SlideShare a Scribd company logo
1 of 22
XÃ HỘI DÂN SỰ
NHỮNG KHÁI NIỆM CƠ BẢN
-----------------------------------
I. XÃ HỘI DÂN SỰ- LỊCH SỬ VẤN ĐỀ VÀ KHÁI NIỆM
I.1. Sơ lược lịch sử phát triển xã hội nói chung và xã hội dân sự:
a. Sự phát triển của xã hội: Một hình thức vận động đặc biệt:
- Mọi sự vật và hiện tượng luôn vận động không ngừng. Vận động là tuyệt đối.
Đứng yên chỉ là tạm thời; đó là quy luật chung nhất không thể phủ định. Từ thế giới vi
mô trong cấu trúc nhỏ nhất ở dạng hạt, dạng sóng, trường đến thế giới vĩ mô là các thiên
hà trong vũ trụ bao la đều đang vận động. Xã hội loài người cũng vậy, xét cho cùng cũng
là một phần của tự nhiên, đã được hình thành với một nguồn gốc xa xưa hàng triệu năm
gắn với sự hình thành nguồn gốc loài người. Phải có con người mới có xã hội. Nói cách
khác, xã hội ở đây là xã hội loài người. Như Mác nói: "Xã hội - cho dù nó có hình thức gì
đi nữa - là cái gì? Là sản phẩm của sự tác động qua lại giữa những con người"[1].
- Xã hội là một sản phẩm đặc biệt của tự nhiên với hình thái vận động cao nhất (vận
động xã hội)[2]. Xã hội loài người có quá trình phát triển hàng triệu năm nhưng khái quát
lại cũng chỉ qua 4 nấc thang cơ bản xét theo sự phát triển của hình thái kinh tế xã hội:
+ Thời kỳ cộng sản nguyên thuỷ.
+ Thời kỳ chiếm hữu nô lệ.
+ Thời kỳ phong kiến.
+ Thời kỳ phát triển tư bản chủ nghĩa.
Cho đến thời hiện đại, nếu tính từ cuối thế kỷ XIX trở lại đây, như Mác và Ăngghen
dự báo thì loài người đã bước vào thời kỳ phát triển thứ 5 là thời kỳ của chủ nghĩa cộng
sản mà giai đoạn đầu của nó là chủ nghĩa xã hội. Đến Lênin, vận dụng vào hoàn cảnh
nước Nga mới, ông cho rằng cần có một thời kỳ quá độ đi lên CNXH. Gắn với các thời
kỳ phát triển hàng ngàn vạn năm ấy là các phương thức sản xuất nhất định, mỗi phương
thức sản xuất ấy là một trình độ phát triển có độ dài thời gian ngắn dần như là một quy
luật:
Nếu thời kỳ cộng sản nguyên thuỷ kéo dài hàng chục vạn năm thậm chí hàng triệu
năm tính từ thời mông muội hoang sơ… thì đến thời chiếm hữu nô lệ cũng chỉ còn vài
vạn năm, đến thời kỳ phong kiến cũng chỉ vài ngàn năm. Bước sang thời kỳ phát triển
của TBCN cũng chỉ có vài trăm năm trở lại đây. Còn về CNXH hiện thực của nó chưa
đầy 1 trăm năm (70 năm có lẻ) đã sụp đổ một mảng lớn ở Châu Âu và ở ngay cái nôi ra
đời của CNXH. Chủ nghĩa xã hội đang ở thoái trào với sự tồn tại của vài quốc gia với
những màu sắc khác nhau trong đổi mới, cải cách mở cửa, hội nhập…
Nhưng dù có phát triển, tồn tại, hưng thịnh, sụp đổ làm lại, đổi mới… thì xã hội loài
người vẫn là một hiện tượng, một sự vật đặc biệt nhất của quá trình tiến hoá. Đó là quá
trình tiến hoá có biến hoá với đủ các dạng đồng hoá, dị hoá, biệt hoá… Theo nấc
thang cao hơn và có tốc độ nhanh dần đều.
Từ cá nhân đơn lẻ sống theo bầy đàn biết tập hợp thành những bộ tộc, thị tộc, bộ lạc
và hình thành Nhà nước với các kiểu, hình thức cao hơn, hoàn thiện hơn: Từ Nhà nước
công xã đơn sơ đến Nhà nước phong kiến tập quyền rồi nhà nước quân chủ chuyên chế
sang Nhà nước dân chủ tư sản, dân chủ xã hội chủ nghĩa… Mỗi Nhà nước có một hình
thức chính thể nhất định. Các hình thức chính thể khác nhau là cách thức, trình tự lập ra
cơ quan quyền lực nhà nước tối cao của mỗi quốc gia khác nhau nhưng phổ biến hơn cả,
khái quát lại có hai hình thức chủ yếu: Nhà nước quân chủ và Nhà nước cộng hoà. Từ các
hình thức này các nhà nước được gọi bằng các tên hác nhau với loại hình: quân chủ
chuyên chế, quân chủ lập hiến (quyền lực không tập trung vào nhà vua mà chia đều cho
một nhóm người do dân bầu gọi là Quốc hội hay Nghị viện) hoặc là hình thức cộng hoà
quý tộc và công hoà dân chủ [3] ….
Nhìn xã hội phát triển theo góc độ lịch sử phát triển của loài người thì ở thời kỳ đồ
đá cũ khoảng 200.000 năm, tổ tiên của con người đã biết sử dụng công cụ đơn giản để
săn bắn, hai lượm và lúc đó ngôn ngữ cũng bắt đầu phát triển để thông tin trao đổi kinh
nghiệm, chống chọi với thiên nhiên hàng vạn năm để bước sang thời kỳ đồ đá
mới khoảng Thiên niên kỷ thứ 9TCN mới hình thành nghề nông, con người biết trồng
trọt, tổ chức xã hội loài người có liên kết chặt chẽ hơn với sự phân công lao động hợp lý
văn minh hơn, điển hình là người Sumer vào khoảng Thiên niên kỷ IV TCN chuyển từ
công xã nguyên thuỷ sang xã hội có giai cấp.. Đồng và sắt đã thay thế đá để trở thành
công cụ trong chiến tranh và trong nông nghiệp trồng trọt "Ở Châu Á các công cụ đồng
đỏ và đồng thau những đồ trang trí và vũ khí bắt đầu trở nên dồi dào vào khoảng 3.000
năm TCN"[4].
Hình thành giai cấp phân biệt nô lệ và chủ nô, các chủ nô định ra các quy tắc cai trị,
người nô lệ trở thành kẻ bị trị, quyền lợi được phép làm gì, phải tuân thủ các quy định
của chủ nô… Đó là mầm mống đầu tiên của luật pháp và là cơ sở hình thành nhà nước ở
thời kỳ sơ khai nhất gọi là các thị tộc và công xã.
b. Sự hình thành nhà nước - một hình thức tổ chức cao của xã hội loài người:
Vào cuối thời kỳ cộng sản nguyên thuỷ, các thị tộc bước vào quá trình tan rã do xã
hội phân hoá giàu nghèo, một bộ phận tích trữ nhiều của cải đi bóc lột những kẻ nghèo
khó biến xã hội thành 2 giai cấp đối lập là chủ nô và nô lệ. Các chủ nô đã tập hợp thành
lực lượng thống trị với quyền lực nhất định, ở từng lãnh thổ nhất định với sự phân bổ dân
cư nhất định, bộ máy điều hành xuất hiện và đó là mầm mống đầu tiên về sự hình thành
nhà nước - một hình thức tổ chức cao hơn thị tộc, công xã.
Ở phương Đông nhà nước đầu tiên đáng nói đến là nhà nước Ai Cập cổ đại xuất
hiện vào thời kỳ cổ vương quốc TK XXVIII TCN tức là cách đây khoảng hơn 5000
năm.
Còn ở Trung Quốc mặc dù con người xuất hiện từ rất lâu vào khoảng 600.000 năm
trước đây. Người vượn Bắc kinh với bộ xương hoá thạch tại Chu Khẩu điếm ngoại thành
Bắc Kinh nhưng nhà nước cũng xuất hiện vào khoảng 5000 năm nay ở Thiên niên kỷ III
TCN, nhà nước Trung Quốc cổ đại đầu tiên người ta nói đến là nhà Hạ sau đó mới là nhà
Thương, nhà Chu…
Bộ máy nhà nước cổ đại phương Đông đứng đầu là các vua Pharaon (ở Ai Cập) hay
là Thiên tử (ở Trung Quốc).
Nhà nước Ấn Độ cổ đại xuất hiện muộn hơn vào khoảng cuối Thiên niên kỷ II TCN,
tức là cách đây 4000 năm ở lưu vực sông Ấn phía Bắc Ấn Độ ngày nay. Người đứng đầu nhà
nước được gọi là Vua, được luật hoá (Luật Maxu cổ đại của Ấn Độ) coi vua như thần thánh
do trời tạo ra, có quyền lực tối cao để cai trị và che chở cho toàn dân.
Ở Việt Nam, nhà nước đầu tiên xuất hiện ở phía Bắc thuộc lưu vực sông Hồng vào
khoảng cuối Thiên niên kỷ III TCN tức là cách đây khoảng hơn 1000 năm gọi là Nhà
nước Văn Lang. Có tài liệu nói 4000 năm từ thời vua Hùng dựng nước với 18 đời tự
xưng là Vua gọi là Hùng Vương, nhiều đời sau nối truyền danh hiệu này [5]. Tuy nhiên,
thời gian đó có thể chỉ là huyền sử nói lên một thời xa xưa "khó xác định được chính xác
về niên đại". Theo Việt sử lược đời Trần thì Văn lang bắt đầu tồn tại từ thế kỷ VIII TCN,
tương đương với thời Trang Vương nhà Chu của Trung Quốc [6].
Ở phương Tây, nhà nước sớm nhất điển hình nhất là nhà nước Hy Lạp cổ đại và La
Mã cổ đại, các nhà nước này đều xuất hiện vào thời kỳ đầu Thiên niên kỷ II TCN tức là
cách đây khoảng 4000 năm. Các hình thức nhà nước phương Tây phát triển phong phú,
đa dạng hơn phương Đông với kiểu cộng hoà quý tộc như chính thể của nhà nước Xpac
có Hội đồng trưởng lão gồm 28 vị và 2 vua.
I.2-Xã hội dân sự - lịch sử vấn đề và khái niệm:
Một cách nhìn tổng quát xã hội dân sự (XHDS) là khu vực hình thành tự phát từ
những nhóm, cộng đồng người có chung lợi ích nhu cầu, sở thích, giới tính, chính kiến,
nghề nghiệp… Do đó XHDS có lịch sử từ xa xưa khi con người biết tụ tập kết nối kiểu
phường hội, nguồn gốc, khởi thuỷ của xã hội dân sự có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến
cho rằng từ thời nô lệ, từ khi có nhà nước là đã có sự hình thành nhóm đối tác hoặc đối
trọng dù là tự phát manh mún, cũng có ý kiến cho rằng XHDS chỉ hình thành thời kỳ
phong kiến 5000 - 7000 năm kiểu gia tộc, liên gia phường hội buôn bán hoặc giao lưu
văn hoá hội hè [7].
Người ta nói nhiều đến XHDS trong thời gian gần đây là sản phẩm thời kỳ phát
triển TBCN với các quan hệ dân sự như là một đối tác, đối trọng với nhà nước pháp
quyền (NNPQ) xã hội dân sự được hiểu ban đầu là đồng nhất với xã hội công dân. Vì từ
nguồn gốc tiếng Pháp là société civile, tiếng Nga là Grazdanskoe obchtsestvo, tiếng Anh
là civil society do đó cũng có nhiều cách hiểu khác nhau. Trong quá trình dịch chuyển
ngôn ngữ có người dùng là XHDS có người hiểu là xã hội công dân.
Khái niệm xã hội công dân (XHCD) thường được hiểu là một chính thể, quốc gia
được hình thành từ nhiều loại công dân. thường dân, chính dân, thứ dân, giáo dân, lương
dân hoặc dị dân, kiều dân v.v… Khái niệm XHCD được hiểu một cách khác là để phân
biệt với xã hội thần dân (civil people). Như vậy XHCD nghiêng về cấu trúc (structure)
kết cấu trong hệ thống xã hội còn XHDS thì được hiểu thêm cả chức năng (function) và
mối quan hệ trong hệ thống.
“Xã hội dân sự ở đây được hiểu là một mảng của đời sống xã hội có tổ chức, mang
tính tự nguyện, tự tái tạo, (hầu như) tự tài trợ, độc lập với nhà nước, và gắn bó với nhau
bằng một trật tự pháp lý hay một số nguyên tắc chung. Xã hội dân sự là một xã hội mà ở
đó người dân biết tự lo lấy cho mình rất nhiều chuyện, biết tự tổ chức lại để phát huy
năng lực sáng tạo, hiện thực hoá các ý tưởng và để tương tác với nhà nước nhằm đạt tới
một nền quản trị quốc gia minh bạch, hiệu quả và có trách nhiệm” [8].
Tuy nhiên, cả lịch sử vấn đề cũng như quan niệm về XHCD, XHDS còn có rất
nhiều sự kiến giải khác nhau.
Về lịch sử, có người cho rằng XHCD hay là XHDX được Aristote dùng từ thời cổ
Hy Lạp xa xưa, nhưng đến thế kỷ I TCN thì được Ciceron nói đến theo tiếng Latinh:
Civilic societias. Thuật ngữ “XHDS” lần đầu tiên xuất hiện ở Châu Âu vào khoảng năm
1400. Trong nghĩa ban đầu, XHDS cùng nghĩa với XHCD sự thành và phát triển của
đánh dấu một bước tiến trog cách tổ chức xã hội, bao gồm các thiết chế công quyền, các
công dân, các luật lệ và các quy tắc nhà nước của đời sống xã hội [9].
II. NHẬN THỨC VỀ XHDS VÀ CÁC YẾU TỐ, KẾT CẤU CỦA XHDS
II.1-Những nhận thức hạn hẹp phiến diện về XHDS:
Nhận thức về XHDS là vấn đề mang tính thời sự "nóng" nhưng cũng lại là vấn đề
cơ bản. Hơn thế nữa, đây cũng là vấn đề rất “nhạy cảm”, có thời kỳ sách báo e ngại, có đề
tài khoa học băn khoăn, phân vân không biết dùng khái niệm gì thay cho thực thể các tổ
chức đang hình thành những nhân tố có thực của một xã hội dân sự … XHDS bị “khoanh
lại”. Nói như vậy để thấy rằng nhận thức về XHDS ở Việt Nam nói riêng và ở các nước
XHCN nói chung là một nội dung mới, mới về lý luận, khái niệm, phạm trù lẫn định dạng
“chân dung” của XHDS trong thực tiễn. Một kiểu tư duy quá cũ, xa xưa cho rằng XHDS
là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản (CNTB) thậm chí có quan niệm “sợ hãi” trước XHDS,
coi XHDS là “sân sau” của diễn biến hoà bình chắc chắn sẽ dẫn đến cách mạng sắc màu
lật đổ Nhà nước. Không ít lời lẽ ở diễn đàn chính trị và cả khoa học, lý luận tô vẽ XHDS
như một kẻ thù mới với Nhà nước đối kháng, ấu trĩ hơn, có quan chức cho rằng các tổ
chức phi Chính phủ (NGO) - một nhân tố hợp thành của XHDS - là XHDS, là vô chính
phủ, là đối lập với chính phủ… vì các tổ chức này không phải của Nhà nước, có liên quan
với NGO nước ngoài…
Ngược lại, gần như là một “phản ứng” tự nhiên trước sự ấu trĩ như trên về nhận thức
đối với XHDS, có một số ý kiến đã nhấn mạnh một chiều ý nghĩa tích cực của XHDS, từ
đó dẫn đến nhận thức cho rằng XHDS là “cứu cánh” của các giải pháp đã thất bại từ phía
nhà nước hoặc kinh tế thị trường, không hoàn toàn nhưng XHDS sẽ là một phần của “cấu
trúc đầy đủ với Nhà nước hiện đại và kinh tế thị trường, nó như chiếc kiềng 3 chân của sự
phát triển”. Trong bối cảnh XHDS chưa được coi trọng, quá nhấn mạnh vai trò Nhà nước
thậm chí phủ định XHDS, “sợ XHDS” thì đó là nhận thức lệch lạc cần nhận thức lại về
vai trò của XHDS. Đến nay chúng ta có điều kiện để nghiên cứu tìm hiểu để thấy rõ hơn
nhiều nội dung của XHDS. Đặc biệt cần thấy rõ mối quan hệ biện chứng giữa Nhà nước
pháp quyền (NNPQ) và XHDS, ở một trình độ phát triển nào đó của NNPQ thì có một
XHDS tương ứng. Thực tế cho thấy Nhà nước xuất hiện từ cách đây khoảng 6000 năm
nhưng xã hội dân sự mới được định danh khoảng vài trăm năm gần đây, những ý tưởng
khởi thuỷ nguyên sơ của XHDS sớm nhất cũng chỉ có khoảng 2000 năm từ thời Ciceron
còn thuật ngữ XHDS xuất hiện ở Châu Âu khoảng thế kỷ XV nhưng có rất nhiều sự hiểu
biết đánh giá khác nhau về XHDS. Thực ra cho đến vài chục năm gần đây hoặc xa hơn một
chút thì từ nửa cuối thế kỷ Xĩ đến nay khái niệm XHDS và vấn đề của XHDS mới được
bàn đến nhiều và càng bàn luận thì người ta càng thấy có nhiều ý kiến khác nhau, có lẽ đây
là một xu hướng.
Trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam còn nhiều ngộ nhận hoặc đơn giản quy kết,
đồng nhất XHDS dẫn đến hiện tượng chính trị hoá một cách siêu cường về XHDS, làm
xơ cứng tư duy, chỉ thấy mặt trái khi XHDS bị lợi dụng. Thí dụ: XHDS được coi là đối
tác độc lập, đối trọng với Nhà nước thì bị hiểu sai là đối kháng, đối lập chống lại Nhà
nước… mà chống lại Nhà nước tức là phản động, cần “cảnh giác” tiêu diệt là phương
hướng ứng xử cơ bản với XHDS, đó là suy diễn sai lầm, phiến diện, chủ quan.
Do đó, từ các sự khác biệt trên đây chúng tôi cho rằng trước hết phải đi từ khái
niệm, tìm lấy cái chung của sự vật và hiện tượng để làm căn cứ định danh cho rõ ràng
hơn về XHDS, ít nhất là có được những đặc trưng chung nhất của XHDS. Trên cơ sở
khung lý thuyết ấy, chúng ta có điều kiện đối chiếu với thực tiễn ở Việt Nam. Vấn đề nêu
lên trong khuôn khổ này cũng chỉ là bước đầu góp phần tìm hiểu về một sự vật và hiện
tượng mới nhưng lại luôn động và đa dạng.
II.2- Khái niệm XHDS và các cách hiểu khác nhau:
Không thể xác định cấu trúc của XHDS gồm các bộ phận nhân tố nào nếu
không làm rõ nội hàm của khái niệm XHDS, mặc dù là tương đối với các cách tiếp
cận khác nhau.
- Từ góc độ đối xứng tương tác, người ta cho rằng XHDS là tổ chức ngoài nhà
nước, bên cạnh nhà nước, không thuộc nhà nước.
- Từ góc độ xác định chủ thể của sự vật, hiện tượng thì XHDS là thuộc về cộng
đồng, nhân dân, quần chúng.
- Theo tổ chức NGO quốc tế "Liên minh thế giới vì sự tham gia của công dân"
(CIVICUS) thì XHDS là Diễn đàn giữa gia đình, Nhà nước và thị trường, nơi mà mọi
người bắt tay nhau để thúc đẩy quyền lợi chung [10].
- Đồng nhất khái niệm XHDS với xã hội công dân (XHCD) có tác giả căn cứ vào
tiếng Anh: Civil Society cho rằng: XHCD bao gồm tất cả các hoạt động có tính cách
tổ chức, vượt trên phạm vi cá nhân hoặc gia đình nhưng không năm trong hệ thống
chính quyền[11].
- Từ góc độ giáo trình một bài giảng về XHDS có tác giả cho rằng XHDS là lĩnh
vực của công chúng hay lĩnh vực thứ ba bao gồm các tổ chức, nhóm hội, mạng lưới được
nhân dân thiết lập lên, các tổ chức này mang tính tự nguyện của người dân tồn tại độc lập
với Nhà nước (có tính phi chính phủ), đồng thời có tính phi lợi nhuận tự chủ tài chính, lấy
từ nhiều nguồn khác nhau chủ yếu từ ngoài ngân sách của Nhà nước [12].
Từ góc độ triết học và chính trị học, có tác giả cho rằng "trong nghĩa ban đầu của
nó, XHDS đồng nhất với xã hội công dân nhưng ít lâu sau, và cho đến nay thì đó là 2
khái niệm, hai thực tiễn khác hẳn nhau (tuy ở ta vẫn có sự nhầm lẫn giữa XHDS và
XHCD…) dân dần ý nghĩa và nội dung khái niệm XHDS biến chuyển và biến chuyển
quan trọng nhất là XHDS tách khỏi XHCD. Người có công tách biệt XHDS với nhà nước
là Hegel, thời gian đầu thế kỷ XIX, trong tác phẩm "Triết học pháp quyền"…
Sau đó là Mác vạch rõ chính nhà nước phải phục vụ XHDS. Nửa cuối thế kỷ XIX
trở đi cho mãi đến ngày nay. Khái niệm XHDS có nghĩa là những thu xếp, những thoả
thuận, những quan hệ, những hoạt động ngoài Nhà nước, theo một khung pháp luật tạo
thuận lợi nhiều hơn kiểm soát [13].
Mặc dù còn có sự khác nhau nhiều về khái niệm của XHDS nhưng khái quát lại,
XHDS có các đặc trưng cơ bản sau:
- Là tổ chức ở ngoài Nhà nước, là đối tác với Nhà nước.
- Hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện (có tổ chức).
- Tự chủ, độc lập về tài chính (tự trang trải).
- Quy mô, hình thức tồn tại, các thiết chế tổ chức cũng rất đa dạng.
- Mục tiêu chung là vì sự phát triển của cộng đồng, phần lớn là tổ chức không vì lợi
nhuận (non profit).
II.3- Các bộ phận, nhân tố hợp thành XHDS:
Cả về mặt lý luận cũng như trong thực tiễn, đây cũng là vấn đề có nhiều ý kiến rất
khác nhau, bởi vì XHDS là hiện tượng mới với chúng ra đồng thời cũng là do điều kiện
lịch sử, nhận thức luôn luôn là một quá trình. Mọi sự vật và hiện tượng phải được nhận
thức nó trong quá trình vận động phát triển. Hiện tượng Nhà nước có lịch sử phát triển
6000 năm nhưng Nhà nước pháp quyền cũng chỉ xuất hiện vài trăm năm gần đây trên cơ
sở hình thái KT - XH - của CNTB phát triển. Tương tự như vậy, kinh tế thị trường cũng
là giai đoạn sau của một gia đoạn lịch sử rất dài của nền sản xuất tự cung tự cấp thời
phong kiến và so với kinh tế hái lượm thời cộng sản nguyên thuỷ thì khoảng cách đó lại
là quá xa tới hàng chục ngàn năm. Xã hội dân sự cũng vậy, từ những cá nhân tập hợp
thành những cộng đồng, nhóm người sống thành từng bộ tộc, bộ lạc riêng lẻ, chưa có Nhà
nước thì cũng chưa có XHDS. Cho tới 2 thế kỷ gần đây thì mới xuất hiện nhiều tổ chức
kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, người ta mới bắt đầu phân biệt xã hội thần dân
với xã hội công dân, xã hội dân sự với xã hội quân sự, xã hội dân chủ với xã hội quân
chủ, xã hội thần quyền với xã hội dân quyền v.v…
Một cách khái quất không thể phủ nhận được với XHDS đó là một bước tiến của
loài người trong tổ chức của cộng đồng bên cạnh sự tiến bộ của các thiết chế Nhà nước
ngày càng hợp lý (Nhà nước từ cai trị sang phục vụ, Nhà nước của dân, do dân, vì dân…)
thì xã hội cũng hình thành một loại các thiết chế xã hội đa dạng phong phú hợp với xu thế
phát triển mà các lý luận về CNXH của Chủ nghĩa Mác đã nói: Nhà nước sẽ nhỏ đi và xã
hội sẽ lớn lên. Vai trò của tự quản trong cộng đồng mạnh lên là một chặng đường thăng
tiến đáng kể của nhân loại. Vai trò tự quản ấy chính là nằm ở các tổ chức xã hội với các
thiết chế riêng bên cạnh thiết chế Nhà nước đó là các nhân tố bộ phận hợp thành XHDS.
Có thể kể các bộ phận, nhân tố của XHDS gồm có:
a/ Các tổ chức xã hội có tính đại diện giới, ở Việt Nam còn gọi là các tổ chức quần
chúng hay là các tổ chức chính trị xã hội (Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội
Cựu chiến binh, Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Hội người cao tuổi…).
b/ Các tổ chức xã hội có tính đại diện nghề nghiệp, ngành, lĩnh vực (các Hội và Liên
hiệp Hội thuộc các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, văn hoạ nghệ thuật, các Hội nghề
nghiệp…). Ở Việt Nam thường gọi là các tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp hay là
các tổ chức xã hội nghề nghiệp.
c/ Các tổ chức phi chính phủ NGO (Non - Govermantal - Organization) đây là thuật
ngữ do (WB) Ngân hàng thế giới đưa ra, được Liên hợp quốc và nhiều nước sử
dụng [14].
Các tổ chức NGO rất phong phú, có quy mô ở toàn cầu có nhiều cách gọi khác nhau
của NGO. Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì NGO có người cho rằng là dùng
sai vì nó hàm ý bất cứ cái gì “không phải là phi chính phủ” đều là NGO, thực ra nhiều
NGO hoạt động lấy nguồn tài chính tự sự tình nguyện của tự nhân nên nhiều NGO ngày
nay thích dùng từ Tổ chức tình nguyện tư nhân: Private Vontary Organization (PVO).
Ở Mỹ gọi là tổ chức phi lợi nhuận NPO hay là tổ chức được miễn thuế Eos, ở Pháp
gọi là các tổ chức kinh tế xã hội (ESO)… Tuy nhiên cũng có một số loại tổ chức phi
chính phủ không phải là hiệp hội nằm trong XHDS: Tổ chức hoạt động vì lợi nhuận,
được Nhà nước lập ra, các Đảng chính trị, công đoàn [15].
d/ Các phương tiện truyền thông đại chúng ngoài Nhà nước, các nhà xuất bản, các
đài, báo… kể cả của tư nhân và các nhóm không chính thức. Người ta thường gọi là
quyền lực thứ tư bên cạnh 3 quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
đ/ Các tổ chức từ thiện của tôn giáo và tổ chức tín ngưỡng. Có nhiều tổ chức dùng ngân
sách của Tôn giáo và các tài trợ tư nhân thành lập các quỹ từ thiện, nhân đạo.
Bàn về “Vốn xã hội và phát triển” có ý kiến cho rằng “Cần xác định các đoàn thể
quần chúng là một định chế nằm trong XHDS, bên cạnh những định chế khác
như trường, giáo hội, truyền thông báo chí” [16].
e/ Các pháp nhân cá nhân và mối quan hệ liên cá nhân thành các nhóm nhỏ xã hội
không chính thức. Theo nhà nghiên cứu Việt Phương, ông cho rằng "phần cá nhân từng
người là 1 phạm trù và một thực tế riêng rất quan trọng không nằm trong XHDS chỉ có
thành quả và những hr của các nhân đó mới thuộc về XHDS".
g/ Các tổ chức NGO quốc tế. Hiện nay có khoảng 200 NGO có tính toàn cầu lớn
nhất hoạt động ở rất nhiều nước, với ảnh hưởng quan trọng. Ở quy mô lioên quốc gia và
toàn cầu rộng hơn có khoảng 60.000 tổ chức NGO. Tại Việt Nam hiện nay có khoảng
hơn 530 các NGO quốc tế hoạt động (với 150 NGO có văn phòng - Theo danh bạ NGO
quốc tế 2003-2005. Payne 2004)[17].
Các NGO quốc tế này có thuộc các nhân tố XHDS ở Việt Nam không? Vấn đề quản
lý Nhà nước, vấn đề người Việt Nam trực tiếp tham gia hoạt động… cần được làm rõ hơn
và cần có luật khung (luật về Hội) sớm được ban hành để tạo hàng lang cho XHDS hoạt
động.
Có thể còn có một số bộ phận, nhân tố khác cũng như sự sắp xếp các nhóm tổ chức
một cách khác nhau về cấu trúc của XHDS, đây chưa phải là một thống kê đầy đủ cuối
cùng và càng không phải là một thống kê hợp lý, chỉ là một loại ý kiến đưa ra để cùng
bàn luận. Theo Dự án "Đánh giá ban đầu về XHDS tại Việt Nam của VIDS (triển khai
2005) có 7 nhóm chính đề xác định khái quát về XHDS ở Việt Nam.
- Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức quần chúng trực thuộc
- Các tổ chức liên hiệp thuộc MTTQ
- Các hội nghề nghiệp
- Các NGO Việt Nam
- Các nhóm không chính thức
- Các tổ chức tín ngưỡng
- Các tổ chức NGO quốc tế
Trong phác đồ XHDS. Dự án này đưa ra 15 tổ chức, nhóm lực lượng khác nhau,
nhà nghiên cứu Việt Phương đưa ra 4 nhân tố chính hợp thành. Đây là những ý kiến rất
cần được thảo luận. Điều quan trọng là căn cứ vào đặc trưng, tiêu chí, vai trò cơ bản nhất
của XHDS thì sẽ có được sự sắp xếp tương đối hợp lý nhưng trong thực tiễn điều này lại
là một khó khăn, vướng mắc nhiều nhất.
Trước hết cần làm rõ hơn những mặt tích cực, những hạn chế của XHDS trong quá
trình phát triển. Nói một cách khác cần khẳng định vai trò của XHDS những tác động
thuận chiều cũng như tồn tại, khiếm khuyết của XHDS trong lịch sử và xu hướng phát
triển hiện nay.
Về mặt lý luận, chúng ta có cơ sở khẳng định vai trò thiết yếu của XHDS mà thời
ban đầu của nó theo C.Mác đã từng nói trong tác phẩm: "Góp phê phán triết học pháp
quyền của Hêghen": "Nhà nước chính trị không thể tồn tại nếu không có cơ sở tự nhiên là
gia đình và cơ sở nhân tạo là XHCD. Chúng là conditio sine qua non (điều kiện cần thiết)
của Nhà nước [18].
Gần đây, trong những năm 90 thế kỷ XX tổ chức Phát triển Quốc tế Thuỵ Điển
(SIDA) đã công bố tài liệu nghiên cứu vai trò mới của Nhà nước hiện đại của các quốc
gia đang phát triển. SIDA khẳng định: "Thập kỷ vừa qua là một thập kỷ của những điều
chỉnh cơ cấu và những biến đổi chính trị sâu sắc… ít ai phản đối ý kiến cho rằng, ở đại đa
số các nước đang phát triển trong những thập kỷ đầu sau khi giành độc lập. Nhà nước
được giao một vai trò rộng lớn quá mức bình thường, không có lợi cho thị trường khu
vực tư nhân và XHDS[19].
II.4- Mối quan hệ giữa XHDS-NNPQ và Kinh tế thị trường:
Như cách diễn đạt của Triết học: Mọi sự vật và hiện tượng đều vận động, phần mở
đầu cũng đã đề cập - Xã hội dân sự, NNPQ và kinh tế thị trường dang vận động theo
những cách thức đặc trưng của mình, tương tự như các vật thể trong vũ trụ, chúng có quỹ
đạo riêng và tốc độ khác nhau ở những toạ độ khác nhau - Nói cách khác, XHDS, NNPQ
và kinh tế thị trường (KTTT) là những tiểu hệ thốngcó tính độc lập tương đối của nó để
vận động, tồn tại và phát triển.
Nhà nước pháp quyền ngày càng được hoàn thiện hơn với các thiết chế của cơ quan
quyền lực, kinh tế thị trường sẽ ngày càng hoàn hảo hơn với sự giao thoa của các nền
kinh tế trong bối cảnh hội nhập, còn XHDS sẽ ngày càng được khẳng định rõ ràng hơn về
vai trò, vị trí của nó trong hệ thống. Tuy không chặt chẽ như luật pháp của NNPQ hoặc
không nghiêm ngặt như quy luật của thương trường trong KINH TÕ nhưng sức mạnh của
XHDS cũng không kém phần "nặng ký" với hoạt động theo sự ràng buộc của cộng đồng.
XHDS có các quy tắc, tín ước điều lệ, không loại trừ cả quyền lực thứ tư nữa (dư luận,
báo chí, truyền thông).
Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa là XHDS, NNPQ và KTTT tuyệt đối khác
nhau, triệt tiêu lẫn nhau như quan niệm phiến diện cực đoan. Tính độc lập tương đối của
các tiểu hệ thống là điều hiển nhiên vì mọi hoạt động của các tiểu hệ thống này đều do
con người và vì con người. Nhân tố con người là mẫu số chung của NNPQ, XHDS và
KTTT. Do đó mối quan hệ ở đây phải là mối quan hệ biện chứng là 3 mặt của một vấn
đề, là nương tựa vào nhau nhưng cũng chế ngự nhau để hài hoà hơn trong phát triển.
Mối quan hệ đó là mối quan hệ hữu cơ giữa 3 yếu tố, "Ba khu vực thể chế: Nhà
nước, thị trường và XHDS" [20].
Tính biện chứng của chúng thể hiện ở chỗ Nhà nước pháp quyền nào thì có nền
KTTT phát triển tương ứng và NNPQ nào thì cũng có XHDS phát triển tương ứng.
Ngược lại, sự phát triển nhất định của XHDS sẽ là yếu tố tạo điều kiện cho NNPQ và
KTTT phát triển. Mỗi một tiểu hệ thống KTTT, XHDS và NNPQ đều có những hạn chế
nhất định nhưng nếu có sự "gắn kết" hợp lý thì sẽ dễ dàng hơn trong việc khắc phục
những hạn chế ấy. Sự "gắn kết" cần thiết và có thể được tốt chính là nhân tố con người,
thông qua con người, mọi mục tiêu của NNPQ, KTTT và XHDS đều vì con người thì
mới có được sự phát triển bền vững. Tuy nhiên trong thực tế điều này còn là một bước
dài dài về thời gian và còn là bước khấp khểnh ở nhiều không gian khác nhau. Nó phụ
thuộc rất nhiều vào sự việc tự nhận thức được vai trò mới của NNPQ. Nhà nước nào thực
mạnh sẽ là Nhà nước giảm dần vai trò "can thiệp" và để xã hội, cộng đồng (XHDS) có
được vị thế cao hơn, chủ động hơn trong tự quản. Đúng như mong muốn của các nhà lý
luận kinh điển Mác - xít.
III.VẤN ĐỀ XÃ HỘI HOÁ VÀ VAI TRÒ CỦA XHDS VỚI PHẢN BIỆN XÃ
HỘI
III.1- Khái niệm xã hội hoá (XHH):
Là khái niệm không mới, từ những vấn đề có tính nghịch lý như sở hữu mang tính
"tư nhân hoá" đối lập với lực lượng sản xuất ngày càng được "xã hội hoá" cách đây hơn
150 năm C.Mác đã đề cập đến trong tác phẩm "Capital" xã hội hoá trong sản xuất là hiện
tượng phát triển các hình thức hợp tác, tập trung hơn, xoá bỏ tình trạng phân tán làm cho
quan hệ sản xuất không còn mang tính nhỏ lẻ đơn độc mà có tính xã hội cộng đồng cao
hơn… Do đó cũng có thể hiểu xã hội hoá là tăng cường tính chất xã hội và hiệu quả của
các hoạt động trong một nhà nước bằng cách phát huy vai trò của các tổ chức xã hội
trong cộng đồng với tinh thần tự nguyện cả về ý chí, tinh thần, trí tuệ, các nguồn lực vật
chất… Động viên được mọi thành phần kinh tế, mọi cá nhân, tổ chức trong và ngoài
ngước tham gia vào quá trình xây dựng, phát triển đất nước. Xã hội hoá không phải là tư
nhân hoá, càng không phải là quá trình nhà nước "buông xuôi", "hết trách nhiệm", "khoán
trắng" hoặc cực đoan coi xã hội hoá là đồng nghĩa với "quốc hữu hoá":
"Xét về lịch sử, đây là một bước phát triển tất yếu khách quan, song thực tiễn cho
thấy đã có sai lầm lớn là không ít người cộng sản đã rơi vào chủ nghĩa chủ quan, duy ý
chí, xã hội hoá bằng quốc hữu hoá, hợp tác hoá một dạng hình thức tràn lan, không tính
đến trình độ phát triển và tính chất của sức sản xuất, đưa đến sự đổ vỡ của nhiều nước xã
hội chủ nghĩa trước đây (Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu). Vấn đề xã
hội hoá được thể hiện trong chính sách của các nước thiên về quốc hữu hoá hay tư nhân
hoá tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố. Một xu hướng nổi bật trên thế giới vào thập kỷ 50-60, kể
từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai là phong trào quốc hữu hoá. Có hai nguyên nhân
khách quan chính của tình hình này: một là sự tàn phá của chiến tranh, bắt buộc các nước
phải tập trung mọi nguồn lực vào tay nhà nước để phục hồi và phát triển trên những lĩnh
vực mà tư nhân không đủ sức làm, hoặc họ không muốn làm hoặc nhà nước cần phải nắm
ví dụ như lĩnh vực năng lượng hạt nhân nguyên tử, chế tạo vũ khí nặng. Hai là, các nhà tư
bản Châu Âu dựa vào nguồn vốn to lớn của "Kế hoạch Marshall" để khội phục kinh tế và
xây dựng lại hay mới các xí nghiệp nhà nước. Về mặt chủ quan, ở một số nước, phái "tả"
có vị trí trong chính quyền sau đại chiến thế giới lần thứ hai, (ví dụ như ở Pháp), có xu
hướng tiến bộ cho nên quốc hữu hoá chiếm ưu thế. Dần dần, phái hữu chiếm ưu thế, cho
nên xu hướng tư nhân hoá lại trở nên có vị trí cao hơn. Như ở Pháp khi Nghị viện, Tổng
thống, Chính phủ thiên tả hay trung tả (Chính quyền Mitterand) thì thiên về quốc hữ hoá;
trong khi Chính phủ thiên hữu (Chi-rac) thì thiên về tư nhân hoá".
(Nguồn: Học viện hành chính quốc gia. "Kỹ năng và cách tiếp cận… cung ứng dụch
vụ công" NXB Thống kê.HN2002 tr32.)
Theo G.Endrweit và G.Trommsdorff thì "xã hội hoá" (Socialisation) là quá trình
thích ứng và cọ sát với các giá trị chuẩn mực và hình mẫu hành vi xã hội mà trong quá
trình đó một thành viên xã hội tiếp nhận và duy trì khả năng hoạt động xã hội"[21]
Ở Việt Nam, khái niệm "xã hội hoá" được hiểu theo nhiều ý nghĩa khác nhau.
Có ý kiến cho rằng đó là chủ trương "Nhà nước và nhân dân cùng làm", có ý kiến là giao
thẳng cho các đoàn thể xã hội làm, xã hội tự quản những lĩnh vực dịch vụ công.. Nhưng
cũng còn quan niệm phiến diện coi xã hội hoá là chỉ việc thu gom sự đóng góp của xã
hội, của nhân dân.
Gần đây hai lĩnh vực xã hội quan tâm và "nóng bỏng", "bức xúc" nhất là y tế và
giáo dục. Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương cụ thể về vấn đề này trong các
văn bản: Nghị quyết 90/CP (ngày 21/8/1997), Nghị định 73/1999/NĐ-CP (ngày
19/8/1999), Nghị quyết 05/2005 NQCP (ngày 18/4/2005). Tuy nhiên, cho đến nay các
bước tiến hành còn rất lúng túng. Từ quan niệm đến những hiệu quả thực sự của việc xã
hội hoá các hoạt động y tế giáo dục, văn hoá, thể thao còn nhiều điều phải được khảo cứu
đánh giá lại.
Thực tế cho thấy chủ trương xã hội hoá của Đảng và Nhà nước là đúng đắn, không
những trong lĩnh vực y tế, giáo dục cần được xã hội hoá mà trong nhiều lĩnh vực khác
như thể dục thể thao, văn hoá, khoa học, kỹ thuật… Nhiều trường hợp đã làm "giảm tải"
cho nhà nước và hơn thế nữa quá trình xã hội hoá đó đã đạt hiệu quả rất rõ rệt (một số
loại hình, hoạt động, trong văn hoá, TDTT, môi trường…).
Một số ý kiến gần đây còn mạnh dạn đề xuất đến việc xã hội hóa việc làm luật; kể
cả việc xã hội hoá dịch vụ công chứng và nhiều nội dung, nhiệm vụ khác nữa.
Trong lĩnh vực hành chính công với dịch vụ công chứng là rất cần thiết, dân có nhu
cầu rất lớn nhưng hiện nay nhà nước các cấp đang rất lúng túng như trường hợp dịch vụ
hành chính công ở Hà Nội mở ra đã thất bại ngay từ những năm đầu tiên. Trong tình hình
như vậy, có ý kiến đề xuất việc xã họi hoá công chứng nên cho thành lập cơ quan tự quản
công chứng, Hiệp hội công chứng.
Tổ chức tự quản này có thể được thành lập ở 2 cấp: cấp Trung ương và địa
phương… mà không nằm trong sở tư pháp. Sở tư pháp chỉ nên giữ lại một số chức năng
quản lý cơ bản với cách làm này sẽ có hiệu quả hơn bởi: "ở các nước theo hệ thống công
chứng Latin trên thế giới, những tổ chức tự quản công chứng được thành lập từ rất lâu và
hoạt động hiệu quả. Thành lập hệ thống cơ quan tự quản công chứng là tiền đề để Công
chứng Việt Nam gia nhập Hiệp hội công chứng khối pháp ngữ và xa hơn là Hiệp hội
công chứng Latin"[22]
Tóm lại, khái niệm xã hội hoá là một quá trình tương thích giữa nhà nước, thị
trường và các tổ chức xã hội (cộng đồng). Nó là thước đo sự tiến bộ xã hội, ở góc độ kinh
tế là hiệu quả hơn, ở góc độ chính trị là dân chủ hơn, bình đẳng hơn, văn minh hơn, "công
bằng, dân chủ văn minh, dân giàu, nước mạnh" chính là tiêu chí hàng đầu của Đảng Cộng
sản và nhà nước Việt Nam. Do đó cũng có thể hiểu rằng: XHH là quá trình chuyển giao
một số nội dung, nhiệm vụ từ nhà nước sang XHDS. Từ diễn đàn Đại hội Đảng lần thứ
IX vấn đề chuyển giao này cũng đã được khẳng định.
Trên đây cũng chỉ là phân tích các nhận thức khác nhau của khái niệm xã hội hoá.
Nhận thức là một quá trình, trước đây 20 năm không ai nói rằng chủ nghĩa xã hội có thất
nghiệp, lạm phát, khủng hoảng… Nhưng ngày nay, sau đổi mới hơn 2 thập niên chúng ta
đã có bước tiến một cách cơ bản, bản lề bắt đầu từ nhận thức, đổi mới tư duy. Gần đây
mới khẳng định CNXH và kinh tế thị trường không đối lập nhau, kinh tế tư nhân có vai
trò quan trọng, doanh nhân cần được tôn vinh, các tổ chức xã hội NPO, NGO là khu vực
rất cần thiết và có vai trò nhất định thay tiến trình phát triển…
Các khái niệm phạm trù không chỉ là "công cụ" làm việc của các nhà khoa học mà
nó còn là cái "khung" của lý luận để từ đó góp phần đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức.
Nếu chưa "thông" về "khái niệm", "phạm trù"… chưa có sự thống nhất về nhận thức (một
cách tương đối) thì chính nó là những rào cản đầu tiên của sự phát triển. Do đó, có thể nói
đổi mới nhận thức, tư duy có ý nghĩa quyết định trong công cuộc đổi mới. Chúng ta
không quên được câu nói nổi tiếng của nhà triết học vĩ đại Đề - các: "Tôi tư duy tôi tồn
tại".
III.2- Vai trò của XHDS trong vấn đề chuyển giao, xã hội hoá dịch vụ công -
một số mô hình và bài học từ thực tiễn:
a. Quan niệm nhận thức về sự chuyển giao dịch vụ công (DVC) cho các tổ chức
xã hội:
Đây là một nội dung nói lên mối quan hệ giữa 3 chủ thể, 3 vai trò giữa Nhà nước -
Cộng đồng (các tổ chức xã hội) và thị trường. Nói một cách vắn tắt: Nhà nước có trách
nhiệm với mọi hoạt động phục vụ đời sống xã hội ở các lĩnh vực kinh tế chính trị văn hoá
xã hội, an ninh… Nhưng không phải là ôm đồm bao toàn bộ các hoạt động đó.
Cộng đồng (các tổ chức xã hội - NGO - NPO…) là XHDS đại diện cho lợi ích của
mọi giai tầng xã hội có quyền được hưởng, được phục vụ đầy đủ các DVC nhưng không
phải với vai trò thụ động mà phải là hợp tác chia sẻ cùng Nhà nước thị trường tổ chức
cung ứng các DVC đó ngày càng tốt hơn.
Thị trường có cơ chế, quy luật riêng trong quá trình phát triển vừa cạnh tranh vừa
phải đồng thuận theo yêu cầu nhu cầu của Nhà nước và cộng đồng.
Đôi khi thị trường và sự can thiệp của Nhà nước gặp thất bại thì vai trò của cộng
đồng nổi lên để điều hoà lại có hiệu quả. Không phải ngẫu nhiên mà người ta khẳng định:
"Xã hội dân sự cùng với Nhà nước chế ngự thị trường, thiếu xã hội dân sự thì dân chủ trở
thành một cái vỏ trống rỗng"(1)
Cũng không phải ngẫu nhiên mà chúng ta đề cao chế độ dân chủ cơ sở. Thực chất là
tăng cường vai trò kiểm tra giám sát của quần chúng. Thông qua cơ quan truyền thông, ý
kiến của các tổ chức thuộc XHDS nói riêng, của dân nói chung phản hồi lại với cơ quan
nhà nước về những chủ trương, chính sách không hợp lý. Thí dụ trường hợp ùn tắc giao
thông đô thị là vấn đề bức xúc hiện nay, Nhà nước cấp tỉnh thành đã ban bố lệnh hạn chế
xe gắn máy quy định mỗi người chỉ được mua 1 chiếc (ở Hà Nội). Rất tiếc, việc làm này
không có tính khả thi và sinh ra nhiều tiêu cực, thậm chí có lúc còn định cấm xe các tỉnh
khác lưu hành trong nội đô hoặc biển số lẻ đi ngày lẻ v.v… Quy định này của Nhà nước
là hành động vi biến, trái với quyền tự do của dân đã quy định trong Hiến pháp nên đã
phải dừng lại.
Trường hợp Nhà nước gặp khó khăn thì phải nhờ vào cơ chế thị trường và cộng
đồng hỗ trợ thí dụ trong việc cung cấp các dịch vụ công Nhà nước bị quá tải. Bệnh viện
không phục vụ nổi số lượng người bệnh, chất lượng phục vụ có vấn đề từ cơ sở đến các
tuyến ở Trung ương, dân nghèo không đủ điều kiện chi trả cho một ca phẫu thuật lớn…
Trong giáo dục cũng có tình trạng tương tự, nhiều lĩnh vực khác như môi trường đô thị,
tranh chấp trong kinh tế quốc tế… Nhà nước phải dựa vào cộng đồng, mở rộng các "cửa"
để chuyển giao một số dịch vụ công cho khu vực xã hội dân sự. Điển hình là trong y tế
hàng loạt các Bệnh viện, phòng khám tư ra đời, các Hội, Hiệp hội nghành nghề y dược
tham gia giúp Nhà nước có hiệu quả rõ rệt.
b. Các hình thức chuyển giao cơ bản:
Xu hướng chung của nhà nước hiện đại trên thế giới trong quản lý nhà nước các vấn
đề kinh tế - xã hội bao gồm 2 hình thức:
Một là, phi tập trung hoá chức năng - có thể gọi là phân cấp hình thức này là việc
nhà nước chuyển giao một số chức năng của mình, rõ ràng nhất là các dịch vụ công cho
những tổ chức có chuyên môn, có tư cách pháp nhân, độc lập tổ chức cung ứng các DVC
cho xã hội.
Hai là, phi tập trung hoá lãnh thổ, có thể gọi là phân quyền tức là giao quyền cho
các cộng đồng lãnh thổ quản lý. Phân cấp và phân quyền thường đan xen với nhau, sự
tách bạch có nghĩa tương đối. Tuy nhiên quá trình phi tập trung hoá là một bước phụ
thuộc vào trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, mục tiêu cuối cùng của quá trình này
là "nhà nước nhỏ, xã hội lớn", là quá trình nhà nước "cầm lái", xã hội, cộng đồng "cầm
chèo".
Có thể kể đến một số hình thức phi tập trung hoá chủ yếu trên thế giới:
Trên thế giới hiện nay đang tồn tại 5 hình thức phi tập trung hoá chủ yếu và đây
cũng chính là những điểm được các quốc gia, kể cả phát triển và đang phát triển, vận
dụng với rất nhiều biện pháp cụ thể ở mỗi nước. Đó là:
- Tản quyền (deconcentration): nhà nước vẫn nắm quyền lực chủ yếu, song không
tập trung ở trung ương, mà tản giao xuống địa phương bằng cách bổ nhiệm quan chức
của mình đặt tại địa phương, kèm theo đó là một hệ thống công sở để thực hiện nhiệm vụ
của nhà nước trung ương.
- Uỷ quyền (delegation): một cơ quan hay một quan chức cao cấp uỷ quyền cho một
đơn vị hay một cán bộ sử dụng một số quyền của mình, thay mặt mình làm một số việc
nhất định;
- Giao quyền, phân quyền (devolution): giao quyền hay tài sản cho đơn vị địa
phương hay cơ sở hay cho một người trong hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước để cho các
đơn vị ấy cho tư cách hoạt động gần như là tự chủ ngoài các cơ cấu kiểm soát hành chính
trực tiếp của chính phủ;
- Phi quy chế hoá (deregulation): giảm bớt đi những luật lệ, quy chế, thủ tục hành
chính rườm rà, gây phiền toái cho nhân dân, đồng thời sửa đổi và xây dựng mới những
quy định gọn nhẹ, phù hợp với điều kiện thực tiễn để nhân dân dễ dàng vận dụng;
- Tư nhân hoá (privatisation): ngoài quan niệm phổ biến là chuyển giao sự sở hữu từ
tay nhà nước sang tư nhân, hiện nay khái nhiệm này còn bao hàm việc nhà nước vẫn nắm
trong tay quyền sở hữu, song giao một số công việc cho khu vực tư nhân làm để bảo đảm
hiệu quả cao hơn và nhà nước rảnh tay để tập trung nhiều hơn vào các vấn đề mang tính
chất vĩ mô. Trong tư nhân hoá, có rất nhiều hình thức, kể từ việc bán đứt một tài sản nào
đó cho tư nhân, tới việc cổ phần hoá, làm hợp đồng ra ngoài v.v… (tất cả có 15 hình thức
tư nhân hoá).
(Nguồn: Học viện hành chính quốc gia "Kỹ năng và cung ứng dịch vụ công" NXB
Thống kê. Hà Nội. 2002. tr.26.)
c. Thực tiễn việc chuyển giao các DVC cho các tổ chức xã hội:
Trong thực tiễn các hình thức chuyển giao phổ biến là:
- Nhà nước khoán cho các tổ chức, cá nhân thực hiện việc cung ứng DVC theo
phương thức thỏa thuận.
- Nhà nước cho đấu thầu thuê việc cung ứng một số DVC mà các tổ chức xã hội, cá
nhân có thể đảm nhận.
- Nhà nước chuyển nhượng việc cung ứng DVC cho các tổ chức xã hội hoặc cá
nhân.
- Nhà nước có thể mua hoặc bán một số DVC do các tổ chức xã hội, cá nhân cung
ứng có hiệu quả và giá rẻ hơn, kinh tế hơn.
Các hình thức chuyển giao trên đây được thực hiện chủ yếu bằng thương lượng,
đàm phán thoả thuận; sau đó là làm hợp đồng hoặc nhà nước giao quyết định bằng văn
bản pháp lý hoặc chỉ là bản đăng ký tự nguyện…
Đối tượng thực hiện DVC do nhà nước chuyển giao có thể là cá nhân, tổ chức người
nước ngoài, có thể là NGO, NPO hoặc là tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, nhà sản xuất, tập
đoàn…
Ở Việt Nam, việc chuyển giao các DVC được diễn ra trên hầu hết các lĩnh vực y tế,
giáo dục, văn hoá, thể thao… Trong y tế xuất hiện các cơ sở y tế tư nhân, dân lập liên
doanh liên kết… rất phong phú về hình thức và đa dạng về cách quản lý, ngoài những cơ
sở phòng mạch do các tư nhân hành nghề còn có mô hình "bán công" cũng có nhiều ý
kiến bàn cãi về việc đúng hay sai nhưng thực tế cho thấy có một số nơi làm khá tốt cần
được tham khảo.
Bệnh viện Việt Pháp là mô hình liên kết liên doanh có chất lượng cao được hoan
nghênh, tuy nhiên với giá cả cũng khá cao, những người nghèo ít hướng đến.
Đáp ứng nhu cầu của đối tượng đông đảo những người nghèo như vậy, ở TPHCM
xuất hiện Hội bảo trợ bệnh viện nghèo, Hội được thành phhố giao cho quản lý bệnh viện
lớn với 500 giường bệnh. Hội đã vận động được nhiều nguồn lực trong xã hội để duy trì
và phát triển tốt việc khám chữa bệnh không thu tiền cho các bệnh nhân nghèo, có thời
gian thu được trên 3 tỷ VNĐ, 16.497 USD và các hiện vật có giá trị hơn 300 triệu (báo
Tuổi trẻ TPHCM 6/11/2002).
Trong giáo dục cũng có các mô hình tương tự: Trường tư thục, trường dân lập, bán
công… xuất hiện ở hầu hết các cấp từ mẫu giáo đến đại học, nhiều trường đạt chất lượng
khá cao và có thể là cao nhất như trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh do GS Văn
Như Cương làm Hiệu trưởng. Một trong những trường dân lập đầu tiên duy trì lâu năm và
chất lượng rất cao thường xuyên trên 90% học sinh lớp cuối (12) tốt nghiệp đỗ vào Đại
học. Nhiều tỉnh thành có các trường Đại học dân lập, tư thục nhiều trường được các tổ chức
xã hội đỡ đầu có chất lượng đào tạo đảm bảo và đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
Tuy nhiên, cũng có một số trường có vấn đề về quản lý lỏng lẻo, chiêu sinh, mở lớp
chạy theo số lượng, nội bộ mất đoàn kết, Ban giám hiệu bị xử lý kỷ luật (điển hình là
trường Đại học Đông Đô - báo chí đã nói nhiều).
Các lĩnh vực văn hoá, thể thao cũng đã có sự xã hội hoá bước đầu có hiệu quả.
Đặc biệt những lĩnh vực khác của đời sống xã hội có nhièu bức xúc thì các tổ chức
xã hội đã "xông vào" đảm nhận vô tư đúng tính chất không vì lợi nhuận như các dự án
chương trình xoá đói nghèo của nhóm hợp tác VUSTA-OXFAM, VUSTA-ICCO, Trung
tâm CIRD nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển văn hoá, Trung tâm TEW hỗ trợ
năng lực phụ nữ dân tộc thiểu số.
Đặc biệt các hoạt động nhân đạo của các tổ chức từ thiện hướng về những đối tượng
bị thiệt thòi như Hội bảo trợ trẻ em mồ côi, Hội bảo trợ người tàn tật Việt Nam VNAH.
Trong việc giải quyết môi trường đô thị có thể nói đến mô hình của Công ty
TNHH Huy Hoàng (Lạng Sơn). Đây là hình thức đấu thầu đảm nhận DVC thu gom rác
thải vệ sinh môi trường do tỉnh Lạng Sơn tiến hành theo chủ trương xã hội hoá DVC từ
cơ quan nhà nước chuyển giao cho tư nhân (từ trước năm 2000 đến nay rất hiệu quả).
- Đối với hoạt động của tư nhân trong lĩnh vực xã hội hỗ trợ cho nhà nước phải kể
đến việc tạo việc làm hướng thiện cho những "người lầm lỡ" hoặc "tội phạm" trở về cộng
đồng thông qua "lò bát quái ở chốn trần gian" (đầu đề của phóng sự Tiền phong Chủ nhật
20-03-2005). Cái lò bát quái đó là HTX sản xuất đá Phú Cường (Cẩm Phả - Quảng Ninh)
có hơn 100 công nhân mà có thể có đến 27 người mãn hạn tù + 23 người nghiện ma
tuý… 100% người mãn hạn tù không tái phạm có người trở thành tổ trưởng sản xuất,
nhiều trường hợp được khen thưởng…
Bài học lớn nhất có thể rút ra từ việc xã hội hoá chuyển giao DVC này cho XHDS
là Nhà nước hãy tin ở dân, biết dựa vào dân, mạnh dạn giao cho các tổ chức xã hội đảm
nhận việc ung ứng DVC vì họ biết được nhu cầu của dân đầy đủ nhất - Có dân là có tất
cả, không có dân thì không có nhà nước.
III.3- Xã hội dân sự với vấn đề phản biện xã hội và vận động hành lang:
Tư vấn, giám sát, phản biện xã hội và vận động hành lang là những vấn đề gần được
lý luận đề cập đến khá sôi nổi. Vận động hành lạng lại là vấn đề rất mới xin nói nhiều
hơn ở phần sau.
Nếu như XHDS là quá trình tương thích giã nhà nước, thị trường và XHDS trong
việc chuyển giao DVC mà vai trò chủ động hơn thuộc về phía nhà nước thì phản biện xã
hội và vận động hành lang là quá trình chủ động hơn thuộc về XHDS.
Tất nhiên sự khác biệt trong so sánh này cũng chỉ là tương đối. Nói một cách khác
về phương pháp luận thì cũng chỉ là trừu tượng hoá sự vật, hiện tượng để có thể thấy rõ
hơn mối quan hệ giữa Nhà nước và XHDS. Bởi vì suy cho cùng vấn đề phản biện xã hội,
giám sát xã hội và vận động hành lang cũng phải xuất phát từ chủ trương quy định, điều
luật của cơ quan quyền lực Nhà nước.
Giám sát xã hội, phản biện xã hội là chức năng quan trọng của XHDS với Nhà nước
và kinh tế thị trường. Về mặt lý luận, nhận thức vấn đề có thể dễ nhất trí hơn nhưng trong
thực tiễn triển khai thì phản biện xã hội, giám sát xã hội còn nhiều điều để bàn luận kỹ
hơn đó là mối quan hệ giữa chủ thể và đối tượng trong giám sát, phản biện xã hội, là nội
dung và phương thức, đặc biệt là cơ chế, phạm vi, điều kiện sự công khai, minh bạch, dân
chủ, mức độ của quyền được tiếp cận thông tin v.v… mở rộng đến đâu thì giám sát và
phản biện đến đó. Hàng loạt vấn đề trên tuỳ thuộc vào sự phát triển nhất định của mỗi
Nhà nước pháp quyền và thể chế kinh tế thị trường cụ thể. Mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế
phát triển không hoàn toàn giống nhau nên sự giám sát và phản biện xã hội cũng ở những
mức độ khác nhau. Vấn đề này ở Việt Nam cũng đã được nhà nước giao cho một số tổ
chức xã hội đảm nhận, chủ yếu là phản biện khoa học đối với một số dự án phát triển
kinh tế - xã hội như phản biện và tư vấn thẩm định với công trình thuỷ điện Yaly, thuỷ
điện Sơn La, quy hoạch xử lý lũ đồng bằng sông Cửu Long, phương án điều chỉnh giá
điện năm 1997, luận chứng kinh tế kỹ thuật nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ, thẩm định quy
hoạch tổng thể 9 vùng kinh tế v.v…
Ở mức độ tầm lý luận cương lĩnh chiến lược, đường lối các tổ chức xã hội cũng đã
có nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo một số văn kiện, chính sách của Đảng và Nhà
nước.
Có thể nói với tính chất tư vấn, giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức xã hội
khác nhau nói riêng, của xã hội dân sự nói chung đã là một thực tế được triển khai có
hiệu quả ở Việt Nam. Tuy nhiên, so với yêu cầu và tiềm năng của XHDS thì còn nhiều
việc cần được đề cập đến thấu đáo hơn. Gần đây, việc đóng góp ý kiến xây dựng Bộ luật
về Hộ (đã qua 11 lần dự thảo) tuy chưa có kết quả cuối cùng nhưng vai trò của các tổ
chức xã hội được đánh giá cao, có thể nói đây là một chặng đường quan trọng, một sự
kiện có ấn tượng về vận động hành lang để có một Bộ luật chất lượng liên quan đến cácc
NGOs nói riêng và XHDS nói chung. Nhân đây xin được nêu vấn đề về vận động hàng
lang.
- Trước hết, về khái niệm vận động hành lang, Tiếng anh là lobby. Theo đúng nghĩa
là “cố gắng thuyết phục (một nhà chính trị v.v…) để ủng hộ hoặc phản đối dự luật [23].
Khái niệm này không mới trên thế giới nhưng với Việt nam thì bắt đầu được tìm hiểu.
Trong năm gần đây Hội thảo đầu tiên về vận động hành lang (VĐHL) được tổ chức vào
tháng 3/2007 nhưng cũng chỉ là mang tính chất “nhận diện vấn đề”, tiếp theo sau đã có
một số Hội thảo khác nữa và ngày càng thấy nhiều ý kiến phong phú khác nhau mặc dù
đều khẳng định rằng VĐHL là một nội dung rất hay, cần được bàn luận nhiều hơn nữa ở
nhiều cấp độ và đối tượng.
Vận động hành lang là hoạt động phổ biến ở các nước phát triển Anh, Mỹ, Tây Âu
có lịch sử từ nhiều năm trước đây có thể nơi bắt đầu diễn ra hoạt động này từ hành lang
của toàn nhà Nghị viện Anh quốc - nơi các nghị sĩ gặp gỡ trao đổi không chính thức ở
bên lề hội trường một cách thoải mái hơn, dễ dàng hơn những vấn đề nhạy cảm khó nói ở
diễn đàn. Ngày nay VĐHL được phát triển mạnh ở quốc hội EU, Mỹ và nhiều nước văn
minh phát triển đã có luật về VĐHL. Vận động hành lang đang là một xu thế phát triển
nhanh trong vòng 20 năm gần đây. Quá trình VĐHL đã được luật hoá ở nhiều nước trên
cơ sở đó VĐHL được coi là một nghề có chuyên môn mang tính chuyên nghiệp đã hình
thành đội ngũ những chuyên gia về VĐHL gọi là lobbyirt - “người vận động ở hành lang”
(Sđd.tr1026). Tiếng Anh cũng còn có cả một cụm từ lobby sth through với nghĩa là
“thông qua hoặc bác bỏ được (một dự luật v.v…) bằng cách vận động ở hàng lang. Tại
Mỹ đội ngũ chuyên gia về VĐHL cũng khá đông. Riêng ở Washinton có tới 4.000 nhà
vận động hàng lang đang hoạt động” [24]. Tại EU, nhà VĐHL được cấp giấy phép ra vào
ở nơi làm việc của Nghị viện.
Từ diễn đàn đầu tiên về VĐHL chúng ta cũng có thể đồng tình với nhận định rằng
“Xã hội càng phức tạp, thị trường càng phát triển thì càng có nhiều nhóm hưởng lợi muốn
đăng ký vào trò chơi VĐHL. Các nhóm nhỏ này tin rằng họ cần được hỗ trợ tham gia trò
chơi, vì điều đó tạo ra kênh bổ sung thông tin cho chính trị gia và lĩnh vực nhà nước. Nó
không phải cơ chế cạnh tranh với các chính trị gia mà chỉ tạo ra cách làm việc khác nhau
giữa XHDS và Nhà nước”[25]
Để có thể phù hợp với thực tiễn Việt Nam và tránh sự hiểu lầm ngữ nghĩa của khái
niệm lobby đã có sáng kiến dùng khái niệm vận động chính sách (VĐCS) thay cho
VĐHL. Đây là kết quả bước đầu từ một số Hội thảo khoa học do Ban công tác lập pháp
của Quốc hội. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng với Viện tư
vấn phát triển (CODE), Viện nghiên cứu sinh thái chính sách xã hội (SPERI) và Báo
Diễn đàn Doanh nghiệp… tổ chức trong năm 2007.
Có thể nói VĐHL hay vận động chính sách (VĐCS) là một “quá trình tác động vào
những nhà hoạt động chính sách, những người ra quyết định để tạo ra một chính sách phù
hợp hơn, hiệu quả hơn và minh bạch hơn”3.
Bàn về cơ sở pháp lý cho các tổ chức XHDS ở Việt Nam trong VĐCS nhiều tác giả
khẳng định rằng chúng ta (Nhà nước và Đảng CSVN cũng đã có không ít văn bản như
“Sắc Luật 102/SL 1957 quy định về quyền lập Hội, Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2000,
Chỉ thị 202/1990 của Chủ tịch HĐBT, Nghị định 88/2003 của Thủ tướng Chính phủ
v.v…[26].
Hơn thế nữa, ở góc độ quan điểm, đường lối của Đảng cầm quyền, từ diễn đàn của
Đại hội X ĐẢng CSVN gần đây nhất cũng đã khẳng định: “Nhà nước ban hành và bổ
sung pháp luật để Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt vai trò giám sát
và phản biện xã hội”.[27]
Xét cho cùng, VĐCS là hoạt động phù hợp với chức năng của XHDS và là một
nhiệm vụ trong quá trình giám sát, phản biện xã hội. Thực tế lịch sử đã được minh chứng
là cần thiết và cơ sở pháp lý lý luận cũng rõ ràng. Vấn đề còn lại chính là cơ chế và luật
hoá đến mức độ nào để XHDS nói chung, các tổ chức kinh tế, văn hoá, xã hội có đủ điều
kiện thuận lợi hơn, giám sát phản biện có hiệu quả hơn.
IV. XÃ HỘI DÂN SỰ TRONG BỐI CẢNH, ĐIỀU KIỆN MỚI
IV.1- Xã hội dân sự và tổ chức Liên Hợp Quốc:
Hơn năm mươi năm sau của thế kỷ XX đã chứng kiến sự thay đổi biến động lớn của
thế giới. Rõ nhất là sau Đại chiến lần thứ II, bản đồ chính trị thế giới vừa phân mảnh và
vừa quy tụ, xuất hiện cục diện mới 2 phe với 2 siêu cường nhưng đồng thời hệ thống
thuộc địa của các đế quốc rạn nứt xuất hiện nhiều quốc gia độc lập. Đặc biệt Liên Hợp
Quốc được hình thành với định chế mới cho quyền lực các quốc gia trên cơ sở hiến chương
chung, Liên Hợp Quốc (LHQ) có vai trò mới trong việc thúc đẩy sự phát triển của các quốc
gia, các Nhà nước và các tổ chức xã hội, xã hội dân sự nói chung với các Tổ chức phi chính
phủ (NGOs) nói riêng có cơ sở pháp lý nhất định trong phương hướng hành động. Có thể
nói về mặt hệ thống, tổ chức LHQ ban đầu gọi là Hội Quốc Liên như là một liên minh thời
chiến từ ngày 1 tháng 1 năm 1942. Mãi đến 24 tháng 10 năm 1945 mới thực sự là một tổ
chức quốc tế (Họp tại Washington DC) lúc này chỉ có 51 nước, với mục tiêu ban đầu là
chống chiến tranh, bao gồm tất cả những "nước yêu hoà bình". Xét về mặt tự chủ về tài
chính do các nước thành viên tự đóng góp thì LHQ cũng như là một tổ chức xã hội "siêu
cấp" của loài người hiện nay. Trong các nước đóng góp tài chính thì Mỹ chiếm tỷ lệ cao
nhất ở mức trần là 22% (trước năm 2000 Mỹ đóng 25%) sau đó là Nhật 19,63%; Đức
9,82%; Pháp 6,5%; Anh 5,5%...(1)
Về mục tiêu đặt ra của LHQ bao quát nhất là "ngăn chặn chiến tranh, bảo vệ nhân
quyền, cung cấp một cơ sở cho luật pháp quốc tế và để tăng cường tiến bộ kinh tế, xã hội,
cải thiện các điều kiện sống và chống lại bệnh tật... LHQ tạo cơ hội cho các quốc gia
nhằm đạt tới sự cân bằng trong sự phụ thuộc lẫn nhau trên bình diện thế giới" (Sđd tr.8).
Thông qua các diễn đàn, các chương trình, LHQ thực hiện các mục tiêu như cứu hộ
nhân đạo, thành lập các quỹ từ thiện, chống đói nghèo, nâng cao vai trò của phụ nữ chống
huỷ hoại môi trường, chú trọng phát triển bền vững... Với những điều nêu trên, nhiều nội
dung hoạt động, định hướng phát triển của LHQ cũng tương tự như mục tiêu của tổ chức
XHDS, có chăng chỉ khác là LHQ có phạm vi rộng lớn hơn, bao quát hơn... Nói một cách
khác, những mục tiêu cơ bản của XHDS cũng là những vấn đề chính mà các chương trình
phát triển của LHQ đề ra. Đặc biệt "những mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ" tuyên bố sẽ
hoàn thành vào năm 2015 với khoản chi ước chừng 40 đến 60 tỷ USD mỗi năm là hoàn
toàn phù hợp với vai trò chức năng của XHDS trong giai đoạn tới (xem phụ lục).
Tuy nhiên cũng giống như XHDS, là 1 tổ chức hoạt động tự nguyện của các thành
viên, thiết chế quyền lực không chặt chẽ như 1 nhà nước độc lập có chủ quyền xác định
hoạt động của LHQ thường theo cơ chế hiệp thương đa biên, thoả thuận biểu quyết theo
đa số... Do đó cũng không phải là một tổ chức chặt chẽ thực sự độc lập hoàn toàn.
LHQ cũng không thể chủ động giải quyết tất cả mọi tình huống sự cố xảy ra trên thế
giới vì còn phụ thuộc nhiều vấn đề như tài chính, nhân sự và những yếu tố gọi là nhạy
cảm riêng của từng quốc gia... Chính vì thế trong một số trường hợp giải pháp của LHQ
cũng không có hiệu quả thậm chí có thể gọi là thất bại.
Thí dụ: - Năm 1994 trong vụ ngăn chặn nạn diệt chủng ở Rwanda các thành viên
Hội đồng bảo an (HĐBA) từ chối mọi hành động can thiệp bằng quân sự nên đã dẫn đến
cái chết gần 1 triệu người.
- Năm 1993 trong việc cung cấp thực phẩm lương thực cho dân nghèo đói tại
Somali đã bị lãnh chúa địa phương chiếm đoạt, Hoa Kỳ và Liên hợp quốc nỗ lực ngăn
chặn, bắt giữ các lãnh chúa đó và đã xảy ra xung đột gọi là trận Mogadishu.
- Khi đưa lực lượng giữ gìn hoà bình của LHQ đến 1 số quốc gia đã xảy ra tình
trạng "lạm dụng tình dục" đối với phụ nữ tại Cộng hoà Cônggô, Haiti, Burundi, Liberia...
đã làm ảnh hưởng đến uy tín của LHQ.
- Rõ rệt nhất là sự thất bại của LHQ trong "chương trình đổi dầu lấy lương thực".
Đây là việc cho phép Iraq bán dầu ra thị trường và đổi lấy thuốc men lương thực, nhu yếu
phẩm (1996) nhưng bị đứt đoạn vào cuối năm 2003 vì có sự cáo buộc rằng quan chức
tham nhũng và lạm dụng, một số nhân sự đó của LHQ đã bị xử lý.
Những thất bại của LHQ là điều dễ hiểu bởi vì LHQ là một tổ chức về cơ bản là
theo tính tự nguyện, tự trang trải như một XHDS có quy mô rộng lớn hơn, đặc thù hơn (là
sự tập hợp của nhiều quốc gia). Từ đặc thù đó nhiều việc, hành động của LHQ mang tính
thương lượng, không ít trường hợp sự đồng thuận đạt tỷ lệ thấp nên hiệu quả thành công
của một số chương trình bị hạn chế; yếu tố pháp lý, luật định không cao cho nên không ít
Nghị quyết của LHQ không được nghiêm chỉnh thực hiện. Những điều này cũng chỉ có
tính chất như là khuyến cáo hoặc là vận động thực thi như tính chất của tổ chức XHDS.
Các thành viên của LHQ có số lượng phát triển ngày càng nhiều. Từ 51 nước (năm
1995) đến nay đã có 192 nước thành viên. Việt Nam gia nhập LHQ từ ngày 20/9/1997
như vậy là cho đến nay Việt Nam đã có 30 năm tuổi thành viên, vừa qua Việt Nam lại
được bầu vào là thành viên (không chính thức) uỷ viên thường trực của HĐBA (Hội đồng
bảo an) là cơ quan lớn của LHQ.
IV.2- Tổ chức XHDS trên thế giới:
Song song cùng với sự phát triển lớn mạnh của LHQ khoảng 3 thập niên trở lại đây,
sự phát triển của XHDS được tái bùng nổ như là một hiện tượng chính trị trong đời sống
xã hội. Cùng với những sự dự báo về sự trỗi dạy trong thế kỷ XXI về vai trò của phụ nữ,
sự phục hồi của tôn giáo, sự phát triển của Châu Á - Thái Bình Dương... thì sự phát triển
của các tổ chức phi chính phủ (NGOs) nói riêng của XHDS nói chung là điều đang trở
thành hiện thực.
Nhiều tác giả ở các nước phát triển Anh, Mỹ, Pháp, Đức... đã cho ra đời hàng loạt
sách khảo cứu về XHDS:
- Daniel Bell (American Exceptionalism Revisited: The Role of Civil Society, 1989).
- Charles Taylor (Modes of Civie Society, 1990)
- Michael Waltzer (The Idea of Civil Society, 1991)
- Edward Shils (The Virtues of Civie Society, 1991)...
Thực tế cho thấy các tổ chức XHDS trên thế giới đang là một lực lượng kinh tế, văn
hoá, chính trị đáng kể để thực hiện hoá các mục tiêu của LHQ đề ra.
Theo điều tra của John Hopkin University tại 26 nước (năm 2002) các tổ chức
XHDS đã chi với số tiền là 1,2 nghìn tỷ USD/năm, bằng GDP của Anh, Italia.
Các tổ chức XHDS ở 26 nước này đã toàn dụng được 31 triệu lao động, chiếm 6,8%
lao động phi nông nghiệp trong đó có 19,7 triệu là lao động hưởng lương, còn lại 11,3
triệu người tình nguyện.
Số lao động của các tổ chức XHDS này chủ yếu ở các lĩnh vực giáo dục, sức khoẻ,
dịch vụ công cộng xã hội này là những nơi mà cộng đồng đang có nhu cầu cao cung ứng
của Nhà nước thường là không đáp ứng được, mặt khác thị trường có xu hướng vì lợi
nhuận cao nên cũng phần nào là giới hạn với đông đảo người nghèo do đó các tổ chức
XHDS không vì lợi nhuận (non profit) được nhiều nhà nước tận dụng, giao phó với nhiều
hình thức chuyển nhượng thuê khoán, uỷ quyền... Đây cũng là điều mà các nước phát
triển có điều kiện ưu thế hơn và sự hiện diện của các XHDS thường có quy mô rộng lớn,
phát triển hơn so với các nước đang phát triển.
Nhiều nước có tỷ lệ lao động tự nguyện rất cao, tới 50% lực lượng lao động trong
các tổ chức phi chính phủ (NGOs) đó là những nước ở Bắc Âu: Na Uy, Thuỵ Điển, Phần
Lan..., Hà Lan có tới 48,4% lao động tự nguyện nhưng tổng số lao động trong các tổ chức
XHDS chiếm tỷ lệ cao nhất thế giới (18,7%)*
Về các nguồn thu của XHDS chủ yếu ở 3 nguồn chính hội phí 51%, Nhà nước là
39% còn lại là đóng góp của các tổ chức từ thiện nhân đạo (theo TS Nguyễn Mạnh
Cường). Tuy nhiên ở mỗi khu vực phát triển khác nhau mỗi quốc gia khác nhau tỷ lệ này
có khác nhau.
Ở các nước kém phát triển nguồn thu từ nhà nước là không đáng kể tỷ lệ % từ các tổ
chức NGOs quốc tế cao hơn nhiều.
Với vai trò KT - XH ngày càng được khẳng định thì xu hướng toàn cầu hoá XHDS
cũng ngày càng rõ rệt tuy không định hình và mạnh mẽ bằng xu thế toàn cầu hoá kinh tế
nhưng sự phát triển của các XHDS ở phạm vi toàn cầu như là một xu hướng làm cân bằng,
hài hoà hơn trong mối quan hệ tương tác với thị trường và nhà nước.
Tổ chức XHDS ở phạm vi toàn cầu tuy không có liên kết, ràng buộc như tổ chức
của LHQ (có hiến chương, trụ sở, cơ quan thường trực...) nhưng chiều rộng bề mặt thì có
số lượng rất lớn. "Ở quy mô liên quốc gia và toàn cầu có khoảng 60.000 tổ chức NGO,
xấp xỉ con số các công ty xuyên quốc gia"(1).
Cũng có ý kiến cho rằng trên thế giới hiện nay có 3 tác nhân quan trọng ảnh hưởng
đến sự phát triển toàn cầu:
- Vai trò của 200 quốc gia mà hơn 90% các nước đã là thành viên của LHQ.
- Vai trò của 200 Công ty xuyên quốc gia lớn nhất chi phối toàn bộ nền kinh tế thế
giới.
- Vai trò của 200 tổ chức NGOs toàn cầu lớn nhất là bộ phận chủ yếu của XHDS
đang phát triển với tư cách là đối tác quan trọng của nhà nước pháp quyền (NNPQ).
Những ý kiến nêu trên đáng để tham khảo, có thể cần bàn luận thêm. Bởi vì bên
cạnh quyền lực nhà nước (quyền lực chính trị), quyền lực của các công ty xuyên quốc gia
(quyền lực kinh tế), quyền lực của các tổ chức xã hội dân sự (quyền lực cộng đồng dư
luận, báo chí) còn có quyền lực của các tôn giáo (thần quyền, tín quyền) cũng là tác nhân
rất quan trọng ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thế giới. Trong quá khứ, thời kỳ
Trung cổ đã có giai đoạn Nhà nước và nhà thờ thống nhất thành một quyền lực thống trị
toàn xã hội như một "đêm trường trung cổ" nặng nề. Khi cách mạng dân chủ tư sản bùng
lên thì nhà nước mới tách khỏi nhà thờ và xã hội công dân, dân sự tách khỏi xã hội tôn
giáo, dân quyền xuất hiện cùng thần quyền. Thần dân có quyền công dân... Ngày nay vấn
đề tôn giáo ở một số vùng lãnh thổ, quốc gia cũng đang nổi lên tác động không nhỏ tới sự
phát triển của cộng đồng, đời sống kinh tế - xã hội - chính trị đang chịu sự tác động ấy
khá rõ.
Thực tế cho thấy từ khi có LHQ, xã hội dân sự phát triển trong điều kiện mới,
các mục tiêu, chương trình, tổ chức… của XHDS đã kéo dài cùng với thời gian, không
gian cụ thể có nhiều lực tác động là điều rất cần được khảo cứu sâu hơn nữa. Chuyên luận
này cũng chỉ là việc bước đầu nêu vấn đề cần được bổ sung nhiều.
Tóm lại XHDS là một thực tế lịch sử có quá trình phát triển, thăng trầm, có vai trò
nhất định, có thể là yếu tố tích cực nhưng cũng có thể là lực cản, nếu có nhà nước pháp
quyền mạnh "khôn khéo" hơn, coi XHDS là đối tác bên cạnh mình, hỗ trợ cho sự phát
triển lành mạnh, tránh cho XHDS trở thành tác nhân đối đầu. Đặt cho xHDS một "thế
chân vạc", một "cột trụ" cùng với các cột trụ khác là nhà nướcvà thị trường thì mới có thể
phát triển bền vững.1
Nhận thức được điều quan trọng này, nhà nước Cộng hoà XHCN Việt nam cũng đã
khẳng định trong tuyên bố chung về việc thực hiện mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ :
"Tạo thêm cơ hội cho khu vực tư nhân, các tổ chức phi chính phủ và xã hội dân sự nói
chung, để họ góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu và chương trình của Liên hợp
quốc" (mục VIII điều 31, nghị quyết số 55/2 tuyên bố của LHQ thông qua ngày 8 tháng 9
năm 2000).2
Cùng với 189 vị Nguyên thủ quốc qia, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã ký
vào Tuyên bố Thiên niên kỷ của LHQ tại Hội nghị thượng đỉnh tháng 9/2000. Sau 5 năm
Việt nam cũng đã có báo cáo tổng quan thực hiện các mục tiêu này.
Mặc dù nội dung khẳng định vai trò vị trí của các tổ chức phi chính phủ và XHDS
được ghi nhận ở mục cuối cùng, trong điều gần cuối cùng của Nghị quyết, nhưng có thể
nói rằng đây chính là sự xác nhận về tổ chức XHDS và các NGOs là một xu hướng, một
giải pháp đúng đắn cho phát triển bền vững.
Không phải ngẫu nhiên mà Hội nghị thượng đỉnh tầm quốc tế đã có những tuyên bố
chung quan trọng như vậy. Cũng có thể kết luận rằng vấn đề đã được nâng lên ở tầm cao
mới: Tầm Thiên niên kỷ khi toàn thế giới bắt đầu bước vào Thiên niên kỷ thứ III đầy khó
khăn và thách thức./
Tác giả chương này: Nguyễn Vi Khải
[1] C.Mác và Ph Ang ghen Toàn tập. Tập 27 Nxb CTQG Hà Nội.1998, tr.657
[2] Các hình thức vận động khác từ thấp đến cao là vận động cơ học, vận động vật lý, vận động hoá học,
vận động sinh học.
[3] Theo Bách khoa Thư mở Wikipedia.org/wiki (bản sửa đổi 27/4/2007)
[4] . Sđd bản sửa đổi 26/7/2007
[5] . Lịch sử Việt Nam. Nxb KHXH HN. 1971; tr1, tr.45
[6] "Lịch sử Nhà nước và pháp luật Việt Nam. Nxb CTQG .HN. 1994, tr.5
[7] . Ý tưởng nguyên sơ và cái gọi là "xã hội dân sự" bây giờ, nó có từ rất lâu, đặc biệt là từ Ciceron ở thế
kỷ I trước thiên chúa giáo giáng sinh cách chúng ta hơn 2000 năm. (Trần Việt Phương. Bài nói tại BNC
của Thủ tướng Chính phủ 22/9/2004).
[8] . Bách khoa Thư mở http// vi-wikipedia.org/wiki (bản sửa đổi 24/10/2007
[9]. Trần Việt Phương. Bài nói tại BNC của Thủ tướng Chính phủ 22/9/2004).
[10]. Viện những vấn đề phát triển- "Đánh giá ban đầu về XHDS tại Việt Nam, Hà Nội 1/2006; tr.9
[11]. Quý Đỗ - Thế nào là xã hội công dân - Tạp chí Tia sáng số 9/5/2006; tr.14
[12]. Nguyễn Mạnh Cường. Bài giảng về XHDS. Trường ĐH KTQD.
[13]. Trần Việt Phương "XHDS" và NNPQ", 3 bài nói tại BNC của Thủ tướng; tr.5,6
[14]. Ngay sau khi thành lập LHQ vào năm 1945, trong đó điều 1 chương 10 của Hiến chương LHQ có đề
cập đến vai trò tư vấn của các tổ chức không thuộc Chính phủ - Nguồn http//vi.wikipedia.org/Tổ chức phi
chính phủ.
[15]. Trần Việt Phương: Bài đã dẫn
[16]. Nguyễn Ngọc Bích: "Vốn xã hội và phát triển" Tia sáng số 13.5/7/2006; tr.18
[17]. Nguyễn Ngọc Bích "Vốn xã hội và phát triển". Tia sáng số 13.5/7/2006; tr.18
[18] C.Mác và Ph.Ăng-ghen Toàn tập. Tập 1. Nxb CTQG HN.1995; tr.315
[19] SIDA - "Nhà nước và viện trợ". Những vai trò mới định lại. Nxb KHXH-Hà Nội.1995
[20] Đặng Kim Sơn: "Ba cơ chế thị trường, nhà nước và cộng đồng" NXB Chính trị quốc gia HN, 2004.
Tr.13.
[21] .G.Endrweit… "Từ điển xã hội học" NXB Thế giới tr.571
[22] “Xã hội hoá công chứng”: Ai quản phòng công chứng - Báo “Pháp luật Việt Nam” ngày 29/7/2005.
(1) Viện nghiên cứu công nghệ Châu Á - Hội thảo 4-2000 trang 16 GCOP & NORAD
[23] Trung tâm KHXH & NV Quốc gia “Từ điển Anh - Việt” NXB TP. Hồ Chí Minh.2003.tr 1026
[24]- 25 Theo Govert Van Oord. “Vận động hành lang thực tiễn và pháp luật” Viện SPERI và NXB Lao
động - xã hội. Hà Nội. 2007. tr.20,21.
3 Vũ Quốc Tuấn “Vận động chính sách - Một số vấn đề từ thực tiễn”
Kỷ yếu Hội thảo do VCCI, CODE và Báo DĐDN tổ chức tại Hạ Long 12/2007. tr.16
[26] Phạm Chi Lan. “Vai trò của các Hiệp Hội VN trong vận động chính sách (Sđd.tr.24)
[27] ĐCSVN “Văn kiện Đại hội X” NXB Chính trị quốc gia - HN2006.tr.43
(1) Bách khoa toàn thư Wikipedia. org bản sửa đổi 26/12/2007 tr.6, 7
* Dr. Nguyễn Mạnh Cường "Bài giảng về XHDS".
(1) Trần Việt Phương. "Xã hội dân sự và nhà nước pháp quyền"
1 Nguyễn Vi Khải. "Cần đổi mới tư duy quản lý nhà nước bằng luật pháp". Văn nghệ trẻ.31/12/2005.
2 Nước Cộng hoà XHCN Việt Nam "Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ" (Bản tiếng
Việt Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 4947/VPCP-QHQT ngày 1 tháng 9 năm 2005) tr.76.
Ngày cập nhật: 12/3/010
Nguồn: http://www.vids.org.vn/vn/asp/News_Detail.asp?tabid=1&mid=803&ID=854

More Related Content

What's hot

LỊCH SỬ VĂN MINH TRUNG HOA -Will Durant-Dịch:Nguyễn Hiến Lê
LỊCH SỬ VĂN MINH TRUNG HOA -Will Durant-Dịch:Nguyễn Hiến LêLỊCH SỬ VĂN MINH TRUNG HOA -Will Durant-Dịch:Nguyễn Hiến Lê
LỊCH SỬ VĂN MINH TRUNG HOA -Will Durant-Dịch:Nguyễn Hiến Lêvinhbinh2010
 
Thành tựu văn minh ả rập
Thành tựu văn minh ả rậpThành tựu văn minh ả rập
Thành tựu văn minh ả rậpthaodang312
 
Af210265 nguyen huyen my - tieu luan mon cnxhkh
Af210265 nguyen huyen my - tieu luan mon cnxhkhAf210265 nguyen huyen my - tieu luan mon cnxhkh
Af210265 nguyen huyen my - tieu luan mon cnxhkhTerryTran17
 
Khoa học tự nhiên Ai Cập,Hy-La
Khoa học tự nhiên Ai Cập,Hy-LaKhoa học tự nhiên Ai Cập,Hy-La
Khoa học tự nhiên Ai Cập,Hy-LaFink Đào Lan
 
Slide thuyết trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lenin phần "Dân...
Slide thuyết trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lenin phần "Dân...Slide thuyết trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lenin phần "Dân...
Slide thuyết trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lenin phần "Dân...Mỹ Duyên
 
Tieu luan triet hoc quan diem ve con nguoi trong triet hoc mac lenin
Tieu luan triet hoc quan diem ve con nguoi trong triet hoc mac leninTieu luan triet hoc quan diem ve con nguoi trong triet hoc mac lenin
Tieu luan triet hoc quan diem ve con nguoi trong triet hoc mac leninSang Tuấn
 
Ảnh hưởng của tư tưởng trị quốc Nho giáo xây dựng Nhà nước, HAY - Gửi miễn ph...
Ảnh hưởng của tư tưởng trị quốc Nho giáo xây dựng Nhà nước, HAY - Gửi miễn ph...Ảnh hưởng của tư tưởng trị quốc Nho giáo xây dựng Nhà nước, HAY - Gửi miễn ph...
Ảnh hưởng của tư tưởng trị quốc Nho giáo xây dựng Nhà nước, HAY - Gửi miễn ph...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Bài tiểu luận vế dân tộc
Bài tiểu luận vế dân tộcBài tiểu luận vế dân tộc
Bài tiểu luận vế dân tộcHarry Cliff
 
DÂN TỘC HỌC ĐẠI CƯƠNG
DÂN TỘC HỌC ĐẠI CƯƠNG DÂN TỘC HỌC ĐẠI CƯƠNG
DÂN TỘC HỌC ĐẠI CƯƠNG nataliej4
 
Đề Tài “những tư tưởng cơ bản của nho giáo và ảnh hưởng của nó đối với nền vă...
Đề Tài “những tư tưởng cơ bản của nho giáo và ảnh hưởng của nó đối với nền vă...Đề Tài “những tư tưởng cơ bản của nho giáo và ảnh hưởng của nó đối với nền vă...
Đề Tài “những tư tưởng cơ bản của nho giáo và ảnh hưởng của nó đối với nền vă...Huynh Loc
 
Tứ đại phát minh của trung quốc.
Tứ đại phát minh của trung quốc.Tứ đại phát minh của trung quốc.
Tứ đại phát minh của trung quốc.Fink Đào Lan
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh - Quá trình hình thành tư tưởng yêu nước (1890-1911)
Tư tưởng Hồ Chí Minh - Quá trình hình thành tư tưởng yêu nước (1890-1911)Tư tưởng Hồ Chí Minh - Quá trình hình thành tư tưởng yêu nước (1890-1911)
Tư tưởng Hồ Chí Minh - Quá trình hình thành tư tưởng yêu nước (1890-1911)Truong Ho
 
Nhóm 4- Mạng lưới á âu phi
Nhóm 4- Mạng lưới á âu phiNhóm 4- Mạng lưới á âu phi
Nhóm 4- Mạng lưới á âu phiMrNguyenTienPhong
 
Chương 1, tư tưởng hchinh
Chương 1, tư tưởng hchinhChương 1, tư tưởng hchinh
Chương 1, tư tưởng hchinhmai_mai_yb
 
Ikidoc.com-Các câu hỏi tự luận môn triết học mác lênin
Ikidoc.com-Các câu hỏi tự luận môn triết học mác lêninIkidoc.com-Các câu hỏi tự luận môn triết học mác lênin
Ikidoc.com-Các câu hỏi tự luận môn triết học mác lêninvoxeoto68
 
Bài tiểu luận môn tư tưởng hồ chí minh chuẩn
Bài tiểu luận môn tư tưởng hồ chí minh chuẩnBài tiểu luận môn tư tưởng hồ chí minh chuẩn
Bài tiểu luận môn tư tưởng hồ chí minh chuẩnkuki29292
 

What's hot (20)

LỊCH SỬ VĂN MINH TRUNG HOA -Will Durant-Dịch:Nguyễn Hiến Lê
LỊCH SỬ VĂN MINH TRUNG HOA -Will Durant-Dịch:Nguyễn Hiến LêLỊCH SỬ VĂN MINH TRUNG HOA -Will Durant-Dịch:Nguyễn Hiến Lê
LỊCH SỬ VĂN MINH TRUNG HOA -Will Durant-Dịch:Nguyễn Hiến Lê
 
Thành tựu văn minh ả rập
Thành tựu văn minh ả rậpThành tựu văn minh ả rập
Thành tựu văn minh ả rập
 
Af210265 nguyen huyen my - tieu luan mon cnxhkh
Af210265 nguyen huyen my - tieu luan mon cnxhkhAf210265 nguyen huyen my - tieu luan mon cnxhkh
Af210265 nguyen huyen my - tieu luan mon cnxhkh
 
Khoa học tự nhiên Ai Cập,Hy-La
Khoa học tự nhiên Ai Cập,Hy-LaKhoa học tự nhiên Ai Cập,Hy-La
Khoa học tự nhiên Ai Cập,Hy-La
 
Chương 1
Chương 1Chương 1
Chương 1
 
Slide thuyết trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lenin phần "Dân...
Slide thuyết trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lenin phần "Dân...Slide thuyết trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lenin phần "Dân...
Slide thuyết trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lenin phần "Dân...
 
Tieu luan triet hoc quan diem ve con nguoi trong triet hoc mac lenin
Tieu luan triet hoc quan diem ve con nguoi trong triet hoc mac leninTieu luan triet hoc quan diem ve con nguoi trong triet hoc mac lenin
Tieu luan triet hoc quan diem ve con nguoi trong triet hoc mac lenin
 
Ảnh hưởng của tư tưởng trị quốc Nho giáo xây dựng Nhà nước, HAY - Gửi miễn ph...
Ảnh hưởng của tư tưởng trị quốc Nho giáo xây dựng Nhà nước, HAY - Gửi miễn ph...Ảnh hưởng của tư tưởng trị quốc Nho giáo xây dựng Nhà nước, HAY - Gửi miễn ph...
Ảnh hưởng của tư tưởng trị quốc Nho giáo xây dựng Nhà nước, HAY - Gửi miễn ph...
 
Bài tiểu luận vế dân tộc
Bài tiểu luận vế dân tộcBài tiểu luận vế dân tộc
Bài tiểu luận vế dân tộc
 
DÂN TỘC HỌC ĐẠI CƯƠNG
DÂN TỘC HỌC ĐẠI CƯƠNG DÂN TỘC HỌC ĐẠI CƯƠNG
DÂN TỘC HỌC ĐẠI CƯƠNG
 
Rút xô nhóm 5
Rút xô   nhóm 5Rút xô   nhóm 5
Rút xô nhóm 5
 
Đề Tài “những tư tưởng cơ bản của nho giáo và ảnh hưởng của nó đối với nền vă...
Đề Tài “những tư tưởng cơ bản của nho giáo và ảnh hưởng của nó đối với nền vă...Đề Tài “những tư tưởng cơ bản của nho giáo và ảnh hưởng của nó đối với nền vă...
Đề Tài “những tư tưởng cơ bản của nho giáo và ảnh hưởng của nó đối với nền vă...
 
Tứ đại phát minh của trung quốc.
Tứ đại phát minh của trung quốc.Tứ đại phát minh của trung quốc.
Tứ đại phát minh của trung quốc.
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh - Quá trình hình thành tư tưởng yêu nước (1890-1911)
Tư tưởng Hồ Chí Minh - Quá trình hình thành tư tưởng yêu nước (1890-1911)Tư tưởng Hồ Chí Minh - Quá trình hình thành tư tưởng yêu nước (1890-1911)
Tư tưởng Hồ Chí Minh - Quá trình hình thành tư tưởng yêu nước (1890-1911)
 
Văn hóa
Văn hóaVăn hóa
Văn hóa
 
Nhóm 4- Mạng lưới á âu phi
Nhóm 4- Mạng lưới á âu phiNhóm 4- Mạng lưới á âu phi
Nhóm 4- Mạng lưới á âu phi
 
Chương 1, tư tưởng hchinh
Chương 1, tư tưởng hchinhChương 1, tư tưởng hchinh
Chương 1, tư tưởng hchinh
 
Ikidoc.com-Các câu hỏi tự luận môn triết học mác lênin
Ikidoc.com-Các câu hỏi tự luận môn triết học mác lêninIkidoc.com-Các câu hỏi tự luận môn triết học mác lênin
Ikidoc.com-Các câu hỏi tự luận môn triết học mác lênin
 
Bài tiểu luận môn tư tưởng hồ chí minh chuẩn
Bài tiểu luận môn tư tưởng hồ chí minh chuẩnBài tiểu luận môn tư tưởng hồ chí minh chuẩn
Bài tiểu luận môn tư tưởng hồ chí minh chuẩn
 
Tư tưởng chính trị của Jean J. Rousseau
Tư tưởng chính trị của Jean J. RousseauTư tưởng chính trị của Jean J. Rousseau
Tư tưởng chính trị của Jean J. Rousseau
 

Viewers also liked

Binh luan bo luat to tung hinh su
Binh luan bo luat to tung hinh suBinh luan bo luat to tung hinh su
Binh luan bo luat to tung hinh suHung Nguyen
 
Chuong trinh dao tao tham phan chuyen biet hoi nhap quoc te (tap 1)
Chuong trinh dao tao tham phan chuyen biet hoi nhap quoc te (tap 1)Chuong trinh dao tao tham phan chuyen biet hoi nhap quoc te (tap 1)
Chuong trinh dao tao tham phan chuyen biet hoi nhap quoc te (tap 1)Hung Nguyen
 
Giao trinh tieng anh phap ly legal english rupert
Giao trinh tieng anh phap ly legal english rupertGiao trinh tieng anh phap ly legal english rupert
Giao trinh tieng anh phap ly legal english rupertHung Nguyen
 
Luat to chuc chinh phu 2015
Luat to chuc chinh phu 2015Luat to chuc chinh phu 2015
Luat to chuc chinh phu 2015Hung Nguyen
 
Tu dien thuat ngu phap ly Phap-Viet (luat su ton that quynh bang)
Tu dien thuat ngu phap ly Phap-Viet (luat su ton that quynh bang)Tu dien thuat ngu phap ly Phap-Viet (luat su ton that quynh bang)
Tu dien thuat ngu phap ly Phap-Viet (luat su ton that quynh bang)Hung Nguyen
 
Giao trinh luat thue viet nam
Giao trinh luat thue viet namGiao trinh luat thue viet nam
Giao trinh luat thue viet namHung Nguyen
 
Giao trinh quyen so huu tri tue
Giao trinh quyen so huu tri tueGiao trinh quyen so huu tri tue
Giao trinh quyen so huu tri tueHung Nguyen
 
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sựBinh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sựHung Nguyen
 
Yeu cau phan to trong an thua ke
Yeu cau phan to trong an thua keYeu cau phan to trong an thua ke
Yeu cau phan to trong an thua keHung Nguyen
 
Tong quan ve tort trong phap luat hoa ky va nhung bai nghien cuu khac tckhpl ...
Tong quan ve tort trong phap luat hoa ky va nhung bai nghien cuu khac tckhpl ...Tong quan ve tort trong phap luat hoa ky va nhung bai nghien cuu khac tckhpl ...
Tong quan ve tort trong phap luat hoa ky va nhung bai nghien cuu khac tckhpl ...Hung Nguyen
 
Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo 2015
Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo 2015Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo 2015
Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo 2015Hung Nguyen
 
Nmt sach thuat-ngu-chuyen-nganh-luat-la-tinh-ban-quyen-nmt-2014
Nmt sach thuat-ngu-chuyen-nganh-luat-la-tinh-ban-quyen-nmt-2014Nmt sach thuat-ngu-chuyen-nganh-luat-la-tinh-ban-quyen-nmt-2014
Nmt sach thuat-ngu-chuyen-nganh-luat-la-tinh-ban-quyen-nmt-2014Hung Nguyen
 
Giao trinh ly luan nha nuoc va phap luat
Giao trinh ly luan nha nuoc va phap luatGiao trinh ly luan nha nuoc va phap luat
Giao trinh ly luan nha nuoc va phap luatHung Nguyen
 
Cong uoc lien hop quoc ve luat bien nam 1982
Cong uoc lien hop quoc ve luat bien nam 1982Cong uoc lien hop quoc ve luat bien nam 1982
Cong uoc lien hop quoc ve luat bien nam 1982Hung Nguyen
 
Tranh chap dat dai fulbright- Phan duy nghĩa
Tranh chap dat dai fulbright- Phan duy nghĩaTranh chap dat dai fulbright- Phan duy nghĩa
Tranh chap dat dai fulbright- Phan duy nghĩaHung Nguyen
 
Luat sy quan quan doi sua doi 2014
Luat sy quan quan doi sua doi 2014Luat sy quan quan doi sua doi 2014
Luat sy quan quan doi sua doi 2014Hung Nguyen
 
Nghi dinh-123-2011-huong-dan-lkdbh
Nghi dinh-123-2011-huong-dan-lkdbhNghi dinh-123-2011-huong-dan-lkdbh
Nghi dinh-123-2011-huong-dan-lkdbhHung Nguyen
 

Viewers also liked (19)

Luat nha o 2014
Luat nha o 2014Luat nha o 2014
Luat nha o 2014
 
Luat thu y 2015
Luat thu y 2015Luat thu y 2015
Luat thu y 2015
 
Binh luan bo luat to tung hinh su
Binh luan bo luat to tung hinh suBinh luan bo luat to tung hinh su
Binh luan bo luat to tung hinh su
 
Chuong trinh dao tao tham phan chuyen biet hoi nhap quoc te (tap 1)
Chuong trinh dao tao tham phan chuyen biet hoi nhap quoc te (tap 1)Chuong trinh dao tao tham phan chuyen biet hoi nhap quoc te (tap 1)
Chuong trinh dao tao tham phan chuyen biet hoi nhap quoc te (tap 1)
 
Giao trinh tieng anh phap ly legal english rupert
Giao trinh tieng anh phap ly legal english rupertGiao trinh tieng anh phap ly legal english rupert
Giao trinh tieng anh phap ly legal english rupert
 
Luat to chuc chinh phu 2015
Luat to chuc chinh phu 2015Luat to chuc chinh phu 2015
Luat to chuc chinh phu 2015
 
Tu dien thuat ngu phap ly Phap-Viet (luat su ton that quynh bang)
Tu dien thuat ngu phap ly Phap-Viet (luat su ton that quynh bang)Tu dien thuat ngu phap ly Phap-Viet (luat su ton that quynh bang)
Tu dien thuat ngu phap ly Phap-Viet (luat su ton that quynh bang)
 
Giao trinh luat thue viet nam
Giao trinh luat thue viet namGiao trinh luat thue viet nam
Giao trinh luat thue viet nam
 
Giao trinh quyen so huu tri tue
Giao trinh quyen so huu tri tueGiao trinh quyen so huu tri tue
Giao trinh quyen so huu tri tue
 
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sựBinh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
 
Yeu cau phan to trong an thua ke
Yeu cau phan to trong an thua keYeu cau phan to trong an thua ke
Yeu cau phan to trong an thua ke
 
Tong quan ve tort trong phap luat hoa ky va nhung bai nghien cuu khac tckhpl ...
Tong quan ve tort trong phap luat hoa ky va nhung bai nghien cuu khac tckhpl ...Tong quan ve tort trong phap luat hoa ky va nhung bai nghien cuu khac tckhpl ...
Tong quan ve tort trong phap luat hoa ky va nhung bai nghien cuu khac tckhpl ...
 
Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo 2015
Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo 2015Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo 2015
Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo 2015
 
Nmt sach thuat-ngu-chuyen-nganh-luat-la-tinh-ban-quyen-nmt-2014
Nmt sach thuat-ngu-chuyen-nganh-luat-la-tinh-ban-quyen-nmt-2014Nmt sach thuat-ngu-chuyen-nganh-luat-la-tinh-ban-quyen-nmt-2014
Nmt sach thuat-ngu-chuyen-nganh-luat-la-tinh-ban-quyen-nmt-2014
 
Giao trinh ly luan nha nuoc va phap luat
Giao trinh ly luan nha nuoc va phap luatGiao trinh ly luan nha nuoc va phap luat
Giao trinh ly luan nha nuoc va phap luat
 
Cong uoc lien hop quoc ve luat bien nam 1982
Cong uoc lien hop quoc ve luat bien nam 1982Cong uoc lien hop quoc ve luat bien nam 1982
Cong uoc lien hop quoc ve luat bien nam 1982
 
Tranh chap dat dai fulbright- Phan duy nghĩa
Tranh chap dat dai fulbright- Phan duy nghĩaTranh chap dat dai fulbright- Phan duy nghĩa
Tranh chap dat dai fulbright- Phan duy nghĩa
 
Luat sy quan quan doi sua doi 2014
Luat sy quan quan doi sua doi 2014Luat sy quan quan doi sua doi 2014
Luat sy quan quan doi sua doi 2014
 
Nghi dinh-123-2011-huong-dan-lkdbh
Nghi dinh-123-2011-huong-dan-lkdbhNghi dinh-123-2011-huong-dan-lkdbh
Nghi dinh-123-2011-huong-dan-lkdbh
 

Similar to Xa hoi dan su nhung khai niem co ban

1.khong tuong den kh
1.khong tuong den kh1.khong tuong den kh
1.khong tuong den khHuu Nguyen
 
Sự sáng tạo của hồ chí minh về sự ra đời của nhà nước sau cách mạng tháng 8 n...
Sự sáng tạo của hồ chí minh về sự ra đời của nhà nước sau cách mạng tháng 8 n...Sự sáng tạo của hồ chí minh về sự ra đời của nhà nước sau cách mạng tháng 8 n...
Sự sáng tạo của hồ chí minh về sự ra đời của nhà nước sau cách mạng tháng 8 n...akirahitachi
 
Tìm hiểu về tập trung dân chủ
Tìm hiểu về tập trung dân chủTìm hiểu về tập trung dân chủ
Tìm hiểu về tập trung dân chủPhan Minh Trí
 
HỎI VÀ ĐÁP PHÁP LUẬT ĐẠI CƯƠNG HỎI VÀ ĐÁP PHÁP LUẬT ĐẠI CƯƠNG
HỎI VÀ ĐÁP PHÁP LUẬT ĐẠI CƯƠNG HỎI VÀ ĐÁP  PHÁP LUẬT ĐẠI CƯƠNGHỎI VÀ ĐÁP PHÁP LUẬT ĐẠI CƯƠNG HỎI VÀ ĐÁP  PHÁP LUẬT ĐẠI CƯƠNG
HỎI VÀ ĐÁP PHÁP LUẬT ĐẠI CƯƠNG HỎI VÀ ĐÁP PHÁP LUẬT ĐẠI CƯƠNGnataliej4
 
Giáo Trình Lịch Sử Các Học Huyết Pháp Lý
Giáo Trình Lịch Sử Các Học Huyết Pháp Lý Giáo Trình Lịch Sử Các Học Huyết Pháp Lý
Giáo Trình Lịch Sử Các Học Huyết Pháp Lý nataliej4
 
Quan điểm của Đảng ta về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xây dựng nhà...
Quan điểm của Đảng ta về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xây dựng nhà...Quan điểm của Đảng ta về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xây dựng nhà...
Quan điểm của Đảng ta về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xây dựng nhà...Hạnh Hoàng Minh
 
Giáo trình Triết học Marx - Lenin
Giáo trình Triết học Marx - LeninGiáo trình Triết học Marx - Lenin
Giáo trình Triết học Marx - LeninVuKirikou
 
Chng1ttnghchinh 121023115826-phpapp02
Chng1ttnghchinh 121023115826-phpapp02Chng1ttnghchinh 121023115826-phpapp02
Chng1ttnghchinh 121023115826-phpapp02Vũ Thanh
 
Chương i khái luận về triết học và triết học mác
Chương i khái luận về triết học và triết học mácChương i khái luận về triết học và triết học mác
Chương i khái luận về triết học và triết học mácdatnguyen942511
 
Baigiangtriethoc ngoại thương
Baigiangtriethoc ngoại thươngBaigiangtriethoc ngoại thương
Baigiangtriethoc ngoại thươngHoa Huong Duong
 
CHXHKH 1.docx
CHXHKH 1.docxCHXHKH 1.docx
CHXHKH 1.docxPhngThi38
 
NHÓM 6 - CHỦ ĐỀ 2.pptx
NHÓM 6 - CHỦ ĐỀ 2.pptxNHÓM 6 - CHỦ ĐỀ 2.pptx
NHÓM 6 - CHỦ ĐỀ 2.pptxthuyn15
 

Similar to Xa hoi dan su nhung khai niem co ban (20)

Pháp luật phong kiến Việt Nam - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
Pháp luật phong kiến Việt Nam - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149Pháp luật phong kiến Việt Nam - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
Pháp luật phong kiến Việt Nam - TẢI FREE ZALO: 093 457 3149
 
1.khong tuong den kh
1.khong tuong den kh1.khong tuong den kh
1.khong tuong den kh
 
Sự sáng tạo của hồ chí minh về sự ra đời của nhà nước sau cách mạng tháng 8 n...
Sự sáng tạo của hồ chí minh về sự ra đời của nhà nước sau cách mạng tháng 8 n...Sự sáng tạo của hồ chí minh về sự ra đời của nhà nước sau cách mạng tháng 8 n...
Sự sáng tạo của hồ chí minh về sự ra đời của nhà nước sau cách mạng tháng 8 n...
 
Tìm hiểu về tập trung dân chủ
Tìm hiểu về tập trung dân chủTìm hiểu về tập trung dân chủ
Tìm hiểu về tập trung dân chủ
 
Phap luat dai cuong
Phap luat dai cuongPhap luat dai cuong
Phap luat dai cuong
 
Phap luat dai_cuong
Phap luat dai_cuongPhap luat dai_cuong
Phap luat dai_cuong
 
7771
77717771
7771
 
Tiểu Luận Tư Tưởng Triết Học Của Phơrăngxít Bêcơn
Tiểu Luận Tư Tưởng Triết Học Của Phơrăngxít BêcơnTiểu Luận Tư Tưởng Triết Học Của Phơrăngxít Bêcơn
Tiểu Luận Tư Tưởng Triết Học Của Phơrăngxít Bêcơn
 
HỎI VÀ ĐÁP PHÁP LUẬT ĐẠI CƯƠNG HỎI VÀ ĐÁP PHÁP LUẬT ĐẠI CƯƠNG
HỎI VÀ ĐÁP PHÁP LUẬT ĐẠI CƯƠNG HỎI VÀ ĐÁP  PHÁP LUẬT ĐẠI CƯƠNGHỎI VÀ ĐÁP PHÁP LUẬT ĐẠI CƯƠNG HỎI VÀ ĐÁP  PHÁP LUẬT ĐẠI CƯƠNG
HỎI VÀ ĐÁP PHÁP LUẬT ĐẠI CƯƠNG HỎI VÀ ĐÁP PHÁP LUẬT ĐẠI CƯƠNG
 
Giáo Trình Lịch Sử Các Học Huyết Pháp Lý
Giáo Trình Lịch Sử Các Học Huyết Pháp Lý Giáo Trình Lịch Sử Các Học Huyết Pháp Lý
Giáo Trình Lịch Sử Các Học Huyết Pháp Lý
 
Cơ sở lý luận về thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở.docx
Cơ sở lý luận về thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở.docxCơ sở lý luận về thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở.docx
Cơ sở lý luận về thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở.docx
 
Quan điểm của Đảng ta về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xây dựng nhà...
Quan điểm của Đảng ta về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xây dựng nhà...Quan điểm của Đảng ta về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xây dựng nhà...
Quan điểm của Đảng ta về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xây dựng nhà...
 
Cơ sở lý luận, pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, thị trấn.docx
Cơ sở lý luận, pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, thị trấn.docxCơ sở lý luận, pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, thị trấn.docx
Cơ sở lý luận, pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, thị trấn.docx
 
Giáo trình Triết học Marx - Lenin
Giáo trình Triết học Marx - LeninGiáo trình Triết học Marx - Lenin
Giáo trình Triết học Marx - Lenin
 
Chng1ttnghchinh 121023115826-phpapp02
Chng1ttnghchinh 121023115826-phpapp02Chng1ttnghchinh 121023115826-phpapp02
Chng1ttnghchinh 121023115826-phpapp02
 
Chương i khái luận về triết học và triết học mác
Chương i khái luận về triết học và triết học mácChương i khái luận về triết học và triết học mác
Chương i khái luận về triết học và triết học mác
 
Baigiangtriethoc ngoại thương
Baigiangtriethoc ngoại thươngBaigiangtriethoc ngoại thương
Baigiangtriethoc ngoại thương
 
CHXHKH 1.docx
CHXHKH 1.docxCHXHKH 1.docx
CHXHKH 1.docx
 
NHÓM 6 - CHỦ ĐỀ 2.pptx
NHÓM 6 - CHỦ ĐỀ 2.pptxNHÓM 6 - CHỦ ĐỀ 2.pptx
NHÓM 6 - CHỦ ĐỀ 2.pptx
 
tiểu luận bài thu hoạch triết học phương tây, 9 điểm.doc
tiểu luận bài thu hoạch triết học phương tây, 9 điểm.doctiểu luận bài thu hoạch triết học phương tây, 9 điểm.doc
tiểu luận bài thu hoạch triết học phương tây, 9 điểm.doc
 

Xa hoi dan su nhung khai niem co ban

  • 1. XÃ HỘI DÂN SỰ NHỮNG KHÁI NIỆM CƠ BẢN ----------------------------------- I. XÃ HỘI DÂN SỰ- LỊCH SỬ VẤN ĐỀ VÀ KHÁI NIỆM I.1. Sơ lược lịch sử phát triển xã hội nói chung và xã hội dân sự: a. Sự phát triển của xã hội: Một hình thức vận động đặc biệt: - Mọi sự vật và hiện tượng luôn vận động không ngừng. Vận động là tuyệt đối. Đứng yên chỉ là tạm thời; đó là quy luật chung nhất không thể phủ định. Từ thế giới vi mô trong cấu trúc nhỏ nhất ở dạng hạt, dạng sóng, trường đến thế giới vĩ mô là các thiên hà trong vũ trụ bao la đều đang vận động. Xã hội loài người cũng vậy, xét cho cùng cũng là một phần của tự nhiên, đã được hình thành với một nguồn gốc xa xưa hàng triệu năm gắn với sự hình thành nguồn gốc loài người. Phải có con người mới có xã hội. Nói cách khác, xã hội ở đây là xã hội loài người. Như Mác nói: "Xã hội - cho dù nó có hình thức gì đi nữa - là cái gì? Là sản phẩm của sự tác động qua lại giữa những con người"[1]. - Xã hội là một sản phẩm đặc biệt của tự nhiên với hình thái vận động cao nhất (vận động xã hội)[2]. Xã hội loài người có quá trình phát triển hàng triệu năm nhưng khái quát lại cũng chỉ qua 4 nấc thang cơ bản xét theo sự phát triển của hình thái kinh tế xã hội: + Thời kỳ cộng sản nguyên thuỷ. + Thời kỳ chiếm hữu nô lệ. + Thời kỳ phong kiến. + Thời kỳ phát triển tư bản chủ nghĩa. Cho đến thời hiện đại, nếu tính từ cuối thế kỷ XIX trở lại đây, như Mác và Ăngghen dự báo thì loài người đã bước vào thời kỳ phát triển thứ 5 là thời kỳ của chủ nghĩa cộng sản mà giai đoạn đầu của nó là chủ nghĩa xã hội. Đến Lênin, vận dụng vào hoàn cảnh nước Nga mới, ông cho rằng cần có một thời kỳ quá độ đi lên CNXH. Gắn với các thời kỳ phát triển hàng ngàn vạn năm ấy là các phương thức sản xuất nhất định, mỗi phương thức sản xuất ấy là một trình độ phát triển có độ dài thời gian ngắn dần như là một quy luật: Nếu thời kỳ cộng sản nguyên thuỷ kéo dài hàng chục vạn năm thậm chí hàng triệu năm tính từ thời mông muội hoang sơ… thì đến thời chiếm hữu nô lệ cũng chỉ còn vài vạn năm, đến thời kỳ phong kiến cũng chỉ vài ngàn năm. Bước sang thời kỳ phát triển của TBCN cũng chỉ có vài trăm năm trở lại đây. Còn về CNXH hiện thực của nó chưa đầy 1 trăm năm (70 năm có lẻ) đã sụp đổ một mảng lớn ở Châu Âu và ở ngay cái nôi ra đời của CNXH. Chủ nghĩa xã hội đang ở thoái trào với sự tồn tại của vài quốc gia với những màu sắc khác nhau trong đổi mới, cải cách mở cửa, hội nhập…
  • 2. Nhưng dù có phát triển, tồn tại, hưng thịnh, sụp đổ làm lại, đổi mới… thì xã hội loài người vẫn là một hiện tượng, một sự vật đặc biệt nhất của quá trình tiến hoá. Đó là quá trình tiến hoá có biến hoá với đủ các dạng đồng hoá, dị hoá, biệt hoá… Theo nấc thang cao hơn và có tốc độ nhanh dần đều. Từ cá nhân đơn lẻ sống theo bầy đàn biết tập hợp thành những bộ tộc, thị tộc, bộ lạc và hình thành Nhà nước với các kiểu, hình thức cao hơn, hoàn thiện hơn: Từ Nhà nước công xã đơn sơ đến Nhà nước phong kiến tập quyền rồi nhà nước quân chủ chuyên chế sang Nhà nước dân chủ tư sản, dân chủ xã hội chủ nghĩa… Mỗi Nhà nước có một hình thức chính thể nhất định. Các hình thức chính thể khác nhau là cách thức, trình tự lập ra cơ quan quyền lực nhà nước tối cao của mỗi quốc gia khác nhau nhưng phổ biến hơn cả, khái quát lại có hai hình thức chủ yếu: Nhà nước quân chủ và Nhà nước cộng hoà. Từ các hình thức này các nhà nước được gọi bằng các tên hác nhau với loại hình: quân chủ chuyên chế, quân chủ lập hiến (quyền lực không tập trung vào nhà vua mà chia đều cho một nhóm người do dân bầu gọi là Quốc hội hay Nghị viện) hoặc là hình thức cộng hoà quý tộc và công hoà dân chủ [3] …. Nhìn xã hội phát triển theo góc độ lịch sử phát triển của loài người thì ở thời kỳ đồ đá cũ khoảng 200.000 năm, tổ tiên của con người đã biết sử dụng công cụ đơn giản để săn bắn, hai lượm và lúc đó ngôn ngữ cũng bắt đầu phát triển để thông tin trao đổi kinh nghiệm, chống chọi với thiên nhiên hàng vạn năm để bước sang thời kỳ đồ đá mới khoảng Thiên niên kỷ thứ 9TCN mới hình thành nghề nông, con người biết trồng trọt, tổ chức xã hội loài người có liên kết chặt chẽ hơn với sự phân công lao động hợp lý văn minh hơn, điển hình là người Sumer vào khoảng Thiên niên kỷ IV TCN chuyển từ công xã nguyên thuỷ sang xã hội có giai cấp.. Đồng và sắt đã thay thế đá để trở thành công cụ trong chiến tranh và trong nông nghiệp trồng trọt "Ở Châu Á các công cụ đồng đỏ và đồng thau những đồ trang trí và vũ khí bắt đầu trở nên dồi dào vào khoảng 3.000 năm TCN"[4]. Hình thành giai cấp phân biệt nô lệ và chủ nô, các chủ nô định ra các quy tắc cai trị, người nô lệ trở thành kẻ bị trị, quyền lợi được phép làm gì, phải tuân thủ các quy định của chủ nô… Đó là mầm mống đầu tiên của luật pháp và là cơ sở hình thành nhà nước ở thời kỳ sơ khai nhất gọi là các thị tộc và công xã. b. Sự hình thành nhà nước - một hình thức tổ chức cao của xã hội loài người: Vào cuối thời kỳ cộng sản nguyên thuỷ, các thị tộc bước vào quá trình tan rã do xã hội phân hoá giàu nghèo, một bộ phận tích trữ nhiều của cải đi bóc lột những kẻ nghèo khó biến xã hội thành 2 giai cấp đối lập là chủ nô và nô lệ. Các chủ nô đã tập hợp thành lực lượng thống trị với quyền lực nhất định, ở từng lãnh thổ nhất định với sự phân bổ dân cư nhất định, bộ máy điều hành xuất hiện và đó là mầm mống đầu tiên về sự hình thành nhà nước - một hình thức tổ chức cao hơn thị tộc, công xã. Ở phương Đông nhà nước đầu tiên đáng nói đến là nhà nước Ai Cập cổ đại xuất hiện vào thời kỳ cổ vương quốc TK XXVIII TCN tức là cách đây khoảng hơn 5000 năm. Còn ở Trung Quốc mặc dù con người xuất hiện từ rất lâu vào khoảng 600.000 năm trước đây. Người vượn Bắc kinh với bộ xương hoá thạch tại Chu Khẩu điếm ngoại thành
  • 3. Bắc Kinh nhưng nhà nước cũng xuất hiện vào khoảng 5000 năm nay ở Thiên niên kỷ III TCN, nhà nước Trung Quốc cổ đại đầu tiên người ta nói đến là nhà Hạ sau đó mới là nhà Thương, nhà Chu… Bộ máy nhà nước cổ đại phương Đông đứng đầu là các vua Pharaon (ở Ai Cập) hay là Thiên tử (ở Trung Quốc). Nhà nước Ấn Độ cổ đại xuất hiện muộn hơn vào khoảng cuối Thiên niên kỷ II TCN, tức là cách đây 4000 năm ở lưu vực sông Ấn phía Bắc Ấn Độ ngày nay. Người đứng đầu nhà nước được gọi là Vua, được luật hoá (Luật Maxu cổ đại của Ấn Độ) coi vua như thần thánh do trời tạo ra, có quyền lực tối cao để cai trị và che chở cho toàn dân. Ở Việt Nam, nhà nước đầu tiên xuất hiện ở phía Bắc thuộc lưu vực sông Hồng vào khoảng cuối Thiên niên kỷ III TCN tức là cách đây khoảng hơn 1000 năm gọi là Nhà nước Văn Lang. Có tài liệu nói 4000 năm từ thời vua Hùng dựng nước với 18 đời tự xưng là Vua gọi là Hùng Vương, nhiều đời sau nối truyền danh hiệu này [5]. Tuy nhiên, thời gian đó có thể chỉ là huyền sử nói lên một thời xa xưa "khó xác định được chính xác về niên đại". Theo Việt sử lược đời Trần thì Văn lang bắt đầu tồn tại từ thế kỷ VIII TCN, tương đương với thời Trang Vương nhà Chu của Trung Quốc [6]. Ở phương Tây, nhà nước sớm nhất điển hình nhất là nhà nước Hy Lạp cổ đại và La Mã cổ đại, các nhà nước này đều xuất hiện vào thời kỳ đầu Thiên niên kỷ II TCN tức là cách đây khoảng 4000 năm. Các hình thức nhà nước phương Tây phát triển phong phú, đa dạng hơn phương Đông với kiểu cộng hoà quý tộc như chính thể của nhà nước Xpac có Hội đồng trưởng lão gồm 28 vị và 2 vua. I.2-Xã hội dân sự - lịch sử vấn đề và khái niệm: Một cách nhìn tổng quát xã hội dân sự (XHDS) là khu vực hình thành tự phát từ những nhóm, cộng đồng người có chung lợi ích nhu cầu, sở thích, giới tính, chính kiến, nghề nghiệp… Do đó XHDS có lịch sử từ xa xưa khi con người biết tụ tập kết nối kiểu phường hội, nguồn gốc, khởi thuỷ của xã hội dân sự có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng từ thời nô lệ, từ khi có nhà nước là đã có sự hình thành nhóm đối tác hoặc đối trọng dù là tự phát manh mún, cũng có ý kiến cho rằng XHDS chỉ hình thành thời kỳ phong kiến 5000 - 7000 năm kiểu gia tộc, liên gia phường hội buôn bán hoặc giao lưu văn hoá hội hè [7]. Người ta nói nhiều đến XHDS trong thời gian gần đây là sản phẩm thời kỳ phát triển TBCN với các quan hệ dân sự như là một đối tác, đối trọng với nhà nước pháp quyền (NNPQ) xã hội dân sự được hiểu ban đầu là đồng nhất với xã hội công dân. Vì từ nguồn gốc tiếng Pháp là société civile, tiếng Nga là Grazdanskoe obchtsestvo, tiếng Anh là civil society do đó cũng có nhiều cách hiểu khác nhau. Trong quá trình dịch chuyển ngôn ngữ có người dùng là XHDS có người hiểu là xã hội công dân. Khái niệm xã hội công dân (XHCD) thường được hiểu là một chính thể, quốc gia được hình thành từ nhiều loại công dân. thường dân, chính dân, thứ dân, giáo dân, lương dân hoặc dị dân, kiều dân v.v… Khái niệm XHCD được hiểu một cách khác là để phân biệt với xã hội thần dân (civil people). Như vậy XHCD nghiêng về cấu trúc (structure) kết cấu trong hệ thống xã hội còn XHDS thì được hiểu thêm cả chức năng (function) và mối quan hệ trong hệ thống.
  • 4. “Xã hội dân sự ở đây được hiểu là một mảng của đời sống xã hội có tổ chức, mang tính tự nguyện, tự tái tạo, (hầu như) tự tài trợ, độc lập với nhà nước, và gắn bó với nhau bằng một trật tự pháp lý hay một số nguyên tắc chung. Xã hội dân sự là một xã hội mà ở đó người dân biết tự lo lấy cho mình rất nhiều chuyện, biết tự tổ chức lại để phát huy năng lực sáng tạo, hiện thực hoá các ý tưởng và để tương tác với nhà nước nhằm đạt tới một nền quản trị quốc gia minh bạch, hiệu quả và có trách nhiệm” [8]. Tuy nhiên, cả lịch sử vấn đề cũng như quan niệm về XHCD, XHDS còn có rất nhiều sự kiến giải khác nhau. Về lịch sử, có người cho rằng XHCD hay là XHDX được Aristote dùng từ thời cổ Hy Lạp xa xưa, nhưng đến thế kỷ I TCN thì được Ciceron nói đến theo tiếng Latinh: Civilic societias. Thuật ngữ “XHDS” lần đầu tiên xuất hiện ở Châu Âu vào khoảng năm 1400. Trong nghĩa ban đầu, XHDS cùng nghĩa với XHCD sự thành và phát triển của đánh dấu một bước tiến trog cách tổ chức xã hội, bao gồm các thiết chế công quyền, các công dân, các luật lệ và các quy tắc nhà nước của đời sống xã hội [9]. II. NHẬN THỨC VỀ XHDS VÀ CÁC YẾU TỐ, KẾT CẤU CỦA XHDS II.1-Những nhận thức hạn hẹp phiến diện về XHDS: Nhận thức về XHDS là vấn đề mang tính thời sự "nóng" nhưng cũng lại là vấn đề cơ bản. Hơn thế nữa, đây cũng là vấn đề rất “nhạy cảm”, có thời kỳ sách báo e ngại, có đề tài khoa học băn khoăn, phân vân không biết dùng khái niệm gì thay cho thực thể các tổ chức đang hình thành những nhân tố có thực của một xã hội dân sự … XHDS bị “khoanh lại”. Nói như vậy để thấy rằng nhận thức về XHDS ở Việt Nam nói riêng và ở các nước XHCN nói chung là một nội dung mới, mới về lý luận, khái niệm, phạm trù lẫn định dạng “chân dung” của XHDS trong thực tiễn. Một kiểu tư duy quá cũ, xa xưa cho rằng XHDS là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản (CNTB) thậm chí có quan niệm “sợ hãi” trước XHDS, coi XHDS là “sân sau” của diễn biến hoà bình chắc chắn sẽ dẫn đến cách mạng sắc màu lật đổ Nhà nước. Không ít lời lẽ ở diễn đàn chính trị và cả khoa học, lý luận tô vẽ XHDS như một kẻ thù mới với Nhà nước đối kháng, ấu trĩ hơn, có quan chức cho rằng các tổ chức phi Chính phủ (NGO) - một nhân tố hợp thành của XHDS - là XHDS, là vô chính phủ, là đối lập với chính phủ… vì các tổ chức này không phải của Nhà nước, có liên quan với NGO nước ngoài… Ngược lại, gần như là một “phản ứng” tự nhiên trước sự ấu trĩ như trên về nhận thức đối với XHDS, có một số ý kiến đã nhấn mạnh một chiều ý nghĩa tích cực của XHDS, từ đó dẫn đến nhận thức cho rằng XHDS là “cứu cánh” của các giải pháp đã thất bại từ phía nhà nước hoặc kinh tế thị trường, không hoàn toàn nhưng XHDS sẽ là một phần của “cấu trúc đầy đủ với Nhà nước hiện đại và kinh tế thị trường, nó như chiếc kiềng 3 chân của sự phát triển”. Trong bối cảnh XHDS chưa được coi trọng, quá nhấn mạnh vai trò Nhà nước thậm chí phủ định XHDS, “sợ XHDS” thì đó là nhận thức lệch lạc cần nhận thức lại về vai trò của XHDS. Đến nay chúng ta có điều kiện để nghiên cứu tìm hiểu để thấy rõ hơn nhiều nội dung của XHDS. Đặc biệt cần thấy rõ mối quan hệ biện chứng giữa Nhà nước pháp quyền (NNPQ) và XHDS, ở một trình độ phát triển nào đó của NNPQ thì có một
  • 5. XHDS tương ứng. Thực tế cho thấy Nhà nước xuất hiện từ cách đây khoảng 6000 năm nhưng xã hội dân sự mới được định danh khoảng vài trăm năm gần đây, những ý tưởng khởi thuỷ nguyên sơ của XHDS sớm nhất cũng chỉ có khoảng 2000 năm từ thời Ciceron còn thuật ngữ XHDS xuất hiện ở Châu Âu khoảng thế kỷ XV nhưng có rất nhiều sự hiểu biết đánh giá khác nhau về XHDS. Thực ra cho đến vài chục năm gần đây hoặc xa hơn một chút thì từ nửa cuối thế kỷ Xĩ đến nay khái niệm XHDS và vấn đề của XHDS mới được bàn đến nhiều và càng bàn luận thì người ta càng thấy có nhiều ý kiến khác nhau, có lẽ đây là một xu hướng. Trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam còn nhiều ngộ nhận hoặc đơn giản quy kết, đồng nhất XHDS dẫn đến hiện tượng chính trị hoá một cách siêu cường về XHDS, làm xơ cứng tư duy, chỉ thấy mặt trái khi XHDS bị lợi dụng. Thí dụ: XHDS được coi là đối tác độc lập, đối trọng với Nhà nước thì bị hiểu sai là đối kháng, đối lập chống lại Nhà nước… mà chống lại Nhà nước tức là phản động, cần “cảnh giác” tiêu diệt là phương hướng ứng xử cơ bản với XHDS, đó là suy diễn sai lầm, phiến diện, chủ quan. Do đó, từ các sự khác biệt trên đây chúng tôi cho rằng trước hết phải đi từ khái niệm, tìm lấy cái chung của sự vật và hiện tượng để làm căn cứ định danh cho rõ ràng hơn về XHDS, ít nhất là có được những đặc trưng chung nhất của XHDS. Trên cơ sở khung lý thuyết ấy, chúng ta có điều kiện đối chiếu với thực tiễn ở Việt Nam. Vấn đề nêu lên trong khuôn khổ này cũng chỉ là bước đầu góp phần tìm hiểu về một sự vật và hiện tượng mới nhưng lại luôn động và đa dạng. II.2- Khái niệm XHDS và các cách hiểu khác nhau: Không thể xác định cấu trúc của XHDS gồm các bộ phận nhân tố nào nếu không làm rõ nội hàm của khái niệm XHDS, mặc dù là tương đối với các cách tiếp cận khác nhau. - Từ góc độ đối xứng tương tác, người ta cho rằng XHDS là tổ chức ngoài nhà nước, bên cạnh nhà nước, không thuộc nhà nước. - Từ góc độ xác định chủ thể của sự vật, hiện tượng thì XHDS là thuộc về cộng đồng, nhân dân, quần chúng. - Theo tổ chức NGO quốc tế "Liên minh thế giới vì sự tham gia của công dân" (CIVICUS) thì XHDS là Diễn đàn giữa gia đình, Nhà nước và thị trường, nơi mà mọi người bắt tay nhau để thúc đẩy quyền lợi chung [10]. - Đồng nhất khái niệm XHDS với xã hội công dân (XHCD) có tác giả căn cứ vào tiếng Anh: Civil Society cho rằng: XHCD bao gồm tất cả các hoạt động có tính cách tổ chức, vượt trên phạm vi cá nhân hoặc gia đình nhưng không năm trong hệ thống chính quyền[11]. - Từ góc độ giáo trình một bài giảng về XHDS có tác giả cho rằng XHDS là lĩnh vực của công chúng hay lĩnh vực thứ ba bao gồm các tổ chức, nhóm hội, mạng lưới được nhân dân thiết lập lên, các tổ chức này mang tính tự nguyện của người dân tồn tại độc lập với Nhà nước (có tính phi chính phủ), đồng thời có tính phi lợi nhuận tự chủ tài chính, lấy từ nhiều nguồn khác nhau chủ yếu từ ngoài ngân sách của Nhà nước [12]. Từ góc độ triết học và chính trị học, có tác giả cho rằng "trong nghĩa ban đầu của nó, XHDS đồng nhất với xã hội công dân nhưng ít lâu sau, và cho đến nay thì đó là 2
  • 6. khái niệm, hai thực tiễn khác hẳn nhau (tuy ở ta vẫn có sự nhầm lẫn giữa XHDS và XHCD…) dân dần ý nghĩa và nội dung khái niệm XHDS biến chuyển và biến chuyển quan trọng nhất là XHDS tách khỏi XHCD. Người có công tách biệt XHDS với nhà nước là Hegel, thời gian đầu thế kỷ XIX, trong tác phẩm "Triết học pháp quyền"… Sau đó là Mác vạch rõ chính nhà nước phải phục vụ XHDS. Nửa cuối thế kỷ XIX trở đi cho mãi đến ngày nay. Khái niệm XHDS có nghĩa là những thu xếp, những thoả thuận, những quan hệ, những hoạt động ngoài Nhà nước, theo một khung pháp luật tạo thuận lợi nhiều hơn kiểm soát [13]. Mặc dù còn có sự khác nhau nhiều về khái niệm của XHDS nhưng khái quát lại, XHDS có các đặc trưng cơ bản sau: - Là tổ chức ở ngoài Nhà nước, là đối tác với Nhà nước. - Hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện (có tổ chức). - Tự chủ, độc lập về tài chính (tự trang trải). - Quy mô, hình thức tồn tại, các thiết chế tổ chức cũng rất đa dạng. - Mục tiêu chung là vì sự phát triển của cộng đồng, phần lớn là tổ chức không vì lợi nhuận (non profit). II.3- Các bộ phận, nhân tố hợp thành XHDS: Cả về mặt lý luận cũng như trong thực tiễn, đây cũng là vấn đề có nhiều ý kiến rất khác nhau, bởi vì XHDS là hiện tượng mới với chúng ra đồng thời cũng là do điều kiện lịch sử, nhận thức luôn luôn là một quá trình. Mọi sự vật và hiện tượng phải được nhận thức nó trong quá trình vận động phát triển. Hiện tượng Nhà nước có lịch sử phát triển 6000 năm nhưng Nhà nước pháp quyền cũng chỉ xuất hiện vài trăm năm gần đây trên cơ sở hình thái KT - XH - của CNTB phát triển. Tương tự như vậy, kinh tế thị trường cũng là giai đoạn sau của một gia đoạn lịch sử rất dài của nền sản xuất tự cung tự cấp thời phong kiến và so với kinh tế hái lượm thời cộng sản nguyên thuỷ thì khoảng cách đó lại là quá xa tới hàng chục ngàn năm. Xã hội dân sự cũng vậy, từ những cá nhân tập hợp thành những cộng đồng, nhóm người sống thành từng bộ tộc, bộ lạc riêng lẻ, chưa có Nhà nước thì cũng chưa có XHDS. Cho tới 2 thế kỷ gần đây thì mới xuất hiện nhiều tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, người ta mới bắt đầu phân biệt xã hội thần dân với xã hội công dân, xã hội dân sự với xã hội quân sự, xã hội dân chủ với xã hội quân chủ, xã hội thần quyền với xã hội dân quyền v.v… Một cách khái quất không thể phủ nhận được với XHDS đó là một bước tiến của loài người trong tổ chức của cộng đồng bên cạnh sự tiến bộ của các thiết chế Nhà nước ngày càng hợp lý (Nhà nước từ cai trị sang phục vụ, Nhà nước của dân, do dân, vì dân…) thì xã hội cũng hình thành một loại các thiết chế xã hội đa dạng phong phú hợp với xu thế phát triển mà các lý luận về CNXH của Chủ nghĩa Mác đã nói: Nhà nước sẽ nhỏ đi và xã hội sẽ lớn lên. Vai trò của tự quản trong cộng đồng mạnh lên là một chặng đường thăng tiến đáng kể của nhân loại. Vai trò tự quản ấy chính là nằm ở các tổ chức xã hội với các thiết chế riêng bên cạnh thiết chế Nhà nước đó là các nhân tố bộ phận hợp thành XHDS. Có thể kể các bộ phận, nhân tố của XHDS gồm có: a/ Các tổ chức xã hội có tính đại diện giới, ở Việt Nam còn gọi là các tổ chức quần chúng hay là các tổ chức chính trị xã hội (Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội
  • 7. Cựu chiến binh, Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Hội người cao tuổi…). b/ Các tổ chức xã hội có tính đại diện nghề nghiệp, ngành, lĩnh vực (các Hội và Liên hiệp Hội thuộc các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, văn hoạ nghệ thuật, các Hội nghề nghiệp…). Ở Việt Nam thường gọi là các tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp hay là các tổ chức xã hội nghề nghiệp. c/ Các tổ chức phi chính phủ NGO (Non - Govermantal - Organization) đây là thuật ngữ do (WB) Ngân hàng thế giới đưa ra, được Liên hợp quốc và nhiều nước sử dụng [14]. Các tổ chức NGO rất phong phú, có quy mô ở toàn cầu có nhiều cách gọi khác nhau của NGO. Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì NGO có người cho rằng là dùng sai vì nó hàm ý bất cứ cái gì “không phải là phi chính phủ” đều là NGO, thực ra nhiều NGO hoạt động lấy nguồn tài chính tự sự tình nguyện của tự nhân nên nhiều NGO ngày nay thích dùng từ Tổ chức tình nguyện tư nhân: Private Vontary Organization (PVO). Ở Mỹ gọi là tổ chức phi lợi nhuận NPO hay là tổ chức được miễn thuế Eos, ở Pháp gọi là các tổ chức kinh tế xã hội (ESO)… Tuy nhiên cũng có một số loại tổ chức phi chính phủ không phải là hiệp hội nằm trong XHDS: Tổ chức hoạt động vì lợi nhuận, được Nhà nước lập ra, các Đảng chính trị, công đoàn [15]. d/ Các phương tiện truyền thông đại chúng ngoài Nhà nước, các nhà xuất bản, các đài, báo… kể cả của tư nhân và các nhóm không chính thức. Người ta thường gọi là quyền lực thứ tư bên cạnh 3 quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. đ/ Các tổ chức từ thiện của tôn giáo và tổ chức tín ngưỡng. Có nhiều tổ chức dùng ngân sách của Tôn giáo và các tài trợ tư nhân thành lập các quỹ từ thiện, nhân đạo. Bàn về “Vốn xã hội và phát triển” có ý kiến cho rằng “Cần xác định các đoàn thể quần chúng là một định chế nằm trong XHDS, bên cạnh những định chế khác như trường, giáo hội, truyền thông báo chí” [16]. e/ Các pháp nhân cá nhân và mối quan hệ liên cá nhân thành các nhóm nhỏ xã hội không chính thức. Theo nhà nghiên cứu Việt Phương, ông cho rằng "phần cá nhân từng người là 1 phạm trù và một thực tế riêng rất quan trọng không nằm trong XHDS chỉ có thành quả và những hr của các nhân đó mới thuộc về XHDS". g/ Các tổ chức NGO quốc tế. Hiện nay có khoảng 200 NGO có tính toàn cầu lớn nhất hoạt động ở rất nhiều nước, với ảnh hưởng quan trọng. Ở quy mô lioên quốc gia và toàn cầu rộng hơn có khoảng 60.000 tổ chức NGO. Tại Việt Nam hiện nay có khoảng hơn 530 các NGO quốc tế hoạt động (với 150 NGO có văn phòng - Theo danh bạ NGO quốc tế 2003-2005. Payne 2004)[17]. Các NGO quốc tế này có thuộc các nhân tố XHDS ở Việt Nam không? Vấn đề quản lý Nhà nước, vấn đề người Việt Nam trực tiếp tham gia hoạt động… cần được làm rõ hơn và cần có luật khung (luật về Hội) sớm được ban hành để tạo hàng lang cho XHDS hoạt động.
  • 8. Có thể còn có một số bộ phận, nhân tố khác cũng như sự sắp xếp các nhóm tổ chức một cách khác nhau về cấu trúc của XHDS, đây chưa phải là một thống kê đầy đủ cuối cùng và càng không phải là một thống kê hợp lý, chỉ là một loại ý kiến đưa ra để cùng bàn luận. Theo Dự án "Đánh giá ban đầu về XHDS tại Việt Nam của VIDS (triển khai 2005) có 7 nhóm chính đề xác định khái quát về XHDS ở Việt Nam. - Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức quần chúng trực thuộc - Các tổ chức liên hiệp thuộc MTTQ - Các hội nghề nghiệp - Các NGO Việt Nam - Các nhóm không chính thức - Các tổ chức tín ngưỡng - Các tổ chức NGO quốc tế Trong phác đồ XHDS. Dự án này đưa ra 15 tổ chức, nhóm lực lượng khác nhau, nhà nghiên cứu Việt Phương đưa ra 4 nhân tố chính hợp thành. Đây là những ý kiến rất cần được thảo luận. Điều quan trọng là căn cứ vào đặc trưng, tiêu chí, vai trò cơ bản nhất của XHDS thì sẽ có được sự sắp xếp tương đối hợp lý nhưng trong thực tiễn điều này lại là một khó khăn, vướng mắc nhiều nhất. Trước hết cần làm rõ hơn những mặt tích cực, những hạn chế của XHDS trong quá trình phát triển. Nói một cách khác cần khẳng định vai trò của XHDS những tác động thuận chiều cũng như tồn tại, khiếm khuyết của XHDS trong lịch sử và xu hướng phát triển hiện nay. Về mặt lý luận, chúng ta có cơ sở khẳng định vai trò thiết yếu của XHDS mà thời ban đầu của nó theo C.Mác đã từng nói trong tác phẩm: "Góp phê phán triết học pháp quyền của Hêghen": "Nhà nước chính trị không thể tồn tại nếu không có cơ sở tự nhiên là gia đình và cơ sở nhân tạo là XHCD. Chúng là conditio sine qua non (điều kiện cần thiết) của Nhà nước [18]. Gần đây, trong những năm 90 thế kỷ XX tổ chức Phát triển Quốc tế Thuỵ Điển (SIDA) đã công bố tài liệu nghiên cứu vai trò mới của Nhà nước hiện đại của các quốc gia đang phát triển. SIDA khẳng định: "Thập kỷ vừa qua là một thập kỷ của những điều chỉnh cơ cấu và những biến đổi chính trị sâu sắc… ít ai phản đối ý kiến cho rằng, ở đại đa số các nước đang phát triển trong những thập kỷ đầu sau khi giành độc lập. Nhà nước được giao một vai trò rộng lớn quá mức bình thường, không có lợi cho thị trường khu vực tư nhân và XHDS[19]. II.4- Mối quan hệ giữa XHDS-NNPQ và Kinh tế thị trường: Như cách diễn đạt của Triết học: Mọi sự vật và hiện tượng đều vận động, phần mở đầu cũng đã đề cập - Xã hội dân sự, NNPQ và kinh tế thị trường dang vận động theo những cách thức đặc trưng của mình, tương tự như các vật thể trong vũ trụ, chúng có quỹ đạo riêng và tốc độ khác nhau ở những toạ độ khác nhau - Nói cách khác, XHDS, NNPQ và kinh tế thị trường (KTTT) là những tiểu hệ thốngcó tính độc lập tương đối của nó để vận động, tồn tại và phát triển. Nhà nước pháp quyền ngày càng được hoàn thiện hơn với các thiết chế của cơ quan quyền lực, kinh tế thị trường sẽ ngày càng hoàn hảo hơn với sự giao thoa của các nền
  • 9. kinh tế trong bối cảnh hội nhập, còn XHDS sẽ ngày càng được khẳng định rõ ràng hơn về vai trò, vị trí của nó trong hệ thống. Tuy không chặt chẽ như luật pháp của NNPQ hoặc không nghiêm ngặt như quy luật của thương trường trong KINH TÕ nhưng sức mạnh của XHDS cũng không kém phần "nặng ký" với hoạt động theo sự ràng buộc của cộng đồng. XHDS có các quy tắc, tín ước điều lệ, không loại trừ cả quyền lực thứ tư nữa (dư luận, báo chí, truyền thông). Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa là XHDS, NNPQ và KTTT tuyệt đối khác nhau, triệt tiêu lẫn nhau như quan niệm phiến diện cực đoan. Tính độc lập tương đối của các tiểu hệ thống là điều hiển nhiên vì mọi hoạt động của các tiểu hệ thống này đều do con người và vì con người. Nhân tố con người là mẫu số chung của NNPQ, XHDS và KTTT. Do đó mối quan hệ ở đây phải là mối quan hệ biện chứng là 3 mặt của một vấn đề, là nương tựa vào nhau nhưng cũng chế ngự nhau để hài hoà hơn trong phát triển. Mối quan hệ đó là mối quan hệ hữu cơ giữa 3 yếu tố, "Ba khu vực thể chế: Nhà nước, thị trường và XHDS" [20]. Tính biện chứng của chúng thể hiện ở chỗ Nhà nước pháp quyền nào thì có nền KTTT phát triển tương ứng và NNPQ nào thì cũng có XHDS phát triển tương ứng. Ngược lại, sự phát triển nhất định của XHDS sẽ là yếu tố tạo điều kiện cho NNPQ và KTTT phát triển. Mỗi một tiểu hệ thống KTTT, XHDS và NNPQ đều có những hạn chế nhất định nhưng nếu có sự "gắn kết" hợp lý thì sẽ dễ dàng hơn trong việc khắc phục những hạn chế ấy. Sự "gắn kết" cần thiết và có thể được tốt chính là nhân tố con người, thông qua con người, mọi mục tiêu của NNPQ, KTTT và XHDS đều vì con người thì mới có được sự phát triển bền vững. Tuy nhiên trong thực tế điều này còn là một bước dài dài về thời gian và còn là bước khấp khểnh ở nhiều không gian khác nhau. Nó phụ thuộc rất nhiều vào sự việc tự nhận thức được vai trò mới của NNPQ. Nhà nước nào thực mạnh sẽ là Nhà nước giảm dần vai trò "can thiệp" và để xã hội, cộng đồng (XHDS) có được vị thế cao hơn, chủ động hơn trong tự quản. Đúng như mong muốn của các nhà lý luận kinh điển Mác - xít. III.VẤN ĐỀ XÃ HỘI HOÁ VÀ VAI TRÒ CỦA XHDS VỚI PHẢN BIỆN XÃ HỘI III.1- Khái niệm xã hội hoá (XHH): Là khái niệm không mới, từ những vấn đề có tính nghịch lý như sở hữu mang tính "tư nhân hoá" đối lập với lực lượng sản xuất ngày càng được "xã hội hoá" cách đây hơn 150 năm C.Mác đã đề cập đến trong tác phẩm "Capital" xã hội hoá trong sản xuất là hiện tượng phát triển các hình thức hợp tác, tập trung hơn, xoá bỏ tình trạng phân tán làm cho quan hệ sản xuất không còn mang tính nhỏ lẻ đơn độc mà có tính xã hội cộng đồng cao hơn… Do đó cũng có thể hiểu xã hội hoá là tăng cường tính chất xã hội và hiệu quả của các hoạt động trong một nhà nước bằng cách phát huy vai trò của các tổ chức xã hội trong cộng đồng với tinh thần tự nguyện cả về ý chí, tinh thần, trí tuệ, các nguồn lực vật chất… Động viên được mọi thành phần kinh tế, mọi cá nhân, tổ chức trong và ngoài ngước tham gia vào quá trình xây dựng, phát triển đất nước. Xã hội hoá không phải là tư nhân hoá, càng không phải là quá trình nhà nước "buông xuôi", "hết trách nhiệm", "khoán trắng" hoặc cực đoan coi xã hội hoá là đồng nghĩa với "quốc hữu hoá":
  • 10. "Xét về lịch sử, đây là một bước phát triển tất yếu khách quan, song thực tiễn cho thấy đã có sai lầm lớn là không ít người cộng sản đã rơi vào chủ nghĩa chủ quan, duy ý chí, xã hội hoá bằng quốc hữu hoá, hợp tác hoá một dạng hình thức tràn lan, không tính đến trình độ phát triển và tính chất của sức sản xuất, đưa đến sự đổ vỡ của nhiều nước xã hội chủ nghĩa trước đây (Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu). Vấn đề xã hội hoá được thể hiện trong chính sách của các nước thiên về quốc hữu hoá hay tư nhân hoá tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố. Một xu hướng nổi bật trên thế giới vào thập kỷ 50-60, kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai là phong trào quốc hữu hoá. Có hai nguyên nhân khách quan chính của tình hình này: một là sự tàn phá của chiến tranh, bắt buộc các nước phải tập trung mọi nguồn lực vào tay nhà nước để phục hồi và phát triển trên những lĩnh vực mà tư nhân không đủ sức làm, hoặc họ không muốn làm hoặc nhà nước cần phải nắm ví dụ như lĩnh vực năng lượng hạt nhân nguyên tử, chế tạo vũ khí nặng. Hai là, các nhà tư bản Châu Âu dựa vào nguồn vốn to lớn của "Kế hoạch Marshall" để khội phục kinh tế và xây dựng lại hay mới các xí nghiệp nhà nước. Về mặt chủ quan, ở một số nước, phái "tả" có vị trí trong chính quyền sau đại chiến thế giới lần thứ hai, (ví dụ như ở Pháp), có xu hướng tiến bộ cho nên quốc hữu hoá chiếm ưu thế. Dần dần, phái hữu chiếm ưu thế, cho nên xu hướng tư nhân hoá lại trở nên có vị trí cao hơn. Như ở Pháp khi Nghị viện, Tổng thống, Chính phủ thiên tả hay trung tả (Chính quyền Mitterand) thì thiên về quốc hữ hoá; trong khi Chính phủ thiên hữu (Chi-rac) thì thiên về tư nhân hoá". (Nguồn: Học viện hành chính quốc gia. "Kỹ năng và cách tiếp cận… cung ứng dụch vụ công" NXB Thống kê.HN2002 tr32.) Theo G.Endrweit và G.Trommsdorff thì "xã hội hoá" (Socialisation) là quá trình thích ứng và cọ sát với các giá trị chuẩn mực và hình mẫu hành vi xã hội mà trong quá trình đó một thành viên xã hội tiếp nhận và duy trì khả năng hoạt động xã hội"[21] Ở Việt Nam, khái niệm "xã hội hoá" được hiểu theo nhiều ý nghĩa khác nhau. Có ý kiến cho rằng đó là chủ trương "Nhà nước và nhân dân cùng làm", có ý kiến là giao thẳng cho các đoàn thể xã hội làm, xã hội tự quản những lĩnh vực dịch vụ công.. Nhưng cũng còn quan niệm phiến diện coi xã hội hoá là chỉ việc thu gom sự đóng góp của xã hội, của nhân dân. Gần đây hai lĩnh vực xã hội quan tâm và "nóng bỏng", "bức xúc" nhất là y tế và giáo dục. Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương cụ thể về vấn đề này trong các văn bản: Nghị quyết 90/CP (ngày 21/8/1997), Nghị định 73/1999/NĐ-CP (ngày 19/8/1999), Nghị quyết 05/2005 NQCP (ngày 18/4/2005). Tuy nhiên, cho đến nay các bước tiến hành còn rất lúng túng. Từ quan niệm đến những hiệu quả thực sự của việc xã hội hoá các hoạt động y tế giáo dục, văn hoá, thể thao còn nhiều điều phải được khảo cứu đánh giá lại. Thực tế cho thấy chủ trương xã hội hoá của Đảng và Nhà nước là đúng đắn, không những trong lĩnh vực y tế, giáo dục cần được xã hội hoá mà trong nhiều lĩnh vực khác như thể dục thể thao, văn hoá, khoa học, kỹ thuật… Nhiều trường hợp đã làm "giảm tải" cho nhà nước và hơn thế nữa quá trình xã hội hoá đó đã đạt hiệu quả rất rõ rệt (một số loại hình, hoạt động, trong văn hoá, TDTT, môi trường…). Một số ý kiến gần đây còn mạnh dạn đề xuất đến việc xã hội hóa việc làm luật; kể
  • 11. cả việc xã hội hoá dịch vụ công chứng và nhiều nội dung, nhiệm vụ khác nữa. Trong lĩnh vực hành chính công với dịch vụ công chứng là rất cần thiết, dân có nhu cầu rất lớn nhưng hiện nay nhà nước các cấp đang rất lúng túng như trường hợp dịch vụ hành chính công ở Hà Nội mở ra đã thất bại ngay từ những năm đầu tiên. Trong tình hình như vậy, có ý kiến đề xuất việc xã họi hoá công chứng nên cho thành lập cơ quan tự quản công chứng, Hiệp hội công chứng. Tổ chức tự quản này có thể được thành lập ở 2 cấp: cấp Trung ương và địa phương… mà không nằm trong sở tư pháp. Sở tư pháp chỉ nên giữ lại một số chức năng quản lý cơ bản với cách làm này sẽ có hiệu quả hơn bởi: "ở các nước theo hệ thống công chứng Latin trên thế giới, những tổ chức tự quản công chứng được thành lập từ rất lâu và hoạt động hiệu quả. Thành lập hệ thống cơ quan tự quản công chứng là tiền đề để Công chứng Việt Nam gia nhập Hiệp hội công chứng khối pháp ngữ và xa hơn là Hiệp hội công chứng Latin"[22] Tóm lại, khái niệm xã hội hoá là một quá trình tương thích giữa nhà nước, thị trường và các tổ chức xã hội (cộng đồng). Nó là thước đo sự tiến bộ xã hội, ở góc độ kinh tế là hiệu quả hơn, ở góc độ chính trị là dân chủ hơn, bình đẳng hơn, văn minh hơn, "công bằng, dân chủ văn minh, dân giàu, nước mạnh" chính là tiêu chí hàng đầu của Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam. Do đó cũng có thể hiểu rằng: XHH là quá trình chuyển giao một số nội dung, nhiệm vụ từ nhà nước sang XHDS. Từ diễn đàn Đại hội Đảng lần thứ IX vấn đề chuyển giao này cũng đã được khẳng định. Trên đây cũng chỉ là phân tích các nhận thức khác nhau của khái niệm xã hội hoá. Nhận thức là một quá trình, trước đây 20 năm không ai nói rằng chủ nghĩa xã hội có thất nghiệp, lạm phát, khủng hoảng… Nhưng ngày nay, sau đổi mới hơn 2 thập niên chúng ta đã có bước tiến một cách cơ bản, bản lề bắt đầu từ nhận thức, đổi mới tư duy. Gần đây mới khẳng định CNXH và kinh tế thị trường không đối lập nhau, kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, doanh nhân cần được tôn vinh, các tổ chức xã hội NPO, NGO là khu vực rất cần thiết và có vai trò nhất định thay tiến trình phát triển… Các khái niệm phạm trù không chỉ là "công cụ" làm việc của các nhà khoa học mà nó còn là cái "khung" của lý luận để từ đó góp phần đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức. Nếu chưa "thông" về "khái niệm", "phạm trù"… chưa có sự thống nhất về nhận thức (một cách tương đối) thì chính nó là những rào cản đầu tiên của sự phát triển. Do đó, có thể nói đổi mới nhận thức, tư duy có ý nghĩa quyết định trong công cuộc đổi mới. Chúng ta không quên được câu nói nổi tiếng của nhà triết học vĩ đại Đề - các: "Tôi tư duy tôi tồn tại". III.2- Vai trò của XHDS trong vấn đề chuyển giao, xã hội hoá dịch vụ công - một số mô hình và bài học từ thực tiễn: a. Quan niệm nhận thức về sự chuyển giao dịch vụ công (DVC) cho các tổ chức xã hội: Đây là một nội dung nói lên mối quan hệ giữa 3 chủ thể, 3 vai trò giữa Nhà nước - Cộng đồng (các tổ chức xã hội) và thị trường. Nói một cách vắn tắt: Nhà nước có trách nhiệm với mọi hoạt động phục vụ đời sống xã hội ở các lĩnh vực kinh tế chính trị văn hoá xã hội, an ninh… Nhưng không phải là ôm đồm bao toàn bộ các hoạt động đó.
  • 12. Cộng đồng (các tổ chức xã hội - NGO - NPO…) là XHDS đại diện cho lợi ích của mọi giai tầng xã hội có quyền được hưởng, được phục vụ đầy đủ các DVC nhưng không phải với vai trò thụ động mà phải là hợp tác chia sẻ cùng Nhà nước thị trường tổ chức cung ứng các DVC đó ngày càng tốt hơn. Thị trường có cơ chế, quy luật riêng trong quá trình phát triển vừa cạnh tranh vừa phải đồng thuận theo yêu cầu nhu cầu của Nhà nước và cộng đồng. Đôi khi thị trường và sự can thiệp của Nhà nước gặp thất bại thì vai trò của cộng đồng nổi lên để điều hoà lại có hiệu quả. Không phải ngẫu nhiên mà người ta khẳng định: "Xã hội dân sự cùng với Nhà nước chế ngự thị trường, thiếu xã hội dân sự thì dân chủ trở thành một cái vỏ trống rỗng"(1) Cũng không phải ngẫu nhiên mà chúng ta đề cao chế độ dân chủ cơ sở. Thực chất là tăng cường vai trò kiểm tra giám sát của quần chúng. Thông qua cơ quan truyền thông, ý kiến của các tổ chức thuộc XHDS nói riêng, của dân nói chung phản hồi lại với cơ quan nhà nước về những chủ trương, chính sách không hợp lý. Thí dụ trường hợp ùn tắc giao thông đô thị là vấn đề bức xúc hiện nay, Nhà nước cấp tỉnh thành đã ban bố lệnh hạn chế xe gắn máy quy định mỗi người chỉ được mua 1 chiếc (ở Hà Nội). Rất tiếc, việc làm này không có tính khả thi và sinh ra nhiều tiêu cực, thậm chí có lúc còn định cấm xe các tỉnh khác lưu hành trong nội đô hoặc biển số lẻ đi ngày lẻ v.v… Quy định này của Nhà nước là hành động vi biến, trái với quyền tự do của dân đã quy định trong Hiến pháp nên đã phải dừng lại. Trường hợp Nhà nước gặp khó khăn thì phải nhờ vào cơ chế thị trường và cộng đồng hỗ trợ thí dụ trong việc cung cấp các dịch vụ công Nhà nước bị quá tải. Bệnh viện không phục vụ nổi số lượng người bệnh, chất lượng phục vụ có vấn đề từ cơ sở đến các tuyến ở Trung ương, dân nghèo không đủ điều kiện chi trả cho một ca phẫu thuật lớn… Trong giáo dục cũng có tình trạng tương tự, nhiều lĩnh vực khác như môi trường đô thị, tranh chấp trong kinh tế quốc tế… Nhà nước phải dựa vào cộng đồng, mở rộng các "cửa" để chuyển giao một số dịch vụ công cho khu vực xã hội dân sự. Điển hình là trong y tế hàng loạt các Bệnh viện, phòng khám tư ra đời, các Hội, Hiệp hội nghành nghề y dược tham gia giúp Nhà nước có hiệu quả rõ rệt. b. Các hình thức chuyển giao cơ bản: Xu hướng chung của nhà nước hiện đại trên thế giới trong quản lý nhà nước các vấn đề kinh tế - xã hội bao gồm 2 hình thức: Một là, phi tập trung hoá chức năng - có thể gọi là phân cấp hình thức này là việc nhà nước chuyển giao một số chức năng của mình, rõ ràng nhất là các dịch vụ công cho những tổ chức có chuyên môn, có tư cách pháp nhân, độc lập tổ chức cung ứng các DVC cho xã hội. Hai là, phi tập trung hoá lãnh thổ, có thể gọi là phân quyền tức là giao quyền cho các cộng đồng lãnh thổ quản lý. Phân cấp và phân quyền thường đan xen với nhau, sự tách bạch có nghĩa tương đối. Tuy nhiên quá trình phi tập trung hoá là một bước phụ thuộc vào trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, mục tiêu cuối cùng của quá trình này là "nhà nước nhỏ, xã hội lớn", là quá trình nhà nước "cầm lái", xã hội, cộng đồng "cầm chèo".
  • 13. Có thể kể đến một số hình thức phi tập trung hoá chủ yếu trên thế giới: Trên thế giới hiện nay đang tồn tại 5 hình thức phi tập trung hoá chủ yếu và đây cũng chính là những điểm được các quốc gia, kể cả phát triển và đang phát triển, vận dụng với rất nhiều biện pháp cụ thể ở mỗi nước. Đó là: - Tản quyền (deconcentration): nhà nước vẫn nắm quyền lực chủ yếu, song không tập trung ở trung ương, mà tản giao xuống địa phương bằng cách bổ nhiệm quan chức của mình đặt tại địa phương, kèm theo đó là một hệ thống công sở để thực hiện nhiệm vụ của nhà nước trung ương. - Uỷ quyền (delegation): một cơ quan hay một quan chức cao cấp uỷ quyền cho một đơn vị hay một cán bộ sử dụng một số quyền của mình, thay mặt mình làm một số việc nhất định; - Giao quyền, phân quyền (devolution): giao quyền hay tài sản cho đơn vị địa phương hay cơ sở hay cho một người trong hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước để cho các đơn vị ấy cho tư cách hoạt động gần như là tự chủ ngoài các cơ cấu kiểm soát hành chính trực tiếp của chính phủ; - Phi quy chế hoá (deregulation): giảm bớt đi những luật lệ, quy chế, thủ tục hành chính rườm rà, gây phiền toái cho nhân dân, đồng thời sửa đổi và xây dựng mới những quy định gọn nhẹ, phù hợp với điều kiện thực tiễn để nhân dân dễ dàng vận dụng; - Tư nhân hoá (privatisation): ngoài quan niệm phổ biến là chuyển giao sự sở hữu từ tay nhà nước sang tư nhân, hiện nay khái nhiệm này còn bao hàm việc nhà nước vẫn nắm trong tay quyền sở hữu, song giao một số công việc cho khu vực tư nhân làm để bảo đảm hiệu quả cao hơn và nhà nước rảnh tay để tập trung nhiều hơn vào các vấn đề mang tính chất vĩ mô. Trong tư nhân hoá, có rất nhiều hình thức, kể từ việc bán đứt một tài sản nào đó cho tư nhân, tới việc cổ phần hoá, làm hợp đồng ra ngoài v.v… (tất cả có 15 hình thức tư nhân hoá). (Nguồn: Học viện hành chính quốc gia "Kỹ năng và cung ứng dịch vụ công" NXB Thống kê. Hà Nội. 2002. tr.26.) c. Thực tiễn việc chuyển giao các DVC cho các tổ chức xã hội: Trong thực tiễn các hình thức chuyển giao phổ biến là: - Nhà nước khoán cho các tổ chức, cá nhân thực hiện việc cung ứng DVC theo phương thức thỏa thuận. - Nhà nước cho đấu thầu thuê việc cung ứng một số DVC mà các tổ chức xã hội, cá nhân có thể đảm nhận. - Nhà nước chuyển nhượng việc cung ứng DVC cho các tổ chức xã hội hoặc cá nhân. - Nhà nước có thể mua hoặc bán một số DVC do các tổ chức xã hội, cá nhân cung ứng có hiệu quả và giá rẻ hơn, kinh tế hơn. Các hình thức chuyển giao trên đây được thực hiện chủ yếu bằng thương lượng, đàm phán thoả thuận; sau đó là làm hợp đồng hoặc nhà nước giao quyết định bằng văn bản pháp lý hoặc chỉ là bản đăng ký tự nguyện… Đối tượng thực hiện DVC do nhà nước chuyển giao có thể là cá nhân, tổ chức người nước ngoài, có thể là NGO, NPO hoặc là tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, nhà sản xuất, tập
  • 14. đoàn… Ở Việt Nam, việc chuyển giao các DVC được diễn ra trên hầu hết các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hoá, thể thao… Trong y tế xuất hiện các cơ sở y tế tư nhân, dân lập liên doanh liên kết… rất phong phú về hình thức và đa dạng về cách quản lý, ngoài những cơ sở phòng mạch do các tư nhân hành nghề còn có mô hình "bán công" cũng có nhiều ý kiến bàn cãi về việc đúng hay sai nhưng thực tế cho thấy có một số nơi làm khá tốt cần được tham khảo. Bệnh viện Việt Pháp là mô hình liên kết liên doanh có chất lượng cao được hoan nghênh, tuy nhiên với giá cả cũng khá cao, những người nghèo ít hướng đến. Đáp ứng nhu cầu của đối tượng đông đảo những người nghèo như vậy, ở TPHCM xuất hiện Hội bảo trợ bệnh viện nghèo, Hội được thành phhố giao cho quản lý bệnh viện lớn với 500 giường bệnh. Hội đã vận động được nhiều nguồn lực trong xã hội để duy trì và phát triển tốt việc khám chữa bệnh không thu tiền cho các bệnh nhân nghèo, có thời gian thu được trên 3 tỷ VNĐ, 16.497 USD và các hiện vật có giá trị hơn 300 triệu (báo Tuổi trẻ TPHCM 6/11/2002). Trong giáo dục cũng có các mô hình tương tự: Trường tư thục, trường dân lập, bán công… xuất hiện ở hầu hết các cấp từ mẫu giáo đến đại học, nhiều trường đạt chất lượng khá cao và có thể là cao nhất như trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh do GS Văn Như Cương làm Hiệu trưởng. Một trong những trường dân lập đầu tiên duy trì lâu năm và chất lượng rất cao thường xuyên trên 90% học sinh lớp cuối (12) tốt nghiệp đỗ vào Đại học. Nhiều tỉnh thành có các trường Đại học dân lập, tư thục nhiều trường được các tổ chức xã hội đỡ đầu có chất lượng đào tạo đảm bảo và đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, cũng có một số trường có vấn đề về quản lý lỏng lẻo, chiêu sinh, mở lớp chạy theo số lượng, nội bộ mất đoàn kết, Ban giám hiệu bị xử lý kỷ luật (điển hình là trường Đại học Đông Đô - báo chí đã nói nhiều). Các lĩnh vực văn hoá, thể thao cũng đã có sự xã hội hoá bước đầu có hiệu quả. Đặc biệt những lĩnh vực khác của đời sống xã hội có nhièu bức xúc thì các tổ chức xã hội đã "xông vào" đảm nhận vô tư đúng tính chất không vì lợi nhuận như các dự án chương trình xoá đói nghèo của nhóm hợp tác VUSTA-OXFAM, VUSTA-ICCO, Trung tâm CIRD nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển văn hoá, Trung tâm TEW hỗ trợ năng lực phụ nữ dân tộc thiểu số. Đặc biệt các hoạt động nhân đạo của các tổ chức từ thiện hướng về những đối tượng bị thiệt thòi như Hội bảo trợ trẻ em mồ côi, Hội bảo trợ người tàn tật Việt Nam VNAH. Trong việc giải quyết môi trường đô thị có thể nói đến mô hình của Công ty TNHH Huy Hoàng (Lạng Sơn). Đây là hình thức đấu thầu đảm nhận DVC thu gom rác thải vệ sinh môi trường do tỉnh Lạng Sơn tiến hành theo chủ trương xã hội hoá DVC từ cơ quan nhà nước chuyển giao cho tư nhân (từ trước năm 2000 đến nay rất hiệu quả). - Đối với hoạt động của tư nhân trong lĩnh vực xã hội hỗ trợ cho nhà nước phải kể đến việc tạo việc làm hướng thiện cho những "người lầm lỡ" hoặc "tội phạm" trở về cộng đồng thông qua "lò bát quái ở chốn trần gian" (đầu đề của phóng sự Tiền phong Chủ nhật 20-03-2005). Cái lò bát quái đó là HTX sản xuất đá Phú Cường (Cẩm Phả - Quảng Ninh) có hơn 100 công nhân mà có thể có đến 27 người mãn hạn tù + 23 người nghiện ma
  • 15. tuý… 100% người mãn hạn tù không tái phạm có người trở thành tổ trưởng sản xuất, nhiều trường hợp được khen thưởng… Bài học lớn nhất có thể rút ra từ việc xã hội hoá chuyển giao DVC này cho XHDS là Nhà nước hãy tin ở dân, biết dựa vào dân, mạnh dạn giao cho các tổ chức xã hội đảm nhận việc ung ứng DVC vì họ biết được nhu cầu của dân đầy đủ nhất - Có dân là có tất cả, không có dân thì không có nhà nước. III.3- Xã hội dân sự với vấn đề phản biện xã hội và vận động hành lang: Tư vấn, giám sát, phản biện xã hội và vận động hành lang là những vấn đề gần được lý luận đề cập đến khá sôi nổi. Vận động hành lạng lại là vấn đề rất mới xin nói nhiều hơn ở phần sau. Nếu như XHDS là quá trình tương thích giã nhà nước, thị trường và XHDS trong việc chuyển giao DVC mà vai trò chủ động hơn thuộc về phía nhà nước thì phản biện xã hội và vận động hành lang là quá trình chủ động hơn thuộc về XHDS. Tất nhiên sự khác biệt trong so sánh này cũng chỉ là tương đối. Nói một cách khác về phương pháp luận thì cũng chỉ là trừu tượng hoá sự vật, hiện tượng để có thể thấy rõ hơn mối quan hệ giữa Nhà nước và XHDS. Bởi vì suy cho cùng vấn đề phản biện xã hội, giám sát xã hội và vận động hành lang cũng phải xuất phát từ chủ trương quy định, điều luật của cơ quan quyền lực Nhà nước. Giám sát xã hội, phản biện xã hội là chức năng quan trọng của XHDS với Nhà nước và kinh tế thị trường. Về mặt lý luận, nhận thức vấn đề có thể dễ nhất trí hơn nhưng trong thực tiễn triển khai thì phản biện xã hội, giám sát xã hội còn nhiều điều để bàn luận kỹ hơn đó là mối quan hệ giữa chủ thể và đối tượng trong giám sát, phản biện xã hội, là nội dung và phương thức, đặc biệt là cơ chế, phạm vi, điều kiện sự công khai, minh bạch, dân chủ, mức độ của quyền được tiếp cận thông tin v.v… mở rộng đến đâu thì giám sát và phản biện đến đó. Hàng loạt vấn đề trên tuỳ thuộc vào sự phát triển nhất định của mỗi Nhà nước pháp quyền và thể chế kinh tế thị trường cụ thể. Mỗi quốc gia, mỗi nền kinh tế phát triển không hoàn toàn giống nhau nên sự giám sát và phản biện xã hội cũng ở những mức độ khác nhau. Vấn đề này ở Việt Nam cũng đã được nhà nước giao cho một số tổ chức xã hội đảm nhận, chủ yếu là phản biện khoa học đối với một số dự án phát triển kinh tế - xã hội như phản biện và tư vấn thẩm định với công trình thuỷ điện Yaly, thuỷ điện Sơn La, quy hoạch xử lý lũ đồng bằng sông Cửu Long, phương án điều chỉnh giá điện năm 1997, luận chứng kinh tế kỹ thuật nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ, thẩm định quy hoạch tổng thể 9 vùng kinh tế v.v… Ở mức độ tầm lý luận cương lĩnh chiến lược, đường lối các tổ chức xã hội cũng đã có nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo một số văn kiện, chính sách của Đảng và Nhà nước. Có thể nói với tính chất tư vấn, giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức xã hội khác nhau nói riêng, của xã hội dân sự nói chung đã là một thực tế được triển khai có hiệu quả ở Việt Nam. Tuy nhiên, so với yêu cầu và tiềm năng của XHDS thì còn nhiều việc cần được đề cập đến thấu đáo hơn. Gần đây, việc đóng góp ý kiến xây dựng Bộ luật về Hộ (đã qua 11 lần dự thảo) tuy chưa có kết quả cuối cùng nhưng vai trò của các tổ chức xã hội được đánh giá cao, có thể nói đây là một chặng đường quan trọng, một sự
  • 16. kiện có ấn tượng về vận động hành lang để có một Bộ luật chất lượng liên quan đến cácc NGOs nói riêng và XHDS nói chung. Nhân đây xin được nêu vấn đề về vận động hàng lang. - Trước hết, về khái niệm vận động hành lang, Tiếng anh là lobby. Theo đúng nghĩa là “cố gắng thuyết phục (một nhà chính trị v.v…) để ủng hộ hoặc phản đối dự luật [23]. Khái niệm này không mới trên thế giới nhưng với Việt nam thì bắt đầu được tìm hiểu. Trong năm gần đây Hội thảo đầu tiên về vận động hành lang (VĐHL) được tổ chức vào tháng 3/2007 nhưng cũng chỉ là mang tính chất “nhận diện vấn đề”, tiếp theo sau đã có một số Hội thảo khác nữa và ngày càng thấy nhiều ý kiến phong phú khác nhau mặc dù đều khẳng định rằng VĐHL là một nội dung rất hay, cần được bàn luận nhiều hơn nữa ở nhiều cấp độ và đối tượng. Vận động hành lang là hoạt động phổ biến ở các nước phát triển Anh, Mỹ, Tây Âu có lịch sử từ nhiều năm trước đây có thể nơi bắt đầu diễn ra hoạt động này từ hành lang của toàn nhà Nghị viện Anh quốc - nơi các nghị sĩ gặp gỡ trao đổi không chính thức ở bên lề hội trường một cách thoải mái hơn, dễ dàng hơn những vấn đề nhạy cảm khó nói ở diễn đàn. Ngày nay VĐHL được phát triển mạnh ở quốc hội EU, Mỹ và nhiều nước văn minh phát triển đã có luật về VĐHL. Vận động hành lang đang là một xu thế phát triển nhanh trong vòng 20 năm gần đây. Quá trình VĐHL đã được luật hoá ở nhiều nước trên cơ sở đó VĐHL được coi là một nghề có chuyên môn mang tính chuyên nghiệp đã hình thành đội ngũ những chuyên gia về VĐHL gọi là lobbyirt - “người vận động ở hành lang” (Sđd.tr1026). Tiếng Anh cũng còn có cả một cụm từ lobby sth through với nghĩa là “thông qua hoặc bác bỏ được (một dự luật v.v…) bằng cách vận động ở hàng lang. Tại Mỹ đội ngũ chuyên gia về VĐHL cũng khá đông. Riêng ở Washinton có tới 4.000 nhà vận động hàng lang đang hoạt động” [24]. Tại EU, nhà VĐHL được cấp giấy phép ra vào ở nơi làm việc của Nghị viện. Từ diễn đàn đầu tiên về VĐHL chúng ta cũng có thể đồng tình với nhận định rằng “Xã hội càng phức tạp, thị trường càng phát triển thì càng có nhiều nhóm hưởng lợi muốn đăng ký vào trò chơi VĐHL. Các nhóm nhỏ này tin rằng họ cần được hỗ trợ tham gia trò chơi, vì điều đó tạo ra kênh bổ sung thông tin cho chính trị gia và lĩnh vực nhà nước. Nó không phải cơ chế cạnh tranh với các chính trị gia mà chỉ tạo ra cách làm việc khác nhau giữa XHDS và Nhà nước”[25] Để có thể phù hợp với thực tiễn Việt Nam và tránh sự hiểu lầm ngữ nghĩa của khái niệm lobby đã có sáng kiến dùng khái niệm vận động chính sách (VĐCS) thay cho VĐHL. Đây là kết quả bước đầu từ một số Hội thảo khoa học do Ban công tác lập pháp của Quốc hội. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng với Viện tư vấn phát triển (CODE), Viện nghiên cứu sinh thái chính sách xã hội (SPERI) và Báo Diễn đàn Doanh nghiệp… tổ chức trong năm 2007. Có thể nói VĐHL hay vận động chính sách (VĐCS) là một “quá trình tác động vào những nhà hoạt động chính sách, những người ra quyết định để tạo ra một chính sách phù hợp hơn, hiệu quả hơn và minh bạch hơn”3. Bàn về cơ sở pháp lý cho các tổ chức XHDS ở Việt Nam trong VĐCS nhiều tác giả khẳng định rằng chúng ta (Nhà nước và Đảng CSVN cũng đã có không ít văn bản như
  • 17. “Sắc Luật 102/SL 1957 quy định về quyền lập Hội, Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2000, Chỉ thị 202/1990 của Chủ tịch HĐBT, Nghị định 88/2003 của Thủ tướng Chính phủ v.v…[26]. Hơn thế nữa, ở góc độ quan điểm, đường lối của Đảng cầm quyền, từ diễn đàn của Đại hội X ĐẢng CSVN gần đây nhất cũng đã khẳng định: “Nhà nước ban hành và bổ sung pháp luật để Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội”.[27] Xét cho cùng, VĐCS là hoạt động phù hợp với chức năng của XHDS và là một nhiệm vụ trong quá trình giám sát, phản biện xã hội. Thực tế lịch sử đã được minh chứng là cần thiết và cơ sở pháp lý lý luận cũng rõ ràng. Vấn đề còn lại chính là cơ chế và luật hoá đến mức độ nào để XHDS nói chung, các tổ chức kinh tế, văn hoá, xã hội có đủ điều kiện thuận lợi hơn, giám sát phản biện có hiệu quả hơn. IV. XÃ HỘI DÂN SỰ TRONG BỐI CẢNH, ĐIỀU KIỆN MỚI IV.1- Xã hội dân sự và tổ chức Liên Hợp Quốc: Hơn năm mươi năm sau của thế kỷ XX đã chứng kiến sự thay đổi biến động lớn của thế giới. Rõ nhất là sau Đại chiến lần thứ II, bản đồ chính trị thế giới vừa phân mảnh và vừa quy tụ, xuất hiện cục diện mới 2 phe với 2 siêu cường nhưng đồng thời hệ thống thuộc địa của các đế quốc rạn nứt xuất hiện nhiều quốc gia độc lập. Đặc biệt Liên Hợp Quốc được hình thành với định chế mới cho quyền lực các quốc gia trên cơ sở hiến chương chung, Liên Hợp Quốc (LHQ) có vai trò mới trong việc thúc đẩy sự phát triển của các quốc gia, các Nhà nước và các tổ chức xã hội, xã hội dân sự nói chung với các Tổ chức phi chính phủ (NGOs) nói riêng có cơ sở pháp lý nhất định trong phương hướng hành động. Có thể nói về mặt hệ thống, tổ chức LHQ ban đầu gọi là Hội Quốc Liên như là một liên minh thời chiến từ ngày 1 tháng 1 năm 1942. Mãi đến 24 tháng 10 năm 1945 mới thực sự là một tổ chức quốc tế (Họp tại Washington DC) lúc này chỉ có 51 nước, với mục tiêu ban đầu là chống chiến tranh, bao gồm tất cả những "nước yêu hoà bình". Xét về mặt tự chủ về tài chính do các nước thành viên tự đóng góp thì LHQ cũng như là một tổ chức xã hội "siêu cấp" của loài người hiện nay. Trong các nước đóng góp tài chính thì Mỹ chiếm tỷ lệ cao nhất ở mức trần là 22% (trước năm 2000 Mỹ đóng 25%) sau đó là Nhật 19,63%; Đức 9,82%; Pháp 6,5%; Anh 5,5%...(1) Về mục tiêu đặt ra của LHQ bao quát nhất là "ngăn chặn chiến tranh, bảo vệ nhân quyền, cung cấp một cơ sở cho luật pháp quốc tế và để tăng cường tiến bộ kinh tế, xã hội, cải thiện các điều kiện sống và chống lại bệnh tật... LHQ tạo cơ hội cho các quốc gia nhằm đạt tới sự cân bằng trong sự phụ thuộc lẫn nhau trên bình diện thế giới" (Sđd tr.8). Thông qua các diễn đàn, các chương trình, LHQ thực hiện các mục tiêu như cứu hộ nhân đạo, thành lập các quỹ từ thiện, chống đói nghèo, nâng cao vai trò của phụ nữ chống huỷ hoại môi trường, chú trọng phát triển bền vững... Với những điều nêu trên, nhiều nội dung hoạt động, định hướng phát triển của LHQ cũng tương tự như mục tiêu của tổ chức XHDS, có chăng chỉ khác là LHQ có phạm vi rộng lớn hơn, bao quát hơn... Nói một cách khác, những mục tiêu cơ bản của XHDS cũng là những vấn đề chính mà các chương trình phát triển của LHQ đề ra. Đặc biệt "những mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ" tuyên bố sẽ hoàn thành vào năm 2015 với khoản chi ước chừng 40 đến 60 tỷ USD mỗi năm là hoàn
  • 18. toàn phù hợp với vai trò chức năng của XHDS trong giai đoạn tới (xem phụ lục). Tuy nhiên cũng giống như XHDS, là 1 tổ chức hoạt động tự nguyện của các thành viên, thiết chế quyền lực không chặt chẽ như 1 nhà nước độc lập có chủ quyền xác định hoạt động của LHQ thường theo cơ chế hiệp thương đa biên, thoả thuận biểu quyết theo đa số... Do đó cũng không phải là một tổ chức chặt chẽ thực sự độc lập hoàn toàn. LHQ cũng không thể chủ động giải quyết tất cả mọi tình huống sự cố xảy ra trên thế giới vì còn phụ thuộc nhiều vấn đề như tài chính, nhân sự và những yếu tố gọi là nhạy cảm riêng của từng quốc gia... Chính vì thế trong một số trường hợp giải pháp của LHQ cũng không có hiệu quả thậm chí có thể gọi là thất bại. Thí dụ: - Năm 1994 trong vụ ngăn chặn nạn diệt chủng ở Rwanda các thành viên Hội đồng bảo an (HĐBA) từ chối mọi hành động can thiệp bằng quân sự nên đã dẫn đến cái chết gần 1 triệu người. - Năm 1993 trong việc cung cấp thực phẩm lương thực cho dân nghèo đói tại Somali đã bị lãnh chúa địa phương chiếm đoạt, Hoa Kỳ và Liên hợp quốc nỗ lực ngăn chặn, bắt giữ các lãnh chúa đó và đã xảy ra xung đột gọi là trận Mogadishu. - Khi đưa lực lượng giữ gìn hoà bình của LHQ đến 1 số quốc gia đã xảy ra tình trạng "lạm dụng tình dục" đối với phụ nữ tại Cộng hoà Cônggô, Haiti, Burundi, Liberia... đã làm ảnh hưởng đến uy tín của LHQ. - Rõ rệt nhất là sự thất bại của LHQ trong "chương trình đổi dầu lấy lương thực". Đây là việc cho phép Iraq bán dầu ra thị trường và đổi lấy thuốc men lương thực, nhu yếu phẩm (1996) nhưng bị đứt đoạn vào cuối năm 2003 vì có sự cáo buộc rằng quan chức tham nhũng và lạm dụng, một số nhân sự đó của LHQ đã bị xử lý. Những thất bại của LHQ là điều dễ hiểu bởi vì LHQ là một tổ chức về cơ bản là theo tính tự nguyện, tự trang trải như một XHDS có quy mô rộng lớn hơn, đặc thù hơn (là sự tập hợp của nhiều quốc gia). Từ đặc thù đó nhiều việc, hành động của LHQ mang tính thương lượng, không ít trường hợp sự đồng thuận đạt tỷ lệ thấp nên hiệu quả thành công của một số chương trình bị hạn chế; yếu tố pháp lý, luật định không cao cho nên không ít Nghị quyết của LHQ không được nghiêm chỉnh thực hiện. Những điều này cũng chỉ có tính chất như là khuyến cáo hoặc là vận động thực thi như tính chất của tổ chức XHDS. Các thành viên của LHQ có số lượng phát triển ngày càng nhiều. Từ 51 nước (năm 1995) đến nay đã có 192 nước thành viên. Việt Nam gia nhập LHQ từ ngày 20/9/1997 như vậy là cho đến nay Việt Nam đã có 30 năm tuổi thành viên, vừa qua Việt Nam lại được bầu vào là thành viên (không chính thức) uỷ viên thường trực của HĐBA (Hội đồng bảo an) là cơ quan lớn của LHQ. IV.2- Tổ chức XHDS trên thế giới: Song song cùng với sự phát triển lớn mạnh của LHQ khoảng 3 thập niên trở lại đây, sự phát triển của XHDS được tái bùng nổ như là một hiện tượng chính trị trong đời sống xã hội. Cùng với những sự dự báo về sự trỗi dạy trong thế kỷ XXI về vai trò của phụ nữ, sự phục hồi của tôn giáo, sự phát triển của Châu Á - Thái Bình Dương... thì sự phát triển của các tổ chức phi chính phủ (NGOs) nói riêng của XHDS nói chung là điều đang trở thành hiện thực. Nhiều tác giả ở các nước phát triển Anh, Mỹ, Pháp, Đức... đã cho ra đời hàng loạt
  • 19. sách khảo cứu về XHDS: - Daniel Bell (American Exceptionalism Revisited: The Role of Civil Society, 1989). - Charles Taylor (Modes of Civie Society, 1990) - Michael Waltzer (The Idea of Civil Society, 1991) - Edward Shils (The Virtues of Civie Society, 1991)... Thực tế cho thấy các tổ chức XHDS trên thế giới đang là một lực lượng kinh tế, văn hoá, chính trị đáng kể để thực hiện hoá các mục tiêu của LHQ đề ra. Theo điều tra của John Hopkin University tại 26 nước (năm 2002) các tổ chức XHDS đã chi với số tiền là 1,2 nghìn tỷ USD/năm, bằng GDP của Anh, Italia. Các tổ chức XHDS ở 26 nước này đã toàn dụng được 31 triệu lao động, chiếm 6,8% lao động phi nông nghiệp trong đó có 19,7 triệu là lao động hưởng lương, còn lại 11,3 triệu người tình nguyện. Số lao động của các tổ chức XHDS này chủ yếu ở các lĩnh vực giáo dục, sức khoẻ, dịch vụ công cộng xã hội này là những nơi mà cộng đồng đang có nhu cầu cao cung ứng của Nhà nước thường là không đáp ứng được, mặt khác thị trường có xu hướng vì lợi nhuận cao nên cũng phần nào là giới hạn với đông đảo người nghèo do đó các tổ chức XHDS không vì lợi nhuận (non profit) được nhiều nhà nước tận dụng, giao phó với nhiều hình thức chuyển nhượng thuê khoán, uỷ quyền... Đây cũng là điều mà các nước phát triển có điều kiện ưu thế hơn và sự hiện diện của các XHDS thường có quy mô rộng lớn, phát triển hơn so với các nước đang phát triển. Nhiều nước có tỷ lệ lao động tự nguyện rất cao, tới 50% lực lượng lao động trong các tổ chức phi chính phủ (NGOs) đó là những nước ở Bắc Âu: Na Uy, Thuỵ Điển, Phần Lan..., Hà Lan có tới 48,4% lao động tự nguyện nhưng tổng số lao động trong các tổ chức XHDS chiếm tỷ lệ cao nhất thế giới (18,7%)* Về các nguồn thu của XHDS chủ yếu ở 3 nguồn chính hội phí 51%, Nhà nước là 39% còn lại là đóng góp của các tổ chức từ thiện nhân đạo (theo TS Nguyễn Mạnh Cường). Tuy nhiên ở mỗi khu vực phát triển khác nhau mỗi quốc gia khác nhau tỷ lệ này có khác nhau. Ở các nước kém phát triển nguồn thu từ nhà nước là không đáng kể tỷ lệ % từ các tổ chức NGOs quốc tế cao hơn nhiều. Với vai trò KT - XH ngày càng được khẳng định thì xu hướng toàn cầu hoá XHDS cũng ngày càng rõ rệt tuy không định hình và mạnh mẽ bằng xu thế toàn cầu hoá kinh tế nhưng sự phát triển của các XHDS ở phạm vi toàn cầu như là một xu hướng làm cân bằng, hài hoà hơn trong mối quan hệ tương tác với thị trường và nhà nước. Tổ chức XHDS ở phạm vi toàn cầu tuy không có liên kết, ràng buộc như tổ chức của LHQ (có hiến chương, trụ sở, cơ quan thường trực...) nhưng chiều rộng bề mặt thì có số lượng rất lớn. "Ở quy mô liên quốc gia và toàn cầu có khoảng 60.000 tổ chức NGO, xấp xỉ con số các công ty xuyên quốc gia"(1). Cũng có ý kiến cho rằng trên thế giới hiện nay có 3 tác nhân quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển toàn cầu: - Vai trò của 200 quốc gia mà hơn 90% các nước đã là thành viên của LHQ. - Vai trò của 200 Công ty xuyên quốc gia lớn nhất chi phối toàn bộ nền kinh tế thế
  • 20. giới. - Vai trò của 200 tổ chức NGOs toàn cầu lớn nhất là bộ phận chủ yếu của XHDS đang phát triển với tư cách là đối tác quan trọng của nhà nước pháp quyền (NNPQ). Những ý kiến nêu trên đáng để tham khảo, có thể cần bàn luận thêm. Bởi vì bên cạnh quyền lực nhà nước (quyền lực chính trị), quyền lực của các công ty xuyên quốc gia (quyền lực kinh tế), quyền lực của các tổ chức xã hội dân sự (quyền lực cộng đồng dư luận, báo chí) còn có quyền lực của các tôn giáo (thần quyền, tín quyền) cũng là tác nhân rất quan trọng ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thế giới. Trong quá khứ, thời kỳ Trung cổ đã có giai đoạn Nhà nước và nhà thờ thống nhất thành một quyền lực thống trị toàn xã hội như một "đêm trường trung cổ" nặng nề. Khi cách mạng dân chủ tư sản bùng lên thì nhà nước mới tách khỏi nhà thờ và xã hội công dân, dân sự tách khỏi xã hội tôn giáo, dân quyền xuất hiện cùng thần quyền. Thần dân có quyền công dân... Ngày nay vấn đề tôn giáo ở một số vùng lãnh thổ, quốc gia cũng đang nổi lên tác động không nhỏ tới sự phát triển của cộng đồng, đời sống kinh tế - xã hội - chính trị đang chịu sự tác động ấy khá rõ. Thực tế cho thấy từ khi có LHQ, xã hội dân sự phát triển trong điều kiện mới, các mục tiêu, chương trình, tổ chức… của XHDS đã kéo dài cùng với thời gian, không gian cụ thể có nhiều lực tác động là điều rất cần được khảo cứu sâu hơn nữa. Chuyên luận này cũng chỉ là việc bước đầu nêu vấn đề cần được bổ sung nhiều. Tóm lại XHDS là một thực tế lịch sử có quá trình phát triển, thăng trầm, có vai trò nhất định, có thể là yếu tố tích cực nhưng cũng có thể là lực cản, nếu có nhà nước pháp quyền mạnh "khôn khéo" hơn, coi XHDS là đối tác bên cạnh mình, hỗ trợ cho sự phát triển lành mạnh, tránh cho XHDS trở thành tác nhân đối đầu. Đặt cho xHDS một "thế chân vạc", một "cột trụ" cùng với các cột trụ khác là nhà nướcvà thị trường thì mới có thể phát triển bền vững.1 Nhận thức được điều quan trọng này, nhà nước Cộng hoà XHCN Việt nam cũng đã khẳng định trong tuyên bố chung về việc thực hiện mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ : "Tạo thêm cơ hội cho khu vực tư nhân, các tổ chức phi chính phủ và xã hội dân sự nói chung, để họ góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu và chương trình của Liên hợp quốc" (mục VIII điều 31, nghị quyết số 55/2 tuyên bố của LHQ thông qua ngày 8 tháng 9 năm 2000).2 Cùng với 189 vị Nguyên thủ quốc qia, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã ký vào Tuyên bố Thiên niên kỷ của LHQ tại Hội nghị thượng đỉnh tháng 9/2000. Sau 5 năm Việt nam cũng đã có báo cáo tổng quan thực hiện các mục tiêu này. Mặc dù nội dung khẳng định vai trò vị trí của các tổ chức phi chính phủ và XHDS được ghi nhận ở mục cuối cùng, trong điều gần cuối cùng của Nghị quyết, nhưng có thể nói rằng đây chính là sự xác nhận về tổ chức XHDS và các NGOs là một xu hướng, một giải pháp đúng đắn cho phát triển bền vững. Không phải ngẫu nhiên mà Hội nghị thượng đỉnh tầm quốc tế đã có những tuyên bố chung quan trọng như vậy. Cũng có thể kết luận rằng vấn đề đã được nâng lên ở tầm cao mới: Tầm Thiên niên kỷ khi toàn thế giới bắt đầu bước vào Thiên niên kỷ thứ III đầy khó khăn và thách thức./
  • 21. Tác giả chương này: Nguyễn Vi Khải [1] C.Mác và Ph Ang ghen Toàn tập. Tập 27 Nxb CTQG Hà Nội.1998, tr.657 [2] Các hình thức vận động khác từ thấp đến cao là vận động cơ học, vận động vật lý, vận động hoá học, vận động sinh học. [3] Theo Bách khoa Thư mở Wikipedia.org/wiki (bản sửa đổi 27/4/2007) [4] . Sđd bản sửa đổi 26/7/2007 [5] . Lịch sử Việt Nam. Nxb KHXH HN. 1971; tr1, tr.45 [6] "Lịch sử Nhà nước và pháp luật Việt Nam. Nxb CTQG .HN. 1994, tr.5 [7] . Ý tưởng nguyên sơ và cái gọi là "xã hội dân sự" bây giờ, nó có từ rất lâu, đặc biệt là từ Ciceron ở thế kỷ I trước thiên chúa giáo giáng sinh cách chúng ta hơn 2000 năm. (Trần Việt Phương. Bài nói tại BNC của Thủ tướng Chính phủ 22/9/2004). [8] . Bách khoa Thư mở http// vi-wikipedia.org/wiki (bản sửa đổi 24/10/2007 [9]. Trần Việt Phương. Bài nói tại BNC của Thủ tướng Chính phủ 22/9/2004). [10]. Viện những vấn đề phát triển- "Đánh giá ban đầu về XHDS tại Việt Nam, Hà Nội 1/2006; tr.9 [11]. Quý Đỗ - Thế nào là xã hội công dân - Tạp chí Tia sáng số 9/5/2006; tr.14 [12]. Nguyễn Mạnh Cường. Bài giảng về XHDS. Trường ĐH KTQD. [13]. Trần Việt Phương "XHDS" và NNPQ", 3 bài nói tại BNC của Thủ tướng; tr.5,6 [14]. Ngay sau khi thành lập LHQ vào năm 1945, trong đó điều 1 chương 10 của Hiến chương LHQ có đề cập đến vai trò tư vấn của các tổ chức không thuộc Chính phủ - Nguồn http//vi.wikipedia.org/Tổ chức phi chính phủ. [15]. Trần Việt Phương: Bài đã dẫn [16]. Nguyễn Ngọc Bích: "Vốn xã hội và phát triển" Tia sáng số 13.5/7/2006; tr.18 [17]. Nguyễn Ngọc Bích "Vốn xã hội và phát triển". Tia sáng số 13.5/7/2006; tr.18 [18] C.Mác và Ph.Ăng-ghen Toàn tập. Tập 1. Nxb CTQG HN.1995; tr.315 [19] SIDA - "Nhà nước và viện trợ". Những vai trò mới định lại. Nxb KHXH-Hà Nội.1995 [20] Đặng Kim Sơn: "Ba cơ chế thị trường, nhà nước và cộng đồng" NXB Chính trị quốc gia HN, 2004. Tr.13. [21] .G.Endrweit… "Từ điển xã hội học" NXB Thế giới tr.571 [22] “Xã hội hoá công chứng”: Ai quản phòng công chứng - Báo “Pháp luật Việt Nam” ngày 29/7/2005. (1) Viện nghiên cứu công nghệ Châu Á - Hội thảo 4-2000 trang 16 GCOP & NORAD [23] Trung tâm KHXH & NV Quốc gia “Từ điển Anh - Việt” NXB TP. Hồ Chí Minh.2003.tr 1026 [24]- 25 Theo Govert Van Oord. “Vận động hành lang thực tiễn và pháp luật” Viện SPERI và NXB Lao động - xã hội. Hà Nội. 2007. tr.20,21. 3 Vũ Quốc Tuấn “Vận động chính sách - Một số vấn đề từ thực tiễn” Kỷ yếu Hội thảo do VCCI, CODE và Báo DĐDN tổ chức tại Hạ Long 12/2007. tr.16 [26] Phạm Chi Lan. “Vai trò của các Hiệp Hội VN trong vận động chính sách (Sđd.tr.24) [27] ĐCSVN “Văn kiện Đại hội X” NXB Chính trị quốc gia - HN2006.tr.43 (1) Bách khoa toàn thư Wikipedia. org bản sửa đổi 26/12/2007 tr.6, 7
  • 22. * Dr. Nguyễn Mạnh Cường "Bài giảng về XHDS". (1) Trần Việt Phương. "Xã hội dân sự và nhà nước pháp quyền" 1 Nguyễn Vi Khải. "Cần đổi mới tư duy quản lý nhà nước bằng luật pháp". Văn nghệ trẻ.31/12/2005. 2 Nước Cộng hoà XHCN Việt Nam "Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ" (Bản tiếng Việt Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 4947/VPCP-QHQT ngày 1 tháng 9 năm 2005) tr.76. Ngày cập nhật: 12/3/010 Nguồn: http://www.vids.org.vn/vn/asp/News_Detail.asp?tabid=1&mid=803&ID=854