SlideShare a Scribd company logo
1 of 71
Download to read offline
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
NGHIÊM THỊ THU NGA
VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN
LUẬN ÁN TIẾN SĨ
CHUYÊN NGÀNH: VĂN HÓA HỌC
HÀ NỘI - 2018
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
NGHIÊM THỊ THU NGA
VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN
LUẬN ÁN TIẾN SĨ
CHUYÊN NGÀNH: VĂN HÓA HỌC
Mã số: 62 31 06 40
Người hướng dẫn khoa học: GS.TS. HOÀNG VINH
HÀ NỘI - 2018
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của
riêng tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong luận án là trung
thực, có nguồn gốc rõ ràng và được trích dẫn đầy đủ theo
quy định.
Tác giả
Nghiêm Thị Thu Nga
MỤC LỤC
Trang
MỞ ĐẦU 1
Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN
ĐẾN VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN 7
1.1. Tình hình nghiên cứu về văn hóa chính trị 7
1.2. Tình hình nghiên cứu về văn hóa chính trị thời thịnh Trần 22
1.3. Những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu 34
Chương 2: QUAN NIỆM VỀ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ VÀ GIỚI THUYẾT
VỀ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN 36
2.1. Quan niệm về văn hóa chính trị 36
2.2. Giới thuyết về văn hóa chính trị thời thịnh Trần 49
Chương 3: DIỆNMẠOCỦAVĂNHÓACHÍNHTRỊTHỜITHỊNH TRẦN 69
3.1. Định hướng giá trị trong chính trị 69
3.2. Sự vận hành chính trị 80
3.3. Nhân cách chính trị 99
3.4. Ngoại hiện chính trị 110
Chương 4: GIÁ TRỊ TIÊU BIỂU CỦA VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI
THỊNH TRẦN VÀ BÀI HỌC ĐỐI VỚI SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG
VĂN HÓA CHÍNH TRỊ VIỆT NAM HIỆN NAY 119
4.1. Giá trị tiêu biểu của văn hóa chính trị thời thịnh Trần 119
4.2. Bài học đối với sự nghiệp xây dựng văn hóa chính trị nước ta hiện nay
từ kinh nghiệm của thời Trần 129
KẾT LUẬN 151
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ
LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 153
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 154
PHỤ LỤC 170
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT
Cương mục : Khâm định Việt sử thông giám cương mục
ĐCSVN : Đảng Cộng sản Việt Nam
ĐVSKTT : Đại Việt sử ký toàn thư
NCS : Nghiên cứu sinh
NQHNTW : Nghị quyết Hội nghị Trung ương
TCN : Trước Công nguyên
UNESCO : United Nations Educational, Scientific and
Cultural Organization
VHCT : Văn hóa chính trị
1
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
- Xuất phát từ vai trò của văn hóa chính trị (VHCT) và sự cần thiết của việc
nghiên cứu VHCT
Văn hóa chính trị là một bộ phận quan trọng của văn hóa xã hội (cùng với
văn hóa đạo đức, văn hóa pháp luật, văn hóa truyền thông…). Trong suốt chiều
dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, VHCT đã được tạo
dựng, dần hoàn thiện và góp phần làm phong phú thêm cho nền văn hóa dân tộc.
Những giá trị VHCT tiêu biểu đã thấm sâu vào đường lối trị nước và nhân cách
của nhiều người lãnh đạo đất nước, góp phần phát huy sức mạnh của cả dân tộc,
vượt thoát ra khỏi những thử thách khắc nghiệt của lịch sử, đưa đất nước đi lên
cường thịnh và trường tồn.
Nghiên cứu VHCT có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc và nhằm nâng cao
tính tích cực chính trị của con người trong hoạt động xã hội nói chung, nâng cao kỹ
năng, kỹ xảo, nghệ thuật lãnh đạo và quản lý của đội ngũ cán bộ ở Việt Nam nói
riêng, từ đó góp phần xây dựng, đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị của nước ta
phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong hoàn cảnh mới.
Cho đến nay, đã có không ít công trình nghiên cứu về VHCT, nhiều học giả
sử dụng thuật ngữ “VHCT” ở các chuyên ngành khác nhau. Riêng ở chuyên ngành
văn hóa học, vấn đề VHCT vẫn còn những ý kiến chưa đồng nhất, nhất là nội hàm
khái niệm, cấu trúc của VHCT vẫn chưa thực sự được xác lập. Nhiều điểm còn bỏ
ngỏ của vấn đề này đòi hỏi cần được quan tâm nghiên cứu thấu đáo hơn.
- Xuất phát từ sự cần thiết phải nghiên cứu VHCT thời thịnh Trần
Trong 175 năm tồn tại của triều Trần, có khoảng 100 năm đầu là giai đoạn
thịnh trị, hào khí Đông A và trí tuệ Đại Việt đã hội tụ, tỏa sáng trên nhiều lĩnh vực
của đời sống xã hội, làm nên một quốc gia quân chủ độc lập, tự chủ và thịnh vượng.
Khác với những giai đoạn lịch sử sau đó, thời thịnh Trần chưa bị chi phối bởi tư
tưởng Nho giáo, nên càng có điều kiện thuận lợi để những người nắm quyền có thể
phát triển năng lực cá nhân, trở thành những nhân cách rực rỡ, sáng chói, góp phần
gây dựng một nền VHCT sáng tạo với những giá trị độc đáo, ghi dấu ấn đặc biệt
2
trong lịch sử các triều đại quân chủ Việt Nam, có nhiều đóng góp quan trọng cho
văn hóa dân tộc. Hiểu VHCT thời thịnh Trần chính là hiểu sức mạnh nội tại, tiềm ẩn
của dân tộc trước những thử thách cam go, là góp phần lý giải nguyên nhân thịnh -
suy trong lịch sử. Nghiên cứu VHCT thời thịnh Trần, ta tiệm cận đến giá trị của các
bài học giữ nước và phát triển đất nước, bài học về xây dựng một nền chính trị văn
minh, một nền văn hóa vì con người, hợp lòng người.
VHCT thời thịnh Trần đã thành địa hạt thú vị cho nhiều ngành khoa học
xã hội nhân văn tiếp cận nghiên cứu như: văn hóa học, xã hội học, tâm lý học xã
hội, chính trị học... Từ cách tiếp cận văn hóa học, cho đến nay, chưa hề có một
công trình nghiên cứu riêng biệt, chuyên sâu, hệ thống về vấn đề VHCT thời
thịnh Trần. Định vị được một khái niệm công cụ quan trọng trong văn hóa học,
thấu hiểu được một bộ phận thiết yếu trong đời sống văn hóa xã hội của dân tộc
ở buổi đầu dựng nền độc lập tự chủ rạng rỡ, oai hùng và còn nhiều ẩn số, thiết nghĩ
là việc làm cần thiết và ý nghĩa.
- Xuất phát từ nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy đáp ứng yêu cầu phát triển
đất nước thời kỳ mới
Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng nền văn
hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã
được Đảng Cộng sản Việt Nam xác định, đó là: “Chú trọng chăm lo xây dựng văn
hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố
quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh” [41, tr.29].
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đó, nội dung VHCT đã và đang được triển khai
nghiên cứu, giảng dạy ở nhiều góc độ, nhiều chuyên ngành. Ở chuyên ngành văn
hóa học, VHCT mới chỉ dừng lại ở những nghiên cứu bước đầu với kết quả còn
khiêm tốn, VHCT truyền thống Việt Nam cũng chưa thực sự được quan tâm thỏa
đáng. Do đó, việc nghiên cứu đề tài VHCT thời thịnh Trần sẽ góp phần đi sâu vào
địa hạt VHCT truyền thống theo cách tiếp cận của văn hóa học, từ đó, giúp ích cho
việc nghiên cứu, giảng dạy các nội dung quan trọng liên quan như: Lịch sử văn hoá,
VHCT, Văn hóa công vụ...
3
Xuất phát từ những lí do trên, nghiên cứu sinh (NCS) lựa chọn đề tài
“Văn hóa chính trị thời thịnh Trần” cho luận án tiến sĩ, chuyên ngành Văn hóa
học với mong muốn nhận chân một cách hệ thống diện mạo, giá trị của nền
VHCT thời thịnh Trần, từ đó góp phần luận bàn về những bài học kinh nghiệm
của thời Trần đối với việc xây dựng và phát triển nền VHCT Việt Nam hiện nay.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích nghiên cứu
Luận án tiến hành nghiên cứu VHCT thời thịnh Trần, qua đó liên hệ, bàn
luận về vấn đề xây dựng nền VHCT Việt Nam hiện nay.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
+ Làm rõ một số vấn đề lý luận về VHCT (khái niệm, cấu trúc của VHCT);
+ Miêu tả diện mạo VHCT thời thịnh Trần qua các thành tố cơ bản;
+ Nhận định về giá trị của VHCT thời thịnh Trần, từ đó liên hệ và bàn luận về
một số bài học đối với công cuộc xây dựng nền VHCT Việt Nam hiện nay.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Luận án nghiên cứu VHCT thời thịnh Trần (mà trọng tâm là diện mạo, giá
trị và bài học lịch sử đối với giai đoạn hiện nay).
3.2. Phạm vi nghiên cứu
- Về thời gian: Luận án nghiên cứu giai đoạn thịnh trị của triều Trần (1225-
1329), tức từ lúc vua Trần Thái Tông lên ngôi cho đến khi vua Trần Minh Tông
nhường ngôi cho thái tử Vượng.
Giai đoạn sau không thuộc phạm vi nghiên cứu mà chỉ được đề cập đến ở
mức độ liên quan cần thiết của luận án.
- Về không gian: Ở thời thịnh Trần, nước Đại Việt gồm 12 lộ, kéo dài từ
Lạng Giang đến Hóa Châu (Lạng Sơn đến Thừa Thiên Huế ngày nay). Không
gian nghiên cứu của luận án chính là nước Đại Việt thời thịnh Trần trong mối
quan hệ với các nước láng giềng, đặc biệt là nước Trung Hoa (ở phương Bắc) và
nước Chiêm Thành (ở phương Nam).
4
- Về nội dung: Luận án chủ yếu nghiên cứu VHCT của của các vương triều
thời thịnh Trần (tức của chủ thể cầm quyền cơ bản: vua, quan lại và tướng lĩnh).
4. Cơ sở phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
4.1. Cơ sở phương pháp luận
Luận án được thực hiện dựa trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa duy
vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử của học thuyết mác xít để phân tích tiền
đề, bối cảnh lịch sử dẫn đến sự hình thành VHCT thời thịnh Trần, phân tích vấn đề
vai trò cá nhân (người anh hùng) và quần chúng (thần dân) trong lịch sử, nhận định
giá trị và bài học của VHCT thời thịnh Trần đối với giai đoạn hiện nay.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp tổng hợp tư liệu, sử liệu:
Đây là phương pháp chủ đạo và hết sức cần thiết đối với một đề tài mang
tính hồi cố và nguồn tài liệu chủ yếu là tài liệu thứ cấp như luận án. Thông qua
việc sưu tầm và tập hợp tư liệu từ các văn bản đáng tin cậy, như các văn bản Hán
Nôm (văn bản hành chính, văn bản luật pháp, văn bản nghệ thuật... ra đời trong
thời Trần), các tài liệu lịch sử, các công trình khoa học của các tác giả trong và
ngoài nước về thời Trần, VHCT thời Trần, luận án có thể nhận diện cụ thể các
vấn đề thuộc VHCT thời thịnh Trần. Phương pháp này cho phép NCS thu thập
được các thông tin lịch sử, khảo sát nhiều nội dung quan trọng liên quan đến vấn
đề nghiên cứu một cách chính xác, tránh tình trạng võ đoán, tư biện.
- Phương pháp liên ngành:
Văn hóa là đối tượng của nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn: triết
học, sử học, dân tộc học, nhân học, tâm lý học, đạo đức học, nghệ thuật học... Văn
hóa học vừa là khoa học độc lập, vừa là khoa học liên ngành gắn với các khoa học
xã hội và nhân văn kể trên. Do vậy, khi nghiên cứu một nền văn hóa, một hiện
tượng văn hóa dưới góc độ văn hóa học, người nghiên cứu có thể sử dụng các kết
quả nghiên cứu của các ngành khoa học xã hội và nhân văn làm cơ sở, tài liệu cho
việc nghiên cứu. Ngoài ra, người nghiên cứu văn hóa còn có thể sử dụng các tri
thức, các khái niệm, phạm trù, các phương pháp của các ngành khoa học xã hội và
nhân văn trên để nghiên cứu các hiện tượng, quá trình văn hóa.
5
Vấn đề VHCT thời thịnh Trần có liên quan đến tri thức của nhiều môn
khoa học khác nhau như: nhân học văn hóa, xã hội học văn hóa, tâm lý học, triết
học, sử học, văn học... Chính vì vậy, NCS đã vận dụng những tri thức của các
môn khoa học trên để làm rõ vấn đề nghiên cứu của luận án. Mặt khác, trong quá
trình thực hiện luận án, NCS đã sử dụng các thuật ngữ, khái niệm, các khái quát
lí luận (nguyên lí, quy luật, kết luận khoa học), các cứ liệu, tài liệu và một số
phương pháp nghiên cứu của các khoa học khác.
- Phương pháp logic - lịch sử:
Lịch sử là bản thân quá trình vận động và phát triển của hiện thực. Logic là
cái được trừu tượng hóa từ lịch sử, là cái phản ánh lịch sử trong các mối quan hệ và
liên hệ cơ bản nhất của nó trong ý thức con người. Kết hợp lịch sử và logic nhằm
khám phá bản chất và quy luật nội tại chi phối sự phát triển của sự vật, hiện tượng
và phản ánh khái quát lịch sử ở nét chủ yếu của nó.
Phương pháp logic - lịch sử giúp NCS chỉ ra được diện mạo của VHCT khi
xem xét nó trong một giai đoạn cụ thể (thời thịnh Trần), đồng thời lại có thể nhìn
nhận, đánh giá VHCT thời thịnh Trần trong chiều lịch đại, đồng đại của sự vận
động, phát triển của văn hóa dân tộc. Mặt khác, phương pháp này giúp người viết
đi sâu vào những đặc điểm của đối tượng nghiên cứu.
- Phương pháp chuyên gia: Trên cơ sở nội dung của Luận án, NCS phỏng
vấn sâu, tham khảo các ý kiến, nhận định của các chuyên gia, những người am
hiểu về văn hóa, VHCT, về lịch sử thời Trần..., từ đó bổ sung, hoàn chỉnh cho
các phân tích, kết luận trong luận án.
- Phương pháp phân tích và tổng hợp: Đây là phương pháp phân chia
(trong thực tế và tư duy) sự vật hiện tượng thành các yếu tố cấu thành, sau đó
nghiên cứu từng yếu tố cấu thành ấy một cách riêng rẽ để cuối cùng bằng
phương pháp tổng hợp, tức là bằng cách xác định những cái chung cũng như cái
quy luật, mối liên hệ, tác động qua lại giữa các yếu tố ấy, ta lại kết hợp chúng lại
với nhau thành một chỉnh thể cố kết. Cái tổng thể ta thu được là kết quả nghiên
cứu, không phải là cái tổng thể giản đơn mà là cái tổng thể được nhận thức đầy
đủ và sâu sắc.
6
Luận án đã sử dụng phương pháp này để phân chia cấu trúc VHCT và tiến
hành nhận diện VHCT thời thịnh Trần theo các thành tố thuộc cấu trúc VHCT nói
chung đó. Rồi từ diện mạo các thành tố đã được nhận diện, phân tích đó, NCS lại
tổng hợp, đánh giá những giá trị chung của cả nền VHCT thời thịnh Trần.
Để thực hiện tốt các phương pháp trên, luận án tiến hành các thao tác nghiên
cứu cụ thể: phỏng vấn sâu, thống kê, so sánh,...
5. Đóng góp mới của luận án
5.1. Về lý luận
- Hệ thống hóa, bổ sung và phát triển một số vấn đề liên quan đến lý luận
về VHCT; góp phần xác lập khái niệm và cấu trúc của VHCT dưới góc nhìn văn
hóa học;
- Qua việc nghiên cứu về VHCT thời thịnh Trần, luận án góp phần bổ
sung về phương pháp luận cho việc nghiên cứu một bộ phận của văn hóa xã hội
trong một thời đại lịch sử cụ thể.
5.2. Về thực tiễn
- Luận án làm rõ được diện mạo và giá trị của VHCT trong giai đoạn
thịnh Trần, thông qua đó có thể hiểu rõ hơn về lịch sử văn hoá Việt Nam;
- Từ việc hiểu về VHCT của một giai đoạn trong lịch sử với tất cả những
ưu điểm và hạn chế, luận án rút ra bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng, phát
triển VHCT Việt Nam hiện nay.
- Kết quả nghiên cứu của luận án sẽ góp phần làm phong phú thêm nguồn
tư liệu về văn hóa, văn hóa Việt Nam, VHCT Việt Nam và là nguồn tư liệu tham
khảo cho công tác học tập, nghiên cứu và giảng dạy các học phần VHCT, Văn
hóa công vụ, Lịch sử văn hóa Việt Nam...
6. Kết cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục các công trình đã công bố của tác
giả liên quan đến đề tài luận án, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, luận án
kết cấu thành 04 chương, 11 tiết.
7
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN
VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN
1.1. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ
1.1.1. Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài
1.1.1.1. Nghiên cứu của các nước phương Đông
Ở phương Đông, các nhà tư tưởng cổ đại Trung Quốc đã mở đầu cho
truyền thống tiếp cận VHCT trong lịch sử tư tưởng nhân loại với các hệ tư tưởng
về đức trị, pháp trị và vô vi nhi trị.
Khổng Tử là đại diện tiêu biểu cho chủ trương đức trị. Nhà tư tưởng này rất
tin ở sức hấp dẫn và sự tác động của đạo đức đến hoạt động chính trị. Ông khẳng
định: “Vi chính dĩ đức, thí như Bắc thần, cư kỳ sở nhi chúng tinh củng chi” (Dùng
đức mà làm chính trị cũng ví như ngôi sao Bắc Đẩu, ở yên tại vị trí của mình mà
các ngôi sao khác đều chầu về) [19, tr.6], nghĩa là nếu nhà cầm quyền làm chính trị
bằng đức thì vương hầu và dân chúng sẽ mến đức mà quy phục. Việc lấy đạo đức
làm tiêu chuẩn chi phối hành vi chính trị đã đưa Khổng Tử đi đến phủ nhận vai trò
của luật pháp. Theo ông, vua không cần dùng tới hình luật nghiêm khắc, chỉ ngồi rủ
áo xiêm, dùng đạo đức của mình cảm hóa bề tôi và dân chúng mà mọi việc trôi chảy
tốt đẹp, đất nước thái bình. Ông cho rằng nếu nhà cầm quyền chuyên dùng pháp
chế, cấm lệnh mà dẫn dắt dân chúng, thì dân sợ mà không dám phạm pháp thôi chứ
không phải vì họ biết xấu hổ. Vậy muốn dẫn dắt dân chúng, nhà cầm quyền phải
dùng lễ tiết đức hạnh, khi đó chẳng những dân biết xấu hổ, mà còn được cảm hóa
để trở nên tốt lành. Quan điểm của Khổng Tử được kế tục và phát triển bởi các học
trò của ông, tiêu biểu là Mạnh Tử - người đã đề ra tư tưởng “văn trị giáo hóa”, nghĩa
là dùng văn để giáo hóa thiên hạ. Để hiện thực hóa tư tưởng đức trị, họ đã đề ra mô
hình “tam cương, ngũ thường” với tư cách là mô hình đạo đức chuẩn mực mà con
người phải tuân thủ. Từ năm 136 trước công nguyên (TCN), khi được Hán Vũ Đế
thừa nhận là tư tưởng chính thống của giai cấp thống trị, Khổng giáo đã trở thành hệ
8
tư tưởng có ảnh hưởng lớn, là công cụ tinh thần để bảo vệ cho chế độ quân chủ suốt
hai nghìn năm ở Trung Quốc.
Khác với tư tưởng đức trị, tư tưởng pháp trị - mà người nâng lên thành học
thuyết pháp trị hoàn chỉnh nhất Trung Quốc cổ đại là Hàn Phi Tử (280 - 233
TCN) - lại đề cao giá trị của pháp luật. Theo Hàn Phi Tử, nhà nước rất cần tới
pháp luật bởi pháp luật là công cụ quan trọng để điều chỉnh xã hội. Ông phủ
nhận lý luận đề cao mọi cái cao quý của con người cũng như lý luận chính trị
thần quyền. Để hiện thực hóa tư tưởng pháp trị, Hàn Phi Tử đã đề xuất mô hình:
“Pháp - Thế - Thuật” và coi đó là 3 nguyên lý trong chính trị. Trong đó, “pháp”
là trung tâm, còn “thế” và “thuật” là điều kiện tất yếu để thực hành pháp luật.
Ông cho rằng, chỉ cần duy trì hiệu lực của pháp luật thì sẽ giữ vững được trật tự
chính trị bình thường và thu được những hiệu quả lớn. Cho nên, việc làm cho
pháp luật không bị hỏng nát là tiền đề và mục đích tối cao của chính trị. “Thuật”
thực chất là thủ đoạn của người làm vua dùng để điều khiển cho các quan lại
phải giữ gìn pháp luật và tuân theo mệnh lệnh. “Thế” là một thứ quyền lực đặt ra
cho phù hợp với yêu cầu của pháp luật. Lý thuyết của Hàn Phi Tử được Tần
Thủy Hoàng dùng để thống nhất Trung Quốc. Sau này, các triều đại phong kiến
Trung Quốc cũng tiếp tục sử dụng lý thuyết pháp trị của ông nhưng nó bị che
dấu dưới cái vỏ bề ngoài của Nho giáo mà thường được gọi là “dương Nho, âm
Pháp” hay “nội Pháp, ngoại Nho”.
Lão Tử là thuỷ tổ của phái Đạo gia. Trong Đạo đức Kinh, Lão Tử bàn về
chính trị không nhiều, nhưng tương đối có hệ thống. Ông nêu ra lý luận triết
học “Đạo pháp tự nhiên” và vận dụng nhuần nhuyễn, nhất quán lý luận này vào
việc lý giải lĩnh vực chính trị. Bao trùm tư tưởng chính trị của ông là tư tưởng
“vô vi nhi trị”. Đây là quan điểm cai trị xã hội hướng người cầm quyền đến
việc để xã hội tự nhiên như nó vốn có, không can thiệp bằng bất cứ cách nào,
xã hội sẽ được ổn định. “Vô vi” không phải là không làm gì cả mà là không
làm gì trái với tự nhiên, không dùng tâm mà xen vào việc của người khác,
không dùng tham vọng cá nhân mà can thiệp vào mọi việc, là hành sự thuận
9
theo quy luật tự nhiên. Theo ông, tự nhiên là không bị chi phối bởi tình cảm, ý
muốn, trí tuệ của con người, nếu có sự can thiệp của con người dù bằng bất cứ
cách nào thì chính trị cũng trở nên rắc rối. Tuy có nhiều mặt hạn chế nhưng
phương pháp “vô vi” của ông vẫn có những nhân tố hợp lý, tư tưởng chính trị
của ông vẫn có một vị trí ảnh hưởng nhất định đến ngày nay.
Sang thời kỳ hiện đại, từ sau thập niên 70 của thế kỷ XX, ở nhiều nước
châu Á, các học giả Nhật Bản, Đài Loan bắt đầu nghiên cứu VHCT. Sau năm
1980, ở Trung Quốc, việc nghiên cứu VHCT (hay còn gọi là “văn minh
chính trị”) ngày càng phổ biến rộng rãi. Văn minh chính trị ở Trung Quốc
được nhìn nhận trong mối quan hệ với thành quả của quá trình cải tạo xã hội
của loài người. Trong cuốn Trung Quốc Đại bách khoa toàn thư, quyển
Chính trị học viết: “Văn minh chính trị là sự tổng hòa các thành quả chính
trị do con người cải tạo xã hội mà có, thông thường nó biểu hiện thành mức
độ thực hiện dân chủ, tự do, bình đẳng, giải phóng con người trong một hình
thái xã hội nhất định” [49]. Tác giả Ngu Sùng Thắng (Đại học Vũ Hán)
trong bài Phân biệt khái niệm văn minh chính trị đã nêu ra:
Văn minh chính trị, xét từ trạng thái tĩnh, nó là toàn bộ thành
quả tiến bộ đạt được trong tiến trình chính trị; xét từ trạng thái
động, nó là quá trình tiến hóa cụ thể trong sự phát triển chính trị
của xã hội loài người [49].
1.1.1.2. Nghiên cứu của các nước phương Tây
Ở phương Tây, từ thời cổ đại cho đến thời đại Khai sáng, vấn đề VHCT
được nghiên cứu như đối tượng của triết học. Platon (khoảng 427 - 347 TCN)
với tác phẩm Nền cộng hoà và Aristoteles (384 - 322 TCN) với tác phẩm Chính
trị được coi là những người mở đầu cho cách tiếp cận VHCT truyền thống ở
phương Tây. Khi bàn về VHCT, cả hai nhà tư tưởng này đều đặc biệt chú ý đến
quan điểm, thái độ cơ bản của con người đối với các vấn đề như: quyền lực, tác
động của chính thể đến người dân, cách thức để quản lý các mối quan hệ xã
hội. Học thuyết chính trị - xã hội của Platon quan tâm đến vấn đề nhà nước và
10
theo ông, trong nhà nước đó, các nhà triết học là những người cầm quyền. Còn
Aristoteles thì nhấn mạnh vai trò của chính trị trong việc xác định tư cách tồn
tại của con người khi ông coi con người là “động vật chính trị”. Ông cho rằng
mục đích cao nhất của chính trị là làm sao để mọi người có thể sống và sống tốt
hơn, sứ mệnh của nhà nước, của những người cầm quyền - chủ thể chính trị -
không chỉ là đảm bảo cho mọi người sống bình thường mà còn là làm sao để
mọi người sống hạnh phúc: “Mục đích của nhà nước là cuộc sống phúc lợi...,
bản thân nhà nước là sự giao thiệp của các gia tộc và dân cư nhằm đạt được sự
tồn tại một cách hoàn thiện và tự lập” [147, tr.210].
Cho đến cuối thế kỷ XVIII, thuật ngữ “VHCT” mới xuất hiện bởi nhà triết
học cổ điển Đức I.Herder (1744 - 1803) khi ông nghiên cứu mối quan hệ tương tác
giữa văn hóa và chính trị. Trong cuốn sách Các phương pháp triết học lịch sử nhân
loại (năm 1784), lần đầu tiên ông đưa ra khái niệm “VHCT”, “sự chín muồi của
VHCT” hay “những đại biểu của VHCT” [147, tr.460].
A.Tocqueville (1805-1859), là học giả người Pháp nhưng đã viết một số
khảo luận về hệ thống chính trị của Hoa Kỳ. Nền dân chủ Mỹ là một trong những
tác phẩm nổi tiếng của ông. Trong tác phẩm này, ông đã đưa các giá trị văn hóa
lên vị trí hàng đầu trong việc phân tích về nền dân chủ ở Mỹ. Tocqueville khẳng
định: “Nếu không có những quan điểm và thói quen thích hợp về vai trò của dân
chúng thì đến cả những thể chế dân chủ sáng giá nhất cũng khó có thể tránh khỏi
sự lung lay từ cơ sở” [147, tr.462]. Nhà chính trị học nổi tiếng khác của Mỹ là
L.Pye, năm 1961, khi biên soạn Bách khoa toàn thư khoa học xã hội quốc tế, đã
đưa ra định nghĩa rõ hơn về VHCT:
Văn hóa chính trị là một hệ thống thái độ, niềm tin và tình cảm; nó đem
lại ý nghĩa và trật tự cho quá trình chính trị; nó đưa ra tiền đề cơ
bản và quy tắc chế ước hành vi của hệ thống chính trị; nó bao
gồm lý tưởng chính trị và quy phạm vận hành của một chính thể.
Bởi vậy, VHCT là biểu hiện hình thức tập hợp tâm lý chính trị và
góc độ chủ quan; một loại VHCT vừa là lịch sử tập thể của một
11
hệ thống chính trị, lại vừa là sản phẩm của lịch sử đời sống của
các cá thể trong hệ thống đó; do đó, nó bắt rễ sâu xa trong lịch sử
các sự kiện chung và lịch sử cá nhân [68, tr.83-84].
Nói cách khác, VHCT thuộc phương diện chủ quan trong hệ thống chính trị,
nó chế ước chế độ chính trị và xác định hành vi chính trị của con người.
Mặc dù vấn đề VHCT xuất hiện sớm như vậy, nhưng môn Nghiên cứu
VHCT lại thực sự ra đời cùng với ngành khoa học chính trị hiện đại. Trong đó,
nổi lên hai xu hướng nghiên cứu chính:
Thứ nhất, coi VHCT chỉ là chiều cạnh chủ quan của hệ thống chính trị và
quá trình chính trị.
Công trình The Civic Culture, Political Attitudes and Democracy in
Five Nations (“Văn hóa công dân - Những thái độ chính trị và nền dân chủ ở
năm quốc gia”) của hai nhà khoa học Mỹ G.Almond và S.Verba, được coi là
chuyên khảo đầu tiên khai phá và đặt nền móng cho môn Nghiên cứu VHCT
ở phương Tây. Hiện nay, nhiều công trình nghiên cứu về VHCT thường giới
thiệu một định nghĩa được thừa nhận là “kinh điển” của G.Almond. Học giả
này đã tiến hành khái quát các công trình nghiên cứu diện xã hội - văn hóa
của các quá trình chính trị để đưa ra khái niệm VHCT: “VHCT của một dân
tộc là cách chia sẻ riêng của các thành viên của dân tộc ấy những dạng thức
của sự định hướng quan tâm tới các khách thể chính trị” [147, tr.14-15]. Như
vậy, G.Almond (cùng với S.Verba) là những người đầu tiên đưa ra quan
điểm: VHCT chỉ là chiều cạnh chủ quan của hệ thống chính trị và quá trình
chính trị. Almond cho rằng VHCT “gồm các yếu tố về nhận thức, tình cảm
và giá trị. Nó hàm chứa nhận thức và ý kiến, quan niệm giá trị và tình cảm
đối với chính trị” [68, tr.83]. Verba khẳng định: VHCT không phải là chế độ
và cơ cấu chính trị, cũng không phải là mô hình hành vi chính trị: “nó không
nói về các sự việc phát sinh trong lĩnh vực chính trị mà là nói về những suy
nghĩ và niềm tin của người ta đối với các sự việc đó” [68, tr.84].
Hai ông cũng đưa ra ba loại hình cơ bản của VHCT: văn hóa chính trị bộ lạc,
văn hóa chính trị thần thuộc và văn hóa chính trị tham dự (hay văn hóa công dân).
12
Một số trường phái khoa học chính trị và các nhà nghiên cứu ở phương
Tây sau này đã dựa trên cơ sở lý thuyết khoa học về VHCT của G.Almond và
S.Verba. Tiêu biểu có thể kể đến:
- Định nghĩa của nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Tổng hợp
Berkeley (California) trong cuốn Đề cương bài giảng VHCT (năm 2006):
“VHCT được tạo thành bởi những tri nhận, những giá trị và những bộc lộ cảm
tình mà dân chúng của một cộng đồng/ tập thể nào đó mang lại cho một quá trình
mà tại đó những giá trị chân xác sẽ được định vị” [147, tr.29]. Theo trường phái
này, cả ba bộ phận hợp thành của VHCT trên đây chỉ được xem xét, phân tích
khi đặt trong mối quan hệ với hệ thống chính trị và đặc biệt là trong quá trình
chính trị, nơi mà những bộ phận này được “định vị”. Điều này có nghĩa là tương
tự như trong cách tiếp cận và định nghĩa khái niệm của G.Almond và S.Verba,
các chiều cạnh chủ quan của hệ thống chính trị và quá trình chính trị được xem
như hệ quy chiếu gốc của môn nghiên cứu về VHCT.
- Định nghĩa được công bố trong cuốn Từ điển chính trị xuất bản năm
2007 của trường phái học thuật Heidelberg (Đức): VHCT là khái niệm “dùng để
chỉ chiều cạnh chủ quan của những cơ sở xã hội của các hệ thống chính trị.
VHCT liên quan tới những bộ phận khác nhau của ý thức chính trị, những
“phong thái”, những lối nghĩ và ứng xử “điển hình” của những nhóm xã hội hoặc
của toàn xã hội. VHCT bao gồm tất cả những đặc tính chính trị cá nhân của từng
cá thể, tiềm ẩn trong những thái độ và các giá trị, bắt rễ trong những động cơ
bẩm sinh của hành vi chính trị, và có trong những hình thức bộc lộ có tính chất
biểu tượng và những ứng xử chính trị cụ thể” [147, tr.24]. Đây cũng có thể coi là
một quan điểm gợi mở những khía cạnh có tính phương pháp luận trong nghiên
cứu về VHCT.
Thứ hai, coi VHCT là một bộ phận trong chỉnh thể văn hóa chung của xã hội.
Không phải tất cả các nhà khoa học chính trị hiện đại ở phương Tây đều
dựa trên cơ sở lý thuyết khoa học về VHCT của G.Almond và S.Verba. Xu
hướng tiếp cận VHCT khác đáng chú ý ở phương Tây là coi VHCT là một bộ
phận trong chỉnh thể văn hóa chung của xã hội. Nhà sử học và chính trị học Hoa
13
Kỳ P.X.Taquar đã nhiều năm có dự định giải quyết vấn đề về cách tiếp cận và
các khái niệm, liên quan tới các phạm vi của khái niệm VHCT. Ông cho rằng: có
thể nói về VHCT như một bộ phận tự trị (tách riêng) trong chỉnh thể văn hóa
chung của xã hội. Lý giải vấn đề trên đây, quan điểm của ông có hai mặt tương
liên đáng lưu ý là: Thứ nhất, luận chứng về ưu thế của cách tiếp cận văn hóa học đối
với VHCT (khác với cách phân tích hệ thống hoặc phân tích tâm lý hẹp, chủ yếu
dùng trong khoa chính trị học). Thứ hai, trong khi phân tích phê phán khái niệm
VHCT của Almond, học giả này cũng đã xây dựng nên hàng loạt vấn đề mang tính
chất phương pháp luận, chủ yếu là để xác lập hệ hình khái niệm cho VHCT. Theo
ông, G.Almond và những người kế tục ông chỉ tập trung chú ý vào một phương
diện (dù đó là quan trọng nhất) của VHCT - đó chính là phương diện chủ quan
(nhiều khi mang tính chất tâm lý học), nhận định đặc trưng của VHCT như “một tổ
hợp những ý đồ và mục tiêu” của các nhân vật chính trị.
Các trường phái chính trị học Nga với các tên tuổi như E.A.Dodin,
G.Grat, A.X.Carmin, I.X.Piroparov… cũng đưa ra nhiều quan niệm khác nhau.
Theo E.A.Dodin:
Văn hóa chính trị là quá trình xã hội hóa chính trị, suy cho cùng là quá
trình phổ cập những giá trị và quy tắc chính trị nhất định” và “quá
trình xã hội hóa trong chừng mực nào đó đưa đến sự ra đời các thiết
chế xã hội, các giá trị và những chuẩn mực hành vi phù hợp với tiến
trình phát triển [147, tr.64-65].
Với quan điểm này, E.A.Dodin đã không đồng tình với các tác giả
phương Tây khi quy VHCT về các khuôn mẫu xác định nào đó. Bởi điều đó
thường mang tính chủ quan của nhà nghiên cứu và sẽ rất dễ nhầm lẫn với các
hiện tượng bề mặt.
Thông qua lăng kính của những yếu tố cấu trúc cơ bản, G.Grat cho rằng
VHCT được cấu trúc bởi 3 thành tố: “Cấu trúc của VHCT gồm: Văn hóa về ý thức
chính trị, văn hóa hành vi chính trị và văn hóa vận hành các hành vi chính trị của
Nhà nước” [191, tr.45].
14
Còn nhà chính trị học Liên Xô cũ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc
dùng VHCT mới để đả phá những thói quen do xã hội cũ để lại và xây dựng một
nhà nước kiểu mới. Họ phê phán các học giả Mỹ quá nhấn mạnh định nghĩa
VHCT là một thứ động cơ tâm lý, là thái độ chủ quan mà coi nhẹ vấn đề giai cấp
và lợi ích giai cấp, bỏ qua việc đời sống chính trị luôn phụ thuộc vào lợi ích giai
cấp và những mối quan hệ kinh tế nhất định. Theo họ, VHCT là thành phần quan
trọng của văn hóa tinh thần, nó thuộc về lĩnh vực thượng tầng kiến trúc, có tính
giai cấp và tính xã hội rõ ràng; nó phản ánh lợi ích, nguyện vọng và yêu cầu của
một giai cấp nhất định.
Ngoài ra, V.I.Lê-nin đưa ra khái niệm VHCT dựa trên quan niệm về mối
liên hệ chặt chẽ giữa chính trị và văn hóa. Sử dụng các thành quả đấu tranh để
xây dựng chính quyền Xô Viết, Lê-nin khẳng định: “Giờ đây, trước mắt chúng ta
đang phải thực hiện các nhiệm vụ văn hóa, cần nắm vững các kinh nghiệm chính
trị và có thể nhân rộng ra để tái hiện trong đời sống [195, tr.246].
Như vậy, VHCT ra đời từ rất sớm cả ở phương Đông và phương Tây. Có
thể nói, từ khi có chính trị thì vấn đề VHCT cũng được đặt ra. Nhưng, việc
nghiên cứu VHCT như một môn khoa học thì ra đời khá muộn. Dù vậy, với
những nghiên cứu công phu, phong phú từ nhiều góc nhìn, các tài liệu trên đã
giúp NCS có được những nhận thức khái quát về hệ thống lý thuyết cũng như
phương pháp tiếp cận VHCT. Việc kế thừa các thành tựu nghiên cứu đó có ý
nghĩa quan trọng và là việc làm hết sức cần thiết.
1.1.2. Tình hình nghiên cứu ở Việt Nam
1.1.2.1. Nghiên cứu phương diện thực tiễn của văn hóa chính trị truyền thống
Quá trình tiếp cận VHCT ở Việt Nam đã được bắt đầu từ khá sớm, trong
đó, chủ yếu là quan niệm về những yêu cầu làm chính trị của những chủ thể
chính trị - những nhà cầm quyền tối cao của các triều đại quân chủ.
Trong khoa học nghiên cứu VHCT, người đầu tiên trình bày VHCT Việt
Nam trong lịch sử một cách hệ thống là Nguyễn Hồng Phong trong công trình
VHCT Việt Nam - truyền thống và hiện đại [129]. Trên cơ sở những tri thức
15
chung về VHCT trong xã hội truyền thống phương Đông, tác giả này trình bày
mô hình tổ chức quản lý xã hội Việt Nam truyền thống trên hai phương diện
quốc gia và làng xã.
Nguyễn Văn Huyên và cộng sự trong công trình Bước đầu tìm hiểu những
giá trị VHCT truyền thống Việt Nam [81] đã trình bày những nhân tố hình thành
tư tưởng VHCT và những nét đặc sắc của VHCT Việt Nam trong lịch sử. Nhiều
giá trị tiêu biểu của VHCT được các nhà nghiên cứu phân tích khá sâu sắc như:
yêu nước, lấy dân làm gốc; tư tưởng chính trị độc lập tự chủ...
Thừa nhận lịch sử xã hội là do con người sáng tạo nên trong những điều
kiện lịch sử nhất định và theo những cách thức nhất định, mà cách thức này lại
do nền tảng văn hóa quy định, Phạm Hồng Tung trong công trình VHCT và lịch
sử dưới góc nhìn VHCT đã đi sâu nghiên cứu hàng loạt vấn đề của lịch sử Việt
Nam cận đại nhằm chỉ ra những khía cạnh mới và mang lại những nhận thức
mới. Đó là vấn đề ý thức dân tộc, tâm thức cộng đồng dân tộc, cuộc vận động
giải phóng và duy tân đất nước...
Lê Quý Đức, trong Giáo trình VHCT (hệ đào tạo sau Đại học, Học viện
Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), đã có những phân tích, lý giải sâu sắc về
những vấn đề cơ bản của lịch sử VHCT Việt Nam. Theo đó, VHCT Việt Nam
trong xã hội truyền thống được ông chia làm ba thời kỳ: thời kỳ hình thành nhà
nước sơ khai (nhà nước Văn Lang - Âu Lạc), thời kỳ nhà nước Đại Việt độc lập
tự chủ, thời kỳ nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tác giả cũng đã tập trung
phân tích các thành tố trong cấu trúc của nền VHCT Việt Nam trong từng thời
kỳ cụ thể (Triết lý, tư tưởng chính trị; Thiết chế, thể chế chính trị; Công nghệ
chính trị; Nhân cách của những nhà chính trị tiêu biểu; Hệ thống ngoại hiện).
Công trình nghiên cứu mới nhất hiện nay về vấn đề thực tiễn trong VHCT
Việt Nam truyền thống là đề tài cấp Bộ trọng điểm “Các nguyên nhân làm sụp đổ
chế độ chính trị Việt Nam trong lịch sử” [45] do Phạm Duy Đức làm chủ nhiệm.
Công trình này đã lý giải nguyên nhân của sự suy vong và sụp đổ của các triều đại
quân chủ Việt Nam suốt 10 thế kỷ (nguyên nhân về thể chế chính trị, từ thiết chế
16
chính trị và từ nhân cách của người cầm quyền). Từ đó, đề tài nêu ra một số bài
học đối với việc đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững chế độ chính trị Việt
Nam hiện nay như: Đặt lợi ích quốc gia dân tộc là tối thượng; Khoan sức dân, thân
dân, vì dân; Nền tảng tư tưởng ổn định; Trọng dụng nhân tài, đề cao văn hóa dân
tộc, tiếp thu sáng tạo giá trị văn hóa từ bên ngoài... Đây là những gợi ý cho NCS
khi lý giải bài học thịnh - suy của triều Trần.
Như vậy, những công trình nghiên cứu về VHCT Việt Nam trong lịch sử
nêu trên thường đề cập đến các yếu tố cụ thể của VHCT như giá trị VHCT, tư
tưởng VHCT, nhân cách nhà chính trị tiêu biểu, bài học kinh nghiệm với việc
xây dựng và phát triển VHCT Việt Nam hiện nay,... Với các kết quả nghiên cứu
đó, diện mạo chung của VHCT Việt Nam truyền thống bước đầu được phác họa.
Đây là những tài liệu tham khảo bổ ích cho NCS khi nghiên cứu một giai đoạn
của VHCT Việt Nam truyền thống.
1.1.2.2. Nghiên cứu phương diện lý luận/lý thuyết của khoa học hiện đại
Điểm chung của các công trình nghiên cứu theo hướng này là các tác giả
đều đề cập tới những vấn đề cơ bản của môn Nghiên cứu VHCT, tập trung làm rõ
một số khái niệm công cụ cơ bản được sử dụng phổ biến trong khoa học chính trị
như: khái niệm VHCT, nội dung, cấu trúc, chức năng, vai trò của VHCT. Tuy
nhiên, tùy vào các góc độ tiếp cận, mỗi tác giả lại đưa ra những quan niệm khác
nhau về VHCT. Có thể khái quát thành ba nhóm chính như sau:
1/ Nhóm thứ nhất: coi VHCT là một tổ hợp từ chỉ tài năng, sự khôn khéo
trong hoạt động chính trị, VHCT có thể thay bằng “nghệ thuật làm chính trị”.
Theo quan điểm này, nhóm tác giả Đặng Xuân Kỳ, Vũ Khiêu, Hoàng Chí
Bảo trong Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa và phát triển con người cho rằng:
Văn hóa chính trị không phải là bản thân chính trị, mà là chính trị có
văn hóa, chính trị tác động vào con người và xã hội như một sức mạnh
văn hóa, sức mạnh không chỉ dựa vào quyền lực mà phải dựa vào sự
cảm hóa con người, thức tỉnh lương tri, lay động tâm tư, tình cảm con
người, thuyết phục, chinh phục, thu phục con người [91, tr.248].
17
Trong khi đó, Phạm Ngọc Anh và Bùi Đình Phong (trong sách Hồ Chí
Minh - văn hóa và phát triển) quan niệm:
Văn hóa chính trị là cái đẹp, cái giá trị của chính trị, tức là chính trị thấm sâu
vào tâm lý quốc dân, vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng
người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng như một sức mạnh văn hóa,
sức mạnh hợp nhất lý và tình, thuyết phục bằng cảm hóa [4, tr.63].
2/ Nhóm thứ hai: VHCT được hiểu là văn hóa trong chính trị, chỉ sự vận
dụng các yếu tố văn hóa trong lĩnh vực này, nhằm tạo ra môi trường đạo đức cho
hoạt động chính trị, làm sao cho hoạt động ấy vừa lành mạnh, vừa đạt được hiệu
quả là duy trì quyền lực.
Tiếp cận theo hướng này có nhóm nghiên cứu thuộc Viện Chính trị học
(Học viện CTQG Hồ Chí Minh) với quan niệm: VHCT là một phương diện của
văn hóa trong xã hội có giai cấp, là tổng hợp những giá trị vật chất và tinh thần -
mà hạt nhân là các giá trị chính trị dân chủ, nhân văn, nhân đạo - được hình
thành trong thực tiễn hoạt động chính trị của các giai cấp, các tập đoàn xã hội; nó
là cái góp phần định hướng, chi phối hoạt động của các tổ chức và con người
chính trị (các nhà lãnh đạo, quản lý, các thủ lĩnh chính trị, công dân) trong quá
trình hiện thực hóa những mục tiêu chính trị nhằm phục vụ lợi ích căn bản của
một giai cấp nhất định, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử.
Bên cạnh đó, Nguyễn Đăng Dung (và nhóm nghiên cứu thuộc Đại học
Quốc gia Hà Nội) trong Giáo trình Chính trị học [34] cho rằng: VHCT là một hệ
giá trị văn hóa được con người tiếp nhận và lựa chọn, biến nó thành nhu cầu,
thành vũ khí, phương tiện trong hoạt động chính trị.
Như vậy, hầu như các quan niệm về VHCT đã trình bày ở trên được nhìn
nhận từ góc độ triết học, chính trị học. Ở đây, VHCT được tiếp cận như một bộ
phận của chính trị học, tiếp cận từ mối quan hệ giữa chính trị và văn hóa và về cơ
bản các tác giả coi văn hóa như một thuộc tính, phẩm chất của chính trị. Như vậy,
tuy có gắn VHCT với văn hóa nói chung nhưng hầu như các quan niệm, ý kiến của
các tác giả chỉ quan tâm đến trình độ, hiệu quả của hoạt động chính trị mà chưa nêu
lên được VHCT là một phương diện của văn hóa, nghĩa là thừa nhận phạm trù văn
18
hóa rộng lớn, bao trùm lên VHCT. Vì thế, tiếp cận VHCT dưới góc độ văn hóa học
để bổ sung thêm một hướng nghiên cứu là việc làm cần thiết.
3/ Nhóm thứ ba: quan niệm VHCT là một thành tố của văn hóa.
Phạm Ngọc Quang trong cuốn Văn hóa chính trị và việc bồi dưỡng đội ngũ
cán bộ lãnh đạo ở nước ta hiện nay đã định nghĩa: “Văn hóa chính trị là một
phương diện của văn hóa” [131, tr.19]. Trong cuốn “Các chuyên đề bài giảng chính
trị học” (dành cho hệ cao học chuyên ngành Chính trị học), Phan Xuân Sơn quan
niệm: “Văn hóa chính trị là một loại hình văn hóa” [140, tr.260].
Thừa nhận VHCT là một thành tố của văn hóa, Lê Quý Đức (trong Giáo
trình Văn hóa chính trị) nhận định:
VHCT là một lĩnh vực (bộ phận, thành tố) của văn hóa tổ chức xã
hội, bị quy định bởi trình độ, tính chất văn hóa của một cộng đồng
người (bộ lạc, bộ tộc, dân tộc, quốc gia) trong việc tổ chức đời sống
cộng đồng, trong việc nắm giữ quyền lực và thực thi quyền lực của
cộng đồng, thể hiện ra như một “kiểu”, “dạng”, “nền”, “hệ thống”
chính trị nhất định trong lịch sử [49, tr.10].
Như vậy, quan điểm này đã cụ thể hóa vị trí của VHCT trong văn hóa nói
chung. Là một thành tố của văn hóa, nên VHCT cũng như văn hóa nói chung,
thể hiện “trình độ người”, nhưng ở đây là “cộng đồng người” trong vấn đề tổ
chức xã hội, cụ thể là trong tổ chức đời sống cộng đồng và trong nắm giữ quyền
lực và thực thi quyền lực cộng đồng, thuộc bộ phận văn hóa tổ chức xã hội.
1.1.2.3. Nghiên cứu mang tính ứng dụng/vận dụng trong thực tiễn văn hóa
chính trị hiện nay
Trên cơ sở những vấn đề lý luận về VHCT, nhiều công trình nghiên cứu
đã hướng đến việc vận dụng/ứng dụng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn VHCT
Việt Nam hiện nay.
Một là, nghiên cứu thực trạng chung của VHCT. Nhiều tác giả nêu lên
thực trạng VHCT Việt Nam trên cả hai phương diện tích cực và hạn chế.
Về những mặt tích cực của VHCT Việt Nam, các tác giả Nguyễn Văn Vĩnh,
Lê Văn Đính nhấn mạnh rằng VHCT mang tính chất xã hội chủ nghĩa ở nước ta
19
không ngừng phát triển cả về bề rộng và bề sâu; khẳng định cùng với chủ nghĩa
Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nền VHCT Việt Nam kế thừa những giá trị
VHCT truyền thống tiêu biểu của dân tộc, tạo nên một “nền VHCT Việt Nam khoa
học - cách mạng - nhân văn theo mục tiêu xã hội chủ nghĩa” [201, tr.262].
Bàn về hạn chế của VHCT Việt Nam, có thể kể đến một số tác giả với những
góc nhìn sắc sảo như: Phạm Ngọc Quang trong VHCT và việc bồi dưỡng đội ngũ
cán bộ lãnh đạo ở nước ta hiện nay [131] đã nêu lên sự kém hiểu biết về văn hóa
tranh luận, văn hóa dân chủ, văn hóa pháp quyền; bệnh quan liêu cả về tư duy, tổ
chức bộ máy, phong cách lãnh đạo, phương pháp hoạt động của các thành tố cấu
thành nên hệ thống chính trị. Từ đó, nhóm tác giả đề ra một số tố chất mà cán bộ
lãnh đạo quản lý cần đạt tới như: “tinh tế về chính trị, có năng lực đàm thoại chính
trị, có sáng kiến và khả năng tìm tòi những quyết định chính trị vốn không dễ dàng”
[131, tr.8]. Cuốn Giáo trình Chính trị học [201] nhấn mạnh đến năng lực, kỹ năng
lãnh đạo chính trị và phẩm chất đạo đức của một bộ phận lãnh đạo - quản lý chưa
ngang tầm với yêu cầu của quá trình đổi mới; tình trạng xuống cấp về đạo đức nói
chung và về đạo đức chính trị nói riêng trong một bộ phận nhân dân.
Cũng trên cơ sở phân tích một số yếu tố tích cực, tiêu cực trong VHCT,
một số nhà nghiên cứu đã hướng đến việc đề ra giải pháp để đổi mới, phát triển
VHCT hiện nay. Nguyễn An Ninh trong bài viết Khắc phục một số yếu tố tiêu
cực trong quá trình xây dựng VHCT đáp ứng yêu cầu đổi mới hiện nay [112]
hướng đến giải pháp chung nhằm khắc phục các yếu tố tiêu cực để xây dựng một
nền VHCT đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước. Lâm Quốc Tuấn,
trong sách Nâng cao VHCT của cán bộ lãnh đạo quản lý ở nước ta hiện nay
[148] hướng đến việc phát triển VHCT của một chủ thể quan trọng của VHCT là
đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, coi đây là vấn đề then chốt của công cuộc xây
dựng và phát triển đất nước.
Lồng vào trong công trình nghiên cứu về văn hóa và giá trị văn hóa nói
chung, một số học giả đã có những khảo cứu về các giá trị VHCT, tiêu biểu có: Ngô
Đức Thịnh với cuốn Giá trị văn hóa Việt Nam - truyền thống và biến đổi [163],
Trần Ngọc Thêm với Hệ giá trị Việt Nam - từ truyền thống đến hiện đại và con
20
đường tới tương lai [158]. Ngô Đức Thịnh và cộng sự đã nêu ra một số giá trị văn
hóa của dân tộc Việt Nam cũng chính là những giá trị thuộc về VHCT: tính cộng
đồng, tính cởi mở trong giao lưu và hội nhập, nghệ thuật quân sự trong đánh giặc
giữ nước. Trần Ngọc Thêm khi phác thảo ra mô hình “hệ giá trị cốt lõi trọng điểm”,
đã nêu ra hai giá trị xã hội phổ biến là: dân chủ và pháp quyền. Tác giả đã thẳng
thắn nhìn nhận những điểm hạn chế của hai giá trị này, cũng có thể hiểu là một
trong những hạn chế trong văn hóa chính trị nước ta hiện nay:
Thứ nhất là giá trị “dân chủ”:
Đi vào thực tế thì mặc dù từ khi chuyển sang thời kỳ Đổi mới, dân
chủ đã được mở rộng hơn, các quyền tự do cá nhân được coi trọng
hơn, nhưng tình trạng tha hóa quyền lực, lạm dụng quyền lực, vi
phạm và xâm phạm quyền làm chủ của dân... cũng đa dạng hơn và
nghiêm trọng hơn [158, tr.473-474].
Thứ hai là giá trị “pháp quyền”:
Từ phía dưới, người dân thiếu hiểu biết về pháp luật, coi thường
pháp luật (...). Từ phía trên, có tình trạng pháp luật chưa đầy đủ và
chưa hoàn thiện, chất lượng chưa cao, nhưng quan trọng hơn là việc
thi hành chưa nghiêm. Người dưới ứng xử tùy tiện, coi thường
pháp luật là do thiếu hiểu biết, còn người trên ứng xử tùy tiện, coi
thường pháp luật là do tự cho mình quyền đứng trên pháp luật, coi
thường dân [158, tr.483].
Hai là, nghiên cứu những vấn đề cụ thể của VHCT:
- Nghiên cứu tư tưởng chính trị, thể chế chính trị: Các phương diện như
triết lý chính trị, quan điểm về quyền lực, đường lối trị nước, luật pháp đã trở
thành nội dung của nhiều bài viết gần đây: Văn hóa trong tổ chức, sử dụng và
tuân thủ quyền lực [20] của Vũ Hoàng Công; Tư tưởng thượng tôn pháp luật
trong VHCT Việt Nam hiện nay [63] của Nguyễn Ngọc Hà.
- Nghiên cứu phương thức thực hành chính trị: Vấn đề rất quan trọng trong
phương thức thực hành chính trị là cách sử dụng người tài được nhiều tác giả đề cập
đến, chẳng hạn: Trong cuốn Phương sách dùng người của cha ông ta trong lịch sử
21
[32], Phan Hữu Dật đã bàn về các phương sách dùng người tiêu biểu trong lịch sử
Việt Nam thời trung đại như: trong vấn đề đào tạo, tuyển chọn người thực tài, dùng
đúng người đúng việc, vinh danh người tài... Trong cuốn “Nâng cao VHCT của cán
bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ta hiện nay” [148], Lâm Quốc Tuấn cũng nêu lên một
bài học dùng người trong VHCT Việt Nam truyền thống và coi đó là cơ sở để đánh
giá tài năng hay nhân cách của một ông vua, một triều đại; là một trong những tiền đề
xã hội, tác động trực tiếp tới sự tồn vong của quốc gia và sự trường tồn của dân tộc.
- Nghiên cứu con người chính trị, nhân cách chính trị.
Có thể nói con người chính trị, nhân cách của chủ thể chính trị được giới
nghiên cứu hết sức quan tâm. Có khá nhiều tài liệu liên quan đến vấn đề này ở
những góc độ khác nhau.
Công trình nghiên cứu công phu và mới nhất về con người chính trị cho
đến nay phải kể đến Con người chính trị Việt Nam - truyền thống và hiện đại [83]
của Nguyễn Văn Huyên. Từ góc độ chính trị học, cuốn sách bước đầu phân tích
làm rõ khái niệm con người chính trị nói chung như một phạm trù chính trị học
với bản chất, đặc điểm, cấu trúc của nó. Đồng thời, tài liệu này cũng đã bước đầu
phân tích con người chính trị Việt Nam trong lịch sử và hiện nay. Từ đó, nhằm
góp phần xây dựng con người chính trị Việt Nam đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, đây là hướng nghiên cứu chủ
yếu về lý luận, và là lý luận chính trị học.
Trong con người chính trị, thường các nhà nghiên cứu quan tâm đến nhân
cách nhà cầm quyền (người lãnh tụ, người lãnh đạo, quản lý), tiêu biểu có các bài
viết: Tư tưởng Hồ Chí Minh về VHCT [78] của Lê Như Hoa; Văn hóa chính trị
Hồ Chí Minh [127] của Bùi Đình Phong; luận án tiến sĩ Chính trị học Văn hóa
chính trị Hồ Chí Minh - giá trị lý luận và thực tiễn [99] của Nguyễn Hữu Lập...
Ở phương diện người lãnh đạo, các tài liệu thường hướng đến mục tiêu xây
dựng một mẫu người lãnh đạo có đủ phẩm chất, tài năng, xứng tầm, đáp ứng được
yêu cầu của thời đại mới, chẳng hạn như cuốn Để trở thành người lãnh đạo giỏi
[152] của Trần Thành; Phẩm chất, năng lực người lãnh đạo theo yêu cầu của
công nghiệp hóa, hiện đại hóa [82] của Nguyễn Văn Huyên; Nâng cao VHCT của
22
cán bộ lãnh đạo quản lý ở nước ta hiện nay [148] của Lâm Quốc Tuấn; Đổi mới
văn hóa lãnh đạo và quản lý ở Việt Nam hiện nay [153] của Phạm Ngọc Thanh.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, nhân cách chính trị của một nhóm xã
hội - nghề nghiệp cũng bắt đầu được chú ý nghiên cứu, chẳng hạn: Văn hóa chính
trị công an nhân dân trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam
[29] của Tạ Thành Chung... Từ góc nhìn hiện thực, các tài liệu nghiên cứu theo xu
hướng này đã có những đánh giá khá khách quan, chân thực thực trạng của VHCT
nước ta hiện nay, từ đó đưa ra được những kiến nghị nhằm xây dựng, đổi mới và
phát triển nền VHCT, trong đó trọng tâm là nhân cách người lãnh đạo, quản lý.
Đây là những gợi ý quan trọng cho luận án trong nội dung liên hệ bàn luận đến
vấn đề xây dựng VHCT nước ta giai đoạn hiện nay.
1.2. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN
1.2.1. Nghiên cứu chung về thời Trần, thời thịnh Trần
Thời Trần nói chung, thời thịnh Trần nói riêng vẫn luôn là đề tài hấp dẫn cho
các học giả từ các chuyên ngành khác nhau như sử học, triết học, văn học.
Trong các tài liệu về lịch sử Việt Nam, ta có thể tìm thấy các nội dung liên
quan đến bối cảnh thời Trần qua các bộ sách viết về lịch sử: Đại cương lịch sử Việt
Nam [133] của các tác giả Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm và Lê Mậu Hãn;
Việt Nam sử lược [87] của Trần Trọng Kim; Tiến trình lịch sử Việt Nam [115]
của Nguyễn Quang Ngọc; Việt Nam một thiên lịch sử [190] của Nguyễn Khắc
Viện; Những bài dã sử Việt [179] của Tạ Chí Đại Trường; Lịch sử Việt Nam,
tập 2, từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV [200] của Trần Thị Vinh; Chuyện phiếm sử
học [180] của Tạ Chí Đại Trường; Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa
thế kỷ XIX [96] của Lê Thành Khôi; Sử Việt - 12 khúc tráng ca [120] của Dũng
Phan... Các tài liệu trên đã cung cấp cho NCS nhiều thông tin quý giá, nhiều
dữ kiện lịch sử trung thực, khách quan. Qua đó, bối cảnh kinh tế, chính trị, xã
hội thời Trần được tái hiện, giúp cho NCS có được những cơ sở khoa học cần thiết
để nhận diện, lý giải VHCT thời thịnh Trần. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng
khi NCS thực hiện một đề tài mà nguồn tài liệu chủ yếu là tài liệu thứ cấp. Đặc biệt,
23
có một số tài liệu thể hiện một cái nhìn mới, cách tiếp cận mới về lịch sử thời Trần,
chẳng hạn của Tạ Chí Đại Trường, không chỉ cung cấp thông tin sử liệu, mà là sự lý
giải hiện tượng lịch sử từ góc nhìn địa văn hóa thú vị (nhất là khi ông bàn về vấn đề
xuất thân của nhà Trần, vấn đề nội hôn, điền trang - thái ấp...).
Ngoài các nhà nghiên cứu Việt Nam, còn có một số học giả nước ngoài cũng
đã quan tâm đến vấn đề lịch sử thời Trần, tiêu biểu là tác giả Oliver W.Wolters với
Về việc kể chuyện lịch sử Việt Nam trong các thế kỷ XIII và XIV [118],
A.B.Pôliacốp với Sự phục hưng của nước Đại Việt thế kỷ X - XIV [119]. Các tài liệu
này là kết quả của sự nghiên cứu công phu của những người ngoại quốc quan tâm
đến thời Trần và Đại Việt trong thời kỳ từ thế kỷ X đến thế kỷ XV. Có thể các nhận
định nêu ra trong các tài liệu trên chưa được kiểm chứng hoặc chưa hẳn đúng với
thực tế lịch sử, song các tác giả đã cung cấp nhiều thông tin đa chiều và khá mới mẻ
mà chưa từng được ghi chép trong các bộ quốc sử.
Có thể tìm thấy những nội dung liên quan đến thời thịnh Trần qua mảng tài
liệu nghiên cứu về các vấn đề cơ bản của thời trung đại như tư tưởng, chế độ chính
trị, về vua chúa: Chế độ quân chủ trong lịch sử quân chủ Việt Nam từ thế kỷ X
đến thế kỷ XV và những di sản của nó [126] của Nguyễn Danh Phiệt. Dày công
nhất phải kể đến các tài liệu của các tác giả: Nguyễn Tài Thư với bộ Lịch sử tư
tưởng Việt Nam [175], Nguyễn Đăng Thục với Lịch sử tư tưởng Việt Nam [167].
Trong các bộ sách công phu này, tư tưởng thời Trần được nhận diện qua các
phương diện: tư tưởng chính trị xã hội, tư tưởng triết học tôn giáo, quân sự,
ngoại giao... Vấn đề dung hòa giữa tư tưởng pháp trị và nhân trị trong quá trình
trị nước của nhà Trần cũng được phân tích, lý giải sâu sắc.
Ở phạm vi hẹp hơn là mảng tài liệu về thời Trần, thời đại Lý - Trần: Thời
Trần sau ba lần thắng giặc Nguyên - Mông [125] của Nguyễn Danh Phiệt; Kinh
tế - xã hội thời Lý - Trần [77] của Nguyễn Duy Hinh; Nhà Trần và con người
thời Trần [122] của Nguyễn Danh Phiệt, Lê Văn Lan, Trần Quốc Vượng; Kinh
tế, xã hội thời Trần thế kỷ XIII-XIV [26] của Nguyễn Thị Phương Chi. Trong đó,
các vấn đề cụ thể của lịch sử thời Trần như: bối cảnh kinh tế, lịch sử, xã hội, bộ
24
máy nhà nước, quan chế... được phân tích cụ thể, từ đó giúp xác định được vị trí
của thời thịnh Trần trong bối cảnh chung.
Ngoài ra, một số sử liệu viết dưới hình thức tiểu thuyết dã sử, huyền sử,
huyền tích, giai thoại cũng cung cấp cho NCS nhiều thông tin thú vị về thời Trần
thông qua những câu chuyện về các nhân vật trong giới cầm quyền: Việt sử giai
thoại, tập 3 [170] của Nguyễn Khắc Thuần; Hoàng đế triều Trần, cội nguồn ấn
tượng dân gian [93] của Trường Khánh; và dày công nhất là bộ tiểu thuyết 6 tập
Bão táp triều Trần [67] của Hoàng Quốc Hải,...
Các mảng tài liệu trên đã góp phần tạo nên một cái nhìn toàn cảnh về thời
Trần nói chung và thời thịnh Trần nói riêng. Từ đây, NCS có thể phóng chiếu,
hình dung và xác định được vị thế, đặc điểm của VHCT thời thịnh Trần trong
bức tranh chung đó.
1.2.2. Nghiên cứu về các phương diện của văn hóa chính trị thời thịnh Trần
Hiện chưa có một công trình nghiên cứu chuyên sâu, hệ thống về VHCT
thời thịnh Trần. Vấn đề này chủ yếu được lồng trong các công trình nghiên cứu
về thời trung đại, về thời đại Lý - Trần hoặc về thời Trần và mới chỉ được tiếp
cận từ các phương diện riêng lẻ:
1.2.2.1. Nghiên cứu về định hướng giá trị trong chính trị
Hai nội dung được nghiên cứu nhiều nhất của phương diện định hướng giá
trị trong chính trị là tư tưởng và thể chế:
Về tư tưởng chính trị. Đây là khía cạnh được quan tâm nhiều nhất trong
học thuật từ trước đến nay khi nghiên cứu về thời thịnh Trần, đặc biệt là chuyên
ngành triết học, tôn giáo học.
Một số công trình nghiên cứu đặt tư tưởng chính trị thời Trần trong dòng
chảy của lịch sử tư tưởng Việt Nam: chẳng hạn đặt trong hệ tư tưởng của Đại
Việt thời đại Lý - Trần (từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV), tiêu biểu có thể kể đến: Tư
tưởng Việt Nam thời Lý - Trần [30] của Trương Văn Chung, Doãn Chính; Tư
tưởng nhân văn truyền thống Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV [85] của
Nguyễn Thị Hương; Sự phát triển của tư tưởng chính trị Việt Nam từ thế kỷ X
25
đến thế kỷ XV [183] của Nguyễn Hoài Văn; Tư tưởng Việt Nam thời Trần [172]
của Trần Thuận; Tam giáo đồng nguyên thời Lý - Trần, một giá trị đặc sắc của
nền chính trị Việt Nam truyền thống [182] của Nguyễn Hoài Văn. Trong các tài
liệu này, một số vấn đề thuộc tư tưởng thời Trần đã được bàn đến, trong đó các tư
tưởng tôn giáo như: tư tưởng Phật giáo, tư tưởng Nho giáo hay hiện tượng “tam
giáo đồng nguyên” đã được lý giải khá tường minh. Nhìn chung, các nghiên cứu
này cũng nhấn mạnh tinh thần nhân văn, yêu nước, đoàn kết và khát vọng độc lập,
tự chủ của nhà nước quân chủ và nhân dân Đại Việt thời đại Lý - Trần.
Trong Lịch sử tư tưởng Việt Nam [175], Nguyễn Tài Thư khẳng định:
thời Trần (và thời Lý) là “thời kỳ lịch sử mà tư tưởng chính trị và xã hội ở
nước ta có những bước tiến quan trọng” [175, tr.163], đặc biệt là tư tưởng,
nhận thức về nền độc lập dân tộc. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định: “trên cơ
sở của những thắng lợi huy hoàng trong cuộc kháng chiến chống Nguyên
Mông, nhân dân ta đã có những nhận thức sâu sắc hơn về sự vững vàng của
nền độc lập tự chủ của đất nước và sức sống trường cửu của dân tộc” [175,
tr.168]. Bên cạnh quan niệm về độc lập dân tộc, tác giả cũng phân tích một số
tư tưởng chính trị khác của thời Trần: sự nhận thức về vai trò quan trọng của
nhân dân, của trăm quan, quan niệm về sự đối đãi và sử dụng các tỳ tướng và
quan lại, quan niệm về đạo đức, tư tưởng về pháp quyền. Cuốn Tư tưởng Việt
Nam thời Lý - Trần [30] của Trương Văn Chung, Doãn Chính là tập hợp các
bài viết của nhiều tác giả xoay quanh các vấn đề cốt lõi của tư tưởng chính trị
như: tinh thần độc lập, lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết chống giặc ngoại
xâm của nhà nước quân chủ và nhân dân Đại Việt thời đại Lý - Trần.
Một số tài liệu nghiên cứu về tư tưởng chính trị của các nhân vật chính trị.
Trong cuốn Tư tưởng Việt Nam thời Lý - Trần [30], ngoài nội dung bàn về
các vấn đề chung đã nêu, còn có một số bài tập trung nghiên cứu tư tưởng của
các nhân vật thời Trần với những tư tưởng cốt lõi như: Trần Thái Tông (Thiền
học hay là triết học nhân bản tâm linh thực nghiệm khai phóng), Thiền học Trần
Thánh Tông, Trần Nhân Tông - triết học Trúc Lâm Yên Tử,...
26
Đi sâu vào nghiên cứu tư tưởng chính trị của các nhân vật chính trị tiêu
biểu thời Trần cũng là hướng tiếp cận của nhiều tác giả như: Nguyễn Đăng Thục
trong Thiền học Trần Thái Tông [168]; Nguyễn Hùng Hậu trong Góp phần tìm
hiểu tư tưởng Phật giáo Trần Thái Tông [71].
Tập bài giảng Chính trị học (Hệ cao cấp lý luận chính trị) của Nguyễn
Văn Vĩnh [202], khi bàn về lịch sử tư tưởng chính trị Việt Nam, đã khẳng định
tư tưởng chính trị thời Trần nổi bật bởi tư tưởng của Trần Quốc Tuấn. Tác giả
nhận định: “Những tư tưởng: vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, quân lính một
lòng như cha con, khoan thư sức dân để làm kế sâu gốc bền rễ... đã trở thành di
huấn chính trị cho mọi thời đại vì “đó là thượng sách để giữ nước” [202, tr.136].
Như vậy, dù là cái nhìn toàn thể (khi xem xét tư tưởng chính trị của thời
đại nhà Trần) hay cái nhìn cụ thể (khi xem xét tư tưởng chính trị của một số con
người chính trị tiêu biểu) thì nhìn chung, các tác giả đều khẳng định các giá trị
của tư tưởng chính trị thời Trần: tinh thần yêu nước, đoàn kết, tinh thần thân dân,
tam giáo đồng nguyên... Những giá trị ấy được hội tụ và tỏa sáng rực rỡ nhất
trong giai đoạn thịnh trị của nhà Trần. Chính vì vậy, đây là những tài liệu tham
khảo cần thiết cho NCS trong khi nhận diện VHCT thời thịnh Trần từ yếu tố
định hướng giá trị trong chính trị.
Về thể chế chính trị
Các nội dung của thể chế chính trị thời thịnh Trần (như đường lối trị nước,
chính sách, chủ trương phát triển đất nước, các quy phạm pháp luật) cũng được
nhiều nhà nghiên cứu bàn đến.
Đường lối ngoại giao cùng những chiến lược quân sự là điểm sáng rực rỡ
trong VHCT của thời thịnh Trần, được tái hiện lại và đánh giá rất cao trong các
tài liệu: Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông thời Trần [145] của
Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm, Kế sách giữ nước thời Lý - Trần [141] của Lê Đình
Sỹ, Nguyễn Danh Phiệt, Tam giáo đồng nguyên thời Lý, Trần: một giá trị đặc
sắc của nền chính trị Việt Nam truyền thống [182] của Nguyễn Hoài Văn... Các
tài liệu này đã phân tích được mối quan hệ giữa các chính sách về kinh tế với
27
chính sách chính trị, quân sự, ngoại giao... và đó là sự tổng hòa trong hệ thống
thể chế chính trị đặc trưng của triều Trần.
Về phương diện giáo dục khoa cử và chế độ tuyển chọn nhân tài cho bộ
máy chính trị, có Nguyễn Văn Thịnh trong Khoa cử và văn chương khoa cử
Việt Nam thời trung đại [161], khi bàn về chế độ khoa cử thời Trần, đã khẳng
định thời Trần là “bước tiến mới của khoa cử”. Đặc biệt, theo tác giả, với khoa
thi Thái học sinh, nhà Trần đã thể hiện “một việc làm khôn khéo có tính chất
“động thái chính trị” [161, tr.37]. Đây là khoa thi “phản ánh bầu không khí tư
tưởng và học thuật của thời kỳ Tam giáo hòa hợp, mặc dù Nho giáo đang trong
xu thế vượt lên” [161, tr.37].
Như vậy, các vấn đề về đường lối trị nước, tư tưởng yêu nước, thân dân,
tinh thần tam giáo đã được nhiều tài liệu khẳng định. Còn các nội dung quan
trọng khác của phương diện định hướng giá trị chính trị như triết lý về quyền
lực chính trị chưa được bàn đến, lý tưởng chính trị độc lập tự cường với quyết
tâm củng cố triều chính, tái thiết đất nước, kháng chiến chống ngoại xâm và
hướng tới nền thái bình muôn thuở cho quốc gia... chưa được làm rõ.
1.2.2.2. Nghiên cứu về sự vận hành chính trị
Trong nội dung vận hành chính trị, các vấn đề như thiết chế bộ máy nhà
nước, hệ thống luật pháp và các phương thức để thực hiện công cuộc dựng nước,
giữ nước được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm.
Trong một số công trình chung nghiên cứu về thiết chế chính trị thời trung
đại, thiết chế chính trị của thời thịnh Trần cũng được khá nhiều tài liệu đề cập: Hệ
thống quan chế thời quân chủ, “Almanach, Những nền văn minh thế giới”[162]
của Nguyễn Văn Thịnh, Nguyễn Kim Sơn; Tiến trình lịch sử Việt Nam [115] của
Nguyễn Quang Ngọc, Chính quyền trung ương thời Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần với
vấn đề thống nhất đất nước và hiện tượng cát cứ, phân liệt [123] của Nguyễn
Danh Phiệt; Văn minh Đại Việt [75] của Nguyễn Duy Hinh.
Hệ thống thiết chế chính trị thời thịnh Trần được nhận diện cụ thể hơn
trong các tài liệu sau: bài viết Vài nhận xét về tổ chức và tính chất nhà nước thời
Trần của [102] của Phan Huy Lê; bài viết Về chế độ quân chủ quý tộc thời Trần,
[128] của Nguyễn Hồng Phong; Chế độ thượng hoàng với vương triều Trần
28
Nguyễn Hữu Tâm trong Kỷ yếu Hội thảo Thời Trần và Hưng Đạo Đại vương
Trần Quốc Tuấn trên quê hương Nam Hà [136] và các cuốn sách như Thái ấp -
điền trang thời Trần (thế kỷ XIII - XIV) [25] của Nguyễn Thị Phương Chi; Văn
minh Đại Việt [75] của Nguyễn Duy Hinh; Mô hình tổ chức nhà nước ở Việt Nam
từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX [3] của Phạm Đức Anh... Trong các tài liệu này, thiết
chế chính trị với các nội dung như: tổ chức bộ máy nhà nước, hệ thống quan chế,
mô hình kinh tế - chính trị kiểu thái ấp - điền trang... đã được quan tâm nghiên cứu
công phu. Phan Huy Lê, Nguyễn Hồng Phong đều đi đến khẳng định đây là mô
hình nhà nước theo kiểu “quân chủ quý tộc” với những đặc trưng như: quý tộc họ
Trần là lực lượng chủ yếu nắm giữ bộ máy chính quyền quan liêu, được hưởng
những đặc quyền đặc lợi, để duy trì sức mạnh gia tộc, nhà Trần cũng đề ra chế độ
thái ấp điền trang và thực hiện hôn nhân nội tộc. Riêng vấn đề thái ấp - điền trang
đã được Nguyễn Thị Phương Chi dày công nghiên cứu với những mô tả tỉ mỉ về
hệ thống điền trang, thái ấp và có sự đánh giá sắc sảo về vai trò cũng như hạn chế
của chúng trong vấn đề xây dựng và bảo vệ vương triều, đất nước thời Trần.
Ngoài ra, có một số tài liệu khác đã hướng đến lý giải hệ thống thiết chế,
chính quyền, bộ máy nhà nước thời Trần trên cơ sở mối quan hệ giữa chúng với
tư tưởng Phật giáo. Chẳng hạn Hoàng Đức Thắng với cuốn Mối quan hệ giữa
nhà nước quân chủ Lý - Trần với Phật giáo [156]. Trong tài liệu này, tác giả
nhấn mạnh ảnh hưởng của tinh thần khoan hòa, bác ái, tinh thần nhập thế tích
cực đối với việc hình thành một chính quyền thân dân.
Thời Trần gắn liền với ba lần kháng chiến chống Mông - Nguyên vĩ đại,
nên khi bàn đến câu chuyện dựng nước, giữ nước thời kỳ này, nghệ thuật quân sự
được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm đặc biệt. Trong đó, phải kể đến công trình
Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII [145] của Hà Văn
Tấn, Phạm Thị Tâm. Cùng với việc mô tả tỉ mỉ diễn biến ba lần kháng chiến của
quân dân nhà Trần, tài liệu này đã phân tích nghệ thuật quân sự kết hợp ngoại giao
mà vương triều Trần vận dụng để đạt được thắng lợi oanh liệt.
Cùng với nghệ thuật quân sự, kế sách đánh giặc, trong các tài liệu trên và
một số tài liệu khác, một số kỹ năng, nghệ thuật làm chính trị khác cũng được đề
29
cập: kế sách phát triển kinh tế đa sở hữu; kế sách trị thủy và làm nông nghiệp; kế
sách đào tạo, tuyển dụng nhân tài: Lê Đình Sỹ, Nguyễn Danh Phiệt với Kế sách
giữ nước thời Lý - Trần [141]; Phan Hữu Dật với Phương sách dùng người của
ông cha ta trong lịch sử [32].
Như vậy, dù tài liệu khá phong phú, song chưa có công trình nào tiến hành
miêu tả phương diện vận hành chính trị một cách toàn diện, từ công cụ thực hành
(với hệ thống luật pháp, chế độ, bộ máy nhà nước và quan chế) đến phương thức
thực hành (qua hoạt động quân sự, ngoại giao, quản lý xã hội, đào tạo và sử dụng
người cầm quyền) một cách toàn diện, hệ thống từ góc nhìn văn hóa học.
1.2.2.3. Nghiên cứu về nhân vật chính trị
Nhân cách chính trị cũng là tâm điểm của góc nhìn VHCT. Trên cái nhìn
tổng thể, có thể thấy nhân cách chính trị thời Trần có sức hút mạnh mẽ đối với
các nhà nghiên cứu từ góc độ lý luận cũng như thực tiễn. Trong đó, các vấn đề
sau được các nhà nghiên cứu khá quan tâm:
- Nghiên cứu sự hình thành nhân cách chính trị:
Một số tài liệu đã lý giải quá trình hình thành nhân cách chính trị, phân
tích các điều kiện, nhân tố ảnh hưởng đến nhân cách. Tác giả Đỗ Lai Thúy trong
Văn hóa Việt Nam nhìn từ mẫu người văn hóa [173], trong khi phân tích thời đại
và mẫu người văn hóa Lý - Trần, đã khẳng định: bối cảnh xã hội (kinh tế phát
triển, chiến công hiển hách, tinh thần khoan hòa, phóng khoáng) đã tạo ra mẫu
người văn hóa mang những nét đặc trưng của thời đại. Trí thức đại diện cho thời
đại này là: vua, quan lại, tướng lĩnh, tu sĩ, cư sĩ - những trí thức Phật học. Chính
tầng lớp trí thức này đã tạo ra nền văn hóa bác học thời Lý - Trần. Mặt khác, là
sản phẩm của thời đại, bản thân họ cũng mang đậm dấu ấn văn hóa thời đại. Mẫu
người văn hóa của thời đại này là con người vô ngã - con người phóng khoáng,
biết mang cái tiểu ngã hòa nhập vào cái đại ngã đích thực, trường tồn của vũ trụ,
đồng thời có trình độ tư duy cao, sống an nhiên, tự tại, nhân nghĩa, dũng cảm, có
tinh thần yêu nước chân chính... Những luận điểm và hướng tiếp cận trên đây
thực sự là một gợi ý thú vị cho nghiên cứu sinh khi đi sâu lý giải quá trình hình
30
thành nhân cách chính trị thời thịnh Trần, đặc biệt là sự xuất hiện những mẫu
nhân cách sáng chói, độc đáo.
Nguyễn Thị Thanh Hảo trong luận án tiến sĩ Văn hóa học Ảnh hưởng của
Phật giáo đối với văn hóa đạo đức các vương triều Lý - Trần [70] lại bàn sâu về
sự hình thành đạo đức của quân vương, quan lại, quý tộc hai vương triều Lý và
Trần như là hệ quả của Phật giáo, đặc biệt tinh thần từ bi, hỷ xả và in dấu ấn
“đức trị” trong quá trình trị nước của nhà cầm quyền.
- Nghiên cứu vai trò lịch sử của các nhân vật chính trị:
Vũ Khiêu trong cuốn Bàn về văn hiến Việt Nam [95], Nguyễn Quang Ân
trong Những gương mặt trí thức (1998), Lê Thị Thanh Hương trong Nhân cách
văn hóa trí thức Việt Nam trong tiến trình mở cửa và hội nhập quốc tế (2007), đã
tiến hành đánh giá nền văn hiến Việt Nam thông qua những trí thức xuất sắc
trong lịch sử, đã chú ý đến các nhân vật lịch sử thời Trần. Các nhân vật đó được
nhìn nhận trong mối quan hệ với thời đại và lịch sử dân tộc, với tư cách là chủ
thể, động lực tạo dựng nên nền văn hiến Việt Nam.
Trong những chủ thể chính trị thời Trần, thu hút nhất với nhiều nhà nghiên
cứu là nhân cách của hoàng đế. Chân dung các hoàng đế hiện lên vừa là nhà vua,
nhà chính trị, nhà quân sự, nhà thơ, nhà sư... Một loạt công trình theo hướng này
đã ra đời, trong đó đáng chú ý nhất phải kể đến các tài liệu sau: Bài viết “Mẫu
hình nhân cách hoàng đế và con đường tìm kiếm sự thể hiện bản ngã trong triết
học và văn học khu vực Đông Á” trong sách Văn học Việt Nam - dòng riêng giữa
nguồn chung (1999) của Trần Ngọc Vương. Trong tài liệu này, ông đã có những
nhận định quan trọng về mẫu nhân cách hoàng đế: mẫu hình hoàng đế là một mẫu
hình nhân cách văn hóa đặc biệt, có quyền năng và thế năng chi phối tất cả dưới
gầm trời này. Mọi nhân cách văn hóa hình thành và phát triển trong nền chuyên
chế đều quay quanh trục mẫu hình nhân cách hoàng đế.
Trường Khánh trong Hoàng đế triều Trần - cội nguồn ấn tượng dân gian
(2003) đã dựng lại chân dung các nhân vật từ những ấn tượng dân gian, có những
nhìn nhận đúng về vai trò của hoàng đế trong lịch sử dân tộc. Đáng chú ý, tác giả
31
đã có sự phân định thời Trần ra làm hai giai đoạn: thịnh Trần và mạt Trần với vai
trò của minh quân lương tướng, coi nhân cách chính trị của họ là cơ sở của sự
tồn vong của vương triều:
Thời thịnh Trần rực rỡ bởi có vua hiền, bề tôi trung hậu. Thời mạt
Trần suy vi bởi vua thiếu minh mẫn, triều thần thì phe cánh, bon chen
đua đòi, ăn chơi trụy lạc làm mất đi ngôi báu, mất đi nét đẹp truyền
thống, dẫn đến đất nước đắm chìm trong thảm họa giặc Minh đô hộ,
để cho muôn dân sống quằn quại đau thương [93, tr.41].
Đây là một hướng nghiên cứu gợi cho NCS một góc nhìn so sánh để lý
giải nguyên nhân thịnh - suy của triều Trần.
- Nghiên cứu một số mẫu nhân cách tiêu biểu:
Một số tác giả đã nghiên cứu các nhân vật lịch sử tiêu biểu với tư cách là
những mẫu nhân cách chính trị tiêu biểu, nhiều nhất là Trần Nhân Tông, Trần
Quốc Tuấn: Đỗ Thanh Dương (Trần Nhân Tông - nhân cách văn hóa lỗi lạc,
2008), Lê Mạnh Thát (Trần Nhân Tông - cuộc đời và tác phẩm, 1999), Hồ Đức
Thọ (Trần triều Hưng Đạo Đại Vương trong tâm thức dân tộc Việt, 2000), Viện
Lịch sử quân sự Việt Nam (Trần Quốc Tuấn - nhà quân sự thiên tài, 2000);
Hoàng Thúc Trâm (Trần Hưng Đạo, 2014). Ngoài ra, một số bài viết cũng bàn
sâu về con người chính trị giai đoạn này, chẳng hạn như: Trần Ngọc Vương
(Trần Nhân Tông - nhiều trong một; Trần Nhân Tông - trí giả anh minh, nhà văn
hóa kiệt xuất), Nguyễn Hữu Sơn (Trần Nhân Tông - vị hoàng đế, thiền sư, thi
sĩ)..., qua đó, các phẩm chất cao đẹp của nhân cách được nhận diện một cách
toàn diện. Đặc biệt, các bài viết đầy tâm huyết của Trần Ngọc Vương đã có
những nhận định sâu sắc về nhân cách Trần Nhân Tông đồng thời khẳng định
được vị thế, vai trò của vị hoàng đế đặc biệt của triều Trần đối với vương triều,
với dân tộc và với thời đại, với tư cách là một nhà văn hóa kiệt xuất. Theo sự
phân tích của học giả này, Trần Nhân Tông là một trí giả anh minh, nhà văn hóa
kiệt xuất, bởi không có một tì vết về đức hạnh, sự cống hiến trọn vẹn cho đời và
đạo, phụng sự cộng đồng, bởi tinh thần an nhiên tự tại, lòng khoan dung..., trong
số các quân vương thời quân chủ Việt Nam, ông là “quân vương tài hoa bậc
32
nhất”, là “một nhân cách lịch sử lỗi lạc” [205] và “đã sống một cuộc đời không
thể ước mơ cao hơn, xa hơn” [206].
Các tài liệu trên đã phác họa ra những bức tranh sinh động về các nhân vật
chính trị mà chủ yếu là các bậc minh quân, lương tướng - chủ thể chính trị quan
trọng tạo nên mô hình thời đại lý tưởng. Các tác giả đã tập trung vào những đóng
góp về võ công, văn trị và sức sống của các nhân vật lịch sử trong tâm thức dân
tộc Việt Nam mà đại diện tiêu biểu là Trần Nhân Tông, Trần Quốc Tuấn. Đây là
những nghiên cứu khá đa diện, sinh động song chưa toàn diện. Bởi lẽ thời thịnh
Trần hội tụ nhiều nhà chính trị tài năng, nhiều nhân cách thú vị, Trần Nhân Tông
và Trần Quốc Tuấn là đại diện tiêu biểu nhưng nếu bỏ qua một số nhân vật khác
thì sẽ là thiếu sót. Hơn nữa, khi bàn về nhân cách chính trị, không chỉ có nhân
cách của người cầm quyền mà còn có nhân cách của thần dân, người bị cầm
quyền và rộng hơn là con người thời đại. Vì vậy, cần có cái nhìn toàn diện, khái
quát hơn khi bàn về nhân cách chính trị giai đoạn này.
Mặt khác, nhìn chung, vấn đề nhân cách chính trị mới được bàn đến với tư
cách “con người chính trị” chung chung, hoặc những đóng góp của các nhân vật
lịch sử riêng lẻ, chưa được hệ thống hóa thành những phẩm chất nhân cách mang
tính đại diện và mang màu sắc riêng cho con người thời Trần. Hơn nữa, chưa có
tài liệu nào khai thác các mẫu hình nhân cách văn hóa, hay coi con người chính
trị là chủ thể sáng tạo và chịu tác động của nền VHCT.
1.2.2.4. Nghiên cứu về ngoại hiện chính trị
Đây là nội dung ít được các tài liệu bàn đến hoặc chưa được nghiên cứu thấu
đáo. Ta chỉ có thể tìm thấy thấp thoáng bóng dáng của chúng được phác thảo trong
một số công trình nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, tôn giáo thời Trần, như tài liệu
nghiên cứu về các biểu tượng, quy cách thể hiện quyền lực chính trị, trật tự xã hội
hay về các công trình kiến trúc cung đình, kiến trúc tôn giáo (đền, chùa, tháp...), về
trang phục cung đình và dân gian...
Ngô Đức Thọ trong Chữ húy Việt Nam qua các triều đại [166] đã thống
kê hệ thống chữ húy của các triều đại quân chủ Việt Nam, trong đó, có mô tả
những quy định về chữ húy của nhà Trần.
33
Về hệ thống công trình kiến trúc, nhóm tác giả Trương Hữu Quýnh, Đinh
Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn trong Đại cương lịch sử Việt Nam [133] đã mô tả đô
thành Thăng Long từ kiểu cấu trúc, kết cấu trong ngoài của kinh thành và cung
điện ở Thăng Long cũng như khu Tức Mặc - phủ Thiên Trường. Trong cuốn Cơ
sở văn hóa Việt Nam [8], Huỳnh Công Bá cũng đã phác thảo về các sự vật như
cung điện, chùa tháp thời Trần.
Vấn đề trang phục thời Trần cũng được khá nhiều tài liệu quan tâm trong
quá trình nghiên cứu chung về trang phục dân tộc qua các thời kỳ lịch sử. Tiêu
biểu có Lịch sử trang phục các triều đại phong kiến Việt Nam [203] của Trịnh
Quang Vũ, Trang phục Việt Nam [146] của Đoàn Thị Tình, Ngàn năm áo mũ
[46] của Trần Quang Đức. Đặc biệt, trong Ngàn năm áo mũ - bộ sách công phu
với tham vọng dựng lại bức tranh trang phục Việt Nam trong cung đình và ngoài
dân gian trong khoảng một nghìn năm từ thời Lý đến thời Nguyễn (1009-1945),
tác giả đã có những phát hiện mới về trang phục thời Trần: Chế độ áo mũ của
nhà Trần kế thừa một phần của nhà Lý, tiếp tục tham khảo quy chế trang phục
của nhà Tống, thực hiện cải cách một số kiểu áo mũ cho vương hầu bá quan và
hầu như không chịu ảnh hưởng nào từ chế độ y phục của nhà Nguyên [46,
tr.106]. Đó là những gợi ý quan trọng cho NCS khi lý giải các biểu tượng, yếu tố
ngoại hiện. Tuy nhiên, đây vẫn là những nghiên cứu thiên về văn hóa trang phục,
tác giả không hoặc chưa có ý định đi sâu nghiên cứu chúng như những biểu
tượng chính trị - hệ thống ngoại hiện của VHCT giai đoạn này.
Cũng tương tự, một số công trình nghiên cứu khác, có nhắc đến một số yếu
tố của hệ thống ngoại hiện thuộc VHCT thời Trần như: trang phục, lăng mộ, thành
quách, đền đài, cung điện, xe kiệu, thuyền bè, thái ấp, chức tước, mỹ tự, danh
xưng, tế lễ, đặt tên cho quan lại và các cơ quan trong bộ máy nhà nước… Tuy
nhiên, chúng là những thông tin hoặc là đơn lẻ hoặc là được nhắc đến trong những
công trình nghiên cứu lịch sử, tôn giáo, kiến trúc... với những ý đồ nghiên cứu
khác ngoài biểu tượng VHCT (chẳng hạn nghiên cứu luật pháp, nghiên cứu thể
chế, thiết chế…).
34
Trong mấy năm gần đây, ngành khảo cổ học Việt Nam đã khai quật được
một số di chỉ liên quan đến cung điện, thành quách nhà Trần. Theo đó, ngoài
hành cung Thiên Trường và Vũ Lâm, thời Trần còn có hành cung Lỗ Giang
(Thái Bình) là hành cung dưới thời vua Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, sau
này là hành cung Kiến Xương dưới thời vua Trần Hiến Tông, nay là di tích đền
Trần - Thái Lăng. Theo Đức Văn, hành cung “có phạm vi khá rộng lớn” với kiến
trúc độc đáo như: sự độc đáo trong kỹ thuật xây dựng móng trụ (Móng trụ ở đây
theo dạng trụ kép đôi và kép ba), kỹ thuật xây dựng bó nền với hệ thống cọc gỗ
và trụ đá kiên cố, các loại ngói mũi sen lợp mái. Ngoài ra, theo tác giả, các nhà
khảo cổ đã phát hiện hàng trăm di vật, hiện vật mang giá trị biểu trưng vương
quyền như hàm rồng, mai rồng, riềm mái hình lá đề có hình rồng [181]. Đây là
một trong những cơ sở quan trọng để nghiên cứu về các yếu tố ngoại hiện vốn
mờ nhạt trong tư liệu lịch sử còn để lại.
Như vậy, những sự vật (cung điện, thành quách, trang phục cùng các
chi tiết trong công trình kiến trúc thời Trần) được mô tả với mục đích như các
cứ liệu lịch sử, văn hóa, tôn giáo chứ không phải với tư cách các yếu tố ngoại
hiện chính trị.
1.3. NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA CẦN TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU
Qua tổng quan tình hình nghiên cứu, có thể rút ra một số nhận định:
- Dù thuật ngữ VHCT đã được nhắc đến từ khá sớm nhưng cho đến nay, do
sự phong phú về hướng tiếp cận nghiên cứu từ các ngành khoa học khác nhau, khái
niệm này vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận. Đặc biệt, khái niệm VHCT chưa thực sự
được quan tâm và có những kiến giải thấu đáo từ góc nhìn văn hóa học.
- Liên quan đến vấn đề VHCT thời thịnh Trần, đã có nhiều tài liệu đề cập
ở những khía cạnh và mức độ khác nhau. Đó là những nguồn tư liệu quý báu, bổ
ích để NCS có thể kế thừa, chắt lọc và phát triển trong luận án.
Tuy nhiên, do mục tiêu nghiên cứu, những tài liệu đó chưa quan tâm đến
việc nhận diện VHCT thời thịnh Trần một cách toàn diện và hệ thống dựa trên
một cấu trúc cơ bản của VHCT dưới góc nhìn văn hóa học. Vì vậy, mỗi tài liệu
mà NCS thu thập được hầu như mới chỉ là một mảnh ghép riêng lẻ và chủ yếu bàn
35
về một số nội dung như: định hướng giá trị trong chính trị, phương thức vận hành
chính trị và chủ yếu được lồng ghép vào trong các tài liệu về thời Trần. Một số
yếu tố khác rất quan trọng của VHCT chưa được đi sâu lý giải, chẳng hạn: nhân
cách chính trị, hệ thống ngoại hiện thì hoặc là chưa được nghiên cứu thấu đáo
hoặc chưa được định danh, nghiên cứu đúng với tư cách là thành tố của VHCT.
Như vậy, một công trình nghiên cứu toàn diện, hệ thống, chuyên sâu về
VHCT thời thịnh Trần - dưới ánh sáng lý luận của văn hóa học - thì chưa từng
xuất hiện. Từ thực tế đó, NCS lựa chọn đề tài luận án “Văn hóa chính trị thời
thịnh Trần” với mong muốn: 1/Góp phần hệ thống hóa và xác lập khái niệm, cấu
trúc của VHCT dưới góc nhìn văn hóa học; 2/Phân tích diện mạo của VHCT thời
thịnh Trần - thông qua các thành tố cơ bản của cấu trúc VHCT đã xác lập;
3/Đánh giá giá trị của VHCT thời thịnh Trần và bàn luận về việc vận dụng bài
học của thời Trần trong xây dựng VHCT Việt Nam hiện nay.
Tiểu kết chương 1
Tổng quan tài liệu cho thấy VHCT đã hình thành cùng với sự ra đời của
hoạt động chính trị của con người. Tuy nhiên, VHCT với tư cách là một đối
tượng nghiên cứu của bộ môn khoa học thì mới xuất hiện, bắt đầu từ phương
Tây sau chiến tranh thế giới thứ hai. Ở Việt Nam, nghiên cứu về VHCT đã
diễn ra theo nhiều xu hướng song nhìn chung, còn đang ở những bước đi đầu
tiên trên nền tảng lý thuyết và phương pháp còn chưa hoàn bị.
Văn hóa chính trị thời thịnh Trần là vấn đề quan trọng, đã được các nhà
nghiên cứu tiếp cận trong cái nhìn đa chiều. Nhưng cho đến nay, chưa có một
công trình nghiên cứu chuyên sâu, toàn diện về VHCT thời thịnh Trần dựa trên
lý thuyết VHCT từ góc nhìn văn hóa học. Đó cũng là vấn đề đặt ra đòi hỏi luận
án cần tiếp tục nghiên cứu một cách thấu đáo hơn.
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN_10241812052019
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN_10241812052019
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN_10241812052019
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN_10241812052019
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN_10241812052019
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN_10241812052019
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN_10241812052019
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN_10241812052019
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN_10241812052019
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN_10241812052019
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN_10241812052019
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN_10241812052019
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN_10241812052019
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN_10241812052019
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN_10241812052019
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN_10241812052019
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN_10241812052019
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN_10241812052019
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN_10241812052019
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN_10241812052019
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN_10241812052019
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN_10241812052019
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN_10241812052019
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN_10241812052019
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN_10241812052019
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN_10241812052019
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN_10241812052019
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN_10241812052019
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN_10241812052019
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN_10241812052019
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN_10241812052019

More Related Content

What's hot

Lịch Sử Văn Minh Thế Giới Vũ Dương Ninh
Lịch Sử Văn Minh Thế Giới Vũ Dương Ninh Lịch Sử Văn Minh Thế Giới Vũ Dương Ninh
Lịch Sử Văn Minh Thế Giới Vũ Dương Ninh nataliej4
 
Chương 1, tư tưởng hchinh
Chương 1, tư tưởng hchinhChương 1, tư tưởng hchinh
Chương 1, tư tưởng hchinhmai_mai_yb
 
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VĂN HÓA, ĐẠO ĐỨC VÀ XÂY DỰNG CON NGƯỜI MỚI
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VĂN HÓA, ĐẠO ĐỨC VÀ XÂY DỰNG CON NGƯỜI MỚI TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VĂN HÓA, ĐẠO ĐỨC VÀ XÂY DỰNG CON NGƯỜI MỚI
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VĂN HÓA, ĐẠO ĐỨC VÀ XÂY DỰNG CON NGƯỜI MỚI nataliej4
 
Bộ đề trắc nghiệm Pháp luật đại cương - P1
Bộ đề trắc nghiệm Pháp luật đại cương - P1Bộ đề trắc nghiệm Pháp luật đại cương - P1
Bộ đề trắc nghiệm Pháp luật đại cương - P1vietlod.com
 
Tiểu luận thực trạng bạo lực gia đình Việt Nam hiện nay
Tiểu luận thực trạng bạo lực gia đình Việt Nam hiện nayTiểu luận thực trạng bạo lực gia đình Việt Nam hiện nay
Tiểu luận thực trạng bạo lực gia đình Việt Nam hiện nayYenPhuong16
 
Bài giảng: Con người chính trị - TS Bùi Việt Hương
Bài giảng: Con người chính trị - TS Bùi Việt HươngBài giảng: Con người chính trị - TS Bùi Việt Hương
Bài giảng: Con người chính trị - TS Bùi Việt Hươngcuonganh247
 
Thưc trạng vận dụng quy luật giá trị vào nền kinh tế nước ta thời gian qua và...
Thưc trạng vận dụng quy luật giá trị vào nền kinh tế nước ta thời gian qua và...Thưc trạng vận dụng quy luật giá trị vào nền kinh tế nước ta thời gian qua và...
Thưc trạng vận dụng quy luật giá trị vào nền kinh tế nước ta thời gian qua và...Vcoi Vit
 
Chương 3,ttuong
Chương 3,ttuongChương 3,ttuong
Chương 3,ttuongmai_mai_yb
 
Chuong2.ttuong
Chuong2.ttuongChuong2.ttuong
Chuong2.ttuongmai_mai_yb
 
XÃ HỘI HỌC VĂN HOÁ
XÃ HỘI HỌC VĂN HOÁ XÃ HỘI HỌC VĂN HOÁ
XÃ HỘI HỌC VĂN HOÁ nataliej4
 
Hệ thống chính trị
Hệ thống chính trịHệ thống chính trị
Hệ thống chính trịxuancon
 
Xã hội hóa cá nhân
Xã hội hóa cá nhânXã hội hóa cá nhân
Xã hội hóa cá nhânNga Linh
 

What's hot (20)

Ảnh hưởng của Nho giáo đến đời sống tinh thần của người Việt Nam
Ảnh hưởng của Nho giáo đến đời sống tinh thần của người Việt NamẢnh hưởng của Nho giáo đến đời sống tinh thần của người Việt Nam
Ảnh hưởng của Nho giáo đến đời sống tinh thần của người Việt Nam
 
Luận văn: Quản lý Nhà nước về di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Đắk Lắk
Luận văn: Quản lý Nhà nước về di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Đắk LắkLuận văn: Quản lý Nhà nước về di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Đắk Lắk
Luận văn: Quản lý Nhà nước về di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Đắk Lắk
 
Lịch Sử Văn Minh Thế Giới Vũ Dương Ninh
Lịch Sử Văn Minh Thế Giới Vũ Dương Ninh Lịch Sử Văn Minh Thế Giới Vũ Dương Ninh
Lịch Sử Văn Minh Thế Giới Vũ Dương Ninh
 
Chương 1, tư tưởng hchinh
Chương 1, tư tưởng hchinhChương 1, tư tưởng hchinh
Chương 1, tư tưởng hchinh
 
Luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu
Luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh ChâuLuận văn: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu
Luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu
 
Luận văn: Tang ma của người Cống ở huyện Mường Tè, Lai Châu
Luận văn: Tang ma của người Cống ở huyện Mường Tè, Lai ChâuLuận văn: Tang ma của người Cống ở huyện Mường Tè, Lai Châu
Luận văn: Tang ma của người Cống ở huyện Mường Tè, Lai Châu
 
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VĂN HÓA, ĐẠO ĐỨC VÀ XÂY DỰNG CON NGƯỜI MỚI
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VĂN HÓA, ĐẠO ĐỨC VÀ XÂY DỰNG CON NGƯỜI MỚI TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VĂN HÓA, ĐẠO ĐỨC VÀ XÂY DỰNG CON NGƯỜI MỚI
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VĂN HÓA, ĐẠO ĐỨC VÀ XÂY DỰNG CON NGƯỜI MỚI
 
Bộ đề trắc nghiệm Pháp luật đại cương - P1
Bộ đề trắc nghiệm Pháp luật đại cương - P1Bộ đề trắc nghiệm Pháp luật đại cương - P1
Bộ đề trắc nghiệm Pháp luật đại cương - P1
 
Tiểu luận thực trạng bạo lực gia đình Việt Nam hiện nay
Tiểu luận thực trạng bạo lực gia đình Việt Nam hiện nayTiểu luận thực trạng bạo lực gia đình Việt Nam hiện nay
Tiểu luận thực trạng bạo lực gia đình Việt Nam hiện nay
 
Bài giảng: Con người chính trị - TS Bùi Việt Hương
Bài giảng: Con người chính trị - TS Bùi Việt HươngBài giảng: Con người chính trị - TS Bùi Việt Hương
Bài giảng: Con người chính trị - TS Bùi Việt Hương
 
Thưc trạng vận dụng quy luật giá trị vào nền kinh tế nước ta thời gian qua và...
Thưc trạng vận dụng quy luật giá trị vào nền kinh tế nước ta thời gian qua và...Thưc trạng vận dụng quy luật giá trị vào nền kinh tế nước ta thời gian qua và...
Thưc trạng vận dụng quy luật giá trị vào nền kinh tế nước ta thời gian qua và...
 
Đề tài: Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở phường Ninh Phong, HAY
Đề tài: Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở phường Ninh Phong, HAYĐề tài: Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở phường Ninh Phong, HAY
Đề tài: Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở phường Ninh Phong, HAY
 
Luận án: Đảm bảo an sinh xã hội tại thành phố Hà Nội, HAY
Luận án: Đảm bảo an sinh xã hội tại thành phố Hà Nội, HAYLuận án: Đảm bảo an sinh xã hội tại thành phố Hà Nội, HAY
Luận án: Đảm bảo an sinh xã hội tại thành phố Hà Nội, HAY
 
Luận án: So sánh dân chủ xã hội chủ nghĩa và dân chủ tư sản
Luận án: So sánh dân chủ xã hội chủ nghĩa và dân chủ tư sảnLuận án: So sánh dân chủ xã hội chủ nghĩa và dân chủ tư sản
Luận án: So sánh dân chủ xã hội chủ nghĩa và dân chủ tư sản
 
Chương 3,ttuong
Chương 3,ttuongChương 3,ttuong
Chương 3,ttuong
 
Chuong2.ttuong
Chuong2.ttuongChuong2.ttuong
Chuong2.ttuong
 
XÃ HỘI HỌC VĂN HOÁ
XÃ HỘI HỌC VĂN HOÁ XÃ HỘI HỌC VĂN HOÁ
XÃ HỘI HỌC VĂN HOÁ
 
Đề tài: Quản lý nhà nước về văn hóa huyện Tam Nông, Phú Thọ
Đề tài: Quản lý nhà nước về văn hóa huyện Tam Nông, Phú ThọĐề tài: Quản lý nhà nước về văn hóa huyện Tam Nông, Phú Thọ
Đề tài: Quản lý nhà nước về văn hóa huyện Tam Nông, Phú Thọ
 
Hệ thống chính trị
Hệ thống chính trịHệ thống chính trị
Hệ thống chính trị
 
Xã hội hóa cá nhân
Xã hội hóa cá nhânXã hội hóa cá nhân
Xã hội hóa cá nhân
 

Similar to LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN_10241812052019

ẢNH HƯỞNG HỌC THUYẾT ÂM DƯƠNG, NGŨ HÀNH ĐẾN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN NGƯỜI ...
ẢNH HƯỞNG HỌC THUYẾT ÂM DƯƠNG, NGŨ HÀNH ĐẾN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN NGƯỜI ...ẢNH HƯỞNG HỌC THUYẾT ÂM DƯƠNG, NGŨ HÀNH ĐẾN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN NGƯỜI ...
ẢNH HƯỞNG HỌC THUYẾT ÂM DƯƠNG, NGŨ HÀNH ĐẾN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN NGƯỜI ...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Ảnh hưởng học thuyết Âm dương, Ngũ hành đến đời sống văn hóa tinh thần người ...
Ảnh hưởng học thuyết Âm dương, Ngũ hành đến đời sống văn hóa tinh thần người ...Ảnh hưởng học thuyết Âm dương, Ngũ hành đến đời sống văn hóa tinh thần người ...
Ảnh hưởng học thuyết Âm dương, Ngũ hành đến đời sống văn hóa tinh thần người ...dịch vụ viết đề tài trọn gói 0973287149
 
Ảnh Hưởng Phương Tây Đối Với Văn Hóa Nhật Bản Thời Kỳ Minh Trị, Kinh Nghiệm C...
Ảnh Hưởng Phương Tây Đối Với Văn Hóa Nhật Bản Thời Kỳ Minh Trị, Kinh Nghiệm C...Ảnh Hưởng Phương Tây Đối Với Văn Hóa Nhật Bản Thời Kỳ Minh Trị, Kinh Nghiệm C...
Ảnh Hưởng Phương Tây Đối Với Văn Hóa Nhật Bản Thời Kỳ Minh Trị, Kinh Nghiệm C...nataliej4
 
Tư tưởng triết học chính trị của Platon trong tác phẩm Chính thể cộng hòa.doc
Tư tưởng triết học chính trị của Platon trong tác phẩm Chính thể cộng hòa.docTư tưởng triết học chính trị của Platon trong tác phẩm Chính thể cộng hòa.doc
Tư tưởng triết học chính trị của Platon trong tác phẩm Chính thể cộng hòa.docdịch vụ viết đề tài trọn gói 0973287149
 
Lịch sử Việt Nam tập 8, từ năm 1919 đến năm 1930.pdf
Lịch sử Việt Nam tập 8, từ năm 1919 đến năm 1930.pdfLịch sử Việt Nam tập 8, từ năm 1919 đến năm 1930.pdf
Lịch sử Việt Nam tập 8, từ năm 1919 đến năm 1930.pdfPhngL812903
 
Nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh - đặc điểm và ý nghĩa lịch sử
Nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh - đặc điểm và ý nghĩa lịch sửNhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh - đặc điểm và ý nghĩa lịch sử
Nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh - đặc điểm và ý nghĩa lịch sửMan_Ebook
 
Luận văn: Quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước về di sản văn ...
Luận văn: Quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước về di sản văn ...Luận văn: Quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước về di sản văn ...
Luận văn: Quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước về di sản văn ...Viết thuê trọn gói ZALO 0934573149
 
Tiểu Luận Vai Trò Của Báo Chí Với Phản Ánh Tiêu Cực Của Xã Hội Hiện Nay 42728...
Tiểu Luận Vai Trò Của Báo Chí Với Phản Ánh Tiêu Cực Của Xã Hội Hiện Nay 42728...Tiểu Luận Vai Trò Của Báo Chí Với Phản Ánh Tiêu Cực Của Xã Hội Hiện Nay 42728...
Tiểu Luận Vai Trò Của Báo Chí Với Phản Ánh Tiêu Cực Của Xã Hội Hiện Nay 42728...NuioKila
 
Mối quan hệ giữa văn hoá và phát triển trong việc xây dựng nếp sống văn hoá k...
Mối quan hệ giữa văn hoá và phát triển trong việc xây dựng nếp sống văn hoá k...Mối quan hệ giữa văn hoá và phát triển trong việc xây dựng nếp sống văn hoá k...
Mối quan hệ giữa văn hoá và phát triển trong việc xây dựng nếp sống văn hoá k...Thư viện Tài liệu mẫu
 
7.2021._giao_trinh_triet_hoc_mac_-_lenin_(khong_chuyen)_1.9m.doc
7.2021._giao_trinh_triet_hoc_mac_-_lenin_(khong_chuyen)_1.9m.doc7.2021._giao_trinh_triet_hoc_mac_-_lenin_(khong_chuyen)_1.9m.doc
7.2021._giao_trinh_triet_hoc_mac_-_lenin_(khong_chuyen)_1.9m.docKhanhNguyn38918
 
Tiểu luận triết học
Tiểu luận triết họcTiểu luận triết học
Tiểu luận triết họcNgà Nguyễn
 

Similar to LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN_10241812052019 (20)

ẢNH HƯỞNG HỌC THUYẾT ÂM DƯƠNG, NGŨ HÀNH ĐẾN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN NGƯỜI ...
ẢNH HƯỞNG HỌC THUYẾT ÂM DƯƠNG, NGŨ HÀNH ĐẾN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN NGƯỜI ...ẢNH HƯỞNG HỌC THUYẾT ÂM DƯƠNG, NGŨ HÀNH ĐẾN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN NGƯỜI ...
ẢNH HƯỞNG HỌC THUYẾT ÂM DƯƠNG, NGŨ HÀNH ĐẾN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN NGƯỜI ...
 
Ảnh hưởng học thuyết Âm dương, Ngũ hành đến đời sống văn hóa tinh thần người ...
Ảnh hưởng học thuyết Âm dương, Ngũ hành đến đời sống văn hóa tinh thần người ...Ảnh hưởng học thuyết Âm dương, Ngũ hành đến đời sống văn hóa tinh thần người ...
Ảnh hưởng học thuyết Âm dương, Ngũ hành đến đời sống văn hóa tinh thần người ...
 
Luận án: Đạo trị nước trong tư tưởng Khổng - Mạnh và ý nghĩa, HAY
Luận án: Đạo trị nước trong tư tưởng Khổng - Mạnh và ý nghĩa, HAYLuận án: Đạo trị nước trong tư tưởng Khổng - Mạnh và ý nghĩa, HAY
Luận án: Đạo trị nước trong tư tưởng Khổng - Mạnh và ý nghĩa, HAY
 
Đề tài: Vị trí, vai trò của giáo dục Nho giáo trong xã hội phong kiến Việt Nam
Đề tài: Vị trí, vai trò của giáo dục Nho giáo trong xã hội phong kiến Việt NamĐề tài: Vị trí, vai trò của giáo dục Nho giáo trong xã hội phong kiến Việt Nam
Đề tài: Vị trí, vai trò của giáo dục Nho giáo trong xã hội phong kiến Việt Nam
 
Ảnh Hưởng Phương Tây Đối Với Văn Hóa Nhật Bản Thời Kỳ Minh Trị, Kinh Nghiệm C...
Ảnh Hưởng Phương Tây Đối Với Văn Hóa Nhật Bản Thời Kỳ Minh Trị, Kinh Nghiệm C...Ảnh Hưởng Phương Tây Đối Với Văn Hóa Nhật Bản Thời Kỳ Minh Trị, Kinh Nghiệm C...
Ảnh Hưởng Phương Tây Đối Với Văn Hóa Nhật Bản Thời Kỳ Minh Trị, Kinh Nghiệm C...
 
Tư tưởng triết học chính trị của Platon trong tác phẩm Chính thể cộng hòa.doc
Tư tưởng triết học chính trị của Platon trong tác phẩm Chính thể cộng hòa.docTư tưởng triết học chính trị của Platon trong tác phẩm Chính thể cộng hòa.doc
Tư tưởng triết học chính trị của Platon trong tác phẩm Chính thể cộng hòa.doc
 
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí MinhKhông gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa Huế với sự hình thành nhân cách Hồ Chí Minh
 
Luận văn: Phát huy giá trị văn hóa dân tộc Xơ Đăng tỉnh Kon Tum
Luận văn: Phát huy giá trị văn hóa dân tộc Xơ Đăng tỉnh Kon TumLuận văn: Phát huy giá trị văn hóa dân tộc Xơ Đăng tỉnh Kon Tum
Luận văn: Phát huy giá trị văn hóa dân tộc Xơ Đăng tỉnh Kon Tum
 
Luận án: Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh, HAY
Luận án: Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh, HAYLuận án: Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh, HAY
Luận án: Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh, HAY
 
Đề tài: Hoạt động văn hóa của Nhà văn hoá thanh thiếu nhi, HOT
Đề tài: Hoạt động văn hóa của Nhà văn hoá thanh thiếu nhi, HOTĐề tài: Hoạt động văn hóa của Nhà văn hoá thanh thiếu nhi, HOT
Đề tài: Hoạt động văn hóa của Nhà văn hoá thanh thiếu nhi, HOT
 
Lịch sử Việt Nam tập 8, từ năm 1919 đến năm 1930.pdf
Lịch sử Việt Nam tập 8, từ năm 1919 đến năm 1930.pdfLịch sử Việt Nam tập 8, từ năm 1919 đến năm 1930.pdf
Lịch sử Việt Nam tập 8, từ năm 1919 đến năm 1930.pdf
 
Nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh - đặc điểm và ý nghĩa lịch sử
Nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh - đặc điểm và ý nghĩa lịch sửNhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh - đặc điểm và ý nghĩa lịch sử
Nhân sinh quan trong tư tưởng của Minh Mệnh - đặc điểm và ý nghĩa lịch sử
 
Luận án: Các đàn miếu đại tự triều nhà Nguyễn ở Huế (1802-1945)
Luận án: Các đàn miếu đại tự triều nhà Nguyễn ở Huế (1802-1945)Luận án: Các đàn miếu đại tự triều nhà Nguyễn ở Huế (1802-1945)
Luận án: Các đàn miếu đại tự triều nhà Nguyễn ở Huế (1802-1945)
 
Luận văn: Quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước về di sản văn ...
Luận văn: Quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước về di sản văn ...Luận văn: Quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước về di sản văn ...
Luận văn: Quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước về di sản văn ...
 
Tiểu Luận Vai Trò Của Báo Chí Với Phản Ánh Tiêu Cực Của Xã Hội Hiện Nay 42728...
Tiểu Luận Vai Trò Của Báo Chí Với Phản Ánh Tiêu Cực Của Xã Hội Hiện Nay 42728...Tiểu Luận Vai Trò Của Báo Chí Với Phản Ánh Tiêu Cực Của Xã Hội Hiện Nay 42728...
Tiểu Luận Vai Trò Của Báo Chí Với Phản Ánh Tiêu Cực Của Xã Hội Hiện Nay 42728...
 
Mối quan hệ giữa văn hoá và phát triển trong việc xây dựng nếp sống văn hoá k...
Mối quan hệ giữa văn hoá và phát triển trong việc xây dựng nếp sống văn hoá k...Mối quan hệ giữa văn hoá và phát triển trong việc xây dựng nếp sống văn hoá k...
Mối quan hệ giữa văn hoá và phát triển trong việc xây dựng nếp sống văn hoá k...
 
7.2021._giao_trinh_triet_hoc_mac_-_lenin_(khong_chuyen)_1.9m.doc
7.2021._giao_trinh_triet_hoc_mac_-_lenin_(khong_chuyen)_1.9m.doc7.2021._giao_trinh_triet_hoc_mac_-_lenin_(khong_chuyen)_1.9m.doc
7.2021._giao_trinh_triet_hoc_mac_-_lenin_(khong_chuyen)_1.9m.doc
 
Đề tài: Xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư quận Thủ Đức
Đề tài: Xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư quận Thủ ĐứcĐề tài: Xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư quận Thủ Đức
Đề tài: Xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư quận Thủ Đức
 
Tiểu luận triết học
Tiểu luận triết họcTiểu luận triết học
Tiểu luận triết học
 
Luận án: Giá trị văn hóa của đạo Cao Đài trong đời sống Nam Bộ
Luận án: Giá trị văn hóa của đạo Cao Đài trong đời sống Nam BộLuận án: Giá trị văn hóa của đạo Cao Đài trong đời sống Nam Bộ
Luận án: Giá trị văn hóa của đạo Cao Đài trong đời sống Nam Bộ
 

More from PinkHandmade

BỘ CÔNG CỤ HỖ TRỢ TRẺ MẦM NON LÀM QUEN VỚI ĐỌC VIẾT VÀ TOÁN_10530412092019
BỘ CÔNG CỤ HỖ TRỢ TRẺ MẦM NON LÀM QUEN VỚI ĐỌC VIẾT VÀ TOÁN_10530412092019BỘ CÔNG CỤ HỖ TRỢ TRẺ MẦM NON LÀM QUEN VỚI ĐỌC VIẾT VÀ TOÁN_10530412092019
BỘ CÔNG CỤ HỖ TRỢ TRẺ MẦM NON LÀM QUEN VỚI ĐỌC VIẾT VÀ TOÁN_10530412092019PinkHandmade
 
BƢỚC ĐẦU ỨNG DỤNG KỸ THUẬT KHÍ CANH TRONG VIỆC TRỒNG MỘT SỐ LOẠI RAU XANH_105...
BƢỚC ĐẦU ỨNG DỤNG KỸ THUẬT KHÍ CANH TRONG VIỆC TRỒNG MỘT SỐ LOẠI RAU XANH_105...BƢỚC ĐẦU ỨNG DỤNG KỸ THUẬT KHÍ CANH TRONG VIỆC TRỒNG MỘT SỐ LOẠI RAU XANH_105...
BƢỚC ĐẦU ỨNG DỤNG KỸ THUẬT KHÍ CANH TRONG VIỆC TRỒNG MỘT SỐ LOẠI RAU XANH_105...PinkHandmade
 
BIẾN ĐỔI CỦA VĂN HÓA QUAN HỌ BẮC NINH TRONG THỜI KÌ HIỆN NAY_10524912092019
BIẾN ĐỔI CỦA VĂN HÓA QUAN HỌ BẮC NINH TRONG THỜI KÌ HIỆN NAY_10524912092019BIẾN ĐỔI CỦA VĂN HÓA QUAN HỌ BẮC NINH TRONG THỜI KÌ HIỆN NAY_10524912092019
BIẾN ĐỔI CỦA VĂN HÓA QUAN HỌ BẮC NINH TRONG THỜI KÌ HIỆN NAY_10524912092019PinkHandmade
 
BIẾN ĐỔI CỦA DIỄN XƯỚNG NGHI LỄ LÊN ĐỒNG (QUA NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP TỈNH NAM ...
BIẾN ĐỔI CỦA DIỄN XƯỚNG NGHI LỄ LÊN ĐỒNG (QUA NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP TỈNH NAM ...BIẾN ĐỔI CỦA DIỄN XƯỚNG NGHI LỄ LÊN ĐỒNG (QUA NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP TỈNH NAM ...
BIẾN ĐỔI CỦA DIỄN XƯỚNG NGHI LỄ LÊN ĐỒNG (QUA NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP TỈNH NAM ...PinkHandmade
 
Bẫy thu nhập trung bình nguy cơ và thách thức đối với các nền kinh tế thu nhậ...
Bẫy thu nhập trung bình nguy cơ và thách thức đối với các nền kinh tế thu nhậ...Bẫy thu nhập trung bình nguy cơ và thách thức đối với các nền kinh tế thu nhậ...
Bẫy thu nhập trung bình nguy cơ và thách thức đối với các nền kinh tế thu nhậ...PinkHandmade
 
BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ LÀNG NGHỀ CHẾ TÁC ĐÁ MỸ NGHỆ NINH VÂN, HUYỆN HOA L...
BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ LÀNG NGHỀ CHẾ TÁC ĐÁ MỸ NGHỆ NINH VÂN, HUYỆN HOA L...BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ LÀNG NGHỀ CHẾ TÁC ĐÁ MỸ NGHỆ NINH VÂN, HUYỆN HOA L...
BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ LÀNG NGHỀ CHẾ TÁC ĐÁ MỸ NGHỆ NINH VÂN, HUYỆN HOA L...PinkHandmade
 
Bộ quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay ...
Bộ quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay ...Bộ quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay ...
Bộ quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay ...PinkHandmade
 
Bảo trợ xã hội_10523212092019
Bảo trợ xã hội_10523212092019Bảo trợ xã hội_10523212092019
Bảo trợ xã hội_10523212092019PinkHandmade
 
Bảo quản vốn tài liệu tại Trung tâm Thông tin – Thư viện Đại học Quốc gia Hà ...
Bảo quản vốn tài liệu tại Trung tâm Thông tin – Thư viện Đại học Quốc gia Hà ...Bảo quản vốn tài liệu tại Trung tâm Thông tin – Thư viện Đại học Quốc gia Hà ...
Bảo quản vốn tài liệu tại Trung tâm Thông tin – Thư viện Đại học Quốc gia Hà ...PinkHandmade
 
BẢO QUẢN TÀI LIỆU TẠI CÁC THƯ VIỆN TỈNH ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG_10521712092019
BẢO QUẢN TÀI LIỆU TẠI CÁC THƯ VIỆN TỈNH ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG_10521712092019BẢO QUẢN TÀI LIỆU TẠI CÁC THƯ VIỆN TỈNH ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG_10521712092019
BẢO QUẢN TÀI LIỆU TẠI CÁC THƯ VIỆN TỈNH ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG_10521712092019PinkHandmade
 
BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA VIỆT NAM 2008_10520612092019
BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA VIỆT NAM 2008_10520612092019BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA VIỆT NAM 2008_10520612092019
BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA VIỆT NAM 2008_10520612092019PinkHandmade
 
BÁO CÁO VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC AN TOÀN BỨC XẠ VÀ HẠT NHÂN NĂM 2012_1052...
BÁO CÁO VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC AN TOÀN BỨC XẠ VÀ HẠT NHÂN NĂM 2012_1052...BÁO CÁO VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC AN TOÀN BỨC XẠ VÀ HẠT NHÂN NĂM 2012_1052...
BÁO CÁO VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC AN TOÀN BỨC XẠ VÀ HẠT NHÂN NĂM 2012_1052...PinkHandmade
 
Báo cáo thường niên CÔNG TY CỔ PHẦN VẬN TẢI VÀ THUÊ TÀU BIỂN VIỆT NAM_1052041...
Báo cáo thường niên CÔNG TY CỔ PHẦN VẬN TẢI VÀ THUÊ TÀU BIỂN VIỆT NAM_1052041...Báo cáo thường niên CÔNG TY CỔ PHẦN VẬN TẢI VÀ THUÊ TÀU BIỂN VIỆT NAM_1052041...
Báo cáo thường niên CÔNG TY CỔ PHẦN VẬN TẢI VÀ THUÊ TÀU BIỂN VIỆT NAM_1052041...PinkHandmade
 
BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN CÔNG TY CỔ PHẦN THỰC PHẨM QUỐC TẾ_10520212092019
BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN CÔNG TY CỔ PHẦN THỰC PHẨM QUỐC TẾ_10520212092019BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN CÔNG TY CỔ PHẦN THỰC PHẨM QUỐC TẾ_10520212092019
BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN CÔNG TY CỔ PHẦN THỰC PHẨM QUỐC TẾ_10520212092019PinkHandmade
 
BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN CÔNG TY CỔ PHẦN NHỰA VÀ MÔI TRƯỜNG XANH AN PHÁT_105158120...
BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN CÔNG TY CỔ PHẦN NHỰA VÀ MÔI TRƯỜNG XANH AN PHÁT_105158120...BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN CÔNG TY CỔ PHẦN NHỰA VÀ MÔI TRƯỜNG XANH AN PHÁT_105158120...
BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN CÔNG TY CỔ PHẦN NHỰA VÀ MÔI TRƯỜNG XANH AN PHÁT_105158120...PinkHandmade
 
BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN CÔNG TY CỔ PHẦN NHỰA BAO BÌ VINH_10515612092019
BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN CÔNG TY CỔ PHẦN NHỰA BAO BÌ VINH_10515612092019BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN CÔNG TY CỔ PHẦN NHỰA BAO BÌ VINH_10515612092019
BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN CÔNG TY CỔ PHẦN NHỰA BAO BÌ VINH_10515612092019PinkHandmade
 
Báo cáo thường niên CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG LẮP MÁY IDICO_10515312092019
Báo cáo thường niên CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG LẮP MÁY IDICO_10515312092019Báo cáo thường niên CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG LẮP MÁY IDICO_10515312092019
Báo cáo thường niên CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG LẮP MÁY IDICO_10515312092019PinkHandmade
 
BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN CÔNG TY CỔ PHẦN DU LỊCH - DỊCH VỤ HỘI AN_10515112092019
BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN CÔNG TY CỔ PHẦN DU LỊCH - DỊCH VỤ HỘI AN_10515112092019BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN CÔNG TY CỔ PHẦN DU LỊCH - DỊCH VỤ HỘI AN_10515112092019
BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN CÔNG TY CỔ PHẦN DU LỊCH - DỊCH VỤ HỘI AN_10515112092019PinkHandmade
 
BÁO CÁO THỰC HIỆN QUY CHẾ CÔNG KHAI CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC LẠC HỒNG NĂM HỌC 2014 ...
BÁO CÁO THỰC HIỆN QUY CHẾ CÔNG KHAI CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC LẠC HỒNG NĂM HỌC 2014 ...BÁO CÁO THỰC HIỆN QUY CHẾ CÔNG KHAI CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC LẠC HỒNG NĂM HỌC 2014 ...
BÁO CÁO THỰC HIỆN QUY CHẾ CÔNG KHAI CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC LẠC HỒNG NĂM HỌC 2014 ...PinkHandmade
 
BÁO CÁO THUYẾT MINH TỔNG HỢP KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT NĂM 2018 HUYỆN THẠNH PHÚ – ...
BÁO CÁO THUYẾT MINH TỔNG HỢP KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT NĂM 2018 HUYỆN THẠNH PHÚ – ...BÁO CÁO THUYẾT MINH TỔNG HỢP KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT NĂM 2018 HUYỆN THẠNH PHÚ – ...
BÁO CÁO THUYẾT MINH TỔNG HỢP KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT NĂM 2018 HUYỆN THẠNH PHÚ – ...PinkHandmade
 

More from PinkHandmade (20)

BỘ CÔNG CỤ HỖ TRỢ TRẺ MẦM NON LÀM QUEN VỚI ĐỌC VIẾT VÀ TOÁN_10530412092019
BỘ CÔNG CỤ HỖ TRỢ TRẺ MẦM NON LÀM QUEN VỚI ĐỌC VIẾT VÀ TOÁN_10530412092019BỘ CÔNG CỤ HỖ TRỢ TRẺ MẦM NON LÀM QUEN VỚI ĐỌC VIẾT VÀ TOÁN_10530412092019
BỘ CÔNG CỤ HỖ TRỢ TRẺ MẦM NON LÀM QUEN VỚI ĐỌC VIẾT VÀ TOÁN_10530412092019
 
BƢỚC ĐẦU ỨNG DỤNG KỸ THUẬT KHÍ CANH TRONG VIỆC TRỒNG MỘT SỐ LOẠI RAU XANH_105...
BƢỚC ĐẦU ỨNG DỤNG KỸ THUẬT KHÍ CANH TRONG VIỆC TRỒNG MỘT SỐ LOẠI RAU XANH_105...BƢỚC ĐẦU ỨNG DỤNG KỸ THUẬT KHÍ CANH TRONG VIỆC TRỒNG MỘT SỐ LOẠI RAU XANH_105...
BƢỚC ĐẦU ỨNG DỤNG KỸ THUẬT KHÍ CANH TRONG VIỆC TRỒNG MỘT SỐ LOẠI RAU XANH_105...
 
BIẾN ĐỔI CỦA VĂN HÓA QUAN HỌ BẮC NINH TRONG THỜI KÌ HIỆN NAY_10524912092019
BIẾN ĐỔI CỦA VĂN HÓA QUAN HỌ BẮC NINH TRONG THỜI KÌ HIỆN NAY_10524912092019BIẾN ĐỔI CỦA VĂN HÓA QUAN HỌ BẮC NINH TRONG THỜI KÌ HIỆN NAY_10524912092019
BIẾN ĐỔI CỦA VĂN HÓA QUAN HỌ BẮC NINH TRONG THỜI KÌ HIỆN NAY_10524912092019
 
BIẾN ĐỔI CỦA DIỄN XƯỚNG NGHI LỄ LÊN ĐỒNG (QUA NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP TỈNH NAM ...
BIẾN ĐỔI CỦA DIỄN XƯỚNG NGHI LỄ LÊN ĐỒNG (QUA NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP TỈNH NAM ...BIẾN ĐỔI CỦA DIỄN XƯỚNG NGHI LỄ LÊN ĐỒNG (QUA NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP TỈNH NAM ...
BIẾN ĐỔI CỦA DIỄN XƯỚNG NGHI LỄ LÊN ĐỒNG (QUA NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP TỈNH NAM ...
 
Bẫy thu nhập trung bình nguy cơ và thách thức đối với các nền kinh tế thu nhậ...
Bẫy thu nhập trung bình nguy cơ và thách thức đối với các nền kinh tế thu nhậ...Bẫy thu nhập trung bình nguy cơ và thách thức đối với các nền kinh tế thu nhậ...
Bẫy thu nhập trung bình nguy cơ và thách thức đối với các nền kinh tế thu nhậ...
 
BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ LÀNG NGHỀ CHẾ TÁC ĐÁ MỸ NGHỆ NINH VÂN, HUYỆN HOA L...
BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ LÀNG NGHỀ CHẾ TÁC ĐÁ MỸ NGHỆ NINH VÂN, HUYỆN HOA L...BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ LÀNG NGHỀ CHẾ TÁC ĐÁ MỸ NGHỆ NINH VÂN, HUYỆN HOA L...
BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ LÀNG NGHỀ CHẾ TÁC ĐÁ MỸ NGHỆ NINH VÂN, HUYỆN HOA L...
 
Bộ quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay ...
Bộ quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay ...Bộ quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay ...
Bộ quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay ...
 
Bảo trợ xã hội_10523212092019
Bảo trợ xã hội_10523212092019Bảo trợ xã hội_10523212092019
Bảo trợ xã hội_10523212092019
 
Bảo quản vốn tài liệu tại Trung tâm Thông tin – Thư viện Đại học Quốc gia Hà ...
Bảo quản vốn tài liệu tại Trung tâm Thông tin – Thư viện Đại học Quốc gia Hà ...Bảo quản vốn tài liệu tại Trung tâm Thông tin – Thư viện Đại học Quốc gia Hà ...
Bảo quản vốn tài liệu tại Trung tâm Thông tin – Thư viện Đại học Quốc gia Hà ...
 
BẢO QUẢN TÀI LIỆU TẠI CÁC THƯ VIỆN TỈNH ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG_10521712092019
BẢO QUẢN TÀI LIỆU TẠI CÁC THƯ VIỆN TỈNH ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG_10521712092019BẢO QUẢN TÀI LIỆU TẠI CÁC THƯ VIỆN TỈNH ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG_10521712092019
BẢO QUẢN TÀI LIỆU TẠI CÁC THƯ VIỆN TỈNH ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG_10521712092019
 
BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA VIỆT NAM 2008_10520612092019
BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA VIỆT NAM 2008_10520612092019BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA VIỆT NAM 2008_10520612092019
BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA VIỆT NAM 2008_10520612092019
 
BÁO CÁO VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC AN TOÀN BỨC XẠ VÀ HẠT NHÂN NĂM 2012_1052...
BÁO CÁO VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC AN TOÀN BỨC XẠ VÀ HẠT NHÂN NĂM 2012_1052...BÁO CÁO VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC AN TOÀN BỨC XẠ VÀ HẠT NHÂN NĂM 2012_1052...
BÁO CÁO VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC AN TOÀN BỨC XẠ VÀ HẠT NHÂN NĂM 2012_1052...
 
Báo cáo thường niên CÔNG TY CỔ PHẦN VẬN TẢI VÀ THUÊ TÀU BIỂN VIỆT NAM_1052041...
Báo cáo thường niên CÔNG TY CỔ PHẦN VẬN TẢI VÀ THUÊ TÀU BIỂN VIỆT NAM_1052041...Báo cáo thường niên CÔNG TY CỔ PHẦN VẬN TẢI VÀ THUÊ TÀU BIỂN VIỆT NAM_1052041...
Báo cáo thường niên CÔNG TY CỔ PHẦN VẬN TẢI VÀ THUÊ TÀU BIỂN VIỆT NAM_1052041...
 
BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN CÔNG TY CỔ PHẦN THỰC PHẨM QUỐC TẾ_10520212092019
BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN CÔNG TY CỔ PHẦN THỰC PHẨM QUỐC TẾ_10520212092019BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN CÔNG TY CỔ PHẦN THỰC PHẨM QUỐC TẾ_10520212092019
BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN CÔNG TY CỔ PHẦN THỰC PHẨM QUỐC TẾ_10520212092019
 
BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN CÔNG TY CỔ PHẦN NHỰA VÀ MÔI TRƯỜNG XANH AN PHÁT_105158120...
BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN CÔNG TY CỔ PHẦN NHỰA VÀ MÔI TRƯỜNG XANH AN PHÁT_105158120...BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN CÔNG TY CỔ PHẦN NHỰA VÀ MÔI TRƯỜNG XANH AN PHÁT_105158120...
BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN CÔNG TY CỔ PHẦN NHỰA VÀ MÔI TRƯỜNG XANH AN PHÁT_105158120...
 
BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN CÔNG TY CỔ PHẦN NHỰA BAO BÌ VINH_10515612092019
BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN CÔNG TY CỔ PHẦN NHỰA BAO BÌ VINH_10515612092019BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN CÔNG TY CỔ PHẦN NHỰA BAO BÌ VINH_10515612092019
BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN CÔNG TY CỔ PHẦN NHỰA BAO BÌ VINH_10515612092019
 
Báo cáo thường niên CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG LẮP MÁY IDICO_10515312092019
Báo cáo thường niên CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG LẮP MÁY IDICO_10515312092019Báo cáo thường niên CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG LẮP MÁY IDICO_10515312092019
Báo cáo thường niên CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG LẮP MÁY IDICO_10515312092019
 
BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN CÔNG TY CỔ PHẦN DU LỊCH - DỊCH VỤ HỘI AN_10515112092019
BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN CÔNG TY CỔ PHẦN DU LỊCH - DỊCH VỤ HỘI AN_10515112092019BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN CÔNG TY CỔ PHẦN DU LỊCH - DỊCH VỤ HỘI AN_10515112092019
BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN CÔNG TY CỔ PHẦN DU LỊCH - DỊCH VỤ HỘI AN_10515112092019
 
BÁO CÁO THỰC HIỆN QUY CHẾ CÔNG KHAI CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC LẠC HỒNG NĂM HỌC 2014 ...
BÁO CÁO THỰC HIỆN QUY CHẾ CÔNG KHAI CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC LẠC HỒNG NĂM HỌC 2014 ...BÁO CÁO THỰC HIỆN QUY CHẾ CÔNG KHAI CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC LẠC HỒNG NĂM HỌC 2014 ...
BÁO CÁO THỰC HIỆN QUY CHẾ CÔNG KHAI CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC LẠC HỒNG NĂM HỌC 2014 ...
 
BÁO CÁO THUYẾT MINH TỔNG HỢP KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT NĂM 2018 HUYỆN THẠNH PHÚ – ...
BÁO CÁO THUYẾT MINH TỔNG HỢP KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT NĂM 2018 HUYỆN THẠNH PHÚ – ...BÁO CÁO THUYẾT MINH TỔNG HỢP KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT NĂM 2018 HUYỆN THẠNH PHÚ – ...
BÁO CÁO THUYẾT MINH TỔNG HỢP KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT NĂM 2018 HUYỆN THẠNH PHÚ – ...
 

Recently uploaded

30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfchuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfVyTng986513
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...hoangtuansinh1
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líDr K-OGN
 
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfCampbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfTrnHoa46
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...ThunTrn734461
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................TrnHoa46
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfhoangtuansinh1
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxpowerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxAnAn97022
 
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdfTrnHoa46
 

Recently uploaded (20)

30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
 
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
 
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfchuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
 
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfCampbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
 
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxpowerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
 
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
 

LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN_10241812052019

  • 1. HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH NGHIÊM THỊ THU NGA VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHUYÊN NGÀNH: VĂN HÓA HỌC HÀ NỘI - 2018
  • 2. HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH NGHIÊM THỊ THU NGA VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHUYÊN NGÀNH: VĂN HÓA HỌC Mã số: 62 31 06 40 Người hướng dẫn khoa học: GS.TS. HOÀNG VINH HÀ NỘI - 2018
  • 3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong luận án là trung thực, có nguồn gốc rõ ràng và được trích dẫn đầy đủ theo quy định. Tác giả Nghiêm Thị Thu Nga
  • 4. MỤC LỤC Trang MỞ ĐẦU 1 Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN 7 1.1. Tình hình nghiên cứu về văn hóa chính trị 7 1.2. Tình hình nghiên cứu về văn hóa chính trị thời thịnh Trần 22 1.3. Những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu 34 Chương 2: QUAN NIỆM VỀ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ VÀ GIỚI THUYẾT VỀ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN 36 2.1. Quan niệm về văn hóa chính trị 36 2.2. Giới thuyết về văn hóa chính trị thời thịnh Trần 49 Chương 3: DIỆNMẠOCỦAVĂNHÓACHÍNHTRỊTHỜITHỊNH TRẦN 69 3.1. Định hướng giá trị trong chính trị 69 3.2. Sự vận hành chính trị 80 3.3. Nhân cách chính trị 99 3.4. Ngoại hiện chính trị 110 Chương 4: GIÁ TRỊ TIÊU BIỂU CỦA VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN VÀ BÀI HỌC ĐỐI VỚI SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG VĂN HÓA CHÍNH TRỊ VIỆT NAM HIỆN NAY 119 4.1. Giá trị tiêu biểu của văn hóa chính trị thời thịnh Trần 119 4.2. Bài học đối với sự nghiệp xây dựng văn hóa chính trị nước ta hiện nay từ kinh nghiệm của thời Trần 129 KẾT LUẬN 151 DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 153 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 154 PHỤ LỤC 170
  • 5. DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT Cương mục : Khâm định Việt sử thông giám cương mục ĐCSVN : Đảng Cộng sản Việt Nam ĐVSKTT : Đại Việt sử ký toàn thư NCS : Nghiên cứu sinh NQHNTW : Nghị quyết Hội nghị Trung ương TCN : Trước Công nguyên UNESCO : United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization VHCT : Văn hóa chính trị
  • 6. 1 MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài - Xuất phát từ vai trò của văn hóa chính trị (VHCT) và sự cần thiết của việc nghiên cứu VHCT Văn hóa chính trị là một bộ phận quan trọng của văn hóa xã hội (cùng với văn hóa đạo đức, văn hóa pháp luật, văn hóa truyền thông…). Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, VHCT đã được tạo dựng, dần hoàn thiện và góp phần làm phong phú thêm cho nền văn hóa dân tộc. Những giá trị VHCT tiêu biểu đã thấm sâu vào đường lối trị nước và nhân cách của nhiều người lãnh đạo đất nước, góp phần phát huy sức mạnh của cả dân tộc, vượt thoát ra khỏi những thử thách khắc nghiệt của lịch sử, đưa đất nước đi lên cường thịnh và trường tồn. Nghiên cứu VHCT có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc và nhằm nâng cao tính tích cực chính trị của con người trong hoạt động xã hội nói chung, nâng cao kỹ năng, kỹ xảo, nghệ thuật lãnh đạo và quản lý của đội ngũ cán bộ ở Việt Nam nói riêng, từ đó góp phần xây dựng, đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị của nước ta phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong hoàn cảnh mới. Cho đến nay, đã có không ít công trình nghiên cứu về VHCT, nhiều học giả sử dụng thuật ngữ “VHCT” ở các chuyên ngành khác nhau. Riêng ở chuyên ngành văn hóa học, vấn đề VHCT vẫn còn những ý kiến chưa đồng nhất, nhất là nội hàm khái niệm, cấu trúc của VHCT vẫn chưa thực sự được xác lập. Nhiều điểm còn bỏ ngỏ của vấn đề này đòi hỏi cần được quan tâm nghiên cứu thấu đáo hơn. - Xuất phát từ sự cần thiết phải nghiên cứu VHCT thời thịnh Trần Trong 175 năm tồn tại của triều Trần, có khoảng 100 năm đầu là giai đoạn thịnh trị, hào khí Đông A và trí tuệ Đại Việt đã hội tụ, tỏa sáng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, làm nên một quốc gia quân chủ độc lập, tự chủ và thịnh vượng. Khác với những giai đoạn lịch sử sau đó, thời thịnh Trần chưa bị chi phối bởi tư tưởng Nho giáo, nên càng có điều kiện thuận lợi để những người nắm quyền có thể phát triển năng lực cá nhân, trở thành những nhân cách rực rỡ, sáng chói, góp phần gây dựng một nền VHCT sáng tạo với những giá trị độc đáo, ghi dấu ấn đặc biệt
  • 7. 2 trong lịch sử các triều đại quân chủ Việt Nam, có nhiều đóng góp quan trọng cho văn hóa dân tộc. Hiểu VHCT thời thịnh Trần chính là hiểu sức mạnh nội tại, tiềm ẩn của dân tộc trước những thử thách cam go, là góp phần lý giải nguyên nhân thịnh - suy trong lịch sử. Nghiên cứu VHCT thời thịnh Trần, ta tiệm cận đến giá trị của các bài học giữ nước và phát triển đất nước, bài học về xây dựng một nền chính trị văn minh, một nền văn hóa vì con người, hợp lòng người. VHCT thời thịnh Trần đã thành địa hạt thú vị cho nhiều ngành khoa học xã hội nhân văn tiếp cận nghiên cứu như: văn hóa học, xã hội học, tâm lý học xã hội, chính trị học... Từ cách tiếp cận văn hóa học, cho đến nay, chưa hề có một công trình nghiên cứu riêng biệt, chuyên sâu, hệ thống về vấn đề VHCT thời thịnh Trần. Định vị được một khái niệm công cụ quan trọng trong văn hóa học, thấu hiểu được một bộ phận thiết yếu trong đời sống văn hóa xã hội của dân tộc ở buổi đầu dựng nền độc lập tự chủ rạng rỡ, oai hùng và còn nhiều ẩn số, thiết nghĩ là việc làm cần thiết và ý nghĩa. - Xuất phát từ nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước thời kỳ mới Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã được Đảng Cộng sản Việt Nam xác định, đó là: “Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh” [41, tr.29]. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đó, nội dung VHCT đã và đang được triển khai nghiên cứu, giảng dạy ở nhiều góc độ, nhiều chuyên ngành. Ở chuyên ngành văn hóa học, VHCT mới chỉ dừng lại ở những nghiên cứu bước đầu với kết quả còn khiêm tốn, VHCT truyền thống Việt Nam cũng chưa thực sự được quan tâm thỏa đáng. Do đó, việc nghiên cứu đề tài VHCT thời thịnh Trần sẽ góp phần đi sâu vào địa hạt VHCT truyền thống theo cách tiếp cận của văn hóa học, từ đó, giúp ích cho việc nghiên cứu, giảng dạy các nội dung quan trọng liên quan như: Lịch sử văn hoá, VHCT, Văn hóa công vụ...
  • 8. 3 Xuất phát từ những lí do trên, nghiên cứu sinh (NCS) lựa chọn đề tài “Văn hóa chính trị thời thịnh Trần” cho luận án tiến sĩ, chuyên ngành Văn hóa học với mong muốn nhận chân một cách hệ thống diện mạo, giá trị của nền VHCT thời thịnh Trần, từ đó góp phần luận bàn về những bài học kinh nghiệm của thời Trần đối với việc xây dựng và phát triển nền VHCT Việt Nam hiện nay. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 2.1. Mục đích nghiên cứu Luận án tiến hành nghiên cứu VHCT thời thịnh Trần, qua đó liên hệ, bàn luận về vấn đề xây dựng nền VHCT Việt Nam hiện nay. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu + Làm rõ một số vấn đề lý luận về VHCT (khái niệm, cấu trúc của VHCT); + Miêu tả diện mạo VHCT thời thịnh Trần qua các thành tố cơ bản; + Nhận định về giá trị của VHCT thời thịnh Trần, từ đó liên hệ và bàn luận về một số bài học đối với công cuộc xây dựng nền VHCT Việt Nam hiện nay. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Luận án nghiên cứu VHCT thời thịnh Trần (mà trọng tâm là diện mạo, giá trị và bài học lịch sử đối với giai đoạn hiện nay). 3.2. Phạm vi nghiên cứu - Về thời gian: Luận án nghiên cứu giai đoạn thịnh trị của triều Trần (1225- 1329), tức từ lúc vua Trần Thái Tông lên ngôi cho đến khi vua Trần Minh Tông nhường ngôi cho thái tử Vượng. Giai đoạn sau không thuộc phạm vi nghiên cứu mà chỉ được đề cập đến ở mức độ liên quan cần thiết của luận án. - Về không gian: Ở thời thịnh Trần, nước Đại Việt gồm 12 lộ, kéo dài từ Lạng Giang đến Hóa Châu (Lạng Sơn đến Thừa Thiên Huế ngày nay). Không gian nghiên cứu của luận án chính là nước Đại Việt thời thịnh Trần trong mối quan hệ với các nước láng giềng, đặc biệt là nước Trung Hoa (ở phương Bắc) và nước Chiêm Thành (ở phương Nam).
  • 9. 4 - Về nội dung: Luận án chủ yếu nghiên cứu VHCT của của các vương triều thời thịnh Trần (tức của chủ thể cầm quyền cơ bản: vua, quan lại và tướng lĩnh). 4. Cơ sở phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu 4.1. Cơ sở phương pháp luận Luận án được thực hiện dựa trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử của học thuyết mác xít để phân tích tiền đề, bối cảnh lịch sử dẫn đến sự hình thành VHCT thời thịnh Trần, phân tích vấn đề vai trò cá nhân (người anh hùng) và quần chúng (thần dân) trong lịch sử, nhận định giá trị và bài học của VHCT thời thịnh Trần đối với giai đoạn hiện nay. 4.2. Phương pháp nghiên cứu - Phương pháp tổng hợp tư liệu, sử liệu: Đây là phương pháp chủ đạo và hết sức cần thiết đối với một đề tài mang tính hồi cố và nguồn tài liệu chủ yếu là tài liệu thứ cấp như luận án. Thông qua việc sưu tầm và tập hợp tư liệu từ các văn bản đáng tin cậy, như các văn bản Hán Nôm (văn bản hành chính, văn bản luật pháp, văn bản nghệ thuật... ra đời trong thời Trần), các tài liệu lịch sử, các công trình khoa học của các tác giả trong và ngoài nước về thời Trần, VHCT thời Trần, luận án có thể nhận diện cụ thể các vấn đề thuộc VHCT thời thịnh Trần. Phương pháp này cho phép NCS thu thập được các thông tin lịch sử, khảo sát nhiều nội dung quan trọng liên quan đến vấn đề nghiên cứu một cách chính xác, tránh tình trạng võ đoán, tư biện. - Phương pháp liên ngành: Văn hóa là đối tượng của nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn: triết học, sử học, dân tộc học, nhân học, tâm lý học, đạo đức học, nghệ thuật học... Văn hóa học vừa là khoa học độc lập, vừa là khoa học liên ngành gắn với các khoa học xã hội và nhân văn kể trên. Do vậy, khi nghiên cứu một nền văn hóa, một hiện tượng văn hóa dưới góc độ văn hóa học, người nghiên cứu có thể sử dụng các kết quả nghiên cứu của các ngành khoa học xã hội và nhân văn làm cơ sở, tài liệu cho việc nghiên cứu. Ngoài ra, người nghiên cứu văn hóa còn có thể sử dụng các tri thức, các khái niệm, phạm trù, các phương pháp của các ngành khoa học xã hội và nhân văn trên để nghiên cứu các hiện tượng, quá trình văn hóa.
  • 10. 5 Vấn đề VHCT thời thịnh Trần có liên quan đến tri thức của nhiều môn khoa học khác nhau như: nhân học văn hóa, xã hội học văn hóa, tâm lý học, triết học, sử học, văn học... Chính vì vậy, NCS đã vận dụng những tri thức của các môn khoa học trên để làm rõ vấn đề nghiên cứu của luận án. Mặt khác, trong quá trình thực hiện luận án, NCS đã sử dụng các thuật ngữ, khái niệm, các khái quát lí luận (nguyên lí, quy luật, kết luận khoa học), các cứ liệu, tài liệu và một số phương pháp nghiên cứu của các khoa học khác. - Phương pháp logic - lịch sử: Lịch sử là bản thân quá trình vận động và phát triển của hiện thực. Logic là cái được trừu tượng hóa từ lịch sử, là cái phản ánh lịch sử trong các mối quan hệ và liên hệ cơ bản nhất của nó trong ý thức con người. Kết hợp lịch sử và logic nhằm khám phá bản chất và quy luật nội tại chi phối sự phát triển của sự vật, hiện tượng và phản ánh khái quát lịch sử ở nét chủ yếu của nó. Phương pháp logic - lịch sử giúp NCS chỉ ra được diện mạo của VHCT khi xem xét nó trong một giai đoạn cụ thể (thời thịnh Trần), đồng thời lại có thể nhìn nhận, đánh giá VHCT thời thịnh Trần trong chiều lịch đại, đồng đại của sự vận động, phát triển của văn hóa dân tộc. Mặt khác, phương pháp này giúp người viết đi sâu vào những đặc điểm của đối tượng nghiên cứu. - Phương pháp chuyên gia: Trên cơ sở nội dung của Luận án, NCS phỏng vấn sâu, tham khảo các ý kiến, nhận định của các chuyên gia, những người am hiểu về văn hóa, VHCT, về lịch sử thời Trần..., từ đó bổ sung, hoàn chỉnh cho các phân tích, kết luận trong luận án. - Phương pháp phân tích và tổng hợp: Đây là phương pháp phân chia (trong thực tế và tư duy) sự vật hiện tượng thành các yếu tố cấu thành, sau đó nghiên cứu từng yếu tố cấu thành ấy một cách riêng rẽ để cuối cùng bằng phương pháp tổng hợp, tức là bằng cách xác định những cái chung cũng như cái quy luật, mối liên hệ, tác động qua lại giữa các yếu tố ấy, ta lại kết hợp chúng lại với nhau thành một chỉnh thể cố kết. Cái tổng thể ta thu được là kết quả nghiên cứu, không phải là cái tổng thể giản đơn mà là cái tổng thể được nhận thức đầy đủ và sâu sắc.
  • 11. 6 Luận án đã sử dụng phương pháp này để phân chia cấu trúc VHCT và tiến hành nhận diện VHCT thời thịnh Trần theo các thành tố thuộc cấu trúc VHCT nói chung đó. Rồi từ diện mạo các thành tố đã được nhận diện, phân tích đó, NCS lại tổng hợp, đánh giá những giá trị chung của cả nền VHCT thời thịnh Trần. Để thực hiện tốt các phương pháp trên, luận án tiến hành các thao tác nghiên cứu cụ thể: phỏng vấn sâu, thống kê, so sánh,... 5. Đóng góp mới của luận án 5.1. Về lý luận - Hệ thống hóa, bổ sung và phát triển một số vấn đề liên quan đến lý luận về VHCT; góp phần xác lập khái niệm và cấu trúc của VHCT dưới góc nhìn văn hóa học; - Qua việc nghiên cứu về VHCT thời thịnh Trần, luận án góp phần bổ sung về phương pháp luận cho việc nghiên cứu một bộ phận của văn hóa xã hội trong một thời đại lịch sử cụ thể. 5.2. Về thực tiễn - Luận án làm rõ được diện mạo và giá trị của VHCT trong giai đoạn thịnh Trần, thông qua đó có thể hiểu rõ hơn về lịch sử văn hoá Việt Nam; - Từ việc hiểu về VHCT của một giai đoạn trong lịch sử với tất cả những ưu điểm và hạn chế, luận án rút ra bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng, phát triển VHCT Việt Nam hiện nay. - Kết quả nghiên cứu của luận án sẽ góp phần làm phong phú thêm nguồn tư liệu về văn hóa, văn hóa Việt Nam, VHCT Việt Nam và là nguồn tư liệu tham khảo cho công tác học tập, nghiên cứu và giảng dạy các học phần VHCT, Văn hóa công vụ, Lịch sử văn hóa Việt Nam... 6. Kết cấu của luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục các công trình đã công bố của tác giả liên quan đến đề tài luận án, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, luận án kết cấu thành 04 chương, 11 tiết.
  • 12. 7 Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN 1.1. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ 1.1.1. Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài 1.1.1.1. Nghiên cứu của các nước phương Đông Ở phương Đông, các nhà tư tưởng cổ đại Trung Quốc đã mở đầu cho truyền thống tiếp cận VHCT trong lịch sử tư tưởng nhân loại với các hệ tư tưởng về đức trị, pháp trị và vô vi nhi trị. Khổng Tử là đại diện tiêu biểu cho chủ trương đức trị. Nhà tư tưởng này rất tin ở sức hấp dẫn và sự tác động của đạo đức đến hoạt động chính trị. Ông khẳng định: “Vi chính dĩ đức, thí như Bắc thần, cư kỳ sở nhi chúng tinh củng chi” (Dùng đức mà làm chính trị cũng ví như ngôi sao Bắc Đẩu, ở yên tại vị trí của mình mà các ngôi sao khác đều chầu về) [19, tr.6], nghĩa là nếu nhà cầm quyền làm chính trị bằng đức thì vương hầu và dân chúng sẽ mến đức mà quy phục. Việc lấy đạo đức làm tiêu chuẩn chi phối hành vi chính trị đã đưa Khổng Tử đi đến phủ nhận vai trò của luật pháp. Theo ông, vua không cần dùng tới hình luật nghiêm khắc, chỉ ngồi rủ áo xiêm, dùng đạo đức của mình cảm hóa bề tôi và dân chúng mà mọi việc trôi chảy tốt đẹp, đất nước thái bình. Ông cho rằng nếu nhà cầm quyền chuyên dùng pháp chế, cấm lệnh mà dẫn dắt dân chúng, thì dân sợ mà không dám phạm pháp thôi chứ không phải vì họ biết xấu hổ. Vậy muốn dẫn dắt dân chúng, nhà cầm quyền phải dùng lễ tiết đức hạnh, khi đó chẳng những dân biết xấu hổ, mà còn được cảm hóa để trở nên tốt lành. Quan điểm của Khổng Tử được kế tục và phát triển bởi các học trò của ông, tiêu biểu là Mạnh Tử - người đã đề ra tư tưởng “văn trị giáo hóa”, nghĩa là dùng văn để giáo hóa thiên hạ. Để hiện thực hóa tư tưởng đức trị, họ đã đề ra mô hình “tam cương, ngũ thường” với tư cách là mô hình đạo đức chuẩn mực mà con người phải tuân thủ. Từ năm 136 trước công nguyên (TCN), khi được Hán Vũ Đế thừa nhận là tư tưởng chính thống của giai cấp thống trị, Khổng giáo đã trở thành hệ
  • 13. 8 tư tưởng có ảnh hưởng lớn, là công cụ tinh thần để bảo vệ cho chế độ quân chủ suốt hai nghìn năm ở Trung Quốc. Khác với tư tưởng đức trị, tư tưởng pháp trị - mà người nâng lên thành học thuyết pháp trị hoàn chỉnh nhất Trung Quốc cổ đại là Hàn Phi Tử (280 - 233 TCN) - lại đề cao giá trị của pháp luật. Theo Hàn Phi Tử, nhà nước rất cần tới pháp luật bởi pháp luật là công cụ quan trọng để điều chỉnh xã hội. Ông phủ nhận lý luận đề cao mọi cái cao quý của con người cũng như lý luận chính trị thần quyền. Để hiện thực hóa tư tưởng pháp trị, Hàn Phi Tử đã đề xuất mô hình: “Pháp - Thế - Thuật” và coi đó là 3 nguyên lý trong chính trị. Trong đó, “pháp” là trung tâm, còn “thế” và “thuật” là điều kiện tất yếu để thực hành pháp luật. Ông cho rằng, chỉ cần duy trì hiệu lực của pháp luật thì sẽ giữ vững được trật tự chính trị bình thường và thu được những hiệu quả lớn. Cho nên, việc làm cho pháp luật không bị hỏng nát là tiền đề và mục đích tối cao của chính trị. “Thuật” thực chất là thủ đoạn của người làm vua dùng để điều khiển cho các quan lại phải giữ gìn pháp luật và tuân theo mệnh lệnh. “Thế” là một thứ quyền lực đặt ra cho phù hợp với yêu cầu của pháp luật. Lý thuyết của Hàn Phi Tử được Tần Thủy Hoàng dùng để thống nhất Trung Quốc. Sau này, các triều đại phong kiến Trung Quốc cũng tiếp tục sử dụng lý thuyết pháp trị của ông nhưng nó bị che dấu dưới cái vỏ bề ngoài của Nho giáo mà thường được gọi là “dương Nho, âm Pháp” hay “nội Pháp, ngoại Nho”. Lão Tử là thuỷ tổ của phái Đạo gia. Trong Đạo đức Kinh, Lão Tử bàn về chính trị không nhiều, nhưng tương đối có hệ thống. Ông nêu ra lý luận triết học “Đạo pháp tự nhiên” và vận dụng nhuần nhuyễn, nhất quán lý luận này vào việc lý giải lĩnh vực chính trị. Bao trùm tư tưởng chính trị của ông là tư tưởng “vô vi nhi trị”. Đây là quan điểm cai trị xã hội hướng người cầm quyền đến việc để xã hội tự nhiên như nó vốn có, không can thiệp bằng bất cứ cách nào, xã hội sẽ được ổn định. “Vô vi” không phải là không làm gì cả mà là không làm gì trái với tự nhiên, không dùng tâm mà xen vào việc của người khác, không dùng tham vọng cá nhân mà can thiệp vào mọi việc, là hành sự thuận
  • 14. 9 theo quy luật tự nhiên. Theo ông, tự nhiên là không bị chi phối bởi tình cảm, ý muốn, trí tuệ của con người, nếu có sự can thiệp của con người dù bằng bất cứ cách nào thì chính trị cũng trở nên rắc rối. Tuy có nhiều mặt hạn chế nhưng phương pháp “vô vi” của ông vẫn có những nhân tố hợp lý, tư tưởng chính trị của ông vẫn có một vị trí ảnh hưởng nhất định đến ngày nay. Sang thời kỳ hiện đại, từ sau thập niên 70 của thế kỷ XX, ở nhiều nước châu Á, các học giả Nhật Bản, Đài Loan bắt đầu nghiên cứu VHCT. Sau năm 1980, ở Trung Quốc, việc nghiên cứu VHCT (hay còn gọi là “văn minh chính trị”) ngày càng phổ biến rộng rãi. Văn minh chính trị ở Trung Quốc được nhìn nhận trong mối quan hệ với thành quả của quá trình cải tạo xã hội của loài người. Trong cuốn Trung Quốc Đại bách khoa toàn thư, quyển Chính trị học viết: “Văn minh chính trị là sự tổng hòa các thành quả chính trị do con người cải tạo xã hội mà có, thông thường nó biểu hiện thành mức độ thực hiện dân chủ, tự do, bình đẳng, giải phóng con người trong một hình thái xã hội nhất định” [49]. Tác giả Ngu Sùng Thắng (Đại học Vũ Hán) trong bài Phân biệt khái niệm văn minh chính trị đã nêu ra: Văn minh chính trị, xét từ trạng thái tĩnh, nó là toàn bộ thành quả tiến bộ đạt được trong tiến trình chính trị; xét từ trạng thái động, nó là quá trình tiến hóa cụ thể trong sự phát triển chính trị của xã hội loài người [49]. 1.1.1.2. Nghiên cứu của các nước phương Tây Ở phương Tây, từ thời cổ đại cho đến thời đại Khai sáng, vấn đề VHCT được nghiên cứu như đối tượng của triết học. Platon (khoảng 427 - 347 TCN) với tác phẩm Nền cộng hoà và Aristoteles (384 - 322 TCN) với tác phẩm Chính trị được coi là những người mở đầu cho cách tiếp cận VHCT truyền thống ở phương Tây. Khi bàn về VHCT, cả hai nhà tư tưởng này đều đặc biệt chú ý đến quan điểm, thái độ cơ bản của con người đối với các vấn đề như: quyền lực, tác động của chính thể đến người dân, cách thức để quản lý các mối quan hệ xã hội. Học thuyết chính trị - xã hội của Platon quan tâm đến vấn đề nhà nước và
  • 15. 10 theo ông, trong nhà nước đó, các nhà triết học là những người cầm quyền. Còn Aristoteles thì nhấn mạnh vai trò của chính trị trong việc xác định tư cách tồn tại của con người khi ông coi con người là “động vật chính trị”. Ông cho rằng mục đích cao nhất của chính trị là làm sao để mọi người có thể sống và sống tốt hơn, sứ mệnh của nhà nước, của những người cầm quyền - chủ thể chính trị - không chỉ là đảm bảo cho mọi người sống bình thường mà còn là làm sao để mọi người sống hạnh phúc: “Mục đích của nhà nước là cuộc sống phúc lợi..., bản thân nhà nước là sự giao thiệp của các gia tộc và dân cư nhằm đạt được sự tồn tại một cách hoàn thiện và tự lập” [147, tr.210]. Cho đến cuối thế kỷ XVIII, thuật ngữ “VHCT” mới xuất hiện bởi nhà triết học cổ điển Đức I.Herder (1744 - 1803) khi ông nghiên cứu mối quan hệ tương tác giữa văn hóa và chính trị. Trong cuốn sách Các phương pháp triết học lịch sử nhân loại (năm 1784), lần đầu tiên ông đưa ra khái niệm “VHCT”, “sự chín muồi của VHCT” hay “những đại biểu của VHCT” [147, tr.460]. A.Tocqueville (1805-1859), là học giả người Pháp nhưng đã viết một số khảo luận về hệ thống chính trị của Hoa Kỳ. Nền dân chủ Mỹ là một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông. Trong tác phẩm này, ông đã đưa các giá trị văn hóa lên vị trí hàng đầu trong việc phân tích về nền dân chủ ở Mỹ. Tocqueville khẳng định: “Nếu không có những quan điểm và thói quen thích hợp về vai trò của dân chúng thì đến cả những thể chế dân chủ sáng giá nhất cũng khó có thể tránh khỏi sự lung lay từ cơ sở” [147, tr.462]. Nhà chính trị học nổi tiếng khác của Mỹ là L.Pye, năm 1961, khi biên soạn Bách khoa toàn thư khoa học xã hội quốc tế, đã đưa ra định nghĩa rõ hơn về VHCT: Văn hóa chính trị là một hệ thống thái độ, niềm tin và tình cảm; nó đem lại ý nghĩa và trật tự cho quá trình chính trị; nó đưa ra tiền đề cơ bản và quy tắc chế ước hành vi của hệ thống chính trị; nó bao gồm lý tưởng chính trị và quy phạm vận hành của một chính thể. Bởi vậy, VHCT là biểu hiện hình thức tập hợp tâm lý chính trị và góc độ chủ quan; một loại VHCT vừa là lịch sử tập thể của một
  • 16. 11 hệ thống chính trị, lại vừa là sản phẩm của lịch sử đời sống của các cá thể trong hệ thống đó; do đó, nó bắt rễ sâu xa trong lịch sử các sự kiện chung và lịch sử cá nhân [68, tr.83-84]. Nói cách khác, VHCT thuộc phương diện chủ quan trong hệ thống chính trị, nó chế ước chế độ chính trị và xác định hành vi chính trị của con người. Mặc dù vấn đề VHCT xuất hiện sớm như vậy, nhưng môn Nghiên cứu VHCT lại thực sự ra đời cùng với ngành khoa học chính trị hiện đại. Trong đó, nổi lên hai xu hướng nghiên cứu chính: Thứ nhất, coi VHCT chỉ là chiều cạnh chủ quan của hệ thống chính trị và quá trình chính trị. Công trình The Civic Culture, Political Attitudes and Democracy in Five Nations (“Văn hóa công dân - Những thái độ chính trị và nền dân chủ ở năm quốc gia”) của hai nhà khoa học Mỹ G.Almond và S.Verba, được coi là chuyên khảo đầu tiên khai phá và đặt nền móng cho môn Nghiên cứu VHCT ở phương Tây. Hiện nay, nhiều công trình nghiên cứu về VHCT thường giới thiệu một định nghĩa được thừa nhận là “kinh điển” của G.Almond. Học giả này đã tiến hành khái quát các công trình nghiên cứu diện xã hội - văn hóa của các quá trình chính trị để đưa ra khái niệm VHCT: “VHCT của một dân tộc là cách chia sẻ riêng của các thành viên của dân tộc ấy những dạng thức của sự định hướng quan tâm tới các khách thể chính trị” [147, tr.14-15]. Như vậy, G.Almond (cùng với S.Verba) là những người đầu tiên đưa ra quan điểm: VHCT chỉ là chiều cạnh chủ quan của hệ thống chính trị và quá trình chính trị. Almond cho rằng VHCT “gồm các yếu tố về nhận thức, tình cảm và giá trị. Nó hàm chứa nhận thức và ý kiến, quan niệm giá trị và tình cảm đối với chính trị” [68, tr.83]. Verba khẳng định: VHCT không phải là chế độ và cơ cấu chính trị, cũng không phải là mô hình hành vi chính trị: “nó không nói về các sự việc phát sinh trong lĩnh vực chính trị mà là nói về những suy nghĩ và niềm tin của người ta đối với các sự việc đó” [68, tr.84]. Hai ông cũng đưa ra ba loại hình cơ bản của VHCT: văn hóa chính trị bộ lạc, văn hóa chính trị thần thuộc và văn hóa chính trị tham dự (hay văn hóa công dân).
  • 17. 12 Một số trường phái khoa học chính trị và các nhà nghiên cứu ở phương Tây sau này đã dựa trên cơ sở lý thuyết khoa học về VHCT của G.Almond và S.Verba. Tiêu biểu có thể kể đến: - Định nghĩa của nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Tổng hợp Berkeley (California) trong cuốn Đề cương bài giảng VHCT (năm 2006): “VHCT được tạo thành bởi những tri nhận, những giá trị và những bộc lộ cảm tình mà dân chúng của một cộng đồng/ tập thể nào đó mang lại cho một quá trình mà tại đó những giá trị chân xác sẽ được định vị” [147, tr.29]. Theo trường phái này, cả ba bộ phận hợp thành của VHCT trên đây chỉ được xem xét, phân tích khi đặt trong mối quan hệ với hệ thống chính trị và đặc biệt là trong quá trình chính trị, nơi mà những bộ phận này được “định vị”. Điều này có nghĩa là tương tự như trong cách tiếp cận và định nghĩa khái niệm của G.Almond và S.Verba, các chiều cạnh chủ quan của hệ thống chính trị và quá trình chính trị được xem như hệ quy chiếu gốc của môn nghiên cứu về VHCT. - Định nghĩa được công bố trong cuốn Từ điển chính trị xuất bản năm 2007 của trường phái học thuật Heidelberg (Đức): VHCT là khái niệm “dùng để chỉ chiều cạnh chủ quan của những cơ sở xã hội của các hệ thống chính trị. VHCT liên quan tới những bộ phận khác nhau của ý thức chính trị, những “phong thái”, những lối nghĩ và ứng xử “điển hình” của những nhóm xã hội hoặc của toàn xã hội. VHCT bao gồm tất cả những đặc tính chính trị cá nhân của từng cá thể, tiềm ẩn trong những thái độ và các giá trị, bắt rễ trong những động cơ bẩm sinh của hành vi chính trị, và có trong những hình thức bộc lộ có tính chất biểu tượng và những ứng xử chính trị cụ thể” [147, tr.24]. Đây cũng có thể coi là một quan điểm gợi mở những khía cạnh có tính phương pháp luận trong nghiên cứu về VHCT. Thứ hai, coi VHCT là một bộ phận trong chỉnh thể văn hóa chung của xã hội. Không phải tất cả các nhà khoa học chính trị hiện đại ở phương Tây đều dựa trên cơ sở lý thuyết khoa học về VHCT của G.Almond và S.Verba. Xu hướng tiếp cận VHCT khác đáng chú ý ở phương Tây là coi VHCT là một bộ phận trong chỉnh thể văn hóa chung của xã hội. Nhà sử học và chính trị học Hoa
  • 18. 13 Kỳ P.X.Taquar đã nhiều năm có dự định giải quyết vấn đề về cách tiếp cận và các khái niệm, liên quan tới các phạm vi của khái niệm VHCT. Ông cho rằng: có thể nói về VHCT như một bộ phận tự trị (tách riêng) trong chỉnh thể văn hóa chung của xã hội. Lý giải vấn đề trên đây, quan điểm của ông có hai mặt tương liên đáng lưu ý là: Thứ nhất, luận chứng về ưu thế của cách tiếp cận văn hóa học đối với VHCT (khác với cách phân tích hệ thống hoặc phân tích tâm lý hẹp, chủ yếu dùng trong khoa chính trị học). Thứ hai, trong khi phân tích phê phán khái niệm VHCT của Almond, học giả này cũng đã xây dựng nên hàng loạt vấn đề mang tính chất phương pháp luận, chủ yếu là để xác lập hệ hình khái niệm cho VHCT. Theo ông, G.Almond và những người kế tục ông chỉ tập trung chú ý vào một phương diện (dù đó là quan trọng nhất) của VHCT - đó chính là phương diện chủ quan (nhiều khi mang tính chất tâm lý học), nhận định đặc trưng của VHCT như “một tổ hợp những ý đồ và mục tiêu” của các nhân vật chính trị. Các trường phái chính trị học Nga với các tên tuổi như E.A.Dodin, G.Grat, A.X.Carmin, I.X.Piroparov… cũng đưa ra nhiều quan niệm khác nhau. Theo E.A.Dodin: Văn hóa chính trị là quá trình xã hội hóa chính trị, suy cho cùng là quá trình phổ cập những giá trị và quy tắc chính trị nhất định” và “quá trình xã hội hóa trong chừng mực nào đó đưa đến sự ra đời các thiết chế xã hội, các giá trị và những chuẩn mực hành vi phù hợp với tiến trình phát triển [147, tr.64-65]. Với quan điểm này, E.A.Dodin đã không đồng tình với các tác giả phương Tây khi quy VHCT về các khuôn mẫu xác định nào đó. Bởi điều đó thường mang tính chủ quan của nhà nghiên cứu và sẽ rất dễ nhầm lẫn với các hiện tượng bề mặt. Thông qua lăng kính của những yếu tố cấu trúc cơ bản, G.Grat cho rằng VHCT được cấu trúc bởi 3 thành tố: “Cấu trúc của VHCT gồm: Văn hóa về ý thức chính trị, văn hóa hành vi chính trị và văn hóa vận hành các hành vi chính trị của Nhà nước” [191, tr.45].
  • 19. 14 Còn nhà chính trị học Liên Xô cũ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dùng VHCT mới để đả phá những thói quen do xã hội cũ để lại và xây dựng một nhà nước kiểu mới. Họ phê phán các học giả Mỹ quá nhấn mạnh định nghĩa VHCT là một thứ động cơ tâm lý, là thái độ chủ quan mà coi nhẹ vấn đề giai cấp và lợi ích giai cấp, bỏ qua việc đời sống chính trị luôn phụ thuộc vào lợi ích giai cấp và những mối quan hệ kinh tế nhất định. Theo họ, VHCT là thành phần quan trọng của văn hóa tinh thần, nó thuộc về lĩnh vực thượng tầng kiến trúc, có tính giai cấp và tính xã hội rõ ràng; nó phản ánh lợi ích, nguyện vọng và yêu cầu của một giai cấp nhất định. Ngoài ra, V.I.Lê-nin đưa ra khái niệm VHCT dựa trên quan niệm về mối liên hệ chặt chẽ giữa chính trị và văn hóa. Sử dụng các thành quả đấu tranh để xây dựng chính quyền Xô Viết, Lê-nin khẳng định: “Giờ đây, trước mắt chúng ta đang phải thực hiện các nhiệm vụ văn hóa, cần nắm vững các kinh nghiệm chính trị và có thể nhân rộng ra để tái hiện trong đời sống [195, tr.246]. Như vậy, VHCT ra đời từ rất sớm cả ở phương Đông và phương Tây. Có thể nói, từ khi có chính trị thì vấn đề VHCT cũng được đặt ra. Nhưng, việc nghiên cứu VHCT như một môn khoa học thì ra đời khá muộn. Dù vậy, với những nghiên cứu công phu, phong phú từ nhiều góc nhìn, các tài liệu trên đã giúp NCS có được những nhận thức khái quát về hệ thống lý thuyết cũng như phương pháp tiếp cận VHCT. Việc kế thừa các thành tựu nghiên cứu đó có ý nghĩa quan trọng và là việc làm hết sức cần thiết. 1.1.2. Tình hình nghiên cứu ở Việt Nam 1.1.2.1. Nghiên cứu phương diện thực tiễn của văn hóa chính trị truyền thống Quá trình tiếp cận VHCT ở Việt Nam đã được bắt đầu từ khá sớm, trong đó, chủ yếu là quan niệm về những yêu cầu làm chính trị của những chủ thể chính trị - những nhà cầm quyền tối cao của các triều đại quân chủ. Trong khoa học nghiên cứu VHCT, người đầu tiên trình bày VHCT Việt Nam trong lịch sử một cách hệ thống là Nguyễn Hồng Phong trong công trình VHCT Việt Nam - truyền thống và hiện đại [129]. Trên cơ sở những tri thức
  • 20. 15 chung về VHCT trong xã hội truyền thống phương Đông, tác giả này trình bày mô hình tổ chức quản lý xã hội Việt Nam truyền thống trên hai phương diện quốc gia và làng xã. Nguyễn Văn Huyên và cộng sự trong công trình Bước đầu tìm hiểu những giá trị VHCT truyền thống Việt Nam [81] đã trình bày những nhân tố hình thành tư tưởng VHCT và những nét đặc sắc của VHCT Việt Nam trong lịch sử. Nhiều giá trị tiêu biểu của VHCT được các nhà nghiên cứu phân tích khá sâu sắc như: yêu nước, lấy dân làm gốc; tư tưởng chính trị độc lập tự chủ... Thừa nhận lịch sử xã hội là do con người sáng tạo nên trong những điều kiện lịch sử nhất định và theo những cách thức nhất định, mà cách thức này lại do nền tảng văn hóa quy định, Phạm Hồng Tung trong công trình VHCT và lịch sử dưới góc nhìn VHCT đã đi sâu nghiên cứu hàng loạt vấn đề của lịch sử Việt Nam cận đại nhằm chỉ ra những khía cạnh mới và mang lại những nhận thức mới. Đó là vấn đề ý thức dân tộc, tâm thức cộng đồng dân tộc, cuộc vận động giải phóng và duy tân đất nước... Lê Quý Đức, trong Giáo trình VHCT (hệ đào tạo sau Đại học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), đã có những phân tích, lý giải sâu sắc về những vấn đề cơ bản của lịch sử VHCT Việt Nam. Theo đó, VHCT Việt Nam trong xã hội truyền thống được ông chia làm ba thời kỳ: thời kỳ hình thành nhà nước sơ khai (nhà nước Văn Lang - Âu Lạc), thời kỳ nhà nước Đại Việt độc lập tự chủ, thời kỳ nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tác giả cũng đã tập trung phân tích các thành tố trong cấu trúc của nền VHCT Việt Nam trong từng thời kỳ cụ thể (Triết lý, tư tưởng chính trị; Thiết chế, thể chế chính trị; Công nghệ chính trị; Nhân cách của những nhà chính trị tiêu biểu; Hệ thống ngoại hiện). Công trình nghiên cứu mới nhất hiện nay về vấn đề thực tiễn trong VHCT Việt Nam truyền thống là đề tài cấp Bộ trọng điểm “Các nguyên nhân làm sụp đổ chế độ chính trị Việt Nam trong lịch sử” [45] do Phạm Duy Đức làm chủ nhiệm. Công trình này đã lý giải nguyên nhân của sự suy vong và sụp đổ của các triều đại quân chủ Việt Nam suốt 10 thế kỷ (nguyên nhân về thể chế chính trị, từ thiết chế
  • 21. 16 chính trị và từ nhân cách của người cầm quyền). Từ đó, đề tài nêu ra một số bài học đối với việc đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững chế độ chính trị Việt Nam hiện nay như: Đặt lợi ích quốc gia dân tộc là tối thượng; Khoan sức dân, thân dân, vì dân; Nền tảng tư tưởng ổn định; Trọng dụng nhân tài, đề cao văn hóa dân tộc, tiếp thu sáng tạo giá trị văn hóa từ bên ngoài... Đây là những gợi ý cho NCS khi lý giải bài học thịnh - suy của triều Trần. Như vậy, những công trình nghiên cứu về VHCT Việt Nam trong lịch sử nêu trên thường đề cập đến các yếu tố cụ thể của VHCT như giá trị VHCT, tư tưởng VHCT, nhân cách nhà chính trị tiêu biểu, bài học kinh nghiệm với việc xây dựng và phát triển VHCT Việt Nam hiện nay,... Với các kết quả nghiên cứu đó, diện mạo chung của VHCT Việt Nam truyền thống bước đầu được phác họa. Đây là những tài liệu tham khảo bổ ích cho NCS khi nghiên cứu một giai đoạn của VHCT Việt Nam truyền thống. 1.1.2.2. Nghiên cứu phương diện lý luận/lý thuyết của khoa học hiện đại Điểm chung của các công trình nghiên cứu theo hướng này là các tác giả đều đề cập tới những vấn đề cơ bản của môn Nghiên cứu VHCT, tập trung làm rõ một số khái niệm công cụ cơ bản được sử dụng phổ biến trong khoa học chính trị như: khái niệm VHCT, nội dung, cấu trúc, chức năng, vai trò của VHCT. Tuy nhiên, tùy vào các góc độ tiếp cận, mỗi tác giả lại đưa ra những quan niệm khác nhau về VHCT. Có thể khái quát thành ba nhóm chính như sau: 1/ Nhóm thứ nhất: coi VHCT là một tổ hợp từ chỉ tài năng, sự khôn khéo trong hoạt động chính trị, VHCT có thể thay bằng “nghệ thuật làm chính trị”. Theo quan điểm này, nhóm tác giả Đặng Xuân Kỳ, Vũ Khiêu, Hoàng Chí Bảo trong Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa và phát triển con người cho rằng: Văn hóa chính trị không phải là bản thân chính trị, mà là chính trị có văn hóa, chính trị tác động vào con người và xã hội như một sức mạnh văn hóa, sức mạnh không chỉ dựa vào quyền lực mà phải dựa vào sự cảm hóa con người, thức tỉnh lương tri, lay động tâm tư, tình cảm con người, thuyết phục, chinh phục, thu phục con người [91, tr.248].
  • 22. 17 Trong khi đó, Phạm Ngọc Anh và Bùi Đình Phong (trong sách Hồ Chí Minh - văn hóa và phát triển) quan niệm: Văn hóa chính trị là cái đẹp, cái giá trị của chính trị, tức là chính trị thấm sâu vào tâm lý quốc dân, vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng như một sức mạnh văn hóa, sức mạnh hợp nhất lý và tình, thuyết phục bằng cảm hóa [4, tr.63]. 2/ Nhóm thứ hai: VHCT được hiểu là văn hóa trong chính trị, chỉ sự vận dụng các yếu tố văn hóa trong lĩnh vực này, nhằm tạo ra môi trường đạo đức cho hoạt động chính trị, làm sao cho hoạt động ấy vừa lành mạnh, vừa đạt được hiệu quả là duy trì quyền lực. Tiếp cận theo hướng này có nhóm nghiên cứu thuộc Viện Chính trị học (Học viện CTQG Hồ Chí Minh) với quan niệm: VHCT là một phương diện của văn hóa trong xã hội có giai cấp, là tổng hợp những giá trị vật chất và tinh thần - mà hạt nhân là các giá trị chính trị dân chủ, nhân văn, nhân đạo - được hình thành trong thực tiễn hoạt động chính trị của các giai cấp, các tập đoàn xã hội; nó là cái góp phần định hướng, chi phối hoạt động của các tổ chức và con người chính trị (các nhà lãnh đạo, quản lý, các thủ lĩnh chính trị, công dân) trong quá trình hiện thực hóa những mục tiêu chính trị nhằm phục vụ lợi ích căn bản của một giai cấp nhất định, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Bên cạnh đó, Nguyễn Đăng Dung (và nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) trong Giáo trình Chính trị học [34] cho rằng: VHCT là một hệ giá trị văn hóa được con người tiếp nhận và lựa chọn, biến nó thành nhu cầu, thành vũ khí, phương tiện trong hoạt động chính trị. Như vậy, hầu như các quan niệm về VHCT đã trình bày ở trên được nhìn nhận từ góc độ triết học, chính trị học. Ở đây, VHCT được tiếp cận như một bộ phận của chính trị học, tiếp cận từ mối quan hệ giữa chính trị và văn hóa và về cơ bản các tác giả coi văn hóa như một thuộc tính, phẩm chất của chính trị. Như vậy, tuy có gắn VHCT với văn hóa nói chung nhưng hầu như các quan niệm, ý kiến của các tác giả chỉ quan tâm đến trình độ, hiệu quả của hoạt động chính trị mà chưa nêu lên được VHCT là một phương diện của văn hóa, nghĩa là thừa nhận phạm trù văn
  • 23. 18 hóa rộng lớn, bao trùm lên VHCT. Vì thế, tiếp cận VHCT dưới góc độ văn hóa học để bổ sung thêm một hướng nghiên cứu là việc làm cần thiết. 3/ Nhóm thứ ba: quan niệm VHCT là một thành tố của văn hóa. Phạm Ngọc Quang trong cuốn Văn hóa chính trị và việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở nước ta hiện nay đã định nghĩa: “Văn hóa chính trị là một phương diện của văn hóa” [131, tr.19]. Trong cuốn “Các chuyên đề bài giảng chính trị học” (dành cho hệ cao học chuyên ngành Chính trị học), Phan Xuân Sơn quan niệm: “Văn hóa chính trị là một loại hình văn hóa” [140, tr.260]. Thừa nhận VHCT là một thành tố của văn hóa, Lê Quý Đức (trong Giáo trình Văn hóa chính trị) nhận định: VHCT là một lĩnh vực (bộ phận, thành tố) của văn hóa tổ chức xã hội, bị quy định bởi trình độ, tính chất văn hóa của một cộng đồng người (bộ lạc, bộ tộc, dân tộc, quốc gia) trong việc tổ chức đời sống cộng đồng, trong việc nắm giữ quyền lực và thực thi quyền lực của cộng đồng, thể hiện ra như một “kiểu”, “dạng”, “nền”, “hệ thống” chính trị nhất định trong lịch sử [49, tr.10]. Như vậy, quan điểm này đã cụ thể hóa vị trí của VHCT trong văn hóa nói chung. Là một thành tố của văn hóa, nên VHCT cũng như văn hóa nói chung, thể hiện “trình độ người”, nhưng ở đây là “cộng đồng người” trong vấn đề tổ chức xã hội, cụ thể là trong tổ chức đời sống cộng đồng và trong nắm giữ quyền lực và thực thi quyền lực cộng đồng, thuộc bộ phận văn hóa tổ chức xã hội. 1.1.2.3. Nghiên cứu mang tính ứng dụng/vận dụng trong thực tiễn văn hóa chính trị hiện nay Trên cơ sở những vấn đề lý luận về VHCT, nhiều công trình nghiên cứu đã hướng đến việc vận dụng/ứng dụng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn VHCT Việt Nam hiện nay. Một là, nghiên cứu thực trạng chung của VHCT. Nhiều tác giả nêu lên thực trạng VHCT Việt Nam trên cả hai phương diện tích cực và hạn chế. Về những mặt tích cực của VHCT Việt Nam, các tác giả Nguyễn Văn Vĩnh, Lê Văn Đính nhấn mạnh rằng VHCT mang tính chất xã hội chủ nghĩa ở nước ta
  • 24. 19 không ngừng phát triển cả về bề rộng và bề sâu; khẳng định cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nền VHCT Việt Nam kế thừa những giá trị VHCT truyền thống tiêu biểu của dân tộc, tạo nên một “nền VHCT Việt Nam khoa học - cách mạng - nhân văn theo mục tiêu xã hội chủ nghĩa” [201, tr.262]. Bàn về hạn chế của VHCT Việt Nam, có thể kể đến một số tác giả với những góc nhìn sắc sảo như: Phạm Ngọc Quang trong VHCT và việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở nước ta hiện nay [131] đã nêu lên sự kém hiểu biết về văn hóa tranh luận, văn hóa dân chủ, văn hóa pháp quyền; bệnh quan liêu cả về tư duy, tổ chức bộ máy, phong cách lãnh đạo, phương pháp hoạt động của các thành tố cấu thành nên hệ thống chính trị. Từ đó, nhóm tác giả đề ra một số tố chất mà cán bộ lãnh đạo quản lý cần đạt tới như: “tinh tế về chính trị, có năng lực đàm thoại chính trị, có sáng kiến và khả năng tìm tòi những quyết định chính trị vốn không dễ dàng” [131, tr.8]. Cuốn Giáo trình Chính trị học [201] nhấn mạnh đến năng lực, kỹ năng lãnh đạo chính trị và phẩm chất đạo đức của một bộ phận lãnh đạo - quản lý chưa ngang tầm với yêu cầu của quá trình đổi mới; tình trạng xuống cấp về đạo đức nói chung và về đạo đức chính trị nói riêng trong một bộ phận nhân dân. Cũng trên cơ sở phân tích một số yếu tố tích cực, tiêu cực trong VHCT, một số nhà nghiên cứu đã hướng đến việc đề ra giải pháp để đổi mới, phát triển VHCT hiện nay. Nguyễn An Ninh trong bài viết Khắc phục một số yếu tố tiêu cực trong quá trình xây dựng VHCT đáp ứng yêu cầu đổi mới hiện nay [112] hướng đến giải pháp chung nhằm khắc phục các yếu tố tiêu cực để xây dựng một nền VHCT đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước. Lâm Quốc Tuấn, trong sách Nâng cao VHCT của cán bộ lãnh đạo quản lý ở nước ta hiện nay [148] hướng đến việc phát triển VHCT của một chủ thể quan trọng của VHCT là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, coi đây là vấn đề then chốt của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Lồng vào trong công trình nghiên cứu về văn hóa và giá trị văn hóa nói chung, một số học giả đã có những khảo cứu về các giá trị VHCT, tiêu biểu có: Ngô Đức Thịnh với cuốn Giá trị văn hóa Việt Nam - truyền thống và biến đổi [163], Trần Ngọc Thêm với Hệ giá trị Việt Nam - từ truyền thống đến hiện đại và con
  • 25. 20 đường tới tương lai [158]. Ngô Đức Thịnh và cộng sự đã nêu ra một số giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam cũng chính là những giá trị thuộc về VHCT: tính cộng đồng, tính cởi mở trong giao lưu và hội nhập, nghệ thuật quân sự trong đánh giặc giữ nước. Trần Ngọc Thêm khi phác thảo ra mô hình “hệ giá trị cốt lõi trọng điểm”, đã nêu ra hai giá trị xã hội phổ biến là: dân chủ và pháp quyền. Tác giả đã thẳng thắn nhìn nhận những điểm hạn chế của hai giá trị này, cũng có thể hiểu là một trong những hạn chế trong văn hóa chính trị nước ta hiện nay: Thứ nhất là giá trị “dân chủ”: Đi vào thực tế thì mặc dù từ khi chuyển sang thời kỳ Đổi mới, dân chủ đã được mở rộng hơn, các quyền tự do cá nhân được coi trọng hơn, nhưng tình trạng tha hóa quyền lực, lạm dụng quyền lực, vi phạm và xâm phạm quyền làm chủ của dân... cũng đa dạng hơn và nghiêm trọng hơn [158, tr.473-474]. Thứ hai là giá trị “pháp quyền”: Từ phía dưới, người dân thiếu hiểu biết về pháp luật, coi thường pháp luật (...). Từ phía trên, có tình trạng pháp luật chưa đầy đủ và chưa hoàn thiện, chất lượng chưa cao, nhưng quan trọng hơn là việc thi hành chưa nghiêm. Người dưới ứng xử tùy tiện, coi thường pháp luật là do thiếu hiểu biết, còn người trên ứng xử tùy tiện, coi thường pháp luật là do tự cho mình quyền đứng trên pháp luật, coi thường dân [158, tr.483]. Hai là, nghiên cứu những vấn đề cụ thể của VHCT: - Nghiên cứu tư tưởng chính trị, thể chế chính trị: Các phương diện như triết lý chính trị, quan điểm về quyền lực, đường lối trị nước, luật pháp đã trở thành nội dung của nhiều bài viết gần đây: Văn hóa trong tổ chức, sử dụng và tuân thủ quyền lực [20] của Vũ Hoàng Công; Tư tưởng thượng tôn pháp luật trong VHCT Việt Nam hiện nay [63] của Nguyễn Ngọc Hà. - Nghiên cứu phương thức thực hành chính trị: Vấn đề rất quan trọng trong phương thức thực hành chính trị là cách sử dụng người tài được nhiều tác giả đề cập đến, chẳng hạn: Trong cuốn Phương sách dùng người của cha ông ta trong lịch sử
  • 26. 21 [32], Phan Hữu Dật đã bàn về các phương sách dùng người tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam thời trung đại như: trong vấn đề đào tạo, tuyển chọn người thực tài, dùng đúng người đúng việc, vinh danh người tài... Trong cuốn “Nâng cao VHCT của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ta hiện nay” [148], Lâm Quốc Tuấn cũng nêu lên một bài học dùng người trong VHCT Việt Nam truyền thống và coi đó là cơ sở để đánh giá tài năng hay nhân cách của một ông vua, một triều đại; là một trong những tiền đề xã hội, tác động trực tiếp tới sự tồn vong của quốc gia và sự trường tồn của dân tộc. - Nghiên cứu con người chính trị, nhân cách chính trị. Có thể nói con người chính trị, nhân cách của chủ thể chính trị được giới nghiên cứu hết sức quan tâm. Có khá nhiều tài liệu liên quan đến vấn đề này ở những góc độ khác nhau. Công trình nghiên cứu công phu và mới nhất về con người chính trị cho đến nay phải kể đến Con người chính trị Việt Nam - truyền thống và hiện đại [83] của Nguyễn Văn Huyên. Từ góc độ chính trị học, cuốn sách bước đầu phân tích làm rõ khái niệm con người chính trị nói chung như một phạm trù chính trị học với bản chất, đặc điểm, cấu trúc của nó. Đồng thời, tài liệu này cũng đã bước đầu phân tích con người chính trị Việt Nam trong lịch sử và hiện nay. Từ đó, nhằm góp phần xây dựng con người chính trị Việt Nam đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, đây là hướng nghiên cứu chủ yếu về lý luận, và là lý luận chính trị học. Trong con người chính trị, thường các nhà nghiên cứu quan tâm đến nhân cách nhà cầm quyền (người lãnh tụ, người lãnh đạo, quản lý), tiêu biểu có các bài viết: Tư tưởng Hồ Chí Minh về VHCT [78] của Lê Như Hoa; Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh [127] của Bùi Đình Phong; luận án tiến sĩ Chính trị học Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh - giá trị lý luận và thực tiễn [99] của Nguyễn Hữu Lập... Ở phương diện người lãnh đạo, các tài liệu thường hướng đến mục tiêu xây dựng một mẫu người lãnh đạo có đủ phẩm chất, tài năng, xứng tầm, đáp ứng được yêu cầu của thời đại mới, chẳng hạn như cuốn Để trở thành người lãnh đạo giỏi [152] của Trần Thành; Phẩm chất, năng lực người lãnh đạo theo yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa [82] của Nguyễn Văn Huyên; Nâng cao VHCT của
  • 27. 22 cán bộ lãnh đạo quản lý ở nước ta hiện nay [148] của Lâm Quốc Tuấn; Đổi mới văn hóa lãnh đạo và quản lý ở Việt Nam hiện nay [153] của Phạm Ngọc Thanh. Ngoài ra, trong những năm gần đây, nhân cách chính trị của một nhóm xã hội - nghề nghiệp cũng bắt đầu được chú ý nghiên cứu, chẳng hạn: Văn hóa chính trị công an nhân dân trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam [29] của Tạ Thành Chung... Từ góc nhìn hiện thực, các tài liệu nghiên cứu theo xu hướng này đã có những đánh giá khá khách quan, chân thực thực trạng của VHCT nước ta hiện nay, từ đó đưa ra được những kiến nghị nhằm xây dựng, đổi mới và phát triển nền VHCT, trong đó trọng tâm là nhân cách người lãnh đạo, quản lý. Đây là những gợi ý quan trọng cho luận án trong nội dung liên hệ bàn luận đến vấn đề xây dựng VHCT nước ta giai đoạn hiện nay. 1.2. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ VĂN HÓA CHÍNH TRỊ THỜI THỊNH TRẦN 1.2.1. Nghiên cứu chung về thời Trần, thời thịnh Trần Thời Trần nói chung, thời thịnh Trần nói riêng vẫn luôn là đề tài hấp dẫn cho các học giả từ các chuyên ngành khác nhau như sử học, triết học, văn học. Trong các tài liệu về lịch sử Việt Nam, ta có thể tìm thấy các nội dung liên quan đến bối cảnh thời Trần qua các bộ sách viết về lịch sử: Đại cương lịch sử Việt Nam [133] của các tác giả Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm và Lê Mậu Hãn; Việt Nam sử lược [87] của Trần Trọng Kim; Tiến trình lịch sử Việt Nam [115] của Nguyễn Quang Ngọc; Việt Nam một thiên lịch sử [190] của Nguyễn Khắc Viện; Những bài dã sử Việt [179] của Tạ Chí Đại Trường; Lịch sử Việt Nam, tập 2, từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV [200] của Trần Thị Vinh; Chuyện phiếm sử học [180] của Tạ Chí Đại Trường; Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XIX [96] của Lê Thành Khôi; Sử Việt - 12 khúc tráng ca [120] của Dũng Phan... Các tài liệu trên đã cung cấp cho NCS nhiều thông tin quý giá, nhiều dữ kiện lịch sử trung thực, khách quan. Qua đó, bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội thời Trần được tái hiện, giúp cho NCS có được những cơ sở khoa học cần thiết để nhận diện, lý giải VHCT thời thịnh Trần. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng khi NCS thực hiện một đề tài mà nguồn tài liệu chủ yếu là tài liệu thứ cấp. Đặc biệt,
  • 28. 23 có một số tài liệu thể hiện một cái nhìn mới, cách tiếp cận mới về lịch sử thời Trần, chẳng hạn của Tạ Chí Đại Trường, không chỉ cung cấp thông tin sử liệu, mà là sự lý giải hiện tượng lịch sử từ góc nhìn địa văn hóa thú vị (nhất là khi ông bàn về vấn đề xuất thân của nhà Trần, vấn đề nội hôn, điền trang - thái ấp...). Ngoài các nhà nghiên cứu Việt Nam, còn có một số học giả nước ngoài cũng đã quan tâm đến vấn đề lịch sử thời Trần, tiêu biểu là tác giả Oliver W.Wolters với Về việc kể chuyện lịch sử Việt Nam trong các thế kỷ XIII và XIV [118], A.B.Pôliacốp với Sự phục hưng của nước Đại Việt thế kỷ X - XIV [119]. Các tài liệu này là kết quả của sự nghiên cứu công phu của những người ngoại quốc quan tâm đến thời Trần và Đại Việt trong thời kỳ từ thế kỷ X đến thế kỷ XV. Có thể các nhận định nêu ra trong các tài liệu trên chưa được kiểm chứng hoặc chưa hẳn đúng với thực tế lịch sử, song các tác giả đã cung cấp nhiều thông tin đa chiều và khá mới mẻ mà chưa từng được ghi chép trong các bộ quốc sử. Có thể tìm thấy những nội dung liên quan đến thời thịnh Trần qua mảng tài liệu nghiên cứu về các vấn đề cơ bản của thời trung đại như tư tưởng, chế độ chính trị, về vua chúa: Chế độ quân chủ trong lịch sử quân chủ Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XV và những di sản của nó [126] của Nguyễn Danh Phiệt. Dày công nhất phải kể đến các tài liệu của các tác giả: Nguyễn Tài Thư với bộ Lịch sử tư tưởng Việt Nam [175], Nguyễn Đăng Thục với Lịch sử tư tưởng Việt Nam [167]. Trong các bộ sách công phu này, tư tưởng thời Trần được nhận diện qua các phương diện: tư tưởng chính trị xã hội, tư tưởng triết học tôn giáo, quân sự, ngoại giao... Vấn đề dung hòa giữa tư tưởng pháp trị và nhân trị trong quá trình trị nước của nhà Trần cũng được phân tích, lý giải sâu sắc. Ở phạm vi hẹp hơn là mảng tài liệu về thời Trần, thời đại Lý - Trần: Thời Trần sau ba lần thắng giặc Nguyên - Mông [125] của Nguyễn Danh Phiệt; Kinh tế - xã hội thời Lý - Trần [77] của Nguyễn Duy Hinh; Nhà Trần và con người thời Trần [122] của Nguyễn Danh Phiệt, Lê Văn Lan, Trần Quốc Vượng; Kinh tế, xã hội thời Trần thế kỷ XIII-XIV [26] của Nguyễn Thị Phương Chi. Trong đó, các vấn đề cụ thể của lịch sử thời Trần như: bối cảnh kinh tế, lịch sử, xã hội, bộ
  • 29. 24 máy nhà nước, quan chế... được phân tích cụ thể, từ đó giúp xác định được vị trí của thời thịnh Trần trong bối cảnh chung. Ngoài ra, một số sử liệu viết dưới hình thức tiểu thuyết dã sử, huyền sử, huyền tích, giai thoại cũng cung cấp cho NCS nhiều thông tin thú vị về thời Trần thông qua những câu chuyện về các nhân vật trong giới cầm quyền: Việt sử giai thoại, tập 3 [170] của Nguyễn Khắc Thuần; Hoàng đế triều Trần, cội nguồn ấn tượng dân gian [93] của Trường Khánh; và dày công nhất là bộ tiểu thuyết 6 tập Bão táp triều Trần [67] của Hoàng Quốc Hải,... Các mảng tài liệu trên đã góp phần tạo nên một cái nhìn toàn cảnh về thời Trần nói chung và thời thịnh Trần nói riêng. Từ đây, NCS có thể phóng chiếu, hình dung và xác định được vị thế, đặc điểm của VHCT thời thịnh Trần trong bức tranh chung đó. 1.2.2. Nghiên cứu về các phương diện của văn hóa chính trị thời thịnh Trần Hiện chưa có một công trình nghiên cứu chuyên sâu, hệ thống về VHCT thời thịnh Trần. Vấn đề này chủ yếu được lồng trong các công trình nghiên cứu về thời trung đại, về thời đại Lý - Trần hoặc về thời Trần và mới chỉ được tiếp cận từ các phương diện riêng lẻ: 1.2.2.1. Nghiên cứu về định hướng giá trị trong chính trị Hai nội dung được nghiên cứu nhiều nhất của phương diện định hướng giá trị trong chính trị là tư tưởng và thể chế: Về tư tưởng chính trị. Đây là khía cạnh được quan tâm nhiều nhất trong học thuật từ trước đến nay khi nghiên cứu về thời thịnh Trần, đặc biệt là chuyên ngành triết học, tôn giáo học. Một số công trình nghiên cứu đặt tư tưởng chính trị thời Trần trong dòng chảy của lịch sử tư tưởng Việt Nam: chẳng hạn đặt trong hệ tư tưởng của Đại Việt thời đại Lý - Trần (từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV), tiêu biểu có thể kể đến: Tư tưởng Việt Nam thời Lý - Trần [30] của Trương Văn Chung, Doãn Chính; Tư tưởng nhân văn truyền thống Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV [85] của Nguyễn Thị Hương; Sự phát triển của tư tưởng chính trị Việt Nam từ thế kỷ X
  • 30. 25 đến thế kỷ XV [183] của Nguyễn Hoài Văn; Tư tưởng Việt Nam thời Trần [172] của Trần Thuận; Tam giáo đồng nguyên thời Lý - Trần, một giá trị đặc sắc của nền chính trị Việt Nam truyền thống [182] của Nguyễn Hoài Văn. Trong các tài liệu này, một số vấn đề thuộc tư tưởng thời Trần đã được bàn đến, trong đó các tư tưởng tôn giáo như: tư tưởng Phật giáo, tư tưởng Nho giáo hay hiện tượng “tam giáo đồng nguyên” đã được lý giải khá tường minh. Nhìn chung, các nghiên cứu này cũng nhấn mạnh tinh thần nhân văn, yêu nước, đoàn kết và khát vọng độc lập, tự chủ của nhà nước quân chủ và nhân dân Đại Việt thời đại Lý - Trần. Trong Lịch sử tư tưởng Việt Nam [175], Nguyễn Tài Thư khẳng định: thời Trần (và thời Lý) là “thời kỳ lịch sử mà tư tưởng chính trị và xã hội ở nước ta có những bước tiến quan trọng” [175, tr.163], đặc biệt là tư tưởng, nhận thức về nền độc lập dân tộc. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định: “trên cơ sở của những thắng lợi huy hoàng trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, nhân dân ta đã có những nhận thức sâu sắc hơn về sự vững vàng của nền độc lập tự chủ của đất nước và sức sống trường cửu của dân tộc” [175, tr.168]. Bên cạnh quan niệm về độc lập dân tộc, tác giả cũng phân tích một số tư tưởng chính trị khác của thời Trần: sự nhận thức về vai trò quan trọng của nhân dân, của trăm quan, quan niệm về sự đối đãi và sử dụng các tỳ tướng và quan lại, quan niệm về đạo đức, tư tưởng về pháp quyền. Cuốn Tư tưởng Việt Nam thời Lý - Trần [30] của Trương Văn Chung, Doãn Chính là tập hợp các bài viết của nhiều tác giả xoay quanh các vấn đề cốt lõi của tư tưởng chính trị như: tinh thần độc lập, lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết chống giặc ngoại xâm của nhà nước quân chủ và nhân dân Đại Việt thời đại Lý - Trần. Một số tài liệu nghiên cứu về tư tưởng chính trị của các nhân vật chính trị. Trong cuốn Tư tưởng Việt Nam thời Lý - Trần [30], ngoài nội dung bàn về các vấn đề chung đã nêu, còn có một số bài tập trung nghiên cứu tư tưởng của các nhân vật thời Trần với những tư tưởng cốt lõi như: Trần Thái Tông (Thiền học hay là triết học nhân bản tâm linh thực nghiệm khai phóng), Thiền học Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông - triết học Trúc Lâm Yên Tử,...
  • 31. 26 Đi sâu vào nghiên cứu tư tưởng chính trị của các nhân vật chính trị tiêu biểu thời Trần cũng là hướng tiếp cận của nhiều tác giả như: Nguyễn Đăng Thục trong Thiền học Trần Thái Tông [168]; Nguyễn Hùng Hậu trong Góp phần tìm hiểu tư tưởng Phật giáo Trần Thái Tông [71]. Tập bài giảng Chính trị học (Hệ cao cấp lý luận chính trị) của Nguyễn Văn Vĩnh [202], khi bàn về lịch sử tư tưởng chính trị Việt Nam, đã khẳng định tư tưởng chính trị thời Trần nổi bật bởi tư tưởng của Trần Quốc Tuấn. Tác giả nhận định: “Những tư tưởng: vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, quân lính một lòng như cha con, khoan thư sức dân để làm kế sâu gốc bền rễ... đã trở thành di huấn chính trị cho mọi thời đại vì “đó là thượng sách để giữ nước” [202, tr.136]. Như vậy, dù là cái nhìn toàn thể (khi xem xét tư tưởng chính trị của thời đại nhà Trần) hay cái nhìn cụ thể (khi xem xét tư tưởng chính trị của một số con người chính trị tiêu biểu) thì nhìn chung, các tác giả đều khẳng định các giá trị của tư tưởng chính trị thời Trần: tinh thần yêu nước, đoàn kết, tinh thần thân dân, tam giáo đồng nguyên... Những giá trị ấy được hội tụ và tỏa sáng rực rỡ nhất trong giai đoạn thịnh trị của nhà Trần. Chính vì vậy, đây là những tài liệu tham khảo cần thiết cho NCS trong khi nhận diện VHCT thời thịnh Trần từ yếu tố định hướng giá trị trong chính trị. Về thể chế chính trị Các nội dung của thể chế chính trị thời thịnh Trần (như đường lối trị nước, chính sách, chủ trương phát triển đất nước, các quy phạm pháp luật) cũng được nhiều nhà nghiên cứu bàn đến. Đường lối ngoại giao cùng những chiến lược quân sự là điểm sáng rực rỡ trong VHCT của thời thịnh Trần, được tái hiện lại và đánh giá rất cao trong các tài liệu: Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông thời Trần [145] của Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm, Kế sách giữ nước thời Lý - Trần [141] của Lê Đình Sỹ, Nguyễn Danh Phiệt, Tam giáo đồng nguyên thời Lý, Trần: một giá trị đặc sắc của nền chính trị Việt Nam truyền thống [182] của Nguyễn Hoài Văn... Các tài liệu này đã phân tích được mối quan hệ giữa các chính sách về kinh tế với
  • 32. 27 chính sách chính trị, quân sự, ngoại giao... và đó là sự tổng hòa trong hệ thống thể chế chính trị đặc trưng của triều Trần. Về phương diện giáo dục khoa cử và chế độ tuyển chọn nhân tài cho bộ máy chính trị, có Nguyễn Văn Thịnh trong Khoa cử và văn chương khoa cử Việt Nam thời trung đại [161], khi bàn về chế độ khoa cử thời Trần, đã khẳng định thời Trần là “bước tiến mới của khoa cử”. Đặc biệt, theo tác giả, với khoa thi Thái học sinh, nhà Trần đã thể hiện “một việc làm khôn khéo có tính chất “động thái chính trị” [161, tr.37]. Đây là khoa thi “phản ánh bầu không khí tư tưởng và học thuật của thời kỳ Tam giáo hòa hợp, mặc dù Nho giáo đang trong xu thế vượt lên” [161, tr.37]. Như vậy, các vấn đề về đường lối trị nước, tư tưởng yêu nước, thân dân, tinh thần tam giáo đã được nhiều tài liệu khẳng định. Còn các nội dung quan trọng khác của phương diện định hướng giá trị chính trị như triết lý về quyền lực chính trị chưa được bàn đến, lý tưởng chính trị độc lập tự cường với quyết tâm củng cố triều chính, tái thiết đất nước, kháng chiến chống ngoại xâm và hướng tới nền thái bình muôn thuở cho quốc gia... chưa được làm rõ. 1.2.2.2. Nghiên cứu về sự vận hành chính trị Trong nội dung vận hành chính trị, các vấn đề như thiết chế bộ máy nhà nước, hệ thống luật pháp và các phương thức để thực hiện công cuộc dựng nước, giữ nước được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Trong một số công trình chung nghiên cứu về thiết chế chính trị thời trung đại, thiết chế chính trị của thời thịnh Trần cũng được khá nhiều tài liệu đề cập: Hệ thống quan chế thời quân chủ, “Almanach, Những nền văn minh thế giới”[162] của Nguyễn Văn Thịnh, Nguyễn Kim Sơn; Tiến trình lịch sử Việt Nam [115] của Nguyễn Quang Ngọc, Chính quyền trung ương thời Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần với vấn đề thống nhất đất nước và hiện tượng cát cứ, phân liệt [123] của Nguyễn Danh Phiệt; Văn minh Đại Việt [75] của Nguyễn Duy Hinh. Hệ thống thiết chế chính trị thời thịnh Trần được nhận diện cụ thể hơn trong các tài liệu sau: bài viết Vài nhận xét về tổ chức và tính chất nhà nước thời Trần của [102] của Phan Huy Lê; bài viết Về chế độ quân chủ quý tộc thời Trần, [128] của Nguyễn Hồng Phong; Chế độ thượng hoàng với vương triều Trần
  • 33. 28 Nguyễn Hữu Tâm trong Kỷ yếu Hội thảo Thời Trần và Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn trên quê hương Nam Hà [136] và các cuốn sách như Thái ấp - điền trang thời Trần (thế kỷ XIII - XIV) [25] của Nguyễn Thị Phương Chi; Văn minh Đại Việt [75] của Nguyễn Duy Hinh; Mô hình tổ chức nhà nước ở Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX [3] của Phạm Đức Anh... Trong các tài liệu này, thiết chế chính trị với các nội dung như: tổ chức bộ máy nhà nước, hệ thống quan chế, mô hình kinh tế - chính trị kiểu thái ấp - điền trang... đã được quan tâm nghiên cứu công phu. Phan Huy Lê, Nguyễn Hồng Phong đều đi đến khẳng định đây là mô hình nhà nước theo kiểu “quân chủ quý tộc” với những đặc trưng như: quý tộc họ Trần là lực lượng chủ yếu nắm giữ bộ máy chính quyền quan liêu, được hưởng những đặc quyền đặc lợi, để duy trì sức mạnh gia tộc, nhà Trần cũng đề ra chế độ thái ấp điền trang và thực hiện hôn nhân nội tộc. Riêng vấn đề thái ấp - điền trang đã được Nguyễn Thị Phương Chi dày công nghiên cứu với những mô tả tỉ mỉ về hệ thống điền trang, thái ấp và có sự đánh giá sắc sảo về vai trò cũng như hạn chế của chúng trong vấn đề xây dựng và bảo vệ vương triều, đất nước thời Trần. Ngoài ra, có một số tài liệu khác đã hướng đến lý giải hệ thống thiết chế, chính quyền, bộ máy nhà nước thời Trần trên cơ sở mối quan hệ giữa chúng với tư tưởng Phật giáo. Chẳng hạn Hoàng Đức Thắng với cuốn Mối quan hệ giữa nhà nước quân chủ Lý - Trần với Phật giáo [156]. Trong tài liệu này, tác giả nhấn mạnh ảnh hưởng của tinh thần khoan hòa, bác ái, tinh thần nhập thế tích cực đối với việc hình thành một chính quyền thân dân. Thời Trần gắn liền với ba lần kháng chiến chống Mông - Nguyên vĩ đại, nên khi bàn đến câu chuyện dựng nước, giữ nước thời kỳ này, nghệ thuật quân sự được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm đặc biệt. Trong đó, phải kể đến công trình Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII [145] của Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm. Cùng với việc mô tả tỉ mỉ diễn biến ba lần kháng chiến của quân dân nhà Trần, tài liệu này đã phân tích nghệ thuật quân sự kết hợp ngoại giao mà vương triều Trần vận dụng để đạt được thắng lợi oanh liệt. Cùng với nghệ thuật quân sự, kế sách đánh giặc, trong các tài liệu trên và một số tài liệu khác, một số kỹ năng, nghệ thuật làm chính trị khác cũng được đề
  • 34. 29 cập: kế sách phát triển kinh tế đa sở hữu; kế sách trị thủy và làm nông nghiệp; kế sách đào tạo, tuyển dụng nhân tài: Lê Đình Sỹ, Nguyễn Danh Phiệt với Kế sách giữ nước thời Lý - Trần [141]; Phan Hữu Dật với Phương sách dùng người của ông cha ta trong lịch sử [32]. Như vậy, dù tài liệu khá phong phú, song chưa có công trình nào tiến hành miêu tả phương diện vận hành chính trị một cách toàn diện, từ công cụ thực hành (với hệ thống luật pháp, chế độ, bộ máy nhà nước và quan chế) đến phương thức thực hành (qua hoạt động quân sự, ngoại giao, quản lý xã hội, đào tạo và sử dụng người cầm quyền) một cách toàn diện, hệ thống từ góc nhìn văn hóa học. 1.2.2.3. Nghiên cứu về nhân vật chính trị Nhân cách chính trị cũng là tâm điểm của góc nhìn VHCT. Trên cái nhìn tổng thể, có thể thấy nhân cách chính trị thời Trần có sức hút mạnh mẽ đối với các nhà nghiên cứu từ góc độ lý luận cũng như thực tiễn. Trong đó, các vấn đề sau được các nhà nghiên cứu khá quan tâm: - Nghiên cứu sự hình thành nhân cách chính trị: Một số tài liệu đã lý giải quá trình hình thành nhân cách chính trị, phân tích các điều kiện, nhân tố ảnh hưởng đến nhân cách. Tác giả Đỗ Lai Thúy trong Văn hóa Việt Nam nhìn từ mẫu người văn hóa [173], trong khi phân tích thời đại và mẫu người văn hóa Lý - Trần, đã khẳng định: bối cảnh xã hội (kinh tế phát triển, chiến công hiển hách, tinh thần khoan hòa, phóng khoáng) đã tạo ra mẫu người văn hóa mang những nét đặc trưng của thời đại. Trí thức đại diện cho thời đại này là: vua, quan lại, tướng lĩnh, tu sĩ, cư sĩ - những trí thức Phật học. Chính tầng lớp trí thức này đã tạo ra nền văn hóa bác học thời Lý - Trần. Mặt khác, là sản phẩm của thời đại, bản thân họ cũng mang đậm dấu ấn văn hóa thời đại. Mẫu người văn hóa của thời đại này là con người vô ngã - con người phóng khoáng, biết mang cái tiểu ngã hòa nhập vào cái đại ngã đích thực, trường tồn của vũ trụ, đồng thời có trình độ tư duy cao, sống an nhiên, tự tại, nhân nghĩa, dũng cảm, có tinh thần yêu nước chân chính... Những luận điểm và hướng tiếp cận trên đây thực sự là một gợi ý thú vị cho nghiên cứu sinh khi đi sâu lý giải quá trình hình
  • 35. 30 thành nhân cách chính trị thời thịnh Trần, đặc biệt là sự xuất hiện những mẫu nhân cách sáng chói, độc đáo. Nguyễn Thị Thanh Hảo trong luận án tiến sĩ Văn hóa học Ảnh hưởng của Phật giáo đối với văn hóa đạo đức các vương triều Lý - Trần [70] lại bàn sâu về sự hình thành đạo đức của quân vương, quan lại, quý tộc hai vương triều Lý và Trần như là hệ quả của Phật giáo, đặc biệt tinh thần từ bi, hỷ xả và in dấu ấn “đức trị” trong quá trình trị nước của nhà cầm quyền. - Nghiên cứu vai trò lịch sử của các nhân vật chính trị: Vũ Khiêu trong cuốn Bàn về văn hiến Việt Nam [95], Nguyễn Quang Ân trong Những gương mặt trí thức (1998), Lê Thị Thanh Hương trong Nhân cách văn hóa trí thức Việt Nam trong tiến trình mở cửa và hội nhập quốc tế (2007), đã tiến hành đánh giá nền văn hiến Việt Nam thông qua những trí thức xuất sắc trong lịch sử, đã chú ý đến các nhân vật lịch sử thời Trần. Các nhân vật đó được nhìn nhận trong mối quan hệ với thời đại và lịch sử dân tộc, với tư cách là chủ thể, động lực tạo dựng nên nền văn hiến Việt Nam. Trong những chủ thể chính trị thời Trần, thu hút nhất với nhiều nhà nghiên cứu là nhân cách của hoàng đế. Chân dung các hoàng đế hiện lên vừa là nhà vua, nhà chính trị, nhà quân sự, nhà thơ, nhà sư... Một loạt công trình theo hướng này đã ra đời, trong đó đáng chú ý nhất phải kể đến các tài liệu sau: Bài viết “Mẫu hình nhân cách hoàng đế và con đường tìm kiếm sự thể hiện bản ngã trong triết học và văn học khu vực Đông Á” trong sách Văn học Việt Nam - dòng riêng giữa nguồn chung (1999) của Trần Ngọc Vương. Trong tài liệu này, ông đã có những nhận định quan trọng về mẫu nhân cách hoàng đế: mẫu hình hoàng đế là một mẫu hình nhân cách văn hóa đặc biệt, có quyền năng và thế năng chi phối tất cả dưới gầm trời này. Mọi nhân cách văn hóa hình thành và phát triển trong nền chuyên chế đều quay quanh trục mẫu hình nhân cách hoàng đế. Trường Khánh trong Hoàng đế triều Trần - cội nguồn ấn tượng dân gian (2003) đã dựng lại chân dung các nhân vật từ những ấn tượng dân gian, có những nhìn nhận đúng về vai trò của hoàng đế trong lịch sử dân tộc. Đáng chú ý, tác giả
  • 36. 31 đã có sự phân định thời Trần ra làm hai giai đoạn: thịnh Trần và mạt Trần với vai trò của minh quân lương tướng, coi nhân cách chính trị của họ là cơ sở của sự tồn vong của vương triều: Thời thịnh Trần rực rỡ bởi có vua hiền, bề tôi trung hậu. Thời mạt Trần suy vi bởi vua thiếu minh mẫn, triều thần thì phe cánh, bon chen đua đòi, ăn chơi trụy lạc làm mất đi ngôi báu, mất đi nét đẹp truyền thống, dẫn đến đất nước đắm chìm trong thảm họa giặc Minh đô hộ, để cho muôn dân sống quằn quại đau thương [93, tr.41]. Đây là một hướng nghiên cứu gợi cho NCS một góc nhìn so sánh để lý giải nguyên nhân thịnh - suy của triều Trần. - Nghiên cứu một số mẫu nhân cách tiêu biểu: Một số tác giả đã nghiên cứu các nhân vật lịch sử tiêu biểu với tư cách là những mẫu nhân cách chính trị tiêu biểu, nhiều nhất là Trần Nhân Tông, Trần Quốc Tuấn: Đỗ Thanh Dương (Trần Nhân Tông - nhân cách văn hóa lỗi lạc, 2008), Lê Mạnh Thát (Trần Nhân Tông - cuộc đời và tác phẩm, 1999), Hồ Đức Thọ (Trần triều Hưng Đạo Đại Vương trong tâm thức dân tộc Việt, 2000), Viện Lịch sử quân sự Việt Nam (Trần Quốc Tuấn - nhà quân sự thiên tài, 2000); Hoàng Thúc Trâm (Trần Hưng Đạo, 2014). Ngoài ra, một số bài viết cũng bàn sâu về con người chính trị giai đoạn này, chẳng hạn như: Trần Ngọc Vương (Trần Nhân Tông - nhiều trong một; Trần Nhân Tông - trí giả anh minh, nhà văn hóa kiệt xuất), Nguyễn Hữu Sơn (Trần Nhân Tông - vị hoàng đế, thiền sư, thi sĩ)..., qua đó, các phẩm chất cao đẹp của nhân cách được nhận diện một cách toàn diện. Đặc biệt, các bài viết đầy tâm huyết của Trần Ngọc Vương đã có những nhận định sâu sắc về nhân cách Trần Nhân Tông đồng thời khẳng định được vị thế, vai trò của vị hoàng đế đặc biệt của triều Trần đối với vương triều, với dân tộc và với thời đại, với tư cách là một nhà văn hóa kiệt xuất. Theo sự phân tích của học giả này, Trần Nhân Tông là một trí giả anh minh, nhà văn hóa kiệt xuất, bởi không có một tì vết về đức hạnh, sự cống hiến trọn vẹn cho đời và đạo, phụng sự cộng đồng, bởi tinh thần an nhiên tự tại, lòng khoan dung..., trong số các quân vương thời quân chủ Việt Nam, ông là “quân vương tài hoa bậc
  • 37. 32 nhất”, là “một nhân cách lịch sử lỗi lạc” [205] và “đã sống một cuộc đời không thể ước mơ cao hơn, xa hơn” [206]. Các tài liệu trên đã phác họa ra những bức tranh sinh động về các nhân vật chính trị mà chủ yếu là các bậc minh quân, lương tướng - chủ thể chính trị quan trọng tạo nên mô hình thời đại lý tưởng. Các tác giả đã tập trung vào những đóng góp về võ công, văn trị và sức sống của các nhân vật lịch sử trong tâm thức dân tộc Việt Nam mà đại diện tiêu biểu là Trần Nhân Tông, Trần Quốc Tuấn. Đây là những nghiên cứu khá đa diện, sinh động song chưa toàn diện. Bởi lẽ thời thịnh Trần hội tụ nhiều nhà chính trị tài năng, nhiều nhân cách thú vị, Trần Nhân Tông và Trần Quốc Tuấn là đại diện tiêu biểu nhưng nếu bỏ qua một số nhân vật khác thì sẽ là thiếu sót. Hơn nữa, khi bàn về nhân cách chính trị, không chỉ có nhân cách của người cầm quyền mà còn có nhân cách của thần dân, người bị cầm quyền và rộng hơn là con người thời đại. Vì vậy, cần có cái nhìn toàn diện, khái quát hơn khi bàn về nhân cách chính trị giai đoạn này. Mặt khác, nhìn chung, vấn đề nhân cách chính trị mới được bàn đến với tư cách “con người chính trị” chung chung, hoặc những đóng góp của các nhân vật lịch sử riêng lẻ, chưa được hệ thống hóa thành những phẩm chất nhân cách mang tính đại diện và mang màu sắc riêng cho con người thời Trần. Hơn nữa, chưa có tài liệu nào khai thác các mẫu hình nhân cách văn hóa, hay coi con người chính trị là chủ thể sáng tạo và chịu tác động của nền VHCT. 1.2.2.4. Nghiên cứu về ngoại hiện chính trị Đây là nội dung ít được các tài liệu bàn đến hoặc chưa được nghiên cứu thấu đáo. Ta chỉ có thể tìm thấy thấp thoáng bóng dáng của chúng được phác thảo trong một số công trình nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, tôn giáo thời Trần, như tài liệu nghiên cứu về các biểu tượng, quy cách thể hiện quyền lực chính trị, trật tự xã hội hay về các công trình kiến trúc cung đình, kiến trúc tôn giáo (đền, chùa, tháp...), về trang phục cung đình và dân gian... Ngô Đức Thọ trong Chữ húy Việt Nam qua các triều đại [166] đã thống kê hệ thống chữ húy của các triều đại quân chủ Việt Nam, trong đó, có mô tả những quy định về chữ húy của nhà Trần.
  • 38. 33 Về hệ thống công trình kiến trúc, nhóm tác giả Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn trong Đại cương lịch sử Việt Nam [133] đã mô tả đô thành Thăng Long từ kiểu cấu trúc, kết cấu trong ngoài của kinh thành và cung điện ở Thăng Long cũng như khu Tức Mặc - phủ Thiên Trường. Trong cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam [8], Huỳnh Công Bá cũng đã phác thảo về các sự vật như cung điện, chùa tháp thời Trần. Vấn đề trang phục thời Trần cũng được khá nhiều tài liệu quan tâm trong quá trình nghiên cứu chung về trang phục dân tộc qua các thời kỳ lịch sử. Tiêu biểu có Lịch sử trang phục các triều đại phong kiến Việt Nam [203] của Trịnh Quang Vũ, Trang phục Việt Nam [146] của Đoàn Thị Tình, Ngàn năm áo mũ [46] của Trần Quang Đức. Đặc biệt, trong Ngàn năm áo mũ - bộ sách công phu với tham vọng dựng lại bức tranh trang phục Việt Nam trong cung đình và ngoài dân gian trong khoảng một nghìn năm từ thời Lý đến thời Nguyễn (1009-1945), tác giả đã có những phát hiện mới về trang phục thời Trần: Chế độ áo mũ của nhà Trần kế thừa một phần của nhà Lý, tiếp tục tham khảo quy chế trang phục của nhà Tống, thực hiện cải cách một số kiểu áo mũ cho vương hầu bá quan và hầu như không chịu ảnh hưởng nào từ chế độ y phục của nhà Nguyên [46, tr.106]. Đó là những gợi ý quan trọng cho NCS khi lý giải các biểu tượng, yếu tố ngoại hiện. Tuy nhiên, đây vẫn là những nghiên cứu thiên về văn hóa trang phục, tác giả không hoặc chưa có ý định đi sâu nghiên cứu chúng như những biểu tượng chính trị - hệ thống ngoại hiện của VHCT giai đoạn này. Cũng tương tự, một số công trình nghiên cứu khác, có nhắc đến một số yếu tố của hệ thống ngoại hiện thuộc VHCT thời Trần như: trang phục, lăng mộ, thành quách, đền đài, cung điện, xe kiệu, thuyền bè, thái ấp, chức tước, mỹ tự, danh xưng, tế lễ, đặt tên cho quan lại và các cơ quan trong bộ máy nhà nước… Tuy nhiên, chúng là những thông tin hoặc là đơn lẻ hoặc là được nhắc đến trong những công trình nghiên cứu lịch sử, tôn giáo, kiến trúc... với những ý đồ nghiên cứu khác ngoài biểu tượng VHCT (chẳng hạn nghiên cứu luật pháp, nghiên cứu thể chế, thiết chế…).
  • 39. 34 Trong mấy năm gần đây, ngành khảo cổ học Việt Nam đã khai quật được một số di chỉ liên quan đến cung điện, thành quách nhà Trần. Theo đó, ngoài hành cung Thiên Trường và Vũ Lâm, thời Trần còn có hành cung Lỗ Giang (Thái Bình) là hành cung dưới thời vua Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, sau này là hành cung Kiến Xương dưới thời vua Trần Hiến Tông, nay là di tích đền Trần - Thái Lăng. Theo Đức Văn, hành cung “có phạm vi khá rộng lớn” với kiến trúc độc đáo như: sự độc đáo trong kỹ thuật xây dựng móng trụ (Móng trụ ở đây theo dạng trụ kép đôi và kép ba), kỹ thuật xây dựng bó nền với hệ thống cọc gỗ và trụ đá kiên cố, các loại ngói mũi sen lợp mái. Ngoài ra, theo tác giả, các nhà khảo cổ đã phát hiện hàng trăm di vật, hiện vật mang giá trị biểu trưng vương quyền như hàm rồng, mai rồng, riềm mái hình lá đề có hình rồng [181]. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để nghiên cứu về các yếu tố ngoại hiện vốn mờ nhạt trong tư liệu lịch sử còn để lại. Như vậy, những sự vật (cung điện, thành quách, trang phục cùng các chi tiết trong công trình kiến trúc thời Trần) được mô tả với mục đích như các cứ liệu lịch sử, văn hóa, tôn giáo chứ không phải với tư cách các yếu tố ngoại hiện chính trị. 1.3. NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA CẦN TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU Qua tổng quan tình hình nghiên cứu, có thể rút ra một số nhận định: - Dù thuật ngữ VHCT đã được nhắc đến từ khá sớm nhưng cho đến nay, do sự phong phú về hướng tiếp cận nghiên cứu từ các ngành khoa học khác nhau, khái niệm này vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận. Đặc biệt, khái niệm VHCT chưa thực sự được quan tâm và có những kiến giải thấu đáo từ góc nhìn văn hóa học. - Liên quan đến vấn đề VHCT thời thịnh Trần, đã có nhiều tài liệu đề cập ở những khía cạnh và mức độ khác nhau. Đó là những nguồn tư liệu quý báu, bổ ích để NCS có thể kế thừa, chắt lọc và phát triển trong luận án. Tuy nhiên, do mục tiêu nghiên cứu, những tài liệu đó chưa quan tâm đến việc nhận diện VHCT thời thịnh Trần một cách toàn diện và hệ thống dựa trên một cấu trúc cơ bản của VHCT dưới góc nhìn văn hóa học. Vì vậy, mỗi tài liệu mà NCS thu thập được hầu như mới chỉ là một mảnh ghép riêng lẻ và chủ yếu bàn
  • 40. 35 về một số nội dung như: định hướng giá trị trong chính trị, phương thức vận hành chính trị và chủ yếu được lồng ghép vào trong các tài liệu về thời Trần. Một số yếu tố khác rất quan trọng của VHCT chưa được đi sâu lý giải, chẳng hạn: nhân cách chính trị, hệ thống ngoại hiện thì hoặc là chưa được nghiên cứu thấu đáo hoặc chưa được định danh, nghiên cứu đúng với tư cách là thành tố của VHCT. Như vậy, một công trình nghiên cứu toàn diện, hệ thống, chuyên sâu về VHCT thời thịnh Trần - dưới ánh sáng lý luận của văn hóa học - thì chưa từng xuất hiện. Từ thực tế đó, NCS lựa chọn đề tài luận án “Văn hóa chính trị thời thịnh Trần” với mong muốn: 1/Góp phần hệ thống hóa và xác lập khái niệm, cấu trúc của VHCT dưới góc nhìn văn hóa học; 2/Phân tích diện mạo của VHCT thời thịnh Trần - thông qua các thành tố cơ bản của cấu trúc VHCT đã xác lập; 3/Đánh giá giá trị của VHCT thời thịnh Trần và bàn luận về việc vận dụng bài học của thời Trần trong xây dựng VHCT Việt Nam hiện nay. Tiểu kết chương 1 Tổng quan tài liệu cho thấy VHCT đã hình thành cùng với sự ra đời của hoạt động chính trị của con người. Tuy nhiên, VHCT với tư cách là một đối tượng nghiên cứu của bộ môn khoa học thì mới xuất hiện, bắt đầu từ phương Tây sau chiến tranh thế giới thứ hai. Ở Việt Nam, nghiên cứu về VHCT đã diễn ra theo nhiều xu hướng song nhìn chung, còn đang ở những bước đi đầu tiên trên nền tảng lý thuyết và phương pháp còn chưa hoàn bị. Văn hóa chính trị thời thịnh Trần là vấn đề quan trọng, đã được các nhà nghiên cứu tiếp cận trong cái nhìn đa chiều. Nhưng cho đến nay, chưa có một công trình nghiên cứu chuyên sâu, toàn diện về VHCT thời thịnh Trần dựa trên lý thuyết VHCT từ góc nhìn văn hóa học. Đó cũng là vấn đề đặt ra đòi hỏi luận án cần tiếp tục nghiên cứu một cách thấu đáo hơn.