SlideShare a Scribd company logo
1 of 71
LUẬN VĂN:
Một số vấn đề về trách nhiệm bồi
thường thiệt hại do xâm phạm tính
mạng, sức khỏe, danh dự, nhân
phẩm và uy tín
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của việc nghiên cứu đề tài
Ai gây thiệt hại thì người đó phải bồi thường - vấn đề này đã được các nhà làm
luật coi đó là một nguyên tắc và cụ thể hóa trong văn bản pháp luật. Xét về nguồn gốc lịch
sử thì chế định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng ra đời từ rất sớm. Qua các
giai đoạn lịch sử khác nhau, mỗi quốc gia đều có những qui định chung về bồi thường thiệt
hại ngoài hợp đồng, bên cạnh đó còn có những qui định cụ thể về trách nhiệm bồi thường
thiệt hại ngoài hợp đồng trong từng trường hợp cụ thể bởi sự đa dạng về chủ thể gây thiệt
hại, đối tượng bị thiệt hại, hoàn cảnh bị thiệt hại...
Bộ luật dân sự năm 1995 được áp dụng để giải quyết cho các tranh chấp dân sự
nói chung, tranh chấp về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói riêng kể từ
ngày 1/7/1996. Qua gần 10 năm thi hành, Bộ luật dân sự 1995 đã phát huy tác dụng trong
việc điều chỉnh các quan hệ xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của luật dân sự, bảo vệ
quyền và lợi ích hợp pháp cho các chủ thể trong giao lưu dân sự, góp phần làm ổn định các
quan hệ xã hội. Bên cạnh những thành công đã đạt được, Bộ luật dân sự 1995 còn bộc lộ
nhiều bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Bộ luật dân sự 2005 ra
đời thay thế cho Bộ luật dân sự 1995 với nhiều sự sửa đổi, bổ sung nhất định, trong đó có
chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Bộ luật dân sự 2005 qui định trách nhiệm bồi
thường thiệt hại ngoài hợp đồng từ Điều 604 đến Điều 630, trong đó bổ sung qui định về
bồi thường thiệt hại do xâm phạm thi thể, bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả, hài
cốt và rất nhiều sự sửa đổi khác trong từng qui định cụ thể.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói chung, bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức
khỏe, tính mạng nói riêng là một trong những loại trách nhiệm gây nhiều tranh cãi về căn
cứ phát sinh, mức bồi thường...; hơn nữa qui định của pháp luật về vấn đề này chủ yếu
dừng lại ở các qui định mang tính "định tính" mà không "định lượng" nên gây khó khăn rất
nhiều cho các cán bộ áp dụng pháp luật. Bên cạnh đó, án kiện về trách nhiệm bồi thường
thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng chiếm tỉ trọng tương đối lớn trong các án kiện
về bồi thường; sự đối lập về tâm lý của người gây thiệt hại với người bị thiệt hại hoặc gia
đình của người bị thiệt hại... làm cho các án kiện về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do
xâm phạm sức khỏe, tính mạng bị kháng cáo, khiếu nại từ phía đương sự.
Xuất phát từ tình hình trên đây, việc nghiên cứu, tìm hiểu các qui định của pháp
luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói chung, bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức
khỏe, tính mạng nói riêng là một trong những vấn đề có ý nghĩa pháp lý và thực tiễn sâu
sắc.
2. Tình hình nghiên cứu
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được nhiều nhà khoa học nghiên
cứu pháp luật quan tâm. Đã có nhiều công trình khoa học nghiên cứu về trách nhiệm bồi
thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung, trong đó có đề cập đến trách nhiệm bồi thường
thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng như các bài viết: TS. Phùng Trung Tập: "Lỗi và
trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng", Tạp chí Tòa án nhân dân, số 10, tháng 5-
2004; Đinh Văn Quế: "Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm tính mạng, sức
khỏe của con người", Tạp chí Tòa án nhân dân, số 10, tháng 5-2004); Tưởng Duy Lượng -
Nguyễn Văn Cường: "Cách tính bồi thường thiệt hại tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm", Tạp
chí Tòa án nhân dân, số 10, tháng 5-2004); Lê Mai Anh: "Những vấn đề cơ bản về trách
nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong Bộ luật dân sự", Luận văn thạc sĩ luật học;
Lê Thị Bích Lan: "Một số vấn đề về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính
mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và uy tín", Luận văn thạc sĩ luật học...(xem Phụ lục).
Nhìn chung, các đề tài đó đã nêu và phân tích những vấn đề chung về trách nhiệm
bồi thường thiệt hại trong luật dân sự; đưa ra các yêu cầu cơ bản trong việc xác định trách
nhiệm bồi thường thiệt hại, các quy định của pháp luật dân sự trong việc bồi thường thiệt
hại do xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và uy tín, cơ sở để xác định
trách nhiệm bồi thường thiệt hại, các hình thức và mức bồi thường, những trường hợp
miễn hoặc giảm trách nhiệm bồi thường...
Tuy nhiên, các đề tài này hoặc đề cập ở dạng khái quát về trách nhiệm bồi thường thiệt
hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng hoặc có đề cập chi tiết cụ thể hơn nhưng vào thời điểm
của Bộ luật dân sự 1995 đang tồn tại hiệu lực pháp lý.
Tìm hiểu một cách có hệ thống, chi tiết về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm
phạm sức khỏe, tính mạng theo Bộ luật dân sự 2005 và các văn bản hướng dẫn mới thì
chưa có một công trình khoa học nào cho đến thời điểm hiện tại.
3. Mục đích, nhiệm vụ của việc nghiên cứu đề tài
Thông qua việc tìm hiểu các qui định của Bộ luật dân sự 2005 và các văn bản
hướng dẫn thi hành, giúp cho người nghiên cứu có cái nhìn hoàn chỉnh dưới lăng kính
pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, qua đó phục vụ tốt hơn cho
công việc thực tế của bản thân. Ngoài ra, qua việc nghiên cứu trách nhiệm bồi thường thiệt
hại ngoài hợp đồng do xâm phạm sức khỏe, tính mạng cũng như việc áp dụng vào thực
tiễn sẽ có những kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thực thi, sửa
đổi và tuyên truyền pháp luật. Để đạt được mục đính này, nhiệm vụ nghiên cứu của luận
văn là tìm hiểu các qui định của các văn bản pháp luật hiện hành về trách nhiệm bồi
thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng; tìm hiểu thực tiễn áp dụng pháp luật
về bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng, qua đó chỉ ra những bất cập trong
các qui định của pháp luật và phương hướng hoàn thiện qui định của pháp luật về bồi
thường thiệt hại nói chung, pháp luật về bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính
mạng nói riêng.
4. Phạm vi nghiên cứu của đề tài
Trong phạm vi giới hạn nghiên cứu đề tài cao học luật, chúng tôi chỉ nghiên cứu
những vấn đề lý luận cơ bản nhất về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do có hành vi trái
pháp luật xâm phạm đến sức khỏe và tính mạng, đồng thời xem xét thực tiễn giải quyết các
vụ án dân sự xâm phạm sức khỏe và tính mạng. Luận văn này cũng đưa ra những giải pháp
nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong giải quyết bồi thường thiệt hại sức khỏe và tính
mạng khi áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự.
5. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn được nghiên cứu dựa trên cơ sở lý luận nhận thức của chủ nghĩa Mác -
Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật. Ngoài ra, luận văn còn sử dụng các
phương pháp nghiên cứu khác như phương pháp duy vật biện chứng, duy vật lịch sử của chủ
nghĩa Mác - Lênin, phương pháp phân tích, tổng hợp, thống kê...cũng được sử dụng trong
quá trình thực hiện đề tài.
6. Những kết quả nghiên cứu mới của luận văn
Luận văn sẽ đề cập một cách có hệ thống, chi tiết trong qui định của pháp luật về
trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng; chỉ ra những khó
khăn, bất cập trong việc áp dụng pháp luật, đồng thời có những kiến nghị trong việc hoàn
thiện và áp dụng pháp luật trong việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm
phạm sức khỏe, tính mạng.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung
của luận văn gồm 3 chương:
Chương 1: Khái quát chung về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
trong luật dân sự
Chương 2: Xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sức khỏe và tính mạng bị
xâm phạm
Chương 3: Thực trạng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về bồi thường thiệt hại do
xâm phạm sức khỏe và tính mạng
Chương 1
KHÁI QUÁT CHUNG VỀ TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI
HỢP ĐỒNG TRONG LUẬT DÂN SỰ
1.1. KHÁI NIỆM, Ý NGHĨA CỦA TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT
HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG TRONG LUẬT DÂN SỰ
1.1.1. Khái niệm trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Thời kỳ sơ khai, trách nhiệm bồi thường chưa được đặt ra, theo đó người ta
thường áp dụng nguyên tắc "nợ gì trả nấy" khi có hành vi gây thiệt hại. Luật XII bảng
được ban hành vào năm 449 trước Công nguyên có qui định: Kẻ nào làm gãy tay người
khác thì kẻ đó phải chịu lại tương tự như vậy. Khi áp dụng nguyên tắc trả thù ngang bằng,
lợi ích của người bị thiệt hại không được bảo đảm, hơn nữa lại có một thiệt hại khác phát
sinh. Đây chính là lý do để sau đó người ta xem xét vấn đề bồi thường thiệt hại.
Xét về nguồn gốc lịch sử, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một
trong những chế định có lịch sử sớm nhất của pháp luật dân sự. Tuy nhiên, trách nhiệm bồi
thường thiệt hại ngoài hợp đồng cũng là chế định gây nhiều tranh cãi, có nhiều quan điểm
của các nhà nghiên cứu luật pháp cũng như các cán bộ làm công tác thực tiễn.
Trải qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp
đồng luôn được hoàn thiện bởi các chuyên gia pháp lý. Ở nước ta, trách nhiệm bồi thường
thiệt hại ngoài hợp đồng đã được qui định trong Quốc triều Hình luật và Hoàng Việt luật
lệ. Pháp luật mỗi nước có thể có những qui định khác nhau liên quan đến xác định mức bồi
thường, tuy nhiên một nguyên tắc cơ bản luôn tồn tại - đó là: "Người gây thiệt hại phải bồi
thường thiệt hại cho người bị thiệt hại". Bộ luật Hồng Đức và Bộ luật Gia Long đều chưa
có sự phân biệt rõ nét về trách nhiệm bồi thường dân sự. Sự phân biệt rạch ròi giữa trách
nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự chỉ ra đời trên cơ sở ba bộ luật đầu tiên (Bộ luật Nam
Kỳ ban hành ngày 10/3/1883; bộ Dân luật Bắc Kỳ ban hành ngày 01/4/1931; bộ Dân luật
Trung Kỳ ban hành ngày 31/10/1936) và các nguyên lý chung về trách nhiệm bồi thường
dân sự lần đầu được ghi nhận một cách cụ thể tại Điều 712 đến Điều 716 (Bộ Dân luật Bắc
Kỳ); Điều 761 đến Điều 767 (Bộ Dân luật Trung Kỳ) và cho đến năm 1972 chính quyền
Sài Gòn có ban hành bộ Dân luật Sài Gòn từ Điều 729 đến Điều 739 đề cập về trách nhiệm
bồi thường dân sự.
Cách mạng tháng Tám thành công, đánh dấu một bước ngoặt mới: Nhà nước Việt
Nam dân chủ ra đời, ngay lúc này chúng ta chưa thể ban hành được các văn bản quy phạm
pháp luật ngay. Để điều chỉnh các quan hệ xã hội diễn ra hàng ngày, Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã lần lượt ký Sắc lệnh số 90/SL ngày 10/10/1945 và Sắc lệnh số 97/SL ngày
22/5/1950 thừa nhận luật lệ cũ trên tinh thần không trái với nguyên tắc độc lập và chính
thể dân chủ cộng hòa của Nhà nước ta. Những quy định trong Sắc lệnh số 97/SL đã đặt
nền móng cho sự hình thành và phát triển của luật dân sự. Lần đầu tiên những nguyên tắc
thực sự dân chủ, tiến bộ mang tính nhân dân sâu sắc được pháp điển hóa. Như nguyên tắc:
"Những quyền dân sự đều được luật bảo vệ khi người ta hành xử nó đúng với quyền lợi
của nhân dân" hay "người ta chỉ được hướng dụng và sử dụng các vật thuộc quyền sở hữu
của mình một cách hợp pháp và không gây thiệt hại đến quyền lợi của nhân dân".
Việc giải quyết các quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trên cơ sở tổng kết
kinh nghiệm của ngành tòa án. Qua thực tiễn xét xử, vận dụng và kế thừa những quy định
pháp luật đã có, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư 173/UBTP ngày 23/3/1972 hướng
dẫn công tác xét xử, trong đó nói rõ điều kiện phát sinh, trách nhiệm bồi thường thiệt hại,
nguyên tắc, cách xác định thiệt hại...
Thông tư số 03 ngày 5/4/1983 bổ sung giải quyết bồi thường thiệt hại trong các vụ
tai nạn giao thông... đều là văn bản dưới luật, lại ban hành trong điều kiện nền kinh tế tập
trung bao cấp, tuy đề cập đến nhiều vấn đề xong chỉ mang tính định hướng, chưa cụ thể...
Bên cạnh đó, xu hướng phát triển kinh tế đất nước theo cơ chế thị trường có sự quản lý của
Nhà nước, đòi hỏi phải có bộ luật dân sự điều chỉnh một lĩnh vực quan hệ xã hội rộng lớn.
Bộ luật Dân sự ra đời pháp điển hóa một bước quan trọng tạo ra một văn bản pháp luật
thống nhất nhằm khắc phục những tình trạng tản mạn, trùng lặp, mâu thuẫn của pháp luật
dân sự trước đó.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một trong những trách nhiệm
dân sự, được áp dụng với những người có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại cho người
khác. Chế định "Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng’’ được hệ thống ở
chương V, phần thứ 3 với các qui định từ Điều 604 đến Điều 630 làm cơ sở pháp lý quan
trọng trong việc giải quyết bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của các cơ quan nhà nước
có thẩm quyền. Nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, đồng thời giải quyết khách
quan, nhanh chóng, công bằng theo quy định của pháp luật.
Theo khoản 5 Điều 281 Bộ luật dân sự Việt Nam thì một trong những căn cứ làm phát
sinh nghĩa vụ dân sự đó là: "Gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật".
Theo qui định tại Điều 604 Bộ luật dân sự thì sự kiện "gây thiệt hại do hành vi trái
pháp luật" là căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng. Nhà làm luật
trong trường hợp này đã đồng nghĩa "trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" với
"nghĩa vụ bồi thường do hành vi trái pháp luật" - Điều 604 Bộ luật dân sự đã xác nhận sự
đồng nghĩa này.
Pháp luật nhà nước ta sử dụng nhiều phương thức khác nhau để bảo vệ quyền, lợi
ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức khi bị xâm phạm bởi những hành vi trái pháp luật.
Khi một người có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại đối với người khác làm phát sinh
các quan hệ pháp luật về bồi thường thiệt hại.
Điều 604 Bộ luật dân sự quy định:
1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe,
danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân,
xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây
thiệt hại thì phải bồi thường.
2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi
thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó.
Như vậy, bồi thường thiệt hại là quan hệ phát sinh từ hậu quả của hành vi trái pháp
luật xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản các quyền lợi
ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc của
các chủ thể khác. Bồi thường thiệt hại là hình thức trách nhiệm dân sự nhằm buộc bên có
hành vi gây ra thiệt hại phải bù đắp, đền bù những tổn thất về vật chất, về tinh thần cho
bên bị thiệt hại. Điều kiện để phát sinh trách nhiệm này là phải có thiệt hại, có hành vi trái
pháp luật, có quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra có lỗi của
người gây thiệt hại.
Vậy trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là gì? Qua những phân tích trên
đây, có thể đưa ra khái niệm về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như sau:
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một loại trách nhiệm pháp lý,
là biện pháp cưỡng chế của Nhà nước theo đó người gây thiệt hại phải bồi thường thiệt
hại do hành vi của mình gây ra khi hành vi đó được thực hiện với lỗi cố ý hoặc vô ý xâm
hại tới tài sản, sức khoẻ, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín, và các quyền nhân thân
khác của cá nhân, tài sản, danh dự, uy tín của pháp nhân hoặc của chủ thể khác.
1.1.2. Ý nghĩa trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Là một loại trách nhiệm pháp lý, được áp dụng khi thỏa mãn những điều kiện do
pháp luật qui định, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có ý nghĩa pháp lý và
ý nghĩa xã hội sâu sắc, điều đó được thể hiện trên một số phương diện sau đây:
Thứ nhất, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là chế định góp
phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể.
Trong các quan hệ xã hội nói chung, giao lưu dân sự nói riêng, chủ thể tham gia
nhằm thỏa mãn những lợi ích vật chất hoặc tinh thần của mình. Để xã hội ngày càng phát
triển, các chủ thể phải tham gia nhiều quan hệ xã hội khác nhau và trong các quan hệ xã
hội mà chủ thể tham gia thì lợi ích luôn là tâm điểm để chủ thể hướng tới. Hiến pháp và
các văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý sau Hiến pháp luôn ghi nhận và bảo vệ quyền lợi
ích hợp pháp của các chủ thể. Đó có thể là lợi ích vật chất, thể hiện ở quyền sở hữu tài sản,
nhưng cũng có thể là lợi ích tinh thần, thể hiện ở các quyền nhân thân được pháp luật bảo
vệ. Bằng việc qui định căn cứ phát sinh, nguyên tắc bồi thường... thì chế định bồi thường
thiệt hại ngoài hợp đồng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp
của các chủ thể trong các quan hệ xã hội khác nhau.
Thứ hai, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là chế định góp phần
đảm bảo công bằng xã hội.
Nguyên tắc chung của pháp luật là một người phải chịu trách nhiệm về hành vi
và hậu quả do hành vi đó mang lại. Bằng việc buộc người gây thiệt hại phải chịu trách
nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra cho người bị thiệt hại, chế định
bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đã góp phần bảo đảm công bằng xã hội. Đây cũng là
nguyên tắc, là mục tiêu mà pháp luật đặt ra. Chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp
đồng đã cụ thể hóa và thể hiện rất rõ nguyên tắc công bằng trong bồi thường thiệt hại.
Theo chế định này, ai gây thiệt hại thì người ấy phải bồi thường, tuy nhiên sẽ có những
trường hợp riêng biệt của trách nhiệm bồi thường thiệt hại như nguyên tắc giảm mức bồi
thường, bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng,
bồi thường thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại có lỗi...
Thứ ba, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là chế định góp phần
răn đe, giáo dục, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật nói chung, gây thiệt hại
trái pháp luật nói riêng.
Ngoài mục đích buộc bên vi phạm phải chịu trách nhiệm do hành vi vi phạm
của mình gây ra - nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự - chế định trách nhiệm bồi
thường thiệt hại còn thể hiện ý nghĩa nhân đạo, ý nghĩa xã hội sâu sắc. Thông qua chế
định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cùng với việc vận dụng chế định này để giải
quyết các tranh chấp liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng,
chế định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng còn có ý nghĩa răn đe, giáo
dục và phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật nói chung, hành vi gây thiệt hại trái
pháp luật nói riêng. Ngoài người vi phạm, những người khác cũng sẽ thấy rằng nếu
mình có hành vi gây thiệt hại thì cũng sẽ chịu sự xử lý của pháp luật.
Chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng còn có ý nghĩa trong việc tuyên
truyền, giáo dục pháp luật thông qua những biện pháp chế tài nghiêm khắc. Ngoài ra, ý
thức pháp luật của người dân cũng ngày một được nâng cao hơn.
1.2. SO SÁNH TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO XÂM PHẠM
TÀI SẢN VỚI TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO XÂM PHẠM CÁC
QUYỀN NHÂN THÂN
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng rất đa dạng, một trong những sự
đa dạng đó là đối tượng bị thiệt hại. Đối tượng bị thiệt hại có thể là tài sản, nhưng cũng có
thể là tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín (sự cụ thể hóa các quyền nhân thân
được pháp luật bảo hộ). Chúng ta có thể thấy rõ sự giống và khác nhau giữa trách nhiệm
bồi thường thiệt hại do xâm phạm tài sản với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm
phạm các quyền nhân thân qua sự phân tích dưới đây.
1.2.1. Những điểm giống nhau
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm tài sản với trách nhiệm bồi thường
do xâm phạm các quyền nhân thân đều là một loại trách nhiệm pháp lý. Đây chính là thái độ
của Nhà nước đối với hành vi vi phạm và hậu quả của hành vi đó gây ra. Cả hai loại trách
nhiệm này đều là biện pháp cưỡng chế của Nhà nước được áp dụng đối với người vi phạm,
buộc người vi phạm phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm tài sản với trách nhiệm bồi thường
do xâm phạm các quyền nhân thân đều là một loại trách nhiệm pháp lý nên chỉ phát sinh
khi và chỉ khi dựa trên các căn cứ do pháp luật qui định. Những căn cứ đó được xác định
cụ thể như: có thiệt hại, có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại, có mối quan hệ nhân quả
giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra, có lỗi của người gây thiệt hại.
Ngoài ra, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm tài sản với trách nhiệm
bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền nhân thân còn có những điểm giống nhau liên
quan đến hậu quả (trách nhiệm vật chất), những trường hợp được loại trừ, những trường
hợp không được loại trừ...
1.2.2. Những điểm khác nhau
Bên cạnh những điểm giống nhau, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm
tài sản với trách nhiệm bồi thường do xâm phạm các quyền nhân thân còn có những điểm
khác biệt, chúng ta có thể thấy sự khác biệt này qua bảng so sánh dưới đây:
TIÊU CHÍ
SO SÁNH
TRÁCH NHIỆM BỒI
THƯỜNG THIỆT HẠI
DO XÂM PHẠM TÀI
TRÁCH NHIỆM BỒI
THƯỜNG THIỆT HẠI DO
XÂM PHẠM
SẢN CÁC QUYỀN NHÂN THÂN
1. Căn cứ phát sinh Phát sinh trong hợp đồng
hoặc ngoài hợp đồng
Chỉ phát sinh ngoài hợp đồng
2. Đối tượng bị
xâm hại
Tài sản (Khái niệm tài sản
được quy định tại Điều 163
Bộ luật dân sự: "Tài sản bao
gồm vật, tiền, giấy tờ có giá
và các quyền tài sản")
Các quyền nhân thân được pháp
luật qui định và bảo vệ
3. Thiệt hại phải
bồi thường
Thiệt hại vật chất - Thiệt hại vật chất; và
- Thiệt hại tinh thần.
4. Hậu quả pháp
lý được áp dụng
Bồi thường thiệt hại - Bồi thường; và/
- Xin lỗi; hoặc/
- Cải chính công khai trên các
phương tiện thông tin đại chúng
5. Thay đổi chủ thể Có thể có sự thay đổi chủ thể:
chuyển giao quyền yêu cầu
hoặc chuyển giao nghĩa vụ
Không thể thay đổi chủ thể, không
thể chuyển giao quyền yêu cầu,
Điều 309 khoản 1 điểm a Bộ luật
dân sự quy định: "1. Bên có quyền
yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân
sự có thể chuyển giao quyền yêu
cầu đó cho người thế quyền theo
thỏa thuận, trừ những trường
hợp sau đây: a) quyền yêu cầu
cấp dưỡng, yêu cầu bồi thường
thiệt hại do xâm phạm đến tính
mạng, sức khỏe, danh dự, nhân
phẩm, uy tín;…"
Chương 2
XÁC ĐỊNH TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI
DO SỨC KHỎE VÀ TÍNH MẠNG BỊ XÂM PHẠM
Trách nhiệm bồi thường nói chung, bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng,
sức khỏe nói riêng là một loại trách nhiệm pháp lý, do đó trách nhiệm bồi thường do xâm
phạm tính mạng, sức khỏe phát sinh khi và chỉ khi thỏa mãn đầy đủ các điều kiện do pháp
luật qui định. Các điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại (căn cứ phát sinh
trách nhiệm bồi thường thiệt hại) do sức khỏe, tính mạng bị xâm phạm là những căn cứ do
pháp luật qui định, khi thỏa mãn các căn cứ đó thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm
phạm sức khỏe, tính mạng phát sinh. Pháp luật dân sự không qui định cụ thể căn cứ phát
sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng mà chỉ qui định
căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung. Do đó, căn cứ
phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được áp dụng để xác định trách
nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng.
2.1. CĂN CỨ PHÁT SINH TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO
SỨC KHỎE VÀ TÍNH MẠNG BỊ XÂM PHẠM
Là một loại trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh
khi thỏa mãn các căn cứ do pháp luật qui định. Việc xác định căn cứ phát sinh trách
nhiệm bồi thường thiệt hại có ý nghĩa hết sức quan trọng: là cơ sở để xác định trách
nhiệm bồi thường, mức bồi thường... Cơ sở phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
được đề cập tại Điều 307 (Trách nhiệm bồi thường thiệt hại) và Điều 604 (Căn cứ phát
sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại) của Bộ luật dân sự năm 2005. Như vậy, trên cơ sở
qui định tại hai điều luật này, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được xác
định gồm 4 điều kiện:
 Phải có thiệt hại xảy ra;
 Phải có hành vi gây thiệt hại;
 Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại và hậu quả xảy ra;
 Người gây thiệt hại phải có lỗi.
2.1.1. Phải có thiệt hại xảy ra
Đây là điều kiện tiên quyết, điều kiện quan trọng nhất của trách nhiệm bồi thường
thiệt hại ngoài hợp đồng, bởi nếu không có thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại
không bao giờ phát sinh. Mục đích của trách nhiệm bồi thường thiệt hại là khôi phục, bù
đắp những tổn thất cho người bị thiệt hại, do đó phải có thiệt hại thì mục đích đó mới đạt
được.
Nếu thiệt hại do tài sản bị xâm phạm thì việc xác định "có thiệt hại" là vấn đề
không mấy khó khăn, tuy nhiên trường hợp sức khỏe, tính mạng bị xâm phạm thì thiệt hại
sẽ khó xác định, bởi chúng ta không thể "lượng hóa" được thiệt hại trong trường hợp này.
Vậy có thể hiểu thiệt hại là gì? Thiệt hại có thể được hiểu theo hai khía cạnh: xã hội và
pháp lý.
Theo ý nghĩa xã hội, mỗi hành vi trái pháp luật đều gây thiệt hại, bởi nó làm ảnh
hưởng đến những quan hệ xã hội nhất định.
Theo luật dân sự Việt Nam thì thiệt hại là những tổn thất thực tế được tính thành
tiền do việc xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, tài sản... của cá nhân và
các chủ thể khác. Tổn thất thực tế được đề cập ở đây là sự giảm sút, mất mát về lợi ích vật
chất, tinh thần, hay những chi phí để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại mà người bị
hại phải gánh chịu.
Những thiệt hại thực tế xảy ra có thể là thiệt hại vật chất hoặc tinh thần. Thiệt hại
vật chất là thiệt hại được biểu hiện cụ thể như tài sản đã mất mát, những chi phí cần thiết
để ngăn chặn, hạn chế, sửa chữa thay thế tài sản bị hư hỏng, những khoản thu nhập thực tế
bị mất.
Khi một người có hành vi trái pháp luật gây ra những thiệt hại về tính mạng, sức
khỏe... của người khác thì thiệt hại được xác định như thế nào? Tính mạng, sức khỏe của
con người là vô giá không thể tính thành tiền, do vậy bồi thường thiệt hại ở đây không phải
là bồi thường về tính mạng, sức khỏe mà nó là những bồi thường thiệt hại vật chất. Những
chi phí cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc, phục hồi chức năng cho bên bị thiệt hại
hoặc những chi phí cần thiết khác.
Theo thông tư 173/UBTP-TANDTC của Tòa án nhân dân tối cao ngày 23/3/1972
hướng dẫn thì thiệt hại được xác định: "Đó là thiệt hại vật chất, biểu hiện cụ thể là thiệt
hại về tài sản hoặc những chi phí và những thu nhập bị mất, do có sự thiệt hại về tính
mạng, sức khỏe đưa đến. Thiệt hại đó phải thực sự xảy ra và tính toán được".
Bộ luật dân sự năm 1995 và Bộ luật dân sự năm 2005 ghi nhận việc buộc người
gây thiệt hại "bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần" cho người bị thiệt
hại, người thân của họ.
Pháp luật về dân sự nói chung, chế định bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân
phẩm, uy tín bị xâm phạm nói riêng là những vấn đề rất nhạy cảm và vô cùng phức tạp,
bởi vì những thiệt hại về tinh thần là những thiệt hại phi vật chất, không thể có công thức
chung để quy ra tiền áp dụng cho các trường hợp. Việc giải quyết bồi thường một khoản
tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cũng chỉ nhằm an ủi, động viên làm dịu đi nỗi đau cho
chính nạn nhân. Đây là vấn đề rất khó, nhưng cho đến nay, về căn bản các cơ quan có
thẩm quyền chưa có ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để áp dụng cho thống nhất, vì vậy
khi vận dụng vào thực tiễn còn gây nhiều tranh cãi, chưa thống nhất.
Trên thế giới, thiệt hại về tinh thần đã được một số nước ghi nhận từ lâu như Liên
Xô, Cộng hóa Liên bang Đức... Trong cuốn "Trách nhiệm phát sinh do gây thiệt hại" (Nhà
xuất bản LGU, Lêningrat, 1973), tác giả Smirnốp T.V khẳng định: "Nhiệm vụ đáp ứng nhu
cầu vật chất, văn hóa, tinh thần của công dân Xô viết, về việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp của họ chỉ là thực hiện đầy đủ khi người bị thiệt hại được bồi thường không những
thiệt hại về vật chất mà cả thiệt hại về tinh thần". Tại khoản 3, Điều 307 Bộ luật dân sự
của nước ta quy định: "Người gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do xâm phạm đến
tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó thì ngoài việc chấm dứt
hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền để bù
đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại". Như vậy, thiệt hại được hiểu là ngoài
những thiệt hại vật chất còn có những thiệt hại về tinh thần.
Thiệt hại xảy ra được đánh giá một cách khách quan, trung thực, đảm bảo công
bằng xã hội. Trên thực tế, mọi thiệt hại đều mang tính khách quan, tuy nhiên, tiên lượng và
đánh giá tính khách quan của sự thiệt hại lại thông qua ý thức chủ quan của con người.
Điều đó có nghĩa là trong điều kiện, hoàn cảnh thực tế như vậy ai cũng công nhận thiệt hại
là có và mọi người đều chấp nhận việc đánh giá mức độ thiệt hại. Nhưng nhìn chung thì
người bị thiệt hại có thể phức tạp hóa vấn đề lên, như khai tăng giá trị thiệt hại còn người
gây thiệt hại có chiều hướng đơn giản hóa. Vì vậy mà người có vai trò đánh giá thiệt hại,
đại diện cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền là rất quan trọng. Nhìn nhận và đánh giá
thiệt hại dựa trên cơ sở pháp luật quy định để xem xét có thiệt hại xảy ra hay không, mức
độ thiệt hại như thế nào...
Thiệt hại phải tính toán được tương đương với một số lượng tiền xác định mới
đảm bảo đầy đủ cơ sở cho việc bồi thường. Tuy nhiên, đối với thiệt hại về mặt tinh thần
không thể tính toán bằng tiền. Hơn thế đây là khái niệm còn khá trừu tượng, bởi "tinh
thần" thì làm sao có thể cân, đo, đong, đếm cụ thể để xác định thiệt hại, do vậy Tòa án chỉ
có thể căn cứ vào từng trường hợp cụ thể xác định số tiền bù đắp tổn thất về mặt tinh thần,
nhằm đảm bảo quyền lợi của người bị nạn và gia đình họ, khắc phục phần nào hậu quả xảy
ra. Tòa án cũng chỉ chấp nhận những thiệt hại hợp lý mà thôi, những thiệt hại mang tính
suy diễn như: "Tôi là người không bao giờ bị tai nạn, trong tháng này tôi bắt được 5 triệu
đồng" hay "thu nhập của một người nông dân ở vùng quê nghèo là từ 2.000.000 đồng đến
3.000.000 đồng /tháng".
Có thiệt hại tức là những tổn thất thực tế, tồn tại khách quan và phải tính được
bằng một số tiền cụ thể nhất định, còn những thiệt hại mang tính suy diễn, chủ quan sẽ
không được thừa nhận nếu không có căn cứ xác đáng.
Như vậy, thiệt hại về vật chất là những thiệt hại trị giá được bằng tiền, đó là thiệt
hại thông thường trong các vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại. Đó là những thiệt hại vật chất
trong các thiệt hại về tài sản, về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm…
Thiệt hại tinh thần là những thiệt hại phi vật chất, không thể có công thức chung
để quy thành tiền áp dụng cho mọi trường hợp. Việc giải quyết bồi thường một khoản tiền
bù đắp tổn thất về tinh thần tùy vào từng trường hợp cụ thể nhằm mục đích an ủi, động
viên và phần nào đó tạo điều kiện để có thể khắc phục khó khăn, làm dịu đi nỗi đau cho
chính người bị thiệt hại hay cho những người thân thích của họ.
Thiệt hại về tinh thần là sự thiệt hại về giá trị tinh thần, tình cảm hoặc sự suy sụp
về tâm lý, tình cảm của cá nhân. Hình thức biểu hiện thiệt hại về tinh thần rất đa dạng như:
Sự suy sụp tâm lý của người bị thiệt hại sau khi sức khỏe bị xâm phạm làm cho bị tàn tật,
bị biến dạng bề ngoài (ví dụ như bị sẹo ở mặt, bị gãy chân làm cho người bị thiệt hại đi cà
nhắc...).
Ngoài những thiệt hại về tinh thần mà bản thân người bị thiệt hại phải gánh chịu
thì có những trường hợp người thân thích của họ cũng phải gánh chịu tổn thất về tinh
thần này. Ví dụ, đó có thể là sự suy sụp, hoang mang, lo lắng, sự đau thương của những
người thân thích với cái chết của nạn nhân. Khác với thiệt hại vật chất, thiệt hại tinh thần
không có tiêu chí chung để xác định cho mọi cá nhân bởi điều kiện, hoàn cảnh của từng
cá nhân là không giống nhau, nhưng thiệt hại về tinh thần thường đi kèm với thiệt hại vật
chất.
Điều 710 Bộ luật dân sự của Nhật Bản quy định: "Một người chịu trách nhiệm về
thiệt hại theo quy định của Điều 709 phải bồi thường cả về thiệt hại phi vật chất bất kể
thiệt hại như vậy xảy ra đối với quyền lợi, uy tín, hoặc tài sản của người khác".
Ngoài ra, muốn bồi thường, sự thiệt hại phải thỏa mãn các điều kiện: thiệt hại phải
chắc chắn, nhất định, thực tế và chưa được bồi thường.
Nói đến sự thiệt hại chắc chắn, nhất định, thực tế là nói đến một sự thiệt hại đã xảy
ra, hoặc chưa xảy ra nhưng nhất định sẽ xảy ra và có thể ước lượng được. Để chứng minh
sự thiệt hại chắc chắn, người bị thiệt hại phải đưa ra những chứng cứ cần thiết và tin cậy
như: hóa đơn chứng từ thanh toán những chi phí hợp lý nhằm cứu chữa, phục hồi sức
khỏe…Một sự thiệt hại không chắc chắn xảy ra hoặc chỉ có tính chất giả định hoặc chỉ là
mất đi một cơ may thì không được bồi thường. (Theo Bộ luật dân sự Nhật Bản thì việc
"mất đi một cơ may" được coi là một yếu tố cấu thành thiệt hại).
Bồi thường thiệt hại chính là nhằm khôi phục lại toàn bộ hoặc một phần tình trạng
tài sản trước khi xảy ra thiệt hại hoặc bù đắp những tổn thất do tính mạng, sức khỏe, nhân
phẩm, danh dự, bị xâm phạm nên thiệt hại được coi là điều kiện có ý nghĩa quan trọng.
Không thể bồi thường thiệt hại khi không có thiệt hại xảy ra.
Thiệt hại được hiểu là: bị tổn thất, hư hao về người và tài sản và được xác định
bằng một khoản tiền cụ thể. Thiệt hại gây ảnh hưởng đến các quan hệ kinh tế - xã hội được
pháp luật bảo vệ, đồng thời cũng phản ánh hậu quả của hành vi trái pháp luật xâm phạm
đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, pháp nhân cũng như của Nhà nước.
Pháp luật dân sự Việt Nam thừa nhận có thiệt hại về tinh thần, tuy nhiên có quan
điểm cho rằng thiệt hại về tinh thần chỉ là khái niệm xã hội và ở phạm vi tình cảm. Nhưng
có quan điểm cho rằng, bồi thường bằng tiền có thể khắc phục phần nào thiệt hại về tinh
thần, không thể dùng tiền bù đắp được. Tuy nhiên, pháp luật dân sự Việt Nam quy định
mức tiền bồi thường thiệt hại về tinh thần tại khoản 2 Điều 609 và khoản 2 Điều 610. Nghị
quyết số 03/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 08
tháng 7 năm 2006 hướng dẫn áp dụng một số qui định của Bộ luật dân sự năm 2005 về bồi
thường thiệt hại ngoài hợp đồng cũng đã có sự hướng dẫn cụ thể về bồi thường tổn thất
tinh thần.
Buộc người xâm phạm đến sức khỏe người khác phải bồi thường một khoản tiền
bù đắp tổn thất về mặt tinh thần cho người bị thiệt hại và cho những người thân thích của
người bị thiệt hại trong vụ bị xâm phạm tính mạng là phù hợp cả về lý luận và thực tiễn,
phù hợp với phong tục tập quán, truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc Việt Nam.
2.1.2. Phải có hành vi gây thiệt hại
Hành vi gây thiệt hại trước tiên phải là hành vi pháp luật cấm thực hiện, nếu hành vi
đó được thực hiện mà pháp luật không cấm thì người thực hiện hành vi đó không phải bồi
thường thiệt hại. Không thể có người gây thiệt hại khi không có hành vi gây thiệt hại. Hành vi
gây thiệt hại là hành vi có ý thức của con người diễn ra trái với qui định của pháp luật và gây
thiệt hại tới các đối tượng được pháp luật bảo vệ. Hành vi gây thiệt hại có thể bằng hành động
hoặc không hành động, hành động và không hành động đều là những biểu hiện của con người
ra ngoài thế giới khách quan, được ý thức kiểm soát, lý trí điều khiển và đều có khả năng
làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động, gây thiệt hại cho quan hệ xã
hội được pháp luật bảo vệ. Hành động gây thiệt hại có thể là tác động trực tiếp của chủ thể
vào đối tượng gây thiệt hại hoặc có thể là tác động gián tiếp của chủ thể vào đối tượng
thông qua công cụ, phương tiện gây thiệt hại. Không hành động gây thiệt hại là một hình
thức của hành vi gây thiệt hại, nó làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác
động, gây thiệt hại cho khách thể bằng việc chủ thể không làm một việc pháp luật quy định
bắt buộc phải làm mặc dù có đầy đủ điều kiện để làm việc đó.
Thực tế thì việc xác định hành vi gây thiệt hại bằng hành động không khó, bởi vì
nó tác động trực tiếp đến đối tượng bị thiệt hại như: bắn, đâm, chém… Nhưng ở dạng
không hành động hoặc được thực hiện thông qua hành vi của người khác thì cần phải xác
định mối quan hệ giữa thiệt hại với hành vi của người gây thiệt hại và trách nhiệm, nghĩa
vụ của họ đối với thiệt hại xảy ra. Ví dụ: người gây thiệt hại do phòng vệ chính đáng, do
tình thế cấp thiết thì không phải bồi thường. Tuy nhiên, nếu hành vi phòng vệ chính đáng
và tình thế cấp thiết đó mà vượt quá giới hạn cho phép thì các hành vi bị coi là trái pháp
luật và phải bồi thường.
Trước khi có Bộ luật dân sự thì ngành Tòa án thường căn cứ vào Thông tư số
173/UBTP-TANDTC ngày 23/3/1972 của Tòa án nhân dân tối cao để giải quyết các quan
hệ pháp luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo tinh thần nội dung
Thông tư thì hành vi trái pháp luật trong quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng: "Có
thể là một việc phạm pháp về hình sự, một vi phạm pháp luật về dân sự, một vi phạm
đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước hoặc một vi phạm quy tắc sinh hoạt xã hội".
Như vậy, khi xác định hành vi gây thiệt hại cho người bị thiệt hại để phát sinh
trách nhiệm bồi thường thiệt hại, chúng ta có thể thấy có những đặc điểm của hành vi trái
pháp luật gây thiệt hại:
Thứ nhất, hành vi gây thiệt hại phải trái pháp luật, nếu không trái pháp luật thì
không phải bồi thường mặc dù có thiệt hại xảy ra. Hành vi trái pháp luật ở đây được hiểu
là hành vi vi phạm các qui định của pháp luật, ngoài ra những hành vi vi phạm các qui tắc
xử sự sinh hoạt trong đời sống cũng có thể coi là hành vi trái pháp luật nếu gây ra thiệt hại.
Những hành vi gây thiệt hại nhưng do yêu cầu của nghề nghiệp hoặc gây thiệt hại theo bản
án, quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì không phải là hành vi trái pháp
luật. Ví dụ: để cứu chữa bệnh nhân tránh vết thương bị hoại tử, bác sĩ phải cắt bỏ chân của
bệnh nhân, những người phá dỡ các công trình xây dựng trái phép, những người thi hành
án tử hình...
Thứ hai, hành vi trái pháp luật có thể được thể hiện dưới dạng hành động hoặc
dưới dạng không hành động.
Thứ ba, hành vi gây thiệt hại là hoạt động có ý thức và ý chí. Không thể có hành vi
gây thiệt hại mà những biểu hiện bên ngoài của nó không được ý thức của chủ thể kiểm
soát hay không được ý chí của họ điều khiển.
2.1.3. Mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi gây thiệt hại
Mối quan hệ nhân quả là sự liên hệ giữa hai hiện tượng trong đó có chứa đựng
nguyên nhân và kết quả. Phải có sự vận động của hiện tượng là nguyên nhân trong những điều
kiện hoàn cảnh cụ thể mới nảy sinh hiện tượng là kết quả. Hành vi vi phạm pháp luật là
nguyên nhân dẫn đến thiệt hại là hậu quả. Xét về nguyên tắc, nguyên nhân phải xảy ra trước
kết quả trong khoảng thời gian xác định và hành vi trái pháp luật là nguyên nhân trực tiếp
(nguyên nhân quyết định đối với thiệt hại xảy ra). Có nghĩa là thiệt hại đã có sẵn cơ sở trong
hành vi. Một hành vi vi phạm nhất định trong một điều kiện xác định thì chỉ làm nảy sinh ra
hậu quả này chứ không phải là hậu quả nào khác. Thiệt hại xảy ra phải đúng là kết quả tất
yếu của hành vi vi phạm và ngược lại, nếu không có hành vi thì thiệt hại sẽ không xảy đến.
Nếu không xác định được mối quan hệ này sẽ không xác định được trách nhiệm bồi thường
thiệt hại của người có hành vi vi phạm và không buộc được người gây thiệt hại phải bồi
thường cho người bị thiệt hại.
Nếu chúng ta làm rõ được mối quan hệ nhân quả, sẽ trả lời được hai câu hỏi được
đặt ra:
- Trách nhiệm bồi thường thiệt hại có phát sinh không?
- Mức bồi thường thiệt hại được xác định như thế nào nếu nhiều người gây thiệt hại
cho một người hoặc cả người gây thiệt hại và người bị thiệt hại đều có lỗi?
Trong thực tế mối quan hệ giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra biểu hiện
rất phức tạp.
Một hành vi trái pháp luật cũng có thể gây nhiều thiệt hại vừa về vật chất, vừa về
tinh thần. Có trường hợp thiệt hại xảy ra do một hành vi trái pháp luật khác xen vào gây ra
chứ không phải do hành vi có chứa đựng khả năng thực tế làm phát sinh thiệt hại.
Ví dụ: A gây thương tích cho B, B được mọi người đưa vào cơ sở y tế cấp cứu.
Với tình trạng vết thương như vậy thì hoàn toàn có thể cứu chữa được người bị hại. Tuy
nhiên, do tắc trách trong quá trình cứu chữa (bác sĩ đã không vô trùng dụng cụ cứu chữa)
nên vết thương của B bị nhiễm trùng dẫn tới hậu quả là B bị chết.
Cần phân biệt giữa nguyên nhân và điều kiện: nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt
hại, điều kiện không trực tiếp gây thiệt hại nhưng có tác động để cho thiệt hại xảy ra nhanh
hơn. Vậy trong mối quan hệ nhân quả, nguyên nhân là yếu tố quyết định còn điều kiện là
yếu tố quan trọng dẫn đến kết quả. Nguyên nhân và điều kiện trong mối quan hệ nhân quả
có thể là một hay nhiều hiện tượng, nhưng giữa chúng có một điểm khác nhau ở chỗ quan
hệ với hậu quả xảy ra. Nếu không có nguyên nhân thì không có hiện tượng, sự vật xảy ra
và cũng không tồn tại một điều kiện. Nhưng nhiều trường hợp có nguyên nhân xảy ra
nhưng không có kết quả nếu không có điều kiện.
Về nguyên tắc thì không có việc hiện tượng này chỉ là nguyên nhân còn hiện
tượng kia chỉ là điều kiện. Mối quan hệ nhân quả có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác
định thiệt hại.Về mặt lý luận cũng như thực tế để xác định mối quan hệ nhân quả là một
vấn đề tương đối khó khăn. Bởi vì sự thiệt hại thông thường thì do nhiều nguyên nhân chứ
không chỉ do một nguyên nhân gây ra. Các nguyên nhân này không tồn tại độc lập mà phối
hợp với nhau phát sinh ra kết quả, nếu thiếu một trong các nguyên nhân thì không có kết
quả xảy ra. Tuy nhiên, mức độ tác động của từng nguyên nhân đối với kết quả có thể là
khác nhau, sự khác nhau này đã tạo ra vai trò chủ yếu và thứ yếu của từng nguyên nhân.
Trong thực tiễn thì thiệt hại có thể có nhiều nguyên nhân, vậy xác định nguyên nhân nào là
nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp, nguyên nhân nào là nguyên nhân thứ yếu và gián tiếp,
một thiệt hại có thể kéo theo nhiều thiệt hại khác, thiệt hại đầu tiên có coi là nguyên nhân
của thiệt hại sau hay không. Chúng ta không thể căn cứ vào thứ tự trước sau của hành vi
gây thiệt hại để xác định nguyên nhân chủ yếu hay thứ yếu được, nhất là trong các vụ án
có nhiều người tham gia.
Tóm lại, mối quan hệ nhân quả là sự tồn tại khách quan, không phụ thuộc vào ý
chí của con người, khi xem xét mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại
xảy ra phải bảo đảm tính khách quan, phải đặt trong mối liên hệ tất nhiên, nội tại của các
hiện tượng chứ không được chủ quan mà xác định quan hệ nhân quả.
2.1.4. Người gây thiệt hại có lỗi
Lỗi thể hiện dưới hai hình thức: lỗi cố ý và lỗi vô ý. Khoản 2 Điều 309 quy định:
Cố ý gây thiệt hại là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của
mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc tuy
không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.
Vô ý gây thiệt hại là trường hợp một người không thấy trước hành vi
của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước
thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại,
nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.
Lỗi là thái độ tâm lý của một người đối với hành vi trái pháp luật của mình và đối
với thiệt hại do hành vi gây nên, người có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại thì phải chịu
trách nhiệm dân sự về hành vi vi phạm của mình gây ra khi họ có lỗi. Lỗi được cấu thành
bởi hai yếu tố đó là lý trí và ý chí. Lý trí là sự thể hiện năng lực nhận thức thực tại khách
quan, còn ý chí là yếu tố biểu hiện năng lực điều khiển hành vi trên cơ sở nhận thức thực tại
khách quan.
Có thể xem xét hành vi của người gây thiệt hại trên các mặt sau:
- Nhận thức của người gây thiệt hại;
- Hành vi gây thiệt hại có đúng pháp luật hay trái pháp luật;
- Hành vi cụ thể của người gây thiệt hại.
Nếu xét lỗi dưới góc độ quan hệ của cá nhân thì lỗi của người gây thiệt hại là sự
biểu hiện quan hệ giữa bản thân người gây thiệt hại và xã hội mà nội dung của nó là sự phủ
định chủ quan những quy tắc ứng xử chung của xã hội, đòi hỏi cá nhân phải tôn trọng được
thể hiện bằng các quy định của pháp luật.
Để bảo vệ triệt để lợi ích của người bị thiệt hại trong quan hệ giữa các công dân
với nhau và đặc biệt là trong quan hệ giữa công dân với Nhà nước, xuất phát từ nguyên tắc
tôn trọng lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người
khác, pháp luật dân sự quy định lỗi có thể được suy đoán từ ba điều kiện trên. Như vậy, có
thể nói rằng: trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự hay bất cứ trách nhiệm pháp lý nào
khác nào đều phải dựa trên cơ sở lỗi. Một người gây thiệt hại mà không có lỗi thì dù thiệt
hại tới mức nào cũng không phải bồi thường - đó là nguyên tắc. (trường hợp phòng vệ
chính đáng, sự kiện bất ngờ, tình thế cấp thiết, lỗi hoàn toàn do người bị thiệt hại gây ra).
Lỗi cố ý biểu hiện trạng thái tâm lý của một người biết hành vi của mình là sai,
thấy rõ hậu quả của hành vi đó, mong muốn cho hậu quả xảy ra hoặc không mong muốn
nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả của hành vi đó xảy ra. Lỗi vô ý là biểu hiện trạng thái
tâm lý của người gây thiệt hại, thấy trước được hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại,
nhưng cho rằng thiệt hại đó không thể xảy ra hoặc có thể xảy ra nhưng ngăn ngừa được.
Lỗi có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định mức độ bồi thường thiệt hại. Trong
trường hợp thiệt hại xảy ra do lỗi cố ý của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không
có trách nhiệm phải bồi thường. Mức độ bồi thường phụ thuộc vào mức độ lỗi của người
gây thiệt hại. Khi nghiên cứu về lỗi vô ý có thể chia lỗi vô ý ra làm hai loại:
- Vô ý vì cẩu thả.
- Vô ý vì quá tự tin.
Vô ý cẩu thả là trường hợp người có hành vi vi phạm mặc dù có thể thấy trước và
phải thấy trước thiệt hại có thể xảy ra.
Vô ý vì quá tự tin là trường hợp người có hành vi vi phạm thấy trước khả năng
hành vi của mình có thể gây thiệt hại và không mong muốn thiệt hại xảy ra nhưng lại tin là
có thể ngăn chặn được.
Sự khác nhau giữa vô ý vì cẩu thả và vô ý vì quá tự tin ở chỗ: người có hành vi vi
phạm với lỗi vô ý vì quá tự tin là họ nhận thấy trước được hành vi của họ có thể gây thiệt
hại, còn người có hành vi vi phạm với lỗi cẩu thả không nhận thức được thiệt hại có thể
xảy ra, trong cả hai trường hợp thì người có hành vi vi phạm không mong muốn thiệt hại
xảy ra.
Trong dân sự thì dù lỗi cố ý hay lỗi vô ý đều phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 623 Bộ luật dân sự quy định:
...3. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng
nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi trừ các
trường hợp:
a. Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại.
b. Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp
thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Như vậy, ngoài nguyên tắc "phải có lỗi" Bộ luật dân sự còn quy định cả trường
hợp không có lỗi người gây ra thiệt hại vẫn phải bồi thường.
Khoản 4 Điều 623 Bộ luật dân sự quy định:
4. Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng
trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái
pháp luật phải bồi thường thiệt hại.
Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn
nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm
hữu, sử dụng trái luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
Cũng do quy định này mà các Thẩm phán khi xét xử có cách hiểu khác nhau cho
nên dẫn đến có nhiều cách giải quyết khác nhau. Thực tế có việc giải quyết khác nhau là
do cần phải phân biệt trường hợp nào chủ sở hữu người được chủ sở hữu giao chiếm hữu,
sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại với trường hợp nào họ không
phải bồi thường cả khi họ không có lỗi. Vậy nên chăng Bộ luật dân sự chỉ nên quy định
việc bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra mà không cần phải quy định
chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ gây
ra thiệt hại cả khi họ không có lỗi.
Như vậy, lỗi là điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp
đồng. Vì vậy, cần phân biệt các hình thức lỗi để xác định mức độ lỗi trên cơ sở đó ấn định
mức bồi thường.
2.2. CÁC CHỦ THỂ TRONG QUAN HỆ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI
2.2.1. Pháp nhân - chủ thể trong quan hệ bồi thường thiệt hại
Khi chưa có Bộ luật dân sự 1995, trách nhiệm của pháp nhân và cá nhân được quy
định tại Thông tư 173/UBTP-TANDTC của Tòa án nhân dân tối cao ngày 23/3/1972. Theo
tinh thần của Thông tư này thì công nhân viên chức hay một người đại diện hợp pháp của
xí nghiệp, cơ quan trong khi thi hành nhiệm vụ, do hành vi liên quan chặt chẽ đến công
tác, được xí nghiệp, cơ quan phân công mà gây thiệt hại theo chế độ trách nhiệm dân sự,
rồi sau đó có quyền đòi hỏi họ hoàn trả việc bồi thường đó theo quan hệ lao động.
Trong trường hợp công nhân viên chức hoặc đại diện của xí nghiệp, cơ quan lợi
dụng nhiệm vụ do hành vi không liên quan đến công việc được phân công, để mưu lợi
riêng mà gây thiệt hại cho người khác thì cá nhân họ phải bồi thường.
Điều 618 Bộ luật dân sự quy định: "Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người
của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao. Nếu pháp nhân đã bồi
thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một
khoản tiền theo quy định của pháp luật".
Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ dân
sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân trong giao dịch dân sự. Trong
quan hệ dân sự pháp nhân có thể đại diện do pháp luật quy định hoặc cơ quan Nhà nước có
thẩm quyền quyết định hoặc được xác lập theo sự ủy quyền giữa người đại diện và người
được đại diện. Pháp nhân chỉ bồi thường thiệt hại trong trường hợp người của pháp nhân
quản lý gây thiệt hại.
Ví dụ: A là lái xe của công ty B, trên đường đi công tác gây tai nạn. Trong trường
hợp này thì công ty B phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.
Có trường hợp tuy người đó là người của pháp nhân quản lý gây thiệt hại nhưng
không phải bồi thường. Cũng như ví dụ nêu trên, nhưng sau khi hoàn thành công việc công
ty giao cho, A đã lái xe tranh thủ về thăm quê và trên đường về quê đã gây ra tai nạn, trong
trường hợp này thì A phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại, công ty B không
phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Người của pháp nhân quản lý không phải chịu trách nhiệm thay cho pháp nhân đối
với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện. Trong trường hợp người của pháp
nhân quản lý lợi dụng nhiệm vụ được cơ quan chủ quản giao nhưng lại làm một việc vì
mục đích cá nhân mà gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra.
2.2.2. Cá nhân - chủ thể trong quan hệ bồi thường thiệt hại
Xuất phát từ năng lực chủ thể của cá nhân khi tham gia quan hệ dân sự, Bộ luật
dân sự quy định năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân phụ thuộc vào
các mức độ năng lực hành vi dân sự, khả năng bồi thường và tình trạng tài sản của cá nhân.
Khoản 1 Điều 606 Bộ luật dân sự quy định: "Người từ đủ 18 tuổi trở lên gây thiệt
hại thì phải tự bồi thường".
Người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có khả năng bằng
chính hành vi của mình xác lập thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự (Điều 17 Bộ luật dân sự).
Trên thực tế, khi xét xử đối với người gây thiệt hại từ đủ 18 tuổi trở lên, chưa có việc
làm, không có thu nhập, không có tài sản đáng kể và đang sống chung với cha mẹ, thì Tòa
án vẫn xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với họ và trong quá trình giải quyết
vẫn thừa nhận sự tự nguyện của cha mẹ người gây thiệt hại bồi thường thay cho con,
nhưng về mặt luật pháp thì không thể buộc họ bồi thường. Thực tế xảy ra cho thấy có
người đủ 18 tuổi gây thiệt hại nhưng đang học ở một trường nào đó, chưa có tài sản, không
có thu nhập đang phải sống nhờ vào cha, mẹ chu cấp tiền ăn học thì khi thụ lý cơ quan Tòa
án nên hòa giải, động viên cha mẹ người gây thiệt hại bồi thường.
"Người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha,
mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà
con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần
còn thiếu".
Trong cuộc sống phần lớn người dưới mười lăm tuổi không có tài sản và sự tự lập
về kinh tế. Điều đó không có nghĩa là tất cả những người này đều không có tài sản riêng
mà thực tế có nhiều trường hợp những người này đã có tài sản riêng do được hưởng thừa
kế, được tặng cho tài sản. Nhưng về mặt pháp lý thì khi những người này gây thiệt hại thì
cha, mẹ vẫn là những người phải bồi thường thay, chỉ trừ khi việc bồi thường còn thiếu thì
mới lấy tài sản riêng của con bồi thường cho đủ.
"Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi
thường bằng tài sản của mình. Nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi
thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình".
Theo luật Bộ luật lao động thì: Người từ đủ mười lăm tuổi trở lên có thể được
tham gia vào quan hệ lao động để có thu nhập và có tài sản riêng có thể tự mình quản lý tài
sản riêng hoặc nhờ cha, mẹ quản lý và cha, mẹ hoàn toàn có quyền định đoạt tài sản đó vì
lợi ích của con. Tuy nhiên, những người ở độ tuổi này chưa đầy đủ về năng lực hành vi
dân sự nên phải có người đại diện cho mình trong việc xác lập và thực hiện các giao dịch
dân sự; vì vậy, cha, mẹ của người từ đủ mười lăm đến dưới mười tám tuổi vẫn phải chịu
trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại do con mình gây ra.
Xem xét hai trường hợp người dưới mười lăm tuổi và người từ đủ mười lăm tuổi đến
chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại với trường hợp người gây thiệt hại là người mất năng
lực hành vi dân sự thì nếu những người này có cá nhân, tổ chức giám hộ thì cá nhân tổ
chức đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường. Khoản 3 Điều 606 Bộ
luật dân sự quy định:
Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt
hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người
được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc
không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản
của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc
giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.
Xuất phát từ qui định trên đây của Bộ luật dân sự, một vấn đề nảy sinh là: Nếu
người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy
tài sản của mình để bồi thường. Vậy trong trường hợp này sẽ lấy tài sản ở đâu để bồi
thường, ai là người phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Theo chúng tôi cần có qui định
cụ thể trong trường hợp này, chẳng hạn coi đó là rủi ro và người bị thiệt hại phải gánh chịu
thiệt hại.
2.3. NGUYÊN TẮC BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI
Khi giải quyết các vụ án liên quan đến sức khỏe và tính mạng bị xâm phạm các cơ
quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng phải tuân thủ nguyên tắc về bồi thường
thiệt hại. Dưới góc độ lý thuyết thì nguyên tắc là các tư tưởng pháp lý chỉ đạo có ý nghĩa bao
trùm, xuyên suốt trong quá trình ban hành văn bản pháp luật cũng như áp dụng pháp luật các
chủ thể phải tuân theo.
Điều 605 Bộ luật dân sự quy định:
1. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể
thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật
hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần,
trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô
ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của
mình.
3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt
hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có
thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
Bộ luật dân sự 2005 đã bổ sung nguyên tắc "bồi thường một lần hoặc nhiều lần".
Việc bổ sung điều kiện này tạo cho người gây thiệt hại và người bị thiệt hại tự do thỏa
thuận theo hoàn cảnh kinh tế và khả năng của mình.
Các nguyên tắc bồi thường thiệt hại được qui định tại Điều 605 Bộ luật dân sự thể
hiện sự công bằng hợp lý của pháp luật dân sự, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá
nhân, tổ chức, pháp nhân khi bị xâm phạm, đồng thời cũng thể hiện sự công bằng đối với
người gây thiệt hại, đó là người gây thiệt hại chỉ phải chịu trách nhiệm về mức độ lỗi mà
mình gây ra.
2.3.1. Nguyên tắc bồi thường toàn bộ và kịp thời
Mục đích của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là buộc người gây
thiệt hại phải bù đắp, khắc phục những thiệt hại đã xảy ra cho người bị thiệt hại, do đó người
gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho người bị thiệt hại nhằm bảo vệ quyền và
lợi ích của người bị thiệt hại. Khoản 1 Điều 605 2.3.1. nguyên tắc bồi thường toàn bộ và kịp
thời quy định: "Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời". Theo Từ điển giải
thích từ ngữ Luật học của trường Đại học Luật Hà Nội năm 1999 thì cụm từ: "Bồi thường
thiệt hại" được hiểu là: "Hình thức trách nhiệm dân sự nhằm buộc bên có hành vi gây thiệt
hại phải khắc phục hậu quả bằng cách bù đắp, đền bù tổn thất về vật chất và tổn thất về
tinh thần cho bên bị thiệt hại".
Vậy hiểu thế nào là "toàn bộ" và "kịp thời"?
Theo chúng tôi thì "toàn bộ" là tất cả các phần, bộ phận của một chỉnh thể. Bồi
thường toàn bộ thiệt hại là nguyên tắc công bằng hợp lý phù hợp mục đích cũng như chức
năng khôi phục. Điều này có nghĩa cực kỳ quan trọng khi xác định bồi thường thiệt hại về
tính mạng và sức khỏe trong việc cứu chữa, hạn chế thiệt hại bởi các chi phí cứu chữa
thường rất cao, trong một số trường hợp vượt quá khả năng của người bị thiệt hại.
Bồi thường "kịp thời" là không chậm trễ, có thể người gây thiệt hại phải bồi
thường ngay mà không cần chờ quyết định của Tòa án. Ngành Tòa án cũng nên áp dụng
triệt để nguyên tắc này khi giải quyết các vụ việc liên quan đến tính mạng và sức khỏe bị
xâm phạm nhằm bảo vệ quyền và lợi ích pháp của người bị thiệt hại một cách nhanh nhất
đồng thời ngăn chặn sự dây dưa, chây ỳ không chịu bồi thường của người gây thiệt hại.
Trong trường hợp người gây thiệt hại có khả năng về kinh tế nhưng không chịu bồi
thường ngay để chữa chạy cho người bị thiệt hại thì tùy từng trường hợp cơ quan tiến hành
tố tụng có thể ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc người gây thiệt hại
phải bồi thường ngay cho người bị thiệt hại.
Ví dụ: Một người bị thiệt hại đang được cứu chữa trong cơ sở y tế bởi hành vi trái
pháp luật của người gây thiệt hại và có thể phải điều trị thời gian dài, nhưng người bị thiệt hại
do hoàn cảnh khó khăn không thể đáp ứng ngay được. Trong trường hợp này nếu người gây
thiệt hại không tự nguyện bồi thường do hành vi của mình gây ra thì Tòa án có thể áp dụng biện
pháp khẩn cấp tạm thời buộc người gây thiệt hại phải bồi thường ngay một khoản tiền cho
người bị thiệt hại.
Bồi thường thiệt hại được xác định theo nguyên tắc: người gây thiệt hại bao nhiêu
thì phải bồi thường bấy nhiêu (bồi thường toàn bộ thiệt hại). Thiệt hại xảy ra có thể là tài
sản, sức khỏe, tính mạng bị xâm phạm (Điều 608; Điều 609; Điều 610 Bộ luật dân sự) tùy
từng trường hợp có thể áp dụng bồi thường thiệt hại về tinh thần (khoản 2 Điều 609; khoản
2 Điều 610 Bộ luật dân sự); chúng ta không chấp nhận những chi phí, thiệt hại không thực
tế và thiệt hại được suy diễn chủ quan.
Nguyên tắc bồi thường toàn bộ và kịp thời cũng đã được hướng dẫn trong Nghị quyết
03/2006/NQ-HĐTP-TANDTC ngày 8/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân
tối cao. Tuy nhiên, để áp dụng nguyên tắc này trong thực tiễn xét xử phải bảo đảm quyền, lợi
ích hợp pháp của cá nhân, của toàn xã hội.
Nguyên tắc bồi thường toàn bộ và kịp thời không hạn chế sự tự nguyện thỏa thuận
việc bồi thường giữa người gây thiệt hại và người bị thiệt hại. Đồng thời nghiêm cấm sự ép
buộc thỏa thuận và việc thỏa thuận đó không trái luật, tùy theo sự thỏa thuận của các bên
có thể cao hơn mức thiệt hại hoặc thấp hơn mức thiệt hại xảy ra trên thực tế. Đây cũng là
đặc trưng cơ bản trong giao lưu dân sự trên cơ sở tự do ý chí, tự do cam kết thỏa thuận.
2.3.2. Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý
mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình
Với nguyên tắc này thì người gây thiệt hại chỉ có thể được giảm mức bồi thường
khi có đủ hai điều kiện sau:
- Do lỗi vô ý mà gây thiệt hại
Nếu người gây thiệt hại mà do lỗi cố ý gây thiệt hại thì không được áp dụng
nguyên tắc này bởi vì người gây thiệt hại chủ ý gây ra thiệt hại mà theo lỗi cố ý gây thiệt
hại là người gây thiệt hại nhận thức rõ hành vi của mình là gây thiệt hại, thấy trước thiệt hại
của hành vi đó và mong muốn thiệt hại xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý
thức để mặc cho thiệt hại xảy ra.
Do vậy người gây thiệt hại phải hoàn toàn chịu trách nhiệm do lỗi của mình về
hành vi đó.
Đối với lỗi cố ý thì người gây thiệt hại không được giảm mức bồi thường. Họ chỉ được
giảm mức bồi thường do lỗi vô ý, còn lỗi cố ý thì phải bồi thường toàn bộ dù người gây thiệt
hại có hoàn cảnh kinh tế khó khăn về trước mắt và lâu dài, trừ trường hợp các bên có thỏa
thận với nhau về mức bồi thường.
Thực tế ở vùng nông thôn, vùng núi, vùng sâu vùng xa... các Tòa án đã tuyên mức án
phù hợp nhưng người gây thiệt hại vẫn không thể bồi thường do kinh tế khó khăn, nhưng
vì pháp luật như vậy nên không thể áp dụng khác.
Nguyên tắc này đặt ra nhằm bảo đảm phán quyết của Tòa án đưa ra được thi hành
ngay và có hiệu quả, vì thực tế rất nhiều các vụ án các bản án, quyết định của Tòa án ban
hành nhưng cơ quan Thi hành án không thi hành được thì cũng không có ý nghĩa.
- Thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài
Khi mức độ thiệt hại có thể lớn hơn khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của
người gây thiệt hại thì người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường thiệt hại. Tất
nhiên, điều kiện này luôn đi cùng với điều kiện lỗi vô ý của người gây thiệt hại.
Trong thực tiễn xét xử các vụ án về bồi thường thiệt hại đến sức khỏe và tính
mạng bị xâm phạm, để xác định như thế nào là: "thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế
trước mắt và lâu dài của mình" là một vấn đề khá phức tạp. Theo chúng tôi thì tùy thuộc
vào từng trường hợp cụ thể, căn cứ từng trường hợp cụ thể của vụ án mà quyết định cho
thỏa đáng, tránh trường hợp giảm quá ít thì không có ý nghĩ thiết thực, và ngược lại, không
nên giảm quá nhiều do lo ngại không thể thi hành án được.
Hay cụm từ "khả năng kinh tế" cũng là một vấn đề cần xác định rõ nhằm để xem
xét trường hợp nào thì được giảm mức bồi thường thiệt hại, trường hợp nào thì không
được giảm bồi thường, đồng thời cũng là để bảo vệ quyền lợi, bảo đảm tính công bằng,
tránh sự gian lận, lợi dụng để trốn tránh trách nhiệm bồi thường của người gây ra thiệt hại.
Ví dụ: A trong khi lau súng, do sơ ý không biết súng có đạn và bị cướp cò, đạn nổ
trúng B làm B chết và bị thương C (B là lao động chính, nuôi dưỡng mẹ già và 2 con con
nhỏ). Qua xem xét thực tế hoàn cảnh của A khó khăn, gia đình không có tài sản gì đáng
giá, ngoài ra A còn phải nuôi 1 mẹ già và 4 con còn nhỏ. Vậy trong trường hợp này khi
giải quyết, Tòa án phải coi sự thiệt hại mà A gây ra cho B,C là quá lớn so với khả năng
kinh tế trước mắt và lâu dài và cần thiết giảm mức bồi thường cho A là thỏa đáng, còn
giảm mức bao nhiêu thì còn tùy thuộc vào từng trường hợp, điều kiện hoàn cảnh cụ thể.
Ngoài hai điều kiện, lỗi của người bị thiệt hại cũng là một trong những yếu tố quan
trọng khi chúng ta xác định mức bồi thường. Nguyên tắc này cũng là để áp dụng giảm mức
bồi thường cho người gây thiệt hại trong trường hợp có lỗi của người bị thiệt hại, cũng như
phân tích ở trên, vấn đề xác định mức bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại có lỗi
rất phức tạp, xác định lỗi của người gây ra thiệt hại là bao nhiêu? Hiện nay cũng chưa có
văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về vấn đề này, trong thực tiễn xét xử Tòa án
thường tự ước lượng tỉ lệ % rồi quyết định, cho nên dẫn đến mức bồi thường có khoảng
cách rất xa nhau.
Ví dụ: Bản án số 113/2006/HSPT ngày 24/7/2006 của Tòa án nhân dân tỉnh CM
xét xử Nguyễn Thị Phượng về tội cố ý gây thương tích.
Nội dung vụ án như sau: Do có mâu thuẫn về điện sinh hoạt nên giữa Phượng và
người bị hại Nguyễn Minh Trí xảy ra cãi chửi và thách đố nhau, Phượng đã dùng dao
chém 3 nhát vào mặt và vai trái Trí, tỷ lệ thương tật 15% vĩnh viễn, Tòa án huyện PT xử
sơ thẩm phạt Phượng 2 năm tù cho hưởng án treo và nhận xét có phần lỗi của bị hại. Sau khi
xử sơ thẩm, anh Trí kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm không cho Phượng hưởng án treo và
tăng mức bồi thường. Cấp phúc thẩm nhận định người bị hại có lỗi nên không có căn cứ
tăng mức hình phạt và mức bồi thường, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Vậy mức độ lỗi của
Trí ở trong vụ án này là bao nhiêu? thực tế không đơn giản. Các Tòa án khi gặp những vụ
án như thế này thường chỉ xem xét và quyết định một cách tương đối và như vậy khó tránh
khỏi việc sau khi tuyên án các bên sẽ kháng cáo không đồng ý cách giải quyết của cấp sơ
thẩm, vì trong vụ án này còn liên quan đến hình phạt tù và mức bồi thường thiệt hại.
Người gây thiệt hại thì yêu cầu giảm hình phạt và mức bồi thường người bị thiệt hại yêu
cầu tăng hình phạt đối với bị cáo và yêu cầu tăng mức bồi thường. Hơn nữa điều luật chỉ
định hình chứ không định lượng, việc giảm mức bồi thường phải phụ thuộc vào điều kiện,
hoàn cảnh, mức độ của người gây thiệt hại mà Tòa án ra quyết định trong những trường
hợp cụ thể.
2.3.3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người gây thiệt
hại, người bị thiệt hại có quyền yêu cầu tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác thay
đổi mức bồi thường
Nguyên tắc được quy định tại khoản 3 Điều 605 Bộ luật dân sự, theo nội dung của
nguyên tắc này thì người gây thiệt hại, người bị thiệt hại, người đại diện hợp pháp của
người bị thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án can thiệp nhằm thay đổi mức bồi thường, khi
mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế. Nguyên tắc này đã được các nhà làm luật
dự đoán được tác động của thị trường đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của con người,
nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.
Ví dụ: Người gây thiệt hại cho rằng mức bồi thường tại thời điểm là quá cao so với
thời điểm xét xử nên yêu cầu cơ quan Tòa án giảm mức bồi thường hoặc ngược lại người
bị thiệt hại cho rằng mức tiền bồi thường hàng tháng quá thấp không bảo đảm cho mức
sinh hoạt hàng ngày nên yêu cầu cơ quan Tòa án tăng mức bồi thường.
Thay đổi mức bồi thường có thể hiểu là việc tăng mức bồi thường, có thể cao hơn,
có thể thấp hơn mức bồi thường thiệt hại. Hay thay đổi về thời hạn bồi thường ngắn hơn
hay dài hơn mức mà trước đây các bên đã thỏa thuận hoặc Tòa án quyết định - đó là yêu
cầu của người bị thiệt hại. Còn người gây thiệt hại có thể thay đổi mức bồi thường đối với
người bị thiệt hại đó là trường hợp người gây ra thiệt hại vì một lý do nào đó không tiếp
tục thực hiện việc bồi thường hoặc vì một lý do khách quan.
Ví dụ: Người bị thiệt hại đã bình phục hoàn toàn sức khỏe, đã tham gia lao động
tích cực và thực tế đã có khoản thu nhập (việc thu nhập cao hay thấp chúng ta không quan
tâm).
Hoặc một trường hợp cụ thể khác: Một người bị người khác đánh vào vùng đầu gây
thiệt hại về sức khỏe 44%, ngoài trách nhiệm hình sự người gây thiệt hại phải chịu, Tòa án
buộc người gây thiệt hại phải bồi thường cho người bị thiệt hại tổng cộng các khoản 5.000.000
đồng, sau một thời gian người bị thiệt hại bị tái phát vết thương, bị liệt nên không tham gia học
tập, công tác, lao động... và cần có một người chăm sóc. Trong trường hợp này người bị thiệt
hại có thể nộp đơn khởi kiện người gây thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường một khoản
tiền về sức khỏe bị giảm sút, bị mất đi và một khoản theo luật cho một người chăm sóc người
bị thiệt hại. Ngược lại người gây thiệt hại cũng có quyền này khi cho rằng thiệt hại mà Tòa án
buộc họ phải bồi thường cho người bị thiệt hại không còn cần thiết và điều kiện của họ không
có khả năng tiếp tục bồi thường.
Dù thay đổi mức bồi thường theo hướng nào đi chăng nữa thì vấn đề mấu chốt vẫn
là bảo đảm cho sự công bằng, hợp lý cho những người yêu cầu.
Khoản 1 Điều 605 Bộ luật dân sự quy định: "Phương thức bồi thường một lần
hoặc nhiều lần". Vậy việc thay đổi mức bồi thường thì chúng ta chỉ áp dụng đối với
phương thức bồi thường nhiều lần còn đối với phương thức bồi thường một lần thì không
áp dụng, bởi lẽ người gây thiệt hại đã thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường và nghĩa vụ bồi
thường đã chấm dứt. Như vậy, nếu có yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại phát sinh đối với
phương thức bồi thường thiệt hại một lần thì Tòa án không chấp nhận yêu cầu này.
2.4. HÌNH THỨC BỒI THƯỜNG VÀ MỨC BỒI THƯỜNG
2.4.1. Hình thức bồi thường thiệt hại
Hình thức bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là cách thức thực hiện nghĩa vụ của
bên gây thiệt hại đối với bên bị thiệt hại. Trong quan hệ pháp luật trách nhiệm bồi thường
thiệt hại ngoài hợp đồng, hình thức bồi thường thiệt hại do các bên tự thỏa thuận hoặc
pháp luật quy định.
Khoản 1 Điều 605 Bộ luật dân sự quy định: "...các bên có thể thỏa thuận về hình
thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi
thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác".
Đối với những thiệt hại do sức khỏe và tính mạng bị xâm phạm thì hình thức bồi
thường mà Tòa án thường áp dụng là bồi thường bằng tiền do tính chất đặc biệt của loại
thiệt hại này. Các khoản tiền chi phí hợp lý mà người bị thiệt hại và gia đình của họ đã bỏ
ra khi điều trị tại cơ sở y tế sẽ được tính thành một khoản tiền cụ thể.
Các bên có thể thỏa thuận "phương thức bồi thường một lần" hoặc "phương thức
bồi thường nhiều lần" tùy theo từng điều kiện kinh tế, hoàn cảnh cụ thể. Theo quyết định
của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nếu người phải thi hành án chưa thi hành xong khoản
tiền phải bồi thường cho người thi hành án thì hàng tháng người phải thi hành án còn phải
chịu thêm khoản tiền lãi của số tiền chưa thi hành theo mức lãi suất nợ quá hạn do Ngân
hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chưa thi hành án.
Khoản tiền cấp dưỡng cho những người thân thích gần gũi của người bị thiệt hại
mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng phải được thực hiện hàng tháng. Đối với các
khoản tiền chi phí hợp lý, thu nhập bị mất đi, thu nhập bị giảm sút cho người chăm sóc
người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động cũng phải được bồi thường hàng tháng.
Vậy trong trường hợp người gây thiệt hại và người bị thiệt hại, những người mà
người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng không ở cùng địa phương, thì việc cấp dưỡng có
nên áp dụng hình thức cấp dưỡng hàng tháng hay áp dụng hình thức cấp dưỡng một lần?
Theo chúng tôi là đối với trường hợp này thì Tòa án nên áp dụng hình thức cấp dưỡng một
lần thì có tính khả thi hơn.
Ví dụ: Bản án số 12/2006/HSST ngày 20/2/2006 của Tòa án nhân dân tỉnh LC xét
xử Sừn Văn Đoàn về tội giết người.
Nội dung vụ án: Đoàn vay anh Nghị 100.000 đồng do đòi nhiều lần Đoàn không
có tiền để trả, Đoàn nảy sinh ý định giết anh Nghị. Đoàn dùng cây rìu chém anh Nghị
nhiều nhát vào đầu, cổ làm anh Nghị chết tại chỗ, Đoàn kéo xác anh Nghị lăn xuống thác
nước.
Ngoài phần quyết định hình phạt, về trách nhiệm dân sự: Tòa án nhân dân tỉnh LC
buộc Đoàn phải bồi thường cho chị Vùi Thị Lần - Người đại diện hợp pháp của bị hại:
55.500.000 đồng, trong đó có số tiền: 20.000.000 đồng là tiền cấp dưỡng 1 lần cho 2 cháu
là con anh Nghị, cháu lớn sinh năm 1994, cháu nhỏ sinh năm 1997.
Điều 417 Bộ luật dân sự Nhật Bản quy định: "Người có nghĩa vụ phải bồi thường
bằng tiền". Trong các hình thức bồi thường thiệt hại, ngoài việc bồi thường bằng tiền còn
có nguyên tắc khôi phục tình trạng ban đầu.
Bộ luật dân sự Đức thì áp dụng nguyên tắc khôi phục tình trạng ban đầu. Bộ luật
dân sự không quy định rõ như Bộ luật dân sự Nhật Bản nên không rõ là có áp dụng nguyên
tắc khôi phục tình trạng ban đầu hay không nhưng đa số các học thuyết thì chủ trương áp
dụng nguyên tắc bồi thường bằng tiền. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp trong đó án
lệ và học thuyết thừa nhận sự khôi phục tình trạng ban đầu.
2.4.2. Mức bồi thường thiệt hại
Khi áp dụng các quy định của pháp luật về mức bồi thường thiệt hại, cần phải xem
xét thực tế và tùy vào từng trường hợp cụ thể mà quyết định: mức độ lỗi của người gây ra
thiệt hại và người bị thiệt hại, khả năng kinh tế thực tế của người gây thiệt hại để Tòa án
quan tâm xem có nên giảm mức bồi thường hay giữ nguyên mức bồi thường, như vậy thì
quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự mới được bảo đảm tuyệt đối. Người gây thiệt
hại phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do lỗi cố ý mà mình gây ra, còn nếu vô ý mà gây thiệt
hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài thì có thể được giảm mức bồi
thường hoặc có thể chỉ phải bồi thường thấp hơn mức thiệt hại hoặc người bị thiệt hại cũng
có lỗi.
Việc xét mức bồi thường thiệt hại như thế nào cũng là một vấn đề cần bàn đến, đó
là khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì các đương sự có quyền làm đơn
yêu cầu thay đổi mức bồi thường. Thông thường những khoản mà đương sự đưa ra đề nghị
được thay đổi là thu nhập bị mất, thu nhập bị giảm sút, tiền cấp dưỡng. Trong luật dân sự
thì tiền cấp dưỡng là khoản tiền kéo dài theo thời gian (có trường hợp cho đến khi trưởng
thành, có trường hợp cho đến khi chết) cho nên không thể tính toán được chính xác trong
một thời gian dài như vậy được, trường hợp yêu cầu thay đổi mức bồi thường có thể xảy ra
do yêu cầu của người gây thiệt hại, có thể do yêu cầu của người bị thiệt hại.
Đối với trường hợp người gây thiệt hại vì một lý do khách quan họ có thể có thu
nhập cao hơn thời điểm xét xử hoặc họ có thể được thừa kế tài sản... nên người bị thiệt hại
có quyền yêu cầu người gây thiệt hại đền bù một khoản tương xứng với hậu quả đã gây ra.
Ngược lại, nếu người gây thiệt hại lâm vào hoàn cảnh khó khăn phải nuôi dưỡng bố, mẹ
già, con nhỏ dại… họ có quyền yêu cầu được giảm mức bồi thường để vừa có khả năng
chấp hành bản án vừa đảm bảo được cuộc sống cho gia đình.
Đối với người bị thiệt hại có thể bản thân họ hay phía gia đình họ có nguồn thu
nhập cao trong khi đó thì người phải cấp dưỡng khó khăn hoặc mức cấp dưỡng không còn
phù hợp với thực tế vì thế mà không bảo đảm cho người được cấp dưỡng một mức sống tối
thiểu.
Luận văn: Bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng danh dự
Luận văn: Bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng danh dự
Luận văn: Bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng danh dự
Luận văn: Bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng danh dự
Luận văn: Bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng danh dự
Luận văn: Bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng danh dự
Luận văn: Bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng danh dự
Luận văn: Bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng danh dự
Luận văn: Bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng danh dự
Luận văn: Bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng danh dự
Luận văn: Bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng danh dự
Luận văn: Bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng danh dự
Luận văn: Bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng danh dự
Luận văn: Bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng danh dự
Luận văn: Bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng danh dự
Luận văn: Bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng danh dự
Luận văn: Bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng danh dự
Luận văn: Bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng danh dự
Luận văn: Bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng danh dự
Luận văn: Bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng danh dự
Luận văn: Bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng danh dự
Luận văn: Bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng danh dự
Luận văn: Bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng danh dự
Luận văn: Bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng danh dự
Luận văn: Bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng danh dự
Luận văn: Bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng danh dự
Luận văn: Bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng danh dự
Luận văn: Bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng danh dự
Luận văn: Bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng danh dự
Luận văn: Bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng danh dự
Luận văn: Bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng danh dự
Luận văn: Bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng danh dự
Luận văn: Bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng danh dự
Luận văn: Bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng danh dự

More Related Content

What's hot

Tổng hợp câu hỏi ôn thi tư pháp quốc tế theo chủ đề
Tổng hợp câu hỏi ôn thi tư pháp quốc tế theo chủ đềTổng hợp câu hỏi ôn thi tư pháp quốc tế theo chủ đề
Tổng hợp câu hỏi ôn thi tư pháp quốc tế theo chủ đềThanh Trúc Lưu Hoàng
 
Đề tài: Tác động tâm lý trong hoạt động hỏi cung bị can, HAY
Đề tài: Tác động tâm lý trong hoạt động hỏi cung bị can, HAYĐề tài: Tác động tâm lý trong hoạt động hỏi cung bị can, HAY
Đề tài: Tác động tâm lý trong hoạt động hỏi cung bị can, HAYViết thuê trọn gói ZALO 0934573149
 

What's hot (20)

Luận văn: Nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự, HOT
Luận văn: Nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự, HOTLuận văn: Nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự, HOT
Luận văn: Nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự, HOT
 
Đề tài: Pháp luật về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài, HOT
Đề tài: Pháp luật về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài, HOTĐề tài: Pháp luật về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài, HOT
Đề tài: Pháp luật về quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài, HOT
 
Luận văn: Tội giết người theo pháp luật hình sự tại tỉnh Nam Định
Luận văn: Tội giết người theo pháp luật hình sự tại tỉnh Nam ĐịnhLuận văn: Tội giết người theo pháp luật hình sự tại tỉnh Nam Định
Luận văn: Tội giết người theo pháp luật hình sự tại tỉnh Nam Định
 
Luận văn: Tình hình tội phạm trên địa bàn quận 9, Tp Hồ Chí Minh
Luận văn: Tình hình tội phạm trên địa bàn quận 9, Tp Hồ Chí MinhLuận văn: Tình hình tội phạm trên địa bàn quận 9, Tp Hồ Chí Minh
Luận văn: Tình hình tội phạm trên địa bàn quận 9, Tp Hồ Chí Minh
 
Luận văn: Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, HOT
Luận văn: Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, HOTLuận văn: Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, HOT
Luận văn: Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, HOT
 
Luận văn: Hợp đồng tặng cho tài sản theo pháp luật Việt Nam
Luận văn: Hợp đồng tặng cho tài sản theo pháp luật Việt NamLuận văn: Hợp đồng tặng cho tài sản theo pháp luật Việt Nam
Luận văn: Hợp đồng tặng cho tài sản theo pháp luật Việt Nam
 
Đề tài: Hoàn thiện chế định hòa giải trong luật tố tụng dân sự, HOT
Đề tài: Hoàn thiện chế định hòa giải trong luật tố tụng dân sự, HOTĐề tài: Hoàn thiện chế định hòa giải trong luật tố tụng dân sự, HOT
Đề tài: Hoàn thiện chế định hòa giải trong luật tố tụng dân sự, HOT
 
Luận văn: Hợp đồng vay tài sản qua giải quyết tranh chấp, HOT
Luận văn: Hợp đồng vay tài sản qua giải quyết tranh chấp, HOTLuận văn: Hợp đồng vay tài sản qua giải quyết tranh chấp, HOT
Luận văn: Hợp đồng vay tài sản qua giải quyết tranh chấp, HOT
 
Luận văn: Trách nhiệm của pháp nhân thương mại theo pháp luật
Luận văn: Trách nhiệm của pháp nhân thương mại theo pháp luậtLuận văn: Trách nhiệm của pháp nhân thương mại theo pháp luật
Luận văn: Trách nhiệm của pháp nhân thương mại theo pháp luật
 
Khoá Luận Tốt Nghiệp Giải Quyết Tranh Chấp Thừa Kế Theo Di Chúc
Khoá Luận Tốt Nghiệp Giải Quyết Tranh Chấp Thừa Kế Theo Di ChúcKhoá Luận Tốt Nghiệp Giải Quyết Tranh Chấp Thừa Kế Theo Di Chúc
Khoá Luận Tốt Nghiệp Giải Quyết Tranh Chấp Thừa Kế Theo Di Chúc
 
Quyền tự định đoạt của đương sự trong giải quyết vụ án, HOT
Quyền tự định đoạt của đương sự trong giải quyết vụ án, HOTQuyền tự định đoạt của đương sự trong giải quyết vụ án, HOT
Quyền tự định đoạt của đương sự trong giải quyết vụ án, HOT
 
Luận văn: Tội cố ý gây thương tích theo pháp luật hình sự Việt Nam
Luận văn: Tội cố ý gây thương tích theo pháp luật hình sự Việt NamLuận văn: Tội cố ý gây thương tích theo pháp luật hình sự Việt Nam
Luận văn: Tội cố ý gây thương tích theo pháp luật hình sự Việt Nam
 
Luận văn: Chế định người bào chữa trong Luật tố tụng, HAY
Luận văn: Chế định người bào chữa trong Luật tố tụng, HAYLuận văn: Chế định người bào chữa trong Luật tố tụng, HAY
Luận văn: Chế định người bào chữa trong Luật tố tụng, HAY
 
Tổng hợp câu hỏi ôn thi tư pháp quốc tế theo chủ đề
Tổng hợp câu hỏi ôn thi tư pháp quốc tế theo chủ đềTổng hợp câu hỏi ôn thi tư pháp quốc tế theo chủ đề
Tổng hợp câu hỏi ôn thi tư pháp quốc tế theo chủ đề
 
Luận văn: Tổ chức quản lý công ty cổ phần theo pháp luật, HAY
Luận văn: Tổ chức quản lý công ty cổ phần theo pháp luật, HAYLuận văn: Tổ chức quản lý công ty cổ phần theo pháp luật, HAY
Luận văn: Tổ chức quản lý công ty cổ phần theo pháp luật, HAY
 
Luận văn: Đăng ký giao dịch bảo đảm tiền vay theo pháp luật, HOT
Luận văn: Đăng ký giao dịch bảo đảm tiền vay theo pháp luật, HOTLuận văn: Đăng ký giao dịch bảo đảm tiền vay theo pháp luật, HOT
Luận văn: Đăng ký giao dịch bảo đảm tiền vay theo pháp luật, HOT
 
Luận văn: Những loại người đồng phạm trong luật hình sự Việt Nam
Luận văn: Những loại người đồng phạm trong luật hình sự Việt NamLuận văn: Những loại người đồng phạm trong luật hình sự Việt Nam
Luận văn: Những loại người đồng phạm trong luật hình sự Việt Nam
 
Thẩm quyền của Tòa án Việt Nam giải quyết vụ việc dân sự nước ngoài
Thẩm quyền của Tòa án Việt Nam giải quyết vụ việc dân sự nước ngoàiThẩm quyền của Tòa án Việt Nam giải quyết vụ việc dân sự nước ngoài
Thẩm quyền của Tòa án Việt Nam giải quyết vụ việc dân sự nước ngoài
 
Luận văn: Pháp luật về phá sản các tổ chức tín dụng, HAY
Luận văn: Pháp luật về phá sản các tổ chức tín dụng, HAYLuận văn: Pháp luật về phá sản các tổ chức tín dụng, HAY
Luận văn: Pháp luật về phá sản các tổ chức tín dụng, HAY
 
Đề tài: Tác động tâm lý trong hoạt động hỏi cung bị can, HAY
Đề tài: Tác động tâm lý trong hoạt động hỏi cung bị can, HAYĐề tài: Tác động tâm lý trong hoạt động hỏi cung bị can, HAY
Đề tài: Tác động tâm lý trong hoạt động hỏi cung bị can, HAY
 

Similar to Luận văn: Bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng danh dự

Boi thuong thiet hai do suc khoe tinh mang bi xam hai
Boi thuong thiet hai do suc khoe tinh mang bi xam haiBoi thuong thiet hai do suc khoe tinh mang bi xam hai
Boi thuong thiet hai do suc khoe tinh mang bi xam haiHung Nguyen
 
Khoá luận trách nhiệm hình sự trong các trường hợp xâm phạm tính mạng, sức kh...
Khoá luận trách nhiệm hình sự trong các trường hợp xâm phạm tính mạng, sức kh...Khoá luận trách nhiệm hình sự trong các trường hợp xâm phạm tính mạng, sức kh...
Khoá luận trách nhiệm hình sự trong các trường hợp xâm phạm tính mạng, sức kh...Luanvantot.com 0934.573.149
 
Bồi thường tổn thất tinh thần do sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy ...
Bồi thường tổn thất tinh thần do sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy ...Bồi thường tổn thất tinh thần do sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy ...
Bồi thường tổn thất tinh thần do sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy ...jackjohn45
 
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng trong bồi thường thiệt hại ngoà...
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng trong bồi thường thiệt hại ngoà...Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng trong bồi thường thiệt hại ngoà...
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng trong bồi thường thiệt hại ngoà...lamluanvan.net Viết thuê luận văn
 
Tiểu Luận Trách Nhiệm Bồi Thường Thiệt Hại Của Cơ Quan Điều Tra Trong Hoạt Độ...
Tiểu Luận Trách Nhiệm Bồi Thường Thiệt Hại Của Cơ Quan Điều Tra Trong Hoạt Độ...Tiểu Luận Trách Nhiệm Bồi Thường Thiệt Hại Của Cơ Quan Điều Tra Trong Hoạt Độ...
Tiểu Luận Trách Nhiệm Bồi Thường Thiệt Hại Của Cơ Quan Điều Tra Trong Hoạt Độ...Nhận Viết Đề Tài Trọn Gói ZALO 0932091562
 
KHÓA LUẬN NGÀNH LUẬT: PHÁP LUẬT VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG VÀ KIẾ...
KHÓA LUẬN NGÀNH LUẬT: PHÁP LUẬT VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG VÀ KIẾ...KHÓA LUẬN NGÀNH LUẬT: PHÁP LUẬT VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG VÀ KIẾ...
KHÓA LUẬN NGÀNH LUẬT: PHÁP LUẬT VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG VÀ KIẾ...ssuserc1c2711
 
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đ...
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đ...Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đ...
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đ...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Đề tài: Pháp luật về bồi thường thiệt hại trong trường hợp vi phạm hợp đồng ...
Đề tài: Pháp luật về  bồi thường thiệt hại trong trường hợp vi phạm hợp đồng ...Đề tài: Pháp luật về  bồi thường thiệt hại trong trường hợp vi phạm hợp đồng ...
Đề tài: Pháp luật về bồi thường thiệt hại trong trường hợp vi phạm hợp đồng ...Viết thuê trọn gói ZALO 0934573149
 
Luận án: Quyền của người bị kết án phạt tù ở Việt Nam, HAY - Gửi miễn phí qua...
Luận án: Quyền của người bị kết án phạt tù ở Việt Nam, HAY - Gửi miễn phí qua...Luận án: Quyền của người bị kết án phạt tù ở Việt Nam, HAY - Gửi miễn phí qua...
Luận án: Quyền của người bị kết án phạt tù ở Việt Nam, HAY - Gửi miễn phí qua...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
So Sánh Chế Định Bồi Thường Thiệt Hại Ngoài Hợp Đồng Theo Pháp Luật Việt Nam ...
So Sánh Chế Định Bồi Thường Thiệt Hại Ngoài Hợp Đồng Theo Pháp Luật Việt Nam ...So Sánh Chế Định Bồi Thường Thiệt Hại Ngoài Hợp Đồng Theo Pháp Luật Việt Nam ...
So Sánh Chế Định Bồi Thường Thiệt Hại Ngoài Hợp Đồng Theo Pháp Luật Việt Nam ...Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 

Similar to Luận văn: Bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng danh dự (20)

Boi thuong thiet hai do suc khoe tinh mang bi xam hai
Boi thuong thiet hai do suc khoe tinh mang bi xam haiBoi thuong thiet hai do suc khoe tinh mang bi xam hai
Boi thuong thiet hai do suc khoe tinh mang bi xam hai
 
BÀI MẪU khóa luận hợp dân sự, HAY, 9 ĐIỂM
BÀI MẪU khóa luận hợp dân sự, HAY, 9 ĐIỂMBÀI MẪU khóa luận hợp dân sự, HAY, 9 ĐIỂM
BÀI MẪU khóa luận hợp dân sự, HAY, 9 ĐIỂM
 
Khóa luận: Năng lực bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, HAY
Khóa luận: Năng lực bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, HAYKhóa luận: Năng lực bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, HAY
Khóa luận: Năng lực bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, HAY
 
BÀI MẪU Khóa luận tranh chấp hợp đồng, HAY, 9 ĐIỂM
BÀI MẪU Khóa luận tranh chấp hợp đồng, HAY, 9 ĐIỂMBÀI MẪU Khóa luận tranh chấp hợp đồng, HAY, 9 ĐIỂM
BÀI MẪU Khóa luận tranh chấp hợp đồng, HAY, 9 ĐIỂM
 
Khoá luận trách nhiệm hình sự trong các trường hợp xâm phạm tính mạng, sức kh...
Khoá luận trách nhiệm hình sự trong các trường hợp xâm phạm tính mạng, sức kh...Khoá luận trách nhiệm hình sự trong các trường hợp xâm phạm tính mạng, sức kh...
Khoá luận trách nhiệm hình sự trong các trường hợp xâm phạm tính mạng, sức kh...
 
Cơ sở lý luận về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.docx
Cơ sở lý luận về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.docxCơ sở lý luận về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.docx
Cơ sở lý luận về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.docx
 
Bồi thường tổn thất tinh thần do sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy ...
Bồi thường tổn thất tinh thần do sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy ...Bồi thường tổn thất tinh thần do sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy ...
Bồi thường tổn thất tinh thần do sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy ...
 
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng trong bồi thường thiệt hại ngoà...
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng trong bồi thường thiệt hại ngoà...Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng trong bồi thường thiệt hại ngoà...
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng trong bồi thường thiệt hại ngoà...
 
Luận văn: Các tội cố ý gây thương tích cho người khác theo luật
Luận văn: Các tội cố ý gây thương tích cho người khác theo luậtLuận văn: Các tội cố ý gây thương tích cho người khác theo luật
Luận văn: Các tội cố ý gây thương tích cho người khác theo luật
 
Luận văn: Cơ chế bồi thường nhà nước cho người bị oan, HOT
Luận văn: Cơ chế bồi thường nhà nước cho người bị oan, HOTLuận văn: Cơ chế bồi thường nhà nước cho người bị oan, HOT
Luận văn: Cơ chế bồi thường nhà nước cho người bị oan, HOT
 
Quyền con người thông qua cơ chế bồi thường cho người bị oan
Quyền con người thông qua cơ chế bồi thường cho người bị oanQuyền con người thông qua cơ chế bồi thường cho người bị oan
Quyền con người thông qua cơ chế bồi thường cho người bị oan
 
Tiểu Luận Trách Nhiệm Bồi Thường Thiệt Hại Của Cơ Quan Điều Tra Trong Hoạt Độ...
Tiểu Luận Trách Nhiệm Bồi Thường Thiệt Hại Của Cơ Quan Điều Tra Trong Hoạt Độ...Tiểu Luận Trách Nhiệm Bồi Thường Thiệt Hại Của Cơ Quan Điều Tra Trong Hoạt Độ...
Tiểu Luận Trách Nhiệm Bồi Thường Thiệt Hại Của Cơ Quan Điều Tra Trong Hoạt Độ...
 
KHÓA LUẬN NGÀNH LUẬT: PHÁP LUẬT VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG VÀ KIẾ...
KHÓA LUẬN NGÀNH LUẬT: PHÁP LUẬT VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG VÀ KIẾ...KHÓA LUẬN NGÀNH LUẬT: PHÁP LUẬT VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG VÀ KIẾ...
KHÓA LUẬN NGÀNH LUẬT: PHÁP LUẬT VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG VÀ KIẾ...
 
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đ...
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đ...Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đ...
Khóa luận tốt nghiệp ngành Luật Pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đ...
 
Đề tài: Pháp luật về bồi thường thiệt hại trong trường hợp vi phạm hợp đồng ...
Đề tài: Pháp luật về  bồi thường thiệt hại trong trường hợp vi phạm hợp đồng ...Đề tài: Pháp luật về  bồi thường thiệt hại trong trường hợp vi phạm hợp đồng ...
Đề tài: Pháp luật về bồi thường thiệt hại trong trường hợp vi phạm hợp đồng ...
 
Luận án: Quyền của người bị kết án phạt tù ở Việt Nam, HAY - Gửi miễn phí qua...
Luận án: Quyền của người bị kết án phạt tù ở Việt Nam, HAY - Gửi miễn phí qua...Luận án: Quyền của người bị kết án phạt tù ở Việt Nam, HAY - Gửi miễn phí qua...
Luận án: Quyền của người bị kết án phạt tù ở Việt Nam, HAY - Gửi miễn phí qua...
 
Luận văn: Bảo vệ quyền con người bằng pháp luật hình sự, HOT
Luận văn: Bảo vệ quyền con người bằng pháp luật hình sự, HOTLuận văn: Bảo vệ quyền con người bằng pháp luật hình sự, HOT
Luận văn: Bảo vệ quyền con người bằng pháp luật hình sự, HOT
 
Luận văn: Bảo vệ các quyền con người bằng pháp luật hình sự
Luận văn: Bảo vệ các quyền con người bằng pháp luật hình sựLuận văn: Bảo vệ các quyền con người bằng pháp luật hình sự
Luận văn: Bảo vệ các quyền con người bằng pháp luật hình sự
 
Luận Văn Nâng Cao Hiệu Quả Việc Giải Quyết Vấn Đề Dân Sự Trong Điều Tra, Tru...
Luận Văn Nâng Cao Hiệu Quả Việc Giải Quyết Vấn Đề Dân Sự Trong Điều Tra, Tru...Luận Văn Nâng Cao Hiệu Quả Việc Giải Quyết Vấn Đề Dân Sự Trong Điều Tra, Tru...
Luận Văn Nâng Cao Hiệu Quả Việc Giải Quyết Vấn Đề Dân Sự Trong Điều Tra, Tru...
 
So Sánh Chế Định Bồi Thường Thiệt Hại Ngoài Hợp Đồng Theo Pháp Luật Việt Nam ...
So Sánh Chế Định Bồi Thường Thiệt Hại Ngoài Hợp Đồng Theo Pháp Luật Việt Nam ...So Sánh Chế Định Bồi Thường Thiệt Hại Ngoài Hợp Đồng Theo Pháp Luật Việt Nam ...
So Sánh Chế Định Bồi Thường Thiệt Hại Ngoài Hợp Đồng Theo Pháp Luật Việt Nam ...
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864

Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏiDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏiDịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864 (20)

200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc
200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc
200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc
 
Danh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểmDanh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểm
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểmDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểm
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏiDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểmDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểm
 
danh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhua
danh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhuadanh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhua
danh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhua
 
Kinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay Nhất
Kinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay NhấtKinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay Nhất
Kinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay Nhất
 
Kho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểm
Kho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểmKho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểm
Kho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểm
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại họcKho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại học
 
Kho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tử
Kho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tửKho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tử
Kho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tử
 
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểmKho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểm
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu HọcKho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu Học
 
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhất
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhấtKho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhất
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhất
 
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểmKho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểm
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin HọcKho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin Học
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập Khẩu
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập KhẩuKho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập Khẩu
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập Khẩu
 

Recently uploaded

TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdfTrnHoa46
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIĐiện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfCampbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfTrnHoa46
 
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIĐiện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfhoangtuansinh1
 
PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG Ở TUYÊN QUANG
PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG Ở TUYÊN QUANGPHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG Ở TUYÊN QUANG
PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG Ở TUYÊN QUANGhoinnhgtctat
 
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxpowerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxAnAn97022
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................TrnHoa46
 
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfchuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfVyTng986513
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoámyvh40253
 

Recently uploaded (20)

TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
 
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
 
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfCampbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
 
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
 
PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG Ở TUYÊN QUANG
PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG Ở TUYÊN QUANGPHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG Ở TUYÊN QUANG
PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG Ở TUYÊN QUANG
 
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxpowerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................
 
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfchuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
 

Luận văn: Bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng danh dự

  • 1. LUẬN VĂN: Một số vấn đề về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và uy tín
  • 2. MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của việc nghiên cứu đề tài Ai gây thiệt hại thì người đó phải bồi thường - vấn đề này đã được các nhà làm luật coi đó là một nguyên tắc và cụ thể hóa trong văn bản pháp luật. Xét về nguồn gốc lịch sử thì chế định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng ra đời từ rất sớm. Qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, mỗi quốc gia đều có những qui định chung về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, bên cạnh đó còn có những qui định cụ thể về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong từng trường hợp cụ thể bởi sự đa dạng về chủ thể gây thiệt hại, đối tượng bị thiệt hại, hoàn cảnh bị thiệt hại... Bộ luật dân sự năm 1995 được áp dụng để giải quyết cho các tranh chấp dân sự nói chung, tranh chấp về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói riêng kể từ ngày 1/7/1996. Qua gần 10 năm thi hành, Bộ luật dân sự 1995 đã phát huy tác dụng trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của luật dân sự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các chủ thể trong giao lưu dân sự, góp phần làm ổn định các quan hệ xã hội. Bên cạnh những thành công đã đạt được, Bộ luật dân sự 1995 còn bộc lộ nhiều bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Bộ luật dân sự 2005 ra đời thay thế cho Bộ luật dân sự 1995 với nhiều sự sửa đổi, bổ sung nhất định, trong đó có chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Bộ luật dân sự 2005 qui định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng từ Điều 604 đến Điều 630, trong đó bổ sung qui định về bồi thường thiệt hại do xâm phạm thi thể, bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả, hài cốt và rất nhiều sự sửa đổi khác trong từng qui định cụ thể. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói chung, bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng nói riêng là một trong những loại trách nhiệm gây nhiều tranh cãi về căn cứ phát sinh, mức bồi thường...; hơn nữa qui định của pháp luật về vấn đề này chủ yếu dừng lại ở các qui định mang tính "định tính" mà không "định lượng" nên gây khó khăn rất nhiều cho các cán bộ áp dụng pháp luật. Bên cạnh đó, án kiện về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng chiếm tỉ trọng tương đối lớn trong các án kiện về bồi thường; sự đối lập về tâm lý của người gây thiệt hại với người bị thiệt hại hoặc gia
  • 3. đình của người bị thiệt hại... làm cho các án kiện về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng bị kháng cáo, khiếu nại từ phía đương sự. Xuất phát từ tình hình trên đây, việc nghiên cứu, tìm hiểu các qui định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói chung, bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng nói riêng là một trong những vấn đề có ý nghĩa pháp lý và thực tiễn sâu sắc. 2. Tình hình nghiên cứu Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được nhiều nhà khoa học nghiên cứu pháp luật quan tâm. Đã có nhiều công trình khoa học nghiên cứu về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung, trong đó có đề cập đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng như các bài viết: TS. Phùng Trung Tập: "Lỗi và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng", Tạp chí Tòa án nhân dân, số 10, tháng 5- 2004; Đinh Văn Quế: "Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người", Tạp chí Tòa án nhân dân, số 10, tháng 5-2004); Tưởng Duy Lượng - Nguyễn Văn Cường: "Cách tính bồi thường thiệt hại tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm", Tạp chí Tòa án nhân dân, số 10, tháng 5-2004); Lê Mai Anh: "Những vấn đề cơ bản về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong Bộ luật dân sự", Luận văn thạc sĩ luật học; Lê Thị Bích Lan: "Một số vấn đề về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và uy tín", Luận văn thạc sĩ luật học...(xem Phụ lục). Nhìn chung, các đề tài đó đã nêu và phân tích những vấn đề chung về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong luật dân sự; đưa ra các yêu cầu cơ bản trong việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại, các quy định của pháp luật dân sự trong việc bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và uy tín, cơ sở để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại, các hình thức và mức bồi thường, những trường hợp miễn hoặc giảm trách nhiệm bồi thường... Tuy nhiên, các đề tài này hoặc đề cập ở dạng khái quát về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng hoặc có đề cập chi tiết cụ thể hơn nhưng vào thời điểm của Bộ luật dân sự 1995 đang tồn tại hiệu lực pháp lý.
  • 4. Tìm hiểu một cách có hệ thống, chi tiết về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng theo Bộ luật dân sự 2005 và các văn bản hướng dẫn mới thì chưa có một công trình khoa học nào cho đến thời điểm hiện tại. 3. Mục đích, nhiệm vụ của việc nghiên cứu đề tài Thông qua việc tìm hiểu các qui định của Bộ luật dân sự 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành, giúp cho người nghiên cứu có cái nhìn hoàn chỉnh dưới lăng kính pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, qua đó phục vụ tốt hơn cho công việc thực tế của bản thân. Ngoài ra, qua việc nghiên cứu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do xâm phạm sức khỏe, tính mạng cũng như việc áp dụng vào thực tiễn sẽ có những kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thực thi, sửa đổi và tuyên truyền pháp luật. Để đạt được mục đính này, nhiệm vụ nghiên cứu của luận văn là tìm hiểu các qui định của các văn bản pháp luật hiện hành về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng; tìm hiểu thực tiễn áp dụng pháp luật về bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng, qua đó chỉ ra những bất cập trong các qui định của pháp luật và phương hướng hoàn thiện qui định của pháp luật về bồi thường thiệt hại nói chung, pháp luật về bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng nói riêng. 4. Phạm vi nghiên cứu của đề tài Trong phạm vi giới hạn nghiên cứu đề tài cao học luật, chúng tôi chỉ nghiên cứu những vấn đề lý luận cơ bản nhất về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do có hành vi trái pháp luật xâm phạm đến sức khỏe và tính mạng, đồng thời xem xét thực tiễn giải quyết các vụ án dân sự xâm phạm sức khỏe và tính mạng. Luận văn này cũng đưa ra những giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong giải quyết bồi thường thiệt hại sức khỏe và tính mạng khi áp dụng các quy định của Bộ luật dân sự. 5. Phương pháp nghiên cứu Luận văn được nghiên cứu dựa trên cơ sở lý luận nhận thức của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật. Ngoài ra, luận văn còn sử dụng các phương pháp nghiên cứu khác như phương pháp duy vật biện chứng, duy vật lịch sử của chủ
  • 5. nghĩa Mác - Lênin, phương pháp phân tích, tổng hợp, thống kê...cũng được sử dụng trong quá trình thực hiện đề tài. 6. Những kết quả nghiên cứu mới của luận văn Luận văn sẽ đề cập một cách có hệ thống, chi tiết trong qui định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng; chỉ ra những khó khăn, bất cập trong việc áp dụng pháp luật, đồng thời có những kiến nghị trong việc hoàn thiện và áp dụng pháp luật trong việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng. 7. Kết cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung của luận văn gồm 3 chương: Chương 1: Khái quát chung về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong luật dân sự Chương 2: Xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sức khỏe và tính mạng bị xâm phạm Chương 3: Thực trạng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe và tính mạng
  • 6. Chương 1 KHÁI QUÁT CHUNG VỀ TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG TRONG LUẬT DÂN SỰ 1.1. KHÁI NIỆM, Ý NGHĨA CỦA TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG TRONG LUẬT DÂN SỰ 1.1.1. Khái niệm trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng Thời kỳ sơ khai, trách nhiệm bồi thường chưa được đặt ra, theo đó người ta thường áp dụng nguyên tắc "nợ gì trả nấy" khi có hành vi gây thiệt hại. Luật XII bảng được ban hành vào năm 449 trước Công nguyên có qui định: Kẻ nào làm gãy tay người khác thì kẻ đó phải chịu lại tương tự như vậy. Khi áp dụng nguyên tắc trả thù ngang bằng, lợi ích của người bị thiệt hại không được bảo đảm, hơn nữa lại có một thiệt hại khác phát sinh. Đây chính là lý do để sau đó người ta xem xét vấn đề bồi thường thiệt hại. Xét về nguồn gốc lịch sử, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một trong những chế định có lịch sử sớm nhất của pháp luật dân sự. Tuy nhiên, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cũng là chế định gây nhiều tranh cãi, có nhiều quan điểm của các nhà nghiên cứu luật pháp cũng như các cán bộ làm công tác thực tiễn. Trải qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng luôn được hoàn thiện bởi các chuyên gia pháp lý. Ở nước ta, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đã được qui định trong Quốc triều Hình luật và Hoàng Việt luật lệ. Pháp luật mỗi nước có thể có những qui định khác nhau liên quan đến xác định mức bồi thường, tuy nhiên một nguyên tắc cơ bản luôn tồn tại - đó là: "Người gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại". Bộ luật Hồng Đức và Bộ luật Gia Long đều chưa có sự phân biệt rõ nét về trách nhiệm bồi thường dân sự. Sự phân biệt rạch ròi giữa trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự chỉ ra đời trên cơ sở ba bộ luật đầu tiên (Bộ luật Nam Kỳ ban hành ngày 10/3/1883; bộ Dân luật Bắc Kỳ ban hành ngày 01/4/1931; bộ Dân luật Trung Kỳ ban hành ngày 31/10/1936) và các nguyên lý chung về trách nhiệm bồi thường dân sự lần đầu được ghi nhận một cách cụ thể tại Điều 712 đến Điều 716 (Bộ Dân luật Bắc
  • 7. Kỳ); Điều 761 đến Điều 767 (Bộ Dân luật Trung Kỳ) và cho đến năm 1972 chính quyền Sài Gòn có ban hành bộ Dân luật Sài Gòn từ Điều 729 đến Điều 739 đề cập về trách nhiệm bồi thường dân sự. Cách mạng tháng Tám thành công, đánh dấu một bước ngoặt mới: Nhà nước Việt Nam dân chủ ra đời, ngay lúc này chúng ta chưa thể ban hành được các văn bản quy phạm pháp luật ngay. Để điều chỉnh các quan hệ xã hội diễn ra hàng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lần lượt ký Sắc lệnh số 90/SL ngày 10/10/1945 và Sắc lệnh số 97/SL ngày 22/5/1950 thừa nhận luật lệ cũ trên tinh thần không trái với nguyên tắc độc lập và chính thể dân chủ cộng hòa của Nhà nước ta. Những quy định trong Sắc lệnh số 97/SL đã đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của luật dân sự. Lần đầu tiên những nguyên tắc thực sự dân chủ, tiến bộ mang tính nhân dân sâu sắc được pháp điển hóa. Như nguyên tắc: "Những quyền dân sự đều được luật bảo vệ khi người ta hành xử nó đúng với quyền lợi của nhân dân" hay "người ta chỉ được hướng dụng và sử dụng các vật thuộc quyền sở hữu của mình một cách hợp pháp và không gây thiệt hại đến quyền lợi của nhân dân". Việc giải quyết các quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm của ngành tòa án. Qua thực tiễn xét xử, vận dụng và kế thừa những quy định pháp luật đã có, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư 173/UBTP ngày 23/3/1972 hướng dẫn công tác xét xử, trong đó nói rõ điều kiện phát sinh, trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nguyên tắc, cách xác định thiệt hại... Thông tư số 03 ngày 5/4/1983 bổ sung giải quyết bồi thường thiệt hại trong các vụ tai nạn giao thông... đều là văn bản dưới luật, lại ban hành trong điều kiện nền kinh tế tập trung bao cấp, tuy đề cập đến nhiều vấn đề xong chỉ mang tính định hướng, chưa cụ thể... Bên cạnh đó, xu hướng phát triển kinh tế đất nước theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đòi hỏi phải có bộ luật dân sự điều chỉnh một lĩnh vực quan hệ xã hội rộng lớn. Bộ luật Dân sự ra đời pháp điển hóa một bước quan trọng tạo ra một văn bản pháp luật thống nhất nhằm khắc phục những tình trạng tản mạn, trùng lặp, mâu thuẫn của pháp luật dân sự trước đó. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một trong những trách nhiệm dân sự, được áp dụng với những người có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại cho người khác. Chế định "Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng’’ được hệ thống ở
  • 8. chương V, phần thứ 3 với các qui định từ Điều 604 đến Điều 630 làm cơ sở pháp lý quan trọng trong việc giải quyết bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, đồng thời giải quyết khách quan, nhanh chóng, công bằng theo quy định của pháp luật. Theo khoản 5 Điều 281 Bộ luật dân sự Việt Nam thì một trong những căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ dân sự đó là: "Gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật". Theo qui định tại Điều 604 Bộ luật dân sự thì sự kiện "gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật" là căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng. Nhà làm luật trong trường hợp này đã đồng nghĩa "trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" với "nghĩa vụ bồi thường do hành vi trái pháp luật" - Điều 604 Bộ luật dân sự đã xác nhận sự đồng nghĩa này. Pháp luật nhà nước ta sử dụng nhiều phương thức khác nhau để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức khi bị xâm phạm bởi những hành vi trái pháp luật. Khi một người có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại đối với người khác làm phát sinh các quan hệ pháp luật về bồi thường thiệt hại. Điều 604 Bộ luật dân sự quy định: 1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. 2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó. Như vậy, bồi thường thiệt hại là quan hệ phát sinh từ hậu quả của hành vi trái pháp luật xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản các quyền lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc của các chủ thể khác. Bồi thường thiệt hại là hình thức trách nhiệm dân sự nhằm buộc bên có hành vi gây ra thiệt hại phải bù đắp, đền bù những tổn thất về vật chất, về tinh thần cho bên bị thiệt hại. Điều kiện để phát sinh trách nhiệm này là phải có thiệt hại, có hành vi trái
  • 9. pháp luật, có quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra có lỗi của người gây thiệt hại. Vậy trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là gì? Qua những phân tích trên đây, có thể đưa ra khái niệm về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như sau: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một loại trách nhiệm pháp lý, là biện pháp cưỡng chế của Nhà nước theo đó người gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra khi hành vi đó được thực hiện với lỗi cố ý hoặc vô ý xâm hại tới tài sản, sức khoẻ, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín, và các quyền nhân thân khác của cá nhân, tài sản, danh dự, uy tín của pháp nhân hoặc của chủ thể khác. 1.1.2. Ý nghĩa trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng Là một loại trách nhiệm pháp lý, được áp dụng khi thỏa mãn những điều kiện do pháp luật qui định, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có ý nghĩa pháp lý và ý nghĩa xã hội sâu sắc, điều đó được thể hiện trên một số phương diện sau đây: Thứ nhất, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là chế định góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể. Trong các quan hệ xã hội nói chung, giao lưu dân sự nói riêng, chủ thể tham gia nhằm thỏa mãn những lợi ích vật chất hoặc tinh thần của mình. Để xã hội ngày càng phát triển, các chủ thể phải tham gia nhiều quan hệ xã hội khác nhau và trong các quan hệ xã hội mà chủ thể tham gia thì lợi ích luôn là tâm điểm để chủ thể hướng tới. Hiến pháp và các văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý sau Hiến pháp luôn ghi nhận và bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của các chủ thể. Đó có thể là lợi ích vật chất, thể hiện ở quyền sở hữu tài sản, nhưng cũng có thể là lợi ích tinh thần, thể hiện ở các quyền nhân thân được pháp luật bảo vệ. Bằng việc qui định căn cứ phát sinh, nguyên tắc bồi thường... thì chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong các quan hệ xã hội khác nhau. Thứ hai, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là chế định góp phần đảm bảo công bằng xã hội.
  • 10. Nguyên tắc chung của pháp luật là một người phải chịu trách nhiệm về hành vi và hậu quả do hành vi đó mang lại. Bằng việc buộc người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra cho người bị thiệt hại, chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đã góp phần bảo đảm công bằng xã hội. Đây cũng là nguyên tắc, là mục tiêu mà pháp luật đặt ra. Chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đã cụ thể hóa và thể hiện rất rõ nguyên tắc công bằng trong bồi thường thiệt hại. Theo chế định này, ai gây thiệt hại thì người ấy phải bồi thường, tuy nhiên sẽ có những trường hợp riêng biệt của trách nhiệm bồi thường thiệt hại như nguyên tắc giảm mức bồi thường, bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, bồi thường thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại có lỗi... Thứ ba, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là chế định góp phần răn đe, giáo dục, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật nói chung, gây thiệt hại trái pháp luật nói riêng. Ngoài mục đích buộc bên vi phạm phải chịu trách nhiệm do hành vi vi phạm của mình gây ra - nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự - chế định trách nhiệm bồi thường thiệt hại còn thể hiện ý nghĩa nhân đạo, ý nghĩa xã hội sâu sắc. Thông qua chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cùng với việc vận dụng chế định này để giải quyết các tranh chấp liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, chế định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng còn có ý nghĩa răn đe, giáo dục và phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật nói chung, hành vi gây thiệt hại trái pháp luật nói riêng. Ngoài người vi phạm, những người khác cũng sẽ thấy rằng nếu mình có hành vi gây thiệt hại thì cũng sẽ chịu sự xử lý của pháp luật. Chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng còn có ý nghĩa trong việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật thông qua những biện pháp chế tài nghiêm khắc. Ngoài ra, ý thức pháp luật của người dân cũng ngày một được nâng cao hơn. 1.2. SO SÁNH TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO XÂM PHẠM TÀI SẢN VỚI TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO XÂM PHẠM CÁC QUYỀN NHÂN THÂN
  • 11. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng rất đa dạng, một trong những sự đa dạng đó là đối tượng bị thiệt hại. Đối tượng bị thiệt hại có thể là tài sản, nhưng cũng có thể là tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín (sự cụ thể hóa các quyền nhân thân được pháp luật bảo hộ). Chúng ta có thể thấy rõ sự giống và khác nhau giữa trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm tài sản với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm các quyền nhân thân qua sự phân tích dưới đây. 1.2.1. Những điểm giống nhau Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm tài sản với trách nhiệm bồi thường do xâm phạm các quyền nhân thân đều là một loại trách nhiệm pháp lý. Đây chính là thái độ của Nhà nước đối với hành vi vi phạm và hậu quả của hành vi đó gây ra. Cả hai loại trách nhiệm này đều là biện pháp cưỡng chế của Nhà nước được áp dụng đối với người vi phạm, buộc người vi phạm phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm tài sản với trách nhiệm bồi thường do xâm phạm các quyền nhân thân đều là một loại trách nhiệm pháp lý nên chỉ phát sinh khi và chỉ khi dựa trên các căn cứ do pháp luật qui định. Những căn cứ đó được xác định cụ thể như: có thiệt hại, có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra, có lỗi của người gây thiệt hại. Ngoài ra, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm tài sản với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền nhân thân còn có những điểm giống nhau liên quan đến hậu quả (trách nhiệm vật chất), những trường hợp được loại trừ, những trường hợp không được loại trừ... 1.2.2. Những điểm khác nhau Bên cạnh những điểm giống nhau, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm tài sản với trách nhiệm bồi thường do xâm phạm các quyền nhân thân còn có những điểm khác biệt, chúng ta có thể thấy sự khác biệt này qua bảng so sánh dưới đây: TIÊU CHÍ SO SÁNH TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO XÂM PHẠM TÀI TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO XÂM PHẠM
  • 12. SẢN CÁC QUYỀN NHÂN THÂN 1. Căn cứ phát sinh Phát sinh trong hợp đồng hoặc ngoài hợp đồng Chỉ phát sinh ngoài hợp đồng 2. Đối tượng bị xâm hại Tài sản (Khái niệm tài sản được quy định tại Điều 163 Bộ luật dân sự: "Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản") Các quyền nhân thân được pháp luật qui định và bảo vệ 3. Thiệt hại phải bồi thường Thiệt hại vật chất - Thiệt hại vật chất; và - Thiệt hại tinh thần. 4. Hậu quả pháp lý được áp dụng Bồi thường thiệt hại - Bồi thường; và/ - Xin lỗi; hoặc/ - Cải chính công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng 5. Thay đổi chủ thể Có thể có sự thay đổi chủ thể: chuyển giao quyền yêu cầu hoặc chuyển giao nghĩa vụ Không thể thay đổi chủ thể, không thể chuyển giao quyền yêu cầu, Điều 309 khoản 1 điểm a Bộ luật dân sự quy định: "1. Bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền theo thỏa thuận, trừ những trường hợp sau đây: a) quyền yêu cầu cấp dưỡng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân
  • 14. Chương 2 XÁC ĐỊNH TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO SỨC KHỎE VÀ TÍNH MẠNG BỊ XÂM PHẠM Trách nhiệm bồi thường nói chung, bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khỏe nói riêng là một loại trách nhiệm pháp lý, do đó trách nhiệm bồi thường do xâm phạm tính mạng, sức khỏe phát sinh khi và chỉ khi thỏa mãn đầy đủ các điều kiện do pháp luật qui định. Các điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại (căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại) do sức khỏe, tính mạng bị xâm phạm là những căn cứ do pháp luật qui định, khi thỏa mãn các căn cứ đó thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng phát sinh. Pháp luật dân sự không qui định cụ thể căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng mà chỉ qui định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung. Do đó, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được áp dụng để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng. 2.1. CĂN CỨ PHÁT SINH TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO SỨC KHỎE VÀ TÍNH MẠNG BỊ XÂM PHẠM Là một loại trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi thỏa mãn các căn cứ do pháp luật qui định. Việc xác định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại có ý nghĩa hết sức quan trọng: là cơ sở để xác định trách nhiệm bồi thường, mức bồi thường... Cơ sở phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được đề cập tại Điều 307 (Trách nhiệm bồi thường thiệt hại) và Điều 604 (Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại) của Bộ luật dân sự năm 2005. Như vậy, trên cơ sở qui định tại hai điều luật này, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được xác định gồm 4 điều kiện:  Phải có thiệt hại xảy ra;  Phải có hành vi gây thiệt hại;  Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại và hậu quả xảy ra;
  • 15.  Người gây thiệt hại phải có lỗi. 2.1.1. Phải có thiệt hại xảy ra Đây là điều kiện tiên quyết, điều kiện quan trọng nhất của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, bởi nếu không có thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại không bao giờ phát sinh. Mục đích của trách nhiệm bồi thường thiệt hại là khôi phục, bù đắp những tổn thất cho người bị thiệt hại, do đó phải có thiệt hại thì mục đích đó mới đạt được. Nếu thiệt hại do tài sản bị xâm phạm thì việc xác định "có thiệt hại" là vấn đề không mấy khó khăn, tuy nhiên trường hợp sức khỏe, tính mạng bị xâm phạm thì thiệt hại sẽ khó xác định, bởi chúng ta không thể "lượng hóa" được thiệt hại trong trường hợp này. Vậy có thể hiểu thiệt hại là gì? Thiệt hại có thể được hiểu theo hai khía cạnh: xã hội và pháp lý. Theo ý nghĩa xã hội, mỗi hành vi trái pháp luật đều gây thiệt hại, bởi nó làm ảnh hưởng đến những quan hệ xã hội nhất định. Theo luật dân sự Việt Nam thì thiệt hại là những tổn thất thực tế được tính thành tiền do việc xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, tài sản... của cá nhân và các chủ thể khác. Tổn thất thực tế được đề cập ở đây là sự giảm sút, mất mát về lợi ích vật chất, tinh thần, hay những chi phí để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại mà người bị hại phải gánh chịu. Những thiệt hại thực tế xảy ra có thể là thiệt hại vật chất hoặc tinh thần. Thiệt hại vật chất là thiệt hại được biểu hiện cụ thể như tài sản đã mất mát, những chi phí cần thiết để ngăn chặn, hạn chế, sửa chữa thay thế tài sản bị hư hỏng, những khoản thu nhập thực tế bị mất. Khi một người có hành vi trái pháp luật gây ra những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe... của người khác thì thiệt hại được xác định như thế nào? Tính mạng, sức khỏe của con người là vô giá không thể tính thành tiền, do vậy bồi thường thiệt hại ở đây không phải là bồi thường về tính mạng, sức khỏe mà nó là những bồi thường thiệt hại vật chất. Những
  • 16. chi phí cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc, phục hồi chức năng cho bên bị thiệt hại hoặc những chi phí cần thiết khác. Theo thông tư 173/UBTP-TANDTC của Tòa án nhân dân tối cao ngày 23/3/1972 hướng dẫn thì thiệt hại được xác định: "Đó là thiệt hại vật chất, biểu hiện cụ thể là thiệt hại về tài sản hoặc những chi phí và những thu nhập bị mất, do có sự thiệt hại về tính mạng, sức khỏe đưa đến. Thiệt hại đó phải thực sự xảy ra và tính toán được". Bộ luật dân sự năm 1995 và Bộ luật dân sự năm 2005 ghi nhận việc buộc người gây thiệt hại "bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần" cho người bị thiệt hại, người thân của họ. Pháp luật về dân sự nói chung, chế định bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm nói riêng là những vấn đề rất nhạy cảm và vô cùng phức tạp, bởi vì những thiệt hại về tinh thần là những thiệt hại phi vật chất, không thể có công thức chung để quy ra tiền áp dụng cho các trường hợp. Việc giải quyết bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cũng chỉ nhằm an ủi, động viên làm dịu đi nỗi đau cho chính nạn nhân. Đây là vấn đề rất khó, nhưng cho đến nay, về căn bản các cơ quan có thẩm quyền chưa có ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để áp dụng cho thống nhất, vì vậy khi vận dụng vào thực tiễn còn gây nhiều tranh cãi, chưa thống nhất. Trên thế giới, thiệt hại về tinh thần đã được một số nước ghi nhận từ lâu như Liên Xô, Cộng hóa Liên bang Đức... Trong cuốn "Trách nhiệm phát sinh do gây thiệt hại" (Nhà xuất bản LGU, Lêningrat, 1973), tác giả Smirnốp T.V khẳng định: "Nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu vật chất, văn hóa, tinh thần của công dân Xô viết, về việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ chỉ là thực hiện đầy đủ khi người bị thiệt hại được bồi thường không những thiệt hại về vật chất mà cả thiệt hại về tinh thần". Tại khoản 3, Điều 307 Bộ luật dân sự của nước ta quy định: "Người gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại". Như vậy, thiệt hại được hiểu là ngoài những thiệt hại vật chất còn có những thiệt hại về tinh thần.
  • 17. Thiệt hại xảy ra được đánh giá một cách khách quan, trung thực, đảm bảo công bằng xã hội. Trên thực tế, mọi thiệt hại đều mang tính khách quan, tuy nhiên, tiên lượng và đánh giá tính khách quan của sự thiệt hại lại thông qua ý thức chủ quan của con người. Điều đó có nghĩa là trong điều kiện, hoàn cảnh thực tế như vậy ai cũng công nhận thiệt hại là có và mọi người đều chấp nhận việc đánh giá mức độ thiệt hại. Nhưng nhìn chung thì người bị thiệt hại có thể phức tạp hóa vấn đề lên, như khai tăng giá trị thiệt hại còn người gây thiệt hại có chiều hướng đơn giản hóa. Vì vậy mà người có vai trò đánh giá thiệt hại, đại diện cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền là rất quan trọng. Nhìn nhận và đánh giá thiệt hại dựa trên cơ sở pháp luật quy định để xem xét có thiệt hại xảy ra hay không, mức độ thiệt hại như thế nào... Thiệt hại phải tính toán được tương đương với một số lượng tiền xác định mới đảm bảo đầy đủ cơ sở cho việc bồi thường. Tuy nhiên, đối với thiệt hại về mặt tinh thần không thể tính toán bằng tiền. Hơn thế đây là khái niệm còn khá trừu tượng, bởi "tinh thần" thì làm sao có thể cân, đo, đong, đếm cụ thể để xác định thiệt hại, do vậy Tòa án chỉ có thể căn cứ vào từng trường hợp cụ thể xác định số tiền bù đắp tổn thất về mặt tinh thần, nhằm đảm bảo quyền lợi của người bị nạn và gia đình họ, khắc phục phần nào hậu quả xảy ra. Tòa án cũng chỉ chấp nhận những thiệt hại hợp lý mà thôi, những thiệt hại mang tính suy diễn như: "Tôi là người không bao giờ bị tai nạn, trong tháng này tôi bắt được 5 triệu đồng" hay "thu nhập của một người nông dân ở vùng quê nghèo là từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng /tháng". Có thiệt hại tức là những tổn thất thực tế, tồn tại khách quan và phải tính được bằng một số tiền cụ thể nhất định, còn những thiệt hại mang tính suy diễn, chủ quan sẽ không được thừa nhận nếu không có căn cứ xác đáng. Như vậy, thiệt hại về vật chất là những thiệt hại trị giá được bằng tiền, đó là thiệt hại thông thường trong các vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại. Đó là những thiệt hại vật chất trong các thiệt hại về tài sản, về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm… Thiệt hại tinh thần là những thiệt hại phi vật chất, không thể có công thức chung để quy thành tiền áp dụng cho mọi trường hợp. Việc giải quyết bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần tùy vào từng trường hợp cụ thể nhằm mục đích an ủi, động
  • 18. viên và phần nào đó tạo điều kiện để có thể khắc phục khó khăn, làm dịu đi nỗi đau cho chính người bị thiệt hại hay cho những người thân thích của họ. Thiệt hại về tinh thần là sự thiệt hại về giá trị tinh thần, tình cảm hoặc sự suy sụp về tâm lý, tình cảm của cá nhân. Hình thức biểu hiện thiệt hại về tinh thần rất đa dạng như: Sự suy sụp tâm lý của người bị thiệt hại sau khi sức khỏe bị xâm phạm làm cho bị tàn tật, bị biến dạng bề ngoài (ví dụ như bị sẹo ở mặt, bị gãy chân làm cho người bị thiệt hại đi cà nhắc...). Ngoài những thiệt hại về tinh thần mà bản thân người bị thiệt hại phải gánh chịu thì có những trường hợp người thân thích của họ cũng phải gánh chịu tổn thất về tinh thần này. Ví dụ, đó có thể là sự suy sụp, hoang mang, lo lắng, sự đau thương của những người thân thích với cái chết của nạn nhân. Khác với thiệt hại vật chất, thiệt hại tinh thần không có tiêu chí chung để xác định cho mọi cá nhân bởi điều kiện, hoàn cảnh của từng cá nhân là không giống nhau, nhưng thiệt hại về tinh thần thường đi kèm với thiệt hại vật chất. Điều 710 Bộ luật dân sự của Nhật Bản quy định: "Một người chịu trách nhiệm về thiệt hại theo quy định của Điều 709 phải bồi thường cả về thiệt hại phi vật chất bất kể thiệt hại như vậy xảy ra đối với quyền lợi, uy tín, hoặc tài sản của người khác". Ngoài ra, muốn bồi thường, sự thiệt hại phải thỏa mãn các điều kiện: thiệt hại phải chắc chắn, nhất định, thực tế và chưa được bồi thường. Nói đến sự thiệt hại chắc chắn, nhất định, thực tế là nói đến một sự thiệt hại đã xảy ra, hoặc chưa xảy ra nhưng nhất định sẽ xảy ra và có thể ước lượng được. Để chứng minh sự thiệt hại chắc chắn, người bị thiệt hại phải đưa ra những chứng cứ cần thiết và tin cậy như: hóa đơn chứng từ thanh toán những chi phí hợp lý nhằm cứu chữa, phục hồi sức khỏe…Một sự thiệt hại không chắc chắn xảy ra hoặc chỉ có tính chất giả định hoặc chỉ là mất đi một cơ may thì không được bồi thường. (Theo Bộ luật dân sự Nhật Bản thì việc "mất đi một cơ may" được coi là một yếu tố cấu thành thiệt hại). Bồi thường thiệt hại chính là nhằm khôi phục lại toàn bộ hoặc một phần tình trạng tài sản trước khi xảy ra thiệt hại hoặc bù đắp những tổn thất do tính mạng, sức khỏe, nhân
  • 19. phẩm, danh dự, bị xâm phạm nên thiệt hại được coi là điều kiện có ý nghĩa quan trọng. Không thể bồi thường thiệt hại khi không có thiệt hại xảy ra. Thiệt hại được hiểu là: bị tổn thất, hư hao về người và tài sản và được xác định bằng một khoản tiền cụ thể. Thiệt hại gây ảnh hưởng đến các quan hệ kinh tế - xã hội được pháp luật bảo vệ, đồng thời cũng phản ánh hậu quả của hành vi trái pháp luật xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, pháp nhân cũng như của Nhà nước. Pháp luật dân sự Việt Nam thừa nhận có thiệt hại về tinh thần, tuy nhiên có quan điểm cho rằng thiệt hại về tinh thần chỉ là khái niệm xã hội và ở phạm vi tình cảm. Nhưng có quan điểm cho rằng, bồi thường bằng tiền có thể khắc phục phần nào thiệt hại về tinh thần, không thể dùng tiền bù đắp được. Tuy nhiên, pháp luật dân sự Việt Nam quy định mức tiền bồi thường thiệt hại về tinh thần tại khoản 2 Điều 609 và khoản 2 Điều 610. Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 08 tháng 7 năm 2006 hướng dẫn áp dụng một số qui định của Bộ luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cũng đã có sự hướng dẫn cụ thể về bồi thường tổn thất tinh thần. Buộc người xâm phạm đến sức khỏe người khác phải bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất về mặt tinh thần cho người bị thiệt hại và cho những người thân thích của người bị thiệt hại trong vụ bị xâm phạm tính mạng là phù hợp cả về lý luận và thực tiễn, phù hợp với phong tục tập quán, truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc Việt Nam. 2.1.2. Phải có hành vi gây thiệt hại Hành vi gây thiệt hại trước tiên phải là hành vi pháp luật cấm thực hiện, nếu hành vi đó được thực hiện mà pháp luật không cấm thì người thực hiện hành vi đó không phải bồi thường thiệt hại. Không thể có người gây thiệt hại khi không có hành vi gây thiệt hại. Hành vi gây thiệt hại là hành vi có ý thức của con người diễn ra trái với qui định của pháp luật và gây thiệt hại tới các đối tượng được pháp luật bảo vệ. Hành vi gây thiệt hại có thể bằng hành động hoặc không hành động, hành động và không hành động đều là những biểu hiện của con người ra ngoài thế giới khách quan, được ý thức kiểm soát, lý trí điều khiển và đều có khả năng làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động, gây thiệt hại cho quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ. Hành động gây thiệt hại có thể là tác động trực tiếp của chủ thể
  • 20. vào đối tượng gây thiệt hại hoặc có thể là tác động gián tiếp của chủ thể vào đối tượng thông qua công cụ, phương tiện gây thiệt hại. Không hành động gây thiệt hại là một hình thức của hành vi gây thiệt hại, nó làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động, gây thiệt hại cho khách thể bằng việc chủ thể không làm một việc pháp luật quy định bắt buộc phải làm mặc dù có đầy đủ điều kiện để làm việc đó. Thực tế thì việc xác định hành vi gây thiệt hại bằng hành động không khó, bởi vì nó tác động trực tiếp đến đối tượng bị thiệt hại như: bắn, đâm, chém… Nhưng ở dạng không hành động hoặc được thực hiện thông qua hành vi của người khác thì cần phải xác định mối quan hệ giữa thiệt hại với hành vi của người gây thiệt hại và trách nhiệm, nghĩa vụ của họ đối với thiệt hại xảy ra. Ví dụ: người gây thiệt hại do phòng vệ chính đáng, do tình thế cấp thiết thì không phải bồi thường. Tuy nhiên, nếu hành vi phòng vệ chính đáng và tình thế cấp thiết đó mà vượt quá giới hạn cho phép thì các hành vi bị coi là trái pháp luật và phải bồi thường. Trước khi có Bộ luật dân sự thì ngành Tòa án thường căn cứ vào Thông tư số 173/UBTP-TANDTC ngày 23/3/1972 của Tòa án nhân dân tối cao để giải quyết các quan hệ pháp luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo tinh thần nội dung Thông tư thì hành vi trái pháp luật trong quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng: "Có thể là một việc phạm pháp về hình sự, một vi phạm pháp luật về dân sự, một vi phạm đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước hoặc một vi phạm quy tắc sinh hoạt xã hội". Như vậy, khi xác định hành vi gây thiệt hại cho người bị thiệt hại để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, chúng ta có thể thấy có những đặc điểm của hành vi trái pháp luật gây thiệt hại: Thứ nhất, hành vi gây thiệt hại phải trái pháp luật, nếu không trái pháp luật thì không phải bồi thường mặc dù có thiệt hại xảy ra. Hành vi trái pháp luật ở đây được hiểu là hành vi vi phạm các qui định của pháp luật, ngoài ra những hành vi vi phạm các qui tắc xử sự sinh hoạt trong đời sống cũng có thể coi là hành vi trái pháp luật nếu gây ra thiệt hại. Những hành vi gây thiệt hại nhưng do yêu cầu của nghề nghiệp hoặc gây thiệt hại theo bản án, quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì không phải là hành vi trái pháp luật. Ví dụ: để cứu chữa bệnh nhân tránh vết thương bị hoại tử, bác sĩ phải cắt bỏ chân của
  • 21. bệnh nhân, những người phá dỡ các công trình xây dựng trái phép, những người thi hành án tử hình... Thứ hai, hành vi trái pháp luật có thể được thể hiện dưới dạng hành động hoặc dưới dạng không hành động. Thứ ba, hành vi gây thiệt hại là hoạt động có ý thức và ý chí. Không thể có hành vi gây thiệt hại mà những biểu hiện bên ngoài của nó không được ý thức của chủ thể kiểm soát hay không được ý chí của họ điều khiển. 2.1.3. Mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi gây thiệt hại Mối quan hệ nhân quả là sự liên hệ giữa hai hiện tượng trong đó có chứa đựng nguyên nhân và kết quả. Phải có sự vận động của hiện tượng là nguyên nhân trong những điều kiện hoàn cảnh cụ thể mới nảy sinh hiện tượng là kết quả. Hành vi vi phạm pháp luật là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại là hậu quả. Xét về nguyên tắc, nguyên nhân phải xảy ra trước kết quả trong khoảng thời gian xác định và hành vi trái pháp luật là nguyên nhân trực tiếp (nguyên nhân quyết định đối với thiệt hại xảy ra). Có nghĩa là thiệt hại đã có sẵn cơ sở trong hành vi. Một hành vi vi phạm nhất định trong một điều kiện xác định thì chỉ làm nảy sinh ra hậu quả này chứ không phải là hậu quả nào khác. Thiệt hại xảy ra phải đúng là kết quả tất yếu của hành vi vi phạm và ngược lại, nếu không có hành vi thì thiệt hại sẽ không xảy đến. Nếu không xác định được mối quan hệ này sẽ không xác định được trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người có hành vi vi phạm và không buộc được người gây thiệt hại phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Nếu chúng ta làm rõ được mối quan hệ nhân quả, sẽ trả lời được hai câu hỏi được đặt ra: - Trách nhiệm bồi thường thiệt hại có phát sinh không? - Mức bồi thường thiệt hại được xác định như thế nào nếu nhiều người gây thiệt hại cho một người hoặc cả người gây thiệt hại và người bị thiệt hại đều có lỗi? Trong thực tế mối quan hệ giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra biểu hiện rất phức tạp.
  • 22. Một hành vi trái pháp luật cũng có thể gây nhiều thiệt hại vừa về vật chất, vừa về tinh thần. Có trường hợp thiệt hại xảy ra do một hành vi trái pháp luật khác xen vào gây ra chứ không phải do hành vi có chứa đựng khả năng thực tế làm phát sinh thiệt hại. Ví dụ: A gây thương tích cho B, B được mọi người đưa vào cơ sở y tế cấp cứu. Với tình trạng vết thương như vậy thì hoàn toàn có thể cứu chữa được người bị hại. Tuy nhiên, do tắc trách trong quá trình cứu chữa (bác sĩ đã không vô trùng dụng cụ cứu chữa) nên vết thương của B bị nhiễm trùng dẫn tới hậu quả là B bị chết. Cần phân biệt giữa nguyên nhân và điều kiện: nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại, điều kiện không trực tiếp gây thiệt hại nhưng có tác động để cho thiệt hại xảy ra nhanh hơn. Vậy trong mối quan hệ nhân quả, nguyên nhân là yếu tố quyết định còn điều kiện là yếu tố quan trọng dẫn đến kết quả. Nguyên nhân và điều kiện trong mối quan hệ nhân quả có thể là một hay nhiều hiện tượng, nhưng giữa chúng có một điểm khác nhau ở chỗ quan hệ với hậu quả xảy ra. Nếu không có nguyên nhân thì không có hiện tượng, sự vật xảy ra và cũng không tồn tại một điều kiện. Nhưng nhiều trường hợp có nguyên nhân xảy ra nhưng không có kết quả nếu không có điều kiện. Về nguyên tắc thì không có việc hiện tượng này chỉ là nguyên nhân còn hiện tượng kia chỉ là điều kiện. Mối quan hệ nhân quả có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định thiệt hại.Về mặt lý luận cũng như thực tế để xác định mối quan hệ nhân quả là một vấn đề tương đối khó khăn. Bởi vì sự thiệt hại thông thường thì do nhiều nguyên nhân chứ không chỉ do một nguyên nhân gây ra. Các nguyên nhân này không tồn tại độc lập mà phối hợp với nhau phát sinh ra kết quả, nếu thiếu một trong các nguyên nhân thì không có kết quả xảy ra. Tuy nhiên, mức độ tác động của từng nguyên nhân đối với kết quả có thể là khác nhau, sự khác nhau này đã tạo ra vai trò chủ yếu và thứ yếu của từng nguyên nhân. Trong thực tiễn thì thiệt hại có thể có nhiều nguyên nhân, vậy xác định nguyên nhân nào là nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp, nguyên nhân nào là nguyên nhân thứ yếu và gián tiếp, một thiệt hại có thể kéo theo nhiều thiệt hại khác, thiệt hại đầu tiên có coi là nguyên nhân của thiệt hại sau hay không. Chúng ta không thể căn cứ vào thứ tự trước sau của hành vi gây thiệt hại để xác định nguyên nhân chủ yếu hay thứ yếu được, nhất là trong các vụ án có nhiều người tham gia.
  • 23. Tóm lại, mối quan hệ nhân quả là sự tồn tại khách quan, không phụ thuộc vào ý chí của con người, khi xem xét mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra phải bảo đảm tính khách quan, phải đặt trong mối liên hệ tất nhiên, nội tại của các hiện tượng chứ không được chủ quan mà xác định quan hệ nhân quả. 2.1.4. Người gây thiệt hại có lỗi Lỗi thể hiện dưới hai hình thức: lỗi cố ý và lỗi vô ý. Khoản 2 Điều 309 quy định: Cố ý gây thiệt hại là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra. Vô ý gây thiệt hại là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được. Lỗi là thái độ tâm lý của một người đối với hành vi trái pháp luật của mình và đối với thiệt hại do hành vi gây nên, người có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm dân sự về hành vi vi phạm của mình gây ra khi họ có lỗi. Lỗi được cấu thành bởi hai yếu tố đó là lý trí và ý chí. Lý trí là sự thể hiện năng lực nhận thức thực tại khách quan, còn ý chí là yếu tố biểu hiện năng lực điều khiển hành vi trên cơ sở nhận thức thực tại khách quan. Có thể xem xét hành vi của người gây thiệt hại trên các mặt sau: - Nhận thức của người gây thiệt hại; - Hành vi gây thiệt hại có đúng pháp luật hay trái pháp luật; - Hành vi cụ thể của người gây thiệt hại. Nếu xét lỗi dưới góc độ quan hệ của cá nhân thì lỗi của người gây thiệt hại là sự biểu hiện quan hệ giữa bản thân người gây thiệt hại và xã hội mà nội dung của nó là sự phủ định chủ quan những quy tắc ứng xử chung của xã hội, đòi hỏi cá nhân phải tôn trọng được thể hiện bằng các quy định của pháp luật.
  • 24. Để bảo vệ triệt để lợi ích của người bị thiệt hại trong quan hệ giữa các công dân với nhau và đặc biệt là trong quan hệ giữa công dân với Nhà nước, xuất phát từ nguyên tắc tôn trọng lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, pháp luật dân sự quy định lỗi có thể được suy đoán từ ba điều kiện trên. Như vậy, có thể nói rằng: trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự hay bất cứ trách nhiệm pháp lý nào khác nào đều phải dựa trên cơ sở lỗi. Một người gây thiệt hại mà không có lỗi thì dù thiệt hại tới mức nào cũng không phải bồi thường - đó là nguyên tắc. (trường hợp phòng vệ chính đáng, sự kiện bất ngờ, tình thế cấp thiết, lỗi hoàn toàn do người bị thiệt hại gây ra). Lỗi cố ý biểu hiện trạng thái tâm lý của một người biết hành vi của mình là sai, thấy rõ hậu quả của hành vi đó, mong muốn cho hậu quả xảy ra hoặc không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả của hành vi đó xảy ra. Lỗi vô ý là biểu hiện trạng thái tâm lý của người gây thiệt hại, thấy trước được hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại đó không thể xảy ra hoặc có thể xảy ra nhưng ngăn ngừa được. Lỗi có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định mức độ bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp thiệt hại xảy ra do lỗi cố ý của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không có trách nhiệm phải bồi thường. Mức độ bồi thường phụ thuộc vào mức độ lỗi của người gây thiệt hại. Khi nghiên cứu về lỗi vô ý có thể chia lỗi vô ý ra làm hai loại: - Vô ý vì cẩu thả. - Vô ý vì quá tự tin. Vô ý cẩu thả là trường hợp người có hành vi vi phạm mặc dù có thể thấy trước và phải thấy trước thiệt hại có thể xảy ra. Vô ý vì quá tự tin là trường hợp người có hành vi vi phạm thấy trước khả năng hành vi của mình có thể gây thiệt hại và không mong muốn thiệt hại xảy ra nhưng lại tin là có thể ngăn chặn được. Sự khác nhau giữa vô ý vì cẩu thả và vô ý vì quá tự tin ở chỗ: người có hành vi vi phạm với lỗi vô ý vì quá tự tin là họ nhận thấy trước được hành vi của họ có thể gây thiệt hại, còn người có hành vi vi phạm với lỗi cẩu thả không nhận thức được thiệt hại có thể xảy ra, trong cả hai trường hợp thì người có hành vi vi phạm không mong muốn thiệt hại xảy ra.
  • 25. Trong dân sự thì dù lỗi cố ý hay lỗi vô ý đều phải chịu trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 623 Bộ luật dân sự quy định: ...3. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi trừ các trường hợp: a. Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại. b. Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Như vậy, ngoài nguyên tắc "phải có lỗi" Bộ luật dân sự còn quy định cả trường hợp không có lỗi người gây ra thiệt hại vẫn phải bồi thường. Khoản 4 Điều 623 Bộ luật dân sự quy định: 4. Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại. Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại. Cũng do quy định này mà các Thẩm phán khi xét xử có cách hiểu khác nhau cho nên dẫn đến có nhiều cách giải quyết khác nhau. Thực tế có việc giải quyết khác nhau là do cần phải phân biệt trường hợp nào chủ sở hữu người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại với trường hợp nào họ không phải bồi thường cả khi họ không có lỗi. Vậy nên chăng Bộ luật dân sự chỉ nên quy định việc bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra mà không cần phải quy định chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thiệt hại cả khi họ không có lỗi. Như vậy, lỗi là điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Vì vậy, cần phân biệt các hình thức lỗi để xác định mức độ lỗi trên cơ sở đó ấn định mức bồi thường.
  • 26. 2.2. CÁC CHỦ THỂ TRONG QUAN HỆ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI 2.2.1. Pháp nhân - chủ thể trong quan hệ bồi thường thiệt hại Khi chưa có Bộ luật dân sự 1995, trách nhiệm của pháp nhân và cá nhân được quy định tại Thông tư 173/UBTP-TANDTC của Tòa án nhân dân tối cao ngày 23/3/1972. Theo tinh thần của Thông tư này thì công nhân viên chức hay một người đại diện hợp pháp của xí nghiệp, cơ quan trong khi thi hành nhiệm vụ, do hành vi liên quan chặt chẽ đến công tác, được xí nghiệp, cơ quan phân công mà gây thiệt hại theo chế độ trách nhiệm dân sự, rồi sau đó có quyền đòi hỏi họ hoàn trả việc bồi thường đó theo quan hệ lao động. Trong trường hợp công nhân viên chức hoặc đại diện của xí nghiệp, cơ quan lợi dụng nhiệm vụ do hành vi không liên quan đến công việc được phân công, để mưu lợi riêng mà gây thiệt hại cho người khác thì cá nhân họ phải bồi thường. Điều 618 Bộ luật dân sự quy định: "Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao. Nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật". Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân trong giao dịch dân sự. Trong quan hệ dân sự pháp nhân có thể đại diện do pháp luật quy định hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định hoặc được xác lập theo sự ủy quyền giữa người đại diện và người được đại diện. Pháp nhân chỉ bồi thường thiệt hại trong trường hợp người của pháp nhân quản lý gây thiệt hại. Ví dụ: A là lái xe của công ty B, trên đường đi công tác gây tai nạn. Trong trường hợp này thì công ty B phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Có trường hợp tuy người đó là người của pháp nhân quản lý gây thiệt hại nhưng không phải bồi thường. Cũng như ví dụ nêu trên, nhưng sau khi hoàn thành công việc công ty giao cho, A đã lái xe tranh thủ về thăm quê và trên đường về quê đã gây ra tai nạn, trong trường hợp này thì A phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại, công ty B không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
  • 27. Người của pháp nhân quản lý không phải chịu trách nhiệm thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện. Trong trường hợp người của pháp nhân quản lý lợi dụng nhiệm vụ được cơ quan chủ quản giao nhưng lại làm một việc vì mục đích cá nhân mà gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra. 2.2.2. Cá nhân - chủ thể trong quan hệ bồi thường thiệt hại Xuất phát từ năng lực chủ thể của cá nhân khi tham gia quan hệ dân sự, Bộ luật dân sự quy định năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân phụ thuộc vào các mức độ năng lực hành vi dân sự, khả năng bồi thường và tình trạng tài sản của cá nhân. Khoản 1 Điều 606 Bộ luật dân sự quy định: "Người từ đủ 18 tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường". Người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có khả năng bằng chính hành vi của mình xác lập thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự (Điều 17 Bộ luật dân sự). Trên thực tế, khi xét xử đối với người gây thiệt hại từ đủ 18 tuổi trở lên, chưa có việc làm, không có thu nhập, không có tài sản đáng kể và đang sống chung với cha mẹ, thì Tòa án vẫn xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với họ và trong quá trình giải quyết vẫn thừa nhận sự tự nguyện của cha mẹ người gây thiệt hại bồi thường thay cho con, nhưng về mặt luật pháp thì không thể buộc họ bồi thường. Thực tế xảy ra cho thấy có người đủ 18 tuổi gây thiệt hại nhưng đang học ở một trường nào đó, chưa có tài sản, không có thu nhập đang phải sống nhờ vào cha, mẹ chu cấp tiền ăn học thì khi thụ lý cơ quan Tòa án nên hòa giải, động viên cha mẹ người gây thiệt hại bồi thường. "Người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu". Trong cuộc sống phần lớn người dưới mười lăm tuổi không có tài sản và sự tự lập về kinh tế. Điều đó không có nghĩa là tất cả những người này đều không có tài sản riêng mà thực tế có nhiều trường hợp những người này đã có tài sản riêng do được hưởng thừa kế, được tặng cho tài sản. Nhưng về mặt pháp lý thì khi những người này gây thiệt hại thì
  • 28. cha, mẹ vẫn là những người phải bồi thường thay, chỉ trừ khi việc bồi thường còn thiếu thì mới lấy tài sản riêng của con bồi thường cho đủ. "Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình. Nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình". Theo luật Bộ luật lao động thì: Người từ đủ mười lăm tuổi trở lên có thể được tham gia vào quan hệ lao động để có thu nhập và có tài sản riêng có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha, mẹ quản lý và cha, mẹ hoàn toàn có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con. Tuy nhiên, những người ở độ tuổi này chưa đầy đủ về năng lực hành vi dân sự nên phải có người đại diện cho mình trong việc xác lập và thực hiện các giao dịch dân sự; vì vậy, cha, mẹ của người từ đủ mười lăm đến dưới mười tám tuổi vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại do con mình gây ra. Xem xét hai trường hợp người dưới mười lăm tuổi và người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại với trường hợp người gây thiệt hại là người mất năng lực hành vi dân sự thì nếu những người này có cá nhân, tổ chức giám hộ thì cá nhân tổ chức đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường. Khoản 3 Điều 606 Bộ luật dân sự quy định: Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường. Xuất phát từ qui định trên đây của Bộ luật dân sự, một vấn đề nảy sinh là: Nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường. Vậy trong trường hợp này sẽ lấy tài sản ở đâu để bồi thường, ai là người phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Theo chúng tôi cần có qui định cụ thể trong trường hợp này, chẳng hạn coi đó là rủi ro và người bị thiệt hại phải gánh chịu thiệt hại.
  • 29. 2.3. NGUYÊN TẮC BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI Khi giải quyết các vụ án liên quan đến sức khỏe và tính mạng bị xâm phạm các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng phải tuân thủ nguyên tắc về bồi thường thiệt hại. Dưới góc độ lý thuyết thì nguyên tắc là các tư tưởng pháp lý chỉ đạo có ý nghĩa bao trùm, xuyên suốt trong quá trình ban hành văn bản pháp luật cũng như áp dụng pháp luật các chủ thể phải tuân theo. Điều 605 Bộ luật dân sự quy định: 1. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. 2. Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình. 3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường. Bộ luật dân sự 2005 đã bổ sung nguyên tắc "bồi thường một lần hoặc nhiều lần". Việc bổ sung điều kiện này tạo cho người gây thiệt hại và người bị thiệt hại tự do thỏa thuận theo hoàn cảnh kinh tế và khả năng của mình. Các nguyên tắc bồi thường thiệt hại được qui định tại Điều 605 Bộ luật dân sự thể hiện sự công bằng hợp lý của pháp luật dân sự, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, pháp nhân khi bị xâm phạm, đồng thời cũng thể hiện sự công bằng đối với người gây thiệt hại, đó là người gây thiệt hại chỉ phải chịu trách nhiệm về mức độ lỗi mà mình gây ra. 2.3.1. Nguyên tắc bồi thường toàn bộ và kịp thời Mục đích của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là buộc người gây thiệt hại phải bù đắp, khắc phục những thiệt hại đã xảy ra cho người bị thiệt hại, do đó người
  • 30. gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho người bị thiệt hại nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người bị thiệt hại. Khoản 1 Điều 605 2.3.1. nguyên tắc bồi thường toàn bộ và kịp thời quy định: "Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời". Theo Từ điển giải thích từ ngữ Luật học của trường Đại học Luật Hà Nội năm 1999 thì cụm từ: "Bồi thường thiệt hại" được hiểu là: "Hình thức trách nhiệm dân sự nhằm buộc bên có hành vi gây thiệt hại phải khắc phục hậu quả bằng cách bù đắp, đền bù tổn thất về vật chất và tổn thất về tinh thần cho bên bị thiệt hại". Vậy hiểu thế nào là "toàn bộ" và "kịp thời"? Theo chúng tôi thì "toàn bộ" là tất cả các phần, bộ phận của một chỉnh thể. Bồi thường toàn bộ thiệt hại là nguyên tắc công bằng hợp lý phù hợp mục đích cũng như chức năng khôi phục. Điều này có nghĩa cực kỳ quan trọng khi xác định bồi thường thiệt hại về tính mạng và sức khỏe trong việc cứu chữa, hạn chế thiệt hại bởi các chi phí cứu chữa thường rất cao, trong một số trường hợp vượt quá khả năng của người bị thiệt hại. Bồi thường "kịp thời" là không chậm trễ, có thể người gây thiệt hại phải bồi thường ngay mà không cần chờ quyết định của Tòa án. Ngành Tòa án cũng nên áp dụng triệt để nguyên tắc này khi giải quyết các vụ việc liên quan đến tính mạng và sức khỏe bị xâm phạm nhằm bảo vệ quyền và lợi ích pháp của người bị thiệt hại một cách nhanh nhất đồng thời ngăn chặn sự dây dưa, chây ỳ không chịu bồi thường của người gây thiệt hại. Trong trường hợp người gây thiệt hại có khả năng về kinh tế nhưng không chịu bồi thường ngay để chữa chạy cho người bị thiệt hại thì tùy từng trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng có thể ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc người gây thiệt hại phải bồi thường ngay cho người bị thiệt hại. Ví dụ: Một người bị thiệt hại đang được cứu chữa trong cơ sở y tế bởi hành vi trái pháp luật của người gây thiệt hại và có thể phải điều trị thời gian dài, nhưng người bị thiệt hại do hoàn cảnh khó khăn không thể đáp ứng ngay được. Trong trường hợp này nếu người gây thiệt hại không tự nguyện bồi thường do hành vi của mình gây ra thì Tòa án có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc người gây thiệt hại phải bồi thường ngay một khoản tiền cho người bị thiệt hại.
  • 31. Bồi thường thiệt hại được xác định theo nguyên tắc: người gây thiệt hại bao nhiêu thì phải bồi thường bấy nhiêu (bồi thường toàn bộ thiệt hại). Thiệt hại xảy ra có thể là tài sản, sức khỏe, tính mạng bị xâm phạm (Điều 608; Điều 609; Điều 610 Bộ luật dân sự) tùy từng trường hợp có thể áp dụng bồi thường thiệt hại về tinh thần (khoản 2 Điều 609; khoản 2 Điều 610 Bộ luật dân sự); chúng ta không chấp nhận những chi phí, thiệt hại không thực tế và thiệt hại được suy diễn chủ quan. Nguyên tắc bồi thường toàn bộ và kịp thời cũng đã được hướng dẫn trong Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP-TANDTC ngày 8/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Tuy nhiên, để áp dụng nguyên tắc này trong thực tiễn xét xử phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, của toàn xã hội. Nguyên tắc bồi thường toàn bộ và kịp thời không hạn chế sự tự nguyện thỏa thuận việc bồi thường giữa người gây thiệt hại và người bị thiệt hại. Đồng thời nghiêm cấm sự ép buộc thỏa thuận và việc thỏa thuận đó không trái luật, tùy theo sự thỏa thuận của các bên có thể cao hơn mức thiệt hại hoặc thấp hơn mức thiệt hại xảy ra trên thực tế. Đây cũng là đặc trưng cơ bản trong giao lưu dân sự trên cơ sở tự do ý chí, tự do cam kết thỏa thuận. 2.3.2. Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình Với nguyên tắc này thì người gây thiệt hại chỉ có thể được giảm mức bồi thường khi có đủ hai điều kiện sau: - Do lỗi vô ý mà gây thiệt hại Nếu người gây thiệt hại mà do lỗi cố ý gây thiệt hại thì không được áp dụng nguyên tắc này bởi vì người gây thiệt hại chủ ý gây ra thiệt hại mà theo lỗi cố ý gây thiệt hại là người gây thiệt hại nhận thức rõ hành vi của mình là gây thiệt hại, thấy trước thiệt hại của hành vi đó và mong muốn thiệt hại xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho thiệt hại xảy ra. Do vậy người gây thiệt hại phải hoàn toàn chịu trách nhiệm do lỗi của mình về hành vi đó.
  • 32. Đối với lỗi cố ý thì người gây thiệt hại không được giảm mức bồi thường. Họ chỉ được giảm mức bồi thường do lỗi vô ý, còn lỗi cố ý thì phải bồi thường toàn bộ dù người gây thiệt hại có hoàn cảnh kinh tế khó khăn về trước mắt và lâu dài, trừ trường hợp các bên có thỏa thận với nhau về mức bồi thường. Thực tế ở vùng nông thôn, vùng núi, vùng sâu vùng xa... các Tòa án đã tuyên mức án phù hợp nhưng người gây thiệt hại vẫn không thể bồi thường do kinh tế khó khăn, nhưng vì pháp luật như vậy nên không thể áp dụng khác. Nguyên tắc này đặt ra nhằm bảo đảm phán quyết của Tòa án đưa ra được thi hành ngay và có hiệu quả, vì thực tế rất nhiều các vụ án các bản án, quyết định của Tòa án ban hành nhưng cơ quan Thi hành án không thi hành được thì cũng không có ý nghĩa. - Thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài Khi mức độ thiệt hại có thể lớn hơn khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của người gây thiệt hại thì người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường thiệt hại. Tất nhiên, điều kiện này luôn đi cùng với điều kiện lỗi vô ý của người gây thiệt hại. Trong thực tiễn xét xử các vụ án về bồi thường thiệt hại đến sức khỏe và tính mạng bị xâm phạm, để xác định như thế nào là: "thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình" là một vấn đề khá phức tạp. Theo chúng tôi thì tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, căn cứ từng trường hợp cụ thể của vụ án mà quyết định cho thỏa đáng, tránh trường hợp giảm quá ít thì không có ý nghĩ thiết thực, và ngược lại, không nên giảm quá nhiều do lo ngại không thể thi hành án được. Hay cụm từ "khả năng kinh tế" cũng là một vấn đề cần xác định rõ nhằm để xem xét trường hợp nào thì được giảm mức bồi thường thiệt hại, trường hợp nào thì không được giảm bồi thường, đồng thời cũng là để bảo vệ quyền lợi, bảo đảm tính công bằng, tránh sự gian lận, lợi dụng để trốn tránh trách nhiệm bồi thường của người gây ra thiệt hại. Ví dụ: A trong khi lau súng, do sơ ý không biết súng có đạn và bị cướp cò, đạn nổ trúng B làm B chết và bị thương C (B là lao động chính, nuôi dưỡng mẹ già và 2 con con nhỏ). Qua xem xét thực tế hoàn cảnh của A khó khăn, gia đình không có tài sản gì đáng giá, ngoài ra A còn phải nuôi 1 mẹ già và 4 con còn nhỏ. Vậy trong trường hợp này khi giải quyết, Tòa án phải coi sự thiệt hại mà A gây ra cho B,C là quá lớn so với khả năng
  • 33. kinh tế trước mắt và lâu dài và cần thiết giảm mức bồi thường cho A là thỏa đáng, còn giảm mức bao nhiêu thì còn tùy thuộc vào từng trường hợp, điều kiện hoàn cảnh cụ thể. Ngoài hai điều kiện, lỗi của người bị thiệt hại cũng là một trong những yếu tố quan trọng khi chúng ta xác định mức bồi thường. Nguyên tắc này cũng là để áp dụng giảm mức bồi thường cho người gây thiệt hại trong trường hợp có lỗi của người bị thiệt hại, cũng như phân tích ở trên, vấn đề xác định mức bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại có lỗi rất phức tạp, xác định lỗi của người gây ra thiệt hại là bao nhiêu? Hiện nay cũng chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về vấn đề này, trong thực tiễn xét xử Tòa án thường tự ước lượng tỉ lệ % rồi quyết định, cho nên dẫn đến mức bồi thường có khoảng cách rất xa nhau. Ví dụ: Bản án số 113/2006/HSPT ngày 24/7/2006 của Tòa án nhân dân tỉnh CM xét xử Nguyễn Thị Phượng về tội cố ý gây thương tích. Nội dung vụ án như sau: Do có mâu thuẫn về điện sinh hoạt nên giữa Phượng và người bị hại Nguyễn Minh Trí xảy ra cãi chửi và thách đố nhau, Phượng đã dùng dao chém 3 nhát vào mặt và vai trái Trí, tỷ lệ thương tật 15% vĩnh viễn, Tòa án huyện PT xử sơ thẩm phạt Phượng 2 năm tù cho hưởng án treo và nhận xét có phần lỗi của bị hại. Sau khi xử sơ thẩm, anh Trí kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm không cho Phượng hưởng án treo và tăng mức bồi thường. Cấp phúc thẩm nhận định người bị hại có lỗi nên không có căn cứ tăng mức hình phạt và mức bồi thường, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Vậy mức độ lỗi của Trí ở trong vụ án này là bao nhiêu? thực tế không đơn giản. Các Tòa án khi gặp những vụ án như thế này thường chỉ xem xét và quyết định một cách tương đối và như vậy khó tránh khỏi việc sau khi tuyên án các bên sẽ kháng cáo không đồng ý cách giải quyết của cấp sơ thẩm, vì trong vụ án này còn liên quan đến hình phạt tù và mức bồi thường thiệt hại. Người gây thiệt hại thì yêu cầu giảm hình phạt và mức bồi thường người bị thiệt hại yêu cầu tăng hình phạt đối với bị cáo và yêu cầu tăng mức bồi thường. Hơn nữa điều luật chỉ định hình chứ không định lượng, việc giảm mức bồi thường phải phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh, mức độ của người gây thiệt hại mà Tòa án ra quyết định trong những trường hợp cụ thể.
  • 34. 2.3.3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người gây thiệt hại, người bị thiệt hại có quyền yêu cầu tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường Nguyên tắc được quy định tại khoản 3 Điều 605 Bộ luật dân sự, theo nội dung của nguyên tắc này thì người gây thiệt hại, người bị thiệt hại, người đại diện hợp pháp của người bị thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án can thiệp nhằm thay đổi mức bồi thường, khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế. Nguyên tắc này đã được các nhà làm luật dự đoán được tác động của thị trường đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của con người, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Ví dụ: Người gây thiệt hại cho rằng mức bồi thường tại thời điểm là quá cao so với thời điểm xét xử nên yêu cầu cơ quan Tòa án giảm mức bồi thường hoặc ngược lại người bị thiệt hại cho rằng mức tiền bồi thường hàng tháng quá thấp không bảo đảm cho mức sinh hoạt hàng ngày nên yêu cầu cơ quan Tòa án tăng mức bồi thường. Thay đổi mức bồi thường có thể hiểu là việc tăng mức bồi thường, có thể cao hơn, có thể thấp hơn mức bồi thường thiệt hại. Hay thay đổi về thời hạn bồi thường ngắn hơn hay dài hơn mức mà trước đây các bên đã thỏa thuận hoặc Tòa án quyết định - đó là yêu cầu của người bị thiệt hại. Còn người gây thiệt hại có thể thay đổi mức bồi thường đối với người bị thiệt hại đó là trường hợp người gây ra thiệt hại vì một lý do nào đó không tiếp tục thực hiện việc bồi thường hoặc vì một lý do khách quan. Ví dụ: Người bị thiệt hại đã bình phục hoàn toàn sức khỏe, đã tham gia lao động tích cực và thực tế đã có khoản thu nhập (việc thu nhập cao hay thấp chúng ta không quan tâm). Hoặc một trường hợp cụ thể khác: Một người bị người khác đánh vào vùng đầu gây thiệt hại về sức khỏe 44%, ngoài trách nhiệm hình sự người gây thiệt hại phải chịu, Tòa án buộc người gây thiệt hại phải bồi thường cho người bị thiệt hại tổng cộng các khoản 5.000.000 đồng, sau một thời gian người bị thiệt hại bị tái phát vết thương, bị liệt nên không tham gia học tập, công tác, lao động... và cần có một người chăm sóc. Trong trường hợp này người bị thiệt hại có thể nộp đơn khởi kiện người gây thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường một khoản tiền về sức khỏe bị giảm sút, bị mất đi và một khoản theo luật cho một người chăm sóc người
  • 35. bị thiệt hại. Ngược lại người gây thiệt hại cũng có quyền này khi cho rằng thiệt hại mà Tòa án buộc họ phải bồi thường cho người bị thiệt hại không còn cần thiết và điều kiện của họ không có khả năng tiếp tục bồi thường. Dù thay đổi mức bồi thường theo hướng nào đi chăng nữa thì vấn đề mấu chốt vẫn là bảo đảm cho sự công bằng, hợp lý cho những người yêu cầu. Khoản 1 Điều 605 Bộ luật dân sự quy định: "Phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần". Vậy việc thay đổi mức bồi thường thì chúng ta chỉ áp dụng đối với phương thức bồi thường nhiều lần còn đối với phương thức bồi thường một lần thì không áp dụng, bởi lẽ người gây thiệt hại đã thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường và nghĩa vụ bồi thường đã chấm dứt. Như vậy, nếu có yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại phát sinh đối với phương thức bồi thường thiệt hại một lần thì Tòa án không chấp nhận yêu cầu này. 2.4. HÌNH THỨC BỒI THƯỜNG VÀ MỨC BỒI THƯỜNG 2.4.1. Hình thức bồi thường thiệt hại Hình thức bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là cách thức thực hiện nghĩa vụ của bên gây thiệt hại đối với bên bị thiệt hại. Trong quan hệ pháp luật trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, hình thức bồi thường thiệt hại do các bên tự thỏa thuận hoặc pháp luật quy định. Khoản 1 Điều 605 Bộ luật dân sự quy định: "...các bên có thể thỏa thuận về hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác". Đối với những thiệt hại do sức khỏe và tính mạng bị xâm phạm thì hình thức bồi thường mà Tòa án thường áp dụng là bồi thường bằng tiền do tính chất đặc biệt của loại thiệt hại này. Các khoản tiền chi phí hợp lý mà người bị thiệt hại và gia đình của họ đã bỏ ra khi điều trị tại cơ sở y tế sẽ được tính thành một khoản tiền cụ thể. Các bên có thể thỏa thuận "phương thức bồi thường một lần" hoặc "phương thức bồi thường nhiều lần" tùy theo từng điều kiện kinh tế, hoàn cảnh cụ thể. Theo quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nếu người phải thi hành án chưa thi hành xong khoản tiền phải bồi thường cho người thi hành án thì hàng tháng người phải thi hành án còn phải
  • 36. chịu thêm khoản tiền lãi của số tiền chưa thi hành theo mức lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chưa thi hành án. Khoản tiền cấp dưỡng cho những người thân thích gần gũi của người bị thiệt hại mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng phải được thực hiện hàng tháng. Đối với các khoản tiền chi phí hợp lý, thu nhập bị mất đi, thu nhập bị giảm sút cho người chăm sóc người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động cũng phải được bồi thường hàng tháng. Vậy trong trường hợp người gây thiệt hại và người bị thiệt hại, những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng không ở cùng địa phương, thì việc cấp dưỡng có nên áp dụng hình thức cấp dưỡng hàng tháng hay áp dụng hình thức cấp dưỡng một lần? Theo chúng tôi là đối với trường hợp này thì Tòa án nên áp dụng hình thức cấp dưỡng một lần thì có tính khả thi hơn. Ví dụ: Bản án số 12/2006/HSST ngày 20/2/2006 của Tòa án nhân dân tỉnh LC xét xử Sừn Văn Đoàn về tội giết người. Nội dung vụ án: Đoàn vay anh Nghị 100.000 đồng do đòi nhiều lần Đoàn không có tiền để trả, Đoàn nảy sinh ý định giết anh Nghị. Đoàn dùng cây rìu chém anh Nghị nhiều nhát vào đầu, cổ làm anh Nghị chết tại chỗ, Đoàn kéo xác anh Nghị lăn xuống thác nước. Ngoài phần quyết định hình phạt, về trách nhiệm dân sự: Tòa án nhân dân tỉnh LC buộc Đoàn phải bồi thường cho chị Vùi Thị Lần - Người đại diện hợp pháp của bị hại: 55.500.000 đồng, trong đó có số tiền: 20.000.000 đồng là tiền cấp dưỡng 1 lần cho 2 cháu là con anh Nghị, cháu lớn sinh năm 1994, cháu nhỏ sinh năm 1997. Điều 417 Bộ luật dân sự Nhật Bản quy định: "Người có nghĩa vụ phải bồi thường bằng tiền". Trong các hình thức bồi thường thiệt hại, ngoài việc bồi thường bằng tiền còn có nguyên tắc khôi phục tình trạng ban đầu. Bộ luật dân sự Đức thì áp dụng nguyên tắc khôi phục tình trạng ban đầu. Bộ luật dân sự không quy định rõ như Bộ luật dân sự Nhật Bản nên không rõ là có áp dụng nguyên tắc khôi phục tình trạng ban đầu hay không nhưng đa số các học thuyết thì chủ trương áp dụng nguyên tắc bồi thường bằng tiền. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp trong đó án lệ và học thuyết thừa nhận sự khôi phục tình trạng ban đầu.
  • 37. 2.4.2. Mức bồi thường thiệt hại Khi áp dụng các quy định của pháp luật về mức bồi thường thiệt hại, cần phải xem xét thực tế và tùy vào từng trường hợp cụ thể mà quyết định: mức độ lỗi của người gây ra thiệt hại và người bị thiệt hại, khả năng kinh tế thực tế của người gây thiệt hại để Tòa án quan tâm xem có nên giảm mức bồi thường hay giữ nguyên mức bồi thường, như vậy thì quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự mới được bảo đảm tuyệt đối. Người gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do lỗi cố ý mà mình gây ra, còn nếu vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài thì có thể được giảm mức bồi thường hoặc có thể chỉ phải bồi thường thấp hơn mức thiệt hại hoặc người bị thiệt hại cũng có lỗi. Việc xét mức bồi thường thiệt hại như thế nào cũng là một vấn đề cần bàn đến, đó là khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì các đương sự có quyền làm đơn yêu cầu thay đổi mức bồi thường. Thông thường những khoản mà đương sự đưa ra đề nghị được thay đổi là thu nhập bị mất, thu nhập bị giảm sút, tiền cấp dưỡng. Trong luật dân sự thì tiền cấp dưỡng là khoản tiền kéo dài theo thời gian (có trường hợp cho đến khi trưởng thành, có trường hợp cho đến khi chết) cho nên không thể tính toán được chính xác trong một thời gian dài như vậy được, trường hợp yêu cầu thay đổi mức bồi thường có thể xảy ra do yêu cầu của người gây thiệt hại, có thể do yêu cầu của người bị thiệt hại. Đối với trường hợp người gây thiệt hại vì một lý do khách quan họ có thể có thu nhập cao hơn thời điểm xét xử hoặc họ có thể được thừa kế tài sản... nên người bị thiệt hại có quyền yêu cầu người gây thiệt hại đền bù một khoản tương xứng với hậu quả đã gây ra. Ngược lại, nếu người gây thiệt hại lâm vào hoàn cảnh khó khăn phải nuôi dưỡng bố, mẹ già, con nhỏ dại… họ có quyền yêu cầu được giảm mức bồi thường để vừa có khả năng chấp hành bản án vừa đảm bảo được cuộc sống cho gia đình. Đối với người bị thiệt hại có thể bản thân họ hay phía gia đình họ có nguồn thu nhập cao trong khi đó thì người phải cấp dưỡng khó khăn hoặc mức cấp dưỡng không còn phù hợp với thực tế vì thế mà không bảo đảm cho người được cấp dưỡng một mức sống tối thiểu.