SlideShare a Scribd company logo
1 of 216
VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
NGUYỄN VĂN VI
GIÁO DỤC PHÁP LUẬT
TRONG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM
LUẬN ÁN TIẾN SĨ LUẬT HỌC
HÀ NỘI – 2018
VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
NGUYỄN VĂN VI
GIÁO DỤC PHÁP LUẬT
TRONG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM
Ngành: Luật Hiến pháp và Luật Hành chính
Mã số: 9 38.01.02
LUẬN ÁN TIẾN SĨ LUẬT HỌC
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Vũ Công Giao
HÀ NỘI – 2018
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu khoa học của cá nhân
tôi. Các kết quả nghiên cứu trình bày trong luận án là trung thực và chưa
từng được công bố trong bất kỳ công trình nào khác. Các thông tin, tư liệu
trích dẫn trong luận án có nguồn gốc rõ ràng.
TÁC GIẢ LUẬN ÁN
Nguyễn Văn Vi
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ....................................................................................................................1
Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN
ĐỀ TÀI LUẬN ÁN....................................................................................................9
1.1. Tình hình nghiên cứu ở trong nước......................................................................9
1.2. Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài ...................................................................18
1.3. Đánh giá chung về tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài và những vấn
đề luận án tiếp tục giải quyết.....................................................................................22
1.4. Câu hỏi nghiên cứu, giả thuyết khoa học và hướng tiếp cận nghiên cứu của
luận án .......................................................................................................................25
Chương 2: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ GIÁO DỤC PHÁP LUẬT
TRONG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM...................................................28
2.1. Khái niệm và đặc điểm của giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân
Việt Nam ...................................................................................................................28
2.2. Các thành tố cơ bản của giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân
Việt Nam ..................................................................................................................36
2.3. Sự cần thiết và vai trò của giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân
Việt Nam ..................................................................................................................53
2.4. Những yếu tố ảnh hưởng đến giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân
Việt Nam ...................................................................................................................59
2.5. Giáo dục pháp luật trong quân đội của một số nước trên thế giới và giá trị
tham khảo trong Quân đội nhân dân Việt Nam ........................................................65
Chương 3: THỰC TRẠNG GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRONG QUÂN
ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM ...............................................................................70
3.1. Sơ lược cơ cấu tổ chức và phương thức giáo dục pháp luật của Quân đội
nhân dân Việt Nam....................................................................................................70
3.2. Thực tiễn triển khai giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
(10 năm gần đây).......................................................................................................78
3.3. Những bài học kinh nghiệm và yêu cầu đặt ra từ thực tiễn triển khai giáo
dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam..................................................101
Chương 4: QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG GIÁO DỤC
PHÁP LUẬT TRONG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM.........................108
4.1. Quan điểm tăng cường giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân
Việt Nam ................................................................................................................108
4.2. Giải pháp tăng cường giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt
Nam hiện nay ..........................................................................................................111
KẾT LUẬN............................................................................................................140
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN
ĐẾN LUẬN ÁN .....................................................................................................143
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO.............................................................145
DANH MỤC BẢNG
Bảng 3.1: Kết quả GDPL của Trường Trung cấp Kỹ thuật Quân khí ......................90
Bảng 3.2: Kết quả GDPL của Trường Trung cấp Kỹ thuật miền Trung ..................91
Bảng 3.3: Kết quả GDPL của Trường Cao đẳng Công nghệ và Kỹ thuật Ô tô........91
Bảng 3.4: Kết quả GDPL của Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự.............................92
DANH MỤC BIỂU ĐỒ
Biểu đồ 1.1: Sơ đồ các thành tố của giáo dục pháp luật trong QĐNDVN ...............36
Biểu đồ 3.1: Sơ đồ tổ chức bộ máy Quân đội Nhân dân Việt Nam hiện nay ...........70
Biểu đồ 3.2: Thực trạng nhận thức về vai trò của pháp luật trong Quân đội............79
Biểu đồ 3.3: Thực trạng triển khai Ngày pháp luật trong Quân đội .........................80
Biểu đồ 3.4: Thực trạng chủ thể giáo dục pháp luật trong Quân đội........................82
Biểu đồ 3.5: Thực trạng nội dung giáo dục pháp luật trong Quân đội......................83
Biểu đồ 3.6: Thực trạng nhu cầu giáo dục pháp luật trong Quân đội.......................83
Biểu đồ 3.7: Thực trạng phương thức giáo dục pháp luật trong Quân đội ...............86
Biểu đồ 3.8: Thực trạng phương pháp giáo dục pháp luật trong Quân đội...............87
Biểu đồ 3.9: Thực trạng phương pháp thuyết trình...................................................88
Biểu đồ 3.10: Thực trạng kết quả giáo dục pháp luật trong Quân đội......................98
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Khoản 1 Điều 2 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định: “Nhà nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân
dân, do Nhân dân, vì Nhân dân...”[62, tr. 1].
Nhà nước pháp quyền, hiểu theo nghĩa chung nhất, là một cách thức tổ chức
nhà nước mà ở đó có sự ngự trị cao nhất của pháp luật, mọi cơ quan nhà nước, mọi
tổ chức chính trị xã hội và mọi người dân đều phải tôn trọng và thực hiện nghiêm
chỉnh pháp luật. "Sống và làm việc theo pháp luật" là yêu cầu quan trọng nhất của
việc xây dựng Nhà nước pháp quyền. Muốn xây dựng Nhà nước pháp quyền thì bên
cạnh điều kiện cần là ban hành một hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, phù hợp
với điều kiện thực tế của quốc gia, còn phải có điều kiện đủ là đưa hệ thống pháp
luật vào cuộc sống, làm cho mọi thành viên của xã hội đều hiểu biết các quy định
của pháp luật, tự giác chấp hành pháp luật, từ đó bảo đảm pháp luật được thực thi
nghiêm chỉnh trong thực tế.
Trong xu thế hội nhập và hợp tác quốc tế, với sự phát triển mạnh mẽ của
khoa học công nghệ, trước những tác động của cơ chế thị trường, khi mà đời sống
kinh tế của đại bộ phận dân cư còn khó khăn, việc Nhà nước chủ động tuyên truyền,
phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong
quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân nhân, do Nhân
dân và vì Nhân dân ở nước ta hiện nay.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của giáo dục pháp luật trong xây dựng nhà
nước pháp quyền, kể từ Đổi mới, Đảng, Nhà nước ta đã rất coi trọng công tác này.
Văn kiện Đại hội VI năm 1986 của Đảng đã nhấn mạnh: “Coi trọng công tác giáo
dục, tuyên truyền, giải thích pháp luật. Đưa việc dạy pháp luật vào hệ thống các
trường của Đảng, của Nhà nước (kể cả các trường phổ thông, đại học), của các đoàn
thể nhân dân. Cán bộ quản lý các cấp từ trung ương đến đơn vị cơ sở phải có kiến
thức về quản lý hành chính và hiểu biết về pháp luật. Cần sử dụng nhiều hình thức
và biện pháp để giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật và làm tư vấn pháp luật cho
nhân dân” [38, tr.121]. Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư trung ương Đảng khóa
IX về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, tuyên truyền pháp
2
luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân ngày 09/12/2003 đã
chỉ ra những định hướng cụ thể trong hoạt động giáo dục pháp luật. Về phía Nhà
nước, kể từ khi Đổi mới, Nhà nước ta đã từng bước xây dựng, ban hành các văn bản
quy phạm pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân;
trong đó đặc biệt là Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012. Nhờ vậy, công tác
phổ biến, giáo dục pháp luật ở nước ta đã dần dần đi vào nề nếp và đáp ứng ngày
càng tốt hơn những yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế.
Ở nước ta, Quân đội có vị trí đặc biệt trong bộ máy nhà nước và trong xã
hội. Quân đội nhân dân Việt Nam là một đội quân chiến đấu, một đội quân công tác
và là một đội quân sản xuất. Hiến pháp năm 2013, tại Điều 65 đã quy định các
nhiệm vụ mới của Quân đội bao gồm: “…bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất,
toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội... bảo vệ
Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; cùng toàn dân xây dựng đất
nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”[62, tr. 10].
Lời thề thứ 5 trong 10 lời thề danh dự của quân nhân trong Quân đội nhân
dân Việt Nam ghi: “Nêu cao tinh thần làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, làm tròn
nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và làm tròn nghĩa
vụ quốc tế. Gương mẫu chấp hành và vận động nhân dân thực hiện mọi đường lối,
chủ trương của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước”.
Để thực hiện những nhiệm vụ mới và lời thề thiêng liêng nêu trên của Quân
đội, đòi hỏi mọi cán bộ, chiến sĩ phải có hiểu biết không chỉ pháp luật về quốc
phòng mà còn về nhiều lĩnh vực khác, không chỉ pháp luật Việt Nam mà cả pháp
luật quốc tế. Do đó, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong quân đội
là rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh nhà nước pháp quyền nơi mà mọi chủ thể
trong xã hội, bao gồm các lực lượng vũ trang, đều phải tôn trọng và tuân thủ Hiến
pháp, pháp luật. Có thể khẳng định, hiểu biết pháp luật là một trong những điều kiện
thiết yếu để Quân đội có thể tiến lên chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hoàn
thành tốt các nhiệm vụ theo như quy định của Hiến pháp năm 2013.
Hiện tại, trong chương trình đào tạo của các trường sĩ quan quân đội đã có
môn học Nhà nước và pháp luật. Đồng thời, theo Chỉ thị số 04/CT-BQP ngày
20/01/2011 của Bộ Quốc phòng, Ngày Pháp luật hàng tháng đã được tổ chức trong
3
tất cả các đơn vị quân đội. Đây là những tiền đề quan trọng của hoạt động tuyên
truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Mặc dù vậy, hoạt động giáo dục pháp luật trong Quân đội ở nước ta hiện vẫn
còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của việc xây dựng nhà
nước pháp quyền cũng như việc thực hiện các nhiệm vụ mới của Quân đội được
quy định trong Hiến pháp năm 2013.
Bối cảnh nêu trên đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu tìm ra nguyên nhân và những
giải pháp tăng cường giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay.
Đây là một vấn đề mặc dù đã được thảo luận nhưng vẫn chưa được phân tích một cách
chuyên sâu, toàn diện và hệ thống ở nước ta. Vì vậy, nghiên cứu sinh quyết định chọn
đề tài: “Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam” để thực hiện luận án
tiến sĩ luật học chuyên ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính, với mong muốn góp
phần khoả lấp khoảng trống nghiên cứu về vấn đề quan trọng này.
2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu của luận án
2.1. Mục đích nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu của luận án là góp phần xây dựng, hoàn thiện cơ sở lý
luận khoa học và đề xuất các quan điểm, giải pháp tăng cường giáo dục pháp luật
trong Quân đội nhân dân Việt Nam phù hợp với hoàn cảnh của đất nước, đáp ứng
những yêu cầu của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế ở nước
ta trong giai đoạn hiện nay.
2.1.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để đạt được các mục đích đặt ra, luận án tập trung giải quyết các nhiệm vụ
cụ thể sau đây:
- Khảo sát các vấn đề lý luận về giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân
dân Việt Nam. Phân tích, đánh giá tính phù hợp của các lý thuyết, quan điểm về
giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam trong bối cảnh xây dựng
Nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế ở nước ta. Nghiên cứu cách thức giáo
dục pháp luật của quân đội một số nước trên thế giới để rút ra một số bài học
tham khảo cho việc đổi mới, tăng cường giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân
dân Việt Nam.
4
- Phân tích khuôn khổ chính sách, pháp luật hiện hành về giáo dục pháp luật
trong Quân đội Nhân dân Việt Nam và đánh giá tính phù hợp của nó trong bối cảnh
xây dựng nhà nước pháp quyền, hội nhập quốc tế, cũng như trong việc thực hiện
những nhiệm vụ mới của Quân đội theo Hiến pháp 2013.
- Phân tích thực trạng hoạt động giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân
Việt Nam, đánh giá những kết quả và chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đồng thời xác
định những nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế của hoạt động giáo dục
pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay.
- Nhận diện những yêu cầu cấp thiết đang đặt ra đối với hoạt động giáo dục
pháp luật trong Quân đội hiện nay. Đề xuất và luận giải tính khoa học, khả thi của
các quan điểm, giải pháp tăng cường giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân
Việt Nam trong thời gian tới.
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu của luận án
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là các vấn đề lý luận, pháp lý và thực tiễn của
hoạt động giáo dục pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
- Về mặt nội dung, luận án chỉ tập trung nghiên cứu các vấn đề lý luận, pháp
lý và thực tiễn của hoạt động giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt
Nam. Việc đề cập đến hoạt động giáo dục pháp luật nói chung và giáo dục pháp luật
trong quân đội một số nước chỉ để làm nền tảng cho việc phân tích hoạt động giáo
dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
- Về mặt không gian, luận án tập trung nghiên cứu các vấn đề lý luận, pháp
lý và thực tiễn của hoạt động giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt
Nam. Những phân tích về hoạt động giáo dục pháp luật của quân đội một số nước
khác chỉ mang tính khái quát, nhằm mục đích so sánh, tham chiếu.
- Về mặt thời gian, luận án chỉ khảo sát, đánh giá hoạt động giáo dục pháp
luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam trong khoảng 10 năm gần đây, cụ thể là từ
khi Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX ban hành Chỉ thị số 32/CT-TW ngày
09/12/2003 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo
5
dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân, và
đặc biệt là khoảng thời gian từ năm 2011 đến nay, kể từ khi Bộ Quốc phòng ban
hành Chỉ thị số 04/2011/CT-BQP ngày 20/01/2011 về việc triển khai thực hiện”
Ngày Pháp luật” trong Quân đội.
4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
4.1. Phương pháp luận
Luận án vận dụng phương pháp luận biện chứng duy vật của triết học Mác-
Lênin và một số lý thuyết, quan điểm khoa học được thừa nhận rộng rãi trên thế
giới có liên quan đến giáo dục pháp luật để làm cơ sở phân tích.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
Trong quá trình thực hiện luận án, tác giả đã kết hợp áp dụng các phương
pháp nghiên cứu của một số ngành khoa học xã hội, bao gồm luật học, triết học,
giáo dục học và xã hội học. Cụ thể, những phương pháp nghiên cứu sau đây được
vận dụng để giải quyết các nhiệm vụ nghiên cứu đặt ra của luận án:
- Các phương pháp tổng hợp, thống kê, phân tích, so sánh để đánh giá tổng
quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài và xác định những vấn đề mà luận án
cần tiếp tục khảo sát (ở chương 1).
- Phương pháp phân tích kết hợp với tổng hợp, so sánh các công trình
nghiên cứu hiện có và các tài liệu khác để làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về giáo
dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay (ở chương 2).
- Các phương pháp tổng hợp, thống kê, phân tích, so sánh các tài liệu, báo
cáo có liên quan, kết hợp với các phương pháp quan sát thực tế và khảo sát xã hội
học (bằng bảng hỏi và phỏng vấn sâu) để khảo sát, đánh giá thực trạng hoạt động
giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay (ở chương 3).
- Phương pháp tổng hợp kết hợp so sánh để đề xuất quan điểm, giải pháp
tăng cường giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam (ở chương 4).
Liên quan đến phương pháp khảo sát xã hội học, do đặc thù của hoạt động
quân sự rất đa dạng và rộng lớn, nên trong khuôn khổ thời gian thực hiện luận án,
việc khảo sát được thực hiện với 2 nhóm đối tượng cơ bản là cán bộ (lãnh đạo, chỉ
huy) và chiến sĩ, công nhân viên (thực hiện nhiệm vụ quân sự) ở 8 đơn vị điển
6
hình: Một đơn vị chủ lực - Sư đoàn 309 Quân đoàn 4; một đơn vị địa phương - Lữ
đoàn 77 thuộc Quân khu 7; một đơn vị sự nghiệp- Bệnh viện Quân y 175; một đơn
vị làm kinh tế - Liên hiệp xí nghiệp Z751; một trường quân sự đào tạo bậc đại học -
Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự (Đại học Trần Đại Nghĩa); một trường quân sự
đào tạo bậc cao đẳng - Trường Cao đẳng Công nghệ và Kỹ thuật Ô tô (Sơn Tây, Hà
Nội); một trường quân sự đào tạo bậc trung cấp - Trường Trung cấp Kỹ thuật Quân
khí (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc); một trường đào tạo nghề - Trường Trung cấp Kỹ thuật
miền Trung (Nha Trang, Khánh Hòa). Trong 8 đơn vị chọn mẫu, tác giả lấy phiếu
khảo sát trực tiếp từ 25 cán bộ và 75 chiến sĩ, mỗi đơn vị 100 phiếu, tổng số phiếu
khảo sát là 800.
5. Những đóng góp mới về mặt khoa học của luận án
Luận án là công trình nghiên cứu chuyên sâu đầu tiên ở trình độ tiến sỹ về
vấn đề giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam, vì vậy có những
đóng góp mới về mặt khoa học như sau:
- Cung cấp một cái nhìn tổng quát, có hệ thống về cơ sở lý luận của giáo dục
pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Về mặt lý luận, luận án khẳng định
rằng bên cạnh việc áp dụng những nguyên tắc của giáo dục pháp luật nói chung, để
đạt được mục đích và hiệu quả, giáo dục pháp luật trong quân đội nhân dân đòi hỏi
phải có cách tiếp cận đặc thù liên quan đến cả chủ thể, đối tượng nội dung, phương
pháp, phương tiện, mục tiêu và kết quả của hoạt động này. Bên cạnh đó, do đặc thù
của hoạt động quân sự, giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam có
những điểm khác biệt so với giáo dục pháp luật của các cơ quan dân sự và khác với
hoạt động giáo dục pháp luật của quân đội của nhiều nước khác trên thế giới.
- Đánh giá một cách toàn diện tính hợp lý của chính sách, pháp luật hiện
hành và thực tiễn tổ chức hoạt động giáo dục pháp luật trong Quân đội so với
những yêu cầu đang đặt ra từ việc xây dựng nhà nước pháp quyền, hội nhập quốc tế
ở nước ta. Luận án khẳng định rằng, mặc dù đã có cách tiếp cận đúng và bước đầu
đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, song khung khổ pháp luật và thực tiễn tổ
chức hoạt động giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay còn
nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng được những yêu cầu đặt ra từ việc xây dựng
nhà nước pháp quyền, hội nhập quốc tế ở nước ta.
7
- Nhận diện những yêu cầu và đề xuất các quan điểm, giải pháp phát huy
những thành tựu, khắc phục những tồn tại, hạn chế để tăng cường hoạt động giáo
dục pháp luật trong Quân đội trong thời gian tới. Luận án khẳng định, để tăng
cường hoạt động giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam trước hết
cần củng cố nhận thức về tầm quan trọng của hoạt động này trong bối cảnh mới,
đồng thời cần sửa đổi toàn diện khung pháp luật hiện hành, trong đó bao gồm cả các
quy định về nội dung, hình thức, phương pháp và chủ thể giáo dục pháp luật dựa
trên những yếu tố đặc thù của môi trường quân đội.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
6.1. Ý nghĩa lý luận của luận án
Ý nghĩa lý luận của luận án thể hiện ở ba (3) khía cạnh sau đây:
Thứ nhất, cho phép nhìn nhận rõ hơn cơ sở khoa học của hoạt động giáo dục
pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam qua việc hệ thống hóa và phân tích,
đánh giá các vấn đề lý luận về giáo dục pháp luật trong Quân đội.
Thứ hai, cho phép đánh giá rõ ràng, xác thực hơn về hoạt động giáo dục pháp
luật trong Quân đội thông qua việc kết hợp sử dụng các phương pháp nghiên cứu
của liên ngành luật học, triết học, xã hội học, giáo dục học… để phân tích khuôn
khổ chính sách, pháp luật và cách thức tổ chức hoạt động giáo dục pháp luật trong
Quân đội hiện nay.
Thứ ba, bổ sung, củng cố phương pháp luận của ngành luật hiến pháp-hành
chính trong nghiên cứu về giáo dục pháp luật thông qua việc gắn những phân tích
về thực trạng và những quan điểm, giải pháp tăng cường hoạt động giáo dục pháp
luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam với các yêu cầu của việc xây dựng nhà
nước pháp quyền và hội nhập quốc tế.
6.2. Ý nghĩa thực tiễn của luận án
Ý nghĩa thực tiễn của luận án thể hiện ở hai (2) điểm sau đây:
Thứ nhất, luận án là nguồn tài liệu tham khảo trực tiếp, hữu ích với các cơ
quan nhà nước hữu quan trong việc hoàn thiện pháp luật, cơ chế tổ chức cũng như
công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoạt động giáo dục pháp luật trong Quân đội
trong thời gian tới.
8
Thứ hai, luận án là nguồn tư liệu phục vụ giảng dạy, nghiên cứu trong các cơ
sở học thuật, các cơ quan nhà nước và những cá nhân, tổ chức quan tâm đến vấn đề
giáo dục pháp luật.
7. Kết cấu của luận án
Ngoài các phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, luận án
được kết cấu thành bốn (4) chương:
- Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án;
- Chương 2: Những vấn đề lý luận về giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân
dân Việt Nam;
- Chương 3: Thực trạng giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam;
- Chương 4: Quan điểm, giải pháp tăng cường giáo dục pháp luật trong Quân
đội nhân dân Việt Nam.
9
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN
1.1. Tình hình nghiên cứu ở trong nước
Là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta nên trong
khoảng hai thập kỷ gần đây, vấn đề giáo dục pháp luật (GDPL) đã thu hút sự quan
tâm nghiên cứu của nhiều cơ quan, tổ chức và nhà khoa học. Hiện tại đã có một số
đề tài nghiên cứu ở các cấp độ khác nhau và nhiều sách chuyên khảo, bài báo khoa
học, luận văn, luận án về GDPL, trong đó bao gồm một số công trình nghiên cứu
đề cập đến GDPL trong Quân đội, đã được thực hiện và công bố ở nước ta.
Căn cứ vào nội dung, có thể chia các công trình nghiên cứu về GDPL đã
công bố ở nước ta thành các nhóm vấn đề sau: 1) Nhóm công trình đề cập đến các
vấn đề lý luận của GDPL; 2) Nhóm công trình đề cập đến GDPL cho những đối
tượng cụ thể hoặc ở một khu vực, địa bàn nhất định; 3) Nhóm công trình đề cập đến
GDPL trong Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN).
Nhóm công trình đề cập đến các vấn đề lý luận của giáo dục pháp luật
Những công trình đề cập đến các vấn đề lý luận của GDPL có ý nghĩa đặc
biệt quan trọng vì chúng tạo cơ sở về mặt nhận thức, phương pháp luận cho việc đi
sâu nghiên cứu các vấn đề cụ thể của GDPL. Ở Việt Nam, thuộc về nhóm này, có
thể kể một số công trình tiêu biểu như sau:
- Cơ sở khoa học của việc xây dựng ý thức và lối sống theo pháp luật (1995)
của PGS. TS Đào Trí Úc [143]. Đây là cuốn sách chuyên khảo về một công trình
khoa học cấp nhà nước của nhiều nhà khoa học do PGS. TS Đào Trí Úc là chủ
nhiệm đề tài. Trong đề tài này, các tác giả đã đi sâu vào phân tích, đánh giá 7 nội
dung cơ bản là: Các thuộc tính và giá trị của pháp luật; Đặc điểm của YTPL trong
hệ thống pháp luật Việt Nam; Thực trạng hiểu biết pháp luật và thái độ đối với pháp
luật của nhân dân; Các hành vi vi phạm pháp luật; Các hành vi tuân theo pháp luật;
Chính sách pháp luật và hệ thống pháp luật. Trong đó, tham luận của tác giả Trần
Thị Tuyết: “Tác động của chiến tranh đến sự hình thành ý thức và lối sống theo
10
pháp luật” nêu ra một nhận định đáng quan tâm đó là: chiến tranh có những quy
luật riêng của nó, do vậy đã góp phần làm giảm thói tự do, tùy tiện của con người,
nhưng cũng để lại những di chứng nặng nề và lâu dài về mặt tâm lý xã hội, đó là
tính độc đoán, chuyên quyền [143, tr. 136, 140].
- Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về giáo dục pháp luật trong công cuộc
đổi mới, Báo cáo tổng quan Đề tài khoa học cấp Bộ năm 1998, mã số 92-98-223,
Viện Nghiên cứu Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp) [142]. Đề tài này đã khái quát
những vấn đề lý luận, pháp lý và thực tiễn về GDPL ở nước ta, trong đó các vấn đề
lý luận bao gồm khái niệm, đặc điểm, tính chất, các hình thức của GDPL. Trên cơ
sở những vấn đề lý luận đó nhóm tác giả đã xác định một số giải pháp cụ thể để
thúc đẩy GDPL ở nước ta trong công cuộc đổi mới.
- Bàn về giáo dục pháp luật (1995), của Trần Ngọc Đường và Dương Thanh
Mai [50]. Đây là cuốn sách chuyên khảo công phu về lĩnh vực này ở Việt Nam. Trong
công trình này, nghiên cứu sinh (NCS) hoàn toàn đồng ý với quan điểm của các tác giả
khi cho rằng GDPL là một dạng giáo dục độc lập, có chủ thể, đối tượng, nội dung,
phương pháp, hình thức đặc thù so với giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức: “Bản chất
của giáo dục pháp luật là hoạt động có định hướng, có tổ chức, có chủ định của chủ
thể giáo dục tác động lên đối tượng giáo dục nhằm mục đích hình thành ở họ tri thức
pháp lý, tình cảm và hành vi phù hợp với các đòi hỏi của hệ thống pháp luật hiện
hành” [52, tr.13]. Tuy nhiên trong công trình này, các tác giả vẫn chưa đề cập đến thực
trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả của hoạt động GDPL ở nước ta.
- Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật của Trường Đại học Luật Hà Nội
năm 2004 [134]. Trong cuốn giáo trình này có một mục thuộc chương XVIII, Ý
thức pháp luật (YTPL), đề cập đến vấn đề bồi dưỡng và giáo dục nâng cáo YTPL
XHCN, trong đó xác định: GDPL là sự tác động một cách có hệ thống, có mục đích
và thường xuyên tới nhận thức của con người nhằm trang bị cho mỗi người một
trình độ kiến thức pháp lý nhất định để từ đó có ý thức đúng đắn về pháp luật, tôn
trọng và tự giác xử sự theo yêu cầu của pháp luật [134, tr. 418-422]
- Một số tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
(2011) của Đặng Vũ Huân [64]. Trong bài viết này, tác giả cho rằng hiệu quả của
11
công tác GDPL phụ thuộc vào nhiều yếu tố, vì vậy việc đánh giá cần dựa vào nhiều
tiêu chí khác nhau. Một trong các tiêu chí mà tác giả nhấn mạnh là tính chủ động,
tích cực của công dân tham gia vào các hoạt động như đóng góp ý kiến xây dựng
pháp luật, quản lý nhà nước, đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật, phổ biến
tuyên truyền pháp luật. Tác giả kết luận: “Thái độ chấp hành hay không chấp hành
của người dân đối với pháp luật phụ thuộc rất lớn vào sự am hiểu pháp luật và đây
chính là kết quả của GDPL [64, tr.18]
- Giáo dục pháp luật hay giáo dục ý thức pháp luật? (2012) của Ngọ Văn
Nhân [97]. Trong bài báo này, tác giả thảo luận về thực trạng và tính chất khoa học,
hợp lý của việc sử dụng hai khái niệm: “giáo dục pháp luật” và “giáo dục ý thức
pháp luật”. NCS hoàn toàn nhất trí với quan điểm của tác giả, hai khái niệm này có
liên quan nhưng không đồng nhất về nội hàm, vì vậy, việc sử dụng hoán đổi hoặc đi
liền với nhau có thể gây nhầm lẫn. Sau khi phân tích so sánh, tác giả cho rằng cần
thống nhất sử dụng “giáo dục pháp luật” như là khái niệm chuẩn, không nên sử
dụng khái niệm “giáo dục ý thức pháp luật” vì không rõ về nội hàm; trong trường
hợp muốn nhấn mạnh ý thức pháp luật thì có thể dùng cụm từ “giáo dục pháp luật
nhằm nâng cao ý thức pháp luật” cho một đối tượng hoặc nhóm đối tượng cụ thể.
Ngoài các công trình tiêu biểu kể trên, còn một số công trình nghiên cứu
khác ở nước ta cũng đề cập đến những vấn đề lý luận của GDPL, như: Một số vấn
đề về phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn hiện nay, của Nguyễn Duy Lãm,
1997 [72]; Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật ở nước ta - thực trạng và giải
pháp, của Hồ Quốc Dũng, 1997 [34]; Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp
luật trong tình hình mới, của Hồ Việt Tiệp, 2000 [122]; Một số giải pháp nâng cao
hiệu quả công tác giáo dục pháp luật của Trần Thị Sáu, 2008 [102]; Công tác
nghiên cứu lý luận về giáo dục pháp luật trong thời kỳ đổi mới của Lê Văn Hòe,
2008 [57]; Những vấn đề cần quan tâm trong công tác GDPL hiện nay của Phạm
Thanh Tuyền, 2009 [141]; Giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức và kỹ năng sống
của Lê Thị Phương Nga, 2010 [89]; Hoàn thiện hệ thống giáo dục pháp luật ở Việt
Nam nhằm thi hành Hiến chương ASEAN, của Trần Ngọc Dũng, 2010 [33]… Các
công trình nghiên cứu này đã làm rõ hơn các vấn đề lý luận về GDPL, đặc biệt là về
hình thức, mục tiêu, nội dung, phương pháp GDPL.
12
Mặc dù không trực tiếp đề cập đến các vấn đề lý luận về GDPL trong
QĐNDVN, song những công trình nghiên cứu nêu trên vẫn là một nguồn tham khảo
hữu ích cho NCS, bởi vì lý luận về GDPL trong quân đội cũng phải dựa trên lý luận
chung về GDPL.
Nhóm công trình đề cập đến giáo dục pháp luật cho các đối tượng cụ thể
hoặc ở một khu vực, địa bàn nhất định.
Bên cạnh những công trình nghiên cứu tập trung vào các vấn đề lý luận của
GDPL như được giới thiệu ở phần trên, còn có nhiều công trình tập trung phân tích
thực trạng và những vấn đề đặt ra trong tổ chức thực hiện GDPL cho các đối tượng
cụ thể hoặc ở một khu vực, địa bàn nhất định, trong đó tiêu biểu có thể kể như sau:
- Giáo dục pháp luật qua hoạt động tư pháp (1996) của Dương Thị Thanh
Mai [78]. Luận án đã phân tích tương đối toàn diện các vấn đề lý luận, pháp lý, thực
tiễn của GDPL trong lĩnh vực đặc thù là hoạt động tư pháp. Tác giả kết hợp sử dụng
cách tiếp cận của giáo dục học và luật học để luận giải về khái niệm, đặc điểm, các
hình thức và các yếu tố tác động đến giáo dục pháp luật trong hoạt động tư pháp.
Theo tác giả, đặc thù của GDPL thông qua hoạt động tư pháp chính là hoạt động
giáo dục được thực hiện dựa trên thực tiễn hoạt động tranh tụng tại phiên tòa, với sự
tham gia của Kiểm sát viên giữ quyền công tố, Thẩm phán và Luật sư. Tác giả cũng
cho rằng, bản thân quá trình hoạt động tư pháp đã mang tính chất GDPL, song vấn
đề đặt ra là cần phải có những giải pháp cụ thể để phát huy hiệu quả giáo dục với
các đối tượng liên quan, trong đó không chỉ bao gồm những người tham gia tố tụng
mà cả công chúng đang theo dõi phiên tòa.
- Đổi mới giáo dục pháp luật trong hệ thống các trường chính trị ở nước ta
hiện nay (1999) của Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ
Chí Minh [70]. Đề tài khoa học này phân tích vai trò, nhiệm vụ của các trường
chính trị cấp tỉnh trong việc GDPL cho đội ngũ cán bộ, công chức địa phương. Theo
các tác giả, các trường chính trị tỉnh là một kênh quan trọng thực hiện công tác
GDPL ở nước ta, thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật
cho cán bộ cấp xã, phường, thị trấn. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng GDPL trong
hệ thống các trường chính trị tỉnh sẽ góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo
dục pháp luật cho cán bộ cấp cơ sở ở nước ta.
13
- Nâng cao ý thức pháp luật của đội ngũ cán bộ quản lý hành chính ở nước
ta hiện nay (2002) của Lê Đình Khiên [68]. Luận án phân tích các vấn đề lý luận,
thực tiễn về YTPL và nâng cao YTPL của đội ngũ cán bộ quản lý hành chính ở
nước ta. Tác giả khẳng định rằng, YTPL có vai trò đặc biệt quan trọng đối với hoạt
động chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, quản lý hành chính; bởi vậy, nâng
cao YTPL của đội ngũ này là yêu cầu cấp thiết, có tác động trực tiếp đến việc nâng
cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước trong giai đoạn hiện nay.
Trên cơ sở đó, trong số các giải pháp mà tác giả đề xuất nâng cao YTPL của đội
ngũ cán bộ quản lý hành chính ở nước ta hiện nay có việc đẩy mạnh công tác GDPL
cho đội ngũ cán bộ quản lý hành chính.
- Giáo dục pháp luật trong các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam (2008)
của Vũ Thị Hoài Phương [100]. Luận án đã phân tích một cách tương đối toàn diện
cơ sở lý luận, pháp lý, thực tiễn của việc giáo dục pháp luật cho cán bộ, công nhân
viên trong các doanh nghiệp nhà nước dưới góc độ quản lý nhà nước, từ đó đề xuất
một số quan điểm, giải pháp nâng cao hiệu quả của hoạt động này. Theo tác giả, các
doanh nghiệp nhà nước rất cần nắm vững và hành xử đúng pháp luật vì đóng vai trò
quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, sử dụng tài sản, vốn của nhà nước và có số
lượng lớn người lao động. Do đó, GDPL cho cán bộ, công chức và người lao động
trong các doanh nghiệp nhà nước là rất cần thiết, cần được thực hiện một cách có hệ
thống, thường xuyên, qua nhiều hình thức, với nhiều nội dung khác nhau phù hợp
với từng nhóm đối tượng khác nhau như lãnh đạo, quản lý, người lao động, cán bộ
pháp chế, cán bộ công đoàn…
- Các yếu tố ảnh hưởng tới hoạt động giáo dục pháp luật cho cán bộ công
chức hành chính ở nước ta (2010) của Nguyễn Quốc Sửu [108]. Trong bài viết này,
tác giả đã phân tích ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế, chính trị, pháp lý, văn hóa, xã
hội đến chất lượng, hiệu quả của hoạt động GDPL cho cán bộ, công chức hành
chính ở nước ta. Theo tác giả, ngoài yếu tố pháp lý, hoạt động GDPL cũng chịu ảnh
hưởng bởi những yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội. Chẳng hạn, khi kinh tế phát triển,
đời sống vật chất được cải thiện và nâng cao, đội ngũ cán bộ, công chức hành chính
có điều kiện để mua sắm các phương tiện nghe nhìn, việc này sẽ tác động thuận lợi
đến việc tiếp cận thông tin pháp luật của họ [108, tr.70-79].
14
- Bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật
trong nhà trường (2012) của Nguyễn Thị Hồi và Phạm Quang Tiến [58]. Trong
cuốn sách này, các tác giả đã phân tích làm rõ những đặc điểm của GDPL trong
ngành giáo dục, các nhiệm vụ, nguyên tắc, hình thức, nội dung GDPL cho học sinh
phổ thông. Theo các tác giả, đối với các nhà trường, hoạt động GDPL cần phải được
thực hiện một cách có trọng tâm, trọng điểm, phải chú trọng vào những nội dung
gần gũi và phù hợp nhất với đối tượng giáo dục là học sinh [58, tr.110].
- Phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ
thông (2012) của Trần Viết Lưu [76]. Cuốn sách này phân tích một cách toàn diện
mối quan hệ giữa GDPL và kỹ năng sống cho học sinh. Theo tác giả, việc thúc đẩy
GDPL cần được coi là một biện pháp cơ bản để đối phó với tình trạng bạo lực học
đường ngày càng gia tăng ở nước ta. GDPL cho học sinh phổ thông cần tránh hình
thức, giáo điều. Thay vào đó, cần áp dụng nhiều cách thức phù hợp với độ tuổi, tâm
sinh lý của học sinh như qua các câu lạc bộ, đường dây điện thoại tư vấn, các tờ báo
và kênh thông tin dành cho tuổi trẻ, học sinh [76, tr.43-46].
- Giáo dục pháp luật cho học sinh trong trường trung học phổ thông ở Việt
Nam, (2012) của Trần Thị Sáu [105]. Luận án phân tích các vấn đề lý luận và thực
tiễn của công tác GDPL cho học sinh trong các trường trung học phổ thông ở Việt
Nam. Tác giả cho rằng các trường trung học phổ thông tuy là một kênh quan trọng
thực hiện GDPL cho người dân, cụ thể là cho học sinh, song công tác này chưa
được chú ý đúng mức, thể hiện ở những bất cập, hạn chế trong việc lồng ghép kiến
thức pháp luật vào môn học giáo dục công dân [105, tr.67]. Từ thực trạng đó, tác
giả đề xuất những quan điểm, giải pháp nâng cao chất lượng GDPL cho học sinh
trong các trường trung học phổ thông ở Việt Nam trong thời gian tới.
Bên cạnh các công trình tiêu biểu nêu trên, còn có khá nhiều luận văn thạc sĩ
luật học nghiên cứu về vấn đề GDPL, trong đó tiêu biểu là: Công tác tuyên truyền,
giáo dục pháp luật ở nước ta - thực trạng và giải pháp (1999) của Hồ Quốc Dũng
[34]; Đổi mới giáo dục pháp luật hệ đào tạo trung học chính trị ở nước ta hiện nay
(2000) của Nguyễn Ngọc Hoàng [56]; Giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức
trên địa bàn tỉnh Bình Định - thực trạng và giải pháp (2002) của Trần Văn Trầm
15
[131]; Giáo dục pháp luật qua hoạt động báo chí (2003) của Nguyễn Sỹ Hùng [66];
Hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật đối với đoàn viên, thanh niên trên địa bàn
thành phố Hà Nội trong tiến trình hội nhập phát triển của đất nước (2010) của Bùi
Thị Diễm Trang [132]; Giáo dục pháp luật cho đồng bào công giáo ở tỉnh Đồng
Nai hiện nay (2011) của Nguyễn Thanh Tùng [139]; Vai trò của tổ chức Đoàn
Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong việc giáo dục ý thức pháp luật cho thanh
niên đô thị (2013) của Mai Ngọc Bích [6]; Phổ biến, giáo dục pháp luật phòng
chống tệ nạn xã hội cho đoàn viên, thanh niên trên địa bàn thành phố Hà Nội
(2013) của Trần Đức Toàn [125]; Giáo dục pháp luật cho phạm nhân trong trại
giam ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam (2013) của Ngô Văn Trù [133]; Giáo
dục nhân quyền ở Việt Nam hiện nay (2014) của Võ Khánh Minh [86]; Giáo dục
pháp luật cho trẻ em ở Việt Nam hiện nay (2015) của Lê Thị Phương Nga [90];
Giáo dục quyền con người cho học sinh phổ thông ở Việt Nam hiện nay (2018) của
Ngô Văn Nam [88]; Giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình ở Hà Nội
hiện nay (2018) của Nguyễn Kim Quý [ 101] . Các công trình này cũng tập trung
phân tích các vấn đề lý luận, pháp lý, đánh giá thực trạng, chỉ ra những thành tựu,
hạn chế và nguyên nhân, từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác
GDPL cho một số nhóm đối tượng, ở một số địa bàn cụ thể.
Qua nghiên cứu cho thấy, số lượng đề tài nghiên cứu về GDPL cho các đối
tượng cụ thể hoặc ở một khu vực, địa bàn nhất định tăng lên nhiều sau khi Ban Bí thư
Trung ương Đảng khóa IX ban hành Chỉ thị số 32 về việc tăng cường sự lãnh đạo của
Đảng đối với công tác phổ biến, GDPL, nhất là sau khi Quốc hội ban hành Luật Phổ
biến, GDPL năm 2012. Điều này cho thấy chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước
đã khuyến khích các nhà khoa học quan tâm nhiều hơn đến vấn đề GDPL.
Xét tổng quát, cho dù chủ thể và đối tượng của GDPL trong các công trình
nghiên cứu được giới thiệu trong mục này không phải là cán bộ, chiến sĩ trong
QĐNDVN, nhưng chúng vẫn có giá trị tham khảo với NCS trong việc thực hiện
luận án này, do chứa đựng những kiến thức, thông tin hữu ích và gợi mở những
cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu khoa học cho việc nghiên cứu vấn đề GDPL
trong QĐNDVN.
16
Nhóm công trình đề cập đến giáo dục pháp luật trong QĐNDVN
GDPL trong QĐNDVN là chủ đề còn ít được nghiên cứu ở Việt Nam, xét cả
trên phương diện nghiên cứu lý luận và đánh giá thực tiễn. Hiện mới chỉ có một vài
công trình nghiên cứu đề cập trực tiếp đến vấn đề này như sau:
- Giáo dục pháp luật trong các trường đào tạo sỹ quan QĐNDVN hiện nay
(2000) của Phạm Trung Nghĩa [91]. Đây là luận văn thạc sĩ luật học đã được tác giả
bảo vệ tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Trong luận văn này, tác giả
phân tích cơ sở lý luận, thực trạng và đề xuất giải pháp đổi mới GDPL trong các
trường đào tạo sĩ quan của QĐNDVN. Luận văn này là một trong những công trình
nghiên cứu liên quan trực tiếp nhất tới luận án, và vì vậy, rất có ý nghĩa tham khảo
với NCS. Mặc dù vậy, với tính chất của một luận văn thạc sĩ, phạm vi nghiên cứu
của đề tài chỉ dừng lại ở phạm vi hẹp là GDPL ở các trường đào tạo sĩ quan, trong
khi phạm vi nghiên cứu của luận án rộng hơn, bao gồm hoạt động GDPL trong tất
cả các môi trường khác của QĐNDVN.
- Giáo dục pháp luật cho bộ đội đặc công - Thực trạng và giải pháp (2003)
của Hoàng Thế Nhân [95]. Đây cũng là một luận văn thạc sĩ luật đã được bảo vệ tại
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Trong luận văn này, tác giả đã đi sâu
phân tích những yếu tố đặc thù của GDPL cho bộ đội đặc công sau khi xác định cơ
sở pháp lý và thực trạng của hoạt động này. Tuy nhiên, nội dung đề tài nghiêng về
giáo dục pháp luật trong trường Sĩ quan Đặc công hơn là GDPL cho các đơn vị cơ
sở của binh chủng Đặc Công. Mặc dù vậy với tính chất là một công trình nghiên
cứu liên quan trực tiếp nên luận văn này vẫn có ý nghĩa tham khảo với NCS.
- Nâng cao chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật trong đào tạo sĩ quan
Hậu cần hiện nay (2004) của Lê Hồng Sơn [106]. Luận văn Thạc sĩ luật học, Học
viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Luận văn đã đề cập đến vấn đề phổ biến,
tuyên truyền pháp luật cho đối tượng học viên đào tạo sĩ quan của Trường Sĩ quan
Hậu cần. Tuy nhiên, đối tượng và cơ sở pháp lý của đề tài này còn hạn chế do thời
gian thực hiện đề tài chưa có Luật Phổ biến, GDPL và các văn bản của BQP về việc
thực hiện Ngày pháp luật hàng tháng trong QĐNDVN.
17
- Giải pháp cơ bản nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật cho cán bộ,
chiến sĩ trong QĐNDVN hiện nay (2013) của Đào Văn Minh [80]. Trong bài viết
này, tác giả nêu và phân tích một số biện pháp để nâng cao chất lượng GDPL cho
cán bộ, chiến sĩ trong QĐNDVN. Theo tác giả, cần áp dụng đồng thời nhiều giải
pháp để cung cấp kiến thức, thông tin pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ như thông qua
các chương trình đào tạo chính quy, các khoá tập huấn, lồng ghép vào các hoạt động
văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao.
- Đặc điểm giáo dục pháp luật cho cán bộ quân đội hiện nay (2013) của Đào
Văn Minh [81]. Bài báo khoa học này phân tích những đặc trưng trong tổ chức hoạt
động GDPL cho đội ngũ sĩ quan QĐNDVN. Theo tác giả, đây là nhóm đối tượng
đặc biệt, là nòng cốt của quân đội, vì vậy cần phải nắm vững kiến thức pháp luật.
Công tác GDPL cho cán bộ quân đội, do vậy, có ý nghĩa quan trọng. GDPL cho cán
bộ quân đội cũng cần được thực hiện qua nhiều cách thức, trong đó cần chú trọng
lồng ghép vào chương trình đào tạo của các trường sĩ quan.
- Chất lượng giáo dục pháp luật cho học viên ở Trường Sĩ quan Lục quân 1, Bộ
Quốc phòng (2014) của Trịnh Văn Hưng [67]. Luận văn Thạc sĩ luật, Học viện Chính
trị quốc gia Hồ Chí Minh. Cũng giống như các công trình nêu trên, luận văn này tuy có
giá trị tham khảo trực tiếp nhưng cũng mới chỉ dừng lại ở phạm vi nghiên cứu hẹp, đó
là giáo dục pháp luật cho đối tượng học viên trong ở một trường sĩ quan.
Xét tổng quát, các công trình nghiên cứu kể trên đã cung cấp nhiều kiến
thức, thông tin có giá trị tham khảo cho NCS trong việc thực hiện luận án. Mặc dù
vậy, giá trị tham khảo của các công trình đó còn hạn chế. Một số luận điểm, đánh
giá và đề xuất cần được kiểm chứng thêm. Luận án mà NCS đang triển khai thực
hiện sẽ tiếp tục mở rộng, phát triển hướng nghiên cứu của các công trình nêu trên,
cụ thể là mở rộng phạm vi nghiên cứu đến toàn bộ các đơn vị của QĐNDVN, bổ
sung các nội dung nghiên cứu cũng như cập nhật các văn bản mới về việc phổ biến,
GDPL trong QĐNDVN nói riêng và trong cả nước nói chung. Bên cạnh đó luận án
còn sử dụng các phương pháp nghiên cứu mới mà trong bối cảnh giới hạn về thời
gian tác giả của các công trình nghiên cứu đó chưa thể thực hiện được vì chưa có
Luật Phổ biến, GDPL.
18
1.2. Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài
GDPL là một chủ đề đã được đề cập trực tiếp hoặc gián tiếp bởi một số học
giả ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó tiêu biểu có thể kể đến như sau:
- Bàn về tinh thần pháp luật (1874) của Montesquieu [87]. Trong tác phẩm
kinh điển này, tác giả thảo luận về các vấn đề lý luận cốt lõi của pháp luật. Tuy
không có một mục riêng song trong ấn phẩm này tác giả có thảo luận về mối quan
hệ giữa giáo dục và pháp luật. Trong quyển 4 chương 3 (Luật về giáo dục phải
tương ứng với nguyên tắc của chế độ), Montesquieu cho rằng giáo dục có sứ mệnh
đào tạo ra một người công dân tốt, một người mà ‘sẽ gắng sức làm cho động cơ của
chính thể chuyên chế phải chùng lại” [87, tr.65]. Nói cách khác, theo quan điểm của
Montesquieu, GDPL không có nghĩa là giáo dục người dân phải tuân phục chế độ
vô điều kiện, mà chính là giáo dục công lý, lẽ phải để người dân có thể tự quyết
định hành động của mình một cách phù hợp với lẽ phải, cho dù điều đó trái ngược
với chế độ nhà nước.
John A.Sebert (2002), The American Bar Association and Legal Education in
the United States of America (Liên đoàn Luật sư và giáo dục pháp luật ở Hợp chủng
quốc Hoa Kỳ) [162]. Cuốn sách này cho thấy cách đào tạo và quản lý luật sư ở Mỹ là
rất khác với ở Việt Nam, trong đó đặc biệt là phương pháp dạy luật thông qua các tình
huống pháp luật làm cho việc học luật trở lên hấp dẫn, dễ nhớ, dễ hiểu hơn.
UNESCO (2011), The Hidden Crisis: Armed Conflict and Education-
Education for All (EFA), Monitoring Report 2011 (Những khủng hoảng tiềm ẩn:
Xung đột vũ trang và vấn đề giáo dục - Giáo dục cho mọi người, Báo cáo giám sát
năm 2011) [163]. Báo cáo khẳng định xung đột vũ trang là một rào cản lớn đối với
giáo dục. Chiến tranh không chỉ phá hủy trường học, giết hại giáo viên, học sinh mà
còn làm giảm đáng kể số năm đi học của mọi người. UNESCO cũng khẳng định,
trong tình hình an ninh, quốc phòng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, xung đột vũ trang
có thể xảy ra bất cứ lúc nào, điều này ảnh hưởng rất lớn giáo dục nói chung, trong
đó có giáo dục pháp luật trong các nhà trường. Bởi vậy, trong thời bình, các nhà
nước cần GDPL cho mọi người dân, nhất là cán cán bộ, chiến sĩ về Luật Chiến
tranh, Luật Nhân đạo quốc tế, quyền con người.
19
Edward Rubin, Legal Education in the Digital Age (Giáo dục pháp luật
trong kỷ nguyên số), Nhà xuất bản Đại học Cambridge – 2012 [161]. Theo tác giả,
trong những thập kỷ tới, cuộc cách mạng kỹ thuật số sẽ biến đổi rất nhiều thế giới
của chúng ta, GDPL vì thế cũng sẽ biến đổi theo. Việc sản xuất và phân phối tài liệu
kỹ thuật số sẽ làm thay đổi mạnh mẽ nội dung và phương pháp GDPL trong các nhà
trường và qua các mạng xã hội. Cuốn sách này gồm tập hợp các bài tiểu luận, các
nghiên cứu của những chuyên gia pháp lý hàng đầu thế giới, trong đó thảo luận cách
thức các tài liệu số sẽ được tạo ra và làm thế nào họ sẽ thay đổi các khái niệm về
quyền tác giả cũng như các phương pháp sản xuất và phân phối các nguồn tài liệu
pháp luật khổng lồ. Bên cạnh đó các tác giả còn khảo sát tác động của các tài liệu số
đối với lớp học, với thư viện của trường luật và xem xét sự chuyển đổi tiềm năng
của chương trình giảng dạy mà các tài liệu kỹ thuật số có thể tạo ra. Cùng với đó,
những bài tiểu luận này cung cấp hướng dẫn cho những thay đổi quan trọng mà mọi
giáo viên và học giả pháp luật cần phải hiểu. Các video clip và cảnh quay hoạt hình
với thế giới 3-D, các thông tin pháp luật đồ sộ, tình huống pháp luật phong phú sẽ
làm thay đổi hình thức và phương pháp GDPL truyền thống.
Wang Wenjuan, The PLA and International Humanitarian Law: Achievements
and Challenges (2013) (Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc và Luật Nhân đạo
quốc tế: Những thành tựu và thách thức) [164]. Theo tác giả, để bảo đảm sự bảo vệ
pháp lý chuyên nghiệp và hiệu quả cao trong mọi sứ mệnh quân sự theo Nghị định thư
số 1 của Công ước Giơnevơ, các cố vấn pháp lý quân sự được tổ chức ở tất cả các cấp
sư đoàn và lữ đoàn trong Quân đội Trung Quốc. Hiện tại, Quân đội giải phóng nhân
dân Trung Quốc đã thành lập 268 cơ quan tư vấn pháp luật quân sự và có hơn 1.600
đội tư vấn pháp luật ở cấp lữ đoàn và trung đoàn và gần như tất cả các tiểu đoàn và các
công ty, trong đó có nhiệm vụ phổ biến và phổ cập kiến thức luật nhân đạo quốc tế
trong lực lượng vũ trang, tư vấn áp dụng đúng đắn luật nhân đạo quốc tế cho các chỉ
huy quân đội, bao gồm việc cung cấp tư vấn pháp lý cho các chỉ huy quân sự trong
chiến đấu, theo dõi việc áp dụng và thực thi luật nhân đạo quốc tế trong quân đội. Đến
cuối năm 2010, đã có 1.342 luật sư quân sự và 25.000 cố vấn pháp lý trong Quân đội
giải phóng nhân dân Trung Quốc [164, tr.19].
20
Elizabeth Stubbins Bates, Towards Effective Military Training in
International Humanitarian Law (International Review of the Red Cross (2014), 96
(895/896), 795–816) (Hướng tới đào tạo quân sự hiệu quả trong lĩnh vực luật nhân
đạo quốc tế) [151]. Theo tác giả, các quy định của công ước Giơnevơ nhằm lồng
ghép luật nhân đạo quốc tế vào các chương trình giảng dạy và huấn luyện quân sự là
một phần của nhiệm vụ quan trọng để phổ biến luật nhân đạo quốc tế “càng rộng
càng tốt”, kể cả đối với thường dân. Điều 82 quy định vai trò của các cố vấn pháp lý
quân sự, trong khi Điều 87 quy định trách nhiệm của người chỉ huy trong việc bảo
đảm cho tất cả các binh sĩ thuộc quyền phải nhận thức được nghĩa vụ của họ tuân
theo Luật Nhân đạo quốc tế. Tuy nhiên, theo Bates, bên cạnh việc chú trọng giáo
dục Luật Nhân đạo quốc tế trong lực lượng vũ trang, cần tăng cường giáo dục đạo
đức quân sự và tâm lý xã hội. Bởi vì, theo biên bản các cuộc phỏng vấn được thực
hiện bởi những người lính tham gia cuộc thảm sát ở Mỹ Lai (Việt Nam) cho thấy
tầm quan trọng của việc lặp đi lặp lại các cuộc tập trận lưỡi lê để giết người làm cho
người lính mất đi sự phản kháng đối với việc chém giết và việc đào tạo của họ
không bao gồm nhiệm vụ tuân theo các mệnh lệnh rõ ràng là bất hợp pháp, vì thế họ
đổ lỗi cho các nạn nhân của vụ thảm sát này là do số phận của họ [151, tr.803].
Inal Kosheev, Nalzhan Kudasheva, Military and Juridical Education
in Russia and USA,Tạp chí Nhà khoa học trẻ Mỹ, tập 3 năm 2015 [154]. Trong bài viết
này các tác giả đã phân tích và so sánh cách thức đào tạo và sử dụng đội ngũ luật sư
quân sự (military lawyer) ở Mỹ và Nga hiện nay. Nhìn chung, quân đội Nga và Mỹ rất
chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ pháp lý chuyên nghiệp phục vụ quân đội. Họ không
chỉ làm nhiệm vụ tư pháp giống ở Việt Nam mà còn làm nhiệm vụ tư vấn pháp luật cho
người chỉ huy ở tất cả các đơn vị cấp sư đoàn trong việc ra các quyết định quản lý, xử
phạt kỷ luật hay tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi của đơn vị và bộ quốc phòng. Bên
cạnh đó, đội ngũ luật sư quân sự còn làm nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của quân nhân và
gia đình họ trước pháp luật. Ở Mỹ, hiện nay cứ 800 nhân viên quân sự thì có một luật
sư quân sự, ở Nga con số này là 1000. Ngoài ra, phương pháp kiểm tra đánh giá bằng
cách cho điểm theo thang bậc A, B, C, D hay đạt hoặc không đạt cũng là một giải pháp
hay có thể vận dụng trong quân đội Việt Nam.
21
Н. С. Бондарь, Российское юридическое образование как
конституционная ценность: Национальные традиции и космополитические
иллюзии, Издательство Юрист, Москва, 2013 (Giáo dục pháp luật Nga như là
một mục tiêu hiến định: Truyền thống dân tộc và triển vọng quốc tế) [167]. Cuốn
sách này cho thấy GDPL rất được nước Nga quan tâm và coi như là một công tác
không thể thiếu trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền ở Nga.
В. Н. Гуляихин, Юридическое образование как фактор и средство
правовой социализации Российских граждан, Право и образование, 2010,
Номер 10, с 59-70. (Giáo dục pháp luật như là một nhân tố và công cụ của xã hội
hóa pháp luật đối với công dân Nga) [169]. Trong bài viết này tác giả đánh giá vai
trò của GDPL đối với việc hình thành ý thức pháp luật và thói quen hành xử theo
pháp luật của công dân trong xã hội dân sự và nhà nước pháp quyền ở Nga.
Bên cạnh những công trình nêu trên, còn có một số công trình đáng chú ý
khác như: Michael Imber – Tyll Van Geel (1993), Education Law (Luật Giáo dục)
[159]; Ketleen Florestal - Robb Cooper (1997), Decentralization of Education-
Legal Issues (Sự phân cấp giáo dục - Những vấn đề pháp lý), The World Bank,
Washington [153]; Robert W.Gordon (2002), Legal Education in the U.S.:Origin
and Development (Giáo dục pháp luật ở Mỹ: Nguồn gốc và sự phát triển) [155];
David A. Garvin, Features making the case frofessional education for the world of
practice, Harvard magazine September- October 2003 (Việc tạo tình huống, giáo
dục chuyên nghiệp cho thế giới thực hành) [156]; J. M. Broekman, The Semiotics of
Law in Legal Education (Ký hiệu hóa pháp luật trong giáo dục pháp luật), NXB Đại
học Penn State, 2011[152]…
Nội dung những công trình nêu trên tập trung bàn luận về các khía cạnh liên
quan đến lý thuyết giáo dục học, phân tích sâu các yếu tố cấu thành nền giáo dục
hiện đại. Trong đó, những vấn đề mới có nghĩa quan trọng như vấn đề GDPL cho
mọi người và GDPL trong kỷ nguyên số. Đây là những quan điểm GDPL mới rất
cần nghiên cứu áp dụng ở Việt Nam. Ngoài ra, còn có nhiều công trình đề cập đến
việc giáo dục Luật Nhân đạo quốc tế cho binh sĩ và các đối tượng khác nhằm đáp
ứng các yêu cầu của xu thế hội nhập hiện nay.
22
Xét tổng quát, các công trình nghiên cứu ở nước ngoài chủ yếu đề cập đến
những vấn đề của giáo dục pháp luật nói chung. Các công trình nghiên cứu về
GDPL trong quân đội các nước rất ít. Tuy nhiên, những công trình nghiên cứu ở nước
ngoài vẫn có nhiều ý nghĩa tham khảo đối với NCS trong việc khảo cứu các vấn đề giải
pháp của đề tài. Ngoài ra, thông qua việc cung cấp những nhận thức mới về lý thuyết
và phạm vi của giáo dục pháp luật trong quân đội, đặc biệt là giáo dục về luật nhân đạo
quốc tế, các công trình này mở rộng cách tiếp cận của NCS về các thành tố nội dung và
phương pháp GDPL nói chung, GDPL trong QĐNDVN nói riêng.
1.3. Đánh giá chung về tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài và
những vấn đề luận án tiếp tục giải quyết
1.3.1. Đánh giá chung về tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài
Từ tổng quan các công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài được nêu ở mục
trên, có thể nêu ra một số nhận xét, đánh giá chung như sau:
Thứ nhất, về những công trình nghiên cứu ở trong nước
Các công trình hiện có ở trong nước đã đề cập, phân tích vấn đề GDPL một
cách khá toàn diện, trên tất cả các phương diện lý luận, pháp lý và thực tiễn. GDPL
được khảo sát và phân tích trong mối liên hệ với giáo dục nói chung và xây dựng ý
thức pháp luật, lối sống theo pháp luật nói riêng. Các khía cạnh lý luận như khái
niệm, vai trò, mục đích, mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức GDPL...
được nhiều tác giả cùng khảo sát và thảo luận, phân tích từ nhiều góc độ, từ đó đúc
rút ra nhiều nhận định có tính thống nhất và đáng tin cậy. Đây là những kiến thức
tham khảo rất hữu ích cho việc thực hiện phần lý luận chung về GDPL của luận án.
Trong phần này, tác giả có thể tiếp thu, kế thừa nhiều kiến thức, thông tin về những
vấn đề lý luận chung của GDPL từ các công trình hiện có.
Dựa trên lý luận chung về GDPL, nhiều công trình của các tác giả Việt Nam
đã đi sâu nghiên cứu làm rõ những vấn đề lý luận, pháp lý, thực tiễn đặc thù của
GDPL cho một số nhóm đối tượng cụ thể và ở một số khu vực, địa bàn. Đây cũng là
những kiến thức, thông tin có giá trị tham khảo gián tiếp đối với tác giả luận án, bởi
về bản chất, đề tài luận án cũng bàn về GDPL cho một nhóm đối tượng cụ thể là cán
bộ, chiến sĩ trong QĐNDVN.
23
Đáng chú ý là đã có một số công trình nghiên cứu về GDPL trong
QĐNDVN. Các công trình này có giá trị tham khảo trực tiếp đối với đề tài luận án,
đặc biệt các đề tài về GDPL cho cán bộ, sĩ quan và một số quân, binh chủng.
Mặc dù vậy, cho đến nay, vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào của các tác giả
trong nước phân tích một cách toàn diện, chuyên sâu các vấn đề lý luận, thực tiễn của
GDPL trong QĐNDVN. Các công trình nghiên cứu hiện có mới chỉ đề cập đến GDPL
nói chung, GDPL cho một số nhóm đối tượng, ở một số khu vực, chủ yếu là khu vực
dân sự. Số lượng nghiên cứu về GDPL trong quân đội còn rất ít và nội dung mới chỉ
giới hạn trong phạm vi một đơn vị hoặc quân, binh chủng nhất định, vì thế chưa cho
thấy bức tranh toàn diện về công tác này trong quân đội. Thêm vào đó, các nghiên cứu
hiện có chưa đề cập đến những yêu cầu về GDPL xuất phát từ định hướng xây dựng
nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và những nhiệm vụ mới của quân đội mà được
quy định trong Hiến pháp năm 2013. Nói tóm lại, các công trình nghiên cứu hiện có ở
nước ta mới chỉ cung cấp những phác thảo ban đầu về vấn đề GDPL trong QĐNDVN.
Hiện vẫn còn nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến GDPL trong QĐNDVN
cần được làm rõ, đòi hỏi có thêm những nghiên cứu khác.
Thứ hai, về những công trình nghiên cứu ở nước ngoài
Do đặc thù của quân đội các nước tư sản thường là các đội quân nhà nghề
với đội ngũ sĩ quan, binh sĩ chuyên nghiệp nên cách GDPl của họ khác với
QĐNDVN.
Hầu hết các công trình nghiên cứu ở nước ngoài mà tác giả tiếp cận được đều
tập trung bàn về triết lý giáo dục nói chung, cách thức đào tạo, quản lý và sử dụng
đội ngũ luật sư quân sự mang tính chuyên nghiệp cao. Một số công trình nghiên cứu
về giáo dục luật nhân đạo quốc tế. Rất ít công trình nghiên cứu về GDPL trong quân
đội của các quốc gia nói chung và QĐNDVN nói riêng.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, các nhà nghiên cứu nước ngoài hiện chưa
dành nhiều sự quan tâm đối với hoạt động GDPL trong quân đội của các nước cũng
như GDPL của QĐNDVN.
Dù vậy, những công trình của các tác giả nước ngoài vẫn là tài liệu tham
khảo hữu ích cho đề tài luận án, nhất là phương pháp GDPL thông qua các tình
24
huống pháp luật ở Mỹ và một số nước khác. Một số công trình này cung cấp cho tác
giả luận án những kiến thức chuyên sâu, cách tiếp cận mới mẻ, khoa học về triết lý
giáo dục, trong khi các công trình khác cung cấp những kiến thức, thông tin khá
toàn diện về giáo dục Luật Nhân đạo quốc tế trong quân đội. Điều này trực tiếp hỗ
trợ tác giả luận án trong quá trình khảo cứu các vấn đề lý luận của GDPL nói chung,
GDPL trong QĐNDVN nói riêng.
1.3.2. Những vấn đề luận án sẽ tiếp tục giải quyết
Từ việc đánh giá tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài, NCS
nhận thấy những vấn đề sau đây cần được tiếp tục bổ sung và phát triển trong luận
án này, bao gồm:
- Về phương diện lý luận, luận án cần tiếp tục:
+ Tổng hợp, phân tích sâu hơn các lý thuyết về giáo dục nói chung, GDPL
nói riêng để tìm kiếm, rút ra những triết lý, quan điểm khoa học về GDPL cho nhóm
đối tượng đặc biệt là những người làm việc trong lực lượng vũ trang.
+ Luận giải, làm sâu sắc thêm những vấn đề như: mục tiêu, chủ thể, đối
tượng, nội dung, phương pháp, hình thức GDPL trong QĐNDVN, đồng thời phân
tích làm rõ những yếu tố tác động, các điều kiện bảo đảm và những yêu cầu đặc thù
của GDPL trong quân đội so với GDPL cho các nhóm đối tượng khác trong xã hội.
+ Khảo cứu, tìm hiểu các quan điểm và kinh nghiệm về GDPL trong quân
đội của một số quốc gia khác để rút ra những giá trị tham khảo cho hoạt động
GDPL nói chung, GDPL trong QĐNDVN nói riêng ở Việt Nam.
- Về phương diện thực tiễn, luận án cần tiếp tục:
+ Khảo sát các hoạt động GDPL được tiến hành trong tất cả các quân, binh
chủng của QĐNDVN trong khoảng 10 năm gần đây; kết hợp sử dụng những
phương pháp nghiên cứu liên ngành luật học, xã hội học để phân tích, đánh giá thực
trạng một cách toàn diện, khách quan, chỉ ra những thành tựu, hạn chế và nguyên
nhân trong hoạt động này.
+ Xác định và phân tích những vấn đề cấp thiết đang được đặt ra với hoạt
động GDPL trong QĐNDVN hiện nay, gắn với những quy định mới về nhiệm vụ
của quân đội trong Hiến pháp năm 2013 trong bối cảnh xây dưng nhà nước pháp
quyền và hội nhập quốc tế.
25
+ Xác định các phương hướng, giải pháp có tính toàn diện và có tầm chiến
lược để tăng cường GDPL trong QĐNDVN. Luận giải về tính khoa học và khả thi
của các phương hướng, giải pháp đó.
1.4. Câu hỏi nghiên cứu, giả thuyết khoa học và hướng tiếp cận nghiên
cứu của luận án
1.4.1. Câu hỏi nghiên cứu
Từ những phân tích tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài, tác
giả xác định một câu hỏi nghiên cứu xuyên suốt cho toàn bộ luận án và 4 câu hỏi
nghiên cứu cụ thể cần giải đáp, tương ứng với 4 chương của luận án.
Câu hỏi nghiên cứu xuyên suốt cho toàn bộ luận án là: Vì sao và cần phải
làm gì để tăng cường GDPL trong QĐNDVN hiện nay?
Bốn câu hỏi nghiên cứu cụ thể cho các chương của luận án là:
(1) Vì sao GDPL lại cần thiết trong QĐNDVN trong giai đoạn hiện nay?
(2) GDPL trong QĐNDVN có những đặc điểm và yêu cầu gì đặc thù so với
GDPL nói chung?
(3) Thực trạng GDPL trong QĐNDVN hiện nay đang đặt ra những vấn đề
gì cần khắc phục, sửa đổi?
(4) Phương hướng, giải pháp nào để tăng cường GDPL trong QĐNDVN
trong giai đoạn hiện nay?
1.4.2. Giả thuyết khoa học
Trên cơ sở phân tích tổng quan tình hình nghiên cứu, các câu hỏi nghiên cứu
và những vấn đề lý luận và thực tiễn GDPL trong QĐNDVN, tác giả xác định giả
thuyết khoa học của luận án như sau:
GDPL đã được thực hiện và ngày càng được chú trọng trong QĐNDVN
nhưng hiện vẫn còn mang tính hình thức, hiệu quả hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là
do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan
trọng của GDPL trong QĐNDVN trong tình hình mới của đất nước, vì vậy chưa có
phương pháp triển khai phù hợp với đặc thù tổ chức, hoạt động của quân đội. Để
tăng cường GDPL trong QĐNDVN, cần xác định đây là một trong những nhiệm vụ
trọng tâm của quân đội trong tình hình mới và cải cách toàn diện cả về nội dung,
26
hình thức, phương pháp, mục tiêu, kết quả, chủ thể và đối tượng của GDPL trong
QĐNDVN trên cơ sở phù hợp với chức năng, nhiệm vụ đặc thù của quân đội nói
chung, của từng dạng cán bộ, chiến sĩ nói riêng.
1.4.3. Hướng tiếp cận nghiên cứu của luận án
Luận án sử dụng cách tiếp cận đa ngành, liên ngành khoa học xã hội nhưng
lấy luật học, đặc biệt là Luật Hiến pháp và Luật Hành chính là chủ đạo, cụ thể là:
- Tiếp cận đa ngành và liên ngành khoa học xã hội: GDPL là một loại hình
giáo dục nói chung, vì vậy cần được nghiên cứu dưới góc độ các lý thuyết, quan
điểm của nhiều ngành khoa học xã hội như triết học, giáo dục học, xã hội học, văn
hoá học, sử học, tâm lý học và luật học. Trong luận án, những lý thuyết, quan điểm
và phương pháp nghiên cứu của các ngành khoa học xã hội khác ngoài luật học
được sử dụng một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, ở những mức độ khác nhau, để làm
rõ và toàn diện hơn không chỉ những vấn đề lý luận mà cả thực trạng và những giải
pháp tăng cường GDPL trong QĐNDVN.
- Tiếp cận luật học, đặc biệt là Luật Hiến pháp và Luật Hành chính: đây là
cách tiếp cận chính bởi luận án được thực hiện dưới mã ngành luật học, chuyên
ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính. Theo hướng tiếp cận này, đối tượng
nghiên cứu chính của luận án là các vấn đề pháp lý về GDPL trong QĐNDVN hiện
nay. Những lý thuyết, quan điểm, phương pháp nghiên cứu của Luật Hiến pháp,
Luật Hành chính được xem là chủ đạo, được sử dụng một cách trực tiếp, xuyên suốt
trong toàn bộ luận án nhằm giải quyết tất cả những câu hỏi nghiên cứu đặt ra.
27
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Trong thời gian qua, GDPL trong QĐNDVN đã bắt đầu được nghiên cứu ở
nước ta và đã đạt được một số kết quả. Những công trình nghiên cứu đã công bố về
vấn đề này đã đề cập và làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận và thực tiễn của GDPL
trong QĐNDVN.
Tuy nhiên, so với các công trình nghiên cứu về GDPL nói chung, số lượng
các công trình nghiên cứu về GDPL trong QĐNDVN ở nước ta còn rất ít. Các công
trình nghiên cứu về GDPL trong QĐNDVN đã công bố chủ yếu ở cấp độ và trên
quy mô nhỏ (luận văn), vì thế mới chỉ đề cập đến một số vấn đề và lý giải một cách
tổng quát nội dung. Trong khi đó, hầu như chưa có công trình nghiên cứu ngoài
nước nào về GDPL trong quân đội, đặc biệt là trong QĐND Việt Nam.
Từ việc khảo sát tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài, có thể
thấy còn rất nhiều vấn đề lý luận, thực tiễn mà luận án cần làm rõ, trong đó đặc biệt
xoay quanh tính đặc thù của hoạt động GDPL trong quân đội và thực tiễn hoạt động
GDPL trong QĐNDVN. Đây là những nội dung chưa được các tác giả khác chú ý,
vì thế sẽ là hướng nghiên cứu chính của luận án này. Thông qua việc làm rõ những
đặc thù của hoạt động GDPL trong quân đội, luận án sẽ phân tích, đánh giá thực
trạng GDPL trong QĐNDVN và đề xuất những giải pháp nhằm tăng cường hoạt
động quan trọng này trong quân đội nước ta trong thời gian tới.
28
Chương 2
NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ GIÁO DỤC PHÁP LUẬT
TRONG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM
2.1. Khái niệm và đặc điểm của giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân
dân Việt Nam
2.1.1. Khái niệm giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Để hiểu rõ về hoạt động GDPL trong QĐNDVN, trước hết cần tìm hiểu và
thống nhất nhận thức về GDPL nói chung và GDPL trong QĐNDVN nói riêng.
Về GDPL, theo Từ điển Bách khoa Việt Nam năm 2003: "GDPL là quá trình
tác động của cả hai nhân tố chủ quan và khách quan đến việc hình thành và phát
triển ý thức pháp luật của cá nhân. Nhân tố khách quan là điều kiện kinh tế, chế độ
chính trị xã hội, môi trường sống trực tiếp của cá nhân (gia đình, bạn bè…). Nhân
tố chủ quan là hoạt động định hướng có tổ chức, có hệ thống của các thể chế trong
nhà nước và xã hội” [59, tr.124]. Như vậy, theo định nghĩa này, GDPL được hiểu
bao gồm cả hoạt động dạy học pháp luật trong các nhà trường và các hoạt động
GDPL khác được thực hiện bởi nhà trường, gia đình và xã hội.
Trong thực tế, GDPL thường được sử dụng kết hợp với “phổ biến pháp luật”.
Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương ngày 09/12/2003 có ghi:
“PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của
toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng… thực hiện tốt công tác
này để góp phần tạo chuyển biến căn bản về ý thức tôn trọng pháp luật và nghiêm
chỉnh chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân” [1, tr.01]. Như vậy, văn kiện
này đã nhấn mạnh vị trí, vai trò của GDPL (cùng với phổ biến pháp luật) trong công
tác giáo dục chính trị, tư tưởng nói chung ở nước ta. Đây là cách tiếp cận được tái
khẳng định trong Điều 3 Luật Phổ biến, GDPL năm 2012: “PBGDPL là trách nhiệm
của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt” [59, tr. 01].
Sở dĩ thuật ngữ GDPL thường được sử dụng kết hợp với “phổ biến pháp
luật”, và đôi khi còn bao gồm cả “tuyên truyền pháp luật” là bởi các khái niệm này
đều có mục đích giống nhau là trang bị tri thức pháp luật, nhằm hình thành tình
cảm, niềm tin của đối tượng vào pháp luật và việc tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên,
29
cần thấy rằng mặc dù có liên hệ khăng khít nhưng GDPL không đồng nhất với phổ
biến pháp luật. Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam năm 2003: “Phổ biến pháp luật
là truyền tải thông tin pháp luật tới các tầng lớp dân cư trong xã hội. Nội dung thông
tin pháp luật ở đây được hiểu không chỉ gồm các văn bản quy phạm pháp luật do
các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành mà cả thông tin về các giá trị xã hội
của pháp luật với mục đích làm cho mọi người hiểu, biết và tuân thủ pháp luật” [59,
tr.491]. Như vậy, theo nghĩa này, phổ biến pháp luật là hoạt động nhằm làm cho đối
tượng cụ thể hiểu biết các quy định của pháp luật để thực hiện pháp luật trên thực
tế, trong khi GDPL (như đã trình bày ở trên), có nghĩa rộng hơn, bao trùm lên phổ
biến pháp luật.
Trong thực tiễn ở nước ta, GDPL thường được hiểu ở hai cấp độ khác nhau
như sau:
- Cấp độ thứ nhất, GDPL được hiểu là quá trình hình thành ý thức pháp luật
và văn hoá pháp lý của các thành viên trong xã hội. Quá trình đó chịu sự tác động
tích cực cũng như tiêu cực, có chủ định cũng như tự phát của các điều kiện khách
quan và nhân tố chủ quan như hoàn cảnh kinh tế-xã hội, chế độ chính trị, hoạt động
tư tưởng, hệ thống pháp luật và thực tiễn pháp lý, môi trường sống cũng như giáo
dục nói chung [52, tr.10]. Theo nghĩa này, khái niệm GDPL được hiểu bao gồm cả
hoạt động dạy luật trong các nhà trường và hoạt động phổ biến, tuyên truyền pháp
luật qua những cách thức, biện pháp khác nhau. Vì thế, GDPL trở thành sợi chỉ
xuyên qua gia đình, trường học, doanh nghiệp, các tổ chức Đảng, Nhà nước và các
đoàn thể xã hội [52, tr. 12].
Quan niệm như trên xuất phát từ cách tiếp cận khái niệm giáo dục theo nghĩa
rộng, trong đó giáo dục được hiểu là quá trình ảnh hưởng của những điều kiện
khách quan (chế độ chính trị, điều kiện kinh tế xã hội, môi trường sống...) và các
nhân tố chủ quan (tác động tự giác, có chủ định và mục đích của con người) lên việc
hình thành các phẩm chất, kỹ năng nhất định của đối tượng giáo dục.
- Cấp độ thứ hai, GDPL được hiểu theo nghĩa hẹp: GDPL là hoạt động định
hướng có tổ chức, có chủ định của chủ thể giáo dục tác động lên đối tượng giáo dục
nhằm mục đích hình thành ở họ tri thức pháp lý, tình cảm và hành vi phù hợp với
các đòi hỏi của hệ thống pháp luật hiện hành [52, tr. 13].
30
Quan niệm về GDPL theo nghĩa hẹp phù hợp với khái niệm giáo dục được sử
dụng trong khoa học sư phạm: Giáo dục là quá trình tác động có kế hoạch, có nội dung
và bằng phương pháp khoa học của các nhà sư phạm trong nhà trường tới học sinh
nhằm giúp cho họ nhận thức, phát triển trí tuệ và hình thành nhân cách. Giáo dục bao
gồm quá trình dạy học và quá trình giáo dục theo nghĩa hẹp [149, tr.22].
Trong phạm vi luận án này, tác giả tập trung xem xét khái niệm GDPL theo
nghĩa hẹp, theo đó khái niệm GDPL trong QĐNDVN được hiểu như sau:
Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam là hoạt động có mục
đích của các đơn vị quân đội nhằm cung cấp tri thức pháp luật, bồi dưỡng tình cảm
và hành vi pháp luật chuẩn mực cho cán bộ, chiến sĩ thông qua những hình thức,
phương pháp, phương tiện giáo dục nhất định.
2.1.2. Đặc điểm của giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
So với các môi trường dân sự khác, hoạt động GDPL trong QĐNDVN có
nhiều thuận lợi nhưng đồng thời cũng có những khó khăn nhất định. Những thuận
lợi và khó khăn này xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của QĐNDVN trong tình
hình mới và được thể hiện qua các đặc điểm như sau:
2.1.2.1. Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam diễn ra trong
một môi trường đặc biệt
Khác với tất cả các bộ, ngành, kể cả Bộ Công an - một bộ phận quan trọng
khác của lực lượng vũ trang - QĐNDVN có những đặc thù về cơ cấu tổ chức bộ
máy cũng như chức năng, nhiệm vụ. Hiện nay, theo quy định của pháp luật nước ta,
trong cơ cấu của Chính phủ, chỉ có Bộ Quốc phòng có hệ thống cơ quan bảo vệ
pháp luật độc lập (Điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, Thi hành án quân đội) được tổ
chức từ cấp bộ đến cấp quân khu, quân đoàn. Một đặc điểm nổi bật của GDPL trong
QĐNDVN là các đơn vị quân đội thường đóng quân ở những vùng biên giới hải
đảo, vùng sâu, vùng xa. Hoạt động quân sự là những hoạt động thường diễn ra trong
môi trường khó khăn, căng thẳng với kỷ luật chặt chẽ, thống nhất, nghiêm minh.
Mặc dù đóng quân ở các vùng miền khác nhau, mỗi đơn vị có nhiệm vụ khác nhau
nhưng tất cả các đơn vị quân đội đều phải tuân theo 11 chế độ trong ngày, 3 chế độ
trong tuần với các chế độ học tập công tác một cách thống nhất trong toàn quân, bao
gồm các chế độ đọc báo, xem thời sự, ngày chính trị, văn hóa, tinh thần, ngày pháp
31
luật, diễn tập tổng hợp… Những đợt diễn tập ngoài thao trường với những tình
huống tác chiến căng thẳng, điều kiện thao trường với nhiều khó khăn, gian khổ,
nhưng các hoạt động quân sự vẫn được tiến hành thường xuyên, liên tục. Bên cạnh
đó, do hoạt động quân sự liên quan đến bí mật quân sự, bí mật quốc gia nên hoạt
động quân sự được điều chỉnh bởi nhiều quy phạm pháp luật đặc thù được ghi trong
Điều lệnh, Điều lệ mà chỉ áp dụng trong quân đội. Các hoạt động này diễn ra trong
mọi điều kiện hoàn cảnh, ban ngày cũng như ban đêm, trên giảng đường cũng như
trên thao trường, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cường độ cao, sự phối hợp
chính xác tuyệt đối, kỷ luật chặt chẽ và nghiêm minh. Đây là những đặc trưng
chung của các hoạt động quân sự, trong đó có hoạt động GDPL.
2.1.2.2. Chủ thể giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam là
các cán bộ quân đội có ý thức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm cao
Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư Trung ương chỉ rõ: GDPL là nhiệm vụ của toàn
bộ hệ thống chính trị. Trong quân đội, công tác GDPL do nhiều cơ quan, tổ chức, cá
nhân khác nhau thực hiện. Thực hiện nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp
về mọi mặt, Đảng uỷ quân sự các cấp là cơ quan lãnh đạo công tác GDPL trong các
đơn vị, người chỉ huy các đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện công
tác này. Cơ quan chính trị các cấp là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về
hoạt động GDPL trong toàn quân. Bên cạnh đó Vụ Pháp chế của Bộ Quốc phòng là
cơ quan tham mưu cho Bộ về công tác chuyên môn trong GDPL.
So với các bộ, ngành khác, QĐNDVN có những đặc điểm đặc thù về tổ chức
đội ngũ BCVPL. Họ là các sĩ quan có kinh nghiệm quân sự, có ý thức kỷ luật và
tinh thần trách nhiệm cao. Hiện nay trong cơ cấu của BQP, ngoài các đơn vị chiến
đấu, phục vụ chiến đấu còn có hệ thống học viện và nhà trường để đào tạo sĩ quan,
hạ sĩ quan, nhân viên nghiệp vụ ở các quân, binh chủng. Mặc dù các trường có chức
năng đào tạo và quy mô tổ chức khác nhau, nhưng trong hệ thống các nhà trường
quân sự có đội ngũ giáo viên pháp luật chuyên nghiệp được đào tạo từ các trường
luật trong cả nước. Đây đồng thời là đội ngũ BCVPL có năng lực cao mà nhiều bộ
ngành khác không có. Tuy nhiên, trong hệ thống nhà trường quân đội hiện nay chưa
có trường đào tạo chuyên về luật. Điều này có ảnh hưởng nhất định đến việc đào
tạo, chuẩn hóa đội ngũ GVPL và BCVPL trong Quân đội.
32
Bên cạnh đó, do đặc thù của hoạt động quân đội liên quan đến bí mật quân
sự, bí mật quốc gia nên chỉ trong BQP mới có một hệ thống cơ quan bảo vệ pháp
luật riêng. Hệ thống cơ quan này cũng bao gồm các chuyên gia pháp luật được đào
tạo bài bản, chuyên sâu. Đây cũng là nguồn quan trọng của đội ngũ BCVPL chuyên
nghiệp được tổ chức ở tất cả các quân binh chủng trong toàn quân.
Ngoài hai nhóm chủ thể chuyên nghiệp nêu trên, trong cơ cấu của BQP còn có
hệ thống cơ quan pháp chế, thanh tra được tổ chức giống các đơn vị dân sự khác. Để
trở thành BCVPL chuyên nghiệp đòi hỏi các chủ thể này vừa có kiến thức pháp luật
chuyên sâu, vừa có kiến thức sư phạm tốt và kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực
quân sự. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay, lực lượng báo cáo viên pháp luật
trong QĐNDVN vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu GDPL ngày càng cao của CBCS.
Bên cạnh đội ngũ BCVPL đang được củng cố, xây dựng theo hướng chuyên
nghiệp hóa (do cơ quan chính trị các cấp quản lý), trong cơ cấu của BQP còn có Vụ
Pháp chế, cơ quan chịu trách nhiệm tham mưu cho BQP xây dựng, quản lý các
chương trình, đề án phổ biến, GDPL trong toàn quân.
2.1.2.3. Đối tượng của giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt
Nam là các cán bộ, chiến sĩ có ý thức kỷ luật cao
Đối tượng của GDPL trong QĐNDVN là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp,
công nhân, viên chức quốc phòng và hạ sĩ quan chiến sĩ trong toàn quân. Xét từ góc
độ cấu trúc, ở các đơn vị, có thể chia các đối tượng này thường được chia thành 2
nhóm cơ bản đó là:
Nhóm 1: Cán bộ, bao gồm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, viên chức quốc
phòng (gọi chung là nhóm cán bộ). Đây là các quân nhân đã được đào tạo cơ bản về
pháp luật trong các nhà trường quân đội hoặc các trường đại học dân sự, cụ thể là
qua các môn học Nhà nước và pháp luật hay Pháp luật đại cương. Họ thường là
những cán bộ có thâm niên trong QĐNDVN từ 5 năm trở lên, trong đó bao gồm các
sĩ quan trung cấp và cao cấp. Đại đa số những người này là đảng viên, có bản lĩnh
chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, tác phong kỷ luật cao và có nhiều kinh
nghiệm công tác. Nói cách khác, hầu hết các đối tượng này đã được tuyển chọn, đào
tạo rất kỹ trong các nhà trường quân sự. Đây là một thuận lợi đáng kể cho hoạt động
GDPL trong QĐNDVN.
33
Nhóm 2: Hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân viên quốc phòng (gọi chung là nhóm
chiến sĩ): Đây là nhóm đối tượng đông hơn, mang tính chủ yếu của hoạt động
GDPL trong QĐNDVN hiện nay. Trong nhóm đối tượng này có lực lượng chính là
các chiến sĩ nghĩa vụ quân sự đang đóng quân ở khắp mọi miền đất nước, lực lượng
học viên đang đào tạo chính quy trong các nhà trường quân đội và công nhân ở các
doanh nghiệp quân đội. Nhóm này có sự thay đổi thường xuyên, nhất là lực lượng
chiến sĩ nghĩa vụ quân sự - họ là những người thường chỉ phục vụ trong quân đội 24
tháng rồi xuất ngũ trở về các địa phương (theo Điều 21 Luật Nghĩa vụ quân sự năm
2015). Đối với học viên trong các nhà trường quân đội có thời gian đào tạo từ 1
năm với đối tượng sơ cấp đến 6 năm đối với học viên đào tạo ở một số học viện
(thường là 5 năm). Đây là lực lượng được tuyển chọn khá kỹ cả về lý lịch chính trị,
sức khỏe và tinh thần tự nguyện phục vụ QĐNDVN. Điểm chuẩn đầu vào của các
trường đào tạo sĩ quan trong những năm qua rất cao cho thấy chất lượng đầu vào
của nhóm đối tượng này là rất tốt. Đối với nhóm công nhân viên quốc phòng của
các doanh nghiệp quân đội cũng được tuyển chọn rất kỹ về lý lịch chính trị, sức
khỏe. Lực lượng này cũng phải tuân theo các chế độ sinh hoạt cơ bản giống các
quân nhân khác khi sống trong tập thể doanh trại quân đội. Do đó, họ cũng có ý
thức kỷ luật, thái độ chính trị tốt hơn các công nhân tại các doanh nghiệp dân sự.
Ngoài 2 nhóm đối tượng chủ yếu trên đây, theo Điều 10 Thông tư 42 của
BQP năm 2016, đối tượng của GDPL trong BQP còn bao gồm cả lực lượng dân
quân tự vệ, dự bị động viên và cán bộ, nhân dân trong thời gian huấn luyện, giáo
dục, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng tại các trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh,
cơ sở giáo dục đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện của QĐNDVN và nhân dân tại khu
vực đóng quân. Tuy nhiên, như đã đề cập, do không nằm trong biên chế quân đội
nên đây không phải là nhóm đối tượng nghiên cứu chính của luận án.
Đặc điểm nổi bật của các đối tượng của GDPL trong QĐNDVN đã nêu trên
là tất cả các quân nhân phải tuân theo 11 chế độ trong ngày, 3 chế độ trong tuần áp
dụng thống nhất trong toàn quân và thường được thực hiện khép kín trong doanh
trại quân đội với sự bảo vệ an ninh rất chặt chẽ. Do phải qua quá trình tuyển quân
nên hầu hết CBCS đều có sức khỏe tốt, ý thức kỷ luật cao, tinh thần, thái độ chính
trị tích cực. Việc áp dụng thời gian biểu thống nhất các công việc hàng ngày theo
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam

More Related Content

What's hot

Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của tòa án nhân dân.
Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của tòa án nhân dân.Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của tòa án nhân dân.
Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của tòa án nhân dân.akirahitachi
 
Đề tài: Tăng cường sự lãnh đạo của các tổ chức cơ sở Đảng, HAY
Đề tài: Tăng cường sự lãnh đạo của các tổ chức cơ sở Đảng, HAYĐề tài: Tăng cường sự lãnh đạo của các tổ chức cơ sở Đảng, HAY
Đề tài: Tăng cường sự lãnh đạo của các tổ chức cơ sở Đảng, HAYDịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Luận văn:Bồi dưỡng năng lực công tác xây dựng Đảng của đội ngũ bí thư đảng ủy
Luận văn:Bồi dưỡng năng lực công tác xây dựng Đảng của đội ngũ bí thư đảng ủyLuận văn:Bồi dưỡng năng lực công tác xây dựng Đảng của đội ngũ bí thư đảng ủy
Luận văn:Bồi dưỡng năng lực công tác xây dựng Đảng của đội ngũ bí thư đảng ủyDịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 

What's hot (20)

Luận văn: Giáo dục ý thức pháp luật cho sinh viên các trường đại học
Luận văn: Giáo dục ý thức pháp luật cho sinh viên các trường đại họcLuận văn: Giáo dục ý thức pháp luật cho sinh viên các trường đại học
Luận văn: Giáo dục ý thức pháp luật cho sinh viên các trường đại học
 
Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của tòa án nhân dân.
Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của tòa án nhân dân.Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của tòa án nhân dân.
Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của tòa án nhân dân.
 
Đề tài: Tăng cường sự lãnh đạo của các tổ chức cơ sở Đảng, HAY
Đề tài: Tăng cường sự lãnh đạo của các tổ chức cơ sở Đảng, HAYĐề tài: Tăng cường sự lãnh đạo của các tổ chức cơ sở Đảng, HAY
Đề tài: Tăng cường sự lãnh đạo của các tổ chức cơ sở Đảng, HAY
 
Luận văn: Áp dụng pháp luật trong xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự
Luận văn: Áp dụng pháp luật trong xét xử sơ thẩm các vụ án hình sựLuận văn: Áp dụng pháp luật trong xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự
Luận văn: Áp dụng pháp luật trong xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự
 
Luận văn: Quản lý nhà nước về phòng,chống ma túy, tỉnh Phú Yên
Luận văn: Quản lý nhà nước về phòng,chống ma túy, tỉnh Phú YênLuận văn: Quản lý nhà nước về phòng,chống ma túy, tỉnh Phú Yên
Luận văn: Quản lý nhà nước về phòng,chống ma túy, tỉnh Phú Yên
 
Luận văn: Phổ biến giáo dục pháp luật trên tỉnh Quảng Ninh, HOT
Luận văn: Phổ biến giáo dục pháp luật trên tỉnh Quảng Ninh, HOTLuận văn: Phổ biến giáo dục pháp luật trên tỉnh Quảng Ninh, HOT
Luận văn: Phổ biến giáo dục pháp luật trên tỉnh Quảng Ninh, HOT
 
Đề tài: Bảo đảm quyền con người trong Hiến pháp Việt Nam, HOT
Đề tài: Bảo đảm quyền con người trong Hiến pháp Việt Nam, HOTĐề tài: Bảo đảm quyền con người trong Hiến pháp Việt Nam, HOT
Đề tài: Bảo đảm quyền con người trong Hiến pháp Việt Nam, HOT
 
Luận văn: Kỹ thuật lập pháp trong Quốc triều hình luật, HAY
Luận văn: Kỹ thuật lập pháp trong Quốc triều hình luật, HAYLuận văn: Kỹ thuật lập pháp trong Quốc triều hình luật, HAY
Luận văn: Kỹ thuật lập pháp trong Quốc triều hình luật, HAY
 
Luận văn: Tội giết người trên địa bàn miền Đông Nam Bộ, HOT
Luận văn: Tội giết người trên địa bàn miền Đông Nam Bộ, HOTLuận văn: Tội giết người trên địa bàn miền Đông Nam Bộ, HOT
Luận văn: Tội giết người trên địa bàn miền Đông Nam Bộ, HOT
 
Luận văn: Phòng ngừa tội phạm quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng
Luận văn: Phòng ngừa tội phạm quận Cẩm Lệ, TP Đà NẵngLuận văn: Phòng ngừa tội phạm quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng
Luận văn: Phòng ngừa tội phạm quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng
 
Luận văn: Vai trò của Hiến pháp trong việc kiểm soát Nhà nước
Luận văn: Vai trò của Hiến pháp trong việc kiểm soát Nhà nướcLuận văn: Vai trò của Hiến pháp trong việc kiểm soát Nhà nước
Luận văn: Vai trò của Hiến pháp trong việc kiểm soát Nhà nước
 
Luận văn: Tội giết người trên địa bàn tỉnh Nghệ An, HOT
Luận văn: Tội giết người trên địa bàn tỉnh Nghệ An, HOTLuận văn: Tội giết người trên địa bàn tỉnh Nghệ An, HOT
Luận văn: Tội giết người trên địa bàn tỉnh Nghệ An, HOT
 
Mối quan hệ tố tụng giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát, HAY
Mối quan hệ tố tụng giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát, HAYMối quan hệ tố tụng giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát, HAY
Mối quan hệ tố tụng giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát, HAY
 
Luận văn: Thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án trong Luật Tố tụng
Luận văn: Thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án trong Luật Tố tụng Luận văn: Thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án trong Luật Tố tụng
Luận văn: Thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án trong Luật Tố tụng
 
Luận văn:Bồi dưỡng năng lực công tác xây dựng Đảng của đội ngũ bí thư đảng ủy
Luận văn:Bồi dưỡng năng lực công tác xây dựng Đảng của đội ngũ bí thư đảng ủyLuận văn:Bồi dưỡng năng lực công tác xây dựng Đảng của đội ngũ bí thư đảng ủy
Luận văn:Bồi dưỡng năng lực công tác xây dựng Đảng của đội ngũ bí thư đảng ủy
 
Đề tài: Tội vi phạm an toàn giao thông đường bộ theo Luật, HOT
Đề tài: Tội vi phạm an toàn giao thông đường bộ theo Luật, HOTĐề tài: Tội vi phạm an toàn giao thông đường bộ theo Luật, HOT
Đề tài: Tội vi phạm an toàn giao thông đường bộ theo Luật, HOT
 
Luận văn: Hỏi cung bị can trong Luật tố tụng hình sự, HAY
Luận văn: Hỏi cung bị can trong Luật tố tụng hình sự, HAYLuận văn: Hỏi cung bị can trong Luật tố tụng hình sự, HAY
Luận văn: Hỏi cung bị can trong Luật tố tụng hình sự, HAY
 
Luận văn: Tình hình tội phạm trên địa bàn quận 9, Tp Hồ Chí Minh
Luận văn: Tình hình tội phạm trên địa bàn quận 9, Tp Hồ Chí MinhLuận văn: Tình hình tội phạm trên địa bàn quận 9, Tp Hồ Chí Minh
Luận văn: Tình hình tội phạm trên địa bàn quận 9, Tp Hồ Chí Minh
 
Luận văn: Nguyên tắc suy đoán vô tội trong Luật tố tụng hình sự, HOT
Luận văn: Nguyên tắc suy đoán vô tội trong Luật tố tụng hình sự, HOTLuận văn: Nguyên tắc suy đoán vô tội trong Luật tố tụng hình sự, HOT
Luận văn: Nguyên tắc suy đoán vô tội trong Luật tố tụng hình sự, HOT
 
Đề tài: Hoạt động bào chữa của luật sư trong xét xử sơ thẩm, HOT
Đề tài: Hoạt động bào chữa của luật sư trong xét xử sơ thẩm, HOTĐề tài: Hoạt động bào chữa của luật sư trong xét xử sơ thẩm, HOT
Đề tài: Hoạt động bào chữa của luật sư trong xét xử sơ thẩm, HOT
 

Similar to Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam

Luận Văn Mối Quan Hệ Giữa Nhà Nước Và Mặt Trận Tổ Quốc Trong Hệ Thống Chính T...
Luận Văn Mối Quan Hệ Giữa Nhà Nước Và Mặt Trận Tổ Quốc Trong Hệ Thống Chính T...Luận Văn Mối Quan Hệ Giữa Nhà Nước Và Mặt Trận Tổ Quốc Trong Hệ Thống Chính T...
Luận Văn Mối Quan Hệ Giữa Nhà Nước Và Mặt Trận Tổ Quốc Trong Hệ Thống Chính T...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Duonglap-Mỗi quan hệ giữa Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc trong hệ thống chính t...
Duonglap-Mỗi quan hệ giữa Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc trong hệ thống chính t...Duonglap-Mỗi quan hệ giữa Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc trong hệ thống chính t...
Duonglap-Mỗi quan hệ giữa Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc trong hệ thống chính t...Mộc Đại Lâm
 
Luận văn: Ý thức pháp luật của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân - Gửi miễn p...
Luận văn: Ý thức pháp luật của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân - Gửi miễn p...Luận văn: Ý thức pháp luật của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân - Gửi miễn p...
Luận văn: Ý thức pháp luật của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân - Gửi miễn p...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
PL Giáo-dục-pháp-luật-đối-với-thanh-niên-từ-thực-tiễn-Thành-Phố-Đà-Nẵng.docx
PL Giáo-dục-pháp-luật-đối-với-thanh-niên-từ-thực-tiễn-Thành-Phố-Đà-Nẵng.docxPL Giáo-dục-pháp-luật-đối-với-thanh-niên-từ-thực-tiễn-Thành-Phố-Đà-Nẵng.docx
PL Giáo-dục-pháp-luật-đối-với-thanh-niên-từ-thực-tiễn-Thành-Phố-Đà-Nẵng.docxHoaMai738887
 
Quyền ứng cử đại biểu quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, HOT - Gửi miễn p...
Quyền ứng cử đại biểu quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, HOT - Gửi miễn p...Quyền ứng cử đại biểu quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, HOT - Gửi miễn p...
Quyền ứng cử đại biểu quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, HOT - Gửi miễn p...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật từ thực tiễn Thị xã Sơn Tây, Thành p...
Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật từ thực tiễn Thị xã Sơn Tây, Thành p...Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật từ thực tiễn Thị xã Sơn Tây, Thành p...
Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật từ thực tiễn Thị xã Sơn Tây, Thành p...hieu anh
 
BÀI MẪU tiểu luận Chủ nghĩa hiến pháp và vấn đề bảo vệ quyền con người
BÀI MẪU tiểu luận Chủ nghĩa hiến pháp và vấn đề bảo vệ quyền con ngườiBÀI MẪU tiểu luận Chủ nghĩa hiến pháp và vấn đề bảo vệ quyền con người
BÀI MẪU tiểu luận Chủ nghĩa hiến pháp và vấn đề bảo vệ quyền con ngườiViết thuê báo cáo thực tập giá rẻ
 

Similar to Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam (20)

Đề tài: Chiến lược Cải cách tư pháp với mục tiêu bảo vệ công lý
Đề tài: Chiến lược Cải cách tư pháp với mục tiêu bảo vệ công lýĐề tài: Chiến lược Cải cách tư pháp với mục tiêu bảo vệ công lý
Đề tài: Chiến lược Cải cách tư pháp với mục tiêu bảo vệ công lý
 
Luận văn: Phổ biến, giáo dục pháp luật tại tỉnh Thanh Hoá, HAY
Luận văn: Phổ biến, giáo dục pháp luật tại tỉnh Thanh Hoá, HAYLuận văn: Phổ biến, giáo dục pháp luật tại tỉnh Thanh Hoá, HAY
Luận văn: Phổ biến, giáo dục pháp luật tại tỉnh Thanh Hoá, HAY
 
Luận Văn Mối Quan Hệ Giữa Nhà Nước Và Mặt Trận Tổ Quốc Trong Hệ Thống Chính T...
Luận Văn Mối Quan Hệ Giữa Nhà Nước Và Mặt Trận Tổ Quốc Trong Hệ Thống Chính T...Luận Văn Mối Quan Hệ Giữa Nhà Nước Và Mặt Trận Tổ Quốc Trong Hệ Thống Chính T...
Luận Văn Mối Quan Hệ Giữa Nhà Nước Và Mặt Trận Tổ Quốc Trong Hệ Thống Chính T...
 
Duonglap-Mỗi quan hệ giữa Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc trong hệ thống chính t...
Duonglap-Mỗi quan hệ giữa Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc trong hệ thống chính t...Duonglap-Mỗi quan hệ giữa Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc trong hệ thống chính t...
Duonglap-Mỗi quan hệ giữa Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc trong hệ thống chính t...
 
Luận văn: Mối quan hệ giữa Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc, HOT
Luận văn: Mối quan hệ giữa Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc, HOTLuận văn: Mối quan hệ giữa Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc, HOT
Luận văn: Mối quan hệ giữa Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc, HOT
 
Luận văn: Xây dựng ý thức pháp luật cho nông dân, HOT
Luận văn: Xây dựng ý thức pháp luật cho nông dân, HOTLuận văn: Xây dựng ý thức pháp luật cho nông dân, HOT
Luận văn: Xây dựng ý thức pháp luật cho nông dân, HOT
 
Vai trò của Quốc hội về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, HAY
Vai trò của Quốc hội về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, HAYVai trò của Quốc hội về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, HAY
Vai trò của Quốc hội về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, HAY
 
Luận văn: Vai trò của Quốc hội trong bảo vệ quyền con người, HAY
Luận văn: Vai trò của Quốc hội trong bảo vệ quyền con người, HAYLuận văn: Vai trò của Quốc hội trong bảo vệ quyền con người, HAY
Luận văn: Vai trò của Quốc hội trong bảo vệ quyền con người, HAY
 
Vai trò của Quốc hội trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người
Vai trò của Quốc hội trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con ngườiVai trò của Quốc hội trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người
Vai trò của Quốc hội trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người
 
Luận văn: Ý thức pháp luật của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân - Gửi miễn p...
Luận văn: Ý thức pháp luật của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân - Gửi miễn p...Luận văn: Ý thức pháp luật của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân - Gửi miễn p...
Luận văn: Ý thức pháp luật của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân - Gửi miễn p...
 
PL Giáo-dục-pháp-luật-đối-với-thanh-niên-từ-thực-tiễn-Thành-Phố-Đà-Nẵng.docx
PL Giáo-dục-pháp-luật-đối-với-thanh-niên-từ-thực-tiễn-Thành-Phố-Đà-Nẵng.docxPL Giáo-dục-pháp-luật-đối-với-thanh-niên-từ-thực-tiễn-Thành-Phố-Đà-Nẵng.docx
PL Giáo-dục-pháp-luật-đối-với-thanh-niên-từ-thực-tiễn-Thành-Phố-Đà-Nẵng.docx
 
Quyền ứng cử đại biểu quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, HOT - Gửi miễn p...
Quyền ứng cử đại biểu quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, HOT - Gửi miễn p...Quyền ứng cử đại biểu quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, HOT - Gửi miễn p...
Quyền ứng cử đại biểu quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, HOT - Gửi miễn p...
 
Đề tài: Đặc điểm của pháp luật trong nhà nước pháp quyền, HAY
Đề tài: Đặc điểm của pháp luật trong nhà nước pháp quyền, HAYĐề tài: Đặc điểm của pháp luật trong nhà nước pháp quyền, HAY
Đề tài: Đặc điểm của pháp luật trong nhà nước pháp quyền, HAY
 
Luận văn: Giáo dục pháp luật đối với thanh niên tại Tp Đà Nẵng
Luận văn: Giáo dục pháp luật đối với thanh niên tại Tp Đà NẵngLuận văn: Giáo dục pháp luật đối với thanh niên tại Tp Đà Nẵng
Luận văn: Giáo dục pháp luật đối với thanh niên tại Tp Đà Nẵng
 
Cơ Chế Bảo Vệ Hiến Pháp Bằng Pháp Luật Hiện Nay, HOT.doc
Cơ Chế Bảo Vệ Hiến Pháp Bằng Pháp Luật Hiện Nay, HOT.docCơ Chế Bảo Vệ Hiến Pháp Bằng Pháp Luật Hiện Nay, HOT.doc
Cơ Chế Bảo Vệ Hiến Pháp Bằng Pháp Luật Hiện Nay, HOT.doc
 
Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật từ thực tiễn Thị xã Sơn Tây, Thành p...
Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật từ thực tiễn Thị xã Sơn Tây, Thành p...Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật từ thực tiễn Thị xã Sơn Tây, Thành p...
Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật từ thực tiễn Thị xã Sơn Tây, Thành p...
 
Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tại Thị xã Sơn Tây
Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tại Thị xã Sơn TâyTuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tại Thị xã Sơn Tây
Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tại Thị xã Sơn Tây
 
BÀI MẪU tiểu luận Chủ nghĩa hiến pháp và vấn đề bảo vệ quyền con người
BÀI MẪU tiểu luận Chủ nghĩa hiến pháp và vấn đề bảo vệ quyền con ngườiBÀI MẪU tiểu luận Chủ nghĩa hiến pháp và vấn đề bảo vệ quyền con người
BÀI MẪU tiểu luận Chủ nghĩa hiến pháp và vấn đề bảo vệ quyền con người
 
Luận văn: Thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở, HOT
Luận văn: Thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở, HOTLuận văn: Thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở, HOT
Luận văn: Thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở, HOT
 
Đề tài: Cơ chế bảo vệ Hiến pháp bằng pháp luật ở Việt nam, HOT
Đề tài: Cơ chế bảo vệ Hiến pháp bằng pháp luật ở Việt nam, HOTĐề tài: Cơ chế bảo vệ Hiến pháp bằng pháp luật ở Việt nam, HOT
Đề tài: Cơ chế bảo vệ Hiến pháp bằng pháp luật ở Việt nam, HOT
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864

Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏiDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏiDịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864 (20)

200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc
200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc
200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc
 
Danh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểmDanh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểm
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểmDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểm
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏiDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểmDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểm
 
danh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhua
danh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhuadanh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhua
danh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhua
 
Kinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay Nhất
Kinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay NhấtKinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay Nhất
Kinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay Nhất
 
Kho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểm
Kho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểmKho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểm
Kho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểm
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại họcKho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại học
 
Kho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tử
Kho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tửKho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tử
Kho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tử
 
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểmKho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểm
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu HọcKho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu Học
 
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhất
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhấtKho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhất
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhất
 
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểmKho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểm
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin HọcKho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin Học
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập Khẩu
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập KhẩuKho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập Khẩu
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập Khẩu
 

Recently uploaded

powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxpowerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxAnAn97022
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfchuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfVyTng986513
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líDr K-OGN
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...ThunTrn734461
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIĐiện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...hoangtuansinh1
 
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdfTrnHoa46
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfhoangtuansinh1
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................TrnHoa46
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdfNQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdfNguyễn Đăng Quang
 
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxTrích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxnhungdt08102004
 
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxChàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxendkay31
 

Recently uploaded (20)

powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxpowerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfchuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
 
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdfNQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
 
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxTrích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
 
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
 
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxChàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
 

Luận văn: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam

  • 1. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI NGUYỄN VĂN VI GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRONG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM LUẬN ÁN TIẾN SĨ LUẬT HỌC HÀ NỘI – 2018
  • 2. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI NGUYỄN VĂN VI GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRONG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM Ngành: Luật Hiến pháp và Luật Hành chính Mã số: 9 38.01.02 LUẬN ÁN TIẾN SĨ LUẬT HỌC Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Vũ Công Giao HÀ NỘI – 2018
  • 3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu khoa học của cá nhân tôi. Các kết quả nghiên cứu trình bày trong luận án là trung thực và chưa từng được công bố trong bất kỳ công trình nào khác. Các thông tin, tư liệu trích dẫn trong luận án có nguồn gốc rõ ràng. TÁC GIẢ LUẬN ÁN Nguyễn Văn Vi
  • 4. MỤC LỤC MỞ ĐẦU ....................................................................................................................1 Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN....................................................................................................9 1.1. Tình hình nghiên cứu ở trong nước......................................................................9 1.2. Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài ...................................................................18 1.3. Đánh giá chung về tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài và những vấn đề luận án tiếp tục giải quyết.....................................................................................22 1.4. Câu hỏi nghiên cứu, giả thuyết khoa học và hướng tiếp cận nghiên cứu của luận án .......................................................................................................................25 Chương 2: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRONG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM...................................................28 2.1. Khái niệm và đặc điểm của giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam ...................................................................................................................28 2.2. Các thành tố cơ bản của giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam ..................................................................................................................36 2.3. Sự cần thiết và vai trò của giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam ..................................................................................................................53 2.4. Những yếu tố ảnh hưởng đến giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam ...................................................................................................................59 2.5. Giáo dục pháp luật trong quân đội của một số nước trên thế giới và giá trị tham khảo trong Quân đội nhân dân Việt Nam ........................................................65 Chương 3: THỰC TRẠNG GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRONG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM ...............................................................................70 3.1. Sơ lược cơ cấu tổ chức và phương thức giáo dục pháp luật của Quân đội nhân dân Việt Nam....................................................................................................70 3.2. Thực tiễn triển khai giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam (10 năm gần đây).......................................................................................................78 3.3. Những bài học kinh nghiệm và yêu cầu đặt ra từ thực tiễn triển khai giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam..................................................101
  • 5. Chương 4: QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRONG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM.........................108 4.1. Quan điểm tăng cường giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam ................................................................................................................108 4.2. Giải pháp tăng cường giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay ..........................................................................................................111 KẾT LUẬN............................................................................................................140 DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN .....................................................................................................143 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO.............................................................145
  • 6. DANH MỤC BẢNG Bảng 3.1: Kết quả GDPL của Trường Trung cấp Kỹ thuật Quân khí ......................90 Bảng 3.2: Kết quả GDPL của Trường Trung cấp Kỹ thuật miền Trung ..................91 Bảng 3.3: Kết quả GDPL của Trường Cao đẳng Công nghệ và Kỹ thuật Ô tô........91 Bảng 3.4: Kết quả GDPL của Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự.............................92
  • 7. DANH MỤC BIỂU ĐỒ Biểu đồ 1.1: Sơ đồ các thành tố của giáo dục pháp luật trong QĐNDVN ...............36 Biểu đồ 3.1: Sơ đồ tổ chức bộ máy Quân đội Nhân dân Việt Nam hiện nay ...........70 Biểu đồ 3.2: Thực trạng nhận thức về vai trò của pháp luật trong Quân đội............79 Biểu đồ 3.3: Thực trạng triển khai Ngày pháp luật trong Quân đội .........................80 Biểu đồ 3.4: Thực trạng chủ thể giáo dục pháp luật trong Quân đội........................82 Biểu đồ 3.5: Thực trạng nội dung giáo dục pháp luật trong Quân đội......................83 Biểu đồ 3.6: Thực trạng nhu cầu giáo dục pháp luật trong Quân đội.......................83 Biểu đồ 3.7: Thực trạng phương thức giáo dục pháp luật trong Quân đội ...............86 Biểu đồ 3.8: Thực trạng phương pháp giáo dục pháp luật trong Quân đội...............87 Biểu đồ 3.9: Thực trạng phương pháp thuyết trình...................................................88 Biểu đồ 3.10: Thực trạng kết quả giáo dục pháp luật trong Quân đội......................98
  • 8. 1 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Khoản 1 Điều 2 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân...”[62, tr. 1]. Nhà nước pháp quyền, hiểu theo nghĩa chung nhất, là một cách thức tổ chức nhà nước mà ở đó có sự ngự trị cao nhất của pháp luật, mọi cơ quan nhà nước, mọi tổ chức chính trị xã hội và mọi người dân đều phải tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật. "Sống và làm việc theo pháp luật" là yêu cầu quan trọng nhất của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền. Muốn xây dựng Nhà nước pháp quyền thì bên cạnh điều kiện cần là ban hành một hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tế của quốc gia, còn phải có điều kiện đủ là đưa hệ thống pháp luật vào cuộc sống, làm cho mọi thành viên của xã hội đều hiểu biết các quy định của pháp luật, tự giác chấp hành pháp luật, từ đó bảo đảm pháp luật được thực thi nghiêm chỉnh trong thực tế. Trong xu thế hội nhập và hợp tác quốc tế, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, trước những tác động của cơ chế thị trường, khi mà đời sống kinh tế của đại bộ phận dân cư còn khó khăn, việc Nhà nước chủ động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân nhân, do Nhân dân và vì Nhân dân ở nước ta hiện nay. Nhận thức rõ tầm quan trọng của giáo dục pháp luật trong xây dựng nhà nước pháp quyền, kể từ Đổi mới, Đảng, Nhà nước ta đã rất coi trọng công tác này. Văn kiện Đại hội VI năm 1986 của Đảng đã nhấn mạnh: “Coi trọng công tác giáo dục, tuyên truyền, giải thích pháp luật. Đưa việc dạy pháp luật vào hệ thống các trường của Đảng, của Nhà nước (kể cả các trường phổ thông, đại học), của các đoàn thể nhân dân. Cán bộ quản lý các cấp từ trung ương đến đơn vị cơ sở phải có kiến thức về quản lý hành chính và hiểu biết về pháp luật. Cần sử dụng nhiều hình thức và biện pháp để giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật và làm tư vấn pháp luật cho nhân dân” [38, tr.121]. Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư trung ương Đảng khóa IX về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, tuyên truyền pháp
  • 9. 2 luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân ngày 09/12/2003 đã chỉ ra những định hướng cụ thể trong hoạt động giáo dục pháp luật. Về phía Nhà nước, kể từ khi Đổi mới, Nhà nước ta đã từng bước xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân; trong đó đặc biệt là Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012. Nhờ vậy, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở nước ta đã dần dần đi vào nề nếp và đáp ứng ngày càng tốt hơn những yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế. Ở nước ta, Quân đội có vị trí đặc biệt trong bộ máy nhà nước và trong xã hội. Quân đội nhân dân Việt Nam là một đội quân chiến đấu, một đội quân công tác và là một đội quân sản xuất. Hiến pháp năm 2013, tại Điều 65 đã quy định các nhiệm vụ mới của Quân đội bao gồm: “…bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội... bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”[62, tr. 10]. Lời thề thứ 5 trong 10 lời thề danh dự của quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam ghi: “Nêu cao tinh thần làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, làm tròn nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội và làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Gương mẫu chấp hành và vận động nhân dân thực hiện mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước”. Để thực hiện những nhiệm vụ mới và lời thề thiêng liêng nêu trên của Quân đội, đòi hỏi mọi cán bộ, chiến sĩ phải có hiểu biết không chỉ pháp luật về quốc phòng mà còn về nhiều lĩnh vực khác, không chỉ pháp luật Việt Nam mà cả pháp luật quốc tế. Do đó, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong quân đội là rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh nhà nước pháp quyền nơi mà mọi chủ thể trong xã hội, bao gồm các lực lượng vũ trang, đều phải tôn trọng và tuân thủ Hiến pháp, pháp luật. Có thể khẳng định, hiểu biết pháp luật là một trong những điều kiện thiết yếu để Quân đội có thể tiến lên chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo như quy định của Hiến pháp năm 2013. Hiện tại, trong chương trình đào tạo của các trường sĩ quan quân đội đã có môn học Nhà nước và pháp luật. Đồng thời, theo Chỉ thị số 04/CT-BQP ngày 20/01/2011 của Bộ Quốc phòng, Ngày Pháp luật hàng tháng đã được tổ chức trong
  • 10. 3 tất cả các đơn vị quân đội. Đây là những tiền đề quan trọng của hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Mặc dù vậy, hoạt động giáo dục pháp luật trong Quân đội ở nước ta hiện vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của việc xây dựng nhà nước pháp quyền cũng như việc thực hiện các nhiệm vụ mới của Quân đội được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Bối cảnh nêu trên đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu tìm ra nguyên nhân và những giải pháp tăng cường giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay. Đây là một vấn đề mặc dù đã được thảo luận nhưng vẫn chưa được phân tích một cách chuyên sâu, toàn diện và hệ thống ở nước ta. Vì vậy, nghiên cứu sinh quyết định chọn đề tài: “Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam” để thực hiện luận án tiến sĩ luật học chuyên ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính, với mong muốn góp phần khoả lấp khoảng trống nghiên cứu về vấn đề quan trọng này. 2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu của luận án 2.1. Mục đích nghiên cứu Mục đích nghiên cứu của luận án là góp phần xây dựng, hoàn thiện cơ sở lý luận khoa học và đề xuất các quan điểm, giải pháp tăng cường giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam phù hợp với hoàn cảnh của đất nước, đáp ứng những yêu cầu của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. 2.1.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Để đạt được các mục đích đặt ra, luận án tập trung giải quyết các nhiệm vụ cụ thể sau đây: - Khảo sát các vấn đề lý luận về giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Phân tích, đánh giá tính phù hợp của các lý thuyết, quan điểm về giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế ở nước ta. Nghiên cứu cách thức giáo dục pháp luật của quân đội một số nước trên thế giới để rút ra một số bài học tham khảo cho việc đổi mới, tăng cường giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
  • 11. 4 - Phân tích khuôn khổ chính sách, pháp luật hiện hành về giáo dục pháp luật trong Quân đội Nhân dân Việt Nam và đánh giá tính phù hợp của nó trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền, hội nhập quốc tế, cũng như trong việc thực hiện những nhiệm vụ mới của Quân đội theo Hiến pháp 2013. - Phân tích thực trạng hoạt động giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam, đánh giá những kết quả và chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đồng thời xác định những nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế của hoạt động giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay. - Nhận diện những yêu cầu cấp thiết đang đặt ra đối với hoạt động giáo dục pháp luật trong Quân đội hiện nay. Đề xuất và luận giải tính khoa học, khả thi của các quan điểm, giải pháp tăng cường giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời gian tới. 3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu của luận án 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận án là các vấn đề lý luận, pháp lý và thực tiễn của hoạt động giáo dục pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. 3.2. Phạm vi nghiên cứu - Về mặt nội dung, luận án chỉ tập trung nghiên cứu các vấn đề lý luận, pháp lý và thực tiễn của hoạt động giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Việc đề cập đến hoạt động giáo dục pháp luật nói chung và giáo dục pháp luật trong quân đội một số nước chỉ để làm nền tảng cho việc phân tích hoạt động giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam. - Về mặt không gian, luận án tập trung nghiên cứu các vấn đề lý luận, pháp lý và thực tiễn của hoạt động giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Những phân tích về hoạt động giáo dục pháp luật của quân đội một số nước khác chỉ mang tính khái quát, nhằm mục đích so sánh, tham chiếu. - Về mặt thời gian, luận án chỉ khảo sát, đánh giá hoạt động giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam trong khoảng 10 năm gần đây, cụ thể là từ khi Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX ban hành Chỉ thị số 32/CT-TW ngày 09/12/2003 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo
  • 12. 5 dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân, và đặc biệt là khoảng thời gian từ năm 2011 đến nay, kể từ khi Bộ Quốc phòng ban hành Chỉ thị số 04/2011/CT-BQP ngày 20/01/2011 về việc triển khai thực hiện” Ngày Pháp luật” trong Quân đội. 4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu 4.1. Phương pháp luận Luận án vận dụng phương pháp luận biện chứng duy vật của triết học Mác- Lênin và một số lý thuyết, quan điểm khoa học được thừa nhận rộng rãi trên thế giới có liên quan đến giáo dục pháp luật để làm cơ sở phân tích. 4.2. Phương pháp nghiên cứu Trong quá trình thực hiện luận án, tác giả đã kết hợp áp dụng các phương pháp nghiên cứu của một số ngành khoa học xã hội, bao gồm luật học, triết học, giáo dục học và xã hội học. Cụ thể, những phương pháp nghiên cứu sau đây được vận dụng để giải quyết các nhiệm vụ nghiên cứu đặt ra của luận án: - Các phương pháp tổng hợp, thống kê, phân tích, so sánh để đánh giá tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài và xác định những vấn đề mà luận án cần tiếp tục khảo sát (ở chương 1). - Phương pháp phân tích kết hợp với tổng hợp, so sánh các công trình nghiên cứu hiện có và các tài liệu khác để làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay (ở chương 2). - Các phương pháp tổng hợp, thống kê, phân tích, so sánh các tài liệu, báo cáo có liên quan, kết hợp với các phương pháp quan sát thực tế và khảo sát xã hội học (bằng bảng hỏi và phỏng vấn sâu) để khảo sát, đánh giá thực trạng hoạt động giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay (ở chương 3). - Phương pháp tổng hợp kết hợp so sánh để đề xuất quan điểm, giải pháp tăng cường giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam (ở chương 4). Liên quan đến phương pháp khảo sát xã hội học, do đặc thù của hoạt động quân sự rất đa dạng và rộng lớn, nên trong khuôn khổ thời gian thực hiện luận án, việc khảo sát được thực hiện với 2 nhóm đối tượng cơ bản là cán bộ (lãnh đạo, chỉ huy) và chiến sĩ, công nhân viên (thực hiện nhiệm vụ quân sự) ở 8 đơn vị điển
  • 13. 6 hình: Một đơn vị chủ lực - Sư đoàn 309 Quân đoàn 4; một đơn vị địa phương - Lữ đoàn 77 thuộc Quân khu 7; một đơn vị sự nghiệp- Bệnh viện Quân y 175; một đơn vị làm kinh tế - Liên hiệp xí nghiệp Z751; một trường quân sự đào tạo bậc đại học - Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự (Đại học Trần Đại Nghĩa); một trường quân sự đào tạo bậc cao đẳng - Trường Cao đẳng Công nghệ và Kỹ thuật Ô tô (Sơn Tây, Hà Nội); một trường quân sự đào tạo bậc trung cấp - Trường Trung cấp Kỹ thuật Quân khí (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc); một trường đào tạo nghề - Trường Trung cấp Kỹ thuật miền Trung (Nha Trang, Khánh Hòa). Trong 8 đơn vị chọn mẫu, tác giả lấy phiếu khảo sát trực tiếp từ 25 cán bộ và 75 chiến sĩ, mỗi đơn vị 100 phiếu, tổng số phiếu khảo sát là 800. 5. Những đóng góp mới về mặt khoa học của luận án Luận án là công trình nghiên cứu chuyên sâu đầu tiên ở trình độ tiến sỹ về vấn đề giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam, vì vậy có những đóng góp mới về mặt khoa học như sau: - Cung cấp một cái nhìn tổng quát, có hệ thống về cơ sở lý luận của giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Về mặt lý luận, luận án khẳng định rằng bên cạnh việc áp dụng những nguyên tắc của giáo dục pháp luật nói chung, để đạt được mục đích và hiệu quả, giáo dục pháp luật trong quân đội nhân dân đòi hỏi phải có cách tiếp cận đặc thù liên quan đến cả chủ thể, đối tượng nội dung, phương pháp, phương tiện, mục tiêu và kết quả của hoạt động này. Bên cạnh đó, do đặc thù của hoạt động quân sự, giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam có những điểm khác biệt so với giáo dục pháp luật của các cơ quan dân sự và khác với hoạt động giáo dục pháp luật của quân đội của nhiều nước khác trên thế giới. - Đánh giá một cách toàn diện tính hợp lý của chính sách, pháp luật hiện hành và thực tiễn tổ chức hoạt động giáo dục pháp luật trong Quân đội so với những yêu cầu đang đặt ra từ việc xây dựng nhà nước pháp quyền, hội nhập quốc tế ở nước ta. Luận án khẳng định rằng, mặc dù đã có cách tiếp cận đúng và bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, song khung khổ pháp luật và thực tiễn tổ chức hoạt động giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng được những yêu cầu đặt ra từ việc xây dựng nhà nước pháp quyền, hội nhập quốc tế ở nước ta.
  • 14. 7 - Nhận diện những yêu cầu và đề xuất các quan điểm, giải pháp phát huy những thành tựu, khắc phục những tồn tại, hạn chế để tăng cường hoạt động giáo dục pháp luật trong Quân đội trong thời gian tới. Luận án khẳng định, để tăng cường hoạt động giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam trước hết cần củng cố nhận thức về tầm quan trọng của hoạt động này trong bối cảnh mới, đồng thời cần sửa đổi toàn diện khung pháp luật hiện hành, trong đó bao gồm cả các quy định về nội dung, hình thức, phương pháp và chủ thể giáo dục pháp luật dựa trên những yếu tố đặc thù của môi trường quân đội. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án 6.1. Ý nghĩa lý luận của luận án Ý nghĩa lý luận của luận án thể hiện ở ba (3) khía cạnh sau đây: Thứ nhất, cho phép nhìn nhận rõ hơn cơ sở khoa học của hoạt động giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam qua việc hệ thống hóa và phân tích, đánh giá các vấn đề lý luận về giáo dục pháp luật trong Quân đội. Thứ hai, cho phép đánh giá rõ ràng, xác thực hơn về hoạt động giáo dục pháp luật trong Quân đội thông qua việc kết hợp sử dụng các phương pháp nghiên cứu của liên ngành luật học, triết học, xã hội học, giáo dục học… để phân tích khuôn khổ chính sách, pháp luật và cách thức tổ chức hoạt động giáo dục pháp luật trong Quân đội hiện nay. Thứ ba, bổ sung, củng cố phương pháp luận của ngành luật hiến pháp-hành chính trong nghiên cứu về giáo dục pháp luật thông qua việc gắn những phân tích về thực trạng và những quan điểm, giải pháp tăng cường hoạt động giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam với các yêu cầu của việc xây dựng nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế. 6.2. Ý nghĩa thực tiễn của luận án Ý nghĩa thực tiễn của luận án thể hiện ở hai (2) điểm sau đây: Thứ nhất, luận án là nguồn tài liệu tham khảo trực tiếp, hữu ích với các cơ quan nhà nước hữu quan trong việc hoàn thiện pháp luật, cơ chế tổ chức cũng như công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoạt động giáo dục pháp luật trong Quân đội trong thời gian tới.
  • 15. 8 Thứ hai, luận án là nguồn tư liệu phục vụ giảng dạy, nghiên cứu trong các cơ sở học thuật, các cơ quan nhà nước và những cá nhân, tổ chức quan tâm đến vấn đề giáo dục pháp luật. 7. Kết cấu của luận án Ngoài các phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, luận án được kết cấu thành bốn (4) chương: - Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án; - Chương 2: Những vấn đề lý luận về giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam; - Chương 3: Thực trạng giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam; - Chương 4: Quan điểm, giải pháp tăng cường giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
  • 16. 9 Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 1.1. Tình hình nghiên cứu ở trong nước Là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta nên trong khoảng hai thập kỷ gần đây, vấn đề giáo dục pháp luật (GDPL) đã thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều cơ quan, tổ chức và nhà khoa học. Hiện tại đã có một số đề tài nghiên cứu ở các cấp độ khác nhau và nhiều sách chuyên khảo, bài báo khoa học, luận văn, luận án về GDPL, trong đó bao gồm một số công trình nghiên cứu đề cập đến GDPL trong Quân đội, đã được thực hiện và công bố ở nước ta. Căn cứ vào nội dung, có thể chia các công trình nghiên cứu về GDPL đã công bố ở nước ta thành các nhóm vấn đề sau: 1) Nhóm công trình đề cập đến các vấn đề lý luận của GDPL; 2) Nhóm công trình đề cập đến GDPL cho những đối tượng cụ thể hoặc ở một khu vực, địa bàn nhất định; 3) Nhóm công trình đề cập đến GDPL trong Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN). Nhóm công trình đề cập đến các vấn đề lý luận của giáo dục pháp luật Những công trình đề cập đến các vấn đề lý luận của GDPL có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì chúng tạo cơ sở về mặt nhận thức, phương pháp luận cho việc đi sâu nghiên cứu các vấn đề cụ thể của GDPL. Ở Việt Nam, thuộc về nhóm này, có thể kể một số công trình tiêu biểu như sau: - Cơ sở khoa học của việc xây dựng ý thức và lối sống theo pháp luật (1995) của PGS. TS Đào Trí Úc [143]. Đây là cuốn sách chuyên khảo về một công trình khoa học cấp nhà nước của nhiều nhà khoa học do PGS. TS Đào Trí Úc là chủ nhiệm đề tài. Trong đề tài này, các tác giả đã đi sâu vào phân tích, đánh giá 7 nội dung cơ bản là: Các thuộc tính và giá trị của pháp luật; Đặc điểm của YTPL trong hệ thống pháp luật Việt Nam; Thực trạng hiểu biết pháp luật và thái độ đối với pháp luật của nhân dân; Các hành vi vi phạm pháp luật; Các hành vi tuân theo pháp luật; Chính sách pháp luật và hệ thống pháp luật. Trong đó, tham luận của tác giả Trần Thị Tuyết: “Tác động của chiến tranh đến sự hình thành ý thức và lối sống theo
  • 17. 10 pháp luật” nêu ra một nhận định đáng quan tâm đó là: chiến tranh có những quy luật riêng của nó, do vậy đã góp phần làm giảm thói tự do, tùy tiện của con người, nhưng cũng để lại những di chứng nặng nề và lâu dài về mặt tâm lý xã hội, đó là tính độc đoán, chuyên quyền [143, tr. 136, 140]. - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về giáo dục pháp luật trong công cuộc đổi mới, Báo cáo tổng quan Đề tài khoa học cấp Bộ năm 1998, mã số 92-98-223, Viện Nghiên cứu Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp) [142]. Đề tài này đã khái quát những vấn đề lý luận, pháp lý và thực tiễn về GDPL ở nước ta, trong đó các vấn đề lý luận bao gồm khái niệm, đặc điểm, tính chất, các hình thức của GDPL. Trên cơ sở những vấn đề lý luận đó nhóm tác giả đã xác định một số giải pháp cụ thể để thúc đẩy GDPL ở nước ta trong công cuộc đổi mới. - Bàn về giáo dục pháp luật (1995), của Trần Ngọc Đường và Dương Thanh Mai [50]. Đây là cuốn sách chuyên khảo công phu về lĩnh vực này ở Việt Nam. Trong công trình này, nghiên cứu sinh (NCS) hoàn toàn đồng ý với quan điểm của các tác giả khi cho rằng GDPL là một dạng giáo dục độc lập, có chủ thể, đối tượng, nội dung, phương pháp, hình thức đặc thù so với giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức: “Bản chất của giáo dục pháp luật là hoạt động có định hướng, có tổ chức, có chủ định của chủ thể giáo dục tác động lên đối tượng giáo dục nhằm mục đích hình thành ở họ tri thức pháp lý, tình cảm và hành vi phù hợp với các đòi hỏi của hệ thống pháp luật hiện hành” [52, tr.13]. Tuy nhiên trong công trình này, các tác giả vẫn chưa đề cập đến thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả của hoạt động GDPL ở nước ta. - Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật của Trường Đại học Luật Hà Nội năm 2004 [134]. Trong cuốn giáo trình này có một mục thuộc chương XVIII, Ý thức pháp luật (YTPL), đề cập đến vấn đề bồi dưỡng và giáo dục nâng cáo YTPL XHCN, trong đó xác định: GDPL là sự tác động một cách có hệ thống, có mục đích và thường xuyên tới nhận thức của con người nhằm trang bị cho mỗi người một trình độ kiến thức pháp lý nhất định để từ đó có ý thức đúng đắn về pháp luật, tôn trọng và tự giác xử sự theo yêu cầu của pháp luật [134, tr. 418-422] - Một số tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (2011) của Đặng Vũ Huân [64]. Trong bài viết này, tác giả cho rằng hiệu quả của
  • 18. 11 công tác GDPL phụ thuộc vào nhiều yếu tố, vì vậy việc đánh giá cần dựa vào nhiều tiêu chí khác nhau. Một trong các tiêu chí mà tác giả nhấn mạnh là tính chủ động, tích cực của công dân tham gia vào các hoạt động như đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật, quản lý nhà nước, đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật, phổ biến tuyên truyền pháp luật. Tác giả kết luận: “Thái độ chấp hành hay không chấp hành của người dân đối với pháp luật phụ thuộc rất lớn vào sự am hiểu pháp luật và đây chính là kết quả của GDPL [64, tr.18] - Giáo dục pháp luật hay giáo dục ý thức pháp luật? (2012) của Ngọ Văn Nhân [97]. Trong bài báo này, tác giả thảo luận về thực trạng và tính chất khoa học, hợp lý của việc sử dụng hai khái niệm: “giáo dục pháp luật” và “giáo dục ý thức pháp luật”. NCS hoàn toàn nhất trí với quan điểm của tác giả, hai khái niệm này có liên quan nhưng không đồng nhất về nội hàm, vì vậy, việc sử dụng hoán đổi hoặc đi liền với nhau có thể gây nhầm lẫn. Sau khi phân tích so sánh, tác giả cho rằng cần thống nhất sử dụng “giáo dục pháp luật” như là khái niệm chuẩn, không nên sử dụng khái niệm “giáo dục ý thức pháp luật” vì không rõ về nội hàm; trong trường hợp muốn nhấn mạnh ý thức pháp luật thì có thể dùng cụm từ “giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật” cho một đối tượng hoặc nhóm đối tượng cụ thể. Ngoài các công trình tiêu biểu kể trên, còn một số công trình nghiên cứu khác ở nước ta cũng đề cập đến những vấn đề lý luận của GDPL, như: Một số vấn đề về phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn hiện nay, của Nguyễn Duy Lãm, 1997 [72]; Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật ở nước ta - thực trạng và giải pháp, của Hồ Quốc Dũng, 1997 [34]; Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong tình hình mới, của Hồ Việt Tiệp, 2000 [122]; Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục pháp luật của Trần Thị Sáu, 2008 [102]; Công tác nghiên cứu lý luận về giáo dục pháp luật trong thời kỳ đổi mới của Lê Văn Hòe, 2008 [57]; Những vấn đề cần quan tâm trong công tác GDPL hiện nay của Phạm Thanh Tuyền, 2009 [141]; Giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức và kỹ năng sống của Lê Thị Phương Nga, 2010 [89]; Hoàn thiện hệ thống giáo dục pháp luật ở Việt Nam nhằm thi hành Hiến chương ASEAN, của Trần Ngọc Dũng, 2010 [33]… Các công trình nghiên cứu này đã làm rõ hơn các vấn đề lý luận về GDPL, đặc biệt là về hình thức, mục tiêu, nội dung, phương pháp GDPL.
  • 19. 12 Mặc dù không trực tiếp đề cập đến các vấn đề lý luận về GDPL trong QĐNDVN, song những công trình nghiên cứu nêu trên vẫn là một nguồn tham khảo hữu ích cho NCS, bởi vì lý luận về GDPL trong quân đội cũng phải dựa trên lý luận chung về GDPL. Nhóm công trình đề cập đến giáo dục pháp luật cho các đối tượng cụ thể hoặc ở một khu vực, địa bàn nhất định. Bên cạnh những công trình nghiên cứu tập trung vào các vấn đề lý luận của GDPL như được giới thiệu ở phần trên, còn có nhiều công trình tập trung phân tích thực trạng và những vấn đề đặt ra trong tổ chức thực hiện GDPL cho các đối tượng cụ thể hoặc ở một khu vực, địa bàn nhất định, trong đó tiêu biểu có thể kể như sau: - Giáo dục pháp luật qua hoạt động tư pháp (1996) của Dương Thị Thanh Mai [78]. Luận án đã phân tích tương đối toàn diện các vấn đề lý luận, pháp lý, thực tiễn của GDPL trong lĩnh vực đặc thù là hoạt động tư pháp. Tác giả kết hợp sử dụng cách tiếp cận của giáo dục học và luật học để luận giải về khái niệm, đặc điểm, các hình thức và các yếu tố tác động đến giáo dục pháp luật trong hoạt động tư pháp. Theo tác giả, đặc thù của GDPL thông qua hoạt động tư pháp chính là hoạt động giáo dục được thực hiện dựa trên thực tiễn hoạt động tranh tụng tại phiên tòa, với sự tham gia của Kiểm sát viên giữ quyền công tố, Thẩm phán và Luật sư. Tác giả cũng cho rằng, bản thân quá trình hoạt động tư pháp đã mang tính chất GDPL, song vấn đề đặt ra là cần phải có những giải pháp cụ thể để phát huy hiệu quả giáo dục với các đối tượng liên quan, trong đó không chỉ bao gồm những người tham gia tố tụng mà cả công chúng đang theo dõi phiên tòa. - Đổi mới giáo dục pháp luật trong hệ thống các trường chính trị ở nước ta hiện nay (1999) của Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh [70]. Đề tài khoa học này phân tích vai trò, nhiệm vụ của các trường chính trị cấp tỉnh trong việc GDPL cho đội ngũ cán bộ, công chức địa phương. Theo các tác giả, các trường chính trị tỉnh là một kênh quan trọng thực hiện công tác GDPL ở nước ta, thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ cấp xã, phường, thị trấn. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng GDPL trong hệ thống các trường chính trị tỉnh sẽ góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật cho cán bộ cấp cơ sở ở nước ta.
  • 20. 13 - Nâng cao ý thức pháp luật của đội ngũ cán bộ quản lý hành chính ở nước ta hiện nay (2002) của Lê Đình Khiên [68]. Luận án phân tích các vấn đề lý luận, thực tiễn về YTPL và nâng cao YTPL của đội ngũ cán bộ quản lý hành chính ở nước ta. Tác giả khẳng định rằng, YTPL có vai trò đặc biệt quan trọng đối với hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, quản lý hành chính; bởi vậy, nâng cao YTPL của đội ngũ này là yêu cầu cấp thiết, có tác động trực tiếp đến việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Trên cơ sở đó, trong số các giải pháp mà tác giả đề xuất nâng cao YTPL của đội ngũ cán bộ quản lý hành chính ở nước ta hiện nay có việc đẩy mạnh công tác GDPL cho đội ngũ cán bộ quản lý hành chính. - Giáo dục pháp luật trong các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam (2008) của Vũ Thị Hoài Phương [100]. Luận án đã phân tích một cách tương đối toàn diện cơ sở lý luận, pháp lý, thực tiễn của việc giáo dục pháp luật cho cán bộ, công nhân viên trong các doanh nghiệp nhà nước dưới góc độ quản lý nhà nước, từ đó đề xuất một số quan điểm, giải pháp nâng cao hiệu quả của hoạt động này. Theo tác giả, các doanh nghiệp nhà nước rất cần nắm vững và hành xử đúng pháp luật vì đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, sử dụng tài sản, vốn của nhà nước và có số lượng lớn người lao động. Do đó, GDPL cho cán bộ, công chức và người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước là rất cần thiết, cần được thực hiện một cách có hệ thống, thường xuyên, qua nhiều hình thức, với nhiều nội dung khác nhau phù hợp với từng nhóm đối tượng khác nhau như lãnh đạo, quản lý, người lao động, cán bộ pháp chế, cán bộ công đoàn… - Các yếu tố ảnh hưởng tới hoạt động giáo dục pháp luật cho cán bộ công chức hành chính ở nước ta (2010) của Nguyễn Quốc Sửu [108]. Trong bài viết này, tác giả đã phân tích ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế, chính trị, pháp lý, văn hóa, xã hội đến chất lượng, hiệu quả của hoạt động GDPL cho cán bộ, công chức hành chính ở nước ta. Theo tác giả, ngoài yếu tố pháp lý, hoạt động GDPL cũng chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội. Chẳng hạn, khi kinh tế phát triển, đời sống vật chất được cải thiện và nâng cao, đội ngũ cán bộ, công chức hành chính có điều kiện để mua sắm các phương tiện nghe nhìn, việc này sẽ tác động thuận lợi đến việc tiếp cận thông tin pháp luật của họ [108, tr.70-79].
  • 21. 14 - Bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật trong nhà trường (2012) của Nguyễn Thị Hồi và Phạm Quang Tiến [58]. Trong cuốn sách này, các tác giả đã phân tích làm rõ những đặc điểm của GDPL trong ngành giáo dục, các nhiệm vụ, nguyên tắc, hình thức, nội dung GDPL cho học sinh phổ thông. Theo các tác giả, đối với các nhà trường, hoạt động GDPL cần phải được thực hiện một cách có trọng tâm, trọng điểm, phải chú trọng vào những nội dung gần gũi và phù hợp nhất với đối tượng giáo dục là học sinh [58, tr.110]. - Phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông (2012) của Trần Viết Lưu [76]. Cuốn sách này phân tích một cách toàn diện mối quan hệ giữa GDPL và kỹ năng sống cho học sinh. Theo tác giả, việc thúc đẩy GDPL cần được coi là một biện pháp cơ bản để đối phó với tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng ở nước ta. GDPL cho học sinh phổ thông cần tránh hình thức, giáo điều. Thay vào đó, cần áp dụng nhiều cách thức phù hợp với độ tuổi, tâm sinh lý của học sinh như qua các câu lạc bộ, đường dây điện thoại tư vấn, các tờ báo và kênh thông tin dành cho tuổi trẻ, học sinh [76, tr.43-46]. - Giáo dục pháp luật cho học sinh trong trường trung học phổ thông ở Việt Nam, (2012) của Trần Thị Sáu [105]. Luận án phân tích các vấn đề lý luận và thực tiễn của công tác GDPL cho học sinh trong các trường trung học phổ thông ở Việt Nam. Tác giả cho rằng các trường trung học phổ thông tuy là một kênh quan trọng thực hiện GDPL cho người dân, cụ thể là cho học sinh, song công tác này chưa được chú ý đúng mức, thể hiện ở những bất cập, hạn chế trong việc lồng ghép kiến thức pháp luật vào môn học giáo dục công dân [105, tr.67]. Từ thực trạng đó, tác giả đề xuất những quan điểm, giải pháp nâng cao chất lượng GDPL cho học sinh trong các trường trung học phổ thông ở Việt Nam trong thời gian tới. Bên cạnh các công trình tiêu biểu nêu trên, còn có khá nhiều luận văn thạc sĩ luật học nghiên cứu về vấn đề GDPL, trong đó tiêu biểu là: Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật ở nước ta - thực trạng và giải pháp (1999) của Hồ Quốc Dũng [34]; Đổi mới giáo dục pháp luật hệ đào tạo trung học chính trị ở nước ta hiện nay (2000) của Nguyễn Ngọc Hoàng [56]; Giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh Bình Định - thực trạng và giải pháp (2002) của Trần Văn Trầm
  • 22. 15 [131]; Giáo dục pháp luật qua hoạt động báo chí (2003) của Nguyễn Sỹ Hùng [66]; Hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật đối với đoàn viên, thanh niên trên địa bàn thành phố Hà Nội trong tiến trình hội nhập phát triển của đất nước (2010) của Bùi Thị Diễm Trang [132]; Giáo dục pháp luật cho đồng bào công giáo ở tỉnh Đồng Nai hiện nay (2011) của Nguyễn Thanh Tùng [139]; Vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong việc giáo dục ý thức pháp luật cho thanh niên đô thị (2013) của Mai Ngọc Bích [6]; Phổ biến, giáo dục pháp luật phòng chống tệ nạn xã hội cho đoàn viên, thanh niên trên địa bàn thành phố Hà Nội (2013) của Trần Đức Toàn [125]; Giáo dục pháp luật cho phạm nhân trong trại giam ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam (2013) của Ngô Văn Trù [133]; Giáo dục nhân quyền ở Việt Nam hiện nay (2014) của Võ Khánh Minh [86]; Giáo dục pháp luật cho trẻ em ở Việt Nam hiện nay (2015) của Lê Thị Phương Nga [90]; Giáo dục quyền con người cho học sinh phổ thông ở Việt Nam hiện nay (2018) của Ngô Văn Nam [88]; Giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình ở Hà Nội hiện nay (2018) của Nguyễn Kim Quý [ 101] . Các công trình này cũng tập trung phân tích các vấn đề lý luận, pháp lý, đánh giá thực trạng, chỉ ra những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân, từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác GDPL cho một số nhóm đối tượng, ở một số địa bàn cụ thể. Qua nghiên cứu cho thấy, số lượng đề tài nghiên cứu về GDPL cho các đối tượng cụ thể hoặc ở một khu vực, địa bàn nhất định tăng lên nhiều sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX ban hành Chỉ thị số 32 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phổ biến, GDPL, nhất là sau khi Quốc hội ban hành Luật Phổ biến, GDPL năm 2012. Điều này cho thấy chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã khuyến khích các nhà khoa học quan tâm nhiều hơn đến vấn đề GDPL. Xét tổng quát, cho dù chủ thể và đối tượng của GDPL trong các công trình nghiên cứu được giới thiệu trong mục này không phải là cán bộ, chiến sĩ trong QĐNDVN, nhưng chúng vẫn có giá trị tham khảo với NCS trong việc thực hiện luận án này, do chứa đựng những kiến thức, thông tin hữu ích và gợi mở những cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu khoa học cho việc nghiên cứu vấn đề GDPL trong QĐNDVN.
  • 23. 16 Nhóm công trình đề cập đến giáo dục pháp luật trong QĐNDVN GDPL trong QĐNDVN là chủ đề còn ít được nghiên cứu ở Việt Nam, xét cả trên phương diện nghiên cứu lý luận và đánh giá thực tiễn. Hiện mới chỉ có một vài công trình nghiên cứu đề cập trực tiếp đến vấn đề này như sau: - Giáo dục pháp luật trong các trường đào tạo sỹ quan QĐNDVN hiện nay (2000) của Phạm Trung Nghĩa [91]. Đây là luận văn thạc sĩ luật học đã được tác giả bảo vệ tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Trong luận văn này, tác giả phân tích cơ sở lý luận, thực trạng và đề xuất giải pháp đổi mới GDPL trong các trường đào tạo sĩ quan của QĐNDVN. Luận văn này là một trong những công trình nghiên cứu liên quan trực tiếp nhất tới luận án, và vì vậy, rất có ý nghĩa tham khảo với NCS. Mặc dù vậy, với tính chất của một luận văn thạc sĩ, phạm vi nghiên cứu của đề tài chỉ dừng lại ở phạm vi hẹp là GDPL ở các trường đào tạo sĩ quan, trong khi phạm vi nghiên cứu của luận án rộng hơn, bao gồm hoạt động GDPL trong tất cả các môi trường khác của QĐNDVN. - Giáo dục pháp luật cho bộ đội đặc công - Thực trạng và giải pháp (2003) của Hoàng Thế Nhân [95]. Đây cũng là một luận văn thạc sĩ luật đã được bảo vệ tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Trong luận văn này, tác giả đã đi sâu phân tích những yếu tố đặc thù của GDPL cho bộ đội đặc công sau khi xác định cơ sở pháp lý và thực trạng của hoạt động này. Tuy nhiên, nội dung đề tài nghiêng về giáo dục pháp luật trong trường Sĩ quan Đặc công hơn là GDPL cho các đơn vị cơ sở của binh chủng Đặc Công. Mặc dù vậy với tính chất là một công trình nghiên cứu liên quan trực tiếp nên luận văn này vẫn có ý nghĩa tham khảo với NCS. - Nâng cao chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật trong đào tạo sĩ quan Hậu cần hiện nay (2004) của Lê Hồng Sơn [106]. Luận văn Thạc sĩ luật học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Luận văn đã đề cập đến vấn đề phổ biến, tuyên truyền pháp luật cho đối tượng học viên đào tạo sĩ quan của Trường Sĩ quan Hậu cần. Tuy nhiên, đối tượng và cơ sở pháp lý của đề tài này còn hạn chế do thời gian thực hiện đề tài chưa có Luật Phổ biến, GDPL và các văn bản của BQP về việc thực hiện Ngày pháp luật hàng tháng trong QĐNDVN.
  • 24. 17 - Giải pháp cơ bản nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ trong QĐNDVN hiện nay (2013) của Đào Văn Minh [80]. Trong bài viết này, tác giả nêu và phân tích một số biện pháp để nâng cao chất lượng GDPL cho cán bộ, chiến sĩ trong QĐNDVN. Theo tác giả, cần áp dụng đồng thời nhiều giải pháp để cung cấp kiến thức, thông tin pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ như thông qua các chương trình đào tạo chính quy, các khoá tập huấn, lồng ghép vào các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao. - Đặc điểm giáo dục pháp luật cho cán bộ quân đội hiện nay (2013) của Đào Văn Minh [81]. Bài báo khoa học này phân tích những đặc trưng trong tổ chức hoạt động GDPL cho đội ngũ sĩ quan QĐNDVN. Theo tác giả, đây là nhóm đối tượng đặc biệt, là nòng cốt của quân đội, vì vậy cần phải nắm vững kiến thức pháp luật. Công tác GDPL cho cán bộ quân đội, do vậy, có ý nghĩa quan trọng. GDPL cho cán bộ quân đội cũng cần được thực hiện qua nhiều cách thức, trong đó cần chú trọng lồng ghép vào chương trình đào tạo của các trường sĩ quan. - Chất lượng giáo dục pháp luật cho học viên ở Trường Sĩ quan Lục quân 1, Bộ Quốc phòng (2014) của Trịnh Văn Hưng [67]. Luận văn Thạc sĩ luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Cũng giống như các công trình nêu trên, luận văn này tuy có giá trị tham khảo trực tiếp nhưng cũng mới chỉ dừng lại ở phạm vi nghiên cứu hẹp, đó là giáo dục pháp luật cho đối tượng học viên trong ở một trường sĩ quan. Xét tổng quát, các công trình nghiên cứu kể trên đã cung cấp nhiều kiến thức, thông tin có giá trị tham khảo cho NCS trong việc thực hiện luận án. Mặc dù vậy, giá trị tham khảo của các công trình đó còn hạn chế. Một số luận điểm, đánh giá và đề xuất cần được kiểm chứng thêm. Luận án mà NCS đang triển khai thực hiện sẽ tiếp tục mở rộng, phát triển hướng nghiên cứu của các công trình nêu trên, cụ thể là mở rộng phạm vi nghiên cứu đến toàn bộ các đơn vị của QĐNDVN, bổ sung các nội dung nghiên cứu cũng như cập nhật các văn bản mới về việc phổ biến, GDPL trong QĐNDVN nói riêng và trong cả nước nói chung. Bên cạnh đó luận án còn sử dụng các phương pháp nghiên cứu mới mà trong bối cảnh giới hạn về thời gian tác giả của các công trình nghiên cứu đó chưa thể thực hiện được vì chưa có Luật Phổ biến, GDPL.
  • 25. 18 1.2. Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài GDPL là một chủ đề đã được đề cập trực tiếp hoặc gián tiếp bởi một số học giả ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó tiêu biểu có thể kể đến như sau: - Bàn về tinh thần pháp luật (1874) của Montesquieu [87]. Trong tác phẩm kinh điển này, tác giả thảo luận về các vấn đề lý luận cốt lõi của pháp luật. Tuy không có một mục riêng song trong ấn phẩm này tác giả có thảo luận về mối quan hệ giữa giáo dục và pháp luật. Trong quyển 4 chương 3 (Luật về giáo dục phải tương ứng với nguyên tắc của chế độ), Montesquieu cho rằng giáo dục có sứ mệnh đào tạo ra một người công dân tốt, một người mà ‘sẽ gắng sức làm cho động cơ của chính thể chuyên chế phải chùng lại” [87, tr.65]. Nói cách khác, theo quan điểm của Montesquieu, GDPL không có nghĩa là giáo dục người dân phải tuân phục chế độ vô điều kiện, mà chính là giáo dục công lý, lẽ phải để người dân có thể tự quyết định hành động của mình một cách phù hợp với lẽ phải, cho dù điều đó trái ngược với chế độ nhà nước. John A.Sebert (2002), The American Bar Association and Legal Education in the United States of America (Liên đoàn Luật sư và giáo dục pháp luật ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ) [162]. Cuốn sách này cho thấy cách đào tạo và quản lý luật sư ở Mỹ là rất khác với ở Việt Nam, trong đó đặc biệt là phương pháp dạy luật thông qua các tình huống pháp luật làm cho việc học luật trở lên hấp dẫn, dễ nhớ, dễ hiểu hơn. UNESCO (2011), The Hidden Crisis: Armed Conflict and Education- Education for All (EFA), Monitoring Report 2011 (Những khủng hoảng tiềm ẩn: Xung đột vũ trang và vấn đề giáo dục - Giáo dục cho mọi người, Báo cáo giám sát năm 2011) [163]. Báo cáo khẳng định xung đột vũ trang là một rào cản lớn đối với giáo dục. Chiến tranh không chỉ phá hủy trường học, giết hại giáo viên, học sinh mà còn làm giảm đáng kể số năm đi học của mọi người. UNESCO cũng khẳng định, trong tình hình an ninh, quốc phòng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, xung đột vũ trang có thể xảy ra bất cứ lúc nào, điều này ảnh hưởng rất lớn giáo dục nói chung, trong đó có giáo dục pháp luật trong các nhà trường. Bởi vậy, trong thời bình, các nhà nước cần GDPL cho mọi người dân, nhất là cán cán bộ, chiến sĩ về Luật Chiến tranh, Luật Nhân đạo quốc tế, quyền con người.
  • 26. 19 Edward Rubin, Legal Education in the Digital Age (Giáo dục pháp luật trong kỷ nguyên số), Nhà xuất bản Đại học Cambridge – 2012 [161]. Theo tác giả, trong những thập kỷ tới, cuộc cách mạng kỹ thuật số sẽ biến đổi rất nhiều thế giới của chúng ta, GDPL vì thế cũng sẽ biến đổi theo. Việc sản xuất và phân phối tài liệu kỹ thuật số sẽ làm thay đổi mạnh mẽ nội dung và phương pháp GDPL trong các nhà trường và qua các mạng xã hội. Cuốn sách này gồm tập hợp các bài tiểu luận, các nghiên cứu của những chuyên gia pháp lý hàng đầu thế giới, trong đó thảo luận cách thức các tài liệu số sẽ được tạo ra và làm thế nào họ sẽ thay đổi các khái niệm về quyền tác giả cũng như các phương pháp sản xuất và phân phối các nguồn tài liệu pháp luật khổng lồ. Bên cạnh đó các tác giả còn khảo sát tác động của các tài liệu số đối với lớp học, với thư viện của trường luật và xem xét sự chuyển đổi tiềm năng của chương trình giảng dạy mà các tài liệu kỹ thuật số có thể tạo ra. Cùng với đó, những bài tiểu luận này cung cấp hướng dẫn cho những thay đổi quan trọng mà mọi giáo viên và học giả pháp luật cần phải hiểu. Các video clip và cảnh quay hoạt hình với thế giới 3-D, các thông tin pháp luật đồ sộ, tình huống pháp luật phong phú sẽ làm thay đổi hình thức và phương pháp GDPL truyền thống. Wang Wenjuan, The PLA and International Humanitarian Law: Achievements and Challenges (2013) (Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc và Luật Nhân đạo quốc tế: Những thành tựu và thách thức) [164]. Theo tác giả, để bảo đảm sự bảo vệ pháp lý chuyên nghiệp và hiệu quả cao trong mọi sứ mệnh quân sự theo Nghị định thư số 1 của Công ước Giơnevơ, các cố vấn pháp lý quân sự được tổ chức ở tất cả các cấp sư đoàn và lữ đoàn trong Quân đội Trung Quốc. Hiện tại, Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc đã thành lập 268 cơ quan tư vấn pháp luật quân sự và có hơn 1.600 đội tư vấn pháp luật ở cấp lữ đoàn và trung đoàn và gần như tất cả các tiểu đoàn và các công ty, trong đó có nhiệm vụ phổ biến và phổ cập kiến thức luật nhân đạo quốc tế trong lực lượng vũ trang, tư vấn áp dụng đúng đắn luật nhân đạo quốc tế cho các chỉ huy quân đội, bao gồm việc cung cấp tư vấn pháp lý cho các chỉ huy quân sự trong chiến đấu, theo dõi việc áp dụng và thực thi luật nhân đạo quốc tế trong quân đội. Đến cuối năm 2010, đã có 1.342 luật sư quân sự và 25.000 cố vấn pháp lý trong Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc [164, tr.19].
  • 27. 20 Elizabeth Stubbins Bates, Towards Effective Military Training in International Humanitarian Law (International Review of the Red Cross (2014), 96 (895/896), 795–816) (Hướng tới đào tạo quân sự hiệu quả trong lĩnh vực luật nhân đạo quốc tế) [151]. Theo tác giả, các quy định của công ước Giơnevơ nhằm lồng ghép luật nhân đạo quốc tế vào các chương trình giảng dạy và huấn luyện quân sự là một phần của nhiệm vụ quan trọng để phổ biến luật nhân đạo quốc tế “càng rộng càng tốt”, kể cả đối với thường dân. Điều 82 quy định vai trò của các cố vấn pháp lý quân sự, trong khi Điều 87 quy định trách nhiệm của người chỉ huy trong việc bảo đảm cho tất cả các binh sĩ thuộc quyền phải nhận thức được nghĩa vụ của họ tuân theo Luật Nhân đạo quốc tế. Tuy nhiên, theo Bates, bên cạnh việc chú trọng giáo dục Luật Nhân đạo quốc tế trong lực lượng vũ trang, cần tăng cường giáo dục đạo đức quân sự và tâm lý xã hội. Bởi vì, theo biên bản các cuộc phỏng vấn được thực hiện bởi những người lính tham gia cuộc thảm sát ở Mỹ Lai (Việt Nam) cho thấy tầm quan trọng của việc lặp đi lặp lại các cuộc tập trận lưỡi lê để giết người làm cho người lính mất đi sự phản kháng đối với việc chém giết và việc đào tạo của họ không bao gồm nhiệm vụ tuân theo các mệnh lệnh rõ ràng là bất hợp pháp, vì thế họ đổ lỗi cho các nạn nhân của vụ thảm sát này là do số phận của họ [151, tr.803]. Inal Kosheev, Nalzhan Kudasheva, Military and Juridical Education in Russia and USA,Tạp chí Nhà khoa học trẻ Mỹ, tập 3 năm 2015 [154]. Trong bài viết này các tác giả đã phân tích và so sánh cách thức đào tạo và sử dụng đội ngũ luật sư quân sự (military lawyer) ở Mỹ và Nga hiện nay. Nhìn chung, quân đội Nga và Mỹ rất chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ pháp lý chuyên nghiệp phục vụ quân đội. Họ không chỉ làm nhiệm vụ tư pháp giống ở Việt Nam mà còn làm nhiệm vụ tư vấn pháp luật cho người chỉ huy ở tất cả các đơn vị cấp sư đoàn trong việc ra các quyết định quản lý, xử phạt kỷ luật hay tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi của đơn vị và bộ quốc phòng. Bên cạnh đó, đội ngũ luật sư quân sự còn làm nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của quân nhân và gia đình họ trước pháp luật. Ở Mỹ, hiện nay cứ 800 nhân viên quân sự thì có một luật sư quân sự, ở Nga con số này là 1000. Ngoài ra, phương pháp kiểm tra đánh giá bằng cách cho điểm theo thang bậc A, B, C, D hay đạt hoặc không đạt cũng là một giải pháp hay có thể vận dụng trong quân đội Việt Nam.
  • 28. 21 Н. С. Бондарь, Российское юридическое образование как конституционная ценность: Национальные традиции и космополитические иллюзии, Издательство Юрист, Москва, 2013 (Giáo dục pháp luật Nga như là một mục tiêu hiến định: Truyền thống dân tộc và triển vọng quốc tế) [167]. Cuốn sách này cho thấy GDPL rất được nước Nga quan tâm và coi như là một công tác không thể thiếu trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền ở Nga. В. Н. Гуляихин, Юридическое образование как фактор и средство правовой социализации Российских граждан, Право и образование, 2010, Номер 10, с 59-70. (Giáo dục pháp luật như là một nhân tố và công cụ của xã hội hóa pháp luật đối với công dân Nga) [169]. Trong bài viết này tác giả đánh giá vai trò của GDPL đối với việc hình thành ý thức pháp luật và thói quen hành xử theo pháp luật của công dân trong xã hội dân sự và nhà nước pháp quyền ở Nga. Bên cạnh những công trình nêu trên, còn có một số công trình đáng chú ý khác như: Michael Imber – Tyll Van Geel (1993), Education Law (Luật Giáo dục) [159]; Ketleen Florestal - Robb Cooper (1997), Decentralization of Education- Legal Issues (Sự phân cấp giáo dục - Những vấn đề pháp lý), The World Bank, Washington [153]; Robert W.Gordon (2002), Legal Education in the U.S.:Origin and Development (Giáo dục pháp luật ở Mỹ: Nguồn gốc và sự phát triển) [155]; David A. Garvin, Features making the case frofessional education for the world of practice, Harvard magazine September- October 2003 (Việc tạo tình huống, giáo dục chuyên nghiệp cho thế giới thực hành) [156]; J. M. Broekman, The Semiotics of Law in Legal Education (Ký hiệu hóa pháp luật trong giáo dục pháp luật), NXB Đại học Penn State, 2011[152]… Nội dung những công trình nêu trên tập trung bàn luận về các khía cạnh liên quan đến lý thuyết giáo dục học, phân tích sâu các yếu tố cấu thành nền giáo dục hiện đại. Trong đó, những vấn đề mới có nghĩa quan trọng như vấn đề GDPL cho mọi người và GDPL trong kỷ nguyên số. Đây là những quan điểm GDPL mới rất cần nghiên cứu áp dụng ở Việt Nam. Ngoài ra, còn có nhiều công trình đề cập đến việc giáo dục Luật Nhân đạo quốc tế cho binh sĩ và các đối tượng khác nhằm đáp ứng các yêu cầu của xu thế hội nhập hiện nay.
  • 29. 22 Xét tổng quát, các công trình nghiên cứu ở nước ngoài chủ yếu đề cập đến những vấn đề của giáo dục pháp luật nói chung. Các công trình nghiên cứu về GDPL trong quân đội các nước rất ít. Tuy nhiên, những công trình nghiên cứu ở nước ngoài vẫn có nhiều ý nghĩa tham khảo đối với NCS trong việc khảo cứu các vấn đề giải pháp của đề tài. Ngoài ra, thông qua việc cung cấp những nhận thức mới về lý thuyết và phạm vi của giáo dục pháp luật trong quân đội, đặc biệt là giáo dục về luật nhân đạo quốc tế, các công trình này mở rộng cách tiếp cận của NCS về các thành tố nội dung và phương pháp GDPL nói chung, GDPL trong QĐNDVN nói riêng. 1.3. Đánh giá chung về tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài và những vấn đề luận án tiếp tục giải quyết 1.3.1. Đánh giá chung về tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài Từ tổng quan các công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài được nêu ở mục trên, có thể nêu ra một số nhận xét, đánh giá chung như sau: Thứ nhất, về những công trình nghiên cứu ở trong nước Các công trình hiện có ở trong nước đã đề cập, phân tích vấn đề GDPL một cách khá toàn diện, trên tất cả các phương diện lý luận, pháp lý và thực tiễn. GDPL được khảo sát và phân tích trong mối liên hệ với giáo dục nói chung và xây dựng ý thức pháp luật, lối sống theo pháp luật nói riêng. Các khía cạnh lý luận như khái niệm, vai trò, mục đích, mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức GDPL... được nhiều tác giả cùng khảo sát và thảo luận, phân tích từ nhiều góc độ, từ đó đúc rút ra nhiều nhận định có tính thống nhất và đáng tin cậy. Đây là những kiến thức tham khảo rất hữu ích cho việc thực hiện phần lý luận chung về GDPL của luận án. Trong phần này, tác giả có thể tiếp thu, kế thừa nhiều kiến thức, thông tin về những vấn đề lý luận chung của GDPL từ các công trình hiện có. Dựa trên lý luận chung về GDPL, nhiều công trình của các tác giả Việt Nam đã đi sâu nghiên cứu làm rõ những vấn đề lý luận, pháp lý, thực tiễn đặc thù của GDPL cho một số nhóm đối tượng cụ thể và ở một số khu vực, địa bàn. Đây cũng là những kiến thức, thông tin có giá trị tham khảo gián tiếp đối với tác giả luận án, bởi về bản chất, đề tài luận án cũng bàn về GDPL cho một nhóm đối tượng cụ thể là cán bộ, chiến sĩ trong QĐNDVN.
  • 30. 23 Đáng chú ý là đã có một số công trình nghiên cứu về GDPL trong QĐNDVN. Các công trình này có giá trị tham khảo trực tiếp đối với đề tài luận án, đặc biệt các đề tài về GDPL cho cán bộ, sĩ quan và một số quân, binh chủng. Mặc dù vậy, cho đến nay, vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào của các tác giả trong nước phân tích một cách toàn diện, chuyên sâu các vấn đề lý luận, thực tiễn của GDPL trong QĐNDVN. Các công trình nghiên cứu hiện có mới chỉ đề cập đến GDPL nói chung, GDPL cho một số nhóm đối tượng, ở một số khu vực, chủ yếu là khu vực dân sự. Số lượng nghiên cứu về GDPL trong quân đội còn rất ít và nội dung mới chỉ giới hạn trong phạm vi một đơn vị hoặc quân, binh chủng nhất định, vì thế chưa cho thấy bức tranh toàn diện về công tác này trong quân đội. Thêm vào đó, các nghiên cứu hiện có chưa đề cập đến những yêu cầu về GDPL xuất phát từ định hướng xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và những nhiệm vụ mới của quân đội mà được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Nói tóm lại, các công trình nghiên cứu hiện có ở nước ta mới chỉ cung cấp những phác thảo ban đầu về vấn đề GDPL trong QĐNDVN. Hiện vẫn còn nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến GDPL trong QĐNDVN cần được làm rõ, đòi hỏi có thêm những nghiên cứu khác. Thứ hai, về những công trình nghiên cứu ở nước ngoài Do đặc thù của quân đội các nước tư sản thường là các đội quân nhà nghề với đội ngũ sĩ quan, binh sĩ chuyên nghiệp nên cách GDPl của họ khác với QĐNDVN. Hầu hết các công trình nghiên cứu ở nước ngoài mà tác giả tiếp cận được đều tập trung bàn về triết lý giáo dục nói chung, cách thức đào tạo, quản lý và sử dụng đội ngũ luật sư quân sự mang tính chuyên nghiệp cao. Một số công trình nghiên cứu về giáo dục luật nhân đạo quốc tế. Rất ít công trình nghiên cứu về GDPL trong quân đội của các quốc gia nói chung và QĐNDVN nói riêng. Như vậy, có thể khẳng định rằng, các nhà nghiên cứu nước ngoài hiện chưa dành nhiều sự quan tâm đối với hoạt động GDPL trong quân đội của các nước cũng như GDPL của QĐNDVN. Dù vậy, những công trình của các tác giả nước ngoài vẫn là tài liệu tham khảo hữu ích cho đề tài luận án, nhất là phương pháp GDPL thông qua các tình
  • 31. 24 huống pháp luật ở Mỹ và một số nước khác. Một số công trình này cung cấp cho tác giả luận án những kiến thức chuyên sâu, cách tiếp cận mới mẻ, khoa học về triết lý giáo dục, trong khi các công trình khác cung cấp những kiến thức, thông tin khá toàn diện về giáo dục Luật Nhân đạo quốc tế trong quân đội. Điều này trực tiếp hỗ trợ tác giả luận án trong quá trình khảo cứu các vấn đề lý luận của GDPL nói chung, GDPL trong QĐNDVN nói riêng. 1.3.2. Những vấn đề luận án sẽ tiếp tục giải quyết Từ việc đánh giá tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài, NCS nhận thấy những vấn đề sau đây cần được tiếp tục bổ sung và phát triển trong luận án này, bao gồm: - Về phương diện lý luận, luận án cần tiếp tục: + Tổng hợp, phân tích sâu hơn các lý thuyết về giáo dục nói chung, GDPL nói riêng để tìm kiếm, rút ra những triết lý, quan điểm khoa học về GDPL cho nhóm đối tượng đặc biệt là những người làm việc trong lực lượng vũ trang. + Luận giải, làm sâu sắc thêm những vấn đề như: mục tiêu, chủ thể, đối tượng, nội dung, phương pháp, hình thức GDPL trong QĐNDVN, đồng thời phân tích làm rõ những yếu tố tác động, các điều kiện bảo đảm và những yêu cầu đặc thù của GDPL trong quân đội so với GDPL cho các nhóm đối tượng khác trong xã hội. + Khảo cứu, tìm hiểu các quan điểm và kinh nghiệm về GDPL trong quân đội của một số quốc gia khác để rút ra những giá trị tham khảo cho hoạt động GDPL nói chung, GDPL trong QĐNDVN nói riêng ở Việt Nam. - Về phương diện thực tiễn, luận án cần tiếp tục: + Khảo sát các hoạt động GDPL được tiến hành trong tất cả các quân, binh chủng của QĐNDVN trong khoảng 10 năm gần đây; kết hợp sử dụng những phương pháp nghiên cứu liên ngành luật học, xã hội học để phân tích, đánh giá thực trạng một cách toàn diện, khách quan, chỉ ra những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân trong hoạt động này. + Xác định và phân tích những vấn đề cấp thiết đang được đặt ra với hoạt động GDPL trong QĐNDVN hiện nay, gắn với những quy định mới về nhiệm vụ của quân đội trong Hiến pháp năm 2013 trong bối cảnh xây dưng nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế.
  • 32. 25 + Xác định các phương hướng, giải pháp có tính toàn diện và có tầm chiến lược để tăng cường GDPL trong QĐNDVN. Luận giải về tính khoa học và khả thi của các phương hướng, giải pháp đó. 1.4. Câu hỏi nghiên cứu, giả thuyết khoa học và hướng tiếp cận nghiên cứu của luận án 1.4.1. Câu hỏi nghiên cứu Từ những phân tích tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài, tác giả xác định một câu hỏi nghiên cứu xuyên suốt cho toàn bộ luận án và 4 câu hỏi nghiên cứu cụ thể cần giải đáp, tương ứng với 4 chương của luận án. Câu hỏi nghiên cứu xuyên suốt cho toàn bộ luận án là: Vì sao và cần phải làm gì để tăng cường GDPL trong QĐNDVN hiện nay? Bốn câu hỏi nghiên cứu cụ thể cho các chương của luận án là: (1) Vì sao GDPL lại cần thiết trong QĐNDVN trong giai đoạn hiện nay? (2) GDPL trong QĐNDVN có những đặc điểm và yêu cầu gì đặc thù so với GDPL nói chung? (3) Thực trạng GDPL trong QĐNDVN hiện nay đang đặt ra những vấn đề gì cần khắc phục, sửa đổi? (4) Phương hướng, giải pháp nào để tăng cường GDPL trong QĐNDVN trong giai đoạn hiện nay? 1.4.2. Giả thuyết khoa học Trên cơ sở phân tích tổng quan tình hình nghiên cứu, các câu hỏi nghiên cứu và những vấn đề lý luận và thực tiễn GDPL trong QĐNDVN, tác giả xác định giả thuyết khoa học của luận án như sau: GDPL đã được thực hiện và ngày càng được chú trọng trong QĐNDVN nhưng hiện vẫn còn mang tính hình thức, hiệu quả hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của GDPL trong QĐNDVN trong tình hình mới của đất nước, vì vậy chưa có phương pháp triển khai phù hợp với đặc thù tổ chức, hoạt động của quân đội. Để tăng cường GDPL trong QĐNDVN, cần xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quân đội trong tình hình mới và cải cách toàn diện cả về nội dung,
  • 33. 26 hình thức, phương pháp, mục tiêu, kết quả, chủ thể và đối tượng của GDPL trong QĐNDVN trên cơ sở phù hợp với chức năng, nhiệm vụ đặc thù của quân đội nói chung, của từng dạng cán bộ, chiến sĩ nói riêng. 1.4.3. Hướng tiếp cận nghiên cứu của luận án Luận án sử dụng cách tiếp cận đa ngành, liên ngành khoa học xã hội nhưng lấy luật học, đặc biệt là Luật Hiến pháp và Luật Hành chính là chủ đạo, cụ thể là: - Tiếp cận đa ngành và liên ngành khoa học xã hội: GDPL là một loại hình giáo dục nói chung, vì vậy cần được nghiên cứu dưới góc độ các lý thuyết, quan điểm của nhiều ngành khoa học xã hội như triết học, giáo dục học, xã hội học, văn hoá học, sử học, tâm lý học và luật học. Trong luận án, những lý thuyết, quan điểm và phương pháp nghiên cứu của các ngành khoa học xã hội khác ngoài luật học được sử dụng một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, ở những mức độ khác nhau, để làm rõ và toàn diện hơn không chỉ những vấn đề lý luận mà cả thực trạng và những giải pháp tăng cường GDPL trong QĐNDVN. - Tiếp cận luật học, đặc biệt là Luật Hiến pháp và Luật Hành chính: đây là cách tiếp cận chính bởi luận án được thực hiện dưới mã ngành luật học, chuyên ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính. Theo hướng tiếp cận này, đối tượng nghiên cứu chính của luận án là các vấn đề pháp lý về GDPL trong QĐNDVN hiện nay. Những lý thuyết, quan điểm, phương pháp nghiên cứu của Luật Hiến pháp, Luật Hành chính được xem là chủ đạo, được sử dụng một cách trực tiếp, xuyên suốt trong toàn bộ luận án nhằm giải quyết tất cả những câu hỏi nghiên cứu đặt ra.
  • 34. 27 KẾT LUẬN CHƯƠNG 1 Trong thời gian qua, GDPL trong QĐNDVN đã bắt đầu được nghiên cứu ở nước ta và đã đạt được một số kết quả. Những công trình nghiên cứu đã công bố về vấn đề này đã đề cập và làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận và thực tiễn của GDPL trong QĐNDVN. Tuy nhiên, so với các công trình nghiên cứu về GDPL nói chung, số lượng các công trình nghiên cứu về GDPL trong QĐNDVN ở nước ta còn rất ít. Các công trình nghiên cứu về GDPL trong QĐNDVN đã công bố chủ yếu ở cấp độ và trên quy mô nhỏ (luận văn), vì thế mới chỉ đề cập đến một số vấn đề và lý giải một cách tổng quát nội dung. Trong khi đó, hầu như chưa có công trình nghiên cứu ngoài nước nào về GDPL trong quân đội, đặc biệt là trong QĐND Việt Nam. Từ việc khảo sát tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài, có thể thấy còn rất nhiều vấn đề lý luận, thực tiễn mà luận án cần làm rõ, trong đó đặc biệt xoay quanh tính đặc thù của hoạt động GDPL trong quân đội và thực tiễn hoạt động GDPL trong QĐNDVN. Đây là những nội dung chưa được các tác giả khác chú ý, vì thế sẽ là hướng nghiên cứu chính của luận án này. Thông qua việc làm rõ những đặc thù của hoạt động GDPL trong quân đội, luận án sẽ phân tích, đánh giá thực trạng GDPL trong QĐNDVN và đề xuất những giải pháp nhằm tăng cường hoạt động quan trọng này trong quân đội nước ta trong thời gian tới.
  • 35. 28 Chương 2 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRONG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM 2.1. Khái niệm và đặc điểm của giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam 2.1.1. Khái niệm giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam Để hiểu rõ về hoạt động GDPL trong QĐNDVN, trước hết cần tìm hiểu và thống nhất nhận thức về GDPL nói chung và GDPL trong QĐNDVN nói riêng. Về GDPL, theo Từ điển Bách khoa Việt Nam năm 2003: "GDPL là quá trình tác động của cả hai nhân tố chủ quan và khách quan đến việc hình thành và phát triển ý thức pháp luật của cá nhân. Nhân tố khách quan là điều kiện kinh tế, chế độ chính trị xã hội, môi trường sống trực tiếp của cá nhân (gia đình, bạn bè…). Nhân tố chủ quan là hoạt động định hướng có tổ chức, có hệ thống của các thể chế trong nhà nước và xã hội” [59, tr.124]. Như vậy, theo định nghĩa này, GDPL được hiểu bao gồm cả hoạt động dạy học pháp luật trong các nhà trường và các hoạt động GDPL khác được thực hiện bởi nhà trường, gia đình và xã hội. Trong thực tế, GDPL thường được sử dụng kết hợp với “phổ biến pháp luật”. Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương ngày 09/12/2003 có ghi: “PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng… thực hiện tốt công tác này để góp phần tạo chuyển biến căn bản về ý thức tôn trọng pháp luật và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân” [1, tr.01]. Như vậy, văn kiện này đã nhấn mạnh vị trí, vai trò của GDPL (cùng với phổ biến pháp luật) trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nói chung ở nước ta. Đây là cách tiếp cận được tái khẳng định trong Điều 3 Luật Phổ biến, GDPL năm 2012: “PBGDPL là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt” [59, tr. 01]. Sở dĩ thuật ngữ GDPL thường được sử dụng kết hợp với “phổ biến pháp luật”, và đôi khi còn bao gồm cả “tuyên truyền pháp luật” là bởi các khái niệm này đều có mục đích giống nhau là trang bị tri thức pháp luật, nhằm hình thành tình cảm, niềm tin của đối tượng vào pháp luật và việc tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên,
  • 36. 29 cần thấy rằng mặc dù có liên hệ khăng khít nhưng GDPL không đồng nhất với phổ biến pháp luật. Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam năm 2003: “Phổ biến pháp luật là truyền tải thông tin pháp luật tới các tầng lớp dân cư trong xã hội. Nội dung thông tin pháp luật ở đây được hiểu không chỉ gồm các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành mà cả thông tin về các giá trị xã hội của pháp luật với mục đích làm cho mọi người hiểu, biết và tuân thủ pháp luật” [59, tr.491]. Như vậy, theo nghĩa này, phổ biến pháp luật là hoạt động nhằm làm cho đối tượng cụ thể hiểu biết các quy định của pháp luật để thực hiện pháp luật trên thực tế, trong khi GDPL (như đã trình bày ở trên), có nghĩa rộng hơn, bao trùm lên phổ biến pháp luật. Trong thực tiễn ở nước ta, GDPL thường được hiểu ở hai cấp độ khác nhau như sau: - Cấp độ thứ nhất, GDPL được hiểu là quá trình hình thành ý thức pháp luật và văn hoá pháp lý của các thành viên trong xã hội. Quá trình đó chịu sự tác động tích cực cũng như tiêu cực, có chủ định cũng như tự phát của các điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan như hoàn cảnh kinh tế-xã hội, chế độ chính trị, hoạt động tư tưởng, hệ thống pháp luật và thực tiễn pháp lý, môi trường sống cũng như giáo dục nói chung [52, tr.10]. Theo nghĩa này, khái niệm GDPL được hiểu bao gồm cả hoạt động dạy luật trong các nhà trường và hoạt động phổ biến, tuyên truyền pháp luật qua những cách thức, biện pháp khác nhau. Vì thế, GDPL trở thành sợi chỉ xuyên qua gia đình, trường học, doanh nghiệp, các tổ chức Đảng, Nhà nước và các đoàn thể xã hội [52, tr. 12]. Quan niệm như trên xuất phát từ cách tiếp cận khái niệm giáo dục theo nghĩa rộng, trong đó giáo dục được hiểu là quá trình ảnh hưởng của những điều kiện khách quan (chế độ chính trị, điều kiện kinh tế xã hội, môi trường sống...) và các nhân tố chủ quan (tác động tự giác, có chủ định và mục đích của con người) lên việc hình thành các phẩm chất, kỹ năng nhất định của đối tượng giáo dục. - Cấp độ thứ hai, GDPL được hiểu theo nghĩa hẹp: GDPL là hoạt động định hướng có tổ chức, có chủ định của chủ thể giáo dục tác động lên đối tượng giáo dục nhằm mục đích hình thành ở họ tri thức pháp lý, tình cảm và hành vi phù hợp với các đòi hỏi của hệ thống pháp luật hiện hành [52, tr. 13].
  • 37. 30 Quan niệm về GDPL theo nghĩa hẹp phù hợp với khái niệm giáo dục được sử dụng trong khoa học sư phạm: Giáo dục là quá trình tác động có kế hoạch, có nội dung và bằng phương pháp khoa học của các nhà sư phạm trong nhà trường tới học sinh nhằm giúp cho họ nhận thức, phát triển trí tuệ và hình thành nhân cách. Giáo dục bao gồm quá trình dạy học và quá trình giáo dục theo nghĩa hẹp [149, tr.22]. Trong phạm vi luận án này, tác giả tập trung xem xét khái niệm GDPL theo nghĩa hẹp, theo đó khái niệm GDPL trong QĐNDVN được hiểu như sau: Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam là hoạt động có mục đích của các đơn vị quân đội nhằm cung cấp tri thức pháp luật, bồi dưỡng tình cảm và hành vi pháp luật chuẩn mực cho cán bộ, chiến sĩ thông qua những hình thức, phương pháp, phương tiện giáo dục nhất định. 2.1.2. Đặc điểm của giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam So với các môi trường dân sự khác, hoạt động GDPL trong QĐNDVN có nhiều thuận lợi nhưng đồng thời cũng có những khó khăn nhất định. Những thuận lợi và khó khăn này xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của QĐNDVN trong tình hình mới và được thể hiện qua các đặc điểm như sau: 2.1.2.1. Giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam diễn ra trong một môi trường đặc biệt Khác với tất cả các bộ, ngành, kể cả Bộ Công an - một bộ phận quan trọng khác của lực lượng vũ trang - QĐNDVN có những đặc thù về cơ cấu tổ chức bộ máy cũng như chức năng, nhiệm vụ. Hiện nay, theo quy định của pháp luật nước ta, trong cơ cấu của Chính phủ, chỉ có Bộ Quốc phòng có hệ thống cơ quan bảo vệ pháp luật độc lập (Điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, Thi hành án quân đội) được tổ chức từ cấp bộ đến cấp quân khu, quân đoàn. Một đặc điểm nổi bật của GDPL trong QĐNDVN là các đơn vị quân đội thường đóng quân ở những vùng biên giới hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Hoạt động quân sự là những hoạt động thường diễn ra trong môi trường khó khăn, căng thẳng với kỷ luật chặt chẽ, thống nhất, nghiêm minh. Mặc dù đóng quân ở các vùng miền khác nhau, mỗi đơn vị có nhiệm vụ khác nhau nhưng tất cả các đơn vị quân đội đều phải tuân theo 11 chế độ trong ngày, 3 chế độ trong tuần với các chế độ học tập công tác một cách thống nhất trong toàn quân, bao gồm các chế độ đọc báo, xem thời sự, ngày chính trị, văn hóa, tinh thần, ngày pháp
  • 38. 31 luật, diễn tập tổng hợp… Những đợt diễn tập ngoài thao trường với những tình huống tác chiến căng thẳng, điều kiện thao trường với nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng các hoạt động quân sự vẫn được tiến hành thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, do hoạt động quân sự liên quan đến bí mật quân sự, bí mật quốc gia nên hoạt động quân sự được điều chỉnh bởi nhiều quy phạm pháp luật đặc thù được ghi trong Điều lệnh, Điều lệ mà chỉ áp dụng trong quân đội. Các hoạt động này diễn ra trong mọi điều kiện hoàn cảnh, ban ngày cũng như ban đêm, trên giảng đường cũng như trên thao trường, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cường độ cao, sự phối hợp chính xác tuyệt đối, kỷ luật chặt chẽ và nghiêm minh. Đây là những đặc trưng chung của các hoạt động quân sự, trong đó có hoạt động GDPL. 2.1.2.2. Chủ thể giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam là các cán bộ quân đội có ý thức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm cao Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư Trung ương chỉ rõ: GDPL là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị. Trong quân đội, công tác GDPL do nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác nhau thực hiện. Thực hiện nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt, Đảng uỷ quân sự các cấp là cơ quan lãnh đạo công tác GDPL trong các đơn vị, người chỉ huy các đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện công tác này. Cơ quan chính trị các cấp là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động GDPL trong toàn quân. Bên cạnh đó Vụ Pháp chế của Bộ Quốc phòng là cơ quan tham mưu cho Bộ về công tác chuyên môn trong GDPL. So với các bộ, ngành khác, QĐNDVN có những đặc điểm đặc thù về tổ chức đội ngũ BCVPL. Họ là các sĩ quan có kinh nghiệm quân sự, có ý thức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm cao. Hiện nay trong cơ cấu của BQP, ngoài các đơn vị chiến đấu, phục vụ chiến đấu còn có hệ thống học viện và nhà trường để đào tạo sĩ quan, hạ sĩ quan, nhân viên nghiệp vụ ở các quân, binh chủng. Mặc dù các trường có chức năng đào tạo và quy mô tổ chức khác nhau, nhưng trong hệ thống các nhà trường quân sự có đội ngũ giáo viên pháp luật chuyên nghiệp được đào tạo từ các trường luật trong cả nước. Đây đồng thời là đội ngũ BCVPL có năng lực cao mà nhiều bộ ngành khác không có. Tuy nhiên, trong hệ thống nhà trường quân đội hiện nay chưa có trường đào tạo chuyên về luật. Điều này có ảnh hưởng nhất định đến việc đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ GVPL và BCVPL trong Quân đội.
  • 39. 32 Bên cạnh đó, do đặc thù của hoạt động quân đội liên quan đến bí mật quân sự, bí mật quốc gia nên chỉ trong BQP mới có một hệ thống cơ quan bảo vệ pháp luật riêng. Hệ thống cơ quan này cũng bao gồm các chuyên gia pháp luật được đào tạo bài bản, chuyên sâu. Đây cũng là nguồn quan trọng của đội ngũ BCVPL chuyên nghiệp được tổ chức ở tất cả các quân binh chủng trong toàn quân. Ngoài hai nhóm chủ thể chuyên nghiệp nêu trên, trong cơ cấu của BQP còn có hệ thống cơ quan pháp chế, thanh tra được tổ chức giống các đơn vị dân sự khác. Để trở thành BCVPL chuyên nghiệp đòi hỏi các chủ thể này vừa có kiến thức pháp luật chuyên sâu, vừa có kiến thức sư phạm tốt và kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực quân sự. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay, lực lượng báo cáo viên pháp luật trong QĐNDVN vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu GDPL ngày càng cao của CBCS. Bên cạnh đội ngũ BCVPL đang được củng cố, xây dựng theo hướng chuyên nghiệp hóa (do cơ quan chính trị các cấp quản lý), trong cơ cấu của BQP còn có Vụ Pháp chế, cơ quan chịu trách nhiệm tham mưu cho BQP xây dựng, quản lý các chương trình, đề án phổ biến, GDPL trong toàn quân. 2.1.2.3. Đối tượng của giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam là các cán bộ, chiến sĩ có ý thức kỷ luật cao Đối tượng của GDPL trong QĐNDVN là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng và hạ sĩ quan chiến sĩ trong toàn quân. Xét từ góc độ cấu trúc, ở các đơn vị, có thể chia các đối tượng này thường được chia thành 2 nhóm cơ bản đó là: Nhóm 1: Cán bộ, bao gồm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, viên chức quốc phòng (gọi chung là nhóm cán bộ). Đây là các quân nhân đã được đào tạo cơ bản về pháp luật trong các nhà trường quân đội hoặc các trường đại học dân sự, cụ thể là qua các môn học Nhà nước và pháp luật hay Pháp luật đại cương. Họ thường là những cán bộ có thâm niên trong QĐNDVN từ 5 năm trở lên, trong đó bao gồm các sĩ quan trung cấp và cao cấp. Đại đa số những người này là đảng viên, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, tác phong kỷ luật cao và có nhiều kinh nghiệm công tác. Nói cách khác, hầu hết các đối tượng này đã được tuyển chọn, đào tạo rất kỹ trong các nhà trường quân sự. Đây là một thuận lợi đáng kể cho hoạt động GDPL trong QĐNDVN.
  • 40. 33 Nhóm 2: Hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân viên quốc phòng (gọi chung là nhóm chiến sĩ): Đây là nhóm đối tượng đông hơn, mang tính chủ yếu của hoạt động GDPL trong QĐNDVN hiện nay. Trong nhóm đối tượng này có lực lượng chính là các chiến sĩ nghĩa vụ quân sự đang đóng quân ở khắp mọi miền đất nước, lực lượng học viên đang đào tạo chính quy trong các nhà trường quân đội và công nhân ở các doanh nghiệp quân đội. Nhóm này có sự thay đổi thường xuyên, nhất là lực lượng chiến sĩ nghĩa vụ quân sự - họ là những người thường chỉ phục vụ trong quân đội 24 tháng rồi xuất ngũ trở về các địa phương (theo Điều 21 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015). Đối với học viên trong các nhà trường quân đội có thời gian đào tạo từ 1 năm với đối tượng sơ cấp đến 6 năm đối với học viên đào tạo ở một số học viện (thường là 5 năm). Đây là lực lượng được tuyển chọn khá kỹ cả về lý lịch chính trị, sức khỏe và tinh thần tự nguyện phục vụ QĐNDVN. Điểm chuẩn đầu vào của các trường đào tạo sĩ quan trong những năm qua rất cao cho thấy chất lượng đầu vào của nhóm đối tượng này là rất tốt. Đối với nhóm công nhân viên quốc phòng của các doanh nghiệp quân đội cũng được tuyển chọn rất kỹ về lý lịch chính trị, sức khỏe. Lực lượng này cũng phải tuân theo các chế độ sinh hoạt cơ bản giống các quân nhân khác khi sống trong tập thể doanh trại quân đội. Do đó, họ cũng có ý thức kỷ luật, thái độ chính trị tốt hơn các công nhân tại các doanh nghiệp dân sự. Ngoài 2 nhóm đối tượng chủ yếu trên đây, theo Điều 10 Thông tư 42 của BQP năm 2016, đối tượng của GDPL trong BQP còn bao gồm cả lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên và cán bộ, nhân dân trong thời gian huấn luyện, giáo dục, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng tại các trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh, cơ sở giáo dục đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện của QĐNDVN và nhân dân tại khu vực đóng quân. Tuy nhiên, như đã đề cập, do không nằm trong biên chế quân đội nên đây không phải là nhóm đối tượng nghiên cứu chính của luận án. Đặc điểm nổi bật của các đối tượng của GDPL trong QĐNDVN đã nêu trên là tất cả các quân nhân phải tuân theo 11 chế độ trong ngày, 3 chế độ trong tuần áp dụng thống nhất trong toàn quân và thường được thực hiện khép kín trong doanh trại quân đội với sự bảo vệ an ninh rất chặt chẽ. Do phải qua quá trình tuyển quân nên hầu hết CBCS đều có sức khỏe tốt, ý thức kỷ luật cao, tinh thần, thái độ chính trị tích cực. Việc áp dụng thời gian biểu thống nhất các công việc hàng ngày theo