phẩm chất tinh thần của nhân dân... Những hiểu biết này là vô giá, và có tác dụng to lớn trong việc "bổ sung, đính chính, sàng lọc nghiên cứu kiến thức của chúng ta về lịch sử dân tộc". (Nguyễn Khánh Toàn) 2. Giá trị giáo dục Tác phẩm văn học, dân gian thuộc bất kỳ thể loại nào, bao giờ cũng hàm chứa điều răn dạy, có tác dụng giáo dục. Được đánh giá là "Bách khoa toàn thư của mấy nghìn năm" (Nguyên Khánh Toàn). Văn học dân gian đã góp phần phát triển tư duy, bồi dưỡng cho nhân dân những phẩm chất đáng quý của người lao động như: tính cần kiệm, óc thực tiễn, sự khôn ngoan, tính nhân hậu... Nó còn khơi dậy lòng yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào về truyền thống- vẻ vang của dân tộc, đánh thức niềm tin yêu con người, yêu cuộc sống, hướng họ vươn tới cái chân, thiện, mỹ... Trong cuộc đấu tranh chống thiên tai, chống áp bức và giặc ngoại xâm, văn học dân gian là bài ca cổ vũ, khích lệ nhân dân và là một vũ khí sắc bén chống lại kẻ thù. 3. Giá trị thẩm mỹ Văn học dân gian trải qua hàng nghìn năm lịch sử hình thành và phát triển đã tạo nên các giá trị nghệ thuật đặc sắc về ngôn ngữ, hình tượng nhân vật, kết cấu, biểu diễn... Vì vậy nó có tác dụng to lớn trong việc phát triển mỹ cảm, tạo nguồn chất liệu ngôn từ giàu đẹp, trong sáng cho văn học viết. Nhìn chung, trong các tác phẩm văn học dân gian, giá trị nhận thức, giá trị giáo dục, giá trị thẩm mỹ luôn hòa quyện với nhau, nương tựa và tôn tạo lẫn nhau. IV. VĂN HỌC DÂN GIAN VỚI TRẺ EM
  • 10. Văn học dân gian đóng vai trò quan trọng trong đời sống trẻ em, nhất là đời sống trẻ em nông thôn xưa kia. Suốt thời thơ ấu, những khúc hát ru, vỗ về dìu đắt đưa trẻ vào giấc ngủ, những câu nói vần vè ngộ nghĩnh được trẻ hát lên trong lúc vui chơi; những câu chuyện cổ dân gian kỳ ảo đẹp đẽ đã làm trẻ say mê... Những sáng tác nghệ thuật truyền miệng đó được gọi là văn học dân gian trẻ em. Văn học dân gian trẻ em bao gồm những sáng tác nghệ thuật miệng của các em, những thơ ca và truyện dân gian được sáng tác với mục đích dành cho trẻ em và một số tác phẩm văn học dân gian "dùng chung" tức là tác phẩm văn học dân gian của người lớn nhưng đã đi vào phạm vi đọc của trẻ em. Văn học dân gian trẻ em khá đa dạng về thể loại. Hầu như ở thể loại nào của văn học dân gian cũng được các em đón nhận, nhưng ở những mức độ khác nhau, những phương diện khác nhau. Trong số đó, cổ tích là một trong những thể loại được các em yêu thích nhất. Trong số các tác phẩm do người lớn sáng tác cho trẻ em, hát ru là một biệt loại có vị trí nổi bật và có sức sống lâu bền hơn cả. Chức năng sinh hoạt của nó là ru trẻ ngủ bằng những âm điệu được ngân lên một cách tự nhiên của tình mẫu tử. Nó là một thứ sữa nuôi dưỡng bé thơ ngay từ thuở trong nôi không chỉ về mặt thể chất mà bao hàm cả ý nghĩa tinh thần. Nhóm bài đồng dao cũng trở thành một thứ trò chơi quen thuộc của trẻ suốt bao thế kỉ qua. Sức hấp dẫn của những bài đồng dao đối với trẻ không phải là ở "Tính chất bí ẩn hầu như không thể giải thích nổi" ở nội dung của nó mà chính là những bài ca "vô nghiệm đó đã làm thỏa mãn nhu cầu về tốc độ và trí tưởng tượng cực kỳ phong phú của các em. Nó dẫn các em nhảy cóc từ sự vật này sang sự vật khác thật nhanh làm cho trí tưởng tượng của các em không dừng lại một lúc, một nơi mà có thể chuyển đổi, xê dịch, kéo dài tùy thích. Các em cũng rất thích câu đố, tục ngữ, những thể loại không được sáng tác với mục đích dành cho các em. Từ thuở chưa cắp sách đến trường,
  • 11. các em đã được làm quen với tục ngữ với câu đố, với ca dao qua những cuộc chơi, những bài hát...Với câu đố, ai đoán nhanh, ai đoán trúng người đó đã hoàn thành cuộc chơi. Đến trường, các em học tục ngữ, ca dao, câu đố với tư cách là một hình tượng văn. Bằng liên tưởng và trí tưởng tượng, chúng làm hiện lên trong tâm trí các em những cảnh đời người, những gì thân thuộc trong cuộc sống xung quanh, gợi lên trong các em những tình cảm trong sáng, đẹp đẽ. Thần thoại, truyền thuyết là những thể loại mà người nghệ sĩ dân gian sáng tạo nhằm thể hiện lòng thành kính, tưởng niệm của người xưa. Tuy nhiên, có rất nhiều thần thoại, truyền thuyết gắn với thời thơ ấu hoặc kỷ niệm về về thời thơ ấu của mỗi dân tộc. Vì vậy, nó cũng phù hợp với tâm lý tiếp nhận của các em, được các em yêu thích. Cổ tích và ngụ ngôn luôn là những món ăn tinh thần hợp khẩu vị của các em. Có thề nói, truyện cổ tích là loại hình nghệ thuật dân gian phù hợp hơn cả với bản chất và tâm lý của trẻ em với nhu cầu được giải trí, được giải tỏa những ẩn ức, được xúc động và sáng tạo, được thấy cái tốt, lẽ công bằng cuối cùng đã chiến thắng tất cả. Xu khâm lin xúi, nhà sư phạm lỗi lạc của Nga đã từng nói về cổ tích:"Không phải là một chuỗi đơn giản các sự kiện kỳ ảo, đó là một thế giới trong đó trẻ em vận động, chống chọi, đem cái thiện chí của mình ra đối kháng với cái ác". Chính vì những lẽ đó mà văn học dân gian trẻ em đã trở thành một bộ phận quan trọng trong nền văn học thiếu nhi chúng ta. V. CÁC THỂ LOẠI VĂN HỌC DÂN GIAN VIỆT NAM 1. Thần thoại 2. Truyền thuyết 3. Cổ tích 4. Ngụ ngôn 5. Truyện cười
  • 12. 6. Câu đố 7. Ca dao 8. Đồng dao Bài 1 - THẦN THOẠI I. KHÁI NIỆM THẦN THOẠI Thần thoại là một loại hình văn học dân gian ra đời và phát triển trong thời kỳ công xã nguyên thủy. Nó là một hệ thống truyện kể hoang đường kỳ ảo về các vị thần tạo lập vũ trụ, các nhân vật sáng tạo văn học, các anh hùng dũng sĩ thời cổ đại. Chức năng chủ yếu của thần thoại là giải thích nguồn gốc vũ trụ, các hiện tượng tự nhiên, sự ra đời cua muôn loài và sự hình thành các tộc người. Không phải ngay từ đầu, người nguyên thủy sáng tạo thần thoại với mục đích làm nghệ thuật. Thần thoại nẩy sinh trước hết do nhu cầu giải thích các hiện tượng tự nhiên và xã hội của con người nguyên thuỷ trong một năng lực tư duy còn hạn chế với thế giới quan thần linh và những cảm nhận về sự vật còn hết sức hồn nhiên, ngây thơ và chưa giải thích được một cách đầy đủ, khoa học các hiện tượng tự nhiên. Họ giải thích các hiện tượng tự nhiên bằng cách quy tất cả vào hoạt động của thế giới thần linh. Những hiện tượng kỳ ảo hoang đường là kết quả của sự nhào nặn thế giới tự nhiên trong trí tưởng tượng của người xưa. Trong thần thoại, Thần là hình tượng nhân vật trung tâm. Hầu hết các vị thần đều là hiện thân của lực lượng tự nhiên, Các vị thần tuy được các nghệ sĩ dân gian xây dựng với vẻ khác thường nhưng vẫn mang dáng vẻ chất phát ngây thơ của người nguyên thuỷ. Thần Trụ Trời, thần Biển, thần Sét đều ngự trị trong thế giới tự nhiên bao quanh con người: Thần cai quản, tạo dựng và điêu hành thế giới tự nhiên. Có một số vị thần là thủy tổ các nghề: Thần Thợ Mộc, Thần Thợ Rèn, thần Nông...v..v...
  • 13. II. NỘI DUNG - Ý NGHĨA CỦA THẦN THOẠI 1. Ý nghĩa hiện thực và khoa học của thần thoại Thần thoại không trực tiếp phản ánh hiện thực. Thế giới trong thần thoại không phải là thế giới trong tầm quan sát của chúng ta. Nhưng qua tấm màn hoang đường, kỳ ảo của trí tưởng tượng, chúng ta vẫn nhận ra bóng dáng của hiện thực. Ý nghĩa hiện thực không tách rời khỏi ý nghĩa khoa học của thần thoại Đó là những hạt nhân hợp lý trong sự mô tả phi lý. Người nguyên thủy trong quá trình quan sát thực tế đã nhận thức được một cách mơ hồ và cảm tính.. Một số quy luật của tự nhiên: ngày và đêm, sống và chết, sự thay đổi của bốn mùa, sự tồn tại của thế giới vật chất v v Người xưa giải thích rằng: sở dĩ có trời, đất, núi, sông là do thần Trụ Trời tách đôi khối hỗn nang, dậy một nửa lên cao; nửa còn lại thần ra sức đào bới để đắp cột chống trời, tạo nên địa hình như ngày nay. Rõ ràng, thần Trụ Trời không hóa phép để tạo ra vũ trụ, núi sông, mà ngược lại, khối hỗn mang không biết có từ bao giờ. Đó là yếu tố duy vật trong cảm nhận của người xưa về thế giới. Thần Sét hung hăng, dữ tợn nhưng vẫn phải chịu nằm yên trong những ngày lạnh cóng. Nữ thần Mặt trời chỉ đi chậm vào mùa hè và đi nhanh vào mùa đông, kết thúc của những câu chuyện về người lột xác, về cây đa cải tử hoàn sinh vẫn là con người đến già thì phải chết, không ai có thể chống lại được: Sự cảm nhận được quy luật của tự nhiên làm cho thần thoại trở thành một "kho tàng trí khôn kinh nghiệm”. Thần thoại chính là triết học, là khoa học của người xưa. 2. Ý nghĩa nhân văn qua thần thoại Thần thoại được sáng tạo ra không chỉ nhằm mục đích giải thích tự nhiên, cất giữ kinh nghiêm mà còn ca ngợi khả năng của con người trong công cuộc lao động và đấu tranh chinh phục tự nhiên. Thần Thợ mộc, thần Nông, thần Mưa đến thần Trụ trời v...và đều là hình ảnh của những con người khai sơn phá thạch, chinh phục thiên nhiên. Thần dùng sức lao động của
  • 14. mình tác động vào tự nhiên, cải biến tự nhiên. Điều đó đã phản ánh khả năng người và được nhân dân ca ngợi đến mức thần thánh hóa. Ý nghiã nhân văn trong thần thoại còn thể hiện ở những ước mơ giải phóng con người ra khỏi sự đe dọa của thiên nhiên. Người nguyên thủy ước mơ một cuộc sống no đủ và nhàn hạ (lúa ở ngoài đồng tự nhiên chạy vào nhà), nhưng điều quan trọng hơn là ước mơ chiến thắng thiên nhiên. Ở đây, con người đôi khi đã lộ hẳn ra chứ không dấu mình sau hình tượng thần nữa. Cường Bạo Đại Vương đã chiến thắng thần Sét, Cóc đã "đại náo thiên cung", bắt trời làm mưa; thần Sơn Tinh đã thắng được giặc nước; chàng Quái đã bắn rơi mặt trời.v.v....Bằng những ước mơ đó con người đã nâng tầm của mình lên để tạo thêm sức mạnh chiến thắng trong hiền thực. Đó là những "khát vọng bức thiết của con người cải tạo thế giới". Ý nghĩa nhân văn của thần thoại, suy cho cùng là sự tự ý thức về mình của người nguyên thủy. Sự tự ý thức đó là ngọn đuốc soi đường đưa nhân loại tiến lên. III. ĐỊNH HƯỚNG PHÂN TÍCH THẦN THOẠI 1. Những điều cần lưu ý Thần thoại Việt thường được chia làm 2 nhóm: những thần thoại suy nguyên (tức là những thần thoại giải thích nguồn gốc một số hiện tượng, sự vật tự nhiên) và những thần thoại sáng tạo (tức là những thần thoại "anh hùng hóa"). Trong hai nhóm đó, thì một số thần thoại trong nhóm thần thoại sáng tạo, đã biến thành những truyền thuyết về thời dựng nước. Do đó, có những truyện vừa có thể coi là truyền thuyết vừa có thể coi là thần thoại. Vì vậy, khi phân tích cần phải có phương pháp thích hợp để lọc ra, phục nguyên lại cái lõi thần thoại cổ đại đã bị nhào nặn, pha trộn với các yếu tố của các đời sau. Biết bỏ qua những từ ngữ, những chi tiết mang dấu ấn rõ rệt của sự thêm thắt, thêu dệt của đời sau.
  • 15. 2. Định hướng chung về nội dung Thần thoại phản ánh nhận thức non nớt, sai lệch, đầy tính chất hư ảo của người xưa về thế giới cũng như bản thân con người và thể hiện sự bất lực của họ trước sự vật; hiện tượng mà họ không hiểu nổi. Cho nên không cần thiết phải "chứng minh" những điều hoang đường, trong cách giải thích các sự vật, hiện tượng tự nhiên của thần thoại. Nhưng không thể không chỉ ra những chi tiết phản ánh sự bất lực của người xưa trước sức mạnh của thiên nhiên. Thần thoại tuy hoang đường nhưng đã có những yếu tố duy vật thô sơ trong thế giới quan của người xưa. Việc chú ý đến mặt này có thể giúp các em nhận ra ý nghĩa của nó đối với người đương thời. 3. Phân tích hình tượng "Thần" "Thần" là một nhân vật trung tâm của thần thoại. Ở đây, các sự vật hiện tượng tự nhiên được nhào nặn trong trí tưởng tượng của người xưa được họ hình tượng hóa, thường là nhân hóa hoặc những "nhân vật anh hùng" được thần thánh hóa. Thêm nữa, thần thoại văn chỉ là những biểu tượng và những mẫu chuyện chưa thành cốt truyện, chưa có kết cấu, tình tiết. Vì vậy, việc phân tích thần thoại chủ yếu là công việc phân tích hình tượng “thần". Cụ thể là: phân tích các chi tiết về hình dạng "thần", chức năng của "thần" ; các chi tiết về hành trạng, sự tích của "thần"; các chi tiết và quan hệ giữa các "thần", giữa "thần" với xã hội loài người. 4. Dạy thần thoại cho học sinh tiểu học Ngoài những yếu tố cần lưu ý trên, dạy thần thoại nói riêng và truyện kể dân gian nói chung cho đối tượng là học sinh tiều học cần để học sinh dựng lại toàn bộ hình tượng chứa đựng trong mỗi tác phẩm. Việc đơn giản nhất là các em biết tự mình kể lại câu chuyện. Song trong các truyện kể dân gian, những lời kể thưởng đơn giản và lướt qua rất nhanh. Nay, để đọng lại hình tượng, giáo viên phải biết cách tổ chức hoạt động của các em, làm sao qua các thao tác tưởng tượng và liên tưởng để các em huy động được sức nhìn,
  • 16. sức nghe và cả những giác quan khác nữa nhằm tái tạo lại hình tượng đó một cách sống động như đang hiển hiện trước mắt các em. Một thủ pháp quan trọng thường được sử dụng trong quá trình dựng hình tượng là cho các em kể lại câu chuyện trong lời kể và tâm trạng của nhân vật trong truyện. Cách chuyển vai trò đó làm cho trẻ em suy nghĩ tinh tế hơn, đặc biệt là cá tính từng em sẽ nổi lên rất rõ. Bài 2 - TRUYỀN THUYẾT I. KHÁI NIỆM VỀ TRUYỀN THUYẾT Truyền thuyết là một loại truyện dần gian ra đời sau và tiếp nối thần thoại, có chức năng chủ yếu là nhận thức, phản ánh các sự kiện, các nhân vật lịch sử có vai trò và ảnh hưởng quan trọng đối với một thời kỳ, một cộng đồng bộ tộc, cộng đông dân tộc hoặc đối với một địa phương, một quốc gia. Đặc trưng tiêu biểu nhất của truyền thuyết là tính xác thực, cụ thể dựa trên những sự kiện và nhân vật lịch sử có thật. Lịch sử là cảm hứng, là đề tài chất liệu đề làm nên nội dung truyền thuyết. Xu hướng lịch sử hóa trong truyền thuyết ngày càng mạnh. Người xưa luôn luôn muốn khẳng định rằng, những điều được kể trong truyền thuyết đều là sự thật. Càng phát triển về sau, sự thật trong truyền thuyết càng trở nên rõ ràng hơn. Song lịch sử qua tư duy nghệ thuật của tác giả dân gian đã được "nhào nặn" lại: Sự kiện lịch sử đi vào truyền thuyết theo sự kết hợp của hai xu hướng, xu hướng lịch sử hóa và xu hướng kỳ ảo hóa. Và nó đã trở thành nguyên tắc trong quá trình sáng tác truyền thuyết. Thiếu đi một trong hai xu hướng trên, truyền thuyết không thể ra đời. Tùy theo đặc điểm nội dung và nghệ thuật, truyền thuyết có thể được chia thành nhiều tiểu loại hoặc bộ phận khác nhau, trong đó, tiêu biểu và giá trị nhất là bộ phận truyền thuyết thời kỳ Văn Lang Âu Lạc. II. NỘI DUNG - Ý NGHĨA CỦA TRUYỀN THUYẾT.
  • 17. 1. Truyền thuyết dân gian gắn liền với niềm tự hào dân tộc Hơn bất cứ một thể loại văn học dân gian nào khác, truyền thuyết có một quá trình phát triển rất dài. Có thể nói, truyền thuyết đã đi cùng với lịch sử dân tộc. Nó làm nhiệm vụ và chức năng của sử thi trong việc phản ánh và tái tạo lịch sử của cộng đồng người Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước, âm điệu chủ yếu trong truyền thuyết là âm điệu ngợi ca Từ thuở sinh cơ lập nghiệp, nhân dân ta đã ca ngợi công lao của các vị anh hùng khai phá. Lạc Long Quân diệt Hổ Tinh, Ngư Tinh, Mộc Tinh, bà ấu Cơ dạy dân trồng lúa, chăn tằm, dệt cửi... Sự ngợi ca gắn liền với niềm tự hào lớn lao về đòng dõi con Lạc cháu Hồng. Câu chuyện trăm trứng Âu Cơ có một ý nghĩa thiêng liêng đặc biệt không gì có thể so sánh được. Niềm tự hào dân tộc được thể hiện qua sự ngợi ca người anh hùng chống xâm lược. Nếu truyện về Lạc Long Quân là bài ca đựng nước thì truyện về Thánh Gióng là bài ca giữ nước. Lạc Long Quân cũng là một vị anh hùng trong cuộc giao tranh nhưng Thánh Gióng mới thật sự là người anh hùng chiến trận. Niềm tự hào dân tộc trong các thiên truyền thuyết đời sau tiếp tục gắn liền với sự tích về các vị anh hùng cứu nước và giữ nước. Không phải ngẫu nhiên các nhà sử học đã khẳng định: Lịch sử Việt Nạm vô cơ bản là lịch sử của những cuộc đấu tranh chống xâm lược. Hàng loạt truyền thuyết ra đời đã theo sát lịch sử dân tộc. Đó là các truyền thuyết về Bà Trưng, Bà Triệu, Phùng Hưng, Trần Hứng Đạo, Lê Lợi.v.v... Hình tượng người anh hùng cứu nước và giữ nước được thể hiện có chiều sâu hơn so với hình tượng người anh hùng chiến trận trong truyền thuyết cổ đại. Nếu như ta chỉ biết người anh hùng làng Gióng ra trận với thanh gươm và con ngựa sắt thì ta còn biết Bà Trưng, Bà Triệu ra trận với chí căm thù giặc sâu sắc. Trần Hưng Đạo biết dẹp mối thù riêng để làm việc lớn. Tấm lòng sắt son với nước, ý chí quyết tâm tiêu diệt giặc đến cùng của mỗi người anh hùng trong sự nghiệp quang vinh đã được nghìn đời sau khâm phục và ca ngợi..
  • 18. Niềm tự hào dân tộc trong những thiên truyền thuyết đời sau gắn liền với việc ngợi ca người anh hùng như những nhân vật đẹp một cách phi thường và hoàn hảo. Mặc dù truyền thuyết đời sau không mô tả được người anh hùng với kích thước khổng lồ như Thánh Gióng hoặc Sơn Tinh, nhưng vẫn có nhiều yếu tố mang tính chất sử thi. Truyền thuyết về các vị anh hùng cứu nước và giữ nước là nguồn tài liệu vô cùng phong phú lấp chỗ trũng cho lịch sử hàng nghìn năm đô hộ của phong kiến nước ngoài. Đời sau, khi viết lại lịch sử đấu tranh oanh liệt của dân tộc, các sử gia không thể không dựa vào trí nhớ của nhân dân, những người anh hùng đã được nhân dân nhận thức và định giá trên một quan điểm hoàn toàn đúng đắn, khác hẳn với quan niệm của giai cấp phong kiến cho người anh hùng như là đại điện cho một giai cấp, một dòng họ làm theo mệnh trời, giữ yên ngôi báu hoặc tô vẽ người anh hùng như là những tấm gương tận tụy với triều đình. Truyền thuyết đã góp phần khẳng định lại công lao của người anh hùng trong sự nghiệp đấu tranh chung của toàn dân tộc. 2. Truyền thuyết dân gian phản ánh tinh thần dân chủ của nhân dân trong lịch sử dân tộc Tinh thần dân chủ dược phản ánh khá đậm nét trong những thiên truyền thuyết về người anh hùng nông dân khởi nghĩa. Ở đây, truyền thuyết dân gian theo sát lịch sử theo một phương diện khác không phải phương diện bảo vệ đất nước mà là phương diện chống áp bức, bóc lột. Tinh thần dân chủ không nằm trong phạm trù dân tộc mà nằm trong phạm trù giai cấp. Truyền thuyết về người anh hùng nông dân khởi nghĩa xuất hiện khá muộn, đặc biệt nở rộ vào thời kỳ chế độ phong kiến suy tàn. Truyền thuyết về người anh hùng dân tộc chống xâm lăng đã ưu tiên mô tả sự xuất thân từ cuộc đời bình thường của các nhân vật nhưng chưa nhấn mạnh khía cạnh lam lũ, cơ cực của cuộc đời ấy. Truyền thuyết về người anh hùng nông dân khởi nghĩa đã nhấn mạnh được khía cạnh này. Có bao nhiêu cuộc đời anh hùng thì có bấy nhiêu cuộc đời lao khổ: Nguyễn Hữu Cầu, Chàng Lìa lúc đầu là những đứa trẻ mồ côi, đi
  • 19. ở. Hầu Tạo xuất thân từ một chàng trai lang thang nay đây mai đó; Nguyễn Hữu Khôi làm nghề chở đò ngang. Họ là những con người tiêu biểu cho nỗi thống khổ của người nông dân trong chế độ suy tàn. Đỉnh cao quyết liệt trong hành động của người anh hùng là tuyên chiến với các thế lực phong kiến thống trị, kể cả với triều đình trung ương tập quyền. Những người anh hùng đã nhiều phen làm nghiêng ngã cả xã hội phong kiến, bè lũ vua quan phải run sợ trước sức mạnh "đội trời, đạp đất" của họ. Truyền thuyết dân gian về người anh hùng nông dân khởi nghiã đã để cho hậu thế những trang vô cùng sảng khoái. Cuộc đời chiến đấu của người anh hùng nông dân tuy ngắn ngủi nhưng đầy ý nghĩa: lý tưởng nghìn đời của người nông dân là tự do, bình đẳng đã có dịp được thực hiện trong cuộc sống. Tuy nhiên, đối với người anh hùng nông dân, truyền thuyết dân gian không chỉ ca ngợi, mà còn phê phán. Đây là cách đánh giá khách quan, thể hiện quan điểm đúng đắn của người lao động với tư cách là tác giả của văn học dân gian. Truyền thuyết đã thể hiện khá rõ những nét hạn chế thuộc về bản chất của người anh hùng nông dân khởi nghĩa. Ngoài giá trị nghệ thuật, truyền thuyết vê người anh hùng nông dân khởi nghĩa còn là nguồn tài liệu lịch sử vô cùng quý giá cho đời sau. Khi chính sử của nhà nước phong kiến, thực dân cố tình bóp méo xuyên tạc, bôi nhọ những cuộc khởi nghiã và những lãnh tụ của nghĩa quân thì truyền thuyết dân gian đã đánh giá lại những nhân vật và sự kiện nảy với cách nhìn khách quan, trung thực. III. ĐỊNH HƯỚNG PHÂN TÍCH TRUYỀN THUYẾT 1. Tìm hiếu cốt truyện Truyền thuyết lịch sử dân gian, nhìn chung không có một mô hình kết cấu được trau chuốt như một phương tiện nghệ thuật đặc thù (như truyện cổ tích thần kỳ). Do đó, nói chung chưa có vấn đề phân tích kết cấu đối với các thể loại này.
  • 20. Cốt truyện về đại thể có ba phần: - Hoàn cảnh xuất hiện người anh hùng - Sự nghiệp của người anh hùng - Chung cục, thân thế người anh hùng. Vì "nguyên liệu chính để xây dựng cốt truyện là hành động của nhân vật trung tâm, mà nhân vật của truyện cổ dân gian công chính là hành động của nó, cho nên phân tích truyện cũng là phân tích nhân vật 2. Phân tích nhân vật Nhân vật chính của truyền thuyết là trung tâm của sự kiện được kể lại Vì vậy khi phân tích truyền thuyết cần gắn nhân vật với sự kiện. Có thể tiến hành phân tích theo trình tự sau: + Tìm nhân vật trung tâm + Tóm tắt cốt truyện + Phân tích nhân vật theo diễn biến của sự kiện. Từ hành động của nhân vật trong hoàn cảnh cụ thể mà rút ra những nhận xét làm cơ sở cho một sự tổng hợp, dẫn tới một cách hiểu chung về nhân vật. Điều cần lưu ý trong quá trình phân tích, cần đối chiếu với chính sử để tìm hiểu thái độ và cách đánh giá này của nhân dân so với thái độ cách đánh giá "chính thống" của chính sử đối với cùng một sự kiện, cùng một nhân vật lịch sử. 3. Đặt truyền thuyết vào môi sinh của nó Truyền thuyết lịch sử dân gian không bao giờ tồn tại tách rời với sự thờ cúng, nghi lễ, tín ngưỡng, tập tục. Cho nên phân tích lịch sử cần phải chú ý viện dẫn cả những yếu tố tín ngưỡng, lễ tục gắn với chúng để làm rõ bản chất và đặc trưng thể loại, đồng thời nêu bật được tâm tính tha thiết của nhân dân, qua nhiều thế hệ, gửi gắm vào mảng văn hóa dân gian này.
  • 21. Bài 3 - TRUYỆN CỔ TÍCH I. KHÁI NIỆM VỀ TRUYỆN CỔ TÍCH Cổ tích là một thể loại truyện dân gian. Khi thần thoại trên bước đường tan rã thì cổ tích dân đần được hình thành. Cùng với sử thi, những truyện cổ tích đầu tiên có mầm mống từ thần thoại, nảy sinh từ giai đoạn cuối của xã hội nguyên thủy, nhưng chủ yếu phát triển trong xã hội phong kiến, xã hội có sự phân chia giai cấp sâu sắc. Do đó, đối tượng thẩm mỹ của nó khác với thần thoại. Truyện cổ tích hướng vào đời sống xã hội thời cổ, những xung đột trong xã hội đã phát sinh áp bức giai cấp. Với hình tượng nhân vật tích cực tiêu biểu cho đạo đức, trí khôn và sức mạnh tinh thần của nhân dân, với cốt truyện xây dựng trên những hành động có tính chất phiêu lưu của các nhân vật trung tâm, truyện cổ tích chứa đựng cả một pho kinh nghiệm sống của nhân dân, thể hiện ước mơ và niềm tin của nhân dân về chiến thắng cuối cùng của lẽ phải, sự công bằng và lòng nhân ái đối với gian tham, bất công và tàn bạo. Tóm lại của cái thiện với cái ác. Truyện cổ tích có chức năng bền vững, từ bao đời nay nó vẫn được coi là “truyện kể trong nhà cho trẻ nhỏ" và do ông bà cha mẹ kể lại cho con cháu. Còn đối với các em, truyện cổ tích là thế giới trong đó con người có dịp đem toàn bộ "ý chí tốt đẹp của mình ra chống lại các lực lượng đen tối". Căn cứ vào những nét khác biệt và kiểu nhân vật và tính chất câu chuyện kể có liên quan, người ta chia thể loại truyện cổ tích ra làm 3 tiểu loại: Truyện cổ tích thần kỳ, Truyện cổ tích sinh hoạt, Truyện cổ tích loài vật. 1. Truyện cổ tích thần kỳ Truyện cổ tích thần kỳ là một bộ phận quan trọng và tiêu biểu nhất của thể loại cổ tích. Truyện cổ tích thần kỳ là những truyện kể về chuyện tưởng tượng xung quanh số phận cuộc đời của kiểu nhân vật bất hạnh. Nhân vật chính trong truyện cổ tích thần kỳ vẫn là những con người trong thực tại nhưng các lực lượng thần kỳ, siêu nhiên có một vai trò quan trọng. Hầu như mọi xung đột trong thực tại giữa người và người đều bế tắc, không thể giải
  • 22. quyết nổi nếu thiếu yếu tố thần kỳ (Ví dụ: Truyện Cây khế, Truyện Tấm Cám, Truyện Thạch Sanh...) Trong truyện cổ tích thần kỳ, các nhân vật thường gồm 3 loại chính: nhân vật chính diện hay phe thiện (như Thạch Sanh, Tấm, Sọ Dừa...), nhân vật phản diện hay phe ác (như Lý Thông, Cám. mẹ Cám...) và các nhân vật thần kỳ hoặc báu vật có tác dụng kỳ diệu (như tiên, bụt, đàn thần, nồi cơm thần...) 2. Truyện cổ tích sinh hoạt (hay cổ tích thế sự) Đó là những truyện cổ tích không có hoặc rất ít yếu tố thần kỳ. Ở đây, các mâu thuẫn xung đột xã hội giữa người với người được giải quyết một cách hiện thực, không cần đến những yến tố siêu nhân. Những yếu tố thần kỳ nếu có cũng không giữ vai trò quan trọng và nhiều khi chỉ là sự tô điểm cho câu chuyện thêm vẻ ly kỳ, hấp dẫn mà thôi. Ví dụ truyện Vợ chàng Trương, truyện Cây tre trăm đốt.... 3. Truyện cổ tích loài vật Là loại truyện cổ tích lấy loài vật làm đối tượng phản ánh, tường thuật và lý giải là chủ yếu. Loại chuyện này ở thời cổ xưa hầu hết các dân tộc đều có, ở đây, các loài vật được nhân hóa một cách hồn nhiên trong trí tưởng tượng của nhân dân thời cổ. Truyện cổ tích loài vật được nẩy sinh từ nhu cầu của người thời cổ muốn đúc kết những kinh nghiệm và hiểu biết về đời sống và tập tính của một số con vật ít nhiều có liên quan đến cuộc sinh tồn của họ. Truyện cổ tích loài vật do đó, cũng mang đấu vết quan niệm của người xưa về tự nhiên. Về sau, những kinh nghiệm và hiểu biết về loài vật, hòa lẫn với những kinh nghiệm hiểu biết về con người và xã hội, và dần dần có sự đan xen giữa đề tài "xã hội loài vật" với đề tài "xã hội loài người". Các con vật ở trong truyện cũng mang những tính tình, tính cách rõ nét của các loại người (con sói tham lam, con cáo xảo quyệt, con hổ hung bạo, con thỏ khôn ngoan v...v...).
  • 23. Một số truyện cổ tích loài vật gần với truyện ngụ ngôn. (Ví dụ: Truyện Sự tích con công và con quạ, truyện Vì sao Trâu không có hàm răng trên...). Tuy vậy, giữa hai thể loại này vẫn có nét khác biệt về mặt thi pháp: một bên là cả một câu chuyện; một bên (truyện ngụ ngôn) chỉ có dáng dấp của một màn kịch nhỏ. II. NỘI DUNG, Ý NGHĨA TRUYỆN CỔ TÍCH 1. Truyện cổ tích phản ánh hiện thực cuộc sống của người xưa Như trên đã nói, truyện cổ tích thiên về phản ánh thực tế đời sống xã hội. Tư duy nghệ thuật của nhân dân trong thời đại phát sinh và phát triển của truyện cổ tích không phải là thứ “tư duy hướng lên trời" như trong thời đại của thần thoại mà là thứ tư duy "giàu thực tiễn". Trước tiên là hiện thực về cuộc sống gia đình. Truyện cổ tích đã thể hiện được những mâu thuẫn, những xung đột trong gia đình xưa như là cơ sở của những chuyển biến xã hội. Mâu thuẫn giữa gia đình nảy (sinh trong quá trình hình thành những quan hệ mới giữa các thành viên. Mâu thuẫn này ngày càng trở nên sâu sắc vì những lý đo kinh tế, làm cho các thành viên trong gia đình phân hóa thành hai lực lượng đối lập một bên là các thành viên lớn tuổi, người anh, người chị, người mẹ ghẻ...", còn một bên là các thành viên nhỏ tuổi (người em, người mô côi, người con riêng… Những truyện cổ tích tiêu biểu nhất cho chủ đề này là Tâm Cám, Cây Khế, Sự tích chim đa đa... ở đây, các lực lượng đối lập trong gia đình đã tham gia vào những cuộc xung đột kéo dài, gay gắt, thậm chí một mất một còn. Quá trình xung đột, bản chất của các lực lượng đối lập được phơi bày, các thành viên lớn tuổi thường là những kẻ tham lam, xảo quyệt, tàn ác và ngu ngốc, còn các thành viên nhỏ tuổi lại đôn hậu, trung thực, thông minh. Mâu thuẫn gia đình về bản chất cũng lả mâu thuẫn xã hội, trong những giai đoạn lịch sử sau (đặc biệt là ở thời phong kiến) mâu thuẫn trong gia đình
  • 24. trở thành mâu thuẫn xã hội. Màu sắc giai cấp đã bao trùm lên các lực lượng đối lập trong gia đình. Vì vậy, xung đột gia đình đã chuyển thành xung đột xã hội. Trong truyện cổ tích, ta không chỉ thấy những xung đột mà còn thấy những cảnh đời: Cuộc sống giàu sang của kẻ tàn ác, bóc lột và sự nghèo khổ, bất hạnh, thua thiệt của người dân lành. Nó gợi lên trong lòng người đọc, người nghe những tình cảm yêu ghét mãnh liệt: đồng cảm với những số phận bé nhỏ, khổ đau và lòng căm thù đối với các thế lực hắc ám - nguyên nhân của những nỗi bất hạnh trong thế giới con người. Tuy nhiên, khi đánh giá về khả năng phản ánh hiện thực của truyện cổ tích, ta nhận thấy truyện cổ tích luôn luôn thiên về những vấn đề đạo đức. Để thực hiện chức năng giáo huấn của mình, truyện cổ tích không thể vượt ra khỏi ranh giới của phạm trù đạo đức để bước sang lĩnh vực "chủ nghĩa hiện thực" thuần tuý. Nói một cách khác, các tác giả của thuyền cổ tích dân gian nhìn hiện thực từ góc độ đạo đức. Vì vậy xung đột trong truyện cổ tích thực chất là xung đột của những phạm trù đạo đức đối lập: trung thực, xảo quyệt, hiền lành, tàn ác, ích kỷ, vị tha v..v... 2. Truyện cổ tích "chiếu rọi ánh sáng vào một thế giới khác" Trong mối quan hệ giữa tương lai và thực tại thì truyện cổ tích hướng về tương lai nhiều hơn. Thế giới trong truyện cổ tích dưa như xa lạ và đối lập với những gì đang có và đã có. Vì vậy, đây chính là thế giới của ước mơ. Thế giới này hoàn toàn phù hợp với tâm lý thiếu nhi a. Ước mơ về sự hoàn thiện cua con người Nhân vật trung tâm của truyện cổ tích là những con người "nhỏ bé" sống dưới đáy xã hội, bị khinh rẻ và bị áp bức bóc lột. Người đời sau gọi họ là phe thiện, nhân vật chính diện. Các nhân vật này đều rất trung thực. Phẩm chất trung thực của họ bị đẩy đến mức cực đoan nhằm đối lập với những người xấu xa, gian trá đang tồn tại ngoài xã hội. Điều đó làm cho nhân vật có
  • 25. phần xa lạ với cuộc đời, đứng cao hơn cuộc đời và trở thành một phẩm chất lý tưởng để con người hướng tới Đi liền với trung thực là tình thương. Hầu như các nhân vật chính diện đều biết yêu thương và vị tha vô hạn. Đó là một thứ tình thương dành cho những người cùng cảnh ngộ. Ta có thể hiểu được vì sao cô Tấm chỉ đến ở với bà lão hàng nước cô đơn; vì sao Sọ Dừa lại đầu thai vào một nhà nghèo khổ. Trong truyện cổ tích, một quá trình thường xẩy ra là: nhờ có tình thương và lòng vị tha mà con người có thể đi tới những bước ngoặt quan trọng của cuộc đời mình. Trong số những thử thách đối với nhân vật chính diện, sự thử thách về tình thương và lòng vị tha chiếm một số lượng đáng kể. Cô gái nhỏ dấu cơm đem cho ông lão qua đường mà được ban thưởng sắc đẹp. Chàng nông dân cứu giúp con chó, con mèo mà được chứng giúp đỡ, trở nên giàu có... Như vậy, tình thương không chỉ là bản chất của người lao động mà còn là cơ sở, là nền tảng trong quá trình phát triển của chính cuộc sống. Thế giới của truyện cổ tích chan hòa ánh sáng của lòng nhân ái, vị tha làm dịu đi những nỗi gian truân của số phận trái ngang. Truyện cổ tích thắp lên niềm tin cho trẻ thơ rằng: cái ác vẫn còn nhưng tình yêu thương mới là vô hạn. Bên cạnh loại nhân vật mồ côi, truyện cổ tích còn có nhân vật "người thông minh", "nhân vật dũng sĩ” đã góp phần thể hiện ước mơ con người về sự hoàn thiện, hoàn mỹ của mình. b. Uớc mơ về sự đổi đời Sinh ra trong nghèo khó và bị áp bức bóc lột, địa vị thấp kép trong gia đình và ngoài xã hội, các nhân vật "nhỏ bé" luôn luôn mơ ước về sự đổi đời. Trước đây, trong thần thoại, con người luôn mơ về một cuộc sống no đủ và nhàn hạ thì ở cổ tích con người lại muốn vươn lên trở thành giàu có. Vì vậy, nhân vật trong truyện cổ tích thường nhận được rất nhiều vàng, bạc, châu báu sau những tháng ngày gian truân vất vả. Từ một phương diện khác, ta còn thấy truyện cổ tích hướng tới sự công bằng xã hội về công lý; chính nghĩa phải thắng gian tà; người hiền gặp lành, người yếu đuối được bênh vực và ngược lại cái xấu cái ác phải được trừng trị đích đáng. Tất nhiên, để đạt
  • 26. được lý tường công bằng, nhiều khi nhân vật phải đấu tranh quyết liệt mới giành được thắng lợi. Cô Tấm phải chết đi sống lại nhiều lần, Thạch Sanh phải bao phen chìm nổi... Ngoài chuyện ước mơ và khát vọng, toàn bộ thế giới trong cổ tích đậm đà sắc ảo. Nó dường như là thế giới thật nhưng cũng đường như là một thế giới khác. Người nông dân đáng thương là rất thực nhưng anh ta có thể bay lượn trên không trung, phục sinh người chết bằng cách vẩy nước thần,... Những yếu tố đó đã làm cho truyện cổ tích có sức hấp dẫn lạ kỳ đối với trẻ nít Chính cái "thế giới khác" đã tại nên chất thơ cho truyện cổ tích. Nó làm cho "gian nhà học nghề đáng thương của người học nghề thành thế giới của thơ ca, thành một lâu đài mỹ lệ và làm cho cái đẹp khỏe, chắc của họ giống như một nàng công chúa trẻ kiều diễm". Truyện cổ tích đã mang đến cho người đọc, người nghe những rung động sâu sắc và mãnh liệt, trên cơ sở để giáo dục con người một lý tưởng lành mạnh. III. HƯỚNG DẪN PHÂN TÍCH TRUYỆN CỔ TÍCH 1. Định hướng chung Thông thường, trong quá trình phân tích truyện cổ tích, chúng ta thường khai thác tác dụng giáo dục đạo đức cho các em. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. M.Gorki từng viết: "Trong các truyện cổ tích, điều trước tiên có khả năng giáo dục là sự "hư cấu”. Cái khả năng kỳ diệu của trí óc chúng ta có thể nhìn xa về phía trước sự kiện". Ông coi "chính sự tưởng tượng, chính sự hư cấu đã sáng tạo và tu dưỡng một trong những phẩm chất kỳ diệu của con người là trực giác". Vì vậy, bên cạnh việc khai thác tác dụng giáo dục của những bài học đạo đức cần chú ý phát huy năng lực tưởng tượng cho các em thông qua việc hướng dẫn cho các em đi vào những “ảo giác êm đẹp" đầy quyến rũ từ những trang cổ tích gợi lên. 2. Phân tích nhân vật và cốt truyện
  • 27. Trong truyện cổ tích, nói chung, nhân vật - tính cách hành động là một thể thống nhất. Tính cách của nhân vật cổ tích thường được biểu hiện qua hành động và chưa có sự khác biệt giữa cái chung và cái riêng cá thể. Còn cốt truyện cổ tích về cơ bản cũng là chuỗi hành động của nhân vật chính: Khái niệm "hành động ở đây bao hàm cả "hoàn cảnh" trong đó diễn ra các hành vi ứng xử tương ứng của nhân vật chính (hoàn cảnh thử thách đối với nhân vật chính). Sự xuất hiện nhân vật phụ cũng được hiểu là hoàn cảnh. Số phận của nhân vật chính trong truyện cổ tích thường là một cuộc "đổi đời" nhưng rõ ràng là đầy chất mơ tưởng. Tuy vậy, việc đi sâu vào một cuộc sống khác so với cuộc đời bất hạnh của những nhân vật "nhỏ bé" trong xã hội cũ sẽ giúp ta hiểu thêm về khát vọng "đổi đời" của người xưa. Bài 4 - TRUYỆN NGỤ NGÔN I. KHÁI NIỆM VỀ TRUYỆN NGỤ NGÔN Truyện ngụ ngôn là một hình thức kể bằng văn vần hay văn xuôi trong đó, ta mượn câu chuyện thường là về loài vật để gửi gấm một bài học về đạo đức, kinh nghiệm sống, hoặc một điều răn dạy có tính chất triết lý về nhân sinh, thế sự. Đặc trưng cơ bản nhất của truyện ngụ ngôn là mượn thế giới loài vật đồ vật để nói về con người. Trong truyện ngụ ngôn, con người hầu như trực tiếp hiện ra như trong truyện cổ tích. Vì vậy, mỗi truyện ngụ ngôn là một ẩn dụ lớn. Mục tiêu của truyện ngụ ngôn là bài học triết lý. Khi nào câu chuyện đạt tới bài học triết lý thì khi đó truyện ngụ ngôn kết thúc. Vì vậy truyện ngụ ngôn có 2 phần rõ rệt: Câu chuyện kể và bài học luân lý. II. NỘI DUNG, Ý NGHĨA CỦA TRUYỆN NGỤ NGÔN 1. Truyện ngụ ngôn và triết lý ứng xử dân gian
  • 28. Con đường đi tới triết lý của truyện ngụ ngôn là con đường thông qua sự phê phán, phủ nhận để rút ra kết luận. Truyện ngụ ngôn thường phê phán những sai lầm của người đời và chỉ ra rằng những hành động sai lầm ấy nhất định sẽ dẫn đến thất bại. Răn dạy bằng mặt trái của cuộc sống, truyện ngụ ngôn đã tạo cho mình một sức thuyết phục mạnh hơn là trực tiếp nêu sự thật của lẽ phải Bên cạnh việc nêu bài học về hành động sai lầm của người đời, truyện ngụ ngôn còn nêu cả những tính xấu mà người đời thường mắc phải. Đó là sự khoe khoang, khoác lác, tráo trở, thiển cận, xa rời thực tế, sự độc đoán v.v... Nhìn chung, triết lý trong truyện ngụ ngôn là một thứ triết lý mang tính thực tiễn. Triết lý này nặng về cách đối nhân xử thế, khuyên người ta sống sao cho hợp lý, hợp tình. Đó cũng chính là lối sống chân chính mà người lao động luôn luôn phải đấu tranh để duy trì và bảo vệ. Truyện ngụ ngôn có khả năng khái quát hoá và trừu tượng hoá cao, cho nên trong nhiều truyện, kinh nghiệm thực tiễn này được nâng lên thành những mệnh đề triết học như truyện ngụ ngôn: Kẻo cày lúa lên, Phù du và đom đóm... 2. Truyện ngụ ngôn và đấu tranh xã hội Trong xã hội có giai cấp, xung đột xã hội ngày càng diễn ra gay gắt và quyết liệt Truyện ngụ ngôn không thể không đề cập đến những vấn đề này như là những vấn đề trung tâm của một nội dung thể loại. Trước hết là kinh nghiệm của nhân dân về giai cấp thống trị, truyện ngụ ngôn đã nêu lên những bài học sâu sắc về bản chất của giai cấp thống trị như tham lam, tàn bạo, đạo đức giả, nịnh hót. Truyện Con hổ ăn chạy; Cọp, cò, cáo và chuột; Chèo bẻo và ác là; Bồ câu và sáo.. Nhìn chung, đối với giai cấp thống trị, truyện ngụ ngôn khuyên người ta nên đề cao cảnh giác và lánh xa Bài học về đấu tranh xã hội trong truyện ngụ ngôn trước hết là bài học dứt khoát, đoạn tuyệt với kẻ thù. Đó là thái độ của bồ câu (Bồ câu là sáo), của
  • 29. muỗi (Muỗi nhà và muỗi đồng), của Chèo bẻo (Chèo béo là ác là) thái độ đó đã bao hàm một sự phản kháng tích cực. Nhìn chung, với tư cách là thể loại triết lý của văn học dân gian, truyện ngụ ngôn đã làm tròn được chức năng giáo dục của mình với một hiệu quả rất lớn. III. ĐỊNH HUỚNG VỀ PHƯƠNG PHÁP PHÂN TÍCH TRUYỆN NGỤ NGÔN Ngụ ngôn là một loại truyện đặt ra để cốt gìn gắm một ý răn đời, một kết luận luân lý, một nhận xét về một thực tế xã hội... Ngụ ngôn thưởng lấy các con vật, đồ vật trong giới tự nhiên rồi nhân cách hóa để nói chuyện con người. Truyện ngụ ngôn, về thực chất là một cách nói bóng gió. Với bản chất ấy, nó gồm hai phần: phần xác là câu chuyện kể, còn phần hồn là bài học luân lý. Truyện ngu ngôn (cùng với tục ngữ) là phương tiện biểu đạt của triết lý dân gian. * Mục đích của một việc đặt ra ngụ ngôn là để tránh cách nói thẳng mà nói một cách xa xôi, bóng gió, nói một cách dễ nghe, dễ lọt tai... Do vậy, phân tích ngụ ngôn không chỉ nhằm rút ra bài học, lời khuyên mà còn nhằm bình giải ỷ vị của cách nói bóng gió đó. * Cách phân tích một truyện ngụ ngôn thường đi theo trình tự sau: - Xác định các nhân vật trong truyện. Các nhân vật này là biểu tượng của hạng người nào trong xã hội. - Phân tích nhân vật: + Phân tích hoàn cảnh, tình huống cụ thể, trong đó diễn ra hành động của nhân vật chính. + Phân tích hành động của nhân vật trong hoàn cảnh đó.
  • 30. + Đánh giá hành động của nhân vật. - Đánh giá bài học được rút ra từ câu chuyện kể. Lưu ý: Từ một truyện ngụ ngôn, đôi khi người ta có thể rút ra những bài học khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Ngụ ngôn là một loại vật liệu rất thuận tiện để các em tìm nghiã bóng. Nghĩa bóng của truyện ngụ ngôn nằm trong lời khuyên được rút ra sau mỗi truyện. Bài 5 - TRUYỆN CƯỜI I. KHÁI NIỆM TRUYỆN CƯỜI Truyện cười là một thể loại truyện dân gian chứa đựng cái hài, dùng tiếng cười làm phương tiện chủ yếu để thực hiện chức năng phê phán, châm biếm, đả kích cái xấu và mua vui, giải trí: Đặc điểm chung của truyện cười dân gian là ngắn gọn, nặng về lý trí có kết cấu chặt chẽ và kết thúc đột ngột bất ngờ. Có thể chia truyện cười dân gian Việt Nam thành hai loại truyện chính: Truyện cười kết chuỗi và truyện cười không kết chuỗi. Truyện cười kết chuỗi là những mẫu giai thoại hài hước, xoay quanh một nhân vật có thực hoặc được coi là có thật, như Trạng Lợn, Trạng Quỳnh... Truyện cười không kết chuỗi là những truyện cười có kết cấu hoàn chỉnh, tồn tại độc lập, mang tính phiếm chỉ. Các nhân vật ở loại truyện này thường chỉ được giới thiệu vê thành phần, địa vị xã hội, giới tính chứ không có tên riêng như anh lính hầu, anh đầy tớ, thầy đồ, chàng rể... Có khi nhân vật chỉ được gọi bằng tên một tính cách, như: anh mê ngủ, anh sợ vợ, anh lười... Truyện cười không kết chuỗi ở nước ta rất phong phú, đa dạng, gồm nhiều tiểu loại khác nhau, như: Truyện khôi hài, Truyện trào phúng, Truyện tiếu lâm.
  • 31. II. NỘI DUNG Ý NGHĨA CỦA TRUYỆN CƯỜI 1. Truyện cười phê phán những thói hư tật xấu Truyền thống đạo đức của người Việt Nam không thể chấp nhận những thói hư tật xấu mà không ít người đời đã mắc phải, như: phàm ăn, tục uống, lười biếng, khoe khoang,khoác lác... Lối sống đó làm phương hại đến thuần phong mỹ tục, lối sống thanh sạch, trong sáng của cộng đồng. Vì vậy, cần phải đấu tranh phê phán dù là hạng người nào trong xã hội. Song tuỳ thuộc vào mức độ của từng tật xấu, thói hư mà truyện thể hiện những cách cười khác nhau, từ châm biếm nhẹ nhàng (Lợn cưới áo mới, con rắn vuông...) đến cảnh cáo nghiêm khắc (Sứ Tàu, Quan huyện thanh liêm, Trạng Quỳnh...) Tuy nhiên, dù ở mức độ nào, dù là đối tượng nào, tiếng cười ở đây cũng hướng vào mục đích là phê phán cái xấu. 2. Truyện cười, vũ khí đấu tranh Trong truyện cười dân gian, có một mảng truyện miêu tả những biểu hiện hài hước của những tính cách xấu gắn liền với bản chất của những tầng lớp xã hội cụ thể, như: quan lại thì tham nhũng, ngu xuẩn (Trinh với Liêm, Trung thần nghĩa sĩ cả, Quan huyện thanh liêm, Thần bia trả nghĩa, Kiện trời...) Những kẻ làm thầy thiên hạ thì dốt nát, thiếu nhân cách đến mức thảm hại (Tam dại con gà, Bốc thuốc theo sách. Bánh tao đâu, Tại thầy địa lý...) Bọn phù thủy sợ ma (Phủ thuỷ sợ ma). Bọn nhà giàu dốt nát, trưởng giả (chốc nữa tao sang)... Nhóm truyện này thể hiện rất rõ quan điểm chính trị: xã hội của nhân dân, đồng thời bộc lộ tính chiến đấu của truyện cười dân gian với tư cách là một vũ khí đấu tranh xã hội, đấu tranh giai cấp. Khi dùng tiếng cười để phê phán những thói hư tật xấu và đả kích, châm biếm vào thể chế xã hội, vào giai cấp thống trị, quần chúng nhân dân đã đứng trên quan điểm đạo đức và lý tưởng của nhân dân lao động. Phủ định cái xấu, tác giả dân gian đồng thời khẳng định và hướng mọi người vươn tới một cuộc sống tốt đẹp.
  • 32. Với những nội dung, ý nghiã đó, Truyện cười là một minh chứng cho tinh thần lạc quan và trí thông minh sắc sảo của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác. III. ĐỊNH HƯỚNG PHÂN TÍCH TRUYỆN CƯỜI Tiếng cười là sản phẩm của nhận thức lý tính: nó nẩy sinh ra từ sự phát hiện ra chỗ không phù hợp dưới bề ngoài có vẻ như phù hợp, giữa biểu hiện bên ngoài và thực chất của một hành vi. Chính sự "phát hiện" đó làm nẩy sinh ra tiếng cười. Về hình thức nghệ thuật nói chung, truyện cười là thể loại truyện kể dân gian ngắn, gọn nhất. Nó không mấy khi có câu chữ thừa, chi tiết thừa. Kết cấu rất chặt chẽ. Câu chuyện bao giờ cũng đặt cái đáng cười vào một tình huống sao cho cái đáng cười tự phơi bày ra dưới dạng sinh động nhất, ở cái thế "nực cười nhất”. * Khi phân tích truyện cười, cần lưu ý: - Phân tích truyện cười, không đừng lại ở yếu tố gây cười mà phải làm cho học sinh hiểu rõ cái gì đáng cười và suy nghĩ về cái đáng cười, về những điều ẩn sau hiện tượng gây cười. - Truyện cười thường mang kịch tính: Có "mâu thuẫn", đẩy "mâu thuẫn" phát triển tới điểm nút và được giải quyết. Nhìn chung, phân tích truyện cười có thể tiến hành theo cầu trục tự nhiên của màn kịch cười + Phân tích "tình thế xuất phát", tức là cái đáng cười được đặt vào một tình thế nhất thiết bị dồn tới chỗ tự phơi bày một cách cụ thể, sinh động, "buồn cười". Ví dụ: Sư cụ ăn vụng thịt chó bị chú tiểu biết và hỏi. + Phân tích "điểm nút” : Điểm nút của truyện cười là điểm, ở đó "mâu thuẫn", cái đáng cười, đã được "chuẩn bị" đủ điều kiện để tự phơi bày ra, hoặc bị vạch trần ra. Ví dụ: Sư cụ trả lời "Tao ăn đậu phụ thì đúng lúc đó có tiếng chó sủa, lại còn hỏi chú tiểu "Cái gì ngoài cổng đấy?".
  • 33. + Phân tích yếu tố "mở nút": Với truyện cười, "mở nút” là kết thúc. Tức là lúc hiện tượng đáng cười được phơi bày ra một cách cụ thể. Tất nhiên, không nên máy móc vận dụng phân tích theo trình tự trên. Điều quan trọng là phải nắm vững cái đích của công việc "phân tích" là phân tích cái đáng cười trong quá trình của nó từ trạng thái ẩn đến trạng thái tự bộc lộ một cách cụ thể, sinh động, khiến người ta phát hiện ra và thấy buồn cười. Bài 6 - TỤC NGỮ I. KHÁI NIỆM VỀ TỤC NGỮ Tục ngữ là một thể loại văn học dân gian một loại câu nói hoàn chỉnh, ngắn gọn, xuôi tai, có ý nghiã hàm súc, có cấu tạo tương đối bền vững và thường có vần, có nhịp, có hình ảnh được dùng trực tiếp trong “lời ăn tiếng nói” cũng như trong thực hành sinh hoạt xã hội của quần chúng nhân dân. Tục ngữ có một khối lượng rất lớn nhưng lại mang một "hình thức nhỏ" Hơn bất cứ thể loại nào khác của sáng tác dân gian, tục ngữ trong bản chất cũng như trong phương thức "diễn xướng" của nó có tính chất thực hành triệt để. Đó là sự ứng dụng trực tiếp trong nếp nghĩ, trong ứng xử, trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân. II. MỘT SỐ NỘI DUNG CHÍNH TRONG CÁC LOẠI TỤC NGỮ Tục ngữ là một sản phẩm của hoạt động nhận thức, đồng thời cũng là một công cụ để nhận thức. Đề tài của tục ngữ vô cùng phong phú, nó bao quát một phạm vi hiện thực rộng lớn. 1. Tục ngữ về lao động sản xuất Tục ngữ về lao động sản xuất nhằm biểu đạt những kinh nghiệm của con người trong hoạt động lao động sản xuất, trong quá trình đấu tranh, cải tạo và chinh phục thiên nhiên, trong sự xử thế của con người với môi trường tự nhiên.
  • 34. - Quá mù ra mưa - Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân - Trăng quầng đại hạn, trăng tán thì mưa. Trong điều kiện khoa học chậm phát triển của một nước nông nghiệp lạc hậu thời phong kiến, những kinh nghiệm ấy có giá trị thiết thực, như một thứ cẩm nang đối với đời sống và sinh hoạt sản xuất, giúp cho con người chủ động trong công việc làm ăn và trong sinh hoạt hàng ngày, đề phòng những tai họa do thiên nhiên gây ra. 2. Tục ngữ về lịch sử - xã hội. Bộ phận tục ngữ này đề cập đến nhiều phương diện của lịch sử và các mối quan hệ giữa các giai cấp đối kháng: Tục ngữ nói về thời kỳ bình minh lịch sử dân tộc; Tục ngữ về kinh nghiệm đánh giặc, về nhân vật lịch sử, tục ngữ nói về cảnh quan, sản vật, phong tục tập quán của các miền đất nước. Và đặc biệt nổi bật trong nội dung xã hội - lịch sử của tục ngữ Việt Nam là những kinh nghiệm đời sống của nhân dân trong xã hội phong kiến, chủ yếu là trong làng xã như: - Cá lớn nuốt cá bé - Kẻ ăn không hết, người lần không ra... Qua những kinh nghiệm này, ta có thể thấy những nét phản ánh chân thực cuộc sống khó khăn, khổ cực, đầy tai ách của nhân dân lao động trong xã hội cũ. 3. Tục ngữ nói về con người Chiếm phần quan trọng nhất trong bộ phận nói về con người là những câu nói về đạo đức, về triết lý sống, và cách ứng xử của nhân dân: - Người sống đống vàng - Uống nước nhớ nguồn - Chị ngã em nâng
  • 35. - Tốt gỗ hơn tốt nước sơn - Con hơn cha là nhà có phúc Những nội dung trên của tục ngữ cho thấy: từ ngàn xưa, nhân dân đã xây đắp nên một cách sống, một phương châm xử thế tốt đẹp trong quan hệ giữa con người với con người. Đó là nền tảng đạo đức của nhân dân và đạo đức ấy được diễn đạt một cách đầy đủ nhất trong tục ngữ. Qua những lời khuyên nhủ, răn dạy, nhận xét của tục ngữ, ta có thể hình dung khá rõ những tính cách đạo đức cổ truyền của dân tộc như: cần kiệm, thiết thực, quý trọng tình nghĩa, yêu chuộng lẽ công bằng và thiết tha với những giá trị tinh thần. III. ĐỊNH HUỚNG VỀ PHƯƠNG PHÁP PHÂN TÍCH TỤC NGỮ Tục ngữ là những câu nói ngắn gọn: có nhịp điệu, có hình ảnh: có hình thức bền vững, được dùng trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân. Nội dung của tục ngữ là những nhận xét, phán đoán, kết luận về các hiện tượng tự nhiên, xã hội và đời sống con người. Xét trên bình diện ứng dụng, tục ngữ gồm hai loại: loại đơn nghĩa và loại đa nghĩa Những câu tục ngữ thuộc loại đơn nghĩa là những câu chỉ có thể hiểu theo nghĩa đen. Vd: - Dao thử trầu héo, kẻo thử lụa xô. - Là lượt là vị thông lại, nhễ nhại là vợ học trò Những câu tục ngữ thuộc loại đa nghĩa là những câu chỉ được dùng theo lối nghĩa bóng. Vd: - Chết trong hơn sống đục - Lành với Bụt, chẳng lành với ma. Ngoài ra, có những câu vừa có thể được đùng theo nghĩa đen, vừa có thể được dùng theo nghĩa bóng. Vd:
  • 36. - Cà thâm bỏ góc chạn, đến khi hoạn nạn lại hỏi cà thâm - Bò chết chẳng khỏi rơm. Tỷ lệ những câu tục ngữ đa nghĩa lớn hơn hẳn những câu đơn nghĩa (hầu hết những câu thuộc bộ phận tục ngữ về tự nhiên và lao động sản xuất đều chỉ có một nghĩa). Như vậy, trong đời sống hàng ngày, phần lớn tục ngữ được dùng như những ẩn dụ. Về hình thức diễn đạt, trừ một số câu có tính chất như lời khuyên răn "Chớ thấy sóng cả mà ngả tay chèo" còn phần lớn tục ngữ dùng cách nhận xét, kết luận. Vd: - Không có lửa, làm sao có khói - Lạt mềm buộc chặt * Tục ngữ giàu hình ảnh, được xây dựng bằng nhiều biện pháp tu từ: So sánh: - Người dẹp vì lụa, lúa tốt vì phân Ẩn dụ: - Đục nước, béo cò. Ngoa dụ: - lời nói đọi máu Nhân hóa: - cái nết đánh chết cái đẹp Cấu trúc tục ngữ thường có hai vế trở lên. Hai vế thường đối nhau và tạo nên tính nhạc cho tục ngữ. Giữa hai vế còn thường có quan hệ liên kết về vần. Vd: - Hay thì khen, hèn thì chê (Vần ứng liền) Con có cha như nhà có nóc (Vần lưng cách một) - Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn (Vần lưng cách hai) * Trong tục ngữ, ý nghiã của nó thường được biểu đạt bằng hình ảnh. Do đó, muốn xác định nghĩa của câu tục ngữ, ngoài việc giải nghĩa các từ, tìm hiểu mối quan hệ giữa các từ ngữ hình ảnh đó, chúng ta cần thực hiện thao tác liên tưởng bằng cách thay thế vật liệu để tìm ra nghĩa bóng của câu tục ngữ.
  • 37. - Sau khi tìm ra nghĩa bóng, cần đi sâu để tiếp tục khám phá tư tưởng của câu tục ngữ. Vì tục ngữ bao giờ cũng chứa đựng thái độ của nhân dân đối với hiện tượng được nói tới. Đồng thời bình luận về giá trị nội dung kinh nghiệm cũng như tư tưởng của câu tục ngữ. - Đối với học sinh tiểu học, điều căn bản nhất khi phân tích tục ngữ là tổ chức cho học sinh lần lượt thực hiện các thao tác để các em có thể tự mình dựng lại trong tâm trí hình tượng làm sao để hình tượng đó như đang biểu hiện trong tâm trí các em. ngay trước mặt các em. Trong quá trình dựng lại hình tượng thì tự thân việc làm đó đã làm nẩy sinh tình cảm và tư tưởng trong các em rồi. Vì vậy, giáo viên không cần giảng giải, giải thích gì thêm. Bài 7 - CÂU ĐỐ I. KHÁI NIỆM VỀ CÂU ĐỐ Câu đố là một thể loại văn học dân gian ngắn gọn, phản ánh các sự vật hiện tướng khách quan bằng một lối nói đặc biệt. Lối nói chệch, lối nói gần với ẩn dụ, dấu tên, chuyển vật nọ thành vật kia. Được nhân dần dùng trong sinh hoạt tập thể để thử tài suy đoán, kiểm tra sự hiểu biết và mua vui giải trí. Đơn vị tác phẩm của thể loại này được gọi là câu, vì nó đều rất ngắn. Vd: - Trong nhà có bà ăn cơm trước. (Đôi dũa cả) - Anh lớn mặc áo đó, em nhỏ mặc áo xanh. (Quả ớt) Nhưng cũng không ít những câu đố dài như một bài ca dao. Vd: Con ai hải đứa hai nơi. Gặp nhau một chỗ, cùng chơi một phòng Không may nhà sập đá chồng
  • 38. Tan xương nát thịt máu hồng chứa chan. (ăn trầu.) hoặc như một bài thơ: Giữa đám lá xanh mướt Treo từng chùm chuông nho Trong xanh và hồng đỏ Bừng sáng cả vườn quê. (Quả mận hoặc quả roi) Câu đố có nhiều tác dụng khác nhau như: đức dục, trí dục, mỹ dục, giải trí... nhưng với tư cách là một vật liệu của việc học vấn trong nhà trường tiểu học, câu đố được xem là phương tiện luyện cho trẻ óc quan sát, phát triển óc suy đoán và kích thích trí tưởng tượng, liên tưởng cũng như khả năng ứng biến nhanh trí. Lối ẩn dụ trong câu đố là một ẩn dụ riêng, khác với lôi ẩn dụ thông dụng trong văn học nghệ thuật (cái ẩn trong câu đố hoàn toàn vô định, không nhất thiết phải thuộc về con người). Dựa vào những biểu hiện khác nhau về nội dung và hình thức, người ta chia câu đố thành các loại, các nhóm khác nhau: đố chữ, đố giảng, đố tục giảng thanh... II. ĐỊNH HƯỚNG VỀ PHƯƠNG PHÁP PHÂN TÍCH CÂU ĐỐ Phân tích câu đố với tư cách là một loại hình văn học dân gian được giảng dạy trong trường học là tìm lời giải đố và phân tích lối miêu tả của câu đố đó. Thực trạng dạy học hiện nay thường đi theo hai xu hướng: 1. Chỉ chú ý tìm lời giải đố mà không quan tâm đến lối miêu tả của câu đố.
  • 39. 2. Với những vật liệu văn là câu đố thì lời giải đố luôn luôn cho trước và giáo viên hướng dẫn sử dụng thao tác tưởng tượng để tái hiện lại trong tâm trí các em hình tượng văn đã được gửi vào câu đố Trong hai cách dạy đó thì xã hướng thứ hai xem ra phù hợp với bản chất của việc học văn hơn nhưng thiết nghĩ việc tìm lời giải đố cũng cần thiết vì bên cạnh tư duy luận lý, người ta cũng thường dùng cả tưởng tượng và liên tưởng nữa để tìm ra lời giải đố và điều này cũng rất cần cho việc học văn ở bậc tiểu học a. Tìm lời giải đố Có thể thực hiện những thao tác sau để tìm lời giải đố - Khoanh vùng tìm kiếm những gì liên quan đến hình ảnh đố. - Thu hẹp phạm vi tìm kiếm bằng cách kết hợp với các dữ kiện trong câu đố. - Lược bớt các nghiệm số đảm bảo đầy đủ các yêu cầu của câu đố (chỉ đúng mặt này nhưng không đúng ở khía cạnh khác). Kết hợp liên tưởng và suy luận để tìm ra lời giải đố. - Biện luận (nếu cần); vì nhiều câu đố có nhiều nghiệm, việc thừa nhận một nghiệm chẳng qua là quy ước. b. Phân tích lối miêu tả câu đố - Thông thường, vật đố không xa lạ nhưng ẩn dụ của vật đố lại hướng người ta nghĩ đến những cái khác hẳn. - Sức mô tả những "đặc điểm" ấy chủ yếu bằng phép so sánh nhằm tạo ra một ẩn dụ (một số câu đố lại dựa vào phép chơi chữ để tạo ra ẩn dụ). - Vì câu đố phải gọn và chặt nên những từ ngữ dừng tiếng câu đố phải chính xác, cụ thể, gợi hình ảnh. - Phân tích lối miêu tả câu đố cần hướng dẫn học sinh chú ý các đặc điểm trên và thông qua thao tác tưởng tượng, để làm phục hiện trong tâm trí các em các hình ảnh của vật đố được gửi vào văn bản câu đố ấy.
  • 40. HƯỚNG DẪN HỌC TẬP I. Câu hỏi 1. Nêu những đặc trưng cơ bản của Văn học dân gian. 2. Phân tích ảnh hưởng của Văn học dân gian đối với đời sống 3. Thần thoại và tuyền thuyết là những thể loại có dành riêng cho thiếu nhi không? Vì sao? 4. Truyền thuyết thể hiện niêm tự hào dân tộc như thế nào (Phân tích và lấy các truyền thuyết trong chương trình tiếng Việt tiểu học để dẫn chứng) 5. Trình bày những điểm chính vè nội dung và nghệ thuật của ba loại truyện cổ tích. 6. Tại sao nói, truyện cổ tích "Chiếu rọi ánh sáng vào một thế giới khác” 7. Nêu những nét đặc trưng của truyện ngụ ngôn. Sự khác nhau giữa ngụ ngôn và cổ tích? 8. Trình bày nội dung và đặc điểm nghệ thuật của truyện cười trong chương trình tiếng Việt tiểu học. 9. Trình bày nội dung và đặc điểm nghệ thuật của câu đố và tục ngữ ở chương trình tiếng Việt tiểu học? II. Bài tập 1. Phân tích giá trị hiện thực và ý nghĩa nhân văn trong các thần thoại ở chương trình Tiếng Việt Tiểu học. 2. Phân tích nội dung và nghệ thuật của truyền thuyết Thánh Gióng. 3. Phân tích một số truyện cổ tích trong chương trình truyện kể ở Tiểu học để thấy được ý nghĩa của lối “kết thúc có hậu” của loại truyện này (đặc biệt là truyện cổ tích thần kỳ). III. Bài tập nghiên chừ
  • 41. 1. Đặc điểm hệ thống nhân vật của loại truyện kể dân gian trong chương trình kể chuyện ở bậc tiểu học. 2. Hệ đề tài và chủ đề phổ biến trong các truyện cổ dân gian chương trình Tiếng Việt ở Tiểu học. IV. Tư liệu tham khảo 1. Văn học (Tập I) - Giáo trình dùng trong các trường sư phạm đào tạo giáo viên Tiểu học - Bộ Giáo dục và Đào tạo - Vụ Giáo viên - Hà Nội, 1993. 2. Văn học dân gian Việt Nam - Trần Hoàng. Nxb. Giáo dục, 3.Văn học Thiếu nhi Việt Nam - Trần Đức Ngôn - Dương Thu Hương - Trưởng ĐHSP Hà Nội I - Hà Nội - 1994 4. Từ điển, Thuật ngữ văn học - Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi - Nxb GD - 1992. 5. Lược khảo thần thoại Việt Nam - Nguyên Đồng Chi - Nxb Văn Sử Địa - Hà Nội, 1965. 6. Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (5 tập) - Nxb KHXH Hà Nội, 1974 - 1982. 7. Bộ sách giáo khoa Tiếng Việt Tiểu học. Nxb Giáo đục - Hà Nội, 1994. Bài 8 - CA DAO I. KHÁI NIỆM CA DAO Ca dao còn gọi là phong dao. Theo nghĩa gốc thì ca là một bài hát có khúc điệu, dao là bài hát không có khúc điệu. Ca dao là thuật ngữ chỉ chung toàn bộ những bài hát lưu hành phổ biến trong dân gian có hoặc không có khúc điệu. Trong trường hợp này ca dao đồng nghĩa với dân ca.
  • 42. Từ hơn một thế kỉ nay, do tác động của hoạt động sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian, thuật ngữ ca dao đã dần dần chuyển nghĩa. Các nhà nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam đã dùng ca dao để chỉ liêng thành phân nghệ thuật ngôn từ phần lời thơ) của dân ca (không kể những tiếng đệm, riêng láy, tiếng địa hơi). Với nghĩa này, ca dao là thơ ca dân gian truyền thống Và được coi là "một trong những dòng chính của thơ ca trữ tình"(Mỹ học - F.Hêghen). II. HỆ ĐỀ TÀI VÀ CHỦ ĐỀ PHỔ BIẾN TRONG CA DAO 1. Ca dao về lịch sử - đất nước - con người Cảm hứng chủ đạo trong bộ phận ca dao nói về lịch sử, đất nước và con người Việt Nam là tình yêu sâu sắc, mãnh liệt, tràn dầy niềm tự hào của nhân dân ta đối với quê hương, đất nước, nòi giống, tổ tiên: Thương chi đồng nỗi thương con Nhớ chi đồng nhớ nước non quê nhà. Nhiều tên núi, tên sông, tên làng cùng các phong tục tập quán thân thuộc của nhân dân đã đi vào ca dao với tất cả niềm tự hào trước vẻ đẹp giàu có của nó: Đất ta bể bạc non vàng Bể bạc Nam Hải, non vàng Bồng Miêu. Đó còn là cảm xúc dạt dào trước vẻ đẹp nên thơ của giang sơn gấm vóc: Đường vô xứ Nghệ quanh quanh Non xanh nước biếc như tranh họa đồ Ai vô xứ Nghệ thì vô... Nhưng thiên nhiên trong đa số các bài ca dao cổ truyền thường gắn liền với cuộc sống của con người. Ở đây, hình ảnh con người với tất cả
  • 43. những phẩm chất tốt đẹp của người dân lao động, của con người Việt Nam đã trở thành nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ dân gian: Cày đồng đang buổi ban trưa Mồ hôi thánh thót như mưa nắng cày Ai ơi bưng bát cơm đầy Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần. Những bài ca dao trên là biểu hiện một khía cạnh đẹp đẽ trong truyền thống đạo lý của người Việt Nam. 2. Tiếng nói đấu tranh chống áp bức cường quyền, đòi quyền sống của con người * Cuộc đấu tranh xã hội của nhân dân ta qua các thời kỳ lịch sử đã từng là đề tài phong phú cho những sáng tác ca dao. Nó phản ánh những tâm trạng đau khổ, uất ức, thái độ phản kháng của người dân lao động đối với giai cấp thống trị: - Gánh cực mà đổ lên non Còng lưng mà chạy cực cỏn theo sau. - Vua chi vua, quan chi mà quan Lọng vàng thì có, lòng vàng thì không. Nó còn dùng tiếng cười để châm biếm, đả kích sâu cay vào bản chất thối nát, của cả vương quyền, thần quyền. Ban ngày quan lớn như thần Ban đêm quan lớn tần mần như ma. Nó biến thành thứ vũ khí sắc bén chống lại các thể chế xã hội: Bao giờ dân nói can qua, Con vua thất thế lại ra quét chùa.
  • 44. Lên án tố cáo xã hội bất công, ca dao đồng thời là lời than thân, giải bày nỗi ai oán, xót xa của người dân lao động: Bồng bồng mẹ bế con sang Đò to nước lớn mẹ mang con về Mang về đến gốc bồ đề Xoay trở hết nghề, mẹ bán con đi. Là nỗi đau đớn của người cố nông: Ruộng người cày, vợ người nuôi Con người mắng mỏ, vợ người yêu đương. Trong xã hội cũ, phụ nữ là nạn nhân của nhiều tầng áp bức. Và nỗi khổ của họ đã được phản ánh khá nhiều trong ca dao cổ, nhất là trong bộ phận ca dao than thân: - Thân em như hạt mưa sa Hạt vào dải các, hạt ra ruộng cày. Con cò lặn lội bờ sông Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non. 3. Tiếng hát nghĩa tình, tiếng hát yêu thương Ca dao là tiếng nói của tâm hồn là tình cảm thương yêu, là nghĩa tình chung thủy, là lòng hiếu thuận với những người ruột thịt: - Mẹ già ở túp lều tranh. Sớm thăm tốt viếng mới đành dạ con. - Tôm rằn bóc vỏ bỏ đuôi Gạo de An Cựu mà nuôi mẹ già. Từ tình cảm gia đình, mở rộng ra thành tình làng nghĩa xóm, tình cộng đồng tạo nên những nét đẹp truyền thống của dân tộc: thương yêu đùm bọc, nhân ái vị tha.
  • 45. * Một trong những đề tài phong phú nhất của ca dao là tình yêu đôi lứa. Ca dao trữ tình về tình yêu đôi lứa thường được nẩy sinh trong khung cảnh lao động: Hôm qua tát nước đầu đình Bỏ quên cái áo trên cành hoa xinh. Em được thì cho anh xin Hay là em để làm tin trong nhà Tâm tình và trạng thái tâm lý của tình yêu đôi lứa thường được diễn đạt bằng một ngôn ngữ vừa giản dị vừa bóng bẩy; vừa ý nhị vừa đậm đà da diết: Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai! Nhưng cũng có khi "táo tợn" mà vẫn dễ thương: Ước gì sông rộng một gang Bắc cầu giải đếm cho chàng sang chơi. Ca dao ca ngợi tình yêu chung thủy mà tiền tài, quyền lực không thể lung lạc: Chồng em áo rách em thương Chồng người áo ấm xông hương mặc người. Đọc những bài ca dao về tình yêu đôi lứa trong bối cảnh xã hội Việt Nam thời phong kiến càng thấy rõ tính dân chủ và nhân đạo sâu sắc của nó. III. ĐỊNH HƯỚNG PHÂN TÍCH CA DAO Ca dao là một thể thơ dân gian cổ truyền của dân tộc. Gọi là cổ truyền vì ca dao được phổ biến rộng rãi và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Đồng thời, ca dao lại mang những đặc điểm nghệ thuật nhất định và bền vững về phong cách.
  • 46. Ca dao thường làm theo thể lục bát: - Có vần (vần ở chân và lưng) - Có nhịp (thường là nhịp đôi 2/2 nên dễ ngân nga, trầm bổng). * Giá trị độc đáo của ca dao ở chỗ: Nó phản ánh chân thực tâm hồn, khí sắc dân tộc. Sinh ra giữa thiên nhiên khắc nghiệt, sống triền miên trong xã hội hà khắc, lại trải qua bao chiến tranh loạn lạc, dân tộc này không thể không nói nhiều dấn khổ đau và căm giận. Nhưng cội nguồn sức mạnh tinh thần của nó lại chủ yếu là chất tươi sáng, rắn rỏi của tâm hồn, là tình cảm thương yêu, là nghĩa tình chung thủy, là lòng trung hậu với gia đình, bè bạn, họ mạc, đồng bào, quê hương, đất nước. - Ca dao là một lối thơ trữ tình trò chuyện (tức là kể chuyện hoặc giải bày cảm nghĩ, tâm tình với người khác). Đặc điểm này lưu ý khi phân tích, phải hình dung ra cuộc trò chuyện, người đang trò chuyện và người được trao gởi tâm tình. - Khi phân tích ca dao, yêu cầu cơ bản là phải xác định được chủ thể trữ tình: bài ca dao là lời của ai? Điều cần lưu ý là chủ thể trữ tình ở ca dao chưa phải là một cá nhân để có thể khai thác những suy nghĩ và tình cảm của mình một cách riêng tư mà "còn gắn bó không tách rời với nhân dân, còn hoàn toàn đắm mình trong môi trường tinh thần của nhân dân " (Hê ghen - Mỹ học). Vì vậy, ta chỉ thấy ở ca dao một số nhân vật trữ tình nhất định, mà tất cả nhưng người cùng cảnh, nếu cảm thấy đồng điệu, đều có thể dùng chung câu hát như thể đó là tiếng hát cất lên tự chính trái tim mình. - Mặc dầu giá trị về nội dung và nghệ thuật của ca dao rất phong phú, đa dạng, nhưng cũng có những yếu tố bền vững, tạo ra các hệ thống về chủ đề và hệ thống các yếu tố hình thức. Đặc điểm đó đòi hỏi khi phân tích, cần đặt bài ca dao trong hệ thống của nó để đối chiếu, xem xét, từ đó, rút ra các nét riêng, độc đáo của bài ca dao. - Hướng dẫn học sinh phân tích ca dao là tìm cái tâm tình của con người được bộc lộ trong bài ca dao đó. Nhưng đó không phải là sự trình bày