SlideShare a Scribd company logo
1 of 218
VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
TRẦN THỊ LAN
DI SẢN HÓA Ở VIỆT NAM: TRƯỜNG HỢP ĐỀN HÁT MÔN,
HUYỆN PHÚC THỌ, THÀNH PHỐ HÀ NỘI
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA HỌC
Hà Nội - 2019
VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
TRẦN THỊ LAN
DI SẢN HÓA Ở VIỆT NAM: TRƯỜNG HỢP ĐỀN HÁT MÔN,
HUYỆN PHÚC THỌ, THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Ngành: Văn hóa học
Mã số: 9.22.90.40
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA HỌC
Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS.TS. Lƣơng Hồng Quang
2. TS. Hoàng Cầm
Hà Nội - 2019
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan Luận án Tiến sĩ: Di sản hóa ở Việt Nam: Trƣờng hợp đền
Hát Môn, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội là công trình nghiên cứu của riêng tôi
dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Lương Hồng Quang và TS. Hoàng Cầm. Các trích
dẫn, số liệu và kết quả nêu trong Luận án là trung thực và có xuất xứ rõ ràng.
Hà Nội, ngày tháng năm 2019
Tác giả luận án
Trần Thị Lan
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ....................................................................................................................1
Chƣơng 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ
ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU.......................................................................................11
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu ........................................................................11
1.2. Cơ sở lý luận ......................................................................................................32
1.3. Tổng quan về địa bàn nghiên cứu ......................................................................39
Tiểu kết ....................................................................................................................50
Chƣơng 2: QUÁ TRÌNH VINH DANH DI TÍCH VÀ LỄ HỘI ĐỀN HÁT MÔN
...................................................................................................................................53
2.1. Quá trình vinh danh đền Hát Môn thành di tích Quốc gia đặc biệt ...................53
2.2. Quá trình vinh danh lễ hội đền Hát Môn thành di sản văn hóa phi vật thể quốc
gia..............................................................................................................................63
2.3. Nhà nước và cộng đồng trong quá trình vinh danh di tích và lễ hội đền Hát Môn
...................................................................................................................................71
Tiểu kết ....................................................................................................................76
Chƣơng 3: QUÁ TRÌNH HẬU VINH DANH DI TÍCH VÀ LỄ HỘI ĐỀN HÁT
MÔN.........................................................................................................................78
3.1. Sự biến đổi của di tích và lễ hội sau vinh danh..................................................78
3.2. Nhà nước và cộng đồng trong quá trình hậu vinh danh di tích và lễ hội đền Hát
Môn .........................................................................................................................100
Tiểu kết ..................................................................................................................128
Chƣơng 4: DI SẢN HÓA ĐỀN HÁT MÔN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ BÀN LUẬN
.................................................................................................................................130
4.1. Các động thái chính trị - xã hội của việc vinh danh di sản ..............................130
4.2. Những tác động của di sản hóa ........................................................................143
Tiểu kết...................................................................................................................156
KẾT LUẬN............................................................................................................158
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG
BỐ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN ........................................................163
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO.............................................................164
DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT TRONG LUẬN ÁN
Từ viết tắt Từ viết đầy đủ
BBVDT Ban Bảo vệ di tích
Cb Chủ biên
DSVH Di sản văn hóa
NCS Nghiên cứu sinh
Nxb Nhà xuất bản
STT Số thứ tự
tr trang
UBND Ủy ban nhân dân
UNESCO Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên
Hợp quốc
VHTTDL Văn hóa, Thể thao và Du lịch
DANH MỤC CÁC BẢNG BIỂU TRONG LUẬN ÁN
STT Tên bảng Số trang
1 Bảng 1: Các dự án trùng tu, xây mới tại di tích đền
Hát Môn từ 2000-2018
81-82
2 Bảng 2: Mô hình quản lý nhà nước đền Hát Môn 101
3 Bảng 3: Hỗ trợ kinh phí thành viên Ban Bảo vệ di
tích đền Hát Môn
113
4 Bảng 4: Sự tham gia của chính quyền và cộng đồng
trong tổ chức lễ hội
122
1
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trong vài thập kỉ trở lại đây, di sản văn hóa (DSVH) đã trở thành một chủ
đề được giới nghiên cứu khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng
quan tâm. Điều này cho thấy di sản thiên nhiên, di tích và thực hành văn hóa ngày
càng có vai trò, chức năng và ý nghĩa quan trọng trong các lĩnh vực văn hóa, chính
trị, kinh tế, xã hội.
Ở Việt Nam, từ sau đổi mới, việc phục hồi và bảo vệ các DSVH, cả vật thể
và phi vật thể đã thể hiện rõ chủ trương của nhà nước trong việc xem văn hóa là
“mục tiêu và động lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội” theo tinh thần Nghị
quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998). Cùng với đó, nhiều DSVH đã được kiểm kê,
lựa chọn và làm hồ sơ xếp hạng di sản ở các cấp khác nhau: cấp tỉnh, cấp quốc gia,
cấp quốc gia đặc biệt đối với di tích; cấp quốc gia đối với các di sản DSVH văn hóa
phi vật thể. Một số DSVH “tiêu biểu” đã được đưa vào danh mục do Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt để xây dựng hồ sơ đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và
Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) vinh danh trong các Danh sách Di sản văn
hóa và thiên nhiên thế giới, Di sản tư liệu thế giới, Kiệt tác di sản truyền khẩu và
phi vật thể của nhân loại (Danh sách DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại).
Theo thống kê, tính đến tháng 7-2018, Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương đã xếp hạng gần 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố; Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã xếp hạng 3.463 di tích quốc gia; và
Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng 95 di tích quốc gia đặc biệt; đồng thời có trên 4
vạn di tích đã được kiểm kê theo quy định của Luật DSVH; 61.669 DSVH phi vật
thể của 63 tỉnh/thành phố đã được kiểm kê; trong đó có 249 DSVH phi vật thể được
Bộ VHTTDL đưa vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia. Trong số các DSVH
của Việt Nam, UNESCO đã ghi danh 08 di sản vào danh mục Di sản thế giới theo
Công ước UNESCO 1972 về Bảo vệ DSVH và Thiên nhiên Thế giới; 12 DSVH phi
vật thể. Ngoài ra, theo Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO, tính đến nay,
2
Việt Nam đã có 07 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh (gồm 03 di sản tư liệu thế
giới và 04 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương) [23, tr. 6].
Đặc biệt, việc vinh danh, xếp hạng DSVH /di sản hóa đã trở thành một trong
những hoạt động quan trọng để thực tế hóa định hướng phát triển văn hóa quốc gia
khi Việt Nam ban hành Luật DSVH năm 2001. Nó được coi là một tác nhân làm
thay đổi thực hành văn hóa của cộng đồng, củng cố mối quan hệ với nhà nước của
các chủ thể văn hóa, gắn kết DSVH với những sáng tạo văn hóa mới, khẳng định
bản sắc văn hóa thời hiện đại... Mặt khác, trong quá trình di sản hóa, việc lựa chọn
các DSVH nào, phục hồi, xếp hạng nó ra sao, các mối quan hệ giữa cộng đồng, nhà
nước trong quá trình đó như thế nào… là một vấn đề khá phức tạp và thể hiện nhiều
quan điểm khác nhau, những động thái chính trị, những mối tương tác quyền lực
của các nhóm xã hội trong bối cảnh Việt Nam đương đại.
Đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội) là một di tích cổ ở đồng
bằng sông Hồng thờ Hai Bà Trưng - những nhân vật được xem là biểu tượng nói lên
tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam. Việc thờ phụng
Hai Bà Trưng từ hàng nghìn năm ở đây không chỉ có ý nghĩa về mặt tâm linh đối
với cộng đồng địa phương mà còn có tầm quan trọng đặc biệt trong việc duy trì và
nâng cao tâm thức của người Việt về cội nguồn, về lịch sử chung của quốc gia - dân
tộc. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà trong các bài phát biểu quan trọng của nhiều
nhà chính trị - ngoại giao trên thế giới khi đến Việt Nam cũng đã gợi nhắc về hình
tượng Hai Bà Trưng như một biểu tượng về sự đoàn kết, khẳng định tinh thần, triết
lý của cộng đồng quốc gia - dân tộc Việt Nam (bài phát biểu của cựu Tổng thống
Mỹ Barack Obama tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia - tháng 5/2016; bài phát biểu
tại APEC của Tổng thống Donald Trump - năm 2017; chuyến thăm đền Hai Bà
Trưng của Đại tướng Robert B. Brown - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Lục quân Thái Bình
Dương Mỹ tháng 8/2018…).
Nằm trong xu hướng chung về di sản hóa, di tích đền Hát Môn đã được nhà
nước lựa chọn để vinh danh, xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2013, lễ hội
đền Hát Môn được vinh danh là DSVH phi vật thể quốc gia năm 2016. Trong thực
3
tế, không phải bất cứ các thực hành/biểu tượng văn hóa nào cũng trở thành DSVH
mà quá trình di sản hóa nói chung, di sản hóa đền Hát Môn nói riêng là một quá trình
lựa chọn với sự tham gia của nhiều bên liên quan. Và khi được ghi danh, được gán
nhãn danh hiệu DSVH các cấp sẽ kéo theo nhiều vấn đề như nhà nước, chính quyền
địa phương, cộng đồng, các công ty du lịch… “sử dụng” DSVH cho nhiều mục đích
khác nhau. Khi nhà nước can thiệp ngày càng sâu vào quản lý DSVH sau khi được
vinh danh cũng sẽ dẫn tới hệ lụy là cộng đồng có nguy cơ bị “ngoài lề hóa” đối với
chính di sản mà trong quá khứ họ là người sáng tạo, nắm giữ và thực hành… Quá
trình di sản hóa cũng có những tác động đến suy nghĩ, nhận thức và cách thức thực
hành văn hóa truyền thống của cộng đồng có di sản; dẫn tới các động thái tương tác
đa chiều trong mối quan hệ giữa cộng đồng, nhà nước và DSVH. Một quá trình
chồng chéo, đan xen với nhiều bên tham gia làm cho chính bản thân DSVH bị biến
đổi. Hay nói một cách khác, quá trình di sản hóa đã tạo nên một sân chơi, một diễn
đàn, một công cụ để nhiều bên có thể tham gia với các động năng phức tạp, đa tầng
khác nhau.
Trong thực tế hiện nay, những thảo luận đặt ra xung quanh quá trình di sản
hóa, tạo dựng DSVH ở Việt Nam đang đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết về lý luận và thực
tiễn đòi hỏi cần phải đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu. Trên cơ sở đó, tác giả đã lựa chọn vấn
đề: Di sản hóa ở Việt Nam: Trƣờng hợp đền Hát Môn, huyện Phúc Thọ, thành
phố Hà Nội làm đề tài luận án tiến sĩ của mình, với mong muốn đóng góp một góc
nhìn mới trong bức tranh nghiên cứu vốn đa dạng và phong phú về DSVH ở Việt Nam
trong bối cảnh xã hội đương đại.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích nghiên cứu
Luận án nghiên cứu về quá trình lựa chọn, vinh danh di tích và lễ hội đền Hát
Môn trở thành DSVH để biện giải các động thái chính trị, xã hội và kinh tế của vấn
đề di sản hóa ở Việt Nam cũng như các tác động của quá trình di sản hóa đối với
việc bảo vệ, phát huy giá trị DSVH vật thể và phi vật thể.
4
Mặt khác, thông qua nghiên cứu trường hợp về quá trình di sản hóa di tích và
lễ hội đền Hát Môn, luận án hướng đến luận giải về mặt lý luận xu hướng di sản hóa
từ góc độ thực tiễn của Việt Nam, góp phần vào nghiên cứu các vấn đề liên quan đến
di sản hóa, DSVH trên thế giới trong bối cảnh quốc tế và hội nhập hiện nay.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để đạt được mục đích nghiên cứu trên, luận án có các nhiệm vụ nghiên cứu
cụ thể như sau:
- Nghiên cứu tổng quan về di tích và lễ hội đền Hát Môn, quá trình hình
thành, phát triển và vai trò của di tích trong việc tạo dựng bản sắc quốc gia - dân tộc
và ý nghĩa đối với cộng đồng địa phương trong lịch sử.
- Nghiên cứu các vấn đề lý luận về xu hướng di sản hóa ở Việt Nam và trên
thế giới.
- Nghiên cứu một cách có hệ thống thực tiễn quá trình lựa chọn và vinh danh
di tích và lễ hội đền Hát Môn trở thành DSVH; Chỉ ra quá trình biến đổi của di tích
và lễ hội đền Hát Môn sau khi vinh danh; sự tham gia của cộng đồng, nhà nước vào
quá trình di sản hóa di tích và lễ hội đền Hát Môn.
- Bàn luận về những vấn đề đặt ra liên quan đến quá trình di sản hóa các di
tích và thực hành văn hóa ở Việt Nam trong bối cảnh xã hội chuyển đổi hiện nay.
3. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Để có được sự hiểu biết về các động thái kinh tế, xã hội và chính trị cũng
như tác động của việc di sản hoá ở đền Hát Môn, đối tượng nghiên cứu chính của
luận án là di tích và lễ hội đền Hát Môn, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội và các
bên liên quan tham gia vào quá trình vinh danh di sản đền và lễ hội này.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
3.2.1. Phạm vi nội dung nghiên cứu
Phạm vi nội dung nghiên cứu của luận án là thực trạng di sản hóa đền Hát
Môn; khảo sát việc biến đổi di tích và thực hành văn hóa trước và sau vinh danh;
các động thái tham gia của Nhà nước và cộng đồng trong quá trình di sản hóa.
5
3.2.2. Phạm vi thời gian nghiên cứu
Luận án tập trung nghiên cứu về di tích và lễ hội đền Hát Môn, khảo sát thực
tế từ trước (từ 1986 đến năm 2013) và sau khi Nhà nước công nhận là di tích quốc
gia đặc biệt cho đến nay.
4. Phƣơng pháp luận và phƣơng pháp nghiên cứu
DSVH và những vấn đề liên quan đến nó là đối tượng được nghiên cứu dưới
nhiều góc nhìn khác nhau như: lịch sử, nhân học, triết học, xã hội học, du lịch học,
kinh tế học…
Trong phạm vi luận án này, chúng tôi tiếp cận DSVH theo hướng văn hóa
học, các nội dung về quyền lực, tính chính trị của DSVH là vấn đề nghiên cứu trọng
tâm. Thay vì nhìn nhận DSVH theo hướng quy chất luận (essentialism), coi di sản
như một thực thể tĩnh, nghiên cứu này sử dụng cách tiếp cận kiến tạo luận, tập trung
vào tính động của di sản, đặc biệt khám phá tính chính trị của DSVH trong mối liên
hệ khăng khít với bối cảnh chính trị - xã hội của nó. Hay nói cách khác “ý tưởng về
DSVH không nhất thiết phải là một “vật” mà là một quá trình xã hội và văn hóa,
kéo theo những hành động nhớ về công việc đó để tạo nên những cách để hiểu và
tham gia vào hiện tại…” [89, tr. 484]. DSVH không phải là cái “có sẵn”, cái đương
nhiên tồn tại mà được đặt trong các chiều kích vận động, biến đổi. Quá trình vận
động, biến đổi đó có nhiều động thái, bối cảnh, các bên liên quan can thiệp vào tạo
nên tính phức tạp, tính liên kết và tương tác đa chiều của DSVH.
Tiếp cận DSVH theo hướng văn hóa học, luận án sử dụng các phương pháp
nghiên cứu liên ngành của nhiều ngành khoa học khác nhau để tìm hiểu, lý giải về
tính chính trị của DSVH trong quá trình di sản hóa một cách tổng thể và sâu sắc nhất.
4.2.1. Phương pháp quan sát tham dự
Phương pháp này được tác giả sử dụng trong suốt quá trình làm luận án.
Đợt thực địa lần đầu tiên được tác giả tiến hành vào tháng 12/2016 với mục
đích tìm hiểu tổng quan về địa bàn nghiên cứu. Tra cứu thông tin về xã Hát Môn
trên website của huyện Phúc Thọ, tác giả đã liên lạc trước qua điện thoại với văn
phòng UBND xã để thu xếp lịch làm việc. Khi đến trực tiếp trình bày về mục đích
6
nghiên cứu của mình, tác giả đã được cán bộ địa phương giúp đỡ nhiệt tình và tạo
điều kiện thuận lợi nhất để tiến hành làm việc. Đại diện chính quyền xã đã dẫn tác
giả lên đền Hát Môn, công việc đầu tiên là hướng dẫn làm “lễ trình” Hai Bà, xin
phép Nhị vị Đại vương “chấp thuận” để chúng tôi thực hiện mục đích nghiên cứu
của mình. Tiếp đó, tác giả luận án được giới thiệu, gặp gỡ các thành viên trong Ban
Bảo vệ di tích (BBVDT) đền để nắm bắt được tình hình. Ngay từ buổi đầu tiên tiếp
xúc, tác giả đã có được cái nhìn tổng quan về cơ sở vật chất, diện mạo của vùng đất
cũng như di tích và lễ hội đền Hát Môn.
Cũng từ buổi tiếp xúc đầu tiên, tác giả có được những thông tin về lễ hội đền
Hát Môn để sắp xếp thời gian điền dã phù hợp. Lễ hội đền Hát Môn diễn ra 3 lần
trong năm vào các ngày mồng 6 tháng Ba, mồng 4 tháng Chín và 24 tháng Chạp âm
lịch. Tác giả đã có thời gian quan sát tham dự liên tục qua nhiều năm: lễ hội mồng 6
tháng Ba các năm 2017, 2018, 2019, mỗi dịp lễ hội từ 7-10 ngày; lễ hội mồng 4
tháng Chín các năm 2017, 2018, thời gian từ 5-7 ngày; lễ hội ngày 24 tháng Chạp
năm 2017, 2018 thời gian từ 4-6 ngày; tham gia các buổi họp bàn về kế hoạch
chuẩn bị tổ chức lễ hội của BBVDT, của chính quyền xã Hát Môn; các buổi tổng
kết rút kinh nghiệm về tổ chức lễ hội diễn ra tại nhà khách của đền Hát Môn sau khi
kết thúc lễ hội với sự có mặt của đại diện chính quyền, các ban ngành, đoàn thể,
BBVDT và cộng đồng dân cư.
Tùy thuộc vào từng hoạt động diễn ra tại đền Hát Môn, tác giả có thể linh
hoạt thời gian quan sát tham dự. Vào dịp tháng 4/2017, khi lần đầu tiên được tham
gia vào lễ hội của đền, tác giả đã có những đêm thức trắng để tìm hiểu về việc
chuẩn bị các lễ vật dâng cúng Hai Bà Trưng của dân làng cũng như toàn bộ các quy
trình khác, những đối thoại, những sự thể hiện quan hệ… trong việc tổ chức lễ hội.
Mặt khác, quá trình điền dã liên tục trong 3 năm vào dịp lễ hội tháng Ba âm lịch
giúp tác giả có điều kiện quan sát một bức tranh toàn cảnh về lễ hội đền Hát Môn,
tìm hiểu được sự tham gia của chính quyền, cộng đồng trong quá trình chuẩn bị và
tổ chức lễ hội; đồng thời thấy được quy mô tổ chức, các yếu tố mới được đưa vào lễ
7
hội, số lượng khách du lịch đến với hội đền Hát Môn qua các năm; những động thái
chính trị, xã hội được gửi gắm trong lễ hội…
Cùng với đó, tác giả cũng có 3 đợt điền dã, mỗi đợt kéo dài từ 5-7 ngày tại
Hát Môn vào các thời gian khác nhau trong năm: tháng 9/2017, tháng 6/2018, tháng
2/2019. Đây là khoảng thời gian địa phương không tổ chức lễ hội, giúp tác giả có
điều kiện quan sát các hoạt động diễn ra hàng ngày tại di tích và địa phương. Trong
suốt quá trình điền dã, tác giả đã thực hiện việc ghi chép, chụp ảnh, ghi âm, quay
video về những vấn đề liên quan đến đề tài luận án đang quan tâm tìm hiểu.
4.2.2. Phương pháp phỏng vấn sâu
Phỏng vấn sâu là phương pháp quan trọng nhất để thực hiện đề tài luận án
này. Tại địa bàn nghiên cứu, thông qua các đợt điền dã, cùng với việc quan sát tham
dự, công việc chính của tác giả là tiếp xúc, phỏng vấn, trò chuyện với đại diện cán
bộ, người dân địa phương, khách du lịch thuộc các nhóm tuổi, giới tính, trình độ,
nghề nghiệp khác nhau. Bên cạnh các mẫu chọn có chủ đích còn có các mẫu ngẫu
nhiên. Đối với từng nhóm đối tượng phỏng vấn, tác giả đều có sự chuẩn bị các câu
hỏi cơ bản để gợi mở về các vấn đề nghiên cứu. Thời gian phỏng vấn đa dạng,
ngoài các buổi làm việc ban ngày, nhiều buổi phỏng vấn được sắp xếp vào buổi tối.
Địa điểm phỏng vấn phong phú, có khi trực tiếp tại nhà đền, khi ở nhà chứa lễ, khi
tại nhà của các đối tượng phỏng vấn. Phần lớn các đối tượng tác giả phỏng vấn đều
rất nhiệt tình và hiếu khách, họ sẵn sàng chia sẻ thông tin và bày tỏ quan điểm đối
với những vấn đề mà tác giả đang tìm hiểu. Có rất nhiều buổi nói chuyện kéo dài 2-
3 giờ đồng hồ, thậm chí họ còn đặt thêm lịch hẹn vào các buổi sau để trao đổi hay
giới thiệu cho tác giả thêm các đối tượng phỏng vấn các vấn đề mà người được
phỏng vấn chưa nắm rõ.
Với mục đích đa dạng hóa nguồn thông tin, tác giả đã lựa chọn phỏng vấn
sâu và thảo luận nhóm với nhiều nhóm đối tượng khác nhau:
- Cán bộ quản lý địa phương, tác giả đã lựa chọn phỏng vấn đại diện chính
quyền huyện/xã/các cụm dân cư, cán bộ một số ban ngành, đoàn thể (thanh niên,
phụ nữ…); cán bộ làm công tác quản lý văn hóa ở trung ương, thành phố và địa
8
phương. Đây là nhóm đối tượng giúp tác giả thấy được quan điểm của họ trong
việc nhận thức các văn bản, chỉ đạo của cấp trên liên quan đến vấn đề DSVH; vai
trò của chính bản thân họ trong quá trình di sản hóa. Đồng thời, tác giả cũng quan
tâm đến các thông tin về sự phối hợp giữa họ và cộng đồng trong việc thực hiện
các hoạt động bảo vệ, phát huy di sản trước và sau vinh danh, thông qua đó nắm
bắt được những vấn đề liên quan đến lợi ích giữa cộng đồng, nhà nước và DSVH
tại địa phương. Ngoài ra, tác giả còn dành thời gian phỏng vấn một số nhà nghiên
cứu, nhà khoa học, cán bộ quản lý văn hóa các cấp để thông qua đó, tìm hiểu quan
điểm, cách nhìn nhận của họ về quá trình vinh danh và hậu vinh danh các DSVH ở
Việt Nam.
- Cộng đồng: Cộng đồng trong nhóm phỏng vấn này rất đa dạng, bao gồm
các thành viên trong BBVDT đền Hát Môn; người phục vụ công việc của nhà đền
hàng ngày (ông từ, người dọn vệ sinh), người đi lễ ở đền, các đối tượng tham gia
trực tiếp phục vụ trong dịp lễ hội hiện nay cũng như một số người đã từng tham gia
vào lễ hội trước đây… để tìm hiểu tâm lý, ý thức và cách ứng xử của họ đối với di
sản. Để có thêm tư liệu so sánh, đối chiếu, tác giả cũng phỏng vấn các cộng đồng
xung quanh (không phải là cộng đồng có di sản), thấy được những suy nghĩ/quan
tâm của họ khi sống cạnh một cộng đồng chủ nhân của di sản được vinh danh di
tích quốc gia đặc biệt.
Phần lớn thời gian lưu trú tại Hát Môn, tác giả ở lại nhà một thành viên trong
BBVDT đền. Vốn là người đã từng công tác tại địa phương và tham gia BBVDT
trong nhiều năm, là thủ quỹ của nhà đền nên ông nắm được hầu hết các sự kiện liên
quan đến quá trình phát triển của đền Hát Môn trong mấy chục năm gần đây. Ông
trở thành một người tư vấn đáng tin cậy khi tác giả có những vấn đề thắc mắc và
cũng sẵn sàng giúp đỡ kết nối với nhiều người khác khi tác giả có nguyện vọng
muốn tìm hiểu sâu hơn vấn đề nào đó. Mỗi khi có sự kiện quan trọng ở đền Hát
Môn, ông đều liên lạc với tác giả trước đó nhiều ngày để tạo điều kiện cho tác giả
sắp xếp thời gian về quan sát, tìm hiểu thêm để phục vụ cho đề tài nghiên cứu của
mình. Cũng thông qua sự sắp xếp và tạo điều kiện của ông, tác giả đã có nhiều cuộc
9
trao đổi, phỏng vấn nhóm. Chẳng hạn, phỏng vấn nhóm đối tượng từng xuống Hà
Nội đưa bà Nguyễn Thị Định về thờ (4 người); phỏng vấn các thành viên trong Ban
tu lễ tại nhà chứa lễ (7 người); phỏng vấn các thành viên trong Ban Thường trực
bảo vệ di tích (5 người)… Đây là phương pháp hiệu quả giúp tác giả có được thông
tin đa chiều đồng thời kiểm chứng được một số thông tin đã được cung cấp trước
hoặc sau đó.
4.2.3. Phương pháp tổng hợp, phân tích tài liệu
Với đề tài này, tác giả tiến hành tổng hợp và phân tích các nguồn tài liệu của
Việt Nam và quốc tế nhằm xem xét, đánh giá các lý thuyết, các quan điểm nghiên
cứu có liên quan đến đối tượng nghiên cứu của luận án, gồm các nội dung về
DSVH, quản lý di sản, quá trình di sản hóa, các lý thuyết/quan điểm xung quanh
vấn đề di sản hóa…; các nghiên cứu về di tích và lễ hội đền Hát Môn, huyện Phúc
Thọ, thành phố Hà Nội. Cùng với đó, tác giả tập trung phân tích các văn bản, chỉ
thị, nghị quyết của Nhà nước, chính quyền địa phương về việc quản lý và bảo vệ
DSVH nói chung, đền Hát Môn nói riêng trước và sau khi được công nhận danh
hiệu DSVH ở các cấp khác nhau.
Trên cơ sở tổng hợp, phân tích những nguồn tài liệu này, tác giả có được một
cái nhìn tổng thể về đối tượng nghiên cứu của đề tài. Cùng với việc so sánh, đối
chiếu với các tư liệu thực tế, điền dã, phỏng vấn đã làm cơ sở khoa học để tác giả
diễn giải quá trình di sản hóa đền Hát Môn, thành phố Hà Nội, qua đó có thể hiểu
thêm bức tranh đa dạng về DSVH ở Việt Nam trong bối cảnh xã hội đương đại.
5. Đóng góp mới về khoa học của luận án
Từ góc nhìn văn hóa học, luận án làm rõ quá trình lựa chọn, vinh danh một
di tích và thực hành văn hóa cụ thể trở thành DSVH gắn với sự tham gia của các
bên liên quan và các động thái chính trị xã hội khác nhau của mỗi bên trong thực
tiễn xã hội Việt Nam sau đổi mới.
Luận án phân tích những vấn đề đặt ra đối với DSVH sau khi được vinh
danh, góp phần vào công tác bảo vệ, phát huy giá trị DSVH trong bối cảnh xã hội
Việt Nam đương đại.
10
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
6.1. Ý nghĩa về mặt lý luận
Luận án được hoàn thành cung cấp những quan điểm, những cách tiếp cận
cập nhật, chuyên sâu và hệ thống về quá trình di sản hóa nói riêng, bảo vệ, phát huy
DSVH Việt Nam nói chung. Những phân tích và đúc kết của luận án về quá trình
vinh danh DSVH như vấn đề ngoài lề hóa, nhà nước hóa, tính chính trị của
DSVH… từ một trường hợp nghiên cứu cụ thể, khách quan sẽ bổ sung những đóng
góp nhất định trong lĩnh vực nghiên cứu học thuật về DSVH.
6.2. Ý nghĩa về mặt thực tiễn
Từ nghiên cứu trường hợp cụ thể là quá trình di sản hóa di tích và lễ hội đền
Hát Môn, luận án chỉ ra những vấn đề thực tiễn mà các DSVH ở Việt Nam đang
phải đối mặt trước và sau khi được xếp hạng DSVH các cấp. Kết quả nghiên cứu
của luận án sẽ cung cấp cơ sở cho các định hướng về bảo vệ, phát huy giá trị DSVH
trong bối cảnh xã hội chuyển đổi hiện nay.
Mặt khác, kết quả của đề tài sẽ đóng góp thêm một nguồn tài liệu tham khảo
trong thực tiễn giảng dạy, nghiên cứu về lĩnh vực DSVH.
7. Bố cục luận án
Ngoài phần Mở đầu (10 trang), Kết luận (5 trang), Tài liệu tham khảo (17
trang) và Phụ lục (31 trang), luận án gồm 4 chương:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận và địa bàn nghiên
cứu (42 trang).
Chương 2: Quá trình vinh danh di tích và lễ hội đền Hát Môn (25 trang).
Chương 3: Quá trình hậu vinh danh di tích và lễ hội đền Hát Môn (52 trang).
Chương 4: Di sản hóa đền Hát Môn và những vấn đề bàn luận (28 trang).
11
Chƣơng 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ ĐỊA BÀN
NGHIÊN CỨU
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu
1.1.1. Các công trình nghiên cứu về di sản hóa
Trong xu thế toàn cầu, di sản hóa (heritagization) được xem là một hoạt
động không chỉ nhằm đề cao và tôn vinh mà còn hỗ trợ cho việc bảo vệ, phát huy
giá trị các sáng tạo văn hóa của tộc người hay một cộng đồng cụ thể. Hoạt động này
rất được các quốc gia quan tâm để thông qua đó nhà nước có thể gắn kết hơn với
cộng đồng chủ thể trong quản lý xã hội, củng cố vị thế chính trị trong nước và trước
thế giới, khẳng định bề dày lịch sử phát triển cũng như giữ gìn bản sắc văn hóa quốc
gia. Di sản hóa và những vấn đề xoay quanh nó vẫn luôn là đề tài có sức hút lớn đối
với các nhà nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn trong và ngoài nước dưới
những góc độ tiếp cận khác nhau, với nhiều hội thảo, nhiều ấn phẩm có giá trị được
xuất bản, nhiều vấn đề còn đang được tranh luận, thậm chí quan điểm của các nhà
nghiên cứu còn trái ngược nhau.
Trong các công trình nghiên cứu về di sản hóa, tính chính trị của việc đề cử
di sản, các vấn đề liên quan đến sự tham gia của các bên liên quan cũng như các
động thái chính trị và văn hoá của sự tham gia này thu hút được sự quan tâm của
nhiều học giả. Nhiều di tích, thực hành văn hóa được công nhận là DSVH với sự
tham gia tích cực của nhà nước. Trong bài viết Anthropology‟s Payback: “The
Gastronomic Meal of the French” The Ethnographic Elements of a Heritage
Distinction, Jean-Louis Tornatore phân tích quy trình đề cử “bữa ăn kiểu Pháp”
trong Danh sách DSVH phi vật thể của nhân loại là quá trình di sản hóa từ trên
xuống, được thúc đẩy bởi các lợi ích chính trị khác nhau. Nicolas Sarkozy - Tổng
thống Pháp đã kêu gọi UNESCO đưa ẩm thực phong cách Pháp vào danh sách các
di sản thế giới cần được bảo vệ. Tiếp đó, một chiến dịch vận động cấp quốc gia để
ẩm thực Pháp có được sự công nhận của UNESCO chính thức được phát động tại
một cuộc họp báo ở Paris. Nhờ những nỗ lực đó của Chính phủ Pháp, “bữa ăn kiểu
12
Pháp” đã giành được đề cử của UNESCO, được vinh danh là “văn hóa ẩm thực tốt
nhất thế giới” [154, tr. 353].
Heritage Regimes and the State [Chế độ di sản và nhà nước] là công trình
được tập hợp bởi nhóm tác giả người Đức là Regina F. Bendix, Aditya Eggert và
Arnika Peselmann. Thông qua nghiên cứu trường hợp 17 di sản ở các địa phương
thuộc các quốc gia trên thế giới được UNESCO công nhận là DSVH, các tác giả
cho rằng có một “chế độ di sản” UNESCO với những nguyên tắc, mục tiêu khác
nhau khi đề cử di sản. Chế độ di sản của UNESCO bắt nguồn từ nỗ lực tôn vinh các
nền văn hóa đa dạng trên thế giới nhưng trong từng trường hợp cụ thể, đối với từng
quốc gia, nỗ lực vinh danh di sản lại bắt nguồn từ những động thái chính trị - xã hội
khác nhau với vai trò của nhiều bên tham gia như nhà nước, cộng đồng, các nhà
khoa học… Đề cử và tìm kiếm sự công nhận di sản có thể được huy động cho các
mục đích phát triển kinh tế và xây dựng quốc gia, như nhìn thấy trong cả những nỗ
lực của người Uzbekistan và kế hoạch của người Barbadian. Mặt khác, các quốc gia
có thể sử dụng danh sách di sản để thực thi các kế hoạch cải tạo đô thị như trong
trường hợp di sản Khu phố cổ Havana của Cuba… Các nhóm địa phương khác, như
trường hợp Tây Ban Nha, có thể sử dụng các công cụ di sản để củng cố vị trí của
mình. Theo các tác giả, trên một quy mô lớn hơn, các nhóm xã hội có thể tìm kiếm
sự trao quyền thông qua chế độ di sản, tìm cách thúc đẩy sự cân bằng quyền lực
trong nhà nước, như trường hợp đối với các nhóm Indonesia nỗ lực hồi sinh các cấu
trúc pháp lý truyền thống [169, tr. 18-19].
Cùng với nhà nước, cộng đồng địa phương cũng tích cực tham gia trong
quá trình di sản hóa. Nghiên cứu The Sanità district in Naples: community
involvement in developing its heritage value [Quận Sanità ở Naples: sự tham gia
của cộng đồng trong việc phát triển giá trị DSVH] của C. Salomone in trong The
Proceedings of the 7 International Conference th on Sustainable Tourism [Kỷ yếu
của Hội nghị quốc tế lần thứ 7 về Du lịch bền vững] đã đề cập đến vai trò của
cộng đồng địa phương trong quá trình di sản hóa, phục hồi di sản quận Sanita
(Naples - Italia) từ những năm 1990. Ở đây, di sản được xem như là kết quả của
13
một quá trình xã hội, văn hóa và kinh tế lâu dài với sự tham gia tích cực của các
hiệp hội và người dân địa phương. C. Salomone miêu tả đây là quá trình di sản
hóa “từ dưới lên” (the bottom up) để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế và tạo
việc làm cho người dân địa phương [142, tr. 229]. Sự tham gia của nhà nước và
cộng đồng trong quá trình di sản hóa cũng được tác giả Michelle L. Stefano và
cộng sự đề cập trong cuốn Safeguarding Intangible Cultural Heritage [Bảo vệ
DSVH phi vật thể]. Công trình đã đưa ra nhận thức về tầm quan trọng của DSVH
phi vật thể do nỗ lực quảng bá của UNESCO và các Công ước của tổ chức này về
bảo vệ DSVH phi vật thể. Ở một khía cạnh khác, các tác giả cung cấp những sự
hiểu biết về quá trình di sản hóa, thể hiện cả từ “những quyền lực tạo nên” từ các
nhà chuyên môn và những người thực hành, từ “những quyền lực mới”, những
tiếng nói của các cộng đồng địa phương [161].
Trong bài viết “Heritagization of the Marais district in Paris: Actors and
Challenges” [Quá trình di sản hóa quận Marais, Paris, cơ hội và thách thức], tác giả
Isidora Stanković đã làm rõ luận điểm: với sự tham gia của các hiệp hội, tổ chức và
cộng đồng khác nhau, khu phố Marais - từ một khu vực bị xuống cấp mạnh mẽ và
đối mặt với nguy cơ bị dỡ bỏ khỏi kiến trúc đô thị đã có một quá trình biến đổi để
trở thành một khu phố du lịch sang trọng và quý phái, một trong những khu vực
sống động nhất và có tính quốc tế tại Thủ đô nước Pháp. Theo Isidora Stanković,
“có sự tham gia của nhiều hiệp hội, tổ chức và cộng đồng trong việc bảo tồn các yếu
tố nhất định của di sản Marais. Tất cả họ đều đang phát triển các định nghĩa khác
nhau về di sản và họ liên tục diễn giải lại quá khứ” [153, tr. 80].
Susan LT Ashley đã đề cập đến quá trình di sản hóa trong bài viết Re-telling,
Re-cognition, Re-stitution: Sikh Heritagization in Canada [Kể lại, nhận thức lại, tái
lập: Di sản hóa văn hóa Sikh ở Canada] thông qua việc Bảo tàng Di sản Sikh được
Chính phủ Canada công nhận là thắng cảnh lịch sử quốc gia. Đây là quá trình vừa là
hoạt động từ dưới lên của các thành viên cộng đồng địa phương và sáng kiến từ trên
xuống được tạo ra thông qua các chính sách của chính phủ. Đối với cộng đồng
người Sikh, tác giả đã cung cấp thông tin chi tiết về cách thức mà cộng đồng này đã
14
tạo dựng các giá trị di sản để hỗ trợ hướng nội và các mục tiêu hướng ngoại của
mình. Họ đã sử dụng việc Bảo tàng Sikh được Chính phủ công nhận là thắng cảnh
lịch sử quốc gia như một hình thức truyền thông dân tộc để qua đó gia tăng “quyền
công dân”, có được sự công nhận và chấp nhận của Chính phủ. Mặt khác, Chính
phủ cũng thông qua quá trình công nhận di sản này để khẳng định bản sắc “đa văn
hóa” của Canada. Theo Susan LT Ashley, quá trình di sản hóa là để phục vụ cho các
mục đích đa dạng của các nhóm khác nhau [172]. Tương tự, trong nghiên cứu “The
“Heritagization” of Konso Cultural Landscape” [Quá trình di sản hóa cảnh quan
văn hóa Konso], thông qua việc lựa chọn và xây dựng hồ sơ cảnh quan văn hóa
Konso thành di sản thế giới, Awoke Amzaye Assoma cho rằng, di sản hóa là quá
trình có sự tham gia của nhà nước, cộng đồng địa phương và cả vai trò của
UNESCO, xuất phát từ các mục đích có liên quan đến nhau: ở địa phương di sản
hóa nhằm để củng cố bản sắc Konso bên cạnh việc mở rộng cơ hội kinh tế. Hơn
nữa, bằng cách liên kết cộng đồng Konso với một cộng đồng toàn cầu tưởng tượng,
nó thúc đẩy ý thức về tính phổ biến toàn cầu. Ở phạm vi toàn quốc, nó tăng cường
sự can thiệp quan liêu của nhà nước vào các vấn đề của cộng đồng địa phương nhân
danh bảo tồn và phát triển di sản. Hơn nữa, nó sử dụng để xây dựng hình ảnh và đại
diện của nhà nước trên phạm vi quốc tế. Trên bình diện quốc tế, nó thúc đẩy diễn
ngôn di sản của UNESCO, là một phần của diễn ngôn toàn cầu hóa. Di sản hóa thể
hiện các động lực, xung đột và quan hệ quyền lực ở cấp địa phương, quốc gia và
quốc tế [138].
Tim Oakes trong bài viết Heritage as Improvement: Cultural Display and
Contested Governance in Rural China cho rằng, chính quyền và cộng đồng địa phương
thường xuyên sử dụng DSVH như một công cụ quản trị mạnh mẽ để tăng cường sự
gắn kết xã hội, thúc đẩy quá trình hiện đại hóa và phát triển trong bối cảnh nông thôn
Trung Quốc đương đại [173]. Ashworth, G.J cũng lập luận tương tự trong nghiên cứu
Heritage and Economic Development: Selling the Unsellable [Di sản và phát triển kinh
tế: Bán những thứ không thể bán được], theo tác giả thì cuộc chạy đua di sản không chỉ
15
mang tính văn hóa hay chính trị mà còn xảy ra vì lợi ích kinh tế bởi di sản ngày nay là
tài sản kinh tế quan trọng cho cả chính phủ và cá nhân [137].
Bài viết Chính trị văn hóa của lễ hội làng ở Hà Nội của tác giả Choi Horim
cho rằng chiến dịch công nhận di tích lịch sử và văn hóa ở Việt Nam xuất phát từ
nhu cầu của cả nhà nước và cộng đồng. Cụ thể, nhà nước thông qua việc thực hiện
các chính sách văn hóa có chọn lọc để nâng cao tư tưởng của nhà nước, tạo ra “nền
văn hóa xã hội chủ nghĩa”, đồng thời “bảo tồn bản sắc truyền thống để nhớ nguồn
gốc và không bị mất gốc”. Từ việc công nhận các di tích và thực hành văn hóa ở các
địa phương là DSVH, nhà nước có thể quản lý, kiểm soát các hoạt động tư nhân và
“mọi xã hội địa phương”, giảm thiểu sự bất ổn về chính trị trong thời kỳ quá độ.
Mặt khác, qua một ví dụ về một ngôi đình cụ thể ở Hà Nội mong muốn được công
nhận là di tích lịch sử quốc gia, tác giả cũng cho thấy được các động thái chính trị -
xã hội phức tạp trong chính cộng đồng có di sản. Theo nghiên cứu này, “dù rằng tất
cả mọi người trong làng, từ trên xuống dưới, đều mong muốn một kết quả giống
nhau, nhưng việc công nhận ngôi đình là di tích lịch sử lại không có ý nghĩa giống
nhau với mọi người”, “việc xác nhận này là quan trọng và cần thiết nhưng không
phải tất cả đều cho rằng việc này sẽ bảo đảm mang lại lợi ích như nhau cho họ” [33,
tr. 118]. Trong nỗ lực để được công nhận danh hiệu, cộng đồng chia làm hai nhóm -
những người có tham gia và những người không tham gia. Đối với người địa
phương gốc là thành viên Hội Người cao tuổi, thông qua việc tham gia, gặp gỡ quan
chức của Đảng, Nhà nước ở địa phương để tiến hành các thủ tục làm hồ sơ, họ
muốn khẳng định vai trò quan trọng đối với “việc của làng mình”, qua đó đảm bảo
giá trị và tính xác thực về vai trò “gốc rễ” của mình. Đồng thời gạt những người ngụ
cư bằng cách nhấn mạnh thực tế là người ngụ cư không quan tâm/không tham gia
việc này. Bên cạnh đó, thông qua các số liệu về công đức, tác giả cũng khẳng định
điều này phản ánh sự phân hóa xã hội phức tạp, “ai là người sẵn sàng công đức và
công đức bao nhiêu”. Như vậy, đối với những người có địa vị xã hội và chính trị, ví
dụ như người địa phương gốc, người cao tuổi và lãnh đạo, họ sử dụng quá trình
công nhận DSVH của làng như một phương tiện để cạnh tranh trong việc phô
16
trương địa vị. Những mục đích/động cơ này của họ là một chiều hướng khác so với
nhà nước trong quá trình di sản hóa.
Công trình Performing the Divine: Mediums, markets and modernity in
urban Vietnam [Trình diễn thần thánh: ông bà đồng, thị trường và thời kỳ hiện đại ở
thành thị Việt Nam], Kristen Endres nghiên cứu về Đạo Mẫu - một tín ngưỡng bản
địa có nguồn gốc lâu đời ở Việt Nam. Nghi thức nổi bật nhất của đạo Mẫu là lên
đồng (hầu bóng, hầu thánh hay đồng bóng) - một thực hành văn hóa vốn từng bị
chính quyền xem là lãng phí và mê tín dị đoan, việc hầu bóng thường phải tổ chức
một cách bí mật. Từ sau đổi mới, với sự phát triển về kinh tế và cởi mở về chính trị,
với đường lối “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”
được xem là mảnh đất màu mỡ cho sự “phú quý sinh lễ nghĩa” nói chung và việc
hầu thánh nói riêng, đưa nó trở thành “một nhân tố có giá trị trong nền văn hóa và
bản sắc dân tộc”. Theo tác giả đây là quá trình di sản hóa đạo Tứ Phủ trong xã hội
Việt Nam đương đại, tức là quá trình đưa một thực hành văn hóa từng bị xem là
“mê tín dị đoan”, là “tôn giáo” để trở thành một phần của DSVH Việt Nam. Kristen
Endres bàn luận về vai trò của các tác nhân cụ thể và các mối quan hệ quyền lực
trong việc hồi sinh và tái lập thực hành đạo Mẫu, trong đó nổi bật lên sự tham gia
tích cực của nhiều nhà khoa học, các ông đồng, bà đồng để tìm kiếm sự công nhận
chính thức danh hiệu DSVH của nhà nước [146].
Một vấn đề nghiên cứu khác được nhiều học giả quan tâm là tác động của
việc vinh danh/công nhận DSVH. Một mặt, quá trình di sản hóa đã có những đóng
góp tích cực trong việc bảo vệ, phát huy DSVH, được đề cập trong các nghiên cứu
của Nguyễn Xuân Các [24], Nguyễn Kim Dung [40], Nguyễn Thị Hiền [47],
Nguyễn Quốc Hùng [51], [52], Từ Thị Loan [70]… Theo nhà nghiên cứu Từ Thị
Loan trong bài viết Bảo tồn và phát huy giá trị các DSVH phi vật thể đại diện của
nhân loại tại Việt Nam, di sản sau khi được vinh danh, xếp hạng sẽ có “căn cứ pháp
lý quan trọng để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản”, “Chính phủ và các cấp
chính quyền sở tại sẽ phải có trách nhiệm quan tâm, đầu tư cho việc bảo vệ di sản”
[70, tr. 366-367]. Theo tác giả, cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, các địa phương có
17
di sản sau khi vinh danh đã tiến hành nhiều hoạt động bảo vệ, phát huy và đạt được
những kết quả khả quan trên các phương diện: nhận diện và tư liệu hóa di sản; công
tác nghiên cứu; hoạt động truyền dạy, chuyển giao di sản; công tác giáo dục, tuyên
truyền nâng cao nhận thức; công tác phát huy, phục hồi các khía cạnh khác nhau
của các loại hình di sản.
Nhiều nhà nghiên cứu khác cũng có chung quan điểm này. Nguyễn Kim
Dung trong bài viết Về xây dựng hồ sơ DSVH phi vật thể trình UNESCO, cho rằng
di sản được xếp hạng sẽ góp phần quan trọng trong việc “nâng cao nhận thức về di
sản và thu hút sự quan tâm bảo vệ không chỉ ở tầm quốc gia mà cả ở tầm quốc tế”
[40, tr. 66]. Tương tự như vậy, theo tác giả Nguyễn Quốc Hùng trong nghiên cứu
Bảo tồn, phát huy giá trị các DSVH - thiên nhiên thế giới phục vụ phát triển ở
nước ta thì sau khi được vinh danh, các di sản đã nhận được nhiều hơn sự quan
tâm của các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương, ở trong nước và quốc tế
[51]. Luận điểm này tiếp tục được tác giả lập luận trong bài viết Bảo tồn các làng
cổ ở Đường Lâm (Hà Tây), thực trạng và giải pháp, cho rằng “việc xếp hạng di
tích không chỉ là sự vinh danh của di sản mà còn là cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ
và phát huy giá trị di sản” [52, tr. 70]. Cũng đồng quan điểm này, khi tìm hiểu về
tác động của việc vinh danh di sản trong bài viết Bảo tồn di sản ở đền Phù Đổng
và đền Sóc sau khi được UNESCO vinh danh, tác giả Nguyễn Thị Hiền cũng đồng
ý rằng, “việc vinh danh nhằm góp phần nâng cao sự tôn trọng của cộng đồng chủ
nhân, mở rộng khả năng đối thoại ở cấp độ quốc gia và quốc tế, đóng góp cho sự
đa dạng văn hóa” [47, tr. 266].
Một số nghiên cứu khác bàn về khía cạnh tầm ảnh hưởng/lan tỏa của DSVH
sau vinh danh. Nghiên cứu của Karen Fjelstad trong Tác động của việc vinh danh
của UNESCO vào cộng đồng địa phương: trường hợp thờ cúng Hùng Vương phân
tích, sau khi tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được công nhận là DSVH phi vật
thể của nhân loại (2011), đã hình thành những mối quan hệ xã hội mới xuyên quốc
gia giữa các nhóm tâm linh, tôn giáo ở Việt Nam và cộng đồng người Việt nhập cư
ở California. Hai bên cũng đã thỏa thuận cùng nhau xây dựng một trung tâm tâm
18
linh để thờ cúng Hùng Vương và gìn giữ những khía cạnh tâm linh quan trọng trong
nền văn hóa Việt [65].
Cùng với đó, việc vinh danh DSVH tạo ra những điều kiện thuận lợi để thúc
đẩy du lịch phát triển, nâng cao đời sống của người dân. Quan điểm này được đề
cập đến trong các nghiên cứu của Đỗ Đức Hinh [48], Jo Caust [64], Từ Thị Loan
[70], Nguyễn Đình Thanh [110], Huibin X, Marzuki A. và Razak A. Ab [152]…
Theo Đỗ Đức Hinh trong bài viết Du lịch và DSVH, trong bối cảnh hiện nay, DSVH
được xem là “chất liệu” để tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù, “là cơ sở để góp
phần tạo sự phát triển bền vững của ngành du lịch, cả trước mắt và cả trong tương
lai” [48, tr. 35]; tạo ra sự trải nghiệm hứng thú đối với mọi khách du lịch [110, tr.
21]. Wei Hu cũng có những nhận định tương tự trong bài viết Environmental
Management, Environemental Image and the Competitive touris Attraction [Quản lý
môi trường, hình ảnh môi trường và thu hút khách du lịch cạnh tranh], cho rằng sự
phát triển các dịch vụ du lịch như lưu trú, vận chuyển, ăn uống phụ thuộc vào sự
hấp dẫn của các di sản [176]. Và trên thực tế, những DSVH được công nhận ở các
cấp khác nhau, đặc biệt là di sản thế giới có thể kéo theo sự chú ý của nhiều khách
du lịch đến hơn so với khả năng thu hút trước đây của chúng. Những di sản này là
những tài nguyên vô cùng quý giá trong công cuộc phát triển du lịch của một quốc
gia. Jo Caust cho rằng “những người điều hành du lịch cũng sử dụng sự công nhận
di sản vật thể và phi vật thể như một đặc điểm quan trọng để hút khách du lịch”
[64, tr. 110]. Các tác giả Huibin X, Marzuki A. và Razak A. Ab trong nghiên cứu
Conceptualizing a sustainable development model for cultural heritage tourism in
Asia [Khái niệm mô hình phát triển bền vững cho du lịch DSVH ở châu Á] cũng
có cùng quan điểm, cho rằng nếu không có các DSVH thế giới, du lịch sẽ không
tồn tại, sẽ không có nhu cầu cho các dịch vụ du lịch khác [152]. Theo nhà nghiên
cứu Từ Thị Loan, sự vinh danh còn có ý nghĩa về mặt tinh thần, củng cố niềm tự
hào về di sản đồng thời góp phần “quảng bá, tôn vinh văn hóa địa phương với du
khách trong và ngoài nước, kích thích sự quan tâm đối với di sản, là nguồn lợi để
thúc đẩy du lịch, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất cho người dân”
19
và nguồn lợi kinh tế từ việc khai thác du lịch di sản sẽ “trở thành chất xúc tác giúp
cho người dân sưu tầm, lưu giữ và tái tạo các giá trị văn hóa truyền thống” [70, tr.
366-367]. Quan điểm này cũng tác giả Nguyễn Quốc Hùng khẳng định trong bài
viết Bảo tồn, phát huy giá trị các DSVH - thiên nhiên thế giới phục vụ phát triển ở
nước ta, sau khi được vinh danh là DSVH - thiên nhiên thế giới, các di sản ở Việt
Nam đã đóng góp ngày càng tích cực cho sự phát triển kinh tế trên nhiều mặt,
thông qua các hoạt động tham quan, du lịch [51].
Nghiên cứu Masterpieces of Oral and Intangible Culture: Reflections on the
UNESCO World Heritage List with CA Comment [Những kiệt tác văn hóa truyền
khẩu và phi vật thể: Suy ngẫm về danh sách DSVH phi vật thể], Nas, Peter J.M cho
rằng việc xác định các yếu tố để công nhận thành DSVH để phục vụ các mục đích
khác nhau, mà ở đây là giúp bảo tồn và thúc đẩy sự chuyển giao bản sắc và giá trị
văn hóa, ngăn ngừa sự suy thoái văn hóa, tạo nên niềm tự hào văn hóa và thậm chí
có thể đóng vai trò như “một nguồn cảm hứng cho việc phát triển những bản sắc
mới” [162]. Việc công nhận và đưa vào danh sách DSVH phi vật thể mang đến
những lợi ích kinh tế tương đối, giúp phát triển du lịch di sản và tăng cơ hội việc
làm. Cùng quan điểm này, Anya Chapman và Duncan Light trong nghiên cứu “The
„heritagisation‟ of the British seaside resort: the rise of the „old penny arcade” [Di
sản hóa các khu nghỉ mát bên bờ biển nước Anh: sự trỗi dậy của các “trò chơi xu
cũ”] đã chỉ ra quá trình di sản hóa, phục hồi, làm mới các “trò chơi xu cũ” bên bờ
biển nước Anh trong những thập niên gần đây là “những yếu tố quan trọng của
chiến lược tái định vị và thương hiệu của các khu nghỉ dưỡng” [136, tr. 209]. Các
khu nghỉ mát bên bờ biển có thể được xác định là một dạng di sản “mới nổi” và
chúng thể hiện những cách thức di sản mới liên tục được đưa vào các mạch du lịch
di sản [136, tr. 223].
Tác giả Harvey cũng đã khẳng định vai trò của DSVH sau khi được vinh
danh là “để xây dựng bản sắc xã hội, hợp pháp hoá quyền lực chính trị, hoặc hỗ trợ
phát triển du lịch” trong nghiên cứu Heritage pasts and heritage presents:
Temporality, meaning and scope of heritage studies [Quá khứ di sản và hiện tại di
20
sản: Tính thời sự, ý nghĩa và phạm vi nghiên cứu di sản] [149]. Ngược lại, tại các
điểm di sản sau khi được vinh danh, du lịch phát triển cũng sẽ góp phần nâng cao ý
thức của người dân địa phương trong việc bảo vệ di sản. Quan điểm này được đề
cập trong các nghiên cứu của nhóm tác giả McKercher, B., du Cros, H: Cultural
Tourism - The Partnership Between Tourism and Cultural Heritage Management
[Du lịch văn hóa - Mối quan hệ giữa du lịch và quản lý DSVH] [159]; Relationship
between Tourism and Cultural Heritage Management: Evidence from Hong Kong
[Mối quan hệ giữa du lịch và quản lý DSVH: Bằng chứng từ Hong Kong] [160].
Bên cạnh những tác động tích cực, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, quá trình
di sản hóa cũng để lại những hệ quả nhất định đối với DSVH và cộng đồng có di
sản. Yim Dawnhee trong nghiên cứu Các chính sách về DSVH phi vật thể của tổ
chức UNESCO và quá trình toàn cầu hóa cho rằng việc UNESCO công nhận các
DSVH vật thể của thế giới phần lớn thuộc phương Tây đã “làm nảy sinh sự phân
biệt phần còn lại của thế giới là “khác”, là “không phương Tây”. Nơi nào có nhiều
di sản được công nhận thì được cho là giỏi hơn, văn minh hơn và phát triển hơn” và
quá trình công nhận này “vô hình chung tạo cho các xã hội phương Tây quyền bá
chủ thế giới” [135].
Lựa chọn đối tượng nghiên cứu là UNESCO, trong công trình A Future in
Ruins: UNESCO, World Heritage, and the Dream of Peace [Tương lai trong tàn
tích: UNESCO, Di sản thế giới và Giấc mơ hòa bình], Lynn Meskell đã phân tích về
sự phức tạp của sứ mệnh của UNESCO trong bối cảnh xã hội đương đại. Theo Lynn
Meskell, năm 1945, tổ chức UNESCO được thành lập như một cơ quan liên chính
phủ nhằm thúc đẩy hòa bình, nhân đạo và hiểu biết đa văn hóa. Nhiệm vụ của nó
bắt nguồn từ một tổ chức châu Âu được gọi là Ủy ban quốc tế về hợp tác trí tuệ,
được thành lập bởi những nhân vật nổi bật như Henri Bergson, Marie Curie, Albert
Einstein và Thomas Mann. Meskell cho rằng, UNESCO đã phát triển thành “cơ
quan xây dựng thương hiệu” khi nó tạo ra một danh sách các địa điểm di sản thế
giới, tạo ra sự cạnh tranh giữa các quốc gia. Quá trình di sản hóa đôi khi gây ra
những vấn đề không lường trước được, “có những tác động đối với quyền lợi,
21
quyền lực và hợp pháp” và thậm chí là tác nhân dẫn đến “viễn cảnh khủng bố” nơi
những kẻ khủng bố hoặc người bất đồng quan điểm nhắm mục tiêu là các địa điểm
được vinh danh. Thông qua việc công nhận các Di sản Thế giới, sứ mệnh của
UNESCO là “chấm dứt xung đột toàn cầu và giúp thế giới xây dựng lại vật chất và
đạo đức”, tuy nhiên, tác giả lập luận rằng, ngày càng nhiều những nỗ lực đó đã vượt
ra khỏi sự mong đợi ban đầu của UNESCO, dẫn đến những hệ quả làm gia tăng và
kéo dài sự xung đột căng thẳng giữa các địa phương [157].
Nhiều nhà nghiên cứu nhìn nhận quá trình di sản hóa đã dẫn tới sự biến đổi
của DSVH trên nhiều phương diện. Nhiều DSVH sau khi được vinh danh đã được
đầu tư “làm mới” nhằm mục đích hoành tráng hóa cho “xứng tầm” với danh hiệu.
Trong bài nghiên cứu về Thách thức bảo tồn tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở
Phú Thọ theo Công ước 2003, nhà nghiên cứu Lê Hồng Lý cho rằng, “những ý
tưởng và quan điểm về sự “xứng tầm”, “hoành tráng” của một di sản khi được vinh
danh sẽ có nguy cơ làm hủy hoại đến không gian, ý nghĩa vốn có của di sản”, bên
cạnh những giá trị tinh thần, giá trị văn hóa, vai trò, ý nghĩa của nó đối với cộng
đồng chủ nhân còn có “giá trị thị trường” được gán cho di sản, tức là làm thay đổi
những giá trị vốn có của nó đã được UNESCO công nhận [74, tr. 390]. Vấn đề này
cũng được tác giả Nguyễn Thị Hiền đề cập trong bài viết Bảo tồn di sản Hội Gióng
ở đền Phù Đổng và đền Sóc sau khi được UNESCO vinh danh [47]; Lê Thị Minh
Lý trong nghiên cứu Bảo vệ DSVH phi vật thể hội Gióng trong đời sống đương đại
[79]; Từ Thị Loan với nghiên cứu Bảo tồn và phát huy giá trị các DSVH phi vật thể
đại diện của nhân loại tại Việt Nam [70]. Các tác giả cho rằng, quan điểm DSVH
phi vật thể sau khi vinh danh được “quy hoạch”, “đầu tư”, “nâng cấp”, xây dựng
cho “hoành tráng hơn” và “xứng tầm thế giới” tạo ra những thách thức mới trong
việc bảo tồn DSVH. Nhóm nghiên cứu Lê Hồng Lý, Nguyễn Thị Hiền, Đào Thế
Đức, Hoàng Cầm khi tìm hiểu về hội Gióng sau khi được UNESCO công nhận vào
danh sách đại diện văn hóa phi vật thể của nhân loại cho thấy, lãnh đạo địa phương
và người dân đều rất tự hào vì di sản của họ đã “vươn ra tầm thế giới”, không ít
22
quan điểm cho rằng cần phải làm cho hội Gióng có quy mô “ở tầm quốc tế”, “khác
trước”, “hoành tráng hơn” [76].
Bên cạnh đó, xu hướng “sân khấu hóa” các lễ hội, DSVH sau khi được vinh
danh ngày càng phổ biến. Nhiều lễ hội ở cấp địa phương sau khi được vinh danh di
sản đồng thời đã được “chính quy hóa”, trở thành những “buổi lễ trình diễn” với
nhiều ý nghĩa mới. Điều này làm thay đổi bản chất của di tích, di sản cả trong nội
dung, ý nghĩa đến phương thức tiến hành. Nghiên cứu về vấn đề này, tác giả Trần
Quang Hải chỉ ra trong bài viết 10 năm công ước về bảo vệ DSVH phi vật thể của
UNESCO có tác dụng gì đối với các DSVH phi vật thể của Việt Nam đã được và có
thể sẽ được tuyên dương, cho rằng hát quan họ ngày nay đã được “sân khấu hóa”,
trở thành “một dịch vụ”, “không phải hát cho nhau nghe mà là hát cho cộng đồng
nghe” nên cần cả micro, loa và thêm cả phần nhạc đệm. Các liền anh, liền chị hát
xong được nhận tiền “là điều bình thường” [45, tr. 235]. Tác giả Lê Thị Hoài
Phương trong bài viết Vấn đề bảo tồn nghệ thuật truyền thống Việt Nam qua trường
hợp một số di sản đã được UNESCO vinh danh phân tích hiện tượng “sân khấu
hóa” xuất phát từ quan điểm đã là nghệ thuật thì phải thật “hoành tráng”, phải “đẹp,
hấp dẫn”, phải là “nhất” [92, tr. 435]. Theo nhóm tác giả Lê Hồng Lý, Nguyễn Thị
Hiền, Đào Thế Đức, Hoàng Cầm, việc sân khấu hóa, trả tiền mời người dân diễn hội
phục vụ cho các “sự kiện” có mục đích khác đã tạo ra tâm lý làm thuê, thụ động,
trái ngược với sự tự nguyện, chủ động vốn có trong thực hành lễ hội truyền thống
[76, tr. 69].
Daniel Fabre trong nghiên cứu Từ lễ hội đến di sản, một sự quy đổi chưa
sáng tỏ đã phân tích những hệ quả của việc di sản hóa lễ hội trên quan điểm nhân
học, cho rằng di sản hóa các lễ hội chủ yếu thể hiện trên 2 phương diện: 1/ Quy đổi
thực hành lễ hội thành những biểu tượng của bản sắc (địa phương, vùng miền hay
quốc gia); 2/ Thu hút khách tham quan đến từ nơi khác. Theo tác giả, di sản hóa
không đơn thuần là bảo tồn một lễ hội để đảm bảo sự lưu truyền của nó mà quá
trình này đem đến những cách nhìn khác về lễ hội và một loạt sự lựa chọn kéo theo
những sự thay đổi lớn ở trong diễn xướng tập thể này. Tác giả nhấn mạnh sau khi
23
các lễ hội trở thành một di sản được công nhận thì các tập quán tạo nên lễ hội được
hình thức hóa nhằm mục đích bảo tồn “nhãn hiệu đã được đăng ký”. Quá trình di
sản hóa góp phần xây dựng không gian, thời gian lễ hội một cách chặt chẽ, tri cảm
lễ hội từ xa, diễn giải những hành động trong truyện kể lịch sử, diễn xướng mang
tính sân khấu, sự biểu thị lễ hội và xã hội như là một sự hài hòa, nhưng di sản hóa
cũng mang đến những hiệu ứng không mong đợi trong việc tham gia của tập thể
cộng đồng [39].
Trong bài viết Di sản hóa lễ hội truyền thống và tính thiêng của nghi lễ, tác
giả Phan Phương Anh thông qua việc phân tích tính thiêng của hội Gióng và lễ hội
đền Hùng sau khi được vinh danh đã đi đến nhận định là quá trình di sản hóa đã tạo
ra sự sở hữu hóa lễ hội, trong đó nghi lễ bị can thiệp, cộng đồng chủ thể thay đổi
khiến tính thiêng bị sự thế tục hóa lấn lướt. Đặc biệt lễ hội đền Hùng theo tác giả là
lễ hội bị hành chính hóa mạnh mẽ nhất, tất cả chương trình lễ hội và những người
tham gia vào các nghi lễ đều có sự can thiệp của Nhà nước. Tác giả cho rằng, “Di
sản hóa tạo cơ hội cho lễ hội của một cộng đồng được biết đến, được chia sẻ với
nhân loại nhưng nhãn mác di sản có thể dẫn đến tình trạng hình thức hóa có nguy cơ
cứng nhắc hóa cái được coi là nguyên thức” [2, tr. 33-34].
Quá trình di sản hóa các DSVH cũng đã có những tác động đến nhận thức,
quan điểm của cộng đồng chủ nhân của di sản. Nghiên cứu của nhóm tác giả Lê
Hồng Lý, Nguyễn Thị Hiền, Đào Thế Đức, Hoàng Cầm có một nhận xét đáng chú
ý, đó là nhận thức về trách nhiệm của người dân xã Phù Đổng đã thay đổi rất nhiều
sau các sự kiện lễ hội gần đây, điển hình là việc diễn lại hội Gióng nhân dịp 1.000
Thăng Long - Hà Nội, diễn lại để phục vụ xây dựng hồ sơ đề cử và tổ chức nhận
bằng của UNESCO. Do những sự kiện này diễn ra trong thời gian khác với lễ hội
Gióng truyền thống, những người dân xã Phù Đổng khi tham gia đều được trả tiền
để đóng vai diễn trong hội. Điều này trong thực tế đã tạo nên một tiền lệ không tốt:
khi tổ chức lễ hội, nhà nước phải bỏ tiền ra thì người dân trong xã mới tham gia.
Hay như lễ hội đền Hùng, khi việc tổ chức lễ hội thờ cúng Hùng Vương không còn
24
là “lệ làng” thì ý thức và nghĩa vụ đóng góp công sức, thời gian và tiền bạc của
cộng đồng không còn được tự giác như trước [76, tr. 33, 38].
Những tác động tiêu cực của du lịch đối với các DSVH sau vinh danh cũng
được đề cập đến trong các nghiên cứu của McKercher và du Cros [159], [160],
Garrod, B., và Fyall, A. [147], Jo Caust [64], Nas, Peter J.M [162]… Liên quan đến
câu chuyện giữa phát triển du lịch và DSVH sau khi vinh danh, Jo Caust đặt ra câu
hỏi “Chúng ta đang hỗ trợ hay phá hoại các báu vật của thế giới?” khi sự công nhận
những báu vật ở tầm quốc gia và quốc tế sẽ kéo theo nhiều khách du lịch. Các di sản
sẽ bị tác động bởi những cuộc viếng thăm không ngừng, từ đó khách sạn, nhà hàng và
cả sòng bạc mọc lên để phục vụ họ. Cư dân địa phương dần bị phụ thuộc vào dịch vụ
du lịch. Trong khi các di sản vật thể tồn tại được thì di sản “phi vật thể” lại dễ bị tổn
thương hơn, bởi nó tồn tại dựa vào chính con người. Thực trạng này không chỉ ở Việt
Nam mà còn xuất hiện ở nhiều nước khác. Nhu cầu văn hóa - xã hội của địa phương
bị hủy hoại để phục vụ cho nhu cầu của khách du lịch. Một câu hỏi mà các nước rất
khó giải quyết, chính là khách du lịch có thể đem lại sự phồn vinh cho kinh tế nhưng
nó lại phá hủy những nét văn hóa riêng có của địa phương, làm mất đi những gì vốn
có từ truyền thống, mà điều này chính là trụ đỡ cho sự phát triển bền vững [64, tr.
110]. Nas, Peter J.M cũng đặt ra vấn đề lo ngại cho rằng việc công nhận di sản sẽ
khiến cho lượng khách du lịch tăng vọt, phần nào giảm thiểu việc “hóa thạch” những
truyền thống sống, việc thương mại hóa nền văn hóa [162]. Quan điểm này cũng
được các tác giả Lê Hồng Lý, Nguyễn Thị Hiền, Đào Thế Đức, Hoàng Cầm phân
tích, các thực hành văn hóa để phục vụ cho du lịch đã làm mất đi những giá trị văn
hóa, xã hội và tâm linh của các DSVH phi vật thể, làm “gia tăng “tư duy vật chất”
trong hoạt động văn hóa”, “hình thành tư duy coi DSVH chỉ đơn thuần là hàng hóa
phục vụ kinh tế du lịch” [76, tr. 61-63].
Vấn đề về quản lý nhà nước, quản lý cộng đồng đối với DSVH sau khi vinh
danh cũng được đề cập đến trong nhiều nghiên cứu. DSVH chịu sự can thiệp của
các cơ quan quản lý Nhà nước vì sau khi được vinh danh, di sản thuộc tài sản quốc
gia chứ không còn là tài sản riêng của cộng đồng chủ nhân. Luận điểm này được
25
tác giả Lê Hồng Lý phân tích rõ trong nghiên cứu Thách thức bảo tồn tín ngưỡng
thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ theo Công ước 2003, khi tín ngưỡng thờ cúng
Hùng Vương được vinh danh, nhà nước can thiệp sâu vào các hoạt động quản lý,
bảo vệ, tu sửa, tôn tạo khu di tích đền Hùng, đồng thời chỉ đạo trực tiếp tổ chức lễ
hội hàng năm [74]. Trong một nghiên cứu trường hợp khác, dân ca quan họ ở Bắc
Ninh là một ví dụ điển hình được tác giả Trần Minh Chính phân tích rõ trong công
trình Sinh hoạt văn hóa quan họ làng (qua trường hợp làng Quan họ Viêm Xá).
Theo tác giả, hiện nay, với sự can thiệp của nhà nước, sinh hoạt quan họ đang có
nhiều biến đổi về mô hình, phương thức sinh hoạt bởi tác động của sự biến đổi về
không gian, xã hội, cơ chế chính sách, thể chế quản lý sau khi di sản được vinh
danh. Điển hình là việc thay thế sinh hoạt bọn Quan họ bằng sinh hoạt Đội (câu
lạc bộ) Quan họ có sự chỉ đạo trực tiếp của chính quyền các cấp với quy mô nhiều
khi vượt ra khỏi tính chất làng xã và xu hướng hoạt động tổng hợp cùng thời điểm
với các loại hình nghệ thuật khác đã làm cho quan họ biến đổi không ngừng. Theo
tác giả, “quan phương hóa, chính quyền hóa hay hành chính hóa Quan họ (vai trò
quản lý nhà nước thay phần lớn vai trò tự quản dân gian) làm cho tính “sân khấu
hóa” của Quan họ tăng lên so với tính “sinh hoạt văn hóa đa dạng” vốn có của nó
từ trong dân gian truyền thống” [32].
Một số nghiên cứu của Nguyễn Chí Bền [9], Lê Thị Minh Lý [78]; Lương
Hồng Quang [95]; Tô Ngọc Thanh [111], Lê Hồng Lý và cộng sự [76], [77] bàn về
bảo vệ DSVH phi vật thể tại Việt Nam gần đây đã đề cập đến sự tác động, can thiệp
của Nhà nước đã làm giảm vai trò chủ động, tích cực của cộng đồng. Họ trông chờ
vào sự hỗ trợ, tài trợ và chỉ đạo từ các cơ quan Nhà nước và các tổ chức bên ngoài.
Nhóm tác giả Lê Hồng Lý và cộng sự chỉ ra rằng mô hình quản lý lễ hội của Nhà
nước với sự điều hành, xây dựng kịch bản lễ hội của các nhà quản lý văn hóa, của
lãnh đạo các cấp từ trung ương đến địa phương “làm suy giảm vai trò chủ động
tham gia của cộng đồng địa phương trên các mặt tổ chức, thực hiện lễ hội, quản lý
và tu bổ các cơ sở thờ tự” [76, tr. 69]. Từ trường hợp sự tham gia của nhà nước vào
lễ hội chùa Hương, tác giả Nguyễn Thị Nhung trong Vai trò của nhà nước trong lễ
26
hội chùa Hương đưa ra luận điểm: quá trình di sản hóa di tích và lễ hội đã dẫn đến
“ngoài lề hóa” cộng đồng chủ nhân - những người dân xã Hương Sơn ra khỏi các
thực hành văn hóa, xã hội vốn có từ bao đời nay, họ bị gạt ra ngoài quá trình quản
lý, trùng tu tôn tạo… [85].
Oscar Salemink là học giả có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa Việt
Nam nói chung, quá trình di sản hóa ở Việt Nam nói riêng [88], [89], [90], [164],
[165], [166], [167], [168]. Trong bài viết Appropriating Culture: The politics of
intangible cultural heritage in Vietnam [Chiếm đoạt văn hóa: Tính chính trị trong
DSVH phi vật thể ở Việt Nam] in trong cuốn sách State, Society and the Market in
Contemporary Vietnam: Property, Power and Values [Nhà nước, xã hội và thị
trường ở Việt Nam đương đại: Tài sản, quyền lực và các giá trị] (2012), Oscar
Salemink phân tích sự canh tranh mang tính địa phương, ở cấp quốc gia và toàn cầu
để các di sản phi vật thể được công nhận ở cấp quốc gia và sự công nhận của
UNESCO. Theo tác giả, các thực hành văn hóa sau được UNESCO công nhận là
DSVH thế giới “sẽ trở thành biểu tượng của dân tộc trên diễn đàn quốc tế, do đó, nó
trở thành tài sản quốc gia” [168]. Để phù hợp với những tiêu chí của UNESCO đưa
ra về quản lý di sản sau khi được vinh danh, Nhà nước có những can thiệp và quy
định tác động trực tiếp đến di sản và cộng đồng chủ thể của di sản. Oscar Salemink
tiếp tục có những luận giải về quá trình di sản hóa trong bài viết “Di sản hóa” văn
hóa sống ở Việt Nam như DSVH phi vật thể thông qua việc phân tích xu hướng di
sản hóa và tính phù hợp của nó đối với DSVH phi vật thể ở Việt Nam. Theo tác giả,
quá trình di sản hóa khiến di sản cũng như cộng đồng địa phương có di sản “phải
chịu tác động và can thiệp từ bên ngoài”. Cộng đồng ở địa phương bị tước quyền
thực hành di sản đó như trước. Đặc quyền thực hành di sản sau đó được trao cho du
lịch, kinh tế, chính trị [89, tr. 494-495]. Tính chính trị của việc vinh danh DSVH ở
Việt Nam cũng được các tác giả Lê Hồng Lý, Nguyễn Thị Phương Châm, Nguyễn
Thị Hiền, Hoàng Cầm tiếp tục bàn luận trong các nghiên cứu tại Hội thảo thường
niên của Hội Nghiên cứu châu Á của Mỹ (3/2018): “The Forefather King Is
Inscribed by UNESCO”: Reinforcement of the Government Power and Reduction of
27
the Role of Communities [Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương sau khi được
UNESCO vinh danh: Củng cố quyền lực của nhà nước và suy giảm vai trò của địa
phương] của tác giả Lê Hồng Lý [158]; “Vietnamese Mother Goddess is Globally
Inscribed”: Legitimacy of the Practice related to the Viet Beliefs in Mother
Goddesses of Three Realm after the UNESCO‟s Inscription [Tín ngưỡng thờ Mẫu
Việt Nam được ghi danh trên toàn cầu: Tính hợp pháp của thực tiễn liên quan đến
niềm tin của người Việt trong Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ sau khi được
UNESCO vinh danh] của nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Hiền [151]; The Dynamics of
Power and Contestations in the Implementation of the Safeguarding Measures of
Xoan Singing in Phu Tho after Its UNESCO‟s Inscription [Các động thái của quyền
lực và tranh luận về các biện pháp bảo vệ Hát Xoan ở Phú Thọ sau khi được
UNESCO vinh danh] của tác giả Nguyễn Thị Phương Châm [141]; “Space of Gong
Culture”: Tourism, Selective Safeguarding Measures and Politics of Heritage in
Vietnam [Không gian văn hóa cồng chiềng: Du lịch, các biện pháp bảo vệ có chọn
lọc và tính chính trị của di sản ở Việt Nam] của tác giả Hoàng Cầm [140]. Các tác
giả đều thống nhất quan điểm, sự nỗ lực của UNESCO và chính sách của Nhà nước
trong việc ghi danh các DSVH là nhằm mục đích thu hút sự quan tâm của chính phủ
và người ngoài cuộc vào việc bảo vệ DSVH. Mặc dù việc ghi di sản vào danh sách
của Công ước nhằm tăng cường tầm nhìn của di sản ở cấp địa phương, quốc gia và
quốc tế, nhưng nó thường tạo ra những tác động ngoài ý muốn. Các bài viết đã xem
xét tính chính trị của việc vinh danh DSVH phi vật thể tại Việt Nam và sự năng
động của di sản vượt xa các mục tiêu của việc vinh danh DSVH.
Cùng với các nghiên cứu của các học giả trong và ngoài nước, nhiều hội thảo
quốc tế cũng đã đề cập đến các khía cạnh khác nhau của quá trình di sản hóa như:
Hội thảo khoa học Quốc tế: Bảo tồn và phát huy lễ hội cổ truyền trong xã hội
đương đại (trường hợp Hội Gióng); Hội thảo Bảo tồn và phát huy DSVH trong quá
trình hiện đại hóa (2013, do Văn phòng UNESCO tại Hà Nội phối hợp với Bộ
VHTTDL tổ chức); Hội thảo khoa học Quốc tế: 10 năm thực hiện Công ước bảo vệ
DSVH phi vật thể của UNESCO, Bài học kinh nghiệm và định hướng tương lai
28
(Quảng Nam, 2013); Hội thảo khoa học “DSVH với chiến lược phát triển bền
vững” (Hà Nội, 2017)… Tại những cuộc hội thảo này, những vấn đề liên quan tới
công tác bảo vệ, phát huy DSVH ở Việt Nam nói chung, các vấn đề về vinh danh di
sản, di sản hóa nói riêng đã được đưa ra thảo luận.
1.1.2. Các công trình nghiên cứu về di tích và lễ hội đền Hát Môn
Cho đến nay, có khá nhiều công trình nghiên cứu về di tích và lễ hội đền
Hát Môn. Dưới góc độ lịch sử, những ghi chép về đền Hát Môn xuất hiện khá sớm
trong một số thư tịch cổ của Trung Quốc như Hậu Hán thư [126], Thủy kinh chú
[80] và của Việt Nam như Đại Việt sử lược [41], Việt điện u linh [134], Lĩnh Nam
chích quái [100], Đại Việt sử ký toàn thư [42], Việt sử thông giám cương mục
[97], Đại Nam nhất thống chí [98]... Những nghiên cứu này chủ yếu dừng lại ở
việc giới thiệu, mô tả di tích và một số điểm nổi bật của lễ hội. Sách Lĩnh Nam
chích quái được viết từ thế kỷ XV cho rằng sau khi Hai Bà tử trận “người trong
châu thương cảm, lập miếu ở cửa sông Hát giang để thờ phụng”. Đây là ngôi đền
thiêng, “phàm những người gặp tai họa tới cầu đảo đều ứng nghiệm”. Sách Đại
Nam nhất thống chí, quyển XXI, tỉnh Sơn Tây, phần “Đền miếu” ghi về đền thờ
Hai Bà Trưng ở xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ viết: “… Lại xét, trong đền thờ Bà
Trưng, phàm kỉ án và các đồ tự khí, hết thảy đều sơn đen, tuyệt nhiên không dùng
màu đỏ. Dân địa phương không dám mặc sắc đỏ. Những người đến lễ hoặc xem, ai
mặc sắc đỏ đều phải cởi ra. Tương truyền thần mất về binh khí, nên kiêng màu đỏ
giống máu”. Công trình Nam Hải dị nhân liệt truyện của tác giả Phan Kế Bính
(xuất bản năm 1930, do Lê Văn Phúc hiệu chính), bài đầu tiên đề cập đến nhân vật
Trưng Vương: “Từ lúc hai bà ấy xuống sông, rồi hóa ra hai người bằng đá, nổi
lênh đênh trên mặt nước trôi đi... Dân xã Hát Môn thấy sự thiêng làm vậy, cũng
lập đền thờ vọng ở bên sông” [18].
Từ năm 1945 đến nay, dưới góc độ tiếp cận văn hóa dân gian, trong một số
công trình nghiên cứu đã cung cấp một bức tranh khái quát về đền thờ Hai Bà
Trưng ở Hát Môn như: Đền miếu Việt Nam [67]; Hà Nội - danh thắng và di tích
[120], 60 năm lễ hội truyền thống Việt Nam [94], Lễ hội cổ truyền Hà Tây [132], Lễ
29
hội và danh nhân lịch sử Việt Nam [118], Kho tàng lễ hội cổ truyền Việt Nam [83],
Hai Bà Trưng trong văn hóa Việt Nam [81]… Những công trình này chủ yếu tập
trung tìm hiểu về các khía cạnh như kiến trúc, hệ thống di vật, cổ vật trong di tích
hoặc miêu tả chi tiết các kỳ hội trong năm ở đền Hát Môn. Trong cuốn sách Cuộc
khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở Hà Nội xuất bản năm 1983 và được tái bản, bổ sung
năm 2005, tác giả Nguyễn Vinh Phúc cung cấp một số thông tin về tổ chức lễ hội và
việc tu sửa đền thờ. Theo tác giả, trong lịch sử phong kiến, đền Hát Môn có vị trí
quan trọng, “là nơi quốc tế (vua phải cử khâm sai thay mặt đến tế) và “diện mạo,
ngay cả hướng đền ngày nay mới có từ năm 1882” vì năm này, đền “bị hư hỏng
nhiều, dân đóng góp tiền của công sức tu sửa và chuyển hướng đền” [91, tr. 212].
Cuốn Địa chí văn hóa dân gian Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội xuất bản
năm 1991 đã đề cập đến hội Hai Bà Trưng ở đền Hát Môn với “tục ăn bánh trôi lại
gắn với lễ tục tưởng niệm Hai Bà Trưng vào ngày 8 tháng ba âm lịch, tức ngày Hai
Bà hy sinh vì nước” [66, tr. 191]. Tác giả Nguyễn Minh San trong công trình Những
thần nữ danh tiếng trong văn hóa tín ngưỡng Việt Nam [102], Nguyễn Bích Ngọc
trong công trình Hai Bà Trưng trong văn hóa Việt Nam [81] cũng đã miêu tả một
cách khái quát về đền Hát Môn với những nghi thức chính trong lễ hội.
Trong công trình Tín ngưỡng Hai Bà Trưng ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, tác giả
Phạm Lan Oanh bằng các phương pháp nghiên cứu folklore và phương pháp nghiên
cứu liên ngành, đa ngành đã tìm hiểu nhân vật Hai Bà Trưng từ trong lịch sử đến tín
ngưỡng thờ phụng theo niềm tin dân gian, thông qua truyền thuyết, điện thần, di tích
và lễ hội, để từ đó, tác giả làm rõ luận điểm vì sao Hai Bà Trưng trở thành nhân vật
đặc biệt có quyền lực và linh pháp trong lịch sử và tâm thức dân gian Việt Nam. Theo
tác giả, có “một vùng văn hóa tín ngưỡng Hai Bà Trưng ở châu thổ sông Hồng” với
số lượng hơn 400 làng/xã có di tích thờ phụng Hai Bà và các tướng lĩnh của Hai Bà
[86, tr. 15]. Tiếp đó, trong công trình Lễ hội dân gian làng Hát Môn xuất bản năm
2013, tác giả Phạm Lan Oanh tiếp tục có những phân tích về lễ hội dân gian làng Hát
Môn; Ngọc phả làng Hát Môn, truyền thuyết về Hai Bà Trưng, di tích và lễ hội, giá
trị lễ hội từ góc độ nghiên cứu di tích và nghi lễ thờ phụng Hai Bà Trưng [87].
30
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thức trong công trình Tín ngưỡng, tôn giáo và
lễ hội dân gian Hà Tây, sau khi phân tích về vị trí thờ Hai Bà Trưng, tác giả cho
rằng “ở thời điểm bấy giờ (thế kỷ XII) đền Hát Môn là nơi được thăng hoa trong
tâm trí nhân dân, có ảnh hưởng rộng rãi tới mọi tầng lớp trong xã hội so với đền Hạ
Lôi (huyện Mê Linh), Quán Sen (huyện Thạch Thất) cũng thờ Hai Bà” [117, tr. 56].
Xã Hát Môn - đền thờ Hai Bà Trưng và các DSVH là công trình do tác giả
Nguyễn Văn Kịch sưu tầm biên soạn đã ghi chép lại có hệ thống những nét sơ lược
về lịch sử và truyền thuyết cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng; các tục lệ, nghi lễ cúng
tế, rước lễ cổ truyền; hội làng và quá trình xây dựng, trùng tu, tôn tạo đền thờ Hai
Bà Trưng qua các thời kỳ. Năm 2010, nhân dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà
Nội, Nhà nước đã cấp nhiều kinh phí xây dựng nhà khách, nhà thủy đình, gò giấu
ấn, đường giao thông, mở rộng khu di tích để xây dựng nơi đây thành khu du lịch
tham quan cho khách thập phương và khách quốc tế [68].
Công trình Đền Hát Môn (thờ Hai Bà Trưng) - di tích lịch sử quốc gia đặc
biệt có độ dài 908 trang, do Huyện ủy, UBND huyện Phúc Thọ phát hành năm 2017
với sự tham gia biên soạn của nhóm tác giả Phạm Thị Thùy Vinh, Nguyễn Kim
Măng tập hợp một số bài viết về vai trò của Hai Bà Trưng và các tướng lĩnh trong
lịch sử: Khởi nghĩa Hai Bà Trưng một biểu tượng của bản lĩnh và phẩm giá Việt
Nam (Phan Huy Lê); Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng - sự kiện có giá trị đặc biệt
trong tiến trình lịch sử dân tộc (Nguyễn Quang Ngọc, Đăng Ngọc Hà); Ý nghĩa của
cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng 40-43 trong đấu tranh giải phóng dân tộc (Nguyễn
Đức Nhuệ) [131]… Một số bài viết khái quát về công tác bảo vệ, phát huy giá trị di
tích đền Hát Môn sau khi được vinh danh là di tích quốc gia đặc biệt: Di tích quốc
gia đặc biệt - đền Hát Môn, niềm tự hào của nhân dân Phúc Thọ (Hoàng Mạnh
Phú); Định hướng bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt - đền Hát
Môn (Doãn Trung Tuấn); Đền Hát Môn, di tích quốc gia đặc biệt của Thủ đô
(Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Thị Dung)…
Đền Hát Môn thờ Hai Bà Trưng cũng là đề tài nghiên cứu của một số luận
án, luận văn, khóa luận dưới các góc nhìn khác nhau: Luận văn Tìm hiểu di tích lịch
31
sử văn hóa đền thờ Hai Bà Trưng - xã Hát Môn (Phúc Thọ, Hà Tây) của tác giả
Nguyễn Thị Thủy, Trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội (1997); Luận văn ngành
khoa học văn hóa Tín ngưỡng Hai Bà Trưng ở làng Hát Môn Hà Tây của tác giả
Nguyễn Thị Trung, Trường Đại học văn hóa Hà Nội (2000); So sánh truyền thuyết
và lễ hội Hai Bà Trưng ở Mê Linh và Phúc Thọ, Luận văn ngành văn học của tác
giả Nguyễn Thị Hồng Thanh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà
Nội (2014); Luận văn Quản lý di tích lịch sử đền Hai Bà Trưng, xã Hát Môn, huyện
Phúc Thọ, thành phố Hà Nội của tác giả Nguyễn Thanh Hiền, Trường Đại học Sư
phạm Nghệ thuật Trung ương (2018), tiếp cận dưới góc độ quản lý văn hóa, nghiên
cứu thực trạng quản lý di tích, từ đó, đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao hiệu
quả công tác quản lý di tích đền Hát Môn [46].
1.1.3. Nhận xét về các công trình nghiên cứu và nhiệm vụ của đề tài
Qua phần tổng quan về các tài liệu, các công trình nghiên cứu có liên quan
đến nội dung đề tài, chúng tôi có một số nhận định bước đầu như sau:
Thứ nhất, di sản hóa là một vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, thể
hiện qua nhiều bài viết, công trình nghiên cứu trên cả phương diện lý luận cũng như
thực tiễn. Nhiều thảo luận xoay quanh việc tạo dựng di sản; vai trò của các bên liên
quan với các động thái chính trị phức tạp trong di sản hóa; sự biến đổi của DSVH sau
vinh danh; mối quan hệ giữa phát triển du lịch và bảo vệ, phát huy DSVH sau khi có
danh hiệu; vấn đề về quản lý nhà nước, quản lý cộng đồng đối với DSVH… Tựu
chung lại các nghiên cứu có thể thấy được trong quá trình di sản hóa đều có hai mặt
song song cùng tồn tại, một mặt di sản hóa tạo ra những hệ quả tích cực trong việc
bảo vệ, phát huy di sản sau vinh danh; mặt khác, quá trình vinh danh di sản đưa đến
những hệ quả không mong muốn như các vấn đề “nhà nước hóa”, “sân khấu hóa”,
“du lịch hóa” DSVH, vấn đề “ngoài lề hóa” đối với cộng đồng chủ nhân DSVH.
Thứ hai, di tích và lễ hội đền Hát Môn được tiếp cận nghiên cứu dưới nhiều
góc độ khác nhau. Trong đó, nhiều nghiên cứu tiếp cận dưới góc độ lịch sử, tìm hiểu
về các nhân vật được thờ - Hai Bà Trưng thông qua các tư liệu, khảo cứu về cuộc
khởi nghĩa Hai Bà Trưng, gia đình dòng dõi Hai Bà Trưng, các tướng lĩnh trong cuộc
32
khởi nghĩa của Hai Bà Trưng… cùng vai trò, ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa Hai Bà
Trưng trong tiến trình lịch sử dân tộc. Một số nghiên cứu khác tiếp cận đền Hát Môn
từ góc nhìn văn hóa dân gian, chủ yếu có tính chất miêu tả, giới thiệu hoặc đi sâu chi
tiết nghiên cứu tìm hiểu về di tích và lễ hội; kết hợp với so sánh, phân tích lễ hội Bà
Trưng trong toàn bộ hệ thống lễ hội ở Việt Nam, có một một dòng tín ngưỡng Hai Bà
Trưng xuất hiện và lan tỏa mạnh mẽ, trở thành một vùng văn hóa tín ngưỡng đặc biệt
trong không gian châu thổ sông Hồng và kéo dài từ đầu công nguyên cho tới ngày
nay. Ngoài ra, có một số nghiên cứu tiếp cận dưới góc độ quản lý văn hóa, bước đầu
tìm hiểu về mô hình quản lý di sản đền Hát Môn trong bối cảnh hiện nay. Nhìn
chung, những đóng góp này của các nhà nghiên cứu về di tích và lễ hội đền Hát Môn,
huyện Phúc Thọ đã cung cấp một cái nhìn tổng thể về những nét đặc sắc trong hệ
thống kiến trúc, thực hành lễ hội và tín ngưỡng thờ Hai Bà Trưng ở Hát Môn cũng
như một số nét thực trạng công tác quản lý di tích tại đây.
Từ việc tổng quan các công trình cho thấy quá trình di sản hóa, việc công
nhận, vinh danh di sản vẫn là một khoảng trống trong các nghiên cứu về di tích và
lễ hội đền Hát Môn. Những động thái của các bên liên quan về lợi ích, chính trị, thể
diện và bản sắc trong quá trình lựa chọn, công nhận một yếu tố văn hóa cụ thể trở
thành DSVH; sự biến đối của DSVH, gồm cả yếu tố thuộc DSVH vật thể và phi vật
thể sau khi có danh hiệu DSVH; vấn đề quản lý nhà nước và quản lý cộng đồng đối
với DSVH trước và sau khi vinh danh sẽ được chúng tôi tìm hiểu một cách đầy đủ,
chi tiết qua trường hợp nghiên cứu di sản hóa đền Hát Môn, từ đó để có cái nhìn đa
chiều về quá trình di sản hóa ở Việt Nam. Các nghiên cứu của những học giả đi
trước sẽ là nguồn tư liệu quan trọng, có nhiều ý nghĩa để chúng tôi tham khảo, kế
thừa nhằm phục vụ cho mục đích nghiên cứu của mình.
1.2. Cơ sở lý luận
1.2.1. Các khái niệm
 Di sản văn hóa
DSVH của dân tộc là tất cả những gì mà nền văn hóa của dân tộc đó đã làm
được và kế thừa cho đến ngày hôm nay. Theo dòng chảy văn hóa, các DSVH một
33
mặt là sự biểu hiện sắc thái của bản sắc văn hóa, mặt khác là yếu tố góp phần củng
cố, vun đắp cho bản sắc văn hóa dân tộc. Theo Điều 1, Chương I, Luật DSVH do
Quốc hội ban hành ngày 29-6-2001, DSVH được hiểu bao gồm “DSVH phi vật thể
và DSVH vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa
học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hòa Xã hội chủ
nghĩa Việt Nam” [99, tr. 8].
 Di sản hóa
Di sản hóa (heritagization - tiếng Anh/patrimonalization - tiếng Pháp) là một
khái niệm ngày càng phổ biến trong các nghiên cứu về di sản và văn hóa. Nguồn
gốc của khái niệm này có thể được tìm thấy trong các nghiên cứu của các nhà sử
học, nhà nhân học và nhà địa lý từ đầu những năm 1990 [139], [143], [145], [155].
Sự xuất hiện của khái niệm này cho thấy một sự thay đổi nhận thức luận và phương
pháp luận, di sản được coi là một “động từ” hơn là một “danh từ” (Harvey 2008) và
“di sản hóa” được xem như một thực hành văn hóa [150].
Khái niệm di sản hóa lần đầu tiên được nhắc đến trong cuốn The heritage
Industry: Britain in a Climate of decline [Công nghiệp di sản: Vương quốc Anh
trong sự đi xuống] của tác giả Robert Hewison, ông cho rằng trong bối cảnh hiện
đại, có quá trình di sản hóa ở một số địa điểm nhất định ở Anh bằng hình thức sản
xuất lại quá khứ, phát triển ngành “công nghiệp di sản” [170]. Trong bài viết
Heritage: an interpretation [DSVH: Một diễn giải], Hewison tiếp tục phát triển
luận điểm của mình, xác định di sản không chỉ là về vật chất còn lại của quá khứ, nó
là một quá trình lựa chọn quá khứ để được các thế hệ hiện tại và tương lai đánh giá
cao. Hewison định nghĩa DSVH là “cái mà đã được thế hệ quá khứ gìn giữ, trao cho
hiện tại và được một nhóm cộng đồng quan trọng muốn bàn giao cho tương lai”
[171, tr. 16], nghĩa là có một quá trình lựa chọn những gì cần được bảo tồn, và giá
trị của nó có ý nghĩa đối với một nhóm cộng đồng cụ thể.
Walsh (1992) đã đề cập tới di sản hóa là “sự thu hẹp không gian thực xuống
còn không gian cho khách du lịch, được xây dựng dựa trên những hình ảnh có chọn
lọc những thứ đã diễn ra trong quá khứ để không gây hủy hoại tới không gian thực”
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội
Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ,  Hà Nội

More Related Content

What's hot

What's hot (20)

Luận văn: Quản lý nhà nước về lễ hội truyền thống, HAY
Luận văn: Quản lý nhà nước về lễ hội truyền thống, HAYLuận văn: Quản lý nhà nước về lễ hội truyền thống, HAY
Luận văn: Quản lý nhà nước về lễ hội truyền thống, HAY
 
Đề tài: Quản lý hoạt động Nhà hát Nghệ thuật đương đại, HAY, 9đ
Đề tài: Quản lý hoạt động Nhà hát Nghệ thuật đương đại, HAY, 9đĐề tài: Quản lý hoạt động Nhà hát Nghệ thuật đương đại, HAY, 9đ
Đề tài: Quản lý hoạt động Nhà hát Nghệ thuật đương đại, HAY, 9đ
 
Đề tài: Quản lý di tích chùa Đậu huyện Thường Tín, Hà Nội, HOT
Đề tài: Quản lý di tích chùa Đậu huyện Thường Tín, Hà Nội, HOTĐề tài: Quản lý di tích chùa Đậu huyện Thường Tín, Hà Nội, HOT
Đề tài: Quản lý di tích chùa Đậu huyện Thường Tín, Hà Nội, HOT
 
Luận văn: Phổ biến giáo dục pháp luật trên tỉnh Quảng Ninh, HOT
Luận văn: Phổ biến giáo dục pháp luật trên tỉnh Quảng Ninh, HOTLuận văn: Phổ biến giáo dục pháp luật trên tỉnh Quảng Ninh, HOT
Luận văn: Phổ biến giáo dục pháp luật trên tỉnh Quảng Ninh, HOT
 
Luận án: Tuyên truyền giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ mẫu, HAY - Gửi miễn ...
Luận án: Tuyên truyền giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ mẫu, HAY - Gửi miễn ...Luận án: Tuyên truyền giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ mẫu, HAY - Gửi miễn ...
Luận án: Tuyên truyền giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ mẫu, HAY - Gửi miễn ...
 
Hoạt động biểu diễn nghệ thuật không chuyên quận Hoàn Kiếm, 9đ
Hoạt động biểu diễn nghệ thuật không chuyên quận Hoàn Kiếm, 9đHoạt động biểu diễn nghệ thuật không chuyên quận Hoàn Kiếm, 9đ
Hoạt động biểu diễn nghệ thuật không chuyên quận Hoàn Kiếm, 9đ
 
Luận văn: Quản lý nhà nước về công tác dân tộc, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về công tác dân tộc, HOTLuận văn: Quản lý nhà nước về công tác dân tộc, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về công tác dân tộc, HOT
 
Đề tài: Hoạt động của trung tâm Văn hóa - Thể thao TP Bắc Ninh
Đề tài: Hoạt động của trung tâm Văn hóa - Thể thao TP Bắc NinhĐề tài: Hoạt động của trung tâm Văn hóa - Thể thao TP Bắc Ninh
Đề tài: Hoạt động của trung tâm Văn hóa - Thể thao TP Bắc Ninh
 
Đề tài: Quản lý hoạt động văn hóa tại Trung tâm huyện Phù Ninh
Đề tài: Quản lý hoạt động văn hóa tại Trung tâm huyện Phù NinhĐề tài: Quản lý hoạt động văn hóa tại Trung tâm huyện Phù Ninh
Đề tài: Quản lý hoạt động văn hóa tại Trung tâm huyện Phù Ninh
 
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Tày ở Tuyên Quang, HAY
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Tày ở Tuyên Quang, HAYTín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Tày ở Tuyên Quang, HAY
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Tày ở Tuyên Quang, HAY
 
Luận văn:Quản lý nhà nước về đất đai tại huyện Lệ Thủy,Quảng Bình
Luận văn:Quản lý nhà nước về đất đai tại huyện Lệ Thủy,Quảng BìnhLuận văn:Quản lý nhà nước về đất đai tại huyện Lệ Thủy,Quảng Bình
Luận văn:Quản lý nhà nước về đất đai tại huyện Lệ Thủy,Quảng Bình
 
Đề tài: Quản lý nhà nước về văn hóa huyện Tam Nông, Phú Thọ
Đề tài: Quản lý nhà nước về văn hóa huyện Tam Nông, Phú ThọĐề tài: Quản lý nhà nước về văn hóa huyện Tam Nông, Phú Thọ
Đề tài: Quản lý nhà nước về văn hóa huyện Tam Nông, Phú Thọ
 
Luận văn: Giải quyết khiếu nại trong thi hành án dân sự, HOT
Luận văn: Giải quyết khiếu nại trong thi hành án dân sự, HOTLuận văn: Giải quyết khiếu nại trong thi hành án dân sự, HOT
Luận văn: Giải quyết khiếu nại trong thi hành án dân sự, HOT
 
Luận văn: Quản lý về lễ hội truyền thống tỉnh Long An, HAY
Luận văn: Quản lý về lễ hội truyền thống tỉnh Long An, HAYLuận văn: Quản lý về lễ hội truyền thống tỉnh Long An, HAY
Luận văn: Quản lý về lễ hội truyền thống tỉnh Long An, HAY
 
Đề tài: Quản lý hoạt động văn hóa tại Trung tâm văn hóa Bắc Ninh
Đề tài: Quản lý hoạt động văn hóa tại Trung tâm văn hóa Bắc NinhĐề tài: Quản lý hoạt động văn hóa tại Trung tâm văn hóa Bắc Ninh
Đề tài: Quản lý hoạt động văn hóa tại Trung tâm văn hóa Bắc Ninh
 
Luận văn: Bảo tồn tài nguyên du lịch nhân văn tỉnh Bình Dương
Luận văn: Bảo tồn tài nguyên du lịch nhân văn tỉnh Bình DươngLuận văn: Bảo tồn tài nguyên du lịch nhân văn tỉnh Bình Dương
Luận văn: Bảo tồn tài nguyên du lịch nhân văn tỉnh Bình Dương
 
Đề tài: Hoạt động văn nghệ quần chúng tại quận Ngô Quyền, HAY
Đề tài: Hoạt động văn nghệ quần chúng tại quận Ngô Quyền, HAYĐề tài: Hoạt động văn nghệ quần chúng tại quận Ngô Quyền, HAY
Đề tài: Hoạt động văn nghệ quần chúng tại quận Ngô Quyền, HAY
 
Đề tài: Quản lý về di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Quảng Bình, HAY
Đề tài: Quản lý về di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Quảng Bình, HAYĐề tài: Quản lý về di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Quảng Bình, HAY
Đề tài: Quản lý về di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Quảng Bình, HAY
 
BIẾN ĐỔI CỦA VĂN HÓA QUAN HỌ BẮC NINH TRONG THỜI KÌ HIỆN NAY_10524912092019
BIẾN ĐỔI CỦA VĂN HÓA QUAN HỌ BẮC NINH TRONG THỜI KÌ HIỆN NAY_10524912092019BIẾN ĐỔI CỦA VĂN HÓA QUAN HỌ BẮC NINH TRONG THỜI KÌ HIỆN NAY_10524912092019
BIẾN ĐỔI CỦA VĂN HÓA QUAN HỌ BẮC NINH TRONG THỜI KÌ HIỆN NAY_10524912092019
 
BIẾN ĐỔI CỦA DIỄN XƯỚNG NGHI LỄ LÊN ĐỒNG (QUA NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP TỈNH NAM ...
BIẾN ĐỔI CỦA DIỄN XƯỚNG NGHI LỄ LÊN ĐỒNG (QUA NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP TỈNH NAM ...BIẾN ĐỔI CỦA DIỄN XƯỚNG NGHI LỄ LÊN ĐỒNG (QUA NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP TỈNH NAM ...
BIẾN ĐỔI CỦA DIỄN XƯỚNG NGHI LỄ LÊN ĐỒNG (QUA NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP TỈNH NAM ...
 

Similar to Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội

luận văn thạc sĩ;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;
luận văn thạc sĩ;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;luận văn thạc sĩ;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;
luận văn thạc sĩ;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;
ChiMaiHoang2
 

Similar to Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội (20)

Quá Trình Phục Dựng Di Tích Và Lễ Hội Đền Tiên (Phường Tiên Cát, Thành Phố Vi...
Quá Trình Phục Dựng Di Tích Và Lễ Hội Đền Tiên (Phường Tiên Cát, Thành Phố Vi...Quá Trình Phục Dựng Di Tích Và Lễ Hội Đền Tiên (Phường Tiên Cát, Thành Phố Vi...
Quá Trình Phục Dựng Di Tích Và Lễ Hội Đền Tiên (Phường Tiên Cát, Thành Phố Vi...
 
Luận văn: Quản lý lễ hội truyền thống Phủ Quảng Cung, 9 ĐIỂM
Luận văn: Quản lý lễ hội truyền thống Phủ Quảng Cung, 9 ĐIỂMLuận văn: Quản lý lễ hội truyền thống Phủ Quảng Cung, 9 ĐIỂM
Luận văn: Quản lý lễ hội truyền thống Phủ Quảng Cung, 9 ĐIỂM
 
Đề tài: Quản lý di tích lịch sử văn hóa Đền Đức Đệ Nhị, HAY, 9đ
Đề tài: Quản lý di tích lịch sử văn hóa Đền Đức Đệ Nhị, HAY, 9đĐề tài: Quản lý di tích lịch sử văn hóa Đền Đức Đệ Nhị, HAY, 9đ
Đề tài: Quản lý di tích lịch sử văn hóa Đền Đức Đệ Nhị, HAY, 9đ
 
Luận văn: Quản lý di tích đình - đền Hào Nam tại Hà Nội, HAY, 9đ
Luận văn: Quản lý di tích đình - đền Hào Nam tại Hà Nội, HAY, 9đLuận văn: Quản lý di tích đình - đền Hào Nam tại Hà Nội, HAY, 9đ
Luận văn: Quản lý di tích đình - đền Hào Nam tại Hà Nội, HAY, 9đ
 
Luận án quản lý nhà nước về di tích lịch sử văn hoá
Luận án quản lý nhà nước về di tích lịch sử văn hoá Luận án quản lý nhà nước về di tích lịch sử văn hoá
Luận án quản lý nhà nước về di tích lịch sử văn hoá
 
Luận văn : Quá trình phục dựng di tích và lễ Hội Đền Tiên
Luận văn : Quá trình phục dựng di tích và lễ Hội Đền TiênLuận văn : Quá trình phục dựng di tích và lễ Hội Đền Tiên
Luận văn : Quá trình phục dựng di tích và lễ Hội Đền Tiên
 
Luận văn: Quá trình phục dựng di tích và lễ hội đền Tiên, 9đ
Luận văn: Quá trình phục dựng di tích và lễ hội đền Tiên, 9đLuận văn: Quá trình phục dựng di tích và lễ hội đền Tiên, 9đ
Luận văn: Quá trình phục dựng di tích và lễ hội đền Tiên, 9đ
 
Luận văn: Quá trình phục dựng di tích và lễ hội đền Tiên tại Phú Thọ
Luận văn: Quá trình phục dựng di tích và lễ hội đền Tiên tại Phú ThọLuận văn: Quá trình phục dựng di tích và lễ hội đền Tiên tại Phú Thọ
Luận văn: Quá trình phục dựng di tích và lễ hội đền Tiên tại Phú Thọ
 
Luận văn: Quản lý di tích chùa Đậu, thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, 9 ĐIỂM
Luận văn: Quản lý di tích chùa Đậu, thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, 9 ĐIỂMLuận văn: Quản lý di tích chùa Đậu, thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, 9 ĐIỂM
Luận văn: Quản lý di tích chùa Đậu, thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, 9 ĐIỂM
 
Luận văn: Quản lý Nhà nước về di tích lịch sử - văn hóa, HOT
Luận văn: Quản lý Nhà nước về di tích lịch sử - văn hóa, HOTLuận văn: Quản lý Nhà nước về di tích lịch sử - văn hóa, HOT
Luận văn: Quản lý Nhà nước về di tích lịch sử - văn hóa, HOT
 
Luận văn: Quản lý về di tích lịch sử văn hóa tại Đắk Lắk, HOT
Luận văn: Quản lý về di tích lịch sử văn hóa tại Đắk Lắk, HOTLuận văn: Quản lý về di tích lịch sử văn hóa tại Đắk Lắk, HOT
Luận văn: Quản lý về di tích lịch sử văn hóa tại Đắk Lắk, HOT
 
Luận văn: Quản lý nhà nước về bảo tồn di sản văn hoá TP Hội An
Luận văn: Quản lý nhà nước về bảo tồn di sản văn hoá TP Hội AnLuận văn: Quản lý nhà nước về bảo tồn di sản văn hoá TP Hội An
Luận văn: Quản lý nhà nước về bảo tồn di sản văn hoá TP Hội An
 
Đề tài: Di tích lịch sử khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Lý
Đề tài: Di tích lịch sử khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều LýĐề tài: Di tích lịch sử khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Lý
Đề tài: Di tích lịch sử khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Lý
 
Luận văn: Quản lý di tích lịch sử văn hóa đình Phùng Khoang, 9 ĐIỂM
Luận văn: Quản lý di tích lịch sử văn hóa đình Phùng Khoang, 9 ĐIỂMLuận văn: Quản lý di tích lịch sử văn hóa đình Phùng Khoang, 9 ĐIỂM
Luận văn: Quản lý di tích lịch sử văn hóa đình Phùng Khoang, 9 ĐIỂM
 
luận văn thạc sĩ;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;
luận văn thạc sĩ;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;luận văn thạc sĩ;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;
luận văn thạc sĩ;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;;
 
BÀI MẪU luận văn thạc sĩ ngành quản lý văn hóa, HAY, 9 ĐIỂM
BÀI MẪU luận văn thạc sĩ ngành quản lý văn hóa, HAY, 9 ĐIỂMBÀI MẪU luận văn thạc sĩ ngành quản lý văn hóa, HAY, 9 ĐIỂM
BÀI MẪU luận văn thạc sĩ ngành quản lý văn hóa, HAY, 9 ĐIỂM
 
Lễ hội đền thờ Mạc Đĩnh Chi huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, 9đ
Lễ hội đền thờ Mạc Đĩnh Chi huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, 9đLễ hội đền thờ Mạc Đĩnh Chi huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, 9đ
Lễ hội đền thờ Mạc Đĩnh Chi huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, 9đ
 
Luận văn: Lễ hội đền thờ Mạc Đĩnh Chi tỉnh Hải Dương, HAY
Luận văn: Lễ hội đền thờ Mạc Đĩnh Chi tỉnh Hải Dương, HAYLuận văn: Lễ hội đền thờ Mạc Đĩnh Chi tỉnh Hải Dương, HAY
Luận văn: Lễ hội đền thờ Mạc Đĩnh Chi tỉnh Hải Dương, HAY
 
Lễ hội đền thờ Mạc Đĩnh Chi Xã Nam Tân
Lễ hội đền thờ Mạc Đĩnh Chi Xã Nam TânLễ hội đền thờ Mạc Đĩnh Chi Xã Nam Tân
Lễ hội đền thờ Mạc Đĩnh Chi Xã Nam Tân
 
Đề tài: Quản lý di tích lịch sử đền thờ Hai Bà Trưng tại Hà Nội, HOT
Đề tài: Quản lý di tích lịch sử đền thờ Hai Bà Trưng tại Hà Nội, HOTĐề tài: Quản lý di tích lịch sử đền thờ Hai Bà Trưng tại Hà Nội, HOT
Đề tài: Quản lý di tích lịch sử đền thờ Hai Bà Trưng tại Hà Nội, HOT
 

More from Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562

More from Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562 (20)

Nghiên Cứu Thu Nhận Pectin Từ Một Số Nguồn Thực Vật Và Sản Xuất Màng Pectin S...
Nghiên Cứu Thu Nhận Pectin Từ Một Số Nguồn Thực Vật Và Sản Xuất Màng Pectin S...Nghiên Cứu Thu Nhận Pectin Từ Một Số Nguồn Thực Vật Và Sản Xuất Màng Pectin S...
Nghiên Cứu Thu Nhận Pectin Từ Một Số Nguồn Thực Vật Và Sản Xuất Màng Pectin S...
 
Phát Triển Cho Vay Hộ Kinh Doanh Tại Ngân Hàng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông...
Phát Triển Cho Vay Hộ Kinh Doanh Tại Ngân Hàng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông...Phát Triển Cho Vay Hộ Kinh Doanh Tại Ngân Hàng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông...
Phát Triển Cho Vay Hộ Kinh Doanh Tại Ngân Hàng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông...
 
Nghiên Cứu Nhiễu Loạn Điện Áp Trong Lưới Điện Phân Phối.doc
Nghiên Cứu Nhiễu Loạn Điện Áp Trong Lưới Điện Phân Phối.docNghiên Cứu Nhiễu Loạn Điện Áp Trong Lưới Điện Phân Phối.doc
Nghiên Cứu Nhiễu Loạn Điện Áp Trong Lưới Điện Phân Phối.doc
 
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Kết Quả Kinh Doanh Của Các Công Ty Ngành...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Kết Quả Kinh Doanh Của Các Công Ty Ngành...Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Kết Quả Kinh Doanh Của Các Công Ty Ngành...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Kết Quả Kinh Doanh Của Các Công Ty Ngành...
 
Xây Dựng Công Cụ Sinh Dữ Liệu Thử Tự Động Cho Chương Trình Java.doc
Xây Dựng Công Cụ Sinh Dữ Liệu Thử Tự Động Cho Chương Trình Java.docXây Dựng Công Cụ Sinh Dữ Liệu Thử Tự Động Cho Chương Trình Java.doc
Xây Dựng Công Cụ Sinh Dữ Liệu Thử Tự Động Cho Chương Trình Java.doc
 
Phát Triển Công Nghiệp Huyện Điện Bàn Tỉnh Quảng Nam.doc
Phát Triển Công Nghiệp Huyện Điện Bàn Tỉnh Quảng Nam.docPhát Triển Công Nghiệp Huyện Điện Bàn Tỉnh Quảng Nam.doc
Phát Triển Công Nghiệp Huyện Điện Bàn Tỉnh Quảng Nam.doc
 
Phát Triển Kinh Tế Hộ Nông Dân Trên Địa Bàn Huyện Quảng Ninh, Tỉnh Quảng Bình...
Phát Triển Kinh Tế Hộ Nông Dân Trên Địa Bàn Huyện Quảng Ninh, Tỉnh Quảng Bình...Phát Triển Kinh Tế Hộ Nông Dân Trên Địa Bàn Huyện Quảng Ninh, Tỉnh Quảng Bình...
Phát Triển Kinh Tế Hộ Nông Dân Trên Địa Bàn Huyện Quảng Ninh, Tỉnh Quảng Bình...
 
Vận Dụng Mô Hình Hồi Quy Ngưỡng Trong Nghiên Cứu Tác Động Của Nợ Lên Giá Trị ...
Vận Dụng Mô Hình Hồi Quy Ngưỡng Trong Nghiên Cứu Tác Động Của Nợ Lên Giá Trị ...Vận Dụng Mô Hình Hồi Quy Ngưỡng Trong Nghiên Cứu Tác Động Của Nợ Lên Giá Trị ...
Vận Dụng Mô Hình Hồi Quy Ngưỡng Trong Nghiên Cứu Tác Động Của Nợ Lên Giá Trị ...
 
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Cấu Trúc Vốn Của Doanh Nghiệp Ngành Hàng...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Cấu Trúc Vốn Của Doanh Nghiệp Ngành Hàng...Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Cấu Trúc Vốn Của Doanh Nghiệp Ngành Hàng...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Cấu Trúc Vốn Của Doanh Nghiệp Ngành Hàng...
 
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Hiệu Quả Kinh Doanh Của Các Doanh Nghiệp...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Hiệu Quả Kinh Doanh Của Các Doanh Nghiệp...Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Hiệu Quả Kinh Doanh Của Các Doanh Nghiệp...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Hiệu Quả Kinh Doanh Của Các Doanh Nghiệp...
 
Hoàn Thiện Công Tác Thẩm Định Giá Tài Sản Bảo Đảm Trong Hoạt Động Cho Vay Tại...
Hoàn Thiện Công Tác Thẩm Định Giá Tài Sản Bảo Đảm Trong Hoạt Động Cho Vay Tại...Hoàn Thiện Công Tác Thẩm Định Giá Tài Sản Bảo Đảm Trong Hoạt Động Cho Vay Tại...
Hoàn Thiện Công Tác Thẩm Định Giá Tài Sản Bảo Đảm Trong Hoạt Động Cho Vay Tại...
 
Biện Pháp Quản Lý Xây Dựng Ngân Hàng Câu Hỏi Kiểm Tra Đánh Giá Kết Quả Học Tậ...
Biện Pháp Quản Lý Xây Dựng Ngân Hàng Câu Hỏi Kiểm Tra Đánh Giá Kết Quả Học Tậ...Biện Pháp Quản Lý Xây Dựng Ngân Hàng Câu Hỏi Kiểm Tra Đánh Giá Kết Quả Học Tậ...
Biện Pháp Quản Lý Xây Dựng Ngân Hàng Câu Hỏi Kiểm Tra Đánh Giá Kết Quả Học Tậ...
 
Hoàn Thiện Công Tác Huy Động Vốn Tại Ngân Hàng Tmcp Công Thương Việt Nam Chi ...
Hoàn Thiện Công Tác Huy Động Vốn Tại Ngân Hàng Tmcp Công Thương Việt Nam Chi ...Hoàn Thiện Công Tác Huy Động Vốn Tại Ngân Hàng Tmcp Công Thương Việt Nam Chi ...
Hoàn Thiện Công Tác Huy Động Vốn Tại Ngân Hàng Tmcp Công Thương Việt Nam Chi ...
 
Ánh Xạ Đóng Trong Không Gian Mêtric Suy Rộng.doc
Ánh Xạ Đóng Trong Không Gian Mêtric Suy Rộng.docÁnh Xạ Đóng Trong Không Gian Mêtric Suy Rộng.doc
Ánh Xạ Đóng Trong Không Gian Mêtric Suy Rộng.doc
 
Giải Pháp Hạn Chế Nợ Xấu Đối Với Khách Hàng Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương...
Giải Pháp Hạn Chế Nợ Xấu Đối Với Khách Hàng Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương...Giải Pháp Hạn Chế Nợ Xấu Đối Với Khách Hàng Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương...
Giải Pháp Hạn Chế Nợ Xấu Đối Với Khách Hàng Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương...
 
Hoàn Thiện Công Tác Đào Tạo Đội Ngũ Cán Bộ Công Chức Phường Trên Địa Bàn Quận...
Hoàn Thiện Công Tác Đào Tạo Đội Ngũ Cán Bộ Công Chức Phường Trên Địa Bàn Quận...Hoàn Thiện Công Tác Đào Tạo Đội Ngũ Cán Bộ Công Chức Phường Trên Địa Bàn Quận...
Hoàn Thiện Công Tác Đào Tạo Đội Ngũ Cán Bộ Công Chức Phường Trên Địa Bàn Quận...
 
Giải Pháp Marketing Cho Dịch Vụ Ngân Hàng Điện Tử Tại Ngân Hàng Tmcp Hàng Hải...
Giải Pháp Marketing Cho Dịch Vụ Ngân Hàng Điện Tử Tại Ngân Hàng Tmcp Hàng Hải...Giải Pháp Marketing Cho Dịch Vụ Ngân Hàng Điện Tử Tại Ngân Hàng Tmcp Hàng Hải...
Giải Pháp Marketing Cho Dịch Vụ Ngân Hàng Điện Tử Tại Ngân Hàng Tmcp Hàng Hải...
 
Biện Pháp Quản Lý Công Tác Tự Đánh Giá Trong Kiểm Định Chất Lượng Giáo Dục Cá...
Biện Pháp Quản Lý Công Tác Tự Đánh Giá Trong Kiểm Định Chất Lượng Giáo Dục Cá...Biện Pháp Quản Lý Công Tác Tự Đánh Giá Trong Kiểm Định Chất Lượng Giáo Dục Cá...
Biện Pháp Quản Lý Công Tác Tự Đánh Giá Trong Kiểm Định Chất Lượng Giáo Dục Cá...
 
Kiểm Soát Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngành Xây Dựng Tại Nhtmcp Công Thương...
Kiểm Soát Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngành Xây Dựng Tại Nhtmcp Công Thương...Kiểm Soát Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngành Xây Dựng Tại Nhtmcp Công Thương...
Kiểm Soát Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngành Xây Dựng Tại Nhtmcp Công Thương...
 
Diễn Ngôn Lịch Sử Trong Biên Bản Chiến Tranh 1-2 -3- 4.75 Của Trần Mai Hạnh.doc
Diễn Ngôn Lịch Sử Trong Biên Bản Chiến Tranh 1-2 -3- 4.75 Của Trần Mai Hạnh.docDiễn Ngôn Lịch Sử Trong Biên Bản Chiến Tranh 1-2 -3- 4.75 Của Trần Mai Hạnh.doc
Diễn Ngôn Lịch Sử Trong Biên Bản Chiến Tranh 1-2 -3- 4.75 Của Trần Mai Hạnh.doc
 

Recently uploaded

ĐỀ SỐ 1 Của sở giáo dục đào tạo tỉnh NA.pdf
ĐỀ SỐ 1 Của sở giáo dục đào tạo tỉnh NA.pdfĐỀ SỐ 1 Của sở giáo dục đào tạo tỉnh NA.pdf
ĐỀ SỐ 1 Của sở giáo dục đào tạo tỉnh NA.pdf
levanthu03031984
 
Everybody Up 1 - Unit 5 - worksheet grade 1
Everybody Up 1 - Unit 5 - worksheet grade 1Everybody Up 1 - Unit 5 - worksheet grade 1
Everybody Up 1 - Unit 5 - worksheet grade 1
mskellyworkmail
 
Tử Vi Là Gì Học Luận Giải Tử Vi Và Luận Đoán Vận Hạn
Tử Vi Là Gì Học Luận Giải Tử Vi Và Luận Đoán Vận HạnTử Vi Là Gì Học Luận Giải Tử Vi Và Luận Đoán Vận Hạn
Tử Vi Là Gì Học Luận Giải Tử Vi Và Luận Đoán Vận Hạn
Kabala
 

Recently uploaded (20)

GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ MỘT SỐ BÀI HÁT DÂN CA CÁC DÂN TỘC BẢN ĐỊA CHO HỌC...
GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ MỘT SỐ BÀI HÁT DÂN CA CÁC DÂN TỘC BẢN ĐỊA CHO HỌC...GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ MỘT SỐ BÀI HÁT DÂN CA CÁC DÂN TỘC BẢN ĐỊA CHO HỌC...
GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ MỘT SỐ BÀI HÁT DÂN CA CÁC DÂN TỘC BẢN ĐỊA CHO HỌC...
 
ĐỀ SỐ 1 Của sở giáo dục đào tạo tỉnh NA.pdf
ĐỀ SỐ 1 Của sở giáo dục đào tạo tỉnh NA.pdfĐỀ SỐ 1 Của sở giáo dục đào tạo tỉnh NA.pdf
ĐỀ SỐ 1 Của sở giáo dục đào tạo tỉnh NA.pdf
 
Hoàn thiện công tác kiểm soát chi NSNN qua Kho bạc Nhà nước huyện Tri Tôn – t...
Hoàn thiện công tác kiểm soát chi NSNN qua Kho bạc Nhà nước huyện Tri Tôn – t...Hoàn thiện công tác kiểm soát chi NSNN qua Kho bạc Nhà nước huyện Tri Tôn – t...
Hoàn thiện công tác kiểm soát chi NSNN qua Kho bạc Nhà nước huyện Tri Tôn – t...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
XÂY DỰNG KẾ HOẠCH KINH DOANH CHO CÔNG TY KHÁCH SẠN SÀI GÒN CENTER ĐẾN NĂM 2025
XÂY DỰNG KẾ HOẠCH KINH DOANH CHO CÔNG TY KHÁCH SẠN SÀI GÒN CENTER ĐẾN NĂM 2025XÂY DỰNG KẾ HOẠCH KINH DOANH CHO CÔNG TY KHÁCH SẠN SÀI GÒN CENTER ĐẾN NĂM 2025
XÂY DỰNG KẾ HOẠCH KINH DOANH CHO CÔNG TY KHÁCH SẠN SÀI GÒN CENTER ĐẾN NĂM 2025
 
CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN...
CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN...CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN...
CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN...
 
Everybody Up 1 - Unit 5 - worksheet grade 1
Everybody Up 1 - Unit 5 - worksheet grade 1Everybody Up 1 - Unit 5 - worksheet grade 1
Everybody Up 1 - Unit 5 - worksheet grade 1
 
Luận văn 2024 Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý hành...
Luận văn 2024 Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý hành...Luận văn 2024 Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý hành...
Luận văn 2024 Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý hành...
 
Quản trị cơ sở Giáo dục nghề nghiệp
Quản trị cơ sở Giáo dục nghề nghiệpQuản trị cơ sở Giáo dục nghề nghiệp
Quản trị cơ sở Giáo dục nghề nghiệp
 
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá thực trạng an toàn vệ sinh lao động và rủi ro lao...
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá thực trạng an toàn vệ sinh lao động và rủi ro lao...Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá thực trạng an toàn vệ sinh lao động và rủi ro lao...
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá thực trạng an toàn vệ sinh lao động và rủi ro lao...
 
Chương 6: Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội khoa học
Chương 6: Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội khoa họcChương 6: Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội khoa học
Chương 6: Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội khoa học
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Báo cáo bài tập lớn E - Marketing Xây dựng kế hoạch marketing điện tử cho nhã...
Báo cáo bài tập lớn E - Marketing Xây dựng kế hoạch marketing điện tử cho nhã...Báo cáo bài tập lớn E - Marketing Xây dựng kế hoạch marketing điện tử cho nhã...
Báo cáo bài tập lớn E - Marketing Xây dựng kế hoạch marketing điện tử cho nhã...
 
Giáo trình xây dựng thực đơn. Ths Hoang Ngoc Hien.pdf
Giáo trình xây dựng thực đơn. Ths Hoang Ngoc Hien.pdfGiáo trình xây dựng thực đơn. Ths Hoang Ngoc Hien.pdf
Giáo trình xây dựng thực đơn. Ths Hoang Ngoc Hien.pdf
 
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 10 - CÁN...
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 10 - CÁN...ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 10 - CÁN...
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 10 - CÁN...
 
Tiểu luận tổng quan về Mối quan hệ giữa chu kỳ kinh tế và đầu tư trong nền ki...
Tiểu luận tổng quan về Mối quan hệ giữa chu kỳ kinh tế và đầu tư trong nền ki...Tiểu luận tổng quan về Mối quan hệ giữa chu kỳ kinh tế và đầu tư trong nền ki...
Tiểu luận tổng quan về Mối quan hệ giữa chu kỳ kinh tế và đầu tư trong nền ki...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 11 - CÁN...
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 11 - CÁN...ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 11 - CÁN...
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 11 - CÁN...
 
20 ĐỀ DỰ ĐOÁN - PHÁT TRIỂN ĐỀ MINH HỌA BGD KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 MÔ...
20 ĐỀ DỰ ĐOÁN - PHÁT TRIỂN ĐỀ MINH HỌA BGD KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 MÔ...20 ĐỀ DỰ ĐOÁN - PHÁT TRIỂN ĐỀ MINH HỌA BGD KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 MÔ...
20 ĐỀ DỰ ĐOÁN - PHÁT TRIỂN ĐỀ MINH HỌA BGD KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 MÔ...
 
Tử Vi Là Gì Học Luận Giải Tử Vi Và Luận Đoán Vận Hạn
Tử Vi Là Gì Học Luận Giải Tử Vi Và Luận Đoán Vận HạnTử Vi Là Gì Học Luận Giải Tử Vi Và Luận Đoán Vận Hạn
Tử Vi Là Gì Học Luận Giải Tử Vi Và Luận Đoán Vận Hạn
 

Luận án: Di sản hóa ở Việt Nam ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội

  • 1. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI TRẦN THỊ LAN DI SẢN HÓA Ở VIỆT NAM: TRƯỜNG HỢP ĐỀN HÁT MÔN, HUYỆN PHÚC THỌ, THÀNH PHỐ HÀ NỘI LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA HỌC Hà Nội - 2019
  • 2. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI TRẦN THỊ LAN DI SẢN HÓA Ở VIỆT NAM: TRƯỜNG HỢP ĐỀN HÁT MÔN, HUYỆN PHÚC THỌ, THÀNH PHỐ HÀ NỘI Ngành: Văn hóa học Mã số: 9.22.90.40 LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA HỌC Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS.TS. Lƣơng Hồng Quang 2. TS. Hoàng Cầm Hà Nội - 2019
  • 3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan Luận án Tiến sĩ: Di sản hóa ở Việt Nam: Trƣờng hợp đền Hát Môn, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội là công trình nghiên cứu của riêng tôi dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Lương Hồng Quang và TS. Hoàng Cầm. Các trích dẫn, số liệu và kết quả nêu trong Luận án là trung thực và có xuất xứ rõ ràng. Hà Nội, ngày tháng năm 2019 Tác giả luận án Trần Thị Lan
  • 4. MỤC LỤC MỞ ĐẦU ....................................................................................................................1 Chƣơng 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU.......................................................................................11 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu ........................................................................11 1.2. Cơ sở lý luận ......................................................................................................32 1.3. Tổng quan về địa bàn nghiên cứu ......................................................................39 Tiểu kết ....................................................................................................................50 Chƣơng 2: QUÁ TRÌNH VINH DANH DI TÍCH VÀ LỄ HỘI ĐỀN HÁT MÔN ...................................................................................................................................53 2.1. Quá trình vinh danh đền Hát Môn thành di tích Quốc gia đặc biệt ...................53 2.2. Quá trình vinh danh lễ hội đền Hát Môn thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia..............................................................................................................................63 2.3. Nhà nước và cộng đồng trong quá trình vinh danh di tích và lễ hội đền Hát Môn ...................................................................................................................................71 Tiểu kết ....................................................................................................................76 Chƣơng 3: QUÁ TRÌNH HẬU VINH DANH DI TÍCH VÀ LỄ HỘI ĐỀN HÁT MÔN.........................................................................................................................78 3.1. Sự biến đổi của di tích và lễ hội sau vinh danh..................................................78 3.2. Nhà nước và cộng đồng trong quá trình hậu vinh danh di tích và lễ hội đền Hát Môn .........................................................................................................................100 Tiểu kết ..................................................................................................................128 Chƣơng 4: DI SẢN HÓA ĐỀN HÁT MÔN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ BÀN LUẬN .................................................................................................................................130 4.1. Các động thái chính trị - xã hội của việc vinh danh di sản ..............................130 4.2. Những tác động của di sản hóa ........................................................................143 Tiểu kết...................................................................................................................156 KẾT LUẬN............................................................................................................158 DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN ........................................................163 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO.............................................................164
  • 5. DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT TRONG LUẬN ÁN Từ viết tắt Từ viết đầy đủ BBVDT Ban Bảo vệ di tích Cb Chủ biên DSVH Di sản văn hóa NCS Nghiên cứu sinh Nxb Nhà xuất bản STT Số thứ tự tr trang UBND Ủy ban nhân dân UNESCO Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc VHTTDL Văn hóa, Thể thao và Du lịch
  • 6. DANH MỤC CÁC BẢNG BIỂU TRONG LUẬN ÁN STT Tên bảng Số trang 1 Bảng 1: Các dự án trùng tu, xây mới tại di tích đền Hát Môn từ 2000-2018 81-82 2 Bảng 2: Mô hình quản lý nhà nước đền Hát Môn 101 3 Bảng 3: Hỗ trợ kinh phí thành viên Ban Bảo vệ di tích đền Hát Môn 113 4 Bảng 4: Sự tham gia của chính quyền và cộng đồng trong tổ chức lễ hội 122
  • 7. 1 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Trong vài thập kỉ trở lại đây, di sản văn hóa (DSVH) đã trở thành một chủ đề được giới nghiên cứu khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng quan tâm. Điều này cho thấy di sản thiên nhiên, di tích và thực hành văn hóa ngày càng có vai trò, chức năng và ý nghĩa quan trọng trong các lĩnh vực văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội. Ở Việt Nam, từ sau đổi mới, việc phục hồi và bảo vệ các DSVH, cả vật thể và phi vật thể đã thể hiện rõ chủ trương của nhà nước trong việc xem văn hóa là “mục tiêu và động lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998). Cùng với đó, nhiều DSVH đã được kiểm kê, lựa chọn và làm hồ sơ xếp hạng di sản ở các cấp khác nhau: cấp tỉnh, cấp quốc gia, cấp quốc gia đặc biệt đối với di tích; cấp quốc gia đối với các di sản DSVH văn hóa phi vật thể. Một số DSVH “tiêu biểu” đã được đưa vào danh mục do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để xây dựng hồ sơ đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) vinh danh trong các Danh sách Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Di sản tư liệu thế giới, Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại (Danh sách DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại). Theo thống kê, tính đến tháng 7-2018, Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xếp hạng gần 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã xếp hạng 3.463 di tích quốc gia; và Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng 95 di tích quốc gia đặc biệt; đồng thời có trên 4 vạn di tích đã được kiểm kê theo quy định của Luật DSVH; 61.669 DSVH phi vật thể của 63 tỉnh/thành phố đã được kiểm kê; trong đó có 249 DSVH phi vật thể được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia. Trong số các DSVH của Việt Nam, UNESCO đã ghi danh 08 di sản vào danh mục Di sản thế giới theo Công ước UNESCO 1972 về Bảo vệ DSVH và Thiên nhiên Thế giới; 12 DSVH phi vật thể. Ngoài ra, theo Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO, tính đến nay,
  • 8. 2 Việt Nam đã có 07 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh (gồm 03 di sản tư liệu thế giới và 04 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương) [23, tr. 6]. Đặc biệt, việc vinh danh, xếp hạng DSVH /di sản hóa đã trở thành một trong những hoạt động quan trọng để thực tế hóa định hướng phát triển văn hóa quốc gia khi Việt Nam ban hành Luật DSVH năm 2001. Nó được coi là một tác nhân làm thay đổi thực hành văn hóa của cộng đồng, củng cố mối quan hệ với nhà nước của các chủ thể văn hóa, gắn kết DSVH với những sáng tạo văn hóa mới, khẳng định bản sắc văn hóa thời hiện đại... Mặt khác, trong quá trình di sản hóa, việc lựa chọn các DSVH nào, phục hồi, xếp hạng nó ra sao, các mối quan hệ giữa cộng đồng, nhà nước trong quá trình đó như thế nào… là một vấn đề khá phức tạp và thể hiện nhiều quan điểm khác nhau, những động thái chính trị, những mối tương tác quyền lực của các nhóm xã hội trong bối cảnh Việt Nam đương đại. Đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội) là một di tích cổ ở đồng bằng sông Hồng thờ Hai Bà Trưng - những nhân vật được xem là biểu tượng nói lên tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam. Việc thờ phụng Hai Bà Trưng từ hàng nghìn năm ở đây không chỉ có ý nghĩa về mặt tâm linh đối với cộng đồng địa phương mà còn có tầm quan trọng đặc biệt trong việc duy trì và nâng cao tâm thức của người Việt về cội nguồn, về lịch sử chung của quốc gia - dân tộc. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà trong các bài phát biểu quan trọng của nhiều nhà chính trị - ngoại giao trên thế giới khi đến Việt Nam cũng đã gợi nhắc về hình tượng Hai Bà Trưng như một biểu tượng về sự đoàn kết, khẳng định tinh thần, triết lý của cộng đồng quốc gia - dân tộc Việt Nam (bài phát biểu của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia - tháng 5/2016; bài phát biểu tại APEC của Tổng thống Donald Trump - năm 2017; chuyến thăm đền Hai Bà Trưng của Đại tướng Robert B. Brown - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Lục quân Thái Bình Dương Mỹ tháng 8/2018…). Nằm trong xu hướng chung về di sản hóa, di tích đền Hát Môn đã được nhà nước lựa chọn để vinh danh, xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2013, lễ hội đền Hát Môn được vinh danh là DSVH phi vật thể quốc gia năm 2016. Trong thực
  • 9. 3 tế, không phải bất cứ các thực hành/biểu tượng văn hóa nào cũng trở thành DSVH mà quá trình di sản hóa nói chung, di sản hóa đền Hát Môn nói riêng là một quá trình lựa chọn với sự tham gia của nhiều bên liên quan. Và khi được ghi danh, được gán nhãn danh hiệu DSVH các cấp sẽ kéo theo nhiều vấn đề như nhà nước, chính quyền địa phương, cộng đồng, các công ty du lịch… “sử dụng” DSVH cho nhiều mục đích khác nhau. Khi nhà nước can thiệp ngày càng sâu vào quản lý DSVH sau khi được vinh danh cũng sẽ dẫn tới hệ lụy là cộng đồng có nguy cơ bị “ngoài lề hóa” đối với chính di sản mà trong quá khứ họ là người sáng tạo, nắm giữ và thực hành… Quá trình di sản hóa cũng có những tác động đến suy nghĩ, nhận thức và cách thức thực hành văn hóa truyền thống của cộng đồng có di sản; dẫn tới các động thái tương tác đa chiều trong mối quan hệ giữa cộng đồng, nhà nước và DSVH. Một quá trình chồng chéo, đan xen với nhiều bên tham gia làm cho chính bản thân DSVH bị biến đổi. Hay nói một cách khác, quá trình di sản hóa đã tạo nên một sân chơi, một diễn đàn, một công cụ để nhiều bên có thể tham gia với các động năng phức tạp, đa tầng khác nhau. Trong thực tế hiện nay, những thảo luận đặt ra xung quanh quá trình di sản hóa, tạo dựng DSVH ở Việt Nam đang đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết về lý luận và thực tiễn đòi hỏi cần phải đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu. Trên cơ sở đó, tác giả đã lựa chọn vấn đề: Di sản hóa ở Việt Nam: Trƣờng hợp đền Hát Môn, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội làm đề tài luận án tiến sĩ của mình, với mong muốn đóng góp một góc nhìn mới trong bức tranh nghiên cứu vốn đa dạng và phong phú về DSVH ở Việt Nam trong bối cảnh xã hội đương đại. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 2.1. Mục đích nghiên cứu Luận án nghiên cứu về quá trình lựa chọn, vinh danh di tích và lễ hội đền Hát Môn trở thành DSVH để biện giải các động thái chính trị, xã hội và kinh tế của vấn đề di sản hóa ở Việt Nam cũng như các tác động của quá trình di sản hóa đối với việc bảo vệ, phát huy giá trị DSVH vật thể và phi vật thể.
  • 10. 4 Mặt khác, thông qua nghiên cứu trường hợp về quá trình di sản hóa di tích và lễ hội đền Hát Môn, luận án hướng đến luận giải về mặt lý luận xu hướng di sản hóa từ góc độ thực tiễn của Việt Nam, góp phần vào nghiên cứu các vấn đề liên quan đến di sản hóa, DSVH trên thế giới trong bối cảnh quốc tế và hội nhập hiện nay. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Để đạt được mục đích nghiên cứu trên, luận án có các nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể như sau: - Nghiên cứu tổng quan về di tích và lễ hội đền Hát Môn, quá trình hình thành, phát triển và vai trò của di tích trong việc tạo dựng bản sắc quốc gia - dân tộc và ý nghĩa đối với cộng đồng địa phương trong lịch sử. - Nghiên cứu các vấn đề lý luận về xu hướng di sản hóa ở Việt Nam và trên thế giới. - Nghiên cứu một cách có hệ thống thực tiễn quá trình lựa chọn và vinh danh di tích và lễ hội đền Hát Môn trở thành DSVH; Chỉ ra quá trình biến đổi của di tích và lễ hội đền Hát Môn sau khi vinh danh; sự tham gia của cộng đồng, nhà nước vào quá trình di sản hóa di tích và lễ hội đền Hát Môn. - Bàn luận về những vấn đề đặt ra liên quan đến quá trình di sản hóa các di tích và thực hành văn hóa ở Việt Nam trong bối cảnh xã hội chuyển đổi hiện nay. 3. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Để có được sự hiểu biết về các động thái kinh tế, xã hội và chính trị cũng như tác động của việc di sản hoá ở đền Hát Môn, đối tượng nghiên cứu chính của luận án là di tích và lễ hội đền Hát Môn, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội và các bên liên quan tham gia vào quá trình vinh danh di sản đền và lễ hội này. 3.2. Phạm vi nghiên cứu 3.2.1. Phạm vi nội dung nghiên cứu Phạm vi nội dung nghiên cứu của luận án là thực trạng di sản hóa đền Hát Môn; khảo sát việc biến đổi di tích và thực hành văn hóa trước và sau vinh danh; các động thái tham gia của Nhà nước và cộng đồng trong quá trình di sản hóa.
  • 11. 5 3.2.2. Phạm vi thời gian nghiên cứu Luận án tập trung nghiên cứu về di tích và lễ hội đền Hát Môn, khảo sát thực tế từ trước (từ 1986 đến năm 2013) và sau khi Nhà nước công nhận là di tích quốc gia đặc biệt cho đến nay. 4. Phƣơng pháp luận và phƣơng pháp nghiên cứu DSVH và những vấn đề liên quan đến nó là đối tượng được nghiên cứu dưới nhiều góc nhìn khác nhau như: lịch sử, nhân học, triết học, xã hội học, du lịch học, kinh tế học… Trong phạm vi luận án này, chúng tôi tiếp cận DSVH theo hướng văn hóa học, các nội dung về quyền lực, tính chính trị của DSVH là vấn đề nghiên cứu trọng tâm. Thay vì nhìn nhận DSVH theo hướng quy chất luận (essentialism), coi di sản như một thực thể tĩnh, nghiên cứu này sử dụng cách tiếp cận kiến tạo luận, tập trung vào tính động của di sản, đặc biệt khám phá tính chính trị của DSVH trong mối liên hệ khăng khít với bối cảnh chính trị - xã hội của nó. Hay nói cách khác “ý tưởng về DSVH không nhất thiết phải là một “vật” mà là một quá trình xã hội và văn hóa, kéo theo những hành động nhớ về công việc đó để tạo nên những cách để hiểu và tham gia vào hiện tại…” [89, tr. 484]. DSVH không phải là cái “có sẵn”, cái đương nhiên tồn tại mà được đặt trong các chiều kích vận động, biến đổi. Quá trình vận động, biến đổi đó có nhiều động thái, bối cảnh, các bên liên quan can thiệp vào tạo nên tính phức tạp, tính liên kết và tương tác đa chiều của DSVH. Tiếp cận DSVH theo hướng văn hóa học, luận án sử dụng các phương pháp nghiên cứu liên ngành của nhiều ngành khoa học khác nhau để tìm hiểu, lý giải về tính chính trị của DSVH trong quá trình di sản hóa một cách tổng thể và sâu sắc nhất. 4.2.1. Phương pháp quan sát tham dự Phương pháp này được tác giả sử dụng trong suốt quá trình làm luận án. Đợt thực địa lần đầu tiên được tác giả tiến hành vào tháng 12/2016 với mục đích tìm hiểu tổng quan về địa bàn nghiên cứu. Tra cứu thông tin về xã Hát Môn trên website của huyện Phúc Thọ, tác giả đã liên lạc trước qua điện thoại với văn phòng UBND xã để thu xếp lịch làm việc. Khi đến trực tiếp trình bày về mục đích
  • 12. 6 nghiên cứu của mình, tác giả đã được cán bộ địa phương giúp đỡ nhiệt tình và tạo điều kiện thuận lợi nhất để tiến hành làm việc. Đại diện chính quyền xã đã dẫn tác giả lên đền Hát Môn, công việc đầu tiên là hướng dẫn làm “lễ trình” Hai Bà, xin phép Nhị vị Đại vương “chấp thuận” để chúng tôi thực hiện mục đích nghiên cứu của mình. Tiếp đó, tác giả luận án được giới thiệu, gặp gỡ các thành viên trong Ban Bảo vệ di tích (BBVDT) đền để nắm bắt được tình hình. Ngay từ buổi đầu tiên tiếp xúc, tác giả đã có được cái nhìn tổng quan về cơ sở vật chất, diện mạo của vùng đất cũng như di tích và lễ hội đền Hát Môn. Cũng từ buổi tiếp xúc đầu tiên, tác giả có được những thông tin về lễ hội đền Hát Môn để sắp xếp thời gian điền dã phù hợp. Lễ hội đền Hát Môn diễn ra 3 lần trong năm vào các ngày mồng 6 tháng Ba, mồng 4 tháng Chín và 24 tháng Chạp âm lịch. Tác giả đã có thời gian quan sát tham dự liên tục qua nhiều năm: lễ hội mồng 6 tháng Ba các năm 2017, 2018, 2019, mỗi dịp lễ hội từ 7-10 ngày; lễ hội mồng 4 tháng Chín các năm 2017, 2018, thời gian từ 5-7 ngày; lễ hội ngày 24 tháng Chạp năm 2017, 2018 thời gian từ 4-6 ngày; tham gia các buổi họp bàn về kế hoạch chuẩn bị tổ chức lễ hội của BBVDT, của chính quyền xã Hát Môn; các buổi tổng kết rút kinh nghiệm về tổ chức lễ hội diễn ra tại nhà khách của đền Hát Môn sau khi kết thúc lễ hội với sự có mặt của đại diện chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, BBVDT và cộng đồng dân cư. Tùy thuộc vào từng hoạt động diễn ra tại đền Hát Môn, tác giả có thể linh hoạt thời gian quan sát tham dự. Vào dịp tháng 4/2017, khi lần đầu tiên được tham gia vào lễ hội của đền, tác giả đã có những đêm thức trắng để tìm hiểu về việc chuẩn bị các lễ vật dâng cúng Hai Bà Trưng của dân làng cũng như toàn bộ các quy trình khác, những đối thoại, những sự thể hiện quan hệ… trong việc tổ chức lễ hội. Mặt khác, quá trình điền dã liên tục trong 3 năm vào dịp lễ hội tháng Ba âm lịch giúp tác giả có điều kiện quan sát một bức tranh toàn cảnh về lễ hội đền Hát Môn, tìm hiểu được sự tham gia của chính quyền, cộng đồng trong quá trình chuẩn bị và tổ chức lễ hội; đồng thời thấy được quy mô tổ chức, các yếu tố mới được đưa vào lễ
  • 13. 7 hội, số lượng khách du lịch đến với hội đền Hát Môn qua các năm; những động thái chính trị, xã hội được gửi gắm trong lễ hội… Cùng với đó, tác giả cũng có 3 đợt điền dã, mỗi đợt kéo dài từ 5-7 ngày tại Hát Môn vào các thời gian khác nhau trong năm: tháng 9/2017, tháng 6/2018, tháng 2/2019. Đây là khoảng thời gian địa phương không tổ chức lễ hội, giúp tác giả có điều kiện quan sát các hoạt động diễn ra hàng ngày tại di tích và địa phương. Trong suốt quá trình điền dã, tác giả đã thực hiện việc ghi chép, chụp ảnh, ghi âm, quay video về những vấn đề liên quan đến đề tài luận án đang quan tâm tìm hiểu. 4.2.2. Phương pháp phỏng vấn sâu Phỏng vấn sâu là phương pháp quan trọng nhất để thực hiện đề tài luận án này. Tại địa bàn nghiên cứu, thông qua các đợt điền dã, cùng với việc quan sát tham dự, công việc chính của tác giả là tiếp xúc, phỏng vấn, trò chuyện với đại diện cán bộ, người dân địa phương, khách du lịch thuộc các nhóm tuổi, giới tính, trình độ, nghề nghiệp khác nhau. Bên cạnh các mẫu chọn có chủ đích còn có các mẫu ngẫu nhiên. Đối với từng nhóm đối tượng phỏng vấn, tác giả đều có sự chuẩn bị các câu hỏi cơ bản để gợi mở về các vấn đề nghiên cứu. Thời gian phỏng vấn đa dạng, ngoài các buổi làm việc ban ngày, nhiều buổi phỏng vấn được sắp xếp vào buổi tối. Địa điểm phỏng vấn phong phú, có khi trực tiếp tại nhà đền, khi ở nhà chứa lễ, khi tại nhà của các đối tượng phỏng vấn. Phần lớn các đối tượng tác giả phỏng vấn đều rất nhiệt tình và hiếu khách, họ sẵn sàng chia sẻ thông tin và bày tỏ quan điểm đối với những vấn đề mà tác giả đang tìm hiểu. Có rất nhiều buổi nói chuyện kéo dài 2- 3 giờ đồng hồ, thậm chí họ còn đặt thêm lịch hẹn vào các buổi sau để trao đổi hay giới thiệu cho tác giả thêm các đối tượng phỏng vấn các vấn đề mà người được phỏng vấn chưa nắm rõ. Với mục đích đa dạng hóa nguồn thông tin, tác giả đã lựa chọn phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm với nhiều nhóm đối tượng khác nhau: - Cán bộ quản lý địa phương, tác giả đã lựa chọn phỏng vấn đại diện chính quyền huyện/xã/các cụm dân cư, cán bộ một số ban ngành, đoàn thể (thanh niên, phụ nữ…); cán bộ làm công tác quản lý văn hóa ở trung ương, thành phố và địa
  • 14. 8 phương. Đây là nhóm đối tượng giúp tác giả thấy được quan điểm của họ trong việc nhận thức các văn bản, chỉ đạo của cấp trên liên quan đến vấn đề DSVH; vai trò của chính bản thân họ trong quá trình di sản hóa. Đồng thời, tác giả cũng quan tâm đến các thông tin về sự phối hợp giữa họ và cộng đồng trong việc thực hiện các hoạt động bảo vệ, phát huy di sản trước và sau vinh danh, thông qua đó nắm bắt được những vấn đề liên quan đến lợi ích giữa cộng đồng, nhà nước và DSVH tại địa phương. Ngoài ra, tác giả còn dành thời gian phỏng vấn một số nhà nghiên cứu, nhà khoa học, cán bộ quản lý văn hóa các cấp để thông qua đó, tìm hiểu quan điểm, cách nhìn nhận của họ về quá trình vinh danh và hậu vinh danh các DSVH ở Việt Nam. - Cộng đồng: Cộng đồng trong nhóm phỏng vấn này rất đa dạng, bao gồm các thành viên trong BBVDT đền Hát Môn; người phục vụ công việc của nhà đền hàng ngày (ông từ, người dọn vệ sinh), người đi lễ ở đền, các đối tượng tham gia trực tiếp phục vụ trong dịp lễ hội hiện nay cũng như một số người đã từng tham gia vào lễ hội trước đây… để tìm hiểu tâm lý, ý thức và cách ứng xử của họ đối với di sản. Để có thêm tư liệu so sánh, đối chiếu, tác giả cũng phỏng vấn các cộng đồng xung quanh (không phải là cộng đồng có di sản), thấy được những suy nghĩ/quan tâm của họ khi sống cạnh một cộng đồng chủ nhân của di sản được vinh danh di tích quốc gia đặc biệt. Phần lớn thời gian lưu trú tại Hát Môn, tác giả ở lại nhà một thành viên trong BBVDT đền. Vốn là người đã từng công tác tại địa phương và tham gia BBVDT trong nhiều năm, là thủ quỹ của nhà đền nên ông nắm được hầu hết các sự kiện liên quan đến quá trình phát triển của đền Hát Môn trong mấy chục năm gần đây. Ông trở thành một người tư vấn đáng tin cậy khi tác giả có những vấn đề thắc mắc và cũng sẵn sàng giúp đỡ kết nối với nhiều người khác khi tác giả có nguyện vọng muốn tìm hiểu sâu hơn vấn đề nào đó. Mỗi khi có sự kiện quan trọng ở đền Hát Môn, ông đều liên lạc với tác giả trước đó nhiều ngày để tạo điều kiện cho tác giả sắp xếp thời gian về quan sát, tìm hiểu thêm để phục vụ cho đề tài nghiên cứu của mình. Cũng thông qua sự sắp xếp và tạo điều kiện của ông, tác giả đã có nhiều cuộc
  • 15. 9 trao đổi, phỏng vấn nhóm. Chẳng hạn, phỏng vấn nhóm đối tượng từng xuống Hà Nội đưa bà Nguyễn Thị Định về thờ (4 người); phỏng vấn các thành viên trong Ban tu lễ tại nhà chứa lễ (7 người); phỏng vấn các thành viên trong Ban Thường trực bảo vệ di tích (5 người)… Đây là phương pháp hiệu quả giúp tác giả có được thông tin đa chiều đồng thời kiểm chứng được một số thông tin đã được cung cấp trước hoặc sau đó. 4.2.3. Phương pháp tổng hợp, phân tích tài liệu Với đề tài này, tác giả tiến hành tổng hợp và phân tích các nguồn tài liệu của Việt Nam và quốc tế nhằm xem xét, đánh giá các lý thuyết, các quan điểm nghiên cứu có liên quan đến đối tượng nghiên cứu của luận án, gồm các nội dung về DSVH, quản lý di sản, quá trình di sản hóa, các lý thuyết/quan điểm xung quanh vấn đề di sản hóa…; các nghiên cứu về di tích và lễ hội đền Hát Môn, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội. Cùng với đó, tác giả tập trung phân tích các văn bản, chỉ thị, nghị quyết của Nhà nước, chính quyền địa phương về việc quản lý và bảo vệ DSVH nói chung, đền Hát Môn nói riêng trước và sau khi được công nhận danh hiệu DSVH ở các cấp khác nhau. Trên cơ sở tổng hợp, phân tích những nguồn tài liệu này, tác giả có được một cái nhìn tổng thể về đối tượng nghiên cứu của đề tài. Cùng với việc so sánh, đối chiếu với các tư liệu thực tế, điền dã, phỏng vấn đã làm cơ sở khoa học để tác giả diễn giải quá trình di sản hóa đền Hát Môn, thành phố Hà Nội, qua đó có thể hiểu thêm bức tranh đa dạng về DSVH ở Việt Nam trong bối cảnh xã hội đương đại. 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án Từ góc nhìn văn hóa học, luận án làm rõ quá trình lựa chọn, vinh danh một di tích và thực hành văn hóa cụ thể trở thành DSVH gắn với sự tham gia của các bên liên quan và các động thái chính trị xã hội khác nhau của mỗi bên trong thực tiễn xã hội Việt Nam sau đổi mới. Luận án phân tích những vấn đề đặt ra đối với DSVH sau khi được vinh danh, góp phần vào công tác bảo vệ, phát huy giá trị DSVH trong bối cảnh xã hội Việt Nam đương đại.
  • 16. 10 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án 6.1. Ý nghĩa về mặt lý luận Luận án được hoàn thành cung cấp những quan điểm, những cách tiếp cận cập nhật, chuyên sâu và hệ thống về quá trình di sản hóa nói riêng, bảo vệ, phát huy DSVH Việt Nam nói chung. Những phân tích và đúc kết của luận án về quá trình vinh danh DSVH như vấn đề ngoài lề hóa, nhà nước hóa, tính chính trị của DSVH… từ một trường hợp nghiên cứu cụ thể, khách quan sẽ bổ sung những đóng góp nhất định trong lĩnh vực nghiên cứu học thuật về DSVH. 6.2. Ý nghĩa về mặt thực tiễn Từ nghiên cứu trường hợp cụ thể là quá trình di sản hóa di tích và lễ hội đền Hát Môn, luận án chỉ ra những vấn đề thực tiễn mà các DSVH ở Việt Nam đang phải đối mặt trước và sau khi được xếp hạng DSVH các cấp. Kết quả nghiên cứu của luận án sẽ cung cấp cơ sở cho các định hướng về bảo vệ, phát huy giá trị DSVH trong bối cảnh xã hội chuyển đổi hiện nay. Mặt khác, kết quả của đề tài sẽ đóng góp thêm một nguồn tài liệu tham khảo trong thực tiễn giảng dạy, nghiên cứu về lĩnh vực DSVH. 7. Bố cục luận án Ngoài phần Mở đầu (10 trang), Kết luận (5 trang), Tài liệu tham khảo (17 trang) và Phụ lục (31 trang), luận án gồm 4 chương: Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận và địa bàn nghiên cứu (42 trang). Chương 2: Quá trình vinh danh di tích và lễ hội đền Hát Môn (25 trang). Chương 3: Quá trình hậu vinh danh di tích và lễ hội đền Hát Môn (52 trang). Chương 4: Di sản hóa đền Hát Môn và những vấn đề bàn luận (28 trang).
  • 17. 11 Chƣơng 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu 1.1.1. Các công trình nghiên cứu về di sản hóa Trong xu thế toàn cầu, di sản hóa (heritagization) được xem là một hoạt động không chỉ nhằm đề cao và tôn vinh mà còn hỗ trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị các sáng tạo văn hóa của tộc người hay một cộng đồng cụ thể. Hoạt động này rất được các quốc gia quan tâm để thông qua đó nhà nước có thể gắn kết hơn với cộng đồng chủ thể trong quản lý xã hội, củng cố vị thế chính trị trong nước và trước thế giới, khẳng định bề dày lịch sử phát triển cũng như giữ gìn bản sắc văn hóa quốc gia. Di sản hóa và những vấn đề xoay quanh nó vẫn luôn là đề tài có sức hút lớn đối với các nhà nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn trong và ngoài nước dưới những góc độ tiếp cận khác nhau, với nhiều hội thảo, nhiều ấn phẩm có giá trị được xuất bản, nhiều vấn đề còn đang được tranh luận, thậm chí quan điểm của các nhà nghiên cứu còn trái ngược nhau. Trong các công trình nghiên cứu về di sản hóa, tính chính trị của việc đề cử di sản, các vấn đề liên quan đến sự tham gia của các bên liên quan cũng như các động thái chính trị và văn hoá của sự tham gia này thu hút được sự quan tâm của nhiều học giả. Nhiều di tích, thực hành văn hóa được công nhận là DSVH với sự tham gia tích cực của nhà nước. Trong bài viết Anthropology‟s Payback: “The Gastronomic Meal of the French” The Ethnographic Elements of a Heritage Distinction, Jean-Louis Tornatore phân tích quy trình đề cử “bữa ăn kiểu Pháp” trong Danh sách DSVH phi vật thể của nhân loại là quá trình di sản hóa từ trên xuống, được thúc đẩy bởi các lợi ích chính trị khác nhau. Nicolas Sarkozy - Tổng thống Pháp đã kêu gọi UNESCO đưa ẩm thực phong cách Pháp vào danh sách các di sản thế giới cần được bảo vệ. Tiếp đó, một chiến dịch vận động cấp quốc gia để ẩm thực Pháp có được sự công nhận của UNESCO chính thức được phát động tại một cuộc họp báo ở Paris. Nhờ những nỗ lực đó của Chính phủ Pháp, “bữa ăn kiểu
  • 18. 12 Pháp” đã giành được đề cử của UNESCO, được vinh danh là “văn hóa ẩm thực tốt nhất thế giới” [154, tr. 353]. Heritage Regimes and the State [Chế độ di sản và nhà nước] là công trình được tập hợp bởi nhóm tác giả người Đức là Regina F. Bendix, Aditya Eggert và Arnika Peselmann. Thông qua nghiên cứu trường hợp 17 di sản ở các địa phương thuộc các quốc gia trên thế giới được UNESCO công nhận là DSVH, các tác giả cho rằng có một “chế độ di sản” UNESCO với những nguyên tắc, mục tiêu khác nhau khi đề cử di sản. Chế độ di sản của UNESCO bắt nguồn từ nỗ lực tôn vinh các nền văn hóa đa dạng trên thế giới nhưng trong từng trường hợp cụ thể, đối với từng quốc gia, nỗ lực vinh danh di sản lại bắt nguồn từ những động thái chính trị - xã hội khác nhau với vai trò của nhiều bên tham gia như nhà nước, cộng đồng, các nhà khoa học… Đề cử và tìm kiếm sự công nhận di sản có thể được huy động cho các mục đích phát triển kinh tế và xây dựng quốc gia, như nhìn thấy trong cả những nỗ lực của người Uzbekistan và kế hoạch của người Barbadian. Mặt khác, các quốc gia có thể sử dụng danh sách di sản để thực thi các kế hoạch cải tạo đô thị như trong trường hợp di sản Khu phố cổ Havana của Cuba… Các nhóm địa phương khác, như trường hợp Tây Ban Nha, có thể sử dụng các công cụ di sản để củng cố vị trí của mình. Theo các tác giả, trên một quy mô lớn hơn, các nhóm xã hội có thể tìm kiếm sự trao quyền thông qua chế độ di sản, tìm cách thúc đẩy sự cân bằng quyền lực trong nhà nước, như trường hợp đối với các nhóm Indonesia nỗ lực hồi sinh các cấu trúc pháp lý truyền thống [169, tr. 18-19]. Cùng với nhà nước, cộng đồng địa phương cũng tích cực tham gia trong quá trình di sản hóa. Nghiên cứu The Sanità district in Naples: community involvement in developing its heritage value [Quận Sanità ở Naples: sự tham gia của cộng đồng trong việc phát triển giá trị DSVH] của C. Salomone in trong The Proceedings of the 7 International Conference th on Sustainable Tourism [Kỷ yếu của Hội nghị quốc tế lần thứ 7 về Du lịch bền vững] đã đề cập đến vai trò của cộng đồng địa phương trong quá trình di sản hóa, phục hồi di sản quận Sanita (Naples - Italia) từ những năm 1990. Ở đây, di sản được xem như là kết quả của
  • 19. 13 một quá trình xã hội, văn hóa và kinh tế lâu dài với sự tham gia tích cực của các hiệp hội và người dân địa phương. C. Salomone miêu tả đây là quá trình di sản hóa “từ dưới lên” (the bottom up) để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế và tạo việc làm cho người dân địa phương [142, tr. 229]. Sự tham gia của nhà nước và cộng đồng trong quá trình di sản hóa cũng được tác giả Michelle L. Stefano và cộng sự đề cập trong cuốn Safeguarding Intangible Cultural Heritage [Bảo vệ DSVH phi vật thể]. Công trình đã đưa ra nhận thức về tầm quan trọng của DSVH phi vật thể do nỗ lực quảng bá của UNESCO và các Công ước của tổ chức này về bảo vệ DSVH phi vật thể. Ở một khía cạnh khác, các tác giả cung cấp những sự hiểu biết về quá trình di sản hóa, thể hiện cả từ “những quyền lực tạo nên” từ các nhà chuyên môn và những người thực hành, từ “những quyền lực mới”, những tiếng nói của các cộng đồng địa phương [161]. Trong bài viết “Heritagization of the Marais district in Paris: Actors and Challenges” [Quá trình di sản hóa quận Marais, Paris, cơ hội và thách thức], tác giả Isidora Stanković đã làm rõ luận điểm: với sự tham gia của các hiệp hội, tổ chức và cộng đồng khác nhau, khu phố Marais - từ một khu vực bị xuống cấp mạnh mẽ và đối mặt với nguy cơ bị dỡ bỏ khỏi kiến trúc đô thị đã có một quá trình biến đổi để trở thành một khu phố du lịch sang trọng và quý phái, một trong những khu vực sống động nhất và có tính quốc tế tại Thủ đô nước Pháp. Theo Isidora Stanković, “có sự tham gia của nhiều hiệp hội, tổ chức và cộng đồng trong việc bảo tồn các yếu tố nhất định của di sản Marais. Tất cả họ đều đang phát triển các định nghĩa khác nhau về di sản và họ liên tục diễn giải lại quá khứ” [153, tr. 80]. Susan LT Ashley đã đề cập đến quá trình di sản hóa trong bài viết Re-telling, Re-cognition, Re-stitution: Sikh Heritagization in Canada [Kể lại, nhận thức lại, tái lập: Di sản hóa văn hóa Sikh ở Canada] thông qua việc Bảo tàng Di sản Sikh được Chính phủ Canada công nhận là thắng cảnh lịch sử quốc gia. Đây là quá trình vừa là hoạt động từ dưới lên của các thành viên cộng đồng địa phương và sáng kiến từ trên xuống được tạo ra thông qua các chính sách của chính phủ. Đối với cộng đồng người Sikh, tác giả đã cung cấp thông tin chi tiết về cách thức mà cộng đồng này đã
  • 20. 14 tạo dựng các giá trị di sản để hỗ trợ hướng nội và các mục tiêu hướng ngoại của mình. Họ đã sử dụng việc Bảo tàng Sikh được Chính phủ công nhận là thắng cảnh lịch sử quốc gia như một hình thức truyền thông dân tộc để qua đó gia tăng “quyền công dân”, có được sự công nhận và chấp nhận của Chính phủ. Mặt khác, Chính phủ cũng thông qua quá trình công nhận di sản này để khẳng định bản sắc “đa văn hóa” của Canada. Theo Susan LT Ashley, quá trình di sản hóa là để phục vụ cho các mục đích đa dạng của các nhóm khác nhau [172]. Tương tự, trong nghiên cứu “The “Heritagization” of Konso Cultural Landscape” [Quá trình di sản hóa cảnh quan văn hóa Konso], thông qua việc lựa chọn và xây dựng hồ sơ cảnh quan văn hóa Konso thành di sản thế giới, Awoke Amzaye Assoma cho rằng, di sản hóa là quá trình có sự tham gia của nhà nước, cộng đồng địa phương và cả vai trò của UNESCO, xuất phát từ các mục đích có liên quan đến nhau: ở địa phương di sản hóa nhằm để củng cố bản sắc Konso bên cạnh việc mở rộng cơ hội kinh tế. Hơn nữa, bằng cách liên kết cộng đồng Konso với một cộng đồng toàn cầu tưởng tượng, nó thúc đẩy ý thức về tính phổ biến toàn cầu. Ở phạm vi toàn quốc, nó tăng cường sự can thiệp quan liêu của nhà nước vào các vấn đề của cộng đồng địa phương nhân danh bảo tồn và phát triển di sản. Hơn nữa, nó sử dụng để xây dựng hình ảnh và đại diện của nhà nước trên phạm vi quốc tế. Trên bình diện quốc tế, nó thúc đẩy diễn ngôn di sản của UNESCO, là một phần của diễn ngôn toàn cầu hóa. Di sản hóa thể hiện các động lực, xung đột và quan hệ quyền lực ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế [138]. Tim Oakes trong bài viết Heritage as Improvement: Cultural Display and Contested Governance in Rural China cho rằng, chính quyền và cộng đồng địa phương thường xuyên sử dụng DSVH như một công cụ quản trị mạnh mẽ để tăng cường sự gắn kết xã hội, thúc đẩy quá trình hiện đại hóa và phát triển trong bối cảnh nông thôn Trung Quốc đương đại [173]. Ashworth, G.J cũng lập luận tương tự trong nghiên cứu Heritage and Economic Development: Selling the Unsellable [Di sản và phát triển kinh tế: Bán những thứ không thể bán được], theo tác giả thì cuộc chạy đua di sản không chỉ
  • 21. 15 mang tính văn hóa hay chính trị mà còn xảy ra vì lợi ích kinh tế bởi di sản ngày nay là tài sản kinh tế quan trọng cho cả chính phủ và cá nhân [137]. Bài viết Chính trị văn hóa của lễ hội làng ở Hà Nội của tác giả Choi Horim cho rằng chiến dịch công nhận di tích lịch sử và văn hóa ở Việt Nam xuất phát từ nhu cầu của cả nhà nước và cộng đồng. Cụ thể, nhà nước thông qua việc thực hiện các chính sách văn hóa có chọn lọc để nâng cao tư tưởng của nhà nước, tạo ra “nền văn hóa xã hội chủ nghĩa”, đồng thời “bảo tồn bản sắc truyền thống để nhớ nguồn gốc và không bị mất gốc”. Từ việc công nhận các di tích và thực hành văn hóa ở các địa phương là DSVH, nhà nước có thể quản lý, kiểm soát các hoạt động tư nhân và “mọi xã hội địa phương”, giảm thiểu sự bất ổn về chính trị trong thời kỳ quá độ. Mặt khác, qua một ví dụ về một ngôi đình cụ thể ở Hà Nội mong muốn được công nhận là di tích lịch sử quốc gia, tác giả cũng cho thấy được các động thái chính trị - xã hội phức tạp trong chính cộng đồng có di sản. Theo nghiên cứu này, “dù rằng tất cả mọi người trong làng, từ trên xuống dưới, đều mong muốn một kết quả giống nhau, nhưng việc công nhận ngôi đình là di tích lịch sử lại không có ý nghĩa giống nhau với mọi người”, “việc xác nhận này là quan trọng và cần thiết nhưng không phải tất cả đều cho rằng việc này sẽ bảo đảm mang lại lợi ích như nhau cho họ” [33, tr. 118]. Trong nỗ lực để được công nhận danh hiệu, cộng đồng chia làm hai nhóm - những người có tham gia và những người không tham gia. Đối với người địa phương gốc là thành viên Hội Người cao tuổi, thông qua việc tham gia, gặp gỡ quan chức của Đảng, Nhà nước ở địa phương để tiến hành các thủ tục làm hồ sơ, họ muốn khẳng định vai trò quan trọng đối với “việc của làng mình”, qua đó đảm bảo giá trị và tính xác thực về vai trò “gốc rễ” của mình. Đồng thời gạt những người ngụ cư bằng cách nhấn mạnh thực tế là người ngụ cư không quan tâm/không tham gia việc này. Bên cạnh đó, thông qua các số liệu về công đức, tác giả cũng khẳng định điều này phản ánh sự phân hóa xã hội phức tạp, “ai là người sẵn sàng công đức và công đức bao nhiêu”. Như vậy, đối với những người có địa vị xã hội và chính trị, ví dụ như người địa phương gốc, người cao tuổi và lãnh đạo, họ sử dụng quá trình công nhận DSVH của làng như một phương tiện để cạnh tranh trong việc phô
  • 22. 16 trương địa vị. Những mục đích/động cơ này của họ là một chiều hướng khác so với nhà nước trong quá trình di sản hóa. Công trình Performing the Divine: Mediums, markets and modernity in urban Vietnam [Trình diễn thần thánh: ông bà đồng, thị trường và thời kỳ hiện đại ở thành thị Việt Nam], Kristen Endres nghiên cứu về Đạo Mẫu - một tín ngưỡng bản địa có nguồn gốc lâu đời ở Việt Nam. Nghi thức nổi bật nhất của đạo Mẫu là lên đồng (hầu bóng, hầu thánh hay đồng bóng) - một thực hành văn hóa vốn từng bị chính quyền xem là lãng phí và mê tín dị đoan, việc hầu bóng thường phải tổ chức một cách bí mật. Từ sau đổi mới, với sự phát triển về kinh tế và cởi mở về chính trị, với đường lối “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” được xem là mảnh đất màu mỡ cho sự “phú quý sinh lễ nghĩa” nói chung và việc hầu thánh nói riêng, đưa nó trở thành “một nhân tố có giá trị trong nền văn hóa và bản sắc dân tộc”. Theo tác giả đây là quá trình di sản hóa đạo Tứ Phủ trong xã hội Việt Nam đương đại, tức là quá trình đưa một thực hành văn hóa từng bị xem là “mê tín dị đoan”, là “tôn giáo” để trở thành một phần của DSVH Việt Nam. Kristen Endres bàn luận về vai trò của các tác nhân cụ thể và các mối quan hệ quyền lực trong việc hồi sinh và tái lập thực hành đạo Mẫu, trong đó nổi bật lên sự tham gia tích cực của nhiều nhà khoa học, các ông đồng, bà đồng để tìm kiếm sự công nhận chính thức danh hiệu DSVH của nhà nước [146]. Một vấn đề nghiên cứu khác được nhiều học giả quan tâm là tác động của việc vinh danh/công nhận DSVH. Một mặt, quá trình di sản hóa đã có những đóng góp tích cực trong việc bảo vệ, phát huy DSVH, được đề cập trong các nghiên cứu của Nguyễn Xuân Các [24], Nguyễn Kim Dung [40], Nguyễn Thị Hiền [47], Nguyễn Quốc Hùng [51], [52], Từ Thị Loan [70]… Theo nhà nghiên cứu Từ Thị Loan trong bài viết Bảo tồn và phát huy giá trị các DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại tại Việt Nam, di sản sau khi được vinh danh, xếp hạng sẽ có “căn cứ pháp lý quan trọng để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản”, “Chính phủ và các cấp chính quyền sở tại sẽ phải có trách nhiệm quan tâm, đầu tư cho việc bảo vệ di sản” [70, tr. 366-367]. Theo tác giả, cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, các địa phương có
  • 23. 17 di sản sau khi vinh danh đã tiến hành nhiều hoạt động bảo vệ, phát huy và đạt được những kết quả khả quan trên các phương diện: nhận diện và tư liệu hóa di sản; công tác nghiên cứu; hoạt động truyền dạy, chuyển giao di sản; công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức; công tác phát huy, phục hồi các khía cạnh khác nhau của các loại hình di sản. Nhiều nhà nghiên cứu khác cũng có chung quan điểm này. Nguyễn Kim Dung trong bài viết Về xây dựng hồ sơ DSVH phi vật thể trình UNESCO, cho rằng di sản được xếp hạng sẽ góp phần quan trọng trong việc “nâng cao nhận thức về di sản và thu hút sự quan tâm bảo vệ không chỉ ở tầm quốc gia mà cả ở tầm quốc tế” [40, tr. 66]. Tương tự như vậy, theo tác giả Nguyễn Quốc Hùng trong nghiên cứu Bảo tồn, phát huy giá trị các DSVH - thiên nhiên thế giới phục vụ phát triển ở nước ta thì sau khi được vinh danh, các di sản đã nhận được nhiều hơn sự quan tâm của các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương, ở trong nước và quốc tế [51]. Luận điểm này tiếp tục được tác giả lập luận trong bài viết Bảo tồn các làng cổ ở Đường Lâm (Hà Tây), thực trạng và giải pháp, cho rằng “việc xếp hạng di tích không chỉ là sự vinh danh của di sản mà còn là cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản” [52, tr. 70]. Cũng đồng quan điểm này, khi tìm hiểu về tác động của việc vinh danh di sản trong bài viết Bảo tồn di sản ở đền Phù Đổng và đền Sóc sau khi được UNESCO vinh danh, tác giả Nguyễn Thị Hiền cũng đồng ý rằng, “việc vinh danh nhằm góp phần nâng cao sự tôn trọng của cộng đồng chủ nhân, mở rộng khả năng đối thoại ở cấp độ quốc gia và quốc tế, đóng góp cho sự đa dạng văn hóa” [47, tr. 266]. Một số nghiên cứu khác bàn về khía cạnh tầm ảnh hưởng/lan tỏa của DSVH sau vinh danh. Nghiên cứu của Karen Fjelstad trong Tác động của việc vinh danh của UNESCO vào cộng đồng địa phương: trường hợp thờ cúng Hùng Vương phân tích, sau khi tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được công nhận là DSVH phi vật thể của nhân loại (2011), đã hình thành những mối quan hệ xã hội mới xuyên quốc gia giữa các nhóm tâm linh, tôn giáo ở Việt Nam và cộng đồng người Việt nhập cư ở California. Hai bên cũng đã thỏa thuận cùng nhau xây dựng một trung tâm tâm
  • 24. 18 linh để thờ cúng Hùng Vương và gìn giữ những khía cạnh tâm linh quan trọng trong nền văn hóa Việt [65]. Cùng với đó, việc vinh danh DSVH tạo ra những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy du lịch phát triển, nâng cao đời sống của người dân. Quan điểm này được đề cập đến trong các nghiên cứu của Đỗ Đức Hinh [48], Jo Caust [64], Từ Thị Loan [70], Nguyễn Đình Thanh [110], Huibin X, Marzuki A. và Razak A. Ab [152]… Theo Đỗ Đức Hinh trong bài viết Du lịch và DSVH, trong bối cảnh hiện nay, DSVH được xem là “chất liệu” để tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù, “là cơ sở để góp phần tạo sự phát triển bền vững của ngành du lịch, cả trước mắt và cả trong tương lai” [48, tr. 35]; tạo ra sự trải nghiệm hứng thú đối với mọi khách du lịch [110, tr. 21]. Wei Hu cũng có những nhận định tương tự trong bài viết Environmental Management, Environemental Image and the Competitive touris Attraction [Quản lý môi trường, hình ảnh môi trường và thu hút khách du lịch cạnh tranh], cho rằng sự phát triển các dịch vụ du lịch như lưu trú, vận chuyển, ăn uống phụ thuộc vào sự hấp dẫn của các di sản [176]. Và trên thực tế, những DSVH được công nhận ở các cấp khác nhau, đặc biệt là di sản thế giới có thể kéo theo sự chú ý của nhiều khách du lịch đến hơn so với khả năng thu hút trước đây của chúng. Những di sản này là những tài nguyên vô cùng quý giá trong công cuộc phát triển du lịch của một quốc gia. Jo Caust cho rằng “những người điều hành du lịch cũng sử dụng sự công nhận di sản vật thể và phi vật thể như một đặc điểm quan trọng để hút khách du lịch” [64, tr. 110]. Các tác giả Huibin X, Marzuki A. và Razak A. Ab trong nghiên cứu Conceptualizing a sustainable development model for cultural heritage tourism in Asia [Khái niệm mô hình phát triển bền vững cho du lịch DSVH ở châu Á] cũng có cùng quan điểm, cho rằng nếu không có các DSVH thế giới, du lịch sẽ không tồn tại, sẽ không có nhu cầu cho các dịch vụ du lịch khác [152]. Theo nhà nghiên cứu Từ Thị Loan, sự vinh danh còn có ý nghĩa về mặt tinh thần, củng cố niềm tự hào về di sản đồng thời góp phần “quảng bá, tôn vinh văn hóa địa phương với du khách trong và ngoài nước, kích thích sự quan tâm đối với di sản, là nguồn lợi để thúc đẩy du lịch, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất cho người dân”
  • 25. 19 và nguồn lợi kinh tế từ việc khai thác du lịch di sản sẽ “trở thành chất xúc tác giúp cho người dân sưu tầm, lưu giữ và tái tạo các giá trị văn hóa truyền thống” [70, tr. 366-367]. Quan điểm này cũng tác giả Nguyễn Quốc Hùng khẳng định trong bài viết Bảo tồn, phát huy giá trị các DSVH - thiên nhiên thế giới phục vụ phát triển ở nước ta, sau khi được vinh danh là DSVH - thiên nhiên thế giới, các di sản ở Việt Nam đã đóng góp ngày càng tích cực cho sự phát triển kinh tế trên nhiều mặt, thông qua các hoạt động tham quan, du lịch [51]. Nghiên cứu Masterpieces of Oral and Intangible Culture: Reflections on the UNESCO World Heritage List with CA Comment [Những kiệt tác văn hóa truyền khẩu và phi vật thể: Suy ngẫm về danh sách DSVH phi vật thể], Nas, Peter J.M cho rằng việc xác định các yếu tố để công nhận thành DSVH để phục vụ các mục đích khác nhau, mà ở đây là giúp bảo tồn và thúc đẩy sự chuyển giao bản sắc và giá trị văn hóa, ngăn ngừa sự suy thoái văn hóa, tạo nên niềm tự hào văn hóa và thậm chí có thể đóng vai trò như “một nguồn cảm hứng cho việc phát triển những bản sắc mới” [162]. Việc công nhận và đưa vào danh sách DSVH phi vật thể mang đến những lợi ích kinh tế tương đối, giúp phát triển du lịch di sản và tăng cơ hội việc làm. Cùng quan điểm này, Anya Chapman và Duncan Light trong nghiên cứu “The „heritagisation‟ of the British seaside resort: the rise of the „old penny arcade” [Di sản hóa các khu nghỉ mát bên bờ biển nước Anh: sự trỗi dậy của các “trò chơi xu cũ”] đã chỉ ra quá trình di sản hóa, phục hồi, làm mới các “trò chơi xu cũ” bên bờ biển nước Anh trong những thập niên gần đây là “những yếu tố quan trọng của chiến lược tái định vị và thương hiệu của các khu nghỉ dưỡng” [136, tr. 209]. Các khu nghỉ mát bên bờ biển có thể được xác định là một dạng di sản “mới nổi” và chúng thể hiện những cách thức di sản mới liên tục được đưa vào các mạch du lịch di sản [136, tr. 223]. Tác giả Harvey cũng đã khẳng định vai trò của DSVH sau khi được vinh danh là “để xây dựng bản sắc xã hội, hợp pháp hoá quyền lực chính trị, hoặc hỗ trợ phát triển du lịch” trong nghiên cứu Heritage pasts and heritage presents: Temporality, meaning and scope of heritage studies [Quá khứ di sản và hiện tại di
  • 26. 20 sản: Tính thời sự, ý nghĩa và phạm vi nghiên cứu di sản] [149]. Ngược lại, tại các điểm di sản sau khi được vinh danh, du lịch phát triển cũng sẽ góp phần nâng cao ý thức của người dân địa phương trong việc bảo vệ di sản. Quan điểm này được đề cập trong các nghiên cứu của nhóm tác giả McKercher, B., du Cros, H: Cultural Tourism - The Partnership Between Tourism and Cultural Heritage Management [Du lịch văn hóa - Mối quan hệ giữa du lịch và quản lý DSVH] [159]; Relationship between Tourism and Cultural Heritage Management: Evidence from Hong Kong [Mối quan hệ giữa du lịch và quản lý DSVH: Bằng chứng từ Hong Kong] [160]. Bên cạnh những tác động tích cực, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, quá trình di sản hóa cũng để lại những hệ quả nhất định đối với DSVH và cộng đồng có di sản. Yim Dawnhee trong nghiên cứu Các chính sách về DSVH phi vật thể của tổ chức UNESCO và quá trình toàn cầu hóa cho rằng việc UNESCO công nhận các DSVH vật thể của thế giới phần lớn thuộc phương Tây đã “làm nảy sinh sự phân biệt phần còn lại của thế giới là “khác”, là “không phương Tây”. Nơi nào có nhiều di sản được công nhận thì được cho là giỏi hơn, văn minh hơn và phát triển hơn” và quá trình công nhận này “vô hình chung tạo cho các xã hội phương Tây quyền bá chủ thế giới” [135]. Lựa chọn đối tượng nghiên cứu là UNESCO, trong công trình A Future in Ruins: UNESCO, World Heritage, and the Dream of Peace [Tương lai trong tàn tích: UNESCO, Di sản thế giới và Giấc mơ hòa bình], Lynn Meskell đã phân tích về sự phức tạp của sứ mệnh của UNESCO trong bối cảnh xã hội đương đại. Theo Lynn Meskell, năm 1945, tổ chức UNESCO được thành lập như một cơ quan liên chính phủ nhằm thúc đẩy hòa bình, nhân đạo và hiểu biết đa văn hóa. Nhiệm vụ của nó bắt nguồn từ một tổ chức châu Âu được gọi là Ủy ban quốc tế về hợp tác trí tuệ, được thành lập bởi những nhân vật nổi bật như Henri Bergson, Marie Curie, Albert Einstein và Thomas Mann. Meskell cho rằng, UNESCO đã phát triển thành “cơ quan xây dựng thương hiệu” khi nó tạo ra một danh sách các địa điểm di sản thế giới, tạo ra sự cạnh tranh giữa các quốc gia. Quá trình di sản hóa đôi khi gây ra những vấn đề không lường trước được, “có những tác động đối với quyền lợi,
  • 27. 21 quyền lực và hợp pháp” và thậm chí là tác nhân dẫn đến “viễn cảnh khủng bố” nơi những kẻ khủng bố hoặc người bất đồng quan điểm nhắm mục tiêu là các địa điểm được vinh danh. Thông qua việc công nhận các Di sản Thế giới, sứ mệnh của UNESCO là “chấm dứt xung đột toàn cầu và giúp thế giới xây dựng lại vật chất và đạo đức”, tuy nhiên, tác giả lập luận rằng, ngày càng nhiều những nỗ lực đó đã vượt ra khỏi sự mong đợi ban đầu của UNESCO, dẫn đến những hệ quả làm gia tăng và kéo dài sự xung đột căng thẳng giữa các địa phương [157]. Nhiều nhà nghiên cứu nhìn nhận quá trình di sản hóa đã dẫn tới sự biến đổi của DSVH trên nhiều phương diện. Nhiều DSVH sau khi được vinh danh đã được đầu tư “làm mới” nhằm mục đích hoành tráng hóa cho “xứng tầm” với danh hiệu. Trong bài nghiên cứu về Thách thức bảo tồn tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ theo Công ước 2003, nhà nghiên cứu Lê Hồng Lý cho rằng, “những ý tưởng và quan điểm về sự “xứng tầm”, “hoành tráng” của một di sản khi được vinh danh sẽ có nguy cơ làm hủy hoại đến không gian, ý nghĩa vốn có của di sản”, bên cạnh những giá trị tinh thần, giá trị văn hóa, vai trò, ý nghĩa của nó đối với cộng đồng chủ nhân còn có “giá trị thị trường” được gán cho di sản, tức là làm thay đổi những giá trị vốn có của nó đã được UNESCO công nhận [74, tr. 390]. Vấn đề này cũng được tác giả Nguyễn Thị Hiền đề cập trong bài viết Bảo tồn di sản Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc sau khi được UNESCO vinh danh [47]; Lê Thị Minh Lý trong nghiên cứu Bảo vệ DSVH phi vật thể hội Gióng trong đời sống đương đại [79]; Từ Thị Loan với nghiên cứu Bảo tồn và phát huy giá trị các DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại tại Việt Nam [70]. Các tác giả cho rằng, quan điểm DSVH phi vật thể sau khi vinh danh được “quy hoạch”, “đầu tư”, “nâng cấp”, xây dựng cho “hoành tráng hơn” và “xứng tầm thế giới” tạo ra những thách thức mới trong việc bảo tồn DSVH. Nhóm nghiên cứu Lê Hồng Lý, Nguyễn Thị Hiền, Đào Thế Đức, Hoàng Cầm khi tìm hiểu về hội Gióng sau khi được UNESCO công nhận vào danh sách đại diện văn hóa phi vật thể của nhân loại cho thấy, lãnh đạo địa phương và người dân đều rất tự hào vì di sản của họ đã “vươn ra tầm thế giới”, không ít
  • 28. 22 quan điểm cho rằng cần phải làm cho hội Gióng có quy mô “ở tầm quốc tế”, “khác trước”, “hoành tráng hơn” [76]. Bên cạnh đó, xu hướng “sân khấu hóa” các lễ hội, DSVH sau khi được vinh danh ngày càng phổ biến. Nhiều lễ hội ở cấp địa phương sau khi được vinh danh di sản đồng thời đã được “chính quy hóa”, trở thành những “buổi lễ trình diễn” với nhiều ý nghĩa mới. Điều này làm thay đổi bản chất của di tích, di sản cả trong nội dung, ý nghĩa đến phương thức tiến hành. Nghiên cứu về vấn đề này, tác giả Trần Quang Hải chỉ ra trong bài viết 10 năm công ước về bảo vệ DSVH phi vật thể của UNESCO có tác dụng gì đối với các DSVH phi vật thể của Việt Nam đã được và có thể sẽ được tuyên dương, cho rằng hát quan họ ngày nay đã được “sân khấu hóa”, trở thành “một dịch vụ”, “không phải hát cho nhau nghe mà là hát cho cộng đồng nghe” nên cần cả micro, loa và thêm cả phần nhạc đệm. Các liền anh, liền chị hát xong được nhận tiền “là điều bình thường” [45, tr. 235]. Tác giả Lê Thị Hoài Phương trong bài viết Vấn đề bảo tồn nghệ thuật truyền thống Việt Nam qua trường hợp một số di sản đã được UNESCO vinh danh phân tích hiện tượng “sân khấu hóa” xuất phát từ quan điểm đã là nghệ thuật thì phải thật “hoành tráng”, phải “đẹp, hấp dẫn”, phải là “nhất” [92, tr. 435]. Theo nhóm tác giả Lê Hồng Lý, Nguyễn Thị Hiền, Đào Thế Đức, Hoàng Cầm, việc sân khấu hóa, trả tiền mời người dân diễn hội phục vụ cho các “sự kiện” có mục đích khác đã tạo ra tâm lý làm thuê, thụ động, trái ngược với sự tự nguyện, chủ động vốn có trong thực hành lễ hội truyền thống [76, tr. 69]. Daniel Fabre trong nghiên cứu Từ lễ hội đến di sản, một sự quy đổi chưa sáng tỏ đã phân tích những hệ quả của việc di sản hóa lễ hội trên quan điểm nhân học, cho rằng di sản hóa các lễ hội chủ yếu thể hiện trên 2 phương diện: 1/ Quy đổi thực hành lễ hội thành những biểu tượng của bản sắc (địa phương, vùng miền hay quốc gia); 2/ Thu hút khách tham quan đến từ nơi khác. Theo tác giả, di sản hóa không đơn thuần là bảo tồn một lễ hội để đảm bảo sự lưu truyền của nó mà quá trình này đem đến những cách nhìn khác về lễ hội và một loạt sự lựa chọn kéo theo những sự thay đổi lớn ở trong diễn xướng tập thể này. Tác giả nhấn mạnh sau khi
  • 29. 23 các lễ hội trở thành một di sản được công nhận thì các tập quán tạo nên lễ hội được hình thức hóa nhằm mục đích bảo tồn “nhãn hiệu đã được đăng ký”. Quá trình di sản hóa góp phần xây dựng không gian, thời gian lễ hội một cách chặt chẽ, tri cảm lễ hội từ xa, diễn giải những hành động trong truyện kể lịch sử, diễn xướng mang tính sân khấu, sự biểu thị lễ hội và xã hội như là một sự hài hòa, nhưng di sản hóa cũng mang đến những hiệu ứng không mong đợi trong việc tham gia của tập thể cộng đồng [39]. Trong bài viết Di sản hóa lễ hội truyền thống và tính thiêng của nghi lễ, tác giả Phan Phương Anh thông qua việc phân tích tính thiêng của hội Gióng và lễ hội đền Hùng sau khi được vinh danh đã đi đến nhận định là quá trình di sản hóa đã tạo ra sự sở hữu hóa lễ hội, trong đó nghi lễ bị can thiệp, cộng đồng chủ thể thay đổi khiến tính thiêng bị sự thế tục hóa lấn lướt. Đặc biệt lễ hội đền Hùng theo tác giả là lễ hội bị hành chính hóa mạnh mẽ nhất, tất cả chương trình lễ hội và những người tham gia vào các nghi lễ đều có sự can thiệp của Nhà nước. Tác giả cho rằng, “Di sản hóa tạo cơ hội cho lễ hội của một cộng đồng được biết đến, được chia sẻ với nhân loại nhưng nhãn mác di sản có thể dẫn đến tình trạng hình thức hóa có nguy cơ cứng nhắc hóa cái được coi là nguyên thức” [2, tr. 33-34]. Quá trình di sản hóa các DSVH cũng đã có những tác động đến nhận thức, quan điểm của cộng đồng chủ nhân của di sản. Nghiên cứu của nhóm tác giả Lê Hồng Lý, Nguyễn Thị Hiền, Đào Thế Đức, Hoàng Cầm có một nhận xét đáng chú ý, đó là nhận thức về trách nhiệm của người dân xã Phù Đổng đã thay đổi rất nhiều sau các sự kiện lễ hội gần đây, điển hình là việc diễn lại hội Gióng nhân dịp 1.000 Thăng Long - Hà Nội, diễn lại để phục vụ xây dựng hồ sơ đề cử và tổ chức nhận bằng của UNESCO. Do những sự kiện này diễn ra trong thời gian khác với lễ hội Gióng truyền thống, những người dân xã Phù Đổng khi tham gia đều được trả tiền để đóng vai diễn trong hội. Điều này trong thực tế đã tạo nên một tiền lệ không tốt: khi tổ chức lễ hội, nhà nước phải bỏ tiền ra thì người dân trong xã mới tham gia. Hay như lễ hội đền Hùng, khi việc tổ chức lễ hội thờ cúng Hùng Vương không còn
  • 30. 24 là “lệ làng” thì ý thức và nghĩa vụ đóng góp công sức, thời gian và tiền bạc của cộng đồng không còn được tự giác như trước [76, tr. 33, 38]. Những tác động tiêu cực của du lịch đối với các DSVH sau vinh danh cũng được đề cập đến trong các nghiên cứu của McKercher và du Cros [159], [160], Garrod, B., và Fyall, A. [147], Jo Caust [64], Nas, Peter J.M [162]… Liên quan đến câu chuyện giữa phát triển du lịch và DSVH sau khi vinh danh, Jo Caust đặt ra câu hỏi “Chúng ta đang hỗ trợ hay phá hoại các báu vật của thế giới?” khi sự công nhận những báu vật ở tầm quốc gia và quốc tế sẽ kéo theo nhiều khách du lịch. Các di sản sẽ bị tác động bởi những cuộc viếng thăm không ngừng, từ đó khách sạn, nhà hàng và cả sòng bạc mọc lên để phục vụ họ. Cư dân địa phương dần bị phụ thuộc vào dịch vụ du lịch. Trong khi các di sản vật thể tồn tại được thì di sản “phi vật thể” lại dễ bị tổn thương hơn, bởi nó tồn tại dựa vào chính con người. Thực trạng này không chỉ ở Việt Nam mà còn xuất hiện ở nhiều nước khác. Nhu cầu văn hóa - xã hội của địa phương bị hủy hoại để phục vụ cho nhu cầu của khách du lịch. Một câu hỏi mà các nước rất khó giải quyết, chính là khách du lịch có thể đem lại sự phồn vinh cho kinh tế nhưng nó lại phá hủy những nét văn hóa riêng có của địa phương, làm mất đi những gì vốn có từ truyền thống, mà điều này chính là trụ đỡ cho sự phát triển bền vững [64, tr. 110]. Nas, Peter J.M cũng đặt ra vấn đề lo ngại cho rằng việc công nhận di sản sẽ khiến cho lượng khách du lịch tăng vọt, phần nào giảm thiểu việc “hóa thạch” những truyền thống sống, việc thương mại hóa nền văn hóa [162]. Quan điểm này cũng được các tác giả Lê Hồng Lý, Nguyễn Thị Hiền, Đào Thế Đức, Hoàng Cầm phân tích, các thực hành văn hóa để phục vụ cho du lịch đã làm mất đi những giá trị văn hóa, xã hội và tâm linh của các DSVH phi vật thể, làm “gia tăng “tư duy vật chất” trong hoạt động văn hóa”, “hình thành tư duy coi DSVH chỉ đơn thuần là hàng hóa phục vụ kinh tế du lịch” [76, tr. 61-63]. Vấn đề về quản lý nhà nước, quản lý cộng đồng đối với DSVH sau khi vinh danh cũng được đề cập đến trong nhiều nghiên cứu. DSVH chịu sự can thiệp của các cơ quan quản lý Nhà nước vì sau khi được vinh danh, di sản thuộc tài sản quốc gia chứ không còn là tài sản riêng của cộng đồng chủ nhân. Luận điểm này được
  • 31. 25 tác giả Lê Hồng Lý phân tích rõ trong nghiên cứu Thách thức bảo tồn tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ theo Công ước 2003, khi tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được vinh danh, nhà nước can thiệp sâu vào các hoạt động quản lý, bảo vệ, tu sửa, tôn tạo khu di tích đền Hùng, đồng thời chỉ đạo trực tiếp tổ chức lễ hội hàng năm [74]. Trong một nghiên cứu trường hợp khác, dân ca quan họ ở Bắc Ninh là một ví dụ điển hình được tác giả Trần Minh Chính phân tích rõ trong công trình Sinh hoạt văn hóa quan họ làng (qua trường hợp làng Quan họ Viêm Xá). Theo tác giả, hiện nay, với sự can thiệp của nhà nước, sinh hoạt quan họ đang có nhiều biến đổi về mô hình, phương thức sinh hoạt bởi tác động của sự biến đổi về không gian, xã hội, cơ chế chính sách, thể chế quản lý sau khi di sản được vinh danh. Điển hình là việc thay thế sinh hoạt bọn Quan họ bằng sinh hoạt Đội (câu lạc bộ) Quan họ có sự chỉ đạo trực tiếp của chính quyền các cấp với quy mô nhiều khi vượt ra khỏi tính chất làng xã và xu hướng hoạt động tổng hợp cùng thời điểm với các loại hình nghệ thuật khác đã làm cho quan họ biến đổi không ngừng. Theo tác giả, “quan phương hóa, chính quyền hóa hay hành chính hóa Quan họ (vai trò quản lý nhà nước thay phần lớn vai trò tự quản dân gian) làm cho tính “sân khấu hóa” của Quan họ tăng lên so với tính “sinh hoạt văn hóa đa dạng” vốn có của nó từ trong dân gian truyền thống” [32]. Một số nghiên cứu của Nguyễn Chí Bền [9], Lê Thị Minh Lý [78]; Lương Hồng Quang [95]; Tô Ngọc Thanh [111], Lê Hồng Lý và cộng sự [76], [77] bàn về bảo vệ DSVH phi vật thể tại Việt Nam gần đây đã đề cập đến sự tác động, can thiệp của Nhà nước đã làm giảm vai trò chủ động, tích cực của cộng đồng. Họ trông chờ vào sự hỗ trợ, tài trợ và chỉ đạo từ các cơ quan Nhà nước và các tổ chức bên ngoài. Nhóm tác giả Lê Hồng Lý và cộng sự chỉ ra rằng mô hình quản lý lễ hội của Nhà nước với sự điều hành, xây dựng kịch bản lễ hội của các nhà quản lý văn hóa, của lãnh đạo các cấp từ trung ương đến địa phương “làm suy giảm vai trò chủ động tham gia của cộng đồng địa phương trên các mặt tổ chức, thực hiện lễ hội, quản lý và tu bổ các cơ sở thờ tự” [76, tr. 69]. Từ trường hợp sự tham gia của nhà nước vào lễ hội chùa Hương, tác giả Nguyễn Thị Nhung trong Vai trò của nhà nước trong lễ
  • 32. 26 hội chùa Hương đưa ra luận điểm: quá trình di sản hóa di tích và lễ hội đã dẫn đến “ngoài lề hóa” cộng đồng chủ nhân - những người dân xã Hương Sơn ra khỏi các thực hành văn hóa, xã hội vốn có từ bao đời nay, họ bị gạt ra ngoài quá trình quản lý, trùng tu tôn tạo… [85]. Oscar Salemink là học giả có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa Việt Nam nói chung, quá trình di sản hóa ở Việt Nam nói riêng [88], [89], [90], [164], [165], [166], [167], [168]. Trong bài viết Appropriating Culture: The politics of intangible cultural heritage in Vietnam [Chiếm đoạt văn hóa: Tính chính trị trong DSVH phi vật thể ở Việt Nam] in trong cuốn sách State, Society and the Market in Contemporary Vietnam: Property, Power and Values [Nhà nước, xã hội và thị trường ở Việt Nam đương đại: Tài sản, quyền lực và các giá trị] (2012), Oscar Salemink phân tích sự canh tranh mang tính địa phương, ở cấp quốc gia và toàn cầu để các di sản phi vật thể được công nhận ở cấp quốc gia và sự công nhận của UNESCO. Theo tác giả, các thực hành văn hóa sau được UNESCO công nhận là DSVH thế giới “sẽ trở thành biểu tượng của dân tộc trên diễn đàn quốc tế, do đó, nó trở thành tài sản quốc gia” [168]. Để phù hợp với những tiêu chí của UNESCO đưa ra về quản lý di sản sau khi được vinh danh, Nhà nước có những can thiệp và quy định tác động trực tiếp đến di sản và cộng đồng chủ thể của di sản. Oscar Salemink tiếp tục có những luận giải về quá trình di sản hóa trong bài viết “Di sản hóa” văn hóa sống ở Việt Nam như DSVH phi vật thể thông qua việc phân tích xu hướng di sản hóa và tính phù hợp của nó đối với DSVH phi vật thể ở Việt Nam. Theo tác giả, quá trình di sản hóa khiến di sản cũng như cộng đồng địa phương có di sản “phải chịu tác động và can thiệp từ bên ngoài”. Cộng đồng ở địa phương bị tước quyền thực hành di sản đó như trước. Đặc quyền thực hành di sản sau đó được trao cho du lịch, kinh tế, chính trị [89, tr. 494-495]. Tính chính trị của việc vinh danh DSVH ở Việt Nam cũng được các tác giả Lê Hồng Lý, Nguyễn Thị Phương Châm, Nguyễn Thị Hiền, Hoàng Cầm tiếp tục bàn luận trong các nghiên cứu tại Hội thảo thường niên của Hội Nghiên cứu châu Á của Mỹ (3/2018): “The Forefather King Is Inscribed by UNESCO”: Reinforcement of the Government Power and Reduction of
  • 33. 27 the Role of Communities [Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương sau khi được UNESCO vinh danh: Củng cố quyền lực của nhà nước và suy giảm vai trò của địa phương] của tác giả Lê Hồng Lý [158]; “Vietnamese Mother Goddess is Globally Inscribed”: Legitimacy of the Practice related to the Viet Beliefs in Mother Goddesses of Three Realm after the UNESCO‟s Inscription [Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam được ghi danh trên toàn cầu: Tính hợp pháp của thực tiễn liên quan đến niềm tin của người Việt trong Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ sau khi được UNESCO vinh danh] của nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Hiền [151]; The Dynamics of Power and Contestations in the Implementation of the Safeguarding Measures of Xoan Singing in Phu Tho after Its UNESCO‟s Inscription [Các động thái của quyền lực và tranh luận về các biện pháp bảo vệ Hát Xoan ở Phú Thọ sau khi được UNESCO vinh danh] của tác giả Nguyễn Thị Phương Châm [141]; “Space of Gong Culture”: Tourism, Selective Safeguarding Measures and Politics of Heritage in Vietnam [Không gian văn hóa cồng chiềng: Du lịch, các biện pháp bảo vệ có chọn lọc và tính chính trị của di sản ở Việt Nam] của tác giả Hoàng Cầm [140]. Các tác giả đều thống nhất quan điểm, sự nỗ lực của UNESCO và chính sách của Nhà nước trong việc ghi danh các DSVH là nhằm mục đích thu hút sự quan tâm của chính phủ và người ngoài cuộc vào việc bảo vệ DSVH. Mặc dù việc ghi di sản vào danh sách của Công ước nhằm tăng cường tầm nhìn của di sản ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế, nhưng nó thường tạo ra những tác động ngoài ý muốn. Các bài viết đã xem xét tính chính trị của việc vinh danh DSVH phi vật thể tại Việt Nam và sự năng động của di sản vượt xa các mục tiêu của việc vinh danh DSVH. Cùng với các nghiên cứu của các học giả trong và ngoài nước, nhiều hội thảo quốc tế cũng đã đề cập đến các khía cạnh khác nhau của quá trình di sản hóa như: Hội thảo khoa học Quốc tế: Bảo tồn và phát huy lễ hội cổ truyền trong xã hội đương đại (trường hợp Hội Gióng); Hội thảo Bảo tồn và phát huy DSVH trong quá trình hiện đại hóa (2013, do Văn phòng UNESCO tại Hà Nội phối hợp với Bộ VHTTDL tổ chức); Hội thảo khoa học Quốc tế: 10 năm thực hiện Công ước bảo vệ DSVH phi vật thể của UNESCO, Bài học kinh nghiệm và định hướng tương lai
  • 34. 28 (Quảng Nam, 2013); Hội thảo khoa học “DSVH với chiến lược phát triển bền vững” (Hà Nội, 2017)… Tại những cuộc hội thảo này, những vấn đề liên quan tới công tác bảo vệ, phát huy DSVH ở Việt Nam nói chung, các vấn đề về vinh danh di sản, di sản hóa nói riêng đã được đưa ra thảo luận. 1.1.2. Các công trình nghiên cứu về di tích và lễ hội đền Hát Môn Cho đến nay, có khá nhiều công trình nghiên cứu về di tích và lễ hội đền Hát Môn. Dưới góc độ lịch sử, những ghi chép về đền Hát Môn xuất hiện khá sớm trong một số thư tịch cổ của Trung Quốc như Hậu Hán thư [126], Thủy kinh chú [80] và của Việt Nam như Đại Việt sử lược [41], Việt điện u linh [134], Lĩnh Nam chích quái [100], Đại Việt sử ký toàn thư [42], Việt sử thông giám cương mục [97], Đại Nam nhất thống chí [98]... Những nghiên cứu này chủ yếu dừng lại ở việc giới thiệu, mô tả di tích và một số điểm nổi bật của lễ hội. Sách Lĩnh Nam chích quái được viết từ thế kỷ XV cho rằng sau khi Hai Bà tử trận “người trong châu thương cảm, lập miếu ở cửa sông Hát giang để thờ phụng”. Đây là ngôi đền thiêng, “phàm những người gặp tai họa tới cầu đảo đều ứng nghiệm”. Sách Đại Nam nhất thống chí, quyển XXI, tỉnh Sơn Tây, phần “Đền miếu” ghi về đền thờ Hai Bà Trưng ở xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ viết: “… Lại xét, trong đền thờ Bà Trưng, phàm kỉ án và các đồ tự khí, hết thảy đều sơn đen, tuyệt nhiên không dùng màu đỏ. Dân địa phương không dám mặc sắc đỏ. Những người đến lễ hoặc xem, ai mặc sắc đỏ đều phải cởi ra. Tương truyền thần mất về binh khí, nên kiêng màu đỏ giống máu”. Công trình Nam Hải dị nhân liệt truyện của tác giả Phan Kế Bính (xuất bản năm 1930, do Lê Văn Phúc hiệu chính), bài đầu tiên đề cập đến nhân vật Trưng Vương: “Từ lúc hai bà ấy xuống sông, rồi hóa ra hai người bằng đá, nổi lênh đênh trên mặt nước trôi đi... Dân xã Hát Môn thấy sự thiêng làm vậy, cũng lập đền thờ vọng ở bên sông” [18]. Từ năm 1945 đến nay, dưới góc độ tiếp cận văn hóa dân gian, trong một số công trình nghiên cứu đã cung cấp một bức tranh khái quát về đền thờ Hai Bà Trưng ở Hát Môn như: Đền miếu Việt Nam [67]; Hà Nội - danh thắng và di tích [120], 60 năm lễ hội truyền thống Việt Nam [94], Lễ hội cổ truyền Hà Tây [132], Lễ
  • 35. 29 hội và danh nhân lịch sử Việt Nam [118], Kho tàng lễ hội cổ truyền Việt Nam [83], Hai Bà Trưng trong văn hóa Việt Nam [81]… Những công trình này chủ yếu tập trung tìm hiểu về các khía cạnh như kiến trúc, hệ thống di vật, cổ vật trong di tích hoặc miêu tả chi tiết các kỳ hội trong năm ở đền Hát Môn. Trong cuốn sách Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở Hà Nội xuất bản năm 1983 và được tái bản, bổ sung năm 2005, tác giả Nguyễn Vinh Phúc cung cấp một số thông tin về tổ chức lễ hội và việc tu sửa đền thờ. Theo tác giả, trong lịch sử phong kiến, đền Hát Môn có vị trí quan trọng, “là nơi quốc tế (vua phải cử khâm sai thay mặt đến tế) và “diện mạo, ngay cả hướng đền ngày nay mới có từ năm 1882” vì năm này, đền “bị hư hỏng nhiều, dân đóng góp tiền của công sức tu sửa và chuyển hướng đền” [91, tr. 212]. Cuốn Địa chí văn hóa dân gian Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội xuất bản năm 1991 đã đề cập đến hội Hai Bà Trưng ở đền Hát Môn với “tục ăn bánh trôi lại gắn với lễ tục tưởng niệm Hai Bà Trưng vào ngày 8 tháng ba âm lịch, tức ngày Hai Bà hy sinh vì nước” [66, tr. 191]. Tác giả Nguyễn Minh San trong công trình Những thần nữ danh tiếng trong văn hóa tín ngưỡng Việt Nam [102], Nguyễn Bích Ngọc trong công trình Hai Bà Trưng trong văn hóa Việt Nam [81] cũng đã miêu tả một cách khái quát về đền Hát Môn với những nghi thức chính trong lễ hội. Trong công trình Tín ngưỡng Hai Bà Trưng ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, tác giả Phạm Lan Oanh bằng các phương pháp nghiên cứu folklore và phương pháp nghiên cứu liên ngành, đa ngành đã tìm hiểu nhân vật Hai Bà Trưng từ trong lịch sử đến tín ngưỡng thờ phụng theo niềm tin dân gian, thông qua truyền thuyết, điện thần, di tích và lễ hội, để từ đó, tác giả làm rõ luận điểm vì sao Hai Bà Trưng trở thành nhân vật đặc biệt có quyền lực và linh pháp trong lịch sử và tâm thức dân gian Việt Nam. Theo tác giả, có “một vùng văn hóa tín ngưỡng Hai Bà Trưng ở châu thổ sông Hồng” với số lượng hơn 400 làng/xã có di tích thờ phụng Hai Bà và các tướng lĩnh của Hai Bà [86, tr. 15]. Tiếp đó, trong công trình Lễ hội dân gian làng Hát Môn xuất bản năm 2013, tác giả Phạm Lan Oanh tiếp tục có những phân tích về lễ hội dân gian làng Hát Môn; Ngọc phả làng Hát Môn, truyền thuyết về Hai Bà Trưng, di tích và lễ hội, giá trị lễ hội từ góc độ nghiên cứu di tích và nghi lễ thờ phụng Hai Bà Trưng [87].
  • 36. 30 Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thức trong công trình Tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội dân gian Hà Tây, sau khi phân tích về vị trí thờ Hai Bà Trưng, tác giả cho rằng “ở thời điểm bấy giờ (thế kỷ XII) đền Hát Môn là nơi được thăng hoa trong tâm trí nhân dân, có ảnh hưởng rộng rãi tới mọi tầng lớp trong xã hội so với đền Hạ Lôi (huyện Mê Linh), Quán Sen (huyện Thạch Thất) cũng thờ Hai Bà” [117, tr. 56]. Xã Hát Môn - đền thờ Hai Bà Trưng và các DSVH là công trình do tác giả Nguyễn Văn Kịch sưu tầm biên soạn đã ghi chép lại có hệ thống những nét sơ lược về lịch sử và truyền thuyết cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng; các tục lệ, nghi lễ cúng tế, rước lễ cổ truyền; hội làng và quá trình xây dựng, trùng tu, tôn tạo đền thờ Hai Bà Trưng qua các thời kỳ. Năm 2010, nhân dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Nhà nước đã cấp nhiều kinh phí xây dựng nhà khách, nhà thủy đình, gò giấu ấn, đường giao thông, mở rộng khu di tích để xây dựng nơi đây thành khu du lịch tham quan cho khách thập phương và khách quốc tế [68]. Công trình Đền Hát Môn (thờ Hai Bà Trưng) - di tích lịch sử quốc gia đặc biệt có độ dài 908 trang, do Huyện ủy, UBND huyện Phúc Thọ phát hành năm 2017 với sự tham gia biên soạn của nhóm tác giả Phạm Thị Thùy Vinh, Nguyễn Kim Măng tập hợp một số bài viết về vai trò của Hai Bà Trưng và các tướng lĩnh trong lịch sử: Khởi nghĩa Hai Bà Trưng một biểu tượng của bản lĩnh và phẩm giá Việt Nam (Phan Huy Lê); Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng - sự kiện có giá trị đặc biệt trong tiến trình lịch sử dân tộc (Nguyễn Quang Ngọc, Đăng Ngọc Hà); Ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng 40-43 trong đấu tranh giải phóng dân tộc (Nguyễn Đức Nhuệ) [131]… Một số bài viết khái quát về công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích đền Hát Môn sau khi được vinh danh là di tích quốc gia đặc biệt: Di tích quốc gia đặc biệt - đền Hát Môn, niềm tự hào của nhân dân Phúc Thọ (Hoàng Mạnh Phú); Định hướng bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt - đền Hát Môn (Doãn Trung Tuấn); Đền Hát Môn, di tích quốc gia đặc biệt của Thủ đô (Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Thị Dung)… Đền Hát Môn thờ Hai Bà Trưng cũng là đề tài nghiên cứu của một số luận án, luận văn, khóa luận dưới các góc nhìn khác nhau: Luận văn Tìm hiểu di tích lịch
  • 37. 31 sử văn hóa đền thờ Hai Bà Trưng - xã Hát Môn (Phúc Thọ, Hà Tây) của tác giả Nguyễn Thị Thủy, Trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội (1997); Luận văn ngành khoa học văn hóa Tín ngưỡng Hai Bà Trưng ở làng Hát Môn Hà Tây của tác giả Nguyễn Thị Trung, Trường Đại học văn hóa Hà Nội (2000); So sánh truyền thuyết và lễ hội Hai Bà Trưng ở Mê Linh và Phúc Thọ, Luận văn ngành văn học của tác giả Nguyễn Thị Hồng Thanh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội (2014); Luận văn Quản lý di tích lịch sử đền Hai Bà Trưng, xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội của tác giả Nguyễn Thanh Hiền, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương (2018), tiếp cận dưới góc độ quản lý văn hóa, nghiên cứu thực trạng quản lý di tích, từ đó, đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích đền Hát Môn [46]. 1.1.3. Nhận xét về các công trình nghiên cứu và nhiệm vụ của đề tài Qua phần tổng quan về các tài liệu, các công trình nghiên cứu có liên quan đến nội dung đề tài, chúng tôi có một số nhận định bước đầu như sau: Thứ nhất, di sản hóa là một vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, thể hiện qua nhiều bài viết, công trình nghiên cứu trên cả phương diện lý luận cũng như thực tiễn. Nhiều thảo luận xoay quanh việc tạo dựng di sản; vai trò của các bên liên quan với các động thái chính trị phức tạp trong di sản hóa; sự biến đổi của DSVH sau vinh danh; mối quan hệ giữa phát triển du lịch và bảo vệ, phát huy DSVH sau khi có danh hiệu; vấn đề về quản lý nhà nước, quản lý cộng đồng đối với DSVH… Tựu chung lại các nghiên cứu có thể thấy được trong quá trình di sản hóa đều có hai mặt song song cùng tồn tại, một mặt di sản hóa tạo ra những hệ quả tích cực trong việc bảo vệ, phát huy di sản sau vinh danh; mặt khác, quá trình vinh danh di sản đưa đến những hệ quả không mong muốn như các vấn đề “nhà nước hóa”, “sân khấu hóa”, “du lịch hóa” DSVH, vấn đề “ngoài lề hóa” đối với cộng đồng chủ nhân DSVH. Thứ hai, di tích và lễ hội đền Hát Môn được tiếp cận nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau. Trong đó, nhiều nghiên cứu tiếp cận dưới góc độ lịch sử, tìm hiểu về các nhân vật được thờ - Hai Bà Trưng thông qua các tư liệu, khảo cứu về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, gia đình dòng dõi Hai Bà Trưng, các tướng lĩnh trong cuộc
  • 38. 32 khởi nghĩa của Hai Bà Trưng… cùng vai trò, ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng trong tiến trình lịch sử dân tộc. Một số nghiên cứu khác tiếp cận đền Hát Môn từ góc nhìn văn hóa dân gian, chủ yếu có tính chất miêu tả, giới thiệu hoặc đi sâu chi tiết nghiên cứu tìm hiểu về di tích và lễ hội; kết hợp với so sánh, phân tích lễ hội Bà Trưng trong toàn bộ hệ thống lễ hội ở Việt Nam, có một một dòng tín ngưỡng Hai Bà Trưng xuất hiện và lan tỏa mạnh mẽ, trở thành một vùng văn hóa tín ngưỡng đặc biệt trong không gian châu thổ sông Hồng và kéo dài từ đầu công nguyên cho tới ngày nay. Ngoài ra, có một số nghiên cứu tiếp cận dưới góc độ quản lý văn hóa, bước đầu tìm hiểu về mô hình quản lý di sản đền Hát Môn trong bối cảnh hiện nay. Nhìn chung, những đóng góp này của các nhà nghiên cứu về di tích và lễ hội đền Hát Môn, huyện Phúc Thọ đã cung cấp một cái nhìn tổng thể về những nét đặc sắc trong hệ thống kiến trúc, thực hành lễ hội và tín ngưỡng thờ Hai Bà Trưng ở Hát Môn cũng như một số nét thực trạng công tác quản lý di tích tại đây. Từ việc tổng quan các công trình cho thấy quá trình di sản hóa, việc công nhận, vinh danh di sản vẫn là một khoảng trống trong các nghiên cứu về di tích và lễ hội đền Hát Môn. Những động thái của các bên liên quan về lợi ích, chính trị, thể diện và bản sắc trong quá trình lựa chọn, công nhận một yếu tố văn hóa cụ thể trở thành DSVH; sự biến đối của DSVH, gồm cả yếu tố thuộc DSVH vật thể và phi vật thể sau khi có danh hiệu DSVH; vấn đề quản lý nhà nước và quản lý cộng đồng đối với DSVH trước và sau khi vinh danh sẽ được chúng tôi tìm hiểu một cách đầy đủ, chi tiết qua trường hợp nghiên cứu di sản hóa đền Hát Môn, từ đó để có cái nhìn đa chiều về quá trình di sản hóa ở Việt Nam. Các nghiên cứu của những học giả đi trước sẽ là nguồn tư liệu quan trọng, có nhiều ý nghĩa để chúng tôi tham khảo, kế thừa nhằm phục vụ cho mục đích nghiên cứu của mình. 1.2. Cơ sở lý luận 1.2.1. Các khái niệm  Di sản văn hóa DSVH của dân tộc là tất cả những gì mà nền văn hóa của dân tộc đó đã làm được và kế thừa cho đến ngày hôm nay. Theo dòng chảy văn hóa, các DSVH một
  • 39. 33 mặt là sự biểu hiện sắc thái của bản sắc văn hóa, mặt khác là yếu tố góp phần củng cố, vun đắp cho bản sắc văn hóa dân tộc. Theo Điều 1, Chương I, Luật DSVH do Quốc hội ban hành ngày 29-6-2001, DSVH được hiểu bao gồm “DSVH phi vật thể và DSVH vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” [99, tr. 8].  Di sản hóa Di sản hóa (heritagization - tiếng Anh/patrimonalization - tiếng Pháp) là một khái niệm ngày càng phổ biến trong các nghiên cứu về di sản và văn hóa. Nguồn gốc của khái niệm này có thể được tìm thấy trong các nghiên cứu của các nhà sử học, nhà nhân học và nhà địa lý từ đầu những năm 1990 [139], [143], [145], [155]. Sự xuất hiện của khái niệm này cho thấy một sự thay đổi nhận thức luận và phương pháp luận, di sản được coi là một “động từ” hơn là một “danh từ” (Harvey 2008) và “di sản hóa” được xem như một thực hành văn hóa [150]. Khái niệm di sản hóa lần đầu tiên được nhắc đến trong cuốn The heritage Industry: Britain in a Climate of decline [Công nghiệp di sản: Vương quốc Anh trong sự đi xuống] của tác giả Robert Hewison, ông cho rằng trong bối cảnh hiện đại, có quá trình di sản hóa ở một số địa điểm nhất định ở Anh bằng hình thức sản xuất lại quá khứ, phát triển ngành “công nghiệp di sản” [170]. Trong bài viết Heritage: an interpretation [DSVH: Một diễn giải], Hewison tiếp tục phát triển luận điểm của mình, xác định di sản không chỉ là về vật chất còn lại của quá khứ, nó là một quá trình lựa chọn quá khứ để được các thế hệ hiện tại và tương lai đánh giá cao. Hewison định nghĩa DSVH là “cái mà đã được thế hệ quá khứ gìn giữ, trao cho hiện tại và được một nhóm cộng đồng quan trọng muốn bàn giao cho tương lai” [171, tr. 16], nghĩa là có một quá trình lựa chọn những gì cần được bảo tồn, và giá trị của nó có ý nghĩa đối với một nhóm cộng đồng cụ thể. Walsh (1992) đã đề cập tới di sản hóa là “sự thu hẹp không gian thực xuống còn không gian cho khách du lịch, được xây dựng dựa trên những hình ảnh có chọn lọc những thứ đã diễn ra trong quá khứ để không gây hủy hoại tới không gian thực”