SlideShare a Scribd company logo
LIỆU PHÁP ÂM NHẠC VÀ ỨNG DỤNG LIỆU PHÁP
TÂM LÝ - ÂM NHẠC TRONG ĐIỀU TRỊ BỆNH
NHÂN TÂM THẦN
LIỆU PHÁP ÂM NHẠC
VÀ ỨNG DỤNG LIỆU PHÁP TÂM LÝ - ÂM NHẠC
TRONG ĐIỀU TRỊ BỆNH NHÂN TÂM THẦN
(Sách chuyên khảo)
Tác giả: TS. NGUYỄN VĂN THỌ
LỜI GIỚI THIỆU
Đã từ lâu con người không chỉ coi âm nhạc là một hình thái giải trí, để
nâng đỡ, sẻ chia, để làm phong phú hơn đời sống tinh thần, mà âm nhạc còn
được sử dụng như là một công cụ trị liệu rất hữu ích dùng trong thực hành y
học.
Tiến sĩ Dr. Alfred Tomatis và cộng sự sau nhiều năm nghiên cứu ứng
dụng trị liệu âm nhạc khẳng định có “Hiệu ứng Mozart” (The Mozart Effects) -
Người được nghe nhạc Mozart trong bối cảnh thích hợp có tác dụng làm
nhanh quá trình phục hồi sức khỏe; nếu mắc bệnh thì mau khỏi. Hiệu ứng âm
nhạc làm giảm sự căng thẳng “Stress”, làm dịu đi rất nhiều nỗi lo âu, sợ hãi,
hoảng loạn, trầm cảm…
Trong những năm gần đây y văn trên thế giới viết nhiều đến rối loạn
PTSD - Rối loạn stress sang chấn, còn gọi là “Hội chứng sau cuộc chiến”,
những người lâm vào rối loạn này lấy lại sự cân bằng cho họ không có trị liệu
nào hiệu quả hơn liệu pháp âm nhạc.
Vì âm nhạc bản thân nó bằng cung độ, giai điệu, nhịp phách và ca từ
đẹp… chứa đựng trong nó một hàm lượng cảm xúc giàu có, uyển chuyển có
thể chuyển tải những thông tin dương tính mà mọi người đều có thể dễ dàng
dung nạp. Âm nhạc thật sự đã trở nên cần thiết cho mọi người, nhất là những
người đang và đã bị tổn thương về tâm lý. Như lời của bài hát “Thank you for
vour music” có đoạn ca viết “Ai có thể sống không có âm nhạc” (Who can live
without it (Music)) được nhóm nhạc ABBA trình diễn và được rất nhiều người
trên thế giới hâm mộ, hưởng ứng, đã nói thay họ ý nghĩa của âm nhạc trong
cuộc sống kể cả khi khỏe mạnh và khi bệnh.
Vì vậy, những năm 50 của thế kỷ trước ở Mỹ và nhiều nước kinh tế
phát triển đã hào hứng ứng dụng âm nhạc trị liệu trong thực hành y học và
thực hành tâm thần học. Khi lớn mạnh họ đã thành lập các “Nghiệp đoàn Trị
liệu âm nhạc”, với số thành viên tham gia ngày càng nhiều và hoạt động của
họ ngày càng hiệu quả.
Ở nước ta Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ sau nhiều năm làm việc
trong lĩnh vực Tâm thần học, với sự đam mê âm nhạc ứng dụng, đã sớm
quyết định đi những bước đầu tiên trong lĩnh vực mới này. Đã vận dụng và
trải nghiệm vững vàng những kỹ thuật của trị liệu âm nhạc hành vi cho người
bệnh tâm thần, đã đạt được những thành công khích lệ, bổ sung và nâng cao
chất lượng điều trị, hỗ trợ phục hồi tốt chức năng tâm lý xã hội, trả lại chất
lượng sống cho nhiều người bệnh.
Chúng tôi xin giới thiệu cuốn sách “Liệu pháp Âm nhạc và ứng dụng
liệu pháp Tâm lý - Âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần” của TS. BS.
Nguyễn Văn Thọ với niềm hy vọng sách sẽ là tài liệu chuyên khảo và tham
khảo hữu ích cho các thầy thuốc thực hành Tâm thần học, thầy thuốc Nội -
Thần kinh, các nhà Tâm lý lâm sàng và các chuyên gia tâm lý làm trị liệu Âm
nhạc.
Xin được trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc và đồng nghiệp!
PGS.TS. Nguyễn Viết Thêm
P. Chủ tịch Hội Tâm thần học Việt Nam
Chương 1. GIỚI THIỆU CHUNG VỀ LIỆU PHÁP ÂM NHẠC
KHÁI QUÁT LỊCH SỬ
Từ thời cổ xưa, âm nhạc đã được dùng làm một phương tiện chữa
bệnh. Những nghi thức chữa bệnh bao gồm âm thanh và âm nhạc đã tồn tại
ở nhiều nền văn hóa. Trong hầu hết các nền văn hoá đã ghi lại những huyền
thoại về hiệu lực chữa bệnh của âm nhạc. Thí dụ, truyện về Saul và David là
truyện nổi tiếng nhất ở phương Tây. David đã dùng đàn hạc (harp) để chữa
bệnh cho vua Saul như một loại thuốc an dịu thần kinh. Một nhân vật khác,
Orpheus cũng là một huyền thoại đầy hấp dẫn cho các nhà liệu pháp âm
nhạc. Orpheus là một trong những đại thi hào, nhạc sĩ thuở sơ khai, thời Hy
Lạp cổ đại. Ông là người sáng tạo và cải tiến đàn lia (Lyre). Tương truyền
rằng những bài hát của Orpheus có thể làm xiêu lòng vạn vật và khiến cho đất
trời, thần linh phải rơi lệ. Ngay ở Việt Nam, tiếng đàn của Thạch Sanh khiến
cho công chúa đang mắc chứng câm đã nói được trở lại cũng là một huyền
thoại. Sau đây là tóm lược về lịch sử của việc sử dụng âm nhạc trong chữa
bệnh trên thế giới.
Liệu pháp âm nhạc trong các nền văn hóa tiền văn tự
Các xã hội tiền văn tự là xã hội chưa có hệ thống giao tiếp, truyền
thông bằng chữ viết. Những người du mục đã tập hợp lại thành những nhóm
nhỏ để duy trì sự sinh tồn và bổ khuyết cho đời sống của họ như săn bắt, tìm
kiếm thức ăn. Họ chưa có nền nông nghiệp, chưa có cấu trúc đời sống chính
trị, và chưa có nhà ở lâu dài. Những nhóm nhỏ này dần dần hình thành, phát
triển các phong tục tập quán, nghi lễ khác nhau và điều đó đã tạo ra sự khác
nhau giữa các nhóm này với các nhóm khác. Chúng ta có thể tìm kiếm được
một số đầu mối nghiên cứu về âm nhạc đã được sử dụng như thế nào trong
các nền văn hoá nói trên và còn tồn tại đến ngày nay. Những nghiên cứu đã
cho chúng ta hiểu về đáp ứng của loài người với âm nhạc và một số nền tảng
lịch sử về mối quan hệ chặt chẽ giữa âm nhạc và chữa bệnh. Người ở nền
văn hoá tiền văn tự nói chung cho rằng họ bị các quyền lực ma thuật kiểm
soát và bị ma quỷ bao quanh. Để duy trì sức khoẻ, họ cảm thấy bắt buộc phải
tuân theo một hệ thống quy tắc phức tạp nào đó để bảo vệ họ chống lại các
lực lượng thù địch từ thiên nhiên và từ chính những con người đang cùng tồn
tại với họ. Họ đã nhận thức rằng ma thuật là một phần không thể thiếu được
của sức khoẻ và cuộc sống bình yên của họ.
Những người thuộc nền văn hoá tiền văn tự cũng tin vào hiệu lực của
âm nhạc đối với cảm xúc, tinh thần và sức khoẻ thể chất. Họ cho rằng âm
nhạc là sự kết nối với các lực siêu nhiên. Thí dụ, ở một số xã hội nhất định đã
dùng một số bài hát trong những nghi lễ quan trọng. Họ cho rằng những bài
hát này có nguồn gốc siêu nhân, siêu phàm và nó có quyền lực không thể giải
thích nổi. Những bài hát này nhằm để cầu trời hoặc cầu xin thượng đế và
được dùng trong tất cả các hoạt động cầu xin sự giúp đỡ thể hiện trong nghi
thức chữa bệnh.
Trong một số xã hội tiền văn tự, một người bệnh được xem là nạn nhân
của những câu thần chú và bỏ bùa của kẻ thù địch. Họ là người vô tội và do
đó được hưởng sự điều trị chuyên biệt từ cộng đồng (nhóm bộ lạc). Tuy
nhiên, ở các xã hội khác, người ta lại tin rằng một người mắc bệnh là để
chuộc lại tội lỗi đã chống lại Chúa bộ lạc của họ. Nếu một người mắc bệnh
quá mức đến nỗi không thực hiện được trách nhiệm xã hội, họ được xem là
người bỏ đi và có thể bị đi đày. Trong các nền văn hoá như vậy, nguyên nhân
và việc điều trị bệnh sẽ do “người thầy thuốc” xác định và quyết định. “Người
thầy thuốc” này chính là những người luôn áp dụng các yếu tố ma thuật và
tôn giáo để yểm bùa, trừ tà ma, xua đuổi tinh thần ác tâm hoặc yêu ma từ cơ
thể người bệnh. Loại âm nhạc được dùng chữa bệnh được xác định tuỳ thuộc
vào bản chất của tinh thần đang xâm lấn cơ thể. Do có sự khác nhau chút ít
về khái niệm bệnh trong các xã hội tiền văn tự, vai trò của nhạc sĩ hoặc người
chữa bệnh và kiểu âm nhạc được lựa chọn chữa bệnh có khác nhau. Xa xưa
nhất, nhạc sĩ chữa bệnh bộ lạc là người nắm vị trí quan trọng trong xã hội.
Nhiệm vụ của người này không chỉ xác định nguyên nhân của bệnh mà còn
áp dụng việc điều trị thích hợp để dẫn dắt tinh thần hoặc ma quỉ từ cơ thể
người bệnh. Đôi khi âm nhạc có chức năng mở đầu cho nghi thức chữa bệnh
thực tế. Những cái trống, lúc lắc, những bài tụng niệm hoặc các bài hát có thể
được dùng mở đầu cho nghi lễ và có thể cho suốt cả thời gian nghi lễ thực tế.
Điều quan trọng là người nhạc sĩ chữa bệnh không bao giờ hành động đơn lẻ.
Các xã hội tiền văn tự nhận thức được hiệu lực của nhóm bao gồm các thành
viên trong gia đình và xã hội trong nghi lễ. Hát đồng thanh chữa bệnh sẽ tạo
ra sự trợ giúp cho tinh thần và cảm xúc để bệnh nhân phục hồi nhanh chóng.
Âm nhạc và chữa bệnh trong nền văn minh sớm
Những người săn bắt và tìm kiếm thức ăn của nền văn hoá tiền văn tự
chiếm ưu thế khoảng 500.000 năm. Đến khoảng 8.000 đến 10.000 năm trước
Công Nguyên, với sự xuất hiện của nông nghiệp đã dẫn đến cuộc sống ổn
định hơn, dân số phát triển lớn hơn và xuất hiện nền văn minh. Nền văn minh
được đặc trưng bởi sự tiến hoá trong giao tiếp chữ viết, sự phát triển thành
phố và những thành tựu kỹ thuật ở các lĩnh vực bao gồm khoa học và y học.
Những đặc trưng đó là phương thức sống cho nhóm người đông đúc hơn, họ
sống trong mối liên minh liên kết lâu dài hơn với hệ thống đặc biệt về tập
quán và cách nhìn về thiên nhiên. Những nền văn minh đầu tiên xuất hiện vào
giữa năm 5.000 và 6.000 trước Công Nguyên là vùng mà ngày nay là Iraq, đã
được thiết lập vững chắc vào năm 3.500 trước Công Nguyên. Âm nhạc đã trở
thành bộ phận quan trọng trong y học lý trí, hợp lý (rational medicine) đồng
thời cũng còn những nghi lễ chữa bệnh ma thuật, tôn giáo.
Sử dụng âm nhạc thời cổ đại: các nghi thức chữa bệnh
Với sự xuất hiện của nền văn minh, các bộ phận cấu thành của nền y
học trước đó là ma thuật, tôn giáo và lý trí bắt đầu phát triển theo khuynh
hướng chia tách. Ở Ai Cập cổ đại, mặc dù các bộ phận cấu thành nêu trên
vẫn cùng tồn tại, nhưng những người chữa bệnh nói chung thường chỉ dựa
trên một loại triết lý điều trị. Những người làm nghề chữa bệnh bằng âm nhạc
ở Ai Cập thường được hưởng đặc ân vì họ có mối quan hệ chặt chẽ với linh
mục và những quan chức nhà nước quan trọng khác. Thầy thuốc linh mục,
thầy tu Ai Cập cho rằng âm nhạc là thuốc chữa bệnh cho linh hồn và luôn sử
dụng hát tụng niệm như một bộ phận thực hành y học.
Trong thời đỉnh cao của văn hóa Babylon (1850 trước Công Nguyên),
bệnh tật được nhìn nhận trong khuôn khổ tôn giáo. Người đau ốm, bệnh tật
phải chịu xám hối cho tội phạm chống lại Chúa và bị xã hội ruồng bỏ. Nếu
người bệnh có được phép cho điều trị thì phương pháp điều trị bao gồm các
nghi lễ tôn giáo để xoa dịu nỗi khó chịu của thần thánh. Và các nghi lễ chữa
bệnh như vậy luôn bao gồm âm nhạc.
Âm nhạc được cho là có hiệu lực đặc biệt trên suy nghĩ, cảm xúc và
sức khoẻ thân thể ở thời Hy Lạp cổ đại. Năm 600 trước Công Nguyên, Thales
có uy tín trong việc chữa dịch bệnh bằng hiệu lực âm nhạc ở Sparta. Điện,
miếu thờ và những bài hát ca tụng đặc biệt cùng âm nhạc được dùng để
chữa bệnh cho những người rối loạn cảm xúc. Qua việc dùng âm nhạc để
chữa các rối loạn tâm thần đã phản ánh niềm tin thời đó rằng âm nhạc có thể
ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc và phát triển tính cách. Trong số những
người Hy Lạp nổi tiếng tán thành hiệu lực điều trị của âm nhạc có Aristotle,
ông đánh giá nó như một sự phấn khích cảm xúc; Plato, người mô tả âm
nhạc là thuốc cho linh hồn; và Caelius Aurelianus, người cảnh báo đề phòng
sử dụng bừa bãi âm nhạc trong chữa bệnh tâm thần.
Vào thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên, y học hợp lý (lý trí) hầu như đã
thay thế hoàn toàn các nghi thức tôn giáo, ma thuật ở Hy Lạp. Mặc dù vẫn
còn một thiểu số quy cho bệnh tật là do lực siêu nhiên, nhưng đa số đã ủng
hộ những nghiên cứu hợp lý vào nguyên nhân bệnh. Lần đầu tiên trong lịch
sử, những nghiên cứu về sức khoẻ và bệnh tật đã dựa trên những bằng
chứng kinh nghiệm.
Một sự giải thích về sức khoẻ và bệnh tật chiếm ưu thế thời gian này là
lý thuyết về bốn khí chất chủ yếu. Lý thuyết này được Polybus, con rể của
Hippocrates, mô tả trong luận thuyết của ông “về bản chất con người”, vào
khoảng năm 380 trước Công Nguyên. Bốn khí chất hay dịch thể là máu, đàm,
mật vàng và mật đen, và mỗi nguyên tố chứa chất lượng riêng. Sức khoẻ tốt
là kết quả của sự duy trì cân bằng giữa bốn dịch thể, trong khi một sự mất
cân bằng của hai hay nhiều hơn các nguyên tố này sẽ dẫn đến bệnh. Cá
nhân mắc bệnh được xem là người cấp thấp hơn. Cho đến thời kỳ này, chỉ
với một sự thay đổi nhỏ quan niệm về bệnh tật, lý thuyết này đã ảnh hưởng
đến y học 2000 năm tiếp sau đó, trở thành lý thuyết quan trọng nhất trong thời
trung cổ.
Âm nhạc và chữa bệnh thời trung cổ và thời kỳ phục hưng
Mặc dù những sự huy hoàng và tráng lệ của Hy Lạp cổ đại đã bị mất đi
trong thời trung cổ, ở thời kỳ trung cổ này (khoảng năm 476-1450 sau Công
Nguyên) là đại diện cho sự kết nối quan trọng giữa cổ xưa và ngày nay. Sau
sự sụp đổ của đế quốc La Mã, đạo Cơ Đốc trở thành lực lượng chủ yếu của
văn minh phương Tây. Anh hưởng của đạo Cơ Đốc đã thúc đẩy sự thay đổi
thái độ về bệnh tật. Trái với suy nghĩ trước đó, người bệnh không còn bị coi là
người thấp kém và cũng không phải là đang bị Chúa trừng phạt. Khi đạo Cơ
Đốc phát triển khắp châu Âu, các xã hội bắt đầu chăm sóc và điều trị cho các
thành viên ốm đau của họ. Các bệnh viện được thiết lập để cung cấp sự
chăm sóc nhân đạo cho những người đau ốm về cơ thể. Tuy nhiên những
ngưòi mắc bệnh tâm thần vẫn không được may mắn đó. Họ vẫn bị cho là do
ma quỷ ám và luôn bị tống giam và ngược đãi.
Mặc dù người Cơ Đốc giáo vẫn tin vào những quan điểm nặng nề về
người bệnh trong thời trung cổ, nhưng việc thực hành y học cũng vẫn dựa
trên lý thuyết về bốn khí chất đã phát triển trong văn minh Hy Lạp. Khuôn khổ
này cũng giúp ích cung cấp cơ sở cho vai trò của âm nhạc trong điều trị bệnh.
Một số lớn các chính khách và triết gia tin vào hiệu lực chữa bệnh của âm
nhạc trong đó gồm có Boethius, người tuyên bố rằng âm nhạc hoặc làm cải
thiện hoặc làm suy giảm đạo đức con người; Cassiodorus, giống như
Aristotle, xem âm nhạc như sự phấn chấn tiềm tàng; trong khi St. Basil biện
hộ cho âm nhạc như một phương tiện truyền bá dương tính cho cảm xúc
thiêng liêng thần thánh. Nhiều bài thánh ca được tin là có tác dụng chống
bệnh hô hấp không chuyên biệt nhất định.
Trong thời kỳ Phục hưng, những tiến bộ trong giải phẫu học, sinh lý học
và y học lâm sàng đánh dấu bắt đầu sự tiếp cận khoa học với y học. Tuy
nhiên, mặc dù đã có sự phát triển labo thực nghiệm, việc điều trị bệnh nhân
vẫn còn dựa trên bài giảng của Hippocrates và Galen và những giải thích
phức tạp của bốn loại khí chất. Trong thời kỳ này đã có một số lồng ghép âm
nhạc, y học và nghệ thuật. Thí dụ, những bài viết của Zarlino, một nhạc sĩ, và
Vesalius, một thầy thuốc đề cập đến mối quan hệ giữa âm nhạc và y học.
Trong thời kỳ Baroque (1580-1750), âm nhạc tiếp tục được liên kết với
thực hành y học hàng ngày, như trước đó dựa vào lý thuyết về bốn khí chất.
Thêm vào đó, lý thuyết về khí chất và cảm xúc của Kircher (1602-1680) đã
cung cấp quan điểm trong lành về sử dụng âm nhạc trong điều trị bệnh.
Kircher cho rằng đặc tính của con người gắn với kiểu âm nhạc nhất định. Thí
dụ, cá nhân trầm cảm đáp ứng với âm nhạc buồn; người vui vẻ hầu như bị
tác động bởi nhạc múa vì nó kích thích máu. Do đó, điều cần thiết là phải lựa
chọn những kiểu âm nhạc chính xác điều trị cho từng người bệnh, ủng hộ cho
việc sử dụng âm nhạc điều trị trầm cảm, Burton đã tuyên bố: “Bên cạnh hiệu
lực xuất sắc, nó phải trục xuất nhiều bệnh khác, nó là phương thuốc thần hiệu
chống lại sự tuyệt vọng và trầm uất, và sẽ xua đuổi ma quỷ trong người”.
Shakespeare và Armstrong cũng đã viết nhiều về âm nhạc là liệu pháp, thể
hiện trong các tác phẩm kịch và thơ của họ.
Âm nhạc và chữa bệnh thời cận đại
Cuối thế kỷ 18, âm nhạc vẫn còn được các thầy thuốc châu Âu ủng hộ
trong điều trị bệnh, nhưng đang hình thành sự thay đổi định nghĩa về liệu
pháp âm nhạc trong triết lý, lý luận. Với sự nhấn mạnh nhiều về y học khoa
học, âm nhạc đã không được sử dụng ở những ca bệnh chuyên biệt và chỉ có
một số ít thầy thuốc áp dụng điều trị theo khuôn khổ đa liệu pháp. Tuy vậy,
những báo cáo về liệu pháp âm nhạc vẫn xuất hiện ở Mỹ trong suốt cuối thế
kỷ 18 khi các thầy thuốc, các nhạc sĩ, các nhà tâm thần học sử dụng điều trị
cho các rối loạn cơ thể và tâm thần.
Trong suốt thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20, liệu pháp âm nhạc được sử
dụng đều đặn ở bệnh viện và một số nơi khác nhưng hầu như luôn kết hợp
với các liệu pháp khác.
Trong đại chiến thế giới 2, liệu pháp âm nhạc được tăng cường sử
dụng để nâng nhuệ khí cho những cựu chiến binh. Âm nhạc cũng được dùng
trong phục hồi chức năng cảm xúc, tâm thần và xã hội. Từ giữa thế kỷ 20, liệu
pháp âm nhạc được phát triển mang tính chuyên nghiệp cao ở châu Âu và
đặc biệt là ở nước Mỹ.
Sự phát triển liệu pháp âm nhạc chuyên nghiệp
Những năm 1940, ở nước Mỹ, việc sử dụng âm nhạc trong điều trị rối
loạn tâm thần đã trở nên rộng rãi hơn; một phần vì sự thay đổi dần về triết lý
điều trị. Nhiều nhà trị liệu, bao gồm Karl Menninger, nhà tâm thần học lỗi lạc,
bắt đầu bảo vệ cách tiếp cận điều trị đa liệu pháp (sáp nhập nhiều phương
thức điều trị). Với sự thay đổi về triết lý điều trị như vậy và với kiến thức tăng
lên trong việc áp dụng điều trị bệnh nhân có hiệu quả, liệu pháp âm nhạc cuối
cùng đã trở thành một phương thức điều trị được chấp nhận ở nhiều bệnh
viện. Thêm vào đó, những niềm tin trước đây cho rằng âm nhạc, bằng cách
này hay cách khác, là “ma thuật” đang bắt đầu bị xua tan và nhiều bệnh viện
đã tài trợ cho nghiên cứu khoa học về liệu pháp âm nhạc. Người ta thừa nhận
rằng những nỗ lực này là do Frances Paperte, người sáng lập quỹ tài trợ
nghiên cứu liệu pháp âm nhạc năm 1944, và sau đó chỉ đạo áp dụng âm nhạc
tại Bệnh viện Đa khoa Walter Reed ở Washinton, DC.
Trong thế chiến thứ hai, nhiều tổ chức, bao gồm quỹ khẩn cấp cho
nhạc sĩ, dịch vụ âm nhạc bệnh viện cựu chiến binh, và nhiều tổ chức khác đã
cung cấp các nhạc sĩ cho các bệnh viện. Những người tình nguyện này đã trợ
giúp cho nhân viên bệnh viện tổ chức các chương trình âm nhạc điều trị cho
bệnh nhân.
Thời kỳ này, hầu hết các nhà trị liệu âm nhạc tham gia làm việc không
lương, bán thời gian hay một phần thời gian dưới sự trông nom của nhân viên
bệnh viện và còn thiếu tính chuyên nghiệp. Nhiều người đã nhận ra rằng
tương lai phát triển của nghề phải dựa vào sự lãnh đạo có hiệu quả của
những nhà liệu pháp âm nhạc được đào tạo. Trong năm 1940, các cơ sở như
Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Michigan, Đại học Tổng hợp Kansas,
Trường Cao đẳng Âm nhạc Chicago, Cao đẳng Pacific, Cao đẳng Alverno đã
bắt đầu chương trình đào tạo các nhà liệu pháp âm nhạc ở trình độ đại học và
sau đại học. Tốt nghiệp các chương trình này bao gồm nhóm các nhà trị liệu
đầu tiên được đào tạo chuyên nghiệp và hầu hết điều trị cho những người
bệnh tâm thần.
Trong khi những chương trình đào tạo đang được phát triển ở những
trường cao đẳng và đại học, phong trào hướng về thành lập các tổ chức quốc
tế cũng xuất hiện. Hội đồng về âm nhạc trong trị liệu của Hội Giáo viên âm
nhạc Quốc gia Mỹ đã trình bày một chương trình trong những năm 1940 để
đào tạo các nhạc sĩ, bác sĩ, các nhà tâm thần học và những thành viên khác
về phương pháp áp dụng liệu pháp âm nhạc trong nhà trường và trong bệnh
viện. Ray Green đã chủ trì một hội nghị để thành lập Hội liệu pháp âm nhạc
quốc gia Mỹ. Hội nghị đầu tiên của tổ chức mới ở Mỹ đã tiến hành vào tháng
6 năm 1950. Các thành viên hội nghị đã thông qua điều lệ, xác định mục tiêu,
xếp hạng các thành viên đã phát triển và bổ nhiệm ban thường vụ cho công
tác nghiên cứu. Hội Quốc gia về Liệu pháp âm nhạc (NAMT) đã ra đời. Sau
đó, Hội Quốc gia về Liệu pháp âm nhạc đã liên kết với Hội Giáo viên âm nhạc
Quốc gia và hoạt động tập trung vào cải thiện đào tạo về giáo dục và lâm
sàng, cũng như thiết lập tiêu chuẩn và quy trình cho việc chứng nhận nhà liệu
pháp âm nhạc. Các ấn phẩm chuyên nghiệp về liệu pháp âm nhạc cũng tăng
lên, đặc biệt phải nói đến sự ra đời của Tạp chí Liệu pháp Âm nhạc năm 1964
của Mỹ do William Sears là tổng biên tập, tạp chí giành cho những nỗ lực
nghiên cứu của các nhà trị liệu âm nhạc.
Vào những năm 1960, các nhà trị liệu âm nhạc đã điều trị âm nhạc cho
những người chậm phát triển tâm thần cả người lớn và trẻ em, những người
khuyết tật cơ thể, và những bệnh nhân giảm cảm giác. Vào năm 1990, đã có
hình thức điều trị điều dưỡng tại nhà cho người cao tuổi, điều trị cho những
bệnh nhân bị bệnh nội khoa, và còn điều trị cho cả những tù nhân. Những
năm cuối thế kỷ 20, các nhà liệu pháp âm nhạc tiếp tục làm việc với các đối
tượng lâm sàng khác nhau ngày càng tăng lên. Một số lượng đáng kể các
nhà liệu pháp âm nhạc đã giúp cải thiện cuộc sống của những người mắc hội
chứng Retts, AIDS, lạm dụng chất và giai đoạn cuối cùng của người bệnh.
Một tổ chức thứ hai, Hội Nước Mỹ về Liệu pháp âm nhạc (AAMT) được
thành lập năm 1971. Rất nhiều mục đích giống như của Hội Quốc gia về Liệu
pháp âm nhạc, nhưng khác nhau về cách thức mà các nhà liệu pháp âm nhạc
được đào tạo về lý luận và lâm sàng. Tháng giêng năm 1998, hai tổ chức Hội
Quốc gia về Liệu pháp âm nhạc và Hội Nước Mỹ về Liệu pháp âm nhạc thấy
cần phải hợp nhất vào một tổ chức, và Hội Liệu pháp âm nhạc Mỹ đã ra đời
(AMTA).
Từ sự khởi đầu của Hội Quốc gia về Liệu pháp âm nhạc năm 1950 và
Hội Nước Mỹ về liệu pháp âm nhạc năm 1971, sự chuyên nghiệp của liệu
pháp âm nhạc ngày càng phát triển, nhấn mạnh vào tiêu chuẩn cao về giáo
dục, đào tạo lâm sàng và thực hành lâm sàng. Các ấn phẩm giá trị cũng ra
đời và có uy tín ở Mỹ như: Liệu pháp âm nhạc, Tạp chí Liệu pháp âm nhạc và
Những Viễn cảnh của Liệu pháp âm nhạc… Nghề chuyên nghiệp về liệu pháp
âm nhạc sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thế kỷ 21.
CÁC LÝ THUYẾT VỀ ÂM NHẠC VÀ Y HỌC
Đề cập đến lịch sử liệu pháp âm nhạc một cách khoa học, hiệu lực
chữa bệnh của âm nhạc là một chủ đề phổ biến trong các tài liệu về triết lý và
lý thuyết âm nhạc từ thời Plato, tuy nhiên các chuyên luận về điều trị bằng âm
nhạc một cách nghiêm túc còn có ít và thất thường trong lịch sử y học. Mãi
đến thời trung cổ, Boethius mới trình bày một chuyên đề nổi tiếng là De
Institutione Musica và chuyên đề này đã lưu hành khắp châu Âu. Chuyên đề
là một tài liệu yêu cầu sinh viên phải đọc ở Trường Đại học Quadrivium và nó
được đưa vào danh mục khóa trình của sinh viên y khoa. Đây được coi là lý
thuyết về sự tiếp nối giữa âm nhạc và y học.
Lý thuyết về sự rung động trong thế giới vi mô và vĩ mô
Âm nhạc và sức khỏe có một mối liên hệ chặt chẽ, điều này Pythagoras
(triết gia Hy Lạp nổi tiếng khoảng 500 năm trước công nguyên) đã nhận thấy
từ 2.500 năm trước, mặc dù những khám phá cơ bản của ông là đơn giản và
triết lý của ông cũng khá khó hiểu. Pythagoras là nhà khoa học nghiêm túc
vừa là nhà khoa học thần bí và cũng làm việc một cách kinh nghiệm chủ
nghĩa. Ông đã nghiên cứu thế giới bao quanh và có khám phá thú vị đóng góp
cho con người và cho nền văn hóa nhân loại. Dụng cụ nghiên cứu thô sơ của
ông là dụng cụ đo đạc về âm nhạc chỉ có một dây, gọi là monochord. Với
dụng cụ thô sơ này, ông đã có những thí nghiệm tuyệt vời về nốt nhạc và
quãng bậc trong âm nhạc, tức là tương quan về cao độ giữa 2 nốt nhạc trở
lên. Ông cũng tìm ra mối quan hệ của các nốt nhạc với ý thức của con người.
Âm nhạc tồn tại dưới dạng vật chất. Một sợi dây đàn sinh ra một âm
thanh gọi là tông (tone) do sự rung động của sợi dây với một tốc độ nhất định.
Ngày nay, chúng ta đã biết rằng, thí dụ, nốt LA tương ứng với 440 rung động
trong một phút và đo bằng Hertz (viết tắt là Hz). Chúng ta nghe được âm
thanh nốt đó do 31 dây rung động với cùng tốc độ đó. Khi tốc độ rung này đến
tai người nghe, sẽ diễn ra quá trình tri giác và ý thức phức tạp trong não và
người nghe kết luận tone đó là nốt LA.
Nốt nhạc thực ra là một “quãng hòa thanh” và nó là một sự thỏa thuận
lịch sử. Cuối thế kỷ 17, nốt LA được quy định tương đương với 415 Hz.
Nhưng trong dàn nhạc hiện đại như ỏ Berlin Philharmonic lại quy định là 445
Hz nhằm làm cho âm thanh dàn nhạc thêm sáng hơn.
Ngày nay chúng ta có thể dễ dàng đo lường tốc độ rung của các nốt
nhạc một cách chính xác, nhưng tất nhiên điều này không phải dễ dàng cho
Pythagoras. Cách mà ông đo lường một cách chính xác là tỷ lệ toán học giữa
các tone và quãng bậc do dây đàn sinh ra. Bằng việc sử dụng monochord,
ông đã khám phá ra hàng loạt quy luật của mối quan hệ giữa chiều dài của
dây đàn và cao độ của nốt nhạc.
Thí dụ, nếu dây đàn của monochord rung động một cách tự do, nốt
nhạc cơ bản tương ứng với chiều dài sợi dây là “1” (thí dụ 440 Hz). Nếu sợi
dây được chia đôi, chúng sẽ rung động với tốc độ gấp đôi (1:2 - 880 Hz). Nếu
sợi dây được chia làm ba, rung động sẽ nhanh gấp 3 lần (1:3 - 1320 Hz). Vậy
là đã có một quy tắc về mối quan hệ toán học (tỷ lệ) giữa chiều dài dây đàn và
tốc độ rung động của dây đàn. Điều này hoàn toàn mang tính chất vật lý, đó là
những con số và ta gọi là “số lượng” của âm nhạc.
Nhưng tâm hồn con người khi trải nghiệm (nghe) âm nhạc thì về
phương diện tâm lý học sẽ ra sao? Chúng ta cảm nhận được những rung
động đã tạo ra nốt nhạc, nhưng sự tác động qua lại của các nốt nhạc đã tạo
thành âm nhạc. Những nốt nhạc và âm nhạc là “chất lượng”. Khi nghiên cứu
sự rung động theo quan điểm chất lượng, người ta đã khám phá ra rằng sợi
dây được chia đôi sẽ sinh ra cùng một nốt nhạc (đồng âm) nhưng cao hơn
một quãng tám (gọi là octave) so với để nguyên sợi dây. Thí dụ, nốt Đồ và nốt
Đô là đồng âm nhưng cách nhau một quãng tám. Quãng tám là một nguyên lý
cơ bản của âm học và tâm lý học mà mọi người cảm nhận và trải nghiệm
được về nó. Giọng hát của nữ và trẻ em cao hơn nam giới một quãng tám.
Điều quan trọng là nếu không có quy luật quãng tám thì nam, nữ và trẻ em
không thế hát chung trong dàn hợp xướng. Quãng tám là một hiện tượng của
vũ trụ. Âm nhạc, là âm thanh do con người sinh ra và sắp xếp theo trật tự thời
gian, cũng không thể thiếu quãng tám. Nhưng con ngưòi đã phân phối quãng
tám và xếp đặt trật tự các quãng bậc, thang âm khác nhau, tạo nên các điệu
thức khác nhau. Đây là sự chuyên biệt một cách văn hóa của các dân tộc.
Khi chiều dài sợi dây bằng 2/3 của cả sợi dây, nó sinh ra một quãng 5
trong âm nhạc (thí dụ, quãng cách từ nốt ĐÔ lên nốt SOL).
Chiều dài sợi dây bằng 1/4 của cả sợi dây sẽ sinh ra nốt cao hơn 2
quãng tám. Chiều dài bằng 1/5 của cả sợi dây sẽ sinh ra nốt 2 quãng tám
cộng thêm quãng 3 trưởng, v.v…
Ta cũng có thể diễn đạt mối quan hệ những quãng cách theo con số tỷ
lệ:
- Quãng tám = 1:2
- Quãng năm = 2:3
- Quãng bốn = 3:4
- Quãng ba trưởng = 4:5,…
Và sau đó nó còn phức tạp hơn, thí dụ quãng ba thứ, quãng ba trưởng,
quãng hai thứ, quãng hai trưởng… được xác định với các tỷ lệ khác nhau.
Với hệ thống âm nhạc phức tạp, con người đã sáng chế ra “các hệ
thống giai điệu”, đã điều chỉnh tỷ lệ quãng tự nhiên theo yêu cầu của thực
hành âm nhạc, thông qua công nghệ dụng cụ đàn. Những ý tưởng của người
nghệ nhân làm đàn và sự ưa thích trong âm nhạc đã “bẻ cong” những quy
luật tự nhiên và chuyển dạng chúng vào trong thực hành âm nhạc.
Pythagoras đã khám phá rằng âm nhạc dựa trên các quy luật của tự
nhiên, ông tiến thêm một bước nữa, rằng tâm trí của con người có khả năng
cảm nhận những rung động và tỉ lệ âm thanh theo các nốt nhạc và quãng
cách âm nhạc. Một triêt lý, theo ông, nốt nhạc và quãng cách âm nhạc là phản
ánh một mức độ vũ trụ và tinh thần. Trật tự được tổ chức của các nốt trong
âm nhạc là một sự phản ánh thế giới vi mô của thế giới vĩ mô, bao gồm mọi
thứ trong vũ trụ, cả cơ thể, trí tuệ và tinh thần. Triết lý này đã được Plato phát
triển thêm.
Y học khí chất
Y học khí chất là một học thuyết có ảnh hưởng lớn qua nhiều thế kỷ.
Học thuyết này cho rằng sức khỏe bị ảnh hưởng của bốn chất dịch cơ thể
hoặc “khí chất” là máu, đàm, mật vàng và mật đen. Sức khỏe tốt là kết quả
của sự thăng bằng, hài hòa giữa các khí chất, trong khi bệnh tật là phản ánh
một số kiểu mất thăng bằng giữa các khí chất. Học thuyết này có từ khoảng
400 năm trước Công Nguyên và một trong những người nổi tiếng phát biểu
nhiều về nó là Galen, nhà lý thuyết y học có tầm ảnh hưởng lớn thời kỳ đế
chế La Mã. Đây là cơ sở lý thuyết y học cho tới thế kỷ 18.
Âm nhạc được xem là phương tiện điều trị có tác động và thậm chí có
khả năng phục hồi cân bằng giữa các khí chất trong cơ thể.
Trên cơ sở liên quan đến lý thuyết về khí chất, các tác giả ở thế kỷ 16,
17 như Robert Fludd (1617), Agrippa Von Nettesheim (1510) đã nêu ra mối
liên quan giữa âm nhạc và con người theo 3 mức độ. Con người được hiểu
bao gồm cơ thể, trí tuệ và tinh thần (body, mind and spirit). Mối liên quan theo
3 mức độ là:
1. Thế giới vật chất, tương ứng với cơ thể con người và tương ứng với
rung động của âm nhạc.
2. Thế giới ngôn ngữ tương ứng với trí tuệ con người và tương ứng với
nốt và quãng của âm nhạc.
3. Vũ trụ tương ứng với tinh thần con người và tương ứng với tỷ lê siêu
phàm của âm nhạc.
Học thuyết bản chất tinh thần
Theo các tài liệu triết học trong lịch sử, các triết gia phương tây như
Plato, Aristotle, Augustine, Schopenhauer, Nietzsche… đã xem xét kỹ lưỡng
về vai trò có có tính chất lý thuyêt và thực hành của âm nhạc ở các mức độ
như sau:
- Âm nhạc có vai trò với cá nhân: đó là vấn đề sức khỏe cá nhân.
- Âm nhạc có vai trò với nhà nước: đó là vấn đề điều chỉnh sức khỏe
theo dịch vụ y tế, giáo dục và giải quyết xung đột…
- Âm nhạc có vai trò với xã hội: đó là vấn đề giá trị xã hội, những
nguyên tắc đạo đức và tín ngưỡng.
Âm nhạc và tinh thần
Plato đã đề cập đến ảnh hưởng của âm nhạc lên tinh thần của con
người, thể hiện trong bài viết the state của ông. Socrates đã nêu ra và ca ngợi
những điệu thức nhất định của âm nhạc để khuyến khích con người vươn tới
cuộc sống hài hòa và dũng cảm, đồng thời ông cũng nêu ra sự hạn chế của
những điệu thức khiến người ta- lười biếng và buồn rầu.
Nhiều lý thuyết âm nhạc và lý thuyết y học qua nhiều thế kỷ đã có ý
tưởng tương tự các nhà triết học nổi tiếng nêu trên về ảnh hưởng trực tiếp
của âm nhạc trên tinh thần con người. Âm nhạc thực sự tác động lên tinh
thần con người và như vậy, ảnh hưởng đến trạng thái cảm xúc, tính cách và
sức khỏe con người.
Sự phục hồi những ý tưởng cổ điển qua vật lý lượng tử
Do sự phát triển của khoa học tự nhiên, của giải phẫu học và y học
theo tính chất thông tin và kinh nghiệm sau thời kỳ phục hưng, âm nhạc và lý
luận cổ điển đã dần dần lui vào lịch sử. Chỉ có một số ít bác sĩ còn thực
nghiệm âm nhạc và viết báo cáo hoặc chuyên đề về âm nhạc. Nói chung
trong khoa học y học, người ta viết về những vấn đề khác.
Mãi cho đến “làn sóng mới” những năm 1960 và 1970, đặc biệt là
những triết lý, những mô hình “thời đại mới” về vật lý học, tâm lý học, y học và
âm nhạc… thì những chủ đề và học thuyết cổ điển lại được phục hồi và được
kết hợp với những khám phá khoa học đương thời. Thế kỷ 20 đã chứng kiến
sự quay trở lại của nhiều ý tưởng cổ điển. Người ta đã xem xét lại vấn đề cơ
thể và tinh thần của con người và sự phản ánh của thế giới vĩ mô vào thế giới
vi mô của âm nhạc.
Sự phục hồi này trở nên nghiêm túc hơn, liên quan chặt chẽ với- vật lý
học lượng tử hiện đại với sự chứng minh đầy ấn tượng về mối quan hệ
nghịch thường giữa trạng thái vật chất như sự đồng thời của sóng và hạt.
Những phát minh của Bohr và Einstein đã có ảnh hưởng to lớn đến tư duy
khoa học và cũng được phản ảnh trong liệu pháp âm nhạc
Người ta không còn nghi ngờ rằng cuộc sống là một cuộc hành trình
vĩnh cửu giữa các mức độ khác nhau của sự tồn tại của con người, đi từ vật
chất đến tinh thần. Âm nhạc là một trật tự đặc biệt, ảnh hưởng đến cơ thể, trí
tuệ và tinh thần con người và nó phản ảnh nguyên tắc vũ trụ của cuộc sống.
Đây chính là những lý thuyết kinh điển về âm nhạc và y học, nó là ý tưởng cũ
đã được đặt trong một khuôn khổ mới.
NHỮNG KHÁI NIỆM VỀ LIỆU PHÁP ÂM NHẠC
Liệu pháp âm nhạc là gì?
Trong liệu pháp âm nhạc, từ âm nhạc dùng để mô tả phương tiện đặc
biệt được sử dụng. Ở đây âm nhạc được sử dụng làm phương tiện điều trị,
nhưng lợi ích tối ưu của nó trong điều trị lại phụ thuộc vào việc nhà trị liệu sử
dụng nó một cách thích hợp. Âm nhạc không phải là thuốc chữa bách bệnh.
Thí dụ, điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta đưa vé xem hoà nhạc hay băng đĩa
nhạc cho những người bị bại não hoặc bị trầm cảm? Những người này có thể
thích âm nhạc hoặc thậm chí có thể cảm thấy thay đổi tạm thời về khí sắc do
họ ưa thích âm nhạc. Nhưng chắc chắn họ không thể cải thiện được lâu dài
về chức năng cơ thể hoặc cảm xúc theo những trải nghiệm ngắn hạn này.
Mặt khác, âm nhạc mà chúng ta thưởng thức hàng ngày chưa phải là công cụ
điều trị. Tác dụng của âm nhạc như một công cụ điều trị khi nó được áp dụng
một cách chuyên biệt và còn tùy thuộc vào kỹ năng và kiến thức của nhà trị
liệu. Tuy nhiên, bởi vì âm nhạc là một hiện tượng vũ trụ cho nên loài người
bao gồm tất cả các thế hệ và tất cả các nền văn hoá đều nghe, chơi, sáng tạo
và thích nó. Một số loại âm nhạc có tính phức tạp cao, thách thức sự hiểu biết
của con người. Loại âm nhạc khác lại rất đơn giản và dễ theo. Một số người
thích sáng tác hoặc chơi âm nhạc. Những người khác thấy dễ chịu đáng kể
đơn giản khi nghe âm nhạc. Rất nhiều kiểu âm nhạc và cách thức đa dạng
của âm nhạc có thể lôi cuốn con người nên nó có thể là phương tiện điều trị
rất linh hoạt.
Từ liệu pháp được hiểu là phép chữa bệnh, thường được sử dụng để
chỉ một sự giúp đỡ hoặc trợ giúp cho một người, đây là những con người có
các vấn đề về cơ thể hoặc tâm thần.Trong cuộc sống hàng ngày, liệu pháp có
thể xảy ra dưới nhiều hình Thức. Thí dụ, những nhà tâm lý học nghe và nói
chuyện với thân chủ của họ; chuyên gia dinh dưỡng giáo dục mọi người về
thức ăn nào có dinh dưỡng cao, phù hợp với nhu cầu cá nhân họ; nhà điều trị
cơ thể chỉ định các bài tập cơ thể khác nhau; nhà phẫu thuật sử dụng dụng cụ
chuyên biệt như dao mổ và kẹp để sửa chữa các bộ phận cơ thể bị hủy
hoại… Và nhà liệu pháp âm nhạc dùng âm nhạc và hoạt động âm nhạc để tạo
thuận lợi cho iến trình trị liệu.
Liệu pháp âm nhạc là một nghề đã nổi lên hơn 50 năm qua ở nhiều
nước. Tuy nhiên, định nghĩa về liệu pháp âm nhạc phụ thuộc vào định hướng
và hoàn cảnh của các nhà thực hành liệu pháp hoặc những nền văn hóa khác
nhau. Hàng năm có số lượng lớn những định nghĩa về liệu pháp âm nhạc.
Trong thập niên đầu phát triển nghề nghiệp, cuốn sách mang tên Liệu pháp
âm nhạc là một nghề nghiệp (Hội Quốc gia về Liệu pháp âm nhạc, Mỹ, 1960)
đã định nghĩa:
Liệu pháp âm nhạc là sự áp dụng khoa học nghệ thuật âm nhạc để đạt
các mục tiêu điều trị. Đó là sự sử dụng âm nhạc và bản thân nhà trị liệu để tác
động tới những thay đổi hành vi.
Hai thập niên sau, khi nghề nghiệp đã phát triển đáng kể, trong cuốn
sách: Nghề nghiệp trong Liệu pháp âm nhạc (Hội Quốc gia về liệu pháp âm
nhạc, 1980) đã mô tả Liệu pháp âm nhạc như sau:
Liệu pháp âm nhạc là sử dụng âm nhạc trong việc thực hiện mục tiêu
điều trị: phục hồi, duy trì và phát triển sức khoẻ tâm thần và cơ thể. Đó là sự
áp dụng có hệ thống về âm nhạc, do những nhà trị liệu âm nhạc trực tiếp thực
hiện trong một môi trường âm nhạc, dẫn đến những thay đổi mong muốn về
hành vi. Những thay đổi như vậy làm cho cá nhân có khả năng hiểu biết sâu
sắc hơn về bản thân và thế giới xung quanh, để thành công trong điều chỉnh
xã hội thích hợp hơn. Nhà trị liệu âm nhạc chuyên nghiệp tham gia việc phân
tích các vấn đề cá nhân và hình thành trong đầu những mục tiêu điều trị
chung trước khi đặt kế hoạch và tiến hành các hoạt động âm nhạc chuyên
biệt. Định kỳ đánh giá để xác định hiệu quả của qui trình công việc đã làm.
Định nghĩa Liệu pháp âm nhạc có thể khác nhau phụ thuộc vào thân
chủ và nhà thực hành liệu pháp. Với một số thân chủ (hoặc bệnh nhân), tiến
trình liệu pháp chủ yếu là để phục hồi các kỹ năng hoặc các chức năng tâm
lý. Với một số người bệnh mãn tính, họ mất một số năng lực, tiềm năng nên
mục tiêu là giải quyết về cơ thể, cảm xúc và các khó khăn về mất năng lực, về
tâm lý do bệnh mạn tính.
Liệu pháp âm nhạc cũng được dùng cho những người không bệnh, khi
đó người ta muốn qua liệu pháp để khám phá những nguồn lực của họ, muốn
phát hiện bản thân để đạt kết quả tốt hơn về sức khỏe và cuộc sống.
Như vậy, mục đích của Liệu pháp âm nhạc rất thay đổi đối với các đối
tượng, tuy nhiên, sự tiếp cận của các nhà liệu pháp là không thay đổi.
Do đó, có nhiều định nghĩa về Liệu pháp âm nhạc phụ thuộc vào triết lý
hoặc tiếp cận của nhà thực hành hoặc nhóm thực hành. Thí dụ:
Liệu pháp âm nhạc hành vi
Dùng âm nhạc nhằm tăng cường hoặc biến đổi hành vi cho thích hợp,
làm giảm hoặc loại bỏ những hành vi xấu, không thích hợp. Trong liệu pháp
hành vi này, âm nhạc có thể được dùng làm gia tăng (hay củng cố) hành vi
(theo cách thức dương tính hoặc âm tính), theo nguyên lý phản xạ có điều
kiện kinh điển hoặc điều kiện thực thi.
Liệu pháp âm nhạc trong liệu pháp tâm lý
Ở đây, âm nhạc được sử dụng để giúp thân chủ thấu hiểu thế giới nội
tâm của họ, nhu cầu của họ và cuộc sống của họ. Liệu pháp âm nhạc liên
quan khá chặt chẽ với liệu pháp tâm lý động lực tâm thần (Psychodynamic).
Liệu pháp âm nhạc giáo dục
Liệu pháp âm nhạc đặt trong nhà trường, học sinh có thể tiếp cận Liệu
pháp âm nhạc. Nhà liệu pháp tìm thấy ở trẻ em sự liên quan của âm nhạc đến
tiến trình học tập, nhận ra tiềm năng phát triển và đáp ứng các nhu cầu của
trẻ.
Nhằm làm sáng tỏ các loại định nghĩa về Liệu pháp âm nhạc, GS.
Kenneth Bruscia đã viết cuốn sách “Defining Music Therapy” (Định nghĩa Liệu
pháp âm nhạc, năm 1998). Ông định nghĩa về Liệu pháp âm nhạc như sau:
“Liệu pháp âm nhạc là một tiến trình can thiệp có hệ thống, ở đó nhà liệu
pháp giúp thân chủ có sức khỏe. Tiến trình can thiệp này sử dụng những trải
nghiệm âm nhạc và những mối quan hệ phát triển thông qua trải nghiệm âm
nhạc làm sức mạnh động lực cho sự thay đổi ở thân chủ.
Trong cuốn sách trên, Bruscia đã định nghĩa các lĩnh vực khác nhau và
các mức độ khác nhau của Liệu pháp âm nhạc. Các lĩnh vực Liệu pháp âm
nhạc khác nhau thí dụ như: để dạy học, y học, chữa bệnh, liệu pháp tâm lý,
tái sáng tạo và sinh thái học. Ở các mức độ thực hành, Bruscia mô tả bốn
mức độ can thiệp chuyên biệt:
- Mức độ phụ trợ: sử dụng chức năng âm nhạc hoặc bất kỳ cấu trúc âm
nhạc nào khác không nhằm mục tiêu điều trị, nhưng có liên quan đến mục
đích của liệu pháp.
- Mức độ tăng cường: bất kỳ thực hành nào, trong đó âm nhạc và liệu
pháp âm nhạc được sử dụng nhằm tăng cường hiệu quả của các phương
thức điều trị khác và để đóng góp cho toàn bộ kế hoạch điều trị cho thân chủ.
- Mức độ tập trung sâu: bất kỳ thực hành nào, trong đó liệu pháp âm
nhạc chiếm vai trò trung tâm và độc lập, nhằm vào mục tiêu hàng đầu trong
kế hoạch điều trị cho thân chủ, đưa đến kết quả thay đổi lớn, đáng kể tình
trạng hiện tại của thân chủ.
- Mức độ chủ yếu: bất kỳ thực hành nào, trong đó liệu pháp âm nhạc
chiếm vai trò không thể thiếu hoặc độc nhất nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị
chính và đưa đến kết quả tạo ra những thay đổi toàn bộ cuộc sống chủ thể.
Tác giả Dileo (199ậ| đã bổ sung và phát triển cho phân loại nêu trên
của Bruscia. Ông đã đưa ra ba mức độ thực hành lâm sàng:
1. Trợ giúp
2. Chuyên biệt
3. Toàn diện
Thí dụ minh họa cho mô hình này để chữa các triệu chứng đau ở thân
chủ như sau:
Các mức độ của liệu pháp âm nhạc Thực hành giải quyết chứng đau
1. Mức độ trợ giúp
Những nhu cầu của chủ thể: Giảm đau tạm thời
Trình độ nhà liệu pháp: Mới vào nghề hoặc trung bình
Khả năng giải quyết: Làm sao lãng đau, cung cấp kỹ năng
chống đỡ
Chức năng liệu pháp âm nhạc: Trợ giúp cho can thiệp y học
Liệu pháp âm nhạc can thiệp chung: Thư giãn dựa trên cơ sở âm nhạc,
liệu pháp rung động âm thanh
2. Mức độ chuyên biệt
Những nhu cầu của chủ thể: Hiểu biết về đau
Trình độ nhà liệu pháp: Trình độ cao học
Khả năng giải quyết: Đương đầu với đau
Chức năng liệu pháp âm nhạc: Bình đẳng giới can thiệp y học
Liệu pháp âm nhạc can thiệp chung: Ứng tác, các kỹ thuật hình tượng âm
nhạc
3. Mức độ toàn diện
Những nhu cầu của chủ thể: Hợp tác với nhà trị liệu giải quyết đau
Trình độ nhà liệu pháp: Bậc nhất
Khả năng giải quyết: Giải quyết đau
Chức năng liệu pháp âm nhạc: Độc lập giải quyết đau
Liệu pháp âm nhạc can thiệp mức độ cao cấp / luyện tập chuyên
biệt
Những nhà liệu pháp âm nhạc làm việc trong hệ thống chăm sóc sức
khỏe thường thiết lập mối quan hệ chuyên nghiệp cộng tác với các bác sĩ, y
tá, các nhà điều trị vật lý, lao động nghề nghiệp, các nhà chỉnh sửa âm và
ngôn ngữ và các nhà tâm lý học, là một sự kết hợp toàn diện để điều trị bệnh
nhân.
Đối tượng điều trị của liệu pháp âm nhạc
Trong quá khứ, các nhà Liệu pháp âm nhạc thường làm việc nhiều nhất
với những người bệnh tâm thần và chậm phát triển tâm thần. Ngày nay, do
nhấn mạnh nhiều vào công việc cung cấp chăm sóc dự phòng, lồng ghép trẻ
em giảm năng lực vào nhà trường công cộng, tăng cường dịch vụ cho người
cao tuổi, các nhà liệu pháp âm nhạc đang mở rộng các lĩnh vực lâm sàng
mới. Liệu pháp âm nhạc ngày nay được sử dụng trong quản lý đau, quản lý
stress, kích thích trẻ sơ sinh, chăm sóc người lớn ban ngày, điều dưỡng tại
nhà, các chương trình chăm sóc bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh, chăm sóc y
khoa và cả ở nhà tù. Dưới đây là thống kê năm 1998 của liệu pháp âm nhạc
Mỹ về đối tượng đã được tiến hành điều trị bằng âm nhạc:
- Người cao tuổi,
- Người khuyết tật trong phát triển, 
- Người có vấn đề sức khoẻ tâm thần,
- Người khuyết tật cơ thể,
- Tuổi nhà trường,
- Tuổi thơ ấu,
- Lạm dụng chất,
- Giảm cảm giác,
- Suy giảm, hư hại chức năng thần kinh.
- Bệnh vô phương cứu chữa.
Ý NGHĨA CỦA ÂM NHẠC LIÊN QUAN ĐẾN ĐIỀU TRỊ
Đối với nhiều nhà liệu pháp âm nhạc, âm nhạc luôn được xem như một
ngôn ngữ tượng trưng, cho phép nhà trị liệu khám phá ý nghĩa của nó đối với
thân chủ trong kỹ thuật ứng tác âm nhạc tiếp theo sự hội thoại bằng miệng.
Trong lý thuyết âm nhạc và lý thuyết tâm lý học, các nhà liệu pháp âm
nhạc thường phải trả lời 3 câu hỏi kinh điển:
1. Âm nhạc có phải là ngôn ngữ không? Nếu nó cũng là một ngôn ngữ
thì ngôn ngữ âm nhạc khác ngôn ngữ nói như thế nào?
2. Âm nhạc có ý nghĩa vượt qua những nguyên tắc hay quy luật bên
trong âm nhạc không? Nếu có, thì sự diễn tả của âm nhạc có liên quan đến
thế giới bên ngoài như thế nào?
3. Âm nhạc có phải là có ý nghĩa không "thể diễn tả bằng ngôn từ
không? Nếu có, thì ý nghĩa “không thể diễn tả được” hoặc “không tả được”
này có phải là một thể riêng biệt của kiến thức hoặc nhận biết của con người
không?
Người ta đã trả lời cho 3 câu hỏi nêu trên:
1. Đúng, âm nhạc là một loại ngôn ngữ diễn tả theo cách nghệ thuật.
Âm nhạc có hệ thống ký hiệu riêng biệt (ký pháp âm nhạc) và nó có ý nghĩa
cho hầu hết mọi người. Tuy nhiên, ngôn ngữ âm nhạc không phải là ngôn
ngữ thuyết trình. Âm nhạc đặc trưng cho một ngôn ngữ tượng trưng, không
cụ thể, rõ ràng như ngôn ngữ nói.
2. Đúng, âm nhạc chứa đựng và diễn tả ý nghĩa vượt quá nguyên tắc
âm nhạc hay thẩm mỹ thuần túy. Ý nghĩa này được xây dựng thông qua tác
động qua lại phức tạp giữa những người tham gia âm nhạc, như người sáng
tác - người biểu diễn – người nghe hoặc bệnh nhân - nhà trị liệu. Âm nhạc có
thể là sự diễn tả trực tiếp cảm xúc của bệnh nhân. Nó cũng có thể là một sự
tượng trưng hoặc ẩn dụ của trạng thái tâm lý phức tạp của bệnh nhân.
3. Đúng, âm nhạc có ý nghĩa không thể diễn tả được bằng ngôn từ.
“Kiến thức ngầm” hoặc “ý nghĩa không thể diễn tả” này thể hiện ở các mức độ
khác nhau, ở mức độ truyền đạt giữa các cá nhân, khái niệm hai mặt giữa
chủ quan và khách quan (như giữa “người nghe” và “đối tượng âm nhạc”) đã
bị hòa tan và trải nghiệm này vượt quá ngôn ngữ miệng, thậm chí nó có ý
thức và rất rõ ràng.
Âm nhạc là một tác nhân điều trị
Có một thực tế là âm nhạc không hề có giá trị đối với sự sinh tồn của
con người một cách rõ ràng, nhưng tại sao hàng năm nó vẫn được duy trì
trong vốn tiết mục âm nhạc mỗi con người chúng ta. Mỗi con người chúng ta,
chắc chắn ai cũng có một số vốn về âm nhạc hoặc đơn giản hơn là bài hát
nhất định. Thực chất, âm nhạc đã phát triển bên ngoài một số tiến trình thần
kinh nền tảng. Do vậy, nếu chỉ đứng trên góc độ sinh lý thần kinh đơn nhất sẽ
không thể giải thích được đầy đủ cho sự có mặt khắp mọi nơi của âm nhạc
trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta hoàn toàn không đáp ứng một cách
bị động với âm nhạc qua cơ quan cảm giác. Quá trình tri giác và nhận thức
của chúng ta với âm nhạc chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi niềm tin, hy vọng và
mang nặng tính văn hoá.
Âm nhạc và những hiệu lực siêu tự nhiên
Các nền văn hoá tiền văn tự tin vào hiệu lực của âm nhạc tác động tới
hành vi con người. Niềm tin này cho rằng âm nhạc có mối quan hệ tới siêu tự
nhiên. Những bài hát mà các bộ lạc sử dụng trong những nghi thức quan
trọng được tin là đến từ các nguồn siêu nhiên hoặc không phải ở từ trái đất.
Những bài hát này chứa đựng những năng lực siêu nhân nào đó đang kiểm
soát trong tất cả các hoạt động cầu xin trợ giúp khác thường như nghi thức
tôn giáo hoặc chữa bệnh. Âm nhạc là thứ đồng hành thiết yếu cho thực hành
tín ngưỡng trên toàn thế giới. Nó rất quan trọng đến mức độ mà trong các
nghi thức quan liêu thời đó âm nhạc phải được cử hành một cách chính xác.
Bất cứ sai sót nào về biểu diễn âm nhạc trong khi tiến hành nghi thức có thể
bị cho là phá hoại hiệu lực của âm nhạc và mất sự chấp thuận của thần
thánh. Những sai sót như vậy có thể bị trừng phạt bởi các biện pháp nghiêm
khắc, thậm chí có thể bị tử hình.
Trong nhiều nền văn hoá tiền văn tự, sự kết nối giữa quyền lực ma
thuật và âm nhạc được sử dụng phổ biến trong các hình thức bùa, ngải chống
lại bệnh tật. Người thầy thuốc hoặc pháp sư sử dụng cái lúc lắc, trống và bài
hát như một bộ phận không thể thiếu của nghi thức chữa bệnh và xua đuổi
thế lực ma quỷ.
Nhìn thoáng qua, việc sử dụng âm nhạc “ma thuật - tín ngưỡng” này có
vẻ không liên quan đến thực hành y khoa đương thời. Tuy nhiên, chúng ta có
thể thấy ảnh hưởng của các truyền thống văn hoá này trong liệu pháp âm
nhạc. Ngay trong xã hội hiện đại của chúng ta, âm nhạc vẫn còn có mối liên
quan không thể thiếu tới giá trị và thực hành tinh thần. Âm nhạc có vai trò ưu
thế trong phục vụ tôn giáo của nhiều giáo phái, hơn nữa, nó còn diễn tả các
giá trị đạo đức và hành vi được chấp nhận. Trong khi âm nhạc còn được sử
dụng trong thực hành tôn giáo ngày nay giống như đã từng có trong quá khứ,
cơ sở hợp lý cho việc sử dụng âm nhạc trong liệu pháp âm nhạc hiện đại
khác xa với nghi thức chữa bệnh thời tiền văn tự. Các văn hóa nguyên thủy
cho rằng hiệu lực chữa bệnh của âm nhạc là những hiệu lực siêu nhiên, còn
các nhà liệu pháp âm nhạc hiện nay cho rằng những thay đổi trên bệnh nhân
là kết quả trực tiếp của âm nhạc với giá trị biểu tượng của nó trong niềm tin,
thái độ và hành vi đã được học tập theo nguyên tắc phản xạ có điều kiện từ
quá khứ của bệnh nhân, tạo nên đáp ứng sinh lý với âm nhạc trên bệnh nhân.
Nói cách khác, những trải nghiệm cảm xúc thẩm mĩ âm nhạc đã hoạt hoá
khuynh hướng tâm sinh lý tới đáp ứng với âm nhạc, tạo nên niềm tin vào hiệu
quả chữa bệnh của âm nhạc. Cũng như trong các liệu pháp tâm lý, niềm tin
của bệnh nhân là yếu tố quan trọng đối với thành công của liệu pháp. Thí dụ,
trong sử dụng âm nhạc để kiếm soát đau trên bệnh nhân, Melzack(1973) đã
phát hiện ra rằng, niềm tin của bệnh nhân về hiệu quả của âm nhạc đã tác
động quan trọng tới sức chịu đựng đau.
Tóm lại, truyền thống văn hoá của con người về âm nhạc có hiệu lực
chữa bệnh đã góp phần cho âm nhạc có tác dụng như một tác nhân điều trị.
Âm nhạc là một sự diễn tả cảm xúc
Nghiên cứu về các nền văn hoá nguyên thủy và tiền văn tự, chúng ta
đã phát hiện ra rằng âm nhạc là một lối thoát cảm xúc quan trọng. Nền văn
hoá hiện đại cũng vậy, âm nhạc được sử dụng để diễn tả cảm xúc. Một đặc
điểm phổ biến cho cả nền văn minh nguyên thủy và văn minh công nghiệp
hóa là sử dụng nghệ thuật trong “chức năng về giá trị an toàn”. Trong ngữ
cảnh thẩm mỹ, âm nhạc được sử dụng để diễn tả công khai những chủ đề bị
cấm kỵ mà không bị phê bình, chỉ trích. Thí dụ, ở văn hoá phương Tây, nhiều
chủ đề biểu hiện giới tính bị cấm đoán hoặc chủ đề nhạy cảm chính trị đã
được diễn tả cởi mở trong khuôn khổ âm nhạc quần chúng.
Với tính chất như vậy, trong liệu pháp âm nhạc áp dụng cho điều trị cá
nhân và nhóm, ý nghĩa quan trọng là âm nhạc đã tạo cơ hội cho bệnh nhân
bộc lộ sự chân thực, sự giao tiếp cảm xúc nhạy cảm. Nghệ thuật là một sự
chuyền tải cho diễn tả và đáp ứng cảm xúc. Các liệu pháp nghệ thuật sáng
tạo thông qua phương tiện không ngôn ngữ miệng đã tác động đến các tiến
trình cảm xúc trực tiếp và ngay lập tức hơn là các liệu pháp tâm lý miệng
truyền thông. Do vậy, trong ngữ cảnh âm nhạc đã cho phép một cá nhân “rụt
rè”, hoặc bị kiềm chế có thể thăm dò và diễn tả cảm xúc về bản thân cá nhân.
Âm nhạc có thể khơi gợi cảm xúc tình cảm cũng như mở ra khả năng diễn tả
sự thay đổi cho bệnh nhân, nhất là những người có khó khăn trong việc diễn
tả bằng ngôn ngữ miệng.
Âm nhạc trong các thể chế xã hội
Không có một hoạt động văn hóa nào của con người lại lan tràn, thâm
nhập rộng khắp, thể hiện cụ thể và kiểm soát lớn lao đến hành vi con người
như âm nhạc. Âm nhạc đưa chúng ta từ lúc chào đời đến khi nhắm mắt xuôi
tay, về nơi an nghỉ cuối cùng. Âm nhạc lấp đầy cuộc sống của chúng ta với
sự vui sướng, với các cấu trúc xã hội, diễn tả cảm xúc sâu sắc nhất của
chúng ta và đóng góp cho sự ổn định văn hoá của chúng ta.
Trong xã hội có sự phân tầng văn hóa phức tạp, âm nhạc là thứ “gắn
mác” cho các tầng lớp xã hội, hoặc âm nhạc là biểu tượng của các nhóm hợp
nhất. Thí dụ, tầng lớp người hoặc nhóm người thích nghe nhạc đồng quê,
nhóm người thích nghe nhạc rock, nhóm người thích nghe nhạc Jazz hoặc
opera… Các hình thức âm nhạc này là đặc trưng hoặc biểu tượng liên quan
đến các tầng lớp xã hội, các kiểu sống và các nhóm dân tộc khác nhau. Âm
nhạc giúp cho sự gắn bó chặt chẽ và cố kết nhóm, đồng thời nó cung cấp một
quan điểm trung tâm, thống nhất cho nhiều hiện tượng xã hội. Thí dụ, những
bài ca biểu tượng cho sự đấu tranh cách mạng, những bài ca biểu tượng cho
sự phản kháng của nhóm thanh niên nổi loạn trong xã hội…
Sự gắn kết xã hội của âm nhạc là yếu tố quan trọng cho việc áp dụng
điều trị của liệu pháp âm nhạc. Thí dụ, những người cao tuổi có xu hướng
sống biệt lập, đó là do họ suy giảm khả năng hoà nhập. Sự không hài lòng
hoặc các mối quan hệ không thích hợp là điều nổi bật trong hầu hết các rối
loạn cảm xúc. Những người chậm phát triển tâm thần có khó khăn trong học
tập xã hội và ứng xử thích hợp… Do vậy, giúp cho bệnh nhân cải thiện mối
tương tác xã hội là mục tiêu hàng đầu của nhiều chương trình điều trị cho
những đối tượng kể trên.
Âm nhạc có những đặc điểm thích hợp cho cơ hội hòa nhập của cá
nhân. Đặc điểm thứ nhất và quan trọng nhất là, âm nhạc được nhận thức một
cách dễ dàng rằng đó là một nghệ thuật xã hội. Cá nhân trải nghiệm âm nhạc
không chỉ ở chất liệu âm thanh thô mà còn với niềm tin về giá trị của âm nhạc.
Đó là niềm tin rằng âm nhạc tạo sự hứng thú và sự độc đáo. Điều này khuyến
khích sự chú ý và khơi gợi những đáp ứng hành vi với kích thích âm nhạc.
Đặc điểm thứ hai, âm nhạc là hình thức duy nhất có thể thay thế cho giao tiếp
nói. Do đó, âm nhạc giúp cho cá nhân bệnh nhân khó khăn trong giao tiếp nói
có một phương tiện thay thế cho tương tác cá nhân với nhóm. Đặc điểm thứ
ba, âm nhạc không phải là một kỹ năng quá to tát, mà thực ra là một sự thu
gom các kỹ thuật nhỏ. Cá nhân có thể tham gia với nhiều mức độ năng lực, từ
nghe nhạc đến biểu diễn âm nhạc một cách thành thạo.
Với những cá nhân không có kỹ năng âm nhạc, bệnh nhân vẫn được lôi
cuốn thông qua hoạt động nghe và nhà trị liệu khuyến khích bệnh nhân đáp
ứng với âm nhạc. Các kiểu và hình thức âm nhạc rất đa dạng, cho nên nó có
thể đáp ứng với sở thích âm nhạc của mỗi cá thể khác nhau. Trong vận dụng
âm nhạc liệu pháp, nhà trị liệu có thể thay đổi chất liệu âm nhạc một cách linh
hoạt, phù hợp với mức độ trải nghiệm và phát triển nhận thức cá nhân. Với sự
linh hoạt như vậy, âm nhạc có tiềm năng lớn cho việc hoà nhập nhóm đa
dạng của các cá nhân vào cộng đồng.
Như vậy, âm nhạc là nguồn linh hoạt tạo cho con người hòa nhập vào
kết cấu của tồn tại xã hội. Âm nhạc có khả năng cuốn hút bệnh nhân vào các
hoạt động dựa trên thực tại, đòi hỏi sự tương tác và thực hiện các chức năng
tâm thần một cách tối ưu. Trong việc chăm sóc sức khoẻ thời hiện đại, những
mối quan hệ con người được hài lòng và thoả mãn là điều được quan tâm
hàng đầu. Và âm nhạc với đặc tính là đa dạng, bất định và linh hoạt, với
truyền thống văn hoá và lịch sử, nó là nguồn điều trị hiệu lực cho diễn tả cảm
xúc và xã hội hoá mối quan hệ, tương tác của người bệnh.
Chương 2. CƠ SỞ LÝ THUYẾT CỦA LIỆU PHÁP ÂM NHẠC
TÂM LÝ HỌC ÂM NHẠC
Tâm lý học âm nhạc là một lĩnh vực nghiên cứu tương đối mới, là một
khoa học của nhiều ngành học thuật, hoạt động mạnh mẽ và giao thoa giữa
âm nhạc học, tâm lý học, âm học, xã hội học, nhân loại học và thần kinh học.
Tâm lý học âm nhạc có thể được thu hẹp vào 5 lĩnh vực quan trọng liên
quan đến nghiên cứu liệu pháp âm nhạc:
1. Âm thanh tâm lý học và hệ thính giác.
2. Âm nhạc và bộ não: khía cạnh thần kinh học của trải nghiệm âm
nhạc.
3. Khả năng âm nhạc và bán cầu trội.
4. Sự đáp ứng với âm nhạc và tiếng động ở trẻ em - Tâm lý phát triển
về âm nhạc.
5. Những tác động cảm xúc của âm nhạc.
Lịch sử của tâm lý học âm nhạc
Tâm lý học âm nhạc là một lĩnh vực nghiên cứu độc lập, phát triển từ
cuối thế kỷ 19. Những tên tuổi nổi bật ở thời kỳ này có thể kể đến là
Helmholz, Stumpt, Rieman và ở Mỹ là Seashore.
Thời kỳ đầu tiên, năm 1880 - 1920 được đặc trưng bởi các nghiên cứu
thực nghiệm dựa trên mô hình chủ nghĩa thực chứng. Âm nhạc được xem là
một hiện tượng kinh nghiệm, khách quan. Mục tiêu của các nghiên cứu là
quan sát, đo đạc những đáp ứng của con người với những kích thích âm
thanh có chọn lọc và tập trung đặc biệt vào những thông số cơ bản của giọng
hoặc âm thanh như tần số, biên độ, cường độ và hình thể sóng. Điều này là
nền tảng cho các nghiên cứu theo khuynh hướng kinh nghiệm chủ nghĩa, bao
gồm:
- Kỹ năng phân biệt thính giác (tâm lý học về âm thanh).
- Phát triển các thử nghiệm (test) âm nhạc.
- Tâm lý âm nhạc hành vi.
Trong những năm 1920 và 1930 đã hình thành những lý thuyết mới,
phát triển theo quan điểm của Gestalt, ở Mỹ là Murshell (1937) và ở Đức là
Kurth (1931). Kurth không bác bỏ tâm lý học âm thanh kinh điển, nhưng ông
muốn nhìn nó trong ngữ cảnh mới, đó là một lý thuyết có hệ thống về hiện
tượng âm nhạc và sự trải nghiệm tâm lý học về năng lượng, cường độ, âm
lượng và khối lượng trong âm nhạc.
Sau chiến tranh thế giới II, chủ nghĩa hành vi đã có ảnh hưởng quyết
định đến tâm lý học âm nhạc. Thí dụ, tác phẩm Tâm lý học khách quan” của
Lundin (1967) đã thể hiện nghiên cứu khoa học về hành vi âm nhạc là cốt lõi
của tâm lý âm nhạc. Cũng như vậy, trong phân tâm học truyền thông, sự hiểu
biết về âm nhạc đã phát triển và liệu pháp âm nhạc đã được tiến hành trong
khuôn khổ lý thuyết của Freud và sau đó là tâm lý học bản ngã (ego).
Thời gian gần đây nhất đã xuất hiện tâm lý học nhận thức về âm nhạc.
Đa số những đóng góp quan trọng của châu Âu gần đây về tâm lý âm nhạc
thuộc về lý thuyết này.
Tâm lý học âm học
Tâm lý học âm học nghiên cứu một số yếu tố về âm nhạc như: âm sắc,
âm lượng, độ cao và độ dài.
* Âm sắc
Âm sắc xác định chất lượng của âm thanh. Thí dụ, sóng âm thanh hình
sin là âm thanh đơn giản và thuần khiết nhất, tạo được bằng các phương
pháp không điện tử, là nốt nhạc được chơi bằng sáo hoặc giọng trẻ em nhỏ.
Còn hầu hết sóng âm là khá phức tạp so với âm đơn lẻ.
Tất cả âm thanh được sinh ra một cách tự nhiên thường bao gồm các
yếu tố sau:
- Độ cao nền tảng.
- Hàng loạt hòa thanh, đó là những độ cao có liên quan theo tỷ lệ thuận
với độ cao nền tảng và phát ra đồng thời với độ cao nền tảng.
- Những độ cao khác, đó là những độ cao không liên quan trực tiếp với
độ cao nền tảng. Thí dụ âm thanh phát ra từ cái loa, sóng âm thanh đi dọc
theo lỗ loe ra một cách từ từ, độ cao âm thanh cứ nâng lên.
- Độ cao chủ quan (theo cảm nhận của người nghe).
- Tiếng ồn.
Như vậy, một âm thanh phát ra là cả một sự hòa thanh phức tạp. Âm
thanh truyền đi trong không khí theo sóng giống như sóng lăn tăn trên bề mặt
hồ nước khi ta ném hòn đá cuội xuống hồ. Điều khác nhau ở đây là sóng của
âm thanh đi trong ba chiều chứ không phải hai chiều. Ta có thể tưởng tượng
như những sóng hình cầu tăng lên, tỏa ra từ nguồn sóng. Sóng trên mặt hồ
được gây ra do sự rời chỗ ban đầu của nước, ở âm thanh, đó là những phân
tử không khí bị chuyển dời gây ra sóng của mật độ không khí. Những sóng
này trải rộng ra với tốc độ ước lượng khoảng 720 dặm/giờ, cuối cùng sẽ mất
đi do ma sát của các phân tử không khí “đang còn” chuyển dời. Nếu những
sóng không khí gặp bất kỳ phân tử nào khác, sóng sẽ cố gắng làm chuyển
dời chúng. Thí dụ, nếu sóng đến tiếp xúc với bức tường đá, chúng sẽ cố gắng
khiến các phân tử đá cũng thành sóng. Nhưng vì các phân tử đá có cấu trúc
khác với rất nhiều kháng trở làm số lượng đáng kể năng lượng sóng âm mất
đi và số còn lại sẽ bật trở lại.
Những sóng âm tiếp xúc với cơ thể con người sẽ cố gắng làm tương tự
và chúng ta có thể cảm nhận được những sóng hoặc rung động này như cảm
giác râm ran ở các bộ phận khác nhau của cơ thể. Lớp phân tử trên cơ thể
càng mỏng sẽ càng dễ bị sóng âm tác động chuyển dời vị trí theo một tần số
như sóng âm đó. Cơ quan nhạy cảm nhất với vận động nén của không khí là
một màng rất mỏng ở tai, gọi là màng nhĩ. Điều lý thú là, ở những người mất
thính giác, người ta ghi nhận rằng mí mắt và đầu ngón tay nhạy cảm nhất với
những tần số nhất định của âm thanh. Giải thích điều này là do ở mí mắt có
màng mỏng và ở đầu ngón tay có mật độ tập trung lớn của các tận cùng thần
kinh.
* Cường độ:
Cường độ biểu hiện sự ồn ào hay độ lớn của âm thanh. Cường độ
được đo bằng decibel. Decibel là đại lượng đo lường độ lớn thực tế của âm
thanh, trong khi trải nghiệm chủ quan về tiếng ồn của các loại âm thanh phụ
thuộc vào cá nhân người cảm nhận nó.
* Độ cao:
Độ cao có thể được đo bằng hai cách:
- Bao nhiêu sóng xảy ra trong một khoảng cách đã cho, hoặc
- Bao nhiêu sóng xảy ra ở một thời gian đã cho.
Người ta thường dùng cách thứ hai. Như vậy, 440 chu kỳ của song trên
thời gian 1 phút là hòa thanh hiện đại của nốt LA rung càng nhanh thì độ cao
càng cao và sóng càng ngắn. Ngược lại, độ rung càng chậm thì độ cao càng
thấp và sóng càng dài hơn.
* Độ dài
Độ dài là yêu tố quan trọng trong âm thanh, nó như một phương tiện
trong đó diễn tả cường độ, cao độ và âm sắc. Chiều dài thời gian cần có để
nghe các yếu tố cần có (cường độ, cao độ, âm sắc…) từ lúc bắt đầu đến kết
thúc gọi là trường độ (duration).
Sinh lý học về tai
Trong liệu pháp âm nhạc cần phải chú ý đến vai trò và các chức năng
hoạt động liên quan đến tai vì phương tiện điều trị chủ yếu là âm thanh.
Tai là một trong những bộ phận phức tạp của cơ thể, là cơ quan tiếp
nhận và phân tích, giải thích các kích thích âm thanh. Đây là một tiến trình
đặc biệt. Phần tai ngoài có chức năng thu nhận âm thanh và ở những tần số
nhất định (từ 2KHz đến 5KHz) sẽ được tai ngoài khuếch đại tăng lên. Tai
ngoài là vùng quan trọng cho âm thanh lời nói. Bình thường chúng ta nghe cả
hai tai và khoảng cách giữa hai tai giúp chúng ta định vị được hướng của âm
thanh và ước lượng khoảng cách từ nguồn phát ra âm thanh tới chúng ta.
Màng nhĩ là một màng trong mờ, có tính đàn hồi, đường kính 6mm và
dày khoảng 0,08 mm. Màng nhĩ có thể tiếp nhận và chuyển hóa mọi rung
động từ một dàn nhạc lớn, dàn hát nhà thờ… Nó có thể rung động toàn bộ
hoặc từng phần để tiếp nhận đầy đủ những dữ liệu âm thanh phức tạp. Đó là
một hình thức rung động rất phức tạp và điều bí ẩn là làm sao màng nhĩ có
thể thu thập nhiều rung động đến vậy.
Âm thanh được truyền vào tai giữa, trong đó có ba xương: xương búa,
xương đe và xương bàn đạp. Các xương này truyền âm thanh đi qua vùng tai
giữa. Nếu không có các xương này, âm thanh sẽ đi thẳng vào ốc tai và 97%
sẽ bật trở lại và mất đi. Những xương này ở trong tình trạng hoạt động liên
tục, không ngừng và tiếp nhận âm thanh ngay cả khi người ta ngủ. Âm thanh
càng lờn, chuyển động của các xương càng lớn. Khi con người sinh ra,
những xương này đã được hình thành đầy đủ và chúng là những xương duy
nhất trong cơ thể không lớn lên. Khi chúng ta về già, xương trở nên cứng đi.
Do vậy người ta thường giảm thính lực tỷ lệ với tuổi tăng lên.
Âm thanh được tiếp tục chuyển vào tai trong và ở đây ốc tai tiếp nhận
âm thanh. Những rung động đi qua dịch thể trong ốc tai sẽ kích thích những
tế bào lông. Tế bào lông kích thích khởi động và truyền tín hiệu qua các tế
bào hướng tâm. Thường thường những kích thích của âm thanh sẽ được các
tế bào lông làm nhiệm vụ mã hóa và truyền tín hiệu về não. Trên thực tế,
chúng ta phân biệt được âm thanh ở tần số nhỏ hơn 1/50 của nửa cung nhạc
(nửa cung, thí dụ từ nốt ĐÔ lên nốt ĐÔ THANG). Dây thần kinh thính giác
truyền những âm thanh đã được chuyển đổi thành xung điện, đưa về đồi thị,
từ đồi thị về não. Đồi thị là nơi hòa nhập tất cả dữ liệu chuyển đến và tiếp âm
chúng đến những vùng thích hợp của vỏ não, tức là đến vùng phân tích thính
giác.
Chức năng về âm nhạc của não
Rất nhiều phần của não liên quan đến thưởng thức âm nhạc và chơi
âm nhạc. Trong những nghiên cứu về sự đáp ứng của não so với âm nhạc,
các nhà thần kinh học đặc biệt quan tâm đến các bộ phận cấu thành liên quan
đến đời sống âm nhạc, cụ thể là khả năng của con người trong việc đọc, hiểu,
sáng tác hoặc biêu diễn âm nhạc. Thần kinh học hiện đại nổi lên từ khoảng
năm 1850 với các khái niệm xoay quanh việc xác định các vùng chức năng
của não. Một số nhà thần kinh học Đức đã phân tích rối loạn chức năng âm
nhạc ở những bệnh nhân có bệnh về não và cố gắng định khu vùng thương
tổn. Knoblauch đã giới thiệu thuật ngữ “mất âm nhạc”, có nghĩa là khả năng
hoạt động âm nhạc bị suy giảm, ở đây có hai khái niệm: mất cảm giác âm
nhac là bệnh nhân không có khả năng để nghe, đọc hoặc hiểu âm nhạc và
mất vận động âm nhạc là bệnh nhân có khó khăn trong việc hát hoặc viết
nhạc hoặc chơi nhạc. Sự mất âm nhạc này lúc đầu người ta quy cho là do tổn
thương ở vùng bán cầu não trái (não trái là bán cầu ưu thế). Tuy nhiên, sau
này người ta biết nó không đơn giản như vậy. Các khía cạnh hoạt động âm
nhạc khác nhau bị suy giảm có thể do tổn thương bán cầu trái hoặc bán cầu
phải hoặc tổn thương từng bộ phận. Những thực nghiệm cho thấy liệt chức
năng thùy thái dương bán cầu phải gây ra giảm khả năng hát và nhận thức
giai điệu, trong khi đó ngôn ngữ nói vẫn còn nguyên. Trái lại, liệt chức năng
thùy thái dương bán cầu trái, người ta có thể hát tốt hơn nói. Người ta còn
cho rằng các chức năng về cấu trúc, tính toán và tổ chức âm nhạc do não trái
chi phối và chức năng sáng tạo, cảm xúc và tâm hồn do não phải chi phối để
giữ thăng bằng cho tất cả các yếu tố trong hoạt động âm nhạc.
Ngày nay, chúng ta biết rằng lý thuyết về sự chuyên môn hóa bán cầu
không thể áp dụng cho hoạt động âm nhạc, mặc dù thực tế khi phá hủy một
số vùng chuyên biệt của não có thể làm giảm một số bộ phận chức năng
quan trọng chi phối chức năng âm nhạc.Người ta không thể xác định khoanh
vùng chức năng vỏ não chi phối hoạt động sáng tạo như sáng tác hoặc biểu
diễn âm nhạc. Chỉ những hoạt động sinh lý sơ đẳng mới có thể phân vùng
chức năng khác nhau của vỏ não. Các hoạt động phức tạp phụ thuộc vào các
bộ phận nhất định của não và liên kết với nhau qua các con đường dưới vỏ
và giữa hai bán cầu. Sáng tác nhạc, chơi nhạc và nghe nhạc, tất cả đòi hỏi
cảm giác thị giác và thính giác, các chức năng về trí tuệ và cảm xúc và các
hoạt động vận động cảm giác. Những hoạt động này liên quan đến vỏ não,
những nhân vận động và cảm giác dưới vỏ và hệ limbic.
Các hệ thống thính giác, hệ thống thị giác, hệ thống vận động và cảm
giác cơ thể và trí nhớ, tất cả đều đóng vai trò quan trọng trong thưởng thức và
biểu diễn âm nhạc. Đặc biệt, khả năng nghe được phát triển mạnh ở những
người nhạc sĩ.
Trong hoạt động âm nhạc, trí nhớ cũng được phát triển mạnh mẽ và rất
quan trọng. Người ta không thể thực hiện được một nhiệm vụ âm nhạc đơn
giản nếu không sử dụng trí nhớ. Sự hứng thú của bất kỳ người nào khi nghe
một đoạn nhạc đều tùy thuộc vào trí nhớ của người đó về đoạn nhạc đã lướt
qua và nay được lặp lại với giai điệu và hòa thanh tương tự. Theo nguyên tắc
của kỹ thuật sáng tác âm nhạc, trong một bản nhạc, những âm hình hay
những nét nhạc đều phải được nhắc lại và phát triển trên cơ sở nét nhạc đó.
Như vậy khi người ta nghe một bản nhạc, trí nhớ về nét nhạc cũ vừa đi qua
đã giúp người ta nhận ra ở nét nhạc vừa mới đến về bóng dáng của nét nhạc
cũ đã được nhắc lại và phát triển. Điều đó mới tạo hứng thú cho người nghe
nhạc. Chức năng vận động cảm giác và trí nhớ thị giác, thính giác là đặc biệt
cần thiết cho chơi nhạc.
Có rất nhiều thí dụ về những kỹ năng kinh ngạc của trí nhớ. Khi mới 14
tuổi, Mozart (Mô da) đã nhớ để viết lại toàn bộ bản nhạc Miserere của Allegri,
một tác phẩm nhà thờ sáng tác 9 phần cho 2 ca đoàn, sau khi nghe biểu diễn
ở Sistin Chapel. Mandlessohn cũng đã làm tương tự. Khi có một lần, tổng phổ
bản nhạc A Midsummer Night’s Dream bị để quên ở taxi, ông đã viết lại nó
bằng trí nhớ. Có rất nhiều thí dụ về khả năng của nhạc sĩ nhớ lại và chơi nhạc
không có tổng phổ. Có một số người lại nhớ và chơi nhạc chỉ do đã nghe nó
và chưa từng nhìn thấy bản nhạc.
Sự phát triển kỹ năng và đáp ứng với âm nhạc ở trẻ em
Một số liệu pháp tâm lý đã nhấn mạnh đến mối tương tác sớm giữa mẹ
và con. Trong mối quan hệ điều trị bằng âm nhạc, người ta cũng nhận thấy
mối tương tác này qua những yếu tố liên quan giữa hoạt động âm nhạc ở
người mẹ và cử chỉ, hành vi từ giai đoạn sớm của đứa trẻ. Thí dụ, những ca
sĩ nhận thấy khi họ hát thì cái thai trong bụng họ yên lặng hơn. Trong khi đó
những người mẹ đang chơi đàn hay các nhạc cụ thì trẻ trong bụng họ vận
động nhiều hơn.
Người ta ghi âm tiếng âm thanh tử cung bao gồm âm thanh của nhau
thai, vận động mạch máu ở những động mạch dây rốn. Khi trẻ sơ sinh khóc
nhiều, người ta mở băng ghi âm trên để giúp trẻ yên tĩnh trở lại.
Những kỹ năng âm nhạc, cũng giống như các kỹ năng không âm nhạc
(đi, nói), xuất hiện ở các mốc thời gian khác nhau giữa trẻ này với trẻ khác.
Tuy vậy, trong tình trạng bình thường, cột mốc phát triển xảy ra trong một
chuỗi sự kiện có thể đoán trước một cách tương đối chính xác. Đã có nhiều lý
thuyết tồn tại mô tả tiến trình phát triển của trẻ em, nhưng người được biết
đến nhiều nhất là Jean Piaget, nhà tâm lý học Thụy Sĩ, ông đã phác hoạ bốn
giai đoạn phát triển của trẻ em: (1) Vận động cảm giác, (2) Tiền vận động, (3)
Hoạt động cụ thể và (4) Hoạt động chính qui. Trong mỗi giai đoạn này trẻ em
đều thể hiện đã có sự sẵn sàng ở một mức độ nào đó về khả năng vận động,
tâm thần và xã hội thích hợp. Nghĩa là, bắt đầu mỗi giai đoạn, một đứa trẻ
phát triển bình thường phải có độ chín về cơ thể để đạt điểm mà trẻ có thể
thực hiện nhiệm vụ đặc trưng của giai đoạn này. Thí dụ, đứa trẻ đến giai đoạn
tập đứng phải có độ chín về phát triên thần kinh cơ bắp. Sự phát triển sẽ tiếp
tục thuận lợi khi trẻ có hoạt động tương tác với môi trường. Thí dụ, để đi
những bước đi đầu tiên, ngoài việc trẻ phải có thần kinh cơ bắp trưởng thành
thích hợp để kiểm soát chân và thân vận động có chủ ý, những bước chân
loạng choạng, ngập ngừng của đứa trẻ tập đi còn cần được sự động viên,
khuyến khích từ lời kêu gọi và sự trợ giúp mạnh mẽ từ cánh tay của cha mẹ.
Với sự luyện tập lặp đi lặp lại, cơ bắp trẻ trở nên mạnh mẽ hơn, bước chân
trẻ trở nên chắc chắn và chính xác hơn. Như Piaget nhận định, sự tiến bộ của
quá trình phát triển ở trẻ nhỏ là kết quả của cả sự trưởng thành cơ thể và mối
tương tác với môi trường.
Mặc dù Piaget không chỉ ra quá trình phát triển âm nhạc chuyên biệt ở
trẻ nhỏ, nhưng các nhà tâm lý học đã nghiên cứu các mốc âm nhạc cho mỗi
giai đoạn và sự tham gia của hoạt động âm nhạc đóng góp cho sự phát triển
tâm lý, xã hội và vận động được tiếp tục.
Sự phát triển vận động cảm giác (từ sơ sinh - 2 tuổi)
Trong giai đoạn này, trẻ em học về môi trường của chúng thông qua
cảm giác và hoạt động vận động. Thí dụ, trẻ học về mẹ nó thông qua âm
thanh của giọng, mùi và sự vuốt ve của mẹ. Khi kỹ năng vận động phát triển,
trẻ khám phá môi trường sát cạnh bằng nắm, đưa đồ vật vào miệng, đá, bò,
trườn và các hoạt động thăm dò khác. Ở giai đoạn này, âm nhạc tạo cơ hội
đa dạng để kích thích cảm giác và hoạt động vận động của trẻ.
Trong những ngày đầu ra đời, trẻ tiếp nhận cả kích thích cảm giác lẫn
vận động, khi cha mẹ lúc lắc trẻ và hát những bài hát ru. Những giờ đầu tiên,
trẻ chỉ đáp ứng với 1/3 kích thích âm thanh bên ngoài và sự đáp ứng sẽ tăng
lên nhanh chóng. Trẻ sơ sinh nghe một cách tích cực, dù kỹ năng nghe chưa
đầy đủ nhưng trẻ có thể phân biệt được âm thanh từ người khác và tìm kiếm
nguồn âm thanh.
Hai ngày tuổi, trẻ đã đáp ứng với giao động của gõ nhịp. Trong 6 tuần
đầu tiên là thời kỳ trẻ “học nghe”. Trẻ 8 tuần sẽ tập trung chú ý vào người hát
hoặc dụng cụ âm nhạc. Khi trưởng thành hơn, trẻ sẽ đáp ứng với hàng loạt
âm thanh và đối tượng âm nhạc. Những chuông âm nhạc hoặc chuông chùm
có thể khêu gợi những nụ cười hoặc ngọ nguậy lắc lư ở trẻ 3 tháng tuổi. Sau
11 đến 12 tuần, trẻ thích tiếng người hơn các tiếng khác. Ở tuần 12 đến 14,
trẻ có thể phân biệt giữa tiếng mẹ và tiếng người lạ. Tuần 14 đến 16, trẻ có
thể ngừng khóc khi nghe tiếng bước chân của người mẹ.
Trong 6 tháng đầu, trẻ sẽ tìm ra kích thích cảm giác và chú tâm có chọn
lọc tới các nguồn âm thanh âm nhạc như các bài hát ru, bài hát “chant” (hát
như đọc kinhh, hát trong nhà thờ hoặc hát đồng giao) và nhịp điệu, các hộp
đồ chơi âm nhạc, trống lúc lắc và chuyển động âm nhạc của người mẹ hay
người chăm sóc trẻ. Trẻ em mắt sẽ sáng lên, thủ thỉ với sự vui sướng khi
chúng khám phá ra âm thanh tạo ra khi chúng đá vào cái chuông ở mắt cá
chân giày chúng đang mang. Trẻ đáp ứng với âm nhạc kèm theo vận động
toàn bộ cơ thể.
Helmut Moog đã nghiên cứu nhiều về đáp ứng sớm về âm nhạc ở trẻ
nhỏ. Từ 4 đến 6 tháng tuổi, trẻ đã chú ý tới âm nhạc. Sau 6 tháng trẻ bắt đầu
có những vận động lặp lại với âm nhạc. Ông mô tả một phát hiện đặc biệt,
rằng trẻ bập bẹ bài hát đầu tiên trước khi biết nói những từ đầu tiên. Ở trẻ em
6 tháng tuổi, ông thấy nhịp điệu ít lôi cuốn sự chú ý, trong khi những bài hát
và âm nhạc dụng cụ hấp dẫn chú ý và vận động nhiều nhất.
Khi trẻ chập chững biết đi, trẻ đập vào cái bình, cái xoong, cái chảo là
đang học về âm thanh, hình dáng và kích thước. Sự tăng cường nhiều loại
hoạt động vận động không chỉ xảy ra ở chân tay và thân mà còn ở kỹ thuật
hát. Những bài hát bập bẹ của trẻ 12 tháng tuổi bắt đầu xuất hiện thể hiện các
khía cạnh tổ chức âm nhạc với nốt luyến xuống giai điệu gồm 4 nốt nhạc. Trẻ
em có thể tự hát hai loại âm nhạc miệng, đó là loại hát “chants” và bài hát.
Kiểu hát Chant liên quan nhiều đến nói và nhịp điệu của chant giống nhịp điệu
lời nói. Bài hát chant thường với vài nốt nhạc đơn giản và lặp đi lặp lại và
thường đặc trưng với quãng 3 thứ. Trẻ em có thể tự sáng tạo ra bài hát chant
và các bài hát trong khi chơi. Bài hát chant cũng là một hình thức nghệ thuật
âm nhạc nguyên thủy, được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo và bộ lạc. Trẻ
12 tháng tuổi còn bắt đầu biết xây dựng những bài hát đơn giản, một số trẻ có
thể có một số khái niệm về hình thức âm nhạc nên có thể gần như sáng tạo
ra một câu hay một đoạn nhạc. Những kiểu hát bập bẹ đầu tiên là những
bước quan trọng trong phát triển khả năng kiểm soát vận động của lưỡi, răng
và môi.
Ở tuổi lên 2, trẻ đã có những bài hát tự phát với những đoạn lặp lại,
giọng rõ ràng, có đường nét giai điệu và nhịp điệu rõ rệt. Khi trẻ chơi trong
cũi, người chú ý quan sát có thể nghe câu giai điệu ngắn và chính đó là sự lát
đường cho kỹ năng nói và hát tinh vi hơn.
Thực tế, trẻ em giai đoạn vận động cảm giác là đứa trẻ âm nhạc. Âm
nhạc như một kích thích cảm giác, từ đó thúc đẩy hoạt động vận động là một
phương tiện lý tưởng cho việc học tập trong những năm còn yếu đuối này.
Âm nhạc là một bộ phận tự nhiên và vui thích thời trẻ và chứa đựng hàng loạt
đáp ứng cảm giác, nhận thức, giao tiếp, xã hội hóa và hoạt động vận động.
Hoạt động âm nhạc có thể được thiết kế phù hợp với mức độ phát triển hiện
tại trong tâm hồn trẻ. Do vậy, nó là công cụ điều trị linh hoạt, hữu ích và công
cụ giáo dục để thông qua nó, đứa trẻ có thể thực hành và cuối cùng làm chủ
hàng loạt nhiệm vụ quan trọng.
Giai đoạn tiền hoạt động (từ 2 - 7 tuổi)
Giai đoạn phát triển tiền hoạt động được đặc trưng bởi sự phát triển
ngôn ngữ và khái niệm một cách nhanh chóng. Trẻ đã có thể sử dụng các từ
hình tượng để đại diện cho các sự vật và sự kiện trong môi trường, có nghĩa
là trẻ đã biết dùng khái niệm để chỉ cái cụ thể.
Sự giao tiếp mới chớm nở đi song song với gia tăng giọng hát trong
hoạt động âm nhạc. Trong những năm sớm nhất của giai đoạn này, trẻ đã
thực hiện được các giai điệu ngắn hoặc kết nối được một số từ của bài hát.
Thí dụ, khi người lớn hát “Ông Đông có một cánh đồng”, đứa trẻ có thế kết
nối vào là “Ô ô í ồ í ồ”. Sự bắt chước chính xác hơn về các kiểu cao độ và
giọng liên quan sẽ xảy ra khi trẻ 4-5 tuổi. Những bài hát hành động và kể câu
chuyện giả tưởng, và trẻ bắt chước không chỉ là những trải nghiệm hát ưa
thích mà còn là cơ hội tuyệt vời cho việc thực hành chơi giao tiếp.
Từ 2 đến 4 tuổi, trẻ chứng tỏ trong chốc lát có thể đập nhịp đồng bộ với
nhịp điệu âm nhạc. Tuy nhiên, để đập nhịp thành thạo đòi hỏi phải có độ chín
hơn về cơ thể. Sự phát triển này khác nhau giữa các trẻ. Ở tuổi này, hoạt
động như đi, cưỡi, nhảy có thể hoà nhịp với âm nhạc. Ba tuổi rưỡi, có bằng
chứng cho thấy trẻ đã có tổ chức hòa thanh. Từ 4 đến 6 tuổi, trẻ hát nhạc pop
một cách tự phát với lời nguyên thủy. Ở tuổi lên 5, trẻ em đã có vốn dự trữ
khá nhiều những bài hát ở nhà trẻ. Trẻ nhận biết các bài hát này dễ hơn so
với những bài hát lạ chứng tỏ chức năng trí nhớ đang được vận dụng. Những
hoạt động âm nhạc đòi hỏi hoạt động ngôn ngữ, hợp tác xã hội, và cơ thể sẽ
thúc đẩy thực hành và làm chủ các kỹ năng đặc trưng của giai đoạn phát triển
này.
Giai đoạn những hoạt động chi tiết (từ 7 - 11 tuổi)
Ở tuổi lên 7, những trẻ phát triển bình thường bắt đầu hiểu thế giới của
chúng theo cách mới. Trẻ có thể suy nghĩ một cách hệ thống và giải quyết các
vấn đề một cách tâm lý khi nó có liên quan ngay tới hiện tại. Về âm nhạc, trẻ
có thể duy trì hoặc bảo tồn giai điệu hoặc nhịp điệu trong trí nhớ, mặc dù có
sự sao lãng về hòa thanh. Do đặc tính tự coi mình là trung tâm, ít muốn hợp
tác chơi cùng với đồng bạn, nên hoạt động âm nhạc nhóm như hát tập thể
hoặc band nhạc tạo cơ hội tốt cho trẻ hợp tác và lôi cuốn vào nhóm, ở tuổi
này trẻ cũng có thể học múa và điều này giúp cho phát triển kỹ năng vận
động.
Giai đoạn hoạt động chính quy (từ 11 tuổi - thiếu niên)
Đặc tính nổi bật nhất của giai đoạn nay là trẻ có khả năng suy nghĩ trừu
tượng. Trẻ đã có thể sử dụng nhiều loại nhạc cụ và tham gia các hình thức
hoạt động âm nhạc.
Ở trẻ em, kỹ năng về nhịp điệu phát triển trước hay sau kỹ năng giai
điệu? Hay chúng độc lập với nhau? Một số nhà nghiên cứu cho rằng trẻ em
đáp ứng với nhịp điệu âm nhạc trước thể hiện ở các vận động như lúc lắc, gật
đầu,… Qua nghiên cứu thăm dò thấy trẻ làm được các động tác gõ nhịp một
cách đều đặn và chính xác.
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần

More Related Content

What's hot

Mot so phuong phap day hoc tich cuc
Mot so phuong phap day hoc tich cucMot so phuong phap day hoc tich cuc
Mot so phuong phap day hoc tich cuc
Le Hang
 
CHỦ ĐỀ 5. SUY LUẬN.pptx
CHỦ ĐỀ 5. SUY LUẬN.pptxCHỦ ĐỀ 5. SUY LUẬN.pptx
CHỦ ĐỀ 5. SUY LUẬN.pptx
LngNguynHnh
 
Bai giang tam_ly_hoc_dai_cuong
Bai giang tam_ly_hoc_dai_cuongBai giang tam_ly_hoc_dai_cuong
Bai giang tam_ly_hoc_dai_cuong
Tien Nguyen
 
Đề tài: Nghiên cứu sản xuất nến thơm quy mô phòng thí nghiệm
Đề tài: Nghiên cứu sản xuất nến thơm quy mô phòng thí nghiệmĐề tài: Nghiên cứu sản xuất nến thơm quy mô phòng thí nghiệm
Đề tài: Nghiên cứu sản xuất nến thơm quy mô phòng thí nghiệm
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Các viết báo cáo một báo cáo khoa học
Các viết báo cáo một báo cáo khoa họcCác viết báo cáo một báo cáo khoa học
Các viết báo cáo một báo cáo khoa học
SoM
 
Phạm trù, Cái chung và Cái riêng
Phạm trù, Cái chung và Cái riêngPhạm trù, Cái chung và Cái riêng
Phạm trù, Cái chung và Cái riêng
PhngAnhTrng1
 
Triết: phân tích 2 thuộc tính của hàng hóa và các bieenjphaps nâng cao năng s...
Triết: phân tích 2 thuộc tính của hàng hóa và các bieenjphaps nâng cao năng s...Triết: phân tích 2 thuộc tính của hàng hóa và các bieenjphaps nâng cao năng s...
Triết: phân tích 2 thuộc tính của hàng hóa và các bieenjphaps nâng cao năng s...Jenny Hương
 
Ppnckh chu de1_nhom7
Ppnckh chu de1_nhom7Ppnckh chu de1_nhom7
Ppnckh chu de1_nhom7ImDang
 
Đại cương Tâm lý Trị liệu Gia đình theo Quan điểm hệ thống
Đại cương Tâm lý Trị liệu Gia đình theo Quan điểm hệ thốngĐại cương Tâm lý Trị liệu Gia đình theo Quan điểm hệ thống
Đại cương Tâm lý Trị liệu Gia đình theo Quan điểm hệ thốngCâu Lạc Bộ Trăng Non
 
Bài giảng môn phương pháp nghiên cứu khoa học
Bài giảng môn phương pháp nghiên cứu khoa họcBài giảng môn phương pháp nghiên cứu khoa học
Bài giảng môn phương pháp nghiên cứu khoa học
Ngà Nguyễn
 
So sánh, đánh giá chất lượng cuộc sống (quality of life) của người dân tại qu...
So sánh, đánh giá chất lượng cuộc sống (quality of life) của người dân tại qu...So sánh, đánh giá chất lượng cuộc sống (quality of life) của người dân tại qu...
So sánh, đánh giá chất lượng cuộc sống (quality of life) của người dân tại qu...
TÀI LIỆU NGÀNH MAY
 
Bai 4. chu y
Bai 4. chu yBai 4. chu y
Bai 4. chu y
tamlyvb2k02
 
Chương 6 qtkpp
Chương 6   qtkppChương 6   qtkpp
Chương 6 qtkpp
Tống Bảo Hoàng
 
dsm-5-sach-tieng-viet.pdf
dsm-5-sach-tieng-viet.pdfdsm-5-sach-tieng-viet.pdf
dsm-5-sach-tieng-viet.pdf
tNguyn530
 
Trắc nghiệm Triết học - Phần 2
Trắc nghiệm Triết học - Phần 2Trắc nghiệm Triết học - Phần 2
Trắc nghiệm Triết học - Phần 2
vietlod.com
 
Chuong 2
Chuong 2Chuong 2
Chuong 2
Kieu Oanh
 
giáo trình cơ sở văn hóa việt nam
giáo trình cơ sở văn hóa việt namgiáo trình cơ sở văn hóa việt nam
giáo trình cơ sở văn hóa việt namMChau NTr
 
Các nhóm phương pháp nghiên cứu khoa học nghiên cứu khoa học
Các nhóm phương pháp nghiên cứu khoa học nghiên cứu khoa họcCác nhóm phương pháp nghiên cứu khoa học nghiên cứu khoa học
Các nhóm phương pháp nghiên cứu khoa học nghiên cứu khoa học
Dieu Dang
 
Đề tài: Xây dựng kế hoạch kinh doanh cơm văn phòng Đà Nẵng đến năm 2025
Đề tài: Xây dựng kế hoạch kinh doanh cơm văn phòng Đà Nẵng đến năm 2025Đề tài: Xây dựng kế hoạch kinh doanh cơm văn phòng Đà Nẵng đến năm 2025
Đề tài: Xây dựng kế hoạch kinh doanh cơm văn phòng Đà Nẵng đến năm 2025
Dịch Vụ Viết Thuê Khóa Luận Zalo/Telegram 0917193864
 
Báo cáo tiểu luận phép biện chứng duy vật cảm nhận và vận dụng
Báo cáo tiểu luận phép biện chứng duy vật cảm nhận và vận dụngBáo cáo tiểu luận phép biện chứng duy vật cảm nhận và vận dụng
Báo cáo tiểu luận phép biện chứng duy vật cảm nhận và vận dụng
Dịch vụ viết thuê Khóa Luận - ZALO 0932091562
 

What's hot (20)

Mot so phuong phap day hoc tich cuc
Mot so phuong phap day hoc tich cucMot so phuong phap day hoc tich cuc
Mot so phuong phap day hoc tich cuc
 
CHỦ ĐỀ 5. SUY LUẬN.pptx
CHỦ ĐỀ 5. SUY LUẬN.pptxCHỦ ĐỀ 5. SUY LUẬN.pptx
CHỦ ĐỀ 5. SUY LUẬN.pptx
 
Bai giang tam_ly_hoc_dai_cuong
Bai giang tam_ly_hoc_dai_cuongBai giang tam_ly_hoc_dai_cuong
Bai giang tam_ly_hoc_dai_cuong
 
Đề tài: Nghiên cứu sản xuất nến thơm quy mô phòng thí nghiệm
Đề tài: Nghiên cứu sản xuất nến thơm quy mô phòng thí nghiệmĐề tài: Nghiên cứu sản xuất nến thơm quy mô phòng thí nghiệm
Đề tài: Nghiên cứu sản xuất nến thơm quy mô phòng thí nghiệm
 
Các viết báo cáo một báo cáo khoa học
Các viết báo cáo một báo cáo khoa họcCác viết báo cáo một báo cáo khoa học
Các viết báo cáo một báo cáo khoa học
 
Phạm trù, Cái chung và Cái riêng
Phạm trù, Cái chung và Cái riêngPhạm trù, Cái chung và Cái riêng
Phạm trù, Cái chung và Cái riêng
 
Triết: phân tích 2 thuộc tính của hàng hóa và các bieenjphaps nâng cao năng s...
Triết: phân tích 2 thuộc tính của hàng hóa và các bieenjphaps nâng cao năng s...Triết: phân tích 2 thuộc tính của hàng hóa và các bieenjphaps nâng cao năng s...
Triết: phân tích 2 thuộc tính của hàng hóa và các bieenjphaps nâng cao năng s...
 
Ppnckh chu de1_nhom7
Ppnckh chu de1_nhom7Ppnckh chu de1_nhom7
Ppnckh chu de1_nhom7
 
Đại cương Tâm lý Trị liệu Gia đình theo Quan điểm hệ thống
Đại cương Tâm lý Trị liệu Gia đình theo Quan điểm hệ thốngĐại cương Tâm lý Trị liệu Gia đình theo Quan điểm hệ thống
Đại cương Tâm lý Trị liệu Gia đình theo Quan điểm hệ thống
 
Bài giảng môn phương pháp nghiên cứu khoa học
Bài giảng môn phương pháp nghiên cứu khoa họcBài giảng môn phương pháp nghiên cứu khoa học
Bài giảng môn phương pháp nghiên cứu khoa học
 
So sánh, đánh giá chất lượng cuộc sống (quality of life) của người dân tại qu...
So sánh, đánh giá chất lượng cuộc sống (quality of life) của người dân tại qu...So sánh, đánh giá chất lượng cuộc sống (quality of life) của người dân tại qu...
So sánh, đánh giá chất lượng cuộc sống (quality of life) của người dân tại qu...
 
Bai 4. chu y
Bai 4. chu yBai 4. chu y
Bai 4. chu y
 
Chương 6 qtkpp
Chương 6   qtkppChương 6   qtkpp
Chương 6 qtkpp
 
dsm-5-sach-tieng-viet.pdf
dsm-5-sach-tieng-viet.pdfdsm-5-sach-tieng-viet.pdf
dsm-5-sach-tieng-viet.pdf
 
Trắc nghiệm Triết học - Phần 2
Trắc nghiệm Triết học - Phần 2Trắc nghiệm Triết học - Phần 2
Trắc nghiệm Triết học - Phần 2
 
Chuong 2
Chuong 2Chuong 2
Chuong 2
 
giáo trình cơ sở văn hóa việt nam
giáo trình cơ sở văn hóa việt namgiáo trình cơ sở văn hóa việt nam
giáo trình cơ sở văn hóa việt nam
 
Các nhóm phương pháp nghiên cứu khoa học nghiên cứu khoa học
Các nhóm phương pháp nghiên cứu khoa học nghiên cứu khoa họcCác nhóm phương pháp nghiên cứu khoa học nghiên cứu khoa học
Các nhóm phương pháp nghiên cứu khoa học nghiên cứu khoa học
 
Đề tài: Xây dựng kế hoạch kinh doanh cơm văn phòng Đà Nẵng đến năm 2025
Đề tài: Xây dựng kế hoạch kinh doanh cơm văn phòng Đà Nẵng đến năm 2025Đề tài: Xây dựng kế hoạch kinh doanh cơm văn phòng Đà Nẵng đến năm 2025
Đề tài: Xây dựng kế hoạch kinh doanh cơm văn phòng Đà Nẵng đến năm 2025
 
Báo cáo tiểu luận phép biện chứng duy vật cảm nhận và vận dụng
Báo cáo tiểu luận phép biện chứng duy vật cảm nhận và vận dụngBáo cáo tiểu luận phép biện chứng duy vật cảm nhận và vận dụng
Báo cáo tiểu luận phép biện chứng duy vật cảm nhận và vận dụng
 

Similar to Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần

Cẩm nang dưỡng sinh thông kinh lạc
Cẩm nang dưỡng sinh thông kinh lạcCẩm nang dưỡng sinh thông kinh lạc
Cẩm nang dưỡng sinh thông kinh lạc
Little Daisy
 
BÀI 3 - LỊCH SỬ NGÀNH Y DƯỢC VÀ ĐẠO ĐỨC HÀNH.pptx
BÀI 3 - LỊCH SỬ NGÀNH Y DƯỢC VÀ ĐẠO ĐỨC HÀNH.pptxBÀI 3 - LỊCH SỬ NGÀNH Y DƯỢC VÀ ĐẠO ĐỨC HÀNH.pptx
BÀI 3 - LỊCH SỬ NGÀNH Y DƯỢC VÀ ĐẠO ĐỨC HÀNH.pptx
CtLThnh
 
bai tap traditional medicine.pptx
bai tap traditional medicine.pptxbai tap traditional medicine.pptx
bai tap traditional medicine.pptx
AnakinHuynh
 
11.10_traditional_medicine.pptx
11.10_traditional_medicine.pptx11.10_traditional_medicine.pptx
11.10_traditional_medicine.pptx
AnakinHuynh
 
Ngành dược và các vấn đề chung về thuốc. lịch sử, mô hình tổ chức ngành dược ...
Ngành dược và các vấn đề chung về thuốc. lịch sử, mô hình tổ chức ngành dược ...Ngành dược và các vấn đề chung về thuốc. lịch sử, mô hình tổ chức ngành dược ...
Ngành dược và các vấn đề chung về thuốc. lịch sử, mô hình tổ chức ngành dược ...
jackjohn45
 
Phương pháp trường sinh và đạo thiền
Phương pháp trường sinh và đạo thiềnPhương pháp trường sinh và đạo thiền
Phương pháp trường sinh và đạo thiền
nataliej4
 
Một số vấn đề Tâm Linh - theo Đoàn Việt Tiến
Một số vấn đề Tâm Linh - theo Đoàn Việt TiếnMột số vấn đề Tâm Linh - theo Đoàn Việt Tiến
Một số vấn đề Tâm Linh - theo Đoàn Việt Tiến
Giám Đốc Cổ
 
Ung dung dia sinh hoc va mat day chuyen
Ung dung dia sinh hoc va mat day chuyenUng dung dia sinh hoc va mat day chuyen
Ung dung dia sinh hoc va mat day chuyenEnglishOnline.edu.vn
 
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
nataliej4
 
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
nataliej4
 
Thao tác chữa lành cơ thể vi tế
Thao tác chữa lành cơ thể vi tế  Thao tác chữa lành cơ thể vi tế
Thao tác chữa lành cơ thể vi tế
Little Daisy
 
OPV thuốc.docx
OPV thuốc.docxOPV thuốc.docx
OPV thuốc.docx
Nguyen Hoang
 
B1. đại cương về đông dược gửi
B1. đại cương về đông dược gửiB1. đại cương về đông dược gửi
B1. đại cương về đông dược gửi
angTrnHong
 
Cơ sở lý luận về văn hóa tộc người tày tại huyện bình liêu tỉnh Quảng Ninh.docx
Cơ sở lý luận về văn hóa tộc người tày tại huyện bình liêu tỉnh Quảng Ninh.docxCơ sở lý luận về văn hóa tộc người tày tại huyện bình liêu tỉnh Quảng Ninh.docx
Cơ sở lý luận về văn hóa tộc người tày tại huyện bình liêu tỉnh Quảng Ninh.docx
Dịch vụ viết thuê đề tài trọn gói ☎☎☎ Liên hệ ZALO/TELE: 0973.287.149 👍👍
 
Đại Cương Kinh Lạc Và Huyệt Vị.pdf
Đại Cương Kinh Lạc Và Huyệt Vị.pdfĐại Cương Kinh Lạc Và Huyệt Vị.pdf
Đại Cương Kinh Lạc Và Huyệt Vị.pdf
jackjohn45
 
Trung Y Học Khái Luận - Tập 1
Trung Y Học Khái Luận - Tập 1Trung Y Học Khái Luận - Tập 1
Trung Y Học Khái Luận - Tập 1
kiengcan9999
 
Lythuyet an tomtat
Lythuyet an tomtatLythuyet an tomtat
Lythuyet an tomtat
Duy Vọng
 

Similar to Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần (20)

Cẩm nang dưỡng sinh thông kinh lạc
Cẩm nang dưỡng sinh thông kinh lạcCẩm nang dưỡng sinh thông kinh lạc
Cẩm nang dưỡng sinh thông kinh lạc
 
BÀI 3 - LỊCH SỬ NGÀNH Y DƯỢC VÀ ĐẠO ĐỨC HÀNH.pptx
BÀI 3 - LỊCH SỬ NGÀNH Y DƯỢC VÀ ĐẠO ĐỨC HÀNH.pptxBÀI 3 - LỊCH SỬ NGÀNH Y DƯỢC VÀ ĐẠO ĐỨC HÀNH.pptx
BÀI 3 - LỊCH SỬ NGÀNH Y DƯỢC VÀ ĐẠO ĐỨC HÀNH.pptx
 
bai tap traditional medicine.pptx
bai tap traditional medicine.pptxbai tap traditional medicine.pptx
bai tap traditional medicine.pptx
 
11.10_traditional_medicine.pptx
11.10_traditional_medicine.pptx11.10_traditional_medicine.pptx
11.10_traditional_medicine.pptx
 
presentation 'bout music :3
presentation 'bout music :3 presentation 'bout music :3
presentation 'bout music :3
 
:* :3
:* :3:* :3
:* :3
 
Ngành dược và các vấn đề chung về thuốc. lịch sử, mô hình tổ chức ngành dược ...
Ngành dược và các vấn đề chung về thuốc. lịch sử, mô hình tổ chức ngành dược ...Ngành dược và các vấn đề chung về thuốc. lịch sử, mô hình tổ chức ngành dược ...
Ngành dược và các vấn đề chung về thuốc. lịch sử, mô hình tổ chức ngành dược ...
 
Phương pháp trường sinh và đạo thiền
Phương pháp trường sinh và đạo thiềnPhương pháp trường sinh và đạo thiền
Phương pháp trường sinh và đạo thiền
 
Một số vấn đề Tâm Linh - theo Đoàn Việt Tiến
Một số vấn đề Tâm Linh - theo Đoàn Việt TiếnMột số vấn đề Tâm Linh - theo Đoàn Việt Tiến
Một số vấn đề Tâm Linh - theo Đoàn Việt Tiến
 
Ung dung dia sinh hoc va mat day chuyen
Ung dung dia sinh hoc va mat day chuyenUng dung dia sinh hoc va mat day chuyen
Ung dung dia sinh hoc va mat day chuyen
 
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
 
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
 
Thao tác chữa lành cơ thể vi tế
Thao tác chữa lành cơ thể vi tế  Thao tác chữa lành cơ thể vi tế
Thao tác chữa lành cơ thể vi tế
 
Luoc su sinh hoc
Luoc su sinh hocLuoc su sinh hoc
Luoc su sinh hoc
 
OPV thuốc.docx
OPV thuốc.docxOPV thuốc.docx
OPV thuốc.docx
 
B1. đại cương về đông dược gửi
B1. đại cương về đông dược gửiB1. đại cương về đông dược gửi
B1. đại cương về đông dược gửi
 
Cơ sở lý luận về văn hóa tộc người tày tại huyện bình liêu tỉnh Quảng Ninh.docx
Cơ sở lý luận về văn hóa tộc người tày tại huyện bình liêu tỉnh Quảng Ninh.docxCơ sở lý luận về văn hóa tộc người tày tại huyện bình liêu tỉnh Quảng Ninh.docx
Cơ sở lý luận về văn hóa tộc người tày tại huyện bình liêu tỉnh Quảng Ninh.docx
 
Đại Cương Kinh Lạc Và Huyệt Vị.pdf
Đại Cương Kinh Lạc Và Huyệt Vị.pdfĐại Cương Kinh Lạc Và Huyệt Vị.pdf
Đại Cương Kinh Lạc Và Huyệt Vị.pdf
 
Trung Y Học Khái Luận - Tập 1
Trung Y Học Khái Luận - Tập 1Trung Y Học Khái Luận - Tập 1
Trung Y Học Khái Luận - Tập 1
 
Lythuyet an tomtat
Lythuyet an tomtatLythuyet an tomtat
Lythuyet an tomtat
 

More from nataliej4

đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
nataliej4
 
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
nataliej4
 
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
nataliej4
 
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc giaTừ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
nataliej4
 
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vươngCông tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
nataliej4
 
Bài giảng nghề giám đốc
Bài giảng nghề giám đốcBài giảng nghề giám đốc
Bài giảng nghề giám đốc
nataliej4
 
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán tin học
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán   tin họcđề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán   tin học
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán tin học
nataliej4
 
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao độngGiáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
nataliej4
 
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắnLựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
nataliej4
 
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
nataliej4
 
Sổ tay hướng dẫn khách thuê tòa nhà ree tower
Sổ tay hướng dẫn khách thuê   tòa nhà ree towerSổ tay hướng dẫn khách thuê   tòa nhà ree tower
Sổ tay hướng dẫn khách thuê tòa nhà ree tower
nataliej4
 
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
nataliej4
 
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tậtBài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
nataliej4
 
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
nataliej4
 
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
nataliej4
 
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùngBài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
nataliej4
 
Bài giảng môn khởi sự kinh doanh
Bài giảng môn khởi sự kinh doanhBài giảng môn khởi sự kinh doanh
Bài giảng môn khởi sự kinh doanh
nataliej4
 
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes learning intro
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes   learning introGiới thiệu học máy – mô hình naïve bayes   learning intro
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes learning intro
nataliej4
 
Lý thuyết thuế chuẩn tắc
Lý thuyết thuế chuẩn tắcLý thuyết thuế chuẩn tắc
Lý thuyết thuế chuẩn tắc
nataliej4
 
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
nataliej4
 

More from nataliej4 (20)

đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
 
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
 
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
 
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc giaTừ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
 
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vươngCông tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
 
Bài giảng nghề giám đốc
Bài giảng nghề giám đốcBài giảng nghề giám đốc
Bài giảng nghề giám đốc
 
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán tin học
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán   tin họcđề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán   tin học
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán tin học
 
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao độngGiáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
 
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắnLựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
 
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
 
Sổ tay hướng dẫn khách thuê tòa nhà ree tower
Sổ tay hướng dẫn khách thuê   tòa nhà ree towerSổ tay hướng dẫn khách thuê   tòa nhà ree tower
Sổ tay hướng dẫn khách thuê tòa nhà ree tower
 
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
 
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tậtBài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
 
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
 
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
 
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùngBài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
 
Bài giảng môn khởi sự kinh doanh
Bài giảng môn khởi sự kinh doanhBài giảng môn khởi sự kinh doanh
Bài giảng môn khởi sự kinh doanh
 
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes learning intro
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes   learning introGiới thiệu học máy – mô hình naïve bayes   learning intro
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes learning intro
 
Lý thuyết thuế chuẩn tắc
Lý thuyết thuế chuẩn tắcLý thuyết thuế chuẩn tắc
Lý thuyết thuế chuẩn tắc
 
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
 

Recently uploaded

100 DẪN CHỨNG NGHỊ LUẬN XÃ HỘiI HAY.docx
100 DẪN CHỨNG NGHỊ LUẬN XÃ HỘiI HAY.docx100 DẪN CHỨNG NGHỊ LUẬN XÃ HỘiI HAY.docx
100 DẪN CHỨNG NGHỊ LUẬN XÃ HỘiI HAY.docx
khanhthy3000
 
Halloween vocabulary for kids in primary school
Halloween vocabulary for kids in primary schoolHalloween vocabulary for kids in primary school
Halloween vocabulary for kids in primary school
AnhPhm265031
 
BÀI TẬP BỔ TRỢ TIẾNG ANH I-LEARN SMART WORLD 9 CẢ NĂM CÓ TEST THEO UNIT NĂM H...
BÀI TẬP BỔ TRỢ TIẾNG ANH I-LEARN SMART WORLD 9 CẢ NĂM CÓ TEST THEO UNIT NĂM H...BÀI TẬP BỔ TRỢ TIẾNG ANH I-LEARN SMART WORLD 9 CẢ NĂM CÓ TEST THEO UNIT NĂM H...
BÀI TẬP BỔ TRỢ TIẾNG ANH I-LEARN SMART WORLD 9 CẢ NĂM CÓ TEST THEO UNIT NĂM H...
Nguyen Thanh Tu Collection
 
SLIDE BÀI GIẢNG MÔN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ.pdf
SLIDE BÀI GIẢNG MÔN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ.pdfSLIDE BÀI GIẢNG MÔN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ.pdf
SLIDE BÀI GIẢNG MÔN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ.pdf
UyenDang34
 
THONG BAO nop ho so xet tuyen TS6 24-25.pdf
THONG BAO nop ho so xet tuyen TS6 24-25.pdfTHONG BAO nop ho so xet tuyen TS6 24-25.pdf
THONG BAO nop ho so xet tuyen TS6 24-25.pdf
QucHHunhnh
 
Văn 7. Truyện ngụ ngôn Rùa và thỏ+ Viết PT nhân vật.docx
Văn 7. Truyện ngụ ngôn Rùa và thỏ+ Viết PT nhân vật.docxVăn 7. Truyện ngụ ngôn Rùa và thỏ+ Viết PT nhân vật.docx
Văn 7. Truyện ngụ ngôn Rùa và thỏ+ Viết PT nhân vật.docx
metamngoc123
 
40 câu hỏi - đáp Bộ luật dân sự năm 2015 (1).doc
40 câu hỏi - đáp Bộ  luật dân sự năm  2015 (1).doc40 câu hỏi - đáp Bộ  luật dân sự năm  2015 (1).doc
40 câu hỏi - đáp Bộ luật dân sự năm 2015 (1).doc
NguynDimQunh33
 
Giải phẫu tim sau đại học- LÊ QUANG TUYỀN
Giải phẫu tim sau đại học- LÊ QUANG TUYỀNGiải phẫu tim sau đại học- LÊ QUANG TUYỀN
Giải phẫu tim sau đại học- LÊ QUANG TUYỀN
linh miu
 
BÁO CÁO CUỐI KỲ PHÂN TÍCH THIẾT KẾ HƯỚNG ĐỐI TƯỢNG - NHÓM 7.docx
BÁO CÁO CUỐI KỲ PHÂN TÍCH THIẾT KẾ HƯỚNG ĐỐI TƯỢNG - NHÓM 7.docxBÁO CÁO CUỐI KỲ PHÂN TÍCH THIẾT KẾ HƯỚNG ĐỐI TƯỢNG - NHÓM 7.docx
BÁO CÁO CUỐI KỲ PHÂN TÍCH THIẾT KẾ HƯỚNG ĐỐI TƯỢNG - NHÓM 7.docx
HngL891608
 
PLĐC-chương 1 (1).ppt của trường ĐH Ngoại thương
PLĐC-chương 1 (1).ppt của trường  ĐH Ngoại thươngPLĐC-chương 1 (1).ppt của trường  ĐH Ngoại thương
PLĐC-chương 1 (1).ppt của trường ĐH Ngoại thương
hieutrinhvan27052005
 
trắc nhiệm ký sinh.docxddddddddddddddddd
trắc nhiệm ký sinh.docxdddddddddddddddddtrắc nhiệm ký sinh.docxddddddddddddddddd
trắc nhiệm ký sinh.docxddddddddddddddddd
my21xn0084
 
LỊCH SỬ 12 - CHUYÊN ĐỀ 10 - TRẮC NGHIỆM.pptx
LỊCH SỬ 12 - CHUYÊN ĐỀ 10 - TRẮC NGHIỆM.pptxLỊCH SỬ 12 - CHUYÊN ĐỀ 10 - TRẮC NGHIỆM.pptx
LỊCH SỬ 12 - CHUYÊN ĐỀ 10 - TRẮC NGHIỆM.pptx
12D241NguynPhmMaiTra
 
Smartbiz_He thong MES nganh may mac_2024june
Smartbiz_He thong MES nganh may mac_2024juneSmartbiz_He thong MES nganh may mac_2024june
Smartbiz_He thong MES nganh may mac_2024june
SmartBiz
 
FSSC 22000 version 6_Seminar_FINAL end.pptx
FSSC 22000 version 6_Seminar_FINAL end.pptxFSSC 22000 version 6_Seminar_FINAL end.pptx
FSSC 22000 version 6_Seminar_FINAL end.pptx
deviv80273
 
Cau-Trắc-Nghiệm-TTHCM-Tham-Khảo-THI-CUỐI-KI.pdf
Cau-Trắc-Nghiệm-TTHCM-Tham-Khảo-THI-CUỐI-KI.pdfCau-Trắc-Nghiệm-TTHCM-Tham-Khảo-THI-CUỐI-KI.pdf
Cau-Trắc-Nghiệm-TTHCM-Tham-Khảo-THI-CUỐI-KI.pdf
HngMLTh
 
Biểu tượng trăng và bầu trời trong tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều
Biểu tượng trăng và bầu trời trong tác phẩm của Nguyễn Quang ThiềuBiểu tượng trăng và bầu trời trong tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều
Biểu tượng trăng và bầu trời trong tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều
lamluanvan.net Viết thuê luận văn
 
CHUYÊN ĐỀ DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 10 - SÁCH MỚI - FORM BÀI TẬP 2025 (DÙNG CHUNG ...
CHUYÊN ĐỀ DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 10 - SÁCH MỚI - FORM BÀI TẬP 2025 (DÙNG CHUNG ...CHUYÊN ĐỀ DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 10 - SÁCH MỚI - FORM BÀI TẬP 2025 (DÙNG CHUNG ...
CHUYÊN ĐỀ DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 10 - SÁCH MỚI - FORM BÀI TẬP 2025 (DÙNG CHUNG ...
Nguyen Thanh Tu Collection
 
insulin cho benh nhan nam vien co tang duong huyet
insulin cho benh nhan nam vien co tang duong huyetinsulin cho benh nhan nam vien co tang duong huyet
insulin cho benh nhan nam vien co tang duong huyet
lmhong80
 

Recently uploaded (18)

100 DẪN CHỨNG NGHỊ LUẬN XÃ HỘiI HAY.docx
100 DẪN CHỨNG NGHỊ LUẬN XÃ HỘiI HAY.docx100 DẪN CHỨNG NGHỊ LUẬN XÃ HỘiI HAY.docx
100 DẪN CHỨNG NGHỊ LUẬN XÃ HỘiI HAY.docx
 
Halloween vocabulary for kids in primary school
Halloween vocabulary for kids in primary schoolHalloween vocabulary for kids in primary school
Halloween vocabulary for kids in primary school
 
BÀI TẬP BỔ TRỢ TIẾNG ANH I-LEARN SMART WORLD 9 CẢ NĂM CÓ TEST THEO UNIT NĂM H...
BÀI TẬP BỔ TRỢ TIẾNG ANH I-LEARN SMART WORLD 9 CẢ NĂM CÓ TEST THEO UNIT NĂM H...BÀI TẬP BỔ TRỢ TIẾNG ANH I-LEARN SMART WORLD 9 CẢ NĂM CÓ TEST THEO UNIT NĂM H...
BÀI TẬP BỔ TRỢ TIẾNG ANH I-LEARN SMART WORLD 9 CẢ NĂM CÓ TEST THEO UNIT NĂM H...
 
SLIDE BÀI GIẢNG MÔN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ.pdf
SLIDE BÀI GIẢNG MÔN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ.pdfSLIDE BÀI GIẢNG MÔN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ.pdf
SLIDE BÀI GIẢNG MÔN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ.pdf
 
THONG BAO nop ho so xet tuyen TS6 24-25.pdf
THONG BAO nop ho so xet tuyen TS6 24-25.pdfTHONG BAO nop ho so xet tuyen TS6 24-25.pdf
THONG BAO nop ho so xet tuyen TS6 24-25.pdf
 
Văn 7. Truyện ngụ ngôn Rùa và thỏ+ Viết PT nhân vật.docx
Văn 7. Truyện ngụ ngôn Rùa và thỏ+ Viết PT nhân vật.docxVăn 7. Truyện ngụ ngôn Rùa và thỏ+ Viết PT nhân vật.docx
Văn 7. Truyện ngụ ngôn Rùa và thỏ+ Viết PT nhân vật.docx
 
40 câu hỏi - đáp Bộ luật dân sự năm 2015 (1).doc
40 câu hỏi - đáp Bộ  luật dân sự năm  2015 (1).doc40 câu hỏi - đáp Bộ  luật dân sự năm  2015 (1).doc
40 câu hỏi - đáp Bộ luật dân sự năm 2015 (1).doc
 
Giải phẫu tim sau đại học- LÊ QUANG TUYỀN
Giải phẫu tim sau đại học- LÊ QUANG TUYỀNGiải phẫu tim sau đại học- LÊ QUANG TUYỀN
Giải phẫu tim sau đại học- LÊ QUANG TUYỀN
 
BÁO CÁO CUỐI KỲ PHÂN TÍCH THIẾT KẾ HƯỚNG ĐỐI TƯỢNG - NHÓM 7.docx
BÁO CÁO CUỐI KỲ PHÂN TÍCH THIẾT KẾ HƯỚNG ĐỐI TƯỢNG - NHÓM 7.docxBÁO CÁO CUỐI KỲ PHÂN TÍCH THIẾT KẾ HƯỚNG ĐỐI TƯỢNG - NHÓM 7.docx
BÁO CÁO CUỐI KỲ PHÂN TÍCH THIẾT KẾ HƯỚNG ĐỐI TƯỢNG - NHÓM 7.docx
 
PLĐC-chương 1 (1).ppt của trường ĐH Ngoại thương
PLĐC-chương 1 (1).ppt của trường  ĐH Ngoại thươngPLĐC-chương 1 (1).ppt của trường  ĐH Ngoại thương
PLĐC-chương 1 (1).ppt của trường ĐH Ngoại thương
 
trắc nhiệm ký sinh.docxddddddddddddddddd
trắc nhiệm ký sinh.docxdddddddddddddddddtrắc nhiệm ký sinh.docxddddddddddddddddd
trắc nhiệm ký sinh.docxddddddddddddddddd
 
LỊCH SỬ 12 - CHUYÊN ĐỀ 10 - TRẮC NGHIỆM.pptx
LỊCH SỬ 12 - CHUYÊN ĐỀ 10 - TRẮC NGHIỆM.pptxLỊCH SỬ 12 - CHUYÊN ĐỀ 10 - TRẮC NGHIỆM.pptx
LỊCH SỬ 12 - CHUYÊN ĐỀ 10 - TRẮC NGHIỆM.pptx
 
Smartbiz_He thong MES nganh may mac_2024june
Smartbiz_He thong MES nganh may mac_2024juneSmartbiz_He thong MES nganh may mac_2024june
Smartbiz_He thong MES nganh may mac_2024june
 
FSSC 22000 version 6_Seminar_FINAL end.pptx
FSSC 22000 version 6_Seminar_FINAL end.pptxFSSC 22000 version 6_Seminar_FINAL end.pptx
FSSC 22000 version 6_Seminar_FINAL end.pptx
 
Cau-Trắc-Nghiệm-TTHCM-Tham-Khảo-THI-CUỐI-KI.pdf
Cau-Trắc-Nghiệm-TTHCM-Tham-Khảo-THI-CUỐI-KI.pdfCau-Trắc-Nghiệm-TTHCM-Tham-Khảo-THI-CUỐI-KI.pdf
Cau-Trắc-Nghiệm-TTHCM-Tham-Khảo-THI-CUỐI-KI.pdf
 
Biểu tượng trăng và bầu trời trong tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều
Biểu tượng trăng và bầu trời trong tác phẩm của Nguyễn Quang ThiềuBiểu tượng trăng và bầu trời trong tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều
Biểu tượng trăng và bầu trời trong tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều
 
CHUYÊN ĐỀ DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 10 - SÁCH MỚI - FORM BÀI TẬP 2025 (DÙNG CHUNG ...
CHUYÊN ĐỀ DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 10 - SÁCH MỚI - FORM BÀI TẬP 2025 (DÙNG CHUNG ...CHUYÊN ĐỀ DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 10 - SÁCH MỚI - FORM BÀI TẬP 2025 (DÙNG CHUNG ...
CHUYÊN ĐỀ DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 10 - SÁCH MỚI - FORM BÀI TẬP 2025 (DÙNG CHUNG ...
 
insulin cho benh nhan nam vien co tang duong huyet
insulin cho benh nhan nam vien co tang duong huyetinsulin cho benh nhan nam vien co tang duong huyet
insulin cho benh nhan nam vien co tang duong huyet
 

Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần

  • 1. LIỆU PHÁP ÂM NHẠC VÀ ỨNG DỤNG LIỆU PHÁP TÂM LÝ - ÂM NHẠC TRONG ĐIỀU TRỊ BỆNH NHÂN TÂM THẦN LIỆU PHÁP ÂM NHẠC VÀ ỨNG DỤNG LIỆU PHÁP TÂM LÝ - ÂM NHẠC TRONG ĐIỀU TRỊ BỆNH NHÂN TÂM THẦN (Sách chuyên khảo) Tác giả: TS. NGUYỄN VĂN THỌ LỜI GIỚI THIỆU Đã từ lâu con người không chỉ coi âm nhạc là một hình thái giải trí, để nâng đỡ, sẻ chia, để làm phong phú hơn đời sống tinh thần, mà âm nhạc còn được sử dụng như là một công cụ trị liệu rất hữu ích dùng trong thực hành y học. Tiến sĩ Dr. Alfred Tomatis và cộng sự sau nhiều năm nghiên cứu ứng dụng trị liệu âm nhạc khẳng định có “Hiệu ứng Mozart” (The Mozart Effects) - Người được nghe nhạc Mozart trong bối cảnh thích hợp có tác dụng làm nhanh quá trình phục hồi sức khỏe; nếu mắc bệnh thì mau khỏi. Hiệu ứng âm nhạc làm giảm sự căng thẳng “Stress”, làm dịu đi rất nhiều nỗi lo âu, sợ hãi, hoảng loạn, trầm cảm… Trong những năm gần đây y văn trên thế giới viết nhiều đến rối loạn PTSD - Rối loạn stress sang chấn, còn gọi là “Hội chứng sau cuộc chiến”, những người lâm vào rối loạn này lấy lại sự cân bằng cho họ không có trị liệu nào hiệu quả hơn liệu pháp âm nhạc. Vì âm nhạc bản thân nó bằng cung độ, giai điệu, nhịp phách và ca từ đẹp… chứa đựng trong nó một hàm lượng cảm xúc giàu có, uyển chuyển có thể chuyển tải những thông tin dương tính mà mọi người đều có thể dễ dàng dung nạp. Âm nhạc thật sự đã trở nên cần thiết cho mọi người, nhất là những
  • 2. người đang và đã bị tổn thương về tâm lý. Như lời của bài hát “Thank you for vour music” có đoạn ca viết “Ai có thể sống không có âm nhạc” (Who can live without it (Music)) được nhóm nhạc ABBA trình diễn và được rất nhiều người trên thế giới hâm mộ, hưởng ứng, đã nói thay họ ý nghĩa của âm nhạc trong cuộc sống kể cả khi khỏe mạnh và khi bệnh. Vì vậy, những năm 50 của thế kỷ trước ở Mỹ và nhiều nước kinh tế phát triển đã hào hứng ứng dụng âm nhạc trị liệu trong thực hành y học và thực hành tâm thần học. Khi lớn mạnh họ đã thành lập các “Nghiệp đoàn Trị liệu âm nhạc”, với số thành viên tham gia ngày càng nhiều và hoạt động của họ ngày càng hiệu quả. Ở nước ta Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ sau nhiều năm làm việc trong lĩnh vực Tâm thần học, với sự đam mê âm nhạc ứng dụng, đã sớm quyết định đi những bước đầu tiên trong lĩnh vực mới này. Đã vận dụng và trải nghiệm vững vàng những kỹ thuật của trị liệu âm nhạc hành vi cho người bệnh tâm thần, đã đạt được những thành công khích lệ, bổ sung và nâng cao chất lượng điều trị, hỗ trợ phục hồi tốt chức năng tâm lý xã hội, trả lại chất lượng sống cho nhiều người bệnh. Chúng tôi xin giới thiệu cuốn sách “Liệu pháp Âm nhạc và ứng dụng liệu pháp Tâm lý - Âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần” của TS. BS. Nguyễn Văn Thọ với niềm hy vọng sách sẽ là tài liệu chuyên khảo và tham khảo hữu ích cho các thầy thuốc thực hành Tâm thần học, thầy thuốc Nội - Thần kinh, các nhà Tâm lý lâm sàng và các chuyên gia tâm lý làm trị liệu Âm nhạc. Xin được trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc và đồng nghiệp! PGS.TS. Nguyễn Viết Thêm P. Chủ tịch Hội Tâm thần học Việt Nam
  • 3. Chương 1. GIỚI THIỆU CHUNG VỀ LIỆU PHÁP ÂM NHẠC KHÁI QUÁT LỊCH SỬ Từ thời cổ xưa, âm nhạc đã được dùng làm một phương tiện chữa bệnh. Những nghi thức chữa bệnh bao gồm âm thanh và âm nhạc đã tồn tại ở nhiều nền văn hóa. Trong hầu hết các nền văn hoá đã ghi lại những huyền thoại về hiệu lực chữa bệnh của âm nhạc. Thí dụ, truyện về Saul và David là truyện nổi tiếng nhất ở phương Tây. David đã dùng đàn hạc (harp) để chữa bệnh cho vua Saul như một loại thuốc an dịu thần kinh. Một nhân vật khác, Orpheus cũng là một huyền thoại đầy hấp dẫn cho các nhà liệu pháp âm nhạc. Orpheus là một trong những đại thi hào, nhạc sĩ thuở sơ khai, thời Hy Lạp cổ đại. Ông là người sáng tạo và cải tiến đàn lia (Lyre). Tương truyền rằng những bài hát của Orpheus có thể làm xiêu lòng vạn vật và khiến cho đất trời, thần linh phải rơi lệ. Ngay ở Việt Nam, tiếng đàn của Thạch Sanh khiến cho công chúa đang mắc chứng câm đã nói được trở lại cũng là một huyền thoại. Sau đây là tóm lược về lịch sử của việc sử dụng âm nhạc trong chữa bệnh trên thế giới. Liệu pháp âm nhạc trong các nền văn hóa tiền văn tự Các xã hội tiền văn tự là xã hội chưa có hệ thống giao tiếp, truyền thông bằng chữ viết. Những người du mục đã tập hợp lại thành những nhóm nhỏ để duy trì sự sinh tồn và bổ khuyết cho đời sống của họ như săn bắt, tìm kiếm thức ăn. Họ chưa có nền nông nghiệp, chưa có cấu trúc đời sống chính trị, và chưa có nhà ở lâu dài. Những nhóm nhỏ này dần dần hình thành, phát triển các phong tục tập quán, nghi lễ khác nhau và điều đó đã tạo ra sự khác nhau giữa các nhóm này với các nhóm khác. Chúng ta có thể tìm kiếm được một số đầu mối nghiên cứu về âm nhạc đã được sử dụng như thế nào trong các nền văn hoá nói trên và còn tồn tại đến ngày nay. Những nghiên cứu đã cho chúng ta hiểu về đáp ứng của loài người với âm nhạc và một số nền tảng lịch sử về mối quan hệ chặt chẽ giữa âm nhạc và chữa bệnh. Người ở nền văn hoá tiền văn tự nói chung cho rằng họ bị các quyền lực ma thuật kiểm soát và bị ma quỷ bao quanh. Để duy trì sức khoẻ, họ cảm thấy bắt buộc phải
  • 4. tuân theo một hệ thống quy tắc phức tạp nào đó để bảo vệ họ chống lại các lực lượng thù địch từ thiên nhiên và từ chính những con người đang cùng tồn tại với họ. Họ đã nhận thức rằng ma thuật là một phần không thể thiếu được của sức khoẻ và cuộc sống bình yên của họ. Những người thuộc nền văn hoá tiền văn tự cũng tin vào hiệu lực của âm nhạc đối với cảm xúc, tinh thần và sức khoẻ thể chất. Họ cho rằng âm nhạc là sự kết nối với các lực siêu nhiên. Thí dụ, ở một số xã hội nhất định đã dùng một số bài hát trong những nghi lễ quan trọng. Họ cho rằng những bài hát này có nguồn gốc siêu nhân, siêu phàm và nó có quyền lực không thể giải thích nổi. Những bài hát này nhằm để cầu trời hoặc cầu xin thượng đế và được dùng trong tất cả các hoạt động cầu xin sự giúp đỡ thể hiện trong nghi thức chữa bệnh. Trong một số xã hội tiền văn tự, một người bệnh được xem là nạn nhân của những câu thần chú và bỏ bùa của kẻ thù địch. Họ là người vô tội và do đó được hưởng sự điều trị chuyên biệt từ cộng đồng (nhóm bộ lạc). Tuy nhiên, ở các xã hội khác, người ta lại tin rằng một người mắc bệnh là để chuộc lại tội lỗi đã chống lại Chúa bộ lạc của họ. Nếu một người mắc bệnh quá mức đến nỗi không thực hiện được trách nhiệm xã hội, họ được xem là người bỏ đi và có thể bị đi đày. Trong các nền văn hoá như vậy, nguyên nhân và việc điều trị bệnh sẽ do “người thầy thuốc” xác định và quyết định. “Người thầy thuốc” này chính là những người luôn áp dụng các yếu tố ma thuật và tôn giáo để yểm bùa, trừ tà ma, xua đuổi tinh thần ác tâm hoặc yêu ma từ cơ thể người bệnh. Loại âm nhạc được dùng chữa bệnh được xác định tuỳ thuộc vào bản chất của tinh thần đang xâm lấn cơ thể. Do có sự khác nhau chút ít về khái niệm bệnh trong các xã hội tiền văn tự, vai trò của nhạc sĩ hoặc người chữa bệnh và kiểu âm nhạc được lựa chọn chữa bệnh có khác nhau. Xa xưa nhất, nhạc sĩ chữa bệnh bộ lạc là người nắm vị trí quan trọng trong xã hội. Nhiệm vụ của người này không chỉ xác định nguyên nhân của bệnh mà còn áp dụng việc điều trị thích hợp để dẫn dắt tinh thần hoặc ma quỉ từ cơ thể người bệnh. Đôi khi âm nhạc có chức năng mở đầu cho nghi thức chữa bệnh
  • 5. thực tế. Những cái trống, lúc lắc, những bài tụng niệm hoặc các bài hát có thể được dùng mở đầu cho nghi lễ và có thể cho suốt cả thời gian nghi lễ thực tế. Điều quan trọng là người nhạc sĩ chữa bệnh không bao giờ hành động đơn lẻ. Các xã hội tiền văn tự nhận thức được hiệu lực của nhóm bao gồm các thành viên trong gia đình và xã hội trong nghi lễ. Hát đồng thanh chữa bệnh sẽ tạo ra sự trợ giúp cho tinh thần và cảm xúc để bệnh nhân phục hồi nhanh chóng. Âm nhạc và chữa bệnh trong nền văn minh sớm Những người săn bắt và tìm kiếm thức ăn của nền văn hoá tiền văn tự chiếm ưu thế khoảng 500.000 năm. Đến khoảng 8.000 đến 10.000 năm trước Công Nguyên, với sự xuất hiện của nông nghiệp đã dẫn đến cuộc sống ổn định hơn, dân số phát triển lớn hơn và xuất hiện nền văn minh. Nền văn minh được đặc trưng bởi sự tiến hoá trong giao tiếp chữ viết, sự phát triển thành phố và những thành tựu kỹ thuật ở các lĩnh vực bao gồm khoa học và y học. Những đặc trưng đó là phương thức sống cho nhóm người đông đúc hơn, họ sống trong mối liên minh liên kết lâu dài hơn với hệ thống đặc biệt về tập quán và cách nhìn về thiên nhiên. Những nền văn minh đầu tiên xuất hiện vào giữa năm 5.000 và 6.000 trước Công Nguyên là vùng mà ngày nay là Iraq, đã được thiết lập vững chắc vào năm 3.500 trước Công Nguyên. Âm nhạc đã trở thành bộ phận quan trọng trong y học lý trí, hợp lý (rational medicine) đồng thời cũng còn những nghi lễ chữa bệnh ma thuật, tôn giáo. Sử dụng âm nhạc thời cổ đại: các nghi thức chữa bệnh Với sự xuất hiện của nền văn minh, các bộ phận cấu thành của nền y học trước đó là ma thuật, tôn giáo và lý trí bắt đầu phát triển theo khuynh hướng chia tách. Ở Ai Cập cổ đại, mặc dù các bộ phận cấu thành nêu trên vẫn cùng tồn tại, nhưng những người chữa bệnh nói chung thường chỉ dựa trên một loại triết lý điều trị. Những người làm nghề chữa bệnh bằng âm nhạc ở Ai Cập thường được hưởng đặc ân vì họ có mối quan hệ chặt chẽ với linh mục và những quan chức nhà nước quan trọng khác. Thầy thuốc linh mục, thầy tu Ai Cập cho rằng âm nhạc là thuốc chữa bệnh cho linh hồn và luôn sử dụng hát tụng niệm như một bộ phận thực hành y học.
  • 6. Trong thời đỉnh cao của văn hóa Babylon (1850 trước Công Nguyên), bệnh tật được nhìn nhận trong khuôn khổ tôn giáo. Người đau ốm, bệnh tật phải chịu xám hối cho tội phạm chống lại Chúa và bị xã hội ruồng bỏ. Nếu người bệnh có được phép cho điều trị thì phương pháp điều trị bao gồm các nghi lễ tôn giáo để xoa dịu nỗi khó chịu của thần thánh. Và các nghi lễ chữa bệnh như vậy luôn bao gồm âm nhạc. Âm nhạc được cho là có hiệu lực đặc biệt trên suy nghĩ, cảm xúc và sức khoẻ thân thể ở thời Hy Lạp cổ đại. Năm 600 trước Công Nguyên, Thales có uy tín trong việc chữa dịch bệnh bằng hiệu lực âm nhạc ở Sparta. Điện, miếu thờ và những bài hát ca tụng đặc biệt cùng âm nhạc được dùng để chữa bệnh cho những người rối loạn cảm xúc. Qua việc dùng âm nhạc để chữa các rối loạn tâm thần đã phản ánh niềm tin thời đó rằng âm nhạc có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc và phát triển tính cách. Trong số những người Hy Lạp nổi tiếng tán thành hiệu lực điều trị của âm nhạc có Aristotle, ông đánh giá nó như một sự phấn khích cảm xúc; Plato, người mô tả âm nhạc là thuốc cho linh hồn; và Caelius Aurelianus, người cảnh báo đề phòng sử dụng bừa bãi âm nhạc trong chữa bệnh tâm thần. Vào thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên, y học hợp lý (lý trí) hầu như đã thay thế hoàn toàn các nghi thức tôn giáo, ma thuật ở Hy Lạp. Mặc dù vẫn còn một thiểu số quy cho bệnh tật là do lực siêu nhiên, nhưng đa số đã ủng hộ những nghiên cứu hợp lý vào nguyên nhân bệnh. Lần đầu tiên trong lịch sử, những nghiên cứu về sức khoẻ và bệnh tật đã dựa trên những bằng chứng kinh nghiệm. Một sự giải thích về sức khoẻ và bệnh tật chiếm ưu thế thời gian này là lý thuyết về bốn khí chất chủ yếu. Lý thuyết này được Polybus, con rể của Hippocrates, mô tả trong luận thuyết của ông “về bản chất con người”, vào khoảng năm 380 trước Công Nguyên. Bốn khí chất hay dịch thể là máu, đàm, mật vàng và mật đen, và mỗi nguyên tố chứa chất lượng riêng. Sức khoẻ tốt là kết quả của sự duy trì cân bằng giữa bốn dịch thể, trong khi một sự mất cân bằng của hai hay nhiều hơn các nguyên tố này sẽ dẫn đến bệnh. Cá
  • 7. nhân mắc bệnh được xem là người cấp thấp hơn. Cho đến thời kỳ này, chỉ với một sự thay đổi nhỏ quan niệm về bệnh tật, lý thuyết này đã ảnh hưởng đến y học 2000 năm tiếp sau đó, trở thành lý thuyết quan trọng nhất trong thời trung cổ. Âm nhạc và chữa bệnh thời trung cổ và thời kỳ phục hưng Mặc dù những sự huy hoàng và tráng lệ của Hy Lạp cổ đại đã bị mất đi trong thời trung cổ, ở thời kỳ trung cổ này (khoảng năm 476-1450 sau Công Nguyên) là đại diện cho sự kết nối quan trọng giữa cổ xưa và ngày nay. Sau sự sụp đổ của đế quốc La Mã, đạo Cơ Đốc trở thành lực lượng chủ yếu của văn minh phương Tây. Anh hưởng của đạo Cơ Đốc đã thúc đẩy sự thay đổi thái độ về bệnh tật. Trái với suy nghĩ trước đó, người bệnh không còn bị coi là người thấp kém và cũng không phải là đang bị Chúa trừng phạt. Khi đạo Cơ Đốc phát triển khắp châu Âu, các xã hội bắt đầu chăm sóc và điều trị cho các thành viên ốm đau của họ. Các bệnh viện được thiết lập để cung cấp sự chăm sóc nhân đạo cho những người đau ốm về cơ thể. Tuy nhiên những ngưòi mắc bệnh tâm thần vẫn không được may mắn đó. Họ vẫn bị cho là do ma quỷ ám và luôn bị tống giam và ngược đãi. Mặc dù người Cơ Đốc giáo vẫn tin vào những quan điểm nặng nề về người bệnh trong thời trung cổ, nhưng việc thực hành y học cũng vẫn dựa trên lý thuyết về bốn khí chất đã phát triển trong văn minh Hy Lạp. Khuôn khổ này cũng giúp ích cung cấp cơ sở cho vai trò của âm nhạc trong điều trị bệnh. Một số lớn các chính khách và triết gia tin vào hiệu lực chữa bệnh của âm nhạc trong đó gồm có Boethius, người tuyên bố rằng âm nhạc hoặc làm cải thiện hoặc làm suy giảm đạo đức con người; Cassiodorus, giống như Aristotle, xem âm nhạc như sự phấn chấn tiềm tàng; trong khi St. Basil biện hộ cho âm nhạc như một phương tiện truyền bá dương tính cho cảm xúc thiêng liêng thần thánh. Nhiều bài thánh ca được tin là có tác dụng chống bệnh hô hấp không chuyên biệt nhất định. Trong thời kỳ Phục hưng, những tiến bộ trong giải phẫu học, sinh lý học và y học lâm sàng đánh dấu bắt đầu sự tiếp cận khoa học với y học. Tuy
  • 8. nhiên, mặc dù đã có sự phát triển labo thực nghiệm, việc điều trị bệnh nhân vẫn còn dựa trên bài giảng của Hippocrates và Galen và những giải thích phức tạp của bốn loại khí chất. Trong thời kỳ này đã có một số lồng ghép âm nhạc, y học và nghệ thuật. Thí dụ, những bài viết của Zarlino, một nhạc sĩ, và Vesalius, một thầy thuốc đề cập đến mối quan hệ giữa âm nhạc và y học. Trong thời kỳ Baroque (1580-1750), âm nhạc tiếp tục được liên kết với thực hành y học hàng ngày, như trước đó dựa vào lý thuyết về bốn khí chất. Thêm vào đó, lý thuyết về khí chất và cảm xúc của Kircher (1602-1680) đã cung cấp quan điểm trong lành về sử dụng âm nhạc trong điều trị bệnh. Kircher cho rằng đặc tính của con người gắn với kiểu âm nhạc nhất định. Thí dụ, cá nhân trầm cảm đáp ứng với âm nhạc buồn; người vui vẻ hầu như bị tác động bởi nhạc múa vì nó kích thích máu. Do đó, điều cần thiết là phải lựa chọn những kiểu âm nhạc chính xác điều trị cho từng người bệnh, ủng hộ cho việc sử dụng âm nhạc điều trị trầm cảm, Burton đã tuyên bố: “Bên cạnh hiệu lực xuất sắc, nó phải trục xuất nhiều bệnh khác, nó là phương thuốc thần hiệu chống lại sự tuyệt vọng và trầm uất, và sẽ xua đuổi ma quỷ trong người”. Shakespeare và Armstrong cũng đã viết nhiều về âm nhạc là liệu pháp, thể hiện trong các tác phẩm kịch và thơ của họ. Âm nhạc và chữa bệnh thời cận đại Cuối thế kỷ 18, âm nhạc vẫn còn được các thầy thuốc châu Âu ủng hộ trong điều trị bệnh, nhưng đang hình thành sự thay đổi định nghĩa về liệu pháp âm nhạc trong triết lý, lý luận. Với sự nhấn mạnh nhiều về y học khoa học, âm nhạc đã không được sử dụng ở những ca bệnh chuyên biệt và chỉ có một số ít thầy thuốc áp dụng điều trị theo khuôn khổ đa liệu pháp. Tuy vậy, những báo cáo về liệu pháp âm nhạc vẫn xuất hiện ở Mỹ trong suốt cuối thế kỷ 18 khi các thầy thuốc, các nhạc sĩ, các nhà tâm thần học sử dụng điều trị cho các rối loạn cơ thể và tâm thần. Trong suốt thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20, liệu pháp âm nhạc được sử dụng đều đặn ở bệnh viện và một số nơi khác nhưng hầu như luôn kết hợp với các liệu pháp khác.
  • 9. Trong đại chiến thế giới 2, liệu pháp âm nhạc được tăng cường sử dụng để nâng nhuệ khí cho những cựu chiến binh. Âm nhạc cũng được dùng trong phục hồi chức năng cảm xúc, tâm thần và xã hội. Từ giữa thế kỷ 20, liệu pháp âm nhạc được phát triển mang tính chuyên nghiệp cao ở châu Âu và đặc biệt là ở nước Mỹ. Sự phát triển liệu pháp âm nhạc chuyên nghiệp Những năm 1940, ở nước Mỹ, việc sử dụng âm nhạc trong điều trị rối loạn tâm thần đã trở nên rộng rãi hơn; một phần vì sự thay đổi dần về triết lý điều trị. Nhiều nhà trị liệu, bao gồm Karl Menninger, nhà tâm thần học lỗi lạc, bắt đầu bảo vệ cách tiếp cận điều trị đa liệu pháp (sáp nhập nhiều phương thức điều trị). Với sự thay đổi về triết lý điều trị như vậy và với kiến thức tăng lên trong việc áp dụng điều trị bệnh nhân có hiệu quả, liệu pháp âm nhạc cuối cùng đã trở thành một phương thức điều trị được chấp nhận ở nhiều bệnh viện. Thêm vào đó, những niềm tin trước đây cho rằng âm nhạc, bằng cách này hay cách khác, là “ma thuật” đang bắt đầu bị xua tan và nhiều bệnh viện đã tài trợ cho nghiên cứu khoa học về liệu pháp âm nhạc. Người ta thừa nhận rằng những nỗ lực này là do Frances Paperte, người sáng lập quỹ tài trợ nghiên cứu liệu pháp âm nhạc năm 1944, và sau đó chỉ đạo áp dụng âm nhạc tại Bệnh viện Đa khoa Walter Reed ở Washinton, DC. Trong thế chiến thứ hai, nhiều tổ chức, bao gồm quỹ khẩn cấp cho nhạc sĩ, dịch vụ âm nhạc bệnh viện cựu chiến binh, và nhiều tổ chức khác đã cung cấp các nhạc sĩ cho các bệnh viện. Những người tình nguyện này đã trợ giúp cho nhân viên bệnh viện tổ chức các chương trình âm nhạc điều trị cho bệnh nhân. Thời kỳ này, hầu hết các nhà trị liệu âm nhạc tham gia làm việc không lương, bán thời gian hay một phần thời gian dưới sự trông nom của nhân viên bệnh viện và còn thiếu tính chuyên nghiệp. Nhiều người đã nhận ra rằng tương lai phát triển của nghề phải dựa vào sự lãnh đạo có hiệu quả của những nhà liệu pháp âm nhạc được đào tạo. Trong năm 1940, các cơ sở như Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Michigan, Đại học Tổng hợp Kansas,
  • 10. Trường Cao đẳng Âm nhạc Chicago, Cao đẳng Pacific, Cao đẳng Alverno đã bắt đầu chương trình đào tạo các nhà liệu pháp âm nhạc ở trình độ đại học và sau đại học. Tốt nghiệp các chương trình này bao gồm nhóm các nhà trị liệu đầu tiên được đào tạo chuyên nghiệp và hầu hết điều trị cho những người bệnh tâm thần. Trong khi những chương trình đào tạo đang được phát triển ở những trường cao đẳng và đại học, phong trào hướng về thành lập các tổ chức quốc tế cũng xuất hiện. Hội đồng về âm nhạc trong trị liệu của Hội Giáo viên âm nhạc Quốc gia Mỹ đã trình bày một chương trình trong những năm 1940 để đào tạo các nhạc sĩ, bác sĩ, các nhà tâm thần học và những thành viên khác về phương pháp áp dụng liệu pháp âm nhạc trong nhà trường và trong bệnh viện. Ray Green đã chủ trì một hội nghị để thành lập Hội liệu pháp âm nhạc quốc gia Mỹ. Hội nghị đầu tiên của tổ chức mới ở Mỹ đã tiến hành vào tháng 6 năm 1950. Các thành viên hội nghị đã thông qua điều lệ, xác định mục tiêu, xếp hạng các thành viên đã phát triển và bổ nhiệm ban thường vụ cho công tác nghiên cứu. Hội Quốc gia về Liệu pháp âm nhạc (NAMT) đã ra đời. Sau đó, Hội Quốc gia về Liệu pháp âm nhạc đã liên kết với Hội Giáo viên âm nhạc Quốc gia và hoạt động tập trung vào cải thiện đào tạo về giáo dục và lâm sàng, cũng như thiết lập tiêu chuẩn và quy trình cho việc chứng nhận nhà liệu pháp âm nhạc. Các ấn phẩm chuyên nghiệp về liệu pháp âm nhạc cũng tăng lên, đặc biệt phải nói đến sự ra đời của Tạp chí Liệu pháp Âm nhạc năm 1964 của Mỹ do William Sears là tổng biên tập, tạp chí giành cho những nỗ lực nghiên cứu của các nhà trị liệu âm nhạc. Vào những năm 1960, các nhà trị liệu âm nhạc đã điều trị âm nhạc cho những người chậm phát triển tâm thần cả người lớn và trẻ em, những người khuyết tật cơ thể, và những bệnh nhân giảm cảm giác. Vào năm 1990, đã có hình thức điều trị điều dưỡng tại nhà cho người cao tuổi, điều trị cho những bệnh nhân bị bệnh nội khoa, và còn điều trị cho cả những tù nhân. Những năm cuối thế kỷ 20, các nhà liệu pháp âm nhạc tiếp tục làm việc với các đối tượng lâm sàng khác nhau ngày càng tăng lên. Một số lượng đáng kể các
  • 11. nhà liệu pháp âm nhạc đã giúp cải thiện cuộc sống của những người mắc hội chứng Retts, AIDS, lạm dụng chất và giai đoạn cuối cùng của người bệnh. Một tổ chức thứ hai, Hội Nước Mỹ về Liệu pháp âm nhạc (AAMT) được thành lập năm 1971. Rất nhiều mục đích giống như của Hội Quốc gia về Liệu pháp âm nhạc, nhưng khác nhau về cách thức mà các nhà liệu pháp âm nhạc được đào tạo về lý luận và lâm sàng. Tháng giêng năm 1998, hai tổ chức Hội Quốc gia về Liệu pháp âm nhạc và Hội Nước Mỹ về Liệu pháp âm nhạc thấy cần phải hợp nhất vào một tổ chức, và Hội Liệu pháp âm nhạc Mỹ đã ra đời (AMTA). Từ sự khởi đầu của Hội Quốc gia về Liệu pháp âm nhạc năm 1950 và Hội Nước Mỹ về liệu pháp âm nhạc năm 1971, sự chuyên nghiệp của liệu pháp âm nhạc ngày càng phát triển, nhấn mạnh vào tiêu chuẩn cao về giáo dục, đào tạo lâm sàng và thực hành lâm sàng. Các ấn phẩm giá trị cũng ra đời và có uy tín ở Mỹ như: Liệu pháp âm nhạc, Tạp chí Liệu pháp âm nhạc và Những Viễn cảnh của Liệu pháp âm nhạc… Nghề chuyên nghiệp về liệu pháp âm nhạc sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thế kỷ 21. CÁC LÝ THUYẾT VỀ ÂM NHẠC VÀ Y HỌC Đề cập đến lịch sử liệu pháp âm nhạc một cách khoa học, hiệu lực chữa bệnh của âm nhạc là một chủ đề phổ biến trong các tài liệu về triết lý và lý thuyết âm nhạc từ thời Plato, tuy nhiên các chuyên luận về điều trị bằng âm nhạc một cách nghiêm túc còn có ít và thất thường trong lịch sử y học. Mãi đến thời trung cổ, Boethius mới trình bày một chuyên đề nổi tiếng là De Institutione Musica và chuyên đề này đã lưu hành khắp châu Âu. Chuyên đề là một tài liệu yêu cầu sinh viên phải đọc ở Trường Đại học Quadrivium và nó được đưa vào danh mục khóa trình của sinh viên y khoa. Đây được coi là lý thuyết về sự tiếp nối giữa âm nhạc và y học. Lý thuyết về sự rung động trong thế giới vi mô và vĩ mô Âm nhạc và sức khỏe có một mối liên hệ chặt chẽ, điều này Pythagoras (triết gia Hy Lạp nổi tiếng khoảng 500 năm trước công nguyên) đã nhận thấy
  • 12. từ 2.500 năm trước, mặc dù những khám phá cơ bản của ông là đơn giản và triết lý của ông cũng khá khó hiểu. Pythagoras là nhà khoa học nghiêm túc vừa là nhà khoa học thần bí và cũng làm việc một cách kinh nghiệm chủ nghĩa. Ông đã nghiên cứu thế giới bao quanh và có khám phá thú vị đóng góp cho con người và cho nền văn hóa nhân loại. Dụng cụ nghiên cứu thô sơ của ông là dụng cụ đo đạc về âm nhạc chỉ có một dây, gọi là monochord. Với dụng cụ thô sơ này, ông đã có những thí nghiệm tuyệt vời về nốt nhạc và quãng bậc trong âm nhạc, tức là tương quan về cao độ giữa 2 nốt nhạc trở lên. Ông cũng tìm ra mối quan hệ của các nốt nhạc với ý thức của con người. Âm nhạc tồn tại dưới dạng vật chất. Một sợi dây đàn sinh ra một âm thanh gọi là tông (tone) do sự rung động của sợi dây với một tốc độ nhất định. Ngày nay, chúng ta đã biết rằng, thí dụ, nốt LA tương ứng với 440 rung động trong một phút và đo bằng Hertz (viết tắt là Hz). Chúng ta nghe được âm thanh nốt đó do 31 dây rung động với cùng tốc độ đó. Khi tốc độ rung này đến tai người nghe, sẽ diễn ra quá trình tri giác và ý thức phức tạp trong não và người nghe kết luận tone đó là nốt LA. Nốt nhạc thực ra là một “quãng hòa thanh” và nó là một sự thỏa thuận lịch sử. Cuối thế kỷ 17, nốt LA được quy định tương đương với 415 Hz. Nhưng trong dàn nhạc hiện đại như ỏ Berlin Philharmonic lại quy định là 445 Hz nhằm làm cho âm thanh dàn nhạc thêm sáng hơn. Ngày nay chúng ta có thể dễ dàng đo lường tốc độ rung của các nốt nhạc một cách chính xác, nhưng tất nhiên điều này không phải dễ dàng cho Pythagoras. Cách mà ông đo lường một cách chính xác là tỷ lệ toán học giữa các tone và quãng bậc do dây đàn sinh ra. Bằng việc sử dụng monochord, ông đã khám phá ra hàng loạt quy luật của mối quan hệ giữa chiều dài của dây đàn và cao độ của nốt nhạc. Thí dụ, nếu dây đàn của monochord rung động một cách tự do, nốt nhạc cơ bản tương ứng với chiều dài sợi dây là “1” (thí dụ 440 Hz). Nếu sợi dây được chia đôi, chúng sẽ rung động với tốc độ gấp đôi (1:2 - 880 Hz). Nếu sợi dây được chia làm ba, rung động sẽ nhanh gấp 3 lần (1:3 - 1320 Hz). Vậy
  • 13. là đã có một quy tắc về mối quan hệ toán học (tỷ lệ) giữa chiều dài dây đàn và tốc độ rung động của dây đàn. Điều này hoàn toàn mang tính chất vật lý, đó là những con số và ta gọi là “số lượng” của âm nhạc. Nhưng tâm hồn con người khi trải nghiệm (nghe) âm nhạc thì về phương diện tâm lý học sẽ ra sao? Chúng ta cảm nhận được những rung động đã tạo ra nốt nhạc, nhưng sự tác động qua lại của các nốt nhạc đã tạo thành âm nhạc. Những nốt nhạc và âm nhạc là “chất lượng”. Khi nghiên cứu sự rung động theo quan điểm chất lượng, người ta đã khám phá ra rằng sợi dây được chia đôi sẽ sinh ra cùng một nốt nhạc (đồng âm) nhưng cao hơn một quãng tám (gọi là octave) so với để nguyên sợi dây. Thí dụ, nốt Đồ và nốt Đô là đồng âm nhưng cách nhau một quãng tám. Quãng tám là một nguyên lý cơ bản của âm học và tâm lý học mà mọi người cảm nhận và trải nghiệm được về nó. Giọng hát của nữ và trẻ em cao hơn nam giới một quãng tám. Điều quan trọng là nếu không có quy luật quãng tám thì nam, nữ và trẻ em không thế hát chung trong dàn hợp xướng. Quãng tám là một hiện tượng của vũ trụ. Âm nhạc, là âm thanh do con người sinh ra và sắp xếp theo trật tự thời gian, cũng không thể thiếu quãng tám. Nhưng con ngưòi đã phân phối quãng tám và xếp đặt trật tự các quãng bậc, thang âm khác nhau, tạo nên các điệu thức khác nhau. Đây là sự chuyên biệt một cách văn hóa của các dân tộc. Khi chiều dài sợi dây bằng 2/3 của cả sợi dây, nó sinh ra một quãng 5 trong âm nhạc (thí dụ, quãng cách từ nốt ĐÔ lên nốt SOL). Chiều dài sợi dây bằng 1/4 của cả sợi dây sẽ sinh ra nốt cao hơn 2 quãng tám. Chiều dài bằng 1/5 của cả sợi dây sẽ sinh ra nốt 2 quãng tám cộng thêm quãng 3 trưởng, v.v… Ta cũng có thể diễn đạt mối quan hệ những quãng cách theo con số tỷ lệ: - Quãng tám = 1:2 - Quãng năm = 2:3 - Quãng bốn = 3:4
  • 14. - Quãng ba trưởng = 4:5,… Và sau đó nó còn phức tạp hơn, thí dụ quãng ba thứ, quãng ba trưởng, quãng hai thứ, quãng hai trưởng… được xác định với các tỷ lệ khác nhau. Với hệ thống âm nhạc phức tạp, con người đã sáng chế ra “các hệ thống giai điệu”, đã điều chỉnh tỷ lệ quãng tự nhiên theo yêu cầu của thực hành âm nhạc, thông qua công nghệ dụng cụ đàn. Những ý tưởng của người nghệ nhân làm đàn và sự ưa thích trong âm nhạc đã “bẻ cong” những quy luật tự nhiên và chuyển dạng chúng vào trong thực hành âm nhạc. Pythagoras đã khám phá rằng âm nhạc dựa trên các quy luật của tự nhiên, ông tiến thêm một bước nữa, rằng tâm trí của con người có khả năng cảm nhận những rung động và tỉ lệ âm thanh theo các nốt nhạc và quãng cách âm nhạc. Một triêt lý, theo ông, nốt nhạc và quãng cách âm nhạc là phản ánh một mức độ vũ trụ và tinh thần. Trật tự được tổ chức của các nốt trong âm nhạc là một sự phản ánh thế giới vi mô của thế giới vĩ mô, bao gồm mọi thứ trong vũ trụ, cả cơ thể, trí tuệ và tinh thần. Triết lý này đã được Plato phát triển thêm. Y học khí chất Y học khí chất là một học thuyết có ảnh hưởng lớn qua nhiều thế kỷ. Học thuyết này cho rằng sức khỏe bị ảnh hưởng của bốn chất dịch cơ thể hoặc “khí chất” là máu, đàm, mật vàng và mật đen. Sức khỏe tốt là kết quả của sự thăng bằng, hài hòa giữa các khí chất, trong khi bệnh tật là phản ánh một số kiểu mất thăng bằng giữa các khí chất. Học thuyết này có từ khoảng 400 năm trước Công Nguyên và một trong những người nổi tiếng phát biểu nhiều về nó là Galen, nhà lý thuyết y học có tầm ảnh hưởng lớn thời kỳ đế chế La Mã. Đây là cơ sở lý thuyết y học cho tới thế kỷ 18. Âm nhạc được xem là phương tiện điều trị có tác động và thậm chí có khả năng phục hồi cân bằng giữa các khí chất trong cơ thể. Trên cơ sở liên quan đến lý thuyết về khí chất, các tác giả ở thế kỷ 16, 17 như Robert Fludd (1617), Agrippa Von Nettesheim (1510) đã nêu ra mối
  • 15. liên quan giữa âm nhạc và con người theo 3 mức độ. Con người được hiểu bao gồm cơ thể, trí tuệ và tinh thần (body, mind and spirit). Mối liên quan theo 3 mức độ là: 1. Thế giới vật chất, tương ứng với cơ thể con người và tương ứng với rung động của âm nhạc. 2. Thế giới ngôn ngữ tương ứng với trí tuệ con người và tương ứng với nốt và quãng của âm nhạc. 3. Vũ trụ tương ứng với tinh thần con người và tương ứng với tỷ lê siêu phàm của âm nhạc. Học thuyết bản chất tinh thần Theo các tài liệu triết học trong lịch sử, các triết gia phương tây như Plato, Aristotle, Augustine, Schopenhauer, Nietzsche… đã xem xét kỹ lưỡng về vai trò có có tính chất lý thuyêt và thực hành của âm nhạc ở các mức độ như sau: - Âm nhạc có vai trò với cá nhân: đó là vấn đề sức khỏe cá nhân. - Âm nhạc có vai trò với nhà nước: đó là vấn đề điều chỉnh sức khỏe theo dịch vụ y tế, giáo dục và giải quyết xung đột… - Âm nhạc có vai trò với xã hội: đó là vấn đề giá trị xã hội, những nguyên tắc đạo đức và tín ngưỡng. Âm nhạc và tinh thần Plato đã đề cập đến ảnh hưởng của âm nhạc lên tinh thần của con người, thể hiện trong bài viết the state của ông. Socrates đã nêu ra và ca ngợi những điệu thức nhất định của âm nhạc để khuyến khích con người vươn tới cuộc sống hài hòa và dũng cảm, đồng thời ông cũng nêu ra sự hạn chế của những điệu thức khiến người ta- lười biếng và buồn rầu. Nhiều lý thuyết âm nhạc và lý thuyết y học qua nhiều thế kỷ đã có ý tưởng tương tự các nhà triết học nổi tiếng nêu trên về ảnh hưởng trực tiếp của âm nhạc trên tinh thần con người. Âm nhạc thực sự tác động lên tinh
  • 16. thần con người và như vậy, ảnh hưởng đến trạng thái cảm xúc, tính cách và sức khỏe con người. Sự phục hồi những ý tưởng cổ điển qua vật lý lượng tử Do sự phát triển của khoa học tự nhiên, của giải phẫu học và y học theo tính chất thông tin và kinh nghiệm sau thời kỳ phục hưng, âm nhạc và lý luận cổ điển đã dần dần lui vào lịch sử. Chỉ có một số ít bác sĩ còn thực nghiệm âm nhạc và viết báo cáo hoặc chuyên đề về âm nhạc. Nói chung trong khoa học y học, người ta viết về những vấn đề khác. Mãi cho đến “làn sóng mới” những năm 1960 và 1970, đặc biệt là những triết lý, những mô hình “thời đại mới” về vật lý học, tâm lý học, y học và âm nhạc… thì những chủ đề và học thuyết cổ điển lại được phục hồi và được kết hợp với những khám phá khoa học đương thời. Thế kỷ 20 đã chứng kiến sự quay trở lại của nhiều ý tưởng cổ điển. Người ta đã xem xét lại vấn đề cơ thể và tinh thần của con người và sự phản ánh của thế giới vĩ mô vào thế giới vi mô của âm nhạc. Sự phục hồi này trở nên nghiêm túc hơn, liên quan chặt chẽ với- vật lý học lượng tử hiện đại với sự chứng minh đầy ấn tượng về mối quan hệ nghịch thường giữa trạng thái vật chất như sự đồng thời của sóng và hạt. Những phát minh của Bohr và Einstein đã có ảnh hưởng to lớn đến tư duy khoa học và cũng được phản ảnh trong liệu pháp âm nhạc Người ta không còn nghi ngờ rằng cuộc sống là một cuộc hành trình vĩnh cửu giữa các mức độ khác nhau của sự tồn tại của con người, đi từ vật chất đến tinh thần. Âm nhạc là một trật tự đặc biệt, ảnh hưởng đến cơ thể, trí tuệ và tinh thần con người và nó phản ảnh nguyên tắc vũ trụ của cuộc sống. Đây chính là những lý thuyết kinh điển về âm nhạc và y học, nó là ý tưởng cũ đã được đặt trong một khuôn khổ mới. NHỮNG KHÁI NIỆM VỀ LIỆU PHÁP ÂM NHẠC Liệu pháp âm nhạc là gì?
  • 17. Trong liệu pháp âm nhạc, từ âm nhạc dùng để mô tả phương tiện đặc biệt được sử dụng. Ở đây âm nhạc được sử dụng làm phương tiện điều trị, nhưng lợi ích tối ưu của nó trong điều trị lại phụ thuộc vào việc nhà trị liệu sử dụng nó một cách thích hợp. Âm nhạc không phải là thuốc chữa bách bệnh. Thí dụ, điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta đưa vé xem hoà nhạc hay băng đĩa nhạc cho những người bị bại não hoặc bị trầm cảm? Những người này có thể thích âm nhạc hoặc thậm chí có thể cảm thấy thay đổi tạm thời về khí sắc do họ ưa thích âm nhạc. Nhưng chắc chắn họ không thể cải thiện được lâu dài về chức năng cơ thể hoặc cảm xúc theo những trải nghiệm ngắn hạn này. Mặt khác, âm nhạc mà chúng ta thưởng thức hàng ngày chưa phải là công cụ điều trị. Tác dụng của âm nhạc như một công cụ điều trị khi nó được áp dụng một cách chuyên biệt và còn tùy thuộc vào kỹ năng và kiến thức của nhà trị liệu. Tuy nhiên, bởi vì âm nhạc là một hiện tượng vũ trụ cho nên loài người bao gồm tất cả các thế hệ và tất cả các nền văn hoá đều nghe, chơi, sáng tạo và thích nó. Một số loại âm nhạc có tính phức tạp cao, thách thức sự hiểu biết của con người. Loại âm nhạc khác lại rất đơn giản và dễ theo. Một số người thích sáng tác hoặc chơi âm nhạc. Những người khác thấy dễ chịu đáng kể đơn giản khi nghe âm nhạc. Rất nhiều kiểu âm nhạc và cách thức đa dạng của âm nhạc có thể lôi cuốn con người nên nó có thể là phương tiện điều trị rất linh hoạt. Từ liệu pháp được hiểu là phép chữa bệnh, thường được sử dụng để chỉ một sự giúp đỡ hoặc trợ giúp cho một người, đây là những con người có các vấn đề về cơ thể hoặc tâm thần.Trong cuộc sống hàng ngày, liệu pháp có thể xảy ra dưới nhiều hình Thức. Thí dụ, những nhà tâm lý học nghe và nói chuyện với thân chủ của họ; chuyên gia dinh dưỡng giáo dục mọi người về thức ăn nào có dinh dưỡng cao, phù hợp với nhu cầu cá nhân họ; nhà điều trị cơ thể chỉ định các bài tập cơ thể khác nhau; nhà phẫu thuật sử dụng dụng cụ chuyên biệt như dao mổ và kẹp để sửa chữa các bộ phận cơ thể bị hủy hoại… Và nhà liệu pháp âm nhạc dùng âm nhạc và hoạt động âm nhạc để tạo thuận lợi cho iến trình trị liệu.
  • 18. Liệu pháp âm nhạc là một nghề đã nổi lên hơn 50 năm qua ở nhiều nước. Tuy nhiên, định nghĩa về liệu pháp âm nhạc phụ thuộc vào định hướng và hoàn cảnh của các nhà thực hành liệu pháp hoặc những nền văn hóa khác nhau. Hàng năm có số lượng lớn những định nghĩa về liệu pháp âm nhạc. Trong thập niên đầu phát triển nghề nghiệp, cuốn sách mang tên Liệu pháp âm nhạc là một nghề nghiệp (Hội Quốc gia về Liệu pháp âm nhạc, Mỹ, 1960) đã định nghĩa: Liệu pháp âm nhạc là sự áp dụng khoa học nghệ thuật âm nhạc để đạt các mục tiêu điều trị. Đó là sự sử dụng âm nhạc và bản thân nhà trị liệu để tác động tới những thay đổi hành vi. Hai thập niên sau, khi nghề nghiệp đã phát triển đáng kể, trong cuốn sách: Nghề nghiệp trong Liệu pháp âm nhạc (Hội Quốc gia về liệu pháp âm nhạc, 1980) đã mô tả Liệu pháp âm nhạc như sau: Liệu pháp âm nhạc là sử dụng âm nhạc trong việc thực hiện mục tiêu điều trị: phục hồi, duy trì và phát triển sức khoẻ tâm thần và cơ thể. Đó là sự áp dụng có hệ thống về âm nhạc, do những nhà trị liệu âm nhạc trực tiếp thực hiện trong một môi trường âm nhạc, dẫn đến những thay đổi mong muốn về hành vi. Những thay đổi như vậy làm cho cá nhân có khả năng hiểu biết sâu sắc hơn về bản thân và thế giới xung quanh, để thành công trong điều chỉnh xã hội thích hợp hơn. Nhà trị liệu âm nhạc chuyên nghiệp tham gia việc phân tích các vấn đề cá nhân và hình thành trong đầu những mục tiêu điều trị chung trước khi đặt kế hoạch và tiến hành các hoạt động âm nhạc chuyên biệt. Định kỳ đánh giá để xác định hiệu quả của qui trình công việc đã làm. Định nghĩa Liệu pháp âm nhạc có thể khác nhau phụ thuộc vào thân chủ và nhà thực hành liệu pháp. Với một số thân chủ (hoặc bệnh nhân), tiến trình liệu pháp chủ yếu là để phục hồi các kỹ năng hoặc các chức năng tâm lý. Với một số người bệnh mãn tính, họ mất một số năng lực, tiềm năng nên mục tiêu là giải quyết về cơ thể, cảm xúc và các khó khăn về mất năng lực, về tâm lý do bệnh mạn tính.
  • 19. Liệu pháp âm nhạc cũng được dùng cho những người không bệnh, khi đó người ta muốn qua liệu pháp để khám phá những nguồn lực của họ, muốn phát hiện bản thân để đạt kết quả tốt hơn về sức khỏe và cuộc sống. Như vậy, mục đích của Liệu pháp âm nhạc rất thay đổi đối với các đối tượng, tuy nhiên, sự tiếp cận của các nhà liệu pháp là không thay đổi. Do đó, có nhiều định nghĩa về Liệu pháp âm nhạc phụ thuộc vào triết lý hoặc tiếp cận của nhà thực hành hoặc nhóm thực hành. Thí dụ: Liệu pháp âm nhạc hành vi Dùng âm nhạc nhằm tăng cường hoặc biến đổi hành vi cho thích hợp, làm giảm hoặc loại bỏ những hành vi xấu, không thích hợp. Trong liệu pháp hành vi này, âm nhạc có thể được dùng làm gia tăng (hay củng cố) hành vi (theo cách thức dương tính hoặc âm tính), theo nguyên lý phản xạ có điều kiện kinh điển hoặc điều kiện thực thi. Liệu pháp âm nhạc trong liệu pháp tâm lý Ở đây, âm nhạc được sử dụng để giúp thân chủ thấu hiểu thế giới nội tâm của họ, nhu cầu của họ và cuộc sống của họ. Liệu pháp âm nhạc liên quan khá chặt chẽ với liệu pháp tâm lý động lực tâm thần (Psychodynamic). Liệu pháp âm nhạc giáo dục Liệu pháp âm nhạc đặt trong nhà trường, học sinh có thể tiếp cận Liệu pháp âm nhạc. Nhà liệu pháp tìm thấy ở trẻ em sự liên quan của âm nhạc đến tiến trình học tập, nhận ra tiềm năng phát triển và đáp ứng các nhu cầu của trẻ. Nhằm làm sáng tỏ các loại định nghĩa về Liệu pháp âm nhạc, GS. Kenneth Bruscia đã viết cuốn sách “Defining Music Therapy” (Định nghĩa Liệu pháp âm nhạc, năm 1998). Ông định nghĩa về Liệu pháp âm nhạc như sau: “Liệu pháp âm nhạc là một tiến trình can thiệp có hệ thống, ở đó nhà liệu pháp giúp thân chủ có sức khỏe. Tiến trình can thiệp này sử dụng những trải
  • 20. nghiệm âm nhạc và những mối quan hệ phát triển thông qua trải nghiệm âm nhạc làm sức mạnh động lực cho sự thay đổi ở thân chủ. Trong cuốn sách trên, Bruscia đã định nghĩa các lĩnh vực khác nhau và các mức độ khác nhau của Liệu pháp âm nhạc. Các lĩnh vực Liệu pháp âm nhạc khác nhau thí dụ như: để dạy học, y học, chữa bệnh, liệu pháp tâm lý, tái sáng tạo và sinh thái học. Ở các mức độ thực hành, Bruscia mô tả bốn mức độ can thiệp chuyên biệt: - Mức độ phụ trợ: sử dụng chức năng âm nhạc hoặc bất kỳ cấu trúc âm nhạc nào khác không nhằm mục tiêu điều trị, nhưng có liên quan đến mục đích của liệu pháp. - Mức độ tăng cường: bất kỳ thực hành nào, trong đó âm nhạc và liệu pháp âm nhạc được sử dụng nhằm tăng cường hiệu quả của các phương thức điều trị khác và để đóng góp cho toàn bộ kế hoạch điều trị cho thân chủ. - Mức độ tập trung sâu: bất kỳ thực hành nào, trong đó liệu pháp âm nhạc chiếm vai trò trung tâm và độc lập, nhằm vào mục tiêu hàng đầu trong kế hoạch điều trị cho thân chủ, đưa đến kết quả thay đổi lớn, đáng kể tình trạng hiện tại của thân chủ. - Mức độ chủ yếu: bất kỳ thực hành nào, trong đó liệu pháp âm nhạc chiếm vai trò không thể thiếu hoặc độc nhất nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị chính và đưa đến kết quả tạo ra những thay đổi toàn bộ cuộc sống chủ thể. Tác giả Dileo (199ậ| đã bổ sung và phát triển cho phân loại nêu trên của Bruscia. Ông đã đưa ra ba mức độ thực hành lâm sàng: 1. Trợ giúp 2. Chuyên biệt 3. Toàn diện Thí dụ minh họa cho mô hình này để chữa các triệu chứng đau ở thân chủ như sau: Các mức độ của liệu pháp âm nhạc Thực hành giải quyết chứng đau
  • 21. 1. Mức độ trợ giúp Những nhu cầu của chủ thể: Giảm đau tạm thời Trình độ nhà liệu pháp: Mới vào nghề hoặc trung bình Khả năng giải quyết: Làm sao lãng đau, cung cấp kỹ năng chống đỡ Chức năng liệu pháp âm nhạc: Trợ giúp cho can thiệp y học Liệu pháp âm nhạc can thiệp chung: Thư giãn dựa trên cơ sở âm nhạc, liệu pháp rung động âm thanh 2. Mức độ chuyên biệt Những nhu cầu của chủ thể: Hiểu biết về đau Trình độ nhà liệu pháp: Trình độ cao học Khả năng giải quyết: Đương đầu với đau Chức năng liệu pháp âm nhạc: Bình đẳng giới can thiệp y học Liệu pháp âm nhạc can thiệp chung: Ứng tác, các kỹ thuật hình tượng âm nhạc 3. Mức độ toàn diện Những nhu cầu của chủ thể: Hợp tác với nhà trị liệu giải quyết đau Trình độ nhà liệu pháp: Bậc nhất Khả năng giải quyết: Giải quyết đau Chức năng liệu pháp âm nhạc: Độc lập giải quyết đau Liệu pháp âm nhạc can thiệp mức độ cao cấp / luyện tập chuyên biệt Những nhà liệu pháp âm nhạc làm việc trong hệ thống chăm sóc sức khỏe thường thiết lập mối quan hệ chuyên nghiệp cộng tác với các bác sĩ, y tá, các nhà điều trị vật lý, lao động nghề nghiệp, các nhà chỉnh sửa âm và ngôn ngữ và các nhà tâm lý học, là một sự kết hợp toàn diện để điều trị bệnh nhân. Đối tượng điều trị của liệu pháp âm nhạc Trong quá khứ, các nhà Liệu pháp âm nhạc thường làm việc nhiều nhất với những người bệnh tâm thần và chậm phát triển tâm thần. Ngày nay, do nhấn mạnh nhiều vào công việc cung cấp chăm sóc dự phòng, lồng ghép trẻ
  • 22. em giảm năng lực vào nhà trường công cộng, tăng cường dịch vụ cho người cao tuổi, các nhà liệu pháp âm nhạc đang mở rộng các lĩnh vực lâm sàng mới. Liệu pháp âm nhạc ngày nay được sử dụng trong quản lý đau, quản lý stress, kích thích trẻ sơ sinh, chăm sóc người lớn ban ngày, điều dưỡng tại nhà, các chương trình chăm sóc bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh, chăm sóc y khoa và cả ở nhà tù. Dưới đây là thống kê năm 1998 của liệu pháp âm nhạc Mỹ về đối tượng đã được tiến hành điều trị bằng âm nhạc: - Người cao tuổi, - Người khuyết tật trong phát triển,  - Người có vấn đề sức khoẻ tâm thần, - Người khuyết tật cơ thể, - Tuổi nhà trường, - Tuổi thơ ấu, - Lạm dụng chất, - Giảm cảm giác, - Suy giảm, hư hại chức năng thần kinh. - Bệnh vô phương cứu chữa. Ý NGHĨA CỦA ÂM NHẠC LIÊN QUAN ĐẾN ĐIỀU TRỊ Đối với nhiều nhà liệu pháp âm nhạc, âm nhạc luôn được xem như một ngôn ngữ tượng trưng, cho phép nhà trị liệu khám phá ý nghĩa của nó đối với thân chủ trong kỹ thuật ứng tác âm nhạc tiếp theo sự hội thoại bằng miệng. Trong lý thuyết âm nhạc và lý thuyết tâm lý học, các nhà liệu pháp âm nhạc thường phải trả lời 3 câu hỏi kinh điển: 1. Âm nhạc có phải là ngôn ngữ không? Nếu nó cũng là một ngôn ngữ thì ngôn ngữ âm nhạc khác ngôn ngữ nói như thế nào?
  • 23. 2. Âm nhạc có ý nghĩa vượt qua những nguyên tắc hay quy luật bên trong âm nhạc không? Nếu có, thì sự diễn tả của âm nhạc có liên quan đến thế giới bên ngoài như thế nào? 3. Âm nhạc có phải là có ý nghĩa không "thể diễn tả bằng ngôn từ không? Nếu có, thì ý nghĩa “không thể diễn tả được” hoặc “không tả được” này có phải là một thể riêng biệt của kiến thức hoặc nhận biết của con người không? Người ta đã trả lời cho 3 câu hỏi nêu trên: 1. Đúng, âm nhạc là một loại ngôn ngữ diễn tả theo cách nghệ thuật. Âm nhạc có hệ thống ký hiệu riêng biệt (ký pháp âm nhạc) và nó có ý nghĩa cho hầu hết mọi người. Tuy nhiên, ngôn ngữ âm nhạc không phải là ngôn ngữ thuyết trình. Âm nhạc đặc trưng cho một ngôn ngữ tượng trưng, không cụ thể, rõ ràng như ngôn ngữ nói. 2. Đúng, âm nhạc chứa đựng và diễn tả ý nghĩa vượt quá nguyên tắc âm nhạc hay thẩm mỹ thuần túy. Ý nghĩa này được xây dựng thông qua tác động qua lại phức tạp giữa những người tham gia âm nhạc, như người sáng tác - người biểu diễn – người nghe hoặc bệnh nhân - nhà trị liệu. Âm nhạc có thể là sự diễn tả trực tiếp cảm xúc của bệnh nhân. Nó cũng có thể là một sự tượng trưng hoặc ẩn dụ của trạng thái tâm lý phức tạp của bệnh nhân. 3. Đúng, âm nhạc có ý nghĩa không thể diễn tả được bằng ngôn từ. “Kiến thức ngầm” hoặc “ý nghĩa không thể diễn tả” này thể hiện ở các mức độ khác nhau, ở mức độ truyền đạt giữa các cá nhân, khái niệm hai mặt giữa chủ quan và khách quan (như giữa “người nghe” và “đối tượng âm nhạc”) đã bị hòa tan và trải nghiệm này vượt quá ngôn ngữ miệng, thậm chí nó có ý thức và rất rõ ràng. Âm nhạc là một tác nhân điều trị Có một thực tế là âm nhạc không hề có giá trị đối với sự sinh tồn của con người một cách rõ ràng, nhưng tại sao hàng năm nó vẫn được duy trì trong vốn tiết mục âm nhạc mỗi con người chúng ta. Mỗi con người chúng ta,
  • 24. chắc chắn ai cũng có một số vốn về âm nhạc hoặc đơn giản hơn là bài hát nhất định. Thực chất, âm nhạc đã phát triển bên ngoài một số tiến trình thần kinh nền tảng. Do vậy, nếu chỉ đứng trên góc độ sinh lý thần kinh đơn nhất sẽ không thể giải thích được đầy đủ cho sự có mặt khắp mọi nơi của âm nhạc trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta hoàn toàn không đáp ứng một cách bị động với âm nhạc qua cơ quan cảm giác. Quá trình tri giác và nhận thức của chúng ta với âm nhạc chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi niềm tin, hy vọng và mang nặng tính văn hoá. Âm nhạc và những hiệu lực siêu tự nhiên Các nền văn hoá tiền văn tự tin vào hiệu lực của âm nhạc tác động tới hành vi con người. Niềm tin này cho rằng âm nhạc có mối quan hệ tới siêu tự nhiên. Những bài hát mà các bộ lạc sử dụng trong những nghi thức quan trọng được tin là đến từ các nguồn siêu nhiên hoặc không phải ở từ trái đất. Những bài hát này chứa đựng những năng lực siêu nhân nào đó đang kiểm soát trong tất cả các hoạt động cầu xin trợ giúp khác thường như nghi thức tôn giáo hoặc chữa bệnh. Âm nhạc là thứ đồng hành thiết yếu cho thực hành tín ngưỡng trên toàn thế giới. Nó rất quan trọng đến mức độ mà trong các nghi thức quan liêu thời đó âm nhạc phải được cử hành một cách chính xác. Bất cứ sai sót nào về biểu diễn âm nhạc trong khi tiến hành nghi thức có thể bị cho là phá hoại hiệu lực của âm nhạc và mất sự chấp thuận của thần thánh. Những sai sót như vậy có thể bị trừng phạt bởi các biện pháp nghiêm khắc, thậm chí có thể bị tử hình. Trong nhiều nền văn hoá tiền văn tự, sự kết nối giữa quyền lực ma thuật và âm nhạc được sử dụng phổ biến trong các hình thức bùa, ngải chống lại bệnh tật. Người thầy thuốc hoặc pháp sư sử dụng cái lúc lắc, trống và bài hát như một bộ phận không thể thiếu của nghi thức chữa bệnh và xua đuổi thế lực ma quỷ. Nhìn thoáng qua, việc sử dụng âm nhạc “ma thuật - tín ngưỡng” này có vẻ không liên quan đến thực hành y khoa đương thời. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy ảnh hưởng của các truyền thống văn hoá này trong liệu pháp âm
  • 25. nhạc. Ngay trong xã hội hiện đại của chúng ta, âm nhạc vẫn còn có mối liên quan không thể thiếu tới giá trị và thực hành tinh thần. Âm nhạc có vai trò ưu thế trong phục vụ tôn giáo của nhiều giáo phái, hơn nữa, nó còn diễn tả các giá trị đạo đức và hành vi được chấp nhận. Trong khi âm nhạc còn được sử dụng trong thực hành tôn giáo ngày nay giống như đã từng có trong quá khứ, cơ sở hợp lý cho việc sử dụng âm nhạc trong liệu pháp âm nhạc hiện đại khác xa với nghi thức chữa bệnh thời tiền văn tự. Các văn hóa nguyên thủy cho rằng hiệu lực chữa bệnh của âm nhạc là những hiệu lực siêu nhiên, còn các nhà liệu pháp âm nhạc hiện nay cho rằng những thay đổi trên bệnh nhân là kết quả trực tiếp của âm nhạc với giá trị biểu tượng của nó trong niềm tin, thái độ và hành vi đã được học tập theo nguyên tắc phản xạ có điều kiện từ quá khứ của bệnh nhân, tạo nên đáp ứng sinh lý với âm nhạc trên bệnh nhân. Nói cách khác, những trải nghiệm cảm xúc thẩm mĩ âm nhạc đã hoạt hoá khuynh hướng tâm sinh lý tới đáp ứng với âm nhạc, tạo nên niềm tin vào hiệu quả chữa bệnh của âm nhạc. Cũng như trong các liệu pháp tâm lý, niềm tin của bệnh nhân là yếu tố quan trọng đối với thành công của liệu pháp. Thí dụ, trong sử dụng âm nhạc để kiếm soát đau trên bệnh nhân, Melzack(1973) đã phát hiện ra rằng, niềm tin của bệnh nhân về hiệu quả của âm nhạc đã tác động quan trọng tới sức chịu đựng đau. Tóm lại, truyền thống văn hoá của con người về âm nhạc có hiệu lực chữa bệnh đã góp phần cho âm nhạc có tác dụng như một tác nhân điều trị. Âm nhạc là một sự diễn tả cảm xúc Nghiên cứu về các nền văn hoá nguyên thủy và tiền văn tự, chúng ta đã phát hiện ra rằng âm nhạc là một lối thoát cảm xúc quan trọng. Nền văn hoá hiện đại cũng vậy, âm nhạc được sử dụng để diễn tả cảm xúc. Một đặc điểm phổ biến cho cả nền văn minh nguyên thủy và văn minh công nghiệp hóa là sử dụng nghệ thuật trong “chức năng về giá trị an toàn”. Trong ngữ cảnh thẩm mỹ, âm nhạc được sử dụng để diễn tả công khai những chủ đề bị cấm kỵ mà không bị phê bình, chỉ trích. Thí dụ, ở văn hoá phương Tây, nhiều
  • 26. chủ đề biểu hiện giới tính bị cấm đoán hoặc chủ đề nhạy cảm chính trị đã được diễn tả cởi mở trong khuôn khổ âm nhạc quần chúng. Với tính chất như vậy, trong liệu pháp âm nhạc áp dụng cho điều trị cá nhân và nhóm, ý nghĩa quan trọng là âm nhạc đã tạo cơ hội cho bệnh nhân bộc lộ sự chân thực, sự giao tiếp cảm xúc nhạy cảm. Nghệ thuật là một sự chuyền tải cho diễn tả và đáp ứng cảm xúc. Các liệu pháp nghệ thuật sáng tạo thông qua phương tiện không ngôn ngữ miệng đã tác động đến các tiến trình cảm xúc trực tiếp và ngay lập tức hơn là các liệu pháp tâm lý miệng truyền thông. Do vậy, trong ngữ cảnh âm nhạc đã cho phép một cá nhân “rụt rè”, hoặc bị kiềm chế có thể thăm dò và diễn tả cảm xúc về bản thân cá nhân. Âm nhạc có thể khơi gợi cảm xúc tình cảm cũng như mở ra khả năng diễn tả sự thay đổi cho bệnh nhân, nhất là những người có khó khăn trong việc diễn tả bằng ngôn ngữ miệng. Âm nhạc trong các thể chế xã hội Không có một hoạt động văn hóa nào của con người lại lan tràn, thâm nhập rộng khắp, thể hiện cụ thể và kiểm soát lớn lao đến hành vi con người như âm nhạc. Âm nhạc đưa chúng ta từ lúc chào đời đến khi nhắm mắt xuôi tay, về nơi an nghỉ cuối cùng. Âm nhạc lấp đầy cuộc sống của chúng ta với sự vui sướng, với các cấu trúc xã hội, diễn tả cảm xúc sâu sắc nhất của chúng ta và đóng góp cho sự ổn định văn hoá của chúng ta. Trong xã hội có sự phân tầng văn hóa phức tạp, âm nhạc là thứ “gắn mác” cho các tầng lớp xã hội, hoặc âm nhạc là biểu tượng của các nhóm hợp nhất. Thí dụ, tầng lớp người hoặc nhóm người thích nghe nhạc đồng quê, nhóm người thích nghe nhạc rock, nhóm người thích nghe nhạc Jazz hoặc opera… Các hình thức âm nhạc này là đặc trưng hoặc biểu tượng liên quan đến các tầng lớp xã hội, các kiểu sống và các nhóm dân tộc khác nhau. Âm nhạc giúp cho sự gắn bó chặt chẽ và cố kết nhóm, đồng thời nó cung cấp một quan điểm trung tâm, thống nhất cho nhiều hiện tượng xã hội. Thí dụ, những bài ca biểu tượng cho sự đấu tranh cách mạng, những bài ca biểu tượng cho sự phản kháng của nhóm thanh niên nổi loạn trong xã hội…
  • 27. Sự gắn kết xã hội của âm nhạc là yếu tố quan trọng cho việc áp dụng điều trị của liệu pháp âm nhạc. Thí dụ, những người cao tuổi có xu hướng sống biệt lập, đó là do họ suy giảm khả năng hoà nhập. Sự không hài lòng hoặc các mối quan hệ không thích hợp là điều nổi bật trong hầu hết các rối loạn cảm xúc. Những người chậm phát triển tâm thần có khó khăn trong học tập xã hội và ứng xử thích hợp… Do vậy, giúp cho bệnh nhân cải thiện mối tương tác xã hội là mục tiêu hàng đầu của nhiều chương trình điều trị cho những đối tượng kể trên. Âm nhạc có những đặc điểm thích hợp cho cơ hội hòa nhập của cá nhân. Đặc điểm thứ nhất và quan trọng nhất là, âm nhạc được nhận thức một cách dễ dàng rằng đó là một nghệ thuật xã hội. Cá nhân trải nghiệm âm nhạc không chỉ ở chất liệu âm thanh thô mà còn với niềm tin về giá trị của âm nhạc. Đó là niềm tin rằng âm nhạc tạo sự hứng thú và sự độc đáo. Điều này khuyến khích sự chú ý và khơi gợi những đáp ứng hành vi với kích thích âm nhạc. Đặc điểm thứ hai, âm nhạc là hình thức duy nhất có thể thay thế cho giao tiếp nói. Do đó, âm nhạc giúp cho cá nhân bệnh nhân khó khăn trong giao tiếp nói có một phương tiện thay thế cho tương tác cá nhân với nhóm. Đặc điểm thứ ba, âm nhạc không phải là một kỹ năng quá to tát, mà thực ra là một sự thu gom các kỹ thuật nhỏ. Cá nhân có thể tham gia với nhiều mức độ năng lực, từ nghe nhạc đến biểu diễn âm nhạc một cách thành thạo. Với những cá nhân không có kỹ năng âm nhạc, bệnh nhân vẫn được lôi cuốn thông qua hoạt động nghe và nhà trị liệu khuyến khích bệnh nhân đáp ứng với âm nhạc. Các kiểu và hình thức âm nhạc rất đa dạng, cho nên nó có thể đáp ứng với sở thích âm nhạc của mỗi cá thể khác nhau. Trong vận dụng âm nhạc liệu pháp, nhà trị liệu có thể thay đổi chất liệu âm nhạc một cách linh hoạt, phù hợp với mức độ trải nghiệm và phát triển nhận thức cá nhân. Với sự linh hoạt như vậy, âm nhạc có tiềm năng lớn cho việc hoà nhập nhóm đa dạng của các cá nhân vào cộng đồng. Như vậy, âm nhạc là nguồn linh hoạt tạo cho con người hòa nhập vào kết cấu của tồn tại xã hội. Âm nhạc có khả năng cuốn hút bệnh nhân vào các
  • 28. hoạt động dựa trên thực tại, đòi hỏi sự tương tác và thực hiện các chức năng tâm thần một cách tối ưu. Trong việc chăm sóc sức khoẻ thời hiện đại, những mối quan hệ con người được hài lòng và thoả mãn là điều được quan tâm hàng đầu. Và âm nhạc với đặc tính là đa dạng, bất định và linh hoạt, với truyền thống văn hoá và lịch sử, nó là nguồn điều trị hiệu lực cho diễn tả cảm xúc và xã hội hoá mối quan hệ, tương tác của người bệnh. Chương 2. CƠ SỞ LÝ THUYẾT CỦA LIỆU PHÁP ÂM NHẠC TÂM LÝ HỌC ÂM NHẠC Tâm lý học âm nhạc là một lĩnh vực nghiên cứu tương đối mới, là một khoa học của nhiều ngành học thuật, hoạt động mạnh mẽ và giao thoa giữa âm nhạc học, tâm lý học, âm học, xã hội học, nhân loại học và thần kinh học. Tâm lý học âm nhạc có thể được thu hẹp vào 5 lĩnh vực quan trọng liên quan đến nghiên cứu liệu pháp âm nhạc: 1. Âm thanh tâm lý học và hệ thính giác. 2. Âm nhạc và bộ não: khía cạnh thần kinh học của trải nghiệm âm nhạc. 3. Khả năng âm nhạc và bán cầu trội. 4. Sự đáp ứng với âm nhạc và tiếng động ở trẻ em - Tâm lý phát triển về âm nhạc. 5. Những tác động cảm xúc của âm nhạc. Lịch sử của tâm lý học âm nhạc Tâm lý học âm nhạc là một lĩnh vực nghiên cứu độc lập, phát triển từ cuối thế kỷ 19. Những tên tuổi nổi bật ở thời kỳ này có thể kể đến là Helmholz, Stumpt, Rieman và ở Mỹ là Seashore. Thời kỳ đầu tiên, năm 1880 - 1920 được đặc trưng bởi các nghiên cứu thực nghiệm dựa trên mô hình chủ nghĩa thực chứng. Âm nhạc được xem là
  • 29. một hiện tượng kinh nghiệm, khách quan. Mục tiêu của các nghiên cứu là quan sát, đo đạc những đáp ứng của con người với những kích thích âm thanh có chọn lọc và tập trung đặc biệt vào những thông số cơ bản của giọng hoặc âm thanh như tần số, biên độ, cường độ và hình thể sóng. Điều này là nền tảng cho các nghiên cứu theo khuynh hướng kinh nghiệm chủ nghĩa, bao gồm: - Kỹ năng phân biệt thính giác (tâm lý học về âm thanh). - Phát triển các thử nghiệm (test) âm nhạc. - Tâm lý âm nhạc hành vi. Trong những năm 1920 và 1930 đã hình thành những lý thuyết mới, phát triển theo quan điểm của Gestalt, ở Mỹ là Murshell (1937) và ở Đức là Kurth (1931). Kurth không bác bỏ tâm lý học âm thanh kinh điển, nhưng ông muốn nhìn nó trong ngữ cảnh mới, đó là một lý thuyết có hệ thống về hiện tượng âm nhạc và sự trải nghiệm tâm lý học về năng lượng, cường độ, âm lượng và khối lượng trong âm nhạc. Sau chiến tranh thế giới II, chủ nghĩa hành vi đã có ảnh hưởng quyết định đến tâm lý học âm nhạc. Thí dụ, tác phẩm Tâm lý học khách quan” của Lundin (1967) đã thể hiện nghiên cứu khoa học về hành vi âm nhạc là cốt lõi của tâm lý âm nhạc. Cũng như vậy, trong phân tâm học truyền thông, sự hiểu biết về âm nhạc đã phát triển và liệu pháp âm nhạc đã được tiến hành trong khuôn khổ lý thuyết của Freud và sau đó là tâm lý học bản ngã (ego). Thời gian gần đây nhất đã xuất hiện tâm lý học nhận thức về âm nhạc. Đa số những đóng góp quan trọng của châu Âu gần đây về tâm lý âm nhạc thuộc về lý thuyết này. Tâm lý học âm học Tâm lý học âm học nghiên cứu một số yếu tố về âm nhạc như: âm sắc, âm lượng, độ cao và độ dài. * Âm sắc
  • 30. Âm sắc xác định chất lượng của âm thanh. Thí dụ, sóng âm thanh hình sin là âm thanh đơn giản và thuần khiết nhất, tạo được bằng các phương pháp không điện tử, là nốt nhạc được chơi bằng sáo hoặc giọng trẻ em nhỏ. Còn hầu hết sóng âm là khá phức tạp so với âm đơn lẻ. Tất cả âm thanh được sinh ra một cách tự nhiên thường bao gồm các yếu tố sau: - Độ cao nền tảng. - Hàng loạt hòa thanh, đó là những độ cao có liên quan theo tỷ lệ thuận với độ cao nền tảng và phát ra đồng thời với độ cao nền tảng. - Những độ cao khác, đó là những độ cao không liên quan trực tiếp với độ cao nền tảng. Thí dụ âm thanh phát ra từ cái loa, sóng âm thanh đi dọc theo lỗ loe ra một cách từ từ, độ cao âm thanh cứ nâng lên. - Độ cao chủ quan (theo cảm nhận của người nghe). - Tiếng ồn. Như vậy, một âm thanh phát ra là cả một sự hòa thanh phức tạp. Âm thanh truyền đi trong không khí theo sóng giống như sóng lăn tăn trên bề mặt hồ nước khi ta ném hòn đá cuội xuống hồ. Điều khác nhau ở đây là sóng của âm thanh đi trong ba chiều chứ không phải hai chiều. Ta có thể tưởng tượng như những sóng hình cầu tăng lên, tỏa ra từ nguồn sóng. Sóng trên mặt hồ được gây ra do sự rời chỗ ban đầu của nước, ở âm thanh, đó là những phân tử không khí bị chuyển dời gây ra sóng của mật độ không khí. Những sóng này trải rộng ra với tốc độ ước lượng khoảng 720 dặm/giờ, cuối cùng sẽ mất đi do ma sát của các phân tử không khí “đang còn” chuyển dời. Nếu những sóng không khí gặp bất kỳ phân tử nào khác, sóng sẽ cố gắng làm chuyển dời chúng. Thí dụ, nếu sóng đến tiếp xúc với bức tường đá, chúng sẽ cố gắng khiến các phân tử đá cũng thành sóng. Nhưng vì các phân tử đá có cấu trúc khác với rất nhiều kháng trở làm số lượng đáng kể năng lượng sóng âm mất đi và số còn lại sẽ bật trở lại.
  • 31. Những sóng âm tiếp xúc với cơ thể con người sẽ cố gắng làm tương tự và chúng ta có thể cảm nhận được những sóng hoặc rung động này như cảm giác râm ran ở các bộ phận khác nhau của cơ thể. Lớp phân tử trên cơ thể càng mỏng sẽ càng dễ bị sóng âm tác động chuyển dời vị trí theo một tần số như sóng âm đó. Cơ quan nhạy cảm nhất với vận động nén của không khí là một màng rất mỏng ở tai, gọi là màng nhĩ. Điều lý thú là, ở những người mất thính giác, người ta ghi nhận rằng mí mắt và đầu ngón tay nhạy cảm nhất với những tần số nhất định của âm thanh. Giải thích điều này là do ở mí mắt có màng mỏng và ở đầu ngón tay có mật độ tập trung lớn của các tận cùng thần kinh. * Cường độ: Cường độ biểu hiện sự ồn ào hay độ lớn của âm thanh. Cường độ được đo bằng decibel. Decibel là đại lượng đo lường độ lớn thực tế của âm thanh, trong khi trải nghiệm chủ quan về tiếng ồn của các loại âm thanh phụ thuộc vào cá nhân người cảm nhận nó. * Độ cao: Độ cao có thể được đo bằng hai cách: - Bao nhiêu sóng xảy ra trong một khoảng cách đã cho, hoặc - Bao nhiêu sóng xảy ra ở một thời gian đã cho. Người ta thường dùng cách thứ hai. Như vậy, 440 chu kỳ của song trên thời gian 1 phút là hòa thanh hiện đại của nốt LA rung càng nhanh thì độ cao càng cao và sóng càng ngắn. Ngược lại, độ rung càng chậm thì độ cao càng thấp và sóng càng dài hơn. * Độ dài Độ dài là yêu tố quan trọng trong âm thanh, nó như một phương tiện trong đó diễn tả cường độ, cao độ và âm sắc. Chiều dài thời gian cần có để nghe các yếu tố cần có (cường độ, cao độ, âm sắc…) từ lúc bắt đầu đến kết thúc gọi là trường độ (duration).
  • 32. Sinh lý học về tai Trong liệu pháp âm nhạc cần phải chú ý đến vai trò và các chức năng hoạt động liên quan đến tai vì phương tiện điều trị chủ yếu là âm thanh. Tai là một trong những bộ phận phức tạp của cơ thể, là cơ quan tiếp nhận và phân tích, giải thích các kích thích âm thanh. Đây là một tiến trình đặc biệt. Phần tai ngoài có chức năng thu nhận âm thanh và ở những tần số nhất định (từ 2KHz đến 5KHz) sẽ được tai ngoài khuếch đại tăng lên. Tai ngoài là vùng quan trọng cho âm thanh lời nói. Bình thường chúng ta nghe cả hai tai và khoảng cách giữa hai tai giúp chúng ta định vị được hướng của âm thanh và ước lượng khoảng cách từ nguồn phát ra âm thanh tới chúng ta. Màng nhĩ là một màng trong mờ, có tính đàn hồi, đường kính 6mm và dày khoảng 0,08 mm. Màng nhĩ có thể tiếp nhận và chuyển hóa mọi rung động từ một dàn nhạc lớn, dàn hát nhà thờ… Nó có thể rung động toàn bộ hoặc từng phần để tiếp nhận đầy đủ những dữ liệu âm thanh phức tạp. Đó là một hình thức rung động rất phức tạp và điều bí ẩn là làm sao màng nhĩ có thể thu thập nhiều rung động đến vậy. Âm thanh được truyền vào tai giữa, trong đó có ba xương: xương búa, xương đe và xương bàn đạp. Các xương này truyền âm thanh đi qua vùng tai giữa. Nếu không có các xương này, âm thanh sẽ đi thẳng vào ốc tai và 97% sẽ bật trở lại và mất đi. Những xương này ở trong tình trạng hoạt động liên tục, không ngừng và tiếp nhận âm thanh ngay cả khi người ta ngủ. Âm thanh càng lờn, chuyển động của các xương càng lớn. Khi con người sinh ra, những xương này đã được hình thành đầy đủ và chúng là những xương duy nhất trong cơ thể không lớn lên. Khi chúng ta về già, xương trở nên cứng đi. Do vậy người ta thường giảm thính lực tỷ lệ với tuổi tăng lên. Âm thanh được tiếp tục chuyển vào tai trong và ở đây ốc tai tiếp nhận âm thanh. Những rung động đi qua dịch thể trong ốc tai sẽ kích thích những tế bào lông. Tế bào lông kích thích khởi động và truyền tín hiệu qua các tế bào hướng tâm. Thường thường những kích thích của âm thanh sẽ được các tế bào lông làm nhiệm vụ mã hóa và truyền tín hiệu về não. Trên thực tế,
  • 33. chúng ta phân biệt được âm thanh ở tần số nhỏ hơn 1/50 của nửa cung nhạc (nửa cung, thí dụ từ nốt ĐÔ lên nốt ĐÔ THANG). Dây thần kinh thính giác truyền những âm thanh đã được chuyển đổi thành xung điện, đưa về đồi thị, từ đồi thị về não. Đồi thị là nơi hòa nhập tất cả dữ liệu chuyển đến và tiếp âm chúng đến những vùng thích hợp của vỏ não, tức là đến vùng phân tích thính giác. Chức năng về âm nhạc của não Rất nhiều phần của não liên quan đến thưởng thức âm nhạc và chơi âm nhạc. Trong những nghiên cứu về sự đáp ứng của não so với âm nhạc, các nhà thần kinh học đặc biệt quan tâm đến các bộ phận cấu thành liên quan đến đời sống âm nhạc, cụ thể là khả năng của con người trong việc đọc, hiểu, sáng tác hoặc biêu diễn âm nhạc. Thần kinh học hiện đại nổi lên từ khoảng năm 1850 với các khái niệm xoay quanh việc xác định các vùng chức năng của não. Một số nhà thần kinh học Đức đã phân tích rối loạn chức năng âm nhạc ở những bệnh nhân có bệnh về não và cố gắng định khu vùng thương tổn. Knoblauch đã giới thiệu thuật ngữ “mất âm nhạc”, có nghĩa là khả năng hoạt động âm nhạc bị suy giảm, ở đây có hai khái niệm: mất cảm giác âm nhac là bệnh nhân không có khả năng để nghe, đọc hoặc hiểu âm nhạc và mất vận động âm nhạc là bệnh nhân có khó khăn trong việc hát hoặc viết nhạc hoặc chơi nhạc. Sự mất âm nhạc này lúc đầu người ta quy cho là do tổn thương ở vùng bán cầu não trái (não trái là bán cầu ưu thế). Tuy nhiên, sau này người ta biết nó không đơn giản như vậy. Các khía cạnh hoạt động âm nhạc khác nhau bị suy giảm có thể do tổn thương bán cầu trái hoặc bán cầu phải hoặc tổn thương từng bộ phận. Những thực nghiệm cho thấy liệt chức năng thùy thái dương bán cầu phải gây ra giảm khả năng hát và nhận thức giai điệu, trong khi đó ngôn ngữ nói vẫn còn nguyên. Trái lại, liệt chức năng thùy thái dương bán cầu trái, người ta có thể hát tốt hơn nói. Người ta còn cho rằng các chức năng về cấu trúc, tính toán và tổ chức âm nhạc do não trái chi phối và chức năng sáng tạo, cảm xúc và tâm hồn do não phải chi phối để giữ thăng bằng cho tất cả các yếu tố trong hoạt động âm nhạc.
  • 34. Ngày nay, chúng ta biết rằng lý thuyết về sự chuyên môn hóa bán cầu không thể áp dụng cho hoạt động âm nhạc, mặc dù thực tế khi phá hủy một số vùng chuyên biệt của não có thể làm giảm một số bộ phận chức năng quan trọng chi phối chức năng âm nhạc.Người ta không thể xác định khoanh vùng chức năng vỏ não chi phối hoạt động sáng tạo như sáng tác hoặc biểu diễn âm nhạc. Chỉ những hoạt động sinh lý sơ đẳng mới có thể phân vùng chức năng khác nhau của vỏ não. Các hoạt động phức tạp phụ thuộc vào các bộ phận nhất định của não và liên kết với nhau qua các con đường dưới vỏ và giữa hai bán cầu. Sáng tác nhạc, chơi nhạc và nghe nhạc, tất cả đòi hỏi cảm giác thị giác và thính giác, các chức năng về trí tuệ và cảm xúc và các hoạt động vận động cảm giác. Những hoạt động này liên quan đến vỏ não, những nhân vận động và cảm giác dưới vỏ và hệ limbic. Các hệ thống thính giác, hệ thống thị giác, hệ thống vận động và cảm giác cơ thể và trí nhớ, tất cả đều đóng vai trò quan trọng trong thưởng thức và biểu diễn âm nhạc. Đặc biệt, khả năng nghe được phát triển mạnh ở những người nhạc sĩ. Trong hoạt động âm nhạc, trí nhớ cũng được phát triển mạnh mẽ và rất quan trọng. Người ta không thể thực hiện được một nhiệm vụ âm nhạc đơn giản nếu không sử dụng trí nhớ. Sự hứng thú của bất kỳ người nào khi nghe một đoạn nhạc đều tùy thuộc vào trí nhớ của người đó về đoạn nhạc đã lướt qua và nay được lặp lại với giai điệu và hòa thanh tương tự. Theo nguyên tắc của kỹ thuật sáng tác âm nhạc, trong một bản nhạc, những âm hình hay những nét nhạc đều phải được nhắc lại và phát triển trên cơ sở nét nhạc đó. Như vậy khi người ta nghe một bản nhạc, trí nhớ về nét nhạc cũ vừa đi qua đã giúp người ta nhận ra ở nét nhạc vừa mới đến về bóng dáng của nét nhạc cũ đã được nhắc lại và phát triển. Điều đó mới tạo hứng thú cho người nghe nhạc. Chức năng vận động cảm giác và trí nhớ thị giác, thính giác là đặc biệt cần thiết cho chơi nhạc. Có rất nhiều thí dụ về những kỹ năng kinh ngạc của trí nhớ. Khi mới 14 tuổi, Mozart (Mô da) đã nhớ để viết lại toàn bộ bản nhạc Miserere của Allegri,
  • 35. một tác phẩm nhà thờ sáng tác 9 phần cho 2 ca đoàn, sau khi nghe biểu diễn ở Sistin Chapel. Mandlessohn cũng đã làm tương tự. Khi có một lần, tổng phổ bản nhạc A Midsummer Night’s Dream bị để quên ở taxi, ông đã viết lại nó bằng trí nhớ. Có rất nhiều thí dụ về khả năng của nhạc sĩ nhớ lại và chơi nhạc không có tổng phổ. Có một số người lại nhớ và chơi nhạc chỉ do đã nghe nó và chưa từng nhìn thấy bản nhạc. Sự phát triển kỹ năng và đáp ứng với âm nhạc ở trẻ em Một số liệu pháp tâm lý đã nhấn mạnh đến mối tương tác sớm giữa mẹ và con. Trong mối quan hệ điều trị bằng âm nhạc, người ta cũng nhận thấy mối tương tác này qua những yếu tố liên quan giữa hoạt động âm nhạc ở người mẹ và cử chỉ, hành vi từ giai đoạn sớm của đứa trẻ. Thí dụ, những ca sĩ nhận thấy khi họ hát thì cái thai trong bụng họ yên lặng hơn. Trong khi đó những người mẹ đang chơi đàn hay các nhạc cụ thì trẻ trong bụng họ vận động nhiều hơn. Người ta ghi âm tiếng âm thanh tử cung bao gồm âm thanh của nhau thai, vận động mạch máu ở những động mạch dây rốn. Khi trẻ sơ sinh khóc nhiều, người ta mở băng ghi âm trên để giúp trẻ yên tĩnh trở lại. Những kỹ năng âm nhạc, cũng giống như các kỹ năng không âm nhạc (đi, nói), xuất hiện ở các mốc thời gian khác nhau giữa trẻ này với trẻ khác. Tuy vậy, trong tình trạng bình thường, cột mốc phát triển xảy ra trong một chuỗi sự kiện có thể đoán trước một cách tương đối chính xác. Đã có nhiều lý thuyết tồn tại mô tả tiến trình phát triển của trẻ em, nhưng người được biết đến nhiều nhất là Jean Piaget, nhà tâm lý học Thụy Sĩ, ông đã phác hoạ bốn giai đoạn phát triển của trẻ em: (1) Vận động cảm giác, (2) Tiền vận động, (3) Hoạt động cụ thể và (4) Hoạt động chính qui. Trong mỗi giai đoạn này trẻ em đều thể hiện đã có sự sẵn sàng ở một mức độ nào đó về khả năng vận động, tâm thần và xã hội thích hợp. Nghĩa là, bắt đầu mỗi giai đoạn, một đứa trẻ phát triển bình thường phải có độ chín về cơ thể để đạt điểm mà trẻ có thể thực hiện nhiệm vụ đặc trưng của giai đoạn này. Thí dụ, đứa trẻ đến giai đoạn tập đứng phải có độ chín về phát triên thần kinh cơ bắp. Sự phát triển sẽ tiếp
  • 36. tục thuận lợi khi trẻ có hoạt động tương tác với môi trường. Thí dụ, để đi những bước đi đầu tiên, ngoài việc trẻ phải có thần kinh cơ bắp trưởng thành thích hợp để kiểm soát chân và thân vận động có chủ ý, những bước chân loạng choạng, ngập ngừng của đứa trẻ tập đi còn cần được sự động viên, khuyến khích từ lời kêu gọi và sự trợ giúp mạnh mẽ từ cánh tay của cha mẹ. Với sự luyện tập lặp đi lặp lại, cơ bắp trẻ trở nên mạnh mẽ hơn, bước chân trẻ trở nên chắc chắn và chính xác hơn. Như Piaget nhận định, sự tiến bộ của quá trình phát triển ở trẻ nhỏ là kết quả của cả sự trưởng thành cơ thể và mối tương tác với môi trường. Mặc dù Piaget không chỉ ra quá trình phát triển âm nhạc chuyên biệt ở trẻ nhỏ, nhưng các nhà tâm lý học đã nghiên cứu các mốc âm nhạc cho mỗi giai đoạn và sự tham gia của hoạt động âm nhạc đóng góp cho sự phát triển tâm lý, xã hội và vận động được tiếp tục. Sự phát triển vận động cảm giác (từ sơ sinh - 2 tuổi) Trong giai đoạn này, trẻ em học về môi trường của chúng thông qua cảm giác và hoạt động vận động. Thí dụ, trẻ học về mẹ nó thông qua âm thanh của giọng, mùi và sự vuốt ve của mẹ. Khi kỹ năng vận động phát triển, trẻ khám phá môi trường sát cạnh bằng nắm, đưa đồ vật vào miệng, đá, bò, trườn và các hoạt động thăm dò khác. Ở giai đoạn này, âm nhạc tạo cơ hội đa dạng để kích thích cảm giác và hoạt động vận động của trẻ. Trong những ngày đầu ra đời, trẻ tiếp nhận cả kích thích cảm giác lẫn vận động, khi cha mẹ lúc lắc trẻ và hát những bài hát ru. Những giờ đầu tiên, trẻ chỉ đáp ứng với 1/3 kích thích âm thanh bên ngoài và sự đáp ứng sẽ tăng lên nhanh chóng. Trẻ sơ sinh nghe một cách tích cực, dù kỹ năng nghe chưa đầy đủ nhưng trẻ có thể phân biệt được âm thanh từ người khác và tìm kiếm nguồn âm thanh. Hai ngày tuổi, trẻ đã đáp ứng với giao động của gõ nhịp. Trong 6 tuần đầu tiên là thời kỳ trẻ “học nghe”. Trẻ 8 tuần sẽ tập trung chú ý vào người hát hoặc dụng cụ âm nhạc. Khi trưởng thành hơn, trẻ sẽ đáp ứng với hàng loạt âm thanh và đối tượng âm nhạc. Những chuông âm nhạc hoặc chuông chùm
  • 37. có thể khêu gợi những nụ cười hoặc ngọ nguậy lắc lư ở trẻ 3 tháng tuổi. Sau 11 đến 12 tuần, trẻ thích tiếng người hơn các tiếng khác. Ở tuần 12 đến 14, trẻ có thể phân biệt giữa tiếng mẹ và tiếng người lạ. Tuần 14 đến 16, trẻ có thể ngừng khóc khi nghe tiếng bước chân của người mẹ. Trong 6 tháng đầu, trẻ sẽ tìm ra kích thích cảm giác và chú tâm có chọn lọc tới các nguồn âm thanh âm nhạc như các bài hát ru, bài hát “chant” (hát như đọc kinhh, hát trong nhà thờ hoặc hát đồng giao) và nhịp điệu, các hộp đồ chơi âm nhạc, trống lúc lắc và chuyển động âm nhạc của người mẹ hay người chăm sóc trẻ. Trẻ em mắt sẽ sáng lên, thủ thỉ với sự vui sướng khi chúng khám phá ra âm thanh tạo ra khi chúng đá vào cái chuông ở mắt cá chân giày chúng đang mang. Trẻ đáp ứng với âm nhạc kèm theo vận động toàn bộ cơ thể. Helmut Moog đã nghiên cứu nhiều về đáp ứng sớm về âm nhạc ở trẻ nhỏ. Từ 4 đến 6 tháng tuổi, trẻ đã chú ý tới âm nhạc. Sau 6 tháng trẻ bắt đầu có những vận động lặp lại với âm nhạc. Ông mô tả một phát hiện đặc biệt, rằng trẻ bập bẹ bài hát đầu tiên trước khi biết nói những từ đầu tiên. Ở trẻ em 6 tháng tuổi, ông thấy nhịp điệu ít lôi cuốn sự chú ý, trong khi những bài hát và âm nhạc dụng cụ hấp dẫn chú ý và vận động nhiều nhất. Khi trẻ chập chững biết đi, trẻ đập vào cái bình, cái xoong, cái chảo là đang học về âm thanh, hình dáng và kích thước. Sự tăng cường nhiều loại hoạt động vận động không chỉ xảy ra ở chân tay và thân mà còn ở kỹ thuật hát. Những bài hát bập bẹ của trẻ 12 tháng tuổi bắt đầu xuất hiện thể hiện các khía cạnh tổ chức âm nhạc với nốt luyến xuống giai điệu gồm 4 nốt nhạc. Trẻ em có thể tự hát hai loại âm nhạc miệng, đó là loại hát “chants” và bài hát. Kiểu hát Chant liên quan nhiều đến nói và nhịp điệu của chant giống nhịp điệu lời nói. Bài hát chant thường với vài nốt nhạc đơn giản và lặp đi lặp lại và thường đặc trưng với quãng 3 thứ. Trẻ em có thể tự sáng tạo ra bài hát chant và các bài hát trong khi chơi. Bài hát chant cũng là một hình thức nghệ thuật âm nhạc nguyên thủy, được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo và bộ lạc. Trẻ 12 tháng tuổi còn bắt đầu biết xây dựng những bài hát đơn giản, một số trẻ có
  • 38. thể có một số khái niệm về hình thức âm nhạc nên có thể gần như sáng tạo ra một câu hay một đoạn nhạc. Những kiểu hát bập bẹ đầu tiên là những bước quan trọng trong phát triển khả năng kiểm soát vận động của lưỡi, răng và môi. Ở tuổi lên 2, trẻ đã có những bài hát tự phát với những đoạn lặp lại, giọng rõ ràng, có đường nét giai điệu và nhịp điệu rõ rệt. Khi trẻ chơi trong cũi, người chú ý quan sát có thể nghe câu giai điệu ngắn và chính đó là sự lát đường cho kỹ năng nói và hát tinh vi hơn. Thực tế, trẻ em giai đoạn vận động cảm giác là đứa trẻ âm nhạc. Âm nhạc như một kích thích cảm giác, từ đó thúc đẩy hoạt động vận động là một phương tiện lý tưởng cho việc học tập trong những năm còn yếu đuối này. Âm nhạc là một bộ phận tự nhiên và vui thích thời trẻ và chứa đựng hàng loạt đáp ứng cảm giác, nhận thức, giao tiếp, xã hội hóa và hoạt động vận động. Hoạt động âm nhạc có thể được thiết kế phù hợp với mức độ phát triển hiện tại trong tâm hồn trẻ. Do vậy, nó là công cụ điều trị linh hoạt, hữu ích và công cụ giáo dục để thông qua nó, đứa trẻ có thể thực hành và cuối cùng làm chủ hàng loạt nhiệm vụ quan trọng. Giai đoạn tiền hoạt động (từ 2 - 7 tuổi) Giai đoạn phát triển tiền hoạt động được đặc trưng bởi sự phát triển ngôn ngữ và khái niệm một cách nhanh chóng. Trẻ đã có thể sử dụng các từ hình tượng để đại diện cho các sự vật và sự kiện trong môi trường, có nghĩa là trẻ đã biết dùng khái niệm để chỉ cái cụ thể. Sự giao tiếp mới chớm nở đi song song với gia tăng giọng hát trong hoạt động âm nhạc. Trong những năm sớm nhất của giai đoạn này, trẻ đã thực hiện được các giai điệu ngắn hoặc kết nối được một số từ của bài hát. Thí dụ, khi người lớn hát “Ông Đông có một cánh đồng”, đứa trẻ có thế kết nối vào là “Ô ô í ồ í ồ”. Sự bắt chước chính xác hơn về các kiểu cao độ và giọng liên quan sẽ xảy ra khi trẻ 4-5 tuổi. Những bài hát hành động và kể câu chuyện giả tưởng, và trẻ bắt chước không chỉ là những trải nghiệm hát ưa thích mà còn là cơ hội tuyệt vời cho việc thực hành chơi giao tiếp.
  • 39. Từ 2 đến 4 tuổi, trẻ chứng tỏ trong chốc lát có thể đập nhịp đồng bộ với nhịp điệu âm nhạc. Tuy nhiên, để đập nhịp thành thạo đòi hỏi phải có độ chín hơn về cơ thể. Sự phát triển này khác nhau giữa các trẻ. Ở tuổi này, hoạt động như đi, cưỡi, nhảy có thể hoà nhịp với âm nhạc. Ba tuổi rưỡi, có bằng chứng cho thấy trẻ đã có tổ chức hòa thanh. Từ 4 đến 6 tuổi, trẻ hát nhạc pop một cách tự phát với lời nguyên thủy. Ở tuổi lên 5, trẻ em đã có vốn dự trữ khá nhiều những bài hát ở nhà trẻ. Trẻ nhận biết các bài hát này dễ hơn so với những bài hát lạ chứng tỏ chức năng trí nhớ đang được vận dụng. Những hoạt động âm nhạc đòi hỏi hoạt động ngôn ngữ, hợp tác xã hội, và cơ thể sẽ thúc đẩy thực hành và làm chủ các kỹ năng đặc trưng của giai đoạn phát triển này. Giai đoạn những hoạt động chi tiết (từ 7 - 11 tuổi) Ở tuổi lên 7, những trẻ phát triển bình thường bắt đầu hiểu thế giới của chúng theo cách mới. Trẻ có thể suy nghĩ một cách hệ thống và giải quyết các vấn đề một cách tâm lý khi nó có liên quan ngay tới hiện tại. Về âm nhạc, trẻ có thể duy trì hoặc bảo tồn giai điệu hoặc nhịp điệu trong trí nhớ, mặc dù có sự sao lãng về hòa thanh. Do đặc tính tự coi mình là trung tâm, ít muốn hợp tác chơi cùng với đồng bạn, nên hoạt động âm nhạc nhóm như hát tập thể hoặc band nhạc tạo cơ hội tốt cho trẻ hợp tác và lôi cuốn vào nhóm, ở tuổi này trẻ cũng có thể học múa và điều này giúp cho phát triển kỹ năng vận động. Giai đoạn hoạt động chính quy (từ 11 tuổi - thiếu niên) Đặc tính nổi bật nhất của giai đoạn nay là trẻ có khả năng suy nghĩ trừu tượng. Trẻ đã có thể sử dụng nhiều loại nhạc cụ và tham gia các hình thức hoạt động âm nhạc. Ở trẻ em, kỹ năng về nhịp điệu phát triển trước hay sau kỹ năng giai điệu? Hay chúng độc lập với nhau? Một số nhà nghiên cứu cho rằng trẻ em đáp ứng với nhịp điệu âm nhạc trước thể hiện ở các vận động như lúc lắc, gật đầu,… Qua nghiên cứu thăm dò thấy trẻ làm được các động tác gõ nhịp một cách đều đặn và chính xác.