SlideShare a Scribd company logo
1 of 91
Phạm Việt Long



NGỜ VỰC
   Tập truyện ngắn và tản văn




Nhà xuất bản Thanh Niên - 2006



             1
Ngờ vực
                (Tập Truyện ngắn và Tản văn )

Mục lục:
Lời Nhà xuất bản
Tựa
Phần thứ nhất: Truyện ngắn
   1.       Ngọn lửa đốt nương
   2.       Ngờ vực
   3.       Thành Hoàng làng
   4.       Ánh sáng từ biên giới
   5.       Bà mẹ và con chó nhỏ
   6.       Rắn thần
   7.       Hồi quang
   8.       Cơn mưa rừng năm ấy
   9.       Hồn tường
   10.      Bà Cục trưởng thích nhận thư
   11.      Sự tích đầm Bạch Liên
Phần thứ hai: Tản văn
         1. Những ý kiến quý báu
         2. Chỉ thương người Tây sang ta
         3. Tại mình là người Việt
         4. Lá thư trong cổ áo
         5. Dàn Đồng ca
         6. Bài học đầu tiên
         7. Mèo một hột
         8. Mong được mẹ khinh
         9. Cái mũi thính
         10.Đẻ xa

                               2
3
TỰA

                                                   Trịnh Thanh Sơn

       Phạm Việt Long tin cậy trao cho tôi bản thảo tập Truyện ngắn và Tạp văn
mới nhất của anh, dự định sẽ cho ấn hành ở Nhà xuất bản Thanh Niên năm
nay (2006). Đây là cuốn sách thứ ba của Phạm Việt Long mà tôi được đọc, sau
tập Nhật ký chiến trường Bê trọc và tập truyện ngắn Âm bản rất nổi tiếng của
anh.
       Người làm văn chương ở trong đời có nhiều loại. Có người viết văn để
mong được nổi danh, có người dùng văn chương làm thứ trang sức để loè thiên
hạ, chỉ cốt tỏ ra là người có chữ, có người dùng văn chương để thăng quan tiến
chức, vinh thân phì gia. Nhưng cũng có người dùng văn chương để bày tỏ tâm
sự của mình trước nhân tình thế thái, đem cái sở nguyện trong Tâm của mình mà
chia sẻ vui buồn, và giác ngộ, đặng an ủi và cứu rỗi tâm linh của đồng bào, đồng
chí và đồng loại. Văn chương ấy là thứ văn chương nhọc nhằn, khổ luỵ, thứ văn
chương “khư khư mình buộc lấy mình vào trong!” vậy. Phạm Việt Long đi theo
lối văn chương này, đi từ khi tóc xanh cho đến hồi đầu bạc, nhất quán và quyết
liệt. Văn chương đối với anh không phải một trò đùa, một trò giải trí, một áng
phù vân, ngược lại, anh dùng văn chương để suy ngẫm, đồng cảm, cảnh báo và
giáo hoá. Đọc Phạm Việt Long, tôi thấy anh như là hậu duệ của cụ Đồ Chiểu:
       Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
       Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà!
       Từ Bê trọc, qua Âm bản rồi đến Ngờ vực hôm nay, Phạm Việt Long đã
tỏ ra nhất quán, vững vàng trong tư tưởng và khẳng định được phong cách hiện
thực của mình qua ngòi bút. Ở một phía nào đó, xét trên bình diện đề tài, tư
tưởng và sự cập nhật, văn anh gần với báo chí, nhưng không vì thế mà bị báo chí
hoá. Từ những đề tài và sự kiện thường nhật, với cách nhìn sắc sảo và hóm hỉnh,
với lối viết uyển chuyển, nhiều cảm xúc, truyện của Phạm Việt long rất giầu
chất văn chương.
       Trở lại với tập Ngờ vực mà bạn đang có trên tay, chúng ta thấy được
những gì?
       Tập sách bao gồm 21 tác phẩm, được chia thành hai phần Truyện ngắn
và Tản văn. Phần Truyện ngắn gồm 11 truyện ngắn được viết rải rác trong một
quáng thời gian khá dài, với khoảng không gian rộng lớn, đề tài và nhân vật
phong phú, nhiều mầu sắc, từ chiến tranh tới hoà bình, từ miền xuôi tới miền
ngược, từ nông thôn tới thành thị. từ thời bao cấp tới thời thị trường… Với một
vốn sống phong phú, với cái nhìn sắc sảo và nhạy bén của một nhà báo, văn


                                       4
chương của Phạm Việt Long dù có hơi nghiêng về phía tân văn, nhưng vẫn thấm
đẫm tình người, tình đời, có sức lôi cuốn người đọc.
       Truyện ngắn của Phạm Việt Long thường có cốt truyện giản dị, mạch lạc,
nhiều chi tiết, nhân vật được khắc hoạ sắc nét, bật ra được tính cách điển hình
trong hoàn cảnh điển hình, dù đó là nhân vật chính diện hay phản diện, nhân vật
chính hay nhân vật phụ. Giọng điệu trong văn Phạm Việt Long vừa nhất quán lại
vừa biến ảo, tạo được nhiều sắc thái tình cảm, đa thanh và phức điệu. Tuy đi
theo xu hướng hiện thực nghiêm ngặt là chính, nhưng đôi khi anh cũng sử dụng
bút pháp phúng dụ, ngụ ngôn và huyền ảo, vì vậy đọc anh, chúng ta thấy bất ngờ
và thú vị.
       Những truyện trong phần Truyện ngắn có đề tài khác nhau, nhưng thống
nhất trong một tư tưởng, một cách nhìn nhân bản và nhân văn về bức tranh xã
hội, đời sống tâm lý và thân phận con người. Nếu như Ngọn lửa đốt nương và
Thành Hoàng làng là những chuyện giản dị về cuộc sống của người dân hôm
nay, dù là miền xuôi hay miền núi, thì các truyện Ngờ vực và Cơn mưa rừng
năm ấy là nỗi ăn năn, hối hận sâu thẳm trong lòng người vì một hành vi xốc nổi,
không nên, không phải, gây ra những hậu quả khôn lường. Nếu truyện ngắn
Ánh sáng từ biên giới bàn về xự ứng xử giữa người với người thì truyện ngắn
Người mẹ và con chó nhỏ lại bàn về việc ứng xử giữa con người với vật nuôi
trong nhà. Đây là một truyện ngắn thật hay, hết sức độc đáo, rất đặc trưng cho
bút pháp hài hước và thâm thuý Phạm Việt Long. Mầu sắc ngụ ngôn ở truyện
này thể hiện rất rõ, chính vì thế tư tưởng và triết lý của truyện càng trở nên sâu
sắc, cười ra nước mắt! Chính vì thế mà sức khái quát và sự ám chỉ của truyện rất
cao, nó chỉ ra những khiếm khuyết và bất cập trong quan hệ giữa con người với
con người và cả sự băng hoại của đạo đức xã hội. Truyện ngắn Hồi quang có
cách viết rất mới, bố cục theo cách mờ chồng và song hành của điện ảnh, làm
nổi bật số phận và tính cách của nhân vật chính. Đặc biệt là cái kết bất ngờ, lên
án sự giả dối và hèn nhát của những kẻ hoạt đầu và đê tiện, gieo vào lòng người
đọc một nỗi cảm thương và một niềm đau xót khôn nguôi. Truyện ngắn này rất
gần với một kịch bản điện ảnh, nếu khai thác để làm phim, chúng ta sẽ có một
bộ phim truyện rất hay. Tôi nói điều này như một sự gợi ý cho các nhà điện ảnh,
trong khi chúng ta vẫn phàn nàn là quá hiếm những kịch bản có giá trị. Truyện
ngắn Bà Cục trưởng thích nhận thư khá độc đáo, xây dựng được tính cách
điển hình của một nhân vật điển hình, tiêu biểu cho xã hội ta hôm nay, đó là sự
dốt nát, giả dối, kệch cỡm, tham lam, thớ lợ và vô liêm sỉ trong một thứ "văn
hoá" tệ hại đang lan rộng trong xã hội ta ngày nay là "văn hoá phong bì". Truyện
viết rất giản dị, theo mạch kể, nhưng dựng được chân dung một con người nham
hiểm, xấu xa, vì đồng tiền nhưng lại được che dấu dưới một vỏ bọc nhân từ và
liêm khiết.

                                        5
Các truyện ngắn Rắn thần, Hồn tường, Huyền thoại đầm Bạch Liên
đều được viết theo phong cách cổ tích và hiện thực huyền ảo. Chính vì thế mà có
sức hấp dẫn người đọc và sự khái quát rất cao về nhân tình thế thái và triết lý
nhân sinh. Điều mà tác giả khuyến cáo hay là thông điệp của những truyện ngắn
này là đưa con người về với bản chất người, về với cái chân và cái thiện. Trong
ba truyện này thì Huyền thoại đầm Bạch Liên là truyện ngắn công phu và sâu
sắc hơn cả. Cái xóm chài bên đầm Đại kia là biểu tượng cho xã hội loài người
thu nhỏ, ở đó diễn ra mọi cung bậc của đời sống và tâm lý con người. Việc cha
mẹ Liên kén rể bằng cách thi tài có gì đó giống với chuyện Sơn Tinh, Thuỷ
Tinh, nhưng cũng hoàn toàn khác. Khi phát hiện ra sự man trá của Lực, kẻ thắng
cuộc và là chồng mình, Liên ra giữa đầm Đại trầm mình là một hành động cao
cả, giống như một tiếng chuông cảnh báo đối với lương tâm và tình yêu con
người. Câu chuyện tình yêu và hôn nhân của Liên tuy bi thảm, nhưng kết thúc
truyện lại rất có hậu. Mọi sự giả dối đều phải trả giá, để tình yêu trở về với sáng
trong vốn có và mãi mãi! Tôi nghĩ Phạm Việt Long đã viết câu chuyện này bằng
tất cả rung động của anh với con người, với tình yêu, với một thiết chế xã hội
mà anh hằng ấp ủ. Câu chuỵện tuy đau buồn mà vẫn trong veo và thanh khiết
như những bông sen trắng trong đầm Bạch Liên kia.
       Tuy nhiên, theo tôi, nổi bật nhất trong phần Truyện ngắn là truyện Ngờ
vực, truyện mà Phạm Việt Long đã lấy tên cho cả tập sách. Chuyện kể rằng có
anh chàng Trần Đơn kia, một hôm đi làm xa về, chợt bắt gặp vợ mình đang cùng
một người đàn ông khác trên giường. Thất vọng và uất hận, Trần Đơn bỏ ra đảo
khỉ. Trong nhiều năm chăn nuôi đàn khỉ, Trần Đơn đã chứng kiến lòng thuỷ
chung giữa những đôi khỉ với nhau. Chúng có thể vì nhau mà chết trên biển cả.
Trần Đơn suy nghĩ lại, và hiểu ra rằng vợ anh không phụ tình. Người đàn ông ở
trên giường cùng vợ anh ngày nào không phải là tình nhân, mà là một nạn nhân
được vợ anh cứu sống. Câu chuyện có mầu sắc Liêu Trai, giống như nỗi oan của
người thiếu phụ trong truyện Người thiếu phụ Nam Xương thuở xa xưa nào.
Và nhà văn kết luận:
       "Bây giờ, ngồi bên con khỉ chung tình, Đơn trầm ngâm suy nghĩ. Anh
chợt đứng vùng dậy, bởi một hình ảnh lúc này mới loé lên, rõ mồn một trong ký
ức anh: dạo ấy, khi anh bước vào nhà, vợ anh đang đỡ một người đàn ông ngồi
dậy. Anh ta cởi trần, người rớm máu, một cánh tay bị nẹp gỗ...
       Con khỉ được sưởi ấm, đã hồi tỉnh. Nó dụi dụi vào người Trần Đơn. Anh
ôm nó vào lòng: Bạc má ơi, ngày mai mày sẽ được gặp lại chồng mày! Nhưng
rồi, anh lại chết lặng bởi một ý nghĩ u ám: Không hiểu rằng con khỉ đực kia
trong cơn tuyệt vọng lao vào rừng sâu có còn quay về nơi này hay không? Cũng
như người đàn bà khốn khổ vợ anh, không rõ với nỗi oan khiên cao như núi,
nàng vẫn còn trên cõi đời này hay đã về nơi chín suối?"

                                        6
Đọc những đoạn văn ấy, thiết nghĩ bạn đọc có thể nhận ra phong cách và
bút lực của Phạm Việt Long trong thể loại Truyện ngắn.
       Phần thứ hai của cuốn sách gồm 10 tác phẩm Tản văn. Qua 10 tác phẩm
này, thấy Phạm Việt long có tài viết Tản văn lắm. Tản văn là một thể loại văn
học rất được ưa chuộng ở Trung Quốc, với những tên tuổi hiện đại như Giả Bình
Ao, Mạc Ngôn, Trương Hiền Lượng, Cao Hành Kiện, Vương Mộng... Ở xứ ta,
Tản văn không được các nhà văn mặn mà lắm, mà nếu có viết Tản văn thì họ
thường gọi là Tạp bút hay Tạp văn. Nhưng xét cho cùng, Tản văn, Tạp văn và
Tạp bút chỉ là một.
       Như trên đã nói, Phạm Việt Long rất có duyên khi viết Tản văn. Những
bài Tản văn được tập hợp và công bố trong Tập truyện này đều có chung một
phẩm chất là hài hước và diễu cợt. Tác giả đã dùng tiếng cười để phê phán
những thói hư, tật xấu ẩn náu trong mỗi người, nói riêng và xã hội, nói chung.
Một ông Sếp ba hoa chích choè, đi đâu cũng rao giảng đạo lý, nhưng bản thân
thì ích kỷ, thô thiển, đến nỗi gia đình nát bét, con cái hư hỏng (Những ý kiến
quý báu). Một tờ báo đưa tin thất thiệt, giật gân cốt để bán báo, xúc phạm đến
nhân cách người khác một cách vô lý, thậm chí làm phương hại đến danh dự và
hạnh phúc của họ, khi bị kiện thì chỉ "nói lại cho rõ" và chỉ xin lỗi người nước
ngoài, công ty nước ngoài, còn đơn vị trong nước, người trong nước thì lờ tịt,
không có một dòng đính chính nào (Tại mình là người Việt). Một đơn vị kinh
doanh du lịch, đưa người Việt sang một nước phía Bắc, nhân viên hướng dẫn du
lịch cấm không cho khách tham quan được nói, vì nếu nói sẽ lộ ra là người Việt,
vé vào cửa sẽ đắt như người nước ngoài, không được hưởng ưu tiên như người
bản địa. Ngược lại, nếu người Tây sang ta du lịch thì không sao dối trá được
(Chỉ thương người Tây sang ta). Lại nữa, có một ông cán bộ kia rất sính đồ
ngoại, tất cả các vật dụng trong nhà ông đều là hàng ngoại. Nhân có dịp sang
Tây, ông mua được một chiếc sơ mi, ông cho là hàng ngoại quý hiếm nên đi đâu
cũng diện. Một hôm kia, trong khi là quần áo cho ông, vợ ông lơ đãng làm cho
cổ áo bị cháy. Trong cổ cáo có lá thư của chính con trai ông. Thì ra, chiếc sơ mi
đó là do chính xí nghiệp may của con trai ông sản xuất trong nước (Lá thư
trong cổ áo). Rồi còn bao nhiêu chuyện khôi hài, cười ra nước mắt nữa, nào là
Dàn đồng ca, nói về nạn đút lót, nạn con ông cháu cha, không quan tâm gì đến
chất lượng lao động và nghề nghiệp, nào là Mong được mẹ khinh, nói về thói
lắm điều trong sinh hoạt hàng ngày, rồi thì Mèo một hột nói về yêu cầu ngang
giá trong xã hội thời thị trường. Các bài Cái mũi thính, Đẻ xa lại lên án thói
vong ân bội nghĩa, thích sống ở nước ngoài cho sung sướng, mà quên mất mình
là ai và quên cả đạo lý làm người. Còn một Tản văn không thể không nhắc đến,
đó là Bài học đầu tiên, viết về tệ quan liêu, dốt nát, sách nhiễu, cửa quyền của
các cơ quan hành chính nước ta hiện nay. Một nữ Giám đốc chỉ xin được gặp

                                       7
một Chủ tịch Phường sở tại mà tại sao gian nan làm vậy! Bài học đầu tiên nghĩa
là bài học "tiền đâu?". Một xã hội mà cái gì cũng tiền, đến một cái Huân chương
xứng đáng cho Tập thể cũng phải mua bằng tiền! Câu chuyện được tác giả kể
với cách viết và giọng văn tưng tửng, nhưng gieo vào lòng người đọc một nỗi
ấm ức và bức xúc khôn nguôi.
       Tập Truyện ngắn và Tản văn của Phạm Việt long đang nằm trên tay
bạn. Xin bạn hãy đọc và nghĩ ngợi cùng tác giả. Những điều mà Phạm Việt
Long gửi gấm trong tác phẩm xuất sắc này cũng là những điều chúng ta đang
trăn trở. Mong so cuộc sống và tâm hồn con người chung quanh ta mỗi ngày
một tốt đẹp hơn.

                                           Hà Nội, mùa hạ năm 2006
                                                   T.T.S




                                      8
Phần thứ nhất: Truyện ngắn

                    NGỌN LỬA ĐỐT NƯƠNG

      Đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Sông Mã giới thiệu tôi với một
phụ nữ Lào chừng hai lăm tuổi và nói:
      - Chị Y Chung, Uỷ viên Hội đồng nhân dân Huyện, sẽ đi cùng anh vào
vùng biên giới. Chúng tôi đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử Hội đồng Nhân dân
khoá mới, vào cuối tháng này.
      Y Chung cười, nụ cười lúm đồng tiền rất duyên dáng:
      - Đường vào khu trong xa lắm, “dô...ốc” lắm anh ạ, đi “khô...ông” vui
đâu!
      Tôi khoác ba lô, còn chị đeo trên lưng chiếc kíp đựng đồ dùng, rời khỏi
huyện vào một buổi sáng trời trong.
      Chúng tôi xuôi dọc theo bờ sông Mã. Con sông dạo này cạn nước, chảy
xô vào đá, tung bọt trắng xoá. Cả hai đều im lặng, cắm cúi bước đi. Mỗi người
theo đuổi một ý nghĩ riêng.
      Khi vượt qua sông để đi lên con đường tắt vào Mường Và, nhớ đến một
câu dân ca học được của đồng bào Thái, tôi nói:
      - Y Chung này, bao giờ sông Đà hẹp bằng đũa, sông Mã cạn bằng đĩa,
cá bống đớp sao trên trời, thì các dân tộc chúng ta mới hết đoàn kết, chị nhỉ!
      Ở vùng Tây Bắc này, dân tộc Lào rất gần dân tộc Thái, nhiều nơi tiếng
Lào và tiếng Thái gần như là một.Tôi không ngờ lời nói vừa rồi lại làm cho Y
Chung vui lạ lùng. Chị reo to: “Men lẹo! Muôn hênh! – Đúng rồi! Vui lắm!” và
cười vang. Tiếng cười của chị sao mà lạ lùng, nó lanh lảnh, lan tỏa khắp rừng
núi. Rồi chị hát lên câu ca dao theo cách hát của người Thái. Tôi sững người vì
giọng chị hay quá. Nó vang và ấm lạ lùng. Giai điệu còn đơn giản, chỉ cao lên,
thấp xuống một chút và kết thúc bằng một câu ngân dài, nhưng qua giọng chị,
nó trở nên uyển chuyển, duyên dáng đến ngất ngây. Chị vừa hát, vừa tung tẩy
bước chân như một thiếu nữ tuổi mười sáu. Hai tay chị vung mạnh, khiến mấy
chiếc vòng bạc hoa lên lấp lánh. Đầu chị hơi cúi về phía trước. Chiếc khăn piêu
mầu đen thêu chỉ đỏ với những đường nét giản dị nằm gọn trên đầu chị, hơi bị
gồ lên ở phía dưới vì búi tóc buông xuôi - loại búi tóc của phụ nữ chưa có

                                      9
chồng. Chiếc áo mầu xanh thể hiện rõ đặc trưng của trang phục phụ nữ Lào: hai
vai bồng lên, thân áo ngắn, chỉ che nửa lưng người và hơi phồng ra, để lộ chiếc
áo lót đen bó sát thân hình chị. Được bao quanh bởi chiếc thắt lưng vải mầu
xanh đằm thắm, trông chị càng khoẻ mạnh. Đôi bắp chân Y Chung không to, mà
thon thon, bước thoăn thoắt, hất hất chiếc gấu váy thêu mầu sặc sỡ, khiến nó bay
lên, hạ xuống gấp gấp nhưng nhịp nhàng như cánh con bướm đỏm dáng đang
bay chập chờn tìm hoa. Y Chung lại hát, một bài hát theo làn điệu dân ca Thái
mà lời do chị vừa nghĩ ra:
        - Em, anh khác bản khác mường, cùng đi với nhau một con đường. Người
miền ngược, kẻ miền xuôi, ta cùng uống chung nguồn nước...
        Chân Y Chung bước gấp gấp. Giọng hát cũng gấp gấp. Hình như âm
thanh của chị hơi bị quẩn lại bởi rừng cây bao phủ, ngơ ngác một chút, rồi vượt
khỏi mọi cành lá, bay vút lên không trung.
        Tôi buột miệng khen:
        - Y Chung hát hay quá nhỉ!
        Y Chung quay đầu lại, cười mà đôi chân vẫn bước gấp gáp:
        - Chẳng hay đâu! Mà anh hát đi chứ!
        Không kịp để tôi đáp lại, Y Chung đã cất tiếng hát. Lần này là bài hát mời
- chị mời tôi hát theo cách của người Thái.
        ... Mặt trời đã lên gần đến đỉnh đầu. Chúng tôi cũng đã đi được chặng
đường khá dài. Tôi thầm cảm ơn Y Chung, vì tiếng hát của chị làm tôi quên cả
mệt, giúp tôi băng đèo, vượt suối một cách nhẹ nhàng. Chúng tôi đi xuyên qua
một rừng nứa. Ngước nhìn qua những khoảng trống giữa những vòm nứa khum
khum, xanh xanh, tôi có cảm giác trên đầu mình có nhiều bầu trời nhỏ đang lặng
lẽ trôi theo những bước chân của tôi. Y Chung vẫn hát trong khi bước chân vẫn
không ngơi nghỉ. Vào giữa rừng nứa, tiếng hát hình như ấm lên một chút. Thỉnh
thoảng, chị dẫm mạnh vào những cây nứa khô nằm ngang đường, khiến nó vỡ
ra, kêu “rố...ốp” thật vui tai. Một lần, chị vấp vào một thanh nứa nằm dọc
đường. Thanh nứa xuyên dọc giữa chiếc dép và bàn chân chị. Chị cúi xuống rút
thanh nứa ra, ngắm nghía rồi cười vang. Chị hú lên một tiếng rõ to: “H... à... ơi!”
rồi lại đi. Tôi biết chị đang vui lắm. Ngôn ngữ không đủ thể hiện nổi tình cảm
xáo động trong lòng chị.
        Cứ như thế, tiếng hát, tiếng cười của Y Chung nâng bước chúng tôi vượt
rừng, vượt núi, tới một con suối nước trong veo. Đột ngột, Y Chung đứng lại,
không hát nữa mà nói một câu nghe mới hồn nhiên làm sao:
                -    Cán bộ, áp nậm - tắm đi! Ta cùng tắm nhé!
        Tôi ngỡ ngàng trước lời mời lạ lùng ấy. Mồ hôi đẫm lưng áo, tôi cũng
thấy nóng thật, nhưng tôi chưa hề nghĩ tới cách giải nhiệt đột ngột như vậy.
Sống ở vùng Tây Bắc này một thời gian, nhưng ở trong một cơ quan toàn người

                                        10
Kinh, tôi chưa hề tắm chung với một thiếu nữ miền núi bao giờ! Tôi chỉ nghe
anh em kháo nhau là phụ nữ trên này toàn "tắm tiên", tắm giữa dòng suối hay
dưới máng nước cũng đều phơi thân thể ngọc ngà cho thiên nhiên chiêm
ngưỡng! Chính những lời kháo đó làm cho tôi lúng túng. Thì kia, Y Chung đã
lội xuống nước rồi! Làn nước trong veo đón nhận chị trong tiếng róc rách như
reo vui. Y Chung lội từ từ, xa bờ dần dần, vừa lội vừa cuốn váy áo lên, để lộ làn
da mịn màng, muớt mát. Khi nước ngập tới ngực, thì váy áo chị đã được cuốn
gọn trên đầu! Chị gọi như động viên tôi:
               -    Cán bộ! Xuống tắm đi!
       Nụ cười tươi rói và hồn nhiên, vô tư biết bao. Tôi nhìn chị qua nụ cười
trong trắng ấy, nhưng mắt lại bị hút vào một tác phẩm kỳ thú của tạo hoá, tác
phẩm ấy ẩn hiện giữa dòng nước trong và những vòng xoáy nhỏ, bật lên vẻ đẹp
và sức sống mãnh liệt. Thảo nào mà đã có một nhạc sĩ thốt lên: "Noọng (em) về
cùng ta tiếng ca rừng núi, ta tắm chung dòng suối!" Tiếc thay, với cái dè dặt của
một thanh niên mới bước vào đời, bị biết bao sự ràng buộc của những bài học
đạo đức, tôi không dám ào xuống dòng nước cùng Y Chung, để rồi bao nhiêu
năm sau vẫn tiếc vì đã không được hưởng cái mát ngọt của dòng suối hôm ấy!
       ...Khi chúng tôi vượt lên một con đèo, thì Y Chung thay đổi hẳn thái độ.
Chị đứng sững lại. Hai cánh mũi chị phập phồng, hít hít. Mắt chị chớp chớp, rồi
trân ra, không rõ nhìn về đâu, trông xa thăm thẳm. Chị nói, giọng trầm và chậm:
               -    Những ngọn lửa đốt nương!
       Tôi ngạc nhiên vì không hề thấy lửa đốt nương đâu! Đứng hẳn lại, lặng
nghe hơi thở của rừng, tôi mới cảm thấy có tiếng nổ lép bép và mùi khói hăng
hắc. Bước tiếp, vượt qua đỉnh đèo, tôi sững người: phía trước, bên sườn núi, một
vùng lửa đang cuồn cuộn bốc lên. Hoá ra, Y Chung nhạy thật, từ xa đã cảm nhận
được cái mùi đặc biệt của ngọn lửa đốt nương này. Như kiệt sức, Y Chung vịn
tay vào một thân cây, thở dốc. Tôi vội đỡ chiếc kíp cho chị, lập tức chị ngồi
phịch xuống tảng đá liền kề. Một làn gió thổi thốc về phía chúng tôi, kéo theo
hơi lửa phừng phực, nồng khét. Y Chung lại hít hơi, thở dốc. Tôi ngơ ngác
không hiểu tại sao Y Chung lại xúc động mạnh đến thế trước ngọn lửa rừng này.
Bởi vậy, tôi cứ lóng nga lóng ngóng hết đứng lại ngồi. Đột nhiên, Y Chung
đứng dậy, bảo tôi:
       - Cán bộ, pay nớ! - đi nhé!
       Giọng nói của chị lúc này lại đầy sức mạnh. Tuy nhiên, từ đó chị cứ cắm
cúi bước, không hát, không nói. Cũng chính vì vậy, tôi không dám hỏi gì chị
nữa...
       Tối ấy, tôi cùng Y Chung họp với cán bộ xã và tôi đã hiểu phần nào thái
độ của Y Chung khi bắt gặp ngọn lửa đốt nương. Huyện đang vận động nhân
dân định canh định cư, không phá rừng làm nương nữa. Cuộc vận động này gặp

                                       11
biết bao trở ngại, bởi du canh du cư đã thành tập tục từ ngàn đời rồi. Những
ngọn lửa đốt nương kia là bằng chứng hiển nhiên về khiếm khuyết của phong
trào định canh định cư nơi đây. Cuộc họp tập trung bàn biện pháp tháo gỡ khó
khăn, giúp đồng bào cách làm ăn ở những vùng có ruộng, không làm nương rẫy
nữa. Mãi khuya, cuộc họp mới kết thúc. Lúc này, trăng đã lên cao, toả ánh sáng
hiền dịu xuống núi rừng. Y Chung bảo tôi:
       - Cán bộ, ra đón trăng đi!
       Tôi cùng Y Chung ngồi trên một thân cây đổ, nhìn bao quát xuống thung
lũng. Thung lũng ngập tràn ánh trăng, giống như một dòng sông huyền ảo. Thấy
thái độ Y Chung đã trở lại bình thường, không căng thẳng như hồi trưa, tôi
mạnh dạn hỏi:
       - Y Chung, có chuyện gì về những ngọn lửa đốt nương, nói cho tôi nghe
nào!
       Qua ánh trăng, tôi thấy đôi mắt Y Chung lấp láy. Y Chung thở ra nhè nhẹ
và nói, giọng mềm và trầm:
       - Có đấy, có nhiều chuyện lắm, mà toàn chuyện buồn thôi!
       Qua câu chuyện của Y Chung, tôi hiểu thêm nhiều về cuộc sống cơ cực
của nhân dân miền núi này. Lối làm ăn du canh du cư, chọc lỗ tra hạt kéo theo
cái thiếu đói triền miên, truyền đời truyền kiếp cho bà con dân tộc vùng núi này.
Riêng với Y Chung, ngọn lửa đốt nương còn là ngọn lửa của tang tóc...
       Chuyện xảy ra cách đây bốn năm rồi, nhưng qua lời Y Chung, như vẫn
sống động trước mắt tôi. Khi ấy, Y Chung đang như chồi cây vươn lên mạnh mẽ
trong mùa xuân - mùa xuân của tình yêu: một chàng trai mạnh khoẻ, hát hay tên
là Lò Văn Khang vừa mới ngỏ lời yêu Y Chung. Họ yêu nhau với tình yêu phơi
phới như măng rừng gặp mưa, như hoa ban gặp mùa xuân. Cho đến một hôm,
Khang, lúc ấy là cán bộ đoàn của xã. được cử lên bản Bó làm công tác vận động
thanh niên nhập ngũ. Không ngờ, chưa kịp tới bản thì Khang gặp một trận cháy
rừng. Ngọn lửa đốt nương ở phía Tây bản Bó bị cơn gió Tây tạt về thổi thốc,
lồng lên như bầy ngựa hoang. Lửa réo ào ào, liếm mất một cánh rừng, liếm vào
căn nhà đầu tiên của bản. Trong ngọn lửa hừng hực, vang lên tiếng kêu thét.
Khang vội lao về phía căn nhà sàn đang bốc lửa. Nơi ấy, ngay đầu cầu thang,
một phụ nữ nằm sóng xoài. Khang vội bế thốc chị lên, vác chạy ra xa ngọn lửa.
Vừa hoàn hồn, chị bỗng giãy lên:
       - Con tôi, con tôi còn trong nhà!
       Khang vội buông chị xuống, chạy trở lại. Ngọn lửa đã liếm hết vách, liếm
lên mái nhà. Tiếng trẻ con kêu nghẹt bên trong. Khang bươn bả vượt chín bậc
thang, lao vào trong nhà. Đúng lúc ấy, cả mái nhà với khối lủa rừng rực đổ sập
xuống, bao phủ tất cả...



                                       12
Tôi không dám hỏi chi tiết về vụ cháy đó, vì sợ sẽ gợi nên nỗi đau khủng
khiếp trong lòng Y Chung. Tôi chỉ nhìn chị, người phụ nữ trẻ đẹp, vừa rất hồn
nhiên lại vừa có những nét cương nghị lạ lùng. Hoá ra, những ngọn lửa đốt
nương truyền kiếp của đồng bào vùng núi này không chỉ đem theo cái đói
nghèo, mà còn đem theo cả cái chết thảm khốc cho con người, thiêu luôn hạnh
phúc mới chớm nở của một người con gái trong trắng, thơ ngây.
       Thế rồi tôi đi chiến trường miền Nam, không gặp lại Y Chung nữa. Cho
tới tận hôm nay, tôi vẫn chưa có dịp lên lại vùng Sông Mã gặp lại người năm ấy.
Không hiểu Y Chung đã xây dựng hạnh phúc cùng ai chưa?

                                     Sơn La 1968. Hà Nội 2003




                                      13
Ngờ vực


       Kể từ khi rời bỏ ngôi nhà trong đó có người vợ bạc tình và một người đàn
ông xa lạ, Trần Đơn sống một cuộc đời cô độc. Anh lầm lũi trong cuộc sống
thường ngày, một cuộc sống gần như tách biệt với thế giới loài người. Nhưng ẩn
sau vẻ ngoài lạnh lùng ấy, từ trong sâu thẳm tâm can anh lại bừng bừng ngọn lửa
căm hận - căm hận người vợ mà anh đã từng thương yêu hơn bản thân mình.
Anh day dứt triền miên vì câu hỏi: cô ấy hiền lành, chất phác như thế mà còn
phản bội, thì liệu trên đời này có còn người đàn bà nào chung tình nữa không?
Không tìm được câu trả lời, anh căm ghét luôn cả giới đàn bà. Chính vì thế, anh
ra hòn đảo này sinh sống. Một hòn đảo ngoài khơi xa, nhỏ nhoi giữa muôn trùng
sóng vỗ. Dường như đó là cách để anh xa cõi đời bụi bậm, về sống với thiên
nhiên thuần khiết. Anh thấy cuộc sống ngọt ngào trong sự cô đơn của con người
nhưng lại được bao bọc trong một thiên nhiên trong lành.
       Hòn đảo tưởng như bị bỏ hoang ấy bỗng sôi động lên từ khi nó được chọn
làm đảo nuôi khỉ. Trần Đơn được nhà nước giao cho trông coi đảo khỉ này.
Công việc trôi đi êm ả như một giòng suối đã quen nếp, cứ chảy về xuôi. Ngày
ngày nấu cơm, luộc khoai cho khỉ ăn. Thế thôi. Sự nhộn nhạo của bầy khỉ đôi
khi phá vỡ sự tĩnh lặng trong tâm hồn con người ấy, nhưng chỉ là những xao
động nhẹ, giống như cơn gió nam lướt qua làm những tán lá khẽ lay động. Cho
đến một hôm, anh nhìn thấy một đôi khỉ. Một đôi khỉ khác thường trong bầy khỉ
nghịch ngợm. Cả hai đều có cái đuôi dài và đôi má bạc lông. Anh gọi chúng là
đôi bạc má. Nhưng, cái làm anh chú ý không phải là hình thức của chúng, mà
bởi những hành động của chúng. Chúng quấn lấy nhau, âu yếm. Khi con khỉ đực
kêu lên: "Khẹc, khẹc, khẹc..." thì con khỉ cái cũng tiếp luôn ba tiếng kêu như
vậy. Khi con khỉ đực rúc lên tiếng kêu lảnh lót, con khỉ cái liền hoạ theo, làm
núi rừng rộn rã hoan ca. Trần Đơn phát hiện ra rằng đó là lối "hát đối" của đôi
khỉ, con xướng, con hoạ, thể hiện tình âu yếm. Điều đó càng làm cho Trần Đơn
đắng cay. Anh cố gắng xua đuổi hình ảnh của quá khứ, nhưng không được. Nó
cứ làm sống lại trong anh kỷ niệm êm đẹp của những ngày xa ngái. Hồi ấy,
trong những cuộc hát giao duyên vào dịp hội làng đầu xuân, anh đã quen Thắm,
cô gái duyên dáng nhất làng. Anh xướng, cô hoạ, rồi cô xướng, anh lại hoạ, hai
giọng hát quấn quýt, vờn lượn. Hai giọng hát như sợi giây vô hình đầy ân tình
đã cột chặt hai số phận vào nhau. Tuy nhiên, lối "hát giao duyên" của đôi khỉ chỉ
làm anh thoáng chua xót, rồi lắng lại ngấm ngáp nỗi đau của riêng mình. Chỉ
đến khi chứng kiến những hành động âu yếm của chúng đối với nhau thì anh


                                       14
mới nổi giận thực sự. Theo dõi chúng, anh thấy đôi này tuy vẫn đi theo đàn,
nhưng lại sống khá tách biệt. "Tổ ấm" của chúng nằm chót vót trên ngọn cây trò
giữa rừng. Sau bữa ăn, chúng nhanh chóng leo lên cây, chuyền về "tổ ấm". Có
lúc, con khỉ cái ngồi khoanh tròn cho con khỉ đực bắt chấy. Thỉnh thoảng, nó lại
quàng tay ra sau ôm cổ con khỉ đực. Anh trân trân cặp mắt to ẩn dưới hai hàng
lông mày rậm, nhìn và nghĩ: "Giống cái là vậy đấy. Thích nhận sự âu yếm của
giống đực và biết khêu gợi để nhận được nhiều sự âu yếm hơn!". Có lần, con
đực phóng ào ào trên các tán lá, bổ nhào vào con cái. Hai con quấn lấy nhau như
bện thừng. Rồi con đực giơ ra một con cua lớn mà anh đoán nó phải kỳ công
lắm mới mò bắt được ở tận khe Hoa. Con cái nhận lấy, ăn ngon lành. Con đực
ngồi nhìn con cái, vẻ mặt hoan hỉ. Anh lại chạnh nghĩ đến mình. Cái giống đàn
ông khổ vậy, suốt ngày đầu tắt mặt tối kiếm chác, có miếng ngon lại nhường cho
vợ con, để rồi cô vợ no cơm ấm cật rậm rật toàn thân, rước trai về hú hí. Nghĩ
đến đấy, anh thấy ớn lạnh. Dường như những con kiến từ khắp các tổ kiến trên
đảo đều ào đến, đốt lấy đốt để làm cho anh ngứa, buốt, xót khắp người.
       Ký ức về sự phản bội của vợ khiến anh nghi ngờ cả loài vật. Phải rồi, sự
nghi ngờ của anh đâu phải là sự suy đoán thành kiến? Trong dân gian, chẳng đã
có những câu chuyện nghiệt ngã về sự phản bội của giống cái đối với giống đực
đó sao! Nào là con rắn cái khi lột xác, được con rắn đực chăm nom tận tuỵ, đến
khi con rắn đực lột xác thì con rắn cái đi tình tự với con rắn đực khác, không
những vậy còn dẫn nó về hại chồng mình nữa. Nào là chuyện con cua cái, khi
bấy mai nằm một chỗ, được con cua đực tận tình chăm nom, đến khi con cua
đực nằm bấy mai, ả liền dẫn bạn tình về ăn thịt chồng! Nếu cuộc sống không có
những sự phản bội hèn hạ và dã man như vậy của giống cái thì đâu có thể nảy
sinh ra trong dân gian những câu chuyện bi thương như thê? Trần Đơn luôn luôn
nhìn đôi khỉ với con mắt nghi ngờ và nhạo báng. Có lần, thấy đôi khỉ quấn tròn
lấy nhau trên "tổ ấm", anh nói thành lời: "Này, chú khỉ cả tin kia ơi, mi thử đi
kiếm ăn lâu ngày một chút coi, đến khi về có bắt gặp một chú khỉ đực khác đang
làm cái việc mà chú đang làm hay không?". Thế rồi, anh để thời gian rình mò
con khỉ cái, xem nó có chung tình hay không? Đó là những lúc con khỉ đực đi
kiếm ăn. Thực ra, bầy khỉ ở đảo này đã đủ thức ăn, vì nhà nước cấp cho anh đủ
khoai, gạo để anh nuôi chúng. Nhưng loài khỉ vốn siêng năng, lại thích "cải
thiện" nên chúng thường mò xuống khe bắt cua, cá. Con khỉ đực bạc má thường
mò vào khe Hoa, nơi có những hang đá lớn, trong đó có nhiều cua sinh sống. Có
khi con khỉ đực đi cả buổi, bỏ cả bữa ăn chính thức của đàn do Trần Đơn cung
cấp. Những lúc ấy, anh thấy con khỉ cái ăn rất nhanh, nuốt lấy nuốt để rồi bốc
thêm thức ăn bỏ vào miệng, lùa sang hai bên làm cho mặt nó bạnh ra trông thật
dễ ghét. Xong, cô ả vơ một nắm cơm và phóng về "tổ ấm''. Trần Đơn kín đáo đi



                                      15
theo. Nhưng anh chỉ thấy mình con khỉ cái bạc má với tán cây đung đưa trong
gió...
       Thế rồi đàn khỉ cứ đông dần lên. Trần Đơn được lệnh xẻ đôi đàn khỉ,
chuyển một nửa sang hòn đảo bên. Thật không may cho đôi khỉ kia. Vào đúng
lúc cần chia đàn ấy thì chúng lại xuất hiện trước mắt anh, hồn nhiên vờn nhau.
Một ý nghĩ độc ác nảy ra trong đầu anh: chúng mày phải chia lìa. Và anh lừa bắt
được con khỉ cái, nhốt vào lồng cùng một bầy khỉ khác. Anh chuyển những lồng
khỉ lên thuyền. Con khỉ cái bạc má vật vã trong cũi, nhảy chồm lên cắn xé, rồi
lại lăn lộn kêu choe choé. Con khỉ đực bạc má chuyền ào ào trên các tán cây, rồi
nhảy bổ xuống đất, lăn lộn. Đúng lúc ấy thì trời vần vũ. Mây đen kéo kín bầu
trời. Con thuyền lớn vượt sóng, hướng về phía đảo nhỏ. Con khỉ đực bạc má
chạy ra sát mép nước, nhảy chồm chồm trên bãi cát. Chiếc thuyền dần dần mất
hút giữa các lớp sóng cồn. Con khỉ đực chừng như thất vọng, hú to một tiếng rồi
chạy biến vào rừng sâu.
       Chiều ấy, Trần Đơn bỗng thấy đắng miệng, không nuốt nổi bát cơm. Hình
ảnh đôi khỉ cứ nhảy nhót trong đầu anh. Mưa đã ngớt, nhưng sấm chớp vẫn cứ
nhoang nhoáng trên bầu trời xám pha ráng đỏ của hoàng hôn. Anh mặc áo mưa,
ra khỏi nhà, hướng về phía bờ biển. Những tia chớp rạch đôi bầu trời, loé lên
những tia sáng xanh. Mặt biển đen ngòm nổi sóng dữ dội như bị những luồng
sáng chớp nhoá ấy xé vỡ ra. Sấm nổ. Chớp loè. Sóng ào ạt. Một luồng sét dữ dội
nổ ầm vang. Trần Đơn giật thót mình khi nhìn ra khơi thấy một sinh vật nhỏ bé
đang vùng vẫy giữa lớp sóng cồn. Rõ ràng đó là một sinh vật. Bởi nó không bị
trôi dạt một cách vô tình, mà nó vùng vẫy, vùng vẫy để tiến vào bờ mặc sóng
gió dập vùi. Trần Đơn rùng mình khi loé lên ý nghĩ: đó là con khỉ cái bạc má.
Mi dám vượt biển để về đây ư? Giữa hai hòn đảo là một vùng biển rộng với
sóng bạc đầu, với đá ngầm, với cá dữ. Chỉ một cú quăng của cơn sóng cũng đủ
đập mi vào những tảng đá nhọn hoắt của bờ đảo bên kia. Làm cách nào mà mi
vượt qua được nhữg hàm răng đá đó? Một lớp sóng cuồn cuộn dồn vào bờ. Một
tia chớp sáng chói bầu trời. Trần Đơn nhìn rõ sóng đã quăng cái sinh vật nhỏ
nhoi ấy lên bờ cát. Anh lại gần và run bắn người khi nhận ra đó chính là con khỉ
cái bạc má. Nó nằm bẹp như một đám rong biển vô hồn. Anh chợt thấy một nỗi
xót thương trào lên trong lòng. Đồng thời, một cảm giác kính phục chiếm ngự
tâm hồn anh. Ôi loài vật, loài vật chỉ biết sống theo bản năng, chúng mày cũng
có tình yêu ư? Có phải là tình yêu đã tạo ra sức mạnh cho mi, con vật bé bỏng
kia? Phải chăng niềm tin vào tình yêu đã tiếp cho mi sức mạnh để mi dám quăng
thân vào muôn trùng bão tố và đã dẫn hướng cho mi vượt qua không gian mịt
mùng, về đến nơi trú ngụ tình yêu của mi? Anh chua chát nghĩ tới bản thân.Tấm
thân cao to lừng lững của anh rũ xuống. Gắng gượng, Trần Đơn quỳ trên bãi cát,
ôm lấy con khỉ. Bãi biển nhập nhoà trong ráng hoàng hôn, thỉnh thoảng lại loá

                                      16
lên những ánh chớp, muốn nuốt gọn hình bóng anh. Anh lảo đảo bước, chân liêu
xiêu nhưng đôi tay lại ghì chặt lấy con khỉ. Anh đốt lửa sưởi cho nó. Trong ánh
lửa bập bùng, anh ngắm nhìn con khỉ. Người nó ướt sũng, đôi chỗ tróc lông, rớm
máu. Nó ngước đôi mắt tròn nhưng mờ đục vì mệt mỏi nhìn anh, như cầu cứu,
như biết ơn. Trần Đơn chợt ứa nước mắt. Lần đầu tiên trong cuộc đời, người đàn
ông can trường ấy biết thế nào là những giọt nước mắt nóng hổi của chính mình.
Mấy chục năm qua, biết bao đắng cay, tủi nhục chỉ khiến Trần Đơn bặm môi lại,
ngày một lỳ lợm. Còn bây giờ, cái sinh linh nhỏ bé và yếu ớt này lại làm chấn
động tới phần sâu thẳm nhất trong lòng anh, dồn ép cảm xúc từ nơi tận cùng con
tim anh thành những giọt nước mắt đặc quánh lăn nặng nề trên đôi gò má.
       Trần Đơn chợt nhớ lại dĩ vãng. Cái dĩ vãng làm anh đau buồn. Một ngôi
nhà nhỏ bên sông cái. Những ngày mưa gió dữ dội. Một buổi sớm, sau chuyến
đi làm ăn xa về, anh xăng xái đẩy cửa nhà mình. Và anh giật nảy mình khi thấy
vợ đang nâng giấc một người đàn ông. Không thể tin được, nhưng rõ ràng là vợ
anh và một người đàn ông lạ đang bên nhau trên chiếc giường duy nhất của vợ
chồng anh. Một thoáng sững người, rồi anh bật ngược trở ra. Và lùi lũi đi. Mặc
tiếng gào của vợ: "Anh ơi, quay lại nào!". Anh cứ đi. Vốn sống cảnh phiêu bạt
từ thời ấu thơ, đến khi lấy vợ, vẫn bôn ba khắp các nẻo đường kiếm kế sinh nhai,
Trần Đơn quen sòng phẳng, dứt khoát. Nhiều khi, trong cảnh bon chen, chụp
giật, không thể dùng dằng suy xét, anh phải tức thời quyết định hành động, phó
mặc cho may rủi. Nhờ giời, anh gặp may nhiều hơn rủi. Nhưng những lần gặp
rủi, anh chấp nhận mà không khi nào nài nỉ, van xin. Anh không bao giờ níu kéo
những gì mà anh cho là đã tuột khỏi tầm tay mình. Giờ đây, trước hình ảnh vợ
và người đàn ông xa lạ trên chiếc giường duy nhất của vợ chồng anh, phản ứng
duy nhất mà anh có được là thối lui! Không ngờ rằng bước chân vội vàng ấy cứ
kéo anh xa mãi, xa mãi ngôi nhà thân yêu. Đôi khi đang ngủ, giật mình vì từ
trong tiềm thức vọng lên tiếng gào của vợ, anh định lần đường trở lại cố hương.
Nhưng hình ảnh người đàn ông lạ mình trần trên chiếc giường duy nhất của vợ
chồng anh lại khiến anh giữ lòng sắt đá. Rồi một lần đi tầu biển trong chuyến
làm ăn xa, tầu bị đắm, anh trôi dạt về đảo hoang này. Tưởng rằng sẽ sống nốt
quãng đời cô độc giữa mịt mù biển khơi, ngờ đâu đảo lại được con người để mắt
đến và anh lại trở về với cuộc sống có đồng loại. Có lần một nhóm người từ đất
liền chở khỉ ra đảo, nghỉ lại một đêm. Trong câu chuyện vui bên bếp lửa cùng
nhóm người ấy, anh được nghe kể câu chuyện "Người phụ nữ Nam Xương" thời
nay. Người phụ nữ này và người phụ nữ Nam Xương trong câu chuyện cổ đều bị
nỗi oan khiên đè nặng lên cuộc đời. Có điều, người phụ nữ Nam Xương chỉ có
cái bóng mình giả làm bóng chồng. Còn người phụ nữ thời nay ấy lại có cả một
người đàn ông bằng xương bằng thịt trong nhà khi chồng về bất chợt. Thực ra,
người đàn ông ấy bị lật thuyền, bị một thân cây trôi trên sông đập gẫy tay, xô dạt

                                       17
vào bờ, đúng trước bến nước của người phụ nữ nọ. Với tấm lòng nhân hậu, chị
đã vực người đàn ông xa lạ về căn nhà nhỏ bé của mình... Trần Đơn thoáng rùng
mình khi chợt nghĩ rằng câu chuyện kia có liên quan đến mình. Nhưng rồi anh
lại gạt phăng ý nghĩ ấy đi... Anh không còn niềm tin và sự tỉnh táo để suy xét
chuyện quá khứ nữa.
       Bây giờ, ngồi bên con khỉ chung tình, Đơn trầm ngâm suy nghĩ. Anh chợt
đứng vùng dậy, bởi một hình ảnh lúc này mới loé lên, rõ mồn một trong ký ức
anh: dạo ấy, khi anh bước vào nhà, vợ anh đang đỡ một người đàn ông ngồi dậy.
Anh ta cởi trần, người rớm máu, một cánh tay bị nẹp gỗ...
       Con khỉ được sưởi ấm, đã hồi tỉnh. Nó dụi dụi vào người Trần Đơn. Anh
ôm nó vào lòng: Bạc má ơi, ngày mai mày sẽ được gặp lại chồng mày! Nhưng
rồi, anh lại chết lặng bởi một ý nghĩ u ám: Không hiểu rằng con khỉ đực kia
trong cơn tuyệt vọng lao vào rừng sâu có còn quay về nơi này hay không? Cũng
như người đàn bà khốn khổ vợ anh, không rõ với nỗi oan khiên cao như núi,
nàng vẫn còn trên cõi đời này hay đã về nơi chín suối?

                                                        14 tháng 2 năm 2004




                                     18
Thành hoàng làng
       Một buổi chiều êm ả, tôi về Khánh Yên. Trong ráng chiều nhạt nhoà, mầu
xanh của những ruộng đậu, những luỹ tre càng thêm ngăn ngắt. Những làn khói
lam bảng lảng giữa không trung, toả ra mùi thơm nồng nồng của rơm rạ, lùa nhè
nhẹ vào lồng ngực tôi hơi ấm của làng quê. Cùng đi với tôi là Cẩn, cán bộ văn
hoá xã. Vóc dáng nhỏ bé, hay nói hay cười, nhưng thấy tôi mải mê hít thở bầu
không khí nồng đượm hương quê, Cẩn cũng trở nên trầm mặc. Bỗng dưng, Cẩn
kéo tay tôi, chỉ về phía một ngôi nhà, thầm thì:
       - Đền ông Nghè đấy! Anh nhìn xem, có phải là hào quang đang toả ra trên
mái đền không anh?
       Tôi chăm chú nhìn. Giữa một doi đất không rộng lắm bên con sông đào là
một ngôi đền xây theo kiểu truyền thống. Với những đầu đao uốn cong và hình
hai con rồng chầu nhau trên nóc, đền có vẻ trầm tư và linh thiêng. Từ hướng
chúng tôi nhìn về, ánh chiều tà xuyên ngược viền một vùng mờ ảo nhiều mầu
sắc quanh mái đền, làm cho ngôi đền càng thêm vẻ uy nghi! Nếu bảo rằng ngôi
đền đang toả hào quang, quả cũng không sai! Tôi đang liên tưởng như vậy thì
Cẩn lại giật tay tôi, nói chậm rãi vẻ thành kính:
       - Nếu được thờ thành hoàng làng như xưa các cụ vẫn làm, dân làng tôi sẽ
thờ cụ Phúc!
       - Sao? Làng có thành hoàng mới ư?
       Tôi ngỡ ngàng vì câu chuyện xoay sang hướng một con người có vẻ như
huyền thoại mà tôi nghĩ chẳng liên quan gì đến ngôi đền cả.
       - Sao? Anh không biết cụ Phúc à?
       Cẩn hỏi lại tôi, vẻ ngạc nhiên. Hình như đối với anh, bất cứ ai đã bước
chân về đến đất Khánh Yên này đều phải biết cụ Phúc, và phải tin rằng cụ Phúc
là thành hoàng làng mình!
       Tôi thú thật:
       - Mình có nghe nhiều người ca ngợi cụ Phúc, chủ nhiệm hợp tác xã làng
ta, chứ không biết thành hoàng làng là cụ.
       - À, có lẽ do anh là cán bộ trung ương nên mọi người tránh nói đến
chuyện thờ cúng, chứ còn cụ Phúc mà anh nghe kể, chính là cụ Phúc thành
hoàng làng tôi đấy.




                                     19
Và rồi tôi được nghe kể rất chi tiết về cuộc đời của một chủ nhiệm hợp tác
xã của cả hai thời kì - bao cấp và đổi mới. Tôi chỉ xin ghi lại đây những nét
chính trong vô vàn câu chuyện đẹp đẽ về cụ Phúc.
       ...Khi nông thôn chuyển sang làm ăn quy mô lớn, thì cụ Lê Văn Phúc đã
làm chủ nhiệm hợp tác xã Khánh Yên được hai năm. Có điều, Khánh Yên không
phải chuyển đổi gì cả, bởi vì do làm ăn phát đạt, cần mở rộng tầm hoạt động,
cho nên bốn hợp tác xã của bốn thôn đã tự hợp nhất thành hợp tác xã toàn xã do
cụ Phúc làm chủ nhiệm từ lâu rồi. Hồi ấy cụ Phúc đã chỉ đạo hợp tác xã lập
những trang trại, chăn nuôi từ lợn đến bò sữa, cả trâu sữa nữa. Cụ lên tận tỉnh
liên hệ, được cung cấp giống trâu sữa Mua ra về nhân giống và lập trại. Nhìn
đàn trâu to kềnh càng, lông rậm rì, mọi người vừa thích vừa ngại. Chăn thả nó
thế nào đây? Khánh Yên không bị cái dớp làm ăn manh mún, mấy nhà chăn dắt
một con trâu, con bò để mỗi nhà có một đùi, nhưng cũng chưa bao giờ lập một
trại cỡ lớn chuyên chăn nuôi trâu lấy sữa cả. Cụ Phúc báo với Ban Chủ nhiệm
rằng cụ cần nghỉ ít ngày, rồi đi biệt một tuần lễ. Hoá ra cụ lên nông trường Mộc
Châu học cách chăn nuôi đại gia súc. Về, cụ chỉ đạo Hợp tác xã dành hẳn khu
vực đất cao cuối làng lập trại nuôi trâu, rồi chọn những người khoẻ khoắn, chăm
chỉ vào đội chăn nuôi, lại tận dụng đất ven sông đào trồng cỏ riêng cho trâu.
Giống cỏ này do cụ Phúc đem từ Sơn La về, lạ lắm – mọc dầy ken vào nhau, cao
tới ngực người, lại mềm và có vị ngòn ngọt. Đàn trâu phát triển, cung cấp sữa và
giống cho cả vùng. Nguồn lợi đem về từ đàn trâu nhiều chẳng kém gì lúa, nhưng
ấn tượng sâu sắc nhất lại là chuyện sau buổi cầy các thợ cầy được bồi dưỡng
bằng sữa tươi Mua ra! Vào những trưa hè oi ả, dưới gốc đa giữa đồng, toán thợ
cầy vục bát vào xô sữa, ngửa cổ ực một hơi thứ nước đùng đục, gây gây và mát
ngọt, tỉnh cả người. Rồi, họ tráng miệng bằng bát nước vối làng, cười vang với
lời nói đùa: có đi sang Tây uống sữa rồi cũng phải về Khánh Yên này uống hớp
nước vối nồng hơi mẹ cái hĩm!
       Sản xuất ngày càng phát triển lại làm nảy sinh những nỗi lo mới. Nói là lo
mới, bởi vì nó khác trước lắm. Ví như trước kia lo thiếu ăn, thì nay lại lo thừa
sản phẩm, không nơi tiêu thụ! Cụ Phúc nghĩ: “Cứ làm ra những cái mình cần ăn,
đến khi mình đủ ăn, thì đổ đi đâu? Phải làm ra cả những cái mà thiên hạ cần, thì
mới bán được!” Thế là đồng đất Khánh Yên làm chuyển mình, đón nhận những
thứ nông sản xuất khẩu, như tỏi, lạc... Khốn nỗi, việc tiêu thụ cũng khó khăn vô
cùng. Mà khó nhất, lại do chính những người thu mua tạo ra. Họ làm cho công
ty của nhà nước, ăn lương tháng, cho nên thu mua được bao nhiêu, họ không
mấy quan tâm. Mỗi lần chở hàng lên cân, bà con Khánh Yên nơm nớp lo bị đánh
xuống cấp, hạ giá. Việc ấy xảy ra như cơm bữa. Lần này, cụ Phúc đưa một đoàn
xe của hợp tác xã chở tỏi lên thị xã cân cho Công ty Xuất nhập khẩu nông sản.
Cụ muốn trực tiếp tìm hiểu những nỗi khúc mắc của dân quê mình để xem xem

                                       20
có cách nào giải toả không. Đoàn xe cải tiến của Hợp tác xã chở đầy tỏi nằm ở
sân Công ty đã quá trưa mà vẫn chưa có người ra cân. Cụ Phúc kiên nhẫn ngồi
đợi. Dáng người lừng lững, tóc bạc râu trắng, mặt vuông da hồng, cụ nổi bật lên
giữa những thanh niên dáng nhỏ nhưng săn chắc và nhanh nhẹn. Cụ ngồi lặng
thinh, nét mặt đăm chiêu. Mãi gần hai giờ chiều mới có một cậu thanh niên dáng
loẻo khoẻo, mắt ốc nhồi ra hất hàm:
               -    Cân gì đấy?
               -    Tỏi!
       Cụ Phúc đáp cụt lủn, đứng vùng dậy, nhìn xoáy vào mặt anh cán bộ thu
mua. Anh ta chun mũi khịt khịt, rồi dịu giọng:
       - Mời các cụ chuyển tỏi lên hè để phân loại!
       Lúc này, nhân viên Công ty mới kéo ra, sao mà đông thế! Họ bảo bà con
xã viên lôi các bao tải tỏi từ trên xe xuống, mở ra. Họ đến từng bao, kéo lên
những túm tỏi, tung tung trên tay. Họ chụm quanh chàng thanh niên loẻo khoẻo,
mắt ốc nhồi bàn bạc. Lát sau, chàng thanh niên này dõng dạc tuyên bố:
       - Toàn bộ là tỏi loại ba. Các cụ vào cân rồi thanh toán!
       Cụ Phúc đã thấy nóng mặt. Dân Khánh Yên có bao giờ làm ăn trí trá?
Trước khi đóng bao tải, bà con xã viên đã cẩn thận lựa chọn kĩ càng, toàn là tỏi
loại một, có lẫn củ sâu, củ lép đâu! Cụ Phúc nói giọng sang sảng:
       - Này chú, tỏi làng tôi không có loại hai, chỉ có loại nhất thôi, chú có cân
không?
       - Cân sao được, toàn loại ba mà đòi loại nhất, tôi không đền được nhà
nước đâu!
       - Chú xem lại cho kĩ, củ to, đều, chắc thế này, không thể là loại hai, chứ
nói gì đến loại ba!
       - Mặc kệ, loại ba đấy. Không cân thì đem đi đi!
       - Chú có cân không thì bảo?
       - Loại ba!
       - Tôi đổ hết đi bây giờ!
       - Tuỳ cụ!
       Cụ Phúc mở to mắt nhìn trừng trừng vào đôi mắt ốc nhồi, há miệng định
nói thêm một câu, rồi đột ngột ngậm miệng, mím chặt môi lại. Cụ hướng về phía
bà con xã viên của mình, nói chậm rãi nhưng dứt khoát:
       - Đổ! Đổ xuống sông hết!
       Cụ băng qua sân, phăm phăm đi về hướng sông Vân Sàng. Cả đoàn người
kéo các xe tỏi đùng đùng theo cụ. Mọi người có thói quen nghe lời cụ một cách
tuyệt đối. Đến bờ sông, cụ hô:
       - Mở bao, trút hết xuống sông!
       Thế là ào ào, tỏi tuôn xuống, trôi trắng cả một khúc sông!

                                        21
Chuyện cụ Phúc đổ tỏi xuống sông nhanh chóng lan truyền, làm ầm ĩ cả
tỉnh. Khánh Yên trở nên “nổi tiếng”, cho nên dù bị mất một lần mấy tạ tỏi,
nhưng lại tạo được cái thế với các công ty thu mua nông sản. Mỗi lần dân Khánh
Yên chở tỏi, chở lạc lên, đố ai dám hoạnh hoẹ hạ cấp, giảm giá.
       Sang thời kì đổi mới, Cụ Phúc dẫn dắt dân làng chuyển mạnh cơ cấu nông
nghiệp. Cụ hay có những chuyến đi xa. Có lần, cụ đi tận Đà Lạt, đem về giống
bí ngô mà theo cụ nói, đó là loại bí ngô ngọt, có giá trị xuất khẩu cao. Con người
nóng như lửa ấy lại rất tỉ mẩn. Cụ học kĩ càng cách chăm sóc loại giống bí khó
tính này về dạy lại cho dân. Nào là ngắt ngọn, tỉa lá. Nào là thụ phấn đúng lúc.
Nhưng có một bí quyết tưởng như rất bình thường mà lại giúp đảm bảo chất
lượng bí, đó là giữ cho quả bí đều một mầu xanh, không được loang lổ những
đám trắng. Cụ bảo bà con:
       - Bí của làng ta xuất hẳn sang Nhật. Mà cái anh Nhật này kĩ lắm, tài lắm.
Chỉ nhìn thấy bí loang một mảng trắng là họ hạ cấp hoặc loại liền!
       Mọi người nhìn cụ, ngơ ngác. Bí ngô là loại mà dân làng này trồng khối
ra, nhưng là loại quả to, không ngọt như loại bí cụ Phúc đem giống về. Nhưng
dầu sao cũng là bí ngô bò trên ruộng. Quả bí lê la trên đất, phần tiếp xúc với đất
bị loang mầu, làm sao tránh được? Cụ Phúc cười hồn hậu:
       - Có cách rồi, nhưng bà con phải chịu khó. Về cắt lấy những miếng xốp ra
lót dưới quả bí, rồi mỗi tuần lật đảo một lần, quả bí được tiếp xúc đều với ánh
mặt trời, sẽ không loang mầu, sẽ cho vị ngọt!
       Từ đấy, giống bí ngô ngọt bò loang ra khắp đồng đất Khánh Yên, cho
hàng chục tấn quả. Cái anh bí này được người Nhật ưa thế, ra đến đâu họ mua
tuốt đến đấy, đến nỗi phải dành dụm lắm mới có được mấy quả thắp hương Tổ
tiên, bẩm báo các Cụ về sản vật mới của quê hương!
       Năm tháng qua đi, cụ Phúc thấy mình tuổi đã cao, sức đã yếu, cho nên xin
bà con cho thôi làm chủ nhiệm hợp tác xã. Bà con nhất quyết không nghe. Lúc
này, cụ bộc bạch:
       - Bà con tín nhiệm, tôi không dám từ nan. Vậy thì tôi chỉ xin làm nốt khoá
này, để tôi trả nợ cho làng, rồi tôi nhất quyết phải nghỉ!
       Bà con xã viên ngớ ra: nào cụ Phúc có nợ gì làng đâu mà phải trả nợ? Thế
nhưng, nhìn đôi mắt sáng đượm buồn và nét mặt đầy xúc động của cụ Phúc, mọi
người hiểu rằng trong tâm khảm cụ, chắc chắn ẩn chứa những điểu uẩn khúc.
Trước không khí lặng im như tờ, cụ Phúc cất giọng nhè nhẹ và trầm ấm:
       - Bà con có nhớ rằng làng ta có đền ông Nghè không?
       Đám trẻ ngơ ngác, không hiểu gì. Nhưng những bậc trung niên thì ồ lên:
       - Có chứ, ở ngay gần sông đào, nhưng đã bị phá rồi!
       - Chính tôi là người chỉ huy phá đền đấy, mọi người không nhớ sao? Tôi
nợ làng món nợ ấy đấy!

                                       22
Ngược lại thời gian, người ta nhớ tới cái thời lâu lắm rồi, khi mà làng quê
đang thực hiện phong trào phản phong triệt để. Tất cả những gì thuộc chế độ
phong kiến đều phải xoá bỏ hoàn toàn. Đây vốn là làng kháng chiến, bị bom đạn
tơi bời của cả hai cuộc chiến tranh, cho nên chẳng còn lưu giữ được những gì
gọi là di sản phong kiến! Duy nhất có ngôi đền ông Nghè, do nằm tách khỏi
làng, cho nên không bị tàn phá. Giờ đây, ngôi đền trở thành vật chứng sinh động
cho chế độ phong kiến thối nát! Anh thanh niên Phúc hồi ấy làm cán bộ văn hoá,
đã xăng xái chỉ huy toán thanh niên làng kéo ra phá trụi ngôi đền. Có ai biết
rằng, từ sau ngày ấy, anh Phúc đã bị một nỗi dằn vặt ám ảnh suốt ngày đêm.
Nhất là vào ban đêm, cứ nhắm mắt ngủ là anh thấy hiện lên bức tượng ông Nghè
với đôi mắt hiền từ nhưng nghiêm nghị nhìn thẳng vào mình. Ông Nghè không
quở trách nhưng ánh mắt cứ như xoáy vào tâm can anh làm cho anh phải tự hỏi
mãi: “Đền ông Nghè có gì xấu? Ông Nghè là tấm gương về học hành, sao lại
đập tượng ông?”. Cũng từ đấy, anh thanh niên xốc nổi đổi hẳn tính nết. Anh trở
nên trầm lắng, nói ít, làm nhiều... Khi trở thành chủ nhiệm hợp tác xã, thì cụ
Phúc chăm lo đặc biệt đến việc học hành của dân làng. Cụ vận động nhân dân
góp công của xây dựng trường học. Dân chưa giầu, nhưng nghe lời cụ, họ không
tiếc của tiếc công. Cụ bảo dân tự lập một ban quản lí để thu và chi, trông coi
việc xây dựng. Ngôi trường hai tầng mọc lên nhanh chóng, trở thành niềm tự
hào của cả huyện Yên Khánh này. Những cháu học giỏi, cụ còn trích quỹ hợp
tác xã thưởng khá hậu...
       Sau một hồi lặng im như chìm trong lớp bụi thời gian, cụ Phúc chợt vươn
người, nói chân thành:
       - Thế đấy, bà con ơi! Đền là nơi thờ ông Nghè của làng ta, ông đã học
hành giỏi giang, thi đỗ đạt cao, đem vinh hạnh đến cho làng, thế mà tôi lại phá
đi! Tôi lúc nào cũng ôm mối nợ với dân làng, bởi vì đã phá mất nơi linh thiêng,
nơi nhắc nhở con cháu phải biết chăm chỉ học hành! Có lẽ vì thế mà làng ta tuy
làm ăn giỏi, nhưng cũng chỉ là giỏi giang quanh luỹ tre thôi, có mấy người đỗ
đạt đâu! Tôi làm gì cũng thấy không đủ để trả món nợ ấy! Nay, tôi xin đứng ra
xây lại đền, trả lại nơi tôn nghiêm cho làng!
       Nói sao làm vậy, cụ Phúc chạy vạy khắp nơi xin phép xây lại đền. Không
ai dám cho phép, mặc dù ai cũng thấy cần khôi phục ngôi đền như khôi phục
chính lòng tự hào về truyền thống hiếu học của ông cha. Một hôm, có ông Bí thư
tỉnh về thăm, cụ Phúc dẫn ông đi khắp nơi - hết ra đồng lại vào xóm thăm thú
cảnh làm ăn, hỏi han về đời sống của bà con nông dân. Đến cống thuỷ lợi, cụ
Phúc dừng bước, chỉ tay về phía bãi đất cao ven sông đào: “Báo cáo Bí thư, dân
chúng tôi sẽ xây lại đền ông Nghè ở chỗ ấy!” Ông Bí thư nheo mắt ngắm bãi
đất, rồi lại bước đi. Sau buổi ấy, cụ Phúc huy động nhân dân góp công của xây
đền. Cũng có người vẫn sợ cái dớp phong kiến, nên chần chừ. Cụ Phúc bảo:

                                       23
- Tôi đã xin phép hẳn Bí thư rồi, bà con không ngại.
       Nói vậy, nhưng tính qua tính lại, cụ Phúc chuyển hướng:
       - Thôi, ta xây câu lạc bộ văn hoá!
       Mọi việc nhanh chóng được khai thông. Cụ Phúc trực tiếp chỉ huy công
trường. Không cần bản thiết kế, cụ bầy cho thợ xây dựng theo hình ảnh ngôi đền
trong tâm trí mình. Và thế là ngôi đền mọc lên uy nghi như mọi người thấy hôm
nay. Khác với những ngôi đền thông thường, ngôi đền ông Nghè có chức năng
khá rộng. Nó trở thành nơi sinh hoạt câu lạc bộ của các cháu học sinh ngoan,
giỏi và câu lạc bộ của các cụ gương mẫu. Trong khi đó, trên bệ thờ, vẫn nghi
ngút khói hương thờ phụng ông Nghè của làng. Ngự trên ngai, tượng Ngài rủ
đôi mắt hiền từ nhìn lớp người hậu thế...
       Thôn xóm cứ thế đi lên, nhà ngói, nhà mái bằng đã thay thế hết nhà tranh.
Đường làng đổ toàn bê tông, ô tô vào tận từng ngõ. Cụ Phúc dường đã thoả tâm
nguyện. Chuẩn bị đại hội xã viên, cụ dứt khoát rút khỏi danh sách đề cử vào ban
chủ nhiệm mới. Cũng dịp ấy, nhà nước có chủ trương phong tặng danh hiệu Anh
hùng lao động để tiến tới đại hội Thi đua toàn quốc. Dân Khánh Yên háo hức
kéo về cuộc họp, nhất nhất tôn vinh cụ Phúc làm Anh hùng lao động! Hồ sơ của
cụ nhanh chóng được chuyển lên tỉnh. Tại đây, nó được cơ quan thường trực thi
đua thẩm định. Phụ trách thẩm định là một vị chức sắc có vóc dáng loẻo khoẻo,
đôi mắt ốc nhồi. Vị này nhíu mày khi nhìn thấy cái tên Khánh Yên. Chẳng phải
mất công lục trong trí nhớ, hình ảnh “dòng sông tỏi” đã hiển hiện lên trong óc
của vị. Cũng bởi cái đận ấy, mà vị bị “bật bãi”, mất ghế trạm trưởng thu mua.
Phải mất bao nhiêu năm đôn đáo chạy vạy, vị mới lấy lại được cái ghế cho mình
ở Hội đồng này. Vị lẩm bẩm: “Chủ nhiệm hợp tác xã Khánh Yên à? Thôi, hãy ở
yên đây nhé!”. Và rồi, “xoạch”, hồ sơ của cụ Phúc nằm còng queo trong góc tủ...
       Cơn gió đầu mùa đông thổi thốc từ phía cuối cánh đồng lên, lùa vào người
khiến tôi rùng mình, kéo tôi ra khỏi dòng suy tưởng về cụ Phúc. Anh Cẩn bảo
tôi rằng cụ Phúc đã thành anh hùng trong lòng người dân Khánh Yên. Trong
mỗi sinh linh nơi thôn dã này đều có một ngôi đền thờ cụ. Ngay cả khi cụ đi
chầu tiên tổ, cũng với cái vẻ lạ kì như huyền thoại. Hôm ấy, dàn thiên lí trước
nhà cụ Phúc bỗng dưng đồng loạt trổ bông trắng ngà, toả hương thơm lừng khắp
ngõ xóm. Sau khi ăn sáng, tắm rửa sạch sẽ, cụ Phúc bắc thang lên hái những
bông thiên lí nõn nà. Bỗng cụ thấy lẫn trong hương hoa, một mùi trầm đậm đà
lan toả. Cụ toát mồ hôi, chậm rãi leo xuống thang. Con cháu vội vàng đỡ cụ vào
giường. Thế là cụ đi, nhẹ nhàng, tay vẫn cầm chùm hoa thiên lí ngát hương...

                                         Ninh Bình – Hà Nội, cuối năm 2002




                                      24
ÁNH SÁNG TỪ BIÊN GIỚI


      Căn phòng dùng làm nơi ghi hoá đơn gạo chật ních người và đầy ắp tiếng
ồn. Người ta chen nhau xếp sổ lương thực. Người ta hỏi nhau về số lượng mì,
gạo được mua đợt này. Đôi người cằn nhằn về việc lương thực khó khăn, mua
đong mất thời gian. Nhưng, đột nhiên, tiếng quát của một thanh niên vang lên,
dìm mọi tiếng ồn kia xuống:
      - Tôi ở phòng tuyến về!
      Theo tiếng quát, anh ta gạt mọi người, len về phía chiếc bàn có hai cô
nhân viên lương thực đang ghi hoá đơn. Đó là một thanh niên trạc 20 tuổi, tóc
quăn, da xạm đen, mặt điểm mấy nốt trứng cá.
      - Tôi vừa ở phòng tuyến về, vừa ở phòng tuyến về!
     Anh ta lắp đi lắp lại đến gần chục lần cái câu ấy. Mọi người ngơ ngác,
không hiểu anh ta muốn gì? Giữa lúc ấy, một bà cụ từ ngoài cửa len vào, gọi
với:
      - Tập ơi, thì hãy từ từ chứ!
      Bắt gặp cái nhìn ngạc nhiên của mọi người, bà cụ phân trần:
      - Cháu nó đi đắp phòng tuyến. Khi đi, đã cắt lương thực. Bây giờ về, đem
theo giấy chuyển lương, nhưng cửa hàng lại không cho đong.
       Hình như không quan tâm đến sự khó chịu của mọi người, Tập vẫn sấn sổ
lách tới. Anh ta đập tay đánh bốp xuống bàn, làm lọ mực nảy dựng lên, suýt đổ.
Rồi bàn tay gân guốc ấy ngửa lên, xoè ra một tờ giấy nhàu nát:
      - Đây, xem đi, tôi vừa ở phòng tuyến về!
      Cô nhân viên ngồi phía ngoài cầm lấy tờ giấy, vuốt vuốt cho thẳng, chăm
chú đọc, rồi bảo:
      - Anh phải nhập tiêu chuẩn vào sổ lương thực của gia đình rồi mới đong
được. Anh ra văn phòng nhập đã nhé.
      - Thì tôi vừa ở phòng tuyến về, phải bán cho tôi chứ!
     Dường như muốn tăng thêm sức mạnh cho lời nói, anh ta lại giáng nắm
đấm xuống bàn. Một người nào đó mai mỉa:
      - Tay khoẻ đấy, nhưng để thụi bọn giặc thì hơn.
      Tập mím môi, quắc mắt nhìn quanh, như muốn tìm địch thủ để trừng trị.
Song, đôi mắt ấy vội cụp ngay xuống, khi gặp toàn những nét mặt khó chịu hoặc

                                      25
những ánh mắt trách móc chiếu vào mình. Cô nhân viên lương thực từ tốn nói
với bà cụ mẹ Tập - lúc này đang đứng cạnh Tập:
      - Cụ ạ, đã cắt thì phải nhập. Cụ tới văn phòng nhập, rồi quay lại, chúng
cháu ghi hoá đơn ngay cho.
       Bà cụ gật gật đầu. Mấy người xung quanh góp ý:
      - Đúng đấy cụ ạ. Thằng cháu nhà tôi cũng đi phòng tuyến về, tôi đã nhập
cho nó từ nửa tháng nay rồi.
       - Sao cụ không nhập từ đầu tháng?
       Một bác to béo nói nhát gừng:
       - Chưa nhập thì ai cho đong. Thế mà cũng ầm ĩ...
       Cái bản tính sỗ sàng kéo ngay Tập về với tiếng quát:
       - Bà im đi, biết gì mà nói. Tôi ở phòng tuyến về đây này.
       Lập tức, anh ta lại bị chìm trong tiếng phản đối nhao nhao:
       - Vô lễ thế. Bác ấy đáng tuổi mẹ cậu đấy!
       - Riêng gì anh đi phòng tuyến mà cứ nhắng lên thế. Bao nhiêu người đi bộ
đội, đổ máu hy sinh, mà họ có vỗ ngực như anh đâu!
       - Thôi, đừng lấy tí chút thành tích ấy làm ngoáo ộp doạ người nữa!
       Bị phản đối mạnh quá, Tập đứng né vào một góc, nhưng mặt vẫn hầm
hầm:
       - Được, tôi chờ ở đây đến cuối giờ, xem có bán cho tôi không thì bảo.
       Cũng lúc này, một cô gái mặc bộ quần áo xanh công nhân, dáng người rắn
chắc, từ ngoài sân bước lên hè. Cô gạt những sợi tóc dính bết mồ hôi, hỏi một
chị mặc áo trắng:
       - Chị ơi, ghi hoá đơn gạo ở đây phải không ạ?
       - Đúng đấy cô ạ.
       Cô gái rút cái khăn tay từ trong túi xách ra, thấm thấm mồ hôi trên mặt,
lắc lắc đầu:
      - Gớm, thế mà em tìm mãi. Em cứ tưởng ghi hoá đơn ở của hàng cơ, chứ
đâu biết là ở tận đây.
       Chị áo trắng giải thích:
      - Ấy, từ dạo lương thực khó khăn, cửa hàng cắt lịch bán theo khối cho
công bằng, khỏi đông. Cô không đi đong gạo bao giờ hay sao mà không biết ?

                                       26
Cô gái mủm mỉm cười:
         - Dạ, em mới đi khỏi Hà Nội 2 năm mà lạc hậu thế đấy. Để em vào xếp sổ
nhé...
      Từ nãy đến giờ, có hai người rất chăm chú nghe câu chuyện của cô gái.
Đó là bác Thăng - cán bộ thông tin của tiểu khu - và bác Hồng, người bán sách
báo ở quầy đầu ngã tư. Bác Hồng thì thào:
         - Hình như đúng là cô ấy, bác nhỉ.
         Bác Thăng quả quyết:
      - Dứt khoát là cô ấy rồi. Tôi nhớ lắm chứ. Ảnh in trên báo rõ rành rành
mà. Lại cả một bài viết dài nữa, tôi vẫn giữ ở nhà ấy.
         Câu chuyện bị cắt ngang bởi mấy tiếng gọi giật giọng:
         - Nguyễn Văn Hồng. Ai là Hồng, đến lượt rồi.
         Bác Hồng luống cuống:
         - Tôi đây, à... à... tôi đây.
         Lại một câu trách móc:
         - Đến lượt rồi mà cứ chuyện trò suốt. Có mau lên không. Sắp hết ngày rồi
ông ạ.
         Bác Hồng vừa dạ dạ như để xin lỗi, vừa lách người về phía bàn ghi hoá
đơn.
      “Nào, bác mua nốt tiêu chuẩn cả tháng nhé?” - vừa lúi húi ghi chép, cô
nhân viên lương thực vừa nói. Rồi cô chìa tay ra: “Bác đưa cháu 9 đồng”.
Không thấy bác Hồng nói gì, cô ngạc nhiên nhìn lên. Hoá ra, bác Hồng đang
mải nhìn cô gái mặc bộ quần áo công nhân:
         - Cô là Tuyết phải không?
         - Vâng ạ... mà... sao ạ?
         Không trả lời Tuyết, bác quay sang phía cô nhân viên lương thực, sởi lởi:
         - Để tôi mua sau, tôi nhường cô này mua trước.
     Cô nhân viên lương thực lục lục chồng sổ để tìm sổ gạo của Tuyết. Tuyết
đỏ mặt:
         - Ấy chết, bác mặc cháu, để cháu đong sau.
         - Không, dứt khoát là tôi nhường lượt cho cô mà.



                                         27
Vẫn chưa thấy sổ gạo của Tuyết - từ nãy đến giờ có tới chục người nữa
xếp sổ, nên nó đã lẫn vào giữa. Có tiếng phản đối:
      - Thôi, mất thì giờ quá !
      - Đề nghị cứ bán theo số thứ tự.
      Bác Hồng ấp úng phân trần:
      - Chẳng là... chẳng là... cô ấy là...
      Ai đó dài giọng:
      - Ông hâm ơi, cất cái máu tốt của ông đi cho con cháu nhờ với.
      Thấy vậy, bác Thăng len tới, nói to:
      - Bà con bình tĩnh đã nào. Cô này - bác chỉ Tuyết - là dũng sĩ diệt bọn
xâm lược, ở biên giới về đấy.
       Mọi người “à” lên một tiếng, rồi lặng đi. Từ lâu nay, “biên giới” đã trở
thành hai tiếng thân thương với mỗi người dân Hà Nội này rồi. Hai tiếng ấy gợi
lên chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Hai tiếng ấy đã gọi lớp lớp thanh niên
lên đường chiến đấu. Thế nhưng, khi hai tiếng ấy hiện thân vào cô gái bình dị
này, trong cái hoàn cảnh bình thường này, thì ai cũng thấy ngỡ ngàng, lạ lẫm. Ai
cũng muốn xích lại gần cô gái. Và ai cũng muốn làm cái gì đó để tỏ thiện cảm
với cô. Tự thấy mình phải có trách nhiệm làm cho mọi người hiểu cô gái hơn
nữa, bác cán bộ thông tin nói rành rọt:
       - Trên báo đã có ảnh, có bài viết về cô đây. Cô là Đoàn Thị Tuyết, 20
tuổi, con gái Hà Nội, (bác nhấn mạnh 4 chữ “Con gái Hà Nội”), công nhân lâm
trường. Trong một ngày, cô đã chiến đấu dũng cảm, một mình diệt 1 tiểu đội
quân xâm lược... à... mà để cô Tuyết kể cho bà con nghe thì hơn.
      Từ nãy đến giờ, Tuyết vẫn đứng bẽn lẽn bên bàn. Khuôn mặt bầu bầu, có
đôi mắt to đen đằm thắm của cô ửng đỏ. Cô cúi đầu, di di ngón chân cái trên
chiếc dép cao su, ấp úng:
      - Dạ, dạ... cháu cũng cùng các anh ấy đánh lại bọn nó, có gì đâu mà kể ạ.
      Mọi người vây tròn lấy cô, quên cả chuyện đong gạo. Ai cũng năn nỉ:
      - Nào, cô kể đi cho bà con nghe với.
      - Cô nhớ lại xem đã đánh tụi nó thế nào thì kể lại vậy.
      Tuyết càng lúng túng. Cô chưa từng làm diễn giả bao giờ. Nhất là bây giờ
lại phải nói về mình trước đông người... Hiểu rõ điều khó xử của Tuyết, bác
Thăng nói: "Thôi, để tôi kể vậy nhé". Rồi bác cao giọng:


                                          28
- Hôm ấy, cô Tuyết đã nhận được điện báo tin mẹ ốm nặng. Lâm trường
đã cấp giấy phép cho cô. Nhưng trước tình hình biên giới căng thẳng, cô đã tự
nguyện ở lại tham gia giữ chốt.
      Một bà cụ xuýt xoa với người bên cạnh:
      - Khổ, tôi ở gần nhà cô ấy, tôi biết. Bà cụ cô ấy phải đi cấp cứu đấy.
       Tiếng bác Thăng vang vang trong phòng. Không ai còn nhận ra đây là nơi
bán lương thực nữa. Bác chỉ kể lại điều bác đọc trên báo, mà sao nghe hấp dẫn
thế. Phải chăng, vì nhân vật chính trong câu chuyện ấy đang ở ngay trước mặt
người nghe? Chính cô ấy đã dùng tới 5 thứ súng để đánh giặc. Chính cô ấy đã
nhường nắm cơm cuối cùng, giọt nước cuối cùng cho đồng đội. Cũng chính cô
ấy đã cõng đồng chí bị thương luồn rừng, lách địch về nơi an toàn. Và bây giờ,
thì cô ấy đây, đang xếp hàng mua gạo như mọi người. Cô ấy đứng nép bên bàn,
như muốn thu nhỏ mình lại. Thế nhưng, như ánh sáng rực rỡ của mùa xuân, cô
vẫn ngời lên trước mọi người. Các chú thiếu niên thấy ở cô sức mạnh của lý
tưởng, và thấy lòng háo hức ra trận lập công. Nhưng, với những người đứng tuổi
- mà phần đông trong phòng là những người đứng tuổi, thì ánh sáng của cô lại
soi rọi vào mặt đạo đức nhiều hơn. Có những người thấy tự hào, vững tin ở mình
hơn khi thấy mình đã sống xứng đáng với cô. Nhưng cũng có những người phải
giật mình bởi chính mình, như người ốm nằm lâu trong buồng kín, khi ra ngoài
trời chợt hoảng hốt, vì dưới ánh nắng họ chợt nhận ra nước da tái nhợt của mình,
những đường gân xanh nhằng nhịt của mình, và lớp ghét lưu cữu đóng dày trên
da thịt mình. Mấy người mà hồi nãy lớn tiếng phản đối việc bác Hồng nhường
chỗ cho cô gái, đứng lùi lại sau bác Thăng, mong bác đừng nhận ra mình. Mấy
người đã trót lợi dụng lúc lộn xộn xếp chèn xổ của mình lên trên, ngượng ngập
nhìn chồng sổ. Nhiều người lại thấy ân hận về những lời phàn nàn của mình
trước việc phải ăn mì, mầu, bớt gạo. Thế đấy, người ta đã thực lòng hô nhiều
khẩu hiệu thể hiện quyết tâm đánh thắng giặc xâm lược, và khi cần thì sẵn lòng
ra trận, nhưng khi còn ở tại Thủ đô, tại vị trí đương nhiệm của mình, cần phải hy
sinh chút ít quyền lợi, cần phải làm nhiều hơn chút nữa vì đồng bào biên giới, thì
không phải ai cũng thấy lòng thanh thản...
      Mọi người vừa lắng nghe, vừa suy nghĩ. Duy chỉ có cô nhân viên lương
thực vừa nghe vừa lật lật chồng sổ. Cô ghé vào tai bạn, thì thầm:
      - Có nhớ sổ chị ấy tên là gì không?
      Cô kia thì thào:
      - Trần Thị Bích.
      Lát sau, sổ gạo của gia đình Tuyết đã nằm ngay bên quyền sổ hoá đơn.


                                       29
... Khi bác Thăng kể xong, mọi người càng xích lại gần Tuyết hơn. Một
bác hỏi:
      - Thế bà cụ đã khoẻ chưa cô?
      - Cảm ơn bác, mẹ cháu được đưa đi bệnh viện, đã khỏi, nay sắp khoẻ rồi
ạ.
      Một bà cụ âu yếm:
     - Vậy mà hồi nãy con không nói trước, để cửa hàng bán ưu tiên cho. Thế
hôm nào con đi?
      - Thưa cụ, ngày mai con đi ạ.
      - Ôi, sao vội thế? Ở thêm dăm bảy ngày nữa cũng được chứ gì?
      - Đơn vị cháu cho nghỉ một tuần, thế là nhiều rồi ạ.
     - Khổ chưa, mai đã ra địa đầu, trước thằng giặc, mà hôm nay còn xếp
hàng mua gạo cho mẹ. Thế không có ai đỡ cô à?
      Tuyết cười hồn hậu:
     - Mẹ cháu đang mệt. Em cháu hôm nay lao động ở công trường Tô Lịch.
Cháu đi mua là phải, có gì đâu ạ.
      Bác Thăng ghé sang nói với bác Hồng:
       - Nghĩ cũng hay, bác nhỉ. Nhiều khi, mình biết làm việc đại sự mà lại
quên những việc nhỏ bé nhưng thiết thực. Đấy, mình đã từng dự hàng bao cuộc
mít tinh, dán hàng bao nhiêu khẩu hiệu, nhưng mấy ai nghĩ tới những việc làm
thật chi ly, như quan tâm đến gia đình cô Tuyết này chẳng hạn, để bà con trên đó
yên tâm chiến đấu? Kỳ này về họp tiểu khu, tôi phải có ý kiến mới được.
      - Ừ, phải đấy bác ạ
      ... Trời đã về chiều. Ánh nắng xế gay gắt xuyên qua cửa sổ, rọi vào khắp
căn phòng. Cô nhân viên lương thực đứng lên:
      - Thưa các bác, chúng ta lại vào việc chứ ạ. Bây giờ đến chị Tuyết vào ghi
hoá đơn nhé.
      - Cả ông Hồng nữa! - Mọi người đồng thanh vui vẻ.
      Lúc này, không ai còn nhớ đến anh chàng Tập hung hăng hồi nãy nữa. Mà
anh chàng cũng đã biến đâu mất, như giọt nước đọng trên phiến đá, nhanh chóng
bay hơi dưới ánh nắng mùa hè, không để lại dấu vết gì.


                                                             Hà Nội, 1979

                                       30
Người mẹ và con chó nhỏ

       Nhà Li nuôi một con chó cái. Vốn thuộc giống nhỏ, lại là con cuối đàn,
cho nên nó bé tí tẹo. Bố Li chọn con này, vì ông bảo rằng ông thích nuôi chó
nhỏ, mèo to. Mẹ Li đặt tên cho nó là Mimi. Với thân hình thon dài được bao phủ
một lớp lông trắng muốt, mềm mại, Mimi trông yểu điệu và duyên dáng làm
sao. Thế nhưng nó không yếu đuối, mà săn chắc, mạnh khoẻ, nhanh nhẹn. Nó rất
ngoan, dạy gì biết nấy, bảo sao nghe vậy. Đêm, có động tĩnh gì, Mimi biết sủa,
tiếng sủa phát ra từ cái cổ khẳng khiu, chỉ kêu nhanh nhách, nghe không oai vệ
gì, nhưng cũng đủ báo động cho cả nhà. Có hôm, vào nửa đêm, nghe Mimi cứ
nhí nhách sủa mãi, bố Li mở cửa thì thấy hai chú nhóc đang ngồi bên hè tiêm
chích cho nhau. Hai chú vội đứng dậy, vật vờ dắt nhau ra ngõ. Bố Li rất hài lòng
với con chó nhỏ.
       Muốn giữ cho Mimi sạch sẽ, mẹ Li cấm chỉ nó ra khỏi nhà. Nó cũng tuân
thủ tuyệt đối kỉ luật ấy. Thậm chí có lần Li ôm nó ra ngõ chơi, nó liền toài
xuống đất, chạy về nhà. Trên đường, nó gặp một con chó đực đen tuyền cũng
nhỏ bé nhưng săn chắc như nó. Chàng hắc cẩu tiến tới ve vãn, dí sát cái mũi đen
sì vào cuối lưng nàng bạch cẩu hít hít. Hình như đã quên cả mùi đồng loại, con
Mimi run rẩy, co rúm người lại, rồi cụp đuôi phóng rõ nhanh vào nhà.
       Người ta bảo chó là loài trung thành và chân thật. Con Mimi thể hiện
đúng như vậy. Nó luôn biểu đạt tình cảm thắm thiết với chủ một cách vô tư, mộc
mạc, không phải là sự quấn quýt nịnh bợ. Có đợt bố Li đi công tác dài ngày,
Mimi hầu như bỏ ăn. Nó nằm ghếch mõm bên hè, mặt buồn rầu, mắt ươn ướt
nhìn vào cõi vô định. Khi bố Li về, Mimi nhảy cẫng lên, chạy vòng quanh, hết
lậy lại lăn tròn trên nền nhà, cuống cuồng, xoắn xuýt. Nhưng sự chân thật đến
vụng về ấy của Mimi đôi khi làm phiền con người. Có hôm, mẹ Li đi làm về,
vừa dắt xe lên hè thì Mimi chạy ra mừng rỡn, quẩn quanh chân, khiến mẹ Li vấp
suýt ngã. Thế là Mimi ăn quát. Nó tiu nghỉu chui vào gầm ghế, lấm lét nhìn theo
mẹ Li, đuôi vẫn vẫy vẫy. Khi bố Li gọi: "Mimi, ra đây nào! Lại phạm khuyết
điểm, bị mắng chứ gì?", Mimi rụt rè chui ra, vẫy vẫy đuôi, xán lại gần bố Li,
nhưng mắt vẫn liếc nhìn mẹ Li vẻ ân hận. Mimi vẫn vậy, bất cứ khi nào chủ gọi,
là nó ngoan ngoãn đến bên, sẵn sàng nghe lệnh. Thực ra, nó có làm nên công
cán gì đâu, bởi vì cũng chẳng có việc gì cho nó làm. Cùng lắm là nó được mẹ Li
sai đứng lên hai chân sau, chắp hai chân trước lạy khách, tỏ lòng hiếu khách mà
thôi. Thế nhưng, hễ gọi là nó đến, sẵn sàng phục dịch, chứ không đòi hỏi gì.
       Cứ thế, con Mimi lớn lên trong thanh bình. Nhưng từ bên trong cái cơ thể
nhỏ nhoi ấy, có một nỗi khát thèm đang lớn dần lên, như hũ rượu nếp đang ủ


                                      31
men cứ bốc lên dần cái nồng say, thẩm thấu vào từng tế bào, khiến nó râm ran,
rậm rật. Có lần, nó chạy lên, chạy xuống cầu thang, kêu ăng ẳng. Có lần, nó lại
ôm ghì lấy chân bố Li, nhún nhún, cọ sát... Bố Li bảo: "Con này động đực rồi".
Mẹ Li bảo: "Nó mà đẻ thì bẩn lắm. Không cho nó đi tơ được đâu". Thế là mọi
người cảnh giác với Mimi. Cửa, cổng lúc nào cũng đóng kín, phòng khi Mimi ra
ngoài tìm đực. Một thời gian sau nó dịu đi, ăn chơi bình thường. Rồi ít lâu sau,
nó lại nhảy cẫng lên, lăn lộn. Cứ thành chu kỳ như thế, Mimi khi thì cuồng loạn
trong cơn dục vọng, lúc lại lặng lẽ trong nếp sống êm đềm. Có điều, nó sống
bình lặng trong nhà, cuồng loạn cũng trong nhà, không hề tìm cách bung phá.
Có hôm, mẹ Li đi đổ rác, để hé cửa, cổng. Đúng lúc ấy, có một con chó đực từ
ngoài ngõ chạy vào đứng trước cửa nhà Li rít liên hồi. Mimi thò cổ ra, nhìn
đồng loại với con mắt âu sầu và lãnh đạm rồi lặng lẽ quay vào, leo lên gác hai,
chui vào gầm giường nằm im thin thít. Nhưng tối ấy, thì Mimi vật vã đến cùng
cực. Nó lao một mạch từ tầng một lên tầng năm, rồi phóng xuống, cuống cuồng
chạy vòng quanh phòng khách, lăn lộn dưới đất. Chạy, lăn không biết bao nhiêu
vòng rồi nó thở hổn hển, chồm lên bức tượng gỗ tạc hình con chó nhỏ mà bố Li
vẫn để ở góc phòng, nhún lên nhún xuống, cọ cọ sát sát... Cái giống động vật cái
thường có biểu hiện như vậy mỗi khi hứng tình. Bố Li nhớ lại hồi kháng chiến
chống Mỹ ở Trường Sơn, những con lợn cái không có đực, cũng thường nhảy
bừa lên lưng những con lợn cái khác, nhún nhảy như vậy. Ngay cả con gà mái
thiếu trống, khi thấy đàn ông đi qua cũng nằm ẹp xuống, ngỏng phao câu lên,
xoè bộ lông đuôi ra chờ đợi. Loài vật là vậy, không bị ý thức kìm nén, chúng
biểu hiện bản năng sinh tồn một cách chân thực và lộ liễu. Cũng vì vậy, sự
không được thoả mãn và đòi hỏi được thoả mãn của chúng bộc lộ một cách trần
trụi, biến thành những hành động thô cuồng không cần che dấu, trông thật đáng
thương hại. Bố Li bảo: "Hay là cho nó đi tơ, chịu khó bận bịu một chút, chứ ai
lại kìm hãm nó như thế!" Nhưng mẹ Li nhất quyết không đồng ý, vì không thể
chịu nổi sự bận rộn và bẩn thỉu mà một con chó đẻ có thể đem lại ngôi nhà này.
Cuộc sống ngoài xã hội vốn đã có quá nhiều thứ phải tẩy uế rồi, không nên đem
thêm cái dơ dáy vào trong nhà mình.
        Từ khi nhà Li đưa về một con mèo nhỏ, thì cuộc sống của Mimi có những
thay đổi. Con mèo tam thể được đặt tên theo tiếng kêu - Meomeo. Li lấy cho nó
cái đĩa sạch, trộn cơm cá, để cạnh cái đĩa cơm thịt của con Mimi. Mimi quen
nếp, tiến lại ăn. Con mèo tỏ ra sợ hãi, rúm người lại. Mẹ Li bảo: "Chành choẹ
như chó với mèo. Thôi, con Mimi lớn hơn, cho ăn sau". Thế là Mimi bị đưa ra
ngoài phòng khách, trực cơm con Meomeo.
        Ngày qua ngày, con Meomeo lớn dần lên, to béo và hùng dũng. Bây giờ,
Li không phải cho nó ăn trước nữa, mà nó tự giành phần ăn trước. Nó hết sức
đáo để, vừa ăn vừa canh chừng, không cho con Mimi ăn. Mimi vốn khảnh ăn,

                                      32
nhưng thấy chủ đã cho phép cùng ăn với con mèo mà lại bị con mèo ngăn cản,
liền xán lại, rúc mõm vào đĩa thức ăn. Con Mèo quá đáo để, giơ chân trước tát
lấy tát để vào mặt con chó. Mimi lùi mấy bước, nhìn chủ bằng đôi mắt vừa như
tố cáo vừa như dò hỏi. Thấy chủ không tỏ thái độ gì, Mimi buồn bã rời khỏi nơi
ăn, ra phòng khách nằm cuộn tròn. Còn con mèo, được thể càng lấn tới, ăn hết
phần ở đĩa mình lại sang liếm láp phần của Mimi. Nhưng bụng mèo nào có chứa
được bao nhiêu thức ăn, cho nên nó chỉ liếm láp giữ chỗ, chứ có ăn thêm đâu.
Ăn, liếm chán rồi, nó bỏ đi, leo lên đệm ghế nằm khoanh tròn, vẻ thoả mãn. Lúc
ấy Mimi mới lặng lẽ vào bếp, lùi lũi ăn. Bữa sau, Li tách hai đĩa cơm ra xa nhau,
nhưng Meomeo vẫn chạy qua chạy lại hăm doạ, giữ rịt lấy cả hai. Sự việc cứ thế
tiếp diễn, Meomeo ăn trước, chán chê rồi mới đến Mimi. Tự nhiên, Meomeo trở
thành bá chủ, dương dương tự đắc nhìn con chó nằm chực ăn mỗi bữa cơm, cứ
như đó là kẻ hầu người hạ không được ăn cùng một lúc với chủ. Càng lớn, con
mèo càng ra oai với con chó và càng khéo nịnh người. Nếu nói rằng loài người
có quy luật là ai đã nịnh trên, kẻ ấy hay nạt dưới thì những biểu hiện của
Meomeo cũng rất gần với loại người này. Khi đói, nó tiến đến sát mẹ Li, kêu
khừ... khừ... rồi cọ cọ mình vào chân bà. Thế là nó được ăn. Nhưng, chỉ có
những lúc cần ăn hoặc cần giành phần với Mimi, nó mới sán lại bên chủ, chứ nói
chung, nó rất thờ ơ với chủ. Như là mèo hoang hay cáo ấy, thấy người đến gần
là Meomeo lảng ra xa, chủ chẳng khi nào gọi được nó đến gần. Nhiều lần có
khách đến chơi, mẹ Li muốn khoe con mèo tam thể đẹp như tranh của mình, cứ
gọi "Meo meo" mãi mà nó làm như không nghe thấy, tảng lờ leo lên đệm xe
máy nằm lim dim mắt. Những lúc ấy, mẹ Li bực lắm, nhưng đành kìm nén. Bù
vào, bà lại gọi Mimi. Nghe mẹ Li gọi:"Mi mi, Mi mi!", nó liền chạy tới, đến
trước từng người lạy rối rít, làm cho khách mở tròn mắt thán phục và cười vui
vẻ. Mẹ Li cũng cười, đầy tự hào. Thế nhưng, chẳng bao giờ bà vuốt ve nó cả.
Chứ con mèo, với cái thói hoang đàng nhưng khéo nịnh lại hay được chủ quan
tâm. Mỗi lần nó đến cọ mình vào chân chủ, khừ khừ vẻ thân ái, dù biết là nó
nịnh xin ăn, mẹ Li vẫn cứ thấy thích thú, thế nào cũng thưởng cho nó chút cá
hay miếng mỡ. Meomeo còn hay tự thưởng cho mình bằng cách ăn vụng. Khi
nhà để thức ăn sơ hở trên bàn, nó cướp miếng thịt hay miếng cá đã đành, mà
ngay cả khi thức ăn được để nơi kín đáo, nó vẫn có cách ăn vụng. Một hôm,
đang ngủ thì cả nhà giật mình vì một tiếng "choang" rất to ở dưới bếp. Li xuống,
thấy lọ ruốc đã vỡ tan, ruốc vãi ra nền nhà, còn con mèo thì đang tranh thủ "bồi
dưỡng". Li liền bỏ thời gian rình xem cách thức ăn vụng của Meomeo ra sao.
Vốn là cô bé có cá tính, hoạt bát, Li cũng phải thán phục cho sự tinh ranh của
con mèo. Hoá ra, nó leo lên bàn, dùng chân trước gạt những lọ đựng thức ăn cho
rơi xuống đất, vỡ ra. Không những vậy, nó còn biết mở tủ lạnh tha thức ăn ra
nữa. Cả nhà tỏ ra bực với con mèo, nhưng đồng thời lại thấy thú vị bởi cái thói

                                       33
mạnh bạo, tinh khôn của nó. Cái thói ma mãnh của Meomeo, khi khừ khừ quanh
chân nịnh bợ, khi lảng tránh, lúc phá phách, ăn vụng, lại khiến chủ phải gượng
nhẹ và nuông chiều nó hơn. Thảng hoặc có khi nó tỏ ra âu yếm chủ, thì nó liền
được đáp lại một cách nồng thắm. Ấy là vào một tối mùa đông, vừa đi hoang về,
lạnh quá, Meomeo nhảy tót vào lòng mẹ Li, khừ khừ trong họng bài ca cò cử,
làm mẹ Li vui hết cỡ. Bà rối rít gọi Li: "Li ơi, hôm nay con mèo quý mẹ ghê, nó
tự nhảy vào lòng mẹ đây này! Tý nữa thưởng cho nó khúc cá mè nhé!". Bố Li
cười: "Thật là bất công, giống như đối với con cái vậy, đứa con ngoan thường ít
được quan tâm, đứa con ngang bướng lại hay được kiềng nể, gượng nhẹ và khen
ngợi!"
       Không rõ có hiểu được lời bố Li bình luận không, mà Mimi bỗng đứng
dậy, vẫy vẫy đuôi. Thấy mẹ Li vẫn vuốt ve con Meomeo, Mimi lẳng lặng chui
vào gầm ghế - có lẽ nó dỗi. Vào các bữa ăn, nó cũng hay dỗi như thế. Có khi
chị Li trộn xong hai đĩa cơm rồi, nhưng thấy Meomeo luồn qua luồn lại giữa hai
chân mẹ Li, rồi lại khừ khừ, rồi lại uốn mình cọ cọ vào chân mẹ Li, Mimi lẳng
lặng chui vào gậm bàn. Nó lạnh lùng nhìn Meomeo, rồi lại chăm chú nhìn mẹ
Li, lúc sau nhắm mắt vờ ngủ. Khi ấy, Li phải dỗ dành mãi, Mimi mới ăn nhưng
không hết khẩu phần.
       Sự việc kéo dài một thời gian thì Mimi bỗng thay đổi thái độ. Vừa thấy Li
trộn xong hai đĩa thức ăn, Mimi liền xông tới. Meomeo quen thói đành hanh, giơ
chân trước tát vào mặt Mimi, liền bị Mimi tớp cho một miếng. Meomeo hoảng
quá, kêu ngoắng lên một tiếng rồi co rúm mình, chui tọt vào gầm cầu thang. Mẹ
Li liền mắng: "Mày cậy lớn bắt nạt em à, tao cho một trận bây giờ!". Mimi
nghếch mõm, dỏng tai nghe, ve vẩy đuôi, rồi lặng lẽ ăn.
       Con mèo sống trong nhà một thời gian thì bắt đầu kêu ngoao, ngoao. Bố
Li lại bảo: "Nó động đực đấy". Mẹ Li lại cũng bảo: "Không cho nó đẻ. Bẩn
lắm!". Thế là Li đem về một cái cũi sắt, nhốt mèo lại. Nhưng Meomeo thuộc
loại ghê gớm. Nó lồng lộn trong cũi, sứt sát cả mặt mày. Đêm, nó kêu gào thê
thảm, khiến cả nhà không chịu nổi, đành thả nó ra. Mèo ta lập tức vọt lên tầng
hai, lao qua cửa sổ, tuồn theo tường rào xuống đất, biến mất. Và nó đi hoang.
Mãi hai ngày hai đêm sau Memeo mới về, đem theo một vết rách dài ở mép. Li
bảo là con này ghê thật, dám ra ngoài đánh ghen. Chẳng biết đi hoang làm
những việc gì, có đánh ghen hay không, nhưng vừa về đến nhà là Meomeo giở
thói nịnh nọt ra: nó đi quanh, cọ mình vào chân mẹ Li, kêu khừ... khừ... Mẹ Li
sai Li đem Meomeo đi tắm, rồi cho ăn cơm với cá. Hình như chuyến đi trăng gió
vừa rồi không đạt kết quả gì, cho nên chỉ ít ngày sau, Meomeo lại quậy phá. Nó
ngoao ngoao một thôi một hồi rồi chuồn khỏi nhà, biến luôn cả một tuần. Hôm
nó trở về, người xơ xác, lông rụng mấy mảng, mặt đầy thương tích, tai rách làm



                                      34
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn

More Related Content

What's hot

Phân tích tác phẩm bếp lửa của bằng việttruonghocso.com
Phân tích tác phẩm bếp lửa của bằng việttruonghocso.comPhân tích tác phẩm bếp lửa của bằng việttruonghocso.com
Phân tích tác phẩm bếp lửa của bằng việttruonghocso.comThế Giới Tinh Hoa
 
Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết hồ anh tháitruonghocso.com
Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết hồ anh tháitruonghocso.comNghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết hồ anh tháitruonghocso.com
Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết hồ anh tháitruonghocso.comThế Giới Tinh Hoa
 
Doc thu - guong- chien- dau
Doc thu - guong- chien- dauDoc thu - guong- chien- dau
Doc thu - guong- chien- dauhangnguyenhn
 
Sang thu
Sang thuSang thu
Sang thutttran
 
Phân tích tác phẩm chuyện người con gái nam xương của nguyễn dữ
Phân tích tác phẩm chuyện người con gái nam xương của nguyễn dữPhân tích tác phẩm chuyện người con gái nam xương của nguyễn dữ
Phân tích tác phẩm chuyện người con gái nam xương của nguyễn dữTam Vu Minh
 
Hệ thống kiến thức ngữ văn 9truonghocso.com
Hệ thống kiến thức ngữ văn 9truonghocso.comHệ thống kiến thức ngữ văn 9truonghocso.com
Hệ thống kiến thức ngữ văn 9truonghocso.comThế Giới Tinh Hoa
 
Ghi nhan ve ho bieu chanh
Ghi nhan ve ho bieu chanhGhi nhan ve ho bieu chanh
Ghi nhan ve ho bieu chanhKelsi Luist
 
Vantieuhoc.com van 9 - bep lua - bang viet
Vantieuhoc.com   van  9 - bep lua - bang vietVantieuhoc.com   van  9 - bep lua - bang viet
Vantieuhoc.com van 9 - bep lua - bang vietDân Phạm Việt
 
Cuốn theo chiều gió (622p)
Cuốn theo chiều gió (622p)Cuốn theo chiều gió (622p)
Cuốn theo chiều gió (622p)Kiệm Phan
 
On tap phan van ban 9
On tap phan van ban 9On tap phan van ban 9
On tap phan van ban 9Tam Vu Minh
 
Hệ thống hoá các tác phẩm truyện việt nam
Hệ thống hoá các tác phẩm truyện việt namHệ thống hoá các tác phẩm truyện việt nam
Hệ thống hoá các tác phẩm truyện việt namTam Vu Minh
 
Lĩnh Nam Chích Quái Bình Giải
Lĩnh Nam Chích Quái Bình Giải Lĩnh Nam Chích Quái Bình Giải
Lĩnh Nam Chích Quái Bình Giải nataliej4
 
ĐÈN CÙ - Tác giả Trần Đĩnh
ĐÈN CÙ - Tác giả Trần ĐĩnhĐÈN CÙ - Tác giả Trần Đĩnh
ĐÈN CÙ - Tác giả Trần ĐĩnhHoa Bien
 
Vợ nhặt
Vợ nhặtVợ nhặt
Vợ nhặtTrnNgcLy
 
Troi dem nhung vet thuong xuyen thau ocean vuong
Troi dem nhung vet thuong xuyen thau ocean vuongTroi dem nhung vet thuong xuyen thau ocean vuong
Troi dem nhung vet thuong xuyen thau ocean vuongPhan Book
 
vuon da tang
vuon da tangvuon da tang
vuon da tangPhan Book
 

What's hot (19)

Phân tích tác phẩm bếp lửa của bằng việttruonghocso.com
Phân tích tác phẩm bếp lửa của bằng việttruonghocso.comPhân tích tác phẩm bếp lửa của bằng việttruonghocso.com
Phân tích tác phẩm bếp lửa của bằng việttruonghocso.com
 
Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết hồ anh tháitruonghocso.com
Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết hồ anh tháitruonghocso.comNghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết hồ anh tháitruonghocso.com
Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết hồ anh tháitruonghocso.com
 
Doc thu - guong- chien- dau
Doc thu - guong- chien- dauDoc thu - guong- chien- dau
Doc thu - guong- chien- dau
 
Sang thu
Sang thuSang thu
Sang thu
 
Rung nauy
Rung nauyRung nauy
Rung nauy
 
Tho hien dai
Tho hien daiTho hien dai
Tho hien dai
 
Phân tích tác phẩm chuyện người con gái nam xương của nguyễn dữ
Phân tích tác phẩm chuyện người con gái nam xương của nguyễn dữPhân tích tác phẩm chuyện người con gái nam xương của nguyễn dữ
Phân tích tác phẩm chuyện người con gái nam xương của nguyễn dữ
 
Hệ thống kiến thức ngữ văn 9truonghocso.com
Hệ thống kiến thức ngữ văn 9truonghocso.comHệ thống kiến thức ngữ văn 9truonghocso.com
Hệ thống kiến thức ngữ văn 9truonghocso.com
 
Ghi nhan ve ho bieu chanh
Ghi nhan ve ho bieu chanhGhi nhan ve ho bieu chanh
Ghi nhan ve ho bieu chanh
 
Vantieuhoc.com van 9 - bep lua - bang viet
Vantieuhoc.com   van  9 - bep lua - bang vietVantieuhoc.com   van  9 - bep lua - bang viet
Vantieuhoc.com van 9 - bep lua - bang viet
 
Cuốn theo chiều gió (622p)
Cuốn theo chiều gió (622p)Cuốn theo chiều gió (622p)
Cuốn theo chiều gió (622p)
 
Chân dung nph.docyyy
Chân dung nph.docyyyChân dung nph.docyyy
Chân dung nph.docyyy
 
On tap phan van ban 9
On tap phan van ban 9On tap phan van ban 9
On tap phan van ban 9
 
Hệ thống hoá các tác phẩm truyện việt nam
Hệ thống hoá các tác phẩm truyện việt namHệ thống hoá các tác phẩm truyện việt nam
Hệ thống hoá các tác phẩm truyện việt nam
 
Lĩnh Nam Chích Quái Bình Giải
Lĩnh Nam Chích Quái Bình Giải Lĩnh Nam Chích Quái Bình Giải
Lĩnh Nam Chích Quái Bình Giải
 
ĐÈN CÙ - Tác giả Trần Đĩnh
ĐÈN CÙ - Tác giả Trần ĐĩnhĐÈN CÙ - Tác giả Trần Đĩnh
ĐÈN CÙ - Tác giả Trần Đĩnh
 
Vợ nhặt
Vợ nhặtVợ nhặt
Vợ nhặt
 
Troi dem nhung vet thuong xuyen thau ocean vuong
Troi dem nhung vet thuong xuyen thau ocean vuongTroi dem nhung vet thuong xuyen thau ocean vuong
Troi dem nhung vet thuong xuyen thau ocean vuong
 
vuon da tang
vuon da tangvuon da tang
vuon da tang
 

Viewers also liked

Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch số 1017
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch   số 1017Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch   số 1017
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch số 1017longvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1058 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1058 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1058 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1058 –vanhien.vnlongvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1057 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1057 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1057 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1057 –vanhien.vnlongvanhien
 
Toàn cảnh văn hoá, Thể thao và Du lịch
Toàn cảnh văn hoá, Thể thao và Du lịchToàn cảnh văn hoá, Thể thao và Du lịch
Toàn cảnh văn hoá, Thể thao và Du lịchlongvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1066
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1066Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1066
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1066longvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1053 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1053 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1053 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1053 –vanhien.vnlongvanhien
 

Viewers also liked (6)

Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch số 1017
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch   số 1017Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch   số 1017
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch số 1017
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1058 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1058 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1058 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1058 –vanhien.vn
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1057 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1057 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1057 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1057 –vanhien.vn
 
Toàn cảnh văn hoá, Thể thao và Du lịch
Toàn cảnh văn hoá, Thể thao và Du lịchToàn cảnh văn hoá, Thể thao và Du lịch
Toàn cảnh văn hoá, Thể thao và Du lịch
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1066
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1066Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1066
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1066
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1053 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1053 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1053 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1053 –vanhien.vn
 

Similar to Ngờ vực - Phạm Việt Long - Tập truyện và tản văn

Phong lan về trời
Phong lan về trời Phong lan về trời
Phong lan về trời PhmVitLong1
 
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt LongÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Longlongvanhien
 
6.1 Mắt sói - Thảo Nguyên.pptx
6.1 Mắt sói - Thảo Nguyên.pptx6.1 Mắt sói - Thảo Nguyên.pptx
6.1 Mắt sói - Thảo Nguyên.pptxTrnMinhc43
 
Tiểu Thuyết Đề Tài Chiến Tranh Của Các Nhà Văn Nữ Việt Nam Từ Góc Nhìn Phân T...
Tiểu Thuyết Đề Tài Chiến Tranh Của Các Nhà Văn Nữ Việt Nam Từ Góc Nhìn Phân T...Tiểu Thuyết Đề Tài Chiến Tranh Của Các Nhà Văn Nữ Việt Nam Từ Góc Nhìn Phân T...
Tiểu Thuyết Đề Tài Chiến Tranh Của Các Nhà Văn Nữ Việt Nam Từ Góc Nhìn Phân T...Dịch vụ viết đề tài trọn gói 0934.573.149
 
80 de nghi luan van hoc chon loc co loi giai chi tiet
80 de nghi luan van hoc chon loc co loi giai chi tiet 80 de nghi luan van hoc chon loc co loi giai chi tiet
80 de nghi luan van hoc chon loc co loi giai chi tiet onthi360
 
Kế hoạc ôn tập học kì i lớp 12
Kế hoạc ôn tập học kì i lớp 12Kế hoạc ôn tập học kì i lớp 12
Kế hoạc ôn tập học kì i lớp 121kmn;l'
 
Kế hoạch ôn tập học kì i lớp 11
Kế hoạch ôn tập học kì i lớp 11Kế hoạch ôn tập học kì i lớp 11
Kế hoạch ôn tập học kì i lớp 111kmn;l'
 
Phân tích truyện ngắn "Đời thừa" của Nam Cao - văn mẫu lớp 12
Phân tích truyện ngắn "Đời thừa" của Nam Cao - văn mẫu lớp 12Phân tích truyện ngắn "Đời thừa" của Nam Cao - văn mẫu lớp 12
Phân tích truyện ngắn "Đời thừa" của Nam Cao - văn mẫu lớp 12Dinh Phan
 
Rừng Na Uy ebook - Murakami Haruki
Rừng Na Uy ebook - Murakami Haruki Rừng Na Uy ebook - Murakami Haruki
Rừng Na Uy ebook - Murakami Haruki Duyệt Đoàn
 
Cuoc doi vui qua khong buon duoc tran nha thuy (demo)
Cuoc doi vui qua khong buon duoc   tran nha thuy (demo)Cuoc doi vui qua khong buon duoc   tran nha thuy (demo)
Cuoc doi vui qua khong buon duoc tran nha thuy (demo)Jenny Nguyen
 
Nguyễn Du - Truyện Kiều
Nguyễn Du - Truyện KiềuNguyễn Du - Truyện Kiều
Nguyễn Du - Truyện KiềuChuot con Con
 
Han mac tu anh toi
Han mac tu anh toiHan mac tu anh toi
Han mac tu anh toiHuong Vu
 
Yeu truyen kiep hoang ly do hong linh
Yeu truyen kiep hoang ly do hong linhYeu truyen kiep hoang ly do hong linh
Yeu truyen kiep hoang ly do hong linhnhatthai1969
 

Similar to Ngờ vực - Phạm Việt Long - Tập truyện và tản văn (20)

Phong lan về trời
Phong lan về trời Phong lan về trời
Phong lan về trời
 
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt LongÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
 
6.1 Mắt sói - Thảo Nguyên.pptx
6.1 Mắt sói - Thảo Nguyên.pptx6.1 Mắt sói - Thảo Nguyên.pptx
6.1 Mắt sói - Thảo Nguyên.pptx
 
Cơ sở lý luận và diện mạo tiểu thuyết có tính chất tự truyện trong văn học vi...
Cơ sở lý luận và diện mạo tiểu thuyết có tính chất tự truyện trong văn học vi...Cơ sở lý luận và diện mạo tiểu thuyết có tính chất tự truyện trong văn học vi...
Cơ sở lý luận và diện mạo tiểu thuyết có tính chất tự truyện trong văn học vi...
 
Tiểu Thuyết Đề Tài Chiến Tranh Của Các Nhà Văn Nữ Việt Nam Từ Góc Nhìn Phân T...
Tiểu Thuyết Đề Tài Chiến Tranh Của Các Nhà Văn Nữ Việt Nam Từ Góc Nhìn Phân T...Tiểu Thuyết Đề Tài Chiến Tranh Của Các Nhà Văn Nữ Việt Nam Từ Góc Nhìn Phân T...
Tiểu Thuyết Đề Tài Chiến Tranh Của Các Nhà Văn Nữ Việt Nam Từ Góc Nhìn Phân T...
 
Đặc Điểm Nghệ Thuật Tiểu Thuyết Miền Hoang Của Sƣơng Nguyệt Minh.doc
Đặc Điểm Nghệ Thuật Tiểu Thuyết Miền Hoang Của Sƣơng Nguyệt Minh.docĐặc Điểm Nghệ Thuật Tiểu Thuyết Miền Hoang Của Sƣơng Nguyệt Minh.doc
Đặc Điểm Nghệ Thuật Tiểu Thuyết Miền Hoang Của Sƣơng Nguyệt Minh.doc
 
Thuat can dam_0_e5f0437
Thuat can dam_0_e5f0437Thuat can dam_0_e5f0437
Thuat can dam_0_e5f0437
 
80 de nghi luan van hoc chon loc co loi giai chi tiet
80 de nghi luan van hoc chon loc co loi giai chi tiet 80 de nghi luan van hoc chon loc co loi giai chi tiet
80 de nghi luan van hoc chon loc co loi giai chi tiet
 
Kế hoạc ôn tập học kì i lớp 12
Kế hoạc ôn tập học kì i lớp 12Kế hoạc ôn tập học kì i lớp 12
Kế hoạc ôn tập học kì i lớp 12
 
Kế hoạch ôn tập học kì i lớp 11
Kế hoạch ôn tập học kì i lớp 11Kế hoạch ôn tập học kì i lớp 11
Kế hoạch ôn tập học kì i lớp 11
 
Phân tích truyện ngắn "Đời thừa" của Nam Cao - văn mẫu lớp 12
Phân tích truyện ngắn "Đời thừa" của Nam Cao - văn mẫu lớp 12Phân tích truyện ngắn "Đời thừa" của Nam Cao - văn mẫu lớp 12
Phân tích truyện ngắn "Đời thừa" của Nam Cao - văn mẫu lớp 12
 
Rừng Na Uy ebook - Murakami Haruki
Rừng Na Uy ebook - Murakami Haruki Rừng Na Uy ebook - Murakami Haruki
Rừng Na Uy ebook - Murakami Haruki
 
Phong Cách Nghệ Thuật Phan Thị Vàng Anh Qua Truyện Ngắn.doc
Phong Cách Nghệ Thuật Phan Thị Vàng Anh Qua Truyện Ngắn.docPhong Cách Nghệ Thuật Phan Thị Vàng Anh Qua Truyện Ngắn.doc
Phong Cách Nghệ Thuật Phan Thị Vàng Anh Qua Truyện Ngắn.doc
 
Cuoc doi vui qua khong buon duoc tran nha thuy (demo)
Cuoc doi vui qua khong buon duoc   tran nha thuy (demo)Cuoc doi vui qua khong buon duoc   tran nha thuy (demo)
Cuoc doi vui qua khong buon duoc tran nha thuy (demo)
 
Nguyễn Du - Truyện Kiều
Nguyễn Du - Truyện KiềuNguyễn Du - Truyện Kiều
Nguyễn Du - Truyện Kiều
 
Han mac tu anh toi
Han mac tu anh toiHan mac tu anh toi
Han mac tu anh toi
 
Cảm Hứng Trào Lộng Trong Truyện Ngắn Bích Ngân.doc
Cảm Hứng Trào Lộng Trong Truyện Ngắn Bích Ngân.docCảm Hứng Trào Lộng Trong Truyện Ngắn Bích Ngân.doc
Cảm Hứng Trào Lộng Trong Truyện Ngắn Bích Ngân.doc
 
Th s33.002 nhân vật nữ trong sáng tác của võ thị hảo
Th s33.002 nhân vật nữ trong sáng tác của võ thị hảoTh s33.002 nhân vật nữ trong sáng tác của võ thị hảo
Th s33.002 nhân vật nữ trong sáng tác của võ thị hảo
 
Yeu truyen kiep hoang ly do hong linh
Yeu truyen kiep hoang ly do hong linhYeu truyen kiep hoang ly do hong linh
Yeu truyen kiep hoang ly do hong linh
 
Bông Hoa Nở Muộn
Bông Hoa Nở MuộnBông Hoa Nở Muộn
Bông Hoa Nở Muộn
 

More from longvanhien

Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1070 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1070 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1070 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1070 - vanhien.vnlongvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1069 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1069 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1069 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1069 - vanhien.vnlongvanhien
 
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam-Số 3/2014-vanhien.vn
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam-Số 3/2014-vanhien.vnDiễn đàn văn nghệ Việt Nam-Số 3/2014-vanhien.vn
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam-Số 3/2014-vanhien.vnlongvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1067 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1067 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1067 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1067 - vanhien.vnlongvanhien
 
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam - Số 2.
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam - Số 2.Diễn đàn văn nghệ Việt Nam - Số 2.
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam - Số 2.longvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1065 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1065 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1065 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1065 - vanhien.vnlongvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1064 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1064 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1064 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1064 –vanhien.vnlongvanhien
 
Thực phẩm và sức khỏe
Thực phẩm và sức khỏeThực phẩm và sức khỏe
Thực phẩm và sức khỏelongvanhien
 
Cẩm nang người đi Miếu Bà
Cẩm nang người đi Miếu BàCẩm nang người đi Miếu Bà
Cẩm nang người đi Miếu Bàlongvanhien
 
Cẩm nang đi Núi Cấm
Cẩm nang đi Núi CấmCẩm nang đi Núi Cấm
Cẩm nang đi Núi Cấmlongvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1063 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1063 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1063 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1063 –vanhien.vnlongvanhien
 
Những đồng tiền Cụ Hồ
Những đồng tiền Cụ HồNhững đồng tiền Cụ Hồ
Những đồng tiền Cụ Hồlongvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1062 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1062 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1062 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1062 –vanhien.vnlongvanhien
 
Văn hiến Việt Nam - Số Xuân 2014
Văn hiến Việt Nam - Số Xuân 2014Văn hiến Việt Nam - Số Xuân 2014
Văn hiến Việt Nam - Số Xuân 2014longvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1059 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1059 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1059 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1059 –vanhien.vnlongvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1056 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1056 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1056 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1056 –vanhien.vnlongvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1055 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1055 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1055 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1055 –vanhien.vnlongvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1054 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1054 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1054 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1054 –vanhien.vnlongvanhien
 
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vnGương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vnlongvanhien
 

More from longvanhien (20)

Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1070 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1070 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1070 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1070 - vanhien.vn
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1069 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1069 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1069 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1069 - vanhien.vn
 
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam-Số 3/2014-vanhien.vn
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam-Số 3/2014-vanhien.vnDiễn đàn văn nghệ Việt Nam-Số 3/2014-vanhien.vn
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam-Số 3/2014-vanhien.vn
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1067 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1067 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1067 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1067 - vanhien.vn
 
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam - Số 2.
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam - Số 2.Diễn đàn văn nghệ Việt Nam - Số 2.
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam - Số 2.
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1065 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1065 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1065 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1065 - vanhien.vn
 
So 12
So 12So 12
So 12
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1064 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1064 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1064 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1064 –vanhien.vn
 
Thực phẩm và sức khỏe
Thực phẩm và sức khỏeThực phẩm và sức khỏe
Thực phẩm và sức khỏe
 
Cẩm nang người đi Miếu Bà
Cẩm nang người đi Miếu BàCẩm nang người đi Miếu Bà
Cẩm nang người đi Miếu Bà
 
Cẩm nang đi Núi Cấm
Cẩm nang đi Núi CấmCẩm nang đi Núi Cấm
Cẩm nang đi Núi Cấm
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1063 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1063 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1063 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1063 –vanhien.vn
 
Những đồng tiền Cụ Hồ
Những đồng tiền Cụ HồNhững đồng tiền Cụ Hồ
Những đồng tiền Cụ Hồ
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1062 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1062 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1062 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1062 –vanhien.vn
 
Văn hiến Việt Nam - Số Xuân 2014
Văn hiến Việt Nam - Số Xuân 2014Văn hiến Việt Nam - Số Xuân 2014
Văn hiến Việt Nam - Số Xuân 2014
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1059 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1059 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1059 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1059 –vanhien.vn
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1056 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1056 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1056 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1056 –vanhien.vn
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1055 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1055 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1055 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1055 –vanhien.vn
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1054 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1054 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1054 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1054 –vanhien.vn
 
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vnGương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
 

Recently uploaded

TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxTrích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxnhungdt08102004
 
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxpowerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxAnAn97022
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxChàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxendkay31
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIĐiện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................TrnHoa46
 
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfchuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfVyTng986513
 
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhvanhathvc
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líDr K-OGN
 
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdfTrnHoa46
 
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdfNQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdfNguyễn Đăng Quang
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...ThunTrn734461
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfhoangtuansinh1
 

Recently uploaded (20)

TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
 
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxTrích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
 
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxpowerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxChàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................
 
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfchuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
 
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
 
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
 
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
 
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdfNQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
 

Ngờ vực - Phạm Việt Long - Tập truyện và tản văn

  • 1. Phạm Việt Long NGỜ VỰC Tập truyện ngắn và tản văn Nhà xuất bản Thanh Niên - 2006 1
  • 2. Ngờ vực (Tập Truyện ngắn và Tản văn ) Mục lục: Lời Nhà xuất bản Tựa Phần thứ nhất: Truyện ngắn 1. Ngọn lửa đốt nương 2. Ngờ vực 3. Thành Hoàng làng 4. Ánh sáng từ biên giới 5. Bà mẹ và con chó nhỏ 6. Rắn thần 7. Hồi quang 8. Cơn mưa rừng năm ấy 9. Hồn tường 10. Bà Cục trưởng thích nhận thư 11. Sự tích đầm Bạch Liên Phần thứ hai: Tản văn 1. Những ý kiến quý báu 2. Chỉ thương người Tây sang ta 3. Tại mình là người Việt 4. Lá thư trong cổ áo 5. Dàn Đồng ca 6. Bài học đầu tiên 7. Mèo một hột 8. Mong được mẹ khinh 9. Cái mũi thính 10.Đẻ xa 2
  • 3. 3
  • 4. TỰA Trịnh Thanh Sơn Phạm Việt Long tin cậy trao cho tôi bản thảo tập Truyện ngắn và Tạp văn mới nhất của anh, dự định sẽ cho ấn hành ở Nhà xuất bản Thanh Niên năm nay (2006). Đây là cuốn sách thứ ba của Phạm Việt Long mà tôi được đọc, sau tập Nhật ký chiến trường Bê trọc và tập truyện ngắn Âm bản rất nổi tiếng của anh. Người làm văn chương ở trong đời có nhiều loại. Có người viết văn để mong được nổi danh, có người dùng văn chương làm thứ trang sức để loè thiên hạ, chỉ cốt tỏ ra là người có chữ, có người dùng văn chương để thăng quan tiến chức, vinh thân phì gia. Nhưng cũng có người dùng văn chương để bày tỏ tâm sự của mình trước nhân tình thế thái, đem cái sở nguyện trong Tâm của mình mà chia sẻ vui buồn, và giác ngộ, đặng an ủi và cứu rỗi tâm linh của đồng bào, đồng chí và đồng loại. Văn chương ấy là thứ văn chương nhọc nhằn, khổ luỵ, thứ văn chương “khư khư mình buộc lấy mình vào trong!” vậy. Phạm Việt Long đi theo lối văn chương này, đi từ khi tóc xanh cho đến hồi đầu bạc, nhất quán và quyết liệt. Văn chương đối với anh không phải một trò đùa, một trò giải trí, một áng phù vân, ngược lại, anh dùng văn chương để suy ngẫm, đồng cảm, cảnh báo và giáo hoá. Đọc Phạm Việt Long, tôi thấy anh như là hậu duệ của cụ Đồ Chiểu: Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà! Từ Bê trọc, qua Âm bản rồi đến Ngờ vực hôm nay, Phạm Việt Long đã tỏ ra nhất quán, vững vàng trong tư tưởng và khẳng định được phong cách hiện thực của mình qua ngòi bút. Ở một phía nào đó, xét trên bình diện đề tài, tư tưởng và sự cập nhật, văn anh gần với báo chí, nhưng không vì thế mà bị báo chí hoá. Từ những đề tài và sự kiện thường nhật, với cách nhìn sắc sảo và hóm hỉnh, với lối viết uyển chuyển, nhiều cảm xúc, truyện của Phạm Việt long rất giầu chất văn chương. Trở lại với tập Ngờ vực mà bạn đang có trên tay, chúng ta thấy được những gì? Tập sách bao gồm 21 tác phẩm, được chia thành hai phần Truyện ngắn và Tản văn. Phần Truyện ngắn gồm 11 truyện ngắn được viết rải rác trong một quáng thời gian khá dài, với khoảng không gian rộng lớn, đề tài và nhân vật phong phú, nhiều mầu sắc, từ chiến tranh tới hoà bình, từ miền xuôi tới miền ngược, từ nông thôn tới thành thị. từ thời bao cấp tới thời thị trường… Với một vốn sống phong phú, với cái nhìn sắc sảo và nhạy bén của một nhà báo, văn 4
  • 5. chương của Phạm Việt Long dù có hơi nghiêng về phía tân văn, nhưng vẫn thấm đẫm tình người, tình đời, có sức lôi cuốn người đọc. Truyện ngắn của Phạm Việt Long thường có cốt truyện giản dị, mạch lạc, nhiều chi tiết, nhân vật được khắc hoạ sắc nét, bật ra được tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình, dù đó là nhân vật chính diện hay phản diện, nhân vật chính hay nhân vật phụ. Giọng điệu trong văn Phạm Việt Long vừa nhất quán lại vừa biến ảo, tạo được nhiều sắc thái tình cảm, đa thanh và phức điệu. Tuy đi theo xu hướng hiện thực nghiêm ngặt là chính, nhưng đôi khi anh cũng sử dụng bút pháp phúng dụ, ngụ ngôn và huyền ảo, vì vậy đọc anh, chúng ta thấy bất ngờ và thú vị. Những truyện trong phần Truyện ngắn có đề tài khác nhau, nhưng thống nhất trong một tư tưởng, một cách nhìn nhân bản và nhân văn về bức tranh xã hội, đời sống tâm lý và thân phận con người. Nếu như Ngọn lửa đốt nương và Thành Hoàng làng là những chuyện giản dị về cuộc sống của người dân hôm nay, dù là miền xuôi hay miền núi, thì các truyện Ngờ vực và Cơn mưa rừng năm ấy là nỗi ăn năn, hối hận sâu thẳm trong lòng người vì một hành vi xốc nổi, không nên, không phải, gây ra những hậu quả khôn lường. Nếu truyện ngắn Ánh sáng từ biên giới bàn về xự ứng xử giữa người với người thì truyện ngắn Người mẹ và con chó nhỏ lại bàn về việc ứng xử giữa con người với vật nuôi trong nhà. Đây là một truyện ngắn thật hay, hết sức độc đáo, rất đặc trưng cho bút pháp hài hước và thâm thuý Phạm Việt Long. Mầu sắc ngụ ngôn ở truyện này thể hiện rất rõ, chính vì thế tư tưởng và triết lý của truyện càng trở nên sâu sắc, cười ra nước mắt! Chính vì thế mà sức khái quát và sự ám chỉ của truyện rất cao, nó chỉ ra những khiếm khuyết và bất cập trong quan hệ giữa con người với con người và cả sự băng hoại của đạo đức xã hội. Truyện ngắn Hồi quang có cách viết rất mới, bố cục theo cách mờ chồng và song hành của điện ảnh, làm nổi bật số phận và tính cách của nhân vật chính. Đặc biệt là cái kết bất ngờ, lên án sự giả dối và hèn nhát của những kẻ hoạt đầu và đê tiện, gieo vào lòng người đọc một nỗi cảm thương và một niềm đau xót khôn nguôi. Truyện ngắn này rất gần với một kịch bản điện ảnh, nếu khai thác để làm phim, chúng ta sẽ có một bộ phim truyện rất hay. Tôi nói điều này như một sự gợi ý cho các nhà điện ảnh, trong khi chúng ta vẫn phàn nàn là quá hiếm những kịch bản có giá trị. Truyện ngắn Bà Cục trưởng thích nhận thư khá độc đáo, xây dựng được tính cách điển hình của một nhân vật điển hình, tiêu biểu cho xã hội ta hôm nay, đó là sự dốt nát, giả dối, kệch cỡm, tham lam, thớ lợ và vô liêm sỉ trong một thứ "văn hoá" tệ hại đang lan rộng trong xã hội ta ngày nay là "văn hoá phong bì". Truyện viết rất giản dị, theo mạch kể, nhưng dựng được chân dung một con người nham hiểm, xấu xa, vì đồng tiền nhưng lại được che dấu dưới một vỏ bọc nhân từ và liêm khiết. 5
  • 6. Các truyện ngắn Rắn thần, Hồn tường, Huyền thoại đầm Bạch Liên đều được viết theo phong cách cổ tích và hiện thực huyền ảo. Chính vì thế mà có sức hấp dẫn người đọc và sự khái quát rất cao về nhân tình thế thái và triết lý nhân sinh. Điều mà tác giả khuyến cáo hay là thông điệp của những truyện ngắn này là đưa con người về với bản chất người, về với cái chân và cái thiện. Trong ba truyện này thì Huyền thoại đầm Bạch Liên là truyện ngắn công phu và sâu sắc hơn cả. Cái xóm chài bên đầm Đại kia là biểu tượng cho xã hội loài người thu nhỏ, ở đó diễn ra mọi cung bậc của đời sống và tâm lý con người. Việc cha mẹ Liên kén rể bằng cách thi tài có gì đó giống với chuyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh, nhưng cũng hoàn toàn khác. Khi phát hiện ra sự man trá của Lực, kẻ thắng cuộc và là chồng mình, Liên ra giữa đầm Đại trầm mình là một hành động cao cả, giống như một tiếng chuông cảnh báo đối với lương tâm và tình yêu con người. Câu chuyện tình yêu và hôn nhân của Liên tuy bi thảm, nhưng kết thúc truyện lại rất có hậu. Mọi sự giả dối đều phải trả giá, để tình yêu trở về với sáng trong vốn có và mãi mãi! Tôi nghĩ Phạm Việt Long đã viết câu chuyện này bằng tất cả rung động của anh với con người, với tình yêu, với một thiết chế xã hội mà anh hằng ấp ủ. Câu chuỵện tuy đau buồn mà vẫn trong veo và thanh khiết như những bông sen trắng trong đầm Bạch Liên kia. Tuy nhiên, theo tôi, nổi bật nhất trong phần Truyện ngắn là truyện Ngờ vực, truyện mà Phạm Việt Long đã lấy tên cho cả tập sách. Chuyện kể rằng có anh chàng Trần Đơn kia, một hôm đi làm xa về, chợt bắt gặp vợ mình đang cùng một người đàn ông khác trên giường. Thất vọng và uất hận, Trần Đơn bỏ ra đảo khỉ. Trong nhiều năm chăn nuôi đàn khỉ, Trần Đơn đã chứng kiến lòng thuỷ chung giữa những đôi khỉ với nhau. Chúng có thể vì nhau mà chết trên biển cả. Trần Đơn suy nghĩ lại, và hiểu ra rằng vợ anh không phụ tình. Người đàn ông ở trên giường cùng vợ anh ngày nào không phải là tình nhân, mà là một nạn nhân được vợ anh cứu sống. Câu chuyện có mầu sắc Liêu Trai, giống như nỗi oan của người thiếu phụ trong truyện Người thiếu phụ Nam Xương thuở xa xưa nào. Và nhà văn kết luận: "Bây giờ, ngồi bên con khỉ chung tình, Đơn trầm ngâm suy nghĩ. Anh chợt đứng vùng dậy, bởi một hình ảnh lúc này mới loé lên, rõ mồn một trong ký ức anh: dạo ấy, khi anh bước vào nhà, vợ anh đang đỡ một người đàn ông ngồi dậy. Anh ta cởi trần, người rớm máu, một cánh tay bị nẹp gỗ... Con khỉ được sưởi ấm, đã hồi tỉnh. Nó dụi dụi vào người Trần Đơn. Anh ôm nó vào lòng: Bạc má ơi, ngày mai mày sẽ được gặp lại chồng mày! Nhưng rồi, anh lại chết lặng bởi một ý nghĩ u ám: Không hiểu rằng con khỉ đực kia trong cơn tuyệt vọng lao vào rừng sâu có còn quay về nơi này hay không? Cũng như người đàn bà khốn khổ vợ anh, không rõ với nỗi oan khiên cao như núi, nàng vẫn còn trên cõi đời này hay đã về nơi chín suối?" 6
  • 7. Đọc những đoạn văn ấy, thiết nghĩ bạn đọc có thể nhận ra phong cách và bút lực của Phạm Việt Long trong thể loại Truyện ngắn. Phần thứ hai của cuốn sách gồm 10 tác phẩm Tản văn. Qua 10 tác phẩm này, thấy Phạm Việt long có tài viết Tản văn lắm. Tản văn là một thể loại văn học rất được ưa chuộng ở Trung Quốc, với những tên tuổi hiện đại như Giả Bình Ao, Mạc Ngôn, Trương Hiền Lượng, Cao Hành Kiện, Vương Mộng... Ở xứ ta, Tản văn không được các nhà văn mặn mà lắm, mà nếu có viết Tản văn thì họ thường gọi là Tạp bút hay Tạp văn. Nhưng xét cho cùng, Tản văn, Tạp văn và Tạp bút chỉ là một. Như trên đã nói, Phạm Việt Long rất có duyên khi viết Tản văn. Những bài Tản văn được tập hợp và công bố trong Tập truyện này đều có chung một phẩm chất là hài hước và diễu cợt. Tác giả đã dùng tiếng cười để phê phán những thói hư, tật xấu ẩn náu trong mỗi người, nói riêng và xã hội, nói chung. Một ông Sếp ba hoa chích choè, đi đâu cũng rao giảng đạo lý, nhưng bản thân thì ích kỷ, thô thiển, đến nỗi gia đình nát bét, con cái hư hỏng (Những ý kiến quý báu). Một tờ báo đưa tin thất thiệt, giật gân cốt để bán báo, xúc phạm đến nhân cách người khác một cách vô lý, thậm chí làm phương hại đến danh dự và hạnh phúc của họ, khi bị kiện thì chỉ "nói lại cho rõ" và chỉ xin lỗi người nước ngoài, công ty nước ngoài, còn đơn vị trong nước, người trong nước thì lờ tịt, không có một dòng đính chính nào (Tại mình là người Việt). Một đơn vị kinh doanh du lịch, đưa người Việt sang một nước phía Bắc, nhân viên hướng dẫn du lịch cấm không cho khách tham quan được nói, vì nếu nói sẽ lộ ra là người Việt, vé vào cửa sẽ đắt như người nước ngoài, không được hưởng ưu tiên như người bản địa. Ngược lại, nếu người Tây sang ta du lịch thì không sao dối trá được (Chỉ thương người Tây sang ta). Lại nữa, có một ông cán bộ kia rất sính đồ ngoại, tất cả các vật dụng trong nhà ông đều là hàng ngoại. Nhân có dịp sang Tây, ông mua được một chiếc sơ mi, ông cho là hàng ngoại quý hiếm nên đi đâu cũng diện. Một hôm kia, trong khi là quần áo cho ông, vợ ông lơ đãng làm cho cổ áo bị cháy. Trong cổ cáo có lá thư của chính con trai ông. Thì ra, chiếc sơ mi đó là do chính xí nghiệp may của con trai ông sản xuất trong nước (Lá thư trong cổ áo). Rồi còn bao nhiêu chuyện khôi hài, cười ra nước mắt nữa, nào là Dàn đồng ca, nói về nạn đút lót, nạn con ông cháu cha, không quan tâm gì đến chất lượng lao động và nghề nghiệp, nào là Mong được mẹ khinh, nói về thói lắm điều trong sinh hoạt hàng ngày, rồi thì Mèo một hột nói về yêu cầu ngang giá trong xã hội thời thị trường. Các bài Cái mũi thính, Đẻ xa lại lên án thói vong ân bội nghĩa, thích sống ở nước ngoài cho sung sướng, mà quên mất mình là ai và quên cả đạo lý làm người. Còn một Tản văn không thể không nhắc đến, đó là Bài học đầu tiên, viết về tệ quan liêu, dốt nát, sách nhiễu, cửa quyền của các cơ quan hành chính nước ta hiện nay. Một nữ Giám đốc chỉ xin được gặp 7
  • 8. một Chủ tịch Phường sở tại mà tại sao gian nan làm vậy! Bài học đầu tiên nghĩa là bài học "tiền đâu?". Một xã hội mà cái gì cũng tiền, đến một cái Huân chương xứng đáng cho Tập thể cũng phải mua bằng tiền! Câu chuyện được tác giả kể với cách viết và giọng văn tưng tửng, nhưng gieo vào lòng người đọc một nỗi ấm ức và bức xúc khôn nguôi. Tập Truyện ngắn và Tản văn của Phạm Việt long đang nằm trên tay bạn. Xin bạn hãy đọc và nghĩ ngợi cùng tác giả. Những điều mà Phạm Việt Long gửi gấm trong tác phẩm xuất sắc này cũng là những điều chúng ta đang trăn trở. Mong so cuộc sống và tâm hồn con người chung quanh ta mỗi ngày một tốt đẹp hơn. Hà Nội, mùa hạ năm 2006 T.T.S 8
  • 9. Phần thứ nhất: Truyện ngắn NGỌN LỬA ĐỐT NƯƠNG Đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Sông Mã giới thiệu tôi với một phụ nữ Lào chừng hai lăm tuổi và nói: - Chị Y Chung, Uỷ viên Hội đồng nhân dân Huyện, sẽ đi cùng anh vào vùng biên giới. Chúng tôi đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử Hội đồng Nhân dân khoá mới, vào cuối tháng này. Y Chung cười, nụ cười lúm đồng tiền rất duyên dáng: - Đường vào khu trong xa lắm, “dô...ốc” lắm anh ạ, đi “khô...ông” vui đâu! Tôi khoác ba lô, còn chị đeo trên lưng chiếc kíp đựng đồ dùng, rời khỏi huyện vào một buổi sáng trời trong. Chúng tôi xuôi dọc theo bờ sông Mã. Con sông dạo này cạn nước, chảy xô vào đá, tung bọt trắng xoá. Cả hai đều im lặng, cắm cúi bước đi. Mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Khi vượt qua sông để đi lên con đường tắt vào Mường Và, nhớ đến một câu dân ca học được của đồng bào Thái, tôi nói: - Y Chung này, bao giờ sông Đà hẹp bằng đũa, sông Mã cạn bằng đĩa, cá bống đớp sao trên trời, thì các dân tộc chúng ta mới hết đoàn kết, chị nhỉ! Ở vùng Tây Bắc này, dân tộc Lào rất gần dân tộc Thái, nhiều nơi tiếng Lào và tiếng Thái gần như là một.Tôi không ngờ lời nói vừa rồi lại làm cho Y Chung vui lạ lùng. Chị reo to: “Men lẹo! Muôn hênh! – Đúng rồi! Vui lắm!” và cười vang. Tiếng cười của chị sao mà lạ lùng, nó lanh lảnh, lan tỏa khắp rừng núi. Rồi chị hát lên câu ca dao theo cách hát của người Thái. Tôi sững người vì giọng chị hay quá. Nó vang và ấm lạ lùng. Giai điệu còn đơn giản, chỉ cao lên, thấp xuống một chút và kết thúc bằng một câu ngân dài, nhưng qua giọng chị, nó trở nên uyển chuyển, duyên dáng đến ngất ngây. Chị vừa hát, vừa tung tẩy bước chân như một thiếu nữ tuổi mười sáu. Hai tay chị vung mạnh, khiến mấy chiếc vòng bạc hoa lên lấp lánh. Đầu chị hơi cúi về phía trước. Chiếc khăn piêu mầu đen thêu chỉ đỏ với những đường nét giản dị nằm gọn trên đầu chị, hơi bị gồ lên ở phía dưới vì búi tóc buông xuôi - loại búi tóc của phụ nữ chưa có 9
  • 10. chồng. Chiếc áo mầu xanh thể hiện rõ đặc trưng của trang phục phụ nữ Lào: hai vai bồng lên, thân áo ngắn, chỉ che nửa lưng người và hơi phồng ra, để lộ chiếc áo lót đen bó sát thân hình chị. Được bao quanh bởi chiếc thắt lưng vải mầu xanh đằm thắm, trông chị càng khoẻ mạnh. Đôi bắp chân Y Chung không to, mà thon thon, bước thoăn thoắt, hất hất chiếc gấu váy thêu mầu sặc sỡ, khiến nó bay lên, hạ xuống gấp gấp nhưng nhịp nhàng như cánh con bướm đỏm dáng đang bay chập chờn tìm hoa. Y Chung lại hát, một bài hát theo làn điệu dân ca Thái mà lời do chị vừa nghĩ ra: - Em, anh khác bản khác mường, cùng đi với nhau một con đường. Người miền ngược, kẻ miền xuôi, ta cùng uống chung nguồn nước... Chân Y Chung bước gấp gấp. Giọng hát cũng gấp gấp. Hình như âm thanh của chị hơi bị quẩn lại bởi rừng cây bao phủ, ngơ ngác một chút, rồi vượt khỏi mọi cành lá, bay vút lên không trung. Tôi buột miệng khen: - Y Chung hát hay quá nhỉ! Y Chung quay đầu lại, cười mà đôi chân vẫn bước gấp gáp: - Chẳng hay đâu! Mà anh hát đi chứ! Không kịp để tôi đáp lại, Y Chung đã cất tiếng hát. Lần này là bài hát mời - chị mời tôi hát theo cách của người Thái. ... Mặt trời đã lên gần đến đỉnh đầu. Chúng tôi cũng đã đi được chặng đường khá dài. Tôi thầm cảm ơn Y Chung, vì tiếng hát của chị làm tôi quên cả mệt, giúp tôi băng đèo, vượt suối một cách nhẹ nhàng. Chúng tôi đi xuyên qua một rừng nứa. Ngước nhìn qua những khoảng trống giữa những vòm nứa khum khum, xanh xanh, tôi có cảm giác trên đầu mình có nhiều bầu trời nhỏ đang lặng lẽ trôi theo những bước chân của tôi. Y Chung vẫn hát trong khi bước chân vẫn không ngơi nghỉ. Vào giữa rừng nứa, tiếng hát hình như ấm lên một chút. Thỉnh thoảng, chị dẫm mạnh vào những cây nứa khô nằm ngang đường, khiến nó vỡ ra, kêu “rố...ốp” thật vui tai. Một lần, chị vấp vào một thanh nứa nằm dọc đường. Thanh nứa xuyên dọc giữa chiếc dép và bàn chân chị. Chị cúi xuống rút thanh nứa ra, ngắm nghía rồi cười vang. Chị hú lên một tiếng rõ to: “H... à... ơi!” rồi lại đi. Tôi biết chị đang vui lắm. Ngôn ngữ không đủ thể hiện nổi tình cảm xáo động trong lòng chị. Cứ như thế, tiếng hát, tiếng cười của Y Chung nâng bước chúng tôi vượt rừng, vượt núi, tới một con suối nước trong veo. Đột ngột, Y Chung đứng lại, không hát nữa mà nói một câu nghe mới hồn nhiên làm sao: - Cán bộ, áp nậm - tắm đi! Ta cùng tắm nhé! Tôi ngỡ ngàng trước lời mời lạ lùng ấy. Mồ hôi đẫm lưng áo, tôi cũng thấy nóng thật, nhưng tôi chưa hề nghĩ tới cách giải nhiệt đột ngột như vậy. Sống ở vùng Tây Bắc này một thời gian, nhưng ở trong một cơ quan toàn người 10
  • 11. Kinh, tôi chưa hề tắm chung với một thiếu nữ miền núi bao giờ! Tôi chỉ nghe anh em kháo nhau là phụ nữ trên này toàn "tắm tiên", tắm giữa dòng suối hay dưới máng nước cũng đều phơi thân thể ngọc ngà cho thiên nhiên chiêm ngưỡng! Chính những lời kháo đó làm cho tôi lúng túng. Thì kia, Y Chung đã lội xuống nước rồi! Làn nước trong veo đón nhận chị trong tiếng róc rách như reo vui. Y Chung lội từ từ, xa bờ dần dần, vừa lội vừa cuốn váy áo lên, để lộ làn da mịn màng, muớt mát. Khi nước ngập tới ngực, thì váy áo chị đã được cuốn gọn trên đầu! Chị gọi như động viên tôi: - Cán bộ! Xuống tắm đi! Nụ cười tươi rói và hồn nhiên, vô tư biết bao. Tôi nhìn chị qua nụ cười trong trắng ấy, nhưng mắt lại bị hút vào một tác phẩm kỳ thú của tạo hoá, tác phẩm ấy ẩn hiện giữa dòng nước trong và những vòng xoáy nhỏ, bật lên vẻ đẹp và sức sống mãnh liệt. Thảo nào mà đã có một nhạc sĩ thốt lên: "Noọng (em) về cùng ta tiếng ca rừng núi, ta tắm chung dòng suối!" Tiếc thay, với cái dè dặt của một thanh niên mới bước vào đời, bị biết bao sự ràng buộc của những bài học đạo đức, tôi không dám ào xuống dòng nước cùng Y Chung, để rồi bao nhiêu năm sau vẫn tiếc vì đã không được hưởng cái mát ngọt của dòng suối hôm ấy! ...Khi chúng tôi vượt lên một con đèo, thì Y Chung thay đổi hẳn thái độ. Chị đứng sững lại. Hai cánh mũi chị phập phồng, hít hít. Mắt chị chớp chớp, rồi trân ra, không rõ nhìn về đâu, trông xa thăm thẳm. Chị nói, giọng trầm và chậm: - Những ngọn lửa đốt nương! Tôi ngạc nhiên vì không hề thấy lửa đốt nương đâu! Đứng hẳn lại, lặng nghe hơi thở của rừng, tôi mới cảm thấy có tiếng nổ lép bép và mùi khói hăng hắc. Bước tiếp, vượt qua đỉnh đèo, tôi sững người: phía trước, bên sườn núi, một vùng lửa đang cuồn cuộn bốc lên. Hoá ra, Y Chung nhạy thật, từ xa đã cảm nhận được cái mùi đặc biệt của ngọn lửa đốt nương này. Như kiệt sức, Y Chung vịn tay vào một thân cây, thở dốc. Tôi vội đỡ chiếc kíp cho chị, lập tức chị ngồi phịch xuống tảng đá liền kề. Một làn gió thổi thốc về phía chúng tôi, kéo theo hơi lửa phừng phực, nồng khét. Y Chung lại hít hơi, thở dốc. Tôi ngơ ngác không hiểu tại sao Y Chung lại xúc động mạnh đến thế trước ngọn lửa rừng này. Bởi vậy, tôi cứ lóng nga lóng ngóng hết đứng lại ngồi. Đột nhiên, Y Chung đứng dậy, bảo tôi: - Cán bộ, pay nớ! - đi nhé! Giọng nói của chị lúc này lại đầy sức mạnh. Tuy nhiên, từ đó chị cứ cắm cúi bước, không hát, không nói. Cũng chính vì vậy, tôi không dám hỏi gì chị nữa... Tối ấy, tôi cùng Y Chung họp với cán bộ xã và tôi đã hiểu phần nào thái độ của Y Chung khi bắt gặp ngọn lửa đốt nương. Huyện đang vận động nhân dân định canh định cư, không phá rừng làm nương nữa. Cuộc vận động này gặp 11
  • 12. biết bao trở ngại, bởi du canh du cư đã thành tập tục từ ngàn đời rồi. Những ngọn lửa đốt nương kia là bằng chứng hiển nhiên về khiếm khuyết của phong trào định canh định cư nơi đây. Cuộc họp tập trung bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn, giúp đồng bào cách làm ăn ở những vùng có ruộng, không làm nương rẫy nữa. Mãi khuya, cuộc họp mới kết thúc. Lúc này, trăng đã lên cao, toả ánh sáng hiền dịu xuống núi rừng. Y Chung bảo tôi: - Cán bộ, ra đón trăng đi! Tôi cùng Y Chung ngồi trên một thân cây đổ, nhìn bao quát xuống thung lũng. Thung lũng ngập tràn ánh trăng, giống như một dòng sông huyền ảo. Thấy thái độ Y Chung đã trở lại bình thường, không căng thẳng như hồi trưa, tôi mạnh dạn hỏi: - Y Chung, có chuyện gì về những ngọn lửa đốt nương, nói cho tôi nghe nào! Qua ánh trăng, tôi thấy đôi mắt Y Chung lấp láy. Y Chung thở ra nhè nhẹ và nói, giọng mềm và trầm: - Có đấy, có nhiều chuyện lắm, mà toàn chuyện buồn thôi! Qua câu chuyện của Y Chung, tôi hiểu thêm nhiều về cuộc sống cơ cực của nhân dân miền núi này. Lối làm ăn du canh du cư, chọc lỗ tra hạt kéo theo cái thiếu đói triền miên, truyền đời truyền kiếp cho bà con dân tộc vùng núi này. Riêng với Y Chung, ngọn lửa đốt nương còn là ngọn lửa của tang tóc... Chuyện xảy ra cách đây bốn năm rồi, nhưng qua lời Y Chung, như vẫn sống động trước mắt tôi. Khi ấy, Y Chung đang như chồi cây vươn lên mạnh mẽ trong mùa xuân - mùa xuân của tình yêu: một chàng trai mạnh khoẻ, hát hay tên là Lò Văn Khang vừa mới ngỏ lời yêu Y Chung. Họ yêu nhau với tình yêu phơi phới như măng rừng gặp mưa, như hoa ban gặp mùa xuân. Cho đến một hôm, Khang, lúc ấy là cán bộ đoàn của xã. được cử lên bản Bó làm công tác vận động thanh niên nhập ngũ. Không ngờ, chưa kịp tới bản thì Khang gặp một trận cháy rừng. Ngọn lửa đốt nương ở phía Tây bản Bó bị cơn gió Tây tạt về thổi thốc, lồng lên như bầy ngựa hoang. Lửa réo ào ào, liếm mất một cánh rừng, liếm vào căn nhà đầu tiên của bản. Trong ngọn lửa hừng hực, vang lên tiếng kêu thét. Khang vội lao về phía căn nhà sàn đang bốc lửa. Nơi ấy, ngay đầu cầu thang, một phụ nữ nằm sóng xoài. Khang vội bế thốc chị lên, vác chạy ra xa ngọn lửa. Vừa hoàn hồn, chị bỗng giãy lên: - Con tôi, con tôi còn trong nhà! Khang vội buông chị xuống, chạy trở lại. Ngọn lửa đã liếm hết vách, liếm lên mái nhà. Tiếng trẻ con kêu nghẹt bên trong. Khang bươn bả vượt chín bậc thang, lao vào trong nhà. Đúng lúc ấy, cả mái nhà với khối lủa rừng rực đổ sập xuống, bao phủ tất cả... 12
  • 13. Tôi không dám hỏi chi tiết về vụ cháy đó, vì sợ sẽ gợi nên nỗi đau khủng khiếp trong lòng Y Chung. Tôi chỉ nhìn chị, người phụ nữ trẻ đẹp, vừa rất hồn nhiên lại vừa có những nét cương nghị lạ lùng. Hoá ra, những ngọn lửa đốt nương truyền kiếp của đồng bào vùng núi này không chỉ đem theo cái đói nghèo, mà còn đem theo cả cái chết thảm khốc cho con người, thiêu luôn hạnh phúc mới chớm nở của một người con gái trong trắng, thơ ngây. Thế rồi tôi đi chiến trường miền Nam, không gặp lại Y Chung nữa. Cho tới tận hôm nay, tôi vẫn chưa có dịp lên lại vùng Sông Mã gặp lại người năm ấy. Không hiểu Y Chung đã xây dựng hạnh phúc cùng ai chưa? Sơn La 1968. Hà Nội 2003 13
  • 14. Ngờ vực Kể từ khi rời bỏ ngôi nhà trong đó có người vợ bạc tình và một người đàn ông xa lạ, Trần Đơn sống một cuộc đời cô độc. Anh lầm lũi trong cuộc sống thường ngày, một cuộc sống gần như tách biệt với thế giới loài người. Nhưng ẩn sau vẻ ngoài lạnh lùng ấy, từ trong sâu thẳm tâm can anh lại bừng bừng ngọn lửa căm hận - căm hận người vợ mà anh đã từng thương yêu hơn bản thân mình. Anh day dứt triền miên vì câu hỏi: cô ấy hiền lành, chất phác như thế mà còn phản bội, thì liệu trên đời này có còn người đàn bà nào chung tình nữa không? Không tìm được câu trả lời, anh căm ghét luôn cả giới đàn bà. Chính vì thế, anh ra hòn đảo này sinh sống. Một hòn đảo ngoài khơi xa, nhỏ nhoi giữa muôn trùng sóng vỗ. Dường như đó là cách để anh xa cõi đời bụi bậm, về sống với thiên nhiên thuần khiết. Anh thấy cuộc sống ngọt ngào trong sự cô đơn của con người nhưng lại được bao bọc trong một thiên nhiên trong lành. Hòn đảo tưởng như bị bỏ hoang ấy bỗng sôi động lên từ khi nó được chọn làm đảo nuôi khỉ. Trần Đơn được nhà nước giao cho trông coi đảo khỉ này. Công việc trôi đi êm ả như một giòng suối đã quen nếp, cứ chảy về xuôi. Ngày ngày nấu cơm, luộc khoai cho khỉ ăn. Thế thôi. Sự nhộn nhạo của bầy khỉ đôi khi phá vỡ sự tĩnh lặng trong tâm hồn con người ấy, nhưng chỉ là những xao động nhẹ, giống như cơn gió nam lướt qua làm những tán lá khẽ lay động. Cho đến một hôm, anh nhìn thấy một đôi khỉ. Một đôi khỉ khác thường trong bầy khỉ nghịch ngợm. Cả hai đều có cái đuôi dài và đôi má bạc lông. Anh gọi chúng là đôi bạc má. Nhưng, cái làm anh chú ý không phải là hình thức của chúng, mà bởi những hành động của chúng. Chúng quấn lấy nhau, âu yếm. Khi con khỉ đực kêu lên: "Khẹc, khẹc, khẹc..." thì con khỉ cái cũng tiếp luôn ba tiếng kêu như vậy. Khi con khỉ đực rúc lên tiếng kêu lảnh lót, con khỉ cái liền hoạ theo, làm núi rừng rộn rã hoan ca. Trần Đơn phát hiện ra rằng đó là lối "hát đối" của đôi khỉ, con xướng, con hoạ, thể hiện tình âu yếm. Điều đó càng làm cho Trần Đơn đắng cay. Anh cố gắng xua đuổi hình ảnh của quá khứ, nhưng không được. Nó cứ làm sống lại trong anh kỷ niệm êm đẹp của những ngày xa ngái. Hồi ấy, trong những cuộc hát giao duyên vào dịp hội làng đầu xuân, anh đã quen Thắm, cô gái duyên dáng nhất làng. Anh xướng, cô hoạ, rồi cô xướng, anh lại hoạ, hai giọng hát quấn quýt, vờn lượn. Hai giọng hát như sợi giây vô hình đầy ân tình đã cột chặt hai số phận vào nhau. Tuy nhiên, lối "hát giao duyên" của đôi khỉ chỉ làm anh thoáng chua xót, rồi lắng lại ngấm ngáp nỗi đau của riêng mình. Chỉ đến khi chứng kiến những hành động âu yếm của chúng đối với nhau thì anh 14
  • 15. mới nổi giận thực sự. Theo dõi chúng, anh thấy đôi này tuy vẫn đi theo đàn, nhưng lại sống khá tách biệt. "Tổ ấm" của chúng nằm chót vót trên ngọn cây trò giữa rừng. Sau bữa ăn, chúng nhanh chóng leo lên cây, chuyền về "tổ ấm". Có lúc, con khỉ cái ngồi khoanh tròn cho con khỉ đực bắt chấy. Thỉnh thoảng, nó lại quàng tay ra sau ôm cổ con khỉ đực. Anh trân trân cặp mắt to ẩn dưới hai hàng lông mày rậm, nhìn và nghĩ: "Giống cái là vậy đấy. Thích nhận sự âu yếm của giống đực và biết khêu gợi để nhận được nhiều sự âu yếm hơn!". Có lần, con đực phóng ào ào trên các tán lá, bổ nhào vào con cái. Hai con quấn lấy nhau như bện thừng. Rồi con đực giơ ra một con cua lớn mà anh đoán nó phải kỳ công lắm mới mò bắt được ở tận khe Hoa. Con cái nhận lấy, ăn ngon lành. Con đực ngồi nhìn con cái, vẻ mặt hoan hỉ. Anh lại chạnh nghĩ đến mình. Cái giống đàn ông khổ vậy, suốt ngày đầu tắt mặt tối kiếm chác, có miếng ngon lại nhường cho vợ con, để rồi cô vợ no cơm ấm cật rậm rật toàn thân, rước trai về hú hí. Nghĩ đến đấy, anh thấy ớn lạnh. Dường như những con kiến từ khắp các tổ kiến trên đảo đều ào đến, đốt lấy đốt để làm cho anh ngứa, buốt, xót khắp người. Ký ức về sự phản bội của vợ khiến anh nghi ngờ cả loài vật. Phải rồi, sự nghi ngờ của anh đâu phải là sự suy đoán thành kiến? Trong dân gian, chẳng đã có những câu chuyện nghiệt ngã về sự phản bội của giống cái đối với giống đực đó sao! Nào là con rắn cái khi lột xác, được con rắn đực chăm nom tận tuỵ, đến khi con rắn đực lột xác thì con rắn cái đi tình tự với con rắn đực khác, không những vậy còn dẫn nó về hại chồng mình nữa. Nào là chuyện con cua cái, khi bấy mai nằm một chỗ, được con cua đực tận tình chăm nom, đến khi con cua đực nằm bấy mai, ả liền dẫn bạn tình về ăn thịt chồng! Nếu cuộc sống không có những sự phản bội hèn hạ và dã man như vậy của giống cái thì đâu có thể nảy sinh ra trong dân gian những câu chuyện bi thương như thê? Trần Đơn luôn luôn nhìn đôi khỉ với con mắt nghi ngờ và nhạo báng. Có lần, thấy đôi khỉ quấn tròn lấy nhau trên "tổ ấm", anh nói thành lời: "Này, chú khỉ cả tin kia ơi, mi thử đi kiếm ăn lâu ngày một chút coi, đến khi về có bắt gặp một chú khỉ đực khác đang làm cái việc mà chú đang làm hay không?". Thế rồi, anh để thời gian rình mò con khỉ cái, xem nó có chung tình hay không? Đó là những lúc con khỉ đực đi kiếm ăn. Thực ra, bầy khỉ ở đảo này đã đủ thức ăn, vì nhà nước cấp cho anh đủ khoai, gạo để anh nuôi chúng. Nhưng loài khỉ vốn siêng năng, lại thích "cải thiện" nên chúng thường mò xuống khe bắt cua, cá. Con khỉ đực bạc má thường mò vào khe Hoa, nơi có những hang đá lớn, trong đó có nhiều cua sinh sống. Có khi con khỉ đực đi cả buổi, bỏ cả bữa ăn chính thức của đàn do Trần Đơn cung cấp. Những lúc ấy, anh thấy con khỉ cái ăn rất nhanh, nuốt lấy nuốt để rồi bốc thêm thức ăn bỏ vào miệng, lùa sang hai bên làm cho mặt nó bạnh ra trông thật dễ ghét. Xong, cô ả vơ một nắm cơm và phóng về "tổ ấm''. Trần Đơn kín đáo đi 15
  • 16. theo. Nhưng anh chỉ thấy mình con khỉ cái bạc má với tán cây đung đưa trong gió... Thế rồi đàn khỉ cứ đông dần lên. Trần Đơn được lệnh xẻ đôi đàn khỉ, chuyển một nửa sang hòn đảo bên. Thật không may cho đôi khỉ kia. Vào đúng lúc cần chia đàn ấy thì chúng lại xuất hiện trước mắt anh, hồn nhiên vờn nhau. Một ý nghĩ độc ác nảy ra trong đầu anh: chúng mày phải chia lìa. Và anh lừa bắt được con khỉ cái, nhốt vào lồng cùng một bầy khỉ khác. Anh chuyển những lồng khỉ lên thuyền. Con khỉ cái bạc má vật vã trong cũi, nhảy chồm lên cắn xé, rồi lại lăn lộn kêu choe choé. Con khỉ đực bạc má chuyền ào ào trên các tán cây, rồi nhảy bổ xuống đất, lăn lộn. Đúng lúc ấy thì trời vần vũ. Mây đen kéo kín bầu trời. Con thuyền lớn vượt sóng, hướng về phía đảo nhỏ. Con khỉ đực bạc má chạy ra sát mép nước, nhảy chồm chồm trên bãi cát. Chiếc thuyền dần dần mất hút giữa các lớp sóng cồn. Con khỉ đực chừng như thất vọng, hú to một tiếng rồi chạy biến vào rừng sâu. Chiều ấy, Trần Đơn bỗng thấy đắng miệng, không nuốt nổi bát cơm. Hình ảnh đôi khỉ cứ nhảy nhót trong đầu anh. Mưa đã ngớt, nhưng sấm chớp vẫn cứ nhoang nhoáng trên bầu trời xám pha ráng đỏ của hoàng hôn. Anh mặc áo mưa, ra khỏi nhà, hướng về phía bờ biển. Những tia chớp rạch đôi bầu trời, loé lên những tia sáng xanh. Mặt biển đen ngòm nổi sóng dữ dội như bị những luồng sáng chớp nhoá ấy xé vỡ ra. Sấm nổ. Chớp loè. Sóng ào ạt. Một luồng sét dữ dội nổ ầm vang. Trần Đơn giật thót mình khi nhìn ra khơi thấy một sinh vật nhỏ bé đang vùng vẫy giữa lớp sóng cồn. Rõ ràng đó là một sinh vật. Bởi nó không bị trôi dạt một cách vô tình, mà nó vùng vẫy, vùng vẫy để tiến vào bờ mặc sóng gió dập vùi. Trần Đơn rùng mình khi loé lên ý nghĩ: đó là con khỉ cái bạc má. Mi dám vượt biển để về đây ư? Giữa hai hòn đảo là một vùng biển rộng với sóng bạc đầu, với đá ngầm, với cá dữ. Chỉ một cú quăng của cơn sóng cũng đủ đập mi vào những tảng đá nhọn hoắt của bờ đảo bên kia. Làm cách nào mà mi vượt qua được nhữg hàm răng đá đó? Một lớp sóng cuồn cuộn dồn vào bờ. Một tia chớp sáng chói bầu trời. Trần Đơn nhìn rõ sóng đã quăng cái sinh vật nhỏ nhoi ấy lên bờ cát. Anh lại gần và run bắn người khi nhận ra đó chính là con khỉ cái bạc má. Nó nằm bẹp như một đám rong biển vô hồn. Anh chợt thấy một nỗi xót thương trào lên trong lòng. Đồng thời, một cảm giác kính phục chiếm ngự tâm hồn anh. Ôi loài vật, loài vật chỉ biết sống theo bản năng, chúng mày cũng có tình yêu ư? Có phải là tình yêu đã tạo ra sức mạnh cho mi, con vật bé bỏng kia? Phải chăng niềm tin vào tình yêu đã tiếp cho mi sức mạnh để mi dám quăng thân vào muôn trùng bão tố và đã dẫn hướng cho mi vượt qua không gian mịt mùng, về đến nơi trú ngụ tình yêu của mi? Anh chua chát nghĩ tới bản thân.Tấm thân cao to lừng lững của anh rũ xuống. Gắng gượng, Trần Đơn quỳ trên bãi cát, ôm lấy con khỉ. Bãi biển nhập nhoà trong ráng hoàng hôn, thỉnh thoảng lại loá 16
  • 17. lên những ánh chớp, muốn nuốt gọn hình bóng anh. Anh lảo đảo bước, chân liêu xiêu nhưng đôi tay lại ghì chặt lấy con khỉ. Anh đốt lửa sưởi cho nó. Trong ánh lửa bập bùng, anh ngắm nhìn con khỉ. Người nó ướt sũng, đôi chỗ tróc lông, rớm máu. Nó ngước đôi mắt tròn nhưng mờ đục vì mệt mỏi nhìn anh, như cầu cứu, như biết ơn. Trần Đơn chợt ứa nước mắt. Lần đầu tiên trong cuộc đời, người đàn ông can trường ấy biết thế nào là những giọt nước mắt nóng hổi của chính mình. Mấy chục năm qua, biết bao đắng cay, tủi nhục chỉ khiến Trần Đơn bặm môi lại, ngày một lỳ lợm. Còn bây giờ, cái sinh linh nhỏ bé và yếu ớt này lại làm chấn động tới phần sâu thẳm nhất trong lòng anh, dồn ép cảm xúc từ nơi tận cùng con tim anh thành những giọt nước mắt đặc quánh lăn nặng nề trên đôi gò má. Trần Đơn chợt nhớ lại dĩ vãng. Cái dĩ vãng làm anh đau buồn. Một ngôi nhà nhỏ bên sông cái. Những ngày mưa gió dữ dội. Một buổi sớm, sau chuyến đi làm ăn xa về, anh xăng xái đẩy cửa nhà mình. Và anh giật nảy mình khi thấy vợ đang nâng giấc một người đàn ông. Không thể tin được, nhưng rõ ràng là vợ anh và một người đàn ông lạ đang bên nhau trên chiếc giường duy nhất của vợ chồng anh. Một thoáng sững người, rồi anh bật ngược trở ra. Và lùi lũi đi. Mặc tiếng gào của vợ: "Anh ơi, quay lại nào!". Anh cứ đi. Vốn sống cảnh phiêu bạt từ thời ấu thơ, đến khi lấy vợ, vẫn bôn ba khắp các nẻo đường kiếm kế sinh nhai, Trần Đơn quen sòng phẳng, dứt khoát. Nhiều khi, trong cảnh bon chen, chụp giật, không thể dùng dằng suy xét, anh phải tức thời quyết định hành động, phó mặc cho may rủi. Nhờ giời, anh gặp may nhiều hơn rủi. Nhưng những lần gặp rủi, anh chấp nhận mà không khi nào nài nỉ, van xin. Anh không bao giờ níu kéo những gì mà anh cho là đã tuột khỏi tầm tay mình. Giờ đây, trước hình ảnh vợ và người đàn ông xa lạ trên chiếc giường duy nhất của vợ chồng anh, phản ứng duy nhất mà anh có được là thối lui! Không ngờ rằng bước chân vội vàng ấy cứ kéo anh xa mãi, xa mãi ngôi nhà thân yêu. Đôi khi đang ngủ, giật mình vì từ trong tiềm thức vọng lên tiếng gào của vợ, anh định lần đường trở lại cố hương. Nhưng hình ảnh người đàn ông lạ mình trần trên chiếc giường duy nhất của vợ chồng anh lại khiến anh giữ lòng sắt đá. Rồi một lần đi tầu biển trong chuyến làm ăn xa, tầu bị đắm, anh trôi dạt về đảo hoang này. Tưởng rằng sẽ sống nốt quãng đời cô độc giữa mịt mù biển khơi, ngờ đâu đảo lại được con người để mắt đến và anh lại trở về với cuộc sống có đồng loại. Có lần một nhóm người từ đất liền chở khỉ ra đảo, nghỉ lại một đêm. Trong câu chuyện vui bên bếp lửa cùng nhóm người ấy, anh được nghe kể câu chuyện "Người phụ nữ Nam Xương" thời nay. Người phụ nữ này và người phụ nữ Nam Xương trong câu chuyện cổ đều bị nỗi oan khiên đè nặng lên cuộc đời. Có điều, người phụ nữ Nam Xương chỉ có cái bóng mình giả làm bóng chồng. Còn người phụ nữ thời nay ấy lại có cả một người đàn ông bằng xương bằng thịt trong nhà khi chồng về bất chợt. Thực ra, người đàn ông ấy bị lật thuyền, bị một thân cây trôi trên sông đập gẫy tay, xô dạt 17
  • 18. vào bờ, đúng trước bến nước của người phụ nữ nọ. Với tấm lòng nhân hậu, chị đã vực người đàn ông xa lạ về căn nhà nhỏ bé của mình... Trần Đơn thoáng rùng mình khi chợt nghĩ rằng câu chuyện kia có liên quan đến mình. Nhưng rồi anh lại gạt phăng ý nghĩ ấy đi... Anh không còn niềm tin và sự tỉnh táo để suy xét chuyện quá khứ nữa. Bây giờ, ngồi bên con khỉ chung tình, Đơn trầm ngâm suy nghĩ. Anh chợt đứng vùng dậy, bởi một hình ảnh lúc này mới loé lên, rõ mồn một trong ký ức anh: dạo ấy, khi anh bước vào nhà, vợ anh đang đỡ một người đàn ông ngồi dậy. Anh ta cởi trần, người rớm máu, một cánh tay bị nẹp gỗ... Con khỉ được sưởi ấm, đã hồi tỉnh. Nó dụi dụi vào người Trần Đơn. Anh ôm nó vào lòng: Bạc má ơi, ngày mai mày sẽ được gặp lại chồng mày! Nhưng rồi, anh lại chết lặng bởi một ý nghĩ u ám: Không hiểu rằng con khỉ đực kia trong cơn tuyệt vọng lao vào rừng sâu có còn quay về nơi này hay không? Cũng như người đàn bà khốn khổ vợ anh, không rõ với nỗi oan khiên cao như núi, nàng vẫn còn trên cõi đời này hay đã về nơi chín suối? 14 tháng 2 năm 2004 18
  • 19. Thành hoàng làng Một buổi chiều êm ả, tôi về Khánh Yên. Trong ráng chiều nhạt nhoà, mầu xanh của những ruộng đậu, những luỹ tre càng thêm ngăn ngắt. Những làn khói lam bảng lảng giữa không trung, toả ra mùi thơm nồng nồng của rơm rạ, lùa nhè nhẹ vào lồng ngực tôi hơi ấm của làng quê. Cùng đi với tôi là Cẩn, cán bộ văn hoá xã. Vóc dáng nhỏ bé, hay nói hay cười, nhưng thấy tôi mải mê hít thở bầu không khí nồng đượm hương quê, Cẩn cũng trở nên trầm mặc. Bỗng dưng, Cẩn kéo tay tôi, chỉ về phía một ngôi nhà, thầm thì: - Đền ông Nghè đấy! Anh nhìn xem, có phải là hào quang đang toả ra trên mái đền không anh? Tôi chăm chú nhìn. Giữa một doi đất không rộng lắm bên con sông đào là một ngôi đền xây theo kiểu truyền thống. Với những đầu đao uốn cong và hình hai con rồng chầu nhau trên nóc, đền có vẻ trầm tư và linh thiêng. Từ hướng chúng tôi nhìn về, ánh chiều tà xuyên ngược viền một vùng mờ ảo nhiều mầu sắc quanh mái đền, làm cho ngôi đền càng thêm vẻ uy nghi! Nếu bảo rằng ngôi đền đang toả hào quang, quả cũng không sai! Tôi đang liên tưởng như vậy thì Cẩn lại giật tay tôi, nói chậm rãi vẻ thành kính: - Nếu được thờ thành hoàng làng như xưa các cụ vẫn làm, dân làng tôi sẽ thờ cụ Phúc! - Sao? Làng có thành hoàng mới ư? Tôi ngỡ ngàng vì câu chuyện xoay sang hướng một con người có vẻ như huyền thoại mà tôi nghĩ chẳng liên quan gì đến ngôi đền cả. - Sao? Anh không biết cụ Phúc à? Cẩn hỏi lại tôi, vẻ ngạc nhiên. Hình như đối với anh, bất cứ ai đã bước chân về đến đất Khánh Yên này đều phải biết cụ Phúc, và phải tin rằng cụ Phúc là thành hoàng làng mình! Tôi thú thật: - Mình có nghe nhiều người ca ngợi cụ Phúc, chủ nhiệm hợp tác xã làng ta, chứ không biết thành hoàng làng là cụ. - À, có lẽ do anh là cán bộ trung ương nên mọi người tránh nói đến chuyện thờ cúng, chứ còn cụ Phúc mà anh nghe kể, chính là cụ Phúc thành hoàng làng tôi đấy. 19
  • 20. Và rồi tôi được nghe kể rất chi tiết về cuộc đời của một chủ nhiệm hợp tác xã của cả hai thời kì - bao cấp và đổi mới. Tôi chỉ xin ghi lại đây những nét chính trong vô vàn câu chuyện đẹp đẽ về cụ Phúc. ...Khi nông thôn chuyển sang làm ăn quy mô lớn, thì cụ Lê Văn Phúc đã làm chủ nhiệm hợp tác xã Khánh Yên được hai năm. Có điều, Khánh Yên không phải chuyển đổi gì cả, bởi vì do làm ăn phát đạt, cần mở rộng tầm hoạt động, cho nên bốn hợp tác xã của bốn thôn đã tự hợp nhất thành hợp tác xã toàn xã do cụ Phúc làm chủ nhiệm từ lâu rồi. Hồi ấy cụ Phúc đã chỉ đạo hợp tác xã lập những trang trại, chăn nuôi từ lợn đến bò sữa, cả trâu sữa nữa. Cụ lên tận tỉnh liên hệ, được cung cấp giống trâu sữa Mua ra về nhân giống và lập trại. Nhìn đàn trâu to kềnh càng, lông rậm rì, mọi người vừa thích vừa ngại. Chăn thả nó thế nào đây? Khánh Yên không bị cái dớp làm ăn manh mún, mấy nhà chăn dắt một con trâu, con bò để mỗi nhà có một đùi, nhưng cũng chưa bao giờ lập một trại cỡ lớn chuyên chăn nuôi trâu lấy sữa cả. Cụ Phúc báo với Ban Chủ nhiệm rằng cụ cần nghỉ ít ngày, rồi đi biệt một tuần lễ. Hoá ra cụ lên nông trường Mộc Châu học cách chăn nuôi đại gia súc. Về, cụ chỉ đạo Hợp tác xã dành hẳn khu vực đất cao cuối làng lập trại nuôi trâu, rồi chọn những người khoẻ khoắn, chăm chỉ vào đội chăn nuôi, lại tận dụng đất ven sông đào trồng cỏ riêng cho trâu. Giống cỏ này do cụ Phúc đem từ Sơn La về, lạ lắm – mọc dầy ken vào nhau, cao tới ngực người, lại mềm và có vị ngòn ngọt. Đàn trâu phát triển, cung cấp sữa và giống cho cả vùng. Nguồn lợi đem về từ đàn trâu nhiều chẳng kém gì lúa, nhưng ấn tượng sâu sắc nhất lại là chuyện sau buổi cầy các thợ cầy được bồi dưỡng bằng sữa tươi Mua ra! Vào những trưa hè oi ả, dưới gốc đa giữa đồng, toán thợ cầy vục bát vào xô sữa, ngửa cổ ực một hơi thứ nước đùng đục, gây gây và mát ngọt, tỉnh cả người. Rồi, họ tráng miệng bằng bát nước vối làng, cười vang với lời nói đùa: có đi sang Tây uống sữa rồi cũng phải về Khánh Yên này uống hớp nước vối nồng hơi mẹ cái hĩm! Sản xuất ngày càng phát triển lại làm nảy sinh những nỗi lo mới. Nói là lo mới, bởi vì nó khác trước lắm. Ví như trước kia lo thiếu ăn, thì nay lại lo thừa sản phẩm, không nơi tiêu thụ! Cụ Phúc nghĩ: “Cứ làm ra những cái mình cần ăn, đến khi mình đủ ăn, thì đổ đi đâu? Phải làm ra cả những cái mà thiên hạ cần, thì mới bán được!” Thế là đồng đất Khánh Yên làm chuyển mình, đón nhận những thứ nông sản xuất khẩu, như tỏi, lạc... Khốn nỗi, việc tiêu thụ cũng khó khăn vô cùng. Mà khó nhất, lại do chính những người thu mua tạo ra. Họ làm cho công ty của nhà nước, ăn lương tháng, cho nên thu mua được bao nhiêu, họ không mấy quan tâm. Mỗi lần chở hàng lên cân, bà con Khánh Yên nơm nớp lo bị đánh xuống cấp, hạ giá. Việc ấy xảy ra như cơm bữa. Lần này, cụ Phúc đưa một đoàn xe của hợp tác xã chở tỏi lên thị xã cân cho Công ty Xuất nhập khẩu nông sản. Cụ muốn trực tiếp tìm hiểu những nỗi khúc mắc của dân quê mình để xem xem 20
  • 21. có cách nào giải toả không. Đoàn xe cải tiến của Hợp tác xã chở đầy tỏi nằm ở sân Công ty đã quá trưa mà vẫn chưa có người ra cân. Cụ Phúc kiên nhẫn ngồi đợi. Dáng người lừng lững, tóc bạc râu trắng, mặt vuông da hồng, cụ nổi bật lên giữa những thanh niên dáng nhỏ nhưng săn chắc và nhanh nhẹn. Cụ ngồi lặng thinh, nét mặt đăm chiêu. Mãi gần hai giờ chiều mới có một cậu thanh niên dáng loẻo khoẻo, mắt ốc nhồi ra hất hàm: - Cân gì đấy? - Tỏi! Cụ Phúc đáp cụt lủn, đứng vùng dậy, nhìn xoáy vào mặt anh cán bộ thu mua. Anh ta chun mũi khịt khịt, rồi dịu giọng: - Mời các cụ chuyển tỏi lên hè để phân loại! Lúc này, nhân viên Công ty mới kéo ra, sao mà đông thế! Họ bảo bà con xã viên lôi các bao tải tỏi từ trên xe xuống, mở ra. Họ đến từng bao, kéo lên những túm tỏi, tung tung trên tay. Họ chụm quanh chàng thanh niên loẻo khoẻo, mắt ốc nhồi bàn bạc. Lát sau, chàng thanh niên này dõng dạc tuyên bố: - Toàn bộ là tỏi loại ba. Các cụ vào cân rồi thanh toán! Cụ Phúc đã thấy nóng mặt. Dân Khánh Yên có bao giờ làm ăn trí trá? Trước khi đóng bao tải, bà con xã viên đã cẩn thận lựa chọn kĩ càng, toàn là tỏi loại một, có lẫn củ sâu, củ lép đâu! Cụ Phúc nói giọng sang sảng: - Này chú, tỏi làng tôi không có loại hai, chỉ có loại nhất thôi, chú có cân không? - Cân sao được, toàn loại ba mà đòi loại nhất, tôi không đền được nhà nước đâu! - Chú xem lại cho kĩ, củ to, đều, chắc thế này, không thể là loại hai, chứ nói gì đến loại ba! - Mặc kệ, loại ba đấy. Không cân thì đem đi đi! - Chú có cân không thì bảo? - Loại ba! - Tôi đổ hết đi bây giờ! - Tuỳ cụ! Cụ Phúc mở to mắt nhìn trừng trừng vào đôi mắt ốc nhồi, há miệng định nói thêm một câu, rồi đột ngột ngậm miệng, mím chặt môi lại. Cụ hướng về phía bà con xã viên của mình, nói chậm rãi nhưng dứt khoát: - Đổ! Đổ xuống sông hết! Cụ băng qua sân, phăm phăm đi về hướng sông Vân Sàng. Cả đoàn người kéo các xe tỏi đùng đùng theo cụ. Mọi người có thói quen nghe lời cụ một cách tuyệt đối. Đến bờ sông, cụ hô: - Mở bao, trút hết xuống sông! Thế là ào ào, tỏi tuôn xuống, trôi trắng cả một khúc sông! 21
  • 22. Chuyện cụ Phúc đổ tỏi xuống sông nhanh chóng lan truyền, làm ầm ĩ cả tỉnh. Khánh Yên trở nên “nổi tiếng”, cho nên dù bị mất một lần mấy tạ tỏi, nhưng lại tạo được cái thế với các công ty thu mua nông sản. Mỗi lần dân Khánh Yên chở tỏi, chở lạc lên, đố ai dám hoạnh hoẹ hạ cấp, giảm giá. Sang thời kì đổi mới, Cụ Phúc dẫn dắt dân làng chuyển mạnh cơ cấu nông nghiệp. Cụ hay có những chuyến đi xa. Có lần, cụ đi tận Đà Lạt, đem về giống bí ngô mà theo cụ nói, đó là loại bí ngô ngọt, có giá trị xuất khẩu cao. Con người nóng như lửa ấy lại rất tỉ mẩn. Cụ học kĩ càng cách chăm sóc loại giống bí khó tính này về dạy lại cho dân. Nào là ngắt ngọn, tỉa lá. Nào là thụ phấn đúng lúc. Nhưng có một bí quyết tưởng như rất bình thường mà lại giúp đảm bảo chất lượng bí, đó là giữ cho quả bí đều một mầu xanh, không được loang lổ những đám trắng. Cụ bảo bà con: - Bí của làng ta xuất hẳn sang Nhật. Mà cái anh Nhật này kĩ lắm, tài lắm. Chỉ nhìn thấy bí loang một mảng trắng là họ hạ cấp hoặc loại liền! Mọi người nhìn cụ, ngơ ngác. Bí ngô là loại mà dân làng này trồng khối ra, nhưng là loại quả to, không ngọt như loại bí cụ Phúc đem giống về. Nhưng dầu sao cũng là bí ngô bò trên ruộng. Quả bí lê la trên đất, phần tiếp xúc với đất bị loang mầu, làm sao tránh được? Cụ Phúc cười hồn hậu: - Có cách rồi, nhưng bà con phải chịu khó. Về cắt lấy những miếng xốp ra lót dưới quả bí, rồi mỗi tuần lật đảo một lần, quả bí được tiếp xúc đều với ánh mặt trời, sẽ không loang mầu, sẽ cho vị ngọt! Từ đấy, giống bí ngô ngọt bò loang ra khắp đồng đất Khánh Yên, cho hàng chục tấn quả. Cái anh bí này được người Nhật ưa thế, ra đến đâu họ mua tuốt đến đấy, đến nỗi phải dành dụm lắm mới có được mấy quả thắp hương Tổ tiên, bẩm báo các Cụ về sản vật mới của quê hương! Năm tháng qua đi, cụ Phúc thấy mình tuổi đã cao, sức đã yếu, cho nên xin bà con cho thôi làm chủ nhiệm hợp tác xã. Bà con nhất quyết không nghe. Lúc này, cụ bộc bạch: - Bà con tín nhiệm, tôi không dám từ nan. Vậy thì tôi chỉ xin làm nốt khoá này, để tôi trả nợ cho làng, rồi tôi nhất quyết phải nghỉ! Bà con xã viên ngớ ra: nào cụ Phúc có nợ gì làng đâu mà phải trả nợ? Thế nhưng, nhìn đôi mắt sáng đượm buồn và nét mặt đầy xúc động của cụ Phúc, mọi người hiểu rằng trong tâm khảm cụ, chắc chắn ẩn chứa những điểu uẩn khúc. Trước không khí lặng im như tờ, cụ Phúc cất giọng nhè nhẹ và trầm ấm: - Bà con có nhớ rằng làng ta có đền ông Nghè không? Đám trẻ ngơ ngác, không hiểu gì. Nhưng những bậc trung niên thì ồ lên: - Có chứ, ở ngay gần sông đào, nhưng đã bị phá rồi! - Chính tôi là người chỉ huy phá đền đấy, mọi người không nhớ sao? Tôi nợ làng món nợ ấy đấy! 22
  • 23. Ngược lại thời gian, người ta nhớ tới cái thời lâu lắm rồi, khi mà làng quê đang thực hiện phong trào phản phong triệt để. Tất cả những gì thuộc chế độ phong kiến đều phải xoá bỏ hoàn toàn. Đây vốn là làng kháng chiến, bị bom đạn tơi bời của cả hai cuộc chiến tranh, cho nên chẳng còn lưu giữ được những gì gọi là di sản phong kiến! Duy nhất có ngôi đền ông Nghè, do nằm tách khỏi làng, cho nên không bị tàn phá. Giờ đây, ngôi đền trở thành vật chứng sinh động cho chế độ phong kiến thối nát! Anh thanh niên Phúc hồi ấy làm cán bộ văn hoá, đã xăng xái chỉ huy toán thanh niên làng kéo ra phá trụi ngôi đền. Có ai biết rằng, từ sau ngày ấy, anh Phúc đã bị một nỗi dằn vặt ám ảnh suốt ngày đêm. Nhất là vào ban đêm, cứ nhắm mắt ngủ là anh thấy hiện lên bức tượng ông Nghè với đôi mắt hiền từ nhưng nghiêm nghị nhìn thẳng vào mình. Ông Nghè không quở trách nhưng ánh mắt cứ như xoáy vào tâm can anh làm cho anh phải tự hỏi mãi: “Đền ông Nghè có gì xấu? Ông Nghè là tấm gương về học hành, sao lại đập tượng ông?”. Cũng từ đấy, anh thanh niên xốc nổi đổi hẳn tính nết. Anh trở nên trầm lắng, nói ít, làm nhiều... Khi trở thành chủ nhiệm hợp tác xã, thì cụ Phúc chăm lo đặc biệt đến việc học hành của dân làng. Cụ vận động nhân dân góp công của xây dựng trường học. Dân chưa giầu, nhưng nghe lời cụ, họ không tiếc của tiếc công. Cụ bảo dân tự lập một ban quản lí để thu và chi, trông coi việc xây dựng. Ngôi trường hai tầng mọc lên nhanh chóng, trở thành niềm tự hào của cả huyện Yên Khánh này. Những cháu học giỏi, cụ còn trích quỹ hợp tác xã thưởng khá hậu... Sau một hồi lặng im như chìm trong lớp bụi thời gian, cụ Phúc chợt vươn người, nói chân thành: - Thế đấy, bà con ơi! Đền là nơi thờ ông Nghè của làng ta, ông đã học hành giỏi giang, thi đỗ đạt cao, đem vinh hạnh đến cho làng, thế mà tôi lại phá đi! Tôi lúc nào cũng ôm mối nợ với dân làng, bởi vì đã phá mất nơi linh thiêng, nơi nhắc nhở con cháu phải biết chăm chỉ học hành! Có lẽ vì thế mà làng ta tuy làm ăn giỏi, nhưng cũng chỉ là giỏi giang quanh luỹ tre thôi, có mấy người đỗ đạt đâu! Tôi làm gì cũng thấy không đủ để trả món nợ ấy! Nay, tôi xin đứng ra xây lại đền, trả lại nơi tôn nghiêm cho làng! Nói sao làm vậy, cụ Phúc chạy vạy khắp nơi xin phép xây lại đền. Không ai dám cho phép, mặc dù ai cũng thấy cần khôi phục ngôi đền như khôi phục chính lòng tự hào về truyền thống hiếu học của ông cha. Một hôm, có ông Bí thư tỉnh về thăm, cụ Phúc dẫn ông đi khắp nơi - hết ra đồng lại vào xóm thăm thú cảnh làm ăn, hỏi han về đời sống của bà con nông dân. Đến cống thuỷ lợi, cụ Phúc dừng bước, chỉ tay về phía bãi đất cao ven sông đào: “Báo cáo Bí thư, dân chúng tôi sẽ xây lại đền ông Nghè ở chỗ ấy!” Ông Bí thư nheo mắt ngắm bãi đất, rồi lại bước đi. Sau buổi ấy, cụ Phúc huy động nhân dân góp công của xây đền. Cũng có người vẫn sợ cái dớp phong kiến, nên chần chừ. Cụ Phúc bảo: 23
  • 24. - Tôi đã xin phép hẳn Bí thư rồi, bà con không ngại. Nói vậy, nhưng tính qua tính lại, cụ Phúc chuyển hướng: - Thôi, ta xây câu lạc bộ văn hoá! Mọi việc nhanh chóng được khai thông. Cụ Phúc trực tiếp chỉ huy công trường. Không cần bản thiết kế, cụ bầy cho thợ xây dựng theo hình ảnh ngôi đền trong tâm trí mình. Và thế là ngôi đền mọc lên uy nghi như mọi người thấy hôm nay. Khác với những ngôi đền thông thường, ngôi đền ông Nghè có chức năng khá rộng. Nó trở thành nơi sinh hoạt câu lạc bộ của các cháu học sinh ngoan, giỏi và câu lạc bộ của các cụ gương mẫu. Trong khi đó, trên bệ thờ, vẫn nghi ngút khói hương thờ phụng ông Nghè của làng. Ngự trên ngai, tượng Ngài rủ đôi mắt hiền từ nhìn lớp người hậu thế... Thôn xóm cứ thế đi lên, nhà ngói, nhà mái bằng đã thay thế hết nhà tranh. Đường làng đổ toàn bê tông, ô tô vào tận từng ngõ. Cụ Phúc dường đã thoả tâm nguyện. Chuẩn bị đại hội xã viên, cụ dứt khoát rút khỏi danh sách đề cử vào ban chủ nhiệm mới. Cũng dịp ấy, nhà nước có chủ trương phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động để tiến tới đại hội Thi đua toàn quốc. Dân Khánh Yên háo hức kéo về cuộc họp, nhất nhất tôn vinh cụ Phúc làm Anh hùng lao động! Hồ sơ của cụ nhanh chóng được chuyển lên tỉnh. Tại đây, nó được cơ quan thường trực thi đua thẩm định. Phụ trách thẩm định là một vị chức sắc có vóc dáng loẻo khoẻo, đôi mắt ốc nhồi. Vị này nhíu mày khi nhìn thấy cái tên Khánh Yên. Chẳng phải mất công lục trong trí nhớ, hình ảnh “dòng sông tỏi” đã hiển hiện lên trong óc của vị. Cũng bởi cái đận ấy, mà vị bị “bật bãi”, mất ghế trạm trưởng thu mua. Phải mất bao nhiêu năm đôn đáo chạy vạy, vị mới lấy lại được cái ghế cho mình ở Hội đồng này. Vị lẩm bẩm: “Chủ nhiệm hợp tác xã Khánh Yên à? Thôi, hãy ở yên đây nhé!”. Và rồi, “xoạch”, hồ sơ của cụ Phúc nằm còng queo trong góc tủ... Cơn gió đầu mùa đông thổi thốc từ phía cuối cánh đồng lên, lùa vào người khiến tôi rùng mình, kéo tôi ra khỏi dòng suy tưởng về cụ Phúc. Anh Cẩn bảo tôi rằng cụ Phúc đã thành anh hùng trong lòng người dân Khánh Yên. Trong mỗi sinh linh nơi thôn dã này đều có một ngôi đền thờ cụ. Ngay cả khi cụ đi chầu tiên tổ, cũng với cái vẻ lạ kì như huyền thoại. Hôm ấy, dàn thiên lí trước nhà cụ Phúc bỗng dưng đồng loạt trổ bông trắng ngà, toả hương thơm lừng khắp ngõ xóm. Sau khi ăn sáng, tắm rửa sạch sẽ, cụ Phúc bắc thang lên hái những bông thiên lí nõn nà. Bỗng cụ thấy lẫn trong hương hoa, một mùi trầm đậm đà lan toả. Cụ toát mồ hôi, chậm rãi leo xuống thang. Con cháu vội vàng đỡ cụ vào giường. Thế là cụ đi, nhẹ nhàng, tay vẫn cầm chùm hoa thiên lí ngát hương... Ninh Bình – Hà Nội, cuối năm 2002 24
  • 25. ÁNH SÁNG TỪ BIÊN GIỚI Căn phòng dùng làm nơi ghi hoá đơn gạo chật ních người và đầy ắp tiếng ồn. Người ta chen nhau xếp sổ lương thực. Người ta hỏi nhau về số lượng mì, gạo được mua đợt này. Đôi người cằn nhằn về việc lương thực khó khăn, mua đong mất thời gian. Nhưng, đột nhiên, tiếng quát của một thanh niên vang lên, dìm mọi tiếng ồn kia xuống: - Tôi ở phòng tuyến về! Theo tiếng quát, anh ta gạt mọi người, len về phía chiếc bàn có hai cô nhân viên lương thực đang ghi hoá đơn. Đó là một thanh niên trạc 20 tuổi, tóc quăn, da xạm đen, mặt điểm mấy nốt trứng cá. - Tôi vừa ở phòng tuyến về, vừa ở phòng tuyến về! Anh ta lắp đi lắp lại đến gần chục lần cái câu ấy. Mọi người ngơ ngác, không hiểu anh ta muốn gì? Giữa lúc ấy, một bà cụ từ ngoài cửa len vào, gọi với: - Tập ơi, thì hãy từ từ chứ! Bắt gặp cái nhìn ngạc nhiên của mọi người, bà cụ phân trần: - Cháu nó đi đắp phòng tuyến. Khi đi, đã cắt lương thực. Bây giờ về, đem theo giấy chuyển lương, nhưng cửa hàng lại không cho đong. Hình như không quan tâm đến sự khó chịu của mọi người, Tập vẫn sấn sổ lách tới. Anh ta đập tay đánh bốp xuống bàn, làm lọ mực nảy dựng lên, suýt đổ. Rồi bàn tay gân guốc ấy ngửa lên, xoè ra một tờ giấy nhàu nát: - Đây, xem đi, tôi vừa ở phòng tuyến về! Cô nhân viên ngồi phía ngoài cầm lấy tờ giấy, vuốt vuốt cho thẳng, chăm chú đọc, rồi bảo: - Anh phải nhập tiêu chuẩn vào sổ lương thực của gia đình rồi mới đong được. Anh ra văn phòng nhập đã nhé. - Thì tôi vừa ở phòng tuyến về, phải bán cho tôi chứ! Dường như muốn tăng thêm sức mạnh cho lời nói, anh ta lại giáng nắm đấm xuống bàn. Một người nào đó mai mỉa: - Tay khoẻ đấy, nhưng để thụi bọn giặc thì hơn. Tập mím môi, quắc mắt nhìn quanh, như muốn tìm địch thủ để trừng trị. Song, đôi mắt ấy vội cụp ngay xuống, khi gặp toàn những nét mặt khó chịu hoặc 25
  • 26. những ánh mắt trách móc chiếu vào mình. Cô nhân viên lương thực từ tốn nói với bà cụ mẹ Tập - lúc này đang đứng cạnh Tập: - Cụ ạ, đã cắt thì phải nhập. Cụ tới văn phòng nhập, rồi quay lại, chúng cháu ghi hoá đơn ngay cho. Bà cụ gật gật đầu. Mấy người xung quanh góp ý: - Đúng đấy cụ ạ. Thằng cháu nhà tôi cũng đi phòng tuyến về, tôi đã nhập cho nó từ nửa tháng nay rồi. - Sao cụ không nhập từ đầu tháng? Một bác to béo nói nhát gừng: - Chưa nhập thì ai cho đong. Thế mà cũng ầm ĩ... Cái bản tính sỗ sàng kéo ngay Tập về với tiếng quát: - Bà im đi, biết gì mà nói. Tôi ở phòng tuyến về đây này. Lập tức, anh ta lại bị chìm trong tiếng phản đối nhao nhao: - Vô lễ thế. Bác ấy đáng tuổi mẹ cậu đấy! - Riêng gì anh đi phòng tuyến mà cứ nhắng lên thế. Bao nhiêu người đi bộ đội, đổ máu hy sinh, mà họ có vỗ ngực như anh đâu! - Thôi, đừng lấy tí chút thành tích ấy làm ngoáo ộp doạ người nữa! Bị phản đối mạnh quá, Tập đứng né vào một góc, nhưng mặt vẫn hầm hầm: - Được, tôi chờ ở đây đến cuối giờ, xem có bán cho tôi không thì bảo. Cũng lúc này, một cô gái mặc bộ quần áo xanh công nhân, dáng người rắn chắc, từ ngoài sân bước lên hè. Cô gạt những sợi tóc dính bết mồ hôi, hỏi một chị mặc áo trắng: - Chị ơi, ghi hoá đơn gạo ở đây phải không ạ? - Đúng đấy cô ạ. Cô gái rút cái khăn tay từ trong túi xách ra, thấm thấm mồ hôi trên mặt, lắc lắc đầu: - Gớm, thế mà em tìm mãi. Em cứ tưởng ghi hoá đơn ở của hàng cơ, chứ đâu biết là ở tận đây. Chị áo trắng giải thích: - Ấy, từ dạo lương thực khó khăn, cửa hàng cắt lịch bán theo khối cho công bằng, khỏi đông. Cô không đi đong gạo bao giờ hay sao mà không biết ? 26
  • 27. Cô gái mủm mỉm cười: - Dạ, em mới đi khỏi Hà Nội 2 năm mà lạc hậu thế đấy. Để em vào xếp sổ nhé... Từ nãy đến giờ, có hai người rất chăm chú nghe câu chuyện của cô gái. Đó là bác Thăng - cán bộ thông tin của tiểu khu - và bác Hồng, người bán sách báo ở quầy đầu ngã tư. Bác Hồng thì thào: - Hình như đúng là cô ấy, bác nhỉ. Bác Thăng quả quyết: - Dứt khoát là cô ấy rồi. Tôi nhớ lắm chứ. Ảnh in trên báo rõ rành rành mà. Lại cả một bài viết dài nữa, tôi vẫn giữ ở nhà ấy. Câu chuyện bị cắt ngang bởi mấy tiếng gọi giật giọng: - Nguyễn Văn Hồng. Ai là Hồng, đến lượt rồi. Bác Hồng luống cuống: - Tôi đây, à... à... tôi đây. Lại một câu trách móc: - Đến lượt rồi mà cứ chuyện trò suốt. Có mau lên không. Sắp hết ngày rồi ông ạ. Bác Hồng vừa dạ dạ như để xin lỗi, vừa lách người về phía bàn ghi hoá đơn. “Nào, bác mua nốt tiêu chuẩn cả tháng nhé?” - vừa lúi húi ghi chép, cô nhân viên lương thực vừa nói. Rồi cô chìa tay ra: “Bác đưa cháu 9 đồng”. Không thấy bác Hồng nói gì, cô ngạc nhiên nhìn lên. Hoá ra, bác Hồng đang mải nhìn cô gái mặc bộ quần áo công nhân: - Cô là Tuyết phải không? - Vâng ạ... mà... sao ạ? Không trả lời Tuyết, bác quay sang phía cô nhân viên lương thực, sởi lởi: - Để tôi mua sau, tôi nhường cô này mua trước. Cô nhân viên lương thực lục lục chồng sổ để tìm sổ gạo của Tuyết. Tuyết đỏ mặt: - Ấy chết, bác mặc cháu, để cháu đong sau. - Không, dứt khoát là tôi nhường lượt cho cô mà. 27
  • 28. Vẫn chưa thấy sổ gạo của Tuyết - từ nãy đến giờ có tới chục người nữa xếp sổ, nên nó đã lẫn vào giữa. Có tiếng phản đối: - Thôi, mất thì giờ quá ! - Đề nghị cứ bán theo số thứ tự. Bác Hồng ấp úng phân trần: - Chẳng là... chẳng là... cô ấy là... Ai đó dài giọng: - Ông hâm ơi, cất cái máu tốt của ông đi cho con cháu nhờ với. Thấy vậy, bác Thăng len tới, nói to: - Bà con bình tĩnh đã nào. Cô này - bác chỉ Tuyết - là dũng sĩ diệt bọn xâm lược, ở biên giới về đấy. Mọi người “à” lên một tiếng, rồi lặng đi. Từ lâu nay, “biên giới” đã trở thành hai tiếng thân thương với mỗi người dân Hà Nội này rồi. Hai tiếng ấy gợi lên chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Hai tiếng ấy đã gọi lớp lớp thanh niên lên đường chiến đấu. Thế nhưng, khi hai tiếng ấy hiện thân vào cô gái bình dị này, trong cái hoàn cảnh bình thường này, thì ai cũng thấy ngỡ ngàng, lạ lẫm. Ai cũng muốn xích lại gần cô gái. Và ai cũng muốn làm cái gì đó để tỏ thiện cảm với cô. Tự thấy mình phải có trách nhiệm làm cho mọi người hiểu cô gái hơn nữa, bác cán bộ thông tin nói rành rọt: - Trên báo đã có ảnh, có bài viết về cô đây. Cô là Đoàn Thị Tuyết, 20 tuổi, con gái Hà Nội, (bác nhấn mạnh 4 chữ “Con gái Hà Nội”), công nhân lâm trường. Trong một ngày, cô đã chiến đấu dũng cảm, một mình diệt 1 tiểu đội quân xâm lược... à... mà để cô Tuyết kể cho bà con nghe thì hơn. Từ nãy đến giờ, Tuyết vẫn đứng bẽn lẽn bên bàn. Khuôn mặt bầu bầu, có đôi mắt to đen đằm thắm của cô ửng đỏ. Cô cúi đầu, di di ngón chân cái trên chiếc dép cao su, ấp úng: - Dạ, dạ... cháu cũng cùng các anh ấy đánh lại bọn nó, có gì đâu mà kể ạ. Mọi người vây tròn lấy cô, quên cả chuyện đong gạo. Ai cũng năn nỉ: - Nào, cô kể đi cho bà con nghe với. - Cô nhớ lại xem đã đánh tụi nó thế nào thì kể lại vậy. Tuyết càng lúng túng. Cô chưa từng làm diễn giả bao giờ. Nhất là bây giờ lại phải nói về mình trước đông người... Hiểu rõ điều khó xử của Tuyết, bác Thăng nói: "Thôi, để tôi kể vậy nhé". Rồi bác cao giọng: 28
  • 29. - Hôm ấy, cô Tuyết đã nhận được điện báo tin mẹ ốm nặng. Lâm trường đã cấp giấy phép cho cô. Nhưng trước tình hình biên giới căng thẳng, cô đã tự nguyện ở lại tham gia giữ chốt. Một bà cụ xuýt xoa với người bên cạnh: - Khổ, tôi ở gần nhà cô ấy, tôi biết. Bà cụ cô ấy phải đi cấp cứu đấy. Tiếng bác Thăng vang vang trong phòng. Không ai còn nhận ra đây là nơi bán lương thực nữa. Bác chỉ kể lại điều bác đọc trên báo, mà sao nghe hấp dẫn thế. Phải chăng, vì nhân vật chính trong câu chuyện ấy đang ở ngay trước mặt người nghe? Chính cô ấy đã dùng tới 5 thứ súng để đánh giặc. Chính cô ấy đã nhường nắm cơm cuối cùng, giọt nước cuối cùng cho đồng đội. Cũng chính cô ấy đã cõng đồng chí bị thương luồn rừng, lách địch về nơi an toàn. Và bây giờ, thì cô ấy đây, đang xếp hàng mua gạo như mọi người. Cô ấy đứng nép bên bàn, như muốn thu nhỏ mình lại. Thế nhưng, như ánh sáng rực rỡ của mùa xuân, cô vẫn ngời lên trước mọi người. Các chú thiếu niên thấy ở cô sức mạnh của lý tưởng, và thấy lòng háo hức ra trận lập công. Nhưng, với những người đứng tuổi - mà phần đông trong phòng là những người đứng tuổi, thì ánh sáng của cô lại soi rọi vào mặt đạo đức nhiều hơn. Có những người thấy tự hào, vững tin ở mình hơn khi thấy mình đã sống xứng đáng với cô. Nhưng cũng có những người phải giật mình bởi chính mình, như người ốm nằm lâu trong buồng kín, khi ra ngoài trời chợt hoảng hốt, vì dưới ánh nắng họ chợt nhận ra nước da tái nhợt của mình, những đường gân xanh nhằng nhịt của mình, và lớp ghét lưu cữu đóng dày trên da thịt mình. Mấy người mà hồi nãy lớn tiếng phản đối việc bác Hồng nhường chỗ cho cô gái, đứng lùi lại sau bác Thăng, mong bác đừng nhận ra mình. Mấy người đã trót lợi dụng lúc lộn xộn xếp chèn xổ của mình lên trên, ngượng ngập nhìn chồng sổ. Nhiều người lại thấy ân hận về những lời phàn nàn của mình trước việc phải ăn mì, mầu, bớt gạo. Thế đấy, người ta đã thực lòng hô nhiều khẩu hiệu thể hiện quyết tâm đánh thắng giặc xâm lược, và khi cần thì sẵn lòng ra trận, nhưng khi còn ở tại Thủ đô, tại vị trí đương nhiệm của mình, cần phải hy sinh chút ít quyền lợi, cần phải làm nhiều hơn chút nữa vì đồng bào biên giới, thì không phải ai cũng thấy lòng thanh thản... Mọi người vừa lắng nghe, vừa suy nghĩ. Duy chỉ có cô nhân viên lương thực vừa nghe vừa lật lật chồng sổ. Cô ghé vào tai bạn, thì thầm: - Có nhớ sổ chị ấy tên là gì không? Cô kia thì thào: - Trần Thị Bích. Lát sau, sổ gạo của gia đình Tuyết đã nằm ngay bên quyền sổ hoá đơn. 29
  • 30. ... Khi bác Thăng kể xong, mọi người càng xích lại gần Tuyết hơn. Một bác hỏi: - Thế bà cụ đã khoẻ chưa cô? - Cảm ơn bác, mẹ cháu được đưa đi bệnh viện, đã khỏi, nay sắp khoẻ rồi ạ. Một bà cụ âu yếm: - Vậy mà hồi nãy con không nói trước, để cửa hàng bán ưu tiên cho. Thế hôm nào con đi? - Thưa cụ, ngày mai con đi ạ. - Ôi, sao vội thế? Ở thêm dăm bảy ngày nữa cũng được chứ gì? - Đơn vị cháu cho nghỉ một tuần, thế là nhiều rồi ạ. - Khổ chưa, mai đã ra địa đầu, trước thằng giặc, mà hôm nay còn xếp hàng mua gạo cho mẹ. Thế không có ai đỡ cô à? Tuyết cười hồn hậu: - Mẹ cháu đang mệt. Em cháu hôm nay lao động ở công trường Tô Lịch. Cháu đi mua là phải, có gì đâu ạ. Bác Thăng ghé sang nói với bác Hồng: - Nghĩ cũng hay, bác nhỉ. Nhiều khi, mình biết làm việc đại sự mà lại quên những việc nhỏ bé nhưng thiết thực. Đấy, mình đã từng dự hàng bao cuộc mít tinh, dán hàng bao nhiêu khẩu hiệu, nhưng mấy ai nghĩ tới những việc làm thật chi ly, như quan tâm đến gia đình cô Tuyết này chẳng hạn, để bà con trên đó yên tâm chiến đấu? Kỳ này về họp tiểu khu, tôi phải có ý kiến mới được. - Ừ, phải đấy bác ạ ... Trời đã về chiều. Ánh nắng xế gay gắt xuyên qua cửa sổ, rọi vào khắp căn phòng. Cô nhân viên lương thực đứng lên: - Thưa các bác, chúng ta lại vào việc chứ ạ. Bây giờ đến chị Tuyết vào ghi hoá đơn nhé. - Cả ông Hồng nữa! - Mọi người đồng thanh vui vẻ. Lúc này, không ai còn nhớ đến anh chàng Tập hung hăng hồi nãy nữa. Mà anh chàng cũng đã biến đâu mất, như giọt nước đọng trên phiến đá, nhanh chóng bay hơi dưới ánh nắng mùa hè, không để lại dấu vết gì. Hà Nội, 1979 30
  • 31. Người mẹ và con chó nhỏ Nhà Li nuôi một con chó cái. Vốn thuộc giống nhỏ, lại là con cuối đàn, cho nên nó bé tí tẹo. Bố Li chọn con này, vì ông bảo rằng ông thích nuôi chó nhỏ, mèo to. Mẹ Li đặt tên cho nó là Mimi. Với thân hình thon dài được bao phủ một lớp lông trắng muốt, mềm mại, Mimi trông yểu điệu và duyên dáng làm sao. Thế nhưng nó không yếu đuối, mà săn chắc, mạnh khoẻ, nhanh nhẹn. Nó rất ngoan, dạy gì biết nấy, bảo sao nghe vậy. Đêm, có động tĩnh gì, Mimi biết sủa, tiếng sủa phát ra từ cái cổ khẳng khiu, chỉ kêu nhanh nhách, nghe không oai vệ gì, nhưng cũng đủ báo động cho cả nhà. Có hôm, vào nửa đêm, nghe Mimi cứ nhí nhách sủa mãi, bố Li mở cửa thì thấy hai chú nhóc đang ngồi bên hè tiêm chích cho nhau. Hai chú vội đứng dậy, vật vờ dắt nhau ra ngõ. Bố Li rất hài lòng với con chó nhỏ. Muốn giữ cho Mimi sạch sẽ, mẹ Li cấm chỉ nó ra khỏi nhà. Nó cũng tuân thủ tuyệt đối kỉ luật ấy. Thậm chí có lần Li ôm nó ra ngõ chơi, nó liền toài xuống đất, chạy về nhà. Trên đường, nó gặp một con chó đực đen tuyền cũng nhỏ bé nhưng săn chắc như nó. Chàng hắc cẩu tiến tới ve vãn, dí sát cái mũi đen sì vào cuối lưng nàng bạch cẩu hít hít. Hình như đã quên cả mùi đồng loại, con Mimi run rẩy, co rúm người lại, rồi cụp đuôi phóng rõ nhanh vào nhà. Người ta bảo chó là loài trung thành và chân thật. Con Mimi thể hiện đúng như vậy. Nó luôn biểu đạt tình cảm thắm thiết với chủ một cách vô tư, mộc mạc, không phải là sự quấn quýt nịnh bợ. Có đợt bố Li đi công tác dài ngày, Mimi hầu như bỏ ăn. Nó nằm ghếch mõm bên hè, mặt buồn rầu, mắt ươn ướt nhìn vào cõi vô định. Khi bố Li về, Mimi nhảy cẫng lên, chạy vòng quanh, hết lậy lại lăn tròn trên nền nhà, cuống cuồng, xoắn xuýt. Nhưng sự chân thật đến vụng về ấy của Mimi đôi khi làm phiền con người. Có hôm, mẹ Li đi làm về, vừa dắt xe lên hè thì Mimi chạy ra mừng rỡn, quẩn quanh chân, khiến mẹ Li vấp suýt ngã. Thế là Mimi ăn quát. Nó tiu nghỉu chui vào gầm ghế, lấm lét nhìn theo mẹ Li, đuôi vẫn vẫy vẫy. Khi bố Li gọi: "Mimi, ra đây nào! Lại phạm khuyết điểm, bị mắng chứ gì?", Mimi rụt rè chui ra, vẫy vẫy đuôi, xán lại gần bố Li, nhưng mắt vẫn liếc nhìn mẹ Li vẻ ân hận. Mimi vẫn vậy, bất cứ khi nào chủ gọi, là nó ngoan ngoãn đến bên, sẵn sàng nghe lệnh. Thực ra, nó có làm nên công cán gì đâu, bởi vì cũng chẳng có việc gì cho nó làm. Cùng lắm là nó được mẹ Li sai đứng lên hai chân sau, chắp hai chân trước lạy khách, tỏ lòng hiếu khách mà thôi. Thế nhưng, hễ gọi là nó đến, sẵn sàng phục dịch, chứ không đòi hỏi gì. Cứ thế, con Mimi lớn lên trong thanh bình. Nhưng từ bên trong cái cơ thể nhỏ nhoi ấy, có một nỗi khát thèm đang lớn dần lên, như hũ rượu nếp đang ủ 31
  • 32. men cứ bốc lên dần cái nồng say, thẩm thấu vào từng tế bào, khiến nó râm ran, rậm rật. Có lần, nó chạy lên, chạy xuống cầu thang, kêu ăng ẳng. Có lần, nó lại ôm ghì lấy chân bố Li, nhún nhún, cọ sát... Bố Li bảo: "Con này động đực rồi". Mẹ Li bảo: "Nó mà đẻ thì bẩn lắm. Không cho nó đi tơ được đâu". Thế là mọi người cảnh giác với Mimi. Cửa, cổng lúc nào cũng đóng kín, phòng khi Mimi ra ngoài tìm đực. Một thời gian sau nó dịu đi, ăn chơi bình thường. Rồi ít lâu sau, nó lại nhảy cẫng lên, lăn lộn. Cứ thành chu kỳ như thế, Mimi khi thì cuồng loạn trong cơn dục vọng, lúc lại lặng lẽ trong nếp sống êm đềm. Có điều, nó sống bình lặng trong nhà, cuồng loạn cũng trong nhà, không hề tìm cách bung phá. Có hôm, mẹ Li đi đổ rác, để hé cửa, cổng. Đúng lúc ấy, có một con chó đực từ ngoài ngõ chạy vào đứng trước cửa nhà Li rít liên hồi. Mimi thò cổ ra, nhìn đồng loại với con mắt âu sầu và lãnh đạm rồi lặng lẽ quay vào, leo lên gác hai, chui vào gầm giường nằm im thin thít. Nhưng tối ấy, thì Mimi vật vã đến cùng cực. Nó lao một mạch từ tầng một lên tầng năm, rồi phóng xuống, cuống cuồng chạy vòng quanh phòng khách, lăn lộn dưới đất. Chạy, lăn không biết bao nhiêu vòng rồi nó thở hổn hển, chồm lên bức tượng gỗ tạc hình con chó nhỏ mà bố Li vẫn để ở góc phòng, nhún lên nhún xuống, cọ cọ sát sát... Cái giống động vật cái thường có biểu hiện như vậy mỗi khi hứng tình. Bố Li nhớ lại hồi kháng chiến chống Mỹ ở Trường Sơn, những con lợn cái không có đực, cũng thường nhảy bừa lên lưng những con lợn cái khác, nhún nhảy như vậy. Ngay cả con gà mái thiếu trống, khi thấy đàn ông đi qua cũng nằm ẹp xuống, ngỏng phao câu lên, xoè bộ lông đuôi ra chờ đợi. Loài vật là vậy, không bị ý thức kìm nén, chúng biểu hiện bản năng sinh tồn một cách chân thực và lộ liễu. Cũng vì vậy, sự không được thoả mãn và đòi hỏi được thoả mãn của chúng bộc lộ một cách trần trụi, biến thành những hành động thô cuồng không cần che dấu, trông thật đáng thương hại. Bố Li bảo: "Hay là cho nó đi tơ, chịu khó bận bịu một chút, chứ ai lại kìm hãm nó như thế!" Nhưng mẹ Li nhất quyết không đồng ý, vì không thể chịu nổi sự bận rộn và bẩn thỉu mà một con chó đẻ có thể đem lại ngôi nhà này. Cuộc sống ngoài xã hội vốn đã có quá nhiều thứ phải tẩy uế rồi, không nên đem thêm cái dơ dáy vào trong nhà mình. Từ khi nhà Li đưa về một con mèo nhỏ, thì cuộc sống của Mimi có những thay đổi. Con mèo tam thể được đặt tên theo tiếng kêu - Meomeo. Li lấy cho nó cái đĩa sạch, trộn cơm cá, để cạnh cái đĩa cơm thịt của con Mimi. Mimi quen nếp, tiến lại ăn. Con mèo tỏ ra sợ hãi, rúm người lại. Mẹ Li bảo: "Chành choẹ như chó với mèo. Thôi, con Mimi lớn hơn, cho ăn sau". Thế là Mimi bị đưa ra ngoài phòng khách, trực cơm con Meomeo. Ngày qua ngày, con Meomeo lớn dần lên, to béo và hùng dũng. Bây giờ, Li không phải cho nó ăn trước nữa, mà nó tự giành phần ăn trước. Nó hết sức đáo để, vừa ăn vừa canh chừng, không cho con Mimi ăn. Mimi vốn khảnh ăn, 32
  • 33. nhưng thấy chủ đã cho phép cùng ăn với con mèo mà lại bị con mèo ngăn cản, liền xán lại, rúc mõm vào đĩa thức ăn. Con Mèo quá đáo để, giơ chân trước tát lấy tát để vào mặt con chó. Mimi lùi mấy bước, nhìn chủ bằng đôi mắt vừa như tố cáo vừa như dò hỏi. Thấy chủ không tỏ thái độ gì, Mimi buồn bã rời khỏi nơi ăn, ra phòng khách nằm cuộn tròn. Còn con mèo, được thể càng lấn tới, ăn hết phần ở đĩa mình lại sang liếm láp phần của Mimi. Nhưng bụng mèo nào có chứa được bao nhiêu thức ăn, cho nên nó chỉ liếm láp giữ chỗ, chứ có ăn thêm đâu. Ăn, liếm chán rồi, nó bỏ đi, leo lên đệm ghế nằm khoanh tròn, vẻ thoả mãn. Lúc ấy Mimi mới lặng lẽ vào bếp, lùi lũi ăn. Bữa sau, Li tách hai đĩa cơm ra xa nhau, nhưng Meomeo vẫn chạy qua chạy lại hăm doạ, giữ rịt lấy cả hai. Sự việc cứ thế tiếp diễn, Meomeo ăn trước, chán chê rồi mới đến Mimi. Tự nhiên, Meomeo trở thành bá chủ, dương dương tự đắc nhìn con chó nằm chực ăn mỗi bữa cơm, cứ như đó là kẻ hầu người hạ không được ăn cùng một lúc với chủ. Càng lớn, con mèo càng ra oai với con chó và càng khéo nịnh người. Nếu nói rằng loài người có quy luật là ai đã nịnh trên, kẻ ấy hay nạt dưới thì những biểu hiện của Meomeo cũng rất gần với loại người này. Khi đói, nó tiến đến sát mẹ Li, kêu khừ... khừ... rồi cọ cọ mình vào chân bà. Thế là nó được ăn. Nhưng, chỉ có những lúc cần ăn hoặc cần giành phần với Mimi, nó mới sán lại bên chủ, chứ nói chung, nó rất thờ ơ với chủ. Như là mèo hoang hay cáo ấy, thấy người đến gần là Meomeo lảng ra xa, chủ chẳng khi nào gọi được nó đến gần. Nhiều lần có khách đến chơi, mẹ Li muốn khoe con mèo tam thể đẹp như tranh của mình, cứ gọi "Meo meo" mãi mà nó làm như không nghe thấy, tảng lờ leo lên đệm xe máy nằm lim dim mắt. Những lúc ấy, mẹ Li bực lắm, nhưng đành kìm nén. Bù vào, bà lại gọi Mimi. Nghe mẹ Li gọi:"Mi mi, Mi mi!", nó liền chạy tới, đến trước từng người lạy rối rít, làm cho khách mở tròn mắt thán phục và cười vui vẻ. Mẹ Li cũng cười, đầy tự hào. Thế nhưng, chẳng bao giờ bà vuốt ve nó cả. Chứ con mèo, với cái thói hoang đàng nhưng khéo nịnh lại hay được chủ quan tâm. Mỗi lần nó đến cọ mình vào chân chủ, khừ khừ vẻ thân ái, dù biết là nó nịnh xin ăn, mẹ Li vẫn cứ thấy thích thú, thế nào cũng thưởng cho nó chút cá hay miếng mỡ. Meomeo còn hay tự thưởng cho mình bằng cách ăn vụng. Khi nhà để thức ăn sơ hở trên bàn, nó cướp miếng thịt hay miếng cá đã đành, mà ngay cả khi thức ăn được để nơi kín đáo, nó vẫn có cách ăn vụng. Một hôm, đang ngủ thì cả nhà giật mình vì một tiếng "choang" rất to ở dưới bếp. Li xuống, thấy lọ ruốc đã vỡ tan, ruốc vãi ra nền nhà, còn con mèo thì đang tranh thủ "bồi dưỡng". Li liền bỏ thời gian rình xem cách thức ăn vụng của Meomeo ra sao. Vốn là cô bé có cá tính, hoạt bát, Li cũng phải thán phục cho sự tinh ranh của con mèo. Hoá ra, nó leo lên bàn, dùng chân trước gạt những lọ đựng thức ăn cho rơi xuống đất, vỡ ra. Không những vậy, nó còn biết mở tủ lạnh tha thức ăn ra nữa. Cả nhà tỏ ra bực với con mèo, nhưng đồng thời lại thấy thú vị bởi cái thói 33
  • 34. mạnh bạo, tinh khôn của nó. Cái thói ma mãnh của Meomeo, khi khừ khừ quanh chân nịnh bợ, khi lảng tránh, lúc phá phách, ăn vụng, lại khiến chủ phải gượng nhẹ và nuông chiều nó hơn. Thảng hoặc có khi nó tỏ ra âu yếm chủ, thì nó liền được đáp lại một cách nồng thắm. Ấy là vào một tối mùa đông, vừa đi hoang về, lạnh quá, Meomeo nhảy tót vào lòng mẹ Li, khừ khừ trong họng bài ca cò cử, làm mẹ Li vui hết cỡ. Bà rối rít gọi Li: "Li ơi, hôm nay con mèo quý mẹ ghê, nó tự nhảy vào lòng mẹ đây này! Tý nữa thưởng cho nó khúc cá mè nhé!". Bố Li cười: "Thật là bất công, giống như đối với con cái vậy, đứa con ngoan thường ít được quan tâm, đứa con ngang bướng lại hay được kiềng nể, gượng nhẹ và khen ngợi!" Không rõ có hiểu được lời bố Li bình luận không, mà Mimi bỗng đứng dậy, vẫy vẫy đuôi. Thấy mẹ Li vẫn vuốt ve con Meomeo, Mimi lẳng lặng chui vào gầm ghế - có lẽ nó dỗi. Vào các bữa ăn, nó cũng hay dỗi như thế. Có khi chị Li trộn xong hai đĩa cơm rồi, nhưng thấy Meomeo luồn qua luồn lại giữa hai chân mẹ Li, rồi lại khừ khừ, rồi lại uốn mình cọ cọ vào chân mẹ Li, Mimi lẳng lặng chui vào gậm bàn. Nó lạnh lùng nhìn Meomeo, rồi lại chăm chú nhìn mẹ Li, lúc sau nhắm mắt vờ ngủ. Khi ấy, Li phải dỗ dành mãi, Mimi mới ăn nhưng không hết khẩu phần. Sự việc kéo dài một thời gian thì Mimi bỗng thay đổi thái độ. Vừa thấy Li trộn xong hai đĩa thức ăn, Mimi liền xông tới. Meomeo quen thói đành hanh, giơ chân trước tát vào mặt Mimi, liền bị Mimi tớp cho một miếng. Meomeo hoảng quá, kêu ngoắng lên một tiếng rồi co rúm mình, chui tọt vào gầm cầu thang. Mẹ Li liền mắng: "Mày cậy lớn bắt nạt em à, tao cho một trận bây giờ!". Mimi nghếch mõm, dỏng tai nghe, ve vẩy đuôi, rồi lặng lẽ ăn. Con mèo sống trong nhà một thời gian thì bắt đầu kêu ngoao, ngoao. Bố Li lại bảo: "Nó động đực đấy". Mẹ Li lại cũng bảo: "Không cho nó đẻ. Bẩn lắm!". Thế là Li đem về một cái cũi sắt, nhốt mèo lại. Nhưng Meomeo thuộc loại ghê gớm. Nó lồng lộn trong cũi, sứt sát cả mặt mày. Đêm, nó kêu gào thê thảm, khiến cả nhà không chịu nổi, đành thả nó ra. Mèo ta lập tức vọt lên tầng hai, lao qua cửa sổ, tuồn theo tường rào xuống đất, biến mất. Và nó đi hoang. Mãi hai ngày hai đêm sau Memeo mới về, đem theo một vết rách dài ở mép. Li bảo là con này ghê thật, dám ra ngoài đánh ghen. Chẳng biết đi hoang làm những việc gì, có đánh ghen hay không, nhưng vừa về đến nhà là Meomeo giở thói nịnh nọt ra: nó đi quanh, cọ mình vào chân mẹ Li, kêu khừ... khừ... Mẹ Li sai Li đem Meomeo đi tắm, rồi cho ăn cơm với cá. Hình như chuyến đi trăng gió vừa rồi không đạt kết quả gì, cho nên chỉ ít ngày sau, Meomeo lại quậy phá. Nó ngoao ngoao một thôi một hồi rồi chuồn khỏi nhà, biến luôn cả một tuần. Hôm nó trở về, người xơ xác, lông rụng mấy mảng, mặt đầy thương tích, tai rách làm 34