SlideShare a Scribd company logo
1 of 192
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
ĐỖ TIẾN DŨNG
CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ CHỦ TỊCH NƯỚC
LUẬN ÁN TIẾN SĨ
CHUYÊNNGÀNH:LÝLUẬNVÀLỊCHSỬNHÀNƯỚCVÀPHÁPLUẬT
HÀ NỘI - 2018
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
ĐỖ TIẾN DŨNG
CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ CHỦ TỊCH NƯỚC
LUẬN ÁN TIẾN SĨ
CHUYÊNNGÀNH:LÝLUẬNVÀLỊCHSỬNHÀNƯỚCVÀPHÁPLUẬT
Mã số: 62 38 01 01
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS. NGUYỄN VĂN MẠNH
HÀ NỘI - 2018
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi.
Các số liệu, kết quả nêu trong Luận án là trung thực, có nguồn
gốc rõ ràng và được trích dẫn đầy đủ theo quy định.
Tác giả
Đỗ Tiến Dũng
MỤC LỤC
Trang
MỞ ĐẦU 1
Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN
ĐỀ TÀI LUẬN ÁN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA CẦN TIẾP TỤC
NGHIÊN CỨU 10
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án 10
1.2. Những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu 29
Chương 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ
CHỦ TỊCH NƯỚC 34
2.1. Khái niệm, đặc điểm, vai trò của pháp luật về Chủ tịch nước 34
2.2. Nội dung, hình thức pháp luật về Chủ tịch nước 47
2.3. Tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước 52
2.4. Yếu tố ảnh hưởng và điều kiện bảo đảm hoàn thiện pháp luật về
Chủ tịch nước 57
2.5. Mô hình, pháp luật một số nước trên thế giới và những giá trị,
kinh nghiệm có thể tham khảo cho Việt Nam 63
Chương 3: QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN VÀ THỰC TRẠNG
PHÁP LUẬT VỀ CHỦ TỊCH NƯỚC 70
3.1. Quá trình hình thành, phát triển của pháp luật về Chủ tịch nước 70
3.2. Thực trạng pháp luật về Chủ tịch nước 88
Chương 4: QUAN ĐIỂM, GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ
CHỦ TỊCH NƯỚC 118
4.1. Quan điểm hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước 118
4.2. Giải pháp hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước theo tinh thần
Hiến pháp năm 2013 124
4.3. Giải pháp tiếp tục hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước khi có điều kiện
sửa đổi Hiến pháp năm 2013 139
KẾT LUẬN 149
DANH MỤC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN
ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 151
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 152
PHỤ LỤC 168
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT TRONG LUẬN ÁN
BMNN Bộ máy nhà nước
CNXH Chủ nghĩa xã hội
ĐĐNN Đứng đầu nhà nước
ĐƯQT Điều ước quốc tế
HĐNN Hội đồng Nhà nước
HP Hiến pháp
NNPQ Nhà nước pháp quyến
NTQG Nguyên thủ quốc gia
QLNN Quyền lực nhà nước
QP&AN Quốc phòng và an ninh
QPPL Quy phạm pháp luật
TANDTC Toà án nhân dân tối cao
TTg Thủ tướng Chính phủ
UBTVQH Ủy ban Thường vụ Quốc hội
VKSNDTC Viện Kiểm sát nhân dân tối cao
XHCN Xã hội chủ nghĩa
DANH MỤC CÁC BIỂU ĐỒ
Trang
Biểu đồ 3.1: Mức độ quan tâm của người dân tới Chủ tịch nước 96
Biểu đồ 3.2: Mức độ đánh giá của người dân về hoạt động của Chủ tịch nước 96
Biểu đồ 3.3: Đánh giá về hoạt động đối ngoại của Chủ tịch nước 107
Biểu đồ 4.1: Nhu cầu cần cụ thể hóa vai trò của Chủ tịch nước khi tham gia
phiên họp Chính phủ 131
Biểu đồ 4.2: Mức độ cần thiết phải quy định "Hằng năm, Chánh án Tòa án
nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao
phải báo cáo công tác trước Chủ tịch nước 132
Biểu đồ 4.3: Khảo sát về nhu cầu ban hành luật riêng về Chủ tịch nước 137
DANH MỤC CÁC SƠ ĐỒ
Trang
Sơ đồ 3.1: Chủ tịch nước trong bộ máy nhà nước theo Hiến pháp năm 1946 72
Sơ đồ 3.2: Chủ tịch nước trong bộ máy nhà nước theo Hiến pháp năm 1959 74
Sơ đồ 3.3: Hội đồng Nhà nước trong bộ máy nhànước theo Hiến pháp năm 1980 77
Sơ đồ 3.4: Chủ tịch nước trong bộ máy nhà nước theo Hiến pháp năm 1992 80
Sơ đồ 3.5: Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước trong đối nội 90
Sơ đồ 3.6: Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước trong đối ngoại 91
Sơ đồ 3.7: Chủ tịch nước trong bộ máy nhà nước theo Hiến pháp năm 2013 92
Sơ đồ 4.1: Cấu trúc bộ máy thiết chế Chủ tịch nước 135
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Về mặt lý luận: Trong bộ máy tổ chức các quốc gia đều có thiết chế đứng đầu
nhà nước (ĐĐNN) hay còn gọi là nguyên thủ quốc gia (NTQG). Dù có thể giữa các
nước có sự khác nhau về tên gọi và tổ chức, hoạt động nhưng thiết chế ĐĐNN luôn
có vị trí, vai trò hết sức đặc biệt và quan trọng, không chỉ đối với Nhà nước mà còn
đối với cả đất nước và Nhân dân. Vì vậy, thiết chế này là đối tượng nghiên cứu của
nhiều ngành khoa học, trong đó khoa học pháp lý; đồng thời, nghiên cứu xây dựng,
hoàn thiện pháp luật về thiết chế này là yêu cầu, nhu cầu tất yếu, khách quan đối với
các nước trên thế giới.
Nghiên cứu thế giới tự nhiên, lịch sử xã hội loài người cho thấy, trong bất kỳ
tổ chức tự nhiên hay tổ chức xã hội nào đều luôn tồn tại vị trí và chủ thể đứng đầu.
Trong tổ chức tự nhiên, đó là cá thể đầu đàn, được hình thành nhờ sức mạnh, sự khôn
ngoan và kinh nghiệm sinh tồn; có vai trò, trách nhiệm duy trì sự tồn tại, gắn kết, dẫn
dắt hoạt động sống của cả đàn và chiến đấu bảo vệ lãnh địa của đàn. Quy luật, vị trí
tự nhiên đó tiếp tục tồn tại, được duy trì và phát triển trong lịch sử tiến hoá của loài
người để hình thành nên vị trí, vai trò của người đứng đầu các tổ chức do con người
lập ra, kể cả nhà nước. Về điều này, Ăngghen có viết, đứng đầu thị tộc là các Hội
đồng (boule), lúc đầu, có lẽ nó gồm tất cả các trưởng thị tộc; về sau, khi có quá nhiều
trưởng thị tộc, thì là một số người được bầu ra trong số họ. Khi nhà nước xuất hiện,
Hội đồng này biến thành Viện Nguyên lão [44] và theo thời gian, Viện Nguyên lão
nhận ra một nhu cầu tất yếu là cần phải có một người lãnh đạo duy nhất, vì vậy họ đã
bầu ra Vua và giao cho ông quyền lực tối cao [138].
Cùng với quá trình phát triển của nhân loại qua các hình thái kinh tế - xã hội,
trong cơ cấu bộ máy nhà nước (BMNN) các quốc gia đều đã hình thành chức vụ/thiết
chế ĐĐNN hay còn gọi là NTQG. Mặc dù, ở mỗi nước, NTQG có các tên gọi khác
nhau như Chủ tịch nước, Vua, Nữ hoàng, Quốc vương, Đại diện toàn quyền, Tổng
thống, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (HĐNN),… nhưng luôn có vị trí, vai trò đặc biệt
quan trọng đối với nhà nước, với xã hội và với nhân dân. Người nắm giữ chức vụ này
không chỉ là ĐĐNN, đại diện cao nhất cho quốc gia trong đối nội, đối ngoại cấp nhà
nước, cấp quốc gia - là chủ thể trong pháp luật quốc tế; mà còn là biểu tượng cho sự
trường tồn của dân tộc, là lãnh tụ tinh thần tối cao nhằm duy trì ổn định chính trị, phát
huy khối đại đoàn kết và sức mạnh toàn dân tộc.
2
Với vị trí, vai trò quan trọng như vậy, NTQG ở các nước nói chung, Chủ tịch
nước ở Việt Nam nói riêng đã trở thành đối tượng, chủ đề nghiên cứu của nhiều nhà
khoa học thuộc các ngành, lĩnh vực khác nhau; trong đó, có khoa học pháp lý. Nghiên
cứu pháp luật về thiết chế này đã trở thành vấn đề, nhiệm vụ quan trọng, tất yếu của
nhiều quốc gia trên thế giới; không chỉ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc
gia nhằm xác lập hành pháp lý cho NTQG hình thành, tổ chức và hoạt động; mà còn
là cơ sở nền tảng cho việc đổi mới thể chế chính trị, hoàn thiện cơ cấu tổ chức và
phương thức hoạt động của nhà nước. Việc Nghiên cứu sinh lựa chọn đề tài “Cơ sở lý
luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước” cho Luận án cũng xuất
phát và nhằm phát huy hơn nữa vị trí, vai trò của Chủ tịch nước.
Về mặt thực tiễn: Trải qua 70 năm ra đời, phát triển của Nhà nước ta thì pháp
luật về Chủ tịch nước đã dần hoàn thiện hơn; từng bước xác lập địa vị pháp lý, chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước để khẳng định, phát huy vị trí, vai trò
của người ĐĐNN, thay mặt cho Nước Việt Nam trong trong đối nội, đối ngoại. Qua
đó, góp phần quan trọng giúp Chủ tịch nước cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân
phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy
mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới; quan tâm giải quyết có hiệu quả
những vấn đề quốc kế dân sinh, những vấn đề bức xúc trong xã hội, nâng cao đời
sống vật chất và tinh thần của nhân dân; tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh,
bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền
biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; thúc đẩy quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, thiết
thực, hiệu quả, nâng cao vị thế của nước ta trong khu vực và trên trường quốc tế, giữ
gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước [10].
Tuy nhiên, cùng với mặt ưu điểm, thành công thì thực tế cũng đã cho thấy
không ít hạn chế, bất cập và đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi cần phải đổi mới đối với tổ
chức BMNN nói chung và đối với Chủ tịch nước nói riêng. Nhất là khi, Việt Nam
quyết tâm xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) và đang trong thời kỳ đầu của
giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) nên còn “nhiều vấn đề về nội dung,
phương thức lãnh đạo của Đảng cầm quyền, về tổ chức và hoạt động của nhà nước
pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, về quyền làm chủ của nhân dân
còn chưa được làm sáng tỏ” [33]. Trong nhiều nguyên nhân của những hạn chế, bất
cập thì nguyên nhân chủ yếu nhất là pháp luật về Chủ tịch nước còn chưa hoàn thiện.
Nổi lên một số vấn đề lớn đó là:
3
- Xét trong suốt lịch sử hình thành, phát triển pháp luật về Chủ tịch nước là hạn
chế về tính ổn định. Trải qua hơn 70 năm hình thành và phát triển, qua 8 lần lập hiến,
nhìn chung, vấn đề đổi mới tổ chức BMNN nói chung và thiết chế ĐĐNN nói riêng
luôn được đặt ra và có sự thay đổi khá thường xuyên trên thực tế, nhất là giai đoạn
trước Hiến pháp năm 1992. Trong 5 phiên bản Hiến pháp (HP) được ban hành vào các
năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013 thì có đến 3 lần dẫn đến sự thay đổi khá cơ bản
về thiết chế ĐĐNN, cả về tên gọi, cấu trúc tổ chức và thẩm quyền. Theo HP năm 1946,
BMNN “có nhiều đặc điểm của chế độ lưỡng tính cộng hòa” [14, tr.170], [18], tức là,
kết hợp giữa cộng hòa nghị viện (đại nghị) với cộng hòa tổng thống [109]; theo đó,
thiết chế ĐĐNN là cá nhân, có tên gọi là Chủ tịch nước, rất thực quyền, đồng thời đứng
đầu Chính phủ. Đến HP năm 1959, BMNN ta có sự tương đồng với mô hình cộng hòa
đại nghị [121]; theo đó, Chủ tịch nước có vị trí khá độc lập trong BMNN, mang tính
biểu tượng do không còn đồng thời đứng đầu hành pháp. HP năm 1980 lại có sự thay
đổi, do ảnh hưởng từ mô hình Cộng hòa Xô Viết [41], HĐNN vừa là Chủ tịch tập thể
của Nước, vừa là cơ quan thường trực của Quốc hội nên thẩm quyền rất rộng. Đến HP
năm 1992, thiết chế ĐĐNN lại thay đổi, trở về mô hình biểu tượng của HP năm 1959.
HP năm 2013 tiếp tục duy trì mô hình của HP năm 1992. Điều này cho thấy, chúng ta
vẫn đang trong quá trình tìm tòi, đổi mới để có được mô hình tổ chức BMNN phù hợp
nhất với điều kiện Việt Nam, trong đó có thiết chế ĐĐNN.
- Ở góc độ thực trạng pháp luật về Chủ tịch nước đã cho thấy những hạn chế,
bất cập về mặt thực định và những yêu cầu, đòi hỏi mới đặt ra trong quá trình thực thi
pháp luật (xem thêm Mục 3.2.3). Về mặt hình thức, pháp luật về Chủ tịch nước qua
các thời kỳ cũng như hiện hành còn rất tản mạn, thiếu tính thống nhất, đồng bộ, cụ
thể, chi tiết. Dù Quốc hội Khoá XIII đã đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp
lệnh dự án Luật về Chủ tịch nước nhưng cho đến nay vẫn chưa được ban hành. Về
nội dung, pháp luật về Chủ tịch nước còn (i) thiếu nhiều quy định điều chỉnh vai trò
thay mặt Nước, nhất là trong mối quan hệ với các thiết chế khác trong hệ thống chính
trị nước ta như Đảng, Mặt trận Tổ quốc…; (ii) chưa phân định một cách rõ ràng và cụ
thể hoá nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước trong mối quan hệ với các cơ quan
thực thi quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, nhất là, nguyên tắc kiểm soát quyền
lực nhà nước (QLNN) mới được ghi nhận trong HP năm 2013; (iii) còn chưa đầy đủ,
4
thiếu quy định cụ thể, chi tiết về bộ máy của thiết chế Chủ tịch nước cũng như về
những nhiệm vụ, quyền hạn đặc thù của Chủ tịch nước trong đối nội, đối ngoại như
điều kiện, tiêu chuẩn, tuyên thệ, trường hợp khuyết, đặc xá,… Về yêu cầu trong tình
hình mới, pháp luật về Chủ tịch nước hiện hành chưa thể chế hoá mạnh mẽ, đầy đủ
quan điểm của Đảng về Chủ tịch nước theo hướng “nghiên cứu xác định rõ hơn
quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch nước để thực hiện đầy đủ chức năng NTQG,
thay mặt Nhà nước về đối nội, đối ngoại và thống lĩnh các lực lượng vũ trang; quan
hệ giữa Chủ tịch nước với các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư
pháp” [32]. Bên cạnh đó, chủ trương hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng của Đảng,
của Nhà nước, của Quốc gia đòi hỏi pháp luật về Chủ tịch nước cần phải được hoàn
thiện để tạo cơ sở pháp lý cho Chủ tịch nước trong xây dựng hình ảnh, vị thế của đất
nước, Nhà nước Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế; phát huy hơn nữa vai trò của
Chủ tịch nước trong duy trì, mở rộng, tham gia các tổ chức quốc tế, trong mối quan
hệ song, đa phương, cũng như trong vai trò đại diện Nhà nước, Quốc gia với tư cách
là chủ thể trong pháp luật quốc tế.
Về sự phù hợp với chuyên ngành đào tạo và bảo đảm tính mới: Việc lựa chọn
đề tài Luận án nghiên cứu Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch
nước là phù hợp với chuyên ngành đào tạo “Lý luận và lịch sử nhà nước và pháp
luật” (Mã số: 60 38 01 01). Đồng thời, qua tìm hiểu lịch sử nghiên cứu cho thấy, dù
đã có những công trình nghiên cứu ở trong và ngoài nước có liên quan đến đề tài
Luận án, tuy nhiên, vẫn còn không ít vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra chưa được giải
quyết một cách hệ thống, đầy đủ, cụ thể, thấu đáo. Trên cơ sở nền tảng nghiên cứu đã
có và kế thừa, phát huy những kết quả nghiên cứu của các tác giả đã đạt được, Luận
án sẽ tập trung giải quyết những vấn đề nghiên cứu còn dang dở, những vấn đề
nghiên cứu mới liên quan trực tiếp tới Đề tài Luận án. Điều này bảo đảm tính mới
trong nghiên cứu của Luận án
Tóm lại, đề tài Luận án “Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về
Chủ tịch nước” là cần thiết, mang tính cấp thiết.
2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu của Đề tài
Mục đích cơ bản của Luận án là thông qua nghiên cứu, làm rõ những vấn đề lý
luận và thực tiễn để đề xuất quan điểm, giải pháp hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch
nước. Với mục đích đó, nhiệm vụ nghiên cứu của Luật án gồm: (i) Tìm hiểu, phản
5
ánh, đánh giá khái quát lịch sử tình hình nghiên cứu ở trong và ngoài nước có nội
dung liên quan mật thiết đến đề tài Luận án; từ đó, chỉ ra những vấn đề cần tiếp tục
nghiên cứu và xác định rõ những vấn đề mà Luận án sẽ tập trung nghiên cứu; (ii)
Làm rõ cơ sở lý luận hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước như khái niệm, đặc điểm
của Chủ tịch nước; khái niệm, đặc điểm, nội dung, hình thức, tiêu chí đánh giá và các
yếu tố ảnh hưởng, điều kiện bảo đảm hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước; tìm hiểu
mô hình NTQG và pháp luật về NTQG ở một số nước trên thế giới, từ đó rút ra một
số kinh nghiệm có thể tham khảo cho Việt Nam; (iii) Nghiên cứu cơ sở thực tiễn của
việc hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước từ quá trình hình thành, phát triển pháp
luật về Chủ tịch nước ở Việt Nam qua các thời kỳ cho đến nay; hệ thống hoá, đánh
giá, phân tích thực trạng pháp luật về Chủ tịch nước hiện nay; từ đó, chỉ ra những ưu
điểm, hạn chế và nguyên nhân; (iv) Đề xuất quan điểm, giải pháp hoàn thiện pháp
luật về Chủ tịch nước.
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu của Đề tài
3.1. Đối tượng nghiên cứu của Luận án là pháp luật Việt Nam về Chủ tịch
nước dưới góc độ lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật. Với đối tượng nghiên cứu
này, ngoài việc làm rõ những vấn đề mang tính bổ trợ như khái niệm, đặc điểm, vị trí,
vai trò và kinh nghiệm quốc tế thì Luận án sẽ tập trung nghiên cứu về hình thức và
nội dung pháp luật về Chủ tịch nước. Nội dung và hình thức pháp luật về Chủ tịch
nước sẽ được Luận án tiếp cận, phân tích làm rõ một cách thống nhất, xuyên suốt từ
lý luận đến thực tiễn và đề xuất kiến nghị hoàn thiện. Trong đó, nội dung pháp luật về
Chủ tịch nước là đối tượng nghiên cứu trọng tâm.
3.2. Phạm vi nghiên cứu của Luận án: Về đối tượng, Luận án tập trung nghiên
cứu những vấn đề pháp lý về tổ chức, hoạt động của thiết chế Chủ tịch nước như địa vị
pháp lý, cấu trúc bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn... Về tài liệu nghiên cứu,
Luận án chủ yếu nghiên cứu các văn bản mang tính pháp lý; trọng tâm là HP và các
văn bản cấp luật. Luận án còn nghiên cứu một số tài liệu khác như văn kiện của Đảng,
các báo cáo công tác, các công trình nghiên cứu,... Về thời gian, ngoài những nghiên
cứu để làm rõ lịch sử hình thành, phát triển của pháp luật về Chủ tịch nước thì Luận án
tập trung nghiên cứu những vấn đề có liên quan trong khoảng những thập niên gần đây,
trọng tâm là từ khi HP năm 2013 được ban hành cho đến nay. Về không gian, Luận án
tập trung nghiên cứu trong và trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam.
6
4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
Để nhận diện, làm rõ và giải quyết các nội dung, vấn đề, câu hỏi nghiên cứu,
Luận án dựa trên nền tảng cơ sở lý luận là quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về nhà nước, pháp
luật, về tổ chức QLNN. Luận án sử dụng phương pháp luận duy vật biện chứng là nền
tảng, xuyên suốt; quan điểm toàn diện và phát triển trong triết học Mác - Lênin là cơ sở
để xác định, xem xét, phân tích, luận giải và giải quyết các vấn đề, nội dung nghiên cứu
một cách có hệ thống, có trọng tâm, trọng điểm; gắn với lịch sử và từ thực tiễn.
Ngoài phương pháp luận nghiên cứu, Luận án còn sử dụng các phương pháp
nghiên cứu cụ thể, chủ yếu gồm (i) nhóm phương pháp nghiên cứu lý thuyết và (ii)
nhóm phương pháp nghiên cứu thực tiễn. Việc sử dụng các nhóm phương pháp và từng
phương pháp trong nhóm là linh động và có thể kết hợp với nhau, tuỳ thuộc vào từng
nội dung, vấn đề và mục đích, mức độ nghiên cứu. Về cơ bản, được sử dụng như sau:
- Nhóm phương pháp nghiên cứu lý thuyết được sử dụng chủ yếu để làm rõ cơ
sở lý luận của việc hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước, cụ thể: Phương pháp phân
tích - tổng hợp lý thuyết được sử dụng chủ yếu trong Chương 1 và Chương 2 của
Luận án để nghiên cứu các văn bản, tài liệu chứa đựng những quan điểm, học thuyết,
luận điểm của một hoặc một số nhà khoa học khác nhau về tổ chức QLNN, mô hình
chính thể, mô hình NTQG; từ đó, phát hiện ra những xu hướng, những trường phái
nghiên cứu; sau đó, liên kết, sắp xếp, tổng hợp lại thành một hệ thống lý thuyết đầy
đủ, sâu sắc hơn về vấn đề, chủ đề cần nghiên cứu. Phương pháp phân loại, hệ thống
hoá lý thuyết và mô hình hoá chủ yếu được dùng khi nghiên cứu Chương 1, Chương
2 và một phần tại Chương 3 nhằm phân chia các tài liệu sưu tầm được thành những
nhóm nhất định có chung dấu hiệu bản chất hoặc cùng hướng phát triển để hiểu rõ
hơn từng vấn đề và sự liên kết giữa chúng (ở Chương 1 và Chương 2 là theo nhóm
vấn đề; ở Chương 3 là theo thời gian); sau đó, sắp xếp các vấn đề thành hệ thống,
thành mô hình lý thuyết để có nhìn nhận tổng thể, toàn diện và sâu sắc hơn. Phương
pháp này sẽ được ưu tiên sử dụng khi nghiên cứu về kinh nghiệm các nước trên thế
giới, với sự phân loại mô hình để làm rõ những đặc trưng của từng mô hình tổ chức
BMNN cũng như mô hình Chủ tịch nước. Phương pháp lịch sử là nghiên cứu bằng
cách đi tìm nguồn gốc phát sinh, quá trình phát triển và biến hóa của các vấn đề,
nhiệm vụ nghiên cứu liên quan đến hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước để phát
7
hiện bản chất và quy luật của đối tượng hoặc ngược lại. Phương pháp giả thuyết là
đặt ra giả thuyết rồi bằng lý thuyết hoặc lịch sử để chứng minh giả thuyết. Cả hai
phương pháp này được sử dụng trong Luận án để nghiên cứu về nguồn gốc ra đời,
quá trình phát triển của pháp luật cũng như trong phần tổng quan; giúp Nghiên cứu
sinh phát hiện những thiếu hụt, những điều chưa hoàn chỉnh trong các tài liệu đã có,
từ đó xác định chính xác vấn đề nghiên cứu của Luận án. Ngoài ra, phương pháp lịch
sử được sử dụng khi nghiên cứu Chương 2 (để làm rõ các khái niệm) và chủ yếu khi
nghiên cứu Chương 3 (để hệ thống, so sánh, phân tích quá trình hình thành, phát triển
pháp luật về Chủ tịch nước). Phương pháp giả thuyết còn được dùng để chứng minh
một số nhận định, đánh giá tại Chương 3 và để đặt ra các phương án sau đó phân tích
chỉ ra ưu điểm, nhược điểm (Chương 4).
- Nhóm phương pháp nghiên cứu thực tiễn được sử dụng chủ yếu để nghiên
cứu về thực trạng pháp luật về Chủ tịch nước ở Việt Nam. Theo lý thuyết phân loại,
nhóm này gồm các phương pháp như quan sát, điều tra, thực nghiệm, chuyên gia và
phân tích, tổng kết kinh nghiệm... Căn cứ vào đặc thù của đối tượng nghiên cứu và
điều kiện thực tiễn, Luận án tập trung sử dụng phương pháp phân tích, tổng kết kinh
nghiệm. Theo đó, dựa trên các văn bản, tài liệu, báo cáo công tác và những kết quả
nghiên cứu trước đó, Nghiên cứu sinh sẽ kết hợp với một số phương pháp nghiên cứu
lý thuyết như lịch sử, so sánh, tổng hợp, thống kê... để tổng kết, phân tích, đánh giá
tìm ra những ưu điểm, hạn chế, bất cập và nguyên nhân từ thực trạng pháp luật về
Chủ tịch nước. Luận án cũng tiếp cận phương pháp điều tra, khảo sát nhưng do điều
kiện không cho phép nên chỉ sử dụng một cách gián tiếp với việc kế thừa kết quả điều
tra, khảo sát của công trình trước đó. Phương pháp này được sử dụng chủ yếu tại
Chương 3 và Chương 4. Bên cạnh đó, Luận án còn sử dụng các kỹ thuật nghiên cứu
như tìm kiếm, tra cứu thông tin, dịch thuật...
5. Đóng góp mới của Luận án
Kết quả nghiên cứu của Luận án sau khi hoàn thành sẽ mang lại những đóng
góp mới về mặt khoa học như:
5.1. Về mặt lý luận: Luận án góp phần: (i) Làm rõ hơn khái niệm, đặc điểm
của Chủ tịch nước; (ii) Xây dựng khái niệm pháp luật về Chủ tịch nước, làm rõ hơn
đặc điểm, vị trí, vai trò và nội dung, hình thức của pháp luật về Chủ tịch nước; (iii)
Xây dựng hệ tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thiện; chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng và
8
điều kiện bảo đảm hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước làm cơ sở cho việc đánh giá
thực trạng và đề xuất quan điểm, giải pháp hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước;
(iv) Đồng thời, từ kết quả nghiên cứu mô hình, pháp luật một số nước trên thế giới về
NTQG, đã khái quát hoá để rút ra một số bài học kinh nghiệm mà Việt Nam có thể
nghiên cứu tiếp thu trong quá trình hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước. Trong
những đóng góp về mặt lý luận như trên, so với các công trình khác, Luận án đã lần
đầu tiên chỉ ra một số đặc điểm của NTQG, nhất là tính tự nhiên - lịch sử, chính trị -
pháp lý và biểu tượng dân tộc; từ đó, lý giải, làm rõ hơn vì sao Chủ tịch nước thường
là cá nhân; tại sao Chủ tịch nước vừa là người ĐĐNN, đồng thời là NTQG; vì sao
Việt Nam lấy tên gọi là Chủ tịch nước; cơ sở, nguyên lý để các quốc gia lựa chọn các
mô hình NTQG...
5.2. Về mặt thực tiễn: Luận án là công trình nghiên cứu một cách hệ thống,
đầy đủ, cụ thể, cập nhật nhất pháp luật về Chủ tịch nước cho đến hiện nay. (i) Quá
trình hình thành, phát triển của pháp luật về Chủ tịch nước được chia thành các giai
đoạn, phản ánh khái quát về nội dung, hình thức, chỉ ra sự kết thừa, phát triển và phân
tích những nguyên nhân, yếu tố tác động dẫn hết sự thay đổi; đánh giá ưu, nhược
điểm, rút ra bài học kinh nghiệm và nguyên nhân. (ii) Đối với pháp luật về Chủ tịch
nước hiện hành (từ năm 2013 đến nay), đã hệ thống hoá để phản ánh đầy đủ nội dung
(theo từng nhóm quy phạm pháp luật), hình thức (theo cấp độ văn bản), có phân tích,
đánh giá ưu, nhược điểm, chỉ ra nguyên nhân từ thực trạng pháp luật về Chủ tịch
nước hiện hành gắn với thực tiễn thi hành; từ đó, cho thấy rõ nhu cầu, yêu cầu thực
tiễn đặt ra đối với việc tiếp tục phải hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước trong thời
gian tới.
5.3. Về kiến nghị giải pháp: Sau khi nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn,
Luận án đề xuất quan điểm và giải pháp hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước.
Những kiến nghị hoàn thiện này là toàn diện, cả về hình thức, nội dung pháp luật về
Chủ tịch nước. Nghiên cứu sinh nhận thấy, đây là luận án tiến sỹ luật học đầu tiên
và là một trong số rất ít công trình nghiên cứu khoa học đưa ra các giải pháp mang
tính tổng thể, toàn diện và cụ thể nhất nhằm hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
theo HP năm 2013. Đồng thời, Luận án còn đề xuất những kiến nghị hoàn thiện
pháp luật về Chủ tịch nước một cách căn bản, về lâu dài, khi có điều kiện sửa đổi,
bổ sung HP năm 2013.
9
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của Luận án
6.1. Ý nghĩa lý luận: Với kết quả nghiên cứu, đặc biệt là những đóng góp
mới như đã trình bày thì Luận án đã góp phần bồi đắp, làm sáng tỏ hơn những giả
thuyết, luận điểm, học thuyết của các nhà khoa học về những vấn đề liên quan đến
sự ra đời, phát triển của thiết chế ĐĐNN, NTQG cũng như pháp luật về Chủ tịch
nước. Từ đó, giúp mọi người hiểu rõ hơn những vấn đề pháp lý về Chủ tịch nước.
Đồng thời, thông qua nghiên cứu thực trạng pháp luật về Chủ tịch nước, Luận án
cũng góp phần giúp người đọc có thêm thông tin, hiểu biết hơn về tổ chức, hoạt
động của Chủ tịch nước; cung cấp thêm những tri thức kinh nghiệm, thực tiễn để
kiểm nghiệm, đánh giá tính tương thích của những quan điểm, lý thuyết về pháp
luật Chủ tịch nước; qua đó, tiếp tục làm sáng tỏ, củng cố thêm sự đúng đắn của lý
thuyết trên thực tế hoặc phát hiện những khía cạnh, xu thế mới làm cơ sở và đặt ra
yêu cầu cần đổi mới, hoàn thiện lý thuyết.
6.2. Ý nghĩa thực tiễn: (i) Góp phần giúp Chủ tịch nước, các cơ quan, tổ
chức, cá nhân có liên quan nhìn nhận lại, hiểu rõ hơn quyền, nghĩa vụ và thực tiễn
hoạt động của mình; từ đó, có những điều chỉnh phù hợp để khắc phục những hạn
chế, bất cập, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, góp phần nâng cao chất lượng,
hiệu quả hoạt động của mình. (ii) Cung cấp thêm thông tin tham khảo phục vụ hoạt
động xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam nhằm thể chế hoá kịp thời,
đầy đủ, cụ thể các quy định của HP năm 2013 nói chung và pháp luật về Chủ tịch
nước nói riêng. (iii) Là tài liệu tham khảo tin cậy cho hoạt động nghiên cứu và
giảng dạy ở Việt Nam.
7. Bố cục của Luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục các công trình của tác giả đã công bố
liên quan đến đề tài luận án, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung của
Luận án được kết cấu gồm 4 chương, 12 tiết.
10
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA
CẦN TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU
1.1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
LUẬN ÁN
1.1.1. Tình hình nghiên cứu ở trong nước liên quan đến đề tài luận án
1.1.1.1. Nhóm công trình nghiên cứu về bộ máy nhà nước và pháp luật về
bộ máy nhà nước
* Nghiên cứu về bộ máy nhà nước gắn với tổ chức quyền lực nhà nước và
xây Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
- Về tổ chức QLNN có: (1) Cuốn "Một số vấn đề về tổ chức thực hiện quyền lực
nhà nước" của Nguyễn Minh Đoan và các cộng sự [34] là công trình nghiên cứu khá
sớm và tập trung những vấn đề lý luận về QLNN, tổ chức thực hiện QLNN (như khái
niệm, nguyên tắc...); tổ chức QLNN ở Việt Nam (QLNN thống nhất, có sự phân công,
phối hợp; về vai trò lãnh đạo của Đảng); về nguy cơ và yêu cầu đối với tổ chức thực
hiện QLNN (tha hoá, tham nhũng, tham quyền, cố vị). Kết quả nghiên cứu của tác giả
là cơ sở lý thuyết để luận giải về vị trí, vai trò và thẩm quyền của Chủ tịch nước trong
tổ chức thực hiện QLNN ở Việt Nam. (2) Cuốn "Giám sát và cơ chế giám sát việc thực
hiện quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay” của Đào Trí Úc, Võ Khánh Vinh [129]
gồm 4 phần lớn nghiên cứu (i) những vấn đề chung về giám sát, cơ chế giám sát
QLNN; (ii) giám sát của BMNN; (iii) giám sát của các tổ chức chính trị xã hội; (iv)
giới thiệu về giám sát việc thực hiện QLNN ở một số nước trên thế giới (Đức, Trung
Quốc) cũng như ở nước ta thời phong kiến. Trong đó, kết quả nghiên cứu về cơ chế
giám sát QLNN nói chung và giám sát QLNN của Chủ tịch nước sẽ là cơ sở để xác
định, phân tích, đánh giá vai trò của Chủ tịch nước đối với Nhà nước nói chung và với
các thiết chế khác trong BMNN. (3) Cuốn “Sự hạn chế quyền lực Nhà nước", Nguyễn
Đăng Dung [16] gồm 8 chương đề cập đến một số vấn đề như sự cần thiết phải giới
hạn QLNN; lý thuyết chung để giới hạn QLNN (như vai trò của Hiến pháp, xây dựng
Nhà nước pháp quyền (NNPQ)...); một số nội dung, hình thức để giới hạn QLNN (như
11
bảo đảm nhân quyền; cơ chế bầu cử và nhiệm kỳ, trong đó có NTQG); về cơ chế giới
hạn QLNN từ bên trong (giới hạn bằng việc phân chia/phân công, phân nhiệm, tự kiểm
tra giữa các cơ quan trong BMNN, nhất là Chính phủ phải chịu trách nhiệm) và hạn
chế QLNN từ bên ngoài (các tổ chức xã hội, nhân dân). Giá trị của cuốn sách này đối
với Luận án là cung cấp cơ sở lý thuyết để khẳng định con đường hình thành của Chủ
tịch nước trong xã hội dân chủ phải là bầu cử với nhiêm kỳ nhất định; đặc biệt, cần
phải xác lập cơ chế kiểm soát, giới hạn quyền lực từ phía Chủ tịch nước và đối với Chủ
tịch nước, cả từ bên trong và bên ngoài (như giám sát, phản biện của Mặt trận tổ quốc
hay của nhân dân với Chủ tịch nước). (4) Cũng bàn về tổ chức và kiểm soát QLNN còn
có một số công trình của một số tác giả khác như: (i) Một số cuốn sách, đề tài, luận án
có: Cuốn “Tổ chức và kiểm soát quyền lực nhà nước” của Thái Vĩnh Thắng [118]; Đề
tài khoa học cấp nhà nước: “Phân công, phối hợp quyền lực và kiểm soát quyền lực
trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam" [42] và Cuốn “Phân
công, phối hợp và kiểm soát quyền lực với việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992” của Trần
Ngọc Đường [43]; “Phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện các
quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp” của Cao Anh Đô [37]… (ii) Một số bài viết
như: "Tổ chức quyền lực nhà nước trong Hiến pháp 1946 giá trị mang tính thời đại”
của Phạm Hồng Thái [109]; "Kiểm soát việc thực hiện quyền lập pháp: một số vấn đề
lý luận và thực tiễn” của Trương Thị Hồng Hà [45]; “Nguyên tắc quyền lực nhà nước
thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa ba quyền theo tinh thần Hiến
pháp năm 2013” của Nguyễn Đăng Dung [23]; "Nội dung Hiến pháp 2013 và Văn kiện
Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng CSVN lần thứ XII về kiểm soát quyền lực nhà
nước” của Nguyễn Văn Mạnh [74];...
- Về NNPQ XHCN có: (1) Các công trình nghiên cứu trong giai đoạn (2001-
2013) là: (i) Đề tài cấp Nhà nước “Xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân,
vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng” của Đào Trí Úc [128] đã làm rõ nội dung và
phương hướng xây dựng NNPQ ở nước ta, đề ra các yêu cầu bảo đảm trên con
đường đó là phải bảo đảm quyền lực nhân dân (dân chủ), bảo đảm sự lãnh đạo của
Đảng, tôn trọng và tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật, xây dựng cơ chế thực hiện
QLNN có sự phân công, phối hợp rõ ràng trong việc thực hiện các quyền lập pháp,
12
hành pháp, tư pháp. (ii) Cuốn "Tư tưởng Hồ Chí Minh về pháp luật, pháp chế và sự
vận dụng trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của
Trịnh Đức Thảo [112] lại tập trung nghiên cứu NNPQ dưới góc độ chính trị - pháp
lý; từ việc làm rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về pháp luật và pháp chế đã chỉ ra những
giá trị, việc vận dụng của Đảng trong xây dựng NNPL và một số đề xuất, kiến nghị.
(iii) Một số công trình của cá tác giả khác như: Cuốn "55 năm xây dựng nhà nước
của dân, do dân, vì dân một số vấn đề lý luận và thực tiễn” của Lê Hữu Nghĩa,
Nguyễn Văn Mạnh [81]; Cuốn "Tổ chức bộ máy nhà nước Việt Nam qua các bản
Hiến pháp" của Nguyễn Đăng Dung [19]; Cuốn "Xây dựng nhà nước pháp quyền xã
hội chủ nghĩa Việt Nam - Lý luận và thực tiễn" của Nguyễn Văn Mạnh [72]; Cuốn
"Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân” của
Nguyễn Duy Quý, Nguyễn Tất Viễn [105]; (v) Cuốn "Đổi mới, hoàn thiện bộ máy
nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân ở Việt Nam hiện
nay" của Lê Minh Thông [119]; “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” của Hoàng Thị
Hạnh [49]… Thông qua việc nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn của việc xây dựng
NNPQ XHCN ở Việt Nam giai đoạn (2001-2013), các tác giả đã khẳng định, làm rõ
bản chất, mục tiêu dân chủ của nhà nước ta và tính đúng đắn của chủ trương xây
dựng NNPQ XHCN; rút ra được những đặc điểm, giá trị cốt lõi của mô hình BMNN
pháp quyền XHCN; cho thấy nhu cầu tất yếu cần phải tiếp tục hoàn thiện và đề xuất
những giải pháp để tiếp tục hoàn thiện mô hình BMNN. Những kết quả nghiên cứu
này vừa là cơ sở lý luận, vừa là cơ sở thực tiễn để Luận án phân tích, đánh giá rõ
hơn ưu điểm, hạn chế của thực trạng tổ chức, hoạt động của Chủ tịch nước trong
quá trình xây dựng NNPQ cũng như khẳng định nhu cầu và xác định định hướng
hoàn thiện trong tương lai. Tuy nhiên, đa số các công trình trên tập trung nghiên
cứu nhiều về Quốc hội (lập pháp), Chính phủ (hành pháp), Toà án nhân dân (tư
pháp) và về mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương;
mức độ, phạm vi nghiên cứu về Chủ tịch nước chưa nhiều, chủ yếu phát sinh từ
nghiên cứu về nhiệm vụ, quyền hạn của các thiết chế lập pháp, hành pháp, tư pháp.
(2) Sau khi HP năm 2013 được ban hành, có một số bài viết đáng chú ý: "Nguyên lý
chủ quyền nhân dân và biểu hiện của nó trong NNPQ ở Việt Nam”, của Trịnh Đức
13
Thảo, Nguyễn Thị Việt Hương [113]; "Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước kiểu
mới ở Việt Nam" của Nguyễn Văn Mạnh [73]; "Đảng hóa thân vào nhà nước" trong
đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng ta” của Nguyễn Hữu Đổng [38]; Hội
thảo “Những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách về nhà nước và pháp luật trước
thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng” của Viện Nhà nước và Pháp
luật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam [136];... Nhóm công trình này
đã tập trung phân tích, làm rõ những điểm mới về tổ chức BMNN trong HP năm
2013 và kiến nghị phục vụ việc thể chế hoá những quy định của HP; trong đó, có đề
cập đến việc cần cụ thể hoá các quy định về Chủ tịch nước. Những kết quả nghiên
cứu này giúp Nghiên cứu sinh có thêm thông tin để phân tích, đánh giá thực trạng
pháp luật về Chủ tịch nước hiện hành cũng như nhận diện được một số vấn đề cần
nghiên cứu trong tương lai. Tuy nhiên, do nghiên cứu về cả BMNN và mục đích
chính là nhằm triển khai thi hành HP năm 2013 nên nhóm công trình này chưa
nghiên cứu sâu, cụ thể về Chủ tịch nước và chưa hướng tới những kiến nghị lâu dài.
* Nghiên cứu pháp luật về BMNN:
Cuốn "Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam - Những vấn đề lý
luận và thực tiễn” của Lê Minh Tâm [108] đã nghiên cứu (i) những vấn đề lý luận cơ
bản về pháp luật, hệ thống pháp luật; (ii) quá trình hình thành, phát triển của hệ thống
pháp luật Việt Nam qua các thời kỳ, từ năm 1945; (iii) nêu lên những phương hướng,
giải pháp chủ yếu nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Kết quả nghiên cứu
của công trình, nhất là nội dung nghiên cứu về tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thiện
pháp luật và những đánh giá về thực trạng cũng như đề xuất phương hướng hoàn thiện
hệ thống pháp luật là cơ sở giúp Luận án xây dựng tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thiện
pháp luật về Chủ tịch nước cũng như tham khảo để đánh đánh giá, phân tích thực trạng
pháp luật (đặt trong mối quan hệ với hệ thống pháp luật nói chung ở giai đoạn trước) và
đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước.
Gần đây nhất, cuốn "Cơ chế pháp lý kiểm soát quyền lực nhà nước của các
cơ quan nhà nước ở Việt Nam hiện nay" của Nguyễn Minh Đoan [36] đề cập đến
những vấn đề lý luận và thực tiễn về cơ chế pháp lý kiểm soát QLNN của các cơ
quan nhà nước ở Việt Nam hiện nay. Trong nội dung nghiên cứu thực trạng cơ chế
pháp lý, thực tiễn pháp luật và thực tiễn kiểm soát quyền lập pháp, hành pháp, tư
14
pháp của các cơ quan nhà nước ở Việt Nam, tác giả đã đề cập đến các quy định của
pháp luật về Chủ tịch nước. Trong phần quan điểm, giải pháp hoàn thiện cơ chế
pháp lý kiểm soát QLNN của các cơ quan nhà nước ở Việt Nam, tác giả đã khẳng
định "cần tăng cường sự kiểm soát quyền lực của Chủ tịch nước”.
Ngoài ra, có thể kể đến một số công trình có liên quan của một số tác giả
như: (i) Cuốn "Tổ chức bộ máy nhà nước Việt Nam qua các bản Hiến pháp 1946,
1959, 1992 và 1992 sửa đổi, bổ sung” của Nguyễn Đăng Dung [17]; (ii) Cuốn "Xây
dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong bối cảnh xây dựng nhà nước
pháp quyền xã hội chủ nghĩa” của Nguyễn Minh Đoan [35]; (iii) "Hoàn thiện hệ
thống pháp luật đáp ứng nhu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Việt Nam hiện nay” của Dương Thị Mai [71]; (iv) "Báo cáo Tổng kết 10 năm thực
hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây
dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020”
của Ban Chỉ đạo tổng kết [5]... Nội dung khái quát của các công trình trên là tập
trung phân tích, đánh giá thực trạng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt
nam từ khi xây dựng NNPQ; chỉ ra những yêu cầu, phương hướng tiếp tục hoàn
thiện trong tương lai. Kết quả nghiên cứu trên mang tính khái quát rất cao, nhất là
nội dung nghiên cứu pháp luật về tổ chức BMNN, trong đó quy định pháp luật về
Chủ tịch nước sẽ giúp Nghiên cứu sinh có thêm cơ sở thực tiễn để đánh giá thực
trạng cũng như xác định định hướng hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước một
cách phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật quốc gia.
Tuy nhiên, hạn chế là các công trình trên lại không nghiên cứu trực tiếp, sâu sắc và
đầy đủ pháp luật về Chủ tịch nước...
1.1.1.2. Nhóm công trình nghiên cứu pháp luật về Chủ tịch nước
* Nghiên cứu về thiết chế Chủ tịch nước:
"Chủ tịch Hồ Chí Minh với thiết chế Chủ tịch nước ở Việt Nam” của Bùi
Ngọc Sơn [107] nghiên cứu (i) vấn đề chung về thiết chế ĐĐNN (như sự ra đời, mô
hình); sự đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với thiết chế Chủ tịch nước qua tư
tưởng lập hiến của Người; từ đó, chỉ ra những giá trị có thể kế thừa và phát triển
trong tư tưởng lập hiến của Hồ Chí Minh về Chủ tịch nước.
15
“Đổi mới thiết chế Chủ tịch nước và Chính phủ ở Việt Nam hiện nay” của
Nguyễn Thị Hồi, Phạm Quang Tiến [54] và Bài viết “Thiết chế Chủ tịch nước trong
điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế” của
Nguyễn Thị Hồi [55] đều tiếp cận nghiên cứu "Chủ tịch nước là thiết chế không thể
thiếu trong BMNN của các quốc gia đương đại và thuộc nhánh quyền lực hành
pháp” nên đã tập trung nghiên cứu về (1) vị trí, vai trò, thẩm quyền của Chủ tịch
nước với các cơ quan nhà nước ở Trung ương theo quy định của HP năm 1992 và
nhận định, "Chủ tịch Nước chỉ ĐĐNN mà không phải là thành viên của Chính phủ
nên quyền lực của Chủ tịch nước trong lĩnh vực hành pháp còn khá khiêm tốn”; (2)
từ đó, đưa ra một số kiến nghị nên sửa đổi HP để nhằm tăng tính thực quyền cho
thiết chế Chủ tịch nước như (i) kế thừa quy định về vị trí và quyền lực của Chủ tịch
nước được quy định trong HP năm 1946 - đứng đầu hành pháp; (ii) nhân dân bầu
trực tiếp, tối đa 2 nhiệm kỳ; (iii) NTQG sẽ đồng thời là Tổng bí thư hoặc Chủ tịch
Đảng; (iv) Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Quốc hội thảo luận lại hoặc xem xét lại
một dự luật mà Quốc hội đã thông qua trong một thời gian nhất định và quyền này
không thể bị từ chối; (v) Chủ tịch nước có quyền đề cử các thành viên của cơ quan
bảo hiến để Quốc hội phê chuẩn. Tuy nhiên, do trong phạm vị một bài báo nên tác
giả chưa có điều kiện phân tích sâu về cơ sở lý luận, thực tiễn cũng như đưa ra
những kiến nghị một cách cụ thể chi tiết và toàn diện.
“Hoàn thiện thiết chế chủ tịch nước nhằm đảm bảo vai trò nguyên thủ quốc
gia” của Lê Thiên Hương [59] đã tập trung nghiên cứu mô hình thiết chế Chủ tịch
nước qua các bản HP các năm 1946, 1959, 1980 và 1992 (sửa đổi 2001); từ đó, đề
xuất một số kiến nghị hoàn thiện thiết chế này cả trên phương diện vị trí, chức năng
cũng như quyền và nghĩa vụ theo tinh thần Đại hội XI của Đảng; theo hướng là người
đứng đầu hành pháp nhưng có tính độc lập tương đối với Thủ tướng và các thành
viên Chính phủ. Tuy nhiên, bài viết mới tiếp cận ở góc độ quy định HP.
"Mối quan hệ của thiết chế Chủ tịch nước với các cơ quan quyền lực nhà
nước ở Trung ương và cấu trúc bộ máy của thiết chế Chủ tịch nước” của Nguyễn
Thị Doan [12] có nội dung xuyên suốt là khái quát, phân tích về cơ cấu tổ chức và
mối quan hệ của thiết chế Chủ tịch nước theo HP năm 2013. Đặc biệt, trong bài viết
này, tác giả đã nêu ra hai luận điểm đáng chú ý đó là (i) Chủ tịch nước là một thiết
16
chế khá đặc thù, không thuộc vào một nhánh quyền lực nào trong các quyền lập
pháp, hành pháp, tư pháp nhưng đồng thời lại có mối quan hệ, ảnh hưởng tới các cơ
quan lập pháp, hành pháp, tư pháp; (ii) cấu trúc bộ máy của thiết chế Chủ tịch nước
bao gồm: Chủ tịch nước; Phó Chủ tịch nước; Hội đồng Quốc phòng và An ninh
(QP&AN); Văn phòng Chủ tịch nước. Tuy nhiên, bài viết chưa có những phân tích,
đánh giá về thực trạng tổ chức, hoạt động của thiết chế Chủ tịch nước cũng như đưa
ra những kiến nghị.
* Nghiên cứu pháp luật về Chủ tịch nước
Một số công trình nghiên cứu pháp luật về Chủ tịch nước qua các thời kỳ
như: (1) Cuốn “Đổi mới, hoàn thiện bộ máy nhà nước trong giai đoạn hiện nay” của
Bùi Xuân Đức [39] gồm 4 phần nghiên cứu về 4 vấn đề lớn gồm những vấn đề
chung; đổi mới các thiết chế ở trung ương và chính quyền địa phương; giám sát
BMNN. Tại Chương III về Chủ tịch nước đã tập trung nghiên cứu về “Thiết chế
Chủ tịch nước qua các bản Hiến pháp” và đổi mới thiết chế Chủ tịch nước trong cơ
chế QLNN. (2) “Chế định Chủ tịch nước theo Hiến pháp năm 1946 và sự phát triển
qua các Hiến pháp Việt Nam” của Lê Thị Hải Châu [7] lại đi sâu nghiên cứu, phân
tích chế định Chủ tịch nước theo HP năm 1946 và so sánh với các bản HP về sau
của nước ta; từ đó, rút ra một số giá trị, kiến nghị hoàn thiện chế định của HP. (3)
Bài viết “Thiết chế Chủ tịch nước trong 60 năm qua” của Bùi Xuân Đức [40] giới
thiệu khái quát quy định của pháp luật về Chủ tịch nước qua các bản HP; có những
đánh giá và gợi mở vấn đề cần hoàn thiện theo hướng cần đề cao vị trí, vai trò và
quy định cụ thể hoá hơn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn...
Một số công trình khác lại nghiên cứu so sánh pháp luật về Chủ tịch nước
Việt Nam với các nước trên thế giới như: (1) Đề tài "Nghiên cứu so sánh về chế
định nguyên thủ quốc gia trong Hiến pháp một số nước trên thế giới và Hiến pháp
Việt Nam” của chính Nghiên cứu sinh [25] đã nghiên cứu về (i) khái niệm, lịch sử
hình thành, phân loại mô hình NTQG tiêu biểu trên thế giới; (ii) chế định NTQG
của một số nước trên thế giới như Anh, Bỉ, Thuỵ Điển, Đức, Bungari, Mông Cổ,
Trung Quốc; (iii) so sánh, đánh giá với chế định NTQG ở Việt Nam qua các bản HP
(1946-1992); (iv) kiến nghị hoàn thiện chế định Chủ tịch nước Việt Nam. Một số
kết quả nghiên cứu của Đề tài này được sử dụng, phát triển trong Luận án. Tuy
17
nhiên, hạn chế của Đề tài là chỉ tập trung nghiên cứu pháp luật về Chủ tịch nước
nước ở góc độ các quy phạm HP. (2) "So sánh chế định nguyên thủ quốc gia của
một số nước trên thế giới và những gợi mở cho Việt Nam” của Hoàng Thị Minh
Phương [89] đã nghiên cứu một số vấn đề lý luận chung như khái niệm, tiêu chí so
sánh; phân tích và so sánh mô hình NTQG ở Anh (đại diện cho hình thức chính thể
quân chủ lập hiến); ở Italia (đại diện cho hình thức chính thể cộng hòa đại nghị); ở
Pháp (đại diện cho hình thức chính thể cộng hòa lưỡng tính) và ở Mỹ (đại diện cho
hình thức chính thể cộng hòa tổng thống); từ đó, đưa ra một số kinh nghiệm có thể
áp dụng cho chế định Chủ tịch nước Việt Nam. Tuy nhiên, hạn chế của công trình
này là chủ yếu nghiên cứu quy phạm HP và chưa tập trung vào các nước theo mô
hình cộng hoà đại nghị, chưa đề cập đến các nước XHCN hoặc ở gần Việt Nam.
Một số nghiên cứu nhằm sửa đổi, bổ sung quy định về Chủ tịch nước của HP
năm 1992 có: (1) Đề tài cấp bộ “Hoàn thiện chế định Chủ tịch nước trong điều kiện
xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay” của Ngô Văn
Minh [79] đã tập trung nghiên cứu (i) khái niệm, vị trí, vai trò của Chủ tịch nước và
kinh nghiệm một số nước trên thế giới; (ii) thực trạng chế định và thực tiễn thi hành
chế định Chủ tịch nước theo HP năm 1992 (2001) giai đoạn (1992-2012); (iii) đề
xuất 3 nhóm giải pháp về sửa đổi, bổ sung chế định Chủ tịch nước trong HP năm
1992; về nhất thể hoá Chủ tịch nước với người đứng đầu Đảng; về xây dựng Luật
về Chủ tịch nước. Dù là đề tài cấp bộ đầu tiên nghiên cứu trực tiếp chế định Chủ
tịch nước và đề xuất ban hành Luật về Chủ tịch nước, nhưng do tiếp cận nghiên cứu
ở góc độ quy phạm HP nên phạm vi còn hẹp, những kiến nghị cũng chưa thực sự
đầy đủ và cụ thể. (2) Cuốn "Những vấn đề lý luận và thực tiễn sửa đổi, bổ sung
Hiến pháp năm 1992” của Uông Chu Lưu [68] với 12 chương; trong đó, phân tích,
đánh giá về chế định Chủ tịch nước trong HP năm 1992 (Mục II của Chương IX) và
kiến nghị sửa đổi, bổ sung Chế định này (trong Chương XII) về vị trí, vai trò; nhiệm
vụ, quyền hạn; Hội đồng QP&AN. (3) Một số bài viết về khía cạnh cụ thể của pháp
luật về Chủ tịch nước như: (i) "Hiến pháp mới với vị trí, vai trò của nguyên thủ
quốc gia - Chủ tịch nước” của Cao Vũ Minh [76] đã nghiên cứu quy định của HP
năm 1992 (2001) về vị trí, vai trò của Chủ tịch nước (trong mối quan hệ với các
thiết chế lập pháp, hành pháp và tư pháp); chỉ ra một số hạn chế, bất cập và kiến
18
nghị sửa đổi, bổ sung quy định của HP như về quyền công bố nghị quyết của Quốc
hội; quyền chủ tọa các phiên họp của Chính phủ khi thấy cần thiết; quy định rõ
quyền ân giảm của Chủ tịch nước; sớm ban hành Luật về hoạt động của Chủ tịch
nước. (ii) "Kiến nghị sửa đổi chế định Hội đồng quốc phòng và an ninh trong Hiến
pháp năm 1992” của Trần Đình Nhã [83] đã phân tích thực trạng, chỉ ra những hạn
chế, bất cập của pháp luật hiện hành về Hội đồng QP&AN; từ đó, đưa ra một số
kiến nghị như tiếp tục đặt trong Chương Chủ tịch nước; HĐQP & AN nên kiêm
nhiệm và khi xảy ra tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp thì cần được trao
những nhiệm vụ, quyền hạn đặc biệt; nên ban hành một luật chuyên biệt. (ii)
“Quyền lập pháp của Chủ tịch nước” của Lê Đình Tuyến [127] lại tập trung nghiên
cứu về mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với lập pháp, nhất mạnh đến sự phối hợp và
kiểm soát từ Chủ tịch nước với lập pháp. (iii) Tìm hiểu về nhiệm vụ "Thống lĩnh lực
lượng vũ trang nhân dân" của Chủ tịch nước, "tổng tư lệnh lực lượng vũ trang nhân
dân" của Bộ trưởng Bộ quốc phòng - Hội đồng quốc phòng và an ninh trong Hiến
pháp năm 1992 và quy định pháp luật hiện hành” của Nguyễn Hoài Nam [80] đã hệ
thống hoá quy định của pháp luật hiện hành, bình luận về mối quan hệ, vai trò thống
lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân của Chủ tịch nước trong mối quan hệ với Hội đồng
QP&AN và một số thành viên của Hội đồng này; (iv) "Thẩm quyền đàm phán, ký
kết, quyết định phê chuẩn, phê duyệt và gia nhập điều ước quốc tế trong Dự thảo
sửa đổi Hiến pháp năm 1992” của Lê Mai Thanh [110] lại tập trung nghiên cứu
thẩm quyền và mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với Quốc hội, Chính phủ về vấn đề
điều ước quốc tế cũng như có sự so sánh với các nước v.v..
Một số công trình nghiên cứu chế định Chủ tịch nước theo HP năm 2013 như:
(1) Cuốn "Chế định nguyên thủ quốc gia trong các Hiến pháp Việt Nam” của Đỗ
Minh Khôi [62] đã nghiên cứu 4 vấn đề (i) những vấn đề chung (về vai trò, chức
năng, thẩm quyền, địa vị pháp lý, các mô hình); (ii) chế định này trong HP ở một số
nước; (iii) quy định của các bản HP Việt Nam (1946, 1959, 1980, 1992 (2001) và
2013); (iv) kiến nghị hoàn thiện chế định Chủ tịch nước theo HP năm 2013 theo
hướng mở rộng, cụ thể hoá thẩm quyền của Chủ tịch nước một cách đồng bộ, tương
thích giữa các quyền với nhau và với mô hình thể chế, chế độ chính trị nói chung đặt
trong điều kiện cụ thể của Việt Nam hiện nay. Có thể nói, đây là công trình có nhiều
19
nội dung liên quan đến Luận án, tuy nhiên, hạn chế của Cuốn sách này đó là chỉ dừng
lại ở các quy phạm HP và kiến nghị sửa đổi, bổ sung HP. (2) "Chế định Chủ tịch
nước trong Hiến pháp năm 2013 và việc xây dựng Luật về hoạt động của Chủ tịch
nước” của Cao Vũ Minh, Võ Phan Lê Nguyễn [77] đề cập đến hai vấn đề (i) phân
tích những điểm tiến bộ của HP năm 2013 về Chủ tịch nước; (ii) đề xuất một số kiến
nghị về việc xây dựng Luật về hoạt động của Chủ tịch nước như cụ thể hoá vai trò
thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, chủ tịch Hội đồng QP&AN; xử lý khiếm
khuyết văn bản của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ (TTg); quyền ân giảm án tử
hình của Chủ tịch nước; thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL);
về tiêu chuẩn, điều kiện đối với Phó Chủ tịch nước; nghi thức tuyên thệ. Có thể nói,
bài viết đã đề cập khá toàn diện các nội dung của pháp luật về Chủ tịch nước, tuy
nhiên, do ở phạm vi bài viết nên các vấn đề, nội dung chưa thật sự hệ thống, thấu đáo,
đầy đủ. (3) Ngoài ra còn một số công trình khác có nội dung liên quan như: Cuốn
“Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và thành tựu lập
pháp trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII” của Nguyễn Sinh Hùng [58]; Cuốn “Bình
luận khoa học Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013” của
Nguyễn Đăng Dung, Trịnh Quốc Toản và Đặng Minh Tuấn [22]; “Bình luận khoa
học Hiến pháp năm 2013 - Một số yêu cầu và những vấn đề đặt ra” của Viện Khoa
học pháp lý (Bộ Tư pháp) [135]; Bài viết "Đánh giá chế định Chủ tịch nước trong
Hiến pháp năm 2013” của Đỗ Minh Khôi [63]; "Về quy định thống lĩnh lực lượng vũ
trang nhân dân của Chủ tịch nước” của Nguyễn Xuân Yêm [139]...
1.1.1.3. Đánh giá chung về tình hình nghiên cứu ở trong nước
Nhìn chung, đã có không ít công trình trong nước nghiên cứu về thiết chế
Chủ tịch nước và pháp luật về Chủ tịch nước ở phạm vi, mức độ và mục đích khác
nhau. Tuy nhiên, ở tầm đề tài cấp bộ trở lên hay luận án tiến sĩ thì chưa có công
trình nào nghiên cứu tập trung, hệ thống, toàn diện và trực tiếp về cơ sở lý luận và
thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước.
Có ba công trình gần đây mà nội dung nghiên cứu khá gần với Luận án và có
mức độ nghiên cứu công phu đó là (i) Đề tài cấp bộ “Hoàn thiện chế định Chủ tịch
nước trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta
hiện nay” của Ngô Văn Minh [79] và (ii) Cuốn "Chế định nguyên thủ quốc gia
20
trong các Hiến pháp Việt Nam” của Đỗ Minh Khôi [62]; (iii) Đề tài cơ sở "Nghiên
cứu so sánh về chế định nguyên thủ quốc gia trong Hiến pháp một số nước trên thế
giới và Hiến pháp Việt Nam” của Đỗ Tiến Dũng [25] (2011). Tuy nhiên, như đã đề
cập, Đề tài cấp bộ của Ngô Văn Minh mới chỉ tập trung nghiên cứu gắn với HP năm
1992 và nhằm sửa đổi, bổ sung HP năm 1992. Do đó, chưa nghiên cứu một cách
bao quát, đầy đủ, cụ thể về các khía cạnh, nội dung vấn đề của pháp luật của Chủ
tịch nước cũng như quá trình hình thành, phát triển của pháp luật Chủ tịch nước qua
các thời kỳ; một số kiến nghị đề xuất dự án Luật về Chủ tịch nước còn đơn giản,
chưa đề xuất cụ thể nội dung. Tương tự, Cuốn "Chế định nguyên thủ quốc gia trong
các Hiến pháp Việt Nam” của tác giả Đỗ Minh Khôi (chủ biên) cũng tập trung
nghiên cứu, phân tích các quy định của HP và kiến nghị sửa đổi HP. Do đó, cũng
còn nhiều nội dung, vấn đề liên quan đến Chủ tịch nước chưa được đề cập đầy đủ,
thấu đáo, nhất là những vấn đề liên quan đến tổ chức của thiết chế Chủ tịch nước.
Còn Đề tài cấp cơ sở do Nghiên cứu sinh làm Chủ nhiệm dù đã tiếp cận ở góc độ
Chủ tịch nước là thiết chế trong BMNN và có những nghiên cứu về lịch sử mô hình
Chủ tịch nước Việt Nam qua các thời kỳ và kiến nghị các phương án hoàn thiện mô
hình trong tương lai. Tuy nhiên, do tiếp cận ở góc độ so sánh thông qua chế định
HP nên phạm vi còn hẹp, mức độ phân tích, đánh giá chưa sâu; các kiến nghị chưa
toàn diện, cụ thể.
Các công trình nghiên cứu về BMNN, pháp luật về BMNN của các nhà khoa
học pháp lý hàng đầu Việt Nam dù không nghiên cứu trực tiếp và tập trung về thiết
chế Chủ tịch nước nhưng đã góp phần làm sáng tỏ cơ sở lý luận về tổ chức BMNN
và xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong NNPQ XHCN; làm rõ thêm đặc
điểm của thiết chế và mối quan hệ của thiết chế Chủ tịch nước với BMNN tổng thể
và với từng thiết chế lập pháp, hành pháp, tư pháp. Kết quả nghiên cứu của các
công trình này là nền tảng cơ sở giúp cho Nghiên cứu sinh có nhìn nhận tổng quan
về tổ chức QLNN và tổ chức BMNN ở nước ta; từ đó, có cơ sở củng cố, làm sâu sắc
thêm những vấn đề lý luận về thiết chế Chủ tịch nước của Luận án và nhận diện
được định hướng đổi mới mô hình tổ chức BMNN Việt Nam trong tương lai làm cơ
sở hình thành quan điểm, xác định vấn đề cần kiến nghị hoàn thiện mô hình Chủ
tịch nước và pháp luật về Chủ tịch nước cho đồng bộ, phù hợp.
21
Các công trình nghiên cứu pháp luật Chủ tịch nước gắn với xây dựng, hoàn
thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đã làm rõ hơn lịch sử hình thành, phát triển và
mối tương quan giữa pháp luật về Chủ tịch nước với hệ thống pháp luật quốc gia
qua các thời kỳ. Đây là thông tin quan trọng làm cơ sở để Luận án đánh giá, phân
tích thực trạng pháp luật về Chủ tịch nước. Đối với các công trình nghiên cứu trực
tiếp pháp luật về Chủ tịch nước, dù chỉ giới hạn nghiên cứu về chế định HP hoặc
một nội dung của pháp luật về Chủ tịch nước thì cũng mang giá trị tham khảo rất
cao, cả về lý luận, thực tiễn cũng như quan điểm, giải pháp. Tuy nhiên, do hầu hết
các công trình chỉ ở phạm vi một bài viết (từ 6 đến 10 trang) nên chưa có điều kiện
tiếp cận, thể hiện nghiên cứu và giải quyết các vấn đề liên quan một cách đầy đủ, hệ
thống. Hạn chế chung là (i) còn tiếp cận Chủ tịch nước là cá nhân mà chưa chú ý
đến vị trí, vai trò là một thiết chế, một cơ quan trong BMNN nên chưa thật toàn
diện; (ii) thường giới hạn nghiên cứu về quy phạm HP (một hoặc một số bản HP) và
chủ yếu trong giai đoạn trước khi HP năm 2013 được ban hành nên chưa bảo đảm
tính hệ thống, cập nhật; nhiều kiến nghị đã được sửa đổi trong HP năm 2013; (iii)
hoặc có phân tích, nghiên cứu về HP năm 2013 nhưng lại chỉ ở một khía cạnh, góc
độ hẹp hoặc với mức độ nghiên cứu chưa thật sâu, những kiến nghị ở mức nêu vấn
đề, chưa kiến giải cụ thể.
1.1.2. Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài liên quan đến đề tài Luận án
1.1.2.1. Nhóm công trình nghiên cứu về tổ chức bộ máy nhà nước và pháp
luật về bộ máy nhà nước
* Nghiên cứu cơ bản về nhà nước, pháp luật; về QLNN, hình thức chỉnh thể
và NNPQ
Một số công trình kinh điển về Nhà nước, pháp luật và pháp quyền như: (1)
Cuốn “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước” của Ph.Ăngghen
(1884) đã chỉ ra nguồn gốc và bản chất của Nhà nước; trong đó, qua nghiên cứu về thị
tộc Hy Lạp (Chương IV), sự hình thành Nhà nước Athens (Chương V), Thị tộc và Nhà
nước La Mã (Chương VI), Ông đã chỉ ra rằng, thiết chế NTQG ra đời là tất yếu, khách
quan cùng với sự ra đời của Nhà nước và mang bản chất giai cấp. (2) "Bàn về tinh thần
pháp luật” (1748) của Montesquieu; “Bàn về khế ước xã hội” (1762) của Jean Jacques
Rousseau là bộ đôi tác phẩm kinh điển bàn về quan điểm pháp chế, vạch ra định hướng
22
xây dựng xã hội công dân, NNPQ. (3) Cũng phải kể đến một số công trình nghiên cứu
khác có liên quan như “Bàn về tự do” (1859) của John Stuart Mill; "Nền cộng hòa và
những vấn đề” (1927) của John Dewey; "Giới thiệu về lý thuyết dân chủ” (1956) của
Robert A.Dahl; "Nguồn gốc quyền lực xã hội” (1986) của Mann M; “Nhà nước và
pháp quyền” (1995) của Kriegel và Blandine; “Nhà nước và nhà nước pháp quyền”
(1999) của Stapenhurst Rick, Kpundeh Sahr... Dù không liên quan trực tiếp tới Luận
án, nhưng giá trị của các công trình mang tính thời đại này cung cấp thế giới khoa học
khi nghiên cứu về mặt lý luận.
Một số công trình nghiên cứu về hình thức chính thể của nhà nước như: (1)
Nghiên cứu khái quát về chế độ chính trị, hình thức chỉnh thể có: (i) Cuốn "Hình
thức của các nhà nước đương đại" của Nguyễn Đăng Dung [15] gồm 7 chương
nghiên cứu về những vấn đề chung về hình thức nhà nước; hình thức cấu trúc lãnh
thổ; hình thức chính thể của các nhà nước tư bản; sự biến dạng của các chính thể;
NNPQ; hình thức chính thể các nhà nước XHCN; (ii) Cuốn "Thể chế nhà nước của
các quốc gia trên thế giới” của Nguyễn Chu Dương [28] giới thiệu sự hình thành,
cơ cấu tổ chức và đặc điểm của BMNN các quốc gia và lãnh thổ trên thế giới (194
quốc gia và trên 50 vùng lãnh thổ ở 5 Châu lục). (2) Nghiên cứu về chế độ chính trị,
hình thức chính thể ở một số khu vực nhất định có: (i) Cuốn "Các thể chế chính trị
ở Châu Âu” (Political Institutions in Europe) của Josep Colomer [150] giới thiệu
các khía cạnh về chế độ chính trị của 15 quốc gia ở Tây Âu (cấu trúc theo một hoặc
một nhóm nhỏ các quốc gia) như về các đảng chính trị, hệ thống bầu cử; cải cách
thể chế; các thiết chế nhà nước ở trung ương và địa phương; (ii) Cuốn "Thể chế
chính trị các nước Châu Âu” của Thái Vĩnh Thắng, Nguyễn Đăng Dung và Nguyễn
Chu Dương [116] gồm 2 phần: giới thiệu khái quát về các thiết chế chính trị ở các
nước châu Âu, trong đó có nghiên cứu về thiết chế ĐĐNN; và giới thiệu chi tiết thể
chế chính trị của từng quốc gia châu Âu theo mô hình chính thể quân chủ (gồm có
12/45 nước); cộng hoà đại nghị (30/45 nước); cộng hoà hỗn hợp (9/45 nước); cộng
hoà tổng thống (1/45)... (3) Nghiên cứu so sánh giữa các hình thức chính thể hoặc ở
một nhà nước cụ thể có: Cuốn "Mô hình quản trị: Đại nghị hay Tổng thống” (A
System of Governance: Parliamentary Or Presidential), Naunihal Singh [157] tập
trung nghiên cứu so sánh mô hình quản trị nhà nước giữa chính thể cộng hoà đại
23
nghị và cộng hoà tổng thống; nghiên cứu một số biến thể, trung gian giữa hai mô
hình này (Pháp, Bồ Đào Nha, Sri Lanka, một số quốc gia châu Mỹ Latinh); phân
tích đánh giá những ưu điểm, hạn chế của từng mô hình và nguồn gốc, nguyên nhân
của những thay đổi nhất định ở từng mô hình cho phù hợp; trong các nội dung
nghiên cứu, đều phân tích về vị trí, vai trò và thẩm quyền cũng như mối quan hệ
giữa thiết chế ĐĐNN với các thiết chế khác trong BMNN, nhất là với Quốc hội,
Thủ tướng. Cuốn "Thể chế Tổng thống, Thể chế Nghị viện và Dân chủ”
(Presidentialism, Parliamentarism, and Democracy), Jose Antonio Cheibub [149]
nghiên cứu thực chứng các nền dân chủ ở các quốc gia trên thế giới (1946-2002) để
trả lời câu hỏi có phải các nền dân chủ ở các nước theo thể chế tổng thống lại có
nhiều khả năng bị phá vỡ hơn các thể chế nghị viện?...
Một số nghiên cứu về tổ chức BMNN ở các nước có: (1) Cuốn "Lược giải tổ
chức bộ máy nhà nước của các quốc gia” của Nguyễn Đăng Dung, Nguyễn Chu
Dương [20] gồm 8 chương cung cấp hiểu biết chung về tổ chức, đặc điểm của
BMNN của các quốc gia trên thế giới. (2) Gần đây có đề tài “Tổ chức bộ máy nhà
nước trung ương ở một số quốc gia Châu Âu (Pháp, Đức, Thụy Điển)” của Nguyễn
Đức Minh [78] đã nghiên cứu lý luận và thực tiễn tổ chức, chức năng, nhiệm vụ,
thẩm quyền của các cơ quan trong BMNN trung ương ở Pháp (cộng hoà lưỡng
tính), Đức (cộng hoà đại nghị), Thụy Điển (quân chủ lập hiến); đề xuất, khuyến
nghị về tổ chức BMNN trung ương của Việt Nam. Giá trị tham khảo của Đề tài là
đã phản ánh, so sánh, nhận xét về những điểm tương đồng, khác biệt cũng như sự
thay đổi nhất định về NTQG ở ba nước.
Nghiên cứu về phân chia, kiểm soát quyền lực có: (1) Cuốn "Tư tưởng phân
chia quyền lực nhà nước với việc tổ chức bộ máy nhà nước ở một số nước” của
Nguyễn Thị Hồi [53] gồm 3 phần (i) nghiên cứu về mặt lịch sử của tư tưởng phân
chia QLNN trên thế giới; (ii) sự thể hiện và áp dụng tư tưởng phân quyền trong tổ
chức BMNN ở một số nước tư bản; (iii) sự thể hiện tư tưởng phân quyền trong tổ
chức BMNN Việt Nam qua các bản HP; trong có có đề cập đến thiết chế ĐĐNN
trong việc phân chia, kiểm soát quyết lực nhà nước ở các nước. (2) Cuốn "Những
giới hạn cho chủ nghĩa Hiến pháp dân chủ ở Trung và Đông Âu” (Limits to
democratic constitutionalism in Central and Eastern Europe) của Puchalska, Bogusia
24
[160] đề cập đến nền tảng của chủ nghĩa dân chủ hợp hiến trong bối cảnh chính trị
chuyển tiếp; vấn đề NNPQ, giới hạn quyền lực và bảo vệ HP ở Trung và Đông Âu;
trong đó có đề cập đến vai trò của thiết chế ĐĐNN trong giới hạn quyền lực, nhất là
vấn đề bảo hiến. (3) Một số bài viết có phạm vi hẹp hơn như: "Kiểm soát quyền lực nhà
nước trong chính thể cộng hoà tổng thống theo Hiến pháp của Philippines” của Tô
Văn Hoà [51]; hay ""Cân bằng và kiểm soát" quyền lực từ góc nhìn của vụ đóng cửa
chính quyền liên bang Mỹ năm 2013" của Trương Hồ Hải [47]...
* Nghiên cứu pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước:
Cuốn "Tuyển tập Hiến pháp của một số Quốc gia” của Nguyễn Đăng Dung
và các cộng sự [21] nghiên cứu HP của 12 nước ở các châu lục. Cuốn "Tuyển tập
Hiến pháp một số nước trên thế giới” của Văn phòng Quốc hội [134]. Cuốn "Các
bản Hiến pháp làm nên lịch sử”, Albert P. Blaustein, Jay A. Sigler [1] nghiên cứu
về lịch sử phát triển, cũng như các khuynh hướng phát triển của HP trên thế giới,
không chỉ những bản HP của Phương Tây mà cả những bản HP ở Phương Đông
Meiji của Nhật Bản, HP Trung Hoa. Tương tự, Cuốn "Nghiên cứu so sánh Hiến
pháp các quốc gia Asean” của Tô Văn Hòa [52] nghiên cứu, phân tích HP các nước
như Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines,
Singapore, Thái Lan...
Cuốn "Hệ thống Hiến pháp Khối thịnh vượng Caribê: Phân tích theo bối
cảnh” (The Constitutional Systems of the Commonwealth Caribbean: A Contextual
Analysis), Derek O'Brien [146] có nội dung nghiên cứu chủ đạo là thông qua tìm
hiểu quá trình cải cách HP giai đoạn hậu thuộc địa ở các nước trong khu vực này
(vốn là thuộc địa của Vương quốc Anh) trong 20 năm qua để thấy được sự kế thừa,
thay đổi về mô hình chính thể hiện nay so với mô hình cộng hoà đại nghị vốn có
(mô hình Westminster); đáng lưu ý, ngoài nội dung nghiên cứu về lịch sử lập hiến,
hệ thống bầu cử, chính phủ, nghị viện, toà án thì Cuốn sách đã dành riêng 1 phần
riêng (phần 2) nghiên cứu về thiết chế NTQG của các nước trong khối.
Cuốn "Xây dựng Hiến pháp ở các nước Xô viết” (Constitution-making in the
Region of Former Soviet Dominance) của Rett R. Ludwikowski [163] phần thứ nhất
nghiên cứu về mặt bối cảnh, tiền đề; phần thứ hai tập trung nghiên cứu các bản HP
25
mới về các hình thức nhà nước, cơ cấu tổ chức QLNN và BMNN như của Albania,
Séc, Estonia, Kazakhstan, Kyrghyz, Lithuania, Ba Lan và các nước cộng hòa XHCN.
Cuốn "Hiến pháp các quốc gia Trung Á: Phân tích theo bối cảnh” (The
Constitutional Systems of the Independent Central Asian States: A Contextual
Analysis) của Scott Newton [164] gồm 10 chương, nghiên cứu khái quát so sánh
HP của Cộng hòa Kyrgyzstan và Cộng hòa Kazakhstan, Turkmenistan, Uzbekistan
và Tajikistan; sự ảnh hưởng từ HP Liên Xô; sự thay đổi của các bản HP ở 5 nước
khi Liên Xô tan rã và trước sự biến động của "trật tự thế giới mới” với xu hướng
toàn cầu hóa, chủ nghĩa tự do; giới thiệu chi tiết nội dung của 5 bản HP như về tổng
thống, chính phủ, nghị viện, bầu cử, tòa án...; đồng thời, chỉ ra những khó khăn,
thách thức hiện hữu đối với vấn đề lập hiến mà các quốc gia này phải đối mặt.
Ở phạm vi hẹp hơn, một số công trình nghiên cứu ở một quốc gia cụ thể: Đáng
chú ý có: (1) Cuốn "Hiến pháp Việt Nam: Phân tích theo bối cảnh” (The Constitution
of Vietnam: A Contextual Analysis) của Mark Sidel [154] với 9 phần, đã (i) khái quát
hoá lịch sử lập hiến Việt Nam; (ii) giới thiệu, phân tích nội dung 4 bản HP các năm
1946, 1959, 1980 và 1991 (và các lần sửa đổi, bổ sung); (iii) nghiên cứu so sánh đối
chiếu với tư tưởng HP Trung Quốc; (iv) nghiên cứu tư tưởng đổi mới HP về cải cách
tư pháp, bảo hiến và những nhận định về tương lai HP Việt Nam. (2) Ngoài ra, còn
có: Cuốn "Hiến pháp Nhật Bản: Nghiên cứu bối cảnh” (The Constitution of Japan: A
Contextual Analysis) của Shigenori Matsui [165]; Cuốn "Hiến pháp Malaysia:
Nghiên cứu bối cảnh” (The Constitution of Malaysia: A Contextual Analysis) của
Andrew Harding [141]; Cuốn "Hiến pháp Pháp: Nghiên cứu bối cảnh” (The
Constitution of France: A Contextual Analysis) của Sophie Boyron [166]; Cuốn
"Hiến pháp Anh: Nghiên cứu bối cảnh” (The Constitution of the United Kingdom: A
Contextual Analysis) của Peter Leyland [159]; Cuốn "Hiến pháp Liên bang Nga:
Nghiên cứu bối cảnh” (The Constitution of the Russian Federation: A Contextual
Analysis) của Jane Henderson [148]; Cuốn "Hiến pháp Trung Quốc: Nghiên cứu bối
cảnh” (The Constitution of China: A Contextual Analysis) của Qianfan Zhang [161];
Cuốn "Hiến pháp Thái Lan: Nghiên cứu bối cảnh” (The Constitutional System of
Thailand: A Contextual Analysis) của Andrew Harding, Peter Leyland [140]; Cuốn
26
"Hiến pháp Đức: Nghiên cứu bối cảnh” (The Constitutional System of Germany: A
Contextual Analysis) của Werner Heun [173]...
1.1.2.2. Nhóm công trình nghiên cứu pháp luật về thiết chế đứng đầu nhà nước
Cuốn "Nghiên cứu so sánh vai trò của nguyên thủ quốc gia trong chính thể
cộng hoà đại nghị và cộng hoà tổng thống” (Comparative Study of the Role of the
Head of State in Parliamentary and Presidential Systems of Government) của Mohd.
Tahir Nasiri [155] nghiên cứu (i) những vấn đề chung và so sánh giữa hai hình thức
chính thể; (ii) nghiên cứu điển hình NTQG ở một số nước theo hai mô hình như Ấn
Độ, Mỹ, Anh...; (iii) từ đó, phân tích, so sánh đánh giá sự khác biệt, tương đồng về
vai trò của NTQG giữa hai mô hình đặt trong mối quan hệ chung với BMNN và với
từng thiết chế khác trong BMNN.
Cuốn “Cộng hoà Tổng thống: Lãnh đạo hành pháp và thảo luận dân chủ”
(The presidential republic: executive representation and deliberative democracy)
của Gary L. Gregg [147] lại nghiên cứu lý thuyết chung về nền cộng hòa tổng
thống, trong đó tập trung phân tích về vai trò đứng đầu và lãnh đạo hành pháp, cũng
như trong việc tăng cường dân chủ của Tổng thống.
Cuốn "Thiết chế Tổng thống Inđônêxia: Thay đổi từ cá nhân đến luật Hiến
pháp” (The Indonesian Presidency: The Shift from Personal Toward Constitutional
Rule) của Angus McIntyre [142] lại nghiên cứu lịch sử lập hiến của nước này, phân
tích nguồn gốc tư tưởng lập hiến từ góc độ chính trị, văn hoá, xã hội tới việc lựa
chọn mô hình cộng hoà tổng thống (từ Sukarno, Soeharto trong HP năm 1945, 1959
đến B.J.Habibie, Abdurrahman Wahid và Megawati Sukarnoputri từ HP năm 1998);
chỉ ra những sự pha trộn, thay đổi trong quy định của các bản HP để hình thành nên
một thiết chế Tổng thống độc đáo của quốc gia này. Nghiên cứu tương tự về NTQG
ở một quốc gia cụ thể còn có: (i) Cuốn “Quyền lực của Tổng thống Pháp ở nền
Cộng hòa thứ năm” (Presidential power in Fifth Republic France) của David S. Bell
[145] nghiên cứu riêng về Tổng thống Pháp trong nền Cộng hoà Pháp đương đại;
trong đó có nghiên cứu, phân tích và so sánh với các nền cộng hoà Pháp trước đó.
(ii) Cuốn “Tổng thống trong hệ thống chính quyền Ấn Độ” (President in Indian
political system) của Rawat [172] lại tập trung nghiên cứu về vị trí, vai trò, chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng thống Ấn Độ.
27
Cuốn: "Tổng thống với Thủ tướng Chính phủ: Có nên bầu cử trực tiếp?”
(Presidents with Prime Ministers: Do Direct Elections Matter?) của Margit Tavits [153]
bàn về cơ chế bầu cử tổng thống trong các chính thể cộng hoà nghị viện, trọng tâm là
sự lựa chọn giữa cơ chế nhân dân bầu trực tiếp tổng thống và nghị viện bầu tổng thống;
qua các nghiên cứu thực nghiệm từ các hệ thống dân chủ trên toàn thế giới, tác giả đưa
ra luận điểm bầu cử trực tiếp tổng thống không mang lại nhiều ưu điểm (cho cả nền
chính trị và riêng cá nhân tổng thống), có thể dẫn tới tranh cãi, không phân cực giới
tinh hoa chính trị hay xã hội, không khắc phục sự thờ ơ chính trị mà còn dẫn tới sự mệt
mỏi của cử tri (giảm 7% tỷ lệ cử tri trong cuộc bầu cử nghị viện); trong khi, bầu gián
tiếp lại củng cố, gia tăng sức mạnh cho tổng thống nhờ sự đồng thuận, sức mạnh thể
chế và thành phần đảng phái của cả quốc hội và chính phủ...
Ngoài ra còn có một số công trình như: Cuốn “Tổng thống, Nghị viện và Hiến
pháp: Thẩm quyền và sự hợp pháp trong đời sống chính trị Mỹ” (The President,
Congress, and the Constitution: power and legitimacy in American politics) của
Christopher H. Pyle, Richard M. Pious [144] bàn về mối quan hệ giữa Tổng thống
Mỹ với Nghị viện và HP. Cuốn “Tổng thống, nhân dân và đảng phái” (The
president, the public, and the parties) của Đại học California [143] đề cập đến những
khía cạnh của tổng thống đặt trong mối quan hệ với nhân dân và các đảng phái chính
trị ở Mỹ. Cuốn “Quyền phủ quyết của Tổng thống" (The Presidential Veto) của R. J.
Spitzer [162] viết riêng về sự phủ quyết của Tổng thống Mỹ. Cuốn "Quyền lực chiến
tranh của Tổng thống” (Presidential War Power) của L. Fisher [151] lại chỉ viết về
thẩm quyền liên quan đến chiến tranh của Tổng thống... Một số bài viết như: “Cơ chế
bầu cử Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ” của Lưu Đức Quang [90]; “Chế định
nguyên thủ quốc gia ở các nhà nước tư sản” của Thái Vĩnh Thắng [114]; "Chế định
tổng thống Hoa kỳ: Hiến pháp và thực tiễn” của Thái Vĩnh Thắng [115]...
1.1.2.3. Đánh giá chung về tình hình nghiên cứu ở nước ngoài
Nhìn chung, tương tự tình hình nghiên cứu trong nước, lịch sử nghiên cứu ở
nước ngoài cũng có nhiều công trình nghiên cứu có nội dung liên quan đến đề tài
Luận án. Mỗi công trình khác nhau về thời điểm, cách thức tiếp cận, đối tượng,
phạm vi, mức độ và mục đích nghiên cứu. Tuy nhiên, có thể thấy (i) chưa có công
trình nghiên cứu nào đề cập trực tiếp, tập trung đến việc hoàn thiện pháp luật về
28
NTQG nói chung và Chủ tịch nước ta nói riêng; (ii) có nhiều công trình nghiên cứu
khá đầy đặn về thiết chế và pháp luật về NTQG ở các nước trên thế giới nhưng chủ
yếu nghiên cứu quy phạm HP hoặc tiếp cận ở góc độ khái quát gắn với tổ chức
QLNN hoặc tổ chức BMNN.
Những công trình nghiên cứu về thiết chế ĐĐNN trong các tác phẩm kinh
điển về nhà nước, pháp luật hoặc nghiên cứu lý thuyết chung về tổ chức QLNN,
hình thức chính thể của các học giả nổi tiếng là cơ sở lý thuyết cũng như thực tiễn
nền tảng cho Luận án. Kết quả nghiên cứu giúp Nghiên cứu sinh nhìn nhận tổng
thể, khái quát nhất về thể chế chính trị, về tổ chức QLNN, về hình thức chính thể và
tổ chức BMNN ở phạm vi thế giới, khu vực, theo chính thể hoặc ở từng quốc gia từ
góc độ lịch sử, lý luận và thực tiễn. Trong đó, những nghiên cứu về quan điểm,
trường phái, mô hình tổ chức BMNN sẽ giúp Nghiên cứu sinh làm rõ hơn cơ sở lý
luận hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước. Nhất là, nghiên cứu về sự ra đời, tồn tại
của thiết chế Chủ tịch nước; luận giải lý do lựa chọn, thay đổi mô hình NTQG và
nguyên lý xác định phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước, khi
đặt trong mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị nói chung và BMNN nói
riêng ở nước ta; nhận diện lý thuyết, giá trị chung của thế giới từ đó đánh giá ưu
điểm, nhược điểm để có những kiến giải hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước. Nội
dung nghiên cứu mang tính lịch sử, hệ thống, có sự so sánh, đối chiếu pháp luật các
nước trên thế giới giúp Nghiên cứu sinh thấy quá trình hiện thực hoá từ lý thuyết
thành nội dung các QPPL của các nước và tổ chức thực hiện chúng trên thực tế; rõ
hơn đặc điểm và nội dung pháp luật NTQG của từng mô hình; ưu điểm, nhược điểm
cũng như địa vị pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn và sự phân công, phối hợp, kiểm soát
của NTQG trong BMNN và với các thiết chế khác trong BMNN. Từ đó, giúp
Nghiên cứu sinh có thêm thông tin thực tiễn để luận giải thêm cho cơ sở lý luận; so
sánh, đánh giá thực trạng pháp luật về Chủ tịch nước đặt trong mối quan hệ với
pháp luật về tổ chức BMNN ở nước ta.
Đặc biệt, các công trình nghiên cứu trực tiếp về chế định ĐĐNN ở các nước
trên thế giới là cơ sở thực tiễn thiết thực, có giá trị tham khảo rất cao cho Luận án.
Không chỉ giúp Nghiên cứu sinh nhìn nhận toàn diện ở phạm vi thế giới về các mô
hình NTQG tiêu biểu; mà còn cho thấy rõ hơn đặc điểm, xu thế của từng mô hình
29
cũng như sự sáng tạo ở mỗi nước. Từ đó, có thể phát hiện, xác định những vấn đề,
giá trị để nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước trong tương lai.
1.2. NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA CẦN TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU
Bên cạnh những kết quả, giá trị của các công trình nghiên cứu ở trong, ngoài
nước có liên quan đến đề tài Luận án đã được Nghiên cứu sinh chỉ ra để học hỏi, kế
thừa, phát huy, tiếp tục phát triển nhằm giải quyết nhiệm vụ nghiên cứu của Luận án
thì lịch sử nghiên cứu cũng như yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn Việt Nam trong giai
đoạn hiện nay đã xuất hiện, đặt ra không ít vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu về thiết
chế ĐĐNN, pháp luật về thiết chế ĐĐNN cũng như đối với xây dựng, hoàn thiện
pháp luật về Chủ tịch nước Việt Nam. Có thể kể đến như:
- Một số vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu về thiết chế ĐĐNN, đó là: (i)
Ở góc độ chính trị - xã hội là những vấn đề như lý giải về xu thế bầu trực tiếp người
ĐĐNN; hay vấn đề phát hiện, đào tạo, quy hoạch, giới thiệu ứng viên tham gia ứng
cử chức danh ĐĐNN trong các tổ chức chính trị ở các quốc gia trên thế giới; mối
liên hệ giữa người đứng đầu tổ chức chính trị với ứng viên tham gia ứng cử chức
danh ĐĐNN. (ii) Ở góc độ kinh tế là vấn đề đánh giá hiệu quả về mặt kinh tế giữa
các mô hình NTQG; là ngân sách dành cho hoạt động của thiết chế... (iii) Ở góc độ
khoa học tổ chức nhà nước là vấn đề tại sao mô hình cộng hoà tổng thống trên thế
giới là phổ biến hơn và lý giải xu thế chuyển đổi sang mô hình này ở một số nước
trên thế giới. (iv) Ở các góc độ khác như vấn đề truyền thông, quảng bá, giữ gìn,
bảo vệ hình ảnh NTQG gắn với hình ảnh nhà nước, dân tộc; vấn đề chuẩn mực đạo
đức, lối sống của người ĐĐNN và gia đình của họ; v.v.
- Một số vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu đối với pháp luật về thiết chế
ĐĐNN, đó là: (i) Lịch sử hình thành, phát triển pháp luật ở phạm vi toàn thế giới
cũng như ở các nước trên thế giới; (ii) So sánh sự khác biệt, sự ảnh hưởng và xu thế
giao thoa giữa các trường phái, hệ thống pháp luật lớn trên thế giới khi quy định về
thiết chế ĐĐNN; (iii) Mối quan hệ giữa pháp luật về ĐĐNN với quy phạm đạo đức,
tôn giáo; (iv) Nghiên cứu quy định pháp luật về hình thành chức vụ ĐĐNN như kế
vị, bầu cử trực tiếp, gián tiếp; về điều kiện, quy trình, thủ tục có liên quan...; (v)
Quy định của pháp luật về mức lương, thu nhập đối với chức danh ĐĐNN; chế độ
về đi lại, nhà ở; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ và phục vụ; v.v..
30
Như vậy, còn nhiều vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu, nhưng Luận án
“Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước” sẽ chỉ tập trung
nghiên cứu làm rõ một số vấn đề nhất định gắn với mục đích, nhiệm vụ, đối tượng,
phạm vi nghiên cứu của Đề tài. Đây chính là cơ sở lý thuyết, câu hỏi nghiên cứu và
giả thuyết nghiên cứu của Đề tài, cụ thể:
- Về mặt lý luận: Luận án sẽ phải làm sáng tỏ hơn cơ sở lý luận của việc
hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước thông qua việc trả lời một số cầu hỏi, vấn đề
nghiên cứu gồm:
+ Chủ tịch nước là gì; có đặc điểm gì so với các thiết chế khác trong BMNN
và so với NTQG các nước khác; tại sao các quan hệ liên quan đến Chủ tịch nước lại
cần phải điều chỉnh bằng pháp luật? Nội dung nghiên cứu này là cần thiết, không
chỉ cho thấy Luận án nghiên cứu cái gì và tại sao phải nghiên cứu mà còn là cơ sở
nền tảng để đưa ra khái niệm pháp luật về Chủ tịch nước cũng như đặc điểm, vai
trò, nội dung và hình thức pháp luật về Chủ tịch nước. Nhiệm vụ của Luận án là
thông qua nghiên cứu về mặt học thuật cũng như hệ thống hoá và phân tích, bình
luận các quan điểm, quan niệm, khái niệm khác nhau về Chủ tịch nước, các khái
niệm liên quan của các tác giả để đưa ra cách hiểu chính thức, thống nhất về khái
niệm Chủ tịch nước. Đồng thời, chỉ ra những đặc điểm cơ bản, mang tính điển hình
của Chủ tịch nước. Làm rõ những vấn đề trên, Luận án sẽ giải quyết được một số
vấn đề còn tồn tại hiện nay như: (i) tại sao trong BMNN lại cần phải có thiết chế
ĐĐNN; (ii) tại sao ở Việt Nam lại sử dụng thuật ngữ "Chủ tịch nước” trong khi các
nước khác lại có các tên gọi khác; (ii) tại sao còn những khái niệm, quan điểm khau
nhau về Chủ tịch nước (là một chức vụ nhà nước, là người đứng đầu nhà nước, là
một thiết chế trong BMNN); (iii) tại sao Chủ tịch nước là người ĐNNN mà còn
được gọi là NTQG; (iv) tại sao Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước thường cá nhân;
chức vụ Phó Chủ tịch nước chỉ có một; (v) có những mô hình NTQG nào, với đặc
điểm gì và cơ sở, nguyên lý nào để các nước lựa chọn mô hình...?
+ Khái niệm pháp luật về Chủ tịch nước? Pháp luật về Chủ tịch nước có đặc
trưng gì về nội dung, hình thức so với pháp luật về các thiết chế khác trong BMNN
cũng như so với pháp luật về NTQG ở các nước trên thế giới? Pháp luật về Chủ tịch
nước có vị trí, vai trò như thế nào đối với tổ chức, hoạt động của Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước
Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước

More Related Content

What's hot

Lịch Sử Nhà Nước Và Pháp Luật Thế Giới
Lịch Sử Nhà Nước Và Pháp Luật Thế Giới Lịch Sử Nhà Nước Và Pháp Luật Thế Giới
Lịch Sử Nhà Nước Và Pháp Luật Thế Giới nataliej4
 
TS. BÙI QUANG XUÂN QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂN
TS. BÙI QUANG XUÂN      QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂNTS. BÙI QUANG XUÂN      QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂN
TS. BÙI QUANG XUÂN QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂNBùi Quang Xuân
 
Câu hỏi và đáp án kiểm tra môn luật hành chính
Câu hỏi và đáp án kiểm tra môn luật hành chínhCâu hỏi và đáp án kiểm tra môn luật hành chính
Câu hỏi và đáp án kiểm tra môn luật hành chínhHọc Huỳnh Bá
 

What's hot (20)

Lịch Sử Nhà Nước Và Pháp Luật Thế Giới
Lịch Sử Nhà Nước Và Pháp Luật Thế Giới Lịch Sử Nhà Nước Và Pháp Luật Thế Giới
Lịch Sử Nhà Nước Và Pháp Luật Thế Giới
 
Luận văn: Bảo đảm quyền con người trong Hiến pháp Việt Nam, 9đ
Luận văn: Bảo đảm quyền con người trong Hiến pháp Việt Nam, 9đLuận văn: Bảo đảm quyền con người trong Hiến pháp Việt Nam, 9đ
Luận văn: Bảo đảm quyền con người trong Hiến pháp Việt Nam, 9đ
 
TS. BÙI QUANG XUÂN QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂN
TS. BÙI QUANG XUÂN      QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂNTS. BÙI QUANG XUÂN      QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂN
TS. BÙI QUANG XUÂN QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂN
 
Luận văn: Văn hóa pháp luật trong các cơ quan hành chính Việt Nam
Luận văn: Văn hóa pháp luật trong các cơ quan hành chính Việt Nam Luận văn: Văn hóa pháp luật trong các cơ quan hành chính Việt Nam
Luận văn: Văn hóa pháp luật trong các cơ quan hành chính Việt Nam
 
Luận văn: Tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh, HAY
Luận văn: Tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh, HAYLuận văn: Tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh, HAY
Luận văn: Tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh, HAY
 
Luận văn: Chế độ bầu cử ở nước ta - vấn đề lý luận và thực tiễn
Luận văn: Chế độ bầu cử ở nước ta - vấn đề lý luận và thực tiễnLuận văn: Chế độ bầu cử ở nước ta - vấn đề lý luận và thực tiễn
Luận văn: Chế độ bầu cử ở nước ta - vấn đề lý luận và thực tiễn
 
Luận Văn Quyền Tự Do Ngôn Luận Trên Mạng Xã Hội
Luận Văn Quyền Tự Do Ngôn Luận Trên Mạng Xã HộiLuận Văn Quyền Tự Do Ngôn Luận Trên Mạng Xã Hội
Luận Văn Quyền Tự Do Ngôn Luận Trên Mạng Xã Hội
 
Luận văn: Hoàn thiện quy định của pháp luật về phiên tòa sơ thẩm
Luận văn: Hoàn thiện quy định của pháp luật về phiên tòa sơ thẩmLuận văn: Hoàn thiện quy định của pháp luật về phiên tòa sơ thẩm
Luận văn: Hoàn thiện quy định của pháp luật về phiên tòa sơ thẩm
 
Báo cáo thực tập ủy ban nhân dân huyện Như Xuân - TẢI FREE ZALO: 0934 573 149
Báo cáo thực tập ủy ban nhân dân huyện Như Xuân - TẢI FREE ZALO: 0934 573 149Báo cáo thực tập ủy ban nhân dân huyện Như Xuân - TẢI FREE ZALO: 0934 573 149
Báo cáo thực tập ủy ban nhân dân huyện Như Xuân - TẢI FREE ZALO: 0934 573 149
 
Luận văn: Quản lý đối với người không quốc tịch ở Việt Nam, HAY
Luận văn: Quản lý đối với người không quốc tịch ở Việt Nam, HAYLuận văn: Quản lý đối với người không quốc tịch ở Việt Nam, HAY
Luận văn: Quản lý đối với người không quốc tịch ở Việt Nam, HAY
 
Luận văn: Vấn đề ô nhiễm không khí xuyên biên giới theo luật quốc tế
Luận văn: Vấn đề ô nhiễm không khí xuyên biên giới theo luật quốc tếLuận văn: Vấn đề ô nhiễm không khí xuyên biên giới theo luật quốc tế
Luận văn: Vấn đề ô nhiễm không khí xuyên biên giới theo luật quốc tế
 
Đề tài: Vai trò của ý thức pháp luật với việc thực hiện pháp luật
Đề tài: Vai trò của ý thức pháp luật với việc thực hiện pháp luậtĐề tài: Vai trò của ý thức pháp luật với việc thực hiện pháp luật
Đề tài: Vai trò của ý thức pháp luật với việc thực hiện pháp luật
 
Luận văn: Vấn đề giáo dục ý thức pháp luật cho sinh viên, HOT
Luận văn: Vấn đề giáo dục ý thức pháp luật cho sinh viên, HOTLuận văn: Vấn đề giáo dục ý thức pháp luật cho sinh viên, HOT
Luận văn: Vấn đề giáo dục ý thức pháp luật cho sinh viên, HOT
 
Luận văn: Bảo hiểm thất nghiệp theo pháp luật Việt Nam, HAY
Luận văn: Bảo hiểm thất nghiệp theo pháp luật Việt Nam, HAYLuận văn: Bảo hiểm thất nghiệp theo pháp luật Việt Nam, HAY
Luận văn: Bảo hiểm thất nghiệp theo pháp luật Việt Nam, HAY
 
Luận văn: Pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình tại Đà Nẵng
Luận văn: Pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình tại Đà NẵngLuận văn: Pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình tại Đà Nẵng
Luận văn: Pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình tại Đà Nẵng
 
Luận văn: Bảo hộ quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số, 9đ
Luận văn: Bảo hộ quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số, 9đLuận văn: Bảo hộ quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số, 9đ
Luận văn: Bảo hộ quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số, 9đ
 
Báo Cáo Thực Tập Tại Tư Pháp - Hộ Tịch Tại Ubnd PhườngXã.docx
Báo Cáo Thực Tập Tại Tư Pháp - Hộ Tịch Tại Ubnd PhườngXã.docxBáo Cáo Thực Tập Tại Tư Pháp - Hộ Tịch Tại Ubnd PhườngXã.docx
Báo Cáo Thực Tập Tại Tư Pháp - Hộ Tịch Tại Ubnd PhườngXã.docx
 
Câu hỏi và đáp án kiểm tra môn luật hành chính
Câu hỏi và đáp án kiểm tra môn luật hành chínhCâu hỏi và đáp án kiểm tra môn luật hành chính
Câu hỏi và đáp án kiểm tra môn luật hành chính
 
Luận văn: Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, HOT
Luận văn: Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, HOTLuận văn: Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, HOT
Luận văn: Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, HOT
 
Đề tài: Bảo vệ quyền nhân thân bằng pháp luật dân sự về báo chí
Đề tài: Bảo vệ quyền nhân thân bằng pháp luật dân sự về báo chíĐề tài: Bảo vệ quyền nhân thân bằng pháp luật dân sự về báo chí
Đề tài: Bảo vệ quyền nhân thân bằng pháp luật dân sự về báo chí
 

Similar to Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước

Công tác kiểm tra, giám sát của đảng trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp q...
Công tác kiểm tra, giám sát của đảng trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp q...Công tác kiểm tra, giám sát của đảng trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp q...
Công tác kiểm tra, giám sát của đảng trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp q...jackjohn45
 
TS. BÙI QUANG XUÂN . HỆ THỐNG ÔN TÂP MÔN LUẬT HIẾN PHÁP ...
TS. BÙI QUANG XUÂN .   HỆ THỐNG ÔN TÂP MÔN LUẬT HIẾN PHÁP                    ...TS. BÙI QUANG XUÂN .   HỆ THỐNG ÔN TÂP MÔN LUẬT HIẾN PHÁP                    ...
TS. BÙI QUANG XUÂN . HỆ THỐNG ÔN TÂP MÔN LUẬT HIẾN PHÁP ...Bùi Quang Xuân
 
Tòa án trong nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam
Tòa án trong nhà nước pháp quyền XHCN Việt NamTòa án trong nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam
Tòa án trong nhà nước pháp quyền XHCN Việt Namhieu anh
 
Sự tham gia của nhân dân vào Quy trình Lập hiến
Sự tham gia của nhân dân vào Quy trình Lập hiếnSự tham gia của nhân dân vào Quy trình Lập hiến
Sự tham gia của nhân dân vào Quy trình Lập hiếnSỨC KHỎE VÀ CUỘC SỐNG
 
Tư tưởng hcm về xây dựng nhà nước
Tư tưởng hcm về xây dựng nhà nướcTư tưởng hcm về xây dựng nhà nước
Tư tưởng hcm về xây dựng nhà nướcThunder Bolt
 
Luận văn: Thi hành án dân sự, từ thực tiễn Chi cục Thi hành án dân sự
Luận văn: Thi hành án dân sự, từ thực tiễn Chi cục Thi hành án dân sựLuận văn: Thi hành án dân sự, từ thực tiễn Chi cục Thi hành án dân sự
Luận văn: Thi hành án dân sự, từ thực tiễn Chi cục Thi hành án dân sựDịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
BÀI MẪU tiểu luận Chủ nghĩa hiến pháp và vấn đề bảo vệ quyền con người
BÀI MẪU tiểu luận Chủ nghĩa hiến pháp và vấn đề bảo vệ quyền con ngườiBÀI MẪU tiểu luận Chủ nghĩa hiến pháp và vấn đề bảo vệ quyền con người
BÀI MẪU tiểu luận Chủ nghĩa hiến pháp và vấn đề bảo vệ quyền con ngườiViết thuê báo cáo thực tập giá rẻ
 
Hien phap ch xhcnvn 2014
Hien phap ch xhcnvn 2014Hien phap ch xhcnvn 2014
Hien phap ch xhcnvn 2014connhim2008
 

Similar to Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước (20)

Đề tài: Hình thức chính thể Việt Nam qua các bản Hiến pháp, HOT
Đề tài: Hình thức chính thể Việt Nam qua các bản Hiến pháp, HOTĐề tài: Hình thức chính thể Việt Nam qua các bản Hiến pháp, HOT
Đề tài: Hình thức chính thể Việt Nam qua các bản Hiến pháp, HOT
 
Công tác kiểm tra, giám sát của đảng trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp q...
Công tác kiểm tra, giám sát của đảng trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp q...Công tác kiểm tra, giám sát của đảng trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp q...
Công tác kiểm tra, giám sát của đảng trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp q...
 
Chế độ dân chủ đại diện trong xây dựng Nhà nước pháp quyền, HAY
Chế độ dân chủ đại diện trong xây dựng Nhà nước pháp quyền, HAYChế độ dân chủ đại diện trong xây dựng Nhà nước pháp quyền, HAY
Chế độ dân chủ đại diện trong xây dựng Nhà nước pháp quyền, HAY
 
Đề tài: Đặc điểm của pháp luật trong nhà nước pháp quyền, HAY
Đề tài: Đặc điểm của pháp luật trong nhà nước pháp quyền, HAYĐề tài: Đặc điểm của pháp luật trong nhà nước pháp quyền, HAY
Đề tài: Đặc điểm của pháp luật trong nhà nước pháp quyền, HAY
 
TS. BÙI QUANG XUÂN . HỆ THỐNG ÔN TÂP MÔN LUẬT HIẾN PHÁP ...
TS. BÙI QUANG XUÂN .   HỆ THỐNG ÔN TÂP MÔN LUẬT HIẾN PHÁP                    ...TS. BÙI QUANG XUÂN .   HỆ THỐNG ÔN TÂP MÔN LUẬT HIẾN PHÁP                    ...
TS. BÙI QUANG XUÂN . HỆ THỐNG ÔN TÂP MÔN LUẬT HIẾN PHÁP ...
 
Đề tài: Pháp luật về tổ chức Hội đồng nhân dân ở Việt Nam, HOT
Đề tài: Pháp luật về tổ chức Hội đồng nhân dân ở Việt Nam, HOTĐề tài: Pháp luật về tổ chức Hội đồng nhân dân ở Việt Nam, HOT
Đề tài: Pháp luật về tổ chức Hội đồng nhân dân ở Việt Nam, HOT
 
Đề tài: Tòa án trong nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, HAY
Đề tài: Tòa án trong nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, HAYĐề tài: Tòa án trong nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, HAY
Đề tài: Tòa án trong nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, HAY
 
Tòa án trong nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam
Tòa án trong nhà nước pháp quyền XHCN Việt NamTòa án trong nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam
Tòa án trong nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam
 
Sự tham gia của nhân dân vào Quy trình Lập hiến
Sự tham gia của nhân dân vào Quy trình Lập hiếnSự tham gia của nhân dân vào Quy trình Lập hiến
Sự tham gia của nhân dân vào Quy trình Lập hiến
 
Tư tưởng hcm về xây dựng nhà nước
Tư tưởng hcm về xây dựng nhà nướcTư tưởng hcm về xây dựng nhà nước
Tư tưởng hcm về xây dựng nhà nước
 
Luận án: Bảo hiến trong Nhà nước pháp quyền, HAY
Luận án: Bảo hiến trong Nhà nước pháp quyền, HAYLuận án: Bảo hiến trong Nhà nước pháp quyền, HAY
Luận án: Bảo hiến trong Nhà nước pháp quyền, HAY
 
Tính đại diện của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước XHCN
Tính đại diện của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước XHCNTính đại diện của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước XHCN
Tính đại diện của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước XHCN
 
Luận văn: Một số vấn đề lý luận cơ bản về nhà nước pháp quyền
Luận văn: Một số vấn đề lý luận cơ bản về nhà nước pháp quyềnLuận văn: Một số vấn đề lý luận cơ bản về nhà nước pháp quyền
Luận văn: Một số vấn đề lý luận cơ bản về nhà nước pháp quyền
 
Luận văn: Thi hành án dân sự, từ thực tiễn Chi cục Thi hành án dân sự
Luận văn: Thi hành án dân sự, từ thực tiễn Chi cục Thi hành án dân sựLuận văn: Thi hành án dân sự, từ thực tiễn Chi cục Thi hành án dân sự
Luận văn: Thi hành án dân sự, từ thực tiễn Chi cục Thi hành án dân sự
 
Luận văn: Pháp luật quốc tế, Việt Nam về trợ giúp pháp lí, HAY
Luận văn: Pháp luật quốc tế, Việt Nam về trợ giúp pháp lí, HAYLuận văn: Pháp luật quốc tế, Việt Nam về trợ giúp pháp lí, HAY
Luận văn: Pháp luật quốc tế, Việt Nam về trợ giúp pháp lí, HAY
 
BÀI MẪU tiểu luận Chủ nghĩa hiến pháp và vấn đề bảo vệ quyền con người
BÀI MẪU tiểu luận Chủ nghĩa hiến pháp và vấn đề bảo vệ quyền con ngườiBÀI MẪU tiểu luận Chủ nghĩa hiến pháp và vấn đề bảo vệ quyền con người
BÀI MẪU tiểu luận Chủ nghĩa hiến pháp và vấn đề bảo vệ quyền con người
 
BÀI MẪU Tiểu luận Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền, HAY
BÀI MẪU Tiểu luận Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền, HAYBÀI MẪU Tiểu luận Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền, HAY
BÀI MẪU Tiểu luận Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền, HAY
 
Hien phap ch xhcnvn 2014
Hien phap ch xhcnvn 2014Hien phap ch xhcnvn 2014
Hien phap ch xhcnvn 2014
 
Luận án: Tư tưởng pháp quyền Hồ Chí Minh, HOT, 9đ - Gửi miễn phí qua zalo=> ...
Luận án: Tư tưởng pháp quyền Hồ Chí Minh, HOT, 9đ  - Gửi miễn phí qua zalo=> ...Luận án: Tư tưởng pháp quyền Hồ Chí Minh, HOT, 9đ  - Gửi miễn phí qua zalo=> ...
Luận án: Tư tưởng pháp quyền Hồ Chí Minh, HOT, 9đ - Gửi miễn phí qua zalo=> ...
 
Luận án: Tư tưởng pháp quyền Hồ Chí Minh, HAY
Luận án: Tư tưởng pháp quyền Hồ Chí Minh, HAYLuận án: Tư tưởng pháp quyền Hồ Chí Minh, HAY
Luận án: Tư tưởng pháp quyền Hồ Chí Minh, HAY
 

More from Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864

Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...
Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...
Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...
Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...
Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...
Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...
Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...
Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...
Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Tạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.doc
Tạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.docTạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.doc
Tạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.docDịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 

More from Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864 (20)

Yếu Tố Tự Truyện Trong Truyện Ngắn Thạch Lam Và Thanh Tịnh.doc
Yếu Tố Tự Truyện Trong Truyện Ngắn Thạch Lam Và Thanh Tịnh.docYếu Tố Tự Truyện Trong Truyện Ngắn Thạch Lam Và Thanh Tịnh.doc
Yếu Tố Tự Truyện Trong Truyện Ngắn Thạch Lam Và Thanh Tịnh.doc
 
Từ Ngữ Biểu Thị Tâm Lí – Tình Cảm Trong Ca Dao Người Việt.doc
Từ Ngữ Biểu Thị Tâm Lí – Tình Cảm Trong Ca Dao Người Việt.docTừ Ngữ Biểu Thị Tâm Lí – Tình Cảm Trong Ca Dao Người Việt.doc
Từ Ngữ Biểu Thị Tâm Lí – Tình Cảm Trong Ca Dao Người Việt.doc
 
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...
 
Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...
Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...
Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...
 
Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...
Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...
Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...
 
Vaporisation Of Single And Binary Component Droplets In Heated Flowing Gas St...
Vaporisation Of Single And Binary Component Droplets In Heated Flowing Gas St...Vaporisation Of Single And Binary Component Droplets In Heated Flowing Gas St...
Vaporisation Of Single And Binary Component Droplets In Heated Flowing Gas St...
 
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...
 
Tác Giả Hàm Ẩn Trong Tiểu Thuyết Nguyễn Việt Hà.doc
Tác Giả Hàm Ẩn Trong Tiểu Thuyết Nguyễn Việt Hà.docTác Giả Hàm Ẩn Trong Tiểu Thuyết Nguyễn Việt Hà.doc
Tác Giả Hàm Ẩn Trong Tiểu Thuyết Nguyễn Việt Hà.doc
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...
 
Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...
Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...
Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...
 
Song Song Hóa Các Thuật Toán Trên Mạng Đồ Thị.doc
Song Song Hóa Các Thuật Toán Trên Mạng Đồ Thị.docSong Song Hóa Các Thuật Toán Trên Mạng Đồ Thị.doc
Song Song Hóa Các Thuật Toán Trên Mạng Đồ Thị.doc
 
Ứng Dụng Số Phức Trong Các Bài Toán Sơ Cấp.doc
Ứng Dụng Số Phức Trong Các Bài Toán Sơ Cấp.docỨng Dụng Số Phức Trong Các Bài Toán Sơ Cấp.doc
Ứng Dụng Số Phức Trong Các Bài Toán Sơ Cấp.doc
 
Vai Trò Của Cái Bi Trong Giáo Dục Thẩm Mỹ.doc
Vai Trò Của Cái Bi Trong Giáo Dục Thẩm Mỹ.docVai Trò Của Cái Bi Trong Giáo Dục Thẩm Mỹ.doc
Vai Trò Của Cái Bi Trong Giáo Dục Thẩm Mỹ.doc
 
Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...
Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...
Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...
 
Thu Hút Vốn Đầu Tư Vào Lĩnh Vực Nông Nghiệp Trên Địa Bàn Tỉnh Gia Lai.doc
Thu Hút Vốn Đầu Tư Vào Lĩnh Vực Nông Nghiệp Trên Địa Bàn Tỉnh Gia Lai.docThu Hút Vốn Đầu Tư Vào Lĩnh Vực Nông Nghiệp Trên Địa Bàn Tỉnh Gia Lai.doc
Thu Hút Vốn Đầu Tư Vào Lĩnh Vực Nông Nghiệp Trên Địa Bàn Tỉnh Gia Lai.doc
 
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...
 
Tạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.doc
Tạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.docTạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.doc
Tạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.doc
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...
 

Recently uploaded

30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................TrnHoa46
 
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfBỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfNguyen Thanh Tu Collection
 
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢI
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢIPHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢI
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢImyvh40253
 
CD21 Exercise 2.1 KEY.docx tieng anh cho
CD21 Exercise 2.1 KEY.docx tieng anh choCD21 Exercise 2.1 KEY.docx tieng anh cho
CD21 Exercise 2.1 KEY.docx tieng anh chonamc250
 
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIĐiện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng ĐồngGiới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng ĐồngYhoccongdong.com
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoámyvh40253
 
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdfTrnHoa46
 
Nhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptx
Nhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptxNhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptx
Nhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptxhoangvubaongoc112011
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...Nguyen Thanh Tu Collection
 
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhhkinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhhdtlnnm
 
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docxTHAO316680
 
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfCampbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfTrnHoa46
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...hoangtuansinh1
 

Recently uploaded (20)

30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................
 
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfBỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
 
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢI
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢIPHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢI
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢI
 
CD21 Exercise 2.1 KEY.docx tieng anh cho
CD21 Exercise 2.1 KEY.docx tieng anh choCD21 Exercise 2.1 KEY.docx tieng anh cho
CD21 Exercise 2.1 KEY.docx tieng anh cho
 
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
 
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
 
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng ĐồngGiới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
 
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
 
Nhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptx
Nhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptxNhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptx
Nhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptx
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
 
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhhkinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
 
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
 
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
 
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfCampbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
 

Luận án: Lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước

  • 1. HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH ĐỖ TIẾN DŨNG CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ CHỦ TỊCH NƯỚC LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHUYÊNNGÀNH:LÝLUẬNVÀLỊCHSỬNHÀNƯỚCVÀPHÁPLUẬT HÀ NỘI - 2018
  • 2. HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH ĐỖ TIẾN DŨNG CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ CHỦ TỊCH NƯỚC LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHUYÊNNGÀNH:LÝLUẬNVÀLỊCHSỬNHÀNƯỚCVÀPHÁPLUẬT Mã số: 62 38 01 01 NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS. NGUYỄN VĂN MẠNH HÀ NỘI - 2018
  • 3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong Luận án là trung thực, có nguồn gốc rõ ràng và được trích dẫn đầy đủ theo quy định. Tác giả Đỗ Tiến Dũng
  • 4. MỤC LỤC Trang MỞ ĐẦU 1 Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA CẦN TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU 10 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án 10 1.2. Những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu 29 Chương 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ CHỦ TỊCH NƯỚC 34 2.1. Khái niệm, đặc điểm, vai trò của pháp luật về Chủ tịch nước 34 2.2. Nội dung, hình thức pháp luật về Chủ tịch nước 47 2.3. Tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước 52 2.4. Yếu tố ảnh hưởng và điều kiện bảo đảm hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước 57 2.5. Mô hình, pháp luật một số nước trên thế giới và những giá trị, kinh nghiệm có thể tham khảo cho Việt Nam 63 Chương 3: QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN VÀ THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ CHỦ TỊCH NƯỚC 70 3.1. Quá trình hình thành, phát triển của pháp luật về Chủ tịch nước 70 3.2. Thực trạng pháp luật về Chủ tịch nước 88 Chương 4: QUAN ĐIỂM, GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ CHỦ TỊCH NƯỚC 118 4.1. Quan điểm hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước 118 4.2. Giải pháp hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 124 4.3. Giải pháp tiếp tục hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước khi có điều kiện sửa đổi Hiến pháp năm 2013 139 KẾT LUẬN 149 DANH MỤC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 151 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 152 PHỤ LỤC 168
  • 5. DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT TRONG LUẬN ÁN BMNN Bộ máy nhà nước CNXH Chủ nghĩa xã hội ĐĐNN Đứng đầu nhà nước ĐƯQT Điều ước quốc tế HĐNN Hội đồng Nhà nước HP Hiến pháp NNPQ Nhà nước pháp quyến NTQG Nguyên thủ quốc gia QLNN Quyền lực nhà nước QP&AN Quốc phòng và an ninh QPPL Quy phạm pháp luật TANDTC Toà án nhân dân tối cao TTg Thủ tướng Chính phủ UBTVQH Ủy ban Thường vụ Quốc hội VKSNDTC Viện Kiểm sát nhân dân tối cao XHCN Xã hội chủ nghĩa
  • 6. DANH MỤC CÁC BIỂU ĐỒ Trang Biểu đồ 3.1: Mức độ quan tâm của người dân tới Chủ tịch nước 96 Biểu đồ 3.2: Mức độ đánh giá của người dân về hoạt động của Chủ tịch nước 96 Biểu đồ 3.3: Đánh giá về hoạt động đối ngoại của Chủ tịch nước 107 Biểu đồ 4.1: Nhu cầu cần cụ thể hóa vai trò của Chủ tịch nước khi tham gia phiên họp Chính phủ 131 Biểu đồ 4.2: Mức độ cần thiết phải quy định "Hằng năm, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phải báo cáo công tác trước Chủ tịch nước 132 Biểu đồ 4.3: Khảo sát về nhu cầu ban hành luật riêng về Chủ tịch nước 137 DANH MỤC CÁC SƠ ĐỒ Trang Sơ đồ 3.1: Chủ tịch nước trong bộ máy nhà nước theo Hiến pháp năm 1946 72 Sơ đồ 3.2: Chủ tịch nước trong bộ máy nhà nước theo Hiến pháp năm 1959 74 Sơ đồ 3.3: Hội đồng Nhà nước trong bộ máy nhànước theo Hiến pháp năm 1980 77 Sơ đồ 3.4: Chủ tịch nước trong bộ máy nhà nước theo Hiến pháp năm 1992 80 Sơ đồ 3.5: Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước trong đối nội 90 Sơ đồ 3.6: Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước trong đối ngoại 91 Sơ đồ 3.7: Chủ tịch nước trong bộ máy nhà nước theo Hiến pháp năm 2013 92 Sơ đồ 4.1: Cấu trúc bộ máy thiết chế Chủ tịch nước 135
  • 7. 1 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Về mặt lý luận: Trong bộ máy tổ chức các quốc gia đều có thiết chế đứng đầu nhà nước (ĐĐNN) hay còn gọi là nguyên thủ quốc gia (NTQG). Dù có thể giữa các nước có sự khác nhau về tên gọi và tổ chức, hoạt động nhưng thiết chế ĐĐNN luôn có vị trí, vai trò hết sức đặc biệt và quan trọng, không chỉ đối với Nhà nước mà còn đối với cả đất nước và Nhân dân. Vì vậy, thiết chế này là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học, trong đó khoa học pháp lý; đồng thời, nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện pháp luật về thiết chế này là yêu cầu, nhu cầu tất yếu, khách quan đối với các nước trên thế giới. Nghiên cứu thế giới tự nhiên, lịch sử xã hội loài người cho thấy, trong bất kỳ tổ chức tự nhiên hay tổ chức xã hội nào đều luôn tồn tại vị trí và chủ thể đứng đầu. Trong tổ chức tự nhiên, đó là cá thể đầu đàn, được hình thành nhờ sức mạnh, sự khôn ngoan và kinh nghiệm sinh tồn; có vai trò, trách nhiệm duy trì sự tồn tại, gắn kết, dẫn dắt hoạt động sống của cả đàn và chiến đấu bảo vệ lãnh địa của đàn. Quy luật, vị trí tự nhiên đó tiếp tục tồn tại, được duy trì và phát triển trong lịch sử tiến hoá của loài người để hình thành nên vị trí, vai trò của người đứng đầu các tổ chức do con người lập ra, kể cả nhà nước. Về điều này, Ăngghen có viết, đứng đầu thị tộc là các Hội đồng (boule), lúc đầu, có lẽ nó gồm tất cả các trưởng thị tộc; về sau, khi có quá nhiều trưởng thị tộc, thì là một số người được bầu ra trong số họ. Khi nhà nước xuất hiện, Hội đồng này biến thành Viện Nguyên lão [44] và theo thời gian, Viện Nguyên lão nhận ra một nhu cầu tất yếu là cần phải có một người lãnh đạo duy nhất, vì vậy họ đã bầu ra Vua và giao cho ông quyền lực tối cao [138]. Cùng với quá trình phát triển của nhân loại qua các hình thái kinh tế - xã hội, trong cơ cấu bộ máy nhà nước (BMNN) các quốc gia đều đã hình thành chức vụ/thiết chế ĐĐNN hay còn gọi là NTQG. Mặc dù, ở mỗi nước, NTQG có các tên gọi khác nhau như Chủ tịch nước, Vua, Nữ hoàng, Quốc vương, Đại diện toàn quyền, Tổng thống, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (HĐNN),… nhưng luôn có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với nhà nước, với xã hội và với nhân dân. Người nắm giữ chức vụ này không chỉ là ĐĐNN, đại diện cao nhất cho quốc gia trong đối nội, đối ngoại cấp nhà nước, cấp quốc gia - là chủ thể trong pháp luật quốc tế; mà còn là biểu tượng cho sự trường tồn của dân tộc, là lãnh tụ tinh thần tối cao nhằm duy trì ổn định chính trị, phát huy khối đại đoàn kết và sức mạnh toàn dân tộc.
  • 8. 2 Với vị trí, vai trò quan trọng như vậy, NTQG ở các nước nói chung, Chủ tịch nước ở Việt Nam nói riêng đã trở thành đối tượng, chủ đề nghiên cứu của nhiều nhà khoa học thuộc các ngành, lĩnh vực khác nhau; trong đó, có khoa học pháp lý. Nghiên cứu pháp luật về thiết chế này đã trở thành vấn đề, nhiệm vụ quan trọng, tất yếu của nhiều quốc gia trên thế giới; không chỉ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia nhằm xác lập hành pháp lý cho NTQG hình thành, tổ chức và hoạt động; mà còn là cơ sở nền tảng cho việc đổi mới thể chế chính trị, hoàn thiện cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của nhà nước. Việc Nghiên cứu sinh lựa chọn đề tài “Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước” cho Luận án cũng xuất phát và nhằm phát huy hơn nữa vị trí, vai trò của Chủ tịch nước. Về mặt thực tiễn: Trải qua 70 năm ra đời, phát triển của Nhà nước ta thì pháp luật về Chủ tịch nước đã dần hoàn thiện hơn; từng bước xác lập địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước để khẳng định, phát huy vị trí, vai trò của người ĐĐNN, thay mặt cho Nước Việt Nam trong trong đối nội, đối ngoại. Qua đó, góp phần quan trọng giúp Chủ tịch nước cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới; quan tâm giải quyết có hiệu quả những vấn đề quốc kế dân sinh, những vấn đề bức xúc trong xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; thúc đẩy quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, nâng cao vị thế của nước ta trong khu vực và trên trường quốc tế, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước [10]. Tuy nhiên, cùng với mặt ưu điểm, thành công thì thực tế cũng đã cho thấy không ít hạn chế, bất cập và đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi cần phải đổi mới đối với tổ chức BMNN nói chung và đối với Chủ tịch nước nói riêng. Nhất là khi, Việt Nam quyết tâm xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) và đang trong thời kỳ đầu của giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) nên còn “nhiều vấn đề về nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng cầm quyền, về tổ chức và hoạt động của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, về quyền làm chủ của nhân dân còn chưa được làm sáng tỏ” [33]. Trong nhiều nguyên nhân của những hạn chế, bất cập thì nguyên nhân chủ yếu nhất là pháp luật về Chủ tịch nước còn chưa hoàn thiện. Nổi lên một số vấn đề lớn đó là:
  • 9. 3 - Xét trong suốt lịch sử hình thành, phát triển pháp luật về Chủ tịch nước là hạn chế về tính ổn định. Trải qua hơn 70 năm hình thành và phát triển, qua 8 lần lập hiến, nhìn chung, vấn đề đổi mới tổ chức BMNN nói chung và thiết chế ĐĐNN nói riêng luôn được đặt ra và có sự thay đổi khá thường xuyên trên thực tế, nhất là giai đoạn trước Hiến pháp năm 1992. Trong 5 phiên bản Hiến pháp (HP) được ban hành vào các năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013 thì có đến 3 lần dẫn đến sự thay đổi khá cơ bản về thiết chế ĐĐNN, cả về tên gọi, cấu trúc tổ chức và thẩm quyền. Theo HP năm 1946, BMNN “có nhiều đặc điểm của chế độ lưỡng tính cộng hòa” [14, tr.170], [18], tức là, kết hợp giữa cộng hòa nghị viện (đại nghị) với cộng hòa tổng thống [109]; theo đó, thiết chế ĐĐNN là cá nhân, có tên gọi là Chủ tịch nước, rất thực quyền, đồng thời đứng đầu Chính phủ. Đến HP năm 1959, BMNN ta có sự tương đồng với mô hình cộng hòa đại nghị [121]; theo đó, Chủ tịch nước có vị trí khá độc lập trong BMNN, mang tính biểu tượng do không còn đồng thời đứng đầu hành pháp. HP năm 1980 lại có sự thay đổi, do ảnh hưởng từ mô hình Cộng hòa Xô Viết [41], HĐNN vừa là Chủ tịch tập thể của Nước, vừa là cơ quan thường trực của Quốc hội nên thẩm quyền rất rộng. Đến HP năm 1992, thiết chế ĐĐNN lại thay đổi, trở về mô hình biểu tượng của HP năm 1959. HP năm 2013 tiếp tục duy trì mô hình của HP năm 1992. Điều này cho thấy, chúng ta vẫn đang trong quá trình tìm tòi, đổi mới để có được mô hình tổ chức BMNN phù hợp nhất với điều kiện Việt Nam, trong đó có thiết chế ĐĐNN. - Ở góc độ thực trạng pháp luật về Chủ tịch nước đã cho thấy những hạn chế, bất cập về mặt thực định và những yêu cầu, đòi hỏi mới đặt ra trong quá trình thực thi pháp luật (xem thêm Mục 3.2.3). Về mặt hình thức, pháp luật về Chủ tịch nước qua các thời kỳ cũng như hiện hành còn rất tản mạn, thiếu tính thống nhất, đồng bộ, cụ thể, chi tiết. Dù Quốc hội Khoá XIII đã đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh dự án Luật về Chủ tịch nước nhưng cho đến nay vẫn chưa được ban hành. Về nội dung, pháp luật về Chủ tịch nước còn (i) thiếu nhiều quy định điều chỉnh vai trò thay mặt Nước, nhất là trong mối quan hệ với các thiết chế khác trong hệ thống chính trị nước ta như Đảng, Mặt trận Tổ quốc…; (ii) chưa phân định một cách rõ ràng và cụ thể hoá nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước trong mối quan hệ với các cơ quan thực thi quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, nhất là, nguyên tắc kiểm soát quyền lực nhà nước (QLNN) mới được ghi nhận trong HP năm 2013; (iii) còn chưa đầy đủ,
  • 10. 4 thiếu quy định cụ thể, chi tiết về bộ máy của thiết chế Chủ tịch nước cũng như về những nhiệm vụ, quyền hạn đặc thù của Chủ tịch nước trong đối nội, đối ngoại như điều kiện, tiêu chuẩn, tuyên thệ, trường hợp khuyết, đặc xá,… Về yêu cầu trong tình hình mới, pháp luật về Chủ tịch nước hiện hành chưa thể chế hoá mạnh mẽ, đầy đủ quan điểm của Đảng về Chủ tịch nước theo hướng “nghiên cứu xác định rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch nước để thực hiện đầy đủ chức năng NTQG, thay mặt Nhà nước về đối nội, đối ngoại và thống lĩnh các lực lượng vũ trang; quan hệ giữa Chủ tịch nước với các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp” [32]. Bên cạnh đó, chủ trương hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng của Đảng, của Nhà nước, của Quốc gia đòi hỏi pháp luật về Chủ tịch nước cần phải được hoàn thiện để tạo cơ sở pháp lý cho Chủ tịch nước trong xây dựng hình ảnh, vị thế của đất nước, Nhà nước Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế; phát huy hơn nữa vai trò của Chủ tịch nước trong duy trì, mở rộng, tham gia các tổ chức quốc tế, trong mối quan hệ song, đa phương, cũng như trong vai trò đại diện Nhà nước, Quốc gia với tư cách là chủ thể trong pháp luật quốc tế. Về sự phù hợp với chuyên ngành đào tạo và bảo đảm tính mới: Việc lựa chọn đề tài Luận án nghiên cứu Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước là phù hợp với chuyên ngành đào tạo “Lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật” (Mã số: 60 38 01 01). Đồng thời, qua tìm hiểu lịch sử nghiên cứu cho thấy, dù đã có những công trình nghiên cứu ở trong và ngoài nước có liên quan đến đề tài Luận án, tuy nhiên, vẫn còn không ít vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra chưa được giải quyết một cách hệ thống, đầy đủ, cụ thể, thấu đáo. Trên cơ sở nền tảng nghiên cứu đã có và kế thừa, phát huy những kết quả nghiên cứu của các tác giả đã đạt được, Luận án sẽ tập trung giải quyết những vấn đề nghiên cứu còn dang dở, những vấn đề nghiên cứu mới liên quan trực tiếp tới Đề tài Luận án. Điều này bảo đảm tính mới trong nghiên cứu của Luận án Tóm lại, đề tài Luận án “Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước” là cần thiết, mang tính cấp thiết. 2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu của Đề tài Mục đích cơ bản của Luận án là thông qua nghiên cứu, làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn để đề xuất quan điểm, giải pháp hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước. Với mục đích đó, nhiệm vụ nghiên cứu của Luật án gồm: (i) Tìm hiểu, phản
  • 11. 5 ánh, đánh giá khái quát lịch sử tình hình nghiên cứu ở trong và ngoài nước có nội dung liên quan mật thiết đến đề tài Luận án; từ đó, chỉ ra những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu và xác định rõ những vấn đề mà Luận án sẽ tập trung nghiên cứu; (ii) Làm rõ cơ sở lý luận hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước như khái niệm, đặc điểm của Chủ tịch nước; khái niệm, đặc điểm, nội dung, hình thức, tiêu chí đánh giá và các yếu tố ảnh hưởng, điều kiện bảo đảm hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước; tìm hiểu mô hình NTQG và pháp luật về NTQG ở một số nước trên thế giới, từ đó rút ra một số kinh nghiệm có thể tham khảo cho Việt Nam; (iii) Nghiên cứu cơ sở thực tiễn của việc hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước từ quá trình hình thành, phát triển pháp luật về Chủ tịch nước ở Việt Nam qua các thời kỳ cho đến nay; hệ thống hoá, đánh giá, phân tích thực trạng pháp luật về Chủ tịch nước hiện nay; từ đó, chỉ ra những ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân; (iv) Đề xuất quan điểm, giải pháp hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước. 3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu của Đề tài 3.1. Đối tượng nghiên cứu của Luận án là pháp luật Việt Nam về Chủ tịch nước dưới góc độ lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật. Với đối tượng nghiên cứu này, ngoài việc làm rõ những vấn đề mang tính bổ trợ như khái niệm, đặc điểm, vị trí, vai trò và kinh nghiệm quốc tế thì Luận án sẽ tập trung nghiên cứu về hình thức và nội dung pháp luật về Chủ tịch nước. Nội dung và hình thức pháp luật về Chủ tịch nước sẽ được Luận án tiếp cận, phân tích làm rõ một cách thống nhất, xuyên suốt từ lý luận đến thực tiễn và đề xuất kiến nghị hoàn thiện. Trong đó, nội dung pháp luật về Chủ tịch nước là đối tượng nghiên cứu trọng tâm. 3.2. Phạm vi nghiên cứu của Luận án: Về đối tượng, Luận án tập trung nghiên cứu những vấn đề pháp lý về tổ chức, hoạt động của thiết chế Chủ tịch nước như địa vị pháp lý, cấu trúc bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn... Về tài liệu nghiên cứu, Luận án chủ yếu nghiên cứu các văn bản mang tính pháp lý; trọng tâm là HP và các văn bản cấp luật. Luận án còn nghiên cứu một số tài liệu khác như văn kiện của Đảng, các báo cáo công tác, các công trình nghiên cứu,... Về thời gian, ngoài những nghiên cứu để làm rõ lịch sử hình thành, phát triển của pháp luật về Chủ tịch nước thì Luận án tập trung nghiên cứu những vấn đề có liên quan trong khoảng những thập niên gần đây, trọng tâm là từ khi HP năm 2013 được ban hành cho đến nay. Về không gian, Luận án tập trung nghiên cứu trong và trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam.
  • 12. 6 4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu Để nhận diện, làm rõ và giải quyết các nội dung, vấn đề, câu hỏi nghiên cứu, Luận án dựa trên nền tảng cơ sở lý luận là quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về nhà nước, pháp luật, về tổ chức QLNN. Luận án sử dụng phương pháp luận duy vật biện chứng là nền tảng, xuyên suốt; quan điểm toàn diện và phát triển trong triết học Mác - Lênin là cơ sở để xác định, xem xét, phân tích, luận giải và giải quyết các vấn đề, nội dung nghiên cứu một cách có hệ thống, có trọng tâm, trọng điểm; gắn với lịch sử và từ thực tiễn. Ngoài phương pháp luận nghiên cứu, Luận án còn sử dụng các phương pháp nghiên cứu cụ thể, chủ yếu gồm (i) nhóm phương pháp nghiên cứu lý thuyết và (ii) nhóm phương pháp nghiên cứu thực tiễn. Việc sử dụng các nhóm phương pháp và từng phương pháp trong nhóm là linh động và có thể kết hợp với nhau, tuỳ thuộc vào từng nội dung, vấn đề và mục đích, mức độ nghiên cứu. Về cơ bản, được sử dụng như sau: - Nhóm phương pháp nghiên cứu lý thuyết được sử dụng chủ yếu để làm rõ cơ sở lý luận của việc hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước, cụ thể: Phương pháp phân tích - tổng hợp lý thuyết được sử dụng chủ yếu trong Chương 1 và Chương 2 của Luận án để nghiên cứu các văn bản, tài liệu chứa đựng những quan điểm, học thuyết, luận điểm của một hoặc một số nhà khoa học khác nhau về tổ chức QLNN, mô hình chính thể, mô hình NTQG; từ đó, phát hiện ra những xu hướng, những trường phái nghiên cứu; sau đó, liên kết, sắp xếp, tổng hợp lại thành một hệ thống lý thuyết đầy đủ, sâu sắc hơn về vấn đề, chủ đề cần nghiên cứu. Phương pháp phân loại, hệ thống hoá lý thuyết và mô hình hoá chủ yếu được dùng khi nghiên cứu Chương 1, Chương 2 và một phần tại Chương 3 nhằm phân chia các tài liệu sưu tầm được thành những nhóm nhất định có chung dấu hiệu bản chất hoặc cùng hướng phát triển để hiểu rõ hơn từng vấn đề và sự liên kết giữa chúng (ở Chương 1 và Chương 2 là theo nhóm vấn đề; ở Chương 3 là theo thời gian); sau đó, sắp xếp các vấn đề thành hệ thống, thành mô hình lý thuyết để có nhìn nhận tổng thể, toàn diện và sâu sắc hơn. Phương pháp này sẽ được ưu tiên sử dụng khi nghiên cứu về kinh nghiệm các nước trên thế giới, với sự phân loại mô hình để làm rõ những đặc trưng của từng mô hình tổ chức BMNN cũng như mô hình Chủ tịch nước. Phương pháp lịch sử là nghiên cứu bằng cách đi tìm nguồn gốc phát sinh, quá trình phát triển và biến hóa của các vấn đề, nhiệm vụ nghiên cứu liên quan đến hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước để phát
  • 13. 7 hiện bản chất và quy luật của đối tượng hoặc ngược lại. Phương pháp giả thuyết là đặt ra giả thuyết rồi bằng lý thuyết hoặc lịch sử để chứng minh giả thuyết. Cả hai phương pháp này được sử dụng trong Luận án để nghiên cứu về nguồn gốc ra đời, quá trình phát triển của pháp luật cũng như trong phần tổng quan; giúp Nghiên cứu sinh phát hiện những thiếu hụt, những điều chưa hoàn chỉnh trong các tài liệu đã có, từ đó xác định chính xác vấn đề nghiên cứu của Luận án. Ngoài ra, phương pháp lịch sử được sử dụng khi nghiên cứu Chương 2 (để làm rõ các khái niệm) và chủ yếu khi nghiên cứu Chương 3 (để hệ thống, so sánh, phân tích quá trình hình thành, phát triển pháp luật về Chủ tịch nước). Phương pháp giả thuyết còn được dùng để chứng minh một số nhận định, đánh giá tại Chương 3 và để đặt ra các phương án sau đó phân tích chỉ ra ưu điểm, nhược điểm (Chương 4). - Nhóm phương pháp nghiên cứu thực tiễn được sử dụng chủ yếu để nghiên cứu về thực trạng pháp luật về Chủ tịch nước ở Việt Nam. Theo lý thuyết phân loại, nhóm này gồm các phương pháp như quan sát, điều tra, thực nghiệm, chuyên gia và phân tích, tổng kết kinh nghiệm... Căn cứ vào đặc thù của đối tượng nghiên cứu và điều kiện thực tiễn, Luận án tập trung sử dụng phương pháp phân tích, tổng kết kinh nghiệm. Theo đó, dựa trên các văn bản, tài liệu, báo cáo công tác và những kết quả nghiên cứu trước đó, Nghiên cứu sinh sẽ kết hợp với một số phương pháp nghiên cứu lý thuyết như lịch sử, so sánh, tổng hợp, thống kê... để tổng kết, phân tích, đánh giá tìm ra những ưu điểm, hạn chế, bất cập và nguyên nhân từ thực trạng pháp luật về Chủ tịch nước. Luận án cũng tiếp cận phương pháp điều tra, khảo sát nhưng do điều kiện không cho phép nên chỉ sử dụng một cách gián tiếp với việc kế thừa kết quả điều tra, khảo sát của công trình trước đó. Phương pháp này được sử dụng chủ yếu tại Chương 3 và Chương 4. Bên cạnh đó, Luận án còn sử dụng các kỹ thuật nghiên cứu như tìm kiếm, tra cứu thông tin, dịch thuật... 5. Đóng góp mới của Luận án Kết quả nghiên cứu của Luận án sau khi hoàn thành sẽ mang lại những đóng góp mới về mặt khoa học như: 5.1. Về mặt lý luận: Luận án góp phần: (i) Làm rõ hơn khái niệm, đặc điểm của Chủ tịch nước; (ii) Xây dựng khái niệm pháp luật về Chủ tịch nước, làm rõ hơn đặc điểm, vị trí, vai trò và nội dung, hình thức của pháp luật về Chủ tịch nước; (iii) Xây dựng hệ tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thiện; chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng và
  • 14. 8 điều kiện bảo đảm hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước làm cơ sở cho việc đánh giá thực trạng và đề xuất quan điểm, giải pháp hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước; (iv) Đồng thời, từ kết quả nghiên cứu mô hình, pháp luật một số nước trên thế giới về NTQG, đã khái quát hoá để rút ra một số bài học kinh nghiệm mà Việt Nam có thể nghiên cứu tiếp thu trong quá trình hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước. Trong những đóng góp về mặt lý luận như trên, so với các công trình khác, Luận án đã lần đầu tiên chỉ ra một số đặc điểm của NTQG, nhất là tính tự nhiên - lịch sử, chính trị - pháp lý và biểu tượng dân tộc; từ đó, lý giải, làm rõ hơn vì sao Chủ tịch nước thường là cá nhân; tại sao Chủ tịch nước vừa là người ĐĐNN, đồng thời là NTQG; vì sao Việt Nam lấy tên gọi là Chủ tịch nước; cơ sở, nguyên lý để các quốc gia lựa chọn các mô hình NTQG... 5.2. Về mặt thực tiễn: Luận án là công trình nghiên cứu một cách hệ thống, đầy đủ, cụ thể, cập nhật nhất pháp luật về Chủ tịch nước cho đến hiện nay. (i) Quá trình hình thành, phát triển của pháp luật về Chủ tịch nước được chia thành các giai đoạn, phản ánh khái quát về nội dung, hình thức, chỉ ra sự kết thừa, phát triển và phân tích những nguyên nhân, yếu tố tác động dẫn hết sự thay đổi; đánh giá ưu, nhược điểm, rút ra bài học kinh nghiệm và nguyên nhân. (ii) Đối với pháp luật về Chủ tịch nước hiện hành (từ năm 2013 đến nay), đã hệ thống hoá để phản ánh đầy đủ nội dung (theo từng nhóm quy phạm pháp luật), hình thức (theo cấp độ văn bản), có phân tích, đánh giá ưu, nhược điểm, chỉ ra nguyên nhân từ thực trạng pháp luật về Chủ tịch nước hiện hành gắn với thực tiễn thi hành; từ đó, cho thấy rõ nhu cầu, yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với việc tiếp tục phải hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước trong thời gian tới. 5.3. Về kiến nghị giải pháp: Sau khi nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn, Luận án đề xuất quan điểm và giải pháp hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước. Những kiến nghị hoàn thiện này là toàn diện, cả về hình thức, nội dung pháp luật về Chủ tịch nước. Nghiên cứu sinh nhận thấy, đây là luận án tiến sỹ luật học đầu tiên và là một trong số rất ít công trình nghiên cứu khoa học đưa ra các giải pháp mang tính tổng thể, toàn diện và cụ thể nhất nhằm hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước theo HP năm 2013. Đồng thời, Luận án còn đề xuất những kiến nghị hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước một cách căn bản, về lâu dài, khi có điều kiện sửa đổi, bổ sung HP năm 2013.
  • 15. 9 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của Luận án 6.1. Ý nghĩa lý luận: Với kết quả nghiên cứu, đặc biệt là những đóng góp mới như đã trình bày thì Luận án đã góp phần bồi đắp, làm sáng tỏ hơn những giả thuyết, luận điểm, học thuyết của các nhà khoa học về những vấn đề liên quan đến sự ra đời, phát triển của thiết chế ĐĐNN, NTQG cũng như pháp luật về Chủ tịch nước. Từ đó, giúp mọi người hiểu rõ hơn những vấn đề pháp lý về Chủ tịch nước. Đồng thời, thông qua nghiên cứu thực trạng pháp luật về Chủ tịch nước, Luận án cũng góp phần giúp người đọc có thêm thông tin, hiểu biết hơn về tổ chức, hoạt động của Chủ tịch nước; cung cấp thêm những tri thức kinh nghiệm, thực tiễn để kiểm nghiệm, đánh giá tính tương thích của những quan điểm, lý thuyết về pháp luật Chủ tịch nước; qua đó, tiếp tục làm sáng tỏ, củng cố thêm sự đúng đắn của lý thuyết trên thực tế hoặc phát hiện những khía cạnh, xu thế mới làm cơ sở và đặt ra yêu cầu cần đổi mới, hoàn thiện lý thuyết. 6.2. Ý nghĩa thực tiễn: (i) Góp phần giúp Chủ tịch nước, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan nhìn nhận lại, hiểu rõ hơn quyền, nghĩa vụ và thực tiễn hoạt động của mình; từ đó, có những điều chỉnh phù hợp để khắc phục những hạn chế, bất cập, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mình. (ii) Cung cấp thêm thông tin tham khảo phục vụ hoạt động xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam nhằm thể chế hoá kịp thời, đầy đủ, cụ thể các quy định của HP năm 2013 nói chung và pháp luật về Chủ tịch nước nói riêng. (iii) Là tài liệu tham khảo tin cậy cho hoạt động nghiên cứu và giảng dạy ở Việt Nam. 7. Bố cục của Luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục các công trình của tác giả đã công bố liên quan đến đề tài luận án, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung của Luận án được kết cấu gồm 4 chương, 12 tiết.
  • 16. 10 Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA CẦN TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU 1.1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 1.1.1. Tình hình nghiên cứu ở trong nước liên quan đến đề tài luận án 1.1.1.1. Nhóm công trình nghiên cứu về bộ máy nhà nước và pháp luật về bộ máy nhà nước * Nghiên cứu về bộ máy nhà nước gắn với tổ chức quyền lực nhà nước và xây Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa - Về tổ chức QLNN có: (1) Cuốn "Một số vấn đề về tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước" của Nguyễn Minh Đoan và các cộng sự [34] là công trình nghiên cứu khá sớm và tập trung những vấn đề lý luận về QLNN, tổ chức thực hiện QLNN (như khái niệm, nguyên tắc...); tổ chức QLNN ở Việt Nam (QLNN thống nhất, có sự phân công, phối hợp; về vai trò lãnh đạo của Đảng); về nguy cơ và yêu cầu đối với tổ chức thực hiện QLNN (tha hoá, tham nhũng, tham quyền, cố vị). Kết quả nghiên cứu của tác giả là cơ sở lý thuyết để luận giải về vị trí, vai trò và thẩm quyền của Chủ tịch nước trong tổ chức thực hiện QLNN ở Việt Nam. (2) Cuốn "Giám sát và cơ chế giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay” của Đào Trí Úc, Võ Khánh Vinh [129] gồm 4 phần lớn nghiên cứu (i) những vấn đề chung về giám sát, cơ chế giám sát QLNN; (ii) giám sát của BMNN; (iii) giám sát của các tổ chức chính trị xã hội; (iv) giới thiệu về giám sát việc thực hiện QLNN ở một số nước trên thế giới (Đức, Trung Quốc) cũng như ở nước ta thời phong kiến. Trong đó, kết quả nghiên cứu về cơ chế giám sát QLNN nói chung và giám sát QLNN của Chủ tịch nước sẽ là cơ sở để xác định, phân tích, đánh giá vai trò của Chủ tịch nước đối với Nhà nước nói chung và với các thiết chế khác trong BMNN. (3) Cuốn “Sự hạn chế quyền lực Nhà nước", Nguyễn Đăng Dung [16] gồm 8 chương đề cập đến một số vấn đề như sự cần thiết phải giới hạn QLNN; lý thuyết chung để giới hạn QLNN (như vai trò của Hiến pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền (NNPQ)...); một số nội dung, hình thức để giới hạn QLNN (như
  • 17. 11 bảo đảm nhân quyền; cơ chế bầu cử và nhiệm kỳ, trong đó có NTQG); về cơ chế giới hạn QLNN từ bên trong (giới hạn bằng việc phân chia/phân công, phân nhiệm, tự kiểm tra giữa các cơ quan trong BMNN, nhất là Chính phủ phải chịu trách nhiệm) và hạn chế QLNN từ bên ngoài (các tổ chức xã hội, nhân dân). Giá trị của cuốn sách này đối với Luận án là cung cấp cơ sở lý thuyết để khẳng định con đường hình thành của Chủ tịch nước trong xã hội dân chủ phải là bầu cử với nhiêm kỳ nhất định; đặc biệt, cần phải xác lập cơ chế kiểm soát, giới hạn quyền lực từ phía Chủ tịch nước và đối với Chủ tịch nước, cả từ bên trong và bên ngoài (như giám sát, phản biện của Mặt trận tổ quốc hay của nhân dân với Chủ tịch nước). (4) Cũng bàn về tổ chức và kiểm soát QLNN còn có một số công trình của một số tác giả khác như: (i) Một số cuốn sách, đề tài, luận án có: Cuốn “Tổ chức và kiểm soát quyền lực nhà nước” của Thái Vĩnh Thắng [118]; Đề tài khoa học cấp nhà nước: “Phân công, phối hợp quyền lực và kiểm soát quyền lực trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam" [42] và Cuốn “Phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực với việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992” của Trần Ngọc Đường [43]; “Phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp” của Cao Anh Đô [37]… (ii) Một số bài viết như: "Tổ chức quyền lực nhà nước trong Hiến pháp 1946 giá trị mang tính thời đại” của Phạm Hồng Thái [109]; "Kiểm soát việc thực hiện quyền lập pháp: một số vấn đề lý luận và thực tiễn” của Trương Thị Hồng Hà [45]; “Nguyên tắc quyền lực nhà nước thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa ba quyền theo tinh thần Hiến pháp năm 2013” của Nguyễn Đăng Dung [23]; "Nội dung Hiến pháp 2013 và Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng CSVN lần thứ XII về kiểm soát quyền lực nhà nước” của Nguyễn Văn Mạnh [74];... - Về NNPQ XHCN có: (1) Các công trình nghiên cứu trong giai đoạn (2001- 2013) là: (i) Đề tài cấp Nhà nước “Xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng” của Đào Trí Úc [128] đã làm rõ nội dung và phương hướng xây dựng NNPQ ở nước ta, đề ra các yêu cầu bảo đảm trên con đường đó là phải bảo đảm quyền lực nhân dân (dân chủ), bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, tôn trọng và tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật, xây dựng cơ chế thực hiện QLNN có sự phân công, phối hợp rõ ràng trong việc thực hiện các quyền lập pháp,
  • 18. 12 hành pháp, tư pháp. (ii) Cuốn "Tư tưởng Hồ Chí Minh về pháp luật, pháp chế và sự vận dụng trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của Trịnh Đức Thảo [112] lại tập trung nghiên cứu NNPQ dưới góc độ chính trị - pháp lý; từ việc làm rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về pháp luật và pháp chế đã chỉ ra những giá trị, việc vận dụng của Đảng trong xây dựng NNPL và một số đề xuất, kiến nghị. (iii) Một số công trình của cá tác giả khác như: Cuốn "55 năm xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân một số vấn đề lý luận và thực tiễn” của Lê Hữu Nghĩa, Nguyễn Văn Mạnh [81]; Cuốn "Tổ chức bộ máy nhà nước Việt Nam qua các bản Hiến pháp" của Nguyễn Đăng Dung [19]; Cuốn "Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Lý luận và thực tiễn" của Nguyễn Văn Mạnh [72]; Cuốn "Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân” của Nguyễn Duy Quý, Nguyễn Tất Viễn [105]; (v) Cuốn "Đổi mới, hoàn thiện bộ máy nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân ở Việt Nam hiện nay" của Lê Minh Thông [119]; “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” của Hoàng Thị Hạnh [49]… Thông qua việc nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn của việc xây dựng NNPQ XHCN ở Việt Nam giai đoạn (2001-2013), các tác giả đã khẳng định, làm rõ bản chất, mục tiêu dân chủ của nhà nước ta và tính đúng đắn của chủ trương xây dựng NNPQ XHCN; rút ra được những đặc điểm, giá trị cốt lõi của mô hình BMNN pháp quyền XHCN; cho thấy nhu cầu tất yếu cần phải tiếp tục hoàn thiện và đề xuất những giải pháp để tiếp tục hoàn thiện mô hình BMNN. Những kết quả nghiên cứu này vừa là cơ sở lý luận, vừa là cơ sở thực tiễn để Luận án phân tích, đánh giá rõ hơn ưu điểm, hạn chế của thực trạng tổ chức, hoạt động của Chủ tịch nước trong quá trình xây dựng NNPQ cũng như khẳng định nhu cầu và xác định định hướng hoàn thiện trong tương lai. Tuy nhiên, đa số các công trình trên tập trung nghiên cứu nhiều về Quốc hội (lập pháp), Chính phủ (hành pháp), Toà án nhân dân (tư pháp) và về mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương; mức độ, phạm vi nghiên cứu về Chủ tịch nước chưa nhiều, chủ yếu phát sinh từ nghiên cứu về nhiệm vụ, quyền hạn của các thiết chế lập pháp, hành pháp, tư pháp. (2) Sau khi HP năm 2013 được ban hành, có một số bài viết đáng chú ý: "Nguyên lý chủ quyền nhân dân và biểu hiện của nó trong NNPQ ở Việt Nam”, của Trịnh Đức
  • 19. 13 Thảo, Nguyễn Thị Việt Hương [113]; "Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam" của Nguyễn Văn Mạnh [73]; "Đảng hóa thân vào nhà nước" trong đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng ta” của Nguyễn Hữu Đổng [38]; Hội thảo “Những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách về nhà nước và pháp luật trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng” của Viện Nhà nước và Pháp luật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam [136];... Nhóm công trình này đã tập trung phân tích, làm rõ những điểm mới về tổ chức BMNN trong HP năm 2013 và kiến nghị phục vụ việc thể chế hoá những quy định của HP; trong đó, có đề cập đến việc cần cụ thể hoá các quy định về Chủ tịch nước. Những kết quả nghiên cứu này giúp Nghiên cứu sinh có thêm thông tin để phân tích, đánh giá thực trạng pháp luật về Chủ tịch nước hiện hành cũng như nhận diện được một số vấn đề cần nghiên cứu trong tương lai. Tuy nhiên, do nghiên cứu về cả BMNN và mục đích chính là nhằm triển khai thi hành HP năm 2013 nên nhóm công trình này chưa nghiên cứu sâu, cụ thể về Chủ tịch nước và chưa hướng tới những kiến nghị lâu dài. * Nghiên cứu pháp luật về BMNN: Cuốn "Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn” của Lê Minh Tâm [108] đã nghiên cứu (i) những vấn đề lý luận cơ bản về pháp luật, hệ thống pháp luật; (ii) quá trình hình thành, phát triển của hệ thống pháp luật Việt Nam qua các thời kỳ, từ năm 1945; (iii) nêu lên những phương hướng, giải pháp chủ yếu nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Kết quả nghiên cứu của công trình, nhất là nội dung nghiên cứu về tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thiện pháp luật và những đánh giá về thực trạng cũng như đề xuất phương hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật là cơ sở giúp Luận án xây dựng tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước cũng như tham khảo để đánh đánh giá, phân tích thực trạng pháp luật (đặt trong mối quan hệ với hệ thống pháp luật nói chung ở giai đoạn trước) và đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước. Gần đây nhất, cuốn "Cơ chế pháp lý kiểm soát quyền lực nhà nước của các cơ quan nhà nước ở Việt Nam hiện nay" của Nguyễn Minh Đoan [36] đề cập đến những vấn đề lý luận và thực tiễn về cơ chế pháp lý kiểm soát QLNN của các cơ quan nhà nước ở Việt Nam hiện nay. Trong nội dung nghiên cứu thực trạng cơ chế pháp lý, thực tiễn pháp luật và thực tiễn kiểm soát quyền lập pháp, hành pháp, tư
  • 20. 14 pháp của các cơ quan nhà nước ở Việt Nam, tác giả đã đề cập đến các quy định của pháp luật về Chủ tịch nước. Trong phần quan điểm, giải pháp hoàn thiện cơ chế pháp lý kiểm soát QLNN của các cơ quan nhà nước ở Việt Nam, tác giả đã khẳng định "cần tăng cường sự kiểm soát quyền lực của Chủ tịch nước”. Ngoài ra, có thể kể đến một số công trình có liên quan của một số tác giả như: (i) Cuốn "Tổ chức bộ máy nhà nước Việt Nam qua các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1992 và 1992 sửa đổi, bổ sung” của Nguyễn Đăng Dung [17]; (ii) Cuốn "Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” của Nguyễn Minh Đoan [35]; (iii) "Hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng nhu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay” của Dương Thị Mai [71]; (iv) "Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” của Ban Chỉ đạo tổng kết [5]... Nội dung khái quát của các công trình trên là tập trung phân tích, đánh giá thực trạng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt nam từ khi xây dựng NNPQ; chỉ ra những yêu cầu, phương hướng tiếp tục hoàn thiện trong tương lai. Kết quả nghiên cứu trên mang tính khái quát rất cao, nhất là nội dung nghiên cứu pháp luật về tổ chức BMNN, trong đó quy định pháp luật về Chủ tịch nước sẽ giúp Nghiên cứu sinh có thêm cơ sở thực tiễn để đánh giá thực trạng cũng như xác định định hướng hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước một cách phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật quốc gia. Tuy nhiên, hạn chế là các công trình trên lại không nghiên cứu trực tiếp, sâu sắc và đầy đủ pháp luật về Chủ tịch nước... 1.1.1.2. Nhóm công trình nghiên cứu pháp luật về Chủ tịch nước * Nghiên cứu về thiết chế Chủ tịch nước: "Chủ tịch Hồ Chí Minh với thiết chế Chủ tịch nước ở Việt Nam” của Bùi Ngọc Sơn [107] nghiên cứu (i) vấn đề chung về thiết chế ĐĐNN (như sự ra đời, mô hình); sự đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với thiết chế Chủ tịch nước qua tư tưởng lập hiến của Người; từ đó, chỉ ra những giá trị có thể kế thừa và phát triển trong tư tưởng lập hiến của Hồ Chí Minh về Chủ tịch nước.
  • 21. 15 “Đổi mới thiết chế Chủ tịch nước và Chính phủ ở Việt Nam hiện nay” của Nguyễn Thị Hồi, Phạm Quang Tiến [54] và Bài viết “Thiết chế Chủ tịch nước trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế” của Nguyễn Thị Hồi [55] đều tiếp cận nghiên cứu "Chủ tịch nước là thiết chế không thể thiếu trong BMNN của các quốc gia đương đại và thuộc nhánh quyền lực hành pháp” nên đã tập trung nghiên cứu về (1) vị trí, vai trò, thẩm quyền của Chủ tịch nước với các cơ quan nhà nước ở Trung ương theo quy định của HP năm 1992 và nhận định, "Chủ tịch Nước chỉ ĐĐNN mà không phải là thành viên của Chính phủ nên quyền lực của Chủ tịch nước trong lĩnh vực hành pháp còn khá khiêm tốn”; (2) từ đó, đưa ra một số kiến nghị nên sửa đổi HP để nhằm tăng tính thực quyền cho thiết chế Chủ tịch nước như (i) kế thừa quy định về vị trí và quyền lực của Chủ tịch nước được quy định trong HP năm 1946 - đứng đầu hành pháp; (ii) nhân dân bầu trực tiếp, tối đa 2 nhiệm kỳ; (iii) NTQG sẽ đồng thời là Tổng bí thư hoặc Chủ tịch Đảng; (iv) Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Quốc hội thảo luận lại hoặc xem xét lại một dự luật mà Quốc hội đã thông qua trong một thời gian nhất định và quyền này không thể bị từ chối; (v) Chủ tịch nước có quyền đề cử các thành viên của cơ quan bảo hiến để Quốc hội phê chuẩn. Tuy nhiên, do trong phạm vị một bài báo nên tác giả chưa có điều kiện phân tích sâu về cơ sở lý luận, thực tiễn cũng như đưa ra những kiến nghị một cách cụ thể chi tiết và toàn diện. “Hoàn thiện thiết chế chủ tịch nước nhằm đảm bảo vai trò nguyên thủ quốc gia” của Lê Thiên Hương [59] đã tập trung nghiên cứu mô hình thiết chế Chủ tịch nước qua các bản HP các năm 1946, 1959, 1980 và 1992 (sửa đổi 2001); từ đó, đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện thiết chế này cả trên phương diện vị trí, chức năng cũng như quyền và nghĩa vụ theo tinh thần Đại hội XI của Đảng; theo hướng là người đứng đầu hành pháp nhưng có tính độc lập tương đối với Thủ tướng và các thành viên Chính phủ. Tuy nhiên, bài viết mới tiếp cận ở góc độ quy định HP. "Mối quan hệ của thiết chế Chủ tịch nước với các cơ quan quyền lực nhà nước ở Trung ương và cấu trúc bộ máy của thiết chế Chủ tịch nước” của Nguyễn Thị Doan [12] có nội dung xuyên suốt là khái quát, phân tích về cơ cấu tổ chức và mối quan hệ của thiết chế Chủ tịch nước theo HP năm 2013. Đặc biệt, trong bài viết này, tác giả đã nêu ra hai luận điểm đáng chú ý đó là (i) Chủ tịch nước là một thiết
  • 22. 16 chế khá đặc thù, không thuộc vào một nhánh quyền lực nào trong các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp nhưng đồng thời lại có mối quan hệ, ảnh hưởng tới các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp; (ii) cấu trúc bộ máy của thiết chế Chủ tịch nước bao gồm: Chủ tịch nước; Phó Chủ tịch nước; Hội đồng Quốc phòng và An ninh (QP&AN); Văn phòng Chủ tịch nước. Tuy nhiên, bài viết chưa có những phân tích, đánh giá về thực trạng tổ chức, hoạt động của thiết chế Chủ tịch nước cũng như đưa ra những kiến nghị. * Nghiên cứu pháp luật về Chủ tịch nước Một số công trình nghiên cứu pháp luật về Chủ tịch nước qua các thời kỳ như: (1) Cuốn “Đổi mới, hoàn thiện bộ máy nhà nước trong giai đoạn hiện nay” của Bùi Xuân Đức [39] gồm 4 phần nghiên cứu về 4 vấn đề lớn gồm những vấn đề chung; đổi mới các thiết chế ở trung ương và chính quyền địa phương; giám sát BMNN. Tại Chương III về Chủ tịch nước đã tập trung nghiên cứu về “Thiết chế Chủ tịch nước qua các bản Hiến pháp” và đổi mới thiết chế Chủ tịch nước trong cơ chế QLNN. (2) “Chế định Chủ tịch nước theo Hiến pháp năm 1946 và sự phát triển qua các Hiến pháp Việt Nam” của Lê Thị Hải Châu [7] lại đi sâu nghiên cứu, phân tích chế định Chủ tịch nước theo HP năm 1946 và so sánh với các bản HP về sau của nước ta; từ đó, rút ra một số giá trị, kiến nghị hoàn thiện chế định của HP. (3) Bài viết “Thiết chế Chủ tịch nước trong 60 năm qua” của Bùi Xuân Đức [40] giới thiệu khái quát quy định của pháp luật về Chủ tịch nước qua các bản HP; có những đánh giá và gợi mở vấn đề cần hoàn thiện theo hướng cần đề cao vị trí, vai trò và quy định cụ thể hoá hơn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn... Một số công trình khác lại nghiên cứu so sánh pháp luật về Chủ tịch nước Việt Nam với các nước trên thế giới như: (1) Đề tài "Nghiên cứu so sánh về chế định nguyên thủ quốc gia trong Hiến pháp một số nước trên thế giới và Hiến pháp Việt Nam” của chính Nghiên cứu sinh [25] đã nghiên cứu về (i) khái niệm, lịch sử hình thành, phân loại mô hình NTQG tiêu biểu trên thế giới; (ii) chế định NTQG của một số nước trên thế giới như Anh, Bỉ, Thuỵ Điển, Đức, Bungari, Mông Cổ, Trung Quốc; (iii) so sánh, đánh giá với chế định NTQG ở Việt Nam qua các bản HP (1946-1992); (iv) kiến nghị hoàn thiện chế định Chủ tịch nước Việt Nam. Một số kết quả nghiên cứu của Đề tài này được sử dụng, phát triển trong Luận án. Tuy
  • 23. 17 nhiên, hạn chế của Đề tài là chỉ tập trung nghiên cứu pháp luật về Chủ tịch nước nước ở góc độ các quy phạm HP. (2) "So sánh chế định nguyên thủ quốc gia của một số nước trên thế giới và những gợi mở cho Việt Nam” của Hoàng Thị Minh Phương [89] đã nghiên cứu một số vấn đề lý luận chung như khái niệm, tiêu chí so sánh; phân tích và so sánh mô hình NTQG ở Anh (đại diện cho hình thức chính thể quân chủ lập hiến); ở Italia (đại diện cho hình thức chính thể cộng hòa đại nghị); ở Pháp (đại diện cho hình thức chính thể cộng hòa lưỡng tính) và ở Mỹ (đại diện cho hình thức chính thể cộng hòa tổng thống); từ đó, đưa ra một số kinh nghiệm có thể áp dụng cho chế định Chủ tịch nước Việt Nam. Tuy nhiên, hạn chế của công trình này là chủ yếu nghiên cứu quy phạm HP và chưa tập trung vào các nước theo mô hình cộng hoà đại nghị, chưa đề cập đến các nước XHCN hoặc ở gần Việt Nam. Một số nghiên cứu nhằm sửa đổi, bổ sung quy định về Chủ tịch nước của HP năm 1992 có: (1) Đề tài cấp bộ “Hoàn thiện chế định Chủ tịch nước trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay” của Ngô Văn Minh [79] đã tập trung nghiên cứu (i) khái niệm, vị trí, vai trò của Chủ tịch nước và kinh nghiệm một số nước trên thế giới; (ii) thực trạng chế định và thực tiễn thi hành chế định Chủ tịch nước theo HP năm 1992 (2001) giai đoạn (1992-2012); (iii) đề xuất 3 nhóm giải pháp về sửa đổi, bổ sung chế định Chủ tịch nước trong HP năm 1992; về nhất thể hoá Chủ tịch nước với người đứng đầu Đảng; về xây dựng Luật về Chủ tịch nước. Dù là đề tài cấp bộ đầu tiên nghiên cứu trực tiếp chế định Chủ tịch nước và đề xuất ban hành Luật về Chủ tịch nước, nhưng do tiếp cận nghiên cứu ở góc độ quy phạm HP nên phạm vi còn hẹp, những kiến nghị cũng chưa thực sự đầy đủ và cụ thể. (2) Cuốn "Những vấn đề lý luận và thực tiễn sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992” của Uông Chu Lưu [68] với 12 chương; trong đó, phân tích, đánh giá về chế định Chủ tịch nước trong HP năm 1992 (Mục II của Chương IX) và kiến nghị sửa đổi, bổ sung Chế định này (trong Chương XII) về vị trí, vai trò; nhiệm vụ, quyền hạn; Hội đồng QP&AN. (3) Một số bài viết về khía cạnh cụ thể của pháp luật về Chủ tịch nước như: (i) "Hiến pháp mới với vị trí, vai trò của nguyên thủ quốc gia - Chủ tịch nước” của Cao Vũ Minh [76] đã nghiên cứu quy định của HP năm 1992 (2001) về vị trí, vai trò của Chủ tịch nước (trong mối quan hệ với các thiết chế lập pháp, hành pháp và tư pháp); chỉ ra một số hạn chế, bất cập và kiến
  • 24. 18 nghị sửa đổi, bổ sung quy định của HP như về quyền công bố nghị quyết của Quốc hội; quyền chủ tọa các phiên họp của Chính phủ khi thấy cần thiết; quy định rõ quyền ân giảm của Chủ tịch nước; sớm ban hành Luật về hoạt động của Chủ tịch nước. (ii) "Kiến nghị sửa đổi chế định Hội đồng quốc phòng và an ninh trong Hiến pháp năm 1992” của Trần Đình Nhã [83] đã phân tích thực trạng, chỉ ra những hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành về Hội đồng QP&AN; từ đó, đưa ra một số kiến nghị như tiếp tục đặt trong Chương Chủ tịch nước; HĐQP & AN nên kiêm nhiệm và khi xảy ra tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp thì cần được trao những nhiệm vụ, quyền hạn đặc biệt; nên ban hành một luật chuyên biệt. (ii) “Quyền lập pháp của Chủ tịch nước” của Lê Đình Tuyến [127] lại tập trung nghiên cứu về mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với lập pháp, nhất mạnh đến sự phối hợp và kiểm soát từ Chủ tịch nước với lập pháp. (iii) Tìm hiểu về nhiệm vụ "Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân" của Chủ tịch nước, "tổng tư lệnh lực lượng vũ trang nhân dân" của Bộ trưởng Bộ quốc phòng - Hội đồng quốc phòng và an ninh trong Hiến pháp năm 1992 và quy định pháp luật hiện hành” của Nguyễn Hoài Nam [80] đã hệ thống hoá quy định của pháp luật hiện hành, bình luận về mối quan hệ, vai trò thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân của Chủ tịch nước trong mối quan hệ với Hội đồng QP&AN và một số thành viên của Hội đồng này; (iv) "Thẩm quyền đàm phán, ký kết, quyết định phê chuẩn, phê duyệt và gia nhập điều ước quốc tế trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992” của Lê Mai Thanh [110] lại tập trung nghiên cứu thẩm quyền và mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với Quốc hội, Chính phủ về vấn đề điều ước quốc tế cũng như có sự so sánh với các nước v.v.. Một số công trình nghiên cứu chế định Chủ tịch nước theo HP năm 2013 như: (1) Cuốn "Chế định nguyên thủ quốc gia trong các Hiến pháp Việt Nam” của Đỗ Minh Khôi [62] đã nghiên cứu 4 vấn đề (i) những vấn đề chung (về vai trò, chức năng, thẩm quyền, địa vị pháp lý, các mô hình); (ii) chế định này trong HP ở một số nước; (iii) quy định của các bản HP Việt Nam (1946, 1959, 1980, 1992 (2001) và 2013); (iv) kiến nghị hoàn thiện chế định Chủ tịch nước theo HP năm 2013 theo hướng mở rộng, cụ thể hoá thẩm quyền của Chủ tịch nước một cách đồng bộ, tương thích giữa các quyền với nhau và với mô hình thể chế, chế độ chính trị nói chung đặt trong điều kiện cụ thể của Việt Nam hiện nay. Có thể nói, đây là công trình có nhiều
  • 25. 19 nội dung liên quan đến Luận án, tuy nhiên, hạn chế của Cuốn sách này đó là chỉ dừng lại ở các quy phạm HP và kiến nghị sửa đổi, bổ sung HP. (2) "Chế định Chủ tịch nước trong Hiến pháp năm 2013 và việc xây dựng Luật về hoạt động của Chủ tịch nước” của Cao Vũ Minh, Võ Phan Lê Nguyễn [77] đề cập đến hai vấn đề (i) phân tích những điểm tiến bộ của HP năm 2013 về Chủ tịch nước; (ii) đề xuất một số kiến nghị về việc xây dựng Luật về hoạt động của Chủ tịch nước như cụ thể hoá vai trò thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, chủ tịch Hội đồng QP&AN; xử lý khiếm khuyết văn bản của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ (TTg); quyền ân giảm án tử hình của Chủ tịch nước; thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL); về tiêu chuẩn, điều kiện đối với Phó Chủ tịch nước; nghi thức tuyên thệ. Có thể nói, bài viết đã đề cập khá toàn diện các nội dung của pháp luật về Chủ tịch nước, tuy nhiên, do ở phạm vi bài viết nên các vấn đề, nội dung chưa thật sự hệ thống, thấu đáo, đầy đủ. (3) Ngoài ra còn một số công trình khác có nội dung liên quan như: Cuốn “Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và thành tựu lập pháp trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII” của Nguyễn Sinh Hùng [58]; Cuốn “Bình luận khoa học Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013” của Nguyễn Đăng Dung, Trịnh Quốc Toản và Đặng Minh Tuấn [22]; “Bình luận khoa học Hiến pháp năm 2013 - Một số yêu cầu và những vấn đề đặt ra” của Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) [135]; Bài viết "Đánh giá chế định Chủ tịch nước trong Hiến pháp năm 2013” của Đỗ Minh Khôi [63]; "Về quy định thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân của Chủ tịch nước” của Nguyễn Xuân Yêm [139]... 1.1.1.3. Đánh giá chung về tình hình nghiên cứu ở trong nước Nhìn chung, đã có không ít công trình trong nước nghiên cứu về thiết chế Chủ tịch nước và pháp luật về Chủ tịch nước ở phạm vi, mức độ và mục đích khác nhau. Tuy nhiên, ở tầm đề tài cấp bộ trở lên hay luận án tiến sĩ thì chưa có công trình nào nghiên cứu tập trung, hệ thống, toàn diện và trực tiếp về cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước. Có ba công trình gần đây mà nội dung nghiên cứu khá gần với Luận án và có mức độ nghiên cứu công phu đó là (i) Đề tài cấp bộ “Hoàn thiện chế định Chủ tịch nước trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay” của Ngô Văn Minh [79] và (ii) Cuốn "Chế định nguyên thủ quốc gia
  • 26. 20 trong các Hiến pháp Việt Nam” của Đỗ Minh Khôi [62]; (iii) Đề tài cơ sở "Nghiên cứu so sánh về chế định nguyên thủ quốc gia trong Hiến pháp một số nước trên thế giới và Hiến pháp Việt Nam” của Đỗ Tiến Dũng [25] (2011). Tuy nhiên, như đã đề cập, Đề tài cấp bộ của Ngô Văn Minh mới chỉ tập trung nghiên cứu gắn với HP năm 1992 và nhằm sửa đổi, bổ sung HP năm 1992. Do đó, chưa nghiên cứu một cách bao quát, đầy đủ, cụ thể về các khía cạnh, nội dung vấn đề của pháp luật của Chủ tịch nước cũng như quá trình hình thành, phát triển của pháp luật Chủ tịch nước qua các thời kỳ; một số kiến nghị đề xuất dự án Luật về Chủ tịch nước còn đơn giản, chưa đề xuất cụ thể nội dung. Tương tự, Cuốn "Chế định nguyên thủ quốc gia trong các Hiến pháp Việt Nam” của tác giả Đỗ Minh Khôi (chủ biên) cũng tập trung nghiên cứu, phân tích các quy định của HP và kiến nghị sửa đổi HP. Do đó, cũng còn nhiều nội dung, vấn đề liên quan đến Chủ tịch nước chưa được đề cập đầy đủ, thấu đáo, nhất là những vấn đề liên quan đến tổ chức của thiết chế Chủ tịch nước. Còn Đề tài cấp cơ sở do Nghiên cứu sinh làm Chủ nhiệm dù đã tiếp cận ở góc độ Chủ tịch nước là thiết chế trong BMNN và có những nghiên cứu về lịch sử mô hình Chủ tịch nước Việt Nam qua các thời kỳ và kiến nghị các phương án hoàn thiện mô hình trong tương lai. Tuy nhiên, do tiếp cận ở góc độ so sánh thông qua chế định HP nên phạm vi còn hẹp, mức độ phân tích, đánh giá chưa sâu; các kiến nghị chưa toàn diện, cụ thể. Các công trình nghiên cứu về BMNN, pháp luật về BMNN của các nhà khoa học pháp lý hàng đầu Việt Nam dù không nghiên cứu trực tiếp và tập trung về thiết chế Chủ tịch nước nhưng đã góp phần làm sáng tỏ cơ sở lý luận về tổ chức BMNN và xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong NNPQ XHCN; làm rõ thêm đặc điểm của thiết chế và mối quan hệ của thiết chế Chủ tịch nước với BMNN tổng thể và với từng thiết chế lập pháp, hành pháp, tư pháp. Kết quả nghiên cứu của các công trình này là nền tảng cơ sở giúp cho Nghiên cứu sinh có nhìn nhận tổng quan về tổ chức QLNN và tổ chức BMNN ở nước ta; từ đó, có cơ sở củng cố, làm sâu sắc thêm những vấn đề lý luận về thiết chế Chủ tịch nước của Luận án và nhận diện được định hướng đổi mới mô hình tổ chức BMNN Việt Nam trong tương lai làm cơ sở hình thành quan điểm, xác định vấn đề cần kiến nghị hoàn thiện mô hình Chủ tịch nước và pháp luật về Chủ tịch nước cho đồng bộ, phù hợp.
  • 27. 21 Các công trình nghiên cứu pháp luật Chủ tịch nước gắn với xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đã làm rõ hơn lịch sử hình thành, phát triển và mối tương quan giữa pháp luật về Chủ tịch nước với hệ thống pháp luật quốc gia qua các thời kỳ. Đây là thông tin quan trọng làm cơ sở để Luận án đánh giá, phân tích thực trạng pháp luật về Chủ tịch nước. Đối với các công trình nghiên cứu trực tiếp pháp luật về Chủ tịch nước, dù chỉ giới hạn nghiên cứu về chế định HP hoặc một nội dung của pháp luật về Chủ tịch nước thì cũng mang giá trị tham khảo rất cao, cả về lý luận, thực tiễn cũng như quan điểm, giải pháp. Tuy nhiên, do hầu hết các công trình chỉ ở phạm vi một bài viết (từ 6 đến 10 trang) nên chưa có điều kiện tiếp cận, thể hiện nghiên cứu và giải quyết các vấn đề liên quan một cách đầy đủ, hệ thống. Hạn chế chung là (i) còn tiếp cận Chủ tịch nước là cá nhân mà chưa chú ý đến vị trí, vai trò là một thiết chế, một cơ quan trong BMNN nên chưa thật toàn diện; (ii) thường giới hạn nghiên cứu về quy phạm HP (một hoặc một số bản HP) và chủ yếu trong giai đoạn trước khi HP năm 2013 được ban hành nên chưa bảo đảm tính hệ thống, cập nhật; nhiều kiến nghị đã được sửa đổi trong HP năm 2013; (iii) hoặc có phân tích, nghiên cứu về HP năm 2013 nhưng lại chỉ ở một khía cạnh, góc độ hẹp hoặc với mức độ nghiên cứu chưa thật sâu, những kiến nghị ở mức nêu vấn đề, chưa kiến giải cụ thể. 1.1.2. Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài liên quan đến đề tài Luận án 1.1.2.1. Nhóm công trình nghiên cứu về tổ chức bộ máy nhà nước và pháp luật về bộ máy nhà nước * Nghiên cứu cơ bản về nhà nước, pháp luật; về QLNN, hình thức chỉnh thể và NNPQ Một số công trình kinh điển về Nhà nước, pháp luật và pháp quyền như: (1) Cuốn “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước” của Ph.Ăngghen (1884) đã chỉ ra nguồn gốc và bản chất của Nhà nước; trong đó, qua nghiên cứu về thị tộc Hy Lạp (Chương IV), sự hình thành Nhà nước Athens (Chương V), Thị tộc và Nhà nước La Mã (Chương VI), Ông đã chỉ ra rằng, thiết chế NTQG ra đời là tất yếu, khách quan cùng với sự ra đời của Nhà nước và mang bản chất giai cấp. (2) "Bàn về tinh thần pháp luật” (1748) của Montesquieu; “Bàn về khế ước xã hội” (1762) của Jean Jacques Rousseau là bộ đôi tác phẩm kinh điển bàn về quan điểm pháp chế, vạch ra định hướng
  • 28. 22 xây dựng xã hội công dân, NNPQ. (3) Cũng phải kể đến một số công trình nghiên cứu khác có liên quan như “Bàn về tự do” (1859) của John Stuart Mill; "Nền cộng hòa và những vấn đề” (1927) của John Dewey; "Giới thiệu về lý thuyết dân chủ” (1956) của Robert A.Dahl; "Nguồn gốc quyền lực xã hội” (1986) của Mann M; “Nhà nước và pháp quyền” (1995) của Kriegel và Blandine; “Nhà nước và nhà nước pháp quyền” (1999) của Stapenhurst Rick, Kpundeh Sahr... Dù không liên quan trực tiếp tới Luận án, nhưng giá trị của các công trình mang tính thời đại này cung cấp thế giới khoa học khi nghiên cứu về mặt lý luận. Một số công trình nghiên cứu về hình thức chính thể của nhà nước như: (1) Nghiên cứu khái quát về chế độ chính trị, hình thức chỉnh thể có: (i) Cuốn "Hình thức của các nhà nước đương đại" của Nguyễn Đăng Dung [15] gồm 7 chương nghiên cứu về những vấn đề chung về hình thức nhà nước; hình thức cấu trúc lãnh thổ; hình thức chính thể của các nhà nước tư bản; sự biến dạng của các chính thể; NNPQ; hình thức chính thể các nhà nước XHCN; (ii) Cuốn "Thể chế nhà nước của các quốc gia trên thế giới” của Nguyễn Chu Dương [28] giới thiệu sự hình thành, cơ cấu tổ chức và đặc điểm của BMNN các quốc gia và lãnh thổ trên thế giới (194 quốc gia và trên 50 vùng lãnh thổ ở 5 Châu lục). (2) Nghiên cứu về chế độ chính trị, hình thức chính thể ở một số khu vực nhất định có: (i) Cuốn "Các thể chế chính trị ở Châu Âu” (Political Institutions in Europe) của Josep Colomer [150] giới thiệu các khía cạnh về chế độ chính trị của 15 quốc gia ở Tây Âu (cấu trúc theo một hoặc một nhóm nhỏ các quốc gia) như về các đảng chính trị, hệ thống bầu cử; cải cách thể chế; các thiết chế nhà nước ở trung ương và địa phương; (ii) Cuốn "Thể chế chính trị các nước Châu Âu” của Thái Vĩnh Thắng, Nguyễn Đăng Dung và Nguyễn Chu Dương [116] gồm 2 phần: giới thiệu khái quát về các thiết chế chính trị ở các nước châu Âu, trong đó có nghiên cứu về thiết chế ĐĐNN; và giới thiệu chi tiết thể chế chính trị của từng quốc gia châu Âu theo mô hình chính thể quân chủ (gồm có 12/45 nước); cộng hoà đại nghị (30/45 nước); cộng hoà hỗn hợp (9/45 nước); cộng hoà tổng thống (1/45)... (3) Nghiên cứu so sánh giữa các hình thức chính thể hoặc ở một nhà nước cụ thể có: Cuốn "Mô hình quản trị: Đại nghị hay Tổng thống” (A System of Governance: Parliamentary Or Presidential), Naunihal Singh [157] tập trung nghiên cứu so sánh mô hình quản trị nhà nước giữa chính thể cộng hoà đại
  • 29. 23 nghị và cộng hoà tổng thống; nghiên cứu một số biến thể, trung gian giữa hai mô hình này (Pháp, Bồ Đào Nha, Sri Lanka, một số quốc gia châu Mỹ Latinh); phân tích đánh giá những ưu điểm, hạn chế của từng mô hình và nguồn gốc, nguyên nhân của những thay đổi nhất định ở từng mô hình cho phù hợp; trong các nội dung nghiên cứu, đều phân tích về vị trí, vai trò và thẩm quyền cũng như mối quan hệ giữa thiết chế ĐĐNN với các thiết chế khác trong BMNN, nhất là với Quốc hội, Thủ tướng. Cuốn "Thể chế Tổng thống, Thể chế Nghị viện và Dân chủ” (Presidentialism, Parliamentarism, and Democracy), Jose Antonio Cheibub [149] nghiên cứu thực chứng các nền dân chủ ở các quốc gia trên thế giới (1946-2002) để trả lời câu hỏi có phải các nền dân chủ ở các nước theo thể chế tổng thống lại có nhiều khả năng bị phá vỡ hơn các thể chế nghị viện?... Một số nghiên cứu về tổ chức BMNN ở các nước có: (1) Cuốn "Lược giải tổ chức bộ máy nhà nước của các quốc gia” của Nguyễn Đăng Dung, Nguyễn Chu Dương [20] gồm 8 chương cung cấp hiểu biết chung về tổ chức, đặc điểm của BMNN của các quốc gia trên thế giới. (2) Gần đây có đề tài “Tổ chức bộ máy nhà nước trung ương ở một số quốc gia Châu Âu (Pháp, Đức, Thụy Điển)” của Nguyễn Đức Minh [78] đã nghiên cứu lý luận và thực tiễn tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan trong BMNN trung ương ở Pháp (cộng hoà lưỡng tính), Đức (cộng hoà đại nghị), Thụy Điển (quân chủ lập hiến); đề xuất, khuyến nghị về tổ chức BMNN trung ương của Việt Nam. Giá trị tham khảo của Đề tài là đã phản ánh, so sánh, nhận xét về những điểm tương đồng, khác biệt cũng như sự thay đổi nhất định về NTQG ở ba nước. Nghiên cứu về phân chia, kiểm soát quyền lực có: (1) Cuốn "Tư tưởng phân chia quyền lực nhà nước với việc tổ chức bộ máy nhà nước ở một số nước” của Nguyễn Thị Hồi [53] gồm 3 phần (i) nghiên cứu về mặt lịch sử của tư tưởng phân chia QLNN trên thế giới; (ii) sự thể hiện và áp dụng tư tưởng phân quyền trong tổ chức BMNN ở một số nước tư bản; (iii) sự thể hiện tư tưởng phân quyền trong tổ chức BMNN Việt Nam qua các bản HP; trong có có đề cập đến thiết chế ĐĐNN trong việc phân chia, kiểm soát quyết lực nhà nước ở các nước. (2) Cuốn "Những giới hạn cho chủ nghĩa Hiến pháp dân chủ ở Trung và Đông Âu” (Limits to democratic constitutionalism in Central and Eastern Europe) của Puchalska, Bogusia
  • 30. 24 [160] đề cập đến nền tảng của chủ nghĩa dân chủ hợp hiến trong bối cảnh chính trị chuyển tiếp; vấn đề NNPQ, giới hạn quyền lực và bảo vệ HP ở Trung và Đông Âu; trong đó có đề cập đến vai trò của thiết chế ĐĐNN trong giới hạn quyền lực, nhất là vấn đề bảo hiến. (3) Một số bài viết có phạm vi hẹp hơn như: "Kiểm soát quyền lực nhà nước trong chính thể cộng hoà tổng thống theo Hiến pháp của Philippines” của Tô Văn Hoà [51]; hay ""Cân bằng và kiểm soát" quyền lực từ góc nhìn của vụ đóng cửa chính quyền liên bang Mỹ năm 2013" của Trương Hồ Hải [47]... * Nghiên cứu pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước: Cuốn "Tuyển tập Hiến pháp của một số Quốc gia” của Nguyễn Đăng Dung và các cộng sự [21] nghiên cứu HP của 12 nước ở các châu lục. Cuốn "Tuyển tập Hiến pháp một số nước trên thế giới” của Văn phòng Quốc hội [134]. Cuốn "Các bản Hiến pháp làm nên lịch sử”, Albert P. Blaustein, Jay A. Sigler [1] nghiên cứu về lịch sử phát triển, cũng như các khuynh hướng phát triển của HP trên thế giới, không chỉ những bản HP của Phương Tây mà cả những bản HP ở Phương Đông Meiji của Nhật Bản, HP Trung Hoa. Tương tự, Cuốn "Nghiên cứu so sánh Hiến pháp các quốc gia Asean” của Tô Văn Hòa [52] nghiên cứu, phân tích HP các nước như Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan... Cuốn "Hệ thống Hiến pháp Khối thịnh vượng Caribê: Phân tích theo bối cảnh” (The Constitutional Systems of the Commonwealth Caribbean: A Contextual Analysis), Derek O'Brien [146] có nội dung nghiên cứu chủ đạo là thông qua tìm hiểu quá trình cải cách HP giai đoạn hậu thuộc địa ở các nước trong khu vực này (vốn là thuộc địa của Vương quốc Anh) trong 20 năm qua để thấy được sự kế thừa, thay đổi về mô hình chính thể hiện nay so với mô hình cộng hoà đại nghị vốn có (mô hình Westminster); đáng lưu ý, ngoài nội dung nghiên cứu về lịch sử lập hiến, hệ thống bầu cử, chính phủ, nghị viện, toà án thì Cuốn sách đã dành riêng 1 phần riêng (phần 2) nghiên cứu về thiết chế NTQG của các nước trong khối. Cuốn "Xây dựng Hiến pháp ở các nước Xô viết” (Constitution-making in the Region of Former Soviet Dominance) của Rett R. Ludwikowski [163] phần thứ nhất nghiên cứu về mặt bối cảnh, tiền đề; phần thứ hai tập trung nghiên cứu các bản HP
  • 31. 25 mới về các hình thức nhà nước, cơ cấu tổ chức QLNN và BMNN như của Albania, Séc, Estonia, Kazakhstan, Kyrghyz, Lithuania, Ba Lan và các nước cộng hòa XHCN. Cuốn "Hiến pháp các quốc gia Trung Á: Phân tích theo bối cảnh” (The Constitutional Systems of the Independent Central Asian States: A Contextual Analysis) của Scott Newton [164] gồm 10 chương, nghiên cứu khái quát so sánh HP của Cộng hòa Kyrgyzstan và Cộng hòa Kazakhstan, Turkmenistan, Uzbekistan và Tajikistan; sự ảnh hưởng từ HP Liên Xô; sự thay đổi của các bản HP ở 5 nước khi Liên Xô tan rã và trước sự biến động của "trật tự thế giới mới” với xu hướng toàn cầu hóa, chủ nghĩa tự do; giới thiệu chi tiết nội dung của 5 bản HP như về tổng thống, chính phủ, nghị viện, bầu cử, tòa án...; đồng thời, chỉ ra những khó khăn, thách thức hiện hữu đối với vấn đề lập hiến mà các quốc gia này phải đối mặt. Ở phạm vi hẹp hơn, một số công trình nghiên cứu ở một quốc gia cụ thể: Đáng chú ý có: (1) Cuốn "Hiến pháp Việt Nam: Phân tích theo bối cảnh” (The Constitution of Vietnam: A Contextual Analysis) của Mark Sidel [154] với 9 phần, đã (i) khái quát hoá lịch sử lập hiến Việt Nam; (ii) giới thiệu, phân tích nội dung 4 bản HP các năm 1946, 1959, 1980 và 1991 (và các lần sửa đổi, bổ sung); (iii) nghiên cứu so sánh đối chiếu với tư tưởng HP Trung Quốc; (iv) nghiên cứu tư tưởng đổi mới HP về cải cách tư pháp, bảo hiến và những nhận định về tương lai HP Việt Nam. (2) Ngoài ra, còn có: Cuốn "Hiến pháp Nhật Bản: Nghiên cứu bối cảnh” (The Constitution of Japan: A Contextual Analysis) của Shigenori Matsui [165]; Cuốn "Hiến pháp Malaysia: Nghiên cứu bối cảnh” (The Constitution of Malaysia: A Contextual Analysis) của Andrew Harding [141]; Cuốn "Hiến pháp Pháp: Nghiên cứu bối cảnh” (The Constitution of France: A Contextual Analysis) của Sophie Boyron [166]; Cuốn "Hiến pháp Anh: Nghiên cứu bối cảnh” (The Constitution of the United Kingdom: A Contextual Analysis) của Peter Leyland [159]; Cuốn "Hiến pháp Liên bang Nga: Nghiên cứu bối cảnh” (The Constitution of the Russian Federation: A Contextual Analysis) của Jane Henderson [148]; Cuốn "Hiến pháp Trung Quốc: Nghiên cứu bối cảnh” (The Constitution of China: A Contextual Analysis) của Qianfan Zhang [161]; Cuốn "Hiến pháp Thái Lan: Nghiên cứu bối cảnh” (The Constitutional System of Thailand: A Contextual Analysis) của Andrew Harding, Peter Leyland [140]; Cuốn
  • 32. 26 "Hiến pháp Đức: Nghiên cứu bối cảnh” (The Constitutional System of Germany: A Contextual Analysis) của Werner Heun [173]... 1.1.2.2. Nhóm công trình nghiên cứu pháp luật về thiết chế đứng đầu nhà nước Cuốn "Nghiên cứu so sánh vai trò của nguyên thủ quốc gia trong chính thể cộng hoà đại nghị và cộng hoà tổng thống” (Comparative Study of the Role of the Head of State in Parliamentary and Presidential Systems of Government) của Mohd. Tahir Nasiri [155] nghiên cứu (i) những vấn đề chung và so sánh giữa hai hình thức chính thể; (ii) nghiên cứu điển hình NTQG ở một số nước theo hai mô hình như Ấn Độ, Mỹ, Anh...; (iii) từ đó, phân tích, so sánh đánh giá sự khác biệt, tương đồng về vai trò của NTQG giữa hai mô hình đặt trong mối quan hệ chung với BMNN và với từng thiết chế khác trong BMNN. Cuốn “Cộng hoà Tổng thống: Lãnh đạo hành pháp và thảo luận dân chủ” (The presidential republic: executive representation and deliberative democracy) của Gary L. Gregg [147] lại nghiên cứu lý thuyết chung về nền cộng hòa tổng thống, trong đó tập trung phân tích về vai trò đứng đầu và lãnh đạo hành pháp, cũng như trong việc tăng cường dân chủ của Tổng thống. Cuốn "Thiết chế Tổng thống Inđônêxia: Thay đổi từ cá nhân đến luật Hiến pháp” (The Indonesian Presidency: The Shift from Personal Toward Constitutional Rule) của Angus McIntyre [142] lại nghiên cứu lịch sử lập hiến của nước này, phân tích nguồn gốc tư tưởng lập hiến từ góc độ chính trị, văn hoá, xã hội tới việc lựa chọn mô hình cộng hoà tổng thống (từ Sukarno, Soeharto trong HP năm 1945, 1959 đến B.J.Habibie, Abdurrahman Wahid và Megawati Sukarnoputri từ HP năm 1998); chỉ ra những sự pha trộn, thay đổi trong quy định của các bản HP để hình thành nên một thiết chế Tổng thống độc đáo của quốc gia này. Nghiên cứu tương tự về NTQG ở một quốc gia cụ thể còn có: (i) Cuốn “Quyền lực của Tổng thống Pháp ở nền Cộng hòa thứ năm” (Presidential power in Fifth Republic France) của David S. Bell [145] nghiên cứu riêng về Tổng thống Pháp trong nền Cộng hoà Pháp đương đại; trong đó có nghiên cứu, phân tích và so sánh với các nền cộng hoà Pháp trước đó. (ii) Cuốn “Tổng thống trong hệ thống chính quyền Ấn Độ” (President in Indian political system) của Rawat [172] lại tập trung nghiên cứu về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng thống Ấn Độ.
  • 33. 27 Cuốn: "Tổng thống với Thủ tướng Chính phủ: Có nên bầu cử trực tiếp?” (Presidents with Prime Ministers: Do Direct Elections Matter?) của Margit Tavits [153] bàn về cơ chế bầu cử tổng thống trong các chính thể cộng hoà nghị viện, trọng tâm là sự lựa chọn giữa cơ chế nhân dân bầu trực tiếp tổng thống và nghị viện bầu tổng thống; qua các nghiên cứu thực nghiệm từ các hệ thống dân chủ trên toàn thế giới, tác giả đưa ra luận điểm bầu cử trực tiếp tổng thống không mang lại nhiều ưu điểm (cho cả nền chính trị và riêng cá nhân tổng thống), có thể dẫn tới tranh cãi, không phân cực giới tinh hoa chính trị hay xã hội, không khắc phục sự thờ ơ chính trị mà còn dẫn tới sự mệt mỏi của cử tri (giảm 7% tỷ lệ cử tri trong cuộc bầu cử nghị viện); trong khi, bầu gián tiếp lại củng cố, gia tăng sức mạnh cho tổng thống nhờ sự đồng thuận, sức mạnh thể chế và thành phần đảng phái của cả quốc hội và chính phủ... Ngoài ra còn có một số công trình như: Cuốn “Tổng thống, Nghị viện và Hiến pháp: Thẩm quyền và sự hợp pháp trong đời sống chính trị Mỹ” (The President, Congress, and the Constitution: power and legitimacy in American politics) của Christopher H. Pyle, Richard M. Pious [144] bàn về mối quan hệ giữa Tổng thống Mỹ với Nghị viện và HP. Cuốn “Tổng thống, nhân dân và đảng phái” (The president, the public, and the parties) của Đại học California [143] đề cập đến những khía cạnh của tổng thống đặt trong mối quan hệ với nhân dân và các đảng phái chính trị ở Mỹ. Cuốn “Quyền phủ quyết của Tổng thống" (The Presidential Veto) của R. J. Spitzer [162] viết riêng về sự phủ quyết của Tổng thống Mỹ. Cuốn "Quyền lực chiến tranh của Tổng thống” (Presidential War Power) của L. Fisher [151] lại chỉ viết về thẩm quyền liên quan đến chiến tranh của Tổng thống... Một số bài viết như: “Cơ chế bầu cử Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ” của Lưu Đức Quang [90]; “Chế định nguyên thủ quốc gia ở các nhà nước tư sản” của Thái Vĩnh Thắng [114]; "Chế định tổng thống Hoa kỳ: Hiến pháp và thực tiễn” của Thái Vĩnh Thắng [115]... 1.1.2.3. Đánh giá chung về tình hình nghiên cứu ở nước ngoài Nhìn chung, tương tự tình hình nghiên cứu trong nước, lịch sử nghiên cứu ở nước ngoài cũng có nhiều công trình nghiên cứu có nội dung liên quan đến đề tài Luận án. Mỗi công trình khác nhau về thời điểm, cách thức tiếp cận, đối tượng, phạm vi, mức độ và mục đích nghiên cứu. Tuy nhiên, có thể thấy (i) chưa có công trình nghiên cứu nào đề cập trực tiếp, tập trung đến việc hoàn thiện pháp luật về
  • 34. 28 NTQG nói chung và Chủ tịch nước ta nói riêng; (ii) có nhiều công trình nghiên cứu khá đầy đặn về thiết chế và pháp luật về NTQG ở các nước trên thế giới nhưng chủ yếu nghiên cứu quy phạm HP hoặc tiếp cận ở góc độ khái quát gắn với tổ chức QLNN hoặc tổ chức BMNN. Những công trình nghiên cứu về thiết chế ĐĐNN trong các tác phẩm kinh điển về nhà nước, pháp luật hoặc nghiên cứu lý thuyết chung về tổ chức QLNN, hình thức chính thể của các học giả nổi tiếng là cơ sở lý thuyết cũng như thực tiễn nền tảng cho Luận án. Kết quả nghiên cứu giúp Nghiên cứu sinh nhìn nhận tổng thể, khái quát nhất về thể chế chính trị, về tổ chức QLNN, về hình thức chính thể và tổ chức BMNN ở phạm vi thế giới, khu vực, theo chính thể hoặc ở từng quốc gia từ góc độ lịch sử, lý luận và thực tiễn. Trong đó, những nghiên cứu về quan điểm, trường phái, mô hình tổ chức BMNN sẽ giúp Nghiên cứu sinh làm rõ hơn cơ sở lý luận hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước. Nhất là, nghiên cứu về sự ra đời, tồn tại của thiết chế Chủ tịch nước; luận giải lý do lựa chọn, thay đổi mô hình NTQG và nguyên lý xác định phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước, khi đặt trong mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị nói chung và BMNN nói riêng ở nước ta; nhận diện lý thuyết, giá trị chung của thế giới từ đó đánh giá ưu điểm, nhược điểm để có những kiến giải hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước. Nội dung nghiên cứu mang tính lịch sử, hệ thống, có sự so sánh, đối chiếu pháp luật các nước trên thế giới giúp Nghiên cứu sinh thấy quá trình hiện thực hoá từ lý thuyết thành nội dung các QPPL của các nước và tổ chức thực hiện chúng trên thực tế; rõ hơn đặc điểm và nội dung pháp luật NTQG của từng mô hình; ưu điểm, nhược điểm cũng như địa vị pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn và sự phân công, phối hợp, kiểm soát của NTQG trong BMNN và với các thiết chế khác trong BMNN. Từ đó, giúp Nghiên cứu sinh có thêm thông tin thực tiễn để luận giải thêm cho cơ sở lý luận; so sánh, đánh giá thực trạng pháp luật về Chủ tịch nước đặt trong mối quan hệ với pháp luật về tổ chức BMNN ở nước ta. Đặc biệt, các công trình nghiên cứu trực tiếp về chế định ĐĐNN ở các nước trên thế giới là cơ sở thực tiễn thiết thực, có giá trị tham khảo rất cao cho Luận án. Không chỉ giúp Nghiên cứu sinh nhìn nhận toàn diện ở phạm vi thế giới về các mô hình NTQG tiêu biểu; mà còn cho thấy rõ hơn đặc điểm, xu thế của từng mô hình
  • 35. 29 cũng như sự sáng tạo ở mỗi nước. Từ đó, có thể phát hiện, xác định những vấn đề, giá trị để nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước trong tương lai. 1.2. NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA CẦN TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU Bên cạnh những kết quả, giá trị của các công trình nghiên cứu ở trong, ngoài nước có liên quan đến đề tài Luận án đã được Nghiên cứu sinh chỉ ra để học hỏi, kế thừa, phát huy, tiếp tục phát triển nhằm giải quyết nhiệm vụ nghiên cứu của Luận án thì lịch sử nghiên cứu cũng như yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn Việt Nam trong giai đoạn hiện nay đã xuất hiện, đặt ra không ít vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu về thiết chế ĐĐNN, pháp luật về thiết chế ĐĐNN cũng như đối với xây dựng, hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước Việt Nam. Có thể kể đến như: - Một số vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu về thiết chế ĐĐNN, đó là: (i) Ở góc độ chính trị - xã hội là những vấn đề như lý giải về xu thế bầu trực tiếp người ĐĐNN; hay vấn đề phát hiện, đào tạo, quy hoạch, giới thiệu ứng viên tham gia ứng cử chức danh ĐĐNN trong các tổ chức chính trị ở các quốc gia trên thế giới; mối liên hệ giữa người đứng đầu tổ chức chính trị với ứng viên tham gia ứng cử chức danh ĐĐNN. (ii) Ở góc độ kinh tế là vấn đề đánh giá hiệu quả về mặt kinh tế giữa các mô hình NTQG; là ngân sách dành cho hoạt động của thiết chế... (iii) Ở góc độ khoa học tổ chức nhà nước là vấn đề tại sao mô hình cộng hoà tổng thống trên thế giới là phổ biến hơn và lý giải xu thế chuyển đổi sang mô hình này ở một số nước trên thế giới. (iv) Ở các góc độ khác như vấn đề truyền thông, quảng bá, giữ gìn, bảo vệ hình ảnh NTQG gắn với hình ảnh nhà nước, dân tộc; vấn đề chuẩn mực đạo đức, lối sống của người ĐĐNN và gia đình của họ; v.v. - Một số vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu đối với pháp luật về thiết chế ĐĐNN, đó là: (i) Lịch sử hình thành, phát triển pháp luật ở phạm vi toàn thế giới cũng như ở các nước trên thế giới; (ii) So sánh sự khác biệt, sự ảnh hưởng và xu thế giao thoa giữa các trường phái, hệ thống pháp luật lớn trên thế giới khi quy định về thiết chế ĐĐNN; (iii) Mối quan hệ giữa pháp luật về ĐĐNN với quy phạm đạo đức, tôn giáo; (iv) Nghiên cứu quy định pháp luật về hình thành chức vụ ĐĐNN như kế vị, bầu cử trực tiếp, gián tiếp; về điều kiện, quy trình, thủ tục có liên quan...; (v) Quy định của pháp luật về mức lương, thu nhập đối với chức danh ĐĐNN; chế độ về đi lại, nhà ở; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ và phục vụ; v.v..
  • 36. 30 Như vậy, còn nhiều vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu, nhưng Luận án “Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước” sẽ chỉ tập trung nghiên cứu làm rõ một số vấn đề nhất định gắn với mục đích, nhiệm vụ, đối tượng, phạm vi nghiên cứu của Đề tài. Đây chính là cơ sở lý thuyết, câu hỏi nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu của Đề tài, cụ thể: - Về mặt lý luận: Luận án sẽ phải làm sáng tỏ hơn cơ sở lý luận của việc hoàn thiện pháp luật về Chủ tịch nước thông qua việc trả lời một số cầu hỏi, vấn đề nghiên cứu gồm: + Chủ tịch nước là gì; có đặc điểm gì so với các thiết chế khác trong BMNN và so với NTQG các nước khác; tại sao các quan hệ liên quan đến Chủ tịch nước lại cần phải điều chỉnh bằng pháp luật? Nội dung nghiên cứu này là cần thiết, không chỉ cho thấy Luận án nghiên cứu cái gì và tại sao phải nghiên cứu mà còn là cơ sở nền tảng để đưa ra khái niệm pháp luật về Chủ tịch nước cũng như đặc điểm, vai trò, nội dung và hình thức pháp luật về Chủ tịch nước. Nhiệm vụ của Luận án là thông qua nghiên cứu về mặt học thuật cũng như hệ thống hoá và phân tích, bình luận các quan điểm, quan niệm, khái niệm khác nhau về Chủ tịch nước, các khái niệm liên quan của các tác giả để đưa ra cách hiểu chính thức, thống nhất về khái niệm Chủ tịch nước. Đồng thời, chỉ ra những đặc điểm cơ bản, mang tính điển hình của Chủ tịch nước. Làm rõ những vấn đề trên, Luận án sẽ giải quyết được một số vấn đề còn tồn tại hiện nay như: (i) tại sao trong BMNN lại cần phải có thiết chế ĐĐNN; (ii) tại sao ở Việt Nam lại sử dụng thuật ngữ "Chủ tịch nước” trong khi các nước khác lại có các tên gọi khác; (ii) tại sao còn những khái niệm, quan điểm khau nhau về Chủ tịch nước (là một chức vụ nhà nước, là người đứng đầu nhà nước, là một thiết chế trong BMNN); (iii) tại sao Chủ tịch nước là người ĐNNN mà còn được gọi là NTQG; (iv) tại sao Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước thường cá nhân; chức vụ Phó Chủ tịch nước chỉ có một; (v) có những mô hình NTQG nào, với đặc điểm gì và cơ sở, nguyên lý nào để các nước lựa chọn mô hình...? + Khái niệm pháp luật về Chủ tịch nước? Pháp luật về Chủ tịch nước có đặc trưng gì về nội dung, hình thức so với pháp luật về các thiết chế khác trong BMNN cũng như so với pháp luật về NTQG ở các nước trên thế giới? Pháp luật về Chủ tịch nước có vị trí, vai trò như thế nào đối với tổ chức, hoạt động của Chủ tịch nước