SlideShare a Scribd company logo
1 of 120
Download to read offline
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
NGÔ NGUYỄN HIỆP PHƯỚC
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH
TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ
LUẬN ÁN TIẾN SĨ
CHUYÊN NGÀNH: QUẢN LÝ KINH TẾ
HÀ NỘI - 2018
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
NGÔ NGUYỄN HIỆP PHƯỚC
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH
TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ
LUẬN ÁN TIẾN SĨ
CHUYÊN NGÀNH: QUẢN LÝ KINH TẾ
Mã số: 62 34 04 10
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
1. PGS,TS. Nguyễn Hữu Thắng
2. TS. Trần Thị Hằng
HÀ NỘI - 2018
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên
cứu của riêng tôi. Các số liệu nêu trong luận án là
trung thực. Những kết luận khoa học của luận án
chưa từng được ai công bố trong bất kỳ công trình
nào khác.
TÁC GIẢ LUẬN ÁN
Ngô Nguyễn Hiệp Phước
MỤC LỤC
Trang
MỞ ĐẦU 1
Chương 1:
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI 8
1.1. Các công trình nghiên cứu về du lịch và quản lý nhà nước về du
lịch ở nước ngoài 8
1.2. Các công trình nghiên cứu về du lịch và quản lý nhà nước về du
lịch ở trong nước 15
1.3. Đánh giá về chung về kết quả nghiên cứu và những vấn đề đặt ra 23
Chương 2:
CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU
LỊCH TRÊN ĐIA BÀN THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 26
2.1. Khái quát chung về du lịch trên địa bàn thành phố 26
2.2. Khái niệm, đặc điểm, nội dung và các nhân tố tác động đến quản
lý nhà nước về du lịch cấp thành phố trực thuộc trung ương
trong hội nhập quốc tế 35
2.3. Kinh nghiệm quản lý nhà nước về du lịch ở một số tỉnh, thành phố
và bài học rút ra 64
Chương 3:
THỰC TRẠNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 71
3.1. Điều kiện, tiềm năng và thực trạng hoạt động du lịch trên địa bàn
thành phố Cần Thơ 71
3.2. Thực trạng quản lý nhànước vềdu lịch trên địabàn thành phố Cần Thơ 91
3.3. Đánh giá chung đối với quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn
thành phố Cần Thơ 120
Chương 4:
PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN QUẢN LÝ NHÀ
NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG
HỘI NHẬP QUỐC TẾ 131
4.1. Bối cảnh hiện nay và phương hướng hoàn thiện quản lý nhà
nước về du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ 131
4.2. Một số giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn
thành phố Cần Thơ 137
KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ 150
DANH MỤC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
LUẬN ÁN 152
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 153
PHỤ LỤC
DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT
ASEAN : Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á
CNTT : Công nghệ thông tin
DLST : Du lịch sinh thái
DNDL : Doanh nghiệp du lịch
DNNVV : Doanh nghiệp nhỏ và vừa
ĐBSCL : Đồng bằng sông Cửu Long
GRDP : Tổng sản phẩm trên địa bàn
HDV : Hướng dẫn viên
HĐDL : Hoạt động du lịch
HĐND : Hội đồng nhân dân
HNQT : Hội nhập quốc tế
KT-XH : Kinh tế - xã hội
MDEC : Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long
PATA : Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương
QLNN : Quản lý nhà nước
TMV : Thuyết minh viên
TTTƯ : Trực thuộc trung ương
UBND : Ủy ban nhân dân
UNWTO : Tổ chức du lịch của Liên hợp quốc
VH-TT-DL : Văn hóa, thể thao và du lịch
VNACCS/VCIS : Hệ thống thông quan tự động và Cơ chế một cửa quốc gia
WTTC : Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới
XHH : Xã hội học
DANH MỤC CÁC BẢNG
Trang
Bảng 3.1 Các cơ sở lưu trú du lịch Cần Thơ giai đoạn 2010 - 2017 76
Bảng 3.2 Nguồn nhân lực ngành du lịch Cần Thơ giai đoạn 2010 - 2015 76
Bảng 3.3 Cơ sở lưu trú và kinh doanh du lịch Cần Thơ 2006 - 2017 80
Bảng 3.4 Số lượt khách theo mục đích du lịch của du khách dến Cần Thơ 83
Bảng 3.5 Lượng khách đến Cần Thơ giai đoạn 2006 - 2017 84
Bảng 3.6 Doanh thu du lịch thành phố Cần Thơ giai đoạn 2006 -2017 85
Bảng 3.7 Số ngày du lịch của du khách ở Cần Thơ 87
Bảng 3.8 Điểm du lịch du khách lựa chọn khi đến Cần Thơ 88
Bảng 3.9 Số lượng cơ sở lưu trú năm 2017 115
Bảng 3.10 Ý kiến đánh giá về nguồn thông tin chọn du lịch đến Cần Thơ 122
Bảng 3.11 ÝkiếnđánhgiámộtsốnộidungquảnlýnhànướcvềdulịchởCầnThơ 123
Bảng 3.12 Ý kiến đánh giá về hạ tầng du lịch ở Cần Thơ 126
DANH MỤC CÁC HÌNH
Trang
Hình 2.1 Sơ đồ hệ thống quản lý 36
Hình 2.2 Hệ thống quản lý nhà nước về hoạt động du lịch ở thành phố 38
Hình 2.3 Kiến nghị vấn đề cần cải thiện mạnh nhất ở Cần Thơ hiện nay 57
Hình 3.1 Cơ cấu lao động Cần Thơ 2016 72
Hình 3.2 Cơ cấu kinh tế Cần Thơ năm 2016 72
Hình 3.3 Tỷ lệ nhựa hóa các tuyến đường Cần Thơ 73
Hình 3.4 Số lượng cơ sở lưu trú trên địa bàn Cần Thơ giai đoạn 2006 - 2017 80
Hình 3.5 Doanh thu du lịch 2006 - 2017 85
Hình 3.6 Đánh giá ý nghĩa của hoạt động du lịch đối với thành phố Cần Thơ 86
Hình 3.7 Mức độ phát triển hoạt động du lịch Cần Thơ 86
Hình 3.8 Đánh giá sự hài lòng của du khách về hoạt động du lịch ở Cần Thơ 87
Hình 3.9 Tỷ lệ số ngày du lịch của du khách ở Cần Thơ 87
Hình 3.10 Tỷ lệ khách sạn đã phân hạng năm 2017 115
Hình 3.11 Mức độ hài lòng đối với kết quả quản lý nhà nước về du lịch ở Cần Thơ 121
Hình 3.12 Đánh giá mức độ khuyến khích phát triển hoạt động du lịch 121
Hình 3.13 Đánh giá các chính sách du lịch được chú trọng phát triển ở Cần Thơ 122
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Du lịch được coi là một trong những ngành kinh tế dịch vụ phát triển
nhanh nhất và phạm vi lớn nhất trên thế giới hiện nay, góp phần quan trọng vào
sự phát triển thịnh vượng của nhiều quốc gia. Theo báo cáo của Hội đồng Du
lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), năm 2015, ngành du lịch và lữ hành đã tạo ra
hàng triệu việc làm cho nền kinh tế thế giới, đóng góp hàng nghìn tỷ USD cho
GDP toàn cầu mỗi năm. Cũng theo tổ chức này, hoạt động du lịch (HĐDL)
có tác động lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế. Trải qua các
biến cố, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, du lịch được xác định là ngành có
khả năng phục hồi nhanh nhất. Các nước phát triển hàng đầu như Mỹ coi du
lịch là động lực cho tăng trưởng kinh tế, còn đối với các nước đang phát
triển thì du lịch là công cụ xóa đói, giảm nghèo, đóng góp đáng kể cho nền
kinh tế quốc dân.
Ở Việt Nam, ngành du lịch cũng được chú trọng phát triển. Nhờ đó, du lịch
đóng góp ngày càng tăng trong nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng khá cao. Giai
đoạn 2010 - 2017, du khách quốc tế đến Việt Nam tăng từ 5 triệu lượt khách lên đến
trên 10 triệu lượt khách/năm; khách trong nước tăng từ 28 triệu lượt khách lên
đến 73,2 triệu lượt khách/năm; doanh thu ngành du lịch từ 96 nghìn tỷ đồng lên
trên 500 nghìn tỷ đồng mỗi năm [67].
Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương (TTTƯ) được thành lập vào
đầu năm 2004, nằm ở vị trí trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) -
vùng kinh tế quan trọng, vựa lúa của cả nước. Đây là vùng đất giàu tiềm năng
phát triển du lịch, nhất là du lịch sông nước, miệt vườn, du lịch hội nghị, hội họp -
khuyến thưởng và hội chợ (MICE), du lịch khám phá nền văn hóa dân tộc và văn
minh nông nghiệp.
Trong những năm qua, ngành du lịch thành phố Cần Thơ đã phát triển khá
nhanh, chính quyền thành phố đã có nhiều biện pháp thúc đẩy phát triển du lịch,
2
hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý du lịch, tạo lập môi trường, điều kiện thuận
lợi cho các chủ thể kinh doanh du lịch. Nhờ đó, hoạt động du lịch trên địa bàn đã có
những bước khởi sắc và đạt được một số thành tựu quan trọng. Các sản phẩm du
lịch ngày càng đa dạng, doanh thu du lịch và lượt khách lưu trú ngày càng tăng.
Năm 2017, lượng du khách đến Cần Thơ trên 7,5 triệu lượt khách, trong đó, khách
có lưu trú tại thành phố trên 2 triệu lượt, tăng 4 lần so với năm 2006 và tăng 27% so
với năm 2016. Năm 2007, tổng thu nhập của toàn ngành du lịch mới đạt 365 tỷ
đồng thì đến năm 2017 thu nhập du lịch đạt 2.879 tỷ đồng [55].
Tuy nhiên, quản lý nhà nước (QLNN) về du lịch còn nhiều hạn chế như
thiếu tầm nhìn tổng thể về phát triển du lịch nên sản phẩm du lịch còn đơn điệu,
trùng lặp, kém hấp dẫn và không thể hiện được tính đặc thù. Quản lý và quy hoạch
du lịch chưa hiệu quả, vấn đề liên kết phát triển du lịch chưa được chú ý. Ngoài
ra, còn hạn chế, yếu kém về kết cấu hạ tầng kỹ thuật du lịch, đội ngũ nhân lực du
lịch, năng lực xúc tiến quảng bá du lịch và thiếu sự ổn định về tổ chức bộ máy
QLNN trong lĩnh vực du lịch, nhiều di tích lịch sử - văn hóa - cách mạng đang
trong tình trạng xuống cấp chưa được tu bổ, tôn tạo lại. Bên cạnh đó, so với tiềm
năng, lợi thế so sánh vốn có thì sự phát triển du lịch thành phố Cần Thơ vẫn chưa
tương xứng, số ngày lưu trú bình quân (1,5 ngày/khách) và chi tiêu của du khách
còn thấp, khách quốc tế đến Cần Thơ chưa nhiều.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế (HNQT) hiện nay và cách mạng công
nghiệp lần thứ tư, nhu cầu du lịch gia tăng, lưu lượng du khách tăng mạnh, đặc
biệt là khách quốc tế, xu hướng du lịch thay đổi, hình thức và loại hình du lịch gia
tăng. Bên cạnh những tích cực của HNQT đối với du lịch, thì những hiện tượng
tiêu cực cũng gia tăng, ảnh hưởng đến kinh tế, văn hóa và xã hội địa phương, như
hiện tượng "tour 0 đồng", mại dâm, gây ô nhiễm môi trường, tác động xấu đến
văn hóa địa phương… Trong bối cảnh đó, yêu cầu đối với QLNN về du lịch tăng
cao. Vì vậy, việc nghiên cứu nhằm tìm giải pháp đổi mới QLNN về du lịch nhằm
thúc đẩy HĐDL phát triển bền vững, góp phần làm cho du lịch thực sự trở thành
ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố Cần Thơ và phát triển bền vững là vấn đề
3
bức thiết hiện nay. Đây là vấn đề có tính cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn ở địa
phương cũng như trong cả nước. Đó cũng là lý do của việc lựa chọn đề tài "Quản
lý nhà nước về du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ trong hội nhập quốc tế"
làm luận án tiến sĩ kinh tế, chuyên ngành Quản lý kinh tế.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu đề tài
Mục đích nghiên cứu đề tài là trên cơ sở làm rõ những vấn đề lý luận và
thực tiễn của QLNN về du lịch trên địa bàn thành phố để đề xuất giải pháp hoàn
thiện QLNN về du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ trong điều kiện đẩy
mạnh HNQT.
Nhiệm vụ nghiên cứu đề tài đặt ra gồm:
- Phân tích, luận giải cơ sở lý luận và thực tiễn QLNN về du lịch ở cấp
thành phố TTTƯ; luận giải đặc thù và nội dung của QLNN về du lịch theo ngành
kết hợp lãnh thổ;
- Phân tích và đánh giá thực trạng QLNN về du lịch của thành phố Cần
Thơ, chỉ ra những kết quả đạt được, hạn chế và những nguyên nhân chủ yếu của
QLNN về du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ, đặc biệt là quản lý của chính
quyền thành phố Cần Thơ; phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến QLNN về du
lịch ở Cần Thơ, đặc biệt là trong điều kiện HNQT.
- Đề xuất giải pháp hoàn thiện QLNN về du lịch trên địa bàn thành phố
Cần Thơ trong HNQT và luận giải các điều kiện, kiến nghị các cơ quan chức
năng hoàn thiện QLNN về du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài
Đối tượng nghiên cứu đề tài là QLNN ở cấp thành phố TTTƯ đối với
HĐDL trên địa bàn thành phố, trong khuôn khổ chức năng, nhiệm vụ được phân
cấp cho chính quyền cấp thành phố dưới góc độ quản lý kinh tế.
Phạm vi nghiên cứu:
Về phạm vi đối tượng quản lý, du lịch nói chung có thể được nhìn nhận
dưới nhiều giác độ: như một loại sản phẩm - dịch vụ du lịch; như một loại hoạt
động kinh tế - xã hội (KT-XH); như một ngành, lĩnh vực kinh tế. Trong luận án
4
này, du lịch - đối tượng của quản lý ở cấp chính quyền địa phương, được xem
xét như một loại hoạt động kinh tế.
Về phạm vi nội dung, việc nghiên cứu chủ yếu tập trung làm rõ những
nội dung QLNN về du lịch của cấp thành phố TTTƯ, trong đó chú trọng việc
hoạch định phát triển các HĐDL ở thành phố TTTƯ; xây dựng và triển khai thực
hiện cơ chế, chính sách về HĐDL trên địa bàn; tổ chức HĐDL; phát triển kết cấu
hạ tầng du lịch trên địa bàn; khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở kinh doanh du lịch
trên địa bàn; và kiểm tra, kiểm soát HĐDL trên địa bàn.
Về không gian, việc nghiên cứu QLNN về du lịch chủ yếu tập trung trên
địa bàn thành phố Cần Thơ, có khảo cứu các tỉnh lân cận để kết nối du lịch.
Về thời gian, việc nghiên cứu, phân tích thực trạng QLNN về du lịch ở
thành phố Cần Thơ chủ yếu từ năm 2010 đến nay; các giải pháp đề xuất hoàn
thiện QLNN về du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến năm 2025 và định
hướng đến năm 2030.
4. Cơ sở lý luận, phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu đề tài
Về cơ sở lý luận: Việc nghiên cứu đề tài dựa trên cơ sở lý thuyết về quản
lý kinh tế, trong đó có du lịch; lý luận về QLNN, các mô hình lý thuyết của quản
lý du lịch trong nước và trên thế giới.
Về phương pháp luận: Việc nghiên cứu đề tài dựa trên phương pháp luận
duy vật biện chứng để làm rõ vấn đề QLNN về du lịch trên địa bàn thành phố
trong sự biến đổi không ngừng, trong mối liên hệ tác động qua lại lẫn nhau, gắn
với những điều kiện cụ thể.
Về phương pháp nghiên cứu:
Trong quá trình nghiên cứu đề tài, các phương pháp nghiên cứu cụ thể
được sử dụng bao hàm cả phương pháp diễn dịch và phương pháp quy nạp;
phương pháp định tính, định lượng và phối hợp.
Việc sử dụng phương pháp diễn dịch nhằm hình thành khung lý thuyết về
QLNN đối với du lịch trên địa bàn thành phố theo cách tiếp cận QLNN nhằm phát
triển du lịch bền vững. Trên cơ sở đó để rút ra những kết luận cần thiết, những
kiến nghị về QLNN nhằm phát triển du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
5
Phương pháp quy nạp được sử dụng trên cơ sở các dữ liệu thực tế về HĐDL,
thực trạng QLNN về du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ để khái quát hóa (quy
nạp), rút ra những nhận định, kết luận về QLNN nhằm thúc đẩy phát triển du lịch trên
địa bàn thành phố Cần Thơ một cách có hiệu quả và bền vững.
Việc nghiên cứu đề tài đòi hỏi sử dụng cả phương pháp định tính, định
lượng và phối hợp cả hai phương pháp đó. Theo đó, phương pháp định tính được
sử dụng trong việc mô tả, đưa ra các khái niệm, đặc điểm của du lịch, nội dung và
phương thức QLNN nhằm phát triển du lịch ở đô thị nói chung và trên địa bàn
thành phố Cần Thơ nói riêng. Phương pháp định tính cho chúng ta biết như thế
nào và tại sao: QLNN về du lịch ở cấp thành phố TTTƯ nên như thế nào và tại
sao nhằm phát triển du lịch bền vững và có hiệu quả trên địa bàn?
Phương pháp định lượng được sử dụng để xem xét, đánh giá sự phát
triển của HĐDL, những chuyển động trong QLNN về du lịch trên địa bàn thành
phố Cần Thơ cũng như lượng hóa một số vấn đề nghiên cứu có liên quan.
Phương pháp thu thập thông tin được sử dụng gồm phương pháp nghiên
cứu tài liệu, phương điều tra xã hội học (XHH).
Phương pháp nghiên cứu tài liệu: được dùng để thu thập, phân tích các tư
liệu, tài liệu liên quan như giáo trình, các tài liệu về QLNN về du lịch, tìm hiểu các
bài báo, bài viết về du lịch và QLNN về du lịch, các báo cáo của cơ quan nhà nước
về HĐDL và QLNN về du lịch với trọng tâm là những nội dung, những yêu cầu,
những yếu tố ảnh hưởng và những vấn đề liên quan đến QLNN về du lịch.
Phương pháp điều tra XHH được sử dụng để thu thập thông tin sơ cấp về
du lịch và QLNN về du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
+ Mục đích điều tra: Nắm bắt thực trạng du lịch và QLNN về du lịch trên
địa bàn thành phố Cần Thơ, những đề xuất, kiến nghị đối với chính quyền Cần Thơ.
+ Việc điều tra được tiến hành theo ba khâu: chuẩn bị điều tra, tiến hành
điều tra, xử lý và sử dụng kết quả điều tra.
+ Đối tượng điều tra: Để đảm bảo tính khách quan trong kết quả điều tra,
việc chọn mẫu điều tra được cân nhắc kỹ lưỡng theo các nhóm đối tượng điều tra: du
khách - người thụ hưởng dịch vụ du lịch; các cơ sở kinh doanh du lịch - người cung
6
cấp dịch vụ du lịch và chịu tác động trực tiếp của QLNN; các cơ quan QLNN ở địa
phương; các đối tượng khác như các nhà nghiên cứu, người dân.
+ Quá trình điều tra được tiến hành theo ba loại phiếu hỏi: phiếu hỏi du
khách nước ngoài (100 phiếu), phiếu hỏi du khách trong nước (200 phiếu) và
phiếu hỏi 4 nhóm đối tượng khác (500 phiếu), gồm các cơ sở kinh doanh du lịch,
quan chức QLNN ở địa phương, các chuyên gia nghiên cứu du lịch và người dân
ở thành phố Cần Thơ. Tổng số phiếu thu được sau khi làm sạch là 800 phiếu.
Phiếu điều tra được xử lý bằng phần mềm chuyên dụng SPSS và phân tích nhân
tố khám phá (EFA). Kết quả xử lý phiếu điều tra được sử dụng trong 3 chương
của luận án, đặc biệt là chương 3.
5. Đóng góp mới về khoa học của luận án
Luận án đã có những đóng góp mới về lý luận và thực tiễn sau:
Xây dựng mô hình quản lý của chính quyền cấp thành phố TTTƯ về du
lịch trong sự kết hợp giữa quản lý theo ngành và quản lý theo lãnh thổ trên địa bàn
thành phố trực thuộc trung ương phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong bối
cảnh HNQT. QLNN về du lịch cấp thành phố trực thuộc trung ương có sự gắn kết
giữa chức năng, nhiệm vụ của chính quyền thành phố được giao để quản lý ngành
đặc thù, có tính nối kết phức tạp của HĐDL (liên ngành) để thực hiện mục tiêu phát
triển KT-XH địa phương và của ngành.
Phân tích, đánh giá có kiểm chứng bằng số liệu điều tra thực tế về thực
tiễn mô hình kết hợp quản lý theo ngành và theo lãnh thổ trên địa bàn thành phố
Cần Thơ.
Đề xuất các giải pháp để vận hành mô hình QLNN này một cách hiệu
quả và phù hợp với các đặc thù của thành phố Cần Thơ, bao gồm từ thiết kế lại
tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý, tăng cường công tác hoạch định,
phát triển, chính sách hỗ trợ, kiểm tra, kiểm soát.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
Ý nghĩa khoa học: Bổ sung một số vấn đề mang tính chất lý luận của
QLNN về du lịch cấp thành phố TTTƯ trong sự kết hợp giữa quản lý theo ngành
và quản lý theo lãnh thổ trên địa bàn thành phố trực thuộc trung ương.
7
Ý nghĩa thực tiễn: Góp phần tạo cơ sở khoa học trong việc hoạch định cơ
chế, chính sách và phương hướng QLNN về du lịch nói chung và ở thành phố Cần
Thơ nói riêng. Làm tài liệu tham khảo trong nghiên cứu và giảng dạy QLNN về
du lịch ở các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề cũng như biên soạn tài liệu
cho các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức QLNN về du lịch.
7. Kết cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục,
nội dung của luận án gồm 4 chương, 11 tiết.
8
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
Hiện nay, du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và ngày càng có
vị trí, vai trò quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân của nhiều nước trên thế
giới trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy, nhiều nhà khoa học và tổ chức xã hội
của các nước trên thế giới và Việt Nam đã có những nghiên cứu chuyên sâu về
du lịch và QLNN về du lịch.
Những công trình khoa học đó được đăng tải dưới các hình thức như: đề
tài khoa học, luận án tiến sỹ, sách, bài tạp chí, bài báo chuyên ngành.
1.1. CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU VỀ DU LỊCH VÀ QUẢN LÝ NHÀ
NƯỚC VỀ DU LỊCH Ở NƯỚC NGOÀI
1.1.1. Các công trình nghiên cứu về du lịch ở nước ngoài
1.1.1.1. Về quan niệm, ý nghĩa và tác động của hoạt động du lịch
Ở các nước phát triển, việc nghiên cứu về du lịch được quan tâm và tiến
hành từ lâu. Chính vì thế, khi bàn về du lịch, có rất nhiều quan điểm nói về ý
nghĩa và tác động của HĐDL. Theo quan điểm của Guer Freuler, du lịch với ý
nghĩa hiện đại là một hiện tượng của thời đại, dựa trên sự tăng trưởng về nhu cầu
khôi phục sức khỏe và sự thay đổi của môi trường xung quanh, dựa vào sự phát
sinh, phát triển tình cảm đối với vẻ đẹp thiên nhiên [60, tr. 8].
Theo các nhà kinh tế, du lịch không chỉ là một hiện tượng xã hội đơn
thuần mà nó phải gắn chặt với hoạt động kinh tế. Nhà kinh tế học Picara -Edmod
cũng chỉ ra ý nghĩa của HĐDL, khi cho rằng: Du lịch là việc tổng hòa việc tổ
chức và chức năng của nó không chỉ về phương diện khách vãng lai mà chính về
phương diện giá trị do khách chỉ ra và của những khách vãng lai mang đến với
một túi tiền đầy, tiêu dùng trực tiếp hoặc gián tiếp cho các chi phí của họ nhằm
thoả mãn nhu cầu hiểu biết và giải trí [60, tr. 9].
Những học giả Trung Quốc nghiên cứu về du lịch cũng có chung quan
điểm với hai giáo sư trên nêu ra, họ đưa ra nhận định: Du lịch là một hiện
9
tượng kinh tế xã hội nhất định, là sự tổng hợp tất cả các quan hệ và hiện tượng
do việc lữ hành để thỏa mãn mục đích chủ yếu là nghỉ ngơi, tiêu khiển, giải trí
và văn hóa nhưng lưu động chứ không định cư mà tạm thời cư trú của mọi
người dẫn đến [60, tr. 29].
Từ các quan điểm trên, có thể thấy HĐDL là tổng hợp của nhiều hoạt động,
bao gồm các hoạt động lữ hành, lưu trú và các hoạt động khác phục vụ cho nhu cầu
khác nhau của du khách. HĐDL sẽ giúp du khách khôi phục sức khỏe, phát sinh và
phát triển tình cảm với vẻ đẹp thiên nhiên, nghỉ ngơi, tiêu khiển, giải trí và văn hóa.
Thông qua HĐDL sẽ thúc đẩy tăng trưởng KT-XH địa phương.
Năm 1980, tại Hội nghị Manila, Tổ chức Du lịch Quốc tế đã chỉ ra ý
nghĩa của HĐDL, khi cho rằng: Việc lữ hành của mọi người bắt đầu từ mục đích
không phải di cư và một cách hòa bình, hoặc xuất phát từ mục đích thực hiện sự
phát triển cá nhân về phương diện kinh tế, xã hội, văn hóa và tinh thần cùng với
việc đẩy mạnh sự hiểu biết và sự hợp tác giữa mọi người [33, tr. 12]. Còn theo
Tổ chức Du lịch của Liên hợp quốc (UNWTO) cho rằng du lịch là một hiện
tượng xã hội, văn hóa và kinh tế phát sinh do sự di chuyển tới các quốc gia hay
điểm đến ngoài nơi cư trú thường xuyên của con người với các mục đích cá
nhân, hoặc do nhu cầu công việc, chuyên môn [11, tr. 5]. Từ đó, ta có thể thấy
rằng, HĐDL có ý nghĩa về mặt kinh tế, xã hội, văn hóa và tinh thần, đẩy mạnh
sự hiểu biết và sự hợp tác giữa mọi người.
Nhiều nhà khoa học đã khẳng định HĐDL là hoạt động tổng hợp và phát
triển nhanh với kết quả kinh tế, xã hội và chính trị. Giao lưu văn hóa, hòa bình,
thiện chí và hiểu biết được coi là những tác động tích cực của các luồng du lịch
quốc tế. Các điểm thu hút tự nhiên, văn hóa, vị trí địa lý, hệ thống giao thông
thuận lợi, sự an toàn xã hội và an ninh chính trị ảnh hưởng đến nhu cầu du lịch
và đích đến. An ninh chính trị và an toàn xã hội cũng là một trong những yếu tố
quan trọng ảnh hưởng đến việc phát triển HĐDL [91].
Bàn về ý nghĩa của HĐDL, Salvo Creaco (2003) cho rằng: Du lịch bây
giờ là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất thế giới và là một trong
10
những ngành kinh tế phát triển nhanh nhất. Đối với nhiều quốc gia, du lịch được
coi là một công cụ chính cho sự phát triển vì nó kích thích các hoạt động kinh tế
mới. Du lịch có thể có tác động tích cực về kinh tế đối với cán cân thanh toán, về
việc làm, thu nhập và sản xuất, nhưng cũng có thể có những tác động tiêu cực,
đặc biệt đối với môi trường [100].
Lelei Lelaulu - Chủ tịch Đối tác quốc tế thì khẳng định: HĐDL là
phương tiện chuyển giao của cải tự nhiên lớn nhất từ các nước giàu sang các
nước nghèo… Khoản tiền do du khách mang lại cho các khu vực nghèo khổ còn
lớn hơn viện trợ chính thức của các chính phủ [95].
Khi dự báo phát triển du lịch, Priya Chetty khẳng định: Dự báo phát triển
du lịch có giá trị kinh tế lớn đối với cả khu vực công và khu vực tư nhân. Bất kỳ
thông tin liên quan đến sự tiến triển trong tương lai của dòng chảy du lịch là rất
quan trọng đối với khách sạn, nhà điều hành tour du lịch và các ngành công
nghiệp khác liên quan đến du lịch [98];
Tác giả William Theobald (1994) làm rõ ý nghĩa của HĐDL đối với hòa
bình thế giới [108]. Tác giả đã làm rõ HĐDL thúc đẩy nền hòa bình, hữu nghị và
hiểu biết lẫn nhau.
1.1.1.2. Về các loại hình du lịch
Theo kết quả của các nhà nghiên cứu, tùy theo mục đích của du khách
mà có thể phân loại thành nhiều hình thức du lịch khác nhau.
Tác giả Iresh Singh (2011) cho rằng du lịch đề cập đến việc kinh doanh
cung cấp chỗ ở và các dịch vụ liên quan cho những người đến thăm các điểm
đến. Du lịch bao gồm hai yếu tố là hành trình tới đích và ở. Theo đó, các loại
hình du lịch được kể đến bao gồm: du lịch giải trí, du lịch sinh thái (DLST), du lịch
lịch sử, du lịch dân tộc, du lịch văn hóa, du lịch mạo hiểm, du lịch chữa bệnh, du
lịch tôn giáo, du lịch âm nhạc, du lịch làng, du lịch sinh vật hoang dã [90].
Ngoài ra, còn có các bài viết khác cũng bàn về các loại hình du lịch như:
du lịch mạo hiểm, du lịch kinh doanh, du lịch sinh nở, du lịch ẩm thực, du lịch
văn hóa, du lịch đen, du lịch thiên tai, du lịch ma túy, du lịch y tế, du lịch gia
11
phả, du lịch biển, du lịch tình dục, du lịch khu ổ chuột, du lịch không gian, du
lịch thể thao, du lịch ảo, du lịch chiến tranh [103], [105].
Theo UNWTO, tùy thuộc vào nguồn lực sẵn có của điểm đến để đa dạng
hóa và cung cấp nhiều hơn một loại hình du lịch. UNWTO đưa ra một số giải
thích ngắn gọn về các loại hình du lịch chính như du lịch giải trí, du lịch y tế, du
lịch giáo dục, du lịch kinh doanh, du lịch thăm bạn bè hoặc người thân, du lịch
tôn giáo, du lịch thể thao [109].
Ngoài ra, các công trình khác cũng đề cấp đến một vài loại hình du lịch
theo các cách khác như: du lịch giải trí, du lịch văn hóa [105], DLST [4], du lịch
kinh doanh [104], du lịch y tế [106], du lịch giáo dục [99].
1.1.1.3. Về hoạt động kinh tế du lịch và sự phát triển du lịch
Các công trình nghiên cứu về hoạt động kinh tế du lịch đã giúp người
đọc hiểu về ngành công nghiệp du lịch.
Bàn về hoạt động kinh tế du lịch, theo tác giả Robert Lanquar (1993) kinh
tế du lịch đó là ngành công nghiệp vì toàn bộ hoạt động nhằm khai thác các của cải
của du lịch, nhằm biến các tài nguyên nhân lực, tư bản và nguyên liệu thành dịch vụ
và sản phẩm. Đồng thời, tác giả cũng giới thiệu những vấn đề về yêu cầu, sự tiêu
dùng của du lịch, sản xuất phục vụ du lịch, đầu tư cho du lịch [45].
Trong nghiên cứu The Economics of Tourism, tác giả William S. Reece
(2009) sử dụng phân tích kinh tế hiện đại để giúp người đọc hiểu được hành vi thị
trường du lịch, đề cập đến thay đổi kỹ thuật vì nó liên quan tới việc điều chỉnh mô
hình kinh doanh và chiến lược, giải thích rõ ràng về quản lý doanh thu [107].
Các tác giả John Ward, Phil Higson và William Campbell (1994) trong
nghiên cứu Leisure and Tourism, đã nghiên cứu về ngành công nghiệp du lịch và
giải trí thông qua việc phân tích các hình mẫu và xu hướng, các sản phẩm và
dịch vụ trong ngành du lịch và giải trí cũng như các tác động của nó đến kinh tế,
xã hội, văn hóa hay môi trường [93].
Công trình Tourism in Developing Countries, các tác giả tập trung bàn
về sự phát triển du lịch ở các nước đã và đang phát triển. Bên cạnh đó, công trình
12
này còn đề cập đến mối liên hệ giữa chính phủ và du lịch, các mô hình phân tích
phát triển du lịch, các phương pháp đo lường phát triển du lịch quốc tế, sự phát
triển các điểm đến du lịch như khu nghỉ mát ven đồi hay ven biển, các khu du
lịch vùng ngoại ô [96].
John Tribe (1995), trong nghiên cứu The Economics of Leisure and
Tourism, đã làm rõ các vấn đề về tổ chức và quảng bá hoạt động giải trí và du
lịch; nghiên cứu về du lịch, du lịch giải trí ngoài trời, marketing du lịch ở các
nước đang phát triển [92].
Ngoài ra, còn có các công trình khác đề cập đến kinh tế du lịch và phát
triển du lịch như Political and Economic Factors Affecting Tourism Demand
between Countries: A Case from Bosnia Herzegovina and Turkey [91], Tourism
Economics [89], Tourism Economics and Policy [94].
1.1.2. Các công trình nghiên cứu quản lý nhà nước về du lịch ở
nước ngoài
1.1.2.1. Về vai trò và nội dung quản lý nhà nước về du lịch
Phutsady Phanyasith (2014), trên cơ sở nghiên cứu lý luận, tác giả cho
rằng QLNN đối với HĐDL là phương thức nhà nước sử dụng pháp luật tác động
vào đối tượng HĐDL để định hướng hoạt động này vận động, phát triển đạt được
mục đích xác định [37].
W. Susan (1996) khi phân tích nguồn gốc của ngành thương mại giải trí
và du lịch, đã miêu tả về ngành thương mại giải trí và du lịch; miêu tả sứ mệnh
của ngành này; giải thích sự khác biệt giữa sản phẩm và dịch vụ; giới thiệu
những địa điểm mà thương mại giải trí và du lịch có thể diễn ra; giới thiệu các
cơ hội nghề nghiệp cho các ứng viên tốt nghiệp ngành này. Trên cơ sở đó, tác
giả làm rõ vấn đề quản lý và tổ chức sự kiện, lưu trú, thực phẩm và đồ uống,
nghề nghiệp [102].
Trong công trình nghiên cứu của mình, tác giả S.Medlik (1995) đã đề
cập về sự cạnh tranh trong ngành hàng không, quảng bá sản phẩm và điểm đến, sự
quản lý du lịch, giới hạn cũng như thách thức đối với ngành du lịch [100].
13
Ngoài ra, còn có các công trình của các tác giả khác đề cập đến vấn đề
này như các tác giả Lelei LeLaulu (2006) [95], Mechthild Kuellmer (2007) [97],
Priya Chetty (2011) [98].
1.1.2.2. Về quản lý nhà nước về du lịch
S.Medlik (1995) đã cho rằng, trong QLNN về du lịch, các chính sách phải
dựa trên một kết hợp chặt chẽ của kinh tế, chính trị, xã hội và các đối tượng về
không gian. Những đối tượng này phải được đặt vào một khuôn khổ mang tính
quyết định mà chức năng chính của nó là việc đạt được mục tiêu với những ý nghĩa
cụ thể trong một khoảng thời gian nhất định. Thiết lập chính sách trong du lịch
không phải là một nhiệm vụ phức tạp với chính phủ, mà là việc phát triển thông qua
sự cộng tác với các tổ chức du lịch và ngành công nghiệp du lịch [100].
Khi đề cập đến vấn đề quản lý du lịch của Thái Lan để chuẩn bị sẵn sàng
cho hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015, Sokxay Soutthaveth
kiến nghị Nhà nước Thái Lan phải chú ý đến vấn đề quản lý du lịch bền vững, sử
dụng tài sản vốn có gây ảnh hưởng ít nhất đến môi trường và sử dụng lợi ích lâu
dài, chú ý đến HĐDL gây ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân, nhất là nền văn
hóa, phong tục tập quán của các cộng đồng dân cư [113]. Tác giả Saknalin Keosi,
khi nghiên cứu các biện pháp pháp lý quản lý du khách trong việc mua bán dịch
vụ du lịch theo kiểu đóng tiền phí một lần giữa du khách và các công ty lữ hành,
đã phân tích đánh giá việc thực hiện các biện pháp pháp lý của Thái Lan và quốc
tế về quản lý du khách ở các nước Cộng đồng châu Âu và Nhật Bản. Tác giả đã
phân tích các vấn đề khi có tranh chấp giữa du khách và các công ty lữ hành, đóng
tiền phí cho công ty lữ hành trước khi đi tham quan, đăng ký hợp đồng có điều
kiện trả lại cho du khách khi có vấn đề xảy ra trong chương trình du lịch, và đề ra
những vấn đề cần tiếp tục sửa đổi bổ sung trong nội dung của Nghị định năm 2007
về quản lý du khách trong việc mua bán dịch vụ du lịch ở Thái Lan [112].
Trong luận án của Phutsady Phanyasith chỉ ra nguyên nhân hạn chế trong
QLNN bằng pháp luật đối với HĐDL ở Lào. Từ đó, tác giả đưa ra một số giải
pháp: Tăng cường công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về du
14
lịch; đẩy mạnh tổ chức thực hiện pháp luật về du lịch; tăng cường hoạt động
kiểm tra, thanh tra trong xử lý vi phạm hoạt động QLNN bằng pháp luật đối với
HĐDL; tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất trong lĩnh
vực du lịch; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào đối với
QLNN bằng pháp luật đối với lĩnh vực HĐDL [37].
Nhằm nâng cao hiệu quả QLNN đối với hoạt động kinh doanh du lịch
trong thời kỳ hội nhập, Xu Xeng (2015) cho rằng: Công tác ban hành và thực
hiện pháp luật về du lịch cần được khắc phục từ khâu ban hành văn bản quy
phạm pháp luật nói chung; tổ chức bộ máy nhà nước về du lịch cần được kiện
toàn, ổn định nhanh chóng; xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính
sách phát triển du lịch cần chú trọng đến công tác đào tạo nguồn nhân lực du
lịch; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh du
lịch cần hướng đến việc làm trong sạch môi trường du lịch và áp dụng công nghệ
thông tin (CNTT) trong hệ thống quản lý du lịch [110].
Trong công trình Tourism Economics and Policy, các tác giả tập trung
chỉ ra nhu cầu du lịch và dự báo, nguồn cung cấp du lịch và giá, đo lường tác
động và lợi ích của những thay đổi trong nhu cầu du lịch, đầu tư cơ sở hạ tầng du
lịch và thuế du lịch, hàng không, du lịch và môi trường (bao gồm cả biến đổi khí
hậu) và năng lực cạnh tranh điểm đến. Từ đó cung cấp cơ sở để hiểu được sự
liên quan của phân tích kinh tế và các giải pháp cho vấn đề du lịch trong thực tế
cuộc sống, cũng như hoạch định chính sách du lịch [94].
Theo tác giả của công trình Economic Success of Tourism, du lịch là một
trong những ngành phát triển nhanh nhất trên thế giới ngày nay. Qua khảo sát sự
thành công kinh tế du lịch ở Peru và Bồ Đào Nha, tác giả khẳng định rằng sự
phát triển du lịch tùy thuộc vào hành chính công [97].
Trong công trình The Business of Rural Tourism International
Perspectives, các tác giả làm rõ những vấn đề cơ bản: chính sách, kế hoạch, các
tác động của nghiên cứu về thương mại du lịch tại khu vực nông thôn, trong đó
phân tích vấn đề tài chính cũng như quảng bá cho du lịch tại khu vực nông thôn,
15
đồng thời nêu ra một số mô hình mẫu tại các nước như Mỹ, Canada, Trung
Quốc, Đức, Úc, Niu Dilân… và một số tác động đối với việc phát triển loại hình
du lịch tại khu vực này [101].
Đề tài nghiên cứu Leisure and Tourism, các tác giả đề cập đến cung cấp
các dịch vụ thông tin quản lý, việc lên kế hoạch và đánh giá các sự kiện cũng
như các nguồn cơ sở hạ tầng cho các dự án du lịch, giải trí [93].
1.2. CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU VỀ DU LỊCH VÀ QUẢN LÝ NHÀ
NƯỚC VỀ DU LỊCH Ở TRONG NƯỚC
1.2.1. Các công trình nghiên cứu về du lịch ở trong nước
1.2.1.1. Về vai trò của du lịch
Ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu có cách nhìn nhận về du lịch dưới nhiều
góc độ khác nhau. Trong cuốn Nhập môn khoa học du lịch của Trần Đức Thanh
(1999), du lịch được giải thích là: Sự di chuyển và lưu trú qua đêm tạm thời trong
thời gian rảnh rỗi của cá nhân hay tập thể ngoài nơi cư trú nhằm mục đích phục hồi
sức khỏe, nâng cao nhận thức về thế giới xung quanh, có hoặc không kèm theo việc
tiêu thụ một giá trị tự nhiên, kinh tế, văn hóa và dịch vụ của các cơ sở chuyên
nghiệp cung ứng; Một lĩnh vực kinh doanh các dịch vụ nhằm thỏa mãn nhu cầu nảy
sinh trong quá trình di chuyển và lưu trú tạm thời trong thời gian rảnh rỗi của cá
nhân hay tập thể ngoài nơi cư trú với mục đích phục hồi sức khỏe, nâng cao nhận
thức tại chỗ về thế giới xung quanh [60, tr. 14].
Luận án Những giải pháp phát triển du lịch sinh thái Việt Nam trong xu
thế hội nhập [69], tác giả đã phân tích làm rõ khái niệm về du lịch, DLST, yêu
cầu và nội dung phát triển DLST trong điều kiện đẩy mạnh HNQT.
Như vậy khi du lịch trở thành một nhu cầu mang tính xã hội cao, nhu cầu
của đại bộ phận các tầng lớp dân cư trong xã hội thì quan niệm về du lịch được
thống nhất, bao gồm tất cả các hoạt động di chuyển của con người ở trong hay
ngoài nước, trừ việc di trú chính trị, tìm kiếm việc làm (di chuyển nhằm mục
đích sinh lợi) và xâm lược.
16
Về vai trò của du lịch:
Du lịch đóng góp tích cực vào quá trình tạo nên thu nhập quốc dân; tham
gia tích cực vào quá trình phân phối lại thu nhập quốc dân giữa các vùng; làm tăng
thu nhập quốc dân thông qua thu ngoại tệ, đóng góp vào cân bằng cán cân thanh
toán quốc tế; là hoạt động xuất khẩu có hiệu quả; góp phần củng cố và phát triển
các mối quan hệ kinh tế đối ngoại; góp phần giải quyết việc làm cho người dân địa
phương [18], [38].
Khi bàn về vai trò của du lịch, tác giả Nguyễn Đình Sơn (2002) cho rằng
du lịch là hoạt động của con người mà trong quá trình đó đồng thời diễn ra cả hai
mặt: sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm du lịch, người đi du lịch là những người
tiêu dùng các sản phẩm du lịch, người kinh doanh du lịch là người cung cấp các
sản phẩm du lịch, chỉ có hoạt động diễn ra đồng thời thì mới đảm bảo được một
tour du lịch hoàn chỉnh. Để phát triển kinh tế du lịch ở vùng Bắc Bộ kết hợp với
tăng cường củng cố quốc phòng an ninh trong thời gian tới nhằm góp phần tăng
trưởng KT-XH, giải quyết việc làm và tăng thu nhập người dân, tác giả đã đề
xuất phương hướng, mục tiêu và những giải pháp cơ bản để giải quyết những tồn
tại, hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế của kinh tế du lịch [57].
1.2.1.2. Về hoạt động kinh tế du lịch
Trong luận án Phát triển dịch vụ lữ hành du lịch trong điều kiện hội
nhập kinh tế quốc tế: Kinh nghiệm của một số nước Đông Á và gợi ý chính sách
cho Việt Nam, tác giả Nguyễn Trùng Khánh (2012) đã đưa ra bảy bài học thành
công về chiến lược phát triển, marketing, cung cấp dịch vụ, xây dựng kết cấu hạ
tầng, đảm bảo an ninh, phát triển nguồn nhân lực và bảo vệ môi trường. Từ phân
tích thực trạng phát triển ngành du lịch của Việt Nam, tác giả chỉ ra những thành
tựu, hạn chế và nguyên nhân trong lĩnh vực dịch vụ lữ hành và đề xuất một số
giải pháp cơ bản, kiến nghị về chính sách phát triển dịch vụ lữ hành du lịch cho
Việt Nam trong điều kiện HNQT hiện nay [27].
Luận án Phát triển kinh doanh lưu trú du lịch tại vùng du lịch Bắc Bộ của
Việt Nam, trên cơ sở phân tích tiềm năng, thế mạnh và thực trạng phát triển bền
17
vững kinh doanh lưu trú du lịch ở vùng du lịch Bắc Bộ của Việt Nam, tác giả đề
xuất các giải pháp thúc đẩy kinh tế cho các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch và các
chủ thể QLNN tại vùng du lịch Bắc Bộ tham khảo; tạo môi trường thuận lợi cho
phát triển bền vững kinh doanh lưu trú tại vùng du lịch Bắc Bộ [25].
Trong công trình Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch Việt Nam có
tính cạnh tranh trong khu vực, quốc tế, các tác giả đã hệ thống hóa những vấn đề
lý luận về cạnh tranh sản phẩm du lịch; phân tích, đánh giá thực trạng hệ thống
sản phẩm du lịch Việt Nam theo tiêu chí cấu thành sản phẩm chung của điểm
đến và sản phẩm theo các loại hình du lịch. Các tác giả đã chỉ ra mô hình 10 tiêu
chí đánh giá so sánh cạnh tranh sản phẩm du lịch bao gồm: Tính hấp dẫn và độc
đáo của tài nguyên du lịch; tính đa dạng của dịch vụ du lịch; chất lượng sản
phẩm du lịch; tổ chức xây dựng sản phẩm du lịch; đầu tư xúc tiến sản phẩm du
lịch; giá sản phẩm du lịch; khả năng tiếp cận sản phẩm; thương hiệu sản phẩm
du lịch; chu kỳ sống của sản phẩm du lịch; yếu tố đặc biệt của sản phẩm du lịch.
Đề tài còn đề xuất hệ thống giải pháp chủ yếu góp phần tăng cường tính cạnh
tranh của sản phẩm du lịch Việt Nam trên thị trường trong ngắn hạn [64].
Trong luận án Thị trường du lịch tỉnh Hà Tây, Hoàng Thị Ngọc Lan
(2007) xác định cầu du lịch là bộ phận nhu cầu xã hội có khả năng thanh toán về
dịch vụ hàng hóa, đảm bảo sự đi lại, lưu trú tạm thời của du khách ngoài nơi ở
thường xuyên của họ nhằm mục đích du lịch [29].
Trong cuốn Thị trường du lịch, tác giả đã nêu những vấn đề tổng quan về
thị trường du lịch: khái niệm và những đặc điểm của thị trường du lịch, các loại
thị trường du lịch, phân tích một số yếu tố cơ bản trên thị trường du lịch. Theo
tác giả, thị trường du lịch là bộ phận của thị trường chung, phạm trù của sản xuất
và lưu thông hàng hóa, dịch vụ du lịch, phản ánh toàn bộ quan hệ trao đổi giữa
người mua với người bán, giữa cung với cầu và toàn bộ các mối quan hệ, thông
tin kinh tế, kỹ thuật gắn với mối quan hệ đó trong lĩnh vực kinh tế du lịch [31].
Tác giả Nguyễn Anh Tuấn (2010) trong công trình Năng lực cạnh tranh
điểm đến của du lịch Việt Nam, đã phân tích, đánh giá thực trạng năng lực cạnh
18
tranh điểm đến của ngành du lịch Việt Nam; chỉ ra những mặt mạnh, mặt yếu, cơ
hội và áp lực đối với ngành du lịch Việt Nam cũng như nguyên nhân của hạn chế
về năng lực cạnh tranh điểm đến của ngành du lịch Việt Nam. Tác giả đề xuất
bốn quan điểm nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến của ngành du lịch Việt
Nam, trong đó đề xuất: ngành du lịch phải được phát triển theo hướng chất
lượng, hiệu quả, bền vững [70].
Trong luận án Thị trường du lịch Quảng Ninh trong hội nhập kinh tế
quốc tế, tác giả đã hướng nghiên cứu vào làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về thị
trường du lịch trong HNQT; phân tích thực trạng của thị trường du lịch Quảng
Ninh, trong đó tác giả đã phác họa rõ nét về những thành tựu, đặc biệt là nêu rõ
những vấn đề đặt ra cần khắc phục để mở rộng thị trường du lịch Quảng Ninh
đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Tác giả đã đề xuất bốn nhóm giải
pháp nhằm phát triển thị trường du lịch trong thời gian tới, trong đó chú trọng
tăng nguồn cung hàng hóa du lịch và kích cầu về du lịch [1].
Tác giả Nguyễn Duy Mậu (2011) trong luận án Phát triển du lịch Tây
Nguyên đến năm 2020 đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, đã đề xuất chín
giải pháp để phát triển du lịch Tây Nguyên trong quá trình HNQT, trong đó chú
trọng nâng cao chất lượng dịch vụ khách sạn, nhà hàng; phát triển các hình thức
liên kết các DNDL trên địa bàn khu vực Tây Nguyên [32].
Trong luận án Những giải pháp phát triển du lịch sinh thái Việt Nam
trong xu thế hội nhập, tác giả chỉ ra những cơ hội và thách thức đối với phát
triển DLST trong xu thế hội nhập; phân tích những kinh nghiệm phát triển DLST
của một số nước và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; đề xuất một số giải pháp
chủ yếu phát triển DLST ở Việt Nam [69].
Luận án Phát triển du lịch bền vững ở Phong Nha - Kẻ Bàng đã phân
tích các quan niệm về hệ thống đánh giá du lịch bền vững, các kinh nghiệm du
lịch bền vững và không bền vững trên thế giới và đề xuất các giải pháp phát triển
du lịch bền vững Phong Nha - Kẻ Bàng. Đây là luận án về du lịch bền vững ở một
vùng du lịch cụ thể, có tính đặc thù. Tuy nhiên, tác giả tập trung nghiên cứu quan
niệm về du lịch bền vững, cũng như chỉ tiêu đánh giá [13].
19
Trong luận án Phát triển du lịch gắn với xóa đói giảm nghèo ở Lào Cai,
tác giả phân tích các lý luận về phát triển du lịch gắn với quá trình xóa đói, giảm
nghèo ở một địa phương [58].
1.2.1.3. Về các loại hình du lịch
Theo Giáo trình Kinh tế du lịch của tác giả Nguyễn Văn Đính và cộng sự
(2006), du lịch phân loại theo các tiêu thức: theo phạm vi lãnh thổ của chuyến đi
(du lịch quốc tế, du lịch nội địa); theo phương tiện lưu trú (du lịch ở trong khách
sạn, trong motel, ở làng du lịch, ở lều, trại (camping)); theo thời gian đi du lịch
(du lịch dài ngày, ngắn ngày); theo nhu cầu làm nảy sinh HĐDL (du lịch chữa
bệnh, nghỉ ngơi giải trí, thể thao, văn hóa, công vụ, sinh thái, thương gia, tôn
giáo, thăm hỏi, quê hương, quá cảnh); theo đối tượng khách du lịch (du lịch
thanh thiếu niên, dành cho những người cao tuổi, phụ nữ, gia đình); theo phương
tiện giao thông (du lịch bằng ô tô, xe máy, xe đạp, tàu hỏa, tàu thủy, máy bay);
theo hình thức tổ chức chuyến đi (du lịch theo đoàn và cá nhân có/không thông
qua tổ chức du lịch); theo vị trí địa lý nơi đến du lịch (du lịch nghỉ núi, nghỉ biển,
sông hồ, đồng quê, thành phố) [18].
Theo các tác giả, trong các chuyến đi du lịch người ta thường kết hợp
một số loại hình du lịch với nhau. Chẳng hạn du lịch nghỉ ngơi, giải trí với du
lịch văn hóa; du lịch công vụ với du lịch văn hóa.
Trong luận án Phương hướng và một số giải pháp để đa dạng hóa loại
hình và sản phẩm du lịch ở Quảng Nam - Đà Nẵng, tác giả làm rõ các loại hình
du lịch và xu hướng đa dạng hóa loại hình và sản phẩm du lịch [44].
Ngoài các công trên còn nhiều công trình của các tác giả khác bàn về
phân loại du lịch như các tác giả Trương Sĩ Quý (2002) [44], Đỗ Cẩm Thơ (Chủ
nhiệm) (2007) [64], Nguyễn Thị Tú (2006) [69].
Cũng như các nhà nghiên cứu trên thế giới, các nhà nghiên cứu trong
nước cũng cho rằng tùy thuộc vào hình thức, mục đích chuyến đi của du khách mà
có thể chia ra nhiều loại hình du lịch khác nhau như du lịch mạo hiểm, du lịch
tham quan, du lịch ẩm thực, du lịch thể thao, du lịch xanh, du lịch nhóm.
20
Nhìn chung, các tác giả đã đưa ra các cách phân loại du lịch dưới các góc
độ và mục đích phân loại khác nhau.
1.2.2. Các công trình nghiên cứu quản lý nhà nước về du lịch ở
trong nước
1.2.2.1. Về vai trò của quản lý nhà nước về du lịch
Về vai trò của QLNN đối với du lịch, tác giả Nguyễn Tấn Vinh (2008)
cho rằng QLNN về du lịch có vai trò thúc đẩy ngành du lịch địa phương phát
triển mạnh mẽ và bền vững; thị trường du lịch được mở rộng; thể chế thị trường
du lịch được xác lập, mở rộng và sự vận động của các yếu tố thị trường thông
suốt. Đồng thời, theo tác giả, cần xác định đúng chức năng, nhiệm vụ của các cơ
quan nhà nước, xác định rõ mức độ và hình thức can thiệp vào nền kinh tế nhằm
khai thác triệt để các lợi thế, đồng thời khắc phục những thất bại của nhà nước
lẫn thị trường [87].
Trong bài viết Hoạt động quản lý nhà nước về du lịch năm 2012, tác giả
xác định vai trò quả QLNN về du lịch là định hướng cho du lịch phát triển và
khai thác lợi thế tối đa để mang lại lợi nhuận đóng góp ngày càng nhiều cho nền
kinh tế trên cơ sở phát triển bền vững [15].
Theo tác giả Nguyễn Văn Đính và cộng sự (2006), QLNN về du lịch có
vai trò tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế
khác nhau hoạt động trên lĩnh vực kinh tế du lịch; đưa du lịch phát triển theo
định hướng chung, thúc đẩy HĐDL phát triển; hạn chế, tiến tới xóa bỏ các hiện
tượng không lành mạnh, mặt trái của du lịch qua HĐDL (mại dâm, văn hóa đồi
trụy, nghiện hút); bảo vệ môi trường du lịch [18].
Trong công trình Quản lý nhà nước về du lịch, tác giả cho rằng, QLNN về
du lịch không phải cầm tay chỉ việc, theo kế hoạch thầm kín, mà QLNN về du
lịch là tạo ra một môi trường cho công nghiệp du lịch phát triển và nhận thức
chung về ích lợi của nền công nghiệp này trong cộng đồng [59].
Theo tác giả, vấn đề quan trọng của QLNN đối với du lịch là xây dựng
môi trường an ninh chính trị, an toàn xã hội, cùng với đó là yếu tố kinh tế, thành
quả của các ngành kinh tế khác và đường lối phát triển du lịch [20].
21
Theo bài viết Quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại, du lịch,
tác giả cho rằng, QLNN về thương mại, du lịch là sự quản lý của Nhà nước đối
với toàn bộ hoạt động thương mại, du lịch trong nền kinh tế quốc dân và có chức
năng tạo ra và thực hiện một cơ chế hay phương thức quản lý cho tất cả các
thành phần kinh tế để đảm bảo hoạt động thương mại, du lịch phát triển theo
định hướng xã hội chủ nghĩa [19].
1.2.2.2. Về nội dung và giải pháp quản lý nhà nước về du lịch
Trong luận án Hoàn thiện quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh
Lâm Đồng, khi bàn về nội dung QLNN về du lịch cấp tỉnh, tác giả đã nêu 3 cách
phân loại đó là: Thứ nhất, theo các giai đoạn của quá trình quản lý: định hướng
phát triển, điều hành, tổ chức hệ thống, kiểm tra và điều chỉnh; Thứ hai, theo
hướng tác động: tạo môi trường và điều kiện cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ sự
phát triển, bảo đảm sự thống nhất KT-XH, quản lý các định hướng; Thứ ba, theo
yếu tố lĩnh vực mới: quản lý trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ, quản lý trong lĩnh
vực đối ngoại, quản lý về tài nguyên môi trường, quản lý về nhân lực. Tác giả đi sâu
phân tích nội dung QLNN về du lịch cấp tỉnh ở ba nội dung: định hướng phát triển
ngành du lịch ở địa phương; tạo lập khuôn khổ pháp luật thuận lợi cho sự phát triển
của ngành du lịch ở địa phương; và tổ chức chỉ đạo điều hành, kiểm tra, kiểm soát
hoạt động ngành du lịch ở địa phương. Bên cạnh đó, tác giả đã trình bày khái
quát QLNN về kinh tế trong mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa. Tác giải đã đưa ra các chức năng QLNN về kinh tế nói chung, nội dung
của QLNN về kinh tế và QLNN về phát triển kinh tế địa phương. Theo đó, QLNN
về phát triển kinh tế địa phương bao gồm quản lý theo ngành kinh tế kỹ thuật và
quản lý theo vùng lãnh thổ [87].
Theo các tác giả, QLNN về du lịch ở địa phương thực hiện các mặt chính
sau: Xây dựng các đề án về quy hoạch và kế hoạch phát triển du lịch trên địa bàn;
nghiên cứu đề xuất việc xây dựng các chính sách, và bổ sung cụ thể hóa các chính
sách chung, phù hợp với tình hình hoạt động của địa phương; hướng dẫn và kiểm
tra việc thực hiện các chính sách quy định, nghiệp vụ chuyên môn; theo thẩm quyền
22
xét cấp giấy chứng nhận, đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp HĐDL; giúp đỡ
tổ chức đào tạo các cán bộ nghiệp vụ, chuyên môn cho các DNDL [18].
Theo Báo cáo kỹ thuật Hỗ trợ quản lý điểm đến - An Giang, Kiên
Giang và Cần Thơ, đã đề xuất Chiến lược quản lý điểm đến đến năm 2020,
trong đó có nêu các trụ cột của du lịch có trách nhiệm cho Việt Nam mà Dự
án EU đã xây dựng với Tổng cục Du lịch. Trụ cột 1: Áp dụng quản trị nhà
nước tốt trong du lịch; trụ cột 2: Thúc đẩy các DNDL cạnh tranh và thị trường
bền vững; trụ cột 3: Sử dụng du lịch cho phát triển kinh tế xã hội; trụ cột 4:
Xây dựng nhận thức và hiểu biết về du lịch có trách nhiệm; trụ cột 5: Phát
triển lực lượng lao động du lịch có tay nghề với điều kiện làm việc bền vững;
trụ cột 6: Bảo vệ và phát huy một cách nhạy cảm di sản thiên nhiên và văn
hóa. Trong các trụ cột trên, Trụ cột 1 "Áp dụng quản trị nhà nước tốt trong du
lịch cho An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ" được đề xuất thực hiện theo Bản
Thỏa thuận hợp tác liên kết phát triển du lịch của ba tỉnh/thành thể hiện trong
nội dung Bản ghi nhớ cam kết các cơ quan thẩm quyền hợp tác trong các lĩnh
vực: cơ chế, chính sách quản lý và phát triển du lịch; phát triển sản phẩm du
lịch; quảng bá và xúc tiến du lịch; và phát triển nguồn nhân lực du lịch [46].
Trong luận án Hoàn thiện quản lý nhà nước về lao động trong lĩnh vực
kinh doanh du lịch ở Việt Nam, tác giả Hoàng Văn Hoan (2002) phân tích các
đặc trưng của kinh doanh du lịch, lao động trong kinh doanh du lịch, qua đó đưa
ra các cơ sở lý luận xác định rõ nội dung cơ bản QLNN đối với lao động trong
lĩnh vực kinh doanh du lịch; phân tích, đánh giá thực trạng QLNN đối với lao
động trong kinh doanh du lịch ở Việt Nam giai đoạn 1990 - 2002, đánh giá các
chính sách quản lý lao động trong kinh doanh du lịch trên góc độ vĩ mô; đề xuất
các giải pháp và kiến nghị nhằm hoàn thiện QLNN đối với lao động trong kinh
doanh du lịch ở Việt Nam [21].
Tác giả Lê Văn Minh (2006) khi nghiên cứu đề xuất các giải pháp đầu tư
phát triển khu du lịch đã đề xuất mười giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách đầu tư
phát triển du lịch, trong đó chú trọng đầu tư phát triển các khu du lịch; giải pháp về
đầu tư, bảo tồn, tôn tạo các giá trị tài nguyên du lịch và bảo vệ môi trường [33].
23
Trong luận án Hoàn thiện quản lý nhà nước đối với cơ sở hạ tầng đô thị
du lịch Việt Nam, tác giả Hồ Đức Phớc (2010) đã luận giải một số cơ sở khoa
học của QLNN trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng đô thị du lịch; phân tích và đánh
giá thực trạng QLNN trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng và sự phát triển cơ sở hạ
tầng tại các đô thị du lịch Việt Nam; đề xuất các giải pháp hoàn thiện QLNN
trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng cho các đô thị Việt Nam [36].
Trong cuốn Quy hoạch du lịch, tác giả Bùi Hải Yến (2009) đã làm rõ cơ sở
khoa học của quy hoạch du lịch. Tác giả đưa ra những khuyến nghị về quy hoạch du
lịch vùng nông thôn và ven đô ở Việt Nam, chỉ rõ phát triển du lịch cần gắn với việc
bảo vệ, tôn tạo tài nguyên môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững [88].
Các công trình, luận án, bài báo, bài viết đăng trên tạp chí, kỷ yếu khoa học
trên là những tài liệu giúp tác giả có thêm những tư liệu để hoàn thành luận án.
1.3. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ NHỮNG VẤN
ĐỀ ĐẶT RA
1.3.1. Những kết quả đạt được và khoảng trống trong nghiên cứu
quản lý nhà nước về du lịch
1.3.1.1. Những kết quả đạt được của các công trình nghiên cứu
Tổng hợp các công trình nghiên cứu trên cho thấy, một số vấn đề có liên
quan đến đề tài đã được làm rõ:
Một là, nhận diện du lịch dưới nhiều góc độ: du lịch nói chung, HĐDL,
ngành du lịch; đưa ra các quan niệm, khái niệm và định nghĩa dưới các góc nhìn
khác nhau.
Hai là, chỉ rõ vai trò, ý nghĩa và tác động của HĐDL trong việc tạo việc làm,
tăng thu nhập, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế theo vùng.
Ba là, xác định rõ các loại hình du lịch theo các tiêu chí phân loại cụ thể;
làm rõ hoạt động kinh tế du lịch dưới các góc độ khác nhau.
Bốn là, làm rõ một số đặc điểm và vai trò của QLNN đối với du lịch và
các nội dung của QLNN đối với du lịch nói chung dưới các góc nhìn khác nhau;
đề xuất một số giải pháp và kiến nghị hoàn thiện QLNN về du lịch nói chung.
24
1.3.1.2. Những khoảng trống nghiên cứu về quản lý nhà nước về du lịch
Tuy nhiên, hiện còn một số vấn đề của QLNN về du lịch nói chung, đặc
biệt là ở cấp tỉnh, thành phố TTTƯ cần tiếp tục làm rõ.
Một là, chưa làm rõ được các đặc điểm QLNN về du lịch cấp tỉnh, thành
phố TTTƯ gắn với chức năng, nhiệm vụ của cấp tỉnh theo phân cấp. Trong đó,
cấp tỉnh là cấp thừa hành, nhưng được phân công một số trách nhiệm cụ thể.
Hai là, chưa làm rõ được nội dung QLNN ở cấp thành phố TTTƯ đối
với du lịch theo quan điểm quản lý theo địa bàn đối với HĐDL mang tính liên
ngành, liên vùng.
Ba là, việc nghiên cứu QLNN ở cấp tỉnh, thành phố TTTƯ nhằm khai
thác tiềm năng, thế mạnh của một vùng có nhiều đặc thù như vùng đồng bằng
sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng, nội dung,
yêu cầu của QLNN về du lịch ở cấp tỉnh gắn với vùng, miền như thành phố Cần
Thơ, cũng như cơ sở lý luận cho việc hoàn thiện QLNN về du lịch cấp thành phố
TTTƯ nói chung chưa được luận giải một cách có hệ thống, chưa gắn kết được
quản lý theo ngành và theo lãnh thổ.
1.3.2. Những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ
Qua tổng quan các công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài, nghiên
cứu sinh sẽ tập trung nghiên cứu làm rõ các vấn đề sau:
Một là, luận giải sâu sắc hơn cơ sở lý luận của QLNN cấp tỉnh, thành
phố TTTƯ đối với HĐDL trên địa bàn, dưới góc độ quản lý theo ngành kết hợp
quản lý theo lãnh thổ. Kết hợp chức năng, nhiệm vụ được giao của chính quyền
địa phương với quy định, tiêu chuẩn của ngành du lịch; kết hợp cơ chế tác động
đến đối tượng quản lý của trung ương và địa phương; kết hợp mục tiêu phát triển
KT-XH địa phương với mục tiêu ngành.
Hai là, luận giải đặc điểm, nội dung của QLNN về du lịch nhằm khai
thác tiềm năng, lợi thế về du lịch để phát triển HĐDL của một vùng, một thành
phố như Cần Thơ theo hướng bền vững. Chẳng hạn, Cần Thơ có đặc điểm đô thị,
thành phố trực thuộc trung ương, trung tâm vùng ĐBSCL, có thể kết nối với các
địa phương khác, đặc điểm địa lý, cảnh quan thiên nhiên, sông nước, miệt vườn.
25
Ba là, luận giải các đặc thù QLNN về du lịch cấp tỉnh, thành phố đặt ra trong
HNQT và liên kết khu vực, vùng. Chính quyền cấp thành phố trực thuộc trung ương,
vừa thừa hành vừa chủ động trong QLNN với chức năng, nhiệm vụ được giao.
Bốn là, phân tích đánh giá đúng thực trạng và đề xuất các giải pháp phù hợp
nhằm hoàn thiện QLNN về du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ trong bối cảnh
hiện nay.
Ngoài ra, làm rõ các yêu cầu và nhân tố ảnh hưởng đến QLNN về du lịch
trên địa bàn tỉnh, thành phố TTTƯ.
26
Chương 2
CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC
TRUNG ƯƠNG TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ
2.1. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
2.1.1. Khái niệm và phân loại du lịch
Du lịch đã và đang ngày càng trở thành hoạt động khá phổ biến của con
người trong thời đại ngày nay. Khái niệm du lịch đã được sử dụng rộng rãi trên
sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, qua mỗi thời kỳ
phát triển, khái niệm về du lịch cũng mang những nét đặc trưng khác nhau và
được nhận thức ngày càng đầy đủ hơn. Khái niệm du lịch có thể được được định
nghĩa theo quan niệm sản phẩm - dịch vụ du lịch hoặc theo HĐDL.
Theo UNWTO: Du lịch là một hiện tượng xã hội, văn hóa và kinh tế
phát sinh do sự di chuyển tới các quốc gia hay điểm đến ngoài nơi cư trú thường
xuyên của con người với các mục đích cá nhân, hoặc do nhu cầu công việc,
chuyên môn [11, tr. 5].
Ở Việt Nam, Luật Du lịch 2017 tại Điều 3 định nghĩa: Du lịch là các
hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường
xuyên trong thời gian không quá một năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham
quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp
với mục đích hợp pháp khác [42].
Những quan niệm nêu trên mới nhìn nhận du lịch từ góc độ thay đổi/dịch
chuyển không gian cư trú tạm thời từ phía du khách cùng với mục tiêu hưởng thụ
các nhu cầu khác nhau của họ, mà chưa đề cập đến góc độ kinh tế - du lịch gắn
chặt với hoạt động kinh tế. Để đáp ứng nhu cầu du lịch của du khách ta có hàng
loạt các hoạt động kinh doanh như khách sạn, nhà hàng, quán ăn, cửa hàng tiệm
giải khát, môi giới, hướng dẫn du lịch, vui chơi… để phục vụ nhu cầu này.
Khác với các quan niệm trên, tại Hội nghị Liên hợp quốc về du lịch họp tại
Rome - Italia (1963), các chuyên gia quốc tế đưa ra quan niệm: Du lịch là cả một
27
quy trình gồm tất cả các hoạt động của du khách từ lúc dự trù chuyến đi cho đến lúc
di chuyển và đến nơi cư trú, ăn ở, mua sắm, giải trí, giao tiếp, nghỉ ngơi đến lúc trở
về nhà và hồi tưởng. Như vậy, du lịch là tổng hợp các hoạt động kinh tế bắt nguồn
từ các cuộc hành trình và lưu trú của cá nhân hay tập thể ở bên ngoài nơi ở thường
xuyên của họ hay ngoài nước họ với mục đích hòa bình [26, tr. 9].
Từ các quan niệm về du lịch như đã trình bày ở trên, chúng ta có thể hiểu
du lịch theo hai nghĩa cơ bản sau: thứ nhất, du lịch là nói đến sự di chuyển và lưu
trú tạm thời trong thời gian rảnh rỗi của cá nhân hay tập thể ngoài nơi cư trú
nhằm mục đích phục hồi sức khỏe, nâng cao nhận thức về thế giới xung quanh,
thỏa mãn các nhu cầu giải trí; thứ hai, du lịch là tổng hợp các hoạt động thuộc
lĩnh vực kinh doanh các dịch vụ tiêu thụ một số giá trị kinh tế, văn hóa và dịch vụ
nhằm thỏa mãn nhu cầu nảy sinh trong quá trình di chuyển và lưu trú tạm thời
trong thời gian rảnh rỗi của cá nhân hay tập thể ngoài nơi cư trú.
Hoạt động du lịch liên quan đến nhiều chủ thể. Theo quy định tại Điều 3
của Luật Du lịch 2017: "Hoạt động du lịch là hoạt động của khách du lịch, tổ
chức, cá nhân kinh doanh du lịch và cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư
có liên quan đến du lịch" [42].
Từ các khái niệm trên, có thể hiểu: HĐDL là tổng hợp các hoạt động tổ
chức, kỹ thuật và kinh tế phục vụ cuộc hành trình và lưu trú của con người ở bên
ngoài nơi cư trú với nhiều mục đích cá nhân, hoặc do nhu cầu công việc, chuyên
môn, tìm kiếm việc làm, thực hiện thăm viếng thường xuyên, thực hiện sự phát triển
cá nhân về phương diện kinh tế, xã hội, văn hóa và tinh thần, nghỉ ngơi, tiêu khiển,
giải trí cùng với việc đẩy mạnh sự hiểu biết và sự hợp tác giữa mọi người.
Như vậy, HĐDL là một hoạt động đặc thù, gồm nhiều đối tượng tham
gia vào đó là du khách, nhà cung ứng dịch vụ du lịch, chính quyền địa phương
nơi đón du khách và dân cư sở tại. HĐDL có mối quan hệ kết hợp và tương tác
giữa các đối tượng trên. Đối với du khách là cuộc hành trình và lưu trú ở một nơi
ngoài nơi cư trú thường xuyên nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất, tinh thần. Đối
với nhà cung ứng dịch vụ du lịch là quá trình tổ chức các điều kiện sản xuất dịch vụ
28
phục vụ du khách để đạt lợi nhuận. Đối với chính quyền địa phương đó là quản lý,
tổ chức các điều kiện về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật để phục vụ du
khách; tổ chức các hoạt động dịch vụ phục vụ việc lưu trú, hành trình du lịch của du
khách; tổ chức tiêu thụ sản phẩm địa phương, nâng cao mức sống dân cư; bảo vệ
môi trường tự nhiên, xã hội. Đối với dân cư là tham gia HĐDL địa phương nhằm
tăng thêm lợi ích kinh tế, đồng thời tham gia giám sát, bảo đảm tới mức thấp
nhất những tác động tiêu cực và rủi ro của du lịch đối với môi trường, truyền
thống văn hóa và điều kiện sống của dân cư địa phương.
HĐDL gồm nhiều hoạt động tham gia vào để phục vụ nhu cầu của du
khách trong một chuyến du lịch, nhu cầu từ mục đích chính của chuyến đi như
tham quan, giải trí, nghỉ ngơi, học tập và các nhu cầu khác như ăn, ngủ, đi lại,
mua sắm hàng hóa, đồ lưu niệm, đổi tiền, gọi điện, gửi thư, vui chơi. Do đó,
tham gia vào HĐDL gồm tổng hợp các hoạt động như sản xuất, kinh doanh, giao
thông, bưu chính viễn thông.
HĐDL tồn tại dưới các loại hoạt động phổ biến sau: lữ hành, lưu trú, vận
chuyển du khách và các hoạt động dịch vụ phục vụ du lịch khác. Hoạt động lữ
hành là thực hiện một chuyến đi theo kế hoạch, lộ trình và chương trình định
trước; hoạt động lưu trú là hoạt động cung cấp dịch vụ phục vụ nhu cầu lưu trú
của du khách; hoạt động vận chuyển du khách là hoạt động nhằm giúp cho du
khách dịch chuyển được từ nơi lưu trú của mình đến điểm du lịch cũng như dịch
chuyển tại điểm du lịch; hoạt động dịch vụ phục vụ du lịch khác như ăn uống,
mua sắm, thể thao, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe, tuyên truyền, quảng cáo
du lịch, tư vấn đầu tư du lịch.
Phân loại du lịch trên địa bàn thành phố
Dựa trên các tiêu chí và mục đích phân loại để phân loại HĐDL thành
các loại hình khác nhau. Việc phân loại du lịch cùng với các loại hình du lịch
khác nhau là nhằm làm rõ bản chất, đặc điểm của từng loại hình du lịch, đặc
điểm hoFạt động của chúng để có biện pháp QLNN phù hợp với từng loại hình
du lịch. Theo cách phân loại phổ biến hiện nay, du lịch có thể được phân theo
các tiêu chí với các loại hình tương ứng như sau:
29
Thứ nhất, theo phạm vi lãnh thổ của chuyến đi: du lịch quốc tế và du lịch
nội địa. Du lịch quốc tế là loại hình du lịch có đối tượng du khách là những người
lưu trú tạm thời ở nước ngoài và sống ngoài nơi cư trú thường xuyên của họ trong
khoảng thời gian từ 24 giờ trở lên. Loại hình du lịch này gắn với yếu tố nước ngoài,
điểm đi và đến ở các quốc gia khác nhau; các yếu tố khác như nhu cầu về ăn, ở, đi
lại của du khách có nhiều khác biệt với điểm đến; các yêu cầu về nhập cảnh, visa…
cũng rất khác nhau. Điều này, đòi hỏi QLNN về du lịch phải thích ứng.
Thứ hai, theo nhu cầu làm nảy sinh HĐDL: du lịch chữa bệnh, du lịch
nghỉ ngơi giải trí, du lịch thể thao, du lịch văn hóa, du lịch công vụ, DLST, du
lịch thương gia, du lịch tôn giáo, du lịch thăm hỏi, du lịch quê hương, du lịch
quá cảnh. Trong QLNN đối với HĐDL cần phải chú ý tới các nhu cầu làm nảy
sinh HĐDL ngày càng đa dạng chảng hạn Du lịch chữa bệnh là loại hình du lịch
phục vụ du khách do nhu cầu điều trị các bệnh tật về thể xác và tinh thần, có thể
là chữa bệnh bằng khí hậu, nước khoáng, bằng bùn. Đây là loại hình du lịch mà
du khách tìm kiếm cách điều trị đặc biệt, cách xa nhà, ở nơi khác… Du lịch nghỉ
ngơi, giải trí là loại hình du lịch phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi để phục hồi thể lực
và tinh thần của du khách. Loại hình này có tác dụng giải trí, làm cuộc sống đa
dạng, giải thoát con người khỏi áp lực công việc. DLST là loại hình du lịch
dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa gắn với giáo dục môi trường, có đóng
góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững với sự tham gia tích cực của cộng
đồng địa phương.
Thứ ba, theo thời gian đi du lịch: du lịch dài ngày, du lịch ngắn ngày. Du
lịch dài ngày là loại hình du lịch mà hành trình đi và ở của du khách có thời gian
dài ngày và do đó thời gian lưu trú dài hơn và chi tiêu cao hơn.
Thứ tư, theo phương tiện lưu trú: du lịch ở trong khách sạn, du lịch ở
trong motel, du lịch ở Làng du lịch, du lịch ở lều, trại (camping).
Thứ năm, theo đối tượng khách du lịch: du lịch thanh thiếu niên, du lịch
dành cho những người cao tuổi, du lịch phụ nữ, gia đình.
Dựa trên tiềm năng du lịch và các loại hình du lịch hiện có của thành phố
ta có thể phân thành các loại hình du lịch sau: du lịch đô thị; du lịch thương mại,
30
công vụ; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch tham quan; du lịch văn hóa, lễ hội; DLST;
du lịch tham quan nghiên cứu; du lịch thể thao, vui chơi giải trí; du lịch học tập,
chữa bệnh; du lịch ẩm thực, du lịch cuối tuần, du lịch vui chơi giải trí ngoài trời.
Từ những phân tích trên cho thấy, hiện có rất nhiều loại hình du lịch
đang hoạt động trên khắp thế giới và ở Việt Nam. Tuy nhiên, để đảm bảo tính
phù hợp với các loại hình hiện có và các loại tiềm năng tương đồng với thành
phố Cần Thơ, các loại hình du lịch sau đây được xem xét cụ thể hơn:
Thứ nhất, du lịch miệt vườn (thuộc nhóm du lịch cảnh quan). Đây là loại
hình du lịch gắn với cảnh quan thiên nhiên, không gian ngoài trời rộng lớn. Các
điểm này thường cách xa trung tâm nên yêu cầu về thời gian và phương tiện vận
chuyển lớn.
Thứ hai, du lịch đô thị. Đây là loại hình du lịch gắn với yếu tố đô thị
trung tâm, phục vụ tham quan đô thị, mua sắm, vui chơi giải trí mang tính chất
đô thị và phù hợp với các vai trò cụ thể là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa,
giao thông của Vùng.
Thứ ba, du lịch thương mại, hội nghị, hội thảo kết hợp tham quan du
lịch. Đây là loại hình du lịch kết hợp giữa công tác và tham quan du lịch, gắn với
vai trò trung tâm Vùng của thành phố thường xuyên diễn ra các sự kiện chính trị,
kinh tế, VH-TT-DL của Vùng. Loại hình du lịch này thường diễn ra quanh năm
và có đối tượng du khách có khả năng chi tiêu khá cao.
Thứ tư, du lịch tham quan, nghiên cứu văn hóa. Đây là loại hình du lịch
gắn với các di sản văn hóa của thành phố với nét đặc trưng riêng hấp dẫn du
khách. Những di sản văn hóa này rất hấp dẫn các du khách có mục đích nghiên
cứu văn hóa.
Chẳng hạn, kết quả điều tra XHH cho thấy du lịch văn hóa ở Cần Thơ
được du khách ưa chuộng, có 55% - 77% ý kiến điều tra chọn đến các điểm văn
hóa của Cần Thơ như bến Ninh Kiều (77%), Chợ nổi Cái Răng (71%), Chùa
Ông (55%) (Bảng PL2.1). Theo kết quả điều tra XHH, các HĐDL được du
khách yêu thích nhất là du lịch sông nước chợ nổi (90%), tham quan các làng
nghề (77,5%), thưởng thức ẩm thực địa phương (70%), trải nghiệm cuộc sống
31
người dân (62,5%), thăm các di tích lịch sử (61%), xem biểu diễn văn nghệ
truyền thống (61%) (Bảng PL2.3).
Thứ năm, du lịch sinh thái. Đây là loại hình du lịch gắn với điều kiện tự
nhiên của thành phố với những sông, rạch chằng chịt, cù lao, cồn, những vườn
cây xanh tươi mát, cùng nhiều loại đặc sản trái cây của Vùng.
Theo kết quả điều tra XHH, các đối tượng cho rằng loại hình du lịch phổ
biến nhất ở Cần Thơ là DLST (75,7%), du lịch văn hóa (12,3%) (Bảng PL2.4).
2.1.2. Vai trò và tác động của hoạt động du lịch đối với kinh tế trên
địa bàn thành phố trong hội nhập quốc tế
2.1.2.1. Vai trò của hoạt động du lịch
Vai trò của hoạt động du lịch được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau:
đối với du khách, đối với người dân địa phương, đối với các nhà kinh doanh, đối
với nền kinh tế. Hoạt động du lịch có vai trò quan trọng:
Một là, góp phần phát triển kinh tế và tăng trưởng bền vững. HĐDL có
quan hệ với các hoạt động khác và tạo thu nhập quan trọng cho ngân sách của
quốc gia và địa phương có tuyến điểm du lịch. HĐDL dựa trên các tài nguyên du
lịch phong phú, các giá trị về di sản văn hóa, âm nhạc, đời sống dân cư và môi
trường, khí hậu. Các sản phẩm du lịch được tiêu dùng ở nơi sản xuất, đồng thời
tạo nên khả năng sản xuất các sản phẩm được tiêu thụ bởi du lịch và du lịch cần
đáp ứng. Từ đó, HĐDL sẽ tạo ra thu nhập qua hệ thống cung cấp hàng hóa, dịch
vụ. Bên cạnh đó, HĐDL phát triển góp phần kích thích đầu tư trong nước và
ngoài nước, qua đó làm tăng tổng cầu và tăng trưởng kinh tế địa phương. Chính
vì vậy, phát triển HĐDL không chỉ mang lại nguồn thu cho ngành du lịch mà
còn tác động làm gia tăng nguồn thu ở các ngành khác. Ở Việt Nam, hơn một
phần ba GDP được tạo ra bởi các dịch vụ, trong đó, du lịch đóng góp 7,5% GDP
năm 2017 [30]. Ngoài ra, HĐDL còn tác động tích cực đến kết cấu hạ tầng vật
chất KT-XH và các nguồn lực khác nhau làm cho kinh tế địa phương phát triển.
Theo kết quả điều tra XHH, các đối tượng được điều tra cho rằng HĐDL
góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH (83,97%), tăng thu ngân sách (52,71%)
cho thành phố Cần Thơ (Bảng PL2.4).
32
Hai là, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. HĐDL là một hoạt động
phức tạp, trong đó chi tiêu du lịch liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều ngành
kinh tế và tác động qua lại lẫn nhau. Do đó, khi HĐDL phát triển, nó thúc đẩy
tăng trưởng kinh tế và góp phần làm dịch chuyển cơ cấu kinh tế. HĐDL phát
triển sẽ góp phần gia tăng giá trị dịch vụ, đồng thời tác động làm chuyển dịch cơ
cấu kinh tế địa phương theo hướng tỷ trọng khu vực nông nghiệp trong GDP sẽ
giảm dần và tỷ trọng khu vực dịch vụ sẽ tăng lên. Kết quả điều tra XHH, cho
thấy các đối tượng cho rằng du lịch phát triển có tác động làm thay đổi diện mạo
đô thị (56,51%) (Bảng PL2.4).
Ba là, tạo việc làm, tăng thu nhập. Sự phát triển HĐDL góp phần tăng
qui mô việc làm, thu nhập của người dân và xã hội. HĐDL sử dụng nhiều lao
động, do đó, phát triển HĐDL sẽ góp phần tích cực tạo việc làm cho một lực
lượng lao động xã hội và cải thiện đời sống cho người dân địa phương. HĐDL
có nhu cầu về lao động cao cả về lao động trực tiếp (trực tiếp phục vụ du lịch,
làm việc trực tiếp trong ngành du lịch thường bao gồm những công việc có liên
hệ trực tiếp với khách như người làm việc tại các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở
lưu trú, cơ sở kinh doanh du lịch, điểm du lịch, vận chuyển du lịch, nhà hàng,
bán lẻ và các cơ sở giải trí), cũng như lao động gián tiếp (từ các hoạt động kinh
tế khác, làm việc cho các cơ sở cung ứng cho HĐDL, như dịch vụ giặt là, cung
cấp thực phẩm, bán buôn, kế toán, các cơ quan nhà nước, các công ty xây dựng
và sản xuất hàng xuất khẩu và hàng sử dụng trong ngành du lịch gồm sản xuất
sắt thép, gỗ và xăng dầu).
Kết quả điều tra XHH cho thấy các đối tượng đánh giá du lịch giúp tạo
công ăn việc làm (63,13%), tăng thu nhập cho người dân (63,73%), góp phần
xóa đói giảm nghèo (34,47%) (Bảng PL2.4).
Bốn là, liên kết vùng và phát triển kinh tế đối ngoại. HĐDL còn thông qua
các hình thức liên kết giữa các tỉnh, giữa các vùng, giữa các nước để mở các tour du
lịch. Du khách không chỉ dừng lại ở một điểm du lịch mà có nhu cầu tham quan các
điểm du lịch ở các vùng, miền khác nhau. Do đó, để cạnh tranh và phát triển, các
tỉnh, thành phố sẽ mở rộng liên kết với nhau và liên kết với các vùng, các nước để
33
đa dạng các tour du lịch. Theo kết quả điều tra XHH, các đối tượng được điều tra
cho rằng du lịch thúc đẩy giao lưu văn hóa (64,73%) (Bảng PL2.4).
2.1.2.2. Tác động của hoạt động du lịch
Tác động tích cực
Một là, HĐDL phát triển góp phần hỗ trợ cho công nghiệp và nông
nghiệp, góp phần vào sự tăng trưởng bền vững. Có thể thấy, HĐDL phát triển
góp phần giải quyết các vấn đề xã hội như việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm
nghèo, san sẻ thu nhập cho các nhóm xã hội (người nghèo), vì đa phần du khách
là những người có thu nhập cao. Chính điều này có tác dụng lớn trong việc giảm
áp lực trong việc giải quyết việc làm cho chính quyền địa phương, giảm tình
trạng thất nghiệp, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đối
với những nơi lạc hậu, xa xôi, hẻo lánh, kinh tế khó khăn không thích hợp phát
triển công nghiệp thì phát triển HĐDL sẽ có ý nghĩa quan trọng đến việc xóa đói,
giảm nghèo. Đối với các đô thị, ở những nơi tỷ trọng nông nghiệp giảm, khi phát
triển HĐDL sẽ có tác dụng hỗ trợ, góp phần thúc đẩy những hộ sản xuất nghề
nông chuyển biến mạnh mẽ sang chuyên canh các sản phẩm phục vụ cho du lịch,
nhờ đó thu nhập gia tăng, nhiều hộ đã thoát nghèo. Đồng thời, sự phát triển của
HĐDL kéo theo các ngành có liên quan phát triển, sẽ làm gia tăng nguồn thu của
nơi đón tiếp và gia tăng nguồn thu thuế.
Hai là, đa dạng hóa ngành nghề và việc làm. HĐDL với những hoạt
động phong phú của nó sẽ tạo ra việc làm, tăng thu nhập và các cơ hội phát triển
cho người nghèo tại cộng đồng của họ. Phát triển HĐDL ở các vùng nông thôn,
khó khăn không chỉ góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường mà
còn giảm thiểu tình trạng di cư về đô thị lớn làm công, ảnh hưởng các cân đối vĩ
mô và quản lý đô thị.
Theo thống kê năm 2010 của Tổ chức Du lịch Thế giới, du lịch là ngành
tạo việc làm quan trọng: cứ 2,4 giây tạo ra được một việc làm mới. Tỷ lệ giữa
lao động trực tiếp và lao động gián tiếp thường là 1/2,2. Số lao động cần thiết
trong dịch vụ bổ sung có thể tăng lên nhiều lần, nếu các dịch vụ này được nâng
cao về chất lượng và phong phú về chủng loại. Chính vì vậy, phát triển HĐDL
34
được coi là một trong những phương thức hữu hiệu để giải quyết nạn thất nghiệp
hiện nay [35], [75].
Ba là, thúc đẩy liên kết giữa các địa phương, quốc gia, vùng. HĐDL tác
động làm hình thành các mối quan hệ kinh tế giữa các tổ chức quốc tế, các tổ
chức chính phủ và phi chính phủ, giữa các địa phương của các quốc gia. Du lịch
quốc tế làm hình thành, phát triển ngành giao thông quốc tế, quan hệ ngoại hối
quốc tế để đáp ứng nhu cầu của du khách quốc tế. Du lịch đóng góp cho lĩnh vực
xuất khẩu với hiệu quả cao thông qua "Xuất khẩu tại chỗ" và "Xuất khẩu vô
hình". "Xuất khẩu tại chỗ" những hàng hóa công nghiệp, hàng tiêu dùng, thủ
công mỹ nghệ, đồ cổ phục chế, nông lâm sản… theo gia bán lẻ cao cho du khách
và thông qua con đường du lịch nên không phải chịu thuế mậu dịch quốc tế.
"Xuất khẩu vô hình" sản phẩm du lịch như cảnh quan thiên nhiên, khí hậu, ánh
nắng mặt trời vùng nhiệt đới, những giá trị di tích lịch sử - văn hóa, truyền thống
phong tục tập quán đến với người dân ở các nước khác trên thế giới. Phát triển
HĐDL còn góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài cho địa phương để xây dựng
cơ sở hạ tầng cho phát triển địa phương đồng thời xây dựng cơ sở vật chất phục
vụ HĐDL là cần thiết và có lợi cho cả đôi bên. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư
trong ngành du lịch thường cao nên có khả năng hấp dẫn vốn đầu tư trong nước
cũng như nước ngoài.
Bốn là, thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa các dân tộc với nhau. Điều này
làm cho các quốc gia, dân tộc hiểu nhau hơn và giúp cho việc HNQT ngày càng
sâu rộng. Khi thực hiện các chuyến du lịch, người ta có dịp trực tiếp đối thoại,
tìm hiểu lẫn nhau giữa du khách hoặc với cộng đồng dân cư tại nơi đến du lịch,
nên con người có cơ hội để thông cảm, hiểu biết nhau hơn. Thông qua HĐDL
tăng cường được các mối quan hệ xã hội, tình hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau
giữa các dân tộc; Thông qua du lịch, du khách sẽ tăng sự hiểu biết về văn hóa, xã
hội của quốc gia và địa phương, tạo ra sự "giao thoa" về văn hóa giữa các vùng,
các miền, các dân tộc trên thế giới; phát triển tình đoàn kết, hữu nghị, thân ái của
nhân dân giữa các vùng, địa phương, các quốc gia với nhau.
35
Tác động tiêu cực
Một là, gây áp lực lên kết cấu hạ tầng địa phương, đặc biệt khi du lịch tăng
đột biến. HĐDL gia tăng, tăng đột biến hoạt động lữ hành, hoạt động lưu trú làm
gia tăng áp lực đối với nguồn cung khách sạn, cơ sở lưu trú phục vụ du khách. Bên
cạnh đó, cũng làm gia tăng áp lực về điều kiện phương tiện vận tải và đường sá đảm
bảo nhu cầu đi lại và các cơ sở phục vụ du lịch để đáp ứng nhu cầu du khách.
Hai là, gây áp lực cho QLNN. Để đảm bảo cho yêu cầu du lịch và sự phát
triển của HĐDL ngày càng gia tăng, đòi hỏi cơ quan QLNN phải cải cách thủ tục
hành chính, tạo điều kiện thuận lợi thu hút du khách đến du lịch địa phương và các
cơ sở kinh doanh du lịch tham gia HĐDL. Ngoài ra, đòi hỏi QLNN phải đảm bảo
vai trò của mình thúc đẩy phát triển HĐDL, góp phần phát triển KT-XH của địa
phương, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn cho du khách.
Ba là, nguy cơ làm phương hại các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp
của dân tộc. HĐDL có thể gây ảnh hưởng tiêu cực thông qua hành vi của du
khách. Hành vi, văn hóa xấu của du khách có thể xâm hại đến văn hóa, làm thay
đổi lối sống, truyền thống văn hóa của địa phương.
Bốn là, nguy cơ mất an ninh, an toàn. HĐDL có thể gây ra các tệ nạn xã
hội chẳng hạn như du lịch tội phạm, ma túy, mại dâm, văn hóa đồi trụy, tour 0
đồng "chặt chém" du khách, lây lan dịch bệnh.
Năm là, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. HĐDL quá mức có thể gây ô
nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên. Lượng du khách gia tăng
ở điểm du lịch sẽ làm gia tăng rác thải, ảnh hưởng đến sức chứa, gia tăng nhu cầu
phục vụ, từ đó, sẽ gây nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên.
2.2. KHÁI NIỆM, ĐẶC ĐIỂM, NỘI DUNG VÀ CÁC NHÂN TỐ TÁC
ĐỘNG ĐẾN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH CẤP THÀNH PHỐ TRỰC
THUỘC TRUNG ƯƠNG TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ
2.2.1. Khái niệm, đặc điểm của quản lý nhà nước về du lịch cấp thành phố
2.2.1.1. Khái niệm quản lý nhà nước về du lịch
Có nhiều quan niệm khác nhau về quản lý, chẳng hạn, các nhà khoa học
như Koonz đã đưa ra khái niệm quản lý được thừa nhận rộng rãi trên thế giới.
36
Theo đó, quản lý là sự tác động có chủ đích của chủ thể quản lý tới đối tượng
quản lý nhằm đạt mục tiêu đề ra. Như vậy, quản lý là hoạt động có chủ đích của
chủ thể tác động vào đối tượng bằng cơ chế tác động (nguyên tắc, phương pháp,
công cụ). Có thể khái quát hóa quản lý như hình 2.1 dưới đây.
Hình 2.1: Sơ đồ hệ thống quản lý
Nguồn: [22]
Từ khái niệm chung về quản lý, có thể thấy QLNN là sự tác động của cơ
quan nhà nước có thẩm quyền đến đối tượng chịu sự quản lý, nhằm hướng hành
vi của họ đến các mục tiêu nhà nước mong muốn thực hiện.
Các thành phần tham gia vào HĐDL bao gồm: khách du lịch; các doanh
nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho khách du lịch; chính quyền sở tại; cộng
đồng dân cư địa phương. Từ đó, ta có thể thấy rằng các thành tố trong hoạt động
QLNN về du lịch, gồm: Chủ thể quản lý (các cơ quan QLNN về du lịch); đối
tượng quản lý (các hoạt động trong lĩnh vực du lịch); công cụ quản lý (chiến
lược, quy hoạch, chính sách, kế hoạch phát triển du lịch).
Từ những phân tích trên có thể đưa ra khái niệm QLNN về du lịch là sự
tác động có tổ chức vào các HĐDL nhằm định hướng các hoạt động này theo các
mục tiêu đề ra trong từng giai đoạn.
QLNN về du lịch cấp thành phố TTTƯ đó là sự tác động của chính quyền
thành phố tới HĐDL theo phân cấp chức năng, nhiệm vụ quản lý tới HĐDL để đạt
mục tiêu KT-XH của địa phương và quốc gia đề ra trong từng giai đoạn.
Nguyên tắc,
phương pháp,
công cụ,…
Mục tiêu quản lý
Đối tượng quản lý
Thực hiện
Xác định
Chủ thể quản lý
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf

More Related Content

Similar to QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf

Báo cáo nghiên cứu trị trường Du lịch và Bất động sản du lịch biển Việt Nam_1...
Báo cáo nghiên cứu trị trường Du lịch và Bất động sản du lịch biển Việt Nam_1...Báo cáo nghiên cứu trị trường Du lịch và Bất động sản du lịch biển Việt Nam_1...
Báo cáo nghiên cứu trị trường Du lịch và Bất động sản du lịch biển Việt Nam_1...hanhha12
 
Thống kế thị trường nghỉ dưỡng ở Việt Nam tiếp tiếp tục sôi động
Thống kế thị trường nghỉ dưỡng ở Việt Nam tiếp tiếp tục sôi độngThống kế thị trường nghỉ dưỡng ở Việt Nam tiếp tiếp tục sôi động
Thống kế thị trường nghỉ dưỡng ở Việt Nam tiếp tiếp tục sôi độngssuser014a90
 
2018 thi truong du lich va bds vn crystal bay
2018 thi truong du lich va bds vn   crystal bay2018 thi truong du lich va bds vn   crystal bay
2018 thi truong du lich va bds vn crystal bayTrung Vinh Le
 
Khoá Luận Tốt Nghiệp Quản Lý Nhà Nước Bằng Pháp Luật Đối Với Hoạt Động Du Lịc...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Quản Lý Nhà Nước Bằng Pháp Luật Đối Với Hoạt Động Du Lịc...Khoá Luận Tốt Nghiệp Quản Lý Nhà Nước Bằng Pháp Luật Đối Với Hoạt Động Du Lịc...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Quản Lý Nhà Nước Bằng Pháp Luật Đối Với Hoạt Động Du Lịc...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
[123doc] bai-thu-hoa-ch-nghien-cuu-thuc-te-lop-trung-cap-ly-luan-chinh-tri-...
[123doc]   bai-thu-hoa-ch-nghien-cuu-thuc-te-lop-trung-cap-ly-luan-chinh-tri-...[123doc]   bai-thu-hoa-ch-nghien-cuu-thuc-te-lop-trung-cap-ly-luan-chinh-tri-...
[123doc] bai-thu-hoa-ch-nghien-cuu-thuc-te-lop-trung-cap-ly-luan-chinh-tri-...NguynHuKhnh3
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao, du lịch - Số 1193 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao, du lịch - Số 1193 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao, du lịch - Số 1193 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao, du lịch - Số 1193 - vanhien.vnPham Long
 
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội AnCác Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội AnChau Duong
 
Luận án: Nhân lực tại các doanh nghiệp du lịch ở tỉnh Ninh Bình - Gửi miễn ph...
Luận án: Nhân lực tại các doanh nghiệp du lịch ở tỉnh Ninh Bình - Gửi miễn ph...Luận án: Nhân lực tại các doanh nghiệp du lịch ở tỉnh Ninh Bình - Gửi miễn ph...
Luận án: Nhân lực tại các doanh nghiệp du lịch ở tỉnh Ninh Bình - Gửi miễn ph...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Chính sách phát triển du lịch bền vững khu du lịch Cát Bà, thành phố Hải Phòng
Chính sách phát triển du lịch bền vững khu du lịch Cát Bà, thành phố Hải PhòngChính sách phát triển du lịch bền vững khu du lịch Cát Bà, thành phố Hải Phòng
Chính sách phát triển du lịch bền vững khu du lịch Cát Bà, thành phố Hải Phòngluanvantrust
 
Chính sách phát triển du lịch bền vững khu du lịch Cát Bà, thành phố Hải Phòng
Chính sách phát triển du lịch bền vững khu du lịch Cát Bà, thành phố Hải PhòngChính sách phát triển du lịch bền vững khu du lịch Cát Bà, thành phố Hải Phòng
Chính sách phát triển du lịch bền vững khu du lịch Cát Bà, thành phố Hải Phòngluanvantrust
 

Similar to QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf (20)

Luận văn: Chính sách phát triển du lịch tại Tp Tam Kỳ, Quảng Nam
Luận văn: Chính sách phát triển du lịch tại Tp Tam Kỳ, Quảng NamLuận văn: Chính sách phát triển du lịch tại Tp Tam Kỳ, Quảng Nam
Luận văn: Chính sách phát triển du lịch tại Tp Tam Kỳ, Quảng Nam
 
Định hướng phát triển marketing của công ty du lịch
Định hướng phát triển marketing của công ty du lịchĐịnh hướng phát triển marketing của công ty du lịch
Định hướng phát triển marketing của công ty du lịch
 
Luận án: Phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Phú Thọ, HAY
Luận án: Phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Phú Thọ, HAYLuận án: Phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Phú Thọ, HAY
Luận án: Phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Phú Thọ, HAY
 
Báo cáo nghiên cứu trị trường Du lịch và Bất động sản du lịch biển Việt Nam_1...
Báo cáo nghiên cứu trị trường Du lịch và Bất động sản du lịch biển Việt Nam_1...Báo cáo nghiên cứu trị trường Du lịch và Bất động sản du lịch biển Việt Nam_1...
Báo cáo nghiên cứu trị trường Du lịch và Bất động sản du lịch biển Việt Nam_1...
 
Thống kế thị trường nghỉ dưỡng ở Việt Nam tiếp tiếp tục sôi động
Thống kế thị trường nghỉ dưỡng ở Việt Nam tiếp tiếp tục sôi độngThống kế thị trường nghỉ dưỡng ở Việt Nam tiếp tiếp tục sôi động
Thống kế thị trường nghỉ dưỡng ở Việt Nam tiếp tiếp tục sôi động
 
2018 thi truong du lich va bds vn crystal bay
2018 thi truong du lich va bds vn   crystal bay2018 thi truong du lich va bds vn   crystal bay
2018 thi truong du lich va bds vn crystal bay
 
Luận văn: Quản lý nhà nước về du lịch ở tỉnh Tây Ninh, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về du lịch ở tỉnh Tây Ninh, HOTLuận văn: Quản lý nhà nước về du lịch ở tỉnh Tây Ninh, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về du lịch ở tỉnh Tây Ninh, HOT
 
Khoá Luận Tốt Nghiệp Quản Lý Nhà Nước Bằng Pháp Luật Đối Với Hoạt Động Du Lịc...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Quản Lý Nhà Nước Bằng Pháp Luật Đối Với Hoạt Động Du Lịc...Khoá Luận Tốt Nghiệp Quản Lý Nhà Nước Bằng Pháp Luật Đối Với Hoạt Động Du Lịc...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Quản Lý Nhà Nước Bằng Pháp Luật Đối Với Hoạt Động Du Lịc...
 
[123doc] bai-thu-hoa-ch-nghien-cuu-thuc-te-lop-trung-cap-ly-luan-chinh-tri-...
[123doc]   bai-thu-hoa-ch-nghien-cuu-thuc-te-lop-trung-cap-ly-luan-chinh-tri-...[123doc]   bai-thu-hoa-ch-nghien-cuu-thuc-te-lop-trung-cap-ly-luan-chinh-tri-...
[123doc] bai-thu-hoa-ch-nghien-cuu-thuc-te-lop-trung-cap-ly-luan-chinh-tri-...
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao, du lịch - Số 1193 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao, du lịch - Số 1193 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao, du lịch - Số 1193 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao, du lịch - Số 1193 - vanhien.vn
 
Luận văn: Chính sách phát triển kinh tế du lịch huyện Thăng Bình
Luận văn: Chính sách phát triển kinh tế du lịch huyện Thăng BìnhLuận văn: Chính sách phát triển kinh tế du lịch huyện Thăng Bình
Luận văn: Chính sách phát triển kinh tế du lịch huyện Thăng Bình
 
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội AnCác Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
 
Luận án: Nhân lực tại các doanh nghiệp du lịch ở tỉnh Ninh Bình
Luận án: Nhân lực tại các doanh nghiệp du lịch ở tỉnh Ninh BìnhLuận án: Nhân lực tại các doanh nghiệp du lịch ở tỉnh Ninh Bình
Luận án: Nhân lực tại các doanh nghiệp du lịch ở tỉnh Ninh Bình
 
Luận án: Nhân lực tại các doanh nghiệp du lịch ở tỉnh Ninh Bình - Gửi miễn ph...
Luận án: Nhân lực tại các doanh nghiệp du lịch ở tỉnh Ninh Bình - Gửi miễn ph...Luận án: Nhân lực tại các doanh nghiệp du lịch ở tỉnh Ninh Bình - Gửi miễn ph...
Luận án: Nhân lực tại các doanh nghiệp du lịch ở tỉnh Ninh Bình - Gửi miễn ph...
 
Luận văn: Phát triển du lịch tỉnh Kon Tum, HAY, 9đ
Luận văn: Phát triển du lịch tỉnh Kon Tum, HAY, 9đLuận văn: Phát triển du lịch tỉnh Kon Tum, HAY, 9đ
Luận văn: Phát triển du lịch tỉnh Kon Tum, HAY, 9đ
 
Đề tài: Quản lý nhà nước về du lịch tỉnh Quảng Ninh, HAY
Đề tài: Quản lý nhà nước về du lịch tỉnh Quảng Ninh, HAYĐề tài: Quản lý nhà nước về du lịch tỉnh Quảng Ninh, HAY
Đề tài: Quản lý nhà nước về du lịch tỉnh Quảng Ninh, HAY
 
Chính sách phát triển du lịch bền vững khu du lịch Cát Bà, thành phố Hải Phòng
Chính sách phát triển du lịch bền vững khu du lịch Cát Bà, thành phố Hải PhòngChính sách phát triển du lịch bền vững khu du lịch Cát Bà, thành phố Hải Phòng
Chính sách phát triển du lịch bền vững khu du lịch Cát Bà, thành phố Hải Phòng
 
Luận án: Phát triển nhân lực du lịch ở thành phố Đà Nẵng, HAY
Luận án: Phát triển nhân lực du lịch ở thành phố Đà Nẵng, HAYLuận án: Phát triển nhân lực du lịch ở thành phố Đà Nẵng, HAY
Luận án: Phát triển nhân lực du lịch ở thành phố Đà Nẵng, HAY
 
Luận văn: Quản lý nhà nước về du lịch tỉnh Quảng Ngãi, HAY, 9đ
Luận văn: Quản lý nhà nước về du lịch tỉnh Quảng Ngãi, HAY, 9đLuận văn: Quản lý nhà nước về du lịch tỉnh Quảng Ngãi, HAY, 9đ
Luận văn: Quản lý nhà nước về du lịch tỉnh Quảng Ngãi, HAY, 9đ
 
Chính sách phát triển du lịch bền vững khu du lịch Cát Bà, thành phố Hải Phòng
Chính sách phát triển du lịch bền vững khu du lịch Cát Bà, thành phố Hải PhòngChính sách phát triển du lịch bền vững khu du lịch Cát Bà, thành phố Hải Phòng
Chính sách phát triển du lịch bền vững khu du lịch Cát Bà, thành phố Hải Phòng
 

More from NuioKila

Pháp luật về Quỹ trợ giúp pháp lý ở Việt Nam.pdf
Pháp luật về Quỹ trợ giúp pháp lý ở Việt Nam.pdfPháp luật về Quỹ trợ giúp pháp lý ở Việt Nam.pdf
Pháp luật về Quỹ trợ giúp pháp lý ở Việt Nam.pdfNuioKila
 
BÁO CÁO Kết quả tham vấn cộng đồng về tính hợp pháp của gỗ và các sản phẩm gỗ...
BÁO CÁO Kết quả tham vấn cộng đồng về tính hợp pháp của gỗ và các sản phẩm gỗ...BÁO CÁO Kết quả tham vấn cộng đồng về tính hợp pháp của gỗ và các sản phẩm gỗ...
BÁO CÁO Kết quả tham vấn cộng đồng về tính hợp pháp của gỗ và các sản phẩm gỗ...NuioKila
 
A study on common mistakes committed by Vietnamese learners in pronouncing En...
A study on common mistakes committed by Vietnamese learners in pronouncing En...A study on common mistakes committed by Vietnamese learners in pronouncing En...
A study on common mistakes committed by Vietnamese learners in pronouncing En...NuioKila
 
[123doc] - thu-nghiem-cai-tien-chi-tieu-du-bao-khong-khi-lanh-cac-thang-cuoi-...
[123doc] - thu-nghiem-cai-tien-chi-tieu-du-bao-khong-khi-lanh-cac-thang-cuoi-...[123doc] - thu-nghiem-cai-tien-chi-tieu-du-bao-khong-khi-lanh-cac-thang-cuoi-...
[123doc] - thu-nghiem-cai-tien-chi-tieu-du-bao-khong-khi-lanh-cac-thang-cuoi-...NuioKila
 
THỬ NGHIỆM CẢI TIẾN CHỈ TIÊU DỰ BÁO KHÔNG KHÍ LẠNH CÁC THÁNG CUỐI MÙA ĐÔNG BẰ...
THỬ NGHIỆM CẢI TIẾN CHỈ TIÊU DỰ BÁO KHÔNG KHÍ LẠNH CÁC THÁNG CUỐI MÙA ĐÔNG BẰ...THỬ NGHIỆM CẢI TIẾN CHỈ TIÊU DỰ BÁO KHÔNG KHÍ LẠNH CÁC THÁNG CUỐI MÙA ĐÔNG BẰ...
THỬ NGHIỆM CẢI TIẾN CHỈ TIÊU DỰ BÁO KHÔNG KHÍ LẠNH CÁC THÁNG CUỐI MÙA ĐÔNG BẰ...NuioKila
 
Nhu cầu lập pháp của hành pháp.pdf
Nhu cầu lập pháp của hành pháp.pdfNhu cầu lập pháp của hành pháp.pdf
Nhu cầu lập pháp của hành pháp.pdfNuioKila
 
KẾ HOẠCH DẠY HỌC CỦA TỔ CHUYÊN MÔN MÔN HỌC SINH HỌC - CÔNG NGHỆ.pdf
KẾ HOẠCH DẠY HỌC CỦA TỔ CHUYÊN MÔN MÔN HỌC SINH HỌC - CÔNG NGHỆ.pdfKẾ HOẠCH DẠY HỌC CỦA TỔ CHUYÊN MÔN MÔN HỌC SINH HỌC - CÔNG NGHỆ.pdf
KẾ HOẠCH DẠY HỌC CỦA TỔ CHUYÊN MÔN MÔN HỌC SINH HỌC - CÔNG NGHỆ.pdfNuioKila
 
KIẾN TRÚC BIỂU HIỆN TẠI VIỆT NAM.pdf
KIẾN TRÚC BIỂU HIỆN TẠI VIỆT NAM.pdfKIẾN TRÚC BIỂU HIỆN TẠI VIỆT NAM.pdf
KIẾN TRÚC BIỂU HIỆN TẠI VIỆT NAM.pdfNuioKila
 
QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG Y TẾ TỈNH NINH THUẬN.pdf
QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG Y TẾ TỈNH NINH THUẬN.pdfQUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG Y TẾ TỈNH NINH THUẬN.pdf
QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG Y TẾ TỈNH NINH THUẬN.pdfNuioKila
 
NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CÁC CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO ...
NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CÁC CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO ...NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CÁC CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO ...
NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CÁC CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO ...NuioKila
 
TIỂU LUẬN Phân tích các loại nguồn của luật tư La Mã và so sánh với các nguồn...
TIỂU LUẬN Phân tích các loại nguồn của luật tư La Mã và so sánh với các nguồn...TIỂU LUẬN Phân tích các loại nguồn của luật tư La Mã và so sánh với các nguồn...
TIỂU LUẬN Phân tích các loại nguồn của luật tư La Mã và so sánh với các nguồn...NuioKila
 
Nuevo enfoque de aprendizajesemi-supervisado para la identificaciónde secuenci...
Nuevo enfoque de aprendizajesemi-supervisado para la identificaciónde secuenci...Nuevo enfoque de aprendizajesemi-supervisado para la identificaciónde secuenci...
Nuevo enfoque de aprendizajesemi-supervisado para la identificaciónde secuenci...NuioKila
 
Inefficiency in engineering change management in kimberly clark VietNam co., ...
Inefficiency in engineering change management in kimberly clark VietNam co., ...Inefficiency in engineering change management in kimberly clark VietNam co., ...
Inefficiency in engineering change management in kimberly clark VietNam co., ...NuioKila
 
An Investigation into culrural elements via linguistic means in New Headway t...
An Investigation into culrural elements via linguistic means in New Headway t...An Investigation into culrural elements via linguistic means in New Headway t...
An Investigation into culrural elements via linguistic means in New Headway t...NuioKila
 
An evaluation of the translation of the film Rio based on Newmarks model.pdf
An evaluation of the translation of the film Rio based on Newmarks model.pdfAn evaluation of the translation of the film Rio based on Newmarks model.pdf
An evaluation of the translation of the film Rio based on Newmarks model.pdfNuioKila
 
Teachers and students views on grammar presentation in the course book Englis...
Teachers and students views on grammar presentation in the course book Englis...Teachers and students views on grammar presentation in the course book Englis...
Teachers and students views on grammar presentation in the course book Englis...NuioKila
 
11th graders attitudes towards their teachers written feedback.pdf
11th graders attitudes towards their teachers written feedback.pdf11th graders attitudes towards their teachers written feedback.pdf
11th graders attitudes towards their teachers written feedback.pdfNuioKila
 
Phân tích tài chính Công ty Cổ phần VIWACO.pdf
Phân tích tài chính Công ty Cổ phần VIWACO.pdfPhân tích tài chính Công ty Cổ phần VIWACO.pdf
Phân tích tài chính Công ty Cổ phần VIWACO.pdfNuioKila
 
Ngói Champa ở di tích Triền Tranh (Duy Xuyên Quảng Nam).pdf
Ngói Champa ở di tích Triền Tranh (Duy Xuyên Quảng Nam).pdfNgói Champa ở di tích Triền Tranh (Duy Xuyên Quảng Nam).pdf
Ngói Champa ở di tích Triền Tranh (Duy Xuyên Quảng Nam).pdfNuioKila
 
ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ VẬN HÀNH LƯỚI ĐIỆN PHÂN PHỐI TÂY NAM ...
ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ VẬN HÀNH LƯỚI ĐIỆN PHÂN PHỐI TÂY NAM ...ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ VẬN HÀNH LƯỚI ĐIỆN PHÂN PHỐI TÂY NAM ...
ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ VẬN HÀNH LƯỚI ĐIỆN PHÂN PHỐI TÂY NAM ...NuioKila
 

More from NuioKila (20)

Pháp luật về Quỹ trợ giúp pháp lý ở Việt Nam.pdf
Pháp luật về Quỹ trợ giúp pháp lý ở Việt Nam.pdfPháp luật về Quỹ trợ giúp pháp lý ở Việt Nam.pdf
Pháp luật về Quỹ trợ giúp pháp lý ở Việt Nam.pdf
 
BÁO CÁO Kết quả tham vấn cộng đồng về tính hợp pháp của gỗ và các sản phẩm gỗ...
BÁO CÁO Kết quả tham vấn cộng đồng về tính hợp pháp của gỗ và các sản phẩm gỗ...BÁO CÁO Kết quả tham vấn cộng đồng về tính hợp pháp của gỗ và các sản phẩm gỗ...
BÁO CÁO Kết quả tham vấn cộng đồng về tính hợp pháp của gỗ và các sản phẩm gỗ...
 
A study on common mistakes committed by Vietnamese learners in pronouncing En...
A study on common mistakes committed by Vietnamese learners in pronouncing En...A study on common mistakes committed by Vietnamese learners in pronouncing En...
A study on common mistakes committed by Vietnamese learners in pronouncing En...
 
[123doc] - thu-nghiem-cai-tien-chi-tieu-du-bao-khong-khi-lanh-cac-thang-cuoi-...
[123doc] - thu-nghiem-cai-tien-chi-tieu-du-bao-khong-khi-lanh-cac-thang-cuoi-...[123doc] - thu-nghiem-cai-tien-chi-tieu-du-bao-khong-khi-lanh-cac-thang-cuoi-...
[123doc] - thu-nghiem-cai-tien-chi-tieu-du-bao-khong-khi-lanh-cac-thang-cuoi-...
 
THỬ NGHIỆM CẢI TIẾN CHỈ TIÊU DỰ BÁO KHÔNG KHÍ LẠNH CÁC THÁNG CUỐI MÙA ĐÔNG BẰ...
THỬ NGHIỆM CẢI TIẾN CHỈ TIÊU DỰ BÁO KHÔNG KHÍ LẠNH CÁC THÁNG CUỐI MÙA ĐÔNG BẰ...THỬ NGHIỆM CẢI TIẾN CHỈ TIÊU DỰ BÁO KHÔNG KHÍ LẠNH CÁC THÁNG CUỐI MÙA ĐÔNG BẰ...
THỬ NGHIỆM CẢI TIẾN CHỈ TIÊU DỰ BÁO KHÔNG KHÍ LẠNH CÁC THÁNG CUỐI MÙA ĐÔNG BẰ...
 
Nhu cầu lập pháp của hành pháp.pdf
Nhu cầu lập pháp của hành pháp.pdfNhu cầu lập pháp của hành pháp.pdf
Nhu cầu lập pháp của hành pháp.pdf
 
KẾ HOẠCH DẠY HỌC CỦA TỔ CHUYÊN MÔN MÔN HỌC SINH HỌC - CÔNG NGHỆ.pdf
KẾ HOẠCH DẠY HỌC CỦA TỔ CHUYÊN MÔN MÔN HỌC SINH HỌC - CÔNG NGHỆ.pdfKẾ HOẠCH DẠY HỌC CỦA TỔ CHUYÊN MÔN MÔN HỌC SINH HỌC - CÔNG NGHỆ.pdf
KẾ HOẠCH DẠY HỌC CỦA TỔ CHUYÊN MÔN MÔN HỌC SINH HỌC - CÔNG NGHỆ.pdf
 
KIẾN TRÚC BIỂU HIỆN TẠI VIỆT NAM.pdf
KIẾN TRÚC BIỂU HIỆN TẠI VIỆT NAM.pdfKIẾN TRÚC BIỂU HIỆN TẠI VIỆT NAM.pdf
KIẾN TRÚC BIỂU HIỆN TẠI VIỆT NAM.pdf
 
QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG Y TẾ TỈNH NINH THUẬN.pdf
QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG Y TẾ TỈNH NINH THUẬN.pdfQUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG Y TẾ TỈNH NINH THUẬN.pdf
QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG Y TẾ TỈNH NINH THUẬN.pdf
 
NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CÁC CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO ...
NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CÁC CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO ...NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CÁC CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO ...
NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CÁC CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO ...
 
TIỂU LUẬN Phân tích các loại nguồn của luật tư La Mã và so sánh với các nguồn...
TIỂU LUẬN Phân tích các loại nguồn của luật tư La Mã và so sánh với các nguồn...TIỂU LUẬN Phân tích các loại nguồn của luật tư La Mã và so sánh với các nguồn...
TIỂU LUẬN Phân tích các loại nguồn của luật tư La Mã và so sánh với các nguồn...
 
Nuevo enfoque de aprendizajesemi-supervisado para la identificaciónde secuenci...
Nuevo enfoque de aprendizajesemi-supervisado para la identificaciónde secuenci...Nuevo enfoque de aprendizajesemi-supervisado para la identificaciónde secuenci...
Nuevo enfoque de aprendizajesemi-supervisado para la identificaciónde secuenci...
 
Inefficiency in engineering change management in kimberly clark VietNam co., ...
Inefficiency in engineering change management in kimberly clark VietNam co., ...Inefficiency in engineering change management in kimberly clark VietNam co., ...
Inefficiency in engineering change management in kimberly clark VietNam co., ...
 
An Investigation into culrural elements via linguistic means in New Headway t...
An Investigation into culrural elements via linguistic means in New Headway t...An Investigation into culrural elements via linguistic means in New Headway t...
An Investigation into culrural elements via linguistic means in New Headway t...
 
An evaluation of the translation of the film Rio based on Newmarks model.pdf
An evaluation of the translation of the film Rio based on Newmarks model.pdfAn evaluation of the translation of the film Rio based on Newmarks model.pdf
An evaluation of the translation of the film Rio based on Newmarks model.pdf
 
Teachers and students views on grammar presentation in the course book Englis...
Teachers and students views on grammar presentation in the course book Englis...Teachers and students views on grammar presentation in the course book Englis...
Teachers and students views on grammar presentation in the course book Englis...
 
11th graders attitudes towards their teachers written feedback.pdf
11th graders attitudes towards their teachers written feedback.pdf11th graders attitudes towards their teachers written feedback.pdf
11th graders attitudes towards their teachers written feedback.pdf
 
Phân tích tài chính Công ty Cổ phần VIWACO.pdf
Phân tích tài chính Công ty Cổ phần VIWACO.pdfPhân tích tài chính Công ty Cổ phần VIWACO.pdf
Phân tích tài chính Công ty Cổ phần VIWACO.pdf
 
Ngói Champa ở di tích Triền Tranh (Duy Xuyên Quảng Nam).pdf
Ngói Champa ở di tích Triền Tranh (Duy Xuyên Quảng Nam).pdfNgói Champa ở di tích Triền Tranh (Duy Xuyên Quảng Nam).pdf
Ngói Champa ở di tích Triền Tranh (Duy Xuyên Quảng Nam).pdf
 
ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ VẬN HÀNH LƯỚI ĐIỆN PHÂN PHỐI TÂY NAM ...
ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ VẬN HÀNH LƯỚI ĐIỆN PHÂN PHỐI TÂY NAM ...ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ VẬN HÀNH LƯỚI ĐIỆN PHÂN PHỐI TÂY NAM ...
ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ VẬN HÀNH LƯỚI ĐIỆN PHÂN PHỐI TÂY NAM ...
 

Recently uploaded

powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxpowerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxAnAn97022
 
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfchuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfVyTng986513
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...hoangtuansinh1
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIĐiện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfCampbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfTrnHoa46
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...ThunTrn734461
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhvanhathvc
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdfTrnHoa46
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoámyvh40253
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfhoangtuansinh1
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................TrnHoa46
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líDr K-OGN
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 

Recently uploaded (20)

powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxpowerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
 
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfchuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
 
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfCampbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
 
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 6883674.pdf

  • 1. HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH NGÔ NGUYỄN HIỆP PHƯỚC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHUYÊN NGÀNH: QUẢN LÝ KINH TẾ HÀ NỘI - 2018
  • 2. HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH NGÔ NGUYỄN HIỆP PHƯỚC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHUYÊN NGÀNH: QUẢN LÝ KINH TẾ Mã số: 62 34 04 10 NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: 1. PGS,TS. Nguyễn Hữu Thắng 2. TS. Trần Thị Hằng HÀ NỘI - 2018
  • 3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu nêu trong luận án là trung thực. Những kết luận khoa học của luận án chưa từng được ai công bố trong bất kỳ công trình nào khác. TÁC GIẢ LUẬN ÁN Ngô Nguyễn Hiệp Phước
  • 4. MỤC LỤC Trang MỞ ĐẦU 1 Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI 8 1.1. Các công trình nghiên cứu về du lịch và quản lý nhà nước về du lịch ở nước ngoài 8 1.2. Các công trình nghiên cứu về du lịch và quản lý nhà nước về du lịch ở trong nước 15 1.3. Đánh giá về chung về kết quả nghiên cứu và những vấn đề đặt ra 23 Chương 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐIA BÀN THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 26 2.1. Khái quát chung về du lịch trên địa bàn thành phố 26 2.2. Khái niệm, đặc điểm, nội dung và các nhân tố tác động đến quản lý nhà nước về du lịch cấp thành phố trực thuộc trung ương trong hội nhập quốc tế 35 2.3. Kinh nghiệm quản lý nhà nước về du lịch ở một số tỉnh, thành phố và bài học rút ra 64 Chương 3: THỰC TRẠNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 71 3.1. Điều kiện, tiềm năng và thực trạng hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ 71 3.2. Thực trạng quản lý nhànước vềdu lịch trên địabàn thành phố Cần Thơ 91 3.3. Đánh giá chung đối với quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ 120 Chương 4: PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 131 4.1. Bối cảnh hiện nay và phương hướng hoàn thiện quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ 131 4.2. Một số giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ 137 KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ 150 DANH MỤC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 152 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 153 PHỤ LỤC
  • 5. DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT ASEAN : Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á CNTT : Công nghệ thông tin DLST : Du lịch sinh thái DNDL : Doanh nghiệp du lịch DNNVV : Doanh nghiệp nhỏ và vừa ĐBSCL : Đồng bằng sông Cửu Long GRDP : Tổng sản phẩm trên địa bàn HDV : Hướng dẫn viên HĐDL : Hoạt động du lịch HĐND : Hội đồng nhân dân HNQT : Hội nhập quốc tế KT-XH : Kinh tế - xã hội MDEC : Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long PATA : Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương QLNN : Quản lý nhà nước TMV : Thuyết minh viên TTTƯ : Trực thuộc trung ương UBND : Ủy ban nhân dân UNWTO : Tổ chức du lịch của Liên hợp quốc VH-TT-DL : Văn hóa, thể thao và du lịch VNACCS/VCIS : Hệ thống thông quan tự động và Cơ chế một cửa quốc gia WTTC : Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới XHH : Xã hội học
  • 6. DANH MỤC CÁC BẢNG Trang Bảng 3.1 Các cơ sở lưu trú du lịch Cần Thơ giai đoạn 2010 - 2017 76 Bảng 3.2 Nguồn nhân lực ngành du lịch Cần Thơ giai đoạn 2010 - 2015 76 Bảng 3.3 Cơ sở lưu trú và kinh doanh du lịch Cần Thơ 2006 - 2017 80 Bảng 3.4 Số lượt khách theo mục đích du lịch của du khách dến Cần Thơ 83 Bảng 3.5 Lượng khách đến Cần Thơ giai đoạn 2006 - 2017 84 Bảng 3.6 Doanh thu du lịch thành phố Cần Thơ giai đoạn 2006 -2017 85 Bảng 3.7 Số ngày du lịch của du khách ở Cần Thơ 87 Bảng 3.8 Điểm du lịch du khách lựa chọn khi đến Cần Thơ 88 Bảng 3.9 Số lượng cơ sở lưu trú năm 2017 115 Bảng 3.10 Ý kiến đánh giá về nguồn thông tin chọn du lịch đến Cần Thơ 122 Bảng 3.11 ÝkiếnđánhgiámộtsốnộidungquảnlýnhànướcvềdulịchởCầnThơ 123 Bảng 3.12 Ý kiến đánh giá về hạ tầng du lịch ở Cần Thơ 126
  • 7. DANH MỤC CÁC HÌNH Trang Hình 2.1 Sơ đồ hệ thống quản lý 36 Hình 2.2 Hệ thống quản lý nhà nước về hoạt động du lịch ở thành phố 38 Hình 2.3 Kiến nghị vấn đề cần cải thiện mạnh nhất ở Cần Thơ hiện nay 57 Hình 3.1 Cơ cấu lao động Cần Thơ 2016 72 Hình 3.2 Cơ cấu kinh tế Cần Thơ năm 2016 72 Hình 3.3 Tỷ lệ nhựa hóa các tuyến đường Cần Thơ 73 Hình 3.4 Số lượng cơ sở lưu trú trên địa bàn Cần Thơ giai đoạn 2006 - 2017 80 Hình 3.5 Doanh thu du lịch 2006 - 2017 85 Hình 3.6 Đánh giá ý nghĩa của hoạt động du lịch đối với thành phố Cần Thơ 86 Hình 3.7 Mức độ phát triển hoạt động du lịch Cần Thơ 86 Hình 3.8 Đánh giá sự hài lòng của du khách về hoạt động du lịch ở Cần Thơ 87 Hình 3.9 Tỷ lệ số ngày du lịch của du khách ở Cần Thơ 87 Hình 3.10 Tỷ lệ khách sạn đã phân hạng năm 2017 115 Hình 3.11 Mức độ hài lòng đối với kết quả quản lý nhà nước về du lịch ở Cần Thơ 121 Hình 3.12 Đánh giá mức độ khuyến khích phát triển hoạt động du lịch 121 Hình 3.13 Đánh giá các chính sách du lịch được chú trọng phát triển ở Cần Thơ 122
  • 8. 1 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Du lịch được coi là một trong những ngành kinh tế dịch vụ phát triển nhanh nhất và phạm vi lớn nhất trên thế giới hiện nay, góp phần quan trọng vào sự phát triển thịnh vượng của nhiều quốc gia. Theo báo cáo của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), năm 2015, ngành du lịch và lữ hành đã tạo ra hàng triệu việc làm cho nền kinh tế thế giới, đóng góp hàng nghìn tỷ USD cho GDP toàn cầu mỗi năm. Cũng theo tổ chức này, hoạt động du lịch (HĐDL) có tác động lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế. Trải qua các biến cố, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, du lịch được xác định là ngành có khả năng phục hồi nhanh nhất. Các nước phát triển hàng đầu như Mỹ coi du lịch là động lực cho tăng trưởng kinh tế, còn đối với các nước đang phát triển thì du lịch là công cụ xóa đói, giảm nghèo, đóng góp đáng kể cho nền kinh tế quốc dân. Ở Việt Nam, ngành du lịch cũng được chú trọng phát triển. Nhờ đó, du lịch đóng góp ngày càng tăng trong nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng khá cao. Giai đoạn 2010 - 2017, du khách quốc tế đến Việt Nam tăng từ 5 triệu lượt khách lên đến trên 10 triệu lượt khách/năm; khách trong nước tăng từ 28 triệu lượt khách lên đến 73,2 triệu lượt khách/năm; doanh thu ngành du lịch từ 96 nghìn tỷ đồng lên trên 500 nghìn tỷ đồng mỗi năm [67]. Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương (TTTƯ) được thành lập vào đầu năm 2004, nằm ở vị trí trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - vùng kinh tế quan trọng, vựa lúa của cả nước. Đây là vùng đất giàu tiềm năng phát triển du lịch, nhất là du lịch sông nước, miệt vườn, du lịch hội nghị, hội họp - khuyến thưởng và hội chợ (MICE), du lịch khám phá nền văn hóa dân tộc và văn minh nông nghiệp. Trong những năm qua, ngành du lịch thành phố Cần Thơ đã phát triển khá nhanh, chính quyền thành phố đã có nhiều biện pháp thúc đẩy phát triển du lịch,
  • 9. 2 hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý du lịch, tạo lập môi trường, điều kiện thuận lợi cho các chủ thể kinh doanh du lịch. Nhờ đó, hoạt động du lịch trên địa bàn đã có những bước khởi sắc và đạt được một số thành tựu quan trọng. Các sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, doanh thu du lịch và lượt khách lưu trú ngày càng tăng. Năm 2017, lượng du khách đến Cần Thơ trên 7,5 triệu lượt khách, trong đó, khách có lưu trú tại thành phố trên 2 triệu lượt, tăng 4 lần so với năm 2006 và tăng 27% so với năm 2016. Năm 2007, tổng thu nhập của toàn ngành du lịch mới đạt 365 tỷ đồng thì đến năm 2017 thu nhập du lịch đạt 2.879 tỷ đồng [55]. Tuy nhiên, quản lý nhà nước (QLNN) về du lịch còn nhiều hạn chế như thiếu tầm nhìn tổng thể về phát triển du lịch nên sản phẩm du lịch còn đơn điệu, trùng lặp, kém hấp dẫn và không thể hiện được tính đặc thù. Quản lý và quy hoạch du lịch chưa hiệu quả, vấn đề liên kết phát triển du lịch chưa được chú ý. Ngoài ra, còn hạn chế, yếu kém về kết cấu hạ tầng kỹ thuật du lịch, đội ngũ nhân lực du lịch, năng lực xúc tiến quảng bá du lịch và thiếu sự ổn định về tổ chức bộ máy QLNN trong lĩnh vực du lịch, nhiều di tích lịch sử - văn hóa - cách mạng đang trong tình trạng xuống cấp chưa được tu bổ, tôn tạo lại. Bên cạnh đó, so với tiềm năng, lợi thế so sánh vốn có thì sự phát triển du lịch thành phố Cần Thơ vẫn chưa tương xứng, số ngày lưu trú bình quân (1,5 ngày/khách) và chi tiêu của du khách còn thấp, khách quốc tế đến Cần Thơ chưa nhiều. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế (HNQT) hiện nay và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhu cầu du lịch gia tăng, lưu lượng du khách tăng mạnh, đặc biệt là khách quốc tế, xu hướng du lịch thay đổi, hình thức và loại hình du lịch gia tăng. Bên cạnh những tích cực của HNQT đối với du lịch, thì những hiện tượng tiêu cực cũng gia tăng, ảnh hưởng đến kinh tế, văn hóa và xã hội địa phương, như hiện tượng "tour 0 đồng", mại dâm, gây ô nhiễm môi trường, tác động xấu đến văn hóa địa phương… Trong bối cảnh đó, yêu cầu đối với QLNN về du lịch tăng cao. Vì vậy, việc nghiên cứu nhằm tìm giải pháp đổi mới QLNN về du lịch nhằm thúc đẩy HĐDL phát triển bền vững, góp phần làm cho du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố Cần Thơ và phát triển bền vững là vấn đề
  • 10. 3 bức thiết hiện nay. Đây là vấn đề có tính cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn ở địa phương cũng như trong cả nước. Đó cũng là lý do của việc lựa chọn đề tài "Quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ trong hội nhập quốc tế" làm luận án tiến sĩ kinh tế, chuyên ngành Quản lý kinh tế. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu đề tài Mục đích nghiên cứu đề tài là trên cơ sở làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn của QLNN về du lịch trên địa bàn thành phố để đề xuất giải pháp hoàn thiện QLNN về du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ trong điều kiện đẩy mạnh HNQT. Nhiệm vụ nghiên cứu đề tài đặt ra gồm: - Phân tích, luận giải cơ sở lý luận và thực tiễn QLNN về du lịch ở cấp thành phố TTTƯ; luận giải đặc thù và nội dung của QLNN về du lịch theo ngành kết hợp lãnh thổ; - Phân tích và đánh giá thực trạng QLNN về du lịch của thành phố Cần Thơ, chỉ ra những kết quả đạt được, hạn chế và những nguyên nhân chủ yếu của QLNN về du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ, đặc biệt là quản lý của chính quyền thành phố Cần Thơ; phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến QLNN về du lịch ở Cần Thơ, đặc biệt là trong điều kiện HNQT. - Đề xuất giải pháp hoàn thiện QLNN về du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ trong HNQT và luận giải các điều kiện, kiến nghị các cơ quan chức năng hoàn thiện QLNN về du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài Đối tượng nghiên cứu đề tài là QLNN ở cấp thành phố TTTƯ đối với HĐDL trên địa bàn thành phố, trong khuôn khổ chức năng, nhiệm vụ được phân cấp cho chính quyền cấp thành phố dưới góc độ quản lý kinh tế. Phạm vi nghiên cứu: Về phạm vi đối tượng quản lý, du lịch nói chung có thể được nhìn nhận dưới nhiều giác độ: như một loại sản phẩm - dịch vụ du lịch; như một loại hoạt động kinh tế - xã hội (KT-XH); như một ngành, lĩnh vực kinh tế. Trong luận án
  • 11. 4 này, du lịch - đối tượng của quản lý ở cấp chính quyền địa phương, được xem xét như một loại hoạt động kinh tế. Về phạm vi nội dung, việc nghiên cứu chủ yếu tập trung làm rõ những nội dung QLNN về du lịch của cấp thành phố TTTƯ, trong đó chú trọng việc hoạch định phát triển các HĐDL ở thành phố TTTƯ; xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế, chính sách về HĐDL trên địa bàn; tổ chức HĐDL; phát triển kết cấu hạ tầng du lịch trên địa bàn; khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn; và kiểm tra, kiểm soát HĐDL trên địa bàn. Về không gian, việc nghiên cứu QLNN về du lịch chủ yếu tập trung trên địa bàn thành phố Cần Thơ, có khảo cứu các tỉnh lân cận để kết nối du lịch. Về thời gian, việc nghiên cứu, phân tích thực trạng QLNN về du lịch ở thành phố Cần Thơ chủ yếu từ năm 2010 đến nay; các giải pháp đề xuất hoàn thiện QLNN về du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. 4. Cơ sở lý luận, phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu đề tài Về cơ sở lý luận: Việc nghiên cứu đề tài dựa trên cơ sở lý thuyết về quản lý kinh tế, trong đó có du lịch; lý luận về QLNN, các mô hình lý thuyết của quản lý du lịch trong nước và trên thế giới. Về phương pháp luận: Việc nghiên cứu đề tài dựa trên phương pháp luận duy vật biện chứng để làm rõ vấn đề QLNN về du lịch trên địa bàn thành phố trong sự biến đổi không ngừng, trong mối liên hệ tác động qua lại lẫn nhau, gắn với những điều kiện cụ thể. Về phương pháp nghiên cứu: Trong quá trình nghiên cứu đề tài, các phương pháp nghiên cứu cụ thể được sử dụng bao hàm cả phương pháp diễn dịch và phương pháp quy nạp; phương pháp định tính, định lượng và phối hợp. Việc sử dụng phương pháp diễn dịch nhằm hình thành khung lý thuyết về QLNN đối với du lịch trên địa bàn thành phố theo cách tiếp cận QLNN nhằm phát triển du lịch bền vững. Trên cơ sở đó để rút ra những kết luận cần thiết, những kiến nghị về QLNN nhằm phát triển du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
  • 12. 5 Phương pháp quy nạp được sử dụng trên cơ sở các dữ liệu thực tế về HĐDL, thực trạng QLNN về du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ để khái quát hóa (quy nạp), rút ra những nhận định, kết luận về QLNN nhằm thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ một cách có hiệu quả và bền vững. Việc nghiên cứu đề tài đòi hỏi sử dụng cả phương pháp định tính, định lượng và phối hợp cả hai phương pháp đó. Theo đó, phương pháp định tính được sử dụng trong việc mô tả, đưa ra các khái niệm, đặc điểm của du lịch, nội dung và phương thức QLNN nhằm phát triển du lịch ở đô thị nói chung và trên địa bàn thành phố Cần Thơ nói riêng. Phương pháp định tính cho chúng ta biết như thế nào và tại sao: QLNN về du lịch ở cấp thành phố TTTƯ nên như thế nào và tại sao nhằm phát triển du lịch bền vững và có hiệu quả trên địa bàn? Phương pháp định lượng được sử dụng để xem xét, đánh giá sự phát triển của HĐDL, những chuyển động trong QLNN về du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ cũng như lượng hóa một số vấn đề nghiên cứu có liên quan. Phương pháp thu thập thông tin được sử dụng gồm phương pháp nghiên cứu tài liệu, phương điều tra xã hội học (XHH). Phương pháp nghiên cứu tài liệu: được dùng để thu thập, phân tích các tư liệu, tài liệu liên quan như giáo trình, các tài liệu về QLNN về du lịch, tìm hiểu các bài báo, bài viết về du lịch và QLNN về du lịch, các báo cáo của cơ quan nhà nước về HĐDL và QLNN về du lịch với trọng tâm là những nội dung, những yêu cầu, những yếu tố ảnh hưởng và những vấn đề liên quan đến QLNN về du lịch. Phương pháp điều tra XHH được sử dụng để thu thập thông tin sơ cấp về du lịch và QLNN về du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ. + Mục đích điều tra: Nắm bắt thực trạng du lịch và QLNN về du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ, những đề xuất, kiến nghị đối với chính quyền Cần Thơ. + Việc điều tra được tiến hành theo ba khâu: chuẩn bị điều tra, tiến hành điều tra, xử lý và sử dụng kết quả điều tra. + Đối tượng điều tra: Để đảm bảo tính khách quan trong kết quả điều tra, việc chọn mẫu điều tra được cân nhắc kỹ lưỡng theo các nhóm đối tượng điều tra: du khách - người thụ hưởng dịch vụ du lịch; các cơ sở kinh doanh du lịch - người cung
  • 13. 6 cấp dịch vụ du lịch và chịu tác động trực tiếp của QLNN; các cơ quan QLNN ở địa phương; các đối tượng khác như các nhà nghiên cứu, người dân. + Quá trình điều tra được tiến hành theo ba loại phiếu hỏi: phiếu hỏi du khách nước ngoài (100 phiếu), phiếu hỏi du khách trong nước (200 phiếu) và phiếu hỏi 4 nhóm đối tượng khác (500 phiếu), gồm các cơ sở kinh doanh du lịch, quan chức QLNN ở địa phương, các chuyên gia nghiên cứu du lịch và người dân ở thành phố Cần Thơ. Tổng số phiếu thu được sau khi làm sạch là 800 phiếu. Phiếu điều tra được xử lý bằng phần mềm chuyên dụng SPSS và phân tích nhân tố khám phá (EFA). Kết quả xử lý phiếu điều tra được sử dụng trong 3 chương của luận án, đặc biệt là chương 3. 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án Luận án đã có những đóng góp mới về lý luận và thực tiễn sau: Xây dựng mô hình quản lý của chính quyền cấp thành phố TTTƯ về du lịch trong sự kết hợp giữa quản lý theo ngành và quản lý theo lãnh thổ trên địa bàn thành phố trực thuộc trung ương phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong bối cảnh HNQT. QLNN về du lịch cấp thành phố trực thuộc trung ương có sự gắn kết giữa chức năng, nhiệm vụ của chính quyền thành phố được giao để quản lý ngành đặc thù, có tính nối kết phức tạp của HĐDL (liên ngành) để thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH địa phương và của ngành. Phân tích, đánh giá có kiểm chứng bằng số liệu điều tra thực tế về thực tiễn mô hình kết hợp quản lý theo ngành và theo lãnh thổ trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Đề xuất các giải pháp để vận hành mô hình QLNN này một cách hiệu quả và phù hợp với các đặc thù của thành phố Cần Thơ, bao gồm từ thiết kế lại tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý, tăng cường công tác hoạch định, phát triển, chính sách hỗ trợ, kiểm tra, kiểm soát. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án Ý nghĩa khoa học: Bổ sung một số vấn đề mang tính chất lý luận của QLNN về du lịch cấp thành phố TTTƯ trong sự kết hợp giữa quản lý theo ngành và quản lý theo lãnh thổ trên địa bàn thành phố trực thuộc trung ương.
  • 14. 7 Ý nghĩa thực tiễn: Góp phần tạo cơ sở khoa học trong việc hoạch định cơ chế, chính sách và phương hướng QLNN về du lịch nói chung và ở thành phố Cần Thơ nói riêng. Làm tài liệu tham khảo trong nghiên cứu và giảng dạy QLNN về du lịch ở các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề cũng như biên soạn tài liệu cho các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức QLNN về du lịch. 7. Kết cấu của luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung của luận án gồm 4 chương, 11 tiết.
  • 15. 8 Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI Hiện nay, du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và ngày càng có vị trí, vai trò quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân của nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy, nhiều nhà khoa học và tổ chức xã hội của các nước trên thế giới và Việt Nam đã có những nghiên cứu chuyên sâu về du lịch và QLNN về du lịch. Những công trình khoa học đó được đăng tải dưới các hình thức như: đề tài khoa học, luận án tiến sỹ, sách, bài tạp chí, bài báo chuyên ngành. 1.1. CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU VỀ DU LỊCH VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH Ở NƯỚC NGOÀI 1.1.1. Các công trình nghiên cứu về du lịch ở nước ngoài 1.1.1.1. Về quan niệm, ý nghĩa và tác động của hoạt động du lịch Ở các nước phát triển, việc nghiên cứu về du lịch được quan tâm và tiến hành từ lâu. Chính vì thế, khi bàn về du lịch, có rất nhiều quan điểm nói về ý nghĩa và tác động của HĐDL. Theo quan điểm của Guer Freuler, du lịch với ý nghĩa hiện đại là một hiện tượng của thời đại, dựa trên sự tăng trưởng về nhu cầu khôi phục sức khỏe và sự thay đổi của môi trường xung quanh, dựa vào sự phát sinh, phát triển tình cảm đối với vẻ đẹp thiên nhiên [60, tr. 8]. Theo các nhà kinh tế, du lịch không chỉ là một hiện tượng xã hội đơn thuần mà nó phải gắn chặt với hoạt động kinh tế. Nhà kinh tế học Picara -Edmod cũng chỉ ra ý nghĩa của HĐDL, khi cho rằng: Du lịch là việc tổng hòa việc tổ chức và chức năng của nó không chỉ về phương diện khách vãng lai mà chính về phương diện giá trị do khách chỉ ra và của những khách vãng lai mang đến với một túi tiền đầy, tiêu dùng trực tiếp hoặc gián tiếp cho các chi phí của họ nhằm thoả mãn nhu cầu hiểu biết và giải trí [60, tr. 9]. Những học giả Trung Quốc nghiên cứu về du lịch cũng có chung quan điểm với hai giáo sư trên nêu ra, họ đưa ra nhận định: Du lịch là một hiện
  • 16. 9 tượng kinh tế xã hội nhất định, là sự tổng hợp tất cả các quan hệ và hiện tượng do việc lữ hành để thỏa mãn mục đích chủ yếu là nghỉ ngơi, tiêu khiển, giải trí và văn hóa nhưng lưu động chứ không định cư mà tạm thời cư trú của mọi người dẫn đến [60, tr. 29]. Từ các quan điểm trên, có thể thấy HĐDL là tổng hợp của nhiều hoạt động, bao gồm các hoạt động lữ hành, lưu trú và các hoạt động khác phục vụ cho nhu cầu khác nhau của du khách. HĐDL sẽ giúp du khách khôi phục sức khỏe, phát sinh và phát triển tình cảm với vẻ đẹp thiên nhiên, nghỉ ngơi, tiêu khiển, giải trí và văn hóa. Thông qua HĐDL sẽ thúc đẩy tăng trưởng KT-XH địa phương. Năm 1980, tại Hội nghị Manila, Tổ chức Du lịch Quốc tế đã chỉ ra ý nghĩa của HĐDL, khi cho rằng: Việc lữ hành của mọi người bắt đầu từ mục đích không phải di cư và một cách hòa bình, hoặc xuất phát từ mục đích thực hiện sự phát triển cá nhân về phương diện kinh tế, xã hội, văn hóa và tinh thần cùng với việc đẩy mạnh sự hiểu biết và sự hợp tác giữa mọi người [33, tr. 12]. Còn theo Tổ chức Du lịch của Liên hợp quốc (UNWTO) cho rằng du lịch là một hiện tượng xã hội, văn hóa và kinh tế phát sinh do sự di chuyển tới các quốc gia hay điểm đến ngoài nơi cư trú thường xuyên của con người với các mục đích cá nhân, hoặc do nhu cầu công việc, chuyên môn [11, tr. 5]. Từ đó, ta có thể thấy rằng, HĐDL có ý nghĩa về mặt kinh tế, xã hội, văn hóa và tinh thần, đẩy mạnh sự hiểu biết và sự hợp tác giữa mọi người. Nhiều nhà khoa học đã khẳng định HĐDL là hoạt động tổng hợp và phát triển nhanh với kết quả kinh tế, xã hội và chính trị. Giao lưu văn hóa, hòa bình, thiện chí và hiểu biết được coi là những tác động tích cực của các luồng du lịch quốc tế. Các điểm thu hút tự nhiên, văn hóa, vị trí địa lý, hệ thống giao thông thuận lợi, sự an toàn xã hội và an ninh chính trị ảnh hưởng đến nhu cầu du lịch và đích đến. An ninh chính trị và an toàn xã hội cũng là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc phát triển HĐDL [91]. Bàn về ý nghĩa của HĐDL, Salvo Creaco (2003) cho rằng: Du lịch bây giờ là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất thế giới và là một trong
  • 17. 10 những ngành kinh tế phát triển nhanh nhất. Đối với nhiều quốc gia, du lịch được coi là một công cụ chính cho sự phát triển vì nó kích thích các hoạt động kinh tế mới. Du lịch có thể có tác động tích cực về kinh tế đối với cán cân thanh toán, về việc làm, thu nhập và sản xuất, nhưng cũng có thể có những tác động tiêu cực, đặc biệt đối với môi trường [100]. Lelei Lelaulu - Chủ tịch Đối tác quốc tế thì khẳng định: HĐDL là phương tiện chuyển giao của cải tự nhiên lớn nhất từ các nước giàu sang các nước nghèo… Khoản tiền do du khách mang lại cho các khu vực nghèo khổ còn lớn hơn viện trợ chính thức của các chính phủ [95]. Khi dự báo phát triển du lịch, Priya Chetty khẳng định: Dự báo phát triển du lịch có giá trị kinh tế lớn đối với cả khu vực công và khu vực tư nhân. Bất kỳ thông tin liên quan đến sự tiến triển trong tương lai của dòng chảy du lịch là rất quan trọng đối với khách sạn, nhà điều hành tour du lịch và các ngành công nghiệp khác liên quan đến du lịch [98]; Tác giả William Theobald (1994) làm rõ ý nghĩa của HĐDL đối với hòa bình thế giới [108]. Tác giả đã làm rõ HĐDL thúc đẩy nền hòa bình, hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau. 1.1.1.2. Về các loại hình du lịch Theo kết quả của các nhà nghiên cứu, tùy theo mục đích của du khách mà có thể phân loại thành nhiều hình thức du lịch khác nhau. Tác giả Iresh Singh (2011) cho rằng du lịch đề cập đến việc kinh doanh cung cấp chỗ ở và các dịch vụ liên quan cho những người đến thăm các điểm đến. Du lịch bao gồm hai yếu tố là hành trình tới đích và ở. Theo đó, các loại hình du lịch được kể đến bao gồm: du lịch giải trí, du lịch sinh thái (DLST), du lịch lịch sử, du lịch dân tộc, du lịch văn hóa, du lịch mạo hiểm, du lịch chữa bệnh, du lịch tôn giáo, du lịch âm nhạc, du lịch làng, du lịch sinh vật hoang dã [90]. Ngoài ra, còn có các bài viết khác cũng bàn về các loại hình du lịch như: du lịch mạo hiểm, du lịch kinh doanh, du lịch sinh nở, du lịch ẩm thực, du lịch văn hóa, du lịch đen, du lịch thiên tai, du lịch ma túy, du lịch y tế, du lịch gia
  • 18. 11 phả, du lịch biển, du lịch tình dục, du lịch khu ổ chuột, du lịch không gian, du lịch thể thao, du lịch ảo, du lịch chiến tranh [103], [105]. Theo UNWTO, tùy thuộc vào nguồn lực sẵn có của điểm đến để đa dạng hóa và cung cấp nhiều hơn một loại hình du lịch. UNWTO đưa ra một số giải thích ngắn gọn về các loại hình du lịch chính như du lịch giải trí, du lịch y tế, du lịch giáo dục, du lịch kinh doanh, du lịch thăm bạn bè hoặc người thân, du lịch tôn giáo, du lịch thể thao [109]. Ngoài ra, các công trình khác cũng đề cấp đến một vài loại hình du lịch theo các cách khác như: du lịch giải trí, du lịch văn hóa [105], DLST [4], du lịch kinh doanh [104], du lịch y tế [106], du lịch giáo dục [99]. 1.1.1.3. Về hoạt động kinh tế du lịch và sự phát triển du lịch Các công trình nghiên cứu về hoạt động kinh tế du lịch đã giúp người đọc hiểu về ngành công nghiệp du lịch. Bàn về hoạt động kinh tế du lịch, theo tác giả Robert Lanquar (1993) kinh tế du lịch đó là ngành công nghiệp vì toàn bộ hoạt động nhằm khai thác các của cải của du lịch, nhằm biến các tài nguyên nhân lực, tư bản và nguyên liệu thành dịch vụ và sản phẩm. Đồng thời, tác giả cũng giới thiệu những vấn đề về yêu cầu, sự tiêu dùng của du lịch, sản xuất phục vụ du lịch, đầu tư cho du lịch [45]. Trong nghiên cứu The Economics of Tourism, tác giả William S. Reece (2009) sử dụng phân tích kinh tế hiện đại để giúp người đọc hiểu được hành vi thị trường du lịch, đề cập đến thay đổi kỹ thuật vì nó liên quan tới việc điều chỉnh mô hình kinh doanh và chiến lược, giải thích rõ ràng về quản lý doanh thu [107]. Các tác giả John Ward, Phil Higson và William Campbell (1994) trong nghiên cứu Leisure and Tourism, đã nghiên cứu về ngành công nghiệp du lịch và giải trí thông qua việc phân tích các hình mẫu và xu hướng, các sản phẩm và dịch vụ trong ngành du lịch và giải trí cũng như các tác động của nó đến kinh tế, xã hội, văn hóa hay môi trường [93]. Công trình Tourism in Developing Countries, các tác giả tập trung bàn về sự phát triển du lịch ở các nước đã và đang phát triển. Bên cạnh đó, công trình
  • 19. 12 này còn đề cập đến mối liên hệ giữa chính phủ và du lịch, các mô hình phân tích phát triển du lịch, các phương pháp đo lường phát triển du lịch quốc tế, sự phát triển các điểm đến du lịch như khu nghỉ mát ven đồi hay ven biển, các khu du lịch vùng ngoại ô [96]. John Tribe (1995), trong nghiên cứu The Economics of Leisure and Tourism, đã làm rõ các vấn đề về tổ chức và quảng bá hoạt động giải trí và du lịch; nghiên cứu về du lịch, du lịch giải trí ngoài trời, marketing du lịch ở các nước đang phát triển [92]. Ngoài ra, còn có các công trình khác đề cập đến kinh tế du lịch và phát triển du lịch như Political and Economic Factors Affecting Tourism Demand between Countries: A Case from Bosnia Herzegovina and Turkey [91], Tourism Economics [89], Tourism Economics and Policy [94]. 1.1.2. Các công trình nghiên cứu quản lý nhà nước về du lịch ở nước ngoài 1.1.2.1. Về vai trò và nội dung quản lý nhà nước về du lịch Phutsady Phanyasith (2014), trên cơ sở nghiên cứu lý luận, tác giả cho rằng QLNN đối với HĐDL là phương thức nhà nước sử dụng pháp luật tác động vào đối tượng HĐDL để định hướng hoạt động này vận động, phát triển đạt được mục đích xác định [37]. W. Susan (1996) khi phân tích nguồn gốc của ngành thương mại giải trí và du lịch, đã miêu tả về ngành thương mại giải trí và du lịch; miêu tả sứ mệnh của ngành này; giải thích sự khác biệt giữa sản phẩm và dịch vụ; giới thiệu những địa điểm mà thương mại giải trí và du lịch có thể diễn ra; giới thiệu các cơ hội nghề nghiệp cho các ứng viên tốt nghiệp ngành này. Trên cơ sở đó, tác giả làm rõ vấn đề quản lý và tổ chức sự kiện, lưu trú, thực phẩm và đồ uống, nghề nghiệp [102]. Trong công trình nghiên cứu của mình, tác giả S.Medlik (1995) đã đề cập về sự cạnh tranh trong ngành hàng không, quảng bá sản phẩm và điểm đến, sự quản lý du lịch, giới hạn cũng như thách thức đối với ngành du lịch [100].
  • 20. 13 Ngoài ra, còn có các công trình của các tác giả khác đề cập đến vấn đề này như các tác giả Lelei LeLaulu (2006) [95], Mechthild Kuellmer (2007) [97], Priya Chetty (2011) [98]. 1.1.2.2. Về quản lý nhà nước về du lịch S.Medlik (1995) đã cho rằng, trong QLNN về du lịch, các chính sách phải dựa trên một kết hợp chặt chẽ của kinh tế, chính trị, xã hội và các đối tượng về không gian. Những đối tượng này phải được đặt vào một khuôn khổ mang tính quyết định mà chức năng chính của nó là việc đạt được mục tiêu với những ý nghĩa cụ thể trong một khoảng thời gian nhất định. Thiết lập chính sách trong du lịch không phải là một nhiệm vụ phức tạp với chính phủ, mà là việc phát triển thông qua sự cộng tác với các tổ chức du lịch và ngành công nghiệp du lịch [100]. Khi đề cập đến vấn đề quản lý du lịch của Thái Lan để chuẩn bị sẵn sàng cho hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015, Sokxay Soutthaveth kiến nghị Nhà nước Thái Lan phải chú ý đến vấn đề quản lý du lịch bền vững, sử dụng tài sản vốn có gây ảnh hưởng ít nhất đến môi trường và sử dụng lợi ích lâu dài, chú ý đến HĐDL gây ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân, nhất là nền văn hóa, phong tục tập quán của các cộng đồng dân cư [113]. Tác giả Saknalin Keosi, khi nghiên cứu các biện pháp pháp lý quản lý du khách trong việc mua bán dịch vụ du lịch theo kiểu đóng tiền phí một lần giữa du khách và các công ty lữ hành, đã phân tích đánh giá việc thực hiện các biện pháp pháp lý của Thái Lan và quốc tế về quản lý du khách ở các nước Cộng đồng châu Âu và Nhật Bản. Tác giả đã phân tích các vấn đề khi có tranh chấp giữa du khách và các công ty lữ hành, đóng tiền phí cho công ty lữ hành trước khi đi tham quan, đăng ký hợp đồng có điều kiện trả lại cho du khách khi có vấn đề xảy ra trong chương trình du lịch, và đề ra những vấn đề cần tiếp tục sửa đổi bổ sung trong nội dung của Nghị định năm 2007 về quản lý du khách trong việc mua bán dịch vụ du lịch ở Thái Lan [112]. Trong luận án của Phutsady Phanyasith chỉ ra nguyên nhân hạn chế trong QLNN bằng pháp luật đối với HĐDL ở Lào. Từ đó, tác giả đưa ra một số giải pháp: Tăng cường công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về du
  • 21. 14 lịch; đẩy mạnh tổ chức thực hiện pháp luật về du lịch; tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra trong xử lý vi phạm hoạt động QLNN bằng pháp luật đối với HĐDL; tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất trong lĩnh vực du lịch; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào đối với QLNN bằng pháp luật đối với lĩnh vực HĐDL [37]. Nhằm nâng cao hiệu quả QLNN đối với hoạt động kinh doanh du lịch trong thời kỳ hội nhập, Xu Xeng (2015) cho rằng: Công tác ban hành và thực hiện pháp luật về du lịch cần được khắc phục từ khâu ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói chung; tổ chức bộ máy nhà nước về du lịch cần được kiện toàn, ổn định nhanh chóng; xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển du lịch cần chú trọng đến công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh du lịch cần hướng đến việc làm trong sạch môi trường du lịch và áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hệ thống quản lý du lịch [110]. Trong công trình Tourism Economics and Policy, các tác giả tập trung chỉ ra nhu cầu du lịch và dự báo, nguồn cung cấp du lịch và giá, đo lường tác động và lợi ích của những thay đổi trong nhu cầu du lịch, đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch và thuế du lịch, hàng không, du lịch và môi trường (bao gồm cả biến đổi khí hậu) và năng lực cạnh tranh điểm đến. Từ đó cung cấp cơ sở để hiểu được sự liên quan của phân tích kinh tế và các giải pháp cho vấn đề du lịch trong thực tế cuộc sống, cũng như hoạch định chính sách du lịch [94]. Theo tác giả của công trình Economic Success of Tourism, du lịch là một trong những ngành phát triển nhanh nhất trên thế giới ngày nay. Qua khảo sát sự thành công kinh tế du lịch ở Peru và Bồ Đào Nha, tác giả khẳng định rằng sự phát triển du lịch tùy thuộc vào hành chính công [97]. Trong công trình The Business of Rural Tourism International Perspectives, các tác giả làm rõ những vấn đề cơ bản: chính sách, kế hoạch, các tác động của nghiên cứu về thương mại du lịch tại khu vực nông thôn, trong đó phân tích vấn đề tài chính cũng như quảng bá cho du lịch tại khu vực nông thôn,
  • 22. 15 đồng thời nêu ra một số mô hình mẫu tại các nước như Mỹ, Canada, Trung Quốc, Đức, Úc, Niu Dilân… và một số tác động đối với việc phát triển loại hình du lịch tại khu vực này [101]. Đề tài nghiên cứu Leisure and Tourism, các tác giả đề cập đến cung cấp các dịch vụ thông tin quản lý, việc lên kế hoạch và đánh giá các sự kiện cũng như các nguồn cơ sở hạ tầng cho các dự án du lịch, giải trí [93]. 1.2. CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU VỀ DU LỊCH VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH Ở TRONG NƯỚC 1.2.1. Các công trình nghiên cứu về du lịch ở trong nước 1.2.1.1. Về vai trò của du lịch Ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu có cách nhìn nhận về du lịch dưới nhiều góc độ khác nhau. Trong cuốn Nhập môn khoa học du lịch của Trần Đức Thanh (1999), du lịch được giải thích là: Sự di chuyển và lưu trú qua đêm tạm thời trong thời gian rảnh rỗi của cá nhân hay tập thể ngoài nơi cư trú nhằm mục đích phục hồi sức khỏe, nâng cao nhận thức về thế giới xung quanh, có hoặc không kèm theo việc tiêu thụ một giá trị tự nhiên, kinh tế, văn hóa và dịch vụ của các cơ sở chuyên nghiệp cung ứng; Một lĩnh vực kinh doanh các dịch vụ nhằm thỏa mãn nhu cầu nảy sinh trong quá trình di chuyển và lưu trú tạm thời trong thời gian rảnh rỗi của cá nhân hay tập thể ngoài nơi cư trú với mục đích phục hồi sức khỏe, nâng cao nhận thức tại chỗ về thế giới xung quanh [60, tr. 14]. Luận án Những giải pháp phát triển du lịch sinh thái Việt Nam trong xu thế hội nhập [69], tác giả đã phân tích làm rõ khái niệm về du lịch, DLST, yêu cầu và nội dung phát triển DLST trong điều kiện đẩy mạnh HNQT. Như vậy khi du lịch trở thành một nhu cầu mang tính xã hội cao, nhu cầu của đại bộ phận các tầng lớp dân cư trong xã hội thì quan niệm về du lịch được thống nhất, bao gồm tất cả các hoạt động di chuyển của con người ở trong hay ngoài nước, trừ việc di trú chính trị, tìm kiếm việc làm (di chuyển nhằm mục đích sinh lợi) và xâm lược.
  • 23. 16 Về vai trò của du lịch: Du lịch đóng góp tích cực vào quá trình tạo nên thu nhập quốc dân; tham gia tích cực vào quá trình phân phối lại thu nhập quốc dân giữa các vùng; làm tăng thu nhập quốc dân thông qua thu ngoại tệ, đóng góp vào cân bằng cán cân thanh toán quốc tế; là hoạt động xuất khẩu có hiệu quả; góp phần củng cố và phát triển các mối quan hệ kinh tế đối ngoại; góp phần giải quyết việc làm cho người dân địa phương [18], [38]. Khi bàn về vai trò của du lịch, tác giả Nguyễn Đình Sơn (2002) cho rằng du lịch là hoạt động của con người mà trong quá trình đó đồng thời diễn ra cả hai mặt: sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm du lịch, người đi du lịch là những người tiêu dùng các sản phẩm du lịch, người kinh doanh du lịch là người cung cấp các sản phẩm du lịch, chỉ có hoạt động diễn ra đồng thời thì mới đảm bảo được một tour du lịch hoàn chỉnh. Để phát triển kinh tế du lịch ở vùng Bắc Bộ kết hợp với tăng cường củng cố quốc phòng an ninh trong thời gian tới nhằm góp phần tăng trưởng KT-XH, giải quyết việc làm và tăng thu nhập người dân, tác giả đã đề xuất phương hướng, mục tiêu và những giải pháp cơ bản để giải quyết những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế của kinh tế du lịch [57]. 1.2.1.2. Về hoạt động kinh tế du lịch Trong luận án Phát triển dịch vụ lữ hành du lịch trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế: Kinh nghiệm của một số nước Đông Á và gợi ý chính sách cho Việt Nam, tác giả Nguyễn Trùng Khánh (2012) đã đưa ra bảy bài học thành công về chiến lược phát triển, marketing, cung cấp dịch vụ, xây dựng kết cấu hạ tầng, đảm bảo an ninh, phát triển nguồn nhân lực và bảo vệ môi trường. Từ phân tích thực trạng phát triển ngành du lịch của Việt Nam, tác giả chỉ ra những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân trong lĩnh vực dịch vụ lữ hành và đề xuất một số giải pháp cơ bản, kiến nghị về chính sách phát triển dịch vụ lữ hành du lịch cho Việt Nam trong điều kiện HNQT hiện nay [27]. Luận án Phát triển kinh doanh lưu trú du lịch tại vùng du lịch Bắc Bộ của Việt Nam, trên cơ sở phân tích tiềm năng, thế mạnh và thực trạng phát triển bền
  • 24. 17 vững kinh doanh lưu trú du lịch ở vùng du lịch Bắc Bộ của Việt Nam, tác giả đề xuất các giải pháp thúc đẩy kinh tế cho các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch và các chủ thể QLNN tại vùng du lịch Bắc Bộ tham khảo; tạo môi trường thuận lợi cho phát triển bền vững kinh doanh lưu trú tại vùng du lịch Bắc Bộ [25]. Trong công trình Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch Việt Nam có tính cạnh tranh trong khu vực, quốc tế, các tác giả đã hệ thống hóa những vấn đề lý luận về cạnh tranh sản phẩm du lịch; phân tích, đánh giá thực trạng hệ thống sản phẩm du lịch Việt Nam theo tiêu chí cấu thành sản phẩm chung của điểm đến và sản phẩm theo các loại hình du lịch. Các tác giả đã chỉ ra mô hình 10 tiêu chí đánh giá so sánh cạnh tranh sản phẩm du lịch bao gồm: Tính hấp dẫn và độc đáo của tài nguyên du lịch; tính đa dạng của dịch vụ du lịch; chất lượng sản phẩm du lịch; tổ chức xây dựng sản phẩm du lịch; đầu tư xúc tiến sản phẩm du lịch; giá sản phẩm du lịch; khả năng tiếp cận sản phẩm; thương hiệu sản phẩm du lịch; chu kỳ sống của sản phẩm du lịch; yếu tố đặc biệt của sản phẩm du lịch. Đề tài còn đề xuất hệ thống giải pháp chủ yếu góp phần tăng cường tính cạnh tranh của sản phẩm du lịch Việt Nam trên thị trường trong ngắn hạn [64]. Trong luận án Thị trường du lịch tỉnh Hà Tây, Hoàng Thị Ngọc Lan (2007) xác định cầu du lịch là bộ phận nhu cầu xã hội có khả năng thanh toán về dịch vụ hàng hóa, đảm bảo sự đi lại, lưu trú tạm thời của du khách ngoài nơi ở thường xuyên của họ nhằm mục đích du lịch [29]. Trong cuốn Thị trường du lịch, tác giả đã nêu những vấn đề tổng quan về thị trường du lịch: khái niệm và những đặc điểm của thị trường du lịch, các loại thị trường du lịch, phân tích một số yếu tố cơ bản trên thị trường du lịch. Theo tác giả, thị trường du lịch là bộ phận của thị trường chung, phạm trù của sản xuất và lưu thông hàng hóa, dịch vụ du lịch, phản ánh toàn bộ quan hệ trao đổi giữa người mua với người bán, giữa cung với cầu và toàn bộ các mối quan hệ, thông tin kinh tế, kỹ thuật gắn với mối quan hệ đó trong lĩnh vực kinh tế du lịch [31]. Tác giả Nguyễn Anh Tuấn (2010) trong công trình Năng lực cạnh tranh điểm đến của du lịch Việt Nam, đã phân tích, đánh giá thực trạng năng lực cạnh
  • 25. 18 tranh điểm đến của ngành du lịch Việt Nam; chỉ ra những mặt mạnh, mặt yếu, cơ hội và áp lực đối với ngành du lịch Việt Nam cũng như nguyên nhân của hạn chế về năng lực cạnh tranh điểm đến của ngành du lịch Việt Nam. Tác giả đề xuất bốn quan điểm nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến của ngành du lịch Việt Nam, trong đó đề xuất: ngành du lịch phải được phát triển theo hướng chất lượng, hiệu quả, bền vững [70]. Trong luận án Thị trường du lịch Quảng Ninh trong hội nhập kinh tế quốc tế, tác giả đã hướng nghiên cứu vào làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về thị trường du lịch trong HNQT; phân tích thực trạng của thị trường du lịch Quảng Ninh, trong đó tác giả đã phác họa rõ nét về những thành tựu, đặc biệt là nêu rõ những vấn đề đặt ra cần khắc phục để mở rộng thị trường du lịch Quảng Ninh đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Tác giả đã đề xuất bốn nhóm giải pháp nhằm phát triển thị trường du lịch trong thời gian tới, trong đó chú trọng tăng nguồn cung hàng hóa du lịch và kích cầu về du lịch [1]. Tác giả Nguyễn Duy Mậu (2011) trong luận án Phát triển du lịch Tây Nguyên đến năm 2020 đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, đã đề xuất chín giải pháp để phát triển du lịch Tây Nguyên trong quá trình HNQT, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ khách sạn, nhà hàng; phát triển các hình thức liên kết các DNDL trên địa bàn khu vực Tây Nguyên [32]. Trong luận án Những giải pháp phát triển du lịch sinh thái Việt Nam trong xu thế hội nhập, tác giả chỉ ra những cơ hội và thách thức đối với phát triển DLST trong xu thế hội nhập; phân tích những kinh nghiệm phát triển DLST của một số nước và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; đề xuất một số giải pháp chủ yếu phát triển DLST ở Việt Nam [69]. Luận án Phát triển du lịch bền vững ở Phong Nha - Kẻ Bàng đã phân tích các quan niệm về hệ thống đánh giá du lịch bền vững, các kinh nghiệm du lịch bền vững và không bền vững trên thế giới và đề xuất các giải pháp phát triển du lịch bền vững Phong Nha - Kẻ Bàng. Đây là luận án về du lịch bền vững ở một vùng du lịch cụ thể, có tính đặc thù. Tuy nhiên, tác giả tập trung nghiên cứu quan niệm về du lịch bền vững, cũng như chỉ tiêu đánh giá [13].
  • 26. 19 Trong luận án Phát triển du lịch gắn với xóa đói giảm nghèo ở Lào Cai, tác giả phân tích các lý luận về phát triển du lịch gắn với quá trình xóa đói, giảm nghèo ở một địa phương [58]. 1.2.1.3. Về các loại hình du lịch Theo Giáo trình Kinh tế du lịch của tác giả Nguyễn Văn Đính và cộng sự (2006), du lịch phân loại theo các tiêu thức: theo phạm vi lãnh thổ của chuyến đi (du lịch quốc tế, du lịch nội địa); theo phương tiện lưu trú (du lịch ở trong khách sạn, trong motel, ở làng du lịch, ở lều, trại (camping)); theo thời gian đi du lịch (du lịch dài ngày, ngắn ngày); theo nhu cầu làm nảy sinh HĐDL (du lịch chữa bệnh, nghỉ ngơi giải trí, thể thao, văn hóa, công vụ, sinh thái, thương gia, tôn giáo, thăm hỏi, quê hương, quá cảnh); theo đối tượng khách du lịch (du lịch thanh thiếu niên, dành cho những người cao tuổi, phụ nữ, gia đình); theo phương tiện giao thông (du lịch bằng ô tô, xe máy, xe đạp, tàu hỏa, tàu thủy, máy bay); theo hình thức tổ chức chuyến đi (du lịch theo đoàn và cá nhân có/không thông qua tổ chức du lịch); theo vị trí địa lý nơi đến du lịch (du lịch nghỉ núi, nghỉ biển, sông hồ, đồng quê, thành phố) [18]. Theo các tác giả, trong các chuyến đi du lịch người ta thường kết hợp một số loại hình du lịch với nhau. Chẳng hạn du lịch nghỉ ngơi, giải trí với du lịch văn hóa; du lịch công vụ với du lịch văn hóa. Trong luận án Phương hướng và một số giải pháp để đa dạng hóa loại hình và sản phẩm du lịch ở Quảng Nam - Đà Nẵng, tác giả làm rõ các loại hình du lịch và xu hướng đa dạng hóa loại hình và sản phẩm du lịch [44]. Ngoài các công trên còn nhiều công trình của các tác giả khác bàn về phân loại du lịch như các tác giả Trương Sĩ Quý (2002) [44], Đỗ Cẩm Thơ (Chủ nhiệm) (2007) [64], Nguyễn Thị Tú (2006) [69]. Cũng như các nhà nghiên cứu trên thế giới, các nhà nghiên cứu trong nước cũng cho rằng tùy thuộc vào hình thức, mục đích chuyến đi của du khách mà có thể chia ra nhiều loại hình du lịch khác nhau như du lịch mạo hiểm, du lịch tham quan, du lịch ẩm thực, du lịch thể thao, du lịch xanh, du lịch nhóm.
  • 27. 20 Nhìn chung, các tác giả đã đưa ra các cách phân loại du lịch dưới các góc độ và mục đích phân loại khác nhau. 1.2.2. Các công trình nghiên cứu quản lý nhà nước về du lịch ở trong nước 1.2.2.1. Về vai trò của quản lý nhà nước về du lịch Về vai trò của QLNN đối với du lịch, tác giả Nguyễn Tấn Vinh (2008) cho rằng QLNN về du lịch có vai trò thúc đẩy ngành du lịch địa phương phát triển mạnh mẽ và bền vững; thị trường du lịch được mở rộng; thể chế thị trường du lịch được xác lập, mở rộng và sự vận động của các yếu tố thị trường thông suốt. Đồng thời, theo tác giả, cần xác định đúng chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, xác định rõ mức độ và hình thức can thiệp vào nền kinh tế nhằm khai thác triệt để các lợi thế, đồng thời khắc phục những thất bại của nhà nước lẫn thị trường [87]. Trong bài viết Hoạt động quản lý nhà nước về du lịch năm 2012, tác giả xác định vai trò quả QLNN về du lịch là định hướng cho du lịch phát triển và khai thác lợi thế tối đa để mang lại lợi nhuận đóng góp ngày càng nhiều cho nền kinh tế trên cơ sở phát triển bền vững [15]. Theo tác giả Nguyễn Văn Đính và cộng sự (2006), QLNN về du lịch có vai trò tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau hoạt động trên lĩnh vực kinh tế du lịch; đưa du lịch phát triển theo định hướng chung, thúc đẩy HĐDL phát triển; hạn chế, tiến tới xóa bỏ các hiện tượng không lành mạnh, mặt trái của du lịch qua HĐDL (mại dâm, văn hóa đồi trụy, nghiện hút); bảo vệ môi trường du lịch [18]. Trong công trình Quản lý nhà nước về du lịch, tác giả cho rằng, QLNN về du lịch không phải cầm tay chỉ việc, theo kế hoạch thầm kín, mà QLNN về du lịch là tạo ra một môi trường cho công nghiệp du lịch phát triển và nhận thức chung về ích lợi của nền công nghiệp này trong cộng đồng [59]. Theo tác giả, vấn đề quan trọng của QLNN đối với du lịch là xây dựng môi trường an ninh chính trị, an toàn xã hội, cùng với đó là yếu tố kinh tế, thành quả của các ngành kinh tế khác và đường lối phát triển du lịch [20].
  • 28. 21 Theo bài viết Quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại, du lịch, tác giả cho rằng, QLNN về thương mại, du lịch là sự quản lý của Nhà nước đối với toàn bộ hoạt động thương mại, du lịch trong nền kinh tế quốc dân và có chức năng tạo ra và thực hiện một cơ chế hay phương thức quản lý cho tất cả các thành phần kinh tế để đảm bảo hoạt động thương mại, du lịch phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa [19]. 1.2.2.2. Về nội dung và giải pháp quản lý nhà nước về du lịch Trong luận án Hoàn thiện quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, khi bàn về nội dung QLNN về du lịch cấp tỉnh, tác giả đã nêu 3 cách phân loại đó là: Thứ nhất, theo các giai đoạn của quá trình quản lý: định hướng phát triển, điều hành, tổ chức hệ thống, kiểm tra và điều chỉnh; Thứ hai, theo hướng tác động: tạo môi trường và điều kiện cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ sự phát triển, bảo đảm sự thống nhất KT-XH, quản lý các định hướng; Thứ ba, theo yếu tố lĩnh vực mới: quản lý trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ, quản lý trong lĩnh vực đối ngoại, quản lý về tài nguyên môi trường, quản lý về nhân lực. Tác giả đi sâu phân tích nội dung QLNN về du lịch cấp tỉnh ở ba nội dung: định hướng phát triển ngành du lịch ở địa phương; tạo lập khuôn khổ pháp luật thuận lợi cho sự phát triển của ngành du lịch ở địa phương; và tổ chức chỉ đạo điều hành, kiểm tra, kiểm soát hoạt động ngành du lịch ở địa phương. Bên cạnh đó, tác giả đã trình bày khái quát QLNN về kinh tế trong mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tác giải đã đưa ra các chức năng QLNN về kinh tế nói chung, nội dung của QLNN về kinh tế và QLNN về phát triển kinh tế địa phương. Theo đó, QLNN về phát triển kinh tế địa phương bao gồm quản lý theo ngành kinh tế kỹ thuật và quản lý theo vùng lãnh thổ [87]. Theo các tác giả, QLNN về du lịch ở địa phương thực hiện các mặt chính sau: Xây dựng các đề án về quy hoạch và kế hoạch phát triển du lịch trên địa bàn; nghiên cứu đề xuất việc xây dựng các chính sách, và bổ sung cụ thể hóa các chính sách chung, phù hợp với tình hình hoạt động của địa phương; hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các chính sách quy định, nghiệp vụ chuyên môn; theo thẩm quyền
  • 29. 22 xét cấp giấy chứng nhận, đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp HĐDL; giúp đỡ tổ chức đào tạo các cán bộ nghiệp vụ, chuyên môn cho các DNDL [18]. Theo Báo cáo kỹ thuật Hỗ trợ quản lý điểm đến - An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ, đã đề xuất Chiến lược quản lý điểm đến đến năm 2020, trong đó có nêu các trụ cột của du lịch có trách nhiệm cho Việt Nam mà Dự án EU đã xây dựng với Tổng cục Du lịch. Trụ cột 1: Áp dụng quản trị nhà nước tốt trong du lịch; trụ cột 2: Thúc đẩy các DNDL cạnh tranh và thị trường bền vững; trụ cột 3: Sử dụng du lịch cho phát triển kinh tế xã hội; trụ cột 4: Xây dựng nhận thức và hiểu biết về du lịch có trách nhiệm; trụ cột 5: Phát triển lực lượng lao động du lịch có tay nghề với điều kiện làm việc bền vững; trụ cột 6: Bảo vệ và phát huy một cách nhạy cảm di sản thiên nhiên và văn hóa. Trong các trụ cột trên, Trụ cột 1 "Áp dụng quản trị nhà nước tốt trong du lịch cho An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ" được đề xuất thực hiện theo Bản Thỏa thuận hợp tác liên kết phát triển du lịch của ba tỉnh/thành thể hiện trong nội dung Bản ghi nhớ cam kết các cơ quan thẩm quyền hợp tác trong các lĩnh vực: cơ chế, chính sách quản lý và phát triển du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá và xúc tiến du lịch; và phát triển nguồn nhân lực du lịch [46]. Trong luận án Hoàn thiện quản lý nhà nước về lao động trong lĩnh vực kinh doanh du lịch ở Việt Nam, tác giả Hoàng Văn Hoan (2002) phân tích các đặc trưng của kinh doanh du lịch, lao động trong kinh doanh du lịch, qua đó đưa ra các cơ sở lý luận xác định rõ nội dung cơ bản QLNN đối với lao động trong lĩnh vực kinh doanh du lịch; phân tích, đánh giá thực trạng QLNN đối với lao động trong kinh doanh du lịch ở Việt Nam giai đoạn 1990 - 2002, đánh giá các chính sách quản lý lao động trong kinh doanh du lịch trên góc độ vĩ mô; đề xuất các giải pháp và kiến nghị nhằm hoàn thiện QLNN đối với lao động trong kinh doanh du lịch ở Việt Nam [21]. Tác giả Lê Văn Minh (2006) khi nghiên cứu đề xuất các giải pháp đầu tư phát triển khu du lịch đã đề xuất mười giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách đầu tư phát triển du lịch, trong đó chú trọng đầu tư phát triển các khu du lịch; giải pháp về đầu tư, bảo tồn, tôn tạo các giá trị tài nguyên du lịch và bảo vệ môi trường [33].
  • 30. 23 Trong luận án Hoàn thiện quản lý nhà nước đối với cơ sở hạ tầng đô thị du lịch Việt Nam, tác giả Hồ Đức Phớc (2010) đã luận giải một số cơ sở khoa học của QLNN trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng đô thị du lịch; phân tích và đánh giá thực trạng QLNN trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng và sự phát triển cơ sở hạ tầng tại các đô thị du lịch Việt Nam; đề xuất các giải pháp hoàn thiện QLNN trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng cho các đô thị Việt Nam [36]. Trong cuốn Quy hoạch du lịch, tác giả Bùi Hải Yến (2009) đã làm rõ cơ sở khoa học của quy hoạch du lịch. Tác giả đưa ra những khuyến nghị về quy hoạch du lịch vùng nông thôn và ven đô ở Việt Nam, chỉ rõ phát triển du lịch cần gắn với việc bảo vệ, tôn tạo tài nguyên môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững [88]. Các công trình, luận án, bài báo, bài viết đăng trên tạp chí, kỷ yếu khoa học trên là những tài liệu giúp tác giả có thêm những tư liệu để hoàn thành luận án. 1.3. ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA 1.3.1. Những kết quả đạt được và khoảng trống trong nghiên cứu quản lý nhà nước về du lịch 1.3.1.1. Những kết quả đạt được của các công trình nghiên cứu Tổng hợp các công trình nghiên cứu trên cho thấy, một số vấn đề có liên quan đến đề tài đã được làm rõ: Một là, nhận diện du lịch dưới nhiều góc độ: du lịch nói chung, HĐDL, ngành du lịch; đưa ra các quan niệm, khái niệm và định nghĩa dưới các góc nhìn khác nhau. Hai là, chỉ rõ vai trò, ý nghĩa và tác động của HĐDL trong việc tạo việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế theo vùng. Ba là, xác định rõ các loại hình du lịch theo các tiêu chí phân loại cụ thể; làm rõ hoạt động kinh tế du lịch dưới các góc độ khác nhau. Bốn là, làm rõ một số đặc điểm và vai trò của QLNN đối với du lịch và các nội dung của QLNN đối với du lịch nói chung dưới các góc nhìn khác nhau; đề xuất một số giải pháp và kiến nghị hoàn thiện QLNN về du lịch nói chung.
  • 31. 24 1.3.1.2. Những khoảng trống nghiên cứu về quản lý nhà nước về du lịch Tuy nhiên, hiện còn một số vấn đề của QLNN về du lịch nói chung, đặc biệt là ở cấp tỉnh, thành phố TTTƯ cần tiếp tục làm rõ. Một là, chưa làm rõ được các đặc điểm QLNN về du lịch cấp tỉnh, thành phố TTTƯ gắn với chức năng, nhiệm vụ của cấp tỉnh theo phân cấp. Trong đó, cấp tỉnh là cấp thừa hành, nhưng được phân công một số trách nhiệm cụ thể. Hai là, chưa làm rõ được nội dung QLNN ở cấp thành phố TTTƯ đối với du lịch theo quan điểm quản lý theo địa bàn đối với HĐDL mang tính liên ngành, liên vùng. Ba là, việc nghiên cứu QLNN ở cấp tỉnh, thành phố TTTƯ nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của một vùng có nhiều đặc thù như vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng, nội dung, yêu cầu của QLNN về du lịch ở cấp tỉnh gắn với vùng, miền như thành phố Cần Thơ, cũng như cơ sở lý luận cho việc hoàn thiện QLNN về du lịch cấp thành phố TTTƯ nói chung chưa được luận giải một cách có hệ thống, chưa gắn kết được quản lý theo ngành và theo lãnh thổ. 1.3.2. Những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ Qua tổng quan các công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài, nghiên cứu sinh sẽ tập trung nghiên cứu làm rõ các vấn đề sau: Một là, luận giải sâu sắc hơn cơ sở lý luận của QLNN cấp tỉnh, thành phố TTTƯ đối với HĐDL trên địa bàn, dưới góc độ quản lý theo ngành kết hợp quản lý theo lãnh thổ. Kết hợp chức năng, nhiệm vụ được giao của chính quyền địa phương với quy định, tiêu chuẩn của ngành du lịch; kết hợp cơ chế tác động đến đối tượng quản lý của trung ương và địa phương; kết hợp mục tiêu phát triển KT-XH địa phương với mục tiêu ngành. Hai là, luận giải đặc điểm, nội dung của QLNN về du lịch nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế về du lịch để phát triển HĐDL của một vùng, một thành phố như Cần Thơ theo hướng bền vững. Chẳng hạn, Cần Thơ có đặc điểm đô thị, thành phố trực thuộc trung ương, trung tâm vùng ĐBSCL, có thể kết nối với các địa phương khác, đặc điểm địa lý, cảnh quan thiên nhiên, sông nước, miệt vườn.
  • 32. 25 Ba là, luận giải các đặc thù QLNN về du lịch cấp tỉnh, thành phố đặt ra trong HNQT và liên kết khu vực, vùng. Chính quyền cấp thành phố trực thuộc trung ương, vừa thừa hành vừa chủ động trong QLNN với chức năng, nhiệm vụ được giao. Bốn là, phân tích đánh giá đúng thực trạng và đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm hoàn thiện QLNN về du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, làm rõ các yêu cầu và nhân tố ảnh hưởng đến QLNN về du lịch trên địa bàn tỉnh, thành phố TTTƯ.
  • 33. 26 Chương 2 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 2.1. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ 2.1.1. Khái niệm và phân loại du lịch Du lịch đã và đang ngày càng trở thành hoạt động khá phổ biến của con người trong thời đại ngày nay. Khái niệm du lịch đã được sử dụng rộng rãi trên sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, qua mỗi thời kỳ phát triển, khái niệm về du lịch cũng mang những nét đặc trưng khác nhau và được nhận thức ngày càng đầy đủ hơn. Khái niệm du lịch có thể được được định nghĩa theo quan niệm sản phẩm - dịch vụ du lịch hoặc theo HĐDL. Theo UNWTO: Du lịch là một hiện tượng xã hội, văn hóa và kinh tế phát sinh do sự di chuyển tới các quốc gia hay điểm đến ngoài nơi cư trú thường xuyên của con người với các mục đích cá nhân, hoặc do nhu cầu công việc, chuyên môn [11, tr. 5]. Ở Việt Nam, Luật Du lịch 2017 tại Điều 3 định nghĩa: Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá một năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác [42]. Những quan niệm nêu trên mới nhìn nhận du lịch từ góc độ thay đổi/dịch chuyển không gian cư trú tạm thời từ phía du khách cùng với mục tiêu hưởng thụ các nhu cầu khác nhau của họ, mà chưa đề cập đến góc độ kinh tế - du lịch gắn chặt với hoạt động kinh tế. Để đáp ứng nhu cầu du lịch của du khách ta có hàng loạt các hoạt động kinh doanh như khách sạn, nhà hàng, quán ăn, cửa hàng tiệm giải khát, môi giới, hướng dẫn du lịch, vui chơi… để phục vụ nhu cầu này. Khác với các quan niệm trên, tại Hội nghị Liên hợp quốc về du lịch họp tại Rome - Italia (1963), các chuyên gia quốc tế đưa ra quan niệm: Du lịch là cả một
  • 34. 27 quy trình gồm tất cả các hoạt động của du khách từ lúc dự trù chuyến đi cho đến lúc di chuyển và đến nơi cư trú, ăn ở, mua sắm, giải trí, giao tiếp, nghỉ ngơi đến lúc trở về nhà và hồi tưởng. Như vậy, du lịch là tổng hợp các hoạt động kinh tế bắt nguồn từ các cuộc hành trình và lưu trú của cá nhân hay tập thể ở bên ngoài nơi ở thường xuyên của họ hay ngoài nước họ với mục đích hòa bình [26, tr. 9]. Từ các quan niệm về du lịch như đã trình bày ở trên, chúng ta có thể hiểu du lịch theo hai nghĩa cơ bản sau: thứ nhất, du lịch là nói đến sự di chuyển và lưu trú tạm thời trong thời gian rảnh rỗi của cá nhân hay tập thể ngoài nơi cư trú nhằm mục đích phục hồi sức khỏe, nâng cao nhận thức về thế giới xung quanh, thỏa mãn các nhu cầu giải trí; thứ hai, du lịch là tổng hợp các hoạt động thuộc lĩnh vực kinh doanh các dịch vụ tiêu thụ một số giá trị kinh tế, văn hóa và dịch vụ nhằm thỏa mãn nhu cầu nảy sinh trong quá trình di chuyển và lưu trú tạm thời trong thời gian rảnh rỗi của cá nhân hay tập thể ngoài nơi cư trú. Hoạt động du lịch liên quan đến nhiều chủ thể. Theo quy định tại Điều 3 của Luật Du lịch 2017: "Hoạt động du lịch là hoạt động của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan đến du lịch" [42]. Từ các khái niệm trên, có thể hiểu: HĐDL là tổng hợp các hoạt động tổ chức, kỹ thuật và kinh tế phục vụ cuộc hành trình và lưu trú của con người ở bên ngoài nơi cư trú với nhiều mục đích cá nhân, hoặc do nhu cầu công việc, chuyên môn, tìm kiếm việc làm, thực hiện thăm viếng thường xuyên, thực hiện sự phát triển cá nhân về phương diện kinh tế, xã hội, văn hóa và tinh thần, nghỉ ngơi, tiêu khiển, giải trí cùng với việc đẩy mạnh sự hiểu biết và sự hợp tác giữa mọi người. Như vậy, HĐDL là một hoạt động đặc thù, gồm nhiều đối tượng tham gia vào đó là du khách, nhà cung ứng dịch vụ du lịch, chính quyền địa phương nơi đón du khách và dân cư sở tại. HĐDL có mối quan hệ kết hợp và tương tác giữa các đối tượng trên. Đối với du khách là cuộc hành trình và lưu trú ở một nơi ngoài nơi cư trú thường xuyên nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất, tinh thần. Đối với nhà cung ứng dịch vụ du lịch là quá trình tổ chức các điều kiện sản xuất dịch vụ
  • 35. 28 phục vụ du khách để đạt lợi nhuận. Đối với chính quyền địa phương đó là quản lý, tổ chức các điều kiện về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật để phục vụ du khách; tổ chức các hoạt động dịch vụ phục vụ việc lưu trú, hành trình du lịch của du khách; tổ chức tiêu thụ sản phẩm địa phương, nâng cao mức sống dân cư; bảo vệ môi trường tự nhiên, xã hội. Đối với dân cư là tham gia HĐDL địa phương nhằm tăng thêm lợi ích kinh tế, đồng thời tham gia giám sát, bảo đảm tới mức thấp nhất những tác động tiêu cực và rủi ro của du lịch đối với môi trường, truyền thống văn hóa và điều kiện sống của dân cư địa phương. HĐDL gồm nhiều hoạt động tham gia vào để phục vụ nhu cầu của du khách trong một chuyến du lịch, nhu cầu từ mục đích chính của chuyến đi như tham quan, giải trí, nghỉ ngơi, học tập và các nhu cầu khác như ăn, ngủ, đi lại, mua sắm hàng hóa, đồ lưu niệm, đổi tiền, gọi điện, gửi thư, vui chơi. Do đó, tham gia vào HĐDL gồm tổng hợp các hoạt động như sản xuất, kinh doanh, giao thông, bưu chính viễn thông. HĐDL tồn tại dưới các loại hoạt động phổ biến sau: lữ hành, lưu trú, vận chuyển du khách và các hoạt động dịch vụ phục vụ du lịch khác. Hoạt động lữ hành là thực hiện một chuyến đi theo kế hoạch, lộ trình và chương trình định trước; hoạt động lưu trú là hoạt động cung cấp dịch vụ phục vụ nhu cầu lưu trú của du khách; hoạt động vận chuyển du khách là hoạt động nhằm giúp cho du khách dịch chuyển được từ nơi lưu trú của mình đến điểm du lịch cũng như dịch chuyển tại điểm du lịch; hoạt động dịch vụ phục vụ du lịch khác như ăn uống, mua sắm, thể thao, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe, tuyên truyền, quảng cáo du lịch, tư vấn đầu tư du lịch. Phân loại du lịch trên địa bàn thành phố Dựa trên các tiêu chí và mục đích phân loại để phân loại HĐDL thành các loại hình khác nhau. Việc phân loại du lịch cùng với các loại hình du lịch khác nhau là nhằm làm rõ bản chất, đặc điểm của từng loại hình du lịch, đặc điểm hoFạt động của chúng để có biện pháp QLNN phù hợp với từng loại hình du lịch. Theo cách phân loại phổ biến hiện nay, du lịch có thể được phân theo các tiêu chí với các loại hình tương ứng như sau:
  • 36. 29 Thứ nhất, theo phạm vi lãnh thổ của chuyến đi: du lịch quốc tế và du lịch nội địa. Du lịch quốc tế là loại hình du lịch có đối tượng du khách là những người lưu trú tạm thời ở nước ngoài và sống ngoài nơi cư trú thường xuyên của họ trong khoảng thời gian từ 24 giờ trở lên. Loại hình du lịch này gắn với yếu tố nước ngoài, điểm đi và đến ở các quốc gia khác nhau; các yếu tố khác như nhu cầu về ăn, ở, đi lại của du khách có nhiều khác biệt với điểm đến; các yêu cầu về nhập cảnh, visa… cũng rất khác nhau. Điều này, đòi hỏi QLNN về du lịch phải thích ứng. Thứ hai, theo nhu cầu làm nảy sinh HĐDL: du lịch chữa bệnh, du lịch nghỉ ngơi giải trí, du lịch thể thao, du lịch văn hóa, du lịch công vụ, DLST, du lịch thương gia, du lịch tôn giáo, du lịch thăm hỏi, du lịch quê hương, du lịch quá cảnh. Trong QLNN đối với HĐDL cần phải chú ý tới các nhu cầu làm nảy sinh HĐDL ngày càng đa dạng chảng hạn Du lịch chữa bệnh là loại hình du lịch phục vụ du khách do nhu cầu điều trị các bệnh tật về thể xác và tinh thần, có thể là chữa bệnh bằng khí hậu, nước khoáng, bằng bùn. Đây là loại hình du lịch mà du khách tìm kiếm cách điều trị đặc biệt, cách xa nhà, ở nơi khác… Du lịch nghỉ ngơi, giải trí là loại hình du lịch phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi để phục hồi thể lực và tinh thần của du khách. Loại hình này có tác dụng giải trí, làm cuộc sống đa dạng, giải thoát con người khỏi áp lực công việc. DLST là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa gắn với giáo dục môi trường, có đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Thứ ba, theo thời gian đi du lịch: du lịch dài ngày, du lịch ngắn ngày. Du lịch dài ngày là loại hình du lịch mà hành trình đi và ở của du khách có thời gian dài ngày và do đó thời gian lưu trú dài hơn và chi tiêu cao hơn. Thứ tư, theo phương tiện lưu trú: du lịch ở trong khách sạn, du lịch ở trong motel, du lịch ở Làng du lịch, du lịch ở lều, trại (camping). Thứ năm, theo đối tượng khách du lịch: du lịch thanh thiếu niên, du lịch dành cho những người cao tuổi, du lịch phụ nữ, gia đình. Dựa trên tiềm năng du lịch và các loại hình du lịch hiện có của thành phố ta có thể phân thành các loại hình du lịch sau: du lịch đô thị; du lịch thương mại,
  • 37. 30 công vụ; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch tham quan; du lịch văn hóa, lễ hội; DLST; du lịch tham quan nghiên cứu; du lịch thể thao, vui chơi giải trí; du lịch học tập, chữa bệnh; du lịch ẩm thực, du lịch cuối tuần, du lịch vui chơi giải trí ngoài trời. Từ những phân tích trên cho thấy, hiện có rất nhiều loại hình du lịch đang hoạt động trên khắp thế giới và ở Việt Nam. Tuy nhiên, để đảm bảo tính phù hợp với các loại hình hiện có và các loại tiềm năng tương đồng với thành phố Cần Thơ, các loại hình du lịch sau đây được xem xét cụ thể hơn: Thứ nhất, du lịch miệt vườn (thuộc nhóm du lịch cảnh quan). Đây là loại hình du lịch gắn với cảnh quan thiên nhiên, không gian ngoài trời rộng lớn. Các điểm này thường cách xa trung tâm nên yêu cầu về thời gian và phương tiện vận chuyển lớn. Thứ hai, du lịch đô thị. Đây là loại hình du lịch gắn với yếu tố đô thị trung tâm, phục vụ tham quan đô thị, mua sắm, vui chơi giải trí mang tính chất đô thị và phù hợp với các vai trò cụ thể là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, giao thông của Vùng. Thứ ba, du lịch thương mại, hội nghị, hội thảo kết hợp tham quan du lịch. Đây là loại hình du lịch kết hợp giữa công tác và tham quan du lịch, gắn với vai trò trung tâm Vùng của thành phố thường xuyên diễn ra các sự kiện chính trị, kinh tế, VH-TT-DL của Vùng. Loại hình du lịch này thường diễn ra quanh năm và có đối tượng du khách có khả năng chi tiêu khá cao. Thứ tư, du lịch tham quan, nghiên cứu văn hóa. Đây là loại hình du lịch gắn với các di sản văn hóa của thành phố với nét đặc trưng riêng hấp dẫn du khách. Những di sản văn hóa này rất hấp dẫn các du khách có mục đích nghiên cứu văn hóa. Chẳng hạn, kết quả điều tra XHH cho thấy du lịch văn hóa ở Cần Thơ được du khách ưa chuộng, có 55% - 77% ý kiến điều tra chọn đến các điểm văn hóa của Cần Thơ như bến Ninh Kiều (77%), Chợ nổi Cái Răng (71%), Chùa Ông (55%) (Bảng PL2.1). Theo kết quả điều tra XHH, các HĐDL được du khách yêu thích nhất là du lịch sông nước chợ nổi (90%), tham quan các làng nghề (77,5%), thưởng thức ẩm thực địa phương (70%), trải nghiệm cuộc sống
  • 38. 31 người dân (62,5%), thăm các di tích lịch sử (61%), xem biểu diễn văn nghệ truyền thống (61%) (Bảng PL2.3). Thứ năm, du lịch sinh thái. Đây là loại hình du lịch gắn với điều kiện tự nhiên của thành phố với những sông, rạch chằng chịt, cù lao, cồn, những vườn cây xanh tươi mát, cùng nhiều loại đặc sản trái cây của Vùng. Theo kết quả điều tra XHH, các đối tượng cho rằng loại hình du lịch phổ biến nhất ở Cần Thơ là DLST (75,7%), du lịch văn hóa (12,3%) (Bảng PL2.4). 2.1.2. Vai trò và tác động của hoạt động du lịch đối với kinh tế trên địa bàn thành phố trong hội nhập quốc tế 2.1.2.1. Vai trò của hoạt động du lịch Vai trò của hoạt động du lịch được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau: đối với du khách, đối với người dân địa phương, đối với các nhà kinh doanh, đối với nền kinh tế. Hoạt động du lịch có vai trò quan trọng: Một là, góp phần phát triển kinh tế và tăng trưởng bền vững. HĐDL có quan hệ với các hoạt động khác và tạo thu nhập quan trọng cho ngân sách của quốc gia và địa phương có tuyến điểm du lịch. HĐDL dựa trên các tài nguyên du lịch phong phú, các giá trị về di sản văn hóa, âm nhạc, đời sống dân cư và môi trường, khí hậu. Các sản phẩm du lịch được tiêu dùng ở nơi sản xuất, đồng thời tạo nên khả năng sản xuất các sản phẩm được tiêu thụ bởi du lịch và du lịch cần đáp ứng. Từ đó, HĐDL sẽ tạo ra thu nhập qua hệ thống cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Bên cạnh đó, HĐDL phát triển góp phần kích thích đầu tư trong nước và ngoài nước, qua đó làm tăng tổng cầu và tăng trưởng kinh tế địa phương. Chính vì vậy, phát triển HĐDL không chỉ mang lại nguồn thu cho ngành du lịch mà còn tác động làm gia tăng nguồn thu ở các ngành khác. Ở Việt Nam, hơn một phần ba GDP được tạo ra bởi các dịch vụ, trong đó, du lịch đóng góp 7,5% GDP năm 2017 [30]. Ngoài ra, HĐDL còn tác động tích cực đến kết cấu hạ tầng vật chất KT-XH và các nguồn lực khác nhau làm cho kinh tế địa phương phát triển. Theo kết quả điều tra XHH, các đối tượng được điều tra cho rằng HĐDL góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH (83,97%), tăng thu ngân sách (52,71%) cho thành phố Cần Thơ (Bảng PL2.4).
  • 39. 32 Hai là, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. HĐDL là một hoạt động phức tạp, trong đó chi tiêu du lịch liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều ngành kinh tế và tác động qua lại lẫn nhau. Do đó, khi HĐDL phát triển, nó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và góp phần làm dịch chuyển cơ cấu kinh tế. HĐDL phát triển sẽ góp phần gia tăng giá trị dịch vụ, đồng thời tác động làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng tỷ trọng khu vực nông nghiệp trong GDP sẽ giảm dần và tỷ trọng khu vực dịch vụ sẽ tăng lên. Kết quả điều tra XHH, cho thấy các đối tượng cho rằng du lịch phát triển có tác động làm thay đổi diện mạo đô thị (56,51%) (Bảng PL2.4). Ba là, tạo việc làm, tăng thu nhập. Sự phát triển HĐDL góp phần tăng qui mô việc làm, thu nhập của người dân và xã hội. HĐDL sử dụng nhiều lao động, do đó, phát triển HĐDL sẽ góp phần tích cực tạo việc làm cho một lực lượng lao động xã hội và cải thiện đời sống cho người dân địa phương. HĐDL có nhu cầu về lao động cao cả về lao động trực tiếp (trực tiếp phục vụ du lịch, làm việc trực tiếp trong ngành du lịch thường bao gồm những công việc có liên hệ trực tiếp với khách như người làm việc tại các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh du lịch, điểm du lịch, vận chuyển du lịch, nhà hàng, bán lẻ và các cơ sở giải trí), cũng như lao động gián tiếp (từ các hoạt động kinh tế khác, làm việc cho các cơ sở cung ứng cho HĐDL, như dịch vụ giặt là, cung cấp thực phẩm, bán buôn, kế toán, các cơ quan nhà nước, các công ty xây dựng và sản xuất hàng xuất khẩu và hàng sử dụng trong ngành du lịch gồm sản xuất sắt thép, gỗ và xăng dầu). Kết quả điều tra XHH cho thấy các đối tượng đánh giá du lịch giúp tạo công ăn việc làm (63,13%), tăng thu nhập cho người dân (63,73%), góp phần xóa đói giảm nghèo (34,47%) (Bảng PL2.4). Bốn là, liên kết vùng và phát triển kinh tế đối ngoại. HĐDL còn thông qua các hình thức liên kết giữa các tỉnh, giữa các vùng, giữa các nước để mở các tour du lịch. Du khách không chỉ dừng lại ở một điểm du lịch mà có nhu cầu tham quan các điểm du lịch ở các vùng, miền khác nhau. Do đó, để cạnh tranh và phát triển, các tỉnh, thành phố sẽ mở rộng liên kết với nhau và liên kết với các vùng, các nước để
  • 40. 33 đa dạng các tour du lịch. Theo kết quả điều tra XHH, các đối tượng được điều tra cho rằng du lịch thúc đẩy giao lưu văn hóa (64,73%) (Bảng PL2.4). 2.1.2.2. Tác động của hoạt động du lịch Tác động tích cực Một là, HĐDL phát triển góp phần hỗ trợ cho công nghiệp và nông nghiệp, góp phần vào sự tăng trưởng bền vững. Có thể thấy, HĐDL phát triển góp phần giải quyết các vấn đề xã hội như việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, san sẻ thu nhập cho các nhóm xã hội (người nghèo), vì đa phần du khách là những người có thu nhập cao. Chính điều này có tác dụng lớn trong việc giảm áp lực trong việc giải quyết việc làm cho chính quyền địa phương, giảm tình trạng thất nghiệp, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đối với những nơi lạc hậu, xa xôi, hẻo lánh, kinh tế khó khăn không thích hợp phát triển công nghiệp thì phát triển HĐDL sẽ có ý nghĩa quan trọng đến việc xóa đói, giảm nghèo. Đối với các đô thị, ở những nơi tỷ trọng nông nghiệp giảm, khi phát triển HĐDL sẽ có tác dụng hỗ trợ, góp phần thúc đẩy những hộ sản xuất nghề nông chuyển biến mạnh mẽ sang chuyên canh các sản phẩm phục vụ cho du lịch, nhờ đó thu nhập gia tăng, nhiều hộ đã thoát nghèo. Đồng thời, sự phát triển của HĐDL kéo theo các ngành có liên quan phát triển, sẽ làm gia tăng nguồn thu của nơi đón tiếp và gia tăng nguồn thu thuế. Hai là, đa dạng hóa ngành nghề và việc làm. HĐDL với những hoạt động phong phú của nó sẽ tạo ra việc làm, tăng thu nhập và các cơ hội phát triển cho người nghèo tại cộng đồng của họ. Phát triển HĐDL ở các vùng nông thôn, khó khăn không chỉ góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường mà còn giảm thiểu tình trạng di cư về đô thị lớn làm công, ảnh hưởng các cân đối vĩ mô và quản lý đô thị. Theo thống kê năm 2010 của Tổ chức Du lịch Thế giới, du lịch là ngành tạo việc làm quan trọng: cứ 2,4 giây tạo ra được một việc làm mới. Tỷ lệ giữa lao động trực tiếp và lao động gián tiếp thường là 1/2,2. Số lao động cần thiết trong dịch vụ bổ sung có thể tăng lên nhiều lần, nếu các dịch vụ này được nâng cao về chất lượng và phong phú về chủng loại. Chính vì vậy, phát triển HĐDL
  • 41. 34 được coi là một trong những phương thức hữu hiệu để giải quyết nạn thất nghiệp hiện nay [35], [75]. Ba là, thúc đẩy liên kết giữa các địa phương, quốc gia, vùng. HĐDL tác động làm hình thành các mối quan hệ kinh tế giữa các tổ chức quốc tế, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ, giữa các địa phương của các quốc gia. Du lịch quốc tế làm hình thành, phát triển ngành giao thông quốc tế, quan hệ ngoại hối quốc tế để đáp ứng nhu cầu của du khách quốc tế. Du lịch đóng góp cho lĩnh vực xuất khẩu với hiệu quả cao thông qua "Xuất khẩu tại chỗ" và "Xuất khẩu vô hình". "Xuất khẩu tại chỗ" những hàng hóa công nghiệp, hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ, đồ cổ phục chế, nông lâm sản… theo gia bán lẻ cao cho du khách và thông qua con đường du lịch nên không phải chịu thuế mậu dịch quốc tế. "Xuất khẩu vô hình" sản phẩm du lịch như cảnh quan thiên nhiên, khí hậu, ánh nắng mặt trời vùng nhiệt đới, những giá trị di tích lịch sử - văn hóa, truyền thống phong tục tập quán đến với người dân ở các nước khác trên thế giới. Phát triển HĐDL còn góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài cho địa phương để xây dựng cơ sở hạ tầng cho phát triển địa phương đồng thời xây dựng cơ sở vật chất phục vụ HĐDL là cần thiết và có lợi cho cả đôi bên. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư trong ngành du lịch thường cao nên có khả năng hấp dẫn vốn đầu tư trong nước cũng như nước ngoài. Bốn là, thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa các dân tộc với nhau. Điều này làm cho các quốc gia, dân tộc hiểu nhau hơn và giúp cho việc HNQT ngày càng sâu rộng. Khi thực hiện các chuyến du lịch, người ta có dịp trực tiếp đối thoại, tìm hiểu lẫn nhau giữa du khách hoặc với cộng đồng dân cư tại nơi đến du lịch, nên con người có cơ hội để thông cảm, hiểu biết nhau hơn. Thông qua HĐDL tăng cường được các mối quan hệ xã hội, tình hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc; Thông qua du lịch, du khách sẽ tăng sự hiểu biết về văn hóa, xã hội của quốc gia và địa phương, tạo ra sự "giao thoa" về văn hóa giữa các vùng, các miền, các dân tộc trên thế giới; phát triển tình đoàn kết, hữu nghị, thân ái của nhân dân giữa các vùng, địa phương, các quốc gia với nhau.
  • 42. 35 Tác động tiêu cực Một là, gây áp lực lên kết cấu hạ tầng địa phương, đặc biệt khi du lịch tăng đột biến. HĐDL gia tăng, tăng đột biến hoạt động lữ hành, hoạt động lưu trú làm gia tăng áp lực đối với nguồn cung khách sạn, cơ sở lưu trú phục vụ du khách. Bên cạnh đó, cũng làm gia tăng áp lực về điều kiện phương tiện vận tải và đường sá đảm bảo nhu cầu đi lại và các cơ sở phục vụ du lịch để đáp ứng nhu cầu du khách. Hai là, gây áp lực cho QLNN. Để đảm bảo cho yêu cầu du lịch và sự phát triển của HĐDL ngày càng gia tăng, đòi hỏi cơ quan QLNN phải cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi thu hút du khách đến du lịch địa phương và các cơ sở kinh doanh du lịch tham gia HĐDL. Ngoài ra, đòi hỏi QLNN phải đảm bảo vai trò của mình thúc đẩy phát triển HĐDL, góp phần phát triển KT-XH của địa phương, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn cho du khách. Ba là, nguy cơ làm phương hại các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. HĐDL có thể gây ảnh hưởng tiêu cực thông qua hành vi của du khách. Hành vi, văn hóa xấu của du khách có thể xâm hại đến văn hóa, làm thay đổi lối sống, truyền thống văn hóa của địa phương. Bốn là, nguy cơ mất an ninh, an toàn. HĐDL có thể gây ra các tệ nạn xã hội chẳng hạn như du lịch tội phạm, ma túy, mại dâm, văn hóa đồi trụy, tour 0 đồng "chặt chém" du khách, lây lan dịch bệnh. Năm là, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. HĐDL quá mức có thể gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên. Lượng du khách gia tăng ở điểm du lịch sẽ làm gia tăng rác thải, ảnh hưởng đến sức chứa, gia tăng nhu cầu phục vụ, từ đó, sẽ gây nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, tài nguyên thiên nhiên. 2.2. KHÁI NIỆM, ĐẶC ĐIỂM, NỘI DUNG VÀ CÁC NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH CẤP THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ 2.2.1. Khái niệm, đặc điểm của quản lý nhà nước về du lịch cấp thành phố 2.2.1.1. Khái niệm quản lý nhà nước về du lịch Có nhiều quan niệm khác nhau về quản lý, chẳng hạn, các nhà khoa học như Koonz đã đưa ra khái niệm quản lý được thừa nhận rộng rãi trên thế giới.
  • 43. 36 Theo đó, quản lý là sự tác động có chủ đích của chủ thể quản lý tới đối tượng quản lý nhằm đạt mục tiêu đề ra. Như vậy, quản lý là hoạt động có chủ đích của chủ thể tác động vào đối tượng bằng cơ chế tác động (nguyên tắc, phương pháp, công cụ). Có thể khái quát hóa quản lý như hình 2.1 dưới đây. Hình 2.1: Sơ đồ hệ thống quản lý Nguồn: [22] Từ khái niệm chung về quản lý, có thể thấy QLNN là sự tác động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đến đối tượng chịu sự quản lý, nhằm hướng hành vi của họ đến các mục tiêu nhà nước mong muốn thực hiện. Các thành phần tham gia vào HĐDL bao gồm: khách du lịch; các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho khách du lịch; chính quyền sở tại; cộng đồng dân cư địa phương. Từ đó, ta có thể thấy rằng các thành tố trong hoạt động QLNN về du lịch, gồm: Chủ thể quản lý (các cơ quan QLNN về du lịch); đối tượng quản lý (các hoạt động trong lĩnh vực du lịch); công cụ quản lý (chiến lược, quy hoạch, chính sách, kế hoạch phát triển du lịch). Từ những phân tích trên có thể đưa ra khái niệm QLNN về du lịch là sự tác động có tổ chức vào các HĐDL nhằm định hướng các hoạt động này theo các mục tiêu đề ra trong từng giai đoạn. QLNN về du lịch cấp thành phố TTTƯ đó là sự tác động của chính quyền thành phố tới HĐDL theo phân cấp chức năng, nhiệm vụ quản lý tới HĐDL để đạt mục tiêu KT-XH của địa phương và quốc gia đề ra trong từng giai đoạn. Nguyên tắc, phương pháp, công cụ,… Mục tiêu quản lý Đối tượng quản lý Thực hiện Xác định Chủ thể quản lý