SlideShare a Scribd company logo
1 of 56
Download to read offline
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
-------------------------------
NGUYỄN THỊ DIỆU LINH
NGHIÊN CỨU BIỂU TƯỢNG VỀ GIA ĐÌNH
CỦA TRẺ EM LÀNG SOS – THÀNH PHỐ
ĐỒNG HỚI – QUẢNG BÌNH
Chuyên ngành: Tâm lý học
Mã số: 60 31 80
LUẬN VĂN THẠC SĨ TÂM LÝ HỌC
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Nguyễn Thị Minh Hằng
HÀ NỘI - 2014
LỜI CAM ĐOAN
Sau một thời gian học tập và nghiên cứu, tôi đã hoàn thành luận văn
thạc sĩ với đề tài: “Nghiên cứu biểu tượng về gia đình của trẻ em làng SOS
– Thành phố Đồng Hới, Quảng Bình”.
Tôi xin cam đoan đề tài nghiên cứu là kết quả quá trình làm việc của
tôi. Những nội dung tham khảo được trích dẫn nguồn gốc tài liệu. Kết quả
nghiên cứu thực tiễn là do tôi trực tiếp tiến hành khảo sát và chưa được công
bố ở bất cứ công trình khoa học nào.
Tôi xin chịu trách nhiệm về mọi nội dung trong đề tài.
Tác giả
Nguyễn Thị Diệu Linh
LỜI CẢM ƠN
Luận văn thạc sĩ với đề tài “Nghiên cứu biểu tượng về gia đình của
trẻ em làng SOS – Thành phố Đồng Hới, Quảng Bình” đã được hoàn thành
với nỗ lực của bản thân tác giả và sự quan tâm, giúp đỡ từ nhiều phía.
Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới giáo viên hướng dẫn - PGS. TS.
Nguyễn Thị Minh Hằng, người đã nhiệt tình chỉ dẫn, giúp đỡ và động viên tôi
trong suốt quá trình thực hiện luận văn.
Xin cảm ơn Ban quản lý Làng trẻ em SOS Thành phố Đồng Hới -
Quảng Bình, Ban giám hiệu trường Tiểu học số 1 Bắc Lý, trường Trung học
cơ sở số 1 Nam Lý đã tạo mọi điều kiện cho tôi hoàn thành luận văn này.
Xin cảm ơn các thầy giáo, cô giáo thuộc Khoa Tâm lý học, Trường Đại
học Khoa học xã hội và Nhân văn đã chia sẻ nhiều thông tin giúp tôi hoàn
thành đề tài nghiên cứu.
Cảm ơn các trẻ em sống tại làng trẻ SOS Đồng Hới, các trẻ em sống tại
gia đình đã trả lời các phiếu hỏi môt cách trung thực và nhiệt tình nhất.
Luận văn khó tránh khỏi thiếu sót, tác giả rất mong nhận được những ý
kiến phản hồi và góp ý.
Tác giả
Nguyễn Thị Diệu Linh
3
MỤC LỤC
Trang
MỤC LỤC ....................................................................................................3
DANH MỤC CÁC BẢNG............................................................................5
MỞ ĐẦU.......................................................................................................6
Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA ĐỀ TÀI ..............................................9
1.1. Lịch sử nghiên cứu vấn đề.....................................................................9
1.2. Các khái niệm công cụ của đề tài........................................................ 15
1.2.1. Khái niệm biểu tượng........................................................................ 15
1.2.1.1. Thuật ngữ biểu tượng. ..................................................................... 15
1.2.1.2.Khái niệm biểu tượng trong tâm lý học............................................. 16
1.2.1.3. Cấu trúc của biểu tượng .................................................................. 20
1.2.1.4. Phân loại biểu tượng. ...................................................................... 20
1.2.1.5. Sự hình thành biểu tượng................................................................. 22
1.2.1.6. Vai trò của biểu tượng trong hoạt động tâm lý. ............................... 26
1.2.2. Gia đình............................................................................................. 27
1.2.2.1. Khái niệm gia đình .......................................................................... 27
1.2.2.2. Vai trò của gia đình trong việc hình thành và phát triển nhân cách trẻ em .29
1.2.3. Khái niệm biểu tượng của trẻ em SOS về gia đình ........................... 33
1.2.3.1. Khái niệm trẻ em ............................................................................. 33
1.2.3.2. Trẻ em làng SOS.............................................................................. 35
1.2.3.3.Những yếu tố ảnh hưởng đến biểu tượng của trẻ em về gia đình ............ 38
Tiểu kết chương 1....................................................................................... 41
Chương 2:TỔCHỨCNGHIÊNCỨUVÀPHƯƠNGPHÁP NGHIÊNCỨU.43
2.1. Tổ chức nghiên cứu ............................................................................. 43
2.1.1. Địa bàn nghiên cứu........................................................................... 43
4
2.1.2. Khách thể nghiên cứu ....................................................................... 45
2.1.3. Tiến trình nghiên cứu ....................................................................... 45
2.2. Phương pháp nghiên cứu:................................................................... 46
Chương 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU...................................................... 48
3.1. Biểu tượng chung của trẻ em về gia đình........................................... 48
3.2. Biểu tượng của trẻ về mối quan hệ cha – mẹ - con ............................ 53
3.3. Biểu tượng của trẻ về mối quan hệ cha – mẹ ..................................... 58
3.4. Biểu tượng của trẻ về mối quan hệ cha mẹ - con ............................... 61
3.5. Biểu tượng của trẻ về mối quan hệ cha – con..................................... 64
3.6. Biểu tượng của trẻ về mối quan hệ mẹ - con...................................... 70
3.7. Biểu tượng của trẻ về mối quan hệ anh/chị - em................................ 75
3.8. Biểu tượng của trẻ về vai trò của gia đình (chỗ dựa tinh thần) ........ 79
3.9. Mơ ước của trẻ về mái ấm gia đình.................................................... 81
Tiểu kết chương 3…………………………………………………………..87
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ.................................................................... 88
TÀI LIỆU THAM KHẢO.......................................................................... 92
PHỤ LỤC.................................................................................................... 94
5
DANH MỤC CÁC BẢNG
Bảng 3.1. Biểu tượng chung về gia đình của trẻ em sống tại làng SOS và
trẻ sống tại gia đình
Bảng 3.2. Biểu tượng chung về gia đình của trẻ em sống tại làng SOS và trẻ
em sống ở gia đình (Theo phiếu hoàn thành câu)
Bảng 3.3. Biểu tượng của trẻ về mối quan hệ cha - mẹ - con (Theo phiếu hoàn
thành câu)
Bảng 3.4. Biểu tượng về mối quan hệ cha - mẹ của trẻ em Làng SOS và trẻ
em sống tại gia đình
Bảng 3.5. Biểu tượng về mối quan hệ cha mẹ – con của trẻ em làng SOS và
trẻ em sống tại gia đình
Bảng 3.6. Biểu tượng về mối quan hệ cha – con của trẻ em làng SOS và trẻ
sống tại gia đình
Bảng 3.7. Biểu tượng về người cha của trẻ em làng SOS và trẻ sống tại gia
đình (Theo phiếu hoàn thành câu)
Bảng 3.8. Biểu tượng về mối quan hệ mẹ – con của trẻ em làng SOS và trẻ
em sống tại gia đình
Bảng 3.9. Biểu tượng về người mẹ của trẻ em làng SOS và trẻ sống tại gia
đình (Theo phiếu hoàn thành câu)
Bảng 3.10. Biểu tượng về mối quan hệ anh/chị - em của trẻ em làng SOS và
trẻ em sống tại gia đình
Bảng 3.11. Biểu tượng của trẻ về anh/chị em trong gia đình (Theo phiếu hoàn
thành câu)
Bảng 3.12. Biểu tượng về vai trò gia đình của trẻ em làng SOS và trẻ sống tại
gia đình
Bảng 3.13. Mơ ước về mái ấm gia đình của trẻ em làng SOS và trẻ em sống
tại gia đình.
6
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Từ xưa đến nay, gia đình vẫn luôn được coi là tế bào của xã hội. Mỗi cá
nhân trong xã hội đều là thành viên của một gia đình, sinh ra và trưởng thành
từ một gia đình nhất định. Sự tồn tại và phát triển của xã hội được phản ánh
dựa vào sự tồn tại và phát triển của gia đình, vì vậy có thể xem gia đình là
hình ảnh thu nhỏ của xã hội.
Môi trường gia đình tác động mạnh mẽ đến sự hình thành và phát triển
nhân cách của cá nhân. Ở tuổi ấu thơ, ảnh hưởng của gia đình gần như tuyệt đối
dù trẻ có đến nhà trẻ hay mẫu giáo. Ở tuổi thiếu nhi hay vị thành niên, quan hệ
của trẻ không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ gia đình mà còn chịu nhiều ảnh
hưởng của xã hội, bạn bè, thầy cô, nhà trường…Tuy nhiên, gia đình vẫn là yếu
tố tiên quyết đảm bảo sự tồn tại và phát triển bình thường về mặt tâm – sinh lý,
định hướng sự phát triển nhân cách cho trẻ. Cuộc sống gia đình đặt nền móng
đầu tiên cho sự hình thành thế giới quan, những thói quen, hành vi văn hóa, đạo
đức và phát triển trí tuệ. Được sống cùng cha mẹ, anh chị em ruột thịt trong
tình yêu thương và sự chăm sóc về vật chất cũng như tinh thần là niềm hạnh
phúc, là quyền lợi chính đáng của trẻ nhỏ.
Tuy nhiên, không phải bất kỳ đứa trẻ nào cũng may mắn được sinh ra
và lớn lên dưới một mái ấm gia đình. Có rất nhiều lý do như: Những mâu
thuẫn, những mất mát khiến tổ ấm gia đình không còn nguyên vẹn, khiến
những đứa trẻ phải sống thiếu cha/mẹ hoặc sống thiếu cả sự chăm sóc của cả
cha lẫn mẹ. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (tính
đến tháng 1/2011), cả nước hiện có khoảng 1478567 trẻ em có hoàn cảnh đặc
biệt, trẻ em mồ côi chiếm khoảng 160000 em, trong đó có 88000 em không có
nơi nương tựa, hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn. Nhà nước đã thực hiện nhiều
hình thức chăm sóc cho các em như cho gia đình nhận nuôi dưỡng, gia đình
7
với bố mẹ nuôi mới (làng SOS, mô hình xã hội), nhận đỡ đầu, trợ cấp xã hội
cho trẻ em sống tại cộng đồng và chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Hàng
tháng, trên 90500 trẻ em nhận được trợ cấp từ Nhà nước về kinh phí, y tế và
giáo dục; 55,3% tổng số trẻ em mồ côi được cộng đồng và Nhà nước quan
tâm, chăm sóc. Tuy nhiên, với độ tuổi đang trong quá trình phát triển về thể
chất cũng như tâm lý, các em dễ bị tác động từ môi trường bên ngoài và cần
thiết có một mái ấm thực sự để bao bọc và định hướng nhân cách sống cho
các em.
Với những trẻ sống tại các làng trẻ em S0S, hơn ai hết, các em là những
người thiếu thốn về mặt tình cảm, thiếu thốn sự quan tâm chăm sóc của những
người thân trong gia đình, điều đó ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách
cũng như đời sống tinh thần của các em. Chính vì thế, ở mỗi em tự hình thành
cho mình một hình ảnh riêng, một mong ước riêng về mái ấm gia đình. Chính
biểu tượng về gia đình là yếu tố thúc đẩy, định hướng giá trị sống để các em
có nền tảng cơ bản vững bước vào đời.
Với mong muốn tìm hiểu xem khi được sống trong một môi trường gia
đình mới – với những người mẹ mới, những anh chị em mới, các em ở làng
trẻ SOS có biểu tượng như thế nào về một mái ấm gia đình thực sự, chúng tôi
tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu biểu tượng về gia đình của trẻ em
làng SOS – Thành phố Đồng Hới, Quảng Bình” nhằm góp phần nâng đỡ trợ
giúp tâm lý đối với trẻ mồ côi trên con đường các em đang tự hoàn thiện nhân
cách của chính mình.
2. Đối tượng nghiên cứu
Biểu tượng về gia đình của trẻ em làng SOS.
3. Mục đích nghiên cứu
- Nghiên cứu biểu tượng về gia đình của trẻ em làng SOS nhằm đưa ra
một số kiến nghị để hình thành biểu tượng tích cực về gia đình của các em,
góp phần giúp các em có đời sống tâm lý cân bằng hơn.
8
4. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Xây dựng sở lý luận và thực tiễn về biểu tượng gia đình của trẻ em
nói chung, của trẻ em làng SOS nói riêng.
- Phân tích biểu tượng gia đình của trẻ em làng SOS và các yếu tố tác
động tới sự hình thành biểu tượng về gia đình của trẻ em SOS.
- Đề xuất một số kiến nghị giúp hình thành biểu tượng tích cực về gia
đình cho các em làng SOS
5. Khách thể nghiên cứu
- Khách thể nghiên cứu: 50 trẻ em mồ côi thuộc làng trẻ em SOS -
thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.
- 50 trẻ em sống trong các gia đình có đầy đủ cha và mẹ.
6. Phạm vi nghiên cứu:
- Thời gian nghiên cứu: Luận văn được nghiên cứu từ tháng 1 năm
2011 đến tháng 11 năm 2014.
- Địa bàn nghiên cứu: Làng trẻ emSOS – thành phố Đồng Hới - Quảng Bình.
7. Giả thuyết nghiên cứu
Có sự khác nhau giữa biểu tượng về gia đình của những trẻ em mồ côi
tại làng SOS và những trẻ được sống trong một gia đình có đầy đủ cả cha lẫn
mẹ. Sự khác biệt này phụ thuộc vào các yếu tố: Hoàn cảnh gia đình, mối quan
hệ giữa các thành viên trong gia đình trước đây mà trẻ SOS sống và đặc điểm
mối quan hệ giữa các thành viên trong mái ấm ở làng trẻ SOS – nơi các em
đang sinh sống.
8. Phương pháp nghiên cứu
8.1. Phương pháp phân tích tài liệu
8.2. Phương pháp vẽ tranh gia đình.
8.3. Phương pháp viết đoạn văn về chủ đề gia đình.
8.4. Phương pháp hoàn thành câu.
8.5. Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi.
8.6. Phương pháp thống kê toán học.
9
Chương 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA ĐỀ TÀI
1.1. Tổng quan nghiên cứu vấn đề.
Trong Tiếng việt cũng như nhiều ngôn ngữ khác, biểu tượng là một từ đa
nghĩa và khoa học tâm lý không phải là lĩnh vực duy nhất sở hữu nó. Khái
niệm này đã và đang được nhắc đến thường xuyên trong triết học, văn học, xã
hội học, tâm lý học cũng như nhiều lĩnh vực khác như nghệ thuật, sân khấu,
luật học, toán học…
Biểu tượng trước hết là đối tượng nghiên cứu của triết học. Một số tác
phẩm triết học tiêu biểu nghiên cứu về “biểu tượng” như: Ernst Cassirer (1874 -
1945) nhà triết học Đức với công trình “Triết học với các hình thái biểu tượng”,
J.C Doubrovsky với tác phẩm “Triết học và nghiên cứu hiện tượng luận”. L.A
White, trong “Biểu tượng nguồn gốc và cơ sở của hành vi người” đã viết: “Văn
hóa là cơ chế của các hiện tượng vật thể, hành động, tư tưởng, cảm xúc. Cơ chế
này được tạo ra nhờ việc sử dụng các biểu tượng, hoặc phụ thuộc vào các biểu
tượng đó”[19; 49].
Biểu tượng được nhìn nhận từ ngôn ngữ học như công trình “Giáo trình
ngôn ngữ học đại cương” của nhà ngôn ngữ học người Thụy Sỹ F. D Saussure.
Ở công trình này, ông lấy biểu tượng làm đối tượng phân tích của ngôn ngữ
học cấu trúc.
Biểu tượng còn là đối tượng phân tích mỹ học, F.Heghen trong công
trình “Mỹ học” (Tập 1 – NXBVH, 1999) đã khẳng định sự phức hợp của biểu
tượng là do một nội dung có thể có nhiều hình thức biểu hiện và ngược lại
một hình thức có thể được biểu hiện dưới nhiều nội dung khác nhau. Mỗi ý
nghĩa của biểu tượng lại nói lên một mặt của đời sống xã hội, có bao nhiêu
biểu hiện của đời sống xã hội là có bấy nhiêu ý nghĩa tương ứng trong thế giới
biểu tượng.
10
Biểu tượng được nhìn nhận từ gốc độ văn hóa, tiêu biểu là công trình
“Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới” của hai tác giả Jean Chavelier và Alain
Gheerbrant (NXB Đà Nẵng và trường viết văn Nguyễn Du ấn hành 1977) với
phụ đề: huyền thoại, chiêm mộng, phong tục, cử chỉ, dạng thể, các hình, màu
sắc, con số” đã bao quát được nhiều khu vực văn hóa trên thế giới liên quan
đến các phương diện xã hội học, tâm lý học, dân tộc học, thần thoại
học…Mỗi vấn đề biểu tượng cụ thể lại được so sánh giữa các không gian văn
hóa khác nhau, từ đó có cái nhìn nhiều chiều từ thế giới biểu tượng.
Có lẽ chính vì sự đa dạng trong việc nghiên cứu “biểu tượng” dưới
những gốc độ khác nhau, cho nên thoạt đầu, trong tâm lý học, khái niệm biểu
tượng đã gây ra những tranh cãi về mặt lý thuyết. Bởi đối với ngành khoa học
này, biểu tượng xuất hiện ở hầu như tất cả các chuyên ngành như nhận thức,
xã hội, lâm sàng, hoặc đơn giản chỉ là một “quan điểm chung” (theo Denis và
Dubois, 1976), hay một “quan điểm xã hội” (theo Moscovici, 1961/1992).
Trong đề tài này, chúng tôi xin giới hạn các công trình nghiên cứu
“biểu tượng” với tư cách là khái niệm của tâm lý học đại cương và tâm lý học
phát triển, tức là nghiên cứu biểu tượng với tư cách là một cấu trúc tâm lý cá
nhân và nghiên cứu biểu tượng trong quá trình phát triển tâm lý trẻ em.
Trong Tâm lý học đại cương, biểu tượng được nghiên cứu với tư cách
là một thành tố của hoạt động nhận thức cá nhân. Biểu tượng được đề cập ở
nhiều công trình, theo nhiều góc độ và đã làm sáng tỏ về bản chất, chức năng
và vai trò của biểu tượng trong nhận thức và hành động của cá nhân. Nó được
khái quát thành 4 hướng lớn:
* Các công trình nghiên cứu biểu tượng với tư cách là sản phẩm của quá
trình nhận thức của cá nhân, từ cảm tính lên lý tính, đặc biệt là trong hoạt động
trí nhớ và tưởng tượng. Hướng này quy tụ khá nhiều nhà nghiên cứu như
X.L.Rubinxtein, A.N.Leonchev, L.X.Vugotxki, Maurice Reuchlin, Phạm Minh
11
Hạc, Trần Trọng Thủy, Nguyễn Quang Uẩn…Các kết quả theo hướng nghiên
cứu này đã làm sáng rõ: Biểu tượng là khâu trung gian, là giai đoạn quá độ
chuyển từ hình ảnh cảm tính lên khái niệm khoa học: Hình ảnh tri giác - biểu
tượng – khái niệm, là phương thức nhận thức và lưu giữ thông tin, là sản phẩm
của một quá trình hoạt động nhận thức lý tính (các biểu tượng sáng tạo của quá
trình tưởng tượng).
* Các công trình nghiên cứu biểu tượng với tư cách là một cấu trúc tâm
lý được hình thành do hoạt động tinh thần của cá nhân. Đó là một hành động
tâm lý – hành động biểu tượng (J.P.Sartre, P.A.Rudich); là quá trình xác lập
các mối liên tưởng giữa vốn kinh nghiệm đã có với các hình ảnh mới (D.S.
Miller, H. Spencer); là sự cấu trúc hóa thành cấu trúc tâm lý trọn vẹn trên cơ
sở tri giác tổng thể sự vật (V. Kohler, C.Kofka, các nhà tâm lý học Gestal…).
* Các công trình nghiên cứu biểu tượng với tư cách là mô hình tâm lý
chi phối hành vi cá nhân hay nhóm xã hội. Hướng này quy tụ các nhà tâm lý
thuộc nhiều trường phái tâm lý khác nhau: Các nhà tâm lý học hành vi coi biểu
tượng là sơ đồ của nhận thức được hình thành do quá trình luyện tập các hành
vi và định hướng cho những hành vi tiếp theo của cá nhân. Các nhà tập tính học
như K.Lorenz, Eibl – Eibesldt… cho rằng biểu tượng đóng vai trò khởi phát và
điều chỉnh hành vi của động vật và người. Phân tâm học, đặc biệt là S.Freud đã
chỉ ra vai trò của biểu tượng vô thức cá nhân và tập thể trong việc thúc đẩy
hành vi cá nhân.
* Các công trình nghiên cứu việc hình thành và khôi phục các hình ảnh
về sự vật hiện tượng đã được hình thành và lưu giữ trong trí nhớ và sự quên các
hình ảnh đó dưới góc độ cơ sở sinh lý thần kinh của chúng (I.P. Pavlov; A.R.
Luria; Pefin…).
Trong Tâm lý học phát triển, biểu tượng được nghiên cứu theo 2
hướng lớn:
12
* Nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển biểu tượng qua các giai
đoạn lứa tuổi. Đáng chú ý là các công trình nghiên cứu của J.Piaget và cộng
sự: Ông đã phân tích và mô tả quá trình hình thành các hành động biểu trưng,
các hình ảnh tinh thần và các biểu tượng của trẻ em giai đoạn 3 – 6 tuổi, đặc
biệt là thời kỳ trước tuổi đến trường (5-6 tuổi).
* Nghiên cứu quá trình hình thành biểu tượng theo cơ chế chuyển “cái
tâm lý” từ bên ngoài vào bên trong. Kết quả nghiên cứu theo hướng này quy
tụ nhiều nhà tâm lý học nổi tiếng như J.Piaget, V.X.Mukhina, A.A.
Liubliuxkaia, E.Tolman… Đáng chú ý là nghiên cứu của P.Ia. Ganperin, Ông
cho rằng quá trình hình thành hành động trí tuệ là quá trình chuyển hóa từ
nghĩa khách quan thành ý chủ quan, từ hình ảnh cảm tính qua biểu tượng
thành khái niệm về sự vật. Tức là theo ông, bản chất thao tác và cơ chế hình
thành biểu tượng bắt đầu từ hành động thực tiễn. J.Piaget và các cộng sự đã
chỉ ra cơ chế hình thành tri giác và kết quả của nó là hình ảnh tri giác, cơ chế
hành động biểu trưng và sự hình thành các biểu tượng từ các sơ cấu giác –
động đơn giản ban đầu.
Một nghiên cứu của Ronald Rohner, Đại học Connecticut, khi nghiên
cứu về sự vắng mặt của biểu tượng người cha đối với sự hình thành nhân
cách của trẻ. Ông cho rằng: “Khi một người cha được coi là có nhiều quyền
lực hơn, ngay cả khi ông dành ít thời gian cho con hơn người mẹ, ông vẫn có
thể có một tác động lớn. Đó là bởi ý kiến hay hành động của ông ấy dường
như nổi bật, đáng chú ý hơn trong gia đình” (Ronald Rohner, 1998).
Để đưa ra kết luận trên, nhóm của ông đã tiến hành phân tích 36 nghiên
cứu trong giai đoạn từ 1975 - 2010, liên quan đến gần 1400 người lớn (18 –
89 tuổi) và 8600 trẻ em (9 – 18 tuổi) ở 18 quốc gia. Người tham gia được hỏi
về mức độ quan tâm của cha mẹ đối với họ trong thời gian tuổi thơ và về đặc
điểm nhân cách hay khuynh hướng của họ.
13
Theo các nhà khoa học thì ông bố có thể đóng một vai trò thậm chí còn
quan trọng hơn các bà mẹ rất nhiều trong sự phát triển của trẻ, giúp trẻ em
hạnh phúc. Ronald Rohner cho biết: “Nghiên cứu này cho thấy rằng xã hội có
xu hướng chú trọng quá nhiều vào các tác động của bà mẹ đối với trẻ em,
thường đổ lỗi cho bà mẹ khi trẻ có các tính cách xấu, thậm chí là khi chúng đã
trưởng thành. Chúng ta phải bắt đầu nhìn nhận lại vai trò lớn hơn của các ông
bố trong việc nuôi dạy trẻ, đặt chúng trên cơ sở bình đẳng với các bà mẹ”.
Thông thường trong một gia đình, ảnh hưởng của người mẹ đến với
đứa con từ tình cảm dịu hiền, còn người cha ảnh hưởng đến con cái thông qua
uy quyền. Và chính dựa vào uy quyền của người cha mà người mẹ đưa được
những nguyên tắc, những luật lệ vào đời sống của đứa trẻ tạo nên sự cân bằng
trong sự phát triển của chúng. Michaux nghiên cứu trẻ và nhận xét: "Hầu hết
trẻ em cảm thấy tự hào vì có cha, tức là có sự bảo vệ của một thứ uy quyền".
Uy quyền có mức độ của người cha là một trong những yếu tố đem lại sự hoà
hợp trong gia đình. Sự thiếu hụt của một trong hai cha mẹ đều ảnh hưởng
không tốt đến sự phát triển nhân cách trẻ.
Có thể nói uy quyền của người cha được tạo dựng từ vai trò làm chủ kinh
tế trong gia đình. Ai là người đem lại chỗ dựa cho người khác thì người đó có uy
quyền, "Uy quyền của người cha là then chốt của sự hoà hợp trong gia đình"
(G.Robin).
Người cha còn ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực phát triển của đứa con: cảm
xúc, tình cảm nhận thức…Nếu như các nhà theo trường phái phân tâm học cho
rằng người cha chỉ nên quan tâm nhiều tới trẻ ở tuổi từ 18 tháng tuổi trở đi, thì
các nhà tâm lý học phát triển lại cho rằng tương tác sớm cha - con có ảnh
hưởng rất tốt đến sự phát triển của đứa con. Các nghiên cứu cũng khẳng định
người cha tượng trưng và người cha cụ thể đều ảnh hưởng tới đứa con. Mô
hình "người cha nghiêm khắc" rất quý đối với các nhà phân tâm học, nhờ người
14
cha thông qua người mẹ mà đứa trẻ phát triển nhân cách, phát triển đúng đắn
giới tính. Bé gái nhìn vào tính cách của cha để cảm nhận vai trò là con gái của
mình, trẻ trai nhận ra vai trò người đàn ông thông qua bố và đồng hoà với giá
trị đó. Các trẻ trai thiếu cha thích nghi kém hơn và gặp nhiều khó khăn hơn
trong quan hệ tương tác với các trẻ khác cùng chơi.
Như vậy, sự vắng mặt của người cha sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến sự
phát triển của trẻ. Trong các nghiên cứu của các tác giả đã khẳng định: ảnh
hưởng tiêu cực này sẽ mạnh hơn ở trẻ trai so với trẻ gái. Nếu người cha không
thể hiện những đức tính tốt trong gia đình, cũng như vai trò xã hội gán cho
giới đàn ông trong tương quan gia đình, thì trẻ lớn lên sẽ bị chao đảo trong
quan hệ nam nữ sau này, đặc biệt là các bé gái, các bé gái không tạo dựng tốt
quan hệ với bạn trai.
Ở Việt Nam, chưa có nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề biểu tượng
mà nó cũng chỉ được lồng ghép trong các hướng nghiên cứu tâm lý khác
nhau, đặc biệt là trong mối quan hệ với sự phát triển tâm lý và nhân cách của
trẻ. Với sự tham gia của các nhà Tâm lý học đến từ Trường đại học Toulouse
II - Le Mirail (Pháp), Hội phát triển Tâm lý học Đông Nam Á (ADEPASE),
Hội Tâm lý học - Giáo dục học Việt Nam và khoa Tâm lý học, Trường Đại
học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Hội thảo Việt - Pháp về Tâm lý
học diễn ra tại Hà Nội (tháng 4 - 2000) đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của
Tâm lý học dành cho trẻ em. Được thảo luận trong hội thảo, ngoài các vấn đề
liên quan đến học tập, sức khoẻ, tâm bệnh lý, thực hành lâm sàng, giáo dục,
xã hội hoá và phát triển của trẻ thì biểu tượng cũng là một đề tài được nhắc
đến. Báo cáo biểu tượng của các bậc cha mẹ Việt Nam và Pháp về bệnh tật và
khuyết tật của các tác giả Odette Lescarret, Văn Thị Kim Cúc, Trần Thị Minh
Đức và Nguyễn Minh Đức là sự gặp gỡ giữa các nhà Tâm lý học Pháp và Việt
Nam trong nghiên cứu về vấn đề biểu tượng. Điều này một lần nữa thể hiện
15
trong bài tham luận “Biểu tượng về nguồn gốc sự phát triển trí thông minh và
cách thức giáo dục con cái ở một nhóm bố mẹ Hà Nội” (Văn Thị Kim Cúc,
2001) trình bày tại Đại hội lần thứ III của hội Tâm lý học - Giáo dục học Việt
Nam (tháng 4-2001).
Tuy nhiên, chưa có một đề tài nghiên cứu nào đi sâu nghiên cứu biểu
tượng của trẻ em về một đối tượng cụ thể, đặc biệt là nghiên cứu biểu tượng
về gia đình tại làng trẻ SOS. Vì vậy, đây có thể được xem là một hướng
nghiên cứu mới, đòi hỏi phải có thêm nhiều sự quan tâm và đầu tư của các
nhà khoa học nhằm hiểu hơn về đời sống tâm lý của trẻ em, từ đó xây dựng
mô hình gia đình tại các làng trẻ SOS cho phù hợp.
1.2. Các khái niệm công cụ của đề tài
1.2.1. Khái niệm biểu tượng.
1.2.1.1. Thuật ngữ biểu tượng.
Biểu tượng (symbol) bắt nguồn từ thuật ngữ Hy Lạp – “Symbolum”
mang nghĩa là “dấu hiệu”.
Từ biểu tượng trong nghĩa Hán – Việt: “Biểu” tức là “dấu hiệu”, “tỏ rõ”,
“bày ra”, …để người ta nhận biết một điều gì đó. “Tượng” nghĩa là “hiện trạng”,
“hình tượng”.
Theo quan điểm của Mac – Lenin thì “Biểu tượng là hình thức cao nhất và
phức tạp nhất của nhận thức cảm tính. Biểu tượng là hình ảnh của của khách thể
đã được tri giác còn lưu lại trong đầu óc con người và do tác động nào đấy được
tái hiện, nhớ lại. Như vậy, biểu tượng cũng như cảm giác và tri giác là hình ảnh
chủ quan của thế giới khách quan”.
Trong tiếng Việt, theo “Từ điển tiếng Việt” do GS Hoàng Phê chủ biên
[69; tr64], thuật ngữ “biểu tượng” có hai nghĩa. Theo nghĩa thông dụng, “biểu
tượng” là hình ảnh tượng trưng cho một cái khác (hoa sen là biểu tượng cho
ngành du lịch Việt Nam, chim bồ câu là biểu tượng của hòa bình…) Theo
16
nghĩa chuyên môn: “Biểu tượng” là một hình thức của sự vật đã tác động vào
giác quan, cao hơn cảm giác, cho ta hình ảnh của sự vật còn giữ lại trong đầu
óc sau khi tác động của sự vật vào giác quan đã chấm dứt.
Theo từ điển Tâm lý học – do Vũ Dũng chủ biên [9; tr21]: “Biểu tượng
là hình ảnh các vật thể, cảnh tượng và sự kiện trên cơ sở nhớ lại hay tưởng
tượng. Khác với tri giác, biểu tượng có thể mang tính chất khái quát. Nếu tri
giác chỉ liên quan tới hiện tại thì biểu tượng liên quan tới quá khứ và tương lai”
Trong từ điển Tâm lý do Nguyễn Khắc Viện biên soạn [70; tr26], “biểu
tượng” được hiểu là “một sự vật không được nhìn nhận qua những cảm giác
và hành động, mà vẫn gợi lên được sự tồn tại của nó, tức là hình thành biểu
tượng về sự vật ấy. Một thế giới thứ hai, thế giới biểu tượng xuất hiện đi đôi
với thế giới của cảm giác và vận động”.
Như vậy, trong Tiếng Việt nói chung và ngay trong Tâm lý học nói
riêng, thuật ngữ “biểu tượng” cũng được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau.
Trong nghiên cứu này, biểu tượng được hiểu theo nghĩa chuyên môn tâm lý
học, tức là một hiện tượng tâm lý liên quan chặt chẽ tới nhiều hoạt động tâm
lý của con người.
1.2.1.2. Khái niệm biểu tượng.
Trong tâm lý học, khái niệm biểu tượng được nghiên cứu và khai thác
dưới nhiều gốc độ, có thể khái quát thành 3 hướng như sau:
* Thứ nhất: Biểu tượng được xem xét với tư cách là hành động tinh
thần, hành động của ý thức.
Theo hướng này, biểu tượng được hiểu theo nghĩa là một hành động
tâm lí thuần túy. Quá trình hình thành biểu tượng là quá trình hoạt động của ý
thức hướng đến đối tượng phản ánh và từ đó hình thành hình ảnh tinh thần về
đối tượng đó (trường phái Vutxbua hay J.P.Sartre). Theo các nhà tâm lý học
này, có sự khác nhau giữa tri giác, tư duy và quá trình hình thành biểu tượng.
17
Tri giác không đem lại một nhận thức toàn diện về đối tượng mà chỉ cho ta
các hình ảnh phẳng về một mặt nào đó của sự vật, còn biểu tượng cho ta hình
khối về vật đó. Mặt khác, đối tượng của tri giác phải là sự vật có thật đang
trực tiếp tác động vào giác quan, còn đối với quá trình biểu tượng, đối tượng
là cái không thật.
Dễ dàng nhận thấy cách giải thích trên về biểu tượng là hoàn toàn
không thỏa đáng, có tính chất tiên nghiệm, duy tâm. Họ đã bỏ qua những tính
chất quyết định trong việc hình thành tâm lý nói chung, biểu tượng nói riêng,
đó là: mọi hiện tượng tâm lý đều có nguồn gốc vật chất bên ngoài và đều
được hình thành từ hoạt động thực tiễn. Vì vậy, không thể coi biểu tượng là
một hiện tượng tâm lý thuần túy tinh thần, do ý thức tạo ra.
* Thứ hai: Biểu tượng được coi là sản phẩm của một quá trình nhận
thức của cá nhân, cụ thể là của tri giác, trí nhớ và tưởng tượng.
Có nhiều nhà tâm lý học quan niệm như vậy. Chẳng hạn A.V.
Daparozet coi biểu tượng là kết quả của quá trình tri giác – trí nhớ. Ông cho
rằng, những hình ảnh trực quan nảy sinh trong não người về những sự vật và
hiện tượng đã tri giác trước đây gọi là biểu tượng. A.A.Liublinxkaia cũng có
quan điểm như vậy. Theo bà, những hình ảnh đã được lưu giữ lại của những
sự vật đã được lĩnh hội trước đây tạo nên nội dung chủ yếu của trí nhớ, đó
chính là các biểu tượng. Các nhà tâm lý học theo thuyết xử lý thông tin như
Wilson, Biley, R.C.Atkinson… quan niệm: các quá trình biểu tượng liên quan
mật thiết với các quá trình trí nhớ ngắn hạn và dài hạn. Theo họ, biểu tượng là
một dạng tâm trí, trong đó các thông tin được bỏ vào đó. Trẻ em lưu giữ biểu
tượng về các vật thể cũng như trạng thái bên trong của bản thân và khôi phục
nó khi cần thiết. Trong tác phẩm “Tâm lý học” của tác giả Phạm Minh Hạc
chủ biên, có nói: Biểu tượng là hình ảnh của sự vật hiện tượng nảy sinh trong
óc chúng ta khi không có sự tác động trực tiếp của chúng vào giác quan ta. Nó
18
là kết quả của sự chế biến và khái quát hóa các hình ảnh tri giác trước đây.
Điều đáng lưu ý là, các tác giả này, một mặt coi biểu tượng là sản phẩm của
trí nhớ nhưng mặt khác, họ cũng cho rằng biểu tượng là sản phẩm của quá
trình tưởng tượng sáng tạo.
* Thứ 3: Biểu tượng được hiểu là mô hình tâm lý chi phối hành vi của
cá nhân hoặc của nhóm xã hội.
Ở đây, biểu tượng được nhấn mạnh về phương diện chức năng định
hướng của nó. J.Piaget cho rằng biểu tượng là khả năng biểu đạt của trẻ.
Trong cái biểu tượng có cái được biểu đạt và cái biểu đạt. Cái biểu đạt có thể
là ngôn ngữ, hình ảnh tinh thần hay cử chỉ tượng trưng. Chúng đều là sản
phẩm của quá trình cấu trúc hóa, quá trình hình thành các sơ đồ nhận thức của
trẻ em, được hình thành trên cơ sở các sơ cấu giác động. Phát triển quan niệm
của Piaget, Maurice Reuchlin hiểu khái niệm biểu tượng theo hai nghĩa:
Nghĩa hẹp: biểu tượng là cái có thể gợi lên một yếu tố lưu giữ dài hạn trong
trí nhớ được thể gợi lên và dùng trong hoàn cảnh cần thiết. Theo nghĩa rộng:
Biểu tượng là quá trình mà qua đó các cá thể hiểu biết về thế giới, được hình
thành trong các cấu trúc của tâm trí. Nói cách khác, biểu tượng được xét theo
hai phương diện – một là yếu tố được gợi lên và quá trình kiến tạo và gợi lên
yếu tố đó. Theo quan niệm này, nghiên cứu biểu tượng là xác định xem biểu
tượng có được ở chủ thể là do hành động với đồ vật ở bình diện bên ngoài hay
đã ở mức độ ý tưởng bên trong.
E.Tolman cho rằng việc học của trẻ em cũng là hình thành các biểu
tượng về đối tượng – sơ đồ về đối tượng và chính các sơ đồ này chi phối các
hành vi học tập tiếp theo của các em. Trong nghiên cứu của A.Bandura, biểu
tượng được coi là mô hình hành vi có tính khái quát của một mẫu người nào
đó và trẻ em hình thành các hành vi trên cơ sở các mô hình đó. Những mô
hình được chúng hình thành bằng sự khái quát các hình ảnh hành vi của người
19
lớn mà chúng quan sát được. Như vậy, đối với Ông – biểu tượng vừa là sự
khái quát hóa các hình ảnh về các hành vi riêng, tạo thành hình ảnh khái quát,
vừa là sự định hướng tâm lý cho các hành vi bắt chước của trẻ em. Đây có thể
được coi là một góc độ nghiên cứu lý thú về biểu tượng trong tâm lý học.
Từ các hướng nghiên cứu trên, có thể nhấn mạnh những khía cạnh chủ
yếu của khái niệm biểu tượng.
Về phương diện phản ánh: Biểu tượng cũng như các hiện tượng tâm lý
khác, là hình ảnh chủ quan của chủ thể phản ánh thế giới hiện thực khách
quan. Biểu tượng là hình ảnh của các sự vật và hiện tượng không còn hiện
diện trước chủ thể. Vì vậy, để có hình ảnh về chúng, chủ thể phải khôi phục
lại các hình ảnh đã có về chúng và được lưu giữ lại trong trí nhớ, cấu trúc lại
chúng, tạo thành hình ảnh mới trong ý thức. Đó chính là biểu tượng.
Về phương diện hình thành: Biểu tượng không đơn giản là sự cấu trúc
lại các hình ảnh sự vật đã được tri giác, mà đó là quá trình chuyển các sơ đồ
hành động thực tiễn với sự vật bên ngoài vào bên trong trí óc. Khi được hình
thành, biểu tượng là sự kết hợp giữa sự phản ánh bản thân sự vật, hiện tượng
với sự phản ánh các hành động của chủ thể trên sự vật, hiện tượng đó.
Về phương diện chức năng: Cũng như các hiện tượng tâm lý khác, biểu
tượng có chức năng cơ bản là nhận thức thế giới và điều khiển, điều chỉnh
hành vi của con người.
Như vậy, biểu tượng là hình ảnh những sự vật, hiện tượng của thế giới
xung quanh được hình thành trong ý thức của cá nhân trên cơ sở các cảm
giác và tri giác đã xảy ra trước đó, đó là những hình ảnh mới được hình
thành trên cơ sở những hình ảnh đã có từ trước hay là các sơ đồ hành động
với đồ vật đã được khái quát hóa và nội tâm hóa. Biểu tượng có chức năng
nhận thức thế giới và điều chỉnh hành vi cá nhân của con người.
20
1.2.1.3. Cấu trúc của biểu tượng
Theo luận điểm của I.M.Xetrenop: “ các biểu tượng là kết quả trung gian
từ các tri giác phân chia thành phần riêng lẻ của sự trừu tượng hóa một tổng số
nhất định các vật thể cùng loài và thành phần trừu tượng hóa này bao gồm
ngoài các dấu hiệu bề ngoài còn có các dấu hiệu không phơi bày ra một cách
trục tiếp mà phải nhờ một sự phân tích chi tiết về mặt trí tuệ và thể chất các vật
thể, cũng như quan hệ giữa chúng với nhau và giữa chúng với con người”.
Như vậy, có thể chia cấu trúc của biểu tượng thành:
- Những biểu hiện bề ngoài vô cùng đa dạng của hiện thực.
- Những dấu hiệu của sự vật, hiện tượng của hiện thực mà tự chúng
không phơi bày ra.
Khi có sự phân tích của trí tuệ về các sự vật, hiện tượng cũng như về
các hành vi thì bộ phận riêng lẻ được tách ra của các biểu tượng sẽ được liên
kết với các hình ảnh hoản chỉnh, cuối cùng sẽ dẫn đến những biểu tượng dầy
đủ và hoàn chỉnh hơn.
Trong đề tài này, chúng tôi nghiên cứu biểu tượng với tư cách là một
cấu trúc tâm lý bên trong bao gồm kết quả của hoạt động cảm giác và tri giác,
nó cũng vừa là sản phẩm của trí nhớ vừa là sản phẩm của tưởng tượng.
1.2.1.4. Phân loại biểu tượng.
Dựa vào tiêu chí: Hình tượng của sự vật và hiện tượng tri giác từ trước
được sắp xếp lại trong ý thức con người đến mức độ nào, người ta phân biểu
tượng thành 2 loại:
- Biểu tượng của trí nhớ: Là hình ảnh của tri giác lúc trước được tái
hiện lại trong một hoàn cảnh nhất định.
Biểu tượng của trí nhớ giống với hình ảnh đang tri giác ở tính trục quan
trong phản ánh. Đó là sự phản ánh một cách trọn vẹn những sự vật – hiện
tượng trong thực tế khách quan tác động trực tiếp vào các cơ quan cảm giác.
21
Biểu tượng của trí nhớ khác với hình ảnh của tri giác ở chỗ: Các biểu tượng
chỉ phản ánh những dấu hiệu đặc trưng của sự vật, hiện tượng một cách khái
quát. Do đó, biểu tượng của trí nhớ thường không rõ nét, mơ hồ và kém đầy
đủ hơn so với hình ảnh đang tri giác trực tiếp. Biểu tượng của trí nhớ là sự
đan xen giữa tính trục quan và tính khái quát trong quá trình tái tạo sự vật,
hiện tượng nhờ sự tác động lẫn nhau giữa hệ thống tín hiệu I và hệ thống tín
hiệu II. Đó là sự phản ánh liên kết giữa hình tượng và khái niệm, phản ánh
tính chất quá độ từ sự nhận thức mang tính trực quan sinh động chuyển sang
quá trình tư duy trừu tượng.
- Biểu tượng của tượng tượng: Sản phẩm của quá trình tưởng tượng là
biểu tượng của tưởng tượng. Biểu tượng của tưởng tượng là một hình ảnh mới
mang tính khái quát hơn do con người tạo ra trên cơ sở những biểu tượng của
của trí nhớ.
Biểu tượng của trí nhớ khác về chất so với biểu tượng của tưởng tượng.
Trí nhớ và tưởng tượng đều sử dụng các hình ảnh, sự kiện của quá khứ. Tuy
nhiên, Biểu tượng của tưởng tượng là hình ảnh mới, được chế biến lại từ
những biểu tượng của trí nhớ, “biểu tượng của tượng tượng”, thường được
chủ thể sáng tạo dựa trên các cách thay đổi số lượng, kích thước, chắp ghép,
liên hợp, nhấn mạnh, điển hình hóa. Do vậy, sự phản ánh của biểu tượng
tưởng tượng mang tính gián tiếp và khái quát cao hơn so với biểu tượng của
trí nhớ.
Như vậy, khi các hình ảnh trong trí nhớ là chân thực ta sẽ có một trí
nhớ chính xác. Còn tưởng tượng thường được coi là hoạt động tự do của trí óc
– sang tạo ra hình ảnh (biểu tượng) mới trên cơ sở những kinh nghiệm đã tiếp
thu được hoặc đã trải qua trước đây. Xét cho đến cùng, biểu tượng của tưởng
tượng dù có xa lạ, không tưởng bao nhiêu vẫn phụ thuộc vào trí nhớ. Ngược
lại, cái mà người ta gọi là biểu tượng của trí nhớ đôi khi lại là sản phẩm của
22
sự tưởng tượng hoặc của trí nhớ kết hợp với tưởng tượng do ta nhớ không
chính xác, không trung thực của hiện thực.
* Cơ sở sinh lý của biểu tượng
- Đối với biểu tượng của trí nhớ: Cơ sở sinh lý là các dấu vết được lưu
lại trong bán cầu đại não sau khi có những hưng phấn thật sự của hệ thần kinh
trung ương có tri giác tạo nên. Các “dấu vết” được giữ lại là nhờ có tính kích
thích đáng kể của hệ thần kinh trung ương. Tính thích nghi này sẽ thay đổi
cùng với sự thay đổi của lứa tuổi.
- Đối với biểu tượng của tưởng tượng: Là sản phẩm của quá trình thần
kinh phức tạp mà cơ sở là quá trình lưu lại dấu vết của sự hưng phấn và ức
chế, lan tỏa và tập trung, cảm ứng âm và cảm ứng dương, phân tích và tổng
hợp trong các bộ phận vỏ não của các cơ quan phân tích khác nhau. Do kết
quả của hoạt động thần kinh phức tạp đó mà xuất hiện những sự phối hợp mới
của các mối liên hệ tạm thời được hình thành trên kinh nghiệm đã qua và tạo
nên cơ sở sinh lý của biểu tượng của tưởng tượng.
1.2.1.5. Sự hình thành biểu tượng.
Trong tâm lý học, vấn đề hình thành biểu tượng được xét theo hai bình
diện. Thứ nhất: Sự hình thành biểu tượng trẻ em theo cơ chế từ ngoài vào
trong. Thứ hai, sự xuất hiện, hình thành biểu tượng theo lịch đại, tức là sự
hình thành biểu tượng theo quá trình phát triển của trẻ em qua các lứa tuổi.
* Sự hình thành biểu tượng của trẻ em từ hành động bên ngoài: Hình
ảnh tri giác – biểu tượng – khái niệm.
Theo quan điểm của các nhà duy cảm (những người theo quan điểm
triết học duy vật Anh thế kỷ XVII – XVIII, đặc biệt là nhà triết học Ph. Becon
và G.Locco) họ cho rằng biểu tượng là hình ảnh chung, phản ánh những đặc
điểm giống nhau bên ngoài của các sự vật và hiện tượng do tri giác mang lại.
Quá trình hình thành biểu tượng là quy nạp các sự kiện thu được qua cảm giác
23
và khái quát chúng thành hình ảnh chung, tức là khái niệm. Theo đó, nhận
thức của con người được tiến triển qua các bước: Hình ảnh tri giác → Biểu
tượng → Khái niệm.
Chẳng hạn, Ph.Becon (tr178, B.P. Lomop, 2000) cho rằng quá trình
hình thành biểu tượng được chia thành 3 bước như sau:
Bước 1: Hiểu biết thế giới tự nhiên thông qua các giác quan của con
người với sự đa dạng và sinh động của nó.
Bước 2: Lập bảng so sánh các dữ kiện, hệ thống lại và phân tích chúng.
Bước 3: Quy nạp, đây là bước quan trọng nhất, giúp ta khám phá hình
dạng của sự vật. Kết quả của quá trình quy nạp cho ta biểu tượng chung về các
loại sự vật.
G.Locco cũng cho rằng quá trình nhận thức trải qua hai giai đoạn:
Giai đoạn 1: Các sự vật tác động vào giác quan của chúng ta, nhờ đó
con người có được các tư liệu về các đặc tính cá biệt ở bên ngoài của các sự
vật dưới dạng đơn giản nhất.
Giai đoạn 2: Trên cơ sở tư liệu cảm tính, lý tính bắt đầu quá trình phân
tích, so sánh…tạo ra các phạm trù, các biểu tượng chung giống nhau của một
nhóm vật thể.
Như vậy, quá trình nhận thức, theo quan điểm của các nhà duy cảm, được
diễn ra theo một logic xác định: quan sát trực tiếp đối tượng để tạo ra hình ảnh
cảm tính về đối tượng đó → Khái quát hóa các hình ảnh đó để tạo ra biểu tượng
riêng về nó → Khái quát hóa các biểu tượng riêng thành biểu tượng chung (tức
là khái niệm).
Thực ra, quan niệm về sự hình thành biểu tượng của các nhà duy cảm là
không đúng. Bởi lẽ, các hình ảnh tri giác chỉ mang đến cho chủ thể nhận thức
các hình ảnh phẳng lì, từng mặt riêng biệt của một đối tượng nào đó. Vì vậy, nếu
24
biểu tượng đơn thuần chỉ là khái quát các hình ảnh tĩnh đó thành hình ảnh chung
thì nó không phản ánh được nội dung và trạng thái vận động của đối tượng.
Theo quan điểm của các nhà tâm lý học hoạt động, cả hình ảnh tri giác,
biểu tượng và khái niệm đều có bản chất hoạt động. Quá trình hình thành biểu
tượng về sự vật phải được bắt đầu từ việc tổ chức cho trẻ em hành động thực
tiễn trên sự vật, phân tích chúng hoặc tạo ra chúng. Đây là khâu quyết định để
hình thành hình ảnh trực quan về sự vật. Từ các hình ảnh này sẽ tạo dựng
thành các biểu tượng, nhưng không phải là sự khái quát đơn thuần những
điểm giống nhau các hình ảnh riêng về các sự vật mà là một quá trình xây
dựng lại sự vật đó trong đầu bằng các nguyên liệu là các hình ảnh, khái niệm,
hành vi…đã có về đối tượng. Vì vậy, biểu tượng không chỉ bao hàm những
dấu hiệu giống nhau, mà phải chứa đựng sự khác nhau, mâu thuẫn và mối
quan hệ giữa chúng. Không chỉ bao hàm hình ảnh về sự vật mà còn bao hàm
cả các thao tác trên sự vật để tạo ra hình ảnh về chúng.
* Sự hình thành biểu tượng trong tiến trình phát triển của trẻ em được
nhiều nhà tâm lý học phát triển quan tâm và nghiên cứu. Dưới đây xin dẫn ra
quan điểm về sự hình thành biểu tượng trong các công trình nghiên cứu của
J.Piaget.
Theo J.Piaget [tr408, Phan Trọng Ngọ, 2003] ở thời kỳ giác động, trẻ
em chủ yếu hình thành và phát triển các hình ảnh tri giác, trẻ không có và
không biết tới hình ảnh tinh thần và biểu tượng. Sang 1 tuổi rưỡi đến 2 tuổi,
trẻ bắt đầu xuất hiện khả năng bắt chước chậm (bắt chước khi không còn sự
có mặt của đối tượng), hiện tượng này chứng tỏ trẻ đã có khả năng lưu giữ và
khôi phục hình ảnh tri giác trước đó. Tuy nhiên, các hình ảnh này vẫn còn
nguyên, chưa bị cấu trúc hóa. Biểu tượng chỉ thực sự bắt đầu hình thành ở trẻ
từ 2 tuổi trở lên, cùng với sự xuất hiện của các chức năng ký hiệu, rồi sau đó
là hình ảnh tinh thần.
25
Giai đoạn tiền thao tác (2 – 7 tuổi), các sơ đồ hành động dần được nhập
tâm để tiến tới hình thành biểu tượng. Trước hết là khả năng bắt chước hành
động. Bước chuyển từ biểu tượng trên hành động (bắt chước hành động) sang
biểu tượng trong ý nghĩ được thực hiện khi ở trẻ em xuất hiện hành động
tượng trưng và hành động vẽ hình. Sự phát triển của hành động vẽ tranh cũng
trải qua nhiều giai đoạn, gắn liền với quá trình hình thành biểu tượng. Thời kỳ
đầu (3 tuổi), trẻ em vẽ bôi bác, nguệch ngoạc, chưa có ý đồ hiện thực, sau đó
chuyển nhanh sang thời kỳ tổng hợp bất thành (4 tuổi), mà ở đó, các bức vẽ là
các hình rời rạc được chồng lên nhau một cách vô lý. Đây chính là dấu hiệu
chứng tỏ trẻ đã có hình ảnh tinh thần về đối tượng định vẽ, nhưng chưa có cấu
trúc thành hệ thống. Tiếp đến là giai đoạn “tính hiện thực trí tuệ”, trong đó trẻ
(5-6 tuổi) đã có hình ảnh tinh thần tương đối phù hợp với đối tượng, nhưng
chưa phù hợp với điều kiện thể hiện đối tượng. Giai đoạn cuối của hành động
vẽ hình là “hiện thực thị giác”, trẻ em (7-8 tuổi) có khả năng thể hiện hình vẽ
theo một tọa độ quan sát trước đó và các bộ phận được bố cục hợp lý. Sự bắt
chước nhập tâm, trò chơi tượng trưng, hành động vẽ hình là những hành động
nhập tâm và ngoại hiện để hình thành các hình ảnh tinh thần.
Quá trình xuất hiện tiếng nói ở trẻ đi liền với sự hình thành chức năng
biểu trưng hóa, tức là xây dựng các hình ảnh tinh thần trong ý thức theo các
chủ đề khác nhau. Sự hình thành và phát triển phong phú các biểu tượng tinh
thần là đặc trưng của giai đoạn trước tuổi học: biểu tượng về sự vật, về quan
hệ không gian, thời gian, về số lượng các sự vật.
J.Piaget cho rằng quá trình hình thành và phát triển biểu tượng ở trẻ em
chịu sự tác động của hiện tượng duy kỷ (tính tự kỷ trung tâm), tức là đứa trẻ
tự tách mình ra khỏi thế giới và ý thức bản thân mình như một thực thể khách
quan. Ở đây, tư duy của trẻ lệ thuộc vào hình ảnh mà nó tri giác. Piaget gọi đó
là hiện tượng “chủ nghĩa hiện thực”. Chính chủ nghĩa hiện thực làm cho các
26
biểu tượng của trẻ có tính chất tuyệt đối, trẻ đồng nhất ý nghĩ của nó về vật
với chính bản thân vật đó. Dần dần, nhờ hoạt động của trí tuệ ký hiệu, trẻ
nhận thấy các biểu tượng có tính tương đối, tùy thuộc vào góc nhìn. Biểu
tượng của trẻ đi từ chủ nghĩa hiện thực đến tính khách quan, theo sự giảm dần
của tính tự kỷ trung tâm.
Như vậy, theo J.Piaget, quá trình phát triển của trẻ em gắn liền với sự
hình thành biểu tượng của trẻ. Biểu tượng bắt đầu được hình thành khi trẻ
chuyển từ giai đoạn sơ cấu giác – động (0-2 tuổi) sang giai đoạn trí tuệ tiền
thao tác (2-7 tuổi) với sự xuất hiện chức năng biểu trưng và sự nội tâm hóa sơ
đồ hành động (2-4 tuổi), khả năng tư duy trực giác dựa vào tri giác (4-6 tuổi)
và tư duy trực giác dựa vào các biểu tượng (6-7,8 tuổi). Các thời kỳ tiếp theo
là sự hình thành và phát triển các thao tác trí tuệ cụ thể và thao tác trí tuệ hình
thức ở trẻ.
Có thể nói biểu tượng được hình thành từ các hình ảnh tri giác trước đó.
Biểu tượng được hình thành trên cơ sở cấu trúc hóa các hình ảnh cảm tính, đó
không phải là những hình ảnh thu được nhờ quan sát thuần túy, mà là những
hình ảnh thu được thông qua hành động trực tiếp với đồ vật. Như vậy, biểu
tượng có bản chất hoạt động. Việc hình thành biểu tượng được bắt đầu từ hành
động với vật thật ở bên ngoài và phải được định hướng một cách đúng đắn.
Quá trình hình thành biểu tượng không chỉ gắn với quá trình sàng lọc thông tin
của trí nhớ, mà còn gắn với sự phát triển của các thao tác tư duy, đặc biệt là
thao tác tư duy trực quan sinh động và tư duy trực quan hình tượng ở trẻ.
1.2.1.6. Vai trò của biểu tượng trong hoạt động tâm lý.
Biểu tượng là một trong những hình thức quan trọng của sự phản ánh
chủ quan về thế giới khách quan. Các biểu tượng có ý nghĩa rất lớn trong hoạt
động tâm lý người, không có biểu tượng thì không thể có ý thức.
27
Các biểu tượng là hình thức tồn tại quan trọng của các kiến thức, kỹ
năng, kỹ xảo có liên quan đến các loại hình hoạt động nghề nghiệp nhất định.
Các biểu tượng phong phú với các nét đặc thù là cách thể hiện tiêu biểu các
đặc điểm cá biệt của cá nhân con người. Do gắn với các yếu tố tổng hợp nên
biểu tượng là bậc thang chuyển hóa từ hình ảnh cụ thể đến khái niệm trừu
tượng, từ cảm giác và tri giác đến tư duy.
Do biểu tượng mang tính chất biến đổi rộng rãi, cho phép xây dựng
hình ảnh mới, nên chúng đóng vai trò quan trọng và cần thiết trong hoạt động
sáng tạo của con người.
1.2.2. Gia đình
1.2.2.1. Khái niệm gia đình
Gia đình là môi trường xã hội đầu tiên của mỗi người và là tế bào hợp
thành xã hội. Tùy vào mỗi góc độ nghiên cứu, cho đến nay có nhiều quan
niệm khác nhau về gia đình
Từ góc độ xã hội học: Gia đình được xem là một nhóm nhỏ của xã hội,
gắn bó với nhau bởi quan hệ hôn nhân và huyết thống. Xã hội học chủ yếu
nghiên cứu những vấn đề xã hội của gia đình như mối quan hê bên trong gia
đình, các quan hệ tác động qua lại giữa gia đình và xã hội.
Từ góc độ kinh tế học: Gia đình được coi là đơn vị kinh tế, đơn vị tiêu
dùng nhằm thỏa mãn các nhu cầu ăn mặc, học hành, chăm sóc sức khỏe…các
thành viên trong gia đình.
Từ góc độ văn hóa học: Gia đình như một thiết chế xã hội mang màu
sắc dân tộc và đánh dấu tiến trình phát triển về văn hóa.
Từ góc độ tâm lý học xã hội: Gia đình được định nghĩa như sau:
“Gia đình là một nhóm nhỏ xã hội, các thành viên trong nhóm có quan hệ gắn
bó về hôn nhân hoặc huyết thống, tâm – sinh lý, cùng có chung các giá trị vật
28
chất, tinh thần, ổn định trong các thời điểm lịch sử nhất định” (Ngô Công
Hoàn, 2008).
Từ khái niệm này, chúng ta có thể nêu lên những đặc điểm đặc trưng cơ
bản của gia đình để xem xét các mối quan hệ của gia đình ở góc độ là một
nhóm xã hội, nhóm tâm lý - tình cảm đặc thù, với các mối quan hệ bên trong,
với sự tác động qua lại trong nội bộ của các thành viên để thỏa mãn những nhu
cầu của mỗi người:
* Gia đình là một nhóm xã hội, một đơn vị kinh tế, là nơi tái sản xuất ra
con người. Các thành viên trong gia đình sống chung dưới một mái nhà.
* Các thành viên trong gia đình có thể thuộc nhiều thế hệ khác nhau, gắn
bó với nhau bởi quan hệ tình cảm, huyết thống, chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián
tiếp lẫn nhau về nếp sống, sinh hoạt, phong tục… tạo nên bản sắc văn hóa riêng
của gia đình.
* Các thành viên trong gia đình gắn bó với nhau về đặc điểm tâm –
sinh lý. Cha mẹ truyền lại cho con cái những đặc điểm thể chất qua gen di
truyền sinh học và giáo dục con cái hình thành nếp sống, theo văn hóa riêng
của gia đình.
* Các gia đình có quan hệ về kinh tế, sống và hoạt động bằng một
ngân sách chung do các thành viên cùng lao động đem lại.
Gia đình Việt Nam đang tồn tại với nhiều loại hình khác nhau:
- Nếu lấy hôn nhân làm chuẩn thì có 2 loại:
* Gia đình đơn hôn: Gia đình có một vợ một chồng
* Gia đình đa hôn: Gia đình một chồng nhiều vợ hoặc gia đình một
vợ nhiều chồng.
- Nếu lấy số lượng thế hệ đang chung sống trong một gia đình thì có
hai loại:
29
* Gia đình hạt nhân: Gia đình có hai thế hệ - Cha mẹ và các con chung
sống dưới một mái nhà. Trong xã hội hiện đại, gia đình hạt nhân là loại gia
đình có điều kiện phát triển tốt nhất, là loại gia đình có nhiều ưu thế khi thực
hiện các chức năng của gia đình.
* Gia đình mở rộng: Gia đình có từ ba thế hệ trở lên đang chung sống
với nhau dưới một mái nhà (Ông, bà, cha, mẹ, con cái, cháu…) . Do sự phát
triển của đời sống xã hội, gia đình mở rộng ngày càng thu hẹp trong xã hội
hiện đại.
- Nếu lấy quan hệ giữa các thành viên trong gia đình thì các nhà khoa
học chia gia đình thành các loại sau:
Theo A.E.Litrco có 4 loại gia đình sau:
* Gia đình đầy đủ (Gia đình có cả cha lẫn mẹ).
* Gia đình không đầy đủ (Thiếu cha hoặc mẹ).
* Gia đình mở rộng (Có những người họ hàng ruột thịt khác hoặc con
nuôi, cha mẹ nuôi…).
* Gia đình biến dạng (có bố mẹ dượng, mẹ kế).
1.2.2.2. Vai trò của gia đình trong việc hình thành và phát triển nhân
cách trẻ em
Bất cứ ai cũng được sinh ra và lớn lên trong một gia đình. Gia đình bao
gồm những người sống chung dưới một mái nhà, ăn chung một bếp, có lợi ích
kinh tế chung và có trách nhiệm với nhau trong cuộc sống. Gia đình vừa là
nơi đáp ứng nhu cầu riêng tư vừa thực hiện chức năng phát triển nòi giống và
là trường học đầu tiên hình thành, phát triển nhân cách con người. Tuy vậy,
quá trình trưởng thành và hình thành nhân cách của mỗi người là khác nhau,
ngay cả với anh em trong một nhà.
Giáo dục và nuôi dưỡng là hai yếu tố then chốt quyết định tạo nên tài
năng và tính cách của mỗi con người. Sự nuôi dạy con trẻ sát nhất là gia đình,
30
tiếp đến là xóm giềng và xã hội. Nhân cách con người bắt đầu hình thành từ
lúc còn nằm trong bụng mẹ cho đến khi trưởng thành vẫn chưa dừng lại. Lứa
tuổi ấu thơ là giai đoạn quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách của
trẻ. Nhân cách mặc dù chưa được thể hiện rõ ràng nhưng thông qua hành vi
bắt chước hành động của người lớn, trẻ em bắt đầu thâu nhận tất cả các tương
tác nhân – sinh – quan để hình thành nhân cách của mình.
Trong mỗi gia đình vai trò của bố mẹ có vị trí quan trọng. Theo truyền
thống Việt Nam, đàn ông thường là chủ của gia đình. Người cha là trụ cột, là
biểu hiện của nhân cách văn hóa cao đẹp nhất để con cái học tập và noi theo
Còn người mẹ là chỗ dựa, là hạt nhân tâm lý chủ đạo, nguồn lửa sưởi ấm yêu
thương trong gia đình, nguồn tình cảm vô tận cho các con. Cho nên gia đình
là cái nôi văn hóa đầu tiên hình thành nhân cách cho trẻ em.
Mẹ là người đầu tiên trẻ được tiếp xúc khi cất tiếng khóc chào đời, là
người dạy trẻ từ lời ăn tiếng nói, hướng dẫn trẻ những bước đi đầu tiên. Bên
cạnh quan hệ cha mẹ - con cái còn có quan hệ vợ chồng. Đây là quan hệ cơ
bản, đan xen giữa khía cạnh tự nhiên – sinh học, kinh tế và tâm lý đạo đức.
Văn hóa trong gia đình nói chung, quan hệ vợ chồng nói riêng đều có sự ảnh
hưởng trực tiếp đến sự hình thành và phát triển nhân cách của các thành viên
trong gia đình. Bầu không khí tâm lý – đạo đức của gia đình tác động trực tiếp
đến nếp nghĩ, lối sống của trẻ. Mọi xung khắc của các cá nhân trong gia đình,
nhất là giữa bố và mẹ, đều ảnh hưởng đến con cái. Trong nếp nghĩ của trẻ nhỏ
luôn lưu giữ hình dáng, lời ăn tiếng nói của cha mẹ.
Trong gia đình, ngoài các mối quan hệ nói trên còn có mối quan hệ giữa
ông bà và các cháu, anh chị và các em. Mối quan hệ này càng bền chặt thì càng
làm phong phú thêm đời sống tinh thần của các cá nhân trong gia đình. Các bậc
lớn tuổi phải làm gương, tự điều chỉnh hành vi của mình thì mới đáp ứng được
vấn đề đạo đức, văn hóa và các mối quan hệ đặt ra trong phạm vi gia đình.
31
Giáo dục con cái không thể chỉ bằng lời nói mà phải bằng những công việc cụ
thể, mọi hành vi, thái độ, lối sống của người lớn có có tác động trực tiếp tới
việc hình thành, phát triển nhân cách của trẻ. Trẻ em sẽ không tôn trọng người
lớn nếu như chúng thấy cha mẹ mình thể hiện sự thiếu tôn trọng lẫn nhau.
Khi cha mẹ dạy con phải lễ phép với bố, mẹ nhưng chính họ lại không
tôn trọng cha, mẹ của mình (ông bà của trẻ) thì chắc chắn trẻ sẽ chẳng bao giờ
lễ phép với cha, mẹ và cả ông, bà. Những bậc cha mẹ luôn quan tâm đến con
cái sẽ chú trọng đến việc giáo dục hình thành nhân cách cho trẻ, dạy con
không được nói dối người lớn, phải thật thà và biết nhìn nhận khuyết điểm,
biết cám ơn khi được cho quà. Nhưng cũng có nhiều gia đình thiếu quan tâm
đến việc giáo dục con cái, người lớn đối xử với nhau bằng lời nói, cử chỉ,
hành động thiếu văn hóa…, những hành động xấu đó đã phản chiếu vào tâm
hồn của trẻ, làm cho các em trở lên cộc cằn, thô lỗ. Những mâu thuẫn, lục đục
trong gia đình hay gia đình tan vỡ đã đẩy nhiều trẻ em rơi vào tình trạng hụt
hẫng về mọi phương diện, nhiều em không đủ ý chí để vượt qua khó khăn này
đã rơi vào những bệnh như trầm cảm, rối loạn tâm lý hoặc bỏ nhà đi lang
thang, phạm tội.
Gia đình chịu trách nhiệm đối với quá trình xã hội hóa ban đầu của cá
nhân, ảnh hưởng đến việc hình thành phẩm chất, nhân cách gốc của trẻ. Nếu
ngay từ đầu các phẩm chất đó bị sai lệch, trẻ sẽ dễ sinh hư. Sống trong các gia
đình có bố mẹ hoặc người lớn khác có hành vi thiếu văn hóa, đạo đức thậm
chí có cả những hành vi phạm tội, như bố mẹ bất hòa hay đánh chửi nhau,
nghiện rượu, nghiện ma túy, trộm cắp, tham ô…thì những gương xấu này làm
cho trẻ em dần dần coi thường pháp luật, nhiễm các thói hư tật xấu và dễ bị
lôi kéo rồi dần dần vi phạm pháp luật. Chỉ có những trẻ có ý chí kiên cường,
có lòng tự trọng cao, sớm đánh giá được đúng sai mới tránh được những ảnh
hưởng xấu đó. Cũng có nhiều trường hợp bố mẹ là người tốt, có đủ kiến thức
32
nhưng không chú ý đúng mức đến việc giáo dục con cái hoặc không có điều
kiện gần gũi trẻ, có người ỷ lại cho nhà trường, một số mải làm ăn, kiếm sống
hoặc phải đi công tác trong thời gian dài.
Có gia đình bố mẹ ly hôn, có con ngoài giá thú, một trong hai người
chết…dẫn đến việc con cái bị bỏ rơi, thiếu sự dạy dỗ và tình thương của cha
mẹ, không được dạy dỗ và chăm sóc chu đáo trẻ sẽ có tâm lý lệch lạc, tự do
ngang bướng, bất cần. Chúng dễ dàng phạm tội khi bị rủ rê, lôi kéo… Có
những gia đình bố mẹ thiếu hiểu biết hoặc không kiềm chế được nên đã coi
việc đánh đập hoặc dùng nhục hình với trẻ như là quyền của họ. Khi trẻ có
lỗi, cha mẹ đã buồn bực, lo lắng và trút đòn roi lên đầu con cái.
Nhiều đứa trẻ bị bạo hành đã nghĩ gia đình không còn yêu thương, che
chắn và bảo vệ mình nữa. Chính cách xử sự này của bố mẹ đã khiến trẻ bị
khủng hoảng về tâm lý, tự ti, khó hòa nhập, trẻ trở lên hung hãn, lì lợm, xa
lánh mọi người và căm ghét gia đình. Trong hoàn cảnh đó trẻ dễ bị kẻ xấu lôi
kéo, lợi dụng, khống chế thực hiện những hành vi trái pháp luật. Con hư còn
bởi cách dạy. Sự quá nuông chiều, thỏa mãn mọi nhu cầu của con cái, thói
quen đòi gì được nấy.
Bên cạnh sự nuông chiều, cha mẹ bao bọc mọi việc khiến trẻ hình thành
tính ỷ lại, dựa dẫm, sống ích kỷ, lười nhác, không ý thức về trách nhiệm, quen
được phục vụ, hưởng thụ. Đến một lúc nào đó, khi gia đình không thỏa mãn
được hoặc không có điều kiện phục vụ thì con cái trở nên bất mãn, thậm chí thù
ghét bố mẹ, chúng thường bỏ nhà đi bụi, tụ tập với bạn bè hư. Nhiều trẻ trộm cắp
tài sản của chính bố mẹ mình hoặc của người khác để thỏa mãn những nhu cầu
không chính đáng như đua đòi ăn diện, đánh bạc, hút chích…
Giáo dục gia đình có tác động hình thành nhân cách cho trẻ. Đó là kinh
nghiệm sống của cha mẹ truyền dạy cho con cháu qua hành vi ứng xử trong
gia đình. Các bậc cha mẹ cần thường xuyên giáo dục con trẻ thái độ, cử chỉ,
33
ăn nói lễ phép, tôn kính người trên, tôn sư trọng đạo, nhường nhịn lẫn nhau để
khi trưởng thành con cái biết ơn sinh thành, nuôi dưỡng, chăm sóc ông bà,
cha mẹ.
Cha mẹ sẽ là người uốn nắn, phê phán, ngăn chặn thái độ, cử chỉ bất
nhã, bất hiếu của con cái, rèn cho con nề nếp học tập và đức tính tốt, như tự
suy nghĩ, tìm tòi, sinh hoạt đúng giờ, gọn gàng ngăn nắp. Các nội dung văn
hóa khác cho trẻ như văn hóa lao động, văn hóa sinh hoạt, văn hóa tiêu dùng,
văn hóa giao tiếp…tập luyện cho trẻ ý thức, thói quen lao động chân tay hàng
ngày để nâng cao sức khỏe, loại trừ thói xấu lười nhác, ỷ lại, dựa dẫm, cẩu
thả…cũng sẽ được cha mẹ chú ý nhằm giúp con hình thành nhân cách, sớm ý
thức được mình vì mọi người và mọi người vì mình trong gia đình.
Gia đình có vai trò quan trọng đối với sự hình thành và phát triển nhân
cách mỗi con người. Nếu nhân cách của con người bao gồm hai mặt đức và
tài, thì gia đình là nơi nuôi dưỡng đạo đức và gieo mầm tài năng. Các bậc cha
mẹ cần nhận thức đúng trách nhiệm của mình để giữ gìn hạnh phúc gia đình,
xây dựng gia đình văn hóa.
1.2.3. Khái niệm biểu tượng của trẻ em SOS về gia đình
1.2.3.1. Khái niệm trẻ em
Theo các ngành khoa học, trẻ em được định nghĩa theo nhiều cách khác
nhau tùy thuộc vào gốc độ tiếp cận của từng khoa học cụ thể.
Theo khoa học Triết học:
Dựa trên những quan niệm triết học khác nhau, người ta hiểu trẻ em theo
nhiều cách khác nhau. Trước thế kỷ XVIII, có quan niệm cho rằng: “Trẻ em là
người lớn thu nhỏ lại’ (Quan niệm triết học siêu hình). Đây là cách nhìn nhận
không đúng đắn dẫn đến các cách cư xử sai lầm đối với trẻ em. Nhưng đến sau
thế kỷ XVIII – J.J. Rousseau đã khẳng định: Trẻ em không phải là người lớn
thu nhỏ lại và người lớn không phải lúc nào cũng hiểu được tình cảm, trí tuệ,
34
nguyện vọng của trẻ em vì trẻ em có những cách nhìn, suy nghĩ, cảm nhận của
riêng nó. Các nhà triết học hiện đại xem xét trẻ em trong mối quan hệ biện
chứng với sự phát triển của xã hội, họ cho rằng trẻ em là con đẻ của thời đại.
Từ góc độ xã hội hoc:
Trẻ em được hiểu là nhóm ở giai đoạn đầu tiên của quá trình xã hội
hóa. Xã hội học ngày nay khẳng định: Trẻ em là người có vị thế, vai trò xã
hội khác người lớn. Chính quá trình xã hội hóa sẽ giúp trẻ trưởng thành về
mọi mặt và trở thành một người lớn thực thụ. Trẻ em chỉ là người chưa đạt tới
sự trưởng thành để có thể được coi là người lớn.
Dưới góc độ tâm lý học:
Dựa trên cơ sở chủ nghĩa duy vật biện chứng, tâm lý học hiện đại quan
niệm: Trẻ em là giai đoạn phát triển đầu đời của mỗi người, nó vận động và
phát triển theo quy luật riêng của trẻ. Đây là giai đoạn con người đang dần
hình thành về thể chất, nhân cách và đạo đức, là những công dân đặc biệt còn
non nớt về cả thể chất và tinh thần, chưa có đủ khả năng để tự bảo vệ bản thân
nên dễ bị xâm hại, lừa gạt, lợi dụng.
Xét về độ tuổi, các tổ chức Liên Hợp Quốc cũng như Quỹ dân số thế
giới (UNFPA ), Tổ chức lao động Quốc Tế ( ILO), Tổ chức giáo dục – khoa
học và văn hóa thế giới ( UNESSCO) xác định trẻ em là những người dưới 16
tuổi. Theo công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1990 quy định trẻ em là
những người dưới 18 tuổi.
Trong luận văn này, chúng tôi dựa vào công ước quốc tế về quyền trẻ
em quy định về độ tuổi của trẻ em là những người dưới 18 tuổi và xem xét
các đặc điểm tâm – sinh lý trẻ em dưới góc độ của tâm lý học.
35
1.2.3.2. Trẻ em làng SOS.
1.2.3.2.1. Làng trẻ em SOS
Làng trẻ em SOS là một tổ chức phi chính phủ nhằm giúp đỡ và bảo
vệ trẻ mồ côi, lang thang, cơ nhỡ. Tổ chức được thành lập năm 1949
bởi Hermann Gmeiner ở Imst, Áo.
Hiện nay làng trẻ em SOS có mặt ở 132 quốc gia và vùng lãnh thổ. 438
làng trẻ em SOS và 346 nhà thiếu nhi SOS mang đến ngôi nhà mới cho hơn
60000 trẻ em. Hơn 131000 trẻ em tham gia các trường mẫu giáo SOS,
các trường Hermann Gmeiner và các trung tâm đào tào nghề SOS. Khoảng
397000 người được hưởng lợi từ các chương trình của trung tâm y tế SOS và
115000 người được hỗ trợ bởi các trung tâm xã hội SOS.
Mục đích của Làng trẻ em SOS nhằm mang lại "sự quan tâm chăm sóc
như trong một gia đình" cho trẻ nghèo đói, lang thang và trẻ mồ côi. Hàng triệu
trẻ em đang sống mà không có một mái ấm gia đình với muôn vàn lý do như:
* Bố mẹ li hôn.
* Bạo lực gia đình.
* Thiếu sự quan tâm của bố mẹ.
* Không còn bố mẹ do chiến tranh, thiên tai hoặc tai nạn giao thông.
* Bệnh tật – bao gồm cả sự tăng lên của AIDS.
Những đứa trẻ có hoàn cảnh như vậy được giúp đỡ để trở lại cuộc sống
sau những tổn thương tâm lý và ngăn chặn những mối nguy hiểm như bị bỏ
rơi, đối xử bất công, ngược đãi.
Các làng SOS hoạt động theo 4 nguyên tắc chung trên toàn thế giới,
gồm: “Bà mẹ, các anh chị em, ngôi nhà gia đình và cộng đồng làng”. Trong
đó, nhân tố chính là các “bà mẹ” - là những phụ nữ từ 25 đến 40 tuổi, không
có ý định lấy chồng, không có con riêng, cũng không có nặng gánh gia đình,
tình nguyện tuyên thệ đảm nhận thiên chức làm mẹ, nuôi dưỡng những trẻ mồ
36
côi (có hoàn cảnh đặc biệt) như những đứa con riêng của mình theo đúng
nghĩa xã hội học. Mỗi “bà mẹ” làm chủ một “ngôi nhà gia đình”, có toàn
quyền định đoạt trong việc nuôi dưỡng từ 8 đến 10 “đứa con” (từ sơ sinh đến
18 tuổi) như những người mẹ khác trong xã hội. Khoảng 10 đến 40 ngôi nhà
hợp thành một “làng” SOS.
1.2.3.2.2. Khái niệm trẻ em SOS.
Trẻ em SOS là những trẻ không còn cha mẹ, hoặc chỉ có cha hoặc chỉ
có mẹ nhưng không có khả năng nuôi dạy, hoặc bị cha mẹ bỏ rơi, không
người thân thích chăm nom, nuôi dưỡng, được sống tập trung cùng nhau tại
làng SOS.
1.2.3.2.3. Đặc điểm tâm lý của trẻ SOS
Ngoài những đặc điểm chung về lứa tuổi, trẻ em làng SOS còn mang
những đặc điểm tâm lý riêng biệt:
Ngay từ nhỏ, các em đã không nhận được sự chăm sóc đầy đủ của bố
mẹ, thậm chí có những em còn chưa được nhìn thấy mặt bố mẹ ngay từ khi
chào đời, nên các em là những người thiếu thốn về mặt tình cảm và nhu cầu
cần được quan tâm, nhu cầu về tình thương của các em là rất lớn. Chính điều
này đã ảnh hưởng đến đời sống tâm lý, đặc biệt ảnh hưởng đến sự hình thành
và phát triển nhân cách của các em.
Thiếu bố mẹ và cuộc sống gia đình, trẻ em tại các làng SOS thường có
mặc cảm tự ti, thiếu chuẩn mực trong hành vi giao tiếp, thậm chí có những em
còn chán ghét cuộc sống của chính bản thân mình. Với những em trước khi vào
làng đã được hưởng tình yêu thương, sự chăm sóc của người thân, khi sống ở
môi trường mới, các em thường kỳ vọng rất nhiều vào sự quan tâm của người
mẹ mới sẽ giống như sự quan tâm mà mình được đã từng biết trước đây. Do
vậy, khi thực tại không giống như sự mong đợi, các em dễ rơi vào tình trạng
chán nản, thất vọng, và hình thành những suy nghĩ tiêu cực. Những trẻ khi
37
được đưa vào sống tập trung tại các làng trẻ SOS thường là những trẻ ban đầu
có biểu hiện rối loạn tâm lý, dễ bị kích động hoặc lãnh cảm, thờ ơ với cuộc
sống. Các em e dè khi nói với người khác về hoàn cảnh của bản thân mình.
Ngoài những thiếu thốn về mặt tinh thần, các em còn phải chịu nhiều
thiếu thốn về mặt vật chất. Các em hiện đang sống trong làng thường dậy thì
muộn hơn so với các bạn cùng trang lứa. Do trước khi vào làng các em có
cuộc sống khá vất vả, gia đình nghèo khó, nhu cầu dinh dưỡng được đáp ứng
ở mức hạn chế nên cơ thể các em gầy gò, nhỏ bé. Có những em 13 - 14 tuổi
nhưng vẫn chưa phát triển về cơ thể, chậm lớn và chậm phát triển trí tuệ so
với những trẻ khác cùng lứa tuổi.
1.2.3.2.4. Biểu tượng về gia đình của trẻ em ở làng trẻ SOS
Với hoàn cảnh sống và đặc điểm tâm lý khác biệt như vậy nên biểu
tượng về gia đình của trẻ em ở làng trẻ SOS rất khác nhau.
Có thể, ở một số em đã từng sống trong các gia đình có bạo lực thì biểu
tượng về gia đình là nơi diễn ra bạo lực, là những trận cãi vã và đánh đòn, là
sự thù hận giữa các thành viên trong gia đình, là nơi các em phải chịu nhiều
đau đớn cả về thể chất và tinh thần.
Với những em sống trong gia đình ly tán/ly hôn thì biểu tượng gia đình
có phần phức tạp hơn. Nhiều em vẫn thương yêu cả cha lẫn mẹ và có hình ảnh
tương đối đẹp về gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những em lưu giữ
biểu tượng không mấy đẹp đẽ về mối quan hệ giữa cha và mẹ. Thêm vào đó,
ở một số gia đình ly tán/ly hôn cũng có bạo lực giữa cha mẹ. Vì vậy, sự hình
thành biểu tượng về gia đình của những trẻ này phụ thuộc rất nhiều vào tính
chất cụ thể của các mối quan hệ từng gia đình.
Với những trẻ mồ côi do cha mẹ mất bởi tai nạn giao thông hay thiên
tai,hay bệnh tật...các em đã phải trải qua một thời kỳ khủng hoảng tâm lý
trước sự ra đi đột ngột của cha mẹ. Nhiều em không chấp nhận sự thật cha mẹ
38
các em đã qua đời nên các em luôn lưu giữ biểu tượng về gia đình cũ, nơi các
em được sống hạnh phúc cùng cha/mẹ mình.
Đối với những trẻ đã từng là nạn nhân của bạo lực trong chính gia đình
mình, gia đình đối với các em là nơi các em phải chịu nhiều đau đớn về mặt
thể chất lẫn tinh thần. Các em cảm thấy căm ghét cha mẹ, và không muốn
nhắc đến gia đình cũ. Với những trẻ em này, các em luôn coi gia đình ở làng
trẻ SOS là gia đình thân yêu của mình, bởi ở đây, các em nhận được sự
thương yêu, quan tâm của mẹ, của các anh chị em trong gia đình.
Biểu tượng của trẻ em làng SOS về gia đình là cấu trúc tâm lý phức
hợp, bao gồm kết quả hoạt động của cảm giác, tri giác, trí nhớ, tưởng
tượng tạo thành hình ảnh vừa khái quát vừa cụ thể về các thành viên trong
gia đình, về các mối quan hệ trong gia đình, về chức năng của gia đình.
Biểu tượng trẻ em SOS về gia đình có chức năng quan trọng trong việc
hình thành và phát triển nhân cách các em.
Biểu tượng của trẻ em làng SOS về gia đình chịu ảnh hưởng sâu sắc
của các hiện tượng tâm lý khác như cảm xúc, thái độ của chính các em về gia
đình cũng như cảm xúc và thái độ của các thành viên trong gia đình trước đây
mà trẻ sinh sống và cả gia đình SOS hiện tại.
1.2.3.3. Những yếu tố ảnh hưởng đến biểu tượng của trẻ em về gia đình
Kể từ khi trẻ ra đời, môi trường văn hoá - xã hội đầu tiên mà trẻ tiếp
xúc chính là gia đình. Gia đình cũng chính là yếu tố cơ bản đầu tiên cho sự
phát triển bình thường về nhân cách của trẻ; Gia đình ảnh hưởng đến sự hình
thành hệ thống giá trị và biểu tượng của trẻ. Vì vậy, có thể nói, gia đình giữ
vai trò quyết định trong sự thích nghi, gia nhập xã hội của trẻ sau này, khi trẻ
đã trưởng thành.
Trong gia đình, các quan niệm, giá trị, niềm tin của các thành viên cũng
như các luật lệ, chuẩn mực của gia đình ảnh hưởng đến sự hình thành những
39
quan niệm, giá trị của riêng đứa trẻ. Trong đó, một số quan niệm, niềm tin trở
nên mạnh mẽ, rõ ràng và tự nhiên, được trẻ coi như biểu tượng về hiện thực
nói chung, hay về một sự vật, hiện tượng nào đó.
Mặt khác, các kiểu ứng xử khác nhau, các mối quan hệ trong gia đình của
trẻ cũng ảnh hưởng đến biểu tượng của trẻ về gia đình. Những ảnh hưởng này
được chia thành hai loại, tương ứng với hai loại hình gia đình mà trẻ sinh sống :
* Gia đình đầy đủ (có cả cha lẫn mẹ) : Gia đình có đầy đủ cả cha lẫn
mẹ nằm trong loại gia đình mở rộng (Có thêm ông, bà, hoặc cô, gì, chú,
bác…những người ruột thịt). Loại gia đình này còn đang phổ biến ở nông
thôn Việt Nam. Theo nghiên cứu của Đặng Nguyên Anh về “Cấu trúc hộ gia
đình và sức khỏe trẻ em: Những phát hiện qua khảo sát nhân khẩu học và sức
khỏe năm 1997” cho thấy: Loại gia đình mở rộng có đầy đủ cha mẹ, có thêm
ông bà là một thuận lợi đối với việc nuôi dạy, chăm sóc trẻ em
+ Gia đình hạnh phúc : Trẻ khi được sống trong một gia đình với bầu
không khí tâm lý hài hòa, bố mẹ yêu thương nhau và luôn dành mọi tình yêu
thương cho con cái, anh chị em trong nhà hòa thuận, đùm bọc lẫn nhau, trẻ
cũng sẽ dễ dàng bộc lộ tình yêu thương của bản thân đối với bố, mẹ và các
thành viên khác trong gia đình. Chính cảm nhận mà trẻ nhận biết được khi
được sống trong gia đình sẽ là những tiền đề có ảnh hưởng đến hình ảnh về
gia đình của trẻ.
+ Gia đình có bạo hành : Với những trẻ em được sống trong các gia
đình có đầy đủ cha, mẹ và các anh chị em nhưng thường xuyên chứng kiện sự
bạo hành trong gia đình: cha mẹ mắng chửi, đánh nhau hoặc chính bản thân
các em bị hành hạ, đánh đập bởi cha và mẹ….Chính những đau khổ mà các
đã chịu đựng sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ và những tình cảm của trẻ
dành cho các thành viên trong gia đình.
* Gia đình không đầy đủ (Thiếu cha hoặc mẹ, hoặc thiếu cả cha lẫn mẹ).
40
+ Gia đình ly hôn, ly thân : Những đứa trẻ sống trong các gia đình này,
trước đây đã từng được hưởng sự chăm sóc, thương yêu của cả cha mẹ. Khi
cha, mẹ ly thân hoặc ly hôn, cũng có nghĩa là trẻ thiếu hụt sự quan tâm sự động
viên, sự khích lệ, yêu thương từ cha hoặc mẹ. Trẻ luôn nhớ về những hình ảnh
và tình cảm của cha mẹ dành cho em khi còn sống chung dưới một mái nhà.
Với trẻ, đó chính là biểu tượng về một gia đình thực sự mà trẻ luôn ao ước. Trẻ
sẽ dành nhiều tình cảm cho mẹ vừa thể hiện sự khao khát tình cảm của người
bố hoặc mẹ vắng mặt của mình.
+ Các gia đình cha mẹ đơn thân : Với những trẻ ngay từ khi sinh ra đã
thiếu vắng hình ảnh của cha hoặc mẹ, trẻ thường đồng nhất hóa bản thân với
người chăm sóc và nuôi dưỡng chúng. Các em quan niệm rằng, gia đình chỉ có
bố hoặc mẹ và bản thân các em. Bố hoặc mẹ sẽ phải đảm nhận cả hai vai trò,
vừa yêu thương, chăm sóc trẻ, vừa là trụ cột kinh tế, vừa tạo ra sự uy quyền đối
với trẻ. Lớn lên, khi tham gia vào các môi trường xã hội khác, trẻ bắt đầu nhận
thấy rõ sự khác biệt giữa gia đình của mình, và luôn mong muốn có đầy đủ bố
mẹ chăm sóc như những bạn khác.
+ Các gia đình mồ côi cha mẹ : Những trẻ mồ côi cha mẹ thường được
về sống cùng ông, bà hoặc những người thân trong gia đình như cô, gì, chú,
bác… Một số trẻ được nhận làm con nuôi hoặc được gửi vào sống tại các trại
trẻ mồ côi. Với những trẻ này, nếu trẻ nhận được sự quan tâm, dạy bảo, chăm
sóc chu đáo, thì trẻ xem những người thân này chính là gia đình mới của trẻ,
trẻ được bù đắp tình cảm và tìm được chỗ dựa tinh thần. Thay vì tình yêu
thương với cha mẹ, trẻ sẽ bộc lộ sự quan tâm, tình yêu thương của mình với
những người chăm sóc trẻ và tìm cho mình một hình tượng người bố, người
mẹ mới. Ngược lại, một số trẻ luôn nhớ về quãng thời gian được sống cùng
bố mẹ, được bố mẹ chăm lo, yêu quý. Gia đình đối với trẻ là có mẹ quan tâm,
có bố dạy bảo. Trẻ luôn cảm thấy thiếu thốn tình cảm và mong ước có một gia
đình thực sự như những bạn khác.
41
Tiểu kết chương 1
Biểu tượng của trẻ em làng SOS về gia đình là cấu trúc tâm lý phức
hợp, bao gồm kết quả hoạt động của cảm giác, tri giác, trí nhớ, tưởng
tượng tạo thành hình ảnh vừa khái quát vừa cụ thể về các thành viên trong
gia đình, về các mối quan hệ trong gia đình, về chức năng của gia đình.
Biểu tượng trẻ em SOS về gia đình có chức năng quan trọng trong việc
hình thành và phát triển nhân cách các em.
Nghiên cứu biểu tượng về gia đình của trẻ SOS là nghiên cứu nhận
thức, thái độ và cảm xúc của trẻ về biểu tượng gia đình nói chung và các mối
quan hệ trong gia đình của trẻ.
Đối với trẻ, Gia đình chính là nơi các em sinh ra và lớn lên, mọi người
cùng sống chung dưới một mái nhà và nơi trẻ nhận được nguồn yêu thương từ
các thành viên trong gia đình.
Mối quan hệ giữa cha và mẹ có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành
và phát triển nhân cách của trẻ. Khi nhớ về gia đình cũ, các em thường nhớ
những kỷ niệm tốt đẹp về cha mẹ: thương yêu nhau, cùng nhau chăm sóc con
cái, thống nhất trong các quyết định. Một số trẻ nhớ về những trận cãi vã,
đánh nhau của bố mẹ. Tuy nhiên, hầu hết trẻ em làng SOS được nhận nuôi
vào đây từ bé nên việc nhận thức về tình cảm và mối quan hệ giữa cha – mẹ
của các em còn khá mờ nhạt.
Về mối quan hệ giữa cha, mẹ và con cái: Đối với trẻ, cha mẹ là người
luôn dành nhiều sự quan tâm, chăm sóc cho trẻ. Một số trẻ nhận thấy các em
chính là nguồn động viên, là hạnh phúc của cha mẹ. Cha mẹ là tấm gương
sáng cho trẻ học tập và noi theo. Một số trẻ cảm thấy đau khổ khi nghĩ rằng,
chính bản thân các em là nguyên nhân của những bất đồng của cha mẹ. Các
em không muốn nhắc đến cha mẹ của mình.
42
Trẻ sẽ có những biểu tượng riêng về người cha hay người mẹ trong gia
đình. Với những trẻ phải rời xa gia đình từ nhỏ, các em chưa có nhiều kỷ
niệm với gia đình cũ. Biểu tượng về người mẹ của các em chính là hình ảnh
người mẹ tại làng trẻ SOS. Các em thường không nhớ về hình ảnh người cha
hoặc người mẹ cũ của các em.
Đối với trẻ, gia đình luôn là chỗ dựa tinh thần, là nguồn khích lệ, động
viên trẻ. Các em luôn khao khát và ước mơ có một mái ấm gia đình thực sự,
mọi người luôn yêu thương, chia sẽ, đoàn kết với nhau.
43
Chương 2
TỔ CHỨC NGHIÊN CỨU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Tổ chức nghiên cứu
2.1.1. Địa bàn nghiên cứu
Giới thiệu vài nét về Làng trẻ em SOS Đồng Hới, Quảng Bình.
Làng trẻ em SOS Đồng Hới được thành lập từ năm 2001, đặt ở Phường
Nam Lý, Thành phố Đồng Hới, Tỉnh Quảng Bình. Làng gồm 10 ngôi nhà
được mang tên các loài hoa (Hoa Hướng dương, hoa Mẫu đơn, hoa Thiên lý,
hoa Thủy tiên, hoa Cẩm chướng, ….) nuôi trẻ từ 0 đến 14 tuổi và một Lưu xá
thanh niên dành cho các em trai từ 14 đến 18 tuổi. Các em trai khi sống trong
làng đủ 14 tuổi thì được chuyển sang lưu xá thanh niên ở (nhưng vẫn thuộc
quản lý của làng).
- Làng có một bộ phận trợ lý phụ việc cho giám đốc (2 làm việc tại làng, 1
phụ trách trực tiếp lưu xá thanh niên).
- Về đội ngũ chuyên môn: Làng có giáo viên, cán bộ giáo dục, cán bộ tâm lý
để hỗ trợ kịp thời cho trẻ và các mẹ khi gặp khó khăn.
* Cách thức hoạt động của Làng:
Trẻ được đón về từ các địa phương, được nuôi dưỡng, chăm sóc và
giáo dục trong làng theo 4 nguyên tắc giáo dục của Tổ chức SOS:
- Mỗi trẻ cần có sự chăm sóc của cha mẹ.
- Những quan hệ gia đình được phát triển một cách tự nhiên.
- Mỗi gia đình tạo nên một tổ ấm riêng.
- Gia đình SOS là một bộ phận của cộng đồng.
Như vậy, mỗi trẻ trong làng SOS sẽ sống với nhau như một gia đình
(khoảng 10 em một gia đình), bao gồm cả gái và trai ở các độ tuổi khác nhau
(Nếu trẻ vào làng là anh chị em ruột thì sẽ được xếp ở trong cùng một gia
đình) dưới sự quản lý của mẹ SOS. Nhiệm vụ trọng tâm của các em là học tập
44
và rèn luyện đạo đức tại Trường phổ thông thuộc cả ba bậc (Tiểu học, Trung
học cở sở và Trung học phổ thông) tại địa phương. Các em được tạo điều kiện
để phát triển toàn diện về cả vật chất lẫn tinh thần, được hòa nhập với cộng
đồng xã hội, được tự do bộc lộ và phát triển năng khiếu, sở trường và được
thực hiện ước mơ của bản thân trong quá trình hoạt động văn hóa văn nghệ,
thể dục thể thao.
Sau khi học xong chương trình Trung học phổ thông, Làng sẽ tiếp tục
cấp kinh phí cho các em ăn học cho đến khi tốt nghiệp trường học nghề, có
việc làm với thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống.
+ Kể từ khi thành lập đến nay, làng đã nuôi được 113 trẻ
+ Số trẻ ra khỏi làng để lập nghiệp khi đủ 18 tuổi là: 02 trẻ
+ Số nhà của làng: 10 nhà. Số trẻ hiện tại sống trong các gia đình tại
thời điểm nghiên cứu là: 111 trẻ.
+ Việc lực chọn các bà mẹ, bà gì của làng thông qua các tiêu chí sau đây:
- Phụ nữ độc thân, không có con riêng, con nuôi.
- Tự nguyện sống suốt đời với trẻ và gia đình SOS.
- Độ tuổi từ 44 tuổi (khi tuyển) và có chế độ hưu trí khi 60 tuổi.
- Có sức khỏe tốt, có tình yêu thương đối với con trẻ, có kiến thức tổ
chức và quản lý gia đình.
- Có sự ủng hộ và cam kết của thân nhân ruột thịt (nếu còn).
- Có tinh thần học hỏi, biết cảm thông và chia sẽ với các con trong gia đình.
+ Tiêu chuẩn để trẻ được vào làng sinh sống:
- Những trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không nơi
nương tựa (không tiếp nhận những trẻ tàn tật, trẻ mắc các bệnh mạn tính như
HIV/AIDS, viêm gan B….)
- Trẻ gái có độ tuổi dưới 10 và trẻ trai có độ tuổi dưới 8.
45
+ Quyền lợi: Trẻ được nuôi dưỡng tập trung theo gia đình và được chu
cấp toàn bộ kinh phí ăn, mặc, học tập, khám chữa bệnh, sinh hoạt phí bằng
nguồn viện trợ của SOS quốc tế thông qua văn phòng SOS Việt Nam (Bộ
LĐTBXH).
2.1.2. Khách thể nghiên cứu
- 50 trẻ em sống tại làng trẻ em SOS Đồng Hới (21 trẻ em nam và 29
trẻ em nữ) có độ tuổi từ 8 – 15 tuổi.
+ Số em sống xa gia đình < 2 năm: 12 em
+ Số em sống xa gia đình 2-5 năm: 21 em
+ Số em sống xa gia đình >5 năm: 17 em..
- 50 trẻ em sống tại các gia đình bình thường (23 trẻ em nam và 27 trẻ
em nữ) có độ tuổi từ 7 – 15 tuổi.
+ Tất cả các em đều được sống với bố mẹ trong gia đình tại Thành phố
Đồng Hới.
2.1.3. Tiến trình nghiên cứu
- Nghiên cứu lý luận:
Được thực hiện từ tháng 1/2011 đến 6/2012
- Nghiên cứu thực tiễn:
Dựa trên những đặc điểm tâm sinh lý của trẻ em, người nghiên cứu đã
thiết kế ra 4 loại phiếu nghiên cứu: Phiếu hoàn thành câu, phiếu điều tra bằng
bảng hỏi, vẽ tranh về gia đình và viết một đoạn văn về gia đình. Tất cả những
phiếu này đều được người nghiên cứu tiến hành tại từng nhà của trẻ SOS để
có được những câu trả lời chính xác nhất về nhận thức và tình cảm của trẻ về
biểu tượng gia đình.
Đối với trẻ em sống tại các gia đình, nhóm nghiên cứu đã chọn ngẫu
nhiên 50 em tại các trường Tiểu học và Trung học cơ sở đóng tại địa bàn
NGHIÊN CỨU BIỂU TƯỢNG VỀ GIA ĐÌNH CỦA TRẺ EM LÀNG SOS – THÀNH PHỐ ĐỒNG HỚI – QUẢNG BÌNH.pdf
NGHIÊN CỨU BIỂU TƯỢNG VỀ GIA ĐÌNH CỦA TRẺ EM LÀNG SOS – THÀNH PHỐ ĐỒNG HỚI – QUẢNG BÌNH.pdf
NGHIÊN CỨU BIỂU TƯỢNG VỀ GIA ĐÌNH CỦA TRẺ EM LÀNG SOS – THÀNH PHỐ ĐỒNG HỚI – QUẢNG BÌNH.pdf
NGHIÊN CỨU BIỂU TƯỢNG VỀ GIA ĐÌNH CỦA TRẺ EM LÀNG SOS – THÀNH PHỐ ĐỒNG HỚI – QUẢNG BÌNH.pdf
NGHIÊN CỨU BIỂU TƯỢNG VỀ GIA ĐÌNH CỦA TRẺ EM LÀNG SOS – THÀNH PHỐ ĐỒNG HỚI – QUẢNG BÌNH.pdf
NGHIÊN CỨU BIỂU TƯỢNG VỀ GIA ĐÌNH CỦA TRẺ EM LÀNG SOS – THÀNH PHỐ ĐỒNG HỚI – QUẢNG BÌNH.pdf
NGHIÊN CỨU BIỂU TƯỢNG VỀ GIA ĐÌNH CỦA TRẺ EM LÀNG SOS – THÀNH PHỐ ĐỒNG HỚI – QUẢNG BÌNH.pdf
NGHIÊN CỨU BIỂU TƯỢNG VỀ GIA ĐÌNH CỦA TRẺ EM LÀNG SOS – THÀNH PHỐ ĐỒNG HỚI – QUẢNG BÌNH.pdf
NGHIÊN CỨU BIỂU TƯỢNG VỀ GIA ĐÌNH CỦA TRẺ EM LÀNG SOS – THÀNH PHỐ ĐỒNG HỚI – QUẢNG BÌNH.pdf
NGHIÊN CỨU BIỂU TƯỢNG VỀ GIA ĐÌNH CỦA TRẺ EM LÀNG SOS – THÀNH PHỐ ĐỒNG HỚI – QUẢNG BÌNH.pdf

More Related Content

What's hot

GIÁO DỤC GIÁ TRỊ SỐNG
GIÁO DỤC GIÁ TRỊ SỐNGGIÁO DỤC GIÁ TRỊ SỐNG
GIÁO DỤC GIÁ TRỊ SỐNGMcTr14
 
Luận văn, Đề tài: Tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong dạy học môn Tự...
Luận văn, Đề tài: Tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong dạy học môn Tự...Luận văn, Đề tài: Tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong dạy học môn Tự...
Luận văn, Đề tài: Tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong dạy học môn Tự...Viết thuê trọn gói ZALO 0934573149
 
Khóa luận Giá Trị Của Truyện Dân Gian Nước Ngoài Với Học Sinh Tiểu Học
Khóa luận Giá Trị Của Truyện Dân Gian Nước Ngoài Với Học Sinh Tiểu HọcKhóa luận Giá Trị Của Truyện Dân Gian Nước Ngoài Với Học Sinh Tiểu Học
Khóa luận Giá Trị Của Truyện Dân Gian Nước Ngoài Với Học Sinh Tiểu HọcDịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
VĂN HỌC THIẾU NHI.pdf
VĂN HỌC THIẾU NHI.pdfVĂN HỌC THIẾU NHI.pdf
VĂN HỌC THIẾU NHI.pdfjackjohn45
 
Tình huống sư phạm trong công tác giáo dục học sinh trung học phổ thông
Tình huống sư phạm trong công tác giáo dục học sinh trung học phổ thôngTình huống sư phạm trong công tác giáo dục học sinh trung học phổ thông
Tình huống sư phạm trong công tác giáo dục học sinh trung học phổ thôngjackjohn45
 

What's hot (20)

GIÁO DỤC GIÁ TRỊ SỐNG
GIÁO DỤC GIÁ TRỊ SỐNGGIÁO DỤC GIÁ TRỊ SỐNG
GIÁO DỤC GIÁ TRỊ SỐNG
 
Luận văn: Tác động của đô thị hóa đến kinh tế nông thôn Hà Nội
Luận văn: Tác động của đô thị hóa đến kinh tế nông thôn Hà NộiLuận văn: Tác động của đô thị hóa đến kinh tế nông thôn Hà Nội
Luận văn: Tác động của đô thị hóa đến kinh tế nông thôn Hà Nội
 
Luận án: Sự biến đổi văn hóa làng nghề truyền thống ở Hà Nội
Luận án: Sự biến đổi văn hóa làng nghề truyền thống ở Hà NộiLuận án: Sự biến đổi văn hóa làng nghề truyền thống ở Hà Nội
Luận án: Sự biến đổi văn hóa làng nghề truyền thống ở Hà Nội
 
Luận văn: Tư tưởng Nho, Phật của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dữ
Luận văn: Tư tưởng Nho, Phật của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn DữLuận văn: Tư tưởng Nho, Phật của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dữ
Luận văn: Tư tưởng Nho, Phật của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dữ
 
Luận văn: Motif li tán trong thần thoại các tộc người thiểu số, HAY
Luận văn: Motif li tán trong thần thoại các tộc người thiểu số, HAYLuận văn: Motif li tán trong thần thoại các tộc người thiểu số, HAY
Luận văn: Motif li tán trong thần thoại các tộc người thiểu số, HAY
 
Đề tài: Di tích đền- đình Kim Liên quận Đống Đa, Hà Nội, HAY, 9đ
Đề tài: Di tích đền- đình Kim Liên quận Đống Đa, Hà Nội, HAY, 9đĐề tài: Di tích đền- đình Kim Liên quận Đống Đa, Hà Nội, HAY, 9đ
Đề tài: Di tích đền- đình Kim Liên quận Đống Đa, Hà Nội, HAY, 9đ
 
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyếtLuận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
 
Luận văn: Luật tục về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường
Luận văn: Luật tục về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trườngLuận văn: Luật tục về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường
Luận văn: Luật tục về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường
 
Luận văn: Giáo dục đạo đức cho trẻ em trong các gia đình nông dân
Luận văn: Giáo dục đạo đức cho trẻ em trong các gia đình nông dân Luận văn: Giáo dục đạo đức cho trẻ em trong các gia đình nông dân
Luận văn: Giáo dục đạo đức cho trẻ em trong các gia đình nông dân
 
Luận văn: Quản lý kiến trúc cảnh quan tuyến đường ven hồ Tây
Luận văn: Quản lý kiến trúc cảnh quan tuyến đường ven hồ TâyLuận văn: Quản lý kiến trúc cảnh quan tuyến đường ven hồ Tây
Luận văn: Quản lý kiến trúc cảnh quan tuyến đường ven hồ Tây
 
Luận văn, Đề tài: Tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong dạy học môn Tự...
Luận văn, Đề tài: Tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong dạy học môn Tự...Luận văn, Đề tài: Tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong dạy học môn Tự...
Luận văn, Đề tài: Tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong dạy học môn Tự...
 
Khóa luận Giá Trị Của Truyện Dân Gian Nước Ngoài Với Học Sinh Tiểu Học
Khóa luận Giá Trị Của Truyện Dân Gian Nước Ngoài Với Học Sinh Tiểu HọcKhóa luận Giá Trị Của Truyện Dân Gian Nước Ngoài Với Học Sinh Tiểu Học
Khóa luận Giá Trị Của Truyện Dân Gian Nước Ngoài Với Học Sinh Tiểu Học
 
Luận án: Giá trị văn hóa của đạo Cao Đài trong đời sống Nam Bộ
Luận án: Giá trị văn hóa của đạo Cao Đài trong đời sống Nam BộLuận án: Giá trị văn hóa của đạo Cao Đài trong đời sống Nam Bộ
Luận án: Giá trị văn hóa của đạo Cao Đài trong đời sống Nam Bộ
 
Luận văn: Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên, 9đ
Luận văn: Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên, 9đLuận văn: Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên, 9đ
Luận văn: Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên, 9đ
 
Luận văn: Kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực của học sinh trong...
Luận văn: Kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực của học sinh trong...Luận văn: Kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực của học sinh trong...
Luận văn: Kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực của học sinh trong...
 
Luận án: Căng thẳng ở học sinh trung học phổ thông, HAY
Luận án: Căng thẳng ở học sinh trung học phổ thông, HAYLuận án: Căng thẳng ở học sinh trung học phổ thông, HAY
Luận án: Căng thẳng ở học sinh trung học phổ thông, HAY
 
Phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
Phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộcPhát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
Phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
 
VĂN HỌC THIẾU NHI.pdf
VĂN HỌC THIẾU NHI.pdfVĂN HỌC THIẾU NHI.pdf
VĂN HỌC THIẾU NHI.pdf
 
Luận án: Lối sống thanh niên nông thôn ngoại thành Hà Nội, HAY
Luận án: Lối sống thanh niên nông thôn ngoại thành Hà Nội, HAYLuận án: Lối sống thanh niên nông thôn ngoại thành Hà Nội, HAY
Luận án: Lối sống thanh niên nông thôn ngoại thành Hà Nội, HAY
 
Tình huống sư phạm trong công tác giáo dục học sinh trung học phổ thông
Tình huống sư phạm trong công tác giáo dục học sinh trung học phổ thôngTình huống sư phạm trong công tác giáo dục học sinh trung học phổ thông
Tình huống sư phạm trong công tác giáo dục học sinh trung học phổ thông
 

Similar to NGHIÊN CỨU BIỂU TƯỢNG VỀ GIA ĐÌNH CỦA TRẺ EM LÀNG SOS – THÀNH PHỐ ĐỒNG HỚI – QUẢNG BÌNH.pdf

Con đường đạt đến nhân sinh hạnh phúc - Quyển 1
Con đường đạt đến nhân sinh hạnh phúc - Quyển 1Con đường đạt đến nhân sinh hạnh phúc - Quyển 1
Con đường đạt đến nhân sinh hạnh phúc - Quyển 1camnanggiaoduc
 
Văn hóa tổ chức công ty TNHH giáo dục từ sớm
Văn hóa tổ chức công ty TNHH giáo dục từ sớmVăn hóa tổ chức công ty TNHH giáo dục từ sớm
Văn hóa tổ chức công ty TNHH giáo dục từ sớmPhanYen90
 
đáNh giá mô hình can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ tại trung tâm nắng mai 6795947
đáNh giá mô hình can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ tại trung tâm nắng mai 6795947đáNh giá mô hình can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ tại trung tâm nắng mai 6795947
đáNh giá mô hình can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ tại trung tâm nắng mai 6795947jackjohn45
 
CNXHKH - Thực trạng về gia đình .pptx
CNXHKH - Thực trạng về gia đình .pptxCNXHKH - Thực trạng về gia đình .pptx
CNXHKH - Thực trạng về gia đình .pptxHaiDangTran4
 
Hoạt Động Công Tác Xã Hội Cá Nhân Đối Với Trẻ Em Khuyết Tật Vận Động Tại Thàn...
Hoạt Động Công Tác Xã Hội Cá Nhân Đối Với Trẻ Em Khuyết Tật Vận Động Tại Thàn...Hoạt Động Công Tác Xã Hội Cá Nhân Đối Với Trẻ Em Khuyết Tật Vận Động Tại Thàn...
Hoạt Động Công Tác Xã Hội Cá Nhân Đối Với Trẻ Em Khuyết Tật Vận Động Tại Thàn...Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
CUỘC SỐNG CỦA NHỮNG BÀ MẸ CÔNG NHÂN ĐƠN THÂN Ở CÁC KHU CƠNG NGHIỆP NHÌN TỪ GĨ...
CUỘC SỐNG CỦA NHỮNG BÀ MẸ CÔNG NHÂN ĐƠN THÂN Ở CÁC KHU CƠNG NGHIỆP NHÌN TỪ GĨ...CUỘC SỐNG CỦA NHỮNG BÀ MẸ CÔNG NHÂN ĐƠN THÂN Ở CÁC KHU CƠNG NGHIỆP NHÌN TỪ GĨ...
CUỘC SỐNG CỦA NHỮNG BÀ MẸ CÔNG NHÂN ĐƠN THÂN Ở CÁC KHU CƠNG NGHIỆP NHÌN TỪ GĨ...nataliej4
 

Similar to NGHIÊN CỨU BIỂU TƯỢNG VỀ GIA ĐÌNH CỦA TRẺ EM LÀNG SOS – THÀNH PHỐ ĐỒNG HỚI – QUẢNG BÌNH.pdf (20)

Tiểu luận về gia đình trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.doc
Tiểu luận về gia đình trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.docTiểu luận về gia đình trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.doc
Tiểu luận về gia đình trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.doc
 
Xã hội hóa vai trò giới ở trẻ em trong gia đình dân tộc Ê Đê và Mông
Xã hội hóa vai trò giới ở trẻ em trong gia đình dân tộc Ê Đê và MôngXã hội hóa vai trò giới ở trẻ em trong gia đình dân tộc Ê Đê và Mông
Xã hội hóa vai trò giới ở trẻ em trong gia đình dân tộc Ê Đê và Mông
 
Luận văn: Tham vấn cho cha mẹ trong giáo dục trẻ em từ 11 đến 14 tuổi
Luận văn: Tham vấn cho cha mẹ trong giáo dục trẻ em từ 11 đến 14 tuổiLuận văn: Tham vấn cho cha mẹ trong giáo dục trẻ em từ 11 đến 14 tuổi
Luận văn: Tham vấn cho cha mẹ trong giáo dục trẻ em từ 11 đến 14 tuổi
 
Hành vi bạo lực của cha mẹ đối với con tuổi Vị thành niên, HAY
Hành vi bạo lực của cha mẹ đối với con tuổi Vị thành niên, HAYHành vi bạo lực của cha mẹ đối với con tuổi Vị thành niên, HAY
Hành vi bạo lực của cha mẹ đối với con tuổi Vị thành niên, HAY
 
Tiểu luận Gia đình trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, HAY
Tiểu luận Gia đình trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, HAYTiểu luận Gia đình trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, HAY
Tiểu luận Gia đình trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, HAY
 
Con đường đạt đến nhân sinh hạnh phúc - Quyển 1
Con đường đạt đến nhân sinh hạnh phúc - Quyển 1Con đường đạt đến nhân sinh hạnh phúc - Quyển 1
Con đường đạt đến nhân sinh hạnh phúc - Quyển 1
 
Văn hóa tổ chức công ty TNHH giáo dục từ sớm
Văn hóa tổ chức công ty TNHH giáo dục từ sớmVăn hóa tổ chức công ty TNHH giáo dục từ sớm
Văn hóa tổ chức công ty TNHH giáo dục từ sớm
 
đáNh giá mô hình can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ tại trung tâm nắng mai 6795947
đáNh giá mô hình can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ tại trung tâm nắng mai 6795947đáNh giá mô hình can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ tại trung tâm nắng mai 6795947
đáNh giá mô hình can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ tại trung tâm nắng mai 6795947
 
Luận văn: Nâng cao kỹ năng hòa nhập cộng đồng cho trẻ em mồ côi sống trong Tr...
Luận văn: Nâng cao kỹ năng hòa nhập cộng đồng cho trẻ em mồ côi sống trong Tr...Luận văn: Nâng cao kỹ năng hòa nhập cộng đồng cho trẻ em mồ côi sống trong Tr...
Luận văn: Nâng cao kỹ năng hòa nhập cộng đồng cho trẻ em mồ côi sống trong Tr...
 
CNXHKH - Thực trạng về gia đình .pptx
CNXHKH - Thực trạng về gia đình .pptxCNXHKH - Thực trạng về gia đình .pptx
CNXHKH - Thực trạng về gia đình .pptx
 
Luận văn: Thái độ của cha mẹ đối với con có chứng tự kỷ, HAY
Luận văn: Thái độ của cha mẹ đối với con có chứng tự kỷ, HAYLuận văn: Thái độ của cha mẹ đối với con có chứng tự kỷ, HAY
Luận văn: Thái độ của cha mẹ đối với con có chứng tự kỷ, HAY
 
Luận văn: Nhu cầu hoạt động công tác xã hội trong trường trung học phổ thông ...
Luận văn: Nhu cầu hoạt động công tác xã hội trong trường trung học phổ thông ...Luận văn: Nhu cầu hoạt động công tác xã hội trong trường trung học phổ thông ...
Luận văn: Nhu cầu hoạt động công tác xã hội trong trường trung học phổ thông ...
 
Nâng Cao Kỹ Năng Hõa Nhập Cộng Đồng Cho Trẻ Em Mồ Côi Sống Trong Trung Tâm Bả...
Nâng Cao Kỹ Năng Hõa Nhập Cộng Đồng Cho Trẻ Em Mồ Côi Sống Trong Trung Tâm Bả...Nâng Cao Kỹ Năng Hõa Nhập Cộng Đồng Cho Trẻ Em Mồ Côi Sống Trong Trung Tâm Bả...
Nâng Cao Kỹ Năng Hõa Nhập Cộng Đồng Cho Trẻ Em Mồ Côi Sống Trong Trung Tâm Bả...
 
Công tác đối với trẻ em khuyết tật vận động tai Thanh Hóa, HAY
Công tác đối với trẻ em khuyết tật vận động tai Thanh Hóa, HAYCông tác đối với trẻ em khuyết tật vận động tai Thanh Hóa, HAY
Công tác đối với trẻ em khuyết tật vận động tai Thanh Hóa, HAY
 
Luận văn: Quản lý hoạt động làm quen với chữ viết cho trẻ mẫu giáo
Luận văn: Quản lý hoạt động làm quen với chữ viết cho trẻ mẫu giáoLuận văn: Quản lý hoạt động làm quen với chữ viết cho trẻ mẫu giáo
Luận văn: Quản lý hoạt động làm quen với chữ viết cho trẻ mẫu giáo
 
Hoạt Động Công Tác Xã Hội Cá Nhân Đối Với Trẻ Em Khuyết Tật Vận Động Tại Thàn...
Hoạt Động Công Tác Xã Hội Cá Nhân Đối Với Trẻ Em Khuyết Tật Vận Động Tại Thàn...Hoạt Động Công Tác Xã Hội Cá Nhân Đối Với Trẻ Em Khuyết Tật Vận Động Tại Thàn...
Hoạt Động Công Tác Xã Hội Cá Nhân Đối Với Trẻ Em Khuyết Tật Vận Động Tại Thàn...
 
Cuộc sống của những bà mẹ đơn thân ở các khu công nghiệp
Cuộc sống của những bà mẹ đơn thân ở các khu công nghiệpCuộc sống của những bà mẹ đơn thân ở các khu công nghiệp
Cuộc sống của những bà mẹ đơn thân ở các khu công nghiệp
 
CUỘC SỐNG CỦA NHỮNG BÀ MẸ CÔNG NHÂN ĐƠN THÂN Ở CÁC KHU CƠNG NGHIỆP NHÌN TỪ GĨ...
CUỘC SỐNG CỦA NHỮNG BÀ MẸ CÔNG NHÂN ĐƠN THÂN Ở CÁC KHU CƠNG NGHIỆP NHÌN TỪ GĨ...CUỘC SỐNG CỦA NHỮNG BÀ MẸ CÔNG NHÂN ĐƠN THÂN Ở CÁC KHU CƠNG NGHIỆP NHÌN TỪ GĨ...
CUỘC SỐNG CỦA NHỮNG BÀ MẸ CÔNG NHÂN ĐƠN THÂN Ở CÁC KHU CƠNG NGHIỆP NHÌN TỪ GĨ...
 
Hoạt động công tác xã hội với trẻ em khuyết tật vận động tại thanh hóa
Hoạt động công tác xã hội với trẻ em khuyết tật vận động tại thanh hóaHoạt động công tác xã hội với trẻ em khuyết tật vận động tại thanh hóa
Hoạt động công tác xã hội với trẻ em khuyết tật vận động tại thanh hóa
 
Đề tài: Công tác xã hội cá nhân với phụ nữ nghèo đơn thân tại xã Bình Hải, hu...
Đề tài: Công tác xã hội cá nhân với phụ nữ nghèo đơn thân tại xã Bình Hải, hu...Đề tài: Công tác xã hội cá nhân với phụ nữ nghèo đơn thân tại xã Bình Hải, hu...
Đề tài: Công tác xã hội cá nhân với phụ nữ nghèo đơn thân tại xã Bình Hải, hu...
 

More from NuioKila

Pháp luật về Quỹ trợ giúp pháp lý ở Việt Nam.pdf
Pháp luật về Quỹ trợ giúp pháp lý ở Việt Nam.pdfPháp luật về Quỹ trợ giúp pháp lý ở Việt Nam.pdf
Pháp luật về Quỹ trợ giúp pháp lý ở Việt Nam.pdfNuioKila
 
BÁO CÁO Kết quả tham vấn cộng đồng về tính hợp pháp của gỗ và các sản phẩm gỗ...
BÁO CÁO Kết quả tham vấn cộng đồng về tính hợp pháp của gỗ và các sản phẩm gỗ...BÁO CÁO Kết quả tham vấn cộng đồng về tính hợp pháp của gỗ và các sản phẩm gỗ...
BÁO CÁO Kết quả tham vấn cộng đồng về tính hợp pháp của gỗ và các sản phẩm gỗ...NuioKila
 
A study on common mistakes committed by Vietnamese learners in pronouncing En...
A study on common mistakes committed by Vietnamese learners in pronouncing En...A study on common mistakes committed by Vietnamese learners in pronouncing En...
A study on common mistakes committed by Vietnamese learners in pronouncing En...NuioKila
 
[123doc] - thu-nghiem-cai-tien-chi-tieu-du-bao-khong-khi-lanh-cac-thang-cuoi-...
[123doc] - thu-nghiem-cai-tien-chi-tieu-du-bao-khong-khi-lanh-cac-thang-cuoi-...[123doc] - thu-nghiem-cai-tien-chi-tieu-du-bao-khong-khi-lanh-cac-thang-cuoi-...
[123doc] - thu-nghiem-cai-tien-chi-tieu-du-bao-khong-khi-lanh-cac-thang-cuoi-...NuioKila
 
THỬ NGHIỆM CẢI TIẾN CHỈ TIÊU DỰ BÁO KHÔNG KHÍ LẠNH CÁC THÁNG CUỐI MÙA ĐÔNG BẰ...
THỬ NGHIỆM CẢI TIẾN CHỈ TIÊU DỰ BÁO KHÔNG KHÍ LẠNH CÁC THÁNG CUỐI MÙA ĐÔNG BẰ...THỬ NGHIỆM CẢI TIẾN CHỈ TIÊU DỰ BÁO KHÔNG KHÍ LẠNH CÁC THÁNG CUỐI MÙA ĐÔNG BẰ...
THỬ NGHIỆM CẢI TIẾN CHỈ TIÊU DỰ BÁO KHÔNG KHÍ LẠNH CÁC THÁNG CUỐI MÙA ĐÔNG BẰ...NuioKila
 
Nhu cầu lập pháp của hành pháp.pdf
Nhu cầu lập pháp của hành pháp.pdfNhu cầu lập pháp của hành pháp.pdf
Nhu cầu lập pháp của hành pháp.pdfNuioKila
 
KẾ HOẠCH DẠY HỌC CỦA TỔ CHUYÊN MÔN MÔN HỌC SINH HỌC - CÔNG NGHỆ.pdf
KẾ HOẠCH DẠY HỌC CỦA TỔ CHUYÊN MÔN MÔN HỌC SINH HỌC - CÔNG NGHỆ.pdfKẾ HOẠCH DẠY HỌC CỦA TỔ CHUYÊN MÔN MÔN HỌC SINH HỌC - CÔNG NGHỆ.pdf
KẾ HOẠCH DẠY HỌC CỦA TỔ CHUYÊN MÔN MÔN HỌC SINH HỌC - CÔNG NGHỆ.pdfNuioKila
 
KIẾN TRÚC BIỂU HIỆN TẠI VIỆT NAM.pdf
KIẾN TRÚC BIỂU HIỆN TẠI VIỆT NAM.pdfKIẾN TRÚC BIỂU HIỆN TẠI VIỆT NAM.pdf
KIẾN TRÚC BIỂU HIỆN TẠI VIỆT NAM.pdfNuioKila
 
QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG Y TẾ TỈNH NINH THUẬN.pdf
QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG Y TẾ TỈNH NINH THUẬN.pdfQUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG Y TẾ TỈNH NINH THUẬN.pdf
QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG Y TẾ TỈNH NINH THUẬN.pdfNuioKila
 
NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CÁC CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO ...
NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CÁC CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO ...NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CÁC CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO ...
NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CÁC CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO ...NuioKila
 
TIỂU LUẬN Phân tích các loại nguồn của luật tư La Mã và so sánh với các nguồn...
TIỂU LUẬN Phân tích các loại nguồn của luật tư La Mã và so sánh với các nguồn...TIỂU LUẬN Phân tích các loại nguồn của luật tư La Mã và so sánh với các nguồn...
TIỂU LUẬN Phân tích các loại nguồn của luật tư La Mã và so sánh với các nguồn...NuioKila
 
Nuevo enfoque de aprendizajesemi-supervisado para la identificaciónde secuenci...
Nuevo enfoque de aprendizajesemi-supervisado para la identificaciónde secuenci...Nuevo enfoque de aprendizajesemi-supervisado para la identificaciónde secuenci...
Nuevo enfoque de aprendizajesemi-supervisado para la identificaciónde secuenci...NuioKila
 
Inefficiency in engineering change management in kimberly clark VietNam co., ...
Inefficiency in engineering change management in kimberly clark VietNam co., ...Inefficiency in engineering change management in kimberly clark VietNam co., ...
Inefficiency in engineering change management in kimberly clark VietNam co., ...NuioKila
 
An Investigation into culrural elements via linguistic means in New Headway t...
An Investigation into culrural elements via linguistic means in New Headway t...An Investigation into culrural elements via linguistic means in New Headway t...
An Investigation into culrural elements via linguistic means in New Headway t...NuioKila
 
An evaluation of the translation of the film Rio based on Newmarks model.pdf
An evaluation of the translation of the film Rio based on Newmarks model.pdfAn evaluation of the translation of the film Rio based on Newmarks model.pdf
An evaluation of the translation of the film Rio based on Newmarks model.pdfNuioKila
 
Teachers and students views on grammar presentation in the course book Englis...
Teachers and students views on grammar presentation in the course book Englis...Teachers and students views on grammar presentation in the course book Englis...
Teachers and students views on grammar presentation in the course book Englis...NuioKila
 
11th graders attitudes towards their teachers written feedback.pdf
11th graders attitudes towards their teachers written feedback.pdf11th graders attitudes towards their teachers written feedback.pdf
11th graders attitudes towards their teachers written feedback.pdfNuioKila
 
Phân tích tài chính Công ty Cổ phần VIWACO.pdf
Phân tích tài chính Công ty Cổ phần VIWACO.pdfPhân tích tài chính Công ty Cổ phần VIWACO.pdf
Phân tích tài chính Công ty Cổ phần VIWACO.pdfNuioKila
 
Ngói Champa ở di tích Triền Tranh (Duy Xuyên Quảng Nam).pdf
Ngói Champa ở di tích Triền Tranh (Duy Xuyên Quảng Nam).pdfNgói Champa ở di tích Triền Tranh (Duy Xuyên Quảng Nam).pdf
Ngói Champa ở di tích Triền Tranh (Duy Xuyên Quảng Nam).pdfNuioKila
 
ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ VẬN HÀNH LƯỚI ĐIỆN PHÂN PHỐI TÂY NAM ...
ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ VẬN HÀNH LƯỚI ĐIỆN PHÂN PHỐI TÂY NAM ...ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ VẬN HÀNH LƯỚI ĐIỆN PHÂN PHỐI TÂY NAM ...
ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ VẬN HÀNH LƯỚI ĐIỆN PHÂN PHỐI TÂY NAM ...NuioKila
 

More from NuioKila (20)

Pháp luật về Quỹ trợ giúp pháp lý ở Việt Nam.pdf
Pháp luật về Quỹ trợ giúp pháp lý ở Việt Nam.pdfPháp luật về Quỹ trợ giúp pháp lý ở Việt Nam.pdf
Pháp luật về Quỹ trợ giúp pháp lý ở Việt Nam.pdf
 
BÁO CÁO Kết quả tham vấn cộng đồng về tính hợp pháp của gỗ và các sản phẩm gỗ...
BÁO CÁO Kết quả tham vấn cộng đồng về tính hợp pháp của gỗ và các sản phẩm gỗ...BÁO CÁO Kết quả tham vấn cộng đồng về tính hợp pháp của gỗ và các sản phẩm gỗ...
BÁO CÁO Kết quả tham vấn cộng đồng về tính hợp pháp của gỗ và các sản phẩm gỗ...
 
A study on common mistakes committed by Vietnamese learners in pronouncing En...
A study on common mistakes committed by Vietnamese learners in pronouncing En...A study on common mistakes committed by Vietnamese learners in pronouncing En...
A study on common mistakes committed by Vietnamese learners in pronouncing En...
 
[123doc] - thu-nghiem-cai-tien-chi-tieu-du-bao-khong-khi-lanh-cac-thang-cuoi-...
[123doc] - thu-nghiem-cai-tien-chi-tieu-du-bao-khong-khi-lanh-cac-thang-cuoi-...[123doc] - thu-nghiem-cai-tien-chi-tieu-du-bao-khong-khi-lanh-cac-thang-cuoi-...
[123doc] - thu-nghiem-cai-tien-chi-tieu-du-bao-khong-khi-lanh-cac-thang-cuoi-...
 
THỬ NGHIỆM CẢI TIẾN CHỈ TIÊU DỰ BÁO KHÔNG KHÍ LẠNH CÁC THÁNG CUỐI MÙA ĐÔNG BẰ...
THỬ NGHIỆM CẢI TIẾN CHỈ TIÊU DỰ BÁO KHÔNG KHÍ LẠNH CÁC THÁNG CUỐI MÙA ĐÔNG BẰ...THỬ NGHIỆM CẢI TIẾN CHỈ TIÊU DỰ BÁO KHÔNG KHÍ LẠNH CÁC THÁNG CUỐI MÙA ĐÔNG BẰ...
THỬ NGHIỆM CẢI TIẾN CHỈ TIÊU DỰ BÁO KHÔNG KHÍ LẠNH CÁC THÁNG CUỐI MÙA ĐÔNG BẰ...
 
Nhu cầu lập pháp của hành pháp.pdf
Nhu cầu lập pháp của hành pháp.pdfNhu cầu lập pháp của hành pháp.pdf
Nhu cầu lập pháp của hành pháp.pdf
 
KẾ HOẠCH DẠY HỌC CỦA TỔ CHUYÊN MÔN MÔN HỌC SINH HỌC - CÔNG NGHỆ.pdf
KẾ HOẠCH DẠY HỌC CỦA TỔ CHUYÊN MÔN MÔN HỌC SINH HỌC - CÔNG NGHỆ.pdfKẾ HOẠCH DẠY HỌC CỦA TỔ CHUYÊN MÔN MÔN HỌC SINH HỌC - CÔNG NGHỆ.pdf
KẾ HOẠCH DẠY HỌC CỦA TỔ CHUYÊN MÔN MÔN HỌC SINH HỌC - CÔNG NGHỆ.pdf
 
KIẾN TRÚC BIỂU HIỆN TẠI VIỆT NAM.pdf
KIẾN TRÚC BIỂU HIỆN TẠI VIỆT NAM.pdfKIẾN TRÚC BIỂU HIỆN TẠI VIỆT NAM.pdf
KIẾN TRÚC BIỂU HIỆN TẠI VIỆT NAM.pdf
 
QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG Y TẾ TỈNH NINH THUẬN.pdf
QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG Y TẾ TỈNH NINH THUẬN.pdfQUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG Y TẾ TỈNH NINH THUẬN.pdf
QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG Y TẾ TỈNH NINH THUẬN.pdf
 
NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CÁC CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO ...
NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CÁC CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO ...NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CÁC CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO ...
NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CÁC CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO ...
 
TIỂU LUẬN Phân tích các loại nguồn của luật tư La Mã và so sánh với các nguồn...
TIỂU LUẬN Phân tích các loại nguồn của luật tư La Mã và so sánh với các nguồn...TIỂU LUẬN Phân tích các loại nguồn của luật tư La Mã và so sánh với các nguồn...
TIỂU LUẬN Phân tích các loại nguồn của luật tư La Mã và so sánh với các nguồn...
 
Nuevo enfoque de aprendizajesemi-supervisado para la identificaciónde secuenci...
Nuevo enfoque de aprendizajesemi-supervisado para la identificaciónde secuenci...Nuevo enfoque de aprendizajesemi-supervisado para la identificaciónde secuenci...
Nuevo enfoque de aprendizajesemi-supervisado para la identificaciónde secuenci...
 
Inefficiency in engineering change management in kimberly clark VietNam co., ...
Inefficiency in engineering change management in kimberly clark VietNam co., ...Inefficiency in engineering change management in kimberly clark VietNam co., ...
Inefficiency in engineering change management in kimberly clark VietNam co., ...
 
An Investigation into culrural elements via linguistic means in New Headway t...
An Investigation into culrural elements via linguistic means in New Headway t...An Investigation into culrural elements via linguistic means in New Headway t...
An Investigation into culrural elements via linguistic means in New Headway t...
 
An evaluation of the translation of the film Rio based on Newmarks model.pdf
An evaluation of the translation of the film Rio based on Newmarks model.pdfAn evaluation of the translation of the film Rio based on Newmarks model.pdf
An evaluation of the translation of the film Rio based on Newmarks model.pdf
 
Teachers and students views on grammar presentation in the course book Englis...
Teachers and students views on grammar presentation in the course book Englis...Teachers and students views on grammar presentation in the course book Englis...
Teachers and students views on grammar presentation in the course book Englis...
 
11th graders attitudes towards their teachers written feedback.pdf
11th graders attitudes towards their teachers written feedback.pdf11th graders attitudes towards their teachers written feedback.pdf
11th graders attitudes towards their teachers written feedback.pdf
 
Phân tích tài chính Công ty Cổ phần VIWACO.pdf
Phân tích tài chính Công ty Cổ phần VIWACO.pdfPhân tích tài chính Công ty Cổ phần VIWACO.pdf
Phân tích tài chính Công ty Cổ phần VIWACO.pdf
 
Ngói Champa ở di tích Triền Tranh (Duy Xuyên Quảng Nam).pdf
Ngói Champa ở di tích Triền Tranh (Duy Xuyên Quảng Nam).pdfNgói Champa ở di tích Triền Tranh (Duy Xuyên Quảng Nam).pdf
Ngói Champa ở di tích Triền Tranh (Duy Xuyên Quảng Nam).pdf
 
ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ VẬN HÀNH LƯỚI ĐIỆN PHÂN PHỐI TÂY NAM ...
ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ VẬN HÀNH LƯỚI ĐIỆN PHÂN PHỐI TÂY NAM ...ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ VẬN HÀNH LƯỚI ĐIỆN PHÂN PHỐI TÂY NAM ...
ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ VẬN HÀNH LƯỚI ĐIỆN PHÂN PHỐI TÂY NAM ...
 

Recently uploaded

30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng ĐồngGiới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng ĐồngYhoccongdong.com
 
CD21 Exercise 2.1 KEY.docx tieng anh cho
CD21 Exercise 2.1 KEY.docx tieng anh choCD21 Exercise 2.1 KEY.docx tieng anh cho
CD21 Exercise 2.1 KEY.docx tieng anh chonamc250
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Nhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptx
Nhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptxNhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptx
Nhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptxhoangvubaongoc112011
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfhoangtuansinh1
 
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docxTHAO316680
 
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfCampbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfTrnHoa46
 
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfBỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfNguyen Thanh Tu Collection
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIĐiện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...Nguyen Thanh Tu Collection
 
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdfTrnHoa46
 
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quanGNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quanmyvh40253
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoámyvh40253
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................TrnHoa46
 

Recently uploaded (20)

30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng ĐồngGiới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
 
CD21 Exercise 2.1 KEY.docx tieng anh cho
CD21 Exercise 2.1 KEY.docx tieng anh choCD21 Exercise 2.1 KEY.docx tieng anh cho
CD21 Exercise 2.1 KEY.docx tieng anh cho
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
 
Nhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptx
Nhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptxNhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptx
Nhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptx
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
 
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
 
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfCampbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
 
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfBỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
 
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
 
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
 
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quanGNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................
 

NGHIÊN CỨU BIỂU TƯỢNG VỀ GIA ĐÌNH CỦA TRẺ EM LÀNG SOS – THÀNH PHỐ ĐỒNG HỚI – QUẢNG BÌNH.pdf

  • 1. ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN ------------------------------- NGUYỄN THỊ DIỆU LINH NGHIÊN CỨU BIỂU TƯỢNG VỀ GIA ĐÌNH CỦA TRẺ EM LÀNG SOS – THÀNH PHỐ ĐỒNG HỚI – QUẢNG BÌNH Chuyên ngành: Tâm lý học Mã số: 60 31 80 LUẬN VĂN THẠC SĨ TÂM LÝ HỌC Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Nguyễn Thị Minh Hằng HÀ NỘI - 2014
  • 2. LỜI CAM ĐOAN Sau một thời gian học tập và nghiên cứu, tôi đã hoàn thành luận văn thạc sĩ với đề tài: “Nghiên cứu biểu tượng về gia đình của trẻ em làng SOS – Thành phố Đồng Hới, Quảng Bình”. Tôi xin cam đoan đề tài nghiên cứu là kết quả quá trình làm việc của tôi. Những nội dung tham khảo được trích dẫn nguồn gốc tài liệu. Kết quả nghiên cứu thực tiễn là do tôi trực tiếp tiến hành khảo sát và chưa được công bố ở bất cứ công trình khoa học nào. Tôi xin chịu trách nhiệm về mọi nội dung trong đề tài. Tác giả Nguyễn Thị Diệu Linh
  • 3. LỜI CẢM ƠN Luận văn thạc sĩ với đề tài “Nghiên cứu biểu tượng về gia đình của trẻ em làng SOS – Thành phố Đồng Hới, Quảng Bình” đã được hoàn thành với nỗ lực của bản thân tác giả và sự quan tâm, giúp đỡ từ nhiều phía. Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới giáo viên hướng dẫn - PGS. TS. Nguyễn Thị Minh Hằng, người đã nhiệt tình chỉ dẫn, giúp đỡ và động viên tôi trong suốt quá trình thực hiện luận văn. Xin cảm ơn Ban quản lý Làng trẻ em SOS Thành phố Đồng Hới - Quảng Bình, Ban giám hiệu trường Tiểu học số 1 Bắc Lý, trường Trung học cơ sở số 1 Nam Lý đã tạo mọi điều kiện cho tôi hoàn thành luận văn này. Xin cảm ơn các thầy giáo, cô giáo thuộc Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn đã chia sẻ nhiều thông tin giúp tôi hoàn thành đề tài nghiên cứu. Cảm ơn các trẻ em sống tại làng trẻ SOS Đồng Hới, các trẻ em sống tại gia đình đã trả lời các phiếu hỏi môt cách trung thực và nhiệt tình nhất. Luận văn khó tránh khỏi thiếu sót, tác giả rất mong nhận được những ý kiến phản hồi và góp ý. Tác giả Nguyễn Thị Diệu Linh
  • 4. 3 MỤC LỤC Trang MỤC LỤC ....................................................................................................3 DANH MỤC CÁC BẢNG............................................................................5 MỞ ĐẦU.......................................................................................................6 Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA ĐỀ TÀI ..............................................9 1.1. Lịch sử nghiên cứu vấn đề.....................................................................9 1.2. Các khái niệm công cụ của đề tài........................................................ 15 1.2.1. Khái niệm biểu tượng........................................................................ 15 1.2.1.1. Thuật ngữ biểu tượng. ..................................................................... 15 1.2.1.2.Khái niệm biểu tượng trong tâm lý học............................................. 16 1.2.1.3. Cấu trúc của biểu tượng .................................................................. 20 1.2.1.4. Phân loại biểu tượng. ...................................................................... 20 1.2.1.5. Sự hình thành biểu tượng................................................................. 22 1.2.1.6. Vai trò của biểu tượng trong hoạt động tâm lý. ............................... 26 1.2.2. Gia đình............................................................................................. 27 1.2.2.1. Khái niệm gia đình .......................................................................... 27 1.2.2.2. Vai trò của gia đình trong việc hình thành và phát triển nhân cách trẻ em .29 1.2.3. Khái niệm biểu tượng của trẻ em SOS về gia đình ........................... 33 1.2.3.1. Khái niệm trẻ em ............................................................................. 33 1.2.3.2. Trẻ em làng SOS.............................................................................. 35 1.2.3.3.Những yếu tố ảnh hưởng đến biểu tượng của trẻ em về gia đình ............ 38 Tiểu kết chương 1....................................................................................... 41 Chương 2:TỔCHỨCNGHIÊNCỨUVÀPHƯƠNGPHÁP NGHIÊNCỨU.43 2.1. Tổ chức nghiên cứu ............................................................................. 43 2.1.1. Địa bàn nghiên cứu........................................................................... 43
  • 5. 4 2.1.2. Khách thể nghiên cứu ....................................................................... 45 2.1.3. Tiến trình nghiên cứu ....................................................................... 45 2.2. Phương pháp nghiên cứu:................................................................... 46 Chương 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU...................................................... 48 3.1. Biểu tượng chung của trẻ em về gia đình........................................... 48 3.2. Biểu tượng của trẻ về mối quan hệ cha – mẹ - con ............................ 53 3.3. Biểu tượng của trẻ về mối quan hệ cha – mẹ ..................................... 58 3.4. Biểu tượng của trẻ về mối quan hệ cha mẹ - con ............................... 61 3.5. Biểu tượng của trẻ về mối quan hệ cha – con..................................... 64 3.6. Biểu tượng của trẻ về mối quan hệ mẹ - con...................................... 70 3.7. Biểu tượng của trẻ về mối quan hệ anh/chị - em................................ 75 3.8. Biểu tượng của trẻ về vai trò của gia đình (chỗ dựa tinh thần) ........ 79 3.9. Mơ ước của trẻ về mái ấm gia đình.................................................... 81 Tiểu kết chương 3…………………………………………………………..87 KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ.................................................................... 88 TÀI LIỆU THAM KHẢO.......................................................................... 92 PHỤ LỤC.................................................................................................... 94
  • 6. 5 DANH MỤC CÁC BẢNG Bảng 3.1. Biểu tượng chung về gia đình của trẻ em sống tại làng SOS và trẻ sống tại gia đình Bảng 3.2. Biểu tượng chung về gia đình của trẻ em sống tại làng SOS và trẻ em sống ở gia đình (Theo phiếu hoàn thành câu) Bảng 3.3. Biểu tượng của trẻ về mối quan hệ cha - mẹ - con (Theo phiếu hoàn thành câu) Bảng 3.4. Biểu tượng về mối quan hệ cha - mẹ của trẻ em Làng SOS và trẻ em sống tại gia đình Bảng 3.5. Biểu tượng về mối quan hệ cha mẹ – con của trẻ em làng SOS và trẻ em sống tại gia đình Bảng 3.6. Biểu tượng về mối quan hệ cha – con của trẻ em làng SOS và trẻ sống tại gia đình Bảng 3.7. Biểu tượng về người cha của trẻ em làng SOS và trẻ sống tại gia đình (Theo phiếu hoàn thành câu) Bảng 3.8. Biểu tượng về mối quan hệ mẹ – con của trẻ em làng SOS và trẻ em sống tại gia đình Bảng 3.9. Biểu tượng về người mẹ của trẻ em làng SOS và trẻ sống tại gia đình (Theo phiếu hoàn thành câu) Bảng 3.10. Biểu tượng về mối quan hệ anh/chị - em của trẻ em làng SOS và trẻ em sống tại gia đình Bảng 3.11. Biểu tượng của trẻ về anh/chị em trong gia đình (Theo phiếu hoàn thành câu) Bảng 3.12. Biểu tượng về vai trò gia đình của trẻ em làng SOS và trẻ sống tại gia đình Bảng 3.13. Mơ ước về mái ấm gia đình của trẻ em làng SOS và trẻ em sống tại gia đình.
  • 7. 6 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Từ xưa đến nay, gia đình vẫn luôn được coi là tế bào của xã hội. Mỗi cá nhân trong xã hội đều là thành viên của một gia đình, sinh ra và trưởng thành từ một gia đình nhất định. Sự tồn tại và phát triển của xã hội được phản ánh dựa vào sự tồn tại và phát triển của gia đình, vì vậy có thể xem gia đình là hình ảnh thu nhỏ của xã hội. Môi trường gia đình tác động mạnh mẽ đến sự hình thành và phát triển nhân cách của cá nhân. Ở tuổi ấu thơ, ảnh hưởng của gia đình gần như tuyệt đối dù trẻ có đến nhà trẻ hay mẫu giáo. Ở tuổi thiếu nhi hay vị thành niên, quan hệ của trẻ không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ gia đình mà còn chịu nhiều ảnh hưởng của xã hội, bạn bè, thầy cô, nhà trường…Tuy nhiên, gia đình vẫn là yếu tố tiên quyết đảm bảo sự tồn tại và phát triển bình thường về mặt tâm – sinh lý, định hướng sự phát triển nhân cách cho trẻ. Cuộc sống gia đình đặt nền móng đầu tiên cho sự hình thành thế giới quan, những thói quen, hành vi văn hóa, đạo đức và phát triển trí tuệ. Được sống cùng cha mẹ, anh chị em ruột thịt trong tình yêu thương và sự chăm sóc về vật chất cũng như tinh thần là niềm hạnh phúc, là quyền lợi chính đáng của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, không phải bất kỳ đứa trẻ nào cũng may mắn được sinh ra và lớn lên dưới một mái ấm gia đình. Có rất nhiều lý do như: Những mâu thuẫn, những mất mát khiến tổ ấm gia đình không còn nguyên vẹn, khiến những đứa trẻ phải sống thiếu cha/mẹ hoặc sống thiếu cả sự chăm sóc của cả cha lẫn mẹ. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (tính đến tháng 1/2011), cả nước hiện có khoảng 1478567 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em mồ côi chiếm khoảng 160000 em, trong đó có 88000 em không có nơi nương tựa, hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn. Nhà nước đã thực hiện nhiều hình thức chăm sóc cho các em như cho gia đình nhận nuôi dưỡng, gia đình
  • 8. 7 với bố mẹ nuôi mới (làng SOS, mô hình xã hội), nhận đỡ đầu, trợ cấp xã hội cho trẻ em sống tại cộng đồng và chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Hàng tháng, trên 90500 trẻ em nhận được trợ cấp từ Nhà nước về kinh phí, y tế và giáo dục; 55,3% tổng số trẻ em mồ côi được cộng đồng và Nhà nước quan tâm, chăm sóc. Tuy nhiên, với độ tuổi đang trong quá trình phát triển về thể chất cũng như tâm lý, các em dễ bị tác động từ môi trường bên ngoài và cần thiết có một mái ấm thực sự để bao bọc và định hướng nhân cách sống cho các em. Với những trẻ sống tại các làng trẻ em S0S, hơn ai hết, các em là những người thiếu thốn về mặt tình cảm, thiếu thốn sự quan tâm chăm sóc của những người thân trong gia đình, điều đó ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách cũng như đời sống tinh thần của các em. Chính vì thế, ở mỗi em tự hình thành cho mình một hình ảnh riêng, một mong ước riêng về mái ấm gia đình. Chính biểu tượng về gia đình là yếu tố thúc đẩy, định hướng giá trị sống để các em có nền tảng cơ bản vững bước vào đời. Với mong muốn tìm hiểu xem khi được sống trong một môi trường gia đình mới – với những người mẹ mới, những anh chị em mới, các em ở làng trẻ SOS có biểu tượng như thế nào về một mái ấm gia đình thực sự, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu biểu tượng về gia đình của trẻ em làng SOS – Thành phố Đồng Hới, Quảng Bình” nhằm góp phần nâng đỡ trợ giúp tâm lý đối với trẻ mồ côi trên con đường các em đang tự hoàn thiện nhân cách của chính mình. 2. Đối tượng nghiên cứu Biểu tượng về gia đình của trẻ em làng SOS. 3. Mục đích nghiên cứu - Nghiên cứu biểu tượng về gia đình của trẻ em làng SOS nhằm đưa ra một số kiến nghị để hình thành biểu tượng tích cực về gia đình của các em, góp phần giúp các em có đời sống tâm lý cân bằng hơn.
  • 9. 8 4. Nhiệm vụ nghiên cứu - Xây dựng sở lý luận và thực tiễn về biểu tượng gia đình của trẻ em nói chung, của trẻ em làng SOS nói riêng. - Phân tích biểu tượng gia đình của trẻ em làng SOS và các yếu tố tác động tới sự hình thành biểu tượng về gia đình của trẻ em SOS. - Đề xuất một số kiến nghị giúp hình thành biểu tượng tích cực về gia đình cho các em làng SOS 5. Khách thể nghiên cứu - Khách thể nghiên cứu: 50 trẻ em mồ côi thuộc làng trẻ em SOS - thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. - 50 trẻ em sống trong các gia đình có đầy đủ cha và mẹ. 6. Phạm vi nghiên cứu: - Thời gian nghiên cứu: Luận văn được nghiên cứu từ tháng 1 năm 2011 đến tháng 11 năm 2014. - Địa bàn nghiên cứu: Làng trẻ emSOS – thành phố Đồng Hới - Quảng Bình. 7. Giả thuyết nghiên cứu Có sự khác nhau giữa biểu tượng về gia đình của những trẻ em mồ côi tại làng SOS và những trẻ được sống trong một gia đình có đầy đủ cả cha lẫn mẹ. Sự khác biệt này phụ thuộc vào các yếu tố: Hoàn cảnh gia đình, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình trước đây mà trẻ SOS sống và đặc điểm mối quan hệ giữa các thành viên trong mái ấm ở làng trẻ SOS – nơi các em đang sinh sống. 8. Phương pháp nghiên cứu 8.1. Phương pháp phân tích tài liệu 8.2. Phương pháp vẽ tranh gia đình. 8.3. Phương pháp viết đoạn văn về chủ đề gia đình. 8.4. Phương pháp hoàn thành câu. 8.5. Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi. 8.6. Phương pháp thống kê toán học.
  • 10. 9 Chương 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA ĐỀ TÀI 1.1. Tổng quan nghiên cứu vấn đề. Trong Tiếng việt cũng như nhiều ngôn ngữ khác, biểu tượng là một từ đa nghĩa và khoa học tâm lý không phải là lĩnh vực duy nhất sở hữu nó. Khái niệm này đã và đang được nhắc đến thường xuyên trong triết học, văn học, xã hội học, tâm lý học cũng như nhiều lĩnh vực khác như nghệ thuật, sân khấu, luật học, toán học… Biểu tượng trước hết là đối tượng nghiên cứu của triết học. Một số tác phẩm triết học tiêu biểu nghiên cứu về “biểu tượng” như: Ernst Cassirer (1874 - 1945) nhà triết học Đức với công trình “Triết học với các hình thái biểu tượng”, J.C Doubrovsky với tác phẩm “Triết học và nghiên cứu hiện tượng luận”. L.A White, trong “Biểu tượng nguồn gốc và cơ sở của hành vi người” đã viết: “Văn hóa là cơ chế của các hiện tượng vật thể, hành động, tư tưởng, cảm xúc. Cơ chế này được tạo ra nhờ việc sử dụng các biểu tượng, hoặc phụ thuộc vào các biểu tượng đó”[19; 49]. Biểu tượng được nhìn nhận từ ngôn ngữ học như công trình “Giáo trình ngôn ngữ học đại cương” của nhà ngôn ngữ học người Thụy Sỹ F. D Saussure. Ở công trình này, ông lấy biểu tượng làm đối tượng phân tích của ngôn ngữ học cấu trúc. Biểu tượng còn là đối tượng phân tích mỹ học, F.Heghen trong công trình “Mỹ học” (Tập 1 – NXBVH, 1999) đã khẳng định sự phức hợp của biểu tượng là do một nội dung có thể có nhiều hình thức biểu hiện và ngược lại một hình thức có thể được biểu hiện dưới nhiều nội dung khác nhau. Mỗi ý nghĩa của biểu tượng lại nói lên một mặt của đời sống xã hội, có bao nhiêu biểu hiện của đời sống xã hội là có bấy nhiêu ý nghĩa tương ứng trong thế giới biểu tượng.
  • 11. 10 Biểu tượng được nhìn nhận từ gốc độ văn hóa, tiêu biểu là công trình “Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới” của hai tác giả Jean Chavelier và Alain Gheerbrant (NXB Đà Nẵng và trường viết văn Nguyễn Du ấn hành 1977) với phụ đề: huyền thoại, chiêm mộng, phong tục, cử chỉ, dạng thể, các hình, màu sắc, con số” đã bao quát được nhiều khu vực văn hóa trên thế giới liên quan đến các phương diện xã hội học, tâm lý học, dân tộc học, thần thoại học…Mỗi vấn đề biểu tượng cụ thể lại được so sánh giữa các không gian văn hóa khác nhau, từ đó có cái nhìn nhiều chiều từ thế giới biểu tượng. Có lẽ chính vì sự đa dạng trong việc nghiên cứu “biểu tượng” dưới những gốc độ khác nhau, cho nên thoạt đầu, trong tâm lý học, khái niệm biểu tượng đã gây ra những tranh cãi về mặt lý thuyết. Bởi đối với ngành khoa học này, biểu tượng xuất hiện ở hầu như tất cả các chuyên ngành như nhận thức, xã hội, lâm sàng, hoặc đơn giản chỉ là một “quan điểm chung” (theo Denis và Dubois, 1976), hay một “quan điểm xã hội” (theo Moscovici, 1961/1992). Trong đề tài này, chúng tôi xin giới hạn các công trình nghiên cứu “biểu tượng” với tư cách là khái niệm của tâm lý học đại cương và tâm lý học phát triển, tức là nghiên cứu biểu tượng với tư cách là một cấu trúc tâm lý cá nhân và nghiên cứu biểu tượng trong quá trình phát triển tâm lý trẻ em. Trong Tâm lý học đại cương, biểu tượng được nghiên cứu với tư cách là một thành tố của hoạt động nhận thức cá nhân. Biểu tượng được đề cập ở nhiều công trình, theo nhiều góc độ và đã làm sáng tỏ về bản chất, chức năng và vai trò của biểu tượng trong nhận thức và hành động của cá nhân. Nó được khái quát thành 4 hướng lớn: * Các công trình nghiên cứu biểu tượng với tư cách là sản phẩm của quá trình nhận thức của cá nhân, từ cảm tính lên lý tính, đặc biệt là trong hoạt động trí nhớ và tưởng tượng. Hướng này quy tụ khá nhiều nhà nghiên cứu như X.L.Rubinxtein, A.N.Leonchev, L.X.Vugotxki, Maurice Reuchlin, Phạm Minh
  • 12. 11 Hạc, Trần Trọng Thủy, Nguyễn Quang Uẩn…Các kết quả theo hướng nghiên cứu này đã làm sáng rõ: Biểu tượng là khâu trung gian, là giai đoạn quá độ chuyển từ hình ảnh cảm tính lên khái niệm khoa học: Hình ảnh tri giác - biểu tượng – khái niệm, là phương thức nhận thức và lưu giữ thông tin, là sản phẩm của một quá trình hoạt động nhận thức lý tính (các biểu tượng sáng tạo của quá trình tưởng tượng). * Các công trình nghiên cứu biểu tượng với tư cách là một cấu trúc tâm lý được hình thành do hoạt động tinh thần của cá nhân. Đó là một hành động tâm lý – hành động biểu tượng (J.P.Sartre, P.A.Rudich); là quá trình xác lập các mối liên tưởng giữa vốn kinh nghiệm đã có với các hình ảnh mới (D.S. Miller, H. Spencer); là sự cấu trúc hóa thành cấu trúc tâm lý trọn vẹn trên cơ sở tri giác tổng thể sự vật (V. Kohler, C.Kofka, các nhà tâm lý học Gestal…). * Các công trình nghiên cứu biểu tượng với tư cách là mô hình tâm lý chi phối hành vi cá nhân hay nhóm xã hội. Hướng này quy tụ các nhà tâm lý thuộc nhiều trường phái tâm lý khác nhau: Các nhà tâm lý học hành vi coi biểu tượng là sơ đồ của nhận thức được hình thành do quá trình luyện tập các hành vi và định hướng cho những hành vi tiếp theo của cá nhân. Các nhà tập tính học như K.Lorenz, Eibl – Eibesldt… cho rằng biểu tượng đóng vai trò khởi phát và điều chỉnh hành vi của động vật và người. Phân tâm học, đặc biệt là S.Freud đã chỉ ra vai trò của biểu tượng vô thức cá nhân và tập thể trong việc thúc đẩy hành vi cá nhân. * Các công trình nghiên cứu việc hình thành và khôi phục các hình ảnh về sự vật hiện tượng đã được hình thành và lưu giữ trong trí nhớ và sự quên các hình ảnh đó dưới góc độ cơ sở sinh lý thần kinh của chúng (I.P. Pavlov; A.R. Luria; Pefin…). Trong Tâm lý học phát triển, biểu tượng được nghiên cứu theo 2 hướng lớn:
  • 13. 12 * Nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển biểu tượng qua các giai đoạn lứa tuổi. Đáng chú ý là các công trình nghiên cứu của J.Piaget và cộng sự: Ông đã phân tích và mô tả quá trình hình thành các hành động biểu trưng, các hình ảnh tinh thần và các biểu tượng của trẻ em giai đoạn 3 – 6 tuổi, đặc biệt là thời kỳ trước tuổi đến trường (5-6 tuổi). * Nghiên cứu quá trình hình thành biểu tượng theo cơ chế chuyển “cái tâm lý” từ bên ngoài vào bên trong. Kết quả nghiên cứu theo hướng này quy tụ nhiều nhà tâm lý học nổi tiếng như J.Piaget, V.X.Mukhina, A.A. Liubliuxkaia, E.Tolman… Đáng chú ý là nghiên cứu của P.Ia. Ganperin, Ông cho rằng quá trình hình thành hành động trí tuệ là quá trình chuyển hóa từ nghĩa khách quan thành ý chủ quan, từ hình ảnh cảm tính qua biểu tượng thành khái niệm về sự vật. Tức là theo ông, bản chất thao tác và cơ chế hình thành biểu tượng bắt đầu từ hành động thực tiễn. J.Piaget và các cộng sự đã chỉ ra cơ chế hình thành tri giác và kết quả của nó là hình ảnh tri giác, cơ chế hành động biểu trưng và sự hình thành các biểu tượng từ các sơ cấu giác – động đơn giản ban đầu. Một nghiên cứu của Ronald Rohner, Đại học Connecticut, khi nghiên cứu về sự vắng mặt của biểu tượng người cha đối với sự hình thành nhân cách của trẻ. Ông cho rằng: “Khi một người cha được coi là có nhiều quyền lực hơn, ngay cả khi ông dành ít thời gian cho con hơn người mẹ, ông vẫn có thể có một tác động lớn. Đó là bởi ý kiến hay hành động của ông ấy dường như nổi bật, đáng chú ý hơn trong gia đình” (Ronald Rohner, 1998). Để đưa ra kết luận trên, nhóm của ông đã tiến hành phân tích 36 nghiên cứu trong giai đoạn từ 1975 - 2010, liên quan đến gần 1400 người lớn (18 – 89 tuổi) và 8600 trẻ em (9 – 18 tuổi) ở 18 quốc gia. Người tham gia được hỏi về mức độ quan tâm của cha mẹ đối với họ trong thời gian tuổi thơ và về đặc điểm nhân cách hay khuynh hướng của họ.
  • 14. 13 Theo các nhà khoa học thì ông bố có thể đóng một vai trò thậm chí còn quan trọng hơn các bà mẹ rất nhiều trong sự phát triển của trẻ, giúp trẻ em hạnh phúc. Ronald Rohner cho biết: “Nghiên cứu này cho thấy rằng xã hội có xu hướng chú trọng quá nhiều vào các tác động của bà mẹ đối với trẻ em, thường đổ lỗi cho bà mẹ khi trẻ có các tính cách xấu, thậm chí là khi chúng đã trưởng thành. Chúng ta phải bắt đầu nhìn nhận lại vai trò lớn hơn của các ông bố trong việc nuôi dạy trẻ, đặt chúng trên cơ sở bình đẳng với các bà mẹ”. Thông thường trong một gia đình, ảnh hưởng của người mẹ đến với đứa con từ tình cảm dịu hiền, còn người cha ảnh hưởng đến con cái thông qua uy quyền. Và chính dựa vào uy quyền của người cha mà người mẹ đưa được những nguyên tắc, những luật lệ vào đời sống của đứa trẻ tạo nên sự cân bằng trong sự phát triển của chúng. Michaux nghiên cứu trẻ và nhận xét: "Hầu hết trẻ em cảm thấy tự hào vì có cha, tức là có sự bảo vệ của một thứ uy quyền". Uy quyền có mức độ của người cha là một trong những yếu tố đem lại sự hoà hợp trong gia đình. Sự thiếu hụt của một trong hai cha mẹ đều ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển nhân cách trẻ. Có thể nói uy quyền của người cha được tạo dựng từ vai trò làm chủ kinh tế trong gia đình. Ai là người đem lại chỗ dựa cho người khác thì người đó có uy quyền, "Uy quyền của người cha là then chốt của sự hoà hợp trong gia đình" (G.Robin). Người cha còn ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực phát triển của đứa con: cảm xúc, tình cảm nhận thức…Nếu như các nhà theo trường phái phân tâm học cho rằng người cha chỉ nên quan tâm nhiều tới trẻ ở tuổi từ 18 tháng tuổi trở đi, thì các nhà tâm lý học phát triển lại cho rằng tương tác sớm cha - con có ảnh hưởng rất tốt đến sự phát triển của đứa con. Các nghiên cứu cũng khẳng định người cha tượng trưng và người cha cụ thể đều ảnh hưởng tới đứa con. Mô hình "người cha nghiêm khắc" rất quý đối với các nhà phân tâm học, nhờ người
  • 15. 14 cha thông qua người mẹ mà đứa trẻ phát triển nhân cách, phát triển đúng đắn giới tính. Bé gái nhìn vào tính cách của cha để cảm nhận vai trò là con gái của mình, trẻ trai nhận ra vai trò người đàn ông thông qua bố và đồng hoà với giá trị đó. Các trẻ trai thiếu cha thích nghi kém hơn và gặp nhiều khó khăn hơn trong quan hệ tương tác với các trẻ khác cùng chơi. Như vậy, sự vắng mặt của người cha sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ. Trong các nghiên cứu của các tác giả đã khẳng định: ảnh hưởng tiêu cực này sẽ mạnh hơn ở trẻ trai so với trẻ gái. Nếu người cha không thể hiện những đức tính tốt trong gia đình, cũng như vai trò xã hội gán cho giới đàn ông trong tương quan gia đình, thì trẻ lớn lên sẽ bị chao đảo trong quan hệ nam nữ sau này, đặc biệt là các bé gái, các bé gái không tạo dựng tốt quan hệ với bạn trai. Ở Việt Nam, chưa có nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề biểu tượng mà nó cũng chỉ được lồng ghép trong các hướng nghiên cứu tâm lý khác nhau, đặc biệt là trong mối quan hệ với sự phát triển tâm lý và nhân cách của trẻ. Với sự tham gia của các nhà Tâm lý học đến từ Trường đại học Toulouse II - Le Mirail (Pháp), Hội phát triển Tâm lý học Đông Nam Á (ADEPASE), Hội Tâm lý học - Giáo dục học Việt Nam và khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Hội thảo Việt - Pháp về Tâm lý học diễn ra tại Hà Nội (tháng 4 - 2000) đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Tâm lý học dành cho trẻ em. Được thảo luận trong hội thảo, ngoài các vấn đề liên quan đến học tập, sức khoẻ, tâm bệnh lý, thực hành lâm sàng, giáo dục, xã hội hoá và phát triển của trẻ thì biểu tượng cũng là một đề tài được nhắc đến. Báo cáo biểu tượng của các bậc cha mẹ Việt Nam và Pháp về bệnh tật và khuyết tật của các tác giả Odette Lescarret, Văn Thị Kim Cúc, Trần Thị Minh Đức và Nguyễn Minh Đức là sự gặp gỡ giữa các nhà Tâm lý học Pháp và Việt Nam trong nghiên cứu về vấn đề biểu tượng. Điều này một lần nữa thể hiện
  • 16. 15 trong bài tham luận “Biểu tượng về nguồn gốc sự phát triển trí thông minh và cách thức giáo dục con cái ở một nhóm bố mẹ Hà Nội” (Văn Thị Kim Cúc, 2001) trình bày tại Đại hội lần thứ III của hội Tâm lý học - Giáo dục học Việt Nam (tháng 4-2001). Tuy nhiên, chưa có một đề tài nghiên cứu nào đi sâu nghiên cứu biểu tượng của trẻ em về một đối tượng cụ thể, đặc biệt là nghiên cứu biểu tượng về gia đình tại làng trẻ SOS. Vì vậy, đây có thể được xem là một hướng nghiên cứu mới, đòi hỏi phải có thêm nhiều sự quan tâm và đầu tư của các nhà khoa học nhằm hiểu hơn về đời sống tâm lý của trẻ em, từ đó xây dựng mô hình gia đình tại các làng trẻ SOS cho phù hợp. 1.2. Các khái niệm công cụ của đề tài 1.2.1. Khái niệm biểu tượng. 1.2.1.1. Thuật ngữ biểu tượng. Biểu tượng (symbol) bắt nguồn từ thuật ngữ Hy Lạp – “Symbolum” mang nghĩa là “dấu hiệu”. Từ biểu tượng trong nghĩa Hán – Việt: “Biểu” tức là “dấu hiệu”, “tỏ rõ”, “bày ra”, …để người ta nhận biết một điều gì đó. “Tượng” nghĩa là “hiện trạng”, “hình tượng”. Theo quan điểm của Mac – Lenin thì “Biểu tượng là hình thức cao nhất và phức tạp nhất của nhận thức cảm tính. Biểu tượng là hình ảnh của của khách thể đã được tri giác còn lưu lại trong đầu óc con người và do tác động nào đấy được tái hiện, nhớ lại. Như vậy, biểu tượng cũng như cảm giác và tri giác là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan”. Trong tiếng Việt, theo “Từ điển tiếng Việt” do GS Hoàng Phê chủ biên [69; tr64], thuật ngữ “biểu tượng” có hai nghĩa. Theo nghĩa thông dụng, “biểu tượng” là hình ảnh tượng trưng cho một cái khác (hoa sen là biểu tượng cho ngành du lịch Việt Nam, chim bồ câu là biểu tượng của hòa bình…) Theo
  • 17. 16 nghĩa chuyên môn: “Biểu tượng” là một hình thức của sự vật đã tác động vào giác quan, cao hơn cảm giác, cho ta hình ảnh của sự vật còn giữ lại trong đầu óc sau khi tác động của sự vật vào giác quan đã chấm dứt. Theo từ điển Tâm lý học – do Vũ Dũng chủ biên [9; tr21]: “Biểu tượng là hình ảnh các vật thể, cảnh tượng và sự kiện trên cơ sở nhớ lại hay tưởng tượng. Khác với tri giác, biểu tượng có thể mang tính chất khái quát. Nếu tri giác chỉ liên quan tới hiện tại thì biểu tượng liên quan tới quá khứ và tương lai” Trong từ điển Tâm lý do Nguyễn Khắc Viện biên soạn [70; tr26], “biểu tượng” được hiểu là “một sự vật không được nhìn nhận qua những cảm giác và hành động, mà vẫn gợi lên được sự tồn tại của nó, tức là hình thành biểu tượng về sự vật ấy. Một thế giới thứ hai, thế giới biểu tượng xuất hiện đi đôi với thế giới của cảm giác và vận động”. Như vậy, trong Tiếng Việt nói chung và ngay trong Tâm lý học nói riêng, thuật ngữ “biểu tượng” cũng được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Trong nghiên cứu này, biểu tượng được hiểu theo nghĩa chuyên môn tâm lý học, tức là một hiện tượng tâm lý liên quan chặt chẽ tới nhiều hoạt động tâm lý của con người. 1.2.1.2. Khái niệm biểu tượng. Trong tâm lý học, khái niệm biểu tượng được nghiên cứu và khai thác dưới nhiều gốc độ, có thể khái quát thành 3 hướng như sau: * Thứ nhất: Biểu tượng được xem xét với tư cách là hành động tinh thần, hành động của ý thức. Theo hướng này, biểu tượng được hiểu theo nghĩa là một hành động tâm lí thuần túy. Quá trình hình thành biểu tượng là quá trình hoạt động của ý thức hướng đến đối tượng phản ánh và từ đó hình thành hình ảnh tinh thần về đối tượng đó (trường phái Vutxbua hay J.P.Sartre). Theo các nhà tâm lý học này, có sự khác nhau giữa tri giác, tư duy và quá trình hình thành biểu tượng.
  • 18. 17 Tri giác không đem lại một nhận thức toàn diện về đối tượng mà chỉ cho ta các hình ảnh phẳng về một mặt nào đó của sự vật, còn biểu tượng cho ta hình khối về vật đó. Mặt khác, đối tượng của tri giác phải là sự vật có thật đang trực tiếp tác động vào giác quan, còn đối với quá trình biểu tượng, đối tượng là cái không thật. Dễ dàng nhận thấy cách giải thích trên về biểu tượng là hoàn toàn không thỏa đáng, có tính chất tiên nghiệm, duy tâm. Họ đã bỏ qua những tính chất quyết định trong việc hình thành tâm lý nói chung, biểu tượng nói riêng, đó là: mọi hiện tượng tâm lý đều có nguồn gốc vật chất bên ngoài và đều được hình thành từ hoạt động thực tiễn. Vì vậy, không thể coi biểu tượng là một hiện tượng tâm lý thuần túy tinh thần, do ý thức tạo ra. * Thứ hai: Biểu tượng được coi là sản phẩm của một quá trình nhận thức của cá nhân, cụ thể là của tri giác, trí nhớ và tưởng tượng. Có nhiều nhà tâm lý học quan niệm như vậy. Chẳng hạn A.V. Daparozet coi biểu tượng là kết quả của quá trình tri giác – trí nhớ. Ông cho rằng, những hình ảnh trực quan nảy sinh trong não người về những sự vật và hiện tượng đã tri giác trước đây gọi là biểu tượng. A.A.Liublinxkaia cũng có quan điểm như vậy. Theo bà, những hình ảnh đã được lưu giữ lại của những sự vật đã được lĩnh hội trước đây tạo nên nội dung chủ yếu của trí nhớ, đó chính là các biểu tượng. Các nhà tâm lý học theo thuyết xử lý thông tin như Wilson, Biley, R.C.Atkinson… quan niệm: các quá trình biểu tượng liên quan mật thiết với các quá trình trí nhớ ngắn hạn và dài hạn. Theo họ, biểu tượng là một dạng tâm trí, trong đó các thông tin được bỏ vào đó. Trẻ em lưu giữ biểu tượng về các vật thể cũng như trạng thái bên trong của bản thân và khôi phục nó khi cần thiết. Trong tác phẩm “Tâm lý học” của tác giả Phạm Minh Hạc chủ biên, có nói: Biểu tượng là hình ảnh của sự vật hiện tượng nảy sinh trong óc chúng ta khi không có sự tác động trực tiếp của chúng vào giác quan ta. Nó
  • 19. 18 là kết quả của sự chế biến và khái quát hóa các hình ảnh tri giác trước đây. Điều đáng lưu ý là, các tác giả này, một mặt coi biểu tượng là sản phẩm của trí nhớ nhưng mặt khác, họ cũng cho rằng biểu tượng là sản phẩm của quá trình tưởng tượng sáng tạo. * Thứ 3: Biểu tượng được hiểu là mô hình tâm lý chi phối hành vi của cá nhân hoặc của nhóm xã hội. Ở đây, biểu tượng được nhấn mạnh về phương diện chức năng định hướng của nó. J.Piaget cho rằng biểu tượng là khả năng biểu đạt của trẻ. Trong cái biểu tượng có cái được biểu đạt và cái biểu đạt. Cái biểu đạt có thể là ngôn ngữ, hình ảnh tinh thần hay cử chỉ tượng trưng. Chúng đều là sản phẩm của quá trình cấu trúc hóa, quá trình hình thành các sơ đồ nhận thức của trẻ em, được hình thành trên cơ sở các sơ cấu giác động. Phát triển quan niệm của Piaget, Maurice Reuchlin hiểu khái niệm biểu tượng theo hai nghĩa: Nghĩa hẹp: biểu tượng là cái có thể gợi lên một yếu tố lưu giữ dài hạn trong trí nhớ được thể gợi lên và dùng trong hoàn cảnh cần thiết. Theo nghĩa rộng: Biểu tượng là quá trình mà qua đó các cá thể hiểu biết về thế giới, được hình thành trong các cấu trúc của tâm trí. Nói cách khác, biểu tượng được xét theo hai phương diện – một là yếu tố được gợi lên và quá trình kiến tạo và gợi lên yếu tố đó. Theo quan niệm này, nghiên cứu biểu tượng là xác định xem biểu tượng có được ở chủ thể là do hành động với đồ vật ở bình diện bên ngoài hay đã ở mức độ ý tưởng bên trong. E.Tolman cho rằng việc học của trẻ em cũng là hình thành các biểu tượng về đối tượng – sơ đồ về đối tượng và chính các sơ đồ này chi phối các hành vi học tập tiếp theo của các em. Trong nghiên cứu của A.Bandura, biểu tượng được coi là mô hình hành vi có tính khái quát của một mẫu người nào đó và trẻ em hình thành các hành vi trên cơ sở các mô hình đó. Những mô hình được chúng hình thành bằng sự khái quát các hình ảnh hành vi của người
  • 20. 19 lớn mà chúng quan sát được. Như vậy, đối với Ông – biểu tượng vừa là sự khái quát hóa các hình ảnh về các hành vi riêng, tạo thành hình ảnh khái quát, vừa là sự định hướng tâm lý cho các hành vi bắt chước của trẻ em. Đây có thể được coi là một góc độ nghiên cứu lý thú về biểu tượng trong tâm lý học. Từ các hướng nghiên cứu trên, có thể nhấn mạnh những khía cạnh chủ yếu của khái niệm biểu tượng. Về phương diện phản ánh: Biểu tượng cũng như các hiện tượng tâm lý khác, là hình ảnh chủ quan của chủ thể phản ánh thế giới hiện thực khách quan. Biểu tượng là hình ảnh của các sự vật và hiện tượng không còn hiện diện trước chủ thể. Vì vậy, để có hình ảnh về chúng, chủ thể phải khôi phục lại các hình ảnh đã có về chúng và được lưu giữ lại trong trí nhớ, cấu trúc lại chúng, tạo thành hình ảnh mới trong ý thức. Đó chính là biểu tượng. Về phương diện hình thành: Biểu tượng không đơn giản là sự cấu trúc lại các hình ảnh sự vật đã được tri giác, mà đó là quá trình chuyển các sơ đồ hành động thực tiễn với sự vật bên ngoài vào bên trong trí óc. Khi được hình thành, biểu tượng là sự kết hợp giữa sự phản ánh bản thân sự vật, hiện tượng với sự phản ánh các hành động của chủ thể trên sự vật, hiện tượng đó. Về phương diện chức năng: Cũng như các hiện tượng tâm lý khác, biểu tượng có chức năng cơ bản là nhận thức thế giới và điều khiển, điều chỉnh hành vi của con người. Như vậy, biểu tượng là hình ảnh những sự vật, hiện tượng của thế giới xung quanh được hình thành trong ý thức của cá nhân trên cơ sở các cảm giác và tri giác đã xảy ra trước đó, đó là những hình ảnh mới được hình thành trên cơ sở những hình ảnh đã có từ trước hay là các sơ đồ hành động với đồ vật đã được khái quát hóa và nội tâm hóa. Biểu tượng có chức năng nhận thức thế giới và điều chỉnh hành vi cá nhân của con người.
  • 21. 20 1.2.1.3. Cấu trúc của biểu tượng Theo luận điểm của I.M.Xetrenop: “ các biểu tượng là kết quả trung gian từ các tri giác phân chia thành phần riêng lẻ của sự trừu tượng hóa một tổng số nhất định các vật thể cùng loài và thành phần trừu tượng hóa này bao gồm ngoài các dấu hiệu bề ngoài còn có các dấu hiệu không phơi bày ra một cách trục tiếp mà phải nhờ một sự phân tích chi tiết về mặt trí tuệ và thể chất các vật thể, cũng như quan hệ giữa chúng với nhau và giữa chúng với con người”. Như vậy, có thể chia cấu trúc của biểu tượng thành: - Những biểu hiện bề ngoài vô cùng đa dạng của hiện thực. - Những dấu hiệu của sự vật, hiện tượng của hiện thực mà tự chúng không phơi bày ra. Khi có sự phân tích của trí tuệ về các sự vật, hiện tượng cũng như về các hành vi thì bộ phận riêng lẻ được tách ra của các biểu tượng sẽ được liên kết với các hình ảnh hoản chỉnh, cuối cùng sẽ dẫn đến những biểu tượng dầy đủ và hoàn chỉnh hơn. Trong đề tài này, chúng tôi nghiên cứu biểu tượng với tư cách là một cấu trúc tâm lý bên trong bao gồm kết quả của hoạt động cảm giác và tri giác, nó cũng vừa là sản phẩm của trí nhớ vừa là sản phẩm của tưởng tượng. 1.2.1.4. Phân loại biểu tượng. Dựa vào tiêu chí: Hình tượng của sự vật và hiện tượng tri giác từ trước được sắp xếp lại trong ý thức con người đến mức độ nào, người ta phân biểu tượng thành 2 loại: - Biểu tượng của trí nhớ: Là hình ảnh của tri giác lúc trước được tái hiện lại trong một hoàn cảnh nhất định. Biểu tượng của trí nhớ giống với hình ảnh đang tri giác ở tính trục quan trong phản ánh. Đó là sự phản ánh một cách trọn vẹn những sự vật – hiện tượng trong thực tế khách quan tác động trực tiếp vào các cơ quan cảm giác.
  • 22. 21 Biểu tượng của trí nhớ khác với hình ảnh của tri giác ở chỗ: Các biểu tượng chỉ phản ánh những dấu hiệu đặc trưng của sự vật, hiện tượng một cách khái quát. Do đó, biểu tượng của trí nhớ thường không rõ nét, mơ hồ và kém đầy đủ hơn so với hình ảnh đang tri giác trực tiếp. Biểu tượng của trí nhớ là sự đan xen giữa tính trục quan và tính khái quát trong quá trình tái tạo sự vật, hiện tượng nhờ sự tác động lẫn nhau giữa hệ thống tín hiệu I và hệ thống tín hiệu II. Đó là sự phản ánh liên kết giữa hình tượng và khái niệm, phản ánh tính chất quá độ từ sự nhận thức mang tính trực quan sinh động chuyển sang quá trình tư duy trừu tượng. - Biểu tượng của tượng tượng: Sản phẩm của quá trình tưởng tượng là biểu tượng của tưởng tượng. Biểu tượng của tưởng tượng là một hình ảnh mới mang tính khái quát hơn do con người tạo ra trên cơ sở những biểu tượng của của trí nhớ. Biểu tượng của trí nhớ khác về chất so với biểu tượng của tưởng tượng. Trí nhớ và tưởng tượng đều sử dụng các hình ảnh, sự kiện của quá khứ. Tuy nhiên, Biểu tượng của tưởng tượng là hình ảnh mới, được chế biến lại từ những biểu tượng của trí nhớ, “biểu tượng của tượng tượng”, thường được chủ thể sáng tạo dựa trên các cách thay đổi số lượng, kích thước, chắp ghép, liên hợp, nhấn mạnh, điển hình hóa. Do vậy, sự phản ánh của biểu tượng tưởng tượng mang tính gián tiếp và khái quát cao hơn so với biểu tượng của trí nhớ. Như vậy, khi các hình ảnh trong trí nhớ là chân thực ta sẽ có một trí nhớ chính xác. Còn tưởng tượng thường được coi là hoạt động tự do của trí óc – sang tạo ra hình ảnh (biểu tượng) mới trên cơ sở những kinh nghiệm đã tiếp thu được hoặc đã trải qua trước đây. Xét cho đến cùng, biểu tượng của tưởng tượng dù có xa lạ, không tưởng bao nhiêu vẫn phụ thuộc vào trí nhớ. Ngược lại, cái mà người ta gọi là biểu tượng của trí nhớ đôi khi lại là sản phẩm của
  • 23. 22 sự tưởng tượng hoặc của trí nhớ kết hợp với tưởng tượng do ta nhớ không chính xác, không trung thực của hiện thực. * Cơ sở sinh lý của biểu tượng - Đối với biểu tượng của trí nhớ: Cơ sở sinh lý là các dấu vết được lưu lại trong bán cầu đại não sau khi có những hưng phấn thật sự của hệ thần kinh trung ương có tri giác tạo nên. Các “dấu vết” được giữ lại là nhờ có tính kích thích đáng kể của hệ thần kinh trung ương. Tính thích nghi này sẽ thay đổi cùng với sự thay đổi của lứa tuổi. - Đối với biểu tượng của tưởng tượng: Là sản phẩm của quá trình thần kinh phức tạp mà cơ sở là quá trình lưu lại dấu vết của sự hưng phấn và ức chế, lan tỏa và tập trung, cảm ứng âm và cảm ứng dương, phân tích và tổng hợp trong các bộ phận vỏ não của các cơ quan phân tích khác nhau. Do kết quả của hoạt động thần kinh phức tạp đó mà xuất hiện những sự phối hợp mới của các mối liên hệ tạm thời được hình thành trên kinh nghiệm đã qua và tạo nên cơ sở sinh lý của biểu tượng của tưởng tượng. 1.2.1.5. Sự hình thành biểu tượng. Trong tâm lý học, vấn đề hình thành biểu tượng được xét theo hai bình diện. Thứ nhất: Sự hình thành biểu tượng trẻ em theo cơ chế từ ngoài vào trong. Thứ hai, sự xuất hiện, hình thành biểu tượng theo lịch đại, tức là sự hình thành biểu tượng theo quá trình phát triển của trẻ em qua các lứa tuổi. * Sự hình thành biểu tượng của trẻ em từ hành động bên ngoài: Hình ảnh tri giác – biểu tượng – khái niệm. Theo quan điểm của các nhà duy cảm (những người theo quan điểm triết học duy vật Anh thế kỷ XVII – XVIII, đặc biệt là nhà triết học Ph. Becon và G.Locco) họ cho rằng biểu tượng là hình ảnh chung, phản ánh những đặc điểm giống nhau bên ngoài của các sự vật và hiện tượng do tri giác mang lại. Quá trình hình thành biểu tượng là quy nạp các sự kiện thu được qua cảm giác
  • 24. 23 và khái quát chúng thành hình ảnh chung, tức là khái niệm. Theo đó, nhận thức của con người được tiến triển qua các bước: Hình ảnh tri giác → Biểu tượng → Khái niệm. Chẳng hạn, Ph.Becon (tr178, B.P. Lomop, 2000) cho rằng quá trình hình thành biểu tượng được chia thành 3 bước như sau: Bước 1: Hiểu biết thế giới tự nhiên thông qua các giác quan của con người với sự đa dạng và sinh động của nó. Bước 2: Lập bảng so sánh các dữ kiện, hệ thống lại và phân tích chúng. Bước 3: Quy nạp, đây là bước quan trọng nhất, giúp ta khám phá hình dạng của sự vật. Kết quả của quá trình quy nạp cho ta biểu tượng chung về các loại sự vật. G.Locco cũng cho rằng quá trình nhận thức trải qua hai giai đoạn: Giai đoạn 1: Các sự vật tác động vào giác quan của chúng ta, nhờ đó con người có được các tư liệu về các đặc tính cá biệt ở bên ngoài của các sự vật dưới dạng đơn giản nhất. Giai đoạn 2: Trên cơ sở tư liệu cảm tính, lý tính bắt đầu quá trình phân tích, so sánh…tạo ra các phạm trù, các biểu tượng chung giống nhau của một nhóm vật thể. Như vậy, quá trình nhận thức, theo quan điểm của các nhà duy cảm, được diễn ra theo một logic xác định: quan sát trực tiếp đối tượng để tạo ra hình ảnh cảm tính về đối tượng đó → Khái quát hóa các hình ảnh đó để tạo ra biểu tượng riêng về nó → Khái quát hóa các biểu tượng riêng thành biểu tượng chung (tức là khái niệm). Thực ra, quan niệm về sự hình thành biểu tượng của các nhà duy cảm là không đúng. Bởi lẽ, các hình ảnh tri giác chỉ mang đến cho chủ thể nhận thức các hình ảnh phẳng lì, từng mặt riêng biệt của một đối tượng nào đó. Vì vậy, nếu
  • 25. 24 biểu tượng đơn thuần chỉ là khái quát các hình ảnh tĩnh đó thành hình ảnh chung thì nó không phản ánh được nội dung và trạng thái vận động của đối tượng. Theo quan điểm của các nhà tâm lý học hoạt động, cả hình ảnh tri giác, biểu tượng và khái niệm đều có bản chất hoạt động. Quá trình hình thành biểu tượng về sự vật phải được bắt đầu từ việc tổ chức cho trẻ em hành động thực tiễn trên sự vật, phân tích chúng hoặc tạo ra chúng. Đây là khâu quyết định để hình thành hình ảnh trực quan về sự vật. Từ các hình ảnh này sẽ tạo dựng thành các biểu tượng, nhưng không phải là sự khái quát đơn thuần những điểm giống nhau các hình ảnh riêng về các sự vật mà là một quá trình xây dựng lại sự vật đó trong đầu bằng các nguyên liệu là các hình ảnh, khái niệm, hành vi…đã có về đối tượng. Vì vậy, biểu tượng không chỉ bao hàm những dấu hiệu giống nhau, mà phải chứa đựng sự khác nhau, mâu thuẫn và mối quan hệ giữa chúng. Không chỉ bao hàm hình ảnh về sự vật mà còn bao hàm cả các thao tác trên sự vật để tạo ra hình ảnh về chúng. * Sự hình thành biểu tượng trong tiến trình phát triển của trẻ em được nhiều nhà tâm lý học phát triển quan tâm và nghiên cứu. Dưới đây xin dẫn ra quan điểm về sự hình thành biểu tượng trong các công trình nghiên cứu của J.Piaget. Theo J.Piaget [tr408, Phan Trọng Ngọ, 2003] ở thời kỳ giác động, trẻ em chủ yếu hình thành và phát triển các hình ảnh tri giác, trẻ không có và không biết tới hình ảnh tinh thần và biểu tượng. Sang 1 tuổi rưỡi đến 2 tuổi, trẻ bắt đầu xuất hiện khả năng bắt chước chậm (bắt chước khi không còn sự có mặt của đối tượng), hiện tượng này chứng tỏ trẻ đã có khả năng lưu giữ và khôi phục hình ảnh tri giác trước đó. Tuy nhiên, các hình ảnh này vẫn còn nguyên, chưa bị cấu trúc hóa. Biểu tượng chỉ thực sự bắt đầu hình thành ở trẻ từ 2 tuổi trở lên, cùng với sự xuất hiện của các chức năng ký hiệu, rồi sau đó là hình ảnh tinh thần.
  • 26. 25 Giai đoạn tiền thao tác (2 – 7 tuổi), các sơ đồ hành động dần được nhập tâm để tiến tới hình thành biểu tượng. Trước hết là khả năng bắt chước hành động. Bước chuyển từ biểu tượng trên hành động (bắt chước hành động) sang biểu tượng trong ý nghĩ được thực hiện khi ở trẻ em xuất hiện hành động tượng trưng và hành động vẽ hình. Sự phát triển của hành động vẽ tranh cũng trải qua nhiều giai đoạn, gắn liền với quá trình hình thành biểu tượng. Thời kỳ đầu (3 tuổi), trẻ em vẽ bôi bác, nguệch ngoạc, chưa có ý đồ hiện thực, sau đó chuyển nhanh sang thời kỳ tổng hợp bất thành (4 tuổi), mà ở đó, các bức vẽ là các hình rời rạc được chồng lên nhau một cách vô lý. Đây chính là dấu hiệu chứng tỏ trẻ đã có hình ảnh tinh thần về đối tượng định vẽ, nhưng chưa có cấu trúc thành hệ thống. Tiếp đến là giai đoạn “tính hiện thực trí tuệ”, trong đó trẻ (5-6 tuổi) đã có hình ảnh tinh thần tương đối phù hợp với đối tượng, nhưng chưa phù hợp với điều kiện thể hiện đối tượng. Giai đoạn cuối của hành động vẽ hình là “hiện thực thị giác”, trẻ em (7-8 tuổi) có khả năng thể hiện hình vẽ theo một tọa độ quan sát trước đó và các bộ phận được bố cục hợp lý. Sự bắt chước nhập tâm, trò chơi tượng trưng, hành động vẽ hình là những hành động nhập tâm và ngoại hiện để hình thành các hình ảnh tinh thần. Quá trình xuất hiện tiếng nói ở trẻ đi liền với sự hình thành chức năng biểu trưng hóa, tức là xây dựng các hình ảnh tinh thần trong ý thức theo các chủ đề khác nhau. Sự hình thành và phát triển phong phú các biểu tượng tinh thần là đặc trưng của giai đoạn trước tuổi học: biểu tượng về sự vật, về quan hệ không gian, thời gian, về số lượng các sự vật. J.Piaget cho rằng quá trình hình thành và phát triển biểu tượng ở trẻ em chịu sự tác động của hiện tượng duy kỷ (tính tự kỷ trung tâm), tức là đứa trẻ tự tách mình ra khỏi thế giới và ý thức bản thân mình như một thực thể khách quan. Ở đây, tư duy của trẻ lệ thuộc vào hình ảnh mà nó tri giác. Piaget gọi đó là hiện tượng “chủ nghĩa hiện thực”. Chính chủ nghĩa hiện thực làm cho các
  • 27. 26 biểu tượng của trẻ có tính chất tuyệt đối, trẻ đồng nhất ý nghĩ của nó về vật với chính bản thân vật đó. Dần dần, nhờ hoạt động của trí tuệ ký hiệu, trẻ nhận thấy các biểu tượng có tính tương đối, tùy thuộc vào góc nhìn. Biểu tượng của trẻ đi từ chủ nghĩa hiện thực đến tính khách quan, theo sự giảm dần của tính tự kỷ trung tâm. Như vậy, theo J.Piaget, quá trình phát triển của trẻ em gắn liền với sự hình thành biểu tượng của trẻ. Biểu tượng bắt đầu được hình thành khi trẻ chuyển từ giai đoạn sơ cấu giác – động (0-2 tuổi) sang giai đoạn trí tuệ tiền thao tác (2-7 tuổi) với sự xuất hiện chức năng biểu trưng và sự nội tâm hóa sơ đồ hành động (2-4 tuổi), khả năng tư duy trực giác dựa vào tri giác (4-6 tuổi) và tư duy trực giác dựa vào các biểu tượng (6-7,8 tuổi). Các thời kỳ tiếp theo là sự hình thành và phát triển các thao tác trí tuệ cụ thể và thao tác trí tuệ hình thức ở trẻ. Có thể nói biểu tượng được hình thành từ các hình ảnh tri giác trước đó. Biểu tượng được hình thành trên cơ sở cấu trúc hóa các hình ảnh cảm tính, đó không phải là những hình ảnh thu được nhờ quan sát thuần túy, mà là những hình ảnh thu được thông qua hành động trực tiếp với đồ vật. Như vậy, biểu tượng có bản chất hoạt động. Việc hình thành biểu tượng được bắt đầu từ hành động với vật thật ở bên ngoài và phải được định hướng một cách đúng đắn. Quá trình hình thành biểu tượng không chỉ gắn với quá trình sàng lọc thông tin của trí nhớ, mà còn gắn với sự phát triển của các thao tác tư duy, đặc biệt là thao tác tư duy trực quan sinh động và tư duy trực quan hình tượng ở trẻ. 1.2.1.6. Vai trò của biểu tượng trong hoạt động tâm lý. Biểu tượng là một trong những hình thức quan trọng của sự phản ánh chủ quan về thế giới khách quan. Các biểu tượng có ý nghĩa rất lớn trong hoạt động tâm lý người, không có biểu tượng thì không thể có ý thức.
  • 28. 27 Các biểu tượng là hình thức tồn tại quan trọng của các kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo có liên quan đến các loại hình hoạt động nghề nghiệp nhất định. Các biểu tượng phong phú với các nét đặc thù là cách thể hiện tiêu biểu các đặc điểm cá biệt của cá nhân con người. Do gắn với các yếu tố tổng hợp nên biểu tượng là bậc thang chuyển hóa từ hình ảnh cụ thể đến khái niệm trừu tượng, từ cảm giác và tri giác đến tư duy. Do biểu tượng mang tính chất biến đổi rộng rãi, cho phép xây dựng hình ảnh mới, nên chúng đóng vai trò quan trọng và cần thiết trong hoạt động sáng tạo của con người. 1.2.2. Gia đình 1.2.2.1. Khái niệm gia đình Gia đình là môi trường xã hội đầu tiên của mỗi người và là tế bào hợp thành xã hội. Tùy vào mỗi góc độ nghiên cứu, cho đến nay có nhiều quan niệm khác nhau về gia đình Từ góc độ xã hội học: Gia đình được xem là một nhóm nhỏ của xã hội, gắn bó với nhau bởi quan hệ hôn nhân và huyết thống. Xã hội học chủ yếu nghiên cứu những vấn đề xã hội của gia đình như mối quan hê bên trong gia đình, các quan hệ tác động qua lại giữa gia đình và xã hội. Từ góc độ kinh tế học: Gia đình được coi là đơn vị kinh tế, đơn vị tiêu dùng nhằm thỏa mãn các nhu cầu ăn mặc, học hành, chăm sóc sức khỏe…các thành viên trong gia đình. Từ góc độ văn hóa học: Gia đình như một thiết chế xã hội mang màu sắc dân tộc và đánh dấu tiến trình phát triển về văn hóa. Từ góc độ tâm lý học xã hội: Gia đình được định nghĩa như sau: “Gia đình là một nhóm nhỏ xã hội, các thành viên trong nhóm có quan hệ gắn bó về hôn nhân hoặc huyết thống, tâm – sinh lý, cùng có chung các giá trị vật
  • 29. 28 chất, tinh thần, ổn định trong các thời điểm lịch sử nhất định” (Ngô Công Hoàn, 2008). Từ khái niệm này, chúng ta có thể nêu lên những đặc điểm đặc trưng cơ bản của gia đình để xem xét các mối quan hệ của gia đình ở góc độ là một nhóm xã hội, nhóm tâm lý - tình cảm đặc thù, với các mối quan hệ bên trong, với sự tác động qua lại trong nội bộ của các thành viên để thỏa mãn những nhu cầu của mỗi người: * Gia đình là một nhóm xã hội, một đơn vị kinh tế, là nơi tái sản xuất ra con người. Các thành viên trong gia đình sống chung dưới một mái nhà. * Các thành viên trong gia đình có thể thuộc nhiều thế hệ khác nhau, gắn bó với nhau bởi quan hệ tình cảm, huyết thống, chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp lẫn nhau về nếp sống, sinh hoạt, phong tục… tạo nên bản sắc văn hóa riêng của gia đình. * Các thành viên trong gia đình gắn bó với nhau về đặc điểm tâm – sinh lý. Cha mẹ truyền lại cho con cái những đặc điểm thể chất qua gen di truyền sinh học và giáo dục con cái hình thành nếp sống, theo văn hóa riêng của gia đình. * Các gia đình có quan hệ về kinh tế, sống và hoạt động bằng một ngân sách chung do các thành viên cùng lao động đem lại. Gia đình Việt Nam đang tồn tại với nhiều loại hình khác nhau: - Nếu lấy hôn nhân làm chuẩn thì có 2 loại: * Gia đình đơn hôn: Gia đình có một vợ một chồng * Gia đình đa hôn: Gia đình một chồng nhiều vợ hoặc gia đình một vợ nhiều chồng. - Nếu lấy số lượng thế hệ đang chung sống trong một gia đình thì có hai loại:
  • 30. 29 * Gia đình hạt nhân: Gia đình có hai thế hệ - Cha mẹ và các con chung sống dưới một mái nhà. Trong xã hội hiện đại, gia đình hạt nhân là loại gia đình có điều kiện phát triển tốt nhất, là loại gia đình có nhiều ưu thế khi thực hiện các chức năng của gia đình. * Gia đình mở rộng: Gia đình có từ ba thế hệ trở lên đang chung sống với nhau dưới một mái nhà (Ông, bà, cha, mẹ, con cái, cháu…) . Do sự phát triển của đời sống xã hội, gia đình mở rộng ngày càng thu hẹp trong xã hội hiện đại. - Nếu lấy quan hệ giữa các thành viên trong gia đình thì các nhà khoa học chia gia đình thành các loại sau: Theo A.E.Litrco có 4 loại gia đình sau: * Gia đình đầy đủ (Gia đình có cả cha lẫn mẹ). * Gia đình không đầy đủ (Thiếu cha hoặc mẹ). * Gia đình mở rộng (Có những người họ hàng ruột thịt khác hoặc con nuôi, cha mẹ nuôi…). * Gia đình biến dạng (có bố mẹ dượng, mẹ kế). 1.2.2.2. Vai trò của gia đình trong việc hình thành và phát triển nhân cách trẻ em Bất cứ ai cũng được sinh ra và lớn lên trong một gia đình. Gia đình bao gồm những người sống chung dưới một mái nhà, ăn chung một bếp, có lợi ích kinh tế chung và có trách nhiệm với nhau trong cuộc sống. Gia đình vừa là nơi đáp ứng nhu cầu riêng tư vừa thực hiện chức năng phát triển nòi giống và là trường học đầu tiên hình thành, phát triển nhân cách con người. Tuy vậy, quá trình trưởng thành và hình thành nhân cách của mỗi người là khác nhau, ngay cả với anh em trong một nhà. Giáo dục và nuôi dưỡng là hai yếu tố then chốt quyết định tạo nên tài năng và tính cách của mỗi con người. Sự nuôi dạy con trẻ sát nhất là gia đình,
  • 31. 30 tiếp đến là xóm giềng và xã hội. Nhân cách con người bắt đầu hình thành từ lúc còn nằm trong bụng mẹ cho đến khi trưởng thành vẫn chưa dừng lại. Lứa tuổi ấu thơ là giai đoạn quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách của trẻ. Nhân cách mặc dù chưa được thể hiện rõ ràng nhưng thông qua hành vi bắt chước hành động của người lớn, trẻ em bắt đầu thâu nhận tất cả các tương tác nhân – sinh – quan để hình thành nhân cách của mình. Trong mỗi gia đình vai trò của bố mẹ có vị trí quan trọng. Theo truyền thống Việt Nam, đàn ông thường là chủ của gia đình. Người cha là trụ cột, là biểu hiện của nhân cách văn hóa cao đẹp nhất để con cái học tập và noi theo Còn người mẹ là chỗ dựa, là hạt nhân tâm lý chủ đạo, nguồn lửa sưởi ấm yêu thương trong gia đình, nguồn tình cảm vô tận cho các con. Cho nên gia đình là cái nôi văn hóa đầu tiên hình thành nhân cách cho trẻ em. Mẹ là người đầu tiên trẻ được tiếp xúc khi cất tiếng khóc chào đời, là người dạy trẻ từ lời ăn tiếng nói, hướng dẫn trẻ những bước đi đầu tiên. Bên cạnh quan hệ cha mẹ - con cái còn có quan hệ vợ chồng. Đây là quan hệ cơ bản, đan xen giữa khía cạnh tự nhiên – sinh học, kinh tế và tâm lý đạo đức. Văn hóa trong gia đình nói chung, quan hệ vợ chồng nói riêng đều có sự ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành và phát triển nhân cách của các thành viên trong gia đình. Bầu không khí tâm lý – đạo đức của gia đình tác động trực tiếp đến nếp nghĩ, lối sống của trẻ. Mọi xung khắc của các cá nhân trong gia đình, nhất là giữa bố và mẹ, đều ảnh hưởng đến con cái. Trong nếp nghĩ của trẻ nhỏ luôn lưu giữ hình dáng, lời ăn tiếng nói của cha mẹ. Trong gia đình, ngoài các mối quan hệ nói trên còn có mối quan hệ giữa ông bà và các cháu, anh chị và các em. Mối quan hệ này càng bền chặt thì càng làm phong phú thêm đời sống tinh thần của các cá nhân trong gia đình. Các bậc lớn tuổi phải làm gương, tự điều chỉnh hành vi của mình thì mới đáp ứng được vấn đề đạo đức, văn hóa và các mối quan hệ đặt ra trong phạm vi gia đình.
  • 32. 31 Giáo dục con cái không thể chỉ bằng lời nói mà phải bằng những công việc cụ thể, mọi hành vi, thái độ, lối sống của người lớn có có tác động trực tiếp tới việc hình thành, phát triển nhân cách của trẻ. Trẻ em sẽ không tôn trọng người lớn nếu như chúng thấy cha mẹ mình thể hiện sự thiếu tôn trọng lẫn nhau. Khi cha mẹ dạy con phải lễ phép với bố, mẹ nhưng chính họ lại không tôn trọng cha, mẹ của mình (ông bà của trẻ) thì chắc chắn trẻ sẽ chẳng bao giờ lễ phép với cha, mẹ và cả ông, bà. Những bậc cha mẹ luôn quan tâm đến con cái sẽ chú trọng đến việc giáo dục hình thành nhân cách cho trẻ, dạy con không được nói dối người lớn, phải thật thà và biết nhìn nhận khuyết điểm, biết cám ơn khi được cho quà. Nhưng cũng có nhiều gia đình thiếu quan tâm đến việc giáo dục con cái, người lớn đối xử với nhau bằng lời nói, cử chỉ, hành động thiếu văn hóa…, những hành động xấu đó đã phản chiếu vào tâm hồn của trẻ, làm cho các em trở lên cộc cằn, thô lỗ. Những mâu thuẫn, lục đục trong gia đình hay gia đình tan vỡ đã đẩy nhiều trẻ em rơi vào tình trạng hụt hẫng về mọi phương diện, nhiều em không đủ ý chí để vượt qua khó khăn này đã rơi vào những bệnh như trầm cảm, rối loạn tâm lý hoặc bỏ nhà đi lang thang, phạm tội. Gia đình chịu trách nhiệm đối với quá trình xã hội hóa ban đầu của cá nhân, ảnh hưởng đến việc hình thành phẩm chất, nhân cách gốc của trẻ. Nếu ngay từ đầu các phẩm chất đó bị sai lệch, trẻ sẽ dễ sinh hư. Sống trong các gia đình có bố mẹ hoặc người lớn khác có hành vi thiếu văn hóa, đạo đức thậm chí có cả những hành vi phạm tội, như bố mẹ bất hòa hay đánh chửi nhau, nghiện rượu, nghiện ma túy, trộm cắp, tham ô…thì những gương xấu này làm cho trẻ em dần dần coi thường pháp luật, nhiễm các thói hư tật xấu và dễ bị lôi kéo rồi dần dần vi phạm pháp luật. Chỉ có những trẻ có ý chí kiên cường, có lòng tự trọng cao, sớm đánh giá được đúng sai mới tránh được những ảnh hưởng xấu đó. Cũng có nhiều trường hợp bố mẹ là người tốt, có đủ kiến thức
  • 33. 32 nhưng không chú ý đúng mức đến việc giáo dục con cái hoặc không có điều kiện gần gũi trẻ, có người ỷ lại cho nhà trường, một số mải làm ăn, kiếm sống hoặc phải đi công tác trong thời gian dài. Có gia đình bố mẹ ly hôn, có con ngoài giá thú, một trong hai người chết…dẫn đến việc con cái bị bỏ rơi, thiếu sự dạy dỗ và tình thương của cha mẹ, không được dạy dỗ và chăm sóc chu đáo trẻ sẽ có tâm lý lệch lạc, tự do ngang bướng, bất cần. Chúng dễ dàng phạm tội khi bị rủ rê, lôi kéo… Có những gia đình bố mẹ thiếu hiểu biết hoặc không kiềm chế được nên đã coi việc đánh đập hoặc dùng nhục hình với trẻ như là quyền của họ. Khi trẻ có lỗi, cha mẹ đã buồn bực, lo lắng và trút đòn roi lên đầu con cái. Nhiều đứa trẻ bị bạo hành đã nghĩ gia đình không còn yêu thương, che chắn và bảo vệ mình nữa. Chính cách xử sự này của bố mẹ đã khiến trẻ bị khủng hoảng về tâm lý, tự ti, khó hòa nhập, trẻ trở lên hung hãn, lì lợm, xa lánh mọi người và căm ghét gia đình. Trong hoàn cảnh đó trẻ dễ bị kẻ xấu lôi kéo, lợi dụng, khống chế thực hiện những hành vi trái pháp luật. Con hư còn bởi cách dạy. Sự quá nuông chiều, thỏa mãn mọi nhu cầu của con cái, thói quen đòi gì được nấy. Bên cạnh sự nuông chiều, cha mẹ bao bọc mọi việc khiến trẻ hình thành tính ỷ lại, dựa dẫm, sống ích kỷ, lười nhác, không ý thức về trách nhiệm, quen được phục vụ, hưởng thụ. Đến một lúc nào đó, khi gia đình không thỏa mãn được hoặc không có điều kiện phục vụ thì con cái trở nên bất mãn, thậm chí thù ghét bố mẹ, chúng thường bỏ nhà đi bụi, tụ tập với bạn bè hư. Nhiều trẻ trộm cắp tài sản của chính bố mẹ mình hoặc của người khác để thỏa mãn những nhu cầu không chính đáng như đua đòi ăn diện, đánh bạc, hút chích… Giáo dục gia đình có tác động hình thành nhân cách cho trẻ. Đó là kinh nghiệm sống của cha mẹ truyền dạy cho con cháu qua hành vi ứng xử trong gia đình. Các bậc cha mẹ cần thường xuyên giáo dục con trẻ thái độ, cử chỉ,
  • 34. 33 ăn nói lễ phép, tôn kính người trên, tôn sư trọng đạo, nhường nhịn lẫn nhau để khi trưởng thành con cái biết ơn sinh thành, nuôi dưỡng, chăm sóc ông bà, cha mẹ. Cha mẹ sẽ là người uốn nắn, phê phán, ngăn chặn thái độ, cử chỉ bất nhã, bất hiếu của con cái, rèn cho con nề nếp học tập và đức tính tốt, như tự suy nghĩ, tìm tòi, sinh hoạt đúng giờ, gọn gàng ngăn nắp. Các nội dung văn hóa khác cho trẻ như văn hóa lao động, văn hóa sinh hoạt, văn hóa tiêu dùng, văn hóa giao tiếp…tập luyện cho trẻ ý thức, thói quen lao động chân tay hàng ngày để nâng cao sức khỏe, loại trừ thói xấu lười nhác, ỷ lại, dựa dẫm, cẩu thả…cũng sẽ được cha mẹ chú ý nhằm giúp con hình thành nhân cách, sớm ý thức được mình vì mọi người và mọi người vì mình trong gia đình. Gia đình có vai trò quan trọng đối với sự hình thành và phát triển nhân cách mỗi con người. Nếu nhân cách của con người bao gồm hai mặt đức và tài, thì gia đình là nơi nuôi dưỡng đạo đức và gieo mầm tài năng. Các bậc cha mẹ cần nhận thức đúng trách nhiệm của mình để giữ gìn hạnh phúc gia đình, xây dựng gia đình văn hóa. 1.2.3. Khái niệm biểu tượng của trẻ em SOS về gia đình 1.2.3.1. Khái niệm trẻ em Theo các ngành khoa học, trẻ em được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau tùy thuộc vào gốc độ tiếp cận của từng khoa học cụ thể. Theo khoa học Triết học: Dựa trên những quan niệm triết học khác nhau, người ta hiểu trẻ em theo nhiều cách khác nhau. Trước thế kỷ XVIII, có quan niệm cho rằng: “Trẻ em là người lớn thu nhỏ lại’ (Quan niệm triết học siêu hình). Đây là cách nhìn nhận không đúng đắn dẫn đến các cách cư xử sai lầm đối với trẻ em. Nhưng đến sau thế kỷ XVIII – J.J. Rousseau đã khẳng định: Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ lại và người lớn không phải lúc nào cũng hiểu được tình cảm, trí tuệ,
  • 35. 34 nguyện vọng của trẻ em vì trẻ em có những cách nhìn, suy nghĩ, cảm nhận của riêng nó. Các nhà triết học hiện đại xem xét trẻ em trong mối quan hệ biện chứng với sự phát triển của xã hội, họ cho rằng trẻ em là con đẻ của thời đại. Từ góc độ xã hội hoc: Trẻ em được hiểu là nhóm ở giai đoạn đầu tiên của quá trình xã hội hóa. Xã hội học ngày nay khẳng định: Trẻ em là người có vị thế, vai trò xã hội khác người lớn. Chính quá trình xã hội hóa sẽ giúp trẻ trưởng thành về mọi mặt và trở thành một người lớn thực thụ. Trẻ em chỉ là người chưa đạt tới sự trưởng thành để có thể được coi là người lớn. Dưới góc độ tâm lý học: Dựa trên cơ sở chủ nghĩa duy vật biện chứng, tâm lý học hiện đại quan niệm: Trẻ em là giai đoạn phát triển đầu đời của mỗi người, nó vận động và phát triển theo quy luật riêng của trẻ. Đây là giai đoạn con người đang dần hình thành về thể chất, nhân cách và đạo đức, là những công dân đặc biệt còn non nớt về cả thể chất và tinh thần, chưa có đủ khả năng để tự bảo vệ bản thân nên dễ bị xâm hại, lừa gạt, lợi dụng. Xét về độ tuổi, các tổ chức Liên Hợp Quốc cũng như Quỹ dân số thế giới (UNFPA ), Tổ chức lao động Quốc Tế ( ILO), Tổ chức giáo dục – khoa học và văn hóa thế giới ( UNESSCO) xác định trẻ em là những người dưới 16 tuổi. Theo công ước quốc tế về quyền trẻ em năm 1990 quy định trẻ em là những người dưới 18 tuổi. Trong luận văn này, chúng tôi dựa vào công ước quốc tế về quyền trẻ em quy định về độ tuổi của trẻ em là những người dưới 18 tuổi và xem xét các đặc điểm tâm – sinh lý trẻ em dưới góc độ của tâm lý học.
  • 36. 35 1.2.3.2. Trẻ em làng SOS. 1.2.3.2.1. Làng trẻ em SOS Làng trẻ em SOS là một tổ chức phi chính phủ nhằm giúp đỡ và bảo vệ trẻ mồ côi, lang thang, cơ nhỡ. Tổ chức được thành lập năm 1949 bởi Hermann Gmeiner ở Imst, Áo. Hiện nay làng trẻ em SOS có mặt ở 132 quốc gia và vùng lãnh thổ. 438 làng trẻ em SOS và 346 nhà thiếu nhi SOS mang đến ngôi nhà mới cho hơn 60000 trẻ em. Hơn 131000 trẻ em tham gia các trường mẫu giáo SOS, các trường Hermann Gmeiner và các trung tâm đào tào nghề SOS. Khoảng 397000 người được hưởng lợi từ các chương trình của trung tâm y tế SOS và 115000 người được hỗ trợ bởi các trung tâm xã hội SOS. Mục đích của Làng trẻ em SOS nhằm mang lại "sự quan tâm chăm sóc như trong một gia đình" cho trẻ nghèo đói, lang thang và trẻ mồ côi. Hàng triệu trẻ em đang sống mà không có một mái ấm gia đình với muôn vàn lý do như: * Bố mẹ li hôn. * Bạo lực gia đình. * Thiếu sự quan tâm của bố mẹ. * Không còn bố mẹ do chiến tranh, thiên tai hoặc tai nạn giao thông. * Bệnh tật – bao gồm cả sự tăng lên của AIDS. Những đứa trẻ có hoàn cảnh như vậy được giúp đỡ để trở lại cuộc sống sau những tổn thương tâm lý và ngăn chặn những mối nguy hiểm như bị bỏ rơi, đối xử bất công, ngược đãi. Các làng SOS hoạt động theo 4 nguyên tắc chung trên toàn thế giới, gồm: “Bà mẹ, các anh chị em, ngôi nhà gia đình và cộng đồng làng”. Trong đó, nhân tố chính là các “bà mẹ” - là những phụ nữ từ 25 đến 40 tuổi, không có ý định lấy chồng, không có con riêng, cũng không có nặng gánh gia đình, tình nguyện tuyên thệ đảm nhận thiên chức làm mẹ, nuôi dưỡng những trẻ mồ
  • 37. 36 côi (có hoàn cảnh đặc biệt) như những đứa con riêng của mình theo đúng nghĩa xã hội học. Mỗi “bà mẹ” làm chủ một “ngôi nhà gia đình”, có toàn quyền định đoạt trong việc nuôi dưỡng từ 8 đến 10 “đứa con” (từ sơ sinh đến 18 tuổi) như những người mẹ khác trong xã hội. Khoảng 10 đến 40 ngôi nhà hợp thành một “làng” SOS. 1.2.3.2.2. Khái niệm trẻ em SOS. Trẻ em SOS là những trẻ không còn cha mẹ, hoặc chỉ có cha hoặc chỉ có mẹ nhưng không có khả năng nuôi dạy, hoặc bị cha mẹ bỏ rơi, không người thân thích chăm nom, nuôi dưỡng, được sống tập trung cùng nhau tại làng SOS. 1.2.3.2.3. Đặc điểm tâm lý của trẻ SOS Ngoài những đặc điểm chung về lứa tuổi, trẻ em làng SOS còn mang những đặc điểm tâm lý riêng biệt: Ngay từ nhỏ, các em đã không nhận được sự chăm sóc đầy đủ của bố mẹ, thậm chí có những em còn chưa được nhìn thấy mặt bố mẹ ngay từ khi chào đời, nên các em là những người thiếu thốn về mặt tình cảm và nhu cầu cần được quan tâm, nhu cầu về tình thương của các em là rất lớn. Chính điều này đã ảnh hưởng đến đời sống tâm lý, đặc biệt ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách của các em. Thiếu bố mẹ và cuộc sống gia đình, trẻ em tại các làng SOS thường có mặc cảm tự ti, thiếu chuẩn mực trong hành vi giao tiếp, thậm chí có những em còn chán ghét cuộc sống của chính bản thân mình. Với những em trước khi vào làng đã được hưởng tình yêu thương, sự chăm sóc của người thân, khi sống ở môi trường mới, các em thường kỳ vọng rất nhiều vào sự quan tâm của người mẹ mới sẽ giống như sự quan tâm mà mình được đã từng biết trước đây. Do vậy, khi thực tại không giống như sự mong đợi, các em dễ rơi vào tình trạng chán nản, thất vọng, và hình thành những suy nghĩ tiêu cực. Những trẻ khi
  • 38. 37 được đưa vào sống tập trung tại các làng trẻ SOS thường là những trẻ ban đầu có biểu hiện rối loạn tâm lý, dễ bị kích động hoặc lãnh cảm, thờ ơ với cuộc sống. Các em e dè khi nói với người khác về hoàn cảnh của bản thân mình. Ngoài những thiếu thốn về mặt tinh thần, các em còn phải chịu nhiều thiếu thốn về mặt vật chất. Các em hiện đang sống trong làng thường dậy thì muộn hơn so với các bạn cùng trang lứa. Do trước khi vào làng các em có cuộc sống khá vất vả, gia đình nghèo khó, nhu cầu dinh dưỡng được đáp ứng ở mức hạn chế nên cơ thể các em gầy gò, nhỏ bé. Có những em 13 - 14 tuổi nhưng vẫn chưa phát triển về cơ thể, chậm lớn và chậm phát triển trí tuệ so với những trẻ khác cùng lứa tuổi. 1.2.3.2.4. Biểu tượng về gia đình của trẻ em ở làng trẻ SOS Với hoàn cảnh sống và đặc điểm tâm lý khác biệt như vậy nên biểu tượng về gia đình của trẻ em ở làng trẻ SOS rất khác nhau. Có thể, ở một số em đã từng sống trong các gia đình có bạo lực thì biểu tượng về gia đình là nơi diễn ra bạo lực, là những trận cãi vã và đánh đòn, là sự thù hận giữa các thành viên trong gia đình, là nơi các em phải chịu nhiều đau đớn cả về thể chất và tinh thần. Với những em sống trong gia đình ly tán/ly hôn thì biểu tượng gia đình có phần phức tạp hơn. Nhiều em vẫn thương yêu cả cha lẫn mẹ và có hình ảnh tương đối đẹp về gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những em lưu giữ biểu tượng không mấy đẹp đẽ về mối quan hệ giữa cha và mẹ. Thêm vào đó, ở một số gia đình ly tán/ly hôn cũng có bạo lực giữa cha mẹ. Vì vậy, sự hình thành biểu tượng về gia đình của những trẻ này phụ thuộc rất nhiều vào tính chất cụ thể của các mối quan hệ từng gia đình. Với những trẻ mồ côi do cha mẹ mất bởi tai nạn giao thông hay thiên tai,hay bệnh tật...các em đã phải trải qua một thời kỳ khủng hoảng tâm lý trước sự ra đi đột ngột của cha mẹ. Nhiều em không chấp nhận sự thật cha mẹ
  • 39. 38 các em đã qua đời nên các em luôn lưu giữ biểu tượng về gia đình cũ, nơi các em được sống hạnh phúc cùng cha/mẹ mình. Đối với những trẻ đã từng là nạn nhân của bạo lực trong chính gia đình mình, gia đình đối với các em là nơi các em phải chịu nhiều đau đớn về mặt thể chất lẫn tinh thần. Các em cảm thấy căm ghét cha mẹ, và không muốn nhắc đến gia đình cũ. Với những trẻ em này, các em luôn coi gia đình ở làng trẻ SOS là gia đình thân yêu của mình, bởi ở đây, các em nhận được sự thương yêu, quan tâm của mẹ, của các anh chị em trong gia đình. Biểu tượng của trẻ em làng SOS về gia đình là cấu trúc tâm lý phức hợp, bao gồm kết quả hoạt động của cảm giác, tri giác, trí nhớ, tưởng tượng tạo thành hình ảnh vừa khái quát vừa cụ thể về các thành viên trong gia đình, về các mối quan hệ trong gia đình, về chức năng của gia đình. Biểu tượng trẻ em SOS về gia đình có chức năng quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách các em. Biểu tượng của trẻ em làng SOS về gia đình chịu ảnh hưởng sâu sắc của các hiện tượng tâm lý khác như cảm xúc, thái độ của chính các em về gia đình cũng như cảm xúc và thái độ của các thành viên trong gia đình trước đây mà trẻ sinh sống và cả gia đình SOS hiện tại. 1.2.3.3. Những yếu tố ảnh hưởng đến biểu tượng của trẻ em về gia đình Kể từ khi trẻ ra đời, môi trường văn hoá - xã hội đầu tiên mà trẻ tiếp xúc chính là gia đình. Gia đình cũng chính là yếu tố cơ bản đầu tiên cho sự phát triển bình thường về nhân cách của trẻ; Gia đình ảnh hưởng đến sự hình thành hệ thống giá trị và biểu tượng của trẻ. Vì vậy, có thể nói, gia đình giữ vai trò quyết định trong sự thích nghi, gia nhập xã hội của trẻ sau này, khi trẻ đã trưởng thành. Trong gia đình, các quan niệm, giá trị, niềm tin của các thành viên cũng như các luật lệ, chuẩn mực của gia đình ảnh hưởng đến sự hình thành những
  • 40. 39 quan niệm, giá trị của riêng đứa trẻ. Trong đó, một số quan niệm, niềm tin trở nên mạnh mẽ, rõ ràng và tự nhiên, được trẻ coi như biểu tượng về hiện thực nói chung, hay về một sự vật, hiện tượng nào đó. Mặt khác, các kiểu ứng xử khác nhau, các mối quan hệ trong gia đình của trẻ cũng ảnh hưởng đến biểu tượng của trẻ về gia đình. Những ảnh hưởng này được chia thành hai loại, tương ứng với hai loại hình gia đình mà trẻ sinh sống : * Gia đình đầy đủ (có cả cha lẫn mẹ) : Gia đình có đầy đủ cả cha lẫn mẹ nằm trong loại gia đình mở rộng (Có thêm ông, bà, hoặc cô, gì, chú, bác…những người ruột thịt). Loại gia đình này còn đang phổ biến ở nông thôn Việt Nam. Theo nghiên cứu của Đặng Nguyên Anh về “Cấu trúc hộ gia đình và sức khỏe trẻ em: Những phát hiện qua khảo sát nhân khẩu học và sức khỏe năm 1997” cho thấy: Loại gia đình mở rộng có đầy đủ cha mẹ, có thêm ông bà là một thuận lợi đối với việc nuôi dạy, chăm sóc trẻ em + Gia đình hạnh phúc : Trẻ khi được sống trong một gia đình với bầu không khí tâm lý hài hòa, bố mẹ yêu thương nhau và luôn dành mọi tình yêu thương cho con cái, anh chị em trong nhà hòa thuận, đùm bọc lẫn nhau, trẻ cũng sẽ dễ dàng bộc lộ tình yêu thương của bản thân đối với bố, mẹ và các thành viên khác trong gia đình. Chính cảm nhận mà trẻ nhận biết được khi được sống trong gia đình sẽ là những tiền đề có ảnh hưởng đến hình ảnh về gia đình của trẻ. + Gia đình có bạo hành : Với những trẻ em được sống trong các gia đình có đầy đủ cha, mẹ và các anh chị em nhưng thường xuyên chứng kiện sự bạo hành trong gia đình: cha mẹ mắng chửi, đánh nhau hoặc chính bản thân các em bị hành hạ, đánh đập bởi cha và mẹ….Chính những đau khổ mà các đã chịu đựng sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ và những tình cảm của trẻ dành cho các thành viên trong gia đình. * Gia đình không đầy đủ (Thiếu cha hoặc mẹ, hoặc thiếu cả cha lẫn mẹ).
  • 41. 40 + Gia đình ly hôn, ly thân : Những đứa trẻ sống trong các gia đình này, trước đây đã từng được hưởng sự chăm sóc, thương yêu của cả cha mẹ. Khi cha, mẹ ly thân hoặc ly hôn, cũng có nghĩa là trẻ thiếu hụt sự quan tâm sự động viên, sự khích lệ, yêu thương từ cha hoặc mẹ. Trẻ luôn nhớ về những hình ảnh và tình cảm của cha mẹ dành cho em khi còn sống chung dưới một mái nhà. Với trẻ, đó chính là biểu tượng về một gia đình thực sự mà trẻ luôn ao ước. Trẻ sẽ dành nhiều tình cảm cho mẹ vừa thể hiện sự khao khát tình cảm của người bố hoặc mẹ vắng mặt của mình. + Các gia đình cha mẹ đơn thân : Với những trẻ ngay từ khi sinh ra đã thiếu vắng hình ảnh của cha hoặc mẹ, trẻ thường đồng nhất hóa bản thân với người chăm sóc và nuôi dưỡng chúng. Các em quan niệm rằng, gia đình chỉ có bố hoặc mẹ và bản thân các em. Bố hoặc mẹ sẽ phải đảm nhận cả hai vai trò, vừa yêu thương, chăm sóc trẻ, vừa là trụ cột kinh tế, vừa tạo ra sự uy quyền đối với trẻ. Lớn lên, khi tham gia vào các môi trường xã hội khác, trẻ bắt đầu nhận thấy rõ sự khác biệt giữa gia đình của mình, và luôn mong muốn có đầy đủ bố mẹ chăm sóc như những bạn khác. + Các gia đình mồ côi cha mẹ : Những trẻ mồ côi cha mẹ thường được về sống cùng ông, bà hoặc những người thân trong gia đình như cô, gì, chú, bác… Một số trẻ được nhận làm con nuôi hoặc được gửi vào sống tại các trại trẻ mồ côi. Với những trẻ này, nếu trẻ nhận được sự quan tâm, dạy bảo, chăm sóc chu đáo, thì trẻ xem những người thân này chính là gia đình mới của trẻ, trẻ được bù đắp tình cảm và tìm được chỗ dựa tinh thần. Thay vì tình yêu thương với cha mẹ, trẻ sẽ bộc lộ sự quan tâm, tình yêu thương của mình với những người chăm sóc trẻ và tìm cho mình một hình tượng người bố, người mẹ mới. Ngược lại, một số trẻ luôn nhớ về quãng thời gian được sống cùng bố mẹ, được bố mẹ chăm lo, yêu quý. Gia đình đối với trẻ là có mẹ quan tâm, có bố dạy bảo. Trẻ luôn cảm thấy thiếu thốn tình cảm và mong ước có một gia đình thực sự như những bạn khác.
  • 42. 41 Tiểu kết chương 1 Biểu tượng của trẻ em làng SOS về gia đình là cấu trúc tâm lý phức hợp, bao gồm kết quả hoạt động của cảm giác, tri giác, trí nhớ, tưởng tượng tạo thành hình ảnh vừa khái quát vừa cụ thể về các thành viên trong gia đình, về các mối quan hệ trong gia đình, về chức năng của gia đình. Biểu tượng trẻ em SOS về gia đình có chức năng quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách các em. Nghiên cứu biểu tượng về gia đình của trẻ SOS là nghiên cứu nhận thức, thái độ và cảm xúc của trẻ về biểu tượng gia đình nói chung và các mối quan hệ trong gia đình của trẻ. Đối với trẻ, Gia đình chính là nơi các em sinh ra và lớn lên, mọi người cùng sống chung dưới một mái nhà và nơi trẻ nhận được nguồn yêu thương từ các thành viên trong gia đình. Mối quan hệ giữa cha và mẹ có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Khi nhớ về gia đình cũ, các em thường nhớ những kỷ niệm tốt đẹp về cha mẹ: thương yêu nhau, cùng nhau chăm sóc con cái, thống nhất trong các quyết định. Một số trẻ nhớ về những trận cãi vã, đánh nhau của bố mẹ. Tuy nhiên, hầu hết trẻ em làng SOS được nhận nuôi vào đây từ bé nên việc nhận thức về tình cảm và mối quan hệ giữa cha – mẹ của các em còn khá mờ nhạt. Về mối quan hệ giữa cha, mẹ và con cái: Đối với trẻ, cha mẹ là người luôn dành nhiều sự quan tâm, chăm sóc cho trẻ. Một số trẻ nhận thấy các em chính là nguồn động viên, là hạnh phúc của cha mẹ. Cha mẹ là tấm gương sáng cho trẻ học tập và noi theo. Một số trẻ cảm thấy đau khổ khi nghĩ rằng, chính bản thân các em là nguyên nhân của những bất đồng của cha mẹ. Các em không muốn nhắc đến cha mẹ của mình.
  • 43. 42 Trẻ sẽ có những biểu tượng riêng về người cha hay người mẹ trong gia đình. Với những trẻ phải rời xa gia đình từ nhỏ, các em chưa có nhiều kỷ niệm với gia đình cũ. Biểu tượng về người mẹ của các em chính là hình ảnh người mẹ tại làng trẻ SOS. Các em thường không nhớ về hình ảnh người cha hoặc người mẹ cũ của các em. Đối với trẻ, gia đình luôn là chỗ dựa tinh thần, là nguồn khích lệ, động viên trẻ. Các em luôn khao khát và ước mơ có một mái ấm gia đình thực sự, mọi người luôn yêu thương, chia sẽ, đoàn kết với nhau.
  • 44. 43 Chương 2 TỔ CHỨC NGHIÊN CỨU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1. Tổ chức nghiên cứu 2.1.1. Địa bàn nghiên cứu Giới thiệu vài nét về Làng trẻ em SOS Đồng Hới, Quảng Bình. Làng trẻ em SOS Đồng Hới được thành lập từ năm 2001, đặt ở Phường Nam Lý, Thành phố Đồng Hới, Tỉnh Quảng Bình. Làng gồm 10 ngôi nhà được mang tên các loài hoa (Hoa Hướng dương, hoa Mẫu đơn, hoa Thiên lý, hoa Thủy tiên, hoa Cẩm chướng, ….) nuôi trẻ từ 0 đến 14 tuổi và một Lưu xá thanh niên dành cho các em trai từ 14 đến 18 tuổi. Các em trai khi sống trong làng đủ 14 tuổi thì được chuyển sang lưu xá thanh niên ở (nhưng vẫn thuộc quản lý của làng). - Làng có một bộ phận trợ lý phụ việc cho giám đốc (2 làm việc tại làng, 1 phụ trách trực tiếp lưu xá thanh niên). - Về đội ngũ chuyên môn: Làng có giáo viên, cán bộ giáo dục, cán bộ tâm lý để hỗ trợ kịp thời cho trẻ và các mẹ khi gặp khó khăn. * Cách thức hoạt động của Làng: Trẻ được đón về từ các địa phương, được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trong làng theo 4 nguyên tắc giáo dục của Tổ chức SOS: - Mỗi trẻ cần có sự chăm sóc của cha mẹ. - Những quan hệ gia đình được phát triển một cách tự nhiên. - Mỗi gia đình tạo nên một tổ ấm riêng. - Gia đình SOS là một bộ phận của cộng đồng. Như vậy, mỗi trẻ trong làng SOS sẽ sống với nhau như một gia đình (khoảng 10 em một gia đình), bao gồm cả gái và trai ở các độ tuổi khác nhau (Nếu trẻ vào làng là anh chị em ruột thì sẽ được xếp ở trong cùng một gia đình) dưới sự quản lý của mẹ SOS. Nhiệm vụ trọng tâm của các em là học tập
  • 45. 44 và rèn luyện đạo đức tại Trường phổ thông thuộc cả ba bậc (Tiểu học, Trung học cở sở và Trung học phổ thông) tại địa phương. Các em được tạo điều kiện để phát triển toàn diện về cả vật chất lẫn tinh thần, được hòa nhập với cộng đồng xã hội, được tự do bộc lộ và phát triển năng khiếu, sở trường và được thực hiện ước mơ của bản thân trong quá trình hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Sau khi học xong chương trình Trung học phổ thông, Làng sẽ tiếp tục cấp kinh phí cho các em ăn học cho đến khi tốt nghiệp trường học nghề, có việc làm với thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống. + Kể từ khi thành lập đến nay, làng đã nuôi được 113 trẻ + Số trẻ ra khỏi làng để lập nghiệp khi đủ 18 tuổi là: 02 trẻ + Số nhà của làng: 10 nhà. Số trẻ hiện tại sống trong các gia đình tại thời điểm nghiên cứu là: 111 trẻ. + Việc lực chọn các bà mẹ, bà gì của làng thông qua các tiêu chí sau đây: - Phụ nữ độc thân, không có con riêng, con nuôi. - Tự nguyện sống suốt đời với trẻ và gia đình SOS. - Độ tuổi từ 44 tuổi (khi tuyển) và có chế độ hưu trí khi 60 tuổi. - Có sức khỏe tốt, có tình yêu thương đối với con trẻ, có kiến thức tổ chức và quản lý gia đình. - Có sự ủng hộ và cam kết của thân nhân ruột thịt (nếu còn). - Có tinh thần học hỏi, biết cảm thông và chia sẽ với các con trong gia đình. + Tiêu chuẩn để trẻ được vào làng sinh sống: - Những trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không nơi nương tựa (không tiếp nhận những trẻ tàn tật, trẻ mắc các bệnh mạn tính như HIV/AIDS, viêm gan B….) - Trẻ gái có độ tuổi dưới 10 và trẻ trai có độ tuổi dưới 8.
  • 46. 45 + Quyền lợi: Trẻ được nuôi dưỡng tập trung theo gia đình và được chu cấp toàn bộ kinh phí ăn, mặc, học tập, khám chữa bệnh, sinh hoạt phí bằng nguồn viện trợ của SOS quốc tế thông qua văn phòng SOS Việt Nam (Bộ LĐTBXH). 2.1.2. Khách thể nghiên cứu - 50 trẻ em sống tại làng trẻ em SOS Đồng Hới (21 trẻ em nam và 29 trẻ em nữ) có độ tuổi từ 8 – 15 tuổi. + Số em sống xa gia đình < 2 năm: 12 em + Số em sống xa gia đình 2-5 năm: 21 em + Số em sống xa gia đình >5 năm: 17 em.. - 50 trẻ em sống tại các gia đình bình thường (23 trẻ em nam và 27 trẻ em nữ) có độ tuổi từ 7 – 15 tuổi. + Tất cả các em đều được sống với bố mẹ trong gia đình tại Thành phố Đồng Hới. 2.1.3. Tiến trình nghiên cứu - Nghiên cứu lý luận: Được thực hiện từ tháng 1/2011 đến 6/2012 - Nghiên cứu thực tiễn: Dựa trên những đặc điểm tâm sinh lý của trẻ em, người nghiên cứu đã thiết kế ra 4 loại phiếu nghiên cứu: Phiếu hoàn thành câu, phiếu điều tra bằng bảng hỏi, vẽ tranh về gia đình và viết một đoạn văn về gia đình. Tất cả những phiếu này đều được người nghiên cứu tiến hành tại từng nhà của trẻ SOS để có được những câu trả lời chính xác nhất về nhận thức và tình cảm của trẻ về biểu tượng gia đình. Đối với trẻ em sống tại các gia đình, nhóm nghiên cứu đã chọn ngẫu nhiên 50 em tại các trường Tiểu học và Trung học cơ sở đóng tại địa bàn