SlideShare a Scribd company logo
1 of 35
Download to read offline
Hướng Dẫn học Kinh Thánh Nhóm
Tác giả: Viện Thần Học Việt Nam
Lời mở đầu
Chương 1
Tại sao học Kinh Thánh trong nhóm nhỏ
Chương 2
Bắt đầu một nhóm học Kinh Thánh
Chương 3
Quyết định phải học những gì
Chương 4
Chuẩn bị hướng dẫn
Chương 5
Làm thế nào để học Kinh Thánh
Chương 6
Cách soạn câu hỏi
Chương 7
Hướng dẫn thảo luận
Chương 8
Nhận xét giá trị buổi thảo luận
Chương 9
Cùng tăng trưởng
Hướng Dẫn Học Kinh Thánh
Hướng dẫn học Kinh Thánh là một Kinh nghiệm rất vui và ích lợi, tuy nhiên
đây cũng có thể là một công việc đáng ngại, nhất là khi bạn chưa bao giờ
hướng dẫn. Nếu cảm thấy ngại thì xin đừng lo vì bạn sẽ có rất nhiều người
đồng hội đồng thuyền. Khi Thiên Chúa truyền bảo Môi-se dẫn tuyển dân ra
khỏi Ai-cập, ông đã trả lời: "Ôi lạy Chúa, Chúa muốn sai ai đi thì sai”
(XuXh 4:13).
Khi Sa-lô-môn lên làm vua nước Y-sơ-ra-ên, thấy trách nhiệm quá sức mình
ông đã thưa: "Giê-hô-va Đức Chúa Trời tôi ôi… tôi chỉ là một đứa trẻ nhỏ
chẳng biết vào ra làm sao… vì ai có thể đoán xét dân lớn này của Chúa?”
(IVua 1V 3:7, 9).
Khi Chúa gọi Giê-rê-mi làm tiên tri, ông đã thưa: "Ôi hỡi Chúa Giê-hô-va
này, tôi chẳng biết nói chi vì tôi là con trẻ” (Gie Gr 1:6).
Chúng ta có thể tiếp tục nêu thêm nữa. Các sứ đồ là những người "tầm
thường, không học” (Cong Cv 4:13). Ti-mô-thê còn trẻ, yếu đuối, nhút nhát.
Còn Phao-lô thì có một 'cái dằm xóc trong thịt' làm ông thấy mình yếu đuối.
Nhưng Chúa đã trả lời cho các tôi tớ của Ngài trong đó có bạn, cùng một lời:
“ân điển ta đủ cho ngươi rồ” ' (IICo 2Cr 12:9). Vậy, xin bạn yên tâm vì
những nhân vật trên có yếu đuối đến đâu Ngài vẫn giúp, cho nên Ngài cũng
có thể giúp bạn dù cảm thấy mình không đủ sức.
Còn một lý do khác bạn nên phấn khởi đó là việc hướng dẫn học Kinh
Thánh không khó nếu bạn đi theo một số điều chỉ dẫn cần thiết. Bạn không
cần phải là một chuyên gia Kinh Thánh hay một giáo sư được huấn luyện
mới có thể hướng dẫn học Kinh Thánh được. Vì vậy, những gợi ý trong sách
này có thể giúp bạn hoàn thành vai trò người hướng dẫn học Kinh Thánh
một cách hữu hiệu và hứng khởi.
Chương 1: TẠI SAO HỌC KINH THÁNH TRONG NHÓM NHỎ
Khi chúng tôi đến thì buổi học đã bắt đầu. Mọi người ngồi vòng tròn, Kinh
Thánh để trên lòng. Lúc đầu rất khó biết ai là người hướng dẫn vì hết người
này đến người kia đóng góp trao đổi qua lại. Hầu như mọi người đều tham
gia.
Đoạn Kinh Thánh học hôm đó trong sách Giô-na. Chúng tôi ngồi vào chỗ và
tức khắc bị cuốn hút vào không khí thảo luận. Hóa ra Đào là người hướng
dẫn, cô nêu câu hỏi: 'Đức Chúa Trời bảo Giô-na đến giảng cho dân ngoại
thành Ni-ni-ve ở phía Đông nhưng Giô-na lại trốn sang phía Tây. Chúa đã
phản ứng thế nào đối với sự bất tuân của Giô-na? Mọi người cúi xuống dò
Kinh Thánh rồi Tiến góp ý: 'Chúa phán xét Giô-na vì ông không vâng lời
Ngài'. Anh giải thích cho biết nhà tiên tri suýt bị đắm tàu, bị ném xuống
biển, bị một con cá lớn nuốt, ở ba ngày ba đêm trong bụng cá và rồi được nó
mửa ra trên bãi biển.
Sương đồng ý với Tiến nhưng cho rằng như vậy là Đức Chúa Trời vẫn còn
thương xót Giô-na. Cô nói: 'Đáng lẽ Chúa có thể đã để Giô-na chết chìm
dưới biển hoặc tiêu tan trong bụng cá’ Cả nhóm cười ầm. Lát sau Đào hỏi:
'Còn anh chị nào đóng góp gì nữa không?'
Cân từ nãy giờ yên lặng bây giờ cũng góp ý: 'Đức Chúa Trời biết rõ phải
như thế nào Giô-na mới chịu ăn năn cho nên khi Giô-na đã được an toàn trên
đất khô và lời Chúa đến với ông lần thứ hai, lúc này ông mới thực sự muốn
tính chuyện đi Ni-ni-ve'.
Buổi học Kinh Thánh cứ tiếp tục như thế trong khoảng 45 phút. Thỉnh
thoảng Đào thêm một câu hỏi khác trong tập hướng dẫn: ‘Phản ứng của Giô-
na khi dây leo chết’, 'So sánh thái độ của Chúa với thái độ của Giô-na đối
với dân thành Ni-ni-ve'. Nhiều người trong nhóm trả lời, luôn luôn dựa trên
phần Kinh Thánh đang đọc.
Nhóm học Kinh Thánh tối thứ tư của chúng tôi gồm một anh thảo chương
viên, một bà nội trợ, một chuyên viên thương mại, một nhà quảng cáo và
một đặc trách viên của đoàn sinh viên Tin Lành, một chủ bút và một họa sĩ,
còn Đào là một thư ký bán thời gian. Tuy nhiên chúng tôi hết sức ngạc nhiên
vì có thể học được lẫn nhau rất nhiều. Mỗi người đã đưa ra một nhãn quan
rất độc đáo đối với sách Giô-na là một sách tuy ngắn nhưng rất hào hứng
này. Tất cả chúng tôi đều như sống lại những kinh nghiệm của Giô-na.
Chúng tôi thấy ông vừa khôi hài vừa tội nghiệp nhưng có lẽ điều quan trọng
nhất là chúng tôi thấy mình với ông là một!
Chúng tôi cũng có một cái nhìn về Đức Chúa Trời nhất là về sự chăm sóc
của Ngài đối với con người - ngay cả với những người chúng ta không chấp
nhận. Ngài áp dụng kỷ luật với Giô-na trong tình thương. Ngài cũng thương
xót dân thành Ni-ni-ve dù họ thuộc về một quốc gia tàn bạo, thờ hình tượng.
Công lý và sự phán xét của Ngài hoàn toàn chính xác, nhưng cũng phản ánh
sự thương xót, sự tha thứ và tình thương.
Cuối buổi học Kinh Thánh tất cả chúng tôi đều mệt nhoài nhưng lại cảm
thấy hăng hái, được khích lệ và học hỏi được rất nhiều.
Cách học Kinh Thánh trên là một Kinh nghiệm học hỏi độc đáo. Thông
thường việc học chú trọng vào người hướng dẫn hơn là nhóm. Trong bài
thuyết trình hay bài giảng, người hướng dẫn nói từ đầu đến cuối trong khi cả
nhóm chỉ nghe. Các buổi học Kinh Thánh cũng rơi vào trường hợp đó nghĩa
là người hướng dẫn đưa ra mọi câu trả lời và nhóm chỉ thỉnh thoảng mới nêu
lên câu hỏi.
Nhưng đúng ra, trong một buổi học Kinh Thánh thì trọng tâm là nhóm chứ
không phải người hướng dẫn. Vì đây là buổi thảo luận không phải buổi
thuyết trình cho nên hầu hết các nhóm viên sẽ phát biểu. Người hướng dẫn
nêu câu hỏi để nhóm trả lời dựa trên đoạn Kinh Thánh đang học. Việc thảo
luận như thế sẽ đưa đến những hoàn cảnh thật mà họ đối diện trong cuộc
sống.
Cách học này có một số các ưu điểm như sau:
1. Nhóm viên học được cách tự nuôi mình bằng lời Chúa. mỗi người trong
nhóm đều có trách nhiệm khám phá ý nghĩa đoạn Kinh Thánh. Đối với một
số người thì trách nhiệm này là một kinh nghiệm mới. Họ thường quen nghe
giảng Kinh Thánh và biết rất nhiều về Kinh Thánh, nhưng những điều họ
biết chỉ là kết quả nghiên cứu của người khác chứ không phải của chính họ.
Đối với nhiều người, việc học Kinh Thánh khích lệ họ đào xới lời Chúa,
Kinh Thánh trở nên sống động một cách không ngờ mà họ chưa bao giờ
kinh nghiệm.
2. Cách học này khuyến khích việc học Kinh Thánh đều đặn. Học Kinh
Thánh trong nhóm có tính cách phụ trội chứ không thay thế việc học Kinh
Thánh cá nhân. Tuy nhiên vì nhiều người thiếu kỷ luật trong việc tự học
Kinh Thánh đều đặn nên việc học Kinh Thánh nhóm mỗi tuần một lần khích
lệ họ trong việc học Kinh Thánh cá nhân.
3. Học Kinh Thánh nhóm giúp mọi người có cơ hội tham gia vì nhân số
trong nhóm ít (từ 8 đến 10 người là tốt nhất). Mọi người bắt đầu ý thức rằng
việc đóng góp của họ là thiết yếu cho việc học hỏi. Ngay cả những người
chưa bao giờ dám lên tiếng trong những buổi nhóm lớn cũng bắt đầu góp ý.
Nhóm nhỏ làm cho người ta bớt ngại ngùng và trở nên thân mật hơn cho nên
không bao lâu mọi người đều phát biểu tự do.
4. Học Kinh Thánh nhóm giúp chúng ta học được qua ý kiến của người
khác. Trong khi mỗi người chia xẻ chúng ta hiểu đoạn Kinh Thánh rõ hơn và
biết áp dụng trong cuộc sống.
5. Nhóm viên trở thành một thành phần trong một cộng đồng biết lo tưởng
cho nhau. Nhóm học Kinh Thánh tạo ra một khung cảnh tự nhiên để mọi
người có thể giúp nhau, tạo ra những mối quan hệ cởi mở và chân thành.
6. Trong một nhóm học Kinh Thánh bạn không cần phải là một nhà chuyên
môn như mục sư, hay là một nhà thần học mới hướng dẫn được. Thí dụ như
bạn không cần phải biết về đoạn Kinh Thánh nhiều hơn người khác. Đôi lúc
có thể bạn phải nêu lên một câu mà chính bạn không thể trả lời. Nhưng với
sự góp ý của các nhóm viên bạn có thể hiểu rõ hơn. Mặt khác, bạn cũng
không cần được huấn luyện để nói trước công chúng vì nhóm sẽ thảo luận
còn bạn chỉ đặt câu hỏi và khuyến khích tham gia, bạn cũng không cần phải
biết cách viết câu hỏi thảo luận vì đã có rất nhiều tài liệu học Kinh Thánh do
những người chuyên môn viết.
Nhóm học Kinh Thánh của chúng tôi đã ý thức được những điều này khi
chúng tôi nhờ Đào hướng dẫn học sách Giô-na. Nhưng với sự chuẩn bị kỹ
lưỡng, với sự tham gia của nhóm, và tài liệu hướng dẫn chúng tôi đã có một
buổi học rất tốt.
Chương 2: BẮT ĐẦU MỘT NHÓM HỌC KINH THÁNH
Học Kinh Thánh? Cũng giống như bất kỳ một nhóm nào khác, bạn tìm
những người có cùng một ý muốn và sẵn sàng dành thì giờ với nhau. Quan
tâm của mỗi người khác nhau, tùy lúc, tùy người. Có người chỉ muốn tìm
biết những gì Kinh Thánh nói, trong khi những người khác thích học một
sách hay một đề tài nào đó, nhưng cũng có những người đến với buổi học
Kinh Thánh chỉ vì họ cô đơn và muốn có bạn. Dù với lý do hay động cơ nào
đi nữa người ta vẫn có thể tìm được những người thích học Kinh Thánh.
BƯỚC THỨ NHẤT
1. Người
Nghĩ đến và cầu nguyện cho những người bạn muốn mời, có thể bạn đã có
sẵn tên một số người nào trong trí.
2. Quan tâm
Cần ý thức rằng một cuộc thảo luận chỉ cần có hai người và bạn có thể bắt
đầu với 2 hay 10 người quan tâm. Cũng cần nhớ rằng có người thấy như
không quan tâm gì nhưng lại muốn đến dự y như người tỏ ra thích thú, bạn
sẽ rất ngạc nhiên về những người bằng lòng đến dự.
3. Lời mời
Khi mời ai bạn có thể nói vài lời như, ' Chị An, chúng tôi muốn học Kinh
Thánh với nhau trong vài tuần tới, mời chị đến học với chúng tôi cho vui'.
Lý tưởng là nên đích thân đến mời từng người. Nhưng gọi điện thoại, dán áp
phích hay thông báo trong buổi nhóm cũng có thể có hiệu quả.
4. Nhắc nhở
Nếu bạn mời nhiều ngày trước buổi học thì gọi điện thoại nhắc trước một
ngày hay vài giờ là điều nên làm, nếu bạn ở trong ký túc xá hay ở nhà thì
việc ghé đón những người đến học sẽ làm cho buổi nhóm đông hơn và đem
mọi người lại với nhau trong một thái độ chấp nhận và tích cực.
5. Buổi họp hỗn hợp - Thận trọng
Nếu bạn dự định tổ chức một buổi học cho người chưa tin thì sự hiện diện
của vài tín hữu chỉ có thể làm hỏng mục tiêu của bạn, trừ phi họ là những
người có lòng yêu thương, quyết không xen vào thuyết giảng cho các thân
hữu trong buổi thảo luận. Những người trong nhóm cần phải ý thức rằng bất
cứ ai, dầu là tín đồ hay không phải tín đồ cũng đều có thể có những đóng
góp giá trị cho buổi học Kinh Thánh, dựa trên căn bản Kinh Thánh họ học.
6. Kế hoạch
Chỉ nên thông báo thì giờ và địa điểm của buổi học đầu khi bạn nhắc lại lời
mời, còn những chi tiết khác nên dành để vào lúc học. Việc này sẽ làm cho
các nhóm viên cảm thấy họ là thành phần quan trọng của nhóm.
a. Trong buổi học đầu nên quyết định thời gian và địa điểm nhất định cho
buổi học mỗi tuần. Tốt nhất là nên họp ở chỗ nào có không khí thoải mái và
thân mật. Nếu học tại nhà riêng nên luân phiên mỗi tháng học tại một nhà.
b. Ấn định thời gian buổi học. Thì giờ học có thể khoảng nửa giờ đến một
giờ, nhưng không nên lâu quá.
c. Quyết định nội dung học. Nhóm có thể muốn học một sách trong Cựu
Ước hay Tân Ước , học về nhân vật hay đề tài (xem chương ba).
d. Đồng ý về những gì sẽ làm trong buổi học tới. Ai hướng dẫn? Nếu định
dùng một tài liệu hương dẫn nào thì ai mua? Có ai chuẩn bị đem đồ giải khát
không ?
BUỔI NHÓM ĐẦU
Nhóm tối thứ tư của chúng tôi quyết định mỗi người đem thức ăn đến ăn
chung trong buổi nhóm đầu. Anh chị Tiến Đào mời chúng tôi đến căn nhà
chung cư, mỗi người đem theo một ít thức ăn. Bữa ăn tối giúp chúng tôi tiếp
xúc với nhau trong không khí thân mật thoải mái.
Sau bữa tối, mọi người quây quần trong phòng khách, người hướng dẫn nêu
những vấn đề cần thảo luận, mọi người quyết định họp mỗi tháng ba lần
trong 6 tháng tới. (Kinh nghiệm cho thấy tốt nhất là nên hạn định thời gian).
Buổi học bắt đầu từ 7 giờ đến 8 giờ 30 mỗi tối thứ tư. Giờ đầu học Kinh
Thánh, còn nửa giờ sau để tâm tình và cầu nguyện. Chúng tôi cũng định nên
có một món tráng miệng kết thúc buổi học (nhóm chúng tôi ai cũng thích
mục này).
Thời gian đầu chúng tôi đồng ý luân phiên học từng nhà (Nhưng về sau để
tiện cho một gia đình có con nhỏ chúng tôi học luôn tại nhà anh chị này),
chúng tôi cũng quyết định nội dung học và người hướng dẫn. Mọi người
đồng ý thay phiên hướng dẫn để những ai muốn hướng dẫn đều có cơ hội.
Buổi học đầu tiên diễn tiến tốt đẹp không ngờ. Mọi người đều thấy được
ngay rằng một nhóm học Kinh Thánh mới đã hình thành.
BẢNG GHI NHỚ
Bảng ghi nhớ sau đây giúp bạn nhớ những điều cần thiết khi thành lập
nhóm.
TRƯỚC KHI HỌP
Suy nghĩ và cầu nguyện về những người mình sẽ mời tham dự nhóm
Sắp xếp thì giờ và địa điểm cho buổi họp đầu
Gặp mặt mời trực tiếp hay mời qua điện thoại
Nếu được nên quảng cáo, cho biết thời gian địa điểm và đề tài thảo luận.
TRONG BUỔI NHÓM ĐẦU
Bàn định xem bao lâu sẽ họp một lần
Quyết định về thời gian, tiết mục buổi học
Ấn định nội dung sẽ học
Quyết định một người hướng dẫn hay luân phiên
Thỏa thuận về nơi học thường xuyên
Chương 3: QUYẾT ĐỊNH PHẢI HỌC NHỮNG GÌ
Khi đã lập được một nhóm học Kinh Thánh, làm sao cho bạn chọn đề tài?
Điều này tùy thuộc vào nhóm. Trong buổi học đầu, bạn có tìm hiểu ý thích
hay nhu cầu của nhóm bằng cách hỏi họ muốn học cách nào. Học từng sách,
từng nhân vật hay theo chủ đề. Nhưng phải cẩn thận, đừng chọn theo ý cá
nhân mà phải theo ý đa số. Đừng sợ nếu gặp đề tài khó, vượt quá khả năng
của bạn, bạn nên bắt đầu với những phần đơn giản trước.
Trong buổi học đầu, bạn nên hỏi kinh nghiệm những người trong nhóm đã
có trong việc học Kinh Thánh. Kinh Thánh đã giúp gì cho họ. Lúc họ trình
bày là lúc đem mọi người đến gần nhau, cũng là lúc giúp bạn biết phải quyết
định học gì.
HỌC THEO SÁCH
Có nghĩa là phải học từ đầu đến cuối. Thử tưởng tượng chỉ đọc một trang
trong 'Tom Sawyer', một hàng trong 'Hamlet', hay một đoạn trong 'Chiến
tranh và Hòa bình' thì chẳng ai hiểu gì cả. Vậy mà có nhiều người đã học
Kinh Thánh theo cách đó. Học theo sách là để bạn thấy toàn thể câu chuyện,
hay tư tưởng và phải theo dõi từ đầu đến cuối.
Nếu nhóm muốn học theo sách thì nên bàn xem sẽ học Cựu Ước hay Tân
Ước. Khi chọn sách học cần lưu ý đến nhu cầu của nhóm. Nếu trong nhóm
phần đông là tân tín hữu kiến thức Kinh Thánh còn rất mơ hồ mà chúng ta
lại chọn Ê-xê-chi-ên hay Khải Huyền thì thật thiếu tế nhị. Nên chọn một
sách ngắn, dễ mà căn bản. Thí dụ như sách Mác có nhiều dữ kiện về cuộc
đời và chức vụ của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Cũng có thể chọn những thư tín
ngắn khác như Ga-la-ti, Ê-phê-sô, Phi-lip, Cô-lô-se, Gia-cơ và thư Phi-e-rơ.
Những sách này rõ ràng, dễ hiểu, dạy những điều căn bản thực dụng. Cho
một nhóm của những người hướng dẫn thì nên chọn sách Ti-mô-thê hoặc
Tít. Trong Cựu Ước có những sách phổ thông như Giô-suê, Ru-tơ, I Sa-mu-
ên, Nê-hê-mi, A-mốt, Giô-na. Bạn nên thử bắt đầu với những sách ngắn như
Giô-na hay Ru-tơ, rồi qua những sách dài hơn như Giô-suê, Nê-hê-mi.
HỌC TỪNG NHÂN VẬT
Học nhân vật Kinh Thánh thường rất hào hứng. Khó có ai quên Nô-ê và cơn
đại hồng thủy, Áp-ra-ham dâng Y-sác, Giô-suê đánh thành Giê-ri-cô, Đa-ni-
ên trong hang sư tử... Học về nhân vật chúng ta có thể thấy được cách Chúa
hành động trong cuộc đời của nhiều người.
Cựu Ước là một nguồn cung cấp dồi dào về các nhân vật. Như trong Sáng
Thế Ký chúng ta có cuộc đời Áp-ra-ham, Y sác, Gia-cốp và Giô-sép. Môi-se
là nhân vật nổi bật của Xuất Ê-díp-tô Ký. Trong các Quan Xét thì có Đê-bô-
ra, Ghi-đê-ôn và Sam-sôn. I Sa-mu-ên là An-ne, Ê-li, Sa-mu-ên, Sau-lơ và
Đa-vít. Sách Ru-tơ, Nê-hê-mi, Ê-xơ-tê và Giô-na thì nói về chính nhân vật
đó. Và còn rất nhiều nhân vật khác nữa.
Tân Ước cũng có nhiều nhân vật lý thú. Trong các sách Phúc Âm chúng ta
có thể học về bà Ma-ri mẹ Chúa Giê-xu hay Giô-sép chồng bà. Bà Ê-li-sa-
bét và chồng là Xa-cha-ri cũng có nhiều điều đáng học lắm. Ma-thê cũng rất
phổ biến.
Trong sách Công Vụ nhân vật chính là Phi-e-rơ và Phao-lô, nhưng cũng có
Ê-tiên, Phi-lip và hoạn quan Ê-thi-ô-pi, Cọt-nây, Ba-na-ba, A-bô-lô, Bê-rít-
sin và A-qui-la. Tài liệu về các nhân vật Kinh Thánh thay đổi từ vài câu đến
vài đoạn, có người hàng chục đoạn. Sách Thánh Kinh phù Dẫn
(concordance) của Strong hay Young sẽ giúp bạn tìm biết thêm nhân vật bạn
học và biết phải để bao nhiêu thì giờ học về họ. Tài liệu hướng dẫn thảo luận
về các nhân vật trong Kinh Thánh đều có bán tại các nhà sách địa phương.
HỌC THEO CHỦ ĐỀ
Nhiều nhóm lại muốn học theo chủ đề. Truyền giáo, cầu nguyện, và sự
hướng dẫn của Chúa là những chủ đề căn bản. Bạn cũng có thể học về các
mỹ đức Cơ Đốc, hôn nhân Cơ Đốc, lãnh đạo, truyền giáo cho các sắc dân và
các trách nhiệm của một Cơ Đốc nhân đối với xã hội.
Sách Châm Ngôn có một số đề tài lý thú cho việc học theo chủ đề. Bạn có
thể học về người ngu dại, người khôn ngoan, người đơn sơ, người công
chính, kẻ gian ác, kẻ nhạo báng và kẻ lười biếng (tham khảo chú giải Cựu
Ước Tyndale, phần Châm Ngôn của Derek Kidner). Các đức tính và tật xấu
của nhân vật cũng là những đề tài hữu ích. Có thể học về sự lười biếng,
siêng năng, tham lam, hào hiệp, nóng nảy, tiết độ, yêu thương và ghen ghét.
Những sách như chủ đề Kinh Thánh của Nave (Nave's Topical Bible), có thể
giúp nhóm của bạn có thêm những ý khác.
HỌC VỚI TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN
Có nhiều lý do quan trọng cho việc dùng tài liệu hướng dẫn học tập làm căn
bản cho buổi thảo luận.
Một lý do quan trọng là thì giờ. Mỗi tuần bạn có thể mất từ 3 đến 4 giờ để
soạn câu hỏi, hầu hết những người hướng dẫn thảo luận rất khó thu xếp để
có thì giờ đó.
Lý do khác là phẩm chất. Phẩm chất của các tài liệu hướng dẫn đã gia tăng
rất nhiều trong những năm gần đây. Những người viết các tài liệu này
thường đã được huấn luyện trong lãnh vực học Kinh Thánh và có nhiều kinh
nghiệm trong đề tài họ viết. Mặt khác chỉ có những người hướng dẫn xuất
sắc mới có đủ kiến thức và kỷ năng viết một tài liệu hướng dẫn hữu hiệu.
Các tài liệu hướng dẫn cũng giúp cho nhóm có thể chuẩn bị trước. Chúng tôi
mạnh mẽ đề nghị mỗi nhóm viên đều có sách hướng dẫn, vì sự chuẩn bị của
họ gia tăng phẩm chất buổi học rất nhiều.
Một tài liệu hướng dẫn tốt phải có những gì? Các câu hỏi phải rõ ràng, hay
và kích thích suy nghĩ. Các câu hỏi tốt gợi ý thảo luận hơn là chỉ nhằm dẫn
đến những câu trả lời ngắn ngủi xác định hoặc phủ định. Câu hỏi tốt giúp
khám phá nội dung và ý nghĩa khúc Kinh Thánh. Mỗi bài cũng nên có hai
hay ba câu hỏi áp dụng đoạn Kinh Thánh vào đời sống hàng ngày.
Mỗi bài không nên có quá nhiều câu hỏi. Mười đến mười lăm câu hỏi đủ để
học trong suốt 45 phút đến 1 giờ. Tốt nhất là sử dụng tài liệu hướng dẫn
soạn cho từng đoạn ngắn mỗi lần học, không nhảy từ đoạn này qua đoạn kia,
cũng có thể có ngoại lệ khi đọc sách Châm Ngôn. Một điểm nữa là tài liệu
đó có ghi chú dành cho người hướng dẫn không? Nếu có thì những ghi chú
này rất bổ ích.
Hiện nay có rất nhiều tài liệu tốt, bạn có thể tha hồ chọn lựa. Xin ghé lại các
sách Tin Lành gần nhà trước khi đến với buổi học đầu tiên. Chọn một số tài
liệu hướng dẫn về các sách, các nhân vật hay về chủ đề. Hầu hết các tiệm
sách đều cho bạn được mua về tham khảo, nếu nhóm của bạn không thích
học theo tài liệu đó, bạn có thể trả lại nhà sách.
Đem theo tài liệu này trong buổi họp đầu cho mọi người tham khảo, như vậy
sẽ dễ quyết định hơn. Bạn sẽ đặt mua thêm cho nhóm tài liệu nào được chọn.
Nhóm chúng tôi muốn giữ quân bình trong việc học Tân, Cựu Ước và nhân
vật. Chúng tôi học I Ti-mô-thê trong những tuần đầu. Rồi trở lại Cựu Ước
trong sách Giô-na. Sau đó nhân vật với cuộc đời Ca-lép, Ghi-đê-ôn, Sam-
sôn, Ru-tơ, Ê-li và vài nhân vật khác - mỗi nhân vật học từ một đến hai tuần.
Sau đó lại tập trung học Ga-la-ti trong Tân Ước. Với 66 sách và rất nhiều
nhân vật, nhiều đề tài, chúng ta chỉ mới học phớt qua mà thôi.
Chương 4: CHUẨN BỊ HƯỚNG DẪN
Bi đang ngồi trong lớp học Trường Chúa Nhật, chờ đến giờ học. Giáo viên
bước lên trước lớp tuyên bố: "Sáng hôm nay chúng ta có chương trình đặc
biệt, bạn Bi được mời nói chuyện với chúng ta". Một cơn sóng sợ hãi chụp
xuống người khi Bi nhớ ra mình được mời cách đây mấy tuần. Bi quên mất
chuyện này! Bi từ từ đứng dậy, đi lên bục, đầu óc trống không. Phải làm gì
bây giờ? Phải nói gì bây giờ? Bi bỗng quyết định sẽ nói những gì mình mới
đọc trong giờ tĩnh nguyện sáng nay. Lớp không nhớ bài học này bao nhiêu,
nhưng chính Bi thì không bao giờ quên.
Để hướng dẫn buổi học Kinh Thánh có kết quả tốt đòi hỏi sự chuẩn bị. Vậy
mà nhiều người chờ đến phút cuối rồi mới vội vàng quơ quào cho đủ
chuyện. Làm như thế công việc chán ngắt và không kết quả không phải là
chuyện lạ. Chương này và hai chương kế sẽ giúp bạn những điểm căn bản để
biết phải chuẩn bị thế nào, dù bạn có sách hướng dẫn hay tự soạn câu hỏi.
Cầu nguyện và quyết đinh dành thì giờ chuẩn bị bài học. Thông thường bạn
phải dành ra hai giờ để chuẩn bị bài học, thời gian này thay đổi từng người.
Có thể xem đây là giờ đọc Kinh Thánh và cầu nguyện.
CẦU NGUYỆN
Trong Phúc Âm Giăng 15, Chúa Giê-xu phán: "Ngoài Ta, các ngươi chẳng
làm chi được” . Dĩ nhiên, bạn có thể làm được cái gì đó. Bạn có thể chuẩn bị
cẩn thận và hướng dẫn học Kinh Thánh rất hấp dẫn. Nhưng nếu không có
Chúa thì nó sẽ chẳng có một giá trị thiêng liêng nào. Phao-lô ý thức điều này
khi ông viết: ' Vả, những khí giới chúng tôi dùng để chiến tranh là không
phải thuộc về xác thịt đâu, bèn là bởi quyền năng Đức Chúa Trời, có sức
mạnh để đạp đổ các đồn lũy” (IICo 2Cr 10:4, 5). Chúa là Đấng duy nhất có
thể đạp đổ các đồn lũy tinh thần trong đời sống chúng ta. Những chỗ đó cần
phải được tăng trưởng. Ngài là Đấng duy nhất có thể biến cải những nỗ lực
của chúng ta, từ những hoạt động suông trở thành đầy sức sống. Giờ cầu
nguyện không bao giờ uổng phí, nhưng là thiết yếu.
1. Cầu nguyện cho chính mình
Xin Chúa giúp bạn hiểu và áp dụng đoạn Kinh Thánh đó cho chính mình.
Nếu không nhận được điều này, coi như bạn không được chuẩn bị để hướng
dẫn người khác. Charles Spurgeon, một nhà truyền đạo danh tiếng của thế
kỷ 19, đã từng viết rằng ông luôn luôn cầu nguyện khi đọc lời Chúa: "Để an
ủi linh hồn tôi, chứ không phải để soạn bài giảng, để chính tôi dầm thấm
trong lời Chúa trước. Tôi phải biết giá trị của giáo lý tôi dạy bằng chính kinh
nghiệm của mình.” Bạn hãy xin Chúa giúp mình hiểu đoạn Kinh Thánh, hiểu
những câu hỏi nghiên cứu để bạn có thể tập trung tinh thần giúp đỡ nhóm
của mình trong giờ học Kinh Thánh. Cũng xin Ngài ban thần linh làm tươi
mới lòng bạn để bạn không còn nghĩ đến chính mình nữa, nhưng dễ dàng dự
phần vào công việc của Đức Thánh Linh hành động trong nhóm.
2. Cầu nguyện cho từng nhóm viên
Bạn nghĩ đến từng cá nhân một: tình trạng yếu đuối hay mạnh mẽ, mối quan
tâm, sự hiểu biết Kinh Thánh của họ thế nào. Xin Chúa giúp họ có thể khám
phá được một điều nào đó trong sự phong phú, trong thách thức của lời
Ngài. Lời cầu nguyện của Phao-lô thật là một mẫu mực cho sự cầu thay này:
"Điều tôi xin trong khi cầu nguyện, ấy là lòng thương yêu của anh em càng
ngày càng chan chứa hơn, trong sự thông biết và sự suy hiểu, để nghiệm thử
những sự tốt lành hơn,hầu cho anh em được tinh sạch không chỗ trách được
cho đến ngày Đấng Christ làm cho sáng danh và khen ngợi Đức Chúa Trời”
(Phi Pl 1:9-10).
HỌC KINH THÁNH
Khi chính bạn và nhóm đã dốc đổ trong sự cầu nguyện thì đây đúng là bắt
đầu học Lời Chúa. Martin Luther đã so sánh việc học Kinh Thánh với việc
hái táo: "Trước hết, tôi rung cây, những trái chín sẽ rụng xuống, sau đó tôi
leo lên cây, rung từng tàng, rồi đến từng nhánh, rồi từng cành và cuối cùng
nhìn dưới từng chiếc lá” . Bây giờ bạn có thể làm theo lời khuyên trên.
1. Nếu bạn học theo sách thì phải học từ đầu đến cuối, như vậy sẽ giúp bạn
nắm được chủ đề của sách. Bạn thử xem mỗi đoạn đóng góp gì cho chủ đề.
Lưu ý đặc biệt đến nội dung của đoạn sẽ học. Nếu sách dài quá không thể
ngồi đọc hết một lúc, thì đọc lướt qua nội dung của nó, lưu ý kỹ tiểu đề của
từng đoạn chương.
2. Kế đó đọc hai lần đoạn Kinh Thánh bạn sẽ hướng dẫn học. Cố tìm ý chính
của đoạn, và hỏi đoạn này đóng góp gì cho chủ đề của cả sách. Mục đích đầu
tiên ở đây là tìm hiểu tác giả nói gì với độc giả đương thời và tại sao.
3. Nên có sẵn một quyển tự điển thường và quyển tự điển Thánh Kinh, để tra
những từ mới, tên hoặc địa danh.
4. Khi đã biết ý chính và những ứng dụng cho độc giả cùng thời với tác giả,
bạn hãy suy nghĩ đến những điều có thể áp dụng trong hiện tại. Ý chính đó
đáp ứng nhu cầu của chính bạn và của nhóm như thế nào? Nó đem lại sự
khích lệ nào, có lời khuyên hay mệnh lệnh nào, hoặc lời hứa nào dành cho
bạn không? Học suốt qua đoạn Kinh Thánh trước khi sử dụng tài liệu hướng
dẫn. (Để biết thêm cách sử dụng tài liệu hướng dẫn xin xem chương 5).
5. Trả lời hết các câu hỏi trong tài liệu hướng dẫn một cách cẩn thận. (Nếu
không dùng tài liệu hướng dẫn xin xem chương 6). Để thì giờ cầu nguyện,
suy gẫm các câu trả lời. Phi-lip Henry viết: "Một hàng vải được nhuộm đi
nhuộm lại nhiều lần sẽ giữ được màu rất lâu, một chân lý là chủ đề suy niệm
cũng ăn sâu trong lòng như vậy” .
6. Viết câu trả lời của bạn vào khoảng trống dành riêng trong tài liệu hướng
dẫn. Viết xuống có một hiệu quả tốt cho trí óc chúng ta, khiến chúng ta phải
suy nghĩ và diễn tả mạch lạc, rõ ràng những gì mình hiểu trong đoạn Kinh
Thánh đó và cũng giúp chúng ta nhớ những gì đã học.
7. Nếu tài liệu bạn sử dụng có phần dành cho người hướng dẫn, phần này sẽ
giúp bạn làm quen với đoạn Kinh Thánh. Tài liệu loại này thường được soạn
ra để giúp bạn trong nhiều phương diện. Thứ nhất, nó cho biết mục đích
trong suy nghĩ của tác giả khi soạn tài liệu. Để thì giờ suy nghĩ hết các câu
hỏi bạn sẽ thấy chúng kết hợp với nhau làm sáng tỏ mục đích đó. Thứ hai,
tài liệu cung cấp cho bạn một số dữ kiện, hay bối cảnh liên quan đến một số
câu hỏi. Thứ ba, tài liệu dành cho người hướng dẫn giúp lưu ý bạn những
vấn đề có thể nảy sinh trong khi thảo luận. Nếu muốn nhớ những lời dặn dò
trong tài liệu này, bạn nên ghi chú dưới những câu hỏi nghiên cứu. Có một
giáo sư chủng viện rất thích câu nguyện " ẩn dụ về máy bán đậu phụng” (từ
khi cái máy này được đặt trong tầng hầm thư viện). Ẩn dụ này rất đơn giản,
đó là khi bạn bỏ vào máy một xu, bạn sẽ mua được đúng một xu đậu! Kinh
Thánh cũng có một câu như vầy: "Ai gieo giống chi lại gặt giống ấy ".
(GaGl 6:7). Không thể nhờ một yếu tố bất ngờ nào để có một buổi học Kinh
Thánh ích lợi được. Nó chỉ là kết quả của sự chuẩn bị chu đáo.
Chương 5: LÀM THẾ NÀO ĐỂ HỌC KINH THÁNH
Cách đây vài năm, tờ New York Times đăng lời quảng cáo về một quyển
sách của Mortimer Adler, tựa đề “Đọc sách như thế nào?” Bên dưới hình
một thiếu niên đang lúng túng đọc lá thư tình đầu tiên là hàng chữ:
Đọc Thư Tình Như Thế Nào ?
Chàng thanh niên này vừa mới nhận được lá thư tình lần đầu, chàng ta chắc
sẽ đọc ba bốn lần, nhưng bây giờ mới chỉ bắt đầu đọc thôi. Để đọc thật chính
xác như ý chàng muốn chắc cần phải có thêm cuốn tự điển, phải làm việc sát
cánh với những chuyên gia về từ nguyên và ngữ pháp. Tuy nhiên không có
những phương tiện đó anh ta vẫn đọc được.
Anh chàng nghiền ngẫm ý nghĩa chính xác của từng chữ, từng chấm phết.
Người đẹp bắt đầu thế này, "Khang thân mến” . Chàng tự hỏi ý nghĩa chính
xác của những lời này là gì? Có phải vì mắc cỡ mà nàng đã không viết:
"Khang yêu dấu” . Còn chữ "Anh Khang” thì nghe lãnh đạm qúa? Mà không
chừng nàng đã viết "Anh... gì gì đó thân mến" cho bất cứ ai! Một thoáng lo
âu xuất hiện trên mặt chàng, nhưng lại tan biến ngay khi chàng phải suy nghĩ
đến dòng chữ đầu lá thư. Chắc chắn nàng chẳng viết lá thư này cho ai khác
ngoài chàng. Và cứ vậy chàng đọc hết lá thư, lúc thì sướng như tiên, lúc thì
thất vọng rầu rĩ. Trong đầu chàng nảy sinh hàng trăm câu hỏi. Chàng có thể
đọc thuộc lòng lá thơ và quả nhiên, trong nhiều tuần tới chàng sẽ đọc nó ra
cho chính mình nghe. Nhà quảng cáo kết luận: "Nếu mọi người đều đọc sách
với tinh thần chuyên chú như vậy thì chúng ta sẽ có những bộ óc vĩ đại.”
Kinh Thánh là lá thư của tình yêu mà Đức Chúa Trời viết cho chúng ta, nếu
chúng ta muốn có cái kinh nghiệm say sưa cao độ như chàng thanh niên
trong bài quảng cáo, thì chúng ta phải biết cách tự học Kinh Thánh. Chương
này đề cập đến những bước căn bản trong việc học Kinh Thánh. Dù bạn sử
dụng tài liệu hướng dẫn hay tự soạn câu hỏi thì đây cũng vẫn là những bước
không thể thiếu được.
Để học và hiểu Kinh Thánh, trước hết chúng ta phải trả lời ba câu hỏi: 1.
Đoạn Kinh Thánh đó nói gì? 2. Đoạn Kinh Thánh đó có ý nghĩa gì? 3. Đoạn
Kinh Thánh đó có ý nghĩa gì đối với chính tôi?
Để trả lời câu hỏi thứ nhất đòi hỏi sự quan sát các sự kiện
Để trả lời câu hỏi thứ hai đòi hỏi phải giải thích
Để trả lời câu hỏi t hứ ba đòi hỏi biết ứng dụng
BƯỚC THỨ NHẤT: QUAN SÁT
Nhân vật trinh thám Sherlock Holmes nổi tiếng vì óc quan sát tuyệt vời
thông minh của ông. Một ngày kia có một người khách lạ bước vào phòng
làm việc của Holmes. Nhà thám tử quan sát ông này một lúc rồi nói với
Watson vài nhận xét: "Qua một số các dữ kiện hiển nhiên thì người đàn ông
này có thời gian đã làm công việc tay chân, ông ta cũng hút ống vố, là thuộc
viên của một hội kín, đã từng ở Trung Hoa và gần đây thì viết lách khá
nhiều, ngoài ra thì tôi không thấy điều nào khác nữa.”
Watson quá kinh ngạc về những khả năng này của Sherlock Holmes đến nỗi
phải thốt ra: "Tôi không thể nào nhịn cười được khi ông ta có thể giải thích
một cách hết sức dễ dàng tiến trình diễn dịch đó” . Khi tôi nghe anh đưa ra
các lý do thì sự việc luôn luôn hiện ra cho tôi đơn giản quá mức đến nỗi tôi
tưởng mình có thể tự suy diễn được, dù ở mỗi thí dụ nối tiếp nhau trong cách
lý luận của anh tôi cảm thấy rất bối rối cho đến khi anh giải thích từng diễn
trình, lúc đó thì tôi tin cặp mắt tôi cũng tinh tường như cặp mắt của anh.
Holmes đáp: "Đúng thế, anh không quan sát” . Bước đầu tiên trong việc học
Kinh Thánh cá nhân là phải quan sát nhiều lần đoạn Kinh Thánh hay sách
bạn đang học. Như một nhà thám tử giỏi bạn cần huấn luyện cặp mắt để có
thể thấy được những cái hiển nhiên và những cái không rõ ràng cho lắm.
Bạn có thể học quan sát theo lối này bằng cách nêu lên thật nhiều câu hỏi
cho sách hoặc khúc Kinh Thánh đó. Nhà thơ Rudyard Kipling từng viết:
"Tôi có 6 tên đầy tớ trung thành đã dạy tôi mọi điều tôi biết, tên chúng là:
Cái gì? Ở đâu? Khi nào?
Như thế nào? Tại sao? và Ai ?
1. Ai - Ai là tác giả của sách? Viết cho ai? Ai là những nhân vật chính và
phụ
2. Ở đâu - Những sự việc này xảy ra ở đâu? Có liên quan đến tỉnh, thành, đô
thị? Nếu có, xem trong bản đồ vị trí những nơi đó. (Nhiều cuốn Kinh Thánh
có kèm bản đồ phía sau). Nếu bạn đang học một thư tín thì độc giả của thư
đó sống ở đâu ?
3. Khi nào - Khúc Kinh Thánh có xác định giờ, ngày tháng năm hay khi nào
sự viên xảy ra liên quan đến sự việc khác.
4. Điều gì - Những hành động nào hay sự việc nào đang xảy ra? Những từ
ngữ hay ý tưởng nào được lập lại hoặc là trọng tâm đoạn Kinh Thánh ?
5. Tại sao - Đoạn Kinh Thánh có cho biết lý do, có lời giải thích hay dữ kiện
nào liên quan đến mục đích của sách không
6. Thế nào - Đoạn Kinh Thánh được viết theo thể loại nào? một lá thư, một
bài diễn thuyết hay một bài thơ, một chuyện ngụ ngôn? Thuật ngữ ra sao, tác
giả có dùng hình bóng không? (tương đồng, ẩn dụ) được sắp đặt thế nào (về
ý tưởng, nhân vật, hay địa dư).
Khi mổ xẻ một đoạn Kinh Thánh với những câu hỏi như vậy, bạn sẽ thấy
nhiều sự kiện quan trọng được phơi bày. Khi khám phá ra những điều đó bạn
hãy ghi xuống để tham khảo sau này.
Tầm quan trọng của việc quan sát thật cẩn thận có nhấn mạnh mấy cũng
không thừa vì những gì bạn quan sát chính là căn bản của những điều giải
thích. Trong một trường hợp xấu hổ nhất, Sherlock Holmes đã phải thú nhận
với Watson: "Tôi đã đi đến một kết luận hoàn toàn sai lầm, cho thấy điều hết
sức nguy hiểm là khi lý giải dựa trên những dữ kiện không đầy đủ.”
BƯỚC THỨ HAI: GIẢI THÍCH
Bước thứ hai trong việc học Kinh Thánh là giải thích, ở đây bạn tìm hiểu
những sự kiện đã có do quan sát.
Có những chữ nào không hiểu? Hãy tìm định nghĩa của nó.
Tác giả có dùng chữ tượng hình không? Phải giải thích rõ ràng.
Có ý tưởng lớn nào không? Cố nắm vững nghĩa chữ và ý nghĩa.
Bạn có gặp chỗ khó hiểu nào không? Tìm cách giải quyết.
Nghĩa từ ngữ, ý nghĩa và lời giải thích là ba mục tiêu của người giải Kinh.
Bạn đã đạt đến những mục tiêu này như thế nào. Khi đạt được làm sao bạn
biết mình không sai lầm.
Có bao giờ bạn gặp trường hợp khi vừa giải thích xong một đoạn Kinh
Thánh nào đó thì có người bất ngờ lên tiếng rằng "Đó chỉ là cách giải thích
của anh" có ý nói "anh có cách giải thích của anh thì tôi cũng có cách của
tôi, cũng có thua gì anh đâu?”
Người nói như vậy cũng đúng phần nào. Người ta thường không đồng ý với
nhau trong cách giải thích Kinh Thánh, nhưng không vì có nhiều cách giải
nghĩa mà cách nào cũng tốt. Một cách giải thích tốt phải vượt qua được thử
nghiệm quyết định này, đó là phải phù hợp với ý nghĩa chính tác giả muốn
nói. Một cách giải thích hay mấy đi nữa mà khác với ý tác giả thì cũng sai.
Làm sao để biết ý của tác giả? Bạn theo những bước sau đây.
1 Tìm hiểu khung cảnh lịch sử của đoạn Kinh Thánh đang học.
1 Xác minh thể loại văn chương của đoạn.
1 Có cái nhìn tổng quát cả sách.
1 Học từng phần một.
1 So sánh sự giải nghĩa của bạn với một cách chú giải tốt.
1. Tìm hiểu khung cảnh lịch sử của đoạn Kinh Thánh đang học
Các biến cố ghi lại trong Kinh Thánh đã xảy ra hàng ngàn năm trước, cái
khó hiển nhiên trong việc giải thích ở đây là chúng ta không có mặt trong
thời điểm đó. Vì vậy, chúng ta thường thiếu những chi tiết quan trọng liên
quan đến bối cảnh lịch sử của đoạn Kinh Thánh.
Ví dụ: Hầu hết các thư tín trong Tân Ước đều viết về một hay nhiều vấn đề
đặc biệt nào đó: Người Ga-la-ti thì tìm kiếm sự xưng công chính bởi luật
pháp, người Cô-rinh-tô muốn được giải đáp những vấn đề hôn nhân, ân tứ
thuộc linh, của cúng thần tượng v.v... Ti-mô-thê thì muốn biết cách phục hồi
trật tự trong Hội Thánh.
Trừ khi chúng ta hiểu rõ các vấn đề hay các câu hỏi này, đọc các thư tín
giống như chúng ta nghe một cuộc điện đàm ở một đầu dây thôi. Chúng ta
nghe tác giả nói mà không nghe vì sao ông nói như vậy. Cũng vậy, chúng ta
chỉ hiểu được một nữa câu chuyện khi đọc các sách khác trong Kinh Thánh.
Một cách khác để tìm hiểu bối cảnh hay nội dung của một Thi Thiên, một
sách tiên tri, hay một thư tín Tân Ước là tìm được những đầu mối trong
chính đoạn văn đó. Ví dụ: Trong thư I Giăng chúng ta đọc. “Ta đã viết cho
những điều này, chỉ về những kẻ lừa dối các con” (IGi1Ga 2:26). Khi đọc
một chỗ khác, chúng ta khám phá ra rằng những giáo sư giả chính là những
người ở trong Hội Thánh: "Chúng nó từ giữa chúng ta mà ra nhưng vốn
chẳng phải thuộc về chúng ta.” Giăng gọi họ là “kẻ địch lại Đấng Christ”
(2:18). Còn có nhiều dữ kiện khác nữa, lúc thì nói rõ, lúc thì chỉ hàm ý, cho
chúng ta thêm những chi tiết liên quan đến hoàn cảnh mà độc giả của Giăng
phải đối diện.
Khi đã tìm tòi trong chính đoạn văn rồi, bạn tra cứu thêm Thánh Kinh tự
điển, và các sách hướng dẫn khác cũng rất có ích. Ví dụ ngay dưới
mục"Giăng, thư tín” bạn đã có thêm nhiều dữ kiện về bối cảnh, hay hoàn
cảnh của thư I Giăng.
Đọc những đoạn Kinh Thánh khác có liên quan đến đoạn bạn đang học cũng
là một ý hay. Ví dụ Đa-vít đã viết Thi Tv 52:1-9 sau khi ông phạm tội tà
dâm với Bát-sê-ba. Chúng ta có thể đọc chuyện hai người trong IISa 2Sm
11:1-12:31. (Ngay tựa đề Thi Tv 51:1-19 cũng đã nói vì sao Đa vít viết Thi
Thiên này. Khi có chi tiết này, Thánh Kinh Tự Điển thường cho biết những
đoạn Kinh Thánh Liên quan). Cũng vậy, khi bạn đọc thư Phi-lip , các bạn sẽ
tra cứu thêm sách Công Vụ để có thêm những dữ kiện về việc thành lập Hội
Thánh tại thành Phi-lip (Cong Cv 16:1-40).
Càng biết rõ về bối cảnh lịch sử của đoạn Kinh Thánh, bạn càng được trang
bị đầy đủ hơn để hiểu rõ sứ điệp của tác giả. Nhưng dữ kiện đó giống như
những mẫu nhỏ trong trò chơi xếp hình, khi tất cả được đặt vào đúng chỗ,
bạn sẽ thấy được toàn thể bức tranh rõ hơn.
2. Xác định thể văn sử dụng
Tác giả các sách trong Kinh Thánh dùng nhiều cách diễn đạt khác nhau hoặc
thuật chuyện , thư tín , thi ca, châm ngôn, ngụ ngôn hay hình bóng. Cách họ
diễn đạt làm phong phú thêm, làm đẹp thêm những gì họ muốn nói.
Văn chương trong Kinh Thánh được phân chia thành nhiều loại như sau:
a. Văn luận thuyết (Discourse).
Các thư tín trong Tân Ước là những thí dụ rõ ràng nhất cho loại này. Bàn
cãi, hay diễn giải một chủ đề. Một vài bài giảng của các tiên tri, hay các bài
giảng của Chúa Giê-xu nằm trong thể loại này.
b. Văn thuật chuyện (Prose narrative)
Loại này dùng trong sách Sáng Thế Ký, Giô-suê và các sách Phúc Âm. Tác
giả diễn tả hay dựng lại khung cảnh, biến cố từ lịch sử của Kinh Thánh có ý
nghĩa thần học.
c. Thi ca (Poetry)
Dĩ nhiên Thi Thiên nằm trong loại này. Đây là loại ngôn ngữ tượng hình. Nó
cũng sử dụng nhiều loại song đối và dùng để diễn đạt xúc cảm.
d. Châm ngôn (Proverbs)
Như đã được dùng cho sách Châm ngôn, là những lời nói khôn ngoan, dạy
những nguyên tắc sống. Không nên lẫn lộn nó với những mệnh lệnh hay lời
hứa.
e. Ngụ ngôn (Parables)
Trong Kinh Thánh không ai dùng thể loại này nhiều bằng Chúa Giê-xu. Một
chuyện ngụ ngôn để giải thích một chân lý thuộc linh bằng một câu chuyện.
Đây là một loại ẩn dụ mở rộng.
f. Văn Tiên tri (Phophetic Literature)
Loại này được dùng trong 4 sách Tiên Tri (Ê-sai, Giê-rê-mi, Ê-xê-chi-ên và
Đa-ni-ên) và 12 sách Tiên tri nhỏ (Ô-sê, Giô-ên và từ A-mốt đến Ma-la-chi).
Các tiên tri là phát ngôn viên của Đức Chúa Trời, tuyên bố hình phạt cũng
như phước hạnh liên quan đến thỏa hiệp giữa Chúa và dân Y-sơ-ra-ên.
g. Văn chương Khải Thị (Apocalyptic Literature)
Sách Đa-ni-ên và Khải Thị là thể loại tiên tri đặc biệt được xếp vào loại văn
chương khải thị. Chữ apocalypse có nghĩa là mở ra, tiết lộ một cái gì giấu
kín. Điểm nổi bật trong các sách này là những biểu tượng được dùng rất
nhiều.
Khi bạn đã định được thể loại văn trong khúc sách mình học, thì nên tra cứu
Kinh Thánh tự điển. Ví dụ học Thi Thiên, thì bạn nên đọc thêm mục nói về
thơ văn Hy-bá-lai để thấy cấu trúc của nó. Cũng vậy, khi học Khải Huyền,
bạn nên đọc về văn chương mặc khải. Nó sẽ giúp bạn hiểu vì sao loại văn
này lạ đối với chúng ta, cũng như cho bạn thêm một số đề nghị để giải thích
đúng.
3. Nhìn tổng quát cả sách
Trong một cánh đồng trống tại Peru, các nhà khảo cổ phát hiện những đường
dài rất lạ, chạy suốt qua 37 dặm. Thoạt đầu họ tưởng đó là những con đường
của thời trước. Cho đến khi họ từ trên cao nhìn xuống trong một chuyến bay
mới thấy là không phải. Những đường nét này nối kết với nhau tạo thành
một biểu mẫu, một bức tranh rất lớn mà phải nhìn từ trên cao mới thấy được.
Trong việc học Kinh Thánh, chúng ta cũng cần phải có một cái nhìn về toàn
thể sách chúng ta đang học. Một phần của sách chỉ được giải nghĩa đúng
trong ánh sáng của toàn bộ. Nhưng cũng nhớ rằng một sách được nối kết với
nhau có liên hệ mật thiết với thể loại văn. Các sách thơ tín như Rô-ma nhằm
diễn tả những ý tưởng. Các sách lịch sử được nối kết với nhau bằng nhiều
cách. Sáng Thế ký (từ đoạn 11) nói đến các nhân vật: Áp-ra-ham, Y-sác,
Gia-cốp, Giô-sép. Xuất Ê-díp-tô Ký xoay quanh các địa danh và các biến cố:
tại Ai-cập, trên đường đến Si-nai và tại Si-nai. Sách Phúc Âm Giăng nhắm
vào những "dấu" mà Chúa Giê-xu đã làm. Thi Thiên 119 xây dựng xung
quanh các chữ cái của mẫu tự Hy-bá-lai.
a. Bắt đầu bằng cách đọc lướt qua cả sách
Trong khi đọc, cố tìm ra ý nghĩa tổng quát. Ví dụ, ý nghĩa của toàn thể thơ
Rô-ma là sự xưng công bình bởi đức tin. Khi không thể một lúc đọc hết cả
sách, bạn có thể lướt qua nội dung, đặc biệt chú ý các tiểu đề ở các đoạn.
b. Kế đó, tìm những đoạn chính, hay cách phân đoạn trong sách
Ví dụ, sách Rô-ma được phân chia như sau, đoạn 1-5, 6-8, 9-11 và 12 - 16.
Mỗi một phần nhắm đến một chủ đề. Khi đã tìm biết chủ đề, bạn nên tóm tắt
ý chính một cách ngắn gọn. Ví dụ, có thể tóm tắt các phần của thư Rô-ma
như sau: Được Xưng Công Chính (1-5), Sự Nên Thánh (6-8), Mối Liên Hệ
Giữa Đức Chúa Trời Và Dân Y-sơ-ra-ên (9-11) và Cơ Đốc Nhân Sống Đạo
(12-16).
c. Tìm những phần nhỏ
Những ý tưởng chính liên kết với nhau tạo thành từng phần. Phần thứ nhất
của thư Rô-ma chia làm hai. RoRm 1:18-3:20 bày tỏ nhu cầu được xưng
công bình của toàn thể nhân loại. 3:21-5:21 cho thấy cách Đức Chúa Trời
xưng chúng ta là công chính qua Chúa Giê-xu.
d. Trong mỗi bước nghiên cứu, bạn tìm kiếm sự tương quan, mối liên hệ
giữa các phần, các phân đoạn với nhau
Ví dụ, RoRm 1:18-3:20 liên hệ với 3:21-5:21 vì nói đến nhu cầu của nhân
loại trước và sau đó, nói đến cách Đức Chúa Trời giải quyết nhu cầu đó. Bạn
có thể tìm thấy chúng có những mối liên hệ khác qua các ý tương phản, hoặc
là nguyên nhân hay hậu quả, hoặc từ tổng quát đến chi tiết v.v... Luôn luôn
bạn tự hỏi xem những phần, những phân đoạn này có đóng góp gì cho tư
tưởng chung của sách không.
Nói một cách khác, cái nhìn tổng quát này giống như nhìn qua một ống kính
có thể thay đổi tiêu cự (zoom lens) bạn bắt đầu nhìn hoàn cảnh (đọc cả sách)
rồi thu nhỏ góc nhìn để thấy gần hơn và rõ hơn một phần nhỏ (xác định
những phần chính), rồi lại nhìn gần hơn nữa (tìm các chi tiết nhỏ). Bây giờ
bạn đã sẵn sàng nhắm thật gần vào từng phân đoạn, câu và chữ.
Càng đọc nhiều lần một sách bạn càng quen thuộc với cấu trúc và nội dung
của sách. Cái nhìn tổng quát lần đầu giúp bạn hiểu toàn thể sách. Sự hiểu
biết này có khuynh hướng ảnh hưởng cách bạn giải từng phần. Nhưng khi
bạn quen thuộc với từng phần, thì cái nhìn tổng quát của bạn có thể cần được
thay đổi. Mỗi lần đọc lại, bạn sẽ đến gần với ý của tác giả hơn.
4. Học từng phần một
Khi đã có cái nhìn tổng quát về cấu trúc và nội dung của sách, bạn bắt đầu
học từng phần một. Trong các bản dịch mới, một phần như vậy có thể là một
đoạn, nhiều đoạn hay là một chương. Tuy nhiên, bạn cũng nên biết rằng
nguyên bản Kinh Thánh không chia ra từng phần, từng chương, từng đoạn
từng câu như vậy (kể cả các dấu chấm câu). Những chi tiết này giúp ích cho
chúng ta rất nhiều, nhưng cũng đừng để mình bị trở ngại vì nó.
a. Đọc đi đọc lại phần Kinh Thánh này để quen thuộc với nội dung, khi đọc
để ý đến chủ đề chính.
b. Khi đã nắm được ý chính, tìm hiểu xem tác giả nói gì về chủ đề đó. Nếu
bạn học một đoạn, tìm xem các câu khai triển và giải thích chủ đề chính của
đoạn thế nào. Nếu bạn học nhiều đoạn, thì tìm xem các đoạn ấy đóng góp gì
vào ý chính, và cũng tìm hiểu như vậy nếu học một chương.
c. Lưu ý đến thượng hạ văn (context) của khúc sách. Bạn phải đọc các câu
hoặc phân đoạn ngay trước và sau khúc sách. Đặt câu hỏi, “Tại sao câu này
hoặc phân đoạn này nằm chỗ này? Tác giả đã dùng câu này để làm sáng tỏ
quan điểm của mình hơn như thế nào?” Luôn ghi nhớ khúc Kinh Thánh liên
hệ đến cả đề tài hay lập luận của tác giả như thế nào.
d. Lưu ý đến tâm tình hoặc tinh thần lúc bấy giờ. Sự buồn rầu và nỗi thống
khổ bao trùm từng trải của Chúa Giê-xu trong vườn Ghết-sê-ma-nê. Ga-la-ti
đoạn 1 phản ảnh sự giận dữ của Phao-lô đối với người Giu-đa và sự rối loạn
họ gây ra cho người Ga-la-ti. Thi thiên 100 tràn ngập sự vui mừng.
5. So sánh sự giải thích của bạn với một sách chú giải tốt
Khi bạn đã hiểu rõ ý chính, và biết tác giả nói gì qua phần Kinh Thánh đó,
bạn nên so sánh điều bạn giải thích với một sách chú giải tốt. Nó có thể giúp
bạn bổ sung những điều bạn thiếu sót, sửa lại những chỗ bạn hiểu sai nhưng
bạn nhớ phải làm mọi điều mình có thể làm được trước khi sử dụng sách
tham khảo.
BƯỚC THỨ BA: ỨNG DỤNG
Mục đích tối hậu của việc học Kinh Thánh không phải để giáo dục chúng ta
nhưng là để biến đổi chúng ta. Trong RoRm 12:2 Phao-lô kêu gọi chúng ta:
“Đừng làm theo đời này, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần
mình” . Qua việc học Kinh Thánh, tâm thần chúng ta được đổi mới, Đức
Thánh linh sẽ biến đổi chúng ta dần dần trở nên giống như hình ảnh của
Đấng Christ.
Để có thể áp dụng lời Chúa cho chính mình, chúng ta phải nhớ bản chất của
Kinh Thánh. Như đã nói ở trên, chúng ta biết hầu hết các sách trong Kinh
Thánh đều nhắm đến những vấn đề, những nhu cầu, những thắc mắc của
những người đương thời. Người Cô-rinh-tô có vấn đề bè phái, vô đạo đức,
hôn nhân, của cúng thần tượng, ân tứ thuộc linh và những việc kiện cáo giữa
vòng các tín hữu. Phao-lô viết thư Cô-rinh-tô để giải đáp cho họ.
Ngày nay, chúng ta cũng đối diện với những vấn đề tương tự. Vẫn có những
người đưa người bạn tín hữu của mình ra tòa, và chúng ta vẫn có những thắc
mắc trong hôn nhân. Thật ra, hàng trăm khía cạnh trong những nan đề và
nhu cầu của đời sống chúng ta rất giống những nan đề ghi trong Kinh Thánh,
điều này rất tự nhiên vì chúng ta cùng chia xẻ chung một bản tính nhân loại.
Điều này dẫn chúng ta đến nguyên tắc áp dụng đầu tiên
Quy luật 1 : Bất cứ lúc nào, khi hoàn cảnh của chúng ta giống như hoàn cảnh
các độc giả đương thời, thì lời Chúa vẫn áp dụng cho chúng ta giống ý như
đã áp dụng cho họ.
Cũng có khi hoàn cảnh của chúng ta bây giờ không hoàn toàn giống hệt như
họ, vì sự khác biệt văn hóa giữa thời đó và chúng ta. Ví dụ ở các nước Tây
phương văn minh không có chuyện cúng thịt cho thần tượng. Trong những
trường hợp như vậy, chúng ta theo nguyên tắc áp dụng thứ hai.
Quy luật 2 : Bất cứ lúc nào, khi hoàn cảnh của chúng ta không phù hợp với
hoàn cảnh các độc giả đương thời, chúng ta nên tìm hiểu nguyên tắc đó cho
hoàn cảnh tương tự ngày hôm nay.
Phao-lô đã trình bày những nguyên tắc căn bản về vấn đề của cúng thần
tượng như thế nào? Ông lưu ý người Cô-rinh-tô rằng họ không nên làm bất
cứ điều gì gây vấp phạm cho những người yếu đuối: “Cho nên, nếu đồ ăn
xui cho anh em tôi vấp phạm, thì tôi sẽ chẳng hề ăn thịt, hầu cho khỏi làm
dịp vấp phạm cho anh em tôi” . Nguyên tắc này rất dễ áp dụng cho nhiều
trường hợp ngày nay, ví dụ như người tín đồ có được uống bia hay nhậu
nhẹt không.
Một khi bạn đã hiểu cách áp dụng những nguyên tắc đó thì bạn có thể nghĩ
ra hàng trăm cách ứng dụng lời Chúa vào hoàn cảnh hiện tại. Bạn có thể đặt
những câu hỏi sau:
1 Có mệnh lệnh nào tôi phải vâng giữ không?
1 Có lời hứa nào cho tôi không?
1 Có gương mẫu nào cho tôi noi theo không?
1 Có tội lỗi nào tôi phải tránh hoặc phải xưng ra không?
1 Có lý do nào khiến tôi phải cảm tạ ngợi khen không?
1 Đoạn Kinh Thánh này dạy tôi điều gì về Đức Chúa Trời, Chúa Giê-xu, về
chính tôi hay người khác?
Khi đã xong phần quan sát, diễn giải và áp dụng, bạn có thể hoàn tất các
bước 5-7 trong chương trước. Nếu tự đặt câu hỏi cho buổi thảo luận, xin bạn
áp dụng những đề nghị trong chương kế tiếp.
THỰC HÀNH GIÚP BẠN THÀNH THỤC
Học Kinh Thánh cũng giống như học nghề, càng thực hành càng thấy dễ.
Lúc đầu khi làm theo những bước trình bày trong chương này bạn rất dễ nản
vì nó máy móc như học đánh máy vậy. Nhưng ít lâu sau, những bước đó trở
thành tự nhiên hơn để đi đến chỗ tự động cần nhớ là bạn không cô đơn trong
việc học Kinh Thánh, Đức Thánh Linh không viết Kinh Thánh để làm cho
chúng ta rối trí nhưng chính Ngài sẽ giúp bạn hiểu và biết cách áp dụng khi
bạn cầu nguyện, chuyên cần học hỏi và biết tận dụng những tài liệu tham
khảo.
Chương 6: CÁCH SOẠN CÂU HỎI
Câu hỏi tốt là chìa khóa mở ngỏ đoạn Kinh Thánh giúp chúng ta thấy những
diều đoạn Kinh Thánh đó đề cập đến, diễn giải ý nghĩa và áp dụng những gì
đã học. Câu hỏi hay giống như cây gậy trong tay nhạc trưởng một dàn hòa
tấu giúp mọi người chơi đúng và hòa điệu với nhau.
Trong chương 3 chúng tôi đề nghị bạn sử dụng tài liệu hướng dẫn khi thảo
luận, nhưng cũng có lúc bạn muốn tự soạn câu hỏi. Nhất là khi những chủ đề
bạn chọn lại không có tài liệu tốt. Hoặc khi bạn muốn có một tài liệu nhắm
vào những nhu cầu của riêng nhóm mình.
Dù đã có sẵn tài liệu hướng dẫn nhưng bạn vẫn cần biết cách soạn thảo câu
hỏi vì sẽ rất có ích cho bạn. Như trong trường hợp cuộc thảo luận sôi nổi đến
nỗi đi lạc đề, bạn phải có những câu hỏi hướng đạo để đưa cuộc thảo luận về
đúng chỗ. Cũng có lúc bạn cần soạn những câu hỏi riêng từ tài liệu hướng
dẫn để phù hợp với nhu cầu của nhóm.
Chương này giúp bạn soạn được những câu hỏi hay, biết cách sắp xếp những
câu hỏi đó thành một bài học Kinh Thánh có hiệu quả. Chúng ta sẽ dựa trên
Mat Mt 20:20-28 để thấy những diễn tiến này:
“Bấy giờ, có mẹ của các con trai Xê-bê-đê cùng các con mình đến gần Đức
Chúa Giê-xu lạy Ngài đặng hỏi một chuyện.
Ngài phán rằng: " Ngươi muốn chi ?"
Thưa rằng, “Xin cho con hai con trai tôi đây ngồi một đứa bên hữu Ngài,
một đứa bên tả ở trong nước Ngài” .
Đức Chúa Giê-xu đáp rằng: “Các ngươi không hiểu điều của mình xin. Các
người uống được chén mà ta hầu uống không” .
Hai người thưa rằng: " Chúng tôi uống được”
Ngài phán rằng: “Thật các ngươi sẽ uống chén ta , nhưng mà ngồi bên hữu
hay bên tả ta,thì chẳng phải tự ta cho được, ấy là cho những người nào mà
Cha ta đã sửa soạn cho” . Mười môn đồ kia nghe sự xin đó, thì giận hai anh
em. Nhưng Đức Chúa Giê-xu gọi đến mà phán rằng: " Các người biết rằng
các vua dân ngoại thì ép dân phải phục mình, còn các quan lớn thì lấy quyền
phép mà trị dân. Trong các ngươi thì không như vậy, trái lại trong các ngươi,
kẻ nào muốn làm lớn, thì sẽ làm đầy tớ các ngươi, còn kẻ nào muốn làm đầu,
thì sẽ làm tôi mọi các ngươi. Ấy vậy, con người đã đến, không phải để người
ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta,và phó sự sống mình làm
giá chuộc nhiều người” .
MỤC ĐÍCH VIỆC HỌC KINH THÁNH
Người ta từng nói rằng: "Nếu mục tiêu của bạn là không có gì thì thành quả
của bạn sẽ là không có gì” . Lời này thật đúng. Phải có một mục đích rõ ràng
cho bất cứ việc học hỏi nào. Ví dụ, trong đoạn Kinh Thánh trên, vì Chúa
Giê-xu muốn nói đến ý nghĩa của sự "làm lớn" thì chúng ta phải đặt mục tiêu
cho mình rằng: "Chúng ta học đoạn Kinh Thánh này nhằm hiểu biết ý nghĩa
đích thật của quan niệm làm lớn. Phải có mục đích trước khi nghiên cứu để
những câu hỏi bạn soạn phản ánh đúng mục đích.
PHẦN DẪN NHẬP
Phần này tạo nên toàn bộ sắc thái cho việc nghiên cứu. Có thể diễn đạt mục
tiêu thành một chủ đề cho lời dẫn nhập này. Một dẫn nhập hay gồm có 3 đặc
tính sau:
Trước hết, phải hấp dẫn : lúc mới bắt đầu học, tâm trí mọi người thường còn
đi lang thang. Lời dẫn nhập hay phải thu hút được sự chú ý của họ.
Thứ đến, phải nêu lên được nhu cầu. Nếu mọi người thấy việc học hỏi này sẽ
đề cập đến điều họ thật sự lưu tâm, hay những thiếu sót trong đời sống mình,
họ sẽ thích học hơn.
Thứ ba, lời giới thiệu hay sẽ hướng được mọi người vào đoạn Kinh Thánh
sắp học. Nên nói ngắn gọn về chủ đề của đoạn và cho thấy chủ đề này liên
quan đến nhu cầu của nhóm ra sao.
Với những mục tiêu đó, có thể trình bày phần dẫn nhập cho Mat Mt 20:20-
28 như sau:
Quyền thế, danh vọng và thành công là những dấu hiệu của sự cao trọng
trong xã hội chúng ta. Ai cũng muốn mình đứng đầu, tên tuổi mình được ái
mộ, được sống trong cảnh giàu sang phú quí. Nếu dựa trên những tiêu chuẩn
đó, thì ít người trong chúng ta có thể đạt được. Nhưng theo Ma-thi-ơ 20,
Chúa Giê-xu đã lật ngược quan niệm của thế giới về sự cao trọng. Chúa
cũng cho chúng ta cơ hội để có thể trở thành thực sự cao trọng.
CÁC LOẠI CÂU HỎI
Viết câu hỏi cho bài học Kinh Thánh, bạn cần biết có nhiều lọai câu hỏi như
sau:
1. Câu hỏi khơi mào
Câu hỏi này được đặt ra trước khi đọc đoạn Kinh Thánh. Nó có thể khơi mào
cho việc bàn luận về ba hướng sau:
Thứ nhất : tạo hứng khởi giữa các nhóm viên, dầu họ đã quen nhau hay thích
nhau bao nhiêu đi nữa cũng vẫn còn một chút ngại ngùng cần phải loại bỏ để
mọi người có thể trò chuyện thật cởi mở. Câu hỏi khơi mào này sẽ giúp bạn
phá tan bầu không khí ngại ngần. Ví dụ, khi học Ma-thi-ơ 20, bạn có thể hỏi:
"Khi còn nhỏ, các bạn muốn lớn lên mình sẽ làm gì?"
Thứ hai : Câu hỏi thăm dò giúp cho nhóm suy nghĩ đến chủ đề bài học. Hầu
hết ai cũng có rất nhiều suy nghĩ trong đầu (Cơm chiều, một cái hẹn quan
trọng nào đó, lo chuyện sửa xe...) chẳng có liên quan gì đến bài học. Một câu
hỏi hay sẽ làm họ chú ý, đưa họ vào cuộc thảo luận.
Thứ ba, một câu hỏi khơi mào có thể phát giác những tư tưởng, những cảm
nghĩ nào cần được lời Chúa thay đổi. Đó là lý do tại sao không đọc đoạn
Kinh Thánh trước khi hỏi câu khơi mào. Đoạn Kinh Thánh thường ảnh
hưởng đến câu trả lời của nhóm viên, khiến cho người ta thay vì trả lời thành
thật theo ý mình lại trả lời dựa vào đoạn Kinh Thánh. Đưa ra câu trả lời
thành thật về những vấn đề đó có thể giúp họ thấy những suy nghĩ của mình
phải điều chỉnh ở những điểm nào. Thí dụ như trước khi đọc Kinh Thánh
chúng ta hỏi: "Bạn có cảm thấy mình thành công không? Giải thích tại sao."
2. Câu hỏi quan sát
Khi bạn tự học một đoạn Kinh Thánh, bạn quan sát thấy có rất nhiều dữ kiện
liên quan đến câu hỏi ai, cái gì, khi nào, ở đâu, tại sao và thế nào (xem
chương 5). Trong các dữ kiện đó, có những chi tiết có ý nghĩa phong phú
hơn những chi tiết khác có thể giúp bạn diễn giải và áp dụng đoạn Kinh
Thánh được. Từ đó bạn có thể giúp nhóm mình tìm được những dữ kiện
quan trọng đó. Để thực hiện, bạn phải chuyển các nhận xét thành câu hỏi. Ví
dụ, trong Ma-thi-ơ 20, những điểm quan sát sau có thể dùng để chuyển thành
các câu hỏi:
Quan sát: những nhân vật chính trong đoạn này là Chúa Giê-xu, người mẹ,
hai con của bà, và 10 môn đồ.
Câu hỏi: Ai là nhân vật chính trong đoạn này?
Quan sát: Người mẹ xin Chúa Giê-xu cho hai con bà một người ngồi bên
hữu, một người ngồi bên tả Ngài trên nước thiên đàng.
Câu hỏi: Người mẹ xin Chúa Giê-xu đặc ân gì?
Quan sát: Chúa Giê-xu nhắc rằng trong vòng dân ngoại người nào làm lớn
thì bắt người khác phục vụ mình. Nhưng Ngài thì khẳng định rằng ở trong
Ngài ai làm lớn phải phục vụ người khác.
Câu hỏi: Chúa Giê-xu nói gì về việc "làm lớn" trong đoạn Kinh Thánh này?
Câu hỏi quan sát hay sẽ giúp nhóm đào xới tìm tòi đoạn Kinh Thánh. Không
nên đặt những câu hỏi quá đơn giản hay hời hợt đến nỗi chỉ cần trả lời với
hai, ba chữ là xong.
3. Câu hỏi giải thích
Sau khi đã quan sát những dữ kiện khi học đoạn Kinh Thánh, bạn bước sang
việc giải nghĩa và nói đến tầm quan trọng của các dữ kiện ấy. Bạn bắt đầu
hiểu điểm chính của đoạn, và thấy các phần trong đoạn đóng góp gì vào
điểm chính đó. Bây giờ bạn sẽ hướng dẫn nhóm của mình hiểu đoạn Kinh
Thánh đó nói gì.
Để thực hiện, bạn dùng câu hỏi (Lưu ý: Phải chắc là những câu hỏi bạn đưa
ra cho phép nhóm viên được tự do trả lời theo ý mình, dầu ý đó khác với ý
bạn). Ví dụ sau đây qua Ma-thi-ơ 20, giúp bạn thấy rõ hơn.
Giải thích: Vị trí bên phải, bên trái người chủ là chỗ danh dự. Hai người này
muốn đứng ở hàng thứ hai thứ ba trên thiên đàng.
Câu hỏi: Ngồi bên trái, bên phải Chúa trên thiên đàng có ý nghĩa gì
Giải thích: Chữ “chén” Chúa dùng ở đây có ý nói đến sự thương khó Chúa
chịu, nhất là sự chết của Ngài. Ngài phải chết, những kẻ muốn thân cận với
Ngài cũng phải chết như vậy.
Câu hỏi: "Chén" mà Chúa Giê-xu và hai người kia phải uống là gì?
Giải thích: Mười môn đồ kia tức giận vì chính họ cũng muốn chiếm một chỗ
cao nhất trên thiên đàng, nhưng hai người kia đã xin trước.
Câu hỏi: Các bạn thử nghĩ vì sao các môn đồ kia giận hai anh em này?
4. Câu hỏi ứng dụng
Sau khi đã quan sát, giải nghĩa đoạn Kinh Thánh, bạn cũng cần học cách áp
dụng vào đời sống hàng ngày. Qua sự cầu nguyện và suy xét cẩn thận, bạn
thấy những thái độ, những mối quan hệ và hành động của mình phải bắt đầu
thay đổi. Bây giờ bạn cần giúp nhóm học KinhThánh áp dụng những gì họ
đã quan sát và hiểu.
Để thực hiện, bạn phải chuyển một số điểm áp dụng ra thành các câu hỏi.
Các câu hỏi cần uyển chuyển để ý chính của đoạn Kinh Thánh có thể có
những áp dụng khác nhau. Ví dụ, Ma-thi-ơ 20, bạn đặt câu hỏi như sau:
Áp dụng : Đoạn Kinh Thánh này trước hết có hiệu quả trên cách tôi đối xử
trong gia đình, trong sở làm, và với những người sống xung quanh tôi. Ví
dụ, ở nhà tôi nên làm những việc mà người khác không thích làm, như rửa
chén, đổ rác.
Câu hỏi : Bạn phục vụ những người khác trong gia đình, trong sở làm, trong
trường học, trong xã hội như thế nào.
Áp dụng : Tôi sẽ thực hiện vai trò người phục vụ ngay trong tuần này. Tôi sẽ
tình nguyện rửa chén ít nhất hai lần một tuần.
Câu hỏi : Trong tuần này, bạn định sẽ làm việc gì để phục vụ người khác?
Áp dụng : nếu tôi tỏ ra sẵn sàng phục vụ người khác thì người ta sẽ giao cho
tôi những việc mà không ai muốn làm. Họ sẽ lợi dụng tôi cũng như trước kia
tôi đã từng lợi dụng người khác.
Câu hỏi : Nếu sẵn sàng làm đầy tớ người khác, bạn sẽ gặp khó khăn gì ?
Những câu hỏi áp dụng phải đi sát với những ý chính của đoạn Kinh Thánh.
Ba hay bốn hỏi áp dụng nên rải đều suốt bài học hơn là chỉ để một vài câu ở
cuối giờ.
5. Câu hỏi tổng quát và câu hỏi tóm tắt
Câu hỏi tổng quát áp dụng khi học viên muốn có cái nhìn chung về toàn thể
đoạn hay sách trước khi học từng phần. Câu hỏi tóm tắt là để gom lại ý
chính sau khi học.
a. Tổng quát : Hình dung những nhân vật và diễn tiến câu chuyện trong Mat
Mt 20:20-28. Mô tả những gì bạn thấy.
b. Đúc kết : Đoạn Kinh Thánh này dạy chúng ta điều gì về sự cao trọng thật?
6. Câu hỏi phối hợp
Đôi lúc chỉ có một câu hỏi mà đạt được nhiều mục đích, đó là câu hỏi tốt
nhất. Loại câu hỏi này thường đưa đến bàn cãi, thảo luận hơn là những câu
hỏi quan sát, giải thích đơn giản.
Ví dụ, một câu hỏi bao gồm cả quan sát và giải thích: “Tại sao các môn đồ
kia có phản ứng như vậy với hai bạn mình?” (Câu hỏi này khiến nhóm viên
phải quan sát và tiếp theo là giải thích hay áp dụng: "Chúa Giê-xu phán rằng
Ngài đến không phải để được người khác phục vụ nhưng để phục vụ người
khác. Trong tuần này, bạn sẽ làm gì để noi gương Chúa?”
Cũng vậy, bạn có thể bắt đầu một câu hỏi với một bối cảnh như sau: "Chỗ
ngồi bên phải, bên trái của người chủ là một vị trí danh dự. Điều này giúp
chúng ta hiểu gì về lời thỉnh cầu của người mẹ?” Những câu này thường có
hiệu quả hơn những câu hỏi cứng ngắc, chuyên biệt riêng về quan sát, giải
thích hay áp dụng. Nó cũng giúp cho buổi học có một định hướng rõ ràng.
SẮP XẾP CÁC CÂU HỎI
Sau khi đã viết các câu hỏi, còn một việc cuối bạn phải làm là sắp xếp các
câu hỏi. Bắt đầu với phần giới thiệu, đến câu hỏi khơi mào, rồi tiếp theo là
đọc Kinh Thánh. Sau đó bạn sắp các câu hỏi. Bạn có thể để các câu hỏi quan
sát chung với nhau, kế đó là câu hỏi giải thích, và cuối cùng là câu hỏi áp
dụng. Với một số đoạn Kinh Thánh thì chỉ cách sắp xếp như vậy có thể là tự
nhiên nhất. Nhưng việc học Kinh Thánh sẽ hào hứng hơn khi bạn cho chúng
xen kẽ các câu hỏi theo thứ tự: quan sát, giải thích, áp dụng.
Bạn cũng phải quyết định câu hỏi nào là câu hỏi chủ yếu. Đánh dấu vào các
câu hỏi đó để bạn không bỏ sót khi không đủ thì giờ. Bạn nên quyết định
trước nhiều cách thu ngắn giờ học, điều này giúp bạn thoải mái hơn trong
nửa buổi học còn lại.
THÍ DỤ 1 THÍ DỤ 2
4. Câu hỏi quan sát 4. Câu hỏi quan sát
7. Câu hỏi quan sát 7. Câu hỏi áp dụng
10. Câu hỏi giải thích 10. Câu hỏi áp dụng
12. Câu hỏi áp dụng 12. Câu hỏi giải thích
15. Câu hỏi đúc kết
Để soạn được những câu hỏi có giá trị đòi hỏi suy nghĩ, kiên nhẫn và kỷ
năng. Cũng giống như mọi kỷ năng khác, khả năng của bạn chỉ phát triển khi
được thực tập. Khi đã soạn xong các câu hỏi, bạn thử xem các câu hỏi của
mình có những đặc tính sau đây không:
1. Phải sáng sủa. Câu nào không rõ phải viết lại.
2. Không quá dài hoặc phức tạp. Nên phân ra thành nhiều câu hỏi nhỏ.
3. Kích thích thảo luận. Câu hỏi nào chỉ có thể trả lời có, hoặc không hay chỉ
với một vài chữ thì sửa lại cho có tính thách thức hơn.
4. Giúp nhóm viên đào xới lỹ lưỡng Kinh Thánh.
5. Hướng dẫn cả nhóm học hết đoạn Kinh Thánh theo một thứ tự hợp lý.
6. Rút ra và áp dụng được ý chính.
7. Liên hệ với chính đoạn Kinh Thánh đang học, hơn là bắt học viên phải
nhảy từ sách này qua sách khác, hay từ đoạn này qua đoạn khác.
8. Giới hạn số câu hỏi thích hợp với thời gian học. Thông thường khoảng 12
đến 15 câu là đủ cho 1 giờ học Kinh Thánh. Ngoài việc đánh giá câu hỏi,
bạn cần nhìn chung cả bài học.
1 Các câu hỏi có đi theo thứ tự và hòa hợp với nhau không?
1 Các câu hỏi có theo tiến trình tổng quát, quan sát, giải thích, và áp dụng
không? (Thứ tự này có thể lập lại nhiều lần trong buổi học).
1 Số câu hỏi các loại có cân đối không?
1 Trình tự các câu hỏi có tự nhiên không?
1 Buổi học Kinh Thánh có đạt được mục đích đặt ra lúc đầu không?
Cách tốt nhất để đánh giá những câu hỏi đã soạn là đánh giá ngay trong một
buổi học thật sự. Có khi một câu hỏi viết ra giấy có vẻ là một câu hỏi tốt, lại
không thành công khi dùng. Trong khi đó, có những câu hỏi thấy như tầm
thường nhưng lại đem lại hiệu quả tốt, giúp mọi người tham gia thảo luận.
Vì thế, đánh giá các câu hỏi vào cuối buổi học cũng là một ý hay. Sử dụng
phần hướng dẫn đánh giá trong chương 8. Ý kiến từ những người trong
nhóm giúp cải tiến phẩm chất các câu hỏi của bạn trong tương lai.
LƯỢNG GIÁ CÂU HỎI THẢO LUẬN
Sau đây là những ví dụ để làm rõ nét hơn những gì chúng ta đã nói về ưu
điểm và khuyết điểm của một số câu hỏi. Theo LuLc 4:38-39. "Đức Chúa
Giê-xu ra khỏi nhà hội, vào nhà Si-môn.Bà gia Si-môn đang đau rét nặng
lắm. Người xin Ngài chữa cho. Ngài bèn nghiêng mình trên bà truyền cho
cơn rét, rét liền lìa khỏi. Tức thì người chờ dậy hầu việc” .
1b. Câu chuyện này gồm có những ai? 1b. Đơn giản hơn câu 1a.
2a. Có phải bà gia của Phi-e-rơ đang đau không? 2a. Chỉ có thể trả lời bằng
một chữ "phải" quá đơn giản, không gợi thêm được một ý nào.
3b. Câu chuyện này dạy chúng ta điều gì về Chúa Giê-xu? 3b. Súc tích hơn
câu 3a, khiến mọi người suy nghĩ đến Chúa trong nhiều phương diện của câu
chuyện.
5a. Quyền năng của Chúa được bày tỏ qua sự chữa bịnh như thế nào? 5a.
Câu hỏi đơn giản này dẫn vào một vài lãnh vực mà tác giả Lu-ca thường bàn
đến.
6a. Hãy tưởng tượng bạn là bà gia Phi-e-rơ (a) khi Chúa Giê-xu đến và (b)
khi được chữa lành. 6a. Người hướng dẫn có thể nhờ một người trả lời cho
cả hai, hoặc hai người cho hai trường hợp.
Câu hỏi áp dụng Lượng giá
7c. Bạn có tin rằng Chúa Giê-xu có thể thực hiện được phép lạ như đã mô tả
trong câu chuyện không? Nếu không, xin cho biết tại sao? 7c.
Chương 7: HƯỚNG DẪN THẢO LUẬN Phút giây chờ đợi đã đến. Buổi
học bắt đầu lúc 7 giờ, mà bây giờ là 6 giờ 59 phút. Bạn đừng lo quá. Hãy
nhớ rằng đây không phải là buổi thuyết trình. Việc của bạn chỉ là đưa ra các
câu hỏi và hướng dẫn buổi thảo luận. Bạn không nhất thiết phải có lời giải
đáp tối hậu cho tất cả mọi câu hỏi. Điều quan trọng là phải khiêm nhường,
cởi mở và biết ơn mọi người trong nhóm đã đóng góp vào buổi học.
CHỌN MỘT CHỖ HỌC THOẢI MÁI
Trước giờ nhóm, bạn cần sắp đặt sao cho có một chỗ ngồi thoải mái. Nếu
được, chọn một phòng họp có vẻ thân mật, vui mắt, như một phòng khách
chẳng hạn. Sắp ghế vòng tròn để mọi người nhìn thấy nhau, tốt hơn là sắp
rời rạc. Phòng phải đủ ánh sáng, không khí dễ chịu. Nếu có ít bánh ngọt, cà
phê càng tốt (thực hiện vào đầu hay cuối giờ học, hoặc cả hai). Nhóm chúng
tôi thì thích chuyền tay tô bắp rang để mọi người nhâm nhi. Nên có dư một ít
Kinh Thánh cho những người cần.
MỞ ĐẦU
Bắt đầu đúng giờ. Nếu chờ mọi người đông đủ họ sẽ có thói quen đi trễ.
Những phút đầu nên hướng dẫn cẩn thận để hấp dẫn và đáp ứng được những
người đã sẵn sàng, nhưng đừng nói hết phần chính làm những người đi trễ
không thể theo dõi bài được.
Có một cách để giải quyết tình trạng đi trễ là tuyên bố cho nhóm biết rằng
buổi học Kinh Thánh bắt đầu lúc 7 giờ, mọi người đến cất mũ, áo, uống tách
cà phê và sau đó bài học Kinh Thánh bắt đầu đúng 7 giờ 15. Bạn nên bắt đầu
thật đúng giờ đã thông báo.
LÀM QUEN
Phải chắc rằng mọi người đều quen biết nhau. Khi từng nhóm viên đều thân
mật cởi mở với nhau, thoải mái khi gặp gỡ, tiếp xúc, thì buổi học sẽ tự nhiên
thêm năng động, có hiệu quả tốt. Khi nhóm viên cảm thấy ngại ngùng với
nhau, thì sự thảo luận lẫn tiến trình học đều gặp trở ngại. Sau khi đã giới
thiệu mọi người với nhau, bạn có thể thường xuyên gọi tên để mọi người
thêm dễ nhớ tên nhau.
CẦU NGUYỆN
Bắt đầu giờ học bằng sự cầu nguyện. Xin Chúa giúp mỗi người hiểu và áp
dụng lời Ngài. Nếu bạn mời một người cầu nguyện thì phải chắc là đã báo
cho người đó biết trước, vì có nhiều người không quen cầu nguyện trước
đám đông. Thường thường, cả nhóm sẽ cầu nguyện sau giờ học là tốt nhất.
ĐỌC ĐOẠN KINH THÁNH
Sau khi giới thiệu bài học và dưa ra vài câu hỏi thăm dò, bạn có thể mời
người khác đọc nhưng cũng phải nhớ là có người rất sợ phải đọc lớn tiếng
giữa đám đông, nhất là phải đọc những cái tên lạ và danh từ thần học. Nếu
bạn mời nhiều người đọc thì mỗi phần nên đọc cho dứt ý. Cách đọc mỗi
người một câu thường làm giảm tính cách liên tục của phân đoạn.
Khi học một câu chuyện có tính cách lịch sử, như trong sách Phúc Âm hoặc
Công vụ, nếu chúng ta đọc theo lối diễn kịch có thể cũng rất vui. Chỉ định
mỗi người một phần theo các vai trong câu chuyện. Cách này có thể làm câu
chuyện sống động tưởng như mình đang ở đó.
Khuyến khích các nhóm viên dùng một bản dịch mới hơn là dùng bản diễn
ý. Kinh Thánh tiếng Anh có thể dùng bản NIV, NASB và bản RSV. Bản
King James văn chương rất chải chuốt nhưng đôi khi khó hiểu.
NHỮNG NGUYÊN TẮC LÃNH ĐẠO
Người hướng dẫn giỏi là người có thể biến một tình huống căng thẳng trở
thành nhẹ nhàng vui vẻ, là người quẹt cây diêm cho cả nhóm cháy lên bằng
cách chọn đúng người trong nhóm và khuyến khích họ tham gia. Có một số
nguyên tắc nếu được áp dụng sẽ giúp bạn trở thành một người hướng dẫn có
hiệu năng.
1. Thái độ của người hướng dẫn là một trong những yếu tố nổi bật quyết
định tinh thần và bầu không khí thảo luận. Nếu bạn tỏ ra tôn trọng thẩm
quyền của Kinh Thánh thì tinh thần này sẽ lây lan qua người khác dầu bạn
không nói thành lời. Lòng yêu thương, cởi mở đối với mọi người trong
nhóm sẽ rất nhanh chóng ảnh hưởng đến mọi người xung quanh bạn. Sự
thoải mái và thích thú thảo luận của bạn cũng lan qua từng người trong
nhóm từ buổi đầu.
2. Ngay giây phút đầu của buổi học đầu, bạn nên giải thích cho mọi người
biết rằng giờ học Kinh Thánh là giờ thảo luận chứ không phải buổi thuyết
trình. Sau đó, đọc hoặc tóm tắt những dòng dướng dẫn sau đây:
a. Tài liệu nghiên cứu của chúng ta là Kinh Thánh. Chúng ta hãy để Kinh
Thánh nói lên tiếng nói của chính mình hơn là dựa trên những gì chúng ta đã
đọc, đã nghe về Kinh Thánh.
b. Gắn chặt vào đoạn Kinh Thánh đang học. Câu trả lời của chúng ta sẽ dựa
trên những câu Kinh Thánh làm nền tảng, và mục đích cho buổi thảo luận.
c. Sự đóng góp của mọi người đều giúp chúng ta học hỏi. Tự do tham gia, và
cũng để dành cho người khác tham gia nữa.
3. Nếu tài liệu hướng dẫn có phần giới thiệu thì bạn đọc hoặc tóm tắt cho cả
nhóm nghe. Điều này giúp tập trung cả nhóm về đoạn Kinh Thánh sẽ học.
4. Khi bạn bắt đầu nêu câu hỏi có sẵn trong tài liệu cho nhóm, cần nhớ
những điểm sau. Trước hết, bạn có thể giữ nguyên văn câu hỏi, và đọc lên
nếu cần hoặc có thể diễn ra lại theo ý bạn. Tuy nhiên, không nên sửa lại
những chữ trong câu hỏi một cách không cần thiết.
5. Có những lúc cần phải đi ra ngoài tài liệu hướng dẫn. Ví dụ khi gặp một
câu hỏi đã được trả lời rồi, lúc đó bạn qua câu hỏi khác. Hoặc khi có người
đưa ra một câu hỏi không có trong tài liệu hướng dẫn. Cứ việc thảo luận
thoải mái nhưng điều quan trọng là biết phân định. Có rất nhiều con đường
bạn có thể dùng để đạt mục đích trong việc học Kinh Thánh. Nhưng con
đường dễ nhất vẫn là con đường mà tác giả đã đề nghị.
6. Tránh trả lời câu hỏi của chính mình. Nếu cần, lập lại câu hỏi cho đến khi
mọi người hiểu rõ. Một nhóm người nhiệt tâm cũng thành thụ động và yên
lặng khi họ nghĩ rằng người hướng dẫn muốn nói hết mọi điều.
7. Đừng sợ sự yên lặng. Người ta cần có thì giờ suy nghĩ trước khi phát biểu
ý kiến. Nhưng bạn phải nhận ra sự khác biệt giữa cái yên lặng tốt đẹp (khi
mọi người suy nghĩ) và cái yên lặng trống rỗng (khi câu hỏi không rõ ràng
hoặc không thích hợp).
8. Đừng hài lòng với chỉ một câu trả lời. Có thêm những sự đóng góp
thường làm cho buổi thảo luận thêm phong phú. Bạn nên hỏi, "những bạn
khác nghĩ sao?" hoặc "có ai có ý kiến nào nữa không?" Cho đến khi có vài
người trả lời.
9. Phải chăm chú. Mọi người sẽ nhiệt tình đóng góp nếu ý kiến họ được
thành thật tiếp nhân, khi bạn thật lòng biết ơn những đóng góp đó. Một cách
giúp bạn lưu tâm là lắng nghe khi bất cứ người nào phát biển, cách khác là
nói vài lời tỏ ra bạn hiểu sự đóng góp của họ. Khi họ trả lời bạn nên nói: "Đó
là một nhận xét rất hay" hoặc "Điểm đó rất tốt". Lưu ý đến những người hay
mắc cỡ hoặc hay ngập ngừng.
10. Sẵn sàng nhận khuyết điểm hay lỗi lầm của mình. Người hướng dẫn rất
dễ nghĩ rằng mình phải trả lời tất cả các câu hỏi đưa ra. Nếu đưa ra một câu
trả lời sai, hoặc khi người hướng dẫn phạm một lỗi nào đó mà không chịu
nhận lỗi sẽ làm trở ngại cho tinh thần cả nhóm. Thái độ biết nhận lỗi thường
đưa cả nhóm đến chỗ mở rộng lòng đón nhận ơn thương xót của Chúa, cũng
như đón nhận người khác.
11. Lâu lâu lại tóm tắt câu trả lời của nhóm. Điều này giúp bạn gom lại
những ý đã đưa ra, và thúc đẩy tiếp sự thảo luận. nhưng nhớ đừng giảng.
12. Kết thúc buổi thảo luận bằng lời cầu nguyện. Cho những người muốn
cầu nguyện có cơ hội cầu nguyện. Xin Chúa giúp mỗi người biết áp dụng
những điều đã học.
13. Phải chấm dứt đúng giờ. Thường thì chúng ta hay bị cám dỗ học ráng.
Nếu cả nhóm có ý kiến gì về giờ bắt đầu và kết thúc, bạn nên tôn trọng ý
kiến của họ. Học quá giờ ấn định thường có khuynh hướng làm giảm hiệu
năng. Tốt hơn là để cho nhóm thèm khát lời Chúa hơn là chán chê.
GIẢI QUYẾT NAN ĐỀ
Buổi thảo luận nào cũng nảy sinh ra vấn đề. Nhưng nếu phải giải quyết cho
đến nơi thì đừng làm thiệt hại cho buổi học.
Ví dụ, bạn phải làm gì trong trường hợp có một người muốn độc diễn trong
buổi thảo luận? Bạn có thể giải quyết bằng cách nói rằng: "Bây giờ xin
chúng ta nghe ý kiến của các bạn khác". Bạn cũng có thể hỏi thẳng những
người chưa phát biểu "Bây giờ chúng ta thử nghe ý kiến của những bạn từ
nãy giờ chưa lên tiếng". Nếu việc cứ xảy ra hoài, bạn thử gặp riêng người đó
sau buổi học, giúp người đó hiểu rằng buổi học cần nhận được sự đóng góp
của mọi người. Nhờ người đó giúp bạn khuyến khích những người quá yên
lặng trong nhóm phát biểu.
Bạn phải đối phó thế nào với một câu trả lời hoàn toàn sai? Không bao giờ
nên bác nó ngay. Nếu nó sai hoàn toàn, bạn có thể hỏi: "Câu Kinh Thánh
nào khiến bạn có ý đó ?" Hoặc để cả nhóm giải quyết, bằng cách hỏi:
"Những bạn khác nghĩ thế nào? Thường thì câu trả lời của họ cũng đủ để
làm sáng tỏ vấn đề.
Khi có bất đồng ý kiến thì sao? Thật ra, sự khác ý rất dễ đưa đến không khí
hào hứng cho buổi học, khiến mọi người tự do phát biểu ý kiến. Nếu bạn
không giải quyết cho xong vấn đề được, thì cứ để họ nói và sẽ tính sau. Vấn
đề có thể sẽ được giải quyết sau đó khi tiếp tục học.
Bạn làm gì khi nhóm thảo luận ra ngoài đề? Kêu gọi mọi người trở lại với
đoạn Kinh Thánh đang học. Câu hỏi phải được trả lời dựa trên đoạn Kinh
Thánh đó. Nên tránh phải tham khảo các sách khác (cross - referencing) khi
không cần thiết.
Đừng bỏ qua các vấn đề. Phải giải quyết chung hoặc riêng, nghĩa là phải giải
quyết. Đương đầu với mọi khó khăn trong tình yêu thương, xin Chúa ban
cho sự khôn ngoan. Nhưng nếu có ai cứ nhằm tấn công tín đồ mới, hoặc cứ
muốn người khác cổ võ ý kiến của riêng mình, thì lúc đó cần đến một hành
động cụ thể. Luôn luôn bày tỏ việc chấp nhận người đó, nhưng cần nhớ rằng
khi mọi người thấy không có biện pháp nào hết, nhóm học Kinh Thánh đó sẽ
vơi dần và chết.
Làm theo những gợi ý trên đây sẽ giúp bạn vui vẻ, thoải mái hướng dẫn buổi
thảo luận. Nhưng chính khi bạn hướng dẫn cũng là lúc bạn học được nhiều
kinh nghiệm. Một người hướng dẫn dù tài giỏi mấy đi nữa cũng phải luôn
tìm cách phát triển khả năng. Vì vậy, sau mỗi buổi học việc thẩm định lại giá
trị của bài học, của cách bạn hướng dẫn sẽ giúp bạn rất nhiều. Nội dung
phần này được trình bày trong chương sau.
NHỮNG NGUYÊN TẮC CƠ BẢN
1. Kinh Thánh là tài liệu học hỏi
Mục đích đầu tiên của nhóm khi ngồi lại với nhau là để học biết Kinh Thánh
nói gì. Dù ý kiến của người khác cũng được hoan nghênh nhưng đó không
phải là trọng tâm. Trọng tâm cũng không phải là lời tuyên bố nào của mục
sư, của tác giả, của nhà phê bình, hay của những chuyên gia thu thập ý kiến
dù họ nổi tiếng đến đâu đi nữa. Hãy để Kinh Thánh tự khẳng định.
2. Đoạn Kinh Thánh này nói gì ?
Mục đích chính là để hiểu rõ Kinh Thánh dạy gì trong đoạn đã chọn để học.
Mặc dù sẽ có những nhóm viên có thể biết nhiều đoạn khác trong Kinh
Thánh nói gì về cùng một đề tài này, bạn cũng phải cứ giữ mục tiêu của cuộc
thảo luận là chính đoạn Kinh Thánh đang học. Điều này làm cho nhóm cẩn
thận tìm kiến trong bài học và giúp cho người chưa có kinh nghiệm, và
những người mới tin cũng có thể đóng góp được. Ngay cả những sinh viên
ngoại quốc có tôn giáo khác là những người chưa bao giờ cầm quyển Kinh
Thánh cũng có thể có những đóng góp quý giá ngay buổi học Kinh Thánh
đầu tiên.
3. Các câu hỏi là chìa khóa
Chìa khóa để mở cửa như thế nào thì các câu hỏi cũng mở tâm trí các nhóm
viên như vậy để họ có thể nghe Kinh Thánh nói gì. Câu hỏi làm mọi người
chú ý, biết được điều họ lưu tâm và chuẩn bị những gì để trả lời. Cuộc thảo
luận dựa trên những câu hỏi đúng đắn sẽ làm cho nhóm càng thêm phong
phú.
4. Để tài liệu tham khảo ở nhà
Mặc dù các tài liệu tham khảo rất có giá trị trong việc học Kinh Thánh cá
nhân, cũng như trong việc chuẩn bị học Kinh Thánh nhóm của người hướng
dẫn lẫn nhóm viên, nhưng mang nó đến buổi học là không đúng chỗ. Nếu ai
có đem theo tài liệu tham khảo, thì thường tài liệu được đó có khuynh hướng
đưa ra kết luận tối hậu chứ không phải là Kinh Thánh.
5. Chủ quyền
Một nhóm học Kinh Thánh lớn mạnh là một nhóm mà mọi nhóm viên có
quyền quyết định về nhóm của mình. Nếu bạn mời người khác tham gia mà
viết rằng: "Xin mời tham dự buổi học Kinh Thánh của chúng ta" thì hay hơn
là "Xin mời tham dự buổi học Kinh Thánh với nhóm của Trang" đó là dấu
hiệu cho thấy quyền làm chủ thuộc về tất cả mọi người trong nhóm. Hơn
nữa, khi các nhóm viên thấy mình có quyền quyết định thì họ cũng sẽ có tinh
thần trách nhiệm hơn, biết chuẩn bị hơn, dễ dàng mời người khác đến hơn và
trung tín cầu nguyện cho nhóm hơn.
6. Duy trì nhân số vừa đủ
Một nhóm học Kinh Thánh lý tưởng có khoảng từ 8 đến 10 người. Nếu
nhóm phát triển, nhất là những nhóm được hướng dẫn tốt, thì nhóm nên chia
làm hai khi tăng đến trên 12 người. Trong các nhóm nhỏ, nhiều người có cơ
hội đóng góp hơn. Cũng nên chuẩn bị kỹ lưỡng khi chia nhóm. Người
trưởng nhóm mới cũng cần được huấn luyện, tạo cơ hội cho người đó hướng
dẫn trước khi chia ra, để những người được chia vào nhóm mới cũng đã
quen thuộc với người hướng dẫn này. Nếu phòng ốc cho phép, thì để tránh
mọi rắc rối trong việc chia nhóm, có nơi đã họp chung nhau lại trước rồi sau
đó mới chia nhóm nhỏ để học Kinh Thánh. Cũng có thể chia xẻ với nhau
những gì Chúa dạy nhóm mình, như vậy vẫn giữ được liên hệ với những bạn
cũ.
Chương 8: NHẬN XÉT GIÁ TRỊ BUỔI THẢO L UẬN
Một nhóm học Kinh Thánh tốt giống như máy rang bắp. Mới đầu chỉ có một
vài hột bắp bắn lên. Rồi sau đó không lâu, khi máy đã nóng thì thật là nhộn
nhịp. Mọi người bắt đầu đóng góp.
Một nhóm học Kinh Thánh buồn tẻ giống như máy rang bắp bị hư, không
nóng nổ. Sự yên lặng chỉ bị phá tan khi nào có tiếng ho, hay một vài tiếng
trả lời chán ngắt.
Điều gì đã làm cho hai nhóm khác biệt như vậy? Có ba thành phần quan
trọng đóng góp cho buổi học là người hướng dẫn, nhóm viên và câu hỏi.
Chương này sẽ giúp bạn nhận định vai trò của từng thành phần.
NGƯỜI HƯỚNG DẪN
Phần này không nhắm mục đích cho điểm thành tích của bạn, nhưng để bạn
rút kinh nghiệm, giúp bạn thấy ưu khuyết điểm trong khả năng lãnh đạo của
mình để lần sau làm tốt hơn. Sau buổi thảo luận, bạn hãy trả lời các câu hỏi
sau đây càng khách quan càng tốt, và cầu nguyện xin Chúa chỉ cho bạn thấy
bạn cần phải thay đổi hay phát huy những điểm nào.
1 Bạn có chuẩn bị đủ không, có dành đủ thì giờ để nghiên cứu và cầu
nguyện không?
1 Bạn có nắm vững đoạn Kinh Thánh không?
1 Bạn có nhớ rõ các câu hỏi và những điều bạn ghi chú không?
1 Bạn có thấy thoải mái khi hướng dẫn không? Tại sao?
1 Bạn có cho mọi người đủ thì giờ suy nghĩ các câu hỏi không?
1 Bạn có sửa lại các câu hỏi không rõ ràng không?
1 Bạn có khuyến khích nhóm viên đóng góp nhiều câu hỏi không?
1 Bạn có hết lòng lắng nghe nhận định của từng người không ?
1 Bạn có đáp ứng một cách cương quyết trước mọi nhận định không?
1 Bạn có bao giờ trả lời câu hỏi của chính mình không?
1 Bạn có giữ được nhịp độ thích hợp cho buổi thảo luận không ?
1 Bạn có bắt đầu và kết thúc buổi học đúng giờ quy định không?
1 Bạn có thể làm gì để phát huy tài lãnh đạo của mình trong lần tới?
NHÓM VIÊN
Mỗi người trong nhóm đều đóng góp một trách nhiệm quan trọng. Một
Huong dan hoc kinh thanh nhom
Huong dan hoc kinh thanh nhom
Huong dan hoc kinh thanh nhom
Huong dan hoc kinh thanh nhom

More Related Content

What's hot

Nguyen tac doc va hieu kinh thanh
Nguyen tac doc va hieu kinh thanhNguyen tac doc va hieu kinh thanh
Nguyen tac doc va hieu kinh thanhco_doc_nhan
 
Dung lam nua voi
Dung lam nua voiDung lam nua voi
Dung lam nua voico_doc_nhan
 
Cam nan nhom nho
Cam nan nhom nhoCam nan nhom nho
Cam nan nhom nhoco_doc_nhan
 
Neu khong chi nho an dien cua dct
Neu khong chi nho an dien cua dctNeu khong chi nho an dien cua dct
Neu khong chi nho an dien cua dctco_doc_nhan
 
Sách Nghệ Thuật Sống Quân Bình
Sách Nghệ Thuật Sống Quân BìnhSách Nghệ Thuật Sống Quân Bình
Sách Nghệ Thuật Sống Quân BìnhNhân Nguyễn Sỹ
 
Hoi thanh theo dung muc dinh(gian luot)
Hoi thanh theo dung muc dinh(gian luot)Hoi thanh theo dung muc dinh(gian luot)
Hoi thanh theo dung muc dinh(gian luot)co_doc_nhan
 
Ngu kinh va lich su
Ngu kinh va lich suNgu kinh va lich su
Ngu kinh va lich suco_doc_nhan
 
Thay doi dieu ky
Thay doi dieu kyThay doi dieu ky
Thay doi dieu kyco_doc_nhan
 
Su phuc hung hau den
Su phuc hung hau denSu phuc hung hau den
Su phuc hung hau denco_doc_nhan
 
Giáo Trình Phật Học (Chankhoonsan)
Giáo Trình Phật Học (Chankhoonsan)Giáo Trình Phật Học (Chankhoonsan)
Giáo Trình Phật Học (Chankhoonsan)Phật Ngôn
 

What's hot (12)

Nguyen tac doc va hieu kinh thanh
Nguyen tac doc va hieu kinh thanhNguyen tac doc va hieu kinh thanh
Nguyen tac doc va hieu kinh thanh
 
Dung lam nua voi
Dung lam nua voiDung lam nua voi
Dung lam nua voi
 
Cam nan nhom nho
Cam nan nhom nhoCam nan nhom nho
Cam nan nhom nho
 
Neu khong chi nho an dien cua dct
Neu khong chi nho an dien cua dctNeu khong chi nho an dien cua dct
Neu khong chi nho an dien cua dct
 
Giao ancn cusi-2 - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
Giao ancn cusi-2 - THẦY THÍCH THÔNG LẠCGiao ancn cusi-2 - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
Giao ancn cusi-2 - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
 
Tho phuong dct
Tho phuong dctTho phuong dct
Tho phuong dct
 
Sách Nghệ Thuật Sống Quân Bình
Sách Nghệ Thuật Sống Quân BìnhSách Nghệ Thuật Sống Quân Bình
Sách Nghệ Thuật Sống Quân Bình
 
Hoi thanh theo dung muc dinh(gian luot)
Hoi thanh theo dung muc dinh(gian luot)Hoi thanh theo dung muc dinh(gian luot)
Hoi thanh theo dung muc dinh(gian luot)
 
Ngu kinh va lich su
Ngu kinh va lich suNgu kinh va lich su
Ngu kinh va lich su
 
Thay doi dieu ky
Thay doi dieu kyThay doi dieu ky
Thay doi dieu ky
 
Su phuc hung hau den
Su phuc hung hau denSu phuc hung hau den
Su phuc hung hau den
 
Giáo Trình Phật Học (Chankhoonsan)
Giáo Trình Phật Học (Chankhoonsan)Giáo Trình Phật Học (Chankhoonsan)
Giáo Trình Phật Học (Chankhoonsan)
 

Similar to Huong dan hoc kinh thanh nhom

Tuyen giang su diep kinh thanh
Tuyen giang su diep kinh thanhTuyen giang su diep kinh thanh
Tuyen giang su diep kinh thanhco_doc_nhan
 
Phuong phap hoc kinh thanh ( gian luot)
Phuong phap hoc kinh thanh ( gian luot)Phuong phap hoc kinh thanh ( gian luot)
Phuong phap hoc kinh thanh ( gian luot)co_doc_nhan
 
Phuong phap nghien cuu kinh thanh
Phuong phap nghien cuu kinh thanhPhuong phap nghien cuu kinh thanh
Phuong phap nghien cuu kinh thanhco_doc_nhan
 
Sinh vienit.net --seo full upload by www.nguyencau.net
Sinh vienit.net --seo full upload by www.nguyencau.netSinh vienit.net --seo full upload by www.nguyencau.net
Sinh vienit.net --seo full upload by www.nguyencau.nethtpsccbb159
 
Chuẩn bị đón nhận Đức Giesu
Chuẩn bị đón nhận Đức GiesuChuẩn bị đón nhận Đức Giesu
Chuẩn bị đón nhận Đức GiesuSilicon Straits Saigon
 
Phuong phap day dao
Phuong phap day daoPhuong phap day dao
Phuong phap day daoco_doc_nhan
 
Nhung dieu tot lanh den voi cac nhom nho
Nhung dieu tot lanh den voi cac nhom nhoNhung dieu tot lanh den voi cac nhom nho
Nhung dieu tot lanh den voi cac nhom nhoco_doc_nhan
 
Nhân bản là gì
Nhân bản là gìNhân bản là gì
Nhân bản là gìĐan Giang
 
Sach da ni-en va khai huyen
Sach da ni-en va khai huyenSach da ni-en va khai huyen
Sach da ni-en va khai huyenco_doc_nhan
 
Toi muon la co doc nhan
Toi muon la co doc nhanToi muon la co doc nhan
Toi muon la co doc nhanco_doc_nhan
 
Toi muon la co doc nhan
Toi muon la co doc nhanToi muon la co doc nhan
Toi muon la co doc nhanLong Do Hoang
 
Chanh niem-co-ban-ts-henepola-gunaratana-luong-thanh-binh-dich
Chanh niem-co-ban-ts-henepola-gunaratana-luong-thanh-binh-dichChanh niem-co-ban-ts-henepola-gunaratana-luong-thanh-binh-dich
Chanh niem-co-ban-ts-henepola-gunaratana-luong-thanh-binh-dichXuan Le
 

Similar to Huong dan hoc kinh thanh nhom (20)

Su vui mung that
Su vui mung thatSu vui mung that
Su vui mung that
 
Tho phuong dct
Tho phuong dctTho phuong dct
Tho phuong dct
 
Tho phuong dct
Tho phuong dctTho phuong dct
Tho phuong dct
 
Tuyen giang su diep kinh thanh
Tuyen giang su diep kinh thanhTuyen giang su diep kinh thanh
Tuyen giang su diep kinh thanh
 
Phuong phap hoc kinh thanh ( gian luot)
Phuong phap hoc kinh thanh ( gian luot)Phuong phap hoc kinh thanh ( gian luot)
Phuong phap hoc kinh thanh ( gian luot)
 
Phuong phap nghien cuu kinh thanh
Phuong phap nghien cuu kinh thanhPhuong phap nghien cuu kinh thanh
Phuong phap nghien cuu kinh thanh
 
Sinh vienit.net --seo full upload by www.nguyencau.net
Sinh vienit.net --seo full upload by www.nguyencau.netSinh vienit.net --seo full upload by www.nguyencau.net
Sinh vienit.net --seo full upload by www.nguyencau.net
 
Chuẩn bị đón nhận Đức Giesu
Chuẩn bị đón nhận Đức GiesuChuẩn bị đón nhận Đức Giesu
Chuẩn bị đón nhận Đức Giesu
 
Phuong phap day dao
Phuong phap day daoPhuong phap day dao
Phuong phap day dao
 
Su binh an that
Su binh an thatSu binh an that
Su binh an that
 
Su binh an that
Su binh an thatSu binh an that
Su binh an that
 
Nhung dieu tot lanh den voi cac nhom nho
Nhung dieu tot lanh den voi cac nhom nhoNhung dieu tot lanh den voi cac nhom nho
Nhung dieu tot lanh den voi cac nhom nho
 
Nhân bản là gì
Nhân bản là gìNhân bản là gì
Nhân bản là gì
 
Sach da ni-en va khai huyen
Sach da ni-en va khai huyenSach da ni-en va khai huyen
Sach da ni-en va khai huyen
 
Toi muon la co doc nhan
Toi muon la co doc nhanToi muon la co doc nhan
Toi muon la co doc nhan
 
Toi muon la co doc nhan
Toi muon la co doc nhanToi muon la co doc nhan
Toi muon la co doc nhan
 
Phuc am giang
Phuc am giangPhuc am giang
Phuc am giang
 
Dung lam nua voi
Dung lam nua voiDung lam nua voi
Dung lam nua voi
 
Chanh niem-co-ban-ts-henepola-gunaratana-luong-thanh-binh-dich
Chanh niem-co-ban-ts-henepola-gunaratana-luong-thanh-binh-dichChanh niem-co-ban-ts-henepola-gunaratana-luong-thanh-binh-dich
Chanh niem-co-ban-ts-henepola-gunaratana-luong-thanh-binh-dich
 
Vi sao chung ta tin
Vi sao chung ta tinVi sao chung ta tin
Vi sao chung ta tin
 

More from co_doc_nhan

Vai net ve hoi thanh dau tien
Vai net ve hoi thanh dau tienVai net ve hoi thanh dau tien
Vai net ve hoi thanh dau tienco_doc_nhan
 
Truong dang christ
Truong dang christTruong dang christ
Truong dang christco_doc_nhan
 
Su phat trien tu nhien cua hoi thanh
Su phat trien tu nhien cua hoi thanhSu phat trien tu nhien cua hoi thanh
Su phat trien tu nhien cua hoi thanhco_doc_nhan
 
Phuong cach rao giang loi chua
Phuong cach rao giang loi chuaPhuong cach rao giang loi chua
Phuong cach rao giang loi chuaco_doc_nhan
 
Nhung nguyen tac lanh dao
Nhung nguyen tac lanh daoNhung nguyen tac lanh dao
Nhung nguyen tac lanh daoco_doc_nhan
 
Nhiem vu giao duc
Nhiem vu giao ducNhiem vu giao duc
Nhiem vu giao ducco_doc_nhan
 
Nhan lanh va gin giu su chua lanh
Nhan lanh va gin giu su chua lanhNhan lanh va gin giu su chua lanh
Nhan lanh va gin giu su chua lanhco_doc_nhan
 
Nguyen tac tho phuong
Nguyen tac tho phuongNguyen tac tho phuong
Nguyen tac tho phuongco_doc_nhan
 
Nguyen tac giang day
Nguyen tac giang dayNguyen tac giang day
Nguyen tac giang dayco_doc_nhan
 
Nguyen tac day do
Nguyen tac day doNguyen tac day do
Nguyen tac day doco_doc_nhan
 
Nguyen tac cua cai
Nguyen tac cua caiNguyen tac cua cai
Nguyen tac cua caico_doc_nhan
 
Nghe thuat chan bay
Nghe thuat chan bayNghe thuat chan bay
Nghe thuat chan bayco_doc_nhan
 
Nep song cua nguoi lanh dao
Nep song cua nguoi lanh daoNep song cua nguoi lanh dao
Nep song cua nguoi lanh daoco_doc_nhan
 
Lanh dao thuot linh va goi chung
Lanh dao thuot linh va goi chungLanh dao thuot linh va goi chung
Lanh dao thuot linh va goi chungco_doc_nhan
 

More from co_doc_nhan (20)

Vai net ve hoi thanh dau tien
Vai net ve hoi thanh dau tienVai net ve hoi thanh dau tien
Vai net ve hoi thanh dau tien
 
Truong dang christ
Truong dang christTruong dang christ
Truong dang christ
 
Thuat lanh dao
Thuat lanh daoThuat lanh dao
Thuat lanh dao
 
Su phat trien tu nhien cua hoi thanh
Su phat trien tu nhien cua hoi thanhSu phat trien tu nhien cua hoi thanh
Su phat trien tu nhien cua hoi thanh
 
Phuong cach rao giang loi chua
Phuong cach rao giang loi chuaPhuong cach rao giang loi chua
Phuong cach rao giang loi chua
 
Phuc vu chua
Phuc vu chuaPhuc vu chua
Phuc vu chua
 
Phuc vu chua
Phuc vu chuaPhuc vu chua
Phuc vu chua
 
Nhung nguyen tac lanh dao
Nhung nguyen tac lanh daoNhung nguyen tac lanh dao
Nhung nguyen tac lanh dao
 
Nhom thanh cong
Nhom thanh congNhom thanh cong
Nhom thanh cong
 
Nhiem vu giao duc
Nhiem vu giao ducNhiem vu giao duc
Nhiem vu giao duc
 
Nhan lanh va gin giu su chua lanh
Nhan lanh va gin giu su chua lanhNhan lanh va gin giu su chua lanh
Nhan lanh va gin giu su chua lanh
 
Nguyen tac tho phuong
Nguyen tac tho phuongNguyen tac tho phuong
Nguyen tac tho phuong
 
Nguyen tac giang day
Nguyen tac giang dayNguyen tac giang day
Nguyen tac giang day
 
Nguyen tac day do
Nguyen tac day doNguyen tac day do
Nguyen tac day do
 
Nguyen tac cua cai
Nguyen tac cua caiNguyen tac cua cai
Nguyen tac cua cai
 
Nghe thuat chan bay
Nghe thuat chan bayNghe thuat chan bay
Nghe thuat chan bay
 
Nep song cua nguoi lanh dao
Nep song cua nguoi lanh daoNep song cua nguoi lanh dao
Nep song cua nguoi lanh dao
 
Lanh dao
Lanh daoLanh dao
Lanh dao
 
Lanh dao thuot linh va goi chung
Lanh dao thuot linh va goi chungLanh dao thuot linh va goi chung
Lanh dao thuot linh va goi chung
 
Lanh dao co doc
Lanh dao co docLanh dao co doc
Lanh dao co doc
 

Huong dan hoc kinh thanh nhom

  • 1. Hướng Dẫn học Kinh Thánh Nhóm Tác giả: Viện Thần Học Việt Nam Lời mở đầu Chương 1 Tại sao học Kinh Thánh trong nhóm nhỏ Chương 2 Bắt đầu một nhóm học Kinh Thánh Chương 3 Quyết định phải học những gì Chương 4 Chuẩn bị hướng dẫn Chương 5 Làm thế nào để học Kinh Thánh Chương 6 Cách soạn câu hỏi Chương 7 Hướng dẫn thảo luận Chương 8 Nhận xét giá trị buổi thảo luận Chương 9 Cùng tăng trưởng Hướng Dẫn Học Kinh Thánh Hướng dẫn học Kinh Thánh là một Kinh nghiệm rất vui và ích lợi, tuy nhiên đây cũng có thể là một công việc đáng ngại, nhất là khi bạn chưa bao giờ hướng dẫn. Nếu cảm thấy ngại thì xin đừng lo vì bạn sẽ có rất nhiều người đồng hội đồng thuyền. Khi Thiên Chúa truyền bảo Môi-se dẫn tuyển dân ra khỏi Ai-cập, ông đã trả lời: "Ôi lạy Chúa, Chúa muốn sai ai đi thì sai” (XuXh 4:13). Khi Sa-lô-môn lên làm vua nước Y-sơ-ra-ên, thấy trách nhiệm quá sức mình ông đã thưa: "Giê-hô-va Đức Chúa Trời tôi ôi… tôi chỉ là một đứa trẻ nhỏ chẳng biết vào ra làm sao… vì ai có thể đoán xét dân lớn này của Chúa?” (IVua 1V 3:7, 9). Khi Chúa gọi Giê-rê-mi làm tiên tri, ông đã thưa: "Ôi hỡi Chúa Giê-hô-va này, tôi chẳng biết nói chi vì tôi là con trẻ” (Gie Gr 1:6). Chúng ta có thể tiếp tục nêu thêm nữa. Các sứ đồ là những người "tầm thường, không học” (Cong Cv 4:13). Ti-mô-thê còn trẻ, yếu đuối, nhút nhát. Còn Phao-lô thì có một 'cái dằm xóc trong thịt' làm ông thấy mình yếu đuối.
  • 2. Nhưng Chúa đã trả lời cho các tôi tớ của Ngài trong đó có bạn, cùng một lời: “ân điển ta đủ cho ngươi rồ” ' (IICo 2Cr 12:9). Vậy, xin bạn yên tâm vì những nhân vật trên có yếu đuối đến đâu Ngài vẫn giúp, cho nên Ngài cũng có thể giúp bạn dù cảm thấy mình không đủ sức. Còn một lý do khác bạn nên phấn khởi đó là việc hướng dẫn học Kinh Thánh không khó nếu bạn đi theo một số điều chỉ dẫn cần thiết. Bạn không cần phải là một chuyên gia Kinh Thánh hay một giáo sư được huấn luyện mới có thể hướng dẫn học Kinh Thánh được. Vì vậy, những gợi ý trong sách này có thể giúp bạn hoàn thành vai trò người hướng dẫn học Kinh Thánh một cách hữu hiệu và hứng khởi. Chương 1: TẠI SAO HỌC KINH THÁNH TRONG NHÓM NHỎ Khi chúng tôi đến thì buổi học đã bắt đầu. Mọi người ngồi vòng tròn, Kinh Thánh để trên lòng. Lúc đầu rất khó biết ai là người hướng dẫn vì hết người này đến người kia đóng góp trao đổi qua lại. Hầu như mọi người đều tham gia. Đoạn Kinh Thánh học hôm đó trong sách Giô-na. Chúng tôi ngồi vào chỗ và tức khắc bị cuốn hút vào không khí thảo luận. Hóa ra Đào là người hướng dẫn, cô nêu câu hỏi: 'Đức Chúa Trời bảo Giô-na đến giảng cho dân ngoại thành Ni-ni-ve ở phía Đông nhưng Giô-na lại trốn sang phía Tây. Chúa đã phản ứng thế nào đối với sự bất tuân của Giô-na? Mọi người cúi xuống dò Kinh Thánh rồi Tiến góp ý: 'Chúa phán xét Giô-na vì ông không vâng lời Ngài'. Anh giải thích cho biết nhà tiên tri suýt bị đắm tàu, bị ném xuống biển, bị một con cá lớn nuốt, ở ba ngày ba đêm trong bụng cá và rồi được nó mửa ra trên bãi biển. Sương đồng ý với Tiến nhưng cho rằng như vậy là Đức Chúa Trời vẫn còn thương xót Giô-na. Cô nói: 'Đáng lẽ Chúa có thể đã để Giô-na chết chìm dưới biển hoặc tiêu tan trong bụng cá’ Cả nhóm cười ầm. Lát sau Đào hỏi: 'Còn anh chị nào đóng góp gì nữa không?' Cân từ nãy giờ yên lặng bây giờ cũng góp ý: 'Đức Chúa Trời biết rõ phải như thế nào Giô-na mới chịu ăn năn cho nên khi Giô-na đã được an toàn trên đất khô và lời Chúa đến với ông lần thứ hai, lúc này ông mới thực sự muốn tính chuyện đi Ni-ni-ve'. Buổi học Kinh Thánh cứ tiếp tục như thế trong khoảng 45 phút. Thỉnh thoảng Đào thêm một câu hỏi khác trong tập hướng dẫn: ‘Phản ứng của Giô- na khi dây leo chết’, 'So sánh thái độ của Chúa với thái độ của Giô-na đối với dân thành Ni-ni-ve'. Nhiều người trong nhóm trả lời, luôn luôn dựa trên phần Kinh Thánh đang đọc. Nhóm học Kinh Thánh tối thứ tư của chúng tôi gồm một anh thảo chương
  • 3. viên, một bà nội trợ, một chuyên viên thương mại, một nhà quảng cáo và một đặc trách viên của đoàn sinh viên Tin Lành, một chủ bút và một họa sĩ, còn Đào là một thư ký bán thời gian. Tuy nhiên chúng tôi hết sức ngạc nhiên vì có thể học được lẫn nhau rất nhiều. Mỗi người đã đưa ra một nhãn quan rất độc đáo đối với sách Giô-na là một sách tuy ngắn nhưng rất hào hứng này. Tất cả chúng tôi đều như sống lại những kinh nghiệm của Giô-na. Chúng tôi thấy ông vừa khôi hài vừa tội nghiệp nhưng có lẽ điều quan trọng nhất là chúng tôi thấy mình với ông là một! Chúng tôi cũng có một cái nhìn về Đức Chúa Trời nhất là về sự chăm sóc của Ngài đối với con người - ngay cả với những người chúng ta không chấp nhận. Ngài áp dụng kỷ luật với Giô-na trong tình thương. Ngài cũng thương xót dân thành Ni-ni-ve dù họ thuộc về một quốc gia tàn bạo, thờ hình tượng. Công lý và sự phán xét của Ngài hoàn toàn chính xác, nhưng cũng phản ánh sự thương xót, sự tha thứ và tình thương. Cuối buổi học Kinh Thánh tất cả chúng tôi đều mệt nhoài nhưng lại cảm thấy hăng hái, được khích lệ và học hỏi được rất nhiều. Cách học Kinh Thánh trên là một Kinh nghiệm học hỏi độc đáo. Thông thường việc học chú trọng vào người hướng dẫn hơn là nhóm. Trong bài thuyết trình hay bài giảng, người hướng dẫn nói từ đầu đến cuối trong khi cả nhóm chỉ nghe. Các buổi học Kinh Thánh cũng rơi vào trường hợp đó nghĩa là người hướng dẫn đưa ra mọi câu trả lời và nhóm chỉ thỉnh thoảng mới nêu lên câu hỏi. Nhưng đúng ra, trong một buổi học Kinh Thánh thì trọng tâm là nhóm chứ không phải người hướng dẫn. Vì đây là buổi thảo luận không phải buổi thuyết trình cho nên hầu hết các nhóm viên sẽ phát biểu. Người hướng dẫn nêu câu hỏi để nhóm trả lời dựa trên đoạn Kinh Thánh đang học. Việc thảo luận như thế sẽ đưa đến những hoàn cảnh thật mà họ đối diện trong cuộc sống. Cách học này có một số các ưu điểm như sau: 1. Nhóm viên học được cách tự nuôi mình bằng lời Chúa. mỗi người trong nhóm đều có trách nhiệm khám phá ý nghĩa đoạn Kinh Thánh. Đối với một số người thì trách nhiệm này là một kinh nghiệm mới. Họ thường quen nghe giảng Kinh Thánh và biết rất nhiều về Kinh Thánh, nhưng những điều họ biết chỉ là kết quả nghiên cứu của người khác chứ không phải của chính họ. Đối với nhiều người, việc học Kinh Thánh khích lệ họ đào xới lời Chúa, Kinh Thánh trở nên sống động một cách không ngờ mà họ chưa bao giờ kinh nghiệm. 2. Cách học này khuyến khích việc học Kinh Thánh đều đặn. Học Kinh Thánh trong nhóm có tính cách phụ trội chứ không thay thế việc học Kinh Thánh cá nhân. Tuy nhiên vì nhiều người thiếu kỷ luật trong việc tự học
  • 4. Kinh Thánh đều đặn nên việc học Kinh Thánh nhóm mỗi tuần một lần khích lệ họ trong việc học Kinh Thánh cá nhân. 3. Học Kinh Thánh nhóm giúp mọi người có cơ hội tham gia vì nhân số trong nhóm ít (từ 8 đến 10 người là tốt nhất). Mọi người bắt đầu ý thức rằng việc đóng góp của họ là thiết yếu cho việc học hỏi. Ngay cả những người chưa bao giờ dám lên tiếng trong những buổi nhóm lớn cũng bắt đầu góp ý. Nhóm nhỏ làm cho người ta bớt ngại ngùng và trở nên thân mật hơn cho nên không bao lâu mọi người đều phát biểu tự do. 4. Học Kinh Thánh nhóm giúp chúng ta học được qua ý kiến của người khác. Trong khi mỗi người chia xẻ chúng ta hiểu đoạn Kinh Thánh rõ hơn và biết áp dụng trong cuộc sống. 5. Nhóm viên trở thành một thành phần trong một cộng đồng biết lo tưởng cho nhau. Nhóm học Kinh Thánh tạo ra một khung cảnh tự nhiên để mọi người có thể giúp nhau, tạo ra những mối quan hệ cởi mở và chân thành. 6. Trong một nhóm học Kinh Thánh bạn không cần phải là một nhà chuyên môn như mục sư, hay là một nhà thần học mới hướng dẫn được. Thí dụ như bạn không cần phải biết về đoạn Kinh Thánh nhiều hơn người khác. Đôi lúc có thể bạn phải nêu lên một câu mà chính bạn không thể trả lời. Nhưng với sự góp ý của các nhóm viên bạn có thể hiểu rõ hơn. Mặt khác, bạn cũng không cần được huấn luyện để nói trước công chúng vì nhóm sẽ thảo luận còn bạn chỉ đặt câu hỏi và khuyến khích tham gia, bạn cũng không cần phải biết cách viết câu hỏi thảo luận vì đã có rất nhiều tài liệu học Kinh Thánh do những người chuyên môn viết. Nhóm học Kinh Thánh của chúng tôi đã ý thức được những điều này khi chúng tôi nhờ Đào hướng dẫn học sách Giô-na. Nhưng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, với sự tham gia của nhóm, và tài liệu hướng dẫn chúng tôi đã có một buổi học rất tốt. Chương 2: BẮT ĐẦU MỘT NHÓM HỌC KINH THÁNH Học Kinh Thánh? Cũng giống như bất kỳ một nhóm nào khác, bạn tìm những người có cùng một ý muốn và sẵn sàng dành thì giờ với nhau. Quan tâm của mỗi người khác nhau, tùy lúc, tùy người. Có người chỉ muốn tìm biết những gì Kinh Thánh nói, trong khi những người khác thích học một sách hay một đề tài nào đó, nhưng cũng có những người đến với buổi học Kinh Thánh chỉ vì họ cô đơn và muốn có bạn. Dù với lý do hay động cơ nào đi nữa người ta vẫn có thể tìm được những người thích học Kinh Thánh. BƯỚC THỨ NHẤT 1. Người Nghĩ đến và cầu nguyện cho những người bạn muốn mời, có thể bạn đã có
  • 5. sẵn tên một số người nào trong trí. 2. Quan tâm Cần ý thức rằng một cuộc thảo luận chỉ cần có hai người và bạn có thể bắt đầu với 2 hay 10 người quan tâm. Cũng cần nhớ rằng có người thấy như không quan tâm gì nhưng lại muốn đến dự y như người tỏ ra thích thú, bạn sẽ rất ngạc nhiên về những người bằng lòng đến dự. 3. Lời mời Khi mời ai bạn có thể nói vài lời như, ' Chị An, chúng tôi muốn học Kinh Thánh với nhau trong vài tuần tới, mời chị đến học với chúng tôi cho vui'. Lý tưởng là nên đích thân đến mời từng người. Nhưng gọi điện thoại, dán áp phích hay thông báo trong buổi nhóm cũng có thể có hiệu quả. 4. Nhắc nhở Nếu bạn mời nhiều ngày trước buổi học thì gọi điện thoại nhắc trước một ngày hay vài giờ là điều nên làm, nếu bạn ở trong ký túc xá hay ở nhà thì việc ghé đón những người đến học sẽ làm cho buổi nhóm đông hơn và đem mọi người lại với nhau trong một thái độ chấp nhận và tích cực. 5. Buổi họp hỗn hợp - Thận trọng Nếu bạn dự định tổ chức một buổi học cho người chưa tin thì sự hiện diện của vài tín hữu chỉ có thể làm hỏng mục tiêu của bạn, trừ phi họ là những người có lòng yêu thương, quyết không xen vào thuyết giảng cho các thân hữu trong buổi thảo luận. Những người trong nhóm cần phải ý thức rằng bất cứ ai, dầu là tín đồ hay không phải tín đồ cũng đều có thể có những đóng góp giá trị cho buổi học Kinh Thánh, dựa trên căn bản Kinh Thánh họ học. 6. Kế hoạch Chỉ nên thông báo thì giờ và địa điểm của buổi học đầu khi bạn nhắc lại lời mời, còn những chi tiết khác nên dành để vào lúc học. Việc này sẽ làm cho các nhóm viên cảm thấy họ là thành phần quan trọng của nhóm. a. Trong buổi học đầu nên quyết định thời gian và địa điểm nhất định cho buổi học mỗi tuần. Tốt nhất là nên họp ở chỗ nào có không khí thoải mái và thân mật. Nếu học tại nhà riêng nên luân phiên mỗi tháng học tại một nhà. b. Ấn định thời gian buổi học. Thì giờ học có thể khoảng nửa giờ đến một giờ, nhưng không nên lâu quá. c. Quyết định nội dung học. Nhóm có thể muốn học một sách trong Cựu Ước hay Tân Ước , học về nhân vật hay đề tài (xem chương ba). d. Đồng ý về những gì sẽ làm trong buổi học tới. Ai hướng dẫn? Nếu định dùng một tài liệu hương dẫn nào thì ai mua? Có ai chuẩn bị đem đồ giải khát không ? BUỔI NHÓM ĐẦU Nhóm tối thứ tư của chúng tôi quyết định mỗi người đem thức ăn đến ăn chung trong buổi nhóm đầu. Anh chị Tiến Đào mời chúng tôi đến căn nhà
  • 6. chung cư, mỗi người đem theo một ít thức ăn. Bữa ăn tối giúp chúng tôi tiếp xúc với nhau trong không khí thân mật thoải mái. Sau bữa tối, mọi người quây quần trong phòng khách, người hướng dẫn nêu những vấn đề cần thảo luận, mọi người quyết định họp mỗi tháng ba lần trong 6 tháng tới. (Kinh nghiệm cho thấy tốt nhất là nên hạn định thời gian). Buổi học bắt đầu từ 7 giờ đến 8 giờ 30 mỗi tối thứ tư. Giờ đầu học Kinh Thánh, còn nửa giờ sau để tâm tình và cầu nguyện. Chúng tôi cũng định nên có một món tráng miệng kết thúc buổi học (nhóm chúng tôi ai cũng thích mục này). Thời gian đầu chúng tôi đồng ý luân phiên học từng nhà (Nhưng về sau để tiện cho một gia đình có con nhỏ chúng tôi học luôn tại nhà anh chị này), chúng tôi cũng quyết định nội dung học và người hướng dẫn. Mọi người đồng ý thay phiên hướng dẫn để những ai muốn hướng dẫn đều có cơ hội. Buổi học đầu tiên diễn tiến tốt đẹp không ngờ. Mọi người đều thấy được ngay rằng một nhóm học Kinh Thánh mới đã hình thành. BẢNG GHI NHỚ Bảng ghi nhớ sau đây giúp bạn nhớ những điều cần thiết khi thành lập nhóm. TRƯỚC KHI HỌP Suy nghĩ và cầu nguyện về những người mình sẽ mời tham dự nhóm Sắp xếp thì giờ và địa điểm cho buổi họp đầu Gặp mặt mời trực tiếp hay mời qua điện thoại Nếu được nên quảng cáo, cho biết thời gian địa điểm và đề tài thảo luận. TRONG BUỔI NHÓM ĐẦU Bàn định xem bao lâu sẽ họp một lần Quyết định về thời gian, tiết mục buổi học Ấn định nội dung sẽ học Quyết định một người hướng dẫn hay luân phiên Thỏa thuận về nơi học thường xuyên Chương 3: QUYẾT ĐỊNH PHẢI HỌC NHỮNG GÌ Khi đã lập được một nhóm học Kinh Thánh, làm sao cho bạn chọn đề tài? Điều này tùy thuộc vào nhóm. Trong buổi học đầu, bạn có tìm hiểu ý thích hay nhu cầu của nhóm bằng cách hỏi họ muốn học cách nào. Học từng sách, từng nhân vật hay theo chủ đề. Nhưng phải cẩn thận, đừng chọn theo ý cá nhân mà phải theo ý đa số. Đừng sợ nếu gặp đề tài khó, vượt quá khả năng của bạn, bạn nên bắt đầu với những phần đơn giản trước. Trong buổi học đầu, bạn nên hỏi kinh nghiệm những người trong nhóm đã
  • 7. có trong việc học Kinh Thánh. Kinh Thánh đã giúp gì cho họ. Lúc họ trình bày là lúc đem mọi người đến gần nhau, cũng là lúc giúp bạn biết phải quyết định học gì. HỌC THEO SÁCH Có nghĩa là phải học từ đầu đến cuối. Thử tưởng tượng chỉ đọc một trang trong 'Tom Sawyer', một hàng trong 'Hamlet', hay một đoạn trong 'Chiến tranh và Hòa bình' thì chẳng ai hiểu gì cả. Vậy mà có nhiều người đã học Kinh Thánh theo cách đó. Học theo sách là để bạn thấy toàn thể câu chuyện, hay tư tưởng và phải theo dõi từ đầu đến cuối. Nếu nhóm muốn học theo sách thì nên bàn xem sẽ học Cựu Ước hay Tân Ước. Khi chọn sách học cần lưu ý đến nhu cầu của nhóm. Nếu trong nhóm phần đông là tân tín hữu kiến thức Kinh Thánh còn rất mơ hồ mà chúng ta lại chọn Ê-xê-chi-ên hay Khải Huyền thì thật thiếu tế nhị. Nên chọn một sách ngắn, dễ mà căn bản. Thí dụ như sách Mác có nhiều dữ kiện về cuộc đời và chức vụ của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Cũng có thể chọn những thư tín ngắn khác như Ga-la-ti, Ê-phê-sô, Phi-lip, Cô-lô-se, Gia-cơ và thư Phi-e-rơ. Những sách này rõ ràng, dễ hiểu, dạy những điều căn bản thực dụng. Cho một nhóm của những người hướng dẫn thì nên chọn sách Ti-mô-thê hoặc Tít. Trong Cựu Ước có những sách phổ thông như Giô-suê, Ru-tơ, I Sa-mu- ên, Nê-hê-mi, A-mốt, Giô-na. Bạn nên thử bắt đầu với những sách ngắn như Giô-na hay Ru-tơ, rồi qua những sách dài hơn như Giô-suê, Nê-hê-mi. HỌC TỪNG NHÂN VẬT Học nhân vật Kinh Thánh thường rất hào hứng. Khó có ai quên Nô-ê và cơn đại hồng thủy, Áp-ra-ham dâng Y-sác, Giô-suê đánh thành Giê-ri-cô, Đa-ni- ên trong hang sư tử... Học về nhân vật chúng ta có thể thấy được cách Chúa hành động trong cuộc đời của nhiều người. Cựu Ước là một nguồn cung cấp dồi dào về các nhân vật. Như trong Sáng Thế Ký chúng ta có cuộc đời Áp-ra-ham, Y sác, Gia-cốp và Giô-sép. Môi-se là nhân vật nổi bật của Xuất Ê-díp-tô Ký. Trong các Quan Xét thì có Đê-bô- ra, Ghi-đê-ôn và Sam-sôn. I Sa-mu-ên là An-ne, Ê-li, Sa-mu-ên, Sau-lơ và Đa-vít. Sách Ru-tơ, Nê-hê-mi, Ê-xơ-tê và Giô-na thì nói về chính nhân vật đó. Và còn rất nhiều nhân vật khác nữa. Tân Ước cũng có nhiều nhân vật lý thú. Trong các sách Phúc Âm chúng ta có thể học về bà Ma-ri mẹ Chúa Giê-xu hay Giô-sép chồng bà. Bà Ê-li-sa- bét và chồng là Xa-cha-ri cũng có nhiều điều đáng học lắm. Ma-thê cũng rất phổ biến. Trong sách Công Vụ nhân vật chính là Phi-e-rơ và Phao-lô, nhưng cũng có Ê-tiên, Phi-lip và hoạn quan Ê-thi-ô-pi, Cọt-nây, Ba-na-ba, A-bô-lô, Bê-rít- sin và A-qui-la. Tài liệu về các nhân vật Kinh Thánh thay đổi từ vài câu đến vài đoạn, có người hàng chục đoạn. Sách Thánh Kinh phù Dẫn
  • 8. (concordance) của Strong hay Young sẽ giúp bạn tìm biết thêm nhân vật bạn học và biết phải để bao nhiêu thì giờ học về họ. Tài liệu hướng dẫn thảo luận về các nhân vật trong Kinh Thánh đều có bán tại các nhà sách địa phương. HỌC THEO CHỦ ĐỀ Nhiều nhóm lại muốn học theo chủ đề. Truyền giáo, cầu nguyện, và sự hướng dẫn của Chúa là những chủ đề căn bản. Bạn cũng có thể học về các mỹ đức Cơ Đốc, hôn nhân Cơ Đốc, lãnh đạo, truyền giáo cho các sắc dân và các trách nhiệm của một Cơ Đốc nhân đối với xã hội. Sách Châm Ngôn có một số đề tài lý thú cho việc học theo chủ đề. Bạn có thể học về người ngu dại, người khôn ngoan, người đơn sơ, người công chính, kẻ gian ác, kẻ nhạo báng và kẻ lười biếng (tham khảo chú giải Cựu Ước Tyndale, phần Châm Ngôn của Derek Kidner). Các đức tính và tật xấu của nhân vật cũng là những đề tài hữu ích. Có thể học về sự lười biếng, siêng năng, tham lam, hào hiệp, nóng nảy, tiết độ, yêu thương và ghen ghét. Những sách như chủ đề Kinh Thánh của Nave (Nave's Topical Bible), có thể giúp nhóm của bạn có thêm những ý khác. HỌC VỚI TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN Có nhiều lý do quan trọng cho việc dùng tài liệu hướng dẫn học tập làm căn bản cho buổi thảo luận. Một lý do quan trọng là thì giờ. Mỗi tuần bạn có thể mất từ 3 đến 4 giờ để soạn câu hỏi, hầu hết những người hướng dẫn thảo luận rất khó thu xếp để có thì giờ đó. Lý do khác là phẩm chất. Phẩm chất của các tài liệu hướng dẫn đã gia tăng rất nhiều trong những năm gần đây. Những người viết các tài liệu này thường đã được huấn luyện trong lãnh vực học Kinh Thánh và có nhiều kinh nghiệm trong đề tài họ viết. Mặt khác chỉ có những người hướng dẫn xuất sắc mới có đủ kiến thức và kỷ năng viết một tài liệu hướng dẫn hữu hiệu. Các tài liệu hướng dẫn cũng giúp cho nhóm có thể chuẩn bị trước. Chúng tôi mạnh mẽ đề nghị mỗi nhóm viên đều có sách hướng dẫn, vì sự chuẩn bị của họ gia tăng phẩm chất buổi học rất nhiều. Một tài liệu hướng dẫn tốt phải có những gì? Các câu hỏi phải rõ ràng, hay và kích thích suy nghĩ. Các câu hỏi tốt gợi ý thảo luận hơn là chỉ nhằm dẫn đến những câu trả lời ngắn ngủi xác định hoặc phủ định. Câu hỏi tốt giúp khám phá nội dung và ý nghĩa khúc Kinh Thánh. Mỗi bài cũng nên có hai hay ba câu hỏi áp dụng đoạn Kinh Thánh vào đời sống hàng ngày. Mỗi bài không nên có quá nhiều câu hỏi. Mười đến mười lăm câu hỏi đủ để học trong suốt 45 phút đến 1 giờ. Tốt nhất là sử dụng tài liệu hướng dẫn soạn cho từng đoạn ngắn mỗi lần học, không nhảy từ đoạn này qua đoạn kia, cũng có thể có ngoại lệ khi đọc sách Châm Ngôn. Một điểm nữa là tài liệu đó có ghi chú dành cho người hướng dẫn không? Nếu có thì những ghi chú
  • 9. này rất bổ ích. Hiện nay có rất nhiều tài liệu tốt, bạn có thể tha hồ chọn lựa. Xin ghé lại các sách Tin Lành gần nhà trước khi đến với buổi học đầu tiên. Chọn một số tài liệu hướng dẫn về các sách, các nhân vật hay về chủ đề. Hầu hết các tiệm sách đều cho bạn được mua về tham khảo, nếu nhóm của bạn không thích học theo tài liệu đó, bạn có thể trả lại nhà sách. Đem theo tài liệu này trong buổi họp đầu cho mọi người tham khảo, như vậy sẽ dễ quyết định hơn. Bạn sẽ đặt mua thêm cho nhóm tài liệu nào được chọn. Nhóm chúng tôi muốn giữ quân bình trong việc học Tân, Cựu Ước và nhân vật. Chúng tôi học I Ti-mô-thê trong những tuần đầu. Rồi trở lại Cựu Ước trong sách Giô-na. Sau đó nhân vật với cuộc đời Ca-lép, Ghi-đê-ôn, Sam- sôn, Ru-tơ, Ê-li và vài nhân vật khác - mỗi nhân vật học từ một đến hai tuần. Sau đó lại tập trung học Ga-la-ti trong Tân Ước. Với 66 sách và rất nhiều nhân vật, nhiều đề tài, chúng ta chỉ mới học phớt qua mà thôi. Chương 4: CHUẨN BỊ HƯỚNG DẪN Bi đang ngồi trong lớp học Trường Chúa Nhật, chờ đến giờ học. Giáo viên bước lên trước lớp tuyên bố: "Sáng hôm nay chúng ta có chương trình đặc biệt, bạn Bi được mời nói chuyện với chúng ta". Một cơn sóng sợ hãi chụp xuống người khi Bi nhớ ra mình được mời cách đây mấy tuần. Bi quên mất chuyện này! Bi từ từ đứng dậy, đi lên bục, đầu óc trống không. Phải làm gì bây giờ? Phải nói gì bây giờ? Bi bỗng quyết định sẽ nói những gì mình mới đọc trong giờ tĩnh nguyện sáng nay. Lớp không nhớ bài học này bao nhiêu, nhưng chính Bi thì không bao giờ quên. Để hướng dẫn buổi học Kinh Thánh có kết quả tốt đòi hỏi sự chuẩn bị. Vậy mà nhiều người chờ đến phút cuối rồi mới vội vàng quơ quào cho đủ chuyện. Làm như thế công việc chán ngắt và không kết quả không phải là chuyện lạ. Chương này và hai chương kế sẽ giúp bạn những điểm căn bản để biết phải chuẩn bị thế nào, dù bạn có sách hướng dẫn hay tự soạn câu hỏi. Cầu nguyện và quyết đinh dành thì giờ chuẩn bị bài học. Thông thường bạn phải dành ra hai giờ để chuẩn bị bài học, thời gian này thay đổi từng người. Có thể xem đây là giờ đọc Kinh Thánh và cầu nguyện. CẦU NGUYỆN Trong Phúc Âm Giăng 15, Chúa Giê-xu phán: "Ngoài Ta, các ngươi chẳng làm chi được” . Dĩ nhiên, bạn có thể làm được cái gì đó. Bạn có thể chuẩn bị cẩn thận và hướng dẫn học Kinh Thánh rất hấp dẫn. Nhưng nếu không có Chúa thì nó sẽ chẳng có một giá trị thiêng liêng nào. Phao-lô ý thức điều này khi ông viết: ' Vả, những khí giới chúng tôi dùng để chiến tranh là không phải thuộc về xác thịt đâu, bèn là bởi quyền năng Đức Chúa Trời, có sức
  • 10. mạnh để đạp đổ các đồn lũy” (IICo 2Cr 10:4, 5). Chúa là Đấng duy nhất có thể đạp đổ các đồn lũy tinh thần trong đời sống chúng ta. Những chỗ đó cần phải được tăng trưởng. Ngài là Đấng duy nhất có thể biến cải những nỗ lực của chúng ta, từ những hoạt động suông trở thành đầy sức sống. Giờ cầu nguyện không bao giờ uổng phí, nhưng là thiết yếu. 1. Cầu nguyện cho chính mình Xin Chúa giúp bạn hiểu và áp dụng đoạn Kinh Thánh đó cho chính mình. Nếu không nhận được điều này, coi như bạn không được chuẩn bị để hướng dẫn người khác. Charles Spurgeon, một nhà truyền đạo danh tiếng của thế kỷ 19, đã từng viết rằng ông luôn luôn cầu nguyện khi đọc lời Chúa: "Để an ủi linh hồn tôi, chứ không phải để soạn bài giảng, để chính tôi dầm thấm trong lời Chúa trước. Tôi phải biết giá trị của giáo lý tôi dạy bằng chính kinh nghiệm của mình.” Bạn hãy xin Chúa giúp mình hiểu đoạn Kinh Thánh, hiểu những câu hỏi nghiên cứu để bạn có thể tập trung tinh thần giúp đỡ nhóm của mình trong giờ học Kinh Thánh. Cũng xin Ngài ban thần linh làm tươi mới lòng bạn để bạn không còn nghĩ đến chính mình nữa, nhưng dễ dàng dự phần vào công việc của Đức Thánh Linh hành động trong nhóm. 2. Cầu nguyện cho từng nhóm viên Bạn nghĩ đến từng cá nhân một: tình trạng yếu đuối hay mạnh mẽ, mối quan tâm, sự hiểu biết Kinh Thánh của họ thế nào. Xin Chúa giúp họ có thể khám phá được một điều nào đó trong sự phong phú, trong thách thức của lời Ngài. Lời cầu nguyện của Phao-lô thật là một mẫu mực cho sự cầu thay này: "Điều tôi xin trong khi cầu nguyện, ấy là lòng thương yêu của anh em càng ngày càng chan chứa hơn, trong sự thông biết và sự suy hiểu, để nghiệm thử những sự tốt lành hơn,hầu cho anh em được tinh sạch không chỗ trách được cho đến ngày Đấng Christ làm cho sáng danh và khen ngợi Đức Chúa Trời” (Phi Pl 1:9-10). HỌC KINH THÁNH Khi chính bạn và nhóm đã dốc đổ trong sự cầu nguyện thì đây đúng là bắt đầu học Lời Chúa. Martin Luther đã so sánh việc học Kinh Thánh với việc hái táo: "Trước hết, tôi rung cây, những trái chín sẽ rụng xuống, sau đó tôi leo lên cây, rung từng tàng, rồi đến từng nhánh, rồi từng cành và cuối cùng nhìn dưới từng chiếc lá” . Bây giờ bạn có thể làm theo lời khuyên trên. 1. Nếu bạn học theo sách thì phải học từ đầu đến cuối, như vậy sẽ giúp bạn nắm được chủ đề của sách. Bạn thử xem mỗi đoạn đóng góp gì cho chủ đề. Lưu ý đặc biệt đến nội dung của đoạn sẽ học. Nếu sách dài quá không thể ngồi đọc hết một lúc, thì đọc lướt qua nội dung của nó, lưu ý kỹ tiểu đề của từng đoạn chương. 2. Kế đó đọc hai lần đoạn Kinh Thánh bạn sẽ hướng dẫn học. Cố tìm ý chính của đoạn, và hỏi đoạn này đóng góp gì cho chủ đề của cả sách. Mục đích đầu
  • 11. tiên ở đây là tìm hiểu tác giả nói gì với độc giả đương thời và tại sao. 3. Nên có sẵn một quyển tự điển thường và quyển tự điển Thánh Kinh, để tra những từ mới, tên hoặc địa danh. 4. Khi đã biết ý chính và những ứng dụng cho độc giả cùng thời với tác giả, bạn hãy suy nghĩ đến những điều có thể áp dụng trong hiện tại. Ý chính đó đáp ứng nhu cầu của chính bạn và của nhóm như thế nào? Nó đem lại sự khích lệ nào, có lời khuyên hay mệnh lệnh nào, hoặc lời hứa nào dành cho bạn không? Học suốt qua đoạn Kinh Thánh trước khi sử dụng tài liệu hướng dẫn. (Để biết thêm cách sử dụng tài liệu hướng dẫn xin xem chương 5). 5. Trả lời hết các câu hỏi trong tài liệu hướng dẫn một cách cẩn thận. (Nếu không dùng tài liệu hướng dẫn xin xem chương 6). Để thì giờ cầu nguyện, suy gẫm các câu trả lời. Phi-lip Henry viết: "Một hàng vải được nhuộm đi nhuộm lại nhiều lần sẽ giữ được màu rất lâu, một chân lý là chủ đề suy niệm cũng ăn sâu trong lòng như vậy” . 6. Viết câu trả lời của bạn vào khoảng trống dành riêng trong tài liệu hướng dẫn. Viết xuống có một hiệu quả tốt cho trí óc chúng ta, khiến chúng ta phải suy nghĩ và diễn tả mạch lạc, rõ ràng những gì mình hiểu trong đoạn Kinh Thánh đó và cũng giúp chúng ta nhớ những gì đã học. 7. Nếu tài liệu bạn sử dụng có phần dành cho người hướng dẫn, phần này sẽ giúp bạn làm quen với đoạn Kinh Thánh. Tài liệu loại này thường được soạn ra để giúp bạn trong nhiều phương diện. Thứ nhất, nó cho biết mục đích trong suy nghĩ của tác giả khi soạn tài liệu. Để thì giờ suy nghĩ hết các câu hỏi bạn sẽ thấy chúng kết hợp với nhau làm sáng tỏ mục đích đó. Thứ hai, tài liệu cung cấp cho bạn một số dữ kiện, hay bối cảnh liên quan đến một số câu hỏi. Thứ ba, tài liệu dành cho người hướng dẫn giúp lưu ý bạn những vấn đề có thể nảy sinh trong khi thảo luận. Nếu muốn nhớ những lời dặn dò trong tài liệu này, bạn nên ghi chú dưới những câu hỏi nghiên cứu. Có một giáo sư chủng viện rất thích câu nguyện " ẩn dụ về máy bán đậu phụng” (từ khi cái máy này được đặt trong tầng hầm thư viện). Ẩn dụ này rất đơn giản, đó là khi bạn bỏ vào máy một xu, bạn sẽ mua được đúng một xu đậu! Kinh Thánh cũng có một câu như vầy: "Ai gieo giống chi lại gặt giống ấy ". (GaGl 6:7). Không thể nhờ một yếu tố bất ngờ nào để có một buổi học Kinh Thánh ích lợi được. Nó chỉ là kết quả của sự chuẩn bị chu đáo. Chương 5: LÀM THẾ NÀO ĐỂ HỌC KINH THÁNH Cách đây vài năm, tờ New York Times đăng lời quảng cáo về một quyển sách của Mortimer Adler, tựa đề “Đọc sách như thế nào?” Bên dưới hình một thiếu niên đang lúng túng đọc lá thư tình đầu tiên là hàng chữ: Đọc Thư Tình Như Thế Nào ?
  • 12. Chàng thanh niên này vừa mới nhận được lá thư tình lần đầu, chàng ta chắc sẽ đọc ba bốn lần, nhưng bây giờ mới chỉ bắt đầu đọc thôi. Để đọc thật chính xác như ý chàng muốn chắc cần phải có thêm cuốn tự điển, phải làm việc sát cánh với những chuyên gia về từ nguyên và ngữ pháp. Tuy nhiên không có những phương tiện đó anh ta vẫn đọc được. Anh chàng nghiền ngẫm ý nghĩa chính xác của từng chữ, từng chấm phết. Người đẹp bắt đầu thế này, "Khang thân mến” . Chàng tự hỏi ý nghĩa chính xác của những lời này là gì? Có phải vì mắc cỡ mà nàng đã không viết: "Khang yêu dấu” . Còn chữ "Anh Khang” thì nghe lãnh đạm qúa? Mà không chừng nàng đã viết "Anh... gì gì đó thân mến" cho bất cứ ai! Một thoáng lo âu xuất hiện trên mặt chàng, nhưng lại tan biến ngay khi chàng phải suy nghĩ đến dòng chữ đầu lá thư. Chắc chắn nàng chẳng viết lá thư này cho ai khác ngoài chàng. Và cứ vậy chàng đọc hết lá thư, lúc thì sướng như tiên, lúc thì thất vọng rầu rĩ. Trong đầu chàng nảy sinh hàng trăm câu hỏi. Chàng có thể đọc thuộc lòng lá thơ và quả nhiên, trong nhiều tuần tới chàng sẽ đọc nó ra cho chính mình nghe. Nhà quảng cáo kết luận: "Nếu mọi người đều đọc sách với tinh thần chuyên chú như vậy thì chúng ta sẽ có những bộ óc vĩ đại.” Kinh Thánh là lá thư của tình yêu mà Đức Chúa Trời viết cho chúng ta, nếu chúng ta muốn có cái kinh nghiệm say sưa cao độ như chàng thanh niên trong bài quảng cáo, thì chúng ta phải biết cách tự học Kinh Thánh. Chương này đề cập đến những bước căn bản trong việc học Kinh Thánh. Dù bạn sử dụng tài liệu hướng dẫn hay tự soạn câu hỏi thì đây cũng vẫn là những bước không thể thiếu được. Để học và hiểu Kinh Thánh, trước hết chúng ta phải trả lời ba câu hỏi: 1. Đoạn Kinh Thánh đó nói gì? 2. Đoạn Kinh Thánh đó có ý nghĩa gì? 3. Đoạn Kinh Thánh đó có ý nghĩa gì đối với chính tôi? Để trả lời câu hỏi thứ nhất đòi hỏi sự quan sát các sự kiện Để trả lời câu hỏi thứ hai đòi hỏi phải giải thích Để trả lời câu hỏi t hứ ba đòi hỏi biết ứng dụng BƯỚC THỨ NHẤT: QUAN SÁT Nhân vật trinh thám Sherlock Holmes nổi tiếng vì óc quan sát tuyệt vời thông minh của ông. Một ngày kia có một người khách lạ bước vào phòng làm việc của Holmes. Nhà thám tử quan sát ông này một lúc rồi nói với Watson vài nhận xét: "Qua một số các dữ kiện hiển nhiên thì người đàn ông này có thời gian đã làm công việc tay chân, ông ta cũng hút ống vố, là thuộc viên của một hội kín, đã từng ở Trung Hoa và gần đây thì viết lách khá nhiều, ngoài ra thì tôi không thấy điều nào khác nữa.” Watson quá kinh ngạc về những khả năng này của Sherlock Holmes đến nỗi phải thốt ra: "Tôi không thể nào nhịn cười được khi ông ta có thể giải thích một cách hết sức dễ dàng tiến trình diễn dịch đó” . Khi tôi nghe anh đưa ra
  • 13. các lý do thì sự việc luôn luôn hiện ra cho tôi đơn giản quá mức đến nỗi tôi tưởng mình có thể tự suy diễn được, dù ở mỗi thí dụ nối tiếp nhau trong cách lý luận của anh tôi cảm thấy rất bối rối cho đến khi anh giải thích từng diễn trình, lúc đó thì tôi tin cặp mắt tôi cũng tinh tường như cặp mắt của anh. Holmes đáp: "Đúng thế, anh không quan sát” . Bước đầu tiên trong việc học Kinh Thánh cá nhân là phải quan sát nhiều lần đoạn Kinh Thánh hay sách bạn đang học. Như một nhà thám tử giỏi bạn cần huấn luyện cặp mắt để có thể thấy được những cái hiển nhiên và những cái không rõ ràng cho lắm. Bạn có thể học quan sát theo lối này bằng cách nêu lên thật nhiều câu hỏi cho sách hoặc khúc Kinh Thánh đó. Nhà thơ Rudyard Kipling từng viết: "Tôi có 6 tên đầy tớ trung thành đã dạy tôi mọi điều tôi biết, tên chúng là: Cái gì? Ở đâu? Khi nào? Như thế nào? Tại sao? và Ai ? 1. Ai - Ai là tác giả của sách? Viết cho ai? Ai là những nhân vật chính và phụ 2. Ở đâu - Những sự việc này xảy ra ở đâu? Có liên quan đến tỉnh, thành, đô thị? Nếu có, xem trong bản đồ vị trí những nơi đó. (Nhiều cuốn Kinh Thánh có kèm bản đồ phía sau). Nếu bạn đang học một thư tín thì độc giả của thư đó sống ở đâu ? 3. Khi nào - Khúc Kinh Thánh có xác định giờ, ngày tháng năm hay khi nào sự viên xảy ra liên quan đến sự việc khác. 4. Điều gì - Những hành động nào hay sự việc nào đang xảy ra? Những từ ngữ hay ý tưởng nào được lập lại hoặc là trọng tâm đoạn Kinh Thánh ? 5. Tại sao - Đoạn Kinh Thánh có cho biết lý do, có lời giải thích hay dữ kiện nào liên quan đến mục đích của sách không 6. Thế nào - Đoạn Kinh Thánh được viết theo thể loại nào? một lá thư, một bài diễn thuyết hay một bài thơ, một chuyện ngụ ngôn? Thuật ngữ ra sao, tác giả có dùng hình bóng không? (tương đồng, ẩn dụ) được sắp đặt thế nào (về ý tưởng, nhân vật, hay địa dư). Khi mổ xẻ một đoạn Kinh Thánh với những câu hỏi như vậy, bạn sẽ thấy nhiều sự kiện quan trọng được phơi bày. Khi khám phá ra những điều đó bạn hãy ghi xuống để tham khảo sau này. Tầm quan trọng của việc quan sát thật cẩn thận có nhấn mạnh mấy cũng không thừa vì những gì bạn quan sát chính là căn bản của những điều giải thích. Trong một trường hợp xấu hổ nhất, Sherlock Holmes đã phải thú nhận với Watson: "Tôi đã đi đến một kết luận hoàn toàn sai lầm, cho thấy điều hết sức nguy hiểm là khi lý giải dựa trên những dữ kiện không đầy đủ.” BƯỚC THỨ HAI: GIẢI THÍCH Bước thứ hai trong việc học Kinh Thánh là giải thích, ở đây bạn tìm hiểu những sự kiện đã có do quan sát.
  • 14. Có những chữ nào không hiểu? Hãy tìm định nghĩa của nó. Tác giả có dùng chữ tượng hình không? Phải giải thích rõ ràng. Có ý tưởng lớn nào không? Cố nắm vững nghĩa chữ và ý nghĩa. Bạn có gặp chỗ khó hiểu nào không? Tìm cách giải quyết. Nghĩa từ ngữ, ý nghĩa và lời giải thích là ba mục tiêu của người giải Kinh. Bạn đã đạt đến những mục tiêu này như thế nào. Khi đạt được làm sao bạn biết mình không sai lầm. Có bao giờ bạn gặp trường hợp khi vừa giải thích xong một đoạn Kinh Thánh nào đó thì có người bất ngờ lên tiếng rằng "Đó chỉ là cách giải thích của anh" có ý nói "anh có cách giải thích của anh thì tôi cũng có cách của tôi, cũng có thua gì anh đâu?” Người nói như vậy cũng đúng phần nào. Người ta thường không đồng ý với nhau trong cách giải thích Kinh Thánh, nhưng không vì có nhiều cách giải nghĩa mà cách nào cũng tốt. Một cách giải thích tốt phải vượt qua được thử nghiệm quyết định này, đó là phải phù hợp với ý nghĩa chính tác giả muốn nói. Một cách giải thích hay mấy đi nữa mà khác với ý tác giả thì cũng sai. Làm sao để biết ý của tác giả? Bạn theo những bước sau đây. 1 Tìm hiểu khung cảnh lịch sử của đoạn Kinh Thánh đang học. 1 Xác minh thể loại văn chương của đoạn. 1 Có cái nhìn tổng quát cả sách. 1 Học từng phần một. 1 So sánh sự giải nghĩa của bạn với một cách chú giải tốt. 1. Tìm hiểu khung cảnh lịch sử của đoạn Kinh Thánh đang học Các biến cố ghi lại trong Kinh Thánh đã xảy ra hàng ngàn năm trước, cái khó hiển nhiên trong việc giải thích ở đây là chúng ta không có mặt trong thời điểm đó. Vì vậy, chúng ta thường thiếu những chi tiết quan trọng liên quan đến bối cảnh lịch sử của đoạn Kinh Thánh. Ví dụ: Hầu hết các thư tín trong Tân Ước đều viết về một hay nhiều vấn đề đặc biệt nào đó: Người Ga-la-ti thì tìm kiếm sự xưng công chính bởi luật pháp, người Cô-rinh-tô muốn được giải đáp những vấn đề hôn nhân, ân tứ thuộc linh, của cúng thần tượng v.v... Ti-mô-thê thì muốn biết cách phục hồi trật tự trong Hội Thánh. Trừ khi chúng ta hiểu rõ các vấn đề hay các câu hỏi này, đọc các thư tín giống như chúng ta nghe một cuộc điện đàm ở một đầu dây thôi. Chúng ta nghe tác giả nói mà không nghe vì sao ông nói như vậy. Cũng vậy, chúng ta chỉ hiểu được một nữa câu chuyện khi đọc các sách khác trong Kinh Thánh. Một cách khác để tìm hiểu bối cảnh hay nội dung của một Thi Thiên, một sách tiên tri, hay một thư tín Tân Ước là tìm được những đầu mối trong chính đoạn văn đó. Ví dụ: Trong thư I Giăng chúng ta đọc. “Ta đã viết cho những điều này, chỉ về những kẻ lừa dối các con” (IGi1Ga 2:26). Khi đọc
  • 15. một chỗ khác, chúng ta khám phá ra rằng những giáo sư giả chính là những người ở trong Hội Thánh: "Chúng nó từ giữa chúng ta mà ra nhưng vốn chẳng phải thuộc về chúng ta.” Giăng gọi họ là “kẻ địch lại Đấng Christ” (2:18). Còn có nhiều dữ kiện khác nữa, lúc thì nói rõ, lúc thì chỉ hàm ý, cho chúng ta thêm những chi tiết liên quan đến hoàn cảnh mà độc giả của Giăng phải đối diện. Khi đã tìm tòi trong chính đoạn văn rồi, bạn tra cứu thêm Thánh Kinh tự điển, và các sách hướng dẫn khác cũng rất có ích. Ví dụ ngay dưới mục"Giăng, thư tín” bạn đã có thêm nhiều dữ kiện về bối cảnh, hay hoàn cảnh của thư I Giăng. Đọc những đoạn Kinh Thánh khác có liên quan đến đoạn bạn đang học cũng là một ý hay. Ví dụ Đa-vít đã viết Thi Tv 52:1-9 sau khi ông phạm tội tà dâm với Bát-sê-ba. Chúng ta có thể đọc chuyện hai người trong IISa 2Sm 11:1-12:31. (Ngay tựa đề Thi Tv 51:1-19 cũng đã nói vì sao Đa vít viết Thi Thiên này. Khi có chi tiết này, Thánh Kinh Tự Điển thường cho biết những đoạn Kinh Thánh Liên quan). Cũng vậy, khi bạn đọc thư Phi-lip , các bạn sẽ tra cứu thêm sách Công Vụ để có thêm những dữ kiện về việc thành lập Hội Thánh tại thành Phi-lip (Cong Cv 16:1-40). Càng biết rõ về bối cảnh lịch sử của đoạn Kinh Thánh, bạn càng được trang bị đầy đủ hơn để hiểu rõ sứ điệp của tác giả. Nhưng dữ kiện đó giống như những mẫu nhỏ trong trò chơi xếp hình, khi tất cả được đặt vào đúng chỗ, bạn sẽ thấy được toàn thể bức tranh rõ hơn. 2. Xác định thể văn sử dụng Tác giả các sách trong Kinh Thánh dùng nhiều cách diễn đạt khác nhau hoặc thuật chuyện , thư tín , thi ca, châm ngôn, ngụ ngôn hay hình bóng. Cách họ diễn đạt làm phong phú thêm, làm đẹp thêm những gì họ muốn nói. Văn chương trong Kinh Thánh được phân chia thành nhiều loại như sau: a. Văn luận thuyết (Discourse). Các thư tín trong Tân Ước là những thí dụ rõ ràng nhất cho loại này. Bàn cãi, hay diễn giải một chủ đề. Một vài bài giảng của các tiên tri, hay các bài giảng của Chúa Giê-xu nằm trong thể loại này. b. Văn thuật chuyện (Prose narrative) Loại này dùng trong sách Sáng Thế Ký, Giô-suê và các sách Phúc Âm. Tác giả diễn tả hay dựng lại khung cảnh, biến cố từ lịch sử của Kinh Thánh có ý nghĩa thần học. c. Thi ca (Poetry) Dĩ nhiên Thi Thiên nằm trong loại này. Đây là loại ngôn ngữ tượng hình. Nó cũng sử dụng nhiều loại song đối và dùng để diễn đạt xúc cảm. d. Châm ngôn (Proverbs) Như đã được dùng cho sách Châm ngôn, là những lời nói khôn ngoan, dạy
  • 16. những nguyên tắc sống. Không nên lẫn lộn nó với những mệnh lệnh hay lời hứa. e. Ngụ ngôn (Parables) Trong Kinh Thánh không ai dùng thể loại này nhiều bằng Chúa Giê-xu. Một chuyện ngụ ngôn để giải thích một chân lý thuộc linh bằng một câu chuyện. Đây là một loại ẩn dụ mở rộng. f. Văn Tiên tri (Phophetic Literature) Loại này được dùng trong 4 sách Tiên Tri (Ê-sai, Giê-rê-mi, Ê-xê-chi-ên và Đa-ni-ên) và 12 sách Tiên tri nhỏ (Ô-sê, Giô-ên và từ A-mốt đến Ma-la-chi). Các tiên tri là phát ngôn viên của Đức Chúa Trời, tuyên bố hình phạt cũng như phước hạnh liên quan đến thỏa hiệp giữa Chúa và dân Y-sơ-ra-ên. g. Văn chương Khải Thị (Apocalyptic Literature) Sách Đa-ni-ên và Khải Thị là thể loại tiên tri đặc biệt được xếp vào loại văn chương khải thị. Chữ apocalypse có nghĩa là mở ra, tiết lộ một cái gì giấu kín. Điểm nổi bật trong các sách này là những biểu tượng được dùng rất nhiều. Khi bạn đã định được thể loại văn trong khúc sách mình học, thì nên tra cứu Kinh Thánh tự điển. Ví dụ học Thi Thiên, thì bạn nên đọc thêm mục nói về thơ văn Hy-bá-lai để thấy cấu trúc của nó. Cũng vậy, khi học Khải Huyền, bạn nên đọc về văn chương mặc khải. Nó sẽ giúp bạn hiểu vì sao loại văn này lạ đối với chúng ta, cũng như cho bạn thêm một số đề nghị để giải thích đúng. 3. Nhìn tổng quát cả sách Trong một cánh đồng trống tại Peru, các nhà khảo cổ phát hiện những đường dài rất lạ, chạy suốt qua 37 dặm. Thoạt đầu họ tưởng đó là những con đường của thời trước. Cho đến khi họ từ trên cao nhìn xuống trong một chuyến bay mới thấy là không phải. Những đường nét này nối kết với nhau tạo thành một biểu mẫu, một bức tranh rất lớn mà phải nhìn từ trên cao mới thấy được. Trong việc học Kinh Thánh, chúng ta cũng cần phải có một cái nhìn về toàn thể sách chúng ta đang học. Một phần của sách chỉ được giải nghĩa đúng trong ánh sáng của toàn bộ. Nhưng cũng nhớ rằng một sách được nối kết với nhau có liên hệ mật thiết với thể loại văn. Các sách thơ tín như Rô-ma nhằm diễn tả những ý tưởng. Các sách lịch sử được nối kết với nhau bằng nhiều cách. Sáng Thế ký (từ đoạn 11) nói đến các nhân vật: Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp, Giô-sép. Xuất Ê-díp-tô Ký xoay quanh các địa danh và các biến cố: tại Ai-cập, trên đường đến Si-nai và tại Si-nai. Sách Phúc Âm Giăng nhắm vào những "dấu" mà Chúa Giê-xu đã làm. Thi Thiên 119 xây dựng xung quanh các chữ cái của mẫu tự Hy-bá-lai. a. Bắt đầu bằng cách đọc lướt qua cả sách Trong khi đọc, cố tìm ra ý nghĩa tổng quát. Ví dụ, ý nghĩa của toàn thể thơ
  • 17. Rô-ma là sự xưng công bình bởi đức tin. Khi không thể một lúc đọc hết cả sách, bạn có thể lướt qua nội dung, đặc biệt chú ý các tiểu đề ở các đoạn. b. Kế đó, tìm những đoạn chính, hay cách phân đoạn trong sách Ví dụ, sách Rô-ma được phân chia như sau, đoạn 1-5, 6-8, 9-11 và 12 - 16. Mỗi một phần nhắm đến một chủ đề. Khi đã tìm biết chủ đề, bạn nên tóm tắt ý chính một cách ngắn gọn. Ví dụ, có thể tóm tắt các phần của thư Rô-ma như sau: Được Xưng Công Chính (1-5), Sự Nên Thánh (6-8), Mối Liên Hệ Giữa Đức Chúa Trời Và Dân Y-sơ-ra-ên (9-11) và Cơ Đốc Nhân Sống Đạo (12-16). c. Tìm những phần nhỏ Những ý tưởng chính liên kết với nhau tạo thành từng phần. Phần thứ nhất của thư Rô-ma chia làm hai. RoRm 1:18-3:20 bày tỏ nhu cầu được xưng công bình của toàn thể nhân loại. 3:21-5:21 cho thấy cách Đức Chúa Trời xưng chúng ta là công chính qua Chúa Giê-xu. d. Trong mỗi bước nghiên cứu, bạn tìm kiếm sự tương quan, mối liên hệ giữa các phần, các phân đoạn với nhau Ví dụ, RoRm 1:18-3:20 liên hệ với 3:21-5:21 vì nói đến nhu cầu của nhân loại trước và sau đó, nói đến cách Đức Chúa Trời giải quyết nhu cầu đó. Bạn có thể tìm thấy chúng có những mối liên hệ khác qua các ý tương phản, hoặc là nguyên nhân hay hậu quả, hoặc từ tổng quát đến chi tiết v.v... Luôn luôn bạn tự hỏi xem những phần, những phân đoạn này có đóng góp gì cho tư tưởng chung của sách không. Nói một cách khác, cái nhìn tổng quát này giống như nhìn qua một ống kính có thể thay đổi tiêu cự (zoom lens) bạn bắt đầu nhìn hoàn cảnh (đọc cả sách) rồi thu nhỏ góc nhìn để thấy gần hơn và rõ hơn một phần nhỏ (xác định những phần chính), rồi lại nhìn gần hơn nữa (tìm các chi tiết nhỏ). Bây giờ bạn đã sẵn sàng nhắm thật gần vào từng phân đoạn, câu và chữ. Càng đọc nhiều lần một sách bạn càng quen thuộc với cấu trúc và nội dung của sách. Cái nhìn tổng quát lần đầu giúp bạn hiểu toàn thể sách. Sự hiểu biết này có khuynh hướng ảnh hưởng cách bạn giải từng phần. Nhưng khi bạn quen thuộc với từng phần, thì cái nhìn tổng quát của bạn có thể cần được thay đổi. Mỗi lần đọc lại, bạn sẽ đến gần với ý của tác giả hơn. 4. Học từng phần một Khi đã có cái nhìn tổng quát về cấu trúc và nội dung của sách, bạn bắt đầu học từng phần một. Trong các bản dịch mới, một phần như vậy có thể là một đoạn, nhiều đoạn hay là một chương. Tuy nhiên, bạn cũng nên biết rằng nguyên bản Kinh Thánh không chia ra từng phần, từng chương, từng đoạn từng câu như vậy (kể cả các dấu chấm câu). Những chi tiết này giúp ích cho chúng ta rất nhiều, nhưng cũng đừng để mình bị trở ngại vì nó. a. Đọc đi đọc lại phần Kinh Thánh này để quen thuộc với nội dung, khi đọc
  • 18. để ý đến chủ đề chính. b. Khi đã nắm được ý chính, tìm hiểu xem tác giả nói gì về chủ đề đó. Nếu bạn học một đoạn, tìm xem các câu khai triển và giải thích chủ đề chính của đoạn thế nào. Nếu bạn học nhiều đoạn, thì tìm xem các đoạn ấy đóng góp gì vào ý chính, và cũng tìm hiểu như vậy nếu học một chương. c. Lưu ý đến thượng hạ văn (context) của khúc sách. Bạn phải đọc các câu hoặc phân đoạn ngay trước và sau khúc sách. Đặt câu hỏi, “Tại sao câu này hoặc phân đoạn này nằm chỗ này? Tác giả đã dùng câu này để làm sáng tỏ quan điểm của mình hơn như thế nào?” Luôn ghi nhớ khúc Kinh Thánh liên hệ đến cả đề tài hay lập luận của tác giả như thế nào. d. Lưu ý đến tâm tình hoặc tinh thần lúc bấy giờ. Sự buồn rầu và nỗi thống khổ bao trùm từng trải của Chúa Giê-xu trong vườn Ghết-sê-ma-nê. Ga-la-ti đoạn 1 phản ảnh sự giận dữ của Phao-lô đối với người Giu-đa và sự rối loạn họ gây ra cho người Ga-la-ti. Thi thiên 100 tràn ngập sự vui mừng. 5. So sánh sự giải thích của bạn với một sách chú giải tốt Khi bạn đã hiểu rõ ý chính, và biết tác giả nói gì qua phần Kinh Thánh đó, bạn nên so sánh điều bạn giải thích với một sách chú giải tốt. Nó có thể giúp bạn bổ sung những điều bạn thiếu sót, sửa lại những chỗ bạn hiểu sai nhưng bạn nhớ phải làm mọi điều mình có thể làm được trước khi sử dụng sách tham khảo. BƯỚC THỨ BA: ỨNG DỤNG Mục đích tối hậu của việc học Kinh Thánh không phải để giáo dục chúng ta nhưng là để biến đổi chúng ta. Trong RoRm 12:2 Phao-lô kêu gọi chúng ta: “Đừng làm theo đời này, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình” . Qua việc học Kinh Thánh, tâm thần chúng ta được đổi mới, Đức Thánh linh sẽ biến đổi chúng ta dần dần trở nên giống như hình ảnh của Đấng Christ. Để có thể áp dụng lời Chúa cho chính mình, chúng ta phải nhớ bản chất của Kinh Thánh. Như đã nói ở trên, chúng ta biết hầu hết các sách trong Kinh Thánh đều nhắm đến những vấn đề, những nhu cầu, những thắc mắc của những người đương thời. Người Cô-rinh-tô có vấn đề bè phái, vô đạo đức, hôn nhân, của cúng thần tượng, ân tứ thuộc linh và những việc kiện cáo giữa vòng các tín hữu. Phao-lô viết thư Cô-rinh-tô để giải đáp cho họ. Ngày nay, chúng ta cũng đối diện với những vấn đề tương tự. Vẫn có những người đưa người bạn tín hữu của mình ra tòa, và chúng ta vẫn có những thắc mắc trong hôn nhân. Thật ra, hàng trăm khía cạnh trong những nan đề và nhu cầu của đời sống chúng ta rất giống những nan đề ghi trong Kinh Thánh, điều này rất tự nhiên vì chúng ta cùng chia xẻ chung một bản tính nhân loại. Điều này dẫn chúng ta đến nguyên tắc áp dụng đầu tiên Quy luật 1 : Bất cứ lúc nào, khi hoàn cảnh của chúng ta giống như hoàn cảnh
  • 19. các độc giả đương thời, thì lời Chúa vẫn áp dụng cho chúng ta giống ý như đã áp dụng cho họ. Cũng có khi hoàn cảnh của chúng ta bây giờ không hoàn toàn giống hệt như họ, vì sự khác biệt văn hóa giữa thời đó và chúng ta. Ví dụ ở các nước Tây phương văn minh không có chuyện cúng thịt cho thần tượng. Trong những trường hợp như vậy, chúng ta theo nguyên tắc áp dụng thứ hai. Quy luật 2 : Bất cứ lúc nào, khi hoàn cảnh của chúng ta không phù hợp với hoàn cảnh các độc giả đương thời, chúng ta nên tìm hiểu nguyên tắc đó cho hoàn cảnh tương tự ngày hôm nay. Phao-lô đã trình bày những nguyên tắc căn bản về vấn đề của cúng thần tượng như thế nào? Ông lưu ý người Cô-rinh-tô rằng họ không nên làm bất cứ điều gì gây vấp phạm cho những người yếu đuối: “Cho nên, nếu đồ ăn xui cho anh em tôi vấp phạm, thì tôi sẽ chẳng hề ăn thịt, hầu cho khỏi làm dịp vấp phạm cho anh em tôi” . Nguyên tắc này rất dễ áp dụng cho nhiều trường hợp ngày nay, ví dụ như người tín đồ có được uống bia hay nhậu nhẹt không. Một khi bạn đã hiểu cách áp dụng những nguyên tắc đó thì bạn có thể nghĩ ra hàng trăm cách ứng dụng lời Chúa vào hoàn cảnh hiện tại. Bạn có thể đặt những câu hỏi sau: 1 Có mệnh lệnh nào tôi phải vâng giữ không? 1 Có lời hứa nào cho tôi không? 1 Có gương mẫu nào cho tôi noi theo không? 1 Có tội lỗi nào tôi phải tránh hoặc phải xưng ra không? 1 Có lý do nào khiến tôi phải cảm tạ ngợi khen không? 1 Đoạn Kinh Thánh này dạy tôi điều gì về Đức Chúa Trời, Chúa Giê-xu, về chính tôi hay người khác? Khi đã xong phần quan sát, diễn giải và áp dụng, bạn có thể hoàn tất các bước 5-7 trong chương trước. Nếu tự đặt câu hỏi cho buổi thảo luận, xin bạn áp dụng những đề nghị trong chương kế tiếp. THỰC HÀNH GIÚP BẠN THÀNH THỤC Học Kinh Thánh cũng giống như học nghề, càng thực hành càng thấy dễ. Lúc đầu khi làm theo những bước trình bày trong chương này bạn rất dễ nản vì nó máy móc như học đánh máy vậy. Nhưng ít lâu sau, những bước đó trở thành tự nhiên hơn để đi đến chỗ tự động cần nhớ là bạn không cô đơn trong việc học Kinh Thánh, Đức Thánh Linh không viết Kinh Thánh để làm cho chúng ta rối trí nhưng chính Ngài sẽ giúp bạn hiểu và biết cách áp dụng khi bạn cầu nguyện, chuyên cần học hỏi và biết tận dụng những tài liệu tham khảo.
  • 20. Chương 6: CÁCH SOẠN CÂU HỎI Câu hỏi tốt là chìa khóa mở ngỏ đoạn Kinh Thánh giúp chúng ta thấy những diều đoạn Kinh Thánh đó đề cập đến, diễn giải ý nghĩa và áp dụng những gì đã học. Câu hỏi hay giống như cây gậy trong tay nhạc trưởng một dàn hòa tấu giúp mọi người chơi đúng và hòa điệu với nhau. Trong chương 3 chúng tôi đề nghị bạn sử dụng tài liệu hướng dẫn khi thảo luận, nhưng cũng có lúc bạn muốn tự soạn câu hỏi. Nhất là khi những chủ đề bạn chọn lại không có tài liệu tốt. Hoặc khi bạn muốn có một tài liệu nhắm vào những nhu cầu của riêng nhóm mình. Dù đã có sẵn tài liệu hướng dẫn nhưng bạn vẫn cần biết cách soạn thảo câu hỏi vì sẽ rất có ích cho bạn. Như trong trường hợp cuộc thảo luận sôi nổi đến nỗi đi lạc đề, bạn phải có những câu hỏi hướng đạo để đưa cuộc thảo luận về đúng chỗ. Cũng có lúc bạn cần soạn những câu hỏi riêng từ tài liệu hướng dẫn để phù hợp với nhu cầu của nhóm. Chương này giúp bạn soạn được những câu hỏi hay, biết cách sắp xếp những câu hỏi đó thành một bài học Kinh Thánh có hiệu quả. Chúng ta sẽ dựa trên Mat Mt 20:20-28 để thấy những diễn tiến này: “Bấy giờ, có mẹ của các con trai Xê-bê-đê cùng các con mình đến gần Đức Chúa Giê-xu lạy Ngài đặng hỏi một chuyện. Ngài phán rằng: " Ngươi muốn chi ?" Thưa rằng, “Xin cho con hai con trai tôi đây ngồi một đứa bên hữu Ngài, một đứa bên tả ở trong nước Ngài” . Đức Chúa Giê-xu đáp rằng: “Các ngươi không hiểu điều của mình xin. Các người uống được chén mà ta hầu uống không” . Hai người thưa rằng: " Chúng tôi uống được” Ngài phán rằng: “Thật các ngươi sẽ uống chén ta , nhưng mà ngồi bên hữu hay bên tả ta,thì chẳng phải tự ta cho được, ấy là cho những người nào mà Cha ta đã sửa soạn cho” . Mười môn đồ kia nghe sự xin đó, thì giận hai anh em. Nhưng Đức Chúa Giê-xu gọi đến mà phán rằng: " Các người biết rằng các vua dân ngoại thì ép dân phải phục mình, còn các quan lớn thì lấy quyền phép mà trị dân. Trong các ngươi thì không như vậy, trái lại trong các ngươi, kẻ nào muốn làm lớn, thì sẽ làm đầy tớ các ngươi, còn kẻ nào muốn làm đầu, thì sẽ làm tôi mọi các ngươi. Ấy vậy, con người đã đến, không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta,và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người” . MỤC ĐÍCH VIỆC HỌC KINH THÁNH Người ta từng nói rằng: "Nếu mục tiêu của bạn là không có gì thì thành quả của bạn sẽ là không có gì” . Lời này thật đúng. Phải có một mục đích rõ ràng
  • 21. cho bất cứ việc học hỏi nào. Ví dụ, trong đoạn Kinh Thánh trên, vì Chúa Giê-xu muốn nói đến ý nghĩa của sự "làm lớn" thì chúng ta phải đặt mục tiêu cho mình rằng: "Chúng ta học đoạn Kinh Thánh này nhằm hiểu biết ý nghĩa đích thật của quan niệm làm lớn. Phải có mục đích trước khi nghiên cứu để những câu hỏi bạn soạn phản ánh đúng mục đích. PHẦN DẪN NHẬP Phần này tạo nên toàn bộ sắc thái cho việc nghiên cứu. Có thể diễn đạt mục tiêu thành một chủ đề cho lời dẫn nhập này. Một dẫn nhập hay gồm có 3 đặc tính sau: Trước hết, phải hấp dẫn : lúc mới bắt đầu học, tâm trí mọi người thường còn đi lang thang. Lời dẫn nhập hay phải thu hút được sự chú ý của họ. Thứ đến, phải nêu lên được nhu cầu. Nếu mọi người thấy việc học hỏi này sẽ đề cập đến điều họ thật sự lưu tâm, hay những thiếu sót trong đời sống mình, họ sẽ thích học hơn. Thứ ba, lời giới thiệu hay sẽ hướng được mọi người vào đoạn Kinh Thánh sắp học. Nên nói ngắn gọn về chủ đề của đoạn và cho thấy chủ đề này liên quan đến nhu cầu của nhóm ra sao. Với những mục tiêu đó, có thể trình bày phần dẫn nhập cho Mat Mt 20:20- 28 như sau: Quyền thế, danh vọng và thành công là những dấu hiệu của sự cao trọng trong xã hội chúng ta. Ai cũng muốn mình đứng đầu, tên tuổi mình được ái mộ, được sống trong cảnh giàu sang phú quí. Nếu dựa trên những tiêu chuẩn đó, thì ít người trong chúng ta có thể đạt được. Nhưng theo Ma-thi-ơ 20, Chúa Giê-xu đã lật ngược quan niệm của thế giới về sự cao trọng. Chúa cũng cho chúng ta cơ hội để có thể trở thành thực sự cao trọng. CÁC LOẠI CÂU HỎI Viết câu hỏi cho bài học Kinh Thánh, bạn cần biết có nhiều lọai câu hỏi như sau: 1. Câu hỏi khơi mào Câu hỏi này được đặt ra trước khi đọc đoạn Kinh Thánh. Nó có thể khơi mào cho việc bàn luận về ba hướng sau: Thứ nhất : tạo hứng khởi giữa các nhóm viên, dầu họ đã quen nhau hay thích nhau bao nhiêu đi nữa cũng vẫn còn một chút ngại ngùng cần phải loại bỏ để mọi người có thể trò chuyện thật cởi mở. Câu hỏi khơi mào này sẽ giúp bạn phá tan bầu không khí ngại ngần. Ví dụ, khi học Ma-thi-ơ 20, bạn có thể hỏi: "Khi còn nhỏ, các bạn muốn lớn lên mình sẽ làm gì?" Thứ hai : Câu hỏi thăm dò giúp cho nhóm suy nghĩ đến chủ đề bài học. Hầu hết ai cũng có rất nhiều suy nghĩ trong đầu (Cơm chiều, một cái hẹn quan trọng nào đó, lo chuyện sửa xe...) chẳng có liên quan gì đến bài học. Một câu hỏi hay sẽ làm họ chú ý, đưa họ vào cuộc thảo luận.
  • 22. Thứ ba, một câu hỏi khơi mào có thể phát giác những tư tưởng, những cảm nghĩ nào cần được lời Chúa thay đổi. Đó là lý do tại sao không đọc đoạn Kinh Thánh trước khi hỏi câu khơi mào. Đoạn Kinh Thánh thường ảnh hưởng đến câu trả lời của nhóm viên, khiến cho người ta thay vì trả lời thành thật theo ý mình lại trả lời dựa vào đoạn Kinh Thánh. Đưa ra câu trả lời thành thật về những vấn đề đó có thể giúp họ thấy những suy nghĩ của mình phải điều chỉnh ở những điểm nào. Thí dụ như trước khi đọc Kinh Thánh chúng ta hỏi: "Bạn có cảm thấy mình thành công không? Giải thích tại sao." 2. Câu hỏi quan sát Khi bạn tự học một đoạn Kinh Thánh, bạn quan sát thấy có rất nhiều dữ kiện liên quan đến câu hỏi ai, cái gì, khi nào, ở đâu, tại sao và thế nào (xem chương 5). Trong các dữ kiện đó, có những chi tiết có ý nghĩa phong phú hơn những chi tiết khác có thể giúp bạn diễn giải và áp dụng đoạn Kinh Thánh được. Từ đó bạn có thể giúp nhóm mình tìm được những dữ kiện quan trọng đó. Để thực hiện, bạn phải chuyển các nhận xét thành câu hỏi. Ví dụ, trong Ma-thi-ơ 20, những điểm quan sát sau có thể dùng để chuyển thành các câu hỏi: Quan sát: những nhân vật chính trong đoạn này là Chúa Giê-xu, người mẹ, hai con của bà, và 10 môn đồ. Câu hỏi: Ai là nhân vật chính trong đoạn này? Quan sát: Người mẹ xin Chúa Giê-xu cho hai con bà một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Ngài trên nước thiên đàng. Câu hỏi: Người mẹ xin Chúa Giê-xu đặc ân gì? Quan sát: Chúa Giê-xu nhắc rằng trong vòng dân ngoại người nào làm lớn thì bắt người khác phục vụ mình. Nhưng Ngài thì khẳng định rằng ở trong Ngài ai làm lớn phải phục vụ người khác. Câu hỏi: Chúa Giê-xu nói gì về việc "làm lớn" trong đoạn Kinh Thánh này? Câu hỏi quan sát hay sẽ giúp nhóm đào xới tìm tòi đoạn Kinh Thánh. Không nên đặt những câu hỏi quá đơn giản hay hời hợt đến nỗi chỉ cần trả lời với hai, ba chữ là xong. 3. Câu hỏi giải thích Sau khi đã quan sát những dữ kiện khi học đoạn Kinh Thánh, bạn bước sang việc giải nghĩa và nói đến tầm quan trọng của các dữ kiện ấy. Bạn bắt đầu hiểu điểm chính của đoạn, và thấy các phần trong đoạn đóng góp gì vào điểm chính đó. Bây giờ bạn sẽ hướng dẫn nhóm của mình hiểu đoạn Kinh Thánh đó nói gì. Để thực hiện, bạn dùng câu hỏi (Lưu ý: Phải chắc là những câu hỏi bạn đưa ra cho phép nhóm viên được tự do trả lời theo ý mình, dầu ý đó khác với ý bạn). Ví dụ sau đây qua Ma-thi-ơ 20, giúp bạn thấy rõ hơn. Giải thích: Vị trí bên phải, bên trái người chủ là chỗ danh dự. Hai người này
  • 23. muốn đứng ở hàng thứ hai thứ ba trên thiên đàng. Câu hỏi: Ngồi bên trái, bên phải Chúa trên thiên đàng có ý nghĩa gì Giải thích: Chữ “chén” Chúa dùng ở đây có ý nói đến sự thương khó Chúa chịu, nhất là sự chết của Ngài. Ngài phải chết, những kẻ muốn thân cận với Ngài cũng phải chết như vậy. Câu hỏi: "Chén" mà Chúa Giê-xu và hai người kia phải uống là gì? Giải thích: Mười môn đồ kia tức giận vì chính họ cũng muốn chiếm một chỗ cao nhất trên thiên đàng, nhưng hai người kia đã xin trước. Câu hỏi: Các bạn thử nghĩ vì sao các môn đồ kia giận hai anh em này? 4. Câu hỏi ứng dụng Sau khi đã quan sát, giải nghĩa đoạn Kinh Thánh, bạn cũng cần học cách áp dụng vào đời sống hàng ngày. Qua sự cầu nguyện và suy xét cẩn thận, bạn thấy những thái độ, những mối quan hệ và hành động của mình phải bắt đầu thay đổi. Bây giờ bạn cần giúp nhóm học KinhThánh áp dụng những gì họ đã quan sát và hiểu. Để thực hiện, bạn phải chuyển một số điểm áp dụng ra thành các câu hỏi. Các câu hỏi cần uyển chuyển để ý chính của đoạn Kinh Thánh có thể có những áp dụng khác nhau. Ví dụ, Ma-thi-ơ 20, bạn đặt câu hỏi như sau: Áp dụng : Đoạn Kinh Thánh này trước hết có hiệu quả trên cách tôi đối xử trong gia đình, trong sở làm, và với những người sống xung quanh tôi. Ví dụ, ở nhà tôi nên làm những việc mà người khác không thích làm, như rửa chén, đổ rác. Câu hỏi : Bạn phục vụ những người khác trong gia đình, trong sở làm, trong trường học, trong xã hội như thế nào. Áp dụng : Tôi sẽ thực hiện vai trò người phục vụ ngay trong tuần này. Tôi sẽ tình nguyện rửa chén ít nhất hai lần một tuần. Câu hỏi : Trong tuần này, bạn định sẽ làm việc gì để phục vụ người khác? Áp dụng : nếu tôi tỏ ra sẵn sàng phục vụ người khác thì người ta sẽ giao cho tôi những việc mà không ai muốn làm. Họ sẽ lợi dụng tôi cũng như trước kia tôi đã từng lợi dụng người khác. Câu hỏi : Nếu sẵn sàng làm đầy tớ người khác, bạn sẽ gặp khó khăn gì ? Những câu hỏi áp dụng phải đi sát với những ý chính của đoạn Kinh Thánh. Ba hay bốn hỏi áp dụng nên rải đều suốt bài học hơn là chỉ để một vài câu ở cuối giờ. 5. Câu hỏi tổng quát và câu hỏi tóm tắt Câu hỏi tổng quát áp dụng khi học viên muốn có cái nhìn chung về toàn thể đoạn hay sách trước khi học từng phần. Câu hỏi tóm tắt là để gom lại ý chính sau khi học. a. Tổng quát : Hình dung những nhân vật và diễn tiến câu chuyện trong Mat Mt 20:20-28. Mô tả những gì bạn thấy.
  • 24. b. Đúc kết : Đoạn Kinh Thánh này dạy chúng ta điều gì về sự cao trọng thật? 6. Câu hỏi phối hợp Đôi lúc chỉ có một câu hỏi mà đạt được nhiều mục đích, đó là câu hỏi tốt nhất. Loại câu hỏi này thường đưa đến bàn cãi, thảo luận hơn là những câu hỏi quan sát, giải thích đơn giản. Ví dụ, một câu hỏi bao gồm cả quan sát và giải thích: “Tại sao các môn đồ kia có phản ứng như vậy với hai bạn mình?” (Câu hỏi này khiến nhóm viên phải quan sát và tiếp theo là giải thích hay áp dụng: "Chúa Giê-xu phán rằng Ngài đến không phải để được người khác phục vụ nhưng để phục vụ người khác. Trong tuần này, bạn sẽ làm gì để noi gương Chúa?” Cũng vậy, bạn có thể bắt đầu một câu hỏi với một bối cảnh như sau: "Chỗ ngồi bên phải, bên trái của người chủ là một vị trí danh dự. Điều này giúp chúng ta hiểu gì về lời thỉnh cầu của người mẹ?” Những câu này thường có hiệu quả hơn những câu hỏi cứng ngắc, chuyên biệt riêng về quan sát, giải thích hay áp dụng. Nó cũng giúp cho buổi học có một định hướng rõ ràng. SẮP XẾP CÁC CÂU HỎI Sau khi đã viết các câu hỏi, còn một việc cuối bạn phải làm là sắp xếp các câu hỏi. Bắt đầu với phần giới thiệu, đến câu hỏi khơi mào, rồi tiếp theo là đọc Kinh Thánh. Sau đó bạn sắp các câu hỏi. Bạn có thể để các câu hỏi quan sát chung với nhau, kế đó là câu hỏi giải thích, và cuối cùng là câu hỏi áp dụng. Với một số đoạn Kinh Thánh thì chỉ cách sắp xếp như vậy có thể là tự nhiên nhất. Nhưng việc học Kinh Thánh sẽ hào hứng hơn khi bạn cho chúng xen kẽ các câu hỏi theo thứ tự: quan sát, giải thích, áp dụng. Bạn cũng phải quyết định câu hỏi nào là câu hỏi chủ yếu. Đánh dấu vào các câu hỏi đó để bạn không bỏ sót khi không đủ thì giờ. Bạn nên quyết định trước nhiều cách thu ngắn giờ học, điều này giúp bạn thoải mái hơn trong nửa buổi học còn lại. THÍ DỤ 1 THÍ DỤ 2 4. Câu hỏi quan sát 4. Câu hỏi quan sát 7. Câu hỏi quan sát 7. Câu hỏi áp dụng 10. Câu hỏi giải thích 10. Câu hỏi áp dụng 12. Câu hỏi áp dụng 12. Câu hỏi giải thích 15. Câu hỏi đúc kết Để soạn được những câu hỏi có giá trị đòi hỏi suy nghĩ, kiên nhẫn và kỷ năng. Cũng giống như mọi kỷ năng khác, khả năng của bạn chỉ phát triển khi được thực tập. Khi đã soạn xong các câu hỏi, bạn thử xem các câu hỏi của mình có những đặc tính sau đây không: 1. Phải sáng sủa. Câu nào không rõ phải viết lại. 2. Không quá dài hoặc phức tạp. Nên phân ra thành nhiều câu hỏi nhỏ. 3. Kích thích thảo luận. Câu hỏi nào chỉ có thể trả lời có, hoặc không hay chỉ
  • 25. với một vài chữ thì sửa lại cho có tính thách thức hơn. 4. Giúp nhóm viên đào xới lỹ lưỡng Kinh Thánh. 5. Hướng dẫn cả nhóm học hết đoạn Kinh Thánh theo một thứ tự hợp lý. 6. Rút ra và áp dụng được ý chính. 7. Liên hệ với chính đoạn Kinh Thánh đang học, hơn là bắt học viên phải nhảy từ sách này qua sách khác, hay từ đoạn này qua đoạn khác. 8. Giới hạn số câu hỏi thích hợp với thời gian học. Thông thường khoảng 12 đến 15 câu là đủ cho 1 giờ học Kinh Thánh. Ngoài việc đánh giá câu hỏi, bạn cần nhìn chung cả bài học. 1 Các câu hỏi có đi theo thứ tự và hòa hợp với nhau không? 1 Các câu hỏi có theo tiến trình tổng quát, quan sát, giải thích, và áp dụng không? (Thứ tự này có thể lập lại nhiều lần trong buổi học). 1 Số câu hỏi các loại có cân đối không? 1 Trình tự các câu hỏi có tự nhiên không? 1 Buổi học Kinh Thánh có đạt được mục đích đặt ra lúc đầu không? Cách tốt nhất để đánh giá những câu hỏi đã soạn là đánh giá ngay trong một buổi học thật sự. Có khi một câu hỏi viết ra giấy có vẻ là một câu hỏi tốt, lại không thành công khi dùng. Trong khi đó, có những câu hỏi thấy như tầm thường nhưng lại đem lại hiệu quả tốt, giúp mọi người tham gia thảo luận. Vì thế, đánh giá các câu hỏi vào cuối buổi học cũng là một ý hay. Sử dụng phần hướng dẫn đánh giá trong chương 8. Ý kiến từ những người trong nhóm giúp cải tiến phẩm chất các câu hỏi của bạn trong tương lai. LƯỢNG GIÁ CÂU HỎI THẢO LUẬN Sau đây là những ví dụ để làm rõ nét hơn những gì chúng ta đã nói về ưu điểm và khuyết điểm của một số câu hỏi. Theo LuLc 4:38-39. "Đức Chúa Giê-xu ra khỏi nhà hội, vào nhà Si-môn.Bà gia Si-môn đang đau rét nặng lắm. Người xin Ngài chữa cho. Ngài bèn nghiêng mình trên bà truyền cho cơn rét, rét liền lìa khỏi. Tức thì người chờ dậy hầu việc” . 1b. Câu chuyện này gồm có những ai? 1b. Đơn giản hơn câu 1a. 2a. Có phải bà gia của Phi-e-rơ đang đau không? 2a. Chỉ có thể trả lời bằng một chữ "phải" quá đơn giản, không gợi thêm được một ý nào. 3b. Câu chuyện này dạy chúng ta điều gì về Chúa Giê-xu? 3b. Súc tích hơn câu 3a, khiến mọi người suy nghĩ đến Chúa trong nhiều phương diện của câu chuyện. 5a. Quyền năng của Chúa được bày tỏ qua sự chữa bịnh như thế nào? 5a. Câu hỏi đơn giản này dẫn vào một vài lãnh vực mà tác giả Lu-ca thường bàn đến. 6a. Hãy tưởng tượng bạn là bà gia Phi-e-rơ (a) khi Chúa Giê-xu đến và (b) khi được chữa lành. 6a. Người hướng dẫn có thể nhờ một người trả lời cho cả hai, hoặc hai người cho hai trường hợp.
  • 26. Câu hỏi áp dụng Lượng giá 7c. Bạn có tin rằng Chúa Giê-xu có thể thực hiện được phép lạ như đã mô tả trong câu chuyện không? Nếu không, xin cho biết tại sao? 7c. Chương 7: HƯỚNG DẪN THẢO LUẬN Phút giây chờ đợi đã đến. Buổi học bắt đầu lúc 7 giờ, mà bây giờ là 6 giờ 59 phút. Bạn đừng lo quá. Hãy nhớ rằng đây không phải là buổi thuyết trình. Việc của bạn chỉ là đưa ra các câu hỏi và hướng dẫn buổi thảo luận. Bạn không nhất thiết phải có lời giải đáp tối hậu cho tất cả mọi câu hỏi. Điều quan trọng là phải khiêm nhường, cởi mở và biết ơn mọi người trong nhóm đã đóng góp vào buổi học. CHỌN MỘT CHỖ HỌC THOẢI MÁI Trước giờ nhóm, bạn cần sắp đặt sao cho có một chỗ ngồi thoải mái. Nếu được, chọn một phòng họp có vẻ thân mật, vui mắt, như một phòng khách chẳng hạn. Sắp ghế vòng tròn để mọi người nhìn thấy nhau, tốt hơn là sắp rời rạc. Phòng phải đủ ánh sáng, không khí dễ chịu. Nếu có ít bánh ngọt, cà phê càng tốt (thực hiện vào đầu hay cuối giờ học, hoặc cả hai). Nhóm chúng tôi thì thích chuyền tay tô bắp rang để mọi người nhâm nhi. Nên có dư một ít Kinh Thánh cho những người cần. MỞ ĐẦU Bắt đầu đúng giờ. Nếu chờ mọi người đông đủ họ sẽ có thói quen đi trễ. Những phút đầu nên hướng dẫn cẩn thận để hấp dẫn và đáp ứng được những người đã sẵn sàng, nhưng đừng nói hết phần chính làm những người đi trễ không thể theo dõi bài được. Có một cách để giải quyết tình trạng đi trễ là tuyên bố cho nhóm biết rằng buổi học Kinh Thánh bắt đầu lúc 7 giờ, mọi người đến cất mũ, áo, uống tách cà phê và sau đó bài học Kinh Thánh bắt đầu đúng 7 giờ 15. Bạn nên bắt đầu thật đúng giờ đã thông báo. LÀM QUEN Phải chắc rằng mọi người đều quen biết nhau. Khi từng nhóm viên đều thân mật cởi mở với nhau, thoải mái khi gặp gỡ, tiếp xúc, thì buổi học sẽ tự nhiên thêm năng động, có hiệu quả tốt. Khi nhóm viên cảm thấy ngại ngùng với nhau, thì sự thảo luận lẫn tiến trình học đều gặp trở ngại. Sau khi đã giới thiệu mọi người với nhau, bạn có thể thường xuyên gọi tên để mọi người thêm dễ nhớ tên nhau. CẦU NGUYỆN Bắt đầu giờ học bằng sự cầu nguyện. Xin Chúa giúp mỗi người hiểu và áp dụng lời Ngài. Nếu bạn mời một người cầu nguyện thì phải chắc là đã báo cho người đó biết trước, vì có nhiều người không quen cầu nguyện trước đám đông. Thường thường, cả nhóm sẽ cầu nguyện sau giờ học là tốt nhất. ĐỌC ĐOẠN KINH THÁNH
  • 27. Sau khi giới thiệu bài học và dưa ra vài câu hỏi thăm dò, bạn có thể mời người khác đọc nhưng cũng phải nhớ là có người rất sợ phải đọc lớn tiếng giữa đám đông, nhất là phải đọc những cái tên lạ và danh từ thần học. Nếu bạn mời nhiều người đọc thì mỗi phần nên đọc cho dứt ý. Cách đọc mỗi người một câu thường làm giảm tính cách liên tục của phân đoạn. Khi học một câu chuyện có tính cách lịch sử, như trong sách Phúc Âm hoặc Công vụ, nếu chúng ta đọc theo lối diễn kịch có thể cũng rất vui. Chỉ định mỗi người một phần theo các vai trong câu chuyện. Cách này có thể làm câu chuyện sống động tưởng như mình đang ở đó. Khuyến khích các nhóm viên dùng một bản dịch mới hơn là dùng bản diễn ý. Kinh Thánh tiếng Anh có thể dùng bản NIV, NASB và bản RSV. Bản King James văn chương rất chải chuốt nhưng đôi khi khó hiểu. NHỮNG NGUYÊN TẮC LÃNH ĐẠO Người hướng dẫn giỏi là người có thể biến một tình huống căng thẳng trở thành nhẹ nhàng vui vẻ, là người quẹt cây diêm cho cả nhóm cháy lên bằng cách chọn đúng người trong nhóm và khuyến khích họ tham gia. Có một số nguyên tắc nếu được áp dụng sẽ giúp bạn trở thành một người hướng dẫn có hiệu năng. 1. Thái độ của người hướng dẫn là một trong những yếu tố nổi bật quyết định tinh thần và bầu không khí thảo luận. Nếu bạn tỏ ra tôn trọng thẩm quyền của Kinh Thánh thì tinh thần này sẽ lây lan qua người khác dầu bạn không nói thành lời. Lòng yêu thương, cởi mở đối với mọi người trong nhóm sẽ rất nhanh chóng ảnh hưởng đến mọi người xung quanh bạn. Sự thoải mái và thích thú thảo luận của bạn cũng lan qua từng người trong nhóm từ buổi đầu. 2. Ngay giây phút đầu của buổi học đầu, bạn nên giải thích cho mọi người biết rằng giờ học Kinh Thánh là giờ thảo luận chứ không phải buổi thuyết trình. Sau đó, đọc hoặc tóm tắt những dòng dướng dẫn sau đây: a. Tài liệu nghiên cứu của chúng ta là Kinh Thánh. Chúng ta hãy để Kinh Thánh nói lên tiếng nói của chính mình hơn là dựa trên những gì chúng ta đã đọc, đã nghe về Kinh Thánh. b. Gắn chặt vào đoạn Kinh Thánh đang học. Câu trả lời của chúng ta sẽ dựa trên những câu Kinh Thánh làm nền tảng, và mục đích cho buổi thảo luận. c. Sự đóng góp của mọi người đều giúp chúng ta học hỏi. Tự do tham gia, và cũng để dành cho người khác tham gia nữa. 3. Nếu tài liệu hướng dẫn có phần giới thiệu thì bạn đọc hoặc tóm tắt cho cả nhóm nghe. Điều này giúp tập trung cả nhóm về đoạn Kinh Thánh sẽ học. 4. Khi bạn bắt đầu nêu câu hỏi có sẵn trong tài liệu cho nhóm, cần nhớ những điểm sau. Trước hết, bạn có thể giữ nguyên văn câu hỏi, và đọc lên nếu cần hoặc có thể diễn ra lại theo ý bạn. Tuy nhiên, không nên sửa lại
  • 28. những chữ trong câu hỏi một cách không cần thiết. 5. Có những lúc cần phải đi ra ngoài tài liệu hướng dẫn. Ví dụ khi gặp một câu hỏi đã được trả lời rồi, lúc đó bạn qua câu hỏi khác. Hoặc khi có người đưa ra một câu hỏi không có trong tài liệu hướng dẫn. Cứ việc thảo luận thoải mái nhưng điều quan trọng là biết phân định. Có rất nhiều con đường bạn có thể dùng để đạt mục đích trong việc học Kinh Thánh. Nhưng con đường dễ nhất vẫn là con đường mà tác giả đã đề nghị. 6. Tránh trả lời câu hỏi của chính mình. Nếu cần, lập lại câu hỏi cho đến khi mọi người hiểu rõ. Một nhóm người nhiệt tâm cũng thành thụ động và yên lặng khi họ nghĩ rằng người hướng dẫn muốn nói hết mọi điều. 7. Đừng sợ sự yên lặng. Người ta cần có thì giờ suy nghĩ trước khi phát biểu ý kiến. Nhưng bạn phải nhận ra sự khác biệt giữa cái yên lặng tốt đẹp (khi mọi người suy nghĩ) và cái yên lặng trống rỗng (khi câu hỏi không rõ ràng hoặc không thích hợp). 8. Đừng hài lòng với chỉ một câu trả lời. Có thêm những sự đóng góp thường làm cho buổi thảo luận thêm phong phú. Bạn nên hỏi, "những bạn khác nghĩ sao?" hoặc "có ai có ý kiến nào nữa không?" Cho đến khi có vài người trả lời. 9. Phải chăm chú. Mọi người sẽ nhiệt tình đóng góp nếu ý kiến họ được thành thật tiếp nhân, khi bạn thật lòng biết ơn những đóng góp đó. Một cách giúp bạn lưu tâm là lắng nghe khi bất cứ người nào phát biển, cách khác là nói vài lời tỏ ra bạn hiểu sự đóng góp của họ. Khi họ trả lời bạn nên nói: "Đó là một nhận xét rất hay" hoặc "Điểm đó rất tốt". Lưu ý đến những người hay mắc cỡ hoặc hay ngập ngừng. 10. Sẵn sàng nhận khuyết điểm hay lỗi lầm của mình. Người hướng dẫn rất dễ nghĩ rằng mình phải trả lời tất cả các câu hỏi đưa ra. Nếu đưa ra một câu trả lời sai, hoặc khi người hướng dẫn phạm một lỗi nào đó mà không chịu nhận lỗi sẽ làm trở ngại cho tinh thần cả nhóm. Thái độ biết nhận lỗi thường đưa cả nhóm đến chỗ mở rộng lòng đón nhận ơn thương xót của Chúa, cũng như đón nhận người khác. 11. Lâu lâu lại tóm tắt câu trả lời của nhóm. Điều này giúp bạn gom lại những ý đã đưa ra, và thúc đẩy tiếp sự thảo luận. nhưng nhớ đừng giảng. 12. Kết thúc buổi thảo luận bằng lời cầu nguyện. Cho những người muốn cầu nguyện có cơ hội cầu nguyện. Xin Chúa giúp mỗi người biết áp dụng những điều đã học. 13. Phải chấm dứt đúng giờ. Thường thì chúng ta hay bị cám dỗ học ráng. Nếu cả nhóm có ý kiến gì về giờ bắt đầu và kết thúc, bạn nên tôn trọng ý kiến của họ. Học quá giờ ấn định thường có khuynh hướng làm giảm hiệu năng. Tốt hơn là để cho nhóm thèm khát lời Chúa hơn là chán chê. GIẢI QUYẾT NAN ĐỀ
  • 29. Buổi thảo luận nào cũng nảy sinh ra vấn đề. Nhưng nếu phải giải quyết cho đến nơi thì đừng làm thiệt hại cho buổi học. Ví dụ, bạn phải làm gì trong trường hợp có một người muốn độc diễn trong buổi thảo luận? Bạn có thể giải quyết bằng cách nói rằng: "Bây giờ xin chúng ta nghe ý kiến của các bạn khác". Bạn cũng có thể hỏi thẳng những người chưa phát biểu "Bây giờ chúng ta thử nghe ý kiến của những bạn từ nãy giờ chưa lên tiếng". Nếu việc cứ xảy ra hoài, bạn thử gặp riêng người đó sau buổi học, giúp người đó hiểu rằng buổi học cần nhận được sự đóng góp của mọi người. Nhờ người đó giúp bạn khuyến khích những người quá yên lặng trong nhóm phát biểu. Bạn phải đối phó thế nào với một câu trả lời hoàn toàn sai? Không bao giờ nên bác nó ngay. Nếu nó sai hoàn toàn, bạn có thể hỏi: "Câu Kinh Thánh nào khiến bạn có ý đó ?" Hoặc để cả nhóm giải quyết, bằng cách hỏi: "Những bạn khác nghĩ thế nào? Thường thì câu trả lời của họ cũng đủ để làm sáng tỏ vấn đề. Khi có bất đồng ý kiến thì sao? Thật ra, sự khác ý rất dễ đưa đến không khí hào hứng cho buổi học, khiến mọi người tự do phát biểu ý kiến. Nếu bạn không giải quyết cho xong vấn đề được, thì cứ để họ nói và sẽ tính sau. Vấn đề có thể sẽ được giải quyết sau đó khi tiếp tục học. Bạn làm gì khi nhóm thảo luận ra ngoài đề? Kêu gọi mọi người trở lại với đoạn Kinh Thánh đang học. Câu hỏi phải được trả lời dựa trên đoạn Kinh Thánh đó. Nên tránh phải tham khảo các sách khác (cross - referencing) khi không cần thiết. Đừng bỏ qua các vấn đề. Phải giải quyết chung hoặc riêng, nghĩa là phải giải quyết. Đương đầu với mọi khó khăn trong tình yêu thương, xin Chúa ban cho sự khôn ngoan. Nhưng nếu có ai cứ nhằm tấn công tín đồ mới, hoặc cứ muốn người khác cổ võ ý kiến của riêng mình, thì lúc đó cần đến một hành động cụ thể. Luôn luôn bày tỏ việc chấp nhận người đó, nhưng cần nhớ rằng khi mọi người thấy không có biện pháp nào hết, nhóm học Kinh Thánh đó sẽ vơi dần và chết. Làm theo những gợi ý trên đây sẽ giúp bạn vui vẻ, thoải mái hướng dẫn buổi thảo luận. Nhưng chính khi bạn hướng dẫn cũng là lúc bạn học được nhiều kinh nghiệm. Một người hướng dẫn dù tài giỏi mấy đi nữa cũng phải luôn tìm cách phát triển khả năng. Vì vậy, sau mỗi buổi học việc thẩm định lại giá trị của bài học, của cách bạn hướng dẫn sẽ giúp bạn rất nhiều. Nội dung phần này được trình bày trong chương sau. NHỮNG NGUYÊN TẮC CƠ BẢN 1. Kinh Thánh là tài liệu học hỏi Mục đích đầu tiên của nhóm khi ngồi lại với nhau là để học biết Kinh Thánh nói gì. Dù ý kiến của người khác cũng được hoan nghênh nhưng đó không
  • 30. phải là trọng tâm. Trọng tâm cũng không phải là lời tuyên bố nào của mục sư, của tác giả, của nhà phê bình, hay của những chuyên gia thu thập ý kiến dù họ nổi tiếng đến đâu đi nữa. Hãy để Kinh Thánh tự khẳng định. 2. Đoạn Kinh Thánh này nói gì ? Mục đích chính là để hiểu rõ Kinh Thánh dạy gì trong đoạn đã chọn để học. Mặc dù sẽ có những nhóm viên có thể biết nhiều đoạn khác trong Kinh Thánh nói gì về cùng một đề tài này, bạn cũng phải cứ giữ mục tiêu của cuộc thảo luận là chính đoạn Kinh Thánh đang học. Điều này làm cho nhóm cẩn thận tìm kiến trong bài học và giúp cho người chưa có kinh nghiệm, và những người mới tin cũng có thể đóng góp được. Ngay cả những sinh viên ngoại quốc có tôn giáo khác là những người chưa bao giờ cầm quyển Kinh Thánh cũng có thể có những đóng góp quý giá ngay buổi học Kinh Thánh đầu tiên. 3. Các câu hỏi là chìa khóa Chìa khóa để mở cửa như thế nào thì các câu hỏi cũng mở tâm trí các nhóm viên như vậy để họ có thể nghe Kinh Thánh nói gì. Câu hỏi làm mọi người chú ý, biết được điều họ lưu tâm và chuẩn bị những gì để trả lời. Cuộc thảo luận dựa trên những câu hỏi đúng đắn sẽ làm cho nhóm càng thêm phong phú. 4. Để tài liệu tham khảo ở nhà Mặc dù các tài liệu tham khảo rất có giá trị trong việc học Kinh Thánh cá nhân, cũng như trong việc chuẩn bị học Kinh Thánh nhóm của người hướng dẫn lẫn nhóm viên, nhưng mang nó đến buổi học là không đúng chỗ. Nếu ai có đem theo tài liệu tham khảo, thì thường tài liệu được đó có khuynh hướng đưa ra kết luận tối hậu chứ không phải là Kinh Thánh. 5. Chủ quyền Một nhóm học Kinh Thánh lớn mạnh là một nhóm mà mọi nhóm viên có quyền quyết định về nhóm của mình. Nếu bạn mời người khác tham gia mà viết rằng: "Xin mời tham dự buổi học Kinh Thánh của chúng ta" thì hay hơn là "Xin mời tham dự buổi học Kinh Thánh với nhóm của Trang" đó là dấu hiệu cho thấy quyền làm chủ thuộc về tất cả mọi người trong nhóm. Hơn nữa, khi các nhóm viên thấy mình có quyền quyết định thì họ cũng sẽ có tinh thần trách nhiệm hơn, biết chuẩn bị hơn, dễ dàng mời người khác đến hơn và trung tín cầu nguyện cho nhóm hơn. 6. Duy trì nhân số vừa đủ Một nhóm học Kinh Thánh lý tưởng có khoảng từ 8 đến 10 người. Nếu nhóm phát triển, nhất là những nhóm được hướng dẫn tốt, thì nhóm nên chia làm hai khi tăng đến trên 12 người. Trong các nhóm nhỏ, nhiều người có cơ hội đóng góp hơn. Cũng nên chuẩn bị kỹ lưỡng khi chia nhóm. Người trưởng nhóm mới cũng cần được huấn luyện, tạo cơ hội cho người đó hướng
  • 31. dẫn trước khi chia ra, để những người được chia vào nhóm mới cũng đã quen thuộc với người hướng dẫn này. Nếu phòng ốc cho phép, thì để tránh mọi rắc rối trong việc chia nhóm, có nơi đã họp chung nhau lại trước rồi sau đó mới chia nhóm nhỏ để học Kinh Thánh. Cũng có thể chia xẻ với nhau những gì Chúa dạy nhóm mình, như vậy vẫn giữ được liên hệ với những bạn cũ. Chương 8: NHẬN XÉT GIÁ TRỊ BUỔI THẢO L UẬN Một nhóm học Kinh Thánh tốt giống như máy rang bắp. Mới đầu chỉ có một vài hột bắp bắn lên. Rồi sau đó không lâu, khi máy đã nóng thì thật là nhộn nhịp. Mọi người bắt đầu đóng góp. Một nhóm học Kinh Thánh buồn tẻ giống như máy rang bắp bị hư, không nóng nổ. Sự yên lặng chỉ bị phá tan khi nào có tiếng ho, hay một vài tiếng trả lời chán ngắt. Điều gì đã làm cho hai nhóm khác biệt như vậy? Có ba thành phần quan trọng đóng góp cho buổi học là người hướng dẫn, nhóm viên và câu hỏi. Chương này sẽ giúp bạn nhận định vai trò của từng thành phần. NGƯỜI HƯỚNG DẪN Phần này không nhắm mục đích cho điểm thành tích của bạn, nhưng để bạn rút kinh nghiệm, giúp bạn thấy ưu khuyết điểm trong khả năng lãnh đạo của mình để lần sau làm tốt hơn. Sau buổi thảo luận, bạn hãy trả lời các câu hỏi sau đây càng khách quan càng tốt, và cầu nguyện xin Chúa chỉ cho bạn thấy bạn cần phải thay đổi hay phát huy những điểm nào. 1 Bạn có chuẩn bị đủ không, có dành đủ thì giờ để nghiên cứu và cầu nguyện không? 1 Bạn có nắm vững đoạn Kinh Thánh không? 1 Bạn có nhớ rõ các câu hỏi và những điều bạn ghi chú không? 1 Bạn có thấy thoải mái khi hướng dẫn không? Tại sao? 1 Bạn có cho mọi người đủ thì giờ suy nghĩ các câu hỏi không? 1 Bạn có sửa lại các câu hỏi không rõ ràng không? 1 Bạn có khuyến khích nhóm viên đóng góp nhiều câu hỏi không? 1 Bạn có hết lòng lắng nghe nhận định của từng người không ? 1 Bạn có đáp ứng một cách cương quyết trước mọi nhận định không? 1 Bạn có bao giờ trả lời câu hỏi của chính mình không? 1 Bạn có giữ được nhịp độ thích hợp cho buổi thảo luận không ? 1 Bạn có bắt đầu và kết thúc buổi học đúng giờ quy định không? 1 Bạn có thể làm gì để phát huy tài lãnh đạo của mình trong lần tới? NHÓM VIÊN Mỗi người trong nhóm đều đóng góp một trách nhiệm quan trọng. Một