SlideShare a Scribd company logo
1 of 161
I
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình tổng hợp và nghiên cứu của riêng tôi.
Các số liệu, kết quả nêu trong luận văn là trung thực. Những ý kiến khoa học chưa
từng được ai công bố trong bất kỳ công trình nào khác.
Hà Nội, ngày 15 tháng 8 năm 2019
TÁC GIẢ LUẬN VĂN
Đinh Thị Thanh Nga
VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
ĐINH THỊ THANH NGA
DI TÍCH BẾN CỐNG CÁI TRONG HỆ THỐNG THƯƠNG CẢNG
VÂN ĐỒN (QUẢNG NINH)
LUẬN VĂN THẠC SĨ KHẢO CỔ HỌC
II
LỜI CẢM ƠN
Hoàn thành luận văn khảo cổ này tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới
các thầy giáo, cô giáo trong Khoa Khảo cổ học, Học Viện Khoa học xã hội đã giúp
đỡ tôi trong quá trình học tập và nghiên cứu.
Tôi đặc biệt gửi lời cảm ơn sâu sắc tới TS. Lê Thị Liên, người thầy đã định
hướng và luôn giúp đỡ, tân tâm dạy dỗ tôi trong suốt quá trình thu thập tư liệu,
nghiên cứu đề tài này, ngay từ ý tưởng ban đầu cho tới khi hoàn thành luận văn.
Tôi xin trân trọng cảm ơn Ban lãnh đạo Viện Khảo cổ học, Trung tâm
Nghiên cứu Khảo cổ học Dưới nước, phòng Thư viện…. đã tạo điều kiện về thời
gian và tài liệu để hoàn thành luận văn.
Tôi xin chân thành cảm ơn tới Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Quảng Ninh, chính
quyền xã Quan Lạn, xã Minh Châu, xã Thắng Lợi, huyện Vân Đồn đã tạo điều kiện
cho tôi cùng đoàn nghiên cứu của Viện Khảo cổ học được khảo sát và khai quật trên
địa bàn các xã từ năm 2014 đến nay.
Cuối cùng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đối với gia đình, người thân đã động
viên, giúp đỡ và tạo cho tôi những điều kiện tốt nhất trong suốt thời gian học tập
vừa qua.
Hà Nội, ngày 15 tháng 8 năm 2019
Tác giả Luận văn
Đinh Thị Thanh Nga
III
MỤC LỤC
Mở đầu………………………………………………………………………….....1
Chương 1: Tổng quan tư liệu về thương cảng Vân Đồn và di tích bến Cống
Cái………………………………………………………………………………...11
1.1. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của thương cảng Vân Đồn và di tích bến Cống
Cái………………………………...........................................................................11
1.2. Lịch sử hình thành thương cảng Vân Đồn và vị trí địa - lịch sử qua sử liệu..15
1.3. Các cuộc khảo sát và khai quật tại di tích bến Cống Cái……….……………18
1.3.1. Khảo sát năm 2012-2013…………………………………..……………....18
1.3.2. Khảo sát năm 2014…………………………………………………………20
1.3.3. Khảo sát và khai quật năm 2016-2017…………………………………..21
1.3.4. Khảo sát năm 2018………………………………………………………….23
1.3.5. Khảo sát năm 2019………………………………………………………….23
1.4. Tiểu kết chương 1………………………………………………………….....25
Chương 2: Di tích bến Cống Cái qua tư liệu khảo cổ học…………………….27
2.1. Đặc trưng di tích……………………………………………………………...27
2.1.1. Bến cảng……………………………………………………………………...27
2.1.2. Đặc điểm tầng văn hóa……………………………………………………..29
2.1.3. Dấu tích kiến trúc……………………………………………………………30
2.1.4. Di tích hố đất đen…………………………………………………………...33
2.2. Đặc trưng di vật………………………………………………………………34
2.2.1. Đồ gốm men………………………………………………………………….35
2.2.2. Đồ gốm có áo………………………………………………………………..48
2.2.3. Đồ sành mịn………………………………………………………………….49
2.2.4. Đồ đất nung………………………………………………………………….52
2.2.5. Đồ kim loại……………………………………………………………...…...54
2.2.6. Các loại hiện vật khác………………………………………………………55
2.3. Tiểu kết chương 2…………………………………………………………….56
Chương 3: Vị trị bến Cống Cái trong bối cảnh thương cảng Vân Đồn………60
3.1. Mối quan hệ với các khu vực khác của thương cảng Vân Đồn………………60
3.2. Vai trò của di tích bến Cống Cái trong kháng chiến chống Mông - Nguyên...70
3.3. Tiểu kết chương 3………………………………………………………….....73
KẾT LUẬN………………………………………………………………………74
TÀI LIỆU THAM KHẢO………………………………………………………77
PHỤ LỤC………………………………………………………………………...87
IV
DANHMỤCCÁCCHỮVIẾTTẮT
a Ảnh
B Bảng
Ba Bản ảnh
Bd Bản dập
Bđ Bản đồ
BQL Ban quản lý
BP Cách ngày nay
Bv Bản vẽ
CDTTĐ Các di tích trọng điểm
h Hình
H Hố
HTS Hố thám sát
KXĐ Không xác định
L Lớp
LM Lớp mặt
Nxb Nhà xuất bản
PL Phụ lục
Sđ Sơ đồ
SCN Sau Công Nguyên
TCN Trước Công Nguyên
TK Thế kỷ
Tr. Trang
V
DANHMỤCBẢNGBIỂU,BẢNĐỒ,SƠĐỒ,BẢNVẼ, BẢNDẬPVÀBẢNẢNH
I. DANH MỤC BẢNG BIỂU SỬ DỤNG TRONG CHÍNH VĂN
Bảng 2.1: Tổng hợp hiện vật xuất lộ tại bến Cống Cái năm 2014-2017
Bảng 2.2: Niên đại nhóm gốm men Việt Nam trong đợt khai quật tháng 8/2016
Bảng 2.3: Niên đại nhóm gốm men Việt Nam trong đợt khai quật tháng 8/2016
Bảng 2.4: Niên đại hiện vật lon/vại qua đợt khai quật năm 2016
Bảng 2.5: Các kỹ thuật tạo hoa văn thân sành mịn trong đợt khai quật năm 2016
Biểu đồ 2.1: Số lượng hiện vật xuất lộ tại bến Cống Cái năm 2014-2017
Biểu đồ 2.2: Tỷ lệ các dòng gốm men Việt Nam trong đợt khai quật năm 2016
Biểu đồ 2.3: Tỷ lệ các dòng gốm men Trung Quốc trong đợt khai quật năm 2016
Hình 2.1: Một số loại hình chính của gốm men Việt Nam
Hình 2.2: Diễn tiến niên đại gốm men Việt Nam thời Trần
Hình 2.3: Diễn tiến kỹ thuật tạo dáng trên lon sành mịn
II. DANH MỤC BẢNG THỐNG KÊ, BẢN ĐỒ, SƠ ĐỒ, BẢN VẼ, BẢN DẬP
VÀ BẢN ẢNH TRONG PHỤ LỤC
1. BẢNG THỐNG KÊ:
Phụ lục 1: Bảng thống kê hiện vật khảo sát năm 2014 tại di tích bến Cống Cái
Phụ lục 2: Bảng thống kê hiện vật khảo sát tháng 3 năm 2016 tại di tích bến
Cống Cái
Phụ lục 3: Bảng thống kê hiện vật khảo sát năm 2017 tại di tích bến Cống Cái
Phụ lục 4: Bảng thống kê hiện vật khai quật tháng 8/2016 tại di tích bến Cống
Cái
Phụ lục 5: Bảng thống kê các dòng gốm men Việt Nam khai quật tháng 8/2016
Phụ lục 6: Bảng thống kê các dòng gốm men Trung Quốc khai quật tháng
8/2016
Phụ lục 7: Bảng thống kê tiền đồng năm 2014-2017
Phụ lục 8: Bảng thống kê hiện vật sắt khai quật tháng 8/2016 tại di tích bến
Cống Cái
2. BẢN ĐỒ-SƠ ĐỒ:
Phụ lục 9: Bản đồ huyện Vân Đồn
Phụ lục 10: Bản đồ khu vực khảo sát di tích bến Cống Cái năm 2014
Phụ lục 11: Bản đồ khu vực khảo sát di tích Mang Thúng năm 2014
VI
Phụ lục 12: Bản đồ vị trí các hố thám sát và khai quật tại khu vực phía bắc bến
Cống Cái năm 2014-2017
Phụ lục 13: Bản đồ vị trí các hố thám sát và khai quật tại khu vực thung lũng Sơn
Hào năm 2014-2017
Phụ lục 14: Sơ đồ khu vực khảo sát bằng máy dò kim loại và các hố thăm dò tháng
3/2016
Phụ lục 15: Sơ đồ vị trí các hố khai quật tại di tích bến Cống Cái năm 2016
Phụ lục 16: Bản đồ vị trí các viên đá buộc thuyền và Giếng Đình tại bến Cống Cái
Phụ lục 17: Sơ đồ vị trí ô lưới Grid và hố kiểm tra tại di tích Sơn Hào năm 2019
Phụ lục 18: Bản đồ các di tích thuộc xã Quan Lạn và Minh Châu
Phụ lục 19: Bản đồ các di tích trên đảo Thừa Cống
Phụ lục 20: Bản đồ các cụm di tích thuộc hệ thống thương cảng Vân Đồn
Phụ lục 21: Sơ đồ hành trình hàng hải đi qua Vân Đồn
3. BẢN ẢNH - BẢN VẼ:
Phụ lục 22: Ảnh khảo sát năm 2012, 2014, 2015, 2016 tại bến Cống Cái
Phụ lục 23: Bản vẽ địa tầng khảo sát năm 2014 tại di tích bến Cống Cái
Phụ lục 24: Bản vẽ hố 16SH.TS1
Phụ lục 25: Bản vẽ hố 16SH.TS2, TS3
Phụ lục 26: Bản vẽ hố 16SH.TS4, TS5, TS6
Phụ lục 27: Ảnh khai quật hố H1, H2, H3 năm 2016 tại bến Cống Cái
Phụ lục 28: Ảnh khai quật hố H4, H5 năm 2016
Phụ lục 29: Ảnh hố thám sát TS1, TS3, TS6, TS7, TS8 năm 2016
Phụ lục 30: Ảnh di tích Giếng Đình và đá neo thuyền
Phụ lục 31: Ảnh một số di tích khác trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Phụ lục 32: Bản vẽ mặt bằng hố 16SH.H1
Phụ lục 33: Bản vẽ mặt bằng và địa tầng hố 16SH.H1
Phụ lục 34: Bản vẽ mặt bằng hố 16SH.H2.L2-L5
Phụ lục 35: Bản vẽ mặt cắt vách bắc hố 16SH.H3
Phụ lục 36: Bản vẽ mặt bằng hố 16SH.H3, 17SH.TS2, 17SH.TS3
Phụ lục 37: Ảnh 3D mặt bằng hố 16SH.H3, 17SH.TS1, TS2
Phụ lục 38: Bản vẽ hố 16SH.H4
Phụ lục 39: Bản vẽ mặt bằng hố 16SH.H5
Phụ lục 40: Bản vẽ mặt cắt vách Bắc hố H5
Phụ lục 41: Bản vẽ địa tầng hố 16SH.H5, TS8
Phụ lục 42: Ảnh-bản vẽ gốm men trắng Việt Nam
Phụ lục 43: Ảnh-bản vẽ gốm men trắng Việt Nam
VII
Phụ lục 44: Ảnh-bản vẽ gốm men trắng Việt Nam
Phụ lục 45: Ảnh-bản vẽ gốm men trắng Việt Nam
Phụ lục 46: Ảnh-bản vẽ gốm men trắng Việt Nam
Phụ lục 47: Ảnh-bản vẽ gốm men nâu, ngọc, hoa nâu Việt Nam
Phụ lục 48: Ảnh-bản vẽ gốm hoa lam Việt Nam
Phụ lục 49: Ảnh-bản vẽ gốm hoa lam Việt Nam
Phụ lục 50: Ảnh-bản vẽ gốm men trắng Trung Quốc
Phụ lục 51: Ảnh-bản vẽ gốm men trắng Trung Quốc
Phụ lục 52: Ảnh-bản vẽ gốm men ngọc Trung Quốc
Phụ lục 53: Ảnh-bản vẽ gốm men ngọc Trung Quốc
Phụ lục 54: Ảnh-bản vẽ gốm men nâu Trung Quốc
Phụ lục 55: Ảnh-bản vẽ gốm men nâu Trung Quốc
Phụ lục 56: Ảnh-bản vẽ gốm hoa lam và KXĐ men Trung Quốc
Phụ lục 57: Ảnh-bản vẽ gốm có áo
Phụ lục 58: Ảnh-bản vẽ gốm có áo
Phụ lục 59: Ảnh-bản vẽ sành mịn
Phụ lục 60: Ảnh-bản vẽ sành mịn
Phụ lục 61: Ảnh-bản vẽ sành mịn
Phụ lục 62: Ảnh-bản vẽ sành mịn
Phụ lục 63: Ảnh-bản vẽ sành mịn
Phụ lục 64: Ảnh-bản vẽ đồ đất nung
Phụ lục 65: Ảnh hiện vật kim loại
Phụ lục 66: Ảnh chụp X-quang đồ sắt và thiên thạch
4. BẢN DẬP:
Phụ lục 67: Hoa văn trên miệng và quai sành mịn
Phụ lục 68: Hoa văn bập vân trên thân sành mịn
Phụ lục 69: Hoa văn bập vân kết hợp hoa văn khác trên thân sành mịn
Phụ lục 70: Hoa khắc vạch bằng que 1 hay nhiều răng trên thân sành mịn
Phụ lục 71: Hoa trên thân sành mịn và sành thô
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Trong lịch sử Việt Nam, ở một số khu vực đã hình thành các trung tâm
kinh tế và thương cảng quan trọng. Khu vực miền Bắc từ rất sớm đã tham gia
vào quá trình giao lưu buôn bán với các nước Ấn Độ, Đông Á, Địa Trung
Hải...Các kết quả nghiên cứu cho thấy, khu vực Vân Đồn đã có sự giao lưu
với khu vực nam Trung Quốc từ rất sớm. Quá trình giao thương này tồn tại
đến thế kỷ XII thì chính thức được thành lập “trang Vân Đồn” và chỉ thực sự
suy tàn vào thời Nguyễn, thế kỷ XIX. Trong thời kỳ phát triển hưng thịnh, các
thuyền buôn và thương nhân Trung Quốc, Lưu Cấu (Nhật Bản), Đông Nam Á
như Trảo Oa (Java), Lộ Hạc, Xiêm La, Tam Phật Tề, Chiêm Thành và có thể
cả những thương nhân vùng Tây Nam Á và Châu Âu đến buôn bán trao đổi
hàng hóa. Cùng với Hội Thống, Vân Đồn trở thành hai thương cảng quan
trọng, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế đất nước ở khu vực miền Bắc.
Từ khá sớm thương cảng Vân Đồn đã thu hút sự chú ý quan tâm của
nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế. Thương cảng Vân Đồn là một hệ
thống gồm nhiều bến bãi, trong đó đã được các nhà nghiên cứu và xác nhận là
các bến Cống Cái, Cái Làng, Cống Đông, Công Tây, Cống Hẹp, Vạn Ninh,
Đượng Hạc...
Bên cạnh một số vấn đề đã được giải quyết, nhiều vấn đề của thương
cảng Vân Đồn đã và đang đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu như : vị trí phân bố,
quá trình hình thành và phát triển, và mối quan hệ của các bến bãi trong hệ
thống cảng Vân Đồn như thế nào?; Cấu trúc hay chức năng của chúng như
thế nào ?; Trung tâm chính của thương cảng nằm ở đâu, có sự thay đổi qua
các thời kỳ không?. Do vậy, việc tiếp tục nghiên cứu điều tra, khảo sát về
thương cảng này là hết sức cần thiết.
2
Cống Cái là một trong những bến bãi nằm trong hệ thống thương cảng
Vân Đồn. Vị trí nằm về phía bắc thôn Sơn Hào, thuộc xã Quan Lạn, huyện
Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Sau nhiều đợt tiến hành khảo sát và khai quật, các
nhà nghiên cứu đã phát nhiều di vật xuất lộ trên bề mặt ven bờ vụng và cả
trong địa tầng. Các di vật xuất lộ gồm gốm men, sành, đồ đất nung, đồ kim
loại. Nghiên cứu các mặt cắt cho thấy tầng văn hóa ở di tích này khá dày.
Phần lớn các di vật xuất lộ có thể xác định niên đại vào thời Trần. Ngoài ra
cũng xuất hiện các di vật thuộc thời kỳ sớm hơn và muộn hơn. Với số lượng
lớn di vật và tầng văn hóa dày, ổn định, có thể xác định khu vực này đã tồn tại
một khu dân cư phát triển nhất vào thời Trần. Đây là một khu vực lý tưởng
cho việc nghiên cứu một làng cổ liên hệ chặt chẽ với lịch sử hình thành và
phát triển của thương cảng cổ Vân Đồn và những sự kiện liên quan đến cuộc
kháng chiến chống quân Nguyên-Mông của nhà Trần, đặc biệt là trận đánh
của Trần Khánh Dư.
Tôi là người may mắn được trực tiếp tham gia khảo sát và khai quật tại
di tích bến Cống Cái từ năm 2014 cho đến nay. Vì vậy, tôi mong muốn tìm
hiểu quá hình hình thành, phát triển, suy tàn của di tích bến Cống Cái nói
riêng và hệ thống thương cảng Vân Đồn nói chung.
Từ những lý do trên tôi quyết định chọn đề tài: “Di tích bến Cống Cái
trong hệ thống thương cảng Vân Đồn (Quảng Ninh)” làm luận văn thạc sĩ
của mình.
2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài
Được nhiều tư liệu lịch sử trong và ngoài nước nói đến với tư cách là
một thương cảng quốc tế do nhà Lý thành lập từ năm 1149, các xã đảo thuộc
huyện Vân Đồn nói chung và khu vực đảo Quan Lạn nói riêng luôn là đối
tượng nghiên cứu của các nhà sử học, khảo cổ học và các nhà nghiên cứu lịch
3
sử văn hóa. Vị trí và hình thế của thương cảng Vân Đồn được mô tả trong các
sách sử Việt Nam và Trung quốc như Đại Việt sử ký toàn thư, Nguyễn Trãi
toàn tập, Lịch triều hiến chương loại chí, Đại Việt địa dư toàn biên, Đồng
Khánh dư địa chí, Lĩnh ngoại đại đáp, An Nam Chí Nguyên…
Cuộc khảo sát về thương cảng Vân Đồn sớm nhất tại khu vực đảo Quan
Lạn có lẽ là của GS. Yamamoto Tatsuro vào năm 1936, khi ông nhắc tới
chuyến khảo sát tại đảo Vân Hải, bến Con Quy, xã Quang Châu (xã Minh
Châu ngày nay) và xã Quan Lạn. Trong đợt này, ông đã thu thập được số
lượng lớn tiền đồng Trung Quốc và Việt Nam. Tiền Trung Quốc chủ yếu là
thời Tống, một số ít thuộc thời Đường và thời Minh Thanh. Tiền Việt Nam
chủ yếu thuộc thời Lê và Nguyễn, đặc biệt là tiền Cảnh Hưng và tiền Minh
Mạng. Đồ gốm sứ sưu tầm trong dân (36 hiện vật và mảnh vỡ) được chuyên
gia Nhật Bản cho rằng chúng thể hiện nhiều loại hình, có ảnh hưởng lớn từ
các truyền thống Trung Hoa, nhưng vẫn là sản phẩm của Việt Nam, được chở
từ phía tây tới (nội địa), có lẽ để buôn, niên đại từ thời Tống đến thời Thanh.
Ông cho rằng bến Con Quy ở phía Bắc của đảo Quan Lạn là bến tốt nhất có
thể tránh sóng và có thể là một bến quan trọng trong thời phồn vinh của cảng
Vân Đồn [5, tr.76-122]. Tại đây, các nhà nghiên cứu còn phát hiện được một
số tiền đồng thời Hán và di vật gốm, sành nhưng số lượng không nhiều. Có
thể, vào thời kỳ phát triển của thương cảng Vân Đồn, bến Con Quy chỉ đóng
vai trò là cửa ngỏ, trạm dừng chân của thuyền buôn trước khi vào bến chính.
Từ những năm 1960, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã tham gia vào
việc nghiên cứu các thương cảng. Thương cảng đầu tiên được chọn lựa
nghiên cứu là thương cảng Vân Đồn. Những kết quả nghiên cứu Vân Đồn
thời kỳ này đã được Đỗ Văn Ninh công bố trong tập sách “Tìm lại dấu vết
Vân Đồn lịch sử” do Sở Văn hóa Thông tin Quảng Ninh xuất bản năm 1971
(tái bản năm 1997), và “Thương cảng Vân Đồn” xuất bản năm 2004. Tại Vân
4
Đồn, các nhà khảo cổ học cũng đã tiến hành khai quật một ngôi chùa - chùa
Lấm và một ngọn tháp thời Trần trên đảo Thừa Cống. Hàng loạt dấu vết các
ngôi chùa khác, các nền nhà và một hệ thống hàng chục bến bãi như Cống
Đông, Cống Yên, Cống Hẹp, Cái Làng, Con Quy… đã được phát hiện. Trong
đó, tác giả có nhắc đến cuộc khảo sát khu vực bến Cống Cái và cũng đã xác
định dấu tích sành sứ trải dài hàng trăm mét trên bờ nam bến Cống Cái. Trên
sườn núi là dấu tích các lớp nhà từ chân lên tới lưng chừng núi. Trên đỉnh núi
còn kiến trúc đình quay hướng chính nam và một lối đi mở xuống giếng Đình
quanh năm đầy nước. Trên cơ sở kết quả khảo sát của ông cho rằng trung tâm
giao dịch xưa nằm ở khu vực giữa đảo Vân Hải, tức là bến Cống Cái và Cái
Làng [60]. Như vậy, vào những năm 60-70 của thế kỷ XX, các nhà khảo cổ
học đã xác định vai trò quan trọng của khu vực Cống Cái trong thương cảng
Vân Đồn.
Năm 1990, đẩy thêm một bước nữa trong việc nghiên cứu thương cảng
Vân Đồn. Ban Quản lý các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức một
cuộc hội thảo về thương cảng Vân Đồn tại huyện Cẩm Phả. Kỷ yếu hội thảo
“Thương cảng Vân Đồn, lịch sử, tiềm năng kinh tế và các mối giao lưu văn
hóa” được xuất bản năm 2009. Sau đó được chỉnh sửa và xuất bản cuốn sách
“Di tích lịch sử-văn hóa thương cảng Vân Đồn” năm 2010. Trong cuộc hội
thảo này, các nhà khảo cổ học đã cố gắng đi thêm một bước trong việc xác
định trung tâm của thương cảng Vân Đồn, nhưng tại đây đã xuất hiện hai
quan điểm trái ngược nhau. Một ý kiến cho vị trí trung tâm của thương cảng
Vân Đồn từ thời Lý cho đến ngày Vân Đồn suy tàn nằm trên đảo Quan Lạn.
Ý kiến thứ hai cho rằng, tài liệu khảo cổ học cho phép xác định trung tâm
cảng Vân Đồn thời Trần là đảo Thừa Cống (xã Thắng Lợi). Cho đến nay, câu
trả lời cho vấn đề này còn để ngỏ. Trong luận văn này, theo tôi, có thể trung
tâm thương cảng Vân Đồn vào giai đoạn sớm, thế kỷ XII-XIV nằm ở đảo
5
Quan Lạn và bắt đầu suy tàn cuối thế kỷ XV. Trong giai đoạn, thế kỷ XIV-
XVI, đảo Thừa Cống trở thành là trung tâm của thương cảng Vân Đồn.
Bên cạnh đó, trong các năm 1990, 1993, 1997, 2000, 2002, 2003, Trung
tâm Hợp tác Nghiên cứu Việt Nam, Đại học Tổng hợp Hà Nội nay là Viện
Việt Nam học và Khoa học phát triển, phối hợp với Khoa Lịch sử, Đại học
Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Chiêu Hòa,
Đại học Tổng hợp Osaka, Trung tâm Khảo cổ học tỉnh Okinawa cùng một số
cơ quan khoa học khác của Nhật Bản đã đến khảo cứu nhiều bến cảng cổ
thuộc Vân Đồn. Đáng chú ý là cuộc khai quật năm 2002-2003 tại di tích bến
Con Quy (xã Quan Lạn) và Cống Tây (xã Thắng Lợi). Năm 2002, tại di tích
Cống Tây, đoàn nghiên cứu đã tiến hành khai quật ở vụng thôn 3và vụng thôn
5. Kết quả khai quật cho thấy, tầng văn hóa dày 40cm, hiện vật chủ yếu là
gốm men Việt Nam và Trung Quốc, sành, vật liệu kiến trúc. Một số loại hình
gốm men Việt Nam như hộp bát, bình hoa lam có nguồn gốc từ Hải Dương,
niên đại thế kỷ XV-XVI. Hiện vật gốm men Trung Quốc có niên đại thế kỷ
XIV-XV, trong đó men ngọc là điển hình gốm lò Long Tuyền, thời Nguyên.
Từ kết quả khai quật này, đoàn khai quật cho rằng: có thể ở đảo Thừa Cống
có 2 loại bến: bến chuyên chứa hàng nhập khẩu, chủ yếu lưu chứa gốm men
Trung Quốc như vụng thôn 5, vụng Chuồng Bò. Và bến chuyên lưu chứa,
xuất khẩu gốm men Việt Nam như vụng thôn 3 [40, 44, tr.56-57]. Tại bến
Con Quy, năm 2002, đoàn nghiên cứu đã tiến hành mở 3 hố thăm dò với tổng
diện tích 14m2
. Ở khu vực khai quật, bề mặt đã bị san lấp do quá trình khai
thác cát, chỉ còn lớp xáo trộn dày 60-100cm, là lớp cát màu xám chưa các
mảnh hiện vật đồ gốm men, đồ sành Việt Nam và Trung Quốc, có niên đại
TK XIII-XVII và bộ sưu tập tiền đồng mà chủ yếu là tiền Trung Quốc có niên
đại khá dài từ TK I đến TK XIII [39]. Như vậy, có thể nhận thấy di tích bến
6
Con Quy có thời gian tham gia vào hệ thống thương mại sớm hơn các di tích
khác trên đảo Quan Lạn.
Năm 2003, một cuộc khai quật đã được thực hiện ở Bến Cái Làng, cách
khu vực Cống Cái-Sơn Hào khoảng 3km về phía tây nam. Kết quả đã xác
định được các dấu tích cầu cảng, kiến trúc nhà ở và nhiều di vật gốm sành, đồ
sứ Trung Quốc và Việt Nam. Trong đó đồ sứ Việt Nam được xác định có các
loại hình từ thời Lý đến thời Lê, số lượng nhiều nhất thuộc thời Trần và thời
Lê Sơ. Di tích theo đó được cho là phát triền thịnh đạt nhất từ thời Trần đến
thời Lê Sơ [36].
Năm 2014, cuốn sách “Vân Đồn thương cảng quốc tế của Việt Nam”
của PGS. TS. Nguyễn Văn Kim được xuất bản, đã nêu ra thương cảng Vân
Đồn vào thời Lý - Trần đã hình thành ba tiểu vùng. Tiểu vùng thứ nhất tập
trung ở đảo Thừa Cống, là nơi đặt trị sở của trang Vân Đồn thời Lý-Trần.
Tiểu vùng thứ hai gồm các địa điểm ở đảo Quan Lạn, là cửa ngõ của vùng
thương cảng, có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh và kiểm soát
thuế, đảm bảo các hoạt động bang giao và trao đổi sản phẩm cao cấp của tiểu
vùng thứ nhất. Tiểu vùng thứ ba là nhóm đảo phía đông nam của thương cảng
thuộc xã Ngọc Vừng, là nơi buôn bán, kiểm soát và đảm bảo an ninh cho phía
nam thương cảng Vân Đồn. Ba tiểu vùng này hợp thành một hệ thống tạo nên
vùng thứ nhất, hay gọi là vùng lõi của thương cảng. Vùng thứ hai là cụm bến,
cảng ven bờ bao gồm các tiểu vùng: Yên Hưng, Cửa Lục, Cái Bầu kéo dài
đến Vạn Ninh ở phía Bắc. Vùng thứ hai có vai trò trong việc cung cấp, luân
chuyển hàng hòa từ các làng nghề thủ công, trung tâm nội địa ra thương cảng
quốc tế, đồng thời đón nhận, tiêu thụ, điều phối hàng hóa của vùng thứ nhất.
Vùng thứ ba là các cảng vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh, là các cảng trung chuyển
của Vân Đồn. Như vậy, Nguyễn Văn Kim đã hệ thống các địa điểm theo tầm
quan trọng của các địa điểm, Cống Cái là một địa điểm nằm ở tiểu vùng thứ 2
7
trong Vùng thứ nhất. Ông nhận định các địa điểm ở đảo Thừa Cống vào giai
đoạn thời Lý-Trần có vai trò quan trọng nhất [46, tr.278-297]. Việc xác định
các vùng và tiểu vùng trong thương cảng Vân Đồn và chỉ ra mối quan hệ của
chúng với nhau, đã làm cho chúng ta có cái nhìn tổng thế, mối quan hệ khăng
khít giữa các di tich trong hệ thống thương cảng Vân Đồn. Tuy nhiên, theo
ông thì các di tích trong đảo Thừa Cống có vai trò quan trọng nhất vào giai
đoạn thời Lý-Trần.
Từ năm 2012 – 2019, kết quả 8 cuộc khảo sát và 1 cuộc khai quật do
Viện Khảo cổ học và nhóm chuyên gia quốc tế về khảo cổ học dưới nước
cũng đã xác định được khu vực có tầng văn hóa thời Trần và nhiều dấu tích có
liên quan đến bến bãi ở khu vực bến Cống Cái như giếng nước, đá neo
thuyền, các dấu tích kiến trúc và số lượng lớn hiện vật có nguồn gốc Việt
Nam và Trung Quốc, niên đại thế kỷ IX-XIX, nhưng tập trung nhất vẫn là thế
kỷ XII-XIV. Bến Cống Cái do vậy là một khu vực lý tưởng cho việc nghiên
cứu một làng cổ liên hệ chặt chẽ với lịch sử hình thành và phát triển của
thương cảng cổ Vân Đồn và những sự kiện liên quan đến cuộc kháng chiến
chống quân Nguyên-Mông của nhà Trần, đặc biệt là trận đánh Trần Khánh
Dư. Các dấu tích khảo cổ học mới phát hiện còn cho thấy lịch sử chiếm cư ở
khu vực này có thể còn bắt đầu từ thời xa xưa hơn. Ngoài ra nhóm nghiên cứu
còn phát hiện loại hình di vật đáng chú ý là khẩu súng thần công, thuộc phong
cách thế kỷ 16, nhưng được đúc tại địa phương [49, tr.1].
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Thu thập và hệ thống hoá, phân tích, đánh giá tư liệu lịch sử và khảo cổ
học đầy đủ nhất, từ trước đến nay về địa điểm bến Cống Cái.
Nghiên cứu tính chất và loại hình của các di vật xuất lộ, vai trò của
những di vật này đối với sự phát triển của thương cảng
8
Trên cơ sở các kết quả khai quật và nghiên cứu khảo cổ học, bước đầu
xác định niên đại hình thành và phát triển của di tích, vai trò và vị trí của di
tích trong bối cảnh chung của khu di tích thương cảng Vân Đồn.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: Di tích, di vật kết hợp với các tư liệu liên ngành
liên quan đến địa điểm Bến Cống Cái và hệ thống thương cảng Vân Đồn.
Phạm vi nghiên cứu:
Về không gian: Toàn bộ khu vực Bến Cống Cái, thuộc thôn Sơn Hào, xã
Quan Lạn, huyện Vân Đồn. Luận văn kết hợp nghiên cứu so sánh một số di
tích bến bãi khác trong hệ thống thương cảng Vân Đồn.
Về thời gian: Trong thời gian hình thành, phát triển và suy tàn của di tích
bến Cống Cái, từ thế kỷ XII đến thế kỷ XVIII. Ngoài ra còn liên hệ với các
thời kỳ trước và sau đó.
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
Nguồn tư liệu: Các báo cáo điều tra, khai quật khảo cổ học, các bài
nghiên cứu về di tích bến Cống Cái nói riêng, các di tích bến bãi khác thuộc
thương cảng Vân Đồn nói chung đã được công bố trên các sách, tạp chí
chuyên ngành và trong các kỷ yếu hội thảo về khảo cổ học. Luận văn tham
khảo một số sách khoa học có liên quan như địa chất, địa mạo, địa hình, khí
hậu thuỷ văn, môi trường, dân tộc học... có liên quan đến khu vựcVân Đồn,
tỉnh Quảng Ninh.
Các nguồn tư liệu lịch sử liên quan đến hệ thống thương cảng Vân Đồn
và kháng chiến chống quân Mông - Nguyên lần thứ 3.
Phương pháp nghiên cứu:
9
Luận văn sử dụng các phương pháp khảo cổ học truyền thống như:
phương pháp điều tra, khảo sát không tác động, thăm dò và khai quật khảo cổ,
phân loại loại hình học, miêu tả, đo vẽ, chụp ảnh di tích, di vật khảo cổ...
Phương pháp nghiên cứu so sánh khảo cổ học được sử dụng nhằm làm rõ
sự tương đồng và khác biệt giữa di tích bến Cống Cái và những di tích bến bãi
khác thuộc hệ thống thương cảng Vân Đôn. Từ đó làm rõ những đặc trưng
riêng, nổi bật của di tích bến Cống Cái trong lịch sử. Ngoài ra, sử dụng
phương pháp này để làm rõ xuất xứ, niên đại của các nhóm đồ gốm men đặc
biệt là nhóm gốm men Trung Quốc.
Vận dụng kết quả nghiên cứu của các khoa học có liên quan như: địa lý,
địa chất, ... để bổ sung vào phương pháp tiếp cận đánh giá tổng thể.
Ứng dụng phương pháp sử dụng hệ thống tọa độ GPS để xây dựng bản
đồ tiềm năng phân bố của những dấu tích thương mại ở khu vực này.
Luận văn sử dụng phương pháp lịch sử, toàn diện, cụ thể và biện chứng
trong luận giải các mối quan hệ giữa di tích, di vật và các hiện tượng tự nhiên,
xã hội có liên quan để minh chứng cho các nội dung khoa học cần giải quyết
của luận văn.
Thuật ngữ:
Luận văn còn bàn về một số thuật ngữ được sử dụng như thương cảng,
bến bãi/bến tàu/thuyền.
Thương cảng: là khu vực bờ cùng với vùng nước tiếp giáp (nước ngọt,
nước lợ, nước mặn) và tổ hợp những công trình, thiết bị được sử dụng cho
hoạt động giao thương buôn bán trong và ngoài nước. Nó phải có những điều
kiện và trang thiết bị cần thiết cho việc dừng đỗ tàu thuyền, sửa tàu, cung cấp
nhiên liệu, vật liệu, bốc dỡ hàng hóa. Quy mô của thương cảng được biểu thị
10
qua lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và nó là đầu mối quan trọng trong việc
vận chuyển lưu thông hàng hóa [33, tr.28]. Như vậy, Vân Đồn hoàn toàn
xứng đáng là một thương cảng quốc tế có số lượng hàng hóa xuất nhập khẩu
lớn, đa dạng và là một hệ thống với nhiều bến bãi.
Bến bãi/bến tàu/thuyền: Là một bến trong hệ thống cảng/thương cảng.
Theo đó, về cơ bản, bến được hiểu là chỗ bờ sông, thường có bậc lên xuống
để lấy nước tắm giặt. Chỗ quy định để tàu/thuyền, dừng lại để xếp dỡ hàng
hóa [88, tr.97]. Địa điểm Cống Cái là một bến bãi điển hình với các di tích có
liên quan như giếng nước, bãi sành sứ dài 200m, các viên đá neo thuyền, dấu
tích kiến trúc hai bên bờ. Vào thời kỳ thương cảng Vân Đồn hoạt động, bến
Cống Cái là nơi neo đậu tàu/thuyền, bốc dỡ hàng hóa. Tuy nhiên, vào thời
Nguyễn trở về sau, địa điểm này đã đánh mất vai trò là bến bãi mà nó chỉ còn
tính chất là bến neo đậu tàu thuyền, không còn hoạt động buôn bán.
5. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn
Ý nghĩa thực tiễn: Luận văn đóng góp những tư liệu quan trọng về mặt
tư liệu khoa học với hệ thống di tích, di vật ở di tích bến Cống Cái. Góp phần
làm rõ diện mạo của di tích này và bổ sung tư liệu mới cho việc nghiên cứu
thương cảng Vân Đồn.
Ý nghĩa lý luận: Tập hợp, hệ thống hóa tư liệu và kết quả nghiên cứu về
di tích bến Cống Cái nói riêng, các di tích bến bãi khác thuộc thương cảng
Vân Đồn nói chung.
Phân tích, nghiên cứu so sánh để tìm hiểu về quy mô, tính chất, chức
năng, thời gian sử dụng của di tích bến Cống Cái. Nêu bật các giá trị về lịch
sử, văn hóa của di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn.
Góp phần nghiên cứu và giải quyết một số vấn đề lịch sử thương cảng
Vân Đồn.
11
Cung cấp cơ sở khoa học tin cậy phục vụ cho công tác quy hoạch, bảo
tồn và phát huy giá trị địa điểm bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng
Vân Đồn.
7. Kết cấu luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục minh họa,
luận văn được bố cục thành 3 chương:
Chương 1. Tổng quan tư liệu về thương cảng Vân Đồn và di tích bến
Cống Cái
Chương 2. Di tích bến Cống Cái qua tư liệu khảo cổ học
Chương 3. Vị trí bến Cống Cái trong bối cảnh thương cảng Vân
Đồn.
12
CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN TƯ LIỆU VỀ THƯƠNG CẢNG VÂN ĐỒN VÀ DI
TÍCH BẾN CỐNG CÁI
1.1. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của thương cảng Vân Đồn và di
tích bến Cống Cái
Thương cảng Vân Đồn là một hệ thống có nhiều bến bãi, nằm về phía
đông bắc của Việt Nam, hiện nay các di tích của thương cảng này thuộc tỉnh
Quảng Ninh gồm các huyện Vân Đồn, Hoành Bồ, Móng Cái, Quảng Yên.
Theo Địa chí Quảng Ninh thì: “khí hậu Quảng Ninh tiêu biểu cho khí hậu các
tỉnh miền Bắc Việt Nam vừa có nét riêng của một tỉnh miền núi ven biển. Các
quần đảo ở huyện Cô Tô và Vân Đồn ... có đặc trưng của khí hậu đại dương.
Theo số liệu quan trắc, mùa lạnh ở Quảng Ninh bắt đầu từ hạ tuần tháng 11
và kết thúc vào cuối tháng 3 năm sau, mùa nóng bắt đầu từ tháng 5 và kết
thúc vào đầu tháng 10. Mùa ít mưa bắt đầu từ tháng 11 cho đến tháng 4 năm
sau, mùa mưa nhiều bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào đầu tháng 10. Giữa
hai mùa lạnh và mùa nóng, hai mùa khô và mùa mưa là hai thời kỳ chuyển
tiếp khí hậu, mỗi thời kỳ khoảng một tháng (tháng 4 và tháng 10). Dưới tác
động của sự biến đổi khí hậu hiện nay, thời tiết của khu vực đảo Quan Lạn
cũng có nhiều biến đổi” [83, tr.229]. Vào tháng 8 - 9 năm 2016, vẫn có những
cơn bão liên tiếp cùng với lượng mưa lớn. Vào tháng 4 năm 2017, thời tiết đã
nắng gắt nhưng rất khô hạn, mực nước ngầm trong các giếng xuống rất thấp.
Bến Cống Cái có vai trò quan trọng trong hệ thống các bến ở đảo Quan
Lạn nói riêng và cả hệ thống thương cảng Vân Đồn nói chung. Di tích bến
Cống Cái nằm ở phần trung tâm của đảo Quan Lạn, một hòn đảo thuộc tuyến
Vân Hải nằm ở rìa phía đông nam của huyện đảo Vân Đồn. Về quản lý hành
chính, hiện nay khu vực này thuộc thôn Sơn Hào, xã Quan Lạn, huyện Vân
13
Đồn. Di tích nằm cách trung tâm xã Quan Lạn khoảng 5km về phía đông bắc,
các xã Minh Châu khoảng 5km về phía tây nam. Di tích này gồm thung lũng
Sơn Hào và ngã ba Cống Cái - Sông Mang.
Thung lũng Sơn Hào được vây quanh bởi một dãy núi cao ở phía tây
nam và một dãy đồi thấp ở phía đông bắc. Nhân dân địa phương gọi đây là
núi Vân, có thể đây là nguồn gốc tên gọi Vân Đồn ngày nay. Những cồn cát
trắng ở phía đông chạy dọc theo bờ biển theo hướng đông bắc - tây nam tạo
cho thung lũng khá kín, tránh được gió bão từ biển đông và khá rộng rãi, với
nhiều cánh ruộng kiểu bậc thang từ trên sườn các quả đồi thấp và ven chân
núi kéo xuống vùng trũng thấp giữa thung lũng.
Về phía bắc thung lũng Sơn Hào, những quả núi nhỏ có độ cao không
lớn lắm nằm bao lấy một vụng nước - vụng Cống Cái, mở vào dòng Cống Cái
ở phía tây. Quanh ba phía của vụng là những quả núi khá cao, nối với nhau
bằng các võng núi hoặc khe núi thấp, có thể leo qua khá dễ dàng, đặc biệt là
sườn đồi phía nam, nơi dẫn xuống thung lũng Sơn Hào. Cống Cái là một cửa
vụng được mở ra do đảo Quan Lạn và núi Man chạy song song ngăn một dải
nước tạo thành. Mỗi lần thủy triều lên xuống, nước biển cũng chảy vào hay
rút ra theo dải sông này như cái cống. “Người vùng đảo gọi những dải nước
hẹp là “cống”, như vậy cống là chỉ dòng sông nhỏ. Vì nhỏ, nên nước ra vào
với lưu tốc lớn hơn sông và lưu tốc nước lớn lại là một tiêu chí quan trọng để
gọi dải nước biển là sông hay là cống” [60, tr.133]. “Cái” là vụng biển kín
đáo, không sâu, khi thủy triều dâng cáo thuyền bè vừa và nhỏ có thể cập bờ.
Chính vì vụng ở ngay bên cống và cống lại chảy qua cái nên vụng này được
gọi là Cống Cái” [60, tr.143].
Vụng Cống Cái kín gió và không lớn lắm. Cửa vào rộng khoảng 100m
khi nước triều lên, nơi hẹp nhất khoảng 50m rồi lại mở rộng ở phía trong, có
diện tích mặt nước khoảng 20,000m2
khi triều lên. Hiện nay, do việc đắp
14
đường ngăn một phần vụng cho việc xây dựng lò đốt rác nên diện tích phần
còn lại chỉ khoảng hơn 1/2. Vụng thường cạn trơ đáy khi thủy triều xuống
thấp, nhưng lúc thủy triều lên cao đủ sâu cho thuyền bè hàng chục tấn vào neo
đậu. Đặc biệt là ở bờ phía bắc, nơi có các khúc bãi khá phẳng và rộng. Tình
trạng cạn kiệt khi triều rút ngày nay còn do một thời kì đây là bến vận chuyển
cát khai thác từ các cồn ven biển, tạo nên một lớp cát đọng phủ dầy dưới đáy.
Án ngữ phía bắc vụng Cống Cái là Đồi Đình, một quả đồi khá cao, có
sườn phía tây nam thoải xuôi xuống dòng Cống Cái. Đồi Đình cũng chắn
ngay phía đông nam khu vực ngã ba sông Mang mở vào Cống Cái, cách nơi
mở vào vụng Cống Cái khoảng 500m. Phía nam Vụng Cống Cái là một quả
đồi khác, thấp hơn Đồi Đình, nhưng có sườn phía bắc khá dốc với nhiều khối
đá lổn nhổn, không thuận lợi cho việc đi lại trên bộ cũng như dưới nước. Tuy
nhiên, một số khe nước chảy từ trên núi xuống được các khối đá lớn chặn lại,
tạo nên những điểm dừng chân nhỏ, được chứng thực bởi sự có mặt của một
số mảnh sành sứ phía trong vụng.
Ở khu vực rộng hơn, vụng Cống Cái là một trong những vụng nhỏ nằm
hai bên bờ Cống Cái, một dòng nước từ Sông Mang mở vào khu vực Cái
Làng. Vụng Cái Làng là một vụng biển rộng, được ngăn lại bởi đảo Quan Lạn
phía nam và núi Man nằm chặn giữa Sông Mang và Cống Cái ở phía bắc. Về
phía bắc, ở khoảng giữa vụng là làng Cái Làng, một làng cổ nổi tiếng trong hệ
thống các di tích của thương cảng cổ Vân Đồn.
Từ cửa Cống Cái mở về phía bắc là Sông Mang, đoạn này rộng tới
khoảng gần 900m. Đảo Con Quy nằm về phía bắc-đông bắc, cách Đồi Đình
khoảng hơn 900m. Nhưng những cồn cát và doi đất nổi lên về phía nam của
đảo kéo tới cách Đồi Đình khoảng 300m, tạo nên những bãi nông rộng rãi.
Giữa Đồi Đình và cụm đảo này là một dòng nước mở ra hướng biển Đông,
nhưng nay đã bị chặn lại bởi các cồn cát và đường nhựa. Từ trên sườn phía
15
bắc đồi đình, một khe nước hầu như chảy suốt quanh năm đã được cư dân địa
phương lợi dụng, thu vào một cái giếng nông, với một khối đá lớn bên ngoài,
có thể để neo thuyền.
Sông Mang, có hình cách cung, chảy theo hướng đông bắc-tây nam, đến
đoạn mở vào Cống Cái lại có hướng đông-tây, chếch nam khoảng 15. Chiều
rộng trung bình khoảng 7-800m, nơi rộng nhất tới trên 1000-1500m. Nơi sâu
nhất đo được ở cửa Đối tới trên 30m, trong dòng chính trung bình khoảng 10-
15m. Hai bên bờ có nhiều vụng, được gọi là “mang”, như Mang Thúng, Mang
Đò… Hiện nay, nhiều mang được xây bờ chặn lại để nuôi thủy sản. Hướng và
mức độ dòng chảy của sông Mang phụ thuộc vào thủy triều và thời gian trong
năm. Trong các cuộc lặn khảo sát năm 2014 ở đây, có thể thấy dòng nước
chảy khá mạnh khi triều rút, độ sâu ở khu vực lặn khảo sát trong Mang Thúng
và Cống Cái không quá 9m [98].
Về phía đông khu vực nghiên cứu, dọc theo đảo Quan Lạn là những cồn
cát cao ngăn những bãi cát trắng phau với những cánh ruộng và đồi núi bên
trong. Một số quả núi ăn lan ra biển, ngắt đoạn những cồn cát, tạo thành
những bãi tắm tuyệt đẹp, như bãi tắm Quan Lạn, bãi tắm Sơn Hào và bãi tắm
Minh Châu. Bên trong những cồn cát cao, nay phủ đầy phi lao và các loại cây
khác, được giữ làm rừng phòng hộ, có những gò đất pha cát xám nâu. Một số,
hiện là nơi cư trú hoặc được sử dụng làm đất nghĩa trang.
Ngoài thung lũng Sơn Hào và những cánh ruộng thấp xen giữa các cồn
cát, núi đá, đồi đất, phần lớn diện tích đồi núi, gò cát ở đây là rừng tạp tự
nhiên, một phần là rừng trồng cây công nghiệp, chủ yếu là cây keo và cây
thông. Trước đây, rừng có nhiều loại cây gỗ quý, nhưng nay ở khu vực Sơn
Hào rất ít thấy. Rừng tự nhiên ở đây có nhiều loại cây làm thuốc và gia vị có
giá trị, vẫn được dân địa phương thu hoạch, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tại
16
chỗ. Hải sản ở khu vực này, cũng như trong toàn huyện Vân Đồn nói chung
rất đa dạng và có nhiều loài quý, có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là sá sùng.
Một trong những bãi khai thác sá sùng lớn của Quan Lạn là khu vực Cống Cái
- Cái Làng.
1.2. Lịch sử hình thành thương cảng Vân Đồn và vị trí địa - lịch sử
qua sử liệu
Ngày xưa, việc đi lại với phương Bắc theo con đường thủy ven vịnh Bắc
Bộ. Thiên nhiên đã bố trí một loạt đảo chạy suốt ven biển tạo bức bình phong
kín đáo, ngăn dòng nước ở giữa khiến việc đi lại yên bình như trên đường
sông. Theo “Lĩnh Nam ngoại đáp” đời Tống ghi rõ: từ Khâm Châu thuyền đi
hướng Tây-Nam, một ngày đến châu Vĩnh An, theo trại Đại Bàn thuộc Ngọc
Sơn, tới Vĩnh Thái, Vạn Xuân liền tới Thăng Long, thuyền đi mất 5 ngày” [60,
tr.121]. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư” viết: năm 1006, “Duyên biên an phủ
sứ Thiệu Việp từng dâng vua Tống bản đồ đường thủy, bộ từ Ung Châu đến
Giao Châu với ý đồ muốn lấy nước ta”[29; tr.168]. Chứng tỏ con đường này
đã được người Tống nghiên cứu rất kỹ.
Đường đi thuận lợi không những dùng cho quân đội mà còn là con
đường buôn bán giữa nước ta với phương Bắc. Trong suốt những năm chống
Hán hóa, thuyền buôn các nước vẫn buôn bán với Việt Nam. Đến năm 792,
thuyền buôn qua lại nhiều đến nỗi, bọn quan lại nhà Đường cho rằng sự phồn
vinh của Đại Việt có hại cho nền ngoại thương ở Quảng Châu nên họ yêu cầu
vua Đức Tông ra lệnh cấm không cho tàu buôn các nước qua lại với Đại Việt
[5, tr.20]. Năm 1009, vua Lê Ngọa Triều đã cầu thông thương với Ung Châu
nhưng vua Tống chỉ cho “thông thương với Liêm Châu và trấn Như Hồng
thôi” [29, tr.169].
17
Qua kết quả khai quật 3 ngôi mộ tại khu mộ Đá Bạc (xã Minh Châu) cho
thấy người chết cùng gia quyến là người có quan chức cao. Niên đại thế kỷ II-
III với số lượng di vật phong phú và đa dạng đã cho thấy tầm quan trọng về
mặt kinh tế vùng hải đảo, có thể là vào thời Hán, người Trung Quốc đã thiết
lập một trị sở quản lý ở đâu đó xung quanh đảo Trà Bản hoặc Quan Lạn [60,
tr.120]. Với những tư liệu khảo cổ học được phát hiện tại di tích Đồng Chổi
và các ngôi mộ Hán tại Đá Bạc (xã Minh Châu), đảo Thẻ Vàng (xã Thắng
Lợi) cho phép ta tin rằng, khu vực Vân Đồn vào khoảng 2000 năm trước đã
có thể là trọng điểm kinh tế và nằm trên trục đường biển quốc tế.
Tên gọi Vân Đồn xuất hiện lần đầu tiên trong chính sử nước ta vào năm
1149 đời vua Lý Anh Tông, “lúc này thuyền buôn nước ngoài đến xin đỗ một
chỗ để buôn bán, vua cho ở, lập các trang trại ở cạnh bờ biển nên mới gọi là
trang Vân Đồn, thuộc đạo Hải Đông, để buôn bán với ba nước ở phía Nam
nước ta là Trảo Oa, Lộ Lạc, Xiêm La” [29, tr.302].
Từ đơn vị “trang” thời Lý, sau hai thế kỷ tồn tại, Vân Đồn phát triển
mạnh mẽ trở thành thương cảng lớn và quan trọng của Đại việt. Chính sử
nhiều lần chép về việc thuyền buôn từ nhiều nước trong khu vực đến Vân
Đồn xin buôn bán cư trú. Bời vậy, vào năm 1349, đời Trần Dụ Tông, Vân
Đồn đã được nâng lên thành “trấn” thuộc lộ Hải Đông, và cử quan lại, quân
đội đến đây để quản lý đời sống của cư dân và khách thương.
Thời thuộc Minh, Vân Đồn được đặt làm một huyện thuộc châu Tĩnh
An. Vào thời Lê sơ, Vân Đồn được lập làm châu thuộc phủ Hải Đông, đạo An
Bang. Sang thời Lê Trung Hưng và Nguyễn, Vân Đồn là một châu thuộc phủ
Hải Đông, trấn Yên Quảng. Ngày nay, Vân Đồn là một huyện của tỉnh Quảng
Ninh.
18
Về vị trí của trang Vân Đồn, đến ngày nay vẫn là một câu hỏi lớn vì các
ghi chép trong sử sách không rõ ràng khiến các nhà nghiên cứu vẫn còn nhiều
ý kiến trái ngược nhau. Tuy nhiên, có thể xác định, thương cảng Vân Đồn
được lập trên một hòn đảo trong vùng vịnh Bái Tử Long kín đáo.
Sách “Đại Việt địa dư toàn biên” của Phương Đình Nguyễn Văn Siêu
chép: “Núi Vân Đồn ở phía đông bắc phủ Giao Châu, huyện Vân Đồn, ở
trong biển lớn. Hai núi đối nhau, một dòng nước chảy qua giữa, thuyền buôn
của các phiên quốc phần nhiều họp ở đấy” [78, tr.112]. Như vậy, sách này chỉ
rõ địa điểm núi Vân, sông Mang. Điều này hoàn toàn phù hợp với địa danh
hiện nay tại đảo Quan Lạn.
Ngoài ra có một số sách ghi chép về cửa biển Vân Đồn. Sách “Đại Nam
nhất thống chí” ghi: “ở phía đông của huyện bên ngoài có đảo Mai, cũng gọi
là cửa biển Mai”. Có thể là chỉ cửa Gót, cũng có thể là cửa vào giữa núi Gót
với đảo Phượng Hoàng, cũng có thể là chỉ cửa giữa đảo Phượng Hoàng và
Ngọc Vừng ngày nay. Sách “Đồng Khánh dư địa chí” ghi: “Đảo Vân Đồn ở
giữa biển, ngoài cửa biển Vân Đồn”, “cửa biển Vân Đồn ở địa phận xã Quan
Lạn, phía ngoài có đảo Mai, còn gọi là cửa biển Mai, bên phải có đảo Ngọc
Vừng, bên trái có đảo Cảnh Cước, phía trong có đảo Phượng Hoàng, phía
đông đảo là sông Trạo Lai, thủy triều ở cửa biển sâu 1 trượng 8 thước, mực
nước ban đêm sâu 1 trượng, rộng 140 trượng” [dẫn theo 5, tr.22].
Nhiều tài liệu xưa có ghi chép chung chung, như trong “An Nam chí
nguyên” của Cao Trùng Hưng chép: “Vân Đồn, tức Đồn Sơn, ở huyện Vân
Đồn, trong biển, hai dãy núi đối ngọn nhau, một dải nước chảy thông ở giữa,
lập các hành rào chắn bằng gỗ đặt làm cửa biển, nhà dân ở dọc hai bên bờ.
Thời Lý-Trần thuyền buôn các nước thường tụ tập nhiều ở đó” [87]. Theo Đỗ
Văn Ninh thì hai ngọn núi ở đây là núi của đảo Trà Bản và núi đảo Quan Lạn
19
(xã Quan Lạn), dải nước chảy thông ở giữa là sông Mang. Tuy nhiên, Trịnh
Cao Tưởng lại cho rằng hai ngọn núi là chỉ “đảo cống Đông và cống Tây (xã
Thắng Lợi) cách nhau khoảng 200m thì mới có thể lập rào chắn” [93, tr.66].
Ngoài ra, trong các đợt khảo sát, nghiên cứu tại một số địa điểm có liên
quan đến hệ thống thương cảng Vân Đồn ở thị xã Quảng Yên, huyện Hoành
Bồ, thành phố Móng Cái đã phát hiện một số bến bãi có dấu tích như đồ gốm
sứ, sành, lò nung gốm, dấu vết kiến trúc, thành lũy…có thể các địa điểm này
là điểm tập kết, trạm trung chuyển hàng hóa từ đất liền ra cảng và từ bên
ngoài vào Đại Việt [63, 64, 93].
1.3. Các cuộc khảo sát và khai quật tại di tích bến Cống Cái
Trong thời gian từ năm 2012 đến 2019, tại di tích bến Cống Cái đã tiến
hành 8 cuộc khảo sát và 1 cuộc khai quật. Các đợt khảo sát năm 2012, 2013,
2014, 2015, 2016, 2017, 2018, 2019 đều được thực hiện bởi chương trình
Khảo cổ học Hàng hải Việt Nam (VMAP) phối hợp với Viện Khảo cổ học và
ngành Văn hóa tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, năm 2015, nhóm nghiên cứu tiến
hành khoan mẫu ở vụng Cống Cái, nhưng đến nay chưa có kết quả. Đợt khai
quật tháng 8 năm 2016 được thực hiện bởi Viện Khảo cổ học và BQL các
công trình trọng điểm tỉnh Quảng Ninh.
1.3.1. Khảo sát năm 2012-2013
Năm 2012 là năm đầu tiên nhóm nghiên cứu quốc tế tiến hành khảo sát
chiến trận của Trần Khánh Dư và thương cảng Vân Đồn. Chương trình này
được tiếp tục vào năm 2013. Phương pháp chính sử dụng là dùng máy quyét
cạnh sóng âm (slide scan sonar) để khảo sát dọc theo sông Mang. Năm 2012,
nhóm chuyên gia đã khảo sát được khu vực dài khoảng 25km trên sông Mang,
phát hiện khoảng 55 điểm chướng ngại vật. Có thể 5-6 điểm trong số này là
tàu đắm cổ. Năm 2013, tiếp tục khảo sát từ Cửa Đối đến gần Hòn Dài. Khu
20
vực khảo sát dài khoảng 13km, rộng 0,5-1,5km. Tại các điểm nghi vấn tiến
hành kiểm tra bằng phương pháp lặn sử dụng bình khí nén, tuy nhiên chưa
phát hiện dấu tích tàu đắm ở đây.
Một nhóm khác, tiến hành khoan lấy mẫu phân tích bào tử phấn hoa ở
thôn Thái Hòa, xã Quan Lạn (Pl 2-h1,2) nhằm nghiên cứu môi trường cổ. Kết
quả phân tích cho thấy sự phản ảnh của hệ sinh thái môi trường đối với sự
dịch chuyển xã hội do chiến tranh hoặc bất ổn và biến đổi khí hậu. Một
nghiên cứu đa bào, bao gồm phấn hoa, mẫu than, mẫu thực vật, cho thấy thảm
thực vật bản địa rất phong phú và ở mức độ thấp, nông nghiệp lúa nước và sự
đốt cháy trong thời gian gió mùa tăng từ năm 1150 TCN đến 950 SCN. Các di
vật đồ gốm, công cụ bằng đá và các mảnh công cụ nhỏ được phát hiện tại di
tích Đồng Chổi, ở phía bắc của đảo Quan Lạn cho ta biết sự chiếm đóng của
cư dân cổ đã bắt đầu từ 3000 BP. Đến thời Hán, đã có sự trao đổi buôn bán và
ảnh hưởng bởi văn hóa Hán qua việc phát hiện các mộ gạch tại di tích Đá
Bạc. Điều này cho thấy sự hiện diện của nông nghiệp sớm là phù hợp.
Từ năm 950 đến 1450 SCN có sự thay đổi thảm thực vật ở vùng nhiệt
đới khá rõ rệt, đó là phấn hoa của các loài dương xỉ tăng mạnh, họ hòa thảo
giảm đáng kể, điều này cho thấy năng suất nông nghiệp giảm, sự đốt cháy hầu
như không còn bởi sự thiếu vắng của than củi. Thời kỳ này, khí hậu có sự
biến đổi mạnh, giai đoạn đầu là khí hậu khô sau đó tăng độ ẩm, đây là khí hậu
phù hợp với sự phát triển của các loại dương xỉ. Nguồn nước thiếu hụt vào
mùa thu và mùa đông làm cho nông nghiệp không thể canh tác 2 vụ/năm. Một
sự thay đổi khác là khí hậu khô cằn hơn, với những năm hạn hán kéo dài.
Không có nguồn nước ngọt, sản xuất lúa gạo đã giảm hoặc được thay thế
bằng thương mại. Mà minh chứng rõ nét nhất đó là sự ra đời của thương cảng
Vân Đồn vào thế kỷ XII, phát triển rực rỡ đến thế kỷ XVI.
21
Từ sau năm 1450, thương cảng đã dần mất vai trò chủ chốt của mình
trong nền kinh tế thương mại, thể hiện rõ qua số lượng hàng hóa đã giảm rõ
rệt từ thế kỷ 16. Trong thời gian này, khí hậu trở nên ẩm ướt hơn và lượng
mưa tăng hơn giai đoạn trước. Nghề nông nghiệp được phát triển mạnh hơn,
phản ánh qua số lượng phấn hoa, sự đốt cháy và dân số ngày càng tăng. Sự
suy giảm của thương cảng Vân Đồn tỷ lệ nghịch với sự phát triển của ngành
nông nghiệp và dân số đã gợi ý về sự trở lại của nền kinh tế tự cung tự cấp ở
vùng ven biển [97, tr.6-9]. Ngoài ra, quỹ đất dành cho nông nghiệp ở khu vực
đảo Quan Lạn là khá hạn chế nên cư dân đồng thời phải tham gia vào các hoạt
động kinh tế khác như ngoại thương, ngư nghiệp… để đảm bảo đời sống của
họ.
1.3.2. Khảo sát năm 2014
Tháng 5 năm 2014, trong quá trình làm đường để xây dựng lò đốt rác
thải ở khu vực Cống Cái đã làm phát lộ một số lớn di vật. Sau khi nhận được
thông tin từ nhân dân, BQL các di tích trọng điểm Quảng Ninh (CDTTĐ) đã
phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức khảo sát nhanh tại khu vực này. Cuộc
khảo sát đã phát hiện nhiều mảnh sành sứ và gốm men, đặc biệt là các mảnh
sành và gốm có đặc điểm thời Trần.
Tháng 7 năm 2014, Viện Khảo cổ học phối hợp với BQL CDTTĐ tỉnh
Quảng Ninh và các chuyên gia khảo cổ học dưới nước quốc tế tiến hành khảo
sát trong khu vực này và thu thập nhiều di vật xuất lộ dọc theo con đường dẫn
ra Cống Cái của thôn Sơn Hào và rất nhiều mảnh sành, sứ, đất nung ven bờ
vụng. Các di vật xuất lộ bao gồm trang trí đất nung, mảnh sứ, sành, mảnh
gạch và ngói. Nghiên cứu mặt cắt ở vách phía tây của con đường trong khu
vực này, ký hiệu 14SH3, 14SH4, đoàn đã xác định được dấu tích tầng văn hóa
dày 30-40cm, hiện vật chủ yếu là đồ gốm men Việt Nam và đồ sành. Phần lớn
22
các di vật xuất lộ có thể xác định niên đại vào thời Trần, và các di vật thuộc
thời kỳ sớm hơn và muộn hơn [31, tr.15] (Pl 22, h3-4; pl 28).
Ngoài việc khảo sát trên bề mặt, một số hố kiểm tra được thực hiện. Trên
bờ vụng, trong phạm vi 1m2
, ký hiệu 14CC.TS1, đã thu được 121 mảnh gồm
đồ gốm, sành, trong đó có 34 hiện vật thời Trần và 97 hiện vật thời Lê sơ.
Ngoài ra, mở 02 hố kiểm tra ở mép nước khi thủy triều xuống, khi thủy triều
lên bị ngập nước hoàn toàn. Mỗi hố có diện tích 1m2
, ký hiệu 14CC.TS2,
14CC.TS3, sử dụng phương pháp lặn bình khí nén để tiến hành khai quật. Các
hố thăm dò này dừng lại ở độ sâu chừng 30-40cm so với bề mặt vụng. Hiện
vật thu được 20 mảnh đồ gốm men, sành mịn của loại hình bát, lon, bình/vò.
Số lượng không nhiều như khu vực dọc bờ Cống Cái [31, tr.14-15, 23] (Pl 1;
pl 10; pl22,h5-6).
1.3.3. Khảo sát và khai quật năm 2016-2017
Sau việc phát hiện di tích năm 2014, di tích bến Cống Cái được đánh giá
có vai trò quan trọng trong hệ thống thương cảng Vân Đồn, đặc biệt là trận
thủy chiến của Trần Khánh Dư năm 1288. Nhằm tìm hiểu tính chất, đặc điểm
và phạm vi phân bố của di tích và lịch sử khai thác vùng, tháng 2-3/2016,
tháng 4/2017, Viện Khảo cổ học đã phối hợp với BQL CDTTĐ và các chuyên
gia quốc tế tiến hành khảo sát và thăm dò trên diện rộng toàn bộ khu vực. Kết
quả đã phát lộ nhiều dấu tích liên quan đến bến cảng, dấu tích kiến trúc, giếng
nước và các di tích thuộc giai đoạn tiền sử. Đặc biệt là số lượng rất lớn hiện
vật thuộc nhiều loại chất liệu và nguồn gốc. Cùng trong năm đó, cuối tháng 8
đầu tháng 9, Viện Khảo cổ học đã tiến hành khai quật di tích này.
Đầu năm 2016, đoàn nghiên cứu tiến hành kiểm tra 6 hố thăm dò trong
khu vực thung lũng Sơn Hào, kí hiệu 16SH.TS1-TS6, tổng diện tích 14m2
nhằm chuẩn bị cho việc khai quật. Kết quả đã xác định được lớp văn hóa chứa
23
nhiều di vật sành và gốm men thời Trần cùng với một số ít hiện vật Trung
Quốc cùng thời. Đặc biệt phát hiện được một số hố chôn cột nhưng chưa rõ
quy mô của nó. Tại khu vực bến cảng, gần Giếng Đình phát hiện được khúc
gỗ thân tàu được sử dụng để lót đường vào Giếng, khúc gỗ này nằm đè lên
đồng tiền “Nguyên Hựu Thông Bảo” và 6 khối đá lớn được xác định dùng neo
thuyền. Ngoài ra, ở gần đền Vân Sơn phát hiện một số mảnh gốm thô, niên
đại có thể thế kỷ I-II. Do vậy, “bến Cống Cái - làng cổ Sơn Hào được đánh
giá là khu vực lý tưởng cho việc nghiên cứu một làng cổ liên hệ chặt chẽ với
lịch sử hình thành và phát triển của thương cảng cổ Vân Đồn” [49, tr.1]. Các
dấu tích khảo cổ học mới phát hiện còn cho thấy lịch sử chiếm cư ở khu vực
này có thể còn bắt đầu từ thời xa xưa hơn (Pl 14; Pl 16; Pl 22, h7-8; Pl 29-
30).
Trên cơ sở này, tháng 8-9 năm 2016, Viện Khảo cổ học đã tiến hành đào
5 hố khai quật và 2 hố thăm dò, tổng diện tích 71m2
. Các hố khai quật có ký
hiệu 16SH.H1, H2, H3, H4, H5 và 2 hố thăm dò, ký hiệu 16SH.TS7, TS8. Tại
khu vực bến bãi mở hố H1 (phía tây Giếng Đình), H2 (trên bờ vụng), H3 (trên
cấp nền 1 phía tây nam sườn Đồi Đình), TS7 (ven bờ vụng), khu vực thung
lũng Sơn Hào mở hố H4 (trên sườn đồi phía tây đường vào lò đốt rác), H5
(trên sườn đồi phía đông đường vào lò đốt rác), TS8 (trên sườn đồi) (Pl 12,
13, 15, 27-29, 32-35, 38-41). Do tác động của các cơn bão, hố 16SH.H3 phải
dừng lại và được tiếp tục nghiên cứu vào tháng 4/2017. Trong đợt này, có 3
hố thăm dò 17SH.TS1-TS3 được tiếp tục mở trong khu vực xuất lộ nền móng
kiến trúc ở hố 16SH.H3. Hai hố 17SH.TS4-TS5 được mở trên cấp nền 2 ở
phía tây nam sườn Đồi Đình. Tổng diện tích là 45m2
(Pl 25, 26, 36, 37).
Kết quả cho thấy, tầng văn hóa dày 30-70cm , tùy vào từng khu vực. Đã
phát hiện lớp văn hóa chứa dấu tích thời Lê bao trùm lên các hoạt động vào
24
thời Trần trong các hố H1, H3, H5. Tại hố H4 chỉ có mặt lớp văn hóa thời
Trần. Xuất lộ các dấu tích kiến trúc thời Trần, Lê Trung Hưng.
Hiện vật thu được qua ba cuộc khai quật và thăm dò năm 2016-2017 có
số lượng lớn, hơn 28.800 hiện vật với nhiều chất liệu như: gốm men Việt
Nam và Trung Quốc, gốm có áo, đồ sành mịn, đồ đất nung, đồ kim loại [57,
tr.655-656] (Pl 2-4).
1.3.4. Khảo sát năm 2018
Năm 2019, Viện Khảo cổ học phối hợp với SVHTT tỉnh Quảng Ninh và
nhóm chuyên gia quốc tế tiến hành khảo sát khu thương cảng Vân Đồn tại xã
Quan Lạn và Minh Châu.Từ kết quả nghiên cứu của các năm trước đã phát
hiện những di tích khảo cổ học quan trọng như bãi gốm sành ở ven vịnh,
giếng nước, đá neo thuyền….. Tuy nhiên di tích này đã bị ảnh hưởng nghiêm
trọng bởi hoạt động ủi đường và đốt rừng xảy ra vào khoảng cuối năm 2017.
Thậm trí những di tích quan trong như giếng Đình đã biến mất, các khối đá
được xác định là đá neo thuyền bị dịch chuyển khỏi vị trí nguyên gốc, bến
nước nơi phủ đày mảnh gốm cổ bị xáo trộn nghiêm trọng. Các dấu tích kiến
trúc phía tây nam, dưới chân đồi Đình đã bị xe ủi đường chạy qua làm biến
dạng [37, tr.831; 55] (Pl 30, h1-2).
1.3.5. Khảo sát năm 2019
Năm 2019, Viện Khảo cổ học phối hợp với SVHTT tỉnh Quảng Ninh và
nhóm chuyên gia quốc tế tiến hành ứng dụng các phương pháp khảo sát
không tác động bằng máy dò GPR, để đánh giá đặc điểm và sự phân bố của
các dấu tích khảo cổ học, phục vụ cho việc lựa chọn điểm khai quật và xây
dựng bản đồ di sản văn hóa tại khu vực Sơn Hào. Có 7 ô lưới (Grid) đã được
thiết lập, đều nằm trên khu gò cao của di tích, trong đó Grid 1-5 nằm về phía
đông lối vào lò đốt rác, Grid 6,7 nằm ở phía tây lối vào lò đốt rác (Pl 17).
25
Ở Grid 1-2, ngay trên bề mặt là các hiện tượng nằm tập trung, mật độ
dày đặc, có thể là hiện vật hoặc đá. Ở góc tây bắc của Grid 1, mở hố kiểm tra
19SH1, diện tích 1m2
. Tại hố kiểm tra này, ở độ sâu -40cm, đã xuất lộ lớp đất
sinh thổ, là sét vàng lẫn sỏi. Tầng văn hóa chỉ dày 40cm, trong tầng văn hóa
phát hiện lác đác các mảnh sành, gốm men nhỏ.
Ở Grid 4, trên bề mặt xuất lộ các hiện tượng nằm tập trung, có thể là
hiện vật. Ở góc tây bắc của Grid 4, mở hố kiểm tra 19SH2, diện tích 1m2
.
Trong hố kiểm tra này, từ độ sâu -10cm, xuất lộ lớp sành, gốm men ken dày
đặc với lớp đá cuội [56; 81].
1.4. Tiểu kết chương 1
Các thư tịch cổ trong và ngoài nước phần nào cho chúng ta thấy những
thông tin cơ bản về thương cảng Vân Đồn.Tuy nhiên, các ghi chép rất giản
lược và mơ hồ nên không tránh khỏi những các hiểu khác nhau của người đọc
nên có rất nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ.
Khu vực vụng Sơn Hào - bến Cống Cái có nhiều điều kiện tự nhiên
thuận lợi cho sự hình thành và phát triển thương cảng. Đây cũng là vùng đất
có diễn trình lịch sử phát triển lâu dài, liên tục từ hậu kỳ đồ đá mới cho đến
ngày nay. Trong quá trình phát triển của mình, bến Cống Cái một trong những
trung tâm trao đổi buôn bán giao thương, giao lưu văn hóa, có mối quan hệ
với nhiều vùng, khu vực trong và ngoài nước.
Tại di tích bến Cống Cái, qua 8 năm với 8 cuộc khảo sát và 1 cuộc khai
quật đã xác định được một phần quy mô, tầng văn hóa, đặc trưng di vật và
mối quan hệ của bến Cống Cái với thương cảng Vân Đồn. Tại đây đã xuất lộ
nhiều di tích quan trọng, là minh chứng cho vai trò bến cảng của di tích này.
Gồm có những vết tích của móng, cấp nền, bến bãi, giếng, đá neo thuyền, hố
chân cột. Tuy nhiên, vì diện tích khai quật còn hạn chế nên chưa thể phục
26
dựng lại kiến trúc của bến cảng xưa. Số lượng di vật thu được khá phong phú
bao gồm gốm men, gốm có áo, sành mịn, đồ đất nung, đồ kim loại, đồ đá.
Năm 1149, thương cảng Vân Đồn được chính thức thành lập, từ đó đến
giai đoạn suy tàn vào thế kỷ XVI, thương cảng Vân Đồn đã phát triển mạnh
mẻ, “đóng vai trò quan trọng nhất trong hoạt động ngoại thương của Đại
Việt” [5, tr.67]. Quỹ đất hạn chế, thêm vào đó là khí hậu khô nóng trong giai
đoạn phát triển của thương cảng Vân Đồn, không phù hợp với nông nghiệp.
Nên có thể phần lớn dân cư chuyển sang tham gia vào các hoạt động thương
nghiệp.
27
CHƯƠNG 2
DI TÍCH BẾN CỐNG CÁI QUA TƯ LIỆU KHẢO CỔ HỌC
2.1. Đặc trưng di tích
2.1.1. Bến cảng
2.1.1.1. Bến bãi
Bến để neo đậu nằm ở phía tây nam, dưới chân Đồi Đình, bề mặt khá
rộng, khoảng 10-15m, bằng phẳng. Trên bề mặt có nhiều đá và cát nhưng kích
thước không lớn lắm. Xung quanh có 2 ngọn núi bao bọc, kín gió nên an toàn
khi neo đậu. Hiện nay, chúng ta có thể thấy bến dài khoảng 100m, từ cống
thoát nước về phía tây, là nơi tích tụ nhiều hiện vật gốm men và sành. Mật độ
hiện vật đậm đặc ở khoảng giữa vụng, từ giếng Đình đến sát cửa sông vào
Bến. Bến có hai khu vực khác nhau về vị trí và mật độ hiện vật xuất lộ. Khu
vực tập trung nhiều hiện vật là từ giếng Đình đến sát cửa sông vào Bến (khu
vực 1). Và khu vực cửa vụng, nơi ngã ba mở vào Cống Cái, ít hiện vật hơn
(khu vực 2). Giữa hai khu vực này có thời gian sử dụng, hiện vật và niên đại
khác nhau.
Ba hố khai quật và thăm dò đã được thực hiện ở bờ vụng. Hai hố thăm
dò trong phạm vi 1m2
và hố khai quật 16SH.H2 có diện tích 3m2
, được mở sát
mép nước. Ở khu vực 1, đã mở hố 14CC.TS1, dưới chân giếng Đình, sưu tập
hiện vật ngay trên bề mặt, tổng số 121 hiện vật, trong đó 41 mảnh thời Trần
(chiếm 34%), 80 mảnh thời Lê (chiếm 66%) [31, tr.23]. Hố khai quật
16SH.H2 có tầng văn hóa dày 25cm. Ở khu vực 2, ở cửa sông vào bến Cống
Cái, mở hố thăm dò 16SH.TS7, tầng văn hóa dày 10cm. Sử dụng các hiện vật
ở LM để so sánh niên đại với hiện vật hố 14CC.TS1, tổng số 88 mảnh, trong
đó 83 mảnh thế kỷ XIII-XIV, chiếm 94%, 5 mảnh thế kỷ XV-XVI, chiếm 6%
28
[49, tr.118]. Như vậy, khu vực 2 được sử dụng trong thời gian ngắn, vào thế
kỷ XIII-XIV. Khu vực 1 có thời gian sử dụng dài hơn, vào thế kỷ XV-XVIII.
2.1.1.2. Giếng nước
Giếng Đình (còn có tên Giếng Rùa Vàng hoặc Giếng Tiền) nằm ở giữa
và ngay sát chân sườn Đồi Đình. Giếng có hình tròn, kè bằng đá, đường kính
2,8m, lòng giếng rộng 2m, sâu 1m, luôn luôn có nước ngọt. Ở phía đông của
giếng có đường bậc, được kê bằng đá. Trên lối vào này, năm 2016 đã phát
hiện được 1 đồng tiền thời Tống “Nguyên Hựu thông bảo”, nằm bên dưới
đoạn ván thuyền. Có thể đồng tiền và ván thuyền có liên quan đến thời gian
hình thành và sử dụng của giếng Đình. Thêm vào đó là các dấu tích kiến trúc
phát hiện ở hố 16SH.H1 cho thấy vào các thời Trần- Lê Trung hưng đã có sự
san lấp mặt bằng xung quanh Giếng để sử dụng.
Thuyền buôn tới đây, ngoài việc trao đổi hàng hóa, nghỉ chân còn phải
cần tiếp tế nước ngọt. Giếng Đình có thể là một trong những nguồn tiếp tế
nước ngọt quan trọng cho thuyền đi biển. Hiện nay, giếng này đã bị lấp do
quá trình khai thác gỗ (Pl 22-h7,8; Pl 30-h1,2).
Ngoài ra, ở phía bắc của Đồi Đình đã phát hiện một lạch nước, một
tường đá xếp để thu nước vào giếng cạn và một khối đá lớn có thể dùng để
neo thuyền. Xung quanh khu vực này xuất lộ khá nhiều mảnh sành. Hiện nay,
ngư dân vẫn dừng thuyền lấy nước ngọt ở đây
2.1.1.3. Đá neo thuyền
Tổng số 7 viên đá neo thuyền được phát hiện, tập trung ở khu vực 1,
trong đó có 1 khối đá ở khu vực phía bắc Đồi Đình (phía nam bến Con Quy).
Ở trong khu vực có khá nhiều viên đá nhỏ, nổi bật trên đó là các khối đá lớn,
có hình trụ hoặc chữ nhật, nằm dọc theo bến, sát mép nước, có thể chúng
29
được được dùng để neo đậu tàu/thuyền. Kích thước bề mặt chủ yếu 60-
120cm, cao 50-100cm (Pl 15-16; Pl 30-h3).
2.1.2. Đặc điểm tầng văn hóa
Ở khu vực bến Cống Cái, tầng văn hóa dày nhất trong khoảng từ 50-
70cm, xuất lộ trong các hố 16SH.H1, H3, 17SH.TS1,2,3. Ở đây đã phát hiện
được lớp văn hóa thời Lê sơ và Lê Trung Hưng bao trùm lên các dấu tích hoạt
động vào thời Trần. Lớp văn hóa thời Lê Trung Hưng chủ yếu là các dấu tích
kiến trúc. Sự xuất lộ của nhiều mẩu than và số lượng khá lớn di vật có mặt
trong khu vực phía đông hố 16SH.H3, cùng với sự có mặt của các di vật thời
Trần và sứ celadon Trung Quốc ở những lớp sâu nhất trong địa tầng các hố
thăm dò cho thấy có mặt khu vực sinh hoạt thời Trần ở đây. Sinh thổ ở khu
vực này là lớp đất đất đồi thuộc loại sét cát loang lổ màu xám xanh và xám
vàng, đôi chỗ là đá gốc nhiều cỡ (Pl 35).
Ở khu vực thung lũng Sơn Hào, tầng văn hóa dày 50-70cm ở hố
16SH.TS1, H5. Ngoài lớp xáo trộn bởi hoạt động của cư dân thời hiện đại, đã
phát hiện các lớp văn hóa chứa dấu tích hoạt động vào thời Lê bao trùm lên
các dấu tích hoạt động vào thời Trần. Tuy nhiên dấu tích lớp văn hóa thời Lê
Trung Hưng không rõ như ở khu vực bến bãi, nhưng lớp văn hóa thời Trần
với các dấu tích ở đây lại rất rõ. Có khả năng có dấu tích hoạt động vào thời
Lý ở những lớp đào sâu nhất của hố H5, căn cứ vào sự có mặt của gốm men
Trung Quốc (Pl 40). Phía tây lối vào lò đốt rác, tầng văn hóa chỉ dày khoảng
30-50cm ở hố 16SH.TS2,3,4,8 và hố 16SH.H4. Ở khu vực này, hầu như chỉ
thấy sự có mặt của lớp văn hóa thời Trần. Sinh thổ ở khu vực thung lũng Sơn
Hào là lớp đất sét đồi màu vàng lẫn các hạt sạn laterite màu đỏ, riêng ở phía
tây có đá gốc nhiều kích cỡ.
30
Trong hố H2 và TS7, tính chất của địa tầng không rõ ràng do ảnh hưởng
bởi thủy triều. Tuy nhiên, có thể nhận thấy sự tập trung khá thuần của hiện vật
thời Trần trong hố TS7.
Đặc biệt, ở hai hố 16SH.H3, H5, trong lớp văn hóa thời Trần chứa số
lượng lớn mảnh hiện vật với nhiều hiện vật vỡ lớn. Đặc biệt trong hố H5, phát
hiện tập trung số lượng lớn các mẩu di vật kim loại, loại hình này lác đác ở hố
H3.
2.1.3. Dấu tích kiến trúc
2.1.3.1. Dấu tích kiến trúc ở khu vực bến Cống Cái
Theo các tài liệu cổ và lời kể của người dân địa phương, thì ở Đồi Đình
có 9 cấp nền, nhưng vì cây cối rậm rạp nên hiện tại mới chỉ xác định được vị
trí và quy mô của hai cấp nền dưới cùng ở góc tây nam, gọi là cấp nền I và II.
Cấp nền I có dạng gần hình chữ nhật, chiều đông - tây 19m, bắc - nam 22m,
xuất lộ dấu tích kiến trúc bằng đá. Cấp nền II nằm về phía đông bắc cấp nền I,
ở giữa hai cấp nền có một khe nước ngọt được xếp bằng đá. Cấp nền II cũng
có dáng gần hình chữ nhật, nhưng ở giữa rộng, thu hẹp về hai bên, có chiều
dài 25m theo hướng tây bắc - đông nam, rộng 7 - 11m theo hướng đông bắc-
tây nam.
- Nền kiến trúc có móng kè đá xuất lộ ở khu vực cấp nền I
Từ kết quả khai quật và thăm dò năm 2016-2017, đã phát hiện móng
kiến trúc rộng 1,4-1,5m, được xây dựng bằng việc xếp các khối đá nhiều cỡ
thành hàng song song, chèn giữa và trên mặt bằng các loại đá nhiều cỡ và vô
số mảnh sành, gốm vỡ xuất lộ trong hố 16SH.H3, 17SH.TS1-TS3. Các viên
đá có kích thước và hình dạng không đều. Chúng được chèn thêm bằng các
mẩu đá nhỏ và các mảnh sành vụn. Móng đá có hướng bắc lệch đông 150
. Nền
được nện bằng sét đồi lẫn các hạt laterit và số ít các mẩu gốm, sành, đá vụn.
31
Mặc dù mới chỉ bộc lộ được phần đường móng phía tây và tây nam, nền kiến
trúc này được xác định trong phạm vi diện tích khoảng 5m (bắc-nam) x 9m
(đông - tây). Bên trong nền kiến trúc, có mặt một số khu vực được chèn nhiều
đất đồi lẫn đá vụn và các khối đá kê cột có kích thước không đồng nhất. Mặc
dù chưa bộ lộ đầy đủ và rõ ràng, nhưng “có thể dự đoán các bước gian rộng
khoảng 3m (gian chính) và 2m (gian phụ)” [49; tr. 103]. Về phía đông bắc
kiến trúc, xuất lộ dấu tích các hố cột và hố than tro, có thể liên quan đến các
công trình phụ như bếp lửa, nhà vệ sinh. Tuy nhiên quy mô nhỏ và không có
mặt các dấu tích khác như xương động vật, tàn tích thức ăn. Dự đoán kiến
trúc này được tạo dựng thời Lê Trung Hưng, căn cứ vào các mảnh sành gốm
chèn vào kiến trúc (Pl 27-h5; Pl 36-37;).
Vào thời kỳ sớm hơn (thời Trần), có dấu vết kiến trúc sử dụng cột chôn
trong hố kê và chèn các mẩu đá nhỏ ở đầu phía đông cấp nền 1. Như vậy, cấp
nền I cũng được sử dụng vào thời Trần. Tuy nhiên, do diện tích khai quật còn
hạn chế, đặc điểm kiến trúc chưa được nhận diện rõ.
- Cấp nền II và móng kè đá ven chân phía nam Đồi Đình
Kết quả khảo sát và phát quang cấp nền II ven chân đồi phía tây nam Đồi
Đình cho thấy, những đường kè đá và mảnh sành, gốm đã được tạo dựng, tạo
nên những cấp nền có quy mô rộng hẹp khác nhau. Về phía tây nam, những
khối đá kè lớn ngăn cách cấp nền này với một khe nước lớn chảy từ trên núi
xuống. Một số khối đá bằng phẳng mở xuống khe nước có thể được sắp đặt có
chủ ý. Về phía đông nam, các khối đá nhỏ hơn tạo ra một cấp nền thấp, mở
xuống một khoảng bằng phẳng thấp xuôi dần xuống ven bờ vịnh. Địa tầng hai
hố kiểm tra 17SH.TS4 và 17SH.TS5 cho thấy cấp nền này có thể được san bạt
hai lần và cao hơn bề mặt nguyên thủy khoảng 55cm. Trên đó có thể có kiến
trúc dạng nhà có cột kê trên các khối đá tảng [49; tr.104].
32
- Dấu tích kiến trúc khu vực Giếng Đình
Các lớp đá kè tạo mặt phẳng trong khu vực gần Giếng Đình (hố
16SH.H1) có thể đã được tạo tác để phục vụ cho việc lấy nước và sử dụng
quanh khu vực Giếng. Các viên đá nhiều cỡ được xếp và chèn thêm các mẩu
đá nhỏ, mảnh sành, gốm để tạo mặt bằng hơi dốc. Các lớp kè phía trên chứa
các hiện vật thời Lê Trung Hưng, Nguyễn đã được tiếp tục và mở rộng, bên
dưới là lớp kè chứa hiện vật thời Trần. Cùng với một mảnh ván gỗ, có thể là
mảnh tàu, và một đồng tiền thời Tống phát hiện trong lớp đá kè đường dẫn lên
Giếng, có thể cho rằng giếng nước này đã được sử dụng chủ yếu từ thời Trần
cho đến gần đây.
Như vậy về cơ bản khu vực hố H1 thể hiện tính chất của các bậc cấp,
được tạo dựng khoảng 3 lần vào những thời kỳ khác nhau. Thời kỳ sớm nhất,
các khối đá được chèn vào lớp đá gốc và được rải lên bề mặt bằng đất lẫn
cuội, đá dăm nhỏ là chính. Căn cứ vào sự xuất lộ của hiện vật, có thể chúng
được tạo dựng vào thời Trần, thế kỷ XIII-XIV. Thời kỳ thứ hai, các bậc cấp
được thay đổi so với giai đoạn trước. Trong thành phần rải nền có nhiều hiện
vật hơn, nhưng đá cuội và đá dăm vẫn chiếm phần lớn. Các di vật xuất lộ cho
thấy các cấp nền này được tạo dựng vào thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII-
XVIII. Thời kỳ thứ 3, các cấp nền mở rộng nhất, trong khoảng 2m, ngoài vật
liệu đá, rất nhiều mảnh sành được sử dụng để tạo nền. Cấp nền này có thể
được tạo vào khoảng thế kỉ XVIII-XIX (Pl 27-h1-3; Pl 32, 33).
2.1.3.2. Dấu tích kiến trúc ở khu vực thung lũng Sơn Hào
- Móng kiến trúc chôn cột
Di tích này xuất lộ trong hố 16SH.H4, ở độ sâu -10cm, bề mặt xuất lộ có
hình gần tròn, được đầm bằng đá nhỏ, các mảnh gốm men, sành vỡ nhỏ. Phần
xuất lộ có đường kính 1,6 – 1,7m theo chiều bắc - nam, chiều đông tây chưa
33
xuất lộ rõ nhưng đo được 1,5m. Giữa móng kiến trúc là một hố đất lẫn cát
màu xám vàng có đường kính khoảng 45 - 50cm, thuần, gần như không có
hiện vật trên bề mặt. Sau khi cắt ¼ diện tích của kiến trúc cho thấy, ở độ sâu
10cm so với bề mặt móng kiến trúc xuất lộ nhiều mảnh sành và gốm sứ khác
nhau, chủ yếu là sành mịn, mảnh gốm men trắng và men ngọc thời Trần.
Xuống đến -20cm so với bề mặt móng kiến trúc, có nhiều đá dăm nhỏ, một số
mảnh đá hộc, mảnh sành và gốm sứ thời Trần, tuy nhiên mật độ hiện vật
không nhiều như lớp trên. Về cơ bản đất màu nâu sẫm, vẫn là lớp vật liệu đầm
bên trên sâu xuống. Từ -20 đến -30cm so với bề mặt móng kiến trúc, đất vẫn
màu nâu sẫm, có lẫn ít cát mịn và dăm đá nhỏ. Hố đất này có thể là hố chôn
cột.Từ tính chất của các di vật cho thấy có thể di tích thuộc thời Trần (Pl 28-
h1-3; Pl 38).
- Hố cột
Ở hố 16SH.TS1 xuất lộ 3 di tích hố cột, đường kính 10-30cm, cách nhau
2m, nằm trong tầng văn hóa thời Trần. Các hố này sâu khoảng 20-30cm, bên
trong chỉ có vài mảnh gốm men, sành có niên đại thời Trần. Đây có thể là dấu
tích của kiến trúc bằng gỗ. Nhưng vì diện tích khai quật nhỏ nên chưa xác
định được tính chất cũng như quy mộ của kiến trúc này (Pl 24-h1).
2.1.4. Di tích hố đất đen
Ở khu vực phía bắc bến Cống Cái có khá nhiều hố đất đen xuất lộ ở hố
17SH.TS2, TS3. Các di tích này không có hình dạng cố định, không có cấu
trúc nhất định. Các hố đất chứa bùn hoặc than tro, đá lổn nhổn. Hoặc bề mặt
có lẫn nhiều sỏi nhỏ lổn nhổn. Có thể chúng là các hố cột hay hố than tro có
liên quan đến di tích kiến trúc móng đá ở khu vực cấp nền 1. Các hố đất đen
này xuất lộ trong lớp văn hóa thời Lê Trung Hưng (Pl 36, 37).
34
Ở khu vực thung lũng Sơn Hào, các dấu tích bếp lửa và hố đất đen chứa
chủ yếu là các mảnh vỏ nhuyễn thể có mặt trong hố 16SH.TS1, 16SH.H5,
xuất lộ ở độ sâu -3-30cm, cho thấy chúng thuộc giai đoạn cư trú thời Lê
Trung Hưng, Nguyễn và thời kỳ gần đây. Đáng chú ý nhất là hố đen
16SH.H5.L6.F4 xuất lộ ở hố H5, ở độ sâu -60cm đến sinh thổ. Hố không có
hình dạng nhất định, rộng theo chiều đông - tây 2,5m, vẫn tiếp tục ăn sâu vào
vách bắc - nam. Đất có màu đen, ẩm ướt, thành phần khá nhiều sét dẻo, càng
xuống dưới tỷ lệ cát càng lớn. Bên trong chứa số lượng lớn hiện vật, 3177
mảnh, chiếm 20% trong tổng số hiện vật thu được ở hố H5, gồm nhiều loại
chất liệu như gốm men Việt Nam, Trung Quốc, gốm có áo, đồ kim loại [49;
Tr. 117]. Đáy hố đen F4 thể hiện không rõ, chỉ là một vùng rộng ăn lõm vào
sinh thổ, có thế dốc xuôi xuống góc tây nam. Có thể thấy các hiện vật được
dồn vào khu vực sườn đồi thấp, tạo nên F4, chứ không phải là một hố đào
nhân tạo. Di tích này được xác định vào thời Trần, thế kỷ XIII-XIV (Pl 39-
h2).
2.2. Đặc trưng di vật
Tổng số 29.174 hiện vật thu được qua các đợt khảo sát và khai quật, gồm
các loại hình đồ sành, đồ gốm men Trung Quốc và Việt Nam, đồ gốm có áo,
đồ đất nung (sành thô/gốm, vật liệu kiến trúc, chì lưới), đồ kim loại (Pl 1-4).
Bảng 2.1: Tổng hợp hiện vật xuất lộ tại bến Cống Cái năm 2014-2017
Gốm
men
VN
Gốm
men
TQ
Gốm
có áo
Sành
mịn
Sành
thô
/gốm
Ghè
tròn
VL
KT
Đồ
kim
loại
Thiên
thạch
Chì
lưới
HV
khác
Tổng %
KS 2014 105 13 0 206 9 0 1 1 335 1,1
KS 2016 1309 149 506 2445 409 2 336 15 3 2 5176 17,7
KQ 2016 3331 1208 3712 11430 2234 59 132 342 8 19 29 22504 77,2
KS 2017 160 23 4 757 148 42 6 16 2 1 0 1159 4
Tổng 4905 1393 4222 14838 2791 103 483 373 10 24 32 29174
100
% 16,8 4,7 14,5 51 9,5 0,35 1,7 1,3 0,04 0,08 0,1 100
35
Biểu đồ 2.1: Số lượng hiện vật xuất lộ tại bến Cống Cái năm 2014-2017
2.2.1. Đồ gốm men
2.2.1.1. Gốm men Việt Nam
- Về đặc điểm phân bố
Tổng số 4905 mảnh gốm men, chiếm 16,8 %, gồm các dòng men khác
nhau có xuất xứ Việt Nam được phát hiện qua các đợt khảo sát và khai quật
năm 2014-2017. Trong đợt kháo sát năm 2014, các hố 14CC.TS1, TS2, TS3
và điểm khảo sát ở trên vách tây đường vào nhà máy rác14SH3, 14SH4 đã
phát hiện được 105 hiện vật (trong đó 2 bát đủ dáng và 103 mảnh vỡ); các hố
thăm dò năm 2016 16SH.TS1-TS6 phát hiện được 1309 hiện vật (gồm 1 đĩa
đủ dáng và 1308 mảnh vỡ); các hố thăm dò năm 2017 17SH.TS1-5 phát hiện
được 160 mảnh); cuộc khai quật năm 2016 phát hiện được 3331 hiện vật
(gồm 23 bát, đĩa đủ dáng và 3308 mảnh), trong đó phân loại chi tiết 3085 hiện
vật (Pl 5).
Nhóm gốm men Việt Nam xuất lộ trong tất cả các hố thăm dò, khai quật,
trong tất cả các lớp đào. Ở mỗi khu vực có số lượng xuất lộ nhiều ít khác
36
nhau. Trong đó tập trung chủ yếu trong hố 16SH.H5, có 2585 mảnh, chiếm
54% trong tổng số hiện vật gốm men thu được qua các năm (Pl 4).
- Về dòng men và loại hình
Biểu đồ 2.2: Tỷ lệ các dòng gốm men Việt Nam trong đợt khai quật
tháng 8 năm 2016
Gồm các dòng gốm men trắng, men ngọc, men nâu, gốm hoa nâu, gốm
hai màu men và gốm hoa lam. Trong đó tuyệt đại đa số là gốm men trắng,
chiếm 82,4% trong tổng số các dòng men gốm (năm 2016). Men trắng thường
có màu trắng ngả xám/ ngả vàng, men bong tróc nhiều, xương thô; còn các
mảnh men trắng ngả xanh, men bám chắc, xương mịn, đanh. Men ngọc có số
lượng không nhiều, thường phủ không đều, nhiều mảnh có hiện tượng đọng
men. Các mảnh men nâu thường phủ dày nhưng bị phai và sủi men. Các mảnh
gốm hoa nâu chỉ phủ men bên ngoài, nền men trắng thường mỏng, rạn, cạo
men vẽ hoa nâu mô típ hoa lá.
Loại hình chủ yếu của nhóm gốm men Việt Nam là bát, đĩa, âu, một số ít
bình/vò, thạp, chậu. Loại hình bát, đĩa, âu/liễn, chậu, bình/vò xuất hiện ở các
dòng men trắng, nâu, ngọc, hai màu men. Riêng loại hình thạp chỉ xuất lộ
trong dòng gốm hoa nâu (Hình 2.1).
37
- Về kỹ thuật tạo dáng
a
b c d
Hình 2.1: Một số loại hình chính của gốm men Việt Nam
a. Bát; b,c. Đĩa, d. Âu (Bv: Bùi Văn Hùng, Nguyễn Thị Thanh Hiếu)
Các mảnh miệng chủ yếu của loại hình bát có miệng loe xiên thẳng, mép
trơn. Loại hình đĩa có miệng loe bẻ, bản miệng rộng. Các mảnh bình/vò/chậu
có miệng loe cong. Loại hình âu có kiểu miệng khum, đáy bằng.
Khác với gốm men Trung Quốc, gốm men Việt Nam có 3 kiểu đáy bằng,
đáy đặc, chân đế vành khăn. Riêng kiểu đáy đặc chỉ xuất hiện ở dòng men
trắng, phần lớn thuộc loại hình bát. Kiểu đáy bằng và chân đế vành khăn xuất
lộ ở phần lớn các dòng men. Kiểu đáy bằng xuất lộ ở loại hình âu/liễn, đĩa,
bình/vò, thạp, chậu. Chân đế vành khăn trên loại hình bát, đĩa là chủ yếu.
Các mảnh chân đế vành khăn có kỹ thuật tạo chân đế khác nhau. Phổ
biến là loại chân đế cắt phẳng, tạo mặt cắt hình chữ nhật, nhóm này thường
được sử dụng trong cả 3 kỹ thuật nung. Nhưng các mảnh chân đế có mặt cắt
hình thang ngược thường dùng trong kỹ thuật nung có bột chống dính và con
kê có mấu. Kiểu chân đế thấp, gần đặc, mép rộng và cắt nham nhở của nhóm
38
men trắng tương đồng với các mảnh phát hiện ở Thung Lấm (Tràng An, Ninh
Bình).
- Về kỹ thuật nung và niên đại
+ Niên đại thời Trần, TK XIII-XIV (Bảng 2.2, Hình 2.2):
Gồm các dòng men trắng, ngọc, nâu, hoa nâu, hai màu men. Có số lượng
và loại hình đa dạng nhất, gồm bát, đĩa, âu/liễn, bình/vò, thạp, chậu. Hầu hết
các mảnh trong nhóm gốm men trắng, trừ nhóm ve lòng chiếm tỉ lệ nhỏ, đều
thuộc thời Trần, thế kỷ XIII-XIV. Các dòng men nâu, hoa nâu, hai màu men
đều mang các đặc điểm men và kĩ thuật tạo tác thời Trần. Các hiện vật sử
dụng kỹ thuật nung đơn chiếc va đa chiếc. Các mảnh đáy đặc nung đơn chiếc
là chủ yếu. Kiểu đáy bằng được nung đơn chiếc đối với các loại hình có kích
thước lớn như âu lớn, thạp, bình/vò. Loại hình âu nhỏ, đĩa nhỏ sử dụng bột
chống dính hoặc con kê có mấu để xếp nung, cá biệt một số nung đơn chiếc.
Chân đế vành khăn sử dụng kỹ thuật chống dính khi nung như dùng bột
chống dính, con kê có mấu và các mảnh nung đơn chiếc (Pl 42-47).
Các hiện vật có vòng tròn chống dính trong lòng, rộng, nông, khá giống
kiểu cạo ve lòng nhưng độ rộng không đều, không quy chuẩn, chân đế mặt cắt
hình chữ nhật, khá cao, chủ yếu trong nhóm gốm men ngọc, có niên đại giữa
TK XIII, giai đoạn này số lượng hiện vật không nhiều. Tuy nhiên nhóm hiện
vật có kỹ thuật nung sử dụng bột chồng dính để lại dấu vết là các vòng tròn
chống dính trong lòng, một số mảnh còn bột chống dính ở vành đế, và chân
đế thấp, vành đế được cắt vát, được phát hiện nhiều ở hố H5, từ L5b – L8.F4
có niên đại cuối thế kỷ XIII – đầu thế kỷ XIV, số lượng khá nhiều 151 mảnh
của dòng men trắng, ngọc, nâu (đợt khai quật tháng 8 năm 2016) (Pl 43, 44;
Pl 45-h1,2; Pl 46-h4). Sang TK XIV, kỹ thuật sử dụng con kê có mấu trở nên
39
phổ biến, con kê có kích thước nhỏ, loại 3-5 mấu, chân đế được cắt gọt cẩn
thận, tạo mặt cắt hình thang (Pl 45-h3).
Các trang trí hoa văn ở bên trong hoặc bên ngoài. Ở nhóm men trắng,
motip hoa văn rất đa dạng, bên trong chủ yếu in nổi, in chìm hoặc dùng que
tạo hoa văn dưới men tạo motip hoa lá, sóng nước, đường gờ…bên ngoài
thường cạo thân dọc tạo cánh hoa cúc nhỏ, hoặc cắt thân tạo cánh sen, kiểu
tạo hoa văn này tương tự kỹ thuật tạo hoa văn của các hiện vật trên dòng men
ngọc nhạt Trung Quốc.
Với nhóm gốm men ngọc, đặc biệt có nhiều mảnh hoa văn cho thấy bị
vỡ ra từ một hiện vật, được trang trí bằng khuôn in trong, có kỹ thuật tương tự
gốm lò Yaozhou [50, tr.681]. Tuy nhiên các mảnh vỡ nhỏ có xương mỏng,
chất lượng không cao, nét in khuôn không sâu, thanh mảnh. Đây có thể là loại
gốm theo truyền thống Yaozhou nhưng là sản phẩm được sản xuất ở Việt
Nam, có thể ở ngay vùng Quảng Ninh. Chất lượng xương và men không cao
như các sản phẩm chính gốc.
Bảng 2.2: Niên đại nhóm gốm men Việt Nam trong đợt khai quật tháng 8/2016
Khung niên đại
Men
trắng
Men
ngọc
Men
nâu
Gốm
hoa nâu
Hai màu
men
Gốm
hoa lam
Tổng
TK XIII-XIV 1117 69 66 10 4 1266
TK XV-XVI 8 115 123
TK XVII-XVIII 14 164 178
TK XIX-XX 94 94
KXĐ 1303 1303*
Tổng
2442 69 66 10 4 373 2964
 Ghi chú: Các mảnh thân và miệng vỡ nhỏ, bị tác động bởi nước mặn làm biến dạng
màu men và bị bào mòn nên không phân loại được
40
a b
c
d e
f g
Hình 2.2: Diễn tiến niên đại gốm men Việt Nam thời Trần (Ả: Lê Thị Liên)
a. Giữa TK XIII; b, c. Cuối thế kỉ XIII – đầu thế kỷ XIV;
d,e. Đầu thế kỷ XIV; f, g. Cuối thế kỷ XIV
Nhìn chung, gốm Việt Nam có mặt trong di tích chủ yếu là những sản
phẩm thời Trần, đặc biệt là trong hố 16TS1, TS3, TS4, các lớp dưới hố
16SH.H3, H5. Có sự tập trung lớn của các mảnh có kỹ thuật xếp nung và cắt
chân đế được Noriko xác định vào giai đoạn cuối thế kỉ XIII – đầu thế kỷ XIV
[73, tr.469].
41
+ Niên đại thời Lê, TK XVI-XVIII
Dòng gốm hoa lam và một số mảnh gốm men trắng dùng kỹ thuật xếp
nung ve lòng có niên đại muộn hơn các kỹ thuật tạo tác khác, khoảng thế kỷ
XV-XIV và XVII-XVIII, xuất lộ với số lượng nhỏ, chủ yếu có mặt trong các
lớp trên, khu vực xáo trộn (Bảng 2.2). Loại hình chủ yếu là bát, đĩa. Sử dụng
kỹ thuật nung đa chiếc bằng cách cạo thân tạo ve lòng và số ít các mảnh nung
đơn chiếc.
Các mảnh có chân đế vành khăn, kiểu đế thụt, mép cắt phẳng thường đi
kèm với kỹ thuật nung ve lòng, chân đế thấp. Vẽ hoa lam các motip hoa lá và
đường chỉ lam, có niên đại TK XV-XVIII (Pl 48-h1).
Các mảnh chân đế được cạo khá tròn, thấp, xương xốp, màu nâu, vàng
sẫm lẫn nhiều sạn. Hoa văn trang trí đơn điệu, vẽ các chấm tròn màu nâu, có
niên đại TK XVII-XVIII (Pl 48-h2,3; Pl 49-h1).
+ Niên đại thời Nguyễn, TK XIX-XX
Số lượng các mảnh không nhiều, xuất lộ ở các lớp trên và trong các di
tích hố đất đen bị xáo trộn của hố khai quật. Các mảnh gốm hoa lam có men
trắng, bóng, xương khá đanh, mịn, chân đế mỏng, cao. Hoa văn vẽ sắc, môtip
chủ yếu là hoa lá (Pl 49-h2).
2.2.1.2. Gốm men Trung Quốc
Tổng số 1393 hiện vật gốm men Trung Quốc, thu thập được qua các năm
2014-2017, chiếm 4,7% trong tổng số hiện vật. Năm 2014 phát hiện được 13
mảnh ở trên vách tây đường vào nhà máy rác; đợt khảo sát năm 2016 phát
hiện được 149 mảnh trong các hố 16SH.TS1, TS3; đợt khảo sát năm 2017
phát hiện được 23 mảnh, xuất lộ lác đác ở các hố 17TS1, TS2, TS3. Đợt khai
42
quật năm 2016 có 1208 mảnh (trong đó có 1 bát sưu tầm trong nhà dân) xuất
lộ chủ yếu ở các lớp từ L5b của hố 16SH.H5và (Pl 6).
Có bốn dòng men chính là gốm men trắng mang đặc trưng của gốm lò
Định hoặc truyền thống gốm lò Định, men trắng, bóng, bám chắc, xương
đanh. Gốm men ngọc đa dạng về màu men, niên đại và xuất xứ. Gốm men
nâu cũng có 3 màu men khác nhau, cho thấy có sự khác nhau về niên đại và
nguồn gốc. Gốm hoa lam, số lượng ít, vẽ hoa lam trên nền men trắng, bóng
(Biểu đồ 2.3; Bảng 2.3).
Vì các đợt khảo sát năm 2014, 2016, 2017 không phân loại theo dòng
men nên chỉ dùng kết quả của đợt khai quật năm 2016.
Biểu đồ 2.3: Tỷ lệ các dòng gốm men Trung Quốc trong đợt khai quật tháng 8/2016
- Về gốm men trắng (Pl 50, 51)
Tổng số 379 mảnh (chiếm 31,5% trong tổng số gốm men Trung Quốc),
về cơ bản có 2 nhóm: Nhóm 1 là loại men trắng tinh hoặc hơi ánh xanh,
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn
Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn

More Related Content

Similar to Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn

Th s33.008 giá trị và vị trí tập thơ việt bắc trong hành trình thơ tố hữu
Th s33.008 giá trị và vị trí tập thơ việt bắc trong hành trình thơ tố hữuTh s33.008 giá trị và vị trí tập thơ việt bắc trong hành trình thơ tố hữu
Th s33.008 giá trị và vị trí tập thơ việt bắc trong hành trình thơ tố hữu
https://www.facebook.com/garmentspace
 

Similar to Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn (20)

Luận văn: Di tích thành Xương Giang (Bắc Giang) qua hai lần khai quật
Luận văn: Di tích thành Xương Giang (Bắc Giang) qua hai lần khai quậtLuận văn: Di tích thành Xương Giang (Bắc Giang) qua hai lần khai quật
Luận văn: Di tích thành Xương Giang (Bắc Giang) qua hai lần khai quật
 
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
Luận văn: Sự hình thành và phát triển hệ thống ngân hàng Nam Kỳ
 
LUẬN ÁN NGHỆ THUẬT TRANG TRÍ ĐỀN VUA ĐINH, VUA LÊ TỪ GÓC NHÌN SO SÁNH VỚI ẤN ...
LUẬN ÁN NGHỆ THUẬT TRANG TRÍ ĐỀN VUA ĐINH, VUA LÊ TỪ GÓC NHÌN SO SÁNH VỚI ẤN ...LUẬN ÁN NGHỆ THUẬT TRANG TRÍ ĐỀN VUA ĐINH, VUA LÊ TỪ GÓC NHÌN SO SÁNH VỚI ẤN ...
LUẬN ÁN NGHỆ THUẬT TRANG TRÍ ĐỀN VUA ĐINH, VUA LÊ TỪ GÓC NHÌN SO SÁNH VỚI ẤN ...
 
Đề tài: Giáo dục thẩm mỹ qua tranh dân gian tại Bảo tàng, HAY, 9đ
Đề tài: Giáo dục thẩm mỹ qua tranh dân gian tại Bảo tàng, HAY, 9đĐề tài: Giáo dục thẩm mỹ qua tranh dân gian tại Bảo tàng, HAY, 9đ
Đề tài: Giáo dục thẩm mỹ qua tranh dân gian tại Bảo tàng, HAY, 9đ
 
Quá trình du nhập khoa học, kỹ thuật Phương Tây vào Việt Nam
Quá trình du nhập khoa học, kỹ thuật Phương Tây vào Việt NamQuá trình du nhập khoa học, kỹ thuật Phương Tây vào Việt Nam
Quá trình du nhập khoa học, kỹ thuật Phương Tây vào Việt Nam
 
Luận văn: Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản
Luận văn: Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Nhật BảnLuận văn: Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản
Luận văn: Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản
 
Ngói Champa ở di tích Triền Tranh (Duy Xuyên Quảng Nam).pdf
Ngói Champa ở di tích Triền Tranh (Duy Xuyên Quảng Nam).pdfNgói Champa ở di tích Triền Tranh (Duy Xuyên Quảng Nam).pdf
Ngói Champa ở di tích Triền Tranh (Duy Xuyên Quảng Nam).pdf
 
SỰ CHUYỂN BIẾN CỦA PHONG TRÀO YÊU NƢỚC VÀ CÁCH MẠNG QUẢNG NAM TỪ ĐẦU THẾ KỶ X...
SỰ CHUYỂN BIẾN CỦA PHONG TRÀO YÊU NƢỚC VÀ CÁCH MẠNG QUẢNG NAM TỪ ĐẦU THẾ KỶ X...SỰ CHUYỂN BIẾN CỦA PHONG TRÀO YÊU NƢỚC VÀ CÁCH MẠNG QUẢNG NAM TỪ ĐẦU THẾ KỶ X...
SỰ CHUYỂN BIẾN CỦA PHONG TRÀO YÊU NƢỚC VÀ CÁCH MẠNG QUẢNG NAM TỪ ĐẦU THẾ KỶ X...
 
HỢP TÁC VĂN HÓA, GIÁO DỤC VIỆT NAM - NHẬT BẢN (TỪ NĂM 1992 -> 2017) - TẢI FRE...
HỢP TÁC VĂN HÓA, GIÁO DỤC VIỆT NAM - NHẬT BẢN (TỪ NĂM 1992 -> 2017) - TẢI FRE...HỢP TÁC VĂN HÓA, GIÁO DỤC VIỆT NAM - NHẬT BẢN (TỪ NĂM 1992 -> 2017) - TẢI FRE...
HỢP TÁC VĂN HÓA, GIÁO DỤC VIỆT NAM - NHẬT BẢN (TỪ NĂM 1992 -> 2017) - TẢI FRE...
 
Quá Trình Du Nhập Khoa Học, Kỹ Thuật Phương Tây Vào Việt Nam Thế Kỷ Xvi - Xviii
Quá Trình Du Nhập Khoa Học, Kỹ Thuật Phương Tây Vào Việt Nam Thế Kỷ Xvi - XviiiQuá Trình Du Nhập Khoa Học, Kỹ Thuật Phương Tây Vào Việt Nam Thế Kỷ Xvi - Xviii
Quá Trình Du Nhập Khoa Học, Kỹ Thuật Phương Tây Vào Việt Nam Thế Kỷ Xvi - Xviii
 
Ca tru xua va nay tai sai gon trien vong nganh du lich tphcm
Ca tru xua va nay tai sai gon trien vong nganh du lich tphcmCa tru xua va nay tai sai gon trien vong nganh du lich tphcm
Ca tru xua va nay tai sai gon trien vong nganh du lich tphcm
 
Luận văn thạc sĩ: Quản lý Nhà hát Chèo Quân đội, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Quản lý Nhà hát Chèo Quân đội, HAY, 9đLuận văn thạc sĩ: Quản lý Nhà hát Chèo Quân đội, HAY, 9đ
Luận văn thạc sĩ: Quản lý Nhà hát Chèo Quân đội, HAY, 9đ
 
TỔ CHỨC KHÔNG GIAN KIẾN TRÚC VÀ BẢO TỒN CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA KHU VĂN HÓA LỊCH ...
TỔ CHỨC KHÔNG GIAN KIẾN TRÚC VÀ BẢO TỒN CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA KHU VĂN HÓA LỊCH ...TỔ CHỨC KHÔNG GIAN KIẾN TRÚC VÀ BẢO TỒN CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA KHU VĂN HÓA LỊCH ...
TỔ CHỨC KHÔNG GIAN KIẾN TRÚC VÀ BẢO TỒN CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA KHU VĂN HÓA LỊCH ...
 
Luận án: Kịch bản chèo đầu thế kỷ XX - truyền thống và biến đổi
Luận án: Kịch bản chèo đầu thế kỷ XX - truyền thống và biến đổiLuận án: Kịch bản chèo đầu thế kỷ XX - truyền thống và biến đổi
Luận án: Kịch bản chèo đầu thế kỷ XX - truyền thống và biến đổi
 
Th s33.008 giá trị và vị trí tập thơ việt bắc trong hành trình thơ tố hữu
Th s33.008 giá trị và vị trí tập thơ việt bắc trong hành trình thơ tố hữuTh s33.008 giá trị và vị trí tập thơ việt bắc trong hành trình thơ tố hữu
Th s33.008 giá trị và vị trí tập thơ việt bắc trong hành trình thơ tố hữu
 
Sự chuyển biến của phong trào yêu nước Quảng Nam từ TK XX 1930
Sự chuyển biến của phong trào yêu nước Quảng Nam từ TK XX 1930Sự chuyển biến của phong trào yêu nước Quảng Nam từ TK XX 1930
Sự chuyển biến của phong trào yêu nước Quảng Nam từ TK XX 1930
 
Sáng kiến “một vành đai, một con đường” của trung quốc và tác động đối với cạ...
Sáng kiến “một vành đai, một con đường” của trung quốc và tác động đối với cạ...Sáng kiến “một vành đai, một con đường” của trung quốc và tác động đối với cạ...
Sáng kiến “một vành đai, một con đường” của trung quốc và tác động đối với cạ...
 
Luận văn: Quá trình hình thành và phát triển làng xã ven sông Hàn
Luận văn: Quá trình hình thành và phát triển làng xã ven sông HànLuận văn: Quá trình hình thành và phát triển làng xã ven sông Hàn
Luận văn: Quá trình hình thành và phát triển làng xã ven sông Hàn
 
QUẢN LÝ DI TÍCH ĐỀN VÀ, THỊ XÃ SƠN TÂY, THÀNH PHỐ HÀ NỘI.pdf
QUẢN LÝ DI TÍCH ĐỀN VÀ, THỊ XÃ SƠN TÂY, THÀNH PHỐ HÀ NỘI.pdfQUẢN LÝ DI TÍCH ĐỀN VÀ, THỊ XÃ SƠN TÂY, THÀNH PHỐ HÀ NỘI.pdf
QUẢN LÝ DI TÍCH ĐỀN VÀ, THỊ XÃ SƠN TÂY, THÀNH PHỐ HÀ NỘI.pdf
 
Luận văn: Bảo tồn tài nguyên du lịch nhân văn tỉnh Bình Dương
Luận văn: Bảo tồn tài nguyên du lịch nhân văn tỉnh Bình DươngLuận văn: Bảo tồn tài nguyên du lịch nhân văn tỉnh Bình Dương
Luận văn: Bảo tồn tài nguyên du lịch nhân văn tỉnh Bình Dương
 

More from Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562

More from Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562 (20)

Nghiên Cứu Thu Nhận Pectin Từ Một Số Nguồn Thực Vật Và Sản Xuất Màng Pectin S...
Nghiên Cứu Thu Nhận Pectin Từ Một Số Nguồn Thực Vật Và Sản Xuất Màng Pectin S...Nghiên Cứu Thu Nhận Pectin Từ Một Số Nguồn Thực Vật Và Sản Xuất Màng Pectin S...
Nghiên Cứu Thu Nhận Pectin Từ Một Số Nguồn Thực Vật Và Sản Xuất Màng Pectin S...
 
Phát Triển Cho Vay Hộ Kinh Doanh Tại Ngân Hàng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông...
Phát Triển Cho Vay Hộ Kinh Doanh Tại Ngân Hàng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông...Phát Triển Cho Vay Hộ Kinh Doanh Tại Ngân Hàng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông...
Phát Triển Cho Vay Hộ Kinh Doanh Tại Ngân Hàng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông...
 
Nghiên Cứu Nhiễu Loạn Điện Áp Trong Lưới Điện Phân Phối.doc
Nghiên Cứu Nhiễu Loạn Điện Áp Trong Lưới Điện Phân Phối.docNghiên Cứu Nhiễu Loạn Điện Áp Trong Lưới Điện Phân Phối.doc
Nghiên Cứu Nhiễu Loạn Điện Áp Trong Lưới Điện Phân Phối.doc
 
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Kết Quả Kinh Doanh Của Các Công Ty Ngành...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Kết Quả Kinh Doanh Của Các Công Ty Ngành...Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Kết Quả Kinh Doanh Của Các Công Ty Ngành...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Kết Quả Kinh Doanh Của Các Công Ty Ngành...
 
Xây Dựng Công Cụ Sinh Dữ Liệu Thử Tự Động Cho Chương Trình Java.doc
Xây Dựng Công Cụ Sinh Dữ Liệu Thử Tự Động Cho Chương Trình Java.docXây Dựng Công Cụ Sinh Dữ Liệu Thử Tự Động Cho Chương Trình Java.doc
Xây Dựng Công Cụ Sinh Dữ Liệu Thử Tự Động Cho Chương Trình Java.doc
 
Phát Triển Công Nghiệp Huyện Điện Bàn Tỉnh Quảng Nam.doc
Phát Triển Công Nghiệp Huyện Điện Bàn Tỉnh Quảng Nam.docPhát Triển Công Nghiệp Huyện Điện Bàn Tỉnh Quảng Nam.doc
Phát Triển Công Nghiệp Huyện Điện Bàn Tỉnh Quảng Nam.doc
 
Phát Triển Kinh Tế Hộ Nông Dân Trên Địa Bàn Huyện Quảng Ninh, Tỉnh Quảng Bình...
Phát Triển Kinh Tế Hộ Nông Dân Trên Địa Bàn Huyện Quảng Ninh, Tỉnh Quảng Bình...Phát Triển Kinh Tế Hộ Nông Dân Trên Địa Bàn Huyện Quảng Ninh, Tỉnh Quảng Bình...
Phát Triển Kinh Tế Hộ Nông Dân Trên Địa Bàn Huyện Quảng Ninh, Tỉnh Quảng Bình...
 
Vận Dụng Mô Hình Hồi Quy Ngưỡng Trong Nghiên Cứu Tác Động Của Nợ Lên Giá Trị ...
Vận Dụng Mô Hình Hồi Quy Ngưỡng Trong Nghiên Cứu Tác Động Của Nợ Lên Giá Trị ...Vận Dụng Mô Hình Hồi Quy Ngưỡng Trong Nghiên Cứu Tác Động Của Nợ Lên Giá Trị ...
Vận Dụng Mô Hình Hồi Quy Ngưỡng Trong Nghiên Cứu Tác Động Của Nợ Lên Giá Trị ...
 
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Cấu Trúc Vốn Của Doanh Nghiệp Ngành Hàng...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Cấu Trúc Vốn Của Doanh Nghiệp Ngành Hàng...Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Cấu Trúc Vốn Của Doanh Nghiệp Ngành Hàng...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Cấu Trúc Vốn Của Doanh Nghiệp Ngành Hàng...
 
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Hiệu Quả Kinh Doanh Của Các Doanh Nghiệp...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Hiệu Quả Kinh Doanh Của Các Doanh Nghiệp...Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Hiệu Quả Kinh Doanh Của Các Doanh Nghiệp...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Hiệu Quả Kinh Doanh Của Các Doanh Nghiệp...
 
Hoàn Thiện Công Tác Thẩm Định Giá Tài Sản Bảo Đảm Trong Hoạt Động Cho Vay Tại...
Hoàn Thiện Công Tác Thẩm Định Giá Tài Sản Bảo Đảm Trong Hoạt Động Cho Vay Tại...Hoàn Thiện Công Tác Thẩm Định Giá Tài Sản Bảo Đảm Trong Hoạt Động Cho Vay Tại...
Hoàn Thiện Công Tác Thẩm Định Giá Tài Sản Bảo Đảm Trong Hoạt Động Cho Vay Tại...
 
Biện Pháp Quản Lý Xây Dựng Ngân Hàng Câu Hỏi Kiểm Tra Đánh Giá Kết Quả Học Tậ...
Biện Pháp Quản Lý Xây Dựng Ngân Hàng Câu Hỏi Kiểm Tra Đánh Giá Kết Quả Học Tậ...Biện Pháp Quản Lý Xây Dựng Ngân Hàng Câu Hỏi Kiểm Tra Đánh Giá Kết Quả Học Tậ...
Biện Pháp Quản Lý Xây Dựng Ngân Hàng Câu Hỏi Kiểm Tra Đánh Giá Kết Quả Học Tậ...
 
Hoàn Thiện Công Tác Huy Động Vốn Tại Ngân Hàng Tmcp Công Thương Việt Nam Chi ...
Hoàn Thiện Công Tác Huy Động Vốn Tại Ngân Hàng Tmcp Công Thương Việt Nam Chi ...Hoàn Thiện Công Tác Huy Động Vốn Tại Ngân Hàng Tmcp Công Thương Việt Nam Chi ...
Hoàn Thiện Công Tác Huy Động Vốn Tại Ngân Hàng Tmcp Công Thương Việt Nam Chi ...
 
Ánh Xạ Đóng Trong Không Gian Mêtric Suy Rộng.doc
Ánh Xạ Đóng Trong Không Gian Mêtric Suy Rộng.docÁnh Xạ Đóng Trong Không Gian Mêtric Suy Rộng.doc
Ánh Xạ Đóng Trong Không Gian Mêtric Suy Rộng.doc
 
Giải Pháp Hạn Chế Nợ Xấu Đối Với Khách Hàng Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương...
Giải Pháp Hạn Chế Nợ Xấu Đối Với Khách Hàng Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương...Giải Pháp Hạn Chế Nợ Xấu Đối Với Khách Hàng Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương...
Giải Pháp Hạn Chế Nợ Xấu Đối Với Khách Hàng Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương...
 
Hoàn Thiện Công Tác Đào Tạo Đội Ngũ Cán Bộ Công Chức Phường Trên Địa Bàn Quận...
Hoàn Thiện Công Tác Đào Tạo Đội Ngũ Cán Bộ Công Chức Phường Trên Địa Bàn Quận...Hoàn Thiện Công Tác Đào Tạo Đội Ngũ Cán Bộ Công Chức Phường Trên Địa Bàn Quận...
Hoàn Thiện Công Tác Đào Tạo Đội Ngũ Cán Bộ Công Chức Phường Trên Địa Bàn Quận...
 
Giải Pháp Marketing Cho Dịch Vụ Ngân Hàng Điện Tử Tại Ngân Hàng Tmcp Hàng Hải...
Giải Pháp Marketing Cho Dịch Vụ Ngân Hàng Điện Tử Tại Ngân Hàng Tmcp Hàng Hải...Giải Pháp Marketing Cho Dịch Vụ Ngân Hàng Điện Tử Tại Ngân Hàng Tmcp Hàng Hải...
Giải Pháp Marketing Cho Dịch Vụ Ngân Hàng Điện Tử Tại Ngân Hàng Tmcp Hàng Hải...
 
Biện Pháp Quản Lý Công Tác Tự Đánh Giá Trong Kiểm Định Chất Lượng Giáo Dục Cá...
Biện Pháp Quản Lý Công Tác Tự Đánh Giá Trong Kiểm Định Chất Lượng Giáo Dục Cá...Biện Pháp Quản Lý Công Tác Tự Đánh Giá Trong Kiểm Định Chất Lượng Giáo Dục Cá...
Biện Pháp Quản Lý Công Tác Tự Đánh Giá Trong Kiểm Định Chất Lượng Giáo Dục Cá...
 
Kiểm Soát Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngành Xây Dựng Tại Nhtmcp Công Thương...
Kiểm Soát Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngành Xây Dựng Tại Nhtmcp Công Thương...Kiểm Soát Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngành Xây Dựng Tại Nhtmcp Công Thương...
Kiểm Soát Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngành Xây Dựng Tại Nhtmcp Công Thương...
 
Diễn Ngôn Lịch Sử Trong Biên Bản Chiến Tranh 1-2 -3- 4.75 Của Trần Mai Hạnh.doc
Diễn Ngôn Lịch Sử Trong Biên Bản Chiến Tranh 1-2 -3- 4.75 Của Trần Mai Hạnh.docDiễn Ngôn Lịch Sử Trong Biên Bản Chiến Tranh 1-2 -3- 4.75 Của Trần Mai Hạnh.doc
Diễn Ngôn Lịch Sử Trong Biên Bản Chiến Tranh 1-2 -3- 4.75 Của Trần Mai Hạnh.doc
 

Recently uploaded

Recently uploaded (20)

Phân tích báo cáo tài chính tại công ty TNHH xây dựng và thương mại Thịnh An
Phân tích báo cáo tài chính tại công ty TNHH xây dựng và thương mại Thịnh AnPhân tích báo cáo tài chính tại công ty TNHH xây dựng và thương mại Thịnh An
Phân tích báo cáo tài chính tại công ty TNHH xây dựng và thương mại Thịnh An
 
Bài tập lớn môn Văn hóa kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp Trình bày về triế...
Bài tập lớn môn Văn hóa kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp Trình bày về triế...Bài tập lớn môn Văn hóa kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp Trình bày về triế...
Bài tập lớn môn Văn hóa kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp Trình bày về triế...
 
Báo cáo thực tập tốt nghiệp Phân tích thực trạng hoạt động bán hàng tại Công ...
Báo cáo thực tập tốt nghiệp Phân tích thực trạng hoạt động bán hàng tại Công ...Báo cáo thực tập tốt nghiệp Phân tích thực trạng hoạt động bán hàng tại Công ...
Báo cáo thực tập tốt nghiệp Phân tích thực trạng hoạt động bán hàng tại Công ...
 
Hệ thống ca dao than thân người Việt từ góc nhìn thi pháp
Hệ thống ca dao than thân người Việt từ góc nhìn thi phápHệ thống ca dao than thân người Việt từ góc nhìn thi pháp
Hệ thống ca dao than thân người Việt từ góc nhìn thi pháp
 
Báo cáo bài tập lớn E - Marketing Xây dựng kế hoạch marketing điện tử cho nhã...
Báo cáo bài tập lớn E - Marketing Xây dựng kế hoạch marketing điện tử cho nhã...Báo cáo bài tập lớn E - Marketing Xây dựng kế hoạch marketing điện tử cho nhã...
Báo cáo bài tập lớn E - Marketing Xây dựng kế hoạch marketing điện tử cho nhã...
 
Nhân tố ảnh hưởng tới động lực làm việc của kiểm toán viên tại Chi nhánh Công...
Nhân tố ảnh hưởng tới động lực làm việc của kiểm toán viên tại Chi nhánh Công...Nhân tố ảnh hưởng tới động lực làm việc của kiểm toán viên tại Chi nhánh Công...
Nhân tố ảnh hưởng tới động lực làm việc của kiểm toán viên tại Chi nhánh Công...
 
CHỦ ĐỀ VÀ TÍNH LIÊN KẾT TRONG DIỄN NGÔN CHÍNH LUẬN TIẾNG VIỆT
CHỦ ĐỀ VÀ TÍNH LIÊN KẾT TRONG DIỄN NGÔN CHÍNH LUẬN TIẾNG VIỆTCHỦ ĐỀ VÀ TÍNH LIÊN KẾT TRONG DIỄN NGÔN CHÍNH LUẬN TIẾNG VIỆT
CHỦ ĐỀ VÀ TÍNH LIÊN KẾT TRONG DIỄN NGÔN CHÍNH LUẬN TIẾNG VIỆT
 
Báo cáo tốt nghiệp Phát triển sản phẩm thẻ tại Ngân hàng thương mại cổ phần K...
Báo cáo tốt nghiệp Phát triển sản phẩm thẻ tại Ngân hàng thương mại cổ phần K...Báo cáo tốt nghiệp Phát triển sản phẩm thẻ tại Ngân hàng thương mại cổ phần K...
Báo cáo tốt nghiệp Phát triển sản phẩm thẻ tại Ngân hàng thương mại cổ phần K...
 
Báo cáo tốt nghiệp Hoàn thiện an toàn lao động điện công ty trách nhiệm hữu h...
Báo cáo tốt nghiệp Hoàn thiện an toàn lao động điện công ty trách nhiệm hữu h...Báo cáo tốt nghiệp Hoàn thiện an toàn lao động điện công ty trách nhiệm hữu h...
Báo cáo tốt nghiệp Hoàn thiện an toàn lao động điện công ty trách nhiệm hữu h...
 
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 31-39)...
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 31-39)...40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 31-39)...
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 31-39)...
 
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá rủi ro môi trường từ ô nhiễm hữu cơ nước thải các...
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá rủi ro môi trường từ ô nhiễm hữu cơ nước thải các...Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá rủi ro môi trường từ ô nhiễm hữu cơ nước thải các...
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá rủi ro môi trường từ ô nhiễm hữu cơ nước thải các...
 
NHKTS SLIDE B2 KHAI NIEM FINTECH VA YEU TO CUNG CAU DOI MOI TRONG CN_GV HANG ...
NHKTS SLIDE B2 KHAI NIEM FINTECH VA YEU TO CUNG CAU DOI MOI TRONG CN_GV HANG ...NHKTS SLIDE B2 KHAI NIEM FINTECH VA YEU TO CUNG CAU DOI MOI TRONG CN_GV HANG ...
NHKTS SLIDE B2 KHAI NIEM FINTECH VA YEU TO CUNG CAU DOI MOI TRONG CN_GV HANG ...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Vận dụng thi pháp học vào phân tích truyện ngắn Chiếc thuyền ...
Vận dụng thi pháp học vào phân tích truyện ngắn Chiếc thuyền ...Vận dụng thi pháp học vào phân tích truyện ngắn Chiếc thuyền ...
Vận dụng thi pháp học vào phân tích truyện ngắn Chiếc thuyền ...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Quản lý dạy học phân hóa môn Toán tại các trường trung học cơ sở huyện Tam D...
Quản lý dạy học phân hóa môn Toán tại các trường trung học cơ sở huyện Tam D...Quản lý dạy học phân hóa môn Toán tại các trường trung học cơ sở huyện Tam D...
Quản lý dạy học phân hóa môn Toán tại các trường trung học cơ sở huyện Tam D...
 
Bài tập lớn môn Văn hóa kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp Xây dựng mô hình ...
Bài tập lớn môn Văn hóa kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp Xây dựng mô hình ...Bài tập lớn môn Văn hóa kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp Xây dựng mô hình ...
Bài tập lớn môn Văn hóa kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp Xây dựng mô hình ...
 
4.NGÂN HÀNG KĨ THUẬT SỐ-slide CHƯƠNG 3.pptx
4.NGÂN HÀNG KĨ THUẬT SỐ-slide CHƯƠNG 3.pptx4.NGÂN HÀNG KĨ THUẬT SỐ-slide CHƯƠNG 3.pptx
4.NGÂN HÀNG KĨ THUẬT SỐ-slide CHƯƠNG 3.pptx
 
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại...
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại...Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại...
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại...
 
Báo cáo tốt nghiệp Kế toán tiền gửi ngân hàng tại công ty TNHH Một Thành Viên...
Báo cáo tốt nghiệp Kế toán tiền gửi ngân hàng tại công ty TNHH Một Thành Viên...Báo cáo tốt nghiệp Kế toán tiền gửi ngân hàng tại công ty TNHH Một Thành Viên...
Báo cáo tốt nghiệp Kế toán tiền gửi ngân hàng tại công ty TNHH Một Thành Viên...
 

Luận văn: Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn

  • 1. I LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình tổng hợp và nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong luận văn là trung thực. Những ý kiến khoa học chưa từng được ai công bố trong bất kỳ công trình nào khác. Hà Nội, ngày 15 tháng 8 năm 2019 TÁC GIẢ LUẬN VĂN Đinh Thị Thanh Nga VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI ĐINH THỊ THANH NGA DI TÍCH BẾN CỐNG CÁI TRONG HỆ THỐNG THƯƠNG CẢNG VÂN ĐỒN (QUẢNG NINH) LUẬN VĂN THẠC SĨ KHẢO CỔ HỌC
  • 2. II LỜI CẢM ƠN Hoàn thành luận văn khảo cổ này tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới các thầy giáo, cô giáo trong Khoa Khảo cổ học, Học Viện Khoa học xã hội đã giúp đỡ tôi trong quá trình học tập và nghiên cứu. Tôi đặc biệt gửi lời cảm ơn sâu sắc tới TS. Lê Thị Liên, người thầy đã định hướng và luôn giúp đỡ, tân tâm dạy dỗ tôi trong suốt quá trình thu thập tư liệu, nghiên cứu đề tài này, ngay từ ý tưởng ban đầu cho tới khi hoàn thành luận văn. Tôi xin trân trọng cảm ơn Ban lãnh đạo Viện Khảo cổ học, Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ học Dưới nước, phòng Thư viện…. đã tạo điều kiện về thời gian và tài liệu để hoàn thành luận văn. Tôi xin chân thành cảm ơn tới Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Quảng Ninh, chính quyền xã Quan Lạn, xã Minh Châu, xã Thắng Lợi, huyện Vân Đồn đã tạo điều kiện cho tôi cùng đoàn nghiên cứu của Viện Khảo cổ học được khảo sát và khai quật trên địa bàn các xã từ năm 2014 đến nay. Cuối cùng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đối với gia đình, người thân đã động viên, giúp đỡ và tạo cho tôi những điều kiện tốt nhất trong suốt thời gian học tập vừa qua. Hà Nội, ngày 15 tháng 8 năm 2019 Tác giả Luận văn Đinh Thị Thanh Nga
  • 3. III MỤC LỤC Mở đầu………………………………………………………………………….....1 Chương 1: Tổng quan tư liệu về thương cảng Vân Đồn và di tích bến Cống Cái………………………………………………………………………………...11 1.1. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của thương cảng Vân Đồn và di tích bến Cống Cái………………………………...........................................................................11 1.2. Lịch sử hình thành thương cảng Vân Đồn và vị trí địa - lịch sử qua sử liệu..15 1.3. Các cuộc khảo sát và khai quật tại di tích bến Cống Cái……….……………18 1.3.1. Khảo sát năm 2012-2013…………………………………..……………....18 1.3.2. Khảo sát năm 2014…………………………………………………………20 1.3.3. Khảo sát và khai quật năm 2016-2017…………………………………..21 1.3.4. Khảo sát năm 2018………………………………………………………….23 1.3.5. Khảo sát năm 2019………………………………………………………….23 1.4. Tiểu kết chương 1………………………………………………………….....25 Chương 2: Di tích bến Cống Cái qua tư liệu khảo cổ học…………………….27 2.1. Đặc trưng di tích……………………………………………………………...27 2.1.1. Bến cảng……………………………………………………………………...27 2.1.2. Đặc điểm tầng văn hóa……………………………………………………..29 2.1.3. Dấu tích kiến trúc……………………………………………………………30 2.1.4. Di tích hố đất đen…………………………………………………………...33 2.2. Đặc trưng di vật………………………………………………………………34 2.2.1. Đồ gốm men………………………………………………………………….35 2.2.2. Đồ gốm có áo………………………………………………………………..48 2.2.3. Đồ sành mịn………………………………………………………………….49 2.2.4. Đồ đất nung………………………………………………………………….52 2.2.5. Đồ kim loại……………………………………………………………...…...54 2.2.6. Các loại hiện vật khác………………………………………………………55 2.3. Tiểu kết chương 2…………………………………………………………….56 Chương 3: Vị trị bến Cống Cái trong bối cảnh thương cảng Vân Đồn………60 3.1. Mối quan hệ với các khu vực khác của thương cảng Vân Đồn………………60 3.2. Vai trò của di tích bến Cống Cái trong kháng chiến chống Mông - Nguyên...70 3.3. Tiểu kết chương 3………………………………………………………….....73 KẾT LUẬN………………………………………………………………………74 TÀI LIỆU THAM KHẢO………………………………………………………77 PHỤ LỤC………………………………………………………………………...87
  • 4. IV DANHMỤCCÁCCHỮVIẾTTẮT a Ảnh B Bảng Ba Bản ảnh Bd Bản dập Bđ Bản đồ BQL Ban quản lý BP Cách ngày nay Bv Bản vẽ CDTTĐ Các di tích trọng điểm h Hình H Hố HTS Hố thám sát KXĐ Không xác định L Lớp LM Lớp mặt Nxb Nhà xuất bản PL Phụ lục Sđ Sơ đồ SCN Sau Công Nguyên TCN Trước Công Nguyên TK Thế kỷ Tr. Trang
  • 5. V DANHMỤCBẢNGBIỂU,BẢNĐỒ,SƠĐỒ,BẢNVẼ, BẢNDẬPVÀBẢNẢNH I. DANH MỤC BẢNG BIỂU SỬ DỤNG TRONG CHÍNH VĂN Bảng 2.1: Tổng hợp hiện vật xuất lộ tại bến Cống Cái năm 2014-2017 Bảng 2.2: Niên đại nhóm gốm men Việt Nam trong đợt khai quật tháng 8/2016 Bảng 2.3: Niên đại nhóm gốm men Việt Nam trong đợt khai quật tháng 8/2016 Bảng 2.4: Niên đại hiện vật lon/vại qua đợt khai quật năm 2016 Bảng 2.5: Các kỹ thuật tạo hoa văn thân sành mịn trong đợt khai quật năm 2016 Biểu đồ 2.1: Số lượng hiện vật xuất lộ tại bến Cống Cái năm 2014-2017 Biểu đồ 2.2: Tỷ lệ các dòng gốm men Việt Nam trong đợt khai quật năm 2016 Biểu đồ 2.3: Tỷ lệ các dòng gốm men Trung Quốc trong đợt khai quật năm 2016 Hình 2.1: Một số loại hình chính của gốm men Việt Nam Hình 2.2: Diễn tiến niên đại gốm men Việt Nam thời Trần Hình 2.3: Diễn tiến kỹ thuật tạo dáng trên lon sành mịn II. DANH MỤC BẢNG THỐNG KÊ, BẢN ĐỒ, SƠ ĐỒ, BẢN VẼ, BẢN DẬP VÀ BẢN ẢNH TRONG PHỤ LỤC 1. BẢNG THỐNG KÊ: Phụ lục 1: Bảng thống kê hiện vật khảo sát năm 2014 tại di tích bến Cống Cái Phụ lục 2: Bảng thống kê hiện vật khảo sát tháng 3 năm 2016 tại di tích bến Cống Cái Phụ lục 3: Bảng thống kê hiện vật khảo sát năm 2017 tại di tích bến Cống Cái Phụ lục 4: Bảng thống kê hiện vật khai quật tháng 8/2016 tại di tích bến Cống Cái Phụ lục 5: Bảng thống kê các dòng gốm men Việt Nam khai quật tháng 8/2016 Phụ lục 6: Bảng thống kê các dòng gốm men Trung Quốc khai quật tháng 8/2016 Phụ lục 7: Bảng thống kê tiền đồng năm 2014-2017 Phụ lục 8: Bảng thống kê hiện vật sắt khai quật tháng 8/2016 tại di tích bến Cống Cái 2. BẢN ĐỒ-SƠ ĐỒ: Phụ lục 9: Bản đồ huyện Vân Đồn Phụ lục 10: Bản đồ khu vực khảo sát di tích bến Cống Cái năm 2014 Phụ lục 11: Bản đồ khu vực khảo sát di tích Mang Thúng năm 2014
  • 6. VI Phụ lục 12: Bản đồ vị trí các hố thám sát và khai quật tại khu vực phía bắc bến Cống Cái năm 2014-2017 Phụ lục 13: Bản đồ vị trí các hố thám sát và khai quật tại khu vực thung lũng Sơn Hào năm 2014-2017 Phụ lục 14: Sơ đồ khu vực khảo sát bằng máy dò kim loại và các hố thăm dò tháng 3/2016 Phụ lục 15: Sơ đồ vị trí các hố khai quật tại di tích bến Cống Cái năm 2016 Phụ lục 16: Bản đồ vị trí các viên đá buộc thuyền và Giếng Đình tại bến Cống Cái Phụ lục 17: Sơ đồ vị trí ô lưới Grid và hố kiểm tra tại di tích Sơn Hào năm 2019 Phụ lục 18: Bản đồ các di tích thuộc xã Quan Lạn và Minh Châu Phụ lục 19: Bản đồ các di tích trên đảo Thừa Cống Phụ lục 20: Bản đồ các cụm di tích thuộc hệ thống thương cảng Vân Đồn Phụ lục 21: Sơ đồ hành trình hàng hải đi qua Vân Đồn 3. BẢN ẢNH - BẢN VẼ: Phụ lục 22: Ảnh khảo sát năm 2012, 2014, 2015, 2016 tại bến Cống Cái Phụ lục 23: Bản vẽ địa tầng khảo sát năm 2014 tại di tích bến Cống Cái Phụ lục 24: Bản vẽ hố 16SH.TS1 Phụ lục 25: Bản vẽ hố 16SH.TS2, TS3 Phụ lục 26: Bản vẽ hố 16SH.TS4, TS5, TS6 Phụ lục 27: Ảnh khai quật hố H1, H2, H3 năm 2016 tại bến Cống Cái Phụ lục 28: Ảnh khai quật hố H4, H5 năm 2016 Phụ lục 29: Ảnh hố thám sát TS1, TS3, TS6, TS7, TS8 năm 2016 Phụ lục 30: Ảnh di tích Giếng Đình và đá neo thuyền Phụ lục 31: Ảnh một số di tích khác trong hệ thống thương cảng Vân Đồn Phụ lục 32: Bản vẽ mặt bằng hố 16SH.H1 Phụ lục 33: Bản vẽ mặt bằng và địa tầng hố 16SH.H1 Phụ lục 34: Bản vẽ mặt bằng hố 16SH.H2.L2-L5 Phụ lục 35: Bản vẽ mặt cắt vách bắc hố 16SH.H3 Phụ lục 36: Bản vẽ mặt bằng hố 16SH.H3, 17SH.TS2, 17SH.TS3 Phụ lục 37: Ảnh 3D mặt bằng hố 16SH.H3, 17SH.TS1, TS2 Phụ lục 38: Bản vẽ hố 16SH.H4 Phụ lục 39: Bản vẽ mặt bằng hố 16SH.H5 Phụ lục 40: Bản vẽ mặt cắt vách Bắc hố H5 Phụ lục 41: Bản vẽ địa tầng hố 16SH.H5, TS8 Phụ lục 42: Ảnh-bản vẽ gốm men trắng Việt Nam Phụ lục 43: Ảnh-bản vẽ gốm men trắng Việt Nam
  • 7. VII Phụ lục 44: Ảnh-bản vẽ gốm men trắng Việt Nam Phụ lục 45: Ảnh-bản vẽ gốm men trắng Việt Nam Phụ lục 46: Ảnh-bản vẽ gốm men trắng Việt Nam Phụ lục 47: Ảnh-bản vẽ gốm men nâu, ngọc, hoa nâu Việt Nam Phụ lục 48: Ảnh-bản vẽ gốm hoa lam Việt Nam Phụ lục 49: Ảnh-bản vẽ gốm hoa lam Việt Nam Phụ lục 50: Ảnh-bản vẽ gốm men trắng Trung Quốc Phụ lục 51: Ảnh-bản vẽ gốm men trắng Trung Quốc Phụ lục 52: Ảnh-bản vẽ gốm men ngọc Trung Quốc Phụ lục 53: Ảnh-bản vẽ gốm men ngọc Trung Quốc Phụ lục 54: Ảnh-bản vẽ gốm men nâu Trung Quốc Phụ lục 55: Ảnh-bản vẽ gốm men nâu Trung Quốc Phụ lục 56: Ảnh-bản vẽ gốm hoa lam và KXĐ men Trung Quốc Phụ lục 57: Ảnh-bản vẽ gốm có áo Phụ lục 58: Ảnh-bản vẽ gốm có áo Phụ lục 59: Ảnh-bản vẽ sành mịn Phụ lục 60: Ảnh-bản vẽ sành mịn Phụ lục 61: Ảnh-bản vẽ sành mịn Phụ lục 62: Ảnh-bản vẽ sành mịn Phụ lục 63: Ảnh-bản vẽ sành mịn Phụ lục 64: Ảnh-bản vẽ đồ đất nung Phụ lục 65: Ảnh hiện vật kim loại Phụ lục 66: Ảnh chụp X-quang đồ sắt và thiên thạch 4. BẢN DẬP: Phụ lục 67: Hoa văn trên miệng và quai sành mịn Phụ lục 68: Hoa văn bập vân trên thân sành mịn Phụ lục 69: Hoa văn bập vân kết hợp hoa văn khác trên thân sành mịn Phụ lục 70: Hoa khắc vạch bằng que 1 hay nhiều răng trên thân sành mịn Phụ lục 71: Hoa trên thân sành mịn và sành thô
  • 8. 1 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Trong lịch sử Việt Nam, ở một số khu vực đã hình thành các trung tâm kinh tế và thương cảng quan trọng. Khu vực miền Bắc từ rất sớm đã tham gia vào quá trình giao lưu buôn bán với các nước Ấn Độ, Đông Á, Địa Trung Hải...Các kết quả nghiên cứu cho thấy, khu vực Vân Đồn đã có sự giao lưu với khu vực nam Trung Quốc từ rất sớm. Quá trình giao thương này tồn tại đến thế kỷ XII thì chính thức được thành lập “trang Vân Đồn” và chỉ thực sự suy tàn vào thời Nguyễn, thế kỷ XIX. Trong thời kỳ phát triển hưng thịnh, các thuyền buôn và thương nhân Trung Quốc, Lưu Cấu (Nhật Bản), Đông Nam Á như Trảo Oa (Java), Lộ Hạc, Xiêm La, Tam Phật Tề, Chiêm Thành và có thể cả những thương nhân vùng Tây Nam Á và Châu Âu đến buôn bán trao đổi hàng hóa. Cùng với Hội Thống, Vân Đồn trở thành hai thương cảng quan trọng, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế đất nước ở khu vực miền Bắc. Từ khá sớm thương cảng Vân Đồn đã thu hút sự chú ý quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế. Thương cảng Vân Đồn là một hệ thống gồm nhiều bến bãi, trong đó đã được các nhà nghiên cứu và xác nhận là các bến Cống Cái, Cái Làng, Cống Đông, Công Tây, Cống Hẹp, Vạn Ninh, Đượng Hạc... Bên cạnh một số vấn đề đã được giải quyết, nhiều vấn đề của thương cảng Vân Đồn đã và đang đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu như : vị trí phân bố, quá trình hình thành và phát triển, và mối quan hệ của các bến bãi trong hệ thống cảng Vân Đồn như thế nào?; Cấu trúc hay chức năng của chúng như thế nào ?; Trung tâm chính của thương cảng nằm ở đâu, có sự thay đổi qua các thời kỳ không?. Do vậy, việc tiếp tục nghiên cứu điều tra, khảo sát về thương cảng này là hết sức cần thiết.
  • 9. 2 Cống Cái là một trong những bến bãi nằm trong hệ thống thương cảng Vân Đồn. Vị trí nằm về phía bắc thôn Sơn Hào, thuộc xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Sau nhiều đợt tiến hành khảo sát và khai quật, các nhà nghiên cứu đã phát nhiều di vật xuất lộ trên bề mặt ven bờ vụng và cả trong địa tầng. Các di vật xuất lộ gồm gốm men, sành, đồ đất nung, đồ kim loại. Nghiên cứu các mặt cắt cho thấy tầng văn hóa ở di tích này khá dày. Phần lớn các di vật xuất lộ có thể xác định niên đại vào thời Trần. Ngoài ra cũng xuất hiện các di vật thuộc thời kỳ sớm hơn và muộn hơn. Với số lượng lớn di vật và tầng văn hóa dày, ổn định, có thể xác định khu vực này đã tồn tại một khu dân cư phát triển nhất vào thời Trần. Đây là một khu vực lý tưởng cho việc nghiên cứu một làng cổ liên hệ chặt chẽ với lịch sử hình thành và phát triển của thương cảng cổ Vân Đồn và những sự kiện liên quan đến cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông của nhà Trần, đặc biệt là trận đánh của Trần Khánh Dư. Tôi là người may mắn được trực tiếp tham gia khảo sát và khai quật tại di tích bến Cống Cái từ năm 2014 cho đến nay. Vì vậy, tôi mong muốn tìm hiểu quá hình hình thành, phát triển, suy tàn của di tích bến Cống Cái nói riêng và hệ thống thương cảng Vân Đồn nói chung. Từ những lý do trên tôi quyết định chọn đề tài: “Di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn (Quảng Ninh)” làm luận văn thạc sĩ của mình. 2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài Được nhiều tư liệu lịch sử trong và ngoài nước nói đến với tư cách là một thương cảng quốc tế do nhà Lý thành lập từ năm 1149, các xã đảo thuộc huyện Vân Đồn nói chung và khu vực đảo Quan Lạn nói riêng luôn là đối tượng nghiên cứu của các nhà sử học, khảo cổ học và các nhà nghiên cứu lịch
  • 10. 3 sử văn hóa. Vị trí và hình thế của thương cảng Vân Đồn được mô tả trong các sách sử Việt Nam và Trung quốc như Đại Việt sử ký toàn thư, Nguyễn Trãi toàn tập, Lịch triều hiến chương loại chí, Đại Việt địa dư toàn biên, Đồng Khánh dư địa chí, Lĩnh ngoại đại đáp, An Nam Chí Nguyên… Cuộc khảo sát về thương cảng Vân Đồn sớm nhất tại khu vực đảo Quan Lạn có lẽ là của GS. Yamamoto Tatsuro vào năm 1936, khi ông nhắc tới chuyến khảo sát tại đảo Vân Hải, bến Con Quy, xã Quang Châu (xã Minh Châu ngày nay) và xã Quan Lạn. Trong đợt này, ông đã thu thập được số lượng lớn tiền đồng Trung Quốc và Việt Nam. Tiền Trung Quốc chủ yếu là thời Tống, một số ít thuộc thời Đường và thời Minh Thanh. Tiền Việt Nam chủ yếu thuộc thời Lê và Nguyễn, đặc biệt là tiền Cảnh Hưng và tiền Minh Mạng. Đồ gốm sứ sưu tầm trong dân (36 hiện vật và mảnh vỡ) được chuyên gia Nhật Bản cho rằng chúng thể hiện nhiều loại hình, có ảnh hưởng lớn từ các truyền thống Trung Hoa, nhưng vẫn là sản phẩm của Việt Nam, được chở từ phía tây tới (nội địa), có lẽ để buôn, niên đại từ thời Tống đến thời Thanh. Ông cho rằng bến Con Quy ở phía Bắc của đảo Quan Lạn là bến tốt nhất có thể tránh sóng và có thể là một bến quan trọng trong thời phồn vinh của cảng Vân Đồn [5, tr.76-122]. Tại đây, các nhà nghiên cứu còn phát hiện được một số tiền đồng thời Hán và di vật gốm, sành nhưng số lượng không nhiều. Có thể, vào thời kỳ phát triển của thương cảng Vân Đồn, bến Con Quy chỉ đóng vai trò là cửa ngỏ, trạm dừng chân của thuyền buôn trước khi vào bến chính. Từ những năm 1960, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã tham gia vào việc nghiên cứu các thương cảng. Thương cảng đầu tiên được chọn lựa nghiên cứu là thương cảng Vân Đồn. Những kết quả nghiên cứu Vân Đồn thời kỳ này đã được Đỗ Văn Ninh công bố trong tập sách “Tìm lại dấu vết Vân Đồn lịch sử” do Sở Văn hóa Thông tin Quảng Ninh xuất bản năm 1971 (tái bản năm 1997), và “Thương cảng Vân Đồn” xuất bản năm 2004. Tại Vân
  • 11. 4 Đồn, các nhà khảo cổ học cũng đã tiến hành khai quật một ngôi chùa - chùa Lấm và một ngọn tháp thời Trần trên đảo Thừa Cống. Hàng loạt dấu vết các ngôi chùa khác, các nền nhà và một hệ thống hàng chục bến bãi như Cống Đông, Cống Yên, Cống Hẹp, Cái Làng, Con Quy… đã được phát hiện. Trong đó, tác giả có nhắc đến cuộc khảo sát khu vực bến Cống Cái và cũng đã xác định dấu tích sành sứ trải dài hàng trăm mét trên bờ nam bến Cống Cái. Trên sườn núi là dấu tích các lớp nhà từ chân lên tới lưng chừng núi. Trên đỉnh núi còn kiến trúc đình quay hướng chính nam và một lối đi mở xuống giếng Đình quanh năm đầy nước. Trên cơ sở kết quả khảo sát của ông cho rằng trung tâm giao dịch xưa nằm ở khu vực giữa đảo Vân Hải, tức là bến Cống Cái và Cái Làng [60]. Như vậy, vào những năm 60-70 của thế kỷ XX, các nhà khảo cổ học đã xác định vai trò quan trọng của khu vực Cống Cái trong thương cảng Vân Đồn. Năm 1990, đẩy thêm một bước nữa trong việc nghiên cứu thương cảng Vân Đồn. Ban Quản lý các di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức một cuộc hội thảo về thương cảng Vân Đồn tại huyện Cẩm Phả. Kỷ yếu hội thảo “Thương cảng Vân Đồn, lịch sử, tiềm năng kinh tế và các mối giao lưu văn hóa” được xuất bản năm 2009. Sau đó được chỉnh sửa và xuất bản cuốn sách “Di tích lịch sử-văn hóa thương cảng Vân Đồn” năm 2010. Trong cuộc hội thảo này, các nhà khảo cổ học đã cố gắng đi thêm một bước trong việc xác định trung tâm của thương cảng Vân Đồn, nhưng tại đây đã xuất hiện hai quan điểm trái ngược nhau. Một ý kiến cho vị trí trung tâm của thương cảng Vân Đồn từ thời Lý cho đến ngày Vân Đồn suy tàn nằm trên đảo Quan Lạn. Ý kiến thứ hai cho rằng, tài liệu khảo cổ học cho phép xác định trung tâm cảng Vân Đồn thời Trần là đảo Thừa Cống (xã Thắng Lợi). Cho đến nay, câu trả lời cho vấn đề này còn để ngỏ. Trong luận văn này, theo tôi, có thể trung tâm thương cảng Vân Đồn vào giai đoạn sớm, thế kỷ XII-XIV nằm ở đảo
  • 12. 5 Quan Lạn và bắt đầu suy tàn cuối thế kỷ XV. Trong giai đoạn, thế kỷ XIV- XVI, đảo Thừa Cống trở thành là trung tâm của thương cảng Vân Đồn. Bên cạnh đó, trong các năm 1990, 1993, 1997, 2000, 2002, 2003, Trung tâm Hợp tác Nghiên cứu Việt Nam, Đại học Tổng hợp Hà Nội nay là Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, phối hợp với Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Chiêu Hòa, Đại học Tổng hợp Osaka, Trung tâm Khảo cổ học tỉnh Okinawa cùng một số cơ quan khoa học khác của Nhật Bản đã đến khảo cứu nhiều bến cảng cổ thuộc Vân Đồn. Đáng chú ý là cuộc khai quật năm 2002-2003 tại di tích bến Con Quy (xã Quan Lạn) và Cống Tây (xã Thắng Lợi). Năm 2002, tại di tích Cống Tây, đoàn nghiên cứu đã tiến hành khai quật ở vụng thôn 3và vụng thôn 5. Kết quả khai quật cho thấy, tầng văn hóa dày 40cm, hiện vật chủ yếu là gốm men Việt Nam và Trung Quốc, sành, vật liệu kiến trúc. Một số loại hình gốm men Việt Nam như hộp bát, bình hoa lam có nguồn gốc từ Hải Dương, niên đại thế kỷ XV-XVI. Hiện vật gốm men Trung Quốc có niên đại thế kỷ XIV-XV, trong đó men ngọc là điển hình gốm lò Long Tuyền, thời Nguyên. Từ kết quả khai quật này, đoàn khai quật cho rằng: có thể ở đảo Thừa Cống có 2 loại bến: bến chuyên chứa hàng nhập khẩu, chủ yếu lưu chứa gốm men Trung Quốc như vụng thôn 5, vụng Chuồng Bò. Và bến chuyên lưu chứa, xuất khẩu gốm men Việt Nam như vụng thôn 3 [40, 44, tr.56-57]. Tại bến Con Quy, năm 2002, đoàn nghiên cứu đã tiến hành mở 3 hố thăm dò với tổng diện tích 14m2 . Ở khu vực khai quật, bề mặt đã bị san lấp do quá trình khai thác cát, chỉ còn lớp xáo trộn dày 60-100cm, là lớp cát màu xám chưa các mảnh hiện vật đồ gốm men, đồ sành Việt Nam và Trung Quốc, có niên đại TK XIII-XVII và bộ sưu tập tiền đồng mà chủ yếu là tiền Trung Quốc có niên đại khá dài từ TK I đến TK XIII [39]. Như vậy, có thể nhận thấy di tích bến
  • 13. 6 Con Quy có thời gian tham gia vào hệ thống thương mại sớm hơn các di tích khác trên đảo Quan Lạn. Năm 2003, một cuộc khai quật đã được thực hiện ở Bến Cái Làng, cách khu vực Cống Cái-Sơn Hào khoảng 3km về phía tây nam. Kết quả đã xác định được các dấu tích cầu cảng, kiến trúc nhà ở và nhiều di vật gốm sành, đồ sứ Trung Quốc và Việt Nam. Trong đó đồ sứ Việt Nam được xác định có các loại hình từ thời Lý đến thời Lê, số lượng nhiều nhất thuộc thời Trần và thời Lê Sơ. Di tích theo đó được cho là phát triền thịnh đạt nhất từ thời Trần đến thời Lê Sơ [36]. Năm 2014, cuốn sách “Vân Đồn thương cảng quốc tế của Việt Nam” của PGS. TS. Nguyễn Văn Kim được xuất bản, đã nêu ra thương cảng Vân Đồn vào thời Lý - Trần đã hình thành ba tiểu vùng. Tiểu vùng thứ nhất tập trung ở đảo Thừa Cống, là nơi đặt trị sở của trang Vân Đồn thời Lý-Trần. Tiểu vùng thứ hai gồm các địa điểm ở đảo Quan Lạn, là cửa ngõ của vùng thương cảng, có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh và kiểm soát thuế, đảm bảo các hoạt động bang giao và trao đổi sản phẩm cao cấp của tiểu vùng thứ nhất. Tiểu vùng thứ ba là nhóm đảo phía đông nam của thương cảng thuộc xã Ngọc Vừng, là nơi buôn bán, kiểm soát và đảm bảo an ninh cho phía nam thương cảng Vân Đồn. Ba tiểu vùng này hợp thành một hệ thống tạo nên vùng thứ nhất, hay gọi là vùng lõi của thương cảng. Vùng thứ hai là cụm bến, cảng ven bờ bao gồm các tiểu vùng: Yên Hưng, Cửa Lục, Cái Bầu kéo dài đến Vạn Ninh ở phía Bắc. Vùng thứ hai có vai trò trong việc cung cấp, luân chuyển hàng hòa từ các làng nghề thủ công, trung tâm nội địa ra thương cảng quốc tế, đồng thời đón nhận, tiêu thụ, điều phối hàng hóa của vùng thứ nhất. Vùng thứ ba là các cảng vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh, là các cảng trung chuyển của Vân Đồn. Như vậy, Nguyễn Văn Kim đã hệ thống các địa điểm theo tầm quan trọng của các địa điểm, Cống Cái là một địa điểm nằm ở tiểu vùng thứ 2
  • 14. 7 trong Vùng thứ nhất. Ông nhận định các địa điểm ở đảo Thừa Cống vào giai đoạn thời Lý-Trần có vai trò quan trọng nhất [46, tr.278-297]. Việc xác định các vùng và tiểu vùng trong thương cảng Vân Đồn và chỉ ra mối quan hệ của chúng với nhau, đã làm cho chúng ta có cái nhìn tổng thế, mối quan hệ khăng khít giữa các di tich trong hệ thống thương cảng Vân Đồn. Tuy nhiên, theo ông thì các di tích trong đảo Thừa Cống có vai trò quan trọng nhất vào giai đoạn thời Lý-Trần. Từ năm 2012 – 2019, kết quả 8 cuộc khảo sát và 1 cuộc khai quật do Viện Khảo cổ học và nhóm chuyên gia quốc tế về khảo cổ học dưới nước cũng đã xác định được khu vực có tầng văn hóa thời Trần và nhiều dấu tích có liên quan đến bến bãi ở khu vực bến Cống Cái như giếng nước, đá neo thuyền, các dấu tích kiến trúc và số lượng lớn hiện vật có nguồn gốc Việt Nam và Trung Quốc, niên đại thế kỷ IX-XIX, nhưng tập trung nhất vẫn là thế kỷ XII-XIV. Bến Cống Cái do vậy là một khu vực lý tưởng cho việc nghiên cứu một làng cổ liên hệ chặt chẽ với lịch sử hình thành và phát triển của thương cảng cổ Vân Đồn và những sự kiện liên quan đến cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông của nhà Trần, đặc biệt là trận đánh Trần Khánh Dư. Các dấu tích khảo cổ học mới phát hiện còn cho thấy lịch sử chiếm cư ở khu vực này có thể còn bắt đầu từ thời xa xưa hơn. Ngoài ra nhóm nghiên cứu còn phát hiện loại hình di vật đáng chú ý là khẩu súng thần công, thuộc phong cách thế kỷ 16, nhưng được đúc tại địa phương [49, tr.1]. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu Thu thập và hệ thống hoá, phân tích, đánh giá tư liệu lịch sử và khảo cổ học đầy đủ nhất, từ trước đến nay về địa điểm bến Cống Cái. Nghiên cứu tính chất và loại hình của các di vật xuất lộ, vai trò của những di vật này đối với sự phát triển của thương cảng
  • 15. 8 Trên cơ sở các kết quả khai quật và nghiên cứu khảo cổ học, bước đầu xác định niên đại hình thành và phát triển của di tích, vai trò và vị trí của di tích trong bối cảnh chung của khu di tích thương cảng Vân Đồn. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu: Di tích, di vật kết hợp với các tư liệu liên ngành liên quan đến địa điểm Bến Cống Cái và hệ thống thương cảng Vân Đồn. Phạm vi nghiên cứu: Về không gian: Toàn bộ khu vực Bến Cống Cái, thuộc thôn Sơn Hào, xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn. Luận văn kết hợp nghiên cứu so sánh một số di tích bến bãi khác trong hệ thống thương cảng Vân Đồn. Về thời gian: Trong thời gian hình thành, phát triển và suy tàn của di tích bến Cống Cái, từ thế kỷ XII đến thế kỷ XVIII. Ngoài ra còn liên hệ với các thời kỳ trước và sau đó. 5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu Nguồn tư liệu: Các báo cáo điều tra, khai quật khảo cổ học, các bài nghiên cứu về di tích bến Cống Cái nói riêng, các di tích bến bãi khác thuộc thương cảng Vân Đồn nói chung đã được công bố trên các sách, tạp chí chuyên ngành và trong các kỷ yếu hội thảo về khảo cổ học. Luận văn tham khảo một số sách khoa học có liên quan như địa chất, địa mạo, địa hình, khí hậu thuỷ văn, môi trường, dân tộc học... có liên quan đến khu vựcVân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Các nguồn tư liệu lịch sử liên quan đến hệ thống thương cảng Vân Đồn và kháng chiến chống quân Mông - Nguyên lần thứ 3. Phương pháp nghiên cứu:
  • 16. 9 Luận văn sử dụng các phương pháp khảo cổ học truyền thống như: phương pháp điều tra, khảo sát không tác động, thăm dò và khai quật khảo cổ, phân loại loại hình học, miêu tả, đo vẽ, chụp ảnh di tích, di vật khảo cổ... Phương pháp nghiên cứu so sánh khảo cổ học được sử dụng nhằm làm rõ sự tương đồng và khác biệt giữa di tích bến Cống Cái và những di tích bến bãi khác thuộc hệ thống thương cảng Vân Đôn. Từ đó làm rõ những đặc trưng riêng, nổi bật của di tích bến Cống Cái trong lịch sử. Ngoài ra, sử dụng phương pháp này để làm rõ xuất xứ, niên đại của các nhóm đồ gốm men đặc biệt là nhóm gốm men Trung Quốc. Vận dụng kết quả nghiên cứu của các khoa học có liên quan như: địa lý, địa chất, ... để bổ sung vào phương pháp tiếp cận đánh giá tổng thể. Ứng dụng phương pháp sử dụng hệ thống tọa độ GPS để xây dựng bản đồ tiềm năng phân bố của những dấu tích thương mại ở khu vực này. Luận văn sử dụng phương pháp lịch sử, toàn diện, cụ thể và biện chứng trong luận giải các mối quan hệ giữa di tích, di vật và các hiện tượng tự nhiên, xã hội có liên quan để minh chứng cho các nội dung khoa học cần giải quyết của luận văn. Thuật ngữ: Luận văn còn bàn về một số thuật ngữ được sử dụng như thương cảng, bến bãi/bến tàu/thuyền. Thương cảng: là khu vực bờ cùng với vùng nước tiếp giáp (nước ngọt, nước lợ, nước mặn) và tổ hợp những công trình, thiết bị được sử dụng cho hoạt động giao thương buôn bán trong và ngoài nước. Nó phải có những điều kiện và trang thiết bị cần thiết cho việc dừng đỗ tàu thuyền, sửa tàu, cung cấp nhiên liệu, vật liệu, bốc dỡ hàng hóa. Quy mô của thương cảng được biểu thị
  • 17. 10 qua lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và nó là đầu mối quan trọng trong việc vận chuyển lưu thông hàng hóa [33, tr.28]. Như vậy, Vân Đồn hoàn toàn xứng đáng là một thương cảng quốc tế có số lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn, đa dạng và là một hệ thống với nhiều bến bãi. Bến bãi/bến tàu/thuyền: Là một bến trong hệ thống cảng/thương cảng. Theo đó, về cơ bản, bến được hiểu là chỗ bờ sông, thường có bậc lên xuống để lấy nước tắm giặt. Chỗ quy định để tàu/thuyền, dừng lại để xếp dỡ hàng hóa [88, tr.97]. Địa điểm Cống Cái là một bến bãi điển hình với các di tích có liên quan như giếng nước, bãi sành sứ dài 200m, các viên đá neo thuyền, dấu tích kiến trúc hai bên bờ. Vào thời kỳ thương cảng Vân Đồn hoạt động, bến Cống Cái là nơi neo đậu tàu/thuyền, bốc dỡ hàng hóa. Tuy nhiên, vào thời Nguyễn trở về sau, địa điểm này đã đánh mất vai trò là bến bãi mà nó chỉ còn tính chất là bến neo đậu tàu thuyền, không còn hoạt động buôn bán. 5. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn Ý nghĩa thực tiễn: Luận văn đóng góp những tư liệu quan trọng về mặt tư liệu khoa học với hệ thống di tích, di vật ở di tích bến Cống Cái. Góp phần làm rõ diện mạo của di tích này và bổ sung tư liệu mới cho việc nghiên cứu thương cảng Vân Đồn. Ý nghĩa lý luận: Tập hợp, hệ thống hóa tư liệu và kết quả nghiên cứu về di tích bến Cống Cái nói riêng, các di tích bến bãi khác thuộc thương cảng Vân Đồn nói chung. Phân tích, nghiên cứu so sánh để tìm hiểu về quy mô, tính chất, chức năng, thời gian sử dụng của di tích bến Cống Cái. Nêu bật các giá trị về lịch sử, văn hóa của di tích bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn. Góp phần nghiên cứu và giải quyết một số vấn đề lịch sử thương cảng Vân Đồn.
  • 18. 11 Cung cấp cơ sở khoa học tin cậy phục vụ cho công tác quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị địa điểm bến Cống Cái trong hệ thống thương cảng Vân Đồn. 7. Kết cấu luận văn Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục minh họa, luận văn được bố cục thành 3 chương: Chương 1. Tổng quan tư liệu về thương cảng Vân Đồn và di tích bến Cống Cái Chương 2. Di tích bến Cống Cái qua tư liệu khảo cổ học Chương 3. Vị trí bến Cống Cái trong bối cảnh thương cảng Vân Đồn.
  • 19. 12 CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN TƯ LIỆU VỀ THƯƠNG CẢNG VÂN ĐỒN VÀ DI TÍCH BẾN CỐNG CÁI 1.1. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của thương cảng Vân Đồn và di tích bến Cống Cái Thương cảng Vân Đồn là một hệ thống có nhiều bến bãi, nằm về phía đông bắc của Việt Nam, hiện nay các di tích của thương cảng này thuộc tỉnh Quảng Ninh gồm các huyện Vân Đồn, Hoành Bồ, Móng Cái, Quảng Yên. Theo Địa chí Quảng Ninh thì: “khí hậu Quảng Ninh tiêu biểu cho khí hậu các tỉnh miền Bắc Việt Nam vừa có nét riêng của một tỉnh miền núi ven biển. Các quần đảo ở huyện Cô Tô và Vân Đồn ... có đặc trưng của khí hậu đại dương. Theo số liệu quan trắc, mùa lạnh ở Quảng Ninh bắt đầu từ hạ tuần tháng 11 và kết thúc vào cuối tháng 3 năm sau, mùa nóng bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào đầu tháng 10. Mùa ít mưa bắt đầu từ tháng 11 cho đến tháng 4 năm sau, mùa mưa nhiều bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào đầu tháng 10. Giữa hai mùa lạnh và mùa nóng, hai mùa khô và mùa mưa là hai thời kỳ chuyển tiếp khí hậu, mỗi thời kỳ khoảng một tháng (tháng 4 và tháng 10). Dưới tác động của sự biến đổi khí hậu hiện nay, thời tiết của khu vực đảo Quan Lạn cũng có nhiều biến đổi” [83, tr.229]. Vào tháng 8 - 9 năm 2016, vẫn có những cơn bão liên tiếp cùng với lượng mưa lớn. Vào tháng 4 năm 2017, thời tiết đã nắng gắt nhưng rất khô hạn, mực nước ngầm trong các giếng xuống rất thấp. Bến Cống Cái có vai trò quan trọng trong hệ thống các bến ở đảo Quan Lạn nói riêng và cả hệ thống thương cảng Vân Đồn nói chung. Di tích bến Cống Cái nằm ở phần trung tâm của đảo Quan Lạn, một hòn đảo thuộc tuyến Vân Hải nằm ở rìa phía đông nam của huyện đảo Vân Đồn. Về quản lý hành chính, hiện nay khu vực này thuộc thôn Sơn Hào, xã Quan Lạn, huyện Vân
  • 20. 13 Đồn. Di tích nằm cách trung tâm xã Quan Lạn khoảng 5km về phía đông bắc, các xã Minh Châu khoảng 5km về phía tây nam. Di tích này gồm thung lũng Sơn Hào và ngã ba Cống Cái - Sông Mang. Thung lũng Sơn Hào được vây quanh bởi một dãy núi cao ở phía tây nam và một dãy đồi thấp ở phía đông bắc. Nhân dân địa phương gọi đây là núi Vân, có thể đây là nguồn gốc tên gọi Vân Đồn ngày nay. Những cồn cát trắng ở phía đông chạy dọc theo bờ biển theo hướng đông bắc - tây nam tạo cho thung lũng khá kín, tránh được gió bão từ biển đông và khá rộng rãi, với nhiều cánh ruộng kiểu bậc thang từ trên sườn các quả đồi thấp và ven chân núi kéo xuống vùng trũng thấp giữa thung lũng. Về phía bắc thung lũng Sơn Hào, những quả núi nhỏ có độ cao không lớn lắm nằm bao lấy một vụng nước - vụng Cống Cái, mở vào dòng Cống Cái ở phía tây. Quanh ba phía của vụng là những quả núi khá cao, nối với nhau bằng các võng núi hoặc khe núi thấp, có thể leo qua khá dễ dàng, đặc biệt là sườn đồi phía nam, nơi dẫn xuống thung lũng Sơn Hào. Cống Cái là một cửa vụng được mở ra do đảo Quan Lạn và núi Man chạy song song ngăn một dải nước tạo thành. Mỗi lần thủy triều lên xuống, nước biển cũng chảy vào hay rút ra theo dải sông này như cái cống. “Người vùng đảo gọi những dải nước hẹp là “cống”, như vậy cống là chỉ dòng sông nhỏ. Vì nhỏ, nên nước ra vào với lưu tốc lớn hơn sông và lưu tốc nước lớn lại là một tiêu chí quan trọng để gọi dải nước biển là sông hay là cống” [60, tr.133]. “Cái” là vụng biển kín đáo, không sâu, khi thủy triều dâng cáo thuyền bè vừa và nhỏ có thể cập bờ. Chính vì vụng ở ngay bên cống và cống lại chảy qua cái nên vụng này được gọi là Cống Cái” [60, tr.143]. Vụng Cống Cái kín gió và không lớn lắm. Cửa vào rộng khoảng 100m khi nước triều lên, nơi hẹp nhất khoảng 50m rồi lại mở rộng ở phía trong, có diện tích mặt nước khoảng 20,000m2 khi triều lên. Hiện nay, do việc đắp
  • 21. 14 đường ngăn một phần vụng cho việc xây dựng lò đốt rác nên diện tích phần còn lại chỉ khoảng hơn 1/2. Vụng thường cạn trơ đáy khi thủy triều xuống thấp, nhưng lúc thủy triều lên cao đủ sâu cho thuyền bè hàng chục tấn vào neo đậu. Đặc biệt là ở bờ phía bắc, nơi có các khúc bãi khá phẳng và rộng. Tình trạng cạn kiệt khi triều rút ngày nay còn do một thời kì đây là bến vận chuyển cát khai thác từ các cồn ven biển, tạo nên một lớp cát đọng phủ dầy dưới đáy. Án ngữ phía bắc vụng Cống Cái là Đồi Đình, một quả đồi khá cao, có sườn phía tây nam thoải xuôi xuống dòng Cống Cái. Đồi Đình cũng chắn ngay phía đông nam khu vực ngã ba sông Mang mở vào Cống Cái, cách nơi mở vào vụng Cống Cái khoảng 500m. Phía nam Vụng Cống Cái là một quả đồi khác, thấp hơn Đồi Đình, nhưng có sườn phía bắc khá dốc với nhiều khối đá lổn nhổn, không thuận lợi cho việc đi lại trên bộ cũng như dưới nước. Tuy nhiên, một số khe nước chảy từ trên núi xuống được các khối đá lớn chặn lại, tạo nên những điểm dừng chân nhỏ, được chứng thực bởi sự có mặt của một số mảnh sành sứ phía trong vụng. Ở khu vực rộng hơn, vụng Cống Cái là một trong những vụng nhỏ nằm hai bên bờ Cống Cái, một dòng nước từ Sông Mang mở vào khu vực Cái Làng. Vụng Cái Làng là một vụng biển rộng, được ngăn lại bởi đảo Quan Lạn phía nam và núi Man nằm chặn giữa Sông Mang và Cống Cái ở phía bắc. Về phía bắc, ở khoảng giữa vụng là làng Cái Làng, một làng cổ nổi tiếng trong hệ thống các di tích của thương cảng cổ Vân Đồn. Từ cửa Cống Cái mở về phía bắc là Sông Mang, đoạn này rộng tới khoảng gần 900m. Đảo Con Quy nằm về phía bắc-đông bắc, cách Đồi Đình khoảng hơn 900m. Nhưng những cồn cát và doi đất nổi lên về phía nam của đảo kéo tới cách Đồi Đình khoảng 300m, tạo nên những bãi nông rộng rãi. Giữa Đồi Đình và cụm đảo này là một dòng nước mở ra hướng biển Đông, nhưng nay đã bị chặn lại bởi các cồn cát và đường nhựa. Từ trên sườn phía
  • 22. 15 bắc đồi đình, một khe nước hầu như chảy suốt quanh năm đã được cư dân địa phương lợi dụng, thu vào một cái giếng nông, với một khối đá lớn bên ngoài, có thể để neo thuyền. Sông Mang, có hình cách cung, chảy theo hướng đông bắc-tây nam, đến đoạn mở vào Cống Cái lại có hướng đông-tây, chếch nam khoảng 15. Chiều rộng trung bình khoảng 7-800m, nơi rộng nhất tới trên 1000-1500m. Nơi sâu nhất đo được ở cửa Đối tới trên 30m, trong dòng chính trung bình khoảng 10- 15m. Hai bên bờ có nhiều vụng, được gọi là “mang”, như Mang Thúng, Mang Đò… Hiện nay, nhiều mang được xây bờ chặn lại để nuôi thủy sản. Hướng và mức độ dòng chảy của sông Mang phụ thuộc vào thủy triều và thời gian trong năm. Trong các cuộc lặn khảo sát năm 2014 ở đây, có thể thấy dòng nước chảy khá mạnh khi triều rút, độ sâu ở khu vực lặn khảo sát trong Mang Thúng và Cống Cái không quá 9m [98]. Về phía đông khu vực nghiên cứu, dọc theo đảo Quan Lạn là những cồn cát cao ngăn những bãi cát trắng phau với những cánh ruộng và đồi núi bên trong. Một số quả núi ăn lan ra biển, ngắt đoạn những cồn cát, tạo thành những bãi tắm tuyệt đẹp, như bãi tắm Quan Lạn, bãi tắm Sơn Hào và bãi tắm Minh Châu. Bên trong những cồn cát cao, nay phủ đầy phi lao và các loại cây khác, được giữ làm rừng phòng hộ, có những gò đất pha cát xám nâu. Một số, hiện là nơi cư trú hoặc được sử dụng làm đất nghĩa trang. Ngoài thung lũng Sơn Hào và những cánh ruộng thấp xen giữa các cồn cát, núi đá, đồi đất, phần lớn diện tích đồi núi, gò cát ở đây là rừng tạp tự nhiên, một phần là rừng trồng cây công nghiệp, chủ yếu là cây keo và cây thông. Trước đây, rừng có nhiều loại cây gỗ quý, nhưng nay ở khu vực Sơn Hào rất ít thấy. Rừng tự nhiên ở đây có nhiều loại cây làm thuốc và gia vị có giá trị, vẫn được dân địa phương thu hoạch, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tại
  • 23. 16 chỗ. Hải sản ở khu vực này, cũng như trong toàn huyện Vân Đồn nói chung rất đa dạng và có nhiều loài quý, có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là sá sùng. Một trong những bãi khai thác sá sùng lớn của Quan Lạn là khu vực Cống Cái - Cái Làng. 1.2. Lịch sử hình thành thương cảng Vân Đồn và vị trí địa - lịch sử qua sử liệu Ngày xưa, việc đi lại với phương Bắc theo con đường thủy ven vịnh Bắc Bộ. Thiên nhiên đã bố trí một loạt đảo chạy suốt ven biển tạo bức bình phong kín đáo, ngăn dòng nước ở giữa khiến việc đi lại yên bình như trên đường sông. Theo “Lĩnh Nam ngoại đáp” đời Tống ghi rõ: từ Khâm Châu thuyền đi hướng Tây-Nam, một ngày đến châu Vĩnh An, theo trại Đại Bàn thuộc Ngọc Sơn, tới Vĩnh Thái, Vạn Xuân liền tới Thăng Long, thuyền đi mất 5 ngày” [60, tr.121]. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư” viết: năm 1006, “Duyên biên an phủ sứ Thiệu Việp từng dâng vua Tống bản đồ đường thủy, bộ từ Ung Châu đến Giao Châu với ý đồ muốn lấy nước ta”[29; tr.168]. Chứng tỏ con đường này đã được người Tống nghiên cứu rất kỹ. Đường đi thuận lợi không những dùng cho quân đội mà còn là con đường buôn bán giữa nước ta với phương Bắc. Trong suốt những năm chống Hán hóa, thuyền buôn các nước vẫn buôn bán với Việt Nam. Đến năm 792, thuyền buôn qua lại nhiều đến nỗi, bọn quan lại nhà Đường cho rằng sự phồn vinh của Đại Việt có hại cho nền ngoại thương ở Quảng Châu nên họ yêu cầu vua Đức Tông ra lệnh cấm không cho tàu buôn các nước qua lại với Đại Việt [5, tr.20]. Năm 1009, vua Lê Ngọa Triều đã cầu thông thương với Ung Châu nhưng vua Tống chỉ cho “thông thương với Liêm Châu và trấn Như Hồng thôi” [29, tr.169].
  • 24. 17 Qua kết quả khai quật 3 ngôi mộ tại khu mộ Đá Bạc (xã Minh Châu) cho thấy người chết cùng gia quyến là người có quan chức cao. Niên đại thế kỷ II- III với số lượng di vật phong phú và đa dạng đã cho thấy tầm quan trọng về mặt kinh tế vùng hải đảo, có thể là vào thời Hán, người Trung Quốc đã thiết lập một trị sở quản lý ở đâu đó xung quanh đảo Trà Bản hoặc Quan Lạn [60, tr.120]. Với những tư liệu khảo cổ học được phát hiện tại di tích Đồng Chổi và các ngôi mộ Hán tại Đá Bạc (xã Minh Châu), đảo Thẻ Vàng (xã Thắng Lợi) cho phép ta tin rằng, khu vực Vân Đồn vào khoảng 2000 năm trước đã có thể là trọng điểm kinh tế và nằm trên trục đường biển quốc tế. Tên gọi Vân Đồn xuất hiện lần đầu tiên trong chính sử nước ta vào năm 1149 đời vua Lý Anh Tông, “lúc này thuyền buôn nước ngoài đến xin đỗ một chỗ để buôn bán, vua cho ở, lập các trang trại ở cạnh bờ biển nên mới gọi là trang Vân Đồn, thuộc đạo Hải Đông, để buôn bán với ba nước ở phía Nam nước ta là Trảo Oa, Lộ Lạc, Xiêm La” [29, tr.302]. Từ đơn vị “trang” thời Lý, sau hai thế kỷ tồn tại, Vân Đồn phát triển mạnh mẽ trở thành thương cảng lớn và quan trọng của Đại việt. Chính sử nhiều lần chép về việc thuyền buôn từ nhiều nước trong khu vực đến Vân Đồn xin buôn bán cư trú. Bời vậy, vào năm 1349, đời Trần Dụ Tông, Vân Đồn đã được nâng lên thành “trấn” thuộc lộ Hải Đông, và cử quan lại, quân đội đến đây để quản lý đời sống của cư dân và khách thương. Thời thuộc Minh, Vân Đồn được đặt làm một huyện thuộc châu Tĩnh An. Vào thời Lê sơ, Vân Đồn được lập làm châu thuộc phủ Hải Đông, đạo An Bang. Sang thời Lê Trung Hưng và Nguyễn, Vân Đồn là một châu thuộc phủ Hải Đông, trấn Yên Quảng. Ngày nay, Vân Đồn là một huyện của tỉnh Quảng Ninh.
  • 25. 18 Về vị trí của trang Vân Đồn, đến ngày nay vẫn là một câu hỏi lớn vì các ghi chép trong sử sách không rõ ràng khiến các nhà nghiên cứu vẫn còn nhiều ý kiến trái ngược nhau. Tuy nhiên, có thể xác định, thương cảng Vân Đồn được lập trên một hòn đảo trong vùng vịnh Bái Tử Long kín đáo. Sách “Đại Việt địa dư toàn biên” của Phương Đình Nguyễn Văn Siêu chép: “Núi Vân Đồn ở phía đông bắc phủ Giao Châu, huyện Vân Đồn, ở trong biển lớn. Hai núi đối nhau, một dòng nước chảy qua giữa, thuyền buôn của các phiên quốc phần nhiều họp ở đấy” [78, tr.112]. Như vậy, sách này chỉ rõ địa điểm núi Vân, sông Mang. Điều này hoàn toàn phù hợp với địa danh hiện nay tại đảo Quan Lạn. Ngoài ra có một số sách ghi chép về cửa biển Vân Đồn. Sách “Đại Nam nhất thống chí” ghi: “ở phía đông của huyện bên ngoài có đảo Mai, cũng gọi là cửa biển Mai”. Có thể là chỉ cửa Gót, cũng có thể là cửa vào giữa núi Gót với đảo Phượng Hoàng, cũng có thể là chỉ cửa giữa đảo Phượng Hoàng và Ngọc Vừng ngày nay. Sách “Đồng Khánh dư địa chí” ghi: “Đảo Vân Đồn ở giữa biển, ngoài cửa biển Vân Đồn”, “cửa biển Vân Đồn ở địa phận xã Quan Lạn, phía ngoài có đảo Mai, còn gọi là cửa biển Mai, bên phải có đảo Ngọc Vừng, bên trái có đảo Cảnh Cước, phía trong có đảo Phượng Hoàng, phía đông đảo là sông Trạo Lai, thủy triều ở cửa biển sâu 1 trượng 8 thước, mực nước ban đêm sâu 1 trượng, rộng 140 trượng” [dẫn theo 5, tr.22]. Nhiều tài liệu xưa có ghi chép chung chung, như trong “An Nam chí nguyên” của Cao Trùng Hưng chép: “Vân Đồn, tức Đồn Sơn, ở huyện Vân Đồn, trong biển, hai dãy núi đối ngọn nhau, một dải nước chảy thông ở giữa, lập các hành rào chắn bằng gỗ đặt làm cửa biển, nhà dân ở dọc hai bên bờ. Thời Lý-Trần thuyền buôn các nước thường tụ tập nhiều ở đó” [87]. Theo Đỗ Văn Ninh thì hai ngọn núi ở đây là núi của đảo Trà Bản và núi đảo Quan Lạn
  • 26. 19 (xã Quan Lạn), dải nước chảy thông ở giữa là sông Mang. Tuy nhiên, Trịnh Cao Tưởng lại cho rằng hai ngọn núi là chỉ “đảo cống Đông và cống Tây (xã Thắng Lợi) cách nhau khoảng 200m thì mới có thể lập rào chắn” [93, tr.66]. Ngoài ra, trong các đợt khảo sát, nghiên cứu tại một số địa điểm có liên quan đến hệ thống thương cảng Vân Đồn ở thị xã Quảng Yên, huyện Hoành Bồ, thành phố Móng Cái đã phát hiện một số bến bãi có dấu tích như đồ gốm sứ, sành, lò nung gốm, dấu vết kiến trúc, thành lũy…có thể các địa điểm này là điểm tập kết, trạm trung chuyển hàng hóa từ đất liền ra cảng và từ bên ngoài vào Đại Việt [63, 64, 93]. 1.3. Các cuộc khảo sát và khai quật tại di tích bến Cống Cái Trong thời gian từ năm 2012 đến 2019, tại di tích bến Cống Cái đã tiến hành 8 cuộc khảo sát và 1 cuộc khai quật. Các đợt khảo sát năm 2012, 2013, 2014, 2015, 2016, 2017, 2018, 2019 đều được thực hiện bởi chương trình Khảo cổ học Hàng hải Việt Nam (VMAP) phối hợp với Viện Khảo cổ học và ngành Văn hóa tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, năm 2015, nhóm nghiên cứu tiến hành khoan mẫu ở vụng Cống Cái, nhưng đến nay chưa có kết quả. Đợt khai quật tháng 8 năm 2016 được thực hiện bởi Viện Khảo cổ học và BQL các công trình trọng điểm tỉnh Quảng Ninh. 1.3.1. Khảo sát năm 2012-2013 Năm 2012 là năm đầu tiên nhóm nghiên cứu quốc tế tiến hành khảo sát chiến trận của Trần Khánh Dư và thương cảng Vân Đồn. Chương trình này được tiếp tục vào năm 2013. Phương pháp chính sử dụng là dùng máy quyét cạnh sóng âm (slide scan sonar) để khảo sát dọc theo sông Mang. Năm 2012, nhóm chuyên gia đã khảo sát được khu vực dài khoảng 25km trên sông Mang, phát hiện khoảng 55 điểm chướng ngại vật. Có thể 5-6 điểm trong số này là tàu đắm cổ. Năm 2013, tiếp tục khảo sát từ Cửa Đối đến gần Hòn Dài. Khu
  • 27. 20 vực khảo sát dài khoảng 13km, rộng 0,5-1,5km. Tại các điểm nghi vấn tiến hành kiểm tra bằng phương pháp lặn sử dụng bình khí nén, tuy nhiên chưa phát hiện dấu tích tàu đắm ở đây. Một nhóm khác, tiến hành khoan lấy mẫu phân tích bào tử phấn hoa ở thôn Thái Hòa, xã Quan Lạn (Pl 2-h1,2) nhằm nghiên cứu môi trường cổ. Kết quả phân tích cho thấy sự phản ảnh của hệ sinh thái môi trường đối với sự dịch chuyển xã hội do chiến tranh hoặc bất ổn và biến đổi khí hậu. Một nghiên cứu đa bào, bao gồm phấn hoa, mẫu than, mẫu thực vật, cho thấy thảm thực vật bản địa rất phong phú và ở mức độ thấp, nông nghiệp lúa nước và sự đốt cháy trong thời gian gió mùa tăng từ năm 1150 TCN đến 950 SCN. Các di vật đồ gốm, công cụ bằng đá và các mảnh công cụ nhỏ được phát hiện tại di tích Đồng Chổi, ở phía bắc của đảo Quan Lạn cho ta biết sự chiếm đóng của cư dân cổ đã bắt đầu từ 3000 BP. Đến thời Hán, đã có sự trao đổi buôn bán và ảnh hưởng bởi văn hóa Hán qua việc phát hiện các mộ gạch tại di tích Đá Bạc. Điều này cho thấy sự hiện diện của nông nghiệp sớm là phù hợp. Từ năm 950 đến 1450 SCN có sự thay đổi thảm thực vật ở vùng nhiệt đới khá rõ rệt, đó là phấn hoa của các loài dương xỉ tăng mạnh, họ hòa thảo giảm đáng kể, điều này cho thấy năng suất nông nghiệp giảm, sự đốt cháy hầu như không còn bởi sự thiếu vắng của than củi. Thời kỳ này, khí hậu có sự biến đổi mạnh, giai đoạn đầu là khí hậu khô sau đó tăng độ ẩm, đây là khí hậu phù hợp với sự phát triển của các loại dương xỉ. Nguồn nước thiếu hụt vào mùa thu và mùa đông làm cho nông nghiệp không thể canh tác 2 vụ/năm. Một sự thay đổi khác là khí hậu khô cằn hơn, với những năm hạn hán kéo dài. Không có nguồn nước ngọt, sản xuất lúa gạo đã giảm hoặc được thay thế bằng thương mại. Mà minh chứng rõ nét nhất đó là sự ra đời của thương cảng Vân Đồn vào thế kỷ XII, phát triển rực rỡ đến thế kỷ XVI.
  • 28. 21 Từ sau năm 1450, thương cảng đã dần mất vai trò chủ chốt của mình trong nền kinh tế thương mại, thể hiện rõ qua số lượng hàng hóa đã giảm rõ rệt từ thế kỷ 16. Trong thời gian này, khí hậu trở nên ẩm ướt hơn và lượng mưa tăng hơn giai đoạn trước. Nghề nông nghiệp được phát triển mạnh hơn, phản ánh qua số lượng phấn hoa, sự đốt cháy và dân số ngày càng tăng. Sự suy giảm của thương cảng Vân Đồn tỷ lệ nghịch với sự phát triển của ngành nông nghiệp và dân số đã gợi ý về sự trở lại của nền kinh tế tự cung tự cấp ở vùng ven biển [97, tr.6-9]. Ngoài ra, quỹ đất dành cho nông nghiệp ở khu vực đảo Quan Lạn là khá hạn chế nên cư dân đồng thời phải tham gia vào các hoạt động kinh tế khác như ngoại thương, ngư nghiệp… để đảm bảo đời sống của họ. 1.3.2. Khảo sát năm 2014 Tháng 5 năm 2014, trong quá trình làm đường để xây dựng lò đốt rác thải ở khu vực Cống Cái đã làm phát lộ một số lớn di vật. Sau khi nhận được thông tin từ nhân dân, BQL các di tích trọng điểm Quảng Ninh (CDTTĐ) đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức khảo sát nhanh tại khu vực này. Cuộc khảo sát đã phát hiện nhiều mảnh sành sứ và gốm men, đặc biệt là các mảnh sành và gốm có đặc điểm thời Trần. Tháng 7 năm 2014, Viện Khảo cổ học phối hợp với BQL CDTTĐ tỉnh Quảng Ninh và các chuyên gia khảo cổ học dưới nước quốc tế tiến hành khảo sát trong khu vực này và thu thập nhiều di vật xuất lộ dọc theo con đường dẫn ra Cống Cái của thôn Sơn Hào và rất nhiều mảnh sành, sứ, đất nung ven bờ vụng. Các di vật xuất lộ bao gồm trang trí đất nung, mảnh sứ, sành, mảnh gạch và ngói. Nghiên cứu mặt cắt ở vách phía tây của con đường trong khu vực này, ký hiệu 14SH3, 14SH4, đoàn đã xác định được dấu tích tầng văn hóa dày 30-40cm, hiện vật chủ yếu là đồ gốm men Việt Nam và đồ sành. Phần lớn
  • 29. 22 các di vật xuất lộ có thể xác định niên đại vào thời Trần, và các di vật thuộc thời kỳ sớm hơn và muộn hơn [31, tr.15] (Pl 22, h3-4; pl 28). Ngoài việc khảo sát trên bề mặt, một số hố kiểm tra được thực hiện. Trên bờ vụng, trong phạm vi 1m2 , ký hiệu 14CC.TS1, đã thu được 121 mảnh gồm đồ gốm, sành, trong đó có 34 hiện vật thời Trần và 97 hiện vật thời Lê sơ. Ngoài ra, mở 02 hố kiểm tra ở mép nước khi thủy triều xuống, khi thủy triều lên bị ngập nước hoàn toàn. Mỗi hố có diện tích 1m2 , ký hiệu 14CC.TS2, 14CC.TS3, sử dụng phương pháp lặn bình khí nén để tiến hành khai quật. Các hố thăm dò này dừng lại ở độ sâu chừng 30-40cm so với bề mặt vụng. Hiện vật thu được 20 mảnh đồ gốm men, sành mịn của loại hình bát, lon, bình/vò. Số lượng không nhiều như khu vực dọc bờ Cống Cái [31, tr.14-15, 23] (Pl 1; pl 10; pl22,h5-6). 1.3.3. Khảo sát và khai quật năm 2016-2017 Sau việc phát hiện di tích năm 2014, di tích bến Cống Cái được đánh giá có vai trò quan trọng trong hệ thống thương cảng Vân Đồn, đặc biệt là trận thủy chiến của Trần Khánh Dư năm 1288. Nhằm tìm hiểu tính chất, đặc điểm và phạm vi phân bố của di tích và lịch sử khai thác vùng, tháng 2-3/2016, tháng 4/2017, Viện Khảo cổ học đã phối hợp với BQL CDTTĐ và các chuyên gia quốc tế tiến hành khảo sát và thăm dò trên diện rộng toàn bộ khu vực. Kết quả đã phát lộ nhiều dấu tích liên quan đến bến cảng, dấu tích kiến trúc, giếng nước và các di tích thuộc giai đoạn tiền sử. Đặc biệt là số lượng rất lớn hiện vật thuộc nhiều loại chất liệu và nguồn gốc. Cùng trong năm đó, cuối tháng 8 đầu tháng 9, Viện Khảo cổ học đã tiến hành khai quật di tích này. Đầu năm 2016, đoàn nghiên cứu tiến hành kiểm tra 6 hố thăm dò trong khu vực thung lũng Sơn Hào, kí hiệu 16SH.TS1-TS6, tổng diện tích 14m2 nhằm chuẩn bị cho việc khai quật. Kết quả đã xác định được lớp văn hóa chứa
  • 30. 23 nhiều di vật sành và gốm men thời Trần cùng với một số ít hiện vật Trung Quốc cùng thời. Đặc biệt phát hiện được một số hố chôn cột nhưng chưa rõ quy mô của nó. Tại khu vực bến cảng, gần Giếng Đình phát hiện được khúc gỗ thân tàu được sử dụng để lót đường vào Giếng, khúc gỗ này nằm đè lên đồng tiền “Nguyên Hựu Thông Bảo” và 6 khối đá lớn được xác định dùng neo thuyền. Ngoài ra, ở gần đền Vân Sơn phát hiện một số mảnh gốm thô, niên đại có thể thế kỷ I-II. Do vậy, “bến Cống Cái - làng cổ Sơn Hào được đánh giá là khu vực lý tưởng cho việc nghiên cứu một làng cổ liên hệ chặt chẽ với lịch sử hình thành và phát triển của thương cảng cổ Vân Đồn” [49, tr.1]. Các dấu tích khảo cổ học mới phát hiện còn cho thấy lịch sử chiếm cư ở khu vực này có thể còn bắt đầu từ thời xa xưa hơn (Pl 14; Pl 16; Pl 22, h7-8; Pl 29- 30). Trên cơ sở này, tháng 8-9 năm 2016, Viện Khảo cổ học đã tiến hành đào 5 hố khai quật và 2 hố thăm dò, tổng diện tích 71m2 . Các hố khai quật có ký hiệu 16SH.H1, H2, H3, H4, H5 và 2 hố thăm dò, ký hiệu 16SH.TS7, TS8. Tại khu vực bến bãi mở hố H1 (phía tây Giếng Đình), H2 (trên bờ vụng), H3 (trên cấp nền 1 phía tây nam sườn Đồi Đình), TS7 (ven bờ vụng), khu vực thung lũng Sơn Hào mở hố H4 (trên sườn đồi phía tây đường vào lò đốt rác), H5 (trên sườn đồi phía đông đường vào lò đốt rác), TS8 (trên sườn đồi) (Pl 12, 13, 15, 27-29, 32-35, 38-41). Do tác động của các cơn bão, hố 16SH.H3 phải dừng lại và được tiếp tục nghiên cứu vào tháng 4/2017. Trong đợt này, có 3 hố thăm dò 17SH.TS1-TS3 được tiếp tục mở trong khu vực xuất lộ nền móng kiến trúc ở hố 16SH.H3. Hai hố 17SH.TS4-TS5 được mở trên cấp nền 2 ở phía tây nam sườn Đồi Đình. Tổng diện tích là 45m2 (Pl 25, 26, 36, 37). Kết quả cho thấy, tầng văn hóa dày 30-70cm , tùy vào từng khu vực. Đã phát hiện lớp văn hóa chứa dấu tích thời Lê bao trùm lên các hoạt động vào
  • 31. 24 thời Trần trong các hố H1, H3, H5. Tại hố H4 chỉ có mặt lớp văn hóa thời Trần. Xuất lộ các dấu tích kiến trúc thời Trần, Lê Trung Hưng. Hiện vật thu được qua ba cuộc khai quật và thăm dò năm 2016-2017 có số lượng lớn, hơn 28.800 hiện vật với nhiều chất liệu như: gốm men Việt Nam và Trung Quốc, gốm có áo, đồ sành mịn, đồ đất nung, đồ kim loại [57, tr.655-656] (Pl 2-4). 1.3.4. Khảo sát năm 2018 Năm 2019, Viện Khảo cổ học phối hợp với SVHTT tỉnh Quảng Ninh và nhóm chuyên gia quốc tế tiến hành khảo sát khu thương cảng Vân Đồn tại xã Quan Lạn và Minh Châu.Từ kết quả nghiên cứu của các năm trước đã phát hiện những di tích khảo cổ học quan trọng như bãi gốm sành ở ven vịnh, giếng nước, đá neo thuyền….. Tuy nhiên di tích này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hoạt động ủi đường và đốt rừng xảy ra vào khoảng cuối năm 2017. Thậm trí những di tích quan trong như giếng Đình đã biến mất, các khối đá được xác định là đá neo thuyền bị dịch chuyển khỏi vị trí nguyên gốc, bến nước nơi phủ đày mảnh gốm cổ bị xáo trộn nghiêm trọng. Các dấu tích kiến trúc phía tây nam, dưới chân đồi Đình đã bị xe ủi đường chạy qua làm biến dạng [37, tr.831; 55] (Pl 30, h1-2). 1.3.5. Khảo sát năm 2019 Năm 2019, Viện Khảo cổ học phối hợp với SVHTT tỉnh Quảng Ninh và nhóm chuyên gia quốc tế tiến hành ứng dụng các phương pháp khảo sát không tác động bằng máy dò GPR, để đánh giá đặc điểm và sự phân bố của các dấu tích khảo cổ học, phục vụ cho việc lựa chọn điểm khai quật và xây dựng bản đồ di sản văn hóa tại khu vực Sơn Hào. Có 7 ô lưới (Grid) đã được thiết lập, đều nằm trên khu gò cao của di tích, trong đó Grid 1-5 nằm về phía đông lối vào lò đốt rác, Grid 6,7 nằm ở phía tây lối vào lò đốt rác (Pl 17).
  • 32. 25 Ở Grid 1-2, ngay trên bề mặt là các hiện tượng nằm tập trung, mật độ dày đặc, có thể là hiện vật hoặc đá. Ở góc tây bắc của Grid 1, mở hố kiểm tra 19SH1, diện tích 1m2 . Tại hố kiểm tra này, ở độ sâu -40cm, đã xuất lộ lớp đất sinh thổ, là sét vàng lẫn sỏi. Tầng văn hóa chỉ dày 40cm, trong tầng văn hóa phát hiện lác đác các mảnh sành, gốm men nhỏ. Ở Grid 4, trên bề mặt xuất lộ các hiện tượng nằm tập trung, có thể là hiện vật. Ở góc tây bắc của Grid 4, mở hố kiểm tra 19SH2, diện tích 1m2 . Trong hố kiểm tra này, từ độ sâu -10cm, xuất lộ lớp sành, gốm men ken dày đặc với lớp đá cuội [56; 81]. 1.4. Tiểu kết chương 1 Các thư tịch cổ trong và ngoài nước phần nào cho chúng ta thấy những thông tin cơ bản về thương cảng Vân Đồn.Tuy nhiên, các ghi chép rất giản lược và mơ hồ nên không tránh khỏi những các hiểu khác nhau của người đọc nên có rất nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ. Khu vực vụng Sơn Hào - bến Cống Cái có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sự hình thành và phát triển thương cảng. Đây cũng là vùng đất có diễn trình lịch sử phát triển lâu dài, liên tục từ hậu kỳ đồ đá mới cho đến ngày nay. Trong quá trình phát triển của mình, bến Cống Cái một trong những trung tâm trao đổi buôn bán giao thương, giao lưu văn hóa, có mối quan hệ với nhiều vùng, khu vực trong và ngoài nước. Tại di tích bến Cống Cái, qua 8 năm với 8 cuộc khảo sát và 1 cuộc khai quật đã xác định được một phần quy mô, tầng văn hóa, đặc trưng di vật và mối quan hệ của bến Cống Cái với thương cảng Vân Đồn. Tại đây đã xuất lộ nhiều di tích quan trọng, là minh chứng cho vai trò bến cảng của di tích này. Gồm có những vết tích của móng, cấp nền, bến bãi, giếng, đá neo thuyền, hố chân cột. Tuy nhiên, vì diện tích khai quật còn hạn chế nên chưa thể phục
  • 33. 26 dựng lại kiến trúc của bến cảng xưa. Số lượng di vật thu được khá phong phú bao gồm gốm men, gốm có áo, sành mịn, đồ đất nung, đồ kim loại, đồ đá. Năm 1149, thương cảng Vân Đồn được chính thức thành lập, từ đó đến giai đoạn suy tàn vào thế kỷ XVI, thương cảng Vân Đồn đã phát triển mạnh mẻ, “đóng vai trò quan trọng nhất trong hoạt động ngoại thương của Đại Việt” [5, tr.67]. Quỹ đất hạn chế, thêm vào đó là khí hậu khô nóng trong giai đoạn phát triển của thương cảng Vân Đồn, không phù hợp với nông nghiệp. Nên có thể phần lớn dân cư chuyển sang tham gia vào các hoạt động thương nghiệp.
  • 34. 27 CHƯƠNG 2 DI TÍCH BẾN CỐNG CÁI QUA TƯ LIỆU KHẢO CỔ HỌC 2.1. Đặc trưng di tích 2.1.1. Bến cảng 2.1.1.1. Bến bãi Bến để neo đậu nằm ở phía tây nam, dưới chân Đồi Đình, bề mặt khá rộng, khoảng 10-15m, bằng phẳng. Trên bề mặt có nhiều đá và cát nhưng kích thước không lớn lắm. Xung quanh có 2 ngọn núi bao bọc, kín gió nên an toàn khi neo đậu. Hiện nay, chúng ta có thể thấy bến dài khoảng 100m, từ cống thoát nước về phía tây, là nơi tích tụ nhiều hiện vật gốm men và sành. Mật độ hiện vật đậm đặc ở khoảng giữa vụng, từ giếng Đình đến sát cửa sông vào Bến. Bến có hai khu vực khác nhau về vị trí và mật độ hiện vật xuất lộ. Khu vực tập trung nhiều hiện vật là từ giếng Đình đến sát cửa sông vào Bến (khu vực 1). Và khu vực cửa vụng, nơi ngã ba mở vào Cống Cái, ít hiện vật hơn (khu vực 2). Giữa hai khu vực này có thời gian sử dụng, hiện vật và niên đại khác nhau. Ba hố khai quật và thăm dò đã được thực hiện ở bờ vụng. Hai hố thăm dò trong phạm vi 1m2 và hố khai quật 16SH.H2 có diện tích 3m2 , được mở sát mép nước. Ở khu vực 1, đã mở hố 14CC.TS1, dưới chân giếng Đình, sưu tập hiện vật ngay trên bề mặt, tổng số 121 hiện vật, trong đó 41 mảnh thời Trần (chiếm 34%), 80 mảnh thời Lê (chiếm 66%) [31, tr.23]. Hố khai quật 16SH.H2 có tầng văn hóa dày 25cm. Ở khu vực 2, ở cửa sông vào bến Cống Cái, mở hố thăm dò 16SH.TS7, tầng văn hóa dày 10cm. Sử dụng các hiện vật ở LM để so sánh niên đại với hiện vật hố 14CC.TS1, tổng số 88 mảnh, trong đó 83 mảnh thế kỷ XIII-XIV, chiếm 94%, 5 mảnh thế kỷ XV-XVI, chiếm 6%
  • 35. 28 [49, tr.118]. Như vậy, khu vực 2 được sử dụng trong thời gian ngắn, vào thế kỷ XIII-XIV. Khu vực 1 có thời gian sử dụng dài hơn, vào thế kỷ XV-XVIII. 2.1.1.2. Giếng nước Giếng Đình (còn có tên Giếng Rùa Vàng hoặc Giếng Tiền) nằm ở giữa và ngay sát chân sườn Đồi Đình. Giếng có hình tròn, kè bằng đá, đường kính 2,8m, lòng giếng rộng 2m, sâu 1m, luôn luôn có nước ngọt. Ở phía đông của giếng có đường bậc, được kê bằng đá. Trên lối vào này, năm 2016 đã phát hiện được 1 đồng tiền thời Tống “Nguyên Hựu thông bảo”, nằm bên dưới đoạn ván thuyền. Có thể đồng tiền và ván thuyền có liên quan đến thời gian hình thành và sử dụng của giếng Đình. Thêm vào đó là các dấu tích kiến trúc phát hiện ở hố 16SH.H1 cho thấy vào các thời Trần- Lê Trung hưng đã có sự san lấp mặt bằng xung quanh Giếng để sử dụng. Thuyền buôn tới đây, ngoài việc trao đổi hàng hóa, nghỉ chân còn phải cần tiếp tế nước ngọt. Giếng Đình có thể là một trong những nguồn tiếp tế nước ngọt quan trọng cho thuyền đi biển. Hiện nay, giếng này đã bị lấp do quá trình khai thác gỗ (Pl 22-h7,8; Pl 30-h1,2). Ngoài ra, ở phía bắc của Đồi Đình đã phát hiện một lạch nước, một tường đá xếp để thu nước vào giếng cạn và một khối đá lớn có thể dùng để neo thuyền. Xung quanh khu vực này xuất lộ khá nhiều mảnh sành. Hiện nay, ngư dân vẫn dừng thuyền lấy nước ngọt ở đây 2.1.1.3. Đá neo thuyền Tổng số 7 viên đá neo thuyền được phát hiện, tập trung ở khu vực 1, trong đó có 1 khối đá ở khu vực phía bắc Đồi Đình (phía nam bến Con Quy). Ở trong khu vực có khá nhiều viên đá nhỏ, nổi bật trên đó là các khối đá lớn, có hình trụ hoặc chữ nhật, nằm dọc theo bến, sát mép nước, có thể chúng
  • 36. 29 được được dùng để neo đậu tàu/thuyền. Kích thước bề mặt chủ yếu 60- 120cm, cao 50-100cm (Pl 15-16; Pl 30-h3). 2.1.2. Đặc điểm tầng văn hóa Ở khu vực bến Cống Cái, tầng văn hóa dày nhất trong khoảng từ 50- 70cm, xuất lộ trong các hố 16SH.H1, H3, 17SH.TS1,2,3. Ở đây đã phát hiện được lớp văn hóa thời Lê sơ và Lê Trung Hưng bao trùm lên các dấu tích hoạt động vào thời Trần. Lớp văn hóa thời Lê Trung Hưng chủ yếu là các dấu tích kiến trúc. Sự xuất lộ của nhiều mẩu than và số lượng khá lớn di vật có mặt trong khu vực phía đông hố 16SH.H3, cùng với sự có mặt của các di vật thời Trần và sứ celadon Trung Quốc ở những lớp sâu nhất trong địa tầng các hố thăm dò cho thấy có mặt khu vực sinh hoạt thời Trần ở đây. Sinh thổ ở khu vực này là lớp đất đất đồi thuộc loại sét cát loang lổ màu xám xanh và xám vàng, đôi chỗ là đá gốc nhiều cỡ (Pl 35). Ở khu vực thung lũng Sơn Hào, tầng văn hóa dày 50-70cm ở hố 16SH.TS1, H5. Ngoài lớp xáo trộn bởi hoạt động của cư dân thời hiện đại, đã phát hiện các lớp văn hóa chứa dấu tích hoạt động vào thời Lê bao trùm lên các dấu tích hoạt động vào thời Trần. Tuy nhiên dấu tích lớp văn hóa thời Lê Trung Hưng không rõ như ở khu vực bến bãi, nhưng lớp văn hóa thời Trần với các dấu tích ở đây lại rất rõ. Có khả năng có dấu tích hoạt động vào thời Lý ở những lớp đào sâu nhất của hố H5, căn cứ vào sự có mặt của gốm men Trung Quốc (Pl 40). Phía tây lối vào lò đốt rác, tầng văn hóa chỉ dày khoảng 30-50cm ở hố 16SH.TS2,3,4,8 và hố 16SH.H4. Ở khu vực này, hầu như chỉ thấy sự có mặt của lớp văn hóa thời Trần. Sinh thổ ở khu vực thung lũng Sơn Hào là lớp đất sét đồi màu vàng lẫn các hạt sạn laterite màu đỏ, riêng ở phía tây có đá gốc nhiều kích cỡ.
  • 37. 30 Trong hố H2 và TS7, tính chất của địa tầng không rõ ràng do ảnh hưởng bởi thủy triều. Tuy nhiên, có thể nhận thấy sự tập trung khá thuần của hiện vật thời Trần trong hố TS7. Đặc biệt, ở hai hố 16SH.H3, H5, trong lớp văn hóa thời Trần chứa số lượng lớn mảnh hiện vật với nhiều hiện vật vỡ lớn. Đặc biệt trong hố H5, phát hiện tập trung số lượng lớn các mẩu di vật kim loại, loại hình này lác đác ở hố H3. 2.1.3. Dấu tích kiến trúc 2.1.3.1. Dấu tích kiến trúc ở khu vực bến Cống Cái Theo các tài liệu cổ và lời kể của người dân địa phương, thì ở Đồi Đình có 9 cấp nền, nhưng vì cây cối rậm rạp nên hiện tại mới chỉ xác định được vị trí và quy mô của hai cấp nền dưới cùng ở góc tây nam, gọi là cấp nền I và II. Cấp nền I có dạng gần hình chữ nhật, chiều đông - tây 19m, bắc - nam 22m, xuất lộ dấu tích kiến trúc bằng đá. Cấp nền II nằm về phía đông bắc cấp nền I, ở giữa hai cấp nền có một khe nước ngọt được xếp bằng đá. Cấp nền II cũng có dáng gần hình chữ nhật, nhưng ở giữa rộng, thu hẹp về hai bên, có chiều dài 25m theo hướng tây bắc - đông nam, rộng 7 - 11m theo hướng đông bắc- tây nam. - Nền kiến trúc có móng kè đá xuất lộ ở khu vực cấp nền I Từ kết quả khai quật và thăm dò năm 2016-2017, đã phát hiện móng kiến trúc rộng 1,4-1,5m, được xây dựng bằng việc xếp các khối đá nhiều cỡ thành hàng song song, chèn giữa và trên mặt bằng các loại đá nhiều cỡ và vô số mảnh sành, gốm vỡ xuất lộ trong hố 16SH.H3, 17SH.TS1-TS3. Các viên đá có kích thước và hình dạng không đều. Chúng được chèn thêm bằng các mẩu đá nhỏ và các mảnh sành vụn. Móng đá có hướng bắc lệch đông 150 . Nền được nện bằng sét đồi lẫn các hạt laterit và số ít các mẩu gốm, sành, đá vụn.
  • 38. 31 Mặc dù mới chỉ bộc lộ được phần đường móng phía tây và tây nam, nền kiến trúc này được xác định trong phạm vi diện tích khoảng 5m (bắc-nam) x 9m (đông - tây). Bên trong nền kiến trúc, có mặt một số khu vực được chèn nhiều đất đồi lẫn đá vụn và các khối đá kê cột có kích thước không đồng nhất. Mặc dù chưa bộ lộ đầy đủ và rõ ràng, nhưng “có thể dự đoán các bước gian rộng khoảng 3m (gian chính) và 2m (gian phụ)” [49; tr. 103]. Về phía đông bắc kiến trúc, xuất lộ dấu tích các hố cột và hố than tro, có thể liên quan đến các công trình phụ như bếp lửa, nhà vệ sinh. Tuy nhiên quy mô nhỏ và không có mặt các dấu tích khác như xương động vật, tàn tích thức ăn. Dự đoán kiến trúc này được tạo dựng thời Lê Trung Hưng, căn cứ vào các mảnh sành gốm chèn vào kiến trúc (Pl 27-h5; Pl 36-37;). Vào thời kỳ sớm hơn (thời Trần), có dấu vết kiến trúc sử dụng cột chôn trong hố kê và chèn các mẩu đá nhỏ ở đầu phía đông cấp nền 1. Như vậy, cấp nền I cũng được sử dụng vào thời Trần. Tuy nhiên, do diện tích khai quật còn hạn chế, đặc điểm kiến trúc chưa được nhận diện rõ. - Cấp nền II và móng kè đá ven chân phía nam Đồi Đình Kết quả khảo sát và phát quang cấp nền II ven chân đồi phía tây nam Đồi Đình cho thấy, những đường kè đá và mảnh sành, gốm đã được tạo dựng, tạo nên những cấp nền có quy mô rộng hẹp khác nhau. Về phía tây nam, những khối đá kè lớn ngăn cách cấp nền này với một khe nước lớn chảy từ trên núi xuống. Một số khối đá bằng phẳng mở xuống khe nước có thể được sắp đặt có chủ ý. Về phía đông nam, các khối đá nhỏ hơn tạo ra một cấp nền thấp, mở xuống một khoảng bằng phẳng thấp xuôi dần xuống ven bờ vịnh. Địa tầng hai hố kiểm tra 17SH.TS4 và 17SH.TS5 cho thấy cấp nền này có thể được san bạt hai lần và cao hơn bề mặt nguyên thủy khoảng 55cm. Trên đó có thể có kiến trúc dạng nhà có cột kê trên các khối đá tảng [49; tr.104].
  • 39. 32 - Dấu tích kiến trúc khu vực Giếng Đình Các lớp đá kè tạo mặt phẳng trong khu vực gần Giếng Đình (hố 16SH.H1) có thể đã được tạo tác để phục vụ cho việc lấy nước và sử dụng quanh khu vực Giếng. Các viên đá nhiều cỡ được xếp và chèn thêm các mẩu đá nhỏ, mảnh sành, gốm để tạo mặt bằng hơi dốc. Các lớp kè phía trên chứa các hiện vật thời Lê Trung Hưng, Nguyễn đã được tiếp tục và mở rộng, bên dưới là lớp kè chứa hiện vật thời Trần. Cùng với một mảnh ván gỗ, có thể là mảnh tàu, và một đồng tiền thời Tống phát hiện trong lớp đá kè đường dẫn lên Giếng, có thể cho rằng giếng nước này đã được sử dụng chủ yếu từ thời Trần cho đến gần đây. Như vậy về cơ bản khu vực hố H1 thể hiện tính chất của các bậc cấp, được tạo dựng khoảng 3 lần vào những thời kỳ khác nhau. Thời kỳ sớm nhất, các khối đá được chèn vào lớp đá gốc và được rải lên bề mặt bằng đất lẫn cuội, đá dăm nhỏ là chính. Căn cứ vào sự xuất lộ của hiện vật, có thể chúng được tạo dựng vào thời Trần, thế kỷ XIII-XIV. Thời kỳ thứ hai, các bậc cấp được thay đổi so với giai đoạn trước. Trong thành phần rải nền có nhiều hiện vật hơn, nhưng đá cuội và đá dăm vẫn chiếm phần lớn. Các di vật xuất lộ cho thấy các cấp nền này được tạo dựng vào thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII- XVIII. Thời kỳ thứ 3, các cấp nền mở rộng nhất, trong khoảng 2m, ngoài vật liệu đá, rất nhiều mảnh sành được sử dụng để tạo nền. Cấp nền này có thể được tạo vào khoảng thế kỉ XVIII-XIX (Pl 27-h1-3; Pl 32, 33). 2.1.3.2. Dấu tích kiến trúc ở khu vực thung lũng Sơn Hào - Móng kiến trúc chôn cột Di tích này xuất lộ trong hố 16SH.H4, ở độ sâu -10cm, bề mặt xuất lộ có hình gần tròn, được đầm bằng đá nhỏ, các mảnh gốm men, sành vỡ nhỏ. Phần xuất lộ có đường kính 1,6 – 1,7m theo chiều bắc - nam, chiều đông tây chưa
  • 40. 33 xuất lộ rõ nhưng đo được 1,5m. Giữa móng kiến trúc là một hố đất lẫn cát màu xám vàng có đường kính khoảng 45 - 50cm, thuần, gần như không có hiện vật trên bề mặt. Sau khi cắt ¼ diện tích của kiến trúc cho thấy, ở độ sâu 10cm so với bề mặt móng kiến trúc xuất lộ nhiều mảnh sành và gốm sứ khác nhau, chủ yếu là sành mịn, mảnh gốm men trắng và men ngọc thời Trần. Xuống đến -20cm so với bề mặt móng kiến trúc, có nhiều đá dăm nhỏ, một số mảnh đá hộc, mảnh sành và gốm sứ thời Trần, tuy nhiên mật độ hiện vật không nhiều như lớp trên. Về cơ bản đất màu nâu sẫm, vẫn là lớp vật liệu đầm bên trên sâu xuống. Từ -20 đến -30cm so với bề mặt móng kiến trúc, đất vẫn màu nâu sẫm, có lẫn ít cát mịn và dăm đá nhỏ. Hố đất này có thể là hố chôn cột.Từ tính chất của các di vật cho thấy có thể di tích thuộc thời Trần (Pl 28- h1-3; Pl 38). - Hố cột Ở hố 16SH.TS1 xuất lộ 3 di tích hố cột, đường kính 10-30cm, cách nhau 2m, nằm trong tầng văn hóa thời Trần. Các hố này sâu khoảng 20-30cm, bên trong chỉ có vài mảnh gốm men, sành có niên đại thời Trần. Đây có thể là dấu tích của kiến trúc bằng gỗ. Nhưng vì diện tích khai quật nhỏ nên chưa xác định được tính chất cũng như quy mộ của kiến trúc này (Pl 24-h1). 2.1.4. Di tích hố đất đen Ở khu vực phía bắc bến Cống Cái có khá nhiều hố đất đen xuất lộ ở hố 17SH.TS2, TS3. Các di tích này không có hình dạng cố định, không có cấu trúc nhất định. Các hố đất chứa bùn hoặc than tro, đá lổn nhổn. Hoặc bề mặt có lẫn nhiều sỏi nhỏ lổn nhổn. Có thể chúng là các hố cột hay hố than tro có liên quan đến di tích kiến trúc móng đá ở khu vực cấp nền 1. Các hố đất đen này xuất lộ trong lớp văn hóa thời Lê Trung Hưng (Pl 36, 37).
  • 41. 34 Ở khu vực thung lũng Sơn Hào, các dấu tích bếp lửa và hố đất đen chứa chủ yếu là các mảnh vỏ nhuyễn thể có mặt trong hố 16SH.TS1, 16SH.H5, xuất lộ ở độ sâu -3-30cm, cho thấy chúng thuộc giai đoạn cư trú thời Lê Trung Hưng, Nguyễn và thời kỳ gần đây. Đáng chú ý nhất là hố đen 16SH.H5.L6.F4 xuất lộ ở hố H5, ở độ sâu -60cm đến sinh thổ. Hố không có hình dạng nhất định, rộng theo chiều đông - tây 2,5m, vẫn tiếp tục ăn sâu vào vách bắc - nam. Đất có màu đen, ẩm ướt, thành phần khá nhiều sét dẻo, càng xuống dưới tỷ lệ cát càng lớn. Bên trong chứa số lượng lớn hiện vật, 3177 mảnh, chiếm 20% trong tổng số hiện vật thu được ở hố H5, gồm nhiều loại chất liệu như gốm men Việt Nam, Trung Quốc, gốm có áo, đồ kim loại [49; Tr. 117]. Đáy hố đen F4 thể hiện không rõ, chỉ là một vùng rộng ăn lõm vào sinh thổ, có thế dốc xuôi xuống góc tây nam. Có thể thấy các hiện vật được dồn vào khu vực sườn đồi thấp, tạo nên F4, chứ không phải là một hố đào nhân tạo. Di tích này được xác định vào thời Trần, thế kỷ XIII-XIV (Pl 39- h2). 2.2. Đặc trưng di vật Tổng số 29.174 hiện vật thu được qua các đợt khảo sát và khai quật, gồm các loại hình đồ sành, đồ gốm men Trung Quốc và Việt Nam, đồ gốm có áo, đồ đất nung (sành thô/gốm, vật liệu kiến trúc, chì lưới), đồ kim loại (Pl 1-4). Bảng 2.1: Tổng hợp hiện vật xuất lộ tại bến Cống Cái năm 2014-2017 Gốm men VN Gốm men TQ Gốm có áo Sành mịn Sành thô /gốm Ghè tròn VL KT Đồ kim loại Thiên thạch Chì lưới HV khác Tổng % KS 2014 105 13 0 206 9 0 1 1 335 1,1 KS 2016 1309 149 506 2445 409 2 336 15 3 2 5176 17,7 KQ 2016 3331 1208 3712 11430 2234 59 132 342 8 19 29 22504 77,2 KS 2017 160 23 4 757 148 42 6 16 2 1 0 1159 4 Tổng 4905 1393 4222 14838 2791 103 483 373 10 24 32 29174 100 % 16,8 4,7 14,5 51 9,5 0,35 1,7 1,3 0,04 0,08 0,1 100
  • 42. 35 Biểu đồ 2.1: Số lượng hiện vật xuất lộ tại bến Cống Cái năm 2014-2017 2.2.1. Đồ gốm men 2.2.1.1. Gốm men Việt Nam - Về đặc điểm phân bố Tổng số 4905 mảnh gốm men, chiếm 16,8 %, gồm các dòng men khác nhau có xuất xứ Việt Nam được phát hiện qua các đợt khảo sát và khai quật năm 2014-2017. Trong đợt kháo sát năm 2014, các hố 14CC.TS1, TS2, TS3 và điểm khảo sát ở trên vách tây đường vào nhà máy rác14SH3, 14SH4 đã phát hiện được 105 hiện vật (trong đó 2 bát đủ dáng và 103 mảnh vỡ); các hố thăm dò năm 2016 16SH.TS1-TS6 phát hiện được 1309 hiện vật (gồm 1 đĩa đủ dáng và 1308 mảnh vỡ); các hố thăm dò năm 2017 17SH.TS1-5 phát hiện được 160 mảnh); cuộc khai quật năm 2016 phát hiện được 3331 hiện vật (gồm 23 bát, đĩa đủ dáng và 3308 mảnh), trong đó phân loại chi tiết 3085 hiện vật (Pl 5). Nhóm gốm men Việt Nam xuất lộ trong tất cả các hố thăm dò, khai quật, trong tất cả các lớp đào. Ở mỗi khu vực có số lượng xuất lộ nhiều ít khác
  • 43. 36 nhau. Trong đó tập trung chủ yếu trong hố 16SH.H5, có 2585 mảnh, chiếm 54% trong tổng số hiện vật gốm men thu được qua các năm (Pl 4). - Về dòng men và loại hình Biểu đồ 2.2: Tỷ lệ các dòng gốm men Việt Nam trong đợt khai quật tháng 8 năm 2016 Gồm các dòng gốm men trắng, men ngọc, men nâu, gốm hoa nâu, gốm hai màu men và gốm hoa lam. Trong đó tuyệt đại đa số là gốm men trắng, chiếm 82,4% trong tổng số các dòng men gốm (năm 2016). Men trắng thường có màu trắng ngả xám/ ngả vàng, men bong tróc nhiều, xương thô; còn các mảnh men trắng ngả xanh, men bám chắc, xương mịn, đanh. Men ngọc có số lượng không nhiều, thường phủ không đều, nhiều mảnh có hiện tượng đọng men. Các mảnh men nâu thường phủ dày nhưng bị phai và sủi men. Các mảnh gốm hoa nâu chỉ phủ men bên ngoài, nền men trắng thường mỏng, rạn, cạo men vẽ hoa nâu mô típ hoa lá. Loại hình chủ yếu của nhóm gốm men Việt Nam là bát, đĩa, âu, một số ít bình/vò, thạp, chậu. Loại hình bát, đĩa, âu/liễn, chậu, bình/vò xuất hiện ở các dòng men trắng, nâu, ngọc, hai màu men. Riêng loại hình thạp chỉ xuất lộ trong dòng gốm hoa nâu (Hình 2.1).
  • 44. 37 - Về kỹ thuật tạo dáng a b c d Hình 2.1: Một số loại hình chính của gốm men Việt Nam a. Bát; b,c. Đĩa, d. Âu (Bv: Bùi Văn Hùng, Nguyễn Thị Thanh Hiếu) Các mảnh miệng chủ yếu của loại hình bát có miệng loe xiên thẳng, mép trơn. Loại hình đĩa có miệng loe bẻ, bản miệng rộng. Các mảnh bình/vò/chậu có miệng loe cong. Loại hình âu có kiểu miệng khum, đáy bằng. Khác với gốm men Trung Quốc, gốm men Việt Nam có 3 kiểu đáy bằng, đáy đặc, chân đế vành khăn. Riêng kiểu đáy đặc chỉ xuất hiện ở dòng men trắng, phần lớn thuộc loại hình bát. Kiểu đáy bằng và chân đế vành khăn xuất lộ ở phần lớn các dòng men. Kiểu đáy bằng xuất lộ ở loại hình âu/liễn, đĩa, bình/vò, thạp, chậu. Chân đế vành khăn trên loại hình bát, đĩa là chủ yếu. Các mảnh chân đế vành khăn có kỹ thuật tạo chân đế khác nhau. Phổ biến là loại chân đế cắt phẳng, tạo mặt cắt hình chữ nhật, nhóm này thường được sử dụng trong cả 3 kỹ thuật nung. Nhưng các mảnh chân đế có mặt cắt hình thang ngược thường dùng trong kỹ thuật nung có bột chống dính và con kê có mấu. Kiểu chân đế thấp, gần đặc, mép rộng và cắt nham nhở của nhóm
  • 45. 38 men trắng tương đồng với các mảnh phát hiện ở Thung Lấm (Tràng An, Ninh Bình). - Về kỹ thuật nung và niên đại + Niên đại thời Trần, TK XIII-XIV (Bảng 2.2, Hình 2.2): Gồm các dòng men trắng, ngọc, nâu, hoa nâu, hai màu men. Có số lượng và loại hình đa dạng nhất, gồm bát, đĩa, âu/liễn, bình/vò, thạp, chậu. Hầu hết các mảnh trong nhóm gốm men trắng, trừ nhóm ve lòng chiếm tỉ lệ nhỏ, đều thuộc thời Trần, thế kỷ XIII-XIV. Các dòng men nâu, hoa nâu, hai màu men đều mang các đặc điểm men và kĩ thuật tạo tác thời Trần. Các hiện vật sử dụng kỹ thuật nung đơn chiếc va đa chiếc. Các mảnh đáy đặc nung đơn chiếc là chủ yếu. Kiểu đáy bằng được nung đơn chiếc đối với các loại hình có kích thước lớn như âu lớn, thạp, bình/vò. Loại hình âu nhỏ, đĩa nhỏ sử dụng bột chống dính hoặc con kê có mấu để xếp nung, cá biệt một số nung đơn chiếc. Chân đế vành khăn sử dụng kỹ thuật chống dính khi nung như dùng bột chống dính, con kê có mấu và các mảnh nung đơn chiếc (Pl 42-47). Các hiện vật có vòng tròn chống dính trong lòng, rộng, nông, khá giống kiểu cạo ve lòng nhưng độ rộng không đều, không quy chuẩn, chân đế mặt cắt hình chữ nhật, khá cao, chủ yếu trong nhóm gốm men ngọc, có niên đại giữa TK XIII, giai đoạn này số lượng hiện vật không nhiều. Tuy nhiên nhóm hiện vật có kỹ thuật nung sử dụng bột chồng dính để lại dấu vết là các vòng tròn chống dính trong lòng, một số mảnh còn bột chống dính ở vành đế, và chân đế thấp, vành đế được cắt vát, được phát hiện nhiều ở hố H5, từ L5b – L8.F4 có niên đại cuối thế kỷ XIII – đầu thế kỷ XIV, số lượng khá nhiều 151 mảnh của dòng men trắng, ngọc, nâu (đợt khai quật tháng 8 năm 2016) (Pl 43, 44; Pl 45-h1,2; Pl 46-h4). Sang TK XIV, kỹ thuật sử dụng con kê có mấu trở nên
  • 46. 39 phổ biến, con kê có kích thước nhỏ, loại 3-5 mấu, chân đế được cắt gọt cẩn thận, tạo mặt cắt hình thang (Pl 45-h3). Các trang trí hoa văn ở bên trong hoặc bên ngoài. Ở nhóm men trắng, motip hoa văn rất đa dạng, bên trong chủ yếu in nổi, in chìm hoặc dùng que tạo hoa văn dưới men tạo motip hoa lá, sóng nước, đường gờ…bên ngoài thường cạo thân dọc tạo cánh hoa cúc nhỏ, hoặc cắt thân tạo cánh sen, kiểu tạo hoa văn này tương tự kỹ thuật tạo hoa văn của các hiện vật trên dòng men ngọc nhạt Trung Quốc. Với nhóm gốm men ngọc, đặc biệt có nhiều mảnh hoa văn cho thấy bị vỡ ra từ một hiện vật, được trang trí bằng khuôn in trong, có kỹ thuật tương tự gốm lò Yaozhou [50, tr.681]. Tuy nhiên các mảnh vỡ nhỏ có xương mỏng, chất lượng không cao, nét in khuôn không sâu, thanh mảnh. Đây có thể là loại gốm theo truyền thống Yaozhou nhưng là sản phẩm được sản xuất ở Việt Nam, có thể ở ngay vùng Quảng Ninh. Chất lượng xương và men không cao như các sản phẩm chính gốc. Bảng 2.2: Niên đại nhóm gốm men Việt Nam trong đợt khai quật tháng 8/2016 Khung niên đại Men trắng Men ngọc Men nâu Gốm hoa nâu Hai màu men Gốm hoa lam Tổng TK XIII-XIV 1117 69 66 10 4 1266 TK XV-XVI 8 115 123 TK XVII-XVIII 14 164 178 TK XIX-XX 94 94 KXĐ 1303 1303* Tổng 2442 69 66 10 4 373 2964  Ghi chú: Các mảnh thân và miệng vỡ nhỏ, bị tác động bởi nước mặn làm biến dạng màu men và bị bào mòn nên không phân loại được
  • 47. 40 a b c d e f g Hình 2.2: Diễn tiến niên đại gốm men Việt Nam thời Trần (Ả: Lê Thị Liên) a. Giữa TK XIII; b, c. Cuối thế kỉ XIII – đầu thế kỷ XIV; d,e. Đầu thế kỷ XIV; f, g. Cuối thế kỷ XIV Nhìn chung, gốm Việt Nam có mặt trong di tích chủ yếu là những sản phẩm thời Trần, đặc biệt là trong hố 16TS1, TS3, TS4, các lớp dưới hố 16SH.H3, H5. Có sự tập trung lớn của các mảnh có kỹ thuật xếp nung và cắt chân đế được Noriko xác định vào giai đoạn cuối thế kỉ XIII – đầu thế kỷ XIV [73, tr.469].
  • 48. 41 + Niên đại thời Lê, TK XVI-XVIII Dòng gốm hoa lam và một số mảnh gốm men trắng dùng kỹ thuật xếp nung ve lòng có niên đại muộn hơn các kỹ thuật tạo tác khác, khoảng thế kỷ XV-XIV và XVII-XVIII, xuất lộ với số lượng nhỏ, chủ yếu có mặt trong các lớp trên, khu vực xáo trộn (Bảng 2.2). Loại hình chủ yếu là bát, đĩa. Sử dụng kỹ thuật nung đa chiếc bằng cách cạo thân tạo ve lòng và số ít các mảnh nung đơn chiếc. Các mảnh có chân đế vành khăn, kiểu đế thụt, mép cắt phẳng thường đi kèm với kỹ thuật nung ve lòng, chân đế thấp. Vẽ hoa lam các motip hoa lá và đường chỉ lam, có niên đại TK XV-XVIII (Pl 48-h1). Các mảnh chân đế được cạo khá tròn, thấp, xương xốp, màu nâu, vàng sẫm lẫn nhiều sạn. Hoa văn trang trí đơn điệu, vẽ các chấm tròn màu nâu, có niên đại TK XVII-XVIII (Pl 48-h2,3; Pl 49-h1). + Niên đại thời Nguyễn, TK XIX-XX Số lượng các mảnh không nhiều, xuất lộ ở các lớp trên và trong các di tích hố đất đen bị xáo trộn của hố khai quật. Các mảnh gốm hoa lam có men trắng, bóng, xương khá đanh, mịn, chân đế mỏng, cao. Hoa văn vẽ sắc, môtip chủ yếu là hoa lá (Pl 49-h2). 2.2.1.2. Gốm men Trung Quốc Tổng số 1393 hiện vật gốm men Trung Quốc, thu thập được qua các năm 2014-2017, chiếm 4,7% trong tổng số hiện vật. Năm 2014 phát hiện được 13 mảnh ở trên vách tây đường vào nhà máy rác; đợt khảo sát năm 2016 phát hiện được 149 mảnh trong các hố 16SH.TS1, TS3; đợt khảo sát năm 2017 phát hiện được 23 mảnh, xuất lộ lác đác ở các hố 17TS1, TS2, TS3. Đợt khai
  • 49. 42 quật năm 2016 có 1208 mảnh (trong đó có 1 bát sưu tầm trong nhà dân) xuất lộ chủ yếu ở các lớp từ L5b của hố 16SH.H5và (Pl 6). Có bốn dòng men chính là gốm men trắng mang đặc trưng của gốm lò Định hoặc truyền thống gốm lò Định, men trắng, bóng, bám chắc, xương đanh. Gốm men ngọc đa dạng về màu men, niên đại và xuất xứ. Gốm men nâu cũng có 3 màu men khác nhau, cho thấy có sự khác nhau về niên đại và nguồn gốc. Gốm hoa lam, số lượng ít, vẽ hoa lam trên nền men trắng, bóng (Biểu đồ 2.3; Bảng 2.3). Vì các đợt khảo sát năm 2014, 2016, 2017 không phân loại theo dòng men nên chỉ dùng kết quả của đợt khai quật năm 2016. Biểu đồ 2.3: Tỷ lệ các dòng gốm men Trung Quốc trong đợt khai quật tháng 8/2016 - Về gốm men trắng (Pl 50, 51) Tổng số 379 mảnh (chiếm 31,5% trong tổng số gốm men Trung Quốc), về cơ bản có 2 nhóm: Nhóm 1 là loại men trắng tinh hoặc hơi ánh xanh,