SlideShare a Scribd company logo
1 of 135
Âm bản
   (Tập truyện của Phạm Việt Long, NXB Văn học tái bản năm 2003)

                             LỜI NHÀ XUẤT BẢN

     Với “B. trọc”, Phạm Việt Long đã trở thành cây bút được bạn đọc cả nước
biết đến và quí mến, nhất là khi tác phẩm này của anh giành được một số giải
thưởng (Giải B dành cho tác phẩm văn xuôi của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các
hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Giải thưởng Đào Tấn của Hội đồng hương
Bình Định, Giải thưởng Trương Hán Siêu của Hội Văn học nghệ thuật Ninh
Bình) đồng thời được đài Truyền hình Việt Nam đề cập tới qua hai bộ phim tài
liệu Giá trị muôn đời, và Từ đời thực lên trang sách, được Điện ảnh chiều thứ
bẩy chuyển thể thành 4 tập phim truyện truyền hình Nhật kí chiến trường. Phạm
Việt Long còn là tác giả của một số tập sách có giá trị khác, trong đó có tập
truyện ngắn Âm bản (NXB Hội Nhà văn xuất bản năm 1999).
     Theo yêu cầu của bạn đọc, NXB Văn học tái bản tập truyện Âm bản, có bổ
sung 4 truyện ngắn do Phạm Việt Long viết những năm gần đây. Chúng tôi giữ
nguyên bài viết của nhà văn Ma Văn Kháng giới thiệu tập truyện này khi nó
được xuất bản lần đầu (bài viết này cũng đã được đăng trên báo Nhân dân tháng
4 năm 1999).

                                    Hà Nội, tháng 6 năm 2003
                                         NXB Văn học




                                     1
Âm bản, tập truyện đầu tay có nhiều thành công
                 của Phạm Việt Long

   Mười một truyện ngắn gọn ghẽ, xinh xắn và nói chung có khuynh hướng tuân
theo các nguyên tắc cổ điển là có một cái gì đó có thể kể lại được; một cái gì đó
được kể lại trong sự trọn vẹn của hình thức, tập trung vào một ấn tượng và có
tính thống nhất về hiệu quả - những yêu cầu quan trọng của thể loại.

   Cảm giác chung khi đọc tập truyện này là bắt gặp một tâm hồn dung dị, trong
trẻo và hồn nhiên, chưa bị níu kéo, ràng buộc và do đó là tự nhiên. Tự nhiên cả
trong những câu chuyện kể về cái ngày hôm nay bộn bề, có chủ định, có ý đồ
giáo huấn về thế thái nhân tình, luân thường đạo đức.

   Cá ông, Âm bản, Ngộ nhận, Quả báo, Đường xưa - Đường nay, Sức mạnh...
Những truyện lộ rõ ý tưởng ngay ở cả tựa đề, đậm nhạt rung động và khác nhau
về sự hợp lý, nhưng ở đây là sự tỉnh táo, rành mạch trong mỗi câu chữ, trong lý
giải, nhất là ở sự tiếp nhận chất liệu đời sống khá tinh nhậy nên mỗi miêu thuật
có sức thuyết phục ở sự sinh động và thêm nữa ở tấm lòng. Bỏ lại ở sau mình
những đề tài ăn khách thời thượng, Phạm Việt Long quan tâm đến số phận
những người lao động bình thường, quen thuộc trong cuộc sống hôm nay. Một
chàng ngư dân chài lưới. Một người lính năm xưa nay bươn chải giữa cuộc sống
thường nhật. Một nhà báo và người vợ hám của, bạc tình. Một ông giáo và người
con trai dốt nát, tàn nhẫn. Một cán bộ thuế tham lam, hư hỏng...

  Chân dung mỗi nhân vật được khắc hoạ đây đó dẫu còn đôi nét chưa toàn vẹn,
vẫn gây niềm tin tưởng về sự cần thiết phải hoàn thiện nhân cách như ý tưởng
khá đặc sắc được bộc lộ ở truyện ngắn Âm bản của anh.

   Cái khó của mỗi truyện ngắn là sự kết hợp hài hoà giữa câu chuyện được kể
lại trong khoảng khắc với ý tưởng sâu sa gây xúc động lâu bền hàm chứa ở cốt
truyện và mỗi tình tiết câu chuyện. Các truyện ngắn viết về những con người cụ
thể trong chiến tranh ở tập truyện này thuộc loại truyện ấy. Và tôi có thiện cảm
đặc biệt với chúng - những Chú bé vùng Ranh, Cõi mơ, Anh Bảy Trương, Mùa
trông đợi, Những người con gái quê hương.


                                       2
Ở những truyện này, người viết nhập thần vào nhân vật, vào dòng mạch
chuyện kể, càng viết càng say, càng tự nhiên, đôi khi mất cả tự chủ, nhưng để lại
những bắt gặp cảm động chân thành, trong những tình huống bất ngờ và cả
những đối thoại ngẫu nhiên. Một chú bé liên lạc thông minh, gan góc. Những nữ
giao liên, dân quân du kích hồn hậu, quả cảm. Những chiến sĩ giải phóng quân
dũng cảm nhưng thật hiền lành, chất phác. Các nhân vật này tự biểu hiện mình
lần lần qua mỗi dòng kể và ở những giây phút cần thiết, quan trọng nhất, họ bất
ngờ hiện lên trọn vẹn và chân thực, đó cũng là một điểm lý thú của loại truyện
ngắn này. Đọc những truyện ngắn này thấy rõ tình yêu bền chặt của người viết
với cuộc sống và nhân vật của mình. Cái tình ở đây tràn đầy, lắng động, tạo nên
những trang viết xúc động và tin yêu, đôi khi đã lấn át cả cái nhược điểm đơn
chiều sơ lược ở đôi chỗ. Một cô Nghị, một anh Bảy Trương, cái không khí rộn
rực đêm du kích về thôn... đọc xong, gấp sách lại, tự hỏi: làm sao có thể viết
được nếu không có sức quấn quyến của tình yêu và sự từng trải? Sự từng trải, tôi
tin ở điều đó như tin một chân lý khi biết rằng: tác giả tập truyện này đã lặng lẽ,
dòng dã viết đều đặn suốt 29 năm nay, kể từ truyện ngắn đầu tay viết 1970; Anh
cũng đã là một người lính cầm bút của cuộc chiến tranh chống Mỹ, những truyện
ngắn của anh đều là những kỷ niệm chắt lọc từ những gì anh đã trải qua, chứng
kiến, chiêm nghiệm và in dấu trong trái tim.

   Văn chương đem lại những xúc động cao quý cho người đọc. Đó là nguyên
tắc bất biến. Nâng cao chất lượng nghệ thuật để văn chương có hiệu quả cao hơn
trong việc bồi bổ tình cảm tâm hồn cho con người, đó cũng là một yêu cầu không
thể dao động, điều đó có lẽ càng đặc biệt có ý nghĩa với tác giả của tập truyện
ngắn đầu tay có nhiều thành công này.

                                                            4/3/1999

                                                        Ma Văn Kháng




                                        3
Cá ông
       Hôm ấy, biển lặng lờ, mặt biển tràn đầy một mầu xám ảm đạm. Nước triều
đang lên. Châu dong tầu ra khơi. Qua vùng cửa sông Yên, gã thấy một con sóng
thật lạ: không ào ạt xô bờ, cũng không chạy dài miên man, mà dềnh lên cao, di
chuyển hướng vào cửa sông. Châu lệnh cho con tầu rồ máy, tiến lại gần, thì
nhận ra đó chính là làn nước do một con cá lớn làm dềnh lên. Qua các lưỡi sóng,
thỉnh thoảng lại thấy nhô lên một cái vây lưng xam xám. Một quyết định nhanh
chóng đến với Châu: bám theo con cá, tiêu diệt bằng được! Phen này, sẽ thu
được một nguồn lợi to lắm! Là một ngư dân trẻ, Châu nổi tiếng là một kẻ táo
bạo.

       Không hề dự cảm về mối nguy hiểm đang đến gần, con cá cứ rẽ nước tiến
về cửa sông. Đang lúc nước cường, lòng sông rộng mênh mông và sâu nên cá
mặc sức vẫy vùng. Châu lệnh cho tầu bám theo con cá. Như một con tầu ngầm
chuẩn bị nổi lên, con cá lộ một phần thân mình trên mặt nước, lừ lừ ngược sông.
Châu cho thuyền tăng tốc, nép vào tả ngạn, vượt lên. Quan sát hằn nước do con
cá tạo nên, Châu đoán nó to lắm, nhưng không dám chắc là to đến đâu. Phương
án tiêu diệt con cá được vạch ra chớp nhoáng trong đầu Châu, và Châu tin chắc
sẽ thực hiện được. Xưa nay, Châu luôn luôn táo bạo, dám làm những việc mà các
lão ngư không dám nghĩ tới. Do vậy, Châu phất nhanh ghê gớm: có tầu đánh cá,
có nhà lầu, có một cuộc sống sung túc. Những thành đạt trong nghề khiến Châu
ngày càng tự phụ, không cần nghe lời khuyên của các bậc lão ngư. Chẳng bao
giờ Châu dự hội cầu ngư cả, mặc dù năm nào làng chài của gã cũng tổ chức lễ
hội thật là trang trọng và tưng bừng. Trong khi người già, con trẻ náo nức kéo
nhau ra đền làm lễ rước “Ông”, đua thuyền, cầu cúng cho một mùa làm ăn bình
yên và phát đạt, thì Châu phỉ báng: “Toàn là trò nhảm nhí, mê tín dị đoan! Rạp
mình cầu cúng, làm sao mà giầu! Muốn giàu, phải ưỡn ngực trước sóng gió đại
dương, phải biết cách đánh cá hiện đại!”, rồì hùng hổ dong tầu ra khơi, không
cần bạn chài. Bà con có người xầm xì rằng rồi sẽ có ngày trời đánh thánh vật
Châu, nhưng cũng có người nuốt nước bọt thèm khát vì cái giàu cứ ùn ùn kéo
đến với Châu.


                                      4
Con tàu đã vượt lên trước. Con cá vẫn ung dung rẽ nước ngược lên. Dòng
sông hẹp dần lại, mức nước cũng nông hơn. Con cá phơi một phần thân lên mặt
nước, bóng nhẫy. Lúc này vùng sông vắng lặng, chỉ có con tầu và con cá. Đã đến
lúc hành sự... Châu gọi Chiến, vừa là em trai, vừa là trợ thủ, đem chất nổ lại (cái
nghĩa “hiện đại” của gã là thế này đây). Gã nhẩm tính, rồi chọn gói thuốc nổ năm
lạng, châm ngòi cháy chậm, quẳng về phía con cá. Con tầu vọt lên. “ục!”, tiếng
nổ bị nén trong nước và một cột nước trắng xoá bốc lên. Nhưng mặt nước vẫn
phẳng lặng, con cá vẫn lướt về phía thượng nguồn. Gã cho tầu chạy chậm lại, lấy
gói chất nổ một cân, châm ngòi, quẳng xuống tiếp. Lại một tiếng nổ và một cột
nước bốc lên, ở ngay vùng đầu con cá. Lần này, sức công phá làm cho con cá
rùng mình, khiến cả một vùng sông nước nổi sóng cuồn cuộn. Con cá đổi hướng,
rẽ ngoặt về phía tả ngạn. Nước xô ào ào, dồn lớp lớp sóng về phía con tầu. Con
tầu nhỏ dềnh lên, chao đảo. Châu đứng chạng chân trước mũi tầu, lo lắng nhìn
miếng mồi đang sắp tuột khỏi tầm tay gã. Gã gầm lên một tiếng:”Đừng hòng
thoát!” rồi vớ lấy gói thuốc nổ 2 cân châm ngòi, dùng hết sức bình sinh quăng về
phía con cá. Gói thuốc nổ chạy theo hình vòng cầu, kéo theo một đuôi khói xanh
lét. Đúng lúc ấy con cá vọt lên khỏi mặt nước, há miệng. Khủng khiếp quá, trông
con cá to lớn, dữ dằn như một loài thuỷ quái mà chưa bao giờ Châu thấy.. Trước
khi con tầu vọt ra xa, Châu còn kịp nhìn thấy gói chất nổ rơi gọn vào miệng con
cá. Và một tiếng nổ tắc nghẹn trong họng nó. Mặt nước lặng đi một giây, rồi
cuồn cuộn nổi sóng. Sóng cuộn xoáy. Sóng xô dạt. Sóng ngầm đùn lên những
bọng máu. Con tầu chao đảo... Rồi sóng lặng. Con cá chìm dần, chìm dần xuống
lòng sông.

      Ngay chiều hôm ấy, hai thợ lặn được Châu thuê đến. Nhưng chỉ vừa mới
xuống nước ít phút, cả hai đã vội nhao lên. Họ sợ tái xanh tái xám, chỉ nói lắp
bắp hai tiếng “Cá Ông” rồi cuốn gói.

        Châu trở về làng và thấy một không khí khác lạ, với những ánh mắt khác
lạ nhìn mình. Vợ Châu đón Châu bằng nụ cười héo hắt và dáng hình ủ rũ. Chị
lẩm bẩm như người mất hồn: “Tai hoạ! Tai hoạ!”. Châu lầm lầm vào nhà, quăng
túi xách, hằm hằm hỏi vợ:”Tai hoạ cái gì? Sao cứ như bị ma ám vậy?”. Lúc này,
mẹ Châu, một bà cụ già quắt queo, mới bước từ trong bếp ra, rên rỉ: “Con ơi, con
đem tai hoạ về cho cả làng rồi. Con đã giết Ngài, giết ân nhân của cả làng,
giết ...’’ Bà cụ tắc nghẹn giọng, không nói tiếp được nữa.


                                        5
Đêm ấy, có lẽ là lần đầu tiên trong đời, Châu ngồi nghe mẹ chuyện trò. Ai
cũng bảo trẻ con đứa nào chẳng thích nghe mẹ kể chuyện. Nhưng Châu không
phải loại trẻ con như thế. Từ bé, gã đã ngang tàng, bướng bỉnh. Gã chẳng bao giờ
quan tâm đến chuyện ngày xưa. Cứ tối đến, gã lại vọt ra bãi cát chơi trò trận giả,
hoặc vật nhau với trẻ con trong xóm. Còn bây giờ, gần 30 tuổi đời, gã ngồi thu
mình bên mẹ, mà hồn thì như lạc vào một xứ sở huyền thoại...

       Có lẽ tất cả người dân vùng này, trừ Châu, đều biết sự tích của làng. Ngày
ấy, làng chài chưa thành hình, mới là một doi cát nhỏ có mấy cây phi lao còi cọc.
Thuỷ tổ của làng không phải ở vùng này, mà do “Ông” đưa đến. Đó là cái thời
xa xưa lắm rồi, không ai nhớ rõ năm tháng nào. Truyền thuyết chỉ kể lại rằng,
ngoài khơi năm ấy, có mấy chiếc thuyền đánh cá đang kéo lưới thì chợt trời nổi
giông tố. Gió hú lên. Biển cuộn sóng. Những con thuyền bé nhỏ trước biển động
chỉ như những chiếc lá tre trôi dạt. Một chiếc thuyền đắm. Lại một chiếc nữa.
Những ngư dân tội nghiệp bị sóng nhận chìm không thương tiếc. Giờ đây, chỉ
còn một chiếc thuyền với năm thanh niên đang chèo chống. Sóng gió ngày một
dữ dội. Bến bờ vẫn mịt mù. Hy vọng sống dần tiêu tan theo bọt sóng. Bỗng
nhiên, như có một bàn tay thần diệu giữ lấy, chiếc thuyền không chao đảo nữa.
Sóng vẫn cuồn cuộn. Nhưng thuyền chỉ lắc nhẹ. Và rồi, thuyền nhẹ nhàng lướt
sóng tiến về phía trước. Bão tố cứ ào ạt xung quanh. Riêng con thuyền, như có
một phép lạ, tiến mãi vào bờ. Cho tới lúc lên được đất liền, năm chàng trai vẫn
không khỏi ngỡ ngàng vì sự kì diệu đã giúp mình thoát khỏi hiểm nguy. Họ tiến
về phía doi cát, nơi có mấy cây phi lao còi cọc...

       Cuộc sống cứ trôi đi. Năm chàng trai sửa thuyền, ra khơi đánh cá. Nhưng
họ vĩnh viễn không trở về cố hương được nữa, bởi đây là vùng quá xa quê hương
họ. Họ quyết định xây quê hương mới ở mảnh đất này. Năm người thuộc năm
gia đình khác nhau, nay kết nghĩa anh em, cùng xây dựng cơ đồ. Họ dựng một
căn nhà làm chỗ chung sống. Họ đem cá lên tuốt miền đồng ruộng đổi gạo và
những thức tối thiểu cho cuộc sống. Tuy cuộc sống lao động cực nhọc làm cho
họ hết thời giờ để nghĩ vơ vẩn, song từ trong sâu thẳm của mỗi con người, tự họ
thấy có những khoảng trống vô tận. Họ cô đơn quá. Bởi vì tuy là năm người,
nhưng chỉ có một giới - giới đàn ông!

      Rồi tới một hôm, trời lại làm giông bão. Trong khi 4 người anh đang ngủ
thì Dương, chú em út, bỗng thấy lòng dạ không yên. Tiếng gầm thét của bão tố

                                        6
như những ngọn roi quất vào trái tim chú. Chú nhỏm dậy, vạch liếp nhìn ra, thấy
trời đang hừng sáng. Lạ nhất là hôm ấy bão tố, mưa tuôn mù mịt, nhưng mặt trời
vẫn hiện ra chói lọi. Chú bước ra ngoài, dõi mắt nhìn ra khơi xa. Bỗng chú giật
mình vì thấy một con sóng lạ, to như một quả núi lừng lững tiến vào bờ. ánh mặt
trời như hào quang toả lung linh xung quanh lưng sóng. Con sóng tiến vào ngày
một nhanh, một dữ dội. Như có một ma lực hút về phía trước, Dương lao thẳng
tới phía con sóng. Lạ chưa kìa, con sóng không dừng lại nơi mép biển, mà lại
phóng mãi, phóng mãi trên bờ cát. Dương vẫn lao tới. Rồi chú đứng khựng lại
khi nhận ra trước mắt mình không phải là một ngọn sóng, mà là một con cá voi
khổng lồ. Con cá không chuyển động nữa, mà nằm xoài trên cát. Con cá đang bị
chính sức nặng của thân hình nó làm dập nát lục phủ ngũ tạng, đang quằn quại
đau đớn. Nó vật vã tấm thân khổng lồ, làm cát bị đào sâu thành những hố lớn.
Duy chỉ có phía hông trái con cá, cát vẫn phẳng lì, mịn màng. Và Dương mở to
mắt khi nhận ra trên nền cát mịn ấy là một người con gái nõn nà được phơi bầy
như thủa mới lọt lòng dưới mưa và dưới ánh mặt trời le lói, dù bị sóng gió dập
vùi, vẫn không mất đi vẻ đẹp đằm thắm. Người con gái thoi thóp thở, vồng ngực
trinh nguyên lấp lánh nước. Dương nhào tới xốc người con gái lên, ấp vào tấm
thân cường tráng của mình, sưởi ấm cho nàng bằng ngọn lửa trai trẻ rồi lấy quần
áo ngoài của mình mặc cho nàng và cõng nàng về nhà...

       Người con gái được ở một buồng ngăn bằng lá dừa ghép, ngày ngày lo
cơm nước cho các chàng trai. Từ đó, căn nhà như có một ngọn lửa luôn luôn
sưởi ấm. Ngọn lửa trong cô gái vô hình mà mãnh liệt, không định hướng, cứ lan
toả cả căn nhà, đem hơi ấm đến cho mọi người. Cô có biết đâu chính ngọn lửa ấy
đang thiêu đốt các chàng trai, từng người, từng người một, lúc thì làm cho trái
tim họ rung lên mãnh liệt, lúc lại làm cho những trái tim ấy co thắt đau đớn. Họ
vẫn đi biển, đổi cá lấy vật dùng, nhưng khó nói với nhau hơn, ngượng ngùng và
dè chừng nhau trong quan hệ với cô gái. Riêng chàng út, người duy nhất trong số
năm anh em được thấy Nàng trong vẻ nguyên sơ với làn da mịn màng và bộ
ngực tràn căng sức sống, thì ngày một ủ rũ. Chàng đổ bệnh, không đi biển được.
Hôm ấy, 4 người anh ra khơi. Khoảng trưa thì trời làm giông bão. Một tiếng sét
nổ vang trời. Cây phi lao đầu doi cát bốc cháy rừng rực. Đang mê man trong cơn
sốt, Dương nghe văng vẳng tiếng nói như từ khơi xa vọng về:”Hỡi người con của
biển, ngươi hãy cứng rắn lên! Ta là cá voi đã lấy thân mình dìu chiếc thuyền
trong đêm giông bão, cứu mạng năm anh em ngươi. Chính ta cũng đã đưa cô
gái từ khơi xa về cho các ngươi, những tưởng sẽ đem sung sướng đến cho cả

                                       7
năm người. Vì cô gái không thể tự vào bờ như các ngươi đã chèo thuyền vào bờ,
nên ta phải đưa cô gái lên hẳn bờ và rồi ta phải phơi xác trên bờ biển. Nào ngờ,
chính cô gái đang trở thành hố ngăn cách giữa năm anh em các ngươi. Nay ta đã
được Mẹ Biển phong thần, ta không thể để cho các ngươi sống héo hắt trong
niềm đố kỵ vì một cô gái. Vì ngươi là kẻ đã nhìn thấy hết những gì trong trắng
nhất mà trời đất đã ban cho cô gái, cũng vì ngươi đã truyền hơi ấm của mình cho
cô gái và tiếp nhận cái dịu mát mà làn da cô gái đem lại, nên ta để cho ngươi
chung sống với cô gái. Ta sẽ đưa 4 người anh của ngươi đến một bến bờ khác để
họ có cuộc sống riêng cho mình. Ngươi hãy cùng chung sống với cô gái đến đầu
bạc răng long, con cháu đầy đàn. Nhưng ngươi phải truyền lại cho con cháu, đời
này nối đời kia, rằng biển là mẹ lớn của các ngươi, biển cho các ngươi những gì
đáng cho, đủ nuôi nấng các ngươi, nhưng các ngươi không được tham lam tàn
phá biển, các ngươi phải thương yêu biển, thương yêu đồng loại!”. Lại một tiếng
sét nữa nổ vang. Dương bừng tỉnh. Trời đột nhiên quang đãng, trong xanh, nắng
rực rỡ. Nhìn ra bờ biển, nơi xác cá voi mắc cạn năm nào mà năm anh em đã cố
đào hố chôn, nay bỗng xuất hiện một gò lớn, có cả các tảng đá và cây xanh...

       Dương và người con gái trở thành tổ tiên của dân làng này. Khi làm ăn
khấm khá, Dương đã bỏ tiền xây ngôi miếu thờ thẫn cá voi. Lễ hội cũng sinh ra
từ thời ấy, để tưởng nhớ “Ông” đã bỏ mình vì con người. Hàng năm,. qua lễ hội,
với bài văn tế sâu sắc và các trò chơi sinh động, dân làng lại ôn lại chuyện xưa
của làng, nhắc nhau sống cho phải đạo làm người.

      Khi Châu vào giường thì đã qúa nửa đêm. Một giấc ngủ nặng nề ập đến,
với những giấc mơ kinh khủng. Giấc mơ nào cũng có mìn và tiếng nổ. Những
cột nước biển do mìn tạo ra tung bọt trắng xoá. Cá bị sức ép nổi lên lềnh bềnh.
Những chiếc vợt múc vội múc vàng, chỉ hớt những con cá lớn, còn những con
nhỏ thì phó mặc cho biển cả. Xác những con cá nhỏ trắng xoá cả biển, cứ xô ào
đến Châu, như một lớp sóng bạc kì lạ, làm Châu tức thở. Châu hét to:”Cứu với!”
và chồm dậy, nhảy xuống giường, chạy vụt ra khỏi nhà.

       Từ ngày ấy, Châu không ra biển nữa. Suốt ngày gã lang thang trong làng.
Cứ nghe có tiếng nổ, dù nhỏ như tiếng pháo tép, gã cũng ôm đầu, ngồi dúi xuống
đất và rên rỉ:”Mẹ biển ơi, cứu con với!”.




                                       8
Quảng Ninh, 22 tháng 7 năm 1996




9
Chú bé vùng ranh
      Cô giao liên trạm hai mươi bốn tươi cười bảo chúng tôi: “Ba, giao liên
mới của các anh đó!”. Theo tay cô, tôi nhìn thấy ở đoạn đường trước mặt một
chú bé dẫn đầu một đoàn người đang bước tới. Chú đội cái mũ lưỡi trai to tướng,
sụp cả xuống vầng trán, trông thật ngộ. Lưng chú mang một cái túi bằng bao bột
mì. Vai chú khoác một khẩu AK báng xếp. Khẩu súng, mặc dầu đã được xếp
báng lại khá gọn gẽ, vẫn có vẻ dài lượt thượt so với thân hình lũn cũn của chú.
Bước tới gần chúng tôi, Ba ngẩng mặt lên, nhoẻn cười:
      - Chào hết mấy anh nghe!
      Hấp háy đôi mắt, chú nghiêng đầu về phía cô giao liên trạm hai mươi bốn:
      - Đi nhanh dữ chị? Rứa là em lại đến sau chị rồi, tức thiệt! Nói rồi chú
cười. Trên khuôn mặt tròn vành vạnh của chú, nụ cười thật rạng rỡ. Với dáng
dấp lanh lợi đó, Ba đã thu hút được cảm tình của tôi ngay từ đầu.
      Ba mang gùi công văn, vai vác AK đi đầu. Chúng tôi nối hàng một bước
theo. Đường xuyên qua một khu rừng bị rải chất độc vào mùa hè năm trước. Mặc
dầu đã là mùa xuân, khu rừng vẫn còn mang nặng dấu tích của sự tàn phá.
Những cây to vẫn trụi lá, giơ những cành khẳng khiu, khòng khoeo lên trời. Chỉ
những cây nhỏ là đang nứt lên những chồi non xanh mơn mởn. Tôi im lặng bước
theo Ba. Đường chúi xuống dốc. Đất gan gà pha sỏi lạo xạo dưới chân trơn lạ
lùng. Tôi trượt hoài. Ba ngoái lại, cười:
      - Con đường của em lạ rứa đó, nắng thì trơn, mưa lại êm! Đấy, anh coi,
những hòn sỏi như những bánh xe lăn đôi dép đi ấy.
      Rồi em hạ thấp giọng, vẻ quan trọng:
      - Đi đường cũng phải rút kinh nghiệm anh nhỉ! Những đoạn này mà cứ
cúm rúm dò từng bước, chỉ tổ trợt xoạc cẳng. Phải mạnh dạn bước từng bước
chắc chắn, bước nọ tiếp bước kia mới được.
      Im lặng một lúc, như chợt nhớ ra điều gì, Ba hỏi tôi, một câu hỏi chẳng ăn
nhập gì vào câu chuyện đang nói cả:
      - Anh, ở căn cứ anh có nuôi gà rừng bao giờ chưa? Trên đó nhiều thứ gà,
chim đẹp lắm nhỉ?
      - ừ, nhiều lắm, nhưng anh chưa nuôi gà rừng bao giờ cả!
      - Bữa hổm, em lượm được ba trứng gà rừng, cho gà của trạm ấp, nở ra ba
con gà con. Chao, nó đen thui như Mỹ đen, trông phát phiền anh à!


                                      10
Rồi, như bị cuốn hút vào cái việc nuôi gà thú vị ấy, Ba dấn bước vượt lên
đỉnh dốc, vừa thở phì phò, vừa nói liến láu:
       - Cái giống rừng nó vẫn quen rừng anh ạ! Vừa xuống ổ là chạy rúc bụi
liền! Em phải đem cái lồng, nhốt chúng vào trong. Anh có biết làm cách nào cho
chúng quen nhà không?
       Ba hay có những câu hỏi đột ngột, thật khó trả lời. Và em lại hay tự trả lời
những câu hỏi đó. Em say sưa:
       - Chắc rồi hắn sẽ quen anh hỉ? Cứ đi trực về là em đưa sắn vụn vào tận
trong lồng cho chúng ăn. Mình chăm hắn rứa, lẽ nào hắn lại không ưng mình?
       Tôi chăm chú theo dõi câu chuyện ngộ nghĩnh ấy của Ba. Ba vẫn bước
thoăn thoắt phía trước, cái đầu lắc qua lắc lại. Khi lên tới đỉnh dốc, Ba dừng lại,
quay nhìn chúng tôi:
       - Ráng lên các anh, tới đây mát lắm!
       Em tháo gùi, đặt xuống một tảng đá gần đó. Anh em trong đoàn lần lượt
đặt ba lô, gùi xuống, thở phào khoan khoái. Tôi và Ba ngồi trên một tảng đá cao,
to. ở đây, tầm mắt chúng tôi trải rộng ra, phóng khoáng. Trước mắt tôi, con
đường chúi xuống một cái dốc rồi khuất dần sau những dải đồi bát úp lúp xúp.
Xa hơn nữa là những nà, những ruộng um tùm cỏ. Và tít tắp dưới kia, bao la,
phóng khoáng, là đồng bằng, là biển. Lẽ ra, cái thảm cây cỏ đó phải phủ đầy màu
xanh dịu dàng. Nhưng, chiến tranh đã ghi lên những dấu tích lở lói. Có những
khoảng rừng cây cối khô trụi, phơi mầu mông mốc dưới nắng. Có những vạt rẫy
cây cối vàng ruộm. Đó là kết quả của những trận máy bay Mỹ - Nguỵ rải chất
độc hoá học. Lỗ chỗ khắp nơi là những hố bom, hố đại bác đỏ lói.
       Một luồng gió từ biển thổi thốc về, mát rượi. Ba chợt thốt lên:
       - Mát quá anh hè! Gió ni là gió cá chuồn đây!
       Tôi hỏi lại:
       - Gió cá chuồn?
       Ba lấy tay quệt mồ hôi trán, vẻ thành thạo:
       - Trời cứ gió như ri đi biển là trúng lắm, cá chất đầy thuyền!
       - Em có đi biển?
       - Quê em vùng biển.
       Ba đưa tay chỉ về phía xa xa:
       - Quê em, Kỳ Anh đó!
       Rồi em say sưa:




                                        11
- Ông già em làm nghề biển. Em chỉ được ra bãi biển đón thuyền vô, chớ
chưa được đi biển anh à! Hồi đó em có chút chun mà. Má em gánh cá, em chạy
theo. Chao, vui lắm.
        Ba lại chợt hỏi:
        - Anh được ăn cá chuồn với bánh tráng chưa? Chưa à? Chà, ngon tuyệt!
Má em hay cho em ăn món đó lắm!
        Tôi hỏi:
        - Giờ, ba má em vẫn đi làm biển?
        Giọng Ba chợt giận dữ:
        - Đâu có được, anh!
        Ba dừng lại một chút. Em nhìn mãi ra xa. Sao ở đôi mắt ngây thơ ấy lại có
cái nhìn xa xăm đến như vậy. Một tràng bom nổ rền làm cắt ngang câu chuyện
của chúng tôi. Ba đứng dậy:
        - Lại thằng B.57. Thôi, đi, mấy anh!
        Ba dặn dò:
        - Từ quãng này đường trống, địch chú ý lắm. Các anh nhớ đi thưa hàng và
nhanh theo em nghe! Mà các anh sửa lại đai dép, dây mang cho chắc đã!
        Tôi đứng chăm chú nhìn Ba xốc lại gùi. Chú bé thật hồn nhiên, song lại có
những nét thật cứng cáp. Bắt gặp cái nhìn chăm chú của tôi, Ba bỗng đỏ ửng mặt
lên, lúng túng. Em giật cái mũ lưỡi trai trên đầu xuống, bóp nhàu trong tay:
        - Em đội cái mũ ni lấc cấc lắm hả anh? Trước, em cũng có chiếc mũ Giải
phóng xinh lắm, nhưng pháo lượm mất rồi!
        Mọi người đã rục rịch bước đi. Ba bỏ dở câu chuyện, vượt lên:
        - Đoạn này em phải đi trước. Nhớ cảnh giác bám đường nghe mấy anh!
        Đường vượt qua một dãy đồi bát úp rồi trườn xuống một cái nà lớn. ở đây,
cỏ dại mọc um tùm, thỉnh thoảng có vài bụi lách, tuyệt không có một chòm cây
lớn nào! Một dòng sông lớn cắt ngang nà, nước loá lên trong ánh nắng. Nắng
vàng ong ong. Cỏ và bùn hấp hơi nóng, bốc lên mùi hăng hăng, tanh tanh. Bầu
trời trong xanh, tít xa điểm mấy chấm đen của những chiếc máy bay trực thăng.
Im lặng một cách kỳ lạ! Ba vẫn đi trước, ghìm chắc trong đôi tay nhỏ bé khẩu
AK. Chúng tôi rảo bước theo em. Chợt Ba ngoái lại, vẫy tay rồi rúc vào một bụi
cỏ. Chúng tôi nhanh nhẹn làm theo em, ngồi im thin thít. Có tiếng động cơ máy
bay phành phạch, phành phạch. Ba chiếc HU1A bay ngang đầu chúng tôi rồi lướt
về phía Tam Kỳ. Ba gọi chúng tôi, vụt ra khỏi bụi và lại rảo bước. Sắp tới con
sông, Ba ra hiệu cho chúng tôi dừng lại. Em men theo các bụi cỏ, lom khom
bước tới. Phía trước em là một bãi cát trắng. Bãi cát loá nắng, vắng lặng, chỉ có

                                       12
tầng không khí bị nung nóng khẽ xao động. Ba nghe ngóng, dò xét rồi vụt chạy
ra, vẫy tay cho chúng tôi chạy theo. Cát xào xạo dưới chân. Rồi nước! Nước con
sông đã ôm gọn đôi chân tôi. Mát rượi! Dòng sông vào mùa này trong suốt, hiền
từ như một dải lụa. Ba đã lội qua bờ bên kia. Chúng tôi cũng lội ào qua, đạp
nước tung toé. Lại đạp lên cát xào xạo, sỏi lổn nhổn mà chạy vào xóm trước mặt.
Thoáng nhìn, giữa bãi cát, một vũng máu đen kịt. Chắc lại có người bị bọn Mỹ
“lết” phục kích bắn chết. Thoáng nghĩ vậy mà vẫn lao nhanh về phía trước...
       Vào tới xóm, Ba để chúng tôi ngồi nghỉ ở một vườn cây và bảo:
       - Các anh nghỉ chút, em đi nắm tình hình rồi quay lại liền!
       Vừa bước được mấy bước, gặp một tốp người từ phía Bắc đi lại, Ba chợt
reo lên:
       - A, anh Luyện!
       Mới kịp giáp mặt, Ba đã tíu tít:
       - Sao anh, tình hình đường ra sao?
       Luyện nắm tay Ba, ân cần:
       - Lũ Mỹ “lết” mới qua Dương Tranh, Bầu Tre, không đi đường ni được
em ạ!
       Ba nhíu mày:
       - Vậy phải vòng qua Đèo Sỏi?
       Hình như mỗi con đường đều hằn rõ trong óc Ba nên em mới có thể nói
một cách chắc chắn như vậy. Luyện gật đầu:
       - Chỉ có con đường nớ thôi. Em đi, chú ý pháo nghe! Bọn anh đi bám địch
đây!
       Ba dẫn chúng tôi rẽ ngoặt về hướng Tây. Luyện đưa anh em du kích tiến
về hướng Bắc. Bóng những người du kích vai vác AK, CKC khuất dần sau
những hàng cây rậm rạp.
       Trời đổ ập bóng tối xuống, trùm kín chúng tôi. Con đường chỉ hiện lên mờ
trắng trước mặt. Trước khi vượt qua một cánh đồng lớn, Ba đứng lại căn dặn:
       - Các anh chú ý nghe pháo. Có chuyện chi thì lăn xuống con mương cạn
ngay bên phải đường. Cánh đồng ni bọn em gọi là cánh đồng toạ độ đó!
       Bóng Ba mất hút trong màn đêm. Chúng tôi cứ căng mắt theo con đường
mờ trắng mà vọt theo. Có tiếng pháo đề pa ở phía Nam “ùng”. Tiếp đó là tiếng
rít: “víu...!”. Sau đó là tiếng nổ “oàng” ở phía xa. Tiếng Ba vang lên: “Kệ nó!
Thằng Trà Bồng đó! Nổ xa”. Tiếng “ùng!... viu... oàng” cứ nối tiếp, nối tiếp
điểm nhịp bước chân của chúng tôi. Rồi đột nhiên im bặt. Chỉ còn tiếng những
bước chân chạy thình thịch trên đất. Gió đột nhiên tràn về mát rượi. Vừa thoáng

                                      13
nhớ tới lời Ba: “Gió cá chuồn” thì tôi bỗng giật nảy người lên vì tiếng thét:
“Nằm xuống!”
       Chỉ kịp lăn bừa xuống con mương khô, đã thấy trước mặt bung ra một
quầng lửa chói loà rồi một tiếng nổ dữ dội. Những quầng lửa như vậy cứ liên
tiếp bùng lên khắp cánh đồng như những đốm ma trơi khổng lồ, nổ chát chúa.
Rồi lại im. Tiếng Ba vang lên: “Có ai hề chi không?” Chúng tôi ngồi dậy:
“Không!”. Ba dằn giọng:
       - Thằng Gò Gai đó! Các anh chú ý, nghe tiếng xoẹt trên không là lăn
xuống mương liền nghe. Thôi đi!
       Con đường, cánh đồng với những đốm ma trơi nổ choang choác đã ở sau
lưng chúng tôi. Ba dẫn chúng tôi rẽ vào một xóm nhỏ. Xóm im lìm chìm trong
màn đêm đen đặc. Dò dẫm từng bước một thì vào một căn nhà nhỏ. Căn nhà bỏ
hoang, không phên vách, không mái. Duy chỉ có cái hầm là còn tốt. Ba dẫn
chúng tôi xuống ngồi trong hầm. Em cười:
       - Mệt không các anh? Các anh hút thuốc đi, ngồi đây hút được đó!
       Trong khi người lục túi lấy thuốc, người sửa lại bao mang, thì Ba đã nhảy
lên khỏi hầm, biến mất trong bóng đêm. Lát sau, Ba trở lại:
       - Uống hớp nước, các anh. Chắc khát hung rồi!
       Chúng tôi ồn lên vì sung sướng. Trải qua một ngày nắng gắt, một thôi
chạy, ai nấy mệt nhoài, khát cháy họng. Những hớp nước Ba mang lại lúc này
thật quý vô cùng. Những đốm lửa thỉnh thoảng lại loé lên từ đầu những điếu
thuốc. Có ai đó quẹt thùng diêm làm bừng sáng lên một góc hầm, Ba ngồi ở góc
đó, mắt sáng long lanh, vẻ sung sướng. Đột nhiên, có một tiếng kêu: “Chết cha
tui rồi!”. Ba thảng thốt:
       - Chi đó anh?
       Một tiếng đàn ông ồm ồm đáp lại:
       - Trời ơi, cái xắc tài liệu của anh sút đai, rớt lúc nào rồi!
       - Cái xắc? Nó mới rơi?
       - Chắc vậy, trước khi vượt cánh đồng, anh còn nắn đai nó mà!
       Ba ngồi im lặng. Còn anh em khác thì cứ ồn lên trách móc anh cán bộ già
đã đánh mất cái xắc:
       - Sao không cột đai cho chắc?
       Anh cán bộ rầu rĩ:
       - Cực quá, xắc đó đựng toàn tài liệu quan trọng! Làm sao bây giờ?
       Ba đứng vụt dậy:
       - Để em đi kiếm về!

                                      14
Có tiếng can ngăn:
       - Biết ở mô mà kiếm, em?
       - Pháo bắn dữ rứa!
       Nhưng Ba đã nhảy phốc lên mặt đất, mất hút trong màn đêm. Cả căn hầm
rì rầm, xao động. Có ai đó thốt lên:
       - Thằng nhỏ dễ thương quá!
       Một giọng khác tiếp:
       - Thằng nhỏ mau lớn dữ! Mới cách đây chưa đầy năm, nó chút chun chứ
mấy!
       Rồi vẫn giọng đó kể:
       - Hồi nớ bọn mình đi từ dưới lên, cũng qua vùng ranh này, nhưng đường
còn tĩnh, không ác liệt như bữa ni mô. Các ông biết đó, cánh già bọn mình đi bết
lắm, đã chậm lại nghỉ nhiều. Thấy giao liên là một chú bé mười hai, mười ba
tuổi, bọn mình đòi nghỉ luôn. Cứ đi chừng hơn nửa tiếng lại: “Ba, uống nước
cam đã em”, hoặc: “Chà, chỗ ni mát rứa, không nghỉ cũng uổng, Ba...”.
       Ba cứ lặng lẽ chiều theo bọn mình. Nhưng khi mặt trời gần đứng bóng,
không nén được nữa, chú bé van vỉ: “Các chú đi mau lên, không quá giờ, trạm
trên bỏ trực, con bị phê bình”. Rồi nó oà lên khóc.
       Một anh cười lớn:
       - Ô, thế thì chuyến đi của mình với Ba lại khác hoàn toàn. Bữa ấy không
có Ba chắc mình chết mất. Chẳng là bữa ấy, Ba cũng dẫn mình qua bãi trống hồi
trưa bọn mình vượt qua đấy. Chẳng may dép của mình tuột quai. Thằng “chuồn
đen” ở đâu lại lùi lũi đến. Hoảng quá, mình chạy quýnh cẳng giữa bãi trống.
Thằng “chuồn đen” nghiêng cánh, thế là pháo nã tới tấp, tung bụi mù mịt. Mình
không biết chạy đường nào nữa. Chính lúc đó Ba lao ra hét lớn: “Nằm xuống!”
rồi kéo mình nhào xuống một hố đạn gần đấy. Thằng “chuồn đen” quần lượn
nhòm ngó, và mỗi lần nó nghiêng cánh là pháo lại dập tới. Ba ngước mắt nhìn
trời, bảo mình: “Anh, chạy theo em nghe!”. Rồi Ba kéo tay mình, lao lên. Hễ
thằng “chuồn đen” quay đi thì Ba kéo tay mình chạy. Lúc nào nó vòng lại thì Ba
kéo mình nằm xoài xuống, giấu thân trong cỏ. Rồi cũng thoát. Hai anh em chạy
vào trong xóm ngồi thở. Mình nhìn Ba bỗng giật mình. Trên đầu Ba một dòng
máu đang chảy ri rỉ. Chiếc mũ tai bèo của em đâu mất...
       Một anh sốt ruột hỏi:
       - Sao? Ba bị thương à?
       - Bị thương, Ba bị thương... Nhưng em chỉ nhoẻn cười, đưa tay vuốt dòng
máu: “Không hề chi anh, như con vắt cắn thôi”. Chúng mình lại đi. Lúc này, một

                                      15
chiếc “tàu rọ” cùng mấy chiếc HU1A nữa bay tới, quần sát sạt bãi nà. Thật hú
hồn! Nếu cứ quýnh ở đó thì nó chộp cổ rồi!”. Điếu thuốc tắt từ lúc nào anh
không hay. Anh móc thùng diêm quẹt quẹt... Bữa ấy, Ba cứ đầu trần vậy mà đi
dưới nắng. Một anh trong đoàn có cái mũ lưỡi trai của lính nguỵ, không hiểu
lượm được ở đâu, vẫn nhét trong túi ba lô, liền đưa cho Ba, nói mãi chú bé mới
nhận. Nhưng vừa chụp nó lên, em lại giật xuống ngay: “Dị òm anh, cái mũ thằng
nguỵ coi lấc xấc, thôi trớt”. Bọn mình phải xúm lại giải thích mãi, chú bé mới
chịu...
        Lại một đợt pháo nữa dội tới. Chúng tôi nhổm lên nhìn lại phía cánh đồng.
Trong bóng tối, những chớp sáng loé lên liên tục. Tiếng nổ chát chúa. Căn hầm
rung lên. Trái tim tôi như có ai bóp thắt lại. Tôi lo cho Ba. Tôi bỗng thấy thương
em vô hạn. ở em, sao cái ngây thơ, hồn nhiên lại kết hợp hài hòa với cái cứng rắn
đến thế. Tôi bỗng nhớ đến những mầm non ở những cánh rừng bị chất độc hoá
học. Những thử thách với chúng thật lớn. Song, chúng vẫn bật dậy mạnh mẽ và
xanh tươi mơn mởn. Mỗi khi nhắc lại những ngày qua, Ba hay nói: “Hồi đó em
còn bé”... Đúng là giờ đây em đã lớn, lớn vụt lên rồi.. Nhưng những gì ngây thơ
của con trẻ, em vẫn còn nguyên.
     Những chớp lửa ma quái, những tiếng nổ độc địa cứ chụp lên con đường
kia. Những con đường đã biết bao lần in dấu chân em... Ngoài đồng, tiếng pháo
vẫn nổ. Còn trong hầm thì im lặng. Chỉ có những đốm lửa thuốc lá loé lên và di
động. Anh cán bộ già lại thở dài. Tiếng muỗi vo ve, vo ve thật khó chịu. Đột
nhiên pháo im bặt. Sự chờ đợi như bình khí khổng lồ bị nén lại. Rồi, pháo lại
gầm lên. Lần này, tiếng pháo nặng lắm và dồn dập hơn. Người có kinh nghiệm
nhận ra ngay đó là đợt pháo bầy mà bọn địch thỉnh thoảng vẫn dùng nhằm huỷ
diệt mục tiêu. Tiếng nổ trầm đục là tiếng pháo biển, xuyên sâu xuống lòng đất
mới phát nổ nhằm phá hầm hố. Còn tiếng nổ chát chúa là tiếng pháo chụp nổ
ngay trên không, toá mảnh xuống giết những người ở trên mặt đất. Pháo từ biển,
từ mấy trận địa tập trung dội vào cánh đồng này, mỗi lúc một dồn dập hơn. Ba,
em đang ở đâu?
        May thay, Ba đã trở về. Em như một làn gió mát rượi của vùng biển quê
em đột nhiên tràn tới. Em nói như reo lên:
        - Cái xắc đây anh!
        Anh cán bộ già nhào ra phía cửa hầm ôm lấy Ba. Nhưng Ba đã nói to:
        - Đi, mấy anh! Đi mau về còn nghỉ!
     *


                                       16
Buổi sáng ở đồng bằng thường đến sớm hơn ở miền núi. Mới khoảng bốn
giờ, bầu trời đã chuyển sang mầu trắng đục. Chúng tôi dậy nấu cơm. Phải nấu cả
cơm sáng, cơm trưa. ở những vùng gần địch, người ta quen làm như vậy.
       Ba ăn cơm xong từ lúc nào, đang ngồi băm vụn mấy củ sắn. Bên cạnh em
là mấy cái lồng gà. Con gà mẹ xù lông, cục cục. Ba con gà đen thui kêu chíu
chít, rúc mỏ qua những kẽ nan. Tôi hỏi:
       - Sao có ba con thôi em?
       Ba ngẩng lên:
       - Bữa địch càn, phải làm thịt con gà cồ. Sợ nó gáy, địch nghe thấy. Gà mái
không có cồ, đẻ trứng ra không ấp được. Ba con gà ni, trứng gà rừng nở ra, mà
em nói với anh đó.
       Ba nhoẻn miệng cười rồi chúm môi “huýt huýt”... Bầy gà con kêu chiêm
chiếp... Ba nghiêng đầu, một tay mở cửa lồng, một tay vốc sắn đưa vào trong.
Bầy gà tranh nhau mổ sắn trên tay Ba.
       Ăn cơm xong, chúng tôi xếp đồ đạc gọn ghẽ, ba lô sẵn sàng. Anh em trong
trạm mang những đồ dùng lặt vặt trong nhà như con rựa, thùng nước... giấu vào
những bờ bụi quanh trạm. Bầy gà được nhốt vào hai cái lồng lớn. Con heo độc
nhất còn sót lại sau đợt càn vừa qua, cũng được cột chân lại, cho vào một cái rọ
lớn. Đó là cách nghe ngóng xem địch có càn không. Nếu có thì có thể lánh kịp,
không để cho địch phá.
       Mặt trời vừa dậy đã nhăn nhó phóng những tia nắng chói chang xuống.
Bầu trời cao hẳn lên, vời vợi. Tiếng động cơ xe tăng rú phía xa. Nơi ấy là đồn
địch. Vài chiếc tàu rọ quần lượn cao cao. Vài chiếc tàu vận tải bay qua bay lại
nặng nề. Có những tiếng pháo điểm cầm chừng. Xa xa lại có tiếng súng máy nổ
liên thanh. Và bầy bồ chao ngủ muộn giật mình choàng dậy, hỏi nhau rối rít,
tranh cãi nhau loạn xạ. Như vậy là buổi sáng yên lành. Chừng chín, mười giờ có
thể đi làm những việc cần thiết.
       Anh em trong trạm lục tục mang gùi, rựa, kéo nhau đi. Chỉ còn cô trạm
trưởng ở nhà với khách. Chúng tôi lấy võng ra, cột nằm một chút. Căn nhà của
trạm đơn sơ, giống như mọi căn nhà của đồng bào vùng ranh này. Nói nhà thì
hơi quá, bởi vì nó không phên, vách, không bàn, ghế, giường. Chỉ có mấy hàng
cột với hai mái tranh sơ sài. Tuy nhiên, căn hầm lại rất chắc chắn. Nó được đào
rộng bằng cả nền nhà, trên lát một lớp cây lớn, lấp một lớp đất dầy. Căn hầm đủ
chỗ cho chín mười người cột võng nằm được. Tôi nhìn khắp gian nhà, suy nghĩ
mung lung... Cuộc sống của người giao liên vùng ranh này giản đơn vậy đó. Với
căn nhà xuyềnh xoàng, với những đồ dùng gọn, anh chị em trụ bám ở một vùng

                                       17
ác liệt, thầm lặng đưa bộ đội, cán bộ qua lại. Họ nối liền căn cứ với đồng bằng.
Con đường của ta thành mũi dao thọc vào tim kẻ thù. Hằng ngày, chịu biết bao
gian khổ ác liệt, nhưng họ vẫn sống lạc quan, vui vẻ, yêu đời.
       Cô San, trạm trưởng, mang sổ ra hí hoáy ghi chép số khách. Xong, cô mở
một quyền vở học sinh, lẩm nhẩm đọc:
       Em là mạch chứa dòng máu nóng
       Em nối liền căn cứ với tiền phương
       Con đường em cháy bỏng yêu thương...
       Đọc tới đó, San cười rúc rích và hỏi tôi:
       - Anh, có phải bài thơ ni nói về giao liên chúng em không?
       Tôi gật đầu:
       - ừ, bài thơ ca ngợi các đồng chí đấy!
       San lắc đầu quầy quậy:
       - Không, chúng em có gì đâu mà ca ngợi!
       Tôi cười:
       - Nói lạ chưa! Đó, như Ba chẳng hạn, thật là một cậu bé thông minh, dũng
cảm!
       Nghe nói tới Ba, San kể:
       - Gia đình Ba tội lắm anh à! Cha hắn làm biển bị bo bo bắn chết cùng hơn
chục bà con khác. Nhà chỉ còn hai má con hắn, lại bị bọn địch bắt vào khu đồn.
       Xếp chồng công văn lại, cô trạm trưởng hào hứng kể tiếp:
       - Rồi đồng bào cũng nổi dậy phá banh khu đồn. Bữa ấy có đội công tác về.
Ba bám riết anh đội trưởng nằn nì xin đi. Bị từ chối, hắn khóc dẫy lên rồi kéo tay
anh đội trưởng tới chỗ má hắn. Ba vừa nói, vừa nấc, tấm tức: “Má, má nói giùm
con... Con đi trả thù cho cha...”. Anh đội trưởng không nỡ từ chối. Rứa là hắn
theo về huyện. Các anh ở huyện lại chuyển cho trạm chúng em...
       Mải nói chuyện, xế chiều rồi mà chúng tôi không hay. Anh em trong trạm
đã trở về, mang theo mấy gùi bắp. Những trái bắp nếp bao còn xanh, phốp pháp.
       Lại nhen lửa nấu ăn. Trạm bắc một nồi lớn, nấu đầy bắp trái. Cô trạm
trưởng tươi cười:
       - Hôm nay liên hoan nghe mấy anh!
       Thế là cả trạm nhộn nhạo cả lên:
       - Hoan hô trạm!
       - Trạm sang dữ hè!
       - Mà sao lại ăn bắp non, uổng chết!


                                       18
- Không, trạm em không lãng phí mô! Những đám bắp trước thu hết rồi,
trái nào trái nấy khô cứng, hạt rắn đanh. Đám bắp ni bọn em trỉa muộn, nắng
quá, héo cả cây, cả trái, để cũng uổng.
        Chúng tôi, cả khách và giao liên, quây quần bên rổ bắp bốc hơi nghi ngút.
Những trái bắp nếp ngắn ngày trông mỡ màng, ăn dẻo như xôi và ngọt lừ. Ba
gặm hết một trái, quẳng cùi vào cái sọt, vui vẻ:
        - Các anh xem, trạm em nghèo rứa đó, ăn sắn, ăn bắp thôi!
        Một anh đế vào:
        - Khoai bắp, tình quê rất thiệt thà. Nghèo mà được như ri là quý rồi.
        Tất cả cười vang. Sau nhịp cười sôi nổi đó, San đứng dậy dặn dò:
        - Các anh ăn xong thu dọn đồ đạc cho gọn nghe! Dây mang cột cho chặt.
Đai dép rút sít vô cho dễ chạy. Ba và anh Phước, trạm trưởng trạm hai mươi sáu,
sẽ dẫn các anh đi.
        Chúng tôi vượt mấy cánh đồng trống, vượt một con sông thì trời đã nhá
nhem tối. Lại vượt qua một bãi tranh lớn. Bãi tranh này bị bọn địch rải xăng đốt
trụi, rộng thênh thang như một sân bay. Ba đi đầu. Phước đi cuối hàng. Khi qua
khỏi bãi tranh, bước lên một đồi sim thì Phước vượt lên, khẽ gọi:
        - Ba, dừng lại đã!
        Chúng tôi cũng dừng lại, đặt ba lô xuống nghỉ. Ba và Phước ngồi chồm
hổm bên một bụi sim. Tôi nghe hai người rầm rì:
        - Em ở chờ đoàn khách, anh bám đường nghe!
        - Không, em bám đường, anh ở chờ!
        - Không được, anh quen đoạn đường này hung rồi!
        - Không, anh đi họp về, anh cũng là khách thôi. Em là giao liên, em phải
bám đường!
        - Thằng nhỏ này ngang dữ. Đoạn đường này thuộc về trạm anh. Anh là
trạm trưởng, mi phải nghe lời!
        Hai anh em vẫn tiếp tục tranh cãi, mỗi lúc một gay gắt hơn. Tôi ngồi nghe,
lòng đầy xúc động. Ai đã từng đi qua vùng ranh những ngày ác liệt mới thấy hết
ý nghĩa cao quý của sự tranh giành đó. Phía trước kia là con đường xe chạy. Bọn
địch thường ra phục kích. Cái chết rình mò trong từng bụi sim, trên từng bước
đường.
      Cuộc tranh cãi chấm dứt. Có lẽ là Ba thua. Phước đã ôm súng lẹ bước ra
phía lộ. Ba hậm hực quay lại chỗ chúng tôi:




                                       19
- Anh Phước giành đi trước rồi! Các anh ngồi chờ một chút! Nếu nghe anh
Phước ra hiệu thì khẩn trương theo em. Còn nếu nghe tiếng súng thì các anh
chạy quay lại nhà ông Phấn.
       ... Bầu trời đen xẫm. Tĩnh mịch. Không một tiếng máy bay. Không một
tiếng pháo. Ba ngồi nhấp nhổm không yên. Bỗng một tiếng súng vang lên. Ba
bật dậy, lao vút đi. Tiếng súng AR15 nổ loạn xạ như mè rang. Tiếng AK đáp lại,
nhịp ba viên một, chắc chắn. Rồi một tiếng lựu đạn M.26 nổ “ầm”. Và im lặng...
       Chúng tôi ngồi trong nhà ông Phấn, bồn chồn ngóng đợi. Ba đã về kia, tay
xách một khẩu AK. Chiếc mũ của em đã văng đâu mất. Mái tóc tơ đẫm mồ hôi,
dính bết trước trán. Trong ánh đèn dầu, gương mặt em trông vàng võ lạ. Chúng
tôi hỏi dồn dập:
       - Phước đâu?
       - Phước về chưa?
       Ba chỉ ra sân, giọng lạc hẳn đi:
       - Anh Phước ngoài đó...!
       Chúng tôi xách đèn, đổ xô ra. Ánh đèn dầu toả ra sân cỏ một vùng sáng
vàng yếu ớt. Hai anh du kích đứng ở đó từ lúc nào, lặng im. Còn Phước thì nằm
trên nệm cỏ. Tôi cúi xuống nhìn Phước, xót xa. Phước nằm ngửa, hai chân duỗi
thẳng, cánh tay phải bị gẫy nát, cánh tay trái nắm chặt, hơi giơ lên trong tư thế
cầm súng bắn. Máu thấm ra ướt cả tấm dù bọc thi thể anh. Chúng tôi đều im
lặng. Mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Tôi thấy hình ảnh Phước cứ hiện rõ
trước mặt, vui tươi, cởi mở. Phước trạc ngoài hai mươi, cao gầy, có nụ cười rất
đôn hậu, khiến người ta vừa nhìn thấy là mến, tin ngay...
       Hai anh du kích dậm chân, thỉnh thoảng lại chép miệng. Tiếng một anh
trầm trầm chìm trong màn đêm: “Lũ chúng mình chậm quá! Nếu đi sớm một
chút, đặt kịp mìn ở đoạn trên thì chúng “xoang” rồi, mà anh Phước khỏi hy
sinh”. Anh kia ngậm ngùi: “Chúng mình có lỗi, đi phục kích lại bị trễ hơn
chúng”.
       Ba từ trong nhà bước ra, giọng thảng thốt:
       - Anh Phước, anh Phước ơi!
       Các anh du kích lại bên Ba, dỗ dành:
       Thôi đừng khóc nữa em! Nhớ trả thù cho anh Phước! Em đi làm nhiệm vụ
đi! Dẫn khách đi vào lúc này là tốt hơn cả.
       Hình như nghe nói đến nhiệm vụ, Ba tỉnh táo lại. Em lặng lẽ đứng dậy,
xách cái bao bột mì loang lổ máu của Phước, mở ra lấy cái võng, tấm đi mưa,
đưa cho anh du kích, giọng bùi ngùi:

                                       20
- Các anh đưa anh Phước đi dùm em!...
       Em chỉ cái bao:
       - Trong nớ còn một ít hom sắn, anh Phước xin ở trạm em, trù xuống đó
trồng. Các anh lấy trồng quanh nơi anh Phước nằm. Anh Phước siêng lắm, cứ
rảnh việc là lại cầm cuốc tăng gia.


       Quay sang chúng tôi, Ba giục:
       - Các anh, lên đường nghe!
     Giọng em rắn đanh lại. Trong đôi con ngươi còn lóng lánh nước mắt của
em, ánh đèn dầu sáng lung linh như hai ngọn lửa. Không hiểu sao, tôi bỗng nghĩ
rằng, từ đôi mắt ấy sẽ phát ra những tia sáng diệu kỳ, soi tỏ màn đêm, rạch ròi
từng bờ cây, bụi cỏ, rõ lối cho chúng tôi đi...
             (Kỷ niệm chuyến công tác vùng ranh Quảng Nam - 1970)




                                      21
Âm bản
                                 Bình bỏ vợ


       Không ai ngờ vợ chồng Bình bỏ nhau. Họ đã có với nhau 3 mặt con: hai
gái, một trai. Hạnh, vợ Bình, làm kế toán ở công ty IMEX. Bình làm thợ ảnh.
Gia cảnh không sung túc gì, nhưng cũng chẳng đến nỗi túng bấn. Cuộc sống gia
đình thấy có vẻ êm ấm. Khi họ tuyên bố sẽ bỏ nhau, mẹ Bình khóc hết nước mắt.
Cả bà cụ và anh em họ hàng đều đổ xô vào trách móc Bình. Biết ngay mà, cái
nghề ảnh là lắm chuyện lắm. Chụp ảnh cho hết cô này đến em khác, tha hồ gần
gũi, tán tỉnh. Lại những đám cưới ở quê nữa, đi hai ba ngày, ăn đâu ngủ đâu,
chung đụng với những người đàn bà nào, ai mà biết được. Nhất định phải có
chuyện lòng thòng gì đây, nên Bình mới bỏ vợ. Lúc Bình đem giấy ly hôn cùng
2 đứa con gái về nhà mẹ đẻ, bà cụ ngã ngất. Khi hồi tỉnh, bà nguyền rủa Bình là
người phụ bạc, làm bà mất một dâu thảo. Nhưng chuyện đã rồi. Bình gom tiền
mua một căn nhà lá lụp xụp ở chân đê Đại Cồ Việt và vẫn làm nghề ảnh.
                                Bình vào tù
      Trong nhà, chỉ mỗi mình Bình là liên tục gây ra những chuyện lộn xộn.
Công an đến đọc lệnh bắt Bình vì tội “Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã
hội chủ nghĩa”. Bình im lặng đưa hai tay vào còng số 8, lẫm lũi đi theo hai anh
công an. Đi một đoạn, Bình mới như sực tỉnh, quay lại dặn cô con gái lớn:
“Thuý, bà đang ốm nặng. Thôi, nước cùng này thì con và em đưa nhau về ở tạm
với mẹ vậy!”.
      Những lời trách móc lại đổ dồn vào Bình, dù rằng Bình không còn được tự
do ở nhà mà nghe. Cái người tự phá nát gia đình mình, rồi cuộc sống sẽ chẳng ra
gì. Cho nên, vào tù là phải. Với vợ là người đầu gối tay ấp còn bội bạc, huống
chi đối với người dưng nước lã. Chắc định lừa quỹ tín dụng để cuốn gói vào
Nam, chứ buôn bán gì. Cái ngữ ấy làm sao mà biết buôn. Chắc là có cô bồ nào,
định rủ nhau chuồn vào Nam làm ăn mới tính hốt một vố đây. Nhưng lưới trời
khôn thoát, mình làm mình chịu kêu mà ai thương.
      Suốt mười tháng ở tù, Bình không được ai trong gia đình đến thăm. Mẹ đã
chết ngay sau khi Bình bị bắt giam. Hai con còn quá nhỏ. Anh em thì không

                                      22
thích liên luỵ với kẻ lừa đảo. Tù đã khổ. Tù trong nỗi cô đơn càng khổ hơn. Khổ
quá bật thành thơ. Bình ghi chép thành một tập thơ mỏng nhan đề “Tâm sự
người tù cô đơn “. Nhưng đến khi sắp ra tù, Bình bị mất tập thơ ấy, nên đến bây
giờ vẫn chưa ai biết nội dung “Tâm sự người tù cô đơn” ra sao.
       Ra tù, Bình không làm nghề ảnh được nữa. Bây giờ người ta chuyên chụp
ảnh mầu, dùng MINILAB, ai còn chơi ảnh đen trắng. Muốn chụp ảnh mầu, phải
có vốn lớn. Bình lấy đâu ra tiền mua sắm phương tiện. Anh em trong nhà chẳng
ai chịu cho Bình - kẻ lừa đảo - vay tiền. Chú em ruột Bình, một người khá giả, có
cái xe quay nước mía bỏ không, nhưng Bình van vỉ đến bã bọt mép cũng không
mượn được. Bình đành đi xúc cát thuê ở bến Chương Dương, cật lực mỗi ngày
được 7 nghìn đồng. Nhưng không cạnh tranh nổi với nhóm dân Thanh Hoá, vì họ
bán sức lao động quá rẻ. Sau đó, có một người quen bán bộ đồ nghề cắt tóc giá
100 nghìn đồng. Bình vay tiền chú Độ để mua, nhưng chú không cho vay - chú
ấy bảo không tiếc gì, nhưng phải nghiêm khắc cho ông anh ruột rút được kinh
nghiệm mà sống cho nghiêm chỉnh. Cũng may mà một số bạn bè đã góp tiền
giúp Bình mua. Rồi Bình ra phố Nguyễn Huệ cắt tóc.
       Nhưng, kiếm sống không đơn giản chút nào. “ Đất có thổ công, sông có hà
bá “, cả dãy phố ấy đã được phân chia đâu vào đấy; mua một chỗ trong dãy hàng
cắt tóc, muốn “hợp pháp hoá “ cũng phải tiền triệu, lấy đâu ra. Bình rủ mấy bạn
mở hàng ở góc tường đối diện, kiếm khách vãng lai. Thế là Bình trở thành kẻ
tranh khách, thành cái gai trước mắt “hội cắt tóc“ Nguyễn Huệ. Họ không ra mặt
đuổi Bình, mà lại thông qua các biện pháp ngầm nào đó. Cho nên, Bình bị hạch
sách khá nhiều. Nay bị gọi lên phường phạt vì hành nghề không có giấy phép.
Mai bị công an phạt vì lấn chiếm lòng đường. Uất ức đã chất đầy lòng Bình.
       Hôm ấy, Bình đến ngồi vào ghế cắt tóc của Điều - một đàn anh trong
nhóm thợ cắt tóc Nguyễn Huệ - bảo cắt tóc cho mình. Suốt thời gian Điều cắt
tóc, Bình chỉ lỳ lỳ cái mặt, không nói gì. Đến khi Điều cầm con dao cạo mặt lên,
Bình mới cười khẩy và hỏi: “Mày có dám cắt cổ tao không?”. Điều tái mặt: “Sao
bác đùa vậy, ai lại thế!”. Bình quắc mắt quát:
      - Ai đùa với mày. Nhưng tao biết là mày không dám cắt cổ tao đâu. Nếu
có gan, mày đã không phải đi mách lẻo như tao biết. Còn tao, chẳng có cái gì
làm tao sợ cả, cho nên tao mới ngồi đây cho mày cầm dao cạo mặt như thế này!
      Quát vậy, nhưng Bình vẫn ngồi nguyên trên ghế và ra hiệu cho Điều cạo
mặt. Xong, Bình đứng dậy, cười gằn: “Mày hèn lắm. Toàn làm các chuyện sau


                                       23
lưng. Có giỏi thì dằn mặt ra mà đối chọi với nhau, chứ mách lẻo là hèn lắm. Tao
cảnh cáo mày đấy!”. Chưa kịp nói câu nào, Điều đã lĩnh trọn một cú đạp khủng
khiếp vào bụng, lăn đùng ra.
      Chẳng ai can thiệp. Vì chẳng ai muốn dây vào thằng tù về.
      Ngay lúc đấy, Bình thu dọn đồ nghề, buông một câu: “Ở đây bẩn thỉu lắm,
không thể chịu được, anh em ta kiếm chỗ nào sạch sẽ mà làm ăn.” Thế là Bình
cùng nhóm thợ bạn xách đồ nghề, dắt díu nhau ngược về phía Bờ Hồ.
                    Thư tuyệt mệnh của con gái Bình
      Bố Bình của con! Bố Bình thân yêu!
      Con muốn gọi mãi tên bố. Nhưng không thể được nữa. Khi bố đọc thư
này, con đã đi xa, đi mãi. Xin bố tha thứ cho con.
       Con biết bố yêu con lắm, bố đã làm mọi việc vì con. Nhưng con không thể
nào sống được nữa bố ạ! Bố con mình toàn gặp tai ương; bây giờ con lại tàn tật,
trở thành gánh nặng quá sức đối với bố. Vậy thì bố hãy vui lòng cho con ra đi để
con được thanh thản. Con chỉ dặn riêng bố điều này và bố nhất định phải thực
hiện: không được cho mẹ con có mặt trong đám tang của con.
       Con nhớ lắm lúc con còn bé, con bị đau khớp. Bố bảo do nhà ẩm thấp quá
nên con mang bệnh. Những hôm trời nồm, nhà ướt sũng, các thứ mốc meo cả.
Lại tối om om nữa. Nhiều đêm, khớp sưng lên, con đau quá. Con vừa khóc vừa
ôm lấy mẹ cho đỡ đau thì mẹ đẩy con ra và gắt: “Để yên cho tao ngủ! “. Con
phải bò xuống giường, lết xuống cái gầm cầu thang mà bố chữa thành buồng tối
làm ảnh để cầu cứu bố. Có bao giờ bố ngủ trước nửa đêm đâu? Ngay hồi đó, con
cũng biết rằng bố thức là để làm ảnh kiếm tiền nuôi chúng con. Trong ánh đèn
đỏ mờ mờ, bố mỉm cười và ôm con vào lòng. Bó bóp chân cho con. Nhưng chỉ
một lúc thôi, vì bố phải làm ảnh tiếp. Từng ấy cũng đủ cho con bớt đau đớn. Bố
ôm con vào lòng và lại làm việc tiếp. Dưới bàn phóng của bố, hiện lên những
hình người làm con sợ lắm: mắt trắng, tóc trắng, miệng cũng trắng, mà mặt lại
đen xì xì. Bó bảo đó là những âm bản. Âm bản bao giờ cũng trái với dương bản,
tức là với ảnh. Sợ, nhưng con rất thích xem bố làm, vì con quên được cơn đau,
lại được thấy sự biến hoá lạ kỳ của tấm giấy ảnh trong khay thuốc. Hồi đó bố
chuyên chụp ảnh chân dung. Bố bảo ghi lại được những chân dung đẹp cho con
người là một nghệ thuật chân chính. Cũng vì thế mà bố khó tính với ảnh của
mình lắm. Có những tấm ảnh con thấy cũng đẹp thì bố lại xé bỏ - bố bảo ảnh


                                      24
hiện chậm quá, bị xám, hoặc ảnh quá sáng phải tráng giật, xấu cả mặt người ta,
bố không chấp nhận được. Bố bảo, một thợ ảnh giỏi có thể biến một âm bản xấu
thành một tấm ảnh đẹp, có điều là phải biết yêu cái đẹp và chịu khó làm việc
theo lương tâm, chứ không làm bừa cho nhanh mà kiếm tiền. Ngược lại, một
người thợ tồi có thể biến một âm bản đẹp thành một dương bản xấu xí. Có lần,
bố che chắn, phóng ra một tấm ảnh chân dung một thiếu nữ, mà nổi bật là đôi
mắt to, đen, có cái nhìn đằm thắm. Bố so sánh tấm ảnh ấy với tấm ảnh bố làm
theo đúng âm bản và giải thích: mỗi gương mặt đều có những nét đẹp nổi bật và
nét xấu đặc trưng, phải biết tôn cái đẹp lên, làm mờ cái xấu đi, chẳng hạn cô gái
này bố đã làm nổi đôi mắt đẹp và cúp bớt một góc trán dô, nên trông mới dễ chịu
thế này. Dù sao, âm bản là gốc, muốn đẹp thật sự phải tạo được cái đẹp ngay từ
âm bản. Niềm say mê của bố như liều thuốc mạnh giúp con vượt qua những đêm
bệnh tật và nuôi một ước vọng là trở thành một phóng viên ảnh.
       Nhưng, một sự thật làm con đổ vỡ hết thảy. Bố có biết tại sao con bị xe
lửa đâm không? Chính vì cái sự thật phũ phàng ấy. Cái sự thật đã ám ảnh con
suốt những năm thơ ấu mà con không lý giải được đó là cái gì. Nhưng nó khủng
khiếp lắm. Nó không buông tha con. Trời ơi, con viết sao đây để bố hiểu rõ ngọn
ngành nhỉ. Con nói lung tung quá. Nhưng thôi, đây là lần cuối cùng con nói với
bố trong tâm trạng rối bời, thì bố hãy chịu khó đọc nhé. Liều thuốc chuột đã ở
sẵn trên bàn, bên ca nước lớn (cái ca Mỹ mà bố dùng trong những năm đi bộ đội
ở chiến trường B, bố vẫn giữ làm kỷ niệm). Chỉ chút nữa thôi, tất cả sẽ hoà vào
cơ thể con, cho con được về cõi yên hàn, khỏi buồn, khỏi sợ, nhưng lại không có
bố. Trời ơi, sao trời không có mắt? Bây giờ con nói tiếp: không phải xe lửa đâm
vào con, mà chính con lao vào đường tàu. Không hiểu tại sao con không bị
nghiền nát dưới bánh xe sắt, mà chỉ bị văng ra, gãy một chân. Nằm trong bệnh
viện, lúc tỉnh lại. con nghe mọi người nói là con may mắn thoát chết; họ có ngờ
đâu chính đó là nỗi bất hạnh của con. Con lại làm khổ bố. Con thấy rõ bố gầy võ
đi. Nào tiền thuốc. Nào tiền bồi dưỡng cho bác sĩ. Nào tiền chăm lo sức khoẻ cho
con. Cái nghề cắt tóc ở vỉa hè nào có kiếm được bao nhiêu. Con phải cố hết sức
cho mau khoẻ. Rồi con ra viện, với cái chân tập tễnh, còn nguyên bộ đinh đóng
nơi xương đùi. Chân phải của con ngắn mất 2 phân so với chân trái. Rồi sẽ phải
mổ lấy đinh ra. Nhưng tiền ở đâu cho đủ chi phí vụ mổ này? Bố lầm lũi làm việc,
luôn an ủi con, nhưng con biết bố lo lắm. Thôi, con phải ra đi cho bố bớt gánh
nặng! Con nhớ bố quá. Con lục tìm mà không thấy tấm ảnh nào của bố cả. Bố
làm cho người ta những chân dung tuyệt đẹp, còn mình thì không một tấm nào!


                                       25
Trong những người mà bố nắn nót tạo nên những ảnh đẹp tuyệt ấy, có những
người không xứng đáng với tấm lòng của bố chút nào. Người đó là mẹ đấy bố ạ.
À, con nói thêm để bố biết là trong khi con nằm bệnh viện chữa chân, mẹ con có
đến thăm con một lần. Mẹ bảo bố nhắn mẹ đến với con. Bố, nhắn làm gì? Mẹ
cho con một cân cam và chục ngàn đồng, nhưng con không nhận. Con bảo mẹ về
ngay đi, đừng làm cho con lên cơn sốc. Con làm sao quên được khi bố vào tù,
dặn chị em con về ở tạm với mẹ, nhưng mẹ có nhận đâu! Con phải gửi em cho
chú Độ, còn con thì lên tận Na Rì bán thuốc lá kiếm sống. Cho nên, dứt khoát mẹ
không được có mặt trong đám tang của con, bố nhé! Thật uổng công bố đã tạo
cho mẹ những bức chân dung còn đẹp hơn mẹ ở ngoài đời. Và một người đàn
ông nữa bố ạ. Lẽ ra bố đừng bao giờ chụp ảnh cho lão ta mới phải. Đó là lão
Giám đốc Công ty mà mẹ làm kế toán. Chả hiểu hồi ấy làm thế nào mà bố tạo
được cho lão ta bức chân dung oai thế, khác hẳn cái lão béo phệ, bụng to, mắt bé,
mặt phì nộn ngoài đời. Có lẽ, trong cái nhìn bao dung của bố, chân dung cuộc
đời của hai con người đó đẹp lắm, nên bố cố tạo cho họ những bức ảnh tương
xứng. Dường như những âm bản cuộc đời, đối với bố hoàn toàn là điều bí ẩn.
Cái dương bản tốt đẹp mà mọi người phơi ra đó, trước mắt bố, chắc gì đã là hình
ảnh thực mà chỉ là cái đẹp giả tạo do xảo thuật làm nên từ những âm bản xấu xí.
       Bố có nhớ lần con đi chơi với Hùng về, con nằm dúi vào một góc và lặng
lẽ khóc, bố hỏi con không nói? Con rất cảm ơn bố đã không gặng hỏi gì con,
không nghi ngờ gì Hùng trong buổi đi chơi tối hôm đó. Nhưng hôm nay, con xin
giải thích cho bố rõ. Con chưa hề biết yêu đương là gì bố ạ. Bao nhiêu tình cảm,
con chỉ dồn vào cho bố. Hùng, con rất quý, nhưng chỉ với đơn thuần tình bạn,
mặc dù Hùng sống ngay thẳng và tốt bụng. Vậy mà tối hôm đó, Hùng đã ngỏ lời
yêu con! Bố ơi, cái tình cảm mạnh mẽ ấy của Hùng đã đốt cháy bùng ngọn lửa
quá khứ trong người con lên, và con thấy thấm thía vô cùng nỗi cay đắng của
cuộc đời này mà bố phải chịu. Chính lúc Hùng khơi dậy tình cảm nam - nữ trong
người con, thì con hiểu hết ý nghĩa của sự việc mà con chứng kiến từ lúc bé tý.
Hồi ấy bố đi chụp ảnh cho một đám cưới tận nơi nào đó, mất ba ngày. Chính cái
lão giám đốc béo ị ấy đến nhà ta. Lão ấy ôm mẹ, hôn mẹ và bảo rằng yêu mẹ! Cả
đêm lão ta nằm với mẹ. Con không hiểu rõ tính chất của những việc làm ấy, vì
lúc ấy con còn quá nhỏ, nhưng từ đó con bị một thứ gì đó ám ảnh khiến con ghê
sợ mẹ. Còn bố, bố vẫn cứ cặm cụi với những tấm ảnh.
      Cũng từ đó, con biết rằng con chỉ có mỗi mình bố mà thôi. Thì ra mẹ đã
phản bội bố từ những ngày gia đình còn rất êm ấm. Và em Vinh không phải là


                                       26
con bố, tuy nó chính là em con! Để rồi sau này bố mẹ phải ly hôn, cũng chính vì
chuyện đó. Thế thì tình yêu là cái gì hả bố? Con không dám tiếp nhận tình yêu
của Hùng. Con chỉ thấy đau đớn ê chề. Con bỏ mặc Hùng, chạy về nhà. Tại sao
bố lại cắn răng chịu đựng khi mọi người chê bai bố là phụ bạc vợ trong cuộc ly
hôn âm thầm hồi đó? Cay đắng và thất vọng quá, con tìm đến cái chết...
      Bố thân yêu của con! Cho đến bây giờ, con cảm thấy mình đã thạo nghề
ảnh rồi. Con đã biết nhìn âm bản để thấy được chân dung con người. Mà chân
dung của bố, đối với con, là đẹp hơn cả. Nhưng tại sao bố cứ không chịu làm
chân dung cho mình? Tấm ảnh cuộc đời của bố, mặc dù có một âm bản đẹp, lại
trở nên xấu xa, bị người ta khinh bỉ. Thì bố ơi, ai là người thợ ảnh tồi đã làm
hỏng cả tấm ảnh của bố? Bố phải giành lấy cái quyền sửa chân dung cho mình.
      Thôi, bố ơi, con uống thuốc đây.
      Vĩnh biệt bố!
                      Tâm sự của Bình với con gái
      Con mong người đời nhận ra chân dung thật của bố, điều ấy thật hạnh
phúc cho bố! Chính con đã nhìn được như vậy, con chính là người đời mà bố
cần. Tại sao con nỡ bỏ bố mà đi?
      Bố không quen nói nhiều mà chỉ quen làm. Thanh minh thì bố cũng không
muốn. Mặc, cứ để người đời hiểu mình thế nào cũng được. Miễn là mình sống
đúng với lương tâm. Nhưng với con thì bố phải giải thích đôi điều.
      Quả thật, bố thất bại quá nhiều trong cuộc đời. Nhưng, con có biết không,
cũng có lúc chính bố tự nhận thất bại về mình chứ không nỡ đổ sang người khác.
       Thất bại lớn nhất là bố phải vào tù. Cũng vì ham buôn bán để nhanh giàu
mà nên nỗi ấy. Sau khi mẹ con bỏ bố, bố muốn bứt khỏi cảnh nghèo của gia
đình. Bố đã bán hết đồ nghề ảnh chỉ được 8 trăm ngàn và vay quỹ tín dụng Ngọc
Hồi 4 triệu đồng để làm vốn đi buôn. Chuyến đầu, bố vào tận nông trường Sông
Hiếu Nghệ An buôn cam ra. Chẳng may gặp mưa, xe lại không có mui, về đến
nơi thì cam bị thối quá nhiều. Bán không ai mua. Chở lên gần cầu Chương
Dương mới có một bà cụ tốt bụng nhận bán giúp. Trời vẫn mưa, cam cứ tiếp tục
thối. Bà cụ bán đổ bán tháo, thu lại chưa được 100 ngàn, lại phải thuê xe công
nông chở cam thối ra đổ ở bờ sông Hồng. Bố không nỡ lấy 300 ngàn như bà cụ
hứa. Thế là lỗ mất hơn một triệu đồng. Bố lại đi buôn lạc từ Vinh ra Quảng
Ninh, bán cho bên Trung Quốc. Vài chuyến đầu có lãi, bố tính làm ăn lớn. Vay


                                         27
tiếp quỹ tín dụng một triệu nữa. Đánh hẳn ô tô tải lạc lên biên giới. Nhưng bố
quá tin người nên trắng tay. Bởi vì lạc họ đóng cho bố chỉ có lớp trên là loại một,
còn lại toàn loại kém phẩm chất. Bán đổ bán thảo cũng không xong. Thế là cụt
vốn. Xưa nay, bố có đi buôn bao giờ đâu, vì lớn lên đi thanh niên xung phong,
chuyển vào nhà máy giấy, rồi đi bộ đội, giải ngũ làm nghề ảnh. Khi kịp hiểu ra
rằng buôn cũng là một nghề, phải học, phải thạo mới làm được thì đã muộn.
Đúng dịp ấy thì quỹ tín dụng vỡ. Số tiền vay làm vốn là chung với 2 bác nữa,
nhưng chỉ đứng tên bố. Không trả được nợ, thế là vào tù! Thôi thì một mình chịu
tội còn hơn làm hai bác phải cùng khổ với mình.
      Bây giờ, bố ngồi ở đường Lý Thường Kiệt, cũng tạm ổn. Bố thuê thêm
chiếc xe quay nước mía, định bán những lúc không có khách cắt tóc, rồi khi con
khoẻ, con cùng lên bán với bố. Nhưng mới được 2 ngày, đã bị thu hết đồ nghề
lên đồn, vì vi phạm trật tự lòng đường. Hôm ấy, còn nguyên 3 bó mía, bố vội
mượn xe đạp đi báo với người bán mía, và bác ấy đã thuê xích lô chở hết mía về,
không tính bố một xu chi phí.
       Khó thế đấy, con ạ. Con cứ hỏi tại sao bố không tự làm một bức chân
dung thực của cuộc đời mình? Thực ra, mỗi người đều có sẵn một âm bản của
cuộc đời, nhưng không phải chỉ làm một lần là thành được ngay tấm ảnh toàn bộ
cuộc đời. Cứ phải làm dần, làm dần theo năm tháng, đường nét, hình khối này
chồng lên, hoà vào đường nét, hình khối kia và phải đến khi nhắm mắt xuôi tay,
bức chân dung cuộc đời mới hoàn thành. Trong quá trình ấy, có lần tự mình làm
hỏng, có lần bị người khác phá hỏng, thì cứ đành để dấu vết lại, chứ không thể
vứt đi làm tấm ảnh khác được. Nhưng, điều quan trọng, là phải giữ được những
nét cơ bản của chân dung cuộc đời mình. Đối với bố, dù có thế nào, thì chân
dung cuộc đời bố vẫn là LƯƠNG THIệN. Chốc nữa, bố sẽ lên đồn chuộc chiếc
xe quay mía về, tìm chỗ thích hợp để tiếp tục vừa cắt tóc, vừa bán nước mía. Cô
Dung hàng nước chè chén, bác Tùng chữa xe đạp cho bố vay tiền chuộc đấy. Bố
chưa bao giờ ngừng lao động. Dù có mắc sai lầm, thì bố cũng chỉ sai lầm trong
lao động, cho nên, con cứ tin rằng bức chân dung cuộc đời bố không ai bôi bẩn
được, nó mãi mãi là LƯƠNG THIệN. Và bố cũng còn có rất nhiều bạn bè tốt.
Ngay con cũng có những người bạn chí cốt mà con cần nhớ họ suốt đời. Đó là
những bạn học cũ đã cho con tới 4 lít máu lúc con bị tai nạn xe lửa. Ước muốn
của bố bao giờ cũng hướng tới việc thiện. Có người hỏi bố nếu bây giờ bố có
tiền, bố sẽ làm gì, bố trả lời rằng, việc đầu tiên là chữa chân cho con, tiếp đến là



                                        28
mua một túp lều cho 3 bố con ở, rồi mua một bộ máy ảnh, tiếp tục với cái nghề
mà bố yêu thích.
      Nhưng, nhận chân được cuộc đời khó quá con nhỉ. Chính gói thuốc chuột
mà con mua được ở trạm vệ sinh dịch tễ, con đinh ninh là liều thuốc cực mạnh,
thực ra là thuốc rởm (người ta trộn với rất nhiều tạp chất để ăn bớt tiền của nhà
nước mà). Thế là lần đầu tiên trong đời, chính cái giả dối đã cứu bố con mình.
Con chỉ bị đau bụng, nôn thốc nôn tháo, và bây giờ đang nằm thiêm thiếp dưới
ánh mắt bố đây!
      Cảm ơn cuộc đời vẫn để cho con còn hồn nhiên đúng là một đứa trẻ, chưa
đủ lọc lõi nhìn qua âm bản mà thấy hết được chân dung thật của người đời. Nếu
con đủ lọc lõi nhận ra của thực của rởm, chắc gì hai bố con còn được ở bên nhau
như lúc này.
      Dù ngày qua biết mấy ê chề, cay đắng, dù ngày mai còn đầy gian truân, bố
vẫn giữ được niềm tin. Con hãy tin bố và cùng bố vững bước đi lên.


                                                     Hà Nội, tháng 9 năm 1993




                                       29
CÕI MƠ
       Hoà tới chiến trường vào cuối mùa khô năm 1968. Đã bắt đầu có những
cơn mưa rào xối xả, nhưng không kéo dài. Khi Hoà cùng năm anh em khác vượt
khỏi cánh rừng loòng boong, xuống hết một con dốc ngắn thì thấy một con sông
trong xanh, lấp loáng dưới ánh nắng xế gay gắt. Mọi người đều ồ lên sung
sướng. Sau những ngày đi xuyên những cánh rừng bịt bùng, mắt bị bưng bít bởi
màu xanh bạt ngàn của lá, của cây, nay đứng trước con sông rộng với bờ cát
trắng lấp lánh và bầu trời trong xanh vời vợi, ai cũng thấy tâm hồn như được
chắp cánh bay lên. Chỉ riêng Hoà vẫn lầm lì, cắm cúi bước. Mãi đến khi đôi chân
anh chạm phải dòng nước mát lạnh, anh mới bừng tỉnh. Vết thương ở mu bàn
chân nhói buốt. Cách đây hơn một tuần, khi luồn vào rừng kiếm nấm, anh chẳng
may đá phải mũi chông ba lá của đồng bào Kadong. Thật tệ hại, chưa đến chiến
trường, chưa tham gia chiến đấu mà đã bị thương! Nhưng điều làm Hoà day dứt
hơn là anh không được điều về đơn vị chiến đấu. Trạm đón tiếp Quân khu phát
hiện anh là sinh viên trường Đại học Giao thông nên điều anh sang Trung đoàn
230 thuộc Cục Hậu cần, chuyên trách công tác giao thông...
       - Chào hết mấy anh nghen!
       Hoà giật mình ngước nhìn lên. Hoá ra lội qua sông, bước lên bờ từ hồi nào
rồi. Bây giờ, nghe tiếng chào lạ tai, Hoà mới để ý thấy một cô gái mặc áo đen
đứng bên một gốc cây sấu to tướng đang chào hỏi. “Giọng nói gì nghe chát như
ổi xanh vậy!” - Hoà thầm nghĩ, nhưng vẫn làu bàu đáp lại:
       - Không dám, chào cô!
       Khi mọi người đã quây quần bên gốc sấu, người giao liên nói với cô gái:
       - Cô Nghị nè, tui giao cho cô đủ năm lính mới toanh đó nghe. Giấy tờ đây.
Nhận được chớ?
       - Chớ sao! - Cô gái đáp gọn lỏn.
       “Chà, sao mà ăn nói cộc cằn”, Hoà xét nét nhìn Nghị. Dọc đường hành
quân, trong những đêm dừng chân ở bãi khách, Hoà hay la cà vào nhà khách của
trạm giao liên thăm dò tình hình “vùng đất mới”. Trong những câu truyện vui
bên bếp lửa rực hồng, Hoà thường được nghe mấy anh lính cũ đùa đùa thật thật.
       - Cậu hỏi khu Năm à? Hay đấy. Nhưng phải cái giọng nói con gái khu
Năm chát lắm. Mà mấy cô lại hay hút thuốc rê nữa. Chính vì vậy mới có câu:
“Tiếng đồn con gái Quảng Đà, mất mùa thuốc lá chết ba ngàn người”.


                                      30
Còn chính Hoà, mới tuần trước thôi, cũng đã gặp một cô hút thuốc như
vậy. Hôm ấy, Hoà đang ngồi nghỉ thì một cô gái xăm xăm bước tới:
       - Cho tui mượn con dao!
       Hoà chưa hiểu cô cần dao làm gì, nhưng vẫn rút con dao găm buộc cạnh
túi cóc ba lô cho cô gái mượn. Cầm con dao, cô gái lẳng lặng tới khúc cây đổ
bên đường. Cô rút trong túi ra một xấp lá thuốc, xếp chồng lên nhau, cuộn chặt
thành một thỏi to bằng cán dao. Xong, một chân đạp lên thân cây, một tay cầm
thỏi thuốc tì lên thân cây, tay kia cầm dao, cô gái ra sức thái. Hồi lâu sau, thỏi
thuốc đã biến thành những sợi thuốc quăn queo, đen sẫm. Cô đưa trả Hoà con
dao, rồi lại xin một mảnh giấy, cuốn một điếu thuốc to bằng ngón tay cái, hút
ngon lành.
       Những câu chuyện và hình ảnh ấy đem lại cho Hoà ấn tượng không đẹp về
con gái khu Năm. Lại thêm nỗi bực bội về chuyện công tác, Hoà thấy hết sức
khó chịu với cô gái có cái tên Nghị - tên con trai này.
       Cái chân đau đã làm khổ Hoà. Miệng vết thương đã kín lại, nhưng bên
trong lại làm mủ, nhức nhối. Cả bàn chân trái tấy đỏ, nóng như gạch nung. Vào
đến đơn vị, chỉ kịp chào hỏi mọi người một lượt, Hoà đã bị cơn sốt quật ngã.
Anh mắc võng, phủ bọc, nằm li bì. Chiều hôm ấy, đang mê man trên võng, Hoà
nghe tiếng gọi: “Nè anh! Nè anh!” và thấy cái võng mình bị giật giật. Mở bọc
võng, Hoà bắt gặp ngay khuôn mặt nghiêm nghị của cô gái dẫn đường hồi chiều
hôm qua. Anh bực bội định phủ bọc võng lại, thì cô gái đã giữ lấy:
       - Dậy anh, em coi vết đau chút.
       Cô gái cầm hộp dụng cụ y tế. Thì ra cô là y tá.
       Hoà ngồi dậy, đầu nặng như chì. Cô gái ngồi xổm dưới đất, lấy tay nắn
nắn chỗ sưng ở bàn chân Hoà.
       - Trời, làm gì mà mạnh tay vậy?
       - Vậy mà mạnh à? Ngồi im em rửa nghe!
       Nghị lấy panh cặp bông, nhúng nước nóng, chà đi chà lại trên miệng vết
thương. Hoà sởn gai ốc. Nghị giữ chặt chân Hoà, dùng panh khơi miệng vết
thương cho bật mủ ra. Hoà thấy buốt đến tuỷ sống, song cố cắn răng im lặng.
Nhưng nào đã xong. Nghị lại lấy panh cặp bông, thọc vào miệng vết thương,
thọc theo vết chông, như thông nòng súng. Hoà thấy như bị bào từng thớ thịt ra.
Anh hất tung chân.
       - Trời! - Hoà kêu lên, nhưng không phải vì đau, mà vì vừa làm một việc
tai hại: cái hất chân của anh làm đổ cả hộp dụng cụ y tế, văng cả máu mủ vào
người Nghị. Anh đợi một tiếng gắt. Nhưng không, cô gái chỉ khẽ lắc đầu, nhặt

                                       31
nhạnh những lọ thuốc nằm lăn lóc trên nền nhà rồi lại cắm cúi xức thuốc, băng
cho Hoà.
        Nằm kín trong tấm dù rồi, Hoà thầm nghĩ: “Nói năng khô khan, nhưng lại
không bẳn gắt, cũng lạ”.
        Mất gần một tuần, vết thương mới sạch mủ, Hoà chưa đi làm đường được.
Anh được phân công ở nhà giúp chị nuôi. Buổi sáng, Nghị đưa anh cái gùi đan
bằng mây, bảo: “Anh đi kiếm môn thục nghe!”
        - Hoá ra Nghị cũng là chị nuôi? - Hoà thầm hỏi rồi lẳng lặng xách giỏ đi.
Công việc làm Hoà say mê. Những cây môn thục có cọng dài, lá to láng bóng
mọc thành từng cụm rải rác khắp rừng. Dọc đường hành quân, Hoà chưa ăn môn
thục, nhưng đã nghe anh em kháo nhau: “Môn thục là vị thuốc bắc, bổ lắm!”.
Hoà suy luận: “Là cây thuốc, chắc bổ ở củ. Vậy lấy củ thôi, chứ lấy lá làm gì cho
nặng?”. Thế là Hoà vặt sạch cọng, lá, chỉ để củ lại. Anh mải mê lần theo các bụi
môn thục, hì hục nhổ nhổ, vặt vặt. Mãi đến gần trưa anh mới hăm hở bước về,
như vừa lập được chiến công. Đặt cái gùi xuống cái giàn cây ngoài sân, Hoà gọi:
        - Cô Nghị ơi, lấy môn mà nấu này!
        - ủa, anh làm chi mà kỳ vậy? Môn thục chỉ ăn được cọng thôi, anh bỏ cọng
ở đâu, để em đi lượm về.
        - Trên kia kìa! - Hoà làu bàu trả lời và chỉ tay về phía cánh rừng non trên
dốc.
        Bước qua suối rồi, Nghị quay lại dặn:
        - Em đang nấu mắm trên bếp. Anh coi nó sôi thì lấy dá hớt bọt nghe!
        - Được rồi! - Hoà trả lời cụt lủn rồi vào bếp.
        Nồi mắm kho bắt đầu sôi, đùn bọt lên. Hoà ngó quanh bếp: chẳng có cái rá
nào hết. “Quái, tại sao lại lấy rá hớt? hay là cô ta bảo mình lọc mắm bằng rá?”.
Bếp lửa cháy phừng phừng. Nồi mắm sôi bùng lên, ngầu bọt. Hoà chưa kịp nghĩ
phải làm gì thì nó đã trào ra, dội xuống bếp xèo xèo. Tro bụi bốc mù lên. Hoà vội
bắc nồi mắm xuống. Chợt nhớ có cậu Vinh bị sốt nằm trên nhà, Hoà chạy vội
lên.
        - Này, lấy rá hớt mắm là sao hả cậu? Cô Nghị bảo mình lấy rá hớt nồi
mắm sôi, mà mình tìm mãi không có rá cậu ạ!
        Chợt hiểu, đang sốt đùng đùng, Vinh cũng cười sặc sụa:
        - Trời ơi, cô ấy bảo lấy cái vá, tức là cái muôi, để vớt bọt ấy mà. Tiếng
trong này thường lẫn V với D, ông tướng ạ!
        Chạy trở vào bếp, Hoà càu nhàu: “Thật ăn không nên đọi, nói không nên
lời, rõ ngán!”.

                                        32
Chẳng bao lâu, Hoà đã làm quen được với cuộc sống mới. Đơn vị của Hoà
là trung đội Sơn Hải có nhiệm vụ làm và sửa đường, bắc cầu cho xe đạp thồ đi.
Đơn vị đóng quân ở đoạn cuối của đường thồ. Hướng Bắc, nó vươn mãi tới con
đường ô tô đỏ lói chạy ngoằn ngoèo bên các sườn núi. Hướng Nam, nó bị dòng
sông Thanh chặn đứng lại. Từ đây, người ta không dùng xe đạp thồ nữa, mà
dùng thuyền vận chuyển hàng hoá, vũ khí cho các đơn vị chiến đấu. Hoà đã
nhiều lần xem xét, nghĩ cách bắc cầu qua con sông này để nối đường thồ dài mãi
ra, nhưng chưa được. Sông quá rộng, một bên là bãi cát, một bên là vách đá dựng
đứng, không có thế để bắc cầu. Giữa những ngày ấy thì Hoà bị gục: cơn sốt rét
đầu tiên đã tấn công anh. Nghị đưa thuốc ký ninh cho Hoà uống. Mới chưa hết
một liều, Hoà đã thấy tai bùng lên, bùng lên lục bục như nồi bắp hầm. Nhìn vào
đâu, Hoà cũng thấy như bị chói nắng. Miệng đắng như ngậm mật gấu, Hoà
không ăn uống gì cả. Nghị ép Hoà ăn cháo, nhưng Hoà nuốt không nổi. Cổ họng
luôn luôn ghê lợm, bắt Hoà nôn mửa suốt. Đêm, mắt chong chong, không ngủ
được, đầu buốt thon thót. Mãi, cơn sốt không lui. “Chết chăng?” - Hoà lẩm
nhẩm. Nhớ tới chục ống ký ninh mà mẹ đã cẩn thận đựng trong một ống tre nhỏ
dắt vào thành ba lô lúc Hoà ra đi, Hoà bảo Nghị:
       - Tôi có thuốc, cô tiêm hộ nhé!
       Nghị nói:
       - Không được đâu, mới sốt phải ráng uống thuốc, chớ có tiêm.
       Hoà rên rỉ:
       - Trời ơi, ác độc vậy, không tiêm giúp, để tôi chết à?
       Nghị cười ngặt nghẽo:
       - Chết dễ vậy sao anh ơi! Thôi đưa thuốc, em cất dùm, khi nào sốt ác tính
hãy tiêm!
       Quả thật, cơn sốt phải lui. Nhưng người Hoà mềm oặt. Hoà nằm bẹp trên
võng, tưởng không thể cất nổi cái đầu nặng trịch lên. Nghị luôn luôn đến giật
võng Hoà:
       - Đừng nằm nhiều, bết người đi. Dậy cho thanh thản chút coi!
       Hoà lại phải ngồi lên. Đầu váng. Mắt hoa. Hoà cau có nhìn Nghị, nghĩ
thầm: “Làm gì mà ám dữ vậy?”. Không để ý đến thái độ khó chịu của Hoà, Nghị
lại giục:
       - Anh xuống võng, đi lại cho nó quen chút nào!
       Cứ thế, dường như ngày nào Hoà cũng không được nằm yên vì Nghị
“ám”. Nhưng cũng lạ, anh thấy sức khoẻ hồi phục khá nhanh...


                                      33
Một hôm, Hoà được phân công ở nhà giúp chị nuôi. Nghị rủ: “Sáng nay,
anh và em đi cải thiện cho anh em nghen!”. Hoà tán thành, nhưng chưa biết “cải
thiện” bằng cách nào! Sau khi dọn dẹp bếp núc, Nghị bảo Hoà cầm rựa, mang
gùi cùng mình ra khu rừng đót. Rừng khu Năm có những cây đót thật kỳ diệu.
Thân, lá trông giống hệt cây dừa, nhưng lại không có quả như dừa. Quả của nó
mọc thành buồng, giống như buồng cau, mỗi quả chỉ bé bằng đốt ngón tay. Thử
ăn vào quả đót mà xem - ngứa móc họng ra. Vậy mà đồng bào dân tộc lại biết
cách trích cuống buồng để lấy ra thứ nước tự lên men, biến thành rượu ngon
tuyệt: thơm, ngọt, nồng nàn vị rượu nếp. Nghị nói rằng ở giữa ngọn nó có một
cái lõi mềm, ăn ngon như củ sắn (tức củ đậu ở ngoài Bắc), gọi là hũ đót. Để lấy
được hũ đót, phải vạc vỏ dần dần từ ngoài vào.
       Hai anh em lên tới rừng đót lúc mặt trời đã vượt khỏi ngọn cây cao nhất
rừng. Ánh nắng cố len lỏi qua những tán lá dày của rừng, toả hơi ấm xuống,
nhưng vẫn không xua nổi cái ẩm lạnh muôn thủa của rừng già. Những cây đót
mọc rải rác đó đây, chịu lép dưới những bóng cây cổ thụ ngút ngàn. Nghị bảo
Hoà chọn một cây mọc nghiêng bên sườn núi, dễ chặt, còn mình chọn một cây
nằm lưng chừng dốc. Hoà hăm hở chặt. Rựa thật sắc, nhưng gặp thứ gỗ dai, xốp,
nên không ăn ngọt xớt được. Hơn nữa, cái mũi khoằm của rựa luôn luôn làm
vướng víu, nhiều khi khiến con rựa bật ngược trở lại. Thỉnh thoảng dừng tay,
Hoà vẫn nghe tiếng rựa của Nghị phồm phộp bập vào thân đót, nghe không dồn
dập, nhưng cần mẫn, đều đặn. Hoà càng chặt mạnh hơn. Mồ hôi túa ra ướt sũng
lưng áo. Hoà quyết lấy được hũ đót trước Nghị. Chẳng bao lâu, Hoà đã chặt đứt
phăng ngọn đót, làm nó rơi đánh rầm xuống, lăn hai ba vòng rồi mắc kẹt ở gốc
một cây trường. Hoà reo to:
       - Xong một cây rồi, cô Nghị ơi! - rồi hăm hở chạy đến chỗ ngọn đót.
       Nhưng Nghị lại cau mày:
       - Trời ơi, ai lại chặt lìa nó ra, làm sao vạc được vỏ?
       Hoà bối rối:
       - Vậy phải bỏ à?
       Nghị bảo:
       - Thôi, ráng vạc dần vỏ mà lấy hũ, đừng bỏ phí mà phải tội với rừng.
       Hai người hì hục lôi khúc ngọn cây đót lên chỗ bằng. Nghị lấy rựa róc lớp
vỏ ngoài - tay này róc, tay kia kéo. Những lớp xơ lằng nhằng níu kéo lớp vỏ như
muốn đánh vật với con người. Nhưng dần dần, hết lớp này đến lớp khác bị lột,
để hiện ra cãi lõi trắng phau. Nghị khéo léo vạc nốt những đoạn xơ ở đầu, lấy
được một hũ đót to bằng cái bi đông. Cô lấy rựa, xắt một miếng nhỏ, đưa cho

                                      34
Hoà: “Anh ăn thử coi!”. Hoà bỏ ngay miếng đót vào miệng, nhai rau ráu: ngọt
và mát lịm.
       Mặt trời đã lên đến đỉnh đầu, nhưng không đủ sức xuyên thủng lớp mây
mù dày đặc của bầu trời tháng mười. Rừng đã thoáng đãng ra, nhưng vẫn ẩm
ướt, bốc lên mùi lá cây mục ngầy ngậy, nồng nồng. Không khí lành lạnh. Nhưng
Nghị và Hoà vẫn thấy nóng ran. Họ vừa hạ xong cây đót thứ tám. Những hũ đót
nằm lăn lóc trong gùi; những chỗ bị bầm vập đã ngả màu cánh gián. Nghị bảo:
“Ta nghỉ trưa, rồi xuống suối bắt ốc, về nấu cơm chiều là vừa”. Cô xăng xái đeo
gùi, rảo bước theo triền dốc về phía suối. Hoà ngoan ngoãn bước theo. Bây giờ
anh mới để ý thấy Nghị có dáng người săn chắc, với những bước đi thoăn thoát
mà vững vàng. Cô rảo bước trên con đường trơn nhẫy mà không hề trượt ngã.
Đến bờ suối, Nghị đặt gùi lên một tảng đá. Dòng suối, mặc dù phải luồn lỏi giữa
khu rừng, vẫn đón được những tia nắng hiếm hoi của bầu trời đầu mùa mưa, hắt
sáng lên gương mặt Nghị, làm ngời lên đôi mắt to, lấp lánh của cô. Nghị bảo
Hoà lượm củi, nấu cơm, còn mình thì lội xuống suối kiếm ốc, cá. Hoà lại ngoan
ngoãn làm theo. Tìm kiếm mãi, Hoà mới lượm được một nhúm củi khô. Nhưng
không sao. Chỉ cần chừng ấy làm mồi là đủ. Hoà đã học được ở Nghị cách đun
bằng củi trường tươi. Cây trường có vỏ đỏ, bị chặt thì ứa ra thứ nhựa đỏ như
máu. Gỗ của nó thẳng thớ, dễ chẻ, có thể tước mỏng như đóm tre. Thứ đóm ấy
mau khô, chỉ cần dựng cạnh bếp lửa một lúc là đốt đã cháy đùng đùng. Bây giờ,
bên bếp củi, Hoà đã có một lô đóm củi trường. Đốt xen lẫn với những cành tre
khô, củi trường nổ tí tách, bắn ra những hoa lửa trông đến là vui mắt. Vừa nấu
cơm, Hoà vừa chăm chú nhìn Nghị đang lom khom dưới suối. Đã nhiều lần Hoà
tự hỏi: vì sao Nghị có thể sống một cách vô tư như thế giữa một cuộc sống gian
nan là vậy? Tìm hiểu hoàn cảnh gia đình Nghị, Hoà giải đáp được một phần.
       Nghị sinh ra trong một gia đình ngư dân ở vùng biển Sơn Tịnh, sâu trong
vùng kiểm soát của nguỵ quyền Sài Gòn. Những năm tuổi thơ của Nghị gắn liền
với những nỗi nhọc nhằn khi biển động, lúc trời nắng lửa, với những trận gió cát
mịt mù. Nhưng cái dữ dằn của thiên nhiên lại không dày vò Nghị bằng cái dữ
dằn của con người. Mồ côi cả cha lẫn mẹ, Nghị phải đi ở cho một người bà con
xa. Tiếng là người nhà, nhưng bị bóc lột chẳng kém người dưng nước lã. Mới
hơn chục tuổi đầu, Nghị phải làm đủ việc, từ vá lưới, làm mắm, phơi cá tới nấu
cơm. Một tiếng nói yêu thương, Nghị không hề được nghe. Suốt ngày chỉ cắm
cúi làm lụng, để rồi thỉnh thoảng giật thót mình khi nghe tiếng quát của bà thím
và lâu lâu lăn lộn một lần trong trận đòn oan của ông dượng. Rồi quê Nghị được
giải phóng. Một không khí khác lạ đã tràn đến vùng biển này. Cũng là cuộc sống

                                      35
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long
ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long

More Related Content

What's hot

Dạy học đọc hiểu văn bản truyện cho học sinh lớp 4, 5 theo quan điểm giao tiế...
Dạy học đọc hiểu văn bản truyện cho học sinh lớp 4, 5 theo quan điểm giao tiế...Dạy học đọc hiểu văn bản truyện cho học sinh lớp 4, 5 theo quan điểm giao tiế...
Dạy học đọc hiểu văn bản truyện cho học sinh lớp 4, 5 theo quan điểm giao tiế...
Man_Ebook
 
Th s33.022 bản sắc tày trong thơ y phương và dương thuấn
Th s33.022 bản sắc tày trong thơ y phương và dương thuấnTh s33.022 bản sắc tày trong thơ y phương và dương thuấn
Th s33.022 bản sắc tày trong thơ y phương và dương thuấn
https://www.facebook.com/garmentspace
 

What's hot (20)

Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...
Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...
Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...
 
Dạy học đọc hiểu văn bản truyện cho học sinh lớp 4, 5 theo quan điểm giao tiế...
Dạy học đọc hiểu văn bản truyện cho học sinh lớp 4, 5 theo quan điểm giao tiế...Dạy học đọc hiểu văn bản truyện cho học sinh lớp 4, 5 theo quan điểm giao tiế...
Dạy học đọc hiểu văn bản truyện cho học sinh lớp 4, 5 theo quan điểm giao tiế...
 
Thơ nữ việt nam sau 1975, những tìm tòi và cách tân 7774424
Thơ nữ việt nam sau 1975, những tìm tòi và cách tân 7774424Thơ nữ việt nam sau 1975, những tìm tòi và cách tân 7774424
Thơ nữ việt nam sau 1975, những tìm tòi và cách tân 7774424
 
Luận văn: Rèn luyện kỹ năng xây dựng đoạn văn trong bài văn nghị luận văn học...
Luận văn: Rèn luyện kỹ năng xây dựng đoạn văn trong bài văn nghị luận văn học...Luận văn: Rèn luyện kỹ năng xây dựng đoạn văn trong bài văn nghị luận văn học...
Luận văn: Rèn luyện kỹ năng xây dựng đoạn văn trong bài văn nghị luận văn học...
 
Khoá Luận Dạy Học Đọc Hiểu Văn Bản Nghị Luận Ở Trường Trung Học Phổ Thông
Khoá Luận Dạy Học Đọc Hiểu Văn Bản Nghị Luận Ở Trường Trung Học Phổ ThôngKhoá Luận Dạy Học Đọc Hiểu Văn Bản Nghị Luận Ở Trường Trung Học Phổ Thông
Khoá Luận Dạy Học Đọc Hiểu Văn Bản Nghị Luận Ở Trường Trung Học Phổ Thông
 
Luận văn: Thiên nhiên trong thơ chữ hán Nguyễn Du, HAY, 9đ
Luận văn: Thiên nhiên trong thơ chữ hán Nguyễn Du, HAY, 9đLuận văn: Thiên nhiên trong thơ chữ hán Nguyễn Du, HAY, 9đ
Luận văn: Thiên nhiên trong thơ chữ hán Nguyễn Du, HAY, 9đ
 
TIỂU THUYẾT VÀ HỒI KÍ TÔ HOÀI SAU 1945 DƯỚI GÓC NHÌN THỂ LOẠI. LUẬN ÁN TIẾN S...
TIỂU THUYẾT VÀ HỒI KÍ TÔ HOÀI SAU 1945 DƯỚI GÓC NHÌN THỂ LOẠI. LUẬN ÁN TIẾN S...TIỂU THUYẾT VÀ HỒI KÍ TÔ HOÀI SAU 1945 DƯỚI GÓC NHÌN THỂ LOẠI. LUẬN ÁN TIẾN S...
TIỂU THUYẾT VÀ HỒI KÍ TÔ HOÀI SAU 1945 DƯỚI GÓC NHÌN THỂ LOẠI. LUẬN ÁN TIẾN S...
 
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy Tự
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy TựTìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy Tự
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy Tự
 
Thi pháp: Thơ Đường luật Việt Nam
Thi pháp: Thơ Đường luật Việt NamThi pháp: Thơ Đường luật Việt Nam
Thi pháp: Thơ Đường luật Việt Nam
 
Th s33.022 bản sắc tày trong thơ y phương và dương thuấn
Th s33.022 bản sắc tày trong thơ y phương và dương thuấnTh s33.022 bản sắc tày trong thơ y phương và dương thuấn
Th s33.022 bản sắc tày trong thơ y phương và dương thuấn
 
Luận án: Nghệ thuật tượng trưng trong sáng tác của trường thơ loạn
Luận án: Nghệ thuật tượng trưng trong sáng tác của trường thơ loạnLuận án: Nghệ thuật tượng trưng trong sáng tác của trường thơ loạn
Luận án: Nghệ thuật tượng trưng trong sáng tác của trường thơ loạn
 
Triết lý nhân sinh trong “Ngư Tiều y thuật vấn đáp” của Nguyễn Đình Chiểu
Triết lý nhân sinh trong “Ngư Tiều y thuật vấn đáp” của Nguyễn Đình ChiểuTriết lý nhân sinh trong “Ngư Tiều y thuật vấn đáp” của Nguyễn Đình Chiểu
Triết lý nhân sinh trong “Ngư Tiều y thuật vấn đáp” của Nguyễn Đình Chiểu
 
Thế giới nghệ thuật trong trong tiểu thuyết Bùi Anh Tấn và Vũ Đình Giang
Thế giới nghệ thuật trong trong tiểu thuyết Bùi Anh Tấn và Vũ Đình GiangThế giới nghệ thuật trong trong tiểu thuyết Bùi Anh Tấn và Vũ Đình Giang
Thế giới nghệ thuật trong trong tiểu thuyết Bùi Anh Tấn và Vũ Đình Giang
 
Luận văn: Sự chuyển biến trong văn học nửa cuối thế kỉ XIX, HAY
Luận văn: Sự chuyển biến trong văn học nửa cuối thế kỉ XIX, HAYLuận văn: Sự chuyển biến trong văn học nửa cuối thế kỉ XIX, HAY
Luận văn: Sự chuyển biến trong văn học nửa cuối thế kỉ XIX, HAY
 
Luận văn: Những hình ảnh biểu tượng trong văn xuôi Nguyễn Tuân, HAY
Luận văn: Những hình ảnh biểu tượng trong văn xuôi Nguyễn Tuân, HAYLuận văn: Những hình ảnh biểu tượng trong văn xuôi Nguyễn Tuân, HAY
Luận văn: Những hình ảnh biểu tượng trong văn xuôi Nguyễn Tuân, HAY
 
Thực trạng stress và một số yếu tố liên quan ở học sinh trường trung học phổ ...
Thực trạng stress và một số yếu tố liên quan ở học sinh trường trung học phổ ...Thực trạng stress và một số yếu tố liên quan ở học sinh trường trung học phổ ...
Thực trạng stress và một số yếu tố liên quan ở học sinh trường trung học phổ ...
 
Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975
Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975
Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975
 
Dạy học các trích đoạn truyện kiều theo đặc trưng thi pháp thể loại cho học s...
Dạy học các trích đoạn truyện kiều theo đặc trưng thi pháp thể loại cho học s...Dạy học các trích đoạn truyện kiều theo đặc trưng thi pháp thể loại cho học s...
Dạy học các trích đoạn truyện kiều theo đặc trưng thi pháp thể loại cho học s...
 
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAYYếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
Yếu tố kì ảo trong tiểu thuyết về chiến tranh sau 1975, HAY
 
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
 

Similar to ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long

Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.comHọc tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Thế Giới Tinh Hoa
 
Troi dem nhung vet thuong xuyen thau ocean vuong
Troi dem nhung vet thuong xuyen thau ocean vuongTroi dem nhung vet thuong xuyen thau ocean vuong
Troi dem nhung vet thuong xuyen thau ocean vuong
Phan Book
 
Quét lá sân chùa
Quét lá sân chùaQuét lá sân chùa
Quét lá sân chùa
Hung Duong
 
Kế hoạc ôn tập học kì i lớp 12
Kế hoạc ôn tập học kì i lớp 12Kế hoạc ôn tập học kì i lớp 12
Kế hoạc ôn tập học kì i lớp 12
1kmn;l'
 

Similar to ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long (20)

Ngờ vực - Phạm Việt Long - Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản vănNgờ vực - Phạm Việt Long -  Tập truyện và tản văn
Ngờ vực - Phạm Việt Long - Tập truyện và tản văn
 
Hồn Nam Bộ 1 VHN
Hồn  Nam  Bộ 1 VHNHồn  Nam  Bộ 1 VHN
Hồn Nam Bộ 1 VHN
 
Rung nauy
Rung nauyRung nauy
Rung nauy
 
Rừng Na Uy ebook - Murakami Haruki
Rừng Na Uy ebook - Murakami Haruki Rừng Na Uy ebook - Murakami Haruki
Rừng Na Uy ebook - Murakami Haruki
 
Phong lan về trời
Phong lan về trời Phong lan về trời
Phong lan về trời
 
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.comHọc tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
Học tốt ngữ văn 10 nâng caotruonghocso.com
 
Troi dem nhung vet thuong xuyen thau ocean vuong
Troi dem nhung vet thuong xuyen thau ocean vuongTroi dem nhung vet thuong xuyen thau ocean vuong
Troi dem nhung vet thuong xuyen thau ocean vuong
 
Mở bài
Mở bài Mở bài
Mở bài
 
Tuan 19 Phu song Bach Dang Bach Dang giang phu.pptx
Tuan 19 Phu song Bach Dang Bach Dang giang phu.pptxTuan 19 Phu song Bach Dang Bach Dang giang phu.pptx
Tuan 19 Phu song Bach Dang Bach Dang giang phu.pptx
 
Chân dung nph.docyyy
Chân dung nph.docyyyChân dung nph.docyyy
Chân dung nph.docyyy
 
sónsssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssg 12....
sónsssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssg 12....sónsssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssg 12....
sónsssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssssg 12....
 
80 de nghi luan van hoc chon loc co loi giai chi tiet
80 de nghi luan van hoc chon loc co loi giai chi tiet 80 de nghi luan van hoc chon loc co loi giai chi tiet
80 de nghi luan van hoc chon loc co loi giai chi tiet
 
Nhân Vật Nữ Trong Truyện Ngắn Võ Thị Xuân Hà.doc
Nhân Vật Nữ Trong Truyện Ngắn Võ Thị Xuân Hà.docNhân Vật Nữ Trong Truyện Ngắn Võ Thị Xuân Hà.doc
Nhân Vật Nữ Trong Truyện Ngắn Võ Thị Xuân Hà.doc
 
Sóng.pdf
Sóng.pdfSóng.pdf
Sóng.pdf
 
Thuat can dam_0_e5f0437
Thuat can dam_0_e5f0437Thuat can dam_0_e5f0437
Thuat can dam_0_e5f0437
 
BÊ TRỌC - PHẠM VIỆT LONG - Tập1
BÊ TRỌC - PHẠM VIỆT LONG - Tập1BÊ TRỌC - PHẠM VIỆT LONG - Tập1
BÊ TRỌC - PHẠM VIỆT LONG - Tập1
 
MẶT GƯƠNG TÂY HỒ.pdf
MẶT GƯƠNG TÂY HỒ.pdfMẶT GƯƠNG TÂY HỒ.pdf
MẶT GƯƠNG TÂY HỒ.pdf
 
Quét lá sân chùa
Quét lá sân chùaQuét lá sân chùa
Quét lá sân chùa
 
CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ.docx
CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ.docxCHỮ NGƯỜI TỬ TÙ.docx
CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ.docx
 
Kế hoạc ôn tập học kì i lớp 12
Kế hoạc ôn tập học kì i lớp 12Kế hoạc ôn tập học kì i lớp 12
Kế hoạc ôn tập học kì i lớp 12
 

More from longvanhien

More from longvanhien (20)

Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1070 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1070 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1070 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1070 - vanhien.vn
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1069 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1069 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1069 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1069 - vanhien.vn
 
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam-Số 3/2014-vanhien.vn
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam-Số 3/2014-vanhien.vnDiễn đàn văn nghệ Việt Nam-Số 3/2014-vanhien.vn
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam-Số 3/2014-vanhien.vn
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1067 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1067 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1067 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1067 - vanhien.vn
 
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam - Số 2.
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam - Số 2.Diễn đàn văn nghệ Việt Nam - Số 2.
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam - Số 2.
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1066
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1066Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1066
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1066
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1065 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1065 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1065 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1065 - vanhien.vn
 
So 12
So 12So 12
So 12
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1064 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1064 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1064 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1064 –vanhien.vn
 
Thực phẩm và sức khỏe
Thực phẩm và sức khỏeThực phẩm và sức khỏe
Thực phẩm và sức khỏe
 
Cẩm nang người đi Miếu Bà
Cẩm nang người đi Miếu BàCẩm nang người đi Miếu Bà
Cẩm nang người đi Miếu Bà
 
Cẩm nang đi Núi Cấm
Cẩm nang đi Núi CấmCẩm nang đi Núi Cấm
Cẩm nang đi Núi Cấm
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1063 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1063 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1063 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1063 –vanhien.vn
 
Những đồng tiền Cụ Hồ
Những đồng tiền Cụ HồNhững đồng tiền Cụ Hồ
Những đồng tiền Cụ Hồ
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1062 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1062 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1062 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1062 –vanhien.vn
 
Văn hiến Việt Nam - Số Xuân 2014
Văn hiến Việt Nam - Số Xuân 2014Văn hiến Việt Nam - Số Xuân 2014
Văn hiến Việt Nam - Số Xuân 2014
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1059 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1059 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1059 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1059 –vanhien.vn
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1058 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1058 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1058 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1058 –vanhien.vn
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1057 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1057 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1057 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1057 –vanhien.vn
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1056 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1056 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1056 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1056 –vanhien.vn
 

Recently uploaded

Recently uploaded (20)

ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
 
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
 
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quanGNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
 
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng ĐồngGiới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
 
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfBỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
 
cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-
cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-
cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-
 
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
 
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfCampbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
 
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢI
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢIPHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢI
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢI
 
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảoKiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
 

ÂM BẢN - Tập truyện Phạm Việt Long

  • 1. Âm bản (Tập truyện của Phạm Việt Long, NXB Văn học tái bản năm 2003) LỜI NHÀ XUẤT BẢN Với “B. trọc”, Phạm Việt Long đã trở thành cây bút được bạn đọc cả nước biết đến và quí mến, nhất là khi tác phẩm này của anh giành được một số giải thưởng (Giải B dành cho tác phẩm văn xuôi của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Giải thưởng Đào Tấn của Hội đồng hương Bình Định, Giải thưởng Trương Hán Siêu của Hội Văn học nghệ thuật Ninh Bình) đồng thời được đài Truyền hình Việt Nam đề cập tới qua hai bộ phim tài liệu Giá trị muôn đời, và Từ đời thực lên trang sách, được Điện ảnh chiều thứ bẩy chuyển thể thành 4 tập phim truyện truyền hình Nhật kí chiến trường. Phạm Việt Long còn là tác giả của một số tập sách có giá trị khác, trong đó có tập truyện ngắn Âm bản (NXB Hội Nhà văn xuất bản năm 1999). Theo yêu cầu của bạn đọc, NXB Văn học tái bản tập truyện Âm bản, có bổ sung 4 truyện ngắn do Phạm Việt Long viết những năm gần đây. Chúng tôi giữ nguyên bài viết của nhà văn Ma Văn Kháng giới thiệu tập truyện này khi nó được xuất bản lần đầu (bài viết này cũng đã được đăng trên báo Nhân dân tháng 4 năm 1999). Hà Nội, tháng 6 năm 2003 NXB Văn học 1
  • 2. Âm bản, tập truyện đầu tay có nhiều thành công của Phạm Việt Long Mười một truyện ngắn gọn ghẽ, xinh xắn và nói chung có khuynh hướng tuân theo các nguyên tắc cổ điển là có một cái gì đó có thể kể lại được; một cái gì đó được kể lại trong sự trọn vẹn của hình thức, tập trung vào một ấn tượng và có tính thống nhất về hiệu quả - những yêu cầu quan trọng của thể loại. Cảm giác chung khi đọc tập truyện này là bắt gặp một tâm hồn dung dị, trong trẻo và hồn nhiên, chưa bị níu kéo, ràng buộc và do đó là tự nhiên. Tự nhiên cả trong những câu chuyện kể về cái ngày hôm nay bộn bề, có chủ định, có ý đồ giáo huấn về thế thái nhân tình, luân thường đạo đức. Cá ông, Âm bản, Ngộ nhận, Quả báo, Đường xưa - Đường nay, Sức mạnh... Những truyện lộ rõ ý tưởng ngay ở cả tựa đề, đậm nhạt rung động và khác nhau về sự hợp lý, nhưng ở đây là sự tỉnh táo, rành mạch trong mỗi câu chữ, trong lý giải, nhất là ở sự tiếp nhận chất liệu đời sống khá tinh nhậy nên mỗi miêu thuật có sức thuyết phục ở sự sinh động và thêm nữa ở tấm lòng. Bỏ lại ở sau mình những đề tài ăn khách thời thượng, Phạm Việt Long quan tâm đến số phận những người lao động bình thường, quen thuộc trong cuộc sống hôm nay. Một chàng ngư dân chài lưới. Một người lính năm xưa nay bươn chải giữa cuộc sống thường nhật. Một nhà báo và người vợ hám của, bạc tình. Một ông giáo và người con trai dốt nát, tàn nhẫn. Một cán bộ thuế tham lam, hư hỏng... Chân dung mỗi nhân vật được khắc hoạ đây đó dẫu còn đôi nét chưa toàn vẹn, vẫn gây niềm tin tưởng về sự cần thiết phải hoàn thiện nhân cách như ý tưởng khá đặc sắc được bộc lộ ở truyện ngắn Âm bản của anh. Cái khó của mỗi truyện ngắn là sự kết hợp hài hoà giữa câu chuyện được kể lại trong khoảng khắc với ý tưởng sâu sa gây xúc động lâu bền hàm chứa ở cốt truyện và mỗi tình tiết câu chuyện. Các truyện ngắn viết về những con người cụ thể trong chiến tranh ở tập truyện này thuộc loại truyện ấy. Và tôi có thiện cảm đặc biệt với chúng - những Chú bé vùng Ranh, Cõi mơ, Anh Bảy Trương, Mùa trông đợi, Những người con gái quê hương. 2
  • 3. Ở những truyện này, người viết nhập thần vào nhân vật, vào dòng mạch chuyện kể, càng viết càng say, càng tự nhiên, đôi khi mất cả tự chủ, nhưng để lại những bắt gặp cảm động chân thành, trong những tình huống bất ngờ và cả những đối thoại ngẫu nhiên. Một chú bé liên lạc thông minh, gan góc. Những nữ giao liên, dân quân du kích hồn hậu, quả cảm. Những chiến sĩ giải phóng quân dũng cảm nhưng thật hiền lành, chất phác. Các nhân vật này tự biểu hiện mình lần lần qua mỗi dòng kể và ở những giây phút cần thiết, quan trọng nhất, họ bất ngờ hiện lên trọn vẹn và chân thực, đó cũng là một điểm lý thú của loại truyện ngắn này. Đọc những truyện ngắn này thấy rõ tình yêu bền chặt của người viết với cuộc sống và nhân vật của mình. Cái tình ở đây tràn đầy, lắng động, tạo nên những trang viết xúc động và tin yêu, đôi khi đã lấn át cả cái nhược điểm đơn chiều sơ lược ở đôi chỗ. Một cô Nghị, một anh Bảy Trương, cái không khí rộn rực đêm du kích về thôn... đọc xong, gấp sách lại, tự hỏi: làm sao có thể viết được nếu không có sức quấn quyến của tình yêu và sự từng trải? Sự từng trải, tôi tin ở điều đó như tin một chân lý khi biết rằng: tác giả tập truyện này đã lặng lẽ, dòng dã viết đều đặn suốt 29 năm nay, kể từ truyện ngắn đầu tay viết 1970; Anh cũng đã là một người lính cầm bút của cuộc chiến tranh chống Mỹ, những truyện ngắn của anh đều là những kỷ niệm chắt lọc từ những gì anh đã trải qua, chứng kiến, chiêm nghiệm và in dấu trong trái tim. Văn chương đem lại những xúc động cao quý cho người đọc. Đó là nguyên tắc bất biến. Nâng cao chất lượng nghệ thuật để văn chương có hiệu quả cao hơn trong việc bồi bổ tình cảm tâm hồn cho con người, đó cũng là một yêu cầu không thể dao động, điều đó có lẽ càng đặc biệt có ý nghĩa với tác giả của tập truyện ngắn đầu tay có nhiều thành công này. 4/3/1999 Ma Văn Kháng 3
  • 4. Cá ông Hôm ấy, biển lặng lờ, mặt biển tràn đầy một mầu xám ảm đạm. Nước triều đang lên. Châu dong tầu ra khơi. Qua vùng cửa sông Yên, gã thấy một con sóng thật lạ: không ào ạt xô bờ, cũng không chạy dài miên man, mà dềnh lên cao, di chuyển hướng vào cửa sông. Châu lệnh cho con tầu rồ máy, tiến lại gần, thì nhận ra đó chính là làn nước do một con cá lớn làm dềnh lên. Qua các lưỡi sóng, thỉnh thoảng lại thấy nhô lên một cái vây lưng xam xám. Một quyết định nhanh chóng đến với Châu: bám theo con cá, tiêu diệt bằng được! Phen này, sẽ thu được một nguồn lợi to lắm! Là một ngư dân trẻ, Châu nổi tiếng là một kẻ táo bạo. Không hề dự cảm về mối nguy hiểm đang đến gần, con cá cứ rẽ nước tiến về cửa sông. Đang lúc nước cường, lòng sông rộng mênh mông và sâu nên cá mặc sức vẫy vùng. Châu lệnh cho tầu bám theo con cá. Như một con tầu ngầm chuẩn bị nổi lên, con cá lộ một phần thân mình trên mặt nước, lừ lừ ngược sông. Châu cho thuyền tăng tốc, nép vào tả ngạn, vượt lên. Quan sát hằn nước do con cá tạo nên, Châu đoán nó to lắm, nhưng không dám chắc là to đến đâu. Phương án tiêu diệt con cá được vạch ra chớp nhoáng trong đầu Châu, và Châu tin chắc sẽ thực hiện được. Xưa nay, Châu luôn luôn táo bạo, dám làm những việc mà các lão ngư không dám nghĩ tới. Do vậy, Châu phất nhanh ghê gớm: có tầu đánh cá, có nhà lầu, có một cuộc sống sung túc. Những thành đạt trong nghề khiến Châu ngày càng tự phụ, không cần nghe lời khuyên của các bậc lão ngư. Chẳng bao giờ Châu dự hội cầu ngư cả, mặc dù năm nào làng chài của gã cũng tổ chức lễ hội thật là trang trọng và tưng bừng. Trong khi người già, con trẻ náo nức kéo nhau ra đền làm lễ rước “Ông”, đua thuyền, cầu cúng cho một mùa làm ăn bình yên và phát đạt, thì Châu phỉ báng: “Toàn là trò nhảm nhí, mê tín dị đoan! Rạp mình cầu cúng, làm sao mà giầu! Muốn giàu, phải ưỡn ngực trước sóng gió đại dương, phải biết cách đánh cá hiện đại!”, rồì hùng hổ dong tầu ra khơi, không cần bạn chài. Bà con có người xầm xì rằng rồi sẽ có ngày trời đánh thánh vật Châu, nhưng cũng có người nuốt nước bọt thèm khát vì cái giàu cứ ùn ùn kéo đến với Châu. 4
  • 5. Con tàu đã vượt lên trước. Con cá vẫn ung dung rẽ nước ngược lên. Dòng sông hẹp dần lại, mức nước cũng nông hơn. Con cá phơi một phần thân lên mặt nước, bóng nhẫy. Lúc này vùng sông vắng lặng, chỉ có con tầu và con cá. Đã đến lúc hành sự... Châu gọi Chiến, vừa là em trai, vừa là trợ thủ, đem chất nổ lại (cái nghĩa “hiện đại” của gã là thế này đây). Gã nhẩm tính, rồi chọn gói thuốc nổ năm lạng, châm ngòi cháy chậm, quẳng về phía con cá. Con tầu vọt lên. “ục!”, tiếng nổ bị nén trong nước và một cột nước trắng xoá bốc lên. Nhưng mặt nước vẫn phẳng lặng, con cá vẫn lướt về phía thượng nguồn. Gã cho tầu chạy chậm lại, lấy gói chất nổ một cân, châm ngòi, quẳng xuống tiếp. Lại một tiếng nổ và một cột nước bốc lên, ở ngay vùng đầu con cá. Lần này, sức công phá làm cho con cá rùng mình, khiến cả một vùng sông nước nổi sóng cuồn cuộn. Con cá đổi hướng, rẽ ngoặt về phía tả ngạn. Nước xô ào ào, dồn lớp lớp sóng về phía con tầu. Con tầu nhỏ dềnh lên, chao đảo. Châu đứng chạng chân trước mũi tầu, lo lắng nhìn miếng mồi đang sắp tuột khỏi tầm tay gã. Gã gầm lên một tiếng:”Đừng hòng thoát!” rồi vớ lấy gói thuốc nổ 2 cân châm ngòi, dùng hết sức bình sinh quăng về phía con cá. Gói thuốc nổ chạy theo hình vòng cầu, kéo theo một đuôi khói xanh lét. Đúng lúc ấy con cá vọt lên khỏi mặt nước, há miệng. Khủng khiếp quá, trông con cá to lớn, dữ dằn như một loài thuỷ quái mà chưa bao giờ Châu thấy.. Trước khi con tầu vọt ra xa, Châu còn kịp nhìn thấy gói chất nổ rơi gọn vào miệng con cá. Và một tiếng nổ tắc nghẹn trong họng nó. Mặt nước lặng đi một giây, rồi cuồn cuộn nổi sóng. Sóng cuộn xoáy. Sóng xô dạt. Sóng ngầm đùn lên những bọng máu. Con tầu chao đảo... Rồi sóng lặng. Con cá chìm dần, chìm dần xuống lòng sông. Ngay chiều hôm ấy, hai thợ lặn được Châu thuê đến. Nhưng chỉ vừa mới xuống nước ít phút, cả hai đã vội nhao lên. Họ sợ tái xanh tái xám, chỉ nói lắp bắp hai tiếng “Cá Ông” rồi cuốn gói. Châu trở về làng và thấy một không khí khác lạ, với những ánh mắt khác lạ nhìn mình. Vợ Châu đón Châu bằng nụ cười héo hắt và dáng hình ủ rũ. Chị lẩm bẩm như người mất hồn: “Tai hoạ! Tai hoạ!”. Châu lầm lầm vào nhà, quăng túi xách, hằm hằm hỏi vợ:”Tai hoạ cái gì? Sao cứ như bị ma ám vậy?”. Lúc này, mẹ Châu, một bà cụ già quắt queo, mới bước từ trong bếp ra, rên rỉ: “Con ơi, con đem tai hoạ về cho cả làng rồi. Con đã giết Ngài, giết ân nhân của cả làng, giết ...’’ Bà cụ tắc nghẹn giọng, không nói tiếp được nữa. 5
  • 6. Đêm ấy, có lẽ là lần đầu tiên trong đời, Châu ngồi nghe mẹ chuyện trò. Ai cũng bảo trẻ con đứa nào chẳng thích nghe mẹ kể chuyện. Nhưng Châu không phải loại trẻ con như thế. Từ bé, gã đã ngang tàng, bướng bỉnh. Gã chẳng bao giờ quan tâm đến chuyện ngày xưa. Cứ tối đến, gã lại vọt ra bãi cát chơi trò trận giả, hoặc vật nhau với trẻ con trong xóm. Còn bây giờ, gần 30 tuổi đời, gã ngồi thu mình bên mẹ, mà hồn thì như lạc vào một xứ sở huyền thoại... Có lẽ tất cả người dân vùng này, trừ Châu, đều biết sự tích của làng. Ngày ấy, làng chài chưa thành hình, mới là một doi cát nhỏ có mấy cây phi lao còi cọc. Thuỷ tổ của làng không phải ở vùng này, mà do “Ông” đưa đến. Đó là cái thời xa xưa lắm rồi, không ai nhớ rõ năm tháng nào. Truyền thuyết chỉ kể lại rằng, ngoài khơi năm ấy, có mấy chiếc thuyền đánh cá đang kéo lưới thì chợt trời nổi giông tố. Gió hú lên. Biển cuộn sóng. Những con thuyền bé nhỏ trước biển động chỉ như những chiếc lá tre trôi dạt. Một chiếc thuyền đắm. Lại một chiếc nữa. Những ngư dân tội nghiệp bị sóng nhận chìm không thương tiếc. Giờ đây, chỉ còn một chiếc thuyền với năm thanh niên đang chèo chống. Sóng gió ngày một dữ dội. Bến bờ vẫn mịt mù. Hy vọng sống dần tiêu tan theo bọt sóng. Bỗng nhiên, như có một bàn tay thần diệu giữ lấy, chiếc thuyền không chao đảo nữa. Sóng vẫn cuồn cuộn. Nhưng thuyền chỉ lắc nhẹ. Và rồi, thuyền nhẹ nhàng lướt sóng tiến về phía trước. Bão tố cứ ào ạt xung quanh. Riêng con thuyền, như có một phép lạ, tiến mãi vào bờ. Cho tới lúc lên được đất liền, năm chàng trai vẫn không khỏi ngỡ ngàng vì sự kì diệu đã giúp mình thoát khỏi hiểm nguy. Họ tiến về phía doi cát, nơi có mấy cây phi lao còi cọc... Cuộc sống cứ trôi đi. Năm chàng trai sửa thuyền, ra khơi đánh cá. Nhưng họ vĩnh viễn không trở về cố hương được nữa, bởi đây là vùng quá xa quê hương họ. Họ quyết định xây quê hương mới ở mảnh đất này. Năm người thuộc năm gia đình khác nhau, nay kết nghĩa anh em, cùng xây dựng cơ đồ. Họ dựng một căn nhà làm chỗ chung sống. Họ đem cá lên tuốt miền đồng ruộng đổi gạo và những thức tối thiểu cho cuộc sống. Tuy cuộc sống lao động cực nhọc làm cho họ hết thời giờ để nghĩ vơ vẩn, song từ trong sâu thẳm của mỗi con người, tự họ thấy có những khoảng trống vô tận. Họ cô đơn quá. Bởi vì tuy là năm người, nhưng chỉ có một giới - giới đàn ông! Rồi tới một hôm, trời lại làm giông bão. Trong khi 4 người anh đang ngủ thì Dương, chú em út, bỗng thấy lòng dạ không yên. Tiếng gầm thét của bão tố 6
  • 7. như những ngọn roi quất vào trái tim chú. Chú nhỏm dậy, vạch liếp nhìn ra, thấy trời đang hừng sáng. Lạ nhất là hôm ấy bão tố, mưa tuôn mù mịt, nhưng mặt trời vẫn hiện ra chói lọi. Chú bước ra ngoài, dõi mắt nhìn ra khơi xa. Bỗng chú giật mình vì thấy một con sóng lạ, to như một quả núi lừng lững tiến vào bờ. ánh mặt trời như hào quang toả lung linh xung quanh lưng sóng. Con sóng tiến vào ngày một nhanh, một dữ dội. Như có một ma lực hút về phía trước, Dương lao thẳng tới phía con sóng. Lạ chưa kìa, con sóng không dừng lại nơi mép biển, mà lại phóng mãi, phóng mãi trên bờ cát. Dương vẫn lao tới. Rồi chú đứng khựng lại khi nhận ra trước mắt mình không phải là một ngọn sóng, mà là một con cá voi khổng lồ. Con cá không chuyển động nữa, mà nằm xoài trên cát. Con cá đang bị chính sức nặng của thân hình nó làm dập nát lục phủ ngũ tạng, đang quằn quại đau đớn. Nó vật vã tấm thân khổng lồ, làm cát bị đào sâu thành những hố lớn. Duy chỉ có phía hông trái con cá, cát vẫn phẳng lì, mịn màng. Và Dương mở to mắt khi nhận ra trên nền cát mịn ấy là một người con gái nõn nà được phơi bầy như thủa mới lọt lòng dưới mưa và dưới ánh mặt trời le lói, dù bị sóng gió dập vùi, vẫn không mất đi vẻ đẹp đằm thắm. Người con gái thoi thóp thở, vồng ngực trinh nguyên lấp lánh nước. Dương nhào tới xốc người con gái lên, ấp vào tấm thân cường tráng của mình, sưởi ấm cho nàng bằng ngọn lửa trai trẻ rồi lấy quần áo ngoài của mình mặc cho nàng và cõng nàng về nhà... Người con gái được ở một buồng ngăn bằng lá dừa ghép, ngày ngày lo cơm nước cho các chàng trai. Từ đó, căn nhà như có một ngọn lửa luôn luôn sưởi ấm. Ngọn lửa trong cô gái vô hình mà mãnh liệt, không định hướng, cứ lan toả cả căn nhà, đem hơi ấm đến cho mọi người. Cô có biết đâu chính ngọn lửa ấy đang thiêu đốt các chàng trai, từng người, từng người một, lúc thì làm cho trái tim họ rung lên mãnh liệt, lúc lại làm cho những trái tim ấy co thắt đau đớn. Họ vẫn đi biển, đổi cá lấy vật dùng, nhưng khó nói với nhau hơn, ngượng ngùng và dè chừng nhau trong quan hệ với cô gái. Riêng chàng út, người duy nhất trong số năm anh em được thấy Nàng trong vẻ nguyên sơ với làn da mịn màng và bộ ngực tràn căng sức sống, thì ngày một ủ rũ. Chàng đổ bệnh, không đi biển được. Hôm ấy, 4 người anh ra khơi. Khoảng trưa thì trời làm giông bão. Một tiếng sét nổ vang trời. Cây phi lao đầu doi cát bốc cháy rừng rực. Đang mê man trong cơn sốt, Dương nghe văng vẳng tiếng nói như từ khơi xa vọng về:”Hỡi người con của biển, ngươi hãy cứng rắn lên! Ta là cá voi đã lấy thân mình dìu chiếc thuyền trong đêm giông bão, cứu mạng năm anh em ngươi. Chính ta cũng đã đưa cô gái từ khơi xa về cho các ngươi, những tưởng sẽ đem sung sướng đến cho cả 7
  • 8. năm người. Vì cô gái không thể tự vào bờ như các ngươi đã chèo thuyền vào bờ, nên ta phải đưa cô gái lên hẳn bờ và rồi ta phải phơi xác trên bờ biển. Nào ngờ, chính cô gái đang trở thành hố ngăn cách giữa năm anh em các ngươi. Nay ta đã được Mẹ Biển phong thần, ta không thể để cho các ngươi sống héo hắt trong niềm đố kỵ vì một cô gái. Vì ngươi là kẻ đã nhìn thấy hết những gì trong trắng nhất mà trời đất đã ban cho cô gái, cũng vì ngươi đã truyền hơi ấm của mình cho cô gái và tiếp nhận cái dịu mát mà làn da cô gái đem lại, nên ta để cho ngươi chung sống với cô gái. Ta sẽ đưa 4 người anh của ngươi đến một bến bờ khác để họ có cuộc sống riêng cho mình. Ngươi hãy cùng chung sống với cô gái đến đầu bạc răng long, con cháu đầy đàn. Nhưng ngươi phải truyền lại cho con cháu, đời này nối đời kia, rằng biển là mẹ lớn của các ngươi, biển cho các ngươi những gì đáng cho, đủ nuôi nấng các ngươi, nhưng các ngươi không được tham lam tàn phá biển, các ngươi phải thương yêu biển, thương yêu đồng loại!”. Lại một tiếng sét nữa nổ vang. Dương bừng tỉnh. Trời đột nhiên quang đãng, trong xanh, nắng rực rỡ. Nhìn ra bờ biển, nơi xác cá voi mắc cạn năm nào mà năm anh em đã cố đào hố chôn, nay bỗng xuất hiện một gò lớn, có cả các tảng đá và cây xanh... Dương và người con gái trở thành tổ tiên của dân làng này. Khi làm ăn khấm khá, Dương đã bỏ tiền xây ngôi miếu thờ thẫn cá voi. Lễ hội cũng sinh ra từ thời ấy, để tưởng nhớ “Ông” đã bỏ mình vì con người. Hàng năm,. qua lễ hội, với bài văn tế sâu sắc và các trò chơi sinh động, dân làng lại ôn lại chuyện xưa của làng, nhắc nhau sống cho phải đạo làm người. Khi Châu vào giường thì đã qúa nửa đêm. Một giấc ngủ nặng nề ập đến, với những giấc mơ kinh khủng. Giấc mơ nào cũng có mìn và tiếng nổ. Những cột nước biển do mìn tạo ra tung bọt trắng xoá. Cá bị sức ép nổi lên lềnh bềnh. Những chiếc vợt múc vội múc vàng, chỉ hớt những con cá lớn, còn những con nhỏ thì phó mặc cho biển cả. Xác những con cá nhỏ trắng xoá cả biển, cứ xô ào đến Châu, như một lớp sóng bạc kì lạ, làm Châu tức thở. Châu hét to:”Cứu với!” và chồm dậy, nhảy xuống giường, chạy vụt ra khỏi nhà. Từ ngày ấy, Châu không ra biển nữa. Suốt ngày gã lang thang trong làng. Cứ nghe có tiếng nổ, dù nhỏ như tiếng pháo tép, gã cũng ôm đầu, ngồi dúi xuống đất và rên rỉ:”Mẹ biển ơi, cứu con với!”. 8
  • 9. Quảng Ninh, 22 tháng 7 năm 1996 9
  • 10. Chú bé vùng ranh Cô giao liên trạm hai mươi bốn tươi cười bảo chúng tôi: “Ba, giao liên mới của các anh đó!”. Theo tay cô, tôi nhìn thấy ở đoạn đường trước mặt một chú bé dẫn đầu một đoàn người đang bước tới. Chú đội cái mũ lưỡi trai to tướng, sụp cả xuống vầng trán, trông thật ngộ. Lưng chú mang một cái túi bằng bao bột mì. Vai chú khoác một khẩu AK báng xếp. Khẩu súng, mặc dầu đã được xếp báng lại khá gọn gẽ, vẫn có vẻ dài lượt thượt so với thân hình lũn cũn của chú. Bước tới gần chúng tôi, Ba ngẩng mặt lên, nhoẻn cười: - Chào hết mấy anh nghe! Hấp háy đôi mắt, chú nghiêng đầu về phía cô giao liên trạm hai mươi bốn: - Đi nhanh dữ chị? Rứa là em lại đến sau chị rồi, tức thiệt! Nói rồi chú cười. Trên khuôn mặt tròn vành vạnh của chú, nụ cười thật rạng rỡ. Với dáng dấp lanh lợi đó, Ba đã thu hút được cảm tình của tôi ngay từ đầu. Ba mang gùi công văn, vai vác AK đi đầu. Chúng tôi nối hàng một bước theo. Đường xuyên qua một khu rừng bị rải chất độc vào mùa hè năm trước. Mặc dầu đã là mùa xuân, khu rừng vẫn còn mang nặng dấu tích của sự tàn phá. Những cây to vẫn trụi lá, giơ những cành khẳng khiu, khòng khoeo lên trời. Chỉ những cây nhỏ là đang nứt lên những chồi non xanh mơn mởn. Tôi im lặng bước theo Ba. Đường chúi xuống dốc. Đất gan gà pha sỏi lạo xạo dưới chân trơn lạ lùng. Tôi trượt hoài. Ba ngoái lại, cười: - Con đường của em lạ rứa đó, nắng thì trơn, mưa lại êm! Đấy, anh coi, những hòn sỏi như những bánh xe lăn đôi dép đi ấy. Rồi em hạ thấp giọng, vẻ quan trọng: - Đi đường cũng phải rút kinh nghiệm anh nhỉ! Những đoạn này mà cứ cúm rúm dò từng bước, chỉ tổ trợt xoạc cẳng. Phải mạnh dạn bước từng bước chắc chắn, bước nọ tiếp bước kia mới được. Im lặng một lúc, như chợt nhớ ra điều gì, Ba hỏi tôi, một câu hỏi chẳng ăn nhập gì vào câu chuyện đang nói cả: - Anh, ở căn cứ anh có nuôi gà rừng bao giờ chưa? Trên đó nhiều thứ gà, chim đẹp lắm nhỉ? - ừ, nhiều lắm, nhưng anh chưa nuôi gà rừng bao giờ cả! - Bữa hổm, em lượm được ba trứng gà rừng, cho gà của trạm ấp, nở ra ba con gà con. Chao, nó đen thui như Mỹ đen, trông phát phiền anh à! 10
  • 11. Rồi, như bị cuốn hút vào cái việc nuôi gà thú vị ấy, Ba dấn bước vượt lên đỉnh dốc, vừa thở phì phò, vừa nói liến láu: - Cái giống rừng nó vẫn quen rừng anh ạ! Vừa xuống ổ là chạy rúc bụi liền! Em phải đem cái lồng, nhốt chúng vào trong. Anh có biết làm cách nào cho chúng quen nhà không? Ba hay có những câu hỏi đột ngột, thật khó trả lời. Và em lại hay tự trả lời những câu hỏi đó. Em say sưa: - Chắc rồi hắn sẽ quen anh hỉ? Cứ đi trực về là em đưa sắn vụn vào tận trong lồng cho chúng ăn. Mình chăm hắn rứa, lẽ nào hắn lại không ưng mình? Tôi chăm chú theo dõi câu chuyện ngộ nghĩnh ấy của Ba. Ba vẫn bước thoăn thoắt phía trước, cái đầu lắc qua lắc lại. Khi lên tới đỉnh dốc, Ba dừng lại, quay nhìn chúng tôi: - Ráng lên các anh, tới đây mát lắm! Em tháo gùi, đặt xuống một tảng đá gần đó. Anh em trong đoàn lần lượt đặt ba lô, gùi xuống, thở phào khoan khoái. Tôi và Ba ngồi trên một tảng đá cao, to. ở đây, tầm mắt chúng tôi trải rộng ra, phóng khoáng. Trước mắt tôi, con đường chúi xuống một cái dốc rồi khuất dần sau những dải đồi bát úp lúp xúp. Xa hơn nữa là những nà, những ruộng um tùm cỏ. Và tít tắp dưới kia, bao la, phóng khoáng, là đồng bằng, là biển. Lẽ ra, cái thảm cây cỏ đó phải phủ đầy màu xanh dịu dàng. Nhưng, chiến tranh đã ghi lên những dấu tích lở lói. Có những khoảng rừng cây cối khô trụi, phơi mầu mông mốc dưới nắng. Có những vạt rẫy cây cối vàng ruộm. Đó là kết quả của những trận máy bay Mỹ - Nguỵ rải chất độc hoá học. Lỗ chỗ khắp nơi là những hố bom, hố đại bác đỏ lói. Một luồng gió từ biển thổi thốc về, mát rượi. Ba chợt thốt lên: - Mát quá anh hè! Gió ni là gió cá chuồn đây! Tôi hỏi lại: - Gió cá chuồn? Ba lấy tay quệt mồ hôi trán, vẻ thành thạo: - Trời cứ gió như ri đi biển là trúng lắm, cá chất đầy thuyền! - Em có đi biển? - Quê em vùng biển. Ba đưa tay chỉ về phía xa xa: - Quê em, Kỳ Anh đó! Rồi em say sưa: 11
  • 12. - Ông già em làm nghề biển. Em chỉ được ra bãi biển đón thuyền vô, chớ chưa được đi biển anh à! Hồi đó em có chút chun mà. Má em gánh cá, em chạy theo. Chao, vui lắm. Ba lại chợt hỏi: - Anh được ăn cá chuồn với bánh tráng chưa? Chưa à? Chà, ngon tuyệt! Má em hay cho em ăn món đó lắm! Tôi hỏi: - Giờ, ba má em vẫn đi làm biển? Giọng Ba chợt giận dữ: - Đâu có được, anh! Ba dừng lại một chút. Em nhìn mãi ra xa. Sao ở đôi mắt ngây thơ ấy lại có cái nhìn xa xăm đến như vậy. Một tràng bom nổ rền làm cắt ngang câu chuyện của chúng tôi. Ba đứng dậy: - Lại thằng B.57. Thôi, đi, mấy anh! Ba dặn dò: - Từ quãng này đường trống, địch chú ý lắm. Các anh nhớ đi thưa hàng và nhanh theo em nghe! Mà các anh sửa lại đai dép, dây mang cho chắc đã! Tôi đứng chăm chú nhìn Ba xốc lại gùi. Chú bé thật hồn nhiên, song lại có những nét thật cứng cáp. Bắt gặp cái nhìn chăm chú của tôi, Ba bỗng đỏ ửng mặt lên, lúng túng. Em giật cái mũ lưỡi trai trên đầu xuống, bóp nhàu trong tay: - Em đội cái mũ ni lấc cấc lắm hả anh? Trước, em cũng có chiếc mũ Giải phóng xinh lắm, nhưng pháo lượm mất rồi! Mọi người đã rục rịch bước đi. Ba bỏ dở câu chuyện, vượt lên: - Đoạn này em phải đi trước. Nhớ cảnh giác bám đường nghe mấy anh! Đường vượt qua một dãy đồi bát úp rồi trườn xuống một cái nà lớn. ở đây, cỏ dại mọc um tùm, thỉnh thoảng có vài bụi lách, tuyệt không có một chòm cây lớn nào! Một dòng sông lớn cắt ngang nà, nước loá lên trong ánh nắng. Nắng vàng ong ong. Cỏ và bùn hấp hơi nóng, bốc lên mùi hăng hăng, tanh tanh. Bầu trời trong xanh, tít xa điểm mấy chấm đen của những chiếc máy bay trực thăng. Im lặng một cách kỳ lạ! Ba vẫn đi trước, ghìm chắc trong đôi tay nhỏ bé khẩu AK. Chúng tôi rảo bước theo em. Chợt Ba ngoái lại, vẫy tay rồi rúc vào một bụi cỏ. Chúng tôi nhanh nhẹn làm theo em, ngồi im thin thít. Có tiếng động cơ máy bay phành phạch, phành phạch. Ba chiếc HU1A bay ngang đầu chúng tôi rồi lướt về phía Tam Kỳ. Ba gọi chúng tôi, vụt ra khỏi bụi và lại rảo bước. Sắp tới con sông, Ba ra hiệu cho chúng tôi dừng lại. Em men theo các bụi cỏ, lom khom bước tới. Phía trước em là một bãi cát trắng. Bãi cát loá nắng, vắng lặng, chỉ có 12
  • 13. tầng không khí bị nung nóng khẽ xao động. Ba nghe ngóng, dò xét rồi vụt chạy ra, vẫy tay cho chúng tôi chạy theo. Cát xào xạo dưới chân. Rồi nước! Nước con sông đã ôm gọn đôi chân tôi. Mát rượi! Dòng sông vào mùa này trong suốt, hiền từ như một dải lụa. Ba đã lội qua bờ bên kia. Chúng tôi cũng lội ào qua, đạp nước tung toé. Lại đạp lên cát xào xạo, sỏi lổn nhổn mà chạy vào xóm trước mặt. Thoáng nhìn, giữa bãi cát, một vũng máu đen kịt. Chắc lại có người bị bọn Mỹ “lết” phục kích bắn chết. Thoáng nghĩ vậy mà vẫn lao nhanh về phía trước... Vào tới xóm, Ba để chúng tôi ngồi nghỉ ở một vườn cây và bảo: - Các anh nghỉ chút, em đi nắm tình hình rồi quay lại liền! Vừa bước được mấy bước, gặp một tốp người từ phía Bắc đi lại, Ba chợt reo lên: - A, anh Luyện! Mới kịp giáp mặt, Ba đã tíu tít: - Sao anh, tình hình đường ra sao? Luyện nắm tay Ba, ân cần: - Lũ Mỹ “lết” mới qua Dương Tranh, Bầu Tre, không đi đường ni được em ạ! Ba nhíu mày: - Vậy phải vòng qua Đèo Sỏi? Hình như mỗi con đường đều hằn rõ trong óc Ba nên em mới có thể nói một cách chắc chắn như vậy. Luyện gật đầu: - Chỉ có con đường nớ thôi. Em đi, chú ý pháo nghe! Bọn anh đi bám địch đây! Ba dẫn chúng tôi rẽ ngoặt về hướng Tây. Luyện đưa anh em du kích tiến về hướng Bắc. Bóng những người du kích vai vác AK, CKC khuất dần sau những hàng cây rậm rạp. Trời đổ ập bóng tối xuống, trùm kín chúng tôi. Con đường chỉ hiện lên mờ trắng trước mặt. Trước khi vượt qua một cánh đồng lớn, Ba đứng lại căn dặn: - Các anh chú ý nghe pháo. Có chuyện chi thì lăn xuống con mương cạn ngay bên phải đường. Cánh đồng ni bọn em gọi là cánh đồng toạ độ đó! Bóng Ba mất hút trong màn đêm. Chúng tôi cứ căng mắt theo con đường mờ trắng mà vọt theo. Có tiếng pháo đề pa ở phía Nam “ùng”. Tiếp đó là tiếng rít: “víu...!”. Sau đó là tiếng nổ “oàng” ở phía xa. Tiếng Ba vang lên: “Kệ nó! Thằng Trà Bồng đó! Nổ xa”. Tiếng “ùng!... viu... oàng” cứ nối tiếp, nối tiếp điểm nhịp bước chân của chúng tôi. Rồi đột nhiên im bặt. Chỉ còn tiếng những bước chân chạy thình thịch trên đất. Gió đột nhiên tràn về mát rượi. Vừa thoáng 13
  • 14. nhớ tới lời Ba: “Gió cá chuồn” thì tôi bỗng giật nảy người lên vì tiếng thét: “Nằm xuống!” Chỉ kịp lăn bừa xuống con mương khô, đã thấy trước mặt bung ra một quầng lửa chói loà rồi một tiếng nổ dữ dội. Những quầng lửa như vậy cứ liên tiếp bùng lên khắp cánh đồng như những đốm ma trơi khổng lồ, nổ chát chúa. Rồi lại im. Tiếng Ba vang lên: “Có ai hề chi không?” Chúng tôi ngồi dậy: “Không!”. Ba dằn giọng: - Thằng Gò Gai đó! Các anh chú ý, nghe tiếng xoẹt trên không là lăn xuống mương liền nghe. Thôi đi! Con đường, cánh đồng với những đốm ma trơi nổ choang choác đã ở sau lưng chúng tôi. Ba dẫn chúng tôi rẽ vào một xóm nhỏ. Xóm im lìm chìm trong màn đêm đen đặc. Dò dẫm từng bước một thì vào một căn nhà nhỏ. Căn nhà bỏ hoang, không phên vách, không mái. Duy chỉ có cái hầm là còn tốt. Ba dẫn chúng tôi xuống ngồi trong hầm. Em cười: - Mệt không các anh? Các anh hút thuốc đi, ngồi đây hút được đó! Trong khi người lục túi lấy thuốc, người sửa lại bao mang, thì Ba đã nhảy lên khỏi hầm, biến mất trong bóng đêm. Lát sau, Ba trở lại: - Uống hớp nước, các anh. Chắc khát hung rồi! Chúng tôi ồn lên vì sung sướng. Trải qua một ngày nắng gắt, một thôi chạy, ai nấy mệt nhoài, khát cháy họng. Những hớp nước Ba mang lại lúc này thật quý vô cùng. Những đốm lửa thỉnh thoảng lại loé lên từ đầu những điếu thuốc. Có ai đó quẹt thùng diêm làm bừng sáng lên một góc hầm, Ba ngồi ở góc đó, mắt sáng long lanh, vẻ sung sướng. Đột nhiên, có một tiếng kêu: “Chết cha tui rồi!”. Ba thảng thốt: - Chi đó anh? Một tiếng đàn ông ồm ồm đáp lại: - Trời ơi, cái xắc tài liệu của anh sút đai, rớt lúc nào rồi! - Cái xắc? Nó mới rơi? - Chắc vậy, trước khi vượt cánh đồng, anh còn nắn đai nó mà! Ba ngồi im lặng. Còn anh em khác thì cứ ồn lên trách móc anh cán bộ già đã đánh mất cái xắc: - Sao không cột đai cho chắc? Anh cán bộ rầu rĩ: - Cực quá, xắc đó đựng toàn tài liệu quan trọng! Làm sao bây giờ? Ba đứng vụt dậy: - Để em đi kiếm về! 14
  • 15. Có tiếng can ngăn: - Biết ở mô mà kiếm, em? - Pháo bắn dữ rứa! Nhưng Ba đã nhảy phốc lên mặt đất, mất hút trong màn đêm. Cả căn hầm rì rầm, xao động. Có ai đó thốt lên: - Thằng nhỏ dễ thương quá! Một giọng khác tiếp: - Thằng nhỏ mau lớn dữ! Mới cách đây chưa đầy năm, nó chút chun chứ mấy! Rồi vẫn giọng đó kể: - Hồi nớ bọn mình đi từ dưới lên, cũng qua vùng ranh này, nhưng đường còn tĩnh, không ác liệt như bữa ni mô. Các ông biết đó, cánh già bọn mình đi bết lắm, đã chậm lại nghỉ nhiều. Thấy giao liên là một chú bé mười hai, mười ba tuổi, bọn mình đòi nghỉ luôn. Cứ đi chừng hơn nửa tiếng lại: “Ba, uống nước cam đã em”, hoặc: “Chà, chỗ ni mát rứa, không nghỉ cũng uổng, Ba...”. Ba cứ lặng lẽ chiều theo bọn mình. Nhưng khi mặt trời gần đứng bóng, không nén được nữa, chú bé van vỉ: “Các chú đi mau lên, không quá giờ, trạm trên bỏ trực, con bị phê bình”. Rồi nó oà lên khóc. Một anh cười lớn: - Ô, thế thì chuyến đi của mình với Ba lại khác hoàn toàn. Bữa ấy không có Ba chắc mình chết mất. Chẳng là bữa ấy, Ba cũng dẫn mình qua bãi trống hồi trưa bọn mình vượt qua đấy. Chẳng may dép của mình tuột quai. Thằng “chuồn đen” ở đâu lại lùi lũi đến. Hoảng quá, mình chạy quýnh cẳng giữa bãi trống. Thằng “chuồn đen” nghiêng cánh, thế là pháo nã tới tấp, tung bụi mù mịt. Mình không biết chạy đường nào nữa. Chính lúc đó Ba lao ra hét lớn: “Nằm xuống!” rồi kéo mình nhào xuống một hố đạn gần đấy. Thằng “chuồn đen” quần lượn nhòm ngó, và mỗi lần nó nghiêng cánh là pháo lại dập tới. Ba ngước mắt nhìn trời, bảo mình: “Anh, chạy theo em nghe!”. Rồi Ba kéo tay mình, lao lên. Hễ thằng “chuồn đen” quay đi thì Ba kéo tay mình chạy. Lúc nào nó vòng lại thì Ba kéo mình nằm xoài xuống, giấu thân trong cỏ. Rồi cũng thoát. Hai anh em chạy vào trong xóm ngồi thở. Mình nhìn Ba bỗng giật mình. Trên đầu Ba một dòng máu đang chảy ri rỉ. Chiếc mũ tai bèo của em đâu mất... Một anh sốt ruột hỏi: - Sao? Ba bị thương à? - Bị thương, Ba bị thương... Nhưng em chỉ nhoẻn cười, đưa tay vuốt dòng máu: “Không hề chi anh, như con vắt cắn thôi”. Chúng mình lại đi. Lúc này, một 15
  • 16. chiếc “tàu rọ” cùng mấy chiếc HU1A nữa bay tới, quần sát sạt bãi nà. Thật hú hồn! Nếu cứ quýnh ở đó thì nó chộp cổ rồi!”. Điếu thuốc tắt từ lúc nào anh không hay. Anh móc thùng diêm quẹt quẹt... Bữa ấy, Ba cứ đầu trần vậy mà đi dưới nắng. Một anh trong đoàn có cái mũ lưỡi trai của lính nguỵ, không hiểu lượm được ở đâu, vẫn nhét trong túi ba lô, liền đưa cho Ba, nói mãi chú bé mới nhận. Nhưng vừa chụp nó lên, em lại giật xuống ngay: “Dị òm anh, cái mũ thằng nguỵ coi lấc xấc, thôi trớt”. Bọn mình phải xúm lại giải thích mãi, chú bé mới chịu... Lại một đợt pháo nữa dội tới. Chúng tôi nhổm lên nhìn lại phía cánh đồng. Trong bóng tối, những chớp sáng loé lên liên tục. Tiếng nổ chát chúa. Căn hầm rung lên. Trái tim tôi như có ai bóp thắt lại. Tôi lo cho Ba. Tôi bỗng thấy thương em vô hạn. ở em, sao cái ngây thơ, hồn nhiên lại kết hợp hài hòa với cái cứng rắn đến thế. Tôi bỗng nhớ đến những mầm non ở những cánh rừng bị chất độc hoá học. Những thử thách với chúng thật lớn. Song, chúng vẫn bật dậy mạnh mẽ và xanh tươi mơn mởn. Mỗi khi nhắc lại những ngày qua, Ba hay nói: “Hồi đó em còn bé”... Đúng là giờ đây em đã lớn, lớn vụt lên rồi.. Nhưng những gì ngây thơ của con trẻ, em vẫn còn nguyên. Những chớp lửa ma quái, những tiếng nổ độc địa cứ chụp lên con đường kia. Những con đường đã biết bao lần in dấu chân em... Ngoài đồng, tiếng pháo vẫn nổ. Còn trong hầm thì im lặng. Chỉ có những đốm lửa thuốc lá loé lên và di động. Anh cán bộ già lại thở dài. Tiếng muỗi vo ve, vo ve thật khó chịu. Đột nhiên pháo im bặt. Sự chờ đợi như bình khí khổng lồ bị nén lại. Rồi, pháo lại gầm lên. Lần này, tiếng pháo nặng lắm và dồn dập hơn. Người có kinh nghiệm nhận ra ngay đó là đợt pháo bầy mà bọn địch thỉnh thoảng vẫn dùng nhằm huỷ diệt mục tiêu. Tiếng nổ trầm đục là tiếng pháo biển, xuyên sâu xuống lòng đất mới phát nổ nhằm phá hầm hố. Còn tiếng nổ chát chúa là tiếng pháo chụp nổ ngay trên không, toá mảnh xuống giết những người ở trên mặt đất. Pháo từ biển, từ mấy trận địa tập trung dội vào cánh đồng này, mỗi lúc một dồn dập hơn. Ba, em đang ở đâu? May thay, Ba đã trở về. Em như một làn gió mát rượi của vùng biển quê em đột nhiên tràn tới. Em nói như reo lên: - Cái xắc đây anh! Anh cán bộ già nhào ra phía cửa hầm ôm lấy Ba. Nhưng Ba đã nói to: - Đi, mấy anh! Đi mau về còn nghỉ! * 16
  • 17. Buổi sáng ở đồng bằng thường đến sớm hơn ở miền núi. Mới khoảng bốn giờ, bầu trời đã chuyển sang mầu trắng đục. Chúng tôi dậy nấu cơm. Phải nấu cả cơm sáng, cơm trưa. ở những vùng gần địch, người ta quen làm như vậy. Ba ăn cơm xong từ lúc nào, đang ngồi băm vụn mấy củ sắn. Bên cạnh em là mấy cái lồng gà. Con gà mẹ xù lông, cục cục. Ba con gà đen thui kêu chíu chít, rúc mỏ qua những kẽ nan. Tôi hỏi: - Sao có ba con thôi em? Ba ngẩng lên: - Bữa địch càn, phải làm thịt con gà cồ. Sợ nó gáy, địch nghe thấy. Gà mái không có cồ, đẻ trứng ra không ấp được. Ba con gà ni, trứng gà rừng nở ra, mà em nói với anh đó. Ba nhoẻn miệng cười rồi chúm môi “huýt huýt”... Bầy gà con kêu chiêm chiếp... Ba nghiêng đầu, một tay mở cửa lồng, một tay vốc sắn đưa vào trong. Bầy gà tranh nhau mổ sắn trên tay Ba. Ăn cơm xong, chúng tôi xếp đồ đạc gọn ghẽ, ba lô sẵn sàng. Anh em trong trạm mang những đồ dùng lặt vặt trong nhà như con rựa, thùng nước... giấu vào những bờ bụi quanh trạm. Bầy gà được nhốt vào hai cái lồng lớn. Con heo độc nhất còn sót lại sau đợt càn vừa qua, cũng được cột chân lại, cho vào một cái rọ lớn. Đó là cách nghe ngóng xem địch có càn không. Nếu có thì có thể lánh kịp, không để cho địch phá. Mặt trời vừa dậy đã nhăn nhó phóng những tia nắng chói chang xuống. Bầu trời cao hẳn lên, vời vợi. Tiếng động cơ xe tăng rú phía xa. Nơi ấy là đồn địch. Vài chiếc tàu rọ quần lượn cao cao. Vài chiếc tàu vận tải bay qua bay lại nặng nề. Có những tiếng pháo điểm cầm chừng. Xa xa lại có tiếng súng máy nổ liên thanh. Và bầy bồ chao ngủ muộn giật mình choàng dậy, hỏi nhau rối rít, tranh cãi nhau loạn xạ. Như vậy là buổi sáng yên lành. Chừng chín, mười giờ có thể đi làm những việc cần thiết. Anh em trong trạm lục tục mang gùi, rựa, kéo nhau đi. Chỉ còn cô trạm trưởng ở nhà với khách. Chúng tôi lấy võng ra, cột nằm một chút. Căn nhà của trạm đơn sơ, giống như mọi căn nhà của đồng bào vùng ranh này. Nói nhà thì hơi quá, bởi vì nó không phên, vách, không bàn, ghế, giường. Chỉ có mấy hàng cột với hai mái tranh sơ sài. Tuy nhiên, căn hầm lại rất chắc chắn. Nó được đào rộng bằng cả nền nhà, trên lát một lớp cây lớn, lấp một lớp đất dầy. Căn hầm đủ chỗ cho chín mười người cột võng nằm được. Tôi nhìn khắp gian nhà, suy nghĩ mung lung... Cuộc sống của người giao liên vùng ranh này giản đơn vậy đó. Với căn nhà xuyềnh xoàng, với những đồ dùng gọn, anh chị em trụ bám ở một vùng 17
  • 18. ác liệt, thầm lặng đưa bộ đội, cán bộ qua lại. Họ nối liền căn cứ với đồng bằng. Con đường của ta thành mũi dao thọc vào tim kẻ thù. Hằng ngày, chịu biết bao gian khổ ác liệt, nhưng họ vẫn sống lạc quan, vui vẻ, yêu đời. Cô San, trạm trưởng, mang sổ ra hí hoáy ghi chép số khách. Xong, cô mở một quyền vở học sinh, lẩm nhẩm đọc: Em là mạch chứa dòng máu nóng Em nối liền căn cứ với tiền phương Con đường em cháy bỏng yêu thương... Đọc tới đó, San cười rúc rích và hỏi tôi: - Anh, có phải bài thơ ni nói về giao liên chúng em không? Tôi gật đầu: - ừ, bài thơ ca ngợi các đồng chí đấy! San lắc đầu quầy quậy: - Không, chúng em có gì đâu mà ca ngợi! Tôi cười: - Nói lạ chưa! Đó, như Ba chẳng hạn, thật là một cậu bé thông minh, dũng cảm! Nghe nói tới Ba, San kể: - Gia đình Ba tội lắm anh à! Cha hắn làm biển bị bo bo bắn chết cùng hơn chục bà con khác. Nhà chỉ còn hai má con hắn, lại bị bọn địch bắt vào khu đồn. Xếp chồng công văn lại, cô trạm trưởng hào hứng kể tiếp: - Rồi đồng bào cũng nổi dậy phá banh khu đồn. Bữa ấy có đội công tác về. Ba bám riết anh đội trưởng nằn nì xin đi. Bị từ chối, hắn khóc dẫy lên rồi kéo tay anh đội trưởng tới chỗ má hắn. Ba vừa nói, vừa nấc, tấm tức: “Má, má nói giùm con... Con đi trả thù cho cha...”. Anh đội trưởng không nỡ từ chối. Rứa là hắn theo về huyện. Các anh ở huyện lại chuyển cho trạm chúng em... Mải nói chuyện, xế chiều rồi mà chúng tôi không hay. Anh em trong trạm đã trở về, mang theo mấy gùi bắp. Những trái bắp nếp bao còn xanh, phốp pháp. Lại nhen lửa nấu ăn. Trạm bắc một nồi lớn, nấu đầy bắp trái. Cô trạm trưởng tươi cười: - Hôm nay liên hoan nghe mấy anh! Thế là cả trạm nhộn nhạo cả lên: - Hoan hô trạm! - Trạm sang dữ hè! - Mà sao lại ăn bắp non, uổng chết! 18
  • 19. - Không, trạm em không lãng phí mô! Những đám bắp trước thu hết rồi, trái nào trái nấy khô cứng, hạt rắn đanh. Đám bắp ni bọn em trỉa muộn, nắng quá, héo cả cây, cả trái, để cũng uổng. Chúng tôi, cả khách và giao liên, quây quần bên rổ bắp bốc hơi nghi ngút. Những trái bắp nếp ngắn ngày trông mỡ màng, ăn dẻo như xôi và ngọt lừ. Ba gặm hết một trái, quẳng cùi vào cái sọt, vui vẻ: - Các anh xem, trạm em nghèo rứa đó, ăn sắn, ăn bắp thôi! Một anh đế vào: - Khoai bắp, tình quê rất thiệt thà. Nghèo mà được như ri là quý rồi. Tất cả cười vang. Sau nhịp cười sôi nổi đó, San đứng dậy dặn dò: - Các anh ăn xong thu dọn đồ đạc cho gọn nghe! Dây mang cột cho chặt. Đai dép rút sít vô cho dễ chạy. Ba và anh Phước, trạm trưởng trạm hai mươi sáu, sẽ dẫn các anh đi. Chúng tôi vượt mấy cánh đồng trống, vượt một con sông thì trời đã nhá nhem tối. Lại vượt qua một bãi tranh lớn. Bãi tranh này bị bọn địch rải xăng đốt trụi, rộng thênh thang như một sân bay. Ba đi đầu. Phước đi cuối hàng. Khi qua khỏi bãi tranh, bước lên một đồi sim thì Phước vượt lên, khẽ gọi: - Ba, dừng lại đã! Chúng tôi cũng dừng lại, đặt ba lô xuống nghỉ. Ba và Phước ngồi chồm hổm bên một bụi sim. Tôi nghe hai người rầm rì: - Em ở chờ đoàn khách, anh bám đường nghe! - Không, em bám đường, anh ở chờ! - Không được, anh quen đoạn đường này hung rồi! - Không, anh đi họp về, anh cũng là khách thôi. Em là giao liên, em phải bám đường! - Thằng nhỏ này ngang dữ. Đoạn đường này thuộc về trạm anh. Anh là trạm trưởng, mi phải nghe lời! Hai anh em vẫn tiếp tục tranh cãi, mỗi lúc một gay gắt hơn. Tôi ngồi nghe, lòng đầy xúc động. Ai đã từng đi qua vùng ranh những ngày ác liệt mới thấy hết ý nghĩa cao quý của sự tranh giành đó. Phía trước kia là con đường xe chạy. Bọn địch thường ra phục kích. Cái chết rình mò trong từng bụi sim, trên từng bước đường. Cuộc tranh cãi chấm dứt. Có lẽ là Ba thua. Phước đã ôm súng lẹ bước ra phía lộ. Ba hậm hực quay lại chỗ chúng tôi: 19
  • 20. - Anh Phước giành đi trước rồi! Các anh ngồi chờ một chút! Nếu nghe anh Phước ra hiệu thì khẩn trương theo em. Còn nếu nghe tiếng súng thì các anh chạy quay lại nhà ông Phấn. ... Bầu trời đen xẫm. Tĩnh mịch. Không một tiếng máy bay. Không một tiếng pháo. Ba ngồi nhấp nhổm không yên. Bỗng một tiếng súng vang lên. Ba bật dậy, lao vút đi. Tiếng súng AR15 nổ loạn xạ như mè rang. Tiếng AK đáp lại, nhịp ba viên một, chắc chắn. Rồi một tiếng lựu đạn M.26 nổ “ầm”. Và im lặng... Chúng tôi ngồi trong nhà ông Phấn, bồn chồn ngóng đợi. Ba đã về kia, tay xách một khẩu AK. Chiếc mũ của em đã văng đâu mất. Mái tóc tơ đẫm mồ hôi, dính bết trước trán. Trong ánh đèn dầu, gương mặt em trông vàng võ lạ. Chúng tôi hỏi dồn dập: - Phước đâu? - Phước về chưa? Ba chỉ ra sân, giọng lạc hẳn đi: - Anh Phước ngoài đó...! Chúng tôi xách đèn, đổ xô ra. Ánh đèn dầu toả ra sân cỏ một vùng sáng vàng yếu ớt. Hai anh du kích đứng ở đó từ lúc nào, lặng im. Còn Phước thì nằm trên nệm cỏ. Tôi cúi xuống nhìn Phước, xót xa. Phước nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng, cánh tay phải bị gẫy nát, cánh tay trái nắm chặt, hơi giơ lên trong tư thế cầm súng bắn. Máu thấm ra ướt cả tấm dù bọc thi thể anh. Chúng tôi đều im lặng. Mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Tôi thấy hình ảnh Phước cứ hiện rõ trước mặt, vui tươi, cởi mở. Phước trạc ngoài hai mươi, cao gầy, có nụ cười rất đôn hậu, khiến người ta vừa nhìn thấy là mến, tin ngay... Hai anh du kích dậm chân, thỉnh thoảng lại chép miệng. Tiếng một anh trầm trầm chìm trong màn đêm: “Lũ chúng mình chậm quá! Nếu đi sớm một chút, đặt kịp mìn ở đoạn trên thì chúng “xoang” rồi, mà anh Phước khỏi hy sinh”. Anh kia ngậm ngùi: “Chúng mình có lỗi, đi phục kích lại bị trễ hơn chúng”. Ba từ trong nhà bước ra, giọng thảng thốt: - Anh Phước, anh Phước ơi! Các anh du kích lại bên Ba, dỗ dành: Thôi đừng khóc nữa em! Nhớ trả thù cho anh Phước! Em đi làm nhiệm vụ đi! Dẫn khách đi vào lúc này là tốt hơn cả. Hình như nghe nói đến nhiệm vụ, Ba tỉnh táo lại. Em lặng lẽ đứng dậy, xách cái bao bột mì loang lổ máu của Phước, mở ra lấy cái võng, tấm đi mưa, đưa cho anh du kích, giọng bùi ngùi: 20
  • 21. - Các anh đưa anh Phước đi dùm em!... Em chỉ cái bao: - Trong nớ còn một ít hom sắn, anh Phước xin ở trạm em, trù xuống đó trồng. Các anh lấy trồng quanh nơi anh Phước nằm. Anh Phước siêng lắm, cứ rảnh việc là lại cầm cuốc tăng gia. Quay sang chúng tôi, Ba giục: - Các anh, lên đường nghe! Giọng em rắn đanh lại. Trong đôi con ngươi còn lóng lánh nước mắt của em, ánh đèn dầu sáng lung linh như hai ngọn lửa. Không hiểu sao, tôi bỗng nghĩ rằng, từ đôi mắt ấy sẽ phát ra những tia sáng diệu kỳ, soi tỏ màn đêm, rạch ròi từng bờ cây, bụi cỏ, rõ lối cho chúng tôi đi... (Kỷ niệm chuyến công tác vùng ranh Quảng Nam - 1970) 21
  • 22. Âm bản Bình bỏ vợ Không ai ngờ vợ chồng Bình bỏ nhau. Họ đã có với nhau 3 mặt con: hai gái, một trai. Hạnh, vợ Bình, làm kế toán ở công ty IMEX. Bình làm thợ ảnh. Gia cảnh không sung túc gì, nhưng cũng chẳng đến nỗi túng bấn. Cuộc sống gia đình thấy có vẻ êm ấm. Khi họ tuyên bố sẽ bỏ nhau, mẹ Bình khóc hết nước mắt. Cả bà cụ và anh em họ hàng đều đổ xô vào trách móc Bình. Biết ngay mà, cái nghề ảnh là lắm chuyện lắm. Chụp ảnh cho hết cô này đến em khác, tha hồ gần gũi, tán tỉnh. Lại những đám cưới ở quê nữa, đi hai ba ngày, ăn đâu ngủ đâu, chung đụng với những người đàn bà nào, ai mà biết được. Nhất định phải có chuyện lòng thòng gì đây, nên Bình mới bỏ vợ. Lúc Bình đem giấy ly hôn cùng 2 đứa con gái về nhà mẹ đẻ, bà cụ ngã ngất. Khi hồi tỉnh, bà nguyền rủa Bình là người phụ bạc, làm bà mất một dâu thảo. Nhưng chuyện đã rồi. Bình gom tiền mua một căn nhà lá lụp xụp ở chân đê Đại Cồ Việt và vẫn làm nghề ảnh. Bình vào tù Trong nhà, chỉ mỗi mình Bình là liên tục gây ra những chuyện lộn xộn. Công an đến đọc lệnh bắt Bình vì tội “Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa”. Bình im lặng đưa hai tay vào còng số 8, lẫm lũi đi theo hai anh công an. Đi một đoạn, Bình mới như sực tỉnh, quay lại dặn cô con gái lớn: “Thuý, bà đang ốm nặng. Thôi, nước cùng này thì con và em đưa nhau về ở tạm với mẹ vậy!”. Những lời trách móc lại đổ dồn vào Bình, dù rằng Bình không còn được tự do ở nhà mà nghe. Cái người tự phá nát gia đình mình, rồi cuộc sống sẽ chẳng ra gì. Cho nên, vào tù là phải. Với vợ là người đầu gối tay ấp còn bội bạc, huống chi đối với người dưng nước lã. Chắc định lừa quỹ tín dụng để cuốn gói vào Nam, chứ buôn bán gì. Cái ngữ ấy làm sao mà biết buôn. Chắc là có cô bồ nào, định rủ nhau chuồn vào Nam làm ăn mới tính hốt một vố đây. Nhưng lưới trời khôn thoát, mình làm mình chịu kêu mà ai thương. Suốt mười tháng ở tù, Bình không được ai trong gia đình đến thăm. Mẹ đã chết ngay sau khi Bình bị bắt giam. Hai con còn quá nhỏ. Anh em thì không 22
  • 23. thích liên luỵ với kẻ lừa đảo. Tù đã khổ. Tù trong nỗi cô đơn càng khổ hơn. Khổ quá bật thành thơ. Bình ghi chép thành một tập thơ mỏng nhan đề “Tâm sự người tù cô đơn “. Nhưng đến khi sắp ra tù, Bình bị mất tập thơ ấy, nên đến bây giờ vẫn chưa ai biết nội dung “Tâm sự người tù cô đơn” ra sao. Ra tù, Bình không làm nghề ảnh được nữa. Bây giờ người ta chuyên chụp ảnh mầu, dùng MINILAB, ai còn chơi ảnh đen trắng. Muốn chụp ảnh mầu, phải có vốn lớn. Bình lấy đâu ra tiền mua sắm phương tiện. Anh em trong nhà chẳng ai chịu cho Bình - kẻ lừa đảo - vay tiền. Chú em ruột Bình, một người khá giả, có cái xe quay nước mía bỏ không, nhưng Bình van vỉ đến bã bọt mép cũng không mượn được. Bình đành đi xúc cát thuê ở bến Chương Dương, cật lực mỗi ngày được 7 nghìn đồng. Nhưng không cạnh tranh nổi với nhóm dân Thanh Hoá, vì họ bán sức lao động quá rẻ. Sau đó, có một người quen bán bộ đồ nghề cắt tóc giá 100 nghìn đồng. Bình vay tiền chú Độ để mua, nhưng chú không cho vay - chú ấy bảo không tiếc gì, nhưng phải nghiêm khắc cho ông anh ruột rút được kinh nghiệm mà sống cho nghiêm chỉnh. Cũng may mà một số bạn bè đã góp tiền giúp Bình mua. Rồi Bình ra phố Nguyễn Huệ cắt tóc. Nhưng, kiếm sống không đơn giản chút nào. “ Đất có thổ công, sông có hà bá “, cả dãy phố ấy đã được phân chia đâu vào đấy; mua một chỗ trong dãy hàng cắt tóc, muốn “hợp pháp hoá “ cũng phải tiền triệu, lấy đâu ra. Bình rủ mấy bạn mở hàng ở góc tường đối diện, kiếm khách vãng lai. Thế là Bình trở thành kẻ tranh khách, thành cái gai trước mắt “hội cắt tóc“ Nguyễn Huệ. Họ không ra mặt đuổi Bình, mà lại thông qua các biện pháp ngầm nào đó. Cho nên, Bình bị hạch sách khá nhiều. Nay bị gọi lên phường phạt vì hành nghề không có giấy phép. Mai bị công an phạt vì lấn chiếm lòng đường. Uất ức đã chất đầy lòng Bình. Hôm ấy, Bình đến ngồi vào ghế cắt tóc của Điều - một đàn anh trong nhóm thợ cắt tóc Nguyễn Huệ - bảo cắt tóc cho mình. Suốt thời gian Điều cắt tóc, Bình chỉ lỳ lỳ cái mặt, không nói gì. Đến khi Điều cầm con dao cạo mặt lên, Bình mới cười khẩy và hỏi: “Mày có dám cắt cổ tao không?”. Điều tái mặt: “Sao bác đùa vậy, ai lại thế!”. Bình quắc mắt quát: - Ai đùa với mày. Nhưng tao biết là mày không dám cắt cổ tao đâu. Nếu có gan, mày đã không phải đi mách lẻo như tao biết. Còn tao, chẳng có cái gì làm tao sợ cả, cho nên tao mới ngồi đây cho mày cầm dao cạo mặt như thế này! Quát vậy, nhưng Bình vẫn ngồi nguyên trên ghế và ra hiệu cho Điều cạo mặt. Xong, Bình đứng dậy, cười gằn: “Mày hèn lắm. Toàn làm các chuyện sau 23
  • 24. lưng. Có giỏi thì dằn mặt ra mà đối chọi với nhau, chứ mách lẻo là hèn lắm. Tao cảnh cáo mày đấy!”. Chưa kịp nói câu nào, Điều đã lĩnh trọn một cú đạp khủng khiếp vào bụng, lăn đùng ra. Chẳng ai can thiệp. Vì chẳng ai muốn dây vào thằng tù về. Ngay lúc đấy, Bình thu dọn đồ nghề, buông một câu: “Ở đây bẩn thỉu lắm, không thể chịu được, anh em ta kiếm chỗ nào sạch sẽ mà làm ăn.” Thế là Bình cùng nhóm thợ bạn xách đồ nghề, dắt díu nhau ngược về phía Bờ Hồ. Thư tuyệt mệnh của con gái Bình Bố Bình của con! Bố Bình thân yêu! Con muốn gọi mãi tên bố. Nhưng không thể được nữa. Khi bố đọc thư này, con đã đi xa, đi mãi. Xin bố tha thứ cho con. Con biết bố yêu con lắm, bố đã làm mọi việc vì con. Nhưng con không thể nào sống được nữa bố ạ! Bố con mình toàn gặp tai ương; bây giờ con lại tàn tật, trở thành gánh nặng quá sức đối với bố. Vậy thì bố hãy vui lòng cho con ra đi để con được thanh thản. Con chỉ dặn riêng bố điều này và bố nhất định phải thực hiện: không được cho mẹ con có mặt trong đám tang của con. Con nhớ lắm lúc con còn bé, con bị đau khớp. Bố bảo do nhà ẩm thấp quá nên con mang bệnh. Những hôm trời nồm, nhà ướt sũng, các thứ mốc meo cả. Lại tối om om nữa. Nhiều đêm, khớp sưng lên, con đau quá. Con vừa khóc vừa ôm lấy mẹ cho đỡ đau thì mẹ đẩy con ra và gắt: “Để yên cho tao ngủ! “. Con phải bò xuống giường, lết xuống cái gầm cầu thang mà bố chữa thành buồng tối làm ảnh để cầu cứu bố. Có bao giờ bố ngủ trước nửa đêm đâu? Ngay hồi đó, con cũng biết rằng bố thức là để làm ảnh kiếm tiền nuôi chúng con. Trong ánh đèn đỏ mờ mờ, bố mỉm cười và ôm con vào lòng. Bó bóp chân cho con. Nhưng chỉ một lúc thôi, vì bố phải làm ảnh tiếp. Từng ấy cũng đủ cho con bớt đau đớn. Bố ôm con vào lòng và lại làm việc tiếp. Dưới bàn phóng của bố, hiện lên những hình người làm con sợ lắm: mắt trắng, tóc trắng, miệng cũng trắng, mà mặt lại đen xì xì. Bó bảo đó là những âm bản. Âm bản bao giờ cũng trái với dương bản, tức là với ảnh. Sợ, nhưng con rất thích xem bố làm, vì con quên được cơn đau, lại được thấy sự biến hoá lạ kỳ của tấm giấy ảnh trong khay thuốc. Hồi đó bố chuyên chụp ảnh chân dung. Bố bảo ghi lại được những chân dung đẹp cho con người là một nghệ thuật chân chính. Cũng vì thế mà bố khó tính với ảnh của mình lắm. Có những tấm ảnh con thấy cũng đẹp thì bố lại xé bỏ - bố bảo ảnh 24
  • 25. hiện chậm quá, bị xám, hoặc ảnh quá sáng phải tráng giật, xấu cả mặt người ta, bố không chấp nhận được. Bố bảo, một thợ ảnh giỏi có thể biến một âm bản xấu thành một tấm ảnh đẹp, có điều là phải biết yêu cái đẹp và chịu khó làm việc theo lương tâm, chứ không làm bừa cho nhanh mà kiếm tiền. Ngược lại, một người thợ tồi có thể biến một âm bản đẹp thành một dương bản xấu xí. Có lần, bố che chắn, phóng ra một tấm ảnh chân dung một thiếu nữ, mà nổi bật là đôi mắt to, đen, có cái nhìn đằm thắm. Bố so sánh tấm ảnh ấy với tấm ảnh bố làm theo đúng âm bản và giải thích: mỗi gương mặt đều có những nét đẹp nổi bật và nét xấu đặc trưng, phải biết tôn cái đẹp lên, làm mờ cái xấu đi, chẳng hạn cô gái này bố đã làm nổi đôi mắt đẹp và cúp bớt một góc trán dô, nên trông mới dễ chịu thế này. Dù sao, âm bản là gốc, muốn đẹp thật sự phải tạo được cái đẹp ngay từ âm bản. Niềm say mê của bố như liều thuốc mạnh giúp con vượt qua những đêm bệnh tật và nuôi một ước vọng là trở thành một phóng viên ảnh. Nhưng, một sự thật làm con đổ vỡ hết thảy. Bố có biết tại sao con bị xe lửa đâm không? Chính vì cái sự thật phũ phàng ấy. Cái sự thật đã ám ảnh con suốt những năm thơ ấu mà con không lý giải được đó là cái gì. Nhưng nó khủng khiếp lắm. Nó không buông tha con. Trời ơi, con viết sao đây để bố hiểu rõ ngọn ngành nhỉ. Con nói lung tung quá. Nhưng thôi, đây là lần cuối cùng con nói với bố trong tâm trạng rối bời, thì bố hãy chịu khó đọc nhé. Liều thuốc chuột đã ở sẵn trên bàn, bên ca nước lớn (cái ca Mỹ mà bố dùng trong những năm đi bộ đội ở chiến trường B, bố vẫn giữ làm kỷ niệm). Chỉ chút nữa thôi, tất cả sẽ hoà vào cơ thể con, cho con được về cõi yên hàn, khỏi buồn, khỏi sợ, nhưng lại không có bố. Trời ơi, sao trời không có mắt? Bây giờ con nói tiếp: không phải xe lửa đâm vào con, mà chính con lao vào đường tàu. Không hiểu tại sao con không bị nghiền nát dưới bánh xe sắt, mà chỉ bị văng ra, gãy một chân. Nằm trong bệnh viện, lúc tỉnh lại. con nghe mọi người nói là con may mắn thoát chết; họ có ngờ đâu chính đó là nỗi bất hạnh của con. Con lại làm khổ bố. Con thấy rõ bố gầy võ đi. Nào tiền thuốc. Nào tiền bồi dưỡng cho bác sĩ. Nào tiền chăm lo sức khoẻ cho con. Cái nghề cắt tóc ở vỉa hè nào có kiếm được bao nhiêu. Con phải cố hết sức cho mau khoẻ. Rồi con ra viện, với cái chân tập tễnh, còn nguyên bộ đinh đóng nơi xương đùi. Chân phải của con ngắn mất 2 phân so với chân trái. Rồi sẽ phải mổ lấy đinh ra. Nhưng tiền ở đâu cho đủ chi phí vụ mổ này? Bố lầm lũi làm việc, luôn an ủi con, nhưng con biết bố lo lắm. Thôi, con phải ra đi cho bố bớt gánh nặng! Con nhớ bố quá. Con lục tìm mà không thấy tấm ảnh nào của bố cả. Bố làm cho người ta những chân dung tuyệt đẹp, còn mình thì không một tấm nào! 25
  • 26. Trong những người mà bố nắn nót tạo nên những ảnh đẹp tuyệt ấy, có những người không xứng đáng với tấm lòng của bố chút nào. Người đó là mẹ đấy bố ạ. À, con nói thêm để bố biết là trong khi con nằm bệnh viện chữa chân, mẹ con có đến thăm con một lần. Mẹ bảo bố nhắn mẹ đến với con. Bố, nhắn làm gì? Mẹ cho con một cân cam và chục ngàn đồng, nhưng con không nhận. Con bảo mẹ về ngay đi, đừng làm cho con lên cơn sốc. Con làm sao quên được khi bố vào tù, dặn chị em con về ở tạm với mẹ, nhưng mẹ có nhận đâu! Con phải gửi em cho chú Độ, còn con thì lên tận Na Rì bán thuốc lá kiếm sống. Cho nên, dứt khoát mẹ không được có mặt trong đám tang của con, bố nhé! Thật uổng công bố đã tạo cho mẹ những bức chân dung còn đẹp hơn mẹ ở ngoài đời. Và một người đàn ông nữa bố ạ. Lẽ ra bố đừng bao giờ chụp ảnh cho lão ta mới phải. Đó là lão Giám đốc Công ty mà mẹ làm kế toán. Chả hiểu hồi ấy làm thế nào mà bố tạo được cho lão ta bức chân dung oai thế, khác hẳn cái lão béo phệ, bụng to, mắt bé, mặt phì nộn ngoài đời. Có lẽ, trong cái nhìn bao dung của bố, chân dung cuộc đời của hai con người đó đẹp lắm, nên bố cố tạo cho họ những bức ảnh tương xứng. Dường như những âm bản cuộc đời, đối với bố hoàn toàn là điều bí ẩn. Cái dương bản tốt đẹp mà mọi người phơi ra đó, trước mắt bố, chắc gì đã là hình ảnh thực mà chỉ là cái đẹp giả tạo do xảo thuật làm nên từ những âm bản xấu xí. Bố có nhớ lần con đi chơi với Hùng về, con nằm dúi vào một góc và lặng lẽ khóc, bố hỏi con không nói? Con rất cảm ơn bố đã không gặng hỏi gì con, không nghi ngờ gì Hùng trong buổi đi chơi tối hôm đó. Nhưng hôm nay, con xin giải thích cho bố rõ. Con chưa hề biết yêu đương là gì bố ạ. Bao nhiêu tình cảm, con chỉ dồn vào cho bố. Hùng, con rất quý, nhưng chỉ với đơn thuần tình bạn, mặc dù Hùng sống ngay thẳng và tốt bụng. Vậy mà tối hôm đó, Hùng đã ngỏ lời yêu con! Bố ơi, cái tình cảm mạnh mẽ ấy của Hùng đã đốt cháy bùng ngọn lửa quá khứ trong người con lên, và con thấy thấm thía vô cùng nỗi cay đắng của cuộc đời này mà bố phải chịu. Chính lúc Hùng khơi dậy tình cảm nam - nữ trong người con, thì con hiểu hết ý nghĩa của sự việc mà con chứng kiến từ lúc bé tý. Hồi ấy bố đi chụp ảnh cho một đám cưới tận nơi nào đó, mất ba ngày. Chính cái lão giám đốc béo ị ấy đến nhà ta. Lão ấy ôm mẹ, hôn mẹ và bảo rằng yêu mẹ! Cả đêm lão ta nằm với mẹ. Con không hiểu rõ tính chất của những việc làm ấy, vì lúc ấy con còn quá nhỏ, nhưng từ đó con bị một thứ gì đó ám ảnh khiến con ghê sợ mẹ. Còn bố, bố vẫn cứ cặm cụi với những tấm ảnh. Cũng từ đó, con biết rằng con chỉ có mỗi mình bố mà thôi. Thì ra mẹ đã phản bội bố từ những ngày gia đình còn rất êm ấm. Và em Vinh không phải là 26
  • 27. con bố, tuy nó chính là em con! Để rồi sau này bố mẹ phải ly hôn, cũng chính vì chuyện đó. Thế thì tình yêu là cái gì hả bố? Con không dám tiếp nhận tình yêu của Hùng. Con chỉ thấy đau đớn ê chề. Con bỏ mặc Hùng, chạy về nhà. Tại sao bố lại cắn răng chịu đựng khi mọi người chê bai bố là phụ bạc vợ trong cuộc ly hôn âm thầm hồi đó? Cay đắng và thất vọng quá, con tìm đến cái chết... Bố thân yêu của con! Cho đến bây giờ, con cảm thấy mình đã thạo nghề ảnh rồi. Con đã biết nhìn âm bản để thấy được chân dung con người. Mà chân dung của bố, đối với con, là đẹp hơn cả. Nhưng tại sao bố cứ không chịu làm chân dung cho mình? Tấm ảnh cuộc đời của bố, mặc dù có một âm bản đẹp, lại trở nên xấu xa, bị người ta khinh bỉ. Thì bố ơi, ai là người thợ ảnh tồi đã làm hỏng cả tấm ảnh của bố? Bố phải giành lấy cái quyền sửa chân dung cho mình. Thôi, bố ơi, con uống thuốc đây. Vĩnh biệt bố! Tâm sự của Bình với con gái Con mong người đời nhận ra chân dung thật của bố, điều ấy thật hạnh phúc cho bố! Chính con đã nhìn được như vậy, con chính là người đời mà bố cần. Tại sao con nỡ bỏ bố mà đi? Bố không quen nói nhiều mà chỉ quen làm. Thanh minh thì bố cũng không muốn. Mặc, cứ để người đời hiểu mình thế nào cũng được. Miễn là mình sống đúng với lương tâm. Nhưng với con thì bố phải giải thích đôi điều. Quả thật, bố thất bại quá nhiều trong cuộc đời. Nhưng, con có biết không, cũng có lúc chính bố tự nhận thất bại về mình chứ không nỡ đổ sang người khác. Thất bại lớn nhất là bố phải vào tù. Cũng vì ham buôn bán để nhanh giàu mà nên nỗi ấy. Sau khi mẹ con bỏ bố, bố muốn bứt khỏi cảnh nghèo của gia đình. Bố đã bán hết đồ nghề ảnh chỉ được 8 trăm ngàn và vay quỹ tín dụng Ngọc Hồi 4 triệu đồng để làm vốn đi buôn. Chuyến đầu, bố vào tận nông trường Sông Hiếu Nghệ An buôn cam ra. Chẳng may gặp mưa, xe lại không có mui, về đến nơi thì cam bị thối quá nhiều. Bán không ai mua. Chở lên gần cầu Chương Dương mới có một bà cụ tốt bụng nhận bán giúp. Trời vẫn mưa, cam cứ tiếp tục thối. Bà cụ bán đổ bán tháo, thu lại chưa được 100 ngàn, lại phải thuê xe công nông chở cam thối ra đổ ở bờ sông Hồng. Bố không nỡ lấy 300 ngàn như bà cụ hứa. Thế là lỗ mất hơn một triệu đồng. Bố lại đi buôn lạc từ Vinh ra Quảng Ninh, bán cho bên Trung Quốc. Vài chuyến đầu có lãi, bố tính làm ăn lớn. Vay 27
  • 28. tiếp quỹ tín dụng một triệu nữa. Đánh hẳn ô tô tải lạc lên biên giới. Nhưng bố quá tin người nên trắng tay. Bởi vì lạc họ đóng cho bố chỉ có lớp trên là loại một, còn lại toàn loại kém phẩm chất. Bán đổ bán thảo cũng không xong. Thế là cụt vốn. Xưa nay, bố có đi buôn bao giờ đâu, vì lớn lên đi thanh niên xung phong, chuyển vào nhà máy giấy, rồi đi bộ đội, giải ngũ làm nghề ảnh. Khi kịp hiểu ra rằng buôn cũng là một nghề, phải học, phải thạo mới làm được thì đã muộn. Đúng dịp ấy thì quỹ tín dụng vỡ. Số tiền vay làm vốn là chung với 2 bác nữa, nhưng chỉ đứng tên bố. Không trả được nợ, thế là vào tù! Thôi thì một mình chịu tội còn hơn làm hai bác phải cùng khổ với mình. Bây giờ, bố ngồi ở đường Lý Thường Kiệt, cũng tạm ổn. Bố thuê thêm chiếc xe quay nước mía, định bán những lúc không có khách cắt tóc, rồi khi con khoẻ, con cùng lên bán với bố. Nhưng mới được 2 ngày, đã bị thu hết đồ nghề lên đồn, vì vi phạm trật tự lòng đường. Hôm ấy, còn nguyên 3 bó mía, bố vội mượn xe đạp đi báo với người bán mía, và bác ấy đã thuê xích lô chở hết mía về, không tính bố một xu chi phí. Khó thế đấy, con ạ. Con cứ hỏi tại sao bố không tự làm một bức chân dung thực của cuộc đời mình? Thực ra, mỗi người đều có sẵn một âm bản của cuộc đời, nhưng không phải chỉ làm một lần là thành được ngay tấm ảnh toàn bộ cuộc đời. Cứ phải làm dần, làm dần theo năm tháng, đường nét, hình khối này chồng lên, hoà vào đường nét, hình khối kia và phải đến khi nhắm mắt xuôi tay, bức chân dung cuộc đời mới hoàn thành. Trong quá trình ấy, có lần tự mình làm hỏng, có lần bị người khác phá hỏng, thì cứ đành để dấu vết lại, chứ không thể vứt đi làm tấm ảnh khác được. Nhưng, điều quan trọng, là phải giữ được những nét cơ bản của chân dung cuộc đời mình. Đối với bố, dù có thế nào, thì chân dung cuộc đời bố vẫn là LƯƠNG THIệN. Chốc nữa, bố sẽ lên đồn chuộc chiếc xe quay mía về, tìm chỗ thích hợp để tiếp tục vừa cắt tóc, vừa bán nước mía. Cô Dung hàng nước chè chén, bác Tùng chữa xe đạp cho bố vay tiền chuộc đấy. Bố chưa bao giờ ngừng lao động. Dù có mắc sai lầm, thì bố cũng chỉ sai lầm trong lao động, cho nên, con cứ tin rằng bức chân dung cuộc đời bố không ai bôi bẩn được, nó mãi mãi là LƯƠNG THIệN. Và bố cũng còn có rất nhiều bạn bè tốt. Ngay con cũng có những người bạn chí cốt mà con cần nhớ họ suốt đời. Đó là những bạn học cũ đã cho con tới 4 lít máu lúc con bị tai nạn xe lửa. Ước muốn của bố bao giờ cũng hướng tới việc thiện. Có người hỏi bố nếu bây giờ bố có tiền, bố sẽ làm gì, bố trả lời rằng, việc đầu tiên là chữa chân cho con, tiếp đến là 28
  • 29. mua một túp lều cho 3 bố con ở, rồi mua một bộ máy ảnh, tiếp tục với cái nghề mà bố yêu thích. Nhưng, nhận chân được cuộc đời khó quá con nhỉ. Chính gói thuốc chuột mà con mua được ở trạm vệ sinh dịch tễ, con đinh ninh là liều thuốc cực mạnh, thực ra là thuốc rởm (người ta trộn với rất nhiều tạp chất để ăn bớt tiền của nhà nước mà). Thế là lần đầu tiên trong đời, chính cái giả dối đã cứu bố con mình. Con chỉ bị đau bụng, nôn thốc nôn tháo, và bây giờ đang nằm thiêm thiếp dưới ánh mắt bố đây! Cảm ơn cuộc đời vẫn để cho con còn hồn nhiên đúng là một đứa trẻ, chưa đủ lọc lõi nhìn qua âm bản mà thấy hết được chân dung thật của người đời. Nếu con đủ lọc lõi nhận ra của thực của rởm, chắc gì hai bố con còn được ở bên nhau như lúc này. Dù ngày qua biết mấy ê chề, cay đắng, dù ngày mai còn đầy gian truân, bố vẫn giữ được niềm tin. Con hãy tin bố và cùng bố vững bước đi lên. Hà Nội, tháng 9 năm 1993 29
  • 30. CÕI MƠ Hoà tới chiến trường vào cuối mùa khô năm 1968. Đã bắt đầu có những cơn mưa rào xối xả, nhưng không kéo dài. Khi Hoà cùng năm anh em khác vượt khỏi cánh rừng loòng boong, xuống hết một con dốc ngắn thì thấy một con sông trong xanh, lấp loáng dưới ánh nắng xế gay gắt. Mọi người đều ồ lên sung sướng. Sau những ngày đi xuyên những cánh rừng bịt bùng, mắt bị bưng bít bởi màu xanh bạt ngàn của lá, của cây, nay đứng trước con sông rộng với bờ cát trắng lấp lánh và bầu trời trong xanh vời vợi, ai cũng thấy tâm hồn như được chắp cánh bay lên. Chỉ riêng Hoà vẫn lầm lì, cắm cúi bước. Mãi đến khi đôi chân anh chạm phải dòng nước mát lạnh, anh mới bừng tỉnh. Vết thương ở mu bàn chân nhói buốt. Cách đây hơn một tuần, khi luồn vào rừng kiếm nấm, anh chẳng may đá phải mũi chông ba lá của đồng bào Kadong. Thật tệ hại, chưa đến chiến trường, chưa tham gia chiến đấu mà đã bị thương! Nhưng điều làm Hoà day dứt hơn là anh không được điều về đơn vị chiến đấu. Trạm đón tiếp Quân khu phát hiện anh là sinh viên trường Đại học Giao thông nên điều anh sang Trung đoàn 230 thuộc Cục Hậu cần, chuyên trách công tác giao thông... - Chào hết mấy anh nghen! Hoà giật mình ngước nhìn lên. Hoá ra lội qua sông, bước lên bờ từ hồi nào rồi. Bây giờ, nghe tiếng chào lạ tai, Hoà mới để ý thấy một cô gái mặc áo đen đứng bên một gốc cây sấu to tướng đang chào hỏi. “Giọng nói gì nghe chát như ổi xanh vậy!” - Hoà thầm nghĩ, nhưng vẫn làu bàu đáp lại: - Không dám, chào cô! Khi mọi người đã quây quần bên gốc sấu, người giao liên nói với cô gái: - Cô Nghị nè, tui giao cho cô đủ năm lính mới toanh đó nghe. Giấy tờ đây. Nhận được chớ? - Chớ sao! - Cô gái đáp gọn lỏn. “Chà, sao mà ăn nói cộc cằn”, Hoà xét nét nhìn Nghị. Dọc đường hành quân, trong những đêm dừng chân ở bãi khách, Hoà hay la cà vào nhà khách của trạm giao liên thăm dò tình hình “vùng đất mới”. Trong những câu truyện vui bên bếp lửa rực hồng, Hoà thường được nghe mấy anh lính cũ đùa đùa thật thật. - Cậu hỏi khu Năm à? Hay đấy. Nhưng phải cái giọng nói con gái khu Năm chát lắm. Mà mấy cô lại hay hút thuốc rê nữa. Chính vì vậy mới có câu: “Tiếng đồn con gái Quảng Đà, mất mùa thuốc lá chết ba ngàn người”. 30
  • 31. Còn chính Hoà, mới tuần trước thôi, cũng đã gặp một cô hút thuốc như vậy. Hôm ấy, Hoà đang ngồi nghỉ thì một cô gái xăm xăm bước tới: - Cho tui mượn con dao! Hoà chưa hiểu cô cần dao làm gì, nhưng vẫn rút con dao găm buộc cạnh túi cóc ba lô cho cô gái mượn. Cầm con dao, cô gái lẳng lặng tới khúc cây đổ bên đường. Cô rút trong túi ra một xấp lá thuốc, xếp chồng lên nhau, cuộn chặt thành một thỏi to bằng cán dao. Xong, một chân đạp lên thân cây, một tay cầm thỏi thuốc tì lên thân cây, tay kia cầm dao, cô gái ra sức thái. Hồi lâu sau, thỏi thuốc đã biến thành những sợi thuốc quăn queo, đen sẫm. Cô đưa trả Hoà con dao, rồi lại xin một mảnh giấy, cuốn một điếu thuốc to bằng ngón tay cái, hút ngon lành. Những câu chuyện và hình ảnh ấy đem lại cho Hoà ấn tượng không đẹp về con gái khu Năm. Lại thêm nỗi bực bội về chuyện công tác, Hoà thấy hết sức khó chịu với cô gái có cái tên Nghị - tên con trai này. Cái chân đau đã làm khổ Hoà. Miệng vết thương đã kín lại, nhưng bên trong lại làm mủ, nhức nhối. Cả bàn chân trái tấy đỏ, nóng như gạch nung. Vào đến đơn vị, chỉ kịp chào hỏi mọi người một lượt, Hoà đã bị cơn sốt quật ngã. Anh mắc võng, phủ bọc, nằm li bì. Chiều hôm ấy, đang mê man trên võng, Hoà nghe tiếng gọi: “Nè anh! Nè anh!” và thấy cái võng mình bị giật giật. Mở bọc võng, Hoà bắt gặp ngay khuôn mặt nghiêm nghị của cô gái dẫn đường hồi chiều hôm qua. Anh bực bội định phủ bọc võng lại, thì cô gái đã giữ lấy: - Dậy anh, em coi vết đau chút. Cô gái cầm hộp dụng cụ y tế. Thì ra cô là y tá. Hoà ngồi dậy, đầu nặng như chì. Cô gái ngồi xổm dưới đất, lấy tay nắn nắn chỗ sưng ở bàn chân Hoà. - Trời, làm gì mà mạnh tay vậy? - Vậy mà mạnh à? Ngồi im em rửa nghe! Nghị lấy panh cặp bông, nhúng nước nóng, chà đi chà lại trên miệng vết thương. Hoà sởn gai ốc. Nghị giữ chặt chân Hoà, dùng panh khơi miệng vết thương cho bật mủ ra. Hoà thấy buốt đến tuỷ sống, song cố cắn răng im lặng. Nhưng nào đã xong. Nghị lại lấy panh cặp bông, thọc vào miệng vết thương, thọc theo vết chông, như thông nòng súng. Hoà thấy như bị bào từng thớ thịt ra. Anh hất tung chân. - Trời! - Hoà kêu lên, nhưng không phải vì đau, mà vì vừa làm một việc tai hại: cái hất chân của anh làm đổ cả hộp dụng cụ y tế, văng cả máu mủ vào người Nghị. Anh đợi một tiếng gắt. Nhưng không, cô gái chỉ khẽ lắc đầu, nhặt 31
  • 32. nhạnh những lọ thuốc nằm lăn lóc trên nền nhà rồi lại cắm cúi xức thuốc, băng cho Hoà. Nằm kín trong tấm dù rồi, Hoà thầm nghĩ: “Nói năng khô khan, nhưng lại không bẳn gắt, cũng lạ”. Mất gần một tuần, vết thương mới sạch mủ, Hoà chưa đi làm đường được. Anh được phân công ở nhà giúp chị nuôi. Buổi sáng, Nghị đưa anh cái gùi đan bằng mây, bảo: “Anh đi kiếm môn thục nghe!” - Hoá ra Nghị cũng là chị nuôi? - Hoà thầm hỏi rồi lẳng lặng xách giỏ đi. Công việc làm Hoà say mê. Những cây môn thục có cọng dài, lá to láng bóng mọc thành từng cụm rải rác khắp rừng. Dọc đường hành quân, Hoà chưa ăn môn thục, nhưng đã nghe anh em kháo nhau: “Môn thục là vị thuốc bắc, bổ lắm!”. Hoà suy luận: “Là cây thuốc, chắc bổ ở củ. Vậy lấy củ thôi, chứ lấy lá làm gì cho nặng?”. Thế là Hoà vặt sạch cọng, lá, chỉ để củ lại. Anh mải mê lần theo các bụi môn thục, hì hục nhổ nhổ, vặt vặt. Mãi đến gần trưa anh mới hăm hở bước về, như vừa lập được chiến công. Đặt cái gùi xuống cái giàn cây ngoài sân, Hoà gọi: - Cô Nghị ơi, lấy môn mà nấu này! - ủa, anh làm chi mà kỳ vậy? Môn thục chỉ ăn được cọng thôi, anh bỏ cọng ở đâu, để em đi lượm về. - Trên kia kìa! - Hoà làu bàu trả lời và chỉ tay về phía cánh rừng non trên dốc. Bước qua suối rồi, Nghị quay lại dặn: - Em đang nấu mắm trên bếp. Anh coi nó sôi thì lấy dá hớt bọt nghe! - Được rồi! - Hoà trả lời cụt lủn rồi vào bếp. Nồi mắm kho bắt đầu sôi, đùn bọt lên. Hoà ngó quanh bếp: chẳng có cái rá nào hết. “Quái, tại sao lại lấy rá hớt? hay là cô ta bảo mình lọc mắm bằng rá?”. Bếp lửa cháy phừng phừng. Nồi mắm sôi bùng lên, ngầu bọt. Hoà chưa kịp nghĩ phải làm gì thì nó đã trào ra, dội xuống bếp xèo xèo. Tro bụi bốc mù lên. Hoà vội bắc nồi mắm xuống. Chợt nhớ có cậu Vinh bị sốt nằm trên nhà, Hoà chạy vội lên. - Này, lấy rá hớt mắm là sao hả cậu? Cô Nghị bảo mình lấy rá hớt nồi mắm sôi, mà mình tìm mãi không có rá cậu ạ! Chợt hiểu, đang sốt đùng đùng, Vinh cũng cười sặc sụa: - Trời ơi, cô ấy bảo lấy cái vá, tức là cái muôi, để vớt bọt ấy mà. Tiếng trong này thường lẫn V với D, ông tướng ạ! Chạy trở vào bếp, Hoà càu nhàu: “Thật ăn không nên đọi, nói không nên lời, rõ ngán!”. 32
  • 33. Chẳng bao lâu, Hoà đã làm quen được với cuộc sống mới. Đơn vị của Hoà là trung đội Sơn Hải có nhiệm vụ làm và sửa đường, bắc cầu cho xe đạp thồ đi. Đơn vị đóng quân ở đoạn cuối của đường thồ. Hướng Bắc, nó vươn mãi tới con đường ô tô đỏ lói chạy ngoằn ngoèo bên các sườn núi. Hướng Nam, nó bị dòng sông Thanh chặn đứng lại. Từ đây, người ta không dùng xe đạp thồ nữa, mà dùng thuyền vận chuyển hàng hoá, vũ khí cho các đơn vị chiến đấu. Hoà đã nhiều lần xem xét, nghĩ cách bắc cầu qua con sông này để nối đường thồ dài mãi ra, nhưng chưa được. Sông quá rộng, một bên là bãi cát, một bên là vách đá dựng đứng, không có thế để bắc cầu. Giữa những ngày ấy thì Hoà bị gục: cơn sốt rét đầu tiên đã tấn công anh. Nghị đưa thuốc ký ninh cho Hoà uống. Mới chưa hết một liều, Hoà đã thấy tai bùng lên, bùng lên lục bục như nồi bắp hầm. Nhìn vào đâu, Hoà cũng thấy như bị chói nắng. Miệng đắng như ngậm mật gấu, Hoà không ăn uống gì cả. Nghị ép Hoà ăn cháo, nhưng Hoà nuốt không nổi. Cổ họng luôn luôn ghê lợm, bắt Hoà nôn mửa suốt. Đêm, mắt chong chong, không ngủ được, đầu buốt thon thót. Mãi, cơn sốt không lui. “Chết chăng?” - Hoà lẩm nhẩm. Nhớ tới chục ống ký ninh mà mẹ đã cẩn thận đựng trong một ống tre nhỏ dắt vào thành ba lô lúc Hoà ra đi, Hoà bảo Nghị: - Tôi có thuốc, cô tiêm hộ nhé! Nghị nói: - Không được đâu, mới sốt phải ráng uống thuốc, chớ có tiêm. Hoà rên rỉ: - Trời ơi, ác độc vậy, không tiêm giúp, để tôi chết à? Nghị cười ngặt nghẽo: - Chết dễ vậy sao anh ơi! Thôi đưa thuốc, em cất dùm, khi nào sốt ác tính hãy tiêm! Quả thật, cơn sốt phải lui. Nhưng người Hoà mềm oặt. Hoà nằm bẹp trên võng, tưởng không thể cất nổi cái đầu nặng trịch lên. Nghị luôn luôn đến giật võng Hoà: - Đừng nằm nhiều, bết người đi. Dậy cho thanh thản chút coi! Hoà lại phải ngồi lên. Đầu váng. Mắt hoa. Hoà cau có nhìn Nghị, nghĩ thầm: “Làm gì mà ám dữ vậy?”. Không để ý đến thái độ khó chịu của Hoà, Nghị lại giục: - Anh xuống võng, đi lại cho nó quen chút nào! Cứ thế, dường như ngày nào Hoà cũng không được nằm yên vì Nghị “ám”. Nhưng cũng lạ, anh thấy sức khoẻ hồi phục khá nhanh... 33
  • 34. Một hôm, Hoà được phân công ở nhà giúp chị nuôi. Nghị rủ: “Sáng nay, anh và em đi cải thiện cho anh em nghen!”. Hoà tán thành, nhưng chưa biết “cải thiện” bằng cách nào! Sau khi dọn dẹp bếp núc, Nghị bảo Hoà cầm rựa, mang gùi cùng mình ra khu rừng đót. Rừng khu Năm có những cây đót thật kỳ diệu. Thân, lá trông giống hệt cây dừa, nhưng lại không có quả như dừa. Quả của nó mọc thành buồng, giống như buồng cau, mỗi quả chỉ bé bằng đốt ngón tay. Thử ăn vào quả đót mà xem - ngứa móc họng ra. Vậy mà đồng bào dân tộc lại biết cách trích cuống buồng để lấy ra thứ nước tự lên men, biến thành rượu ngon tuyệt: thơm, ngọt, nồng nàn vị rượu nếp. Nghị nói rằng ở giữa ngọn nó có một cái lõi mềm, ăn ngon như củ sắn (tức củ đậu ở ngoài Bắc), gọi là hũ đót. Để lấy được hũ đót, phải vạc vỏ dần dần từ ngoài vào. Hai anh em lên tới rừng đót lúc mặt trời đã vượt khỏi ngọn cây cao nhất rừng. Ánh nắng cố len lỏi qua những tán lá dày của rừng, toả hơi ấm xuống, nhưng vẫn không xua nổi cái ẩm lạnh muôn thủa của rừng già. Những cây đót mọc rải rác đó đây, chịu lép dưới những bóng cây cổ thụ ngút ngàn. Nghị bảo Hoà chọn một cây mọc nghiêng bên sườn núi, dễ chặt, còn mình chọn một cây nằm lưng chừng dốc. Hoà hăm hở chặt. Rựa thật sắc, nhưng gặp thứ gỗ dai, xốp, nên không ăn ngọt xớt được. Hơn nữa, cái mũi khoằm của rựa luôn luôn làm vướng víu, nhiều khi khiến con rựa bật ngược trở lại. Thỉnh thoảng dừng tay, Hoà vẫn nghe tiếng rựa của Nghị phồm phộp bập vào thân đót, nghe không dồn dập, nhưng cần mẫn, đều đặn. Hoà càng chặt mạnh hơn. Mồ hôi túa ra ướt sũng lưng áo. Hoà quyết lấy được hũ đót trước Nghị. Chẳng bao lâu, Hoà đã chặt đứt phăng ngọn đót, làm nó rơi đánh rầm xuống, lăn hai ba vòng rồi mắc kẹt ở gốc một cây trường. Hoà reo to: - Xong một cây rồi, cô Nghị ơi! - rồi hăm hở chạy đến chỗ ngọn đót. Nhưng Nghị lại cau mày: - Trời ơi, ai lại chặt lìa nó ra, làm sao vạc được vỏ? Hoà bối rối: - Vậy phải bỏ à? Nghị bảo: - Thôi, ráng vạc dần vỏ mà lấy hũ, đừng bỏ phí mà phải tội với rừng. Hai người hì hục lôi khúc ngọn cây đót lên chỗ bằng. Nghị lấy rựa róc lớp vỏ ngoài - tay này róc, tay kia kéo. Những lớp xơ lằng nhằng níu kéo lớp vỏ như muốn đánh vật với con người. Nhưng dần dần, hết lớp này đến lớp khác bị lột, để hiện ra cãi lõi trắng phau. Nghị khéo léo vạc nốt những đoạn xơ ở đầu, lấy được một hũ đót to bằng cái bi đông. Cô lấy rựa, xắt một miếng nhỏ, đưa cho 34
  • 35. Hoà: “Anh ăn thử coi!”. Hoà bỏ ngay miếng đót vào miệng, nhai rau ráu: ngọt và mát lịm. Mặt trời đã lên đến đỉnh đầu, nhưng không đủ sức xuyên thủng lớp mây mù dày đặc của bầu trời tháng mười. Rừng đã thoáng đãng ra, nhưng vẫn ẩm ướt, bốc lên mùi lá cây mục ngầy ngậy, nồng nồng. Không khí lành lạnh. Nhưng Nghị và Hoà vẫn thấy nóng ran. Họ vừa hạ xong cây đót thứ tám. Những hũ đót nằm lăn lóc trong gùi; những chỗ bị bầm vập đã ngả màu cánh gián. Nghị bảo: “Ta nghỉ trưa, rồi xuống suối bắt ốc, về nấu cơm chiều là vừa”. Cô xăng xái đeo gùi, rảo bước theo triền dốc về phía suối. Hoà ngoan ngoãn bước theo. Bây giờ anh mới để ý thấy Nghị có dáng người săn chắc, với những bước đi thoăn thoát mà vững vàng. Cô rảo bước trên con đường trơn nhẫy mà không hề trượt ngã. Đến bờ suối, Nghị đặt gùi lên một tảng đá. Dòng suối, mặc dù phải luồn lỏi giữa khu rừng, vẫn đón được những tia nắng hiếm hoi của bầu trời đầu mùa mưa, hắt sáng lên gương mặt Nghị, làm ngời lên đôi mắt to, lấp lánh của cô. Nghị bảo Hoà lượm củi, nấu cơm, còn mình thì lội xuống suối kiếm ốc, cá. Hoà lại ngoan ngoãn làm theo. Tìm kiếm mãi, Hoà mới lượm được một nhúm củi khô. Nhưng không sao. Chỉ cần chừng ấy làm mồi là đủ. Hoà đã học được ở Nghị cách đun bằng củi trường tươi. Cây trường có vỏ đỏ, bị chặt thì ứa ra thứ nhựa đỏ như máu. Gỗ của nó thẳng thớ, dễ chẻ, có thể tước mỏng như đóm tre. Thứ đóm ấy mau khô, chỉ cần dựng cạnh bếp lửa một lúc là đốt đã cháy đùng đùng. Bây giờ, bên bếp củi, Hoà đã có một lô đóm củi trường. Đốt xen lẫn với những cành tre khô, củi trường nổ tí tách, bắn ra những hoa lửa trông đến là vui mắt. Vừa nấu cơm, Hoà vừa chăm chú nhìn Nghị đang lom khom dưới suối. Đã nhiều lần Hoà tự hỏi: vì sao Nghị có thể sống một cách vô tư như thế giữa một cuộc sống gian nan là vậy? Tìm hiểu hoàn cảnh gia đình Nghị, Hoà giải đáp được một phần. Nghị sinh ra trong một gia đình ngư dân ở vùng biển Sơn Tịnh, sâu trong vùng kiểm soát của nguỵ quyền Sài Gòn. Những năm tuổi thơ của Nghị gắn liền với những nỗi nhọc nhằn khi biển động, lúc trời nắng lửa, với những trận gió cát mịt mù. Nhưng cái dữ dằn của thiên nhiên lại không dày vò Nghị bằng cái dữ dằn của con người. Mồ côi cả cha lẫn mẹ, Nghị phải đi ở cho một người bà con xa. Tiếng là người nhà, nhưng bị bóc lột chẳng kém người dưng nước lã. Mới hơn chục tuổi đầu, Nghị phải làm đủ việc, từ vá lưới, làm mắm, phơi cá tới nấu cơm. Một tiếng nói yêu thương, Nghị không hề được nghe. Suốt ngày chỉ cắm cúi làm lụng, để rồi thỉnh thoảng giật thót mình khi nghe tiếng quát của bà thím và lâu lâu lăn lộn một lần trong trận đòn oan của ông dượng. Rồi quê Nghị được giải phóng. Một không khí khác lạ đã tràn đến vùng biển này. Cũng là cuộc sống 35