SlideShare a Scribd company logo
1 of 83
VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
--------------
Nguyễn Thị Thanh Hiền
CÂU PHỦ ĐỊNH TIẾNG NGA
TRONG SỰ ĐỐI CHIẾU VỚI TIẾNG VIỆT
LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC
HÀ NỘI, năm 2016
NGUYỄNTHỊTHANHHIỀNCHUYÊNNGÀNHNGÔNNGỮHỌCĐỢT1KHÓA2014
VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
Nguyễn Thị Thanh Hiền
CÂU PHỦ ĐỊNH TIẾNG NGA
TRONG SỰ ĐỐI CHIẾU VỚI TIẾNG VIỆT
Chuyên ngành: Ngôn ngữ học
Mã số: 60 22 02 40
LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC
TS. NGUYỄN HỮU HOÀNH
Hà Nội, năm 2016
LỜI CẢM ƠN
Để hoàn thành được luận văn này tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành và
sâu sắc tới TS. Nguyễn Hữu Hoành, người thầy đã tận tình hướng dẫn, động viên,
khích lệ và định hướng cho tôi trong quá trình thực hiện luận văn.
Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các thầy cô trong Khoa Ngôn
ngữ học – Học viện Khoa học Xã hội đã tạo điều kiện, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm
cho tôi trong quá trình học tập và nghiên cứu.
Cuối cùng, tôi xin cảm ơn bạn bè, đồng nghiệp, gia đình tôi, những người đã
theo sát tôi trong suốt thời gian qua, giúp tôi có thêm động lực và cố gắng để hoàn
thành luận văn này.
Tác giả luận văn
Nguyễn Thị Thanh Hiền
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ....................................................................................................................5
CHƯƠNG 1. Cơ sở lý luận.......................................................................................9
1.1. Một số vấn đề về câu phủ định ........................................................................9
1.2. Ngôn ngữ học đối chiếu.................................................................................17
1.3. Tiểu kết ..........................................................................................................20
CHƯƠNG 2. Câu phủ định chứa các phương tiện phủ định chính danh ở tiếng
Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt ...................................................................22
2.1. Câu phủ định chứa các phương tiện thể hiện ý nghĩa phủ định bằng các từ phủ
định trong tiếng Nga ........................................................................................22
2.2. Câu phủ định chứa các phương tiện thể hiện ý nghĩa phủ định bằng các từ phủ
định trong tiếng Việt........................................................................................36
2.3. Phân tích đối chiếu câu phủ định chứa các phương tiện thể hiện ý nghĩa phủ định
bằng các từ phủ định.........................................................................................50
2.4. Tiểu kết ..........................................................................................................55
CHƯƠNG 3. Câu phủ định không chứa các phương tiện phủ định chính danh
ở tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt .......................................................57
3.2. Câu phủ định không chứa các phương tiện phủ định chính danh trong tiếng
Việt.................................................................................................................63
3.3. Phân tích đối chiếu câu phủ định không chứa phương tiện phủ định chính
danh ................................................................................................................70
3.4. Tiểu kết ..........................................................................................................73
KẾT LUẬN ..............................................................................................................74
TÀI LIỆU THAM KHẢO ......................................................................................76
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Luận văn Câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt của chúng
tôi được thực hiện vì những lý do sau đây:
Như chúng ta đều biết, việc nghiên cứu về câu là một nội dung quan trọng trong
nghiên cứu ngữ pháp dù theo quan điểm ngữ pháp truyền thống hay ngữ pháp hiện
đại. Trong số các kiểu câu phân theo mục đích giao tiếp thì câu phủ định nằm trong
số các hiện tượng mang tính phổ quát của tất cả các ngôn ngữ trên thế giới. Vì vậy,
như một lẽ tự nhiên, từ lâu nó đã là đối tượng nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học
trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, việc nghiên cứu đối
chiếu các phương tiện thể hiện ý nghĩa phủ định trong câu đặc biệt là đối chiếu
những ngôn ngữ không cùng loại hình như tiếng Nga và tiếng Việt vẫn chưa nhiều.
Cho nên nghiên cứu này sẽ góp phần làm sáng tỏ hơn những nét tương đồng và dị
biệt của các phương tiện thể hiện ý nghĩa phủ định trong hai ngôn ngữ, từ đó có thể
hiểu thêm về hai nền văn hóa, về cách tư duy của hai dân tộc.
Tiếng Nga du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ trước và đã ghi dấu ấn đậm nét
trong tất cả các lĩnh vực của đời sống từ khoa học, kỹ thuật đến văn hóa, nghệ
thuật… Đến nay, vị thế của tiếng Nga ở Việt Nam không còn như trước, nhưng
không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng của tiếng Nga đến một số mặt của đời sống xã
hội. Tiếng Nga vẫn có một chỗ đứng riêng cho mình trong số các ngoại ngữ được
coi là phổ biến ở Việt Nam. Thêm vào đó, dòng chảy tiếng Nga dù không ồn ào
nhưng vẫn là mạch ngầm được một số người Việt yêu thích và gìn giữ. Hàng năm,
vẫn có một số lượng không nhỏ người Việt đến nước Nga với mục đích học tập và
nghiên cứu bên cạnh số lượng người học tiếng Nga trong nước. Những khó khăn
khi nắm bắt tiếng Nga và áp dụng vào thực tế trong giao tiếp đòi hỏi chúng ta phải
tiếp tục có những nghiên cứu cụ thể hơn, sâu sắc hơn về tiếng Nga trong sự so sánh,
đối chiếu với tiếng Việt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt học tiếng Nga
và ngược lại: người Nga học tiếng Việt.
2
Một lý do không kém phần quan trọng trong việc lựa chọn đề tài này là trong
thực tế giảng dạy chúng tôi chưa thấy có một công trình nghiên cứu đối chiếu nhằm
vào các phương tiện thể hiện ý nghĩa phủ định một cách hệ thống. Với tư cách là
một giảng viên tiếng Nga chúng tôi muốn đóng góp những ý kiến mang tính thực tế
góp phần giải quyết những khó khăn của người học tiếng gặp phải.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
2.1. Đôi nét về sự nghiên cứu phủ định trong triết học và lô-gích học
Trong triết học, bất cứ sự vật, hiện tượng nào trong thế giới đều trải qua quá
trình phát sinh, phát triển và diệt vong. Sự vật cũ mất đi được thay bằng sự vật mới.
Sự thay thế đó là tất yếu trong quá trình vận động và phát triển của sự vật. Nếu
không có quá trình đó, thì sự vật không thể phát triển được. Sự thay thế đó được
triết học gọi là sự phủ định. Sự phủ định là sự thay thế sự vật này bằng sự vật khác
trong quá trình vận động và phát triển.
Chủ nghĩa duy vật biện chứng cho rằng sự chuyển hóa từ những thay đổi về
lượng dẫn đến những thay đổi về chất, sự đấu tranh thường xuyên của các mặt đối
lập làm cho mâu thuẫn được giải quyết, từ đó dẫn đến sự vật cũ mất đi, sự vật mới
ra đời. Sự thay thế diễn ra liên tục tạo nên sự vận động và phát triển không ngừng
của sự vật. Sự vật mới ra đời là kết quả của phủ định sự vật cũ. Điều đó cũng có
nghĩa sự phủ định là tiền đề, điều kiện cho sự phát triển liên tục, cho sự ra đời của
cái mới thay thế cái cũ. Đó là phủ định biện chứng. Triết học Mác - Lênin cho rằng,
phủ định biện chứng là phạm trù triết học dùng để chỉ sự phủ định tự thân, sự phát
triển tự thân, là mắt khâu trong quá trình dẫn tới sự ra đời sự vật mới, tiến bộ hơn sự
vật cũ.
Phủ định là một thao tác lô-gích, nhờ đó mà một phán đoán này tạo ra được một
phán đoán mới (gọi là phủ định cái xuất phát) sao cho nếu phán đoán xuất phát là
chân lý thì sự phủ định phán đoán ấy là sai, còn nếu phán đoán xuất phát là sai thì
cái phủ định nó là chân lý. Phán đoán là một hình thức cơ bản của tư duy, dưới dạng
khẳng định hoặc phủ định, thể hiện nhận thức của con người về đối tượng trong thế
giới khách quan. Một phán đoán sẽ có một và chỉ một trong hai giá trị đúng hoặc
3
sai. Sự phủ định phán đoán được xác định một cách duy nhất bởi quy tắc: Nếu phán
đoán P (1a) sau đây là đúng thì phán đoán ~P (1b) sai còn nếu phán đoán (1a) sai thì
phán đoán (1b) đúng:
Ví dụ: dẫn lại ví dụ của Đỗ Hữu Châu (Đại cương ngôn ngữ học, tr.17)
(1a) P = Bức tranh này đẹp.
(1b) ~P = Bức tranh này không đẹp.
2.2. Đôi nét về sự nghiên cứu phủ định trong ngôn ngữ học
Nghiên cứu về câu phủ định được tiến hành trong rất nhiều các công trình của
các nhà ngôn ngữ học với các hướng tiếp cận từ nhiều quan điểm khác nhau. Trên
thế giới, tác giả O. Jespersen đã tiếp thu quan điểm lô-gích và tâm lý học của những
nhà nghiên cứu vấn đề phủ định trong các ngôn ngữ Ấn Âu như J.Van Ginneken, B.
Delbruk… Năm 1917 ông viết tác phẩm Phủ định trong tiếng Anh và các ngôn ngữ
khác (Negation in English and other languages). Tác phẩm này được đánh giá là
công trình nghiên cứu câu phủ định một cách hệ thống theo quan điểm ngôn ngữ
học so sánh lịch đại. Tác giả đã liệt kê các cách thức biểu hiện ý nghĩa phủ định như
phủ định gián tiếp, phủ định trực tiếp, phủ định đặc biệt… và một số khuôn phủ
định thành ngữ. Sau Jespersen (1917), Horn (1989) với tác phẩm Lịch sử phát triển
tự nhiên của sự phủ định (A natural history of negation) đã phân tích toàn bộ lịch sử
nghiên cứu sự phủ định từ phương Đông sang phương Tây; từ Aristotel cổ đại với
quan điểm lô-gích hình thức, các quan điểm triết học, tôn giáo về sự phủ định, quan
điểm tâm lý ngôn ngữ học; đến quan điểm xem phủ định là hành vi ngôn ngữ hiện
nay. Horn đã đề xuất thêm một loại phủ định khác, đó là phủ định siêu ngôn ngữ.
Trên bình diện thụ đắc ngôn ngữ, các nhà tâm lý học như Bellugi, Klima đã xác
định ba giai đoạn trẻ con thụ đắc câu phủ định. Còn các nhà ngữ pháp hiện đại như
Downing, Locke… có khuynh hướng dung hòa, vừa mô tả đặc điểm cấu trúc ngữ
pháp vừa nêu ra những đặc điểm ngữ dụng học của câu phủ định thông qua việc
phân tích tầm phủ định, vai trò của các từ định lượng và các từ chỉ mức độ, sự thể
hiện ý nghĩa phủ định thông qua các kiểu câu khác nhau như câu khẳng định, câu
nghi vấn, câu cầu khiến.
4
Ở Nga có rất nhiều các công trình nghiên cứu về câu phủ định từ các góc độ
khác nhau. Đại diện cho trường phái nghiên cứu câu phủ định từ quan điểm ngữ
dụng học là tác giả U.D. Apresyan. Ông cho rằng đối với cách tiếp cận theo quan
điểm ngữ dụng học, đặc trưng của các cách phân chia, giải thích các hiện tượng
ngôn ngữ xuất phát từ chức năng giao tiếp của ngôn ngữ. Bởi vậy, hiện tượng phủ
định cũng được nghiên cứu như là một hiện tượng bên trong ngôn ngữ: nó có cơ chế
giao tiếp bác bỏ hay thay đổi ý kiến của người phát ngôn. Ông đưa ra kết luận phủ
định đơn thuần là một phạm trù ngôn ngữ học, nó không hề phản ánh tình trạng của
sự vật trong thực tế, mà chỉ thể hiện thái độ của người nói đối với nhận định đã
được nêu ra về tình trạng của sự vật đó, đánh giá nhận định đó là sai.
Nhiều nhà ngôn ngữ học xem xét vấn đề phủ định như một phạm trù ngôn ngữ
độc lập mà trong đó có bốn hướng nghiên cứu chính: đó là coi phủ định như một
phạm trù ngữ pháp, phạm trù cú pháp, phạm trù cú pháp ngữ nghĩa và phạm trù ngữ
nghĩa. Khi thừa nhận vai trò của hiện thực khách quan, đa số các nhà nghiên cứu đã
coi mối liên kết khách quan, hay chính xác hơn là sự phủ định trong chính hiện thực
là đối tượng phủ định trong ngôn ngữ.
Xuất phát từ quan điểm trên, tác giả E.I. Shendels đã đưa ra định nghĩa về phủ
định trong ngôn ngữ như sau “Phủ định như một phạm trù ngôn ngữ là cách thể
hiện mối quan hệ phủ định giữa các khái niệm nhờ vào các phương tiện ngôn ngữ
đặc biệt” [Trích theo V.N. Bondarenko, Phủ định như một phạm trù lô-gích ngữ
pháp, 1983, tr. 78]. V.N. Bondarenko đánh giá định nghĩa trên chưa thỏa đáng bởi
vì, theo ông, từ quan điểm ngôn ngữ khi nói đến sự phủ định chúng ta không bàn
đến các khái niệm vốn là đối tượng nghiên cứu của lô-gích học, mà việc cần làm là
nghiên cứu các thành phần của câu và ý nghĩa ngữ pháp của nó. E.I. Shendels viết
tiếp “Nội dung cơ bản của phạm trù ngữ pháp khẳng định và phủ định là cách thể
hiện nhận định khẳng định và phủ định, mà đến lượt mình chúng biểu thị mối quan
hệ khẳng định và phủ định của hiện thực khách quan”. Điều này được hiểu là phạm
trù phủ định diễn tả không phải ý nghĩa nào đó trong ngôn ngữ mà đó là hình thức
biểu hiện các nhận định phủ định thể hiện mối quan hệ phủ định trong hiện thực.
5
Một số tác giả khác đã tiếp thu những nghiên cứu của E.I. Shendels nhận xét
phủ định trong ngôn ngữ như là một hình thức biểu hiện của phủ định lô-gích, một
số tác giả khác cho đó là một thành tố ý nghĩa của câu. N.G. Ozerova đưa ra định
nghĩa về phạm trù phủ định “Phạm trù ngữ pháp phủ định thể hiện sự phủ định lô-
gích, mà sự phủ định này diễn tả sự vắng mặt mối liên hệ giữa những hiện tượng
thực tế” [N.G. Ozerova, Các phương tiện phủ định trong tiếng Nga và tiếng
Ucraine, 1978, tr. 6]. Tác giả E.V. Padutreva cho rằng “Phủ định là một thành tố
ngữ nghĩa của câu chỉ ra sự thiếu vắng mối quan hệ giữa các hiện tượng được nói
đến trong câu”. Ví dụ trong câu Ребенок не спит (Đứa bé không ngủ), quan hệ
giữa “đứa bé” và “giấc ngủ” bị phủ định [E.V. Padutreva, Các từ phủ định, 1979,
tr. 86].
Phủ định còn được coi như là cái biểu hiện của sự tách rời khách quan. Quan
điểm này được thể hiện rõ trong các công trình nghiên cứu của S.A. Vasileva, N.A.
Bulakh và H.G. Ozerova. Theo cách nhìn của S.A. Vasileva, câu khẳng định và câu
phủ định là bản chất của hình thức biểu hiện các nhận định khẳng định và phủ định
biểu thị mối liên kết hay tách rời tương ứng. Bà cho rằng “nếu trong các nhận định
khẳng định đặc tính, mối quan hệ mà sự vật có trong thời điểm xác định nào đó
được thể hiện, thì trong nhận định phủ định đặc tính, hay mối quan hệ đã được xác
định đó không xuất hiện”. Và còn “nhận định khẳng định thể hiện những dấu hiệu,
đặc điểm vốn có của sự vật trong một thời điểm nhất định mà nhận định đó đề cập
đến… Nhận định phủ định biểu hiện sự vắng mặt của những dấu hiệu, đặc điểm
cũng trong một thời điểm xác định” [S.A. Vasileva, Đối với vấn đề phủ định,
1958a, tr. 149-150].
Câu phủ định cũng được các nhà ngữ pháp và ngôn ngữ học Việt Nam nghiên
cứu từ nhiều quan điểm khác nhau nhưng tựu trung là quan điểm ngữ pháp truyền
thống hoặc cấu trúc có kết hợp với cách lý giải lô-gích học của Trần Trọng Kim
(1939), Lê Văn Lý (1948), Bùi Đức Tịnh (1953), Trương Văn Chình và Nguyễn
Hiến Lê (1963); quan điểm cú pháp-ngữ nghĩa của Nguyễn Kim Thản (1964,1972),
Đái Xuân Ninh (1978), Hoàng Trọng Phiến (1980), Ngữ pháp tiếng Việt (1983),
6
Diệp Quang Ban (1984, 1989, 1992, 1998), Nguyễn Minh Thuyết 1994); quan điểm
lô-gích ngữ nghĩa Nguyễn Đức Dân (1977, 1983, 1985), Hoàng Phê (1989) và gần
đây là quan điểm ngữ pháp chức năng, ngữ dụng học, lý thuyết hành vi ngôn ngữ
của Nguyễn Đức Dân (1987, 1996), Cao Xuân Hạo (1991)…
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt nhằm mục
đích làm rõ những điểm tương đồng và khác biệt về câu phủ định trong hai ngôn
ngữ, từ đó giúp người đọc hình dung rõ nét hơn về đặc trưng loại hình ngôn ngữ
thông qua phạm trù câu phủ định.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để đạt được mục đích trên, luận văn thực hiện những nhiệm vụ sau:
- Khái quát hóa một số thành tựu nghiên cứu về câu phủ định nói chung, câu
phủ định trong tiếng Nga và tiếng Việt nói riêng và các vấn đề lý thuyết liên quan
đến đề tài luận văn;
- Trình bày các phương tiện thể hiện ý nghĩa phủ định trong câu phủ định tiếng
Nga và tiếng Việt;
- So sánh đối chiếu các phương tiện thể hiện ý nghĩa phủ định trong tiếng Nga
và tiếng Việt để chỉ ra sự khác biệt và tương đồng về câu phủ định giữa hai ngôn
ngữ.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn này là câu phủ định của hai ngôn ngữ: tiếng
Nga hiện đại và tiếng Việt hiện đại.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu của luận văn này là các phương tiện biểu thị ý nghĩa phủ
định trong câu phủ định tiếng Nga và tiếng Việt được dẫn từ một số tác phẩm văn
học của Nga và Việt Nam và một số tư liệu từ các nghiên cứu khác.
7
5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện ngiệm vụ nghiên cứu, chúng tôi sử dụng chủ yếu các phương pháp
nghiên cứu sau:
- Phương pháp miêu tả: Được sử dụng để miêu tả các đặc điểm của các phương
tiện thể hiện ý nghĩa phủ định trong tiếng Nga và tiếng Việt trên cơ sở phân tích các
ví dụ đươc dẫn từ các tác phẩm văn học của Nga và Việt Nam
- Phương pháp so sánh đối chiếu: Được sử dụng để so sánh đối chiếu các
phương tiện được dùng để thể hiện ý nghĩa phủ định giữa tiếng Nga và tiếng Việt
nhằm tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt trong hai ngôn ngữ.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn
Về mặt lý luận, kết quả nghiên cứu của luận văn góp phần làm rõ hơn đặc điểm
của các câu phủ định trong tiếng Nga và tiếng Việt.
Về mặt thực tiễn, kết quả đạt được của luận văn sẽ góp phần giúp cho những
người học tiếng Nga hay tiếng Việt có thêm sự hiểu biết về câu phủ định và có thể
sử dụng hiệu quả hơn trong học tập và làm việc.
7. Cơ cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu và kết luận, luận văn gồm ba chương:
Chương 1 – Cơ sở lý luận: Nội dung của chương này giới thiệu khái quát một
số vấn đề về câu phủ định; đồng thời trình bày cơ sở lý thuyết về ngôn ngữ học đối
chiếu.
Chương 2 – Câu phủ định chứa các phương tiện phủ định chính danh ở
tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt: Nội dung của chương này tập trung
vào việc xác định đặc điểm về cấu trúc, ngữ nghĩa của các phương tiện thể hiện ý
phủ định chứa các từ phủ định đặc trưng trong tiếng Nga và tiếng Việt; phân tích,
đối chiếu các phương tiện này để tìm ra điểm tương đồng và khác biệt giữa hai ngôn
ngữ.
Chương 3 – Câu phủ định không chứa các phương tiện phủ định chính
danh ở tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt: Nội dung của chương này
tiếp tục đi sâu vào xác định đặc điểm về cấu trúc, ngữ nghĩa của các phương tiện thể
8
hiện ý phủ định mà chứa các từ phủ định đặc trưng trong tiếng Nga và tiếng Việt
đồng thời phân tích, đối chiếu các phương tiện này để tìm ra điểm tương đồng và
khác biệt giữa hai ngôn ngữ.
9
CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN
1.1. Một số vấn đề về câu phủ định
1.1.1. Khái niệm câu phủ định
Để đưa ra một định nghĩa thống nhất, được đa số các nhà khoa học chấp nhận
về câu phủ định là công việc không hề dễ dàng. Trong tiếng Nga, theo tác giả D.E.
Rozental, “câu có thể được gọi là câu phủ định nếu mối quan hệ giữa đối tượng của
lời nói và điều được nói đến trong câu bị phủ định.” [Tiếng Nga hiện đại, D.E. Ro-
zental chủ biên, phần 2 – cú pháp, 1979, tr.21]
Từ điển Bách khoa thư khoa học xã hội của Nga đưa ra định nghĩa chung nhất
về câu phủ định “câu phủ định là câu có chứa các dấu hiệu phủ định”. Đây cũng là
quan niệm về câu phủ định của tác giả E. Pudatreva. [Российский гуманитарный
энциклопедический словарь - http://dic.academic.ru]
Theo cuốn Tiếng Nga hiện đại (1986), “câu phủ định là câu mà trong đó mối
liên hệ giữa đơn vị lời nói và tín hiệu của lời nói bị phủ định, phủ định sự có mặt
của tín hiệu độc lập hay phủ định sự có mặt của đơn vị lời nói.”
Trong số những công trình nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt sớm nhất - Việt
Nam văn phạm (1949), tác giả Trần Trọng Kim đã đưa ra một khái niệm thuần túy
dựa vào hình thức biểu hiện về câu phủ định “…là một câu có một tiếng phủ định
trạng từ như không, chẳng, chớ, đừng, chưa… đặt trước tiếng động từ hay tiếng tĩnh
từ”. Nhận định này đánh dấu sự quan tâm cần thiết của các nhà nghiên cứu đối với
một loại câu mang tính phổ quát cho tất cả các ngôn ngữ như câu phủ định. Tuy
nhiên, định nghĩa nêu trên chưa phản ánh được bản chất của câu phủ định và cũng
như không thấy được sự phong phú, đa dạng về các hình thức biểu đạt ý nghĩa phủ
định.
Trong Văn phạm Việt Nam – Giản dị và thực dụng (1972), Bùi Đức Tịnh nhận
định “Ta dùng câu phủ định để phủ nhận một điều gì hay một việc xảy ra. Thường
10
câu phủ định là những câu có trạng từ phủ định hạn định một động từ, một trạng từ,
một tính từ hay cả mệnh đề.”
Sau này, tác giả Diệp Quang Ban đưa ra định nghĩa đầy đủ hơn về câu phủ định
như sau: “Câu phủ định là câu xác nhận sự vắng mặt của vật, hiện tượng hay sự
kiện, sự vắng mặt của đối tượng hay của đặc trưng đối tượng trong hiện thực hoặc
trong tưởng tượng, bằng những phương tiện hình thức xác định”. [Diệp Quang Ban,
Ngữ pháp tiếng Việt phổ thông, tập 2, 1989, tr. 261]
Nguyễn Thị Lương trong Câu tiếng Việt (2006) bày tỏ quan niệm của mình về
câu phủ định “… là câu sử dụng những từ ngữ phủ định để xác nhận rằng không có
sự vật, sự việc hay đặc trưng, tính chất, quan hệ nào đó, hoặc để phản bác một ý
kiến, một nhận định của ai đó hay của chính mình”. Khái niệm cho thấy câu phủ
định không chỉ có nhiệm vụ miêu tả như trong định nghĩa của Diệp Quang Ban mà
nó còn có vai trò quan trọng trong việc bác bỏ một nhận định nào đó.
Như vậy, qua quan sát các khái niệm nêu trên chúng ta có thể khái quát hóa các
đặc trưng của câu phủ định như sau:
- có chứa các dấu hiệu phủ định;
- được sử dụng để miêu tả sự vắng mặt của vật, hiện tượng hay sự kiện, sự vắng
mặt của đối tượng hay của đặc trưng đối tượng; hoặc để bác bỏ một nhận định.
1.1.2. Đôi nét về các phương tiện thể hiện ý nghĩa phủ định trong các công trình
nghiên cứu ở Nga và Việt Nam
Trong tiếng Nga có một số lượng đáng kể các nghiên cứu về dấu hiệu nhận biết
đặc trưng của câu phủ định. Sách Ngữ pháp tiếng Nga (Русская грамматика)
(1980) đã tổng kết 6 phương tiện thể hiện ý nghĩa phủ định trong câu đơn gồm có:
- tiểu từ не;
- tiểu từ ни;
- đại từ và trạng từ phủ định với tiếp đầu tố не-: некого, нечего, негде, некуда,
неоткуда, незачем, некогда;
- đại từ và trạng từ phủ định với tiếp đầu tố ни-: никто, ничто, никакой…;
- vị từ: нет, нельзя, невозможно, немыслимо;
11
- từ нет tương đương với một câu phủ định hay một thành phần chính trong
câu.
Ngoài các phương tiện kể trên, tác giả E. Pugatreva trong cuốn Tiếng Nga hiện
đại, phần 2 – cú pháp (1979) bổ sung các phương tiện biểu đạt ý phủ định khác như
sử dụng các phụ tố cấu tạo từ mang nghĩa phủ định (не-, без-...), các cấu trúc câu
(Много ты понимаешь, Так я и верил...), phương tiện từ vựng (отказаться,
лишен...)
Trong chuyên khảo “Phủ định như một phạm trù lô-gích ngữ pháp”
(Отрицание как логико-грамматическая категория), V.N. Bondarenko (1983)
đã miêu tả chi tiết về các phương tiện thể hiện ý phủ định. Nhìn chung, quan điểm
của ông về vấn đề này thống nhất với các nhà nghiên cứu khác. Tuy nhiên, cũng
như tác giả D.E. Rozetal, ông phủ nhận vai trò phủ định của tiểu từ ни mà chỉ công
nhận chức năng nhấn mạnh ý nghĩa phủ định của nó mà thôi.
Câu phủ định trong tiếng Việt cũng như trong các ngôn ngữ khác có các dấu
hiệu đặc trưng của mình. Các dấu hiệu này được biểu hiện khá phong phú dưới
nhiều hình thức khác nhau. Chúng có thể là từ, tổ hợp từ, cấu trúc cú pháp…
Tác giả Nguyễn Thị Lương đã liệt kê các phương tiện thường gặp ở câu phủ
định tiếng Việt như sau:
- các phụ từ phủ định: không, chưa, chả, chẳng;
- các kết hợp: chẳng… đâu, có… đâu, chưa… đâu, đã… đâu, chẳng… gì, dễ…
chắc;
- các tình thái từ phủ định: mà, đâu, gì, bao giờ, sao;
- các tổ hợp: không hề, làm gì có, làm gì, đời nào, không đời nào, chẳng đời
nào, việc gì, nỗi gì, cái nỗi gì, thèm vào, dám thèm vào, mặc kệ, mặc, kệ;
- các từ ngữ thông tục: đếch, đéo, khỉ, con khỉ, làm cóc gì, cóc khô gì, quái gì,
mẹ gì, con mẹ gì, cái con khẹc, làm chó gì;
- các tình thái từ phủ định: tịnh, khối, mốc, sất, ứ.
Theo Nguyễn Kim Thản việc bày tỏ ý nghĩa phủ định có thể dựa vào các
phương tiện sau:
12
- từ phủ định (phương thức dùng hư từ) như không, chẳng (chả), chưa (chửa),
đừng, chớ, không hề, chẳng hề (chả hề), chưa hề (chửa hề), chưa từng;
- câu hỏi bộ phận với một giọng điệu đặc biệt;
- một số lối nói đặc biệt cộng với một giọng điệu đặc biệt.
Bên cạnh đó, tác giả cũng tổng kết các quy tắc chung về việc dùng từ phủ định
đồng thời nhấn mạnh việc thực hiện các quy tắc đó còn phụ thuộc vào một số nhân
tố khác như tính chất lời nói, đặc điểm về tổ chức câu, ý nghĩa của lời nói…
Nguyễn Đức Dân dành sự quan tâm đặc biệt cho câu phủ định bác bỏ. Ông tập
trung phân tích các dấu hiệu đặc trưng của loại câu này như việc sử dụng các từ
phiếm định nào, gì, đâu, bao giờ… hoặc dùng từ mà để tạo thành các tác tử bác bỏ.
Qua việc khảo sát các phương tiện thể hiện ý nghĩa phủ định ở cả hai ngôn ngữ,
chúng ta thấy rằng các phương tiện này tập trung ở ba nhóm như sau:
- các phụ tố cấu tạo từ;
- các từ phủ định đặc trưng;
- các kết hợp, cấu trúc cú pháp không xuất hiện các từ phủ định đặc trưng.
Trong phạm vi đề tài nghiên cứu này, chúng tôi tập trung miêu tả các phương
tiện thể hiện ý nghĩa phủ định dựa trên việc phân chia các nhóm phương tiện phủ
định như trên đã trình bày.
1.1.3. Phân loại hiện tượng phủ định
Dựa vào các tiêu chí khác nhau ta có các cách phân loại khác nhau và cho các
kết quả khác nhau. Thông thường người ta thường đề cập đến ba cặp câu phủ định
sau: câu phủ định toàn bộ và câu phủ định bộ phận; câu phủ định chung và phủ định
riêng; câu phủ định miêu tả và câu phủ định bác bỏ.
a) Phủ định toàn bộ và phủ định bộ phận
Phủ định toàn bộ và phủ định bộ phận là kết quả của cách phân loại dựa trên vị
trí của từ phủ định trong câu, với quan niệm trong câu, chỉ có vị ngữ được coi là
thành phần chính, các thành phần còn lại (kể cả chủ ngữ) đều coi là thành phần thứ
yếu. Đây là cách tiếp cận của ngữ pháp truyền thống theo quan điểm cú pháp ngữ
13
nghĩa của các nhà Việt ngữ học mà điển hình là Diệp Quang Ban, Nguyễn Kim
Thản.
Theo Diệp Quang Ban “căn cứ vào cách biểu hiện ý phủ định mà người ta phân
biệt câu phủ định toàn bộ và câu phủ định bộ phận. Câu phủ định toàn bộ là câu
chứa phụ từ chỉ ý phủ định đứng trước vị ngữ và trước nòng cốt câu; còn trong câu
phủ định bộ phận thì vị ngữ không bị đánh dấu phủ định, mà một bộ phận nào đó
khác trong câu mang phụ từ phủ định”. [Diệp Quang Ban, Ngữ pháp tiếng Việt phổ
thông, tập 2, 1989, tr. 262]
Nguyễn Kim Thản thì cho rằng “phạm vi phủ định bày tỏ trong câu có thể chia
ra làm hai: phủ định toàn bộ và phủ định bộ phận”. Cũng đồng quan điểm với tác
giả Diệp Quang Ban, ông đưa ra nhận xét về câu phủ định toàn bộ “…vị ngữ của
câu là phần nói lên nội dung chính cần thông báo. Do đó, phủ định ý nói ở phần này
có nghĩa là phủ định toàn bộ hiện thực nói đến trong câu”; và “để bày tỏ ý phủ định
bộ phận, có thể dùng từ phủ định ở phụ ngữ của câu hay ở phụ ngữ của các cụm từ
trong câu”. [Diệp Quang Ban, Ngữ pháp tiếng Việt phổ thông, tập 2, 1989, tr. 262]
Như vậy, cốt lõi của vấn đề phân loại câu phủ định toàn bộ và câu phủ định bộ
phận là vị trí của từ hay yếu tố phủ định. Căn cứ vào vị trí của nó so với các thành
phần chính hay phụ trong câu mà người ta xác lập ý nghĩa của phủ định.
Trong bài Vài nhận xét về cách bày tỏ ý phủ định trong tiếng Việt, Tạp chí ngôn
ngữ số 2 (1972) ,tác giả Nguyễn Kim Thản phân định rõ ràng hai dạng thức điển
hình của câu phủ định toàn bộ. “Cách thứ nhất là đặt từ kèm phủ định trước bộ phận
vị ngữ của câu đơn hai phần hoặc trước phần nòng cốt của câu đơn một phần”.
Ví dụ: dẫn lại ví dụ của Nguyễn Kim Thản
1. Mặt trời lên. → Mặt trời chưa lên.
2. Tôi là thợ. → Tôi không phải là thợ.
3. Nắng. → Không nắng.
4. Hải Phòng. → Chưa phải Hải Phòng.
“Cách thứ hai dùng để bày tỏ ý phủ định toàn bộ là biến bộ phận chủ ngữ thành
một cấu tạo phủ định, kiểu không/ chưa + thể nào + nào/ gì.” (Học sinh đến →
14
Không học sinh nào đến.); hoặc không/ chưa + từ trỏ rộng (đại từ phiếm chỉ) (Ai
cũng nói. → Không ai nói; Không đâu đáng yêu hơn Tổ quốc).
Còn để bày tỏ ý phủ định bộ phận, “có thể dùng từ phủ định ở phụ ngữ của câu
hay ở phụ ngữ của các cụm từ trong câu. Thường thấy nhất là:
 Ở phụ ngữ của câu:
Ví dụ:
5. Không vội vàng, anh đi lại phía tôi.
 Ở phụ ngữ của vị từ (phủ định kết quả, trạng thái… của hoạt động, tính
chất…):
Ví dụ:
6. Tôi xem không hiểu.
7. Nó nghĩ không ra.
8. Anh viết không gọn.
 Ở phụ ngữ của danh từ (thường phủ định sự tồn tại của sự vật sở thuộc):
Ví dụ:
9. Những đứa trẻ không nơi nương tựa đã được Nhà nước nuôi nấng.
1) Phần chêm xen:
Ví dụ:
10. Tất cả mọi người – không kể đàn ông hay đàn bà – đều phải là những chiến sĩ
kiên cường chống Mỹ, cứu nước.
Cùng quan điểm với tác giả Nguyễn Kim Thản, tác giả Diệp Quang Ban cũng
cho rằng hiện tượng phủ định được phân loại thành câu có vị ngữ bị phủ định, câu
có chủ ngữ bị phủ định, câu có thành phần phụ của từ và thành phần phụ của câu bị
phủ định. Ngoài ra, tác giả còn đề cập đến câu có thành phần phụ phủ định nòng cốt
câu. Trong kiểu câu này, một số phương tiện phủ định đóng vai trò phụ ngữ của câu
và có tác dụng phủ định toàn bộ nòng cốt câu câu hoặc vị ngữ của câu.
Ví dụ:
11. Không phải mẹ bảo con đến đây [mà là con đi học về ghé qua thôi].
15
Chính tác giả cũng phải công nhận “nếu không tính đến ngữ điệu thì khó có thể
phân biệt kiểu câu đang bàn ở đây với kiểu câu có chủ ngữ bị phủ định” [Diệp
Quang Ban, Ngữ pháp tiếng Việt phổ thông, tập 2, 1989, tr. 267]. Sự mơ hồ này
phần nào chứng tỏ việc phân loại câu phủ định thành câu phủ định toàn bộ và câu
phủ định bộ phận ở một mức độ nào đó là hợp lý nhưng chưa mang tính khái quát
được hết tất cả các hiện tượng phủ định vốn vô cùng đa dạng trong ngôn ngữ. Nó
thuần túy mới chỉ dựa trên các hiện tượng bề mặt mà chưa đi vào các khía cạnh tiềm
ẩn bên trong vỏ ngôn ngữ. Như đối với dạng các câu hỏi tu từ mang ý nghĩa phủ
định thì khó có thể sử dụng các tiêu chí phân loại phủ định toàn bộ hay phủ định bộ
phận theo quan điểm nêu trên.
b) Phủ định chung và phủ định riêng
Việc phân loại câu phủ định thành câu phủ định chung và câu phủ định riêng
căn cứ vào lượng của các phần tử trong tập hợp tham gia vào phán đoán phủ định.
Đây là hướng tiếp cận câu phủ định dựa trên mối quan hệ giữa lô-gích và ngôn ngữ
cụ thể là mối quan hệ chặt chẽ giữa phán đoán phủ định và câu phủ định. Đại diện
tiêu biểu của trường phái này trong giới Việt ngữ học là tác giả Nguyễn Đức Dân.
Khi nói về câu phủ định chung và câu phủ định riêng, ông cho rằng đó là “câu phủ
định miêu tả sự kiện mọi phần tử của một tập hợp không có một thuộc tính nào đó
là câu phủ định chung” [Nguyễn Đức Dân, Lô-gích - Ngữ nghĩa - Cú pháp, 1987, tr.
242], còn câu phủ định riêng là câu phủ định chỉ có một hoặc một số phần tử của
tập hợp không có một thuộc tính nào đó.
Ví dụ:
12. Mọi người đều không biết tường tận việc đó.
13. Không ai biết tường tận việc đó.
Các câu trong ví dụ 12, 13 là các câu phủ định chung. So sánh với các ví dụ
trên, các câu “Ông Ba không biết việc đó”, “Một số người không biết việc đó” được
coi là câu phủ định riêng, bởi vì một phần từ của tập hợp “ông Ba” hay “một số
người” không có một thuộc tính “biết việc đó”. Trong khi đó, căn cứ vào vị trí của
16
từ phủ định không, tất cả các câu trong các ví dụ nêu trên đều được xếp loại câu phủ
định toàn bộ bởi vì từ không đứng ngay trước các vị từ trong câu.
Chúng ta nhận thấy có sự mâu thuẫn rõ rệt giữa hai cách phân loại câu phủ
định. Chẳng hạn, câu “Mọi người đều nói không rõ” có thể được coi là câu phủ định
chung xét theo tiêu chí về số lượng phần tử mang yếu tố phủ định, lại vừa là câu
phủ định bộ phận theo tiêu chí vị trí của từ phủ định trong câu.
c) Phủ định miêu tả và phủ định bác bỏ
Sự ra đời của lý thuyết hành động ngôn từ đã giải quyết được mâu thuẫn trong
hai cách phân loại câu phủ định nêu trên. Căn cứ vào mục đích hay ý nghĩa của sự
phủ định, câu phủ định được chia thành hai loại: câu phủ định miêu tả và câu phủ
định bác bỏ.
Khi tư duy về các sự vật và hiện tượng, người ta xây dựng các phán đoán về các
thuộc tính và mối quan hệ giữa chúng. Nguyễn Đức Dân (1987) đã đưa ra ví dụ như
sau. Quan sát các ngôi nhà trong một khu phố, người ta nói “Ngôi nhà này cao, ngôi
nhà kia thấp”. Các phán đoán này được biểu hiện bằng những câu khẳng định. Thay
cho câu trên, ta có thể nói “Ngôi nhà này cao, ngôi nhà kia không cao”. Thế là để
miêu tả chúng ta có thể dùng một câu khẳng định “ngôi nhà kia thấp” và một câu
phủ định “ngôi nhà kia không cao” để diễn tả cùng một nội dung có ý nghĩa tương
đương. Vì thế, có loại câu dùng để miêu tả gọi là câu phủ định miêu tả. Diệp Quang
Ban đã nêu ra định nghĩa về câu phủ định miêu tả “…phủ định miêu tả được thực
hiện trong quá trình miêu tả, nhìn nhận sự vắng mặt (tính âm) của vật, hiện tượng
hoặc đặc trưng, quan hệ của vật, việc, hiện tượng” [Diệp Quang Ban, Ngữ pháp
tiếng Việt phổ thông, tập 2, 1989, tr. 267]. Bên cạnh đó, cũng có những câu phủ
định không dùng để miêu tả, nó được dùng để đối đáp, bác bỏ ý kiến của những
người khác, thậm chí ý kiến, ý nghĩ của chính mình trước đó. Loại câu này được gọi
là câu phủ định bác bỏ. Câu phủ định bác bỏ là câu phủ định dùng để phản bác một
ý kiến, một nhận định của ai đó hay của chính mình.
Khác với các kiểu phân loại câu phủ định toàn bộ và phủ định bộ phận hay phủ
định chung và phủ định riêng, trọng tâm của phủ định không phải là vị trí của các
17
tín hiệu phủ định hay số phần tử của một tập hợp không có thuộc tính nào đó mà
chính là ý nghĩa thực sự của phát ngôn trong hoàn cảnh giao tiếp hiện thực, là “lực
ngôn trung” của ngôn ngữ.
Thuật ngữ câu phủ định bác bỏ mang ý nghĩa khái quát. Nó đại diện cho hàng
loạt các hành vi khác mà kết quả cuối cùng của chúng mới là sự bác bỏ. Chúng ta
thấy rõ điều đó trong các tình huống thực tế thông qua các ví dụ sau:
Ví dụ:
A Anh làm hộ tôi việc này nhé?
B1 Tôi không làm được đâu.
B2 Tôi làm sao được?
Nhận thấy, để thể hiện việc không chấp nhận lời đề nghị của A, B có thể hoặc
từ chối trực tiếp, hoặc đưa ra một câu chất vấn về khả năng thực hiện công việc. Dù
bằng cách một hay cách hai, ngầm ý của người được đề nghị nhắm đến việc bác bỏ
lời đề nghị.
Hay khi bị phê phán “Cậu lại trốn học rồi”, người ta có thể đáp lời “Nào tớ có
muốn vậy đâu!”. Có thể hiểu câu trả lời này không phủ định thực tế có “”trốn học”
nhưng có phần thanh minh về nguyên nhân dẫn tới việc đã làm cũng nhằm mục đích
bác bỏ lời phê phán đó.
Một ví dụ khác cũng để chứng tỏ rằng ý phủ định bác bỏ được thể hiện qua vô
vàn các hành vi khác nhau như sau: nếu không đồng thuận với nhận định “Bạn Hoa
học giỏi nhất lớp” chúng ta cũng có thể dùng một phán đoán đối lập của nó “Bạn
Lan còn học giỏi hơn”. Hai phán đoán đối lập nhau mang nghĩa phủ định lẫn nhau
nhưng không nhất thiết phải có một câu ở dạng phủ định.
1.2. Ngôn ngữ học đối chiếu
1.2.1. Khái niệm ngôn ngữ học đối chiếu
Ngôn ngữ học đại cương, ngôn ngữ học miêu tả và ngôn ngữ học so sánh là ba
phân ngành cơ bản của ngôn ngữ học hiện đại. Căn cứ vào đối tượng, mục đích và
cách thức so sánh, ngôn ngữ học so sánh thường được phân chia thành những ngành
18
sau: ngôn ngữ học so sánh lịch sử, ngôn ngữ học so sánh loại hình hay loại hình học
và ngôn ngữ học đối chiếu.
Theo định nghĩa của tác giả Bùi Mạnh Hùng, ngôn ngữ học đối chiếu là một
phân ngành ngôn ngữ học nghiên cứu so sánh hai hoặc nhiều hơn hai ngôn ngữ bất
kỳ để xác định những điểm giống nhau và khác nhau giữa các ngôn ngữ đó, không
tính đến vấn đề các ngôn ngữ được so sánh có quan hệ cội nguồn hay thuộc cùng
một loại hình hay không. Việc lựa chọn ngôn ngữ để đối chiếu hoàn toàn phụ thuộc
vào những yêu cầu lý luận và thực tiễn nghiên cứu. Về căn bản ngôn ngữ học đối
chiếu đứng trên quan điểm đồng đại khác với quan điểm lịch đại của ngôn ngữ học
so sánh lịch sử.
1.2.2. Các nguyên tắc đối chiếu ngôn ngữ
Trong quá trình nghiên cứu đối chiếu các ngôn ngữ có các nguyên tắc cơ bản
mà chúng ta cần tuân thủ như sau:
a) Đảm bảo các phương tiện trong hai ngôn ngữ đối chiếu phải được miêu tả
một cách đầy đủ, chính xác và sâu sắc trước khi tiến hành đối chiếu để tìm ra điểm
giống nhau và khác nhau giữa chúng. Bước miêu tả này tuy chỉ là sự chuẩn bị
nhưng là một công đoạn quan trọng của quá trình đối chiếu vì nó cung cấp đầu vào
cho sự đối chiếu. Kết quả đối chiếu trước hết phụ thuộc vào kết quả của sự miêu tả
này.
b) Việc nghiên cứu đối chiếu không thể chỉ chú ý đến các phương tiện ngôn ngữ
một cách tách biệt mà phải đặt trong hệ thống.
c) Phải xem xét các phương tiện đối chiếu không chỉ trong hệ thống ngôn ngữ
mà còn trong hoạt động giao tiếp. Nguyên tắc này đã giải quyết thỏa đáng mối quan
hệ giữa ngôn ngữ và lời nói trong nghiên cứu ngôn ngữ học nói chung, đưa ngôn
ngữ gần gũi hơn với hoạt động giao tiếp, nơi ngôn ngữ thực hiện chức năng cơ bản
của nó và nhờ vậy mới bộc lộ được hết đặc điểm của mình.
d) Phải đảm bảo tính nhất quán trong việc vận dụng các khái niệm và mô hình
lý thuyết để miêu tả các ngôn ngữ được đối chiếu. Nguyên tắc này đòi hỏi các
phương tiện của hai ngôn ngữ được miêu tả theo cùng một mô hình. Thành công
19
của việc đối chiếu không chỉ phụ thuộc vào các khái niệm và lý thuyết mà chúng ta
lựa chọn để miêu tả mà còn được quyết định bởi tính nhất quán của việc vận dụng
các khái niệm và lý thuyết đó.
e) Phải tính đến mức độ gần gũi về loại hình giữa các ngôn ngữ cần đối chiếu vì
nó cho phép người nghiên cứu có thể lựa chọn được cách tiếp cận thích hợp nhất
đối với quá trình đối chiếu.
1.2.3. Phạm vi đối chiếu
Về mặt lý thuyết, căn cứ vào phạm vi đối chiếu người ta phân biệt đối chiếu hệ
thống và đối chiếu bộ phận. Đối chiếu hệ thống là đối chiếu tổng thể hai ngôn ngữ
với nhau. Còn đối chiếu bộ phận là đối chiếu các đơn vị, phạm trù, hiện tượng cụ
thể của hai ngôn ngữ. Tuy nhiên, trên thực tế không có công trình nào có thể đối
chiếu một cách đầy đủ ngôn ngữ này với ngôn ngữ khác như những tổng thể. Cách
tiếp cận thích hợp nhất là đối chiếu các phương tiện của hai ngôn ngữ trên từng
phạm trù, bình diện riêng biệt, đó chính là phạm vi đối chiếu bộ phận.
Có nhiều quan điểm khác nhau về cách phân biệt phạm vi đối chiếu bộ phận. Ví
dụ, tác giả T. Krzeszowski phân biệt 3 lĩnh vực đối chiếu:
- Đối chiếu những hệ thống tương đương trong hai ngôn ngữ như đại từ, quán
từ, động từ, hệ thống nguyên âm, phụ âm…
- Đối chiếu những kết cấu tương đương như kết cấu nghi vấn, kết cấu phủ định,
kết cấu bị động, kết cấu danh ngữ…
- Đối chiếu các quy tắc tương đương như quy tắc bị động, đảo trật tự trong kết
cấu nghi vấn, đồng hóa và dị hóa ngữ âm…
Lê Quang Thiêm (1989) phân biệt phạm vi đối chiếu theo phạm trù, cấu trúc hệ
thống, chức năng và hoạt động, phong cách, lịch sử - phát triển.
Theo Bùi Mạnh Hùng, sự phân biệt các phạm vi đối chiếu cần xác định trên cơ
sở phân biệt các bình diện phân tích ngôn ngữ: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và ngữ
dụng.
1.2.4. Những cách tiếp cận cơ bản trong nghiên cứu đối chiếu ngôn ngữ
20
Một công trình nghiên cứu đối chiếu có thể chọn một trong hai cách tiếp cận
chủ yếu sau: đối chiếu hai (hay nhiều) chiều và đối chiếu một chiều.
a) Nghiên cứu đối chiếu hai (hay nhiều) chiều xem xét các hiện tượng được so
sánh của hai hay nhiều ngôn ngữ trong mối quan hệ qua lại trên một cơ sở đối
chiếu, dựa trên một cơ sở so sánh (TC - tertium comparationis) nhất định. Cách này
được tiến hành theo thủ tục như sau: chọn TC và xác định các phương tiện ngôn
ngữ biểu thị/ thuộc về phạm trù này trong các ngôn ngữ đối chiếu. Cách tiếp cận
này gọi là đối chiếu hai chiều không phải vì việc đối chiếu các ngôn ngữ theo cả hai
chiều từ ngôn ngữ A đến ngôn ngữ B và sau đó, ngược lại, từ ngôn ngữ B đến ngôn
ngữ A, mà là nghiên cứu các hình thức thể hiện TC trong hai ngôn ngữ, sau đó phân
tích những hình thức thể hiện này có những điểm nào giống nhau và khác nhau,
không có ngôn ngữ nào là ngôn ngữ xuất phát và ngôn ngữ nào là ngôn ngữ đích.
b) Nghiên cứu đối chiếu một chiều xem xét ý nghĩa của một phương tiện nào đó
trong ngôn ngữ này và xác định những phương tiện biểu hiện ý nghĩa tương ứng
trong ngôn ngữ khác. Bắt đầu từ việc miêu tả các hình thức trong ngôn ngữ thứ nhất
rồi đối chiếu với những cái tương đương trong ngôn ngữ thứ hai. Cũng có thể ngược
lại, bắt đầu từ việc miêu tả các hình thức trong ngôn ngữ thứ hai rồi đối chiếu với
những cái tương đương trong ngôn ngữ thứ nhất. Sở dĩ gọi là một chiều vì khi đối
chiếu, người nghiên cứu chọn một ngôn ngữ làm điểm xuất phát và một ngôn ngữ
làm đích. Việc chọn ngôn ngữ nào làm ngôn ngữ xuất phát và ngôn ngữ nào làm
ngôn ngữ đích phụ thuộc vào nhiệm vụ và mục đích của việc nghiên cứu đối chiếu
chứ không bị quy định bởi đặc điểm của cấu trúc ngôn ngữ.
Đề tài nghiên cứu đối chiếu của luận văn là nghiên cứu một chiều với việc chọn
tiếng Nga làm ngôn ngữ cơ sở, ngôn ngữ xuất phát, còn tiếng Việt là ngôn ngữ đối
chiếu, ngôn ngữ đích.
1.3. Tiểu kết
Chương 1 đã giới thiệu những cơ sở lý luận của luận văn. Câu phủ định đã được
nghiên cứu về mặt triết học, mặt lô-gích học và mặt ngôn ngữ trên nhiều bình diện
khác nhau. Luận văn giới thiệu một số nghiên cứu tiêu biểu về vấn đề câu phủ định
21
ở trong và ngoài nước, tổng kết các nét cơ bản như khái niệm câu phủ định, các
phương tiện thể hiện ý nghĩa phủ định cũng như phân loại câu phủ định. Ngoài ra,
nội dung lý thuyết cơ bản về vấn đề câu và ngôn ngữ học đối chiếu cũng được trình
bày trong luận văn. Mặc dù có nhiều bình diện nghiên cứu về câu phủ định, trong
phạm vi đề tài nghiên cứu chúng tôi chủ yếu đề cập đến các phương tiện thể hiện ý
nghĩa phủ định cấu trúc câu đơn tiếng Nga, tập trung vào việc xác định, miêu tả và
phân tích ý nghĩa cơ bản của chúng trong hai ngôn ngữ.
22
CHƯƠNG 2.
CÂU PHỦ ĐỊNH CHỨA CÁC PHƯƠNG TIỆN PHỦ ĐỊNH CHÍNH DANH
Ở TIẾNG NGA TRONG SỰ ĐỐI CHIẾU VỚI TIẾNG VIỆT
Trong chương này, nhiệm vụ được đặt ra là xem xét các câu phủ định chứa các
phương tiện phủ định chính danh trong tiếng Nga cũng như tiếng Việt; phân tích,
làm rõ chức năng và ý nghĩa của các phương tiện này. Trên cơ sở đó có thể tiến
hành việc so sánh đối chiếu để tìm ra những nét tương đồng và dị biệt giữa hai ngôn
ngữ, hai nền văn hóa.
2.1. Câu phủ định chứa các phương tiện thể hiện ý nghĩa phủ định bằng các từ phủ
định trong tiếng Nga
2.1.1. Câu phủ định chứa các phương tiện thể hiện ý nghĩa phủ định bằng các
tiểu từ phủ định
Trong nhiều ngôn ngữ, sử dụng từ phủ định là cách thức phổ biến nhất khi bày
tỏ ý phủ định xét về mặt ngữ pháp. Trong tiếng Nga các từ kiểu này thường được
gọi tên là tiểu từ phủ định (отрицательная частица). Nhiều nhà Nga ngữ học cho
rằng các tiểu từ phủ định đó là не và ни. Theo quan điểm của chúng tôi, ни không
được coi là tiểu từ phủ định. Lý do giải thích cho điều này chúng tôi sẽ trình bày ở
phần sau.
a) Tiểu từ не (không)
Có thể nói rằng từ не đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thể hiện ý phủ
định không phải chỉ bởi tần số xuất hiện của nó trong giao tiếp mà còn do khả năng
kết hợp với mọi thành phần trong các loại câu khác nhau. Tiểu từ phủ định не có thể
đem lại ý phủ định cho bất kỳ thành phần câu nào mà nó đứng trước. Do đó người
ta cho rằng не thực hiện chức năng quan trọng, chức năng phủ định tùy chọn
(факультативное отрицание).
Trong câu hai thành phần chính, tiểu từ phủ định не có thể đứng trước bất cứ
thành phần chính nào của câu, nhưng thường gặp nhất là vị trí trước vị ngữ. Còn
23
trong câu không có cấu trúc chủ-vị, nó đứng trước động từ chính hay vị từ trong
câu. Khi đó nó có ý nghĩa phủ định cho vị từ.
Ví dụ:
23. Я не учусь в университете. (Tôi không học ở trường đại học.)
24. Мой отец не инженер. (Bố tôi không phải là kỹ sư.)
25. Этот дом еще не построен. (Ngôi nhà này còn chưa xây xong.)
26. Она не из Ханоя. (Cô ấy không phải từ Hà Nội đến.)
27. Директор не у себя. (Giám đốc không có ở trong phòng.)
28. Главное – не ошибиться. (Quan trọng là không mắc lỗi.)
29. Времени не хватает. (Không đủ thời gian.)
30. Жить в городе не трудно. (Sống ở thành phố không khó khăn gì.)
31. Хорошо учиться - не проблема. (Học tốt không phải là vấn đề.)
Tiểu từ не cũng có thể đứng trước động từ nguyên dạng hay phần danh, khi đó
cụm từ chứa не có vai trò là phần thuyết trong câu.
Ví dụ:
32. Не ты одна в беде - горе народное, с народом и терп. (Ч. Айтматов –
Джамиля)
(Không phải chỉ con buồn khổ - đó là nỗi đau của toàn dân, con hãy chịu đựng
cùng toàn dân.)
33. Однажды случилось мне целый месяц не брать пистолета. (А.С. Пушкин –
Выстрел)
(Nhưng có lần trọn một tháng tôi không cầm đến súng.)
Trong câu một thành phần, tiểu từ phủ định не đứng trước động từ đã chia hoặc
trạng từ.
Ví dụ:
34. А он шел и плакал. И ему было не стыдно. (В. Шукшин – Раскас)
(Anh ta vừa đi vừa khóc. Và anh ta chả xấu hổ gì.)
35. Их не преследовали. По ним не стреляли вслед. (М. Шолохов – Тихий Дон)
(Toán Cô-dắc không truy kích, cũng chẳng bắn theo họ.)
24
Trong các câu сó các thành phần mở rộng, tiểu từ phủ định не có thể được lựa
chọn đứng trước bất kỳ thành phần mở rộng nào của câu.
Ví dụ:
36. Он читал не газету. (Anh ta đọc không phải báo.)
37. Они ходили не в театру. (Họ đi không phải đến nhà hát.)
38. Они занимаются в библиотеке не вуза.
(Họ học trong thư viện không phải của trường.)
39. Не из-за них шум. (Tiếng ồn không phải do họ.)
40. Не у нее грипп. (Không phải cô ấy bị cúm.)
41. Не часто встречаются эти люди.
(Những người này gặp nhau không thường xuyên.)
Từ phủ định не cũng có thể đứng trước một cụm từ và phủ định cho cả cụm từ
đó. Chúng ta có thể nhận biết mối quan hệ đó nhờ vào ngữ cảnh và sự đối lập trong
câu.
Ví dụ:
42. Смотрела она на нас смело, в упор, словно мы были не новые для нее люди,
а животные зоологического сада. (А. П. Чехов – Вишнёвый сад)
(Cô ấy nhìn chằm chằm vào chúng tôi, như thể chúng tôi không phải là những
người mới đối với cô ấy, mà là những con vật ở sở thú.)
Trong câu này cụm từ phủ định là не новые для нее люди (không phải những
người mới đối với cô ấy) có sự đối lập với а животные зоологического сада (mà
những con vật ở sở thú).
Để nhấn mạnh ý phủ định tiểu từ phủ định có thể đứng giữa giới từ và cụm từ
mà nó cần phủ định.
Ví dụ:
43. Слова о не задержавшихся в батальоне комбатах не испортили ему
настроения. (К. Симонов – Живые и мёртвые)
(Tin tức về những người không còn ở lại trong tiểu đoàn không làm hỏng tâm
trạng của anh ta.)
25
Khi tiểu từ phủ định đứng ở ngay đầu câu thì có thể hiểu ý nghĩa phủ định liên
quan đến từ đứng ngay sau nó hoặc liên quan đến toàn bộ câu. Như vậy câu “Не
поезд гудит” (Không phải đoàn tàu rúс lên) có thể hiểu theo nghĩa “Не поезд -
гудит” hoặc “Не - поезд гудит”. Trong trường hợp thứ nhất, không phải hành động
được phủ định mà là “đoàn tàu”. Khi đó chúng ta sẽ hiểu câu trên là “không phải
đoàn tàu rú còi, mà là một vật khác”. Từ phủ định bao giờ cũng ở vị trí trước từ nó
cần phủ định. Chẳng hạn như: “Не поезд гудит”, “Гудит не поезд” hoặc “Не
телефон звонит”, “Звонит не телефон”. Trong trường hợp thứ hai “Не - поезд
гудит” ý nghĩa phủ định bao trùm lên toàn bộ câu và nó có thể đối lập với một câu
khác: “Не поезд гудит, а гром гремит” (Không phải đoàn tàu rúc lên mà là tiếng
sấm rền vang), vị trí của tiểu từ phủ định luôn ở đầu câu.
 Phủ định toàn phần và phủ định bộ phận
Vậy câu hỏi được đặt ra là ý nghĩa của câu thay đổi như thế nào khi vị trí của từ
phủ định này thay đổi. Chúng ta cùng quan sát vị trí của nó trong các ví dụ dưới
đây.
Ví dụ: (dẫn lại ví dụ của sách Ngữ pháp tiếng Nga, 1980, tr.408)
44a. Брат не ходил вчера в библиотеку.
(Anh trai không đi đến thư viện hôm qua.)
44b. Не брат ходил вчера в библиотеку.
(Không phải anh trai đi đến thư viện hôm qua.)
44c. Брат ходил не вчера в библиотеку.
(Anh trai đi đến thư viện không phải vào ngày hôm qua.)
44d. Брат ходил вчера не в библиотеку.
(Ngày hôm qua anh trai đi đến không phải thư viện.)
Trong ví dụ 44a tiểu từ phủ định не đứng trước động từ chính có chức năng làm
vị ngữ của câu. Theo ngữ pháp truyền thống, kiểu câu này được gọi là câu phủ định
toàn bộ. “Đó là những câu mà sự phủ định tác động vào vị ngữ hoặc vào thành
phần chính biểu hiện vị ngữ” [Sách Ngữ pháp tiếng Nga, 1980, tr. 408].Ví dụ 44b
lại chỉ ra rằng sự phủ định liên quan đến chủ thể của hành động, không phải của
26
chính hành động (không phải “anh trai” mà là người nào đó đã đi đến thư viện); câu
44c, d cũng có mối liên quan tương tự như vâỵ về mặt thời gian và địa điểm của
hành động (anh trai đi đến thư viện không phải vào hôm qua mà vào thời gian khác
và ngày hôm qua anh trai đi đến không phải thư viện mà đên một nơi nào đó). Sự
phủ định trong các ví dụ 44b, c, d không tác động lên toàn bộ hành động trong tình
huống nói chung mà chỉ tác động lên một phần của tình huống đó, như vậy sự phủ
định chỉ giới hạn trong một phần nào đó. Những câu như vậy được gọi là câu phủ
định từng phần. Phủ định bộ phận liên quan chặt chẽ với sự phân chia đề - thuyết
trong câu, “phần câu chứa phủ định bộ phận luôn được coi là phần thuyết - Sách
Ngữ pháp tiếng Nga, 1980, tr. 408)
Ví dụ:
45. Не убить тебя я пришла, а мириться, бросай нож! (М. Горький – Макар
Чудра)
(Tôi đến không phải để giết anh mà là để giảng hòa. Hãy bỏ dao xuống!)
Phủ định bộ phận vẫn có thể xảy ra trong trường hợp tiểu từ phủ định не đứng ở
vị trí trước động từ chính hay vị ngữ trong câu: Он не ходил в библиотеку, а ездил
(Không phải anh ta đi bộ đến thư viện, mà đi bằng xe). Trong trường hợp này không
phải toàn bộ tình huống mà chỉ có hành vi thực hiện hành động bị phủ định. Động
từ vị ngữ thực hiện chức năng của phần thuyết – đưa ra một thông báo mới: “…не
ходил, а ездил” (Không phải đi bộ mà đi bằng xe).
Trong các câu phủ định bộ phận, phần phủ định bao giờ cũng đối lập với một
phần nào đó được khẳng định. Chẳng hạn như: Не брат ходил вчера в
библиотеку, а отец. (Không phải anh trai đi đến thư viện hôm qua, mà là bố);
Брат ходил не вчера в библиотеку, а сегодня утром. (Anh trai đi đến thư viện
không phải vào ngày hôm qua, mà vào sang hôm nay); Брат ходил вчера не в
библиотеку, а в кино. (Ngày hôm qua anh trai đi đến không phải thư viện, mà là
rạp chiếu phim).
Ngược lại, sự đối lập đó là không cần thiết trong câu phủ định toàn bộ. Chúng
ta không cần thêm một phần nào đó được khẳng định đi đôi với phần bị phủ định.
27
Người nghe dường như không chờ đợi thêm thông tin kèm theo trong các câu phủ
định dạng như: Брат не ходил вчера в библиотеку (Ngày hôm qua anh trai không
đi đến thư viện); Он давно не получал писем (Đã lâu rồi anh ta chẳng nhận được
thư).
 Phủ định bắt buộc (обязательное отрицание) và phủ định tùy chọn
(факультативное отрицание)
Tiểu từ phủ định не có thể tham gia vào hai cấu trúc: phủ định lựa chọn và phủ
định bắt buộc. Tiểu từ не biểu hiện sự phủ định bắt buộc trong các câu phủ định tự
thân (собственно отрицательное предложение).
Ví dụ:
46. Трудностей не встречается. (Không gặp khó khăn gì.)
47. Письма не получено. (Không nhận được lá thư nào.)
Trong tất cả các trường hợp này các sự việc, sự tồn tại hay phát hiện đã bị loại
trừ bởi yếu tố phủ định. So sánh các câu kiểu trên với các câu phủ định lựa chọn
như “Трудности не встречаются”, “Письмо не получено” chúng ta thấy rằng cấu
trúc ngữ nghĩa của hai loại câu trên tương đồng với nhau. Tuy nhiên chúng vẫn có
một số điểm khác biệt. Thứ nhất là câu phủ định bắt buộc thường thông báo một
chủ thể không xác định: Без потерь войны не бывает (Không có cuộc chiến nào
mà không có mất mát); câu phủ định lựa chọn nói về chủ thể được xác định, đã biết:
Он знал, что его лучшая картина еще не написана (Anh ta biết rằng bức tranh
đẹp nhất của anh ta còn chưa được vẽ xong). Thứ hai là, câu phủ định bắt buộc
thường thông báo về việc không tồn tại của chủ thể, trong khi đó trong câu phủ định
lựa chọn việc không tồn tại của chủ thể lại bị phủ định. Chúng ta so sánh hai câu
sau: “Не было написано ни строки” (Chưa viết được dòng nào), “Не было
сказано ни слова” (Không nói một lời nào) và “Стихотворение не сохранилось,
и я не помню ни одной строчки из него” (Bài thơ không được giữ lại và tôi không
nhớ một dòng nào của bài đó), “Статья его не появилась в печати” (Bài báo của
anh ta còn chưa được in).
28
b) Tiểu từ ни
Bên cạnh tiểu từ phủ định не, tiểu từ ни сũng thu hút được nhiều sự quan tâm
của các nhà nghiên cứu tiếng Nga. Một số nhà nghiên cứu cho rằng tiểu từ ни có vai
trò độc lập, nghĩa là nó có thể biểu thị ý phủ định mà không cần phải đi cùng не
trong một số dạng câu nhất định chẳng hạn như trong câu cầu khiến (kiểu câu Ни
шагу дальше), câu chỉ số lượng (kiểu câu Ни на волос любви) hoặc câu vô nhân
xưng sử dụng dạng thức danh từ ở cách hai (kiểu câu В кармане ни гроша). Đại
diện tiêu biểu cho quan điểm này là các tác giả Vinogradov (1960, 1987), Gabutran
(1972).
Tuy nhiên, bản thân tiểu từ ни không phải là tiểu từ phủ định, mà chỉ là tiểu từ
dùng để nhấn mạnh. Nó có thể có thực hiện chức năng nhấn mạnh cho hoặc là ý
khẳng định, hoặc là ý phủ định. Xét về ý nghĩa biểu hiện nó có sự tương đồng với
các tiểu từ như и (và, cả), даже (thậm chí). Chúng ta cùng xem xét các ví dụ dưới
đây:
Ví dụ:
48. Ни разу не был. (Chưa lần nào ở đó.)
49. В кармане нет ни копейки. (Trong túi không còn xu nào.)
50. Кто ни придет, всем будем рады. (Dù người nào đến, chúng tôi đều mừng.)
Trong câu 46 và câu 47, tiểu từ не và нет biểu thị phủ định hành động và phủ
định sự có mặt. Ở đây, tiểu từ ни được sử dụng trong cấu trúc phủ định với chức
năng nhấn mạnh. Câu 48 là một câu khẳng định cả về mặt hình thức và nội dung.
Cấu trúc câu sử dụng cả hai yếu tố ни và не khá phổ biến trong tiếng Nga hiện
đại. Trong kiểu câu này từ ни có thể được lặp lại nhiều lần nhằm biểu thị ý nhấn
mạnh hay liệt kê, còn việc thực hiện nhiệm vụ phủ định vẫn thuộc về tiểu từ не.
Ví dụ:
51. Он не имел ни фабрик, ни заводов, ни земли, не имел чинов и не занимал
высокого положения.
(Anh ta chẳng có nhà máy, chẳng có xưởng sản xuất, chẳng có đất đai, chẳng có
chức vụ và cũng chẳng có địa vị gì)
29
Cũng có trường hợp khi tiểu từ ни không lặp lại và danh từ đi cùng với nó ở
dạng thức cách hai, khi đó một phần của hiện tượng hay sự vật được phủ định .
Ví dụ:
52. “- Вы имеете в виду Иоганна фон Гете? - Да. Я имею в виду Иоганна фон
Гете, который ни грамма не пил.” (В. Ерофеев – Москва - Петушки)
(- Ý anh muốn nói đến Johann von Goethe? - Vâng. Ý của tôi là Johann von
Goethe, người không uống một giọt nào.)
Tiểu từ ни có thể xuất hiện trong cấu trúc ни один не cũng không nằm ngoài
mục đích biểu thị sự nhấn mạnh.
Ví dụ:
53. Вот присел я у забора и стал прислушиваться, стараясь не пропустить ни
одного слова. (М. Лермонтов – Герой нашего времени)
(Thế là tôi ngồi xuống cạnh hàng rào và bắt đầu lắng nghe cố gắng không bỏ sót
một lời nào.)
Khi kết hợp với các đại từ và trạng từ, tiểu từ ни có khả năng tạo thành các cấu
trúc khẳng định chẳng hạn như как (бы) ни, что (бы) ни... trong các ví dụ sau:
54. Что ни день, то вырастали новые бараки, склады, подсобные мастерские.
(Ngày lại ngày mọc lên những lán xưởng, nhà kho, xưởng sản xuất mới.)
55. Как бы ни было хорошо в гостях, а дома лучше.
(Đi chơi nhà khác thì cũng tốt, nhưng ở nhà còn tốt hơn.)
Trong các cấu trúc cố định dạng như ни жив ни метрв (sống dở chết dở), ни
свет ни заря (tranh tối tranh sáng), tiểu từ ни được lặp lại để nhấn mạnh hoặc là ý
nghĩa không xác định, hoặc đơn giản là sự khẳng định. Các cấu trúc này có thể được
thay thế bởi các cấu trúc tương đương về ý nghĩa cũng như về hình thức. Ví dụ: ни
жив ни метрв = чуть (еле) жив (, ни свет ни заря = очень рано (rất sớm)...
2.1.2. Câu phủ định chứa các phương tiện thể hiện ý nghĩa phủ định bằng các
đại từ phủ định và trạng từ phủ định
Đại từ phủ định và trạng từ phủ định cũng là một trong những phương tiện biểu
thị ý phủ định trong tiếng Nga. Từ điển thuật ngữ ngôn ngữ học của tác giả O.S.
30
Akhmanova đã đưa ra cách nhận biết đại từ và trạng từ phủ định “là các từ mà trong
thành phần của nó có chứa tiếp đầu tố có nhiệm vụ phủ định cho phần nội dung
được biểu hiện trong hình vị gốc” [O.S. Akhmanova, Từ điển thuật ngữ ngôn ngữ
học, 1969, tr. 608]. Trong nhiều sách ngữ pháp của Nga các từ này được giải thích
là các từ chỉ ra sự vắng mặt hoàn toàn của đối tượng là chủ thể hay khách thể của
hành động.
Các đại từ phủ định và trạng từ phủ định trong tiếng Nga gồm có: ничто,
никто, ничей, никакой, нечего, некого, никой và никуда, нигде, никогда,
ниоткуда, ничуть, никак, негде, нисколько, некуда, некогда, незачем,
неоткуда.
Như vậy, đại từ никто được hiểu là vắng mặt hay không tồn tại một người nào
đó, ничей – không thuộc về ai đó, некого – sự vắng mặt của chủ thể hành động
được biểu hiện ở dạng động từ nguyên thể, нечего – sự vắng mặt của khách thể…
Chúng ta có cách hiểu tương tự đối với những đại từ và trạng từ phủ định khác.
Riêng trạng từ некогда có hai cách hiểu: một là biểu hiện việc không có thời gian,
hai là không xác định được về thời gian (lúc nào đó, đã lâu rồi, trong quá khứ). Từ
никой là từ cổ và hiện nay chỉ còn xuất hiện trong những tập hợp từ cố định như ни
в коем случае, никоим образом.
Xét về mặt ngữ nghĩa có thể giải thích các đại từ và trạng từ phủ định như là
phương tiện chia tách một thành phần hay một tập hợp con từ một tập hợp các đối
tượng nào đó. Lấy ví dụ, đại từ никто là một tập rỗng được tách ra từ tập hợp chỉ
người hay nói rộng ra là một tập hợp động vật nói chung, trạng từ никогда nằm
trong một tập hợp chỉ thời điểm hay khoảng thời gian, trạng từ нигде có quan hệ với
tập hợp không gian, địa điểm. Bên cạnh đó, các đại từ và trạng từ phủ định cũng chỉ
ra sự vắng mặt của một cái nào đó. Như vậy trạng từ никогда không chỉ biểu hiện
một thời điểm nói chung mà còn đồng thời chỉ ra sự vắng mặt của một thời điểm
trong một sự việc cụ thể nào đó. Ví dụ trong câu Некого спросить (Chẳng có ai để
hỏi), đại từ некого bao gồm trong nó ý nghĩa chỉ người nói chung và thông tin về sự
vắng mặt của khách thể của hành động.
31
Đại từ và trạng từ phủ định với tiếp đầu tố ни- thường xuất hiện trong câu có
động từ phủ định tức có nghĩa là các từ kiểu này không bao giờ được sử dụng mà
thiếu tiểu từ phủ định не; chúng đóng vai trò là các từ tăng cường sự phủ định
chung. Vì thế một số nhà nghiên cứu có quan điểm cho rằng chỉ những đại từ hoặc
trạng từ với tiếp đầu tố не- mới biểu hiện ý phủ định. Cùng với động từ nguyên
dạng “khẳng định” những đại từ và trạng từ kiểu này tạo thành chỉnh thể cú pháp
hoàn chỉnh.
Ví dụ:
56. Я нигде не был вчера. (Ngày hôm qua tôi chẳng ở đâu.)
57. Мне негде быть вчера. (Ngày hôm qua tôi chẳng có chỗ nào để ở cả.)
Như trên chúng ta đã đề cập đến, đại từ với tiếp đầu tố ни- trong câu phủ định
có đặc tính loại trừ, có nghĩa là nó chỉ ra tất cả đại diện của một nhóm nào đó được
tách khỏi tập hợp hay một mối quan hệ nào đó. Đó chính là cơ sở để đối chiếu các
từ này với các từ tương ứng mang nghĩa сhung khái quát. Chúng ta cùng so sánh
các từ sau:
никто (không ai) - все (tất cả)
никакой (không thế nào) - всякий/ любой/ каждый (mọi/ bất cứ/ mỗi)
нигде (không ở đâu) - везде (khắp nơi)
никогда (không khi nào) - всегда (lúc nào)
Cách sử dụng các từ mang nghĩa chung khái quát dạng như все, всякий, всегда
trong câu phủ định vị từ không phải là cách dùng mang tính tiêu chuẩn trong tiếng
Nga. Vì vậy thay vì nói “Все они не были красавицы” (Tất cả bọn họ đều không
phải là người đẹp), chúng ta nên nói như sau: “Среди них не было красавиц,
Никто из них не был кравсив, Все они были некрасивы, Ни одни из них не
была красавицей” (Trong số họ không có ai đẹp cả, Chẳng ai trong số họ là người
đẹp, Không một ai trong số họ đẹp). Tuy nhiên, người ta cũng có thể sử dụng các từ
kiểu này trong các khẩu ngữ. Chẳng hạn trong các trường hợp: 1) khi trả lời câu hỏi
có nội dung phủ định vị từ dạng như: “- Кто не спит? - Все не спят.” (- Ai không
ngủ - Tất cả đều không ngủ.); “- Кого она не любит? - Всех не любит” (- Cô ấy
32
không yêu ai? - Không yêu tất cả; 2) trong lời đối đáp nhắc lại phủ định vị từ: “- Я
этого не люблю - Все не любят” (- Tôi không yêu thích điều này - Tất cả đều
không yêu); “- Он не хочет это делать - Все не хотят” (Anh ta không thích làm
điều này - Tất cả đều không muốn). Cách sử dụng này tạo ra các cấu trúc đồng
nghĩa trong ngôn ngữ nói như: “Никто не спит - Все не спят” (Không ai ngủ -
Mọi người không ngủ); “Я никогда не любил этого человека - Я всегда не
любил этого человека” (Tôi không bao giờ yêu người này – Tôi luôn không yêu
người này); “Он давно не разговаривает ни с кем - Он давно не разговаривает
со всеми” (Từ lâu anh ta không nói chuyện với ai – Từ lâu anh ta không nói chuyện
với mọi người). Cả hai kiểu câu trên đều là các câu phủ định, nhưng các câu thuộc
nhóm một nhấn mạnh vào ý nghĩa loại trừ, còn các câu thuộc nhóm hai mang ý
nghĩa chung khái quát.
2.1.3. Câu phủ định chứa các phương tiện thể hiện ý nghĩa phủ định bằng các
giới từ phủ định
Ý phủ định trong tiếng Nga cũng có thể được truyền tải nhờ các giới từ phủ
định. Giới từ cơ bản nhất có khả năng biểu thị ý phủ định là giới từ без. Ý nghĩa của
nó chỉ được sáng tỏ thông qua việc kết hợp với danh từ ở cách hai. Trong các
trường hợp đó nó có các sắc thái ý nghĩa khác nhau liên quan đến sự phủ định như:
thiếu, vắng mặt, phủ định, đối lập…
Một điểm cần lưu ý là một số tác giả cho rằng ngoài giới từ без còn có một số
giới từ khác cũng có thể biểu thị ý phủ định như вне, кроме, за исключением.
Ví dụ:
58. Находиться вне школы – находиться не в школе, за пределам школы
(Nằm ngoài trường – nằm không ở trong trường, ngoài phạm vi của trường)
59. Все за исключением Паши получили высокие оценки – Все, кроме Паши
получили высокие оценки – Все получили высокие оценки, а Паша не
получил.
(Tất cả, trừ Pasa, đều nhận được điểm tốt – Tất cả, ngoài Pasa, đều nhận được
điểm tốt – Tất cả đều nhận được điểm tốt, còn Pasa thì không.)
33
Quay trở lại với giới từ без chúng ta nhận thấy trong một số cấu trúc giới từ без
và tiểu từ не có nghĩa tương đương.
Ví dụ:
60. Писать без воодушевления – писать не с воодушевлением
(Viết không có sự hào hứng – viết không với sự hào hứng)
61. Лежать без пользы – лежать не с пользой
(Nằm không có lợi – nằm không với ích lợi gì)
Cũng cần phải nói thêm rằng tuy hai cấu trúc trên đều diễn tả ý phủ định nhưng
giữa chúng vẫn có sự khác biệt. Nếu giới từ без biểu thị sự phủ định chung đối với
một đối tượng nào đó thì cấu trúc với не chứa đựng sự đối lập ngầm ẩn. Chúng ta
cùng xem xét các câu sau:
Ví dụ:
62. Она пошла на выставку без подруги.
(Cô ấy đi xem triển lãm không có bạn gái.)
63. Она пошла на выставку не с подругой.
(Cô ấy đi xem triển lãm không cùng với bạn gái.)
Сâu 62. được hiểu là “Cô ấy đi đến buổi triển lãm mà không có bạn (đi cùng)”.
Câu này có thể nói đã trọn vẹn về ý. Nhưng câu 63. lại không như vậy. Câu “Cô ấy
đi đến buổi triển lãm không phải với người bạn gái” làm cho người nghe cảm thấy
cần có thêm thông tin về người đi cùng: “không đi với người bạn gái, có lẽ đi cùng
với bạn trai hay mẹ”.
Người ta thường sử dụng giới từ без với nghĩa phủ định trong hai trường hợp
sau:
a) Trong đa số các trường hợp, giới từ без cho thấy không có mối liên kết giữa
hành động và điều kiện nào đó. Xét về chức năng cú pháp cụm từ chứa без đóng vai
trò làm trạng ngữ chỉ phương thức hành động.
Ví dụ:
64. Он выполнил эту работу без труда.
(Anh ta hoàn thành công việc không khó khăn gì.)
34
b) Trong vai trò làm định ngữ không phù hợp, без có chức năng xác định đặc
điểm cho một sự vật, sự việc nào đó.
Ví dụ:
65. Сегодня к вам приходил пожилой человек без бороды и усов.
(Hôm nay có một người đàn ông trung niên chẳng có râu và ria đã đến chỗ anh)
2.1.4. Câu phủ định chứa các phương tiện thể hiện ý nghĩa phủ định bằng các từ
нет, нельзя/ невозможно/ немыслимо
Trong tiếng Nga còn có các cách nói phủ định bằng cách sử dụng các từ như
нет, нельзя. Các từ này được gọi là các từ mang tính vị từ (предикативы) có đặc
trưng là các từ biểu thị cảm giác, trạng thái và có chức năng làm vị ngữ trong câu vô
nhân xưng.
a) Từ phủ định нет
Từ phủ định нет được sử dụng trong các câu phủ định tự thân với mục đích
biểu thị phủ định sự có mặt hay tồn tại của sự vật hay hiện tượng nào đó. Theo sách
Ngữ pháp tiếng Nga (1980), cấu trúc phủ định này thể hiện bốn ý nghĩa cơ bản sau:
 Sự vắng mặt của điều kiện bên ngoài
Ví dụ:
66. Нет ветра. (Không có gió.)
67. Нет солнца. (Không có nắng.)
 Sự vắng mặt của một sự vật (người hay vật)
Ví dụ:
68. Нет брата. (Không có anh/ em trai.)
69. Нет денег. (Không có tiền.)
 Sự vắng mặt tình trạng của con người
Ví dụ:
70. Нет сил. (Không còn sức lực.)
71. Нет времени. (Không có thời gian.)
 Sự vắng mặt một sự kiện hay một hành động
Ví dụ:
35
72. Нет урока. (Không có giờ học.)
73. Нет вопросов. (Không có câu hỏi.)
Trong các trường hợp b, c, d, tình huống phủ định có thể liên quan đến một đối
tượng nào đó. Ví dụ tình huống vắng mặt một sự vật (Нет книги (Không có sách))
có thể liên quan đến một người (У меня нет книги (Tôi không có sách)); hay tình
huống vắng mặt tình trạng bên trong của con người có thể liên quan đến người có
tình trạng đó: Нет счастья (Không hạnh phúc) và В семье нет счастья (Gia
đình không có hạnh phúc).
Từ phủ định нет có thể tương đương với một câu hay thành phần chính của câu
trong hội thoại hay trong các cấu trúc đối lập. Trong hội thoại нет được sử dụng
khi trả lời các câu hỏi hoặc có chứa yếu tố phủ định hoặc không có yếu tố đó. Nếu
trong câu hỏi không có yếu tố phủ định, thì từ нет trong câu trả lời sẽ là yếu tố phủ
định. Khi đó câu trả lời cũng có thể nhắc lại một phần câu hỏi.
Ví dụ:
74. - Любите ли вы отдыхать на море? (Bạn có thích nghỉ ngơi ở biển không?)
- Нет. (Không.)
75. - Вы не знаете этого человека? (Bạn có biết người này không?)
- Нет. (Không.)
76. - Вы историк? (Bạn là nhà sử học à?)
- Нет. Я не историк. (Không. Tôi không phải là nhà sử học.)
Trong thành phần của cấu trúc đối lập, từ нет chứa toàn bộ nội dung phủ định
đối lập với phần khẳng định.
Ví dụ:
77. На улице шум, а здесть нет. (Ngoài đường thì ồn ào, còn ở đây thì không.)
78. Тебе весело, а мне нет. (Bạn thì vui vẻ, còn tôi thì không.)
79. Отец дома, а мать нет. (Bố ở nhà, còn mẹ thì không.)
b) Từ phủ định нельзя/ невозможнo/ немыслимо
Các từ phủ định нельзя, невозможно, немыслимо có vai trò như các từ mang
tính vị từ và là thành phần phủ định trong các câu kiểu như “Нельзя пройти”
36
(Không thể đi qua), “Немыслимо забыть” (Không thể quên), “Невозможно
разговаривать” (Không thể nói chuyện).
Câu phủ định với нельзя và động từ nguyên dạng thể hoàn thành diễn tả việc
không thể thực hiện được hành động.
Ví dụ:
80. Нельзя было и подумать о продолжении пути. (А.С. Пушкин –
Капитанская дочка)
(Không thể nghĩ về việc tiếp tục cuộc hành trình.)
Nếu kết hợp với động từ nguyên dạng thể chưa hoàn thành kiểu câu này biểu thị
việc ngăn cấm thực hiện hành động.
Ví dụ:
81. Нельзя было думать и об Оренбурге, претерпевающем все бедствия
осады. (А.С. Пушкин – Капитанская дочка)
(Không nên nghĩ cả về Orenburg đang phải chịu đựng tất cả hậu quả của trận
bão tuyết.)
Câu phủ định với невозможно, немыслимо kết hợp với động từ thể hoàn thành
hay chưa hoàn thành đều diễn tả việc không thể hoàn thành được hành động.
Ví dụ:
82. Невозможно рассказать, какое действие произвела на меня эта
простонародная песня... (А.С. Пушкин – Капитанская дочка)
(Không thể kể được bài hát dân ca này gây ấn tượng như thế nào với tôi)
83. После встречи, ему казалость, ее немыслимо забыть.
(Sau buổi gặp gỡ, anh ta có cảm giác không thể nào quên được cô ấy.)
2.2. Câu phủ định chứa các phương tiện thể hiện ý nghĩa phủ định bằng các từ
phủ định trong tiếng Việt
Sử dụng các từ phủ định là phương tiện phổ biến nhất khi bày tỏ ý phủ định
trong đa số các ngôn ngữ hiện nay. Trong Việt Nam văn phạm tác giả Trần Trọng
Kim cho rằng câu phủ định “…là một câu có một tiếng phủ định trạng từ như
không, chẳng, chớ, đừng, chưa…đặt trước tiếng động từ hay tiếng tĩnh từ”. Như
37
vậy, tác giả đã dùng tín hiệu phủ định rõ ràng nhất, phổ biến nhất để khái quát hóa
về câu phủ định. Điều đó phản ánh vai trò quan trọng của các từ phủ định trong hiện
thực giao tiếp.
Vậy câu hỏi được đặt ra là các từ nào được gọi là các từ phủ định? Cho đến nay
câu trả lời cho vấn đề này vẫn còn chưa thống nhất. Theo Nguyễn Kim Thản các từ
phủ định được chia thành hai nhóm xét theo loại câu phân chia theo mục đích nói
như sau:
1. Từ phủ định xuất hiện trong câu kể: không, chẳng (chả), chưa (chửa), không hề,
chẳng hề, chưa hề, chưa từng.
2. Từ phủ định xuất hiện trong câu cầu khiến: đừng, chớ.
Trong khi đó, Diệp Quang Ban thì cho rằng các từ này là: không, chẳng, chưa,
đừng, chớ. Nguyễn Đức Dân lại thu hẹp số lượng các từ phủ định lại chỉ còn:
không, chẳng, chưa. Một số nhà nghiên cứu thường không coi đừng, chớ là các từ
phủ định. Đó chỉ là các từ thể hiện hành vi mệnh lệnh cấm đoán và khuyên ngăn
không thực hiện một hành động nào đó. Với nhận xét này chúng tôi hoàn toàn nhất
trí. Theo quan điểm của chúng tôi các từ thêm từ hề như không hề, chẳng hề, chưa
hề cũng không phải là từ phủ định vì yếu tố hề chỉ làm tăng cường, nhấn mạnh ý
nghĩa phủ định mà thôi. Trong phần sau của nghiên cứu này chúng tôi sẽ trình bày
cụ thể hơn về các từ này. Trong tiếng Việt còn có một nhóm từ được sử dụng tương
đương như một từ phủ định. Đó là các từ thông tục, trỏ những vật, con vật xấu như
đếch, cóc, khỉ… và những từ được quan niệm là xấu, như những từ trỏ các bộ phận
sinh dục, hoạt động sinh dục…Tuy nhiên trong khuôn khổ nghiên cứu chúng tôi sẽ
không đề cập đến nhóm từ thông tục này bởi phạm vi sử dụng hạn chế của chúng
trong ngôn ngữ mà sẽ đi sâu vào khảo sát, phân tích và đưa ra nhận xét cụ thể cho
các từ phủ định tiêu biểu nhất trong tiếng Việt. Các từ đó là không, chưa, chẳng. Ở
đây chúng tôi cũng không đưa từ chả vào danh sách các từ kể trên như trong một số
các nghiên cứu khác vì trên thực tế chả chỉ là biến thể của chẳng mà thôi.
Trong Từ điển tiếng Việt (2004) của Viện Ngôn ngữ học các từ này được định
nghĩa như sau:
38
Không: biểu thị ý phủ định đối với điều được đưa ra sau đó (có thể là một hiện
tượng, sự vật, hoạt động, trạng thái, tính chất hoặc tình cảm).
Chẳng: biểu thị ý phủ định nhấn mạnh, dứt khoát hơn không.
Chưa (dùng trước thực từ): từ biểu thị ý phủ định đối với điều mà cho đến một
lúc nào đó không có hoặc không xảy ra (nhưng tương lai lại có thể xảy ra).
Mặc dù các từ trên đều biểu thị ý phủ định nhưng giữa chúng có sự khác biệt
sau:
- Chỉ có từ không được dùng để phủ định sự tồn tại của hành động. Các từ
chẳng, chưa không có chức năng ấy. Chẳng hạn, để trả lời phủ định cho câu hỏi
“Mẹ cháu có nhà không?”, ta chỉ có thể đáp “không” mà không thể đáp “chẳng” hay
“chưa”.
- Chỉ có từ chưa được dùng phủ định về thời gian (đã xảy ra) của hành động. Từ
không, chẳng không có chức năng ấy. Chẳng hạn, để trả lời phủ định cho câu hỏi
“Con đã làm xong bài tập chưa?”, ta chỉ có thể đáp “chưa” mà không thể đáp
“không” hay “chẳng”.
Khi xem xét ý nghĩa phủ định trong câu chúng ta cũng cần lưu ý đến phạm vị
tác động của các từ phủ định. Xét câu sau: Anh Ba không gặp ai
Câu trên có tính chất mơ hồ về ý nghĩa vì có hai cách hiểu: đây là câu hỏi hay
đây là một câu phủ định tuyệt đối “Anh Ba không gặp một ai cả”. Điều này liên
quan đến phạm vi phủ định của từ không. Nếu nó chỉ tác động vào một từ đứng trực
tiếp ngay sau nó, chúng ta sẽ hiểu câu trên thành câu hỏi “Anh Ba [không gặp]
ai?”, còn nếu nó tác động vào toàn bộ cụm từ đứng sau nó, chúng ta sẽ có một câu
phủ định tuyệt đối “Anh Ba [không (gặp ai)]”.
Chúng ta cùng quan sát tiếp các ví dụ sau:
84. Hắn không uống và gắp liên tục.
85. Tôi không thấy Ba và Mai đang ngồi đó.
Hai ví dụ 84, 85 trên cũng trở nên mơ hồ khi không phân biệt rõ các nghĩa “Hắn
không uống để gắp liên tục” hay “Hắn không uống và cũng không gắp liên tục”;
“Tôi không thấy Ba còn Mai ngồi ở đó” hay “Tôi không thấy cả Ba và Mai”. Có sự
39
không tường minh đó là do hai câu trên có chứa biểu thức AnB, ở đó n là các từ nối
đẳng lập và, hay, hoặc và chúng ta không xác định được từ phủ định có khả năng
tác động vào từ nào. Trong tiếng Việt có những công cụ làm mất sự mơ hồ trong
cấu trúc phủ định chẳng hạn như A và B tương đương một cách lô-gích cả A lẫn B.
Trong số các từ phủ định thì không là từ được sử dụng nhiều nhất, còn chưa có
tần số sử dụng thấp nhất. Trong luận văn Bước đầu đối chiếu cấu trúc phủ định Việt
- Nga của tác giả Vũ Thị Thu Hường (2012) thống kê từ không chiếm số lượng đến
hơn 50% trong tổng số các từ và các cấu trúc phủ định. Không cũng là từ phủ định
duy nhất có thể đứng độc lập, tạo thành một câu đặc biệt để dùng khi cần bác bỏ
bằng cách phủ định một sự kiện, một tình huống, một ý kiến. Trong trường hợp này
nó không phải là một dạng rút gọn của một câu hay một cụm từ tương ứng và nó
cũng không phải là một bộ phận của một câu nào đó lân cận tách ra.
Ví dụ:
86. Cách đấy mười bước, Xuân Tóc Đỏ ngồi tri kỷ với một chị hàng mía. Thương
mại? Không! Ấy là một cuộc tình duyên…
87. - Nói chuyện mỹ thuật với bình dân thì thật phí lời!
- Không! Không! Ngài là nhà báo, ngài phải nâng bình dân lên cái nghĩa vụ hiểu
biết mỹ thuật mới được.
(Vũ Trọng Phụng – Số đỏ)
2.2.1. Từ phủ định trong câu phủ định toàn bộ và phủ định bộ phận
Chúng ta nhận thấy, vị trí thường gặp của các từ phủ định là ngay trước phần
nội dung của câu mà nó cần phủ định, chẳng hạn đẹp → không đẹp, chẳng đẹp,
xong → chưa xong. Trong hiện thực ngôn ngữ đi cùng các từ phủ định còn có các
từ kèm chỉ quá trình, sự đồng nhất, mức độ…Khi đó chúng ta cần lưu ý vị trí của
các từ phủ định so với các từ trong nhóm từ kể trên như sau:
- từ phủ định sẽ đặt sau những từ vẫn, cứ, đã, sẽ, lại, đều, càng, cũng, liền, rất,
toàn, ắt, tất, chẳng qua…
- từ phủ định sẽ được đặt trước các từ hay, có, lắm, quá, rồi, nữa…
Luận văn: Câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt
Luận văn: Câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt
Luận văn: Câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt
Luận văn: Câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt
Luận văn: Câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt
Luận văn: Câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt
Luận văn: Câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt
Luận văn: Câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt
Luận văn: Câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt
Luận văn: Câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt
Luận văn: Câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt
Luận văn: Câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt
Luận văn: Câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt
Luận văn: Câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt
Luận văn: Câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt
Luận văn: Câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt
Luận văn: Câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt
Luận văn: Câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt
Luận văn: Câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt
Luận văn: Câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt
Luận văn: Câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt
Luận văn: Câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt
Luận văn: Câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt
Luận văn: Câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt
Luận văn: Câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt
Luận văn: Câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt
Luận văn: Câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt
Luận văn: Câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt
Luận văn: Câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt
Luận văn: Câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt
Luận văn: Câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt
Luận văn: Câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt
Luận văn: Câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt
Luận văn: Câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt
Luận văn: Câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt
Luận văn: Câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt
Luận văn: Câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt
Luận văn: Câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt
Luận văn: Câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt
Luận văn: Câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt

More Related Content

What's hot

LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU THUẬT NGỮ DẦU KHÍ ANH – VIỆT_102416120...
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU THUẬT NGỮ DẦU KHÍ ANH – VIỆT_102416120...LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU THUẬT NGỮ DẦU KHÍ ANH – VIỆT_102416120...
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU THUẬT NGỮ DẦU KHÍ ANH – VIỆT_102416120...PinkHandmade
 
Ngôn ngữ học đối chiếu - Dành cho SV ngoại ngữ - Dẫn luận ngôn ngữ ...
Ngôn ngữ học đối chiếu - Dành cho SV ngoại ngữ - Dẫn luận ngôn ngữ ...Ngôn ngữ học đối chiếu - Dành cho SV ngoại ngữ - Dẫn luận ngôn ngữ ...
Ngôn ngữ học đối chiếu - Dành cho SV ngoại ngữ - Dẫn luận ngôn ngữ ...Viết thuê báo cáo thực tập giá rẻ
 
PPT Ngữ âm học - Dẫn luận ngôn ngữ
PPT Ngữ âm học - Dẫn luận ngôn ngữPPT Ngữ âm học - Dẫn luận ngôn ngữ
PPT Ngữ âm học - Dẫn luận ngôn ngữCaoThuNgan
 
Câu hỏi ôn tập Tâm lý học 1
Câu hỏi ôn tập Tâm lý học 1Câu hỏi ôn tập Tâm lý học 1
Câu hỏi ôn tập Tâm lý học 1Sùng A Tô
 
Nhật kí kiến tập (mẫu)
Nhật kí kiến tập (mẫu)Nhật kí kiến tập (mẫu)
Nhật kí kiến tập (mẫu)Khôi Phan
 
Dẫn luận ngôn ngữ học
Dẫn luận ngôn ngữ họcDẫn luận ngôn ngữ học
Dẫn luận ngôn ngữ họcLee Inxu
 
现代汉语请求言语行为研究与越南语对比
现代汉语请求言语行为研究与越南语对比 现代汉语请求言语行为研究与越南语对比
现代汉语请求言语行为研究与越南语对比 nataliej4
 

What's hot (20)

THÀNH NGỮ CÓ TỪ NGỮ THUỘC TRƯỜNG NGHĨA THỜI TIẾT TRONG TIẾNG VIỆT - TẢI FREE...
THÀNH NGỮ CÓ TỪ NGỮ THUỘC TRƯỜNG NGHĨA THỜI TIẾT TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE...THÀNH NGỮ CÓ TỪ NGỮ THUỘC TRƯỜNG NGHĨA THỜI TIẾT TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE...
THÀNH NGỮ CÓ TỪ NGỮ THUỘC TRƯỜNG NGHĨA THỜI TIẾT TRONG TIẾNG VIỆT - TẢI FREE...
 
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU THUẬT NGỮ DẦU KHÍ ANH – VIỆT_102416120...
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU THUẬT NGỮ DẦU KHÍ ANH – VIỆT_102416120...LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU THUẬT NGỮ DẦU KHÍ ANH – VIỆT_102416120...
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ HỌC ĐỐI CHIẾU THUẬT NGỮ DẦU KHÍ ANH – VIỆT_102416120...
 
Ngôn ngữ học đối chiếu - Dành cho SV ngoại ngữ - Dẫn luận ngôn ngữ ...
Ngôn ngữ học đối chiếu - Dành cho SV ngoại ngữ - Dẫn luận ngôn ngữ ...Ngôn ngữ học đối chiếu - Dành cho SV ngoại ngữ - Dẫn luận ngôn ngữ ...
Ngôn ngữ học đối chiếu - Dành cho SV ngoại ngữ - Dẫn luận ngôn ngữ ...
 
Báo Cáo Thực Tập Tại Trung Tâm Anh Ngữ, HAY
Báo Cáo Thực Tập Tại Trung Tâm Anh Ngữ, HAYBáo Cáo Thực Tập Tại Trung Tâm Anh Ngữ, HAY
Báo Cáo Thực Tập Tại Trung Tâm Anh Ngữ, HAY
 
Luận án: Thành ngữ có yếu tố chỉ loài vật trong tiếng Hán, HAY
Luận án: Thành ngữ có yếu tố chỉ loài vật trong tiếng Hán, HAYLuận án: Thành ngữ có yếu tố chỉ loài vật trong tiếng Hán, HAY
Luận án: Thành ngữ có yếu tố chỉ loài vật trong tiếng Hán, HAY
 
PPT Ngữ âm học - Dẫn luận ngôn ngữ
PPT Ngữ âm học - Dẫn luận ngôn ngữPPT Ngữ âm học - Dẫn luận ngôn ngữ
PPT Ngữ âm học - Dẫn luận ngôn ngữ
 
Luận văn: Ngữ nghĩa của danh từ đơn vị tiếng việt, HAY, 9đ
Luận văn: Ngữ nghĩa của danh từ đơn vị tiếng việt, HAY, 9đLuận văn: Ngữ nghĩa của danh từ đơn vị tiếng việt, HAY, 9đ
Luận văn: Ngữ nghĩa của danh từ đơn vị tiếng việt, HAY, 9đ
 
Luận văn: Từ ngữ địa phương trong tác phẩm của Bình Nguyên Lộc
Luận văn: Từ ngữ địa phương trong tác phẩm của Bình Nguyên LộcLuận văn: Từ ngữ địa phương trong tác phẩm của Bình Nguyên Lộc
Luận văn: Từ ngữ địa phương trong tác phẩm của Bình Nguyên Lộc
 
Luận án: Từ ngữ tiếng Anh trên các phương tiện truyền thông tiếng Việt
Luận án: Từ ngữ tiếng Anh trên các phương tiện truyền thông tiếng ViệtLuận án: Từ ngữ tiếng Anh trên các phương tiện truyền thông tiếng Việt
Luận án: Từ ngữ tiếng Anh trên các phương tiện truyền thông tiếng Việt
 
Kính ngữ tiếng Hàn và các phương tiện biểu hiện tương đương, HOT
Kính ngữ tiếng Hàn và các phương tiện biểu hiện tương đương, HOTKính ngữ tiếng Hàn và các phương tiện biểu hiện tương đương, HOT
Kính ngữ tiếng Hàn và các phương tiện biểu hiện tương đương, HOT
 
200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Tốt Nghiệp Ngành Ngôn Ngữ Hàn, Từ Sinh Viên Giỏi....
200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Tốt Nghiệp Ngành Ngôn Ngữ Hàn, Từ Sinh Viên Giỏi....200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Tốt Nghiệp Ngành Ngôn Ngữ Hàn, Từ Sinh Viên Giỏi....
200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Tốt Nghiệp Ngành Ngôn Ngữ Hàn, Từ Sinh Viên Giỏi....
 
BÁO CÁO THỰC TẬP NGHIỆP VỤ CHUYÊN NGÀNH: NGÔN NGỮ ANH (TẢI FREE ZALO: 093 457...
BÁO CÁO THỰC TẬP NGHIỆP VỤ CHUYÊN NGÀNH: NGÔN NGỮ ANH (TẢI FREE ZALO: 093 457...BÁO CÁO THỰC TẬP NGHIỆP VỤ CHUYÊN NGÀNH: NGÔN NGỮ ANH (TẢI FREE ZALO: 093 457...
BÁO CÁO THỰC TẬP NGHIỆP VỤ CHUYÊN NGÀNH: NGÔN NGỮ ANH (TẢI FREE ZALO: 093 457...
 
Câu hỏi ôn tập Tâm lý học 1
Câu hỏi ôn tập Tâm lý học 1Câu hỏi ôn tập Tâm lý học 1
Câu hỏi ôn tập Tâm lý học 1
 
Nhật kí kiến tập (mẫu)
Nhật kí kiến tập (mẫu)Nhật kí kiến tập (mẫu)
Nhật kí kiến tập (mẫu)
 
Mẫu báo cáo thực tập ngành Tiếng Hàn, Ngôn ngữ Hàn , 9đ
Mẫu báo cáo thực tập ngành Tiếng Hàn, Ngôn ngữ Hàn , 9đMẫu báo cáo thực tập ngành Tiếng Hàn, Ngôn ngữ Hàn , 9đ
Mẫu báo cáo thực tập ngành Tiếng Hàn, Ngôn ngữ Hàn , 9đ
 
Dẫn luận ngôn ngữ học
Dẫn luận ngôn ngữ họcDẫn luận ngôn ngữ học
Dẫn luận ngôn ngữ học
 
Luận án: Đối chiếu nhóm động từ chuyển động đa hướng Anh - Việt
Luận án: Đối chiếu nhóm động từ chuyển động đa hướng Anh - ViệtLuận án: Đối chiếu nhóm động từ chuyển động đa hướng Anh - Việt
Luận án: Đối chiếu nhóm động từ chuyển động đa hướng Anh - Việt
 
Đề tài: An English-Vietnamese cross-cultural communication study on
Đề tài: An English-Vietnamese cross-cultural communication study onĐề tài: An English-Vietnamese cross-cultural communication study on
Đề tài: An English-Vietnamese cross-cultural communication study on
 
Báo cáo thực tập ngành ngôn ngữ Hàn, Hàn quốc học, Thông dịch!
Báo cáo thực tập ngành ngôn ngữ Hàn, Hàn quốc học, Thông dịch!Báo cáo thực tập ngành ngôn ngữ Hàn, Hàn quốc học, Thông dịch!
Báo cáo thực tập ngành ngôn ngữ Hàn, Hàn quốc học, Thông dịch!
 
现代汉语请求言语行为研究与越南语对比
现代汉语请求言语行为研究与越南语对比 现代汉语请求言语行为研究与越南语对比
现代汉语请求言语行为研究与越南语对比
 

Similar to Luận văn: Câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt

Nghiên cứu thành ngữ tiếng Việt từ bình diện ngôn ngữ học nhân chủng : Luận á...
Nghiên cứu thành ngữ tiếng Việt từ bình diện ngôn ngữ học nhân chủng : Luận á...Nghiên cứu thành ngữ tiếng Việt từ bình diện ngôn ngữ học nhân chủng : Luận á...
Nghiên cứu thành ngữ tiếng Việt từ bình diện ngôn ngữ học nhân chủng : Luận á...nataliej4
 
Các từ ngữ chỉ màu sắc phụ của màu đỏ và xanh trong tiếng việt
Các từ ngữ chỉ màu sắc phụ của màu đỏ và xanh trong tiếng việtCác từ ngữ chỉ màu sắc phụ của màu đỏ và xanh trong tiếng việt
Các từ ngữ chỉ màu sắc phụ của màu đỏ và xanh trong tiếng việtDịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
Các từ ngữ chỉ màu sắc phụ của màu đỏ và xanh trong tiếng việt
Các từ ngữ chỉ màu sắc phụ của màu đỏ và xanh trong tiếng việtCác từ ngữ chỉ màu sắc phụ của màu đỏ và xanh trong tiếng việt
Các từ ngữ chỉ màu sắc phụ của màu đỏ và xanh trong tiếng việtDịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
Hỏi và hồi đáp trong tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc ...
Hỏi và hồi đáp trong tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc ...Hỏi và hồi đáp trong tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc ...
Hỏi và hồi đáp trong tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc ...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
KHẢO SÁT VIỆC SỬ DỤNG CÁC TỔ HỢP CÚ TRONG NGÔN NGỮ CỦA TRẺ MẪU GIÁO NHỠ (4 - ...
KHẢO SÁT VIỆC SỬ DỤNG CÁC TỔ HỢP CÚ TRONG NGÔN NGỮ CỦA TRẺ MẪU GIÁO NHỠ (4 - ...KHẢO SÁT VIỆC SỬ DỤNG CÁC TỔ HỢP CÚ TRONG NGÔN NGỮ CỦA TRẺ MẪU GIÁO NHỠ (4 - ...
KHẢO SÁT VIỆC SỬ DỤNG CÁC TỔ HỢP CÚ TRONG NGÔN NGỮ CỦA TRẺ MẪU GIÁO NHỠ (4 - ...HanaTiti
 
Đại từ nhân xưng trong tiếng Anh, tiếng Đức và cách biểu đạt tương đương tron...
Đại từ nhân xưng trong tiếng Anh, tiếng Đức và cách biểu đạt tương đương tron...Đại từ nhân xưng trong tiếng Anh, tiếng Đức và cách biểu đạt tương đương tron...
Đại từ nhân xưng trong tiếng Anh, tiếng Đức và cách biểu đạt tương đương tron...jackjohn45
 
Luận văn tiếng lóng trên các diễn đàn trực tuyến tiếng việt thức trạng, đặc...
Luận văn tiếng lóng trên các diễn đàn trực tuyến tiếng việt   thức trạng, đặc...Luận văn tiếng lóng trên các diễn đàn trực tuyến tiếng việt   thức trạng, đặc...
Luận văn tiếng lóng trên các diễn đàn trực tuyến tiếng việt thức trạng, đặc...nataliej4
 
Sự tương tác thể loại trong văn xuôi Việt Nam từ 1986 đến nay, Trần Viết Thiện
Sự tương tác thể loại trong văn xuôi Việt Nam từ 1986 đến nay, Trần Viết ThiệnSự tương tác thể loại trong văn xuôi Việt Nam từ 1986 đến nay, Trần Viết Thiện
Sự tương tác thể loại trong văn xuôi Việt Nam từ 1986 đến nay, Trần Viết ThiệnMan_Ebook
 
Tim hieu dac_trung_ngon_ngu_trong_truyen_ki_cua_nguyen_tuan_4705
Tim hieu dac_trung_ngon_ngu_trong_truyen_ki_cua_nguyen_tuan_4705Tim hieu dac_trung_ngon_ngu_trong_truyen_ki_cua_nguyen_tuan_4705
Tim hieu dac_trung_ngon_ngu_trong_truyen_ki_cua_nguyen_tuan_4705Garment Space Blog0
 
BAI_GING_NGON_NG_HC_DI_CHIU_CONTRAS.pdf
BAI_GING_NGON_NG_HC_DI_CHIU_CONTRAS.pdfBAI_GING_NGON_NG_HC_DI_CHIU_CONTRAS.pdf
BAI_GING_NGON_NG_HC_DI_CHIU_CONTRAS.pdfLinhPhuong78
 

Similar to Luận văn: Câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt (20)

Luận văn: Từ chỉ đầu trong tiếng Việt và tiếng Hán, HAY
Luận văn: Từ chỉ đầu trong tiếng Việt và tiếng Hán, HAYLuận văn: Từ chỉ đầu trong tiếng Việt và tiếng Hán, HAY
Luận văn: Từ chỉ đầu trong tiếng Việt và tiếng Hán, HAY
 
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT  - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
NHÓM TỪ, NGỮ NÓI VỀ "ĂN" TRONG TIẾNG VIỆT - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
 
Luận án: Xin phép và hồi đáp trong tiếng anh và tiếng việt, HAY
Luận án: Xin phép và hồi đáp trong tiếng anh và tiếng việt, HAYLuận án: Xin phép và hồi đáp trong tiếng anh và tiếng việt, HAY
Luận án: Xin phép và hồi đáp trong tiếng anh và tiếng việt, HAY
 
Nghiên cứu thành ngữ tiếng Việt từ bình diện ngôn ngữ học nhân chủng : Luận á...
Nghiên cứu thành ngữ tiếng Việt từ bình diện ngôn ngữ học nhân chủng : Luận á...Nghiên cứu thành ngữ tiếng Việt từ bình diện ngôn ngữ học nhân chủng : Luận á...
Nghiên cứu thành ngữ tiếng Việt từ bình diện ngôn ngữ học nhân chủng : Luận á...
 
Các từ ngữ chỉ màu sắc phụ của màu đỏ và xanh trong tiếng việt
Các từ ngữ chỉ màu sắc phụ của màu đỏ và xanh trong tiếng việtCác từ ngữ chỉ màu sắc phụ của màu đỏ và xanh trong tiếng việt
Các từ ngữ chỉ màu sắc phụ của màu đỏ và xanh trong tiếng việt
 
Các từ ngữ chỉ màu sắc phụ của màu đỏ và xanh trong tiếng việt
Các từ ngữ chỉ màu sắc phụ của màu đỏ và xanh trong tiếng việtCác từ ngữ chỉ màu sắc phụ của màu đỏ và xanh trong tiếng việt
Các từ ngữ chỉ màu sắc phụ của màu đỏ và xanh trong tiếng việt
 
Hỏi và hồi đáp trong tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc ...
Hỏi và hồi đáp trong tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc ...Hỏi và hồi đáp trong tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc ...
Hỏi và hồi đáp trong tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc ...
 
KHẢO SÁT VIỆC SỬ DỤNG CÁC TỔ HỢP CÚ TRONG NGÔN NGỮ CỦA TRẺ MẪU GIÁO NHỠ (4 - ...
KHẢO SÁT VIỆC SỬ DỤNG CÁC TỔ HỢP CÚ TRONG NGÔN NGỮ CỦA TRẺ MẪU GIÁO NHỠ (4 - ...KHẢO SÁT VIỆC SỬ DỤNG CÁC TỔ HỢP CÚ TRONG NGÔN NGỮ CỦA TRẺ MẪU GIÁO NHỠ (4 - ...
KHẢO SÁT VIỆC SỬ DỤNG CÁC TỔ HỢP CÚ TRONG NGÔN NGỮ CỦA TRẺ MẪU GIÁO NHỠ (4 - ...
 
Từ ngữ xưng hô trong Phật giáo trong hệ thống của người Việt
Từ ngữ xưng hô trong Phật giáo trong hệ thống của người ViệtTừ ngữ xưng hô trong Phật giáo trong hệ thống của người Việt
Từ ngữ xưng hô trong Phật giáo trong hệ thống của người Việt
 
Đại từ nhân xưng trong tiếng Anh, tiếng Đức và cách biểu đạt tương đương tron...
Đại từ nhân xưng trong tiếng Anh, tiếng Đức và cách biểu đạt tương đương tron...Đại từ nhân xưng trong tiếng Anh, tiếng Đức và cách biểu đạt tương đương tron...
Đại từ nhân xưng trong tiếng Anh, tiếng Đức và cách biểu đạt tương đương tron...
 
Luận văn tiếng lóng trên các diễn đàn trực tuyến tiếng việt thức trạng, đặc...
Luận văn tiếng lóng trên các diễn đàn trực tuyến tiếng việt   thức trạng, đặc...Luận văn tiếng lóng trên các diễn đàn trực tuyến tiếng việt   thức trạng, đặc...
Luận văn tiếng lóng trên các diễn đàn trực tuyến tiếng việt thức trạng, đặc...
 
Sự tương tác thể loại trong văn xuôi Việt Nam từ 1986 đến nay, Trần Viết Thiện
Sự tương tác thể loại trong văn xuôi Việt Nam từ 1986 đến nay, Trần Viết ThiệnSự tương tác thể loại trong văn xuôi Việt Nam từ 1986 đến nay, Trần Viết Thiện
Sự tương tác thể loại trong văn xuôi Việt Nam từ 1986 đến nay, Trần Viết Thiện
 
Tim hieu dac_trung_ngon_ngu_trong_truyen_ki_cua_nguyen_tuan_4705
Tim hieu dac_trung_ngon_ngu_trong_truyen_ki_cua_nguyen_tuan_4705Tim hieu dac_trung_ngon_ngu_trong_truyen_ki_cua_nguyen_tuan_4705
Tim hieu dac_trung_ngon_ngu_trong_truyen_ki_cua_nguyen_tuan_4705
 
Luận văn: Diễn ngôn về giới nữ của các nhà văn nữ đương đại, HOT
Luận văn: Diễn ngôn về giới nữ của các nhà văn nữ đương đại, HOTLuận văn: Diễn ngôn về giới nữ của các nhà văn nữ đương đại, HOT
Luận văn: Diễn ngôn về giới nữ của các nhà văn nữ đương đại, HOT
 
Luận án: Sự tình phát ngôn trong tiếng Anh, đối chiếu với tiếng Việt
Luận án: Sự tình phát ngôn trong tiếng Anh, đối chiếu với tiếng ViệtLuận án: Sự tình phát ngôn trong tiếng Anh, đối chiếu với tiếng Việt
Luận án: Sự tình phát ngôn trong tiếng Anh, đối chiếu với tiếng Việt
 
Luận văn: Đặc điểm tục ngữ tiếng Mường, HAY, 9đ
Luận văn: Đặc điểm tục ngữ tiếng Mường, HAY, 9đLuận văn: Đặc điểm tục ngữ tiếng Mường, HAY, 9đ
Luận văn: Đặc điểm tục ngữ tiếng Mường, HAY, 9đ
 
Luận án: Nhóm động từ chỉ hoạt động nhận thức trong tiếng việt
Luận án: Nhóm động từ chỉ hoạt động nhận thức trong tiếng việtLuận án: Nhóm động từ chỉ hoạt động nhận thức trong tiếng việt
Luận án: Nhóm động từ chỉ hoạt động nhận thức trong tiếng việt
 
BAI_GING_NGON_NG_HC_DI_CHIU_CONTRAS.pdf
BAI_GING_NGON_NG_HC_DI_CHIU_CONTRAS.pdfBAI_GING_NGON_NG_HC_DI_CHIU_CONTRAS.pdf
BAI_GING_NGON_NG_HC_DI_CHIU_CONTRAS.pdf
 
Tiểu luận Mối Quan Hệ Giữa Triết Học Và Khoa Học Tự Nhiên.doc
Tiểu luận Mối Quan Hệ Giữa Triết Học Và Khoa Học Tự Nhiên.docTiểu luận Mối Quan Hệ Giữa Triết Học Và Khoa Học Tự Nhiên.doc
Tiểu luận Mối Quan Hệ Giữa Triết Học Và Khoa Học Tự Nhiên.doc
 
Luận án: Câu đảo ngữ tiếng Anh và tiếng Việt, HAY
Luận án: Câu đảo ngữ tiếng Anh và tiếng Việt, HAYLuận án: Câu đảo ngữ tiếng Anh và tiếng Việt, HAY
Luận án: Câu đảo ngữ tiếng Anh và tiếng Việt, HAY
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864

Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏiDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏiDịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864 (20)

200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc
200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc
200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc
 
Danh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểmDanh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểm
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểmDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểm
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏiDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểmDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểm
 
danh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhua
danh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhuadanh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhua
danh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhua
 
Kinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay Nhất
Kinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay NhấtKinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay Nhất
Kinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay Nhất
 
Kho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểm
Kho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểmKho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểm
Kho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểm
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại họcKho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại học
 
Kho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tử
Kho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tửKho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tử
Kho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tử
 
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểmKho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểm
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu HọcKho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu Học
 
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhất
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhấtKho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhất
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhất
 
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểmKho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểm
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin HọcKho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin Học
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập Khẩu
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập KhẩuKho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập Khẩu
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập Khẩu
 

Recently uploaded

Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...Học viện Kstudy
 
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...Nguyen Thanh Tu Collection
 
50 ĐỀ ĐỀ XUẤT THI VÀO 10 THPT SỞ GIÁO DỤC THANH HÓA MÔN TIẾNG ANH 9 CÓ TỰ LUẬ...
50 ĐỀ ĐỀ XUẤT THI VÀO 10 THPT SỞ GIÁO DỤC THANH HÓA MÔN TIẾNG ANH 9 CÓ TỰ LUẬ...50 ĐỀ ĐỀ XUẤT THI VÀO 10 THPT SỞ GIÁO DỤC THANH HÓA MÔN TIẾNG ANH 9 CÓ TỰ LUẬ...
50 ĐỀ ĐỀ XUẤT THI VÀO 10 THPT SỞ GIÁO DỤC THANH HÓA MÔN TIẾNG ANH 9 CÓ TỰ LUẬ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoabài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa2353020138
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...hoangtuansinh1
 
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...Nguyen Thanh Tu Collection
 
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...Nguyen Thanh Tu Collection
 
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhvanhathvc
 
200 câu hỏi trắc nghiệm ôn tập PLDC.pdf
200 câu hỏi trắc nghiệm ôn tập  PLDC.pdf200 câu hỏi trắc nghiệm ôn tập  PLDC.pdf
200 câu hỏi trắc nghiệm ôn tập PLDC.pdfdong92356
 
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdfSơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdftohoanggiabao81
 
Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )
Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )
Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )lamdapoet123
 
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxChàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxendkay31
 
[GIẢI PHẪU BỆNH] Tổn thương cơ bản của tb bào mô
[GIẢI PHẪU BỆNH] Tổn thương cơ bản của tb bào mô[GIẢI PHẪU BỆNH] Tổn thương cơ bản của tb bào mô
[GIẢI PHẪU BỆNH] Tổn thương cơ bản của tb bào môBryan Williams
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...ThunTrn734461
 
Ma trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tế
Ma trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tếMa trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tế
Ma trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tếngTonH1
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxTrích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxnhungdt08102004
 

Recently uploaded (20)

Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
 
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
 
50 ĐỀ ĐỀ XUẤT THI VÀO 10 THPT SỞ GIÁO DỤC THANH HÓA MÔN TIẾNG ANH 9 CÓ TỰ LUẬ...
50 ĐỀ ĐỀ XUẤT THI VÀO 10 THPT SỞ GIÁO DỤC THANH HÓA MÔN TIẾNG ANH 9 CÓ TỰ LUẬ...50 ĐỀ ĐỀ XUẤT THI VÀO 10 THPT SỞ GIÁO DỤC THANH HÓA MÔN TIẾNG ANH 9 CÓ TỰ LUẬ...
50 ĐỀ ĐỀ XUẤT THI VÀO 10 THPT SỞ GIÁO DỤC THANH HÓA MÔN TIẾNG ANH 9 CÓ TỰ LUẬ...
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
 
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoabài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
 
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
 
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
 
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
 
200 câu hỏi trắc nghiệm ôn tập PLDC.pdf
200 câu hỏi trắc nghiệm ôn tập  PLDC.pdf200 câu hỏi trắc nghiệm ôn tập  PLDC.pdf
200 câu hỏi trắc nghiệm ôn tập PLDC.pdf
 
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdfSơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
 
Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )
Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )
Bài giảng về vật liệu ceramic ( sứ vệ sinh, gạch ốp lát )
 
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxChàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
 
[GIẢI PHẪU BỆNH] Tổn thương cơ bản của tb bào mô
[GIẢI PHẪU BỆNH] Tổn thương cơ bản của tb bào mô[GIẢI PHẪU BỆNH] Tổn thương cơ bản của tb bào mô
[GIẢI PHẪU BỆNH] Tổn thương cơ bản của tb bào mô
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
 
Ma trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tế
Ma trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tếMa trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tế
Ma trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tế
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
 
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxTrích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
 

Luận văn: Câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt

  • 1. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI -------------- Nguyễn Thị Thanh Hiền CÂU PHỦ ĐỊNH TIẾNG NGA TRONG SỰ ĐỐI CHIẾU VỚI TIẾNG VIỆT LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC HÀ NỘI, năm 2016 NGUYỄNTHỊTHANHHIỀNCHUYÊNNGÀNHNGÔNNGỮHỌCĐỢT1KHÓA2014
  • 2. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI Nguyễn Thị Thanh Hiền CÂU PHỦ ĐỊNH TIẾNG NGA TRONG SỰ ĐỐI CHIẾU VỚI TIẾNG VIỆT Chuyên ngành: Ngôn ngữ học Mã số: 60 22 02 40 LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC TS. NGUYỄN HỮU HOÀNH Hà Nội, năm 2016
  • 3. LỜI CẢM ƠN Để hoàn thành được luận văn này tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc tới TS. Nguyễn Hữu Hoành, người thầy đã tận tình hướng dẫn, động viên, khích lệ và định hướng cho tôi trong quá trình thực hiện luận văn. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các thầy cô trong Khoa Ngôn ngữ học – Học viện Khoa học Xã hội đã tạo điều kiện, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm cho tôi trong quá trình học tập và nghiên cứu. Cuối cùng, tôi xin cảm ơn bạn bè, đồng nghiệp, gia đình tôi, những người đã theo sát tôi trong suốt thời gian qua, giúp tôi có thêm động lực và cố gắng để hoàn thành luận văn này. Tác giả luận văn Nguyễn Thị Thanh Hiền
  • 4. MỤC LỤC MỞ ĐẦU ....................................................................................................................5 CHƯƠNG 1. Cơ sở lý luận.......................................................................................9 1.1. Một số vấn đề về câu phủ định ........................................................................9 1.2. Ngôn ngữ học đối chiếu.................................................................................17 1.3. Tiểu kết ..........................................................................................................20 CHƯƠNG 2. Câu phủ định chứa các phương tiện phủ định chính danh ở tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt ...................................................................22 2.1. Câu phủ định chứa các phương tiện thể hiện ý nghĩa phủ định bằng các từ phủ định trong tiếng Nga ........................................................................................22 2.2. Câu phủ định chứa các phương tiện thể hiện ý nghĩa phủ định bằng các từ phủ định trong tiếng Việt........................................................................................36 2.3. Phân tích đối chiếu câu phủ định chứa các phương tiện thể hiện ý nghĩa phủ định bằng các từ phủ định.........................................................................................50 2.4. Tiểu kết ..........................................................................................................55 CHƯƠNG 3. Câu phủ định không chứa các phương tiện phủ định chính danh ở tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt .......................................................57 3.2. Câu phủ định không chứa các phương tiện phủ định chính danh trong tiếng Việt.................................................................................................................63 3.3. Phân tích đối chiếu câu phủ định không chứa phương tiện phủ định chính danh ................................................................................................................70 3.4. Tiểu kết ..........................................................................................................73 KẾT LUẬN ..............................................................................................................74 TÀI LIỆU THAM KHẢO ......................................................................................76
  • 5. MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Luận văn Câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt của chúng tôi được thực hiện vì những lý do sau đây: Như chúng ta đều biết, việc nghiên cứu về câu là một nội dung quan trọng trong nghiên cứu ngữ pháp dù theo quan điểm ngữ pháp truyền thống hay ngữ pháp hiện đại. Trong số các kiểu câu phân theo mục đích giao tiếp thì câu phủ định nằm trong số các hiện tượng mang tính phổ quát của tất cả các ngôn ngữ trên thế giới. Vì vậy, như một lẽ tự nhiên, từ lâu nó đã là đối tượng nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, việc nghiên cứu đối chiếu các phương tiện thể hiện ý nghĩa phủ định trong câu đặc biệt là đối chiếu những ngôn ngữ không cùng loại hình như tiếng Nga và tiếng Việt vẫn chưa nhiều. Cho nên nghiên cứu này sẽ góp phần làm sáng tỏ hơn những nét tương đồng và dị biệt của các phương tiện thể hiện ý nghĩa phủ định trong hai ngôn ngữ, từ đó có thể hiểu thêm về hai nền văn hóa, về cách tư duy của hai dân tộc. Tiếng Nga du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ trước và đã ghi dấu ấn đậm nét trong tất cả các lĩnh vực của đời sống từ khoa học, kỹ thuật đến văn hóa, nghệ thuật… Đến nay, vị thế của tiếng Nga ở Việt Nam không còn như trước, nhưng không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng của tiếng Nga đến một số mặt của đời sống xã hội. Tiếng Nga vẫn có một chỗ đứng riêng cho mình trong số các ngoại ngữ được coi là phổ biến ở Việt Nam. Thêm vào đó, dòng chảy tiếng Nga dù không ồn ào nhưng vẫn là mạch ngầm được một số người Việt yêu thích và gìn giữ. Hàng năm, vẫn có một số lượng không nhỏ người Việt đến nước Nga với mục đích học tập và nghiên cứu bên cạnh số lượng người học tiếng Nga trong nước. Những khó khăn khi nắm bắt tiếng Nga và áp dụng vào thực tế trong giao tiếp đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục có những nghiên cứu cụ thể hơn, sâu sắc hơn về tiếng Nga trong sự so sánh, đối chiếu với tiếng Việt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt học tiếng Nga và ngược lại: người Nga học tiếng Việt.
  • 6. 2 Một lý do không kém phần quan trọng trong việc lựa chọn đề tài này là trong thực tế giảng dạy chúng tôi chưa thấy có một công trình nghiên cứu đối chiếu nhằm vào các phương tiện thể hiện ý nghĩa phủ định một cách hệ thống. Với tư cách là một giảng viên tiếng Nga chúng tôi muốn đóng góp những ý kiến mang tính thực tế góp phần giải quyết những khó khăn của người học tiếng gặp phải. 2. Tình hình nghiên cứu đề tài 2.1. Đôi nét về sự nghiên cứu phủ định trong triết học và lô-gích học Trong triết học, bất cứ sự vật, hiện tượng nào trong thế giới đều trải qua quá trình phát sinh, phát triển và diệt vong. Sự vật cũ mất đi được thay bằng sự vật mới. Sự thay thế đó là tất yếu trong quá trình vận động và phát triển của sự vật. Nếu không có quá trình đó, thì sự vật không thể phát triển được. Sự thay thế đó được triết học gọi là sự phủ định. Sự phủ định là sự thay thế sự vật này bằng sự vật khác trong quá trình vận động và phát triển. Chủ nghĩa duy vật biện chứng cho rằng sự chuyển hóa từ những thay đổi về lượng dẫn đến những thay đổi về chất, sự đấu tranh thường xuyên của các mặt đối lập làm cho mâu thuẫn được giải quyết, từ đó dẫn đến sự vật cũ mất đi, sự vật mới ra đời. Sự thay thế diễn ra liên tục tạo nên sự vận động và phát triển không ngừng của sự vật. Sự vật mới ra đời là kết quả của phủ định sự vật cũ. Điều đó cũng có nghĩa sự phủ định là tiền đề, điều kiện cho sự phát triển liên tục, cho sự ra đời của cái mới thay thế cái cũ. Đó là phủ định biện chứng. Triết học Mác - Lênin cho rằng, phủ định biện chứng là phạm trù triết học dùng để chỉ sự phủ định tự thân, sự phát triển tự thân, là mắt khâu trong quá trình dẫn tới sự ra đời sự vật mới, tiến bộ hơn sự vật cũ. Phủ định là một thao tác lô-gích, nhờ đó mà một phán đoán này tạo ra được một phán đoán mới (gọi là phủ định cái xuất phát) sao cho nếu phán đoán xuất phát là chân lý thì sự phủ định phán đoán ấy là sai, còn nếu phán đoán xuất phát là sai thì cái phủ định nó là chân lý. Phán đoán là một hình thức cơ bản của tư duy, dưới dạng khẳng định hoặc phủ định, thể hiện nhận thức của con người về đối tượng trong thế giới khách quan. Một phán đoán sẽ có một và chỉ một trong hai giá trị đúng hoặc
  • 7. 3 sai. Sự phủ định phán đoán được xác định một cách duy nhất bởi quy tắc: Nếu phán đoán P (1a) sau đây là đúng thì phán đoán ~P (1b) sai còn nếu phán đoán (1a) sai thì phán đoán (1b) đúng: Ví dụ: dẫn lại ví dụ của Đỗ Hữu Châu (Đại cương ngôn ngữ học, tr.17) (1a) P = Bức tranh này đẹp. (1b) ~P = Bức tranh này không đẹp. 2.2. Đôi nét về sự nghiên cứu phủ định trong ngôn ngữ học Nghiên cứu về câu phủ định được tiến hành trong rất nhiều các công trình của các nhà ngôn ngữ học với các hướng tiếp cận từ nhiều quan điểm khác nhau. Trên thế giới, tác giả O. Jespersen đã tiếp thu quan điểm lô-gích và tâm lý học của những nhà nghiên cứu vấn đề phủ định trong các ngôn ngữ Ấn Âu như J.Van Ginneken, B. Delbruk… Năm 1917 ông viết tác phẩm Phủ định trong tiếng Anh và các ngôn ngữ khác (Negation in English and other languages). Tác phẩm này được đánh giá là công trình nghiên cứu câu phủ định một cách hệ thống theo quan điểm ngôn ngữ học so sánh lịch đại. Tác giả đã liệt kê các cách thức biểu hiện ý nghĩa phủ định như phủ định gián tiếp, phủ định trực tiếp, phủ định đặc biệt… và một số khuôn phủ định thành ngữ. Sau Jespersen (1917), Horn (1989) với tác phẩm Lịch sử phát triển tự nhiên của sự phủ định (A natural history of negation) đã phân tích toàn bộ lịch sử nghiên cứu sự phủ định từ phương Đông sang phương Tây; từ Aristotel cổ đại với quan điểm lô-gích hình thức, các quan điểm triết học, tôn giáo về sự phủ định, quan điểm tâm lý ngôn ngữ học; đến quan điểm xem phủ định là hành vi ngôn ngữ hiện nay. Horn đã đề xuất thêm một loại phủ định khác, đó là phủ định siêu ngôn ngữ. Trên bình diện thụ đắc ngôn ngữ, các nhà tâm lý học như Bellugi, Klima đã xác định ba giai đoạn trẻ con thụ đắc câu phủ định. Còn các nhà ngữ pháp hiện đại như Downing, Locke… có khuynh hướng dung hòa, vừa mô tả đặc điểm cấu trúc ngữ pháp vừa nêu ra những đặc điểm ngữ dụng học của câu phủ định thông qua việc phân tích tầm phủ định, vai trò của các từ định lượng và các từ chỉ mức độ, sự thể hiện ý nghĩa phủ định thông qua các kiểu câu khác nhau như câu khẳng định, câu nghi vấn, câu cầu khiến.
  • 8. 4 Ở Nga có rất nhiều các công trình nghiên cứu về câu phủ định từ các góc độ khác nhau. Đại diện cho trường phái nghiên cứu câu phủ định từ quan điểm ngữ dụng học là tác giả U.D. Apresyan. Ông cho rằng đối với cách tiếp cận theo quan điểm ngữ dụng học, đặc trưng của các cách phân chia, giải thích các hiện tượng ngôn ngữ xuất phát từ chức năng giao tiếp của ngôn ngữ. Bởi vậy, hiện tượng phủ định cũng được nghiên cứu như là một hiện tượng bên trong ngôn ngữ: nó có cơ chế giao tiếp bác bỏ hay thay đổi ý kiến của người phát ngôn. Ông đưa ra kết luận phủ định đơn thuần là một phạm trù ngôn ngữ học, nó không hề phản ánh tình trạng của sự vật trong thực tế, mà chỉ thể hiện thái độ của người nói đối với nhận định đã được nêu ra về tình trạng của sự vật đó, đánh giá nhận định đó là sai. Nhiều nhà ngôn ngữ học xem xét vấn đề phủ định như một phạm trù ngôn ngữ độc lập mà trong đó có bốn hướng nghiên cứu chính: đó là coi phủ định như một phạm trù ngữ pháp, phạm trù cú pháp, phạm trù cú pháp ngữ nghĩa và phạm trù ngữ nghĩa. Khi thừa nhận vai trò của hiện thực khách quan, đa số các nhà nghiên cứu đã coi mối liên kết khách quan, hay chính xác hơn là sự phủ định trong chính hiện thực là đối tượng phủ định trong ngôn ngữ. Xuất phát từ quan điểm trên, tác giả E.I. Shendels đã đưa ra định nghĩa về phủ định trong ngôn ngữ như sau “Phủ định như một phạm trù ngôn ngữ là cách thể hiện mối quan hệ phủ định giữa các khái niệm nhờ vào các phương tiện ngôn ngữ đặc biệt” [Trích theo V.N. Bondarenko, Phủ định như một phạm trù lô-gích ngữ pháp, 1983, tr. 78]. V.N. Bondarenko đánh giá định nghĩa trên chưa thỏa đáng bởi vì, theo ông, từ quan điểm ngôn ngữ khi nói đến sự phủ định chúng ta không bàn đến các khái niệm vốn là đối tượng nghiên cứu của lô-gích học, mà việc cần làm là nghiên cứu các thành phần của câu và ý nghĩa ngữ pháp của nó. E.I. Shendels viết tiếp “Nội dung cơ bản của phạm trù ngữ pháp khẳng định và phủ định là cách thể hiện nhận định khẳng định và phủ định, mà đến lượt mình chúng biểu thị mối quan hệ khẳng định và phủ định của hiện thực khách quan”. Điều này được hiểu là phạm trù phủ định diễn tả không phải ý nghĩa nào đó trong ngôn ngữ mà đó là hình thức biểu hiện các nhận định phủ định thể hiện mối quan hệ phủ định trong hiện thực.
  • 9. 5 Một số tác giả khác đã tiếp thu những nghiên cứu của E.I. Shendels nhận xét phủ định trong ngôn ngữ như là một hình thức biểu hiện của phủ định lô-gích, một số tác giả khác cho đó là một thành tố ý nghĩa của câu. N.G. Ozerova đưa ra định nghĩa về phạm trù phủ định “Phạm trù ngữ pháp phủ định thể hiện sự phủ định lô- gích, mà sự phủ định này diễn tả sự vắng mặt mối liên hệ giữa những hiện tượng thực tế” [N.G. Ozerova, Các phương tiện phủ định trong tiếng Nga và tiếng Ucraine, 1978, tr. 6]. Tác giả E.V. Padutreva cho rằng “Phủ định là một thành tố ngữ nghĩa của câu chỉ ra sự thiếu vắng mối quan hệ giữa các hiện tượng được nói đến trong câu”. Ví dụ trong câu Ребенок не спит (Đứa bé không ngủ), quan hệ giữa “đứa bé” và “giấc ngủ” bị phủ định [E.V. Padutreva, Các từ phủ định, 1979, tr. 86]. Phủ định còn được coi như là cái biểu hiện của sự tách rời khách quan. Quan điểm này được thể hiện rõ trong các công trình nghiên cứu của S.A. Vasileva, N.A. Bulakh và H.G. Ozerova. Theo cách nhìn của S.A. Vasileva, câu khẳng định và câu phủ định là bản chất của hình thức biểu hiện các nhận định khẳng định và phủ định biểu thị mối liên kết hay tách rời tương ứng. Bà cho rằng “nếu trong các nhận định khẳng định đặc tính, mối quan hệ mà sự vật có trong thời điểm xác định nào đó được thể hiện, thì trong nhận định phủ định đặc tính, hay mối quan hệ đã được xác định đó không xuất hiện”. Và còn “nhận định khẳng định thể hiện những dấu hiệu, đặc điểm vốn có của sự vật trong một thời điểm nhất định mà nhận định đó đề cập đến… Nhận định phủ định biểu hiện sự vắng mặt của những dấu hiệu, đặc điểm cũng trong một thời điểm xác định” [S.A. Vasileva, Đối với vấn đề phủ định, 1958a, tr. 149-150]. Câu phủ định cũng được các nhà ngữ pháp và ngôn ngữ học Việt Nam nghiên cứu từ nhiều quan điểm khác nhau nhưng tựu trung là quan điểm ngữ pháp truyền thống hoặc cấu trúc có kết hợp với cách lý giải lô-gích học của Trần Trọng Kim (1939), Lê Văn Lý (1948), Bùi Đức Tịnh (1953), Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê (1963); quan điểm cú pháp-ngữ nghĩa của Nguyễn Kim Thản (1964,1972), Đái Xuân Ninh (1978), Hoàng Trọng Phiến (1980), Ngữ pháp tiếng Việt (1983),
  • 10. 6 Diệp Quang Ban (1984, 1989, 1992, 1998), Nguyễn Minh Thuyết 1994); quan điểm lô-gích ngữ nghĩa Nguyễn Đức Dân (1977, 1983, 1985), Hoàng Phê (1989) và gần đây là quan điểm ngữ pháp chức năng, ngữ dụng học, lý thuyết hành vi ngôn ngữ của Nguyễn Đức Dân (1987, 1996), Cao Xuân Hạo (1991)… 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 3.1. Mục đích nghiên cứu Nghiên cứu câu phủ định tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt nhằm mục đích làm rõ những điểm tương đồng và khác biệt về câu phủ định trong hai ngôn ngữ, từ đó giúp người đọc hình dung rõ nét hơn về đặc trưng loại hình ngôn ngữ thông qua phạm trù câu phủ định. 3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Để đạt được mục đích trên, luận văn thực hiện những nhiệm vụ sau: - Khái quát hóa một số thành tựu nghiên cứu về câu phủ định nói chung, câu phủ định trong tiếng Nga và tiếng Việt nói riêng và các vấn đề lý thuyết liên quan đến đề tài luận văn; - Trình bày các phương tiện thể hiện ý nghĩa phủ định trong câu phủ định tiếng Nga và tiếng Việt; - So sánh đối chiếu các phương tiện thể hiện ý nghĩa phủ định trong tiếng Nga và tiếng Việt để chỉ ra sự khác biệt và tương đồng về câu phủ định giữa hai ngôn ngữ. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 4.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận văn này là câu phủ định của hai ngôn ngữ: tiếng Nga hiện đại và tiếng Việt hiện đại. 4.2. Phạm vi nghiên cứu Phạm vi nghiên cứu của luận văn này là các phương tiện biểu thị ý nghĩa phủ định trong câu phủ định tiếng Nga và tiếng Việt được dẫn từ một số tác phẩm văn học của Nga và Việt Nam và một số tư liệu từ các nghiên cứu khác.
  • 11. 7 5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu Để thực hiện ngiệm vụ nghiên cứu, chúng tôi sử dụng chủ yếu các phương pháp nghiên cứu sau: - Phương pháp miêu tả: Được sử dụng để miêu tả các đặc điểm của các phương tiện thể hiện ý nghĩa phủ định trong tiếng Nga và tiếng Việt trên cơ sở phân tích các ví dụ đươc dẫn từ các tác phẩm văn học của Nga và Việt Nam - Phương pháp so sánh đối chiếu: Được sử dụng để so sánh đối chiếu các phương tiện được dùng để thể hiện ý nghĩa phủ định giữa tiếng Nga và tiếng Việt nhằm tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt trong hai ngôn ngữ. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn Về mặt lý luận, kết quả nghiên cứu của luận văn góp phần làm rõ hơn đặc điểm của các câu phủ định trong tiếng Nga và tiếng Việt. Về mặt thực tiễn, kết quả đạt được của luận văn sẽ góp phần giúp cho những người học tiếng Nga hay tiếng Việt có thêm sự hiểu biết về câu phủ định và có thể sử dụng hiệu quả hơn trong học tập và làm việc. 7. Cơ cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu và kết luận, luận văn gồm ba chương: Chương 1 – Cơ sở lý luận: Nội dung của chương này giới thiệu khái quát một số vấn đề về câu phủ định; đồng thời trình bày cơ sở lý thuyết về ngôn ngữ học đối chiếu. Chương 2 – Câu phủ định chứa các phương tiện phủ định chính danh ở tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt: Nội dung của chương này tập trung vào việc xác định đặc điểm về cấu trúc, ngữ nghĩa của các phương tiện thể hiện ý phủ định chứa các từ phủ định đặc trưng trong tiếng Nga và tiếng Việt; phân tích, đối chiếu các phương tiện này để tìm ra điểm tương đồng và khác biệt giữa hai ngôn ngữ. Chương 3 – Câu phủ định không chứa các phương tiện phủ định chính danh ở tiếng Nga trong sự đối chiếu với tiếng Việt: Nội dung của chương này tiếp tục đi sâu vào xác định đặc điểm về cấu trúc, ngữ nghĩa của các phương tiện thể
  • 12. 8 hiện ý phủ định mà chứa các từ phủ định đặc trưng trong tiếng Nga và tiếng Việt đồng thời phân tích, đối chiếu các phương tiện này để tìm ra điểm tương đồng và khác biệt giữa hai ngôn ngữ.
  • 13. 9 CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN 1.1. Một số vấn đề về câu phủ định 1.1.1. Khái niệm câu phủ định Để đưa ra một định nghĩa thống nhất, được đa số các nhà khoa học chấp nhận về câu phủ định là công việc không hề dễ dàng. Trong tiếng Nga, theo tác giả D.E. Rozental, “câu có thể được gọi là câu phủ định nếu mối quan hệ giữa đối tượng của lời nói và điều được nói đến trong câu bị phủ định.” [Tiếng Nga hiện đại, D.E. Ro- zental chủ biên, phần 2 – cú pháp, 1979, tr.21] Từ điển Bách khoa thư khoa học xã hội của Nga đưa ra định nghĩa chung nhất về câu phủ định “câu phủ định là câu có chứa các dấu hiệu phủ định”. Đây cũng là quan niệm về câu phủ định của tác giả E. Pudatreva. [Российский гуманитарный энциклопедический словарь - http://dic.academic.ru] Theo cuốn Tiếng Nga hiện đại (1986), “câu phủ định là câu mà trong đó mối liên hệ giữa đơn vị lời nói và tín hiệu của lời nói bị phủ định, phủ định sự có mặt của tín hiệu độc lập hay phủ định sự có mặt của đơn vị lời nói.” Trong số những công trình nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt sớm nhất - Việt Nam văn phạm (1949), tác giả Trần Trọng Kim đã đưa ra một khái niệm thuần túy dựa vào hình thức biểu hiện về câu phủ định “…là một câu có một tiếng phủ định trạng từ như không, chẳng, chớ, đừng, chưa… đặt trước tiếng động từ hay tiếng tĩnh từ”. Nhận định này đánh dấu sự quan tâm cần thiết của các nhà nghiên cứu đối với một loại câu mang tính phổ quát cho tất cả các ngôn ngữ như câu phủ định. Tuy nhiên, định nghĩa nêu trên chưa phản ánh được bản chất của câu phủ định và cũng như không thấy được sự phong phú, đa dạng về các hình thức biểu đạt ý nghĩa phủ định. Trong Văn phạm Việt Nam – Giản dị và thực dụng (1972), Bùi Đức Tịnh nhận định “Ta dùng câu phủ định để phủ nhận một điều gì hay một việc xảy ra. Thường
  • 14. 10 câu phủ định là những câu có trạng từ phủ định hạn định một động từ, một trạng từ, một tính từ hay cả mệnh đề.” Sau này, tác giả Diệp Quang Ban đưa ra định nghĩa đầy đủ hơn về câu phủ định như sau: “Câu phủ định là câu xác nhận sự vắng mặt của vật, hiện tượng hay sự kiện, sự vắng mặt của đối tượng hay của đặc trưng đối tượng trong hiện thực hoặc trong tưởng tượng, bằng những phương tiện hình thức xác định”. [Diệp Quang Ban, Ngữ pháp tiếng Việt phổ thông, tập 2, 1989, tr. 261] Nguyễn Thị Lương trong Câu tiếng Việt (2006) bày tỏ quan niệm của mình về câu phủ định “… là câu sử dụng những từ ngữ phủ định để xác nhận rằng không có sự vật, sự việc hay đặc trưng, tính chất, quan hệ nào đó, hoặc để phản bác một ý kiến, một nhận định của ai đó hay của chính mình”. Khái niệm cho thấy câu phủ định không chỉ có nhiệm vụ miêu tả như trong định nghĩa của Diệp Quang Ban mà nó còn có vai trò quan trọng trong việc bác bỏ một nhận định nào đó. Như vậy, qua quan sát các khái niệm nêu trên chúng ta có thể khái quát hóa các đặc trưng của câu phủ định như sau: - có chứa các dấu hiệu phủ định; - được sử dụng để miêu tả sự vắng mặt của vật, hiện tượng hay sự kiện, sự vắng mặt của đối tượng hay của đặc trưng đối tượng; hoặc để bác bỏ một nhận định. 1.1.2. Đôi nét về các phương tiện thể hiện ý nghĩa phủ định trong các công trình nghiên cứu ở Nga và Việt Nam Trong tiếng Nga có một số lượng đáng kể các nghiên cứu về dấu hiệu nhận biết đặc trưng của câu phủ định. Sách Ngữ pháp tiếng Nga (Русская грамматика) (1980) đã tổng kết 6 phương tiện thể hiện ý nghĩa phủ định trong câu đơn gồm có: - tiểu từ не; - tiểu từ ни; - đại từ và trạng từ phủ định với tiếp đầu tố не-: некого, нечего, негде, некуда, неоткуда, незачем, некогда; - đại từ và trạng từ phủ định với tiếp đầu tố ни-: никто, ничто, никакой…; - vị từ: нет, нельзя, невозможно, немыслимо;
  • 15. 11 - từ нет tương đương với một câu phủ định hay một thành phần chính trong câu. Ngoài các phương tiện kể trên, tác giả E. Pugatreva trong cuốn Tiếng Nga hiện đại, phần 2 – cú pháp (1979) bổ sung các phương tiện biểu đạt ý phủ định khác như sử dụng các phụ tố cấu tạo từ mang nghĩa phủ định (не-, без-...), các cấu trúc câu (Много ты понимаешь, Так я и верил...), phương tiện từ vựng (отказаться, лишен...) Trong chuyên khảo “Phủ định như một phạm trù lô-gích ngữ pháp” (Отрицание как логико-грамматическая категория), V.N. Bondarenko (1983) đã miêu tả chi tiết về các phương tiện thể hiện ý phủ định. Nhìn chung, quan điểm của ông về vấn đề này thống nhất với các nhà nghiên cứu khác. Tuy nhiên, cũng như tác giả D.E. Rozetal, ông phủ nhận vai trò phủ định của tiểu từ ни mà chỉ công nhận chức năng nhấn mạnh ý nghĩa phủ định của nó mà thôi. Câu phủ định trong tiếng Việt cũng như trong các ngôn ngữ khác có các dấu hiệu đặc trưng của mình. Các dấu hiệu này được biểu hiện khá phong phú dưới nhiều hình thức khác nhau. Chúng có thể là từ, tổ hợp từ, cấu trúc cú pháp… Tác giả Nguyễn Thị Lương đã liệt kê các phương tiện thường gặp ở câu phủ định tiếng Việt như sau: - các phụ từ phủ định: không, chưa, chả, chẳng; - các kết hợp: chẳng… đâu, có… đâu, chưa… đâu, đã… đâu, chẳng… gì, dễ… chắc; - các tình thái từ phủ định: mà, đâu, gì, bao giờ, sao; - các tổ hợp: không hề, làm gì có, làm gì, đời nào, không đời nào, chẳng đời nào, việc gì, nỗi gì, cái nỗi gì, thèm vào, dám thèm vào, mặc kệ, mặc, kệ; - các từ ngữ thông tục: đếch, đéo, khỉ, con khỉ, làm cóc gì, cóc khô gì, quái gì, mẹ gì, con mẹ gì, cái con khẹc, làm chó gì; - các tình thái từ phủ định: tịnh, khối, mốc, sất, ứ. Theo Nguyễn Kim Thản việc bày tỏ ý nghĩa phủ định có thể dựa vào các phương tiện sau:
  • 16. 12 - từ phủ định (phương thức dùng hư từ) như không, chẳng (chả), chưa (chửa), đừng, chớ, không hề, chẳng hề (chả hề), chưa hề (chửa hề), chưa từng; - câu hỏi bộ phận với một giọng điệu đặc biệt; - một số lối nói đặc biệt cộng với một giọng điệu đặc biệt. Bên cạnh đó, tác giả cũng tổng kết các quy tắc chung về việc dùng từ phủ định đồng thời nhấn mạnh việc thực hiện các quy tắc đó còn phụ thuộc vào một số nhân tố khác như tính chất lời nói, đặc điểm về tổ chức câu, ý nghĩa của lời nói… Nguyễn Đức Dân dành sự quan tâm đặc biệt cho câu phủ định bác bỏ. Ông tập trung phân tích các dấu hiệu đặc trưng của loại câu này như việc sử dụng các từ phiếm định nào, gì, đâu, bao giờ… hoặc dùng từ mà để tạo thành các tác tử bác bỏ. Qua việc khảo sát các phương tiện thể hiện ý nghĩa phủ định ở cả hai ngôn ngữ, chúng ta thấy rằng các phương tiện này tập trung ở ba nhóm như sau: - các phụ tố cấu tạo từ; - các từ phủ định đặc trưng; - các kết hợp, cấu trúc cú pháp không xuất hiện các từ phủ định đặc trưng. Trong phạm vi đề tài nghiên cứu này, chúng tôi tập trung miêu tả các phương tiện thể hiện ý nghĩa phủ định dựa trên việc phân chia các nhóm phương tiện phủ định như trên đã trình bày. 1.1.3. Phân loại hiện tượng phủ định Dựa vào các tiêu chí khác nhau ta có các cách phân loại khác nhau và cho các kết quả khác nhau. Thông thường người ta thường đề cập đến ba cặp câu phủ định sau: câu phủ định toàn bộ và câu phủ định bộ phận; câu phủ định chung và phủ định riêng; câu phủ định miêu tả và câu phủ định bác bỏ. a) Phủ định toàn bộ và phủ định bộ phận Phủ định toàn bộ và phủ định bộ phận là kết quả của cách phân loại dựa trên vị trí của từ phủ định trong câu, với quan niệm trong câu, chỉ có vị ngữ được coi là thành phần chính, các thành phần còn lại (kể cả chủ ngữ) đều coi là thành phần thứ yếu. Đây là cách tiếp cận của ngữ pháp truyền thống theo quan điểm cú pháp ngữ
  • 17. 13 nghĩa của các nhà Việt ngữ học mà điển hình là Diệp Quang Ban, Nguyễn Kim Thản. Theo Diệp Quang Ban “căn cứ vào cách biểu hiện ý phủ định mà người ta phân biệt câu phủ định toàn bộ và câu phủ định bộ phận. Câu phủ định toàn bộ là câu chứa phụ từ chỉ ý phủ định đứng trước vị ngữ và trước nòng cốt câu; còn trong câu phủ định bộ phận thì vị ngữ không bị đánh dấu phủ định, mà một bộ phận nào đó khác trong câu mang phụ từ phủ định”. [Diệp Quang Ban, Ngữ pháp tiếng Việt phổ thông, tập 2, 1989, tr. 262] Nguyễn Kim Thản thì cho rằng “phạm vi phủ định bày tỏ trong câu có thể chia ra làm hai: phủ định toàn bộ và phủ định bộ phận”. Cũng đồng quan điểm với tác giả Diệp Quang Ban, ông đưa ra nhận xét về câu phủ định toàn bộ “…vị ngữ của câu là phần nói lên nội dung chính cần thông báo. Do đó, phủ định ý nói ở phần này có nghĩa là phủ định toàn bộ hiện thực nói đến trong câu”; và “để bày tỏ ý phủ định bộ phận, có thể dùng từ phủ định ở phụ ngữ của câu hay ở phụ ngữ của các cụm từ trong câu”. [Diệp Quang Ban, Ngữ pháp tiếng Việt phổ thông, tập 2, 1989, tr. 262] Như vậy, cốt lõi của vấn đề phân loại câu phủ định toàn bộ và câu phủ định bộ phận là vị trí của từ hay yếu tố phủ định. Căn cứ vào vị trí của nó so với các thành phần chính hay phụ trong câu mà người ta xác lập ý nghĩa của phủ định. Trong bài Vài nhận xét về cách bày tỏ ý phủ định trong tiếng Việt, Tạp chí ngôn ngữ số 2 (1972) ,tác giả Nguyễn Kim Thản phân định rõ ràng hai dạng thức điển hình của câu phủ định toàn bộ. “Cách thứ nhất là đặt từ kèm phủ định trước bộ phận vị ngữ của câu đơn hai phần hoặc trước phần nòng cốt của câu đơn một phần”. Ví dụ: dẫn lại ví dụ của Nguyễn Kim Thản 1. Mặt trời lên. → Mặt trời chưa lên. 2. Tôi là thợ. → Tôi không phải là thợ. 3. Nắng. → Không nắng. 4. Hải Phòng. → Chưa phải Hải Phòng. “Cách thứ hai dùng để bày tỏ ý phủ định toàn bộ là biến bộ phận chủ ngữ thành một cấu tạo phủ định, kiểu không/ chưa + thể nào + nào/ gì.” (Học sinh đến →
  • 18. 14 Không học sinh nào đến.); hoặc không/ chưa + từ trỏ rộng (đại từ phiếm chỉ) (Ai cũng nói. → Không ai nói; Không đâu đáng yêu hơn Tổ quốc). Còn để bày tỏ ý phủ định bộ phận, “có thể dùng từ phủ định ở phụ ngữ của câu hay ở phụ ngữ của các cụm từ trong câu. Thường thấy nhất là:  Ở phụ ngữ của câu: Ví dụ: 5. Không vội vàng, anh đi lại phía tôi.  Ở phụ ngữ của vị từ (phủ định kết quả, trạng thái… của hoạt động, tính chất…): Ví dụ: 6. Tôi xem không hiểu. 7. Nó nghĩ không ra. 8. Anh viết không gọn.  Ở phụ ngữ của danh từ (thường phủ định sự tồn tại của sự vật sở thuộc): Ví dụ: 9. Những đứa trẻ không nơi nương tựa đã được Nhà nước nuôi nấng. 1) Phần chêm xen: Ví dụ: 10. Tất cả mọi người – không kể đàn ông hay đàn bà – đều phải là những chiến sĩ kiên cường chống Mỹ, cứu nước. Cùng quan điểm với tác giả Nguyễn Kim Thản, tác giả Diệp Quang Ban cũng cho rằng hiện tượng phủ định được phân loại thành câu có vị ngữ bị phủ định, câu có chủ ngữ bị phủ định, câu có thành phần phụ của từ và thành phần phụ của câu bị phủ định. Ngoài ra, tác giả còn đề cập đến câu có thành phần phụ phủ định nòng cốt câu. Trong kiểu câu này, một số phương tiện phủ định đóng vai trò phụ ngữ của câu và có tác dụng phủ định toàn bộ nòng cốt câu câu hoặc vị ngữ của câu. Ví dụ: 11. Không phải mẹ bảo con đến đây [mà là con đi học về ghé qua thôi].
  • 19. 15 Chính tác giả cũng phải công nhận “nếu không tính đến ngữ điệu thì khó có thể phân biệt kiểu câu đang bàn ở đây với kiểu câu có chủ ngữ bị phủ định” [Diệp Quang Ban, Ngữ pháp tiếng Việt phổ thông, tập 2, 1989, tr. 267]. Sự mơ hồ này phần nào chứng tỏ việc phân loại câu phủ định thành câu phủ định toàn bộ và câu phủ định bộ phận ở một mức độ nào đó là hợp lý nhưng chưa mang tính khái quát được hết tất cả các hiện tượng phủ định vốn vô cùng đa dạng trong ngôn ngữ. Nó thuần túy mới chỉ dựa trên các hiện tượng bề mặt mà chưa đi vào các khía cạnh tiềm ẩn bên trong vỏ ngôn ngữ. Như đối với dạng các câu hỏi tu từ mang ý nghĩa phủ định thì khó có thể sử dụng các tiêu chí phân loại phủ định toàn bộ hay phủ định bộ phận theo quan điểm nêu trên. b) Phủ định chung và phủ định riêng Việc phân loại câu phủ định thành câu phủ định chung và câu phủ định riêng căn cứ vào lượng của các phần tử trong tập hợp tham gia vào phán đoán phủ định. Đây là hướng tiếp cận câu phủ định dựa trên mối quan hệ giữa lô-gích và ngôn ngữ cụ thể là mối quan hệ chặt chẽ giữa phán đoán phủ định và câu phủ định. Đại diện tiêu biểu của trường phái này trong giới Việt ngữ học là tác giả Nguyễn Đức Dân. Khi nói về câu phủ định chung và câu phủ định riêng, ông cho rằng đó là “câu phủ định miêu tả sự kiện mọi phần tử của một tập hợp không có một thuộc tính nào đó là câu phủ định chung” [Nguyễn Đức Dân, Lô-gích - Ngữ nghĩa - Cú pháp, 1987, tr. 242], còn câu phủ định riêng là câu phủ định chỉ có một hoặc một số phần tử của tập hợp không có một thuộc tính nào đó. Ví dụ: 12. Mọi người đều không biết tường tận việc đó. 13. Không ai biết tường tận việc đó. Các câu trong ví dụ 12, 13 là các câu phủ định chung. So sánh với các ví dụ trên, các câu “Ông Ba không biết việc đó”, “Một số người không biết việc đó” được coi là câu phủ định riêng, bởi vì một phần từ của tập hợp “ông Ba” hay “một số người” không có một thuộc tính “biết việc đó”. Trong khi đó, căn cứ vào vị trí của
  • 20. 16 từ phủ định không, tất cả các câu trong các ví dụ nêu trên đều được xếp loại câu phủ định toàn bộ bởi vì từ không đứng ngay trước các vị từ trong câu. Chúng ta nhận thấy có sự mâu thuẫn rõ rệt giữa hai cách phân loại câu phủ định. Chẳng hạn, câu “Mọi người đều nói không rõ” có thể được coi là câu phủ định chung xét theo tiêu chí về số lượng phần tử mang yếu tố phủ định, lại vừa là câu phủ định bộ phận theo tiêu chí vị trí của từ phủ định trong câu. c) Phủ định miêu tả và phủ định bác bỏ Sự ra đời của lý thuyết hành động ngôn từ đã giải quyết được mâu thuẫn trong hai cách phân loại câu phủ định nêu trên. Căn cứ vào mục đích hay ý nghĩa của sự phủ định, câu phủ định được chia thành hai loại: câu phủ định miêu tả và câu phủ định bác bỏ. Khi tư duy về các sự vật và hiện tượng, người ta xây dựng các phán đoán về các thuộc tính và mối quan hệ giữa chúng. Nguyễn Đức Dân (1987) đã đưa ra ví dụ như sau. Quan sát các ngôi nhà trong một khu phố, người ta nói “Ngôi nhà này cao, ngôi nhà kia thấp”. Các phán đoán này được biểu hiện bằng những câu khẳng định. Thay cho câu trên, ta có thể nói “Ngôi nhà này cao, ngôi nhà kia không cao”. Thế là để miêu tả chúng ta có thể dùng một câu khẳng định “ngôi nhà kia thấp” và một câu phủ định “ngôi nhà kia không cao” để diễn tả cùng một nội dung có ý nghĩa tương đương. Vì thế, có loại câu dùng để miêu tả gọi là câu phủ định miêu tả. Diệp Quang Ban đã nêu ra định nghĩa về câu phủ định miêu tả “…phủ định miêu tả được thực hiện trong quá trình miêu tả, nhìn nhận sự vắng mặt (tính âm) của vật, hiện tượng hoặc đặc trưng, quan hệ của vật, việc, hiện tượng” [Diệp Quang Ban, Ngữ pháp tiếng Việt phổ thông, tập 2, 1989, tr. 267]. Bên cạnh đó, cũng có những câu phủ định không dùng để miêu tả, nó được dùng để đối đáp, bác bỏ ý kiến của những người khác, thậm chí ý kiến, ý nghĩ của chính mình trước đó. Loại câu này được gọi là câu phủ định bác bỏ. Câu phủ định bác bỏ là câu phủ định dùng để phản bác một ý kiến, một nhận định của ai đó hay của chính mình. Khác với các kiểu phân loại câu phủ định toàn bộ và phủ định bộ phận hay phủ định chung và phủ định riêng, trọng tâm của phủ định không phải là vị trí của các
  • 21. 17 tín hiệu phủ định hay số phần tử của một tập hợp không có thuộc tính nào đó mà chính là ý nghĩa thực sự của phát ngôn trong hoàn cảnh giao tiếp hiện thực, là “lực ngôn trung” của ngôn ngữ. Thuật ngữ câu phủ định bác bỏ mang ý nghĩa khái quát. Nó đại diện cho hàng loạt các hành vi khác mà kết quả cuối cùng của chúng mới là sự bác bỏ. Chúng ta thấy rõ điều đó trong các tình huống thực tế thông qua các ví dụ sau: Ví dụ: A Anh làm hộ tôi việc này nhé? B1 Tôi không làm được đâu. B2 Tôi làm sao được? Nhận thấy, để thể hiện việc không chấp nhận lời đề nghị của A, B có thể hoặc từ chối trực tiếp, hoặc đưa ra một câu chất vấn về khả năng thực hiện công việc. Dù bằng cách một hay cách hai, ngầm ý của người được đề nghị nhắm đến việc bác bỏ lời đề nghị. Hay khi bị phê phán “Cậu lại trốn học rồi”, người ta có thể đáp lời “Nào tớ có muốn vậy đâu!”. Có thể hiểu câu trả lời này không phủ định thực tế có “”trốn học” nhưng có phần thanh minh về nguyên nhân dẫn tới việc đã làm cũng nhằm mục đích bác bỏ lời phê phán đó. Một ví dụ khác cũng để chứng tỏ rằng ý phủ định bác bỏ được thể hiện qua vô vàn các hành vi khác nhau như sau: nếu không đồng thuận với nhận định “Bạn Hoa học giỏi nhất lớp” chúng ta cũng có thể dùng một phán đoán đối lập của nó “Bạn Lan còn học giỏi hơn”. Hai phán đoán đối lập nhau mang nghĩa phủ định lẫn nhau nhưng không nhất thiết phải có một câu ở dạng phủ định. 1.2. Ngôn ngữ học đối chiếu 1.2.1. Khái niệm ngôn ngữ học đối chiếu Ngôn ngữ học đại cương, ngôn ngữ học miêu tả và ngôn ngữ học so sánh là ba phân ngành cơ bản của ngôn ngữ học hiện đại. Căn cứ vào đối tượng, mục đích và cách thức so sánh, ngôn ngữ học so sánh thường được phân chia thành những ngành
  • 22. 18 sau: ngôn ngữ học so sánh lịch sử, ngôn ngữ học so sánh loại hình hay loại hình học và ngôn ngữ học đối chiếu. Theo định nghĩa của tác giả Bùi Mạnh Hùng, ngôn ngữ học đối chiếu là một phân ngành ngôn ngữ học nghiên cứu so sánh hai hoặc nhiều hơn hai ngôn ngữ bất kỳ để xác định những điểm giống nhau và khác nhau giữa các ngôn ngữ đó, không tính đến vấn đề các ngôn ngữ được so sánh có quan hệ cội nguồn hay thuộc cùng một loại hình hay không. Việc lựa chọn ngôn ngữ để đối chiếu hoàn toàn phụ thuộc vào những yêu cầu lý luận và thực tiễn nghiên cứu. Về căn bản ngôn ngữ học đối chiếu đứng trên quan điểm đồng đại khác với quan điểm lịch đại của ngôn ngữ học so sánh lịch sử. 1.2.2. Các nguyên tắc đối chiếu ngôn ngữ Trong quá trình nghiên cứu đối chiếu các ngôn ngữ có các nguyên tắc cơ bản mà chúng ta cần tuân thủ như sau: a) Đảm bảo các phương tiện trong hai ngôn ngữ đối chiếu phải được miêu tả một cách đầy đủ, chính xác và sâu sắc trước khi tiến hành đối chiếu để tìm ra điểm giống nhau và khác nhau giữa chúng. Bước miêu tả này tuy chỉ là sự chuẩn bị nhưng là một công đoạn quan trọng của quá trình đối chiếu vì nó cung cấp đầu vào cho sự đối chiếu. Kết quả đối chiếu trước hết phụ thuộc vào kết quả của sự miêu tả này. b) Việc nghiên cứu đối chiếu không thể chỉ chú ý đến các phương tiện ngôn ngữ một cách tách biệt mà phải đặt trong hệ thống. c) Phải xem xét các phương tiện đối chiếu không chỉ trong hệ thống ngôn ngữ mà còn trong hoạt động giao tiếp. Nguyên tắc này đã giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa ngôn ngữ và lời nói trong nghiên cứu ngôn ngữ học nói chung, đưa ngôn ngữ gần gũi hơn với hoạt động giao tiếp, nơi ngôn ngữ thực hiện chức năng cơ bản của nó và nhờ vậy mới bộc lộ được hết đặc điểm của mình. d) Phải đảm bảo tính nhất quán trong việc vận dụng các khái niệm và mô hình lý thuyết để miêu tả các ngôn ngữ được đối chiếu. Nguyên tắc này đòi hỏi các phương tiện của hai ngôn ngữ được miêu tả theo cùng một mô hình. Thành công
  • 23. 19 của việc đối chiếu không chỉ phụ thuộc vào các khái niệm và lý thuyết mà chúng ta lựa chọn để miêu tả mà còn được quyết định bởi tính nhất quán của việc vận dụng các khái niệm và lý thuyết đó. e) Phải tính đến mức độ gần gũi về loại hình giữa các ngôn ngữ cần đối chiếu vì nó cho phép người nghiên cứu có thể lựa chọn được cách tiếp cận thích hợp nhất đối với quá trình đối chiếu. 1.2.3. Phạm vi đối chiếu Về mặt lý thuyết, căn cứ vào phạm vi đối chiếu người ta phân biệt đối chiếu hệ thống và đối chiếu bộ phận. Đối chiếu hệ thống là đối chiếu tổng thể hai ngôn ngữ với nhau. Còn đối chiếu bộ phận là đối chiếu các đơn vị, phạm trù, hiện tượng cụ thể của hai ngôn ngữ. Tuy nhiên, trên thực tế không có công trình nào có thể đối chiếu một cách đầy đủ ngôn ngữ này với ngôn ngữ khác như những tổng thể. Cách tiếp cận thích hợp nhất là đối chiếu các phương tiện của hai ngôn ngữ trên từng phạm trù, bình diện riêng biệt, đó chính là phạm vi đối chiếu bộ phận. Có nhiều quan điểm khác nhau về cách phân biệt phạm vi đối chiếu bộ phận. Ví dụ, tác giả T. Krzeszowski phân biệt 3 lĩnh vực đối chiếu: - Đối chiếu những hệ thống tương đương trong hai ngôn ngữ như đại từ, quán từ, động từ, hệ thống nguyên âm, phụ âm… - Đối chiếu những kết cấu tương đương như kết cấu nghi vấn, kết cấu phủ định, kết cấu bị động, kết cấu danh ngữ… - Đối chiếu các quy tắc tương đương như quy tắc bị động, đảo trật tự trong kết cấu nghi vấn, đồng hóa và dị hóa ngữ âm… Lê Quang Thiêm (1989) phân biệt phạm vi đối chiếu theo phạm trù, cấu trúc hệ thống, chức năng và hoạt động, phong cách, lịch sử - phát triển. Theo Bùi Mạnh Hùng, sự phân biệt các phạm vi đối chiếu cần xác định trên cơ sở phân biệt các bình diện phân tích ngôn ngữ: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp và ngữ dụng. 1.2.4. Những cách tiếp cận cơ bản trong nghiên cứu đối chiếu ngôn ngữ
  • 24. 20 Một công trình nghiên cứu đối chiếu có thể chọn một trong hai cách tiếp cận chủ yếu sau: đối chiếu hai (hay nhiều) chiều và đối chiếu một chiều. a) Nghiên cứu đối chiếu hai (hay nhiều) chiều xem xét các hiện tượng được so sánh của hai hay nhiều ngôn ngữ trong mối quan hệ qua lại trên một cơ sở đối chiếu, dựa trên một cơ sở so sánh (TC - tertium comparationis) nhất định. Cách này được tiến hành theo thủ tục như sau: chọn TC và xác định các phương tiện ngôn ngữ biểu thị/ thuộc về phạm trù này trong các ngôn ngữ đối chiếu. Cách tiếp cận này gọi là đối chiếu hai chiều không phải vì việc đối chiếu các ngôn ngữ theo cả hai chiều từ ngôn ngữ A đến ngôn ngữ B và sau đó, ngược lại, từ ngôn ngữ B đến ngôn ngữ A, mà là nghiên cứu các hình thức thể hiện TC trong hai ngôn ngữ, sau đó phân tích những hình thức thể hiện này có những điểm nào giống nhau và khác nhau, không có ngôn ngữ nào là ngôn ngữ xuất phát và ngôn ngữ nào là ngôn ngữ đích. b) Nghiên cứu đối chiếu một chiều xem xét ý nghĩa của một phương tiện nào đó trong ngôn ngữ này và xác định những phương tiện biểu hiện ý nghĩa tương ứng trong ngôn ngữ khác. Bắt đầu từ việc miêu tả các hình thức trong ngôn ngữ thứ nhất rồi đối chiếu với những cái tương đương trong ngôn ngữ thứ hai. Cũng có thể ngược lại, bắt đầu từ việc miêu tả các hình thức trong ngôn ngữ thứ hai rồi đối chiếu với những cái tương đương trong ngôn ngữ thứ nhất. Sở dĩ gọi là một chiều vì khi đối chiếu, người nghiên cứu chọn một ngôn ngữ làm điểm xuất phát và một ngôn ngữ làm đích. Việc chọn ngôn ngữ nào làm ngôn ngữ xuất phát và ngôn ngữ nào làm ngôn ngữ đích phụ thuộc vào nhiệm vụ và mục đích của việc nghiên cứu đối chiếu chứ không bị quy định bởi đặc điểm của cấu trúc ngôn ngữ. Đề tài nghiên cứu đối chiếu của luận văn là nghiên cứu một chiều với việc chọn tiếng Nga làm ngôn ngữ cơ sở, ngôn ngữ xuất phát, còn tiếng Việt là ngôn ngữ đối chiếu, ngôn ngữ đích. 1.3. Tiểu kết Chương 1 đã giới thiệu những cơ sở lý luận của luận văn. Câu phủ định đã được nghiên cứu về mặt triết học, mặt lô-gích học và mặt ngôn ngữ trên nhiều bình diện khác nhau. Luận văn giới thiệu một số nghiên cứu tiêu biểu về vấn đề câu phủ định
  • 25. 21 ở trong và ngoài nước, tổng kết các nét cơ bản như khái niệm câu phủ định, các phương tiện thể hiện ý nghĩa phủ định cũng như phân loại câu phủ định. Ngoài ra, nội dung lý thuyết cơ bản về vấn đề câu và ngôn ngữ học đối chiếu cũng được trình bày trong luận văn. Mặc dù có nhiều bình diện nghiên cứu về câu phủ định, trong phạm vi đề tài nghiên cứu chúng tôi chủ yếu đề cập đến các phương tiện thể hiện ý nghĩa phủ định cấu trúc câu đơn tiếng Nga, tập trung vào việc xác định, miêu tả và phân tích ý nghĩa cơ bản của chúng trong hai ngôn ngữ.
  • 26. 22 CHƯƠNG 2. CÂU PHỦ ĐỊNH CHỨA CÁC PHƯƠNG TIỆN PHỦ ĐỊNH CHÍNH DANH Ở TIẾNG NGA TRONG SỰ ĐỐI CHIẾU VỚI TIẾNG VIỆT Trong chương này, nhiệm vụ được đặt ra là xem xét các câu phủ định chứa các phương tiện phủ định chính danh trong tiếng Nga cũng như tiếng Việt; phân tích, làm rõ chức năng và ý nghĩa của các phương tiện này. Trên cơ sở đó có thể tiến hành việc so sánh đối chiếu để tìm ra những nét tương đồng và dị biệt giữa hai ngôn ngữ, hai nền văn hóa. 2.1. Câu phủ định chứa các phương tiện thể hiện ý nghĩa phủ định bằng các từ phủ định trong tiếng Nga 2.1.1. Câu phủ định chứa các phương tiện thể hiện ý nghĩa phủ định bằng các tiểu từ phủ định Trong nhiều ngôn ngữ, sử dụng từ phủ định là cách thức phổ biến nhất khi bày tỏ ý phủ định xét về mặt ngữ pháp. Trong tiếng Nga các từ kiểu này thường được gọi tên là tiểu từ phủ định (отрицательная частица). Nhiều nhà Nga ngữ học cho rằng các tiểu từ phủ định đó là не và ни. Theo quan điểm của chúng tôi, ни không được coi là tiểu từ phủ định. Lý do giải thích cho điều này chúng tôi sẽ trình bày ở phần sau. a) Tiểu từ не (không) Có thể nói rằng từ не đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thể hiện ý phủ định không phải chỉ bởi tần số xuất hiện của nó trong giao tiếp mà còn do khả năng kết hợp với mọi thành phần trong các loại câu khác nhau. Tiểu từ phủ định не có thể đem lại ý phủ định cho bất kỳ thành phần câu nào mà nó đứng trước. Do đó người ta cho rằng не thực hiện chức năng quan trọng, chức năng phủ định tùy chọn (факультативное отрицание). Trong câu hai thành phần chính, tiểu từ phủ định не có thể đứng trước bất cứ thành phần chính nào của câu, nhưng thường gặp nhất là vị trí trước vị ngữ. Còn
  • 27. 23 trong câu không có cấu trúc chủ-vị, nó đứng trước động từ chính hay vị từ trong câu. Khi đó nó có ý nghĩa phủ định cho vị từ. Ví dụ: 23. Я не учусь в университете. (Tôi không học ở trường đại học.) 24. Мой отец не инженер. (Bố tôi không phải là kỹ sư.) 25. Этот дом еще не построен. (Ngôi nhà này còn chưa xây xong.) 26. Она не из Ханоя. (Cô ấy không phải từ Hà Nội đến.) 27. Директор не у себя. (Giám đốc không có ở trong phòng.) 28. Главное – не ошибиться. (Quan trọng là không mắc lỗi.) 29. Времени не хватает. (Không đủ thời gian.) 30. Жить в городе не трудно. (Sống ở thành phố không khó khăn gì.) 31. Хорошо учиться - не проблема. (Học tốt không phải là vấn đề.) Tiểu từ не cũng có thể đứng trước động từ nguyên dạng hay phần danh, khi đó cụm từ chứa не có vai trò là phần thuyết trong câu. Ví dụ: 32. Не ты одна в беде - горе народное, с народом и терп. (Ч. Айтматов – Джамиля) (Không phải chỉ con buồn khổ - đó là nỗi đau của toàn dân, con hãy chịu đựng cùng toàn dân.) 33. Однажды случилось мне целый месяц не брать пистолета. (А.С. Пушкин – Выстрел) (Nhưng có lần trọn một tháng tôi không cầm đến súng.) Trong câu một thành phần, tiểu từ phủ định не đứng trước động từ đã chia hoặc trạng từ. Ví dụ: 34. А он шел и плакал. И ему было не стыдно. (В. Шукшин – Раскас) (Anh ta vừa đi vừa khóc. Và anh ta chả xấu hổ gì.) 35. Их не преследовали. По ним не стреляли вслед. (М. Шолохов – Тихий Дон) (Toán Cô-dắc không truy kích, cũng chẳng bắn theo họ.)
  • 28. 24 Trong các câu сó các thành phần mở rộng, tiểu từ phủ định не có thể được lựa chọn đứng trước bất kỳ thành phần mở rộng nào của câu. Ví dụ: 36. Он читал не газету. (Anh ta đọc không phải báo.) 37. Они ходили не в театру. (Họ đi không phải đến nhà hát.) 38. Они занимаются в библиотеке не вуза. (Họ học trong thư viện không phải của trường.) 39. Не из-за них шум. (Tiếng ồn không phải do họ.) 40. Не у нее грипп. (Không phải cô ấy bị cúm.) 41. Не часто встречаются эти люди. (Những người này gặp nhau không thường xuyên.) Từ phủ định не cũng có thể đứng trước một cụm từ và phủ định cho cả cụm từ đó. Chúng ta có thể nhận biết mối quan hệ đó nhờ vào ngữ cảnh và sự đối lập trong câu. Ví dụ: 42. Смотрела она на нас смело, в упор, словно мы были не новые для нее люди, а животные зоологического сада. (А. П. Чехов – Вишнёвый сад) (Cô ấy nhìn chằm chằm vào chúng tôi, như thể chúng tôi không phải là những người mới đối với cô ấy, mà là những con vật ở sở thú.) Trong câu này cụm từ phủ định là не новые для нее люди (không phải những người mới đối với cô ấy) có sự đối lập với а животные зоологического сада (mà những con vật ở sở thú). Để nhấn mạnh ý phủ định tiểu từ phủ định có thể đứng giữa giới từ và cụm từ mà nó cần phủ định. Ví dụ: 43. Слова о не задержавшихся в батальоне комбатах не испортили ему настроения. (К. Симонов – Живые и мёртвые) (Tin tức về những người không còn ở lại trong tiểu đoàn không làm hỏng tâm trạng của anh ta.)
  • 29. 25 Khi tiểu từ phủ định đứng ở ngay đầu câu thì có thể hiểu ý nghĩa phủ định liên quan đến từ đứng ngay sau nó hoặc liên quan đến toàn bộ câu. Như vậy câu “Не поезд гудит” (Không phải đoàn tàu rúс lên) có thể hiểu theo nghĩa “Не поезд - гудит” hoặc “Не - поезд гудит”. Trong trường hợp thứ nhất, không phải hành động được phủ định mà là “đoàn tàu”. Khi đó chúng ta sẽ hiểu câu trên là “không phải đoàn tàu rú còi, mà là một vật khác”. Từ phủ định bao giờ cũng ở vị trí trước từ nó cần phủ định. Chẳng hạn như: “Не поезд гудит”, “Гудит не поезд” hoặc “Не телефон звонит”, “Звонит не телефон”. Trong trường hợp thứ hai “Не - поезд гудит” ý nghĩa phủ định bao trùm lên toàn bộ câu và nó có thể đối lập với một câu khác: “Не поезд гудит, а гром гремит” (Không phải đoàn tàu rúc lên mà là tiếng sấm rền vang), vị trí của tiểu từ phủ định luôn ở đầu câu.  Phủ định toàn phần và phủ định bộ phận Vậy câu hỏi được đặt ra là ý nghĩa của câu thay đổi như thế nào khi vị trí của từ phủ định này thay đổi. Chúng ta cùng quan sát vị trí của nó trong các ví dụ dưới đây. Ví dụ: (dẫn lại ví dụ của sách Ngữ pháp tiếng Nga, 1980, tr.408) 44a. Брат не ходил вчера в библиотеку. (Anh trai không đi đến thư viện hôm qua.) 44b. Не брат ходил вчера в библиотеку. (Không phải anh trai đi đến thư viện hôm qua.) 44c. Брат ходил не вчера в библиотеку. (Anh trai đi đến thư viện không phải vào ngày hôm qua.) 44d. Брат ходил вчера не в библиотеку. (Ngày hôm qua anh trai đi đến không phải thư viện.) Trong ví dụ 44a tiểu từ phủ định не đứng trước động từ chính có chức năng làm vị ngữ của câu. Theo ngữ pháp truyền thống, kiểu câu này được gọi là câu phủ định toàn bộ. “Đó là những câu mà sự phủ định tác động vào vị ngữ hoặc vào thành phần chính biểu hiện vị ngữ” [Sách Ngữ pháp tiếng Nga, 1980, tr. 408].Ví dụ 44b lại chỉ ra rằng sự phủ định liên quan đến chủ thể của hành động, không phải của
  • 30. 26 chính hành động (không phải “anh trai” mà là người nào đó đã đi đến thư viện); câu 44c, d cũng có mối liên quan tương tự như vâỵ về mặt thời gian và địa điểm của hành động (anh trai đi đến thư viện không phải vào hôm qua mà vào thời gian khác và ngày hôm qua anh trai đi đến không phải thư viện mà đên một nơi nào đó). Sự phủ định trong các ví dụ 44b, c, d không tác động lên toàn bộ hành động trong tình huống nói chung mà chỉ tác động lên một phần của tình huống đó, như vậy sự phủ định chỉ giới hạn trong một phần nào đó. Những câu như vậy được gọi là câu phủ định từng phần. Phủ định bộ phận liên quan chặt chẽ với sự phân chia đề - thuyết trong câu, “phần câu chứa phủ định bộ phận luôn được coi là phần thuyết - Sách Ngữ pháp tiếng Nga, 1980, tr. 408) Ví dụ: 45. Не убить тебя я пришла, а мириться, бросай нож! (М. Горький – Макар Чудра) (Tôi đến không phải để giết anh mà là để giảng hòa. Hãy bỏ dao xuống!) Phủ định bộ phận vẫn có thể xảy ra trong trường hợp tiểu từ phủ định не đứng ở vị trí trước động từ chính hay vị ngữ trong câu: Он не ходил в библиотеку, а ездил (Không phải anh ta đi bộ đến thư viện, mà đi bằng xe). Trong trường hợp này không phải toàn bộ tình huống mà chỉ có hành vi thực hiện hành động bị phủ định. Động từ vị ngữ thực hiện chức năng của phần thuyết – đưa ra một thông báo mới: “…не ходил, а ездил” (Không phải đi bộ mà đi bằng xe). Trong các câu phủ định bộ phận, phần phủ định bao giờ cũng đối lập với một phần nào đó được khẳng định. Chẳng hạn như: Не брат ходил вчера в библиотеку, а отец. (Không phải anh trai đi đến thư viện hôm qua, mà là bố); Брат ходил не вчера в библиотеку, а сегодня утром. (Anh trai đi đến thư viện không phải vào ngày hôm qua, mà vào sang hôm nay); Брат ходил вчера не в библиотеку, а в кино. (Ngày hôm qua anh trai đi đến không phải thư viện, mà là rạp chiếu phim). Ngược lại, sự đối lập đó là không cần thiết trong câu phủ định toàn bộ. Chúng ta không cần thêm một phần nào đó được khẳng định đi đôi với phần bị phủ định.
  • 31. 27 Người nghe dường như không chờ đợi thêm thông tin kèm theo trong các câu phủ định dạng như: Брат не ходил вчера в библиотеку (Ngày hôm qua anh trai không đi đến thư viện); Он давно не получал писем (Đã lâu rồi anh ta chẳng nhận được thư).  Phủ định bắt buộc (обязательное отрицание) và phủ định tùy chọn (факультативное отрицание) Tiểu từ phủ định не có thể tham gia vào hai cấu trúc: phủ định lựa chọn và phủ định bắt buộc. Tiểu từ не biểu hiện sự phủ định bắt buộc trong các câu phủ định tự thân (собственно отрицательное предложение). Ví dụ: 46. Трудностей не встречается. (Không gặp khó khăn gì.) 47. Письма не получено. (Không nhận được lá thư nào.) Trong tất cả các trường hợp này các sự việc, sự tồn tại hay phát hiện đã bị loại trừ bởi yếu tố phủ định. So sánh các câu kiểu trên với các câu phủ định lựa chọn như “Трудности не встречаются”, “Письмо не получено” chúng ta thấy rằng cấu trúc ngữ nghĩa của hai loại câu trên tương đồng với nhau. Tuy nhiên chúng vẫn có một số điểm khác biệt. Thứ nhất là câu phủ định bắt buộc thường thông báo một chủ thể không xác định: Без потерь войны не бывает (Không có cuộc chiến nào mà không có mất mát); câu phủ định lựa chọn nói về chủ thể được xác định, đã biết: Он знал, что его лучшая картина еще не написана (Anh ta biết rằng bức tranh đẹp nhất của anh ta còn chưa được vẽ xong). Thứ hai là, câu phủ định bắt buộc thường thông báo về việc không tồn tại của chủ thể, trong khi đó trong câu phủ định lựa chọn việc không tồn tại của chủ thể lại bị phủ định. Chúng ta so sánh hai câu sau: “Не было написано ни строки” (Chưa viết được dòng nào), “Не было сказано ни слова” (Không nói một lời nào) và “Стихотворение не сохранилось, и я не помню ни одной строчки из него” (Bài thơ không được giữ lại và tôi không nhớ một dòng nào của bài đó), “Статья его не появилась в печати” (Bài báo của anh ta còn chưa được in).
  • 32. 28 b) Tiểu từ ни Bên cạnh tiểu từ phủ định не, tiểu từ ни сũng thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu tiếng Nga. Một số nhà nghiên cứu cho rằng tiểu từ ни có vai trò độc lập, nghĩa là nó có thể biểu thị ý phủ định mà không cần phải đi cùng не trong một số dạng câu nhất định chẳng hạn như trong câu cầu khiến (kiểu câu Ни шагу дальше), câu chỉ số lượng (kiểu câu Ни на волос любви) hoặc câu vô nhân xưng sử dụng dạng thức danh từ ở cách hai (kiểu câu В кармане ни гроша). Đại diện tiêu biểu cho quan điểm này là các tác giả Vinogradov (1960, 1987), Gabutran (1972). Tuy nhiên, bản thân tiểu từ ни không phải là tiểu từ phủ định, mà chỉ là tiểu từ dùng để nhấn mạnh. Nó có thể có thực hiện chức năng nhấn mạnh cho hoặc là ý khẳng định, hoặc là ý phủ định. Xét về ý nghĩa biểu hiện nó có sự tương đồng với các tiểu từ như и (và, cả), даже (thậm chí). Chúng ta cùng xem xét các ví dụ dưới đây: Ví dụ: 48. Ни разу не был. (Chưa lần nào ở đó.) 49. В кармане нет ни копейки. (Trong túi không còn xu nào.) 50. Кто ни придет, всем будем рады. (Dù người nào đến, chúng tôi đều mừng.) Trong câu 46 và câu 47, tiểu từ не và нет biểu thị phủ định hành động và phủ định sự có mặt. Ở đây, tiểu từ ни được sử dụng trong cấu trúc phủ định với chức năng nhấn mạnh. Câu 48 là một câu khẳng định cả về mặt hình thức và nội dung. Cấu trúc câu sử dụng cả hai yếu tố ни và не khá phổ biến trong tiếng Nga hiện đại. Trong kiểu câu này từ ни có thể được lặp lại nhiều lần nhằm biểu thị ý nhấn mạnh hay liệt kê, còn việc thực hiện nhiệm vụ phủ định vẫn thuộc về tiểu từ не. Ví dụ: 51. Он не имел ни фабрик, ни заводов, ни земли, не имел чинов и не занимал высокого положения. (Anh ta chẳng có nhà máy, chẳng có xưởng sản xuất, chẳng có đất đai, chẳng có chức vụ và cũng chẳng có địa vị gì)
  • 33. 29 Cũng có trường hợp khi tiểu từ ни không lặp lại và danh từ đi cùng với nó ở dạng thức cách hai, khi đó một phần của hiện tượng hay sự vật được phủ định . Ví dụ: 52. “- Вы имеете в виду Иоганна фон Гете? - Да. Я имею в виду Иоганна фон Гете, который ни грамма не пил.” (В. Ерофеев – Москва - Петушки) (- Ý anh muốn nói đến Johann von Goethe? - Vâng. Ý của tôi là Johann von Goethe, người không uống một giọt nào.) Tiểu từ ни có thể xuất hiện trong cấu trúc ни один не cũng không nằm ngoài mục đích biểu thị sự nhấn mạnh. Ví dụ: 53. Вот присел я у забора и стал прислушиваться, стараясь не пропустить ни одного слова. (М. Лермонтов – Герой нашего времени) (Thế là tôi ngồi xuống cạnh hàng rào và bắt đầu lắng nghe cố gắng không bỏ sót một lời nào.) Khi kết hợp với các đại từ và trạng từ, tiểu từ ни có khả năng tạo thành các cấu trúc khẳng định chẳng hạn như как (бы) ни, что (бы) ни... trong các ví dụ sau: 54. Что ни день, то вырастали новые бараки, склады, подсобные мастерские. (Ngày lại ngày mọc lên những lán xưởng, nhà kho, xưởng sản xuất mới.) 55. Как бы ни было хорошо в гостях, а дома лучше. (Đi chơi nhà khác thì cũng tốt, nhưng ở nhà còn tốt hơn.) Trong các cấu trúc cố định dạng như ни жив ни метрв (sống dở chết dở), ни свет ни заря (tranh tối tranh sáng), tiểu từ ни được lặp lại để nhấn mạnh hoặc là ý nghĩa không xác định, hoặc đơn giản là sự khẳng định. Các cấu trúc này có thể được thay thế bởi các cấu trúc tương đương về ý nghĩa cũng như về hình thức. Ví dụ: ни жив ни метрв = чуть (еле) жив (, ни свет ни заря = очень рано (rất sớm)... 2.1.2. Câu phủ định chứa các phương tiện thể hiện ý nghĩa phủ định bằng các đại từ phủ định và trạng từ phủ định Đại từ phủ định và trạng từ phủ định cũng là một trong những phương tiện biểu thị ý phủ định trong tiếng Nga. Từ điển thuật ngữ ngôn ngữ học của tác giả O.S.
  • 34. 30 Akhmanova đã đưa ra cách nhận biết đại từ và trạng từ phủ định “là các từ mà trong thành phần của nó có chứa tiếp đầu tố có nhiệm vụ phủ định cho phần nội dung được biểu hiện trong hình vị gốc” [O.S. Akhmanova, Từ điển thuật ngữ ngôn ngữ học, 1969, tr. 608]. Trong nhiều sách ngữ pháp của Nga các từ này được giải thích là các từ chỉ ra sự vắng mặt hoàn toàn của đối tượng là chủ thể hay khách thể của hành động. Các đại từ phủ định và trạng từ phủ định trong tiếng Nga gồm có: ничто, никто, ничей, никакой, нечего, некого, никой và никуда, нигде, никогда, ниоткуда, ничуть, никак, негде, нисколько, некуда, некогда, незачем, неоткуда. Như vậy, đại từ никто được hiểu là vắng mặt hay không tồn tại một người nào đó, ничей – không thuộc về ai đó, некого – sự vắng mặt của chủ thể hành động được biểu hiện ở dạng động từ nguyên thể, нечего – sự vắng mặt của khách thể… Chúng ta có cách hiểu tương tự đối với những đại từ và trạng từ phủ định khác. Riêng trạng từ некогда có hai cách hiểu: một là biểu hiện việc không có thời gian, hai là không xác định được về thời gian (lúc nào đó, đã lâu rồi, trong quá khứ). Từ никой là từ cổ và hiện nay chỉ còn xuất hiện trong những tập hợp từ cố định như ни в коем случае, никоим образом. Xét về mặt ngữ nghĩa có thể giải thích các đại từ và trạng từ phủ định như là phương tiện chia tách một thành phần hay một tập hợp con từ một tập hợp các đối tượng nào đó. Lấy ví dụ, đại từ никто là một tập rỗng được tách ra từ tập hợp chỉ người hay nói rộng ra là một tập hợp động vật nói chung, trạng từ никогда nằm trong một tập hợp chỉ thời điểm hay khoảng thời gian, trạng từ нигде có quan hệ với tập hợp không gian, địa điểm. Bên cạnh đó, các đại từ và trạng từ phủ định cũng chỉ ra sự vắng mặt của một cái nào đó. Như vậy trạng từ никогда không chỉ biểu hiện một thời điểm nói chung mà còn đồng thời chỉ ra sự vắng mặt của một thời điểm trong một sự việc cụ thể nào đó. Ví dụ trong câu Некого спросить (Chẳng có ai để hỏi), đại từ некого bao gồm trong nó ý nghĩa chỉ người nói chung và thông tin về sự vắng mặt của khách thể của hành động.
  • 35. 31 Đại từ và trạng từ phủ định với tiếp đầu tố ни- thường xuất hiện trong câu có động từ phủ định tức có nghĩa là các từ kiểu này không bao giờ được sử dụng mà thiếu tiểu từ phủ định не; chúng đóng vai trò là các từ tăng cường sự phủ định chung. Vì thế một số nhà nghiên cứu có quan điểm cho rằng chỉ những đại từ hoặc trạng từ với tiếp đầu tố не- mới biểu hiện ý phủ định. Cùng với động từ nguyên dạng “khẳng định” những đại từ và trạng từ kiểu này tạo thành chỉnh thể cú pháp hoàn chỉnh. Ví dụ: 56. Я нигде не был вчера. (Ngày hôm qua tôi chẳng ở đâu.) 57. Мне негде быть вчера. (Ngày hôm qua tôi chẳng có chỗ nào để ở cả.) Như trên chúng ta đã đề cập đến, đại từ với tiếp đầu tố ни- trong câu phủ định có đặc tính loại trừ, có nghĩa là nó chỉ ra tất cả đại diện của một nhóm nào đó được tách khỏi tập hợp hay một mối quan hệ nào đó. Đó chính là cơ sở để đối chiếu các từ này với các từ tương ứng mang nghĩa сhung khái quát. Chúng ta cùng so sánh các từ sau: никто (không ai) - все (tất cả) никакой (không thế nào) - всякий/ любой/ каждый (mọi/ bất cứ/ mỗi) нигде (không ở đâu) - везде (khắp nơi) никогда (không khi nào) - всегда (lúc nào) Cách sử dụng các từ mang nghĩa chung khái quát dạng như все, всякий, всегда trong câu phủ định vị từ không phải là cách dùng mang tính tiêu chuẩn trong tiếng Nga. Vì vậy thay vì nói “Все они не были красавицы” (Tất cả bọn họ đều không phải là người đẹp), chúng ta nên nói như sau: “Среди них не было красавиц, Никто из них не был кравсив, Все они были некрасивы, Ни одни из них не была красавицей” (Trong số họ không có ai đẹp cả, Chẳng ai trong số họ là người đẹp, Không một ai trong số họ đẹp). Tuy nhiên, người ta cũng có thể sử dụng các từ kiểu này trong các khẩu ngữ. Chẳng hạn trong các trường hợp: 1) khi trả lời câu hỏi có nội dung phủ định vị từ dạng như: “- Кто не спит? - Все не спят.” (- Ai không ngủ - Tất cả đều không ngủ.); “- Кого она не любит? - Всех не любит” (- Cô ấy
  • 36. 32 không yêu ai? - Không yêu tất cả; 2) trong lời đối đáp nhắc lại phủ định vị từ: “- Я этого не люблю - Все не любят” (- Tôi không yêu thích điều này - Tất cả đều không yêu); “- Он не хочет это делать - Все не хотят” (Anh ta không thích làm điều này - Tất cả đều không muốn). Cách sử dụng này tạo ra các cấu trúc đồng nghĩa trong ngôn ngữ nói như: “Никто не спит - Все не спят” (Không ai ngủ - Mọi người không ngủ); “Я никогда не любил этого человека - Я всегда не любил этого человека” (Tôi không bao giờ yêu người này – Tôi luôn không yêu người này); “Он давно не разговаривает ни с кем - Он давно не разговаривает со всеми” (Từ lâu anh ta không nói chuyện với ai – Từ lâu anh ta không nói chuyện với mọi người). Cả hai kiểu câu trên đều là các câu phủ định, nhưng các câu thuộc nhóm một nhấn mạnh vào ý nghĩa loại trừ, còn các câu thuộc nhóm hai mang ý nghĩa chung khái quát. 2.1.3. Câu phủ định chứa các phương tiện thể hiện ý nghĩa phủ định bằng các giới từ phủ định Ý phủ định trong tiếng Nga cũng có thể được truyền tải nhờ các giới từ phủ định. Giới từ cơ bản nhất có khả năng biểu thị ý phủ định là giới từ без. Ý nghĩa của nó chỉ được sáng tỏ thông qua việc kết hợp với danh từ ở cách hai. Trong các trường hợp đó nó có các sắc thái ý nghĩa khác nhau liên quan đến sự phủ định như: thiếu, vắng mặt, phủ định, đối lập… Một điểm cần lưu ý là một số tác giả cho rằng ngoài giới từ без còn có một số giới từ khác cũng có thể biểu thị ý phủ định như вне, кроме, за исключением. Ví dụ: 58. Находиться вне школы – находиться не в школе, за пределам школы (Nằm ngoài trường – nằm không ở trong trường, ngoài phạm vi của trường) 59. Все за исключением Паши получили высокие оценки – Все, кроме Паши получили высокие оценки – Все получили высокие оценки, а Паша не получил. (Tất cả, trừ Pasa, đều nhận được điểm tốt – Tất cả, ngoài Pasa, đều nhận được điểm tốt – Tất cả đều nhận được điểm tốt, còn Pasa thì không.)
  • 37. 33 Quay trở lại với giới từ без chúng ta nhận thấy trong một số cấu trúc giới từ без và tiểu từ не có nghĩa tương đương. Ví dụ: 60. Писать без воодушевления – писать не с воодушевлением (Viết không có sự hào hứng – viết không với sự hào hứng) 61. Лежать без пользы – лежать не с пользой (Nằm không có lợi – nằm không với ích lợi gì) Cũng cần phải nói thêm rằng tuy hai cấu trúc trên đều diễn tả ý phủ định nhưng giữa chúng vẫn có sự khác biệt. Nếu giới từ без biểu thị sự phủ định chung đối với một đối tượng nào đó thì cấu trúc với не chứa đựng sự đối lập ngầm ẩn. Chúng ta cùng xem xét các câu sau: Ví dụ: 62. Она пошла на выставку без подруги. (Cô ấy đi xem triển lãm không có bạn gái.) 63. Она пошла на выставку не с подругой. (Cô ấy đi xem triển lãm không cùng với bạn gái.) Сâu 62. được hiểu là “Cô ấy đi đến buổi triển lãm mà không có bạn (đi cùng)”. Câu này có thể nói đã trọn vẹn về ý. Nhưng câu 63. lại không như vậy. Câu “Cô ấy đi đến buổi triển lãm không phải với người bạn gái” làm cho người nghe cảm thấy cần có thêm thông tin về người đi cùng: “không đi với người bạn gái, có lẽ đi cùng với bạn trai hay mẹ”. Người ta thường sử dụng giới từ без với nghĩa phủ định trong hai trường hợp sau: a) Trong đa số các trường hợp, giới từ без cho thấy không có mối liên kết giữa hành động và điều kiện nào đó. Xét về chức năng cú pháp cụm từ chứa без đóng vai trò làm trạng ngữ chỉ phương thức hành động. Ví dụ: 64. Он выполнил эту работу без труда. (Anh ta hoàn thành công việc không khó khăn gì.)
  • 38. 34 b) Trong vai trò làm định ngữ không phù hợp, без có chức năng xác định đặc điểm cho một sự vật, sự việc nào đó. Ví dụ: 65. Сегодня к вам приходил пожилой человек без бороды и усов. (Hôm nay có một người đàn ông trung niên chẳng có râu và ria đã đến chỗ anh) 2.1.4. Câu phủ định chứa các phương tiện thể hiện ý nghĩa phủ định bằng các từ нет, нельзя/ невозможно/ немыслимо Trong tiếng Nga còn có các cách nói phủ định bằng cách sử dụng các từ như нет, нельзя. Các từ này được gọi là các từ mang tính vị từ (предикативы) có đặc trưng là các từ biểu thị cảm giác, trạng thái và có chức năng làm vị ngữ trong câu vô nhân xưng. a) Từ phủ định нет Từ phủ định нет được sử dụng trong các câu phủ định tự thân với mục đích biểu thị phủ định sự có mặt hay tồn tại của sự vật hay hiện tượng nào đó. Theo sách Ngữ pháp tiếng Nga (1980), cấu trúc phủ định này thể hiện bốn ý nghĩa cơ bản sau:  Sự vắng mặt của điều kiện bên ngoài Ví dụ: 66. Нет ветра. (Không có gió.) 67. Нет солнца. (Không có nắng.)  Sự vắng mặt của một sự vật (người hay vật) Ví dụ: 68. Нет брата. (Không có anh/ em trai.) 69. Нет денег. (Không có tiền.)  Sự vắng mặt tình trạng của con người Ví dụ: 70. Нет сил. (Không còn sức lực.) 71. Нет времени. (Không có thời gian.)  Sự vắng mặt một sự kiện hay một hành động Ví dụ:
  • 39. 35 72. Нет урока. (Không có giờ học.) 73. Нет вопросов. (Không có câu hỏi.) Trong các trường hợp b, c, d, tình huống phủ định có thể liên quan đến một đối tượng nào đó. Ví dụ tình huống vắng mặt một sự vật (Нет книги (Không có sách)) có thể liên quan đến một người (У меня нет книги (Tôi không có sách)); hay tình huống vắng mặt tình trạng bên trong của con người có thể liên quan đến người có tình trạng đó: Нет счастья (Không hạnh phúc) và В семье нет счастья (Gia đình không có hạnh phúc). Từ phủ định нет có thể tương đương với một câu hay thành phần chính của câu trong hội thoại hay trong các cấu trúc đối lập. Trong hội thoại нет được sử dụng khi trả lời các câu hỏi hoặc có chứa yếu tố phủ định hoặc không có yếu tố đó. Nếu trong câu hỏi không có yếu tố phủ định, thì từ нет trong câu trả lời sẽ là yếu tố phủ định. Khi đó câu trả lời cũng có thể nhắc lại một phần câu hỏi. Ví dụ: 74. - Любите ли вы отдыхать на море? (Bạn có thích nghỉ ngơi ở biển không?) - Нет. (Không.) 75. - Вы не знаете этого человека? (Bạn có biết người này không?) - Нет. (Không.) 76. - Вы историк? (Bạn là nhà sử học à?) - Нет. Я не историк. (Không. Tôi không phải là nhà sử học.) Trong thành phần của cấu trúc đối lập, từ нет chứa toàn bộ nội dung phủ định đối lập với phần khẳng định. Ví dụ: 77. На улице шум, а здесть нет. (Ngoài đường thì ồn ào, còn ở đây thì không.) 78. Тебе весело, а мне нет. (Bạn thì vui vẻ, còn tôi thì không.) 79. Отец дома, а мать нет. (Bố ở nhà, còn mẹ thì không.) b) Từ phủ định нельзя/ невозможнo/ немыслимо Các từ phủ định нельзя, невозможно, немыслимо có vai trò như các từ mang tính vị từ và là thành phần phủ định trong các câu kiểu như “Нельзя пройти”
  • 40. 36 (Không thể đi qua), “Немыслимо забыть” (Không thể quên), “Невозможно разговаривать” (Không thể nói chuyện). Câu phủ định với нельзя và động từ nguyên dạng thể hoàn thành diễn tả việc không thể thực hiện được hành động. Ví dụ: 80. Нельзя было и подумать о продолжении пути. (А.С. Пушкин – Капитанская дочка) (Không thể nghĩ về việc tiếp tục cuộc hành trình.) Nếu kết hợp với động từ nguyên dạng thể chưa hoàn thành kiểu câu này biểu thị việc ngăn cấm thực hiện hành động. Ví dụ: 81. Нельзя было думать и об Оренбурге, претерпевающем все бедствия осады. (А.С. Пушкин – Капитанская дочка) (Không nên nghĩ cả về Orenburg đang phải chịu đựng tất cả hậu quả của trận bão tuyết.) Câu phủ định với невозможно, немыслимо kết hợp với động từ thể hoàn thành hay chưa hoàn thành đều diễn tả việc không thể hoàn thành được hành động. Ví dụ: 82. Невозможно рассказать, какое действие произвела на меня эта простонародная песня... (А.С. Пушкин – Капитанская дочка) (Không thể kể được bài hát dân ca này gây ấn tượng như thế nào với tôi) 83. После встречи, ему казалость, ее немыслимо забыть. (Sau buổi gặp gỡ, anh ta có cảm giác không thể nào quên được cô ấy.) 2.2. Câu phủ định chứa các phương tiện thể hiện ý nghĩa phủ định bằng các từ phủ định trong tiếng Việt Sử dụng các từ phủ định là phương tiện phổ biến nhất khi bày tỏ ý phủ định trong đa số các ngôn ngữ hiện nay. Trong Việt Nam văn phạm tác giả Trần Trọng Kim cho rằng câu phủ định “…là một câu có một tiếng phủ định trạng từ như không, chẳng, chớ, đừng, chưa…đặt trước tiếng động từ hay tiếng tĩnh từ”. Như
  • 41. 37 vậy, tác giả đã dùng tín hiệu phủ định rõ ràng nhất, phổ biến nhất để khái quát hóa về câu phủ định. Điều đó phản ánh vai trò quan trọng của các từ phủ định trong hiện thực giao tiếp. Vậy câu hỏi được đặt ra là các từ nào được gọi là các từ phủ định? Cho đến nay câu trả lời cho vấn đề này vẫn còn chưa thống nhất. Theo Nguyễn Kim Thản các từ phủ định được chia thành hai nhóm xét theo loại câu phân chia theo mục đích nói như sau: 1. Từ phủ định xuất hiện trong câu kể: không, chẳng (chả), chưa (chửa), không hề, chẳng hề, chưa hề, chưa từng. 2. Từ phủ định xuất hiện trong câu cầu khiến: đừng, chớ. Trong khi đó, Diệp Quang Ban thì cho rằng các từ này là: không, chẳng, chưa, đừng, chớ. Nguyễn Đức Dân lại thu hẹp số lượng các từ phủ định lại chỉ còn: không, chẳng, chưa. Một số nhà nghiên cứu thường không coi đừng, chớ là các từ phủ định. Đó chỉ là các từ thể hiện hành vi mệnh lệnh cấm đoán và khuyên ngăn không thực hiện một hành động nào đó. Với nhận xét này chúng tôi hoàn toàn nhất trí. Theo quan điểm của chúng tôi các từ thêm từ hề như không hề, chẳng hề, chưa hề cũng không phải là từ phủ định vì yếu tố hề chỉ làm tăng cường, nhấn mạnh ý nghĩa phủ định mà thôi. Trong phần sau của nghiên cứu này chúng tôi sẽ trình bày cụ thể hơn về các từ này. Trong tiếng Việt còn có một nhóm từ được sử dụng tương đương như một từ phủ định. Đó là các từ thông tục, trỏ những vật, con vật xấu như đếch, cóc, khỉ… và những từ được quan niệm là xấu, như những từ trỏ các bộ phận sinh dục, hoạt động sinh dục…Tuy nhiên trong khuôn khổ nghiên cứu chúng tôi sẽ không đề cập đến nhóm từ thông tục này bởi phạm vi sử dụng hạn chế của chúng trong ngôn ngữ mà sẽ đi sâu vào khảo sát, phân tích và đưa ra nhận xét cụ thể cho các từ phủ định tiêu biểu nhất trong tiếng Việt. Các từ đó là không, chưa, chẳng. Ở đây chúng tôi cũng không đưa từ chả vào danh sách các từ kể trên như trong một số các nghiên cứu khác vì trên thực tế chả chỉ là biến thể của chẳng mà thôi. Trong Từ điển tiếng Việt (2004) của Viện Ngôn ngữ học các từ này được định nghĩa như sau:
  • 42. 38 Không: biểu thị ý phủ định đối với điều được đưa ra sau đó (có thể là một hiện tượng, sự vật, hoạt động, trạng thái, tính chất hoặc tình cảm). Chẳng: biểu thị ý phủ định nhấn mạnh, dứt khoát hơn không. Chưa (dùng trước thực từ): từ biểu thị ý phủ định đối với điều mà cho đến một lúc nào đó không có hoặc không xảy ra (nhưng tương lai lại có thể xảy ra). Mặc dù các từ trên đều biểu thị ý phủ định nhưng giữa chúng có sự khác biệt sau: - Chỉ có từ không được dùng để phủ định sự tồn tại của hành động. Các từ chẳng, chưa không có chức năng ấy. Chẳng hạn, để trả lời phủ định cho câu hỏi “Mẹ cháu có nhà không?”, ta chỉ có thể đáp “không” mà không thể đáp “chẳng” hay “chưa”. - Chỉ có từ chưa được dùng phủ định về thời gian (đã xảy ra) của hành động. Từ không, chẳng không có chức năng ấy. Chẳng hạn, để trả lời phủ định cho câu hỏi “Con đã làm xong bài tập chưa?”, ta chỉ có thể đáp “chưa” mà không thể đáp “không” hay “chẳng”. Khi xem xét ý nghĩa phủ định trong câu chúng ta cũng cần lưu ý đến phạm vị tác động của các từ phủ định. Xét câu sau: Anh Ba không gặp ai Câu trên có tính chất mơ hồ về ý nghĩa vì có hai cách hiểu: đây là câu hỏi hay đây là một câu phủ định tuyệt đối “Anh Ba không gặp một ai cả”. Điều này liên quan đến phạm vi phủ định của từ không. Nếu nó chỉ tác động vào một từ đứng trực tiếp ngay sau nó, chúng ta sẽ hiểu câu trên thành câu hỏi “Anh Ba [không gặp] ai?”, còn nếu nó tác động vào toàn bộ cụm từ đứng sau nó, chúng ta sẽ có một câu phủ định tuyệt đối “Anh Ba [không (gặp ai)]”. Chúng ta cùng quan sát tiếp các ví dụ sau: 84. Hắn không uống và gắp liên tục. 85. Tôi không thấy Ba và Mai đang ngồi đó. Hai ví dụ 84, 85 trên cũng trở nên mơ hồ khi không phân biệt rõ các nghĩa “Hắn không uống để gắp liên tục” hay “Hắn không uống và cũng không gắp liên tục”; “Tôi không thấy Ba còn Mai ngồi ở đó” hay “Tôi không thấy cả Ba và Mai”. Có sự
  • 43. 39 không tường minh đó là do hai câu trên có chứa biểu thức AnB, ở đó n là các từ nối đẳng lập và, hay, hoặc và chúng ta không xác định được từ phủ định có khả năng tác động vào từ nào. Trong tiếng Việt có những công cụ làm mất sự mơ hồ trong cấu trúc phủ định chẳng hạn như A và B tương đương một cách lô-gích cả A lẫn B. Trong số các từ phủ định thì không là từ được sử dụng nhiều nhất, còn chưa có tần số sử dụng thấp nhất. Trong luận văn Bước đầu đối chiếu cấu trúc phủ định Việt - Nga của tác giả Vũ Thị Thu Hường (2012) thống kê từ không chiếm số lượng đến hơn 50% trong tổng số các từ và các cấu trúc phủ định. Không cũng là từ phủ định duy nhất có thể đứng độc lập, tạo thành một câu đặc biệt để dùng khi cần bác bỏ bằng cách phủ định một sự kiện, một tình huống, một ý kiến. Trong trường hợp này nó không phải là một dạng rút gọn của một câu hay một cụm từ tương ứng và nó cũng không phải là một bộ phận của một câu nào đó lân cận tách ra. Ví dụ: 86. Cách đấy mười bước, Xuân Tóc Đỏ ngồi tri kỷ với một chị hàng mía. Thương mại? Không! Ấy là một cuộc tình duyên… 87. - Nói chuyện mỹ thuật với bình dân thì thật phí lời! - Không! Không! Ngài là nhà báo, ngài phải nâng bình dân lên cái nghĩa vụ hiểu biết mỹ thuật mới được. (Vũ Trọng Phụng – Số đỏ) 2.2.1. Từ phủ định trong câu phủ định toàn bộ và phủ định bộ phận Chúng ta nhận thấy, vị trí thường gặp của các từ phủ định là ngay trước phần nội dung của câu mà nó cần phủ định, chẳng hạn đẹp → không đẹp, chẳng đẹp, xong → chưa xong. Trong hiện thực ngôn ngữ đi cùng các từ phủ định còn có các từ kèm chỉ quá trình, sự đồng nhất, mức độ…Khi đó chúng ta cần lưu ý vị trí của các từ phủ định so với các từ trong nhóm từ kể trên như sau: - từ phủ định sẽ đặt sau những từ vẫn, cứ, đã, sẽ, lại, đều, càng, cũng, liền, rất, toàn, ắt, tất, chẳng qua… - từ phủ định sẽ được đặt trước các từ hay, có, lắm, quá, rồi, nữa…