SlideShare a Scribd company logo
1 of 416
Download to read offline
1
TS PHÙNG THẾ VẮC - TS TRẦN VĂN LUYỆN
LS, Th.S PHẠM THANH BÌNH - Th.S NGUYỄN ĐỨC MAI
Th.S NGUYỄN SỸ ĐẠI - Th.S NGUYỄN MAI BỘ
Bình luận khoa học
Bộ luật hình sự 1999
(PHẦN CÁC TỘI PHẠM)
NHÀ XUẤT BẢN CÔNG AN NHÂN DÂN
Các tác giả
Tiến sỹ Phùng Thế Vắc
CHƯƠNG XI VÀ CHƯƠNG XXI
Tiến sỹ Trần Văn Luyện
CHƯƠNG XII, CHƯƠNG XIII VÀ CHƯƠNG XVIII
Luật sư, Thạc sỹ Phạm Thanh Bình
CHƯƠNG XVII VÀ CHƯƠNG XXII
Thạc sỹ Nguyễn Đức Mai
CHƯƠNG XIX, CHƯƠNG XX VÀ CHƯƠNG XXIII
Thạc sỹ Nguyễn Sỹ Đại CHƯƠNG XIV VÀ CHƯƠNG
XVI
Thạc sỹ Nguyễn Mai Bộ
CHƯƠNG XV VÀ CHƯƠNG XXIV
34(V)4 - 7/657
CAND-2001
LỜI GIỚI THIỆU
Tại kỳ họp thứ 6 (từ ngày 18 tháng 11 đến 21 tháng 12 năm 1999) Quốc hội khoá X nước Cộng hoà
xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Bộ luật hình sự 1999. Đây là Bộ luật lớn trong hệ thống pháp luật
của nước ta - Bộ luật hình sự của đất nước trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do
dân và vì dân. Là căn cứ pháp lý quan trọng nhất trong việc giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự, Bộ luật
hình sự 1999 còn là công cụ sắc bén, hữu hiệu của Đảng, Nhà nước và của nhân dân ta để đấu tranh phòng
và chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay và những năm sắp tới.
Bộ luật hình sự 1999 ra đời đánh dấu một bước phát triển mới cao hơn của hoạt động lập pháp hình
sự nước ta trong suốt hơn năm mươi năm qua, vì nó được hình thành không chỉ trên cơ sở tổng hợp những
kinh nghiệm, thành tựu của thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự và các tri thức về khoa học luật hình sự
trong nước, mà còn có sự lĩnh hội những thành tựu của khoa học luật hình sự tiên tiến trên thế giới. Chính
vì vậy, việc tìm hiểu nội dung và những đặc điểm của các dấu hiệu pháp lý hình sự trong các tội danh cụ
thể, đồng thời phân biệt sự khác nhau giữa các tội phạm là yêu cầu cần thiết cho mỗi cán bộ, công chức,
cũng như mỗi người dân nhằm thực hiện tốt nội dung trong Chỉ thị 04/2000/CT-TTg ngày 17 tháng 12 năm
2000 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thi hành Bộ luật hình sự năm 1999 là: “Công tác phổ biến,
tuyên truyền, giáo dục Bộ luật hình sự phải được tiến hành sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên
2
chức, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang và trong nhân dân, làm cho mọi người nắm được nội dung cơ
bản của Bộ luật, nhất là những nội dung mới được sửa đổi, bổ sung để chấp hành”.
Do đó, việc Nhà xuất bản Công an nhân dân xuất bản cuốn Bình luận khoa học Bộ luật hình sự
1999 (Phần các tội phạm) đã phần nào đáp ứng được yêu cầu cấp thiết hiện nay. Cuốn sách không chỉ là
tài liệu bổ ích phục vụ cho nhu cầu bạn đọc về học tập, nghiên cứu, giảng dạy và cán bộ làm công tác thực
tiễn mà còn góp phần nâng cao kiến thức về luật hình sự cho toàn thể nhân dân và giáo dục mọi người
nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.
Cuốn Bình luận khoa học Bộ luật hình sự 1999 (Phần các tội phạm) được biên soạn lần này dựa
trên những quy định của pháp luật hình sự thực định trong Bộ luật hình sự 1999, đồng thời có sự kết hợp
với thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự để phân tích, tổng hợp các tri thức khoa học luật hình sự. Đặc biệt,
với những tội danh mới và những quy định sửa đổi, bổ sung tại từng chương trong Bộ luật hình sự lần này
cũng được các tác giả phân tích và bình luận một cách cụ thể và tương đối sâu sắc.
Cuốn sách được biên soạn với sự tham gia của các Tiến sĩ, Thạc sĩ Luật học là những cán bộ nghiên
cứu và cán bộ hoạt động thực tiễn có kinh nghiệm trong lĩnh vực tư pháp hình sự của nước ta, hy vọng rằng
cuốn sách sẽ phần nào đáp ứng yêu cầu của bạn đọc về tìm hiểu nội dung các quy định trong Phần các tội
phạm Bộ luật hình sự 1999. Do đây là một công trình của tập thể tác giả, nên mỗi tác giả có trách nhiệm
riêng biệt về mặt khoa học tương ứng với từng vấn đề mà họ đã được phân công biên soạn.
Tuy nhiên, bình luận khoa học đối với từng tội phạm trong Bộ luật hình sự 1999 là một công việc đầy
khó khăn và phức tạp, nên có thể cuốn sách này sẽ không tránh khỏi những thiếu sót nhất định. Do đó, khi
sử dụng cuốn sách này mong bạn đọc hãy coi là một tài liệu tham khảo. Các tác giả và Nhà xuất bản Công
an nhân dân mong nhận được những ý kiến đóng góp, phê bình của các bạn đồng nghiệp và bạn đọc để lần
tái bản sau sẽ hoàn chỉnh hơn.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc.
Hà Nội, ngày 02 tháng 7 năm 2001
Tiến sĩ Khoa học lê cảm
Q. Chủ nhiệm Khoa Luật trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội
CHƯƠNG XI
Các tội xâm phạm an ninh quốc gia
Khái niệm các tội xâm phạm an ninh quốc gia.
An ninh quốc gia luôn là vấn đề quan trọng và sống còn đối với sự tồn tại của một nhà nước, một chế độ
chính trị nhất định. Bảo vệ an ninh quốc gia là một trong những nhiệm vụ quan trọng và thiết yếu hàng đầu của
Đảng và Nhà nước ta trong mọi giai đoạn cách mạng. Bảo vệ an ninh quốc gia trước hết là bảo vệ độc lập chủ
quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chế độ xã hội chủ nghĩa, sự tồn tại và vững mạnh của chính quyền nhân
dân và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Việc quy định trách nhiệm hình sự đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia trong pháp luật hình sự
là một trong những biện pháp hữu hiệu để đấu tranh với các tội phạm đặc biệt nguy hiểm này. Khái niệm
các tội xâm phạm an ninh quốc gia trong Bộ luật hình sự 1999 có sự thay đổi cho phù hợp với sự phát triển
ngày càng vững mạnh của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tình hình quốc tế qua từng
thời kỳ cách mạng. So với các văn bản pháp luật trước đây, khái niệm các tội xâm phạm an ninh quốc gia
trong Bộ luật hình sự 1999 có thay đổi rất lớn: chỉ bao gồm các tội đặc biệt nghiêm trọng có tính chất, mức
độ nguy hiểm cao cho xã hội có mục đích chống chính quyền nhân dân, xâm phạm sự tồn tại và vững mạnh
của chế độ xã hội chủ nghĩa. Các tội phạm này được quy định tại Chương XI Bộ luật hình sự 1999 gồm 15
điều (từ Điều 78 đến Điều 92), trong đó quy định 14 tội phạm cụ thể xâm phạm an ninh quốc gia và 1 điều
3
quy định về hình phạt bổ sung. Các tội phạm không có mục đích chống chính quyền nhân dân (trước đây
coi là xâm phạm an ninh quốc gia ở Chương I Mục B, Phần các tội phạm Bộ luật hình sự 1985) nay được
đưa xuống các chương tương ứng trong Bộ luật hình sự 1999.
Các tội xâm phạm an ninh quốc gia là những hành vi có tính chất và mức độ nguy hiểm cao cho xã
hội xâm phạm các quan hệ xã hội thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia: đó là độc lập, chủ quyền, thống nhất và
toàn vẹn lãnh thổ, chế độ xã hội chủ nghĩa, sự tồn tại và vững mạnh của chính quyền nhân dân.
Các tội xâm phạm an ninh quốc gia cùng có chung một số dấu hiệu pháp lý sau đây:
* Khách thể của các tội xâm phạm an ninh quốc gia: các tội xâm phạm an ninh quốc gia xâm phạm
các quan hệ xã hội thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia: độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ,
chế độ xã hội chủ nghĩa, sự tồn tại và vững mạnh của chính quyền nhân dân. Đây là các quan hệ xã hội có
tầm quan trọng đặc biệt bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển của các quan hệ xã hội khác. Vì vậy, khách thể
loại của các tội xâm phạm an ninh quốc gia chính là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ
của Tổ quốc, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự tồn tại và vững
mạnh của chính quyền nhân dân...
* Mặt khách quan của các tội xâm phạm an ninh quốc gia: mặt khách quan của các tội xâm phạm
an ninh quốc gia được thể hiện ở các hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm đến các khách thể nêu trên.
Các hành vi này rất đa dạng có thể là hành động hoặc không hành động. Đa số các tội xâm phạm an ninh
quốc gia được thực hiện bằng hành động. Ví dụ: tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián
điệp; tội khủng bố. Một số rất ít các tội phạm này có thể được thực hiện bằng không hành động như: một số
hành vi cấu thành tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội...
Các tội xâm phạm an ninh quốc gia là các tội đặc biệt nghiêm trọng có tính chất và mức độ nguy
hiểm cao cho xã hội nên hầu hết là những tội có cấu thành hình thức. Hậu quả xảy ra không phải là dấu hiệu
bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tội phạm được coi là hoàn thành từ thời điểm khi hành vi phạm tội được
thực hiện. Chỉ có một số ít tội xâm phạm an ninh quốc gia có cấu thành vật chất, tội phạm chỉ được coi là
hoàn thành khi có hậu quả xảy ra.
* Chủ thể của các tội xâm phạm an ninh quốc gia: chủ thể của các tội phạm xâm phạm an ninh
quốc gia có thể là công dân Việt Nam, người nước ngoài, người không có quốc tịch, có năng lực trách
nhiệm hình sự và đạt độ tuổi nhất định. Các tội xâm phạm an ninh quốc gia là những tội đặc biệt nghiêm
trọng có tính chất nguy hiểm cao độ, theo quy định của Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi trở lên phải
chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm này.
* Mặt chủ quan của các tội xâm phạm an ninh quốc gia: mặt chủ quan của các tội xâm phạm an
ninh quốc gia bao gồm các dấu hiệu sau:
- Lỗi của người thực hiện hành vi phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia được biểu hiện dưới hình
thức lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi là xâm hại
độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, xâm phạm chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà
nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thấy trước hành vi đó có thể làm suy yếu hoặc lật đổ chính
quyền nhân dân, nhưng vẫn mong muốn thực hiện hành vi đó.
- Mục đích của các tội xâm phạm an ninh quốc gia là nhằm chống lại hoặc làm suy yếu chính quyền
nhân dân. Đây là dấu hiệu bắt buộc trong mặt chủ quan của tất cả các tội xâm phạm an ninh quốc gia. Khi
thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội nhằm mục đích này. Đây cũng là dấu hiệu để phân biệt giữa các
tội xâm phạm an ninh quốc gia với các tội phạm khác có dấu hiệu về mặt khách quan tương tự.
- Động cơ phạm tội có thể rất khác nhau (hận thù giai cấp, vụ lợi...) nhưng không phải là dấu hiệu bắt
buộc của cấu thành các tội xâm phạm an ninh quốc gia mà chỉ căn cứ để đánh giá tính chất, mức độ nguy
hiểm của hành vi phạm tội để áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp đối với người phạm tội.
4
* Chính sách hình sự đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia: Các tội xâm phạm an ninh quốc
gia là những tội đặc biệt nghiêm trọng có tính chất, mức độ nguy hiểm cao cho xã hội nên hình phạt quy
định trong Bộ luật hình sự đối với các tội phạm này rất nghiêm khắc. Trong số 14 tội xâm phạm an ninh
quốc gia thì có đến 10 tội quy định mức cao nhất của khung hình phạt là tù chung thân, tử hình. Ngoài hình
phạt chính, Bộ luật còn quy định các hình phạt bổ sung áp dụng đối với những người phạm tội: người phạm
tội còn có thể bị tước một số quyền công dân từ một năm đến năm năm, phạt quản chế, cấm cư trú từ một
năm đến năm năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Điều 78. Tội phản bội Tổ quốc.
1. Công dân Việt Nam nào cấu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống
nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng quốc phòng, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng
hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử
hình.
2. Phạm tội trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm
năm.
* Khách thể của tội phạm: phản bội Tổ quốc là tội phạm có tính chất nguy hiểm rất cao cho xã hội.
Thực hiện tội phạm này, người phạm tội muốn thủ tiêu chế độ xã hội chủ nghĩa, xâm phạm nền độc lập, chủ
quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng quốc phòng của đất nước và Nhà nước Cộng
hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vì vậy, khách thể của tội phạm này là nền độc lập, chủ quyền, thống nhất
và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng quốc phòng, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà
xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Khái niệm Tổ quốc nói trong điều luật này là Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
* Mặt khách quan của tội phạm: mặt khách quan của tội phạm này được thể hiện ở hành vi của
công dân Việt Nam cấu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho các quan hệ nói trên. Cấu kết với nước
ngoài được hiểu là quan hệ qua lại chặt chẽ giữa người phạm tội và nước ngoài. Quan hệ này được thể hiện
ở một trong các hành vi sau đây gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: bàn bạc với nước ngoài về mưu đồ chính trị và các mặt khác (như
bàn bạc kế hoạch, tổ chức, hình thức hoạt động...) chống phá Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; nhận sự
giúp đỡ của nước ngoài về tiền bạc, vũ khí hoặc phương tiện kỹ thuật hoặc lợi ích vật chất khác phục vụ
cho các hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam; hoạt động dựa vào thế lực nước ngoài gây nguy hại cho
độc lập, chủ quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tiếp
tay cho nước ngoài để hoạt động chống chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa
Việt Nam.
Chỉ bị coi là phạm tội phản bội Tổ quốc khi người phạm tội có hành vi cấu kết với nước ngoài. Còn
các hành vi khác như tìm cách liên hệ, móc nối với nước ngoài hoặc tuân theo, làm theo sự chỉ đạo của
nước ngoài,…không bị coi là hành vi cấu kết với nước ngoài và không cấu thành tội phản bội Tổ quốc mà
cấu thành các tội phạm khác. "Nước ngoài" nói trong điều luật này là bất kỳ nước nào khác ngoài nước
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đối tượng mà người phạm tội cấu kết có thể là cá nhân người nước
ngoài, tổ chức Nhà nước hoặc tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Tội phạm được coi là hoàn thành kể từ
thời điểm người phạm tội có hành vi cấu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho các quan hệ xã hội đã
nêu trên.
5
* Chủ thể của tội phạm: chủ thể của tội phản bội Tổ quốc chỉ có thể là công dân của nước Cộng hoà
xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tức là người có quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam về
quốc tịch. Người nước ngoài hoặc người không có quốc tịch không thể là chủ thể của tội phạm này.
* Mặt chủ quan của tội phạm: tội phản bội Tổ quốc chỉ có thể được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp
với mục đích gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng
quốc phòng, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Động cơ phạm tội
có thể rất khác nhau: hận thù giai cấp, bất mãn với chế độ, vụ lợi,...
* Hình phạt: Điều 78 quy định hai khung hình phạt:
+ Khung 1: quy định mức hình phạt tù từ mười hai đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình áp
dụng đối với trường hợp phạm tội quy định ở khoản 1.
+ Khung 2: quy định mức hình phạt tù từ bảy năm đến mười năm, áp dụng đối với trường hợp phạm
tội có một trong các tình tiết giảm nhẹ: tự thú, thành khẩn khai báo, tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách
nhiệm phát hiện và điều tra tội phạm...
* Một số vấn đề cần lưu ý: Chủ thể của tội phản bội Tổ quốc chỉ có thể là công dân Việt Nam thực
hiện hành vi cấu kết với nước ngoài và mục đích nhằm thay đổi chế độ chính trị, kinh tế - xã hội của đất
nước, lật đổ chính quyền nhân dân. Đây là những căn cứ để phân biệt tội phản bội Tổ quốc với một số tội
phạm khác như: tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, tội gián điệp, tội trốn đi nước ngoài nhằm
chống chính quyền nhân dân. Nếu công dân Việt Nam cấu kết với nước ngoài hoạt động nhằm lật đổ chính
quyền nhân dân thì bị xử lý về tội phản bội Tổ quốc (Điều 78). Công dân Việt Nam thành lập hoặc tham gia
tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, có bàn bạc với nhau, tìm cách liên hệ với nước ngoài, nhằm
được nước ngoài giúp đỡ, nhưng thực tế chưa liên hệ được với nước ngoài (chưa "cấu kết” với nước ngoài),
thì bị xử lý về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 79).
Công dân Việt Nam được nước ngoài tổ chức, huấn luyện gây cơ sở để hoạt động tình báo (điều tra, thu
thập tin tức bí mật của Nhà nước thuộc các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao, an ninh,...cung cấp
cho nước ngoài), phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài, hoặc thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác để
nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị xử lý về tội gián điệp (Điều 80).
Công dân Việt Nam trốn đi nước ngoài với mưu đồ dựa vào nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân,
nhưng trên đường đi thì bị bắt (tức là chưa "cấu kết” được với nước ngoài) thì bị xử lý về tội trốn đi nước
ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 91).
Điều 79. Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị phạt
như sau:
1. Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị
phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình;
2. Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
* Khách thể của tội phạm: chính quyền là vấn đề sống còn của mọi cuộc cách mạng, hoạt động
nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là nhằm xâm phạm sự tồn tại của chính quyền nhân dân và chế độ xã hội
chủ nghĩa. Vì vậy, khách thể của tội phạm này là sự tồn tại và vững mạnh của chính quyền nhân dân. Đối
tượng tác động của tội phạm là chính quyền nhân dân từ Trung ương đến địa phương.
* Mặt khách quan của tội phạm: mặt khách quan của tội phạm này được thể hiện ở hành vi thành
lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Thành lập tổ chức là hành vi của những người
đề xướng chủ trương, đường lối, vạch kế hoạch hoạt động của tổ chức hoặc viết cương lĩnh, điều lệ, hiệu
triệu, tuyên truyền, lôi kéo người khác vào tổ chức nhằm lật đổ chính quyền. Tổ chức nêu trong Điều 79 là
tổ chức phản cách mạng có mục đích lật đổ chính quyền nhân dân. Đó là một hình thức đồng phạm có tổ
6
chức, trong đó các thành viên tham gia tổ chức có sự ràng buộc với nhau chặt chẽ, hoạt động theo một kế
hoạch chung do tổ chức đề ra. Hoạt động thành lập tổ chức bao gồm những hành vi diễn ra trong việc chuẩn
bị để thành lập tổ chức và những hành vi biểu hiện trong quá trình chỉ huy, điều hành tổ chức đó hoạt động.
Tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là hành vi gia nhập tổ chức khi biết rõ tổ chức
ấy có mục đích lật đổ chính quyền, xoá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, tán thành và tích cực hoạt động theo
mục tiêu, kế hoạch của tổ chức đó. Tội phạm được coi là hoàn thành kể từ thời điểm người phạm tội thực
hiện hành vi thành lập tổ chức (không kể đã thành lập được hay chưa) hoặc từ khi tham gia vào tổ chức
(không kể đã có hoạt động gì hay chưa).
* Chủ thể của tội phạm: chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào từ đủ 14 tuổi trở lên có năng
lực trách nhiệm hình sự.
* Mặt chủ quan của tội phạm: tội phạm chỉ có thể được thực hiện do lỗi cố ý, mục đích lật đổ chính
quyền nhân dân, phá bỏ chế độ chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội đã được Hiến pháp quy định.
* Hình phạt: Điều 79 quy định hai khung hình phạt
+ Khung 1: quy định hình phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình áp
dụng đối với những người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc trường hợp gây hậu quả
nghiêm trọng. Người tổ chức, người xúi giục (Xem Điều 20); người hoạt động đắc lực là người tích cực
thực hiện các kế hoạch, các hoạt động cụ thể mà tổ chức phản cách mạng đó đề ra trong hoạt động nhằm lật
đổ chính quyền nhân dân; gây hậu quả nghiêm trọng là gây những thiệt hại cho sự tồn tại của chính quyền
nhân dân: làm cho nhân dân lo lắng, hoảng sợ, gây nên những ảnh hưởng xấu về chính trị trong xã hội, ảnh
hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước, đến lao động sản xuất, học tập của nhân dân.
+ Khung 2: quy định hình phạt tù từ năm đến mười lăm năm áp dụng đối với những người đồng
phạm khác và hành vi phạm tội của họ không có những tình tiết định khung tăng nặng quy định ở khoản 1
của Điều luật.
Điều 80. Tội gián điệp.
1. Người nào có một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù
chung thân hoặc tử hình:
a) Hoạt động tình báo, phá hoại hoặc gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại chống nước Cộng
hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
b) Gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài; hoạt động thám báo,
chỉ điểm, chứa chấp, dẫn đường hoặc thực hiện hành vi khác giúp người nước ngoài hoạt động tình báo,
phá hoại;
c) Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin
tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
3. Người đã nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn
khai báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, thì được miễn trách nhiệm hình sự.
* Khách thể của tội phạm: Tội gián điệp là hành vi của người nước ngoài, người không có quốc tịch
hoạt động tình báo, phá hoại hoặc gây cơ sở để hoạt động tình báo phá hoại chống nước Cộng hoà xã hội
chủ nghĩa Việt Nam hoặc là hành vi của công dân Việt Nam gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại theo
sự chỉ đạo của nước ngoài, hoạt động thám báo hay chỉ điểm, chứa chấp, dẫn đường hoặc thực hiện hành vi
khác giúp người nước ngoài; hoạt động tình báo phá hoại hoặc có hành vi cung cấp hay thu thập nhằm cung
cấp tin tức tài liệu thuộc hay không thuộc bí mật Nhà nước cho nước ngoài để nước ngoài sử dụng chống
nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
7
Hành vi hoạt động gián điệp đã xâm phạm đến an ninh đối ngoại và an ninh đối nội của nước Cộng
hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. An ninh đối nội, an ninh đối ngoại được hiểu là nền độc lập của quốc gia,
sự bất khả xâm phạm lãnh thổ và sức mạnh quốc phòng, chính quyền nhân dân. Vì vậy, khách thể của tội
gián điệp là độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, khả năng phòng thủ của đất nước và sự vững
mạnh của chính quyền nhân dân.
* Mặt khách quan của tội phạm: mặt khách quan của tội gián điệp thể hiện ở một trong những hành
vi sau đây:
+ Hoạt động tình báo, phá hoại, gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại chống nước Cộng hoà xã
hội chủ nghĩa Việt Nam. Hoạt động tình báo thể hiện ở những hành vi điều tra, thu thập tin tức tình báo
bằng cách trực tiếp như lấy cắp, vẽ sơ đồ, quay phim, chụp ảnh hay sử dụng các phương tiện kỹ thuật bí
mật để thu thập tình báo... Hoạt động phá hoại bao gồm hoạt động phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của
nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế xã hội, phá hoại
chính sách đoàn kết. Gây cơ sở là việc tuyển lựa, thu hút người vào trong mạng lưới gián điệp của chúng để
tiếp tục thu thập tình báo, để phá hoại, để làm nhiệm vụ liên lạc chuyển tin...
+ Gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài; hoạt động thám báo, chỉ
điểm, chứa chấp, dẫn đường hoặc thực hiện những hành vi khác giúp người nước ngoài hoạt động tình báo, phá
hoại. Theo quy định của điều luật thì việc thực hiện hành vi này phải làm theo sự chỉ đạo của nước ngoài mới
cấu thành tội gián điệp. Hoạt động thám báo là hoạt động của những tên gián điệp được các cơ quan tình báo
nước ngoài tung vào lãnh thổ Việt Nam thu thập những tin tức tình báo, chiến thuật (chủ yếu về quân sự) bằng
cách trực tiếp quan sát, chụp ảnh, vẽ sơ đồ hoặc phục kích bắt cán bộ, bộ đội, nhân dân để khai thác nhằm phục
vụ cho âm mưu gây chiến tranh, tập kích, đánh phá bằng máy bay,... Chỉ điểm là việc dùng ám hiệu để báo hoặc
báo cho người nước ngoài biết nơi cần thu thập tình báo, phá hoại, bắt cóc cán bộ,...Chứa chấp, dẫn đường hoặc
thực hiện những hành vi khác giúp người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại là hành vi của những người
Việt Nam tạo điều kiện cần thiết cho người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại (ví dụ: bố trí nơi ẩn náu,
cung cấp thêm phương tiện...). Khi thực hiện những hành vi này, người phạm tội biết rõ là đã giúp người nước
ngoài hoạt động tình báo, phá hoại.
+ Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin
tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đây là trường hợp người phạm tội đã cung cấp những bí mật Nhà nước cho nước ngoài hoặc đã thu thập những
bí mật Nhà nước để khi có điều kiện sẽ cung cấp cho nước ngoài. Người phạm tội gián điệp trong trường hợp
này biết rõ tin tức, tài liệu mà họ đã cung cấp cho nước ngoài là những tài liệu thuộc bí mật quốc gia, còn
động cơ như thế nào hoặc tài liệu đó có tác dụng gì với nước ngoài hay không đều không có ý nghĩa trong
việc định tội. Bí mật Nhà nước nêu trong điều luật này bao gồm bí mật trong các lĩnh vực chính trị, quân
sự, kinh tế, ngoại giao, an ninh... được Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước ngày 28 -10 -1991 của Hội đồng
Nhà nước quy định.
Những người làm nhiệm vụ cất giữ, trông coi phương tiện hoạt động gián điệp hoặc làm nhiệm vụ
liên lạc với tổ chức gián điệp để cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài cũng là phạm tội gián điệp với
vai trò đồng phạm. Đối với hành vi thu thập, cung cấp những tin tức, tài liệu khác thì phải làm rõ khi thu
thập, cung cấp tin tức, tài liệu ấy người đó biết rằng nước ngoài sử dụng để chống Nhà nước Cộng hoà xã
hội chủ nghĩa Việt Nam. Nếu không làm rõ được mục đích này thì không có cơ sở kết luận họ phạm tội
gián điệp.
Tội gián điệp thuộc loại tội phạm có cấu thành hình thức. Tội phạm được coi hoàn thành từ thời điểm
người phạm tội nhận sự chỉ đạo của nước ngoài để hoạt động gián điệp. Trường hợp phạm tội do bị ép
buộc, lừa phỉnh, lầm đường đã biết ăn năn, hối cải, “không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành
khẩn khai báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền” thì được miễn trách nhiệm hình sự.
* Chủ thể của tội phạm: chủ thể của tội phạm này có thể là người nước ngoài, công dân Việt Nam
hoặc người không quốc tịch từ đủ 14 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự.
8
* Mặt chủ quan của tội phạm: tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp và mục đích phạm tội
là chống chính quyền nhân dân. Nếu hành vi là do lỗi vô ý, thiếu trách nhiệm để lộ những bí mật Nhà
nước thì không phạm tội gián điệp mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm lộ bí mật
Nhà nước (Điều 264). Nếu cố ý làm lộ bí mật Nhà nước sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý
làm lộ bí mật Nhà nước (Điều 263).
* Hình phạt: Điều 80 quy định hai khung hình phạt:
+ Khung 1: quy định hình phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình áp
dụng đối với trường hợp phạm tội quy định ở khoản 1.
+ Khung 2: quy định hình phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm áp dụng trong trường hợp ít nghiêm
trọng. Đây là trường hợp phạm tội có một trong những tình tiết giảm nhẹ (phạm tội lần đầu, lập công chuộc tội,
tự thú, thành khẩn khai báo,...).
Trường hợp người đã nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú,
thành khẩn khai báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Điều 81. Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ
Người nào xâm nhập lãnh thổ, có hành động làm sai lệch đường biên giới quốc gia hoặc có hành
động khác nhằm gây phương hại cho an ninh lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì
bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười hai
năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân;
2. Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
* Khách thể của tội phạm: tội xâm phạm an ninh lãnh thổ là hành vi xâm nhập lãnh thổ làm sai
lệch đường biên giới quốc gia hoặc có hành vi khác nhằm gây phương hại cho lãnh thổ nước Cộng hoà
xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bất kỳ quốc gia nào cũng có chủ quyền quốc gia đối với lãnh thổ của
mình. Theo Điều 1 Hiến pháp 1992 thì lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao
gồm: đất liền, vùng trời, vùng biển và các hải đảo. Xâm phạm các bộ phận nói trên của lãnh thổ quốc
gia là xâm phạm an ninh lãnh thổ. Vì vậy, khách thể của tội này là an ninh lãnh thổ và chủ quyền quốc
gia.
* Mặt khách quan của tội phạm: xâm phạm an ninh lãnh thổ là hoạt động của người phạm tội từ bên
ngoài xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam một cách bất hợp pháp bằng đường bộ, đường thuỷ hoặc đường
không, dùng sức mạnh vũ trang gây thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân ta, làm mất an ninh lãnh thổ của
đất nước ta. Mặt khách quan của tội phạm này thể hiện ở một trong các hành vi sau:
- Làm sai lệch đường biên giới quốc gia là làm thay đổi đường biên giới quốc gia (như di chuyển cột
mốc biên giới vào lãnh thổ Việt Nam, dựng các cột mốc giả để lấn chiếm đất...).
- Hành động khác phá hoại an ninh lãnh thổ là những hành động từ lãnh thổ nước ngoài, từ vùng biển
quốc tế oanh tạc, bắn phá... lãnh thổ, vùng biển, làm mất an ninh lãnh thổ nước ta.
- Tiếp tế, chỉ đường, giúp đỡ người biết rõ là từ bên ngoài xâm nhập lãnh thổ để phá hoại an ninh
lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩaViệt Nam.
* Chủ thể của tội phạm: chủ thể của tội xâm phạm an ninh lãnh thổ có thể là người nước ngoài,
người không quốc tịch hoặc công dân Việt Nam đã trốn ra nước ngoài hoạt động và cùng với nước ngoài
9
xâm nhập lãnh thổ, phá hoại an ninh lãnh thổ hoặc công dân Việt Nam cư trú trong nước có hành vi giúp
sức thực hiện tội phạm này.
* Mặt chủ quan của tội phạm: tội phạm chỉ có thể được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp với mục đích phá
hoại an ninh lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Những trường hợp xâm nhập lãnh thổ
hoặc hành vi của người nước ngoài ở vùng biên giới xâm lấn lãnh thổ nước ta để trồng trọt, xây dựng nhưng
không có mục đích phá hoại an ninh lãnh thổ thì không cấu thành tội phạm này mà cấu thành tội phạm khác.
* Hình phạt: Điều 81 quy định hai khung hình phạt:
+ Khung 1: quy định hình phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân áp dụng
đối với người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng.
+ Khung 2: quy định hình phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm áp dụng đối với người đồng
phạm khác.
Điều 82. Tội bạo loạn
Người nào hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức nhằm chống chính quyền nhân dân,
thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười
hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình;
2. Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
* Khách thể của tội phạm: bạo loạn là hoạt động của những người dùng sức mạnh vũ trang hoặc
dùng bạo lực có tổ chức công khai chống chính quyền, lực lượng vũ trang nhân dân nhằm làm suy yếu
chính quyền nhân dân. Vì vậy, khách thể của tội bạo loạn là sự tồn tại và vững mạnh của chính quyền
nhân dân.
* Mặt khách quan của tội phạm: mặt khách quan của tội bạo loạn được thể hiện ở một trong các
hành vi sau:
- Hoạt động vũ trang chống chính quyền nhân dân là hoạt động vũ trang có tổ chức, công khai
chống lại chính quyền, chống lại lực lượng vũ trang nhân dân, phá hoại an ninh chính trị ở địa phương
như: cướp kho tàng, bắt, giết cán bộ, bộ đội, công an, chiếm trụ sở của Đảng, của cơ quan chính quyền,
doanh trại của lực lượng vũ trang, cướp vũ khí của dân quân tự vệ.
- Dùng bạo lực có tổ chức nhằm chống chính quyền là sử dụng sức mạnh của nhiều người (không
có vũ trang) làm áp lực chống chính quyền nhân dân như: bao vây, chiếm giữ hoặc đập phá trụ sở chính
quyền, lực lượng vũ trang, đốt phá tài sản cuả Nhà nước, tập thể hoặc của nhân dân.
Để tiến hành bạo loạn chống chính quyền nhân dân, người phạm tội phải tập hợp, lôi kéo nhiều người
tham gia. Chúng có thể vũ trang ngay từ đầu hoặc dùng bạo lực có tổ chức, cướp vũ khí của lực lượng vũ
trang, tiến hành hoạt động vũ trang công khai chống chính quyền nhân dân.
* Chủ thể của tội phạm: chủ thể của tội bạo loạn là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình
sự và từ đủ 14 tuổi trở lên.
* Mặt chủ quan của tội phạm: tội bạo loạn chỉ có thể được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp và mục
đích nhằm chống chính quyền nhân dân.
* Hình phạt: Điều 82 quy định 2 khung hình phạt:
+ Khung 1: quy định hình phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình áp
dụng đối với người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng.
10
+ Khung 2: quy định hình phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm áp dụng đối với người đồng phạm
khác.
Điều 83. Tội hoạt động phỉ.
Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà hoạt động vũ trang ở vùng rừng núi, vùng biển,
vùng hiểm yếu khác, giết người, cướp phá tài sản, thì bị phạt như sau:
1. Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười hai
năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình;
2. Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
* Khách thể của tội phạm: tội hoạt động phỉ là hành vi hoạt động vũ trang ở vùng rừng núi, vùng
biển, vùng hiểm yếu khác, giết người, cướp, phá tài sản của Nhà nước, của nhân dân nhằm chống chính
quyền nhân dân. Tội hoạt động phỉ xâm phạm đến sự an toàn của chính quyền nhân dân, an ninh chính trị
và trật tự an toàn xã hội. Người phạm tội lợi dụng tính phức tạp của địa hình, vùng rừng núi, vùng biển,
vùng hiểm yếu khác để tiến hành một số hoạt động như: giết người, cướp phá tài sản,... nhằm chống chính
quyền nhân dân, gây mất ổn định ở điạ phương đó. Các hành vi trên đe doạ sự an toàn của chính quyền
nhân dân và ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, khách thể của tội
hoạt động phỉ là sự an toàn của chính quyền nhân dân, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tính mạng,
sức khoẻ của công dân ở vùng rừng núi, vùng biển, vùng hiểm yếu khác.
* Mặt khách quan của tội phạm: mặt khách quan của tội phạm quy định ở Điều 83 được thể hiện ở
một trong những hành vi sau:
Hoạt động vũ trang là dấu hiệu đặc trưng của tội hoạt động phỉ. Quy mô của hoạt động vũ trang
có thể là lớn, vừa hoặc nhỏ, lúc ẩn, lúc hiện, tuỳ từng nơi, từng lúc. Địa điểm thực hiện hành vi phạm
tội phải là vùng rừng núi, vùng biển, vùng hiểm yếu khác. Đây là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành
của tội phạm này. Hoạt động phỉ có thể là hành vi bắt, giết cán bộ, nhân viên Nhà nước, bộ đội, công
an hoặc nhân dân, cướp phá tài sản của Nhà nước, của tập thể hoặc của nhân dân, gây rối an ninh ở
vùng rừng núi, vùng biển, vùng hiểm yếu khác.
Tội hoạt động phỉ và tội bạo loạn có nhiều điểm giống nhau: đều có mục đích chống chính quyền
nhân dân và mặt khách quan của tội phạm được thể hiện ở hành vi tấn công vào cơ quan nhà nước, bắt, giết
cán bộ, bộ đội, công an và nhân dân, cướp phá tài sản xã hội chủ nghĩa và tài sản của công dân. Nhưng giữa
chúng khác nhau ở chỗ hoạt động vũ trang trong tội bạo loạn là hoạt động tấn công một cách công khai vào
cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang, làm suy yếu chính quyền nhân dân. Tội bạo loạn bao giờ cũng có tổ
chức và có thể xảy ra ở cả vùng đồng bằng, vùng rừng núi, vùng biển, ở thành phố hoặc cả ở vùng hiểm yếu
khác. Còn tội hoạt động phỉ có thể chỉ bao gồm một số ít người hoạt động lúc ẩn, lúc hiện ở những địa bàn
nói trên, có hoạt động vũ trang và chủ yếu là nhằm cướp, phá tài sản, giết người... gây rối an ninh ở vùng
rừng núi, vùng biển hoặc vùng hiểm yếu khác.
Trong những điều kiện nhất định, tội này có thể chuyển sang tội kia và ngược lại. Ví dụ có những
dấu hiệu của tội hoạt động phỉ nhưng có nhiều người hoạt động trong một tổ chức chặt chẽ, công khai
chống chính quyền, tấn công lực lượng vũ trang thì chuyển hoá thành tội bạo loạn, hoặc từ một tổ chức gây
bạo loạn bị trấn áp tan rã, phân tán, hoạt động lẻ tẻ chống chính quyền ở vùng rừng núi, vùng biển, vùng
hiểm yếu khác lại cấu thành tội hoạt động phỉ.
* Chủ thể của tội phạm: chủ thể của tội hoạt động phỉ là bất kỳ người nào từ đủ 14 tuổi trở lên có
năng lực trách nhiệm hình sự.
11
* Mặt chủ quan của tội phạm: hành động phạm tội được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp và mục đích
nhằm chống chính quyền nhân dân. Đây là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này.
* Hình phạt: Điều 83 quy định hai khung hình phạt:
+ Khung 1: quy định hình phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình áp
dụng đối với người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng.
+ Khung 2: quy định hình phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm áp dụng đối với người đồng phạm
khác.
Điều 84. Tội khủng bố.
1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức
hoặc công dân, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Phạm tội trong trường hợp xâm phạm tự do thân thể, sức khoẻ, thì bị phạt tù từ năm năm đến
mười lăm năm.
3. Phạm tội trong trường hợp đe doạ xâm phạm tính mạng hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh
thần, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
4. Khủng bố người nước ngoài nhằm gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hoà xã hội
chủ nghĩa Việt Nam, thì cũng bị xử phạt theo Điều này.
* Khách thể của tội phạm: tội khủng bố trực tiếp đe doạ sự vững mạnh của chính quyền nhân
dân, an ninh đối nội, an ninh đối ngoại, xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, quyền tự do thân thể của cán
bộ, công chức hoặc công dân nhằm chống chính quyền nhân dân. Vì vậy, khách thể của tội khủng bố là
sự vững mạnh của chính quyền nhân dân, an ninh đối nội, an ninh đối ngoại, tính mạng, sức khoẻ, tự
do thân thể của con người.
* Mặt khách quan của tội phạm: mặt khách quan của tội phạm quy định tại Điều 84 thể hiện ở một
trong những hành vi sau đây:
- Xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc công dân là trường hợp người phạm tội thực hiện
hành vi giết người bằng việc sử dụng các phương pháp, phương tiện khác nhau như: bắn, chém, đầu độc,...
hoặc bằng những cách nào đó xâm phạm trực tiếp tính mạng của những người đại diện chính quyền, nhân
viên tổ chức xã hội hoặc công dân.
- Xâm phạm tự do thân thể, sức khoẻ là trường hợp người phạm tội đã bắt giữ một cách trái phép đối
với cán bộ, công chức hoặc công dân để làm con tin, để khống chế hoặc dùng sức mạnh vật chất tác động
vào thân thể của những người đó gây tổn hại về sức khoẻ của họ (như đánh đập, gây thương tích...).
- Đe doạ xâm phạm tính mạng là trường hợp người phạm tội dùng lời nói hoặc bằng cử chỉ, thái độ
nào đó làm cho người bị đe doạ có căn cứ hiểu rằng nếu họ cứ thực hiện công vụ hoặc nghĩa vụ của người
công dân thì tính mạng của họ sẽ bị xâm phạm. Người phạm tội có thể đe doạ xâm phạm tính mạng người
thân của những cán bộ, công chức hoặc gây khiếp sợ cho những người đó, cản trở họ thực hiện công vụ
nhằm chống chính quyền cũng là hành vi của tội khủng bố.
- Giết, bắt, giữ, gây thương tích...đối với người nước ngoài nhằm gây khó khăn cho quan hệ quốc tế
của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là hành vi của tội khủng bố.
* Chủ thể của tội phạm: chủ thể của tội khủng bố là bất kỳ người nào từ đủ 14 tuổi trở lên (khoản 1
và khoản 2) hoặc từ đủ 16 tuổi trở lên (khoản 3) có năng lực trách nhiệm hình sự.
* Mặt chủ quan của tội phạm: tội khủng bố được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp và mục đích nhằm
chống chính quyền nhân dân. Đây là là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.
12
Nếu hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, tự do thân thể, đe doạ xâm phạm tính mạng không
nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân thì không cấu thành tội này mà có thể bị truy cứu trách nhiệm
hình sự về tội khác.
* Hình phạt: Điều 84 quy định ba khung hình phạt:
+ Khung 1: quy định hình phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình áp
dụng đối với trường hợp xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc công dân.
+ Khung 2: quy định hình phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm áp dụng đối với trường hợp xâm
phạm tự do thân thể hoặc sức khoẻ.
+ Khung 3: phạt tù từ hai năm đến bảy năm áp dụng đối với trường hợp đe doạ xâm phạm tính mạng
hoặc có hành vi khác uy hiếp tinh thần.
Hành vi khủng bố người nước ngoài nhằm gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hoà xã
hội chủ nghĩa Việt Nam cũng bị xử phạt theo các khung hình phạt tương ứng được quy định tại Điều luật
này.
Điều 85. Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng
hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, khoa học - kỹ thuật,
văn hoá, xã hội, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
* Khách thể của tội phạm: cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội là nền tảng của chế độ xã
hội chủ nghĩa. Đó là các giá trị vật chất thuộc các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, khoa học
kỹ thuật, văn hoá và xã hội. Xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật được coi là nhiệm vụ trung tâm của cả thời
kỳ quá độ, là mục tiêu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tội phá hoại cơ sở vật chất -
kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội là hành vi phá huỷ hoặc làm hư hỏng các giá trị nói trên nhằm chống chính
quyền nhân dân. Thực hiện tội phạm này, người phạm tội trực tiếp gây thiệt hại cho các đối tượng cụ thể như:
nhà máy, xí nghiệp, cầu đường, phương tiện giao thông vận tải, phương tiện thông tin liên lạc,... nhằm gây khó
khăn, cản trở, ngưng trệ công cuộc xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội và gây mất ổn định
chính trị của đất nước. Vì vậy, khách thể của tội phạm này là sự vững mạnh của chính quyền nhân dân, quyền
bất khả xâm phạm về cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đối tượng của tội phạm được nêu trong Điều luật này bao gồm: các kho tàng, xí nghiệp, nhà máy,
máy móc, thiết bị, vật tư, sản phẩm, trụ sở cơ quan hoặc các tài sản khác thuộc các lĩnh vực an ninh, quốc
phòng, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, các công trình văn hoá nghệ thuật,...
* Mặt khách quan của tội phạm: mặt khách quan của tội phạm này là hành vi phá hoại cơ sở vật
chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Khi thực hiện hành vi này, người phạm tội đã làm cho các đối tượng bị
mất một phần hay toàn bộ giá trị sử dụng hoặc khó có thể khôi phục được.
Người phạm tội thực hiện hành vi nhằm phá hoại cơ sở vật chất kỹ thuật của nước Cộng hoà xã hội
chủ nghĩa Việt Nam thuộc lĩnh vực chính trị (trụ sở cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội), an ninh quốc gia
(phương tiện giao thông, thông tin, liên lạc, kết cấu hạ tầng khác,...), quốc phòng, kinh tế (nhà máy, hầm
mỏ,...), khoa học kỹ thuật (các công trình khoa học kỹ thuật...) hoặc lĩnh vực văn hoá xã hội (các công trình
có giá trị lịch sử, văn hoá nghệ thuật,...).
13
Phá hoại là hành vi huỷ hoại hoặc làm hư hỏng các đối tượng nói trên. Huỷ hoại là làm cho các đối tượng
tác động của tội phạm này mất hoàn toàn giá trị sử dụng. Làm hư hỏng là làm mất một phần giá trị sử dụng của
các đối tượng đó. Hành vi phá hoại có thể được thực hiện bằng hành động (như đốt, phá, tháo gỡ, chiếm đoạt...)
hoặc không hành động (như không thực hiện đúng hoặc thực hiện không đầy đủ các công việc mà người đó có
trách nhiệm phải thực hiện) nhằm huỷ hoại hoặc làm hư hỏng các đối tượng đó.
Phương tiện mà người phạm tội dùng để thực hiện tội phạm có thể là chất nổ, chất cháy, chất độc,
búa, kìm... hoặc các phương tiện hoặc dụng cụ khác. Tội phạm được coi là hoàn thành kể từ thời điểm khi
có một trong những hành vi phá hoại, xâm hại hoặc đe doạ xâm hại đến các đối tượng thuộc cơ sở vật chất -
kỹ thuật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
* Chủ thể của tội phạm: chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào từ đủ 14 tuổi trở lên có năng
lực trách nhiệm hình sự.
* Mặt chủ quan của tội phạm: hành vi của người phạm tội được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp và
mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân. Khi thực hiện hành vi phá hoại, người phạm tội nhận thức rõ
tính chất nguy hiểm của hành vi, thấy trước hậu quả thiệt hại cho cơ sở vật chất kỹ thuật của nước Cộng hoà
xã hội chủ nghĩa Việt Nam và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra.
Nếu người nào đó có hành vi gây thiệt hại cho tài sản nhưng do thiếu trách nhiệm hoặc do yếu kém
về kỹ thuật hoặc do tư lợi cá nhân mà không nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân thì hành vi không
cấu thành tội phạm quy định tại Điều 85 mà cấu thành tội phạm khác.
* Hình phạt: Điều 85 quy định hai khung hình phạt
+ Khung 1: quy định mức hình phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử
hình áp dụng đối với trường hợp phạm tội quy định ở khoản 1.
+ Khung 2: quy định hình phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm áp dụng đối với trường hợp ít
nghiêm trọng (gây hậu quả không lớn, thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải,...)
Điều 86. Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội.
1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế -
xã hội, thì bị phạt tù từ bảy năm đến hai mươi năm.
2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm.
* Khách thể của tội phạm: phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội là làm cho các chính
sách, kế hoạch của Nhà nước không thực hiện được, gây khó khăn cho Nhà nước xã hội chủ nghĩa trong công
tác quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Vì vậy, khách thể của tội phạm này là sự thực hiện đúng đắn các chính sách
kinh tế - xã hội của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và sự vững mạnh của chính quyền nhân dân.
* Mặt khách quan của tội phạm: mặt khách quan của tội phạm quy định tại Điều 86 được thể hiện ở
hành vi phá hoại việc thực hiện chính sách kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Phá hoại việc thực
hiện chính sách kinh tế - xã hội là hành vi chống lại hoặc không thi hành hoặc thi hành sai lệch, cản trở
người khác thực hiện chính sách đó, làm cho các chính sách, kế hoạch của Nhà nước không thực hiện được
hoặc được thực hiện nhưng trì trệ, kéo dài ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của đất nước, đến đời sống
của nhân dân.
Hậu quả xảy ra không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành của tội phạm này mà chỉ có ý nghĩa
khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội. Tội phạm được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm
tội thực hiện một trong những hành vi phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế xã hội nói trên.
* Chủ thể của tội phạm: là bất kỳ người nào từ đủ 14 tuổi trở lên (khoản 1) hoặc từ đủ 16 tuổi trở
lên (khoản 2) có năng lực trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể là người có chức vụ,
14
quyền hạn trong việc thực hiện chính sách kinh tế xã hội hoặc là người có nghĩa vụ phải thực hiện các chính
sách kinh tế xã hội.
* Mặt chủ quan của tội phạm: tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội
nhận thức được hành vi phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế xã hội là nguy hiểm cho xã hội,
thấy trước hậu quả thiệt hại cho xã hội và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra. Mục đích phạm tội là
nhằm chống chính quyền nhân dân. Đây là các dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Hành vi
phá hoại các chính sách kinh tế - xã hội là nhằm gây khó khăn cho Nhà nước trong quản lý nền kinh tế
xã hội, làm suy yếu chính quyền nhân dân.
* Hình phạt: Điều 86 quy định hai khung hình phạt:
+ Khung 1: quy định hình phạt tù từ bảy năm đến hai mươi năm áp dụng đối với trường hợp phạm tội
quy định tại khoản 1.
+ Khung 2: quy định hình phạt tù từ ba năm đến bảy năm áp dụng đối với trường hợp ít nghiêm
trọng.
Điều 87. Tội phá hoại chính sách đoàn kết.
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt tù
từ năm năm đến mười lăm năm:
a) Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với lực lượng vũ trang, với chính quyền
nhân dân, với các tổ chức xã hội;
b) Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt
Nam;
c) Gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với
chính quyền nhân dân, với các tổ chức xã hội;
d) Phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế.
2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
* Khách thể của tội phạm: tội phá hoại chính sách đoàn kết chính là hành vi gây chia rẽ giữa các đối
tượng mà chính sách đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, tôn giáo, đoàn kết quốc tế đặt ra nhằm chống chính
quyền nhân dân. Vì vậy khách thể của tội phạm này là: khối đoàn kết toàn dân và sự thực hiện đúng đắn chính
sách đoàn kết quốc tế.
* Mặt khách quan của tội phạm: mặt khách quan của tội phạm này được thể hiện ở một trong các
hành vi sau:
- Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với lực lượng vũ trang nhân dân, với chính
quyền nhân dân, với các tổ chức xã hội. Thực hiện hành vi này, người phạm tội có thể xuyên tạc, bịa đặt,
gợi lại những xích mích, những vấn đề còn tồn tại trước đây giữa các làng xã, họ mạc trong nhân dân; lợi
dụng những sơ hở, thiếu sót trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của cán bộ, bộ đội, công an để chia
rẽ nhân dân với chính quyền, lực lượng vũ trang, tổ chức xã hội, phá vỡ sự đoàn kết trong Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam.
- Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt
Nam. Đây chính là hành vi phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước.
Người phạm tội có thể lợi dụng sự mê tín, lạc hậu, những hiềm khích trước đây để chia rẽ, lợi dụng những
15
phong tục, tập quán dân tộc khác nhau, uy quyền sẵn có để gây kỳ thị dân tộc; lợi dụng những sơ hở, thiếu
sót trong việc chấp hành chính sách pháp luật để phá hoại đoàn kết dân tộc hoặc hành vi phân biệt đối xử
giữa các dân tộc tạo nên sự không bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
- Gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính
quyền nhân dân, với các tổ chức xã hội. Thực hiện hành vi này, người phạm tội có thể lợi dụng thần quyền,
giáo lý, sự lạc hậu và tín ngưỡng của tín đồ để chia rẽ giữa các tôn giáo, giữa tôn giáo với chính quyền, giữa
tôn giáo với các chính đảng, đoàn thể; hoặc lợi dụng những sơ hở thiếu sót trong việc thực hiện chính sách
pháp luật của cán bộ cơ sở để kích động, chia rẽ tín đồ với chính quyền nhân dân, với các tổ chức xã hội.
- Phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế là hành vi phá hoại việc thực hiện chính sách
đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong sự nghiệp củng cố và tăng cường với các nước, phá hoại việc thực
hiện chính sách đoàn kết của Đảng và Nhà nước ta đối với các dân tộc yêu chuộng hoà bình trên thế giới.
Người phạm tội có thể xuyên tạc chính sách, cản trở việc thực hiện chính sách hoặc lợi dụng những vấn đề
do lịch sử để lại để chia rẽ, phá hoại đoàn kết quốc tế.
* Chủ thể của tội phạm: chủ thể của tội phá hoại chính sách đoàn kết là bất kỳ người nào có năng lực
trách nhiệm hình sự và từ đủ 14 tuổi (khoản 1) hoặc từ đủ 16 tuổi trở lên (khoản 2).
* Mặt chủ quan của tội phạm: tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp và mục đích là nhằm
chống chính quyền nhân dân. Mục đích chống chính quyền nhân dân là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành
tội phạm này. Nếu người nào đó do không hiểu chủ trương chính sách, thiếu ý thức hoặc do lạc hậu mà có
lời nói, việc làm có hại cho sự đoàn kết dân tộc, nhưng không có mục đích chống chính quyền nhân dân thì
hành vi đó không cấu thành tội phạm phá hoại chính sách đoàn kết.
* Hình phạt: Điều 87 quy định hai khung hình phạt:
+ Khung 1: quy định hình phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm áp dụng đối với người phạm tội
thực hiện một trong các hành vi được quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 1 của điều luật.
+ Khung 2: quy định hình phạt tù từ hai năm đến bảy năm áp dụng đối với trường hợp ít nghiêm
trọng.
Điều 88. Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa
Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân
dân;
c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã
hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
* Khách thể của tội phạm: tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là
những hành vi tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, tuyên truyền luận điệu chiến tranh
tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân, làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu văn hoá
phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
16
Khi thực hiện các hành vi tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, người
phạm tội nhằm làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa, phá hoại sự
thống nhất về chính trị, tư tưởng trong xã hội, xâm phạm sự vững mạnh của chính quyền nhân dân và chế
độ xã hội chủ nghĩa. Vì vậy khách thể của tội phạm này là sự vững mạnh của chính quyền nhân dân, chế độ
xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
* Mặt khách quan của tội phạm: mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở một trong những hành vi
sau đây:
- Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân là hành vi xuyên tạc, đả kích các chủ
trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong các lĩnh vực quản lý kinh tế, quản lý xã hội, quản lý cán
bộ, nói xấu công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, nói xấu lãnh tụ, cán bộ, công chức Nhà nước,...Người
phạm tội có thể lợi dụng những hiện tượng tiêu cực, khoét sâu những khó khăn trước mắt, thổi phồng
những khuyết điểm trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội, làm cho người khác không tin vào chế độ,
vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của bộ máy Nhà nước, giảm sút ý chí trong lao động xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin, bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân
là hành vi sử dụng những luận điệu chiến tranh tâm lý của địch để tuyên truyền, kích động, xuyên tạc,...
đánh vào tâm lý của nhân dân, tạo ra sự sợ hãi, tư tưởng cầu an hoặc bịa đặt, tung tin thất thiệt gây hoang
mang, nghi ngờ trong nhân dân. Hình thức tuyên truyền có thể là truyền miệng, phao tin, thông qua hội
thảo, bài giảng, bài viết trên báo,...
- Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội
chủ nghĩa Việt Nam là hành vi: sản xuất (viết, in vẽ, chụp ảnh,...), cất giấu, lưu hành những sách, báo,
phim, tranh, ảnh, thơ ca, truyền đơn, kịch bản và những văn hoá phẩm khác có nội dung chống Nhà nước
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
* Chủ thể của tội phạm: chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào từ đủ 14 tuổi trở lên có năng
lực trách nhiệm hình sự.
* Mặt chủ quan của tội phạm: tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp và mục đích là nhằm
chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Mục đích chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ
nghĩa Việt Nam là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Nếu người nào đó có hành vi phao tin bịa
đặt gây hoang mang trong nhân dân, đả kích cán bộ,...nhưng không nhằm mục đích nói trên thì không phạm
tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
* Hình phạt: Điều 88 quy định hai khung hình phạt:
+ Khung 1: quy định hình phạt tù từ ba năm đến mười hai năm áp dụng đối với người thực hiện một
trong các hành vi quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 điều luật này.
+ Khung 2: quy định hình phạt tù từ 10 năm đến 20 năm áp dụng đối với người phạm tội trong
trường hợp có tình tiết tăng nặng (như: sử dụng thủ đoạn xảo quyệt, phạm tội có tổ chức, gây hậu quả
nghiêm trọng...).
Điều 89. Tội phá rối an ninh.
1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà kích động, lôi kéo, tụ tập nhiều người phá rối an
ninh, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, nếu không thuộc trường hợp
quy định tại Điều 82 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
2. Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
17
* Khách thể của tội phạm: tội phá rối an ninh là những hành vi kích động, lôi kéo tụ tập nhiều người
phá rối an ninh, chống người thi hành công vụ, cản trở sự hoạt động của cơ quan Nhà nước hay tổ chức xã
hội nhằm chống chính quyền nhân dân. Vì vậy, khách thể của tội phạm này là an ninh chính trị, trật tự an
toàn xã hội, sự hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội.
* Mặt khách quan của tội phạm: mặt khách quan của tội phạm quy định tại Điều 89 thể hiện ở một
trong những hành vi sau:
- Kích động, lôi kéo tập hợp nhiều người phá rối an ninh, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt
động của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội là loại hành vi của những tên chủ mưu, cầm đầu, xúi giục. Bọn
tội phạm thường lợi dụng những thiếu sót của cán bộ ta trong việc thi hành chính sách, pháp luật, lợi dụng
tôn giáo, sự lạc hậu của quần chúng để kích động, tập hợp nhiều người phá rối an ninh, chống người thi
hành công vụ, làm cho hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội không thể tiến hành bình thường,
gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Ví dụ,
tập hợp nhiều người mít tinh, biểu tình (không có vũ trang) hoặc đưa đơn kiến nghị, yêu sách chính quyền
giải quyết vấn đề gì đó hoặc đấu tranh không cho thu mua lương thực, thu thuế, không cho xây dựng công
trình,...
- Chống người thi hành công vụ là hành vi bằng các thủ đoạn (như: bắt giữ, dùng vũ lực tấn công
người thi hành công vụ,…) đe doạ, cưỡng bức họ làm trái pháp luật,... Người thi hành công vụ là người có
chức vụ, quyền hạn tiếp xúc với nhân dân để giải quyết các công việc có liên quan đến chức trách của mình
như Công an, Thuế vụ, Hải quan, Bộ đội,....
- Cản trở hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội là hành vi gây khó khăn cho cơ quan
Nhà nước, tổ chức xã hội thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
- Tham gia phá rối an ninh là hành vi của người biết rõ việc tụ tập với những người khác nhằm phá rối an
ninh, cản trở nhân viên Nhà nước, Bộ đội, Công an thi hành nhiệm vụ, gây khó khăn cho hoạt động bình thường
của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội nhưng họ vẫn tham gia. Khác với tội bạo loạn, hành vi phá rối an ninh tuy
có nhiều người tham gia nhưng không dùng sức mạnh có tính chất vũ trang hoặc bạo lực có tổ chức công khai
tấn công trụ sở chính quyền, lực lượng vũ trang nhân dân, làm suy yếu chính quyền nhân dân mà chỉ gây mất an
ninh địa phương, gây khó khăn, trở ngại cho người thi hành công vụ.
Tội phạm được coi là hoàn thành kể từ thời điểm người phạm tội thực hiện một trong các hành vi
trên.
* Chủ thể của tội phạm: chủ thể của tội phá rối an ninh là bất kỳ người nào từ đủ 14 tuổi (khoản 1)
hoặc đủ từ 16 tuổi trở lên (khoản 2) có năng lực trách nhiệm hình sự.
* Mặt chủ quan của tội phạm: tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý và mục đích nhằm chống chính
quyền nhân dân: gây rối an ninh chính trị, gây khó khăn cho việc thi hành công vụ của nhân viên Nhà nước,
tổ chức xã hội, cản trở hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội. Đây là căn cứ để phân
biệt tội phạm này với việc làm của những người do lạc hậu, bất mãn mà gây rối trật tự công cộng, gây khó
khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước nhưng không có mục đích chống chính quyền nhân dân. Những
hành vi đó sẽ cấu thành những tội phạm khác (gây rối trật tự công cộng - Điều 245 hoặc tội chống người thi
hành công vụ - Điều 257).
* Hình phạt: Điều 89 quy định hai khung hình phạt:
+ Khung 1: quy định hình phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm áp dụng đối với người kích động,
lôi kéo, tụ tập nhiều người phá rối an ninh, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động bình thường
của cơ quan Nhà nước.
+ Khung 2: quy định hình phạt tù từ 2 năm đến 7 năm áp dụng đối với người đồng phạm khác.
Điều 90. Tội chống phá trại giam.
18
1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà phá trại giam, tổ chức vượt trại giam, đánh tháo
người bị giam, người bị dẫn giải hoặc trốn trại giam, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù
chung thân.
2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
* Khách thể của tội phạm: chống phá trại giam là những hành vi phá trại giam, tổ chức vượt trại
giam, đánh tháo người bị giam, người bị dẫn giải hoặc trốn trại giam nhằm chống chính quyền nhân dân. Vì
vậy, khách thể của tội phạm là sự an toàn của chế độ giam giữ của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa
Việt Nam. Chế độ giam giữ bao gồm: Các chế độ quản lý, dẫn giải, giáo dục, cải tạo người phạm tội.
* Mặt khách quan của tội phạm: mặt khách quan của tội chống phá trại giam được thể hiện ở một
trong những hành vi sau đây:
- Phá trại giam là hành vi của người phạm tội đã bị bắt giam hoặc người đang ở ngoài trại giam (phá
hàng rào, phá buồng giam...) để người bị giam thoát khỏi sự giam giữ, cải tạo của Nhà nước.
- Tổ chức vượt trại giam là hành vi của những đối tượng đang bị tạm giam, đang chấp hành án phạt tù
giam trong trại giam liên kết với nhau hoặc móc nối với bên ngoài tổ chức vượt trại giam. Việc vượt trại giam
cũng có thể được thực hiện khi chúng đi lao động, chuyển trại hoặc dùng bạo lực đối với người có trách nhiệm
canh gác, dẫn giải để thoát khỏi sự quản lý của Nhà nước.
- Tổ chức đánh tháo người bị giam, người bị dẫn giải là hành vi của người bên ngoài trại giam móc
nối với người bị giam, bị dẫn giải hoặc tuy chưa có sự móc nối nhưng đã dùng bạo lực hoặc thủ đoạn khác
đối với người quản lý, dẫn giải để đánh tháo cho đồng bọn.
- Trốn trại giam là hành vi của người phạm tội đang bị tạm giam, thi hành án phạt tù lợi dụng sơ hở
trong việc quản lý, dẫn giải để trốn khỏi nơi giam giữ.
Tội phạm được coi là hoàn thành khi người phạm tội thực hiện một trong những hành vi nêu trên.
* Chủ thể của tội phạm: chủ thể của tội phạm này có thể là người bị giam, người bị dẫn giải hay bất
kỳ người nào đủ từ 14 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự.
* Mặt chủ quan của tội phạm: tội phạm chỉ có thể được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Mục đích
chống chính quyền nhân dân là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Nếu không có mục đích chống
chính quyền nhân dân thì hành vi không cấu thành tội này mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều
311 hoặc Điều 312 Bộ luật hình sự.
* Hình phạt: Điều 90 quy định hai khung hình phạt:
+ Khung 1: quy định hình phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân áp dụng đối với
các trường hợp phá trại giam, tổ chức vượt trại giam, đánh tháo người bị giam, người bị dẫn giải hoặc trốn
trại giam nhằm chống chính quyền nhân dân.
+ Khung 2: quy định hình phạt tù từ ba năm đến mười hai năm áp dụng đối với trường hợp ít nghiêm
trọng (người phạm tội đã tự thú, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải hoặc tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách
nhiệm phát hiện và điều tra tội phạm...).
Điều 91. Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân.
1. Người nào trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân, thì
bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.
2. Người tổ chức, người cưỡng ép, người xúi giục thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
19
3. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm
hoặc tù chung thân.
* Khách thể của tội phạm: Điều 91 Bộ luật hình sự quy định hai tội phạm: tội trốn đi nước ngoài
nhằm chống chính quyền nhân dân và tội trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân.
Hai tội phạm nêu trên đều có khách thể chung là an ninh đối ngoại, an ninh đối nội của Nhà nước
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
* Mặt khách quan của tội phạm: mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở hành vi trốn đi nước ngoài
hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân.
Trốn đi nước ngoài là hành vi rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam một cách
bất hợp pháp, bằng các thủ đoạn như: dùng giấy tờ giả mạo để đánh lừa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền,
lén lút trốn đi, dùng vũ lực hoặc đe doạ người có trách nhiệm kiểm soát để ra đi... Việc trốn đi nước ngoài
có thể bằng đường bộ (vượt biên, trốn vào trụ sở Đại sứ quán, Lãnh sự quán, tổ chức quốc tế đặt tại nước ta,
trốn lên tầu quân sự của nước ngoài...), trốn bằng đường thuỷ hoặc đường không. Tội phạm được coi là
hoàn thành kể từ thời điểm người phạm tội thực hiện một trong các hành vi nêu trên dù chưa vượt qua biên
giới quốc gia. Ví dụ, người đang xuất trình giấy tờ giả mạo để trốn đi nước ngoài thì bị phát hiện và bắt giữ
hoặc đang dùng vũ lực tấn công nhân viên có thẩm quyền để trốn đi nước ngoài thì bị bắt giữ.
Tội trốn ở lại nước ngoài là hành vi của người phạm tội đi ra nước ngoài một cách hợp pháp (như đi
công tác, lao động, học tập...) nhưng đã trốn không về nước hoặc sau khi hoàn thành nhiệm vụ mà không
trở về nước theo quy định. Người phạm tội có thể ở ngay nước mà họ đến học tập, lao động, công tác hoặc
trốn sang nước khác. Tội phạm được coi là hoàn thành kể từ thời điểm phải về nước mà từ chối về nước
hoặc đã trốn ở lại nước ngoài.
Hành vi phạm tội còn có thể được biểu hiện trong việc tổ chức, xúi giục, cưỡng ép, giúp sức cho
người khác trốn đi nước ngoài, trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân.
* Chủ thể của tội phạm: chủ thể của tội trốn ra nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống
Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ có thể là công dân Việt Nam. Người nước ngoài có thể
là đồng phạm.
* Mặt chủ quan của tội phạm: tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp và mục đích nhằm
chống chính quyền nhân dân là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành của tội phạm này, nghĩa là người phạm
tội nhận thức rõ việc trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài là nguy hiểm cho xã hội, gây thiệt hại
cho an ninh đối nội và an ninh đối ngoại của Nhà nước và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra.
Nếu việc trốn ra nước ngoài, trốn ở lại nước ngoài trái phép, tổ chức, cưỡng ép người khác trốn
không nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân mà chỉ để sum họp gia đình hoặc vì mục đích kinh
tế,...thì không coi là phạm tội này mà sẽ cấu thành các tội phạm khác quy định ở các Điều 274 hoặc 275.
* Hình phạt: Điều 91 quy định ba khung hình phạt:
+ Khung 1: quy định hình phạt tù từ ba năm đến mười hai năm áp dụng đối với người trốn đi nước
ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân.
+ Khung 2: quy định hình phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm áp dụng đối với người tổ chức,
người cưỡng ép, người xúi giục.
+ Khung 3: quy định hình phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân áp dụng đối
với trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
20
CHƯƠNG XII
các tội xâm phạm tính mạng,
Sức Khỏe, nhân phẩm, danh dự
của con người
Khái niệm các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người.
Điều 71 Hiến pháp 1992 quy định: "Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp
luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm.
Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện
kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật.
Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân".
Để bảo đảm thực hiện các nguyên tắc được Hiến pháp ghi nhận, Bộ luật hình sự 1985 trước đây cũng
như Bộ luật hình sự 1999 đã dành một chương riêng quy định những hành vi xâm phạm đến quyền sống,
quyền được bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự con người là phạm tội và quy định hình
phạt áp dụng đối với người có hành vi phạm tội.
Các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người là những hành vi nguy
hiểm cho xã hội do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện, có lỗi, gây tổn hại hoặc đe doạ đến
quyền sống, quyền được bảo hộ về sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người.
* Khách thể của các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người.
Các tội phạm ở chương này xâm phạm đến quyền sống, quyền được bảo hộ về sức khoẻ, nhân phẩm,
danh dự của con người. Cuộc sống của con người được tính từ thời điểm được sinh ra cho đến khi chết.
Như vậy, không thể coi một người đang sống khi chưa lọt lòng mẹ (còn ở trong bào thai) hoặc khi người đó
không còn khả năng tiếp nhận những yếu tố đảm bảo sự sống, tức là khi họ chỉ còn là xác chết.
Sức khỏe của con người là tình trạng sức lực của con người đang sống trong điều kiện bình thường, là
trạng thái tâm sinh lý, sự hoạt động hài hoà trong cơ thể cả về thần kinh và cơ bắp, tạo nên khả năng chống lại
bệnh tật. Hành vi xâm phạm sức khoẻ con người là là hành vi dùng tác động ngoại lực hoặc bất kỳ hình thức nào
làm cho người đó yếu đi hoặc gây nên những tổn thương ở các bộ phận trong cơ thể, gây bệnh tật, làm ảnh
hưởng đến hoạt động bình thường của người đó. Nó làm tổn hại đến khả năng suy nghĩ, học tập, lao động, sáng
tạo của nạn nhân.
Nhân phẩm, danh dự con người là những yếu tố về tinh thần, bao gồm phẩm giá, giá trị, sự tôn trọng,
tình cảm yêu mến của những người xung quanh, của xã hội đối với người đó. Hành vi xâm phạm nhân
phẩm, danh dự của con người là làm cho người đó bị xúc phạm, bị coi thường, bị khinh rẻ trong gia đình,
tập thể, trong nhân dân, trong xã hội tuỳ thuộc vào vị thế, vai trò và nhiệm vụ, tuổi tác của người đó và mức
độ của hành vi phạm tội.
* Mặt khách quan của các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con
người:
Các tội phạm ở Chương này được thể hiện ở những hành vi nguy hiểm cho xã hội trực tiếp xâm
phạm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm. danh dự của con người. Đa số những hành vi nguy hiểm được
thực hiện bằng hành động cụ thể, có thể sử dụng các loại công cụ, phương tiện khác nhau tạo nên sự tác
động vật chất vào thân thể của con người, gây ra những tổn hại cho người đó. Đối với các hành vi xâm
phạm nhân phẩm, danh dự của con người thường được thể hiện bằng lời nói, cử chỉ xâm phạm đến uy tín,
danh dự của người bị hại.
Trong một số tội phạm ở Chương này, hành vi phạm tội thể hiện bằng không hành động, tức là không
làm một việc theo trách nhiệm phải làm, đã gây nên những tổn hại nhất định cho người bị hại. Ví dụ: hành
21
vi không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng (Điều 102); hành vi người mẹ
không cho con mình đẻ ra bú sữa gây nên cái chết cho đứa trẻ (Điều 94), v.v..
Hậu quả nguy hiểm cho xã hội của các tội phạm này là những tổn hại về thể chất như gây chết người;
gây tổn hại về sức khỏe; cách ly trẻ em khỏi sự quản lý của gia đình hoặc người thân; mua, bán người phụ
nữ; truyền bệnh nguy hiểm cho người khác, v.v... hoặc gây tổn hại về tinh thần như xúc phạm đến danh dự,
nhân phẩm của con người... Đa số các tội phạm có cấu thành vật chất, tức là phải có hậu quả xảy ra thì tội
phạm mới được coi là hoàn thành. Để truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội này cần làm rõ mối quan hệ
nhân quả giữa hành vi và hậu quả xảy do chính hành vi phạm tội đó gây ra.
* Chủ thể của các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người:
Chủ thể của tội phạm là những người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo luật định. Tuy
vậy, có một số tội phạm ngoài dấu hiệu chung ra còn có các dấu hiệu đặc biệt, như người đang thi hành công vụ
(Điều 97, Điều 107); người có quyền hành nhất định đối với người bị lệ thuộc (Điều 100, Điều 110).
* Mặt chủ quan của các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người:
Phần lớn các tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý (trực tiếp) như tội giết người, tội cố ý gây thương
tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác... Tuy vậy, cũng có tội phạm được thực hiện do lỗi vô ý
như: tội vô ý làm chết người (Điều 98); vô ý gây thương tích hoặc tổn hại nặng cho sức khoẻ của người
khác (Điều 108)... Ngoài ra, một số tội phạm ở Chương này còn được thực hiện do lỗi cố ý (gián tiếp) như
tội bức tử (Điều 100), tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ người khác trong khi thi hành công
vụ (Điều 107).
ở một số tội, mục đích và động cơ phạm tội là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành của tội phạm như:
tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 96); tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn
hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 106). Ngoài ra, Bộ luật
hình sự còn quy định động cơ hoặc mục đích phạm tội là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tăng nặng ở một
số cấu thành tăng nặng như: động cơ đê hèn (điểm q khoản 2 Điều 93 - Tội giết người; điểm c khoản 2 Điều
120 - Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em); để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác, để lấy bộ
phận cơ thể của nạn nhân (điểm g, h của Điều 93 - Tội giết người); để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý
về một tội phạm khác (điểm d khoản 2 Điều 103 - Tội đe doạ giết người); để cản trở người thi hành công vụ
hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân (điểm k khoản 1 Điều 104 tội cố ý gây thương tích...); vì mục đích mại
dâm, để đưa ra nước ngoài (điểm a, d khoản 2 Điều 119 tội mua bán phụ nữ; điểm đ, g khoản 2 Điều 120
tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em); để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo (điểm e khoản 2
Điều 120 tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em). Đối với các tội khác, động cơ, mục đích phạm tội
không phải là dấu hiệu bắt buộc.
* Chính sách hình sự đối với các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của
con người:
Do đối tượng tác động của tội phạm là con người và tầm quan trọng của các quan hệ xã hội cần được
bảo vệ, nên chính sách hình sự và đường lối xử lý của Nhà nước đối với các tội xâm phạm tính mạng, sức
khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người là rất nghiêm khắc. Trong 30 tội quy định ở Chương XII Bộ luật
hình sự 1999, thì có 9 tội đặc biệt nghiêm trọng có mức cao nhất của khung hình phạt từ trên mười lăm năm
đến hai mươi năm tù, tù chung thân hoặc tử hình (3 tội có mức hình phạt cao nhất là tử hình: các tội quy
định tại Điều 93, Điều 111, Điều 112; 4 tội có mức hình phạt tối đa là tù chung thân: các tội quy định tại
Điều 104, Điều 114, Điều 118, Điều 120); Có 6 tội rất nghiêm trọng có hình phạt tù từ bảy năm đến mười
lăm năm (các tội quy định tại Điều 97, Điều 98, Điều 99, Điều 100, Điều 115, Điều 116); Có 11 tội nghiêm
trọng có mức hình phạt từ ba năm tù đến bảy năm (các tội quy định tại Điều 95, Điều 96, Điều 101, Điều
102, Điều 103, Điều 105, Điều 107, Điều 108, Điều 109, Điều 117, Điều 122); Có 4 tội ít nghiêm trọng có
mức hình phạt cao nhất đến 3 năm tù (các tội quy định tại Điều 94, Điều 106, Điều 110, Điều 121).
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự
Binh luan bộ luật hình sự

More Related Content

What's hot

Luật hình sự vn phần chung (phạm văn beo)20
Luật hình sự vn phần chung (phạm văn beo)20Luật hình sự vn phần chung (phạm văn beo)20
Luật hình sự vn phần chung (phạm văn beo)20Nguyen Trang
 

What's hot (15)

Luật hình sự vn phần chung (phạm văn beo)20
Luật hình sự vn phần chung (phạm văn beo)20Luật hình sự vn phần chung (phạm văn beo)20
Luật hình sự vn phần chung (phạm văn beo)20
 
Dấu hiệu chống người thi hành công vụ trong Luật Hình sự, HOT
Dấu hiệu chống người thi hành công vụ trong Luật Hình sự, HOTDấu hiệu chống người thi hành công vụ trong Luật Hình sự, HOT
Dấu hiệu chống người thi hành công vụ trong Luật Hình sự, HOT
 
Luận văn: Tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân
Luận văn: Tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dânLuận văn: Tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân
Luận văn: Tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân
 
Đề tài: Tội phạm chưa hoàn thành theo luật hình sự Việt Nam, HAY
Đề tài: Tội phạm chưa hoàn thành theo luật hình sự Việt Nam, HAYĐề tài: Tội phạm chưa hoàn thành theo luật hình sự Việt Nam, HAY
Đề tài: Tội phạm chưa hoàn thành theo luật hình sự Việt Nam, HAY
 
Luận văn: Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo Luật Hình sự
Luận văn: Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo Luật Hình sựLuận văn: Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo Luật Hình sự
Luận văn: Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo Luật Hình sự
 
Bộ luật hình sự
Bộ luật hình sựBộ luật hình sự
Bộ luật hình sự
 
Luận văn: Các tội hiếp dâm theo quy định của Bộ luật hình sự, 9đ
Luận văn: Các tội hiếp dâm theo quy định của Bộ luật hình sự, 9đLuận văn: Các tội hiếp dâm theo quy định của Bộ luật hình sự, 9đ
Luận văn: Các tội hiếp dâm theo quy định của Bộ luật hình sự, 9đ
 
Luận văn: Chế định chuẩn bị phạm tội trong Luật hình sự Việt Nam
Luận văn: Chế định chuẩn bị phạm tội trong Luật hình sự Việt NamLuận văn: Chế định chuẩn bị phạm tội trong Luật hình sự Việt Nam
Luận văn: Chế định chuẩn bị phạm tội trong Luật hình sự Việt Nam
 
Luận văn: Các tội hiếp dâm theo quy định của Bộ luật hình sự
Luận văn: Các tội hiếp dâm theo quy định của Bộ luật hình sựLuận văn: Các tội hiếp dâm theo quy định của Bộ luật hình sự
Luận văn: Các tội hiếp dâm theo quy định của Bộ luật hình sự
 
Luận văn: Tội chống người thi hành công vụ tại tỉnh Bắc Ninh
Luận văn: Tội chống người thi hành công vụ tại tỉnh Bắc NinhLuận văn: Tội chống người thi hành công vụ tại tỉnh Bắc Ninh
Luận văn: Tội chống người thi hành công vụ tại tỉnh Bắc Ninh
 
Luận văn: Các tội xâm phạm tình dục trẻ em theo luật tại TPHCM
Luận văn: Các tội xâm phạm tình dục trẻ em theo luật tại TPHCMLuận văn: Các tội xâm phạm tình dục trẻ em theo luật tại TPHCM
Luận văn: Các tội xâm phạm tình dục trẻ em theo luật tại TPHCM
 
Luận văn: Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội theo luật, HOT
Luận văn: Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội theo luật, HOTLuận văn: Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội theo luật, HOT
Luận văn: Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội theo luật, HOT
 
Luận văn: Tội giao cấu đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16
Luận văn: Tội giao cấu đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16Luận văn: Tội giao cấu đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16
Luận văn: Tội giao cấu đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16
 
Luận văn: Các tội phạm tình dục trong Luật hình sự Việt Nam
Luận văn: Các tội phạm tình dục trong Luật hình sự Việt NamLuận văn: Các tội phạm tình dục trong Luật hình sự Việt Nam
Luận văn: Các tội phạm tình dục trong Luật hình sự Việt Nam
 
Luận văn: Định tội danh từ thực tiễn huyện Cần Giuộc, Long An
Luận văn: Định tội danh từ thực tiễn huyện Cần Giuộc, Long AnLuận văn: Định tội danh từ thực tiễn huyện Cần Giuộc, Long An
Luận văn: Định tội danh từ thực tiễn huyện Cần Giuộc, Long An
 

Viewers also liked

Nghi dinh-123-2011-huong-dan-lkdbh
Nghi dinh-123-2011-huong-dan-lkdbhNghi dinh-123-2011-huong-dan-lkdbh
Nghi dinh-123-2011-huong-dan-lkdbhHung Nguyen
 
Chuong trinh dao tao tham phan chuyen biet hoi nhap quoc te (tap 1)
Chuong trinh dao tao tham phan chuyen biet hoi nhap quoc te (tap 1)Chuong trinh dao tao tham phan chuyen biet hoi nhap quoc te (tap 1)
Chuong trinh dao tao tham phan chuyen biet hoi nhap quoc te (tap 1)Hung Nguyen
 
Giao trinh tieng anh phap ly legal english rupert
Giao trinh tieng anh phap ly legal english rupertGiao trinh tieng anh phap ly legal english rupert
Giao trinh tieng anh phap ly legal english rupertHung Nguyen
 
Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo 2015
Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo 2015Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo 2015
Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo 2015Hung Nguyen
 
Giao trinh quyen so huu tri tue
Giao trinh quyen so huu tri tueGiao trinh quyen so huu tri tue
Giao trinh quyen so huu tri tueHung Nguyen
 
Luat to chuc chinh phu 2015
Luat to chuc chinh phu 2015Luat to chuc chinh phu 2015
Luat to chuc chinh phu 2015Hung Nguyen
 
Giao trinh luat thue viet nam
Giao trinh luat thue viet namGiao trinh luat thue viet nam
Giao trinh luat thue viet namHung Nguyen
 
Tong quan ve tort trong phap luat hoa ky va nhung bai nghien cuu khac tckhpl ...
Tong quan ve tort trong phap luat hoa ky va nhung bai nghien cuu khac tckhpl ...Tong quan ve tort trong phap luat hoa ky va nhung bai nghien cuu khac tckhpl ...
Tong quan ve tort trong phap luat hoa ky va nhung bai nghien cuu khac tckhpl ...Hung Nguyen
 
Xa hoi dan su nhung khai niem co ban
Xa hoi dan su   nhung khai niem co banXa hoi dan su   nhung khai niem co ban
Xa hoi dan su nhung khai niem co banHung Nguyen
 
Yeu cau phan to trong an thua ke
Yeu cau phan to trong an thua keYeu cau phan to trong an thua ke
Yeu cau phan to trong an thua keHung Nguyen
 
Luat sy quan quan doi sua doi 2014
Luat sy quan quan doi sua doi 2014Luat sy quan quan doi sua doi 2014
Luat sy quan quan doi sua doi 2014Hung Nguyen
 
Giao trinh ly luan nha nuoc va phap luat
Giao trinh ly luan nha nuoc va phap luatGiao trinh ly luan nha nuoc va phap luat
Giao trinh ly luan nha nuoc va phap luatHung Nguyen
 
Tu dien thuat ngu phap ly Phap-Viet (luat su ton that quynh bang)
Tu dien thuat ngu phap ly Phap-Viet (luat su ton that quynh bang)Tu dien thuat ngu phap ly Phap-Viet (luat su ton that quynh bang)
Tu dien thuat ngu phap ly Phap-Viet (luat su ton that quynh bang)Hung Nguyen
 
Tranh chap dat dai fulbright- Phan duy nghĩa
Tranh chap dat dai fulbright- Phan duy nghĩaTranh chap dat dai fulbright- Phan duy nghĩa
Tranh chap dat dai fulbright- Phan duy nghĩaHung Nguyen
 
Cong uoc lien hop quoc ve luat bien nam 1982
Cong uoc lien hop quoc ve luat bien nam 1982Cong uoc lien hop quoc ve luat bien nam 1982
Cong uoc lien hop quoc ve luat bien nam 1982Hung Nguyen
 
Nmt sach thuat-ngu-chuyen-nganh-luat-la-tinh-ban-quyen-nmt-2014
Nmt sach thuat-ngu-chuyen-nganh-luat-la-tinh-ban-quyen-nmt-2014Nmt sach thuat-ngu-chuyen-nganh-luat-la-tinh-ban-quyen-nmt-2014
Nmt sach thuat-ngu-chuyen-nganh-luat-la-tinh-ban-quyen-nmt-2014Hung Nguyen
 
Binh luan bo luat to tung hinh su
Binh luan bo luat to tung hinh suBinh luan bo luat to tung hinh su
Binh luan bo luat to tung hinh suHung Nguyen
 

Viewers also liked (19)

Nghi dinh-123-2011-huong-dan-lkdbh
Nghi dinh-123-2011-huong-dan-lkdbhNghi dinh-123-2011-huong-dan-lkdbh
Nghi dinh-123-2011-huong-dan-lkdbh
 
Chuong trinh dao tao tham phan chuyen biet hoi nhap quoc te (tap 1)
Chuong trinh dao tao tham phan chuyen biet hoi nhap quoc te (tap 1)Chuong trinh dao tao tham phan chuyen biet hoi nhap quoc te (tap 1)
Chuong trinh dao tao tham phan chuyen biet hoi nhap quoc te (tap 1)
 
Giao trinh tieng anh phap ly legal english rupert
Giao trinh tieng anh phap ly legal english rupertGiao trinh tieng anh phap ly legal english rupert
Giao trinh tieng anh phap ly legal english rupert
 
Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo 2015
Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo 2015Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo 2015
Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo 2015
 
Giao trinh quyen so huu tri tue
Giao trinh quyen so huu tri tueGiao trinh quyen so huu tri tue
Giao trinh quyen so huu tri tue
 
Luat to chuc chinh phu 2015
Luat to chuc chinh phu 2015Luat to chuc chinh phu 2015
Luat to chuc chinh phu 2015
 
Giao trinh luat thue viet nam
Giao trinh luat thue viet namGiao trinh luat thue viet nam
Giao trinh luat thue viet nam
 
Tong quan ve tort trong phap luat hoa ky va nhung bai nghien cuu khac tckhpl ...
Tong quan ve tort trong phap luat hoa ky va nhung bai nghien cuu khac tckhpl ...Tong quan ve tort trong phap luat hoa ky va nhung bai nghien cuu khac tckhpl ...
Tong quan ve tort trong phap luat hoa ky va nhung bai nghien cuu khac tckhpl ...
 
Xa hoi dan su nhung khai niem co ban
Xa hoi dan su   nhung khai niem co banXa hoi dan su   nhung khai niem co ban
Xa hoi dan su nhung khai niem co ban
 
Yeu cau phan to trong an thua ke
Yeu cau phan to trong an thua keYeu cau phan to trong an thua ke
Yeu cau phan to trong an thua ke
 
Luat thu y 2015
Luat thu y 2015Luat thu y 2015
Luat thu y 2015
 
Luat sy quan quan doi sua doi 2014
Luat sy quan quan doi sua doi 2014Luat sy quan quan doi sua doi 2014
Luat sy quan quan doi sua doi 2014
 
Luat nha o 2014
Luat nha o 2014Luat nha o 2014
Luat nha o 2014
 
Giao trinh ly luan nha nuoc va phap luat
Giao trinh ly luan nha nuoc va phap luatGiao trinh ly luan nha nuoc va phap luat
Giao trinh ly luan nha nuoc va phap luat
 
Tu dien thuat ngu phap ly Phap-Viet (luat su ton that quynh bang)
Tu dien thuat ngu phap ly Phap-Viet (luat su ton that quynh bang)Tu dien thuat ngu phap ly Phap-Viet (luat su ton that quynh bang)
Tu dien thuat ngu phap ly Phap-Viet (luat su ton that quynh bang)
 
Tranh chap dat dai fulbright- Phan duy nghĩa
Tranh chap dat dai fulbright- Phan duy nghĩaTranh chap dat dai fulbright- Phan duy nghĩa
Tranh chap dat dai fulbright- Phan duy nghĩa
 
Cong uoc lien hop quoc ve luat bien nam 1982
Cong uoc lien hop quoc ve luat bien nam 1982Cong uoc lien hop quoc ve luat bien nam 1982
Cong uoc lien hop quoc ve luat bien nam 1982
 
Nmt sach thuat-ngu-chuyen-nganh-luat-la-tinh-ban-quyen-nmt-2014
Nmt sach thuat-ngu-chuyen-nganh-luat-la-tinh-ban-quyen-nmt-2014Nmt sach thuat-ngu-chuyen-nganh-luat-la-tinh-ban-quyen-nmt-2014
Nmt sach thuat-ngu-chuyen-nganh-luat-la-tinh-ban-quyen-nmt-2014
 
Binh luan bo luat to tung hinh su
Binh luan bo luat to tung hinh suBinh luan bo luat to tung hinh su
Binh luan bo luat to tung hinh su
 

Similar to Binh luan bộ luật hình sự

Khóa Luận Tội Che Giấu Tội Phạm Theo Quy Định Bộ Luật Hình Sự
Khóa Luận Tội Che Giấu Tội Phạm Theo Quy Định Bộ Luật Hình SựKhóa Luận Tội Che Giấu Tội Phạm Theo Quy Định Bộ Luật Hình Sự
Khóa Luận Tội Che Giấu Tội Phạm Theo Quy Định Bộ Luật Hình SựViết Thuê Luận Văn Luanvanpanda.com
 
Luận văn: Tội trộm cắp tài sản theo Pháp luật ở Bình Phước, 9đ - Gửi miễn phí...
Luận văn: Tội trộm cắp tài sản theo Pháp luật ở Bình Phước, 9đ - Gửi miễn phí...Luận văn: Tội trộm cắp tài sản theo Pháp luật ở Bình Phước, 9đ - Gửi miễn phí...
Luận văn: Tội trộm cắp tài sản theo Pháp luật ở Bình Phước, 9đ - Gửi miễn phí...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về các tội tham nhũng theo pháp luật hình ...
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về các tội tham nhũng theo pháp luật hình ...Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về các tội tham nhũng theo pháp luật hình ...
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về các tội tham nhũng theo pháp luật hình ...Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Tội tham ô tài sản trong luật hình sự Việt Nam - một số vấn đề lý luận và thự...
Tội tham ô tài sản trong luật hình sự Việt Nam - một số vấn đề lý luận và thự...Tội tham ô tài sản trong luật hình sự Việt Nam - một số vấn đề lý luận và thự...
Tội tham ô tài sản trong luật hình sự Việt Nam - một số vấn đề lý luận và thự...HanaTiti
 
Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật trong luật hình sự Việt Nam.pdf
Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật trong luật hình sự Việt Nam.pdfTội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật trong luật hình sự Việt Nam.pdf
Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật trong luật hình sự Việt Nam.pdfTieuNgocLy
 

Similar to Binh luan bộ luật hình sự (20)

Luận văn: Tội sử dụng trái phép tài sản theo luật hình sự, HAY
Luận văn: Tội sử dụng trái phép tài sản theo luật hình sự, HAYLuận văn: Tội sử dụng trái phép tài sản theo luật hình sự, HAY
Luận văn: Tội sử dụng trái phép tài sản theo luật hình sự, HAY
 
Khóa Luận Tội Che Giấu Tội Phạm Theo Quy Định Bộ Luật Hình Sự
Khóa Luận Tội Che Giấu Tội Phạm Theo Quy Định Bộ Luật Hình SựKhóa Luận Tội Che Giấu Tội Phạm Theo Quy Định Bộ Luật Hình Sự
Khóa Luận Tội Che Giấu Tội Phạm Theo Quy Định Bộ Luật Hình Sự
 
Khóa Luận Tội Che Giấu Tội Phạm Theo Quy Định Bộ Luật Hình Sự
Khóa Luận Tội Che Giấu Tội Phạm Theo Quy Định Bộ Luật Hình SựKhóa Luận Tội Che Giấu Tội Phạm Theo Quy Định Bộ Luật Hình Sự
Khóa Luận Tội Che Giấu Tội Phạm Theo Quy Định Bộ Luật Hình Sự
 
Luận văn: Tội trộm cắp tài sản theo Pháp luật ở Bình Phước, 9đ - Gửi miễn phí...
Luận văn: Tội trộm cắp tài sản theo Pháp luật ở Bình Phước, 9đ - Gửi miễn phí...Luận văn: Tội trộm cắp tài sản theo Pháp luật ở Bình Phước, 9đ - Gửi miễn phí...
Luận văn: Tội trộm cắp tài sản theo Pháp luật ở Bình Phước, 9đ - Gửi miễn phí...
 
Luận văn: Tội cướp giật tài sản trên địa bàn thành phố Hà Nội
Luận văn: Tội cướp giật tài sản trên địa bàn thành phố Hà NộiLuận văn: Tội cướp giật tài sản trên địa bàn thành phố Hà Nội
Luận văn: Tội cướp giật tài sản trên địa bàn thành phố Hà Nội
 
Thuê Viết TIỂU LUẬN LUẬT HÌNH SỰ 1 - Cập nhật giá 5ph trước
Thuê Viết TIỂU LUẬN LUẬT HÌNH SỰ 1 - Cập nhật giá 5ph trướcThuê Viết TIỂU LUẬN LUẬT HÌNH SỰ 1 - Cập nhật giá 5ph trước
Thuê Viết TIỂU LUẬN LUẬT HÌNH SỰ 1 - Cập nhật giá 5ph trước
 
Kiểm Sát Điều Tra Các Tội Xâm Phạm An Ninh Quốc Gia Theo Pháp Luật Tố Tụng Hì...
Kiểm Sát Điều Tra Các Tội Xâm Phạm An Ninh Quốc Gia Theo Pháp Luật Tố Tụng Hì...Kiểm Sát Điều Tra Các Tội Xâm Phạm An Ninh Quốc Gia Theo Pháp Luật Tố Tụng Hì...
Kiểm Sát Điều Tra Các Tội Xâm Phạm An Ninh Quốc Gia Theo Pháp Luật Tố Tụng Hì...
 
Luận văn: Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình, HOT
Luận văn: Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình, HOTLuận văn: Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình, HOT
Luận văn: Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình, HOT
 
Luận văn: Phạm tội chưa đạt theo luật hình sự Việt Nam, HOT
Luận văn: Phạm tội chưa đạt theo luật hình sự Việt Nam, HOTLuận văn: Phạm tội chưa đạt theo luật hình sự Việt Nam, HOT
Luận văn: Phạm tội chưa đạt theo luật hình sự Việt Nam, HOT
 
Cơ Sở Lý Luận Kiểm Sát Điều Tra Các Tội Xâm Phạm An Ninh Quốc Gia Theo Phá...
Cơ Sở Lý Luận Kiểm Sát Điều Tra Các Tội Xâm Phạm An Ninh Quốc Gia Theo Phá...Cơ Sở Lý Luận Kiểm Sát Điều Tra Các Tội Xâm Phạm An Ninh Quốc Gia Theo Phá...
Cơ Sở Lý Luận Kiểm Sát Điều Tra Các Tội Xâm Phạm An Ninh Quốc Gia Theo Phá...
 
Cơ Sở Lý Luận Kiểm Sát Điều Tra Các Tội Xâm Phạm An Ninh Quốc Gia Theo Phá...
Cơ Sở Lý Luận Kiểm Sát Điều Tra Các Tội Xâm Phạm An Ninh Quốc Gia Theo Phá...Cơ Sở Lý Luận Kiểm Sát Điều Tra Các Tội Xâm Phạm An Ninh Quốc Gia Theo Phá...
Cơ Sở Lý Luận Kiểm Sát Điều Tra Các Tội Xâm Phạm An Ninh Quốc Gia Theo Phá...
 
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về các tội tham nhũng theo pháp luật hình ...
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về các tội tham nhũng theo pháp luật hình ...Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về các tội tham nhũng theo pháp luật hình ...
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về các tội tham nhũng theo pháp luật hình ...
 
Luận văn: Tội xâm phạm sở hữu trong Quốc triều hình luật, HOT
Luận văn: Tội xâm phạm sở hữu trong Quốc triều hình luật, HOTLuận văn: Tội xâm phạm sở hữu trong Quốc triều hình luật, HOT
Luận văn: Tội xâm phạm sở hữu trong Quốc triều hình luật, HOT
 
Tội tham ô tài sản trong luật hình sự Việt Nam - một số vấn đề lý luận và thự...
Tội tham ô tài sản trong luật hình sự Việt Nam - một số vấn đề lý luận và thự...Tội tham ô tài sản trong luật hình sự Việt Nam - một số vấn đề lý luận và thự...
Tội tham ô tài sản trong luật hình sự Việt Nam - một số vấn đề lý luận và thự...
 
Luận án: Chủ thể của tội phạm theo pháp luật hình sự, HAY
Luận án: Chủ thể của tội phạm theo pháp luật hình sự, HAYLuận án: Chủ thể của tội phạm theo pháp luật hình sự, HAY
Luận án: Chủ thể của tội phạm theo pháp luật hình sự, HAY
 
Luận văn: Tội cướp tài sản theo pháp luật hình sự Việt Nam
Luận văn: Tội cướp tài sản theo pháp luật hình sự Việt NamLuận văn: Tội cướp tài sản theo pháp luật hình sự Việt Nam
Luận văn: Tội cướp tài sản theo pháp luật hình sự Việt Nam
 
Luận văn: Tội đánh bạc trong luật hình sự tại tỉnh Tuyên Quang
Luận văn: Tội đánh bạc trong luật hình sự tại tỉnh Tuyên QuangLuận văn: Tội đánh bạc trong luật hình sự tại tỉnh Tuyên Quang
Luận văn: Tội đánh bạc trong luật hình sự tại tỉnh Tuyên Quang
 
Luận văn: Tội đánh bạc trong luật hình sự Việt Nam tại Tuyên Quang
Luận văn: Tội đánh bạc trong luật hình sự Việt Nam tại Tuyên QuangLuận văn: Tội đánh bạc trong luật hình sự Việt Nam tại Tuyên Quang
Luận văn: Tội đánh bạc trong luật hình sự Việt Nam tại Tuyên Quang
 
Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật trong luật hình sự Việt Nam.pdf
Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật trong luật hình sự Việt Nam.pdfTội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật trong luật hình sự Việt Nam.pdf
Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật trong luật hình sự Việt Nam.pdf
 
Tội giết người trong Luật hình Sự Việt Nam.doc
Tội giết người trong Luật hình Sự Việt Nam.docTội giết người trong Luật hình Sự Việt Nam.doc
Tội giết người trong Luật hình Sự Việt Nam.doc
 

Binh luan bộ luật hình sự

  • 1. 1 TS PHÙNG THẾ VẮC - TS TRẦN VĂN LUYỆN LS, Th.S PHẠM THANH BÌNH - Th.S NGUYỄN ĐỨC MAI Th.S NGUYỄN SỸ ĐẠI - Th.S NGUYỄN MAI BỘ Bình luận khoa học Bộ luật hình sự 1999 (PHẦN CÁC TỘI PHẠM) NHÀ XUẤT BẢN CÔNG AN NHÂN DÂN Các tác giả Tiến sỹ Phùng Thế Vắc CHƯƠNG XI VÀ CHƯƠNG XXI Tiến sỹ Trần Văn Luyện CHƯƠNG XII, CHƯƠNG XIII VÀ CHƯƠNG XVIII Luật sư, Thạc sỹ Phạm Thanh Bình CHƯƠNG XVII VÀ CHƯƠNG XXII Thạc sỹ Nguyễn Đức Mai CHƯƠNG XIX, CHƯƠNG XX VÀ CHƯƠNG XXIII Thạc sỹ Nguyễn Sỹ Đại CHƯƠNG XIV VÀ CHƯƠNG XVI Thạc sỹ Nguyễn Mai Bộ CHƯƠNG XV VÀ CHƯƠNG XXIV 34(V)4 - 7/657 CAND-2001 LỜI GIỚI THIỆU Tại kỳ họp thứ 6 (từ ngày 18 tháng 11 đến 21 tháng 12 năm 1999) Quốc hội khoá X nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Bộ luật hình sự 1999. Đây là Bộ luật lớn trong hệ thống pháp luật của nước ta - Bộ luật hình sự của đất nước trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Là căn cứ pháp lý quan trọng nhất trong việc giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự, Bộ luật hình sự 1999 còn là công cụ sắc bén, hữu hiệu của Đảng, Nhà nước và của nhân dân ta để đấu tranh phòng và chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay và những năm sắp tới. Bộ luật hình sự 1999 ra đời đánh dấu một bước phát triển mới cao hơn của hoạt động lập pháp hình sự nước ta trong suốt hơn năm mươi năm qua, vì nó được hình thành không chỉ trên cơ sở tổng hợp những kinh nghiệm, thành tựu của thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự và các tri thức về khoa học luật hình sự trong nước, mà còn có sự lĩnh hội những thành tựu của khoa học luật hình sự tiên tiến trên thế giới. Chính vì vậy, việc tìm hiểu nội dung và những đặc điểm của các dấu hiệu pháp lý hình sự trong các tội danh cụ thể, đồng thời phân biệt sự khác nhau giữa các tội phạm là yêu cầu cần thiết cho mỗi cán bộ, công chức, cũng như mỗi người dân nhằm thực hiện tốt nội dung trong Chỉ thị 04/2000/CT-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thi hành Bộ luật hình sự năm 1999 là: “Công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục Bộ luật hình sự phải được tiến hành sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên
  • 2. 2 chức, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang và trong nhân dân, làm cho mọi người nắm được nội dung cơ bản của Bộ luật, nhất là những nội dung mới được sửa đổi, bổ sung để chấp hành”. Do đó, việc Nhà xuất bản Công an nhân dân xuất bản cuốn Bình luận khoa học Bộ luật hình sự 1999 (Phần các tội phạm) đã phần nào đáp ứng được yêu cầu cấp thiết hiện nay. Cuốn sách không chỉ là tài liệu bổ ích phục vụ cho nhu cầu bạn đọc về học tập, nghiên cứu, giảng dạy và cán bộ làm công tác thực tiễn mà còn góp phần nâng cao kiến thức về luật hình sự cho toàn thể nhân dân và giáo dục mọi người nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Cuốn Bình luận khoa học Bộ luật hình sự 1999 (Phần các tội phạm) được biên soạn lần này dựa trên những quy định của pháp luật hình sự thực định trong Bộ luật hình sự 1999, đồng thời có sự kết hợp với thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự để phân tích, tổng hợp các tri thức khoa học luật hình sự. Đặc biệt, với những tội danh mới và những quy định sửa đổi, bổ sung tại từng chương trong Bộ luật hình sự lần này cũng được các tác giả phân tích và bình luận một cách cụ thể và tương đối sâu sắc. Cuốn sách được biên soạn với sự tham gia của các Tiến sĩ, Thạc sĩ Luật học là những cán bộ nghiên cứu và cán bộ hoạt động thực tiễn có kinh nghiệm trong lĩnh vực tư pháp hình sự của nước ta, hy vọng rằng cuốn sách sẽ phần nào đáp ứng yêu cầu của bạn đọc về tìm hiểu nội dung các quy định trong Phần các tội phạm Bộ luật hình sự 1999. Do đây là một công trình của tập thể tác giả, nên mỗi tác giả có trách nhiệm riêng biệt về mặt khoa học tương ứng với từng vấn đề mà họ đã được phân công biên soạn. Tuy nhiên, bình luận khoa học đối với từng tội phạm trong Bộ luật hình sự 1999 là một công việc đầy khó khăn và phức tạp, nên có thể cuốn sách này sẽ không tránh khỏi những thiếu sót nhất định. Do đó, khi sử dụng cuốn sách này mong bạn đọc hãy coi là một tài liệu tham khảo. Các tác giả và Nhà xuất bản Công an nhân dân mong nhận được những ý kiến đóng góp, phê bình của các bạn đồng nghiệp và bạn đọc để lần tái bản sau sẽ hoàn chỉnh hơn. Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc. Hà Nội, ngày 02 tháng 7 năm 2001 Tiến sĩ Khoa học lê cảm Q. Chủ nhiệm Khoa Luật trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội CHƯƠNG XI Các tội xâm phạm an ninh quốc gia Khái niệm các tội xâm phạm an ninh quốc gia. An ninh quốc gia luôn là vấn đề quan trọng và sống còn đối với sự tồn tại của một nhà nước, một chế độ chính trị nhất định. Bảo vệ an ninh quốc gia là một trong những nhiệm vụ quan trọng và thiết yếu hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta trong mọi giai đoạn cách mạng. Bảo vệ an ninh quốc gia trước hết là bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chế độ xã hội chủ nghĩa, sự tồn tại và vững mạnh của chính quyền nhân dân và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việc quy định trách nhiệm hình sự đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia trong pháp luật hình sự là một trong những biện pháp hữu hiệu để đấu tranh với các tội phạm đặc biệt nguy hiểm này. Khái niệm các tội xâm phạm an ninh quốc gia trong Bộ luật hình sự 1999 có sự thay đổi cho phù hợp với sự phát triển ngày càng vững mạnh của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tình hình quốc tế qua từng thời kỳ cách mạng. So với các văn bản pháp luật trước đây, khái niệm các tội xâm phạm an ninh quốc gia trong Bộ luật hình sự 1999 có thay đổi rất lớn: chỉ bao gồm các tội đặc biệt nghiêm trọng có tính chất, mức độ nguy hiểm cao cho xã hội có mục đích chống chính quyền nhân dân, xâm phạm sự tồn tại và vững mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa. Các tội phạm này được quy định tại Chương XI Bộ luật hình sự 1999 gồm 15 điều (từ Điều 78 đến Điều 92), trong đó quy định 14 tội phạm cụ thể xâm phạm an ninh quốc gia và 1 điều
  • 3. 3 quy định về hình phạt bổ sung. Các tội phạm không có mục đích chống chính quyền nhân dân (trước đây coi là xâm phạm an ninh quốc gia ở Chương I Mục B, Phần các tội phạm Bộ luật hình sự 1985) nay được đưa xuống các chương tương ứng trong Bộ luật hình sự 1999. Các tội xâm phạm an ninh quốc gia là những hành vi có tính chất và mức độ nguy hiểm cao cho xã hội xâm phạm các quan hệ xã hội thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia: đó là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chế độ xã hội chủ nghĩa, sự tồn tại và vững mạnh của chính quyền nhân dân. Các tội xâm phạm an ninh quốc gia cùng có chung một số dấu hiệu pháp lý sau đây: * Khách thể của các tội xâm phạm an ninh quốc gia: các tội xâm phạm an ninh quốc gia xâm phạm các quan hệ xã hội thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia: độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chế độ xã hội chủ nghĩa, sự tồn tại và vững mạnh của chính quyền nhân dân. Đây là các quan hệ xã hội có tầm quan trọng đặc biệt bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển của các quan hệ xã hội khác. Vì vậy, khách thể loại của các tội xâm phạm an ninh quốc gia chính là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sự tồn tại và vững mạnh của chính quyền nhân dân... * Mặt khách quan của các tội xâm phạm an ninh quốc gia: mặt khách quan của các tội xâm phạm an ninh quốc gia được thể hiện ở các hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm đến các khách thể nêu trên. Các hành vi này rất đa dạng có thể là hành động hoặc không hành động. Đa số các tội xâm phạm an ninh quốc gia được thực hiện bằng hành động. Ví dụ: tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội khủng bố. Một số rất ít các tội phạm này có thể được thực hiện bằng không hành động như: một số hành vi cấu thành tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội... Các tội xâm phạm an ninh quốc gia là các tội đặc biệt nghiêm trọng có tính chất và mức độ nguy hiểm cao cho xã hội nên hầu hết là những tội có cấu thành hình thức. Hậu quả xảy ra không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Tội phạm được coi là hoàn thành từ thời điểm khi hành vi phạm tội được thực hiện. Chỉ có một số ít tội xâm phạm an ninh quốc gia có cấu thành vật chất, tội phạm chỉ được coi là hoàn thành khi có hậu quả xảy ra. * Chủ thể của các tội xâm phạm an ninh quốc gia: chủ thể của các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia có thể là công dân Việt Nam, người nước ngoài, người không có quốc tịch, có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi nhất định. Các tội xâm phạm an ninh quốc gia là những tội đặc biệt nghiêm trọng có tính chất nguy hiểm cao độ, theo quy định của Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm này. * Mặt chủ quan của các tội xâm phạm an ninh quốc gia: mặt chủ quan của các tội xâm phạm an ninh quốc gia bao gồm các dấu hiệu sau: - Lỗi của người thực hiện hành vi phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia được biểu hiện dưới hình thức lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi là xâm hại độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, xâm phạm chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thấy trước hành vi đó có thể làm suy yếu hoặc lật đổ chính quyền nhân dân, nhưng vẫn mong muốn thực hiện hành vi đó. - Mục đích của các tội xâm phạm an ninh quốc gia là nhằm chống lại hoặc làm suy yếu chính quyền nhân dân. Đây là dấu hiệu bắt buộc trong mặt chủ quan của tất cả các tội xâm phạm an ninh quốc gia. Khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội nhằm mục đích này. Đây cũng là dấu hiệu để phân biệt giữa các tội xâm phạm an ninh quốc gia với các tội phạm khác có dấu hiệu về mặt khách quan tương tự. - Động cơ phạm tội có thể rất khác nhau (hận thù giai cấp, vụ lợi...) nhưng không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành các tội xâm phạm an ninh quốc gia mà chỉ căn cứ để đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội để áp dụng các biện pháp xử lý phù hợp đối với người phạm tội.
  • 4. 4 * Chính sách hình sự đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia: Các tội xâm phạm an ninh quốc gia là những tội đặc biệt nghiêm trọng có tính chất, mức độ nguy hiểm cao cho xã hội nên hình phạt quy định trong Bộ luật hình sự đối với các tội phạm này rất nghiêm khắc. Trong số 14 tội xâm phạm an ninh quốc gia thì có đến 10 tội quy định mức cao nhất của khung hình phạt là tù chung thân, tử hình. Ngoài hình phạt chính, Bộ luật còn quy định các hình phạt bổ sung áp dụng đối với những người phạm tội: người phạm tội còn có thể bị tước một số quyền công dân từ một năm đến năm năm, phạt quản chế, cấm cư trú từ một năm đến năm năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Điều 78. Tội phản bội Tổ quốc. 1. Công dân Việt Nam nào cấu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng quốc phòng, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. 2. Phạm tội trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. * Khách thể của tội phạm: phản bội Tổ quốc là tội phạm có tính chất nguy hiểm rất cao cho xã hội. Thực hiện tội phạm này, người phạm tội muốn thủ tiêu chế độ xã hội chủ nghĩa, xâm phạm nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng quốc phòng của đất nước và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vì vậy, khách thể của tội phạm này là nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng quốc phòng, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Khái niệm Tổ quốc nói trong điều luật này là Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. * Mặt khách quan của tội phạm: mặt khách quan của tội phạm này được thể hiện ở hành vi của công dân Việt Nam cấu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho các quan hệ nói trên. Cấu kết với nước ngoài được hiểu là quan hệ qua lại chặt chẽ giữa người phạm tội và nước ngoài. Quan hệ này được thể hiện ở một trong các hành vi sau đây gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: bàn bạc với nước ngoài về mưu đồ chính trị và các mặt khác (như bàn bạc kế hoạch, tổ chức, hình thức hoạt động...) chống phá Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; nhận sự giúp đỡ của nước ngoài về tiền bạc, vũ khí hoặc phương tiện kỹ thuật hoặc lợi ích vật chất khác phục vụ cho các hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam; hoạt động dựa vào thế lực nước ngoài gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tiếp tay cho nước ngoài để hoạt động chống chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chỉ bị coi là phạm tội phản bội Tổ quốc khi người phạm tội có hành vi cấu kết với nước ngoài. Còn các hành vi khác như tìm cách liên hệ, móc nối với nước ngoài hoặc tuân theo, làm theo sự chỉ đạo của nước ngoài,…không bị coi là hành vi cấu kết với nước ngoài và không cấu thành tội phản bội Tổ quốc mà cấu thành các tội phạm khác. "Nước ngoài" nói trong điều luật này là bất kỳ nước nào khác ngoài nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đối tượng mà người phạm tội cấu kết có thể là cá nhân người nước ngoài, tổ chức Nhà nước hoặc tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Tội phạm được coi là hoàn thành kể từ thời điểm người phạm tội có hành vi cấu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho các quan hệ xã hội đã nêu trên.
  • 5. 5 * Chủ thể của tội phạm: chủ thể của tội phản bội Tổ quốc chỉ có thể là công dân của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tức là người có quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam về quốc tịch. Người nước ngoài hoặc người không có quốc tịch không thể là chủ thể của tội phạm này. * Mặt chủ quan của tội phạm: tội phản bội Tổ quốc chỉ có thể được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp với mục đích gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng quốc phòng, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Động cơ phạm tội có thể rất khác nhau: hận thù giai cấp, bất mãn với chế độ, vụ lợi,... * Hình phạt: Điều 78 quy định hai khung hình phạt: + Khung 1: quy định mức hình phạt tù từ mười hai đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình áp dụng đối với trường hợp phạm tội quy định ở khoản 1. + Khung 2: quy định mức hình phạt tù từ bảy năm đến mười năm, áp dụng đối với trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết giảm nhẹ: tự thú, thành khẩn khai báo, tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện và điều tra tội phạm... * Một số vấn đề cần lưu ý: Chủ thể của tội phản bội Tổ quốc chỉ có thể là công dân Việt Nam thực hiện hành vi cấu kết với nước ngoài và mục đích nhằm thay đổi chế độ chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước, lật đổ chính quyền nhân dân. Đây là những căn cứ để phân biệt tội phản bội Tổ quốc với một số tội phạm khác như: tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, tội gián điệp, tội trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân. Nếu công dân Việt Nam cấu kết với nước ngoài hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân thì bị xử lý về tội phản bội Tổ quốc (Điều 78). Công dân Việt Nam thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, có bàn bạc với nhau, tìm cách liên hệ với nước ngoài, nhằm được nước ngoài giúp đỡ, nhưng thực tế chưa liên hệ được với nước ngoài (chưa "cấu kết” với nước ngoài), thì bị xử lý về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 79). Công dân Việt Nam được nước ngoài tổ chức, huấn luyện gây cơ sở để hoạt động tình báo (điều tra, thu thập tin tức bí mật của Nhà nước thuộc các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao, an ninh,...cung cấp cho nước ngoài), phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài, hoặc thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị xử lý về tội gián điệp (Điều 80). Công dân Việt Nam trốn đi nước ngoài với mưu đồ dựa vào nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân, nhưng trên đường đi thì bị bắt (tức là chưa "cấu kết” được với nước ngoài) thì bị xử lý về tội trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 91). Điều 79. Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau: 1. Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình; 2. Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. * Khách thể của tội phạm: chính quyền là vấn đề sống còn của mọi cuộc cách mạng, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là nhằm xâm phạm sự tồn tại của chính quyền nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, khách thể của tội phạm này là sự tồn tại và vững mạnh của chính quyền nhân dân. Đối tượng tác động của tội phạm là chính quyền nhân dân từ Trung ương đến địa phương. * Mặt khách quan của tội phạm: mặt khách quan của tội phạm này được thể hiện ở hành vi thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Thành lập tổ chức là hành vi của những người đề xướng chủ trương, đường lối, vạch kế hoạch hoạt động của tổ chức hoặc viết cương lĩnh, điều lệ, hiệu triệu, tuyên truyền, lôi kéo người khác vào tổ chức nhằm lật đổ chính quyền. Tổ chức nêu trong Điều 79 là tổ chức phản cách mạng có mục đích lật đổ chính quyền nhân dân. Đó là một hình thức đồng phạm có tổ
  • 6. 6 chức, trong đó các thành viên tham gia tổ chức có sự ràng buộc với nhau chặt chẽ, hoạt động theo một kế hoạch chung do tổ chức đề ra. Hoạt động thành lập tổ chức bao gồm những hành vi diễn ra trong việc chuẩn bị để thành lập tổ chức và những hành vi biểu hiện trong quá trình chỉ huy, điều hành tổ chức đó hoạt động. Tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là hành vi gia nhập tổ chức khi biết rõ tổ chức ấy có mục đích lật đổ chính quyền, xoá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, tán thành và tích cực hoạt động theo mục tiêu, kế hoạch của tổ chức đó. Tội phạm được coi là hoàn thành kể từ thời điểm người phạm tội thực hiện hành vi thành lập tổ chức (không kể đã thành lập được hay chưa) hoặc từ khi tham gia vào tổ chức (không kể đã có hoạt động gì hay chưa). * Chủ thể của tội phạm: chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào từ đủ 14 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự. * Mặt chủ quan của tội phạm: tội phạm chỉ có thể được thực hiện do lỗi cố ý, mục đích lật đổ chính quyền nhân dân, phá bỏ chế độ chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội đã được Hiến pháp quy định. * Hình phạt: Điều 79 quy định hai khung hình phạt + Khung 1: quy định hình phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình áp dụng đối với những người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng. Người tổ chức, người xúi giục (Xem Điều 20); người hoạt động đắc lực là người tích cực thực hiện các kế hoạch, các hoạt động cụ thể mà tổ chức phản cách mạng đó đề ra trong hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; gây hậu quả nghiêm trọng là gây những thiệt hại cho sự tồn tại của chính quyền nhân dân: làm cho nhân dân lo lắng, hoảng sợ, gây nên những ảnh hưởng xấu về chính trị trong xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước, đến lao động sản xuất, học tập của nhân dân. + Khung 2: quy định hình phạt tù từ năm đến mười lăm năm áp dụng đối với những người đồng phạm khác và hành vi phạm tội của họ không có những tình tiết định khung tăng nặng quy định ở khoản 1 của Điều luật. Điều 80. Tội gián điệp. 1. Người nào có một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Hoạt động tình báo, phá hoại hoặc gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại chống nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; b) Gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài; hoạt động thám báo, chỉ điểm, chứa chấp, dẫn đường hoặc thực hiện hành vi khác giúp người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại; c) Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. 3. Người đã nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, thì được miễn trách nhiệm hình sự. * Khách thể của tội phạm: Tội gián điệp là hành vi của người nước ngoài, người không có quốc tịch hoạt động tình báo, phá hoại hoặc gây cơ sở để hoạt động tình báo phá hoại chống nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc là hành vi của công dân Việt Nam gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài, hoạt động thám báo hay chỉ điểm, chứa chấp, dẫn đường hoặc thực hiện hành vi khác giúp người nước ngoài; hoạt động tình báo phá hoại hoặc có hành vi cung cấp hay thu thập nhằm cung cấp tin tức tài liệu thuộc hay không thuộc bí mật Nhà nước cho nước ngoài để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
  • 7. 7 Hành vi hoạt động gián điệp đã xâm phạm đến an ninh đối ngoại và an ninh đối nội của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. An ninh đối nội, an ninh đối ngoại được hiểu là nền độc lập của quốc gia, sự bất khả xâm phạm lãnh thổ và sức mạnh quốc phòng, chính quyền nhân dân. Vì vậy, khách thể của tội gián điệp là độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, khả năng phòng thủ của đất nước và sự vững mạnh của chính quyền nhân dân. * Mặt khách quan của tội phạm: mặt khách quan của tội gián điệp thể hiện ở một trong những hành vi sau đây: + Hoạt động tình báo, phá hoại, gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại chống nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hoạt động tình báo thể hiện ở những hành vi điều tra, thu thập tin tức tình báo bằng cách trực tiếp như lấy cắp, vẽ sơ đồ, quay phim, chụp ảnh hay sử dụng các phương tiện kỹ thuật bí mật để thu thập tình báo... Hoạt động phá hoại bao gồm hoạt động phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế xã hội, phá hoại chính sách đoàn kết. Gây cơ sở là việc tuyển lựa, thu hút người vào trong mạng lưới gián điệp của chúng để tiếp tục thu thập tình báo, để phá hoại, để làm nhiệm vụ liên lạc chuyển tin... + Gây cơ sở để hoạt động tình báo, phá hoại theo sự chỉ đạo của nước ngoài; hoạt động thám báo, chỉ điểm, chứa chấp, dẫn đường hoặc thực hiện những hành vi khác giúp người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại. Theo quy định của điều luật thì việc thực hiện hành vi này phải làm theo sự chỉ đạo của nước ngoài mới cấu thành tội gián điệp. Hoạt động thám báo là hoạt động của những tên gián điệp được các cơ quan tình báo nước ngoài tung vào lãnh thổ Việt Nam thu thập những tin tức tình báo, chiến thuật (chủ yếu về quân sự) bằng cách trực tiếp quan sát, chụp ảnh, vẽ sơ đồ hoặc phục kích bắt cán bộ, bộ đội, nhân dân để khai thác nhằm phục vụ cho âm mưu gây chiến tranh, tập kích, đánh phá bằng máy bay,... Chỉ điểm là việc dùng ám hiệu để báo hoặc báo cho người nước ngoài biết nơi cần thu thập tình báo, phá hoại, bắt cóc cán bộ,...Chứa chấp, dẫn đường hoặc thực hiện những hành vi khác giúp người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại là hành vi của những người Việt Nam tạo điều kiện cần thiết cho người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại (ví dụ: bố trí nơi ẩn náu, cung cấp thêm phương tiện...). Khi thực hiện những hành vi này, người phạm tội biết rõ là đã giúp người nước ngoài hoạt động tình báo, phá hoại. + Cung cấp hoặc thu thập nhằm cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài; thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu khác nhằm mục đích để nước ngoài sử dụng chống nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là trường hợp người phạm tội đã cung cấp những bí mật Nhà nước cho nước ngoài hoặc đã thu thập những bí mật Nhà nước để khi có điều kiện sẽ cung cấp cho nước ngoài. Người phạm tội gián điệp trong trường hợp này biết rõ tin tức, tài liệu mà họ đã cung cấp cho nước ngoài là những tài liệu thuộc bí mật quốc gia, còn động cơ như thế nào hoặc tài liệu đó có tác dụng gì với nước ngoài hay không đều không có ý nghĩa trong việc định tội. Bí mật Nhà nước nêu trong điều luật này bao gồm bí mật trong các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao, an ninh... được Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước ngày 28 -10 -1991 của Hội đồng Nhà nước quy định. Những người làm nhiệm vụ cất giữ, trông coi phương tiện hoạt động gián điệp hoặc làm nhiệm vụ liên lạc với tổ chức gián điệp để cung cấp bí mật Nhà nước cho nước ngoài cũng là phạm tội gián điệp với vai trò đồng phạm. Đối với hành vi thu thập, cung cấp những tin tức, tài liệu khác thì phải làm rõ khi thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu ấy người đó biết rằng nước ngoài sử dụng để chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nếu không làm rõ được mục đích này thì không có cơ sở kết luận họ phạm tội gián điệp. Tội gián điệp thuộc loại tội phạm có cấu thành hình thức. Tội phạm được coi hoàn thành từ thời điểm người phạm tội nhận sự chỉ đạo của nước ngoài để hoạt động gián điệp. Trường hợp phạm tội do bị ép buộc, lừa phỉnh, lầm đường đã biết ăn năn, hối cải, “không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền” thì được miễn trách nhiệm hình sự. * Chủ thể của tội phạm: chủ thể của tội phạm này có thể là người nước ngoài, công dân Việt Nam hoặc người không quốc tịch từ đủ 14 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự.
  • 8. 8 * Mặt chủ quan của tội phạm: tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp và mục đích phạm tội là chống chính quyền nhân dân. Nếu hành vi là do lỗi vô ý, thiếu trách nhiệm để lộ những bí mật Nhà nước thì không phạm tội gián điệp mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm lộ bí mật Nhà nước (Điều 264). Nếu cố ý làm lộ bí mật Nhà nước sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước (Điều 263). * Hình phạt: Điều 80 quy định hai khung hình phạt: + Khung 1: quy định hình phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình áp dụng đối với trường hợp phạm tội quy định ở khoản 1. + Khung 2: quy định hình phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm áp dụng trong trường hợp ít nghiêm trọng. Đây là trường hợp phạm tội có một trong những tình tiết giảm nhẹ (phạm tội lần đầu, lập công chuộc tội, tự thú, thành khẩn khai báo,...). Trường hợp người đã nhận làm gián điệp, nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Điều 81. Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ Người nào xâm nhập lãnh thổ, có hành động làm sai lệch đường biên giới quốc gia hoặc có hành động khác nhằm gây phương hại cho an ninh lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt như sau: 1. Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân; 2. Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. * Khách thể của tội phạm: tội xâm phạm an ninh lãnh thổ là hành vi xâm nhập lãnh thổ làm sai lệch đường biên giới quốc gia hoặc có hành vi khác nhằm gây phương hại cho lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bất kỳ quốc gia nào cũng có chủ quyền quốc gia đối với lãnh thổ của mình. Theo Điều 1 Hiến pháp 1992 thì lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm: đất liền, vùng trời, vùng biển và các hải đảo. Xâm phạm các bộ phận nói trên của lãnh thổ quốc gia là xâm phạm an ninh lãnh thổ. Vì vậy, khách thể của tội này là an ninh lãnh thổ và chủ quyền quốc gia. * Mặt khách quan của tội phạm: xâm phạm an ninh lãnh thổ là hoạt động của người phạm tội từ bên ngoài xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam một cách bất hợp pháp bằng đường bộ, đường thuỷ hoặc đường không, dùng sức mạnh vũ trang gây thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân ta, làm mất an ninh lãnh thổ của đất nước ta. Mặt khách quan của tội phạm này thể hiện ở một trong các hành vi sau: - Làm sai lệch đường biên giới quốc gia là làm thay đổi đường biên giới quốc gia (như di chuyển cột mốc biên giới vào lãnh thổ Việt Nam, dựng các cột mốc giả để lấn chiếm đất...). - Hành động khác phá hoại an ninh lãnh thổ là những hành động từ lãnh thổ nước ngoài, từ vùng biển quốc tế oanh tạc, bắn phá... lãnh thổ, vùng biển, làm mất an ninh lãnh thổ nước ta. - Tiếp tế, chỉ đường, giúp đỡ người biết rõ là từ bên ngoài xâm nhập lãnh thổ để phá hoại an ninh lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩaViệt Nam. * Chủ thể của tội phạm: chủ thể của tội xâm phạm an ninh lãnh thổ có thể là người nước ngoài, người không quốc tịch hoặc công dân Việt Nam đã trốn ra nước ngoài hoạt động và cùng với nước ngoài
  • 9. 9 xâm nhập lãnh thổ, phá hoại an ninh lãnh thổ hoặc công dân Việt Nam cư trú trong nước có hành vi giúp sức thực hiện tội phạm này. * Mặt chủ quan của tội phạm: tội phạm chỉ có thể được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp với mục đích phá hoại an ninh lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Những trường hợp xâm nhập lãnh thổ hoặc hành vi của người nước ngoài ở vùng biên giới xâm lấn lãnh thổ nước ta để trồng trọt, xây dựng nhưng không có mục đích phá hoại an ninh lãnh thổ thì không cấu thành tội phạm này mà cấu thành tội phạm khác. * Hình phạt: Điều 81 quy định hai khung hình phạt: + Khung 1: quy định hình phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân áp dụng đối với người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng. + Khung 2: quy định hình phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm áp dụng đối với người đồng phạm khác. Điều 82. Tội bạo loạn Người nào hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau: 1. Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình; 2. Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. * Khách thể của tội phạm: bạo loạn là hoạt động của những người dùng sức mạnh vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức công khai chống chính quyền, lực lượng vũ trang nhân dân nhằm làm suy yếu chính quyền nhân dân. Vì vậy, khách thể của tội bạo loạn là sự tồn tại và vững mạnh của chính quyền nhân dân. * Mặt khách quan của tội phạm: mặt khách quan của tội bạo loạn được thể hiện ở một trong các hành vi sau: - Hoạt động vũ trang chống chính quyền nhân dân là hoạt động vũ trang có tổ chức, công khai chống lại chính quyền, chống lại lực lượng vũ trang nhân dân, phá hoại an ninh chính trị ở địa phương như: cướp kho tàng, bắt, giết cán bộ, bộ đội, công an, chiếm trụ sở của Đảng, của cơ quan chính quyền, doanh trại của lực lượng vũ trang, cướp vũ khí của dân quân tự vệ. - Dùng bạo lực có tổ chức nhằm chống chính quyền là sử dụng sức mạnh của nhiều người (không có vũ trang) làm áp lực chống chính quyền nhân dân như: bao vây, chiếm giữ hoặc đập phá trụ sở chính quyền, lực lượng vũ trang, đốt phá tài sản cuả Nhà nước, tập thể hoặc của nhân dân. Để tiến hành bạo loạn chống chính quyền nhân dân, người phạm tội phải tập hợp, lôi kéo nhiều người tham gia. Chúng có thể vũ trang ngay từ đầu hoặc dùng bạo lực có tổ chức, cướp vũ khí của lực lượng vũ trang, tiến hành hoạt động vũ trang công khai chống chính quyền nhân dân. * Chủ thể của tội phạm: chủ thể của tội bạo loạn là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 14 tuổi trở lên. * Mặt chủ quan của tội phạm: tội bạo loạn chỉ có thể được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp và mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân. * Hình phạt: Điều 82 quy định 2 khung hình phạt: + Khung 1: quy định hình phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình áp dụng đối với người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng.
  • 10. 10 + Khung 2: quy định hình phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm áp dụng đối với người đồng phạm khác. Điều 83. Tội hoạt động phỉ. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà hoạt động vũ trang ở vùng rừng núi, vùng biển, vùng hiểm yếu khác, giết người, cướp phá tài sản, thì bị phạt như sau: 1. Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình; 2. Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. * Khách thể của tội phạm: tội hoạt động phỉ là hành vi hoạt động vũ trang ở vùng rừng núi, vùng biển, vùng hiểm yếu khác, giết người, cướp, phá tài sản của Nhà nước, của nhân dân nhằm chống chính quyền nhân dân. Tội hoạt động phỉ xâm phạm đến sự an toàn của chính quyền nhân dân, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Người phạm tội lợi dụng tính phức tạp của địa hình, vùng rừng núi, vùng biển, vùng hiểm yếu khác để tiến hành một số hoạt động như: giết người, cướp phá tài sản,... nhằm chống chính quyền nhân dân, gây mất ổn định ở điạ phương đó. Các hành vi trên đe doạ sự an toàn của chính quyền nhân dân và ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, khách thể của tội hoạt động phỉ là sự an toàn của chính quyền nhân dân, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tính mạng, sức khoẻ của công dân ở vùng rừng núi, vùng biển, vùng hiểm yếu khác. * Mặt khách quan của tội phạm: mặt khách quan của tội phạm quy định ở Điều 83 được thể hiện ở một trong những hành vi sau: Hoạt động vũ trang là dấu hiệu đặc trưng của tội hoạt động phỉ. Quy mô của hoạt động vũ trang có thể là lớn, vừa hoặc nhỏ, lúc ẩn, lúc hiện, tuỳ từng nơi, từng lúc. Địa điểm thực hiện hành vi phạm tội phải là vùng rừng núi, vùng biển, vùng hiểm yếu khác. Đây là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành của tội phạm này. Hoạt động phỉ có thể là hành vi bắt, giết cán bộ, nhân viên Nhà nước, bộ đội, công an hoặc nhân dân, cướp phá tài sản của Nhà nước, của tập thể hoặc của nhân dân, gây rối an ninh ở vùng rừng núi, vùng biển, vùng hiểm yếu khác. Tội hoạt động phỉ và tội bạo loạn có nhiều điểm giống nhau: đều có mục đích chống chính quyền nhân dân và mặt khách quan của tội phạm được thể hiện ở hành vi tấn công vào cơ quan nhà nước, bắt, giết cán bộ, bộ đội, công an và nhân dân, cướp phá tài sản xã hội chủ nghĩa và tài sản của công dân. Nhưng giữa chúng khác nhau ở chỗ hoạt động vũ trang trong tội bạo loạn là hoạt động tấn công một cách công khai vào cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang, làm suy yếu chính quyền nhân dân. Tội bạo loạn bao giờ cũng có tổ chức và có thể xảy ra ở cả vùng đồng bằng, vùng rừng núi, vùng biển, ở thành phố hoặc cả ở vùng hiểm yếu khác. Còn tội hoạt động phỉ có thể chỉ bao gồm một số ít người hoạt động lúc ẩn, lúc hiện ở những địa bàn nói trên, có hoạt động vũ trang và chủ yếu là nhằm cướp, phá tài sản, giết người... gây rối an ninh ở vùng rừng núi, vùng biển hoặc vùng hiểm yếu khác. Trong những điều kiện nhất định, tội này có thể chuyển sang tội kia và ngược lại. Ví dụ có những dấu hiệu của tội hoạt động phỉ nhưng có nhiều người hoạt động trong một tổ chức chặt chẽ, công khai chống chính quyền, tấn công lực lượng vũ trang thì chuyển hoá thành tội bạo loạn, hoặc từ một tổ chức gây bạo loạn bị trấn áp tan rã, phân tán, hoạt động lẻ tẻ chống chính quyền ở vùng rừng núi, vùng biển, vùng hiểm yếu khác lại cấu thành tội hoạt động phỉ. * Chủ thể của tội phạm: chủ thể của tội hoạt động phỉ là bất kỳ người nào từ đủ 14 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự.
  • 11. 11 * Mặt chủ quan của tội phạm: hành động phạm tội được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp và mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân. Đây là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. * Hình phạt: Điều 83 quy định hai khung hình phạt: + Khung 1: quy định hình phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình áp dụng đối với người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng. + Khung 2: quy định hình phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm áp dụng đối với người đồng phạm khác. Điều 84. Tội khủng bố. 1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc công dân, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. 2. Phạm tội trong trường hợp xâm phạm tự do thân thể, sức khoẻ, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. 3. Phạm tội trong trường hợp đe doạ xâm phạm tính mạng hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 4. Khủng bố người nước ngoài nhằm gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì cũng bị xử phạt theo Điều này. * Khách thể của tội phạm: tội khủng bố trực tiếp đe doạ sự vững mạnh của chính quyền nhân dân, an ninh đối nội, an ninh đối ngoại, xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, quyền tự do thân thể của cán bộ, công chức hoặc công dân nhằm chống chính quyền nhân dân. Vì vậy, khách thể của tội khủng bố là sự vững mạnh của chính quyền nhân dân, an ninh đối nội, an ninh đối ngoại, tính mạng, sức khoẻ, tự do thân thể của con người. * Mặt khách quan của tội phạm: mặt khách quan của tội phạm quy định tại Điều 84 thể hiện ở một trong những hành vi sau đây: - Xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc công dân là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi giết người bằng việc sử dụng các phương pháp, phương tiện khác nhau như: bắn, chém, đầu độc,... hoặc bằng những cách nào đó xâm phạm trực tiếp tính mạng của những người đại diện chính quyền, nhân viên tổ chức xã hội hoặc công dân. - Xâm phạm tự do thân thể, sức khoẻ là trường hợp người phạm tội đã bắt giữ một cách trái phép đối với cán bộ, công chức hoặc công dân để làm con tin, để khống chế hoặc dùng sức mạnh vật chất tác động vào thân thể của những người đó gây tổn hại về sức khoẻ của họ (như đánh đập, gây thương tích...). - Đe doạ xâm phạm tính mạng là trường hợp người phạm tội dùng lời nói hoặc bằng cử chỉ, thái độ nào đó làm cho người bị đe doạ có căn cứ hiểu rằng nếu họ cứ thực hiện công vụ hoặc nghĩa vụ của người công dân thì tính mạng của họ sẽ bị xâm phạm. Người phạm tội có thể đe doạ xâm phạm tính mạng người thân của những cán bộ, công chức hoặc gây khiếp sợ cho những người đó, cản trở họ thực hiện công vụ nhằm chống chính quyền cũng là hành vi của tội khủng bố. - Giết, bắt, giữ, gây thương tích...đối với người nước ngoài nhằm gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là hành vi của tội khủng bố. * Chủ thể của tội phạm: chủ thể của tội khủng bố là bất kỳ người nào từ đủ 14 tuổi trở lên (khoản 1 và khoản 2) hoặc từ đủ 16 tuổi trở lên (khoản 3) có năng lực trách nhiệm hình sự. * Mặt chủ quan của tội phạm: tội khủng bố được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp và mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân. Đây là là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.
  • 12. 12 Nếu hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, tự do thân thể, đe doạ xâm phạm tính mạng không nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân thì không cấu thành tội này mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khác. * Hình phạt: Điều 84 quy định ba khung hình phạt: + Khung 1: quy định hình phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình áp dụng đối với trường hợp xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc công dân. + Khung 2: quy định hình phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm áp dụng đối với trường hợp xâm phạm tự do thân thể hoặc sức khoẻ. + Khung 3: phạt tù từ hai năm đến bảy năm áp dụng đối với trường hợp đe doạ xâm phạm tính mạng hoặc có hành vi khác uy hiếp tinh thần. Hành vi khủng bố người nước ngoài nhằm gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng bị xử phạt theo các khung hình phạt tương ứng được quy định tại Điều luật này. Điều 85. Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hoá, xã hội, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. 2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. * Khách thể của tội phạm: cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội là nền tảng của chế độ xã hội chủ nghĩa. Đó là các giá trị vật chất thuộc các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hoá và xã hội. Xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật được coi là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ, là mục tiêu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội là hành vi phá huỷ hoặc làm hư hỏng các giá trị nói trên nhằm chống chính quyền nhân dân. Thực hiện tội phạm này, người phạm tội trực tiếp gây thiệt hại cho các đối tượng cụ thể như: nhà máy, xí nghiệp, cầu đường, phương tiện giao thông vận tải, phương tiện thông tin liên lạc,... nhằm gây khó khăn, cản trở, ngưng trệ công cuộc xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội và gây mất ổn định chính trị của đất nước. Vì vậy, khách thể của tội phạm này là sự vững mạnh của chính quyền nhân dân, quyền bất khả xâm phạm về cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đối tượng của tội phạm được nêu trong Điều luật này bao gồm: các kho tàng, xí nghiệp, nhà máy, máy móc, thiết bị, vật tư, sản phẩm, trụ sở cơ quan hoặc các tài sản khác thuộc các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, các công trình văn hoá nghệ thuật,... * Mặt khách quan của tội phạm: mặt khách quan của tội phạm này là hành vi phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Khi thực hiện hành vi này, người phạm tội đã làm cho các đối tượng bị mất một phần hay toàn bộ giá trị sử dụng hoặc khó có thể khôi phục được. Người phạm tội thực hiện hành vi nhằm phá hoại cơ sở vật chất kỹ thuật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc lĩnh vực chính trị (trụ sở cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội), an ninh quốc gia (phương tiện giao thông, thông tin, liên lạc, kết cấu hạ tầng khác,...), quốc phòng, kinh tế (nhà máy, hầm mỏ,...), khoa học kỹ thuật (các công trình khoa học kỹ thuật...) hoặc lĩnh vực văn hoá xã hội (các công trình có giá trị lịch sử, văn hoá nghệ thuật,...).
  • 13. 13 Phá hoại là hành vi huỷ hoại hoặc làm hư hỏng các đối tượng nói trên. Huỷ hoại là làm cho các đối tượng tác động của tội phạm này mất hoàn toàn giá trị sử dụng. Làm hư hỏng là làm mất một phần giá trị sử dụng của các đối tượng đó. Hành vi phá hoại có thể được thực hiện bằng hành động (như đốt, phá, tháo gỡ, chiếm đoạt...) hoặc không hành động (như không thực hiện đúng hoặc thực hiện không đầy đủ các công việc mà người đó có trách nhiệm phải thực hiện) nhằm huỷ hoại hoặc làm hư hỏng các đối tượng đó. Phương tiện mà người phạm tội dùng để thực hiện tội phạm có thể là chất nổ, chất cháy, chất độc, búa, kìm... hoặc các phương tiện hoặc dụng cụ khác. Tội phạm được coi là hoàn thành kể từ thời điểm khi có một trong những hành vi phá hoại, xâm hại hoặc đe doạ xâm hại đến các đối tượng thuộc cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. * Chủ thể của tội phạm: chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào từ đủ 14 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự. * Mặt chủ quan của tội phạm: hành vi của người phạm tội được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp và mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân. Khi thực hiện hành vi phá hoại, người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm của hành vi, thấy trước hậu quả thiệt hại cho cơ sở vật chất kỹ thuật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra. Nếu người nào đó có hành vi gây thiệt hại cho tài sản nhưng do thiếu trách nhiệm hoặc do yếu kém về kỹ thuật hoặc do tư lợi cá nhân mà không nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân thì hành vi không cấu thành tội phạm quy định tại Điều 85 mà cấu thành tội phạm khác. * Hình phạt: Điều 85 quy định hai khung hình phạt + Khung 1: quy định mức hình phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình áp dụng đối với trường hợp phạm tội quy định ở khoản 1. + Khung 2: quy định hình phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm áp dụng đối với trường hợp ít nghiêm trọng (gây hậu quả không lớn, thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải,...) Điều 86. Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội. 1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội, thì bị phạt tù từ bảy năm đến hai mươi năm. 2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm. * Khách thể của tội phạm: phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội là làm cho các chính sách, kế hoạch của Nhà nước không thực hiện được, gây khó khăn cho Nhà nước xã hội chủ nghĩa trong công tác quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Vì vậy, khách thể của tội phạm này là sự thực hiện đúng đắn các chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và sự vững mạnh của chính quyền nhân dân. * Mặt khách quan của tội phạm: mặt khách quan của tội phạm quy định tại Điều 86 được thể hiện ở hành vi phá hoại việc thực hiện chính sách kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Phá hoại việc thực hiện chính sách kinh tế - xã hội là hành vi chống lại hoặc không thi hành hoặc thi hành sai lệch, cản trở người khác thực hiện chính sách đó, làm cho các chính sách, kế hoạch của Nhà nước không thực hiện được hoặc được thực hiện nhưng trì trệ, kéo dài ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của đất nước, đến đời sống của nhân dân. Hậu quả xảy ra không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành của tội phạm này mà chỉ có ý nghĩa khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội. Tội phạm được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội thực hiện một trong những hành vi phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế xã hội nói trên. * Chủ thể của tội phạm: là bất kỳ người nào từ đủ 14 tuổi trở lên (khoản 1) hoặc từ đủ 16 tuổi trở lên (khoản 2) có năng lực trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể là người có chức vụ,
  • 14. 14 quyền hạn trong việc thực hiện chính sách kinh tế xã hội hoặc là người có nghĩa vụ phải thực hiện các chính sách kinh tế xã hội. * Mặt chủ quan của tội phạm: tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức được hành vi phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế xã hội là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả thiệt hại cho xã hội và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra. Mục đích phạm tội là nhằm chống chính quyền nhân dân. Đây là các dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Hành vi phá hoại các chính sách kinh tế - xã hội là nhằm gây khó khăn cho Nhà nước trong quản lý nền kinh tế xã hội, làm suy yếu chính quyền nhân dân. * Hình phạt: Điều 86 quy định hai khung hình phạt: + Khung 1: quy định hình phạt tù từ bảy năm đến hai mươi năm áp dụng đối với trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1. + Khung 2: quy định hình phạt tù từ ba năm đến bảy năm áp dụng đối với trường hợp ít nghiêm trọng. Điều 87. Tội phá hoại chính sách đoàn kết. 1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm: a) Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với lực lượng vũ trang, với chính quyền nhân dân, với các tổ chức xã hội; b) Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; c) Gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với các tổ chức xã hội; d) Phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế. 2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. * Khách thể của tội phạm: tội phá hoại chính sách đoàn kết chính là hành vi gây chia rẽ giữa các đối tượng mà chính sách đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, tôn giáo, đoàn kết quốc tế đặt ra nhằm chống chính quyền nhân dân. Vì vậy khách thể của tội phạm này là: khối đoàn kết toàn dân và sự thực hiện đúng đắn chính sách đoàn kết quốc tế. * Mặt khách quan của tội phạm: mặt khách quan của tội phạm này được thể hiện ở một trong các hành vi sau: - Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với lực lượng vũ trang nhân dân, với chính quyền nhân dân, với các tổ chức xã hội. Thực hiện hành vi này, người phạm tội có thể xuyên tạc, bịa đặt, gợi lại những xích mích, những vấn đề còn tồn tại trước đây giữa các làng xã, họ mạc trong nhân dân; lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của cán bộ, bộ đội, công an để chia rẽ nhân dân với chính quyền, lực lượng vũ trang, tổ chức xã hội, phá vỡ sự đoàn kết trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. - Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đây chính là hành vi phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước. Người phạm tội có thể lợi dụng sự mê tín, lạc hậu, những hiềm khích trước đây để chia rẽ, lợi dụng những
  • 15. 15 phong tục, tập quán dân tộc khác nhau, uy quyền sẵn có để gây kỳ thị dân tộc; lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong việc chấp hành chính sách pháp luật để phá hoại đoàn kết dân tộc hoặc hành vi phân biệt đối xử giữa các dân tộc tạo nên sự không bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. - Gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với các tổ chức xã hội. Thực hiện hành vi này, người phạm tội có thể lợi dụng thần quyền, giáo lý, sự lạc hậu và tín ngưỡng của tín đồ để chia rẽ giữa các tôn giáo, giữa tôn giáo với chính quyền, giữa tôn giáo với các chính đảng, đoàn thể; hoặc lợi dụng những sơ hở thiếu sót trong việc thực hiện chính sách pháp luật của cán bộ cơ sở để kích động, chia rẽ tín đồ với chính quyền nhân dân, với các tổ chức xã hội. - Phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế là hành vi phá hoại việc thực hiện chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong sự nghiệp củng cố và tăng cường với các nước, phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết của Đảng và Nhà nước ta đối với các dân tộc yêu chuộng hoà bình trên thế giới. Người phạm tội có thể xuyên tạc chính sách, cản trở việc thực hiện chính sách hoặc lợi dụng những vấn đề do lịch sử để lại để chia rẽ, phá hoại đoàn kết quốc tế. * Chủ thể của tội phạm: chủ thể của tội phá hoại chính sách đoàn kết là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 14 tuổi (khoản 1) hoặc từ đủ 16 tuổi trở lên (khoản 2). * Mặt chủ quan của tội phạm: tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp và mục đích là nhằm chống chính quyền nhân dân. Mục đích chống chính quyền nhân dân là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm này. Nếu người nào đó do không hiểu chủ trương chính sách, thiếu ý thức hoặc do lạc hậu mà có lời nói, việc làm có hại cho sự đoàn kết dân tộc, nhưng không có mục đích chống chính quyền nhân dân thì hành vi đó không cấu thành tội phạm phá hoại chính sách đoàn kết. * Hình phạt: Điều 87 quy định hai khung hình phạt: + Khung 1: quy định hình phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm áp dụng đối với người phạm tội thực hiện một trong các hành vi được quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 1 của điều luật. + Khung 2: quy định hình phạt tù từ hai năm đến bảy năm áp dụng đối với trường hợp ít nghiêm trọng. Điều 88. Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm: a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân; c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm. * Khách thể của tội phạm: tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là những hành vi tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân, làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
  • 16. 16 Khi thực hiện các hành vi tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, người phạm tội nhằm làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa, phá hoại sự thống nhất về chính trị, tư tưởng trong xã hội, xâm phạm sự vững mạnh của chính quyền nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Vì vậy khách thể của tội phạm này là sự vững mạnh của chính quyền nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. * Mặt khách quan của tội phạm: mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở một trong những hành vi sau đây: - Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân là hành vi xuyên tạc, đả kích các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong các lĩnh vực quản lý kinh tế, quản lý xã hội, quản lý cán bộ, nói xấu công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, nói xấu lãnh tụ, cán bộ, công chức Nhà nước,...Người phạm tội có thể lợi dụng những hiện tượng tiêu cực, khoét sâu những khó khăn trước mắt, thổi phồng những khuyết điểm trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội, làm cho người khác không tin vào chế độ, vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của bộ máy Nhà nước, giảm sút ý chí trong lao động xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. - Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin, bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân là hành vi sử dụng những luận điệu chiến tranh tâm lý của địch để tuyên truyền, kích động, xuyên tạc,... đánh vào tâm lý của nhân dân, tạo ra sự sợ hãi, tư tưởng cầu an hoặc bịa đặt, tung tin thất thiệt gây hoang mang, nghi ngờ trong nhân dân. Hình thức tuyên truyền có thể là truyền miệng, phao tin, thông qua hội thảo, bài giảng, bài viết trên báo,... - Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là hành vi: sản xuất (viết, in vẽ, chụp ảnh,...), cất giấu, lưu hành những sách, báo, phim, tranh, ảnh, thơ ca, truyền đơn, kịch bản và những văn hoá phẩm khác có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. * Chủ thể của tội phạm: chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào từ đủ 14 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự. * Mặt chủ quan của tội phạm: tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp và mục đích là nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Mục đích chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Nếu người nào đó có hành vi phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân, đả kích cán bộ,...nhưng không nhằm mục đích nói trên thì không phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. * Hình phạt: Điều 88 quy định hai khung hình phạt: + Khung 1: quy định hình phạt tù từ ba năm đến mười hai năm áp dụng đối với người thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 điều luật này. + Khung 2: quy định hình phạt tù từ 10 năm đến 20 năm áp dụng đối với người phạm tội trong trường hợp có tình tiết tăng nặng (như: sử dụng thủ đoạn xảo quyệt, phạm tội có tổ chức, gây hậu quả nghiêm trọng...). Điều 89. Tội phá rối an ninh. 1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà kích động, lôi kéo, tụ tập nhiều người phá rối an ninh, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 82 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. 2. Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
  • 17. 17 * Khách thể của tội phạm: tội phá rối an ninh là những hành vi kích động, lôi kéo tụ tập nhiều người phá rối an ninh, chống người thi hành công vụ, cản trở sự hoạt động của cơ quan Nhà nước hay tổ chức xã hội nhằm chống chính quyền nhân dân. Vì vậy, khách thể của tội phạm này là an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, sự hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội. * Mặt khách quan của tội phạm: mặt khách quan của tội phạm quy định tại Điều 89 thể hiện ở một trong những hành vi sau: - Kích động, lôi kéo tập hợp nhiều người phá rối an ninh, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội là loại hành vi của những tên chủ mưu, cầm đầu, xúi giục. Bọn tội phạm thường lợi dụng những thiếu sót của cán bộ ta trong việc thi hành chính sách, pháp luật, lợi dụng tôn giáo, sự lạc hậu của quần chúng để kích động, tập hợp nhiều người phá rối an ninh, chống người thi hành công vụ, làm cho hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội không thể tiến hành bình thường, gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Ví dụ, tập hợp nhiều người mít tinh, biểu tình (không có vũ trang) hoặc đưa đơn kiến nghị, yêu sách chính quyền giải quyết vấn đề gì đó hoặc đấu tranh không cho thu mua lương thực, thu thuế, không cho xây dựng công trình,... - Chống người thi hành công vụ là hành vi bằng các thủ đoạn (như: bắt giữ, dùng vũ lực tấn công người thi hành công vụ,…) đe doạ, cưỡng bức họ làm trái pháp luật,... Người thi hành công vụ là người có chức vụ, quyền hạn tiếp xúc với nhân dân để giải quyết các công việc có liên quan đến chức trách của mình như Công an, Thuế vụ, Hải quan, Bộ đội,.... - Cản trở hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức xã hội là hành vi gây khó khăn cho cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. - Tham gia phá rối an ninh là hành vi của người biết rõ việc tụ tập với những người khác nhằm phá rối an ninh, cản trở nhân viên Nhà nước, Bộ đội, Công an thi hành nhiệm vụ, gây khó khăn cho hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội nhưng họ vẫn tham gia. Khác với tội bạo loạn, hành vi phá rối an ninh tuy có nhiều người tham gia nhưng không dùng sức mạnh có tính chất vũ trang hoặc bạo lực có tổ chức công khai tấn công trụ sở chính quyền, lực lượng vũ trang nhân dân, làm suy yếu chính quyền nhân dân mà chỉ gây mất an ninh địa phương, gây khó khăn, trở ngại cho người thi hành công vụ. Tội phạm được coi là hoàn thành kể từ thời điểm người phạm tội thực hiện một trong các hành vi trên. * Chủ thể của tội phạm: chủ thể của tội phá rối an ninh là bất kỳ người nào từ đủ 14 tuổi (khoản 1) hoặc đủ từ 16 tuổi trở lên (khoản 2) có năng lực trách nhiệm hình sự. * Mặt chủ quan của tội phạm: tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý và mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân: gây rối an ninh chính trị, gây khó khăn cho việc thi hành công vụ của nhân viên Nhà nước, tổ chức xã hội, cản trở hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội. Đây là căn cứ để phân biệt tội phạm này với việc làm của những người do lạc hậu, bất mãn mà gây rối trật tự công cộng, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước nhưng không có mục đích chống chính quyền nhân dân. Những hành vi đó sẽ cấu thành những tội phạm khác (gây rối trật tự công cộng - Điều 245 hoặc tội chống người thi hành công vụ - Điều 257). * Hình phạt: Điều 89 quy định hai khung hình phạt: + Khung 1: quy định hình phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm áp dụng đối với người kích động, lôi kéo, tụ tập nhiều người phá rối an ninh, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước. + Khung 2: quy định hình phạt tù từ 2 năm đến 7 năm áp dụng đối với người đồng phạm khác. Điều 90. Tội chống phá trại giam.
  • 18. 18 1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà phá trại giam, tổ chức vượt trại giam, đánh tháo người bị giam, người bị dẫn giải hoặc trốn trại giam, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. 2. Phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. * Khách thể của tội phạm: chống phá trại giam là những hành vi phá trại giam, tổ chức vượt trại giam, đánh tháo người bị giam, người bị dẫn giải hoặc trốn trại giam nhằm chống chính quyền nhân dân. Vì vậy, khách thể của tội phạm là sự an toàn của chế độ giam giữ của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chế độ giam giữ bao gồm: Các chế độ quản lý, dẫn giải, giáo dục, cải tạo người phạm tội. * Mặt khách quan của tội phạm: mặt khách quan của tội chống phá trại giam được thể hiện ở một trong những hành vi sau đây: - Phá trại giam là hành vi của người phạm tội đã bị bắt giam hoặc người đang ở ngoài trại giam (phá hàng rào, phá buồng giam...) để người bị giam thoát khỏi sự giam giữ, cải tạo của Nhà nước. - Tổ chức vượt trại giam là hành vi của những đối tượng đang bị tạm giam, đang chấp hành án phạt tù giam trong trại giam liên kết với nhau hoặc móc nối với bên ngoài tổ chức vượt trại giam. Việc vượt trại giam cũng có thể được thực hiện khi chúng đi lao động, chuyển trại hoặc dùng bạo lực đối với người có trách nhiệm canh gác, dẫn giải để thoát khỏi sự quản lý của Nhà nước. - Tổ chức đánh tháo người bị giam, người bị dẫn giải là hành vi của người bên ngoài trại giam móc nối với người bị giam, bị dẫn giải hoặc tuy chưa có sự móc nối nhưng đã dùng bạo lực hoặc thủ đoạn khác đối với người quản lý, dẫn giải để đánh tháo cho đồng bọn. - Trốn trại giam là hành vi của người phạm tội đang bị tạm giam, thi hành án phạt tù lợi dụng sơ hở trong việc quản lý, dẫn giải để trốn khỏi nơi giam giữ. Tội phạm được coi là hoàn thành khi người phạm tội thực hiện một trong những hành vi nêu trên. * Chủ thể của tội phạm: chủ thể của tội phạm này có thể là người bị giam, người bị dẫn giải hay bất kỳ người nào đủ từ 14 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự. * Mặt chủ quan của tội phạm: tội phạm chỉ có thể được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Mục đích chống chính quyền nhân dân là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Nếu không có mục đích chống chính quyền nhân dân thì hành vi không cấu thành tội này mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 311 hoặc Điều 312 Bộ luật hình sự. * Hình phạt: Điều 90 quy định hai khung hình phạt: + Khung 1: quy định hình phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân áp dụng đối với các trường hợp phá trại giam, tổ chức vượt trại giam, đánh tháo người bị giam, người bị dẫn giải hoặc trốn trại giam nhằm chống chính quyền nhân dân. + Khung 2: quy định hình phạt tù từ ba năm đến mười hai năm áp dụng đối với trường hợp ít nghiêm trọng (người phạm tội đã tự thú, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải hoặc tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện và điều tra tội phạm...). Điều 91. Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân. 1. Người nào trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm. 2. Người tổ chức, người cưỡng ép, người xúi giục thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
  • 19. 19 3. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. * Khách thể của tội phạm: Điều 91 Bộ luật hình sự quy định hai tội phạm: tội trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân và tội trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân. Hai tội phạm nêu trên đều có khách thể chung là an ninh đối ngoại, an ninh đối nội của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. * Mặt khách quan của tội phạm: mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở hành vi trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân. Trốn đi nước ngoài là hành vi rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam một cách bất hợp pháp, bằng các thủ đoạn như: dùng giấy tờ giả mạo để đánh lừa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, lén lút trốn đi, dùng vũ lực hoặc đe doạ người có trách nhiệm kiểm soát để ra đi... Việc trốn đi nước ngoài có thể bằng đường bộ (vượt biên, trốn vào trụ sở Đại sứ quán, Lãnh sự quán, tổ chức quốc tế đặt tại nước ta, trốn lên tầu quân sự của nước ngoài...), trốn bằng đường thuỷ hoặc đường không. Tội phạm được coi là hoàn thành kể từ thời điểm người phạm tội thực hiện một trong các hành vi nêu trên dù chưa vượt qua biên giới quốc gia. Ví dụ, người đang xuất trình giấy tờ giả mạo để trốn đi nước ngoài thì bị phát hiện và bắt giữ hoặc đang dùng vũ lực tấn công nhân viên có thẩm quyền để trốn đi nước ngoài thì bị bắt giữ. Tội trốn ở lại nước ngoài là hành vi của người phạm tội đi ra nước ngoài một cách hợp pháp (như đi công tác, lao động, học tập...) nhưng đã trốn không về nước hoặc sau khi hoàn thành nhiệm vụ mà không trở về nước theo quy định. Người phạm tội có thể ở ngay nước mà họ đến học tập, lao động, công tác hoặc trốn sang nước khác. Tội phạm được coi là hoàn thành kể từ thời điểm phải về nước mà từ chối về nước hoặc đã trốn ở lại nước ngoài. Hành vi phạm tội còn có thể được biểu hiện trong việc tổ chức, xúi giục, cưỡng ép, giúp sức cho người khác trốn đi nước ngoài, trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân. * Chủ thể của tội phạm: chủ thể của tội trốn ra nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ có thể là công dân Việt Nam. Người nước ngoài có thể là đồng phạm. * Mặt chủ quan của tội phạm: tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp và mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành của tội phạm này, nghĩa là người phạm tội nhận thức rõ việc trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài là nguy hiểm cho xã hội, gây thiệt hại cho an ninh đối nội và an ninh đối ngoại của Nhà nước và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra. Nếu việc trốn ra nước ngoài, trốn ở lại nước ngoài trái phép, tổ chức, cưỡng ép người khác trốn không nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân mà chỉ để sum họp gia đình hoặc vì mục đích kinh tế,...thì không coi là phạm tội này mà sẽ cấu thành các tội phạm khác quy định ở các Điều 274 hoặc 275. * Hình phạt: Điều 91 quy định ba khung hình phạt: + Khung 1: quy định hình phạt tù từ ba năm đến mười hai năm áp dụng đối với người trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân. + Khung 2: quy định hình phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm áp dụng đối với người tổ chức, người cưỡng ép, người xúi giục. + Khung 3: quy định hình phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân áp dụng đối với trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
  • 20. 20 CHƯƠNG XII các tội xâm phạm tính mạng, Sức Khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người Khái niệm các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người. Điều 71 Hiến pháp 1992 quy định: "Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm. Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật. Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân". Để bảo đảm thực hiện các nguyên tắc được Hiến pháp ghi nhận, Bộ luật hình sự 1985 trước đây cũng như Bộ luật hình sự 1999 đã dành một chương riêng quy định những hành vi xâm phạm đến quyền sống, quyền được bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự con người là phạm tội và quy định hình phạt áp dụng đối với người có hành vi phạm tội. Các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người là những hành vi nguy hiểm cho xã hội do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện, có lỗi, gây tổn hại hoặc đe doạ đến quyền sống, quyền được bảo hộ về sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người. * Khách thể của các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người. Các tội phạm ở chương này xâm phạm đến quyền sống, quyền được bảo hộ về sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người. Cuộc sống của con người được tính từ thời điểm được sinh ra cho đến khi chết. Như vậy, không thể coi một người đang sống khi chưa lọt lòng mẹ (còn ở trong bào thai) hoặc khi người đó không còn khả năng tiếp nhận những yếu tố đảm bảo sự sống, tức là khi họ chỉ còn là xác chết. Sức khỏe của con người là tình trạng sức lực của con người đang sống trong điều kiện bình thường, là trạng thái tâm sinh lý, sự hoạt động hài hoà trong cơ thể cả về thần kinh và cơ bắp, tạo nên khả năng chống lại bệnh tật. Hành vi xâm phạm sức khoẻ con người là là hành vi dùng tác động ngoại lực hoặc bất kỳ hình thức nào làm cho người đó yếu đi hoặc gây nên những tổn thương ở các bộ phận trong cơ thể, gây bệnh tật, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của người đó. Nó làm tổn hại đến khả năng suy nghĩ, học tập, lao động, sáng tạo của nạn nhân. Nhân phẩm, danh dự con người là những yếu tố về tinh thần, bao gồm phẩm giá, giá trị, sự tôn trọng, tình cảm yêu mến của những người xung quanh, của xã hội đối với người đó. Hành vi xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người là làm cho người đó bị xúc phạm, bị coi thường, bị khinh rẻ trong gia đình, tập thể, trong nhân dân, trong xã hội tuỳ thuộc vào vị thế, vai trò và nhiệm vụ, tuổi tác của người đó và mức độ của hành vi phạm tội. * Mặt khách quan của các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người: Các tội phạm ở Chương này được thể hiện ở những hành vi nguy hiểm cho xã hội trực tiếp xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm. danh dự của con người. Đa số những hành vi nguy hiểm được thực hiện bằng hành động cụ thể, có thể sử dụng các loại công cụ, phương tiện khác nhau tạo nên sự tác động vật chất vào thân thể của con người, gây ra những tổn hại cho người đó. Đối với các hành vi xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người thường được thể hiện bằng lời nói, cử chỉ xâm phạm đến uy tín, danh dự của người bị hại. Trong một số tội phạm ở Chương này, hành vi phạm tội thể hiện bằng không hành động, tức là không làm một việc theo trách nhiệm phải làm, đã gây nên những tổn hại nhất định cho người bị hại. Ví dụ: hành
  • 21. 21 vi không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng (Điều 102); hành vi người mẹ không cho con mình đẻ ra bú sữa gây nên cái chết cho đứa trẻ (Điều 94), v.v.. Hậu quả nguy hiểm cho xã hội của các tội phạm này là những tổn hại về thể chất như gây chết người; gây tổn hại về sức khỏe; cách ly trẻ em khỏi sự quản lý của gia đình hoặc người thân; mua, bán người phụ nữ; truyền bệnh nguy hiểm cho người khác, v.v... hoặc gây tổn hại về tinh thần như xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của con người... Đa số các tội phạm có cấu thành vật chất, tức là phải có hậu quả xảy ra thì tội phạm mới được coi là hoàn thành. Để truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội này cần làm rõ mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả xảy do chính hành vi phạm tội đó gây ra. * Chủ thể của các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người: Chủ thể của tội phạm là những người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo luật định. Tuy vậy, có một số tội phạm ngoài dấu hiệu chung ra còn có các dấu hiệu đặc biệt, như người đang thi hành công vụ (Điều 97, Điều 107); người có quyền hành nhất định đối với người bị lệ thuộc (Điều 100, Điều 110). * Mặt chủ quan của các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người: Phần lớn các tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý (trực tiếp) như tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác... Tuy vậy, cũng có tội phạm được thực hiện do lỗi vô ý như: tội vô ý làm chết người (Điều 98); vô ý gây thương tích hoặc tổn hại nặng cho sức khoẻ của người khác (Điều 108)... Ngoài ra, một số tội phạm ở Chương này còn được thực hiện do lỗi cố ý (gián tiếp) như tội bức tử (Điều 100), tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ người khác trong khi thi hành công vụ (Điều 107). ở một số tội, mục đích và động cơ phạm tội là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành của tội phạm như: tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 96); tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 106). Ngoài ra, Bộ luật hình sự còn quy định động cơ hoặc mục đích phạm tội là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tăng nặng ở một số cấu thành tăng nặng như: động cơ đê hèn (điểm q khoản 2 Điều 93 - Tội giết người; điểm c khoản 2 Điều 120 - Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em); để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác, để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân (điểm g, h của Điều 93 - Tội giết người); để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác (điểm d khoản 2 Điều 103 - Tội đe doạ giết người); để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân (điểm k khoản 1 Điều 104 tội cố ý gây thương tích...); vì mục đích mại dâm, để đưa ra nước ngoài (điểm a, d khoản 2 Điều 119 tội mua bán phụ nữ; điểm đ, g khoản 2 Điều 120 tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em); để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo (điểm e khoản 2 Điều 120 tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em). Đối với các tội khác, động cơ, mục đích phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc. * Chính sách hình sự đối với các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người: Do đối tượng tác động của tội phạm là con người và tầm quan trọng của các quan hệ xã hội cần được bảo vệ, nên chính sách hình sự và đường lối xử lý của Nhà nước đối với các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người là rất nghiêm khắc. Trong 30 tội quy định ở Chương XII Bộ luật hình sự 1999, thì có 9 tội đặc biệt nghiêm trọng có mức cao nhất của khung hình phạt từ trên mười lăm năm đến hai mươi năm tù, tù chung thân hoặc tử hình (3 tội có mức hình phạt cao nhất là tử hình: các tội quy định tại Điều 93, Điều 111, Điều 112; 4 tội có mức hình phạt tối đa là tù chung thân: các tội quy định tại Điều 104, Điều 114, Điều 118, Điều 120); Có 6 tội rất nghiêm trọng có hình phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm (các tội quy định tại Điều 97, Điều 98, Điều 99, Điều 100, Điều 115, Điều 116); Có 11 tội nghiêm trọng có mức hình phạt từ ba năm tù đến bảy năm (các tội quy định tại Điều 95, Điều 96, Điều 101, Điều 102, Điều 103, Điều 105, Điều 107, Điều 108, Điều 109, Điều 117, Điều 122); Có 4 tội ít nghiêm trọng có mức hình phạt cao nhất đến 3 năm tù (các tội quy định tại Điều 94, Điều 106, Điều 110, Điều 121).