SlideShare a Scribd company logo
1 of 205
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA
HỒ CHÍ MINH
NGUYỄN THỊ XIÊM
QUAN ĐIỂM JOHN STUART MILL VỀ TỰ DO VÀ
Ý NGHĨA CỦA NÓ ĐỐI VỚI VIỆC THỰC HIỆN
QUYỀN CON NGƢỜI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
Ngành: Triết học
Mã số: 9229001
LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC
Ngƣời hƣớng dẫn khoa học: PGS.TS. Đặng Hữu Toàn
PGS.TS. Tƣờng Duy Kiên
HÀ NỘI, 2019
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi dưới sự
hướng dẫn của PGS.TS. Đặng Hữu Toàn và PGS.TS. Tường Duy Kiên, có kế
thừa một số kết quả liên quan đã được công bố. Các số liệu, tài liệu trong luận
án là trung thực, đảm bảo tính khách quan và có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Hội đồng khoa học về luận án
của mình.
Tác giả luận án
LỜI CẢM ƠN
Tôi xin cảm ơn những người thân yêu trong gia đình đã luôn gần gũi, chia
sẻ, cảm thông và động viên kịp thời để tôi có thể tập trung mọi nguồn lực cho
việc hoàn thành chương trình học của mình.
Đặc biệt, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới tập thể cán bộ hướng dẫn:
PGS.TS. Đặng Hữu Toàn và PGS.TS Tường Duy Kiên; Ban Giám đốc Học viện
Báo chí và Tuyên truyền, Khoa Triết học và các nhà khoa học tham gia đào tạo
NCS khóa 2015 - 2018 đã giúp đỡ tận tình, đã truyền cho tôi ngọn lửa đam mê
nghiên cứu khoa học.
Cuối cùng, tôi xin được cảm ơn các bạn bè, đồng nghiệp đã nhiệt tình tiếp
sức và tạo thuận lợi để hoàn thành nhiệm vụ học tập, nghiên cứu của mình.
Tôi xin trân trọng cảm ơn!
Hà Nội, ngày tháng năm 2019
Tác giả luận án
MỤC LỤC
PHẦN MỞ ĐẦU................................................................................................1
1. Tính cấp thiết của đề tài..............................................................................1
2. Mục đích và nhiệm vụ của luận án .............................................................3
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu...............................................................3
4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu .................................................4
5. Đóng góp mới của luận án ..........................................................................4
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn........................................................................5
7. Kết cấu của luận án .....................................................................................6
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI..7
1.1. Những công trình nghiên cứu về điều kiện và tiền đề hình thành triết học
của J.S.Mill......................................................................................................7
1.2. Những công trình nghiên cứu về quan điểm của J.S.Mill về tự do .......12
1.3. Những công trình nghiên cứu về ý nghĩa quan điểm của J.S.Mill về tự do
đối với việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam hiện nay.....................16
1.4. Những vấn đề luận án cần tiếp tục nghiên cứu......................................21
Chƣơng 1: ĐIỀU KIỆN VÀ TIỀN ĐỀ HÌNH THÀNH TRIẾT HỌC VỀ
TỰ DO CỦA JOHN STUART MILL...........................................................23
1.1. Điều kiện lịch sử hình thành quan điểm về tự do trong triết học J.S.Mill.......23
1.1.1. Tình hình kinh tế nước Anh trong thế kỷ XIX ...............................23
1.1.2. Đặc điểm xã hội nước Anh trong thế kỷ XIX ................................26
1.1.3. Tình hình chính trị nước Anh thế kỷ XIX......................................27
1.2. Tiền đề lý luận hình thành quan điểm về tự do trong triết học J.S.Mill 34
1.2.1. Triết học lý thuyết của J.S.Mill.....................................................34
1.2.2. Quan điểm triết học về tự do và lý luận nhận thức của J.Locke
(1632 - 1704)...........................................................................................37
1.2.3. Nguyên tắc vị lợi của Jemery Bentham (1748 - 1832) .................42
1.2.4. Quan điểm của Wilhelm von Humboldt (1767 - 1853) về sự phát
triển cao nhất, hài hòa nhất mọi năng lực của con người với tư cách mục
tiêu của nhân loại....................................................................................45
1.2.5. Triết học thực chứng của Auguste Comte (1798 - 1857)..............48
1.2.6. Học thuyết chính trị của Alexis de Tocqueville (1805–1859) ......51
1.3. Quá trình hình thành và hoàn thiện quan điểm về tự do trong triết học
J.S.Mill ..........................................................................................................54
1.3.1. Cuộc đời, sự nghiệp của J.S.Mill..................................................54
1.3.2. Quá trình hình thành quan điểm về tự do trong triết học J.S.Mill .....61
Tiểu kết chương 1...............................................................................................71
Chƣơng 2: NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN VỀ TỰ DO TRONG TRIẾT
HỌC CỦA JOHN STUART MILL...............................................................72
2.1. Cách tiếp cận của J.S.Mill về tự do........................................................72
2.2. Quan điểm của J.S.Mill về các quyền tự do dân sự (quyền tự do cá nhân)...77
2.2.1. Tự do tư tưởng, tự do quan điểm và biểu đạt ...............................77
2.2.2. Tự do tín ngưỡng và tôn giáo........................................................82
2.2.3. Tự do sở thích, tự do đặt kế hoạch cho cuộc sống........................83
2.2.4. Quyền tự do của cá nhân trong mối quan hệ với xã hội...............90
2.3. Quan điểm của J.S.Mill về cơ chế thực hiện quyền con người .............97
2.3.1. Hình thức chính thể lý tưởng bảo đảm thực hiện các quyền và tự do
dân chủ về chính trị.................................................................................97
2.3.2. Thể chế chính trị dân chủ và hình thức thực hiện dân chủ thông qua
quyền bầu cử của công dân ..................................................................103
2.4. Giá trị và hạn chế quan điểm của J.S.Mill về tự do.............................113
2.4.1. Giá trị quan điểm của J.S.Mill về tự do......................................113
2.4.1.1. Giá trị tư tưởng của quan điểm về quyền tự do cá nhân...113
2.4.1.2. Giá trị tư tưởng của quan điểm về các quyền và tự do dân chủ
về chính trị......................................................................................116
2.4.1.3. Giá trị tư tưởng của quan điểm về giáo dục trong việc thực
hiện quyền tự do cho người dân và mở rộng nền dân chủ.............118
2.1.4.4. Giá trị tư tưởng của quan điểm về giải phóng phụ nữ......121
2.4.2. Hạn chế trong quan điểm của J.S.Mill về tự do .........................126
2.4.2.1. Chủ trương đấu tranh cho quyền tự do của con người nhưng lại
không bảo về sự bình đẳng của các dân tộc có quyền tự do, độc lập .126
2.4.2.2. Tính chủ quan và thiếu nhất quán trong quan điểm về tự do.128
2.4.2.3. Hạn chế từ lập trường giai cấp và từ việc hạ thấp vai trò của
quần chúng nhân dân .....................................................................131
Tiểu kết chương 2............................................................................................133
Chƣơng 3: Ý NGHĨA QUAN ĐIỂM TRIẾT HỌC CỦA JOHN STUART
MILL VỀ TỰ DO ĐỐI VỚI VIỆC THỰC HIỆN QUYỀN CON NGƢỜI Ở
VIỆT NAM HIỆN NAY................................................................................134
3.1. Quan điểm về quyền con người trong thế giới đương đại...................134
3.1.1. Khái niệm về quyền con người....................................................134
3.1.2. Lịch sử phát triển của tư tưởng nhân quyền...............................141
3.2. Thực trạng thực hiện quyền con người ở Việt Nam hiện nay nhìn từ quan
điểm của J.S.Mill về quyền tự do con người..................................................152
3.2.1. Nhà nước bảo đảm các quyền bầu cử, ứng cử và tham gia quản lý
Nhà nước và xã hội ...............................................................................152
3.2.2. Nhà nước bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin
...............................................................................................................155
3.2.3. Nhà nước bảo đảm quyền tự do hội họp và lập hội....................158
3.2.4. Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo................160
3.3. Một số bài học rút ra về vấn đề quyền con người trong triết của J.S.Mill
về tự do........................................................................................................164
3.3.1. Bài học về việc bảo đảm các quyền tự do cá nhân.....................164
3.3.2. Bài học về việc xây dựng hình thức chính thể bảo đảm các quyền
tham gia vào đời sống chính trị của người dân....................................168
3.3.3. Bài học về việc bảo đảm quyền bình đẳng giới..........................171
Tiểu kết chương 3............................................................................................175
KẾT LUẬN....................................................................................................177
DANH MỤC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
LUẬN ÁN.......................................................................................................180
CHÚ THÍCH..................................................................................................181
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO.....................................................188
1
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Tự do là khát vọng, là niềm mơ ước muôn thuở của con người. Đây cũng là
vấn đề bản chất, cũng là một trong những đặc trưng quan trọng của chủ nghĩa xã
hội. C.Mác đã khẳng định mục đích của Chủ nghĩa cộng sản là giải phóng con
người, đem lại tự do cho con người và “tự do của mỗi người là điều kiện cho sự
phát triển tự do của tất cả mọi người” [84, tr.606]. Đem lại tự do cho con người
để con người được tự do phát triển toàn diện. Theo đó, có thể nói, tự do là giá trị
nhân văn quan trọng bậc nhất trong tư tưởng của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác.
Khi nào, ở đâu mà người ta quên mất vấn đề tự do, hạn chế tự do của con người
nghĩa là đã vô tình rời bỏ mục tiêu xã hội chủ nghĩa.
Ở Việt Nam, tự do và độc lập là mục tiêu đấu tranh, là nguồn sức mạnh làm
nên thắng lợi vĩ đại của cả dân tộc Việt Nam trong cách mạng giải phóng dân tộc.
Trong bản “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa,
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh rằng, chính dân tộc ta, bằng cuộc đấu tranh
bền bỉ trong suốt 80 năm đã khôi phục được những quyền vốn có của con người,
trong đó có tự do – những giá trị bị thực dân Pháp chà đạp nhân danh khai hóa
văn minh. Lý tưởng “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi” đã được
Người khẳng định “đấy là tất cả những gì tôi muốn, đấy là tất cả những gì tôi
hiểu” [127, tr.44]. Tự do cho mỗi người và tự do cho cả cộng đồng dân tộc
không chỉ là khẩu hiệu hành động của dân tộc Việt Nam, mà còn là nguồn cổ vũ
lớn lao cho các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới đứng lên đấu tranh giành lại
quyền tự do, độc lập cho dân tộc, quyền và những tự do cơ bản cho người dân.
Cuộc đấu tranh bảo vệ và phát triển quyền và những tự do cơ bản của con người
là cuộc đấu tranh cho giá trị nhân văn, cho dân tộc phát triển.
2
Trong lịch sử tư tưởng nhân loại đã có nhiều tác gia bàn về vấn đề này,
trong đó, tiêu biểu có J.S.Mill (J.S.Mill; 1806 – 1873). Sinh thời, J.S.Mill đã
viết rất nhiều tác phẩm và gây được tiếng vang lớn. Trong đó, “Chính thể đại
diện” (Representative government), “Bàn về tự do” (On Liberty) và “Thuyết vị
lợi” (Utilitarianism) là những tác phẩm tiêu biểu của J.S.Mill trong bộ sách
Những cuốn sách vĩ đại của thế giới phương Tây (Great Books Of The Western
World , Encyclopedia Britanica, 1994). Các tác phẩm của J.S.Mill đều toát lên
nội dung chủ đạo: tự do của mỗi người tìm thấy giới hạn của mình trong tự do
của người khác; đem lại sự tự do cho mỗi người để có được sự phồn vinh của tất
cả mọi người và cuối cùng là nhằm có được sự tiến bộ xã hội. Ông nghiên cứu
các quyền tự do dân sự và quyền tự do chính trị. Những đóng góp tư tưởng của
J.S.Mill để lại dấu ấn rõ rệt trong triết học phương Tây. Tuy nhiên, xét về mặt
hạn chế, triết học của J.S.Mill đứng trên lập trường của giai cấp tư sản, là học
thuyết bảo vệ trật tự xã hội của chủ nghĩa tư bản. Mặc dù, J.S.Mill chưa thể đoạn
tuyệt hẳn với một số hạn hẹp có tính lịch sử, nhưng điều đó không thể ngăn cản
ông trở thành nhà tư tưởng dũng cảm, tiến bộ trong lịch sử tư tưởng triết học. Do
đó, nghiên cứu tư tưởng triết học của ông là công việc nhằm chắt lọc những giá
trị, tinh hoa văn hóa của nhân loại. Nghiên cứu những tư tưởng tiến bộ của
J.S.Mill về tự do là một trong những định hướng đó.
Thêm nữa, để giữ gìn và bảo vệ tự do với tư cách là một giá trị cao quý nhất
như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”
và cũng là để thực hiện lý tưởng tự do cao đẹp, một cội nguồn sức mạnh trong
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của mỗi
người và của cả cộng đồng dân tộc Việt Nam. Chúng ta không thể không nghiên
cứu và tiếp thu, kế thừa những tinh hoa tư tưởng trong quan điểm về tự do của
các nhà tư tưởng tiền bối, trong đó có J.S.Mill, trên tinh thần đổi mới và tư duy
sáng tạo để phù hợp với bối cảnh thời đại ngày nay. Xuất phát từ những vấn đề
3
nêu trên, tác giả xin lựa chọn đề tài “Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý
nghĩa của nó đối với việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam hiện nay”
làm Luận án Tiến sĩ Triết học.
2. Mục đích và nhiệm vụ của luận án
2.1. Mục đích nghiên cứu
Từ góc độ triết học, làm rõ quan điểm của J.S.Mill về tự do với tư cách
quyền của con người để trên cơ sở đó, chỉ ra và luận giải ý nghĩa của quan điểm
này đối với việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam hiện nay.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để thực hiện mục đích nghiên cứu nêu trên, luận án cần phải thực hiện
những nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, phân tích điều kiện lịch sử và tiền đề lý luận hình thành quan
điểm về tự do trong triết học của J.S.Mill.
Thứ hai, phân tích những nội dung cơ bản trong quan điểm về tự do của
John Stuat Mill
Thứ ba, phân tích ý nghĩa của những quan điểm triết học của J.S.Mill về tự do
đối với việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam hiện nay.
3. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là tư tưởng triết học về tự do và tính hiện
thời của nó nhìn từ góc độ thực hiện nhân quyền ở Việt Nam.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu của luận án là quan điểm của J.S.Mill về tự do trong các
tác phẩm: “Bàn về tự do” (On liberty, 1859), “Chính thể đại diện” (Representative
Government, 1861), “Thuyết vị lợi” (Utilitarianism, 1863) và thực tiễn thực hiện
quyền con người ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
4
4. Cơ sở lý luận và phƣơng pháp nghiên cứu
4.1. Cơ sở lý luận
Luận án được thực hiện trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa duy
vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử; tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan
điểm, đường lối, chủ trương của Đảng Cộng Sản Việt Nam về tự do và quyền
con người.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
Nhóm phương pháp nghiên cứu lý thuyết gồm: phương pháp phân tích và
tổng hợp lý thuyết; phương pháp phân loại và hệ thống hóa lý thuyết.
Phương pháp lịch sử - logic.
Phương pháp diễn dịch và quy nạp.
Phương pháp so sánh - đối chiếu.
5. Đóng góp mới của luận án
Luận án góp phần luận chứng những điều kiện lịch sử và tiền đề lý luận hình
thành quan điểm về tự do trong triết học của J.S.Mill; quá trình hình thành quan
điểm tự do trong triết học của J.S.Mill đã cho thấy các bước chuyển tư tưởng của
ông: từ khi là một thần đồng thuở thơ ấu đến khi trở thành triết gia lỗi lạc, từ những
quan điểm nền tảng ban đầu đến những luận thuyết sâu sắc sau này. Qua đó, luận
án đã góp phần luận chứng tư tưởng tự do trong triết học của ông được dựa trên
triết học lý thuyết của ông: thế giới quan duy nghiệm duy cảm nằm trong trào lưu
triết học duy nghiệm duy cảm Anh và thuyết đạo đức học vị lợi.
Luận án đã luận giải những nội dung cơ bản về tự do trong triết học của
J.S.Mill. Cụ thể, quan điểm của J.S.Mill về các quyền tự do dân sự (quyền tự do cá
nhân) và quan điểm của J.S.Mill về các quyền và tự do dân chủ về chính trị. Về
quyền tự do cá nhân, luận án đề cập đến tự do tư tưởng, tự do quan điểm và biểu
đạt; tự do tín ngưỡng và tôn giáo; tự do sở thích, tự do đặt kế hoạch cho cuộc sống
và tự do lập hội. Trên cơ sở đó, luận án chỉ ra quyền tự do của cá nhân trong mối
5
quan hệ với xã hội mang tính hai chiều và tuân theo những nguyên tắc nguyên tắc
tự do, nguyên tắc tổn hại và nguyên tắc vị lợi. Luận án còn luận giải được những
quan điểm của J.S.Mill về cơ chế thực hiện quyền con người như chính thể lý
tưởng, hình thức thực hiện dân chủ.
Luận án luận giải những giá trị lịch sử và hạn chế của quan điểm tự do
trong triết học của J.S.Mill. Những giá trị đó bao gồm: giá trị tư tưởng về
quan điểm tự do cá nhân; của quan điểm về quyền và tự do dân chủ về chính
trị; của quan điểm về quyền và tự do trong giáo dục; của quan điểm về giải
phóng người phụ nữ. Những hạn chế bao gồm: không bảo vệ sự bình đẳng
của các dân tộc; quan điểm về tự do thiếu nhất quán và mang tính chủ quan;
đánh giá thấp vai trò của quần chúng nhân dân.
Một trong những điểm đóng góp mới của luận án là việc phân tích một
số ý nghĩa hiện thời của những quan điểm tự do của J.S.Mill đối với việc thực
hiện quyền con người ở Việt Nam hiện nay. Luận án đã lựa chọn một số nét
trong thực trạng thực hiện quyền con người ở Việt Nam hiện nay có liên quan
đến các nội dung trong quan điểm về tự do của J.S.Mill để làm sáng rõ giá trị
và ý nghĩa của những quan điểm đó.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn
Trên phương diện lý luận, luận án đã nêu được bối cảnh kinh tế nước Anh
thế kỷ XIX là thời kỳ phát triển nền sản xuất công nghiệp Tư bản chủ nghĩa diễn
ra một cách mạnh mẽ, giúp cho con người ý thức được quyền năng và sự tự do cá
nhân của mình. Bên cạnh đó, luận án đã tái hiện được lịch sử chính trị dưới triều
đại Victoria dẫn đến sự xuất hiện của các đảng chính trị (Đảng Whig và Đảng
Tory) và nhóm Cấp tiến, Tổng công đoàn và phong trào Hiến chương như các tổ
chức đứng ra bảo vệ các quyền tự do cá nhân. Luận án đã phân tích toàn diện các
tiền đề lý luận cho sự hình thành quan điểm tự do của J.S.Mill. Những phân tích
6
của luận án cho thấy những đóng góp của J.S.Mill trong triết học chính trị của chủ
nghĩa tự do cổ điển.
Luận án đã phân tích những nội dung cơ bản trong quan điểm về tự do của
J.S.Mill. Góc độ tiếp cận của J.S.Mill về tự do: tự do luôn mang tính lịch sử và xã hội;
những phương diện biểu hiện khác nhau của tự do cá nhân trong thực tiễn cuộc sống;
cơ chế, phương thức thực hiện tự do cá nhân vào cuộc sống. Trên cơ sở đánh giá giá
trị và hạn chế của những tư tưởng trên, luận án đã rút ra được những bài học đối với
việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam hiện nay.
Trên phương diện thực tiễn, kết quả nghiên cứu của luận án cho thấy quan
điểm tự do trong triết học của J.S.Mill là sự phản ánh đặc thù của lịch sử, văn
hóa và xã hội phương Tây. Điều đó có ý nghĩa quan trọng trong việc chống lại
những luận điểm xuyên tạc của các thế lực thù địch về vấn đề quyền con người
và những chính sách thực hiện quyền con người của Nhà nước ta trong giai đoạn
hiện nay.
Luận án nghiên cứu quan niệm của J.S.Mill về tự do từ góc độ thực tiễn
thực hiện tự do và quyền con người ở Việt Nam có ý nghĩa quan trọng đối với
việc bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc cả trong lĩnh vực quyền con người.
Luận án là một công trình khoa học, có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo
cho công tác học tập, nghiên cứu và giảng dạy những chuyên đề về tự do, quyền
con người, triết học phương Tây cận – hiện đại…
7. Kết cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, tổng quan, kết luận, chú thích và danh mục tài liệu
tham khảo, nội dung của luận án được kết cấu thành 3 chương 10 tiết.
7
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
1.1. Những công trình nghiên cứu về điều kiện và tiền đề hình thành
triết học của J.S.Mill
Nghiên cứu về điều kiện và tiền đề hình thành triết học của J.S.Mill có
những công trình tiêu biểu, cụ thể như sau:
Viết về lịch sử nước Anh có cuốn “Lược sử nước Anh” của tác giả Bùi Đức
Mãn được xuất bản năm 2008 do NXB Thành phố Hồ Chí Minh phát hành [97]
đã cung cấp một cách hệ thống về lịch sử nước Anh thời cổ đại đến những năm
của chiến tranh thế giới thứ hai, năm 1945. Ở đó, tác giả Bùi Đức Mãn có miêu
tả nước Anh thời Victoria1
là thời kỳ đỉnh cao của cách mạng công nghiệp. Sự trị
vì của nữ hoàng Victoria được đánh dấu bởi sự bành trướng vĩ đại của đế quốc
Anh ra thế giới. Trong giai đoạn này, nước Anh đã đạt được vị trí quốc gia đỉnh
cao, trở thành cường quốc hàng đầu, không chỉ phát triển kinh tế mà còn đạt
nhiều thành tựu rực rỡ trong triết học và các khoa học cụ thể.
Tác phẩm “Tình cảnh của giai cấp lao động ở Anh” của Ph.Ăngghen và
“Tình hình công nghiệp công xưởng của Anh” của C.Mác đã phân tích rất chi tiết
về sự tác động của cách mạng công nghiệp lên đời sống kinh tế - xã hội ở Anh.
Sự thay đổi đó bắt đầu từ gia đình; từ vị trí, vai trò của phụ nữ trong xã hội đến
địa vị của người lao động trong xã hội; sự chuyển biến của những mối quan hệ
giữa người với người trong xã hội nước Anh… qua đó phản ánh một cách toàn
diện về sự ra đời và bản chất của chế độ Tư bản chủ nghĩa tại Anh.
Những tác phẩm trên cho thấy: Vào nửa cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX,
với những phát minh khoa học kỹ thuật, Vương quốc Anh đã bỏ xa các nước
Châu Âu khác để trở thành một cường quốc công nghiệp. Chế độ công xưởng
được chính phủ ủng hộ với sự giàu có nhanh chóng của các nhà tư bản đã làm
đóng cửa hàng loạt xưởng thợ nhỏ với tầng lớp thợ thủ công ngày càng bần cùng
8
hóa. Sự đối lập về lợi ích kinh tế giữa giai cấp tư sản và giai cấp công nhân đã trở
thành những mâu thuẫn giai cấp sâu sắc. Cuộc khủng hoảng kinh tế năm l841 -
1842 đã góp phần thúc đẩy cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân thành một làn
sóng rộng khắp trên toàn nước Anh. Những cuộc đấu tranh sôi động chống giai
cấp tư sản đã chỉ ra rằng giai cấp công nhân Anh bắt đầu nhận thức được vai trò
và sức mạnh to lớn của mình, bước lên vũ đại chính trị như một giai cấp độc lập.
Trước tình cảnh khốn khổ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, sự
mâu thuẫn ngày càng sâu sắc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động với giai
cấp tư sản, đòi hỏi những người theo chủ nghĩa tự do đưa ra những ý tưởng cải cách
xã hội tư sản. Trên thực tế, trong thời đại của J.S.Mill, ông đã hai lần chứng kiến
cải cách chính trị ở nước Anh: Lần thứ nhất vào năm 1832, với sự kiện Luật cải
cách được nhà vua ký, chính thức có hiệu lực. Luật cải cách năm 1832 ra đời là
thành quả của cuộc đấu tranh của nhóm Cấp Tiến (đại diện có Jemery Bentham và
J.S.Mill) kêu gọi quần chúng đòi phổ thông đầu phiếu, đòi quyền bầu cử cho tất cả
công nhân Anh có đóng thuế trực tiếp. Nó mở rộng quyền bầu cử cho bộ phận tầng
lớp trung lưu mới, giảm bớt căng thẳng chính trị trong xã hội. Lịch sử chính trị Anh
tiếp tục ghi dấu ấn bởi Cải cách nghị viện lần thứ hai năm 1867. Cuộc cải cách này
đã mở rộng hơn nhiều quyền bầu cử, đem lại quyền bầu cử cho giai cấp công nhân
cơ bản (ngoại trừ công nhân mỏ và công nhân nông nghiệp). Số cử tri tại Anh khi
đó đã tăng lên rõ rệt. Hai lần cải cách nghị viện trong thế kỷ XIX đã làm thay đổi
rất nhiều tình hình chính trị nước Anh. Cũng chính những lần cải cách nghị viện đã
thu hút được sự quan tâm của J.S.Mill. Nhiệm vụ của luận án là phải làm sáng tỏ
những tiền đề kinh tế - xã hội trên là cơ sở cho sự ra đời của chủ nghĩa tự do thế kỷ
XIX, trong đó, J.S.Mill xuất hiện như vị “giáo chủ tự do”, là vị “khai sinh ra chủ
nghĩa tự do” [4, tr.136].
J.S.Mill là nhà triết học Anh vĩ đại có ảnh hưởng lớn đến tư tưởng phương
Tây thế kỷ XIX và cho đến hiện nay. Cuộc đời và sự nghiệp của J.S.Mill cũng
9
như các quan điểm triết học của ông luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho học giả
trên thế giới kế thừa và luận bàn. Ở Canada, từ những năm 1950, nhà xuất bản
Đại học Toronto (University of Toronto Press) đã xuất bản một số tác phẩm của
J.S.Mill, ấn hành lần đầu là bộ “Toàn tập của J.S.Mill” (The Collected Works of
J.S.Mill), gồm 33 tập được biên tập từ Hội đồng biên tập Khoa nghệ thuật và
Khoa học của trường Đại học Toronto (The Faculty of Arts and Science of the
University of Toronto Press) [149]. Tổng biên tập của Hội đồng là ông John
Michael Robson, Giáo sư của Đại học Toronto. Họ đã trình bày được một cách
đầy đủ toàn bộ tác phẩm của J.S.Mill, trong đó có những tác phẩm đã được xuất
bản riêng lẻ. Bên cạnh đó, bộ “Toàn tập của J.S.Mill” đã cung cấp các văn bản
chính xác của một số tác phẩm trước đó chưa từng được công bố hoặc khó tiếp
cận. Trường Đại học Toronto đã cung cấp trọn vẹn các tác phẩm của J.S.Mill ở
những lĩnh vực nghiên cứu khác nhau, những lá thư trao đổi giữa J.S.Mill với
nhiều nhân vật cùng thời. Quá trình xuất bản bộ “Toàn tập của J.S.Mill” đã nhận
được sự hỗ trợ lớn từ Hội đồng nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn
Canada (Social Sciences and Humanities Research Council of Canada) và nhận
được sự hợp tác của nhiều nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực triết học, chính trị,
kinh tế, ngôn ngữ và lịch sử ở các quốc gia trên thế giới. Điều đó cho thấy bộ
“Toàn tập của J.S.Mill” là một ấn bản công phu, kỹ lưỡng và có giá trị khoa học.
Đây là một nguồn tài liệu tham khảo quan trọng để có thể tiếp cận cuộc đời và sự
nghiệp của J.S.Mill.
Ở Anh quốc, các công trình nghiên cứu về ông vô cùng phong phú và đa
dạng. Tiêu biểu, bộ sách “Sổ tay Cambridge về triết học” do nhà xuất bản Đại
học Cambridge – Anh quốc phát hành. Loạt sách này giới thiệu chi tiết về các
nhà tư tưởng, nhà triết học và các trường phát triết học khác nhau. Mỗi một tập
bao gồm những bài viết của những học giả hàng đầu ở Anh quốc nên đó là tập
hợp các quan điểm khác nhau, chứ không phải là ý kiến của một tác giả duy nhất.
10
Trong bộ sách này có hai cuốn: Năm 1998, tác giả John Skorupski ở Đại học St
Andrews, Scotland có biên soạn cuốn “Sổ tay Cambridge về Mill” (The
Cambridge Companion to Mill) [150]. Trong tác phẩm, J.S.Mill được đánh giá
là một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất của thế kỷ XIX. J.S.Mill đã có một
ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng và văn hóa phương Tây trong nhiều lĩnh vực:
triết học, kinh tế - chính trị, xã hội học và nghiên cứu văn học. Herny R. West,
Biên tập viên tại Tạp chí triết học Quốc tế đánh giá cuốn sách này là “bộ sưu tập”
những bài viết độc đáo về tiểu sử và tư tưởng triết học của J.S.Mill. Cuốn sách là
một trong những công trình toàn diện và đáng tin cậy khi nghiên cứu triết học
của J.S.Mill. Năm 2014, cuốn “Sổ tay Cambridge về Thuyết vị lợi” được xuất
bản bởi Đại học Cambridge do Ben Eggleston và Dale Miller đồng chủ biên
[145]. Các bài viết trong cuốn sách này được đánh giá là nguồn tư liệu quan
trọng để nghiên cứu về triết học đạo đức, triết học chính trị và đặc biệt là Thuyết
vị lợi. Hai tác giả bàn nhiều về các nguyên tắc vị lợi và sự tác động của học
thuyết này trong bối cảnh hiện nay bằng cách xem xét nó đối với những vấn đề
đương đại gây tranh cãi như xung đột quân sự, sự nóng lên toàn cầu…
Có thể nói rằng J.S.Mill và các tác phẩm của ông được xuất hiện hầu hết
trong các sách nhập môn về triết học phương Tây về triết học đạo đức, triết học
chính trị. Điều này cho thấy những quan điểm triết học của J.S.Mill vẫn được
quan tâm, tranh luận, nghiên cứu nhiều và có ảnh hưởng nhất định đến đời sống
chính trị - xã hội đương đại. Tuy nhiên, ở Việt Nam, những nghiên cứu về
J.S.Mill và các tác phẩm của ông vẫn còn mới, cần tiếp tục được khai thác.
Ở Việt Nam, các tài liệu về lịch sử triết học như “Lịch sử triết học phương
Tây trước Mác” của tác giả Trần Văn Phòng và Dương Minh Đức xuất bản năm
2001 tại NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội; bộ sách “Lịch sử triết học phương Tây”
gồm 3 tập của tác giả Đỗ Minh Hợp do NXB Chính trị Quốc gia phát hành năm
2014 [56, 57, 58]; những cuốn sách về “Lịch sử triết học” của các tác giả Bùi
11
Thanh Quất, Trần Đăng Sinh, Nguyễn Hữu Vui hay như cuốn sách “Câu chuyện
triết học” của Will Durant… đều đã chỉ ra triết học về tự do của J.S.Mill nằm
trong sự phát triển của tư tưởng nhân loại. Những nội dung triết học của J.S.Mill
được nêu khái quát trong những công trình trên là những tài liệu quý giá để học
viên tìm hiểu tiền đề lý luận hình thành quan điểm triết học J.S.Mill về tự do.
Về luận án, luận văn: hiện nay đã có một số luận án, luận văn nghiên cứu về
vấn đề này, tiêu biểu: Luận văn Thạc sỹ Triết học của Nguyễn Hải Hoàng “Quan
điểm về tự do trong Bàn về tự do của J.S.Mill” bảo vệ năm 2008 tại Trường Đại
học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội [43]; Luận án Tiến
sĩ “Triết học chính trị của J.S.Mill – Giá trị và bài học lịch sử” của Ngô Thị Như
bảo vệ năm 2012 tại Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học
Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hồ Chí Minh [114]; Luận văn Thạc
sỹ Triết học “Quan điểm của J.S.Mill về chính thể trong tác phẩm Chính thể đại
diện” của Nguyễn Thị Thùy Linh bảo vệ năm 2012 tại Đại học Khoa học Xã hội
và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội [77] và Nguyễn Ánh Hồng Minh (2014),
luận văn Thạc sỹ Triết học “Tư tưởng đạo đức của J.S.Mill trong tác phẩm
Thuyết công lợi”, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà
Nội [99]. Những công trình trên đã nêu được những điều kiện và những tiền đề
lý luận triết học tự do của John Stuart Mill. Cụ thể, các tác giả đều nhận định
cuộc cách mạng công nghiệp Anh và sự xuất hiện của giai cấp công nhân Anh,
mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản dẫn đến những biến động
chính trị ở nước Anh dưới thế lỷ XIX là tiền đề kinh tế, xã hội và chính trị cho sự
hình thành những quan điểm triết học của J.S.Mill. Về tiền đề lý luận, các tác giả
đã đi phân tích J.S.Mill đã kế thừa những tư tưởng triết học của A.Comte,
J.Locke, W.Humboldt, J.Bentham và A.Tocqueville. Đó là những đóng góp lớn
của các tác giả mà luận án cần kế thừa.
12
Bằng những phương pháp nghiên cứu lý thuyết, luận án có nhiệm vụ luận
giải cuộc cách mạng công nghiệp và những biến động về chính trị của nước Anh
thế kỷ XIX đã đặt ra những vấn đề gì để J.S.Mill giải quyết vấn đề tự do. Bên
cạnh đó, luận án cần chỉ ra những nét khái quát nhất về cuộc đời, sự nghiệp của
J.S.Mill, đặc biệt là sự chuyển biến trong tư tưởng của J.S.Mill. Trên đây là
những vấn đề mà luận án cần tiếp tục nghiên cứu.
1.2. Những công trình nghiên cứu về quan điểm của J.S.Mill về tự do
Trên thế giới, có rất nhiều học giả cũng quan tâm nghiên cứu quan điểm
J.S.Mill về tự do và những giá trị, hạn chế trong quan điểm đó. Tiêu biểu có
những tác phẩm sau:
Nhà triết học người Do Thái, Isaiah Berlin với tác phẩm “Bốn tiểu luận về
tự do” do NXB Tri thức phát hành năm 2014 (Nguyễn Văn Trọng dịch) [4] với
nội dung cơ bản là vấn đề về tự do và hai khái niệm về tự do. Khi bàn về những
vấn đề này, Isaiah Berlin đã kế thừa rất nhiều những tư tưởng của J.S.Mill trong
tác phẩm “Bàn về tự do”. Trong tác phẩm “Bốn tiểu luận về tự do”, Isaiah Berlin
tỏ ra yêu mến tư tưởng của J.S.Mill một cách nồng nhiệt. Isaiah Berlin đã có đóng
góp rất lớn khi phân biệt tự do - freedom hay tự do - liberty. Thuật ngữ “freedom”
thường được hiểu theo hai nghĩa: tự do khỏi một cái gì đó “freedom from
something” và tự do được làm điều gì đó “freedom to do something”. Isaiah
Berlin đã cố gắng phân biệt giữa hai nghĩa của khái niệm tự do này: “tự do tích
cực” khi nói về tự do được làm điều gì đó và tự do khỏi một cái gì đó thường được
sử dụng là một khái niệm “tự do tiêu cực”. Khi phân tích “tự do tiêu cực”, Isaiah
Berlin đã sử dụng quan điểm của J.S.Mill và coi đó là khái niệm tự do “Chỉ có tự
do xứng đáng với tên gọi ấy, ấy là tự do mưu cầu hạnh phúc riêng của ta theo cách
riêng của ta, trong chừng mực ta không mưu toan xâm phạm đến hạnh phúc của
người khác hoặc ngăn trở những nỗ lực của người khác đạt được hạnh phúc” [4,
tr.52-53]. Những phân tích này của Isaiah Berlin là cơ sở lý luận trực tiếp để luận
13
án tiếp cận quan điểm của J.S.Mill về tự do với tư cách là những quyền cơ bản của
con người.
Tác giả Michael Sandel – nhà triết học chính trị Mỹ với các tác phẩm “Chủ
nghĩa tự do và giới hạn của công lý” (1998), “Bất mãn trong nền dân chủ”
(1996), “Triết học: Các tiểu luận về đạo đức trong chính trị” (2005), “Lý lẽ
chống lại sự hoàn hảo: Đạo đức trong thời đại kỹ thuật di truyền” (2007) và gấn
đây nhất là tác phẩm “Phải trái đúng sai” được xuất bản ở Việt Nam do NXB
Trẻ ban hành (Hồ Đắc Phương dịch) [120]. Cuốn sách “Phải trái đúng sai” là
tập hợp các bài giảng của ông ở Đại học Harvard: Công lý - Đâu là việc đúng nên
làm? (What‟s the Right Thing to Do?) khơi gợi lên những câu hỏi lớn của triết
học chính trị thông qua việc đánh giá những vấn đề gai góc gây nhiều tranh cãi
nhất hiện nay, trong đó có vấn đề là giới hạn của nguyên tắc tự do và nguyên tắc
vị lợi trong việc thực hiện công lý... Đây là một khóa học có số lượng sinh viên
tham dự đông kỷ lục ở Hoa Kỳ. Ở đó, Michael Sandel có bàn luận rất nhiều về
quan điểm tự do và Thuyết vị lợi của J.S.Mill.
Từ sự kế thừa tư tưởng của J.S.Mill trong các tác phẩm của Isaiah Berlin và
Michael Sandel cho thấy quan điểm tự do của J.S.Mill có đóng góp rất lớn cho
sự phát triển chủ nghĩa tự do phương Tây, với tư cách như một hệ tư tưởng. Tác
giả Isaiah Berlin và Michael Sandel có những phân tích sâu sắc về quan điểm tự
do trong triết học của J.S.Mill.
Có thể nói rằng J.S.Mill là một nhân vật có sức hấp dẫn rất lớn trong nghiên
cứu triết học ở các quốc gia phương Tây. Còn ở Trung Quốc và Nhật Bản, tác
phẩm “Bàn về tự do” của ông được phổ biến rộng rãi. Thời Canh tân Minh Trị ở
Nhật Bản và thời Phong trào Ngũ tứ Trung Quốc, hai nước đã cho dịch và phát
hành rộng rãi cuốn sách để mở mang tri thức cho dân tộc [69; tr.6]. Cho đến hiện
nay, ở Nhật Bản cuốn sách “Bàn về tự do” và những quan điểm triết học của
J.S.Mill vấn được mọi người ưa chuộng và tìm đọc. Ở Việt Nam, tên tuổi và các
14
tác phẩm của ông vẫn còn mới mẻ. Trong số các tác phẩm của J.S.Mill, hiện
nay chỉ có hai tác phẩm được dịch ra tiếng Việt. Đó là “Bàn về từ do” (bản dịch
của Nguyễn Văn Trọng, NXB Tri Thức ấn hành) [69] và “Chính thể đại diện”
(Nguyễn Văn Trọng và Bùi Nam Sơn dịch, giới thiệu và chú thích) [70]. Đây là
những tác phẩm tiêu biểu của J.S.Mill và những bản chuyển ngữ của hai dịch
giả Nguyễn Văn Trọng và Bùi Nam Sơn được đánh giá là công phu, kỹ lưỡng
và tỉ mỉ. Đây chính là tài liệu quan trọng, hỗ trợ trực tiếp cho quá trình nghiên
cứu về J.S.Mill và các quan điểm triết học của ông về tự do.
Ngoài hai cuốn sách kể trên, dịch giả Nguyễn Văn Trọng tiếp tục dịch, giới
thiệu và chú giải tác phẩm “Con người trong thế giới tinh thần – trải nghiệm
triết học cá biệt luận” của tác giả Nikolai Alexandrovich Berdyaev do NXB Tri
thức phát hành năm 2015 [109]. Nikolai Alexandrovich Berdyaev được xem là
người có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của chủ nghĩa hiện sinh của Pháp. Ông
đã xây dựng triết học về bản diện cá nhân và tự do trong tinh thần của chủ nghĩa
hiện sinh. Khi sử dụng cuốn sách này là một tài liệu tham khảo, luận án sử dụng
phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và phương pháp so sánh –
đối chiếu để tìm ra điểm tương đồng và sự khác biệt trong quan điểm về tự do
của tác giả Nikolai Alexandrovich Berdyaev, một đại diện của chủ nghĩa hiện
sinh của Pháp và J.S.Mill với tư cách là một trong những “vị khai sinh ra chủ
nghĩa tự do” ở nước Anh.
Tác phẩm “Thuyết vị lợi” (Utilitarianism) do Batoche Books, Kitchener
phát hành năm 2001 [148] có ý nghĩa quan trọng cho sự hình thành và phát triển
“Thuyết vị lợi” – một trong những chủ thuyết có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến cải
cách chính trị - xã hội ở nước Anh nói riêng và các nước phương Tây nói chung
trong thế kỷ XIX và cho đến hiện nay. Trong lịch sử triết học, “Thuyết vị lợi” là
một trong những tiền đề lý luận cho sự hình thành và phát triển trường phái triết
học thực dụng Mỹ. Vấn đề này được tác giả Đỗ Minh Hợp trình bày trong cuốn
15
“Lịch sử triết học phương tây” tập 3 do NXB Chính trị quốc gia phát hành [78]
và tác phẩm “Triết học kinh tế trong lý thuyết về công lý của nhà triết học Mĩ –
John Rawls” của tác giả Trần Thảo Nguyên [125]. Đó là những nguồn tài liệu
quý giá để luận án tiếp cận nguyên tắc vị lợi – một trong những nguyên tắc cơ
bản để thực hiện quyền tự do cá nhân.
Về luận văn, luận án: nghiên cứu những quan điểm triết học của J.S.Mill về
tự do có những công trình tiêu biểu sau.
Nghiên cứu tác phẩm “Bàn về tự do” Nguyễn Hải Hoàng (2008), luận văn
Thạc sỹ “Quan điểm về tự do trong tác phẩm Bàn về tự do của J.S.Mill”, Đại
học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Hà Nội [46]. Luận văn đã tập trung nghiên
cứu quan điểm của J.S.Mill về tự do. Tuy nhiên, khi trình bày về nguyên tắc tự
do và nguyên tắc vị lợi, tác giả mới chỉ khái quát ở những luận điểm cơ bản.
Nhiệm vụ của luận án phải phân tích những nguyên tắc trên để làm rõ quan điểm
của J.S.Mill về tự do với tư cách là quyền cơ bản của con người.
Ngô Thị Như với luận án Tiến sĩ Triết học “Triết học chính trị của J.S.Mill –
Giá trị và bài học lịch sử”, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học
Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh. Trong luận án, tác giả
Ngô Thị Như đã trình bày những nội dung cơ bản trong triết học chính trị của
J.S.Mill, chẳng hạn vấn đề tự do cá nhân, quyền lực nhà nước, dân chủ, bầu cử,
giáo dục và giải phóng người phụ nữ. Từ đó, tác giả phân tích và rút ra những giá trị,
bài học lịch sử của triết học chính trị J.S.Mill, đồng thời chỉ ra những hạn chế trong
triết học chính trị của J.S.Mill như: tính chủ quan, thiếu nhất quán, thiếu cơ sở thực
tiễn thể hiện trong quan điểm về vai trò của quần chúng nhân dân. Về vấn đề tự do,
tác giả Ngô Thị Như đã tiếp cận tư tưởng J.S.Mill từ quyền tự do cá nhân (tự do tư
tưởng, tự do ngôn luận, tự do hội họp…) và tự do cá nhân được nhìn nhận trong
mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên, những nguyên tắc để thực hiện quyền tự do cá nhân
thì tác giả chưa đề cập đến, nhiệm vụ của luận án phải làm rõ những vấn đề này.
16
Nghiên cứu về tác phẩm “Chính thể đại diện”, có luận văn Thạc sỹ Triết
học của Nguyễn Thị Thùy Linh với đề tài “Quan điểm của J.S.Mill về chính thể
trong tác phẩm Chính thể đại diện” của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,
Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong luận văn, tác giả Nguyễn Thị Thùy Linh đã chỉ
ra quan điểm của J.S.Mill về tự do là quyền cơ bản của con người. Trong đó, có
những quyền tự do nhất thiết phải được bảo vệ: quyền tự do tư tưởng, quyền tự
do thảo luận; tự do lựa chọn lối sống và tự do lập hội. Tác giả đã chỉ ra triết học
chính trị của J.S.Mill dựa trên hai nguyên tắc nền tảng là nguyên tắc vị lợi và
nguyên tắc tự do. Tuy nhiên, những phân tích của tác giả Nguyễn Thị Thùy Linh
mới chỉ ở mức độ khái quát, cần phải được nghiên cứu một cách hệ thống và
mang tính chuyên sâu.
Nguyễn Ánh Hồng Minh (2014), Luận văn Thạc sỹ Triết học “Tư tưởng
đạo đức của J.S.Mill trong tác phẩm Thuyết Công lợi”, Đại học Khoa học xã hội
và nhân văn. Trong luận văn, tác giả đã phân tích những điều kiện và tiền đề hình
thành tư tưởng đạo đức của J.S.Mill; nội dung cơ bản của tư tưởng đạo đức
J.S.Mill trong tác phẩm Thuyết vị lợi và những giá trị, hạn chế của nó. Những
nội dung mà tác giả Nguyễn Ánh Hồng Minh trình bày trong luận văn là cơ sở để
luận án tiếp cận nguyên tắc vị lợi.
Như vậy, có thể thấy rằng, các tác phẩm của J.S.Mill chưa được nghiên cứu
nhiều ở Việt Nam. Khoảng trống về những đề tài quan trọng này là một điều bất
lợi lớn trong quá trình nhận thức về vấn đề quyền tự do theo quan điểm của
J.S.Mill nói riêng và vấn đề tự do trong triết học phương Tây nói chung.
1.3. Những công trình nghiên cứu về ý nghĩa quan điểm của J.S.Mill về
tự do đối với việc thực hiện quyền con ngƣời ở Việt Nam hiện nay
Vấn đề quyền con người nói chung, triết học của J.S.Mill về quyền con
người nói riêng là những nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia,
17
các nhà khoa học trên phương diện hoạt động nghiên cứu lý luận khoa học và
hoạt động thực tiễn.
Về sách: Năm 2005, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ban hành sách trắng về
quyền con người với tiêu đề “Thành tựu và phát triển quyền con người ở Việt
Nam” [11]. Cuốn sách tương đối nhỏ, gọn (82 trang) gồm 4 phần: Quan điểm và
chính sách của Nhà nước Việt Nam về quyền con người; Thành tựu trong việc
thực hiện và thúc đẩy quyền con người; Hợp tác quốc tế về quyền con người;
Phòng chống các âm mưu thù địch xuyên tạc vi phạm quyền con người.
Cuốn sách cũng tổng kết các thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện
và phát triển nhân quyền. Đó là đảm bảo quyền con người về dân sự và chính trị,
như quyền bầu cử, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do đi lại, bình đẳng giữa
các dân tộc, quyền được tôn trọng về nhân phẩm và bất khả xâm phạm thân thể.
Bên cạnh đó là việc đảm bảo thực hiện các quyền con người về kinh tế, xã hội và
văn hoá. Cuốn sách cũng trình bày những cố gắng trong việc phát triển quyền
của phụ nữ, chăm sóc và bảo vệ trẻ em, gia đình, người già và người tàn tật.
Trong đó, phụ nữ được bình đẳng trong cơ hội việc làm với nam giới, tham gia
ngày càng nhiều vào các hoạt động kinh tế, xã hội và chính trị.
Luận án đã kế thừa những vấn đề lý luận được trình bày trong cuốn sách
như: chính sách của Nhà nước về quyền con người, nhận diện và đấu tranh
chống các âm mưu thù địch xuyên tạc vi phạm quyền con người. Trên cở sở lý
luận đó, luận án sử dụng phương pháp so sánh – đối chiếu để tìm hiểu giá trị và
hạn chế trong quan điểm triết học của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa của nó đối với
việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam hiện nay.
Đại học Quốc gia Hà Nội đã xuất bản một số cuốn sách viết về vấn đề này.
Tiêu biểu như “Quyền con người – Tập tài liệu chuyên đề liên hợp quốc” phát
hành năm 2010 [17]. Trong tác phẩm này, các tác giả đã chỉ ra trên phương diện
triết học, sự hình thành và phát triển lý luận quyền con người phản ánh quy luật
18
phát triển xã hội từ thấp đến cao. Cụ thể, nó phản ánh quá trình phát triển mang
tính quy luật trong nhận thức loài người từ những khái niệm sơ khai nhất về công
bằng, bình đẳng, tự do và nhân phẩm cho đến những tư tưởng, học thuyết triết
học về quyền con người.
Trong “Giáo trình lý luận và pháp luật về quyền con người” do Đại học
Quốc gia Hà Nội đã xuất bản, các tác giả đã phân tích những nội dung cơ bản sau:
quyền con người từ lâu đã trở thành một đối tượng nghiên cứu với những tư
tưởng, học thuyết được phát triển bởi nhiều nhà triết học nổi tiếng, trong đó có
J.S.Mill. J.S.Mill là một đại diện tiêu biểu của chủ nghĩa tự do thế kỷ XIX, tác
phẩm “Bàn về tự do” của ông được xác định là “văn kiện đánh dấu sự phát triển
tư tưởng về quyền con người của nhân loại từ trước đến nay” [16, tr.56-57].
J.S.Mill đã đưa ra những luận giải về rất nhiều vấn đề lý luận cơ bản của quyền
con người, đặc biệt là các quyền tự nhiên và quyền pháp lý. Những tư tưởng về
các quyền tự nhiên và quyền pháp lý của J.S.Mill và các nhà triết học đương thời
có ảnh hưởng quan trọng đến sự ra đời của những văn bản pháp luật về quyền
con người của các quốc gia châu Âu trong thời điểm này.
Bên cạnh đó, còn những cuốn sách như “Quyền con người – Tập tài liệu
chuyên đề Liên hiệp quốc” của xuất bản năm 2010 [17]; “Hỏi đáp về quyền con
người” xuất bản năm 2010 [24]; “Tư tưởng về quyền con người – tuyển tập tư
liệu thế giới và Việt Nam” phát hành năm 2011 [22] của khoa Luật, Đại học
Quốc gia Hà Nội. Các tác phẩm đã trình bày lý luận về quyền con người dưới
góc độ triết học, ở đó có xác định tác phẩm “Bàn về tự do” của J.S.Mill với tư
cách là một văn kiện đánh dấu sự phát triển tư tưởng về quyền con người của
nhân loại. Về cơ bản, những tác phẩm này cùng phân tích những nội dung chủ
yếu sau:
Trong những tác phẩm trên, các tác giả đều nhận định rằng sâu thẳm trong
tư duy và niềm tin của nhân loại là niềm tin chắc chắn rằng mỗi người và tất cả
19
mọi người đều có các quyền, trong đó có các quyền tự do cơ bản trên lĩnh vực
kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội. Trong giai đoạn hiện nay, quyền con người
đã phát triển như một khuôn khổ đạo đức, chính trị, pháp lý chung của các quốc
gia trên thế giới. Bên cạnh việc cung cấp hệ thống văn bản, công ước quốc tế về
quyền con người, các tác giả cũng chỉ ra những công trình đó là sự kế thừa trực
tiếp hoặc gián tiếp những tiền đề lý luận của các nhà triết gia trong trường phái
chủ nghĩa tự do từ cổ điển cho đến hiện đại. Nhiệm vụ của luận án phải chỉ ra
những tư tưởng triết học của J.S.Mill về quyền con người, đặc biệt là các quyền
tự nhiên và các quyền pháp lý có ý nghĩa như thế nào cho việc pháp điển hóa các
quyền con người vào pháp luật quốc gia và quốc tế, cũng như việc đảm bảo thực
hiện các quyền này trên thực tế.
Cuốn sách “Hỏi đáp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân”
của tác giả Vũ Công Giao xuất bản năm 2016 do NXB Chính trị quốc gia phát
hành [42] đã trình bày những vấn đề cơ bản về quyền con người. Trong cuốn
sách, tác giả đã tiếp cận khái niệm quyền con người theo chiều ngang, thông qua
nhà nước và xã hội dân sự. Đây là một cách tiếp cận rất mới về quyền con người
của tác giả mà luận án cần tiếp thu. Mặt khác, tác giả đã góp phần lý giải về mối
liên hệ giữa quyền con người với tự do. Theo tác giả, tự do mang tính chất của
một sự lựa chọn hay một quyền cá nhân. Bàn về vấn đề này, tác giả đã trích dẫn
tư tưởng của J.S.Mill: “Về khía cạnh này, J.S.Mill, nhà triết học và kinh tế chính
trị học người Anh cho rằng, cần bảo vệ tự do của cá nhân để họ được sống hạnh
phúc theo ý của họ, hơn là bắt họ sống hạnh phúc theo ý của những người xung
quanh (Bàn về tự do - 1859)” [42, tr.37].
Một vấn đề còn gây tranh cãi về quyền con người, đó là: quyền con người
có nguồn gốc tự nhiên hay do pháp luật quy định? Trong lịch sử, có hai trường
phái trái ngược nhau. Những người theo học thuyết về quyền tự nhiên (natural
rights) – tiêu biểu là các triết gia như Thomas Hobbes, John Locke, Thomas
20
Paine… cho rằng quyền con người là bẩm sinh, vốn có mà mọi cá nhân sinh ra
đều được hưởng. Do đó, các quyền con người không phụ thuộc vào phong tục,
tập quán, truyền thống, văn hóa, ý chí của bất cứ cá nhân, giai cấp, tầng lớp, tổ
chức, cộng đồng hay nhà nước nào. Vì thế, không một chủ thể nào, kể cả Nhà
nước, có thể ban phát hay tùy tiện vứt bỏ quyền con người. Ngược lại, những
triết gia theo học thuyết về quyền pháp lý (legal rights) tiêu biểu có Edmund
Burke, Jeremy Bentham… cho rằng các quyền của con người không phải là bẩm
sinh, vốn có mà phải do các nhà nước quy định trong pháp luật. Họ cho rằng
phạm vi, giới hạn, cả thời hạn hiệu lực của các quyền con người phụ thuộc vào ý
chí của tầng lớp thống trị và những yếu tố như phong tục, tập quán, truyền thống
văn hóa… của từng xã hội. Những vấn đề trên được tác giả Vũ Công Giao lược
khảo trong cuốn sách “Hỏi đáp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công
dân”. Trên cơ sở những nội dung tác giả đã trình bày, luận án phải chỉ ra J.S.Mill
đã có sự kế thừa như thế nào trong quan điểm của các triết gia trên và tư tưởng
của J.S.Mill về nguồn gốc của quyền con người.
Trên thế giới, có rất nhiều công trình khoa học bàn về ý nghĩa quan điểm
của J.S.Mill đối với việc thực hiện quyền con người trong giai đoạn hiện nay,
tiêu biểu có tác phẩm “Bốn tiểu luận về tự do” của Isaiah Berlin [4] và “Phải trái
đúng sai” của Michael Sandel [120]. Các tác giả đều nhận định J.S.Mill là một
trong những người phát ngôn hàng đầu về chủ nghĩa tự do, là đại biểu phê phán
mạnh mẽ những người đã hiểu chưa đúng về quyền tự do cá nhân. Bên cạnh việc
chỉ ra những giá trị và hạn chế trong tư tưởng của J.S.Mill, các tác giả đều kế
thừa những giá trị tích cực và phát triển cho phù hợp với thời đại ngày nay.
Trong đó, tác giả Michael Sandel vẫn thường xuyên sử dụng các tư tưởng tự do
và nguyên tắc vị lợi của J.S.Mill để giảng dạy cho sinh viên trường Đại học
Harvard các vấn đề chính trị - xã hội của Hoa Kỳ hiện nay.
21
Trên đây là nguồn tài liệu quý giá giúp học viên tiếp cận về giá trị và ý
nghĩa của quan điểm về tự do của chủ nghĩa tự do đối với Việt Nam mà J.S.Mill
với tư cách là một đại diện tiêu biểu của trường phái này.
Luận án Tiến sĩ Triết học “Triết học chính trị của J.S.Mill – Giá trị và hạn
chế” của tác giả Ngô Thị Như [114] đã chỉ ra những bài học lịch sử từ triết học
chính trị của J.S.Mill, đó là bài học về phát huy vai trò của giáo dục, bài học đề
cao bình đẳng cho nữ giới, bài học về xây dựng hình thức chính thể dựa trên nền
tảng là lợi ích của người dân, bài học về xây dựng đội ngũ công chức chuyên
nghiệp … Trên cơ sở những luận điểm mà tác giả phân tích, luận án cần tiếp tục
làm rõ những giá trị lịch sử và ý nghĩa hiện thời của tư tưởng J.S.Mill về tự do.
1.4. Những vấn đề luận án cần tiếp tục nghiên cứu
Có thể thấy rằng, J.S.Mill là một nhân vật có sức hấp dẫn rất lớn đối với
triết học phương Tây thế kỷ XIX và hiện nay. Những đánh giá tích cực là một
cách khẳng định rõ ràng nhất đối với giá trị trong tư tưởng của ông. J.S.Mill là
một trong những bậc thầy vĩ đại được Thủ tướng Anh tôn vinh trong diễn văn
của ông về sự tự do của Anh quốc. Karl Britton, người viết tiểu sử của J.S.Mill
khẳng định “Mill đã tạo nên một ảnh hưởng đến tư duy triết học trong và ngoài
nước mà ít có nhà tư tưởng hàng đầu nào khác có thể vượt qua được” [77, tr.5].
Thế nhưng, suốt một thời gian dài, công cuộc nghiên cứu về J.S.Mill chưa đánh
giá hết tầm quan trọng của ông, nhất là đối với các vấn đề chính trị và xã hội
đang còn nóng bỏng tính thời sự. Khi chiến tranh thế giới thứ hai diễn ra, cuộc
đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít trở nên gay gắt, người ta mới thực sự tái phát
hiện “vị Thánh tông đồ của tự do”. Nghiên cứu về J.S.Mill được “phục hưng” từ
sau chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc: các tác phẩm của ông được dịch ra
nhiều thứ tiếng, nhiều công trình nghiên cứu chuyên đề về ông được công bố
dồn dập. Có thể nói, về nhiều phương diện, công cuộc nghiên cứu về J.S.Mill
thật sự được bắt đầu lại.
22
Trong thời gian qua, ở Việt Nam đã có một vài công trình nghiên cứu tư
tưởng triết học của J.S.Mill. Tuy nhiên, chưa có công trình nào nghiên cứu có hệ
thống về quan điểm của J.S.Mill về tự do. Vì vậy, tác giả mạnh dạn lựa chọn đề
tài “Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa của nó đối với việc thực hiện
quyền con người ở Việt Nam hiện nay” làm luận án Tiến sĩ Triết học.
Trên cơ sở tham khảo những tài liệu nêu trên, luận án cần tiếp tục nghiên
cứu những vấn đề:
Thứ nhất, khi phân tích những điều kiện lịch sử của nước Anh trong thế kỷ
XIX, luận án cần chỉ rõ được sự tác động của những điều kiện lịch sử đó dẫn đến
sự hình thành quan điểm về tự do trong triết học của J.S.Mill. Sự hình thành và
phát triển của một học thuyết triết học là sự bổ sung, kế thừa của các trường phái
triết học trước đó. Trong quá trình tìm hiểu tiền đề lý luận hình thành quan điểm
về tự do trong triết học J.S.Mill, luận án phải chỉ ra được sự kế thừa, phát triển
trong quan điểm triết học của J.S.Mill.
Thứ hai, luận án có nhiệm vụ phân tích cách tiếp cận của J.S.Mill về tự do.
Những quyền tự do dân sự mà J.S.Mill đề cập đến, đó là: tự do tư tưởng, tự do
quan điểm và biểu đạt; tự do tín ngưỡng và tôn giáo; tự do sở thích, tự do đặt kế
hoạch cho cuộc sống và tự do lập hội. Quan điểm của J.S.Mill về cơ chế thực
hiện quyền con người (về chế độ chính trị, thể chế chính trị dân chủ và hình thức
thực hiện dân chủ). Trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện
chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, luận án cần phân tích được giá trị và hạn chế
trong quan điểm của J.S.Mill về tự do.
Thứ ba, luận án có nhiệm vụ luận giải quan điểm triết học về quyền con
người; vấn đề thực hiện quyền con người ở Việt Nam hiện nay; từ đó, luận án
khái quát một số bài học rút ra về vấn đề quyền con người trong triết của J.S.Mill
về tự do.
23
Chƣơng 1: ĐIỀU KIỆN VÀ TIỀN ĐỀ HÌNH THÀNH TRIẾT HỌC VỀ
TỰ DO CỦA JOHN STUART MILL
1.1. Điều kiện lịch sử hình thành quan điểm về tự do trong triết học J.S.Mill
J.S.Mill (1806 - 1873) là một nhà triết học, một nhà logic học, nhà kinh tế
học và là nhà hoạt động chính trị nổi tiếng ở nước Anh. Tư tưởng của ông mang
đậm dấu ấn Anh ở thế kỷ XIX. Hay nói cách khác, xã hội Anh thời đó đã tác
động sâu sắc đến sự hình thành tư tưởng J.S.Mill.
1.1.1. Tình hình kinh tế nước Anh trong thế kỷ XIX
Dưới thế kỷ XIX, Cách mạng công nghiệp làm sự thay đổi cơ bản các điều
kiện kinh tế - xã hội, văn hóa và kỹ thuật, xuất phát từ Anh quốc sau đó lan tỏa ra
toàn thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp ở nước Anh được bắt đầu và diễn ra
mạnh mẽ ở ngành công nghiệp may mặc. Những phát minh kỹ thuật đầu tiên
xuất hiện trong ngành dệt đó là “Thoi bay” do Jonh Kay2
phát minh, làm cho dệt
nhanh hơn, rộng hơn. Năm 1767, James Hargreavers3
chế tạo ra máy kéo sợi 16
đến 18 cọc đầu tiên có tên là Jenny, sau đó nó được nhiều nhà phát minh khác cải
tiến cho chất lượng và hiệu quả cao hơn. Cho đến năm 1785, chiếc máy dệt đầu
tiên ra đời do Cartwright4
phát minh tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành dệt.
Cùng với cải tiến máy móc thì kỹ thuật nhuộm màu in hoa cũng đạt được những
tiến bộ lớn, góp phần củng cố địa vị trong ngành dệt. Những phát minh trên đã
đặt ra một nhu cầu mới trong sản xuất; đó là cần phải có nguồn động lực cho máy
móc. Ban đầu người ta sử dụng sức nước, tuy nhiên sức nước lại có hạn chế vì
không phải ở đâu cũng lợi dụng được nó. Đặc biệt, ở những quốc gia phương
Tây vào mùa đông lạnh giá việc dùng động lực của nước càng trở lên khó khăn
hơn. Việc chế tạo ra máy hơi nước, một phát minh vĩ đại trong thế kỷ XIX của
Thomas Newcomen5
và James Watt6
là dấu mốc mở đầu của quá trình cơ khí
hóa. Máy hơi nước đã tạo ra nguồn động lực mới, làm giảm sức lao động cơ bắp
của con người, giúp con người được tự do lựa chọn nơi đặt các nhà máy, xí
24
nghiệp. Đây là khởi đầu quá trình công nghiệp hoá ở nước Anh. “Nhờ có những
phát minh về sau mỗi năm một hoàn thiện ấy lao động máy móc đã thắng lao
động chân tay trong các ngành chủ yếu ở công nghiệp Anh” [79, tr.339]. Quá
trình công nghiệp hóa diễn ra mạnh mẽ giúp cho kinh tế nước Anh phát triển,
làm thay đổi căn bản diện mạo nước Anh “như một chiếc gậy thần nó đã làm
mọc lên những thành phố khổng lồ như Li-vơ-pun và Man-se-xtơ gồm đến 70
vạn dân và các vùng ngoại ô: Bôn-tơn (6 vạn dân), A-stơn và Xtê-li-brit-giơ (4
vạn dân) và cả một loạt thành phố công xưởng khác” [79, tr.339].
Nhờ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp, nước Anh nhanh chóng
trở thành quốc gia phát triển nhất thế giới. Năm 1851, nước Anh tổ chức triển
lãm thế giới ở London. Sản phẩm trưng bày của nước Anh chủ yếu là hàng công
nghiệp. Chỉ tính riêng sản lượng sắt, nước Anh đã vượt tổng sản lượng sắt của tất
cả các quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, nước Anh còn chiếm 2/3 tổng sản lượng
than và 1/2 tổng sản lượng vải bông trên thế giới. Những số liệu trên cho thấy
năng lực sản xuất của nước Anh mạnh hơn tổng sản lượng công nghiệp của các
quốc gia trên thế giới. Trong khi đó, sản phẩm của các nước khác chủ yếu là
hàng nông nghiệp và thủ công nghiệp. Qua cuộc triển lãm đó, nước Anh muốn
tuyên bố với thế giới rằng họ đã bước vào thời đại công nghiệp và đứng đầu thế
giới về công nghiệp.
Bên cạnh đó, nhờ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp, nước Anh đã
xây dựng được hạ tầng giao thông hiện đại. Trước năm 1755, nước Anh hầu như
không có kênh đào. Năm 1755, ở Lancashire, người ta đào con kênh từ Sankey
Brook đến St.Helens; năm 1759, James Brindley đào con kênh lớn đầu tiên, tức
kênh Quận công Bridgewater, chạy từ Manchester và các mỏ than vùng đó đến
cửa sông Mersey, kênh này đến gần Barton thì vượt qua sông Irwell bằng một
cầu dẫn nước. Từ đấy người ta đã đào kênh khắp mọi hướng và đã nạo vét sông
để chạy tàu thủy. Riêng ở Anh, có 2200 dặm kênh và 1800 dặm đường sông tàu
25
chạy được. Ở Scotland, người ta đào con kênh Calédonie. Ở Ailen người ta cũng
đào nhiều kênh [79, tr.347]. Từ năm 1818 đến năm 1829, ở Anh, Wales và ở
Scotland đã xây dựng được một mảng lưới đường rất đẹp. Về đường sắt, năm
1830, nước Anh khánh thành con đường sắt lớn đầu tiên là đường từ Liverpool
đến Manchester. Từ đó, các thành phố lớn được nối liền nhau bởi đường sắt.
Những nhà ga được xây dựng ngày càng lớn hơn; những khu dân cư ở gần đó
ngày càng phát triển với tốc độ lớn mạnh. Hơi nước không những đã cách mạng
hóa các phương tiện giao thông đường bộ mà mang lại cho giao thông đường
thủy một uy tín mới. Chiếc tàu đầu tiên được hạ thủy trên sông Clyde vào năm
1811. Từ đó, người Anh đã đóng hơn 600 tàu thủy chạy bằng hơi nước và năm
1836, hơn 500 chiếc hoạt động trên các bến cảng [79, tr.348]. Những kết cấu hạ
tầng hiện đại này khiến cho “nước Anh, cách đây sáu mươi năm còn có những
đường sá cũng xấu như đường sá nước Pháp hoặc nước Đức hồi đó, ngày nay đã
có một mạng lưới đường lát đẹp đẽ nhất; và tất cả những con đường này cũng
như hầu hết mọi cái ở Anh, đều là công trình của các nhà kinh doanh tư nhân”
[79, tr.346]. Như vậy, với hạ tầng giao thông hiện đại đã giúp cho người dân
thuận tiện đi lại, di chuyển tự do hơn. Điều này thúc đẩy nền kinh tế Anh phát
triển thành siêu cường thế giới. Điều đáng lưu ý là các công trình giao thông vận
tải đó, cũng như toàn bộ các công trình công cộng khác đều do khu vực kinh tế tư
nhân TBCN thực hiện. Điều này cho thấy, kinh tế tư nhân TBCN đã có sự phát
triển mạnh mẽ và giữ vai trò chủ đạo của trong hệ thống kinh tế của Anh quốc.
Như vậy, cuộc cách mạng công nghiệp đã tạo ra một sự phát triển thịnh
vượng về kinh tế. Không chỉ vậy, cuộc cách mạng công nghiệp còn khiến
quyền năng của con người lớn hơn. Con người ngày càng có ý thức về quyền
tự do của các cá nhân. Trong điều kiện như vậy, những học thuyết về tự do đã
được hình thành, tiêu biểu phải kể tới những tư tưởng tự do trong triết học
của John Stuart Mill.
26
1.1.2. Đặc điểm xã hội nước Anh trong thế kỷ XIX
Cách mạng công nghiệp đã khiến nền kinh tế Anh quốc phát triển nhanh
chóng, đồng thời cũng làm biến đổi kết cấu xã hội nước này một cách rõ rệt
Cuộc cách mạng này làm thay đổi toàn bộ xã hội Anh. Vị trí các giai cấp, tầng
lớp trong xã hội Anh có sự chuyển biến không đồng nhất.
Cuộc cách mạng công nghiệp làm ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống của
tầng lớp thợ thủ công, khiến họ bị đào thải “toàn bộ lịch sử sau đó của nền công
nghiệp Anh chỉ là thuật lại tình hình người lao động thủ công đã bị máy móc
đánh bật khỏi hết vị trí này đến vị trí khác” [79, tr.338]. Lao động bằng máy
móc đã thay thế lao động thủ công khiến cho hàng loạt thợ thủ công của nhiều
ngành nghề đã mất việc làm. Cụ thể, với sự phát triển của ngành công nghiệp
may dệt đã loại bỏ những người công nhân là đàn ông ra khỏi quá trình sản
xuất. Trước tình trạng đó, buộc phụ nữ và trẻ em cũng phải tìm kiếm việc làm.
Nếu như trước đây, người phụ nữ chỉ quanh quẩn những việc trong gia đình
thì nay họ phải đi làm với một cường độ lao động căng thẳng thậm chí chấp
nhận cả những công việc nặng nhọc, nguy hiểm ở nhà máy để mưu sinh qua
ngày. Như vậy, vai trò kinh tế của các thành viên trong gia đình đã thay đổi,
kéo theo đó là sự thay đổi vị trí, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã
hội. Đây chính là cơ sở thực tế khiến cho J.S.Mill đặc biệt quan tâm vấn đề
bình đẳng giới trong các tác phẩm của ông.
Sản phẩm quan trọng nhất của cuộc cách mạng công nghiệp ấy là giai cấp
công nhân Anh. Họ là những người trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào quá
trình sản xuất, là lực lượng lao động chủ yếu trong xã hội - những người mà trí
sáng tạo và bàn tay lao động làm nên sự vĩ đại của nước Anh. Do vậy, để phát
huy sức sản xuất của họ, giai cấp tư sản cần phải loại bỏ những trở ngại pháp lý
của chế độ nông nô và giành cho họ những quyền và tự do cơ bản.
27
Tuy nhiên, trên thực tế, đời sống kinh tế của người công nhân bấp bênh,
cùng cực còn trong xã hội họ không được hưởng bất kỳ một quyền gì “ngoài
những pháp lệnh chính trị thành văn được phân tích ở trên, cần phải đưa thêm
vào hiến pháp một vài yếu tố khác nữa. Cho đến nay, hầu như chưa nói gì đến
quyền công dân, trong giới hạn của Hiến pháp theo đúng nghĩa của nó thì cá
nhân ở Anh không có quyền nào cả. Những tồn tại này hoặc do tập quán, hoặc do
những quy ước riêng biệt không dính dáng đến hiến pháp” [78; tr.874-875].
Những người công nhân dần dần ý thức được rằng họ phải bảo vệ quyền lợi của
họ bằng cách đoàn kết thành một lực lượng mạnh mẽ để đấu tranh đòi hỏi những
quyền lợi kinh tế cũng như những quyền lợi chính trị. Và do đó, phong trào
nghiệp đoàn nổi lên từ cuối thế kỷ XVIII và phát triển mạnh vào thế kỷ XIX.
1.1.3. Tình hình chính trị nước Anh thế kỷ XIX
1.1.3.1. Tình hình đối nội nước Anh thế kỷ XIX
Vào những năm 40 của thế kỷ XVII, cách mạng tư sản Anh bùng nổ và
giành thắng lợi. Đây là một trong những cuộc cách mạng tư sản đầu tiên trên
thế giới. Cuộc cách mạng này diễn ra với hình thức nội chiến (Civil war)7
giữa
lực lượng quí tộc phong kiến với giai cấp tư sản được sự ủng hộ của quần
chúng lao động. Cuộc nội chiến này chấm dứt vào năm 1648 với thắng lợi
thuộc về giai cấp tư sản.
Sau cách mạng, giai cấp tư sản đã thiết lập nhà nước theo chính thể Cộng
hòa nghị viện mà quyền lực tối cao của nhà nước tập trung vào Hạ nghị viện.
Tuy nhiên chính thể này không tồn tại lâu. Do giai cấp tư sản sau đó đã không
thực hiện lời hứa chia ruộng đất cho nông dân, dẫn đến mâu thuẫn xã hội tiếp tục
phát triển gay gắt giữa giai cấp tư sản và quần chúng nhân dân lao động. Trước
tình thế đó, giai cấp tư sản đã phải thoả hiệp với tầng lớp quí tộc mới nhằm mục
đích xoa dịu mâu thuẫn xã hội. Hai sự kiện quan trọng thể hiện rõ sự thỏa
hiệp này là:
28
Thứ nhất, sau khi Oliver Cromwell8
– người lãnh đạo cuộc cách mạng Tư
sản qua đời vào năm 1658, kéo theo sự sụp đổ của nền Cộng hòa, Charles II9
đang lưu vong ở nước ngoài đã được mời về nước lên ngôi vua năm 1660.
Thứ hai, vào tháng 2 năm 1689, Nghị viện Anh đã thông qua đạo luật mới -
“Đạo luật thừa nhận ngôi vua và quyền hành của nghị viện”. Đạo luật này là cơ
sở pháp lý cho sự ra đời nhà nước quân chủ lập hiến tồn tại cho đến ngày nay.
Nội dung chủ yếu của đạo luật này là đề cao vai trò của Nghị viện và khẳng định
ngôi vua sẽ được giữ lại nhưng chỉ mang tính biểu tượng. Việc chuyển quyền lực
thực tế từ ngôi vua sang chính phủ và thủ tướng, hoàn toàn phụ thuộc vào Nghị
viện cho thấy hình thức dân chủ đó mang tính đại diện. Với chính thể đó, một
mặt nhằm bảo vệ lợi ích của giai cấp tư sản, loại bỏ độc quyền của phong kiến.
Mặt khác, chính thể đó đòi hỏi tách cá nhân ra khỏi xã hội và nhà nước, hạn chế
sự tác động và những thẩm quyền của nhà nước trong sự tương tác của nó với xã
hội công dân và cá nhân, tuyên bố sự bình đẳng về mặt chính trị của mọi công
dân, đem lại cho các cá nhân những quyền cơ bản và không thể tược đoạt. Đây
chính là điều kiện khách quan để J.S.Mill hình thành quan điểm về tự do, đồng
thời nó cũng quy định giá trị và hạn chế trong quan điểm triết học của ông.
Thế kỷ XIX, nước Anh tồn tại hai đảng đối lập, đó là đảng Whig (tiền thân
của đảng Tự do) và đảng Tory (tiền thân của đảng Bảo Thủ)10
. Tuy có những
chính sách khác nhau, nhưng hai đảng đều phục vụ cho tầng lớp có của. Trước
sự lớn mạnh của phong trào công nhân, hai đảng đều xích lại gần nhau để bảo vệ
lợi ích của giai cấp tư sản. Nếu so sánh diễn biến chính trị ở Anh và Pháp, hai
cường quốc mạnh ở châu Âu vào thế kỷ XIX và có liên quan đến nhau nhiều mặt
thì thấy, ở nước Anh, đường lối chính trị ít có sự thay đổi. Sự thay đổi đó chỉ là ở
những chính sách để nhằm giữ vững thể chế chính trị của Anh. Điều đó được thể
hiện ở một số sự kiện sau:
29
Mặc dù giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh với Pháp, nhưng nước
Anh lúc này lại rơi vào khủng hoảng kinh tế - xã hội “lúa mì tụt giá kinh khủng”,
“nhà nông chịu cảnh nghèo túng”, “chủ xưởng máy bất bình với nhà nước vì
phải tăng lương cho công nhân”, “đội quân thất nghiệp ngày càng đông đảo”,
“thợ dệt thủ công đập vỡ những máy dệt, đôi khi đốt phá nhà máy” [44; tr.305,
306]. Trong khi kinh tế Anh khủng hoảng thì giai cấp cầm quyền cũng lâm vào
tình trạng bất ổn. Lợi dụng tình hình ấy, nhóm Cấp Tiến (đại diện có Jemery
Bentham và cha con J.S.Mill) kêu gọi quần chúng đòi phổ thông đầu phiếu, đòi
quyền bầu cử cho tất cả công nhân Anh có đóng thuế trực tiếp. Trải qua một thời
gian đấu tranh kịch liệt, ngày 7/6/1832, Luật cải cách được nhà vua ký, chính
thức có hiệu lực. Nó mở rộng quyền bầu cử cho bộ phận tầng lớp trung lưu mới,
giảm bớt căng thẳng chính trị trong xã hội.
Đảng Whig tuyên bố rằng với cải cách bầu cử đó sẽ chấm dứt mọi đau khổ
trong dân chúng. Nhưng sự thật nỗi đau khổ trong dân chúng không hề được
giảm sút và xã hội Anh vẫn chưa thực sự thoát khỏi khủng hoảng. Trước tình
hình đó, nhiều trào lưu tư tưởng xuất hiện để giải quyết những vấn đề đặt ra.
Tiêu biểu có hai trào lưu đối lập, một là phong trào của nhóm “Nước Anh Trẻ”
có chủ trương duy trì trật tự của nước Anh hiện thời, bảo vệ lợi ích của tầng lớp
quý tộc cũ. Một nhóm chính trị gia khác, tiêu biểu có Jeremy Bentham, David
Rocardo, Jame Mill lập luận khác hẳn, chủ trương tự do về kinh tế, tránh sự can
thiệp của nhà nước, là tiếng nói đại diện cho giai cấp tư sản.
Phải đến năm 1831, Robert Owen11
đã thành lập một tổ chức lao động lớn,
đó là Tổng công đoàn (Great Consolidated Trade Union). Tổ chức công đoàn đã
thu hút được tất cả các thợ thuyền ở các ngành nghề tham gia bởi mục tiêu cứu
trợ đoàn viên khi đau ốm hay chết; đảm bảo số lương hưu trí khi về già và xây
dựng những hợp tác xã để tránh sự bóc lột của chủ xưởng. Phương pháp để tiến
tới kết quả là tổng đình công. Sự lớn mạnh của Tổng công đoàn khiến cho giai
30
cấp tư sản và chính quyền lo ngại tìm cách đàn áp. Phong trào nhanh chóng tan
rã [75; tr.327, 328]. Mặc dù Tổng công đoàn bị giải tán nhưng điều đó không
làm dập tắt đi những đòi hỏi bức thiết về quyền lợi của người lao động. Những
phong trào đấu tranh đòi hỏi quyền lợi chính trị của người của người lao động
càng được dâng cao, tiêu biểu có phong trào Ước pháp (Chartism) từ năm 1835
đến năm 1848 đòi phổ thông đầu phiếu kín, nhiệm kỳ nghị viện một năm, phụ
cấp cho dân biểu với những phương pháp đấu tranh như mít tinh, kiến nghị nên
cũng nhanh chóng thất bại [75; tr.328]. Mặc dù phong trào thất bại nhưng Nghị
viện cũng phải tiến hành những cải cách cho người lao động.
Sau cải cách không lâu, xuất phát sự bất mãn, giai cấp công nhân phát động
phong trào Hiến chương rầm rộ. “Trong phong trào Hiến chương toàn bộ giai
cấp công nhân đứng dậy chống giai cấp tư sản, tiến công trước hết vào chính
quyền của giai cấp tư sản” [79; tr.612]. Lịch sử đấu tranh của giai cấp công nhân
trên toàn thế giới vẫn luôn nhắc nhở sự kiện Hiến chương Anh như một tấm
gương điển hình cho lòng dũng cảm của giai cấp công nhân Anh. Mục đích của
phong trào Hiến chương tập trung trong bản “Hiến chương nhân dân” (People‟s
Charter) với sáu điều khoản12
“chỉ đề cập đến cơ cấu của hạ nghị viện, thoạt nhìn
hiền lành thôi, nhưng vẫn đủ để quét sạch Hiến pháp nước Anh với cả Nữ hoàng
và thượng nghị viện” [79; tr.612]. Sau ba cao trào (từ 1836 - 1858), phong trào
Hiến chương kết thúc và không đạt được mục đích chung cuộc. Tuy nhiên,
phong trào Hiến chương vẫn là một dấu ấn đậm nét của chính trị Anh thế kỷ XIX,
như V.I.Lênin từng đánh giá là „„phong trào cách mạng vô sản to lớn đầu tiên,
thật sự có tính chất và có hình thức chính trị‟‟ [72, tr.365].
Lịch sử chính trị Anh tiếp tục ghi dấu ấn bằng cải cách nghị viện lần thứ hai
năm 1867. Cuộc cải cách này đã mở rộng hơn nhiều quyền bầu cử, đem lại
quyền bầu cử cho giai cấp công nhân cơ bản (ngoại trừ công nhân mỏ và công
nhân nông nghiệp). Số cử tri tại Anh khi đó đã tăng lên rõ rệt. Hai lần cải cách
31
nghị viện dưới thế kỷ XIX đã làm thay đổi rất nhiều tình hình chính trị nước Anh.
Cũng chính những lần cải cách nghị viện đã thu hút được sự quan tâm của cả
Jame Mill và J.S.Mill.
Như vậy, bằng cuộc cách mạng công nghiệp và cải cách chính trị, nước
Anh đã bước vào thời đại mới – thời đại cải cách. Tại London náo nhiệt,
J.S.Mill đã chứng kiến rất rõ những cải cách trong toàn bộ lĩnh vực đời sống xã
hội. Điều này làm thay đổi diện mạo phương thức sản xuất TBCN ở Anh. Như
J.S.Mill từng viết vào năm 1831 rằng, một người „„thông qua chuyến đi dạo
vòng quanh London, có thể học về lịch sử nước Anh thế kỷ XIX nhiều hơn cả
những giai đoạn lịch sử của mười tám thế kỷ trước đó‟‟13
[152, tr.230]. Nước
Anh thời đại Victoria chính là cơ sở xã hội, là nền tảng hình thành triết học của
J.S.Mill. Có thể bắt gặp những vấn đề triết học mang hơi thở thời đại trong các
tác phẩm của J.S.Mill như quyền con người, quyền tự do cá nhân, quyền lực
nhân dân, dân chủ.
2.1.3.2. Chính sách đối ngoại nước Anh thế kỷ XIX
Về chính sách đối ngoại, nước Anh dùng địa vị ưu thế về công nghiệp để
chinh phục các nước khác. Do đó, chính sách đối ngoại của nước Anh thực chất
là chính sách xâm lược. Người hăng hái thực hiện chính sách xâm lược ở Anh
lúc bấy giờ là Henry Temple Palmerston14
. Cho đến giữa thế kỷ XIX, Anh dẫn
đầu thế giới về quy mô và tốc độ phát triển thuộc địa.
Từ năm 1815, hệ thống thuộc địa của Anh mở rộng khá nhanh. Ở Châu Á,
Anh chinh phục được toàn bộ bán đảo Ấn Độ. Ấn Độ là một quốc gia rộng lớn và
có nguồn tài nguyên dồi dào. Nhu cầu về vàng, bạc và hương liệu trong quá trình
tích luỹ nguyên thủy của chủ nghĩa tư bản càng thôi thúc người Anh tìm đế xứ sở
này. Năm 1849, nước Anh hoàn toàn xâm lược Ấn Độ. Chính phủ Anh chính
thức quàng lên cổ nhân dân Ấn Độ ách thuộc địa quan trọng trong hệ thống
thuộc địa của Anh. Sau khi đã chiếm xong Ấn Độ, chính phủ Anh bắt đầu triển
khai một loạt chính sách cai trị Ấn Độ.
32
Về chính trị, thực dân Anh nắm quyền cai trị trực tiếp, tiến hành chính sách
chia để trị “dùng người bản xứ đánh người bản xứ”. Chính phủ Anh đã sử dụng
đội quân Xipay với quân số lên đến 22.5 vạn người để cai trị người Ấn Độ. Bên
cạnh đó, thực dân Anh tìm cách khơi gợi sự khác biệt về chủng tộc, tôn giáo và
đẳng cấp trong xã hội để dễ bề cai trị. Về tôn giáo, thực dân Anh còn thực hiện
chính sách ưu đãi người Hồi giáo về nhiều mặt nhằm gây mâu thuẫn tôn giáo,
mâu thuẫn nội bộ ở Ấn Độ, từ đó hạn chế các giai tầng có thể đoàn kết chống lại
chính phủ Anh.
Về kinh tế, chính phủ Anh tiến hành những thủ đoạn cưỡng bức và bóc lột
kinh tế. Ở mảnh đất giàu có, vốn mang danh hiệu là viên ngọc trên vương miện
của nữ hoàng Anh, nước Anh tiến hành những thủ đoạn cướp đoạt trắng trợn đối
với người Ấn Độ. Cụ thể, trong lĩnh vực công thương nghiệp, chính quyền Anh
áp dụng biện pháp để vơ vét nguyên liệu, tiền của phục vụ cho nền công nghiệp
Anh, biến Ấn Độ thành nơi tiêu thụ hàng hoá cho công nghiệp Anh. Khoảng từ
năm 1814 đến năm 1835, số vải bông của Anh xuất khẩu sang Ấn Độ tăng khiến
cho hàng vạn thợ dệt Ấn Độ thất nghiệp. Các thành phố dệt truyền thống của Ấn
Độ trở nên hoang vắng, tiêu điều. Cùng với những chính sách trên, chính phủ
Anh còn đầu tư vào Ấn Độ và các thuộc địa khác để có lãi. Ngân hàng London
cho chính phủ Anh ở Ấn Độ vay từ 4 triệu bảng lên tới 133 triệu bảng trong nửa
sau thế kỷ XIX. Sự đầu tư của Anh vào Ấn Độ ở lĩnh vực cơ sở hạ tầng, xây
dựng xí nghiệp chế biến, hệ thống đường bộ, đường sắt để tạo điều kiện vật chất
nhằm mở rộng việc vơ vét nguồn tài nguyên giàu có của đất nước này. Với
những chính sách trên, nền tài chính Ấn Độ hoàn toàn bị lệ thuộc vào nước Anh.
Anh chú trọng đầu tư thuộc địa nhằm mục đích duy trì sự bóc lột lâu dài; đồng
thời tạo nên sự hào nhoáng về kinh tế ở thuộc địa nhằm che đậy mâu thuẫn giữa
chính quốc và thuộc địa.
33
Về văn hóa – xã hội, ở thuộc địa Anh, do được “khai hóa” sớm và lâu nên
được đầu tư khoa học, từ đó mà cũng có điều kiện phát triển văn hóa vật chất. Về
nền văn hóa tinh thần của các thuộc địa, thì văn hóa Anh, từ phong tục đến tập
quán, tôn giáo điều được truyền bằng những cuộc di dân của người Anh vào
thuộc địa, hòa quyện với văn hóa bản địa. Những tư bản dân tộc thuộc địa từ rất
lâu bị ảnh hưởng và lệ thuộc vào văn hóa Anh. Họ coi nữ hoàng Anh là nữ hoàng
của mình. Do bị ảnh hưởng bởi văn hóa đó và ngày càng đồng điệu, tầng lớp tư
sản dân tộc thuộc địa có mong muốn tự trị thay vì độc lập hoàn toàn. Mặt khác,
do khai thác thuộc địa từ sớm nên ở các thuộc địa đã sớm hình thành giai cấp
mới, giai cấp công nhân. Trong quá trình phát triển, họ đã bắt đầu lập nên các
đảng phái riêng, lãnh đạo phong trào công nhân và phong trào giải phóng dân tộc
nhưng thường là ôn hòa và mục đích đòi tự trị chứ không là giải phóng hoàn toàn
dân tộc. Điều này cho thấy, thực dân Anh đã rất thành công trong chính sách
xâm lược thuộc địa.
Không chỉ thi hành chính sách cai trị với Ấn Độ, nước Anh còn đặt nền bảo
hộ trên những quốc gia như Myanmar, Belotchistan, Mesopotamia và Palestine.
Ở châu Phi, Anh thôn tính toàn bộ miền Nam Phi và Đông Phi, Ai Cập, Xu đăng
và Nigeria ở Tây Phi. Ở châu Đại Dương, nước Anh chiếm toàn bộ đảo Australia,
Tasmania. Năm 1863, tàu Anh bắn phá cảng Kagosima của Nhật, buộc Nhật
phải bồi thường chiến phí và mở cửa cho Anh buôn bán. Ngoài ra, Anh còn gây
ra chiến tranh thuốc phiện với Trung Quốc nhằm thôn tính thị trường rộng lớn
này. Từ Hiệp ước Nam Kinh 184215
đến vụ Bát quốc liên quân (Anh, Pháp, Nga,
Mỹ, Đức, Nhật, Áo, Ý) đánh Bắc Kinh năm 1900; Anh đụng độ với Trung Quốc
nhiều lần và mỗi lần thất bại, Trung Quốc phải ký những điều ước bất bình đẳng
như điều ước Thiên Tân 1858, điều ước Bắc Kinh 1860, điều ước Bắc Kinh 1901,
Anh và các nước xâu xé Trung Quốc, mục đích là gây ảnh hưởng và tìm quyền
lợi ở Trung Quốc. Đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Vương quốc Anh là một
34
đế quốc rộng lớn nhất thế giới, được bao trùm một diện tích 35 triệu km2 và có
số dân lên đến 400 triệu người. Như vậy, vào thời điểm đó, Vương quốc Anh
chiếm hơn 1/5 đất nổi và 1/4 dân số của toàn thế giới [97, tr.340-341].
Trong chính sách thuộc địa, Anh cho các thuộc địa da trắng được quyền tự
trị rộng rãi còn những thuộc địa theo chế độ phong kiến thì phải phục tùng chính
quyền Anh một cách tuyệt đối. Những vấn đề này được J.S.Mill nhắc đến trong
tác phẩm “Bàn về tự do” và “Chính thể đại diện”. Trong Chương XVIII “Về sự
cai trị các nước thuộc địa bởi một nhà nước tự do” trong tác phẩm “Chính thể đại
diện”, J.S.Mill đã luận bàn về vấn đề này. Những lập trường của ông về những
vấn đề này được đứng trên chính sách đối ngoại và xâm lược của Anh quốc lúc
bấy giờ.
1.2. Tiền đề lý luận hình thành quan điểm về tự do trong triết học
J.S.Mill
1.2.1. Triết học lý thuyết của J.S.Mill
Thế giới quan của J.S.Mill hình thành dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa duy
nghiệm (Empiricism). Chủ nghĩa duy nghiệm là một trào lưu triết học cho rằng
kinh nghiệm cảm tính là nguồn gốc duy nhất của tri thức, coi nội dung của tri
thức chỉ là sự miêu tả kinh nghiệm đó. Đại diện tiêu biểu cho trường phái triết
học này là George Berkeley (1685 – 1753), David Hume (1711 - 1776) và
J.S.Mill.
Trước hết về G.Berkeley, ông chịu nhiều ảnh hưởng của các xu hướng phê
phán các quan niệm triết học cũ, G.Berkeley sử dụng ngay lập trường duy cảm
của các nhà duy vật Anh để chống lại họ và các hệ thống siêu hình học. Lợi dụng
sự dao động của J.Locke trong việc phân chia các đặc tính của sự vật thành các
“chất có trước” và các “chất có sau” G.Berkeley tìm cách chứng minh không
những các “chất có sau‟‟ mà ngay cả các “chất có trước‟' cũng hoàn toàn mang
tính chủ quan của con người. Theo ông, sở dĩ chúng ta có thể nhận thức được sự
35
vật, bởi vì chúng tương đồng với con người. Do vậy, chúng thuộc về và thông
qua con người. Từ đây, G.Berkeley khẳng định nguồn gốc hoàn toàn chủ quan
của mọi sự vật trong thế giới chúng ta, coi chúng chỉ là hiện thân của cảm giác
con người. G.Berkeley cho rằng tất cả các đặc tính của sự vật không tồn tại
khách quan, chỉ tồn tại trong ý thức con người. Bản thân toàn bộ thế giới tự
nhiên được G.Berkeley coi là tổ hợp của cảm giác con người. Nhưng con người
ở đây được hiểu theo nghĩa cá thể. Trên thực tế, hầu như G.Berkeley đã đứng
trên lập trường duy ngã, coi toàn bộ vũ trụ chỉ là hiện thân của một cá thể. Xuất
phát từ quan niệm trên, G.Berkeley đưa ra luận điểm cho rằng, đối với sự vật thì
“tồn tại nghĩa là được cảm nhận”. Mọi quan niệm duy vật khẳng định tồn tại
khách quan của thế giới đều bị G.Berkeley phê phán. Ông khẳng định nguồn gốc
hoàn toàn chủ quan trong thế giới chúng ta, coi chúng chỉ là hiện thân của cảm
giác con người. Nói cách khác, tất cả các đặc tính của sự vật không tồn tại khách
quan, chỉ tồn tại trong ý thức của con người. Về cơ bản, G.Berkeley là một đại
biểu điển hình của chủ nghĩa duy tâm chủ quan thời cận đại. Các quan niệm của
ông, mặc dù có nhiều hạn chế như V.I.Lênin đã từng kịch liệt phê phán, song
chúng cũng có vai trò trong việc phê phán sự bất lực và hạn chế của các quan
niệm triết học và khoa học truyền thống trong bối cảnh lịch sử cuối thế kỷ XVII,
đầu thế kỷ XVIII ở Tây Âu. Những quan điểm triết học của G.Berkeley có ảnh
hưởng đến các triết gia khác, trong đó có David Hume.
Cũng như G.Berkeley, nhà triết học người Scotland - David Hume tuyệt đối
hóa vai trò của cảm giác, coi đó là điểm xuất phát và dạng cơ bản của nhận thức.
Nhưng nếu G.Berkeley không dừng lại ở việc xem xét cảm giác ở khuôn khổ
nhận thức, mà coi cả thế giới chỉ là tổ hợp của các cảm giác thì D.Hume lại tách
biệt các cảm giác con người với thế giới bên ngoài, coi chỉ bản thân các cảm giác
là nguồn gốc nhận thức mà không cần đến sự tác động của thế giới bên ngoài. Quá
trình nhận thức không phải là nhận thức thế giới mà là nhận thức những quá trình
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620

More Related Content

What's hot

Bài tập an sinh xã hội
Bài tập an sinh xã hộiBài tập an sinh xã hội
Bài tập an sinh xã hộihajz_zjah
 
Luận văn: Thực trạng và giải pháp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việ...
Luận văn: Thực trạng và giải pháp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việ...Luận văn: Thực trạng và giải pháp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việ...
Luận văn: Thực trạng và giải pháp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việ...Viết thuê trọn gói ZALO 0934573149
 

What's hot (20)

Luận văn: Hình phạt tử hình trong pháp luật hình sự Việt Nam, HOT
Luận văn: Hình phạt tử hình trong pháp luật hình sự Việt Nam, HOTLuận văn: Hình phạt tử hình trong pháp luật hình sự Việt Nam, HOT
Luận văn: Hình phạt tử hình trong pháp luật hình sự Việt Nam, HOT
 
Bài tập an sinh xã hội
Bài tập an sinh xã hộiBài tập an sinh xã hội
Bài tập an sinh xã hội
 
Luận văn: Các dấu hiệu của lỗi cố ý và vô ý theo Luật hình sự, HOT
Luận văn: Các dấu hiệu của lỗi cố ý và vô ý theo Luật hình sự, HOTLuận văn: Các dấu hiệu của lỗi cố ý và vô ý theo Luật hình sự, HOT
Luận văn: Các dấu hiệu của lỗi cố ý và vô ý theo Luật hình sự, HOT
 
Luận văn: Giáo dục ý thức pháp luật cho sinh viên các trường đại học
Luận văn: Giáo dục ý thức pháp luật cho sinh viên các trường đại họcLuận văn: Giáo dục ý thức pháp luật cho sinh viên các trường đại học
Luận văn: Giáo dục ý thức pháp luật cho sinh viên các trường đại học
 
Luận văn: Bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng danh dự
Luận văn: Bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng danh dựLuận văn: Bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng danh dự
Luận văn: Bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng danh dự
 
Luận văn: Pháp luật về hợp đồng bảo hiểm tài sản ở Việt Nam, HOT
Luận văn: Pháp luật về hợp đồng bảo hiểm tài sản ở Việt Nam, HOTLuận văn: Pháp luật về hợp đồng bảo hiểm tài sản ở Việt Nam, HOT
Luận văn: Pháp luật về hợp đồng bảo hiểm tài sản ở Việt Nam, HOT
 
Đề tài: Bảo đảm quyền con người trong Hiến pháp Việt Nam, HOT
Đề tài: Bảo đảm quyền con người trong Hiến pháp Việt Nam, HOTĐề tài: Bảo đảm quyền con người trong Hiến pháp Việt Nam, HOT
Đề tài: Bảo đảm quyền con người trong Hiến pháp Việt Nam, HOT
 
Luận văn: Quản lý nhà nước về nhà ở xã hội tại TP Đà Nẵng, HAY
Luận văn: Quản lý nhà nước về nhà ở xã hội tại TP Đà Nẵng, HAYLuận văn: Quản lý nhà nước về nhà ở xã hội tại TP Đà Nẵng, HAY
Luận văn: Quản lý nhà nước về nhà ở xã hội tại TP Đà Nẵng, HAY
 
Luận văn: Căn cứ tính thuế Thu nhập cá nhân theo pháp luật, 9đ
Luận văn: Căn cứ tính thuế Thu nhập cá nhân theo pháp luật, 9đLuận văn: Căn cứ tính thuế Thu nhập cá nhân theo pháp luật, 9đ
Luận văn: Căn cứ tính thuế Thu nhập cá nhân theo pháp luật, 9đ
 
Luận văn: Quyền kinh tế, văn hóa, xã hội qua bản Hiến pháp, HOT
Luận văn: Quyền kinh tế, văn hóa, xã hội qua bản Hiến pháp, HOTLuận văn: Quyền kinh tế, văn hóa, xã hội qua bản Hiến pháp, HOT
Luận văn: Quyền kinh tế, văn hóa, xã hội qua bản Hiến pháp, HOT
 
Đề tài: Bảo vệ quyền của người khuyết tật trong luật lao động, HAY
Đề tài: Bảo vệ quyền của người khuyết tật trong luật lao động, HAYĐề tài: Bảo vệ quyền của người khuyết tật trong luật lao động, HAY
Đề tài: Bảo vệ quyền của người khuyết tật trong luật lao động, HAY
 
Luận văn: Hợp đồng mua bán hàng hóa theo pháp luật Việt Nam
Luận văn: Hợp đồng mua bán hàng hóa theo pháp luật Việt NamLuận văn: Hợp đồng mua bán hàng hóa theo pháp luật Việt Nam
Luận văn: Hợp đồng mua bán hàng hóa theo pháp luật Việt Nam
 
Luận văn: Bình đẳng giới trong pháp luật hôn nhân - gia đình, HOT
Luận văn: Bình đẳng giới trong pháp luật hôn nhân - gia đình, HOTLuận văn: Bình đẳng giới trong pháp luật hôn nhân - gia đình, HOT
Luận văn: Bình đẳng giới trong pháp luật hôn nhân - gia đình, HOT
 
Luận văn: Giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường hiện nay, HOT
Luận văn: Giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường hiện nay, HOTLuận văn: Giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường hiện nay, HOT
Luận văn: Giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường hiện nay, HOT
 
Luận văn: Hợp đồng mua bán tài sản hình thành trong tương lai, 9đ
Luận văn: Hợp đồng mua bán tài sản hình thành trong tương lai, 9đLuận văn: Hợp đồng mua bán tài sản hình thành trong tương lai, 9đ
Luận văn: Hợp đồng mua bán tài sản hình thành trong tương lai, 9đ
 
Luận văn: Thực trạng và giải pháp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việ...
Luận văn: Thực trạng và giải pháp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việ...Luận văn: Thực trạng và giải pháp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việ...
Luận văn: Thực trạng và giải pháp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việ...
 
Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm gây ra, 9đ
Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm gây ra, 9đBồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm gây ra, 9đ
Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm gây ra, 9đ
 
Đề tài: Thủ tục rút gọn giải quyết tranh chấp kinh doanh, HAY
Đề tài: Thủ tục rút gọn giải quyết tranh chấp kinh doanh, HAYĐề tài: Thủ tục rút gọn giải quyết tranh chấp kinh doanh, HAY
Đề tài: Thủ tục rút gọn giải quyết tranh chấp kinh doanh, HAY
 
Luận văn: Thế chấp và xử lý tài sản thế chấp theo luật dân sự, HOT
Luận văn: Thế chấp và xử lý tài sản thế chấp theo luật dân sự, HOTLuận văn: Thế chấp và xử lý tài sản thế chấp theo luật dân sự, HOT
Luận văn: Thế chấp và xử lý tài sản thế chấp theo luật dân sự, HOT
 
Luận văn: Bảo đảm quyền con người trong Hiến pháp Việt Nam, 9đ
Luận văn: Bảo đảm quyền con người trong Hiến pháp Việt Nam, 9đLuận văn: Bảo đảm quyền con người trong Hiến pháp Việt Nam, 9đ
Luận văn: Bảo đảm quyền con người trong Hiến pháp Việt Nam, 9đ
 

Similar to Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620

Giáo trình giới và phát triển ts. thái thị ngọc dư 1193852
Giáo trình giới và phát triển ts. thái thị ngọc dư 1193852Giáo trình giới và phát triển ts. thái thị ngọc dư 1193852
Giáo trình giới và phát triển ts. thái thị ngọc dư 1193852KimBumt1
 
Van hoa kinh_bac_vung_tham_my_trong_tho_hoang_cam_7931
Van hoa kinh_bac_vung_tham_my_trong_tho_hoang_cam_7931Van hoa kinh_bac_vung_tham_my_trong_tho_hoang_cam_7931
Van hoa kinh_bac_vung_tham_my_trong_tho_hoang_cam_7931Garment Space Blog0
 
Luận văn: Quyền tự do tôn giáo của cá nhân tại Việt Nam hiện nay
Luận văn: Quyền tự do tôn giáo của cá nhân tại Việt Nam hiện nayLuận văn: Quyền tự do tôn giáo của cá nhân tại Việt Nam hiện nay
Luận văn: Quyền tự do tôn giáo của cá nhân tại Việt Nam hiện nayDịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
Pháp luật giải quyết khiếu nại về đất đai- Từ thực tiễn huyện Thanh Trì, thàn...
Pháp luật giải quyết khiếu nại về đất đai- Từ thực tiễn huyện Thanh Trì, thàn...Pháp luật giải quyết khiếu nại về đất đai- Từ thực tiễn huyện Thanh Trì, thàn...
Pháp luật giải quyết khiếu nại về đất đai- Từ thực tiễn huyện Thanh Trì, thàn...hieu anh
 
Luận án: Chính sách xã hội đối với công nhân tại khu công nghiệp - Gửi miễn p...
Luận án: Chính sách xã hội đối với công nhân tại khu công nghiệp - Gửi miễn p...Luận án: Chính sách xã hội đối với công nhân tại khu công nghiệp - Gửi miễn p...
Luận án: Chính sách xã hội đối với công nhân tại khu công nghiệp - Gửi miễn p...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Đánh Giá Hiện Trạng Thoát Nước Và Xử Lý Nước Thải Sinh Hoạt Của Thành Phố Vĩn...
Đánh Giá Hiện Trạng Thoát Nước Và Xử Lý Nước Thải Sinh Hoạt Của Thành Phố Vĩn...Đánh Giá Hiện Trạng Thoát Nước Và Xử Lý Nước Thải Sinh Hoạt Của Thành Phố Vĩn...
Đánh Giá Hiện Trạng Thoát Nước Và Xử Lý Nước Thải Sinh Hoạt Của Thành Phố Vĩn...nataliej4
 
Đánh Giá Hiện Trạng Thoát Nước Và Xử Lý Nước Thải Sinh Hoạt Của Thành Phố Vĩn...
Đánh Giá Hiện Trạng Thoát Nước Và Xử Lý Nước Thải Sinh Hoạt Của Thành Phố Vĩn...Đánh Giá Hiện Trạng Thoát Nước Và Xử Lý Nước Thải Sinh Hoạt Của Thành Phố Vĩn...
Đánh Giá Hiện Trạng Thoát Nước Và Xử Lý Nước Thải Sinh Hoạt Của Thành Phố Vĩn...hanhha12
 

Similar to Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620 (20)

Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAYĐấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, HAY
 
Quá trình phát triển của xã hội tiêu dùng Mỹ sau chiến tranh thế giới thứ hai
Quá trình phát triển của xã hội tiêu dùng Mỹ sau chiến tranh thế giới thứ haiQuá trình phát triển của xã hội tiêu dùng Mỹ sau chiến tranh thế giới thứ hai
Quá trình phát triển của xã hội tiêu dùng Mỹ sau chiến tranh thế giới thứ hai
 
Giáo trình giới và phát triển ts. thái thị ngọc dư 1193852
Giáo trình giới và phát triển ts. thái thị ngọc dư 1193852Giáo trình giới và phát triển ts. thái thị ngọc dư 1193852
Giáo trình giới và phát triển ts. thái thị ngọc dư 1193852
 
Tiểu thuyết về đề tài xây dựng CNXH trong văn xuôi miền Bắc, HAY
Tiểu thuyết về đề tài xây dựng CNXH trong văn xuôi miền Bắc, HAYTiểu thuyết về đề tài xây dựng CNXH trong văn xuôi miền Bắc, HAY
Tiểu thuyết về đề tài xây dựng CNXH trong văn xuôi miền Bắc, HAY
 
Van hoa kinh_bac_vung_tham_my_trong_tho_hoang_cam_7931
Van hoa kinh_bac_vung_tham_my_trong_tho_hoang_cam_7931Van hoa kinh_bac_vung_tham_my_trong_tho_hoang_cam_7931
Van hoa kinh_bac_vung_tham_my_trong_tho_hoang_cam_7931
 
Luận án: Những yếu tố triết học trong tín ngưỡng dân gian, HAY
Luận án: Những yếu tố triết học trong tín ngưỡng dân gian, HAYLuận án: Những yếu tố triết học trong tín ngưỡng dân gian, HAY
Luận án: Những yếu tố triết học trong tín ngưỡng dân gian, HAY
 
Luận án: Hạnh phúc của người dân theo thiên chúa giáo, HAY
Luận án: Hạnh phúc của người dân theo thiên chúa giáo, HAY Luận án: Hạnh phúc của người dân theo thiên chúa giáo, HAY
Luận án: Hạnh phúc của người dân theo thiên chúa giáo, HAY
 
Tiếp cận y tế của nhóm người nhập cư từ nông thôn vào thành phố
Tiếp cận y tế của nhóm người nhập cư từ nông thôn vào thành phố Tiếp cận y tế của nhóm người nhập cư từ nông thôn vào thành phố
Tiếp cận y tế của nhóm người nhập cư từ nông thôn vào thành phố
 
Luận văn: Quyền con người trong tạm giữ, tạm giam tỉnh Đắk Lắk
Luận văn: Quyền con người trong tạm giữ, tạm giam tỉnh Đắk LắkLuận văn: Quyền con người trong tạm giữ, tạm giam tỉnh Đắk Lắk
Luận văn: Quyền con người trong tạm giữ, tạm giam tỉnh Đắk Lắk
 
Luận văn: Quyền tự do tôn giáo của cá nhân tại Việt Nam hiện nay
Luận văn: Quyền tự do tôn giáo của cá nhân tại Việt Nam hiện nayLuận văn: Quyền tự do tôn giáo của cá nhân tại Việt Nam hiện nay
Luận văn: Quyền tự do tôn giáo của cá nhân tại Việt Nam hiện nay
 
Luận văn: Giáo dục malaya từ năm 1816 đến năm 1957
Luận văn: Giáo dục malaya từ năm 1816 đến năm 1957Luận văn: Giáo dục malaya từ năm 1816 đến năm 1957
Luận văn: Giáo dục malaya từ năm 1816 đến năm 1957
 
Luận văn: Phát triển giáo dục của Bộ giáo dục Malaysia, HAY
Luận văn: Phát triển giáo dục của Bộ giáo dục Malaysia, HAYLuận văn: Phát triển giáo dục của Bộ giáo dục Malaysia, HAY
Luận văn: Phát triển giáo dục của Bộ giáo dục Malaysia, HAY
 
Pháp luật giải quyết khiếu nại về đất đai- Từ thực tiễn huyện Thanh Trì, thàn...
Pháp luật giải quyết khiếu nại về đất đai- Từ thực tiễn huyện Thanh Trì, thàn...Pháp luật giải quyết khiếu nại về đất đai- Từ thực tiễn huyện Thanh Trì, thàn...
Pháp luật giải quyết khiếu nại về đất đai- Từ thực tiễn huyện Thanh Trì, thàn...
 
Đề tài: Pháp luật giải quyết khiếu nại về đất đai ở Hà Nội, HAY
Đề tài: Pháp luật giải quyết khiếu nại về đất đai ở Hà Nội, HAYĐề tài: Pháp luật giải quyết khiếu nại về đất đai ở Hà Nội, HAY
Đề tài: Pháp luật giải quyết khiếu nại về đất đai ở Hà Nội, HAY
 
Luận văn: Pháp luật giải quyết khiếu nại về đất đai tại Hà Nội
Luận văn: Pháp luật giải quyết khiếu nại về đất đai tại Hà NộiLuận văn: Pháp luật giải quyết khiếu nại về đất đai tại Hà Nội
Luận văn: Pháp luật giải quyết khiếu nại về đất đai tại Hà Nội
 
Luận án: Ẩn dụ ý niệm trong các diễn ngôn chính trị, HAY
Luận án: Ẩn dụ ý niệm trong các diễn ngôn chính trị, HAYLuận án: Ẩn dụ ý niệm trong các diễn ngôn chính trị, HAY
Luận án: Ẩn dụ ý niệm trong các diễn ngôn chính trị, HAY
 
Luận văn: Ẩn dụ ý niệm trong các diễn ngôn chính trị, HOT
Luận văn: Ẩn dụ ý niệm trong các diễn ngôn chính trị, HOTLuận văn: Ẩn dụ ý niệm trong các diễn ngôn chính trị, HOT
Luận văn: Ẩn dụ ý niệm trong các diễn ngôn chính trị, HOT
 
Luận án: Chính sách xã hội đối với công nhân tại khu công nghiệp - Gửi miễn p...
Luận án: Chính sách xã hội đối với công nhân tại khu công nghiệp - Gửi miễn p...Luận án: Chính sách xã hội đối với công nhân tại khu công nghiệp - Gửi miễn p...
Luận án: Chính sách xã hội đối với công nhân tại khu công nghiệp - Gửi miễn p...
 
Đánh Giá Hiện Trạng Thoát Nước Và Xử Lý Nước Thải Sinh Hoạt Của Thành Phố Vĩn...
Đánh Giá Hiện Trạng Thoát Nước Và Xử Lý Nước Thải Sinh Hoạt Của Thành Phố Vĩn...Đánh Giá Hiện Trạng Thoát Nước Và Xử Lý Nước Thải Sinh Hoạt Của Thành Phố Vĩn...
Đánh Giá Hiện Trạng Thoát Nước Và Xử Lý Nước Thải Sinh Hoạt Của Thành Phố Vĩn...
 
Đánh Giá Hiện Trạng Thoát Nước Và Xử Lý Nước Thải Sinh Hoạt Của Thành Phố Vĩn...
Đánh Giá Hiện Trạng Thoát Nước Và Xử Lý Nước Thải Sinh Hoạt Của Thành Phố Vĩn...Đánh Giá Hiện Trạng Thoát Nước Và Xử Lý Nước Thải Sinh Hoạt Của Thành Phố Vĩn...
Đánh Giá Hiện Trạng Thoát Nước Và Xử Lý Nước Thải Sinh Hoạt Của Thành Phố Vĩn...
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620

Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620 (20)

Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 ĐiểmDanh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
 
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý TưởngDanh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
 

Recently uploaded

30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgspowerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgsNmmeomeo
 
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdfSLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdfhoangtuansinh1
 
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfCampbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfTrnHoa46
 
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...hoangtuansinh1
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhhkinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhhdtlnnm
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................TrnHoa46
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...Nguyen Thanh Tu Collection
 
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIĐiện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 
cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-
cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-
cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-KhnhHuyn546843
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdfTrnHoa46
 
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quanGNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quanmyvh40253
 
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...Nguyen Thanh Tu Collection
 
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢI
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢIPHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢI
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢImyvh40253
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIĐiện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoámyvh40253
 

Recently uploaded (20)

30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgspowerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
 
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdfSLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
 
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfCampbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
 
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
 
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhhkinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
 
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
 
cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-
cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-
cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
 
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quanGNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
 
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
 
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢI
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢIPHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢI
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢI
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
 

Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa về quyền con người ở Việt Nam - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620

  • 1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH NGUYỄN THỊ XIÊM QUAN ĐIỂM JOHN STUART MILL VỀ TỰ DO VÀ Ý NGHĨA CỦA NÓ ĐỐI VỚI VIỆC THỰC HIỆN QUYỀN CON NGƢỜI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY Ngành: Triết học Mã số: 9229001 LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC Ngƣời hƣớng dẫn khoa học: PGS.TS. Đặng Hữu Toàn PGS.TS. Tƣờng Duy Kiên HÀ NỘI, 2019
  • 2. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Đặng Hữu Toàn và PGS.TS. Tường Duy Kiên, có kế thừa một số kết quả liên quan đã được công bố. Các số liệu, tài liệu trong luận án là trung thực, đảm bảo tính khách quan và có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Hội đồng khoa học về luận án của mình. Tác giả luận án
  • 3. LỜI CẢM ƠN Tôi xin cảm ơn những người thân yêu trong gia đình đã luôn gần gũi, chia sẻ, cảm thông và động viên kịp thời để tôi có thể tập trung mọi nguồn lực cho việc hoàn thành chương trình học của mình. Đặc biệt, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới tập thể cán bộ hướng dẫn: PGS.TS. Đặng Hữu Toàn và PGS.TS Tường Duy Kiên; Ban Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Khoa Triết học và các nhà khoa học tham gia đào tạo NCS khóa 2015 - 2018 đã giúp đỡ tận tình, đã truyền cho tôi ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học. Cuối cùng, tôi xin được cảm ơn các bạn bè, đồng nghiệp đã nhiệt tình tiếp sức và tạo thuận lợi để hoàn thành nhiệm vụ học tập, nghiên cứu của mình. Tôi xin trân trọng cảm ơn! Hà Nội, ngày tháng năm 2019 Tác giả luận án
  • 4. MỤC LỤC PHẦN MỞ ĐẦU................................................................................................1 1. Tính cấp thiết của đề tài..............................................................................1 2. Mục đích và nhiệm vụ của luận án .............................................................3 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu...............................................................3 4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu .................................................4 5. Đóng góp mới của luận án ..........................................................................4 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn........................................................................5 7. Kết cấu của luận án .....................................................................................6 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI..7 1.1. Những công trình nghiên cứu về điều kiện và tiền đề hình thành triết học của J.S.Mill......................................................................................................7 1.2. Những công trình nghiên cứu về quan điểm của J.S.Mill về tự do .......12 1.3. Những công trình nghiên cứu về ý nghĩa quan điểm của J.S.Mill về tự do đối với việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam hiện nay.....................16 1.4. Những vấn đề luận án cần tiếp tục nghiên cứu......................................21 Chƣơng 1: ĐIỀU KIỆN VÀ TIỀN ĐỀ HÌNH THÀNH TRIẾT HỌC VỀ TỰ DO CỦA JOHN STUART MILL...........................................................23 1.1. Điều kiện lịch sử hình thành quan điểm về tự do trong triết học J.S.Mill.......23 1.1.1. Tình hình kinh tế nước Anh trong thế kỷ XIX ...............................23 1.1.2. Đặc điểm xã hội nước Anh trong thế kỷ XIX ................................26 1.1.3. Tình hình chính trị nước Anh thế kỷ XIX......................................27 1.2. Tiền đề lý luận hình thành quan điểm về tự do trong triết học J.S.Mill 34 1.2.1. Triết học lý thuyết của J.S.Mill.....................................................34 1.2.2. Quan điểm triết học về tự do và lý luận nhận thức của J.Locke (1632 - 1704)...........................................................................................37 1.2.3. Nguyên tắc vị lợi của Jemery Bentham (1748 - 1832) .................42 1.2.4. Quan điểm của Wilhelm von Humboldt (1767 - 1853) về sự phát triển cao nhất, hài hòa nhất mọi năng lực của con người với tư cách mục tiêu của nhân loại....................................................................................45
  • 5. 1.2.5. Triết học thực chứng của Auguste Comte (1798 - 1857)..............48 1.2.6. Học thuyết chính trị của Alexis de Tocqueville (1805–1859) ......51 1.3. Quá trình hình thành và hoàn thiện quan điểm về tự do trong triết học J.S.Mill ..........................................................................................................54 1.3.1. Cuộc đời, sự nghiệp của J.S.Mill..................................................54 1.3.2. Quá trình hình thành quan điểm về tự do trong triết học J.S.Mill .....61 Tiểu kết chương 1...............................................................................................71 Chƣơng 2: NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN VỀ TỰ DO TRONG TRIẾT HỌC CỦA JOHN STUART MILL...............................................................72 2.1. Cách tiếp cận của J.S.Mill về tự do........................................................72 2.2. Quan điểm của J.S.Mill về các quyền tự do dân sự (quyền tự do cá nhân)...77 2.2.1. Tự do tư tưởng, tự do quan điểm và biểu đạt ...............................77 2.2.2. Tự do tín ngưỡng và tôn giáo........................................................82 2.2.3. Tự do sở thích, tự do đặt kế hoạch cho cuộc sống........................83 2.2.4. Quyền tự do của cá nhân trong mối quan hệ với xã hội...............90 2.3. Quan điểm của J.S.Mill về cơ chế thực hiện quyền con người .............97 2.3.1. Hình thức chính thể lý tưởng bảo đảm thực hiện các quyền và tự do dân chủ về chính trị.................................................................................97 2.3.2. Thể chế chính trị dân chủ và hình thức thực hiện dân chủ thông qua quyền bầu cử của công dân ..................................................................103 2.4. Giá trị và hạn chế quan điểm của J.S.Mill về tự do.............................113 2.4.1. Giá trị quan điểm của J.S.Mill về tự do......................................113 2.4.1.1. Giá trị tư tưởng của quan điểm về quyền tự do cá nhân...113 2.4.1.2. Giá trị tư tưởng của quan điểm về các quyền và tự do dân chủ về chính trị......................................................................................116 2.4.1.3. Giá trị tư tưởng của quan điểm về giáo dục trong việc thực hiện quyền tự do cho người dân và mở rộng nền dân chủ.............118 2.1.4.4. Giá trị tư tưởng của quan điểm về giải phóng phụ nữ......121 2.4.2. Hạn chế trong quan điểm của J.S.Mill về tự do .........................126 2.4.2.1. Chủ trương đấu tranh cho quyền tự do của con người nhưng lại không bảo về sự bình đẳng của các dân tộc có quyền tự do, độc lập .126
  • 6. 2.4.2.2. Tính chủ quan và thiếu nhất quán trong quan điểm về tự do.128 2.4.2.3. Hạn chế từ lập trường giai cấp và từ việc hạ thấp vai trò của quần chúng nhân dân .....................................................................131 Tiểu kết chương 2............................................................................................133 Chƣơng 3: Ý NGHĨA QUAN ĐIỂM TRIẾT HỌC CỦA JOHN STUART MILL VỀ TỰ DO ĐỐI VỚI VIỆC THỰC HIỆN QUYỀN CON NGƢỜI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY................................................................................134 3.1. Quan điểm về quyền con người trong thế giới đương đại...................134 3.1.1. Khái niệm về quyền con người....................................................134 3.1.2. Lịch sử phát triển của tư tưởng nhân quyền...............................141 3.2. Thực trạng thực hiện quyền con người ở Việt Nam hiện nay nhìn từ quan điểm của J.S.Mill về quyền tự do con người..................................................152 3.2.1. Nhà nước bảo đảm các quyền bầu cử, ứng cử và tham gia quản lý Nhà nước và xã hội ...............................................................................152 3.2.2. Nhà nước bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin ...............................................................................................................155 3.2.3. Nhà nước bảo đảm quyền tự do hội họp và lập hội....................158 3.2.4. Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo................160 3.3. Một số bài học rút ra về vấn đề quyền con người trong triết của J.S.Mill về tự do........................................................................................................164 3.3.1. Bài học về việc bảo đảm các quyền tự do cá nhân.....................164 3.3.2. Bài học về việc xây dựng hình thức chính thể bảo đảm các quyền tham gia vào đời sống chính trị của người dân....................................168 3.3.3. Bài học về việc bảo đảm quyền bình đẳng giới..........................171 Tiểu kết chương 3............................................................................................175 KẾT LUẬN....................................................................................................177 DANH MỤC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN.......................................................................................................180 CHÚ THÍCH..................................................................................................181 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO.....................................................188
  • 7. 1 PHẦN MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Tự do là khát vọng, là niềm mơ ước muôn thuở của con người. Đây cũng là vấn đề bản chất, cũng là một trong những đặc trưng quan trọng của chủ nghĩa xã hội. C.Mác đã khẳng định mục đích của Chủ nghĩa cộng sản là giải phóng con người, đem lại tự do cho con người và “tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” [84, tr.606]. Đem lại tự do cho con người để con người được tự do phát triển toàn diện. Theo đó, có thể nói, tự do là giá trị nhân văn quan trọng bậc nhất trong tư tưởng của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác. Khi nào, ở đâu mà người ta quên mất vấn đề tự do, hạn chế tự do của con người nghĩa là đã vô tình rời bỏ mục tiêu xã hội chủ nghĩa. Ở Việt Nam, tự do và độc lập là mục tiêu đấu tranh, là nguồn sức mạnh làm nên thắng lợi vĩ đại của cả dân tộc Việt Nam trong cách mạng giải phóng dân tộc. Trong bản “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh rằng, chính dân tộc ta, bằng cuộc đấu tranh bền bỉ trong suốt 80 năm đã khôi phục được những quyền vốn có của con người, trong đó có tự do – những giá trị bị thực dân Pháp chà đạp nhân danh khai hóa văn minh. Lý tưởng “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi” đã được Người khẳng định “đấy là tất cả những gì tôi muốn, đấy là tất cả những gì tôi hiểu” [127, tr.44]. Tự do cho mỗi người và tự do cho cả cộng đồng dân tộc không chỉ là khẩu hiệu hành động của dân tộc Việt Nam, mà còn là nguồn cổ vũ lớn lao cho các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới đứng lên đấu tranh giành lại quyền tự do, độc lập cho dân tộc, quyền và những tự do cơ bản cho người dân. Cuộc đấu tranh bảo vệ và phát triển quyền và những tự do cơ bản của con người là cuộc đấu tranh cho giá trị nhân văn, cho dân tộc phát triển.
  • 8. 2 Trong lịch sử tư tưởng nhân loại đã có nhiều tác gia bàn về vấn đề này, trong đó, tiêu biểu có J.S.Mill (J.S.Mill; 1806 – 1873). Sinh thời, J.S.Mill đã viết rất nhiều tác phẩm và gây được tiếng vang lớn. Trong đó, “Chính thể đại diện” (Representative government), “Bàn về tự do” (On Liberty) và “Thuyết vị lợi” (Utilitarianism) là những tác phẩm tiêu biểu của J.S.Mill trong bộ sách Những cuốn sách vĩ đại của thế giới phương Tây (Great Books Of The Western World , Encyclopedia Britanica, 1994). Các tác phẩm của J.S.Mill đều toát lên nội dung chủ đạo: tự do của mỗi người tìm thấy giới hạn của mình trong tự do của người khác; đem lại sự tự do cho mỗi người để có được sự phồn vinh của tất cả mọi người và cuối cùng là nhằm có được sự tiến bộ xã hội. Ông nghiên cứu các quyền tự do dân sự và quyền tự do chính trị. Những đóng góp tư tưởng của J.S.Mill để lại dấu ấn rõ rệt trong triết học phương Tây. Tuy nhiên, xét về mặt hạn chế, triết học của J.S.Mill đứng trên lập trường của giai cấp tư sản, là học thuyết bảo vệ trật tự xã hội của chủ nghĩa tư bản. Mặc dù, J.S.Mill chưa thể đoạn tuyệt hẳn với một số hạn hẹp có tính lịch sử, nhưng điều đó không thể ngăn cản ông trở thành nhà tư tưởng dũng cảm, tiến bộ trong lịch sử tư tưởng triết học. Do đó, nghiên cứu tư tưởng triết học của ông là công việc nhằm chắt lọc những giá trị, tinh hoa văn hóa của nhân loại. Nghiên cứu những tư tưởng tiến bộ của J.S.Mill về tự do là một trong những định hướng đó. Thêm nữa, để giữ gìn và bảo vệ tự do với tư cách là một giá trị cao quý nhất như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và cũng là để thực hiện lý tưởng tự do cao đẹp, một cội nguồn sức mạnh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của mỗi người và của cả cộng đồng dân tộc Việt Nam. Chúng ta không thể không nghiên cứu và tiếp thu, kế thừa những tinh hoa tư tưởng trong quan điểm về tự do của các nhà tư tưởng tiền bối, trong đó có J.S.Mill, trên tinh thần đổi mới và tư duy sáng tạo để phù hợp với bối cảnh thời đại ngày nay. Xuất phát từ những vấn đề
  • 9. 3 nêu trên, tác giả xin lựa chọn đề tài “Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa của nó đối với việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam hiện nay” làm Luận án Tiến sĩ Triết học. 2. Mục đích và nhiệm vụ của luận án 2.1. Mục đích nghiên cứu Từ góc độ triết học, làm rõ quan điểm của J.S.Mill về tự do với tư cách quyền của con người để trên cơ sở đó, chỉ ra và luận giải ý nghĩa của quan điểm này đối với việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam hiện nay. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Để thực hiện mục đích nghiên cứu nêu trên, luận án cần phải thực hiện những nhiệm vụ sau: Thứ nhất, phân tích điều kiện lịch sử và tiền đề lý luận hình thành quan điểm về tự do trong triết học của J.S.Mill. Thứ hai, phân tích những nội dung cơ bản trong quan điểm về tự do của John Stuat Mill Thứ ba, phân tích ý nghĩa của những quan điểm triết học của J.S.Mill về tự do đối với việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam hiện nay. 3. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận án là tư tưởng triết học về tự do và tính hiện thời của nó nhìn từ góc độ thực hiện nhân quyền ở Việt Nam. 3.2. Phạm vi nghiên cứu Phạm vi nghiên cứu của luận án là quan điểm của J.S.Mill về tự do trong các tác phẩm: “Bàn về tự do” (On liberty, 1859), “Chính thể đại diện” (Representative Government, 1861), “Thuyết vị lợi” (Utilitarianism, 1863) và thực tiễn thực hiện quyền con người ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
  • 10. 4 4. Cơ sở lý luận và phƣơng pháp nghiên cứu 4.1. Cơ sở lý luận Luận án được thực hiện trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử; tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng Cộng Sản Việt Nam về tự do và quyền con người. 4.2. Phương pháp nghiên cứu Nhóm phương pháp nghiên cứu lý thuyết gồm: phương pháp phân tích và tổng hợp lý thuyết; phương pháp phân loại và hệ thống hóa lý thuyết. Phương pháp lịch sử - logic. Phương pháp diễn dịch và quy nạp. Phương pháp so sánh - đối chiếu. 5. Đóng góp mới của luận án Luận án góp phần luận chứng những điều kiện lịch sử và tiền đề lý luận hình thành quan điểm về tự do trong triết học của J.S.Mill; quá trình hình thành quan điểm tự do trong triết học của J.S.Mill đã cho thấy các bước chuyển tư tưởng của ông: từ khi là một thần đồng thuở thơ ấu đến khi trở thành triết gia lỗi lạc, từ những quan điểm nền tảng ban đầu đến những luận thuyết sâu sắc sau này. Qua đó, luận án đã góp phần luận chứng tư tưởng tự do trong triết học của ông được dựa trên triết học lý thuyết của ông: thế giới quan duy nghiệm duy cảm nằm trong trào lưu triết học duy nghiệm duy cảm Anh và thuyết đạo đức học vị lợi. Luận án đã luận giải những nội dung cơ bản về tự do trong triết học của J.S.Mill. Cụ thể, quan điểm của J.S.Mill về các quyền tự do dân sự (quyền tự do cá nhân) và quan điểm của J.S.Mill về các quyền và tự do dân chủ về chính trị. Về quyền tự do cá nhân, luận án đề cập đến tự do tư tưởng, tự do quan điểm và biểu đạt; tự do tín ngưỡng và tôn giáo; tự do sở thích, tự do đặt kế hoạch cho cuộc sống và tự do lập hội. Trên cơ sở đó, luận án chỉ ra quyền tự do của cá nhân trong mối
  • 11. 5 quan hệ với xã hội mang tính hai chiều và tuân theo những nguyên tắc nguyên tắc tự do, nguyên tắc tổn hại và nguyên tắc vị lợi. Luận án còn luận giải được những quan điểm của J.S.Mill về cơ chế thực hiện quyền con người như chính thể lý tưởng, hình thức thực hiện dân chủ. Luận án luận giải những giá trị lịch sử và hạn chế của quan điểm tự do trong triết học của J.S.Mill. Những giá trị đó bao gồm: giá trị tư tưởng về quan điểm tự do cá nhân; của quan điểm về quyền và tự do dân chủ về chính trị; của quan điểm về quyền và tự do trong giáo dục; của quan điểm về giải phóng người phụ nữ. Những hạn chế bao gồm: không bảo vệ sự bình đẳng của các dân tộc; quan điểm về tự do thiếu nhất quán và mang tính chủ quan; đánh giá thấp vai trò của quần chúng nhân dân. Một trong những điểm đóng góp mới của luận án là việc phân tích một số ý nghĩa hiện thời của những quan điểm tự do của J.S.Mill đối với việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam hiện nay. Luận án đã lựa chọn một số nét trong thực trạng thực hiện quyền con người ở Việt Nam hiện nay có liên quan đến các nội dung trong quan điểm về tự do của J.S.Mill để làm sáng rõ giá trị và ý nghĩa của những quan điểm đó. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn Trên phương diện lý luận, luận án đã nêu được bối cảnh kinh tế nước Anh thế kỷ XIX là thời kỳ phát triển nền sản xuất công nghiệp Tư bản chủ nghĩa diễn ra một cách mạnh mẽ, giúp cho con người ý thức được quyền năng và sự tự do cá nhân của mình. Bên cạnh đó, luận án đã tái hiện được lịch sử chính trị dưới triều đại Victoria dẫn đến sự xuất hiện của các đảng chính trị (Đảng Whig và Đảng Tory) và nhóm Cấp tiến, Tổng công đoàn và phong trào Hiến chương như các tổ chức đứng ra bảo vệ các quyền tự do cá nhân. Luận án đã phân tích toàn diện các tiền đề lý luận cho sự hình thành quan điểm tự do của J.S.Mill. Những phân tích
  • 12. 6 của luận án cho thấy những đóng góp của J.S.Mill trong triết học chính trị của chủ nghĩa tự do cổ điển. Luận án đã phân tích những nội dung cơ bản trong quan điểm về tự do của J.S.Mill. Góc độ tiếp cận của J.S.Mill về tự do: tự do luôn mang tính lịch sử và xã hội; những phương diện biểu hiện khác nhau của tự do cá nhân trong thực tiễn cuộc sống; cơ chế, phương thức thực hiện tự do cá nhân vào cuộc sống. Trên cơ sở đánh giá giá trị và hạn chế của những tư tưởng trên, luận án đã rút ra được những bài học đối với việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam hiện nay. Trên phương diện thực tiễn, kết quả nghiên cứu của luận án cho thấy quan điểm tự do trong triết học của J.S.Mill là sự phản ánh đặc thù của lịch sử, văn hóa và xã hội phương Tây. Điều đó có ý nghĩa quan trọng trong việc chống lại những luận điểm xuyên tạc của các thế lực thù địch về vấn đề quyền con người và những chính sách thực hiện quyền con người của Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay. Luận án nghiên cứu quan niệm của J.S.Mill về tự do từ góc độ thực tiễn thực hiện tự do và quyền con người ở Việt Nam có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc cả trong lĩnh vực quyền con người. Luận án là một công trình khoa học, có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho công tác học tập, nghiên cứu và giảng dạy những chuyên đề về tự do, quyền con người, triết học phương Tây cận – hiện đại… 7. Kết cấu của luận án Ngoài phần mở đầu, tổng quan, kết luận, chú thích và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận án được kết cấu thành 3 chương 10 tiết.
  • 13. 7 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI 1.1. Những công trình nghiên cứu về điều kiện và tiền đề hình thành triết học của J.S.Mill Nghiên cứu về điều kiện và tiền đề hình thành triết học của J.S.Mill có những công trình tiêu biểu, cụ thể như sau: Viết về lịch sử nước Anh có cuốn “Lược sử nước Anh” của tác giả Bùi Đức Mãn được xuất bản năm 2008 do NXB Thành phố Hồ Chí Minh phát hành [97] đã cung cấp một cách hệ thống về lịch sử nước Anh thời cổ đại đến những năm của chiến tranh thế giới thứ hai, năm 1945. Ở đó, tác giả Bùi Đức Mãn có miêu tả nước Anh thời Victoria1 là thời kỳ đỉnh cao của cách mạng công nghiệp. Sự trị vì của nữ hoàng Victoria được đánh dấu bởi sự bành trướng vĩ đại của đế quốc Anh ra thế giới. Trong giai đoạn này, nước Anh đã đạt được vị trí quốc gia đỉnh cao, trở thành cường quốc hàng đầu, không chỉ phát triển kinh tế mà còn đạt nhiều thành tựu rực rỡ trong triết học và các khoa học cụ thể. Tác phẩm “Tình cảnh của giai cấp lao động ở Anh” của Ph.Ăngghen và “Tình hình công nghiệp công xưởng của Anh” của C.Mác đã phân tích rất chi tiết về sự tác động của cách mạng công nghiệp lên đời sống kinh tế - xã hội ở Anh. Sự thay đổi đó bắt đầu từ gia đình; từ vị trí, vai trò của phụ nữ trong xã hội đến địa vị của người lao động trong xã hội; sự chuyển biến của những mối quan hệ giữa người với người trong xã hội nước Anh… qua đó phản ánh một cách toàn diện về sự ra đời và bản chất của chế độ Tư bản chủ nghĩa tại Anh. Những tác phẩm trên cho thấy: Vào nửa cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, với những phát minh khoa học kỹ thuật, Vương quốc Anh đã bỏ xa các nước Châu Âu khác để trở thành một cường quốc công nghiệp. Chế độ công xưởng được chính phủ ủng hộ với sự giàu có nhanh chóng của các nhà tư bản đã làm đóng cửa hàng loạt xưởng thợ nhỏ với tầng lớp thợ thủ công ngày càng bần cùng
  • 14. 8 hóa. Sự đối lập về lợi ích kinh tế giữa giai cấp tư sản và giai cấp công nhân đã trở thành những mâu thuẫn giai cấp sâu sắc. Cuộc khủng hoảng kinh tế năm l841 - 1842 đã góp phần thúc đẩy cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân thành một làn sóng rộng khắp trên toàn nước Anh. Những cuộc đấu tranh sôi động chống giai cấp tư sản đã chỉ ra rằng giai cấp công nhân Anh bắt đầu nhận thức được vai trò và sức mạnh to lớn của mình, bước lên vũ đại chính trị như một giai cấp độc lập. Trước tình cảnh khốn khổ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, sự mâu thuẫn ngày càng sâu sắc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động với giai cấp tư sản, đòi hỏi những người theo chủ nghĩa tự do đưa ra những ý tưởng cải cách xã hội tư sản. Trên thực tế, trong thời đại của J.S.Mill, ông đã hai lần chứng kiến cải cách chính trị ở nước Anh: Lần thứ nhất vào năm 1832, với sự kiện Luật cải cách được nhà vua ký, chính thức có hiệu lực. Luật cải cách năm 1832 ra đời là thành quả của cuộc đấu tranh của nhóm Cấp Tiến (đại diện có Jemery Bentham và J.S.Mill) kêu gọi quần chúng đòi phổ thông đầu phiếu, đòi quyền bầu cử cho tất cả công nhân Anh có đóng thuế trực tiếp. Nó mở rộng quyền bầu cử cho bộ phận tầng lớp trung lưu mới, giảm bớt căng thẳng chính trị trong xã hội. Lịch sử chính trị Anh tiếp tục ghi dấu ấn bởi Cải cách nghị viện lần thứ hai năm 1867. Cuộc cải cách này đã mở rộng hơn nhiều quyền bầu cử, đem lại quyền bầu cử cho giai cấp công nhân cơ bản (ngoại trừ công nhân mỏ và công nhân nông nghiệp). Số cử tri tại Anh khi đó đã tăng lên rõ rệt. Hai lần cải cách nghị viện trong thế kỷ XIX đã làm thay đổi rất nhiều tình hình chính trị nước Anh. Cũng chính những lần cải cách nghị viện đã thu hút được sự quan tâm của J.S.Mill. Nhiệm vụ của luận án là phải làm sáng tỏ những tiền đề kinh tế - xã hội trên là cơ sở cho sự ra đời của chủ nghĩa tự do thế kỷ XIX, trong đó, J.S.Mill xuất hiện như vị “giáo chủ tự do”, là vị “khai sinh ra chủ nghĩa tự do” [4, tr.136]. J.S.Mill là nhà triết học Anh vĩ đại có ảnh hưởng lớn đến tư tưởng phương Tây thế kỷ XIX và cho đến hiện nay. Cuộc đời và sự nghiệp của J.S.Mill cũng
  • 15. 9 như các quan điểm triết học của ông luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho học giả trên thế giới kế thừa và luận bàn. Ở Canada, từ những năm 1950, nhà xuất bản Đại học Toronto (University of Toronto Press) đã xuất bản một số tác phẩm của J.S.Mill, ấn hành lần đầu là bộ “Toàn tập của J.S.Mill” (The Collected Works of J.S.Mill), gồm 33 tập được biên tập từ Hội đồng biên tập Khoa nghệ thuật và Khoa học của trường Đại học Toronto (The Faculty of Arts and Science of the University of Toronto Press) [149]. Tổng biên tập của Hội đồng là ông John Michael Robson, Giáo sư của Đại học Toronto. Họ đã trình bày được một cách đầy đủ toàn bộ tác phẩm của J.S.Mill, trong đó có những tác phẩm đã được xuất bản riêng lẻ. Bên cạnh đó, bộ “Toàn tập của J.S.Mill” đã cung cấp các văn bản chính xác của một số tác phẩm trước đó chưa từng được công bố hoặc khó tiếp cận. Trường Đại học Toronto đã cung cấp trọn vẹn các tác phẩm của J.S.Mill ở những lĩnh vực nghiên cứu khác nhau, những lá thư trao đổi giữa J.S.Mill với nhiều nhân vật cùng thời. Quá trình xuất bản bộ “Toàn tập của J.S.Mill” đã nhận được sự hỗ trợ lớn từ Hội đồng nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn Canada (Social Sciences and Humanities Research Council of Canada) và nhận được sự hợp tác của nhiều nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực triết học, chính trị, kinh tế, ngôn ngữ và lịch sử ở các quốc gia trên thế giới. Điều đó cho thấy bộ “Toàn tập của J.S.Mill” là một ấn bản công phu, kỹ lưỡng và có giá trị khoa học. Đây là một nguồn tài liệu tham khảo quan trọng để có thể tiếp cận cuộc đời và sự nghiệp của J.S.Mill. Ở Anh quốc, các công trình nghiên cứu về ông vô cùng phong phú và đa dạng. Tiêu biểu, bộ sách “Sổ tay Cambridge về triết học” do nhà xuất bản Đại học Cambridge – Anh quốc phát hành. Loạt sách này giới thiệu chi tiết về các nhà tư tưởng, nhà triết học và các trường phát triết học khác nhau. Mỗi một tập bao gồm những bài viết của những học giả hàng đầu ở Anh quốc nên đó là tập hợp các quan điểm khác nhau, chứ không phải là ý kiến của một tác giả duy nhất.
  • 16. 10 Trong bộ sách này có hai cuốn: Năm 1998, tác giả John Skorupski ở Đại học St Andrews, Scotland có biên soạn cuốn “Sổ tay Cambridge về Mill” (The Cambridge Companion to Mill) [150]. Trong tác phẩm, J.S.Mill được đánh giá là một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất của thế kỷ XIX. J.S.Mill đã có một ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng và văn hóa phương Tây trong nhiều lĩnh vực: triết học, kinh tế - chính trị, xã hội học và nghiên cứu văn học. Herny R. West, Biên tập viên tại Tạp chí triết học Quốc tế đánh giá cuốn sách này là “bộ sưu tập” những bài viết độc đáo về tiểu sử và tư tưởng triết học của J.S.Mill. Cuốn sách là một trong những công trình toàn diện và đáng tin cậy khi nghiên cứu triết học của J.S.Mill. Năm 2014, cuốn “Sổ tay Cambridge về Thuyết vị lợi” được xuất bản bởi Đại học Cambridge do Ben Eggleston và Dale Miller đồng chủ biên [145]. Các bài viết trong cuốn sách này được đánh giá là nguồn tư liệu quan trọng để nghiên cứu về triết học đạo đức, triết học chính trị và đặc biệt là Thuyết vị lợi. Hai tác giả bàn nhiều về các nguyên tắc vị lợi và sự tác động của học thuyết này trong bối cảnh hiện nay bằng cách xem xét nó đối với những vấn đề đương đại gây tranh cãi như xung đột quân sự, sự nóng lên toàn cầu… Có thể nói rằng J.S.Mill và các tác phẩm của ông được xuất hiện hầu hết trong các sách nhập môn về triết học phương Tây về triết học đạo đức, triết học chính trị. Điều này cho thấy những quan điểm triết học của J.S.Mill vẫn được quan tâm, tranh luận, nghiên cứu nhiều và có ảnh hưởng nhất định đến đời sống chính trị - xã hội đương đại. Tuy nhiên, ở Việt Nam, những nghiên cứu về J.S.Mill và các tác phẩm của ông vẫn còn mới, cần tiếp tục được khai thác. Ở Việt Nam, các tài liệu về lịch sử triết học như “Lịch sử triết học phương Tây trước Mác” của tác giả Trần Văn Phòng và Dương Minh Đức xuất bản năm 2001 tại NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội; bộ sách “Lịch sử triết học phương Tây” gồm 3 tập của tác giả Đỗ Minh Hợp do NXB Chính trị Quốc gia phát hành năm 2014 [56, 57, 58]; những cuốn sách về “Lịch sử triết học” của các tác giả Bùi
  • 17. 11 Thanh Quất, Trần Đăng Sinh, Nguyễn Hữu Vui hay như cuốn sách “Câu chuyện triết học” của Will Durant… đều đã chỉ ra triết học về tự do của J.S.Mill nằm trong sự phát triển của tư tưởng nhân loại. Những nội dung triết học của J.S.Mill được nêu khái quát trong những công trình trên là những tài liệu quý giá để học viên tìm hiểu tiền đề lý luận hình thành quan điểm triết học J.S.Mill về tự do. Về luận án, luận văn: hiện nay đã có một số luận án, luận văn nghiên cứu về vấn đề này, tiêu biểu: Luận văn Thạc sỹ Triết học của Nguyễn Hải Hoàng “Quan điểm về tự do trong Bàn về tự do của J.S.Mill” bảo vệ năm 2008 tại Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội [43]; Luận án Tiến sĩ “Triết học chính trị của J.S.Mill – Giá trị và bài học lịch sử” của Ngô Thị Như bảo vệ năm 2012 tại Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hồ Chí Minh [114]; Luận văn Thạc sỹ Triết học “Quan điểm của J.S.Mill về chính thể trong tác phẩm Chính thể đại diện” của Nguyễn Thị Thùy Linh bảo vệ năm 2012 tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội [77] và Nguyễn Ánh Hồng Minh (2014), luận văn Thạc sỹ Triết học “Tư tưởng đạo đức của J.S.Mill trong tác phẩm Thuyết công lợi”, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội [99]. Những công trình trên đã nêu được những điều kiện và những tiền đề lý luận triết học tự do của John Stuart Mill. Cụ thể, các tác giả đều nhận định cuộc cách mạng công nghiệp Anh và sự xuất hiện của giai cấp công nhân Anh, mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản dẫn đến những biến động chính trị ở nước Anh dưới thế lỷ XIX là tiền đề kinh tế, xã hội và chính trị cho sự hình thành những quan điểm triết học của J.S.Mill. Về tiền đề lý luận, các tác giả đã đi phân tích J.S.Mill đã kế thừa những tư tưởng triết học của A.Comte, J.Locke, W.Humboldt, J.Bentham và A.Tocqueville. Đó là những đóng góp lớn của các tác giả mà luận án cần kế thừa.
  • 18. 12 Bằng những phương pháp nghiên cứu lý thuyết, luận án có nhiệm vụ luận giải cuộc cách mạng công nghiệp và những biến động về chính trị của nước Anh thế kỷ XIX đã đặt ra những vấn đề gì để J.S.Mill giải quyết vấn đề tự do. Bên cạnh đó, luận án cần chỉ ra những nét khái quát nhất về cuộc đời, sự nghiệp của J.S.Mill, đặc biệt là sự chuyển biến trong tư tưởng của J.S.Mill. Trên đây là những vấn đề mà luận án cần tiếp tục nghiên cứu. 1.2. Những công trình nghiên cứu về quan điểm của J.S.Mill về tự do Trên thế giới, có rất nhiều học giả cũng quan tâm nghiên cứu quan điểm J.S.Mill về tự do và những giá trị, hạn chế trong quan điểm đó. Tiêu biểu có những tác phẩm sau: Nhà triết học người Do Thái, Isaiah Berlin với tác phẩm “Bốn tiểu luận về tự do” do NXB Tri thức phát hành năm 2014 (Nguyễn Văn Trọng dịch) [4] với nội dung cơ bản là vấn đề về tự do và hai khái niệm về tự do. Khi bàn về những vấn đề này, Isaiah Berlin đã kế thừa rất nhiều những tư tưởng của J.S.Mill trong tác phẩm “Bàn về tự do”. Trong tác phẩm “Bốn tiểu luận về tự do”, Isaiah Berlin tỏ ra yêu mến tư tưởng của J.S.Mill một cách nồng nhiệt. Isaiah Berlin đã có đóng góp rất lớn khi phân biệt tự do - freedom hay tự do - liberty. Thuật ngữ “freedom” thường được hiểu theo hai nghĩa: tự do khỏi một cái gì đó “freedom from something” và tự do được làm điều gì đó “freedom to do something”. Isaiah Berlin đã cố gắng phân biệt giữa hai nghĩa của khái niệm tự do này: “tự do tích cực” khi nói về tự do được làm điều gì đó và tự do khỏi một cái gì đó thường được sử dụng là một khái niệm “tự do tiêu cực”. Khi phân tích “tự do tiêu cực”, Isaiah Berlin đã sử dụng quan điểm của J.S.Mill và coi đó là khái niệm tự do “Chỉ có tự do xứng đáng với tên gọi ấy, ấy là tự do mưu cầu hạnh phúc riêng của ta theo cách riêng của ta, trong chừng mực ta không mưu toan xâm phạm đến hạnh phúc của người khác hoặc ngăn trở những nỗ lực của người khác đạt được hạnh phúc” [4, tr.52-53]. Những phân tích này của Isaiah Berlin là cơ sở lý luận trực tiếp để luận
  • 19. 13 án tiếp cận quan điểm của J.S.Mill về tự do với tư cách là những quyền cơ bản của con người. Tác giả Michael Sandel – nhà triết học chính trị Mỹ với các tác phẩm “Chủ nghĩa tự do và giới hạn của công lý” (1998), “Bất mãn trong nền dân chủ” (1996), “Triết học: Các tiểu luận về đạo đức trong chính trị” (2005), “Lý lẽ chống lại sự hoàn hảo: Đạo đức trong thời đại kỹ thuật di truyền” (2007) và gấn đây nhất là tác phẩm “Phải trái đúng sai” được xuất bản ở Việt Nam do NXB Trẻ ban hành (Hồ Đắc Phương dịch) [120]. Cuốn sách “Phải trái đúng sai” là tập hợp các bài giảng của ông ở Đại học Harvard: Công lý - Đâu là việc đúng nên làm? (What‟s the Right Thing to Do?) khơi gợi lên những câu hỏi lớn của triết học chính trị thông qua việc đánh giá những vấn đề gai góc gây nhiều tranh cãi nhất hiện nay, trong đó có vấn đề là giới hạn của nguyên tắc tự do và nguyên tắc vị lợi trong việc thực hiện công lý... Đây là một khóa học có số lượng sinh viên tham dự đông kỷ lục ở Hoa Kỳ. Ở đó, Michael Sandel có bàn luận rất nhiều về quan điểm tự do và Thuyết vị lợi của J.S.Mill. Từ sự kế thừa tư tưởng của J.S.Mill trong các tác phẩm của Isaiah Berlin và Michael Sandel cho thấy quan điểm tự do của J.S.Mill có đóng góp rất lớn cho sự phát triển chủ nghĩa tự do phương Tây, với tư cách như một hệ tư tưởng. Tác giả Isaiah Berlin và Michael Sandel có những phân tích sâu sắc về quan điểm tự do trong triết học của J.S.Mill. Có thể nói rằng J.S.Mill là một nhân vật có sức hấp dẫn rất lớn trong nghiên cứu triết học ở các quốc gia phương Tây. Còn ở Trung Quốc và Nhật Bản, tác phẩm “Bàn về tự do” của ông được phổ biến rộng rãi. Thời Canh tân Minh Trị ở Nhật Bản và thời Phong trào Ngũ tứ Trung Quốc, hai nước đã cho dịch và phát hành rộng rãi cuốn sách để mở mang tri thức cho dân tộc [69; tr.6]. Cho đến hiện nay, ở Nhật Bản cuốn sách “Bàn về tự do” và những quan điểm triết học của J.S.Mill vấn được mọi người ưa chuộng và tìm đọc. Ở Việt Nam, tên tuổi và các
  • 20. 14 tác phẩm của ông vẫn còn mới mẻ. Trong số các tác phẩm của J.S.Mill, hiện nay chỉ có hai tác phẩm được dịch ra tiếng Việt. Đó là “Bàn về từ do” (bản dịch của Nguyễn Văn Trọng, NXB Tri Thức ấn hành) [69] và “Chính thể đại diện” (Nguyễn Văn Trọng và Bùi Nam Sơn dịch, giới thiệu và chú thích) [70]. Đây là những tác phẩm tiêu biểu của J.S.Mill và những bản chuyển ngữ của hai dịch giả Nguyễn Văn Trọng và Bùi Nam Sơn được đánh giá là công phu, kỹ lưỡng và tỉ mỉ. Đây chính là tài liệu quan trọng, hỗ trợ trực tiếp cho quá trình nghiên cứu về J.S.Mill và các quan điểm triết học của ông về tự do. Ngoài hai cuốn sách kể trên, dịch giả Nguyễn Văn Trọng tiếp tục dịch, giới thiệu và chú giải tác phẩm “Con người trong thế giới tinh thần – trải nghiệm triết học cá biệt luận” của tác giả Nikolai Alexandrovich Berdyaev do NXB Tri thức phát hành năm 2015 [109]. Nikolai Alexandrovich Berdyaev được xem là người có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của chủ nghĩa hiện sinh của Pháp. Ông đã xây dựng triết học về bản diện cá nhân và tự do trong tinh thần của chủ nghĩa hiện sinh. Khi sử dụng cuốn sách này là một tài liệu tham khảo, luận án sử dụng phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và phương pháp so sánh – đối chiếu để tìm ra điểm tương đồng và sự khác biệt trong quan điểm về tự do của tác giả Nikolai Alexandrovich Berdyaev, một đại diện của chủ nghĩa hiện sinh của Pháp và J.S.Mill với tư cách là một trong những “vị khai sinh ra chủ nghĩa tự do” ở nước Anh. Tác phẩm “Thuyết vị lợi” (Utilitarianism) do Batoche Books, Kitchener phát hành năm 2001 [148] có ý nghĩa quan trọng cho sự hình thành và phát triển “Thuyết vị lợi” – một trong những chủ thuyết có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến cải cách chính trị - xã hội ở nước Anh nói riêng và các nước phương Tây nói chung trong thế kỷ XIX và cho đến hiện nay. Trong lịch sử triết học, “Thuyết vị lợi” là một trong những tiền đề lý luận cho sự hình thành và phát triển trường phái triết học thực dụng Mỹ. Vấn đề này được tác giả Đỗ Minh Hợp trình bày trong cuốn
  • 21. 15 “Lịch sử triết học phương tây” tập 3 do NXB Chính trị quốc gia phát hành [78] và tác phẩm “Triết học kinh tế trong lý thuyết về công lý của nhà triết học Mĩ – John Rawls” của tác giả Trần Thảo Nguyên [125]. Đó là những nguồn tài liệu quý giá để luận án tiếp cận nguyên tắc vị lợi – một trong những nguyên tắc cơ bản để thực hiện quyền tự do cá nhân. Về luận văn, luận án: nghiên cứu những quan điểm triết học của J.S.Mill về tự do có những công trình tiêu biểu sau. Nghiên cứu tác phẩm “Bàn về tự do” Nguyễn Hải Hoàng (2008), luận văn Thạc sỹ “Quan điểm về tự do trong tác phẩm Bàn về tự do của J.S.Mill”, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Hà Nội [46]. Luận văn đã tập trung nghiên cứu quan điểm của J.S.Mill về tự do. Tuy nhiên, khi trình bày về nguyên tắc tự do và nguyên tắc vị lợi, tác giả mới chỉ khái quát ở những luận điểm cơ bản. Nhiệm vụ của luận án phải phân tích những nguyên tắc trên để làm rõ quan điểm của J.S.Mill về tự do với tư cách là quyền cơ bản của con người. Ngô Thị Như với luận án Tiến sĩ Triết học “Triết học chính trị của J.S.Mill – Giá trị và bài học lịch sử”, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh. Trong luận án, tác giả Ngô Thị Như đã trình bày những nội dung cơ bản trong triết học chính trị của J.S.Mill, chẳng hạn vấn đề tự do cá nhân, quyền lực nhà nước, dân chủ, bầu cử, giáo dục và giải phóng người phụ nữ. Từ đó, tác giả phân tích và rút ra những giá trị, bài học lịch sử của triết học chính trị J.S.Mill, đồng thời chỉ ra những hạn chế trong triết học chính trị của J.S.Mill như: tính chủ quan, thiếu nhất quán, thiếu cơ sở thực tiễn thể hiện trong quan điểm về vai trò của quần chúng nhân dân. Về vấn đề tự do, tác giả Ngô Thị Như đã tiếp cận tư tưởng J.S.Mill từ quyền tự do cá nhân (tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do hội họp…) và tự do cá nhân được nhìn nhận trong mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên, những nguyên tắc để thực hiện quyền tự do cá nhân thì tác giả chưa đề cập đến, nhiệm vụ của luận án phải làm rõ những vấn đề này.
  • 22. 16 Nghiên cứu về tác phẩm “Chính thể đại diện”, có luận văn Thạc sỹ Triết học của Nguyễn Thị Thùy Linh với đề tài “Quan điểm của J.S.Mill về chính thể trong tác phẩm Chính thể đại diện” của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong luận văn, tác giả Nguyễn Thị Thùy Linh đã chỉ ra quan điểm của J.S.Mill về tự do là quyền cơ bản của con người. Trong đó, có những quyền tự do nhất thiết phải được bảo vệ: quyền tự do tư tưởng, quyền tự do thảo luận; tự do lựa chọn lối sống và tự do lập hội. Tác giả đã chỉ ra triết học chính trị của J.S.Mill dựa trên hai nguyên tắc nền tảng là nguyên tắc vị lợi và nguyên tắc tự do. Tuy nhiên, những phân tích của tác giả Nguyễn Thị Thùy Linh mới chỉ ở mức độ khái quát, cần phải được nghiên cứu một cách hệ thống và mang tính chuyên sâu. Nguyễn Ánh Hồng Minh (2014), Luận văn Thạc sỹ Triết học “Tư tưởng đạo đức của J.S.Mill trong tác phẩm Thuyết Công lợi”, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Trong luận văn, tác giả đã phân tích những điều kiện và tiền đề hình thành tư tưởng đạo đức của J.S.Mill; nội dung cơ bản của tư tưởng đạo đức J.S.Mill trong tác phẩm Thuyết vị lợi và những giá trị, hạn chế của nó. Những nội dung mà tác giả Nguyễn Ánh Hồng Minh trình bày trong luận văn là cơ sở để luận án tiếp cận nguyên tắc vị lợi. Như vậy, có thể thấy rằng, các tác phẩm của J.S.Mill chưa được nghiên cứu nhiều ở Việt Nam. Khoảng trống về những đề tài quan trọng này là một điều bất lợi lớn trong quá trình nhận thức về vấn đề quyền tự do theo quan điểm của J.S.Mill nói riêng và vấn đề tự do trong triết học phương Tây nói chung. 1.3. Những công trình nghiên cứu về ý nghĩa quan điểm của J.S.Mill về tự do đối với việc thực hiện quyền con ngƣời ở Việt Nam hiện nay Vấn đề quyền con người nói chung, triết học của J.S.Mill về quyền con người nói riêng là những nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia,
  • 23. 17 các nhà khoa học trên phương diện hoạt động nghiên cứu lý luận khoa học và hoạt động thực tiễn. Về sách: Năm 2005, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ban hành sách trắng về quyền con người với tiêu đề “Thành tựu và phát triển quyền con người ở Việt Nam” [11]. Cuốn sách tương đối nhỏ, gọn (82 trang) gồm 4 phần: Quan điểm và chính sách của Nhà nước Việt Nam về quyền con người; Thành tựu trong việc thực hiện và thúc đẩy quyền con người; Hợp tác quốc tế về quyền con người; Phòng chống các âm mưu thù địch xuyên tạc vi phạm quyền con người. Cuốn sách cũng tổng kết các thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện và phát triển nhân quyền. Đó là đảm bảo quyền con người về dân sự và chính trị, như quyền bầu cử, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do đi lại, bình đẳng giữa các dân tộc, quyền được tôn trọng về nhân phẩm và bất khả xâm phạm thân thể. Bên cạnh đó là việc đảm bảo thực hiện các quyền con người về kinh tế, xã hội và văn hoá. Cuốn sách cũng trình bày những cố gắng trong việc phát triển quyền của phụ nữ, chăm sóc và bảo vệ trẻ em, gia đình, người già và người tàn tật. Trong đó, phụ nữ được bình đẳng trong cơ hội việc làm với nam giới, tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động kinh tế, xã hội và chính trị. Luận án đã kế thừa những vấn đề lý luận được trình bày trong cuốn sách như: chính sách của Nhà nước về quyền con người, nhận diện và đấu tranh chống các âm mưu thù địch xuyên tạc vi phạm quyền con người. Trên cở sở lý luận đó, luận án sử dụng phương pháp so sánh – đối chiếu để tìm hiểu giá trị và hạn chế trong quan điểm triết học của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa của nó đối với việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam hiện nay. Đại học Quốc gia Hà Nội đã xuất bản một số cuốn sách viết về vấn đề này. Tiêu biểu như “Quyền con người – Tập tài liệu chuyên đề liên hợp quốc” phát hành năm 2010 [17]. Trong tác phẩm này, các tác giả đã chỉ ra trên phương diện triết học, sự hình thành và phát triển lý luận quyền con người phản ánh quy luật
  • 24. 18 phát triển xã hội từ thấp đến cao. Cụ thể, nó phản ánh quá trình phát triển mang tính quy luật trong nhận thức loài người từ những khái niệm sơ khai nhất về công bằng, bình đẳng, tự do và nhân phẩm cho đến những tư tưởng, học thuyết triết học về quyền con người. Trong “Giáo trình lý luận và pháp luật về quyền con người” do Đại học Quốc gia Hà Nội đã xuất bản, các tác giả đã phân tích những nội dung cơ bản sau: quyền con người từ lâu đã trở thành một đối tượng nghiên cứu với những tư tưởng, học thuyết được phát triển bởi nhiều nhà triết học nổi tiếng, trong đó có J.S.Mill. J.S.Mill là một đại diện tiêu biểu của chủ nghĩa tự do thế kỷ XIX, tác phẩm “Bàn về tự do” của ông được xác định là “văn kiện đánh dấu sự phát triển tư tưởng về quyền con người của nhân loại từ trước đến nay” [16, tr.56-57]. J.S.Mill đã đưa ra những luận giải về rất nhiều vấn đề lý luận cơ bản của quyền con người, đặc biệt là các quyền tự nhiên và quyền pháp lý. Những tư tưởng về các quyền tự nhiên và quyền pháp lý của J.S.Mill và các nhà triết học đương thời có ảnh hưởng quan trọng đến sự ra đời của những văn bản pháp luật về quyền con người của các quốc gia châu Âu trong thời điểm này. Bên cạnh đó, còn những cuốn sách như “Quyền con người – Tập tài liệu chuyên đề Liên hiệp quốc” của xuất bản năm 2010 [17]; “Hỏi đáp về quyền con người” xuất bản năm 2010 [24]; “Tư tưởng về quyền con người – tuyển tập tư liệu thế giới và Việt Nam” phát hành năm 2011 [22] của khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội. Các tác phẩm đã trình bày lý luận về quyền con người dưới góc độ triết học, ở đó có xác định tác phẩm “Bàn về tự do” của J.S.Mill với tư cách là một văn kiện đánh dấu sự phát triển tư tưởng về quyền con người của nhân loại. Về cơ bản, những tác phẩm này cùng phân tích những nội dung chủ yếu sau: Trong những tác phẩm trên, các tác giả đều nhận định rằng sâu thẳm trong tư duy và niềm tin của nhân loại là niềm tin chắc chắn rằng mỗi người và tất cả
  • 25. 19 mọi người đều có các quyền, trong đó có các quyền tự do cơ bản trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội. Trong giai đoạn hiện nay, quyền con người đã phát triển như một khuôn khổ đạo đức, chính trị, pháp lý chung của các quốc gia trên thế giới. Bên cạnh việc cung cấp hệ thống văn bản, công ước quốc tế về quyền con người, các tác giả cũng chỉ ra những công trình đó là sự kế thừa trực tiếp hoặc gián tiếp những tiền đề lý luận của các nhà triết gia trong trường phái chủ nghĩa tự do từ cổ điển cho đến hiện đại. Nhiệm vụ của luận án phải chỉ ra những tư tưởng triết học của J.S.Mill về quyền con người, đặc biệt là các quyền tự nhiên và các quyền pháp lý có ý nghĩa như thế nào cho việc pháp điển hóa các quyền con người vào pháp luật quốc gia và quốc tế, cũng như việc đảm bảo thực hiện các quyền này trên thực tế. Cuốn sách “Hỏi đáp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân” của tác giả Vũ Công Giao xuất bản năm 2016 do NXB Chính trị quốc gia phát hành [42] đã trình bày những vấn đề cơ bản về quyền con người. Trong cuốn sách, tác giả đã tiếp cận khái niệm quyền con người theo chiều ngang, thông qua nhà nước và xã hội dân sự. Đây là một cách tiếp cận rất mới về quyền con người của tác giả mà luận án cần tiếp thu. Mặt khác, tác giả đã góp phần lý giải về mối liên hệ giữa quyền con người với tự do. Theo tác giả, tự do mang tính chất của một sự lựa chọn hay một quyền cá nhân. Bàn về vấn đề này, tác giả đã trích dẫn tư tưởng của J.S.Mill: “Về khía cạnh này, J.S.Mill, nhà triết học và kinh tế chính trị học người Anh cho rằng, cần bảo vệ tự do của cá nhân để họ được sống hạnh phúc theo ý của họ, hơn là bắt họ sống hạnh phúc theo ý của những người xung quanh (Bàn về tự do - 1859)” [42, tr.37]. Một vấn đề còn gây tranh cãi về quyền con người, đó là: quyền con người có nguồn gốc tự nhiên hay do pháp luật quy định? Trong lịch sử, có hai trường phái trái ngược nhau. Những người theo học thuyết về quyền tự nhiên (natural rights) – tiêu biểu là các triết gia như Thomas Hobbes, John Locke, Thomas
  • 26. 20 Paine… cho rằng quyền con người là bẩm sinh, vốn có mà mọi cá nhân sinh ra đều được hưởng. Do đó, các quyền con người không phụ thuộc vào phong tục, tập quán, truyền thống, văn hóa, ý chí của bất cứ cá nhân, giai cấp, tầng lớp, tổ chức, cộng đồng hay nhà nước nào. Vì thế, không một chủ thể nào, kể cả Nhà nước, có thể ban phát hay tùy tiện vứt bỏ quyền con người. Ngược lại, những triết gia theo học thuyết về quyền pháp lý (legal rights) tiêu biểu có Edmund Burke, Jeremy Bentham… cho rằng các quyền của con người không phải là bẩm sinh, vốn có mà phải do các nhà nước quy định trong pháp luật. Họ cho rằng phạm vi, giới hạn, cả thời hạn hiệu lực của các quyền con người phụ thuộc vào ý chí của tầng lớp thống trị và những yếu tố như phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa… của từng xã hội. Những vấn đề trên được tác giả Vũ Công Giao lược khảo trong cuốn sách “Hỏi đáp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân”. Trên cơ sở những nội dung tác giả đã trình bày, luận án phải chỉ ra J.S.Mill đã có sự kế thừa như thế nào trong quan điểm của các triết gia trên và tư tưởng của J.S.Mill về nguồn gốc của quyền con người. Trên thế giới, có rất nhiều công trình khoa học bàn về ý nghĩa quan điểm của J.S.Mill đối với việc thực hiện quyền con người trong giai đoạn hiện nay, tiêu biểu có tác phẩm “Bốn tiểu luận về tự do” của Isaiah Berlin [4] và “Phải trái đúng sai” của Michael Sandel [120]. Các tác giả đều nhận định J.S.Mill là một trong những người phát ngôn hàng đầu về chủ nghĩa tự do, là đại biểu phê phán mạnh mẽ những người đã hiểu chưa đúng về quyền tự do cá nhân. Bên cạnh việc chỉ ra những giá trị và hạn chế trong tư tưởng của J.S.Mill, các tác giả đều kế thừa những giá trị tích cực và phát triển cho phù hợp với thời đại ngày nay. Trong đó, tác giả Michael Sandel vẫn thường xuyên sử dụng các tư tưởng tự do và nguyên tắc vị lợi của J.S.Mill để giảng dạy cho sinh viên trường Đại học Harvard các vấn đề chính trị - xã hội của Hoa Kỳ hiện nay.
  • 27. 21 Trên đây là nguồn tài liệu quý giá giúp học viên tiếp cận về giá trị và ý nghĩa của quan điểm về tự do của chủ nghĩa tự do đối với Việt Nam mà J.S.Mill với tư cách là một đại diện tiêu biểu của trường phái này. Luận án Tiến sĩ Triết học “Triết học chính trị của J.S.Mill – Giá trị và hạn chế” của tác giả Ngô Thị Như [114] đã chỉ ra những bài học lịch sử từ triết học chính trị của J.S.Mill, đó là bài học về phát huy vai trò của giáo dục, bài học đề cao bình đẳng cho nữ giới, bài học về xây dựng hình thức chính thể dựa trên nền tảng là lợi ích của người dân, bài học về xây dựng đội ngũ công chức chuyên nghiệp … Trên cơ sở những luận điểm mà tác giả phân tích, luận án cần tiếp tục làm rõ những giá trị lịch sử và ý nghĩa hiện thời của tư tưởng J.S.Mill về tự do. 1.4. Những vấn đề luận án cần tiếp tục nghiên cứu Có thể thấy rằng, J.S.Mill là một nhân vật có sức hấp dẫn rất lớn đối với triết học phương Tây thế kỷ XIX và hiện nay. Những đánh giá tích cực là một cách khẳng định rõ ràng nhất đối với giá trị trong tư tưởng của ông. J.S.Mill là một trong những bậc thầy vĩ đại được Thủ tướng Anh tôn vinh trong diễn văn của ông về sự tự do của Anh quốc. Karl Britton, người viết tiểu sử của J.S.Mill khẳng định “Mill đã tạo nên một ảnh hưởng đến tư duy triết học trong và ngoài nước mà ít có nhà tư tưởng hàng đầu nào khác có thể vượt qua được” [77, tr.5]. Thế nhưng, suốt một thời gian dài, công cuộc nghiên cứu về J.S.Mill chưa đánh giá hết tầm quan trọng của ông, nhất là đối với các vấn đề chính trị và xã hội đang còn nóng bỏng tính thời sự. Khi chiến tranh thế giới thứ hai diễn ra, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít trở nên gay gắt, người ta mới thực sự tái phát hiện “vị Thánh tông đồ của tự do”. Nghiên cứu về J.S.Mill được “phục hưng” từ sau chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc: các tác phẩm của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng, nhiều công trình nghiên cứu chuyên đề về ông được công bố dồn dập. Có thể nói, về nhiều phương diện, công cuộc nghiên cứu về J.S.Mill thật sự được bắt đầu lại.
  • 28. 22 Trong thời gian qua, ở Việt Nam đã có một vài công trình nghiên cứu tư tưởng triết học của J.S.Mill. Tuy nhiên, chưa có công trình nào nghiên cứu có hệ thống về quan điểm của J.S.Mill về tự do. Vì vậy, tác giả mạnh dạn lựa chọn đề tài “Quan điểm của J.S.Mill về tự do và ý nghĩa của nó đối với việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam hiện nay” làm luận án Tiến sĩ Triết học. Trên cơ sở tham khảo những tài liệu nêu trên, luận án cần tiếp tục nghiên cứu những vấn đề: Thứ nhất, khi phân tích những điều kiện lịch sử của nước Anh trong thế kỷ XIX, luận án cần chỉ rõ được sự tác động của những điều kiện lịch sử đó dẫn đến sự hình thành quan điểm về tự do trong triết học của J.S.Mill. Sự hình thành và phát triển của một học thuyết triết học là sự bổ sung, kế thừa của các trường phái triết học trước đó. Trong quá trình tìm hiểu tiền đề lý luận hình thành quan điểm về tự do trong triết học J.S.Mill, luận án phải chỉ ra được sự kế thừa, phát triển trong quan điểm triết học của J.S.Mill. Thứ hai, luận án có nhiệm vụ phân tích cách tiếp cận của J.S.Mill về tự do. Những quyền tự do dân sự mà J.S.Mill đề cập đến, đó là: tự do tư tưởng, tự do quan điểm và biểu đạt; tự do tín ngưỡng và tôn giáo; tự do sở thích, tự do đặt kế hoạch cho cuộc sống và tự do lập hội. Quan điểm của J.S.Mill về cơ chế thực hiện quyền con người (về chế độ chính trị, thể chế chính trị dân chủ và hình thức thực hiện dân chủ). Trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, luận án cần phân tích được giá trị và hạn chế trong quan điểm của J.S.Mill về tự do. Thứ ba, luận án có nhiệm vụ luận giải quan điểm triết học về quyền con người; vấn đề thực hiện quyền con người ở Việt Nam hiện nay; từ đó, luận án khái quát một số bài học rút ra về vấn đề quyền con người trong triết của J.S.Mill về tự do.
  • 29. 23 Chƣơng 1: ĐIỀU KIỆN VÀ TIỀN ĐỀ HÌNH THÀNH TRIẾT HỌC VỀ TỰ DO CỦA JOHN STUART MILL 1.1. Điều kiện lịch sử hình thành quan điểm về tự do trong triết học J.S.Mill J.S.Mill (1806 - 1873) là một nhà triết học, một nhà logic học, nhà kinh tế học và là nhà hoạt động chính trị nổi tiếng ở nước Anh. Tư tưởng của ông mang đậm dấu ấn Anh ở thế kỷ XIX. Hay nói cách khác, xã hội Anh thời đó đã tác động sâu sắc đến sự hình thành tư tưởng J.S.Mill. 1.1.1. Tình hình kinh tế nước Anh trong thế kỷ XIX Dưới thế kỷ XIX, Cách mạng công nghiệp làm sự thay đổi cơ bản các điều kiện kinh tế - xã hội, văn hóa và kỹ thuật, xuất phát từ Anh quốc sau đó lan tỏa ra toàn thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp ở nước Anh được bắt đầu và diễn ra mạnh mẽ ở ngành công nghiệp may mặc. Những phát minh kỹ thuật đầu tiên xuất hiện trong ngành dệt đó là “Thoi bay” do Jonh Kay2 phát minh, làm cho dệt nhanh hơn, rộng hơn. Năm 1767, James Hargreavers3 chế tạo ra máy kéo sợi 16 đến 18 cọc đầu tiên có tên là Jenny, sau đó nó được nhiều nhà phát minh khác cải tiến cho chất lượng và hiệu quả cao hơn. Cho đến năm 1785, chiếc máy dệt đầu tiên ra đời do Cartwright4 phát minh tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành dệt. Cùng với cải tiến máy móc thì kỹ thuật nhuộm màu in hoa cũng đạt được những tiến bộ lớn, góp phần củng cố địa vị trong ngành dệt. Những phát minh trên đã đặt ra một nhu cầu mới trong sản xuất; đó là cần phải có nguồn động lực cho máy móc. Ban đầu người ta sử dụng sức nước, tuy nhiên sức nước lại có hạn chế vì không phải ở đâu cũng lợi dụng được nó. Đặc biệt, ở những quốc gia phương Tây vào mùa đông lạnh giá việc dùng động lực của nước càng trở lên khó khăn hơn. Việc chế tạo ra máy hơi nước, một phát minh vĩ đại trong thế kỷ XIX của Thomas Newcomen5 và James Watt6 là dấu mốc mở đầu của quá trình cơ khí hóa. Máy hơi nước đã tạo ra nguồn động lực mới, làm giảm sức lao động cơ bắp của con người, giúp con người được tự do lựa chọn nơi đặt các nhà máy, xí
  • 30. 24 nghiệp. Đây là khởi đầu quá trình công nghiệp hoá ở nước Anh. “Nhờ có những phát minh về sau mỗi năm một hoàn thiện ấy lao động máy móc đã thắng lao động chân tay trong các ngành chủ yếu ở công nghiệp Anh” [79, tr.339]. Quá trình công nghiệp hóa diễn ra mạnh mẽ giúp cho kinh tế nước Anh phát triển, làm thay đổi căn bản diện mạo nước Anh “như một chiếc gậy thần nó đã làm mọc lên những thành phố khổng lồ như Li-vơ-pun và Man-se-xtơ gồm đến 70 vạn dân và các vùng ngoại ô: Bôn-tơn (6 vạn dân), A-stơn và Xtê-li-brit-giơ (4 vạn dân) và cả một loạt thành phố công xưởng khác” [79, tr.339]. Nhờ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp, nước Anh nhanh chóng trở thành quốc gia phát triển nhất thế giới. Năm 1851, nước Anh tổ chức triển lãm thế giới ở London. Sản phẩm trưng bày của nước Anh chủ yếu là hàng công nghiệp. Chỉ tính riêng sản lượng sắt, nước Anh đã vượt tổng sản lượng sắt của tất cả các quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, nước Anh còn chiếm 2/3 tổng sản lượng than và 1/2 tổng sản lượng vải bông trên thế giới. Những số liệu trên cho thấy năng lực sản xuất của nước Anh mạnh hơn tổng sản lượng công nghiệp của các quốc gia trên thế giới. Trong khi đó, sản phẩm của các nước khác chủ yếu là hàng nông nghiệp và thủ công nghiệp. Qua cuộc triển lãm đó, nước Anh muốn tuyên bố với thế giới rằng họ đã bước vào thời đại công nghiệp và đứng đầu thế giới về công nghiệp. Bên cạnh đó, nhờ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp, nước Anh đã xây dựng được hạ tầng giao thông hiện đại. Trước năm 1755, nước Anh hầu như không có kênh đào. Năm 1755, ở Lancashire, người ta đào con kênh từ Sankey Brook đến St.Helens; năm 1759, James Brindley đào con kênh lớn đầu tiên, tức kênh Quận công Bridgewater, chạy từ Manchester và các mỏ than vùng đó đến cửa sông Mersey, kênh này đến gần Barton thì vượt qua sông Irwell bằng một cầu dẫn nước. Từ đấy người ta đã đào kênh khắp mọi hướng và đã nạo vét sông để chạy tàu thủy. Riêng ở Anh, có 2200 dặm kênh và 1800 dặm đường sông tàu
  • 31. 25 chạy được. Ở Scotland, người ta đào con kênh Calédonie. Ở Ailen người ta cũng đào nhiều kênh [79, tr.347]. Từ năm 1818 đến năm 1829, ở Anh, Wales và ở Scotland đã xây dựng được một mảng lưới đường rất đẹp. Về đường sắt, năm 1830, nước Anh khánh thành con đường sắt lớn đầu tiên là đường từ Liverpool đến Manchester. Từ đó, các thành phố lớn được nối liền nhau bởi đường sắt. Những nhà ga được xây dựng ngày càng lớn hơn; những khu dân cư ở gần đó ngày càng phát triển với tốc độ lớn mạnh. Hơi nước không những đã cách mạng hóa các phương tiện giao thông đường bộ mà mang lại cho giao thông đường thủy một uy tín mới. Chiếc tàu đầu tiên được hạ thủy trên sông Clyde vào năm 1811. Từ đó, người Anh đã đóng hơn 600 tàu thủy chạy bằng hơi nước và năm 1836, hơn 500 chiếc hoạt động trên các bến cảng [79, tr.348]. Những kết cấu hạ tầng hiện đại này khiến cho “nước Anh, cách đây sáu mươi năm còn có những đường sá cũng xấu như đường sá nước Pháp hoặc nước Đức hồi đó, ngày nay đã có một mạng lưới đường lát đẹp đẽ nhất; và tất cả những con đường này cũng như hầu hết mọi cái ở Anh, đều là công trình của các nhà kinh doanh tư nhân” [79, tr.346]. Như vậy, với hạ tầng giao thông hiện đại đã giúp cho người dân thuận tiện đi lại, di chuyển tự do hơn. Điều này thúc đẩy nền kinh tế Anh phát triển thành siêu cường thế giới. Điều đáng lưu ý là các công trình giao thông vận tải đó, cũng như toàn bộ các công trình công cộng khác đều do khu vực kinh tế tư nhân TBCN thực hiện. Điều này cho thấy, kinh tế tư nhân TBCN đã có sự phát triển mạnh mẽ và giữ vai trò chủ đạo của trong hệ thống kinh tế của Anh quốc. Như vậy, cuộc cách mạng công nghiệp đã tạo ra một sự phát triển thịnh vượng về kinh tế. Không chỉ vậy, cuộc cách mạng công nghiệp còn khiến quyền năng của con người lớn hơn. Con người ngày càng có ý thức về quyền tự do của các cá nhân. Trong điều kiện như vậy, những học thuyết về tự do đã được hình thành, tiêu biểu phải kể tới những tư tưởng tự do trong triết học của John Stuart Mill.
  • 32. 26 1.1.2. Đặc điểm xã hội nước Anh trong thế kỷ XIX Cách mạng công nghiệp đã khiến nền kinh tế Anh quốc phát triển nhanh chóng, đồng thời cũng làm biến đổi kết cấu xã hội nước này một cách rõ rệt Cuộc cách mạng này làm thay đổi toàn bộ xã hội Anh. Vị trí các giai cấp, tầng lớp trong xã hội Anh có sự chuyển biến không đồng nhất. Cuộc cách mạng công nghiệp làm ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống của tầng lớp thợ thủ công, khiến họ bị đào thải “toàn bộ lịch sử sau đó của nền công nghiệp Anh chỉ là thuật lại tình hình người lao động thủ công đã bị máy móc đánh bật khỏi hết vị trí này đến vị trí khác” [79, tr.338]. Lao động bằng máy móc đã thay thế lao động thủ công khiến cho hàng loạt thợ thủ công của nhiều ngành nghề đã mất việc làm. Cụ thể, với sự phát triển của ngành công nghiệp may dệt đã loại bỏ những người công nhân là đàn ông ra khỏi quá trình sản xuất. Trước tình trạng đó, buộc phụ nữ và trẻ em cũng phải tìm kiếm việc làm. Nếu như trước đây, người phụ nữ chỉ quanh quẩn những việc trong gia đình thì nay họ phải đi làm với một cường độ lao động căng thẳng thậm chí chấp nhận cả những công việc nặng nhọc, nguy hiểm ở nhà máy để mưu sinh qua ngày. Như vậy, vai trò kinh tế của các thành viên trong gia đình đã thay đổi, kéo theo đó là sự thay đổi vị trí, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Đây chính là cơ sở thực tế khiến cho J.S.Mill đặc biệt quan tâm vấn đề bình đẳng giới trong các tác phẩm của ông. Sản phẩm quan trọng nhất của cuộc cách mạng công nghiệp ấy là giai cấp công nhân Anh. Họ là những người trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, là lực lượng lao động chủ yếu trong xã hội - những người mà trí sáng tạo và bàn tay lao động làm nên sự vĩ đại của nước Anh. Do vậy, để phát huy sức sản xuất của họ, giai cấp tư sản cần phải loại bỏ những trở ngại pháp lý của chế độ nông nô và giành cho họ những quyền và tự do cơ bản.
  • 33. 27 Tuy nhiên, trên thực tế, đời sống kinh tế của người công nhân bấp bênh, cùng cực còn trong xã hội họ không được hưởng bất kỳ một quyền gì “ngoài những pháp lệnh chính trị thành văn được phân tích ở trên, cần phải đưa thêm vào hiến pháp một vài yếu tố khác nữa. Cho đến nay, hầu như chưa nói gì đến quyền công dân, trong giới hạn của Hiến pháp theo đúng nghĩa của nó thì cá nhân ở Anh không có quyền nào cả. Những tồn tại này hoặc do tập quán, hoặc do những quy ước riêng biệt không dính dáng đến hiến pháp” [78; tr.874-875]. Những người công nhân dần dần ý thức được rằng họ phải bảo vệ quyền lợi của họ bằng cách đoàn kết thành một lực lượng mạnh mẽ để đấu tranh đòi hỏi những quyền lợi kinh tế cũng như những quyền lợi chính trị. Và do đó, phong trào nghiệp đoàn nổi lên từ cuối thế kỷ XVIII và phát triển mạnh vào thế kỷ XIX. 1.1.3. Tình hình chính trị nước Anh thế kỷ XIX 1.1.3.1. Tình hình đối nội nước Anh thế kỷ XIX Vào những năm 40 của thế kỷ XVII, cách mạng tư sản Anh bùng nổ và giành thắng lợi. Đây là một trong những cuộc cách mạng tư sản đầu tiên trên thế giới. Cuộc cách mạng này diễn ra với hình thức nội chiến (Civil war)7 giữa lực lượng quí tộc phong kiến với giai cấp tư sản được sự ủng hộ của quần chúng lao động. Cuộc nội chiến này chấm dứt vào năm 1648 với thắng lợi thuộc về giai cấp tư sản. Sau cách mạng, giai cấp tư sản đã thiết lập nhà nước theo chính thể Cộng hòa nghị viện mà quyền lực tối cao của nhà nước tập trung vào Hạ nghị viện. Tuy nhiên chính thể này không tồn tại lâu. Do giai cấp tư sản sau đó đã không thực hiện lời hứa chia ruộng đất cho nông dân, dẫn đến mâu thuẫn xã hội tiếp tục phát triển gay gắt giữa giai cấp tư sản và quần chúng nhân dân lao động. Trước tình thế đó, giai cấp tư sản đã phải thoả hiệp với tầng lớp quí tộc mới nhằm mục đích xoa dịu mâu thuẫn xã hội. Hai sự kiện quan trọng thể hiện rõ sự thỏa hiệp này là:
  • 34. 28 Thứ nhất, sau khi Oliver Cromwell8 – người lãnh đạo cuộc cách mạng Tư sản qua đời vào năm 1658, kéo theo sự sụp đổ của nền Cộng hòa, Charles II9 đang lưu vong ở nước ngoài đã được mời về nước lên ngôi vua năm 1660. Thứ hai, vào tháng 2 năm 1689, Nghị viện Anh đã thông qua đạo luật mới - “Đạo luật thừa nhận ngôi vua và quyền hành của nghị viện”. Đạo luật này là cơ sở pháp lý cho sự ra đời nhà nước quân chủ lập hiến tồn tại cho đến ngày nay. Nội dung chủ yếu của đạo luật này là đề cao vai trò của Nghị viện và khẳng định ngôi vua sẽ được giữ lại nhưng chỉ mang tính biểu tượng. Việc chuyển quyền lực thực tế từ ngôi vua sang chính phủ và thủ tướng, hoàn toàn phụ thuộc vào Nghị viện cho thấy hình thức dân chủ đó mang tính đại diện. Với chính thể đó, một mặt nhằm bảo vệ lợi ích của giai cấp tư sản, loại bỏ độc quyền của phong kiến. Mặt khác, chính thể đó đòi hỏi tách cá nhân ra khỏi xã hội và nhà nước, hạn chế sự tác động và những thẩm quyền của nhà nước trong sự tương tác của nó với xã hội công dân và cá nhân, tuyên bố sự bình đẳng về mặt chính trị của mọi công dân, đem lại cho các cá nhân những quyền cơ bản và không thể tược đoạt. Đây chính là điều kiện khách quan để J.S.Mill hình thành quan điểm về tự do, đồng thời nó cũng quy định giá trị và hạn chế trong quan điểm triết học của ông. Thế kỷ XIX, nước Anh tồn tại hai đảng đối lập, đó là đảng Whig (tiền thân của đảng Tự do) và đảng Tory (tiền thân của đảng Bảo Thủ)10 . Tuy có những chính sách khác nhau, nhưng hai đảng đều phục vụ cho tầng lớp có của. Trước sự lớn mạnh của phong trào công nhân, hai đảng đều xích lại gần nhau để bảo vệ lợi ích của giai cấp tư sản. Nếu so sánh diễn biến chính trị ở Anh và Pháp, hai cường quốc mạnh ở châu Âu vào thế kỷ XIX và có liên quan đến nhau nhiều mặt thì thấy, ở nước Anh, đường lối chính trị ít có sự thay đổi. Sự thay đổi đó chỉ là ở những chính sách để nhằm giữ vững thể chế chính trị của Anh. Điều đó được thể hiện ở một số sự kiện sau:
  • 35. 29 Mặc dù giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh với Pháp, nhưng nước Anh lúc này lại rơi vào khủng hoảng kinh tế - xã hội “lúa mì tụt giá kinh khủng”, “nhà nông chịu cảnh nghèo túng”, “chủ xưởng máy bất bình với nhà nước vì phải tăng lương cho công nhân”, “đội quân thất nghiệp ngày càng đông đảo”, “thợ dệt thủ công đập vỡ những máy dệt, đôi khi đốt phá nhà máy” [44; tr.305, 306]. Trong khi kinh tế Anh khủng hoảng thì giai cấp cầm quyền cũng lâm vào tình trạng bất ổn. Lợi dụng tình hình ấy, nhóm Cấp Tiến (đại diện có Jemery Bentham và cha con J.S.Mill) kêu gọi quần chúng đòi phổ thông đầu phiếu, đòi quyền bầu cử cho tất cả công nhân Anh có đóng thuế trực tiếp. Trải qua một thời gian đấu tranh kịch liệt, ngày 7/6/1832, Luật cải cách được nhà vua ký, chính thức có hiệu lực. Nó mở rộng quyền bầu cử cho bộ phận tầng lớp trung lưu mới, giảm bớt căng thẳng chính trị trong xã hội. Đảng Whig tuyên bố rằng với cải cách bầu cử đó sẽ chấm dứt mọi đau khổ trong dân chúng. Nhưng sự thật nỗi đau khổ trong dân chúng không hề được giảm sút và xã hội Anh vẫn chưa thực sự thoát khỏi khủng hoảng. Trước tình hình đó, nhiều trào lưu tư tưởng xuất hiện để giải quyết những vấn đề đặt ra. Tiêu biểu có hai trào lưu đối lập, một là phong trào của nhóm “Nước Anh Trẻ” có chủ trương duy trì trật tự của nước Anh hiện thời, bảo vệ lợi ích của tầng lớp quý tộc cũ. Một nhóm chính trị gia khác, tiêu biểu có Jeremy Bentham, David Rocardo, Jame Mill lập luận khác hẳn, chủ trương tự do về kinh tế, tránh sự can thiệp của nhà nước, là tiếng nói đại diện cho giai cấp tư sản. Phải đến năm 1831, Robert Owen11 đã thành lập một tổ chức lao động lớn, đó là Tổng công đoàn (Great Consolidated Trade Union). Tổ chức công đoàn đã thu hút được tất cả các thợ thuyền ở các ngành nghề tham gia bởi mục tiêu cứu trợ đoàn viên khi đau ốm hay chết; đảm bảo số lương hưu trí khi về già và xây dựng những hợp tác xã để tránh sự bóc lột của chủ xưởng. Phương pháp để tiến tới kết quả là tổng đình công. Sự lớn mạnh của Tổng công đoàn khiến cho giai
  • 36. 30 cấp tư sản và chính quyền lo ngại tìm cách đàn áp. Phong trào nhanh chóng tan rã [75; tr.327, 328]. Mặc dù Tổng công đoàn bị giải tán nhưng điều đó không làm dập tắt đi những đòi hỏi bức thiết về quyền lợi của người lao động. Những phong trào đấu tranh đòi hỏi quyền lợi chính trị của người của người lao động càng được dâng cao, tiêu biểu có phong trào Ước pháp (Chartism) từ năm 1835 đến năm 1848 đòi phổ thông đầu phiếu kín, nhiệm kỳ nghị viện một năm, phụ cấp cho dân biểu với những phương pháp đấu tranh như mít tinh, kiến nghị nên cũng nhanh chóng thất bại [75; tr.328]. Mặc dù phong trào thất bại nhưng Nghị viện cũng phải tiến hành những cải cách cho người lao động. Sau cải cách không lâu, xuất phát sự bất mãn, giai cấp công nhân phát động phong trào Hiến chương rầm rộ. “Trong phong trào Hiến chương toàn bộ giai cấp công nhân đứng dậy chống giai cấp tư sản, tiến công trước hết vào chính quyền của giai cấp tư sản” [79; tr.612]. Lịch sử đấu tranh của giai cấp công nhân trên toàn thế giới vẫn luôn nhắc nhở sự kiện Hiến chương Anh như một tấm gương điển hình cho lòng dũng cảm của giai cấp công nhân Anh. Mục đích của phong trào Hiến chương tập trung trong bản “Hiến chương nhân dân” (People‟s Charter) với sáu điều khoản12 “chỉ đề cập đến cơ cấu của hạ nghị viện, thoạt nhìn hiền lành thôi, nhưng vẫn đủ để quét sạch Hiến pháp nước Anh với cả Nữ hoàng và thượng nghị viện” [79; tr.612]. Sau ba cao trào (từ 1836 - 1858), phong trào Hiến chương kết thúc và không đạt được mục đích chung cuộc. Tuy nhiên, phong trào Hiến chương vẫn là một dấu ấn đậm nét của chính trị Anh thế kỷ XIX, như V.I.Lênin từng đánh giá là „„phong trào cách mạng vô sản to lớn đầu tiên, thật sự có tính chất và có hình thức chính trị‟‟ [72, tr.365]. Lịch sử chính trị Anh tiếp tục ghi dấu ấn bằng cải cách nghị viện lần thứ hai năm 1867. Cuộc cải cách này đã mở rộng hơn nhiều quyền bầu cử, đem lại quyền bầu cử cho giai cấp công nhân cơ bản (ngoại trừ công nhân mỏ và công nhân nông nghiệp). Số cử tri tại Anh khi đó đã tăng lên rõ rệt. Hai lần cải cách
  • 37. 31 nghị viện dưới thế kỷ XIX đã làm thay đổi rất nhiều tình hình chính trị nước Anh. Cũng chính những lần cải cách nghị viện đã thu hút được sự quan tâm của cả Jame Mill và J.S.Mill. Như vậy, bằng cuộc cách mạng công nghiệp và cải cách chính trị, nước Anh đã bước vào thời đại mới – thời đại cải cách. Tại London náo nhiệt, J.S.Mill đã chứng kiến rất rõ những cải cách trong toàn bộ lĩnh vực đời sống xã hội. Điều này làm thay đổi diện mạo phương thức sản xuất TBCN ở Anh. Như J.S.Mill từng viết vào năm 1831 rằng, một người „„thông qua chuyến đi dạo vòng quanh London, có thể học về lịch sử nước Anh thế kỷ XIX nhiều hơn cả những giai đoạn lịch sử của mười tám thế kỷ trước đó‟‟13 [152, tr.230]. Nước Anh thời đại Victoria chính là cơ sở xã hội, là nền tảng hình thành triết học của J.S.Mill. Có thể bắt gặp những vấn đề triết học mang hơi thở thời đại trong các tác phẩm của J.S.Mill như quyền con người, quyền tự do cá nhân, quyền lực nhân dân, dân chủ. 2.1.3.2. Chính sách đối ngoại nước Anh thế kỷ XIX Về chính sách đối ngoại, nước Anh dùng địa vị ưu thế về công nghiệp để chinh phục các nước khác. Do đó, chính sách đối ngoại của nước Anh thực chất là chính sách xâm lược. Người hăng hái thực hiện chính sách xâm lược ở Anh lúc bấy giờ là Henry Temple Palmerston14 . Cho đến giữa thế kỷ XIX, Anh dẫn đầu thế giới về quy mô và tốc độ phát triển thuộc địa. Từ năm 1815, hệ thống thuộc địa của Anh mở rộng khá nhanh. Ở Châu Á, Anh chinh phục được toàn bộ bán đảo Ấn Độ. Ấn Độ là một quốc gia rộng lớn và có nguồn tài nguyên dồi dào. Nhu cầu về vàng, bạc và hương liệu trong quá trình tích luỹ nguyên thủy của chủ nghĩa tư bản càng thôi thúc người Anh tìm đế xứ sở này. Năm 1849, nước Anh hoàn toàn xâm lược Ấn Độ. Chính phủ Anh chính thức quàng lên cổ nhân dân Ấn Độ ách thuộc địa quan trọng trong hệ thống thuộc địa của Anh. Sau khi đã chiếm xong Ấn Độ, chính phủ Anh bắt đầu triển khai một loạt chính sách cai trị Ấn Độ.
  • 38. 32 Về chính trị, thực dân Anh nắm quyền cai trị trực tiếp, tiến hành chính sách chia để trị “dùng người bản xứ đánh người bản xứ”. Chính phủ Anh đã sử dụng đội quân Xipay với quân số lên đến 22.5 vạn người để cai trị người Ấn Độ. Bên cạnh đó, thực dân Anh tìm cách khơi gợi sự khác biệt về chủng tộc, tôn giáo và đẳng cấp trong xã hội để dễ bề cai trị. Về tôn giáo, thực dân Anh còn thực hiện chính sách ưu đãi người Hồi giáo về nhiều mặt nhằm gây mâu thuẫn tôn giáo, mâu thuẫn nội bộ ở Ấn Độ, từ đó hạn chế các giai tầng có thể đoàn kết chống lại chính phủ Anh. Về kinh tế, chính phủ Anh tiến hành những thủ đoạn cưỡng bức và bóc lột kinh tế. Ở mảnh đất giàu có, vốn mang danh hiệu là viên ngọc trên vương miện của nữ hoàng Anh, nước Anh tiến hành những thủ đoạn cướp đoạt trắng trợn đối với người Ấn Độ. Cụ thể, trong lĩnh vực công thương nghiệp, chính quyền Anh áp dụng biện pháp để vơ vét nguyên liệu, tiền của phục vụ cho nền công nghiệp Anh, biến Ấn Độ thành nơi tiêu thụ hàng hoá cho công nghiệp Anh. Khoảng từ năm 1814 đến năm 1835, số vải bông của Anh xuất khẩu sang Ấn Độ tăng khiến cho hàng vạn thợ dệt Ấn Độ thất nghiệp. Các thành phố dệt truyền thống của Ấn Độ trở nên hoang vắng, tiêu điều. Cùng với những chính sách trên, chính phủ Anh còn đầu tư vào Ấn Độ và các thuộc địa khác để có lãi. Ngân hàng London cho chính phủ Anh ở Ấn Độ vay từ 4 triệu bảng lên tới 133 triệu bảng trong nửa sau thế kỷ XIX. Sự đầu tư của Anh vào Ấn Độ ở lĩnh vực cơ sở hạ tầng, xây dựng xí nghiệp chế biến, hệ thống đường bộ, đường sắt để tạo điều kiện vật chất nhằm mở rộng việc vơ vét nguồn tài nguyên giàu có của đất nước này. Với những chính sách trên, nền tài chính Ấn Độ hoàn toàn bị lệ thuộc vào nước Anh. Anh chú trọng đầu tư thuộc địa nhằm mục đích duy trì sự bóc lột lâu dài; đồng thời tạo nên sự hào nhoáng về kinh tế ở thuộc địa nhằm che đậy mâu thuẫn giữa chính quốc và thuộc địa.
  • 39. 33 Về văn hóa – xã hội, ở thuộc địa Anh, do được “khai hóa” sớm và lâu nên được đầu tư khoa học, từ đó mà cũng có điều kiện phát triển văn hóa vật chất. Về nền văn hóa tinh thần của các thuộc địa, thì văn hóa Anh, từ phong tục đến tập quán, tôn giáo điều được truyền bằng những cuộc di dân của người Anh vào thuộc địa, hòa quyện với văn hóa bản địa. Những tư bản dân tộc thuộc địa từ rất lâu bị ảnh hưởng và lệ thuộc vào văn hóa Anh. Họ coi nữ hoàng Anh là nữ hoàng của mình. Do bị ảnh hưởng bởi văn hóa đó và ngày càng đồng điệu, tầng lớp tư sản dân tộc thuộc địa có mong muốn tự trị thay vì độc lập hoàn toàn. Mặt khác, do khai thác thuộc địa từ sớm nên ở các thuộc địa đã sớm hình thành giai cấp mới, giai cấp công nhân. Trong quá trình phát triển, họ đã bắt đầu lập nên các đảng phái riêng, lãnh đạo phong trào công nhân và phong trào giải phóng dân tộc nhưng thường là ôn hòa và mục đích đòi tự trị chứ không là giải phóng hoàn toàn dân tộc. Điều này cho thấy, thực dân Anh đã rất thành công trong chính sách xâm lược thuộc địa. Không chỉ thi hành chính sách cai trị với Ấn Độ, nước Anh còn đặt nền bảo hộ trên những quốc gia như Myanmar, Belotchistan, Mesopotamia và Palestine. Ở châu Phi, Anh thôn tính toàn bộ miền Nam Phi và Đông Phi, Ai Cập, Xu đăng và Nigeria ở Tây Phi. Ở châu Đại Dương, nước Anh chiếm toàn bộ đảo Australia, Tasmania. Năm 1863, tàu Anh bắn phá cảng Kagosima của Nhật, buộc Nhật phải bồi thường chiến phí và mở cửa cho Anh buôn bán. Ngoài ra, Anh còn gây ra chiến tranh thuốc phiện với Trung Quốc nhằm thôn tính thị trường rộng lớn này. Từ Hiệp ước Nam Kinh 184215 đến vụ Bát quốc liên quân (Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Đức, Nhật, Áo, Ý) đánh Bắc Kinh năm 1900; Anh đụng độ với Trung Quốc nhiều lần và mỗi lần thất bại, Trung Quốc phải ký những điều ước bất bình đẳng như điều ước Thiên Tân 1858, điều ước Bắc Kinh 1860, điều ước Bắc Kinh 1901, Anh và các nước xâu xé Trung Quốc, mục đích là gây ảnh hưởng và tìm quyền lợi ở Trung Quốc. Đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Vương quốc Anh là một
  • 40. 34 đế quốc rộng lớn nhất thế giới, được bao trùm một diện tích 35 triệu km2 và có số dân lên đến 400 triệu người. Như vậy, vào thời điểm đó, Vương quốc Anh chiếm hơn 1/5 đất nổi và 1/4 dân số của toàn thế giới [97, tr.340-341]. Trong chính sách thuộc địa, Anh cho các thuộc địa da trắng được quyền tự trị rộng rãi còn những thuộc địa theo chế độ phong kiến thì phải phục tùng chính quyền Anh một cách tuyệt đối. Những vấn đề này được J.S.Mill nhắc đến trong tác phẩm “Bàn về tự do” và “Chính thể đại diện”. Trong Chương XVIII “Về sự cai trị các nước thuộc địa bởi một nhà nước tự do” trong tác phẩm “Chính thể đại diện”, J.S.Mill đã luận bàn về vấn đề này. Những lập trường của ông về những vấn đề này được đứng trên chính sách đối ngoại và xâm lược của Anh quốc lúc bấy giờ. 1.2. Tiền đề lý luận hình thành quan điểm về tự do trong triết học J.S.Mill 1.2.1. Triết học lý thuyết của J.S.Mill Thế giới quan của J.S.Mill hình thành dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa duy nghiệm (Empiricism). Chủ nghĩa duy nghiệm là một trào lưu triết học cho rằng kinh nghiệm cảm tính là nguồn gốc duy nhất của tri thức, coi nội dung của tri thức chỉ là sự miêu tả kinh nghiệm đó. Đại diện tiêu biểu cho trường phái triết học này là George Berkeley (1685 – 1753), David Hume (1711 - 1776) và J.S.Mill. Trước hết về G.Berkeley, ông chịu nhiều ảnh hưởng của các xu hướng phê phán các quan niệm triết học cũ, G.Berkeley sử dụng ngay lập trường duy cảm của các nhà duy vật Anh để chống lại họ và các hệ thống siêu hình học. Lợi dụng sự dao động của J.Locke trong việc phân chia các đặc tính của sự vật thành các “chất có trước” và các “chất có sau” G.Berkeley tìm cách chứng minh không những các “chất có sau‟‟ mà ngay cả các “chất có trước‟' cũng hoàn toàn mang tính chủ quan của con người. Theo ông, sở dĩ chúng ta có thể nhận thức được sự
  • 41. 35 vật, bởi vì chúng tương đồng với con người. Do vậy, chúng thuộc về và thông qua con người. Từ đây, G.Berkeley khẳng định nguồn gốc hoàn toàn chủ quan của mọi sự vật trong thế giới chúng ta, coi chúng chỉ là hiện thân của cảm giác con người. G.Berkeley cho rằng tất cả các đặc tính của sự vật không tồn tại khách quan, chỉ tồn tại trong ý thức con người. Bản thân toàn bộ thế giới tự nhiên được G.Berkeley coi là tổ hợp của cảm giác con người. Nhưng con người ở đây được hiểu theo nghĩa cá thể. Trên thực tế, hầu như G.Berkeley đã đứng trên lập trường duy ngã, coi toàn bộ vũ trụ chỉ là hiện thân của một cá thể. Xuất phát từ quan niệm trên, G.Berkeley đưa ra luận điểm cho rằng, đối với sự vật thì “tồn tại nghĩa là được cảm nhận”. Mọi quan niệm duy vật khẳng định tồn tại khách quan của thế giới đều bị G.Berkeley phê phán. Ông khẳng định nguồn gốc hoàn toàn chủ quan trong thế giới chúng ta, coi chúng chỉ là hiện thân của cảm giác con người. Nói cách khác, tất cả các đặc tính của sự vật không tồn tại khách quan, chỉ tồn tại trong ý thức của con người. Về cơ bản, G.Berkeley là một đại biểu điển hình của chủ nghĩa duy tâm chủ quan thời cận đại. Các quan niệm của ông, mặc dù có nhiều hạn chế như V.I.Lênin đã từng kịch liệt phê phán, song chúng cũng có vai trò trong việc phê phán sự bất lực và hạn chế của các quan niệm triết học và khoa học truyền thống trong bối cảnh lịch sử cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII ở Tây Âu. Những quan điểm triết học của G.Berkeley có ảnh hưởng đến các triết gia khác, trong đó có David Hume. Cũng như G.Berkeley, nhà triết học người Scotland - David Hume tuyệt đối hóa vai trò của cảm giác, coi đó là điểm xuất phát và dạng cơ bản của nhận thức. Nhưng nếu G.Berkeley không dừng lại ở việc xem xét cảm giác ở khuôn khổ nhận thức, mà coi cả thế giới chỉ là tổ hợp của các cảm giác thì D.Hume lại tách biệt các cảm giác con người với thế giới bên ngoài, coi chỉ bản thân các cảm giác là nguồn gốc nhận thức mà không cần đến sự tác động của thế giới bên ngoài. Quá trình nhận thức không phải là nhận thức thế giới mà là nhận thức những quá trình