SlideShare a Scribd company logo
1 of 115
LỜI MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Hội nhập và toàn cầu là hai xu thế tất yếu của thời đại ngày nay. Xu thế này
buộc tất cả các quốc gia phải mở cửa giao lưu trên hầu hết các lĩnh vực với các quốc
gia khác nếu không muốn bị gạt ra bên lề của sự phát triển. Trong đó, ngành du lịch
được xem là một trong những ngành thể hiện rõ nét nhất những xu thế trên, cụ thể
hơn là loại hình du lịch quốc tế. Thật vậy, du lịch - ngành công nghiệp không khói -
được đánh giá là có một vai trò rất quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã
hội, không chỉ đối với các quốc gia phát triển mà ngay cả với những quốc gia đang
và kém phát triển. Thành công của ngành du lịch ở nhiều quốc gia đóng góp tích
cực vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của họ.
Trong những năm qua, ngành du lịch Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu
đáng kể. Việt Nam đã trở thành một điểm đến du lịch an toàn và thân thiện đối với
du khách quốc tế. Trong năm 2009, tổng số lượt khách quốc tế đến Việt Nam đạt
khoảng 3,8 triệu lượt, khách du lịch nội địa đạt 25 triệu lượt, tổng doanh thu của
toàn ngành trong năm 2009 đạt 68.000 - 70.000 tỷ đồng. Năm 2010 đã chứng kiến
nhiều sự thay đổi trong toàn ngành du lịch Việt Nam, điều này được nhận thấy rõ
nhất ở số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng kỷ lục và đạt mức xấp xỉ 5
triệu lượt với mức doanh thu khoảng 96.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu so sánh với
các quốc gia có ngành du lịch phát triển trong khu vực như Thái Lan, Singapore thì
những con số này vẫn còn khá khiêm tốn. Việt Nam vẫn đang tích cực xây dựng và
phát triển ngành du lịch, nhằm biến du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn của
đất nước, từng bước đưa nước ta trở thành một trung tâm du lịch có tầm cỡ của khu
vực, phấn đấu sau năm 2010 du lịch Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có
ngành du lịch phát triển trong khu vực (Quyết định số 97/2002/QĐ - TTg của Thủ
tướng Chính phủ, 2002).
Việt Nam với bờ biển dài, đẹp và hệ thống núi bao bọc che chắn, khí hậu ôn
hòa, nhiều quần đảo và đảo cùng với một hệ sinh thái biển vô cùng phong phú,
nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, trong đó Hội An được biết đến như một điểm
dừng chân mới của khách du lịch. Nắm bắt được xu hướng trên, ngành du lịch Hội
1
An đã và đang không ngừng đẩy mạnh chiến lược nhằm thu hút khách du lịch quốc
tế. Hai cụm tài nguyên du lịch được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của
Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận: Di sản văn hóa thế giới (DSVHTG) Phố Cổ
Hội An và Khu dự trữ sinh quyển thế giới (KDTSQTG) Cù Lao Chàm đã tạo nên
hình ảnh và sức hút du lịch quốc tế tại Hội An, một vùng đất được cố GS. Trần
Quốc Vượng nhận xét: “…là một sự hội nhân, hội thủy, hội tụ văn hóa vô cùng đa
dạng”. Do đó, định hướng phát triển du lịch Hội An trong những năm tới là khai
thác có hiệu quả các tiềm năng và lợi thế, phát triển một cách toàn diện cả du lịch
biển, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái đưa du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế
quan trọng của thành phố. Ý thức được tình hình trên, người viết đã mạnh dạn chọn
đề tài: “Các giải pháp đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế đến thành phố
Hội An giai đoạn 2010 - 2020” cho khóa luận tốt nghiệp của mình.
2. Mục đích nghiên cứu của đề tài
Mục đích: Thông qua việc hệ thống hóa các yếu tố ảnh hưởng đến việc thu
hút khách du lịch quốc tế đến Hội An và phân tích thực trạng việc thu hút khách du
lịch quốc tế đến Hội An, khóa luận hướng đến việc đề xuất một số giải pháp cũng
như kiến nghị nhằm đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế đến Hội An.
Căn cứ vào mục đích nghiên cứu, khóa luận đề ra 3 mục tiêu sau:
- Khái quát hóa lý luận về khách du lịch quốc tế và vấn đề thu hút khách du
lịch quốc tế. Ngoài ra còn tìm hiểu kinh nghiệm thu hút khách du lịch quốc tế tại
một số quốc gia trên thế giới để rút ra bài học kinh nghiệm cho Hội An.
- Phân tích thực trạng thu hút khách du lịch quốc tế của Hội An. Từ đó đánh
giá chung về những kết quả đạt được, những mặt hạn chế và nguyên nhân.
- Đề xuất những giải pháp và kiến nghị để đẩy mạnh thu hút khách du lịch
quốc tế đến Hội An trong giai đoạn 2010 - 2020.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài
- Đối tượng nghiên cứu của đề tài: Việc thu hút khách du lịch quốc tế đến
Hội An.
- Phạm vi nghiên cứu của đề tài:
2
Theo không gian: Xem xét thực trạng thu hút khách du lịch quốc tế trên địa
bàn thành phố Hội An.
Theo thời gian:
+ Phân tích và đánh giá thực trạng thu hút khách du lịch quốc tế đến Hội An
trong giai đoạn 2000 - 2010.
+ Từ thực trạng và những dự báo du lịch quốc tế, đề xuất giải pháp và kiến
nghị nhằm đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế đến Hội An trong giai đoạn
2010 - 2020.
4. Phương pháp nghiên cứu của đề tài
Để thực hiện đề tài, phương pháp nghiên cứu được sử dụng gồm: Phương
pháp tổng hợp (Dựa vào các dữ liệu thu thập được, đánh giá của các chuyên gia và
định hướng cũng như kinh nghiệm rút ra từ các quốc gia khác để xây dựng bức
tranh toàn cảnh của du lịch quốc tế tại thành phố Hội An), phương pháp phân tích
(Sử dụng các nguồn tư liệu thu thập được để phân tích thực trạng của việc thu hút
khách du lịch quốc tế đến Hội An), vận dụng các phương pháp mô tả, so sánh,
thông kê, phân tích với nguồn số liệu được thu thập từ niên giám thống kê, các báo
cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, các Sở, ban ngành trong tỉnh, thành phố và từ các
nguồn khác.
5. Kết cấu nội dung của đề tài
Đề tài gồm 3 chương:
Chương 1: Khái quát về việc thu hút khách du lịch quốc tế và kinh nghiệm
của một số nước.
Chương 2: Thực trạng thu hút khách du lịch quốc tế đến Hội An giai đoạn
2000 - 2010.
Chương 3: Một số giải pháp đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế đến Hội
An giai đoạn 2010 - 2020.
Tác giả xin gửi lời cảm ơn đến các thầy cô của trường Đại học Ngoại
Thương đã nhiệt tình giảng dạy và cung cấp những kiến thức bổ ích làm nền tảng
cho khóa luận. Tác giả cũng xin cảm ơn Tổng Cục Du lịch (TCDL), Sở Văn hóa,
Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam (VH, TT&DL), Phòng Thương mại - Du lịch
3
(TM - DL) thành phố Hội An, Phòng Thống kê thành phố Hội An đã giúp đỡ, cung
cấp các tài liệu phục vục cho việc nghiên cứu đề tài. Đặc biệt, tác giả muốn bày tỏ
lòng biết ơn sâu sắc đến giáo viên hướng dẫn TS. Vũ Hoàng Nam đã tận tình hướng
dẫn và giúp đỡ tác giả hoàn thành khóa luận.
Do sự hạn chế về thời gian cũng như kiến thức, nên dù đã cố gắng hết sức,
khóa luận tốt nghiệp cũng không thể tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót. Tác giả rất
mong muốn nhận được sự đóng góp ý kiến từ quý thầy cô và người đọc để khóa
luận được hoàn thiện hơn.
Sinh viên thực hiện
Lê Thị Thu Huyền
4
CHƯƠNG 1: KHÁI QUÁT VỀ VIỆC THU HÚT KHÁCH DU LỊCH QUỐC
TẾ VÀ KINH NGHIỆM CỦA MỘT SỐ NƯỚC
I. Khái niệm khách du lịch quốc tế và ý nghĩa của việc thu hút khách du lịch
quốc tế
1. Các khái niệm
Du lịch hiện nay đã trở thành một hiện tượng kinh tế - xã hội phổ biến. Theo
Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) thì năm 2000 số lượng khách du lịch toàn cầu
là 698 triệu lượt người, thu nhập là 467 tỷ USD, năm 2002 lượng khách là 716,6
triệu lượt, thu nhập là 474 tỷ USD; năm 2010 lượng khách là 935 triệu lượt và thu
nhập là 900 tỷ USD, dự tính đến hết năm 2011 lượng khách tăng 4-5% ước đạt
khoảng 1.006 triệu lượt và đạt mức doanh thu khoảng gần 100 tỷ USD (Nguyễn
Văn Đính và Trần Thị Minh Hòa 2008).
` Khái niệm du lịch
Mặc dù hoạt động du lịch có nguồn gốc hình thành từ rất lâu và phát triển
với tốc độ rất nhanh như vậy, nhưng cho đến nay khái niệm “du lịch” được hiểu rất
khác nhau tại các quốc gia khác nhau và dưới nhiều góc độ khác nhau. Bản thân
khái niệm “du lịch” có ý nghĩa đầu tiên là sự khởi hành và lưu trú tạm thời của con
người ngoài nơi cư trú thường xuyên của họ.
Từ “du lịch” được định nghĩa lần đầu tiên tại Anh như sau: “Du lịch là sự
phối hợp nhịp nhàng giữa lý thuyết và thực hành của (các) cuộc hành trình với mục
đích giải trí. Ở đây sự giải trí là động cơ chính (Nguyễn Văn Đính và Trần Thị
Minh Hòa 2008).”
Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) định nghĩa về “du lịch” như sau: “ Du
lịch là hành động rời khỏi nơi thường trú để đi đến một nơi khác, một môi trường
khác trong một thời gian ngắn nhằm mục đích tìm hiểu, khám phá, vui chơi, giải trí,
nghỉ dưỡng. Du lịch bao gồm mọi hoạt động của những người du hành, tạm trú
trong mục đích tham quan, khám phá và tìm hiểu, trải nghiệm hoặc trong mục đích
nghỉ ngơi, giải trí, thư giãn, cũng như mục đích hành nghề và những mục đích khác
nữa, trong thời gian liên tục nhưng không vượt quá một năm, ở bên ngoài môi
trường sống định cư, nhưng loại trừ các du hành mà có mục đích là thu lợi nhuận.
5
Trong Pháp lệnh Du lịch của Việt Nam, tại Điều 10, thuật ngữ “du lịch”
được hiểu như sau: “Du lịch là hoạt động của con người ngoài nơi cư trú thường
xuyên của mình nhằm thỏa mãn nhu cầu tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng trong một
khoảng thời gian nhất định.”
Giáo sư, tiến sỹ Hunziker và giáo sư, tiến sỹ Kraft - hai người được coi là
những người đặt nền móng cho lý thuyết về cung du lịch đưa ra các định nghĩa như
sau: “Du lịch là tập hợp các mối quan hệ và các hiện tượng phát sinh trong các cuộc
hành trình và lưu trú của những người ngoài địa phương, nếu việc lưu trú đó không
thành cư trú thường xuyên và không dính dáng đến hoạt động kiếm lời”.
Khái niệm du lịch quốc tế
Du lịch quốc tế là sự dịch chuyển và lưu trú tạm thời của con người trong
thời gian nhàn rỗi ở một quốc gia khác bên ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình
nhằm mục đích tham quan, giải trí, nghỉ ngơi, chữa bệnh. Qua đó, con người có
điều kiện phát triển thể chất và tinh thần, nâng cao nhận thức văn hóa, kèm theo
việc tiêu thụ các giá trị tự nhiên, kinh tế và văn hóa qua các sản phẩm du lịch.
Du lịch quốc tế mang tất cả các đặc điểm của du lịch nói chung cộng thêm
yếu tố quốc tế. Đặc điểm của du lịch nói chung bao gồm (Nguyễn Thị Hồng Lâm
2006):
Thứ nhất, du lịch có tính nhạy cảm, gồm nhiều bộ phận tạo thành nên trong
quá trình cung cấp dịch vụ đối với du khách, nhà cung ứng cần bố trí chính xác về
thời gian, có kế hoạch chu đáo chi tiết về nội dung các hoạt động, cần phải kết hợp
một cách hữu cơ, chặt chẽ giữa các khâu. Mặt khác, các yếu tố như thiên nhiên,
chính trị, kinh tế và xã hội đều có ảnh hưởng đến du lịch. Thảm họa chiến tranh,
động đất, khủng bố, sa sút kinh tế đều gây ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển du
lịch.
Thứ hai, du lịch mang tính đa ngành cao. Tính đa ngành được thể hiện qua
đối tượng khai thác phục vụ cho hoạt động du lịch như sự hấp dẫn về cảnh quan tự
nhiên, các giá trị lịch sử, văn hóa, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ kèm theo. Du lịch sẽ
không phát triển nếu không có sự trợ giúp của các ngành kinh tế - xã hội khác như
bảo hiểm, y tế, giao thông vận tải. Ngược lại, du lịch cũng mang lại nguồn thu cho
6
nhiều ngành kinh tế khác nhau thông qua các sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho khách
du lịch.
Thứ ba, du lịch mang tính đa thành phần. Thành phần tham gia trong hoạt
động kinh doanh du lịch gồm: khách du lịch, những người quản lý và phục vụ du
lịch, cộng đồng dân cư, các tổ chức xã hội. Do đặc tính đa thành phần trên đây mà
có nhiều loại hình du lịch dịch vụ ra đời, đáp ứng nhu cầu phong phú đa dạng của
du khách.
Thứ tư, do ảnh hưởng của yếu tố địa lý tự nhiên, thời tiết khí hậu nên du lịch
hầu hết các nước đều mang tính thời vụ đặc trưng. Tại điểm du lịch, điều kiện khí
hậu có ảnh hưởng rất lớn đối với sự hình thành tính thời vụ du lịch. Ngoài ra, tính
thời vụ của du lịch có liên quan mật thiết tới việc sắp xếp ngày nghỉ của nhân viên,
các kì nghỉ của học sinh, sinh viên, sự bố trí này có ảnh hưởng đáng kể đến hoạt
động của du lịch.
Thứ năm, du lịch mang tính liên vùng, biểu hiện thông qua các tuyến du lịch
với một quần thể các điểm du lịch trong một khu vực, trong một quốc gia hay giữa
các quốc gia với nhau. Mỗi một điểm du lịch đều có những điểm hấp dẫn, độc đáo
riêng, song nó không thể tách khỏi xu thế thời đại và sự phát triển chung của khu
vực và quốc gia. Hoạt động du lịch ở một vùng, một quốc gia khó có thể phát triển
nếu không có sự liên kết các tuyến, điểm du lịch trong phạm vi quốc gia và toàn thế
giới.
Thứ sáu, du lịch còn mang tính chi phí và tính tổng hợp cao. Mục đích của
du khách du lịch là hưởng thụ các sản phẩm du lịch, do vậy họ sẵn sàng trả những
khoản chi phí trong chuyến đi của mình về các khoản dịch vụ như: ăn uống, ngủ
nghỉ, đi lại và nhiều chi phí khác nhằm thực hiện mục đích vui chơi, giải trí, tham
quan. Về tính tổng hợp, sản phẩm du lịch là sản phẩm tổng hợp được biểu hiện bằng
nhiều loại hình dịch vụ. Phạm vi hoạt động của ngành kinh tế du lịch bao gồm các
khách sạn, giao thông, nhà hàng, dịch vụ bán đồ lưu niệm. Ngoài ra còn có bộ phận
sản xuất tư liệu phi vật chất như văn hóa, giáo dục, tôn giáo, hải quan, tài chính,
bưu điện.
7
Khái niệm khách du lịch quốc tế
Khoản 3 (Điều 34, chương 1) của Luật Du lịch Việt Nam 2005 quy định:
“Khách du lịch quốc tế là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài
vào Việt Nam du lịch; công dân Việt Nam, người nước ngoài thường trú tại Việt
Nam ra nước ngoài du lịch”.
Theo định nghĩa UNWTO đưa ra thì: Khách du lịch quốc tế là bất kỳ một
người nào đó đi ra khỏi nước người đó cư trú thường xuyên và ngoài môi trường
sống thường xuyên của họ với thời gian liên tục ít hơn 12 tháng với mục đích của
chuyến đi là không phải đến đó để nhận thù lao (hay nói cách khác là không phải để
kiếm sống), không bao gồm các trường hợp sau (Tổng Cục Thống kê, 2001):
- Những người đến và sống ở nước ngoài này như một người cư trú thường
xuyên ở nước đó kể cả những người đi theo sống dựa vào họ.
- Những người công nhân cư trú ở gần biên giới nước này nhưng lại làm việc
cho một nước khác ở gần biên giới nước đó.
- Những nhà ngoại giao, tư vấn và các thành viên lực lượng vũ trang ở nước
khác đến theo sự phân công bao gồm cả những người ở và những người đi theo
sống dựa vào họ.
- Những người đi theo dạng tị nạn hoặc du mục.
- Những người quá cảnh mà không vào nước đó (chỉ chờ chuyển máy bay ở
sân bay) thông qua kiểm tra hộ chiếu như những hành khách transit ở lại trong thời
gian rất ngắn ở ga sân bay, hoặc là những hành khách trên thuyền đỗ ở cảng mà
không được phép lên bờ.
2. Động cơ của khách du lịch quốc tế
Chúng ta biết rằng mọi hành động của con người đều do những động cơ bên
trong thúc đẩy mà bản thân những động cơ đó lại do những nhu cầu nội lực tiềm
tàng của con người sản sinh ra. Trên thế giới có rất nhiều lý thuyết khác nhau
nghiên cứu về nhu cầu của con người, mà lý thuyết nổi tiếng nhất, được biết đến
nhiều nhất là lý thuyết của Maslow về nhu cầu của con người, mà theo đó con người
có 5 nhu cầu cơ bản sau (theo thứ tự từ thấp đến cao): nhu cầu cơ bản, nhu cầu về
8
an toàn, nhu cầu về xã hội, nhu cầu được tôn trọng, và cuối cùng là nhu cầu tự hoàn
thiện.
Tuy nhiên, để hiểu một cách đầy đủ và chính xác về nhu cầu du lịch của con
người thì ngoài việc nghiên cứu những nhu cầu nói chung của con người theo thang
cấp bậc, ta còn phải nghiên cứu ở một khía cạnh nữa từ việc thống kê, nghiên cứu
các mục đích và động cơ chính của con người khi đi du lịch.
Căn cứ vào việc thống kê và nghiên cứu những mục đích chính của các
chuyến hành trình du lịch, các chuyên gia về du lịch đã phân loại thành các nhóm
động cơ đi du lịch gắn với các mục đích cụ thể như sau (Nguyễn Văn Đính và Trần
Thị Minh Hòa 2008 ):
Bảng 1.1: Nhóm động cơ đi du lịch của con người
Nhóm động cơ Mục đích
Nhóm 1: Động cơ nghỉ ngơi Giải trí, phục hồi tâm sinh lý, tiếp cận gần gũi
với thiên nhiên, thay đổi môi trường sống
Thể thao
Văn hóa, giáo dục
Nhóm 2: Động cơ nghề nghiệp Tìm hiểu cơ hội kinh doanh kết hợp với giải
trí
Thăm viếng ngoại giao
Công tác
Nhóm 3: Các động cơ khác Thăm viếng người thân
Nghỉ tuần trăng mật
Chữa bệnh
Bắt chước, coi du lịch là “mốt”
“Chơi trội” để tập trung sự chú ý của những
người xung quanh
Nguồn: Giáo trình kinh tế Du lịch (2008)
Tựu trung lại, chúng ta có thể thấy nhu cầu du lịch là một loại nhu cầu đặc
biệt, thứ cấp và tổng hợp của con người. Đặc biệt là do nó khác những nhu cầu hàng
ngày của con người, khi đi du lịch con người ta thường chi tiêu nhiều hơn, đòi hỏi
được phục vụ với chất lượng cao hơn nhiều cho việc thỏa mãn những nhu cầu của
mình. Thứ cấp vì con người ta chỉ có thể nghĩ đến du lịch khi đã thỏa mãn những
nhu cầu cần thiết, tối cần thiết hàng ngày như cơm ăn, áo mặc. Và tổng hợp là vì
trong một chuyến hành trình du lịch thường con người đòi hỏi phải thỏa mãn nhiều
nhu cầu khác nhau, mà để thỏa mãn chúng cần có sự kết hợp dịch vụ của nhiều
9
ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau trong một khoảng thời gian nhất định. Hơn nữa, do
khi đi du lịch tức là con người ta phải rời khỏi nơi cư trú thường xuyên của mình,
nên chúng ta có thể thấy nhu cầu du lịch được hình thành và phát triển dựa trên nền
tảng của nhu cầu sinh lý (sự đi lại) và các nhu cầu tinh thần (nhu cầu nghỉ ngơi, tự
khẳng định, nhận thức, giao tiếp).
3. Ý nghĩa của việc thu hút khách du lịch quốc tế
3.1. Ý nghĩa về mặt kinh tế
3.1.1. Tăng GDP cho đất nước
Du lịch quốc tế phát triển sẽ góp phần tăng tỷ trọng GDP của ngành du lịch
trong khu vực dịch vụ, theo đó làm tăng GDP của nền kinh tế quốc dân. Ở đâu du
lịch phát triển, đặc biệt là du lịch quốc tế thì ở đó diện mạo đô thị, nông thôn được
chỉnh trang, sạch đẹp hơn, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, mức sống của
nhân dân được nâng cao. Hơn nữa, hoạt động du lịch quốc tế còn tạo ra khả năng
tiêu thụ tại chỗ cho hàng hóa và dịch vụ, thúc đẩy các ngành khác phát triển, khôi
phục nhiều lễ hội và nghề thủ công truyền thống, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ
cấu kinh tế cả nước và từng địa phương, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo và vươn
lên làm giàu, mở rộng giao lưu giữa các vùng, miền trong nước và với nước ngoài.
3.1.2. Đem lại ngoại tệ cho đất nước
Khách du lịch quốc tế mang theo tiền kiếm được từ quốc gia cư trú đến tiêu
ở nước đến du lịch, trong chừng mực nào đó được coi là xuất khẩu của nước đến du
lịch, do đó giúp cải thiện cán cân thương mại quốc gia. Vì vậy, nếu du lịch quốc tế
được duy trì một cách thường xuyên và phù hợp thì nó có thể được coi như một tác
nhân giữ ổn định nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu. Các nước đang phát triển như
Việt Nam cần du khách quốc tế đến đất nước đông hơn số công dân nước mình đi
du lịch ra nước ngoài. Đây là lợi thế nhằm cải thiện cán cân thương mại do công
dân trong nước có thu nhập thấp ít có điều kiện đi du lịch ra nước ngoài.
3.1.3. Là một hoạt động xuất khẩu đạt hiệu quả cao
Tính hiệu quả cao trong kinh doanh du lịch đặc biệt là kinh doanh du lịch
quốc tế thể hiện ở chỗ du lịch quốc tế là một ngành “xuất khẩu tại chỗ” những hàng
hóa công nghiệp, hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ, đồ cổ phục chế, nông lâm sản
10
theo giá bán lẻ cao hơn giá xuất khẩu (nếu như bán qua xuất khẩu sẽ theo giá bán
buôn). Thông thường, khách quốc tế khi đi ra nước ngoài du lịch, họ đều muốn mua
những sản phẩm địa phương tại nước sở tại để mang về làm quà cho bạn bè, người
thân hoặc để lưu giữ lại kỷ niệm của những vùng đất mà họ đã từng đặt chân đến.
Vì thế, các hàng hóa mà được trao đổi thông qua con đường du lịch quốc tế sẽ được
xuất khẩu mà không phải chịu hàng rào thuế quan mậu dịch quốc tế. Du lịch quốc tế
không chỉ là ngành “xuất khẩu tại chỗ ”, mà còn là ngành “xuất khẩu vô hình” hàng
hóa du lịch. Đó là các cảnh quan thiên nhiên khí hậu và ánh nắng mặt trời vùng
nhiệt đới, những giá trị của những di tích lịch sử - văn hóa, tính độc đáo trong
truyền thống phong tục, tập quán mà không bị mất đi qua mỗi lần “bán” mà thậm
chí giá trị và uy tín của nó còn tăng lên qua mỗi lần đưa ra thị trường nếu như chất
lượng phục vụ du lịch cao. Sở dĩ có hiện tượng đó là do chúng ta “bán” cho khách
không phải là bản thân tài nguyên du lịch mà chỉ là giá trị các khả năng thỏa mãn
nhu cầu đặc trưng của khách du lịch được chứa đựng trong tài nguyên du lịch.
Khách du lịch quốc tế khi về lại nước mình sẽ quảng bá thêm cho nước mà khách
đến du lịch qua con đường truyền miệng nếu chất lượng phục vụ du lịch mang lại sự
hài lòng cho du khách.
3.1.4. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài và tăng cường hoạt động ngoại thương
Quy luật có tính phổ biến của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên thế
giới hiện nay là giá trị ngày càng chiếm tỷ lệ cao hơn trong tổng sản phẩm xã hội và
trong số người có việc làm. Do vậy, các nhà kinh doanh đi tìm hiệu quả của đồng
vốn thì du lịch là một lĩnh vực kinh doanh hấp dẫn so với nhiều ngành kinh tế khác.
Du lịch đem lại tỷ suất lợi nhuận cao vì vốn đầu tư vào du lịch tương đối ít so với
ngành công nghiệp nặng, giao thông vận tải mà khả năng thu hồi vốn lại nhanh, kỹ
thuật không phức tạp. Hơn nữa, du lịch quốc tế lại là một nguồn thu ngoại tệ đáng
kể trong tổng doanh thu mà ngành du lịch mang lại, vậy nên việc thu hút khách du
lịch quốc tế sẽ giúp các nhà đầu tư nước ngoài chú trọng và đẩy mạnh đầu tư hơn
nữa vào ngành du lịch. Ngoài ra, hoạt động du lịch phát triển sẽ kéo theo sự mở
rộng giao lưu kinh tế văn hoá giữa các vùng, miền và với quốc tế. Có thể nói, thông
qua hoạt động du lịch quốc tế mà các giao dịch thương mại cũng như việc gặp gỡ,
11
trao đổi thông tin, công nghệ giữa các quốc gia được đẩy mạnh. Điều này góp phần
xúc tiến hoạt động ngoại thương và đem lại nguồn lợi lớn cho quốc gia.
3.2. Ý nghĩa về mặt xã hội
3.2.1. Tạo ra cơ hội việc làm
Thu hút khách du lịch quốc tế giúp giải quyết công ăn việc làm cho người
dân, cụ thể là tạo ra công việc trong các lĩnh vực quản lý, tài chính, điều hành, khoa
học, thông tin, bán hàng và marketing. Tuy nhiên, phần lớn cơ hội việc làm ở phạm
vi điều hành và tác nghiệp. Hiện nay, ngành du lịch thu hút khoảng 220 triệu lao
động trực tiếp, chiếm 10,6% lực lượng lao động thế giới - cứ 9 người lao động có 1
người làm nghề du lịch (Trần Thị Thúy Lan 2005).
3.2.2. Tạo thu nhập cho người dân
Khi một khu vực thu hút được du khách quốc tế sẽ làm tăng sự quan tâm
trong nước đối với các điểm hấp dẫn ở khu vực đó. Khi địa phương phát triển các
tiện nghi và cơ sở dịch vụ nhằm thu hút khách quốc tế thì điều này cũng có lợi cho
dân chúng địa phương, khuyến khích người dân địa phương sử dụng. Nhờ đó, nhu
cầu nội địa gia tăng, thu nhập của người dân địa phương cũng vì thế mà gia tăng.
3.2.3. Giảm quá trình đô thị hóa
Thông thường, tài nguyên du lịch thiên nhiên có nhiều ở những vùng núi xa
xôi, đồng bằng hẻo lánh, hay các khu vực ven biển. Việc khai thác để đưa những tài
nguyên này vào sử dụng đòi hỏi phải có đầu tư mọi mặt như giao thông, bưu điện,
kinh tế, văn hóa, xã hội. Do vậy, việc phát triển du lịch quốc tế sẽ làm thay đổi bộ
mặt kinh tế - xã hội ở các vùng đó, và cũng vì vậy mà góp phần làm giảm sự tập
trung dân cư căng thẳng ở những vùng trung tâm dân cư.
3.2.4. Tuyên truyền quảng cáo có hiệu quả cho nước làm du lịch
Thu hút khách du lịch quốc tế là phương tiện tuyên truyền quảng cáo hữu
hiệu cho hàng hóa nội địa ra nước ngoài thông qua du khách. Khách du lịch quốc tế
được làm quen tại chỗ với các mặt hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Một số
mặt hàng làm cho du khách hài lòng cả về chất lượng, giá cả lẫn mẫu mã. Khi về
đến nước, khách du lịch sẽ tuyên truyền, giới thiệu cho bạn bè, người thân và họ sẽ
12
bắt đầu tìm kiếm các mặt hàng đó, nhiều khi chính bằng con đường đó sẽ giúp nước
làm du lịch có điều kiện xuất khẩu nhiều hơn hàng hóa.
3.3. Ý nghĩa về mặt văn hóa - chính trị
3.3.1. Mở rộng giao lưu văn hóa
Hoạt động du lịch nói chung và du lịch quốc tế nói riêng phát triển kéo theo
sự mở rộng giao lưu kinh tế văn hoá giữa các vùng, miền và với quốc tế, góp phần
giáo dục truyền thống, đào tạo kiến thức và rèn luyện, bồi dưỡng thể chất, tinh thần
cho mọi tầng lớp dân cư. Trên phạm vi thế giới, du lịch quốc tế được coi là phương
thức hữu hiệu xúc tiến quá trình giao lưu, trao đổi văn hóa giữa các quốc gia và khu
vực. Cụ thể, khách du lịch quốc tế đến thăm viếng một đất nước sẽ được tiếp xúc và
tìm hiểu phong tục, tập quán, truyền thống, thói quen của đất nước họ đang du lịch
qua việc giao tiếp với người dân bản địa cũng như đi tham quan những di tích, điểm
tham quan và mua đồ lưu niệm. Đồng thời, khách du lịch quốc tế cũng có cơ hội để
giới thiệu về bản sắc văn hóa nước mình khi đi du lịch sang các quốc gia khác.
3.3.2. Nâng cao dân trí, phát triển nhân tố con người
Hoạt động du lịch quốc tế góp phần tạo thêm nguồn thu để tôn tạo, trùng tu
các di tích, di sản và nâng cao ý thức, trách nhiệm giữ gìn, phát triển di sản văn hoá
vật thể và phi vật thể; khôi phục lễ hội, làng nghề truyền thống; truyền tải giá trị văn
hoá đến các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế tạo thêm sức hấp dẫn thu hút
khách du lịch. Hoạt động du lịch quốc tế là quá trình đẩy mạnh giao lưu văn hóa,
giáo dục giữa các quốc gia và khu vực. Qua con đường du lịch quốc tế, các quốc gia
khác nhau có thể trao đổi những kinh nghiệm, chính sách trong hệ thống giáo dục
cũng như học tập những tinh hoa của dân tộc khác trong việc nâng cao tầm hiểu biết
cho người dân, nâng cao trình độ dân trí, từng bước cải thiện nguồn nhân lực quốc
gia.
3.3.3. Phát triển các nghề thủ công mỹ nghệ cổ truyền của dân tộc
Khách du lịch quốc tế khi đến thăm một đất nước khác rất thích mua quà lưu
niệm. Đó là các sản phẩm mang đậm tính văn hóa và đặc trưng của khu vực vùng
miền ấy như các sản phẩm của các nghề thủ công mỹ nghệ cổ truyền. Khách du lịch
văn hóa ngày một đông, họ thường đi tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích
13
lịch sử, văn hóa dân tộc. Do vậy, việc tôn tạo và bảo dưỡng các di tích đó ngày càng
được quan tâm nhiều hơn, nghề thủ công mỹ nghệ cổ truyền dân tộc phục vụ cho
các mục đích có điều kiện phục hồi và phát triển hơn.
3.3.4. Đảm bảo an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội
Quá trình phát triển du lịch quốc tế không chỉ hướng tới những mục tiêu kinh
tế, xã hội mà còn nhằm đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng an ninh và
đối ngoại. Từ các chủ trương đến các công việc điều hành cụ thể hoạt động du lịch
quốc tế đều liên quan đến an ninh, quốc phòng và có sự phối hợp chặt chẽ với các
cơ quan có thẩm quyền. Phát triển du lịch quốc tế tạo điều kiện thuận lợi cho các
quốc gia có cơ hội hiểu nhau, giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau thông qua việc giao lưu,
hợp tác kinh tế, văn hóa, góp phần duy trì sự ổn định chính trị và hòa bình trong khu
vực và trên thế giới. Một quốc gia nếu muốn thu hút khách du lịch quốc tế thì cần
quan tâm đặc biệt đến môi trường du lịch - điều này khẳng định tầm quan trọng của
nền chính trị - xã hội ổn định, nhân văn. Chính vì lý do này mà họ sẽ đầu tư hợp lý
vào an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội để đảm bảo an toàn cho du khách
nước ngoài. Như vậy, hoạt động du lịch nếu được xúc tiến khoa học và có chiến
lược thì sẽ giữ được an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Hơn nữa, việc phát
triển du lịch ở các vùng biên giới, hải đảo sẽ góp phần rất tích cực khẳng định chủ
quyền quốc gia trên biển và đất liền.
II. Các yếu tố tác động tới việc thu hút khách du lịch quốc tế
1. Tài nguyên du lịch
Tài nguyên du lịch là tổng thể tự nhiên và văn hóa - lịch sử cùng các thành
phần của chúng góp phần khôi phục và phát triển thể lực và trí lực của con người,
khả năng lao động và sức khỏe của họ, những tài nguyên này được sử dụng cho nhu
cầu trực tiếp và gián tiếp, cho việc sản xuất dịch vụ du lịch (Nguyễn Minh Tuệ
2007).
Khoản 4 (Điều 4, chương 1) Luật Du lịch Việt Nam năm 2005 quy định:
“Tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên, di tích lịch sử - văn
hóa, công trình lao động sáng tạo của con người và các giá trị nhân văn khác có thể
14
được sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch, là yếu tố cơ bản để hình thành các khu
du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch, đô thị du lịch”.
Khoản 1 (Điều 13, chương 2) của Luật Du lịch Việt Nam 2005 quy định:
“Tài nguyên du lịch gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn
đang được khai thác và chưa được khai thác.
Tài nguyên du lịch tự nhiên gồm các yếu tố địa chất, địa hình, địa mạo, khí
hậu, thủy văn, hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên có thể được sử dụng phục vụ mục
đích du lịch.
Tài nguyên du lịch nhân văn gồm truyền thống văn hóa, các yếu tố văn hóa,
văn nghệ dân gian, di tích lịch sử, cách mạng, khảo cổ, kiến trúc, các công trình lao
động sáng tạo của con người và các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể khác có thể
được sử dụng phục vụ mục đích du lịch”.
Tài nguyên du lịch là yếu tố cơ bản để tạo thành các sản phẩm du lịch. Để
hấp dẫn và đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch, các sản phẩm du lịch cần
phải đa dạng, phong phú, đặc sắc và mới mẻ. Chính sự phong phú và đa dạng, đặc
sắc của tài nguyên du lịch tạo nên sự phong phú đa dạng và hấp dẫn của sản du lịch.
Như vậy, tài nguyên du lịch được xem như tiền đề để phát triển du lịch, là điều kiện
cần thiết để thu hút khách du lịch nói chung và khách du lịch quốc tế nói riêng. Tài
nguyên du lịch càng phong phú, đặc sắc và có mức độ tập trung cao thì càng có sức
hấp dẫn với du khách và có hiệu quả kinh doanh du lịch càng cao.
2. Cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật
2.1. Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch
Cơ sở vật chất kỹ thuật của tổ chức du lịch bao gồm toàn bộ nhà cửa và
phương tiện kỹ thuật giúp cho việc phục vụ để thỏa mãn các nhu cầu của khách du
lịch như: khách sạn, nhà hàng, phương tiện giao thông vận tải các khu nhà giải trí,
cửa hàng, công viên, đường sá, hệ thống thoát nước, mạng lưới điện trong khu vực
của cơ sở du lịch (có thể là của một cơ sở du lịch, có thể là của một khu du lịch). Cơ
sở vật chất kỹ thuật du lịch đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất và tiêu
thụ sản phẩm du lịch.
2.2. Cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng xã hội
15
Cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng lao động xã hội là những phương tiện vật
chất không phải do các tổ chức du lịch xây dựng nên mà là của toàn xã hội. Đó là hệ
thống đường sá, nhà ga, sân bay, bến cảng, đường sắt, công viên của toàn dân, mạng
lưới thương nghiệp của khu dân cư, hệ thống thông tin viễn thông, hệ thống cấp
thoát nước, mạng lưới điện, các rạp chiếu phim, nhà hát, viện bảo tàng.
Trong cơ sở hạ tầng kỹ thuật của xã hội, nhân tố phục vụ đắc lực nhất và có
tầm quan trọng nhất đối với du lịch là hệ thống giao thông vận tải (đường không,
đường bộ, đường thủy). Đây chính là cơ sở vật chất kỹ thuật bậc hai đối với du lịch.
Nó được xây dựng để phục vụ nhân dân địa phương và sau nữa là phục vụ cả khách
du lịch đến thăm đất nước hoặc vùng du lịch. Đây là cơ sở có tầm quan trọng đặc
biệt vì nó nằm sát ngay nơi du lịch, nó quyết định nhịp độ phát triển du lịch và trong
chừng mực nào đó còn quyết định chất lượng phục vụ du lịch.
3. Đội ngũ lao động
Đây là tác nhân quan trọng sử dụng các công cụ cơ sở vật chất kỹ thuật du
lịch để khai thác các tài nguyên du lịch, mang đến cho khách du lịch quốc tế các sản
phẩm du lịch và dịch vụ tốt nhất. Lao động trong du lịch phần lớn là lao động kỹ
thuật, đòi hỏi có sự chuẩn bị nghiệp vụ cao. Sự chuyên môn hóa thể hiện rõ rệt nhất
ở các cơ sở phục vụ lưu trú, ăn uống, du lịch. So với lao động trong các ngành khác
thì lao động trong ngành du lịch có cường độ thấp hơn, nhưng lại ở trong môi
trường lao động phức tạp và phải chịu đựng tâm lý cao. Đặc điểm này thể hiện rõ
nét đối với những người lao động có quan hệ trực tiếp với khách như: phục vụ
buồng, bàn, bar, hướng dẫn viên du lịch, họ phải tiếp xúc với nhiều loại đối tượng
khách du lịch mà khách lại có những đặc điểm tâm lý xã hội rất khác nhau. Vậy nên
đội ngũ lao động có trình độ, có chuyên môn nghiệp vụ chỉ là điều kiện cần, điều
kiện đủ là đội ngũ ấy phải có tinh thần phục vụ tốt, làm việc hết sức chuyên nghiệp
để tạo cảm giác thân thiện và thoải mái cho khách du lịch. Đội ngũ lao động hội đủ
hai điều kiện trên chắc chắn sẽ là một tác nhân quan trọng để giúp thu hút khách du
lịch quốc tế.
4. Chính sách phát triển du lịch
16
Các chính sách phát triển du lịch hợp lý sẽ đảm bảo phát huy được khả năng
du lịch của quốc gia và địa phương. Đặc biệt các quy định và chính sách đa dạng
hóa về tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế của nhà nước và cơ quan thẩm
quyền địa phương luôn có tác động trực tiếp đáng kể đến việc thu hút này. Do vậy
các chính sách và các quy định này phải được xây dựng và triển khai hợp lý để đảm
bảo sự phự hợp giữa chính sách và khả năng thực hiện trên thực tế. Để đáp ứng nhu
cầu ngày càng cao của khách du lịch quốc tế, tiềm năng du lịch sẽ không thể khai
thác hiệu quả nếu công tác quy hoạch và tổ chức du lịch thiếu đồng bộ và không
khoa học. Công tác quy hoạch và quản lý chuyên nghiệp sẽ cho phép du lịch phát
triển theo đúng định hướng và giúp tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế.
5. Môi trường du lịch
Môi trường du lịch bao gồm môi trường du lịch tự nhiên và môi trường du
lịch nhân văn (Nguyễn Minh Tuệ 2007). Bất kỳ hoạt động du lịch nào cũng chỉ diễn
ra trong phạm vi môi trường du lịch. Hay nói cách khác, hễ ở đâu có du lịch thì ở đó
có môi trường du lịch. Trong khi môi trường tự nhiên đòi hỏi việc khai thác các tài
nguyên thiên nhiên phải gắn liền với việc tôn tạo và giữ gìn môi trường, thì môi
trường du lịch nhân văn đòi hỏi là du lịch mà ở đó không có nạn chèo kéo khách,
không có tình trạng xô xát tranh giành khách, thay vào đó là sự tiếp đón ân cần và
thân thiện của người dân địa phương. Vấn đề bảo đảm an toàn cho khách du lịch
quốc tế là một vấn đề cần được quan tâm nhất. Đây là một trở ngại lớn nếu du lịch
thực sự không được chuyên nghiệp hóa và khó đảm bảo thực hiện được ở những
vùng có trình độ dân trí thấp, đời sống nhân dân còn khó khăn. Bên cạnh đó, khách
du lịch quốc tế khi lựa chọn một nơi để đi du lịch, họ không chỉ xem xét đến các sản
phẩm du lịch mà còn coi trọng yếu tố bảo vệ sự an toàn thân thể, tài sản, quan tâm
đến tình hình an ninh chính trị của quốc gia đó. Cho nên vấn đề về chính trị, hòa
bình, an ninh xã hội phải được đảm bảo. Đối với những vùng, quốc gia nơi có tình
hình chính trị không ổn định như nội chiến, mâu thuẫn sắc tộc, đảo chính thì chắc
chắn sẽ không thu hút được nhiều khách du lịch quốc tế.
III. Kinh nghiệm của một số nước trong việc thu hút khách du lịch quốc tế
1. Kinh nghiệm của Singapore
17
Cộng hoà Singapore là đất nước có tên thủ đô trùng với tên nước và cũng là
quốc gia nhỏ nhất Đông Nam Á. Diện tích của Singapore chỉ có 682.7 km², nằm ở
một trong những ngã tư của thế giới, vị trí chiến lược của Singapore đã giúp đất
nước này phát triển thành một trung tâm thương mại, viễn thông và du lịch lớn.
Singapore được coi là Quốc đảo xanh, là quốc gia sạch đẹp nhất thế giới với môi
trường trong lành và thảm thực vật phong phú. Hơn 90% dân cư Singapore sống
trong các khu nhà trung cư và gần một nửa dân cư sử dụng phương tiện giao thông
công cộng hàng ngày. Hệ thống giao thông công cộng bao phủ khắp đất nước này.
Chính phủ Singapore luôn dành những khoản đầu tư thích đáng cho cơ sở hạ
tầng và vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch. Điều đó có thể được thấy rõ ở mạng lưới
giao thông công cộng thật lý tưởng của đất nước này, ở các bến xe và đường phố
tuyệt đối không có cảnh đậu xe bừa bãi hay taxi giành giật khách, người dân không
bị ám ảnh bởi nạn ô nhiễm môi trường, kẹt xe. Chất lượng đường bộ của đảo quốc
này được đánh giá là vào loại tốt nhất thế giới. Singapore có nhiều loại phương tiện
giao thông công cộng, trong đó hai phương tiện phổ biến nhất là xe bus và tàu điện
ngầm mà người Singapore thường gọi là MRT (Mass Rapid Transit). Taxi cũng là
một phương tiện giao thông khá phổ biến ở Singapore và không quá đắt. Singapore
cũng có phương tiện giao thông đường thủy phổ biến là thuyền máy nhỏ, tuy nhiên
đa số chúng chỉ được dùng cho mục đích du lịch. Từ giữa những năm 1980, chính
phủ Singapore đầu tư hàng trăm triệu USD nâng cấp các điểm thắng cảnh văn hóa
và lịch sử. Sân bay Changi dù liên tục được bầu là sân bay tốt nhất thế giới vẫn
đang được đầu tư 1,8 tỷ đôla Singapore để nâng cấp. Về mặt tiện nghi, Singapore
dám quảng bá là một thủ đô ẩm thực và mua sắm bậc nhất châu Á.
Du lịch là một trong những ngành mũi nhọn tại Singapore nhờ mức đóng góp
5% GDP. Với dân số chỉ 4 triệu người, hàng năm Singapore thu hút gần 8 triệu
khách du lịch, tạo thu nhập khoảng 11 tỷ đôla Singapore và hơn 150.000 việc làm.
Năm yếu tố tạo thành công cho du lịch Singapore bắt nguồn từ năm chữ A trong
tiếng Anh là: điểm thắng cảnh (Attractions), phương tiện giao thông (Accessibility),
cơ sở tiện nghi (Amenities), các dịch vụ hỗ trợ (Ancillary services) và sự điều chỉnh
phù hợp về chính sách (Adjustment). Nhưng khả năng điều chỉnh mới mang tính
18
chiến lược nhất. Thành công của ngành du lịch Singapore chính là thành công trong
điều chỉnh chiến lược phát triển du lịch trước những thay đổi kinh tế và xã hội bên
ngoài. Singapore đang tập trung xây dựng thành trung tâm triển lãm và hội nghị
hàng đầu châu Á, trung tâm dịch vụ và giải trí bậc nhất trong khu vực.
Chất lượng nguồn nhân lực trong ngành du lịch là một nhân tố không kém
phần quan trọng góp phần thúc đẩy du lịch quốc tế Singapore phát triển mạnh. Du
khách quốc tế đến tham quan đảo quốc này sẽ không khỏi bị ấn tượng bởi thái độ
phục vụ nhiệt tình, chuyên nghiệp của những nhân viên du lịch nơi đây. Một ưu thế
vượt trội khác nữa của họ là sự thành thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh đã giúp
cho việc giao tiếp, hướng dẫn diễn ra thuận lợi giữa nhân viên du lịch và du khách
quốc tế. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển nhanh của ngành du lịch, đặc biệt là du lịch
quốc tế, Singapore luôn ở trong trạng thái bị thiếu hụt nguồn nhân lực. Vì vậy,
nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ngành du lịch, năm 2011,
chính phủ Singapore đã lên kế hoạch đào tạo thêm 100.000 nhân viên mới cho
ngành du lịch nhằm thu hút 17 triệu lượt du khách và mang về 30 tỷ đô la doanh thu
vào năm 2015. Ngoài ra, chính phủ Singapore còn nỗ lực thực hiện những chương
trình hợp tác quốc tế và đào tạo gián tiếp nhằm mở rộng nguồn cung ứng nhân lực
cho ngành du lịch của mình.
Singapore có một môi trường du lịch được đánh giá rất tốt. Không náo nhiệt,
ồn ã như một số thủ đô khác nhưng Singapore lại được biết đến như một đất nước
ngăn nắp, tinh tươm và hàng năm luôn thu hút lượng khách du lịch quốc tế vượt xa
dân số của họ. Ở Singapore, đất đai quý đến mức có những con đường được làm
trên nền đất bồi mua từ các quốc gia láng giềng, vậy mà thành phố có rất nhiều
khoảng xanh phủ ngợp, dịu mát, trong lành. Là một thành phố năng động với nhiều
nét tương phản và màu sắc sinh động, bạn sẽ tìm thấy nơi đây sự pha trộn hài hoà
giữa văn hoá, ẩm thực, nghệ thuật và kiến trúc. Đảo quốc năng động nhỏ bé ở vùng
Đông Nam Á này tiêu biểu cho tinh hoa của cả hai nền văn hoá phương Đông &
phương Tây. Điều mà du khách có thể nhận thấy rất rõ nơi đây là môi trường du
lịch nhân văn tuyệt vời của đảo quốc này. Du khách không bắt gặp cảnh ăn uống
nhiều, nhậu nhẹt tưng bừng nơi vỉa hè. Các điểm ăn nhậu bình dân thường được đặt
19
ở các con phố nhỏ hoặc khuất sau lùm cây xanh khiến vẻ ngoại cảnh thêm nét thanh
tao, lịch lãm. Một nếp sống văn hóa được hình thành từ cả một quá trình lâu dài,
nghiêm ngặt. Những vi phạm như hút thuốc nơi không được phép, nhả kẹo cao su,
xả rác bừa bãi, vi phạm luật giao thông bị xử phạt rất nặng. Thật khó thấy bóng
dáng cảnh sát trên đường phố nhưng ở đây không ít lần du khách được chứng kiến
hình ảnh người qua đường, có khi là một người già yếu lượm bỏ vô thùng rác vỏ
bao thuốc, túi xốp mà ai đó sơ ý để rớt trên đường.
Những ngày ở Singapore có thể cảm nhận được văn hóa nơi đây đã thấm sâu
vào các hoạt động du lịch và du lịch đã được quan tâm như một ngành kinh tế quan
trọng của quốc gia. Nơi đây không khai thác du lịch bằng các hình thức mua vui
bằng mọi giá mà quan tâm đến chất lượng dịch vụ qua những sáng tạo, nét độc đáo
gắn với tầm vóc văn hóa và bảo vệ môi trường sinh thái. Những đặc điểm trên của
Singapore - đất nước du lịch đã biến quốc đảo này trở thành hình mẫu trong chiến
lược phát triển du lịch của các quốc gia khác, đặc biệt là trong khu vực Châu Á (Bộ
Tài chính, 2004).
2. Kinh nghiệm của Indonesia
Du lịch Indonesia nổi tiếng với du lịch Bali. Hòn đảo Bali trông như một chú
gà con với chiếc mỏ hướng về Ấn Độ Dương và là một trong hơn 13.000 hòn đảo
lớn nhỏ Indonesia. Thiên nhiên đã ưu đãi cho nơi đây nguồn tài nguyên thiên nhiên
phong phú và một vẻ quyến rũ kỳ lạ. Các khu nghỉ mát tập trung chủ yếu ở phía
Đông Nam của đảo. Có diện tích tương đương tỉnh Đồng Nai nước ta, cảnh quan
Bali rất đa dạng: những bãi biển cát trắng mịn màng, ruộng bậc thang lớp lớp xanh
mướt điểm xuyết bóng dừa, những hồ nước trong veo trên miệng núi lửa, những
dòng sông chảy xiết qua khe núi thăm thẳm. Các hang động bí ẩn nằm giữa rừng già
nhiệt đới vẫn nơi sinh sống của nhiều bộ lạc với những tập tục kỳ lạ. Nhờ đó, du
lịch sinh thái ở Bali rất phong phú với các tour thám hiểm rừng nguyên sinh, du lịch
cho đại bàng ăn, du lịch tìm hiểu núi lửa (Báo Quảng Nam, 2006).
Nhà cửa ở Bali dù bề thế hay nhỏ xíu hầu như đều theo kiến trúc truyền
thống là hình vuông bốn mái lợp ngói, quanh nhà trồng rất nhiều hoa, trông thật dễ
chịu. Phong cách nghệ thuật kiến trúc, trang trí của Bali được pha trộn, ảnh hưởng
20
từ nhiều nền văn hóa khác nhau: Ấn Độ, Trung Hoa, Ai Cập, Java và cả phong cách
thuộc địa (Hà Lan) hòa trộn cùng lối kiến trúc truyền thống của Bali. Du khách thật
khó tìm được ở đây tòa nhà nào cao quá ba tầng, nhà ống và mái tôn lại càng không
thấy. Nổi bật trên nền trời chỉ có những ngọn tháp uy nghiêm nhiều tầng, mái được
làm bằng xơ dừa màu đen rất độc đáo. Đảo Bali không quá rộng lớn, diện tích chỉ
5.623km² và dân số hơn 3 triệu người. Vậy mà mỗi năm, nó thu hút tới hơn 1 triệu
du khách (không kể những thời kỳ cao điểm, số du khách lên tới 4 triệu). Trên hòn
đảo này có tới gần 1.000 khách sạn với 80.000 phòng, trong đó các khách sạn từ 3
sao trở lên chiếm tỷ lệ 60%. Điều đáng ngạc nhiên là ở bất cứ đâu, người ta cũng có
thể xây khách sạn và resort (khu nghỉ cấp cao). Có những khách sạn rất đơn giản,
nhưng tiện nghi, nằm sâu trong làng, bên cạnh những ngôi nhà bình thường khác.
Khách sạn kiểu này có bể bơi nằm ngay giữa cánh đồng lúa để du khách có thể hoà
mình với thiên nhiên.
Thấy rõ tiềm năng kinh tế của việc phát triển du lịch Bali, Indonesia khá chú
trọng đến nguồn nhân lực phục vụ du lịch nơi đây, đặc biệt là nguồn nhân lực du
lịch tự nhiên. Khi đến du lịch trên đất nước Indonesia - một quốc gia Hồi giáo với
số dân theo Hồi giáo đông nhất thế giới chắc chắn du khách sẽ cảm nhận được
nhiều điều thú vị. Toàn bộ người dân trên hòn đảo này sống dựa hoàn toàn vào
ngành du lịch. Ngoài các hình thức kinh doanh du lịch công cộng, người dân Bali
còn tự tổ chức kinh doanh cá nhân du lịch quốc tế, ví như việc buôn bán nhỏ lẻ hay
đáp ứng các nhu cầu, dịch vụ riêng lẻ của khách du lịch. Với 3,2 triệu dân, 1.200
khách sạn và resort từ bình dân đến sang trọng, Bali là nơi có mật độ dân số và mức
sống thuộc hàng cao nhất Indonesia. Người dân Bali hiền hòa, chất phác, họ được
xem là dân tộc tài hoa nhất, nghệ sĩ nhất trong số 250 dân tộc ở Indonesia.
Bali được chính phủ Indonesia xác định là điểm đầu tư mũi nhọn của ngành
du lịch cùng với thành phố Jakarta. Với một sự đầu tư mạnh mẽ chỉ để phát triển du
lịch ngay từ lúc còn chịu sự cai trị của nước ngoài. Cụ thể là hơn 100 năm trước,
chính quyền Hà Lan đã quyết định biến Bali thành vùng nghĩ dưỡng, không cho xây
dựng nhà máy hay trồng cà phê. Ngoài ra cũng không ai được phép can thiệp vào
những nghi lễ, phong tục, nghệ thuật, tôn giáo, cuộc sống nông nghiệp nhằm giữ gìn
21
bản sắc văn hóa và lối sống của người dân trên đảo. Chính phủ Indonesia đã đầu tư
vào Bali đầy đủ các loại hình du lịch mà du khách muốn có, từ du lịch thể thao, sinh
thái đến du lịch văn hóa. Đó là sân chơi cho niềm đam mê mạo hiểm của du khách
bởi cano, du thuyền, lướt ván, nhảy dù bên bờ biển, cũng là cơ hội khám phá hệ
động vật phong phú trong những khu rừng nhiệt đới đồng thời là bị hấp dẫn bởi vô
số những lễ hội đặc sắc và các điệu múa quyến rũ nhiều màu sắc. Có đến Bali mới
thấy ngành du lịch ở đây được tổ chức rất tốt.
Môi trường du lịch của Bali mang đặc điểm riêng hiếm thấy. Tình yêu nghệ
thuật và trình độ thẩm mỹ của người Bali có thể thấy ngay từ những ngôi nhà bên
đường, dù vẫn tuân theo kiến trúc và lối trang trí cổ truyền những không nhà nào
giống nhà nào, từ cổng vào cho đến am thờ, tường cột đều được chạm khắc và cả
các bức phù điêu đặc sắc, tuyệt đẹp. Hoa được trồng cả bên ngoài hàng rào và ven
những lối đi chung mà không có ai hái. Bali cũng hầu như không có người ăn xin,
nạn chèo kéo du khách hay trộm cắp vặt (Báo Travelnews, 2009). Thời tiết Bali khá
mát mẻ. Ban đêm, không cần phải bật điều hoà. Trộm cắp vặt chưa bao giờ xuất
hiện ở Bali.
Đảo Bali của Indonesia được chọn là đảo tốt nhất trong cuộc bình chọn điểm
du lịch tốt nhất thế giới hàng năm do tạp chí Mỹ Travel and Leisure tổ chức, vượt
qua cả đảo Santorini của Hy Lạp và quần đảo Hawaii. Tiêu chí bình chọn này dựa
trên cảnh quan, văn hóa - nghệ thuật, khách sạn - ẩm thực, cư dân và giá trị đồng
tiền.
3. Kinh nghiệm của Thái Lan
Địa điểm đầu tiên mà hầu như khách nước ngoài tới Thái Lan đều nghĩ tới là
Pattaya. Pattaya trước kia là một làng chài nhỏ ven biển. Nhưng ngày nay, nó trở
thành phố biển nổi tiếng khắp thế giới và được mệnh danh là “thành phố đêm” với
những nàng vũ công kiều diễm, xinh đẹp tuyệt vời, biểu diễn những màn múa thoát
y và các vũ điệu quyến rũ, độc đáo. Khi màn đêm buông xuống, Pattaya trở nên
nhộn nhịp khác thường. Những quán bar, vũ trường, sòng bạc, các tụ điểm ăn chơi
sáng rực đèn màu và tấp nập du khách đến thư giãn giải trí. Nằm cách Bangkok 130
km về phía Đông Nam, Pattaya là nơi có bãi biển cát trắng thơ mộng và đẹp vào
22
loại nhất Đông Nam Á. Tại đây, du khách sẽ có cơ hội đi cano tham quan Đảo San
hô (Coral Island). Du khách có thể tự do tắm biển trên các bãi biển đẹp nhất và mua
vé tham gia các trò chơi giải trí hấp dẫn và thám hiểm đại dương.
Trong những năm gần đây, Pattaya đã trở thành một khu du lịch sầm uất,
cùng với cơ sở hạ tầng phát triển như: khách sạn, trung tâm hội nghị, và nhiều sản
phẩm du lịch khác. Dịch vụ du lịch xe bus bãi biển đã giúp người dân và du khách
tham quan thành phố một cách thoải mái và thuận tiện. Thành phố đã bùng nổ phát
triển trong 15 năm qua. Khách sạn, chung cư, sân golf, trung tâm hội thảo, quán
rượu, nhà hàng và cửa hàng thức ăn nhanh phương Tây đã mọc lên khắp mọi nơi,
với hàng trăm quán bar đèn màu và vũ trường sôi động giúp “nạp nhiên liệu” cho
một nền kinh tế địa phương phát triển mạnh. Pattaya có sức thu hút các du khách
quốc tế vì thành phố này có nhiều kỷ lục về dịch vụ giải trí và cơ sở hạ tầng thỏa
mãn các yêu cầu của khách khách sạn lớn nhất thế giới, gồm 4500 phòng (khách sạn
The Ambassador); có nhiều sân golf; có quán rượu lớn nhất thế giới, với 50 ca sĩ, vũ
nữ biểu diễn các điệu múa, bài ca trữ tình của các quốc gia châu Á.
Chính phủ Thái Lan rất chú trọng vào việc đầu tư xây dựng một nguồn nhân
lực chất lượng cao phục vụ ngành du lịch nước nhà. Đội ngũ lao động trong ngành
dịch vụ được đào tạo bài bản về chuyên môn và phong cách phục vụ. Hơn nữa,
người Thái Lan có ưu thế là thành thạo tiếng Anh và một số ngoại ngữ khác. Chỉ
khi đến Thái Lan rồi mới hiểu, sự phát triển bền vững dựa trên nhiều tiêu chí, không
chỉ là tài nguyên du lịch dồi dào, thế mạnh của nền văn hóa, mà chìa khóa thành
công là luôn sở hữu một đội ngũ nhân lực phục vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế cho du
khách. Người Thái phục vụ du khách đến tận cùng sức lực và lòng mến khách của
họ. Ngoài ra, các đơn vị trực thuộc ngành du lịch của Thái Lan như nhà hàng, khách
sạn đều có một "dưỡng đường chuyên trách". Chức năng của dưỡng đường này là
một trung tâm nguồn nhân lực, hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn cho các đơn vị hoạt động
trong ngành, với mục tiêu tăng cường đồng bộ chất lượng ngành du lịch Thái Lan.
Chính quyền thành phố đã tích cực làm mới hình ảnh của Pattaya bằng cách
quy hoạch và khuyến khích nhà đầu tư mở ra các khu vui chơi, giải trí lành mạnh để
thu hút khách đến từ châu Á, làm cho họ được thỏa mãn trong mua sắm cũng như
23
khi xem những chương trình biểu diễn đặc biệt; xây dựng một sân khấu thời trang
dài nhất thế giới nhằm thu hút các cuộc thi thời trang quốc tế. Cứ nhìn trên đường
phố thấy có rất nhiều nhóm đi du lịch cả gia đình đến Pattaya thì đủ biết thành phố
này đã tạo dựng được hình ảnh mới. Cố gắng tạo dựng những ngành giải trí mới
cũng là cách Pattaya nhanh nhạy phục vụ những thị trường mới, tạo ra nhu cầu mới
để có khả năng thu hút những nguồn khách khác nhau (Hoàng Hữu Quyết 2009).
Bên cạnh những khoản đầu tư công của chính phủ Thái Lan, Pattaya còn nhận được
những chương trình nhằm thu hút du lịch từ các doanh nghiệp. Chúng ta có thể thắc
mắc, giá vé từ Hà Nội đi thành phố Hồ Chí Minh đó gần 100USD cho một lượt
người đi trong khi đi chơi Thái Lan 4 ngày, 5 đêm, được ngủ trong khách sạn 3, 4
sao, được đi máy bay của hãng hàng không quốc gia Thái Lan mà chỉ phải đóng cho
công ty du lịch chưa đầy 300USD. Bởi vì người Thái Lan đã áp dụng chính sách
giảm giá cho những đoàn du khách từ 16 người trở lên. Nếu mua một chiếc vé máy
bay từ Bangkok về Việt Nam, chúng ta phải mất tới 200USD, nhưng đi theo cả
đoàn du lịch 16 người, chúng ta chỉ phải trả vài chục USD.
Thái Lan không chỉ hấp dẫn du khách quốc tế bởi giá cả phải chăng mà bởi
chính sách coi khách hàng như thượng đế. Đi đến bất kỳ địa điểm du lịch nào du
khách cũng trở thành “ngôi sao”, khi có cả một đội ngũ chụp ảnh chuyên nghiệp ghi
lại hình ảnh của du khách và sau đó đem bán lại cho chính du khách đó. Nếu khách
không lấy, họ vẫn cười vui vẻ mà không hề kỳ kèo. Tuy nhiên, cũng chính thái độ
vui tươi niềm nở ấy mà du khách đôi khi không thực sự muốn mua nhưng vẫn vui
vẻ trả tiền cho bức hình ấy. Đi mua hàng, khách quốc tế có thể mặc cả thoải mái đến
khi nào vừa ý với giá cả thì thôi. Hơn nữa, bên cạnh sex và những buổi trình diễn
của những người chuyển đổi giới tính thì Pattaya cũng rất biết tận dụng một vài ưu
điểm của mình để thu ngoại tệ. Là một thành phố ven biển, Pattaya đã thu hút khách
du lịch không chỉ bằng tắm biển mà còn bằng một loạt trò chơi khám phá đại dương
và cảm giác mạnh khác như chèo thuyền, đua canô, bay khinh khí cầu, lặn xuống
biển ngắm san hô.
4. Bài học kinh nghiệm đối với Hội An
24
Thứ nhất, coi công tác phát triển du lịch là một quốc sách để ưu tiên đầu tư
cho du lịch cả về cơ chế, chính sách lẫn cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng du lịch.
Thứ hai, phải biết tận dụng tối đa mọi tiềm năng để phát triển du lịch, từ tiềm
năng du lịch nhân văn đến tiềm năng du lịch tự nhiên, kết hợp các tiềm năng du lịch
với nhau để sáng tạo ra những sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn.
Thứ ba, phải coi trọng việc đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch cả về trình độ
nghề nghiệp lẫn quan điểm đạo đức. Đội ngũ nhân viên phục vụ vừa phải có trình
độ chuyên môn cao, và điều quan trọng hơn là phải biết tôn trọng khách, luôn xem
trọng phương châm “Khách hàng là thượng đế” để mang lại tối đa sự hài lòng cho
khách.
Thứ tư, cần chú trọng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch
trên các phương tiện thông tin đại chúng để thu hút khách du lịch quốc tế và trên
các ấn phẩm phát miễn phí tại sân bay, nhà ga, bến xe để du khách có thông tin du
lịch về nơi họ đến, nhằm tạo điều kiện để du khách lưu trú lại lâu hơn.
SƠ KẾT CHƯƠNG I
Chương 1 đã đưa ra một cái nhìn cơ bản về hoạt động du lịch, phân tích sơ
bộ các điều kiện giúp thu hút khách du lịch quốc tế và đưa ra những bài học kinh
nghiệm về thu hút khách du lịch quốc tế của các nước trong khu vực, từ đó rút ra
bài học kinh nghiệm cho Hội An. Bên cạnh việc khái quát hóa lý luận khoa học và
thực tiễn trên thì chương 1 còn giới thiệu đôi nét về du lịch Hội An để nhận thấy
được tiềm năng phát triển du lịch. Đây chính là nền tảng để phân tích thực trạng thu
hút khách du lịch quốc tế đến Hội An trong những năm qua và được đề cập ở
chương 2.
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG THU HÚT KHÁCH DU LỊCH QUỐC TẾ ĐẾN
THÀNH PHỐ HỘI AN GIAI ĐOẠN 2000 - 2010
I. Phân tích thực trạng thu hút khách du lịch quốc tế đến Hội An giai đoạn
2000 - 2010
1. Sơ nét quá trình hình thành du lịch quốc tế tại Hội An
25
Từ thế kỷ 16 đến 19, Hội An từng là trung tâm mậu dịch quốc tế trên hành
trình thương mại Đông - Tây, một thương cảng phồn thịnh nhất của xứ Đàng Trong,
Việt Nam trong triều đại của chúa Nguyễn (trên bản đồ Đông Dương năm 1986,
faicfo - tên gọi trước đây của Hội An - đã được thừa nhận) (Trung tâm Quản lý và
Bảo tồn di tích Hội An, 2009). Tuy nhiên, sau chiến tranh, thương cảng sầm uất Hội
An đó bị bỏ quên và người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề nông.
Tháng 06/1982, KTS. Kazimierz Kwiatkowsky, Trưởng tiểu bang hợp tác Ba
Lan - Việt Nam tu bổ di tích Mỹ Sơn đã cộng tác với cán bộ Phòng Văn hóa -
Thông tin Hội An chuẩn bị hồ sơ công phu gồm 8 loại theo quy định để trình Bộ
văn hóa xếp hạng Di tích quốc gia khu phố cổ Hội An.
Năm 1985, nhân kỷ niệm 10 năm giải phóng Hội An, một cuộc triển lãm
tranh, ảnh, tượng được tổ chức quy mô ở hội quán Phước Kiến. Đây là khởi đầu cho
ngành du lịch tại Hội An, mặc dù chỉ là du lịch trong nước. Đến ngày 19/03/1985,
khu phố cổ Hội An được Bộ Văn hóa cấp bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa
quốc gia. Tháng 7/1985, Hội thảo quốc gia về đô thị cổ Hội An lần đầu tiên được
khai mạc, quy tụ hơn 50 nhà khoa học có tên tuổi trong nước với 72 báo cáo xoay
quanh 4 nội dung: 1. Xác định giá trị lịch sử văn hóa của Hội An; 2. Xây dựng chủ
trương bảo tồn; 3. Tạo mặt bằng nhận thức về di tích quốc gia quý hiếm, còn tương
đối nguyên vẹn nhất Đông Nam Á; 4. Đề xuất nghiên cứu phát huy giá trị phục vụ
chiến lược phát triển du lịch. Sau hội thảo, Bộ Tài chính đã cấp cho Hội An 1 triệu
đồng để trùng tu Chùa Cầu.
Tháng 2/1986, Ban Quản lý di tích và dịch vụ du lịch Hội An ra đời, tiền
thân của hai tổ chức hiện nay: Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích (QLBTDT) Hội
An và Phòng TM - DL Hội An. Cũng trong năm này, đoàn giám định cổ vật trung
ương đã phát hiện ra 200 cổ vật cấp quốc gia và quốc tế, khẳng định: Hội An là
thương cảng quốc tế và là tài sản quý vùng Đông Nam Á.
Tháng 3/1990, với sự tài trợ của Đại sứ quán Nhật Bản, hội thảo khoa học
quốc tế về đô thị cổ Hội An được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng. Trong 2 ngày hội
thảo, 150 lượt ý kiến và bài tham luận của 40 đại biểu của 11 nước đã khẳng định
giá trị lịch sử văn hóa của Hội An. Cũng trong năm này, du lịch Hội An bắt đầu đón
26
những vị khách nước ngoài đầu tiên, lúc ấy Hội An mới xây dựng được một khách
sạn mini 8 phòng. Đến nay, đã có hàng trăm nhà hàng, 103 khách sạn, gần 4.000
phòng từ 1 - 5 sao.
Năm 1993, bằng nguồn đầu tư của trường Đại học nữ Chiêu Hoa (Nhật Bản).
Hội An có thêm bảo tàng Gốm sứ mậu dịch và bằng nguồn tài trợ của Toyota
Foundation, Hội An có thêm bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh. Những bảo tàng này tăng
thêm hấp lực cho du lịch quốc tế tại Hội An.
Tháng 01/1996, mặc dù chưa là di sản văn hóa thế giới nhưng Hội An vẫn
được UNESCO chọn là nơi tổ chức hội nghị Tập huấn quản lý di sản khu vực châu
Á - Thái Bình Dương với trên 30 nước tham dự với ý định lấy Hội An làm ví dụ
điển hình về bảo tồn, phát huy giá trị di tích.
Tháng 04/1997, dự án Tổng thể đầu tư bảo tồn, tu bổ và khai thác di tích khu
phố cổ Hội An - Quảng Nam được chính phủ phê duyệt theo quyết định số
240/TTg, ngày 14/4/1997. Trong tình hình kinh tế khó khăn lúc bấy giờ mà chính
phủ đã quan tâm đầu tư với nguồn kinh phí trên 100 tỷ đồng cho thấy tiềm năng có
thể khai thác tại Hội An. Cũng trong năm này, ý tưởng lập hồ sơ đề nghị xếp hạng
di sản văn hóa thế giới được hình thành.
Tháng 01/1999, UNESCO cử phái viên đến Hội An. Ông Nikom, Bộ trưởng
Văn hóa nghệ thuật Thái Lan được UNESCO giao trọng trách kiểm tra công tác lập
hồ sơ của Hội An và ông nhận xét: “Không nghi ngờ gì nữa, Hội An đã có sự chuẩn
bị từ rất lâu rồi, đã làm được nhiều việc ngoài sức tưởng tượng của UNESCO”.
Với những giá trị nổi trội mang tính toàn cầu, tại kỳ họp thứ 23 từ ngày
29/11/1999 đến ngày 4/12/1999 ở Marrakesh (Morocco), Ủy ban Di sản thế giới của
UNESCO đã công nhận Đô thị cổ Hội An là Di sản văn hóa thế giới. Và con số
khách du lịch quốc tế viếng thăm Hội An nhảy vọt từ 16.000 du khách trong năm
1993 lên đến 95.000 du khách năm 1999.
2. Tiềm năng thu hút khách du lịch quốc tế của Hội An
2.1. Tài nguyên du lịch
2.1.1. Tài nguyên du lịch văn hóa
Tài nguyên văn hóa vật thể
27
Theo tài liệu thống kế, đến nay Hội An có 1.360 di tích, danh thắng. Riêng
các di tích được phân thành 11 loại, gồm: 1.068 nhà cổ, 19 chùa, 43 miếu thờ thần
linh, 23 đình, 38 nhà thờ tộc, 5 hội quán, 11 giếng nước cổ, 1 cầu, 44 ngôi mộ cổ.
Trong khu vực đô thị cổ có hơn 1.100 di tích (Trung tâm Quản lý và Bảo tồn di tích
Hội An, 2009). Một số di tích tiêu biểu của đô thị cổ Hội An:
- Chùa: Giá trị văn hóa Hội An còn được lưu giữ qua hệ thống chùa mang
đậm nét giao lưu văn hóa Việt - Trung nằm trong khu phố cổ bắt đầu từ Chùa Cầu
và kết thúc bằng chùa Âm Bổn (chùa Ông) với phạm vi vỏn vẹn trên dưới 1,2km.
Trong đó, tiêu biểu nhất là: Chùa Cầu - Biểu tượng của Hội An. Chùa Cầu còn có
tên gọi là Cầu Nhật Bản và Lai Viễn Kiều, được người Nhật xây vào đầu thế kỷ
XVII, đã qua nhiều lần trùng tu (1653, 1763, 1817, 1865, 1915, 1917) và dần mất đi
các yếu tố kiến trúc Nhật Bản, thay vào đó là kiến trúc mang đậm phong cách Việt -
Trung. Chùa Cầu có dáng hình chữ Công bắt qua con lạch thông ra sông Hoài, trên
cửa chính có chạm nổi 3 chữ Hán là Lai Viễn Kiều (có nghĩa là cầu của những
người bạn từ xa đến) - tên do chúa Nguyễn Phúc Chu đặt trong một lần viếng thăm
Hội An vào năm 1719. Trên sườn cầu có một ngôi miếu nhỏ thờ thần Bắc Đế Trấn
Vũ - thần chuyên trấn trị phong ba, lũ lụt theo tín ngưỡng của người Trung Hoa. Lai
lịch của Chùa Cầu gắn liền với truyền thuyết về con Cù - một loại thủy quái có đầu
nằm ở Ấn Độ, mình ở Việt Nam và phần đuôi ở tận Nhật Bản và mỗi lần Cù cựa
quậy là gây ra lũ lụt, động đất ở những nơi này. Vì vậy, ngoài việc xây cầu để phục
vụ giao thông, người xưa còn có hàm ý trấn yểm loài thủy quái, giữ cho cuộc sống
yên bình.
- Nhà cổ: Nhà cổ ở Hội An đã tạo thành một quần thể di tích kiến trúc Khu
phố cổ bao gồm các đường phố lớn song song Đông - Tây tạo thành các ô vuông
kiểu bàn cờ, mang đậm nét qui hoạch đô thị Hoa - Việt xưa. Tiêu biểu là các nhà cổ
Quân Thắng; Tấn Ký; Phùng Hưng với niên đại từ hơn 100 đến 200 năm, mang
đậm dấu ấn văn hóa Nhật - Trung - Việt.
- Hội Quán: Trong cộng đồng dân cư Hoa kiều, ngoài các hình thức kiến trúc
thông thường, có một dạng kiến trúc cộng đồng riêng biệt đó là: Hội Quán, Người
Hoa ở Hội An có nguồn gốc từ năm địa phương ở Trung Quốc di cư đến đây, lập
28
năm hội quán: Triều Châu, Hải Nam, Phúc Kiến, Quảng Đông và có một Hội quán
chung cho năm bộ phận dân cư đó gọi là Hội quán Ngũ Bang (do các thương khách
người Hoa gốc Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông, Hải Nam, Gia Ứng xây dựng
vào năm 1741 để làm nơi thờ tự Thiên Hậu Ngũ Bang mang đậm phong cách kiến
trúc Trung Hoa).
- Hiện vật cổ được trưng bày tại các bảo tàng: Nghiên cứu khảo cổ học tìm
thấy hàng chục ngàn hiện vật, di chỉ thuộc các hệ văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa, Đại
Việt, minh chứng cư dân cổ đã sinh sống ở Hội An cách bây giờ hơn 3.000 năm và
Hội An còn nằm trên Con đường tơ lụa trên biển ở khu vực Trung Cận Đông.
Những hiện vật được thu thập cũng là nguồn văn hóa vật thể độc đáo để quảng bá
với du khách, được lưu giữ tại các bảo tàng lớn của thành phố, như: Bảo tàng lịch
sử - Văn hóa; Bảo tàng gốm sứ Mậu Dịch; Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh.
Tài nguyên văn hóa phi vật thể (Nguyễn Quang Thắng 2005)
- Mắt cửa Hội An là đôi mắt bằng gỗ, được đẽo khắc đa dạng, công phu, gắn
phía trên cửa ra vào, chạm trổ những hình bát quái, hoa 8 cánh có nhụy và vòng tròn
lưỡng nghi. Trên thế giới và ngay cả ở Việt Nam vẫn có nhiều khu phố cổ ở gần
biển (với kiến trúc chịu ảnh hưởng của Trung Quốc) nhưng không có nơi nào người
ta thêm hai con mắt vào cửa chính ngôi nhà. Người dân sống ở Hội An đã tìm kiếm
được mắt cửa cho riêng mình và điều này là một đóng góp vào hình tượng kiến trúc
của Di sản văn hóa thế giới (DSVHTG). Mắt cửa vừa là vật trang trí, vừa là vật
canh giữ cho ngôi nhà. Đây là hiện tượng duy nhất có ở Hội An. Mắt cửa Hội An là
biểu tượng linh thiêng ảnh hưởng triết lý phương Đông, văn minh Ấn Độ giáo. Đây
là biểu tượng của quan niệm vạn vật hữu linh, là cách của người Hội An sống giao
hòa với thiên nhiên, từ đó làm ra chiều sâu của một di sản văn hóa nhân loại.
- Lễ hội truyền thống: Lễ hội ở Hội An diễn ra quanh năm, khá phong phú,
bao gồm: Lễ cầu an, lễ cúng cá ông, lễ hội cầu ngư của cư dân ngư nghiệp, lễ cầu
bông, lễ giỗ tổ các nghề thủ công truyền thống, lễ rước Long Chu của các làng Cẩm
Phô, các lễ hội theo các ngày tết, ngày vía của người Hoa, lễ hội của các tôn giáo
như lễ giỗ tổ Minh Hải. Các lễ hội tại đây đã có hướng tăng cường phần hội bằng
các hình thức vui chơi giải trí phù hợp với nhiều đối tượng và chú ý đặc biệt đến
29
một số lễ hội đặc trưng như lễ hội cầu ngư, rước Long Chu, Nguyên Tiêu, Trung
Thu nhằm thu hút du khách nước ngoài.
- Ẩm thực dân gian: Trải qua quá trình lịch sử lựa chọn, kết hợp giữa tinh
hoa của nhiều dân tộc, cư dân Hội An tạo nên một nền văn hóa ẩm thực mang
những nét riêng. Nét riêng này thể hiện trước hết ở việc sử dụng hợp lý các sản vật
có sẵn tại địa phương vào bữa ăn thường ngày, tạo nên những món đặc sắc độc đáo
như: Cao Lầu, Phở (Phố Hội), mắm dảnh (Cẩm An), Bánh tráng đập, Chè bắp, Hến
trộn (Cẩm Nam), Mì Quảng (Cẩm Hà, Cẩm Châu), rau sống (Trà Quế). Sự phong
phú về chủng loại các món ăn cũng là nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực của cư dân
Hội An. Bên cạnh các món ăn truyền thống của người Việt, còn có các món ăn ảnh
hưởng từ Trung Hoa như món bánh bao - bánh quai vạ, lục tàu xá, xí mà, lương
phảnh, hoành thánh, cơm Dương Châu, khoai nhục Phúc Kiến, nậm nhự xì dầu.
- Làng nghề truyền thống: Các làng nghề tại Hội An khá đa dạng: Làng gốm
Thanh Hà (nằm cách Hội An 3km về hướng Tây, rất thịnh đạt vào thế kỷ 16 - 17,
cung cấp gạch, ngói lợp âm dương, vảy cá, ngói lát nền cho các ngôi nhà cổ ở Hội
An và các sản phẩm gốm mỹ thuật tinh xảo dành cho xuất khẩu); Làng ra Trà Quế
(nằm cách Khu phố cổ Hội An 3km về phía Bắc, là một điểm đến rất được du khách
nước ngoài chọn tham gia, nổi tiếng từ hơn 300 năm trước với nghề trồng rau sống,
một thứ văn hóa ẩm thực không thể thiếu, gắn liền và tạo nên hương vị hấp dẫn cho
đặc sản địa phương); Làng mộc Kim Bồng (rất nổi tiếng về các tác phẩm điêu khắc
trên gỗ, các kiến trúc cổ kính của Hội An, chuyên sản xuất đồ gỗ và hàng lưu niệm
để bán cho du khách và xuất khẩu ra nước ngoài); Làng yến Cù Lao Chàm (từ 400
năm trước, người Chăm ở đây đã biết khai thác yến sào và đến thế kỷ 17, người dân
làng Thanh Châu phát triển nghề khai thác tổ yến. Yến sào Cù Lao Chàm thuộc loại
đắt giá nhất trong các loại yến trên thế giới. Những vách đá dựng đứng cheo leo bên
mép sóng nơi treo các tổ yến, không chỉ đem lại nguồn thu lớn cho địa phương, mà
còn đem lại cảm giác thích thú đối với du khách tham quan); Nghề đèn lồng Hội An
(đèn lồng Hội An có hình thức, màu sắc khá đa dạng thể hiện vẻ tinh tế, tài hoa của
người thợ Hội An. Các nghệ nhân ở Hội An đang dần dần xây dựng nên thương
hiệu đèn lồng Việt Nam. Đèn lồng Hội An khá đẹp, nhẹ và quan trọng là có thể thu
30
gọn lại bằng cách xếp khung theo nếp để mang đi, vì vậy không ít du khách mua vài
chiếc đèn lồng như là sự lưu giữ kỷ niệm về một phố cổ nên thơ, đồng thời làm quà
tặng thật ý nghĩa cho người thân).
2.1.2. Tài nguyên du lịch sinh thái
Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm
Cù Lao Chàm gồm một chuỗi tám hòn đảo lớn nhỏ sắp theo hình cánh cung,
là phần kéo dài về phía Đông Nam của khối đá granite Bạch Mã - Hải Vân - Sơn
Trà, hình thành cách đây khoảng 230 triệu năm. Trải qua quá trình biến động, các
khe nứt kiến tạo trên đá granite thành những hang có hình thù khác nhau, tạo nên
những cảnh đẹp thơ mộng, cùng hàng chục bãi biển hoang sơ và thiên nhiên kì thú.
Bảy di tích trên đảo Cù Lao Chàm được công nhận là Di tích quốc gia, nằm trong
hệ thống 25 di tích kiến trúc, tín ngưỡng tôn giáo có niên đại từ thế kỷ XVIII - XX
còn bảo lưu tại Cù Lao Chàm. Năm 2009, nơi đây được UNESCO công nhận là
Khu di tích sinh quyển thế giới (KDTSQTG) theo 7 tiêu chí (Nguyễn Đức Minh
2010):
- Hệ thực vật: Cù Lao Chàm gồm trên ba trăm loài thực vật, có hai loài được
ghi trong sách đỏ IUCN (Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế), là Cỏ Nhung và
Trầm Hương. Trên đảo có loại cây rừng đặc biệt, tên khoa học là Firmannia
colorata, mà người dân đảo quen gọi là ngô đồng, mọc cheo leo trên những mỏm
núi được người dân đảo lấy về tước vỏ xe sợi tết thành những chiếc võng ngô đồng
độc đáo nơi khác không có.
- Hệ động vật: Hệ động vật Cù Lao Chàm cũng hết sức kì thú từ trên rừng
đến dưới biển. Trên cạn có hàng trăm loài thú, chim, bò sát, trong đó có khỉ đuôi dài
và chim yến đã được đưa vào Sách Đỏ động vật Việt Nam. Dưới biển Cù Lao Chàm
là cả một một thế giới kỳ vĩ của các loại san hô cứng và mềm, rong biển, của tôm
cá, cua biển, ốc vú nàng, vú sao, ốc nhảy, ốc hương, trai ngọc, hải sâm, bào ngư.
Đặc biệt, ngọc trai tai tượng tại Cù Lao Chàm có tới ba loài trong tổng số sáu loài
tìm thấy trên vùng biển Việt Nam. Ngoài ra, người ra đã tìm thấy năm loại ngọc trai
phân bổ trong khu vực Cù Lao Chàm và lân cận, đang là đối tượng được ghi vào
sách Đỏ Việt Nam.
31
Khu du lịch sinh thái Thuận Tình - Rừng dừa nước Bảy Mẫu
Khu du lịch sinh thái Thuận Tình được đặt tại rừng dừa Bảy Mẫu, thuộc thôn
2, 3 xã Cẩm Thanh, vừa được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là điểm du lịch
của tỉnh trong năm 2009. Nằm cách phố cổ Hội An khoảng 3km, Thuận Tình là một
điểm du lịch sinh thái đặc trưng của vùng sông nước Hội An được bao quanh bởi
những rặng dừa nước xanh tươi với hệ sinh thái độc đáo của rừng ngập mặn gần
Cửa Đại nên rất phong phú thực vật, động vật nước lợ (Báo Quảng Nam, 2009).
Dịch vụ du lịch phục vụ nơi đây khá đa dạng: giong thuyền vọng cảnh, bơi xuồng
trên hồ, câu cá, xem múa rối nước, tham quan những mặt hàng thủ công mỹ nghệ
trưng bày trong ngôi nhà cổ theo lối kiến trúc của vùng nông thôn Việt Nam, cắm
trại, đọc sách và sinh hoạt dã ngoại dưới những mái lá yên tĩnh hay nghỉ ngơi trong
những bungalow đầy đủ tiện nghi.
2.1.3. Tài nguyên du lịch biển
Cách trung tâm đô thị cổ Hội An 5km về phía Đông là khu du lịch biển Hội
An trẻ trung và sống động, hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ trong lành và
không gian rộng mở. Đây là bãi tắm lý tưởng rộng chừng vài chục hecta, với dải cát
trắng mịn, nước trong xanh, luôn đứng mặt trời chiếu sáng và lộng gió. Những năm
qua, cảnh quan và môi trường nơi đây liên tục được cải thiện. Nhiều công trình
phục vụ du lịch mọc lên như khu du lịch Cẩm An, Victoria Hội An Resort với
những ngôi biệt thự mang dáng dấp làng quê Việt Nam nằm bên bãi biển Cửa Đại.
Các phòng của khu nghỉ mát rộng rãi, đa dạng kết hợp giữa phong cách Nhật, Pháp
cổ điển, Việt Nam cổ xưa; kết hợp giữa sự tao nhã của nghề thủ công địa phương
với sự tiện nghi hiện đại của tiêu chuẩn quốc tế làm tăng thêm vẻ đẹp vốn có nơi
đây. Trong tương lai gần, Hội An có kế hoạch tìm đối tác liên doanh để xây dựng
khu du lịch sinh thái biển đạt tiêu chuẩn quốc tế 5 sao, góp phần mở rộng không
gian du lịch giữa đô thị cổ với bãi biển Cửa Đại và phát triển du lịch tại đảo Cù Lao
Chàm.
2.2. Con người Hội An
Con người là một nội dung chủ yếu của một địa phương vì thông qua hoạt
động của con người bên trong cũng như bên ngoài, liên quan đến địa phương đó để
32
xác định nấc thang giá trị của địa phương (Nguyễn Trung Vân & Nguyễn Thanh
Bình & Phạm Thu Hương & Nguyễn Thu Hương 2008), và từ đó, có thể làm cho
hình ảnh của địa phương đó tốt lên hay xấu đi, hay làm cho mọi người biết đến, hay
đi vào quên lãng. Điều này đặc biệt đúng với Hội An.
Thành quả lớn nhất của công cuộc bảo tồn di sản Hội An trong 10 năm (2000
- 2010) chính là con người Hội An đã giữ được mình và giữ gìn được di sản cho
nhân loại. Có nhiều việc Hội An làm được không mấy khó khăn nhưng chưa chắc
những nơi khác đã làm được, như: Việc không đi xe máy ở một số phố, tắt đèn điện
vào các đêm 14, 15 âm lịch mau chóng được đông đảo dân Hội An hưởng ứng; việc
cùng nhau không dùng túi nilon mới đề xướng đã được đón nhận tích cực; người
Hội An không chỉ làm, giữ gìn và nâng cao chất lượng của bánh quai vạc, bánh đậu
xanh mang hương vị riêng của phố cổ, mà còn bỏ tiền ra nước ngoài học cách làm
các loại bánh cao cấp của châu Âu để làm vui lòng thực khách bốn phương. Tuy
nhiên, không thể chỉ nhận định rằng những thay đổi hoài cổ phù hợp với người Hội
An. Họ là những người hiện đại và đổi mới: Hội An là một trong những nơi mở cà
phê Internet đầu tiên; đèn lồng không phải là sản phẩm truyền thống của Hội An
nhưng chỉ trong dăm bảy năm nó đã là một thương hiệu gắn bó với đô thị cổ.
2.3. Cơ sở vật chất, dịch vụ
Giá cả dịch vụ du lịch
Đây là ưu điểm của Hội An vì được tính toán hết sức hợp lý dựa trên khả
năng chi trả, và nguồn cung phong phú của địa phương. Ngoài ra, các sản phẩm thủ
công mỹ nghệ, hàng may mặc của Hội An nổi tiếng với giá cả cạnh tranh giành cho
du khách là một đặc điểm hấp dẫn của du lịch thành phố.
Cơ sở lưu trú
Đối với cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, Hội An luôn xây dựng theo phong
cách kiến trúc truyền thống. Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hội An có 66 doanh
nghiệp kinh doanh du lịch với 78 cơ sở lưu trú quy mô 3.000 buồng phòng, được
đánh giá đạt chất lượng cao so với nhiều địa phương trong cả nước nhờ hệ thống
khách sạn, khu du lịch, resort liên kết chặt chẽ với nhiều loại hình dịch vụ và thân
33
thiện với môi trường tự nhiên. Theo phòng TM - DL Hội An, mặc dù chỉ có 20 cơ
sở đạt chuẩn từ 3 sao trở lên nhưng số buồng phòng của loại hình này chiếm đến
62% ; trong khi đó, 55 cơ sở lưu trú dưới 2 sao với 1.120 buồng phòng chỉ chiếm
gần 30% tổng số buồng phòng lưu trú và đang trở lên chiếm dần ưu thế về lượt
khách lưu trú và doanh thu (Báo Quảng Nam, 2009).
Phương tiện vận tải
Hạng mục khác không kém phần quan trọng là vận chuyển nhằm thẩm định
mức độ dễ dàng và tiện lợi trong việc sử dụng các dịch vụ giao thông, đưa khách
đến, đi, và di chuyển nội địa. Hiện nay, Hội An có hơn 15 tàu thuyền thường xuyên
vận chuyển du khách ra Cù Lao Chàm, trong đó có hơn 5 tàu cao tốc hoạt động liên
tục, nhiều tàu thuyền mỗi ngày đi 2 - 4 chuyến và có hơn 300 ô tô các loại với hệ
thống xe giường nằm 2 tầng chất lượng cao của 15 doanh nghiệp tham gia hoạt
động lữ hành, đáp ứng nhu cầu vận chuyển khách du lịch quốc tế và nội địa. Ngoài
ra, trên địa bàn còn có 50 tàu du lịch phục vụ các tour tham quan biển, đảo và làng
nghề truyền thống. Bên cạnh đó, 3 doanh nghiệp tham gia kinh doanh dịch vụ taxi
là Mai Linh, Hội An và Faifo với hơn 80 ô tô loại 4 - 7 chỗ ngồi đáp ứng nhu cầu
dịch vụ du lịch (Báo Quảng Nam, 2009).
Phương tiện liên lạc
Tầm quan trọng của hạng mục cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin ngày càng
gia tăng do việc sử dụng Internet, điện thoại di động trong việc liên lạc, tìm kiếm
thông tin du lịch, mua vé trên mạng ngày càng phổ biến và tiện lợi. Hội An vừa xây
dựng phương án lắp đặt hai trạm thông tin du lịch điện tử công cộng, phục vụ các
hoạt động tham quan, du lịch trên địa bàn thành phố. Đây là máy điện tử cảm ứng,
cấu hình kỹ thuật đảm bảo, hình thức phù hợp, thiết bị đường truyền đảm bảo phát
triển hệ thống mạng dịch vụ cung cấp thông tin. Từ một máy chủ quản trị mạng sẽ
liên kết với hệ thống máy tính của các doanh nghiệp khách sạn, lữ hành tại Hội An
thông qua mạng nội bộ, đồng thời link đến các trạm thông tin của một số thành phố
du lịch trong nước. Trước mắt, hệ thống này chỉ đăng tải các nội dung về văn hóa
du lịch Hội An như: bản đồ giao thông, các điểm tham quan di tích, làng nghề, du
lịch sông nước, biển đảo; các chương trình lễ hội, các địa điểm vui chơi, giải trí...
34
Tin tức về phố Hội sẽ được cập nhật thường xuyên, đúng thời điểm bằng hai thứ
tiếng Việt và Anh, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, tham quan của du khách trong và
ngoài nước.
2.4. Chính sách phát triển du lịch của thành phố Hội An
Từ năm 1993, Hội An đã chọn kinh tế du lịch - dịch vụ - thương mại làm
chiến lược phát triển. Đến nay, kinh tế du lịch - dịch vụ - thương mại đã chiếm hơn
57% GDP hàng năm trong cơ cấu chung của địa phương. Với hướng đi riêng dựa
trên nền tảng di sản truyền thống, trong những năm qua với quan điểm phát triển du
lịch trở thành động lực kinh tế - xã hội, thành phố Hội An đã đạt được nhiều
thành tựu quan trọng.
Thực tế, gần 12 năm kể từ khi phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là
Di sản văn hóa thế giới, phát triển du lịch đang đặt ra cho Hội An vấn đề về bảo
tồn và phát triển giá trị di sản. Theo ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An thì
bên cạnh việc giữ cho được nguyên trạng phố cổ Hội An trước cơn lốc đô thị hóa,
điều quan trọng hơn là gìn giữ được hồn cốt của phố cổ. Hội An đang tiến hành dời
dân, giảm tác động và mật độ kinh doanh, buôn bán trong phố cổ, xây dựng và phát
triển du lịch cộng đồng tại Cẩm Thanh và một số huyện khác (Việt Báo, 2009).
Với cách tiếp cận mới, dự án Lồng ghép văn hóa và du lịch nhằm phát triển
bền vững được triển khai trong vòng một năm qua đã mở đường cho việc khai thác
tối đa lợi thế phát triển du lịch nhưng vẫn bảo tồn được di sản trước việc đầu tư
mạnh như hiện nay. Ðó là việc huy động sự tham gia, đóng góp tích cực từ các cơ
quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư sinh sống trong và chung quanh
các khu vực di sản. Ðặc biệt cần tạo mối liên kết giữa việc quảng bá, xây dựng một
trung tâm thông tin du khách và liên kết Cù Lao Chàm - Hội An - Mỹ Sơn.
Hướng khai thác sản phẩm du lịch của Hội An được xác định, bên cạnh giá
trị văn hóa của khu phố cổ đang được phát huy thì ưu thế của một Khu dự trữ sinh
quyển thế giới Cù Lao Chàm cũng sẽ được tận dụng khai thác. Ngoài những dịch vụ
tắm biển, lặn biển ngắm san hô, các tuyến tham quan tại Cù Lao Chàm hiện cần
được đầu tư nhiều hơn mới bắt kịp yêu cầu của khách du lịch. Với diện tích tự nhiên
hơn 40.000ha bao gồm vùng biển Cù Lao Chàm, vùng rừng ngập mặn Cửa Ðại,
35
vùng lõi khu phố cổ, Hội An sở hữu đầy đủ tiềm năng đa dạng về sinh học, cảnh
quan môi trường và các giá trị văn hóa lịch sử.
2.5. Môi trường du lịch
Hội An có 7 km bờ biển với nhiều bãi tắm đẹp thuận lợi cho phát triển du
lịch và một ngư trường khá rộng với nguồn hải sản khá dồi dào, có đảo Cù Lao
Chàm (rộng 1.591ha) với nguồn đặc sản Yến Sào nổi tiếng, đồng thời là nơi rất
thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái (Biển - Đảo) (Trung tâm Văn hóa - Thể thao
Hội An, 2009).
Văn hóa Hội An là văn hóa đa quốc gia, nhưng đồng thời vẫn là văn hóa
thuần Việt. Con người Hội An luôn thận trọng, giao lưu quốc tế không hề vồ vập
nhưng đầy thiện chí và thân ái. Hội An không lạc hậu vì ở Hội An, phố, văn hóa
phố, đô thị phát triển rất mạnh, không có chuyện cửa đóng then cài và thực tế, Hội
An đã mở cửa từ 300 năm trước. Chính họ đã làm nên cái hồn của Hội An, ngọn
nguồn của sức sống, sức hấp dẫn của du lịch Hội An.
3. Tình hình thu hút khách du lịch quốc tế của Hội An giai đoạn 2000 - 2010
3.1. Mạng lưới kinh doanh dịch vụ du lịch quốc tế
Ngành du lịch Hội An đang đứng trước nhiều thách thức đòi hỏi chính quyền
và cả cộng đồng doanh nghiệp chung tay góp sức để vươn lên. Thành quả lớn nhất
của ngành du lịch Hội An trong hơn 10 năm qua là đã xây dựng và phát triển được
uy tín thương hiệu Hội An - một điểm đến an toàn, thân thiện. Mỗi năm, Hội An đã
đón trên 1 triệu lượt khách, với hơn 3 nghìn buồng phòng sẵn sàng phục vụ trên 5
nghìn khách/ngày. Mạng lưới kinh tế du lịch phát triển nhanh với 150 doanh nghiệp
và 3.500 hộ kinh doanh với gần 11 nghìn người trực tiếp lao động trong ngành du
lịch. Tuy nhiên, du lịch Hội An đang đứng trước nhiều thách thức mới. Bà Đinh Thị
Thu Thủy, Trưởng phòng TM - DL Hội An nhìn nhận: “Du lịch Hội An chưa thật
sự liên kết chặt chẽ với các trung tâm du lịch miền Trung, chưa thực sự năng động
để tạo ra nhiều sản phẩm mới dẫn đến sản phẩm nghèo nàn, công tác quản lý kinh
doanh còn nhiều bất cập. Các doanh nghiệp du lịch địa phương cũng chưa liên kết
cùng quảng bá hình ảnh chung, thậm chí còn xảy ra tình trạng cạnh tranh không
lành mạnh (Báo Quảng Nam, 2009)”.
36
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An
Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An

More Related Content

What's hot

ĐỀ TÀI Phát triển sản phẩm của điểm đến du lịch Quảng Ninh - Việt Nam_1021371...
ĐỀ TÀI Phát triển sản phẩm của điểm đến du lịch Quảng Ninh - Việt Nam_1021371...ĐỀ TÀI Phát triển sản phẩm của điểm đến du lịch Quảng Ninh - Việt Nam_1021371...
ĐỀ TÀI Phát triển sản phẩm của điểm đến du lịch Quảng Ninh - Việt Nam_1021371...PinkHandmade
 
Đề tài: Thực trạng chất lượng dịch vụ trong kinh doanh ăn uống tại Nhà hàng B...
Đề tài: Thực trạng chất lượng dịch vụ trong kinh doanh ăn uống tại Nhà hàng B...Đề tài: Thực trạng chất lượng dịch vụ trong kinh doanh ăn uống tại Nhà hàng B...
Đề tài: Thực trạng chất lượng dịch vụ trong kinh doanh ăn uống tại Nhà hàng B...Viết thuê trọn gói ZALO 0934573149
 
Đề tài Thực trạng kinh doanh du lịch của hệ thống khách, sạn nhà nghỉ ở Cát B...
Đề tài Thực trạng kinh doanh du lịch của hệ thống khách, sạn nhà nghỉ ở Cát B...Đề tài Thực trạng kinh doanh du lịch của hệ thống khách, sạn nhà nghỉ ở Cát B...
Đề tài Thực trạng kinh doanh du lịch của hệ thống khách, sạn nhà nghỉ ở Cát B...Thư viện Tài liệu mẫu
 
Hoàn thiện chính sách sản phẩm của khách sạn century 492686
Hoàn thiện chính sách sản phẩm của khách sạn century 492686Hoàn thiện chính sách sản phẩm của khách sạn century 492686
Hoàn thiện chính sách sản phẩm của khách sạn century 492686jackjohn45
 
Luận văn: Phát triển hoạt động kinh doanh lữ hành nội địa, 9 ĐIỂM!
Luận văn: Phát triển hoạt động kinh doanh lữ hành nội địa, 9 ĐIỂM!Luận văn: Phát triển hoạt động kinh doanh lữ hành nội địa, 9 ĐIỂM!
Luận văn: Phát triển hoạt động kinh doanh lữ hành nội địa, 9 ĐIỂM!Viết thuê trọn gói ZALO 0934573149
 
Báo cáo thực tập ngành quản trị khách sạn
Báo cáo thực tập ngành quản trị khách sạnBáo cáo thực tập ngành quản trị khách sạn
Báo cáo thực tập ngành quản trị khách sạnLuanvantot.com 0934.573.149
 
Marketing dịch vụ - Xây dựng chiến lược marketing cho công ty du lịch Young T...
Marketing dịch vụ - Xây dựng chiến lược marketing cho công ty du lịch Young T...Marketing dịch vụ - Xây dựng chiến lược marketing cho công ty du lịch Young T...
Marketing dịch vụ - Xây dựng chiến lược marketing cho công ty du lịch Young T...Ngọc Hưng
 
đề Tài nghiên cứu khoa học một số giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn n...
đề Tài nghiên cứu khoa học một số giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn n...đề Tài nghiên cứu khoa học một số giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn n...
đề Tài nghiên cứu khoa học một số giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn n...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Xây dựng chiến lược xúc tiến hỗn hợp cho du lịch việt nam
Xây dựng chiến lược xúc tiến hỗn hợp cho du lịch việt namXây dựng chiến lược xúc tiến hỗn hợp cho du lịch việt nam
Xây dựng chiến lược xúc tiến hỗn hợp cho du lịch việt namhttps://www.facebook.com/garmentspace
 
Danh gia tiem nang va dinh huong phat trien ben vung du lich bien lang co tin...
Danh gia tiem nang va dinh huong phat trien ben vung du lich bien lang co tin...Danh gia tiem nang va dinh huong phat trien ben vung du lich bien lang co tin...
Danh gia tiem nang va dinh huong phat trien ben vung du lich bien lang co tin...Chau Duong
 
Bài 3: Tiếp thị và truyền thông du lịch có trách nhiệm
Bài 3: Tiếp thị và truyền thông du lịch có trách nhiệmBài 3: Tiếp thị và truyền thông du lịch có trách nhiệm
Bài 3: Tiếp thị và truyền thông du lịch có trách nhiệmduanesrt
 
Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ ăn uống tại nhà hàng – khách sạn Sheraton
Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ ăn uống tại nhà hàng – khách sạn SheratonGiải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ ăn uống tại nhà hàng – khách sạn Sheraton
Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ ăn uống tại nhà hàng – khách sạn SheratonDịch vụ viết thuê Khóa Luận - ZALO 0932091562
 
Giải pháp marketing thu hút khách du lịch đến khu du lịch sinh thái măng đen ...
Giải pháp marketing thu hút khách du lịch đến khu du lịch sinh thái măng đen ...Giải pháp marketing thu hút khách du lịch đến khu du lịch sinh thái măng đen ...
Giải pháp marketing thu hút khách du lịch đến khu du lịch sinh thái măng đen ...Thư viện Tài liệu mẫu
 
Tiểu luận Luận Giải Hoạt Động Giao Tiếp Lễ Tân Trong Khách Sạn Và Những Kỹ Nă...
Tiểu luận Luận Giải Hoạt Động Giao Tiếp Lễ Tân Trong Khách Sạn Và Những Kỹ Nă...Tiểu luận Luận Giải Hoạt Động Giao Tiếp Lễ Tân Trong Khách Sạn Và Những Kỹ Nă...
Tiểu luận Luận Giải Hoạt Động Giao Tiếp Lễ Tân Trong Khách Sạn Và Những Kỹ Nă...Dịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
Bài 8: Kiểm soát tác động du lịch có trách nhiệm vì tính bền vững
Bài 8: Kiểm soát tác động du lịch có trách nhiệm vì tính bền vữngBài 8: Kiểm soát tác động du lịch có trách nhiệm vì tính bền vững
Bài 8: Kiểm soát tác động du lịch có trách nhiệm vì tính bền vữngduanesrt
 

What's hot (20)

Đề tài: Tìm hiểu loại hình du lịch phượt trong giới trẻ hiện nay, HOT
Đề tài: Tìm hiểu loại hình du lịch phượt trong giới trẻ hiện nay, HOTĐề tài: Tìm hiểu loại hình du lịch phượt trong giới trẻ hiện nay, HOT
Đề tài: Tìm hiểu loại hình du lịch phượt trong giới trẻ hiện nay, HOT
 
ĐỀ TÀI Phát triển sản phẩm của điểm đến du lịch Quảng Ninh - Việt Nam_1021371...
ĐỀ TÀI Phát triển sản phẩm của điểm đến du lịch Quảng Ninh - Việt Nam_1021371...ĐỀ TÀI Phát triển sản phẩm của điểm đến du lịch Quảng Ninh - Việt Nam_1021371...
ĐỀ TÀI Phát triển sản phẩm của điểm đến du lịch Quảng Ninh - Việt Nam_1021371...
 
Đề tài: Thực trạng chất lượng dịch vụ trong kinh doanh ăn uống tại Nhà hàng B...
Đề tài: Thực trạng chất lượng dịch vụ trong kinh doanh ăn uống tại Nhà hàng B...Đề tài: Thực trạng chất lượng dịch vụ trong kinh doanh ăn uống tại Nhà hàng B...
Đề tài: Thực trạng chất lượng dịch vụ trong kinh doanh ăn uống tại Nhà hàng B...
 
BÀI MẪU Khóa luận tốt nghiệp ngành du lịch, HAY, 9 ĐIỂM
BÀI MẪU Khóa luận tốt nghiệp ngành du lịch, HAY, 9 ĐIỂMBÀI MẪU Khóa luận tốt nghiệp ngành du lịch, HAY, 9 ĐIỂM
BÀI MẪU Khóa luận tốt nghiệp ngành du lịch, HAY, 9 ĐIỂM
 
Đề tài Thực trạng kinh doanh du lịch của hệ thống khách, sạn nhà nghỉ ở Cát B...
Đề tài Thực trạng kinh doanh du lịch của hệ thống khách, sạn nhà nghỉ ở Cát B...Đề tài Thực trạng kinh doanh du lịch của hệ thống khách, sạn nhà nghỉ ở Cát B...
Đề tài Thực trạng kinh doanh du lịch của hệ thống khách, sạn nhà nghỉ ở Cát B...
 
Hoàn thiện chính sách sản phẩm của khách sạn century 492686
Hoàn thiện chính sách sản phẩm của khách sạn century 492686Hoàn thiện chính sách sản phẩm của khách sạn century 492686
Hoàn thiện chính sách sản phẩm của khách sạn century 492686
 
Luận văn: Phát triển hoạt động kinh doanh lữ hành nội địa, 9 ĐIỂM!
Luận văn: Phát triển hoạt động kinh doanh lữ hành nội địa, 9 ĐIỂM!Luận văn: Phát triển hoạt động kinh doanh lữ hành nội địa, 9 ĐIỂM!
Luận văn: Phát triển hoạt động kinh doanh lữ hành nội địa, 9 ĐIỂM!
 
Báo cáo thực tập ngành quản trị khách sạn
Báo cáo thực tập ngành quản trị khách sạnBáo cáo thực tập ngành quản trị khách sạn
Báo cáo thực tập ngành quản trị khách sạn
 
Marketing dịch vụ - Xây dựng chiến lược marketing cho công ty du lịch Young T...
Marketing dịch vụ - Xây dựng chiến lược marketing cho công ty du lịch Young T...Marketing dịch vụ - Xây dựng chiến lược marketing cho công ty du lịch Young T...
Marketing dịch vụ - Xây dựng chiến lược marketing cho công ty du lịch Young T...
 
đề Tài nghiên cứu khoa học một số giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn n...
đề Tài nghiên cứu khoa học một số giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn n...đề Tài nghiên cứu khoa học một số giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn n...
đề Tài nghiên cứu khoa học một số giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn n...
 
Báo cáo thực tập Tour Du lịch thực tế tại Tây Nguyên
Báo cáo thực tập Tour Du lịch thực tế tại Tây NguyênBáo cáo thực tập Tour Du lịch thực tế tại Tây Nguyên
Báo cáo thực tập Tour Du lịch thực tế tại Tây Nguyên
 
Bài mẫu tiểu luận về du lịch Việt Nam, HAY
Bài mẫu tiểu luận về du lịch Việt Nam, HAYBài mẫu tiểu luận về du lịch Việt Nam, HAY
Bài mẫu tiểu luận về du lịch Việt Nam, HAY
 
Xây dựng chiến lược xúc tiến hỗn hợp cho du lịch việt nam
Xây dựng chiến lược xúc tiến hỗn hợp cho du lịch việt namXây dựng chiến lược xúc tiến hỗn hợp cho du lịch việt nam
Xây dựng chiến lược xúc tiến hỗn hợp cho du lịch việt nam
 
Danh gia tiem nang va dinh huong phat trien ben vung du lich bien lang co tin...
Danh gia tiem nang va dinh huong phat trien ben vung du lich bien lang co tin...Danh gia tiem nang va dinh huong phat trien ben vung du lich bien lang co tin...
Danh gia tiem nang va dinh huong phat trien ben vung du lich bien lang co tin...
 
Bài 3: Tiếp thị và truyền thông du lịch có trách nhiệm
Bài 3: Tiếp thị và truyền thông du lịch có trách nhiệmBài 3: Tiếp thị và truyền thông du lịch có trách nhiệm
Bài 3: Tiếp thị và truyền thông du lịch có trách nhiệm
 
Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ ăn uống tại nhà hàng – khách sạn Sheraton
Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ ăn uống tại nhà hàng – khách sạn SheratonGiải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ ăn uống tại nhà hàng – khách sạn Sheraton
Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ ăn uống tại nhà hàng – khách sạn Sheraton
 
Giải pháp marketing thu hút khách du lịch đến khu du lịch sinh thái măng đen ...
Giải pháp marketing thu hút khách du lịch đến khu du lịch sinh thái măng đen ...Giải pháp marketing thu hút khách du lịch đến khu du lịch sinh thái măng đen ...
Giải pháp marketing thu hút khách du lịch đến khu du lịch sinh thái măng đen ...
 
Tiểu luận Luận Giải Hoạt Động Giao Tiếp Lễ Tân Trong Khách Sạn Và Những Kỹ Nă...
Tiểu luận Luận Giải Hoạt Động Giao Tiếp Lễ Tân Trong Khách Sạn Và Những Kỹ Nă...Tiểu luận Luận Giải Hoạt Động Giao Tiếp Lễ Tân Trong Khách Sạn Và Những Kỹ Nă...
Tiểu luận Luận Giải Hoạt Động Giao Tiếp Lễ Tân Trong Khách Sạn Và Những Kỹ Nă...
 
Nâng cao chất lượng dịch vụ bộ phận lễ tân khách sạn 8,5 ĐIỂM, HAY!
Nâng cao chất lượng dịch vụ bộ phận lễ tân khách sạn 8,5 ĐIỂM, HAY!Nâng cao chất lượng dịch vụ bộ phận lễ tân khách sạn 8,5 ĐIỂM, HAY!
Nâng cao chất lượng dịch vụ bộ phận lễ tân khách sạn 8,5 ĐIỂM, HAY!
 
Bài 8: Kiểm soát tác động du lịch có trách nhiệm vì tính bền vững
Bài 8: Kiểm soát tác động du lịch có trách nhiệm vì tính bền vữngBài 8: Kiểm soát tác động du lịch có trách nhiệm vì tính bền vững
Bài 8: Kiểm soát tác động du lịch có trách nhiệm vì tính bền vững
 

Similar to Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An

Khóa luận Du lịch Quảng Ngãi
Khóa luận Du lịch Quảng NgãiKhóa luận Du lịch Quảng Ngãi
Khóa luận Du lịch Quảng Ngãiti2li119
 
Luận Văn Phát triển du lịch thành phố Hội An đến năm 2020.doc
Luận Văn Phát triển du lịch thành phố Hội An đến năm 2020.docLuận Văn Phát triển du lịch thành phố Hội An đến năm 2020.doc
Luận Văn Phát triển du lịch thành phố Hội An đến năm 2020.docsividocz
 
Luận Văn Thạc Sĩ Phát triển du lịch tại Quận Thanh Khê, Thành phố Đà Nẵng.doc
Luận Văn Thạc Sĩ  Phát triển du lịch tại Quận Thanh Khê, Thành phố Đà Nẵng.docLuận Văn Thạc Sĩ  Phát triển du lịch tại Quận Thanh Khê, Thành phố Đà Nẵng.doc
Luận Văn Thạc Sĩ Phát triển du lịch tại Quận Thanh Khê, Thành phố Đà Nẵng.docdịch vụ viết đề tài trọn gói 0973287149
 
Chiến lược phát triển du lịch và nhu cầu hỗ trợ quốc tế đối với ngành du lịch...
Chiến lược phát triển du lịch và nhu cầu hỗ trợ quốc tế đối với ngành du lịch...Chiến lược phát triển du lịch và nhu cầu hỗ trợ quốc tế đối với ngành du lịch...
Chiến lược phát triển du lịch và nhu cầu hỗ trợ quốc tế đối với ngành du lịch...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Chiến lược phát triển du lịch và nhu cầu hỗ trợ quốc tế đối với ngành Du lịch...
Chiến lược phát triển du lịch và nhu cầu hỗ trợ quốc tế đối với ngành Du lịch...Chiến lược phát triển du lịch và nhu cầu hỗ trợ quốc tế đối với ngành Du lịch...
Chiến lược phát triển du lịch và nhu cầu hỗ trợ quốc tế đối với ngành Du lịch...duanesrt
 
Đẩy Mạnh Hoạt Động Khai Thác Thị Trường Khách Du Lịch Mỹ Tại Công Ty Lữ Hành ...
Đẩy Mạnh Hoạt Động Khai Thác Thị Trường Khách Du Lịch Mỹ Tại Công Ty Lữ Hành ...Đẩy Mạnh Hoạt Động Khai Thác Thị Trường Khách Du Lịch Mỹ Tại Công Ty Lữ Hành ...
Đẩy Mạnh Hoạt Động Khai Thác Thị Trường Khách Du Lịch Mỹ Tại Công Ty Lữ Hành ...Chau Duong
 
Luận Văn Phát triển du lịch trên địa bàn quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.doc
Luận Văn Phát triển du lịch trên địa bàn quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.docLuận Văn Phát triển du lịch trên địa bàn quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.doc
Luận Văn Phát triển du lịch trên địa bàn quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.docsividocz
 
Khóa Luận Về Một Số Giải Pháp Nhằm Khai Thác Khách Du Lịch Nội Địa Tại Trung ...
Khóa Luận Về Một Số Giải Pháp Nhằm Khai Thác Khách Du Lịch Nội Địa Tại Trung ...Khóa Luận Về Một Số Giải Pháp Nhằm Khai Thác Khách Du Lịch Nội Địa Tại Trung ...
Khóa Luận Về Một Số Giải Pháp Nhằm Khai Thác Khách Du Lịch Nội Địa Tại Trung ...mokoboo56
 
Bai Thu Hoach Thuc Te Nha Trang 5628
Bai Thu Hoach Thuc Te Nha Trang 5628Bai Thu Hoach Thuc Te Nha Trang 5628
Bai Thu Hoach Thuc Te Nha Trang 5628Man_Ebook
 
Tieuluan_ QTCL
Tieuluan_ QTCLTieuluan_ QTCL
Tieuluan_ QTCLnbthoai
 
Tìm Hiểu Các Di Tích Lịch Sử Văn Hoá Ở Huyện Đông Triều – Quảng Ninh Phục Vụ ...
Tìm Hiểu Các Di Tích Lịch Sử Văn Hoá Ở Huyện Đông Triều – Quảng Ninh Phục Vụ ...Tìm Hiểu Các Di Tích Lịch Sử Văn Hoá Ở Huyện Đông Triều – Quảng Ninh Phục Vụ ...
Tìm Hiểu Các Di Tích Lịch Sử Văn Hoá Ở Huyện Đông Triều – Quảng Ninh Phục Vụ ...Dịch vụ viết đề tài trọn gói 0934.573.149
 
Thực Trạng Thuận Lợi, Khó Khăn Và Giải Pháp Phát Triển Du Lịch Ở Việt Nam
Thực Trạng Thuận Lợi, Khó Khăn Và Giải Pháp Phát Triển Du Lịch Ở Việt NamThực Trạng Thuận Lợi, Khó Khăn Và Giải Pháp Phát Triển Du Lịch Ở Việt Nam
Thực Trạng Thuận Lợi, Khó Khăn Và Giải Pháp Phát Triển Du Lịch Ở Việt NamChau Duong
 
Luan van tot nghiep quan tri kinh doanh quoc te (23).doc
Luan van tot nghiep quan tri kinh doanh quoc te (23).docLuan van tot nghiep quan tri kinh doanh quoc te (23).doc
Luan van tot nghiep quan tri kinh doanh quoc te (23).docNguyễn Công Huy
 

Similar to Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An (20)

Khóa luận Du lịch Quảng Ngãi
Khóa luận Du lịch Quảng NgãiKhóa luận Du lịch Quảng Ngãi
Khóa luận Du lịch Quảng Ngãi
 
Luận Văn Phát triển du lịch thành phố Hội An đến năm 2020.doc
Luận Văn Phát triển du lịch thành phố Hội An đến năm 2020.docLuận Văn Phát triển du lịch thành phố Hội An đến năm 2020.doc
Luận Văn Phát triển du lịch thành phố Hội An đến năm 2020.doc
 
Luận văn: Phát triển du lịch sinh thái bền vững cho tỉnh Bình Thuận
Luận văn: Phát triển du lịch sinh thái bền vững cho tỉnh Bình ThuậnLuận văn: Phát triển du lịch sinh thái bền vững cho tỉnh Bình Thuận
Luận văn: Phát triển du lịch sinh thái bền vững cho tỉnh Bình Thuận
 
Định hướng phát triển marketing của công ty du lịch
Định hướng phát triển marketing của công ty du lịchĐịnh hướng phát triển marketing của công ty du lịch
Định hướng phát triển marketing của công ty du lịch
 
Luận Văn Tiềm Năng Phát Triển Du Lịch Huyện Bình Giang Tỉnh Hải Dương.doc
Luận Văn Tiềm Năng Phát Triển Du Lịch Huyện Bình Giang Tỉnh Hải Dương.docLuận Văn Tiềm Năng Phát Triển Du Lịch Huyện Bình Giang Tỉnh Hải Dương.doc
Luận Văn Tiềm Năng Phát Triển Du Lịch Huyện Bình Giang Tỉnh Hải Dương.doc
 
Luận Văn Thạc Sĩ Phát triển du lịch tại Quận Thanh Khê, Thành phố Đà Nẵng.doc
Luận Văn Thạc Sĩ  Phát triển du lịch tại Quận Thanh Khê, Thành phố Đà Nẵng.docLuận Văn Thạc Sĩ  Phát triển du lịch tại Quận Thanh Khê, Thành phố Đà Nẵng.doc
Luận Văn Thạc Sĩ Phát triển du lịch tại Quận Thanh Khê, Thành phố Đà Nẵng.doc
 
Chiến lược phát triển du lịch và nhu cầu hỗ trợ quốc tế đối với ngành du lịch...
Chiến lược phát triển du lịch và nhu cầu hỗ trợ quốc tế đối với ngành du lịch...Chiến lược phát triển du lịch và nhu cầu hỗ trợ quốc tế đối với ngành du lịch...
Chiến lược phát triển du lịch và nhu cầu hỗ trợ quốc tế đối với ngành du lịch...
 
Chiến lược phát triển du lịch và nhu cầu hỗ trợ quốc tế đối với ngành Du lịch...
Chiến lược phát triển du lịch và nhu cầu hỗ trợ quốc tế đối với ngành Du lịch...Chiến lược phát triển du lịch và nhu cầu hỗ trợ quốc tế đối với ngành Du lịch...
Chiến lược phát triển du lịch và nhu cầu hỗ trợ quốc tế đối với ngành Du lịch...
 
Đẩy Mạnh Hoạt Động Khai Thác Thị Trường Khách Du Lịch Mỹ Tại Công Ty Lữ Hành ...
Đẩy Mạnh Hoạt Động Khai Thác Thị Trường Khách Du Lịch Mỹ Tại Công Ty Lữ Hành ...Đẩy Mạnh Hoạt Động Khai Thác Thị Trường Khách Du Lịch Mỹ Tại Công Ty Lữ Hành ...
Đẩy Mạnh Hoạt Động Khai Thác Thị Trường Khách Du Lịch Mỹ Tại Công Ty Lữ Hành ...
 
Luận án: Phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Phú Thọ, HAY
Luận án: Phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Phú Thọ, HAYLuận án: Phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Phú Thọ, HAY
Luận án: Phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Phú Thọ, HAY
 
Luận Văn Phát triển du lịch trên địa bàn quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.doc
Luận Văn Phát triển du lịch trên địa bàn quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.docLuận Văn Phát triển du lịch trên địa bàn quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.doc
Luận Văn Phát triển du lịch trên địa bàn quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.doc
 
Khóa Luận Về Một Số Giải Pháp Nhằm Khai Thác Khách Du Lịch Nội Địa Tại Trung ...
Khóa Luận Về Một Số Giải Pháp Nhằm Khai Thác Khách Du Lịch Nội Địa Tại Trung ...Khóa Luận Về Một Số Giải Pháp Nhằm Khai Thác Khách Du Lịch Nội Địa Tại Trung ...
Khóa Luận Về Một Số Giải Pháp Nhằm Khai Thác Khách Du Lịch Nội Địa Tại Trung ...
 
Luân Văn Tóm Tắt Luận Văn Thạc Sĩ Kinh Tế Phát triển du lịch tại Mỹ Sơn..doc
Luân Văn Tóm Tắt Luận Văn Thạc Sĩ Kinh Tế Phát triển du lịch tại Mỹ Sơn..docLuân Văn Tóm Tắt Luận Văn Thạc Sĩ Kinh Tế Phát triển du lịch tại Mỹ Sơn..doc
Luân Văn Tóm Tắt Luận Văn Thạc Sĩ Kinh Tế Phát triển du lịch tại Mỹ Sơn..doc
 
Luận văn: Phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi, HAY, 9đ
Luận văn: Phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi, HAY, 9đLuận văn: Phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi, HAY, 9đ
Luận văn: Phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi, HAY, 9đ
 
Tiềm Năng, Thực Trạng Và Giải Pháp Chủ Yếu Khai Thác Tài Nguyên Du Lịch Nhân ...
Tiềm Năng, Thực Trạng Và Giải Pháp Chủ Yếu Khai Thác Tài Nguyên Du Lịch Nhân ...Tiềm Năng, Thực Trạng Và Giải Pháp Chủ Yếu Khai Thác Tài Nguyên Du Lịch Nhân ...
Tiềm Năng, Thực Trạng Và Giải Pháp Chủ Yếu Khai Thác Tài Nguyên Du Lịch Nhân ...
 
Bai Thu Hoach Thuc Te Nha Trang 5628
Bai Thu Hoach Thuc Te Nha Trang 5628Bai Thu Hoach Thuc Te Nha Trang 5628
Bai Thu Hoach Thuc Te Nha Trang 5628
 
Tieuluan_ QTCL
Tieuluan_ QTCLTieuluan_ QTCL
Tieuluan_ QTCL
 
Tìm Hiểu Các Di Tích Lịch Sử Văn Hoá Ở Huyện Đông Triều – Quảng Ninh Phục Vụ ...
Tìm Hiểu Các Di Tích Lịch Sử Văn Hoá Ở Huyện Đông Triều – Quảng Ninh Phục Vụ ...Tìm Hiểu Các Di Tích Lịch Sử Văn Hoá Ở Huyện Đông Triều – Quảng Ninh Phục Vụ ...
Tìm Hiểu Các Di Tích Lịch Sử Văn Hoá Ở Huyện Đông Triều – Quảng Ninh Phục Vụ ...
 
Thực Trạng Thuận Lợi, Khó Khăn Và Giải Pháp Phát Triển Du Lịch Ở Việt Nam
Thực Trạng Thuận Lợi, Khó Khăn Và Giải Pháp Phát Triển Du Lịch Ở Việt NamThực Trạng Thuận Lợi, Khó Khăn Và Giải Pháp Phát Triển Du Lịch Ở Việt Nam
Thực Trạng Thuận Lợi, Khó Khăn Và Giải Pháp Phát Triển Du Lịch Ở Việt Nam
 
Luan van tot nghiep quan tri kinh doanh quoc te (23).doc
Luan van tot nghiep quan tri kinh doanh quoc te (23).docLuan van tot nghiep quan tri kinh doanh quoc te (23).doc
Luan van tot nghiep quan tri kinh doanh quoc te (23).doc
 

More from Chau Duong

Giao Tiep Phi Ngon Ngu
Giao Tiep Phi Ngon NguGiao Tiep Phi Ngon Ngu
Giao Tiep Phi Ngon NguChau Duong
 
HO BIEU CHANH - BO CHONG
HO BIEU CHANH - BO CHONGHO BIEU CHANH - BO CHONG
HO BIEU CHANH - BO CHONGChau Duong
 
HO BIEU CHANH - AI TINH MIEU
HO BIEU CHANH - AI TINH MIEUHO BIEU CHANH - AI TINH MIEU
HO BIEU CHANH - AI TINH MIEUChau Duong
 
HO BIEU CHANH - AI LAM DUOC
HO BIEU CHANH - AI LAM DUOCHO BIEU CHANH - AI LAM DUOC
HO BIEU CHANH - AI LAM DUOCChau Duong
 
DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA TỈNH BẮC KẠN
DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA TỈNH BẮC KẠNDI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA TỈNH BẮC KẠN
DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA TỈNH BẮC KẠNChau Duong
 
CẦU CỔ, CHỢ XƯA, LÀNG CỔ
CẦU CỔ, CHỢ XƯA, LÀNG CỔ CẦU CỔ, CHỢ XƯA, LÀNG CỔ
CẦU CỔ, CHỢ XƯA, LÀNG CỔ Chau Duong
 
NAM KỲ - CÁI NÔI CỦA ĐẠO CAO ĐÀI
NAM KỲ - CÁI NÔI CỦA ĐẠO CAO ĐÀINAM KỲ - CÁI NÔI CỦA ĐẠO CAO ĐÀI
NAM KỲ - CÁI NÔI CỦA ĐẠO CAO ĐÀIChau Duong
 
SỰ TÍCH CỬU VỊ TIÊN NƯƠNG
SỰ TÍCH CỬU VỊ TIÊN NƯƠNGSỰ TÍCH CỬU VỊ TIÊN NƯƠNG
SỰ TÍCH CỬU VỊ TIÊN NƯƠNGChau Duong
 
ĐẤT NAM KỲ TIỀN ĐỀ VĂN HÓA MỞ ĐẠO CAO ĐÀI
ĐẤT NAM KỲ TIỀN ĐỀ VĂN HÓA MỞ ĐẠO CAO ĐÀI ĐẤT NAM KỲ TIỀN ĐỀ VĂN HÓA MỞ ĐẠO CAO ĐÀI
ĐẤT NAM KỲ TIỀN ĐỀ VĂN HÓA MỞ ĐẠO CAO ĐÀI Chau Duong
 
NHÀ Ở TIÊU BIỂU CỦA MỘT SỐ DÂN TỘC NHÀ DÀI, NHÀ RÔNG, NHÀ SÀN (THÁI, MƯỜNG),...
NHÀ Ở TIÊU BIỂU CỦA MỘT SỐ DÂN TỘC  NHÀ DÀI, NHÀ RÔNG, NHÀ SÀN (THÁI, MƯỜNG),...NHÀ Ở TIÊU BIỂU CỦA MỘT SỐ DÂN TỘC  NHÀ DÀI, NHÀ RÔNG, NHÀ SÀN (THÁI, MƯỜNG),...
NHÀ Ở TIÊU BIỂU CỦA MỘT SỐ DÂN TỘC NHÀ DÀI, NHÀ RÔNG, NHÀ SÀN (THÁI, MƯỜNG),...Chau Duong
 
Du lich mice thanh pho da nang tiem nang va trien vong
Du lich mice thanh pho da nang tiem nang va trien vongDu lich mice thanh pho da nang tiem nang va trien vong
Du lich mice thanh pho da nang tiem nang va trien vongChau Duong
 
Net dac sac cua nhung ngoi chu co doi voi hoat dong du lich hanh huong tai ti...
Net dac sac cua nhung ngoi chu co doi voi hoat dong du lich hanh huong tai ti...Net dac sac cua nhung ngoi chu co doi voi hoat dong du lich hanh huong tai ti...
Net dac sac cua nhung ngoi chu co doi voi hoat dong du lich hanh huong tai ti...Chau Duong
 
Du lich dao ly son quang ngai tiem nang va phat trien
Du lich dao ly son quang ngai tiem nang va phat trienDu lich dao ly son quang ngai tiem nang va phat trien
Du lich dao ly son quang ngai tiem nang va phat trienChau Duong
 
Ca tru xua va nay tai sai gon trien vong nganh du lich tphcm
Ca tru xua va nay tai sai gon trien vong nganh du lich tphcmCa tru xua va nay tai sai gon trien vong nganh du lich tphcm
Ca tru xua va nay tai sai gon trien vong nganh du lich tphcmChau Duong
 
Don ca tai tu san pham du lich hap dan o nam bo
Don ca tai tu san pham du lich hap dan o nam boDon ca tai tu san pham du lich hap dan o nam bo
Don ca tai tu san pham du lich hap dan o nam boChau Duong
 
Du lich cho noi vung dong bang song cuu long
Du lich cho noi vung dong bang song cuu longDu lich cho noi vung dong bang song cuu long
Du lich cho noi vung dong bang song cuu longChau Duong
 
Danh gia hien trang va dinh huong phat trien hoat dong du lich cho nguoi khuy...
Danh gia hien trang va dinh huong phat trien hoat dong du lich cho nguoi khuy...Danh gia hien trang va dinh huong phat trien hoat dong du lich cho nguoi khuy...
Danh gia hien trang va dinh huong phat trien hoat dong du lich cho nguoi khuy...Chau Duong
 
Dem hoang cung
Dem hoang cungDem hoang cung
Dem hoang cungChau Duong
 
Nghe det thu cong truyen thong cua dan toc gie trieng va cac giai phap bao t...
Nghe det thu cong truyen thong cua dan toc gie  trieng va cac giai phap bao t...Nghe det thu cong truyen thong cua dan toc gie  trieng va cac giai phap bao t...
Nghe det thu cong truyen thong cua dan toc gie trieng va cac giai phap bao t...Chau Duong
 
Di tich nha tho han mac tu diem du lich noi tieng cua binh dinh
Di tich nha tho han mac tu diem du lich noi tieng cua binh dinhDi tich nha tho han mac tu diem du lich noi tieng cua binh dinh
Di tich nha tho han mac tu diem du lich noi tieng cua binh dinhChau Duong
 

More from Chau Duong (20)

Giao Tiep Phi Ngon Ngu
Giao Tiep Phi Ngon NguGiao Tiep Phi Ngon Ngu
Giao Tiep Phi Ngon Ngu
 
HO BIEU CHANH - BO CHONG
HO BIEU CHANH - BO CHONGHO BIEU CHANH - BO CHONG
HO BIEU CHANH - BO CHONG
 
HO BIEU CHANH - AI TINH MIEU
HO BIEU CHANH - AI TINH MIEUHO BIEU CHANH - AI TINH MIEU
HO BIEU CHANH - AI TINH MIEU
 
HO BIEU CHANH - AI LAM DUOC
HO BIEU CHANH - AI LAM DUOCHO BIEU CHANH - AI LAM DUOC
HO BIEU CHANH - AI LAM DUOC
 
DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA TỈNH BẮC KẠN
DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA TỈNH BẮC KẠNDI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA TỈNH BẮC KẠN
DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA TỈNH BẮC KẠN
 
CẦU CỔ, CHỢ XƯA, LÀNG CỔ
CẦU CỔ, CHỢ XƯA, LÀNG CỔ CẦU CỔ, CHỢ XƯA, LÀNG CỔ
CẦU CỔ, CHỢ XƯA, LÀNG CỔ
 
NAM KỲ - CÁI NÔI CỦA ĐẠO CAO ĐÀI
NAM KỲ - CÁI NÔI CỦA ĐẠO CAO ĐÀINAM KỲ - CÁI NÔI CỦA ĐẠO CAO ĐÀI
NAM KỲ - CÁI NÔI CỦA ĐẠO CAO ĐÀI
 
SỰ TÍCH CỬU VỊ TIÊN NƯƠNG
SỰ TÍCH CỬU VỊ TIÊN NƯƠNGSỰ TÍCH CỬU VỊ TIÊN NƯƠNG
SỰ TÍCH CỬU VỊ TIÊN NƯƠNG
 
ĐẤT NAM KỲ TIỀN ĐỀ VĂN HÓA MỞ ĐẠO CAO ĐÀI
ĐẤT NAM KỲ TIỀN ĐỀ VĂN HÓA MỞ ĐẠO CAO ĐÀI ĐẤT NAM KỲ TIỀN ĐỀ VĂN HÓA MỞ ĐẠO CAO ĐÀI
ĐẤT NAM KỲ TIỀN ĐỀ VĂN HÓA MỞ ĐẠO CAO ĐÀI
 
NHÀ Ở TIÊU BIỂU CỦA MỘT SỐ DÂN TỘC NHÀ DÀI, NHÀ RÔNG, NHÀ SÀN (THÁI, MƯỜNG),...
NHÀ Ở TIÊU BIỂU CỦA MỘT SỐ DÂN TỘC  NHÀ DÀI, NHÀ RÔNG, NHÀ SÀN (THÁI, MƯỜNG),...NHÀ Ở TIÊU BIỂU CỦA MỘT SỐ DÂN TỘC  NHÀ DÀI, NHÀ RÔNG, NHÀ SÀN (THÁI, MƯỜNG),...
NHÀ Ở TIÊU BIỂU CỦA MỘT SỐ DÂN TỘC NHÀ DÀI, NHÀ RÔNG, NHÀ SÀN (THÁI, MƯỜNG),...
 
Du lich mice thanh pho da nang tiem nang va trien vong
Du lich mice thanh pho da nang tiem nang va trien vongDu lich mice thanh pho da nang tiem nang va trien vong
Du lich mice thanh pho da nang tiem nang va trien vong
 
Net dac sac cua nhung ngoi chu co doi voi hoat dong du lich hanh huong tai ti...
Net dac sac cua nhung ngoi chu co doi voi hoat dong du lich hanh huong tai ti...Net dac sac cua nhung ngoi chu co doi voi hoat dong du lich hanh huong tai ti...
Net dac sac cua nhung ngoi chu co doi voi hoat dong du lich hanh huong tai ti...
 
Du lich dao ly son quang ngai tiem nang va phat trien
Du lich dao ly son quang ngai tiem nang va phat trienDu lich dao ly son quang ngai tiem nang va phat trien
Du lich dao ly son quang ngai tiem nang va phat trien
 
Ca tru xua va nay tai sai gon trien vong nganh du lich tphcm
Ca tru xua va nay tai sai gon trien vong nganh du lich tphcmCa tru xua va nay tai sai gon trien vong nganh du lich tphcm
Ca tru xua va nay tai sai gon trien vong nganh du lich tphcm
 
Don ca tai tu san pham du lich hap dan o nam bo
Don ca tai tu san pham du lich hap dan o nam boDon ca tai tu san pham du lich hap dan o nam bo
Don ca tai tu san pham du lich hap dan o nam bo
 
Du lich cho noi vung dong bang song cuu long
Du lich cho noi vung dong bang song cuu longDu lich cho noi vung dong bang song cuu long
Du lich cho noi vung dong bang song cuu long
 
Danh gia hien trang va dinh huong phat trien hoat dong du lich cho nguoi khuy...
Danh gia hien trang va dinh huong phat trien hoat dong du lich cho nguoi khuy...Danh gia hien trang va dinh huong phat trien hoat dong du lich cho nguoi khuy...
Danh gia hien trang va dinh huong phat trien hoat dong du lich cho nguoi khuy...
 
Dem hoang cung
Dem hoang cungDem hoang cung
Dem hoang cung
 
Nghe det thu cong truyen thong cua dan toc gie trieng va cac giai phap bao t...
Nghe det thu cong truyen thong cua dan toc gie  trieng va cac giai phap bao t...Nghe det thu cong truyen thong cua dan toc gie  trieng va cac giai phap bao t...
Nghe det thu cong truyen thong cua dan toc gie trieng va cac giai phap bao t...
 
Di tich nha tho han mac tu diem du lich noi tieng cua binh dinh
Di tich nha tho han mac tu diem du lich noi tieng cua binh dinhDi tich nha tho han mac tu diem du lich noi tieng cua binh dinh
Di tich nha tho han mac tu diem du lich noi tieng cua binh dinh
 

Các Giải Pháp Đẩy Mạnh Thu Hút Khách Du Lịch Quốc Tế Đến TP. Hội An

  • 1. LỜI MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Hội nhập và toàn cầu là hai xu thế tất yếu của thời đại ngày nay. Xu thế này buộc tất cả các quốc gia phải mở cửa giao lưu trên hầu hết các lĩnh vực với các quốc gia khác nếu không muốn bị gạt ra bên lề của sự phát triển. Trong đó, ngành du lịch được xem là một trong những ngành thể hiện rõ nét nhất những xu thế trên, cụ thể hơn là loại hình du lịch quốc tế. Thật vậy, du lịch - ngành công nghiệp không khói - được đánh giá là có một vai trò rất quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, không chỉ đối với các quốc gia phát triển mà ngay cả với những quốc gia đang và kém phát triển. Thành công của ngành du lịch ở nhiều quốc gia đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của họ. Trong những năm qua, ngành du lịch Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Việt Nam đã trở thành một điểm đến du lịch an toàn và thân thiện đối với du khách quốc tế. Trong năm 2009, tổng số lượt khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 3,8 triệu lượt, khách du lịch nội địa đạt 25 triệu lượt, tổng doanh thu của toàn ngành trong năm 2009 đạt 68.000 - 70.000 tỷ đồng. Năm 2010 đã chứng kiến nhiều sự thay đổi trong toàn ngành du lịch Việt Nam, điều này được nhận thấy rõ nhất ở số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng kỷ lục và đạt mức xấp xỉ 5 triệu lượt với mức doanh thu khoảng 96.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu so sánh với các quốc gia có ngành du lịch phát triển trong khu vực như Thái Lan, Singapore thì những con số này vẫn còn khá khiêm tốn. Việt Nam vẫn đang tích cực xây dựng và phát triển ngành du lịch, nhằm biến du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, từng bước đưa nước ta trở thành một trung tâm du lịch có tầm cỡ của khu vực, phấn đấu sau năm 2010 du lịch Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có ngành du lịch phát triển trong khu vực (Quyết định số 97/2002/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ, 2002). Việt Nam với bờ biển dài, đẹp và hệ thống núi bao bọc che chắn, khí hậu ôn hòa, nhiều quần đảo và đảo cùng với một hệ sinh thái biển vô cùng phong phú, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, trong đó Hội An được biết đến như một điểm dừng chân mới của khách du lịch. Nắm bắt được xu hướng trên, ngành du lịch Hội 1
  • 2. An đã và đang không ngừng đẩy mạnh chiến lược nhằm thu hút khách du lịch quốc tế. Hai cụm tài nguyên du lịch được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận: Di sản văn hóa thế giới (DSVHTG) Phố Cổ Hội An và Khu dự trữ sinh quyển thế giới (KDTSQTG) Cù Lao Chàm đã tạo nên hình ảnh và sức hút du lịch quốc tế tại Hội An, một vùng đất được cố GS. Trần Quốc Vượng nhận xét: “…là một sự hội nhân, hội thủy, hội tụ văn hóa vô cùng đa dạng”. Do đó, định hướng phát triển du lịch Hội An trong những năm tới là khai thác có hiệu quả các tiềm năng và lợi thế, phát triển một cách toàn diện cả du lịch biển, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái đưa du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của thành phố. Ý thức được tình hình trên, người viết đã mạnh dạn chọn đề tài: “Các giải pháp đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế đến thành phố Hội An giai đoạn 2010 - 2020” cho khóa luận tốt nghiệp của mình. 2. Mục đích nghiên cứu của đề tài Mục đích: Thông qua việc hệ thống hóa các yếu tố ảnh hưởng đến việc thu hút khách du lịch quốc tế đến Hội An và phân tích thực trạng việc thu hút khách du lịch quốc tế đến Hội An, khóa luận hướng đến việc đề xuất một số giải pháp cũng như kiến nghị nhằm đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế đến Hội An. Căn cứ vào mục đích nghiên cứu, khóa luận đề ra 3 mục tiêu sau: - Khái quát hóa lý luận về khách du lịch quốc tế và vấn đề thu hút khách du lịch quốc tế. Ngoài ra còn tìm hiểu kinh nghiệm thu hút khách du lịch quốc tế tại một số quốc gia trên thế giới để rút ra bài học kinh nghiệm cho Hội An. - Phân tích thực trạng thu hút khách du lịch quốc tế của Hội An. Từ đó đánh giá chung về những kết quả đạt được, những mặt hạn chế và nguyên nhân. - Đề xuất những giải pháp và kiến nghị để đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế đến Hội An trong giai đoạn 2010 - 2020. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài - Đối tượng nghiên cứu của đề tài: Việc thu hút khách du lịch quốc tế đến Hội An. - Phạm vi nghiên cứu của đề tài: 2
  • 3. Theo không gian: Xem xét thực trạng thu hút khách du lịch quốc tế trên địa bàn thành phố Hội An. Theo thời gian: + Phân tích và đánh giá thực trạng thu hút khách du lịch quốc tế đến Hội An trong giai đoạn 2000 - 2010. + Từ thực trạng và những dự báo du lịch quốc tế, đề xuất giải pháp và kiến nghị nhằm đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế đến Hội An trong giai đoạn 2010 - 2020. 4. Phương pháp nghiên cứu của đề tài Để thực hiện đề tài, phương pháp nghiên cứu được sử dụng gồm: Phương pháp tổng hợp (Dựa vào các dữ liệu thu thập được, đánh giá của các chuyên gia và định hướng cũng như kinh nghiệm rút ra từ các quốc gia khác để xây dựng bức tranh toàn cảnh của du lịch quốc tế tại thành phố Hội An), phương pháp phân tích (Sử dụng các nguồn tư liệu thu thập được để phân tích thực trạng của việc thu hút khách du lịch quốc tế đến Hội An), vận dụng các phương pháp mô tả, so sánh, thông kê, phân tích với nguồn số liệu được thu thập từ niên giám thống kê, các báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh, các Sở, ban ngành trong tỉnh, thành phố và từ các nguồn khác. 5. Kết cấu nội dung của đề tài Đề tài gồm 3 chương: Chương 1: Khái quát về việc thu hút khách du lịch quốc tế và kinh nghiệm của một số nước. Chương 2: Thực trạng thu hút khách du lịch quốc tế đến Hội An giai đoạn 2000 - 2010. Chương 3: Một số giải pháp đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế đến Hội An giai đoạn 2010 - 2020. Tác giả xin gửi lời cảm ơn đến các thầy cô của trường Đại học Ngoại Thương đã nhiệt tình giảng dạy và cung cấp những kiến thức bổ ích làm nền tảng cho khóa luận. Tác giả cũng xin cảm ơn Tổng Cục Du lịch (TCDL), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam (VH, TT&DL), Phòng Thương mại - Du lịch 3
  • 4. (TM - DL) thành phố Hội An, Phòng Thống kê thành phố Hội An đã giúp đỡ, cung cấp các tài liệu phục vục cho việc nghiên cứu đề tài. Đặc biệt, tác giả muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến giáo viên hướng dẫn TS. Vũ Hoàng Nam đã tận tình hướng dẫn và giúp đỡ tác giả hoàn thành khóa luận. Do sự hạn chế về thời gian cũng như kiến thức, nên dù đã cố gắng hết sức, khóa luận tốt nghiệp cũng không thể tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót. Tác giả rất mong muốn nhận được sự đóng góp ý kiến từ quý thầy cô và người đọc để khóa luận được hoàn thiện hơn. Sinh viên thực hiện Lê Thị Thu Huyền 4
  • 5. CHƯƠNG 1: KHÁI QUÁT VỀ VIỆC THU HÚT KHÁCH DU LỊCH QUỐC TẾ VÀ KINH NGHIỆM CỦA MỘT SỐ NƯỚC I. Khái niệm khách du lịch quốc tế và ý nghĩa của việc thu hút khách du lịch quốc tế 1. Các khái niệm Du lịch hiện nay đã trở thành một hiện tượng kinh tế - xã hội phổ biến. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) thì năm 2000 số lượng khách du lịch toàn cầu là 698 triệu lượt người, thu nhập là 467 tỷ USD, năm 2002 lượng khách là 716,6 triệu lượt, thu nhập là 474 tỷ USD; năm 2010 lượng khách là 935 triệu lượt và thu nhập là 900 tỷ USD, dự tính đến hết năm 2011 lượng khách tăng 4-5% ước đạt khoảng 1.006 triệu lượt và đạt mức doanh thu khoảng gần 100 tỷ USD (Nguyễn Văn Đính và Trần Thị Minh Hòa 2008). ` Khái niệm du lịch Mặc dù hoạt động du lịch có nguồn gốc hình thành từ rất lâu và phát triển với tốc độ rất nhanh như vậy, nhưng cho đến nay khái niệm “du lịch” được hiểu rất khác nhau tại các quốc gia khác nhau và dưới nhiều góc độ khác nhau. Bản thân khái niệm “du lịch” có ý nghĩa đầu tiên là sự khởi hành và lưu trú tạm thời của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của họ. Từ “du lịch” được định nghĩa lần đầu tiên tại Anh như sau: “Du lịch là sự phối hợp nhịp nhàng giữa lý thuyết và thực hành của (các) cuộc hành trình với mục đích giải trí. Ở đây sự giải trí là động cơ chính (Nguyễn Văn Đính và Trần Thị Minh Hòa 2008).” Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) định nghĩa về “du lịch” như sau: “ Du lịch là hành động rời khỏi nơi thường trú để đi đến một nơi khác, một môi trường khác trong một thời gian ngắn nhằm mục đích tìm hiểu, khám phá, vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng. Du lịch bao gồm mọi hoạt động của những người du hành, tạm trú trong mục đích tham quan, khám phá và tìm hiểu, trải nghiệm hoặc trong mục đích nghỉ ngơi, giải trí, thư giãn, cũng như mục đích hành nghề và những mục đích khác nữa, trong thời gian liên tục nhưng không vượt quá một năm, ở bên ngoài môi trường sống định cư, nhưng loại trừ các du hành mà có mục đích là thu lợi nhuận. 5
  • 6. Trong Pháp lệnh Du lịch của Việt Nam, tại Điều 10, thuật ngữ “du lịch” được hiểu như sau: “Du lịch là hoạt động của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm thỏa mãn nhu cầu tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định.” Giáo sư, tiến sỹ Hunziker và giáo sư, tiến sỹ Kraft - hai người được coi là những người đặt nền móng cho lý thuyết về cung du lịch đưa ra các định nghĩa như sau: “Du lịch là tập hợp các mối quan hệ và các hiện tượng phát sinh trong các cuộc hành trình và lưu trú của những người ngoài địa phương, nếu việc lưu trú đó không thành cư trú thường xuyên và không dính dáng đến hoạt động kiếm lời”. Khái niệm du lịch quốc tế Du lịch quốc tế là sự dịch chuyển và lưu trú tạm thời của con người trong thời gian nhàn rỗi ở một quốc gia khác bên ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm mục đích tham quan, giải trí, nghỉ ngơi, chữa bệnh. Qua đó, con người có điều kiện phát triển thể chất và tinh thần, nâng cao nhận thức văn hóa, kèm theo việc tiêu thụ các giá trị tự nhiên, kinh tế và văn hóa qua các sản phẩm du lịch. Du lịch quốc tế mang tất cả các đặc điểm của du lịch nói chung cộng thêm yếu tố quốc tế. Đặc điểm của du lịch nói chung bao gồm (Nguyễn Thị Hồng Lâm 2006): Thứ nhất, du lịch có tính nhạy cảm, gồm nhiều bộ phận tạo thành nên trong quá trình cung cấp dịch vụ đối với du khách, nhà cung ứng cần bố trí chính xác về thời gian, có kế hoạch chu đáo chi tiết về nội dung các hoạt động, cần phải kết hợp một cách hữu cơ, chặt chẽ giữa các khâu. Mặt khác, các yếu tố như thiên nhiên, chính trị, kinh tế và xã hội đều có ảnh hưởng đến du lịch. Thảm họa chiến tranh, động đất, khủng bố, sa sút kinh tế đều gây ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển du lịch. Thứ hai, du lịch mang tính đa ngành cao. Tính đa ngành được thể hiện qua đối tượng khai thác phục vụ cho hoạt động du lịch như sự hấp dẫn về cảnh quan tự nhiên, các giá trị lịch sử, văn hóa, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ kèm theo. Du lịch sẽ không phát triển nếu không có sự trợ giúp của các ngành kinh tế - xã hội khác như bảo hiểm, y tế, giao thông vận tải. Ngược lại, du lịch cũng mang lại nguồn thu cho 6
  • 7. nhiều ngành kinh tế khác nhau thông qua các sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho khách du lịch. Thứ ba, du lịch mang tính đa thành phần. Thành phần tham gia trong hoạt động kinh doanh du lịch gồm: khách du lịch, những người quản lý và phục vụ du lịch, cộng đồng dân cư, các tổ chức xã hội. Do đặc tính đa thành phần trên đây mà có nhiều loại hình du lịch dịch vụ ra đời, đáp ứng nhu cầu phong phú đa dạng của du khách. Thứ tư, do ảnh hưởng của yếu tố địa lý tự nhiên, thời tiết khí hậu nên du lịch hầu hết các nước đều mang tính thời vụ đặc trưng. Tại điểm du lịch, điều kiện khí hậu có ảnh hưởng rất lớn đối với sự hình thành tính thời vụ du lịch. Ngoài ra, tính thời vụ của du lịch có liên quan mật thiết tới việc sắp xếp ngày nghỉ của nhân viên, các kì nghỉ của học sinh, sinh viên, sự bố trí này có ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của du lịch. Thứ năm, du lịch mang tính liên vùng, biểu hiện thông qua các tuyến du lịch với một quần thể các điểm du lịch trong một khu vực, trong một quốc gia hay giữa các quốc gia với nhau. Mỗi một điểm du lịch đều có những điểm hấp dẫn, độc đáo riêng, song nó không thể tách khỏi xu thế thời đại và sự phát triển chung của khu vực và quốc gia. Hoạt động du lịch ở một vùng, một quốc gia khó có thể phát triển nếu không có sự liên kết các tuyến, điểm du lịch trong phạm vi quốc gia và toàn thế giới. Thứ sáu, du lịch còn mang tính chi phí và tính tổng hợp cao. Mục đích của du khách du lịch là hưởng thụ các sản phẩm du lịch, do vậy họ sẵn sàng trả những khoản chi phí trong chuyến đi của mình về các khoản dịch vụ như: ăn uống, ngủ nghỉ, đi lại và nhiều chi phí khác nhằm thực hiện mục đích vui chơi, giải trí, tham quan. Về tính tổng hợp, sản phẩm du lịch là sản phẩm tổng hợp được biểu hiện bằng nhiều loại hình dịch vụ. Phạm vi hoạt động của ngành kinh tế du lịch bao gồm các khách sạn, giao thông, nhà hàng, dịch vụ bán đồ lưu niệm. Ngoài ra còn có bộ phận sản xuất tư liệu phi vật chất như văn hóa, giáo dục, tôn giáo, hải quan, tài chính, bưu điện. 7
  • 8. Khái niệm khách du lịch quốc tế Khoản 3 (Điều 34, chương 1) của Luật Du lịch Việt Nam 2005 quy định: “Khách du lịch quốc tế là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam du lịch; công dân Việt Nam, người nước ngoài thường trú tại Việt Nam ra nước ngoài du lịch”. Theo định nghĩa UNWTO đưa ra thì: Khách du lịch quốc tế là bất kỳ một người nào đó đi ra khỏi nước người đó cư trú thường xuyên và ngoài môi trường sống thường xuyên của họ với thời gian liên tục ít hơn 12 tháng với mục đích của chuyến đi là không phải đến đó để nhận thù lao (hay nói cách khác là không phải để kiếm sống), không bao gồm các trường hợp sau (Tổng Cục Thống kê, 2001): - Những người đến và sống ở nước ngoài này như một người cư trú thường xuyên ở nước đó kể cả những người đi theo sống dựa vào họ. - Những người công nhân cư trú ở gần biên giới nước này nhưng lại làm việc cho một nước khác ở gần biên giới nước đó. - Những nhà ngoại giao, tư vấn và các thành viên lực lượng vũ trang ở nước khác đến theo sự phân công bao gồm cả những người ở và những người đi theo sống dựa vào họ. - Những người đi theo dạng tị nạn hoặc du mục. - Những người quá cảnh mà không vào nước đó (chỉ chờ chuyển máy bay ở sân bay) thông qua kiểm tra hộ chiếu như những hành khách transit ở lại trong thời gian rất ngắn ở ga sân bay, hoặc là những hành khách trên thuyền đỗ ở cảng mà không được phép lên bờ. 2. Động cơ của khách du lịch quốc tế Chúng ta biết rằng mọi hành động của con người đều do những động cơ bên trong thúc đẩy mà bản thân những động cơ đó lại do những nhu cầu nội lực tiềm tàng của con người sản sinh ra. Trên thế giới có rất nhiều lý thuyết khác nhau nghiên cứu về nhu cầu của con người, mà lý thuyết nổi tiếng nhất, được biết đến nhiều nhất là lý thuyết của Maslow về nhu cầu của con người, mà theo đó con người có 5 nhu cầu cơ bản sau (theo thứ tự từ thấp đến cao): nhu cầu cơ bản, nhu cầu về 8
  • 9. an toàn, nhu cầu về xã hội, nhu cầu được tôn trọng, và cuối cùng là nhu cầu tự hoàn thiện. Tuy nhiên, để hiểu một cách đầy đủ và chính xác về nhu cầu du lịch của con người thì ngoài việc nghiên cứu những nhu cầu nói chung của con người theo thang cấp bậc, ta còn phải nghiên cứu ở một khía cạnh nữa từ việc thống kê, nghiên cứu các mục đích và động cơ chính của con người khi đi du lịch. Căn cứ vào việc thống kê và nghiên cứu những mục đích chính của các chuyến hành trình du lịch, các chuyên gia về du lịch đã phân loại thành các nhóm động cơ đi du lịch gắn với các mục đích cụ thể như sau (Nguyễn Văn Đính và Trần Thị Minh Hòa 2008 ): Bảng 1.1: Nhóm động cơ đi du lịch của con người Nhóm động cơ Mục đích Nhóm 1: Động cơ nghỉ ngơi Giải trí, phục hồi tâm sinh lý, tiếp cận gần gũi với thiên nhiên, thay đổi môi trường sống Thể thao Văn hóa, giáo dục Nhóm 2: Động cơ nghề nghiệp Tìm hiểu cơ hội kinh doanh kết hợp với giải trí Thăm viếng ngoại giao Công tác Nhóm 3: Các động cơ khác Thăm viếng người thân Nghỉ tuần trăng mật Chữa bệnh Bắt chước, coi du lịch là “mốt” “Chơi trội” để tập trung sự chú ý của những người xung quanh Nguồn: Giáo trình kinh tế Du lịch (2008) Tựu trung lại, chúng ta có thể thấy nhu cầu du lịch là một loại nhu cầu đặc biệt, thứ cấp và tổng hợp của con người. Đặc biệt là do nó khác những nhu cầu hàng ngày của con người, khi đi du lịch con người ta thường chi tiêu nhiều hơn, đòi hỏi được phục vụ với chất lượng cao hơn nhiều cho việc thỏa mãn những nhu cầu của mình. Thứ cấp vì con người ta chỉ có thể nghĩ đến du lịch khi đã thỏa mãn những nhu cầu cần thiết, tối cần thiết hàng ngày như cơm ăn, áo mặc. Và tổng hợp là vì trong một chuyến hành trình du lịch thường con người đòi hỏi phải thỏa mãn nhiều nhu cầu khác nhau, mà để thỏa mãn chúng cần có sự kết hợp dịch vụ của nhiều 9
  • 10. ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau trong một khoảng thời gian nhất định. Hơn nữa, do khi đi du lịch tức là con người ta phải rời khỏi nơi cư trú thường xuyên của mình, nên chúng ta có thể thấy nhu cầu du lịch được hình thành và phát triển dựa trên nền tảng của nhu cầu sinh lý (sự đi lại) và các nhu cầu tinh thần (nhu cầu nghỉ ngơi, tự khẳng định, nhận thức, giao tiếp). 3. Ý nghĩa của việc thu hút khách du lịch quốc tế 3.1. Ý nghĩa về mặt kinh tế 3.1.1. Tăng GDP cho đất nước Du lịch quốc tế phát triển sẽ góp phần tăng tỷ trọng GDP của ngành du lịch trong khu vực dịch vụ, theo đó làm tăng GDP của nền kinh tế quốc dân. Ở đâu du lịch phát triển, đặc biệt là du lịch quốc tế thì ở đó diện mạo đô thị, nông thôn được chỉnh trang, sạch đẹp hơn, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, mức sống của nhân dân được nâng cao. Hơn nữa, hoạt động du lịch quốc tế còn tạo ra khả năng tiêu thụ tại chỗ cho hàng hóa và dịch vụ, thúc đẩy các ngành khác phát triển, khôi phục nhiều lễ hội và nghề thủ công truyền thống, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế cả nước và từng địa phương, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu, mở rộng giao lưu giữa các vùng, miền trong nước và với nước ngoài. 3.1.2. Đem lại ngoại tệ cho đất nước Khách du lịch quốc tế mang theo tiền kiếm được từ quốc gia cư trú đến tiêu ở nước đến du lịch, trong chừng mực nào đó được coi là xuất khẩu của nước đến du lịch, do đó giúp cải thiện cán cân thương mại quốc gia. Vì vậy, nếu du lịch quốc tế được duy trì một cách thường xuyên và phù hợp thì nó có thể được coi như một tác nhân giữ ổn định nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu. Các nước đang phát triển như Việt Nam cần du khách quốc tế đến đất nước đông hơn số công dân nước mình đi du lịch ra nước ngoài. Đây là lợi thế nhằm cải thiện cán cân thương mại do công dân trong nước có thu nhập thấp ít có điều kiện đi du lịch ra nước ngoài. 3.1.3. Là một hoạt động xuất khẩu đạt hiệu quả cao Tính hiệu quả cao trong kinh doanh du lịch đặc biệt là kinh doanh du lịch quốc tế thể hiện ở chỗ du lịch quốc tế là một ngành “xuất khẩu tại chỗ” những hàng hóa công nghiệp, hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ, đồ cổ phục chế, nông lâm sản 10
  • 11. theo giá bán lẻ cao hơn giá xuất khẩu (nếu như bán qua xuất khẩu sẽ theo giá bán buôn). Thông thường, khách quốc tế khi đi ra nước ngoài du lịch, họ đều muốn mua những sản phẩm địa phương tại nước sở tại để mang về làm quà cho bạn bè, người thân hoặc để lưu giữ lại kỷ niệm của những vùng đất mà họ đã từng đặt chân đến. Vì thế, các hàng hóa mà được trao đổi thông qua con đường du lịch quốc tế sẽ được xuất khẩu mà không phải chịu hàng rào thuế quan mậu dịch quốc tế. Du lịch quốc tế không chỉ là ngành “xuất khẩu tại chỗ ”, mà còn là ngành “xuất khẩu vô hình” hàng hóa du lịch. Đó là các cảnh quan thiên nhiên khí hậu và ánh nắng mặt trời vùng nhiệt đới, những giá trị của những di tích lịch sử - văn hóa, tính độc đáo trong truyền thống phong tục, tập quán mà không bị mất đi qua mỗi lần “bán” mà thậm chí giá trị và uy tín của nó còn tăng lên qua mỗi lần đưa ra thị trường nếu như chất lượng phục vụ du lịch cao. Sở dĩ có hiện tượng đó là do chúng ta “bán” cho khách không phải là bản thân tài nguyên du lịch mà chỉ là giá trị các khả năng thỏa mãn nhu cầu đặc trưng của khách du lịch được chứa đựng trong tài nguyên du lịch. Khách du lịch quốc tế khi về lại nước mình sẽ quảng bá thêm cho nước mà khách đến du lịch qua con đường truyền miệng nếu chất lượng phục vụ du lịch mang lại sự hài lòng cho du khách. 3.1.4. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài và tăng cường hoạt động ngoại thương Quy luật có tính phổ biến của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên thế giới hiện nay là giá trị ngày càng chiếm tỷ lệ cao hơn trong tổng sản phẩm xã hội và trong số người có việc làm. Do vậy, các nhà kinh doanh đi tìm hiệu quả của đồng vốn thì du lịch là một lĩnh vực kinh doanh hấp dẫn so với nhiều ngành kinh tế khác. Du lịch đem lại tỷ suất lợi nhuận cao vì vốn đầu tư vào du lịch tương đối ít so với ngành công nghiệp nặng, giao thông vận tải mà khả năng thu hồi vốn lại nhanh, kỹ thuật không phức tạp. Hơn nữa, du lịch quốc tế lại là một nguồn thu ngoại tệ đáng kể trong tổng doanh thu mà ngành du lịch mang lại, vậy nên việc thu hút khách du lịch quốc tế sẽ giúp các nhà đầu tư nước ngoài chú trọng và đẩy mạnh đầu tư hơn nữa vào ngành du lịch. Ngoài ra, hoạt động du lịch phát triển sẽ kéo theo sự mở rộng giao lưu kinh tế văn hoá giữa các vùng, miền và với quốc tế. Có thể nói, thông qua hoạt động du lịch quốc tế mà các giao dịch thương mại cũng như việc gặp gỡ, 11
  • 12. trao đổi thông tin, công nghệ giữa các quốc gia được đẩy mạnh. Điều này góp phần xúc tiến hoạt động ngoại thương và đem lại nguồn lợi lớn cho quốc gia. 3.2. Ý nghĩa về mặt xã hội 3.2.1. Tạo ra cơ hội việc làm Thu hút khách du lịch quốc tế giúp giải quyết công ăn việc làm cho người dân, cụ thể là tạo ra công việc trong các lĩnh vực quản lý, tài chính, điều hành, khoa học, thông tin, bán hàng và marketing. Tuy nhiên, phần lớn cơ hội việc làm ở phạm vi điều hành và tác nghiệp. Hiện nay, ngành du lịch thu hút khoảng 220 triệu lao động trực tiếp, chiếm 10,6% lực lượng lao động thế giới - cứ 9 người lao động có 1 người làm nghề du lịch (Trần Thị Thúy Lan 2005). 3.2.2. Tạo thu nhập cho người dân Khi một khu vực thu hút được du khách quốc tế sẽ làm tăng sự quan tâm trong nước đối với các điểm hấp dẫn ở khu vực đó. Khi địa phương phát triển các tiện nghi và cơ sở dịch vụ nhằm thu hút khách quốc tế thì điều này cũng có lợi cho dân chúng địa phương, khuyến khích người dân địa phương sử dụng. Nhờ đó, nhu cầu nội địa gia tăng, thu nhập của người dân địa phương cũng vì thế mà gia tăng. 3.2.3. Giảm quá trình đô thị hóa Thông thường, tài nguyên du lịch thiên nhiên có nhiều ở những vùng núi xa xôi, đồng bằng hẻo lánh, hay các khu vực ven biển. Việc khai thác để đưa những tài nguyên này vào sử dụng đòi hỏi phải có đầu tư mọi mặt như giao thông, bưu điện, kinh tế, văn hóa, xã hội. Do vậy, việc phát triển du lịch quốc tế sẽ làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội ở các vùng đó, và cũng vì vậy mà góp phần làm giảm sự tập trung dân cư căng thẳng ở những vùng trung tâm dân cư. 3.2.4. Tuyên truyền quảng cáo có hiệu quả cho nước làm du lịch Thu hút khách du lịch quốc tế là phương tiện tuyên truyền quảng cáo hữu hiệu cho hàng hóa nội địa ra nước ngoài thông qua du khách. Khách du lịch quốc tế được làm quen tại chỗ với các mặt hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Một số mặt hàng làm cho du khách hài lòng cả về chất lượng, giá cả lẫn mẫu mã. Khi về đến nước, khách du lịch sẽ tuyên truyền, giới thiệu cho bạn bè, người thân và họ sẽ 12
  • 13. bắt đầu tìm kiếm các mặt hàng đó, nhiều khi chính bằng con đường đó sẽ giúp nước làm du lịch có điều kiện xuất khẩu nhiều hơn hàng hóa. 3.3. Ý nghĩa về mặt văn hóa - chính trị 3.3.1. Mở rộng giao lưu văn hóa Hoạt động du lịch nói chung và du lịch quốc tế nói riêng phát triển kéo theo sự mở rộng giao lưu kinh tế văn hoá giữa các vùng, miền và với quốc tế, góp phần giáo dục truyền thống, đào tạo kiến thức và rèn luyện, bồi dưỡng thể chất, tinh thần cho mọi tầng lớp dân cư. Trên phạm vi thế giới, du lịch quốc tế được coi là phương thức hữu hiệu xúc tiến quá trình giao lưu, trao đổi văn hóa giữa các quốc gia và khu vực. Cụ thể, khách du lịch quốc tế đến thăm viếng một đất nước sẽ được tiếp xúc và tìm hiểu phong tục, tập quán, truyền thống, thói quen của đất nước họ đang du lịch qua việc giao tiếp với người dân bản địa cũng như đi tham quan những di tích, điểm tham quan và mua đồ lưu niệm. Đồng thời, khách du lịch quốc tế cũng có cơ hội để giới thiệu về bản sắc văn hóa nước mình khi đi du lịch sang các quốc gia khác. 3.3.2. Nâng cao dân trí, phát triển nhân tố con người Hoạt động du lịch quốc tế góp phần tạo thêm nguồn thu để tôn tạo, trùng tu các di tích, di sản và nâng cao ý thức, trách nhiệm giữ gìn, phát triển di sản văn hoá vật thể và phi vật thể; khôi phục lễ hội, làng nghề truyền thống; truyền tải giá trị văn hoá đến các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế tạo thêm sức hấp dẫn thu hút khách du lịch. Hoạt động du lịch quốc tế là quá trình đẩy mạnh giao lưu văn hóa, giáo dục giữa các quốc gia và khu vực. Qua con đường du lịch quốc tế, các quốc gia khác nhau có thể trao đổi những kinh nghiệm, chính sách trong hệ thống giáo dục cũng như học tập những tinh hoa của dân tộc khác trong việc nâng cao tầm hiểu biết cho người dân, nâng cao trình độ dân trí, từng bước cải thiện nguồn nhân lực quốc gia. 3.3.3. Phát triển các nghề thủ công mỹ nghệ cổ truyền của dân tộc Khách du lịch quốc tế khi đến thăm một đất nước khác rất thích mua quà lưu niệm. Đó là các sản phẩm mang đậm tính văn hóa và đặc trưng của khu vực vùng miền ấy như các sản phẩm của các nghề thủ công mỹ nghệ cổ truyền. Khách du lịch văn hóa ngày một đông, họ thường đi tham quan các danh lam thắng cảnh, di tích 13
  • 14. lịch sử, văn hóa dân tộc. Do vậy, việc tôn tạo và bảo dưỡng các di tích đó ngày càng được quan tâm nhiều hơn, nghề thủ công mỹ nghệ cổ truyền dân tộc phục vụ cho các mục đích có điều kiện phục hồi và phát triển hơn. 3.3.4. Đảm bảo an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội Quá trình phát triển du lịch quốc tế không chỉ hướng tới những mục tiêu kinh tế, xã hội mà còn nhằm đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng an ninh và đối ngoại. Từ các chủ trương đến các công việc điều hành cụ thể hoạt động du lịch quốc tế đều liên quan đến an ninh, quốc phòng và có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền. Phát triển du lịch quốc tế tạo điều kiện thuận lợi cho các quốc gia có cơ hội hiểu nhau, giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau thông qua việc giao lưu, hợp tác kinh tế, văn hóa, góp phần duy trì sự ổn định chính trị và hòa bình trong khu vực và trên thế giới. Một quốc gia nếu muốn thu hút khách du lịch quốc tế thì cần quan tâm đặc biệt đến môi trường du lịch - điều này khẳng định tầm quan trọng của nền chính trị - xã hội ổn định, nhân văn. Chính vì lý do này mà họ sẽ đầu tư hợp lý vào an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội để đảm bảo an toàn cho du khách nước ngoài. Như vậy, hoạt động du lịch nếu được xúc tiến khoa học và có chiến lược thì sẽ giữ được an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Hơn nữa, việc phát triển du lịch ở các vùng biên giới, hải đảo sẽ góp phần rất tích cực khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển và đất liền. II. Các yếu tố tác động tới việc thu hút khách du lịch quốc tế 1. Tài nguyên du lịch Tài nguyên du lịch là tổng thể tự nhiên và văn hóa - lịch sử cùng các thành phần của chúng góp phần khôi phục và phát triển thể lực và trí lực của con người, khả năng lao động và sức khỏe của họ, những tài nguyên này được sử dụng cho nhu cầu trực tiếp và gián tiếp, cho việc sản xuất dịch vụ du lịch (Nguyễn Minh Tuệ 2007). Khoản 4 (Điều 4, chương 1) Luật Du lịch Việt Nam năm 2005 quy định: “Tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, công trình lao động sáng tạo của con người và các giá trị nhân văn khác có thể 14
  • 15. được sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch, là yếu tố cơ bản để hình thành các khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch, đô thị du lịch”. Khoản 1 (Điều 13, chương 2) của Luật Du lịch Việt Nam 2005 quy định: “Tài nguyên du lịch gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn đang được khai thác và chưa được khai thác. Tài nguyên du lịch tự nhiên gồm các yếu tố địa chất, địa hình, địa mạo, khí hậu, thủy văn, hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên có thể được sử dụng phục vụ mục đích du lịch. Tài nguyên du lịch nhân văn gồm truyền thống văn hóa, các yếu tố văn hóa, văn nghệ dân gian, di tích lịch sử, cách mạng, khảo cổ, kiến trúc, các công trình lao động sáng tạo của con người và các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể khác có thể được sử dụng phục vụ mục đích du lịch”. Tài nguyên du lịch là yếu tố cơ bản để tạo thành các sản phẩm du lịch. Để hấp dẫn và đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch, các sản phẩm du lịch cần phải đa dạng, phong phú, đặc sắc và mới mẻ. Chính sự phong phú và đa dạng, đặc sắc của tài nguyên du lịch tạo nên sự phong phú đa dạng và hấp dẫn của sản du lịch. Như vậy, tài nguyên du lịch được xem như tiền đề để phát triển du lịch, là điều kiện cần thiết để thu hút khách du lịch nói chung và khách du lịch quốc tế nói riêng. Tài nguyên du lịch càng phong phú, đặc sắc và có mức độ tập trung cao thì càng có sức hấp dẫn với du khách và có hiệu quả kinh doanh du lịch càng cao. 2. Cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật 2.1. Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch Cơ sở vật chất kỹ thuật của tổ chức du lịch bao gồm toàn bộ nhà cửa và phương tiện kỹ thuật giúp cho việc phục vụ để thỏa mãn các nhu cầu của khách du lịch như: khách sạn, nhà hàng, phương tiện giao thông vận tải các khu nhà giải trí, cửa hàng, công viên, đường sá, hệ thống thoát nước, mạng lưới điện trong khu vực của cơ sở du lịch (có thể là của một cơ sở du lịch, có thể là của một khu du lịch). Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm du lịch. 2.2. Cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng xã hội 15
  • 16. Cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng lao động xã hội là những phương tiện vật chất không phải do các tổ chức du lịch xây dựng nên mà là của toàn xã hội. Đó là hệ thống đường sá, nhà ga, sân bay, bến cảng, đường sắt, công viên của toàn dân, mạng lưới thương nghiệp của khu dân cư, hệ thống thông tin viễn thông, hệ thống cấp thoát nước, mạng lưới điện, các rạp chiếu phim, nhà hát, viện bảo tàng. Trong cơ sở hạ tầng kỹ thuật của xã hội, nhân tố phục vụ đắc lực nhất và có tầm quan trọng nhất đối với du lịch là hệ thống giao thông vận tải (đường không, đường bộ, đường thủy). Đây chính là cơ sở vật chất kỹ thuật bậc hai đối với du lịch. Nó được xây dựng để phục vụ nhân dân địa phương và sau nữa là phục vụ cả khách du lịch đến thăm đất nước hoặc vùng du lịch. Đây là cơ sở có tầm quan trọng đặc biệt vì nó nằm sát ngay nơi du lịch, nó quyết định nhịp độ phát triển du lịch và trong chừng mực nào đó còn quyết định chất lượng phục vụ du lịch. 3. Đội ngũ lao động Đây là tác nhân quan trọng sử dụng các công cụ cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch để khai thác các tài nguyên du lịch, mang đến cho khách du lịch quốc tế các sản phẩm du lịch và dịch vụ tốt nhất. Lao động trong du lịch phần lớn là lao động kỹ thuật, đòi hỏi có sự chuẩn bị nghiệp vụ cao. Sự chuyên môn hóa thể hiện rõ rệt nhất ở các cơ sở phục vụ lưu trú, ăn uống, du lịch. So với lao động trong các ngành khác thì lao động trong ngành du lịch có cường độ thấp hơn, nhưng lại ở trong môi trường lao động phức tạp và phải chịu đựng tâm lý cao. Đặc điểm này thể hiện rõ nét đối với những người lao động có quan hệ trực tiếp với khách như: phục vụ buồng, bàn, bar, hướng dẫn viên du lịch, họ phải tiếp xúc với nhiều loại đối tượng khách du lịch mà khách lại có những đặc điểm tâm lý xã hội rất khác nhau. Vậy nên đội ngũ lao động có trình độ, có chuyên môn nghiệp vụ chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là đội ngũ ấy phải có tinh thần phục vụ tốt, làm việc hết sức chuyên nghiệp để tạo cảm giác thân thiện và thoải mái cho khách du lịch. Đội ngũ lao động hội đủ hai điều kiện trên chắc chắn sẽ là một tác nhân quan trọng để giúp thu hút khách du lịch quốc tế. 4. Chính sách phát triển du lịch 16
  • 17. Các chính sách phát triển du lịch hợp lý sẽ đảm bảo phát huy được khả năng du lịch của quốc gia và địa phương. Đặc biệt các quy định và chính sách đa dạng hóa về tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế của nhà nước và cơ quan thẩm quyền địa phương luôn có tác động trực tiếp đáng kể đến việc thu hút này. Do vậy các chính sách và các quy định này phải được xây dựng và triển khai hợp lý để đảm bảo sự phự hợp giữa chính sách và khả năng thực hiện trên thực tế. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch quốc tế, tiềm năng du lịch sẽ không thể khai thác hiệu quả nếu công tác quy hoạch và tổ chức du lịch thiếu đồng bộ và không khoa học. Công tác quy hoạch và quản lý chuyên nghiệp sẽ cho phép du lịch phát triển theo đúng định hướng và giúp tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế. 5. Môi trường du lịch Môi trường du lịch bao gồm môi trường du lịch tự nhiên và môi trường du lịch nhân văn (Nguyễn Minh Tuệ 2007). Bất kỳ hoạt động du lịch nào cũng chỉ diễn ra trong phạm vi môi trường du lịch. Hay nói cách khác, hễ ở đâu có du lịch thì ở đó có môi trường du lịch. Trong khi môi trường tự nhiên đòi hỏi việc khai thác các tài nguyên thiên nhiên phải gắn liền với việc tôn tạo và giữ gìn môi trường, thì môi trường du lịch nhân văn đòi hỏi là du lịch mà ở đó không có nạn chèo kéo khách, không có tình trạng xô xát tranh giành khách, thay vào đó là sự tiếp đón ân cần và thân thiện của người dân địa phương. Vấn đề bảo đảm an toàn cho khách du lịch quốc tế là một vấn đề cần được quan tâm nhất. Đây là một trở ngại lớn nếu du lịch thực sự không được chuyên nghiệp hóa và khó đảm bảo thực hiện được ở những vùng có trình độ dân trí thấp, đời sống nhân dân còn khó khăn. Bên cạnh đó, khách du lịch quốc tế khi lựa chọn một nơi để đi du lịch, họ không chỉ xem xét đến các sản phẩm du lịch mà còn coi trọng yếu tố bảo vệ sự an toàn thân thể, tài sản, quan tâm đến tình hình an ninh chính trị của quốc gia đó. Cho nên vấn đề về chính trị, hòa bình, an ninh xã hội phải được đảm bảo. Đối với những vùng, quốc gia nơi có tình hình chính trị không ổn định như nội chiến, mâu thuẫn sắc tộc, đảo chính thì chắc chắn sẽ không thu hút được nhiều khách du lịch quốc tế. III. Kinh nghiệm của một số nước trong việc thu hút khách du lịch quốc tế 1. Kinh nghiệm của Singapore 17
  • 18. Cộng hoà Singapore là đất nước có tên thủ đô trùng với tên nước và cũng là quốc gia nhỏ nhất Đông Nam Á. Diện tích của Singapore chỉ có 682.7 km², nằm ở một trong những ngã tư của thế giới, vị trí chiến lược của Singapore đã giúp đất nước này phát triển thành một trung tâm thương mại, viễn thông và du lịch lớn. Singapore được coi là Quốc đảo xanh, là quốc gia sạch đẹp nhất thế giới với môi trường trong lành và thảm thực vật phong phú. Hơn 90% dân cư Singapore sống trong các khu nhà trung cư và gần một nửa dân cư sử dụng phương tiện giao thông công cộng hàng ngày. Hệ thống giao thông công cộng bao phủ khắp đất nước này. Chính phủ Singapore luôn dành những khoản đầu tư thích đáng cho cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch. Điều đó có thể được thấy rõ ở mạng lưới giao thông công cộng thật lý tưởng của đất nước này, ở các bến xe và đường phố tuyệt đối không có cảnh đậu xe bừa bãi hay taxi giành giật khách, người dân không bị ám ảnh bởi nạn ô nhiễm môi trường, kẹt xe. Chất lượng đường bộ của đảo quốc này được đánh giá là vào loại tốt nhất thế giới. Singapore có nhiều loại phương tiện giao thông công cộng, trong đó hai phương tiện phổ biến nhất là xe bus và tàu điện ngầm mà người Singapore thường gọi là MRT (Mass Rapid Transit). Taxi cũng là một phương tiện giao thông khá phổ biến ở Singapore và không quá đắt. Singapore cũng có phương tiện giao thông đường thủy phổ biến là thuyền máy nhỏ, tuy nhiên đa số chúng chỉ được dùng cho mục đích du lịch. Từ giữa những năm 1980, chính phủ Singapore đầu tư hàng trăm triệu USD nâng cấp các điểm thắng cảnh văn hóa và lịch sử. Sân bay Changi dù liên tục được bầu là sân bay tốt nhất thế giới vẫn đang được đầu tư 1,8 tỷ đôla Singapore để nâng cấp. Về mặt tiện nghi, Singapore dám quảng bá là một thủ đô ẩm thực và mua sắm bậc nhất châu Á. Du lịch là một trong những ngành mũi nhọn tại Singapore nhờ mức đóng góp 5% GDP. Với dân số chỉ 4 triệu người, hàng năm Singapore thu hút gần 8 triệu khách du lịch, tạo thu nhập khoảng 11 tỷ đôla Singapore và hơn 150.000 việc làm. Năm yếu tố tạo thành công cho du lịch Singapore bắt nguồn từ năm chữ A trong tiếng Anh là: điểm thắng cảnh (Attractions), phương tiện giao thông (Accessibility), cơ sở tiện nghi (Amenities), các dịch vụ hỗ trợ (Ancillary services) và sự điều chỉnh phù hợp về chính sách (Adjustment). Nhưng khả năng điều chỉnh mới mang tính 18
  • 19. chiến lược nhất. Thành công của ngành du lịch Singapore chính là thành công trong điều chỉnh chiến lược phát triển du lịch trước những thay đổi kinh tế và xã hội bên ngoài. Singapore đang tập trung xây dựng thành trung tâm triển lãm và hội nghị hàng đầu châu Á, trung tâm dịch vụ và giải trí bậc nhất trong khu vực. Chất lượng nguồn nhân lực trong ngành du lịch là một nhân tố không kém phần quan trọng góp phần thúc đẩy du lịch quốc tế Singapore phát triển mạnh. Du khách quốc tế đến tham quan đảo quốc này sẽ không khỏi bị ấn tượng bởi thái độ phục vụ nhiệt tình, chuyên nghiệp của những nhân viên du lịch nơi đây. Một ưu thế vượt trội khác nữa của họ là sự thành thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh đã giúp cho việc giao tiếp, hướng dẫn diễn ra thuận lợi giữa nhân viên du lịch và du khách quốc tế. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển nhanh của ngành du lịch, đặc biệt là du lịch quốc tế, Singapore luôn ở trong trạng thái bị thiếu hụt nguồn nhân lực. Vì vậy, nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ngành du lịch, năm 2011, chính phủ Singapore đã lên kế hoạch đào tạo thêm 100.000 nhân viên mới cho ngành du lịch nhằm thu hút 17 triệu lượt du khách và mang về 30 tỷ đô la doanh thu vào năm 2015. Ngoài ra, chính phủ Singapore còn nỗ lực thực hiện những chương trình hợp tác quốc tế và đào tạo gián tiếp nhằm mở rộng nguồn cung ứng nhân lực cho ngành du lịch của mình. Singapore có một môi trường du lịch được đánh giá rất tốt. Không náo nhiệt, ồn ã như một số thủ đô khác nhưng Singapore lại được biết đến như một đất nước ngăn nắp, tinh tươm và hàng năm luôn thu hút lượng khách du lịch quốc tế vượt xa dân số của họ. Ở Singapore, đất đai quý đến mức có những con đường được làm trên nền đất bồi mua từ các quốc gia láng giềng, vậy mà thành phố có rất nhiều khoảng xanh phủ ngợp, dịu mát, trong lành. Là một thành phố năng động với nhiều nét tương phản và màu sắc sinh động, bạn sẽ tìm thấy nơi đây sự pha trộn hài hoà giữa văn hoá, ẩm thực, nghệ thuật và kiến trúc. Đảo quốc năng động nhỏ bé ở vùng Đông Nam Á này tiêu biểu cho tinh hoa của cả hai nền văn hoá phương Đông & phương Tây. Điều mà du khách có thể nhận thấy rất rõ nơi đây là môi trường du lịch nhân văn tuyệt vời của đảo quốc này. Du khách không bắt gặp cảnh ăn uống nhiều, nhậu nhẹt tưng bừng nơi vỉa hè. Các điểm ăn nhậu bình dân thường được đặt 19
  • 20. ở các con phố nhỏ hoặc khuất sau lùm cây xanh khiến vẻ ngoại cảnh thêm nét thanh tao, lịch lãm. Một nếp sống văn hóa được hình thành từ cả một quá trình lâu dài, nghiêm ngặt. Những vi phạm như hút thuốc nơi không được phép, nhả kẹo cao su, xả rác bừa bãi, vi phạm luật giao thông bị xử phạt rất nặng. Thật khó thấy bóng dáng cảnh sát trên đường phố nhưng ở đây không ít lần du khách được chứng kiến hình ảnh người qua đường, có khi là một người già yếu lượm bỏ vô thùng rác vỏ bao thuốc, túi xốp mà ai đó sơ ý để rớt trên đường. Những ngày ở Singapore có thể cảm nhận được văn hóa nơi đây đã thấm sâu vào các hoạt động du lịch và du lịch đã được quan tâm như một ngành kinh tế quan trọng của quốc gia. Nơi đây không khai thác du lịch bằng các hình thức mua vui bằng mọi giá mà quan tâm đến chất lượng dịch vụ qua những sáng tạo, nét độc đáo gắn với tầm vóc văn hóa và bảo vệ môi trường sinh thái. Những đặc điểm trên của Singapore - đất nước du lịch đã biến quốc đảo này trở thành hình mẫu trong chiến lược phát triển du lịch của các quốc gia khác, đặc biệt là trong khu vực Châu Á (Bộ Tài chính, 2004). 2. Kinh nghiệm của Indonesia Du lịch Indonesia nổi tiếng với du lịch Bali. Hòn đảo Bali trông như một chú gà con với chiếc mỏ hướng về Ấn Độ Dương và là một trong hơn 13.000 hòn đảo lớn nhỏ Indonesia. Thiên nhiên đã ưu đãi cho nơi đây nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và một vẻ quyến rũ kỳ lạ. Các khu nghỉ mát tập trung chủ yếu ở phía Đông Nam của đảo. Có diện tích tương đương tỉnh Đồng Nai nước ta, cảnh quan Bali rất đa dạng: những bãi biển cát trắng mịn màng, ruộng bậc thang lớp lớp xanh mướt điểm xuyết bóng dừa, những hồ nước trong veo trên miệng núi lửa, những dòng sông chảy xiết qua khe núi thăm thẳm. Các hang động bí ẩn nằm giữa rừng già nhiệt đới vẫn nơi sinh sống của nhiều bộ lạc với những tập tục kỳ lạ. Nhờ đó, du lịch sinh thái ở Bali rất phong phú với các tour thám hiểm rừng nguyên sinh, du lịch cho đại bàng ăn, du lịch tìm hiểu núi lửa (Báo Quảng Nam, 2006). Nhà cửa ở Bali dù bề thế hay nhỏ xíu hầu như đều theo kiến trúc truyền thống là hình vuông bốn mái lợp ngói, quanh nhà trồng rất nhiều hoa, trông thật dễ chịu. Phong cách nghệ thuật kiến trúc, trang trí của Bali được pha trộn, ảnh hưởng 20
  • 21. từ nhiều nền văn hóa khác nhau: Ấn Độ, Trung Hoa, Ai Cập, Java và cả phong cách thuộc địa (Hà Lan) hòa trộn cùng lối kiến trúc truyền thống của Bali. Du khách thật khó tìm được ở đây tòa nhà nào cao quá ba tầng, nhà ống và mái tôn lại càng không thấy. Nổi bật trên nền trời chỉ có những ngọn tháp uy nghiêm nhiều tầng, mái được làm bằng xơ dừa màu đen rất độc đáo. Đảo Bali không quá rộng lớn, diện tích chỉ 5.623km² và dân số hơn 3 triệu người. Vậy mà mỗi năm, nó thu hút tới hơn 1 triệu du khách (không kể những thời kỳ cao điểm, số du khách lên tới 4 triệu). Trên hòn đảo này có tới gần 1.000 khách sạn với 80.000 phòng, trong đó các khách sạn từ 3 sao trở lên chiếm tỷ lệ 60%. Điều đáng ngạc nhiên là ở bất cứ đâu, người ta cũng có thể xây khách sạn và resort (khu nghỉ cấp cao). Có những khách sạn rất đơn giản, nhưng tiện nghi, nằm sâu trong làng, bên cạnh những ngôi nhà bình thường khác. Khách sạn kiểu này có bể bơi nằm ngay giữa cánh đồng lúa để du khách có thể hoà mình với thiên nhiên. Thấy rõ tiềm năng kinh tế của việc phát triển du lịch Bali, Indonesia khá chú trọng đến nguồn nhân lực phục vụ du lịch nơi đây, đặc biệt là nguồn nhân lực du lịch tự nhiên. Khi đến du lịch trên đất nước Indonesia - một quốc gia Hồi giáo với số dân theo Hồi giáo đông nhất thế giới chắc chắn du khách sẽ cảm nhận được nhiều điều thú vị. Toàn bộ người dân trên hòn đảo này sống dựa hoàn toàn vào ngành du lịch. Ngoài các hình thức kinh doanh du lịch công cộng, người dân Bali còn tự tổ chức kinh doanh cá nhân du lịch quốc tế, ví như việc buôn bán nhỏ lẻ hay đáp ứng các nhu cầu, dịch vụ riêng lẻ của khách du lịch. Với 3,2 triệu dân, 1.200 khách sạn và resort từ bình dân đến sang trọng, Bali là nơi có mật độ dân số và mức sống thuộc hàng cao nhất Indonesia. Người dân Bali hiền hòa, chất phác, họ được xem là dân tộc tài hoa nhất, nghệ sĩ nhất trong số 250 dân tộc ở Indonesia. Bali được chính phủ Indonesia xác định là điểm đầu tư mũi nhọn của ngành du lịch cùng với thành phố Jakarta. Với một sự đầu tư mạnh mẽ chỉ để phát triển du lịch ngay từ lúc còn chịu sự cai trị của nước ngoài. Cụ thể là hơn 100 năm trước, chính quyền Hà Lan đã quyết định biến Bali thành vùng nghĩ dưỡng, không cho xây dựng nhà máy hay trồng cà phê. Ngoài ra cũng không ai được phép can thiệp vào những nghi lễ, phong tục, nghệ thuật, tôn giáo, cuộc sống nông nghiệp nhằm giữ gìn 21
  • 22. bản sắc văn hóa và lối sống của người dân trên đảo. Chính phủ Indonesia đã đầu tư vào Bali đầy đủ các loại hình du lịch mà du khách muốn có, từ du lịch thể thao, sinh thái đến du lịch văn hóa. Đó là sân chơi cho niềm đam mê mạo hiểm của du khách bởi cano, du thuyền, lướt ván, nhảy dù bên bờ biển, cũng là cơ hội khám phá hệ động vật phong phú trong những khu rừng nhiệt đới đồng thời là bị hấp dẫn bởi vô số những lễ hội đặc sắc và các điệu múa quyến rũ nhiều màu sắc. Có đến Bali mới thấy ngành du lịch ở đây được tổ chức rất tốt. Môi trường du lịch của Bali mang đặc điểm riêng hiếm thấy. Tình yêu nghệ thuật và trình độ thẩm mỹ của người Bali có thể thấy ngay từ những ngôi nhà bên đường, dù vẫn tuân theo kiến trúc và lối trang trí cổ truyền những không nhà nào giống nhà nào, từ cổng vào cho đến am thờ, tường cột đều được chạm khắc và cả các bức phù điêu đặc sắc, tuyệt đẹp. Hoa được trồng cả bên ngoài hàng rào và ven những lối đi chung mà không có ai hái. Bali cũng hầu như không có người ăn xin, nạn chèo kéo du khách hay trộm cắp vặt (Báo Travelnews, 2009). Thời tiết Bali khá mát mẻ. Ban đêm, không cần phải bật điều hoà. Trộm cắp vặt chưa bao giờ xuất hiện ở Bali. Đảo Bali của Indonesia được chọn là đảo tốt nhất trong cuộc bình chọn điểm du lịch tốt nhất thế giới hàng năm do tạp chí Mỹ Travel and Leisure tổ chức, vượt qua cả đảo Santorini của Hy Lạp và quần đảo Hawaii. Tiêu chí bình chọn này dựa trên cảnh quan, văn hóa - nghệ thuật, khách sạn - ẩm thực, cư dân và giá trị đồng tiền. 3. Kinh nghiệm của Thái Lan Địa điểm đầu tiên mà hầu như khách nước ngoài tới Thái Lan đều nghĩ tới là Pattaya. Pattaya trước kia là một làng chài nhỏ ven biển. Nhưng ngày nay, nó trở thành phố biển nổi tiếng khắp thế giới và được mệnh danh là “thành phố đêm” với những nàng vũ công kiều diễm, xinh đẹp tuyệt vời, biểu diễn những màn múa thoát y và các vũ điệu quyến rũ, độc đáo. Khi màn đêm buông xuống, Pattaya trở nên nhộn nhịp khác thường. Những quán bar, vũ trường, sòng bạc, các tụ điểm ăn chơi sáng rực đèn màu và tấp nập du khách đến thư giãn giải trí. Nằm cách Bangkok 130 km về phía Đông Nam, Pattaya là nơi có bãi biển cát trắng thơ mộng và đẹp vào 22
  • 23. loại nhất Đông Nam Á. Tại đây, du khách sẽ có cơ hội đi cano tham quan Đảo San hô (Coral Island). Du khách có thể tự do tắm biển trên các bãi biển đẹp nhất và mua vé tham gia các trò chơi giải trí hấp dẫn và thám hiểm đại dương. Trong những năm gần đây, Pattaya đã trở thành một khu du lịch sầm uất, cùng với cơ sở hạ tầng phát triển như: khách sạn, trung tâm hội nghị, và nhiều sản phẩm du lịch khác. Dịch vụ du lịch xe bus bãi biển đã giúp người dân và du khách tham quan thành phố một cách thoải mái và thuận tiện. Thành phố đã bùng nổ phát triển trong 15 năm qua. Khách sạn, chung cư, sân golf, trung tâm hội thảo, quán rượu, nhà hàng và cửa hàng thức ăn nhanh phương Tây đã mọc lên khắp mọi nơi, với hàng trăm quán bar đèn màu và vũ trường sôi động giúp “nạp nhiên liệu” cho một nền kinh tế địa phương phát triển mạnh. Pattaya có sức thu hút các du khách quốc tế vì thành phố này có nhiều kỷ lục về dịch vụ giải trí và cơ sở hạ tầng thỏa mãn các yêu cầu của khách khách sạn lớn nhất thế giới, gồm 4500 phòng (khách sạn The Ambassador); có nhiều sân golf; có quán rượu lớn nhất thế giới, với 50 ca sĩ, vũ nữ biểu diễn các điệu múa, bài ca trữ tình của các quốc gia châu Á. Chính phủ Thái Lan rất chú trọng vào việc đầu tư xây dựng một nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành du lịch nước nhà. Đội ngũ lao động trong ngành dịch vụ được đào tạo bài bản về chuyên môn và phong cách phục vụ. Hơn nữa, người Thái Lan có ưu thế là thành thạo tiếng Anh và một số ngoại ngữ khác. Chỉ khi đến Thái Lan rồi mới hiểu, sự phát triển bền vững dựa trên nhiều tiêu chí, không chỉ là tài nguyên du lịch dồi dào, thế mạnh của nền văn hóa, mà chìa khóa thành công là luôn sở hữu một đội ngũ nhân lực phục vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế cho du khách. Người Thái phục vụ du khách đến tận cùng sức lực và lòng mến khách của họ. Ngoài ra, các đơn vị trực thuộc ngành du lịch của Thái Lan như nhà hàng, khách sạn đều có một "dưỡng đường chuyên trách". Chức năng của dưỡng đường này là một trung tâm nguồn nhân lực, hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn cho các đơn vị hoạt động trong ngành, với mục tiêu tăng cường đồng bộ chất lượng ngành du lịch Thái Lan. Chính quyền thành phố đã tích cực làm mới hình ảnh của Pattaya bằng cách quy hoạch và khuyến khích nhà đầu tư mở ra các khu vui chơi, giải trí lành mạnh để thu hút khách đến từ châu Á, làm cho họ được thỏa mãn trong mua sắm cũng như 23
  • 24. khi xem những chương trình biểu diễn đặc biệt; xây dựng một sân khấu thời trang dài nhất thế giới nhằm thu hút các cuộc thi thời trang quốc tế. Cứ nhìn trên đường phố thấy có rất nhiều nhóm đi du lịch cả gia đình đến Pattaya thì đủ biết thành phố này đã tạo dựng được hình ảnh mới. Cố gắng tạo dựng những ngành giải trí mới cũng là cách Pattaya nhanh nhạy phục vụ những thị trường mới, tạo ra nhu cầu mới để có khả năng thu hút những nguồn khách khác nhau (Hoàng Hữu Quyết 2009). Bên cạnh những khoản đầu tư công của chính phủ Thái Lan, Pattaya còn nhận được những chương trình nhằm thu hút du lịch từ các doanh nghiệp. Chúng ta có thể thắc mắc, giá vé từ Hà Nội đi thành phố Hồ Chí Minh đó gần 100USD cho một lượt người đi trong khi đi chơi Thái Lan 4 ngày, 5 đêm, được ngủ trong khách sạn 3, 4 sao, được đi máy bay của hãng hàng không quốc gia Thái Lan mà chỉ phải đóng cho công ty du lịch chưa đầy 300USD. Bởi vì người Thái Lan đã áp dụng chính sách giảm giá cho những đoàn du khách từ 16 người trở lên. Nếu mua một chiếc vé máy bay từ Bangkok về Việt Nam, chúng ta phải mất tới 200USD, nhưng đi theo cả đoàn du lịch 16 người, chúng ta chỉ phải trả vài chục USD. Thái Lan không chỉ hấp dẫn du khách quốc tế bởi giá cả phải chăng mà bởi chính sách coi khách hàng như thượng đế. Đi đến bất kỳ địa điểm du lịch nào du khách cũng trở thành “ngôi sao”, khi có cả một đội ngũ chụp ảnh chuyên nghiệp ghi lại hình ảnh của du khách và sau đó đem bán lại cho chính du khách đó. Nếu khách không lấy, họ vẫn cười vui vẻ mà không hề kỳ kèo. Tuy nhiên, cũng chính thái độ vui tươi niềm nở ấy mà du khách đôi khi không thực sự muốn mua nhưng vẫn vui vẻ trả tiền cho bức hình ấy. Đi mua hàng, khách quốc tế có thể mặc cả thoải mái đến khi nào vừa ý với giá cả thì thôi. Hơn nữa, bên cạnh sex và những buổi trình diễn của những người chuyển đổi giới tính thì Pattaya cũng rất biết tận dụng một vài ưu điểm của mình để thu ngoại tệ. Là một thành phố ven biển, Pattaya đã thu hút khách du lịch không chỉ bằng tắm biển mà còn bằng một loạt trò chơi khám phá đại dương và cảm giác mạnh khác như chèo thuyền, đua canô, bay khinh khí cầu, lặn xuống biển ngắm san hô. 4. Bài học kinh nghiệm đối với Hội An 24
  • 25. Thứ nhất, coi công tác phát triển du lịch là một quốc sách để ưu tiên đầu tư cho du lịch cả về cơ chế, chính sách lẫn cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng du lịch. Thứ hai, phải biết tận dụng tối đa mọi tiềm năng để phát triển du lịch, từ tiềm năng du lịch nhân văn đến tiềm năng du lịch tự nhiên, kết hợp các tiềm năng du lịch với nhau để sáng tạo ra những sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn. Thứ ba, phải coi trọng việc đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch cả về trình độ nghề nghiệp lẫn quan điểm đạo đức. Đội ngũ nhân viên phục vụ vừa phải có trình độ chuyên môn cao, và điều quan trọng hơn là phải biết tôn trọng khách, luôn xem trọng phương châm “Khách hàng là thượng đế” để mang lại tối đa sự hài lòng cho khách. Thứ tư, cần chú trọng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng để thu hút khách du lịch quốc tế và trên các ấn phẩm phát miễn phí tại sân bay, nhà ga, bến xe để du khách có thông tin du lịch về nơi họ đến, nhằm tạo điều kiện để du khách lưu trú lại lâu hơn. SƠ KẾT CHƯƠNG I Chương 1 đã đưa ra một cái nhìn cơ bản về hoạt động du lịch, phân tích sơ bộ các điều kiện giúp thu hút khách du lịch quốc tế và đưa ra những bài học kinh nghiệm về thu hút khách du lịch quốc tế của các nước trong khu vực, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Hội An. Bên cạnh việc khái quát hóa lý luận khoa học và thực tiễn trên thì chương 1 còn giới thiệu đôi nét về du lịch Hội An để nhận thấy được tiềm năng phát triển du lịch. Đây chính là nền tảng để phân tích thực trạng thu hút khách du lịch quốc tế đến Hội An trong những năm qua và được đề cập ở chương 2. CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG THU HÚT KHÁCH DU LỊCH QUỐC TẾ ĐẾN THÀNH PHỐ HỘI AN GIAI ĐOẠN 2000 - 2010 I. Phân tích thực trạng thu hút khách du lịch quốc tế đến Hội An giai đoạn 2000 - 2010 1. Sơ nét quá trình hình thành du lịch quốc tế tại Hội An 25
  • 26. Từ thế kỷ 16 đến 19, Hội An từng là trung tâm mậu dịch quốc tế trên hành trình thương mại Đông - Tây, một thương cảng phồn thịnh nhất của xứ Đàng Trong, Việt Nam trong triều đại của chúa Nguyễn (trên bản đồ Đông Dương năm 1986, faicfo - tên gọi trước đây của Hội An - đã được thừa nhận) (Trung tâm Quản lý và Bảo tồn di tích Hội An, 2009). Tuy nhiên, sau chiến tranh, thương cảng sầm uất Hội An đó bị bỏ quên và người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề nông. Tháng 06/1982, KTS. Kazimierz Kwiatkowsky, Trưởng tiểu bang hợp tác Ba Lan - Việt Nam tu bổ di tích Mỹ Sơn đã cộng tác với cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin Hội An chuẩn bị hồ sơ công phu gồm 8 loại theo quy định để trình Bộ văn hóa xếp hạng Di tích quốc gia khu phố cổ Hội An. Năm 1985, nhân kỷ niệm 10 năm giải phóng Hội An, một cuộc triển lãm tranh, ảnh, tượng được tổ chức quy mô ở hội quán Phước Kiến. Đây là khởi đầu cho ngành du lịch tại Hội An, mặc dù chỉ là du lịch trong nước. Đến ngày 19/03/1985, khu phố cổ Hội An được Bộ Văn hóa cấp bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Tháng 7/1985, Hội thảo quốc gia về đô thị cổ Hội An lần đầu tiên được khai mạc, quy tụ hơn 50 nhà khoa học có tên tuổi trong nước với 72 báo cáo xoay quanh 4 nội dung: 1. Xác định giá trị lịch sử văn hóa của Hội An; 2. Xây dựng chủ trương bảo tồn; 3. Tạo mặt bằng nhận thức về di tích quốc gia quý hiếm, còn tương đối nguyên vẹn nhất Đông Nam Á; 4. Đề xuất nghiên cứu phát huy giá trị phục vụ chiến lược phát triển du lịch. Sau hội thảo, Bộ Tài chính đã cấp cho Hội An 1 triệu đồng để trùng tu Chùa Cầu. Tháng 2/1986, Ban Quản lý di tích và dịch vụ du lịch Hội An ra đời, tiền thân của hai tổ chức hiện nay: Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích (QLBTDT) Hội An và Phòng TM - DL Hội An. Cũng trong năm này, đoàn giám định cổ vật trung ương đã phát hiện ra 200 cổ vật cấp quốc gia và quốc tế, khẳng định: Hội An là thương cảng quốc tế và là tài sản quý vùng Đông Nam Á. Tháng 3/1990, với sự tài trợ của Đại sứ quán Nhật Bản, hội thảo khoa học quốc tế về đô thị cổ Hội An được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng. Trong 2 ngày hội thảo, 150 lượt ý kiến và bài tham luận của 40 đại biểu của 11 nước đã khẳng định giá trị lịch sử văn hóa của Hội An. Cũng trong năm này, du lịch Hội An bắt đầu đón 26
  • 27. những vị khách nước ngoài đầu tiên, lúc ấy Hội An mới xây dựng được một khách sạn mini 8 phòng. Đến nay, đã có hàng trăm nhà hàng, 103 khách sạn, gần 4.000 phòng từ 1 - 5 sao. Năm 1993, bằng nguồn đầu tư của trường Đại học nữ Chiêu Hoa (Nhật Bản). Hội An có thêm bảo tàng Gốm sứ mậu dịch và bằng nguồn tài trợ của Toyota Foundation, Hội An có thêm bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh. Những bảo tàng này tăng thêm hấp lực cho du lịch quốc tế tại Hội An. Tháng 01/1996, mặc dù chưa là di sản văn hóa thế giới nhưng Hội An vẫn được UNESCO chọn là nơi tổ chức hội nghị Tập huấn quản lý di sản khu vực châu Á - Thái Bình Dương với trên 30 nước tham dự với ý định lấy Hội An làm ví dụ điển hình về bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Tháng 04/1997, dự án Tổng thể đầu tư bảo tồn, tu bổ và khai thác di tích khu phố cổ Hội An - Quảng Nam được chính phủ phê duyệt theo quyết định số 240/TTg, ngày 14/4/1997. Trong tình hình kinh tế khó khăn lúc bấy giờ mà chính phủ đã quan tâm đầu tư với nguồn kinh phí trên 100 tỷ đồng cho thấy tiềm năng có thể khai thác tại Hội An. Cũng trong năm này, ý tưởng lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di sản văn hóa thế giới được hình thành. Tháng 01/1999, UNESCO cử phái viên đến Hội An. Ông Nikom, Bộ trưởng Văn hóa nghệ thuật Thái Lan được UNESCO giao trọng trách kiểm tra công tác lập hồ sơ của Hội An và ông nhận xét: “Không nghi ngờ gì nữa, Hội An đã có sự chuẩn bị từ rất lâu rồi, đã làm được nhiều việc ngoài sức tưởng tượng của UNESCO”. Với những giá trị nổi trội mang tính toàn cầu, tại kỳ họp thứ 23 từ ngày 29/11/1999 đến ngày 4/12/1999 ở Marrakesh (Morocco), Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO đã công nhận Đô thị cổ Hội An là Di sản văn hóa thế giới. Và con số khách du lịch quốc tế viếng thăm Hội An nhảy vọt từ 16.000 du khách trong năm 1993 lên đến 95.000 du khách năm 1999. 2. Tiềm năng thu hút khách du lịch quốc tế của Hội An 2.1. Tài nguyên du lịch 2.1.1. Tài nguyên du lịch văn hóa Tài nguyên văn hóa vật thể 27
  • 28. Theo tài liệu thống kế, đến nay Hội An có 1.360 di tích, danh thắng. Riêng các di tích được phân thành 11 loại, gồm: 1.068 nhà cổ, 19 chùa, 43 miếu thờ thần linh, 23 đình, 38 nhà thờ tộc, 5 hội quán, 11 giếng nước cổ, 1 cầu, 44 ngôi mộ cổ. Trong khu vực đô thị cổ có hơn 1.100 di tích (Trung tâm Quản lý và Bảo tồn di tích Hội An, 2009). Một số di tích tiêu biểu của đô thị cổ Hội An: - Chùa: Giá trị văn hóa Hội An còn được lưu giữ qua hệ thống chùa mang đậm nét giao lưu văn hóa Việt - Trung nằm trong khu phố cổ bắt đầu từ Chùa Cầu và kết thúc bằng chùa Âm Bổn (chùa Ông) với phạm vi vỏn vẹn trên dưới 1,2km. Trong đó, tiêu biểu nhất là: Chùa Cầu - Biểu tượng của Hội An. Chùa Cầu còn có tên gọi là Cầu Nhật Bản và Lai Viễn Kiều, được người Nhật xây vào đầu thế kỷ XVII, đã qua nhiều lần trùng tu (1653, 1763, 1817, 1865, 1915, 1917) và dần mất đi các yếu tố kiến trúc Nhật Bản, thay vào đó là kiến trúc mang đậm phong cách Việt - Trung. Chùa Cầu có dáng hình chữ Công bắt qua con lạch thông ra sông Hoài, trên cửa chính có chạm nổi 3 chữ Hán là Lai Viễn Kiều (có nghĩa là cầu của những người bạn từ xa đến) - tên do chúa Nguyễn Phúc Chu đặt trong một lần viếng thăm Hội An vào năm 1719. Trên sườn cầu có một ngôi miếu nhỏ thờ thần Bắc Đế Trấn Vũ - thần chuyên trấn trị phong ba, lũ lụt theo tín ngưỡng của người Trung Hoa. Lai lịch của Chùa Cầu gắn liền với truyền thuyết về con Cù - một loại thủy quái có đầu nằm ở Ấn Độ, mình ở Việt Nam và phần đuôi ở tận Nhật Bản và mỗi lần Cù cựa quậy là gây ra lũ lụt, động đất ở những nơi này. Vì vậy, ngoài việc xây cầu để phục vụ giao thông, người xưa còn có hàm ý trấn yểm loài thủy quái, giữ cho cuộc sống yên bình. - Nhà cổ: Nhà cổ ở Hội An đã tạo thành một quần thể di tích kiến trúc Khu phố cổ bao gồm các đường phố lớn song song Đông - Tây tạo thành các ô vuông kiểu bàn cờ, mang đậm nét qui hoạch đô thị Hoa - Việt xưa. Tiêu biểu là các nhà cổ Quân Thắng; Tấn Ký; Phùng Hưng với niên đại từ hơn 100 đến 200 năm, mang đậm dấu ấn văn hóa Nhật - Trung - Việt. - Hội Quán: Trong cộng đồng dân cư Hoa kiều, ngoài các hình thức kiến trúc thông thường, có một dạng kiến trúc cộng đồng riêng biệt đó là: Hội Quán, Người Hoa ở Hội An có nguồn gốc từ năm địa phương ở Trung Quốc di cư đến đây, lập 28
  • 29. năm hội quán: Triều Châu, Hải Nam, Phúc Kiến, Quảng Đông và có một Hội quán chung cho năm bộ phận dân cư đó gọi là Hội quán Ngũ Bang (do các thương khách người Hoa gốc Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông, Hải Nam, Gia Ứng xây dựng vào năm 1741 để làm nơi thờ tự Thiên Hậu Ngũ Bang mang đậm phong cách kiến trúc Trung Hoa). - Hiện vật cổ được trưng bày tại các bảo tàng: Nghiên cứu khảo cổ học tìm thấy hàng chục ngàn hiện vật, di chỉ thuộc các hệ văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa, Đại Việt, minh chứng cư dân cổ đã sinh sống ở Hội An cách bây giờ hơn 3.000 năm và Hội An còn nằm trên Con đường tơ lụa trên biển ở khu vực Trung Cận Đông. Những hiện vật được thu thập cũng là nguồn văn hóa vật thể độc đáo để quảng bá với du khách, được lưu giữ tại các bảo tàng lớn của thành phố, như: Bảo tàng lịch sử - Văn hóa; Bảo tàng gốm sứ Mậu Dịch; Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh. Tài nguyên văn hóa phi vật thể (Nguyễn Quang Thắng 2005) - Mắt cửa Hội An là đôi mắt bằng gỗ, được đẽo khắc đa dạng, công phu, gắn phía trên cửa ra vào, chạm trổ những hình bát quái, hoa 8 cánh có nhụy và vòng tròn lưỡng nghi. Trên thế giới và ngay cả ở Việt Nam vẫn có nhiều khu phố cổ ở gần biển (với kiến trúc chịu ảnh hưởng của Trung Quốc) nhưng không có nơi nào người ta thêm hai con mắt vào cửa chính ngôi nhà. Người dân sống ở Hội An đã tìm kiếm được mắt cửa cho riêng mình và điều này là một đóng góp vào hình tượng kiến trúc của Di sản văn hóa thế giới (DSVHTG). Mắt cửa vừa là vật trang trí, vừa là vật canh giữ cho ngôi nhà. Đây là hiện tượng duy nhất có ở Hội An. Mắt cửa Hội An là biểu tượng linh thiêng ảnh hưởng triết lý phương Đông, văn minh Ấn Độ giáo. Đây là biểu tượng của quan niệm vạn vật hữu linh, là cách của người Hội An sống giao hòa với thiên nhiên, từ đó làm ra chiều sâu của một di sản văn hóa nhân loại. - Lễ hội truyền thống: Lễ hội ở Hội An diễn ra quanh năm, khá phong phú, bao gồm: Lễ cầu an, lễ cúng cá ông, lễ hội cầu ngư của cư dân ngư nghiệp, lễ cầu bông, lễ giỗ tổ các nghề thủ công truyền thống, lễ rước Long Chu của các làng Cẩm Phô, các lễ hội theo các ngày tết, ngày vía của người Hoa, lễ hội của các tôn giáo như lễ giỗ tổ Minh Hải. Các lễ hội tại đây đã có hướng tăng cường phần hội bằng các hình thức vui chơi giải trí phù hợp với nhiều đối tượng và chú ý đặc biệt đến 29
  • 30. một số lễ hội đặc trưng như lễ hội cầu ngư, rước Long Chu, Nguyên Tiêu, Trung Thu nhằm thu hút du khách nước ngoài. - Ẩm thực dân gian: Trải qua quá trình lịch sử lựa chọn, kết hợp giữa tinh hoa của nhiều dân tộc, cư dân Hội An tạo nên một nền văn hóa ẩm thực mang những nét riêng. Nét riêng này thể hiện trước hết ở việc sử dụng hợp lý các sản vật có sẵn tại địa phương vào bữa ăn thường ngày, tạo nên những món đặc sắc độc đáo như: Cao Lầu, Phở (Phố Hội), mắm dảnh (Cẩm An), Bánh tráng đập, Chè bắp, Hến trộn (Cẩm Nam), Mì Quảng (Cẩm Hà, Cẩm Châu), rau sống (Trà Quế). Sự phong phú về chủng loại các món ăn cũng là nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực của cư dân Hội An. Bên cạnh các món ăn truyền thống của người Việt, còn có các món ăn ảnh hưởng từ Trung Hoa như món bánh bao - bánh quai vạ, lục tàu xá, xí mà, lương phảnh, hoành thánh, cơm Dương Châu, khoai nhục Phúc Kiến, nậm nhự xì dầu. - Làng nghề truyền thống: Các làng nghề tại Hội An khá đa dạng: Làng gốm Thanh Hà (nằm cách Hội An 3km về hướng Tây, rất thịnh đạt vào thế kỷ 16 - 17, cung cấp gạch, ngói lợp âm dương, vảy cá, ngói lát nền cho các ngôi nhà cổ ở Hội An và các sản phẩm gốm mỹ thuật tinh xảo dành cho xuất khẩu); Làng ra Trà Quế (nằm cách Khu phố cổ Hội An 3km về phía Bắc, là một điểm đến rất được du khách nước ngoài chọn tham gia, nổi tiếng từ hơn 300 năm trước với nghề trồng rau sống, một thứ văn hóa ẩm thực không thể thiếu, gắn liền và tạo nên hương vị hấp dẫn cho đặc sản địa phương); Làng mộc Kim Bồng (rất nổi tiếng về các tác phẩm điêu khắc trên gỗ, các kiến trúc cổ kính của Hội An, chuyên sản xuất đồ gỗ và hàng lưu niệm để bán cho du khách và xuất khẩu ra nước ngoài); Làng yến Cù Lao Chàm (từ 400 năm trước, người Chăm ở đây đã biết khai thác yến sào và đến thế kỷ 17, người dân làng Thanh Châu phát triển nghề khai thác tổ yến. Yến sào Cù Lao Chàm thuộc loại đắt giá nhất trong các loại yến trên thế giới. Những vách đá dựng đứng cheo leo bên mép sóng nơi treo các tổ yến, không chỉ đem lại nguồn thu lớn cho địa phương, mà còn đem lại cảm giác thích thú đối với du khách tham quan); Nghề đèn lồng Hội An (đèn lồng Hội An có hình thức, màu sắc khá đa dạng thể hiện vẻ tinh tế, tài hoa của người thợ Hội An. Các nghệ nhân ở Hội An đang dần dần xây dựng nên thương hiệu đèn lồng Việt Nam. Đèn lồng Hội An khá đẹp, nhẹ và quan trọng là có thể thu 30
  • 31. gọn lại bằng cách xếp khung theo nếp để mang đi, vì vậy không ít du khách mua vài chiếc đèn lồng như là sự lưu giữ kỷ niệm về một phố cổ nên thơ, đồng thời làm quà tặng thật ý nghĩa cho người thân). 2.1.2. Tài nguyên du lịch sinh thái Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm Cù Lao Chàm gồm một chuỗi tám hòn đảo lớn nhỏ sắp theo hình cánh cung, là phần kéo dài về phía Đông Nam của khối đá granite Bạch Mã - Hải Vân - Sơn Trà, hình thành cách đây khoảng 230 triệu năm. Trải qua quá trình biến động, các khe nứt kiến tạo trên đá granite thành những hang có hình thù khác nhau, tạo nên những cảnh đẹp thơ mộng, cùng hàng chục bãi biển hoang sơ và thiên nhiên kì thú. Bảy di tích trên đảo Cù Lao Chàm được công nhận là Di tích quốc gia, nằm trong hệ thống 25 di tích kiến trúc, tín ngưỡng tôn giáo có niên đại từ thế kỷ XVIII - XX còn bảo lưu tại Cù Lao Chàm. Năm 2009, nơi đây được UNESCO công nhận là Khu di tích sinh quyển thế giới (KDTSQTG) theo 7 tiêu chí (Nguyễn Đức Minh 2010): - Hệ thực vật: Cù Lao Chàm gồm trên ba trăm loài thực vật, có hai loài được ghi trong sách đỏ IUCN (Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế), là Cỏ Nhung và Trầm Hương. Trên đảo có loại cây rừng đặc biệt, tên khoa học là Firmannia colorata, mà người dân đảo quen gọi là ngô đồng, mọc cheo leo trên những mỏm núi được người dân đảo lấy về tước vỏ xe sợi tết thành những chiếc võng ngô đồng độc đáo nơi khác không có. - Hệ động vật: Hệ động vật Cù Lao Chàm cũng hết sức kì thú từ trên rừng đến dưới biển. Trên cạn có hàng trăm loài thú, chim, bò sát, trong đó có khỉ đuôi dài và chim yến đã được đưa vào Sách Đỏ động vật Việt Nam. Dưới biển Cù Lao Chàm là cả một một thế giới kỳ vĩ của các loại san hô cứng và mềm, rong biển, của tôm cá, cua biển, ốc vú nàng, vú sao, ốc nhảy, ốc hương, trai ngọc, hải sâm, bào ngư. Đặc biệt, ngọc trai tai tượng tại Cù Lao Chàm có tới ba loài trong tổng số sáu loài tìm thấy trên vùng biển Việt Nam. Ngoài ra, người ra đã tìm thấy năm loại ngọc trai phân bổ trong khu vực Cù Lao Chàm và lân cận, đang là đối tượng được ghi vào sách Đỏ Việt Nam. 31
  • 32. Khu du lịch sinh thái Thuận Tình - Rừng dừa nước Bảy Mẫu Khu du lịch sinh thái Thuận Tình được đặt tại rừng dừa Bảy Mẫu, thuộc thôn 2, 3 xã Cẩm Thanh, vừa được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là điểm du lịch của tỉnh trong năm 2009. Nằm cách phố cổ Hội An khoảng 3km, Thuận Tình là một điểm du lịch sinh thái đặc trưng của vùng sông nước Hội An được bao quanh bởi những rặng dừa nước xanh tươi với hệ sinh thái độc đáo của rừng ngập mặn gần Cửa Đại nên rất phong phú thực vật, động vật nước lợ (Báo Quảng Nam, 2009). Dịch vụ du lịch phục vụ nơi đây khá đa dạng: giong thuyền vọng cảnh, bơi xuồng trên hồ, câu cá, xem múa rối nước, tham quan những mặt hàng thủ công mỹ nghệ trưng bày trong ngôi nhà cổ theo lối kiến trúc của vùng nông thôn Việt Nam, cắm trại, đọc sách và sinh hoạt dã ngoại dưới những mái lá yên tĩnh hay nghỉ ngơi trong những bungalow đầy đủ tiện nghi. 2.1.3. Tài nguyên du lịch biển Cách trung tâm đô thị cổ Hội An 5km về phía Đông là khu du lịch biển Hội An trẻ trung và sống động, hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ trong lành và không gian rộng mở. Đây là bãi tắm lý tưởng rộng chừng vài chục hecta, với dải cát trắng mịn, nước trong xanh, luôn đứng mặt trời chiếu sáng và lộng gió. Những năm qua, cảnh quan và môi trường nơi đây liên tục được cải thiện. Nhiều công trình phục vụ du lịch mọc lên như khu du lịch Cẩm An, Victoria Hội An Resort với những ngôi biệt thự mang dáng dấp làng quê Việt Nam nằm bên bãi biển Cửa Đại. Các phòng của khu nghỉ mát rộng rãi, đa dạng kết hợp giữa phong cách Nhật, Pháp cổ điển, Việt Nam cổ xưa; kết hợp giữa sự tao nhã của nghề thủ công địa phương với sự tiện nghi hiện đại của tiêu chuẩn quốc tế làm tăng thêm vẻ đẹp vốn có nơi đây. Trong tương lai gần, Hội An có kế hoạch tìm đối tác liên doanh để xây dựng khu du lịch sinh thái biển đạt tiêu chuẩn quốc tế 5 sao, góp phần mở rộng không gian du lịch giữa đô thị cổ với bãi biển Cửa Đại và phát triển du lịch tại đảo Cù Lao Chàm. 2.2. Con người Hội An Con người là một nội dung chủ yếu của một địa phương vì thông qua hoạt động của con người bên trong cũng như bên ngoài, liên quan đến địa phương đó để 32
  • 33. xác định nấc thang giá trị của địa phương (Nguyễn Trung Vân & Nguyễn Thanh Bình & Phạm Thu Hương & Nguyễn Thu Hương 2008), và từ đó, có thể làm cho hình ảnh của địa phương đó tốt lên hay xấu đi, hay làm cho mọi người biết đến, hay đi vào quên lãng. Điều này đặc biệt đúng với Hội An. Thành quả lớn nhất của công cuộc bảo tồn di sản Hội An trong 10 năm (2000 - 2010) chính là con người Hội An đã giữ được mình và giữ gìn được di sản cho nhân loại. Có nhiều việc Hội An làm được không mấy khó khăn nhưng chưa chắc những nơi khác đã làm được, như: Việc không đi xe máy ở một số phố, tắt đèn điện vào các đêm 14, 15 âm lịch mau chóng được đông đảo dân Hội An hưởng ứng; việc cùng nhau không dùng túi nilon mới đề xướng đã được đón nhận tích cực; người Hội An không chỉ làm, giữ gìn và nâng cao chất lượng của bánh quai vạc, bánh đậu xanh mang hương vị riêng của phố cổ, mà còn bỏ tiền ra nước ngoài học cách làm các loại bánh cao cấp của châu Âu để làm vui lòng thực khách bốn phương. Tuy nhiên, không thể chỉ nhận định rằng những thay đổi hoài cổ phù hợp với người Hội An. Họ là những người hiện đại và đổi mới: Hội An là một trong những nơi mở cà phê Internet đầu tiên; đèn lồng không phải là sản phẩm truyền thống của Hội An nhưng chỉ trong dăm bảy năm nó đã là một thương hiệu gắn bó với đô thị cổ. 2.3. Cơ sở vật chất, dịch vụ Giá cả dịch vụ du lịch Đây là ưu điểm của Hội An vì được tính toán hết sức hợp lý dựa trên khả năng chi trả, và nguồn cung phong phú của địa phương. Ngoài ra, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hàng may mặc của Hội An nổi tiếng với giá cả cạnh tranh giành cho du khách là một đặc điểm hấp dẫn của du lịch thành phố. Cơ sở lưu trú Đối với cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, Hội An luôn xây dựng theo phong cách kiến trúc truyền thống. Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hội An có 66 doanh nghiệp kinh doanh du lịch với 78 cơ sở lưu trú quy mô 3.000 buồng phòng, được đánh giá đạt chất lượng cao so với nhiều địa phương trong cả nước nhờ hệ thống khách sạn, khu du lịch, resort liên kết chặt chẽ với nhiều loại hình dịch vụ và thân 33
  • 34. thiện với môi trường tự nhiên. Theo phòng TM - DL Hội An, mặc dù chỉ có 20 cơ sở đạt chuẩn từ 3 sao trở lên nhưng số buồng phòng của loại hình này chiếm đến 62% ; trong khi đó, 55 cơ sở lưu trú dưới 2 sao với 1.120 buồng phòng chỉ chiếm gần 30% tổng số buồng phòng lưu trú và đang trở lên chiếm dần ưu thế về lượt khách lưu trú và doanh thu (Báo Quảng Nam, 2009). Phương tiện vận tải Hạng mục khác không kém phần quan trọng là vận chuyển nhằm thẩm định mức độ dễ dàng và tiện lợi trong việc sử dụng các dịch vụ giao thông, đưa khách đến, đi, và di chuyển nội địa. Hiện nay, Hội An có hơn 15 tàu thuyền thường xuyên vận chuyển du khách ra Cù Lao Chàm, trong đó có hơn 5 tàu cao tốc hoạt động liên tục, nhiều tàu thuyền mỗi ngày đi 2 - 4 chuyến và có hơn 300 ô tô các loại với hệ thống xe giường nằm 2 tầng chất lượng cao của 15 doanh nghiệp tham gia hoạt động lữ hành, đáp ứng nhu cầu vận chuyển khách du lịch quốc tế và nội địa. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 50 tàu du lịch phục vụ các tour tham quan biển, đảo và làng nghề truyền thống. Bên cạnh đó, 3 doanh nghiệp tham gia kinh doanh dịch vụ taxi là Mai Linh, Hội An và Faifo với hơn 80 ô tô loại 4 - 7 chỗ ngồi đáp ứng nhu cầu dịch vụ du lịch (Báo Quảng Nam, 2009). Phương tiện liên lạc Tầm quan trọng của hạng mục cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin ngày càng gia tăng do việc sử dụng Internet, điện thoại di động trong việc liên lạc, tìm kiếm thông tin du lịch, mua vé trên mạng ngày càng phổ biến và tiện lợi. Hội An vừa xây dựng phương án lắp đặt hai trạm thông tin du lịch điện tử công cộng, phục vụ các hoạt động tham quan, du lịch trên địa bàn thành phố. Đây là máy điện tử cảm ứng, cấu hình kỹ thuật đảm bảo, hình thức phù hợp, thiết bị đường truyền đảm bảo phát triển hệ thống mạng dịch vụ cung cấp thông tin. Từ một máy chủ quản trị mạng sẽ liên kết với hệ thống máy tính của các doanh nghiệp khách sạn, lữ hành tại Hội An thông qua mạng nội bộ, đồng thời link đến các trạm thông tin của một số thành phố du lịch trong nước. Trước mắt, hệ thống này chỉ đăng tải các nội dung về văn hóa du lịch Hội An như: bản đồ giao thông, các điểm tham quan di tích, làng nghề, du lịch sông nước, biển đảo; các chương trình lễ hội, các địa điểm vui chơi, giải trí... 34
  • 35. Tin tức về phố Hội sẽ được cập nhật thường xuyên, đúng thời điểm bằng hai thứ tiếng Việt và Anh, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, tham quan của du khách trong và ngoài nước. 2.4. Chính sách phát triển du lịch của thành phố Hội An Từ năm 1993, Hội An đã chọn kinh tế du lịch - dịch vụ - thương mại làm chiến lược phát triển. Đến nay, kinh tế du lịch - dịch vụ - thương mại đã chiếm hơn 57% GDP hàng năm trong cơ cấu chung của địa phương. Với hướng đi riêng dựa trên nền tảng di sản truyền thống, trong những năm qua với quan điểm phát triển du lịch trở thành động lực kinh tế - xã hội, thành phố Hội An đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Thực tế, gần 12 năm kể từ khi phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, phát triển du lịch đang đặt ra cho Hội An vấn đề về bảo tồn và phát triển giá trị di sản. Theo ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An thì bên cạnh việc giữ cho được nguyên trạng phố cổ Hội An trước cơn lốc đô thị hóa, điều quan trọng hơn là gìn giữ được hồn cốt của phố cổ. Hội An đang tiến hành dời dân, giảm tác động và mật độ kinh doanh, buôn bán trong phố cổ, xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng tại Cẩm Thanh và một số huyện khác (Việt Báo, 2009). Với cách tiếp cận mới, dự án Lồng ghép văn hóa và du lịch nhằm phát triển bền vững được triển khai trong vòng một năm qua đã mở đường cho việc khai thác tối đa lợi thế phát triển du lịch nhưng vẫn bảo tồn được di sản trước việc đầu tư mạnh như hiện nay. Ðó là việc huy động sự tham gia, đóng góp tích cực từ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư sinh sống trong và chung quanh các khu vực di sản. Ðặc biệt cần tạo mối liên kết giữa việc quảng bá, xây dựng một trung tâm thông tin du khách và liên kết Cù Lao Chàm - Hội An - Mỹ Sơn. Hướng khai thác sản phẩm du lịch của Hội An được xác định, bên cạnh giá trị văn hóa của khu phố cổ đang được phát huy thì ưu thế của một Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm cũng sẽ được tận dụng khai thác. Ngoài những dịch vụ tắm biển, lặn biển ngắm san hô, các tuyến tham quan tại Cù Lao Chàm hiện cần được đầu tư nhiều hơn mới bắt kịp yêu cầu của khách du lịch. Với diện tích tự nhiên hơn 40.000ha bao gồm vùng biển Cù Lao Chàm, vùng rừng ngập mặn Cửa Ðại, 35
  • 36. vùng lõi khu phố cổ, Hội An sở hữu đầy đủ tiềm năng đa dạng về sinh học, cảnh quan môi trường và các giá trị văn hóa lịch sử. 2.5. Môi trường du lịch Hội An có 7 km bờ biển với nhiều bãi tắm đẹp thuận lợi cho phát triển du lịch và một ngư trường khá rộng với nguồn hải sản khá dồi dào, có đảo Cù Lao Chàm (rộng 1.591ha) với nguồn đặc sản Yến Sào nổi tiếng, đồng thời là nơi rất thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái (Biển - Đảo) (Trung tâm Văn hóa - Thể thao Hội An, 2009). Văn hóa Hội An là văn hóa đa quốc gia, nhưng đồng thời vẫn là văn hóa thuần Việt. Con người Hội An luôn thận trọng, giao lưu quốc tế không hề vồ vập nhưng đầy thiện chí và thân ái. Hội An không lạc hậu vì ở Hội An, phố, văn hóa phố, đô thị phát triển rất mạnh, không có chuyện cửa đóng then cài và thực tế, Hội An đã mở cửa từ 300 năm trước. Chính họ đã làm nên cái hồn của Hội An, ngọn nguồn của sức sống, sức hấp dẫn của du lịch Hội An. 3. Tình hình thu hút khách du lịch quốc tế của Hội An giai đoạn 2000 - 2010 3.1. Mạng lưới kinh doanh dịch vụ du lịch quốc tế Ngành du lịch Hội An đang đứng trước nhiều thách thức đòi hỏi chính quyền và cả cộng đồng doanh nghiệp chung tay góp sức để vươn lên. Thành quả lớn nhất của ngành du lịch Hội An trong hơn 10 năm qua là đã xây dựng và phát triển được uy tín thương hiệu Hội An - một điểm đến an toàn, thân thiện. Mỗi năm, Hội An đã đón trên 1 triệu lượt khách, với hơn 3 nghìn buồng phòng sẵn sàng phục vụ trên 5 nghìn khách/ngày. Mạng lưới kinh tế du lịch phát triển nhanh với 150 doanh nghiệp và 3.500 hộ kinh doanh với gần 11 nghìn người trực tiếp lao động trong ngành du lịch. Tuy nhiên, du lịch Hội An đang đứng trước nhiều thách thức mới. Bà Đinh Thị Thu Thủy, Trưởng phòng TM - DL Hội An nhìn nhận: “Du lịch Hội An chưa thật sự liên kết chặt chẽ với các trung tâm du lịch miền Trung, chưa thực sự năng động để tạo ra nhiều sản phẩm mới dẫn đến sản phẩm nghèo nàn, công tác quản lý kinh doanh còn nhiều bất cập. Các doanh nghiệp du lịch địa phương cũng chưa liên kết cùng quảng bá hình ảnh chung, thậm chí còn xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh (Báo Quảng Nam, 2009)”. 36