SlideShare a Scribd company logo
1 of 100
Download to read offline
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
Tác giả: PTS. Nguyễn Văn Nhận
PGS. PTS. Nguyễn Bá Dương
CN-TL Nguyễn Sinh Phúc
LỜI NÓI ĐẦU
Chăm lo sức khoẻ con người là chăm lo cả sức khoẻ thể chất và sức
khoẻ tinh thần. Đây là công việc vẻ vang nhưng rất nặng nề và phức tạp, đòi
hỏi phải sử dụng những thành tựu tiên tiến của rất nhiều ngành khoa học
khác nhau, trước hết là của y học và tâm lý học.
Ngày nay, y học và tâm lý học đang phát triển rất mạnh mẽ. Sự phát
triển của y học diễn ra theo hai khuynh hướng cơ bản: Một mặt đi sâu giải
quyết những vấn đề bệnh căn, bệnh sinh của bệnh: Và một mặt khác, tiến
hành điều trị, nâng cao sức khoẻ người bệnh một cách toàn diện. Sự phát
triển của tâm lý học cũng diễn ra trên hai bình diện: Một mặt tiếp tục phát triển
về lý luận các hiện tượng tâm lý; Và một mặt khác, đi vào giải quyết những
vấn đề hoạt động thực tế của con ngươi, như tâm lý học trong thể thao, tâm lý
học trong lao động, trong hôn nhân và gia đình… Một trong những sản phẩm
chung của sự phát triển y học và tâm lý học là xuất hiện một môn khoa học
liên ngành - Tâm lý học y học.
Trong cuốn sách này, chúng tôi muốn đề cập một cách đầy đủ, sâu sắc
những vấn đề hết sức cơ bản của Tâm lý học y học ở nước ta, như tâm lý
con người khi bị bệnh, tâm lý thầy thuốc trong quá trình khám bệnh và chữa
bệnh, giao tiếp giữa thầy thuốc và bệnh nhân, chẩn đoán tâm lý trong lâm
sàng, vấn đề stress và vệ sinh tâm lý, tâm lý liệu pháp v.v…
Hy vọng cuốn sách sẽ cung cấp cho đồng nghiệp và bạn đọc những
vấn đề bổ ích về lý luận và thực hành của Tâm lý học y học, tạo thêm cơ sở
khoa học để quá trình chăm sóc sức khỏe toàn diện, cả về thể chất và tâm lý
cho con người ngày càng tốt hơn.
Các tác giả rất mong nhận được những đóng góp, phê bình của bạn
đọc để cho cuốn sách ngày càng thêm hoàn thiện.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách Tâm lý học y học cùng bạn đọc.
Các tác giả
MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ TÂM LÝ HỌC Y HỌC
Từ xa xưa người ta đã quan tâm đến vấn đề tâm lý người bệnh và tâm
lý người thầy thuốc. Những năm gần đây, nhờ sự phát triển của tâm lý học và
y học hiện đại mà nhiều ngành khoa học mới đã ra đời để nghiên cứu sâu
thêm vấn đề này. Trong số những khoa học đó có tâm lý học y học.
Tâm lý học y học là khoa học nghiên cứu tâm lý người bệnh, tâm lý
nhân viên y tế trong quá trình phòng và chữa bệnh. Nó là khoa học cần thiết
cho tất cả các thầy thuốc ở các chuyên khoa và nhờ nó nên nhu cầu điều trị
toàn diện, nhu cầu không ngừng nâng cao cả sức khoẻ thể chất lẫn sức khoẻ
tâm lý của con người ngày càng được đáp ứng tốt hơn.
1. CÁC QUAN NIỆM KHÁC NHAU VỀ TÂM LÝ HỌC Y HỌC
1.1. Các quan niệm nguyên thuỷ
Trong một thời gian dài loài người có khuynh hướng cơ bản là giải thích
một cách thần bí các hoạt động tâm lý và bệnh tâm thần. Song bên cạnh
những quan niệm thần bí là những quan niệm mang tính khoa học như:
Alkmeon đã đề cập đến mối quan hệ giữa hiện tượng tâm lý và não; Hypocrat
đã nói tới yếu tố dịch thể trong mối quan hệ giữa tâm lý và cơ thể. Những
quan niệm hết sức tiến bộ này đã trở thành một trong những cơ sở cho sự ra
đời của tâm lý y học sau này.
1.2. Y học và tâm lý học thời trung cổ
Thế kỷ XVI, tại Italia, đã có một số quan niệm về bệnh tật thoát khỏi sự
thần bí. Mercurial cho rằng trầm cảm có thể do nguyên nhân thực thể hoặc do
tổn thất tình cảm gây ra. Platon là bác sỹ đầu tiên đề xuất cách phân loại
bệnh tâm thần theo bệnh sinh và đã tính đến vai trò của các yếu tố di truyền,
nội sinh, ngoại sinh trong cơ chế của bệnh.
Sang thế kỷ thứ XVII - thế kỷ của Descartes, được đặc trưng bởi sự
xuất hiện khái niệm phản xạ - khuynh hướng duy vật trong triết học Gobx và
tư tưởng quyết định luận bắt đầu thâm nhập vào y học. Van Gehmont đã đề
cập đến vai trò của những sang chấn tâm lý trong sự phát sinh, phát triển
bệnh tâm thần và tác giả khuyên nên điều trị bằng cách ngâm bệnh nhân vào
nước lạnh. Doleboe - nhà giải phẫu học - đã nêu ra tiêu chuẩn của người bác
sỹ là phải biết điều trị bệnh tâm thần. Tác giả đã thông báo nhiều bệnh nhân
được điều trị khỏi bằng những tác động đạo đức. Lusitanua đã nói rằng,
thuyết phục là một trong những phương pháp điều trị bệnh nhân tâm thần có
hiệu quả. Giakhiax đã đề cập đến bệnh tâm thần trong hình luật và giám định.
Thế kỷ XVIII, Pinel - nhà cải cách phương pháp điều trị bệnh tâm thần
vĩ đại người Pháp - đã cho rằng người lãnh đạo bệnh viện tâm thần phải là
một bác sỹ, một nhà tâm lý, nhà quản lý hành chính và ông là người đầu tiên
đã giải phóng bệnh nhân tâm thần khỏi xiềng xích.
1.3. Tâm lý y học thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX
Đến thế kỷ XIX, nhiều tác phẩm đặt nền móng cho tâm lý y học với tư
cách là một khoa học độc lập đã xuất hiện. Năm 1818, Reie - một bác sỹ, một
nhà giải phẫu học - đã viết cuốn “Cuồng tưởng và phương pháp tâm lý trong
điều trị những sang chấn tâm lý”. Tác phẩm này đã chỉ ra ý nghĩa cơ bản của
tâm lý y học là sử dụng liệu pháp tâm lý tích cực.
Trong thòi kỳ này đã nẩy sinh sự đấu tranh gay gắt giữa hai trường phái
duy tâm và duy vật máy móc trong tâm lý y học. Đại biểu của trường phái duy
tâm là Heinroth và Ideler, đã coi thường yếu tố cơ thể trong các bệnh tâm
thần và cho rằng, bệnh tâm thần là hậu quả của cuộc “đấu tranh dục vọng”.
Đại diện cho trường phái duy vật là Jacobi - Gnisinger, đã khẳng định rằng
tâm thần học là một bộ phận thống nhất của y học và coi não là cơ quan của
tâm lý.
Giữa thế kỷ XIX, Lotze đã viết cuốn “Tâm lý học y học”. Đến giữa
những năm 70, Tuhe viết cuốn “Y học tâm lý”. Tuy những cuốn sách này có
giá trị đối với các nhà tâm thần học nhiều hơn, song tên của chúng cũng đã
nhắc người đọc hãy quan tâm hơn đến tâm lý học y học.
Sang thế kỷ XX, đã có nhiều chuyện để nói rõ hơn về đối tượng của
tâm lý y học. Trong cuốn “Tâm lý học y học”, Janet đã tổng kết kinh nghiệm
lâm sàng của mình về tâm lý liệu pháp. Trong thời kỳ này đã xuất hiện nhiều
học thuyết tâm lý mới có liên quan đến tâm lý y học như: Phân tâm học của
Freud (sau đó, nhà thần kinh học người Úc là Schilder đã viết cuốn “Tâm lý
học y học” theo quan điểm phân tích tâm lý này); học thuyết y học tâm thần -
thực thể của Alexander; học thuyết thể tạng - sinh vật trong tâm thần học và
tâm lý học của Kretschner… Nhìn chung, các trường phái này chưa thấy hết
vai trò của yếu tố xã hội trong tâm lý, trong nhân cách con người.
1.4. Sự hình thành tâm lý y học duy vật
Quan điểm về sự thống nhất giữa tâm lý và thực thể chính là quan điểm
của học thuyết thần kinh chủ đạo trong khoa học. I.M.Xetrenop sau khi vận
dụng nguyên lý phản xạ vào hoạt động của não người đã đặt tiền đề cho sự
hình thành học thuyết phản xạ trong hoạt động tâm lý. Ông đã viết: “Mọi hành
động có ý thức và vô thức, xét về nguồn gốc nảy sinh, đều là phản xạ”.
I.P.Pavlop đã phát triển quan điểm của Xetrenop và đề ra phương pháp
phản xạ có điều kiện. Với phương pháp này, ông đã tìm ra quy luật cơ bản và
cơ chế hoạt động của não, khám phá ra vai trò của hệ thống tín hiệu thứ nhất
và hệ thống tín hiệu thứ hai. Pavlop cho rằng tâm lý là sự phản ánh các hiện
tượng của thế giới nội tâm. Ông yêu cầu tìm hiểu hoạt động của não về mặt
tâm lý và giải thích hoạt động đó về mặt sinh lý. Học thuyết thần kinh chủ đạo
là học thuyết tâm lý - thần kinh chủ đạo. Học thuyết này cũng khăng định vai
trò then chốt của ý thức trong hoạt động của con người.
Việc phát hiện ra những vùng chức năng khu trú ở vỏ não, như trung
khu vận động ngôn ngữ (Broca), trung khu cảm giác ngôn ngữ (Wernik); việc
ra đời những học thuyết mất thực dụng, mất nhận thức và quan điểm sinh học
lâm sàng đã góp phần chứng minh cho mối quan hệ mật thiết giữa tâm lý và
não. Những công trình nghiên cứu về cấu trúc chất xám, về chức năng của
não đã chứng minh não là cơ sở của tâm lý.
Cùng với sự ra đời của học thuyết hoạt động thần kinh cấp cao, sự xuất
hiện của học thuyết vỏ não - nội tạng những khám phá về hệ thần kinh thực
vật (Langioy, Heso), về hệ thống chức năng dưới vỏ, về vai trò của thể lưới
(Megoun, Moui)… đã đánh dấu sự tiếp cận ngày càng lớn giữa tâm lý học và
các khoa học tự nhiên.
Dựa vào học thuyết Mác - Lênin, chúng ta có thể nhận thức được đúng
đắn hoạt động tâm lý của con người với tư cách là một nhân cách, một chủ
thể của nhận thức. Theo Mác, nhân cách là sản phẩm của các quan hệ trong
xã hội loài người. V.I.Lênin đã coi thế giới nội tâm là thế giới khách quan
được di chuyển vào não người và được biến đổi ở trong đó. Rõ ràng là, tâm
lý học duy vật nghiên cứu hoạt động tâm lý con người “không chỉ với tư cách
là một khách thể mà còn là một chủ thể có ý thức” (V.I.Miaxcisep).
Từ khi tâm lý học có những bước tiến bộ như: các phòng thực nghiệm
tâm lý ra đời; tâm lý học được đưa vào nghiên cứu và giảng dạy trong các
trường đào tạo cán bộ y tế; sự phục hồi chức năng các tổn thương não do
các nhà tâm lý học tiến hành có kết quả tốt… thì tâm lý y học lại càng trở nên
quan trọng và là một bộ phận hữu cơ, không thể thiếu được của y học.
1.5. Một số quan niệm phương Tây về tâm lý y học
Ở phương Tây, đặc biệt ở Mỹ tuy đã hình thành quan điểm thừa nhận
con người là tượng trưng cho sự thống nhất giữa cơ thể và tâm hồn, song họ
lại quá nhấn mạnh vai trò của các yếu tố tâm lý trong bệnh sinh của tất cả các
bệnh, kể cả bệnh chức năng lẫn bệnh thực thể. Trong bất kỳ bệnh thực thể
nào, họ cũng cho yếu tố tâm lý lên hàng đầu, giữ vai trò chủ đạo, nghĩa là họ
cho tâm lý độc lập với thực tế lịch sử - xã hội và tâm lý là nguyên nhân hàng
đầu, là nền tảng cho mọi quá trình diễn ra trong cơ thể con người.
S.Freud là người có quan điểm duy tâm chủ quan đã chia nhân cách
con người thành ba lớp: lớp dưới cùng là vô thức; lớp trên là ý thức và lớp
trung gian ở giữa. Lớp trung gian làm nhiệm vụ kiểm duyệt, như một hàng rào
ngăn cách giữa lớp trên và lớp dưới. Lớp vô thức là nơi hội tụ các bản năng
có từ khi con người mới sinh ra và làm nhiệm vụ điều chỉnh toàn bộ đời sống
tâm lý con người. Nó chất chứa năng lượng tâm lý của những bản năng bị
dồn nén, bị lớp ý thức ở trên ngăn cản, không cho thực hiện, về sau, những
năng lượng này chuyển thành bệnh tật, mê tín, chiến tranh…
Bệnh tật, theo các nhà tâm lý thực thể, là hậu quả của sự xung đột giữa
hai nguyên lý thoả mãn, hiện thực và đã được định sẵn trong tâm lý con
ngưòi. Theo họ, tình trạng lo sợ, phẫn nộ, bị kiềm chế được biểu hiện trong
bệnh tim, bệnh ngoài da; nỗi buồn nhớ mẹ được biểu hiện trong hen phế
quản; xúc cảm cấp thấp được biểu hiện trong bệnh ỉa chảy; tính hà tiện, bủn
xỉn, lệ thuộc biểu hiện trong bệnh dạ dày, đường ruột… Các nhà tâm lý thực
thể còn cho rằng, phù hợp với mỗi loại nhân cách là một loại bệnh. Ví dụ,
những người phản ứng quá mức với ngoại cảnh hay bị bệnh loét dạ dày, đau
thắt ngực; những người phản ứng yếu, hay bị viêm đại tràng, viêm da, viêm
khớp; những người kiềm chế phản ứng, hay bị bệnh cao huyết áp, hen phế
quản, cường tuyên giáp, đau nửa đầu; những người thích mạo hiểm, hay bị
gẫy xương tứ chi; những người ham hiểu biết, hay bị tai nạn xe cộ và những
người không muốn đẻ, hay bị bệnh ung thư, bệnh nội tiết…
Freud đã đề xuất phương pháp điều trị bằng phân tích tâm lý. Theo
ông, khi phần vô thức đấu tranh với ý thức và lọt được qua tầng kiểm duyệt
thì nó được biểu hiện dưới các dạng tượng trưng như viết nhầm, nói sai,
hoặc được phản ánh trong các giấc mơ… Cho nên cần điều trị bệnh bằng
cách giải thích giấc mơ, giải thích ngôn ngữ tượng trưng, giải thích các liên
tưởng tự do, hoặc để bệnh nhân tự nói ra những ức chế, dồn nén của mình
trong giấc ngủ thôi miên… Theo các nhà tâm lý thực thể, đàm thoại với bệnh
nhân cũng có tác dụng điều trị, làm giảm căng thẳng, giải phóng phức hợp
độc hại khỏi ý thức và “trung hoà” chúng. Phân tâm học của Freud mang tính
tư biện nhiều hơn là khoa học song hiện nay khuynh hướng này vẫn còn rất
thịnh hành ở nước ngoài và vẫn được phát triển song song các khuynh
hướng duy tâm khác.
2. ĐỐI TƯỢNG, NHIỆM VỤ CỦA TÂM LÝ HỌC Y HỌC
2.1. Vị trí, đối tượng nghiên cứu của tâm lý y học
Tâm lý học y học vừa là bộ phận của y học, vừa là bộ phận của tâm lý
học. Về đối tượng nghiên cứu và vị trí của tâm lý học y học, cho đến nay vẫn
còn nhiều ý kiến khác nhau. Có thể tóm tắt những ý kiến khác nhau này thành
các nhóm sau:
- Nhiệm vụ chủ yếu của tâm lý y học là cung cấp những tri thức tâm lý
học đại cương và trên cơ sở đó, vận dụng vào y học. Điều này là hoàn toàn
cần thiết, song thực tế, không phải ai cũng làm được như vậy.
- Nội dung của tâm lý y học là phân tích về mặt tâm lý bản chất các
bệnh thần kinh (theo Ekpechiep). Nếu theo quan điểm này thì giới hạn của
tâm lý y học rất hẹp, chỉ là môn học trong đào tạo những bác sỹ tâm thần
kinh.
- Tâm lý y học chính là bệnh học tâm thần đại cương. Nếu như vây, thì
đối tượng của tâm lý y học là nghiên cứu các bệnh tâm thần và tâm lý y học là
bộ phận hẹp của tâm thần học.
- Đối tượng của tâm lý y học là nghiên cứu những đặc điểm tâm lý
ngưòi bệnh và ảnh hưởng của những đặc điểm đó lên sức khoẻ và bệnh tật,
là sự đảm bảo một hệ thống tối ưu các ảnh hưởng tâm lý có mục đích. Quan
niệm này đúng, song chưa phải đã bao quát hết những vấn đề của tâm lý y
học.
- Ngoài những quan điểm trên, có tác giả còn quan niệm rộng hơn: tâm
lý y học bao gồm cả tâm lý học đại cương, tâm lý bệnh học và bệnh học tâm
thần.
Chúng tôi cho rằng, trước khi tìm hiểu những vấn đề cơ bản của tâm lý
y học, chúng ta cần phải hiểu được tâm lý là gì; những quy luật cơ bản nào
chi phối các quá trình, trạng thái, thuộc tính tâm lý; cấu trúc nhân cách gồm
những yếu tố nào… Nghĩa là phần mở đầu, làm cơ sở cho tâm lý y học phải
là những nét cơ bản của tâm lý học đại cương.
Phần chủ yếu nhất của tâm lý y học là tâm lý học người bệnh, trước hết
là tâm lý học người bệnh thực thể (người bị các bệnh nội khoa, ngoại khoa,
da liễu v.v… và không bị rối loạn tâm thần). Đối tượng nghiên cứu của tâm lý
học người bệnh là căn nguyên tâm lý của bệnh; hình ảnh lâm sàng bên trong
của bệnh, ý thức bệnh; mối quan hệ tương hỗ giữa trạng thái tâm lý, nhân
cách người bệnh và bệnh tật; mối quan hệ giữa tâm lý người bệnh và những
yếu tố tác động vật lý, xã hội của môi trường…
Quan hệ chặt chẽ với tâm lý học người bệnh là tâm lý học thầy thuốc.
Đối tượng nghiên cứu của tâm lý học thầy thuốc là những vấn đề về luân lý,
đạo đức y học, những vấn đề về lao động nghề nghiệp, hoạt động giao tiếp
của người thầy thuốc, những tác động độc hại của nghề y… Đặc biệt, tâm lý
học thầy thuốc tập trung nghiên cứu về phẩm chất nhân cách người thầy
thuốc như năng lực hoạt động, các phẩm chất tâm lý, uy tín và những thiếu
sót… của người thầy thuốc.
Ngoài ra, trong tâm lý học y học còn phát triển những bộ phận chuyên
đi sâu nghiên cứu những phần cụ thể của tâm lý người bệnh và tâm lý ngươi
nhân viên y tế, như đi sâu phân loại các rối loạn hoạt động tâm lý (tâm lý bệnh
học), nghiên cứu tâm lý những bệnh nhân tổn thương não (tâm lý học thần
kinh); nghiên cứu các liệu pháp tâm lý; nghiên cứu tâm lý trong giám định;
nghiên cứu về stress tâm lý và vệ sinh tâm lý…
Đúng là cho đến nay, những quan niệm về đối tượng, phạm vi nghiên
cứu của tâm lý y học còn chưa được thống nhất, song những bộ phận cơ bản
của nó ít nhiều cũng đã được hình thành. Chúng ta đồng ý rằng, tâm lý y học
là khoa học nghiên cứu tâm lý người bệnh, tâm lý nhân viên y tế trong hoạt
động phòng và chữa bệnh, góp phần không ngừng nâng cao sức khoẻ thể
chất, tâm lý cho con người.
Ngày nay, khi mà khoa học, công nghệ phát triển như vũ bão, khi mà
nền y học đang trên đà kỹ thuật hoá, thì sự cách ly giữa người bệnh và nhân
viên y tế ngày càng thêm rộng. Lúc này, tâm lý y học - bộ phận thực hành của
tâm lý học vận dụng vào y học - càng trở nên quan trọng trong công tác đào
tạo cán bộ y tế. Một nền y học thực sự nhân đạo là nền y học đảm bảo cho
cán bộ y tế không chỉ có tri thức về thực thể người bệnh, mà còn có cả những
tri thức về nhân cách người bệnh và đảm bảo cho sức khoẻ con người được
chăm sóc một cách toàn diện, cả về sức khoẻ thực thể lẫn sức khoẻ tâm lý.
2.2. Nhiệm vụ của tâm lý y học
2.2.1. Nhiệm vụ nghiên cứu tâm lý người bệnh
- Nghiên cứu những biểu hiện tâm lý của bệnh.
- Vai trò tâm lý trong phát sinh, phát triển của bệnh.
- Ảnh hưởng của bệnh đối với tâm lý.
- Sự khác nhau giữa tâm lý thường và tâm lý bệnh.
- Những tác động của yếu tố tự nhiên, xã hội lên tâm lý người bệnh.
- Vai trò của tâm lý trong điều trị.
- Vai trò của tâm lý trong phòng bệnh và củng cố sức khoẻ.
2.2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu tâm lý nhân viên y tế
- Nghiên cứu những phẩm chất nhân cách người nhân viên y tế.
- Y đức học và những phẩm chất đạo đức người nhân viên y tế.
- Hoạt động giao tiếp của người nhân viên y tế…
2.2.3. Một số nhiệm vụ chung
- Nguyên tắc, phương pháp nghiên cứu tâm lý trong lâm sàng.
- Các trắc nghiệm tâm lý học.
- Những vấn đề tâm lý học trong giám định lao động, quân sự, pháp y…
2.3. Nội dung của tâm lý y học
Nội dung của tâm lý y học bao gồm các vấn đề cơ bản sau:
- Những quy luật cơ bản về tâm lý người bệnh, tâm lý nhân viên y tế,
tâm lý giao tiếp, không khí tâm lý trong các cơ sở điều trị.
- Học thuyết về sự tác động tương hỗ giữa tâm lý và thực thể.
- Tác động tâm lý của các yếu tố tự nhiên, xã hội của môi trường.
- Học thuyết về nhân cách.
- Y đức và những phẩm chất đạo đức của người nhân viên y tế.
- Nguyên tắc, phương pháp nghiên cứu tâm lý trong lâm sàng.
- Một số vấn đề tâm lý học trong giám định lao động, quân sự, pháp y…
2.4. Cấu trúc tâm lý học y học
Tâm lý học y học gồm các phần chính như sau:
- Đại cương tâm lý học y học.
- Một số nét cơ bản về tâm lý con người.
- Tâm lý học người bệnh.
+ Tâm lý học bệnh sinh (tâm lý học bệnh tật).
+ Tâm lý học môi trường người bệnh.
- Tâm lý học thầy thuốc, luân lý và đạo đức y học.
- Hoạt động giao tiếp của người nhân viên y tế.
- Tâm lý liệu pháp, liệu pháp phục hồi sức khoẻ.
- Stress và vệ sinh tâm lý.
- Một số vấn đề tâm lý học trong giám định.
- Một số vấn đề về tâm lý học thần kinh và tâm lý bệnh học.
- Tâm lý học chẩn đoán và một số trắc nghiệm tâm lý trong lâm sàng.
Trên cơ sở cấu trúc này, tùy yêu cầu cần tìm hiểu, tùy quỹ thời gian cho
phép mà chúng ta xây dựng những chương trình nghiên cứu phù hợp.
3. Ý NGHĨA TÂM LÝ Y HỌC VỚI HOẠT ĐỘNG CỦA NHÂN VIÊN Y TẾ
Sự tiến bộ của nền y học hiện đại được đặc trưng bằng sự phát triển
của hai khuynh hướng: một mặt đi sâu nghiên cứu cơ chế của bệnh; một mặt
khác, nghiên cứu người bệnh một cách toàn diện, trong mối quan hệ tương
hỗ giữa thế giới bên trong và thế giới bên ngoài. Kết quả của sự phát triển
này là làm nẩy sinh nhiều chuyên khoa y học mới, trong đó có tâm lý học y
học. Đây là một chuyên khoa y học cơ sở, cần thiết cho tất cả các nhân viên y
tế.
Con người khi bị bệnh, tâm lý ít nhiều đều bị biến đổi do tác động của
bệnh tật và ngược lại, tâm lý không bình thưòng là một trong những nguyên
nhân phát sinh, phát triển của bệnh tật.
Trong một số trường hợp, chỉ cần phân tích kỹ về mặt tâm lý lời đàm
thoại của người bệnh cũng phát hiện được sự khởi đầu của một bệnh ác tính.
Cũng có khi những biến đổi tâm lý che lấp cả triệu chứng lâm sàng của bệnh
thực thể. Thực tế cho thấy, có tới 50% bệnh nhân nội khoa phản ánh bệnh tật
chủ yếu bằng những lời than phiền và những thay đổi tâm lý trước khi có
những biểu hiện biến đổi quan trọng về thực thể.
Một số bệnh nhân, nếu để họ biết mình bị những bệnh nghiêm trọng
như: giang mai, lao, ung thư, nhiễm HIV (Human Immunodefiency Vius)…, rất
có thể họ bị sang chấn tâm lý mạnh, thậm chí dẫn đến hành vi tự sát.
Có những bệnh nhân tuy mắc bệnh nhưng không đi khám và chữa
bệnh, vì họ e thẹn (thường gặp ở những người có tính cách trầm, kín đáo),
hoặc vì chủ tâm giấu bệnh… Ngược lại, có những người cường điệu bệnh tật,
giả vờ mắc bệnh. Một bệnh viện của quân đội Liên Xô cũ tổng kết, trong số
178 bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm vì có dấu hiệu bụng ngoại khoa điển hình,
có những bệnh nhân đã được phẫu thuật, song trong đó chỉ có 12 người bị
bệnh tâm thần.
Nhiều khi yếu tố tâm lý là nguồn gốc của các bệnh thực thể (như các
bệnh cao huyết áp, đau thắt ngực, loét dạ dày, hen phế quản, exzema…),
hoặc là yếu tố làm cho bệnh bùng phát. Cho nên tìm hiểu yếu tố tâm lý trong
tiền sử bệnh là rất quan trọng để ngăn ngừa bệnh tật cho người bệnh.
Quang cảnh bệnh viện, thái độ của nhân viên y tế, cách thăm khám lâm
sàng, các thao tác kỹ thuật và đặc biệt các cuộc phẫu thuật có ảnh hưởng rất
lớn đến trạng thái tâm lý người bệnh. Thực tế chúng ta đã gặp những cơn
choáng xúc cảm, thậm chí dẫn đến tử vong. Có người thủng ổ loét dạ dày do
quá lo lắng trước khi mổ. Petrop, một nhà ngoại khoa, đã nói: cần phải chuẩn
bị tâm lý cho bệnh nhân trước cuộc mổ như chuẩn bị tâm lý cho người lính
trước khi ra trận. Cho nên thầy thuốc phải biết được trạng thái tâm lý và nhân
cách người bệnh.
Dưới tác động của bệnh, trạng thái tâm lý, nhân cách người bệnh đôi
khi thay đổi hẳn, đặc biệt trong các bệnh nặng, kéo dài. Trạng thái tâm lý
trước khi bị bệnh giữ vai trò quan trọng trong quá trình tiến triển của bệnh.
Thực tế có những người mang bệnh nặng, thậm chí tàn phế, nhưng khả năng
bù trừ về mặt tâm lý của họ lại rất lớn vì có ý chí và đạo đức cao. Tâm lý y
học cần đi sâu tổng kết những kinh nghiệm quý báu này.
Coi trọng yếu tố tâm lý trong điều trị là rất cần thiết, Các thầy thuốc thời
xưa coi lời nói giữ vị trí hàng đầu trong hệ thống các phương pháp điều trị.
Những lời khuyên của thầy thuốc chỉ trên cơ sở nắm vững đời sống, tình
trạng hiện tại và quá khứ của người bệnh. Lời khuyên phải bao gồm không
chỉ kế hoạch điều trị mà còn phải nói rõ cho người bệnh biết các nguyên nhân
hỗ trợ cho bệnh phát triển. Thầy thuốc phải giải thích rõ cho người bệnh: điều
trị chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho cơ thể trở lại bình thường, muốn khỏi bệnh
lâu dài và ngăn ngừa tái phát, không thể không loại trừ các nguyên nhân gây
ra nó, tức là giải thích cho người bệnh về vệ sinh cá nhân (Giakharin). Nhiều
nghiên cứu chứng tỏ rằng, thuốc có tác dụng tốt là nhờ sự đóng góp của cơ
chế ám thị. Năm 1920, Mudrop đã nói, điều trị thực ra, chính là điều trị người
bệnh. Những điều trên đây đã cho thấy, vấn đề tâm lý trong y học cần được
nghiên cứu một cách nghiêm túc.
Rõ ràng là, không có tri thức về tâm lý y học, không coi trọng trạng thái
tâm lý và nhân cách người bệnh thì không thể nói đến một nền y học tương
lai, tức là nền y học về vệ sinh cá nhân và phòng bệnh theo nghĩa rộng.
Xetrenop đã cho rằng, người thầy thuốc không những là chuyên gia về trạng
thái thực thể mà còn là chuyên gia về tâm lý cho người bệnh.
4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU TÂM LÝ Y HỌC
Những phương pháp nghiên cứu tâm lý y học được xây dựng trên cơ
sở các phương pháp nghiên cứu khoa học nói chung, trước hêt là các
phương pháp của tâm lý học và của y học. Những phương pháp thường dùng
là: quan sát, trò chuyện, phân tích sản phẩm, trắc nghiệm, thực nghiệm,
phương pháp chuyên gia, phương pháp mô hình hoá… Đặc biệt, để nghiên
cứu tâm lý người bệnh, tâm lý y học sử dụng phương pháp tâm lý lâm sàng.
Đây là phương pháp do trường phái Mudrop- Giakharin-Botkin đề xướng, bao
gồm các nội dung sau:
4.1. Phần mở đầu cuộc khám bệnh
Ngưòi thầy thuốc chú ý thu thập những thông tin về hành chính như:
tuổi, văn hoá, nghề nghiệp… và tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành
quan hệ giao tiếp, có ích cho việc thăm khám và điều trị đạt kết quả.
Trong phần kể bệnh, cần chú ý đến trạng thái chung, rối loạn giấc ngủ,
biến đổi khí sắc và trạng thái tâm lý của người bệnh.
Trong khai thác tiền sử bệnh, điều quan trọng là hỏi bệnh nhân về thời
điểm xuất hiện bệnh, sự bắt đầu và diễn biến ra sao, bệnh nhân tưởng tượng
ra hình ảnh lâm sàng của bệnh như thế nào, có suy nghĩ gì về nguyên nhân,
tiên lượng của bệnh… Chú ý khai thác tiền sử đời sống người bệnh để có cơ
hội thâm nhập vào thế giới nội tâm của họ. Qua đàm thoại, mối quan hệ giữa
thầy thuốc và bệnh nhân thêm sâu sắc, thầy thuốc hiểu đầy đủ hơn về tâm lý
người bệnh.
4.2. Phần khám các triệu chứng khách quan
Cần chú ý tìm hiểu đầy đủ trạng thái tâm lý, ý thức, hoạt động… của
người bệnh. Sơ bộ đánh giá mức độ phát triển trí tuệ, khí chất và những nét
tính cách chủ yếu, đặc biệt phải tìm hiểu khí sắc và phản ứng xúc cảm của
người bệnh.
Cần tiến hành các trắc nghiệm và thực nghiệm tâm lý chuyên biệt để bổ
sung cho các tài liệu nghiên cứu tâm lý.
4.3. Phần kết luận
Trong phần kết luận, ngoài các chẩn đoán về bệnh tật, cần có các chẩn
đoán về nhân cách, về trạng thái tâm lý của người bệnh. Xem nhân cách
người bệnh hướng nội hay hướng ngoại, kiểu khí chất chính của họ ra sao.
Cần xác định hình ảnh lâm sàng bên trong của bệnh, trạng thái tâm lý người
bệnh trong mối tương quan với bệnh tật và hoàn cảnh mắc bệnh. Trên cơ sở
đó, thầy thuốc đề ra nghệ thuật giao tiếp, kế hoạch tâm lý liệu pháp, vệ sinh
tâm lý… với người bệnh.
Tóm lại, tâm lý học y học nghiên cứu những vấn đề về tâm lý người
bệnh, tâm lý thầy thuốc, tâm lý bệnh học… bằng những phương pháp đặc
trưng của mình. Nó có cơ sở phương pháp luận là những quan điểm duy vật
biện chứng và học thuyết thần kinh chủ đạo. Tâm lý học y học thực sự cần
thiết cho một nền y học hiện đại. Chỉ những người thầy thuốc vừa có đầy đủ
tri thức về y học thực thể, vừa có những hiểu biết sâu sắc về tâm lý y học mới
có thể phòng bệnh, chữa bệnh một cách toàn diện và có hiệu quả.
Phần 1. HIỆN TƯỢNG TÂM LÝ VÀ KHOA HỌC TÂM LÝ
Chương 1. TÂM LÝ HỌC LÀ KHOA HỌC NGHIÊN CỨU CÁC HIỆN
TƯỢNG TÂM LÝ
1. KHÁI NIỆM CHUNG VỀ HIỆN TƯỢNG TÂM LÝ
1.1. Bản chất của hiện tượng tâm lý
Trong đời sống hàng ngày, chúng ta thường gặp những lời nhận xét
như: chị này tâm lý lắm, anh kia không tâm lý tý nào… Chữ “tâm lý” dùng ở
đây có thể mới được hiểu theo nghĩa hẹp, để chỉ thái độ, cách cư xử… của
con người. Để hiểu chính xác và khoa học tâm lý là gì, từng hiện tượng tâm lý
nẩy sinh và phát triển ra sao, vận hành theo quy luật nào…, loài người đã
phải trải qua một thời gian dài nghiên cứu, thể nghiệm; đã phải chứng kiến
biết bao cuộc đấu tranh quyết liệt giữa các khuynh hướng khác nhau.
1.1.1. Tâm lý là bản chất của vật chất cấp cao
Đây là chủ đề tập trung sự đấu tranh gay gắt, lâu dài giữa những quan
điểm duy tâm và duy vật. Chủ nghĩa duy tâm cổ đại cho rằng, hiện tượng tâm
lý là bản chất siêu hình đặc biệt của sinh vật và được gọi là linh hồn. Theo
nhà triết học duy tâm cổ đại Hy Lạp là Platon (427-347 trước công nguyên),
linh hồn là siêu hình và độc lập với thể xác; con người sống được là nhờ linh
hồn liên hệ với thể xác. Khi con người sống, linh hồn là nguyên nhân sinh ra
các quá trình sống của cơ thể và nó truyền đạt tất cả các hiện tượng tâm lý
vốn có của con người. Nếu không có sự điều khiển của linh hồn, thì con
người không tồn tại. Khi ngưòi ta chết đi, linh hồn lìa khỏi xác, bay về cõi “niết
bàn” và mãi mãi tồn tại. Các nhà duy tâm khách quan cho rằng, thế giới ý
niệm sinh ra vạn vật, sinh ra thế giới vật chất. Còn các nhà duy tâm chủ quan,
như G. Berkeley (1685 - 1753) cho rằng, vốn dĩ không có thế giới vật chất,
những vật chất cụ thể là do cảm giác của con người mà có. Thuyết “linh hồn”
của Platon ở phương Tây, thuyết “tâm” của đạo Khổng ở phương Đông đều
tuyệt đối hoá thuộc tính tinh thần của tâm lý, hoàn toàn tách biệt tâm lý khỏi
vật chất.
Những người theo trường phái “nhị nguyên luận” như Descartes (1596
- 1650), đã dùng khái niệm phản xạ để giải thích các hoạt động cơ bắp đơn
giản của động vật, của con người và cho rằng những hoạt động chủ định, có
ý thức của con người là do linh hồn (ông gọi là “lý tính tối cao”) điều khiển.
Theo J. Lock (1632 - 1704), tâm lý con người là những kinh nghiệm. Kinh
nghiệm bên ngoài do tác động bên ngoài vào giác quan mà có; kinh nghiệm
bên trong được sinh ra từ “ý thức bên trong”, tự nó hoạt động, chỉ tự nó mới
biết được nó. Quan niệm nhị nguyên luận là sự biến dạng của chủ nghĩa duy
tâm.
Đối lập với quan điểm của chủ nghĩa duy tâm là chủ nghĩa duy vật.
Theo họ, trong vũ trụ bao la chỉ có vật chất là tồn tại mãi mãi và luôn luôn biến
đổi (vận động và phát triển), với những tính chất muôn hình, muôn vẻ. Tâm lý
không tồn tại ngoài vật chất. Song những nhà duy vật cổ đại lại coi tâm lý là
một thứ vật chất, do vật chất khác như nước, lửa, không khí… tạo ra
(Democritos). Aristot (384 - 322 trước công nguyên) có quan điểm tiến bộ
hơn, đã cho rằng, tinh thần chỉ là một chức năng của thân thể, như thị giác là
chức năng của mắt. Một số nhà duy vật Trung Quốc thời kỳ này đã dùng
thuyết ngũ hành (kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ) để giải thích nguồn gốc vật chất.
Tuấn Tử (vào những năm 315 - 230 trước công nguyên) cho rằng, thân thể
con người sinh ra tinh thần và cái tốt, cái xấu… đều nằm trong thân thể con
người. Các nhà duy vật Pháp và các nhà duy vật Đức trước đây đã quan
niệm một cách máy móc siêu hình rằng, hoạt động tâm lý cũng là một quá
trình vật chất; óc người in hình sự vật bên ngoài giống như chiếc khuôn bằng
sáp; tâm lý phản ánh hiện thực khách quan thụ động, giống như chiếc gương
soi. Spinoza (1632 - 1667) cho rằng tất cả vật chất đều có tư duy. Lameltrie
(1702 - 1751) đã thừa nhận, vật chất tồn tại độc lập; chỉ cơ thể mới có cảm
giác và con người chẳng qua chỉ là cái máy đồng hồ. Thậm chí, có tác giả lại
cho rằng, não tiết ra tâm lý cũng như gan tiết ra mật…
Gần đây, những quan điểm duy tâm, duy vật máy móc, siêu hình về
hiện tượng tâm lý vẫn tồn tại và được các nhà tâm lý học mới biến tướng
dưới nhiều dạng khác nhau, tinh vi hơn và hấp dẫn hơn.
L.Feurbach (1804 - 1872) là nhà duy vật lỗi lạc trước khi chủ nghĩa Mác
ra đời đã khẳng định, tinh thần, ý thức không thể tách rời não người - một thứ
vật chất phát triển tới mức cao nhất.
Các nhà duy vật biện chứng đã có những quan điểm đúng đắn về bản
chất vật chất của tâm lý. Họ cho rằng, tâm lý là biểu hiện bản chất của vật
chất, là sản phẩm dưới dạng đặc biệt của vật chất có tổ chức cao là bộ não.
Sự phát triển của tâm lý luôn luôn liên hệ mật thiết với sự phát triển của hệ
thống thần kinh. Thế giới vật chất luôn luôn vận động và phát triển. Lúc đầu là
thể vô cớ, sau đó phát triển thành thể hữu cơ, thành nguyên sinh chất. Sự
phát triển của nó cứ tiếp tục, ngày càng phức tạp, hoàn chỉnh thêm và cuối
cùng thành sự phản ánh thế giới khách quan của những sinh vật có hệ thần
kinh, có não bộ. Mặt khác, sự phản ánh của sinh vật với thế giới xung quanh
cũng ngày càng phát triển và hoàn thiện. Những sinh vật đầu tiên chỉ có bản
tính kích thích. Từ bản tính này, trong quá trình phát triển ngày càng phức tạp
của cơ thể, sinh vật luôn luôn biến đổi để thích ứng với hoàn cảnh xung
quanh và do đó cảm giác của chúng được phát triên. Đây chính là sự bắt đầu
của phản ánh tâm lý. Lúc đầu là những cảm giác mang tính chung chung, đơn
giản, sau đó phát triển thành những cảm giác chuyên biệt (thị giác, thính giác,
xúc giác…). Những sinh vật càng tiến hoá, hoạt động càng phức tạp thì phản
ánh tâm lý của chúng càng phong phú và hoàn thiện, với những hình thức
như: tưỏng tượng, tư duy, xúc cảm, tình cảm… Ý thức là hình thức phản ánh
tâm lý cao nhất, chỉ có ở người.
1.1.2. Tâm lý có bản chất là phản xạ
Hệ thần kinh động vật hoạt động theo cơ chế phản xạ. Những phản xạ
này bao gồm các phản xạ không điều kiện và có điều kiện. Cơ chế hoạt động
cấp cao của hệ thần kinh, của vỏ não là phản xạ có điều kiện. Hoạt động của
hệ thống thần kinh gắn liền với hoạt động nội tiết của cơ thể. Vỏ não là bản
chất thực tế vật chất của tâm lý. Như vậy, tất cả các hiện tượng tâm lý đều
mang tính chất phản xạ. Chúng phát sinh là để đáp lại những kích thích này
hay kích thích khác của thế giới bên ngoài hay bên trong cơ thể.
1.1.3. Tâm lý là sự phản ánh thế giới khách quan
Nội dung của tâm lý là sự phản ánh chủ quan thế giới khách quan. Sự
phản ánh này là muôn màu, muôn vẻ và phức tạp. Đây hoặc là sự phản ánh
bản thân sự vật, hiện tượng, từ những thuộc tính bên ngoài đến bản chất của
nó, bằng quá trình nhận thức cảm tính và lý tính; hoặc là sự phản ánh mối
quan hệ giữa sự vật, hiện tượng với sự thoả mãn hay không thoả mãn nhu
cầu của con người bằng những rung cảm, xúc cảm… Trong mối quan hệ qua
lại với thế giới xung quanh, con người không chỉ nhận cảm, suy nghĩ, nhớ lại
hoặc tưởng tượng ra, mà còn thực hiện những hành động khác nhau, gây
nên những biến đổi thế giới xung quanh để thoả mãn nhu cầu muôn hình,
muôn vẻ của mình. Những quá trình tâm lý phản ánh thế giới khách quan của
con ngưòi mang tính chủ thể và tích cực, thông qua sở thích, năng lực, nhu
cầu… của mỗi cá nhân, khác với sự phản chiếu thụ động của chiếc gương.
1.1.4. Tâm lý con người có bản chất xã hội, lịch sử
Đây là điểm khác nhau giữa tâm lý người và tâm lý động vật. Con
người khi sống trong xã hội loài người đã giao tiếp với nhau, cùng nhau lao
động và phát triển xã hội. Tâm lý con người phản ánh sự hình thành phát triển
của xã hội. Trong hoạt động, nhất là hoạt động lao động, con người chuyển
các hiện tượng tâm lý của mình vào những sản phẩm vật chất hoặc tinh thần.
Ngược lại, khi hoạt động với công cụ, với đồ vật con người bóc tách những
tinh tuý tâm lý mà loài người xã hội gửi gắm vào trong đó thành hiện tượng
tâm lý của riêng mình. Trong mỗi hiện tượng tâm lý của con người đều mang
đậm dấu ấn của xã hội mà con người đang sống và thay đổi theo lịch sử phát
triển xã hội mà con người đã trải qua. Không sống trong xã hội loài người
(như những người khi mới sinh đã bị động vật nuôi ở trong rừng), thì không
thể có tâm lý người.
Tham gia vào sự hình thành và phát triển tâm lý con người có những
yếu tố cơ bản sau: bẩm sinh, di truyền về mặt sinh vật hoặc truyền lại cho
nhau qua công cụ, đồ vật; hoạt động, giao tiếp; giáo dục và tự giáo dục; điều
kiện và hoàn cảnh sống…
Tóm lại, tâm lý con người là sự phản ánh chủ quan thế giới khách quan,
có cơ sở tự nhiên là hoạt động thần kinh và hoạt động nội tiết, được nẩy sinh
bằng những hoạt động sống của từng người và gắn bó với các quan hệ xã
hội, lịch sử.
1.2. Đặc điểm chung của hiện tượng tâm lý
Đời sống tâm lý vô cùng phong phú, muôn màu, muôn vẻ, song xem
xét một cách khái quát, chúng có chung những đặc trưng sau:
1.2.1. Tính chủ thể
Sự phản ánh tâm lý khác với sự phản ánh cơ giới và sinh vật ở chỗ,
bao giờ nó cũng mang dấu vết riêng của chủ thể phản ánh. Mỗi chủ thể phản
ánh tâm lý hiện thực khách quan đều thông qua kinh nghiệm, thái độ, cảm xúc
riêng của mình. Tính chủ thể khiến cho hiện tượng tâm lý ngoài cái chung ra,
còn luôn luôn mang màu sắc riêng của mỗi cá nhân.
1.2.2. Tính tổng thể của đời sống tâm lý
Không có hiện tượng tâm lý nào đứng riêng rẽ, không liên quan đến
các hiện tượng tâm lý khác. Đời sống tâm lý của cá nhân là toàn vẹn. Và mỗi
một hiện tượng tâm lý cũng mang tính toàn vẹn, chỉnh thể.
1.2.3. Sự thống nhất giữa hoạt động tâm lý bên trong và bên ngoài
Tâm lý là hiện tượng thuộc về thế giới bên trong. Song nó liên quan
chặt chẽ với thế giới bên ngoài qua những sự vật, hiện tượng của môi trường
bên ngoài mà nó phản ánh; qua bản thể vật chất của nó là bộ não và qua
những biểu hiện bên ngoài như hành vi, cử chỉ, ngôn ngữ, vẻ mặt, dáng
điệu… Chúng ta có thể thông qua những biểu hiện bên ngoài đó mà xét đoán
tâm lý bên trong.
1.3. Chức năng của hiện tượng tâm lý
Tâm lý con người phản ánh thế giới khách quan, song khi đã hình
thành, nó tác động trở lại thế giới hiện thực khách quan. Hiện tượng tâm lý
của con ngươi liên quan chặt chẽ với các hiện tượng khác trong đời sống,
như chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội… Cùng với các hiện tượng khác, hiện
tượng tâm lý giúp con người định hướng, điều khiển, điều chỉnh hoạt động
của mình, làm cho hoạt động thích nghi, cải tạo thế giới và hoạt động tự hoàn
thiện bản thân của con người ngày càng có hiệu quả.
1.4. Phân loại các hiện tượng tâm lý
Tuỳ theo những dấu hiệu dựa vào để phân loại mà chúng ta có thể chia
các hiện tượng tâm lý thành những nhóm khác nhau.
1.4.1. Chia theo thời gian tồn tại của các hiện tượng tâm lý
1.4.1.1. Các quá trình tâm lý
Bao gồm các hiện tượng tâm lý có mở đầu, có kết thúc và tồn tại trong
thời gian ngắn (vài giây hoặc vài giờ), như quá trình cảm giác, tri giác, tư duy,
trí nhớ, cảm xúc, ý chí…
1.4.1.2. Các trạng thái tâm lý
Bao gồm những hiện tượng tâm lý diễn ra không có khởi đầu và kết
thúc, thường tồn tại trong thời gian tương đối dài (vài chục phút, hàng tháng)
và làm phông, làm nền cho các hiện tượng tâm lý khác diễn ra, như trạng thái
lo âu, băn khoăn, lơ đãng, buồn phiền, chú ý…
1.4.1.3. Các thuộc tính tâm lý
Bao gồm những hiện tượng tâm lý hình thành trong thời gian tương đối
dài, tạo nên những nét riêng, đặc trưng cho mỗi cá nhân và chi phối những
hiện tượng tâm lý khác. Ví dụ như, những thụộc tính tâm lý tạo nên xu
hướng, khí chất, tính cách, năng lực… của con người.
1.4.2. Chia theo dấu hiệu của từng người hay nhóm người, bao
gồm:
1.4.2.1. Những hiện tượng tâm lý cá nhân.
1.4.2.2. Những hiện tượng tâm lý xã hội như dư luận xã hội, tập
quán,mốt…
1.4.3. Chia theo chức năng các hiện tượng tâm lý
1.4.3.1. Các hiện tượng tâm lý vận động - cảm giác như thị giác, thính
giác, sự co duỗi của tay, chân…
1.4.3.2. Trí tuệ, bao gồm các quá trình tiếp nhận và sử dụng tri thức
như cảm giác, tri giác, tư duy, trí nhớ…
1.4.3.3. Nhân cách, bao gồm các thuộc tính tâm lý quy định hành vi, giá
trị xã hội của con người…
1.4.4. Chia theo mức độ nhận biết của chủ thể
Căn cứ vào những hiện tượng tâm lý được chủ thể nhận biết đến đâu,
có thể chia các hiện tượng tâm lý thành ba nhóm:
1.4.4.1. Ý thức, bao gồm những hiện tượng tâm lý được nhận biết. Ví
dụ như, biết mình đang suy nghĩ, đang tri giác, hoặc đã nhớ đến điều gì đó…
Đây còn gọi là những hiện tượng tâm lý có ý thức.
1.4.4.2. Vô thức, bao gồm những hiện tượng tâm lý của bản thân mà
không được cá nhân nhận biết, như giấc mơ, bản năng tự vệ…
1.4.4.3. Tiền ý thức, bao gồm những hiện tượng tâm lý ở giữa vùng ý
thức và vô thức, hay còn gọi là hoạt động tiền ý thức. Ví dụ như giấc mơ báo
hiệu bệnh tật nếu con người trong trạng thái tỉnh táo thì những kích thích từ ổ
bệnh còn ở mức dưới ngưỡng, chưa đủ để báo thành bệnh.
2. MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ KHOA HỌC TÂM LÝ
2.1. Sơ lược lịch sử tâm lý học
Tư xa xưa, chỉ bằng quan sát và tự thể nghiệm, con ngươi đã có biết
bao nhận xét tinh vi, sâu sắc về hiện tượng tâm lý. Tất nhiên những cách lý
giải, mô tả lúc bấy giờ mới chỉ là những hiểu biết kinh nghiệm chủ nghĩa.
Trong lịch sử hình thành những quan niệm về hiện tượng tâm lý cũng như về
đối tượng của tâm lý học, luôn luôn bị những triết học khác nhau chi phối.
Những khái niệm tâm, thiện, ác, linh hồn… được chủ nghĩa duy tâm gán cho
tâm lý vẫn tồn tại cho đến ngày nay và vẫn được nhiều người thừa nhận.
Những quan niệm này mang tính thần bí, không khoa học.
Tác phẩm “Bàn về linh hồn” của Aristot được coi là tác phẩm đầu tiên
của tâm lý học. Song trong thời kỳ này, do khoa hoc tự nhiên và triết học duy
vật còn thô sơ nên con người chưa giải thích được những hiện tượng tâm lý
phức tạp như ý thức, tính cách, tư duy…
Từ thế kỷ XVII, các khoa học tự nhiên (cơ học, hình học, hoá học, sinh
lý học…) phát triển mạnh. Những quan sát của các khoa học này đã chỉ ta
mối quan hệ giữa hiện tượng tâm lý và môi trường bên ngoài. Song ở thế kỷ
XVII, XVIII, các quan điểm cơ giới trong khoa học rất thịnh hành và đã ảnh
hưởng lớn đến cách xem xét các hiện tượng của thế giới, trong đó có hiện
tượng tâm lý. Một loạt khái niệm khoa học và phi khoa học đã nẩy sinh trong
thời kỳ này, như khái niệm về phản xạ, về “lý tính tối cao”, về tâm lý học kinh
nghiệm, về sự nẩy sinh hiện tượng tâm lý một cách tự nhiên từ vật chất…
Đến thế kỷ XIX, thuyết tiến hoá sinh vật của Darwin ra đời, đã góp phần
giải thích nguyên nhân nẩy sinh, phát triển hiện tượng tâm lý từ thấp đến cao,
kể cả hành vi bản năng. Sự phát triển của sinh lý học giác quan và sinh lý học
bộ não đã chứng minh mối quan hệ giữa hiện tượng tâm lý với hoạt động của
não và của toàn cơ thể. Khoa học tự nhiên phát triển đã góp phần tích cực
vào sự hình thành và phát triển các khoa học về tinh thần. Dựa vào các khoa
học đó, người ta đi sâu nghiên cứu tâm lý động vật, tâm lý trẻ em, tâm lý
người chậm phát triển trí tuệ…
Cuối thế kỷ XIX, tâm lý học tách khỏi triết học thành khoa học riêng với
tính cách là một khoa học thực nghiệm và dùng phương pháp thực nghiệm,
mô tả của vật lý học và sinh lý học để nghiên cứu các hiện tượng tâm lý. Năm
1879, Wundt (nhà tâm lý học duy tâm Đức) đã lập ra phòng thí nghiệm tâm lý
đầu tiên trên thế giới (tại Leipzig). Sau đó nhiều nước khác như Nga, Anh,
Mỹ, Pháp… cũng lập ra các phòng thí nghiệm tâm lý và xây dựng các khoa
tâm lý học độc lập ở các trường đại học.
Cuộc khủng hoảng về phương pháp luận của tâm lý học truyền thống
đầu thế kỷ XX đã làm nẩy sinh nhiều trường phái tâm lý học. Có trường phái
dùng quan điểm sinh vật học để nghiên cứu tâm lý người, như tâm lý học
hành vi của Watson (1878 - 1958) và một số người khác. Họ cho rằng, hành
vi là vấn đề duy nhất, thực tế nhất. Họ coi hoạt động của người cũng giống
như của động vật. Mọi hoạt động, từ đơn giản đến phức tạp (như tư duy, tư
tưởng, tình cảm…) đều là những phản ứng của cơ thể nhằm đáp ứng với
những kích thích từ bên ngoài tác động vào. Nhiệm vụ của thuyết hành vi là
xác lập mối quan hệ trực tiếp giữa kích thích và phản ứng (S - R).
Tâm lý học Gestalt do Maxwertheimer và những người khác đề xướng
đã cho rằng, ý thức con người mang tính hoàn chỉnh, không thể phân chia
được. Tâm lý, ý thức như một cấu trúc trọn vẹn, được hình thành từ sự biến
động của “sự phân phối lực từ trường”.
Trường phái phân tâm học của Freud (1858 -1939) dựa trên quan điểm
duy tâm, đã quy tâm lý vào bản năng vô thức. Freud chia tâm lý thành ba
phần: Cái nó (là cái vô thức, gồm những bản năng) là phần quan trọng nhất,
thực chất nhất của tâm lý; Cái tôi, là các hoạt động nhằm thoả mãn các bản
năng vô thức; Cái siêu tôi hay là cái tôi lý tưởng, là sự ràng buộc của xã hội,
của đạo đức… Cái siêu tôi ngăn chặn, chèn ép cái tôi, tạo nên sự kiểm duyệt.
Những bản năng bị dồn nén, sinh ra năng lượng điều khiển hành vi hoặc sinh
ra bệnh tâm thần, sinh ra những mặc cảm tâm lý…
Còn nhiều trường phái tâm lý học khác hình thành trên cơ sở biến
tướng của các trưòng phái duy tâm chủ quan, duy tâm khách quan hoặc duy
vật máy móc, siêu hình… Các trường phái này hoặc là không thấy hết cơ sở
sinh lý thần kinh của các hiện tượng tâm lý hoặc là không xét đến bản chất xã
hội - lịch sử của tâm lý người…
Triết học Mác - Lênin đã tác động mạnh mẽ đến tâm lý học. Lý luận
phản ánh của các ông đã vạch ra nguồn gốc, bản chất của tâm lý, ý thức con
người đồng thời chỉ ra đối tượng, nhiệm vụ và phương pháp của tâm lý học
khoa học. Luận điểm duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác-Lênin đã khẳng
định tâm lý là chức năng của não và phải nghiên cứu tâm lý con ngươi trên
quan điểm xã hội - lịch sử.
Cùng với sự phát triển của các khoa học khác, tâm lý học ngày nay đã
lớn mạnh cả về lý thuyết lẫn thực hành. Nhiều chuyên ngành tâm lý học mới
ra đời (như tâm lý học lao động, tâm lý học thể thao, tâm lý học y học, tâm lý
học thương nghiệp…), một mặt nhằm phục vụ từng lĩnh vực hoạt động cụ thể
của con người, mặt khác giúp con người tiếp cận bản chất đích thực của hiện
tượng tâm lý nói chung và của tâm lý con người nói riêng tốt hơn. Có rất
nhiều khoa học nghiên cứu hiện tượng tâm lý và gắn bó chặt chẽ với tâm lý
học; bản thân các ngành của tâm lý học cũng gắn bó chặt chẽ với nhau,
nhằm làm cho việc nghiên cứu hiện tượng tâm lý ngày càng đáp ứng nhu cầu
thực tiễn hơn.
2.2. Đối tượng, nhiệm vụ của tâm lý học
2.2.1. Đối tượng nghiên cứu của tâm lý học là các hiện tượng tâm
lý
Tâm lý học nghiên cứu xem con người nhận thức thế giới bằng con
đường nào (cảm giác, tri giác, tư duy, tưởng tượng, hay nhớ lại…); thái độ,
cảm xúc, tình cảm… của con người đối với những cái mình thấy, những điều
mình nghĩ… ra sao; nghiên cứu xem trạng thái tâm lý, kỹ năng, kỹ xảo, ý chí,
hoạt động… của con người như thế nào; nghiên cứu tâm lý người, tâm lý
động vật; nghiên cứu tâm lý cá nhân, tâm lý xã hội…
Tâm lý học giới thiệu thế giới nội tâm bằng một hệ thống các khái niệm,
sự kiện, quy luật; cung cấp những tri thức cần thiết để con người nhận thức,
cải tạo thế giới tự nhiên, xã hội và chính bản thân con người.
2.2.2. Nhiệm vụ của tâm lý học
2.2.2.1. Nhiệm vụ chung của tâm lý học là nghiên cứu những quy luật
khách quan của các hiện tượng tâm lý, nghiên cứu những bản chất tâm lý cá
nhân và những đặc điểm tâm lý các hoạt động của con người.
2.2.2.2. Nhiệm vụ chủ yếu của các ngành tâm lý học chuyên biệt là:
Tâm lý học đại cương: nghiên cứu các quy luật chung nhất của tâm lý.
Tâm lý học cá nhân: nghiên cứu những đặc điểm tâm lý cá nhân.
Tâm lý học xã hội: nghiên cứu sự tác động qua lại giữa tâm lý nhóm và
tâm lý cá nhân.
Tâm lý học lứa tuổi: nghiên cứu đặc điểm tâm lý của các lứa tuổi.
Tâm lý học sư phạm: nghiên cứu tâm lý trong dạy học và giáo dục.
Tâm lý học lao động: nghiên cứu những đặc điểm tâm lý của hoạt động
lao động nhằm mục đích hợp lý hoá các loại hoạt động lao động và cải tiến tổ
chức dạy nghề.
Tâm lý học y học: nghiên cứu các đặc trưng tâm lý của người bệnh,
của nhân viên y tế trong phòng và chữa bệnh.
Ngoài ra tâm lý học còn đi sâu nghiên cứu đặc điểm tâm lý trong các
hoạt động cụ thể khác, tạo nên những ngành tâm lý học như: tâm lý học thể
thao, tâm lý học nghệ thuật, tâm lý học hình pháp, tâm lý học hàng không,
tâm lý học quân sự…
2.3. Phương pháp nghiên cứu của tâm lý học
2.3.1. Những nguyên lý cơ bản trong nghiên cứu hiện tượng tâm lý
- Nguyên lý về sự thống nhất giữa ý thức, nhân cách và hoạt động.
- Nguyên lý về cơ sở vật chất của hiện tượng tâm lý là hoạt động thần
kinh cấp cao và tâm lý người có bản chất xã hội - lịch sử.
- Nguyên lý về sự vận động, phát triển của các hiện tượng tâm lý.
- Nguyên lý về mối liên hệ thống nhất giữa các hiện tượng tâm lý với
nhau, giữa các hiện tượng tâm lý với các hiện tượng khác, giữa thế giới nội
tâm và thế giới thực tại khách quan…
2.3.2. Các phương pháp nghiên cứu tâm lý thường được sử dụng
Có rất nhiều phương pháp nghiên cứu các hiện tượng tâm lý như:
Phương pháp quan sát và tự quan sát.
Phương pháp đàm thoại, trò chuyện.
Phương pháp điều tra.
Phương pháp phân tích sản phẩm.
Phương pháp thực nghiệm (thực nghiệm tự nhiên và thực nghiệm trong
phòng thí nghiệm).
Phương pháp trắc nghiệm (test).
Phương pháp mô hình hoá.
Phương pháp chuyên gia…
Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm, nhược điểm nhất định. Tùy
từng đối tượng và khách thể nghiên cứu; tùy từng mục đích, điều kiện, hoàn
cảnh nghiên cứu… mà chúng ta chọn ra những hệ thống phương pháp thích
hợp.
Chương 2. NHẬN THỨC CẢM TÍNH
Hoạt động nhận thức thế giới khách quan của con người có những
mức độ khác nhau. Mức độ thấp là nhận thức cảm tính, bao gồm cảm giác và
tri giác. Mức độ cao là nhận thức lý tính, bao gồm tư duy và tưởng tượng.
Các quá trình nhận thức này quan hệ chặt chẽ với nhau, bổ sung cho nhau,
chi phối lẫn nhau trong một hoạt động nhận thức thống nhất của con người.
1. CẢM GIÁC
1.1. Khái niệm về cảm giác
Cảm giác là quá trình tâm lý phản ánh một cách riêng lẻ từng thuộc tính
của sự vật, hiện tượng khách quan khi chúng đang trực tiếp tác động vào giác
quan.
- Cảm giác là một quá trình phản ánh tâm lý có mở đầu, diễn biến (khi
sự vật, hiện tượng đang trực tiếp kích thích vào giác quan) và có kết thúc (khi
kích thích ngừng tác động).
- Mỗi sự vật, hiện tượng có nhiều thuộc tính khác nhau như hình dáng,
độ lớn, màu sắc… Khi những thuộc tính này trực tiếp tác động vào từng giác
quan riêng lẻ thì sẽ tạo ra những cảm giác riêng lẻ khác nhau.
Trong thực tế, mỗi sự vật, hiện tượng là một chỉnh thể, trọn vẹn, gồm
nhiều thuộc tính, cùng tác động vào con người. Do giới hạn của mình nên
cảm giác chỉ phản ánh được từng thuộc tính riêng lẻ và phản ánh một cách
trực tiếp những thuộc tính của sự vật, hiện tượng.
Tuy là hiện tượng tâm lý sơ đẳng, song cảm giác là nền tảng của nhiều
hoạt động tâm lý khác của cả người và động vật. Với con vật, cảm giác là
hình thức định hướng cao nhất trong môi trường. Còn với con người, cảm
giác chỉ là hình thức định hướng đầu tiên, song nó đã giúp đỡ tích cực con
người trong việc điều khiển, điều chỉnh hoạt động trong môi trường.
Giác quan của một số loài vật phản ánh khá tinh vi và nhạy bén, như
mắt của chim đại bàng, tai của dơi… Giác quan của con người qua quá trình
phát triển lâu dài, qua rèn luyện, nhờ kinh nghiệm, vốn sống và hoạt động
nghề nghiệp mà không ngừng hoàn thiện, trở nên tinh vi và nhạy bén hơn
nhiều so với giác quan của các loài vật.
1.2. Phân loại cảm giác
Dựa trên những tiêu chuẩn khác nhau mà chúng ta có những cách
phân loại cảm giác khác nhau. Căn cứ vào vị trí của nguồn kích thích và của
bộ máy thụ cảm, người ta chia thành hai loại hệ thống: cảm giác bên ngoài và
cảm giác bên trong cơ thể.
1.2.1. Cảm giác bên ngoài
Là những cảm giác phản ánh những thuộc tính của thế giới bên ngoài
và do những bộ máy thụ cảm ở mặt ngoài cơ thể thu nhận, bao gồm:
1.2.1.1. Cảm giác nhìn (thị giác)
Loại cảm giác này cho ta biết những thuộc tính về hình dáng, độ lớn,
màu sắc… của đối tượng. Nó cung cấp tới 90% lượng thông tin mà con người
thu nhận được từ tất cả các giác quan.
1.2.1.2. Cảm giác nghe (thính giác)
Là những cảm giác cho biết những thuộc tính như độ cao, cường độ…
âm thanh của đối tượng.
1.2.1.3. Cảm giác ngửi (khứu giác)
Là những cảm giác cho biết thuộc tính mùi của đối tượng.
1.2.1.4. Cảm giác nếm (vị giác)
Loại cảm giác này cho biết những thuộc tính vị của đối tượng. Có bốn
loại thuộc tính nếm cơ bản là chua, cay, mặn, đắng. Sự kết hợp của 4 loại này
sẽ tạo nên sự đa dạng của vị giác.
1.2.1.5. Cảm giác da (xúc giác)
Là cảm giác cho biết các thuộc tính cơ học hoặc nhiệt độ của đối
tượng. Có 3 loại cảm giác da: cảm giác tiếp xúc da (đụng chạm, nén, rung
động, ngứa); cảm giác nhiệt độ (nóng, lạnh) và cảm giác đau.
1.2.2. Cảm giác bên trong
Là những cảm giác phản ánh trạng thái của các cơ quan nội tạng và do
các bộ máy thụ cảm ở bên trong cơ thể nhận kích thích, bao gồm:
1.2.2.1. Cảm giác vận động (cảm giác gân, cơ, khớp)
Là những cảm giác về sự vận động, về vị trí từng bộ phận của thân thể,
phản ánh độ co, duỗi của cơ, của dây chằng và khớp xương… cảm giác này
cùng với những cảm giác bên ngoài, cho ta biết những thuộc tính như: rắn,
mềm, khối lượng, co giãn, xù xì, trơn nhẵn… của đối tượng.
1.2.2.2. Cảm giác thăng bằng
Cảm giác này phản ánh vị trí của thân thể trong không gian, nhờ sự
kích thích vào các khí quan thụ cảm của bộ máy tiền đình.
1.2.2.3. Cảm giác cơ thể (cảm giác bản thể)
Đây là những cảm giác phản ánh tình trạng của các cơ quan nội tạng
của con người như cảm giác đau, đói, no, khát, buồn nôn và các cảm giác về
hô hấp, tuần hoàn, gan mật, cơ bắp…
1.3. Những thuộc tính chung của các cảm giác
Ngoài những đặc tính riêng, cảm giác còn có các thuộc tính chung:
1.3.1. Dạng thức của cảm giác
Các dạng thức này được dùng để phân biệt các loại cảm giác (ví dụ
nhìn màu, ngửi mùi) và để phân biệt sự biến đổi trong phạm vi từng loại cảm
giác (ví dụ cảm giác nếm mặn hay nhạt, ngọt hay đắng…).
1.3.2. Cường độ
Đây là thuộc tính phản ánh sức mạnh của kích thích và trạng thái của
bộ máy thụ cảm, ví dụ tùy cường độ cảm giác khác nhau mà ta nhìn đồ vật có
độ rõ ràng khác nhau…
1.3.3. Thời hạn duy trì cảm giác, vị trí không gian của kích thích…
1.4. Một số quy luật cơ bản của cảm giác
1.4.1. Quy luật ngưỡng, mối quan hệ giữa ngưỡng và độ nhạy cảm
Mỗi giác quan được chuyên biệt hóa để phản ánh một dạng kích thích
phù hợp, ví dụ mắt phản ánh các sóng ánh sáng, tai phản ánh các sóng âm
thanh… Song không phải mọi kích thích khi đã tác động vào giác quan tương
ứng đều gây ra cảm giác. Muốn gây nên cảm giác, kích thích phải đạt tới một
giới hạn nhất định. Giới hạn mà ở đó kích thích gây ra được cảm giác gọi là
ngưỡng cảm giác. Có hai loại ngưỡng cảm giác:
1.4.1.1. Ngưỡng tuyệt đối
Bao gồm ngưỡng tuyệt đối phía dưới (là cường độ hoặc tính chất kích
thích tối thiểu đủ gây ra cảm giác) và ngưỡng tuyệt đối phía trên (là cường độ
hoặc tính chất kích thích tối đa mà ở đó vẫn còn gây ra cảm giác tương ứng).
Phạm vi giữa ngưỡng dưới và ngưỡng trên gọi là vùng cảm giác, trong đó có
vùng phản ánh tốt nhất. Ví dụ, với cảm giác nhìn, ngưỡng dưới là sóng ánh
sáng có bước sóng 390 mM và ngưỡng trên là 780 mM, vùng phản ánh tốt
nhất là 565 mM. Vùng cảm giác nghe là sóng âm thanh từ 16 hec đến 20.000
hec và vùng phản ánh tốt nhất là 1000 hec.
1.4.1.2. Ngưỡng sai biệt
Mức độ chênh lệch tối thiểu về cường độ hoặc tính chất của hai kích
thích đủ để phân biệt được chúng gọi là ngưỡng sai biệt. Ngưỡng sai biệt của
thị giác là 1% (ví dụ như, nếu 2 màu đỏ chênh nhau 1% về cường độ hoặc
bước sóng trở lên, thì ta mới phân biệt được chúng), của thính giác là 1/10 (ví
dụ, nếu 2 nốt nhạc “đô” chênh nhau 1/10 cường độ hoặc tần số trở lên, ta
nghe mới phân biệt được chúng). Ngưỡng sai biệt của cảm giác trọng lượng,
nén ép là 1/30.
Ngưỡng tuyệt đối và ngưỡng sai biệt không giống nhau giữa các loại
cảm giác và giữa các cá nhân. Ngưỡng cảm giác có thể thay đổi theo lứa
tuổi, trạng thái sức khoẻ, trạng thái tâm - sinh lý, tính chất nghề nghiệp, sự
rèn luyện, kinh nghiệm… của mỗi người.
1.4.1.3. Mối quan hệ giữa ngưỡng cảm giác và độ nhạy cảm sai biệt
Khả năng cảm nhận được các kích thích rất yếu tác động vào giác
quan gọi là độ nhạy cảm của giác quan. Khả năng cảm nhận sự khác nhau rất
nhỏ giữa hai kích thích (nhận ra ngưỡng sai biệt) gọi là độ nhạy cảm sai biệt,
hay tính nhạy cảm sai biệt.
Ngưỡng cảm giác phía dưới và ngưỡng sai biệt tỷ lệ nghịch với độ
nhạy cảm của cảm giác và độ nhạy cảm sai biệt. Ngưỡng dưới càng thấp thì
độ nhạy cảm càng cao; ngưỡng sai biệt càng bé thì độ nhạy cảm sai biệt
càng cao.
1.4.2. Quy luật về sự thích ứng của cảm giác
Cảm giác của chúng ta được xác định không chỉ do vật kích thích mà
còn do những điều kiện tâm - sinh lý nữa. Để đảm bảo cho sự phản ánh tốt
nhất và bảo vệ hệ thần kinh, cảm giác của con người có khả năng thích ứng
với kích thích. Sự thích ứng của cảm giác là khả năng thay đổi độ nhạy cảm
cho phù hợp với sự thay đổi của cường độ hoặc tính chất của kích thích. Quy
luật chung về sự thích ứng của cảm giác là:
1.4.2.1. Tăng độ nhạy cảm khi gặp kích thích yếu
Ví dụ vào buổi tối, đèn trong phòng đang sáng tự nhiên tắt. Lúc đầu ta
chưa nhìn rõ đồ vật, nhưng sau vài giây, độ nhạy cảm tăng lên, thị giác thích
ứng và ta nhìn rõ đồ vật trong phòng hơn.
1.4.2.2. Giảm độ nhạy cảm khi gặp kích thích mạnh và lâu
Ví dụ như trong phòng đang tối, đèn tự nhiên bật sáng, mắt ta lóa lên
và không nhìn rõ ngay đồ vật. Phải đợi vài giây, độ nhạy cảm giảm xuống, thị
giác thích ứng dần và ta nhìn thấy rõ. Hoặc một ví dụ khác chúng ta không
cảm thấy sức nặng của đồng hồ đeo ở tay, vì do đeo nó lâu ngày, độ nhạy
cảm về kích thích của đồng hồ giảm đi và ta đã thích ứng với nó.
Sự thích ứng của mỗi cảm giác không giống nhau. Có những cảm giác
thích ứng nhanh (như cảm giác nhìn, ngửi, cảm giác nhiệt độ…); có những
cảm giác thích ứng chậm (như cảm giác nghe, cảm giác đau, cảm giác thăng
bằng). Khả năng thích ứng của cảm giác có thể thay đổi tùy theo sự rèn luyện
và hoạt động nghề nghiệp của mỗi người.
1.4.3. Quy luật về sự tác động qua lại giữa các cảm giác
Thế giới khách quan tác động vào con người bằng nhiều thuộc tính,
tính chất và gây ra cho con người nhiều cảm giác khác nhau. Mặt khác, các
giác quan của con người có quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động qua lại với
nhau. Kết quả của sự tác động qua lại giữa các cảm giác là làm thay đổi độ
nhạy cảm của một cảm giác này dưới tác động của một cảm giác khác. Quy
luật chung của sự tác động qua lại giữa các cảm giác là:
1.4.3.1. Kích thích yếu vào một cơ quan phân tích này sẽ làm tăng độ
nhạy cảm của một cơ quan phân tích khác. Ví dụ cảm giác nếm chất chua
nhẹ sẽ làm tăng độ nhạy cảm của thị giác.
1.4.3.2. Kích thích mạnh lên cơ quan phân tích này sẽ làm giảm độ
nhạy cảm của cơ quan phân tích kia. Ví dụ, nhìn ánh sáng gay gắt, tai nghe
kém hơn.
Sự tác động qua lại giữa các cảm giác có thể diễn ra đồng thời hoặc
nối tiếp, có thể giữa các cảm giác cùng loại hay khác loại. Sự tác động qua lại
giữa những cảm giác cùng loại được gọi là hiện tượng tương phản trong cảm
giác. Đó là sự thay đổi cường độ hay chất lượng của cảm giác do ảnh hưởng
của kích thích cùng loại diễn ra trước đó hay đồng thời (tương phản nối tiếp
và tương phản đồng thời). Ví dụ, nếu hai tờ giấy màu xám như nhau, một
được đặt trên nền trắng, một đặt trên nền đen, ta nhìn hình như tờ giấy trên
nền trắng có màu xẫm hơn tờ giấy trên nền đen. Đây là sự tương phản đồng
thời trong cảm giác.
Một ví dụ khác, nếu ta nhúng bàn tay phải vào chậu nước lạnh và
nhúng bàn tay trái vào chậu nước nóng. Sau đó nhúng cả hai bàn tay vào
chậu nước hơi âm ấm, ta cảm thấy bàn tay phải nóng lên, còn bàn tay trái
mát dịu đi. Đó là hiện tượng tương phản nối tiếp.
Trong sự tác động qua lại giữa các cảm giác, đôi khi chúng ta còn gặp
hiện tượng đặc biệt là: kích thích vào giác quan này thì đồng thời lại gây ra
cảm giác ở giác quan khác. Ví dụ, nghe tiếng cọ xát vào nhau của hai thanh
nứa (kích thích thính giác), ta cảm thấy “ghê người” (xuất hiện cảm giác cơ
thể).
2. TRI GIÁC
2.1. Khái niệm
Tri giác là quá trình tâm lý phản ánh một cách trọn vẹn các thuộc tính
của sự vật, hiện tượng khi chúng trực tiếp tác động vào giác quan.
Trên cơ sở kết quả của các quá trình cảm giác mà tri giác được hình
thành và phát triển. Nhưng tri giác không phải là sự cộng lại đơn thuần các
cảm giác, mà là một sự phản ánh cao hơn so với cảm giác, ở mức độ tri giác,
con người đã phản ánh được một cách tổng hợp các thuộc tính của sự vật
hiện tượng. Các cảm giác riêng lẻ được tổng hợp lại trên vỏ não và cho ta
một hình ảnh trọn vẹn, hoàn chỉnh về sự vật, hiện tượng.
2.2. Phân loại tri giác
Có nhiều cách phân loại tri giác. Thông thường chúng ta sử dụng một
số cách phân loại sau đây:
2.2.1. Dựa trên bộ máy phân tích nào giữ vai trò chính, trực tiếp tham
gia vào quá trình tri giác, có thể chia thành tri giác nhìn, tri giác nghe, tri giác
ngửi, tri giác nếm, tri giác sờ mó…
2.2.2. Dựa vào tính tích cực của con ngưòi khi tri giác (tri giác có mục
đích, có kế hoạch hay không…), có thể chia thành tri giác có chủ định và tri
giác không chủ định.
2.2.3. Dựa vào sự phản ánh những hình thức tồn tại khác nhau của
sự vật, hiện tượng trong thế giới, có thể chia ra ba loại tri giác sau:
2.2.3.1. Tri giác các thuộc tính không gian của đối tượng
Đây là tri giác các thuộc tính hình dáng, độ lớn, vị trí, khoảng cách của
sự vật, hiện tượng. Trong tri giác này có sự kết hợp của nhiều yêu tố như các
cảm giác (nhìn, nghe, vận động, sờ mó…); trạng thái tâm lý, kinh nghiệm của
chủ thể; điều kiện và hoàn cảnh xung quanh (như ánh sáng, bóng tối…); và
cơ sở sinh lý thần kinh, nhất là cơ chế nhìn bằng hai mắt… Đôi khi chúng ta
gặp những ảo giác trong loại tri giác này, ví dụ: nhìn cái thìa trong cốc nước
như bị gãy; nhìn hai đường thẳng song song trên nền các đường chéo cắt
nhau ta thấy như chúng không còn song song nữa…
2.2.3.2. Tri giác các thuộc tính thời gian
Loại tri giác này cho biết về thời hạn (tồn tại lâu hay mau), nhịp điệu,
tính liên tục về diễn biến thời gian của đối tượng. Nó chịu sự chi phối của
nhiều yếu tố, như quá trình sinh lý, nhịp điệu sinh học của cơ thể (quá trình hô
hấp, tuần hoàn, sự kế tiếp đói-no, thức- ngủ…); những hoạt động, tâm trạng
của chủ thể và chịu sự chi phối của chu kỳ diễn biến tự nhiên của môi trường
(ngày-đêm, mưa-nắng…). Chúng ta có thể gặp những ảo giác thời gian như:
trong cùng một khoảng thời gian, nếu sự vật diễn biến muôn hình, muôn vẻ,
có nhiều hoạt động hấp dẫn thì ta cảm thấy thời gian trôi nhanh; trái lại, nếu
trong đó toàn những công việc buồn tẻ, hoặc phải chờ đợi… thì ta lại thấy thời
gian trôi chậm chạp.
2.2.3.3. Tri giác các thuộc tính vận động
Loại tri giác này cho biết phương hướng, tốc độ chuyển động của đối
tượng. Nó quan hệ chặt chẽ với tri giác thời gian, không gian và phụ thuộc
vào sự chuyển động của đối tượng, của chủ thể, của thế giới xung quanh.
Chúng ta cũng hay gặp ảo giác khi tri giác các thuộc tính vận động, ví dụ như
nhìn hai máy bay có cùng tốc độ, ta thấy chiếc ở cao hơn như bay chậm hơn.
Ba loại tri giác này liên quan mật thiết với nhau, bổ sung cho nhau giúp
chúng ta tri giác trọn vẹn thế giới khách quan. Sự phát triển của các loại tri
giác này phụ thuộc vào kinh nghiệm sống và hoạt động thực tiễn của con
người.
2.3. Các quy luật của tri giác
2.3.1. Quy luật về tính đối tượng của tri giác
Hình ảnh tri giác một mặt phản ánh đặc điểm của đối tượng, mặt khác
nó là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Con người tạo ra hình ảnh
tri giác bằng những cảm giác khách quan, kết hợp với vốn hiểu biết, kinh
nghiệm của bản thân; Kết quả là hình ảnh tri giác mang khá đầy đủ các thuộc
tính bề ngoài, khách quan của một đối tượng nhất định. Nhờ tính đối tượng
mà hình ảnh tri giác giúp con người định hướng, điều chỉnh hành động của
mình trong thế giới đồ vật.
2.3.2. Quy luật về tính trọn vẹn của tri giác
Tri giác có khả năng phản ánh sự vật, hiện tượng một cách trọn vẹn,
nghĩa là trong quá trình tri giác, các thuộc tính riêng lẻ của sự vật, hiện tượng
được phản ánh trong một kết cấu chặt chẽ, theo một cấu trúc nhất định và
cho ta một hình ảnh hoàn chỉnh về sự vật, hiện tượng đó. Ví dụ, khi nhìn một
hình tam giác vẽ thiếu một góc, rất nhiều người vẫn nhận ra đó là hình tam
giác. Tính trọn vẹn của tri giác phụ thuộc vào khả năng phối hợp hoạt động
của nhiều giác quan, vào khả năng phân tích, tổng hợp của vỏ não và phụ
thuộc vào kinh nghiệm của chủ thể về đối tượng đang tri giác.
2.3.3. Quy luật về tính lựa chọn của tri giác
Khi ta tri giác một sự vật, hiện tượng nào đó, nghĩa là ta đã chọn nó làm
đối tượng phản ánh còn các sự vật, hiện tượng xung quanh trở thành nền. Sự
vật, hiện tượng càng khác biệt với bối cảnh thì tri giác lựa chọn càng dễ dàng.
Tính lựa chọn của tri giác thể hiện thái độ tích cực của con người đối với sự
vật, hiện tượng đang được tri giác. Nhờ có tính chất này mà hiệu quả tri giác
được nâng cao và kết quả tri giác càng phù hợp với hoạt động của chủ thể.
Bản chất của quá trình tri giác tích cực là quá trình tách đối tượng ra khỏi bối
cảnh xung quanh.
Tính đối tượng của tri giác phụ thuộc vào các yếu tố khách quan, như
đặc điểm vật kích thích (cường độ, nhịp điệu vận động, sự tương phản…),
đặc điểm của môi trường xung quanh (độ sáng, tối; khoảng cách từ vật đến
chủ thể, sự tác động của người khác…); và phụ thuộc vào các yếu tố chủ
quan, như nhu cầu, hứng thu, tình cảm, xu hướng, tâm trạng, kinh nghiệm
sống, tuổi tác, sức khoẻ, nghề nghiệp của cá nhân và tính chất, nhiệm vụ cụ
thể… Cho nên khi tri giác cần khắc phục kiểu nhìn sự vật, hiện tượng một
cách phiếm diện hoặc định kiến, sai lầm.
2.3.4. Quy luật về tính có ý nghĩa của tri giác
Khi tri giác sự vật, hiện tượng nào, chúng ta gọi được tên, chỉ ra công
dụng, ý nghĩa của sự vật, hiện tượng đó hoặc xếp được nó vào trong nhóm
đối tượng cùng loại. Đây chính là tính ý nghĩa của hình ảnh tri giác. Tính ý
nghĩa này phụ thuộc vào vốn hiểu biết, kinh nghiệm, khả năng tư duy, ngôn
ngữ… của chủ thể và liên quan chặt chẽ với tính trọn vẹn của tri giác (tri giác
càng đầy đủ các thuộc tính, bộ phận của sự vật, hiện tượng thì việc gọi tên,
chỉ ra công dụng của nó càng cụ thể, chính xác).
2.3.5. Quy luật về tính ổn định của tri giác
Đây là khả năng phản ánh tương đối ổn định sự vật, hiện tượng, cả khi
điều kiện tri giác đã có những thay đổi nhất định. Ví dụ, trong ánh sáng trắng
hay ánh sáng đỏ, người bác sỹ vẫn tri giác đó là cái ống nghe.
Tính ổn định của tri giác thể hiện khi ta tri giác độ lớn, hình dạng, màu
sắc của đối tượng. Nó phụ thuộc trước hết vào cấu trúc ổn định của đối tượng
trong một thời gian nhất định và phụ thuộc vào cơ chế tự điều chỉnh đặc biệt
của hệ thần kinh. Ngoài ra, tính ổn định của tri giác còn phụ thuộc vào kinh
nghiệm, vốn sống… của chủ thể về đối tượng tri giác. Song trong thực tế,
chúng ta cần khắc phục cách nhìn phiếm diện, tĩnh tại khi tri giác các sự vật,
hiện tượng.
2.3.6. Quy luật tổng giác
Khi tri giác, con người không những sử dụng hệ thống các giác quan
mà còn sử dụng toàn bộ các hoạt động tâm lý, đặc điểm nhân cách của mình
như: nhu cầu, hứng thú, tình cảm, thái độ, tâm thế, năng lực… Nhờ sự tham
gia tích cực của các thuộc tính nhân cách vào quá trình tri giác mà con người
có khả năng tổng giác về thế giới. Khả năng tổng giác của con người được
hình thành và phát triển trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn. Nó
trở thành một năng lực nhận thức đặc biệt, giúp con ngưòi nhận thức thế giới
ngày càng tinh vi, sâu sắc và tổng thể.
Các quy luật của tri giác có quan hệ chặt chẽ, bổ sung cho nhau và làm
cho tri giác của con người trở nên tích cực, nhạy bén và sinh động vô cùng.
3. MỘT SỐ SAI SÓT TRONG NHẬN THỨC CẢM TÍNH
Trong thực tế lâm sàng, chúng ta thường gặp một số biểu hiện không
bình thường của quá trình cảm giác và tri giác như sau:
3.1. Tăng cảm giác
Khi ngưỡng cảm giác tuyệt đối phía dưới giảm xuống, bệnh nhân đáp
ứng một cách quá mẫn cảm với những kích thích của môi trường. Nhiều khi
những kích thích trung bình hoặc nhẹ, họ cũng không chịu đựng được. Ví dụ
những bệnh nhân suy nhược thần kinh, những bệnh nhân lên cơn dại rất khó
chịu với những tác động của ánh sáng, tiếng động, họ sợ gió, sợ nước…
3.2. Giảm cảm giác
Khi ngưỡng cảm giác tuyệt đối phía dưới tăng cao, bệnh nhân không
tiếp thụ được những tác động có cường độ kích thích trung bình hoặc thấp.
Những bệnh nhân này thấy xung quanh mình như mờ mờ, ảo ảo, mọi tiếng
động như xa xôi, mọi thức ăn trở nên nhạt nhẽo…
3.3. Loạn cảm giác
Bệnh nhân có những cảm giác không bình thường, kỳ lạ hoặc có sự lẫn
lộn về cảm giác. Trong rối loạn cảm giác bản thể, bệnh nhân thấy đau nhức,
tê buồn, khó chịu trong cơ thể, trong nội tạng một cách vô cớ, khó hiểu…
3.4. Tri giác sai lệch (ảo tưởng)
Đây là những tri giác sai lệch về toàn bộ một sự vật, một hiện tượng có
thật của thế giới khách quan. Ví dụ như, nhìn đoạn dây thừng, tưởng là con
rắn; nhìn hình nộm tưởng người đang đi… ở người bình thường đôi khi cũng
gặp những tri giác sai lệch này, nếu điều kiện tri giác không được thỏa mãn
(như ánh sáng không đầy đủ, âm thanh không rõ ràng, cơ thể mệt mỏi, thiếu
tập trung chú ý…).
Trong lâm sàng chúng ta hay gặp những loại tri giác sai thực tại như tri
giác sai lệch thị giác, thính giác vị giác… Có nhiều loại tri giác sai lệch gắn với
trạng thái cảm xúc (do lo âu, trầm cảm, hưng cảm…), gắn với lời nói…
Ảo ảnh kỳ lạ là một dạng đặc biệt của tri giác sai thực tại. Nó thường
xuất hiện ngoài ý chí, không liên quan đến xúc cảm của người bệnh, như
trong trạng thái mê sảng, mê mộng… Ví dụ như, bệnh nhân nhìn vào bức
tranh, vào đám mây thấy nó biến đổi, dần dần trở thành những người có
khuôn mặt kỳ dị, thành những cảnh quái lạ…
3.5. Ảo giác
Đây là những tri giác như có thật về một sự vật, một hiện tượng không
hề có trong thực tại khách quan, như ảo thanh, ảo thị, ảo giác xúc giác…
Những ảo giác này xuất hiện hoặc mất đi ngoài ý muốn của bệnh nhân và nó
thường đi kèm với những rối loạn ý thức, tư duy… của người bệnh. Dựa vào
nhận thức, thái độ của bệnh nhân đối với ảo giác, chúng ta có thể chia nó
thành 2 loại:
3.5.1. Ảo giác thật
Đây là những ảo giác được bệnh nhân chấp nhận như những sự vật,
hiện tượng có thật trong hiện thực khách quan, không nghi ngờ về tính có thật
của nó và không phân biệt được giữa ảo giác và sự thật.
3.5.2. Ảo giác giả
Người bệnh nhận thấy ảo giác như những sự vật, hiện tượng lạ lùng,
không giống với hiện thực khách quan và họ phân biệt được giữa ảo giác và
sự thật.
3.6. Rối loạn tri giác
Đây là những rối loạn bệnh lý tri giác, đi kèm với những rối loạn tâm lý
khác của người bệnh, làm cản trở sự nhận thức thống nhất, trọn vẹn về sự
vật, hiện tượng trong hiện thực khách quan.
3.6.1. Tri giác sai thực tại
Người bệnh còn biết rằng bản chất của đối tượng tri giác không thay
đổi, mà chỉ thay đổi một vài chi tiết, thuộc tính như hình thái, kích thước, màu
sắc… Ví dụ như, họ thấy được cái nhà, nhưng có vẻ nó to hơn bình thường…
3.6.2. Giải thể nhân cách
Đây là những rối loạn tri giác về sơ đồ cơ thể, ví dụ bệnh nhân thấy
người mình như không có tim, tay chân dài ra, người nhẹ như bông…
Chương 3. NHẬN THỨC LÝ TÍNH
Nhận thức cảm tính phản ánh những thuộc tính bề ngoài, cụ thể, những
quan hệ không gian và trạng thái vận động của sự vật, hiện tượng đang trực
tiếp tác động vào giác quan. Nó có vai trò rất quan trọng, cung cấp nguyên vật
liệu cho các hoạt động tâm lý khác. Song nếu chỉ có nhận thức cảm tính, thì
sẽ còn rất nhiều sự vật, hiện tượng của thế giới khách quan, chúng ta không
thể nhận thức được. Ví dụ như, bằng cảm giác và tri giác, chúng ta không thể
biết được cơ chế của quá trình trao đổi khí ở phổi, không thể biết được chức
năng hoạt động của gan… Muốn nhận thức thế giới đầy đủ, muốn cải tạo thế
giới có hiệu quả, con người phải đạt tới mức độ nhận thức cao hơn, đó là
nhận thức lý tính, bao gồm tư duy và tưởng tượng.
1. TƯ DUY
1.1. Khái niệm tư duy
Tư duy là quá trình phản ánh những thuộc tính bản chất, những mối
quan hệ có tính quy luật của sự vật và hiện tượng trong hiện thực khách quan
mà trước đó ta chưa biết.
Trên cơ sở tài liệu nhận thức cảm tính, tư duy đi sâu phản ánh những
thuộc tính bản chất bên trong của sự vật, hiện tượng. Ví dụ, qua tư duy mà
chúng ta biết được bản chất vật chất của các hiện tượng tâm lý; biết được
bản chất của sự di truyền sinh vật là các gen di truyền… Tư duy còn đi sâu
phản ánh những mối quan hệ, liên hệ mang tính quy luật của các sự vật, hiện
tượng, như mối quan hệ nhân quả giữa thiếu i-od và bệnh bướu cổ; giữa
viêm gan siêu vi trùng và triệu chứng vàng da, vàng niêm mạc…
Mặt khác, tư duy còn có thể phản ánh những sự vật, hiện tượng mới,
khái quát, hiện tại không có, không trực tiếp tác động vào giác quan, ví dụ
như, con người suy nghĩ để thiết kế ngôi nhà mới, bác sỹ tìm phương pháp
mổ tối ưu cho bệnh nhân…
Ở một số động vật cấp cao (như vượn hình người), đã có khả năng tư
duy, song mới ở mức độ sơ khai (tư duy bằng hành động tay chân) để giải
quyết một số tình huống liên quan trực tiếp đến sự tồn tại, thích nghi trong
cuộc sống. Ngày nay, do khoa học, công nghệ phát triển, chúng ta đã có
những người máy có khả năng tư duy, giải quyết một số bài toán theo chương
trình do con người định sẵn. Tư duy của con người khác với tư duy của con
vật và của người máy ở chỗ: tư duy của con người mang bản chất xã hội -
lịch sử, sáng tạo và có cá tính ngôn ngữ. Những tình huống tư duy của con
người được đặt ra do nhu cầu cuộc sống, lao động, học tập và hoạt động xã
hội, được quy định bởi nguyên nhân xã hội, nhu cầu xã hội. Sự phát triển các
hình thức, thao tác tư duy của con người liên quan đến sự phát triển lịch sử -
xã hội. Trong quá trình tư duy, con người sử dụng phương tiện ngôn ngữ. Kết
quả hoạt động tư duy của con người là những đóng góp lớn lao cho nhận
thức, cải tạo và phát triển xã hội loài người.
1.2. Phân loại tư duy
Có thể phân loại tư duy theo nhiều phương diện khác nhau. Sau đây là
cách phân loại theo phương diện phát triển chủng loại cá thể (phương diện
lịch sử hình thành và phát triển tư duy), gồm 3 loại:
1.2.1. Tư duy trực quan - hành động
Đây là loại tư duy có cả ở người và ở một số loài động vật cấp cao.
Trong loại tư duy này, các thao tác tay chân được sử dụng hướng vào giải
quyết một số tình huống cụ thể, trực quan.
1.2.2. Tư duy trực quan - hình ảnh
Đây là loại tư duy phát triển cao hơn, ra đời muộn hơn so với tư duy
trực quan - hành động. Trong loại tư duy này, việc giải quyết vấn đề dựa vào
các hình ảnh trực quan của sự vật, hiện tượng khách quan.
1.2.3. Tư duy trừu tượng
Loại tư duy này chỉ có ở người, bao gồm:
1.2.3.1. Tư duy hình tượng
Kết quả của loại tư duy này cho ta một hình tượng. Mỗi hình tượng
mang một nội dung khái niệm bản chất. Qua hình tượng ta hiểu được những
khái niệm chứa trong đó. Ví dụ, hình tượng “Ông Gióng” nói lên sức mạnh
chống ngoại xâm của dân tộc ta…
1.2.3.2. Tư duy ngôn ngữ - lôgíc
Đây là loại tư duy phát triển ở mức cao nhất. Trong loại tư duy này, việc
giải quyết vấn đề được dựa trên các khái niệm, các mối quan hệ lôgíc và gắn
bó chặt chẽ với ngôn ngữ, lấy ngôn ngữ làm phương tiện.
Ba loại tư duy liên quan chặt chẽ với nhau, bổ sung cho nhau. Tư duy
trừu tượng được thực hiện dựa trên cơ sở của hai loại tư duy trực quan thấp
hơn. Ở người trưởng thành, khi đã phát triển tư duy trừu tượng, điều đó
không có nghĩa là không còn phát triển tư duy trực quan hành động và tư duy
hình ảnh nữa, mà trái lại tư duy trừu tượng tác động làm tư duy trực quan
thêm cụ thể, sinh động và tư duy trực quan tác động trở lại làm tư duy trừu
tương thêm phong phú và sâu sắc. Ở con người các loại tư duy cùng tồn tại
và không ngừng được hoàn thiện.
Ngoài ra, chúng ta còn phân loại theo phương thức giải quyết vấn đề
của tư duy con người, gồm có tư duy thực hành, tư duy lí luận…
1.3. Đặc điểm của tư duy
1.3.1. Tính “có vấn đề” của tư duy
Không phải bất kỳ tác động nào của thế giới khách quan cũng khiến
con người tư duy. Trong thực tế, tư duy chỉ nảy sinh khi gặp hoàn cảnh và
tình huống mới, đòi hỏi con ngưòi phải giải quyết, song bằng vốn hiểu biết cũ,
phương pháp hành động cũ, đã có người không thể giải quyết được. Đây
chính là “hoàn cảnh có vấn đề” hay còn gọi là “tình huống có vấn đề”. Để
“hoàn cảnh có vấn đề” kích thích tư duy, con người phải nhận thức được mâu
thuẫn chứa trong vấn đề, phải có nhu cầu giải quyết, nhu cầu nhận thức và
phải có tri thức cần thiết liên quan đến giải quyết vấn đề, nghĩa là con người
phải ý thức được “hoàn cảnh có vấn đề”. Chỉ trên cơ sở “hoàn cảnh có vấn
đề” tư duy của con người mới nảy sinh và diễn biến. Trong thực tế học tập,
nghiên cứu, công tác khám, chữa bệnh, có rất nhiều tình huống có vấn đề
khiến người thầy thuốc phải tư duy. Ví dụ: trước người bệnh mới cần được
chẩn đoán và điều trị, trên cơ sở vốn hiểu biết về lý luận và kinh nghiệm thực
tiễn của mình, người thầy thuốc phải tư duy để giải quyết tình huống cụ thể
này.
1.3.2. Tính khái quát của tư duy
Khác với nhận thức cảm tính, tư duy có khả năng đi sâu nhận thức
nhiều sự vật, hiện tượng, vạch ra những thuộc tính chung, những mối liên hệ,
quan hệ có tính quy luật giữa chúng. Do đó, tư duy mang tính khái quát và
nhờ tính khái quát của tư duy mà con người có thể nhận thức và tiến hành cải
tạo thế giới.
1.3.3. Tính gián tiếp của tư duy
Tư duy có khả năng phản ánh một cách gián tiếp sự vật, hiện tượng
khách quan - phản ánh bằng ngôn ngữ. Nhờ ngôn ngữ và khả năng phản ánh
gián tiếp, khái quát của tư duy mà con người tìm ra được những thuộc tính
bản chất, các mối liên hệ, quan hệ có tính quy luật, dự đoán được chiều
hướng phát triển và diễn biến của hiện thực khách quan để nhận thức và cải
tạo chúng. Trên cơ sở nắm được quy luật của thế giới mà con người đã sáng
tạo ra nhiều công cụ để tiếp tục nhận thức và cải tạo thế giới tốt hơn.
1.3.4. Tư duy của con người quan hệ mât thiết với ngôn ngữ
Có nhiều quan điểm khác nhau về mối quan hệ giữa tư duy và ngôn
ngữ. Có quan điểm tách rời giữa tư duy và ngôn ngữ, có quan điểm lại đồng
nhất giữa chúng. Theo quan điểm duy vật biện chứng, tư duy và ngôn ngữ có
quan hệ mật thiết với nhau, nhưng không đồng nhất với nhau. Mối quan hệ
giữa tư duy và ngôn ngữ thể hiện trong suốt quá trình tư duy. Trong giai đoạn
mở đầu, muốn ý thức được, nhìn nhận ra được hoàn cảnh có vấn đề, đặt ra
được vấn đề cần giải quyết, con người phải sử dụng phương tiện ngôn ngữ.
Trong quá trình tư duy, con người sử dụng ngôn ngữ (hệ thống tín hiệu thứ
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC
TÂM LÝ HỌC Y HỌC

More Related Content

What's hot

Tứ giác Velpeau, tam giác cánh tay tam đầu, tam giác cẳng tay tam đầu
Tứ giác Velpeau, tam giác cánh tay tam đầu, tam giác cẳng tay tam đầuTứ giác Velpeau, tam giác cánh tay tam đầu, tam giác cẳng tay tam đầu
Tứ giác Velpeau, tam giác cánh tay tam đầu, tam giác cẳng tay tam đầuyoungunoistalented1995
 
chuyển hóa hemoglobin
chuyển hóa hemoglobinchuyển hóa hemoglobin
chuyển hóa hemoglobinkaka chan
 
Lịch sử đạo đức y học
Lịch sử đạo đức y họcLịch sử đạo đức y học
Lịch sử đạo đức y họcVuKirikou
 
MÔ HỌC DA, CƠ QUAN THỊ GIÁC, THÍNH GIÁC
MÔ HỌC DA, CƠ QUAN THỊ GIÁC, THÍNH GIÁCMÔ HỌC DA, CƠ QUAN THỊ GIÁC, THÍNH GIÁC
MÔ HỌC DA, CƠ QUAN THỊ GIÁC, THÍNH GIÁCSoM
 
Mo sun mo xuong mo than kinh
Mo sun  mo xuong  mo than kinhMo sun  mo xuong  mo than kinh
Mo sun mo xuong mo than kinhchấn ly
 
SINH LÝ THÍNH GIÁC
SINH LÝ THÍNH GIÁCSINH LÝ THÍNH GIÁC
SINH LÝ THÍNH GIÁCSoM
 
VÕ NÃO VÀ THÂN NÃO
VÕ NÃO VÀ THÂN NÃOVÕ NÃO VÀ THÂN NÃO
VÕ NÃO VÀ THÂN NÃOSoM
 
ỐNG TIÊU HÓA 2013
ỐNG TIÊU HÓA 2013ỐNG TIÊU HÓA 2013
ỐNG TIÊU HÓA 2013SoM
 
Xác định năng lượng hoạt hóa cho sự co bóp của tim ếch tách rời
Xác định năng lượng hoạt hóa cho sự co bóp của tim ếch tách rờiXác định năng lượng hoạt hóa cho sự co bóp của tim ếch tách rời
Xác định năng lượng hoạt hóa cho sự co bóp của tim ếch tách rờiVuKirikou
 
ĐẠI CƯƠN VỀ HỆ NỘI TIẾT - THĂM DÒ HORMONE TUYẾN NỘI TIẾT
ĐẠI CƯƠN VỀ HỆ NỘI TIẾT - THĂM DÒ HORMONE TUYẾN NỘI TIẾTĐẠI CƯƠN VỀ HỆ NỘI TIẾT - THĂM DÒ HORMONE TUYẾN NỘI TIẾT
ĐẠI CƯƠN VỀ HỆ NỘI TIẾT - THĂM DÒ HORMONE TUYẾN NỘI TIẾTSoM
 
MÔ THẦN KINH
MÔ THẦN KINHMÔ THẦN KINH
MÔ THẦN KINHSoM
 
Chon dan so nghien cuu - Thanh Thúy
Chon dan so nghien cuu - Thanh ThúyChon dan so nghien cuu - Thanh Thúy
Chon dan so nghien cuu - Thanh ThúyHoàng Lan
 
ĐẠI CƯƠNG VỀ NGƯỜI CAO TUỔI
ĐẠI CƯƠNG VỀ NGƯỜI CAO TUỔIĐẠI CƯƠNG VỀ NGƯỜI CAO TUỔI
ĐẠI CƯƠNG VỀ NGƯỜI CAO TUỔISoM
 
CHUYỂN HÓA PROTEIN
CHUYỂN HÓA PROTEINCHUYỂN HÓA PROTEIN
CHUYỂN HÓA PROTEINSoM
 

What's hot (20)

Tứ giác Velpeau, tam giác cánh tay tam đầu, tam giác cẳng tay tam đầu
Tứ giác Velpeau, tam giác cánh tay tam đầu, tam giác cẳng tay tam đầuTứ giác Velpeau, tam giác cánh tay tam đầu, tam giác cẳng tay tam đầu
Tứ giác Velpeau, tam giác cánh tay tam đầu, tam giác cẳng tay tam đầu
 
chuyển hóa hemoglobin
chuyển hóa hemoglobinchuyển hóa hemoglobin
chuyển hóa hemoglobin
 
Lịch sử đạo đức y học
Lịch sử đạo đức y họcLịch sử đạo đức y học
Lịch sử đạo đức y học
 
MÔ HỌC DA, CƠ QUAN THỊ GIÁC, THÍNH GIÁC
MÔ HỌC DA, CƠ QUAN THỊ GIÁC, THÍNH GIÁCMÔ HỌC DA, CƠ QUAN THỊ GIÁC, THÍNH GIÁC
MÔ HỌC DA, CƠ QUAN THỊ GIÁC, THÍNH GIÁC
 
Mo sun mo xuong mo than kinh
Mo sun  mo xuong  mo than kinhMo sun  mo xuong  mo than kinh
Mo sun mo xuong mo than kinh
 
SINH LÝ THÍNH GIÁC
SINH LÝ THÍNH GIÁCSINH LÝ THÍNH GIÁC
SINH LÝ THÍNH GIÁC
 
VÕ NÃO VÀ THÂN NÃO
VÕ NÃO VÀ THÂN NÃOVÕ NÃO VÀ THÂN NÃO
VÕ NÃO VÀ THÂN NÃO
 
đề Cương-sinh-lý-2
đề Cương-sinh-lý-2đề Cương-sinh-lý-2
đề Cương-sinh-lý-2
 
Bg 1 2 gtbm tebao
Bg 1 2 gtbm tebaoBg 1 2 gtbm tebao
Bg 1 2 gtbm tebao
 
Trung th t
Trung th tTrung th t
Trung th t
 
ỐNG TIÊU HÓA 2013
ỐNG TIÊU HÓA 2013ỐNG TIÊU HÓA 2013
ỐNG TIÊU HÓA 2013
 
Xác định năng lượng hoạt hóa cho sự co bóp của tim ếch tách rời
Xác định năng lượng hoạt hóa cho sự co bóp của tim ếch tách rờiXác định năng lượng hoạt hóa cho sự co bóp của tim ếch tách rời
Xác định năng lượng hoạt hóa cho sự co bóp của tim ếch tách rời
 
ĐẠI CƯƠN VỀ HỆ NỘI TIẾT - THĂM DÒ HORMONE TUYẾN NỘI TIẾT
ĐẠI CƯƠN VỀ HỆ NỘI TIẾT - THĂM DÒ HORMONE TUYẾN NỘI TIẾTĐẠI CƯƠN VỀ HỆ NỘI TIẾT - THĂM DÒ HORMONE TUYẾN NỘI TIẾT
ĐẠI CƯƠN VỀ HỆ NỘI TIẾT - THĂM DÒ HORMONE TUYẾN NỘI TIẾT
 
MÔ THẦN KINH
MÔ THẦN KINHMÔ THẦN KINH
MÔ THẦN KINH
 
Chon dan so nghien cuu - Thanh Thúy
Chon dan so nghien cuu - Thanh ThúyChon dan so nghien cuu - Thanh Thúy
Chon dan so nghien cuu - Thanh Thúy
 
Xuong khop chi duoi
Xuong   khop chi duoiXuong   khop chi duoi
Xuong khop chi duoi
 
Khangnguyen
KhangnguyenKhangnguyen
Khangnguyen
 
ĐẠI CƯƠNG VỀ NGƯỜI CAO TUỔI
ĐẠI CƯƠNG VỀ NGƯỜI CAO TUỔIĐẠI CƯƠNG VỀ NGƯỜI CAO TUỔI
ĐẠI CƯƠNG VỀ NGƯỜI CAO TUỔI
 
CHUYỂN HÓA PROTEIN
CHUYỂN HÓA PROTEINCHUYỂN HÓA PROTEIN
CHUYỂN HÓA PROTEIN
 
Biểu mô
Biểu môBiểu mô
Biểu mô
 

Similar to TÂM LÝ HỌC Y HỌC

Liệu pháp hành vi và ứng dụng của liệu pháp hợp lý trong trợ giúp người có kh...
Liệu pháp hành vi và ứng dụng của liệu pháp hợp lý trong trợ giúp người có kh...Liệu pháp hành vi và ứng dụng của liệu pháp hợp lý trong trợ giúp người có kh...
Liệu pháp hành vi và ứng dụng của liệu pháp hợp lý trong trợ giúp người có kh...Dịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
Giáo trình tâm lý học đại cương
Giáo trình tâm lý học đại cươngGiáo trình tâm lý học đại cương
Giáo trình tâm lý học đại cươngjackjohn45
 
LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC
LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC
LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC nataliej4
 
Giáo Trình Tâm Lý Học Đại Cương.pdf
Giáo Trình Tâm Lý Học Đại Cương.pdfGiáo Trình Tâm Lý Học Đại Cương.pdf
Giáo Trình Tâm Lý Học Đại Cương.pdfNuioKila
 
Chuong 1 Tl La 1 Khoa Hoc
Chuong 1  Tl La 1 Khoa HocChuong 1  Tl La 1 Khoa Hoc
Chuong 1 Tl La 1 Khoa Hocboynhabemexibo
 
Những Vấn Đề Lý Luận Và Phương Pháp Tâm Lý Học
Những Vấn Đề Lý Luận Và Phương Pháp Tâm Lý Học Những Vấn Đề Lý Luận Và Phương Pháp Tâm Lý Học
Những Vấn Đề Lý Luận Và Phương Pháp Tâm Lý Học nataliej4
 
Tâm Bệnh Học Trẻ Em Và Thanh Thiếu Niên
Tâm Bệnh Học Trẻ Em Và Thanh Thiếu Niên Tâm Bệnh Học Trẻ Em Và Thanh Thiếu Niên
Tâm Bệnh Học Trẻ Em Và Thanh Thiếu Niên nataliej4
 
Đại cương Tâm lý Trị liệu - Một số học thuyết cơ bản
Đại cương Tâm lý Trị liệu - Một số học thuyết cơ bảnĐại cương Tâm lý Trị liệu - Một số học thuyết cơ bản
Đại cương Tâm lý Trị liệu - Một số học thuyết cơ bảnCâu Lạc Bộ Trăng Non
 
Các học thuyết tâm lý nhân cách
Các học thuyết tâm lý nhân cáchCác học thuyết tâm lý nhân cách
Các học thuyết tâm lý nhân cáchjackjohn45
 
Sinh lý học
Sinh lý họcSinh lý học
Sinh lý họcTS DUOC
 
Tài liệu Sinh lý học
Tài liệu Sinh lý họcTài liệu Sinh lý học
Tài liệu Sinh lý họcĐiều Dưỡng
 
75770b9b cdbf-4038-90e2-f25e1f4426fe triethocmaclenin
75770b9b cdbf-4038-90e2-f25e1f4426fe triethocmaclenin75770b9b cdbf-4038-90e2-f25e1f4426fe triethocmaclenin
75770b9b cdbf-4038-90e2-f25e1f4426fe triethocmacleninPhi Phi
 
Giao trinh triet hoc chuyen nganh
Giao trinh triet hoc chuyen nganhGiao trinh triet hoc chuyen nganh
Giao trinh triet hoc chuyen nganhTrung Huynh
 
02 neu phm101_bai1_v1.0012109226
02 neu phm101_bai1_v1.001210922602 neu phm101_bai1_v1.0012109226
02 neu phm101_bai1_v1.0012109226Anh Nguyen
 
Chương 1. khai quat ve tlh
Chương 1. khai quat ve tlhChương 1. khai quat ve tlh
Chương 1. khai quat ve tlhHằng Trần
 
Thăm Khám Bệnh Nhân Tâm Thần_Quan Hệ Thầy Thuốc Và Bệnh Nhân
Thăm Khám Bệnh Nhân Tâm Thần_Quan Hệ Thầy Thuốc Và Bệnh NhânThăm Khám Bệnh Nhân Tâm Thần_Quan Hệ Thầy Thuốc Và Bệnh Nhân
Thăm Khám Bệnh Nhân Tâm Thần_Quan Hệ Thầy Thuốc Và Bệnh NhânNguyen Khue
 
Những Vấn Đề Chung Của Tâm Lý Học
Những Vấn Đề Chung Của Tâm Lý Học Những Vấn Đề Chung Của Tâm Lý Học
Những Vấn Đề Chung Của Tâm Lý Học nataliej4
 

Similar to TÂM LÝ HỌC Y HỌC (20)

Liệu pháp hành vi và ứng dụng của liệu pháp hợp lý trong trợ giúp người có kh...
Liệu pháp hành vi và ứng dụng của liệu pháp hợp lý trong trợ giúp người có kh...Liệu pháp hành vi và ứng dụng của liệu pháp hợp lý trong trợ giúp người có kh...
Liệu pháp hành vi và ứng dụng của liệu pháp hợp lý trong trợ giúp người có kh...
 
Giáo trình tâm lý học đại cương
Giáo trình tâm lý học đại cươngGiáo trình tâm lý học đại cương
Giáo trình tâm lý học đại cương
 
LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC
LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC
LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC
 
Giáo Trình Tâm Lý Học Đại Cương.pdf
Giáo Trình Tâm Lý Học Đại Cương.pdfGiáo Trình Tâm Lý Học Đại Cương.pdf
Giáo Trình Tâm Lý Học Đại Cương.pdf
 
Chuong 1 Tl La 1 Khoa Hoc
Chuong 1  Tl La 1 Khoa HocChuong 1  Tl La 1 Khoa Hoc
Chuong 1 Tl La 1 Khoa Hoc
 
Những Vấn Đề Lý Luận Và Phương Pháp Tâm Lý Học
Những Vấn Đề Lý Luận Và Phương Pháp Tâm Lý Học Những Vấn Đề Lý Luận Và Phương Pháp Tâm Lý Học
Những Vấn Đề Lý Luận Và Phương Pháp Tâm Lý Học
 
Tâm Bệnh Học Trẻ Em Và Thanh Thiếu Niên
Tâm Bệnh Học Trẻ Em Và Thanh Thiếu Niên Tâm Bệnh Học Trẻ Em Và Thanh Thiếu Niên
Tâm Bệnh Học Trẻ Em Và Thanh Thiếu Niên
 
Chuong i
Chuong iChuong i
Chuong i
 
Đại cương Tâm lý Trị liệu - Một số học thuyết cơ bản
Đại cương Tâm lý Trị liệu - Một số học thuyết cơ bảnĐại cương Tâm lý Trị liệu - Một số học thuyết cơ bản
Đại cương Tâm lý Trị liệu - Một số học thuyết cơ bản
 
Giáo trình-tltl
Giáo trình-tltlGiáo trình-tltl
Giáo trình-tltl
 
Các học thuyết tâm lý nhân cách
Các học thuyết tâm lý nhân cáchCác học thuyết tâm lý nhân cách
Các học thuyết tâm lý nhân cách
 
Sinh lý học
Sinh lý họcSinh lý học
Sinh lý học
 
Tài liệu Sinh lý học
Tài liệu Sinh lý họcTài liệu Sinh lý học
Tài liệu Sinh lý học
 
75770b9b cdbf-4038-90e2-f25e1f4426fe triethocmaclenin
75770b9b cdbf-4038-90e2-f25e1f4426fe triethocmaclenin75770b9b cdbf-4038-90e2-f25e1f4426fe triethocmaclenin
75770b9b cdbf-4038-90e2-f25e1f4426fe triethocmaclenin
 
Giao trinh triet hoc chuyen nganh
Giao trinh triet hoc chuyen nganhGiao trinh triet hoc chuyen nganh
Giao trinh triet hoc chuyen nganh
 
02 neu phm101_bai1_v1.0012109226
02 neu phm101_bai1_v1.001210922602 neu phm101_bai1_v1.0012109226
02 neu phm101_bai1_v1.0012109226
 
Chương 1. khai quat ve tlh
Chương 1. khai quat ve tlhChương 1. khai quat ve tlh
Chương 1. khai quat ve tlh
 
Thăm Khám Bệnh Nhân Tâm Thần_Quan Hệ Thầy Thuốc Và Bệnh Nhân
Thăm Khám Bệnh Nhân Tâm Thần_Quan Hệ Thầy Thuốc Và Bệnh NhânThăm Khám Bệnh Nhân Tâm Thần_Quan Hệ Thầy Thuốc Và Bệnh Nhân
Thăm Khám Bệnh Nhân Tâm Thần_Quan Hệ Thầy Thuốc Và Bệnh Nhân
 
C2, C3, C4, C5.pdf
C2, C3, C4, C5.pdfC2, C3, C4, C5.pdf
C2, C3, C4, C5.pdf
 
Những Vấn Đề Chung Của Tâm Lý Học
Những Vấn Đề Chung Của Tâm Lý Học Những Vấn Đề Chung Của Tâm Lý Học
Những Vấn Đề Chung Của Tâm Lý Học
 

More from nataliej4

đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155nataliej4
 
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...nataliej4
 
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279nataliej4
 
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc giaTừ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gianataliej4
 
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vươngCông tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vươngnataliej4
 
Bài giảng nghề giám đốc
Bài giảng nghề giám đốcBài giảng nghề giám đốc
Bài giảng nghề giám đốcnataliej4
 
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán tin học
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán   tin họcđề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán   tin học
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán tin họcnataliej4
 
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao độngGiáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao độngnataliej4
 
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắnLựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắnnataliej4
 
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877nataliej4
 
Sổ tay hướng dẫn khách thuê tòa nhà ree tower
Sổ tay hướng dẫn khách thuê   tòa nhà ree towerSổ tay hướng dẫn khách thuê   tòa nhà ree tower
Sổ tay hướng dẫn khách thuê tòa nhà ree towernataliej4
 
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...nataliej4
 
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tậtBài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tậtnataliej4
 
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864nataliej4
 
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...nataliej4
 
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùngBài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùngnataliej4
 
Bài giảng môn khởi sự kinh doanh
Bài giảng môn khởi sự kinh doanhBài giảng môn khởi sự kinh doanh
Bài giảng môn khởi sự kinh doanhnataliej4
 
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes learning intro
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes   learning introGiới thiệu học máy – mô hình naïve bayes   learning intro
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes learning intronataliej4
 
Lý thuyết thuế chuẩn tắc
Lý thuyết thuế chuẩn tắcLý thuyết thuế chuẩn tắc
Lý thuyết thuế chuẩn tắcnataliej4
 
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)nataliej4
 

More from nataliej4 (20)

đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
 
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
 
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
 
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc giaTừ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
 
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vươngCông tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
 
Bài giảng nghề giám đốc
Bài giảng nghề giám đốcBài giảng nghề giám đốc
Bài giảng nghề giám đốc
 
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán tin học
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán   tin họcđề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán   tin học
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán tin học
 
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao độngGiáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
 
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắnLựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
 
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
 
Sổ tay hướng dẫn khách thuê tòa nhà ree tower
Sổ tay hướng dẫn khách thuê   tòa nhà ree towerSổ tay hướng dẫn khách thuê   tòa nhà ree tower
Sổ tay hướng dẫn khách thuê tòa nhà ree tower
 
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
 
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tậtBài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
 
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
 
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
 
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùngBài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
 
Bài giảng môn khởi sự kinh doanh
Bài giảng môn khởi sự kinh doanhBài giảng môn khởi sự kinh doanh
Bài giảng môn khởi sự kinh doanh
 
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes learning intro
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes   learning introGiới thiệu học máy – mô hình naïve bayes   learning intro
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes learning intro
 
Lý thuyết thuế chuẩn tắc
Lý thuyết thuế chuẩn tắcLý thuyết thuế chuẩn tắc
Lý thuyết thuế chuẩn tắc
 
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
 

Recently uploaded

30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfhoangtuansinh1
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIĐiện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxpowerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxAnAn97022
 
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfCampbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfTrnHoa46
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líDr K-OGN
 
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdfTrnHoa46
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...hoangtuansinh1
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...ThunTrn734461
 
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhvanhathvc
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoámyvh40253
 
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfchuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfVyTng986513
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...Nguyen Thanh Tu Collection
 

Recently uploaded (20)

30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
 
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxpowerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
 
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
 
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfCampbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
 
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
 
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
 
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfchuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
 

TÂM LÝ HỌC Y HỌC

  • 1. TÂM LÝ HỌC Y HỌC TÂM LÝ HỌC Y HỌC Tác giả: PTS. Nguyễn Văn Nhận PGS. PTS. Nguyễn Bá Dương CN-TL Nguyễn Sinh Phúc LỜI NÓI ĐẦU Chăm lo sức khoẻ con người là chăm lo cả sức khoẻ thể chất và sức khoẻ tinh thần. Đây là công việc vẻ vang nhưng rất nặng nề và phức tạp, đòi hỏi phải sử dụng những thành tựu tiên tiến của rất nhiều ngành khoa học khác nhau, trước hết là của y học và tâm lý học. Ngày nay, y học và tâm lý học đang phát triển rất mạnh mẽ. Sự phát triển của y học diễn ra theo hai khuynh hướng cơ bản: Một mặt đi sâu giải quyết những vấn đề bệnh căn, bệnh sinh của bệnh: Và một mặt khác, tiến hành điều trị, nâng cao sức khoẻ người bệnh một cách toàn diện. Sự phát triển của tâm lý học cũng diễn ra trên hai bình diện: Một mặt tiếp tục phát triển về lý luận các hiện tượng tâm lý; Và một mặt khác, đi vào giải quyết những vấn đề hoạt động thực tế của con ngươi, như tâm lý học trong thể thao, tâm lý học trong lao động, trong hôn nhân và gia đình… Một trong những sản phẩm chung của sự phát triển y học và tâm lý học là xuất hiện một môn khoa học liên ngành - Tâm lý học y học. Trong cuốn sách này, chúng tôi muốn đề cập một cách đầy đủ, sâu sắc những vấn đề hết sức cơ bản của Tâm lý học y học ở nước ta, như tâm lý con người khi bị bệnh, tâm lý thầy thuốc trong quá trình khám bệnh và chữa bệnh, giao tiếp giữa thầy thuốc và bệnh nhân, chẩn đoán tâm lý trong lâm sàng, vấn đề stress và vệ sinh tâm lý, tâm lý liệu pháp v.v… Hy vọng cuốn sách sẽ cung cấp cho đồng nghiệp và bạn đọc những vấn đề bổ ích về lý luận và thực hành của Tâm lý học y học, tạo thêm cơ sở
  • 2. khoa học để quá trình chăm sóc sức khỏe toàn diện, cả về thể chất và tâm lý cho con người ngày càng tốt hơn. Các tác giả rất mong nhận được những đóng góp, phê bình của bạn đọc để cho cuốn sách ngày càng thêm hoàn thiện. Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách Tâm lý học y học cùng bạn đọc. Các tác giả MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ TÂM LÝ HỌC Y HỌC Từ xa xưa người ta đã quan tâm đến vấn đề tâm lý người bệnh và tâm lý người thầy thuốc. Những năm gần đây, nhờ sự phát triển của tâm lý học và y học hiện đại mà nhiều ngành khoa học mới đã ra đời để nghiên cứu sâu thêm vấn đề này. Trong số những khoa học đó có tâm lý học y học. Tâm lý học y học là khoa học nghiên cứu tâm lý người bệnh, tâm lý nhân viên y tế trong quá trình phòng và chữa bệnh. Nó là khoa học cần thiết cho tất cả các thầy thuốc ở các chuyên khoa và nhờ nó nên nhu cầu điều trị toàn diện, nhu cầu không ngừng nâng cao cả sức khoẻ thể chất lẫn sức khoẻ tâm lý của con người ngày càng được đáp ứng tốt hơn. 1. CÁC QUAN NIỆM KHÁC NHAU VỀ TÂM LÝ HỌC Y HỌC 1.1. Các quan niệm nguyên thuỷ Trong một thời gian dài loài người có khuynh hướng cơ bản là giải thích một cách thần bí các hoạt động tâm lý và bệnh tâm thần. Song bên cạnh những quan niệm thần bí là những quan niệm mang tính khoa học như: Alkmeon đã đề cập đến mối quan hệ giữa hiện tượng tâm lý và não; Hypocrat đã nói tới yếu tố dịch thể trong mối quan hệ giữa tâm lý và cơ thể. Những quan niệm hết sức tiến bộ này đã trở thành một trong những cơ sở cho sự ra đời của tâm lý y học sau này. 1.2. Y học và tâm lý học thời trung cổ
  • 3. Thế kỷ XVI, tại Italia, đã có một số quan niệm về bệnh tật thoát khỏi sự thần bí. Mercurial cho rằng trầm cảm có thể do nguyên nhân thực thể hoặc do tổn thất tình cảm gây ra. Platon là bác sỹ đầu tiên đề xuất cách phân loại bệnh tâm thần theo bệnh sinh và đã tính đến vai trò của các yếu tố di truyền, nội sinh, ngoại sinh trong cơ chế của bệnh. Sang thế kỷ thứ XVII - thế kỷ của Descartes, được đặc trưng bởi sự xuất hiện khái niệm phản xạ - khuynh hướng duy vật trong triết học Gobx và tư tưởng quyết định luận bắt đầu thâm nhập vào y học. Van Gehmont đã đề cập đến vai trò của những sang chấn tâm lý trong sự phát sinh, phát triển bệnh tâm thần và tác giả khuyên nên điều trị bằng cách ngâm bệnh nhân vào nước lạnh. Doleboe - nhà giải phẫu học - đã nêu ra tiêu chuẩn của người bác sỹ là phải biết điều trị bệnh tâm thần. Tác giả đã thông báo nhiều bệnh nhân được điều trị khỏi bằng những tác động đạo đức. Lusitanua đã nói rằng, thuyết phục là một trong những phương pháp điều trị bệnh nhân tâm thần có hiệu quả. Giakhiax đã đề cập đến bệnh tâm thần trong hình luật và giám định. Thế kỷ XVIII, Pinel - nhà cải cách phương pháp điều trị bệnh tâm thần vĩ đại người Pháp - đã cho rằng người lãnh đạo bệnh viện tâm thần phải là một bác sỹ, một nhà tâm lý, nhà quản lý hành chính và ông là người đầu tiên đã giải phóng bệnh nhân tâm thần khỏi xiềng xích. 1.3. Tâm lý y học thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX Đến thế kỷ XIX, nhiều tác phẩm đặt nền móng cho tâm lý y học với tư cách là một khoa học độc lập đã xuất hiện. Năm 1818, Reie - một bác sỹ, một nhà giải phẫu học - đã viết cuốn “Cuồng tưởng và phương pháp tâm lý trong điều trị những sang chấn tâm lý”. Tác phẩm này đã chỉ ra ý nghĩa cơ bản của tâm lý y học là sử dụng liệu pháp tâm lý tích cực. Trong thòi kỳ này đã nẩy sinh sự đấu tranh gay gắt giữa hai trường phái duy tâm và duy vật máy móc trong tâm lý y học. Đại biểu của trường phái duy tâm là Heinroth và Ideler, đã coi thường yếu tố cơ thể trong các bệnh tâm thần và cho rằng, bệnh tâm thần là hậu quả của cuộc “đấu tranh dục vọng”. Đại diện cho trường phái duy vật là Jacobi - Gnisinger, đã khẳng định rằng
  • 4. tâm thần học là một bộ phận thống nhất của y học và coi não là cơ quan của tâm lý. Giữa thế kỷ XIX, Lotze đã viết cuốn “Tâm lý học y học”. Đến giữa những năm 70, Tuhe viết cuốn “Y học tâm lý”. Tuy những cuốn sách này có giá trị đối với các nhà tâm thần học nhiều hơn, song tên của chúng cũng đã nhắc người đọc hãy quan tâm hơn đến tâm lý học y học. Sang thế kỷ XX, đã có nhiều chuyện để nói rõ hơn về đối tượng của tâm lý y học. Trong cuốn “Tâm lý học y học”, Janet đã tổng kết kinh nghiệm lâm sàng của mình về tâm lý liệu pháp. Trong thời kỳ này đã xuất hiện nhiều học thuyết tâm lý mới có liên quan đến tâm lý y học như: Phân tâm học của Freud (sau đó, nhà thần kinh học người Úc là Schilder đã viết cuốn “Tâm lý học y học” theo quan điểm phân tích tâm lý này); học thuyết y học tâm thần - thực thể của Alexander; học thuyết thể tạng - sinh vật trong tâm thần học và tâm lý học của Kretschner… Nhìn chung, các trường phái này chưa thấy hết vai trò của yếu tố xã hội trong tâm lý, trong nhân cách con người. 1.4. Sự hình thành tâm lý y học duy vật Quan điểm về sự thống nhất giữa tâm lý và thực thể chính là quan điểm của học thuyết thần kinh chủ đạo trong khoa học. I.M.Xetrenop sau khi vận dụng nguyên lý phản xạ vào hoạt động của não người đã đặt tiền đề cho sự hình thành học thuyết phản xạ trong hoạt động tâm lý. Ông đã viết: “Mọi hành động có ý thức và vô thức, xét về nguồn gốc nảy sinh, đều là phản xạ”. I.P.Pavlop đã phát triển quan điểm của Xetrenop và đề ra phương pháp phản xạ có điều kiện. Với phương pháp này, ông đã tìm ra quy luật cơ bản và cơ chế hoạt động của não, khám phá ra vai trò của hệ thống tín hiệu thứ nhất và hệ thống tín hiệu thứ hai. Pavlop cho rằng tâm lý là sự phản ánh các hiện tượng của thế giới nội tâm. Ông yêu cầu tìm hiểu hoạt động của não về mặt tâm lý và giải thích hoạt động đó về mặt sinh lý. Học thuyết thần kinh chủ đạo là học thuyết tâm lý - thần kinh chủ đạo. Học thuyết này cũng khăng định vai trò then chốt của ý thức trong hoạt động của con người.
  • 5. Việc phát hiện ra những vùng chức năng khu trú ở vỏ não, như trung khu vận động ngôn ngữ (Broca), trung khu cảm giác ngôn ngữ (Wernik); việc ra đời những học thuyết mất thực dụng, mất nhận thức và quan điểm sinh học lâm sàng đã góp phần chứng minh cho mối quan hệ mật thiết giữa tâm lý và não. Những công trình nghiên cứu về cấu trúc chất xám, về chức năng của não đã chứng minh não là cơ sở của tâm lý. Cùng với sự ra đời của học thuyết hoạt động thần kinh cấp cao, sự xuất hiện của học thuyết vỏ não - nội tạng những khám phá về hệ thần kinh thực vật (Langioy, Heso), về hệ thống chức năng dưới vỏ, về vai trò của thể lưới (Megoun, Moui)… đã đánh dấu sự tiếp cận ngày càng lớn giữa tâm lý học và các khoa học tự nhiên. Dựa vào học thuyết Mác - Lênin, chúng ta có thể nhận thức được đúng đắn hoạt động tâm lý của con người với tư cách là một nhân cách, một chủ thể của nhận thức. Theo Mác, nhân cách là sản phẩm của các quan hệ trong xã hội loài người. V.I.Lênin đã coi thế giới nội tâm là thế giới khách quan được di chuyển vào não người và được biến đổi ở trong đó. Rõ ràng là, tâm lý học duy vật nghiên cứu hoạt động tâm lý con người “không chỉ với tư cách là một khách thể mà còn là một chủ thể có ý thức” (V.I.Miaxcisep). Từ khi tâm lý học có những bước tiến bộ như: các phòng thực nghiệm tâm lý ra đời; tâm lý học được đưa vào nghiên cứu và giảng dạy trong các trường đào tạo cán bộ y tế; sự phục hồi chức năng các tổn thương não do các nhà tâm lý học tiến hành có kết quả tốt… thì tâm lý y học lại càng trở nên quan trọng và là một bộ phận hữu cơ, không thể thiếu được của y học. 1.5. Một số quan niệm phương Tây về tâm lý y học Ở phương Tây, đặc biệt ở Mỹ tuy đã hình thành quan điểm thừa nhận con người là tượng trưng cho sự thống nhất giữa cơ thể và tâm hồn, song họ lại quá nhấn mạnh vai trò của các yếu tố tâm lý trong bệnh sinh của tất cả các bệnh, kể cả bệnh chức năng lẫn bệnh thực thể. Trong bất kỳ bệnh thực thể nào, họ cũng cho yếu tố tâm lý lên hàng đầu, giữ vai trò chủ đạo, nghĩa là họ
  • 6. cho tâm lý độc lập với thực tế lịch sử - xã hội và tâm lý là nguyên nhân hàng đầu, là nền tảng cho mọi quá trình diễn ra trong cơ thể con người. S.Freud là người có quan điểm duy tâm chủ quan đã chia nhân cách con người thành ba lớp: lớp dưới cùng là vô thức; lớp trên là ý thức và lớp trung gian ở giữa. Lớp trung gian làm nhiệm vụ kiểm duyệt, như một hàng rào ngăn cách giữa lớp trên và lớp dưới. Lớp vô thức là nơi hội tụ các bản năng có từ khi con người mới sinh ra và làm nhiệm vụ điều chỉnh toàn bộ đời sống tâm lý con người. Nó chất chứa năng lượng tâm lý của những bản năng bị dồn nén, bị lớp ý thức ở trên ngăn cản, không cho thực hiện, về sau, những năng lượng này chuyển thành bệnh tật, mê tín, chiến tranh… Bệnh tật, theo các nhà tâm lý thực thể, là hậu quả của sự xung đột giữa hai nguyên lý thoả mãn, hiện thực và đã được định sẵn trong tâm lý con ngưòi. Theo họ, tình trạng lo sợ, phẫn nộ, bị kiềm chế được biểu hiện trong bệnh tim, bệnh ngoài da; nỗi buồn nhớ mẹ được biểu hiện trong hen phế quản; xúc cảm cấp thấp được biểu hiện trong bệnh ỉa chảy; tính hà tiện, bủn xỉn, lệ thuộc biểu hiện trong bệnh dạ dày, đường ruột… Các nhà tâm lý thực thể còn cho rằng, phù hợp với mỗi loại nhân cách là một loại bệnh. Ví dụ, những người phản ứng quá mức với ngoại cảnh hay bị bệnh loét dạ dày, đau thắt ngực; những người phản ứng yếu, hay bị viêm đại tràng, viêm da, viêm khớp; những người kiềm chế phản ứng, hay bị bệnh cao huyết áp, hen phế quản, cường tuyên giáp, đau nửa đầu; những người thích mạo hiểm, hay bị gẫy xương tứ chi; những người ham hiểu biết, hay bị tai nạn xe cộ và những người không muốn đẻ, hay bị bệnh ung thư, bệnh nội tiết… Freud đã đề xuất phương pháp điều trị bằng phân tích tâm lý. Theo ông, khi phần vô thức đấu tranh với ý thức và lọt được qua tầng kiểm duyệt thì nó được biểu hiện dưới các dạng tượng trưng như viết nhầm, nói sai, hoặc được phản ánh trong các giấc mơ… Cho nên cần điều trị bệnh bằng cách giải thích giấc mơ, giải thích ngôn ngữ tượng trưng, giải thích các liên tưởng tự do, hoặc để bệnh nhân tự nói ra những ức chế, dồn nén của mình trong giấc ngủ thôi miên… Theo các nhà tâm lý thực thể, đàm thoại với bệnh
  • 7. nhân cũng có tác dụng điều trị, làm giảm căng thẳng, giải phóng phức hợp độc hại khỏi ý thức và “trung hoà” chúng. Phân tâm học của Freud mang tính tư biện nhiều hơn là khoa học song hiện nay khuynh hướng này vẫn còn rất thịnh hành ở nước ngoài và vẫn được phát triển song song các khuynh hướng duy tâm khác. 2. ĐỐI TƯỢNG, NHIỆM VỤ CỦA TÂM LÝ HỌC Y HỌC 2.1. Vị trí, đối tượng nghiên cứu của tâm lý y học Tâm lý học y học vừa là bộ phận của y học, vừa là bộ phận của tâm lý học. Về đối tượng nghiên cứu và vị trí của tâm lý học y học, cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Có thể tóm tắt những ý kiến khác nhau này thành các nhóm sau: - Nhiệm vụ chủ yếu của tâm lý y học là cung cấp những tri thức tâm lý học đại cương và trên cơ sở đó, vận dụng vào y học. Điều này là hoàn toàn cần thiết, song thực tế, không phải ai cũng làm được như vậy. - Nội dung của tâm lý y học là phân tích về mặt tâm lý bản chất các bệnh thần kinh (theo Ekpechiep). Nếu theo quan điểm này thì giới hạn của tâm lý y học rất hẹp, chỉ là môn học trong đào tạo những bác sỹ tâm thần kinh. - Tâm lý y học chính là bệnh học tâm thần đại cương. Nếu như vây, thì đối tượng của tâm lý y học là nghiên cứu các bệnh tâm thần và tâm lý y học là bộ phận hẹp của tâm thần học. - Đối tượng của tâm lý y học là nghiên cứu những đặc điểm tâm lý ngưòi bệnh và ảnh hưởng của những đặc điểm đó lên sức khoẻ và bệnh tật, là sự đảm bảo một hệ thống tối ưu các ảnh hưởng tâm lý có mục đích. Quan niệm này đúng, song chưa phải đã bao quát hết những vấn đề của tâm lý y học. - Ngoài những quan điểm trên, có tác giả còn quan niệm rộng hơn: tâm lý y học bao gồm cả tâm lý học đại cương, tâm lý bệnh học và bệnh học tâm thần.
  • 8. Chúng tôi cho rằng, trước khi tìm hiểu những vấn đề cơ bản của tâm lý y học, chúng ta cần phải hiểu được tâm lý là gì; những quy luật cơ bản nào chi phối các quá trình, trạng thái, thuộc tính tâm lý; cấu trúc nhân cách gồm những yếu tố nào… Nghĩa là phần mở đầu, làm cơ sở cho tâm lý y học phải là những nét cơ bản của tâm lý học đại cương. Phần chủ yếu nhất của tâm lý y học là tâm lý học người bệnh, trước hết là tâm lý học người bệnh thực thể (người bị các bệnh nội khoa, ngoại khoa, da liễu v.v… và không bị rối loạn tâm thần). Đối tượng nghiên cứu của tâm lý học người bệnh là căn nguyên tâm lý của bệnh; hình ảnh lâm sàng bên trong của bệnh, ý thức bệnh; mối quan hệ tương hỗ giữa trạng thái tâm lý, nhân cách người bệnh và bệnh tật; mối quan hệ giữa tâm lý người bệnh và những yếu tố tác động vật lý, xã hội của môi trường… Quan hệ chặt chẽ với tâm lý học người bệnh là tâm lý học thầy thuốc. Đối tượng nghiên cứu của tâm lý học thầy thuốc là những vấn đề về luân lý, đạo đức y học, những vấn đề về lao động nghề nghiệp, hoạt động giao tiếp của người thầy thuốc, những tác động độc hại của nghề y… Đặc biệt, tâm lý học thầy thuốc tập trung nghiên cứu về phẩm chất nhân cách người thầy thuốc như năng lực hoạt động, các phẩm chất tâm lý, uy tín và những thiếu sót… của người thầy thuốc. Ngoài ra, trong tâm lý học y học còn phát triển những bộ phận chuyên đi sâu nghiên cứu những phần cụ thể của tâm lý người bệnh và tâm lý ngươi nhân viên y tế, như đi sâu phân loại các rối loạn hoạt động tâm lý (tâm lý bệnh học), nghiên cứu tâm lý những bệnh nhân tổn thương não (tâm lý học thần kinh); nghiên cứu các liệu pháp tâm lý; nghiên cứu tâm lý trong giám định; nghiên cứu về stress tâm lý và vệ sinh tâm lý… Đúng là cho đến nay, những quan niệm về đối tượng, phạm vi nghiên cứu của tâm lý y học còn chưa được thống nhất, song những bộ phận cơ bản của nó ít nhiều cũng đã được hình thành. Chúng ta đồng ý rằng, tâm lý y học là khoa học nghiên cứu tâm lý người bệnh, tâm lý nhân viên y tế trong hoạt
  • 9. động phòng và chữa bệnh, góp phần không ngừng nâng cao sức khoẻ thể chất, tâm lý cho con người. Ngày nay, khi mà khoa học, công nghệ phát triển như vũ bão, khi mà nền y học đang trên đà kỹ thuật hoá, thì sự cách ly giữa người bệnh và nhân viên y tế ngày càng thêm rộng. Lúc này, tâm lý y học - bộ phận thực hành của tâm lý học vận dụng vào y học - càng trở nên quan trọng trong công tác đào tạo cán bộ y tế. Một nền y học thực sự nhân đạo là nền y học đảm bảo cho cán bộ y tế không chỉ có tri thức về thực thể người bệnh, mà còn có cả những tri thức về nhân cách người bệnh và đảm bảo cho sức khoẻ con người được chăm sóc một cách toàn diện, cả về sức khoẻ thực thể lẫn sức khoẻ tâm lý. 2.2. Nhiệm vụ của tâm lý y học 2.2.1. Nhiệm vụ nghiên cứu tâm lý người bệnh - Nghiên cứu những biểu hiện tâm lý của bệnh. - Vai trò tâm lý trong phát sinh, phát triển của bệnh. - Ảnh hưởng của bệnh đối với tâm lý. - Sự khác nhau giữa tâm lý thường và tâm lý bệnh. - Những tác động của yếu tố tự nhiên, xã hội lên tâm lý người bệnh. - Vai trò của tâm lý trong điều trị. - Vai trò của tâm lý trong phòng bệnh và củng cố sức khoẻ. 2.2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu tâm lý nhân viên y tế - Nghiên cứu những phẩm chất nhân cách người nhân viên y tế. - Y đức học và những phẩm chất đạo đức người nhân viên y tế. - Hoạt động giao tiếp của người nhân viên y tế… 2.2.3. Một số nhiệm vụ chung - Nguyên tắc, phương pháp nghiên cứu tâm lý trong lâm sàng. - Các trắc nghiệm tâm lý học.
  • 10. - Những vấn đề tâm lý học trong giám định lao động, quân sự, pháp y… 2.3. Nội dung của tâm lý y học Nội dung của tâm lý y học bao gồm các vấn đề cơ bản sau: - Những quy luật cơ bản về tâm lý người bệnh, tâm lý nhân viên y tế, tâm lý giao tiếp, không khí tâm lý trong các cơ sở điều trị. - Học thuyết về sự tác động tương hỗ giữa tâm lý và thực thể. - Tác động tâm lý của các yếu tố tự nhiên, xã hội của môi trường. - Học thuyết về nhân cách. - Y đức và những phẩm chất đạo đức của người nhân viên y tế. - Nguyên tắc, phương pháp nghiên cứu tâm lý trong lâm sàng. - Một số vấn đề tâm lý học trong giám định lao động, quân sự, pháp y… 2.4. Cấu trúc tâm lý học y học Tâm lý học y học gồm các phần chính như sau: - Đại cương tâm lý học y học. - Một số nét cơ bản về tâm lý con người. - Tâm lý học người bệnh. + Tâm lý học bệnh sinh (tâm lý học bệnh tật). + Tâm lý học môi trường người bệnh. - Tâm lý học thầy thuốc, luân lý và đạo đức y học. - Hoạt động giao tiếp của người nhân viên y tế. - Tâm lý liệu pháp, liệu pháp phục hồi sức khoẻ. - Stress và vệ sinh tâm lý. - Một số vấn đề tâm lý học trong giám định. - Một số vấn đề về tâm lý học thần kinh và tâm lý bệnh học. - Tâm lý học chẩn đoán và một số trắc nghiệm tâm lý trong lâm sàng.
  • 11. Trên cơ sở cấu trúc này, tùy yêu cầu cần tìm hiểu, tùy quỹ thời gian cho phép mà chúng ta xây dựng những chương trình nghiên cứu phù hợp. 3. Ý NGHĨA TÂM LÝ Y HỌC VỚI HOẠT ĐỘNG CỦA NHÂN VIÊN Y TẾ Sự tiến bộ của nền y học hiện đại được đặc trưng bằng sự phát triển của hai khuynh hướng: một mặt đi sâu nghiên cứu cơ chế của bệnh; một mặt khác, nghiên cứu người bệnh một cách toàn diện, trong mối quan hệ tương hỗ giữa thế giới bên trong và thế giới bên ngoài. Kết quả của sự phát triển này là làm nẩy sinh nhiều chuyên khoa y học mới, trong đó có tâm lý học y học. Đây là một chuyên khoa y học cơ sở, cần thiết cho tất cả các nhân viên y tế. Con người khi bị bệnh, tâm lý ít nhiều đều bị biến đổi do tác động của bệnh tật và ngược lại, tâm lý không bình thưòng là một trong những nguyên nhân phát sinh, phát triển của bệnh tật. Trong một số trường hợp, chỉ cần phân tích kỹ về mặt tâm lý lời đàm thoại của người bệnh cũng phát hiện được sự khởi đầu của một bệnh ác tính. Cũng có khi những biến đổi tâm lý che lấp cả triệu chứng lâm sàng của bệnh thực thể. Thực tế cho thấy, có tới 50% bệnh nhân nội khoa phản ánh bệnh tật chủ yếu bằng những lời than phiền và những thay đổi tâm lý trước khi có những biểu hiện biến đổi quan trọng về thực thể. Một số bệnh nhân, nếu để họ biết mình bị những bệnh nghiêm trọng như: giang mai, lao, ung thư, nhiễm HIV (Human Immunodefiency Vius)…, rất có thể họ bị sang chấn tâm lý mạnh, thậm chí dẫn đến hành vi tự sát. Có những bệnh nhân tuy mắc bệnh nhưng không đi khám và chữa bệnh, vì họ e thẹn (thường gặp ở những người có tính cách trầm, kín đáo), hoặc vì chủ tâm giấu bệnh… Ngược lại, có những người cường điệu bệnh tật, giả vờ mắc bệnh. Một bệnh viện của quân đội Liên Xô cũ tổng kết, trong số 178 bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm vì có dấu hiệu bụng ngoại khoa điển hình, có những bệnh nhân đã được phẫu thuật, song trong đó chỉ có 12 người bị bệnh tâm thần.
  • 12. Nhiều khi yếu tố tâm lý là nguồn gốc của các bệnh thực thể (như các bệnh cao huyết áp, đau thắt ngực, loét dạ dày, hen phế quản, exzema…), hoặc là yếu tố làm cho bệnh bùng phát. Cho nên tìm hiểu yếu tố tâm lý trong tiền sử bệnh là rất quan trọng để ngăn ngừa bệnh tật cho người bệnh. Quang cảnh bệnh viện, thái độ của nhân viên y tế, cách thăm khám lâm sàng, các thao tác kỹ thuật và đặc biệt các cuộc phẫu thuật có ảnh hưởng rất lớn đến trạng thái tâm lý người bệnh. Thực tế chúng ta đã gặp những cơn choáng xúc cảm, thậm chí dẫn đến tử vong. Có người thủng ổ loét dạ dày do quá lo lắng trước khi mổ. Petrop, một nhà ngoại khoa, đã nói: cần phải chuẩn bị tâm lý cho bệnh nhân trước cuộc mổ như chuẩn bị tâm lý cho người lính trước khi ra trận. Cho nên thầy thuốc phải biết được trạng thái tâm lý và nhân cách người bệnh. Dưới tác động của bệnh, trạng thái tâm lý, nhân cách người bệnh đôi khi thay đổi hẳn, đặc biệt trong các bệnh nặng, kéo dài. Trạng thái tâm lý trước khi bị bệnh giữ vai trò quan trọng trong quá trình tiến triển của bệnh. Thực tế có những người mang bệnh nặng, thậm chí tàn phế, nhưng khả năng bù trừ về mặt tâm lý của họ lại rất lớn vì có ý chí và đạo đức cao. Tâm lý y học cần đi sâu tổng kết những kinh nghiệm quý báu này. Coi trọng yếu tố tâm lý trong điều trị là rất cần thiết, Các thầy thuốc thời xưa coi lời nói giữ vị trí hàng đầu trong hệ thống các phương pháp điều trị. Những lời khuyên của thầy thuốc chỉ trên cơ sở nắm vững đời sống, tình trạng hiện tại và quá khứ của người bệnh. Lời khuyên phải bao gồm không chỉ kế hoạch điều trị mà còn phải nói rõ cho người bệnh biết các nguyên nhân hỗ trợ cho bệnh phát triển. Thầy thuốc phải giải thích rõ cho người bệnh: điều trị chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho cơ thể trở lại bình thường, muốn khỏi bệnh lâu dài và ngăn ngừa tái phát, không thể không loại trừ các nguyên nhân gây ra nó, tức là giải thích cho người bệnh về vệ sinh cá nhân (Giakharin). Nhiều nghiên cứu chứng tỏ rằng, thuốc có tác dụng tốt là nhờ sự đóng góp của cơ chế ám thị. Năm 1920, Mudrop đã nói, điều trị thực ra, chính là điều trị người
  • 13. bệnh. Những điều trên đây đã cho thấy, vấn đề tâm lý trong y học cần được nghiên cứu một cách nghiêm túc. Rõ ràng là, không có tri thức về tâm lý y học, không coi trọng trạng thái tâm lý và nhân cách người bệnh thì không thể nói đến một nền y học tương lai, tức là nền y học về vệ sinh cá nhân và phòng bệnh theo nghĩa rộng. Xetrenop đã cho rằng, người thầy thuốc không những là chuyên gia về trạng thái thực thể mà còn là chuyên gia về tâm lý cho người bệnh. 4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU TÂM LÝ Y HỌC Những phương pháp nghiên cứu tâm lý y học được xây dựng trên cơ sở các phương pháp nghiên cứu khoa học nói chung, trước hêt là các phương pháp của tâm lý học và của y học. Những phương pháp thường dùng là: quan sát, trò chuyện, phân tích sản phẩm, trắc nghiệm, thực nghiệm, phương pháp chuyên gia, phương pháp mô hình hoá… Đặc biệt, để nghiên cứu tâm lý người bệnh, tâm lý y học sử dụng phương pháp tâm lý lâm sàng. Đây là phương pháp do trường phái Mudrop- Giakharin-Botkin đề xướng, bao gồm các nội dung sau: 4.1. Phần mở đầu cuộc khám bệnh Ngưòi thầy thuốc chú ý thu thập những thông tin về hành chính như: tuổi, văn hoá, nghề nghiệp… và tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành quan hệ giao tiếp, có ích cho việc thăm khám và điều trị đạt kết quả. Trong phần kể bệnh, cần chú ý đến trạng thái chung, rối loạn giấc ngủ, biến đổi khí sắc và trạng thái tâm lý của người bệnh. Trong khai thác tiền sử bệnh, điều quan trọng là hỏi bệnh nhân về thời điểm xuất hiện bệnh, sự bắt đầu và diễn biến ra sao, bệnh nhân tưởng tượng ra hình ảnh lâm sàng của bệnh như thế nào, có suy nghĩ gì về nguyên nhân, tiên lượng của bệnh… Chú ý khai thác tiền sử đời sống người bệnh để có cơ hội thâm nhập vào thế giới nội tâm của họ. Qua đàm thoại, mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân thêm sâu sắc, thầy thuốc hiểu đầy đủ hơn về tâm lý người bệnh.
  • 14. 4.2. Phần khám các triệu chứng khách quan Cần chú ý tìm hiểu đầy đủ trạng thái tâm lý, ý thức, hoạt động… của người bệnh. Sơ bộ đánh giá mức độ phát triển trí tuệ, khí chất và những nét tính cách chủ yếu, đặc biệt phải tìm hiểu khí sắc và phản ứng xúc cảm của người bệnh. Cần tiến hành các trắc nghiệm và thực nghiệm tâm lý chuyên biệt để bổ sung cho các tài liệu nghiên cứu tâm lý. 4.3. Phần kết luận Trong phần kết luận, ngoài các chẩn đoán về bệnh tật, cần có các chẩn đoán về nhân cách, về trạng thái tâm lý của người bệnh. Xem nhân cách người bệnh hướng nội hay hướng ngoại, kiểu khí chất chính của họ ra sao. Cần xác định hình ảnh lâm sàng bên trong của bệnh, trạng thái tâm lý người bệnh trong mối tương quan với bệnh tật và hoàn cảnh mắc bệnh. Trên cơ sở đó, thầy thuốc đề ra nghệ thuật giao tiếp, kế hoạch tâm lý liệu pháp, vệ sinh tâm lý… với người bệnh. Tóm lại, tâm lý học y học nghiên cứu những vấn đề về tâm lý người bệnh, tâm lý thầy thuốc, tâm lý bệnh học… bằng những phương pháp đặc trưng của mình. Nó có cơ sở phương pháp luận là những quan điểm duy vật biện chứng và học thuyết thần kinh chủ đạo. Tâm lý học y học thực sự cần thiết cho một nền y học hiện đại. Chỉ những người thầy thuốc vừa có đầy đủ tri thức về y học thực thể, vừa có những hiểu biết sâu sắc về tâm lý y học mới có thể phòng bệnh, chữa bệnh một cách toàn diện và có hiệu quả. Phần 1. HIỆN TƯỢNG TÂM LÝ VÀ KHOA HỌC TÂM LÝ Chương 1. TÂM LÝ HỌC LÀ KHOA HỌC NGHIÊN CỨU CÁC HIỆN TƯỢNG TÂM LÝ 1. KHÁI NIỆM CHUNG VỀ HIỆN TƯỢNG TÂM LÝ
  • 15. 1.1. Bản chất của hiện tượng tâm lý Trong đời sống hàng ngày, chúng ta thường gặp những lời nhận xét như: chị này tâm lý lắm, anh kia không tâm lý tý nào… Chữ “tâm lý” dùng ở đây có thể mới được hiểu theo nghĩa hẹp, để chỉ thái độ, cách cư xử… của con người. Để hiểu chính xác và khoa học tâm lý là gì, từng hiện tượng tâm lý nẩy sinh và phát triển ra sao, vận hành theo quy luật nào…, loài người đã phải trải qua một thời gian dài nghiên cứu, thể nghiệm; đã phải chứng kiến biết bao cuộc đấu tranh quyết liệt giữa các khuynh hướng khác nhau. 1.1.1. Tâm lý là bản chất của vật chất cấp cao Đây là chủ đề tập trung sự đấu tranh gay gắt, lâu dài giữa những quan điểm duy tâm và duy vật. Chủ nghĩa duy tâm cổ đại cho rằng, hiện tượng tâm lý là bản chất siêu hình đặc biệt của sinh vật và được gọi là linh hồn. Theo nhà triết học duy tâm cổ đại Hy Lạp là Platon (427-347 trước công nguyên), linh hồn là siêu hình và độc lập với thể xác; con người sống được là nhờ linh hồn liên hệ với thể xác. Khi con người sống, linh hồn là nguyên nhân sinh ra các quá trình sống của cơ thể và nó truyền đạt tất cả các hiện tượng tâm lý vốn có của con người. Nếu không có sự điều khiển của linh hồn, thì con người không tồn tại. Khi ngưòi ta chết đi, linh hồn lìa khỏi xác, bay về cõi “niết bàn” và mãi mãi tồn tại. Các nhà duy tâm khách quan cho rằng, thế giới ý niệm sinh ra vạn vật, sinh ra thế giới vật chất. Còn các nhà duy tâm chủ quan, như G. Berkeley (1685 - 1753) cho rằng, vốn dĩ không có thế giới vật chất, những vật chất cụ thể là do cảm giác của con người mà có. Thuyết “linh hồn” của Platon ở phương Tây, thuyết “tâm” của đạo Khổng ở phương Đông đều tuyệt đối hoá thuộc tính tinh thần của tâm lý, hoàn toàn tách biệt tâm lý khỏi vật chất. Những người theo trường phái “nhị nguyên luận” như Descartes (1596 - 1650), đã dùng khái niệm phản xạ để giải thích các hoạt động cơ bắp đơn giản của động vật, của con người và cho rằng những hoạt động chủ định, có ý thức của con người là do linh hồn (ông gọi là “lý tính tối cao”) điều khiển. Theo J. Lock (1632 - 1704), tâm lý con người là những kinh nghiệm. Kinh
  • 16. nghiệm bên ngoài do tác động bên ngoài vào giác quan mà có; kinh nghiệm bên trong được sinh ra từ “ý thức bên trong”, tự nó hoạt động, chỉ tự nó mới biết được nó. Quan niệm nhị nguyên luận là sự biến dạng của chủ nghĩa duy tâm. Đối lập với quan điểm của chủ nghĩa duy tâm là chủ nghĩa duy vật. Theo họ, trong vũ trụ bao la chỉ có vật chất là tồn tại mãi mãi và luôn luôn biến đổi (vận động và phát triển), với những tính chất muôn hình, muôn vẻ. Tâm lý không tồn tại ngoài vật chất. Song những nhà duy vật cổ đại lại coi tâm lý là một thứ vật chất, do vật chất khác như nước, lửa, không khí… tạo ra (Democritos). Aristot (384 - 322 trước công nguyên) có quan điểm tiến bộ hơn, đã cho rằng, tinh thần chỉ là một chức năng của thân thể, như thị giác là chức năng của mắt. Một số nhà duy vật Trung Quốc thời kỳ này đã dùng thuyết ngũ hành (kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ) để giải thích nguồn gốc vật chất. Tuấn Tử (vào những năm 315 - 230 trước công nguyên) cho rằng, thân thể con người sinh ra tinh thần và cái tốt, cái xấu… đều nằm trong thân thể con người. Các nhà duy vật Pháp và các nhà duy vật Đức trước đây đã quan niệm một cách máy móc siêu hình rằng, hoạt động tâm lý cũng là một quá trình vật chất; óc người in hình sự vật bên ngoài giống như chiếc khuôn bằng sáp; tâm lý phản ánh hiện thực khách quan thụ động, giống như chiếc gương soi. Spinoza (1632 - 1667) cho rằng tất cả vật chất đều có tư duy. Lameltrie (1702 - 1751) đã thừa nhận, vật chất tồn tại độc lập; chỉ cơ thể mới có cảm giác và con người chẳng qua chỉ là cái máy đồng hồ. Thậm chí, có tác giả lại cho rằng, não tiết ra tâm lý cũng như gan tiết ra mật… Gần đây, những quan điểm duy tâm, duy vật máy móc, siêu hình về hiện tượng tâm lý vẫn tồn tại và được các nhà tâm lý học mới biến tướng dưới nhiều dạng khác nhau, tinh vi hơn và hấp dẫn hơn. L.Feurbach (1804 - 1872) là nhà duy vật lỗi lạc trước khi chủ nghĩa Mác ra đời đã khẳng định, tinh thần, ý thức không thể tách rời não người - một thứ vật chất phát triển tới mức cao nhất.
  • 17. Các nhà duy vật biện chứng đã có những quan điểm đúng đắn về bản chất vật chất của tâm lý. Họ cho rằng, tâm lý là biểu hiện bản chất của vật chất, là sản phẩm dưới dạng đặc biệt của vật chất có tổ chức cao là bộ não. Sự phát triển của tâm lý luôn luôn liên hệ mật thiết với sự phát triển của hệ thống thần kinh. Thế giới vật chất luôn luôn vận động và phát triển. Lúc đầu là thể vô cớ, sau đó phát triển thành thể hữu cơ, thành nguyên sinh chất. Sự phát triển của nó cứ tiếp tục, ngày càng phức tạp, hoàn chỉnh thêm và cuối cùng thành sự phản ánh thế giới khách quan của những sinh vật có hệ thần kinh, có não bộ. Mặt khác, sự phản ánh của sinh vật với thế giới xung quanh cũng ngày càng phát triển và hoàn thiện. Những sinh vật đầu tiên chỉ có bản tính kích thích. Từ bản tính này, trong quá trình phát triển ngày càng phức tạp của cơ thể, sinh vật luôn luôn biến đổi để thích ứng với hoàn cảnh xung quanh và do đó cảm giác của chúng được phát triên. Đây chính là sự bắt đầu của phản ánh tâm lý. Lúc đầu là những cảm giác mang tính chung chung, đơn giản, sau đó phát triển thành những cảm giác chuyên biệt (thị giác, thính giác, xúc giác…). Những sinh vật càng tiến hoá, hoạt động càng phức tạp thì phản ánh tâm lý của chúng càng phong phú và hoàn thiện, với những hình thức như: tưỏng tượng, tư duy, xúc cảm, tình cảm… Ý thức là hình thức phản ánh tâm lý cao nhất, chỉ có ở người. 1.1.2. Tâm lý có bản chất là phản xạ Hệ thần kinh động vật hoạt động theo cơ chế phản xạ. Những phản xạ này bao gồm các phản xạ không điều kiện và có điều kiện. Cơ chế hoạt động cấp cao của hệ thần kinh, của vỏ não là phản xạ có điều kiện. Hoạt động của hệ thống thần kinh gắn liền với hoạt động nội tiết của cơ thể. Vỏ não là bản chất thực tế vật chất của tâm lý. Như vậy, tất cả các hiện tượng tâm lý đều mang tính chất phản xạ. Chúng phát sinh là để đáp lại những kích thích này hay kích thích khác của thế giới bên ngoài hay bên trong cơ thể. 1.1.3. Tâm lý là sự phản ánh thế giới khách quan Nội dung của tâm lý là sự phản ánh chủ quan thế giới khách quan. Sự phản ánh này là muôn màu, muôn vẻ và phức tạp. Đây hoặc là sự phản ánh
  • 18. bản thân sự vật, hiện tượng, từ những thuộc tính bên ngoài đến bản chất của nó, bằng quá trình nhận thức cảm tính và lý tính; hoặc là sự phản ánh mối quan hệ giữa sự vật, hiện tượng với sự thoả mãn hay không thoả mãn nhu cầu của con người bằng những rung cảm, xúc cảm… Trong mối quan hệ qua lại với thế giới xung quanh, con người không chỉ nhận cảm, suy nghĩ, nhớ lại hoặc tưởng tượng ra, mà còn thực hiện những hành động khác nhau, gây nên những biến đổi thế giới xung quanh để thoả mãn nhu cầu muôn hình, muôn vẻ của mình. Những quá trình tâm lý phản ánh thế giới khách quan của con ngưòi mang tính chủ thể và tích cực, thông qua sở thích, năng lực, nhu cầu… của mỗi cá nhân, khác với sự phản chiếu thụ động của chiếc gương. 1.1.4. Tâm lý con người có bản chất xã hội, lịch sử Đây là điểm khác nhau giữa tâm lý người và tâm lý động vật. Con người khi sống trong xã hội loài người đã giao tiếp với nhau, cùng nhau lao động và phát triển xã hội. Tâm lý con người phản ánh sự hình thành phát triển của xã hội. Trong hoạt động, nhất là hoạt động lao động, con người chuyển các hiện tượng tâm lý của mình vào những sản phẩm vật chất hoặc tinh thần. Ngược lại, khi hoạt động với công cụ, với đồ vật con người bóc tách những tinh tuý tâm lý mà loài người xã hội gửi gắm vào trong đó thành hiện tượng tâm lý của riêng mình. Trong mỗi hiện tượng tâm lý của con người đều mang đậm dấu ấn của xã hội mà con người đang sống và thay đổi theo lịch sử phát triển xã hội mà con người đã trải qua. Không sống trong xã hội loài người (như những người khi mới sinh đã bị động vật nuôi ở trong rừng), thì không thể có tâm lý người. Tham gia vào sự hình thành và phát triển tâm lý con người có những yếu tố cơ bản sau: bẩm sinh, di truyền về mặt sinh vật hoặc truyền lại cho nhau qua công cụ, đồ vật; hoạt động, giao tiếp; giáo dục và tự giáo dục; điều kiện và hoàn cảnh sống… Tóm lại, tâm lý con người là sự phản ánh chủ quan thế giới khách quan, có cơ sở tự nhiên là hoạt động thần kinh và hoạt động nội tiết, được nẩy sinh
  • 19. bằng những hoạt động sống của từng người và gắn bó với các quan hệ xã hội, lịch sử. 1.2. Đặc điểm chung của hiện tượng tâm lý Đời sống tâm lý vô cùng phong phú, muôn màu, muôn vẻ, song xem xét một cách khái quát, chúng có chung những đặc trưng sau: 1.2.1. Tính chủ thể Sự phản ánh tâm lý khác với sự phản ánh cơ giới và sinh vật ở chỗ, bao giờ nó cũng mang dấu vết riêng của chủ thể phản ánh. Mỗi chủ thể phản ánh tâm lý hiện thực khách quan đều thông qua kinh nghiệm, thái độ, cảm xúc riêng của mình. Tính chủ thể khiến cho hiện tượng tâm lý ngoài cái chung ra, còn luôn luôn mang màu sắc riêng của mỗi cá nhân. 1.2.2. Tính tổng thể của đời sống tâm lý Không có hiện tượng tâm lý nào đứng riêng rẽ, không liên quan đến các hiện tượng tâm lý khác. Đời sống tâm lý của cá nhân là toàn vẹn. Và mỗi một hiện tượng tâm lý cũng mang tính toàn vẹn, chỉnh thể. 1.2.3. Sự thống nhất giữa hoạt động tâm lý bên trong và bên ngoài Tâm lý là hiện tượng thuộc về thế giới bên trong. Song nó liên quan chặt chẽ với thế giới bên ngoài qua những sự vật, hiện tượng của môi trường bên ngoài mà nó phản ánh; qua bản thể vật chất của nó là bộ não và qua những biểu hiện bên ngoài như hành vi, cử chỉ, ngôn ngữ, vẻ mặt, dáng điệu… Chúng ta có thể thông qua những biểu hiện bên ngoài đó mà xét đoán tâm lý bên trong. 1.3. Chức năng của hiện tượng tâm lý Tâm lý con người phản ánh thế giới khách quan, song khi đã hình thành, nó tác động trở lại thế giới hiện thực khách quan. Hiện tượng tâm lý của con ngươi liên quan chặt chẽ với các hiện tượng khác trong đời sống, như chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội… Cùng với các hiện tượng khác, hiện tượng tâm lý giúp con người định hướng, điều khiển, điều chỉnh hoạt động
  • 20. của mình, làm cho hoạt động thích nghi, cải tạo thế giới và hoạt động tự hoàn thiện bản thân của con người ngày càng có hiệu quả. 1.4. Phân loại các hiện tượng tâm lý Tuỳ theo những dấu hiệu dựa vào để phân loại mà chúng ta có thể chia các hiện tượng tâm lý thành những nhóm khác nhau. 1.4.1. Chia theo thời gian tồn tại của các hiện tượng tâm lý 1.4.1.1. Các quá trình tâm lý Bao gồm các hiện tượng tâm lý có mở đầu, có kết thúc và tồn tại trong thời gian ngắn (vài giây hoặc vài giờ), như quá trình cảm giác, tri giác, tư duy, trí nhớ, cảm xúc, ý chí… 1.4.1.2. Các trạng thái tâm lý Bao gồm những hiện tượng tâm lý diễn ra không có khởi đầu và kết thúc, thường tồn tại trong thời gian tương đối dài (vài chục phút, hàng tháng) và làm phông, làm nền cho các hiện tượng tâm lý khác diễn ra, như trạng thái lo âu, băn khoăn, lơ đãng, buồn phiền, chú ý… 1.4.1.3. Các thuộc tính tâm lý Bao gồm những hiện tượng tâm lý hình thành trong thời gian tương đối dài, tạo nên những nét riêng, đặc trưng cho mỗi cá nhân và chi phối những hiện tượng tâm lý khác. Ví dụ như, những thụộc tính tâm lý tạo nên xu hướng, khí chất, tính cách, năng lực… của con người. 1.4.2. Chia theo dấu hiệu của từng người hay nhóm người, bao gồm: 1.4.2.1. Những hiện tượng tâm lý cá nhân. 1.4.2.2. Những hiện tượng tâm lý xã hội như dư luận xã hội, tập quán,mốt… 1.4.3. Chia theo chức năng các hiện tượng tâm lý
  • 21. 1.4.3.1. Các hiện tượng tâm lý vận động - cảm giác như thị giác, thính giác, sự co duỗi của tay, chân… 1.4.3.2. Trí tuệ, bao gồm các quá trình tiếp nhận và sử dụng tri thức như cảm giác, tri giác, tư duy, trí nhớ… 1.4.3.3. Nhân cách, bao gồm các thuộc tính tâm lý quy định hành vi, giá trị xã hội của con người… 1.4.4. Chia theo mức độ nhận biết của chủ thể Căn cứ vào những hiện tượng tâm lý được chủ thể nhận biết đến đâu, có thể chia các hiện tượng tâm lý thành ba nhóm: 1.4.4.1. Ý thức, bao gồm những hiện tượng tâm lý được nhận biết. Ví dụ như, biết mình đang suy nghĩ, đang tri giác, hoặc đã nhớ đến điều gì đó… Đây còn gọi là những hiện tượng tâm lý có ý thức. 1.4.4.2. Vô thức, bao gồm những hiện tượng tâm lý của bản thân mà không được cá nhân nhận biết, như giấc mơ, bản năng tự vệ… 1.4.4.3. Tiền ý thức, bao gồm những hiện tượng tâm lý ở giữa vùng ý thức và vô thức, hay còn gọi là hoạt động tiền ý thức. Ví dụ như giấc mơ báo hiệu bệnh tật nếu con người trong trạng thái tỉnh táo thì những kích thích từ ổ bệnh còn ở mức dưới ngưỡng, chưa đủ để báo thành bệnh. 2. MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ KHOA HỌC TÂM LÝ 2.1. Sơ lược lịch sử tâm lý học Tư xa xưa, chỉ bằng quan sát và tự thể nghiệm, con ngươi đã có biết bao nhận xét tinh vi, sâu sắc về hiện tượng tâm lý. Tất nhiên những cách lý giải, mô tả lúc bấy giờ mới chỉ là những hiểu biết kinh nghiệm chủ nghĩa. Trong lịch sử hình thành những quan niệm về hiện tượng tâm lý cũng như về đối tượng của tâm lý học, luôn luôn bị những triết học khác nhau chi phối. Những khái niệm tâm, thiện, ác, linh hồn… được chủ nghĩa duy tâm gán cho tâm lý vẫn tồn tại cho đến ngày nay và vẫn được nhiều người thừa nhận. Những quan niệm này mang tính thần bí, không khoa học.
  • 22. Tác phẩm “Bàn về linh hồn” của Aristot được coi là tác phẩm đầu tiên của tâm lý học. Song trong thời kỳ này, do khoa hoc tự nhiên và triết học duy vật còn thô sơ nên con người chưa giải thích được những hiện tượng tâm lý phức tạp như ý thức, tính cách, tư duy… Từ thế kỷ XVII, các khoa học tự nhiên (cơ học, hình học, hoá học, sinh lý học…) phát triển mạnh. Những quan sát của các khoa học này đã chỉ ta mối quan hệ giữa hiện tượng tâm lý và môi trường bên ngoài. Song ở thế kỷ XVII, XVIII, các quan điểm cơ giới trong khoa học rất thịnh hành và đã ảnh hưởng lớn đến cách xem xét các hiện tượng của thế giới, trong đó có hiện tượng tâm lý. Một loạt khái niệm khoa học và phi khoa học đã nẩy sinh trong thời kỳ này, như khái niệm về phản xạ, về “lý tính tối cao”, về tâm lý học kinh nghiệm, về sự nẩy sinh hiện tượng tâm lý một cách tự nhiên từ vật chất… Đến thế kỷ XIX, thuyết tiến hoá sinh vật của Darwin ra đời, đã góp phần giải thích nguyên nhân nẩy sinh, phát triển hiện tượng tâm lý từ thấp đến cao, kể cả hành vi bản năng. Sự phát triển của sinh lý học giác quan và sinh lý học bộ não đã chứng minh mối quan hệ giữa hiện tượng tâm lý với hoạt động của não và của toàn cơ thể. Khoa học tự nhiên phát triển đã góp phần tích cực vào sự hình thành và phát triển các khoa học về tinh thần. Dựa vào các khoa học đó, người ta đi sâu nghiên cứu tâm lý động vật, tâm lý trẻ em, tâm lý người chậm phát triển trí tuệ… Cuối thế kỷ XIX, tâm lý học tách khỏi triết học thành khoa học riêng với tính cách là một khoa học thực nghiệm và dùng phương pháp thực nghiệm, mô tả của vật lý học và sinh lý học để nghiên cứu các hiện tượng tâm lý. Năm 1879, Wundt (nhà tâm lý học duy tâm Đức) đã lập ra phòng thí nghiệm tâm lý đầu tiên trên thế giới (tại Leipzig). Sau đó nhiều nước khác như Nga, Anh, Mỹ, Pháp… cũng lập ra các phòng thí nghiệm tâm lý và xây dựng các khoa tâm lý học độc lập ở các trường đại học. Cuộc khủng hoảng về phương pháp luận của tâm lý học truyền thống đầu thế kỷ XX đã làm nẩy sinh nhiều trường phái tâm lý học. Có trường phái dùng quan điểm sinh vật học để nghiên cứu tâm lý người, như tâm lý học
  • 23. hành vi của Watson (1878 - 1958) và một số người khác. Họ cho rằng, hành vi là vấn đề duy nhất, thực tế nhất. Họ coi hoạt động của người cũng giống như của động vật. Mọi hoạt động, từ đơn giản đến phức tạp (như tư duy, tư tưởng, tình cảm…) đều là những phản ứng của cơ thể nhằm đáp ứng với những kích thích từ bên ngoài tác động vào. Nhiệm vụ của thuyết hành vi là xác lập mối quan hệ trực tiếp giữa kích thích và phản ứng (S - R). Tâm lý học Gestalt do Maxwertheimer và những người khác đề xướng đã cho rằng, ý thức con người mang tính hoàn chỉnh, không thể phân chia được. Tâm lý, ý thức như một cấu trúc trọn vẹn, được hình thành từ sự biến động của “sự phân phối lực từ trường”. Trường phái phân tâm học của Freud (1858 -1939) dựa trên quan điểm duy tâm, đã quy tâm lý vào bản năng vô thức. Freud chia tâm lý thành ba phần: Cái nó (là cái vô thức, gồm những bản năng) là phần quan trọng nhất, thực chất nhất của tâm lý; Cái tôi, là các hoạt động nhằm thoả mãn các bản năng vô thức; Cái siêu tôi hay là cái tôi lý tưởng, là sự ràng buộc của xã hội, của đạo đức… Cái siêu tôi ngăn chặn, chèn ép cái tôi, tạo nên sự kiểm duyệt. Những bản năng bị dồn nén, sinh ra năng lượng điều khiển hành vi hoặc sinh ra bệnh tâm thần, sinh ra những mặc cảm tâm lý… Còn nhiều trường phái tâm lý học khác hình thành trên cơ sở biến tướng của các trưòng phái duy tâm chủ quan, duy tâm khách quan hoặc duy vật máy móc, siêu hình… Các trường phái này hoặc là không thấy hết cơ sở sinh lý thần kinh của các hiện tượng tâm lý hoặc là không xét đến bản chất xã hội - lịch sử của tâm lý người… Triết học Mác - Lênin đã tác động mạnh mẽ đến tâm lý học. Lý luận phản ánh của các ông đã vạch ra nguồn gốc, bản chất của tâm lý, ý thức con người đồng thời chỉ ra đối tượng, nhiệm vụ và phương pháp của tâm lý học khoa học. Luận điểm duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác-Lênin đã khẳng định tâm lý là chức năng của não và phải nghiên cứu tâm lý con ngươi trên quan điểm xã hội - lịch sử.
  • 24. Cùng với sự phát triển của các khoa học khác, tâm lý học ngày nay đã lớn mạnh cả về lý thuyết lẫn thực hành. Nhiều chuyên ngành tâm lý học mới ra đời (như tâm lý học lao động, tâm lý học thể thao, tâm lý học y học, tâm lý học thương nghiệp…), một mặt nhằm phục vụ từng lĩnh vực hoạt động cụ thể của con người, mặt khác giúp con người tiếp cận bản chất đích thực của hiện tượng tâm lý nói chung và của tâm lý con người nói riêng tốt hơn. Có rất nhiều khoa học nghiên cứu hiện tượng tâm lý và gắn bó chặt chẽ với tâm lý học; bản thân các ngành của tâm lý học cũng gắn bó chặt chẽ với nhau, nhằm làm cho việc nghiên cứu hiện tượng tâm lý ngày càng đáp ứng nhu cầu thực tiễn hơn. 2.2. Đối tượng, nhiệm vụ của tâm lý học 2.2.1. Đối tượng nghiên cứu của tâm lý học là các hiện tượng tâm lý Tâm lý học nghiên cứu xem con người nhận thức thế giới bằng con đường nào (cảm giác, tri giác, tư duy, tưởng tượng, hay nhớ lại…); thái độ, cảm xúc, tình cảm… của con người đối với những cái mình thấy, những điều mình nghĩ… ra sao; nghiên cứu xem trạng thái tâm lý, kỹ năng, kỹ xảo, ý chí, hoạt động… của con người như thế nào; nghiên cứu tâm lý người, tâm lý động vật; nghiên cứu tâm lý cá nhân, tâm lý xã hội… Tâm lý học giới thiệu thế giới nội tâm bằng một hệ thống các khái niệm, sự kiện, quy luật; cung cấp những tri thức cần thiết để con người nhận thức, cải tạo thế giới tự nhiên, xã hội và chính bản thân con người. 2.2.2. Nhiệm vụ của tâm lý học 2.2.2.1. Nhiệm vụ chung của tâm lý học là nghiên cứu những quy luật khách quan của các hiện tượng tâm lý, nghiên cứu những bản chất tâm lý cá nhân và những đặc điểm tâm lý các hoạt động của con người. 2.2.2.2. Nhiệm vụ chủ yếu của các ngành tâm lý học chuyên biệt là: Tâm lý học đại cương: nghiên cứu các quy luật chung nhất của tâm lý.
  • 25. Tâm lý học cá nhân: nghiên cứu những đặc điểm tâm lý cá nhân. Tâm lý học xã hội: nghiên cứu sự tác động qua lại giữa tâm lý nhóm và tâm lý cá nhân. Tâm lý học lứa tuổi: nghiên cứu đặc điểm tâm lý của các lứa tuổi. Tâm lý học sư phạm: nghiên cứu tâm lý trong dạy học và giáo dục. Tâm lý học lao động: nghiên cứu những đặc điểm tâm lý của hoạt động lao động nhằm mục đích hợp lý hoá các loại hoạt động lao động và cải tiến tổ chức dạy nghề. Tâm lý học y học: nghiên cứu các đặc trưng tâm lý của người bệnh, của nhân viên y tế trong phòng và chữa bệnh. Ngoài ra tâm lý học còn đi sâu nghiên cứu đặc điểm tâm lý trong các hoạt động cụ thể khác, tạo nên những ngành tâm lý học như: tâm lý học thể thao, tâm lý học nghệ thuật, tâm lý học hình pháp, tâm lý học hàng không, tâm lý học quân sự… 2.3. Phương pháp nghiên cứu của tâm lý học 2.3.1. Những nguyên lý cơ bản trong nghiên cứu hiện tượng tâm lý - Nguyên lý về sự thống nhất giữa ý thức, nhân cách và hoạt động. - Nguyên lý về cơ sở vật chất của hiện tượng tâm lý là hoạt động thần kinh cấp cao và tâm lý người có bản chất xã hội - lịch sử. - Nguyên lý về sự vận động, phát triển của các hiện tượng tâm lý. - Nguyên lý về mối liên hệ thống nhất giữa các hiện tượng tâm lý với nhau, giữa các hiện tượng tâm lý với các hiện tượng khác, giữa thế giới nội tâm và thế giới thực tại khách quan… 2.3.2. Các phương pháp nghiên cứu tâm lý thường được sử dụng Có rất nhiều phương pháp nghiên cứu các hiện tượng tâm lý như: Phương pháp quan sát và tự quan sát. Phương pháp đàm thoại, trò chuyện.
  • 26. Phương pháp điều tra. Phương pháp phân tích sản phẩm. Phương pháp thực nghiệm (thực nghiệm tự nhiên và thực nghiệm trong phòng thí nghiệm). Phương pháp trắc nghiệm (test). Phương pháp mô hình hoá. Phương pháp chuyên gia… Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm, nhược điểm nhất định. Tùy từng đối tượng và khách thể nghiên cứu; tùy từng mục đích, điều kiện, hoàn cảnh nghiên cứu… mà chúng ta chọn ra những hệ thống phương pháp thích hợp. Chương 2. NHẬN THỨC CẢM TÍNH Hoạt động nhận thức thế giới khách quan của con người có những mức độ khác nhau. Mức độ thấp là nhận thức cảm tính, bao gồm cảm giác và tri giác. Mức độ cao là nhận thức lý tính, bao gồm tư duy và tưởng tượng. Các quá trình nhận thức này quan hệ chặt chẽ với nhau, bổ sung cho nhau, chi phối lẫn nhau trong một hoạt động nhận thức thống nhất của con người. 1. CẢM GIÁC 1.1. Khái niệm về cảm giác Cảm giác là quá trình tâm lý phản ánh một cách riêng lẻ từng thuộc tính của sự vật, hiện tượng khách quan khi chúng đang trực tiếp tác động vào giác quan. - Cảm giác là một quá trình phản ánh tâm lý có mở đầu, diễn biến (khi sự vật, hiện tượng đang trực tiếp kích thích vào giác quan) và có kết thúc (khi kích thích ngừng tác động).
  • 27. - Mỗi sự vật, hiện tượng có nhiều thuộc tính khác nhau như hình dáng, độ lớn, màu sắc… Khi những thuộc tính này trực tiếp tác động vào từng giác quan riêng lẻ thì sẽ tạo ra những cảm giác riêng lẻ khác nhau. Trong thực tế, mỗi sự vật, hiện tượng là một chỉnh thể, trọn vẹn, gồm nhiều thuộc tính, cùng tác động vào con người. Do giới hạn của mình nên cảm giác chỉ phản ánh được từng thuộc tính riêng lẻ và phản ánh một cách trực tiếp những thuộc tính của sự vật, hiện tượng. Tuy là hiện tượng tâm lý sơ đẳng, song cảm giác là nền tảng của nhiều hoạt động tâm lý khác của cả người và động vật. Với con vật, cảm giác là hình thức định hướng cao nhất trong môi trường. Còn với con người, cảm giác chỉ là hình thức định hướng đầu tiên, song nó đã giúp đỡ tích cực con người trong việc điều khiển, điều chỉnh hoạt động trong môi trường. Giác quan của một số loài vật phản ánh khá tinh vi và nhạy bén, như mắt của chim đại bàng, tai của dơi… Giác quan của con người qua quá trình phát triển lâu dài, qua rèn luyện, nhờ kinh nghiệm, vốn sống và hoạt động nghề nghiệp mà không ngừng hoàn thiện, trở nên tinh vi và nhạy bén hơn nhiều so với giác quan của các loài vật. 1.2. Phân loại cảm giác Dựa trên những tiêu chuẩn khác nhau mà chúng ta có những cách phân loại cảm giác khác nhau. Căn cứ vào vị trí của nguồn kích thích và của bộ máy thụ cảm, người ta chia thành hai loại hệ thống: cảm giác bên ngoài và cảm giác bên trong cơ thể. 1.2.1. Cảm giác bên ngoài Là những cảm giác phản ánh những thuộc tính của thế giới bên ngoài và do những bộ máy thụ cảm ở mặt ngoài cơ thể thu nhận, bao gồm: 1.2.1.1. Cảm giác nhìn (thị giác)
  • 28. Loại cảm giác này cho ta biết những thuộc tính về hình dáng, độ lớn, màu sắc… của đối tượng. Nó cung cấp tới 90% lượng thông tin mà con người thu nhận được từ tất cả các giác quan. 1.2.1.2. Cảm giác nghe (thính giác) Là những cảm giác cho biết những thuộc tính như độ cao, cường độ… âm thanh của đối tượng. 1.2.1.3. Cảm giác ngửi (khứu giác) Là những cảm giác cho biết thuộc tính mùi của đối tượng. 1.2.1.4. Cảm giác nếm (vị giác) Loại cảm giác này cho biết những thuộc tính vị của đối tượng. Có bốn loại thuộc tính nếm cơ bản là chua, cay, mặn, đắng. Sự kết hợp của 4 loại này sẽ tạo nên sự đa dạng của vị giác. 1.2.1.5. Cảm giác da (xúc giác) Là cảm giác cho biết các thuộc tính cơ học hoặc nhiệt độ của đối tượng. Có 3 loại cảm giác da: cảm giác tiếp xúc da (đụng chạm, nén, rung động, ngứa); cảm giác nhiệt độ (nóng, lạnh) và cảm giác đau. 1.2.2. Cảm giác bên trong Là những cảm giác phản ánh trạng thái của các cơ quan nội tạng và do các bộ máy thụ cảm ở bên trong cơ thể nhận kích thích, bao gồm: 1.2.2.1. Cảm giác vận động (cảm giác gân, cơ, khớp) Là những cảm giác về sự vận động, về vị trí từng bộ phận của thân thể, phản ánh độ co, duỗi của cơ, của dây chằng và khớp xương… cảm giác này cùng với những cảm giác bên ngoài, cho ta biết những thuộc tính như: rắn, mềm, khối lượng, co giãn, xù xì, trơn nhẵn… của đối tượng. 1.2.2.2. Cảm giác thăng bằng Cảm giác này phản ánh vị trí của thân thể trong không gian, nhờ sự kích thích vào các khí quan thụ cảm của bộ máy tiền đình.
  • 29. 1.2.2.3. Cảm giác cơ thể (cảm giác bản thể) Đây là những cảm giác phản ánh tình trạng của các cơ quan nội tạng của con người như cảm giác đau, đói, no, khát, buồn nôn và các cảm giác về hô hấp, tuần hoàn, gan mật, cơ bắp… 1.3. Những thuộc tính chung của các cảm giác Ngoài những đặc tính riêng, cảm giác còn có các thuộc tính chung: 1.3.1. Dạng thức của cảm giác Các dạng thức này được dùng để phân biệt các loại cảm giác (ví dụ nhìn màu, ngửi mùi) và để phân biệt sự biến đổi trong phạm vi từng loại cảm giác (ví dụ cảm giác nếm mặn hay nhạt, ngọt hay đắng…). 1.3.2. Cường độ Đây là thuộc tính phản ánh sức mạnh của kích thích và trạng thái của bộ máy thụ cảm, ví dụ tùy cường độ cảm giác khác nhau mà ta nhìn đồ vật có độ rõ ràng khác nhau… 1.3.3. Thời hạn duy trì cảm giác, vị trí không gian của kích thích… 1.4. Một số quy luật cơ bản của cảm giác 1.4.1. Quy luật ngưỡng, mối quan hệ giữa ngưỡng và độ nhạy cảm Mỗi giác quan được chuyên biệt hóa để phản ánh một dạng kích thích phù hợp, ví dụ mắt phản ánh các sóng ánh sáng, tai phản ánh các sóng âm thanh… Song không phải mọi kích thích khi đã tác động vào giác quan tương ứng đều gây ra cảm giác. Muốn gây nên cảm giác, kích thích phải đạt tới một giới hạn nhất định. Giới hạn mà ở đó kích thích gây ra được cảm giác gọi là ngưỡng cảm giác. Có hai loại ngưỡng cảm giác: 1.4.1.1. Ngưỡng tuyệt đối Bao gồm ngưỡng tuyệt đối phía dưới (là cường độ hoặc tính chất kích thích tối thiểu đủ gây ra cảm giác) và ngưỡng tuyệt đối phía trên (là cường độ hoặc tính chất kích thích tối đa mà ở đó vẫn còn gây ra cảm giác tương ứng).
  • 30. Phạm vi giữa ngưỡng dưới và ngưỡng trên gọi là vùng cảm giác, trong đó có vùng phản ánh tốt nhất. Ví dụ, với cảm giác nhìn, ngưỡng dưới là sóng ánh sáng có bước sóng 390 mM và ngưỡng trên là 780 mM, vùng phản ánh tốt nhất là 565 mM. Vùng cảm giác nghe là sóng âm thanh từ 16 hec đến 20.000 hec và vùng phản ánh tốt nhất là 1000 hec. 1.4.1.2. Ngưỡng sai biệt Mức độ chênh lệch tối thiểu về cường độ hoặc tính chất của hai kích thích đủ để phân biệt được chúng gọi là ngưỡng sai biệt. Ngưỡng sai biệt của thị giác là 1% (ví dụ như, nếu 2 màu đỏ chênh nhau 1% về cường độ hoặc bước sóng trở lên, thì ta mới phân biệt được chúng), của thính giác là 1/10 (ví dụ, nếu 2 nốt nhạc “đô” chênh nhau 1/10 cường độ hoặc tần số trở lên, ta nghe mới phân biệt được chúng). Ngưỡng sai biệt của cảm giác trọng lượng, nén ép là 1/30. Ngưỡng tuyệt đối và ngưỡng sai biệt không giống nhau giữa các loại cảm giác và giữa các cá nhân. Ngưỡng cảm giác có thể thay đổi theo lứa tuổi, trạng thái sức khoẻ, trạng thái tâm - sinh lý, tính chất nghề nghiệp, sự rèn luyện, kinh nghiệm… của mỗi người. 1.4.1.3. Mối quan hệ giữa ngưỡng cảm giác và độ nhạy cảm sai biệt Khả năng cảm nhận được các kích thích rất yếu tác động vào giác quan gọi là độ nhạy cảm của giác quan. Khả năng cảm nhận sự khác nhau rất nhỏ giữa hai kích thích (nhận ra ngưỡng sai biệt) gọi là độ nhạy cảm sai biệt, hay tính nhạy cảm sai biệt. Ngưỡng cảm giác phía dưới và ngưỡng sai biệt tỷ lệ nghịch với độ nhạy cảm của cảm giác và độ nhạy cảm sai biệt. Ngưỡng dưới càng thấp thì độ nhạy cảm càng cao; ngưỡng sai biệt càng bé thì độ nhạy cảm sai biệt càng cao. 1.4.2. Quy luật về sự thích ứng của cảm giác Cảm giác của chúng ta được xác định không chỉ do vật kích thích mà còn do những điều kiện tâm - sinh lý nữa. Để đảm bảo cho sự phản ánh tốt
  • 31. nhất và bảo vệ hệ thần kinh, cảm giác của con người có khả năng thích ứng với kích thích. Sự thích ứng của cảm giác là khả năng thay đổi độ nhạy cảm cho phù hợp với sự thay đổi của cường độ hoặc tính chất của kích thích. Quy luật chung về sự thích ứng của cảm giác là: 1.4.2.1. Tăng độ nhạy cảm khi gặp kích thích yếu Ví dụ vào buổi tối, đèn trong phòng đang sáng tự nhiên tắt. Lúc đầu ta chưa nhìn rõ đồ vật, nhưng sau vài giây, độ nhạy cảm tăng lên, thị giác thích ứng và ta nhìn rõ đồ vật trong phòng hơn. 1.4.2.2. Giảm độ nhạy cảm khi gặp kích thích mạnh và lâu Ví dụ như trong phòng đang tối, đèn tự nhiên bật sáng, mắt ta lóa lên và không nhìn rõ ngay đồ vật. Phải đợi vài giây, độ nhạy cảm giảm xuống, thị giác thích ứng dần và ta nhìn thấy rõ. Hoặc một ví dụ khác chúng ta không cảm thấy sức nặng của đồng hồ đeo ở tay, vì do đeo nó lâu ngày, độ nhạy cảm về kích thích của đồng hồ giảm đi và ta đã thích ứng với nó. Sự thích ứng của mỗi cảm giác không giống nhau. Có những cảm giác thích ứng nhanh (như cảm giác nhìn, ngửi, cảm giác nhiệt độ…); có những cảm giác thích ứng chậm (như cảm giác nghe, cảm giác đau, cảm giác thăng bằng). Khả năng thích ứng của cảm giác có thể thay đổi tùy theo sự rèn luyện và hoạt động nghề nghiệp của mỗi người. 1.4.3. Quy luật về sự tác động qua lại giữa các cảm giác Thế giới khách quan tác động vào con người bằng nhiều thuộc tính, tính chất và gây ra cho con người nhiều cảm giác khác nhau. Mặt khác, các giác quan của con người có quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động qua lại với nhau. Kết quả của sự tác động qua lại giữa các cảm giác là làm thay đổi độ nhạy cảm của một cảm giác này dưới tác động của một cảm giác khác. Quy luật chung của sự tác động qua lại giữa các cảm giác là: 1.4.3.1. Kích thích yếu vào một cơ quan phân tích này sẽ làm tăng độ nhạy cảm của một cơ quan phân tích khác. Ví dụ cảm giác nếm chất chua nhẹ sẽ làm tăng độ nhạy cảm của thị giác.
  • 32. 1.4.3.2. Kích thích mạnh lên cơ quan phân tích này sẽ làm giảm độ nhạy cảm của cơ quan phân tích kia. Ví dụ, nhìn ánh sáng gay gắt, tai nghe kém hơn. Sự tác động qua lại giữa các cảm giác có thể diễn ra đồng thời hoặc nối tiếp, có thể giữa các cảm giác cùng loại hay khác loại. Sự tác động qua lại giữa những cảm giác cùng loại được gọi là hiện tượng tương phản trong cảm giác. Đó là sự thay đổi cường độ hay chất lượng của cảm giác do ảnh hưởng của kích thích cùng loại diễn ra trước đó hay đồng thời (tương phản nối tiếp và tương phản đồng thời). Ví dụ, nếu hai tờ giấy màu xám như nhau, một được đặt trên nền trắng, một đặt trên nền đen, ta nhìn hình như tờ giấy trên nền trắng có màu xẫm hơn tờ giấy trên nền đen. Đây là sự tương phản đồng thời trong cảm giác. Một ví dụ khác, nếu ta nhúng bàn tay phải vào chậu nước lạnh và nhúng bàn tay trái vào chậu nước nóng. Sau đó nhúng cả hai bàn tay vào chậu nước hơi âm ấm, ta cảm thấy bàn tay phải nóng lên, còn bàn tay trái mát dịu đi. Đó là hiện tượng tương phản nối tiếp. Trong sự tác động qua lại giữa các cảm giác, đôi khi chúng ta còn gặp hiện tượng đặc biệt là: kích thích vào giác quan này thì đồng thời lại gây ra cảm giác ở giác quan khác. Ví dụ, nghe tiếng cọ xát vào nhau của hai thanh nứa (kích thích thính giác), ta cảm thấy “ghê người” (xuất hiện cảm giác cơ thể). 2. TRI GIÁC 2.1. Khái niệm Tri giác là quá trình tâm lý phản ánh một cách trọn vẹn các thuộc tính của sự vật, hiện tượng khi chúng trực tiếp tác động vào giác quan. Trên cơ sở kết quả của các quá trình cảm giác mà tri giác được hình thành và phát triển. Nhưng tri giác không phải là sự cộng lại đơn thuần các cảm giác, mà là một sự phản ánh cao hơn so với cảm giác, ở mức độ tri giác, con người đã phản ánh được một cách tổng hợp các thuộc tính của sự vật
  • 33. hiện tượng. Các cảm giác riêng lẻ được tổng hợp lại trên vỏ não và cho ta một hình ảnh trọn vẹn, hoàn chỉnh về sự vật, hiện tượng. 2.2. Phân loại tri giác Có nhiều cách phân loại tri giác. Thông thường chúng ta sử dụng một số cách phân loại sau đây: 2.2.1. Dựa trên bộ máy phân tích nào giữ vai trò chính, trực tiếp tham gia vào quá trình tri giác, có thể chia thành tri giác nhìn, tri giác nghe, tri giác ngửi, tri giác nếm, tri giác sờ mó… 2.2.2. Dựa vào tính tích cực của con ngưòi khi tri giác (tri giác có mục đích, có kế hoạch hay không…), có thể chia thành tri giác có chủ định và tri giác không chủ định. 2.2.3. Dựa vào sự phản ánh những hình thức tồn tại khác nhau của sự vật, hiện tượng trong thế giới, có thể chia ra ba loại tri giác sau: 2.2.3.1. Tri giác các thuộc tính không gian của đối tượng Đây là tri giác các thuộc tính hình dáng, độ lớn, vị trí, khoảng cách của sự vật, hiện tượng. Trong tri giác này có sự kết hợp của nhiều yêu tố như các cảm giác (nhìn, nghe, vận động, sờ mó…); trạng thái tâm lý, kinh nghiệm của chủ thể; điều kiện và hoàn cảnh xung quanh (như ánh sáng, bóng tối…); và cơ sở sinh lý thần kinh, nhất là cơ chế nhìn bằng hai mắt… Đôi khi chúng ta gặp những ảo giác trong loại tri giác này, ví dụ: nhìn cái thìa trong cốc nước như bị gãy; nhìn hai đường thẳng song song trên nền các đường chéo cắt nhau ta thấy như chúng không còn song song nữa… 2.2.3.2. Tri giác các thuộc tính thời gian Loại tri giác này cho biết về thời hạn (tồn tại lâu hay mau), nhịp điệu, tính liên tục về diễn biến thời gian của đối tượng. Nó chịu sự chi phối của nhiều yếu tố, như quá trình sinh lý, nhịp điệu sinh học của cơ thể (quá trình hô hấp, tuần hoàn, sự kế tiếp đói-no, thức- ngủ…); những hoạt động, tâm trạng của chủ thể và chịu sự chi phối của chu kỳ diễn biến tự nhiên của môi trường
  • 34. (ngày-đêm, mưa-nắng…). Chúng ta có thể gặp những ảo giác thời gian như: trong cùng một khoảng thời gian, nếu sự vật diễn biến muôn hình, muôn vẻ, có nhiều hoạt động hấp dẫn thì ta cảm thấy thời gian trôi nhanh; trái lại, nếu trong đó toàn những công việc buồn tẻ, hoặc phải chờ đợi… thì ta lại thấy thời gian trôi chậm chạp. 2.2.3.3. Tri giác các thuộc tính vận động Loại tri giác này cho biết phương hướng, tốc độ chuyển động của đối tượng. Nó quan hệ chặt chẽ với tri giác thời gian, không gian và phụ thuộc vào sự chuyển động của đối tượng, của chủ thể, của thế giới xung quanh. Chúng ta cũng hay gặp ảo giác khi tri giác các thuộc tính vận động, ví dụ như nhìn hai máy bay có cùng tốc độ, ta thấy chiếc ở cao hơn như bay chậm hơn. Ba loại tri giác này liên quan mật thiết với nhau, bổ sung cho nhau giúp chúng ta tri giác trọn vẹn thế giới khách quan. Sự phát triển của các loại tri giác này phụ thuộc vào kinh nghiệm sống và hoạt động thực tiễn của con người. 2.3. Các quy luật của tri giác 2.3.1. Quy luật về tính đối tượng của tri giác Hình ảnh tri giác một mặt phản ánh đặc điểm của đối tượng, mặt khác nó là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Con người tạo ra hình ảnh tri giác bằng những cảm giác khách quan, kết hợp với vốn hiểu biết, kinh nghiệm của bản thân; Kết quả là hình ảnh tri giác mang khá đầy đủ các thuộc tính bề ngoài, khách quan của một đối tượng nhất định. Nhờ tính đối tượng mà hình ảnh tri giác giúp con người định hướng, điều chỉnh hành động của mình trong thế giới đồ vật. 2.3.2. Quy luật về tính trọn vẹn của tri giác Tri giác có khả năng phản ánh sự vật, hiện tượng một cách trọn vẹn, nghĩa là trong quá trình tri giác, các thuộc tính riêng lẻ của sự vật, hiện tượng được phản ánh trong một kết cấu chặt chẽ, theo một cấu trúc nhất định và cho ta một hình ảnh hoàn chỉnh về sự vật, hiện tượng đó. Ví dụ, khi nhìn một
  • 35. hình tam giác vẽ thiếu một góc, rất nhiều người vẫn nhận ra đó là hình tam giác. Tính trọn vẹn của tri giác phụ thuộc vào khả năng phối hợp hoạt động của nhiều giác quan, vào khả năng phân tích, tổng hợp của vỏ não và phụ thuộc vào kinh nghiệm của chủ thể về đối tượng đang tri giác. 2.3.3. Quy luật về tính lựa chọn của tri giác Khi ta tri giác một sự vật, hiện tượng nào đó, nghĩa là ta đã chọn nó làm đối tượng phản ánh còn các sự vật, hiện tượng xung quanh trở thành nền. Sự vật, hiện tượng càng khác biệt với bối cảnh thì tri giác lựa chọn càng dễ dàng. Tính lựa chọn của tri giác thể hiện thái độ tích cực của con người đối với sự vật, hiện tượng đang được tri giác. Nhờ có tính chất này mà hiệu quả tri giác được nâng cao và kết quả tri giác càng phù hợp với hoạt động của chủ thể. Bản chất của quá trình tri giác tích cực là quá trình tách đối tượng ra khỏi bối cảnh xung quanh. Tính đối tượng của tri giác phụ thuộc vào các yếu tố khách quan, như đặc điểm vật kích thích (cường độ, nhịp điệu vận động, sự tương phản…), đặc điểm của môi trường xung quanh (độ sáng, tối; khoảng cách từ vật đến chủ thể, sự tác động của người khác…); và phụ thuộc vào các yếu tố chủ quan, như nhu cầu, hứng thu, tình cảm, xu hướng, tâm trạng, kinh nghiệm sống, tuổi tác, sức khoẻ, nghề nghiệp của cá nhân và tính chất, nhiệm vụ cụ thể… Cho nên khi tri giác cần khắc phục kiểu nhìn sự vật, hiện tượng một cách phiếm diện hoặc định kiến, sai lầm. 2.3.4. Quy luật về tính có ý nghĩa của tri giác Khi tri giác sự vật, hiện tượng nào, chúng ta gọi được tên, chỉ ra công dụng, ý nghĩa của sự vật, hiện tượng đó hoặc xếp được nó vào trong nhóm đối tượng cùng loại. Đây chính là tính ý nghĩa của hình ảnh tri giác. Tính ý nghĩa này phụ thuộc vào vốn hiểu biết, kinh nghiệm, khả năng tư duy, ngôn ngữ… của chủ thể và liên quan chặt chẽ với tính trọn vẹn của tri giác (tri giác càng đầy đủ các thuộc tính, bộ phận của sự vật, hiện tượng thì việc gọi tên, chỉ ra công dụng của nó càng cụ thể, chính xác).
  • 36. 2.3.5. Quy luật về tính ổn định của tri giác Đây là khả năng phản ánh tương đối ổn định sự vật, hiện tượng, cả khi điều kiện tri giác đã có những thay đổi nhất định. Ví dụ, trong ánh sáng trắng hay ánh sáng đỏ, người bác sỹ vẫn tri giác đó là cái ống nghe. Tính ổn định của tri giác thể hiện khi ta tri giác độ lớn, hình dạng, màu sắc của đối tượng. Nó phụ thuộc trước hết vào cấu trúc ổn định của đối tượng trong một thời gian nhất định và phụ thuộc vào cơ chế tự điều chỉnh đặc biệt của hệ thần kinh. Ngoài ra, tính ổn định của tri giác còn phụ thuộc vào kinh nghiệm, vốn sống… của chủ thể về đối tượng tri giác. Song trong thực tế, chúng ta cần khắc phục cách nhìn phiếm diện, tĩnh tại khi tri giác các sự vật, hiện tượng. 2.3.6. Quy luật tổng giác Khi tri giác, con người không những sử dụng hệ thống các giác quan mà còn sử dụng toàn bộ các hoạt động tâm lý, đặc điểm nhân cách của mình như: nhu cầu, hứng thú, tình cảm, thái độ, tâm thế, năng lực… Nhờ sự tham gia tích cực của các thuộc tính nhân cách vào quá trình tri giác mà con người có khả năng tổng giác về thế giới. Khả năng tổng giác của con người được hình thành và phát triển trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn. Nó trở thành một năng lực nhận thức đặc biệt, giúp con ngưòi nhận thức thế giới ngày càng tinh vi, sâu sắc và tổng thể. Các quy luật của tri giác có quan hệ chặt chẽ, bổ sung cho nhau và làm cho tri giác của con người trở nên tích cực, nhạy bén và sinh động vô cùng. 3. MỘT SỐ SAI SÓT TRONG NHẬN THỨC CẢM TÍNH Trong thực tế lâm sàng, chúng ta thường gặp một số biểu hiện không bình thường của quá trình cảm giác và tri giác như sau: 3.1. Tăng cảm giác Khi ngưỡng cảm giác tuyệt đối phía dưới giảm xuống, bệnh nhân đáp ứng một cách quá mẫn cảm với những kích thích của môi trường. Nhiều khi
  • 37. những kích thích trung bình hoặc nhẹ, họ cũng không chịu đựng được. Ví dụ những bệnh nhân suy nhược thần kinh, những bệnh nhân lên cơn dại rất khó chịu với những tác động của ánh sáng, tiếng động, họ sợ gió, sợ nước… 3.2. Giảm cảm giác Khi ngưỡng cảm giác tuyệt đối phía dưới tăng cao, bệnh nhân không tiếp thụ được những tác động có cường độ kích thích trung bình hoặc thấp. Những bệnh nhân này thấy xung quanh mình như mờ mờ, ảo ảo, mọi tiếng động như xa xôi, mọi thức ăn trở nên nhạt nhẽo… 3.3. Loạn cảm giác Bệnh nhân có những cảm giác không bình thường, kỳ lạ hoặc có sự lẫn lộn về cảm giác. Trong rối loạn cảm giác bản thể, bệnh nhân thấy đau nhức, tê buồn, khó chịu trong cơ thể, trong nội tạng một cách vô cớ, khó hiểu… 3.4. Tri giác sai lệch (ảo tưởng) Đây là những tri giác sai lệch về toàn bộ một sự vật, một hiện tượng có thật của thế giới khách quan. Ví dụ như, nhìn đoạn dây thừng, tưởng là con rắn; nhìn hình nộm tưởng người đang đi… ở người bình thường đôi khi cũng gặp những tri giác sai lệch này, nếu điều kiện tri giác không được thỏa mãn (như ánh sáng không đầy đủ, âm thanh không rõ ràng, cơ thể mệt mỏi, thiếu tập trung chú ý…). Trong lâm sàng chúng ta hay gặp những loại tri giác sai thực tại như tri giác sai lệch thị giác, thính giác vị giác… Có nhiều loại tri giác sai lệch gắn với trạng thái cảm xúc (do lo âu, trầm cảm, hưng cảm…), gắn với lời nói… Ảo ảnh kỳ lạ là một dạng đặc biệt của tri giác sai thực tại. Nó thường xuất hiện ngoài ý chí, không liên quan đến xúc cảm của người bệnh, như trong trạng thái mê sảng, mê mộng… Ví dụ như, bệnh nhân nhìn vào bức tranh, vào đám mây thấy nó biến đổi, dần dần trở thành những người có khuôn mặt kỳ dị, thành những cảnh quái lạ… 3.5. Ảo giác
  • 38. Đây là những tri giác như có thật về một sự vật, một hiện tượng không hề có trong thực tại khách quan, như ảo thanh, ảo thị, ảo giác xúc giác… Những ảo giác này xuất hiện hoặc mất đi ngoài ý muốn của bệnh nhân và nó thường đi kèm với những rối loạn ý thức, tư duy… của người bệnh. Dựa vào nhận thức, thái độ của bệnh nhân đối với ảo giác, chúng ta có thể chia nó thành 2 loại: 3.5.1. Ảo giác thật Đây là những ảo giác được bệnh nhân chấp nhận như những sự vật, hiện tượng có thật trong hiện thực khách quan, không nghi ngờ về tính có thật của nó và không phân biệt được giữa ảo giác và sự thật. 3.5.2. Ảo giác giả Người bệnh nhận thấy ảo giác như những sự vật, hiện tượng lạ lùng, không giống với hiện thực khách quan và họ phân biệt được giữa ảo giác và sự thật. 3.6. Rối loạn tri giác Đây là những rối loạn bệnh lý tri giác, đi kèm với những rối loạn tâm lý khác của người bệnh, làm cản trở sự nhận thức thống nhất, trọn vẹn về sự vật, hiện tượng trong hiện thực khách quan. 3.6.1. Tri giác sai thực tại Người bệnh còn biết rằng bản chất của đối tượng tri giác không thay đổi, mà chỉ thay đổi một vài chi tiết, thuộc tính như hình thái, kích thước, màu sắc… Ví dụ như, họ thấy được cái nhà, nhưng có vẻ nó to hơn bình thường… 3.6.2. Giải thể nhân cách Đây là những rối loạn tri giác về sơ đồ cơ thể, ví dụ bệnh nhân thấy người mình như không có tim, tay chân dài ra, người nhẹ như bông…
  • 39. Chương 3. NHẬN THỨC LÝ TÍNH Nhận thức cảm tính phản ánh những thuộc tính bề ngoài, cụ thể, những quan hệ không gian và trạng thái vận động của sự vật, hiện tượng đang trực tiếp tác động vào giác quan. Nó có vai trò rất quan trọng, cung cấp nguyên vật liệu cho các hoạt động tâm lý khác. Song nếu chỉ có nhận thức cảm tính, thì sẽ còn rất nhiều sự vật, hiện tượng của thế giới khách quan, chúng ta không thể nhận thức được. Ví dụ như, bằng cảm giác và tri giác, chúng ta không thể biết được cơ chế của quá trình trao đổi khí ở phổi, không thể biết được chức năng hoạt động của gan… Muốn nhận thức thế giới đầy đủ, muốn cải tạo thế giới có hiệu quả, con người phải đạt tới mức độ nhận thức cao hơn, đó là nhận thức lý tính, bao gồm tư duy và tưởng tượng. 1. TƯ DUY 1.1. Khái niệm tư duy Tư duy là quá trình phản ánh những thuộc tính bản chất, những mối quan hệ có tính quy luật của sự vật và hiện tượng trong hiện thực khách quan mà trước đó ta chưa biết. Trên cơ sở tài liệu nhận thức cảm tính, tư duy đi sâu phản ánh những thuộc tính bản chất bên trong của sự vật, hiện tượng. Ví dụ, qua tư duy mà chúng ta biết được bản chất vật chất của các hiện tượng tâm lý; biết được bản chất của sự di truyền sinh vật là các gen di truyền… Tư duy còn đi sâu phản ánh những mối quan hệ, liên hệ mang tính quy luật của các sự vật, hiện tượng, như mối quan hệ nhân quả giữa thiếu i-od và bệnh bướu cổ; giữa viêm gan siêu vi trùng và triệu chứng vàng da, vàng niêm mạc… Mặt khác, tư duy còn có thể phản ánh những sự vật, hiện tượng mới, khái quát, hiện tại không có, không trực tiếp tác động vào giác quan, ví dụ như, con người suy nghĩ để thiết kế ngôi nhà mới, bác sỹ tìm phương pháp mổ tối ưu cho bệnh nhân… Ở một số động vật cấp cao (như vượn hình người), đã có khả năng tư duy, song mới ở mức độ sơ khai (tư duy bằng hành động tay chân) để giải
  • 40. quyết một số tình huống liên quan trực tiếp đến sự tồn tại, thích nghi trong cuộc sống. Ngày nay, do khoa học, công nghệ phát triển, chúng ta đã có những người máy có khả năng tư duy, giải quyết một số bài toán theo chương trình do con người định sẵn. Tư duy của con người khác với tư duy của con vật và của người máy ở chỗ: tư duy của con người mang bản chất xã hội - lịch sử, sáng tạo và có cá tính ngôn ngữ. Những tình huống tư duy của con người được đặt ra do nhu cầu cuộc sống, lao động, học tập và hoạt động xã hội, được quy định bởi nguyên nhân xã hội, nhu cầu xã hội. Sự phát triển các hình thức, thao tác tư duy của con người liên quan đến sự phát triển lịch sử - xã hội. Trong quá trình tư duy, con người sử dụng phương tiện ngôn ngữ. Kết quả hoạt động tư duy của con người là những đóng góp lớn lao cho nhận thức, cải tạo và phát triển xã hội loài người. 1.2. Phân loại tư duy Có thể phân loại tư duy theo nhiều phương diện khác nhau. Sau đây là cách phân loại theo phương diện phát triển chủng loại cá thể (phương diện lịch sử hình thành và phát triển tư duy), gồm 3 loại: 1.2.1. Tư duy trực quan - hành động Đây là loại tư duy có cả ở người và ở một số loài động vật cấp cao. Trong loại tư duy này, các thao tác tay chân được sử dụng hướng vào giải quyết một số tình huống cụ thể, trực quan. 1.2.2. Tư duy trực quan - hình ảnh Đây là loại tư duy phát triển cao hơn, ra đời muộn hơn so với tư duy trực quan - hành động. Trong loại tư duy này, việc giải quyết vấn đề dựa vào các hình ảnh trực quan của sự vật, hiện tượng khách quan. 1.2.3. Tư duy trừu tượng Loại tư duy này chỉ có ở người, bao gồm: 1.2.3.1. Tư duy hình tượng
  • 41. Kết quả của loại tư duy này cho ta một hình tượng. Mỗi hình tượng mang một nội dung khái niệm bản chất. Qua hình tượng ta hiểu được những khái niệm chứa trong đó. Ví dụ, hình tượng “Ông Gióng” nói lên sức mạnh chống ngoại xâm của dân tộc ta… 1.2.3.2. Tư duy ngôn ngữ - lôgíc Đây là loại tư duy phát triển ở mức cao nhất. Trong loại tư duy này, việc giải quyết vấn đề được dựa trên các khái niệm, các mối quan hệ lôgíc và gắn bó chặt chẽ với ngôn ngữ, lấy ngôn ngữ làm phương tiện. Ba loại tư duy liên quan chặt chẽ với nhau, bổ sung cho nhau. Tư duy trừu tượng được thực hiện dựa trên cơ sở của hai loại tư duy trực quan thấp hơn. Ở người trưởng thành, khi đã phát triển tư duy trừu tượng, điều đó không có nghĩa là không còn phát triển tư duy trực quan hành động và tư duy hình ảnh nữa, mà trái lại tư duy trừu tượng tác động làm tư duy trực quan thêm cụ thể, sinh động và tư duy trực quan tác động trở lại làm tư duy trừu tương thêm phong phú và sâu sắc. Ở con người các loại tư duy cùng tồn tại và không ngừng được hoàn thiện. Ngoài ra, chúng ta còn phân loại theo phương thức giải quyết vấn đề của tư duy con người, gồm có tư duy thực hành, tư duy lí luận… 1.3. Đặc điểm của tư duy 1.3.1. Tính “có vấn đề” của tư duy Không phải bất kỳ tác động nào của thế giới khách quan cũng khiến con người tư duy. Trong thực tế, tư duy chỉ nảy sinh khi gặp hoàn cảnh và tình huống mới, đòi hỏi con ngưòi phải giải quyết, song bằng vốn hiểu biết cũ, phương pháp hành động cũ, đã có người không thể giải quyết được. Đây chính là “hoàn cảnh có vấn đề” hay còn gọi là “tình huống có vấn đề”. Để “hoàn cảnh có vấn đề” kích thích tư duy, con người phải nhận thức được mâu thuẫn chứa trong vấn đề, phải có nhu cầu giải quyết, nhu cầu nhận thức và phải có tri thức cần thiết liên quan đến giải quyết vấn đề, nghĩa là con người phải ý thức được “hoàn cảnh có vấn đề”. Chỉ trên cơ sở “hoàn cảnh có vấn
  • 42. đề” tư duy của con người mới nảy sinh và diễn biến. Trong thực tế học tập, nghiên cứu, công tác khám, chữa bệnh, có rất nhiều tình huống có vấn đề khiến người thầy thuốc phải tư duy. Ví dụ: trước người bệnh mới cần được chẩn đoán và điều trị, trên cơ sở vốn hiểu biết về lý luận và kinh nghiệm thực tiễn của mình, người thầy thuốc phải tư duy để giải quyết tình huống cụ thể này. 1.3.2. Tính khái quát của tư duy Khác với nhận thức cảm tính, tư duy có khả năng đi sâu nhận thức nhiều sự vật, hiện tượng, vạch ra những thuộc tính chung, những mối liên hệ, quan hệ có tính quy luật giữa chúng. Do đó, tư duy mang tính khái quát và nhờ tính khái quát của tư duy mà con người có thể nhận thức và tiến hành cải tạo thế giới. 1.3.3. Tính gián tiếp của tư duy Tư duy có khả năng phản ánh một cách gián tiếp sự vật, hiện tượng khách quan - phản ánh bằng ngôn ngữ. Nhờ ngôn ngữ và khả năng phản ánh gián tiếp, khái quát của tư duy mà con người tìm ra được những thuộc tính bản chất, các mối liên hệ, quan hệ có tính quy luật, dự đoán được chiều hướng phát triển và diễn biến của hiện thực khách quan để nhận thức và cải tạo chúng. Trên cơ sở nắm được quy luật của thế giới mà con người đã sáng tạo ra nhiều công cụ để tiếp tục nhận thức và cải tạo thế giới tốt hơn. 1.3.4. Tư duy của con người quan hệ mât thiết với ngôn ngữ Có nhiều quan điểm khác nhau về mối quan hệ giữa tư duy và ngôn ngữ. Có quan điểm tách rời giữa tư duy và ngôn ngữ, có quan điểm lại đồng nhất giữa chúng. Theo quan điểm duy vật biện chứng, tư duy và ngôn ngữ có quan hệ mật thiết với nhau, nhưng không đồng nhất với nhau. Mối quan hệ giữa tư duy và ngôn ngữ thể hiện trong suốt quá trình tư duy. Trong giai đoạn mở đầu, muốn ý thức được, nhìn nhận ra được hoàn cảnh có vấn đề, đặt ra được vấn đề cần giải quyết, con người phải sử dụng phương tiện ngôn ngữ. Trong quá trình tư duy, con người sử dụng ngôn ngữ (hệ thống tín hiệu thứ